Ngày 01-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:09 01/04/2012
HAY QUÊN
N2T

Người nọ hỏi một ông già:
- “Bác họ gì ?”
- “Tôi họ Trương ?”

Qua một lúc sau, người ấy lại hỏi, ông già lại trả lời lần nữa. Khi bị hỏi đến lần thứ ba, lão già tức giận, nói:
- “Tôi vừa nói tên họ của tôi cho ông biết, vậy thì muốn hỏi mấy lần ?”
Người ấy nói:
- “Bác Lý này sao hay nỗi giận vậy !”

Suy tư:
Hay quên có khi là một chứng bệnh, gọi là bệnh hay quên; có khi chỉ là vì quá nhiều việc phải nhớ nên quên mất những việc khác…
Đứng trước cám dỗ và sự tội thì con người ta thường hay quên:
- Trước cám dỗ sắc dục thì con người ta thường hay quên mình đã có vợ (chồng) rồi, có khi quên mất thân phận tu trì của mình.
- Trước cám dỗ chức quyền, con người ta thường hay quên câu nói: càng cao danh vọng càng nhiều gian nan.
- Trước cám dỗ của ma túy, con người ta thường hay quên những hình hài thân tàn ma dại vì hút xách mà mình đã thấy qua.
- Trước cám dỗ của đồng tiền, con người ta thường hay quên sự công bằng của Thiên Chúa.
- Trước cám dỗ hưởng thụ, con người ta thường hay quên quá khứ nghèo khó của mình, và những hoàn cảnh nghèo đói của người nghèo chung quanh mình…
Hay quên là một thứ bệnh cần chữa trị sớm, bằng không thì sẽ ảnh hưởng xấu rất lớn trong công việc làm ăn và sinh hoạt bình thường của mình.
Hay quên cũng là một thứ vũ khí mà ma quỷ dung để đánh phá linh hồn của chúng ta, nếu không chữa trị bằng ân sủng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống thiêng thiêng của chúng ta…
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thứ Hai tuần thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:16 01/04/2012
THỨ HAI TUẦN THÁNH
(Tĩnh tâm Tuần Thánh)


Các anh tìm gì ?
Có những người tìm kiếm Chúa nhưng không gặp Ngài.
Còn chúng ta là những người đang thành tâm tìm kiếm Chúa, như hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã nghe lời giới thiệu của ngài mà đi theo Chúa Giêsu, lúc đó là giờ thứ 10 –giờ đã định của Thiên Chúa-

Đức Chúa Giê-su biết rất rõ ý định tìm kiếm Ngài của hai ông, nhưng Ngài vẫn hỏi các ông : “Các anh đi tìm gì ?”- Và ba năm sau, các ông mới thật sự hiễu và biết Đức Chúa Giê-su là ai.

Ngày hôm nay, Đức Chúa Giê-su cũng đã hỏi chúng ta : “Các anh chị tìm ai, tìm gì ?” – Chúng ta đã và đang đi tìm kiếm Chúa, Ngài đã biết rồi, nhưng Ngài muốn tự mỗi người chúng ta nói lên ước vọng của mình: “Con đi tìm Chúa”.

Các môn đệ đã tìm thấy ánh sáng, và tâm hồn của các ngài không còn tối tăm nữa, vì Đức Chúa Giê-su, Đấng mà họ đã hỏi: “Rabbi, lạy Thầy, Thầy ở đâu ?” chính là ánh sáng, là niềm an ủi và là niềm cậy trông của họ. Cuối cùng các ngài đã ở lại với Đức Chúa Giê-su và chia sẻ với Ngài những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày.

Có ba hạng người tìm kiếm Chúa :
1. Thành tâm.
2. Tò mò và kiêu ngạo.
3. Như khách qua đường.

A- Suy niệm :

Có ba hạng người tìm Chúa :

1- Hạng người thành tâm.
Hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã thành tâm tìm kiếm một vị chân sư, mới đầu họ đã “đầu quân” dưới trướng của thánh Gioan Tẩy Giả, vì quả thật, thánh Gioan Tẩy Giả chính là một vị đại tiên tri, là mẫu mực cho họ, họ theo ngài là phải đạo, bởi chính tâm hồn họ đang mong muốn thành tâm tìm kiếm một vị thầy để dẫn dắt họ đến chân lý, thật sự họ đang khao khát tìm kiếm một cái gì đó cao siêu hơn...

Thánh Gioan Tẩy Giả lại là một vị tôn sư chính hiệu của người Do Thái, ngài cũng đã mong mỏi một Đấng đến sau ông nhưng cao trọng hơn ông, vì thế, mà khi thấy Đức Chúa Giê-su đi ngang qua, ngài liền giới thiệu Chúa với hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa...” Thánh Gioan Tẩy Giả thật là một vị thầy khiêm tốn, biết “Đấng ấy” đến sau, vô danh, vậy mà ngài lại vui vẻ trang trọng giới thiệu cho môn đệ của mình, ngài đã sáng suốt nhận ra Đức Chúa Giê-su chính là một vị thiên sai, Đấng là Chiên Thiên Chúa, và ngài cũng đã biết rõ tâm trạng của hai môn đệ mình đang khao khát tìm kiếm chân lý. Hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã đi theo Đức Chúa Giê-su và ở lại với Ngài.

“Hãy đến mà xem” là một câu trả lời dịu dàng, yêu thương và tế nhị của Đức Chúa Giê-su. Khi hai môn đệ hỏi: “Lạy Thầy, Thầy ở đâu ?” Đức Chúa Giê-su không trả lời: “Ta ở đây, chỗ này, nhà số...ta làm nghề thợ mộc...” nhưng Ngài chỉ nói: “Hãy đến mà xem”. Đó là lời mời gọi thật dễ thương của Đức Chúa Giê-su – và các môn đệ đã đến với Ngài, không phải để xem nhưng là để sống, để học và để cộng tác, chia sẻ, yêu thương như Ngài đã yêu thương.

Các môn đệ đã khao khát tìm kiếm chân lý và các ông đã được như ý, toại nguyện.

2- Hạng người kiêu ngạo và tò mò.
Đây là những người luật sĩ và các biệt phái, họ đại diện cho hạng người kiêu ngạo tò mò muốn biết, muốn thấy Đức Chúa Giê-su là ai ? Họ đã thấy những dấu kỳ lạ nơi Đức Chúa Giê-su đã làm cho dân chúng, họ cũng đã nghe lời Ngài giảng dạy, họ cũng đã đôi lần chất vấn, đàm đạo với Ngài... Và hơn ai hết, chính họ là những người dạy luật của Thiên Chúa cho dân, họ thuộc lòng Thánh Kinh, họ tuân giữ từng chữ trong luật...

Nhưng rồi họ không tìm được chân lý, hay nói cách khác, họ đã cố tình từ chối chân lý từ nơi miệng của Đức Chúa Giê-su –Đấng hằng sống và chân lý- nói với họ. Họ đã kiêu căng, coi thường người con của bác thợ mộc làng Na-gia-rét, cũng như đã coi thường các bà goá và những người nghèo khổ, vì thế, họ không tìm đượcThiên Chúa, mặc dù Thiên Chúa đang ở giữa họ, giảng dạy và thi ân giáng phúc cho mọi người.

3- Hạng người như khách qua đường.
Hạng người này đầy dẫy trong xã hội ngày xưa và hôm nay, họ thật sự không mong muốn tìm kiếm Thiên Chúa. Thiên Chúa của họ chính là cái bụng, như lời thánh Phao-lô đã nói. Họ đi nhà thờ, họ nghe nói về Thiên Chúa như chúng ta đọc một bản tin giật gân của chiến sự trong ngày, sau đó thì quên mất vì phải tranh giành miếng cơm manh áo, địa vị và danh vọng. Họ đã tìm kiếm và cầu xin Thiên Chúa khi thất bại, khi đau khổ, và có khi chỉ đến với Chúa như kẻ qua đường dừng lại ngắm một vài bông hoa đẹp bên vệ đường.

Hạng người này không muốn thành thật đi tìm kiếm Thiên Chúa, mà theo quan niệm của họ thì Thiên Chúa ở đâu trên trời xa lắc xa lơ và không thực tế, cho nên họ dửng dưng trước những đau khổ của tha nhân, họ lên án những kẻ tin theo Chúa và làm chứng cho Ngài, họ cho rằng Thiên Chúa đã chết rồi khi mà xã hội ngày càng thăng tiến và phát triển...

B- Cầu nguyện.
Lạy Đức Chúa Giê-su,
Mở đầu ngày Tuần Thánh này, Chúa đã nói với chúng con: “Các anh tim gì” . Hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã tìm và đã gặp được Chúa, qua trung gian của thầy mình. Các ngài đã khao khát chân lý và đã tìm được chân lý.

Hôm nay, chúng con cũng được Chúa hỏi: “Con tìm ai ?” . Lạy Chúa, Chúa biết rất rõ chúng con tìm gì, chúng con cần gì và chúng con khao khát gì ? Chúng con tìm kiếm Chúa, chúng con cần Chúa và chúng con khát khao Chúa. Chúng con có người miệt mài tìm kiếm Chúa trong hai mươi năm, ba mươi năm, sáu mươi năm.v.v.. và trong suốt suốt quãng đời ấy Chúa đã đến với chúng con, nhưng chúng con đã không thấy Chúa, chúng con vẫn miệt mài tìm kiếm Chúa giữa xã hội, trong tu viện và cuối cùng thì chúng con đã tìm được Chúa.
Chúa đã mời gọi chúng con “hãy đến mà xem”. Chúng con đã đến và chúng con đã ở lại với Chúa: có người ở với Chúa trong một cộng đoàn xa lạ, có người ở lại với Chúa giữa những người bất hạnh, có người ở lại với Chúa nơi xóm nhà ổ chuột, có người ở lại với Chúa trong cộng đoàn tu trì... chúng con đã ở lại với Chúa qua các anh em chị em.
Nhưng có những lúc chúng con chưa thấy được Chúa hành động, chúng con chưa được diễm phúc nếm nguồn ân phúc của Chúa ban, có phải là chúng con chưa khao khát Chúa ? Hay tại chúng con vẫn còn thờ ơ với những ơn lành mà Chúa ban cho chúng con qua cuộc sống ? Hay tại chúng con chưa thật sự khao khát tìm kiếm Chúa với cả tâm hồn ?

Lạy Đức Chúa Giê-su, chúng con có người vào tu viện không phải là để trốn tránh cuộc đời, cũng không phải là để được học hành mở mang kiến thức, cũng chẳng phải như các thầy thông luật và biệt phái; chúng con cũng chẳng phải là hạng người qua đường dừng lại ngắm trăng sao, cây cỏ... Tự thâm tâm chúng con là đi tìm kiếm Chúa, Đấng thiện hảo và là nguồn ơn cứu độ của chúng con, nhưng chúng con chẳng tìm thấy được nguồn an vui nơi tu viện, cũng chẳng nhìn thấy lòng hân hoan khi ngắm mây trời...

Hôm nay ngày đầu của Tuần Thánh, tuần thương khó của mọi Ki-tô hữu, tuần để nhận ra tình thương to lớn của Chúa đối với nhân loại, chắc chắn tự thâm tâm của mình, chúng con cũng đã nghe Chúa hỏi chúng con trong ngày hôm nay: “Các con tìm gì ?” và chúng con sẽ trả lời với Chúa: ”Chúng con tìm Chúa, chúng con cần tình yêu của Chúa trong một xã hội chỉ có thù hận và ghét ghen, chúng con tìm Chúa để ở lại với Chúa như các Tông đồ xưa đã ở lại với Chúa trong vườn Cây Dầu, để chia sẻ những đau khổ mà Chúa phải mang lấy vì tội lỗi của chúng con nơi những anh chị em nghèo khó và bất hạnh...

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con đang ở trong những ngày của Tuần Thánh này biết hăng hái đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy đến mà xem”.
Xin cho chúng con biết chặt bỏ những phiền muộn, những lo âu và những gì bó buộc tâm hồn làm cho chúng con không đến với được với Chúa .
Xin cho chúng con không những chỉ đến mà xem, nhưng còn để sống và học hỏi nơi Chúa sự hiền lành và khiêm tốn thật, để trong Tuần Thánh này, chúng con biết đem những hi sinh nho nhỏ của mình, kết hợp những đau khổ mà Chúa phải chịu vì chúng con. Amen.


C. Gợi ý.

1. Tôi có thực sự tìm kiếm Chúa trong cuộc sống hằng này của tôi, hay là tôi chỉ tìm Chúa theo cảm hứng của hoàn cảnh vui buồn ?
2. Nếu tôi là bạn của Chúa, thì tôi sẽ đối xử như thế nào với Ngài ?
--------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:17 01/04/2012
N2T

31. Tất cả những ai được Chúa yêu thương, thì không có ai mà không bị cám dỗ; tất cả những người Chúa thương thì nhất định sẽ bị ma quỷ tấn công; phàm ai bị Chúa coi nhẹ thì nhất định bị ma quỷ chiếm hữu làm của mình.

