Ngày 01-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đồng Hành với Chúa Giêsu Trên Đường Thập Giá - Bài 9
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
15:05 01/04/2010
Nơi Thứ Tám - Chúa Giêsu An Ủi Phụ Nữ Thành Giêrusalem


Nước mắt của chúng ta cho thấy tình trạng tan vỡ đau khổ của con người (Ga 11:35)


Khi Chúa Giêsu bị dẫn đi hành quyết, các phụ nữ khóc lóc và xót xa cho Người. Những người phụ nữ này quen khóc than cho những tội nhân bị kết án và cho họ thuốc giảm đau. Họ là những người khóc than chính thức, và sự khóc than của họ được coi như là một việc làm thương người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: “Ðừng khóc cho tôi; mà tốt hơn hãy khóc cho các bà và con cháu các bà” (Lc 23:28). Chúa Giêsu nói đến việc tàn phá thành Giêrusalem và tất cả các cuộc chiến tranh và bạo động sẽ xảy ra cho nhân loại: “Ngày đó chắc chắn sẽ đến, khi người ta sẽ nói: ‘Phúc thay cho những người son sẻ, những lòng không bao giờ sinh con, những vú không bao giờ cho con bú’; rồi họ sẽ nói với núi non, ‘Hãy đè trên chúng tôi’, với các đồi, ‘Hãy phủ lên chúng tôi’, vì nếu đây là những gì người ta làm cho cây xanh, thì họ sẽ làm gì khi cây đã khô héo?” (Lc 23:29-31)

Nếu chúng ta muốn khóc than cho Chúa Giêsu, chúng ta phải khóc than cho nhân loại khổ đau mà Chúa Giêsu đã xuống để chữa lành. Nếu chúng ta thật sự đau buồn vì những khổ đau Người đã chịu, chúng ta hãy bao gồm tất cả những người lớn và trẻ em đang đau khổ trong thế gian hiện nay vào sự đau buồn của chúng ta. Nếu chúng ta khóc lóc vì cái chết của Ðấng Thánh thành Nagiarét, thì nước mắt của chúng ta phải tuôn đến hằng triệu người vô tội đã chịu đau đớn qua lịch sử lâu dài của nhân loại.

Khóc lóc và buồn khổ bị nhiều người coi là dấu hiệu của sự yếu đuối. Họ nói rằng khóc lóc không giúp gì được ai. Chỉ cần hành động mà thôi. Nhưng Chúa Giêsu lại khóc cho thành Giêrusalem (Lc 19:41-42); Người cũng khóc khi người nghe rằng bạn Người là Ladarô đã chết. Những giọt nước mắt của chúng ta tỏ ra thân phận đau khổ và nát tan của con người; chúng nối kết chúng ta chặt chẽ với sự đau khổ không thể tránh được của loài người; chúng mang lại một bối cảnh nhẹ nhàng cho các hành động nhân ái.

Nếu chúng ta không thể thú nhận giới hạn, tội lỗi, và bản tính hay chết của chính mình, thì hành động có ý tốt để làm cho thế giới nên tốt hơn sẽ đem lại cho chúng ta hậu quả trái ngược và trở thành biểu lộ của sự tức giận và thất vọng vô định hướng. Những giọt nước mắt của chúng ta có thể dẫn chúng ta đến Thánh Tâm của Chúa Giêsu là Ðấng đã khóc cho thế gian. Khi chúng ta cùng khóc với Người, chúng ta được dẫn đến cùng Thánh Tâm Người và tìm thấy ở đó câu trả lời đích thực nhất cho sự mất mát của chúng ta. Những giọt lệ đổ ra bởi hàng triệu người đang khóc than cho những người đã chết của họ trên khắp thế giới có thể làm cho đất đai chúng ta thêm màu mỡ với hoa qủa của lòng trắc ẩn, thứ tha, dịu dàng, và việc làm chữa lành. Cũng vậy, chúng ta phải khóc và như thế mỗi ngày một trở nên một người khiêm nhường hơn.

Lm. Henri J.M. Nouwen

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Thần học về Thập Giá
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
16:05 01/04/2010
THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ

Trải qua lịch sử Kitô giáo đã có nhiều thứ thần học về Thập giá, bắt nguồn từ những đường lối suy tư và chiêm ngắm khác nhau khi người tín hữu đứng trước Thập giá. Không ai chối cãi được sự quan trọng của Thập giá đối với Kitô giáo. Không những các Kitô hữu đeo ảnh Thập giá trên người để tỏ lòng mộ mến hay để tỏ ra căn cước của mình, mà thậm chí người ngoại đạo cũng coi Thập giá như là biểu tượng của Kitô giáo. Chính vì thế mà tổ chức từ thiện “Hội Chữ Thập đỏ” đã bị các nước Hồi giáo bắt sửa lại phù hiệu thành “vầng trăng đỏ” để tránh lẫn lộn công tác nhân đạo với Kitô giáo. Mặt khác, nhiều người Kitô hữu đã gắn liền Thập giá với hy sinh đau khổ, và họ có cảm tưởng rằng không còn gì khác để nói ngoài đề tài đó. Cảm tưởng đó chỉ đúng một phần, theo nghĩa là từ hai mươi thế kỷ nay, mỗi lần nói tới Thập giá thì không thể nào tránh được vấn đề đau khổ. Tuy nhiên, ngoài đề tài đau khổ ra còn có những khía cạnh khác nữa. Một điểm đáng ghi nhận khác nữa là tuy rằng đã có nhiều suy tư về ý nghĩa của Thập giá trải qua suốt lịch sử Kitô giáo, nhưng mãi tới thập niên 70 của thế kỷ này, mới nảy ra một ngành thần học mang tựa đề là “Thần học về Thập giá” (staurologia), theo nghĩa là Thập giá trở thành trung tâm của thần học: chính nhờ Thập giá mà chúng ta biết được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. A.THẦN HỌC KINH THÁNH VỀ THẬP GIÁ Trong phần này, xin đề cập đến 3 vấn đề:

1. Thập giá trong khung cảnh lịch sử của nó. 2. Bốn tác giả Phúc âm đã nghĩ gì về việc Đức Giêsu phải chịu chết trên Thập giá. 3. Thần học của Thánh Phaolô về Thập giá. I. Nhục hình Thập giá Vào thời của Đức Giêsu, Thập giá tiên vàn là một nhục hình. Trong đế quốc Rôma, Thập giá là một hình phạt dành cho các tội trọng. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Có hai hình thức Thập giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang được chồng lên chóp của cây gỗ đứng); một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang. Thêm vào đó, cũng có nhiều kiểu để treo tử tội: thường là bị lột hết áo xống, và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị dốc ngược xuống đất. Nói chung, đây là một hình phạt chỉ dành cho lớp bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc hay là phiến loạn; các công dân Rôma không phải chịu hình phạt này trừ khi nào họ đã bị tước đoạt quyền công dân. Ngoài sự đau đớn do cuộc hành hình gây ra, hình phạt Thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội không được an táng, nhưng phải phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên Thập giá. Cũng vì lý do đó mà việc tôn kính Đức Kitô trên thập tự là cả một chuyện điên rồ hèn hạ, không những thánh Phaolô đã viết như vậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vào khoảng 20 năm sau biến cố xảy ra, mà rồi một thế kỷ sau đó (khoảng 150-153) trong quyển sách “Hộ giáo” (Apologia I, 13,4), thánh Giustinô còn ghi nhận rằng: dân ngoại coi chúng tôi là bọn khùng bởi vì đã tôn tên tử tội trên Thập giá là Đấng Tạo dựng đất trời. II. Từ tường thuật hình khổ Thập giá tới suy niệm về ý nghĩa Thập giá dựa theo bốn tác giả Phúc âm.

Việc Đức Giêsu chết trên Thập giá là một biến cố lịch sử, được tất cả bốn tác giả Phúc âm thuật lại; biến cố đó cũng được ghi chép nơi các sử gia Rôma (như Tacitus, Annales XV, 44-45) và Do Thái (Josephus Flavius, Antiquitates Judaicae XVIII, 64). Những người hoài nghi về sử tính của Phúc âm thì chỉ nêu nghi vấn chung quanh những đoạn viết về lời giảng hay về phép lạ của Đức Giêsu, chứ không hề đụng tới câu chuyện chết trên Thập giá. Các Kitô hữu cũng không hổ thẹn gì để chấp nhận sự kiện thầy mình đã bị xử án giống như các tên trộm cướp. Thậm chí M. Kaeler cho rằng lúc đầu Phúc âm là bản tường thuật về cuộc tử nạn của Đức Giêsu trên Thập giá, rồi về sau người ta mới thêm một phần dẫn nhập để giải nghĩa lý do gì đã đưa tới sự cố đó. Dù những giả thuyết về tiến trình sự hình thành của bốn Phúc âm thế nào đi nữa, một điều rõ ràng mà chúng ta nhận thấy là tất cả bốn thánh sử đều khá đồng nhất khi thuật lại cuộc tử nạn của Đức Giêsu, với ba hồi chính: * Ngài bị bắt; * Bị xét xử; * Bị đóng đinh.

1. Trong hồi thứ nhất (xức dầu ở Betania, tiệc ly, hấp hối trong vườn cây dầu), chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã biết và đã báo trước điều sắp xảy ra cho mình, và giải thích lý do và ý nghĩa của nó: điều đó cần phải xảy ra để hoàn tất sứ mạng. Tuy bề ngoài Ngài bị bắt nhưng kỳ thực là Ngài đã được trao nộp theo chương trình của Chúa Cha. 2. Hồi diễn thứ hai diễn ra ở hai tòa: Do thái và Rôma, kết thúc với án tử hình được thi hành ngay tức khắc. Các thánh sử đều quả quyết rằng bản án đó bất công vì Đức Giêsu không có tội tình gì hết. 3. Hồi thứ ba gồm có việc đóng đinh vào Thập giá, chết và an táng. Giọng văn kín đáo, gọn gàng, không có những chi tiết lâm ly bi đát. Nên biết thêm là ngoài những chương thuật lại cuộc Tử nạn, Phúc âm ít khi nói tới Thập giá. Xem ra các Kitô hữu đầu tiên chấp nhận việc Đức Giêsu chịu đóng đinh vào Thập giá như một sự kiện đã xảy ra, nhưng họ ngượng ngùng khi nhắc tới chuyện kinh hoàng ô nhục đó. Họ tìm cách lục lọi các bản văn Kinh Thánh (mà ta gọi là Cựu ước) để tìm hiểu lý do và ý nghĩa của nó trong chương trình của Thiên Chúa: tại sao Thiên Chúa lại để cho Đức Giêsu bị trao nộp và chết cách thảm thương như vậy? Vì thế, dần dần các tín hữu ít nghĩ tới chính cây Thập giá cho bằng suy gẫm nhiều hơn về việc Đức Kitô chết trên Thập giá. Nói khác đi, các thánh sử không chú trọng tới cây Thập giá xét trong toàn thể sứ mạng của Ngài. Việc đóng đinh trên Thập giá chỉ là một hồi trong tấn kịch dài hơn. Thánh Matthêu và Marcô trình bày Đức Giêsu như một người hoàn toàn công chính đã bị bắt bớ và bị hãm hại vì sứ mạng của mình. Việc thiết lập bí tích Thánh thể (được đặt ở hồi thứ nhất của cuộc tử nạn) đã trình bày ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu như là sự trao hiến mạng sống của mình cho người anh chị em. Kế đó, người công chính đã lần lượt bị các bạn hữu của mình bỏ rơi, bị những người đồng đạo Do thái xét xử và nộp cho quân Rôma để bị giết. Hơn thế nữa, (Mt 27,46) và (Mc 15,34) còn nhấn mạnh tới việc Đức Giêsu bị bỏ rơi trên thập tự: “Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Chúa bỏ con?”. Đã có nhiều giải thích khác nhau về ý nghĩa của lời than ấy, chẳng hạn như: đó là tiếng kêu tuyệt vọng, tiếng kêu phản kháng, hoặc chỉ bộc lộ tình trạng tối tăm trong tâm hồn vì không thể hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Dù sao thì Thiên Chúa vẫn thinh lặng; hay nói đúng hơn, Thiên Chúa đã trả lời qua sự thinh lặng. Thực vậy, vào lúc mà tối tăm bao trùm khắp mặt đất, ra như vùi lấp hết những công trình của Thiên Chúa, thì này viên đội trưởng đã thốt lên: “Ông này quả thực là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Chính lúc xem ra tuyệt vọng hơn cả, lúc mà xem như Đức Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi, thì viên đội trưởng lại nhận ra được ánh sáng mặc khải để khám phá ý nghĩa hoàn toàn trái ngược: không phải là Đức Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng mà chính Đức Giêsu đã phó mặc mạng sống mình cho Thiên Chúa, và Chúa Cha đã trao ban mình cho Con. Luca đánh dấu thêm một bứơc tiến nữa trong việc suy niệm về ý nghĩa Thập giá. Không những viên đội trưởng đã tuyên xưng rằng Đức Giêsu hoàn toàn vô tội, nhưng nhờ cái chết của Ngài mà bao nhiêu người được ơn trở lại: Simon Phêrô đã khóc lóc sau khi chối bỏ thầy, Simon Cirênê đã hoán cải từ chỗ bị cưỡng bách phải tháp tùng Đức Giêsu tới chỗ vác Thập giá như một môn đệ theo thầy; một số phụ nữ đã đấm ngực than khóc thống hối; một tên tử tội cũng ăn năn. Nhất là những giây phút chót của Đức Giêsu trên Thập giá đã trở thành cao điểm của ơn cứu chuộc: Đức Giêsu đã xin Chúa Cha tha tội cho những lý hình; và ơn cứu chuộc được thể hiện cách cụ thể khi mà tên trộm lành được hứa vào nước trời ngay hôm ấy. Sau cùng, lời cuối cùng của Đức Giêsu trước khi tắt thở biểu lộ lòng tín thác vô biên nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha” (Lc 23,46). Như vậy, đối với Luca, việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá không còn phải là chuyện hành hình của một tử tội nữa, nhưng là một biến cố cứu rỗi. Gioan thì nhìn Thập giá như sự bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Đức Kitô bị treo trên Thập giá là biểu trưng của việc Ngài được nhấc lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự về với mình (Ga 12,32). Trong Phúc âm thứ bốn, cuộc tử nạn bắt đầu với việc rửa chân cho các môn đệ và di chúc về tình yêu: Đức Giêsu giải thích ý nghĩa cái chết của mình như một cử chỉ tình nguyện để bộc lộ tình yêu dành cho các bằng hữu. Chính Ngài đi ra đón những kẻ lùng bắt mình. Cuộc tra tấn dã man biến thành lễ nghi phụng vụ, khi Đức Giêsu khoác tấm áo đỏ với vòng gai, và bản án là Vua (Ga 19,14.19). Thánh Gioan lặng lẽ theo dõi những giây phút chót của Đức Giêsu trên Thập giá, ghi chú những cử chỉ nhằm hoàn tất Kinh Thánh: từ việc ký thác bà mẹ cho môn đệ, việc nhắp những giọt giấm cho tới việc bị ngọn giáo đâm thủng sườn; nhất là Gioan nhận định về những hậu quả của cái chết: máu, nước, Thánh Thần, biểu hiệu của mạch sống mới. Thập giá trở thành nơi bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con Một mình cho nhân loại; nơi Đức Giêsu, Thập giá không phải là một nhục hình nhưng là ngai toà mà Ngài hành xử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là vương quyền của tình yêu. Như vậy, ta thấy nơi bốn cuốn Phúc âm đã có một diễn trình từ chỗ tường thuật một biến cố kết liễu cuộc đời của Đức Giêsu cho đến chỗ khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong kế hoạch của Thiên Chúa. III. Thần học của Thánh Phaolô về Thập giá

Các tác giả Phúc âm không chỉ tường thuật lại cảnh Đức Giêsu bị xử án và bị chết trên Thập giá, nhưng còn tìm cách giải thích ý nghĩa của Thập giá trong chương trình của Thiên Chúa. Hơn nữa, các suy tư của Phaolô và của các tông đồ về Thập giá của Đức Kitô lại là một lời tuyên xưng hùng hồn về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Từ đó, những ai muốn làm môn đệ Đức Kitô phải có thái độ nào đối với Thập giá. 1. Thánh Phaolô với Thập giá Nơi các tác phẩm của thánh Phaolô và của các thánh tông đồ, ta thấy Thập giá được trình bày dưới khía cạnh của một việc tuyên xưng, hoặc trong lời giảng hoặc trong phụng vụ. Trong những bài giảng đầu tiên của Phêrô (được ghi lại trong sách Tông đồ công vụ), việc Đức Giêsu bị người Do thái nộp cho Philatô xử trên Thập giá đã trở thành một biến cố cứu độ: Thiên Chúa đã suy tôn Đức Giêsu làm Đức Chúa và vị Cứu tinh (Cv 2,36; 4,10; 10,39; 13,29). Lời tuyên xưng trong lời giảng của các thánh tông đồ cũng trở thành lời tuyên xưng đức tin của các tín hữu, đặc biệt là khi cử hành phụng vụ: “Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3); “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8); nhưng cái chết đó đã trở thành nguyên cớ (chính vì thế) cho sự siêu tôn: Đức Giêsu Kitô là Chúa. Trong thư gửi Côlôsê 1,19 ta cũng gặp thấy lời tuyên xưng dưới hình thức của thánh ca: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”. Dĩ nhiên, khi nghe các tông đồ và các tín hữu tuyên dương một tội phạm bị xử tử trên Thập giá, nhiều người đã chói tai và không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng các Kitô hữu là bọn người cuồng tín? Thế nhưng, thay vì tránh né nói tới Thập giá để khỏi gây hiểu lầm, thánh Phaolô đã dám đi thẳng vào vấn đề trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô tuyên bố rằng lời giảng về Thập giá mang tính chất nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô trên Thập giá, một điều vấp phạm cho dân Do Thái và điều dại dột đối với dân Hy lạp. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, thì đó là một vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; bởi lẽ sự dại dột của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn con người gấp bội, và sự yếu ớt của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn của con người trăm lần” (1Cr 1,18-25). Thánh Phaolô còn thêm: “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên Thập giá” (1Cr 2,2). Chúng ta đừng nên coi lời lẽ của Phaolô như là một thứ thuật ngữ hùng biện! Việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá thực sự là chuyện ô nhục tồi tệ thực trước mặt người Do thái và người Hy lạp! Với Do thái, tử thi đã là vật ô uế rồi, lại còn phơi bày giữa trời nữa thì quả là đồ bị Chúa rủa bỏ (x. Gal 3,13). Thánh Phaolô chấp nhận cái phản ứng hợp lý đó, và dùng nó làm lập luận nghịch lý để trình bày kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa… chính qua Thập giá của Đức Kitô và chúng ta nhận thức được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: sự hèn yếu của Ngài thì mạnh mẽ hơn quyền lực của con người trăm ngàn lần (x. 2Cr 13,4). Tiếp tục đào sâu ý nghĩa cứu độ từ Thập giá, thánh Phaolô kể ra những hồng ân trọng đại mà Thiên Chúa ban cho nhân loại từ cái hình khổ của Đức Kitô, đó là: sự toàn thắng trên các lực lượng của sự dữ và ơn tha thứ tội lỗi. Cái chết của Đức Kitô được coi như một hy lễ; ngoài yếu tố Thập giá. Tác giả của thư gửi Do thái phân tích thêm yếu tố “máu”, biểu hiệu của việc hiến mạng sống vì tình yêu (Dt 9,11-12). Thư gửi Ephêsô tuyên dương Thập giá như dụng cụ mang lại ơn hòa giải cho nhân loại: từ một đối tượng đáng khinh bỉ trước mặt dân Do thái lẫn dân Hy lạp, Thập giá đã được Đức Kitô biến thành nơi hòa giải, phá đổ bức tường ngăn cách giữa dân Do thái với dân ngoại cũng như sự thù nghịch giữa nhân loại với Thiên Chúa (Ep 2,15-16). Như vậy, từ chỗ là biểu tượng của oán thù, nhờ Đức Kitô mà Thập giá trở nên nơi thi thố tình yêu và sự hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người, và hòa giải giữa loài người với nhau. Thập giá không phải chỉ là một biến cố kết liễu cuộc đời Đức Giêsu, nhưng nó mang một giá trị vĩnh cửu: tác giả của sách Khải Huyền và của thư thứ nhất Phêrô trình bày thần học của chiên sát tế và vinh hiển trên ngai.

2. Thập giá của môn đệ Tân ước không những chỉ nói tới Thập giá của Đức Kitô mà còn nói tới Thập giá của môn đệ muốn đi theo Ngài. Phúc âm để lại hai lời mời gọi môn đệ vác Thập giá để theo thầy. “Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ mình đi, vác Thập giá của mình và đi theo Tôi. Quả thực, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì danh nghĩa Tin mừng thì sẽ cứu được nó” (Mc 8,34 – 9,1; xc. Mt 10,38-39; Lc 9,23-27). – “Ai không vác lấy Thập giá của mình mà theo tôi thì không xứng đáng với Tôi” (Mt 10,38; xc. 16,24). Thực ra, tuy là hai lời mời gọi nhưng kỳ thực chỉ có một lời kêu gọi, diễn đạt một đàng là dưới hình thức tích cực (“hãy vác Thập giá đi theo Tôi”) và một đàng là dưới hình thức tiêu cực (“Ai không vác Thập giá đi theo Tôi”). Lời kêu gọi đó hướng tới hết mọi người (công thức tích cực theo Matthêu được dành cho các môn đệ, Marcô đi nhằm tới đám đông có mặt với các môn đệ, còn Luca thì nói cho tất cả). Việc vác Thập giá là điều kiện cần thiết để “đi theo Đức Giêsu”; nó đòi hỏi phải từ bỏ mình, từ bỏ những mỗi liên hệ gia đình (Mt 10,37), và đưa tới sự mất mạng sống. Trong những lời vừa nói, Thập giá không còn được hiểu theo nghĩa đen của một khổ hình nữa, nhưng đã được đồng hóa với chính bản thân Đức Giêsu, kẻ bị chết trên Thập giá như biểu hiệu của sự hiến thân phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô đã hiểu điều kiện làm môn đệ của Đức Kitô như là thông dự và Thập giá của Ngài: “tôi đã được đóng tinh vào Thập giá cùng với Đức Kitô: không còn phải tôi sống nữa song là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19). Dĩ nhiên, ở đây Phaolô không hiểu theo nghĩa là mình cũng phải lãnh chịu khổ hình bị đóng đinh vào Thập giá giống như Đức Giêsu trước đây, nhưng Phaolô đã mở rộng tất cả các chiều kích thần học của Thập giá. Tiên vàn là Phaolô muốn đến lãnh nhận tất cả những hồng ân cứu chuộc phát sinh từ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô; ơn cứu chuộc ấy được thông qua cho ta qua Bí tích Thánh tẩy (x. Rm 6,1-11). Kế đó, hồng ân đã lãnh nhận cần phải phát sinh một sinh lực mới nơi người tín hữu: người tín hữu phải đóng đinh tiêu diệt nơi thân xác mình tất cả những đam mê tội lỗi (xc. Gl 5,24). Hơn thế nữa, người tín hữu cần phải tìm cách diễn tả sự thông dự vào những đau khổ của Đức Kitô (xc. 2Cr 4,10) trong cuộc đời của mình, đặc biệt qua những cuộc bách hại gặp phải trên đường truyền giáo. Trong bối cảnh ấy Phaolô nói tới “những người bị bách hại vì Thập giá của Đức Kitô” (GL 6,12), và tuyên bố rằng mình đang mang trên thân thể những dấu thương (stigmata) của Đức Kitô (Gl 6,17). Thậm chí Phaolô còn đi tới chỗ quả quyết rằng: “Tôi bổ túc trong thân xác hay chết của tôi những chi còn thiếu nơi những gian nan của Đức Kitô, nhằm sinh ích cho thân thể của Ngài là Hội thánh” (Cl 1,24). Phaolô lấy làm hãnh diện vì Thập giá của Chúa Giêsu Kitô: “nhờ đó thế gian đã bị đóng vào Thập giá đối với tôi và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). 3. Việc tôn kính Thập giá Từ những dòng suy niệm trên đây, chúng ta thấy rằng Thập giá mang một ý nghĩa sâu đậm đối với Kitô giáo: nói được là nó trở thành biểu tượng của chính Đức Kitô. Tuy nhiên, lòng tôn sùng hình ảnh Thập giá xuất hiện khá muộn. Một lý do có lẽ là tại vì nó gợi lên cảnh tượng của nhục hình ghê tởm. Vì thế mà trước khi hoàng đế Constantinô ra lệnh bãi bỏ khổ hình Thập giá trong đế quốc Rôma, người ta ít thấy các biểu tượng tôn kính Thập giá. Trong các hang toại đạo, chúng ta thấy có một biểu tượng na ná với hình thức chiếc neo tàu. Trái lại, trong khu vực Palatinô ở Rôma, người ta thấy một bức họa châm biếm vẽ một người bị treo trên Thập giá với đầu con lừa đang khi có một người khác đang tỏ dấu tôn kính, với những dòng chữ như sau: “Alexanênô đang thờ lạy chúa nó”. Từ sau khi Constantinô thắng trận nhờ dấu Thập giá, thì Thập giá thay đổi ý nghĩa. Như đã nói, hình phạt Thập giá bị loại khỏi hình luật. Đối lại, các Kitô hữu đang dùng tài nghệ của mình để trang hoàng Thập giá dưới những dạng thức khác nhau. Họ không chỉ giới hạn vào việc họa lại Thập giá lịch sử trên núi Calvê, nhưng hoặc được trang hoàng với những viên ngọc bích, hoặc diễn tả như cây sum suê hoa trái. Cũng nên biết là vào thời ấy, các Kitô hữu chỉ tôn kính cây Thập giá chứ không có hình tượng của Đức Giêsu. Tại sao vậy? Có lẽ vì họ không muốn trở lại cảnh Ngài đang chết nhục nhã đang khi mà họ thâm tín rằng Ngài đã sống lại vinh hiển: bởi thế họ muốn trình bày Thập giá như là nguồn sống, như là biểu hiệu của sự chiến thắng nói chung bên Đông phương, mỗi khi phải trưng bày Đức Kitô trên Thập giá thì người ta dùng hai mẫu tự Hy lạp bắt đầu danh xưng giống như chữ X và P), hoặc là dùng hình con chiên (chiên sát tế nói trong sách Khải huyền) và kể cả Đức Kitô Phục sinh. Còn bên Tây phương, từ thế kỷ XII dần dần các nghệ sĩ muốn trở về với cảnh tượng lịch sử và tâm lý, họa lại Đức Kitô hấp hối, đầu đội mão gai và mình mang đầy thương tích. Trong những thế kỷ đầu, việc tôn kính Thập giá Đức Kitô đưa tới linh đạo muốn thông dự vào khổ nạn của Ngài nhất là qua sự tử đạo. Nhưng từ thế kỷ thứ IV, nhất là kể từ khi tục truyền kể là tìm lại được chính Thập giá thực của Đức Kitô (năm 326), thì việc tôn kính Thập giá được phát triển trong phụng vụ, đặc biệt vào ngày thứ 6 Tuần Thánh. Thập giá được ca ngợi như là cây gỗ đã mang lại ơn cứu rỗi cho thế giới. Từ thế kỷ 11, bên Tây phương phát triển lòng tôn kính các sự khổ nạn của Chúa, với việc suy gẫm những chặng đường mà Chúa đã đi qua cũng như những lần đã té ngã. Lúc đầu mỗi địa phương bày một hình thức suy niệm (thí dụ 7 lần Chúa ngã) hoặc những chặng dừng chân (có khi lên tới 47 chặng). Hình thức 14 chặng hiện nay đã được ấn định vào đầu thế kỷ 17 tại Tây Ban Nha. Cạnh việc suy gẫm con đường Thập giá của Đức Kitô cũng không thể thiếu hình ảnh của Đức Maria cùng chia sẻ những đau khổ với Con mình (bài ca Stabat mater dolorosa). Lòng tôn sùng Thập giá cũng còn được biểu lộ qua dấu Thánh giá mà tín hữu vạch ra trên mình đang khi kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi. Tục lệ này đã xuất hiện ít là từ thế kỷ thứ 2. Vào khoảng năm 211, Tertullianô đã kể lại như một thói quen đã thịnh hành: “Chúng tôi làm dấu Thập giá trên trán vào mỗi bứơc đi và cử động, khi khởi sự và kết thúc việc làm; khi mặc áo, khi chỗi dậy, khi tắm rửa, khi ăn uống, khi thắp đèn vào buổi chiều tối, khi ngồi xuống và trong bất cứ công chuyện gì” (De corona militum 3,4). Cũng nên biết là trong lịch sử có nhiều hình thức làm dấu thánh giá. Từ thế kỷ thứ 2, người tín hữu đã có thói quen vạch dấu thánh giá trên trán bằng ngón tay cái hay ngón tay trỏ. Đến thế kỷ thứ 4, thì làm dấu thánh giá trên ngực nữa. Còn dấu thánh giá trên môi thì mãi tới thế kỷ thứ 8 mới thấy nói tới. Đó là cái mà chúng ta quen gọi là dấu thánh giá kép. Còn dấu thánh giá đơn vạch từ trán xuống ngực và qua hai vai thì xuất hiện riêng tư từ thế kỷ thứ 5, nhưng chỉ được phổ biến từ thế kỷ thứ 10 trong các đan viện. Hồi thế kỷ thứ 13, Đức Giáo Hoàng Innocente III khuyên nên làm dấu thánh giá như vậy với 3 ngón tay, từ trán xuống ngực, rồi từ vai phải sang vai trái. Thế nhưng, qua thế kỷ sau, thì người ta làm dấu với 5 ngón tay, và đổi ngược thứ thự hai vai, nghĩa là từ trái sang phải. Trong khi bên Tây phương thì khi làm dấu thánh giá như vậy, người ta quen đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; bên Đông phương thì người ta dùng nhiều công thức khác nhau, tỉ như: “Lạy Chúa chí thánh! Lạy Chúa chí thánh và Hùng mạnh! Lạy Chúa chí thánh, hùng mạnh và Bất tử, xin thương xót chúng con!”. Các tác giả đã vạch ra ba ý nghĩa chính của cử chỉ làm dấu, đó là: tuyên xưng, kêu cầu và hiến dâng. a. Tuyên xưng rằng chúng ta là Kitô hữu; chúng ta đã để cho Đức Kitô ghi ấn trên bản thân chúng ta, cũng như tuyên xưng việc Ngài đã cứu rỗi chúng ta nhờ Thập giá. b. Dấu Thập giá cũng là lời kêu van, xin Chúa đến giúp chúng ta nhờ sức mạnh cứu rỗi từ Thập giá. c. Dấu Thập giá có ý nghĩa hiến dâng, bởi vì chúng ta dâng cho Chúa công việc sắp khởi sự, trong tinh thần vâng lời và phục vụ giống như Đức Kitô, ngõ hầu làm vinh danh cho Thiên Chúa Ba Ngôi. 4. Biểu tượng Thập giá qua các thời đại trong Kitô giáo.

Xuôi dòng lịch sử có một số biểu tượng của thập giá qua các thời đại và đã được du nhập chính thức vào Kitô giáo. Dấu chỉ chữ thập, được hiểu là một cam kết khẳng định trong một giao ước, đã trở thành dấu của Phép Rửa khi ta chịu bí tích Thánh Tẩy, biểu hiện giao ước của Thiên Chúa với con người: Thiên Chúa chính thức là Cha của người nhận Phép Rửa, và người đó là con của Thiên Chúa. Ta có thể hiểu mối liên kết giữa Phép Rửa và Thập Giá mà thánh Phaolô đề cập (Rm 6: 5-6). Việc cầu nguyện giang tay cũng gợi lên hình ảnh của thập giá. Và cầu nguyện cũng đem lại cho chúng ta sự sáng và sự sống từ nguồn sống vĩnh cửu của Chúa Giêsu.

1. Thập giá hình tròn thường dùng trong ma thuật.

2. Thập giá chìa khóa, tên la-tinh là crux ansata, biểu tượng cho sự sống và sinh lực của người Ai cập; được Kitô hoá vào trước năm 391.

3. Thập giá Hy lạp, còn gọi crux quadrata.

4. Thập giá của Thánh An-rê (cũng như thập giá Hy lạp để nghiêng), còn gọi crux decussata, thấy xuất hiện trong nghệ thuật của Do thái.

5. Thập giá La-tinh, gọi là crux immissa; vào cuối thế kỷ thứ IV, được vẽ thêm các trang trí hình vỏ sò ở các đầu cạnh (xem hình 11)

6. Hình chữ thập, hoặc còn gọi (tuy không chính xác) là crux monogrammatica, có lẽ là biểu tượng Kitô giáo cổ xưa nhất. Gồm hai chữ cái Hy lạp rho và tau chồng lên nhau, thoạt tiên được coi là viết tắt của người ngoại đạo, nhưng sau đó được đưa vào các thủ bản Tin Mừng tiếng Hy lạp vào khoảng năm 200. Được coi là một dấu thánh, nomen sacrum.

7. Thập giá của thánh An-tôn, còn được gọi là thập giá tau hay crux commissa, lấy chữ Hy lạp tau, và được cho là có dạng của thập giá ở Golgotha (sách giáo phụ Justin Martyr 91.2)

8. Thập tự xoắn thường thấy trong các văn bản.

9. Thập giá của người Malta, biểu tượng của trật tự.

10. Thập giá có hình chiếc nĩa, còn gọi thập giá mang bệnh dịch, phổ thông vào cuối thời Trung Cổ. Nó nhấn mạnh đến vẻ đau khổ của thập giá, còn khi vẽ có các nhành lá, thì mang biểu tượng của Cây Sự Sống.

11. Thập giá hình giọt nước mắt, như mở rộng cánh tay, biểu tượng tính chiến thắng của thập tự.

12. Thập giá Giêrusalem, mang 5 dấu thương tích của Chúa Giêsu.

13. Thập giá kép, còn gọi là crux gemina, sau này trở thành thập giá của các thượng phụ, trên thanh ngang có thêm gạch đầu; nếu có ba thanh ngang là thập giá của giáo hoàng.

14. Thập giá bên nước Nga, có thêm gạch dưới để chân.

15. Thập giá ánh sáng, còn gọi crux radiata, có màu vàng, hay 4 tia sáng chiếu ra.

16. Thập giá có hoa văn, còn gọi crux florida, hay thập giá cây mang sự sống, gợi ý về thiên đàng (Khải Huyền 22: 2)

17. Thập giá kết hợp hai chủ đề của Tân Ước là ánh sáng (ΦωC / phōs) và sự sống (ΖωH / zōē; xem Tin Mừng Gioan 8:12), kết hợp được hai thập giá 15 và 16.

18. Thập giá kết hợp hai chữ Hy lạp chi (X) và rho (P) viết chồng lên nhau. Thật ra không phải là thập giá theo đúng nghĩa, vì đó là dấu chỉ tên của Chúa Giêsu, chứ không mang nghĩa phải thập giá.

B. NHỮNG SUY TƯ CỦA CÁC GIÁO PHỤ VÀ CÁC NHÀ THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ I.Thập giá trong thần học Cổ điển Kinh Thánh gắn liền Thập giá với ơn cứu rỗi của nhân loại. Có những lời tuyên xưng đức tin về ý nghĩa của cái chết của Đức Kitô: tuy không mắc tội tình gì nhưng Ngài đã phải chết trên Thập giá; thế nhưng, đó không phải là cái chết oan uổng, bởi vì theo 1Cr 15,3: Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo như lời sách thánh. Công thức còn được thánh Phaolô lặp lại ở nhiều nơi khác nữa, thí dụ như: 1Tx 5,9; 2Cr 5,14-21; Rm 4,25. Những lời tuyên bố khi thiết lập Bí tích Thánh thể cũng cho thấy rằng máu của Đức Kitô được đổ ra “để mang lại ơn tha thứ tội lỗi cho muôn người” (Mt 26,28; xc. Mc 14,24; Lc 22,20). Ngoài ơn tha thứ tội lỗi, thánh Phaolô cũng còn nêu bật rất nhiều những hồng ân khác như hiệu quả của Thập giá, thí dụ như: ơn trở thành công chính, ơn cứu chuộc, sự bình an hòa giải (Rm 3,24; Cl 1,20).

Các giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ đã đặt câu hỏi về ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu đối với chúng ta: tại sao Tân ước lại quả quyết Đức Kitô chết vì chúng ta? Làm thế nào mà cái chết của Đức Kitô trên Thập giá có sức mang lại ơn cứu độ cho chúng ta? Đây là vấn đề mà trong quá khứ quen được bàn trong thiên về công hiệu cứu chuộc của Thập giá, nhưng gần đây đã bị xét lại vì muốn tìm lối giải thích hợp với tư tưởng Kinh Thánh hơn. Để trả lời cho câu hỏi về mối liên hệ giữa cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá với ơn cứu chuộc ban cho nhân loại, các giáo phụ và các thần học đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau, tóm lược vào 3 khuynh hướng chính: mẫu gương, giá chuộc, hy lễ.

1/ Dựa trên đoạn văn Phúc âm thánh Gioan 19,37 (Họ sẽ nhìn thấy kẻ họ đâm thâu), các giáo phụ tiên khởi cho rằng Thập giá là mặc khải của Thiên Chúa, giống như ánh sáng chiếu tỏa ra giữa đêm tối. Vài giáo phụ khác, khi chú giải đoạn văn 1Pr 2,21 (Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một mẫu gương cho anh em dõi bước theo Ngài), đã nêu bật giá trị của Thập giá ở chỗ nó là bài học, tấm gương và chứng tá. Dù sao chúng ta cũng đừng nên quên rằng từ thánh Irênê, các giáo phụ đã coi sự cứu độ được ban cho nhân loại không phải chỉ nguyên từ Thập giá nhưng mà ngay từ lúc Đức Kitô nhập thể, khi Thiên Chúa kết hợp với nhân tính để chữa trị và thánh hóa nó. Nói khác đi, toàn thể cuộc đời Đức Kitô (từ khi nhập thể, giáng trần, trong thời ẩn dật ở Nadarét lẫn những lời nói việc làm trong khi hoạt động công khai) đều trở nên mầu nhiệm cứu độ. 2/ Một số giáo phụ giải thích ơn cứu độ do Thập giá mang lại theo chiều hướng chuộc lại, nghĩa là giải thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi. Thập giá là nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa Đức Giêsu với các lực lượng của sự dữ và sự chết. Trước đây, trong vường địa đàng, vì một cây mà con người bị làm nô lệ cho ma quỷ; giờ đây, nhờ cây Thập giá, Thiên Chúa qua Đức Giêsu đã đến trợ giúp con người trong cuộc giao tranh và chiến thắng. Thực ra, tư tưởng chuộc lại đã gặp thấy trong Tân ước, thí dụ như thánh Phaolô ví Thiên Chúa như một ân nhân đã bỏ một số tiền ra để chuộc một nô lệ. Tân ước dùng hình ảnh đó để mô tả việc con người được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của lề luật cũ, của cái chết và tội lỗi nhờ cái chết của Đức Giêsu (Gl 3,13; 4,4; 2Cr 5,21; Cl 2,14; một cách tương tự như vậy: Tt 2,14; 1Pr 1,18). Tuy nhiên, đó chỉ là một hình ảnh loại suy, khi mà sự dữ và cái chết được nhân cách hóa như những ông chủ đang xiềng xích con người. Tư tưởng chính mà Phaolô muốn nói là: con người được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết và được trở về sống trong ơn nghĩa Chúa. Phaolô không đề cập tới cái giá phải trả để chuộc lại. Thế nhưng về sau, các giáo phụ và các nhà thần học lại giải thích theo từ ngữ pháp lý: vì tội lỗi mà con người phải làm nô lệ của ma quỷ: cho nên Đức Kitô phải nộp mình chết thay cho con người để chuộc nó lại. Cái chết của Đức Kitô trở nên giá chuộc tội. Tuy cùng dùng một từ ngữ “chuộc lại”, nhưng ý nghĩa của nó nơi thần học kinh viện không hoàn toàn trung thực với ý nghĩa của Tân ước nữa. 3/ Một chiều hướng khác thì dựa vào tư tưởng hy lễ (hiến tế) đã được Kinh Thánh nói tới, nhất là “hy lễ xá tội” ở trong thư gửi Hy bá chương 9 và 10. Hy lễ được giải thích như là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người qua Con của mình để nhờ đó con người có thể hiến dâng cho Thiên Chúa hy lễ thiêng liêng. Việc con người hiến dâng mạng sống mình cho tha nhân thì cũng giống như việc Đức Giêsu đã hiến mình làm hy lễ vâng phục và yêu mến lên Chúa Cha vậy (Ep 5,2). Mặt khác, tác giả của thư gửi Hy bá cũng nhấn mạnh rằng Hy lễ của Đức Kitô hoàn toàn khác với các hy lễ trước đó, bởi vì giá trị của nó không phải là máu me sát tế đổ ra, nhưng là tinh thần vâng phục (Dt 5,8; 10,1). Các giáo phụ cũng không ngừng lặp đi lặp lại rằng Thiên Chúa không cần tới hy lễ; nếu Chúa muốn hy lễ thì chỉ vì loài người mà thôi. Đó là đạo lý của các giáo phụ được thánh Augustinô diễn ra trong De Civitate Dei X, 5-20. Tiếc rằng kể từ thánh Anselmô, hy lễ xá tội được giải thích hoàn toàn theo phạm trù triết học và pháp lý, hơn là dựa trên đạo lý của toàn bộ Kinh Thánh. Theo lập luận này, Thiên Chúa nhân hậu muốn tha tội cho con người, nhưng đồng thời cũng cần phải tôn trọng sự công bằng nữa. Tội lỗi đã gây ra xáo trộn trật tự, làm xúc phạm đến Thiên Chúa công thẳng vô cùng; vì thế mà cần phải có Con Thiên Chúa mới có khả năng dâng lên hy lễ chính mạng sống mình (có giá trị vô cùng) thì mới có thể khôi phục lại trật tự. Từ đó, Thập giá được giải thích theo chiều hướng là hy lễ sát tế đền bồi, công thẳng của Chúa (Đức Kitô đền tội thay cho chúng ta, hứng lấy tất cả những hình phạt chúng ta đáng phải chịu: substitutio, expiatio); còn chiều kích tình yêu trao hiến, vâng phục không được nêu bật. Có lẽ khuyết điểm lớn của thần học trong quá khứ là khi sử dụng các từ ngữ của Kinh Thánh, họ đã giải thích các từ ngữ ấy theo triết lý hay pháp luật mà bỏ qua toàn thể bối cảnh của mặc khải. Thực vậy, Kinh Thánh nói tới sự “công bằng” của Thiên Chúa, hạch sách cho tới đồng xu cuối cùng. Ngay từ Cựu ước, sự “công bằng” của Thiên Chúa ám chỉ việc Ngài giữ lời hứa, lòng trung tín đối với giao ước. Tuy rằng Israel có thất trung, nhưng Thiên Chúa không rút lời. Tư tưởng đó được nối dài qua Tân ước, nơi mà Thiên Chúa bày tỏ sự công bằng qua việc duy trì lời hứa: chính Ngài không ngừng yêu thương nhân loại cho dù tội lỗi của loài người gây ra bao nhiêu rối loạn. Ngài đứng ra khởi xướng cuộc giao hoà với nhân loại nhờ Đức Kitô. Như thế, chúng ta đừng hiểu sự “công bằng” của Thiên Chúa như là “công thẳng”, nhưng phải nói là sự “trung tín” thì mới đúng. Một cách tương tự như vậy, các từ ngữ đọc thấy trong Kinh Thánh như là “công trạng”, “chuộc lại”, “hy lễ”, “làm nguôi lòng” cần phải hiểu theo nghĩa loại suy (như thánh Tôma Aquinô đã nhắc nhở nhiều lần: ST III, q.47,3; q.48,1-5), và nhất là cần được đi kèm theo với những từ ngữ khác biểu lộ ơn cứu độ: “trao ban, hoà giải, bình an, ban sự sống”,.v.v… Như thế, để trả lời thoả đáng cho câu hỏi: “tại sao ơn cứu độ thế gian được thông ban qua cái chết của Đức Giêsu?”, chúng ta cần phải xây dựng theo lời giảng đầu tiên của thánh Phêrô để nói rằng: “tại vì tội lỗi và vũ lực của con người đã khai trừ Đức Giêsu, người công chính tuyệt đối”. Cái chết của Đức Giêsu là do con người đã gây ra; còn sự sống thì xuất phát từ Thiên Chúa khi cho Đức Kitô sống lại (x. Cv 2,23-24). Thiên Chúa luôn luôn trung tín với lời hứa ban ơn cứu độ bất chấp sự phá hoại của con người. Nói khác đi, xem ra trước đây, thần học nhìn từ đất lên trời chú ý tới giá trị công nghiệp đền tội của Đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa; còn ngày nay, người ta muốn nhìn từ trời xuống đất để ý tới tình thương của Chúa Cha tỏ ra cho nhân loại khi ban chính con của mình cho nhân loại. Một cách tương tự như thế, Thập giá được nhìn như biểu hiệu tình yêu của Đức Kitô trao ban mình cho các bằng hữu. Dù sao, thiết tưởng cả hai chiều hướng đi lên hoặc đi xuống (hoặc nói theo kiểu thánh Tôma: đi ra đi về, exitus-reditus, con người từ Chúa đi ra và lại trở về với Chúa) cũng cần được bổ túc cho nhau.

Dù nói thế nào đi nữa, chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của trí óc chúng ta khi đứng trước thập giá: mãi mãi Thập giá vẫn là một mầu nhiệm, đồng thời cũng là sự điên rồ phi lý theo kiểu tính toán của con người. II. Thần học cận đại về Thập giá Từ thời các giáo phụ, vấn đề chính của thần học về Thập giá là tìm hiểu mối liên hệ giữa cái chết trên Thập giá của Đức Kitô với hồng ân cứu độ ban cho loài người. Nói khác đi, Thập giá được bàn tới trong nhãn giới của mầu nhiệm cứu chuộc. Thần học cận đại có một nhãn giới khác về vấn đề này. Bắt nguồn từ vấn nạn của Luther về mặc khải của Thiên Chúa nơi Thập giá, các nhà thần học Tin lành cận đại nói tới sự đau khổ của Thiên Chúa trên Thập giá, và từ đó xét lại vấn đề ý nghĩa sự đau khổ của con người. Sau cùng cũng cần nói thêm đôi chút về thần học Thập giá theo Thượng Hội đồng Giám mục thế giới họp năm 1985.