(Thánh John Chrysostom)
 
Bằng Chứng Lớn Nhất
Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM.
08:59 01/04/2012
Bằng Chứng Lớn Nhất

Trong thư thứ I gởi cho đồ đệ Timôthê, Thánh Phaolô nhắc lại rằng Chúa Giêsu Kitô, trong cuộc thương khó, đã làm chứng trước mặt tổng trấn Philatô “bằng một lời tuyên xưng cao đẹp” (I Tm 6,13). Làm chứng về điều gì? Khi nghe Người khẳng định Người có một vương quốc, ông tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên, đã hỏi lại ngay: “Vậy ông là vua sao?” Người đáp” “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích làm chứng cho sự thật” (x. Ga 18, 36-37). Sự thật nào? Không phải là sự thật về cuộc sống và về sự nghiệp của mình. Nhiều người đã chết và vẫn còn chết hiện nay cho một sự nghiệp bất chính mà vẫn nghĩ rằng nó là chính đáng. Nhưng sự phục sinh, -vâng, chính sự phục sinh làm chứng cho sự thật về Chúa Kitô, như sau này Thánh Phaolô sẽ nói trước Hội đồng Arêopagô ở thành phố Athen: “Thiên Chúa đã cho mọi người một bảo đảm về Đức Giêsu khi cho Người sống lại từ cõi chết” (Cv 17,31).

Cái chết: bằng chứng tối cao cho tình yêu

Cái chết không làm chứng cho chân lý, nhưng cho tình yêu của Chúa Kitô. Hay nói đúng hơn, cái chết làm nên chứng cớ tối cao về tình yêu này như chính Chúa Kitô đã nói: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Có người sẽ phản bác: “Còn có một tình yêu lớn hơn nữa, đó là tình yêu của kẻ chết vì thù địch của mình”. Thì Chúa Giêsu cũng chính là một con người như thế, và hơn bất cứ ai. Thư gởi giáo đoàn Rôma viết: “Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì những người lương thiện. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,6-8). Và trên thập giá, Chúa đã cầu nguyện cho chính những kẻ đóng đinh mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Có một thứ tu đức phiến diện ca ngợi đau khổ và thập giá như thể tự mình chúng là có giá trị. Chúa Giêsu dạy cho biết chỉ có tình yêu mới đáng cho ta hy sinh tất cả vì nó. Người dạy ta phải yêu thương nhau chứ không dạy phải làm khổ nhau. Đau khổ, thập giá mà thiếu vắng tình yêu thì chỉ còn là tai họa đè bẹp con người mà thôi. Nhưng với tình yêu, tất cả sẽ có một ý nghĩa và gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Thánh Âu-tinh nói: “Khi yêu thì không đau khổ, mà nếu có đau khổ thì người ta sẽ yêu thích cả nỗi khổ ấy”. Sách Công vụ Tồng đồ kể lại: các Tồng Đồ bị điệu ra trước tòa, bị đánh đòn, bị cấm không được rao giảng về Chúa Giêsu phục sinh, rồi được thả ra. Các ngài ra về, “lòng hân hoan vui mừng” không phải vì được trả tự do nhưng vì thấy mình đã “được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Đối với các Tông Đồ, được chịu khổ vì Đấng mình yêu mến cũng là một ân huệ mà không phải ai cũng có! Tình yêu mạnh hơn sự chết. Có tình yêu –nghĩa là biết mình đang yêu hoặc đang được yêu- thì không sợ gì nữa. Thánh Phaolô đã trải nghiệm mãnh liệt “chân lý” này. Ngài chia sẻ kinh nghiệm ấy trong thư Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm đao? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta …” (Rm 8,35-37).

Sự phục sinh: câu trả lời cuối cùng cho mầu nhiệm sự chết.

Cuộc đời không bao giờ hết đau khổ và nước mắt. Nhưng người môn đệ Chúa Kitô không chỉ bằng lòng với việc ghi nhận đau khổ như một sự kiện khách quan, rồi để mặc nó. Đau khổ phải bị loại bỏ, phải được vượt qua. Mọi người phải góp phần chống lại nó dù biết rằng nó mãi mãi là một phần của cuộc đời trần gian. Ít nhất là tránh đừng gây ra đau khổ cho mình hay cho kẻ khác.

Người Kitô hữu không thể nói đức tin không mang lại câu trả lời cho huyền nhiệm đau khổ và sự chết. Làm thế nào để bảo đảm với ai đó là trong chiếc ly nước không có thuốc độc? Có một cách: mình uống chén nước trước họ! Đó là điều Thiên Chúa đã làm với con người. Người đã uống chén đắng của cuộc khổ nạn. “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Thư Do-thái 2,18). Nỗi khổ của con người không thể bị đầu độc, không chỉ chứa toàn là tiêu cực, mất mát, phi lý nếu chính Thiên Chúa đã chọn uống cạn chén. Dưới đáy cái chén phải có một viên ngọc.

Viên ngọc ấy có tên là ơn phục sinh. “Tôi nghĩ rằng, những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Và sách Khải huyền: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chằng còn tang tóc, kêu than và đau đớn nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).

Chứng từ của các vị tử đạo.

Sau Chúa Giêsu, những kẻ đã làm chứng “bằng một lời tuyên xưng cao đẹp”, đó là các vị tử đạo. Thời đầu Giáo Hội, các truyện kể về các ngài được gọi là “bài thương khó” (Passio) giống như bài thương khó của Chúa Giêsu Kitô, mà chúng ta nghe nhiều lần trong Tuần Thánh. Người ta đọc truyện tử đạo và phổ biến rộng khắp trong Giáo Hội với một lòng tôn kính bao la. Ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới, người Kitô hữu lại phải trải qua cuộc thử thách rất nặng nề của bắt bớ và tử đạo.

Có một đặc điểm phân biệt những truyện tử đạo chân chính với những truyện mang tính “ hư truyền” người ta “chế biến” ra sau những cuộc bách hại với những mục đích khác nhau, đó là: trong những truyện chân chính, không thấy dấu vết “bút chiến” nào chống lại những kẻ bách hại; tác giả chỉ chú tâm vào hành động anh dũng của các vị tử đạo, chứ không để ý tới sự tàn bạo của các quan tòa và bọn lý hình mà lên án. Thánh Cyprianô tử đạo đã đi tới chỗ truyền cho người nhà biếu tên đao phủ sắp chém đầu ngài hai mươi lăm đồng tiền vàng. Các thánh tử đạo quả xứng là môn đệ của Đấng đã cầu nguyện trước khi chết: “Lạy Cha, xin tha cho họ …”

Tôi nhớ đã đọc một lời tâm sự của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói đại ý rằng ngài rất ái ngại mỗi khi có nhà báo đến phỏng vấn, vì họ thường tìm mọi cách để ngài “nói xấu” về những kẻ bắt bớ giam cầm ngài. Một bằng chứng về sự thánh thiện chân thật của Đức Hồng Y chính là ở chỗ ngài luôn luôn giữ một tâm trạng bình an, hiền hòa và quảng đại với hết mọi người kể cả những kẻ thù nghịch với ngài.

Và làm sao chúng ta không khâm phục một “chứng từ cao đẹp” khác của một vị tử đạo nổi tiếng ngày nay, ông Shahbaz Bhatti, người Pakistan? Ông là người công giáo duy nhất trong chính phủ Hồi giáo Pakistan, với chức vụ bộ trưởng phụ trách những cộng đồng người thiểu số. Ông đề nghị bãi bỏ những đạo luật chống báng bổ (anti-blasphemy laws) và công khai bênh vực Asia Bibi, một người Kitô hữu mẹ gia đình bị kết án tử hình theo chính đạo luật bất công này. Trong bản Di chúc của mình, ông viết những lời khẳng khái sau đây:

“Những nhân vật cao cấp trong chính quyền đã đề nghị với tôi và họ yêu cầu tôi từ bỏ cuộc chiến đấu, nhưng tôi đã luôn luôn từ chối, ngay cả khi biết rằng tôi đang liều mất mạng. Tôi không tìm kiếm sự nổi danh, tôi không muốn những vị trí quyền lực. Tôi chỉ muốn một chỗ dưới chân Chúa Giêsu. Tôi muốn rằng đời sống tôi, tính tình tôi, các hành động của tôi lên tiếng thay cho tôi và nói rằng tôi đang đi theo Chúa Giêsu Kitô. Ước muốn này thật mạnh mẽ trong tôi đến nỗi tôi coi mình là rất may mắn nếu –trong nỗ lực của tôi và trong cuộc chiến đấu của tôi nhằm giúp người thiếu thốn, kẻ khó nghèo, người Kitô hữu bị bắt bớ của Pakistan – tôi được Chúa Giêsu Kitô vui lòng chấp nhận hiến lễ đời tôi. Tôi muốn sống cho Chúa Kitô và tôi muốn chết vì Người”.

Ngày 2 tháng 3 năm 2011, ông đã bị một nhóm khủng bố thuộc tổ chức Al-Quêđa ám sát. Một năm sau Giáo Hội Pakistan đã nhất trí xin phong thánh cho vị tử đạo của mình.

Có một trận động đất xảy ra khi Chúa Giêsu từ trần trên thập giá. “Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: ‘Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.’”(Mt 27,54). Nhưng một trận địa chấn còn dữ dội hơn xảy đến khi Người phục sinh. “Thiên thần Chúa từ trời xuống, lăn tảng đá ra rồi ngồi lên trên.” (Mt 28,2). Và sẽ luôn luôn xảy ra như thế. Cứ sau mỗi trận động đất gây chết chóc sẽ lại có một trận động đất mang lại sự sống. Ai đó đã nói: “Từ nay chỉ một vị thần mới cứu nổi chúng ta”. Chúng ta xác tín rằng vị ấy sẽ ra tay cứu vớt chúng ta “bởi vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho thế gian” (Ga 3,16).

(Viết theo cha Ranieri Cantalamessa, OFMCap.)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cộng sản Cuba công nhận Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày lễ nghỉ toàn quốc.
Nguyễn Long Thao
10:06 01/04/2012
Cuba đã công nhận ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày lễ nghỉ toàn quốc.

Miami 31/3/2012.- Tin của hãng thông tấn Reuters cho biết nhà nước Cuba đã quyết định Thứ Sáu mồng 6 tháng Tư 2012 ,tức Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ là ngày nghỉ lễ chính thức của toàn dân Cuba. Quyết định này là thể theo lời yêu cầu của ĐGH Bênêđictô XVI khi Ngài hội kiến với Tổng Thống Raul Castro trong ngày thứ Ba vừa qua.

Cơ quan thông tấn nhà nước Cuba cũng cho biết sau này chính quyền sẽ quyết định các ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong tương lai có phải là ngày lễ nghỉ chính thức và vĩnh viễn của dân chúng Cuba hay không

Khi ông Fidel Castro thiết lập chế độ cộng sản tại Cuba vào năm 1959, tất cả các ngày lễ quan trọng của Công Giáo đã không còn được coi là ngày lễ nghỉ toàn quốc nữa. Đến năm 1998, Chủ Tịch Fidel Castro đã tái lập ngày lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ chính thức của tòan quốc. Quyết định lịch sử này là do lời yêu cầu của ĐGH Gioan Phaolô II với ông Fidel Castro khi ngài viếng viếng thăm Cuba và nhờ cuộc viếng thăm này, liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Cuba đã được nối lại

Truớc tin chính quyền Cuba nhận ngày thứ Sáu Tuần Thánh là ngày lễ nghỉ, phát ngôn viên Tòa Thánh, LM Federico Lombardi tuyên bố “ Đây là một dấu hiệu tích cực”.

Ngài nói thêm “ Tòa Thánh hy vọng rằng sự kiện này sẽ khuyến khích nhiều người tham dự các nghi thức tôn giáo và các nghi lễ trong Tuần Thánh trong tương lai. Cuộc viếng thăm của ĐGH sẽ tiếp tục mang lại những kết quả mong muốn cho Giáo Hội và cho cả dân chúng Cuba”

Trong cuộc viếng thăm Cuba, Đức Thánh Cha đã thúc giục chính quyền đảo quốc này thay đổi và yêu cầu để cho Giáo Hội có vai trò tích cực hơn trong thời gian chuyển đổi.

Ông Raul Castro lên thay thế ôgn Fidel Castro vào năm 2008. Từ đó ông đã đưa ra nhiều biện pháp cải tổ kinh tế và mới đây ông công bố sẽ sa thải 1 triệu nhân viên lam việc cho chính phủ.
 
Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh nhận định về chuyến tông du của ĐTC
Đặng Tự Do
07:01 01/04/2012
“Một cuộc gặp gỡ cá nhân và trực tiếp giữa Đức Thánh Cha với anh chị em giáo dân tại Mễ Tây Cơ và Cuba. Đó chắc chắn là một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc tông du vừa kết thúc.” Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh nhận định như trên với tờ Quan Sát Viên Rôma hôm 30 tháng Ba, một ngày sau khi cha về đến Rôma. Ngài nói thêm: “Thật ra phải nói đó là một cuộc gặp gỡ với tất cả các dân tộc thuộc châu Mỹ La Tinh.”

“Theo cái nhìn của hàng trăm triệu người Công Giáo tại Mỹ Châu thì đây là một bước trọng yếu xác nhận sự quan tâm và chăm sóc của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đối với họ, tiếp theo sau sự tham dự trực tiếp của Đức Giáo Hoàng tại Thượng Hội Đồng Mỹ Châu La Tinh nhóm họp tại Aparecida vào năm 2007”

"Chuyến tông du này là một thông điệp rất rõ ràng, một sự khích lệ lớn lao đối với Giáo Hội ở hai quốc gia nói trên, đặc biệt khi ngài thẳng thắn đòi hỏi một không gian rộng hơn cho sự hiện diện của Giáo Hội và cho tự do tôn giáo - không phải để bảo vệ các đặc quyền của Giáo Hội nhưng để tạo điều kiện cho Giáo Hội phục vụ, đóng góp hiệu quả hơn cho công ích, cho việc xây dựng một xã hội huynh đệ hơn, công bình hơn, hòa giải và hòa bình hơn. Đức Giáo Hoàng là đầu mục tử của toàn thể Giáo Hội Công giáo, và chủ yếu là nhờ sức sống của Giáo Hội mà sứ vụ đức tin của ngài đến được với cuộc sống của người dân."

"Thật là một kinh nghiệm đáng kể khi chúng ta nhận ra trọng tâm về mặt siêu nhiên của cuộc hành trình khi nhìn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 kính viếng Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng trong tư cách một người hành hương."

"Sẽ có những người tiếp tục nói về những cuộc gặp gỡ đã không xảy ra: một cuộc thăm viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadelupe, một cuộc gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến Cuba hay với những nạn nhân của Maciel ... Đức Giáo Hoàng không phải luôn luôn có thể làm tất cả mọi thứ Ngài muốn làm trong một chuyến đi rất ngắn, nhưng những ai lắng nghe Ngài nói sẽ hiểu tinh thần và ý định của Ngài, những ai theo Ngài thì sẽ biết sự mạch lạc và sự dũng cảm gói ghém trong thông điệp của Ngài. Cuộc gặp gỡ thật vĩ đại, bao gồm tất cả các cuộc họp cá biệt, đã diễn ra, thật sâu sắc, tự nhiên và chân thành. Đó chính là sứ vụ của đức tin, hy vọng mà Đức Giáo Hoàng đã ước mong được trao ra."

 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 800 năm thánh Clara
LM. Trần Đức Anh OP
18:15 01/04/2012
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 đề cao tính chất thời sự của tấm gương và sứ điệp của thánh nữ Clara đối với giới trẻ và con người ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi đến Đức TGM Domenico Sorrentino, GM giáo phận Assisi-Nocera, nhân dịp kỷ niệm 800 năm cuộc ”hoán cải” và thánh hiến của thánh nữ Clara. Các tu sĩ Phanxicô và Clara trên thế giới đang cử hành ”Năm Thánh Clara” để đánh dấu biến cố này.

Trong sứ điệp, sau khi gợi lại những nét nổi bật trong cuộc hoán cải của thánh Clara,- noi gương và dưới sự hướng dẫn của thánh Phanxicô Assisi,- cũng như ý nghĩa sâu xa của những sự kiện này, ĐTC viết: ”Thời gian chia cách giữa chúng ta với hai thánh Phanxicô và Clara vẫn không làm giảm bớt sức thu hút của hai vị. Trái lại, ta có thẻ thấy tính chất thời sự của hai vị đứng trước những ảo tưởng và thất vọng thường thấy nơi thân phận giới trẻ ngày nay. Chưa bao giờ có một thời đại làm cho bao nhiêu người trẻ mơ ước như ngày nay, với hàng ngàn những sự thu hút của một cuộc sống, trong đó dường như tất cả đều có thể và là điều hợp pháp. Nhưng có bao nhiêu bất mãn, bao nhiêu lần sự tìm kiếm hạnh phúc, thành đạt, rốt cuộc làm cho người trẻ đi vào những con đường dẫn đến những thiên đường giả tạo như ma túy, nhục dục vô độ!... Tuy nhiên, ngài nay không thiếu những người trẻ đang đón nhận lời mời gọi tín thác vào Chúa Kitô và can đảm tiến bước trong cuộc sống với tinh thần trách nhiệm và hy vọng, và họ đi tới quyết định từ bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa trong sự phục vụ trọn vẹn dành cho Chúa và anh chị em”.

ĐTC ghi nhận rằng ”tiểu sử thánh Clara và thánh Phanxicô là một lời mời gọi suy tư về ý nghĩa cuộc sống và tìm kiếm nơi Thiên Chúa bí quyết niềm vui chân thực. Đó là một bằng chứng cụ thể cho thấy ai chu toàn thánh ý Chúa và tín thác nơi Chúa chẳng những không mất mát gì cả, nhưng tìm được kho tàng đích thực có khả năng mang lại ý nghĩa cho mọi sự” (SD 31-3-2012)
 
Đức Thánh Cha trợ giúp 100 ngàn mỹ kim cho dân Syria
LM. Trần Đức Anh OP
18:17 01/04/2012
VATICAN - Hôm 31-3-2012, Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), cho biết ĐTC hỗ trợ 100 ngàn mỹ kim cho các hoạt động từ thiện của Giáo Hội tại Syria nhắm giúp đỡ dân chúng đang bị thử thách.

Thông cáo nói rằng: ”Như đã biết ĐTC nhiều lần lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Syrie để tìm được một con đường đối thoại và hòa giải giữa các phe xung đột, hầu đạt tới hòa bình và công ích. ĐTC cũng nhắn nhủ cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ. Giờ đây ngài quyết định, qua Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, chuyển 100 ngàn mỹ kim cho hoạt động bác ái của Giáo Hội địa phương ở Syrie nhắm giúp đỡ dân chúng đang bị thử thách. Đức ông Giampietro Dal Toso, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, mang quà tặng của ĐTC trong ngày thứ bẩy 31-3 này.

Đức Ông sẽ gặp Đức Thượng Phụ Gregorios III Lahan, Chủ tịch Hội đồng Giáo Phẩm Công Giáo tại Syria và các đại diện khác của Giáo Hội địa phương. Hiện nay Giáo Hội Công Giáo tại Syria đang dấn thân trong các dự án trợ giúp dân chúng Syria, đặc biệt là tại vùng Homs và Aleppo, qua các tổ chức bác ái của Giáo Hội”.

Cũng nên nhắc lại rằng, theo quyết định của ĐTC, số tiền lạc quyên được trong thánh lễ chiều thứ năm tuần thánh 5-4 tới đây tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, là Nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, để trợ giúp các nạn nhân tại Syria. (SD 31-3-2012)
 
Khai mạc Tuần Thánh: ĐTC chủ sự Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô
LM. Trần Đức Anh OP
18:26 01/04/2012
VATICAN - Lúc 9 giờ rưỡi sáng chúa nhật 1-4-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự nghi thức làm phép lá, rước lá và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, trước sự tham dự của hơn 60 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời thoạt đầu bị mây phủ nhưng rồi trở thành nắng đẹp.

Nghi thức làm phép lá diễn ra tại chân cây Tháp Bút ở giữa quảng trường. Theo một truyền thống từ nhiều năm nay, Hợp Tác xã Dự Án 2000 cùng với Phòng thương mại thành Bari cùng với miền Puglia ở miền nam Italia đã đảm trách phần trang trí hoa tại Quảng trường. Theo văn hóa vùng Địa trung hải, đặc biệt là đối với nông dân miền Puglia, Ôliu là cây được yêu mến và tôn trọng, và cũng là một biểu tượng hòa bình được mọi người công nhận. Các cơ quan nói trên đã cung cấp 200 ngàn ngành Ôliu cho các tín hữu và các Hồng y tham dự lễ lá. Ngoài ra họ cũng bố trí 13 cây ôliu cổ thụ hàng trăm năm cạnh cây tháp bút.

Sau khi ĐTC làm phép lá, đoàn rước đã tiến lên bàn thờ đặt tại thềm Đền thờ Thánh Phêrô: đi đầu là thánh giá nến cao và 300 đại biểu của giới trẻ các nước, vì hôm qua cũng là Ngày Quốc Tế giới trẻ, tiếp đến là 150 linh mục và phó tế cũng là những vị đảm trách phần phân phát Mình Thánh Chúa trong phần hiệp lễ; rồi đến hơn 30 GM và gần 40 Hồng Y. Tất cả đều cầm các ngành lá ôliu hoặc lá dừa, tạo nên quang cảnh gây ấn tượng mạnh. Đi hai bên ĐTC là hai vị Hồng Y phó tế: ĐHY Cocopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật và ĐHY Antonio Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động. ĐTC cầm ngành lá dừa màu vàng được kết một cách nghệ thuật. Trong khi đó, ca đoàn Sistina hát bài ”Các trẻ em Do thái cầm những ngành Ôliu đi đón rước Chúa”

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng sau bài thương khó được 3 phó tế tuyên đọc với sự phụ họa của ca đoàn, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa việc dân chúng đón tiếp Chúa Giêsu vào thành Jerusalem và mời gọi các tín hữu cũng hãy có tâm tình hân hoan đón tiếp Chúa như thế hằng ngày trong cuộc sống của mình. ĐTC nói:

”Chúa nhật lễ lá là chiếc cổng lớn dẫn chúng ta vào Tuần Thánh, tuần lễ trong đó Chúa Giêsu đến gần tột đỉnh cuộc sống trần thế của Ngài. Chúa lên Jerusalem để hoàn tất Kinh Thánh và để bị treo trên cây khổ giá, là ngai tòa từ đó Ngài sẽ hiển trị mãi mãi, lôi kéo nhân loại trong mọi thời đại đến cùng Ngài và trao tặng mọi người hồng ân cứu chuộc. Qua các Tin Mừng, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đi lên Jerusalem cùng với 12 Tông Đồ, và dần dần có thêm đoàn ngũ những người lữ hành ngày càng đông đảo. Thánh Marcô kể lại rằng ngay từ lúc Chúa Giêsu khởi hành từ thành Giêricô đã có một đám đông theo Ngài (Xc 10,46).

Trong đoạn đường cuối cùng của cuộc hành trình, người ta thấy xảy ra một biến cố đặc biệt, gia tăng sự mong đợi những gì sắp xảy ra và tập trung sự chú ý của mọi người vào Chúa Giêsu. Dọc đường, vừa khi ra khỏi thành Giêricô, có một người mù ngồi ăn xin, tên là Bartimeo. Vừa khi nghe nói Đức Giêsu Nazareth đang tới, anh ta bắt đầu kêu: ”Lạy Đức Giêsu, Con Vua Davit, xin thương xót con!” (Mc 10,47). Người ta tìm cách làm cho anh ta im tiếng, nhưng vô ích; cho đến khi Chúa Giêsu bảo gọi anh ta đến và mời anh đến gần Ngài. Ngài nói: ”Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Anh đáp: ”Lạy Thày, xin cho con được thấy!” (c.51). Chúa Giêsu đáp: ”Anh hãy đi, đức tin của anh đã cứu anh”. Bartimeo được khỏi mù và bắt đầu đi theo Chúa Giêsu (Xc c. 52). Và thế là, sau phép lạ ấy, kèm theo lời kêu cầu ”Lạy Con Vua Đavít”, một làn gió hy vọng Đấng Cứu Thế thổi qua đám đông khiến cho nhiều người đặt câu hỏi: Ông Giêsu kia, đang tiến bước đằng trước hướng về Jerusalem, có phải là Đấng Messia, là Vua Đavít mới hay không? Người sắp đến gần thành thánh, phải chăng đã đến lúc Thiên Chúa tái lập vương quyền của Đavít?

Cả việc chuẩn bị vào thành Jerusalem mà Chúa Giêsu cùng với các môn đệ của Ngài thực hiện, cũng gia tăng niềm hy vọng ấy. Như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng hôm nay (Xc Mc 11,1-10), Chúa Giêsu từ Betfage và từ Núi Cây Dầu đến Jerusalem, nghĩa là theo con đường mà Đấng Messia sẽ phải đi qua. Từ nơi đó Chúa sai hai môn đệ đi trước, dặn họ mang về cho Ngài con lừa con, mà họ gặp trên đường. Và quả thực họ đã tìm thấy con lừa con, họ cởi nó và dẫn về cho Ngài. Bấy giờ, tâm hồn các môn đệ và cả các những người hành hương khác rất phấn khởi: họ lấy áo choàng đặt trên con lừa con; những người khác trải áo trên đường trước Chúa Giêsu để Ngài đi qua. Rồi họ cắt những nhánh cây và bắt đầu hô lên những lời của thánh vịnh 118, những lời chúc tụng xưa kia của các tín hữu hành hương, trong bối cảnh đó, trở thành một lời tuyên xưng Đấng Cứu Thế: ”Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Chúc tụng Nước của Ngài đang đến, của Đavít tổ tiên chúng tôi! Tung hô trên các tầng trời!” (c.9-10). Lời tung hô hân hoan này được tất cả 4 Phúc Âm truyền lại, là một tiếng kêu chúc tụng, một thánh ca hân hoan: nó diễn tả xác tín đồng thanh rằng nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Ngài và Đức Messia nay đã đến. Và tất cả những người ở đó, càng gia tăng mong đợi những gì Chúa Kitô sẽ thực hiện sau khi vào thành của Ngài.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Nhưng đâu là nội dung, là âm vang sâu xa nhất của tiếng kêu vui mừng ấy? Câu trả lời được toàn Kinh Thánh gửi đến chúng ta, Kinh Thánh nhắc chúng ta rằng Đức Messia hoàn tất lời hứa phúc lành của Thiên Chúa, lời hứa nguyên thủy mà Thiên Chúa đã nói với Abraham, tổ phụ của mọi tín hữu: ”Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân đông đúc và sẽ chúc phúc cho ngươi. . và nơi ngươi, tất cả các gia đình trên trái đất cũng được chúc phúc” (St 12,2-3). Đó là lời hứa mà Israel vẫn luôn giữ cho sinh động trong kinh nguyện, đặc biệt là trong kinh nguyện thánh vịnh. Vì thế, Đấng được đám đông dân chúng tung hô như vị được chúc phúc, đồng thời cũng là vị mà nơi Ngài toàn thể gia đình nhân loại được chúc phúc. Như thế, trong ánh sáng của Chúa Kitô, nhân loại nhìn nhận mình được liên kết sâu đậm với nhau và như thể được tấm áo choàng phúc lành của Chúa bao phủ, một phúc lành thấm nhiễm, nâng đỡ, cứu chuộc và thánh hóa mọi sự.