1. Sự đau khổ của Thiên Chúa Trong khi thần học Công giáo cổ điển bàn tới Thập giá trong nhãn giới của ơn cứu chuộc, thì Luther nói tới Thập giá dưới khía cạnh mặc khải: làm sao con người có thể biết được Thiên Chúa? Luther phân biệt giữa 2 cách biết Thiên Chúa: một đàng là biết nhờ suy luận các hữu thể thụ tạo, được mệnh danh là theologia gloriae, Thiên Chúa được quan niệm như Đấng chủ tế trọn tốt trọn lành. Thế nhưng, Luther cho rằng đó không phải là khuôn mặt thực của Thiên Chúa mà chỉ là một hình tượng do con người đã tạo ra. Luther chủ trương rằng cách thức để nhận khuôn mặt thật của Thiên Chúa là con đường Thập giá (theologia crucis), nơi mà Thiên Chúa tỏ ra ý định của Ngài đối với nhân loại. Ngài không phải là một hữu thể toàn hảo bất biến, nhưng là một Đấng rất xa với tội lỗi và đau khổ của con người, đã bày tỏ tình yêu với con người cách hùng hồn nơi Thập giá của Đức Giêsu. Tiếp theo Luther, Thần học về Thập giá về phía Tin lành mang một hướng đi độc đáo: nó không những chỉ muốn đào sâu giá trị của ơn cứu chuộc được ban từ Thập giá, nhưng nó cũng trình bày toàn thể thần học về bản tính của Thiên Chúa được mặc khải nơi Thập giá. Vào thế kỷ 20 này, vấn đề được phát biểu một cách bạo dạn như sau: ai chịu khổ và chịu chết trên Thập giá? Phải chăng chỉ có Đức Kitô chịu khổ hình chịu chết? Có thể nói rằng Chúa Cha chịu đau khổ hay không? Có thể nói rằng Thiên Chúa chịu chết hay không? Nên biết rằng đây không phải là những câu hỏi ngớ ngẩn, gợi lên để nói cho vui. Một số câu hỏi này đã được đặt ra từ các trại tập trung của Đức quốc xã, khi hàng triệu người phải nếm những cảnh tra tấn tù tội, hỏa lò: họ cảm tưởng rằng Thiên Chúa đã chết trong sự thinh lặng, không ra tay can thiệp, cũng giống như cảnh tưởng Đức Giêsu bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhà thần học Tin lành Kazo Kitamori người Nhật đã viết những dòng suy tư về sự đau khổ của Thiên Chúa từ kinh nghiệm đau khổ của dân tộc vào hồi thế chiến thứ hai (Theology of the Pain of God, 1946, tái bản 1972). Từ một câu hỏi đặt lên trong giới thần học Luther, nó trở thành một đối tượng cho một ngành của thần học gọi là staurologia (Thập giá học). Các thần học gia của Công giáo lẫn Tin lành đều tham gia vào cuộc khảo cứu những đề tài về sự mặc khải của Thiên Chúa từ Thập giá. Trước tiên, họ bàn tới sự đau khổ và sự chết nơi Đức Kitô như một chủ thể duy nhất gồm thiên tính và nhân tính (nơi Đức Kitô, thiên tính đã chia sẻ sự đau khổ của nhân tính như thế nào). Kế đó, họ đi lên mối liên hệ giữa Chúa Cha với Đức Kitô (xét vì Đức Kitô với Cha là một). Tác giả dẫn đầu cho hướng đi này là Jurgen Moltmann, với tác phẩm “Thiên Chúa bị đóng đinh trên Thập giá” (xuất bản năm 1972), mở rộng Thập giá tới toàn thể mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: “Vì yêu mà con đau khổ khi bị Cha bỏ rơi; vì yêu mà Cha khổ khi con đau đớn và chết; Thánh Thần tình yêu đã khôi phục sự sống cho người đã chết. Nơi Thập giá ta chứng kiến được sự tham dự yêu thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa”. Cũng trong chiều hướng đó mà các nhà thần học Công giáo như Hans Urs Von Balthasar, F.X. Durwell đã trình bày toàn bộ mầu nhiệm vượt qua như là mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

2. Ý nghĩa của sự đau khổ Đang khi mà thần học Tin lành nhìn lên Thập giá để tìm hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa, thì thần học giải phóng nhấn mạnh tới sự đau khổ của con người. Thật ra, như chúng ta đã biết, việc gắn liền Thập giá với đau khổ không còn gì mới lạ. Văn chương tu đức đã trình bày khía cạnh này từ lâu rồi: chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô chấp nhận những đau khổ như Thập giá mà Chúa gởi đến! Tuy nhiên, thần học giải phóng tố cáo rằng một luồng tu đức như vậy sẽ tạo ra những hạng người thụ động: đứng trước các bất công xã hội, những cảnh lầm than của nhân loại, người tín hữu chỉ biết học đức kiên nhẫn chịu đựng, thay vì tìm cách cải tạo xã hội. Hơn thế nữa, nói rằng chấp nhận những đau khổ như Thập giá Chúa gởi đến thì có khác nào như nói rằng Chúa muốn cho con người phải đau khổ hay sao? Những vấn nạn vừa nêu lên đã bắt buộc thần học cận đại xét lại một câu hỏi mà con người mọi nơi mọi thời đã đặt lên cho tất cả các tôn giáo: vì đâu mà con người phải khổ? Giới hạn vào sự liên hệ với Thập giá, ta nên biết rằng Kitô giáo tiên vàn không nhằm đề ra một lý thuyết để giải thích về nguyên nhân của sự đau khổ cho bằng trưng ra mẫu gương của một người đã cùng chia sẻ sự đau khổ: người ấy chính là Đức Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã nếm thử tất cả những mùi đau khổ của con người, cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là sự khắc khoải trước cái chết và cái chết đã mang ô nhục. Thiên Chúa đã lãnh lấy đau khổ không phải vì Ngài yêu thích đau khổ, nhưng là vì yêu thương con người khổ đau. Ngài không muốn phô trương kỷ lục về đau khổ cho bằng muốn chia sẻ thân phận con người ngay từ khi vào đời. Chính trong sự liên đới của Đức Kitô với những đau khổ của loài người mà chúng ta tìm thấy một niềm an ủi; thực vậy, bất cứ người nào cho dù bị chìm sâu xuống bể khổ đến đâu, cũng đều có thể hướng mắt nhìn lên Thập giá. Thực ra, Đức Kitô không có thánh hóa sự đau khổ xét như là đau khổ: sự đau khổ nguyên nó là điều xấu và có thể gây ra bao nhiêu sự xấu khác (căm tức, oán hờn, trách phận, ghen tương,…). Chúng ta cũng đừng coi sự đau khổ như là giá mà Đức Kitô phải trả cho Thiên Chúa để đền tội của loài người; bởi vì như vậy là hạ giá Thiên Chúa, coi Ngài như ông chủ nợ khắc nghiệt cay cú! Hình ảnh ấy không phản ánh khuôn mặt của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Thiết tưởng phải nói rằng không phải số lượng đau khổ chồng chất lên thân xác của Đức Kitô đã mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, cũng chẳng phải chính cái chết có sức đền tội thay cho chúng ta: nhưng là cách thức mà Đức Kitô đã lãnh nhận cái chết. Đức Kitô đã đón nhận hết tất cả những đau khổ cho tới chết với tinh thần tự do âu yếm và trao hiến thân mình. Đức Kitô đã hoán cải cái chết, từ chỗ là hoa quả của thù hận và tội lỗi để trở nên ngọn lửa của yêu thương. Chính vì đã xoay ngược ý nghĩa của cái chết như vậy mà ta có thể nói rằng Đức Kitô đã giao tranh với sự chết. Đức Kitô đã lãnh nhận cái chết trên mình và đã vật ngã nó nhờ sự sống lại; hay nói cách khác, Ngài đã tiêu diệt cái chết. Nhờ tình yêu mà Ngài thông ban cho con người, chúng ta cũng có thể chấp nhận cùng với Ngài (nghĩa là có thể hoán cải) sự đau khổ. Vì thế, đau khổ có thể có giá trị hay không là tuy theo thái độ chúng ta có chấp nhận nó cách tự do hay không, nghĩa là có biết đón nhận nó với sức mạnh của Đức Kitô (giống như Ngài và cùng với Ngài) hay không. Dù sao, cần phải nhấn mạnh rằng Thập giá không phải là một học thuyết giải thích hay biện minh cho sự đau khổ của con người. Thập giá cho ta thấy một sự kiện là Thiên Chúa đã đến gặp gỡ sự đau khổ, với thái độ tự do của Ngài. Điều đó đã vạch ra hai bộ mặt của đau khổ: nó vừa kinh tởm vừa xinh đẹp. Nó kinh tởm bởi vì chính một kẻ công chính vô tội đã chịu khổ do dã tâm của đồng loại. Nó xinh đẹp bởi vì cách thức mà Đức Giêsu đã chấp nhận và biến đổi nó: Người đã đón nhận nó cách âu yếm và hoán cải nó thành dụng cụ yêu thương. Và Đức Kitô mời gọi các môn đệ hãy vác Thập giá đi theo Ngài với nghĩa ấy: bắt chước Chúa trong thái độ yêu mến. Đức Gioan Phaolô II đã viết dòng suy niệm về ý nghĩa sự đau khổ trong tông thư Salvifici Doloris. 3. Thần học Thập giá trong tương quan giữa Giáo hội với trần thế Trong hậu bán thế kỷ 20, thần học Công giáo có nhiều du dịch đáng kể chung quanh thần học Thập giá. Trước đó, Thập giá được nói nhiều trong các sách tu đức, đề cao việc chia sẻ những đau khổ của Chúa Giêsu qua những việc hãm mình đền tạ. Vào thập niên 50, với cuộc cải tổ phụng vụ, Thập giá dần dần biến đi nhường chỗ cho mầu nhiệm Phục sinh. Thật vậy, nếu không có sự phục sinh thì Thập giá chẳng có ý nghĩa gì hết mà chỉ dẫn tới tuyệt vọng. Trùng với thời kỳ phát triển khoa học và kinh tế tại Âu châu, các văn kiện của công đồng Vaticanô II được soạn ra dưới ánh sáng lạc quan của mầu nhiệm phục sinh đến nỗi quên đi mầu nhiệm Thập giá! Thế nhưng, đến khoảng thập niên 70, với những cuộc khủng hoảng kinh tế, với những cảnh bất công còn tái diễn trên thế giới, thần học lại quay lại với Thập giá. Sự quân bình giữa Thập giá và Phục sinh không phải lúc nào cũng dễ dàng! Vào dịp kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticanô II, khi nhận định về sứ mạng của Hội thánh trong thế giới dựa theo hiến chế “vui mừng và hy vọng” Thượng Hội đồng Giám mục khoá bất thường năm 1985 đã tuyên bố như sau: Chúng tôi nhận thấy rằng những dấu chỉ của thời đại chúng ta có phần khác với thời đại công đồng, với những vấn đề và khắc khoải lớn hơn. Thực vậy, ngày nay khắp nơi trên thế giới chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của đói kém, đàn áp, chiến tranh, đau khổ, khủng bố và nhiều hình thức bạo lực khác. Điều này đòi hỏi một sự suy tư thần học mới và sâu xa hơn, ngõ hầu có thể giải thích những dấu chỉ này trong ánh sáng của Tin mừng. Chúng tôi thấy rằng trong nỗi khó khăn hiện tại Thiên Chúa muốn dạy chúng ta cách thấm thía hơn về giá trị, tầm quan trọng và trung tâm của Thập giá Đức Kitô. Vì thế, sự liên hệ giữa lịch sử nhân loại và lịch sử cứu rỗi cần được giải thích dưới ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua. Dĩ nhiên, thần học Thập giá không loại bỏ hoàn toàn thần học về tạo dựng và nhập thể, nhưng nó giả thiết cả hai nền tảng đó. Khi các kitô hữu nói tới Thập giá, chúng ta không muốn bị gán là bi quan yếm thế nhưng chúng ta muốn đặt mình trên thực trạng của nền hy vọng kitô giáo. Từ viễn ảnh của mầu nhiệm vượt qua, cùng với sự khẳng định mối liên kết giữa Thập giá và Phục sinh, chúng ta có thể nhận định một sự thích nghi canh tan và chính hiệu hay giả hiệu. Một đàng chúng ta không thể nào chấp nhận hoàn toàn đồng hóa với thế gian; đàng khác, chúng ta cũng không thể đóng khung Giáo hội vào cộng đồng các tín hữu: chúng ta cần phải khẳng định sự cởi mở truyền giáo của Giáo hội nhằm tới sự cứu rỗi toàn diện con người. Nhờ đó, hết mọi giá trị chân chính của con người không những được chấp nhận mà còn được bảo vệ cách cương quyết: phẩm giá nhân vị; những quyền lợi căn bản của con người; hoà bình; tự do khỏi mọi áp bức, nghèo kém và bất công. Tuy nhiên, sự cứu rỗi toàn diện đạt được khi mà những thực tại vừa nói của con người được thanh luyện và nâng cao nhờ ân sủng và sự kết hợp với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần.

Cũng nên biết là văn kiện ấy cũng lấy mầu nhiệm Thập giá làm mẫu mực cho việc hội nhập văn hóa. Nói cách khác, tiêu chuẩn của việc hội nhập văn hóa không thể chỉ dựa thuần tuý trên mầu nhiệm nhập thể, nhưng còn phải dựa cả trên mầu nhiệm Thập giá nữa: Giáo hội cần biết thu nhận các nền văn hóa nhưng đồng thời cũng cần phải biết thanh tẩy luyện lọc chúng nữa. Như thế, ta thấy một chiều kích khác nữa của thần học Thập giá, đặt trong mối tương quan giữa Giáo hội với trần thế, giữa lịch sử nhân loại với lịch sử cứu độ. C. THÁNH GIÁ LÀ TÌNH YÊU Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một Thập giá. Ý muốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ. Người ta sợ thập giá. Đó là hình phạt sỉ nhục đau đớn nhất cho tội nhân. Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hòan toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Ngài. Những ai mang thập giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh có thể hạnh phúc ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến với niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Đức Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân lọai. Cái chết của Người là một hiến lễ có giá trị chuộc tội, đền tội, gánh tội và Người chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ. Trước khi Đức Kitô bị đóng đinh đã có thập giá rồi. Người Rôma dùng thập giá để lên án tử hình cho các tội nhân. Bấy giờ ở đâu có thập giá là ở đó có sự chết. Người ta sợ hãi thập giá. Bóng thập giá là tử thần. Thập giá tới đâu là khóc than khổ đau đến đó. Hôm nay, nơi nào có bóng thập giá là nơi ấy có dấu chân người Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên chiều thứ sáu tử nạn, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là Thánh giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Ngài đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên Thánh. Sự thánh ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không phải là Thánh giá. Thập giá dụng cụ giết người nhục nhã đã trở nên Thánh giá phương tiện ban sự sống mới qua tình yêu Đấng Cứu Thế. Thánh giá là biểu tượng cho Kitô giáo. Thánh giá mang ánh sáng, nguồn chân lý đến cho các giáo huấn của Giáo hội. Thánh giá là biểu tượng cho niềm tin Kitô hữu, cho ơn cứu độ của Đức Giêsu. Tôn vinh Thánh giá là tôn vinh chính Đức Giêsu Kitô. Mỗi ngày người tín hữu nhìn lên Thánh giá, biểu tượng đức tin và ơn cứu độ, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa và ngợi khen Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó ta sẽ an tâm vững bước trên con đường Chúa Cứu Thế đã đi qua. Lm Giuse Nguyễn Hữu An, viết theo Thời sự thần học số 7 tháng 3/97.
 
Tâm sự của kẻ được sai đi
+Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn
16:36 01/04/2010
TÂM SỰ CỦA KẺ ĐƯỢC SAI ĐI

Sau giờ kinh tối, theo thường lệ, tôi chuẩn bị cho thánh lễ hôm sau. Thế nhưng hôm nay thấy mình có một cảm giác mới lạ: hai vai như đang bị đè nặng, đầu óc quay cuồng, không tập trung tư tưởng được, tôi bèn thưa với Chúa rằng: " Lạy Chúa, những gì con đang cảm nhận đây, con xin kết hợp với hy lễ của Chúa để dâng lên Thiên Chúa Cha trong thánh lễ ngày mai".

Bỗng nhiên, tôi nghe một tiếng nói hơi lạ:

- " Có điều gì làm cho ngươi âu lo đến thế? "

Sau giây phút bàng hoàng, tôi nhận ra tiếng Chúa Giêsu nói, nên thưa với Người rằng: " Lạy Chúa, con mừng quá, con cám ơn Chúa đến với con ngay lúc nầy. Chúa biết con mới nhận được bài sai đi đến một chỗ lạ và lớn. Con cảm thấy âu lo và không biết phải làm gì ! "

- " Điều cốt yếu ngươi phải để tâm là tìm cách tiếp tục công trình Thiên Chúa Cha đã ủy thác cho Ta và cho Giáo hội mà Ta đã thiết lập: từ một cộng đồng nhân loại đã bị nguyên tội và lực lượng sự chết làm phân rẽ, ngươi hãy cùng những người mà Ta đã chọn, động viên mọi người góp sức xây dựng một cộng đồng nhân loại đoàn kết, hiệp nhất, một lòng mến Chúa yêu người, phục vụ cho sự sống và phẩm giá của mọi người, để họ được sống và sống dồi dào."

. " Lạy Chúa, Chúa biết việc nầy quả là khó khăn: giữa mọi người chúng con có nhiều khác biệt, khác biệt do hoàn cảnh văn hoá - xã hội - tôn giáo, khác biệt do quan điểm và lập trường, khác biệt do tính khí và khát vọng..."

- " Ngươi không thấy đó vừa là một cơ hội, vừa là một thách thức để mọi người cùng cố gắng bổ túc những mặt thiếu sót của nhau, dung hoà những cực trái ngược nhau, làm cho đời sống xã hội và giáo hội thêm phong phú, thêm nhân đạo, thêm huynh đệ sao? Điều đó không đáng cho ngươi bỏ công và hy sinh cuộc đời để góp phần xây dựng sao? "

. " Nhưng thưa Chúa, Chúa biết con quen lối sống bình dị và thanh lặng của nông thôn, còn nơi mới lạ ở đô thị nầy thì chuyện gì cũng được đưa lên giấy trắng mực đen, đưa lên internet, cả chuyện tốt lẫn chuyện xấu, chuyện thật lẫn chuyện ảo, dễ tạo ra dư luận phân rẽ, dễ làm cho khoảng cách giữa người với người thêm sâu xa."

- " Ngươi không thấy chính Ta cũng không thoát khỏi dư luận phủ phàng của người đời sao? Ngươi không biết hậu quả của dư luận đó đưa Ta đến đâu ư? Ngươi không nhớ rằng bước theo Ta cũng có nghĩa là đồng hành với Ta trên đường Thập giá ư? "

. " Lạy Chúa, thật ra con đã học biết điều đó, thế nhưng con đường theo Chúa đưa con đi xa đến thế ư? Chúa biết khả năng của con rất là giới hạn. "

- " Ta hiểu thấu lòng ngươi và đồng cảm với ngươi. Chính vì thế mà Ta đã gởi và đang tiếp tục gởi Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho Ta, để Người luôn dẫn dắt ngươi qua từng chặng thử thách cam go. Ngươi có tin vào Người không?

. " Thưa Chúa, con tin. "

- " Đối với những ai tin, Chúa Thánh Thần là ngọn lửa đốt cháy lòng họ, biến mọi sự tốt xấu trong họ thành tình yêu, tình yêu bao dung và độ lượng, tình yêu hiệp nhất và bình an, tình yêu hiền hoà và tự hạ, tình yêu hy sinh và phục vụ, để cho mọi người được sống và sống dồi dào. Chúa Thánh Thần luôn thông ban cho họ khả năng thương yêu đó, thương yêu như chính Ta yêu thương.

" Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới mọi sự, là Đấng thánh hoá mọi người. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng là Đấng soi dẫn mọi người thành tâm thiện ý trong công cuộc phát triển đất nước và thăng tiến con người qua mọi giai đoạn lịch sử của dân tộc, nhằm xây dựng " Trời mới, Đất mới ", " con người mới ", một cộng đồng nhân loại mới, một nền văn minh mới, văn minh tình thương. Ngươi có tin điều đó không? "

Quả là cảm thấy hụt hẫng trước Lời Chúa dạy, nên sau phút thinh lặng tôi mới tìm được câu trả lời: " Thưa Chúa, con tin, nhưng có lẽ lòng tin của con chưa bằng hạt cải, nên con cảm thấy lo. Xin Chúa thêm đức tin cho con. "

Chợt tỉnh lại, tôi không còn nghe thấy Ngài nữa, nhưng vẫn cảm nhận một thứ ánh sáng và sức mạnh huyền diệu còn lan toả đâu đây...
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:33 01/04/2010
NGỦ CƯỜI THỨC CŨNG CƯỜI

N2T


Nghe nói thiền học Lâm Táp đại sư có một thói quen, mỗi tối trước khi ngủ thì cười rống một tiếng lớn, thanh âm vượt qua hành lang dội lại trong từng góc xó của thiền viện.

Mỗi buổi sáng khi thức dậy, việc thứ nhất mà ông ta làm là cười rống một tiếng, vì tiếng cười quá lớn nên các tăng lữ trong thiền viện đang ngủ say cũng phải giật mình tỉnh dậy.

Các đệ tử thường hỏi ông ta sáng tối cười lớn làm gì vậy, ông ta không trả lời.

Đợi khi ông ta chết, bí mật tiếng cười lớn cũng theo ông ta đi xuống mồ.

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Có những lúc việc người khác làm mà chúng ta không hiểu, vì không hiểu nên cảm thấy khó chịu hoặc cảm thấy không thuận mắt nên đi hỏi những người chung quanh, rồi bực tức, rồi phê bình, thế là có những lời bàn tán xì xào, không phải do người làm mà do chính cái tôi của mình vì ích kỷ mà gây ra hiềm tị. Nếu chúng ta trực tiếp đi hỏi ngay người làm thì chắc chắn có câu giải đáp thỏa đáng, thế là chẳng có chuyện gỉ xảy ra.

Có một vài người Ki-tô hữu khi thấy cha sở sửa chữa một vài nguyên tắc cho phù hợp với phụng vụ của Giáo Hội, thì xầm xì to nhỏ nào là cha cấp tiến, nào là cha chơi nổi, nào là cha nhiều chuyện. Thế là tiếng to tiếng nhỏ bay ra bay vào làm mất đoàn kết thiếu bác ái trong giáo xứ...

Thẳng thắn hỏi, trực tiếp đối thoại trong yêu thương và học hỏi thì mọi việc đều tốt lành, bởi vì việc gì cũng có nguyên nhân của nó.

Nguyên nhân của tiếng cười lớn buổi tối trước khi ngủ là để thức tỉnh các tăng lữ đừng ham chơi, đừng chiều chuộng xác thịt sau một ngày lao động mệt nhọc, nhưng hãy nhập vào tĩnh lặng; nguyên nhân tiếng cười lớn buổi sáng sớm lả đánh thức các tăng lữ tĩnh dậy, đùng quá ngủ mê, đừng quá ham ngủ, nhưng thức dậy để cầu nguyện cho tâm hồn và thân xác khỏe mạnh.

Nhân lành thì quả ngọt, nhân xấu thì quả đắng.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thứ Bảy Tuần Thánh-Vọng Phục Sinh (C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:34 01/04/2010
THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Bạn thân mến,

Hôm qua chúng ta long trọng cử hành nghi thức Suy tôn Thánh Giá, tưởng nhớ và kĩ niệm Chúa Giê-su chịu chết trên Thánh Giá vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta.

Hôm nay chúng ta cũng rất long trọng cử hành thánh lễ vọng Phục Sinh mừng Chúa Ki-tô sống lại vinh hiển, trong niềm vui ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em mấy cảm nhận sau:

1. Ánh sáng Phục Sinh là Khiêm tốn phục vụ.

Với nghi thức làm phép lửa mới mà chúng ta vừa cử hành, với nến phục sinh mà chúng ta đang rước vào nhà thờ và đặt bên cạnh giảng đài gần bàn thờ làm cho chúng ta xác tín sâu xa rằng Chúa Giê-su Ki-tô là ánh sáng trong đêm tối, là nguồn ân sủng và là sự sống của chúng ta.

Ánh sáng Phục Sinh đã bừng sáng trong đêm tối tội lỗi của hai ngàn năm trước, vẫn đang chiếu rọi cho chúng ta trong ngày hôm nay, đó chính là Chúa Ki-tô. Ngày hôm qua chúng ta than khóc vì tội lỗi của mình mà Chúa Ki-tô đã chết, ngày hôm nay chúng ta vui mừng vì Ngài đã sống lại, đó là niềm hi vọng duy nhất cho chúng ta là những người đang đi trong đêm tối của tội lỗi trần gian.

Khiêm tốn chính là ánh sáng và là hành vi nổi bật nhất, mà chính Chúa Ki-tô đã dùng để cứu chuộc nhân loại đã sa ngã vì tội kiêu ngạo, nó cũng là ánh sáng của chúng ta chiếu rọi qua người khác, khi chúng ta khiêm tốn phục vụ tha nhân trong tinh thần yêu thương.

Mọi người có thể nhìn thấy tài cao học rộng của chúng ta nhưng ít người nhìn thấy Chúa Ki-tô Phục Sinh đang sống trong chúng ta, bởi vì học thức và tri thức không phải là ánh sáng, nó cũng không phải là đường dẫn chúng ta đi đến sự sống đời đời, nhưng khiêm tốn thật mới chính là ánh sáng nơi chúng ta, nó phản ảnh lại khuôn mặt phục sinh sáng chói của Chúa Ki-tô nơi tất cả hành vi ngôn từ của chúng ta.

2. Ánh sáng phục sinh là sự đổi mới.

Trong đêm tối chúng ta không thể làm gì được vì đêm tối cũng đồng nghĩa với sự chết, cũng vậy, sống trong tội chúng ta cũng không thể làm gì được để linh hồn chúng ta được đổi mới, do đó đêm tối cần có ánh sáng và tội lỗi cần có ân sủng của Thiên Chúa.

Ánh sáng phục sinh đã đến đó chính là Chúa Ki-tô, Ngài đến để đổi mới những gì mà chúng ta đã làm trong bóng tối như gian dâm, là kiêu ngạo, là hận thù, là ghét ghen và vu khống.v.v... Ánh sáng đến chiếu sáng những nơi tăm tối, đổi mới tâm hồn chúng ta từ cũ qua mới, từ kiêu ngạo trở thành khiêm tốn, từ gian dâm đầy dục vọng trở thành trong sáng và hồn nhiên, từ ghét ghen hận thù trở thành yêu thương và tha thứ, từ lãnh đạm với Tin Mừng đến nhiệt tình và phục vụ Chúa trong tha nhân...

Ánh sáng phục sinh đã đến không phải chỉ đổi mới chúng ta đêm hôm nay mà thôi, nhưng suốt mọi ngày trong cuộc sống của chúng ta, nó luôn chiếu dọi thôi thúc và đổi mới tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta biết luôn trân trọng gìn giữ ánh sáng này cho khỏi bị cuồng phong của thế gian là những quyến rũ đam mê thổi tắt.

Bạn thân mến,

Đêm hôm nay trên tay của bạn của tôi và của mỗi người Ki-tô hữu tham dự thánh lễ, đều cầm nến phục sinh nho nhỏ biểu tượng đức tin của anh chị em được cháy sáng nhờ tin vào Chúa Ki-tô Phục sinh, cây nến nhỏ này sẽ cháy hết nhưng đức tin của chúng ta sẽ luôn trưởng thành và càng trưởng thành hơn trong hi sinh và thử thách, bởi vì trong thử thách, đức tin của chúng ta càng cháy sáng và toả sáng chiếu dọi cho mọi người thấy Tin Mừng Phục Sinh mà chúng ta đang tin và đang sống.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh chúc lành cho chúng ta.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Ai tin Chúa Kitô Phục Sinh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
00:54 01/04/2010
Chúa Nhật Phục sinh

Hằng năm cứ vào dịp Lễ Mừng Chúa Phục Sinh, nhiều sứ điệp hoành tráng được cất lên từ các tòa giảng, qua các phương tiện thông tin, hòa với tiếng ca và không thể thiếu câu Allêluia: ngợi khen, chúc tụng Chúa. Lễ mừng Chúa Phục Sinh là lễ trọng nhất trong Phụng Vụ Kitô giáo. Nét long trọng ấy được thể hiện ra bên bên ngoài cách rõ nét qua các tổ chức có thể gọi là “lễ hội” cách nào đó, nhất là sau quảng thời gian 40 ngày kiêng khem, hãm mình của Mùa Chay thánh. Dù rằng hiện nay sự long trọng và huy hoàng của Lễ Giáng Sinh có lẽ vì được “xã hội hóa” nên có phần át Lễ Phục Sinh. Tuy nhiên trong niềm tin, người Kitô hữu vẫn ý thức tầm quan trọng của mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Vì như thánh Phaolô tông đồ khẳng định: Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của Kitô hữu chúng ta ra vô ích…(x.1Cr 15,14). Thế nhưng nếu thử hỏi rằng ai là người tin Chúa Kitô Phục Sinh, thì cũng khó trả lời cách rạch ròi và mang tính thuyết phục.

Để làm rõ vấn nạn nầy, thiết tưởng cần nhắc nhớ nhau về ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Có thể nói rằng ý nghĩa nền tảng và quan trọng nhất của mầu nhiệm Phục sinh đó là minh chứng hay xác nhận thiên tính của Chúa Giêsu. Khi phục sinh, Chúa Giêsu chứng tỏ Người có thẩm quyền của một vị Thiên Chúa, nên toàn thể các chân lý Người dạy, kể cả những chân lý mà lý trí loài người khó có thể luận giải minh bạch, thì thảy đều đáng tin (x.GLCG chung số 651).

Ngoài ý nghĩa nền tảng trên thì mầu nhiệm Phục Sinh còn nói với chúng ta rằng:

-Cuộc đời con người không chấm dứt với cái chết thể lý: Cái chết thể lý chỉ là cánh cửa để con người bước vào cõi sống ngàn thu. Bước vào cõi sống đời đời này để hưởng hạnh phúc đích thật hay phải bị trầm luân vĩnh viễn mới là điều hệ trọng. Người tin vào mầu nhiệm Phục Sinh là người biết “ái mộ những sự trên trời” chứ không phải chỉ biết lo tìm những sự thuộc hạ giới (x.Cl 3,1-4). Họ là những người biết thu tích kho tàng ở trên trời, không sợ mối mọt làm hư hỏng, không sợ kẻ trộm lấy mất (x.Mt 6,20). Làm thế nào để phân biệt đâu là kho tàng trên trời và đâu là kho tàng dưới đất. Cái gì sẽ qua đi thì thuộc hạ giới còn cái gì mãi tồn tại là thuộc thiên giới. Thánh tông đồ dân ngoại cho ta hay chỉ có đức ái mới tồn tại mãi mãi, nghĩa là sẽ đi với chúng ta qua cánh cửa sự chết. Dụ ngôn ngày cánh chung mà Chúa Giêsu kể trong tin mừng Matthêu chương 25 giúp chúng ta xác tín chân lý này. Đến ngày chung thẩm, chính Người sẽ thẩm vấn chúng ta về tấm lòng của chúng ta qua các nghĩa cử chúng ta đã làm hoặc không làm cho tha nhân, cho người bất hạnh, cho kẻ nghèo hèn…

-Sự giả dối sẽ bị vạch trần, bạo lực, hận thù sẽ bị khuất phục khi người ta can đảm đối diện và đón nhận đau khổ cũng như sự chết trong tình yêu. Quả thật thần dữ là cha của sự gian dối và là nguồn của bạo lực và sự hận thù (x.Ga 8,44). Chiến lược của thần dữ là kìm hãm con người trong sự sợ hãi. Và chiến thuật của nó là gieo rắc sự giả dối, bạo lực và hận thù. Sống trong sự giả dối, lòng người thật khó được bình yên vì luôn canh cánh lo sợ, lo sợ bị phơi bày ra ánh sáng. Hận thù và bạo lực là những công cụ nhiều lúc đã thống trị tha nhân cách đắc lực và hiệu quả vì phận người vốn thường ngại khổ và nhất là sợ chết. Quả thật, nếu chúng ta còn ngại khó, sợ hy sinh mà không dám rao truyền sự thật, không dám bảo vệ công lý, không dám bảo vệ người nghèo hèn, kẻ bị áp bức…thì các câu tung hô “Allêluia Chúa đã phục sinh” của chúng ta chỉ là phèng la não bạt vô hồn.

-Tin Chúa đã phục sinh là tin Người đang sống. Chúa Kitô vẫn hiện diện giũa thế trần này bằng nhiều cách thế. Một trong những cách thế hiện diện của Người cách hữu hình và sống động đó là cuộc sống của các Kitô hữu. Nội hàm lời của thánh tông đồ dân ngoại:“Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Chúa Kitô đang sống trong tôi”, quả là một lời tuyên xưng khả tín. Lời tuyên xưng Chúa đã phục sinh phải sánh đôi với một cuộc đời: “đi đến đâu thì giáng phúc đến đấy”(x.Cvtđ 10,38); can đảm và thẳng thắn nói lời chân lý trước cả thế quyền lần thần quyền (x.Mt 26,64; Ga 18,37); khoan dung với tội nhân nhưng luôn cương quyết loại trừ tội lỗi (x.Ga 8,1-11); yêu thương phục vụ đồng loại đến cùng (x.Ga13); sẵn sàng đón nhận thập giá để biểu lộ một tình yêu vị tha trong sáng, hết lòng…

Rất nhiều câu tung hô, nhiều câu ca “hoành tráng”: “Allêluia, Chúa đã sống lại” trong dịp đại lễ Phục Sinh này. Nhưng để trả lời câu hỏi: Ai là người tin Chúa Kitô đã phục sinh thì quả không dễ dàng. Cần xác nhận rằng các thánh là những người chắc chắn tin Chúa đã phục sinh. Còn chúng ta thì sao? Không gì hơn xin hãy xét lại lòng mình. Kho tàng đích thực của tôi đang ở đâu? Kho tàng của ta ở đâu thì lòng trí của ta sẽ ở đó (x.Mt 6,21). Lòng chúng ta đang còn lấn cấn sự gì, còn vương vấn nỗi sợ hãi nào, khiến chúng ta không dám nói lời chân lý, không dám sống yêu thương cho đến cùng? Mang danh là Kitô hữu mà đã có lần nào trong cuộc đời chúng ta dám nói như thánh Phaolô rằng “Chúa Kitô đang sống trong tôi” một cách không ngượng miệng?

Vâng lời vị cha chung giáo hội toàn cầu, Đức Bênêđictô XVI, xin bớt nói Chúa đã phục sinh nhưng hãy làm cho tha nhân nhìn thấy và cảm nhận Chúa Kitô đang sống giữa họ, qua cuộc sống và hành động của mỗi người chúng ta.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần Bát Nhật Sau Phục Sinh
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
02:09 01/04/2010
Thứ hai tuần bát nhật Phục sinh

Mt 28,8-15

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, mỗi lần chúng con được rước Chúa là một lần chúng con được đón nhận chính sức sống Phục sinh của Chúa tuôn trào trong chúng con. Xin cho chúng con được tràn ngập niềm vui như xưa Chúa đã ban cho các người phụ nữ ra thăm mồ Chúa trong ngày Chúa sống lại.

Ngày đó, họ ra mồ với tâm trạng buồn phiền lo âu, và thất vọng, nhưng khi hay tin Chúa đã sống lại, nỗi lo âu đã trở thành niềm vui. Sự thất vọng, buồn phiền đã tiêu tan để nhường lối cho hy vọng và tươi vui. Ước gì niềm vui được đón rước Chúa Phục sinh ngự đến trong tâm hồn chúng con lúc này, cũng biến đổi chúng con thành những chứng nhân cho niềm hy vọng, để chúng con mang niềm vui đến cho những ai đang tuyệt vọng, đem nụ cười đến cho kẻ khóc than, làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người, và biết kiến tạo hạnh phúc thiên đàng ngay trần thế hôm nay qua những nghĩa cử hy sinh, bác ái, và vị tha.

Nguyện xin Chúa phục sinh chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Amen

Thứ ba tuần bát nhật

Ga 20,11-18

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con thật vui sướng và hạnh phúc vì Chúa luôn ở bên cạnh chúng con. Chúa hiện diện bên cuộc đời chúng con như lời Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa biết rõ từng người chúng con như người mục tử biết rõ từng con chiên. Chúa gọi tên từng người chúng con như Chúa đã gọi tên Maria Madalena khi bà ra thăm mồ Chúa.

Lạy Chúa, thế giới hôm nay đầy náo nhiệt và bận rộn. Tâm hồn chúng con bị chao đảo bởi biết bao những huyên náo của thú vui trần thế. Có biết bao cám dỗ mời mọc chúng con vào con đường tội lỗi. Có biết bao đam mê khiến chúng con lầm đường lạc lối. Có biết bao con đường dẫn chúng con xa lìa sự sống đời đời. Xin Chúa hãy thứ tha. Xin cho chúng con tin rằng: Chúa đang đứng bên cạnh chúng con và gọi tên chúng con. Xin hãy gọi chúng con ra khỏi bến mê tội lỗi. Xin hãy gọi chúng con để thức tỉnh trước những cạm bẫy của thế gian. Xin cho chúng con biết nhận ra tiếng Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin giúp chúng con luôn nhiệt tâm tìm kiếm Chúa như thánh nữ Maria Madalena, nhờ đó chúng con cũng trở thành sứ giả loan báo tin vui Chúa Phục sinh cho trần thế. Amen

Thứ Tư tuần bát nhật

Lc 24,13-35

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tạ ơn Chúa đã liên kết chúng con nên một trong Chúa. Qua bàn tiệc thánh thể, chúng con được chia sẻ với nhau một bữa ăn huynh đệ mà chính Chúa đã dọn cho chúng con là Mình Thánh Máu Thánh Chúa. Cũng chính nơi bàn tiệc này chúng con mới nhận ra chúng con là anh em với nhau con một Cha trên trời.

Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Sự đồng hành này đã nâng đỡ họ và giúp họ tìm lại niềm vui và hy vọng trong cuộc sống. Xin cho chúng con luôn là những người bạn tốt lành của nhau, bằng cách đồng hành với nhau trên mọi nẻo đường cuộc sống. Xin giúp chúng con đừng bao giờ dửng dưng như khách lạ với tha nhân, nhưng luôn liên kết, cảm thông và nâng đỡ những rủi ro, bất hạnh của tha nhân. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chỉ tìm niềm vui nơi mình nhưng luôn nghĩ đến thiện ích cho tha nhân.

Lạy Chúa, sự đồng hành của Chúa trên đường Emmau đã đánh tan thất vọng, lo âu trong tâm hồn các môn đệ, xin cũng ban cho chúng con sự bình an và ơn thánh qua bí tích Thánh Thể mà chúng con vừa được hân hạnh đón rước vào trong tâm hồn. Amen

Thứ Năm tuần bát nhật

Lc 24,35-48

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin thờ Chúa ngự trong bí tích Thánh Thể. Chúng con tin rằng Chúa đến viếng thăm chúng con hằng ngày qua bí tích Thánh Thể. Xin Chúa cũng ban bình an cho chúng con như xưa Chúa đã ban cho các tông đồ trong những lần Chúa hiện ra với các ngài sau khi Chúa sống lại.

Lạy Chúa, xin cho con thoát khỏi sự sợ hãi, biết can đảm vượt qua mọi thử thách để được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay quan phòng của Chúa. Xin tha thứ vì những lần chúng con còn ngại ngùng, sợ hãi không dám dấn thân vào con đường Chúa mời gọi chúng con bước đi. Vì con đường ấy có quá nhiều chông gai, thử thách. Con đường ấy đòi phải hy vinh, phải vác thập giá, phải chịu nhiều thua thiệt, có khi mất cả mạng sống.

Xin cho chúng hiểu rằng, bên trên gai nhọn là đoá hồng rực rỡ. Bên trên những thử thách gian nan là triều thiên chiến thắng vinh quang mà Chúa đã dành sẵn cho những ai trung tín theo Ngài. Amen

Thứ sáu tuần bát nhật

Ga 21,1-14

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con tin rằng qua bí tích Thánh Thể, Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Xin cho chúng con có một đức tin đủ để chúng con mau mắn làm theo lời dạy của Chúa như các môn đệ năm xưa, nhờ đó mà các ông đã thu được mẻ cá kỳ diệu.

Lạy Chúa, trong cuộc sống thường ngày, chúng con không dám xin Chúa cất đi những nhọc nhằn, vì đó là thân phận tội lỗi của con người. Chúng con chỉ xin Chúa ban cho chúng con lòng tin mến, để giữa những nghịch cảnh cuộc đời, chúng con có thể nhận ra được sự hiện diện của Chúa và tìm được niềm vui của ơn trợ giúp của Chúa.

Xin cho chúng luôn làm chứng cho niềm tin vào Chúa phục sinh, khi chúng con dám tin yêu và hy vọng ngay trong những mất mát khổ đau. Khi chúng con dám sống quảng đại, yêu thương và tha thứ ngay trong những ích kỷ, hận thù ở thế gian.

Lạy Chúa Ky-tô Phục sinh, xin ban cho chúng con hồng ân nhận ra Chúa giữa những thử thách nghi nan để chúng con luôn tin yêu vào Chúa và làm chứng nhân cho tin mừng của Chúa. Amen

Thứ bảy tuần bát nhật Phục sinh

Mc 16,9-15

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã sống lại sau ba ngày yên nghỉ trong mồ. Sự phục sinh của Chúa là niềm vui của các tông đồ, là nền tảng cho việc rao giảng tin mừng. Các tông đồ đã hân hoan ra đi loan báo một sứ điệp thật trọng đại: “Chúa đã sống lại”. Xin cho chúng con đủ đức tin để chúng con nhận ra Chúa vẫn hằng sống trong cuộc đời hôm nay. Xin giúp chúng con biết can đảm nói về sự phục sinh của Chúa cho anh em.

Vâng lạy Chúa, nếu cuộc đời này sinh ra rồi chết đi là hết một kiếp người, thì thật bất hạnh cho kiếp người chúng con. Một kiếp phù sinh vắn vỏi nhưng lắm truân chuyên. Một kiếp người vui ít nhưng buồn lại nhiều. Một kiếp người gặp nhiều bất công, oan trái hơn là công bình,nhân ái. Nhưng thật hạnh phúc cho chúng con khi chúng con biết rằng: quê hương thật chúng con ở trên trời. Nơi đó không có nước mắt của oan trái lầm than. Nơi đó chỉ có hạnh phúc trường sinh. Nơi đó sẽ trả lại công bằng cho những trái ngang của cuộc đời hôm nay. Xin giúp chúng con biết sống cao đẹp trong cuộc đời này để làm chứng về sự sống đời sau.

Lạy Chúa, Chúa đã sống lại, xin Chúa hãy phục sinh tâm hồn chúng con khỏi những đam mê trần thế, và xin giúp chúng con biết đem niềm vui phục sinh của Chúa đến cho mọi người. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Sống trong niềm tin vượt qua sự chết của tội lỗi
Lm. Jude Siciliano OP
07:30 01/04/2010
LỄ VỌNG PHỤC SINH – C

St. 1: 1-2:2; St. 22: 1-8; Xh.14:15- 15:1; Is. 54: 5-14; Is. 55: 1-11; Br 3; 9-15, 32 -4:4; Ed. 36: 16-17a, 18-28; Rm 6:3-11; Lc 24: 1-12

Bài Phúc Âm đêm vọng lễ Phục Sinh rất lạ, vì chúng ta thường nghĩ đi lễ để mừng sự sống lại. Nhưng thật ra bài Phúc âm lại không nói gì về sự sống lại cả. Đây là một bài nói về sự mất mát, sự bối rối, do lời của hai người mặc quần áo chói lòa, do lời nói của vài phụ nữ với 11 môn đệ, sự ngạc nhiên của 11 môn đệ và của Phêrô khi nhìn vào mộ trống.

Trong giáo xứ chúng tôi, phải mất nhiều thì giờ và công sức đón mừng đêm vọng lễ Phục Sinh. Trong các giáo xứ tôi đã đi giảng tỉnh tâm mùa chay năm nay, các ban phụng vụ và nhạc đoàn đã sẵn sàng đâu vào đấy cho đêm vọng Phục Sinh. Nếu bạn hỏi nhỏ đã soạn những gì, họ sẽ trả lời là họ soạn một đêm vui mừng Chúa sống lại. Việc sửa soạn cẩn thận của họ chắc sẽ làm cho cộng đoàn giáo dân hăng hái cầu nguyện sốt sắng hơn.

Vậy sao bài phúc âm không trình bày câu chuyện cho rõ ràng hơn, và hợp với tất cả các sửa soạn nói trên. Anh chị em nghĩ sao? Có lẽ do các phụ nữ, 11 môn đệ và Phêrô làm chúng ta nghĩ đến đêm hôm nay khi chúng ta cùng với các phụ nữ và Phêrô nhìn vào ngôi mộ trống. Chúng ta nghe lời khuyên của hai người mặc áo trắng nói với các phụ nữ ở mộ “hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà”. Hai người đó nhắc đến lời Chúa Giêsu nói trước về sự thương khó và sự sống lại của Ngài. Chúa Giêsu đã đến với chúng ta trong sự chết của chúng ta; Ngài đã đi đến tận nấm mồ với chúng ta.

Nhưng, hai người mặc áo trắng sáng còn muốn các phụ nữ và các ông nhớ lại nhiều hơn. Họ phải nhớ lại và đặt niềm tin vào lời hứa của Chúa Giêsu là Ngài sẽ sống lại. Sự sống lại sẽ kế tiếp theo những đau khổ của sự thương khó… và sự chết. Sau khi các môn đệ thấy sự đau khổ tột cùng của Chúa Giêsu và sự chết của ngài, thật khó mà nhớ đến lời hứa về sự sống lại. Chúng ta cũng vậy. Sau những đau khổ và những ngôi mộ trống mà chúng ta nhìn thấy, thật là khó cho chúng ta để nhớ đến sự sống lại.

Cách đây vài năm, trong Tuần Thánh, lúc nữa đêm, tôi được một cú điện thoại của một người bạn. Do khoản 25 năm về trước tôi có gặp bà ta khi người chồng bà ta 52 tuổi ở bệnh viện vào lúc người ta đã tắt các máy trợ sinh. Bà ta nuôi 3 đứa con một mình. Và bà gọi tôi lúc đó để báo tin người con 48 tuổi đột tử trong lúc đang nói chuyện với vợ. Tôi vội đến nhà bà ta để thăm và tôi ngồi bên cạnh Bà đang nức nở khóc. Bà ta nói “Thật là quá đáng cho con, con có thể chịu đựng sự chết của chồng con, nhưng giờ đây thì thật là quá đáng cho con!” Bà ta than vãn rất đau đớn và trách móc Chúa. Trong những trường hợp đau khổ lớn như thế, bà ta cảm thấy đức tin đang bị thử thách. Bà nắm trong tay một cây thánh giá bằng lá dừa con bà cho bà ngày lễ lá trước đó. Ai có thể nói gì với bà được? Rồi bà nắm tay người khác, mân mê cây thánh giá bằng lá, và nhìn xuống đất trước mặt chúng tôi. Bà cố gắng nhớ lại đức tin của mình, cố gắng đặt niềm hy vọng vào lời Chúa hứa sẽ cho con bà sống lại với Chúa Kitô. Chúng tôi cũng như hai người ở mồ chúa Giêsu cố gắng “nhớ lại”. Tôi có cảm tưởng như chúng tôi đang nhìn vào ngôi mộ trống mà không cảm thấy chút nào bớt nỗi đau đớn. Tôi chắc đó là cảm tưởng của các môn đệ ngay sau khi Chúa Giêsu vừa chịu chết thãm và chịu mai táng. Nói gì bây giờ? Làm gì bây giờ? Chúng ta vẫn thấy bị thất bại nặng nề vì kẻ thù.