”Chúng ta có thể khám phá nơi đây sứ điệp cao trọng đầu tiên, được đại lễ này chuyển đến chúng ta: đó là lời mời gọi có một cái nhìn đúng đắn về toàn thể nhân loại, về các dân tộc họp thành thế giới, về những nền văn hóa và văn minh khác nhau. Cái nhìn mà tín hữu nhận được từ Chúa Kitô là cái nhìn mang phúc lành: một cái nhìn khôn ngoan và yêu thương, có khả năng đón nhận vẻ đẹp của thế giới và cảm thông sự mong manh của thế giới. Trong cái nhìn ấy có bộc lộ cái nhìn của chính Thiên Chúa đối với con người mà Thiên Chúa yêu thương và về công trình sáng tạo do tay Chúa thực hiện. (...)

Tiếp tục bài giảng trong lễ lá, Chúa nhật hôm qua, ĐTC nói:

”Chúng ta hãy trở lại trang Phúc Âm hôm nay và tự hỏi: ”Đâu là điều thực sự ở trong tâm hồn những người tung hô Đức Kitô như Vua của Israel? Chắc chắn là họ có quan niệm về Đức Messia, có một ý tưởng về cách thức hành động của vị Vua được các ngôn sứ loan báo và mong đợi.

”Không phải tình cờ mà vài ngày sau đó, đám đông ở Jerusalem thay vì tung hô Chúa Giêsu, họ gào lên Philatô: ”Đóng đinh nó vào thập giá!” và chính các môn đệ, cũng như những người khác đã từng thấy và nghe Ngài, im lặng và hoang mang. Thực vậy, phần lớn cảm thấy thất vọng vì cách thức Chúa Giêsu tự biểu lộ Đức Messia và Vua Israel. Đó chính là cái mấu chốt của ngày lễ hôm nay, cũng như đối với chúng ta. Đức Giêsu thành Nazareth là ai đối với chúng ta? Chúng ta có ý tưởng gì về Đức Messia, chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa? Đây là một vấn đề chủ yếu mà chúng ta không thể tránh né, nhất là vì chính trong tuần này chúng ta được mời gọi theo Chúa, Vua của chúng ta, Đấng đã chọn ngai tòa là thập giá; chúng ta được kêu gọi theo Đức Messia không đảm bảo một hạnh phúc trần thế dễ dàng, nhưng là hạnh phúc trên trời, hạnh phúc của Thiên Chúa. Vậy chúng ta phải tự hỏi: đâu là những mong đợi đích thực của chúng ta? đâu là những ước muốn sâu xa nhất, mà chúng ta đến đây để cử hành Chúa nhật lễ lá và bắt đầu Tuần Thánh.

Đến đây ĐTC nói với các bạn trẻ:

”Các bạn trẻ thân mến đang tụ họp nơi đây. Đây là Ngày đặc biệt của các bạn, ở mọi nơi trên thế giới có Giáo hội hiện diện. Vì thế tôi rất thân ái chào thăm các bạn! Ước gì Chúa nhật lễ lá là một ngày quyết định đối với các bạn, quyết định đón nhận Chúa và tận tình theo Chúa, quyết định biến cuộc Vượt qua, cái chết và sự sống lại của Chúa thành ý nghĩa cuộc sống của các bạn. Đó là một quyết định mang lại niềm vui đích thực, như tôi đã muốn nhắc nhở trong sứ điệp gửi giới trẻ nhân ngày này: ”Anh chị em hãy luôn vui tươi trong Chúa” (Pl 4,4), như đã xảy ra với thánh nữ Clara thành Assisi, cách đây 800 năm, đã được gương thánh Phanxicô và các bạn đầu tiên của Người thu hút, chính vào Chúa Nhật lễ lá. Clara đã rời bỏ nhà cha mẹ để hoàn toàn dâng mình cho Chúa lúc mới được 18 tuổi và đã can đảm tin yêu, quyết định theo Chúa, tìm thấy nơi Chúa niềm vui và an bình.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh chị em thân mến, có hai tâm tình đặc biệt trong ngày này, đó là chúc tụng, như những người đã đón tiếp Chúa Giêsu tại Jerusalem với những lời tung hô của họ, và tạ ơn, vì trong tuần thánh này, Chúa Giêsu lập lại món quà lớn nhất ta có thể tưởng tượng: Ngài ban sự sống, mình và máu Ngài cho chúng ta, tình yêu của Ngài. Nhưng chúng ta phải đáp lại hồng ân cao cả ấy một cách thích hợp, nghĩa là hiến dâng chính bản thân chúng ta, thời gian, kinh nguyện, lòng hiệp thông yêu thương sâu đậm với Chúa Kitô Đấng chịu đau khổ, chết và sống lại cho chúng ta.

Các Giáo Phụ xưa kia đã thấy một biểu tượng của tất cả những điều trên đây qua cử chỉ dân chúng theo Chúa vào thành Jerusalem, cử chỉ trải áo choàng trước Chúa. Các Giáo Phụ nói: Trước Chúa Kitô, chúng ta phải trải cuộc sống chúng ta, con người chúng ta, trong thái độ biết ơn và thờ lạy. Tóm lại, chúng ta hãy nghe lại tiếng nói của một trong các giáo phụ xưa, là thánh Anrê GM đở ảo Creta: ”Vậy chúng ta hãy khiêm tôn trải chính chúng ta trước Chúa Kitô, thay vì những chiếc áo chùng hoặc những cành cây bất động, và những lá cây xanh, chỉ làm vui mắt trong vài giờ và mất đi, vẻ xanh tươi cùng với nhựa sống của nó. Chúng ta hãy trải chính mình, được mặc ân phúc, hay đúng hơn là được mặc bằng chính Chúa... Hãy phủ phục dưới chân Chúa như chiếc áo chùng được trải thẳng ra để có thể mang lại cho Đấng chiến thắng sự chết không phải chỉ những cành cây dừa, nhưng là những thành tích chiến thắng. Cả chúng ta hằng ngày cũng hãy vẫy những cành cây tinh thần của linh hồn, cùng với các trẻ em, tung hô rằng: ”Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến là Vua của Israel” (PG 97, 994). Amen

Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền tin, ĐTC đã chào thăm các tín hữu, nhất là phái đoàn giới trẻ từ Madrid, do ĐHY Antonio Rouco Varela hướng dẫn, và phái đoàn giới trẻ ở Rio de Janeiro, Brazil, nơi sẽ diễn ra Ngày Quốc Tế giới trẻ năm tới, do Đức TGM Tempesta và Ông Thị trưởng Rio hướng dẫn. Ngài không quên chào thăm các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Ý, trước khi ban phép lành cho các tín hữu

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC còn dùng xe mui trần tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào mọi người. Bấy giờ là 12 giờ 15 phút trưa.
 
Kinh tế, sức khỏe sinh sản và toàn vẹn tính gia đình
Vũ Văn An
23:30 01/04/2012

Kinh tế là một từ ngữ lấy từ chữ oikonomia của Hy Lạp vốn chỉ việc quản lý gia hộ. Trong nghĩa này, nó không chỉ liên hệ tới tài chánh, mà liên hệ đến đủ mọi thứ phức tạp nhân bản gồm cả việc quản trị lẫn chăm sóc mọi thành viên trong gia đình.

Xét chung, các nhà kinh tế học ngày nay không chú ý tới gia đình nhiều lắm. Vì họ vốn không hứng thú đối với các thực tại vượt quá tầm với của dữ kiện. Trên bình diện vĩ mô, một nền kinh tế được coi là “lành mạnh” khi GDP (tổng sản lượng sổi), lãi xuất, và nhân dụng ổn định một cách chấp nhận được. Theo nghĩa hiện nay, một nền kinh tế rất có thể lành mạnh trong một xã hội bệnh hoạn. Như thế, một nền kinh tế “lành mạnh” trên bình diện vĩ mô rất có thể sống chung với việc dùng thuốc ngừa thai hay phá thai trong gia đình, vì lý do không muốn có thêm một miệng ăn nữa phải nuôi.

Nhà kinh tế học hiện đại nào tự giới hạn quan tâm nghề nghiệp của mình vào các dữ kiện tài chánh quả đã chứng tỏ một quan điểm hạn hẹp về kinh tế hơn là quan điểm của truyền thống Kitô Giáo. Như Đức Giáo Hoàng Piô IX từng viết trong Thông Điệp Quadragesimo Anno, “sinh hoạt kinh tế phải được các nguyên tắc Kitô Giáo linh hứng”. Điều ấy bao gồm cả lãnh vực sinh sản. Khi soạn thảo Thông Điệp Humanae Vitae, Đức GH Phaolô VI đã được hướng dẫn bởi một quan tâm khôn nguôi đối với “tầm nhìn toàn diện về con người”. Ở tiết 7 của Thông Điệp, ngài viết: “Giống mọi vấn đề khác có liên quan đến sự sống con người, vấn đề sinh sản phải được xem sét… dưới sự soi sáng của một tầm nhìn toàn diện về con người và về ơn gọi của họ, không phải chỉ là ơn gọi tự nhiên và trần thế, mà cả ơn gọi siêu nhiên và đời đời nữa”.

Từ viễn tượng này, Đức Phaolô VI đã tiên đoán một cách chính xác điều gì sẽ xẩy ra nếu việc dùng thuốc ngừa thai trở thành phổ quát. Ngài cho rằng sẽ có việc hạ thấp các tiêu chuẩn luân lý khắp xã hội, sự gia tăng bất trung trong hôn nhân, việc giảm thiểu lòng tôn trọng đối với phụ nữ và việc chính phủ cưỡng bức dùng các kỹ thuật ngừa thai.

Nếu bỏ qua một bên sự nối kết hiển nhiên giữa lời tiên đoán thứ tư và “chỉ thị ngừa thai” hiện nay ở Hoa Kỳ, có lẽ Đức Phaolô VI đã không tiên đoán được ảnh hưởng triệt để mà các sáng kiến về “sức khỏe sinh sản” có thể gây ra cho các thay đổi về dân số và kinh tế khắp thế giới. Nhiều năm qua, thế giới đã phải vò đầu bứt tai vì tình thế thảm hại về kinh tế của Hy Lạp. Tuy nhiên, ít người biết rằng Hy Lạp cũng là nước không trả được nợ là vì vấn đề dân số. Tỷ số sinh đẻ ở nước này đã giảm từ 2.2 con mỗi cặp vợ chồng trong thập niên 1980 xuống còn chưa đến 1 con hiện nay. Như Mark Steyn gần đây đã nhận định: “Tại Hy Lạp, 100 ông bà có 42 đứa cháu, nghĩa là, một thứ gia phả đảo ngược… Nếu 100 ông già bà già này mắc nợ hàng ức tỉ (bazillion) đôla, thì thử hỏi 42 hậu thế kia có bao giờ trả nổi món nợ ấy?”. Không một món viện trợ nào, không một thứ tái cấu trúc nợ nần nào hay không một bơm vốn tài chánh nào có thể đem lại một giải pháp dài hạn cho tình thế ở Hy Lạp. Chỉ có cái vốn người mới chạy chữa được, hay nói chính xác hơn, có lẽ “đã chữa chạy được”, cuộc xuy sụp đang ập tới. Một nền kinh tế sinh động chỉ có thể có với một “tầm nhìn toàn diện” về nó theo nghĩa oikonomia. Nói cách khác, Hy Lạp phải giải quyết cuộc xụp đổ của gia đình và dân số nếu họ muốn cải thiện cuộc khủng hoảng tài chánh của mình.

Một nước khác có cùng món nợ khổng lồ ở chân trời xem ra cũng đang nằng nặc đi cùng một con đường như Hy Lạp: Theo Văn Phòng Ngân Sách của Quốc Hội Hoa Kỳ (CBO), nền kinh tế nước này được dự phóng sẽ xụp đổ vào năm 2027 khi đất nước không còn khả năng thanh toán món nợ lên đến hàng ngàn tỷ đôla. Văn phòng này cũng ghi nhận rằng đến khoảng giữa thế kỷ 21, nguyên tiền lời phải trả thôi cũng đã vượt quá thu nhập của liên bang rồi. Cái bóng ma xụp đổ quả đang lớn dần.

Rõ ràng được hướng dẫn bởi một nền nhân học và một tầm nhìn kinh tế què cụt, các nhà lãnh đạo chính trị của Hoa Kỳ đã và đang chọn giải pháp đổ dầu vào lửa. Dù Hoa Kỳ hiện có một sinh xuất 1.9, dưới tỷ số thay thế 2.1, nhưng các nhân vật chính trị hàng đầu vẫn nằng nặc cho rằng giải pháp cho cơn khủng hỏang kinh tế là phải có nhiều “sức khỏe sinh sản” hơn, nghĩa là nhiều phá thai và ngừa thai hơn. Nancy Pelosi (lúc đó, là chủ tịch Hạ Viện) ủng hộ phương thức ấy khi biện minh cho “kế hoạch kích thích kinh tế” năm 2008. Kế hoạch này dành hàng trăm triệu đôla cho việc cung cấp phương tiện ngừa thai cho người nghèo.