Trong ngôi mộ tối đen. Và có ai chưa nhìn vào cõi u tối với nhiều đớn đau đâu? Ngay cả khi một người lớn tuổi qua đời cũng làm cho chúng ta đặt nhiều dấu hỏi khi nhìn vào ngôi mộ. Chúng ta cũng biết nhiều ngôi mộ khác như: ngôi mộ của sự tan vỡ hôn phối; ngôi mộ của sự bội phản của bạn thân; ngôi mộ của sự thất bại trong một chương trình; ngôi mộ của những mơ ước bị thất bại; ngôi mộ của bệnh hoạn lâu dài v.v… Và khi nhìn vào những mộ đó, chúng ta khóc, và tự hỏi trong ước vọng: Có cách nào để kéo lại thời gian của những ngày vui trước đây chăng.

Các phụ nữ đến ngôi mộ để ướp xác Chúa Giêsu theo thủ tục địa phương, và đó là dịp chia tay cuối cùng. Đó là việc thường làm đối với người họ thân thương. Họ còn làm gì nữa được? Bà Maria Magdala cũng có đó. Câu chuyện kể trong phúc âm cho biết là Chúa Giêsu đã thay đổi đời bà. Bà ta không phải là người đàn điếm mà người ta gán cho bà. Nhưng bà đã gặp khó khăn và Chúa Giêsu đã thay đổi đời bà. Thánh Luca nói khi bà và các phụ nữ khác đến thấy ngôi mộ trống không họ “phân vân”. Luca là một nhà thơ, nên Luca viết lúc đó trời vừa rạng sáng ngày đầu tiên trong tuần. Có chuyện gì sẽ xảy đến với các bà này. Có ai sẽ thay đổi đời sống họ. Nhưng không xảy ra ngay đâu. Cũng như chúng ta, họ sẽ phải đợi, và lúc chờ đợi đó mới là lúc khó khăn vô cùng.

Ngôi mộ trống chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ là sự trống không. Hãy nhìn vào ngôi mồ đó với các phụ nữ, với bà bạn tôi kể trên có người con vừa bị đột tử. Chúng ta hãy mang đến ngôi mộ trống không ấy tất cả những gì chúng ta đã mất đi trong đời sống chúng ta. Chúng ta không nhìn thấy Chúa Kitô sống lại. Chúng ta không thấy người chết đang sung sướng hưởng đời sống sau với các người thân thương của chúng ta. Ngôi mộ trống không chứng tỏ gì cho các phụ nữ và bà Maria. Nhưng ngôi mộ trống có ý nghĩa mà chỉ có đức tin mới cho chúng ta biết. Hai người đàn ông ở mộ không chứng tỏ về sự sống lại của Chúa Giêsu. Nhưng họ nói “hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà”. Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Ngài đã thay đổi đời sống chúng ta, và đứng bên cạnh những ngôi mộ của chúng ta, chúng ta “nhớ” Chúa Giêsu.

Chúng ta “nhớ” đức tin chúng ta đặt vào Chúa Kitô sống lại bởi sự chết, làm chúng ta thêm can đảm thắng những sự dữ trong đời chúng ta, giúp chúng ta tiếp tục cố gắng làm những gì để sự sống nước trời được thực hiện trong đời sống chúng ta, và giúp chúng ta không chán nản vì sự thay đổi chậm trễ trong đời sống chúng ta và đời sống kẻ khác. Chúng ta nhớ lời Chúa Giêsu khi chúng ta được tin buồn, và khi chúng ta nhìn ngôi mộ của sự chán nản và thất bại: “Tất cả, những ai gánh vác nặng nề, và mang gánh nặng, hãy đến với Ta, và Ta sẽ cho các ngươi nghỉ mệt”. “Đây là mình Ta đã bẻ ra cho các người” “Phúc cho những ai có lòng khó khăn, vì nước trời là của họ”. Chúng ta nhìn vào ngôi mộ trống không với các phụ nữ, và chúng ta nghe lời khuyên bảo của hai người đàn ông mặc áo chói lóa ở đó. Chúng ta nhớ lời Chúa Giêsu nói. Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể là lương thực hàng ngày, là của ăn đường giúp chúng ta sống như lời nói trong phụng vụ ngày hôm nay “chúng ta vui mừng chờ đợi ngày Đức Giêsu Kitô đến”.

FX Trọng Yên, OP chuyễn ngữ
 
Tình yên khơi nên hy vọng Phục Sinh
Lm. Jude Siciliano OP
07:35 01/04/2010
CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C

Cv 10: 34a, 37-43; Tv. 118; Cl 3: 1-4 (or I Cr 5: 6-8) Ga: 20: 1-9

Người “môn đệ Chúa yêu” đóng một vai trò quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng đây không phải là lần đầu người môn đệ này xuất hiện trong Tin Mừng Gioan. Ông không chỉ xuất hiện trong trình thuật nói về ngôi mộ trống, thấy vải liệm được cuốn lại và tin. Ông còn có một lai lịch và chính điều này giúp ông tin ngay lập tức khi nhìn vào ngôi mộ trống. Hẳn chúng ta vẫn nhớ hình ảnh ông dưới chân thập giá khi Đức Giê-su bị đóng đinh đã tin tưởng và trao phó thân mẫu của Người cho ông săn sóc. Ông đã ngồi sát bên Đức Giê-su trong Bữa Tiệc Ly và cùng với Phê-rô, ông nhận tin báo của Ma-ri-a Mác-đa-la về ngôi mộ trống.

Bà Ma-ri-a nghĩ rằng thân xác Đức Giê-su đã bị người ta lấy mất, một kết luận hết sức hợp lý đối với nhiều người chúng ta. Không một ai chờ đợi sự phục sinh! Khi nhận được tin của Ma-ri-a, người môn đệ được yêu đã chạy tới mộ nhanh hơn cả Phê-rô, nhìn vào trong và thấy khăn liệm được xếp gọn gàng. Mặc dù việc khăn liệm được xếp gọn gàng là bằng cớ loại bỏ khả năng thân xác Đức Giê-su bị ăn trộm, nhưng đây vẫn không phải là bằng chứng về sự sống lại. Niềm tin vào sự phục sinh không dựa trên những gì người ta có thể thấy và đo đếm. Người môn đệ này đã không dùng những lý lẽ hay khả năng loại suy để đi đến việc tin. Phải có một điều gì khác nữa, đúng hơn, Một Ai khác.

Người môn đệ này được gọi là “Người môn đệ được Chúa yêu.”

Tin Mừng thậm chí cũng không nói với chúng ta là người môn đệ này có nét đặc trưng khác với mọi người bởi có một tình yêu khác thường dành cho Đức Giê-su, một tình yêu lớn hơn tình yêu của các môn đệ khác. Tình yêu của ông dành cho Đức Giê-su như thế nào, chúng ta không hề biết. Chỉ biết rằng ông là người môn đệ được Chúa yêu. Đúng hơn, ông có được vị trí được ưu ái này là do tình yêu của Đức Giê-su dành cho ông. (chúng ta xem như người môn đệ này là một người nam. Điều chúng ta khám phá được về người môn đệ này chính là tước hiệu “người môn đệ được Chúa yêu” có thể áp dụng cho bất cứ ai trong chúng ta – cả nam lẫn nữ.)

Vậy thì, đâu là kinh nghiệm được yêu giúp hình thành niềm tin nơi người môn đệ này? Để biết mình không được yêu không phải chỉ là công việc của cái đầu, một sự kiện để suy tư thuần lý. Nó là một “sự kiện” lan toả khắp mọi phần thân thể, nghĩa là họ phải cảm nghiệm bằng cả con người. Toàn thể hiện hữu của chúng ta sẽ trở nên sinh động hơn trong sự ấm áp và đượm nồng của tình yêu. Người môn đệ được yêu biết rõ tình yêu của Đức Ki-tô và, mặc dầu rõ ràng biết Đức Giê-su đã chết và được mai táng, một cách nào đó ông vẫn tiếp tục cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Đấng đã yêu ông vẫn còn yêu ông mãi – Ngài vẫn còn sống, bất chấp những gì đã xảy ra trên cây thập giá mà ông thấy. Cho nên, điều khiến cho ông tin không chỉ là những mảnh vải liệm được xếp gọn gàng, mà chính là tình yêu, một tình yêu mãnh liệt ông vẫn luôn cảm nghiệm. Đó ắt phải là một tình yêu diệu kỳ vượt trên tất cả. Bởi lẽ, ông được biết như là “người môn đệ Đức Giê-su yêu” mà. Kinh nghiệm trước tiên của chúng ta với tư cách là những môn đệ là chúng ta được yêu với một tình yêu mãnh liệt hơn cả sự chết. Chúng ta tin trong sự lan toả của tình yêu đó và xác tín rằng không chi có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Ki-tô dành cho chúng ta. Ngay cả tội lỗi và cái chết cũng không thể.

Vì chúng ta vẫn luôn ý thức sâu sắc về tình yêu của Đức Giê-su dành cho chúng ta và tình yêu chúng ta dành cho Ngài, chúng ta cũng tin vào sự phục sinh. Ngài vẫn còn sống và chính tình yêu chúng ta vẫn đang cảm nghiệm khẳng định điều đó. Chúng ta tin rằng chúng ta vẫn đang được ôm ấp trong tình yêu kỳ diệu này –chúng ta đang được hưởng sự sống đời đời, cả khi chết và sau cái chết.

Vậy chẳng phải là chúng ta sẽ sống mãi sao?

Nó có nghĩa là ngay tại đây và lúc này cái chết không có quyền gì trên chúng ta. Chúng ta đã được biết đến một sự sống được tái sinh. Sự sống chúng ta được hưởng trong Đức Ki-tô. Trong Tin Mừng Gio-an, thấy là thấy bằng con mắt đức tin. Cùng với người môn đệ Chúa yêu chúng ta cũng “thấy và tin.”

Chẳng phải mỗi người chúng ta vẫn nhìn vào một ngôi mộ dạng này hay dạng khác sao? Khi nhìn vào như vậy, chúng ta có khi nào bị cám dỗ không tin chưa? Chúng ta vẫn thấy cái chết và những thi hài: trong bản tin buổi chiều, trên internet, hay báo đài…

Có nhiều bằng chứng cụ thể chống lại niềm tin của chúng ta nơi sự mạnh mẽ của tình yêu trổi vượt trên cái chết. Nơi ngôi mộ trống, người môn đệ biết tình yêu của Thầy mình, vậy thì ngày nay tình yêu đó ở đâu nơi đời sống của rất nhiều người đang sống trong cảnh tuyệt vọng. Chắc chắn họ không thể cảm nghiệm được tình yêu đó dưới bàn tay của các chế độ độc tài, các chính phủ thối nát, hủ bại, các cuộc xung đột sắc tộc và các nhóm tôn giáo, các tập đoàn quốc tế đến chiếm đất và tài nguyên của họ… Ngay cả rất nhiều người trong chúng ta, những con người đang chịu cảnh thất nghiệp, bạo lực, bất công cũng không đủ tự tin để nói rằng mình vẫn được yêu.

Qua đời sống của Đức Giê-su, chúng ta đã nhận biết tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho chúng ta và giờ đây có thêm cơ hội được củng cố trong tình yêu đó nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta phải ý thức rằng đã đến lượt chúng ta phải đặt thịt máu mình vào tình yêu – như Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong Đức Ki-tô. Giờ đây chúng ta rời khỏi ngôi mộ trống, nhìn và mang theo những gì mình tin – Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Nhưng chúng ta phải tự vấn rằng: liệu nhận thức đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới cách chúng ta đối xử với người khác? Liệu lời nói và việc làm của chúng ta có giúp họ nhận ra Thiên Chúa yêu họ biết bao không?

Chẳng phải qua việc chúng ta tha thứ cho họ, băng bó vết thương cho họ sao? Chẳng phải đó là việc chúng ta đồng hành với họ khi họ bị lạm dụng hay bị lợi dụng sao? Chẳng phải việc chúng ta chia buồn với họ bên mộ phần người thân của họ sao? Chẳng phải đó là việc đến chăm nom và trợ giúp khi những người khác bỏ rơi không quan tâm, săn sóc họ sao?

Nơi ngôi mộ trống, nhìn vào những hệ luỵ sau cái chết, đường như Đức Giê-su luôn vắng mặt: khi kế hoạch của chúng ta thất bại, tương quan bị mất, sự sống đang rời bỏ chúng ta từng ngày, bệnh tật thắng thế, hôn nhân đổ vỡ… Những ngôi mộ của sự chết và thối nát ra như luôn đeo bám ta suốt cuộc đời và luôn chiếm ưu thế. Nhưng ngôi mộ của Đức Giê-su không chứa đựng sự chết và hư hoại – Nó là một ngôi mộ trống. Đối với các tín hữu, ngôi mộ trống là một dấu hiệu tràn đầy hy vọng và hứa hẹn. Nơi ngôi mộ trống của Đức Giê-su, có nhiều điều mà mắt thường không thấy: các môn đệ được yêu là những người thấy bằng con mắt đức tin, đã tin và rời khỏi ngôi mộ để sống trong một niềm hy vọng và một tình yêu thực hành.

Chúng ta đừng quên Phê-rô. Bài đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay chỉ là một phần trong bài giảng quan trọng của ngài. Thánh Luca dành khá nhiều không gian cho bài diễn từ này (10,1–11,8) như thể để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Bài đọc hôm nay cho thấy cách rõ ràng việc Phê-rô tuyên xưng đức tin ở nhà ông Co-nê-li-ô. Co-nê-li-ô và mọi người nhà của ông đều là dân ngoại và sắp được lãnh phép rửa. Phê-rô đang đáp lại lời chăn trối của Đức Giê-su trước lúc ra đi trong Tin Mừng Luca, tin mừng phải được loan báo cho hết mọi dân nước ( 24, 47-49).

Phê-rô đang bày tỏ những thay đổi sự kiện phục sinh tạo ra nơi ông và cộng đoàn các tín hữu tiên khởi. Sự hiểu biết của ông về Thiên Chúa ngày càng gia tăng. Giờ đây ông nhận ra rằng sứ điệp cứu độ luôn mở rộng với những ai “làm chứng” Đức Giê-su là “Đấng được Thiên Chúa chỉ định làm Đấng xét xử kẻ sống và kẻ chết.” Phê-rô và các tín hữu tiên khởi đi đến nhận thức rằng Đức Giê-su là Đấng cứu độ phổ quát: Một dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, cho dù họ có khác biệt và cách xa với Phê-rô và công đoàn tín hữu nguyên thuỷ bao nhiêu đi nữa.

Phê-rô cho thấy ông tin vào sứ điệp này và mong muốn công bố cho mọi người. Vậy thì điều gì đã tiếp thêm sự can đảm cho Phê-rô để ông nói một cách đầy uy quyền về sự thành toàn của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su? Làm sao ông có thể đoan chắc rằng Thiên Chúa muốn vượt ra ngoài dân được chọn để đến với “mọi dân nước”? Ông không trưng dẫn bất cứ “bản băn làm bằng chứng” nào từ truyền thống. Thay vào đó, ông khẳng định vai trò chứng nhân, “người được Thiên Chúa chọn trước, cùng ăn cùng uống với Đức Giê-su sau khi Người trỗi dậy từ cõi chết.” Ông là một chứng nhân, đã làm chứng cho điều chính bản thân ông cảm nghiệm.

Thế còn ông Co-nê-li-ô, gia đình và các thế hệ con cháu của những người được rửa tội thì sao? Chẳng phải họ không chia sẻ kinh nghiệm của Phê-rô; họ không phải là những chứng nhân mắt thấy tai nghe sao? Qua việc đón nhận lời chứng của Phê-rô, họ đã trở thành thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên, chứ không phải thứ hai. Như chúng ta vẫn nói, “Thiên Chúa không có cháu.” Những ai tin thì thuộc về thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên, chúng ta là con cái Thiên Chúa, được sinh ra nhờ nước qua Thánh Thần. Chúng ta cũng là những Ki-tô hữu chính thống như Phê-rô, người môn đệ Chúa yêu và cộng đoàn những người đầu tiên cảm nghiệm Đức Ki-tô Phục Sinh.

Vì lời chứng chúng ta nghe đến từ những người làm chứng cho sự phục sinh, chúng ta cũng cần nhìn vào ngôi mộ trống, “để thấy và tin.” Chính đôi mắt và đôi tai chúng ta phải được mở ra để ta có thể nhận biết Đức Ki-tô Phục Sinh ngay trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

Giờ đây, chúng ta trở thành những chứng nhân, chúng ta sẽ diễn tả những chứng từ mà bản thân kinh nghiệm về sự phục sinh như thế nào đây? Chính là qua việc trao ban những gì chúng ta đã đón nhận, đó là trao ban sự tha thứ và tình yêu cho những ai chưa tìm thấy.

Anh Em HV Đaminh chuyển ngữ.
 
Tiếp nhận và biến đổi
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:35 01/04/2010
Tiếp nhận và biến đổi

Hằng năm vào ngày thứ năm tuần thánh, Giáo hội dâng thánh lễ Misa tưởng nhớ diễn lại bữa tiệc ly Chúa Giêsu đã mừng với các Môn đệ. Trong bữa tiệc ly này, Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh mục.

Trong mỗi Thánh lễ Misa những Lời Chúa Giêsu nói, cung cách cử chỉ của Chúa làm và dấu hiệu hình thể Bánh và rượu luôn hằng được ghi nhớ lập lại đúng như ngày xưa Chúa Giêsu đã làm: “ Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”

Chúa Giêsu đã cử hành Bí tích Thánh Thể như thế nào trong bữa tiệc ly?

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Giáo đoàn Côrinthô đã viết thuật lại “ điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” (1 cor 11:23-26)

Người bẻ tấm bánh

Khi diễn tả Người bẻ tấm bánh ra không chỉ thuật lại một cử chỉ hành động, nhưng còn muốn nói đến điều ẩn chứa đàng sau mang tính cách mạnh bạo của vũ lực.

Điều đó nhắc nhớ đến Chúa Giêsu bẻ tấm bánh ở đây với các Môn đệ, và sau bữa tiệc ly chính Ngài cũng bị bẻ gẫy ra lá bị đánh đòn, chịu đóng đinh vào thập gía.

Điều này nhắc nhớ đến tình yêu cao cả tự nguyện hiến thân chịu bị bẻ gẫy của Chúa Giêsu. Và nhờ đó vòng xích hận thù ăn miếng trả miếng giữa con người được bẻ gẫy tháo cởi ra, ngày xưa cũng như hôm nay.

Tấm bánh bị bẻ gẫy trở thành tấm bánh thánh thể tình yêu Chúa cho tâm hồn đức tin con người.

Người cầm chén rượu

Chất rượu nho không chỉ là dấu chỉ của sự vui vẻ mừng rỡ cho bữa tiệc, nhưng trứơc đó những trái nho chín đã bị bẽ gẫy nghiền nát để trở thành rượu. Trên thập gía thân xác Chúa Giêsu bị chọc đâm thủng cho nước và máu từ thân xác ngài chảy ra thành dòng.

Máu Chúa Giêsu đổ ra để lập giao ước mới nói lên dấu chỉ sống động: Thiên Chúa nối liền mối tương quan với con người chúng ta trong đời sống và trong sự chết của Chúa Giêsu. Mối tương quan này, giao ước này không bị bẻ gẫy và ngay cả sự chết cũng không bẻ gẫy chúng được.

Sự dấn thân hy sinh của Chúa Giêsu là sợi dây giữ cho sự tương quan giữa Thiên Chúa và con người được thắt chặt bền vững.

Thánh lễ Misa và những đổ vỡ bẻ gẫy

Chúng cảm nhận ra như thế. Nhưng những dấu chỉ chứng tích tình yêu của Chúa Giêsu mang đến ý nghĩa gì cho đời sống chúng ta?

Những bẻ gẫy đỗ vỡ trong đời sống con người chúng ta như về niềm hy vọng, về nếp sống gia đình, về mối tương quan giao hảo con người với nhau, về sức khoẻ, thì sao?

Thiên Chúa qua sự hy sinh dấn thân của Chúa Giêsu đến chịu chết đã tiếp nhận những đổ vỡ bẻ gẫy của chúng ta. Ngài đã không chỉ nhìn những đổ vỡ bẻ gẫy, những rạn nứt của đời sống chúng ta, nhưng Ngài đã qua Chúa Giêsu cùng sống chịu đựng với con người chúng ta.

Sự trung thành của Thiên Chúa đã biến đổi đổ vỡ bẻ gẫy của chúng ta thành một điều chung toàn diện mới.

Vì thế, mỗi khi tham dự cử hành Bí tích Thánh Thể chúng ta được đến trứơc mặt Chúa với những đổ vỡ bể gẫy đời mình.

Thánh lễ Misa không phải là bữa tiệc mừng của những thánh nhân, của những người hòan hảo, nhưng là bữa tiệc của những người có đời sống đổ vỡ, bị bẻ gẫy, bị coi thường đẩy ra ngoài.

Về phương diện này, thiết tưởng tất cả mọi người đều có một điểm chung trong đời sống. Vì nào đã có ai, là con người, một lần trong đời mình chưa hay không bị đổ vỡ, bẻ gẫy, hay bị coi khinh đâu?

Thánh Augustinô đã có suy tư về việc tiếp rước phép Bí tích Thánh Thể:

“ Anh em hãy đón nhận như anh em là: Mình Chúa Giêsu Kitô. Có thế anh em mới trở thành điều anh em đón nhận: Mình Chúa Giêsu Kitô”

Thứ năm Tuần Thánh 2010
 
Một nhân loại thuộc quyền Thiên Chúa
Jos. Tú Nạc, NMS
09:04 01/04/2010
DUY NHẤT MỘT NHÂN LOẠI THUỘC QUYỀN THIÊN CHÚA

Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C – (Acts 10: 34, 37-34; Psalm 118; Colossians 3: 1-4; John 3: 1-4)

Thiên Chúa đã cứu vớt một phần sự mặc khải của Người tuyệt diệu và ngạc nhiên nhất trong Chúa Giê-su cho đến lúc cuối cùng. Thánh Phao-lô đã khắc sâu lời tuyên bố xa xưa của tin mừng: những kỳ công tuyệt vời và uy quyền của Chúa Giê-su đã thực hiện cùng nhiều hành động của lòng từ bi và nhân ái đã bắt nguồn từ Người.

Câu chuyện buồn vời vợi với sợ hãi và âu sầu, vì Người đã bị bắt và bị giết. Nó đã kết thúc với sự kỳ diệu, hân hoan và vô cùng sửng sốt – Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết và đã xuất hiện trước các môn đệ của Người và đã được chỉ định bởi Thiên Chúa như vị thẩm phán của sự sống và cái chết. Đây là tin mừng mà đang được loan truyền nhanh chóng khắp xứ Judea và kích động đến biết bao con tim cháy bỏng.

Nhưng về hai vần thơ đã bị sót trong đoạn trích kinh giảng. Lý do thực tế về sự thắc mắc và ngạc nhiên của Thánh Phê-rô thật rõ ràng. Ông đang trong ngôi nhà của Cornelius – người sỹ quan bách quản La Mã, tà đạo, đang căm ghét quân đội với sự cầm quyền đất nước bằng vũ lực – và ở đó, Thiên Chúa đã cho anh ta một quyết tâm đặc biệt. Với một giây lát suy nghĩ, Phê-rô bất ngờ thốt lên bây rằng giờ anh ta mới hiểu cặn kẽ Thiên Chúa tuyệt đối không thành kiến – bất kỳ một người nào trong một quốc gia nào mà thực hiện những gì là lẽ phải thì có thể được Thiên Chúa đón nhận. Điều này có thể xem như không đáng chú ý đối với chúng ta ngày nay nhưng nó hoàn toàn choáng váng và thách thức vào thời điểm đó. Mặt khác, như bây giờ nó có thể gây sốc nếu tất cả những hàm ý của nó được hiểu một cách đầy đủ. Trong một khoảnh khắc, ông sẽ chứng kiến sự mủi lòng đối với Cornelius và toàn bộ hộ gia đình của anh ta và với Thiên Chúa mà trong một động thái ấn tượng rằng thậm chí với dân ngoại cũng bao gồm trong kế hoạch của sự cứu rỗi. Không một người nào hoặc một nhóm nào có quyền đòi hỏi đặc biệt vào Thiên Chúa; mà duy nhất có một nhân loại và một Thiên Chúa.

Cố gắng tim kiếm những điều như trên, là nơi Đức Ki-tô. Điều này không nên hiểu theo những mối quan hệ không gian vì Chúa Giê-su không ở một nơi nào đó trên bầu trời cũng chẳng phải là những điều mà họ cố công tìm kiếm. Không có viễn vọng kính Hubble hoặc điều kiện thử nghiệm không gian nào truy thu được những vật thể thuộc những yêu cầu của chúng ta, vì tất cả những thứ mà chúng ta ra sức truy tìm thì ở ngay trong chúng ta và ở giữa chúng ta. Những không gian ẩn dụ này diễn tả mức độ của mối giao hòa với mạch nguồn thiêng liêng thánh thiện – Thiên Chúa. Công việc tìm kiếm những sự việc cao cả chỉ là một tiến trình của những thói quen, ý kiến, định kiến và các giá trị giả định, đặt trọng tâm và trái tim của loài người sai lệch về Đức Ki-tô. “Những sự việc cao cả” không phải là sự mở rộng hoặc hình ảnh phản chiếu về “những sự việc” của chính chúng ta. Chúng được bảo đảm để biến đổi thế giới nhỏ bé của chính chúng ta đảo lộn từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.

Nhiều người đã nhấn mạnh rằng ngôi mộ trống là ý nghĩa trung tâm của thông điệp Ki-tô giáo. Nhưng ngôi mộ trống muốn nói lên điều gì? Cuộc chạy đua gấp gáp đến nấm mộ bỏ trống rằng đó là sự trống rỗng thực tế và Chúa Giê-su không biết ở nơi đâu để tìm kiếm. Vải vóc được cuốn lại một cách cẩn thận cho thấy rằng những gì xảy ra đã được sắp xếp kỹ lưỡng và có chủ tâm. Không giống như sự tường thuật trong ba Tin Mừng khác. Không có một thiên sứ nào trong nấm mộ để làm sáng tỏ vấn đề cho họ. Họ rời ngôi mộ với tâm trí rối bời, vì lẽ câu chuyện kể cho chúng ta họ chưa hiểu rõ sự phục sinh của Chúa Giê-su từ cõi chết. Họ đã thấy ngôi mộ trống nhưng vào thời điểm ấy điều đó hầu như không tác động đến đời sống của họ, trong một cảm giác nhiều người chia sẻ trải nghiệm đó – họ tin vào sự phục sinh nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống của nó chỉ là số không.

Mary Magdelene là người mà một phần của ý nghĩa được tiết lộ. Khi tiếng nói của Chúa Giê-su cuối cùng phá vỡ nỗi sầu đau và than khóc của bà, Người đã tạo cho bà một sứ vụ quan trọng. Bà phải mang thông điệp sau đến mọi người: ta đang vươn lên tới Cha ta và cha của anh em, Chúa của ta và Chúa của anh em. Điều này thoạt đầu nghe hoàn toàn vô vị. Nhưng nó đại diện cho một sự quan hệ rất khác giữa nhân loại và Thiên Chúa. Trong suốt Tin Mừng của Thánh Gio-an, Chúa Giê-su của Gio-an đã nhiều lần tuyên bố rằng, Người là người duy nhất thấu hiểu Thiên Chúa hoặc là người đã sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã nói đến Thiên Chúa với tư cách là “Cha ta” trong một cảm giác tối thượng. Nhưng giờ đây – như một kết quả về sự phục sinh của Người và trở về với Đức Chúa Cha – chúng ta giờ đây cũng được mời gọi để sẻ chia chung mối quan hệ với Thiên Chúa như Chúa Giê-su. Người là Cha và cũng là Chúa chúng ta, và rằng tạo cho Chúa Giê-su anh em của chúng ta và những người khác anh em của chúng ta.

Sự trải nghiệm của Lễ Chúa Phục Sinh – không phải chỉ tin tưởng vào đó – biến đổi và cho phép chúng ta để nghĩ và sống theo một đường lối mà nó phản ảnh sự hiệp nhất của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau trong chúng ta.

(Nguồn: Regis College - The School of Theology)
 
Phục Sinh, ngày lễ của sự sống
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:21 01/04/2010
Phục Sinh, ngày lễ của sự sống

Dưới đây xin gửi tới quý vị độc giả bài chia sẻ trong dịp Đại Lễ Phục Sinh năm ngoái 2009 của đức cha Jean-Pierre Grallet, Tổng Giám Mục giáo phận Strasbourg, Pháp:

Cuộc sống càng bị đe dọa bởi sự xuất hiện những trào lưu của những tâm thức, những nền pháp chế, những điều kiện hóa kinh tế hay khí hậu, thì lại càng tốt để được mừng Đại Lễ Phục Sinh, Ngày Lễ của Sự Sống.

Sự sống lại của Đức Kitô trong buổi ban mai Phục Sinh mang đến cho chúng ta một sứ điệp có giá trị vào mọi thời, nhưng đồng thời sứ điệp ấy cũng đòi hỏi cần được lãnh nhận, tìm hiểu và loan báo cho đến tận khi tràn đầy sức biểu lộ của nó: sự sống mạnh hơn sự chết; Dũng lực của thần chết, theo dáng bề ngoài có vẻ thắng thế, tuy nhiên đấy không phải là lời kết cuối cùng, vì tương lai luôn thuộc về sự sống. Sự chết đã bị chinh phục, Đức Kitô muôn đời hằng sống.

Sứ điệp kỳ diệu và đầy quyền năng này có tác dụng cứu giúp tất cả mọi con người, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào:

- Loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các bệnh nhân, là mở ra cho họ một niềm hy vọng: những đau khổ bệnh tật mà họ mang vác rất hệ trọng và nhức nhối ấy không hề là dấu chấm hết đối với tất cả. Đấng Phục Sinh đã chiến thắng sự dữ, đau khổ và sự chết. Với tư cách là « trưởng tử giữa bầy em đông đúc », Ngài dẫn đưa tất cả nhân loại đi theo mình và mở ra cho chúng chân trời của một đời sống mới. Đó là tâm điểm của đức tin Kitô giáo, đó là nguồn hy vọng và nguồn can đảm của chúng ta mỗi khi đối diện với những cảnh bất hạnh trong cuộc sống.

- Loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho những người có trách nhiệm đối với đời sống công ích, kinh tế, xã hội, đó là khích lệ họ phát huy tất cả những hành động để bảo vệ sự sống và làm cho nó triển nở. Nếu tồn tại một nguyên lý an toàn, thì đó chỉ có thể là đem lại cho sự sống được vững chắc hơn và hạnh phúc hơn.

- Loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho thế hệ trẻ, đó là vén mở cho chúng một chân trời ló dạng và nói cho chúng về một niềm hy vọng. Cho dù xã hội đang bị hứng chịu bởi cuộc khủng hoảng sâu sắc, thì niềm hy vọng không được lãng quên. Những cuộc khủng hoảng hôm nay, chúng ta chắc chắn như vậy, không thể nào chống lại sự phát triển của hữu thể nhân loại, được khai mào bởi Đức Kitô Phục Sinh.

- Loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho những ai không cùng niềm tin với chúng ta, là giới thiệu cho họ một con đường xác tín: Thiên Chúa trao phó cho chúng ta kho tàng sự sống.

Ngài đặt sự sống ấy vào đôi tay mong manh của chúng ta và mời gọi chúng ta lan truyền nó đi. Một khi tin tưởng sâu sa vào sức mạnh của sự sống, chúng ta không thể đầu hàng khi đối diện với thế lực của sự chết.

Thế thì, trong thế giới khủng hoảng này, mỗi người chúng ta lo lắng một cách hết sức chính đáng đến sự tiến triển của mình, của gia đình và người thân. Điều chính yếu hệ tại ở chỗ đón tiếp và khích lệ tất cả những dấu chỉ của sự sống, tình yêu và đổi mới như: sự chào đời của một trẻ thơ, một đóa hoa tươi xinh, một cử chỉ tương thân tương ái, một hợp đồng ký kết, một vũ khí vứt bỏ, một lời xin lỗi bộc bạch, một tình yêu tặng ban, một giọt lệ được lau khô… Phục Sinh, ngày lễ của sự sống.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
 
Thứ Sáu Tuần Thánh: Thập Giá Nở Hoa
Lm Anmai, CSsR
09:25 01/04/2010
Thứ Sáu tuần Thánh

(Is 52, 13-53,12, Hr 4, 14-16; 5, 7-9, Ga 18, 1-19,42)

Thập giá nở hoa

Hôm nay là ngày đặc biệt nhất trong năm Phụng Vụ. Hôm nay Hội Thánh không cử hành phụng vụ Thánh Thể như mọi ngày nhưng hôm nay cử hành phụng vụ Thánh Giá. Thánh Giá hôm nay được giương cao, Thánh Giá hôm nay được suy tôn và kitô hữu hôm nay thờ lạy Thánh Giá. Đỉnh điểm của phụng vụ hôm nay là phần mở Thánh Giá và hôn kính Thánh Giá.

Thường người ta dùng thập giá để treo cổ, để xử tử những tên phạm tội tày đình. Chúa Giêsu trong buổi chiều tím màu ấy cũng đã bị người ta đối xử như phường trộm cướp vậy. Người ta xử với Chúa Giêsu như là một tên trộm nhưng sự thực Chúa Giêsu là người vô tội. Chúa Giêsu vô tội mà Chúa Giêsu lại đón nhận cái chết một cách nhục nhã ấy nên cái chết của Chúa Giêsu càng có ý nghĩa và thập giá của Chúa Giêsu không còn là thập giá nở hoa. Thập giá ấy không còn là thập giá bình thường nữa nhưng thập giá ấy đã mang trên mình một thân mình, một con người Thánh.

Con người Thánh ấy đến trong cõi nhân sinh này mang một ý nghĩa hết sức tuyệt vời là vâng theo thánh ý của Cha mình. Con người Thánh ấy đã được tiên báo từ ngàn xưa nơi môi miệng của các ngôn sứ.

Hình ảnh của các ngôn sứ trong Thánh Kinh phảng phất hình ảnh của ngôn sứ mới Giêsu.

Một trong những hình ảnh hết sức đẹp tiên báo hình ảnh ngôn sứ Giêsu đó chính là Isaia. Chúng ta nhớ lại tự sự của Isaia:

Đức Chúa là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
Đức Chúa Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. (Is 50, 4-7)

Sau lời trần tình như thế, Isaia còn nói cho chúng ta biết về hình ảnh, về thân phận bi đát của người tôi trung của Thiên Chúa:

Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh,
như khúc rễ trên đất khô cằn.
Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong
đáng chúng ta ngắm nhìn,
dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích.
Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.
Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng. (Is 53, 2-12)

Tất cả những gì mà Isaia tiên báo ấy nay đã trở thành sự thật nơi cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà thánh Gioan vừa thuật lại.

Chúa Giêsu ngày hôm nay trong trình thuật thương khó như vị Thượng Tế tiến vào thiên cung. Vị Thượng Tế này không hề giống với một vị thượng tế cũ này hay bao nhiêu vị thượng tế ở trần gian. Vị Thượng Tế này độc nhất vô nhị và đáng tin cậy hoàn toàn vì Ngài đã vui vẻ, đã đón nhận cuộc khổ nạn mà Thiên Chúa Cha mời gọi.

Qua cuộc khổ nạn này, chúng ta thấy Chúa Giêsu hết lòng vâng phục Thiên Chúa Cha là Đấng có quyền cứu thoát Ngài khỏi chén đắng, khỏi cái chết. Cũng chính nhờ lòng vâng phục tuyệt vời ấy Ngài trở nên phương cách để cứu độ cho bất cứ ai tỏ lòng vâng phục Ngài.

Thuở ban sơ, con người phạm tội vì bất phục tùng Thiên Chúa và ngày mỗi ngày càng vấp phạm với cái tội bất tuân ấy. Chúa Giêsu khác con người bình thường là Ngài đến và Ngài gánh vác tất cả tội luỵ của trần gian bằng thái độ vâng phục thánh ý của Cha. Sự vâng phục ấy đỉnh điểm chính là cái chết trên thập giá.

Nói đơn giản như Thánh Phaolô, vì sự bất tuân của một người mà cả nhân loại chịu chết thì nay, nhờ sự vâng phục của một người mà cả nhân loại được cứu sống. Loài người bị hư đi vì quả của cây trái cấm thì nay nhờ quả phúc của cây thập giá con người được cứu độ. Thập giá của Chúa Giêsu nay đã trổ hoa, trổ trái ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa Giêsu đã trở nên vinh hiển và vinh hiển một cách tuyệt đỉnh nhờ bài học đón nhận khổ đau trong tâm tình vâng phục và khi ấy quả phúc của cây thập giá lại dẫy tràn..

Ngày hôm nay chúng ta hãy nhìn lên thánh giá mà suy gẫm rằng: Cái thân xác rướm máu ấy chính là kết quả, là nạn nhân của tội lỗi con người. Thân xác rướm máu ấy chính là hình ảnh của người tôi trung gánh tội trần gian. Nhìn lên thánh giá ấy chỉ có những lòng dạ chai đá mới không nhìn ra mình là người đã góp một phần cho con người ấy đau đớn hơn, con người ấy rướm máu hơn.

Và, đi xa hơn một chút, như Chúa Giêsu đã nói: “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”, chúng ta cũng hãy để Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá kéo chúng ta lên với Ngài. Khi Ngài kéo chúng ta lên cũng là kéo cái thân xác nặng nề tội lỗi của chúng ta xa cách với cái con người cũ, con người lỗi tội.

Hôm nay, chúng ta quây quần bên cây Thánh Giá và Hội Thánh mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Đấng mà chúng ta đã đâm thâu vì tội lỗi chúng ta. Khi nhìn lên con người chịu chết treo trên Thánh Giá ấy, chúng ta đấm ngực xưng thú tất cả những yếu đuối của phận người và khẩn khoản nài xin Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Nhờ máu và nước từ cạnh sườn của Chúa đã lan tràn ơn cứu độ cho nhân loại, chúng ta cũng hãy đến để xin Máu và Nước từ cạnh sườn ấy tẩy rửa con người tội luỵ của chúng ta.

 
Đây là cây Thánh gía nơi treo Đấng cứu độ trần gian!
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
10:20 01/04/2010
Đây là cây Thánh gía nơi treo Đấng cứu độ trần gian!

Hằng ngày chúng ta làm dấu Thánh gía trước và sau khi đọc kinh cầu nguyện cùng trong thánh Lễ, trước và sau bữa ăn, trước khi đi ngủ lúc ban tối, khi thức dậy lúc ban sáng, và còn trong nhiều hoàn cảnh khác nữa trong đời sống.

Rồi trên nóc các Thánh đường Công Giáo, trong nhà thờ, cũng như ở nhà tư của người Công Giáo, cũng đều dựng treo cây Thánh Gía Chúa Giêsu. Đây là dấu hiệu của đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng là con Thiên Chúa.

Nơi nghĩa trang trên nấm mồ người Công Giáo cũng có dựng cây Thánh Gía. Dấu hiệu này nói lên đức tin của người đã qua đời ngày xưa lúc còn sống. Và bây giờ họ đã ra người thiên cổ, nhưng Thánh gía Chúa Giêsu vẫn hằng đứng chiếu dọi trên nấm mồ của họ.

Nếp sống đức tin đó ăn sâu thấm nhập vào trong tâm hồn trí khôn người tín hữu Chúa Giêsu Kitô.

Hay đó đây ở nhiều nơi trên những ngọn đỉnh núi cao người ta cũng dựng cây Thánh Gía, như mốc điểm hướng dẫn cho người đi tìm đường leo lên đỉnh núi cao.

Phải chăng dấu Thánh gía là một bùa phép bí hiểm gì? Phải chăng dấu Thánh gía muốn nói lên điều gì về đức tin của người Kitô giáo?

Hình tượng thập gía trong đời sống

Khi nói hay nghĩ đến thánh gía, ta nghĩ hình dung ngay đến hình chữ x hay hình chữ thập +. Có nhiều kiểu hình thức thánh gía từ xưa còn lưu truyền lại như hình bánh xe mặt trời; hình thánh gía chéo như chữ X, quen gọi là thánh gía Thánh Andrê, thánh gía Oxthodox giống như chữ Tau trong mẫu tự chữ Hylạp.

Alfons Rosenberg khi suy tư về thánh gía đã có suy niệm: Thánh gía là dấu hiệu cổ xưa lâu đời nhất về sự cứu rỗi giải thoát của con người. Dấu hiệu biểu trưng này vừa mang tính thần thánh linh thiêng, vừa bao quát tất cả.

Hình tượng thập gía có bốn phía vẽ chỉ phương hướng của gío, của trời đất cũng như của bốn mùa, những khái niệm căn bản về khoa học tự nhiên theo như thời thượng cổ hiểu quan niệm và của bốn Phúc âm.

Hình tượng thập gía như hình bánh xe mặt trời là dấu hiệu của ánh sáng và sự sống, của sáng tạo và hợp nhất; đó cũng là dấu hiệu của con người và của liên đới tương quan với thế giới.

Ý nghĩa nguyên thủy của thập gía vừa vươn lên tới ánh sáng trên nền trời và vừa trải rộng ra tới con người. Hình ảnh này vẽ lên chiều dọc thẳng đứng từ đất lên tới trời cao, và chiều ngang chân trời bằng phẳng và cả hai chiều gặp nhau ở một điểm hội tụ.

Nhưng hình tượng thập gía, theo suy nghĩ về tâm lý, vẽ nói lên điều gì đối chọi với nhau: chiều ngang chân trời tượng trưng cho nữ tính, kiên trì và bao quát; còn chiều thẳng đứng nói về nam tính, ước vọng vươn lên và có tính nóng nảy hung bạo. Cả hai chiều phải gặp nhau hội tụ ở điểm trung tâm, có thế mới giữ thăng bằng được.

Ngay trong thân thể mỗi con người chúng ta cũng mang hình tượng dấu vết của thập gía suốt đời mình. Theo sinh vật học, bộ xương cách trí của con người chúng ta đứng tạo thành hai hình thập gía: phần bên dưới có xương mông và cột xương sống, phần bên trên có xương vai và xương lồng ngực và xương cột cổ họng. Phần xương chữ thập bên dưới tựa như rễ cây ăn sâu xuống đất giữ cho cây đứng vững cùng thẩm hút nhựa sống thức ăn cho cây. Đây là biểu tượng về triển nở phát triển về chín mùi trưởng thành, về sức mạnh dẻo dai chịu đựng. Còn phần xương chữ thập bên trên mềm dẻo di chuyển xoay hướng theo ánh sáng cùng mặt trời. Cả hai phần trên và dưới của chữ thập có cùng một điểm hội tụ gặp nhau liên kết lại thành một.

Thập gía trong luật pháp

Ngày xưa thập gía là một dấu hiệu và dụng cụ để phạt đóng đinh những người bị lên án. Đó là dấu hiệu nói về hình phạt xỉ nhục hạ phẩm gía xuống tận cùng.

Chúa Giêsu như trong thư của Thánh Phaolo đã viết: Người tự hạ mình và vâng lời cho đến chết, chết trên thập gía” ( Philip 2,8)

Nhưng từ khi Chúa Giêsu bị đóng đinh chết thập gía và sống lại, cây thập gía đã biến thành cây thánh gía. Nó không còn là dấu chỉ của thất bại nhục nhã của sự chết, của tối tăm đen tối trong đời sống con người nữa. Nhưng thánh gía đã có một ý nghĩa khác tích cực: đó là ơn cứu chuộc, sự chiến thắng tội lỗi, như trong ngày thứ Sáu tuần thánh, Giáo Hội Công Giáo suy tôn Thánh gía Chúa Giêsu: Đây là cây Thánh gía nơi treo đấng cứu độ trần gian! đã hát ca tụng.

Cây Thánh gía Chúa Giêsu không còn là dấu chỉ sự kinh khiếp hãi hùng của hình phạt sự chết, nhưng đã trở thành cây mang lại sự sống ơn cứu chuộc do Chúa Giêsu mang lại cho con người.

Và Cây Thánh gía Chúa Giêsu trở thành dấu hiệu đức tin của người Kitô giáo. Dấu hiệu đó ẩn hiện trong đời sống con người và cả trong nền văn hóa cùng trong trời đất nữa.

Cây Thánh gía Chúa Giêsu

Ðức Thánh Cha Benedictô thứ 16. khi còn là Hồng Y Giuse Ratzinger đã có suy tư về dấu Thánh gía như sau:

„Dấu Thánh Gía của người Kitô hữu trước sau luôn là lời cầu nguyện căn bản trong đời sống. Dấu Thánh gía là cách tuyên xưng tin nhận Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh trên thập gía qua cử chỉ biểu lộ ra bên ngoài trên thân thể.

Lời tuyên xưng và cung cách đó phù hợp với chương trình niềm tin như Thánh Phaolô tuyên tín: „ Chúng tôi rao giảng một Chúa Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, và người dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Ðấng ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (1 cor 1,23-24). Và „ tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô, Ðấng bị đóng đinh trên thập gía. (1 cor 2,2)

Lấy Dấu Thánh gía làm ấn đóng, là dấu chỉ công khai tuyên xưng ưng thuận với Ðấng đã chịu khổ hình cho con người chúng ta với Ðấng đã sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng chính sự sống thân xác đời mình cho tới tận cùng;

với Ðấng cai trị không phải bằng quyền năng sức mạnh hủy diệt, nhưng qua sự khiêm hạ vâng lời chịu đau khổ vì tình yêu. Chính tình yêu đó mạnh hơn tất cả quyền lực trần thế và khôn ngoan hơn mọi sự thông minh của con người.

Dấu Thánh gía là lời tuyên xưng đức tin: Tôi tin vào Ðấng đã chịu đau khổ cho tôi và đã sống lại; vào Ðấng đã biến đổi dấu hiệu của sự ô nhục khinh chê thành dấu chỉ niềm hy vọng và thành dấu hiệu tình yêu Thiên Chúa hiện diện giữa con người.

Lời tuyên xưng đức tin đó là lời tuyên xưng niềm hy vọng: Tôi tin Ðấng từ một người yếu đuối thành đấng toàn năng; Ðấng dường như vắng mặt và dường như không có sức mạnh quyền hành gì, nhưng lại có khả năng cứu độ tôi.

Khi chúng ta vẽ Dấu Thánh gía trên thân thể mình là chúng ta đặt mình dưới sự che chở bảo vệ của Thánh gía. Khác nào như một tấm hình hay lá chắn giúp ta trong những lúc gặp khó khăn, và giúp thêm can đảm cố gắng tiến lên về phía trước. Thánh gía là người dẫn đường đi trước trong đời sống: Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình vác thập gía mình mà theo Thầy. (Mc 8,24).

Thánh gía chỉ đường trong đời sống làm môn đệ Chúa Giêsu.

Dấu Thánh gía nối kết chúng ta với niềm tuyên xưng mầu nhiệm Chúa ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi khi dùng Nước Thánh làm dấu Thánh là nhớ lại phép Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận trong Thánh gía ba ngôi Thiên Chúa.

Thánh gía là dấu hiệu sự khổ hình và đồng thời cũng là dấu hiệu sự sống lại.

Thánh gía cũng là chiếc gậy cứu độ của Chúa nâng đỡ dẫn dắt con người.

Thánh gía là nhịp cầu giúp chúng ta bước qua bờ vực thẳm sự chết, bờ sự đe dọa của tội lỗi. Ðiều này được làm sống lại trong bí tích Rửa tội với Thánh gía Chúa Giêsu Kitô và trong sự sống lại của Người. (Roma 6,1-14).

Nên mỗi khi làm dấu Thánh gía, chúng ta nhắc nhớ làm mới lại bí tích rửa tội của mình, Chúa Giêsu Kitô qua đó kéo chúng ta lại với Người (Ga 12,32), và sống liên kết trong cộng đoàn với Thiên Chúa hằng sống.

Bí tích Rửa tội và dấu Thánh gía liên kết đan bện với nhau là một biến cố của Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, Chúa Giêsu Kitô mở cửa đến với Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa không còn là người xa lạ nữa, nhưng là một người có tên. Vì thế chúng ta được phép kêu xin nói chuyện với Ngài.

Như thế có thể nói, dấu Thánh gía là lời cầu xin cùng Thiên Chúa Ba ngôi tóm tắt tất cả những gì chính yếu căn bản của niềm tin Kitô giáo…( 152-153)

……………………

Triết gia người Hy Lạp, Platon (v. Chr. 428 – 348) đã dựa theo truyền thống trường phái triết học Pythagor suy luận về vũ trụ được vẽ liên kết trong hình thánh gía (Timaios 34 A/B và 36 B /C) cộng thêm với những truyền thuyết bên vùng Ðông Phương. Suy luận của Platon trước hết về khoa học trong không gian: Hai ngôi sao lớn lưu chuyển trong vũ trụ không gian, như thế giới thiên văn thời ngày xưa biết, kết nên hình bầu dục (bầu trời không gian hình vòng tròn, trên đường vòng đó mặt trời luân chuyển theo) và đường luân chuyển của trái đất. Chúng luân chuyển qua lại cắt ngang nhau và cùng nhau tạo nên chữ Xi ( X) của vần mẫu tự Hy Lạp, vẽ nên hình chữ thập (X).

Dấu hiệu thánh gía được viết vẽ vào toàn thể vũ trụ. Platon đã dựa theo truyền thuyết cổ xưa để lại, nối kết trong một hình ảnh Thần Thánh: Ðấng Tạo Hóa (Demiurg), Ðấng đã với tay rộng dài đến linh hồn vũ trụ vượt qua mọi không gian.

Justin, vị tử đạo (+ 165) cũng là nhà hiền triết đầu tiên vùng Palestina cùng thời với các Giáo phụ, đã khám phá ra suy luận này của Platon. Ông đã không ngần ngại đem lý thuyết này ra áp dụng diễn giải về Chúa Ba ngôi và về công việc cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Ðiều Platon nói về linh hồn vũ trụ, với Justin là lời loan báo sự đến của Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, trong trần gian. Vì thế ông có thể nói rằng: Hình tượng của thập gía là dấu hiệu to lớn nhất về Ngôi Lời Thiên Chúa, không có dấu hiệu đó không có sự liên kết tương quan của toàn thể vũ trụ. Thập gía Chúa Giêsu ngày xưa trên đồi Golgotha là hình ảnh của cấu trúc vũ trụ đã được viết sáng tạo trong không gian.

Vũ trụ nói với chúng ta về Thập gía, và thập gía khai mở những bí mật về vũ trụ.Thập gía là chiếc chìa khóa của mọi thực tế xảy ra trong vũ trụ. Lịch sử và vụ trụ gắn liền với nhau. Nếu chúng ta đưa mắt nhìn ra, chúng ta sẽ đọc được sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô qua những dấu chỉ như ngôn ngữ viết sẵn trong không gian, và ngược lại: Chúa Giêsu Kitô trao tặng giúp chúng ta hiểu được sứ điệp trong công trình sáng tạo thiên nhiên.“ (tr. 155-156) (Joseph Kardinal Ratzinger, Der Geist der Liturgie, eine Einführung. Herder, Freiburg i. Br. 6. Auflage 2002, tr. 152- 153 và 155.)

Ngày nay trên lá cờ của nhiều quốc gia khắp thế giới có thêu vẽ hình chữ thập làm biểu trưng cho quốc gia đất nước của họ, như lá cờ nước Thụy Sĩ, nước Đan Mạch, nước Nauy, Vương quốc Anh, nước Thụy điển, nước Hy Lạp, Hội Hồng thập tự.

Dấu hiệu này có thể ngày xưa khi vẽ mẫu làm cờ đã có nghĩ đến nguồn gốc ảnh hưởng phần nào về văn minh Kyto gíao, nhưng không phải hoàn toàn là như thế mãi. Dấu hiệu thập gía trên lá cờ đó gửi đi sứ điệp tích cực của đời sống xã hội con người luôn nằm trong vùng bốn phương trời, trong chiều thẳng đứng vươn lên trời cao và chiều ngang xã hội con người với nhau. Hai chiều đời sống phải gặp gỡ hội tụ lại với nhau ở một điểm. Có thế mới có hài hòa đứng vững được. Và con người trong xã hội không phải chỉ cần cơm ăn áo mặc đời sống vật chất sung túc đầy đủ, nhưng còn cần đời sống tinh thần hướng lên cao nữa.

Thánh gía Chúa Giêsu là dấu chỉ căn bản đức tin của người Công giáo. Dù sống ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, Thánh gía đó luôn ăn rễ sâu trong tâm hồn trái tim họ.

Thánh gía Chúa Giêsu còn là dấu chỉ sự tha thứ làm hòa cùng niềm hy vọng sự sống cho cuộc đời con người hôm qua hôm nay và ngày mai.

Đây là cây Thánhh gía nơi treo Đấng cứu độ trần gian!

Thứ Sáu Tuần Thánh 2010
 
“Linh mục hãy nên thánh”
Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn
12:12 01/04/2010
Tâm thư gởi anh em linh mục

Anh em linh mục đồng sự rất thân mến,

1. Trong Năm Linh Mục, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI khuyên linh mục hãy nên thánh. Qua bức tâm thư này, tôi mong muốn góp phần vào việc thực hiện lời khuyên nầy đối với bản thân mình cũng như đối với anh em linh mục là những đồng sự thân thiết của tôi. Căn tính linh mục là cơ sở của việc nên thánh. Linh đạo linh mục là con đường nên thánh. Đời sống và chức vụ linh mục theo căn tính và linh đạo linh mục là phương thế thánh hoá. Chúa Thánh Thần là tác nhân thánh hoá linh mục và đổi mới đời sống linh mục.

2. Căn tính linh mục. Căn tính linh mục được hình thành trên nền tảng ơn thánh hiến của chức linh mục. Ơn thánh hiến vừa là lời Chúa mời gọi vừa là ơn Chúa trợ giúp cho linh mục thường xuyên ý thức thoát ra khỏi tính đối kháng cố hữu cùng hướng ngoại hiếu động, tự tạo tâm trạng an định và đi đến gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, củng cố niềm tin gắn bó với Ngài, quyết tâm bước theo Ngài trên con Đường Tình Yêu cứu độ của Ngài. Dấn thân trên con đường này sẽ giúp cho linh mục ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong chức phận làm con Cha trên trời, làm Ngôn sứ, Tư tế và Mục Tử cho Dân Chúa, làm Ánh Sáng Chân Lý và Sự Sống mới cho muôn dân.

3. Linh đạo linh mục. Linh đạo linh mục chính là con Đường Tình Yêu cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Theo ý định cứu độ của Chúa Cha, dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Con Chúa làm người trong trần thế biểu hiện tình yêu cứu độ qua bốn nét đặc trưng như sau:

- một là Hội Nhập vào cuộc sống nhân loại và chia sẻ phận người nơi cõi trần,

- hai là Dấn Thân phục vụ cho Tin Mừng và cho sự sống cùng sự phát triển của con người,

- ba là Hy Sinh mạng sống vì tuân hành ý Cha và vì sự sống của mọi người,

- bốn là Đổi Mới phận người và mời gọi mọi người canh tân đời sống.

Gắn bó với Chúa giúp cho linh mục mở rộng lòng trí đón nhận ý định và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa như là định hướng và động lực cho hành trình sống linh đạo linh mục. Với định hướng và động lực đó trong ý thức và ý chí, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, lúc yên hàn hay trong gian lao thử thách, linh mục sẽ kiên trì gắn bó cùng bước theo Chúa Kitô trên con đường tình yêu của Ngài.

Bước theo Chúa Kitô, linh mục sẽ không mất phương hướng và không phạm sai lầm khi đối diện với những sự cố trong cuộc sống nhân loại, như sự hiểu lầm, sự loại trừ, chối từ, phản bội, cáo gian, kết án bất công từ phía người thân cũng như kẻ thù ghét mình. Linh mục sẽ cảm nhận rằng tình yêu bao dung và độ lượng của Chúa có một năng lực kỳ diệu. Tình yêu đó sẽ biến khó khăn gian truân thành thách đố và cơ hội cho linh mục bày tỏ lòng trung thành đối với ý định yêu thương cứu độ của Cha trên trời, chu toàn sứ vụ loan Tin Mừng cứu độ cùng phục vụ cho sự sống dồi dào của mọi người.

4. Linh đạo linh mục còn là lời mời gọi linh mục mỗi ngày ý thức và quyết tâm bước theo Chúa Kitô trên Đường Tình Yêu Cứu Độ, nhằm xây dựng cùng hoàn chỉnh các mối tương quan yêu thương và phục vụ mà Con Chúa làm người đã mở ra cho người sống ơn thánh hiến trong Giáo Hội và được sai đi loan Tin Mừng trong thế trần:

(1) Đối với Thiên Chúa, xây dựng tương quan tin yêu và hy vọng đối với Ba Ngôi Thiên Chúa: hiếu thảo và trung thành đối với Chúa Cha, tin tưởng gắn bó và bước theo Chúa Con, cộng tác mật thiết với Thánh Thần soi dẫn, thánh hoá và đổi mới;

(2) Đối với các tiền nhân, xây dựng tương quan thảo kính và đền ơn đáp nghĩa đối với ông bà tổ tiên cùng các tiền nhân và chứng nhân đức tin đã dày công và hy sinh gìn giữ và lưu truyền gia sản đức tin,

(3) Đối với thành viên Giáo Hội, xây dựng tương quan mục tử đồng cảm và hiệp thông đối với mọi thành viên trong Giáo Hội, huynh đệ và hiệp nhất đối với các đồng sự, quảng đại và khiêm tốn phục vụ đối với các gia đình và cộng đoàn tín hữu, các đoàn thể và giới công giáo thuộc các từng lớp xã hội, đặc biệt đối với người nghèo khổ, bị bỏ rơi...

(4) Đối với đồng bào và đồng loại, xây dựng tương quan huynh đệ và liên đới đối với anh em đồng bào và đồng loại, bao dung và đồng cảm khiêm tốn phục vụ cho sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền của mọi người, tương quan đối thoại và hợp tác trên nền tảng chân lý và công ích đối với các tổ chức tôn giáo, văn hoá, xã hội...

(5) Đối với đời sống và chức vụ linh mục, xây dựng tương quan hội nhập, dấn thân, hy sinh và đổi mới, tương quan phản tỉnh và tự đào tạo, nhằm hoàn thiện đời sống thể chất và trí thức, tinh thần và tâm linh, thanh bần và khiết tịnh, hoàn chỉnh mục vụ ngôn sứ và tư tế, mục vụ tổ chức và điều hành các sinh hoạt đạo của cộng đoàn tín hữu, mục vụ quản trị tài sản của cải giáo xứ, mục vụ bác ái phát triển và truyền giáo, mục vụ bang giao giáo hội và xã hội...

Qua nỗ lực xây dựng cùng hoàn chỉnh các mối tương quan trên theo định hướng cùng động lực Chúa đã khai sáng và trao ban, linh mục sẽ hoàn thành nhiệm vụ cùng với mọi tín hữu xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ, Giáo Hội vì loài người.

5. Tôi ước mong, trong thời gian tới, Chỉ Nam Linh Mục sẽ nêu ra những chỉ dẫn thực hành phù hợp với căn tính và linh đạo linh mục, thích ứng với hoàn cảnh và nhu cầu của đời sống và chức vụ linh mục. Bản Chỉ Nam này sẽ là Bảng Chỉ Đường cho hành trình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Đấng Chí Thánh, đồng thời là lời nhắc nhở linh mục chu toàn trách nhiệm tự đào tạo trường kỳ và ý thức cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới đời sống và thánh hoá bản thân cùng những người mình phục vụ, vì sự sống và sự phát triển của con người, vì ơn cứu độ và hạnh phúc của mọi người.

Thứ Năm Tuần Thánh của Năm Linh Mục, 1.4.2010
 
“Nếu ngươi chịu trở về với ta…”
Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
12:16 01/04/2010
Lời kêu gọi hoán cải đối với các mục tử

Suy niệm về ơn gọi linh mục (P. Raniero Cantalamessa)

A. Kinh nghiệm của Giêrêmia về ơn gọi

1/ Trước khi được gọi trở thành tiên tri, Giêrêmia đã là một tư tế ở Annatôt. Ông đã trải qua cơn khủng hoảng về ơn gọi và cũng chính vì thế, ông đã có cơ hội quí giá để “xác định lại ơn gọi của mình”, nói rõ hơn, trong lúc lao đao tưởng ngã gục, ông đã được Thiên Chúa mời gọi hoán cải, quay trở về với Ngài như là điều kiện thiết yếu để ông tìm lại đâu là ý nghĩa, đâu là nền tảng, đâu là sức sống và sức mạnh cho đời sống ơn gọi của mình.

2/ Điều đáng kể là, Giêrêmia đã sống tất cả cơn khủng hoảng đó trong cuộc đối thoại hết sức tâm tình và thẳng thắn với Chúa. Nói khác đi, ông đưa cuộc khủng hoảng của ông vào trong lời cầu nguyện, không ngần ngại thưa lên với Chúa tất cả cảm nghiệm của mình trong đời sống ơn gọi.

3/ Vậy cơn khủng hoảng đó như thế nào? – Một đàng ông cố gắng hết lòng phụng sự Chúa, làm theo lời Chúa, sống tốt lành, ngay chính nhưng đàng khác ông lại thấy chính việc phục vụ Chúa, làm theo lời Chúa chẳng những không được gì, không thấy đâu là hạnh phúc, là niềm vui, trái lại, còn chuốc lấy những tủi nhục cay đắng (Gr 15, 11-18). Chính vì thế ông đã dám nói với Chúa điều mà quả thực không ai dám nói: (Gr 15, 17-18) “Chúa đã dụ dỗ con… vì lời Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế diễu suốt ngày (Gr 20, 7-9)!

4/ Câu trả lời của Chúa cho Giêrêmia rất thẳng thắn, ngắn gọn nhưng nói lên tất cả tấm lòng của Ngài: “Nếu Ta đưa ngươi về mà ngươi chịu trở về thì ngươi sẽ được đứng trước nhan Ta và nếu từ những điều xấu xa ô nhục mà ngươi rút ra điều cao quí, thì người sẽ nên như miệng Ta” (Gr 15,19). Nói khác đi, Chúa chỉ xin ông một điều: hãy hoán cải, hãy quay về với Ngài thì ông sẽ tìm lại được tất cả.

B. Lời kêu gọi hoán cải dành cho các mục tử trong Tân Ước: thư gửi cho các Hội Thánh trong sách Khải Huyền

1/ Lời kêu gọi hoán cải đối với hàng tư tế lại vang lên một cách đặc biệt trong Tân Ước, trong sách Khải Huyền của Gioan. Quả thực, lời kêu gọi hoán cải trong sách Khải Huyền mang ý nghĩa đặc biệt đối với tất cả chúng ta, phó tế, linh mục, giám mục vì trước hết đó là lời kêu gọi nhắm đến các mục tử trong Giáo Hội, và hơn nữa, đòi hỏi hoán cải mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo tình trạng cụ thể, thực tế của mỗi mục tử trong cộng đoàn của mình. Chúng ta thử điểm lại một số những đòi hỏi hoán cải nêu lên trong thư gửi các Hội Thánh trong sách Khải Huyền.

2/ Thư gửi Hội Thánh Êphêsô: “Ta trách ngươi về điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã rơi từ đâu xuống…”. Lời kêu gọi hoán cải ở đây đồng nghĩa với việc tìm lại tình yêu, tìm lại nhiệt tình thuở ban đầu, không để cho đời sống mục tử của mình bị cùn nhụt vì thời gian hay vì bất cứ điều gì khác.

3/ Thư gửi Hội Thánh Smyrna: “Ta biết nỗi gian truân và cảnh nghèo khó của ngươi… (nhưng) đừng sợ các đau khổ ngươi sắp phải chịu. Hãy trung thành cho đến chết.” Hoán cải đồng nghĩa với nỗ lực trung thành (persévérance), bất chấp mọi đau khổ, thử thách xảy đến. Đàng khác, trung thành còn có thể hiểu theo nghĩa là trung tín (fidélité), nghĩa là sống đúng với sứ mạng của mình, chứ không phải như người quản lý bất lương mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng (Lc 16). Thay vì là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa, và do đó không ngừng nỗ lực sống thánh thiện, người mục tử lại trở thành người chạy theo thế gian và xác thịt, sống cuộc đời hai mặt, lập lờ với những đòi hỏi chính yếu của đời sống linh mục như đòi hỏi về khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục.

4/ Thư gửi Hội Thánh Laodicea: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh và chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hay nóng hẳn đi!” Lời kêu gọi nhắm đến các mục tử mà tâm hồn đã ra nguội lạnh, trái tim ra chai cứng. Cha Thánh Vianney từng than thở: “Thật khốn cho chúng ta là các cha sở, nếu tâm hồn chúng ta ra chai cứng.” Và lý do chính khiến đưa đến tình trạng như thế là vì người mục tử chạy theo tiền bạc, tiện nghi vật chất, đến nỗi không còn ý thức về thân phận nghèo khốn của mình và càng không biết thế nào là dâng hiến, là cho đi.

5/ Kết luận:

– Trong sách Giêrêmia cũng như trong Khải Huyền, Lời Chúa ngỏ với chúng ta, những mục tử của Chúa, thật như lưỡi gươm sắc bén – vừa ghi khắc những gì tốt đẹp mà các mục tử đã làm cho đoàn chiên, ngay cả những hy sinh, cố gắng âm thầm. Nhưng đồng thời xuyên thấu tất cả con người và đời sống chúng ta, không ngại đụng chạm và phơi trần ngay cả những vết thương đau đớn nhất.

– Nhưng sở dĩ Chúa ngỏ lời như thế với hàng tư tế, với các mục tử của Người cũng là vì yêu thương mà thôi. Vì thương mà nhắc nhở, răn đe, khiển trách: “Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn.”

– Nếu Thiên Chúa đã chọn các mục tử thì phải chăng Ngài chỉ mong chúng ta mang lấy chính tâm hồn mục tử của Chúa: một trái tim nhiệt thành yêu mến, một cuộc đời hoàn toàn cho đoàn chiên và vì đoàn chiên, để đoàn chiên được sống và sống dồi dào.

– Chính vì tâm hồn mục tử đó mà Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta, ngược lại, chỉ mong muốn chúng ta quay trở về với Ngài, đặt hy vọng vào Ngài. Ngay cả khi tâm hồn chúng ta đã ra chai cứng, đã hoàn toàn đóng kín, thì Ngài ở đó, vẫn kiên nhẫn gõ vào cánh cửa tâm hồn chúng ta. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy và sẽ dùng bữa với người ấy” (Kh 3,20).
 
Linh mục: dấu chỉ của niềm tin, và dấu chỉ của vâng phục qua phục vụ
Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân
12:21 01/04/2010
Bài chia sẻ của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân trong Thánh lễ Làm Phép Dầu 2010

***

Kính thưa Cha Tổng Đại diện, quý Cha

Quý Tu sĩ nam nữ, quý Ông bà anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta cùng hiện diện đông đảo nơi đây để hiệp dâng thánh lễ tưởng niệm Chúa Giêsu thiết lập bí tích truyền chức linh mục và tham dự nghi thức làm phép Dầu thánh. Trong thánh lễ có nghi thức đặc biệt: sau bài giảng các linh mục lặp lại Lời Hứa khi chịu chức linh mục với Đức Giám mục Giáo phận. Để giúp quý ông bà anh chị em hiểu rõ hơn về thiên chức linh mục, chúng ta cùng suy niệm tư tưởng: “Linh Mục: dấu chỉ của niềm tin, và dấu chỉ của vâng phục qua phục vụ”.

* Linh mục, dấu chỉ của niềm tin: niềm tin mà anh em linh mục luôn dâng lời cảm tạ Chúa đã cho sinh ra làm người, làm con cái Thiên Chúa và hơn nữa được mời gọi trở nên môn đệ được Chúa thương yêu. Môn đệ của Chúa phải là người tin hơn người khác, để có những lúc dù đi trong đêm đen của đức tin, vẫn phải vượt qua chính mình để nâng đỡ, sẻ chia và là sự ủi an cho những người đang mất đức tin tìm lại niềm tin, đang mất niềm hy vọng lại được sự trợ giúp của Chúa. Đặc biệt, nơi hoàn cảnh của một giáo phận truyền giáo, giáo dân thì ít, nhân sự còn thiếu; nhiều khi anh em sẽ cảm nhận một Thiên Chúa ẩn mình, để anh em một mình trước những thách đố lớn lao của đức tin và cuộc đời; nhưng không phải là một Thiên Chúa ẩn giấu mà là một Thiên Chúa tình yêu luôn tôn trọng sự tự do và luôn chờ đợi chúng ta; chỉ sợ chính chúng ta đẩy Người ra khỏi tâm hồn và niềm tin của đời mình bởi những thành kiến, toan tính cá nhân của mình. Chính Thánh Phêrô đã làm gương cho chúng ta khi xin cùng Chúa: “Xin Thày ban thêm đức tin cho chúng con”. Điều đó sẽ khích lệ anh em luôn khiêm tốn tựa nương vào quyền năng và tình thương của Chúa, để gặp được Chúa trong kinh nguyện, trong thánh lễ, trong các hoạt động tông đồ, và đó chính là dấu chỉ của niềm tin để giúp anh em tin và có thể giúp người anh em được kêu gọi phục vụ và gặp gỡ tin vào Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người.

* Linh mục, dấu chỉ của vâng phục qua phục vụ: Với lời hứa xin vâng, các linh mục có tinh thần của Chúa qua Giáo hội, vâng phục và yêu mến với tiếng gọi “sai đi” của Đức Giám mục, để đến những nơi không phải tự chọn lựa, nơi đó có thể nơi đó là quê hương bản quán của mình, nhưng cũng có thể là một miền đất xa xăm, nơi rất ít hoặc không có sự trợ giúp của dòng tu hoặc nhân sự… Anh em được sai đến với tất cả mọi người mà không phân biệt ai, đặc biệt với những người đau khổ; chính anh em cũng không loại trừ gặp đau khổ và thử thách. Khi đến với tha nhân để phục vụ anh em hãy mang chính tâm tình của Chúa Giêsu: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống vì đoàn chiên”, đó chính là tâm tình sẻ chia, nâng đỡ, yêu mến, quảng đại, nhẫn nại, tha thứ tất cả, hy sinh tất cả mà không đòi phải được giúp lại, sẵn sàng trở nên tấm bánh bị ăn cho cộng đoàn Dân Chúa. Để phục vụ như Chúa Giêsu anh em phải vượt qua chính mình để dấn thân yêu thương và phục vụ như hình ảnh Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, và mời gọi chúng ta sống tinh thần phục vụ khi sẵn lòng quỳ xuống rửa chân phục vụ tha nhân. Các linh mục hiểu rằng, khi chịu chức thánh mình được tham gia vào chức linh mục duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, từ nay cố gắng từ bỏ chính mình để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, là “Alter Christus-Chúa Kitô khác” trong đời sống tông đồ. Với lời hứa lại trong thánh lễ này, các linh mục nhớ lại điều mình đã hứa trong ngày chịu chức thánh để luôn cộng tác với ơn Chúa, phấn đấu chu toàn những bổn phận, trách nhiệm trong sứ mệnh cao cả, thiêng thánh và tràn đầy hồng ân.

Anh chị em thân mến,

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta tham dự việc làm phép dầu: Dầu Thánh, dầu Dự Tòng và Dầu Bệnh nhân. Từ việc xức dầu vật chất, chúng ta được xức dầu thiêng liêng, là chính Chúa Thánh Thần với những ân sủng của Ngài. Dầu Thánh được dùng để xức cho những người chịu bí tích thánh tẩy, bí tích thêm sức, bí tích truyền chức và thánh hiến bàn thờ: với lời nguyện hiến thánh dầu, từ nay Giáo hội xin Chúa thương ban phúc lành thánh hóa Dầu Thánh này, cho dầu được sức mạnh của Chúa Thánh Thần với quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, ban tràn đầy Ơn phúc của Chúa ghi dấu ấn trên người đón nhận và cung hiến bàn thờ, là nơi dâng lên cử hành hy tế của Chúa. Dầu dự tòng dùng cho anh chị em dự tòng giúp họ chuẩn bị xứng đáng nhận bí tích thánh tẩy. Dầu bệnh nhân giúp nâng đỡ bệnh nhân trong lúc bệnh tật đau yếu và thêm sức trợ lực cho người già cả, cao niên: ý nghĩa việc xức dầu bệnh nhân để giúp chúng ta khám phá tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ nơi chính Đức Giêsu Kitô, Ngài tỏ lòng yêu thương chữa lành bệnh nhân mà chính Ngài còn mang trên thân xác mình những đau khổ của nhân loại. Khi cử hành xức dầu bệnh nhân chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và nhận ra dấu chỉ chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Qua dấu chỉ bề ngoài của dầu, chúng ta cùng cảm nhận vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của thánh thiêng, và sự đỡ nâng của ơn Chúa.

Với ý nghĩa đặc biệt của phụng vụ hôm nay, chúng ta cùng bước vào thánh lễ với tâm tình tri ân cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa đã trao ban cho các môn đệ chức vụ thánh để trở nên dấu chỉ tình yêu và phục vụ hữu hình của Chúa Giêsu Kitô giữa lòng Hội thánh và thế giới. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục, xin Chúa Kitô thánh hóa và luôn ban ơn thêm sức cho các Ngài để các linh mục luôn là dấu chỉ của niềm tin, dấu chỉ của vâng phục chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó qua Giáo hội. Xin mời gọi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Giáo phận cùng cộng tác, hiệp nhất và giúp đỡ các linh mục trong các công việc để cùng với Đức Giám mục xây dựng, canh tân và phát triển Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng này.

Nguyện xin Hồng ân của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh luôn ban trên quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý Ông Bà Anh Chị em tràn đầy Ơn Thánh, Hạnh Phúc, Niềm Vui và An Bình.



Cao Bằng, thứ Năm Tuần Thánh 2010
 
Trăm Con Mắt Đều Đổ Dồn Về Phía Người
Giám Mục Giuse Châu Ngọc Tri
12:27 01/04/2010
Trăm Con Mắt Đều Đổ Dồn Về Phía Người ( Lc 4, 20b)

Bài giảng Thánh lễ truyền Dầu

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ.

Hôm nay, Thứ năm Tuần thánh, được coi là sinh nhật của chức Linh mục. Hơn nữa, Năm Linh mục đang được sốt sắng cử hành trong toàn Giáo Hội như một lời mời gọi tha thiết hướng về các linh mục. Trong suốt năm qua, rộn ràng với bao nhiêu diễn từ về chức linh mục, hoành tráng với những cuộc hội ngộ linh mục đông đảo khắp nơi, thánh thiêng với những câu ca lời kinh hướng về chức linh mục. Hình ảnh cha sở xứ Ars: Gioan Maria Vianey, quan thầy các linh mục, như một tượng đài sừng sững. Bên cạnh đó, còn biết bao chân dung linh mục Việt Nam như muốn được phong thánh, từ các giáo phận chọn lọc và gửi đăng trên các websites Công giáo tiếng Việt, kể cả trang của giáo phận nhà. Những hình ảnh linh mục như ánh sao lung linh ngời sáng trên bầu trời Giáo Hội.

Nhưng thời điểm Tuần thánh và Lễ Dầu năm nay cũng rơi vào giữa một cơn khủng hoảng thật nặng nề và u ám, một cơn khủng hoảng thật sự trong Giáo Hội, là hệ lụy trực tiếp của những linh mục đã và đang hư hỏng đó đây, ngay giữa lòng Giáo Hội, như tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em ở một số nơi... Các báo cáo gửi về tới tấp... Đức Giáo Hoàng đã quá khổ tâm và nhìn nhận rằng những vụ bê bối này “thật đáng căm ghét và đáng hổ thẹn”... Rồi những thực trạng khác chưa rơi vào khủng hoảng nhưng thực đáng quan tâm, khi không thiếu những linh mục anh em chúng ta thường xuyên bê trễ nhiệm vụ linh thánh, không biết giữ mình trước những thú vui, hơn thua đố kỵ với nhau hoặc đối với cả giáo dân được trao phó cho mình chăm sóc… Bên cạnh hình ảnh những linh mục lung linh ngời sáng là những mảnh đời linh mục tối tăm và gây thất vọng đau lòng.

Các vụ việc lớn nhỏ đang làm rúng động Giáo Hội trong những ngày này không phải hoàn toàn là những vụ việc mới. Nỗi khổ tâm của Đức Giáo Hoàng cũng không phải là chưa từng. Vì thế, chúng ta có lý do để quyết đoán rằng Năm Thánh Linh Mục này được cử hành không duy chỉ vì để kỷ niệm 150 năm ngày cha sở xứ Ars qua đời, mà chính yếu hơn, Đức Thánh Cha muốn nhân cơ hội này thúc đẩy một sự chấn chỉnh triệt để đời sống linh mục trong toàn Giáo Hội.

Tôi có quá bi quan không khi đề cập đến những vấn đề tiêu cực này trong ngày vui của cộng đoàn hướng về chức linh mục?! Thưa hoàn toàn không! Linh mục luôn là một ơn gọi và sứ vụ cao cả và cần thiết không có gì so sánh bằng, không có gì thay thế được.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, cũng như các kinh nguyện trong ngày Lễ Dầu đều tập trung vào chức Linh mục như “Người Được Xức Dầu Thánh Thần”. Chúa Giêsu trong những ngày đầu xuất hiện công khai, khi được mời đọc và giảng giải sách thánh trong hội đường Nadarét, quê hương mình, đã gặp lời của Tiên tri Isaia nói trước về sứ vụ của mình: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi. Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm…” Chúng ta có thể tưởng tượng tâm tình của Chúa Giêsu lúc này: lòng đầy xác tín và trào dâng xúc cảm sau ba mươi năm âm thầm chờ đợi được công khai thi hành sứ vụ. Nước mắt Ngài rưng rưng khi thấy “hằng trăm con mắt đổ dồn về phía mình”. Nhìn mình chăm chăm. “Trăm con mắt đổ dồn về Người,” nghĩa là chờ đợi Người, mong mỏi, hy vọng nơi Người một điều gì đó. Trăm con mắt đổ dồn về Người, thì dù muốn hay không, Người cũng đang là trung tâm thu hút sự chú ý, Người cũng đang là ‘ngôi sao’, là ‘VIP’, là người của công chúng... Và Chúa Giêsu đã nói gì, làm gì, để đáp lại những ánh mắt khắc khoải mong chờ ấy của đám đông? Ngài nói: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe!” Nghĩa là Chúa Giêsu muốn nói: chính tôi đây được xức dầu Thánh Thần, chính tôi đây được Thiên Chúa sai đi, chính tôi đây là người loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, chính tôi công bố sự tha thứ cho kẻ bị giam cầm, chính tôi cho người mù sáng mắt, chính tôi trả tự do cho người bị áp bức, và chính tôi công bố một năm hồng ân của Đức Chúa! Vâng! Chính con người tôi đây, chính sự hiện diện của tôi giữa anh chị em đây, là bảo đảm cho tất cả những điều ấy. Và ngay từ “hôm nay”, chứ anh chị em không còn phải đợi đến mai mốt nào khác nữa! Và thực sự đã xảy ra như thế. Chúa Giêsu, Linh Mục Thượng Phẩm, đã thực hiện điều đã ghi chép về mình cách hoàn hảo.

Và đó cũng là điều được kỳ vọng nơi từng con người linh mục! Là linh mục, nghĩa là người luôn luôn có thể nói với công chúng rằng “Hôm nay ứng nghiệm điều anh chị em vừa nghe: người đau ốm bệnh tật được chữa trị, người tù tội được thứ tha, người nghèo được nghe Tin Mừng...” Còn Tin Mừng nào mừng hơn, còn Tin Vui nào vui hơn thế nữa!

Xin Cộng đoàn cho tôi có đôi lời cùng anh em linh mục thân mến của tôi trong ngày đặc biệt này.

Anh em linh mục thân mến,

Vì Tin Mừng cần được tiếp tục rao giảng cho đến ngày tận thế, Dân Chúa cần được dạy dỗ, thánh hoá và lãnh đạo, nên Chúa Giêsu đã thiết lập và truyền chức linh mục cho các Thánh Tông đồ. Qua việc đặt tay của các ngài và những người kế vị, Chúa cũng đặt chúng ta lên chức linh mục. Nhưng đây không phải là trao ban chức tước hay quyền bính, nhưng Chúa Giêsu trao ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta, chuyển giao sứ vụ và cả những tâm tình của Ngài cho chúng ta, để chúng ta nên những “Alter Christus”, những Chúa Kitô-khác giữa Dân Ngài.

Mỗi khi xuất hiện giữa lòng Dân Chúa thi hành thánh vụ của mình, đừng quên chúng ta cũng là “Người Được Thánh Thần Xức Dầu và Sai Đi”. Hằng trăm ánh mắt cũng đổ dồn về phía chúng ta. Không phải chỉ hằng trăm con mắt, mà hằng trăm lỗ tai, trăm trái tim, cả trăm cánh tay vươn về phía chúng ta, và hằng trăm cõi lòng đang mở về phía chúng ta như đang mong chờ một điều gì đó. Chúng ta có thấy nước mắt rưng rưng?! Chúng ta có thấy tâm hồn thổn thức? Chúng ta có đủ xác tín và hãnh diện về sứ vụ của mình để thốt lên với mọi người rằng: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”. Ứng nghiệm gì? Chúa Giêsu đang hiện diện trong chúng ta. Trăm con mắt đang nhìn về chúng ta để tìm bóng dáng Chúa Giêsu mục tử ở đó, từ ngày chúng ta nhận thừa tác vụ linh mục.

Mỗi linh mục chúng ta, dù ở lứa tuổi nào, cả tuổi già đã kém trí nhớ về những chuyện khác, không ai quên được những cảm xúc và ấn tượng mạnh mẽ trong ngày nhận sứ vụ linh mục. Chính vì thế, mỗi năm trong Thánh Lễ Truyền Dầu, Giáo Hội mời gọi các linh mục sốt sắng lặp lại lời tuyên hứa ngày nhận chức linh mục, xác tín lại sứ vụ cao quý của mình, làm sống lại những cảm xúc nóng bỏng ngày ấy, cũng như hâm nóng lại “lòng mến thuở ban đầu “ trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.

Chúng ta hãy dành ít phút để khơi lại những tâm tình mà chắc chắn mỗi người chúng ta đã trải qua trong ngày định mệnh đó.

Khi xức dầu thánh vào lòng bàn tay chúng ta, giám mục trịnh trọng cầu xin:

“XIN CHÚA GIÊSU KITÔ, ĐẤNG MÀ CHÚA CHA ĐÃ XỨC DẦU BẰNG THÁNH THẦN VÀ SỨC MẠNH, GÌN GIỮ CON, ĐỂ CON THÁNH HOÁ DÂN KITÔ GIÁO VÀ HIẾN DÂNG HY LỄ LÊN THIÊN CHÚA”.

Khi trao bánh rượu trong chén đĩa cho chúng ta, giám mục dõng dạc tuyên bố:

“CON HÃY NHẬN LỄ VẬT CỦA DÂN THÁNH MÀ DÂNG LÊN THIÊN CHÚA. CON HÃY Ý THỨC VIỆC CON LÀM, NOI THEO ĐIỀU CON THỰC HIỆN, VÀ RẬP ĐỜI SỐNG CON THEO KHUÔN MẪU MẦU NHIỆM THÁNH GIÁ CHÚA”.

Trước đó một thời gian, trong nghi thức phong chức Phó tế, khi trao sách thánh cho mỗi tân chức chúng ta, giám mục ân cần nhắc nhở:

“CON HÃY NHẬN LẤY PHÚC ÂM ĐỨC KITÔ MÀ CON ĐÃ TRỞ THÀNH NGƯỜI RAO GIẢNG, VÀ CON HÃY BIẾT LÀ PHẢI TIN ĐIỀU CON ĐỌC, DẠY ĐIỀU CON TIN VÀ THI HÀNH ĐIỀU CON DẠY”.

Vâng, thưa Anh Em Linh Mục, đây không phải chỉ là nghi thức. Đây chính là những lời chuyển giao tâm huyết. Những lời này không phải chỉ trao cho chúng ta một lần trong đời, nhưng phải là những tâm niệm và qui luật sống, những câu “thần chú” ngày ngày chúng ta phải lặp đi lặp lại trong suốt đời linh mục của chúng ta, để nuôi dưỡng sứ vụ, ơn gọi và tâm tình linh mục của chúng ta. Giáo Hội, khi trao ban cho chúng ta một sứ vụ, cũng mở ra cho chúng ta cả một chân trời mênh mông, một cánh đồng bát ngát, đòi hỏi chúng ta cả một tấm lòng, và phải dành cả một đời người để thực hiện.

Tôi nói nhiều đến tấm lòng hay tâm tình mục tử. Vì chu toàn công việc được giao phó, khó mà không khó; nhưng để tâm, để trí để cả tấm lòng vào công việc, ấy mới là vấn đề, và công việc của chúng ta mới trở thành mục vụ, mới có niềm vui mục vụ, mới có đức ái mục vụ. Thi hành mục vụ không chỉ là chăm chăm chú chú vào luật lệ hay lề thói một cách khô khan máy móc, nhưng phải thâm nhập vào môi trường mục vụ, nắm bắt nhu cầu mục vụ, và từ đó, nảy sinh sáng kiến mục vụ.

Anh Em Linh Mục thân mến, chúng ta cùng hân hoan mạnh dạn tiếp tục hành trình đời linh mục thánh thiện và cao quý của mình.

Phần tôi, với tư cách là giám mục giáo phận, người anh em, người đồng hành đồng nghiệp với anh em, tôi xin hứa, sẽ sát cánh với anh em trong việc chăm sóc và dẫn dắt cách tốt đẹp và hiệu quả nhất đàn chiên đã được trao phó cho anh em trong từng xứ đạo gần xa, từng sứ vụ lớn nhỏ. Xin anh em đừng quên quan tâm nâng đỡ hỗ trợ tôi trong sứ vụ, thánh chức cũng như thánh thẩm. Và trên hết, hãy hiệp nhất với nhau trong cùng một lời nguyện, và cả những ước mơ cho ngôi nhà chung của giáo phận. Xin cám ơn anh em về tất cả.

Đối với đoàn dân đã được giao phó cho anh em, hãy thật lòng yêu thương họ. Khi họ dễ bảo cũng như khi họ bướng bỉnh. Chúng ta được sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo hèn, nhưng còn biết cách làm cho họ sống hạnh phúc hơn. Được sai đi băng bó những tâm hồn tan nát, nhưng cũng phải biết khơi dậy niềm hy vọng nơi đáy lòng họ hướng về tương lai. Được sai đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được phóng thích, nhưng cũng phải biết dạy cho họ ăn ngay ở lành. Báo cho người mù biết họ được sáng mắt, nhưng cũng cho họ biết cách giữ gìn đôi mắt cho khỏi bị mù lòa. Trả tự do cho người bị áp bức, nhưng cũng ngăn cản họ đừng áp bức ai. Công bố năm hồng ân của Chúa, nhưng cũng giúp họ biết đón nhận và san sẻ hồng ân cho mọi người.

Cùng Cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo phận, cách riêng là quý chức, những người thân cận của hàng linh mục chúng tôi.

Là mục tử của Dân Chúa, chúng tôi có trách nhiệm với anh chị em, tất cả và từng người. Nhưng cả anh chị em nữa, anh chị em cũng có trách nhiệm đối với chúng tôi, nhất là các linh mục đang phục vụ tại xứ đạo của anh chị em. Trong chức Tư Tế Cộng Đồng, anh chị em cũng đã được xức dầu và cũng được sai đi. Anh chị em cũng phải quyết tâm chu toàn nhiệm vụ cao quý của mình trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Anh chị em cũng có mỗi người một phần vụ trong đời sống Giáo Hội, để cùng chúng tôi lao nhọc trong cánh đồng mục vụ truyền giáo bao la và thúc bách.

Cách riêng, đối với các linh mục đang phục vụ trực tiếp tại các giáo xứ. Tôi xin anh chị em hãy cư xử với các ngài trong tình con thảo. Anh em không phải là tôi tớ, nhưng là bạn hữu. Hãy là những người đồng trách nhiệm với các ngài trong việc xây dựng cộng đoàn. Hãy rộng lượng bù đắp cho những gì còn thiếu sót nơi các ngài, và đừng đòi hỏi các ngài những gì vượt quá khả năng. Hãy nâng đỡ động viên các ngài khi quá mệt mỏi, nhất là lúc yếu đau bệnh hoạn, tinh thần hay thể chất.Và trên hết, đừng bao giờ quên cầu nguyện cho các ngài và cho hàng linh mục, giám mục chúng tôi nói chung.

Tôi có thói quen trong tòa giải tội, nếu hối nhân ra về với lời đề nghị: xin cha cầu nguyện cho con; thì tôi tận dụng ngay cơ hội: xin cầu nguyện cho cha nữa. Tôi biết, có nhiều người ngạc nhiên. Nhưng thực ra, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Đây là bổn phận của anh chị em, là lẽ công bằng!

Chúng ta cũng đừng quên sự hiện diện âm thầm của hai Đức cha già, các cha hưu dưỡng, đừng để các ngài cảm thấy quá cô đơn hay bị bỏ rơi. Chúng ta mang ơn các ngài rất nhiều. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cách riêng cho những anh em vắng mặt hôm nay vì bận công vụ, đi học xa hay bệnh hoạn. Xin Chúa thương nâng đỡ các ngài.

Tôi cũng không quên bày tỏ tâm tình với các tu sĩ nam nữ, những phần chi thể đặc biệt, làm phong phú và thêm xinh đẹp cho Nhiệm Thể Giáo Hội. Tôi trân trọng ghi nhận và biết ơn những hy sinh cống hiến của anh chị em cho Thiên Chúa và giáo phận. Tôi mong ước được thấy anh chị em luôn sát cánh với chúng tôi và với nhau trên cánh đồng mục vụ truyền giáo của giáo phận, miền xuôi cũng như miền ngược. Chúng ta có chung một mục tiêu trước hết và trên hết: lợi ích cho các linh hồn và dựng xây Hội Thánh. Cách đặc biệt đối với các nữ tu Dòng Thánh Phaolô, trong Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập Tỉnh Dòng Đà Nẵng.

Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta sốt sắng cảm tạ Chúa đã ban thánh chức linh mục và các linh mục cho chúng ta. Xin Chúa tiếp tục thánh hóa và dạy dỗ Dân Chúa qua các linh mục. Xin Thánh Thần Chúa không ngừng hoạt động để canh tân đổi mới Giáo Hội qua các linh mục. Hội Thánh trong thế giới ngày nay rất cần được đổi mới. Nhưng Giáo Hội không thể đổi mới được, nếu các linh mục không đổi mới chính mình. Nhất là trong lúc Giáo Hội gặp những khó khăn thử thách, vai trò của các linh mục càng quan trọng biết bao. Như vậy, không phải chỉ là “hàng trăm con mắt,” mà là hàng tỉ con mắt của các tín hữu trên thế giới ngày nay đang đổ dồn về các linh mục và từng linh mục của mình, đang mong chờ khắc khoải với một niềm hy vọng lớn lao.

Các loại Dầu được làm phép và thánh hiến hôm nay sẽ nhắc lại bao nhiêu bí tích chúng ta đã và sẽ nhận qua các linh mục. Tất cả đều là chứng tích của tình yêu Thiên Chúa và sự chăm sóc của Mẹ Hiền Giáo Hội.

Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng giáo phận, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse, các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Chân phước Anrê Phú Yên nâng đỡ, để mỗi chúng ta luôn biết sống Yêu Thương Phục Vụ, Hiệp Nhất và Bình An, mỗi người theo ơn gọi và lối sống của mình mà xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô là Hội Thánh.

“Trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người”, cộng đoàn chúng ta giờ đây cùng hướng nhìn về bàn thờ, nơi Chúa Giêsu sắp ngự đến, để nên Hy Lễ Tình Yêu Cứu Độ của người Mục Tử tốt lành đối với đàn chiên của mình. Amen.
 
Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ
Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc
12:30 01/04/2010
Lễ Dầu – năm 2010

(Is 61,1-3a.6a.8b-9; Kh 1,5-8; Lc 4, 16-21)

Anh chị em rất thân mến,

1. Từ 10 năm nay, một trong những nét đẹp của giáo phận chúng ta, được biểu lộ ra một cách rõ ràng, dù chưa đạt tới mức tuyệt hảo, đó là tương quan mật thiết giữa Linh mục đoàn và Giám mục giáo phận. Dĩ nhiên khó có thể đạt đến tình trạng lý tưởng là mọi linh mục đều cảm thấy thoải mái với giám mục. Giám mục không thể nào làm hài lòng mọi linh mục và tránh được hết mọi va chạm, vì nhiệm vụ phải nhắc nhở, thúc giục và hướng dẫn công việc mục vụ chung của giáo phận.

Hãy cầu xin Chúa cho giáo phận chúng ta không chỉ gìn giữ được nét đẹp ấy mà còn làm cho phát triển tốt hơn nữa, mặc dù thế giới mỗi ngày trở nên phức tạp hơn, các khó khăn và cám dỗ càng ngày càng nhiều hơn.

2. Tôi đã mời các cha về đồng tế rất đông đủ, dù các cha mới quy tụ về đây khá đông tuần vừa qua, trong ngày phong chức phó tế. Sự hy sinh của các cha biểu lộ một điều quan trọng của mầu nhiệm Giáo Hội là sự hiệp thông trong lòng Giáo Hội, giữa mọi thành phần Dân Chúa, giữa giáo dân, giới tu sĩ, hàng giáo sĩ và giám mục giáo phận. Đây là hình ảnh của Giáo Hội, Đại Gia đình của Thiên Chúa ở trần gian, làm chứng cho tình thương bao la vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Vị Chứng Nhân đích thực và trung thành nhất là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã từ cõi chết sống lại và hiện diện vô hình trong lòng Giáo Hội. Nếu không có Đức Kitô Phục Sinh trong lòng Giáo Hội, thì chẳng có sự hiệp thông nào hết, và Giáo Hội cũng giống như mọi tổ chức trần gian khác, được thành lập vì một mục đích trần gian, và sẽ không tồn tại nếu không đáp ứng được với những đòi hỏi của thời đại mới.