Trong cuộc phỏng vấn với George Stephanopoulos (nhà báo kỳ cựu của ABC, cựu cố vấn của Clinton), Pelosi đưa ra lý luận này: “các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình quả đang giảm phí tổn, nó đang giảm phí tổn thực sự. Các tiểu bang hiện đang gặp khủng hỏang lớn về ngân sách tài chánh”. Bà cho rằng các sáng kiến như “kế hoạch hóa gia đình”, cung cấp sức khỏe cho trẻ em, giáo dục, tem phiếu mua thực phẩm, và bảo hiểm thất nghiệp, thẩy “đều có mục đích giúp các tiểu bang thanh thỏa được các nhu cầu tài chánh… ngừa thai sẽ giảm chi tiêu cho các tiểu bang và cả chính phủ liên bang nữa. Không cần phải xin lỗi, không, không cần… Ta phải đương đầu với các hậu quả do việc xuống dốc của nền kinh tế gây ra… [các sáng kiến đó] đáng đồng tiền bát gạo (more bang for the buck)”. Nói một cách đơn giản: con cái nhà nghèo tốn tiền chính phủ, và để tiết kiệm tiền, phải buộc người nghèo bớt đẻ con đi.

Ngừa thai như một thứ kích thích kinh tế cuối cùng đã được hủy bỏ khỏi kế hoạch rất có thể được thông qua ở Quốc Hội Hoa Kỳ, nhưng cái ý thức hệ do Pelosi phát biểu thì vẫn còn đó trong các cuộc tranh luận liên quan đến kỹ nghệ chăm sóc sức khỏe hiện đang gặp khó khăn về kinh tế. Ý thức hệ đó xuất hiện rất rõ trong khuyến cáo của Viện Y Khoa. Viện này cho rằng ngừa thai, triệt sản và các thứ thuốc phá thai phải trở thành một phần của chương trình “chăm sóc sức khỏe bằng phòng ngừa” cho mọi phụ nữ. Chỉ thị của họ minh nhiên cấm dùng phí tổn để biện minh cho khuyến cáo của họ. “Phí tổn minh nhiên bị loại trừ, không được coi là nhân tố mà Ủy Ban sử dụng để đưa ra khuyến cáo, diễn trình của ủy ban sẽ không lượng giá các dịch vụ phòng ngừa trên căn bản phí tổn”. Quả là trùng hợp, khi Ủy Ban tiếp tục lý giải như sau để biện minh cho việc cung cấp “miễn phí” mọi phương tiện triệt sản và ngừa thai: “ngừa thai mang lại nhiều lời lãi cao. Tại Hoa Kỳ, phí tổn trực tiếp về y khoa cho việc mang thai ngoài ý muốn được ước chừng vào khoảng 5 tỷ đôla vào năm 2002, với sự tiết kiệm nhờ dùng ngừa thai được ước lượng vào khoảng 19 tỷ 3”. Nói cách khác, trên bình diện vĩ mô, con cái đã trở thành gánh nặng kinh tế, nên chính phủ phải quan tâm bảo đảm rằng trên bình diện vi mô, phụ nữ (nhất là phụ nữ nghèo) phải ngừa thai.

Theo đường hướng ấy, lý luận cho rằng người ta có thể dùng lợi ích kinh tế để biện minh cho chỉ thị của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần. Trong lời tuyên bố của mình về “thích ứng”, Tổng Thống Obama đã ghi nhận điều đó. Còn Kathleen Sebelius (Bộ Trưởng Y Tế) thì quả quyết rằng “giảm con số thai nghén là một bù trừ cho phí tổn ngừa thai”

Gương các nước đang đương đầu với việc xuống dốc dân số đã cho thấy: trên thực tế, ngăn ngừa sinh sản không hề cổ vũ nền kinh tế. Bên cạnh các điều tệ hại khác, ta còn thấy ngừa thai chỉ tăng thêm sức ép lên xứ sở và hệ thống chăm sóc y tế của nó mà thôi. Xin đơn cử một vài điển hình: Các vụ thai nghén ngoài hôn nhân và tỷ lệ ly dị tại Hoa Kỳ có liên hệ tích cực qua lại với hiện tượng gia tăng sử dụng ngừa thai và truy cập phá thai. Ấy thế mà ta vẫn nghe người ta lặp đi lặp lại đến chán tai rằng ngừa thai đem lại “những cuộc hôn nhân mạnh mẽ hơn”.

Đàng khác, các phản ứng phụ có tính tiêu cực của việc sử dụng thuốc uống ngừa thai đã tạo ra rất nhiều phí tổn không cần thiết. Những phản ứng phụ tiêu cực này bao gồm: việc gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung và ung thư gan, đột quị, nhồi máu cơ tim, và đông máu. Trong mục “Life Watch” gần đây, người ta đã ước lượng rằng trong một năm, 50,000 phụ nữ bị đông máu vì sử dụng các thứ thuống uống ngừa thai. Đó mới chỉ là một năm và chỉ do một vấn đề y tế. Và ngoài thiệt hại nhân bản khá hiển nhiên ra, thiệt hại về kinh tế rõ ràng là không nhỏ.

Ta cũng đọc được rất nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc ngừa thai có liên hệ qua lại với nguy cơ mắc các chứng bệnh truyền qua đường tình dục. Cuộc nghiên cứu phổ biến trên tờ The Lancet Infectious Diseases, chẳng hạn, tường trình rằng các phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai và những người đàn ông có người phối ngẫu sử dụng thuốc ngừa thai có nguy cơ mắc HIV/AIDS hai lần hơn những người không sử dụng. Tác dụng phá hoại của thuốc ngừa thai đối với hôn nhân, gia đình và sức khỏe phụ nữ đã được chứng minh bằng nhiều tài liệu.

Ý thức hệ của một số người trong giới truyền thông và chính khách tấn công vào chính tầm quan trọng của con cái đối với xã hội, với nền kinh tế và với gia đình. Chúng bị họ coi là trở ngại cho nền kinh tế phồn thịnh, cho gia đình vững ổn, và họ đưa ngừa thai ra làm thuốc chữa. Điều này vừa lừa bịp vừa nguy hiểm. Muốn củng cố toàn vẹn tính của gia đình và nền kinh tế, ta phải cố duy trì một tầm nhìn toàn diện về nền kinh tế, coi nó như oikonomia. Ta không mong nhà kinh tế học hiện đại chia sẻ quan điểm rộng rãi ấy, nhưng chắc chắn ông ta không có bổn phận phải chống đối nó. Ngừa thai khó có thể là thuốc bách bệnh. Ngược lại, nền văn hóa ngừa thai mang theo mình hàng loạt những vấn đề cần được chú ý. Tuy nhiên, điều căn bản nhất là ta phải ngưng, đừng coi con cái là gánh nặng kinh tế. Ngoại trừ thích đi theo con đường của Hy Lạp và nhiều nước Âu Châu khác và do đó hái lấy các sa mạc dân số của ngừa thai, ta phải nhìn nhận con cái như thiện ích quí giá nhất của gia đình và là kho tàng vĩ đại nhất của một nền kinh tế lành mạnh.

Theo Zenit 28 tháng 3, 2012
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Lá CĐCGVN tại Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
05:45 01/04/2012
Thánh Lễ Lá khởi đầu bước vào Tuần Thánh năm 2012, được cử hành vào lúc 09 giờ 30 sáng Chúa Nhật hôm nay, sau nghi thức làm phép lá và rước lá.
Có khoảng gần 1,500 tín hữu đến tham dự. Chủ tế Thánh Lễ do Đức ông Phalô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng, cùng đồng tế có Cha Jeff Foal C.P. Dòng Chúa Thương Xót “Passionist” Úc Châu, Cha là cựu chủ tịch hội Tỵ Nạn Đông Dương Úc Châu. Cha Jeff Foal rất giầu lòng nhân ái, đã cưu mang và giúp đỡ các người tỵ nân Việt Nam, Lào và Campuchea sau cuộc di tản đến Úc năm 1975, Cha đang huấn luyện các tu sinh người Việt tại Việt Nam và dự bị thành lập hội dòng Passionist bên Việt Nam, nếu chính quyền cho phép.
Hôm nay thời tiết và trời Nam Úc rất đẹp 24 độ C, nên giáo dân đến tham dự Thánh Lễ rất đông.

Xem Hình

 
Khai Mạc TuầnThánh Ở Giáo Phận Lạng Sơn.
Lạng Sơn
18:31 01/04/2012
Khai Mạc TuầnThánh Ở Giáo Phận Lạng Sơn.

Lạng Sơn - Lúc 10h00’ sáng Chúa Nhật 01/04/2012, Lễ Lá. Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng hân hoan khai mạc Tuần Thánh tại nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận.

Cùng với toàn thể Hội Thánh, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân - Giám mục Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng đã khai mạc Tuần Thánh tại Giáo phận bằng nghi thức làm phép lá và kiệu lá ngay trước sân nhà thờ chính tòa. Cùng hiện diện với Đức cha có các Cha thuộc giáo hạt Lạng Sơn, cùng quí tu sĩ nam nữ, quí Chủng sinh và cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận qui tụ về đây và mỗi người đều cầm một cành lá trên tay.

Xem hình

Sau nghi thức làm phép lá, Đức cha Giuse cùng Linh mục đoàn tiến vào nhà thờ chính tòa, theo sau là mọi thành phần dân Chúa. Một cảnh tượng tưng bừng làm sống lại cảnh các trẻ em và dân Do Thái khi xưa tay cầm cành lá long trọng đón rước Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem.

Thánh lễ đồng tế do Đức cha Giuse và các Cha trong giáo hạt Lạng Sơn long trọng cử hành ngay sau đó. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức cha Giuse nêu lên ba khuôn mặt điển hình trong mùa Chay là Giu-đa, Phê-rô và Ma-đa-lê-na, Đức Giê-su. Giu-đa là con người tội lỗi bán Chúa lấy ba mươi đồng bạc. Sau đó y buồn sầu và tuyệt vọng đi tìm cái chết. Phê-rô và Ma-đa-lê-na cũng phạm tội, nhưng họ biết ăn năn khi nhìn lên Chúa và cậy trông vào lòng thương xót Chúa. Với Đức Giê-su, khuôn mặt của một tội nhân đã gánh lấy tội của toàn thể nhân loại, khuôn mặt của tình thương, tha thứ và là niềm hy vọng cho chúng ta là những tội nhân, biết cậy trông nơi lòng thương xót Chúa như Phê-rô và Ma-đa-lê-na.

Như thế, cùng với toàn thể Giáo Hội, Giáo phận Lạng Sơn hôm nay hân hoan bước vào Tuần Thánh, cử hành những mầu nhiệm cứu độ mà Đức Giê-su đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng ở trần gian.

BTT-Giáo phận

BÀI CHIA SẺ LỂ LÁ NĂM 2012 CỦA ĐGM. GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN

Chúa Nhật, ngày 01 tháng 04 năm 2012

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay là lễ Lá, ngày khởi đầu Tuần Thánh, tuần thương khó của Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta cùng nhau cử hành mầu nhiệm tình thương của Chúa, chúng ta cảm nhận rằng: chúng ta luôn là một Giáo hội, là cộng đoàn Dân Chúa, Giáo Hội giúp chúng ta lớn lên trong tình hiệp nhất mà không xóa bỏ những khác biệt của mỗi người, nhưng lại liên đới chúng ta thành một chi thể của Đức Giêsu Kitô, để cùng thông qua cái chết và Phục sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta cũng lớn lên trong sự hiệp nhất trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta hãy cùng nhau suy tư về những gương mặt trong Bài Thương Khó Chúa Giêsu Kitô để nhận ra: khuôn mặt của tội lỗi và sự thất vọng: Giuđa Iscariot và dân chúng; khuôn mặt của lầm lỗi với lòng sám hối: Maria Magđala và thánh Phêrô; sau cùng là chính Chúa Giêsu: niềm hy vọng của chúng ta qua cuộc khổ nan bằng tình yêu của Người.

* Khuôn mặt của tội lỗi và sự thất vọng: Giuđa Iscario và dân chúng.