3. Giáo hội Công giáo không chỉ là một tổ chức trần gian, mà vừa là một thực tại trần thế, vừa là một thực tại siêu phàm, do chính Chúa Giêsu sáng lập và Chúa Thánh Thần không ngừng xây dựng trên nền tảng Chúa Giêsu Kitô. Theo lời sách Khải huyền, Chúa Giêsu đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành “Vương quốc và hàng tư tế phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6a). Ngày lễ hôm nay là ngày lễ của “Toàn dân Tư tế”, của toàn dân đã được xức dầu và sai đi tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô, Đấng đã được Chúa Cha xức dầu Thánh Thần và sai đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

4. Hôm nay là ngày lễ của mọi người đã chịu Phép rửa của Chúa Kitô và nhân danh Chúa Kitô, chịu Phép rửa bằng Thánh Thần và trong Thánh Thần, là ngày lễ của tất cả anh chị em. Chức tư tế thừa tác, giám mục và linh mục, đã được thiết lập vì anh chị em, để tất cả anh chị em có thể “dâng lên Thiên Chúa của lễ tinh tuyền” đẹp lòng Ngài là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại để cho nhân loại được sống. Nếu không có linh mục làm lễ thì anh chị em làm sao có thể tham dự thánh lễ? Sự hiện hữu của chúng tôi là vì anh chị em và cho anh chị em. Không có anh chị em, thì không cần có chúng tôi; nhưng không có chúng tôi, thì anh chị em không có của lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy gắn bó với nhau, yêu thương nhau như lòng Chúa mong ước.

5. Hôm nay Giáo Hội làm phép ba thứ dầu, mà cả giáo dân, giáo sĩ, giám mục đều sử dụng. Chúng ta được xức dầu dự tòng trước khi chịu Phép rửa, để có sức mạnh chống lại sự dữ và thần dữ. Chúng ta được xức dầu bệnh nhân khi đau yếu và cần sự nâng đỡ. Chúng ta được xức dầu “Chrisma”, tức dầu thánh, khi chịu Phép rửa và Phép Thêm sức, để được “thánh hiến” cho Thiên Chúa và sai đi loan báo Tin Mừng. Giám mục được xức dầu thánh ở trên đầu, nhận Thần Khí thủ lãnh, để có thể lãnh đạo Dân Chúa, dẫn dắt Dân Chúa trên con đường lữ thứ trần gian về với Chúa. Linh mục được xức dầu thánh trong lòng bàn tay, để đôi bàn tay được hiến thánh xứng đáng dâng của lễ, và trở thành những cánh tay nối dài cho sứ vụ tông đồ của giám mục.

6. Qua các bài đọc Kinh Thánh trong ngày Lễ Dầu hôm nay, chúng ta có thể nhận ra cả ba yếu tố quan trọng, “mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ” của Giáo Hội, mà HĐGMVN muốn làm nổi bật trong Năm Thánh mừng 350 năm thiết lập hai Giáo phận đầu tiên tại Việt Nam và 50 năm hàng Giáo phẩm Việt Nam.

Giáo Hội là “mầu nhiệm Dân Tư tế mà chính Chúa Giêsu đã cứu chuộc bằng máu của Người. Chúa Giêsu là “Đầu và là Cuối”, là Alpha và Ômêga, là Nguyên Thuỷ và là Cùng Đích của Giáo Hội. Trọng tâm của Mầu nhiệm Giáo Hội, là Hy tế Tạ ơn mà Giáo Hội cử hành hằng ngày, để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. Hy tế Tạ ơn cũng là trọng tâm của sự Hiệp Thông trong Hội Thánh. Nhờ được nối kết với Chúa Kitô mà chúng ta nên một với nhau trong Chúa Kitô, và nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Kitô Thánh Thể vừa là Cội nguồn, vừa là Tột đỉnh Sứ vụ của Hội Thánh. Chúng ta được sai đi để làm cho mọi người nên môn đệ của Chúa Kitô, nên một với Người trong Tình yêu Duy nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa.

***

Xin Chúa cho chúng ta được chiêm ngắm và nhận biết Giáo Hội là Mầu nhiệm Tình yêu cứu rỗi, yêu mến và gắn bó với Giáo Hội là Cộng đồng Tình yêu Thông hiệp, hy sinh dấn thân cho sứ mạng yêu thương và phục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam.
 
Linh mục là người của Chúa, người của Giáo hội và người của mọi người
Giám Mục Giuse Nguyễn Năng
12:33 01/04/2010
Bài giảng sáng thứ năm Tuần thánh 2010

Các bài đọc trong thánh lễ sáng Thứ Năm Tuần Thánh đưa chúng ta trở về cội nguồn của chức tư tế Kitô giáo.

Bài đọc I và đoạn Tin Mừng Luca cho thấy Đức Giêsu được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và được sai đi thi hành sứ mạng cứu thế. Do việc thánh hiến này, Đức Giêsu được dành riêng cho Thiên Chúa, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, và là người của Thiên Chúa. Suốt cuộc đời, Đức Giêsu kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hoàn toàn sống cho Thiên Chúa, thực hiện ý Thiên Chúa và lo việc của Thiên Chúa.

Là người của Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng là người của mọi người. Do việc thánh hiến, Đức Giêsu cũng được dành riêng để sống cho con người, hoàn toàn dấn thân phục vụ nhân loại. Ngài rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, đem lại tự do và ân phúc cho toàn thể nhân loại, và cuối cùng, khi chịu chết trên thánh giá, Ngài dâng hiến mạng sống làm của lễ hoà giải nhân loại với Thiên Chúa.

Vì là Con Thiên Chúa, nên Đức Giêsu là Thượng tế duy nhất, Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Do tình thương, Ngài cho mọi tín hữu: giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tất cả đều được thông phần vào chức tư tế duy nhất của Ngài, mỗi người một cách, tuỳ theo ơn gọi và đặc sủng của mỗi người.

Trong bầu khí của Năm Linh mục và Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam, chúng ta hướng về các linh mục cách đặc biệt. Giáo hội Việt Nam mong ước thực hiện một cuộc canh tân để nhờ đó dấn thân hơn cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Trong chương trình canh tân này, tất cả mọi thành phần Dân Chúa đêu có một vai trò thiết yếu và đặc thù, không thể thay thế. Tuy nhiên, có thể nói Giáo hội đổi mới như thế nào, phần lớn là tuỳ ở hàng linh mục, vì các ngài đã nhận lãnh trách nhiệm đồng hành bên cạnh giáo dân và trực tiếp hướng dẫn các cộng đoàn Dân Chúa. Lịch sử Giáo hội cho thấy khi nào các linh mục thánh thiện, nhiệt thành, lúc đó Giáo hội tăng trưởng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Và vào những thời kỳ đen tối, để vực Giáo hội đi lên, các thánh đã bắt đầu bằng việc nâng cao phẩm chất đời sống linh mục.

Bởi vậy, để canh tân Giáo hội Việt Nam, các linh mục nhìn vào mẫu gương của Đức Kitô để sống ơn thánh hiến đã lãnh nhận trong ngày thụ phong.

Trước hết, linh mục là người được thánh hiến cho Thiên Chúa. Linh mục là người của Chúa, được dành riêng cho Chúa và hoàn toàn thuộc về Chúa.

Nhờ chìm đắm trong cầu nguyện, linh mục cảm nhận hạnh phúc được thuộc về Chúa, và chính con người của linh mục được biến đổi, như gương mặt của Môisê đã sáng chói rực rỡ mỗi khi ông vào trong Lều Tạm hầu chuyện với Chúa.

Là người của Chúa, linh mục chỉ có một bận tâm duy nhất là làm theo ý Chúa chứ không theo ý mình. Không phải là “mỗi cha một lý đoán” như nhiều người thường nói. Mọi lời giảng huấn, cách giải quyết những vấn đề, các kế hoạch, đường lối, dự án, tất cả đều không theo ý riêng, nhưng theo ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội.

Linh mục là người của Thiên Chúa, nên ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, không theo cách sống của thế gian. Linh mục có con đường riêng của mình, có lối sống riêng theo tinh thần Phúc Âm. Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng rập theo thói đời này”.

Kế đến, khi được thánh hiến cho Thiên Chúa, linh mục trở thành người của Giáo hội. Các ngài đứng đầu và đại diện cho cộng đoàn mình đang phục vụ. Đời sống và việc làm của linh mục không chỉ mang tính cách cá nhân, nhưng ảnh hưởng nhiều đến uy tín của Giáo hội. Rất nhiều khi người ta đánh giá Giáo hội qua những gì nhận xét được nơi các linh mục.

Ơn thánh hiến thúc đẩy các linh mục dâng hiến trọn cả cuộc đời để phục vụ Giáo hội. Noi gương Đức Kitô Mục tử nhân lành, các ngài hy sinh tất cả vì đoàn chiên, tận tuỵ nhiệt thành với việc tông đồ, và chịu trách nhiệm về sự thăng trầm của Giáo hội. Người đứng đầu là người đứng ở đầu sóng ngọn gió để đương đầu với mọi khó khăn nguy hiểm. Có lẽ thời đại chúng ta còn thiếu những Phanxicô Xaviê, Đắc Lộ, Cụ Sáu, nên việc loan báo Tin Mừng vẫn chưa đem lại kết quả dồi dào.

Sau hết, linh mục cũng là người của mọi người Sự hiến thân của linh mục không chỉ dừng lại nơi Giáo hội, mà còn hướng tới mọi người. Ơn thánh hiến không đưa linh mục ra khỏi thế gian, không biến linh mục trở thành người của “cõi trên” không giống ai, nhưng trái lại, thúc đẩy linh mục dấn thân vào đời, “trở nên mọi sự cho mọi người để đem lại lợi ích cho mọi người”. Như Công đồng Vaticanô II dạy, linh mục sống với người khác như anh em, không sống xa cuộc sống và hoàn cảnh của họ.

Tóm lại, linh mục cùng một lúc vừa phải là người của Thiên Chúa, người của Giáo hội, và là người của mọi người. Như vậy, sống cuộc đời linh mục cho trọn vẹn là điều rất khó, khó vì tự nó chứa đựng những nghịch lý. Bởi vậy, một đàng chúng ta tạ ơn Chúa vì hồng ân linh mục Chúa ban cho nhân loại. Nhưng đàng khác, chúng ta cũng phải cầu nguyện nhiều cho các ngài, vì các ngài mang “kho tàng quí báu trong chiếc bình sành dễ vỡ”. Thân phận yếu đuối của con người linh mục cần được chúng ta cảm thông và nâng đỡ.

Trong thời gian gần đây, các tin tức liên quan đến những vụ xì-căng-đan trong hàng linh mục được phổ biến rộng rãi và trở thành đề tài ăn khách. Nhiều người nói đến cuộc khủng hoảng trong đời sống linh mục. Một vài cây to đổ xuống giữa rừng gây tiếng vang ồn ào nhiều lúc làm người ta quên đi muôn ngàn cây khác vẫn sừng sững đứng đó, âm thầm nhưng sức sống mãnh liệt và hiên ngang đương đầu với bão táp của cuộc đời. Là môn đệ Đức Kitô trong lòng Giáo hội, chúng ta tín nhiệm vào Chúa, nên chúng ta cũng yêu mến và tín nhiệm các linh mục, cảm thông và cầu nguyện cho các ngài.

Quí cha thân mến,

Thế giới hôm nay cần những người thực sự có khả năng làm chứng về Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta hoàn toàn sống cho Chúa và cho tha nhân, thì chứng từ mới đáng tin và có sức lôi kéo người khác. Châm ngôn đầu tiên mà Đức Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận nhắc cho các linh mục là: “Những gì tôi sống trong tư cách là một linh mục, thì quan trọng hơn những gì tôi làm”.

Chúng ta là người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Lửa Thánh Thần đã được đốt lên trong cuộc đời chúng ta trong ngày thụ phong. Một khi được đốt lên, lửa Thánh Thần cứ lan xa, ngày càng bùng lên mạnh mẽ, không gì dập tắt được. Giáo hội Việt Nam hôm nay mong chờ ngọn lửa thần linh ấy bùng lên từ cuộc đời các linh mục để chiếu sáng và lan toả sang mọi người.

Ước gì lửa của Năm Linh mục bùng lên mạnh mẽ để làm cho Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam trở thành một lễ Hiện Xuống mới.
 
Linh mục nên thánh nhờ cầu nguyện, phục vụ và hy sinh
Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên
12:35 01/04/2010
Lễ Truyền Dầu 2010 tại Sóc Trăng 30.3.2010

Kính thưa cộng đoàn,

Thánh Lễ Truyền Dầu cho thấy trong Kitô giáo, dầu rất thường được dùng trong phụng vụ thánh. Thời Cựu Ước dầu thường được dùng cho việc phong vương, cho việc hiến thánh các tư tế, cho việc tuyển chọn các tiên tri, hiến thánh các đồ vật được dành riêng cho việc tế tự. Bài đọc thứ nhất kể lại việc Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hóa tiên tri Isaia bằng việc xức dầu tấn phong để sai ông đi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo. Bài Tin Mừng Thánh Luca kể lại việc Thiên Chúa đã xức dầu Thánh Thần cho Đức Kitô để loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Để việc loan báo Tin Mừng này được tiếp tục mãi cho đến tận thế, ngay từ giây phút đầu của việc công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã quan tâm trước tiên đến việc tuyển chọn, huấn luyện và thánh hóa các Tông Đồ. Những vị này, sau khi được tràn đầy Thánh Thần, đã mạnh dạn rao giảng Phúc Âm, quy tụ muôn dân vào một đoàn chiên, thánh hóa và cai quản họ. Đến lượt mình, các Tông Đồ, và những người kế vị các Tông Đồ, cũng đã chọn những người phụ tá, qua việc đặt tay và xức dầu thánh, để thánh hóa và sai họ đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người, ở mọi thời và ở mọi nơi. Ngày nay, các linh mục chính là những sứ giả Tin Mừng, được Thiên Chúa tuyển chọn qua việc đặt tay và xức dầu thánh hiến, các linh mục cũng phải là và luôn cố gắng để trở thành những vị thánh.

Có 3 yếu tố làm nên sự thánh thiện của linh mục.

Yếu tố đầu tiên giúp cho các linh mục nên thánh chính là việc cầu nguyện

Nhờ cầu nguyện linh mục thường xuyên sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, để Thiên Chúa biến đổi mình dần dần. Nhờ cầu nguyện, linh mục thực sự trở thành chuyên gia về Thiên Chúa, tin thực sự vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương và rồi có thể chia sẻ niềm tin và những cảm nghiệm sâu sắc và thấm thía về sự hiện hữu của Thiên Chúa, về tình yêu thương của Thiên Chúa cho nhân lọai, cho mọi người. Việc cầu nguyện còn đem lại cho linh mục sức sống và sức mạnh thiêng liêng giúp linh mục vượt thắng những trở ngại, những thử thách trong cuộc đời. Để có thể cầu nguyện thật tốt, các linh mục cần phải học trước tiên nơi trường cầu nguyện của Chúa Giêsu. Linh mục không chỉ nghe Chúa Giêsu dạy về cầu nguyện mà nhất là nhìn xem Người cầu nguyện và bắt chước Người. Trong suốt quãng đời trần thế, việc cầu nguyện đã trở thành công việc nền tảng cố định trong đời sống của Đức Giêsu: cầu nguyện để thỉnh ý Cha.

Đối với Đức Giêsu ý muốn của Chúa Cha là trên hết. Để biết rõ ý Cha, Đức Giêsu đã thường xuyên cầu nguyện. Chính trong giây phút cầu nguyện, Người thỉnh ý Cha và chia sẻ tâm tình con thảo với Cha. Xem ra càng có nhiều công việc, thì Chúa Giêsu càng để dành thời giờ cho việc cầu nguyện nhiều hơn. Noi gương Đức Kitô, linh mục cũng phải siêng năng cầu nguyện để hiểu rõ thánh ý Chúa Cha.

Yếu tố thứ hai làm nên sự thánh thiện của linh mục là phục vụ

Lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng đòi hỏi linh mục phải có một tình yêu đặc biệt dành cho Giáo Hội của Đức Kitô và cho con người. Noi gương Đức Kitô, linh mục cũng phải dám xả thân, dám cống hiến trọn cuộc đời mình cho Giáo Hội và cho các tâm hồn. Một khi đã được tình yêu của chính Đức Kitô soi chiếu và thúc đẩy, linh mục sẽ biết chú tâm, ứng xử nhẹ nhàng, đón tiếp với một con tim rộng mở, biết lưu tâm đến những vấn đề của người khác. Cũng giống như Đức Kitô, linh mục phải thực sự là con người của tình thương, phải làm chứng về tình thương đối với mọi người bằng việc phục vụ mọi người, trong khả năng và điệu kiện cho phép. Linh mục phải là những người anh em của tất cả, phải mang trong mình tinh thần của Giáo Hội, một Giáo Hội phổ quát hướng mở đến mọi người, đến với mọi dân tộc, đến với toàn thể nhân loại và đặc biệt đến với những người bé nhỏ nhất và nghèo khổ nhất (Tông Huấn Giáo Hội tại Á châu, số 34). Tuy nhiên, phải công nhận rằng, cho dù có tập luyện công phu đến đâu đi nữa, thì đức ái vẫn không phải là một đức tính tự nhiên. Đức ái là một nhân đức đối thần và là ân sủng của Thiên Chúa. Vì là một ân sủng, nên chúng ta cần phải liên tục cầu xin Chúa ban cho. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu ban cho các linh mục chính Trái Tim của Chúa. Nhờ đời sống độc thân, linh mục có thể dành trọn con tim, lòng nhiệt thành, khả năng để phục vụ và yêu thương dân Chúa. Mối quan hệ nội tại giữa sự độc thân linh mục và sự phục vụ không chỉ là đặc tính của một con người đạo đức, thánh thiện, nhưng nó còn là một dấu chỉ chắc chắn về sự đáng tin cậy của con người đó. Đức khiết tịnh trong đời linh mục cũng thường đi đôi với đức khó nghèo. Một linh mục thánh thiện cũng là một linh mục không dính bén đến của cải vật chất. Dù ở thời đại nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, linh mục luôn được kêu gọi từ bỏ mình và sống giản dị. Sự giản dị của cuộc sống cũng là một giá trị đạo đức đáng khích lệ và noi theo. Khi sống trên trần gian, Đức Giêsu đã chọn cho mình lối sống này và Ngài đã làm gương cho chúng ta.

Hy sinh chính là yếu tố thứ 3 làm nên sự thánh thiện của linh mục

Để việc phục vụ mang lại kết quả thật tốt, linh mục cần luôn sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên mình. Trong thư thứ II gởi cho giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô viết: “Tôi rất vui lòng tiêu hao tiền của, tiêu hao cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em”. Các linh mục của Đức Kitô hôm nay cũng phải là những con người hăng say và sẵn sàng dấn thân, chấp nhận mọi gian khổ và cả đến hiểm nguy để chu toàn sứ vụ được trao ban. Không dám hy sinh, không chấp nhận hy sinh, sợ gian khổ, sợ vất vả… linh mục khó có thể sống tốt và hoàn thành sứ vụ được trao. Chỉ với tinh thần hy sinh cao độ, linh mục mới sẵn sàng cống hiến thời giờ, khả năng, sức lực… và tất cả những gì mình có để phục vụ Nước Chúa, phục vụ mọi người. Ngày nay, khi thời giờ được coi là quý báu như vàng, như bạc, thì linh mục cần biết dành thời giờ để chăm sóc đàn chiên, sống với đàn chiên, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của đàn chiên, năng thăm viếng và tiếp cận với đàn chiên, đặc biệt với những con người nghèo hèn, khốn khổ. Ngoài ra, cũng rất hữu ích, nếu linh mục biết dành thời giờ cho việc đọc sách thiêng liêng, đọc và nghiên cứu Thánh Kinh, nghiên cứu thần học… để có thể luôn cập nhật về một nền thần học vững chắc. Linh mục cũng cần phải quan tâm trau dồi những kiến thức phổ thông căn bản cần thiết cho đời sống mục vụ, nhờ đó có thể đối thoại và giúp ích nhiều cho đàn chiên, bởi lẽ, con người ngày nay, ở khắp nơi, đang chiến đấu chống lại sự thất học, dốt nát và một số lớn dân chúng, nhất là thế hệ trẻ, đang tranh thủ cho họ có được một nền học vấn ngày càng cao hơn. Không gì quý hơn đối với linh mục, nếu các ngài biết quan tâm dành thời giờ cho việc giảng dạy giáo lý cho trẻ em, cho các tân tòng, cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình, cho những người đang gặp khủng hoảng về đức tin. Những người này rất cần được linh mục giúp đỡ, giải đáp thỏa đáng những thắc mắc liên quan đến đức tin và việc sống đạo.

Trong Năm thánh của Giáo Hội Việt Nam và năm Linh mục, chúng ta cùng cầu xin Chúa thương thánh hóa mọi người và thánh hóa cách đặc biệt các giám mục, các linh mục, các tu si nam nữ của Chúa. Chúng ta cũng cầu xin cho mỗi người chúng ta biết tận dụng tất cả những ơn lành Chúa thương ban trong Năm thánh này để nên hoàn thiện và thánh hóa mình mỗi ngày một hơn. Amen.
 
Linh mục và Của lễ
Giám Mục Phêrô Trần Đình Tứ
12:42 01/04/2010
Lễ Dầu 01.04.2010

tại nhà thờ giáo xứ Lực Điền, hạt Lạc An, giáo phận Phú Cường Quí cha, quí tu sĩ nam nữ, và anh chị em tín hữu thân mến,

Hôm nay là thứ Năm Tuần Thánh, ngày Chúa lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục. Chiều nay, trong tất cả các nhà thờ xứ sẽ long trọng làm lại nghi thức Chúa đã làm xưa tại nhà Tiệc ly, đặc biệt chú trọng vào việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Sáng nay, mỗi giáo phận, tại nhà thờ chánh tòa hay tại một nhà thờ khác tiêu biểu, (lần này chúng ta chọn nhà thờ Lực Điền thuộc hạt Lạc An của anh chị em đây), trong đó giám mục và các linh mục đại diện cho các miền khác nhau trong giáo phận qui tụ lại trong thánh lễ đồng tế được mệnh danh là lễ Dầu, với mục đích đặc biệt tưởng niệm việc Chúa Giêsu, cũng trong chính ngày thứ Năm Thánh này, đã thiết lập chức linh mục và trao ban cho một số người được hành động nhân danh Chúa Kitô và với tư thế của Chúa Kitô để tiếp tục công cuộc cứu độ nhân loại.

Theo nghi thức, lễ Dầu chỉ được cử hành tại một nhà thờ, và việc Đức Giám mục đồng tế với các linh mục được coi như là cần thiết và có tính biểu trưng, nói lên sự hiệp thông giữa giám mục và linh mục đoàn trong giáo phận, vì tất cả các ngài cùng được chia sẻ một chức vụ linh mục duy nhất là chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô. Cũng trong thánh lễ này, Giáo Hội làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và hiến thánh Dầu Thánh, là ba thứ dầu được dùng để cử hành các bí tích và những nghi thức khác thuộc thừa tác vụ linh mục.

Dầu Thánh được dùng trong bí tích Rửa tội, Thêm Sức, phong chức giám mục và linh mục, trong nghi thức cung hiến nhà thờ và bàn thờ, với mục đích hiến thánh những người và những sự vật dành riêng cho Thiên Chúa. Dầu Dự tòng dùng để xức những người sắp được rửa tội hầu sửa soạn và ban cho họ những dự kiện cần thiết để lãnh nhận bí tích. Còn dầu bệnh nhân được sử dụng khi ban bí tích xức dầu bệnh nhân, hầu nâng đỡ họ trong những lúc đau yếu bệnh tật, đồng thời xóa bỏ những hệ lụy do tội lỗi còn để lại.

Theo giáo lý của Giáo Hội, tất cả các tín hữu, ngay từ lúc được rửa tội, đều được tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô, nhờ đó họ có thể dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những hy sinh, những của lễ tinh thần và vật chất. Việc tham dự này được mệnh danh là chức linh mục cộng đồng. Tuy nhiên, khi lập bí tích truyền chức thánh, Chúa Kitô đã muốn tuyển chọn một số người để nâng họ lên, cho họ được hành động nhân danh Người, trong tư thế của Người khi cử hành các các bí tích, hầu mang ơn cứu độ đến cho muôn người. Chúng ta gọi các ngài là những linh mục thừa tác, tức những người hành động nhân danh Chúa Kitô, trong tư thế của Chúa Kitô, đại diện Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh là Nhiệm thể của Người. Các vị này được thiết lập nên không vì khả năng cá nhân, nhưng do ơn Chúa chọn gọi; không nhằm lợi ích riêng của cá nhân, nhưng vì lợi ích của cộng đoàn và để phục vụ mọi người.

Vì thế dù được tham dự với tư cách nào vào chức linh mục của Chúa Kitô, chúng ta đều có nhiệm vụ phải ca tụng, ngợi khen và tạ ơn Chúa về ơn trọng đại này. Đó là một trong những ơn quí giá nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người. Là giáo dân hay giáo sĩ, tất cả chúng ta cùng được liên kết với nhau trong chức linh mục của Chúa Kitô, vì thế chúng ta cũng phải cộng tác với nhau để việc tham dự này góp phần làm vinh danh Chúa, phát triển Giáo Hội và đem lại lợi ích cho các linh hồn.

Riêng với anh em linh mục,

Hôm nay là ngày đặc biệt của chúng ta. Trong thư gởi các linh mục nhân ngày thứ Năm Tuần thánh năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ký bức thư tại chính nhà Tiệc ly, nơi được coi như là nguyên quán của tất các các linh mục, khi áp dụng câu thánh vịnh nói về Giêrusalem: “Chúa ghi vào sổ bộ các dân: ‘Kẻ này người nọ sinh ra tại đó’”(Tv 87, 6). Chúng ta hãy hình dung mình đang ơ trong nhà Tiệc ly để cầu nguyện và tưởng nhớ đến những sự việc đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm năm, trong bầu khí của bữa tối sau hết, giữa bao băn khoăn lo lắng về cuộc tử nạn sắp tới, về tình yêu cao độ: “Yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, và yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), ngõ hầu có thể hiểu được tâm tình của Chúa Kitô và ý nghĩa những việc Người đã làm.

Có lẽ chúng ta cũng nên suy nghĩ lại về ơn trọng đại này hầu giúp chúng ta biết cử hành cách sốt sắng Thánh lễ mỗi ngày.

Trước hết, chúng ta cần ý thức rằng Chúa đã lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục vì yêu thương chúng ta, đặc biệt khi đọc lại lời dẫn nhập của thánh Gioan trong tường thuật về bữa Tiệc ly, về việc Chúa rửa chân cho các môn đệ và cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Quả thực, vì yêu thương chúng ta là những người còn ở trần gian, nên Người đã yêu thương tới cùng. “Tới cùng” ở đây không những có tính thời gian, nghĩa là yêu thương tới lúc chết, yêu thương mãi mãi, nhưng còn chỉ mức độ, nghĩa là yêu thương tới mức chót, tới đỉnh cao nhất. Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Kitô để cố sống yêu thương: yêu thương các anh em linh mục và yêu thương đoàn chiên mà Chúa đã trao phó cho chúng ta, yêu thương những người chưa thuộc đoàn chiên của Chúa, để giúp họ cũng được gia nhập đoàn chiên, gia nhập cộng đoàn những người được cứu độ.

Chúng ta hãy suy niệm lại cụm từ quen thuộc đã trở thành châm ngôn: “Sacerdos et Victima”, Linh mục và Của lễ, thì sẽ thấy rằng ý niệm hy sinh gắn liền với sứ vụ linh mục. Thật vậy, trong công thức phong chức mà Chúa Kitô đọc trong bữa tiệc ly: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”, đã rõ ràng hàm chứa ý tưởng này. Làm việc này có nghĩa là làm lại những cử chỉ, đọc lại những lời Chúa Kitô đã đọc để truyền phép bánh rượu. Vậy cả hai lời truyền phép đều nhắc nhở tới hiến tế của Chúa trên đồi Golgotha: “Tất các các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con … Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Vì thế, là linh mục chúng ta hãy cố gắng học với Chúa Giêsu cho biết phải hy sinh trong mọi nơi mọi lúc. Chính những hy sinh này sẽ làm cho đời linh mục chúng ta trở thành một của lễ đẹp lòng Chúa và mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

Năm nay cũng là năm Linh mục, chúng ta hãy đọc đi đọc lại những đoạn Tin Mừng tường thuật những việc Chúa đã làm trong bữa Tiệc ly, đặc biệt khi lập bí tích Thánh Thể và bí tích truyền chức thánh. Hãy đọc và hãy suy niệm, hãy lắng nghe và đáp trả những tiếng Chúa đang mời gọi chúng ta theo sát bước chân của Người, lăn xả vào việc truyền giáo và tông đồ mục vụ để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Chúa đã yêu thương và muốn cứu độ mọi người, chúng ta cũng phải hy sinh tất cả để tiếp tay với Chúa để hoàn thành công việc Người đã khởi đầu. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Xin Mẹ Maria, Mẹ các linh mục, Mẹ đã theo sát Chúa trên đường khổ giá và can đảm đứng dưới chân thánh giá để nhận những lời trăn trối cuối cùng của Chúa, trong đó có lời nhắn gởi đầy yêu thương dành riêng cho các linh mục: “Đây là con bà … Đây là mẹ con!” Xin Mẹ giúp chúng ta có những tâm tình yêu mến, đặc biệt là sự quên mình để phục vụ tha nhân.

Xin tất cả anh chị em tín hữu cũng cầu nguyện cho chúng tôi là giám mục và linh mục của anh chị em, đã được thiết lập để phục vụ anh chị em. Chớ chi chúng ta biết liên kết với nhau để tình thương của Chúa được lan rộng khắp nơi và mọi người được ơn cứu độ.
 
Linh mục, theo gương Chúa Kitô Thượng tế “trung tín và giàu lòng thương xót, theo kiểu Melkisêđê”
Giám Mục Giuse Võ Đức Minh
12:48 01/04/2010
Trong lời nguyện nhập lễ của Thánh lễ ngoại lịch kính Chúa Giêsu Linh mục Thượng phẩm, bản văn phụng vụ viết như sau: “Lạy Chúa, để Danh Chúa được tôn vinh và để thế giới được cứu độ, Chúa đã đặt Đức Kitô làm Thượng tế của Giao Ước muôn đời. Chính Người đã hiến mình làm của lễ khi đổ máu đào trên thập giá để cứu chuộc muôn dân.”

Và trong lời Tiền tụng Thánh Thể II, bản văn phụng vụ đã ghi rõ: “Khi cùng với các Tông đồ dự bữa Tiệc Ly, Người muốn cho muôn thế hệ tưởng nhớ mầu nhiệm thập giá sinh ơn cứu độ, nên đã hiến mình cho Cha làm Con Chiên vẹn toàn và làm của lễ ngợi khen hoàn hảo được Cha chấp nhận.”

Như vậy, Hội Thánh hiểu mầu nhiệm cứu độ cao cả mà Đức Giêsu đã thực hiện là trong tư cách Vị Thượng tế của Giao Ước muôn đời, tự hiến mình làm của lễ, ở giữa các Tông đồ trong bữa Tiệc Ly và hoàn tất trong mầu nhiệm Thập giá.

Những sự kiện này đã được Thánh Gioan ghi lại một cách tuyệt vời trong cuốn Phúc Âm thứ tư với những lời sau đây:

“Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha - đã mến yêu các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian - thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng” (Ga 13,1). “Vượt qua khỏi thế gian để đến cùng Cha” là cách diển tả cái chết của Đức Giêsu. Cái chết được hiểu như nghĩa cử yêu thương tột đỉnh (eis telos), yêu thương cho đến cùng, yêu thương ở mức độ hoàn hảo; cũng trong bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, trước khi tắt thở trên thập giá, Ngài đã thốt lên: “mọi sự đã hoàn tất” (tetelestai); telos và tetelestai cùng một gốc với nhau, như đóng khung, làm nổi bật những gì Đức Giêsu đã thực hiện trong dịp lễ Vượt qua năm ấy; để rồi, khi diễn tả hơi thở cuối cùng, Thánh Gioan viết: “Ngài phó thác Thần Khí” (Ga l9,30).

ĐỨC GIÊSU KITÔ THƯỢNG TẾ

Trong toàn bộ Kinh thánh, chỉ có thư Do Thái là công bố Đức Kitô với tước hiệu là tư tế và là thượng tế. Để hiểu được tầm quan trọng về danh hiệu này, chúng ta thấy sau khi đã trình bày địa vị của Đức Kitô ở bên hữu Thiên Chúa (1,5-14), và mối liên đới của Người với chúng ta (2,5-16), tác giả kết luận: Người đã phải nên giống anh em mình trong mọi sự, để trở nên Vị Thượng Tế đầy lòng xót thương và trung tín đối với các việc liên quan đến Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân (2,17). Thật vậy, loài người chúng ta không thể đến gần Thiên Chúa, hầu thờ phượng Người cách chân thật, nếu không có một Vị Tư Tế xứng với danh hiệu ấy. Cứ theo những quan niệm thông thường, Đức Giêsu không phải là tư tế. Người không thuộc chi tộc tư tế; trong sách Gia phả, Người xuất phát từ dòng tộc Giuđa, một chi tộc mà Môsê đã không nói gì khi ông bàn đến các tư tế (7,14). Gioan Tẩy giả thuộc dòng dõi tư tế (Lc 1,5) nhưng Đức Giêsu thì không, và Phúc âm không bao giờ cho thấy Đức Giêsu có ý muốn chen chân vào việc phụng tự Do Thái.

Tuy nhiên, càng hiểu rõ Đức Giêsu, chúng ta sẽ khám phá ra sự “hoàn tất” những lời sách Thánh mà Đức Giêsu đã thực hiện. Đó là, khi đào sâu ý niệm về chức tư tế, chúng ta dần dần khám phá ra rằng địa vị của Đức Kitô vinh hiển, như chính Đức Giêsu đã diễn tả trước, khi trả lời cho vị thượng tế Do thái (Mt 26,24) và như các tông đồ đã nhận ra và công bố sau ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 2,33-34), địa vị đó thực sự là địa vị của vị thượng tế hoàn hảo: “trung tín và đầy lòng thương xót, theo kiểu Melkisêđê.”

“Trung tín và đầy lòng thương xót”

Trước hết, vị thượng tế phải được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận, được phép cho ở trước nhan Ngài, bởi vì nhiệm vụ tư tế chính là can thiệp với Thiên Chúa, đảm bảo mối liên lạc với Ngài. Như vậy, không ai có thể đáp ứng được điều kiện đầu tiên này một cách thỏa đáng ngoại trừ Đức Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa và được tuyên xưng là Con Thiên Chúa.

Nhưng còn một điều kiện nữa, đó là: vị tư tế phải thực sự liên đới với những kẻ Ngài thay mặt cho bên cạnh Thiên Chúa, nếu không thì hiển nhiên là không thể thiết lập mối giây liên lạc với Thiên Chúa một cách bền vững được. Như vậy, cũng chỉ có Đức Kitô là Đấng đã trở nên anh em với chúng ta cho đến chết trên thập giá, nên điều kiện thứ hai này cũng được Người thể hiện một cách hoàn hảo.

Liên kết với Thiên Chúa, liên kết với con người, đó chính là hai danh hiệu của Đức Giêsu; qua cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã kí kết tình liên đới với chúng ta và qua mầu nhiệm sống lại, lên trời, Đức Giêsu thực sự ở trong vinh quang của Thiên Chúa; đó là sự hoàn tất đích thực của chức tư tế. Đức Kitô đã trở nên thượng tế; Ngài thực sự là Vị Thượng tế.

Ngoài ra, Đức Giêsu khi trả lời cho những kẻ xét hỏi Người, Ngài đã trích dẫn Thánh vịnh 110 và đã tự áp dụng Thánh vịnh ấy cho mình, không chỉ nói đến việc ngồi bên hữu Thiên Chúa mà thôi, mà còn minh nhiên công bố chức tư tế vinh hiển của Ngài: Con là tư tế đến muôn đời theo kiểu Melkisêđê (Tv 110,4; Dt 5,6; 7,17).

Như vậy, Đức Giêsu là vị Thượng tế:

– “đầy lòng thương xót” diễn tả tâm tình của một người anh em đối với các anh em mình, diễn tả sự liên đới của Đức Giêsu đối với những kẻ phải chịu thử thách. Người không phải là một Đấng không thể cảm thông với những yếu đuối của ta, nhưng là Đấng đã chia sẻ mọi thử thách của ta, chỉ trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy tin tưởng tiến gần đến ngai ân sủng, để được thương xót và hưởng những ơn khi cần thiết.

– “trung tín trong những việc liên quan đến Thiên Chúa”, nói lên địa vị của Đức Kitô vinh hiển; Người trung tín, nghĩa là đáng tin, ta có thể tín nhiệm Người; bởi Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người. Người trở nên Đấng cai quản đầy tín cẩn mọi sản nghiệp của Chúa Cha; vì Đức Giêsu đáng tin, nên chúng ta hãy tin vào Người.

Sự đan quyện tuyệt vời giữa hai đặc điểm của chức tư tế của Đức Kitô khiến Người một đàng trung tín với Chúa Cha, nhưng không buộc Người phải cắt đứt mọi liên đới với chúng ta. Trái lại, nét đặc sắc của chức tư tế này khiến Người nối kết mối giây huynh đệ với chúng ta và thôi thúc Người yêu thương và liên đới với chúng ta đến tột cùng. Người đã trở nên vị thượng tế không phải là bằng cách tách rời chúng ta hay đứng lên chống lại chúng ta, nhưng bằng cách liên kết mật thiết số phận của Người với số phận chúng ta. Đó chính là ý định cứu độ của Thiên Chúa, một ý định diệu kỳ: “Quả là thích hợp việc Đấng có vạn vật vì Người và do bởi Người tra tay hướng dẫn số đông con cái về phúc vinh quang, thì đã dùng thống khổ luyện cho thành toàn Đấng khơi nguồn cứu rỗi; vì Đấng tác thánh và những người được thánh hóa do lai là một. Vì lẽ ấy Ngài không sượng gọi họ là anh em” (2,10-11).

Còn một điều căn bản mà Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước luôn nhắc tới: đó là tội lỗi và hậu quả do tội lỗi gây ra. Đã phạm tội, thì phải đưa tới cái chết. Nguyên là hậu quả và hình phạt của tội, cái chết tự nguyện trên thập giá của Đức Kitô đã trở nên một hành vi bác ái cao vời “Ngài đã yêu thương họ đến cùng”. Nguyên là cửa dẫn đến diệt vong, cái chết từ nay đã trở nên cửa dẫn đến vinh quang. Trung tín với Thiên Chúa và liên đới với chúng ta không còn có thể phối hợp với nhau chặt chẽ hơn.Như vậy, Đức Kitô thượng tế biểu lộ cho chúng ta lòng thương xót của Chúa Cha.

“Theo kiểu Melkisêđê”

Thêm vào đó, chúng ta còn ghi nhận một đặc điểm mới trong chức tư tế của Đức Kitô, đó là dựa trên lời tuyên bố của Thiên Chúa trong Thánh Vịnh 110,4: “Chúa đã thề và Người sẽ chẳng hề hối tiếc: Con là tư tế đời đời theo kiểu Melkisêđê.” Được Thiên Chúa gọi làm tư tế cũng như Aharon (Dt 5,4-5), nhưng Đức Kitô không phải là tư tế theo cách của Aharon, mà theo kiểu Melkisêđê: “Melkisêđê là Vua Salem, tư tế của Thiên Chúa Tối cao; ông đã đón gặp Abraham trở về sau khi đã đánh bại các vua và ông đã chúc lành cho Ngài; và Abraham đã chia cho ông một phần mười về mọi sự. Trước tiên tên ông có nghĩa là: Vua công chính; rồi ông còn là Vua Salem, tức là: Vua bình an. Không cha, không mẹ, không họ hàng; không khởi thủy tuổi đời, không mút cùng cuộc sống; ông khá ví được với Con Thiên Chúa, tại chức tư tế mãi mãi” (Dt 7,1-3; x. St 14,18-20). Qua dòng suy nghĩ này, rõ ràng khuôn mặt của Melkisêđê là tiền ảnh của Đức Kitô vinh hiển, vừa là Vua công chính và bình an, vừa là Tư Tế, lớn hơn cả Abraham, bỡi lẽ ông đã chúc lành cho Abraham (Dt 7,6-7; x. Ga 8,28); và vì thế lớn hơn mọi tư tế trong thời Cựu Ước. Thật vậy, Đức Kitô có quyền tư tế, không phải là vì thuộc về một gia đình tư tế, nhưng vì Người sở hữu sự sống của Con Thiên Chúa một sự sống bất diệt (7,16), sự sống nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người (7,3-28). Do đó mối tương quan giữa Đức Kitô vinh hiển với Cha Người vượt hẳn tương quan của các vị thượng tế xưa với Thiên Chúa. Cách nhấn mạnh của Thánh Vịnh, khi nhắc đến lời thề của Thiên Chúa, làm nổi bật mối liên hệ này, như một “giao ước hoàn hảo và vĩnh viễn.”

Đức Hồng Y Albert Vanhoye SJ. có một nhận xét rất tinh tế về hình ảnh của Melkisêđê phóng chiếu vào “Đức Kitô vinh hiển”: “Chúng ta có thể nói về Đức Kitô vinh hiển, đó là một Đấng không cha, không mẹ, không họ hàng; vì việc thân xác Người sống lại từ cõi chết được xem như một sự tái sinh mà không có sự can thiệp của bất cứ người cha, người mẹ nào; từ đó, Người trở nên trưởng tử không bắt nguồn từ một họ hàng nào.”

“Tư tế theo kiểu Melkisêđê” còn giúp chúng ta hiểu thêm điều này về phẩm giá cao cả của chức tư tế của Đức Kitô: đó là chức vị tư tế không còn mắc phải những khuyết điểm như những tư tế cũ. Thực vậy dựa trên lịch sử của Dân Chúa, việc hiến thánh không biến đổi sâu xa các tư tế trong Cựu Ước, sau cũng như trước, họ vẫn bị lâm vào cảnh yếu đuối (Dt 7,28). Họ phải chết, và cái chết chấm dứt chức vụ của họ (Dt 7,23). Dù được nghi thức phụng tự tách biệt họ khỏi những kẻ tội lỗi, nhưng thực tế chính họ vẫn còn là những con người có tội; nên không thể thật sự sống thân mật với Thiên Chúa (Dt 9,8-10). Trái lại, nhân tính của Đức Kitô phục sinh đã được đổi mới toàn diện nhờ cuộc khổ nạn đưa đến vinh quang. Nhân tính ấy không còn lâm vào cảnh yếu đuối. Đức Kitô phục sinh không còn chết nữa, chức tư tế của Người vì thế sẽ vô cùng vô tận (Dt 7,24).

Nhưng bởi vì Người được thánh hiến bằng cách chết cho chúng ta, nên Người vẫn mãi luôn thuộc về chúng ta. Gần gũi Thiên Chúa, Người cũng vẫn gần gũi chúng ta. Người là Thượng tế của chúng ta.
 
Nhật ký 24 giờ cuối
Lm Giacôbê Tạ Chúc
12:55 01/04/2010
5 giờ 00 chiều ngày thứ năm tuần thánh:

Chúa Giêsu từ biệt Đức Mẹ

Con thấy Chúa và Mẹ khóc, hơn ba mươi năm trong mái ấm gia đình, cơm lành canh ngọt, thắm đượm tình yêu mẫu tử. Giờ đây chia lìa mẹ con, ôi thật xót xa cả cõi lòng, mẹ nhìn con đi mà đôi mắt rớm rớm lệ. Chúa Giêsu bước đi trong tê tái cõi lòng, Mẹ ơi mẹ có thấu chăng ?

6 giơ00 chiều thứ năm:

đến nhà Tiệc ly

Nơi đây sẽ mang nhiều kỷ niệm của một đời ân sủng và sự cứu rỗi, Chúa mòn mỏi đợi chờ các môn đệ.

7 giờ 00 tối thứ năm:

Bữa tiệc ly với các môn đệ

Cũng một bữa ăn nhưng hôm nay con thấy sao khác lạ, ánh mắt Chúa mãi vò võ kiếm tìm, Phêrô đến chưa ? Giuđa, Gioan, Anrê, Giacôbê và cả Giuđa Iscariô nữa ! Tất cả đã có mặt rồi chứ, chúng ta thánh hóa bữa ăn nhé.

8 giờ 00 tối thứ năm:

Tiệc thánh Thể

Con thấy bàn tay Chúa run run cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban cho các môn đệ. Rượi cũng thế, Chúa dặn các môn đệ hãy ghi nhớ điều này.



9 giờ 00 tối thứ năm:


giờ hấp hối đầu tiên tại vườn cây dầu.

Con thấy Chúa thật tội nghiệp, Chúa lê lết đi, mồ hôi và nước mắt lăn dài. Chúa muốn các môn đệ thức với Chúa.

10 giờ 00 tối thứ năm:

giờ hấp hối thứ hai tại vườn cây dầu

Mồ hôi và máu của Chúa bắt đầu tuôn đổ, cơn xao xuyến và nỗi lo sợ tràn ngập tâm hồn chúa. Ôi nhân lọai sao quá hững hờ.

11 giờ 00 tối thứ năm:

giờ hấp hối thứ ba của chúa

Nghĩ đến những cực hình mình sẽ chịu, bao sỉ nhục Chúa trãi qua, ruột gan của chúa rối bời, các môn đệ đâu, giờ họ đang ngủ.

12 giờ 00 đêm:

Chúa Giêsu bị bắt

Thật không thể nào tin được, đang đêm mà họ vẫn đi tìm bắt chúa, một cảnh náo lọan xảy ra, các môn đệ bỏ chạy, để Chúa một mình giữa phong ba bão táp.

1 giờ 00 sáng thứ sáu tuần thánh:

Chúa ngã ở suối cedron.

Quân lính xô Chúa ngã, chúng kéo Chúa lên, những tảng đá va mạnh vào đầu Chúa, con nghe ngàn muôn nổi tái tê.

2 giờ 00 sáng thứ sáu:

xử án tại nhà Anna

Anna là nhạc phụ của caipha, có lẽ ông cũng chẳng biết nên xử thế nào với Chúa Giêsu.

3 giờ 00 sáng thứ sáu:

xứ án tại nhà Caipha.

Ông này làm Thượng tế, chính ông đề nghị giết Chúa Giêsu để cứu dân chúng.

4 giờ 00 sáng thứ sáu:

Chúa Giêsu trong tay quân dữ.

Sau khi xét hỏi, Caipha giao chúa Giêsu cho quân lính. Bắt đầu trận mưa đòn dồn dập, Thân Thể Chúa máu me đầm đìa.

5 giờ00 sáng thứ sáu:

Họ giam chúa Giêsu trong ngục

Ôi con Thiên Chúa đã đành trút bỏ hết mọi vinh quang, giờ đây mang lấy tấm thân của người nô lệ.

6 giờ00 sáng thứ sáu:

Họ điệu chúa Giêsu đến với Caipha và Philatô

Ông Thượng Tế và Tổng Trấn đứng ra xét xử chúa, con người trở nên mê muội khi dám xử án Đấng là Chúa tể mọi loài.

7 giờ 00: trước mặt Tổng Trấn Philatô

Philatô biết chúa vô tội, thế mà ông vẫn lạnh lùng để cho Chúa phải chết.

8 giờ 00: Baraba một tên đầu trộm đuôi cướp thì được tha, còn chúa Giêsu chịu dánh đòn.

9 giờ 00: Chúa Giêsu đầu đội mũ gai, trên vai Thập giá tiến ra pháp trường.

10 giờ 00 : Chúa Giêsu vác Thập Giá lên đồi Calvê giữa những tiếng hò la của dân chúng.

11 giờ 00 trưa: những nhát búa, những chiếc đinh lạnh lùng đóng tay chân Chúa vào thập giá, ôi con người, tội lỗi biết là dường nào.

12 giờ 00 – 14 giờ 00 : Chúa Giêsu qùăn quại trong cơn hấp hối, giờ của bóng tối trùm vây.

15 giờ 00 : Giờ sinh thì, Chúa Giêsu tắt thở trên cây Thập giá, một người lính lấy lưỡi đòng đâm cạnh nương long của chúa, tức thì máu và nước chảy ra.

16 giờ 00 : mai táng chúa Giêsu trong mộ. Ông Giô-xép là người đã mai táng xác chúa, Nicôđêmô thì đem mộc dược và trộn với trầm hương để tẩm liệm cho Chúa.

Hai mươi bốn giờ đã qua, lạy Chúa xin cho con sống trong tình yêu của Chúa.

.
 
Đồng Hành với Chúa Giêsu Trên Đường Thập Giá - Bài 8
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
14:37 01/04/2010
Nơi Thứ Bảy - Chúa Giêsu Ngã Xuống Ðất Lần Thứ Hai


Cơn cám dỗ làm ta thất vọng thì mạnh hơn khi chúng ta quá mệt mỏi để tiếp tục hành trình (TV 6:7)


Khi Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai, thì không phải vì thập giá Người vác quá nặng, nhưng vì toàn thân Người đã hoàn toàn kiệt quệ. Người không còn sức lực. Những năm tháng làm việc ờ quê quán Người, thời gian rao giảng, đi từ thành nọ đến thành kia với các môn đệ, theo sau bởi những đám đông, tất cả đã làm thân thể Người bị hao tổn nặng nề. Và gần đây, Người phải chịu sự chống đối mỗi ngày một gia tăng đối với lời kêu gọi ăn năn hối cải của Người: những đe dọa đến sinh mạng Ngưởi, sự đào ngũ của nhiều môn đồ, sự phản bội của Giuđa và sự chối bỏ của Phêrô, những trận đòn, những lời nhạo báng, sự hoàn toàn thiếu hiểu biết của vua Hêrôđê và quan Philatô, những tiếng la gào chống đối của đám đông.

Thật là quá sức cho một người phải chịu đựng. Vì thế nên Người vấp và ngã xuống. Giấc mơ khởi đầu một vương quốc của tình yêu và thứ tha giờ này ở đâu? Thọat tiên hình như nhiều có người chia sẻ viễn tượng này của Người. Bây giờ Người hoàn toàn cô đơn, thắc mắc tại sao Người không còn được nghe tiếng nói với Người ở sông Giođăng và trên núi Taborê. Người đã làm điều gì sai lỗi, hay là Người là nạn nhân của một quyền lực ngoài vòng kiểm soát của Người?

Chúa Giêsu biết quá rõ giây phút đó khi Người không muốn tiếp tục đi, khi Người muốn bỏ cuộc và để thất vọng đưa đến đường diệt vong. Không phải chỉ ở những vùng nghèo đói của các quốc gia đang mở mang mà dân chúng mới có những cảm xúc này. Những người giầu có và sung túc cũng dễ bị thất vọng như những người nghèo khổ và cơ cực. Từ những những cuộc vật lộn của tôi, tôi biết sự thất vọng trong nội tâm của linh hồn một người. Tôi cũng thế, ngay cả khi tình trạng kinh tế tương lai của tôi xem ra bảo đảm, cũng có thể bất ngờ bị khuất phục bởi những cảm giác bối rối về tội lỗi và ngượng ngùng, sợ hãi và thất vọng. Và khi tôi nhìn chung quanh tôi, vào thẳng mắt của những người sống lâu và chăm chỉ làm việc, tôi thường thấy cùng một câu hỏi này: “Ðời sống tôi có giá trị gì không?” Từ đó nảy sinh một sự mệt mỏi sâu sa trong tâm hồn đến nỗi xem ra không thể nào tiếp tục được nữa. Tất cả coi như là một thất bại nặng nề. Mọi cố gắng của chúng ta xem ra thành mây khói. Giấc mộng bị vỡ tan tành, hy vọng bị lung lay tận gốc, và ước vọng bị rách nát tả tơi. Sự ngã lòng xâm chiếm và không còn chi xem ra quan trọng nữa.

Chúa Giêsu cũng đồng chịu cảnh ngộ này với chúng ta khi Người ngã xuống. Bây giờ Người kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng rằng việc Người và chúng ta ngã là một chặng thực sự của đường thập giá. Có lẽ chỉ có một việc chúng ta có thể làm khi ngã là nhớ rằng Chúa Giêsu đã ngã và bây giờ đang cùng ngã với chúng ta. Việc nhớ lại này có thể là một gợi ý xa xôi đầu tiên rằng vẫn còn hy vọng. Và hy vọng này, bằng một đường lối mới, có thể kết hợp thế giới của những người thất vọng khắp nơi lại với nhau, và chỉ cho chúng ta hướng đi đến một xã hội công bình và bác ái hơn.

Lm. Henri J.M. Nouwen

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:37 01/04/2010
N2T


16. Từ trên Thánh Giá, có thể được ân điển cứu chuộc, có thể được sự sống siêu nhiên, có thể được hoàn toàn đức hạnh, thánh đức hoàn mỹ.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:38 01/04/2010
N2T


406. Ranh giới của tư tưởng thì mặt nào cũng phải chú ý thì mới có thể thành thạo dễ dàng.

 
Thập Giá Tang Thương
Tuyết Mai
23:17 01/04/2010
Thập Giá Tang Thương

Chuyện xưa kể lại rằng, cách đây gần 2000 năm, có một ông tên là Giêsu, cuộc đời ông từ thuở sơ sinh, cho đến tuổi trưởng thành, sống một cuộc đời rất là nghèo khổ. Ông chẳng có một địa vị gì trong một xã hội thời bấy giờ, bởi ông sinh sống theo nghề của cha nuôi ông tên là Giuse, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Chỉ không thể hiểu nổi một điều là tất cả mọi người không biết ông có quyền bính từ nơi đâu, mà ông có thể thu hút được rất là nhiều người, một con số dân đi theo ông thật đông đáng kể. Thưa anh chị em có biết số người đi theo ông để làm gì không? Thưa là để nghe ông giảng giải về Nước Trời, Nơi mà ông bảo là ông xuất thân từ đó! Cha ông là Đức Chúa Trời!? Ấy thế mà người ta tin vô cùng, chỉ trừ những người tài giỏi thông luật, biệt phái, và dân pharisêu, là ghét ông mà thôi!

Ông Giêsu này, tánh tình hiền hậu và hiền lành vô cùng, ông cũng đã thâu thập được 12 môn đệ, và hầu hết là dân chài lưới và ít học. Có những lần ông Giêsu này thấy dân chúng đổ xô đi theo ông chịu lắng nghe những Lời ông giảng dậy, đến khi quá giờ ăn, tất cả đã đói meo, ông thương tình, đã dùng 2 con cá và 5 ổ bánh mì, dâng Lời chúc tụng, mặt ngước lên trời như thể xin với Cha ông làm phép lạ, để biến từ 2 con cá và 5 ổ bánh mì, nuôi được hết thảy dân chúng, một buổi ăn thật no nê, và sau đó còn thâu lại được bao nhiêu thúng vụn còn dư, không ăn hết. Và từ đó lời đồn đại về Người, đã thu hút thêm rất là nhiều người nữa đi theo ông, bất kỳ ông ở đâu, họ cũng đến cho bằng được. Lạ lắm! Họ càng nghe ông giảng dậy, thì họ càng tin, vì Lời ông giảng dậy rất là chân thật, không giống như bất cứ ai giảng trong các đền thờ.

Sự khác biệt về ông, là ông thường dùng các dụ ngôn để giảng dậy cho dân chúng nghe rất dễ hiểu, không cầu kỳ, không văn chương bóng bẩy, không dùng từ ngữ mà chỉ có dân trí thức mới hiểu nổi mà thôi! Sự khác biệt nữa là ông đã dùng quyền bính từ Trời Cao mà chữa lành bệnh cho tất cả mọi người mà chạm đến Người hay trái tim hay thương cảm của Người. Tất cả họ là những người mắc bệnh phong hủi, bệnh hoại huyết, liệt, cảm bệnh, bị quỷ nhập, và ngay cả người đã chết thối 4 ngày rồi, mà Người còn cứu sống dậy được. Ông cũng đã tha thứ tội cho rất nhiều đàn bà tội lỗi lăng loàng, điển hình nhất là bà Maria Mađalina, và người đàn bà đã sống với 7 đời chồng và là người ngoại đạo.

Tiếng tăm ông nổi như cồn suốt thời gian 3 năm ông đi rao giảng Nước Trời của ông và của Cha ông. Dân đi theo ông thì tin ông và càng ngày thì càng đông vô cùng, vì họ đã chứng kiến tận mắt mọi việc Lạ Lùng ông đã làm, nhưng đồng thời ông cũng đã bị chống báng và bị thù ghét của những thành phần đạo đức giả trên, vì ông đã thu hút hết dân của họ, cho nên họ đã rất căm tức và rất thù hằn ông. Họ đã và đang tìm cách ám hại ông và giết ông để họ khỏi bị gai mắt, và vì ông là sự đe dọa cho họ.

Trong số 12 môn đệ của ông, thì có một ông tên là Giuđa có ý muốn phản Thầy của mình, bằng cách đã đi kiếm các Thầy Thượng Tế mà bán rẻ Thầy của mình để lấy 30 đồng bạc.

Và đây là tấn bi kịch của Ông Giêsu được tóm tắt như sau:

Cuộc Tử Nạn Của Chúa Giêsu

(Mc 15, 1-39)

Hai ngày trước Lễ Vượt Qua các thượng tế và luật sĩ tìm mưu bắt giết Chúa Giêsu. Họ bảo nhau: "Đừng làm trong ngày lễ, kẻo sinh náo động trong dân".

Khi Chúa đang dùng cơm ở Bêtania trong nhà ông Simon tật phong, có một phụ nữ mang đến một bình ngọc đựng dầu thơm rất quý giá. Đập vỡ bình, bà đổ dầu thơm trên đầu Chúa. Có mấy người khó chịu nghĩ rằng: Làm gì mà phí dầu thơm như vậy? Dầu này có thể bán được hơn ba trăm đồng bạc để bố thí cho kẻ nghèo khó. Và họ nặng lời với bà đó. Nhưng Chúa Giêsu bảo: "Hãy để mặc bà, sao các ông lại làm cực lòng bà? Bà vừa làm cho Ta một việc rất tốt. Vì bao giờ các ông cũng có những kẻ nghèo ở bên mình, và các ông có thể làm phúc cho họ lúc nào tuỳ ý, nhưng Ta, các ông không có Ta ở luôn với đâu. Làm được gì thì bà đã làm, bà đã xức dầu thơm có ý tẩm liệm xác Ta trước. Ta bảo thật các ông: Trong khắp thế giới, Phúc âm này rao giảng đến đâu thì người ta cũng sẽ thuật lại việc bà mới làm để nhớ đến bà".

Trong khi ấy, Giuđa đi đến tìm các thượng tế để tình nguyện nộp Chúa Giêsu cho họ. Nghe vậy, họ mừng rỡ và họ liền hứa cho hắn tiền. Và hắn tìm dịp tiện lợi để nộp Thầy của mình. Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng Lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Người:

"Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?"

Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: "Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi đến hỏi: Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu? Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó".

Hai môn đệ ra đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo, và hai ông dọn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Thầy cùng Mười Hai môn đệ tới. Và khi mọi người đang ngồi ăn, thì Chúa Giêsu nói: "Ta bảo thật các con, một trong các con đang ăn cùng với Ta đây, sẽ nộp Ta".

Các ông đều buồn rầu và lần lượt từng người thưa với Ngài:

"Thưa Thầy, có phải con không?"

Người trả lời: "Là một trong mười hai, kẻ cùng chấm một đĩa với Thầy. Con Người phải ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn".

Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán rằng: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta".

Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người phán mà rằng: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa".

Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu. Chúa Giêsu bảo các ông: "Đêm nay, tất cả các con sẽ vấp phạm vì Thầy, vì có lời chép rằng: ta sẽ đánh chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi Thầy sống lại, Thầy sẽ đến xứ Galilêa trước các con".

Phêrô thưa với Thầy: "Dù tất cả vấp phạm vì Thầy, nhưng con thì không".

Chúa Giêsu bảo ông: "Thầy bảo thật con: Hôm nay, nội đêm nay, trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Thầy đến ba lần".

Nhưng Phêrô càng lên giọng cương quyết hơn mà rằng: "Không, dầu phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy". Và tất cả đều nói như vậy. Đi đến một vườn kia tên là Ghếtsêmani, Người bảo các môn đệ: "Các con hãy ngồi lại đây trong khi Thầy đi cầu nguyện".

Rồi Người đem Phêrô, Giacôbê và Gioan theo Người và Người bắt đầu kinh sợ và buồn sầu. Người liền bảo các ông: "Linh hồn Thầy buồn đến chết được, các con hãy ở lại đây và tỉnh thức".

Tiến xa hơn một chút, Người phục xuống đất và cầu xin nếu có thể được thì xin cho qua khỏi giờ này. Và Người nguyện rằng:

"Abba, Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cất chén này khỏi con! Nhưng không theo ý con muốn, nhưng một theo ý Cha".

Khi Người trở lại thì thấy các ông đang ngủ, nên nói với Phêrô:

"Simon, con ngủ ư? Con không có sức thức được một giờ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì lanh lẹ, còn xác thịt thì yếu đuối".

Rồi Người đi khỏi đó và cầu nguyện tiếp. Khi trở lại lần nữa Người thấy các ông còn ngủ và không còn biết thưa Thầy làm sao và lần thứ ba, Người trở lại và bảo: "Bây giờ các con hãy ngủ và nghỉ ngơi đi. Thế là xong! Giờ đã đến: Này Con Người sắp bị nộp trong tay những kẻ tội lỗi. Thôi! hãy chỗi dậy, chúng ta đi, kẻ nộp Thầy đã tới nơi".

Trong lúc Người còn đang nói, thì Giuđa đến, cùng đi với một toán đông mang gươm giáo và gậy gộc do các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão sai đến. Trước đó, tên phản bội đã ra hiệu cho chúng rằng: "Hễ tôi hôn mặt ai, thì đó chính là Người, các ông cứ bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận".

Vừa đến, hắn liền tới gần Người mà nói: "Chào Thầy" Và nó hôn Người. Và chúng đã tra tay bắt Người. Nhưng một người trong những kẻ đứng xung quanh đã rút gươm chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt một tai. Chúa Giêsu nói với chúng rằng:

"Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt một tên cướp! Hằng ngày, Ta ở giữa các ngươi, giảng dạy trong đền thờ mà sao các ngươi không bắt Ta. Nhưng thế là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh".

Bấy giờ môn đệ đã bỏ Người và trốn đi hết. Có một thanh niên theo Người, mình chỉ quấn một tấm khăn, họ túm lấy anh ta, nhưng anh ta bỏ tấm khăn lại và chạy trốn mình trần. Chúng điệu Chúa Giêsu đến thầy thượng tế, các tư tế, luật sĩ và kỳ lão hội lại đông đủ. Còn Phêrô theo Người xa xa đến tận trong dinh thượng tế và ngồi sưởi lửa với đám đầy tớ. Vậy các thầy thượng tế và toàn thể công nghị tìm một chứng cáo Chúa Giêsu để giết Người, song họ không tìm ra. Có nhiều kẻ đã cáo gian Người, nhưng các chứng đó không hợp nhau. Tuy nhiên có nhiều kẻ đứng lên làm chứng gian cho Người rằng: "Chúng tôi đã nghe nó nói: Ta sẽ phá huỷ đền thờ này do tay loài người làm ra, và trong ba ngày, Ta sẽ xây lại một đền thờ khác không bởi tay loài người làm ra".

Nhưng chứng cớ của họ cũng không hợp nhau. Khi ấy, thầy thượng tế đứng lên giữa công nghị hỏi Chúa Giêsu rằng: "Sao ông không trả lời gì về những điều các người này tố cáo ông". Nhưng Người vẫn thinh lặng và không đáp lại gì. Thầy thượng tế lại hỏi: "Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa đáng chúc tụng chăng?"

Chúa Giêsu đáp: "Phải, chính Ta! Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng toàn năng và ngự đến trên đám mây".

Thầy thượng tế liền xé áo mình ra và nói: "Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa? Các ông đã nghe lời nói lộng ngôn, các ông nghĩ sao?"

Ai nấy đều lên án Người là đáng phải chết. Rồi có kẻ bắt đầu nhổ vào Người, che mặt Người và đánh đấm Người mà rằng: "Hãy đoán xem!"

Và bọn thủ hạ vả mặt Người. Phêrô đang ở ngoài sân tiền đường, thì có một đầy tớ gái của thầy thượng tế đến, thấy Phêrô đang sưởi, thì nhìn ông và nói: "Ông cũng theo Giêsu, người Nadarét".

Nhưng ông chối phắt mà rằng: "Tôi không biết, tôi không hiểu cô muốn nói gì".

Rồi ông đi ra ngoài phía trước tiền đường, và gà liền gáy. Lần nữa người đầy tớ thấy ông, liền nói với những người xung quanh rằng: "Ông này thuộc bọn đó".

Nhưng ông lại chối. Một lúc sau, những người ở đó lại nói với Phêrô rằng: "Đúng rồi ông thuộc bọn đó, vì cả ông cũng là người Galilêa".

Ông liền nguyền rủa nặng lời và thề rằng: "Tôi không biết người mà các ông nói đó". Tức thì gà gáy lần thứ hai. Và Phêrô nhớ lại lời Chúa Giêsu đã bảo ông: "Trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Ta ba lần" Và ông liền than khóc. Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người: "Ông có phải là vua dân Do Thái không?"

Chúa Giêsu đáp: "Ông nói đúng!"

Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng: "Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!" Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô rất đỗi ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi: "Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?"

Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người. Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng: "Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?"

Nhưng chúng lại kêu lên: "Đóng đinh nó đi!"

Philatô đáp lại: "Người này đã làm gì nên tội?"

Song chúng càng la to hơn: "Đóng đinh nó đi!"

Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Đoạn chào Người rằng: "Tâu Vua dân Do-thái".

Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexandrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.

Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác.

Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói: "Kià! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!"

Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau: "Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Đấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!"

Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!"

Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng: "Kìa, nó gọi Elia!"

Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng: "Hãy đợi xem Elia có đến đem nó xuống không?"

Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.

(xin mọi người quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng: "Đúng người này là Con Thiên Chúa!"

Cũng có những phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa, trong số đó có bà Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê hậu và của Giuse, và bà Salômê, là những kẻ đã theo giúp Người khi Người còn ở xứ Galilêa. Và nhiều người khác cũng đã lên Giêrusalem với Người.

Trời đã xế chiều và hôm đó lại là ngày chuẩn bị, áp ngày Sabbat. Ông Giuse quê ở Arimathia, một hội viên vị vọng trong công nghị, cũng là người công chính trông đợi nước Thiên Chúa, ông mạnh dạn đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Philatô ngạc nhiên nghe nói Người đã chết, ông gọi viên sĩ quan đến và hỏi xem Người đã chết thật chưa. Khi được viên sĩ quan phúc trình, quan trao xác Người cho Giuse. Giuse đã mua một khăn trắng, hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, liệm vào khăn và đặt trong mộ đã đục sẵn trong đá, và lăn một tảng đá lấp cửa mộ. Lúc đó bà Maria Mađalêna và Maria mẹ ông Giuse nhìn xem nơi Người được an táng.

Tuyết Mai
 
Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi họ
Lm Giacôbê Tạ Chúc .
23:18 01/04/2010
CHÚA GIÊSU PHỤC SINH ĐÃ BIẾN ĐỔI HỌ

Biến cố Phục sinh cách xa con người hôm nay hơn hai mươi thế kỷ. Một Đức Giêsu xuất thân từ làng Nazareth, con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, điều này ai cũng chấp nhận được. Nhưng không phải đơn thuần là như thế: “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô “ (Cvtđ 2, 36 ).

Đức Giêsu đã chết và sống lại, con người hôm nay chưa ai chứng kiến cả, vì lịch sử đã qua rồi. Thế nhưng có một điều là sau biến cố lớn lao của cuộc đời Đức Giêsu, có một cái gì đó làm chuyển hương ý nghĩ của những con người bé nhỏ và đầy nhát đảm. Các Tông đồ bắt đầu nói, nói một cách hăng say, đến độ những người khác cho là các Ngài say rượi (Cvtđ 2, 1 – 13). Những người nghe bị đánh động hòan tòan: “ Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi các Tông Đồ khác: “Thưa các ông, vậy chúng tôi phải làm gì? “ ( Cvtđ 2, 37). Một bài giảng của thánh Phêrô, ba ngàn người trở lại đạo, quả là một cú ngọan mục. Nhìn vào xã hội đầu tiên của con người, ai mà không khao khát, họ hiệp nhất, không ngừng cầu nguyện, chia sẽ của cải, dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ “ (Cvtđ 2, 42 – 46). Chao ôi ! giá mà ngày nay, con người sống được như vậy nhỉ ?Công bằng và công ích cho mỗi người, các nhà lãnh đạo các quốc gia, biết chăm lo cho mỗi người dân thì hạnh phúc biết bao. Chúa Giêsu Phục sinh đã thổi vào tâm hồn các tín hữu đầu tiên một luồng gió mới của Chúa Thánh Linh, khiến họ đổi mới hòan tòan cuộc đời của mình. Như thế biến cố Phục sinh dù xa cách nhân lọai chúng ta trong không gian và thời gian nhưng ánh sáng và hơi ấm của ngọn lửa Phục sinh vẫn cháy ngút ngàn trong thế kỷ hai mươi mốt này. Văn minh tiến bộ, khoa học phát triển, con người chinh phục vũ trụ, những bí ẩn đã được giải đáp, tiện nghi vật chất không ngừng được cải thiện. ..

Niềm tin Phục sinh sẽ làm cho con người có điều kiện vươn xa hơn trong khỏang bao la vô tận của vũ trụ này, nó không ngừng mời gọi chúng ta cố gắng đạt đến bến bờ của hạnh phúc vĩnh cửu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giêrusalem: Thứ Năm Tuần Thánh tại Mộ Chúa Giêsu
Bùi Hữu Thư
16:48 01/04/2010
ROME, Thứ Năm 1 tháng 4, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Theo mạng lưới của giáo phận La Tinh tại Giêrusalem: Sáng nay, Thứ Năm Tuần Thánh, 1 tháng 4, 2010, tại Mộ Thánh Chúa Giêsu, Thượng Phụ Fouad đã chủ tế Thánh Lễ Tiệc Ly, với khoảng 200 linh mục và các tín hữu điạ phương và khách hành hương.

Như thường lệ, hàng năm, vì lý do đã quyết định tại Mộ Chúa, Thánh Lễ Tiệc Ly đã được kết hợp với Thánh Lễ Truyền Dầu. Trong nghi lễ này, với các linh mục, một cách đặc biệt là trong Năm Thánh Linh Mục, Thượng Phụ đã khuyên các linh mục quy tụ quanh ngài hãy lập lại lời “Xin Vâng” với Chúa Kitô.

Cũng như trong mỗi thánh lễ do một giám mục chủ tế với sự tham dự của các linh mục trong giáo phận, Thượng Phụ Fouad đã làm phép dầu thánh; sau đó các linh mục tái lập lời hứa linh mục với ngài.

Trong khi cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, tưởng nhớ việc Chúa Kitô làm đầy tớ cho tất cả mọi người, Thượng Phụ đã rửa chân cho mười hai người, sáu chủng sinh từ Beit Jala và sáu thầy Dòng Phanxicô.

Trong bài giảng, Thượng Phụ Fouad đặc biệt nói với các linh mục vì hôm nay là Thứ Năm Tuần Thánh được cử hành trong Năm Thánh Linh Mục. Ngài đã nhấn mạnh về qùa tặng quý giá của linh mục dâng hiến cho Giáo Hội và thế giới. Ngài nhắc đến cha sở xứ Ars, là người thường nói là “không có linh mục, chúng ta không có Chúa GIêsu ở giữa chúng ta,” và Đức Thánh Cha Benedict XVI, là người cũng khẳng định rằng “không có linh mục, thì cuộc thương khó và cái chết của Đức Kitô sẽ vô ích.”

Nhắc đến ảnh hưởng xấu của các tội lỗi trầm trọng của một số linh mục, tiếc thay vẫn còn được giới truyền thông nhắc đến, Thượng Phụ Fouad tuyên bố: “Năm nay, Giáo Hội cũng đau buồn vì những yếu đuối, những khiếm khuyết và lạm dụng của các linh mục, về tất cả những hành động của họ, chúng ta phải xin lỗi. Những sự việc đáng tiếc đó chứng tỏ rằng chúng ta ‘mang trong mình [gia tài quý báu đó] như những kẻ khuân vác vô giá trị; do đó chúng ta biết rằng quyền lực phi thường đó không đến từ chúng ta, nhưng từ Thiên Chúa’ (2 Corintô 4, 7). Việc tự nhận biết những yếu đuối, những bất toàn, và giới hạn của chúng ta, là bước thứ nhất và bước lớn nhất trên con đường dẫn tới sự cải tiến."

Thượng phụ kết luận bằng cách khuyên các linh mục tiếp tục tận hiến một cách quảng đại cho Thiên Chúa và đoàn chiên, như bao nhiêu “Kitô khác.”

Thánh Lễ kết thúc với cuộc rước kiệu Thánh Thể đẹp đẽ và sốt sắng sang nhà tạm. Mình Thánh được Thượng Phụ Fouad rước dưới phương du, đi vòng quanh Mộ Chúa ba lần, theo sau là các giám mục, các linh mục, các thầy Dòng Phanxicô và các chủng sinh, trong khi các tín hữu tay cầm đèn cầy.
 
Khía cạnh chính trị của Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An
19:40 01/04/2010
Ta quen hướng lên các vị giáo hoàng để tìm sự hướng dẫn về thiêng liêng và thần học, nhưng một cuốn sách gần đây làm nổi bật sự quan trọng và tầm ảnh hưởng của tư tưởng Đức Bênêđíctô XVI về xã hội và chính trị. Chúng tôi muốn nói tới cuốn “Social and Political Thought of Benedict XVI" (Tư Tưởng Xã Hội và Chính Trị của Đức Bênêđíctô XVI) của Thomas R. Rourke. Trong cuốn sách này, tác giả phân tích thành tích của Đức Giáo Hoàng về các vấn đề trên cả trước lẫn sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Rourke là giáo sư tại phân khoa khoa học chính trị tại Đại Học Clarion, Pennsylvania.

Tác giả cho rằng: dù được biết nhiều hơn như một thần học gia, Đức Bênêđíctô XVI cũng là một tư tưởng gia rất thâm thúy về chính trị, và các suy tư của ngài về xã hội đáng được người ta lưu ý nhiều hơn trước đây. Ông khởi đầu tác phẩm bằng cách xem sét nền tảng nhân học trong tư tưởng của Đức Bênêđíctô XVI. Trong cuốn sách của ngài "On the Way to Jesus Christ" (Trên Đường Tới Chúa Giêsu Kitô), viết lúc còn là Hồng Y Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI khảo sát sự khai triển của ý niệm con người. Kinh Thánh và tư duy Kitô Giáo đã góp phần làm cho quan điểm nguyên khởi của Hy Lạp về điều này thêm phong phú một cách đáng kể, nhất là về phương diện coi con người như một hữu thể có tính tương quan. Điều này dẫn tới nền linh đạo hiệp thông mà Rourke coi là gốc rễ cái hiểu của Đức Bênêđíctô XVI về học thuyết xã hội.

Như thế, trong cộng đồng các ngôi vị Thiên Chúa, ta khám phá ra gốc rễ thiêng liêng của cộng đồng nhân bản. Do đó, trong nhân học của Đức Giáo Hoàng, xem ra chúng ta không phải là các cá thể bước vào tương quan với người khác vào giây phút thứ hai. Đúng hơn, tương quan nằm ngay trong cốt lõi bản chất con người.

Cái tình anh em giữa các con người này đặt địa sở trên tình phụ tử của Thiên Chúa và từ căn bản, hết sức khác biệt với quan điểm thế tục về tình anh em, như tình anh em trong Cách Mạng Pháp chẳng hạn.

Thêm vào đó, còn có chiều kích sáng tạo nữa. Được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, sự sống con người đã được ban cho một phẩm giá không thể nào bị vi phạm, dẫn Đức Giáo Hoàng đến việc lên án cách giải thích đầy thực dụng về nhân tính của ta.

Chính trị

Rourke cho rằng: dù nền nhân học này xem ra có vẻ trừu tượng, nhưng nó chính là nền tảng cần thiết cho nền triết học chính trị. Cái nhìn của ta về điều sự sống chung của con người phải nên như thế nào nhất thiết phải tùy thuộc cái hiểu của ta về điều con người cũng như cộng đồng thực sự là.

Theo Rourke, Đức Bênêđíctô XVI coi chính trị học là việc làm của lý trí, nhưng là một lý trí được đức tin soi sáng. Thành thử ra, Kitô Giáo không định nghĩa học thuật chỉ như việc thu thập kiến thức, mà đòi cho nó được hướng dẫn bởi các giá trị nền tảng, như chân thiện mỹ.

Khi lý trí tách biệt khỏi cái hiểu rõ rệt về cùng đích sự sống con người, do Sáng Thế thiết lập và được khẳng nhận trong Mười Điều Răn, thì nó không còn điểm qui chiếu cố định nào để thực sự đưa ra các phán đoán về luân lý. Nếu điều ấy xẩy ra, chắc chắn nó sẽ mở toang cánh cửa cho chủ nghĩa duy hậu quả (consequentialism) là chủ nghĩa cho rằng chẳng có gì tự nó là tốt hay xấu mà phải căn cứ vào hậu quả của nó, một thứ chủ trương lấy cùng đích biện minh cho phương tiện.

Một trong những đường hướng tư duy đáng lưu ý trong các trước tác của Đức Hồng Y Ratzinger là việc phân chia giữa Giáo Hội và nhà nước. Trong Máccô 12:17, Chúa Giêsu cũng từng tách biệt hai thực thể này qua câu nói bất hủ: “Hãy trả cho Xêda những gì của Xêda và hãy trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Điều này muốn nói rằng Kitô Giáo đã cáo chung ý niệm về một nhà nước thiên mệnh (divine state).

Trước khi có Kitô Giáo, sự kết hợp giữa Giáo Hội và nhà nước là thực hành thông thường và thời Cựu Ước, hai thực thể này còn hòa lẫn với nhau là đàng khác. Thực vậy, đó là nguyên nhân khiến Đế Quốc Rôma bách hại Kitô Giáo, vì tôn giáo này không chịu chấp nhận một quốc giáo.

Đức Hồng Y Ratzinger quả quyết rằng: việc Chúa Giêsu tách biệt hai thực thể này rất có lợi cho nhà nước, bởi nó không buộc phải sống đúng theo các hoài mong của một sự hoàn hảo thiên triều. Tầm nhìn mới này của Kitô Giáo đã khai sinh ra một chính trị học dựa trên lý trí.

Huyền thoại

Ngoài ra, ngài còn cho rằng khi trở lại với cái hiểu về chính trị trước thời Kitô Giáo là kết cục ta sẽ loại bỏ hẳn các giới hạn luân lý, như đã xẩy ra thời Đức Quốc Xã hay thời Cộng Sản. Vị giáo hoàng tương lai này cũng cảnh cáo rằng: trong thế giới ngày nay, hiểu tiến bộ, khoa học và tự do theo nghĩa huyền thoại sẽ đem lại nhiều nguy hiểm. Yếu tố chung trong các lối hiểu ấy là khuynh hướng phát triển một khoa chính trị học phi lý đặt việc mưu cầu quyền lực lên trên chân lý.

Trong tư cách một giáo hoàng, ngài lại lặp lại chủ đề này một lần nữa trong thông điệp thứ hai về hy vọng. Ngài cảnh giác rằng không nên lẫn lộn điều mà chúng ta, trong tư cách Kitô hữu, hy vọng có được với điều chúng ta có thể thực hiện được bằng hành động chính trị.

Trở lại với điều Đức Hồng Y Ratzinger viết trong cuốn “Church, Ecumenism, and Politics” (Giáo Hội, Đại Kết và Chính Trị), Rourke nhận xét thêm rằng: thời hiện đại, việc tách biệt Giáo Hội và nhà nước đã trở nên mù mờ hơn vì người ta đã giải thích nó như việc nhường toàn bộ quảng trường công cho nhà nước. Nếu ta chấp nhận điều ấy, thì nền dân chủ sẽ bị thu gọn chỉ còn là một mớ thủ tục, không bị bất cứ giá trị nền tảng nào giới hạn. Thay vào đó, vị giáo hoàng tương lai khẳng định nhu cầu phải có một hệ thống gía trị có thể trở lại với những nguyên tắc đệ nhất, như ngăn cấm không được hủy hoại những nhân mạng vô tội, hay phải đặt gia đình trên nền tảng một cuộc phối hợp vĩnh viễn giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Lương tâm

Trong nhiều chủ đề khác được Rourke khảo sát, ta thấy có vấn đề lương tâm. Thoạt nhìn, điều này xem ra chẳng ăn uống gì với các vấn đề xã hội và chính trị. Nhưng thực ra, nó đóng một vài trò chủ yếu.

Vì chính tại nghị trường bên trong của lương tâm, ta duy trì được các qui phạm nền tảng làm nền cho trật tự xã hội dựa vào. Nó cũng đặt giới hạn cho quyền lực của nhà nước, vì nhà nước không có thẩm quyền hợp pháp để vi phạm các qui phạm này. Như thế, chính lương tâm là gốc rễ cho một chính phủ có giới hạn.

Hủy diệt lương tâm là điều kiện tiên quyết của chủ nghĩa độc tài, toàn trị. Lúc còn là một tổng giám mục, Đức Cha Ratzinger, trong một giảng khóa vào năm 1972, đã nói rằng: “Nơi nào lương tâm thắng thế, nơi ấy có sự giới hạn đối với mệnh lệnh và lựa chọn nhân bản, một điều gì thánh thiêng cần phải tiếp tục bất khả xâm phạm, và vì tính độc lập tối hậu của nó, phải tránh được mọi kiểm soát bất kể đó là sự kiểm soát của người khác hay của chính nó”.

Rourke giải thích rằng khi nói thế, vị giáo hoàng tương lai không làm giảm đi điều vốn là những kiểm soát theo hiến định và định chế đối với quyền lực. Điều ngài nói có tính cách nền tảng hơn thế. Tức là: không định chế hay cơ cấu nào bảo vệ con người khỏi bất công khi những người cầm quyền lạm dụng quyền lực của mình. Trong tình thế ấy, chính quyền lực của lương tâm, do con người biểu dương, mới bảo vệ được xã hội.

Quyền lực đó tất nhiên phải nối kết với đức tin, vốn là thày dạy tối hậu của lương tâm. Đức tin trở thành một lực lượng chính trị y như Chúa Giêsu vậy, bằng cách trở thành nhân chứng cho chân lý trong lương tâm. Khi tóm tắt giảng khóa năm 1972 của Đức TGM Ratziner, Rourke giải thích rằng như thế, quyền lực của lương tâm phải tìm thấy trong đau khổ; nó chính là quyền lực của Thánh Giá”. Theo Đức Tổng Giám Mục Ratzinger: “Kitô giáo khởi đầu không phải với nhà cách mạng mà với người tử đạo”.

Liên tục

Nghiên cứu của Rourke có một phụ lục để khảo sát thông điệp mới nhất của Đức Bênêđíctô XVI về các vấn đề xã hội “Đức Ái trong Sự Thật”. Dù thông điệp chỉ được công bố khi Rourke gần hoàn tất cuốn sách của mình, ông vẫn ghi nhận rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI luôn nhất quán với các chủ đề của ngài trong các trước tác trước đó.

Rourke cho rằng phần dẫn nhập của thông điệp cho thấy rõ điều ấy, bằng cách nối kết chân lý với bác ái và ý niệm cho rằng có một chân lý khách quan, trái với chủ nghĩa duy tương đối. Rourke nhận định rằng thông điệp kết thúc với việc Đức Giáo Hoàng quả quyết như đã từng quả quyết rằng điều gì thực sự nhân bản đều phát sinh từ Chúa Kitô và chính Chúa Kitô dẫn chúng ta tới việc khám phá ra tính viên mãn của tính người trong chúng ta. Chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo này là điều được Đức Bênêđíctô XVI coi là đóng góp lớn nhất của chúng ta cho phát triển. Một mục tiêu đầy thúc đẩy và gợi hứng này đáng chúng ta cố gắng đạt cho bằng được.
 
Chớ gì Chúa Giêsu không phải khóc than Giêrusalem một lần nữa
Bùi Hữu Thư
22:51 01/04/2010
Các lãnh đạo Kitô giáo tại Đất Thánh gửi điệp văn Phục Sinh

Giêrusalem, 1 tháng 4, 2010 (Zenit.org).- Các vị lãnh đạo các Giáo Hội tại Đất Thánh công nhận họ thấu hiểu “sức mạnh của sự dữ” và những khó khăn các Kitô hữu phải đối phó. Nhưng họ khẳng định rằng họ cũng biết “quyền lực của Phục Sinh.”

Đây là điệp văn được 13 vị lãnh đạo Kitô giáo gửi đi trong một bản tuyên ngôn chung được phổ biến ngày Thứ Tư. Trong các người ký tên có Thượng Phụ La Tinh tại Giêrusalem và các thầy Dòng quản lý Đất Thánh.

Các vị lãnh đạo viết: "Điệp văn của chúng tôi gửi quý vị ở xa và gần, là điệp văn hy vọng, khuyến khích và kiên trì.”

Họ khẳng định "Chúng tôi biết sức mạnh của sự tuyệt vọng, Chúng tôi cũng biết mãnh lực của sự dữ. Chúng tôi biết ‘quyền lực của các quốc gia và quyền lực của thế giới này’, vì họ cổ võ các kế hoạch nhằm chia rẽ và áp bức để gây nguy hại cho Dân Chúa, trong mọi loại thụ tạo [...]

"Chúng tôi cũng biết quyền lực của Phục Sinh. Chúng tôi biết quyền lực của Thiên Chúa là đem hy vọng tới nơi tuyệt vọng [...] Chúng tôi biết quyền lực của Thiên Chúa trong Đức Kitô để đối phó với các quốc gia và lực lượng để cổ võ cho đức tin, tương kính, xót thương và can đảm nói lên sự thật để mang lại lợi ích cho tất cả Dân Chúa."

Các vị lãnh đạo Kitô giáo cũng nhận xét là tất cả mọi thế hệ tín hữu đều phải đối phó với nhiều thách đố.

Họ khẳng định "Thế hệ đương thời không khác gì các thế hệ đã đi trước chúng ta.[...] Giáo Hội Kitô phải đối phó với các khó khăn tại miền đất này và vậy mà chúng ta vẫn tiếp tục tràn đầy hy vọng là chúng ta là một và đồng thời cũng là Giáo Hội của Đồi Calvariô và Giáo Hội Phục Sinh.”

Các vị ký tên xin mọi người cầu nguyện: “Trong khi chúng ta tranh đấu cho công lý, an bình và hòa giải, để cho đến khi Chúa Giêsu trở lại, Người sẽ không còn phải khóc lóc vì Giêrusalem nhưng sẽ chia sẻ vào niềm vui của chúng ta vào sự hiệp nhất, tương kính và yêu thương đối với tất cả mọi dân tộc tại Đất Thánh."

Ho kết luận: "Alleluia! Chúa Kitô đã sống lại. Người đã thực sự Phục Sinh. Alleluia!"
 
Hãng truyền hình NBC xin lỗi vì tựa đề bài báo mô tả ĐGH là người quấy rối trẻ em
Peter Nguyễn Minh Trung
09:10 01/04/2010
HÃNG TRUYỀN HÌNH NBC XIN LỖI VÌ TỰA BÀI BÁO MÔ TẢ ĐỨC GIÁO HOÀNG LÀ NGƯỜI QUẤY RỐI TRẺ EM

NEW YORK, 01-04-2010 -- Liên Đoàn Công Giáo vừa chấp nhận lời xin lỗi của kênh truyền thông NBC về việc hãng này cho đăng một bài báo với tiêu đề mô tả Đức Giáo Hoàng Benedict XVI là kẻ đã quấy rối tình dục trẻ em.

Trên trang nhất của mình, tập đoàn truyền thông hàng đầu nước Mỹ NBC (National Broadcasting Company) hay còn được biết dưới cái tên khác MSNBC trong một bài báo nhan đề "Đánh mất tôn giáo? Đạo Công Giáo đang rối loạn", phần nội dung liên quan đã được liên kết sang một bài báo khác mang tên: "Đức Giáo Hoàng có liên quan đến trẻ em: Tôi đã đi quá xa" với nội dung xin lỗi về những sai lầm của họ.

Theo Liên Đoàn Công Giáo, bài báo này không nói gì liên quan đến Đức Giáo Hoàng, nhưng chỉ đề cập đến vụ một linh mục người Đức đã có những quan hệ tình dục với các trẻ em vào thập niên 80 của thế kỷ trước.

Hôm thứ ba vừa qua, Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo là ông Bill Donohue đã lên án tiêu đề bài báo mô tả Đức Thánh Cha Benedict XVI là một kẻ quấy rối trẻ em và yêu cầu hãng truyền thông này phải cải chính và xin lỗi.

Chỉ sau một ngày, tập đoàn truyền thông NBC đã đưa ra lời xin lỗi về bài báo của mình.

Trên trang tin chính thức của mình, phần xin lỗi của MSNBC (NBC) có đoạn viết:

"Ban biên tập lưu ý: Trong một nhan đề bài báo hôm 30 tháng 03 vừa qua về phát ngôn bởi một linh mục Đức liên quan đến các cáo buộc lạm dụng tình dục đã bị ám chỉ sai lạc đến Đức Giáo Hoàng Benedict XVI. MSNBC.com đã sửa lại sai sót và chân thành cáo lỗi về sự rắc rối không lường trước được cũng như sự xúc phạm mà điều đó gây ra."

Trong thư phúc đáp, ông Donohue viết:

"NBC cho biết họ thừa nhận sai lầm và đã cho sửa sai trong bài báo. Họ cũng đưa ra lời xin lỗi cách rộng rãi. Và lời xin lỗi đó được chấp nhận. Chúng tôi hy vọng rằng những ai có liên quan và trách nhiệm đến bài báo gây xúc phạm đó hãy tự vấn lương tâm về việc mình làm và phải có những biện pháp thích đáng dành cho họ. Chúng tôi chờ đợi để nghe kết quả."

Peter Nguyễn Minh Trung
 
Bênh Vực Đức Giáo Hoàng
Trần Hiếu
11:53 01/04/2010
Các giới chức Vatican và Giáo Hội Công Giáo đã bác bỏ các cáo buộc giáo hội che đậy các tội phạm linh mục sách nhiễu tình dục, đồng thời gia tăng mạnh mẽ nổ lực bênh vực Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI và các quyết định của ngài liên quan vấn đề.

Trong những tuần gần đây hằng trăm cáo buộc linh mục sách nhiễu tình dục đã nổ ra trên báo chí truyền thông tại Ái Nhĩ Lan, Đức, Tân Tây Lan, Úc và Thụy Sĩ. Tại Hoa Kỳ, một loạt bài vào cuối tháng 3 vừa qua của tờ đại nhật báo New York Times công kích Đức Giáo Hoàng đã “không có hành động gì” trước các hành vi của linh mục Lawrence Murphy, người có chứng cớ phạm tội ngược đãi tình dục trẻ em, nhất là trẻ em câm điếc, tại những nơi ông làm việc trong nhiều thập niên.

Giám mục Fred B. Henry, Giáo Phận Calgary, Canada, nói rằng có “những âm mưu trộn lẫn uy tín của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI vào các vụ lạm dụng tình dục”.

Nhật báo Calgary Herald số ngày 30/3/10 đăng lá thư mục vụ của giám mục Henry rằng, “Tường thuật của New York Times không kèm theo các chứng cớ rõ ràng cho cáo buộc của họ… Danh tánh của Hồng Y Joseph Ratzinger (tức đương kim ĐGH Beneđictô XVI) đã không xuất hiện trong các biên bản khi các quyết định về vụ án của linh mục Murphy được đưa ra. Tại Thánh Bộ Tín Lý, đích thân vị Thứ Trưởng Thánh Bộ là Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone đã đồng ý cần có một phiên toà xét xử theo giáo luật, nhưng khi thực hiện quyết định nầy thì linh mục Murphy đã lâm bệnh nặng không đủ sức để được xét xử theo Toà Án Giáo Luật tại giáo phận. Vì vậy, TGM Bertone yêu cầu thực hiện biện pháp giản tiện và nhanh chóng là đình chỉ thưà tác linh mục của đương sự.”

Theo qui định của giáo luật vào thời điểm đó, trách nhiệm để xử lý các vụ lạm dụng tình dục là thuộc thẩm quyền của giám mục địa phương. Thế nhưng mãi đến năm 1996, nghiã là 20 năm sau nội vụ xảy ra, văn phòng của Thánh Bộ Tín Lý mới được báo cáo và theo dõi vụ án. Đến tháng 8 năm 1998, Tổng Giám Mục Weakland cho ngưng xét xử vì giáo sĩ Murphy đã chết.

Nhật báo L’Osservator Romano của Vatican vào ngày 27/3/10 đã đăng tải đầy đủ hai văn kiện năm 2001 của Thánh Bộ Tín Lý do Hồng Y Joseph Ratzinger cầm đầu, qui định tội trạng vi phạm ngược đãi tình dục trẻ em là một trong các trọng tội, và ấn định các cáo trạng loại nầy phải giải trình Thánh Bộ.

Nhật báo của Toà Thánh cũng đăng lại một bài bình luận của Tổng Giám Mục Vincent Nichols của Westminster, Anh Quốc, bày tỏ sự xấu hổ việc linh mục lạm dụng tình dục đồng thời mạnh mẽ bênh vực các cố gắng của ĐGH trong việc đối phó với tệ nạn nầy.

“Đâu là vai trò của ĐGH Beneđictô? Khi cai quản Thánh Bộ Tín Lý, ngài đã thực hiện các thay đổi quan trọng trong giáo luật: bao gồm các tội phạm ngược đãi trẻ em, kể cả lạm dụng tình dục trẻ em dưới 18 tuổi, xét lại từng trường hợp các tiêu chuẩn miễn tố do qúa hạn luật định, và ấn định việc đình chỉ nhanh chóng tác vụ linh mục của các đương sự vi phạm”, TGM Nichols viết.

“Ngài không phải là người bàng quang, bất động. Các hành động cũng như lời nói của ngài nói rõ điều đó”, ngài tiếp.

Linh mục Lombardi, phát ngôn viên của Toà Thánh Vatican, nói rằng “Các dấu hiệu lạc quan là giáo hội thấu hiểu vấn đề và đã giải quyết nó. Một ví dụ được nêu ra là trong một báo cáo mới đây, trong năm 2008-2009 con số tội phạm lạm dụng tính dục giảm 33 đến 36% tại các giáo phận và dòng tu Hoa Kỳ.”

Đức Hồng Y Walter Kasper của Đức nói rằng, “Ngay cả khi còn là hồng y, Đức Giáo Hoàng cảm thấy nhu cầu cải luật và đề xuất luật cứng rắn hơn trước. Một số báo chí dùng vài trường hợp hãi hùng để tấn công trực diện ĐGH đã đi ngoài giới hạn của công lý và quân bình”.