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, trong Bài Phúc Âm ở lễ nghi làm phép Lá và sau đó bài Thương khó. Chính Giuđa Iscariot, từ một người đã dám chọn lựa để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, đã từng lắng nghe lời giảng dạy của Chúa, đã từng chứng kiến những phép lạ Chúa làm, thế mà cuối cùng lại bán Chúa với giá 30 đồng bạc. Người ta thường cắt nghĩa chắc Giuđa nghĩ Đức Giêsu có khả năng làm Vua; nhưng rồi không thấy Ngài làm gì nên có ý nộp Ngài, để như ép Ngài với hy vọng Ngài sẽ phải tỏ mình ra. Khi thấy Ngài bị bắt và bị kết án, ông đã thất vọng và ra đi thắt cổ. Chính vì những tính toán cá nhân về tiền bạc, vật chất, danh vọng mà từ một môn đệ Giuđa đã dám bán cả Thầy mình lấy tiền để biến cuộc đời tới một kết thúc thảm hại, ông đã đánh mất niềm hy vọng của tình yêu, niềm hy vọng đã trở nên bạc nhược, thất vọng, chán chường và khi đánh mất chính mình, ông đã phản bội Chúa và phản bội lại với chính mình. Khi chúng ta thấy người Do thái có những phản ứng trái ngược: lúc vui mừng hớn hở đón Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem thì tung hô Chúa:“Hoan hô ! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”, lúc gặp khó khăn thử thách và hiềm khích xúi xiểm, lại hô vang phản ứng Chúa Kitô:“đóng đanh nó vào thập giá”. Cuộc sống luôn phản ánh những tâm tình của con người trong hành trình tìm kiếm giá trị đức tin, phải luôn xuyên qua những thách đố, những khủng hoảng, tội lỗi của thế gian như phản nghịch, bất trung, làm chứng dối, cáo gian, đoán xét, thù hận, xỉ vả lăng nhục, ngoại tình, bât công, gian tà, giết người bằng môi miệng, và vu oan giá họa cho nhau... Phải chăng đó chính là những khó khăn cản trở sống giá trị đức tin và tình yêu đích thực của mỗi người chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

* Khuôn mặt của lầm lỗi với lòng sám hối: Maria Madala và thánh Phêrô

Gương mặt của Maria Magdala trong Phúc Âm đã chỉ cho chúng ta một bài học về sự chọn lựa ơn gọi cuộc đời. Maria Magdala đã từng vấp ngã, từng mắc lỗi, từng muốn đạt được một tình yêu lớn cho đời. Nhưng tình yêu của chị không đặt ở khả năng và cố gắng của riêng mình, mà muốn đạt được nhanh nhất bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả mọi sự dè bỉu của cuộc đời. Chính khi ê chề trong sự tìm kiếm tình yêu đích thực chị đã dám đi tìm Chúa Giêsu, qua việc lắng nghe Lời Ngài, trong việc chứng kiến những phép lạ Ngài làm, trong việc đám đông tuốn đến với Ngài; Maria Magdala đã tìm đến với Ngài để được gặp gỡ, để xin được ơn tha thứ, và để được biến đổi cuộc đời mình. Chị đã gặp chị đã được tha thứ, chị đã tin yêu và chị đã thay đổi cuộc đời mình.

Thánh Phêrô luôn là một tông đồ đặc biệt, luôn được Chúa thương mến, dạy dỗ và đặt đứng đầu anh em. Nhưng vì thiếu tinh thần cầu nguyện và sự tự ti mặc cảm với bản thân mà Ông đã chối Chúa ở những phút giây của thử thách, ông đã phạm tội chối Thày. Tuy nhiên, Ông đã biết nhìn vào Chúa khi lầm lỗi, và khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình nên đã được tha thứ và yêu thương. Chính Thánh Phêrô đã dạy chúng ta, đó là quy hướng cuộc đời vào Đấng đã nói “Ta là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống”. Chính khi nhìn nhận lầm lỗi của mình với lòng khiêm hạ và xin ơn tha thứ mà Chúa Giêsu tiếp tục đặt Ông làm đầu các Tông đồ để trở nên một chứng nhân của đức tin và tình yêu. Gương mặt của Maria Magdala và thánh Phêrô đều là những người đã tìm kiếm Chúa, đã được gặp Ngài, đã được Ngài tha thứ và mời gọi trở nên một dấu chỉ của sự sám hối và thay đổi cuộc đời, để tiếp tục cuộc sống trong Tin – Yêu và Hy vọng.

* Chúa Giêsu: niềm hy vọng của chúng ta qua sự khổ nạn bằng tình yêu của Người.

Hình ảnh Chúa Giêsu khi bước vào thành thánh Giêrusalem thật khiêm hạ, Ngài ngồi trên một con lừa mẹ và biểu lộ bằng một nét mặt nhân hiền, yêu thương và hy sinh đến tận cùng. Đó chính là cung cách của người Tôi Tớ Thiên Chúa luôn thực thi ý muốn của Chúa Cha, chấp nhận như lời Chúa trong thư gửi Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa..đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Nếu chúng ta đi theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi đi theo con đường của Chúa: có lúc vui, có lúc buồn; có lúc cùng đám đông tung hô Chúa, nhưng cũng có lúc lầm lỗi cá nhân và tập thể với Chúa, và chắc chắn chúng ta không thể vắng mặt cùng Chúa khi Ngài hấp hối trên thập giá với lời nguyện tha thiết: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Con đường Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem và con đường khổ nạn trên đồi Canvario làm chúng ta nhớ lại Lời của Ngài: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Điều chúng ta cần lưu ý đó chính là ánh mắt tình thương của Chúa Giêsu, dù con người chúng ta có yếu đuối sa ngã thế nào, thì ánh mắt thân thương của Chúa Giêsu luôn đợi chờ, luôn mời gọi, biểu lộ tình yêu thương, tiếng gọi thầm thì của Thầy Chí Thánh; vì lẩn tránh ánh mắt của Chúa mà Giuđa Iscariot đã sa ngã và thất vọng; nhưng vì đón nhận ánh mắt yêu thương, nhân từ của Chúa Giêsu mà Maria Magdala và thánh Phêrô đã trở lại để được tha thứ, được mời gọi biến đổi và trở nên những môn đệ đích thực của Thầy.

Chúng ta cùng bước vào Tuần Thánh, là cao điểm của Năm Phụng vụ của Giáo hội kỷ niệm cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu đang mời gọi mỗi người chúng ta với ơn gọi và bổn phận của mình can đảm đi theo Chúa trên con đường khổ giá và cùng được Phục sinh với Người. Đây là hành trình sống đức tin của chúng ta trong cuộc đời sẽ trở nên một câu trả lời cho thế giới về NIẾM TIN VÀ HY VỌNG, chính chúng ta sẽ trở nên LỜI CHỨNG TÌNH YÊU trong thế giới và giáo hội hôm nay.


+ Joseph Đặng Đức Ngân

Giám Mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng
 
Chúa nhật lễ lá tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam Huế
Trương Trí
18:31 01/04/2012
Chúa nhật lễ lá tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam Huế.

Mở đầu Tuần Thánh, tuần tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Lễ Lá gợi lại cho cộng đoàn việc Chúa Giêsu cùng các môn đệ tiến vào thành Giêrusalem, dân chúng Do Thái nô nức đón mừng Đấng Cứu Thế, là con Thiên Chúa được sai đến mà theo họ là sẽ biến đổi cuộc sống khổ cực của người dân một nước bị sự cai trị của đế quốc. Trên đường đi họ không ngớt lời tung hô Chúa.

Xem hình

Thời tiết Huế trong những ngày này lại mưa rét do ảnh hưởng cơn bão số 1, do đó Kiệu Lá không thể diễn ra long trọng ngoài sân nhà thờ như dự kiến, tuy nhiên các nghi thức vẫn được cử hành trọng thể trước tiền đường nhà thờ.

Cha phó Bênêđictô Ngô Văn Hài chủ tế thánh lễ và chủ sự nghi thức làm phép lá, kiệu lá tiến vào nhà thờ thật trang trọng, tất cả các đoàn thể đều mặc đồng phục theo từng hội đoàn, các chức sắc HĐGX mặc áo thụng xanh.

Mặc dù bài Tin Mừng về cuộc thương khó dài ½ giờ đồng hồ, nhưng mọi người vẫn sốt sắng lắng nghe để suy ngẫm cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Thế.

Qua bài Tin Mừng, cha chủ tế đã chia sẽ cho mọi người thấy rõ thực trạng về thế thái nhân tình của lòng dạ con người từ ngàn xưa đến nay: đó là sự tráo trở, đổi trắng thay đen, không những người dân mà ngay cả những con người đã được Chúa chọn. Ngài nêu bật rất cụ thể như:

Đối với dân chúng: “ Dân thành Giêrusalem nô nức phấn khởi trải áo choàng, chặt những cành lá trải trên con đường Chúa Giêsu đi qua, miệng không ngớt tung hô: “ Vạn tuế con vua Đavít “, “ Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến “. Thế mà chỉ không bao lâu sau, họ nghe theo sự kích động và xúi giục của các tư tế, các kinh sư, những người pharisiêu để phản đối Ngài, rồi gào thét : “ đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá.”

Đối với các Tông đồ: là những người đã được Chúa tuyển chọn, được huấn luyện, được đồng bàn với Chúa Giêsu. Thế mà người thì vì tham lam của cải vật chất mà bán đứng thầy mình như Giuđa, người thì chối bỏ thầy mình khi lâm nguy như Phêrô, còn các Tông đồ khác thì bỏ chạy tán loạn không còn ai.”

Đối với các vị lãnh đạo dân Do Thái: vì ghen ghét mà họ đã chủ mưu trong vụ án giết Chúa Giêsu. Xem Người không bằng những tên cướp, tìm đủ mọi cách để Người phải chết.

Đối với Philatô: Mặc dù là một vị quan Tổng trấn, nhưng chỉ muốn yên thân với chức quyền, bảo vệ chiếc ghế của mình mà đã nghe theo mọi người rồi kết án Chúa Giêsu. Thật là nực cười khi kẻ bảo vệ công lý lại chà đạp lên công lý.

Đó cũng chính là thái độ của con người hôm nay: vì tham lam, vì bỗng lộc, vì quyền lợi, vì chức quyền mà con người không ngần ngại bất cứ một thủ đoạn nào để bán rẽ lương tri, mua chút vinh hoa phú quí.

Trương Trí.
 
Giáo xứ Trinh Hà Thanh Hóa và đôi điều suy nghĩ
Tiểu Yến
09:49 01/04/2012
Giáo xứ Trinh Hà và đôi điều suy nghĩ

Nói là trở về nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến với Trinh Hà quê hương của vị thánh tử đạo nổi tiếng của xứ Thanh – Thánh Lê Bảo Tịnh. Giáo xứ Trinh Hà thuộc thôn Trinh Hà 2, xã Hoằng Hóa, cách Tòa Giám Mục Thanh Hóa 13km về phía Đông Bắc, ngay cạnh quốc lộ 1A. Vị trí địa lý như thế nhưng ít ai biết đến giáo xứ. Nhiều người đến còn phải hỏi đường liên tục. Đơn giản vì người ta chỉ biết đến Trinh Hà gắn liền với vị Tông đồ hi sinh tử đạo Lê Bảo Tịnh. Nhưng thiếu mất sự quan tâm, thiếu mất những lần hành hương, viếng thăm quê hương - nơi có di hài của Cha Thánh.

Và khi đến rồi có lẽ ai cũng ngỡ ngàng. Quê hương của ngài lại là một giáo xứ đơn sơ và nhỏ bé. Có lẽ đây là xứ có số lượng giáo dân ít nhất giáo phận. Tính trung bình cả giáo xứ còn ít hơn một giáo họ nhỏ của Tam Tổng hay Ba Làng (310 giáo dân năm 2004).

Chào đón Đức cha giáo phận đến chủ sự thánh lễ

Thêm một điểm lạ nữa, toàn giáo xứ chỉ có 5 gia đình là người công giáo toàn tòng như các giáo xứ khác (bố mẹ và con cái cùng theo đạo). Còn lại đa số là phụ nữ đi đạo, đàn ông con trai thì không. Thế nên ở Trinh Hà người ta truyền nhau câu nói: “Đạo Trinh Hà, đàn ông ăn thịt đàn bà ăn sôi”. Câu nói chỉ một tục lệ khi xưa tại đất Trinh Hà, đàn ông đi đền Triệu Việt Vương, đàn bà đi đạo. Tuy nhiên đa số nam giới đều có tên thánh, chỉ là không tham gia sinh hoạt công giáo mà thôi. Một phần vì họ sợ quan niệm bị chế giễu, bị nhạo bang theo đàn bà. Một phần nếp sinh hoạt đã ăn sâu vào trong từng người.

Đây là một nét riêng làm đau đầu cha chính xứ bấy lâu nay. Cha Micae Trịnh Ngọc Tứ trong lời ngỏ: “Thưa anh chị em, đó là vấn đề khó khăn nhất của giáo xứ Trinh Hà. Làm thế nào để câu tục ngữ “Đạo Trinh Hà, đàn ông ăn thịt đàn bà ăn sôi” không còn tồn tại hoặc nếu còn chỉ là cái vỏ bên ngoài. Tôi muốn nói tới vấn đề tái truyền giáo tại giáo xứ này. Nhưng rất khó khăn về phía con người…”

Cha Antôn Phạm Văn Châu trưởng hạt Mỹ Điện đọc tiểu sử Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh

Cũng tại giáo xứ Trinh Hà, vì đặc điểm riêng biệt đó mà mối quan hệ lương giáo của bà con tốt hơn nhiều giáo xứ khác. Lương giáo đan xen nhau, thậm chí đan xen trong một gia đình, trong một ngôi nhà, một mái ấm. Nếu không có tình đoàn kết thì có lẽ Trinh Hà không thể tồn tại đến ngày hôm nay.

Vì vậy trong thánh lễ giỗ của Thánh Lê Bảo Tịnh hôm nay – ngày 29/03/2012(đùng ngày là mồng 6 tháng 4, nhưng vì ngày đó vào Tuần Thánh nên dịch về trước), Đức Cha cảm ơn chân thành tới bà con nơi đây, tới những người không cùng tôn giáo vì sự hiện diện trong thánh lễ và những gì mọi người đã giúp đỡ trong việc xây dựng đền thánh tử đạo Lê Bảo Tịnh. Ngài đã không còn là vị thánh của Giáo hội công giáo, ngài là người con yêu dấu của Trinh Hà, vị thần chung của Trinh Hà…

Chân dung vị Thánh tử đạo xứ Trinh Hà

Cách đây vừa tròn 219 năm, tại đây – thôn Trinh Hà cậu bé Lê Bảo Tịnh đã cất tiếng khóc chào đời. Tuổi thơ hồn nhiên của cậu bé đầy ắp Lời Chúa, cậu đã nguyện hiến dâng mình cho Chúa. Mười hai tuổi cậu theo Cha Duệ ở giáo xứ Bạch Bát. Sau đó ba năm được vào học tại chủng viện Vĩnh Trị. Thầy Tịnh được biết đến với tinh thần hi sinh, hãm mình khắc khổ. Cũng chính vì tính cách đó mà sau mãn tiểu chủng viện, thầy trốn lên rừng ẩn tu. Nhưng Đức Cha Gia cho gọi thầy
về theo học tiếp Thần học. Thầy được sai đi truyền giáo tại Lào một năm. Năm sau đó, tình hình trở nên khó khăn, vua quan bắt đạo, chủng viện Vĩnh Trị đóng cửa, Đức Cha Du qua đời, cha Cao và cha Giacôbê Mai Năm bị bắt. Vì thiếu linh mục nên thầy Tịnh được bài sai về giúp xứ Bích Trì (Hà Nam). Thầy cũng đã bị bắt rồi lại được thả ra. Thầy được thụ phong linh mục 1847 và được đặt làm giám đốc chủng viện Vĩnh Trị. Cuộc đời tưởng chừng sóng đã yên, biển đã lặng với tấm gương kỷ luật, giản dị, nhân ái với mọi người ấy. Nhưng rồi, thử thách cũng đến với cha. Năm 1857, cha bị bắt giam. Dù đã dùng nhiều hình thức nhưng quan quân vẫn không thể làm thay đổi tấm lòng son sắt của cha với Đấng mà cha tôn thờ. Ngài nhận phúc tử đạo trong niềm xót thương của biết bao người…

Và ngày nay, ngài trở thành tấm gương đức tin, tấm gương về đời sống tận hiến cho những ai yêu mến con đường Tông đồ. Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh nhận ngài là vị thánh bảo trợ. Ngài là tiền bối, ngài là Cha Thánh, Ngài còn là vị thầy đáng kính của lớp lớp các ứng sinh trong ơn gọi của mình.

Ngài là người cha đáng kính của đoàn chiên giáo phận Thanh Hóa. Vì vậy, ước vọng của Đức Cha, của cha chính xứ Trinh Hà là xây dựng được đền thánh Lê Bảo Tịnh. Nơi đây sẽ là trung tâm hành hương các thánh tử đạo Thanh Hóa.

Thánh lễ…

Cao điểm của ngày hành hương về Trinh Hà hôm nay chính là thánh lễ giỗ và nghi thức làm phép, đặt viên đá đầu tiên cho việc xây dựng đền thờ thánh Lê Bảo Tịnh diễn ra lúc 10 giờ. Ít có khi nào Trinh Hà rộn rã và đông vui như thế. Xét ra dùng từ vui cho ngày lễ giỗ là không đúng lắm. Nhưng với người công giáo, tử đạo là một hồng phúc, là ơn ban. Các cha, các Thánh đã vui vẻ đón nhận. Vậy con cháu người cũng không thể coi đó là chuyện buồn được. Hơn thế nữa, với giáo xứ Trinh Hà, ít có thánh lễ nào được nhiều giáo dân tham dự như thế. Mọi người đổ về từ các giáo xứ, có khuôn mặt thân quen từ xứ Mẹ Chính Tòa, từ xứ biển Sầm Sơn, Hải Lập, Ba Làng… từ xứ cói Tam Tổng…

Nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đền Thánh Lê Bảo Tịnh - Trung tâm hành hương giáo phận

Trên lễ đường tạm bợ và dang dở, Đức Cha Giusee Nguyễn Chí Linh, cha Tổng đại diện Phêrô Vũ Tiến Phúc, cha xứ Trinh Hà cùng với gần 50 linh mục đoàn đại diện cho đoàn chiên Thanh Hóa thắp nén nhang kính dâng Cha Thánh. Dưới làn khói nghi ngút, Đức Cha tâm tình ước nguyện của con thảo, niềm tự hào về Cha Thánh và cả những nguyện cầu thiêng liêng kính dâng lên Cha.

Cũng trong giờ phút linh thiêng này, trong bài giảng lễ Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn về cái giá của đời người. Bằng thực tiễn mà Đức Cha đã nhìn thấy, “cái gì chúng ta cũng phải trả giá và tùy theo cái sự chọn lựa mà chúng ta trả những cái giá khác nhau…” “Cuộc đời của chúng ta nếu nhu cầu chỉ là đời sống vật chất tại thế này thì chúng ta cũng không mua cho mình, không sắm cho mình những phương tiện cao hơn. Còn ngược lại những người cho rằng đời này không có gì quan trọng bằng phần hồn của mình thì họ chấp nhận trả giá”. Đó chính là điều mà các bài đọc hôm nay hướng tới. Có những cái chết bị coi là nhục nhã đau đớn như cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu, tại sao Chúa vẫn chấp nhận? Và cũng biết bao lớp người sau Chúa như các thánh tử đạo Việt Nam cũng sẵn sàng chịu lấy cái chết? Chỉ cần chối Chúa, chỉ cần bước qua Thánh Giá thôi là có thể bảo toàn tính mạng, tại sao không? Bởi vì một lẽ, đời sống về sau, đời sống linh hồn là trên hết. Cũng như thánh Lê Bảo Tịnh trong câu nói bất hủ, thần xác do người quyết định nhưng linh hồn Thánh thì hoàn toàn dành cho Chúa.

“Ngày hôm nay chúng ta đặt những viên đá đầu tiên cho việc xây dựng đền Thánh Lê Bảo Tịnh. Tại nơi đây chúng ta đánh dấu sự lựa chọn của người Công giáo của những ai tin vào Đức Kitô rằng chúng ta cũng sẽ đi con đường của Ngài”.

Đền Thánh Lê Bảo Tịnh sẽ là công trình chung của muôn vạn tấm lòng, không phân biệt tôn giáo miễn là có cùng niềm tin, tình yêu mến với mẫu gương hi sinh của các vị Thánh. Công trình sẽ trở thành trung tâm hành hương mới, không chỉ của riêng Thanh Hóa, của địa phương Trinh Hà mà là của mọi người trên khắp mọi miền đất.

Viên đá đầu tiên đã được đặt xuống. Công trình đang rất cần những bàn tay chung sức. Hi vọng rằng dưới sự bảo trợ của Thánh Lê Bảo Tịnh, chúng ta sẽ nhanh chóng có một trung tâm hành hương xứng đáng, để mỗi năm một lần con cái trong và ngoài giáo phận trở về với cội nguồn yêu thương, phục vụ, trở về với các Thánh tử đạo quê hương…
 
Tuần Thánh: Lễ Lá tại nhà thờ Sở Kiện Hà Nội
Thùy Chi
11:47 01/04/2012
HÀ NỘI – Tiểu Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện trong ngày Chầu lượt thay mặt Tổng giáo phận Hà Nội, đã có khoảng 10.000 lượt người đến nhà thờ cầu nguyện và làm giờ Thánh Thể trong các phiên Chầu. Cha xứ Giacôbê Nguyễn Văn Tập và Ban Hành giáo đã cho mở cửa nhà thờ từ 5 giờ chiều thứ Bảy 31.3.2012 và Mình Thánh Chúa được đặt trên bàn thờ từ 9 giờ 30 sáng Chúa nhật Lễ Lá ngày 1.4.2012 đến trước thánh lễ tạ ơn vào buổi chiều cùng ngày.

Xem hình ảnh

Thánh lễ tạ ơn chiều Chúa nhật Lễ Lá do Đức cha Giuse Nguyễn văn Yến chủ sự. Ngày lễ Chầu lượt của Giáo xứ Sở Kiện năm nay trùng với Lễ Lá, nên trước khi bước vào thánh lễ, Đức cha Giuse đã có nghi thức làm phép lá cho cộng đoàn. Theo truyền thống từ xưa của Giáo Hội, Chúa nhật Lễ Lá mở đầu Tuần thánh, cũng gọi là mùa Thương khó, với bài trình thuật về cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu (Mc 14, 1-15) đã cho cộng đoàn những giây phút lắng đọng tâm hồn, tưởng niệm về mầu nhiệm Hiến tế nơi Đức Giêsu Kitô.

Trong bài giảng ngắn gọn và súc tích của Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến với thời lượng chưa tới 7 phút, ngài đã giải thích về những sự xuất hiện đầy bất ngờ trong Bài Thương Khó, khi mà một tuần trước, các vị Do Thái còn tỏ ra dè dặt với Chúa Giê su thì hôm nay, họ đã lên mặt tố cáo Ngài. Đích thân họ bắt bớ Ngài và công khai sách động quần chúng ghét bỏ Ngài. Tức là họ cương quyết trong việc tiêu diệt Ngài.

Đức cha nói: “Thế nhưng, trong cảnh sụp đổ kinh hoàng của niềm tin ấy chúng ta cũng thấy có những con người tốt đã đến thật bất ngờ. Ví dụ như, trên quãng đường vác Thập Giá từ chỗ xét xử lên Núi Sọ, thì người vác đỡ Thập Giá cho Chúa Giêsu lại chính là một người đi qua đường và trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời tên trộm cũng bị xử và bị đóng đinh bên cạnh Chúa, anh ta đã được Chúa cho vào Thiên đường ngay ngày hôm đó, chỉ vì anh ta đã sám hối. Tuy nhiên, giữa những bất ngờ đó còn có một sự lạ lùng hơn nữa, đó chính là sự bất ngờ ở nơi chọn lựa của Chúa Giêsu. Chúng ta biết, Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài có thể tránh được cuộc khổ nạn nhưng Ngài đã tự hành mình để chịu khổ nạn. Ngài là Thiên Chúa đầy quyền phép, Ngài có thể biến làn sóng điên cuồng trở nên mộ mến Ngài. Nhưng Ngài đã cam lòng chịu đựng trong cô đơn, bị hành hạ, bị sỉ vả và bị đóng đinh vào Thập Giá. Trong hoàn cảnh ấy, một Thiên Chúa bị cô đơn, bị bỏ rơi. Chúng ta thấy, Ngài vẫn tin cậy phó thác nơi Thiên Chúa. Ngài đã dâng lên Thiên Chúa Cha lời dâng hiến chân thành: 'Lạy Cha! Con xin phó thác linh hồn con ở trong tay Cha'. Dù bị hành hạ, bị sỉ vả, nhưng Ngài đã xin với Chúa Cha: 'Lạy Cha. Xin tha cho họ, vì họ lầm không biết việc họ làm'”.

Ngưng giảng giây lát, Đức cha nói tiếp: “Thưa anh chị em! Tình yêu của Ngài thật là mãnh liệt. Tình yêu của Ngài đúng là mạnh hơn sự chết. Mạnh hơn tất cả mọi đau khổ của nhân loại. Vì chính tình yêu ấy đã cứu chuộc tất cả loài người chúng ta. Tình yêu của Chúa là như thế đó. Chúng ta hãy cảm tạ tình yêu của Chúa.”. Sau đó ngài kể một câu chuyện minh họa về một họa sĩ vẽ bức tranh táng xác Chúa Giêsu trong mồ, những người đến xem nhận ra những nhân vật trong bức tranh thật giống những người họ gặp hàng ngày và nhất là khuôn mặt của người đang leo lên Thập Giá để tháo đinh đóng vào tay Chúa Giê su thì khuôn mặt ấy lại chính là khuôn mặt của ông họa sĩ. Họ thắc mắc. Ông họa sĩ từ tốn trả lời họ rằng chính tội lỗi mà con người chúng ta phạm đã đóng đinh Chúa, và bây giờ, mỗi người chúng ta phải tháo đinh đã đóng đi và đứng bao giờ đóng đinh Chúa nữa.
 
Tuần Thánh: Bông Hồng Xanh với công tác xã hội
Maria Vũ Loan
11:52 01/04/2012
Ngày Chúa nhật lễ Lá, 01/4/2012, nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh chúng tôi đã đến chia sẻ cho người nghèo tại một vùng có nhiều người không phải là đạo Công giáo.

Xem hình ảnh

Tại sao chúng tôi không dám nói tên địa danh nơi chúng tôi đến phát quà?

Đó là một miếng đất không rộng lắm, chỉ có lác đác vài gia đình Công giáo trong khu vực, nhưng nhu cầu dân trí dân sinh rất cao. Một linh mục đã mua và muốn thực hiện một số công việc để truyền giáo. Sắp tới đây, mầm đức tin sẽ nẩy sinh khá nhiều ở vùng này nên việc nói tên địa danh trong chuyến đi này không thuận tiện.

Từ Sài Gòn, chúng tôi đi khoảng hơn hai tiếng đồng hồ thì đến nơi, đúng là một vùng sâu vùng xa. Dừng chân, chúng tôi cảm thấy mình có lỗi khi phải để nhiều người chờ đợi, song biết giải thích sao đây! Họ chờ chúng trong một căn nhà xây nhỏ chơ vơ giữa rẫy. Rồi họ ùa ra phía ngoài, nơi xe chúng tôi đậu trên một khoảnh đất vuông vức, thật đơn sơ mà chỉ có ánh mắt nói lên một niềm vui.

Chúng tôi nhịp nhàng công việc chuyển quà. Một tốp tập trung trẻ em, phát áo pull, bóng, kẹo. Tốp khác chuẩn bị quà cho người lớn: cho áo pull, dép, mũ, bánh vào bao nilon, còn gạo thì để bên ngoài…chỉ có một điều buồn là vì ảnh hưởng bão nên vừa xuống xe, mưa đã lâm râm, càng lúc càng đậm hạt hơn làm chúng tôi cuống lên, đầu tóc ướt nhẹp, vừa sợ các em bị lạnh, vừa ngại người lớn sốt ruột, nên việc trao quà diễn ra rất nhanh. Dù nhanh vẫn không bị sót một gia đình nào, chỉ bỏ lỡ vài hình ảnh thơ mộng, dễ thương.