Hồng Y William J. Levada, Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý, nói rằng, các cáo buộc “thiếu sót các tiêu chuẩn công bằng căn bản của báo chí”. Ngài nói, việc tấn công Đức Giáo Hoàng là tấn công vào giáo hội Công Giáo.

Thế nhưng, người ta tin rằng việc công kích nầy sẽ thất bại. Trong cuộc tĩnh tâm Mùa Chay năm nay tại giáo triều Rôma, và trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, linh mục giảng thuyết Cantalamessa nói, “Chúa đã nói cho Jeremiah rằng Ngài sẽ làm cho ông trở nên bức tường đồng. ‘Dẫu cho người ta có tấn công con, họ sẽ không thành công. Bởi vì ta sẽ ở với con, để cứu con và giải thoát con’”.
 
Top Stories
Online attacks aimed at Vietnam critics
Ben Stocking - AP
04:54 01/04/2010
HANOI, Vietnam -- Google Inc. says it has found another case of cyberattacks being used to suppress political dissent, this time to silence opponents of a Vietnamese mining project that involves a state-run Chinese company.

Computer security firm McAfee said the perpetrators may be linked to Vietnam's Communist government.

Last week, Google shut down its search operations in China, Vietnam's northern neighbor, after complaints of cyberattacks and censorship there. Google now redirects search queries from China's mainland to the freer Chinese territory of Hong Kong.

Google said the attacks in Vietnam were less sophisticated but were also intended to suppress opposing views.

It said it was drawing attention to them because they underscored the need for the international community "to take cybersecurity seriously to help keep free opinion flowing."

The attacks targeted "potentially tens of thousands" of people who downloaded software that allows Windows computers to use the Vietnamese language, a posting on Google's online security blog said Tuesday.

It said the "malware" infected the computers, spying on the users and attacking Internet sites containing messages of political dissent.

"Specifically, these attacks have tried to squelch opposition to bauxite mining efforts in Vietnam, an important and emotionally charged issue in the country," Google engineer Neel Mehta wrote in the posting.

The mining project involving a subsidiary of Chinese state-run aluminum company Chinalco is planned for Vietnam's Central Highlands and has attracted strong opposition - including from Vietnam's most famous military hero - because of fears it would cause major environmental problems and lead to Chinese workers flooding into the strategically sensitive region.

McAfee, which has investigated the malware, also discussed the attacks in a blog posting Tuesday.

"We believe that the perpetrators may have political motivations and may have some allegiance to the government of the Socialist Republic of Vietnam," wrote George Kurtz, McAfee's chief technology officer.

Vietnamese officials could not immediately be reached for comment Wednesday.

Like China, Vietnam tightly controls the flow of information and has said it reserves the right to take "appropriate action" against Web sites it deems harmful to national security.

Last fall, the government detained several bloggers who criticized the bauxite mine, and in December, a Web site called bauxitevietnam.info, which had drawn millions of visitors opposed to the mine, was hacked.

The malware apparently began circulating at about that time, according the McAfee blog. It said someone hacked into a Web site run by the California-based Vietnamese Professionals Society and replaced a keyboard program that can be downloaded from that site with a malicious program.

Among the bauxite mine's opponents is the legendary 98-year-old Gen. Vo Nguyen Giap, who led Vietnamese forces in victories against French and U.S. troops. Giap's photograph is prominently featured on the bauxite Web site.

Suspicion of China runs deep in Vietnam, which has a long history of conflict with its northern neighbor.

The two countries fought a bloody border war in 1979 and have ongoing disputes about two archipelagoes in the South China Sea, the Spratlys and the Paracels.

While the Vietnam cyberattacks did not target Google, the company says its dispute with Beijing was triggered by a hacking attack that emanated from China and attempts to snoop on dissidents' e-mail.
 
Ecumenical Stations of the Cross in Perth
Nguyen Viet Nam
21:13 01/04/2010
Ecumenical services have been praised by Catholics and Anglicans in Perth as intimate witnesses to the common faith in the one Lord and Saviour Jesus Christ who gave His life on the Cross for our salvation.

Catholic and Anglican youth took turns carrying the Cross in the Stations of the Cross on the streets of Bayswater, Perth, Australia on Good Friday Apr. 2. The ecumenical service, organised by both St. Columba Catholic Church and St. Augustine Anglican Church drew hundreds of Catholics and Anglicans, who walked, sang and prayed together.

As a traditional practice among followers of the Roman Catholic and Anglican faiths, the Stations of the Cross allows Christians to have a spiritual walk with Jesus, taking them back to the events surrounding his prosecution, crucifixion, death and resurrection.

Father Minh Thuy Nguyen, the parish priest of St. Columba’s, said he and his Anglican counterpart Reverend Kate Wilmot organized the ecumenical Stations of the Cross "to bear witness to our common hope and to give their parishioners a chance to sing together the beautiful and inviting sound of the word of God.”

Stations of the Cross "is a blessing for us until we join again", said Reverend Wilmot at the end of the service.

The service started at the Anglican church and ended at the Catholic Church, where Catholic and Anglican attendees received their blessing from the Catholic and Anglican pastors.

Ecumenical Stations of the Cross Good Friday Service at Bayswater, an initiative of Catholic Fr. Huynh Nguyen and his Anglican counterpart, Fr. Peter Manuel, four years ago, was warm welcomed by members of both the communities who believed that by walking and praying together, they could show people they confess the one faith, and keep the fraternal harmony of the family of God.

There have been great news on the moves of Anglicans to union with Catholic Church. In Februrary, by a unanimous vote, the Anglo-Catholic group Forward in Faith Australia established a working party guided by a Catholic bishop to explore how its followers can convert to Roman Catholicism.

Two weeks ago, a total of four bishops, 40 priests and thousands of parishioners from the Australian Traditional Anglican Communion announced that they would petition the Vatican by Easter to be received into the Church.

Archbishop John Hepworth of Adelaide, primate of the TAC, said 26 parishes in Western Australia, Tasmania, NSW, Victoria, far north Queensland and South Australia hoped to be united with Rome by the end of the year, The Australian reported.

The news came few days after the leaders of the Traditional Anglican Communion in Canada had sent a letter to Pope Benedict XVI formally requesting union. With approximately 60 bishops, the Traditional Anglican Communion has parishes in 13 ecclesial provinces across Canada, the Catholic News Agency has reported.

More Pictures
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ truyền dầu tại tổng Giáo Phận Huế
Trương Trí
08:44 01/04/2010
LỄ TRUYỀN DẦU TẠI TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ.

Thứ năm Tuần Thánh, theo truyền thống của giáo hội, chỉ có một thánh lễ duy nhất tại nhà thờ chính tòa của mỗi giáo phận. Sáng hôm nay, 1.4.2010, tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam Huế, Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể đã chủ sự thánh lễ làm phép Dầu Thánh, cùng đồng tế có Đức Giám mục phụ tá F.X. Lê Văn Hồng, Đức Đan Viện phụ đan viện Thiên An Stêphanô Huỳnh Quang Sanh cùng toàn thể linh mục trong giáo phận, với sự tham dự cuả tất cả các Dòng tu Nam Nữ, đại diện các giáo xứ thuộc hạt Thành phố Huế và rất đông giáo dân.

Xem hình lễ truyền dầu

Đúng 6 giờ sáng, đoàn rước Đức Tổng Giám mục chủ tế và đoàn đồng tế từ quảng trường Thánh Giuse tiến vào nhà thờ trong tiếng trống và kèn chào mừng của đội kèn giáo xứ chính tòa. Dẫn đầu đoàn rước là Thánh giá đèn hầu, các hội đoàn nghiêm chỉnh đồng phục của mỗi đoàn thể, đại diện các Hội đồng giáo xứ với áo thụng xanh truyền thống dân tộc, các bề trên dòng và các thầy Đại chủng sinh và gần 20 thầy phó tế. Đức Tổng Giám mục vừa tiến lên bàn Thánh vừa ban phép lành, cộng đoàn tham dự thánh lễ cung kính đón nhận phép lành.

Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám mục đã nhắn gởi đến cộng đoàn tâm tình khiêm hạ và từ hòa: Thánh lễ làm phép Dầu hôm nay là thánh lễ duy nhất trên toàn giáo phận, biểu lộ tình hiệp nhất của giáo phận là giáo hội địa phương. Các thành phần dân Chúa vây quanh Giám mục của mình, để cùng nhau ca ngợi tình thương hải hà của Chúa Giêsu: là Đấng cứu độ duy nhất, là Linh mục thượng phẩm, là Mục tử tối cao, đã hy sinh mạng sống cho loài người chúng ta.

Thứ Năm tuần thánh cũng là ngày giáo hội đặc biệt tỏ lòng ưu ái và niềm tri ân đối với các tâm hồn tận hiến, cách riêng đối với các linh mục.

Bầu khí trầm lắng, nguyện cầu và chan hòa yêu thương của thánh lễ hôm nay trở thành nguồn trợ lực thiêng liêng của dân Chúa, và đặc biệt nâng đở các linh mục trong đời sống và sứ vụ tông đồ, truyền giáo với bao khó khăn phức tạp và ưu tư lo lắng trong xã hội hôm nay.

Xin anh chị em cầu nguyện cho các giám mục và linh mục của anh chị em. Xin Thiên Chúa gìn giữ, thánh hóa, đào luyện, nâng đở con người mỏng dòn, yếu hèn của chúng tôi, để chúng tôi ngày càng trở nên hình ảnh sống động và trong sáng của Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, trọn vẹn dâng mình cho Chúa và tận tâm phục vụ con người, cách riêng cho công đoàn Chúa trao phó cho chúng tôi chăm sóc.

Trong thánh lễ này, các thầy phó tế cung nghinh các loại dầu và đại diện các thành phần dân Chúa dâng lễ vật lên bàn thờ. Đức Tổng Gám mục, Đức Giám mục phụ tá cùng toàn thể linh mục cùng vây quanh bàn thờ, trước bàn đặt các loại dầu. Đức Tổng đã làm phép và thánh hiến các loại dầu, gồm dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh. Các lễ vật dâng lên Thiên Chúa có mâm gạo tượng trưng cho đức Bác ái của người Ki tô hữu đối với người nghèo đói như chính Chúa Giêsu đã dạy: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây là các ngươi đã làm cho chính ta vậy.

Thánh lễ kết thúc trong niềm hân hoan khởi đầu Tam nhật vượt qua, chuẩn bị mừng Đại lễ Phục sinh, Đức Tổng Giám mục đã ban phép lành tòa Thánh cho cộng đoàn dân Chúa.
 
Bài chia sẻ thứ 5 Tuần Thánh tại GP Lạng Sơn
GP Lạng Sơn
09:18 01/04/2010
BÀI CHIA SẺ LỄ THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thánh lễ Làm Phép Dầu 2010


Kính thưa Cha Tổng Đại Diện, quý Cha
Quý Tu sĩ nam nữ, quý Ông bà anh chị em thân mến,


Hôm nay, chúng ta cùng hiện diện đông đảo nơi đây để hiệp dâng thánh lễ tưởng niệm Chúa Giêsu thiết lập bí tích truyền chức linh mục và tham dự nghi thức làm phép Dầu thánh. Trong thánh lễ có nghi thức đặc biệt: sau bài giảng các linh mục lặp lại Lời Hứa khi chịu chức Linh mục với Đức Giám mục Giáo phận. Để giúp quý ông bà anh chị em hiểu rõ hơn về thiên chức linh mục, chúng ta cùng suy niệm tư tưởng: “Linh Mục: dấu chỉ của niềm tin, và dấu chỉ của vâng phục qua phục vụ”.

Xem hình lễ truyền dầu

* Linh mục: dấu chỉ của niềm tin: niềm tin mà anh em linh mục luôn dâng lời cảm tạ Chúa đã cho sinh ra làm người, làm con cái Thiên Chúa và hơn nữa được mời gọi trở nên môn đệ được Chúa thương yêu. Môn đệ của Chúa phải là người tin hơn người khác, để có những lúc dù đi trong đêm đen của đức tin, vẫn phải vượt qua chính mình để nâng đỡ, sẻ chia và là sự ủi an cho những người đang mất đức tin tìm lại niềm tin, đang mất niềm hy vọng lại được sự trợ giúp của Chúa. Đặc biệt, nơi hoàn cảnh của một giáo phận truyền giáo, giáo dân thì ít, nhân sự còn thiếu; nhiều khi anh em sẽ cảm nhận một Thiên Chúa ẩn mình, để anh em một mình trước những thách đố lớn lao của đức tin và cuộc đời; nhưng không phải là một Thiên Chúa ẩn giấu mà là một Thiên Chúa tình yêu luôn tôn trọng sự tự do và luôn chờ đợi chúng ta; chỉ sợ chính chúng ta đẩy Người ra khỏi tâm hồn và niềm tin của đời mình bởi những thành kiến, toan tính cá nhân của mình. Chính Thánh Phêrô đã làm gương cho chúng ta khi xin cùng Chúa: “Xin Thày ban thêm đức tin cho chúng con”. Điều đó sẽ khích lệ anh em luôn khiêm tốn tựa nương vào quyền năng và tình thương của Chúa, để gặp được Chúa trong kinh nguyện, trong thánh lễ, trong các hoạt động tông đồ, và đó chính là dấu chỉ của niềm tin để giúp anh em tin và có thể giúp người anh em được kêu gọi phục vụ và gặp gỡ để tin vào Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người.

* Linh mục, dấu chỉ của vâng phục qua phục vụ: Với lời hứa xin vâng, các linh mục có tinh thần của Chúa qua Giáo hội, vâng phục và yêu mến với tiếng gọi “Sai đi” của Đức Giám mục, để đến những nơi không phải tự chọn lựa, nơi đó có thể nơi đó là quê hương bản quán của mình, nhưng cũng có thể là một miền đất xa xăm, nơi rất ít hoặc không có sự trợ giúp của dòng tu hoặc nhân sự…anh em được sai đến với tất cả mọi người mà không phân biệt ai, đặc biệt với những người đau khổ; chính anh em cũng không loại trừ gặp đau khổ và thử thách. Khi đến với tha nhân để phục vụ anh em hãy mang chính tâm tình của Chúa Giêsu: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để Phục vụ và hiến mạng sống vì đoàn chiên”, đó chính là tâm tình sẻ chia, nâng đỡ, yêu mến, quảng đại, nhẫn nại, tha thứ tất cả, hy sinh tất cả mà không đòi phải được giúp lại, sẵn sàng trở nên tấm bánh bị ăn cho cộng đoàn Dân Chúa. Để phục vụ như Chúa Giêsu anh em phải vượt qua chính mình để dấn thân Yêu thương và Phục vụ như hình ảnh Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, và mời gọi chúng ta sống tinh thần phục vụ khi sẵn lòng quỳ xuống rửa chân phục vụ tha nhân. Các linh mục hiểu rằng, khi chịu chức thánh mình được tham gia vào chức linh mục duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, từ nay cố gắng từ bỏ chính mình để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, là “Alter Christus-Chúa Kitô khác” trong đời sống tông đồ. Với lời hứa lại trong thánh lễ này, các linh mục nhớ lại điều mình đã hứa trong ngày chịu chức thánh để luôn cộng tác với Ơn Chúa, phấn đấu chu toàn những bổn phận, trách nhiệm trong sứ mệnh cao cả, thiêng thánh và tràn đầy hồng ân.

Anh chị em thân mến,

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta tham dự việc làm phép dầu: Dầu Thánh, dầu Dự Tòng và Dầu Bệnh nhân. Từ việc xức dầu vật chất, chúng ta được xức dầu thiêng liêng, là chính Chúa Thánh Thần với những ân sủng của Ngài. Dầu Thánh được dùng để xức cho những người chịu bí tích thánh tẩy, bí tích thêm sức, bí tích truyền chức và thánh hiến bàn thờ: với lời nguyện hiến thánh dầu, từ nay Giáo hội xin Chúa thương ban phúc lành thánh hóa Dầu Thánh này, cho dầu được sức mạnh của Chúa Thánh Thần với quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, ban tràn đầy Ơn phúc của Chúa ghi dấu ấn trên người đón nhận và cung hiến bàn thờ, là nơi dâng lên cử hành hy tế của Chúa. Dầu dự tòng dùng cho anh chị em dự tòng giúp họ chuẩn bị xứng đáng nhận bí tích thánh tẩy. Dầu bệnh nhân giúp nâng đỡ bệnh nhân trong lúc bệnh tật đau yếu và thêm sức trợ lực cho người già cả, cao niên: ý nghĩa việc xức dầu bệnh nhân để giúp chúng ta khám phá tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ nơi chính Đức Giêsu Kitô, Ngài tỏ lòng yêu thương chữa lành bệnh nhân mà chính Ngài còn mang trên thân xác mình những đau khổ của nhân loại. Khi cử hành xức dầu bệnh nhân chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và nhận ra dấu chỉ chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Qua dấu chỉ bề ngoài của dầu, chúng ta cùng cảm nhận vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của thánh thiêng, và sự đỡ nâng của Ơn Chúa.

Với ý nghĩa đặc biệt của phụng vụ hôm nay, chúng ta cùng bước vào thánh lễ với tâm tình tri ân cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa đã trao ban cho các môn đệ chức vụ thánh để trở nên dấu chỉ tình yêu và phục vụ hữu hình của Chúa Giêsu Kitô giữa lòng Hội thánh và thế giới. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục, xin Chúa Kitô thánh hóa và luôn ban ơn thêm sức cho các Ngài để các linh mục luôn là dấu chỉ của niềm tin, dấu chỉ của vâng phục chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó qua Giáo hội. Xin mời gọi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Giáo phận cùng cộng tác, hiệp nhất và giúp đỡ các linh mục trong các công việc để cùng với Đức Giám Mục xây dựng, canh tân và phát triển Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng này.

Nguyện xin Hồng ân của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, luôn ban trên quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý Ông Bà Anh Chị em tràn đầy Ơn Thánh, Hạnh Phúc, Niềm Vui và An Bình.

Cao Bằng, thứ Năm Tuần Thánh 2010
 
Công Đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Phê Rô Hạt Sunshine TGP Melbourne cử hành Lễ rửa chân và chầu Thánh Thể.
Fx. Trần Văn Minh.
09:41 01/04/2010
Công Đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Phê Rô,TGP Melbourne cử hành Tam nhật Thánh qua Lễ rưả chân và Chầu Thánh Thể.

Melbourne, Vào lúc 19 giờ chiều Ngày 1 Tháng 4 Năm 2010. Tại Nhà thờ Saint Bernadettes vùng North Sunshine, Melbourne Victoria. Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Phê Rô đã cử hành các nghi thức trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, tưởng niệm Tam nhật Thánh nhân Muà Lễ Phục sinh năm 2010.

Xem hình bấm vào đây

Mở đầu Tam nhật Thánh là nghi thức tưởng niệm Chuá Lập phép Thánh Thể, qua bưã tiệc ly với nghi thức rưả chân cho các môn đệ và lễ vượt qua. Do Linh mục Peter Hoàng chủ tế. Mở đầu Thánh lễ, Linh mục chủ tế ôm con chiên tượng trưng cho lễ vượt qua đạt trước bàn thờ, như trong bài đọc một cuả Lễ tưởng niệm Bưã tiệc ly, và Chuá lập phép Thánh Thể để cứu rỗi dân ngài.

Qua bài Phúc Âm, trong bưã tiệc ly, Chuá đã hạ mình rưả chân cho các môn đệ, một bài học về đức khiêm nhường mà Thiên Chuá muốn gửi đến con cái Ngài là hãy theo gương Chuá mà làm những việc đó với anh em đồng loại. Linh mục đã chia sẻ với cộng đoàn về ý nghiã các việc làm những ngày sau hết khi Ngài hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại tội lỗi u mê ở thế gian này. Dù đã được sạch, nhưng chưa sạch hoàn toàn, nên cần phải năng xem xét lại bản thân, Chuá muốn nhắn nhủ chúng ta vì những vấp phạm trong đời sống, Như Giu Đa đã đang tâm bán rẻ Chuá.

Sau phần chia sẻ lời Chuá, linh mục chủ tế đã noi gương Chuá Giê Su đi rưả chân cho các đầy tớ. Năm nay, Đặc biệt cộng đoàn đã chọn ra mười hai em trong các gia đình giáo dân trong cộng đoàn để đại diện mười hai đầy tớ cuả Chuá khi xưa đón nhận nghi thức rưả chân. Sau khi rưả chân, Linh mục chủ tế cũng lấy bánh không men để phát cho những đại diện là các em vưà được rưả chân.

Sau khi thánh lễ kết thúc, mọi người sốt sắng quỳ gối trước Mình Thánh Chuá để chầu Thánh Thể rất long trọng, với phần Thánh ca cuả ca đoàn, Linh mục chủ tế hướng dẫn suy niệm những giây phút Chuá cầu nguyện trong vườn Cây dầu, để mọi người cùng hướng lòng về Chuá Giê Su, đấng cứu chuộc nhân loại đã phải chịu đựng những cực hình đau đớn vì tội lỗi loài người đã xúc phạm.

Buổi lễ Thứ Năm Tuần Thánh và Chầu Thánh Thể Chuá đã kết thúc trong thinh lặng ra về vào lúc 8 giờ 30 tối. Cộng đoàn sẽ tổ chức Đi Đàng Thánh Giá vào chiều Thứ Sau Tuần Thánh cũng tại Nhà thờ Saint Bernadettes.

Melbourne 1-4-2010.
 
Thánh lễ truyền dầu tại GP Cần Thơ
GP Cần Thơ
10:03 01/04/2010
THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU TẠI GIÁO PHẬN CẦN THƠ

Sáng Thứ Ba Tuần Thánh Năm Thánh 2010, mọi nẻo đường trong giáo phận Cần Thơ như đểu hội tụ về Sóc Trăng, là địa điểm Đức Giám mục đã chọn để cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu. Bởi lẽ Sóc Trăng có một vị trí địa lý rất thuận tiện: là trung tâm của Giáo phận và có một ngôi thánh đường rộng rãi thoáng mát, đủ để đón nhận hơn 1.000 tín hữu cùng một lúc.

Xem hình bấm vào đây

Đúng 7 giờ, Thánh Lễ Truyền Dầu được bắt đầu với sự tham dự của hầu hết quý Cha trong Giáo phận (trừ một số cha nghỉ bệnh và nghỉ hưu), quý Tu sĩ và đông đảo giáo dân từ nhiều Họ đạo trong Giáo phận, và nhất là với sự hiện diện của Đức Cha phó Stephano chủ sự Thánh lễ. Trong phần dẫn nhập, Đức Cha Stephano nhắc nhớ cho cộng đoàn về ý nghĩa của ba loại Dầu sẽ được làm phép và thánh hiến trong Thánh lễ này, đồng thời Ngài kêu gọi mọi người cầu nguyện cách thật đặc biệt cho Đức Cha Emmanuel vì tuổi già sức yếu không đến chủ sự Thánh lễ được, và cho tất cả các Linh mục trong ngày kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập chức Linh mục và nhất là trong Năm Linh Mục này.

Trong bài giảng, một lần nữa, Đức Cha kêu gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các Linh mục, để các ngài thực sự là những “vị thánh”: biết Chúa sâu sắc, yêu Chúa nồng nàn, tin Chúa vững vàng… để có thể giúp cho đoàn chiên đến được với Chúa. Muốn được vậy, người Linh mục cần nỗ lực mỗi ngày để tự thánh hoá chính mình qua ba việc làm thật cụ thể, thật đơn sơ nhưng cũng thật cần thiết, đó là: cầu nguyện, phục vụ và hi sinh theo gương của Chúa Giêsu, linh mục thượng phẩm, là mẫu gương duy nhất và tuyệt vời nhất cho hàng Linh mục noi theo.

Sau khi các Linh mục lập lại lời hứa trong ngày thụ phong, hai đại diện các dự tòng rước dầu sẽ được làm phép thành Dầu Dự Tòng để giới thiệu với Giám mục và cộng đoàn, kế đến là hai bô lão đại diện cho những người già cả, yếu đau rước dầu sẽ được làm phép thành Dầu Bệnh Nhân, và sau cùng là thầy Phó tế và hai em đại diện cho những người sắp lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức rước dầu sẽ được thánh hiến thành Dầu Thánh để sử dụng trong Bí Tích Truyền Chức Thánh và Bí Tích Thêm Sức. Sau mỗi lần thầy Phó tế giới thiệu từng loại dầu, cộng đoàn hân hoan đáp: “Tạ ơn Chúa”

Cảm động nhất là nghi thức thánh hiến dầu thánh: các Linh mục tiến lại quây quần xung quanh vị Giám mục của mình để khẩn cầu xin Chúa thánh hiến Dầu Thánh, đều này thể hiện sự hiệp nhất sâu xa, tạo nên một hình ảnh thật đẹp về tình hiệp thông trong Giáo phận.

Thánh lễ kết thúc với phép lành ban ơn toàn xá và nghi thức rước Dầu về nhà xứ, từ đây sẽ hình thành “con đường Dầu” tuôn chảy dạt dào về mọi ngõ ngách của Giáo phận, nhằm phát sinh ơn Thánh cho biết bao linh hồn trong Năm Thánh này. Từ hôm nay, các Linh mục bắt đầu sử dụng Dầu mới được làm phép và thánh hiến nhằm mưu ích cho các linh hồn.

Thánh lễ Truyền Dầu khép lại nhưng mở ra một chân trời mới cho sự hiệp thông trong Giáo phận, cho tình yêu thương giữa mọi thành phần dân Chúa, cho niềm tin và hy vọng vào một “Năm Hồng Ân” như Lời Chúa trong bài Tin Mừng được công bố hôm nay.
 
Thứ 5 Tuần Thánh tại GX Thanh Đức Đà Nẵng
Paul Maria
10:24 01/04/2010
THỨ NĂM TUẦN THÁNH: THÁNH LỄ TIỆC LY TẠI Gx THANH ĐỨC Gp ĐÀ NẴNG

Cùng với Giáo Hội Hoàn Vũ, đặc biệt cùng với Giáo Hội Việt Nam trong Năm Thánh 2010, Giáo xứ Thanh Đức Giáo phận Đà Nẵng hân hoan và sốt sắng bước vào Tam Nhật Vượt Qua bằng Thánh lễ Tiệc Ly: Tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Giao Ước Mới trong Mình và Máu Thánh Người dưới hai hình thái bánh và rượu.

Thánh lễ do Cha Phó Phaolô Trần Ngọc Hoàng chủ tế, Cha Quản xứ Bônaventura Mai Thái phụ tế và rất đông tín hữu tham dự. Số người dự lễ chiều nay đứng tràn cả phần đường 3 tháng 2 rộng lớn chạy ngang trước Nhà thờ Giáo xứ.

Xem hình

Qua đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan ( Ga 13, 1 - 15 ), Cha Phó đã chia sẻ:

".. . Sự thường chúng ta rất dễ dàng quỳ xuống trước một người quyền quý, sang trọng bởi chúng ta hy vọng vào đó một sự ban bố lợi lộc. Chúng ta dễ dàng quỳ xuống trước một người đẹp để xin bố thí chút tình yêu. Và cũng dễ dàng quỳ xuống trước một người thánh thiện để cầu mong một ân huệ... Nhưng mấy ai trong chúng ta quỳ xuống trước kẻ thù, trước người cô thế cô thân, nghèo hèn mạc vận..., quỳ xuống để rửa chân cho đám học trò mà trong đó mình biết chắc có kẻ vong ơn, lừa Thầy phản bạn ?

Chiều nay, Chúa Giêsu đã quỳ xuống trước mặt tội nhân. Là Thiên Chúa, Người thiếu thốn sự gì chăng ? Người đã quỳ xuống để van xin tình yêu chăng ? Không ! Chúa không van xin sự gì cả. Người quỳ xuống để trối lại cho con người một gia sản trước lúc Người từ giả cỏi đời bằng cái chết đau thương: Chúa muốn con người được sống và sống dồi dào. Chúa muốn con người biết sống, biết làm cho nhau được hạnh phúc...

Chúa quỳ xuống rửa chân cho các Môn đệ nói lên sự quan tâm và tha thứ: Rửa chân là cử chỉ chăm sóc. Có quan tâm mới chăm sóc. Chúa biết các Môn đệ tội lỗi, Người rửa chân cho các ông là để tha thứ, thanh luyện các ông. Để các ông sạch mọi thói ham mê tiền bạc, coi rẻ nhân nghĩa. Để các ông sạch hết tính hiềm khích, ích kỷ, hơn thua, tranh dành quyền lợi. Để các ông sạch hết lối sống huênh hoang lòe loẹt bên ngoài...

Chúa quỳ xuống rửa chân cho các Môn đệ nói lên tinh thần yêu thương phục vụ: Rửa chân là công việc của hạng nô lệ, người hầu con ở. Vậy mà Chúa Giêsu " là Chúa và là Thầy " lại quỳ xuống rửa chân cho các ông. Chúa muốn cho con người biết yêu thương phục vụ lẫn nhau, yêu thương cho đến cùng như Người. Yêu thương không phân biệt bạn thù, sang hèn, giai cấp, kẻ thánh thiện cũng như người tội lỗi, người thân thiết cũng như kẻ xa lạ...

Hãy noi gương Chúa để yêu thương vì đó là dấu chứng tình yêu được ban tặng từ Thiên Chúa, là thước đo giá trị của đời người và là điểm son nổi bật trong sứ mệnh truyền giáo: " Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là Môn đệ Thầy: Là anh em yêu thương nhau ".

Rửa chân thôi chưa đủ, Chúa còn ban tặng cho các Môn đệ một kỷ vật: đó là chính bản thân Chúa, là chính thịt và máu của Người để nuôi dưỡng con người và để ở cùng chúng ta mọi ngày trên bước đường lữ thứ trần gian...

Xin cho chúng ta được biết lấy tình yêu để đáp trả tình yêu, bằng chính việc yêu thương phục vụ anh em cách chân thành trong cuộc sống, nhất là các anh chị em bất hạnh, tội lỗi, bị bỏ rơi, bị xua đuổi... đang ở quanh chúng ta... "

Những lời chia sẻ sâu xa của Cha Chủ sự được hiện thực hóa qua việc Cha Quản xứ quỳ xuống rửa chân cho các vị đại diện Giáo dân trong Thánh lễ chiều nay. Ca đoàn cất lên bài ca " Lạy Thầy, Thầy mà rửa chân con sao ? " càng làm cho bầu khí thêm thánh thiêng và cảm động muốn rơi lệ...

Kết thúc Thánh lễ là cuộc rước Kiệu Mình Thánh Chúa từ lễ đài vào Nhà tạm.

Những phiên chầu sau đó được tiếp tục cho đến hết nửa đêm Thứ Năm Tuần Thánh này.

Paul Maria
 
Thánh Lễ làm Phép Dầu tại Giáo Xứ Hữu Vy, Thái Bình
Trường Giang
12:05 01/04/2010
Sáng nay, Thứ Năm tuần Thánh (01/04/2010), Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ và các linh mục trong giáo phận Thái Bình đồng dâng thánh lễ làm phép Dầu. Đồng thời các linh mục tuyên hứa lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích truyền chức, tại giáo xứ Hữu Vy, với sự tham dự của hàng chục ngàn giáo dân trong giáo phận.



Vài năm trở lại đây, từ khi Đức cha F.X. Nguyễn Văn Sang còn đang coi sóc giáo phận, thánh lễ truyền Dầu được cử hành ở những nhà thờ khác trong giáo phận, không chỉ ở nhà thờ Chính Tòa. Năm nay Đức cha Phêrô chỉ định thánh lễ này được cử hành tại giáo xứ Hữu Vy, giáo hạt Tiền Hải. Giáo xứ Hữu Vy có khoảng 2400 Kitô hữu, dưới sự coi sóc của cha Phêrô Trần Khắc Thi. Giáo xứ có ngôi nhà thờ cổ bằng gỗ lim, lợp ngói, tháp chuông cao và một tượng đài Chúa Kitô Vua to lớn, bề thế đứng vững trên hồ nước trong xanh cuối nhà thờ, một cảnh quan khá đẹp mắt ngay cạnh đường làng.

8 giờ 30, Đức cha được cha xứ và các hội đoàn trong giáo xứ đón từ cổng làng. Sau khi viếng Thánh Thể, Đức cha gặp gỡ cộng đoàn giáo dân Hữu Vy ngay tại tiền sảnh cuối nhà thờ, trước nhất cha Phêrô Thi đại diện cộng đoàn chào mừng Đức cha, kế đến một màn đồng diễn của các em thiếu nhi và giới trẻ trong giáo xứ. Đức cha cám ơn sự quan tâm và những tình cảm chân thành cha xứ và giáo dân Hữu Vy dành cho ngài trong ngày gặp gỡ lần đầu tiên tại giáo xứ này.

9 giờ, Đức cha chủ sự và đoàn đồng tế từ trong khuôn viên nhà xứ tiến ra lễ đài Chúa Kitô Vua. Một đoàn rước thật đông đảo, trang nghiêm và thật đẹp mắt, với nhiều hội đoàn sắc màu khác nhau, hội trống trắc của giáo xứ sở tại, nhiều hội kèn (nam, nữ) của giáo xứ cũng như các xứ trong giáo hạt đến tham dự và góp phần làm nên sự sinh động và hoành tráng của thánh lễ trọng đại hôm nay.

Vào đầu thánh lễ, Đức cha chủ sự ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa: “Lời đầu tiên, tôi xin được thay mặt tất cả qúi cha đồng tế đang hiện diện nơi đây, kính gửi lời chào thăm sức khỏe và cầu nguyện cách đặc biệt đến anh chị em. Tôi cũng xin thay mặt giáo phận cám ơn cách đặc biệt giáo xứ Hữu Vy: Cha xứ, các viên chức hội đồng giáo xứ, và toàn thể anh chị em trong giáo xứ, giáo họ, đã hy sinh, nhiệt tình tổ chức chu đáo cho ngày lễ hôm nay !

Trọng kính qúi cha và toàn thể cộng đoàn dân Chúa rất thân mến,

Hôm nay, lần đầu tiên tôi được chủ tế thánh lễ làm phép dầu với tư cách Giám mục với sự hiện diện đông đảo của linh mục đoàn và sự tham gia nhiệt tình sốt sắng của đông đảo bà con giáo dân trong toàn giáo phận. Tôi rất xúc động và không ngớt lời ngợi khen Chúa về hồng ân Chúa đã thương ban cho toàn giáo phận, và cách riêng ban cho tôi vinh dự được về phục vụ giáo phận thân thương nầy.



Hôm nay, nhân ngày thứ Năm tuần Thánh, ngày lễ làm phép Dầu, ngày Hội Thánh dành riêng cho các linh mục, Giám mục, cách riêng trong Năm thánh Linh mục, tất cả các Linh mục khắp nơi trong toàn giáo phận đều qui tụ về bên Giám mục của mình để mừng kính, tạ ơn, hiệp thông mầu nhiệm Đức Kitô đã chia sẻ chức vụ Tư Tế (Linh Mục Thượng Phẩm) của Người cho các thánh Tông đồ và cho mỗi linh mục, Giám mục chúng ta.

Thay mặt Giáo phận, cách riêng với tư cách Giám mục, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt, sâu xa, chân thành đến tất cả qúi cha, đã luôn luôn sẵn sàng hy sinh phục vụ giáo xứ, giáo phận, cách nhiệt thành, hăng say và yêu mến. Giáo phận cám ơn cách riêng các cha đang âm thầm, hy sinh, và quảng đại phục vụ tại những vùng sâu, xa xôi, nghèo khó, túng thiếu, thưa thớt giáo dân.

Nhiều Cha đã ngày đêm hy sinh, vất vả, chịu đau khổ, tù tội, tra tấn 15-20 năm, cả đời mình mà không một lời oán trách kêu ca. Nhiều cha cao tuổi, ốm đau triền miên, sức yếu vẫn luôn vui vẻ hy sinh, phục vụ miệt mài cho các linh hồn, cho giáo xứ, giáo phận mà không nề hà, kể lể công trạng và nay đang dưỡng hưu âm thầm, cô độc một mình với Chúa và trong Chúa, không màng gì đến bảng vàng ghi công của người đời.

Giáo phận, giáo dân, cách riêng Giám mục thay mặt giáo phận xin hết lòng cám ơn qúi cha, Chúa thấy hết, biết hết mọi việc công phúc của Qúi Cha, sẽ trả công bội cho qúi Cha.

Thánh lễ thứ Năm tuần Thánh sáng hôm nay, được dành riêng cho các linh mục, Giám mục. Xin anh em linh mục chúng ta hãy tham dự thánh lễ nầy cách thật sốt sắng đặc biệt hơn mọi khi để tạ ơn Chúa về hồng ân cao cả nầy, nhớ lại ngày chúng ta lãnh nhận chức thánh vì yêu mến Chúa Kitô và để phục vụ Hội Thánh Người, đồng thời xin lỗi Chúa, xin lỗi Giáo Hội, xin lỗi giáo phận, xin lỗi bà con giáo dân, xin lỗi mọi người về những bất toàn, thiếu sót, trong tư tưởng, trong suy nghĩ, trong lời nói và cách riêng trong thái độ, việc làm của con người linh mục và Giám mục chúng ta.

Còn quý bà con, anh chị em giáo dân thân mến: lý tưởng linh mục nói chung, và cuộc đời mỗi linh mục, Giám mục nói riêng, hy sinh đến thế, cố gắng đến thế, đau khổ đến thế mà cũng không thoát khỏi những yếu đuối, lầm lỗi, thiếu sót đáng tiếc trong việc phục vu anh chị em. Một số bà con giáo dân đã phản ảnh và trách móc đòi hỏi linh mục, Giám mục chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa, hy sinh hơn nữa và mẫu mực làm gương sáng nhiều hơn nữa, chúng tôi xin chân thành cám ơn, ghi nhận và sẽ cố gắng sửa chữa sám hối.



Xin anh chị em hãy quảng đại tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót của chúng tôi và cầu nguyện nhiều cho chúng tôi, linh mục, Giám mục của anh chị em. Xin cầu nguyện thật nhiều cho chúng tôi, để chúng tôi luôn được trung thành sống theo gương Chúa Kitô, “trở nên mọi sự cho mọi người”, đầy tràn ân sủng, nhờ đó chúng tôi chu toàn xứng đáng sứ mạng Chúa và Hội Thánh đã trao phó.

Một điểm đặc sắc khác của ngày lễ hôm nay cũng rất đáng được đề cao, đó là: Ngày họp mặt của đại gia đình giáo phận: hôm nay, mọi thành phần, đấng bậc trong giáo phận: Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân cùng họp nhau chung quanh bàn tiệc Thánh Thể để kính nhớ việc Chúa lập bí tích Thánh Thể và chia sẻ chức linh mục thượng phẩm cho chúng ta. Sự họp mặt nầy nhắc chúng ta nhớ rằng: Gíao phận là một đại gia đình, một vườn nho của Chúa, trong đó mọi người phải hợp nhất với Giám mục như cành với cây, như cá với nước, như các chi thể trong một thân thể duy nhất với đầu là Chúa Kitô. Sự hợp nhất nầy cần được thể hiện không phải bằng tình cảm, lấy lòng, tâng bốc lẫn nhau, song bằng hành động, việc làm cụ thể, nhất là bằng ý thức trách nhiệm, bằng sứ vụ mà Chúa và Hội Thánh đã trao ban.

Với tâm tình yêu mến Giáo hội, cách riêng các vị chủ chăn, Đức Thánh Cha Beneditô 16, Đức Cha Phanxicô Savier, nguyên Giám mục Giáo phận, các linh mục Gíao phận … Cộng đoàn chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn thật sốt sáng để cùng với Chúa Kitô bước vào mầu nhiệm hiến tế khổ nạn của Ngài….”



Cũng trong tư tưởng đó, dựa trong Tin Mừng (Lc 4, 14-20) khi giảng Đức cha nhấn mạnh và quảng diễn sâu rộng hơn về thiên chức linh mục, với chủ đề “Sự thật về lý tưởng và con người linh mục”, được chia thành phần chính với ba câu hỏi: Linh mục là ai? Linh mục làm gì, và Linh mục làm cho ai?

Trước khi trả lời ba vấn nạn nêu trên, Đức cha giới thiệu sơ lược về số linh mục hiện đang phục vụ Hội Thánh toàn cầu, cũng như Giáo Hội Việt Nam và giáo phận Thái Bình. Thêm vào đó Đức cha đề cập đến vấn đề cấp bách hiện nay, tại sao có ít người làm linh mục?

Cuối bài giảng Đức cha kết luận:

“Anh em linh mục thân mến, hôm nay một lần nữa: ‘Thần khí Chúa ngự trên tôi, trên các cha, vì Chúa đã xức dầu tấn phong chúng ta, để chúng ta loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai chúng ta đi công bố, cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa…’

Xin Chúa cho anh em Linh mục, Giám mục chúng ta được ứng nghiệm lời Kinh Thánh chúng ta vừa nghe !’ (Lc 4,14-20).
 
Nam Úc, Cử Hành Thánh Lễ Tiệc Ly và Nghi Thức Rửa Chân Thứ Năm Tuần Thánh
Jos. Vĩnh SA
12:15 01/04/2010
Nam Úc, Cử Hành Các Nghi Thức Trọng Thể Thứ Năm Tuần Thánh

Lúc 7 giờ tối, thứ Năm Tuần Thánh, Thánh Lễ Tiệc Ly và nghi thức Rửa Chân đã được cử hành long trọng tại trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân, vùng Pooraka, Nam Úc.

Linh mục GB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm CĐ chủ tế Thánh Lễ, cùng đồng tế có linh mục Giuse Phạm Minh Ứơc Sj. và Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm CĐ.

12 vị tông đồ do các họ đạo, các đoàn thể đề cử. Cha Huy chủ sự nghi thức rửa chân và chầu Thánh Thể.

Sau Thánh Thể là cuộc rước kiệu cung nghinh Thánh Thể từ bàn thờ chính về nhà tạm. Sau đó các họ đạo và các đoàn thể thay phiên nhau chầu Mình Thánh Chúa cho đến lúc 11 giờ 30 khuya, giờ chầu bế mạc.

Có khoảng trên 2,000 tín hữu đã tề tựu về trung tâm và rất nhiều đồng hương từ các tiểu bang đến Nam Úc tham quan cùng tham dự.

Trong Tuần Thánh, theo dự báo thời tiết cho biết, bầu trời Nam Úc nắng đẹp, không khí dễ chịu và lý tưởng để tổ chức các nghi thức trọng đại trong Tuần Thánh.

Khí hậu khoảng hôm nay 28 độ C. Mọi người cảm thấy thoải mái, hân hoan khi đến tham dự các Thánh Lễ và các nghi thức, mặc dù thời gian cử hành khá lâu.
 
Thánh Lễ Truyền Dầu Năm Linh Mục 2010 tại GP Đà Nẵng
Tôma Trương Văn Ân
15:59 01/04/2010
THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU NĂM LINH MỤC 2010 TẠI GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG

Đà nẵng, giáo phận Đà Nẵng đã cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu Năm Linh Mục 2010 vào lúc 5 giờ 30 sáng thứ năm Tuần Thánh ( 1 / 4 / 2010 ) tại tiền đường nhà thờ Chính Tòa Đà nẵng.

Thánh Lễ có sự hiện diện ĐGM Giuse Giám Mục giáo phận, ĐGM F. xavie Nguyễn Quang Sách ( nghĩ hưu ), Linh Mục Đoàn giáo phận Đà nẵng, đông đảo nam nữ Tu Sĩ, 179 Thừa Tác Viên ngoại lệ ( người cộng tác với Linh Mục trong việc trao Mình Thánh Chúa cho Cộng Đoàn Dân Chúa, kể cả người đau yếu bại liệt ) và cộng đoàn Giáo Dân.

Xem hình Lễ truyền dầu

Thánh Lễ Truyền Dầu là ngày hội lớn Dân Thiên Chúa giáo phận vây quanh Giám Mục. Chúa Ki Tô nối kết mọi người, sụ sống Chúa đến từng Chi Thể trong Nhiệm Thể Chúa. Thánh Lễ là dịp sinh nhật của các Linh Mục, các Ngài đã lập lại lời hứa khi nhận lãnh Chức Linh mục.

ĐGM nêu những tấm gương sáng Linh Mục qua nhiều thời đại, nhưng băn khoăn thao thức cùng với Giáo Hội về vài mảng tối trong số ít Anh Em Linh Mục, việc bê trễ Nhiệm Vụ Thánh, lạm dụng tình dục …. Như ĐGH Benedic XVI đã nhắc “ …. Những bê bối đáng hổ thẹn “ qua đó ĐGM kêu gọi một sự chấn chỉnh triệt để, đổi mới chính mình trong Anh Em Linh Mục, lấy chính Chúa Giê su Linh Muc Thượng Phẩm làm mẫu gương, rập theo khuôn mẫu đời sống Chúa, trở thành người rao giảng Tin Mừng. Chúa truyền chức cho các Tông Đồ là trao ban Thánh Thần chứ không phải chức tước. Linh Mục là Sứ Vụ Ơn Gọi cao cả, người nói với công chúng như chủ đề được viết trên Lễ Đài “ trăm con mắt đổ dồn về phía Người “, với thế giới hôm nay, có thể hàng tỷ con mắt, hàng tỷ lổ tai, tỷ con tim đổ dồn về các Linh mục.

Ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các Linh Mục để các Ngài Thánh Hóa dân Ki Tô giáo và hiến dâng hy lễ lên Thiên Chúa. ĐGM ân cần nhắc lại lời khi Giám Mục truyền chức cho các Linh Mục: “ … Con tin điều con đọc, dạy điều con tin, thực hành điều con dạy… “ Linh Mục phải lấy tấm lòng, tình yêu thương nâng đỡ những người Chúa giao phó cho mình, kể cả người dể bảo và bướng bỉnh. Biết vui niềm vui Mục Vụ, đức ái Mục Vụ, nắm bắt nhu cầu Mục Vụ, nảy sinh sáng khiến Mục Vụ, dạy cho Họ biết “ cho người mù được thấy “ phải biết giữ cho “ đôi mắt đừng mù lòa“, “ trả tự do cho kẻ bị giam cầm “ thì phải biết “ ăn ngay ở lành “. “ trả tự do cho người bị áp bức “, thì cũng đừng “ áp bức lẫn nhau “, “ công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng “ thì cũng biết “ san sẽ hồng ân cho nhau.”. Ngài cũng khiêm tốn xin các Linh Mục yêu thương nâng đỡ cộng tác với ngài trong đời Linh Mục và trọng trách nạng nề của giáo phận. Đối với Giáo Dân, Ngài mời gọi cộng tác chặt chẽ, cư xử tốt bù đắp những thiếu sót của Linh Mục, đừng đòi hỏi quá sức và động viên an ủi khi các ngài đau yếu mệt mỏi …

ĐGM nhắc đến nhiều đóng góp của nam nữ Tu Sĩ là những chi thể phong phú đẹp đẽ trong Nhiệm Thể Chúa Ki Tô, cùng mục tiêu là lợi ích cho các linh hồn.

Trong Thánh Lễ, ĐGM làm phép 3 loại dầu: Dầu Dự Tòng, Dầu Bệnh Nhân, Dầu Thánh để Thánh Hiến nâng đỡ Dân Thiên Chúa, Dầu là dấu chỉ Bí Tích Cứu Độ, Ngài đã chuẩn thuận 179 Thừa Tác viên ngoại thường 2010 – 2011.