Đây là khu vực người Kinh và người dân tộc sống cạnh nhau, dân làm rẫy như trồng mì, đậu xanh, trồng bông vải (bên nông nghiệp cung cấp hạt giống, sau đó họ lại đến thu mua bông vải). Đi sâu vào trong mấy cây số thì có một sóc dân tộc mà nếu có ai muốn đến dây sinh sống thì cũng khó mà “phá cách” được nếp sống của người dân tộc ở đây. Khu vực này gần trung tâm huyện nên việc truyền giáo cũng không dễ dàng nếu không khéo léo trong ơn Chúa!

Đang phát quà thì có hai anh công an đến, rồi họ lại đi vì linh mục đi cùng chúng tôi có làm đơn gởi đến Ban Tuyên Giáo từ mấy ngày trước. Sau đó, chúng tôi chỉ thăm được một hai gia đình rồi ra khỏi khu vực để về dùng cơm tại một nhà thờ mà vẫn còn lạnh vì nước mưa đã thấm vào người.

Chúng tôi về Sài Gòn khi trời mưa tầm tã, ai cũng lạnh run. Quây quần trong nhà ăn cháo mà ai cũng hài lòng về chuyến đi, dù chuyến này không nhiều “sắc màu” như các chuyến khác.

Chúng tôi đã tin rằng: hôm nay, công việc từ thiện nhỏ bé của mình cũng góp thêm phần nhỏ trong việc truyền giáo.
 
Ngày Hội Giới Trẻ Giáo Phận Bắc Ninh
Nguyên Đức
21:42 01/04/2012
Sáng ngày 01 tháng 4 năm 2012 tức Chúa Nhật Lễ Lá, tại giáo xứ Mỹ Lộc, Ban mục vụ giới trẻ đã tổ chức Ngày hội giới trẻ cấp giáo phận với chủ đề: “Sám hối trong yêu thương”. Uớc tính có khoảng trên hai ngàn bạn trẻ cả trong và ngoài giáo phận đến tham dự với tinh thần giao lưu và học hỏi.

Xem hình ảnh

Vào lúc 10h sáng, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã đến làm phép lá và dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các bạn trẻ. Trong bài giảng Đức Cha đã chia sẻ với các bạn trẻ về các chặng trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Từ đó, Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ tự vấn xem mình đang ở chặng nào để tiếp tục bước theo chân chúa lên đồi Can vê.

Đức Cha cũng chia sẻ thêm về những sự kiện chính của giáo phận sẽ diễn ra trong năm nay. Qua đó, Ngài kêu mời các bạn trẻ ý thức hơn về đời sống đức tin nhằm góp phần làm cho “đất chúng ta trổ sinh hoa trái”.

Trước đó, vào lúc 8h sáng cùng ngày, ban mục vụ giới trẻ đã khai mạc chương trình với nhiều vũ khúc sôi động cùng nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Xen lẫn các tiết mục, các bạn trẻ đã cùng nhau lắng nghe Cha Phùng, Cha Khiêm, Cha Liệu, Cha Phước chia sẻ về chủ đề chính: “sám hối trong yêu thương”.

Cũng cần biết thêm năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã chọn ngày Lễ Lá làm ngày giới trẻ trên toàn thế giới. Kể từ đó, Đại Hội giới trẻ thế giới đã được tổ chức luôn phiên tại nhiều nước. Vào những năm có đại hội cấp thế giới, các giáo phận sẽ tự tổ chức ngày hội giới trẻ ở cấp giáo phận.

Năm 2011, Đại Hội giới trẻ thế giới được tổ chức tại Tây Ban Nha. Năm 2013, Braxin sẽ đăng cai tổ chứcĐại Hội giới trẻ thế giới lần thứ 28. Có thể nói, Ngày giới trẻ thế giới đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, giúp các bạn trẻ có cơ hội giao lưu, học hỏi và sẵn sàng vác thánh giá theo chân Chúa.

Vào buổi chiều ngày Lễ Lá, sau khi chia tay giáo xứ Mỹ Lộc, Đức Cha Giáo phận đã tiếp tục đi thăm mục vụ tại giáo họ Sàn, giáo họ Hoà An và giáo xứ Bắc Giang. Buổi tối Ngài đã đến làm phép tượng Lòng thưong xót Chúa và dâng Thánh Lễ tại nhà xứ Thiết Nham.

Ngày Lễ Lá kết thúc với nhiều dấu ấn tốt đẹp. Cùng với giáo hội hoàn vũ, giáo phận Bắc Ninh đang bước vào Tuần Thánh. Hy vọng mọi thành phần dân Chúa mà đặc biệt là các bạn trẻ luôn ý thức cao độ về ý nghĩa của cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki tô.
 
Lễ Lá tại giáo xứ Tân Lộc
Tân Lộc
21:46 01/04/2012
Vinh - Giáo xứ Tân Lộc hôm nay, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta bước vào tuần lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ, tuần lễ mà các thánh Giáo phụ thường gọi là tuần lễ Mẹ của các tuần lễ khác trong năm phụng vụ thánh: Đó là Tuần Thánh. Tuần Thánh được bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá hôm nay và kết thúc vào lễ Vọng Phục Sinh.

Xem hình ảnh

Chúng ta bước vào Tuần Thánh, tuần khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu như muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta, Chúa đã chịu chết vì tôi lỗi nhân loại, trong đó có tội riêng của mội người chúng ta. Với những nghi thức được cử hành trong tuần này, Giáo Hội mời gọi con cái mình theo sát từng bước chân của Thầy Chí Thánh, từ nhà Tiệc Ly cho đến đỉnh đồi Canvê và đi mãi cho đến hừng đông sáng Phục sinh. Để nhờ sự phục sinh vinh hiển của Chúa, chúng ta cũng được phục sinh với Người trong một cuộc sống mới: cuộc sống trong ân sủng của Chúa.

Trong thánh lễ này Hội thánh tưởng niệm việc Chúa Kytô khải hoàn bước vào thành thánh Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Người. đây là cuộc đăng trình duy nhất trong lịch sử Cứu độ, cuộc đăng trình mang lại ơn cứu chuộc cho toàn thể nhân loại. Vì thế, chúng ta hảy hân hoan mừng kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa, tung hô Người là vua muôn loài, nguyện suốt đời trung thành và yêu mến Ngài.
 
Văn Hóa
Tuần Thánh: Vãn Than Hang Đá
Hiểu Minh
09:06 01/04/2012
THAN HANG ĐÁ.

I.Táng xác Chúa

Chúng con suy lúc bấy giờ,
Thật thì Đức Mẹ xót như muối lòng.
Canvê gió rét lạnh lùng,
Xác Con đang ẵm trong lòng khóc than.
Mạch sầu sóng sánh đôi hàng,
Nhỏ sa liên giọt chứa chan đã đầy.
Mặt trời hầu lặn về tây,
Gioan thân đến giãi bày nhỏ to:
“Nếu không cất xác bây giờ
Nhỡ tối chẳng kịp, Mẹ lo thể nào?”
Dầu lòng Đức Mẹ khát khao
Ẵm xác Con mãi chẳng bao giờ rời,
Song lòng Đức Mẹ cũng nguôi.
Xác Con chí thánh hôn rồi trao tay.
Gioan ẵm lấy Xác Thầy,
Tắm lau các dấu máu dây khắp mình.
Bọc vào khăn liệm trắng tinh,
Táng nơi hang đá tâm tình ngất ngây.
Bấy giờ Đức Mẹ khoan thay
Theo sau lẻo đẻo đắng cay muôn phần.
Đôi hàng nước mắt theo chân,
Bước đi một bước nghìn lần nhỏ sa.
Đường đi nước mắt chan hoà,
Vì thương Con trọng xót xa tâm tình.

II. Bẩy sự đau đớn Đức Mẹ

Nhớ ngày dâng Chúa trong Đền,
Simian nói, Mẹ liền mang thương.
Nhớ ngày Con trốn bạo vương
Làm cho Mẹ phải ẩn nương quê ngoài.
Đền thờ Con ở lại đây,
Mẹ đi tìm suốt ba ngày xót xa.
Trên đường Thánh giá Mẹ ra,
Thấy Con vác nặng Mẹ sa lệ sầu.
Khi Con trên Thánh giá cao,
Bẩy điều Con giối Mẹ nào có nguôi.
Môn đồ sầu lệ tuôn rơi,
Tháo đanh trao Mẹ ẵm ngồi khóc than.
Giờ đây xác táng trong hang,
Làm cho Mẹ phải ruột gan não nùng.
Vắng Con Mẹ khổ trăm đường,
Con ơi Mẹ biết tựa nương chốn nào?
Lòng Mẹ hằng những ước ao
Chớ gì xác Mẹ táng vào mồ Con,
Chớ gì giờ chết giục giồn,
Kẻ đau lòng Mẹ héo hon nghìn lần.

III. Vũ trụ thảm thương

Cảm thông với Mẹ cực nhân
Muôn loài thụ tạo bần thần thiết tha:
Nước khe róc rách chảy ra,
Rì rào lâm khốc thương Cha cực lành.
Biển khơi sóng lộn dập dình,
Ầm ầm than khóc Chúa mình tắt hơi.
Núi cao đá cứng hỡi ơi,
Cũng đành tan vỡ tơi bời vì thương.
Màn kia treo giữa thánh đường,
Xé thành hai mảnh vấn vương tang sầu.
Mồ chôn người chết nơi đâu,
Bỗng tung ra tỏ thàm đau vô ngần.
Mặt trời mất sáng đen gằm.
Thế gian mờ tối âm thầm thê lương.
Mình Cha tan nát thịt xương,
Máu Cha dốc hết vì thương nhân trần.
Muôn loài cảm mến tri ân,
Nhờ cây Thánh giá đem ơn cứu đời.
Mở tung cánh cửa Nước Trời,
Chúa ơi Tình Chúa tuyệt vời thẳm sâu.

IV.Loài người sám hối

Con xin khóc lóc âu sầu
Khóc vì tội phạm làm rầu lòng Cha.
Tình yêu Chúa thật bao la,
Con bao tôi lỗi sống xa ơn Người.
Vì con kiêu ngạo khinh đời,
Mà Cha sinh xuống lảm người phàm nhân..
Vì con hà tiện, tham lam
Mà Cha phải chịu xác tan roi đòn.
Vì con yêu xác, khinh hồn
Tim Cha tuôn đổ máu hồng đòng thâu.
Vì con oán hận cứng đầu,
Mạo gai Cha đội thảm sầu nhuốc nha.
Vì con ăn uống say sưa,
Miệng Cha phải nuốt giấm chua bao lần.
Vì con lỗi đức ái nhân,
Nên Cha đã phải hiến thân chuộc đền.
Vì con biếng trễ việc lành,
Tay chân Cha phải đóng đanh cực hình
Con xin thống hối sửa mình
Cúi xin Cha Cả rộng tình thi ân.
Lại xin Đức Mẹ cực nhân
Dẫn đưa con mọn tới gần mồ Cha.
Mắt con lệ hối cải sa,
Miệng con hôn Dấu Chân Cha cực lành.
Việc này con nhớ đinh ninh,
Tin rằng xác sẽ phục sinh rỡ ràng.
Cùng cha rầy táng trong hang.
Ngày sau hưởng phúc Thiên Đàng. Amen.


CÁCH NGÂM VÃN THAN HANG ĐÁ:

Than Hang Đá là bài vãn than khóc khi cử hành kỷ niệm việc Táng Xác Chúa Giêsu (Thứ Sáu Tuần Thánh) theo nghi thức dân tộc Việt Nam - nhất là ở các địa phận Dòng Đaminh - Có ít là 2 cách ngâm Bài Than Hang Đá mà chúng tôi được biết. Cách “Gối hạc” chúng tôi tóm lại như sau:

* Bắt đầu câu 6 chữ, ngâm rước câu bằng những chữ “ì í i…” rồi cừ nhấn từng hai chữ, hết câu 6 chữ, bắt ngay sang câu 8 chữ.

* Ở câu 8, vẫn nhấn từng 2 chữ, ngâm đệm các chữ “a í i” chia câu 8 làm hai (gối hạc). Rồi ngâm hết câu 8, nhấn từng chữ cuối cùng Kết thúc bằng những chữ “ì í i…”

Thực hành:

(ì í’ í ì í i…) Chúng con / suy lúc / bây giờ /

Thật thì Đức Mẹ (a í i’) xót như / muối / lòng (í ì í ị ì i…)

(ì í’ í ì ì i…) Can-vê / gió rét / lạnh lùng /

Xác Con đang ẵm (a í i’ ) trong lòng / khóc / than (í ì í ị ì i…)

(Chú ý chữ i’ có dấy phầy trên đầu tương đương như nốt nhạc có một chấm bên cạnh. Câu nào cũng than như vậy )

Lễ Lá năm 2012

Hiểu Minh
 
Nhạc phẩm Tình Con Dâng Chúa
Nguyễn Văn Hiển
14:20 01/04/2012
Xin giới thiệu nhạc phẩm "Tình Con Dâng Chúa", nhạc Nguyễn Văn Hiển với tiếng hát Minh Quang.