Cuối Thánh Lễ, Cha Phê Rô Hoàng Gia Thành ( Chưởng An TGM ) đọc thư công bố tái lập Caritas giáo phận Đà Nẵng, thành viên Caritas Việt Nam của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, sau 35 năm gián đoạn ( trong thời này Ban Bác Ai Xã Hội vẫn hoạt động thay Caritas giáo phận ), do ĐGM giáo phận ký quyết định ngày 25 / 3 / 2010 ( Lễ Truyền Tin ), Cha Macxenlo Đoàn Minh làm giám đốc, ĐGM cũng kêu gọi thành lập Cariras ở các giáo xứ.

Trước lúc kết thúc Thánh Lễ, ĐGM phát đông chương trình “ Dân Chúa xây Nhà Chúa “ kêu gọi hảo tâm đóng góp mọi thành phần Dân Chúa, 1 năm xây 1 nhà thờ trong giáo phận, hiện nay có 12 nhà thờ và hàng chục giáo họ, nhà thờ cần tu sửa, nhất là những xứ khó khăn, Giáo xứ đầu tiên trong chương trình này là Hà Tân.

Trong dịp này, ĐGM và cộng đoàn Dân Chúa hiện diện cùng chúc mừng kỷ niệm 35 năm Linh Mục ( 1/4/1975 – 2010 ) Cha Giuse Cao Văn Cường ( quản xứ Tam Tòa )

Một vị đại diện cộng đoàn Giáo Dân đọc lời cám ơn ĐGM, các Linh Mục, Tu Sĩ và tất cả cộng đoàn cùng hiệp ý cầu nguyện cho các Linh Mục Chúa. Tiếp đó tất cả các Linh Mục hiện diện đều được các đại diện giáo dân tặng hoavà một chiếc bánh sinh nhật như những tình cảm quý báu trân trọng của Dân Chúa với các Linh Mục.

Sau đó ĐGM và cha Tổng Đại Diện trao nến Phục Sinh cho Vị Đại Diện từng cộng đoàn giáo xứ và các Hội Dòng.

ĐGM ban Phép Lành trọng thể với Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Linh Mục kết thúc Thánh Lễ, mọi người ra về trong hân hoan.
 
Chuyện nguyên Bí Thư Đảng ủy, chủ tịch xã đi tìm Chúa
JB. Nguyễn Hữu Vinh
16:19 01/04/2010
Chuyện nguyên Bí Thư Đảng ủy, chủ tịch xã đi tìm Chúa

Già làng Cứ A Ký, một trong những người cao tuổi nhất bản người nhỏ thó chắc gọn và khỏe khoắn, chòm râu lơ thơ. Ông tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ cheo leo bên sườn núi. Giọng nhỏ nhẹ, ông kể chuyện chậm rãi đều đều bằng tiếng kinh lơ lớ, thỉnh thoảng vài đoạn người bạn đi cùng phải dịch lại cho chúng tôi nghe.

Chuyện ông kể rằng:

Già Làng Cứ A Ký
Già làng Cứ A Ký - nguyên Trưởng Công an, Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ân, Bí thư đảng ủy, chủ tịch xã đi tìm Thiên Chúa

Gia đình ông vốn có truyền thống làm “quan” ở bản này, bố ông là trưởng bản thời Pháp. Khi ông lớn lên thì cũng là lúc cướp chính quyền, ông tiếp nối làm trưởng bản rồi làm trưởng công an xã từ năm 1958. Sau đó ông được làm chủ tịch xã rồi bí thư đảng ủy xã đến gần những năm 1990 mới nghỉ.

Làm cán bộ xã hồi đó vất vả chăm lo cho dân hơn bây giờ, công xá lương bổng chẳng được mấy nhưng qua mấy chục năm làm cán bộ, ông thấy được những hủ tục đã đày đọa đồng bào nơi đây trong vòng nghèo đói và lạc hậu, những cảnh sống nhọc nhằn sợ hãi con ma luôn ám ảnh. “Người H’Mông chúng tao có nhiều loại ma lắm, mà nhà, ma cửa, ma bếp, ma cột… nhưng nặng nề nhất vẫn là hủ tục ma người chết” – già nói. Chính vì vậy mà nhiều gia đình vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn, không thể nào tiến bộ lên được. Quanh quẩn cả đời người H’Mông chỉ lo việc cúng ma, khi sinh đẻ, khi lớn lên, khi ốm đau, khi chết… tất cả có thầy mo cùng đồng hành.

Những suy nghĩ đó làm ông trăn trở, rồi ông quyết đi tìm một con đường khác nhằm giúp đỡ mình và đồng bào mình thoát ra khỏi những hủ tục này.

Với chiếc radio, tối ông mở đài Chân Lý Á Châu nghe nói về Thiên Chúa, rồi ông tìm hiểu, khám phá vàniềm tin bắt đầu nhen nhóm, một hướng đi mở dần trong ông từ đó. Năm 1991 ôngquyết định vượt ra khỏi khu vực Mường La sang tận Trạm Tấu, Nghĩa Lộ, thuộc tỉnh Yên Bái để học đạo.

Ông nói: “Hồi đó có cha dạy đạo cho tao, nhưng giờ nó mất rồi, tao mang cái tượng, ảnh và cái này (bộ tràng hạt) ở bên đó về đây”.

Sau khi đi tìm đạo và học một thời gian trở về với gia đình, bàn với anh em trong gia đình rằng: “Tao đã tìm được Chúa, bây giờ tao theo Chúa thôi chứ không theo con ma nữa. Tao không thể theo con ma, nếu không có ai theo thì một mình tao theo Chúa vậy thôi”.

Nhà của Già Làng - Nơi sinh hoạt của giáo dân
Nhà Già làng Cứ A Ký - nơi sinh hoạt chung của các giáo dân

Từ đó ông bắt đầu sống theo đức tin của mình, rồi cả ba gia đình anh em ông cùng theo đạo. Cách sống đạo đã làm ông và gia đình ông thay đổi, cuộc sống vui hơn, có niềm tin vững chắc và nhất là không còn sợ con ma nữa. Ốm đau ông biết dùng thuốc chữa mà không phải cúng, làm nhà lấy vợ cho con, chết chóc không phải theo con ma… Ông nghe lời cha, cho con cái theo học cái chữ… cuộc sống gia đình ông thay đổi hắn lên.

Cách giữ đạo của ông và anh em ông đã được mọi người trong bản nhìn nhận, dân bản thấy cách giữ đạo đã làm cho họ sống tốt hơn và không còn các hủ tục nặng nề với con ma, họ dần dần tìm hiểu. Rồi cũng cái đói, cái khổ đã cho họ thấy con đường theo đạo rũ bỏ được những hủ tục đè nặng lên cuộc sống của mình. Cứ thế dần dần họ đến học theo đạo từ gia đình anh em ông, con số các gia đình theo đạo ngày càng tăng lên.

Từ một người, hai người, rồi đến cả gia đình theo đạo, rồi cả xóm, vì họ thấy theo đạo thì sinh hoạt vui vẻ, tính cộng đồng cao, yêu thương nhau hơn, nhất là không còn phải thờ con ma…

Từ những hoàn cảnh, lòng tin đơn sơ như vậy, Thiên Chúa đã đến với họ và họ đáp lại lời mời gọi bằng tất cả tấm lòng, không cần bất cứ sự lý luận uyên bác, không cần thứ gì cao siêu. Đến nay, cả bản này và mấy bản xung quanh, con số người theo đạo đã là 700 người.

Hết sợ con ma thì đến sợ công an và chính quyền

Nhưng khi nỗi sợ hãi con ma được khắc phục, thì họ đối diện với nỗi sợ hãi mới: Công an và chính quyền.

Già làng Cứ A Ký kể lại mà giọng vẫn thảng thốt:

“Ôi giời, những năm theo đạo cực khổ lắm, cực khổ cho đến tận bây giờ vẫn chưa hết…”

Bà con ở đây theo đạo thì thoát ra khỏi hủ tục, cuộc sống có phần thay đổi, sinh hoạt cộng đồng vui vẻ và yêu thương nhau. Những người đã biết về giáo lý, biết về Chúa thì dạy cho những người chưa biết, tối tối thay vì đưa nhau vào bàn rượu thì từ trẻ đến già tập trung đến nơi đọc kinh, cầu nguyện. Khi có người chết thì tổ chức đám tang đơn giản và đọc kinh cầu nguyện cho người chết chứ không để lâu mất vệ sinh và không ăn uống lu bù cúng ma nữa, khi ốm đau thì uống thuốc chữa bệnh hoặc đi bệnh viện, không mời thầy mo cúng con ma, con gái con trai không lấy vợ lấy chồng quá sớm như trước, một số học sinh được đi học, có cháu đã đi học xong trường chuyên môn về thuốc nay về bản cấp phát thuốc cho bà con…

Rồi chính quyền cũng biết sau khi thấy có những biến chuyển ở đời sống đồng bào được báo cáo lên. Công an, chính quyền bắt đầu chú ý đến họ hơn. Thế là bắt đầu lại khổ với công an và cán bộ.

“Mỗi lần cán bộ, công an về nó về thì nó “xử lý”, nó phạt. Trước thì mỗi lần về “xử lý” là nó bắt của tao con chó, con lợn, nhưng sau hết con chó, con lợn thì nó “xử lý” bằng tiền. Mỗi lần “xử lý” từ năm chục đến một trăm nghìn, mỗi tháng nó về ba bốn lần. Tao hết mấy triệu đồng nó xử lý tao rồi đấy”.

Khi chúng tôi hỏi họ nói lý do vì sao bị “xử lý”? Cụ trả lời: “Nó bảo tao là tại sao ông đi như thế này, nước Việt Nam mình từ trước đến nay không ai đi như thế này, các ông là tuyên truyền xuyên tạc chính sách của chính phủ, làm mất ổn định. Nó nói thế đấy”.

Cụ được gọi lên UBND xã, cán bộ nói: “Đi theo đạo Giêsu thì phải đứng giang tay như Giêsu cả ngày, không được bỏ xuống”.

Độc hơn, khi nhiều người dân theo đạo, chính quyền ra tay bằng nhiều biện pháp, mạnh, nhẹ có cả. Bắt đầu là ngăn cấm, khuyên giải… nhưng với người dân tộc thiểu số, khi họ đã tin, thì khó mà bóc gỡ được niềm tin trong họ.

Năm 2002, chính quyền bắt tập trung các gia đình theo đạo lên trụ sở ủy ban rồi cho người tháo tất cả bàn thờ của các gia đình tập trung đốt hết và tất cả được lệnh phải về làm ma, cúng ma như cũ. “Nhưng đốt bàn thờ này, thì tao làm lại bàn thờ khác – cụ nói – bà con vẫn không bỏ đạo”.

Nhưng từ đó, bà con không được hưởng các chính sách ưu đãi vùng 3 là vùng sâu vùng xa theo chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cụ nói: “Họ nói rằng theo đạo Giêsu là không có ông bà, không có gia đình bố mẹ – Ý nói là không làm ma như hủ tục cũ – nên không được trợ cấp như những người có cúng con ma”. Vì vậy những năm rét mướt trâu bò chết hết, nương ruộng chẳng có gì thu hoạch, nhà nước có chính sách và nhiều người được nhà nước hỗ trợ, riêng người theo đạo thì không. Ngay cả bản thân ông, một cán bộ lâu đời, từng giữ những chức vụ chủ chốt của xã qua nhiều thời kỳ, nhưng các chế độ của người có công với nhà nước vẫn “nó vẫn không cho”.

Trong các tranh chấp dân sự như con dê, con bò, cái nương cái rẫy với những người không theo đạo (mà hiện tượng đó ngày càng nhiều), thì bao giờ người Công giáo có đúng đến đâu cũng không được bảo vệ nếu không chịu bỏ đạo.

Nhưng, khi có ơn gọi và niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa đã ăn sâu vào những người dân đơn sơ này, thì không một ai xóa được điều đó. Vì vậy mà bà con tín hữu nơi đây đã phải chấp nhận tất cả mọi khó khăn thử thách để chứng minh niềm tin của mình.

Nghe chuyện cụ kể cứ như nghe chuyện cổ tích hồi nào, tiếng ông cụ vẫn chậm rãi đều đều kể lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm đau đớn của cụ và gia đình cũng như những tín hữu nơi này đã trải qua.

Pháp lệnh tôn giáo đã có, nhưng tỉnh Sơn La chưa duyệt(!)

Khi chúng tôi hỏi: “Những năm gần đây có khó khăn giữ đạo như trước nữa không”? Ông trả lời rằng: “Ổ, giờ chúng mày lên đây được là tiến bộ lắm rồi, hai năm nay cán bộ và công an nó đỡ hơn, các chính sách hỗ trợ có được rồi, chúng nó không về xử lý nữa. Nhưng chỉ cấm không được tập trung đông người, phải xin phép”.

Cứ A Lử, con trai cụ Cứ A Ký giờ là trưởng nhóm giáo dân ở đây thêm vào: “Năm nay đỡ hơn nhiều lắm rồi. Năm trước chúng tao đi xuống núi dưới Mường La (cách bản 40km đường rừng), nhưng chúng nó đuổi bắt về cả đêm đấy. Năm nay chúng tao hát Noel tại bản, cán bộ nó bắt tao viết giấy xin phép rồi vào dự và uống rượu với chúng tao. Chúng tao làm đơn xin sinh hoạt, cầu nguyện thì cán bộ mặt trận huyện nó bảo:“Pháp lệnh tôn giáo đã có rồi, nhưng Tỉnh Sơn La chưa duyệt” (?)

Chúng tôi tưởng anh nói nhầm, nhưng với điệu bộ và cách nói của anh, thì tôi tin anh không thể bịa ra được cái từ “Pháp lệnh tôn giáo”. Thì ra đến bây giờ chúng tôi mới thấy lần đầu tiên là một tỉnh lại duyệt Pháp lệnh của Quốc hội(?). Quả là câu nói của ai đó “Sơn La – Nhà nước tự trị về tôn giáo” cũng không sai ở đây.

Cần lắm những thợ gặt của Chúa

Trong những điều kiện khó khăn như thế, nhưng từ năm 2003, các linh mục và các tu sĩ Dòng Chúa Cứu thế như Nguyễn Ngọc Nam Phong, Nguyễn Văn Khải… (Những vị này ngày đó còn là những Thầy Sáu), đã lên Sơn La để gom góp, quy tập những tín hữu công giáo dân đầu tiên thuộc vùng tộc ít người và người kinh lên làm ăn từ vùng Mộc Châu, Hát Lót đến Sơn La… thành các cộng đoàn với nhau, lo cho họ có nơi thờ tự dù chỉ là những căn hầm dưới đất của nhà riêng ai đó, có người quản lý… sau mấy chục năm họ hoàn toàn không có điều kiện hiệp thông với Giáo hội. Dần dân các nơi đó đã thành các cộng đoàn đông đúc và nay linh mục Giáo phận Hưng Hóa đã có thể đến dâng lễ cho bà con ở một số nơi sau những cuộc vây ráp khó khăn mà hệ thống truyền thông thế giới đã biết đến.

Phát quần áo rét cho các cháu ở Chiềng Ân

Cũng cách đây chừng 7-8 năm, cùng với một số anh em tín hữu miền xuôi lên làm ăn ở đây, một số linh mục Dòng Chúa Cứu thế đã tìm đến nâng đỡ, giúp đỡ tín hữu ở Chiềng Ân. Những chuyến đi đó là những chuyến đi bí mật, những chuyến phải lội suối, vượt rừng đi cả ban đêm vì nếu công an biết thì sẽ phiền, đây là vùng sâu vùng xa, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Hai mươi năm theo Chúa, đưa Tin mừng về đến vùng sâu, vùng xa Chiềng Ân này cho 700 con người nhưng chưa một lần nào họ có được một thánh lễ ở đây. Hiện nay, sinh hoạt tôn giáo cũng chỉ là những buổi bà con tập trung cầu nguyện và hát Thánh ca. Những tín hữu nơi đây sinh ra, lớn lên lấy vợ lấy chồng và cả những người chết đi, cũng chỉ “một mình mình khóc, mình hay một mình”. Nhiều người đã phải bỏ nơi này ra đi mong có một nơi họ có điều kiện thờ phượng Chúa.

Các linh mục và tu sỹ của Dòng Chúa cứu thế đã kêu gọi những người hảo tâm đến nâng đỡ bà con từ việc xin cho họ từng thùng quần áo rét mùa đông, giúp cho họ vay tiền mua giống ngô, mua trâu bò khi không được sự hỗ trợ của nhà nước, cấp cho họ những thùng thuốc tây và tìm người để có thể hướng dẫn họ sử dụng khi đau ốm. Dần dần họ được tập trung lại, có người phụ trách việc tập hát, tập kinh, lấy nhà ở của gia đình cụ Ký làm nơi sinh hoạt…

Từ năm 2009 đến nay, việc lên Chiềng Ân thăm bà con không còn là chuyện bí mật như 2008 trở về trước. Công an, cán bộ không truy lùng gắt gao nữa. Mỗi lần các linh mục Dòng Chúa cứu thế lên đây, thì là ngày hội của cả bản, dù họ đi đâu cũng kéo đến để chào hỏi, bắt tay.

Hè năm trước, lớp đệ tử nhà dòng đã lên đây làm “mùa hè xanh tình nguyện” sống với họ, dạy cách ăn ở vệ sinh, sửa đường, làm cầu và dạy chữ cho các cháu.

Trong chuyến lên đây mùa đông năm ngoái, anhPhương – hiệu trưởng cũ của trường tiểu học ở đây đã nói với tôi: “Trong hội nghị có các ban ngành, cán bộ ở đây họ khảng khái nói rằng bản nào nhiều người công giáo, thì trái lại, chỗ đó bỏ học ít nhất”.

Chén rượu mừng và chia quần áo cho bà con Chiềng Ân

Người dân Chiềng Ân vẫ lầm than và đói khổ

Sau này khi về Hà Nội, tôi gặp Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong ở Thái Hà, để hỏi về cộng đoàn giáo dân ở Chiềng Ân, Ngài cho biết: “Họ là những cộng đoàn người dân tộc có lòng tin rất đơn sơ nhưng vững chắc. Chỉ có khổ cho họ là cuộc sống quá nhiều vất vả nơi xa xôi heo hút và lạc hậu. Hàng năm chúng tôi vẫn lo cho họ từ hạt giống, con trâu bò giống và thỉnh thoảng xin cho họ một số quần áo cũ mặc mùa đông để họ đỡ phần vất vả. Thật ra những cái gọi là cho vay, cũng chỉ là để họ có trách nhiệm hơn trong việc chăm chỉ làm ăn, chứ vay có bao giờ lấy lại được”. Cũng ngay lúc đó, bỗng chuông điện thoại reo vang, giọng của Thào A Dê trong máy: “Cha ơi, mẹ tao chết rồi, Cha cầu nguyện cho nó nhé, tên thánh là Maria”. Chúng tôi không ai nói điều gì, chỉ nhìn nhau thôi và đau cho họ, khi đến cõi chết, họ vẫn nhớ kêu cầu đến Chúa và Mẹ Maria.

Chúng tôi về đến Mường La cũng đã khá muộn, đến thăm một số người bạn đang công tác tại công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, qua câu chuyện nói về đề tài tôn giáo ở đây, bạn tôi cho biết: “Những năm gần đây, đạo Tin Lành ở Tây Bắc phát triển rất mạnh, con số tăng nhanh chóng. Nhiều hệ phái Tin Lành đã đưa người xuống tận miền xuôi học và về tại chỗ lo lắng, truyền đạo cho bà con. Vì vậy nhiều nhóm “người công giáo mồ côi” đã bỏ sang theo đạo Tin Lành”.

Tạm biệt Chiềng Ân, Mường La, Sơn La, nơi chúng tôi có những chuyến đi nhiều kỷ niệm. Chia tay, chúng tôi luôn nhớ về những người dân chất phác và chân thật nơi đây vẫn sống trong đau khổ và nghèo nàn lạc hậu, những tín hữu nơi đây vẫn sống trong lặng thầm với nỗi hi vọng mơ hồ dai dẳng: Có một ngày nào đó họ có được một chủ chăn để chăm sóc cho phần linh hồn của họ!

Hà Nội, ngày 01/04/2010
 
Tâm thư gửi anh em Linh Mục
+Hồng Y TGM GB. Phạm Minh Mẫn
16:39 01/04/2010
TOÀ TỔNG GIÁM MỤC

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


TÂM THƯ GỞI ANH EM LINH MỤC

Anh em linh mục đồng sự rất thân mến,

1. Trong Năm Linh Mục, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI khuyên linh mục hãy nên thánh. Qua bức tâm thư này, tôi mong muốn góp phần vào việc thực hiện lời khuyên nầy đối với bản thân mình cũng như đối với anh em linh mục là những đồng sự thân thiết của tôi. Căn tính linh mục là cơ sở của việc nên thánh. Linh đạo linh mục là con đường nên thánh. Đời sống và chức vụ linh mục theo căn tính và linh đạo linh mục là phương thế thánh hoá. Chúa Thánh Thần là tác nhân thánh hoá linh mục và đổi mới đời sống linh mục.

2. Căn tính linh mục. Căn tính linh mục được hình thành trên nền tảng ơn thánh hiến của chức linh mục. Ơn thánh hiến vừa là lời Chúa mời gọi vừa là ơn Chúa trợ giúp cho linh mục thường xuyên ý thức thoát ra khỏi tính đối kháng cố hữu cùng hướng ngoại hiếu động, tự tạo tâm trạng an định và đi đến gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, củng cố niềm tin gắn bó với Ngài, quyết tâm bước theo Ngài trên con Đường Tình Yêu cứu độ của Ngài. Dấn thân trên con đường này sẽ giúp cho linh mục ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong chức phận làm con Cha trên trời, làm Ngôn sứ, Tư tế và Mục Tử cho Dân Chúa, làm Ánh Sáng Chân Lý và Sự Sống mới cho muôn dân.

3. Linh đạo linh mục. Linh đạo linh mục chính là con Đường Tình Yêu cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Theo ý định cứu độ của Chúa Cha, dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Con Chúa làm người trong trần thế biểu hiện tình yêu cứu độ qua bốn nét đặc trưng như sau:

- một là Hội Nhập vào cuộc sống nhân loại và chia sẻ phận người nơi cõi trần,

- hai là Dấn Thân phục vụ cho Tin Mừng và cho sự sống cùng sự phát triển của con người,

- ba là Hy Sinh mạng sống vì tuân hành ý Cha và vì sự sống của mọi người,

- bốn là Đổi Mới phận người và mời gọi mọi người canh tân đời sống.

Gắn bó với Chúa giúp cho linh mục mở rộng lòng trí đón nhận ý định và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa như là định hướng và động lực cho hành trình sống linh đạo linh mục. Với định hướng và động lực đó trong ý thức và ý chí, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, lúc yên hàn hay trong gian lao thử thách, linh mục sẽ kiên trì gắn bó cùng bước theo Chúa Kitô trên con đường tình yêu của Ngài.

Bước theo Chúa Kitô, linh mục sẽ không mất phương hướng và không phạm sai lầm khi đối diện với những sự cố trong cuộc sống nhân loại, như sự hiểu lầm, sự loại trừ, chối từ, phản bội, cáo gian, kết án bất công từ phía người thân cũng như kẻ thù ghét mình. Linh mục sẽ cảm nhận rằng tình yêu bao dung và độ lượng của Chúa có một năng lực kỳ diệu. Tình yêu đó sẽ biến khó khăn gian truân thành thách đố và cơ hội cho linh mục bày tỏ lòng trung thành đối với ý định yêu thương cứu độ của Cha trên trời, chu toàn sứ vụ loan Tin Mừng cứu độ cùng phục vụ cho sự sống dồi dào của mọi người.

4. Linh đạo linh mục còn là lời mời gọi linh mục mỗi ngày ý thức và quyết tâm bước theo Chúa Kitô trên Đường Tình Yêu Cứu Độ, nhằm xây dựng cùng hoàn chỉnh các mối tương quan yêu thương và phục vụ mà Con Chúa làm người đã mở ra cho người sống ơn thánh hiến trong Giáo Hội và được sai đi loan Tin Mừng trong thế trần:

(1) Đối với Thiên Chúa, xây dựng tương quan tin yêu và hy vọng đối với Ba Ngôi Thiên Chúa: hiếu thảo và trung thành đối với Chúa Cha, tin tưởng gắn bó và bước theo Chúa Con, cộng tác mật thiết với Thánh Thần soi dẫn, thánh hoá và đổi mới;

(2) Đối với các tiền nhân, xây dựng tương quan thảo kính và đền ơn đáp nghĩa đối với ông bà tổ tiên cùng các tiền nhân và chứng nhân đức tin đã dày công và hy sinh gìn giữ và lưu truyền gia sản đức tin,

(3) Đối với thành viên Giáo Hội, xây dựng tương quan mục tử đồng cảm và hiệp thông đối với mọi thành viên trong Giáo Hội, huynh đệ và hiệp nhất đối với các đồng sự, quảng đại và khiêm tốn phục vụ đối với các gia đình và cộng đoàn tín hữu, các đoàn thể và giới công giáo thuộc các từng lớp xã hội, đặc biệt đối với người nghèo khổ, bị bỏ rơi...

(4) Đối với đồng bào và đồng loại, xây dựng tương quan huynh đệ và liên đới đối với anh em đồng bào và đồng loại, bao dung và đồng cảm khiêm tốn phục vụ cho sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền của mọi người, tương quan đối thoại và hợp tác trên nền tảng chân lý và công ích đối với các tổ chức tôn giáo, văn hoá, xã hội...

(5) Đối với đời sống và chức vụ linh mục, xây dựng tương quan hội nhập, dấn thân, hy sinh và đổi mới, tương quan phản tỉnh và tự đào tạo, nhằm hoàn thiện đời sống thể chất và trí thức, tinh thần và tâm linh, thanh bần và khiết tịnh, hoàn chỉnh mục vụ ngôn sứ và tư tế, mục vụ tổ chức và điều hành các sinh hoạt đạo của cộng đoàn tín hữu, mục vụ quản trị tài sản của cải giáo xứ, mục vụ bác ái phát triển và truyền giáo, mục vụ bang giao giáo hội và xã hội...

Qua nỗ lực xây dựng cùng hoàn chỉnh các mối tương quan trên theo định hướng cùng động lực Chúa đã khai sáng và trao ban, linh mục sẽ hoàn thành nhiệm vụ cùng với mọi tín hữu xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ, Giáo Hội vì loài người.

5. Tôi ước mong, trong thời gian tới, Chỉ Nam Linh Mục sẽ nêu ra những chỉ dẫn thực hành phù hợp với căn tính và linh đạo linh mục, thích ứng với hoàn cảnh và nhu cầu của đời sống và chức vụ linh mục. Bản Chỉ Nam này sẽ là Bảng Chỉ Đường cho hành trình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Đấng Chí Thánh, đồng thời là lời nhắc nhở linh mục chu toàn trách nhiệm tự đào tạo trường kỳ và ý thức cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới đời sống và thánh hoá bản thân cùng những người mình phục vụ, vì sự sống và sự phát triển của con người, vì ơn cứu độ và hạnh phúc của mọi người.

Thứ Năm Tuần Thánh của năm Linh Mục, 1.4.2010

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục
 
Phóng sự những nghi thức cảm động Thứ Năm Tuần Thánh tại Nam Úc
Ban Truyền Thông Cộng Đoàn Nam Úc
18:45 01/04/2010
 
Lễ truyền dầu tại Giáo Phận Phan Thiêt
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
19:07 01/04/2010
LỄ TRUYỀN DẦU TẠI GIÁO PHẬN PHAN THIẾT.

Vào lúc 5h30 sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan cùng linh mục đoàn Phan Thiết long trọng cử hành Thánh lễ làm phép Dầu. Đông đảo Chủng sinh, Tu sĩ nam nữ, đại diện các giới đoàn và giáo dân hiệp thông cầu nguyện. Nhà thờ Chính Tòa hôm nay quy tụ mọi thành phần dân Chúa, cùng với linh mục đoàn và Chủ Chăn giáo phận là hình ảnh sinh động của sự hiệp nhất nơi giáo hội địa phương. Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh “Christus Dominus” đã xác định: “Giáo phận là một phần Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, Giáo phận được tập trung trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo hội riêng biệt, trong đó Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thực sự.” (CD 11)

Thứ Năm Tuần Thánh là một ngày đặc biệt của các linh mục, vì là ngày kỷ niệm Chúa lập phép Truyền Chức Thánh. Nhớ đến ngày được lãnh nhận chức thánh, không linh mục nào không bồi hồi cảm động. Ngày ấy, linh mục cảm nhận được tình yêu vô biên của Chúa. Linh mục được nghe lời Chúa nói: “Từ nay, Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy” ( Ga 15,15). Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Linh mục được trở nên bạn hữu của Chúa qua nghi lễ phong chức rất long trọng và đầy ý nghĩa.

Các Linh mục tuyên xưng Đức Tin và lặp lại lời thề hứa trung thành với sứ vụ và Giám Mục. Công Đồng Vaticanô II cũng luôn nhắc nhở các linh mục “phải liên kết với Giám mục như Giáo hội gắn bó với Đức Kitô và như Đức Kitô gắn bó với Chúa Cha, hầu nhờ sự hiệp nhất ấy tất cả mọi sự đều hoà hợp và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa.” (LG 27).

Đức cha Giuse giảng lễ. Ngài xin cộng đoàn, bài giảng hôm nay dành riêng cho các Linh mục.

Anh em Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết thân mến,

Chúng ta đã bước sang những tháng cuối của năm Linh Mục, năm Dân Chúa được huy động cầu nguyện cho Linh Mục, cũng là năm Linh Mục tập trung khơi thắm lại tình đầu dâng hiến và thể hiện lối sống thánh thiện trong đời sứ vụ. Hôm nay, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày sinh nhật chung của Linh Mục chúng ta, ngày biểu lộ tình hiệp thông Linh Mục rõ nhất trong năm phụng vụ, cùng với anh em, xin nêu lên những hình ảnh đẹp của đời dâng hiến, mong sao mỗi Linh Mục soi bóng để họa lại trong đời.

1. Linh Mục, người thân thiết của Chúa Kitô

Thực ra trên nền tảng của bí tích Rửa Tội, ai cũng là người thân của Chúa Kitô hết, vì thế mới mang lấy danh xưng “Kitô hữu”, nghĩa là thuộc về Chúa Kitô; nhưng Linh Mục có khác hơn nhờ bí tích Truyền Chức Thánh để từ đó ý thức mình không còn là tôi tớ nữa, mà đã trở nên bạn chí thiết của Chúa Kitô là Đầu, nghĩa là thuộc về Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn. Lý thuyết là thế và lý tưởng cũng là thế. Nhưng từ lý thuyết cao đẹp đến thực hành đời sống, khoảng cách xem ra xa diệu vợi và từ lý tưởng hoàn hảo đến thực tế cuộc đời trước mặt vẫn còn nhiều ẩn số, nhiều lúc gây cản trở thực hiện hoặc có khi làm lu mờ đích đến.

Thật bẽ bàng trong năm dành cho Linh Mục, thay vì những khích lệ cần thiết, đó đây tại các nước Âu Mỹ và mới đây tại Ái nhĩ lan, người ta lại mở ra những tập hồ sơ không mấy sáng sủa về đời sống Linh Mục trong quá khứ, kèm theo những lời cáo buộc nghe thấy mà quặn lòng. Tuy nhiên, bên cạnh đó không thiếu những tên tuổi Linh Mục được nêu lên như điểm sáng để Giáo Hội soi chung, và để từng Linh Mục tìm gặp ánh sáng cho mình trên hành trình nên thánh. Linh Mục đã được xức dầu thánh hiến để thành bạn hữu của Chúa Kitô, nhưng Linh Mục luôn cần gặp gỡ gắn bó với Lời Chúa và Thánh Thể, vững tâm tiến bước bằng đời thánh đức và thân mật sốt sắng bằng việc nguyện cầu, sao cho từng ngày tình thân với Chúa Kitô trở nên bền chặt hơn, thể hiện qua việc có chung một cảm nghĩ với Chúa Kitô, hay nói theo tâm tình của Thánh Phaolô, là để cho Chúa Kitô sống và lớn lên trong cuộc đời mình.

2. Linh Mục, người tự nguyện hiến thân phục vụ

Như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi, Linh Mục cũng được sai đi không phải trong thế giới mênh mông không bờ bến, mà là trong một hoàn cảnh nhất định với địa chỉ và những việc xác định, để ở đó Linh Mục sẽ miệt mài phục vụ phần rỗi các linh hồn, bất kể những hao mòn cách nào đó trong cuộc sống tư riêng của mình: về sức khỏe, về tài chánh, về điều kiện ăn ở, về tự do… Gọi chung là tự nguyện hiến thân, nghĩa là chấp nhận phải thiệt vào thân mình để hiến dâng mà phụng sự. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó. “Nếu Chúa Kitô đã thí mạng vì chúng ta, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1 Ga 3,16).

Ngày xưa Thánh Vịnh hát lên: “Đẹp thay bước chân người rao giảng Tin Mừng”, ngày nay ta cũng chung niềm xác tín: đẹp tuyệt vời những cuộc đời Linh Mục biết âm thầm hao mòn vì sứ vụ, như Cha sở họ Ars, Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các Linh Mục, đang được kính mừng 150 năm sinh nhật trên trời năm nay. Vì ở đó hao mòn bản thân đã trở thành của lễ hiến dâng trọn vẹn. Linh Mục không chỉ là người tế lễ mà còn phấn đấu để đời mình thành của lễ tế hiến hằng ngày. “Hãy trở nên điều mình là”: Châm ngôn này Linh Mục nào cũng biết rõ. Nhưng thực tế đời sống mục vụ tại giáo xứ cho thấy nhiều khi lý tưởng hiến thân đã dần dà bị phai nhạt, và việc tự mình chấp nhận hao mòn đã nhường bước cho một chọn lựa khác đồng nghĩa với ước vọng tiến thân. Như Chúa Kitô hôm nay hiến thân làm lễ tế cứu độ, mỗi Linh Mục cần vận dụng hình ảnh xả thân ấy trong những sinh hoạt phục vụ cộng đoàn.

3. Linh Mục, người xây dựng tình hiệp thông

Khỏi phải nói, ngày Thứ Năm Tuần Thánh biểu lộ sự hiệp thông Linh Mục đậm đặc nhất trong năm, khi mọi anh em Linh Mục trong Giáo Phận cùng hiện diện, cùng dâng lễ, cùng lặp lại lời tuyên hứa. Nhưng sự hiệp thông ấy nếu chỉ là cao trào mỗi năm một lần, dẫu có đẹp đến đâu đi nữa, cũng không chuyển tải nổi hình ảnh sống động phải có nơi những người bạn thân thiết của Chúa Kitô. Bởi vì cùng chia sẻ một tình yêu với Chúa Kitô, nên mọi Linh Mục liên kết với nhau trong tình hiệp thông, diễn tả ra bên ngoài bằng yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ, hỗ trợ, chung xây. Như bầu bí một giàn, Linh Mục hiệp thông biết chung vui khi thành công, biết cảm thông khi thất bại, biết đi lại những khi cần và biết luôn cận kề khi gian khó, để gắn bó sớt chia cả đắng cay lẫn ngọt bùi. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Nhưng vì là người được sai đi phục vụ, nên Linh Mục không chỉ nỗ lực thể hiện tình hiệp thông nội bộ giữa anh em Linh Mục với nhau, mà còn quan tâm gầy dựng sự hiệp thông tại địa bàn mình hiện diện để phục vụ nữa. Sẽ là phản chứng nếu Linh Mục chẳng những không vun đắp sự hiệp nhất, lại còn ngả nghiêng thiên lệch khiến nhịp sống Giáo Hội tại địa phương trở nên căng thẳng; nhưng sẽ là một chứng tá hiệp thông sống động nếu Linh Mục tại một giáo xứ biết vun chăm tình bác ái, vun bồi lẽ yêu thương và vun đắp sự hợp tác giữa mọi thành phần Dân Chúa, bất kể là tu sĩ, chủng sinh, giáo dân hay đơn thuần chỉ là tân tòng hoặc những người thuộc tôn giáo bạn. Làm được như thế, đời Linh Mục sẽ là một dấu chỉ khả tín cho tình yêu dâng hiến và nên như chứng từ khả ái trên bước đường phục vụ.

Anh em Linh Mục thân mến,

Thân thiết với Chúa Kitô, tự nguyện hiến thân phục vụ và chuyên chú xây dựng hiệp thông, đó là những thuộc tính gắn liền với chức Linh Mục, cũng là những đức tính Linh Mục phải thể hiện trong đời. Ước mong Ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, trong khi ôn lại căn tính của mình qua những hình ảnh đẹp nêu trên, cùng với việc lặp lại lời tuyên hứa, chúng ta sẽ quyết tâm cao hơn để sống đời Linh Mục một cách nhiệt thành và trung thành.

Thân ái trong tình yêu tế hiến của Chúa Kitô.

Qua Bí tích Truyền Chức Thánh, Chúa cho Linh Mục được dâng thánh lễ và cử hành các bí tích. Thật cao cả. Linh mục được thay mặt Chúa, làm những việc của Chúa, đọc những lời đúng ra phải phát ra từ miệng Chúa: “Này là Mình Thầy. Này là Máu Thầy”. Trên bàn thờ, linh mục là hiện thân của Chúa. Đó là điều không thể tưởng tượng được. Linh Mục thực sự trở thành bạn hữu của Chúa, nên một với Chúa.

Để thực sự trở thành bạn hữu của Chúa, Linh Mục phải hiểu biết Chúa, phải kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện và phải kết hợp mật thiết với anh em.

Xin cầu nguyện cho các linh mục “say mê cuồng nhiệt”cho Đức Kitô. Như Tông Đồ Phaolô đã nói: “Đối với tôi sự sống là Đức Kitô” (x. Phi1,21).
 
Thánh lễ tiệc ly, thứ 5 tuần thánh tại GX Tuy Hòa Quy Nhơn
GX Tuy hòa
23:08 01/04/2010
THÁNH LỄ TIỆC LY, THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh, khai mạc Tam Nhật Vượt Qua, bao giờ cũng mang một dấu ấn đặc biệt cả về nội dung ý nghĩa Phụng vụ lẫn về hình thức cử hành. Thật vậy, ngay từ xế trưa thứ Năm, các anh em trong cac ban mục vụ chuyên trách như Phụng vụ, văn hóa, truyền thông, trật tự...đã phối hợp thiết trí lễ đài sao cho vừa đáp ứng yêu cầu Phụng vụ, vừa mang tính mỹ quan và đạt công năng sử dụng cho các cử hành Tam Nhật Vượt Qua. Cánh trái lễ đài là hình ảnh về Mầu Nhiệm Thánh Thể. Cánh phải tập trung về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Khi ánh sáng mặt trời cuối Xuân vừa tắt, hoàng hôn dâng lên, cũng là lúc cộng đoàn đã hiện diện ngập đầy sân trước thánh đường. Đoàn đồng tế với 5 linh mục cùng với các tác viên Phụng vụ từ từ tiến vào lễ đài trong khi ca đoàn nghiêm trang sốt sắng cất cao bài Ca Nhập lễ: "Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Kitô". Phụng vụ lần lượt diễn ra trong bầu khí thật trang trọng và sâu lắng. Cha Phaolô Nguyễn Minh Chính đã với bài chia sẻ súc tích và sâu sắc, đã dẫn dắt cộng đoàn tiếp cận sứ điệp Lời Chúa và các ý nghĩa phong phú của cử hành Phụng Vụ Lễ Tiệc Ly mà trọng tâm chính là: Thánh Thể, thánh chức linh mục và việc phục vụ yêu thương.

Cha chủ tế Giuse Trương Đình Hiền đã cử hành nghi thức Rửa Chân mà vai các Tông Đồ đoợc phân cho các chú giúp lễ. Thánh lễ được tiếp nối bởi nghi thức Kiệu Mình Thánh Chúa về nơi Nhà tạm lưu trữ để dành Mình Thánh Chúa cho cử hành Phụng vụ ngày mai và cho kể liệt lào. Trước Thánh Thể, lần lượt có các đơn vị hội đoàn và các giới sốt sắng cầu nguyện và suy niệm cho tới giờ thuận tiện để đóng cửa. Thứ Năm Tuần Thánh, quả thật là ngày của Thánh Thể, của chức linh mục thừa tác và của "bí tích yêu thương phục vụ".
 
Văn Hóa
Đỉnh Đồi Xưa
Phạm Trung
15:27 01/04/2010
Slideshow Đỉnh Đồi Xưa:

Xin hân hạnh giới thiệu slideshow Đỉnh Đồi Xưa do anh Phạm Trung thực hiện và phổ nhạc thơ của Vũ Thủy.

Vũ Thủy là một cô gái khiếm thị, cô Thủy đang sống với tình trạng bệnh tật vào thời kỳ cuối của bệnh tiểu đường. Xin cầu nguyện cho cô Thủy.

Xin click vào đây "Đỉnh Đồi Xưa"

Sau đó click Open để xem.
 
Giây phút cực trọng
Ngô xuân Tịnh
17:50 01/04/2010
Màn trong nhà thờ xé làm đôi

Kinh thiên động địa cả đất trời

Giây phút cực trọng gây địa chấn

Vũ trụ nhân sinh đang dự phần

.

Con-Một-Chúa-Trời trút hơi thở

Trần truồng nhục nhã trên thập giá

Của lễ toàn thiêu đây tuyệt đối

Hy sinh tuyệt đỉnh cứu chuộc người

.

Thiên Chúa tự hạ xuống làm người

Mang hết khổ luỵ cả nhân sinh

Xóa bỏ mình đi trả nợ tình

Cái chết rúng động cả đất trời

.

Tình yêu khôn ví cao vời vợi

Con ngời phẩm giá đã lên ngôi

Khổ lụy nhân sinh đành khuất phục

Cái chết đã nối đất với trời

.

Vũ trụ mênh mông sao chứa nổi

Nguồn ơn trọng đại không bến bờ

Hoàn tất tình yêu người tắt thở

Sững sờ` chấn động cả đất trời
 
Đồi yêu thương!
Sa Mạc Hồng
17:53 01/04/2010
Đưa em đi, lên ngọn đồi định mệnh

Đã một lần ghi dấu cuộc đời anh

Em có đau chỉ một thời ngắn ngủi

Còn riêng anh vết ấy vẫn chưa lành

.

Đồi cỏ cháy, chiều xưa nhoà mây tím

Đất chợt buồn, trời lộng gió hoang vu

Anh ra đi trong cơn hành ngất lịm

Mà riêng em thuở ấy còn hư vô

.

Dìu em đi, đưa em vào thiền mộng

Giấc mộng lành sống hết nghĩa yêu thương

Là hiến dâng, tình treo trên thập giá

Là mai sau, mãi mãi, cõi miên trường!
 
Nhạc Phẩm Chiều Buồn:
Vọng Sinh
19:47 01/04/2010
Xin hân hạnh giới thiệu nhạc phẩm Chiều Buồn của Vọng Sinh.

Xin bấm vào đây: "Lời Chiều Buồn" để thấy bản nhạc.

Xin bấm vào "Nhạc Chiều Buồn" để nghe nhạc phẩm.
 
Tiệc Ly – Tiệc Yêu Thương
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
01:02 01/04/2010
Dấu ấn nào còn nguyện vẹn hôm nay

Tình Giêsu chiều Tiệc Ly năm ấy

Dù đớn đau trong nỗi niềm tê tái

Vẫn yêu ta yêu cho đến tận cùng

*

Tiệc yêu thương Ngài thết đãi mặn nồng

Men bao dung dậy lòng đoàn môn đệ

Bánh Thân Mình ước giao cùng nhân thế

Chén Hồng Đào muôn thế hệ uống chung

*

Biết lòng người những bội phản bất trung

Quên nghĩa thiết và quay mặt điên khùng

Ngài vẫn yêu cho ngồi chung bàn tiệc

Như người cha bên con thơ da diết

*

Tình diệu vời trong phút giây ly biệt

Khi chính Ngài cúi mình xuống rửa chân

Cho môn đệ, như nghĩa cử trối trăng

Luôn khiêm cung trong hy sinh phục vụ

*

Ôi Giêsu, xin Ngài thương tha thứ

Cho con đây bất nghĩa đã bao lần

Dám chối từ trước lời mời Tiệc Thánh

Và bội tình trước lượng cả khoan nhân

*

Xin cho con biết học gương của Chúa

Biết hạ mình khi phục vụ anh em

Giữa cuộc đời như bàn tiệc vô biên

Con thết đãi bằng cho đi thương mến.

Thứ Năm Tuần Thánh 2010
 
Ngày đăng quang của Vua Tình Yêu
Mic. Cao Danh Viện
09:47 01/04/2010
NGÀY ĐĂNG QUANG
CỦA VUA TÌNH YÊU


từ mờ sáng có đoàn người đông đảo
không trống chiêng, không cờ quạt, dàn chào
nhưng là gậy gộc
giáo gươm
đuốc sáng
và nụ hôn trao
lễ khai mạc tưng bừng lời vu cáo.

tân vương đến rất rộn ràng huyên náo
trong tiếng hò reo đả đảo và cáo gian
đón tân vương bằng đòn đánh bạo tàn
trao vương miện là mão gai xuyên thấu

cử hành lễ nghi, đứng đầu đoàn bô lão
đang thẩm tra về vương quốc diệu kỳ
hiến pháp là chân lý, từ bi
và ranh giới không tận cùng bờ cõi

đọc sắc phong chỉ mấy lời vắn vỏi
“NÀY LÀ NGƯỜI”
trước thần dân Người nghe lời từ chối
ngàn tiếng hô ngai thập giá đăng quang

huyền nhiệm thay ngai báu vua thiên đàng
cao vút lên trên cả mọi vinh quang
mà bệ thấp cắm sâu vào âm phủ
cho tình yêu soải rộng cánh giăng ngang

tân vương ngự lên ngai
làm rung chuyển thiên đàng
đất khiếp run bao mồ mả mở toang
muôn thần thánh ngỡ ngàng ngưng cánh trắng

ngày đăng quang, Vua Tình yêu tự hiến
sẽ khởi đầu một vương quốc tình yêu
trăm họ thần dân hưởng ân xá mọi điều
cùng chung hưởng thanh bình trong chân lý
Mic. Cao Danh Viện
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Kính Chào Thập Giá
Lm. Tâm Duy
22:09 01/04/2010

KÍNH CHÀO THẬP GIÁ



Ảnh của Lm. Tâm Duy.

Ta tin nhận Đức Ki Tô,

Biết Ngài tự hiến, chết cho nhân trần.

Muốn theo gót Chúa chí nhân,

Bỏ mình vác Thánh Giá phần mình (mà) theo.

(Trích thơ của Trương Hoàng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mai Vàng Tặng Em
Nguyễn Ngọc Danh
08:56 01/04/2010

MAI VÀNG TẶNG EM



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Xin gời tặng Em đóa mai vàng

Từ thủa đất trời còn hỗn mang

Từ thủa ta chưa là cát bụi

Em cũng chưa là gái Văn Lang

(Nguyễn Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Giá Ở La Verna
Sr. Ann Nguyễn
09:00 01/04/2010

THÁNH GIÁ Ở LA VERNA



Ảnh của Sr. Ann Nguyen

La Verna ở gần Assisi, Ý, là nơi thánh Phanxicô Khó Nghèo cầu nguyện và được in năm dấu đinh.

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền