Ngày 01-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng từ bi
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
15:22 01/04/2013
Chúa nhật 2 PS.C (Tđcv 5, 12-16; Kh 1, 9-11a. 12-13. 17-19; Ga 20, 19-31)

Truyện kể: Một võ sĩ đã trở lại đạo. Ngày kia, người bạn của anh gặp mặt và hỏi: Tôi nghe anh mới tòng giáo, thật tức cười. Võ sĩ nói: Sao lại tức cười, đó là điều tốt mà anh. Người bạn nói thêm: Nếu vậy, liệu anh xóa nổi chân tướng du côn cao bồi trước chăng? Những vết sẹo trên mặt anh sẽ tố cáo tung tích của anh. Võ sĩ trả lời: Tôi không ngại chi về điều đó. Những vết sẹo kia, nay trở thành cửa sổ cho ơn Chúa chảy vào hồn tôi. Cũng vậy những tội của chúng ta đã được tha, tuy còn dấu vết, nhưng là dấu vết của tình thương Chúa vậy.

Đôi khi chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu còn giữ những vết sẹo trên lòng bàn tay, bàn chân và cạnh sườn từ khi bị đóng đinh thập giá? Vì khi Chúa Phục Sinh, Chúa có thể chọn bất cứ hình hài và thân xác hoàn hảo như các thiên thần. Khi xuất hiện, Chúa đã giữ nguyên những vết sẹo để các môn đệ có thể thấy và có thể sờ chạm. Tông đồ Tôma tỏ ra nghi ngờ, đã được Chúa mở lòng: Rồi Người bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."(Ga 20, 27). Sự kiện Chúa Kitô phục sinh sẽ không hoàn toàn thuyết phục, nếu không có những vết sẹo trên tay, chân và cạnh sườn của Chúa. Chúng ta biết khi con người mơ ước, ai trong chúng ta cũng ước mong có khuôn mặt tươi tắn, hàm răng đẹp, da nốt mịn màng và khung hình thon đẹp. Chúng ta mong ước một thân xác hoàn hảo không vết nhăn. Nhưng Chúa Kitô phục sinh đã xuất hiện một cách ngoại thường, trên thân mình vẫn mang những vết sẹo hằn sâu để nhắc nhớ chúng ta sự hy sinh đau khổ để cứu chuộc nhân loại.

Chúng ta đặt niềm hy vọng vào những vết sẹo nơi thân xác Chúa Kitô. Trong các nhà thờ Công Giáo, nơi gian cực thánh, treo hình tượng Chúa Giêsu chịu đóng đanh trên thập giá với mạo gai trên đầu, chân tay và mình mẩy đầy thương tích loang máu đào. Vết sẹo nơi cạnh sườn như còn rướm máu. Giáo Hội không lùi bước chỉ nhìn vào đau khổ và chết chóc, nhưng Giáo Hội muốn mọi tín hữu cùng chia sẻ, cảm thông và lãnh nhận ân sủng cứu độ qua giá máu châu báu của Chúa. Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Kitô đã trao ban sứ mệnh cho các tông đồ: Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." (Ga 20, 21). Các tông đồ là những nhân chứng sống động và chân thành. Với ơn trợ giúp và quyền năng của Chúa Thánh Thần, các Ngài đã can đảm ra đi truyền rao ơn cứu độ. Ra đi với hai bàn tay trắng, các tông đồ không có tiền bạc, địa vị, học vị hay cơ sở vật chất. Các ngài đã lãnh nhận nhưng không và giờ đây cũng đem Tin Mừng biếu không: Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ (Tđcv 5, 12).

Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện với các tông đồ qua quyền năng của Ngài. Chúa trao cho các ngài uy quyền chữa lành tất cả các bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ ma quỷ. Rất nhiều người đã tuôn đến xin ơn lạ và lãnh nhận ơn cải đổi tâm hồn: Nhiều người từ các thành chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành (Tđcv 5, 16). Hạt giống đức tin được gieo vào lòng người. Từng tâm hồn hối cải trở về với Chúa. Họ đã được lãnh nhận ơn sủng chữa lành phần xác và tô điểm tâm hồn. Họ là những tín hữu nồng cốt xây dựng Hội Thánh sơ khai trên trần thế. Giáo Hội bắt đầu nẩy mầm và phát triển sinh hoa kết trái: Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông (Tđcv 5, 14).

Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia. Điều vô cùng quan trọng là Chúa Giêsu trao ban quyền tháo cởi và cầm giữ cho các tông đồ. Các tông đồ nhận lãnh ơn chữa lành và thực hành các phép lạ để đặt nền móng cho Giáo Hội sơ khai. Nhưng chìa khóa của sự tháo cởi và cầm buộc tinh thần được lưu truyền qua ngàn muôn thế hệ. Thánh Gioan diễn tả rằng Chúa Giêsu trực tiếp ban ơn: Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."(Ga 20, 22-23). Chúa Giêsu thấu tỏ sự ương ngạnh cứng cỏi cũng như sự yếu đuối thấp hèn và tội lỗi của con người. Chúa đã lập Bí tích Hòa Giải để mọi người có cơ hội hối lỗi trở về với lòng nhân từ của Chúa. Chúa tin tưởng vào quyền tài phán của các tông đồ và những người kế vị. Chúa đã trao quyền cho Giáo Hội qua biểu tượng của chiếc chìa khóa thánh Phêrô. Biết rằng trao chìa khóa cho ai là đặt niềm tin tưởng nơi người đó.

Trong Sách Khải Huyền, Gioan đã được thị kiến sự lạ lùng vượt trên lòng trí, Chúa Kitô đã mạc khải: Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ (Kh 1, 18). Sau khi phục sinh từ cõi chết, Chúa Kitô là chủ của sự sống và không còn chết nữa. Chúa đã chiến thắng tử thần và tội lỗi. Ngài về trời ngự bên hữu Chúa Cha và mọi đầu gối sẽ qùy phục dưới chân Ngài. Chúa Kitô có uy quyền trên hết mọi loài, mọi vật, sự sống và sự chết. Niềm tin vào Chúa Kitô sống lại là niềm hy vọng vào sự sống viên mãn đời đời. Thánh Gioan được linh hứng để viết sách Khải Huyền: Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này (Kh 1, 19). Khải Huyền là cuốn sách cuối cùng của bộ Tân Ước. Có rất nhiều chi tiết cao siêu như trên các tầng trời, chúng ta chẳng thể hiếu thấu. Chúng ta chỉ có thể nhận diện được phần nào những điều đã qua hoặc đang diễn ra trong cuộc sống mà thôi. Tuơng lai ngày mai phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nhắc nhở các tông đồ: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "(Ga 20, 29). Các tông đồ đã được diễm phúc nhìn thấy Chúa Phục Sinh nhãn tiền. Các ngài được gặp gỡ, ngồi chung bàn bẻ bánh, đàm thoại, ăn uống và được Chúa ban bình an chúc lành. Các Tông Đồ sẵn sàng ra đi làm nhân chứng. Làm nhân chứng là phải đối diện với sự sống sự chết. Tất cả mười một vị Tông đồ đã đổ máu đào chứng minh niềm tin sắt son vào Chúa Kitô Phục Sinh. Thánh Gioan là nhân chứng sống động cho tình yêu Chúa. Mọi lời rao giảng dạy dỗ của thánh Gioan đều qui về tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Các tông đồ đã can đảm sống cho tình yêu và chết cho tình yêu.

Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai không thấy mà tin. Mỗi ngày chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô qua việc ghi dấu thánh giá trên mình. Chúng ta tuyên xưng Chúa là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Thầy và là Chúa. Tin vào Chúa là lắng nghe và thực hành lời Chúa. Chúa đã mở cửa rộng rãi đón nhận và chúc phúc cho mọi người: Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."(Lk 8, 21). Nước Chúa rộng mở đón nhận mọi thành phần, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần tin tưởng vào tình yêu của Chúa và tuân giữ lời Ngài. Vì đức tin không có thực hành thì đức tin chỉ là những triết thuyết viển vông và trống rỗng.

Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta cử hành mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Chúng ta sẽ loan truyền ơn cứu độ cho tới khi Chúa lại đến. Lạy Chúa, những vết sẹo nơi thân mình đã nhắc nhở chúng con về lòng thương xót vô bờ của Chúa. Xin nguồn bình an và ân sủng của Chúa Kitô Phục Sinh tràn đổ trên tâm hồn mỗi người chúng con. Amen
 
Lòng thương xót Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
18:07 01/04/2013
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, năm C
Ga 20, 19-31

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu ( Ga 15, 13 ) “ Yêu như Thầy đã yêu “ ( Ga 15, 12 ). Chúa Giêsu đã yêu nhân loại đến nỗi chấp nhận ý định của Thiên Chúa Cha, gánh tội cho nhân loại và chết khổ hình trên Thập giá. Thánh Gioan đã định nghĩa “ Thiên Chúa là Tình Yêu “. ( 1 Ga 4, 8 ). Khi định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu. Thánh Gioan muốn nói lên tấm lòng đầy nhân hậu của Chúa, tình thương bao la của Ngài …Hôm nay, Giáo Hội tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa. Đây là Chúa nhật II Phục Sinh, Chân Phước Gioan Phaolô II đã ấn định toàn thể Hội Thánh mừng Lòng Thương Xót của Chúa vào năm 2001.

Vâng, vào năm 1930 một nữ tu người Ba Lan tên là Maria Faustina đã được Chúa Giêsu chọn để cổ võ Lòng Thương Xót của Chúa cho nhân loại, cho thế giới. Maria Faustina đã được hạnh phúc nhìn thấy Chúa Giêsu và diễn tả về Chúa Giêsu với tước hiệu “ Lòng Thương Xót “, để các họa sĩ có thể vẽ lên khung hình, hình ảnh Lòng Thương Xót của Chúa với hàng chữ Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Ngài. Thánh nữ Maria Faustina đã thấy Chúa Giêsu mặc y phục mầu trắng, tay phải giơ lên trời ban phép lành, tay trái đặt vào ngực. Nơi trái tim của Chúa phát tỏa ra hai luồng sáng, màu đỏ và xanh lợt, tượng trưng cho Máu và Nước đã đổ ra trong cuộc thương khó hồng phúc khi chính trái tim của Ngài bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Ánh sáng xanh lợt tỏ lộ cho nước rửa sạch và thanh tẩy linh hồn. Ánh sáng màu đỏ tượng trưng cho máu, làm phát sinh sự sống mới cho linh hồn. Điều này cho chúng ta hiểu rõ hơn về trái tim thanh sạch, vẹn tuyền, tình thương vô bờ vô bến của Chúa Giêsu. Một trái tim luôn chạnh thương, một trái tim nhạy cảm trước những đau khổ, thử thách, hoang mang của cuộc đời. Chúa luôn quan tâm đến con người, đặc biệt trước những nhu cầu cần thiết của con người.Chúa đã nhạy cảm và thương xót đám đông bơ vơ đói, khát khi nhiệt tình nghe Chúa giản dạy. Chúa đã làm phép lạ hóa bánh và cá để nuôi sống họ. Chúa đã chạnh thương làm cho người phụ nữ băng huyết đã mười tám năm được lành bệnh. Chúa đã làm cho con bà góa thành Naim hồi sinh và Lazarô cũng hồi sinh sau bốn ngày chết và chôn trong mồ.Chúa chạnh lòng thương mười người phong cùi và chữa lành họ. Chúa yêu thương, chạnh lòng tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình. Chúa chạnh lòng thương đứa con hoang đàng trở về với Ngài…Trái tim của Chúa thật vô cùng bao la.Tình thương của Chúa đời đời con ca ngợi ( Tv 88 ).Các Tông đồ và hôm nay Tôma, sau tám ngày Chúa sống lại, hiện ra có cả Tôma nữa. Chắc chắn trái tim các ông đã phập phòng vì vui sướn, nhưng cũng không kém hồi hộp, âu lo. Tôma làm gì dám đưa bàn tay ra để đặt vào cạnh sườn Chúa, làm gì dám đưa ngón tay ra để thọc vào lỗ đinh tay, chân của Chúa. Cả Tôma và cả các tông đồ đều một phần cảm cảm nghiệm tình thương vô biên của Lòng Thương Xót của Chúa.

Các Tông đồ và Tôma cũng như các người phụ nữ đã tin vào Chúa sống lại.Họ đã kinh qua quá trình thử thách và rồi đức tin cứ tiệm tiến lớn lên.Họ đã hiên ngang làm chứng cho Chúa sống lại và rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa.

Chỉ có tình yêu, chỉ có con tim nhân hậu, cảm thông, thương xót mới nói lên tấm lòng đầy yêu thương của Chúa Giêsu. Thánh nữ Maria Faustina cho hay Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân, dẫu rằng có tội nhân đã hoàn toàn tuyệt vọng, nếu họ thực tâm hối cải và quay trở về với Chúa tình yêu. Tình yêu mạnh hơn tội lỗi, mạnh hơn cả sự chết. Trở về với Chúa, xưng thú tội lỗi và thật chừa cải tội lỗi chắc chắn sẽ được Chúa thứ tha.

Xin mượn lời của Cha Pr.Lâm Tấn Phát, Chánh xứ Tân Hồng, Đồng Tháp để kết luận những dòng suy niệm ” Tóm lại, xin anh chị em nghe lời dạy của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II : Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ phải tôn kính, loan báo, và thực hành kêu van khóc lóc Thiên Chúa của Lòng Thương Xót Chúa… “.
Hãy thực hành giới răn yêu thương như Chúa dạy trong Tin Mừng. Hãy tín thác đời mình cho Chúa :” Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa “.
Thực hiện những điều Chúa dạy trên đây thì ngày phán xét sẽ là ngày vui cho ta.
Chúa Giêsu nói :” Ta đến với con trong giờ lâm chung không với tư cách Quan tòa để xét xử công minh mà đến với con như Vị Cứu Tinh nhân hậu giầu Lòng Thương Xót “.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ai đã chọn ngày Chúa nhật II Phục Sinh để tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa ?
2.Ai đã được Chúa mặc khải về Lòng Thương Xót Chúa ?
3. Trái tim Chúa thế nào ?
4.Tôma làm sao trước sự hiện diện của Chúa sống lại ?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:13 01/04/2013
CHIẾC NHẪN CƯỚI
N2T

Một tối nọ, quốc vương đang tản bộ trong vườn ngự uyển, ông đi đến bên hồ nước nơi đài vọng nguyệt, quăng xuống hồ một viên đá nhỏ, rồi nhìn những bọt nước vòng tròn sôi trên mặt nước, trong lòng ông ta nghĩ: “Những bọt nước vòng tròn ấy giống như tình yêu của ta đối với hoàng hậu, tình yêu của ta cũng là không có bắt đầu, không có kết thúc.”
Ngày hôm sau, quốc vương mời thợ kim hoàn đến, ra lệnh cho ông ta làm một cái nhẫn vàng lớn nhỏ thích hợp với ngón tay của hoàng hậu.
Quốc vương lấy chiếc nhẫn vừa làm xong đeo vào trong ngón tay của vợ mình và nói với bà:
- “Cái vòng tròn này không có chỗ bắt đầu và không có chỗ kết thúc, là lời hứa của ta với nàng, bởi vì tình yêu của ta cũng là tình yêu vĩnh hằng.”
Cho đến khi họ về già, chiếc nhẫn cưới ấy đúng là trở thành lời hứa ký kết hôn nhân của họ, cũng là sự thanh khiết của họ, tượng trưng cho tình yêu hôn nhân không chung kết.
(Good Reading)

Suy tư:
Chiếc nhẫn thì không có chỗ nối mà chỉ có một vòng tròn là biểu hiện tình yêu thông suốt không có bắt đầu và không có kết thúc, đó là một chiếc nhẫn cưới hoàn hảo.
Người ta hỏi tại sao thời nay có nhiều cặp vợ chồng ly dị, nhất là ở phương tây và các nước phát triển, và người ta nói đùa rằng, bởi vì ngày hôm nay người ta làm chiếc nhẫn không có thông suốt (chỗ nối) nữa, mà người ta làm chiếc nhẫn không giáp nhau để có thể nới rộng hay nhỏ đều được, do đó mà thời nay người ta dễ dàng ly dị nhau...
Tuy là câu trả lời đùa giỡn cho vui, nhưng xét cho cùng thì nó cũng mang ý nghĩa của nó.
Thực ra tình yêu bền vững là tình yêu được Thiên Chúa chúc phúc, là tình yêu biết nhường nhịn nhau, là tình yêu biết kiên nhẫn, là tình yêu biết hy sinh, là tình yêu biết quên mình.v.v...đó chính là thứ tình yêu mà xã hội hôm nay cần đến, chứ không phải là chiếc nhẫn tròn hay méo, bằng vàng hay bằng bạc.
---------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 01/04/2013
N2T

29. Đất khô hạn thì lợn và chó không muốn đạp lên; tâm yên lặng khô khan dục tình thì ma quỷ không muốn ở .

(Thánh John Climent)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông Điệp Urbi et Orbi Phục Sinh 2013 của ĐTC Phanxicô
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:26 01/04/2013
Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 31 tháng 3, 2013

Anh chị em ở Rôma và trên toàn thế giới thân mến, Chúc Mừng Phục Sinh! Chúc anh chị em một Lễ Phục Sinh Hạnh Phúc!

Thật là một điều vui mừng cho tôi khi công bố sứ điệp này: Đức Kitô đã sống lại! Tôi muốn sư điệp này đến từng nhà và từng gia đình, đặc biệt là những nơi có nhiều đau khổ nhất, trong bệnh viện, trong các nhà tù ...

Trên hết, tôi muốn sứ điệp này đi vào từng con tim, vì đó chính là nơi mà Thiên Chúa muốn gieo Tin Mừng này: Chúa Giêsu đã sống lại, đó là niềm hy vọng cho anh chị em, anh chị em không còn ở dưới quyền lực của tội lỗi, của sự dữ nữa! Tình yêu đã chiến thắng, lòng thương xót đã chiến thắng! Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn chiến thắng!

Chúng ta cũng giống như những môn đệ nữ của Chúa Giêsu, là những người đã đến và đã tìm thấy ngôi mộ trống, có chúng ta thể tự hỏi mình xem những biến cố này có nghĩa gì (x. Lc 24:4). Chúa Giêsu đã sống lại có nghĩa gì? Điều ấy có nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ và chính cái chết; điều đó có nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa có thể biến đổi cuộc đời chúng ta và làm cho những vùng hoang địa trong con tâm hồn chúng ta nở hoa. Tình yêu của Thiên Chúa có thể làm điều ấy!

Cùng một tình yêu này mà vì nó Con Thiên Chúa đã làm người và đã đi theo con đường khiêm nhường và tự hiến đến cùng, xuống tận âm phủ, tận vực thẳm của sự tách lìa khỏi Thiên Chúa, cũng chính tình yêu đầy thương xót này đã chiếu ánh sang tràn ngập thân xác đã chết của Chúa Giêsu, đã biến đổi thân xác ấy, đã làm cho nó đi vào sự sống đời đời. Chúa Giêsu đã không quay trở lại cuộc sống trước đây của Người, cuộc sống trần gian, nhưng bước vào đời sống vinh quang của Thiên Chúa và Người đã bước vào đó với bản tính nhân loại của chúng ta, Người đã mở ra cho chúng ta một tương lai hy vọng.

Phục Sinh là thế đó: đó là cuộc xuất hành, việc vượt qua của con người từ ách nô lệ tội lỗi và sự dữ đến sự tự do của tình yêu và sự tốt lành. Bởi vì Thiên Chúa là sự sống, chỉ là sự sống, và vinh quang của Ngài chính là chúng ta: con người sống động (x. Irenaeus, Adversus Haereses, 4,20,5-7).

Anh chị em thân mến, Đức Kitô đã chết và đã sống lại một lần cho tất cả, và cho tất cả mọi người, nhưng quyền năng của sự Phục Sinh, cuộc vượt qua này từ ách nô lệ sự dữ đến tự do của sự tốt lành, phải được thực hiện ở mọi thời đại, trong cuộc sống cụ thể của chúng ta, trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Ngay cả ngày nay, có bao nhiêu hoang địa con người cần phải vượt qua! Trên hết, hoang địa nơi chính mình, khi chúng ta thiếu tình yêu đối với Thiên Chúa và những người lân cận, khi chúng ta không nhận ra rằng chúng ta là những người bảo vệ tất cả mọi sự mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta và tiếp tục ban cho chúng ta. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa có thể làm cho ngay cả vùng đất khô cằn nhất nở hoa, có thể phục hồi sự sống cho những bộ xương khô (x. Ez 37:1-14).

Vậy, đây là lời mời gọi mà tôi nói với mọi người: Chúng ta hãy đón nhận ân sủng của Đức Kitô Phục Sinh! Chúng ta hãy để cho mình được lòng thương xót của Thiên Chúa đổi mới, để cho mình được Chúa Giêsu yêu thương, chúng ta cũng hãy để cho quyền năng của tình yêu của Người biến đổi cuộc đời của mình; và hãy trở thành những tác nhân của lòng thương xót này, những máng mà qua đó Thiên Chúa có thể tưới gội trái đất, bảo vệ tất cả mọi tạo vật và làm cho công lý và hòa bình được nở hoa.

Và như thế chúng ta hãy xin Chúa Giêsu Phục Sinh, là Đấng biến cái chết thành sự sống, đổi hận thù thành tình yêu, oán thù thành tha thứ, chiến tranh thành hòa bình. Vâng, Đức Kitô là sự bình an của chúng ta, và qua Người, chúng ta cầu xin hòa bình cho toàn thể thế giới!

Xin hòa bình cho vùng Trung Đông, đặc biệt là giữa dân Israel và Palestine, là những dân đấu tranh để tìm con đường thỏa hiệp, để họ có thể sẵn sàng và can đảm tiếp tục đàm phán ngõ hầu chấm dứt một cuộc xung đột đã kéo dài quá lâu. Xin cho hòa bình ở Iraq, xin cho tất cả các hành động bạo lực có thể được chấm dứt, và trên hết cho nước Syria yêu dấu, cho dân chúng của nó đang bị xâu xé bởi cuộc xung đột cùng cho nhiều người tị nạn đang chờ đợi sự giúp đỡ và an ủi. Biết bao nhiêu máu đã đổ ra! Và biết bao nhiêu đau khổ vẫn còn ở đó trước khi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng được tìm thấy?

Cầu xin hòa bình cho Châu Phi, nơi vẫn còn là hí trường của các cuộc xung đột bạo tàn. Ở Mali, chớ gì sự thống nhất và ổn định được khôi phục; ở Nigeria, nơi mà thật đáng buồn là các cuộc tấn công vẫn không ngừng, đang đe dọa một cách nghiêm trọng cuộc sống của nhiều người vô tội, và là nơi mà rất đông người, kể cả trẻ em, đang bị các nhóm khủng bố bắt làm con tin. Xin cho Hòa bình ở Đông Cộng Hòa Dân Chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi, nơi nhiều người đã bị bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ và tiếp tục sống trong sợ hãi.

Xin cho hòa bình ở Châu Á, trên hết ở bán đảo Triều Tiên: chớ gì những bất đồng có thể được khắc phục và một tinh thần hòa giải mới được phát triển.

Xin cho hòa bình trên toàn thế giới, vẫn còn đang bị chia rẽ vì tính tham lam của những người tìm kiếm những lợi nhuận dễ dàng, đang bị thương tích bởi sự ích kỷ là điều đe dọa sự sống con người và gia đình, sự ích kỷ vẫn tiếp tục trong việc buôn bán người, hình thức phổ biến nhất của chế độ nô lệ trong thế kỷ XXI này; buôn bán người thực sự là hình thức phổ biến nhất của chế độ nô lệ trong thế kỷ XXI này! Cầu xin hòa bình cho toàn thế giới, đang bị xâu xé bởi bạo lực liên quan đến việc buôn bán ma túy và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bất công! Nguyện xin hòa bình cho Trái Đất này của chúng ta! Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh mang niềm an ủi đến cho các nạn nhân các thiên tai và biến chúng ta thành những người bảo vệ có trách nhiệm của các tạo vật!

Anh chị em thân mến, với tất cả anh chị em đang nghe tôi từ Roma và từ khắp nơi trên thế giới, tôi nói lên lời mời gọi của bài Thánh Vịnh: “Hãy cảm tạ Chúa vì Ngài nhân lành, vì tình yêu của Ngài tồn tại đến muôn đời! Phải, hỡi Israel hãy nói: ‘tình yêu của Ngài tồn tại đến muôn đời’” (Tv 117:1-2).

________________________________________


Anh chị em thân mến, anh chị em đã từ tất cả các nơi trên thế giới đến Quảng Trường này, trung tâm của Kitô giáo, và tất cả anh chị em được liên kết với nhau nhờ kỹ thuật hiện đại, tôi nhắc lại lời chào của tôi: Chúc anh chị em một Lễ Phục Sinh hạnh phúc!

Hãy mang trong gia đình và trong quốc gia của anh chị em sứ điệp vui mừng, hy vọng và hòa bình, là sứ điệp được nhắc lại một cách mãnh liệt mỗi năm, trong ngày này.

Chớ gì Chúa Phục Sinh, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, thành một nơi nương tựa cho tất cả anh chị em, đặc biệt là những người yếu đuối và nghèo túng nhất. Cảm ơn anh chị em vì sự hiện diện và làm nhân chứng cho đức tin của anh chị em. Tôi cũng nghĩ đến và đặc biệt cảm ơn anh chị em vì những bông hoa đẹp, đến từ Hoà Lan. Với tất cả các anh chị em, tôi trìu mến nói một lần nữa: Nguyện xin Đức Kitô hướng dẫn tất cả anh chị em và toàn thể nhân loại trên những nẻo đường tình yêu, công lý và hòa bình.

http://giaoly.org/vn/
 
Một Lễ Phục Sinh hòa bình trên miền Đất Thánh
Jos. Tú Nạc, NMS
07:14 01/04/2013
JERUSALEM
Sáng Cúa Nhật Phục Sinh, thành phố Jerusalem đã thức giấc trong âm thanh thánh thót của những bài thánh ca mừng Chúa phục sinh, các giáo hữu đã tập trung tại Vườn Mộ để dự Thánh Lễ Phục Sinh buổi sáng, nơi mai táng chúa Giê-su – một bia đá với hàng chữ “Chúa Giê-su Phục Sinh.”

Một Thánh Lễ Phục Sinh khác cũng được cử hành tại Nhà thờ Mộ Thánh gần đó trong Thành phố Cổ Jerusalem được bao quanh bởi những bức tường.

Phố Cổ Jerusalem đã tập trung người Ki-tô giáo cùng với những lớp người hành hương Do Thái giáo đã mừng Lễ Vượt Qua kéo dài cả tuần nay, những người Palestin Hồi giáo chủ những cửa hàng phấn khởi với những ngày buôn bán sầm uất.

Những linh mục và tu sỹ trong phẩm phục cử hành nghi lễ Phục Sinh trước Mộ Đá, nơi mà Chúa Giê-su đã từ cõi chết sống lại. Hương thơm tỏa ngát từ dầu thơm và hoa lá biểu hiện sự vinh quang của Đại Lễ Phục Sinh.

Những người hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới.

Kiyaramo Timievi, đến từ bang Bayelsa , Nigeria nói:

“Jerusalem là nơi tuyệt diệu, tôi đọc về thành phố này rất nhiều trong Kinh Thánh, và tôi rất vui. Quả thật đây là một ân sủng, những gì tôi đã đọc trong lịch sử, giờ đây tôi có thể nhìn thấy tận mắt.”

Kenneth Milgram, một khách hành hương đến từ bang Alabama, Hoa Kỳ nói:

“Tuyệt vời làm sao! Thành phố này tôi đã biết trong Kinh Thánh từ khi còn bé, nhưng không cảm thấy sự sinh động cho đến khi tôi thực sự tận mắt chiêm ngắm. Tôi cảm thấy một cảm giác ấm áp khi hình dung Giê-su Chúa tôi đã từng ở nơi này.”
 
Thông điệp phục sinh của ĐTC Phanxicô mang hy vọng và hòa bình cho thế giới
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
07:15 01/04/2013
VATICAN - Sau khi cử hành thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh, trưa hôm 31.03.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố thông điệp phục sinh cùng với lời chúc và phép lành Tòa Thánh đến cho tất cả các khách hành hương tập trung tại quảng trường Thánh Phê rô, cho dân thành Rôma, cũng như cho các tín hữu khắp nơi và cho toàn thế giới.

Lời mở đầu, ngài nói : « Anh chị em tại Rôma và trên toàn thế giới thân mến, chúc mừng Lễ Phục Sinh ! Thật là niềm vui lớn lao đối với tôi được thông báo cho anh chị em tin này : Đức Kitô đã sống lại ! ». Đức Thánh Cha cũng ước mong tin vui này « đến với mọi nhà, từng gia đình, cách riêng đối với những nơi có nhiều đau khổ, trong các bệnh viện, các nhà tù… ».

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chỉ cho thấy ý nghĩa của ngôi mộ trống từ biến cố phục sinh, qua đó « tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ và sự chết » và tình yêu này « có thể biến đổi cuộc sống chúng ta, làm nở hoa nơi sa mạc trong tâm hồn của chúng ta ». Và vì thế, Chúa Kitô Phục sinh mở ra cho chúng niềm hy vọng, vì « không còn bị thống trị bởi tội lỗi và sự dữ », mà là « tình yêu và lòng thương xót của Chúa đã chiến thắng ».

Tiếp đến, Đức Thánh Cha dẫn giải thêm rằng sau khi Chúa Giêsu phục sinh Ngài không quay trở lại với cuộc sống trần thế như trước đây, mà là bước vào cuộc sống vinh quang Thiên Chúa và mang theo cả nhân loại của chúng ta. Tuy nhiên « Đức Giêsu chết và sống lại chỉ một lần là đủ và cho tất cả, nhưng sức mạnh phục sinh, và con đường từ nô lệ sự dữ tới sự tự do thiện hảo vẫn được thực hiện trong mọi thời gian, trong các không gian thực tiễn nơi sự hiện hữu của chúng ta, trong cuộc sống từng ngày ». Ngài không phủ nhận sự hiện diện của những sa mạc mà kiếp nhân sinh phải vượt qua, đặc biệt là thứ « sa mạc nội tâm khi thiếu tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, thiếu tinh thần bảo vệ những gì mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho ».

Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi tất cả mọi người « đón nhận hồng ân phục sinh của Đức Kitô, hãy để cho lòng thương xót làm mới lại, để cho Đức Giêsu yêu mến, để cho tình yêu của Ngài biến đổi cuộc sống và trở nên khí cụ cho lòng thương xót ấy ».

Theo tinh thần của Thánh Phanxicô Khó Khăn, Đức Thánh Cha nài xin Chúa Giêsu Phục Sinh « biến đổi sự chết thành sự sống, hận thù thành yêu thương, thù oán thành tha thứ ». « Đức Ki tô là sự bình an của chúng ta, qua Người chúng ta cầu xin hòa bình cho toàn thế giới », Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp.

Sau đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô ước mong hòa bình đến với những nơi còn đang xảy ra chiến tranh, xung đột, bạo động và khủng bố trên khắp thế giới, như tại Trung Cận Đông giữa Israel và Palestin, tại Irak, Syrie, Mali, Nigeria, Cộng Hòa Dân Chủ Công Gô, Trung Phi, cũng như trên bán đảo Triều Tiên…Ngài cũng chỉ cho thấy những nguyên nhân khác xuất phát từ lòng tham lam và tích kỷ đang đe dọa nền hòa bình thế giới như buôn bán nô lệ, thuốc phiện, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên bất công…

Phần kết thúc, Đức Thánh Cha Phanxicô còn lặp lại một lần nữa lời chúc mừng Lễ Phục Sinh và đề nghị mỗi người « mang sứ điệp niềm vui, hy vọng và hòa bình đến cho các gia đình và quốc gia của mình », đồng thời ngài hướng mọi người tới sự tín thác tuyệt đối nơi Chúa Phục Sinh, vì « Chính Người dẫn đưa nhân loại về những công trường của công lý, tình yêu và hòa bình ».
 
Đức Thánh Cha chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo
LM. Trần Đức Anh OP
07:33 01/04/2013
ROMA. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu: Thập Giá là câu trả lời của Thiên Chúa đối với sự ác trên thế giới và ngài mời gọi các tín hữu tín thác nơi tình thương bao la của Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài huấn dụ ngắn vào cuối Đàng Thánh Giá trọng thể tối Thứ Sáu Tuần Thánh 29-3-2013 tại Hý trường Colosseo ở Roma từ lúc 21 giờ 15. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi cám ơn anh chị em đã tham dự đông đảo giờ phút cầu nguyện nồng nhiệt này. Và tôi cám ơn tất cả những người đã hiệp với chúng ta qua các phương tiện truyền thông, nhất là những người bệnh tật và già yếu.

Tôi không muốn thêm nhiều lời. Trong đêm này chỉ có một lời được lưu lại, đó là chính Thập Giá. Thập giá Chúa Giêsu là Lời mà Thiên Chúa trả lời cho sự ác của thế giới. Nhiều khi chúng ta thấy Thiên Chúa có vẻ không trả lời cho sự ác, và Ngài giữ im lặng. Trong thực tế, Thiên Chúa đã nói, đã trả lời, và câu trả lời của Ngài là Thập Giá Chúa Kitô: đó là Lời yêu thương, từ bi, tha thứ. Và đó cũng là sự phán xét. Thiên Chúa xét xử chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta. Nếu ta đón nhận tình thương của Ngài, ta sẽ được cứu thoát, nếu ta từ khước, thì sẽ bị kết án, không phải do Ngài, nhưng do chính ta, vì Thiên Chúa không lên án, Ngài chỉ yêu thương và cứu vớt.

”Anh chị em thân mến, Lời của Thập Giá cũng là câu trả lời của các tín hữu Kitô đối với sự ác đang tiếp tục tác động trong và quanh chúng ta. Kitô hữu phải đáp lại sự ác bằng điều thiện, vác lấy thập giá, như Chúa Giêsu. Tối hôm nay, chúng ta đã nghe chứng từ của các anh chị em chúng ta từ Liban: chính họ đã soạn các bài suy niệm thật hay và kinh nguyện này. Tôi thành tâm cám ơn họ vì việc phục vụ này và nhất là chứng tá mà họ trình bày cho chúng ta. Chúng ta đã thấy điều đó khi ĐGH Biển Đức đến Liban: chúng ta đã thấy vẻ đẹp và sức mạnh của tình hiệp thông của các tín hữu ở phần đất này và tình bạn của bao nhiêu anh chị em Hồi giáo, và nhiều người khác. Đó là một dấu hiệu cho Trung Đông và cho toàn thế giới, một dấu hiệu hy vọng.

Vậy chúng ta hãy tiếp tục Đàng Thánh Giánày trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trên con đường Thập Giá, tiến bước và mang trong con tim Lời yêu thương và tha thứ này. Chúng ta hãy tiếnbước trong niềm chờ đợi sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta dường nào.

Trước sự hiện của hàng chục ngàn tín hữu và hàng triệu người khác tham dự qua các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình trên thế giới, Thập Giá đã lần lượt được vác đi qua 14 chặng bên trong Hý trường Colosseo do ĐHY Vallini, Giám quản Roma, một gia đình Italia, một gia đình Ấn độ, một người khuyết tật, 2 chủng sinh người Hoa, các tín hữu từ Liban, Nigeria và Brazil, v.v.
 
Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Phục Sinh
LM. Trần Đức Anh OP
07:34 01/04/2013
VATICAN. Trong lễ Vọng Phục Sinh 30-3-2013, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu cởi mở đối với những mới mẻ Thiên Chúa dọn cho chúng ta, nhớ lại những gì Chúa đã làm trong cuộc sống bản thân và thế giới, và nhận ra sự hiện diện sinh động của Chúa giữa chúng ta.

Đây là ý chính bài giảng của ĐTC trong thánh lễ Vọng Phục Sinh đầu tiên ngài cử hành từ lúc 8 giờ rưỡi tối thứ bẩy Tuần Thánh 2013.

Trong thánh lễ, ngài đã ban bí tích khai tâm: rửa tội, thêm sức và Mình Thánh Chúa cho 4 dự tòng, trong đó có một người Mỹ gốc Việt 17 tuổi là anh Anthony Trần Định (1996); một người Albani 30 tuổi, một người Nga cũng 30 tuổi và một người Ý 23 tuổi.

Đồng tế với ĐTC có 30 Hồng y tại Tòa Thánh, trước sự hiện diện của các GM và khoảng 9 ngàn tín hữu. Phần thánh ca do ca đoàn Sistina gồm hơn 40 ca viên và ca đoàn Mẹ Giáo Hội gồm 160 ca viên đảm trách.

Trong bài giảng, ĐTC quảng diễn ý nghĩa trình thuật Phúc Âm: các phụ nữ đến mộ Chúa, tâm tình thất vọng vì Thầy đã chết, nhưng trong tâm hồn họ vẫn còn lòng kính mến đối với Thầy. Chính lúc đó một sự kiện mới mẻ đã đảo lộn cuộc sống của họ: họ thấy ngôi mở mở toang và không thấy xác Chúa... Sự mới mẻ thường làm cho chúng ta sợ hãi, kể cả sự mới mẻ mà Thiên Chúa mang đến cho chúng ta, sự mới mẻ mà Thiên Chúa yêu cầu chúng ta.
ĐTC nói: ”Anh chị em thân mến, chúng ta đừng khép kín đối với sự mới mẻ mà Thiên Chúa muốn đưa vào cuộc sống chúng ta! Chúng ta thường mệt mỏi, thất vọng, buồn sầu, chúng ta cảm thấy gánh nặng tội lỗi chúng ta và nghĩ mình không thể vượt thắng. Chúng ta đừng co cụm vào mình, đừng đánh mất niềm tín thác, đừng bao giờ cam chịu: không có hoàn cảnh nào mà Thiên Chúa không thể thay đổi, không có tội lỗi nào mà Chúa không thể tha thứ nếu chúng ta cởi mở đối với Ngài”.

ĐTC nhận xét rằng sự kiện các phụ nữ đến viếng mộ Chúa vốn là một cử chỉ đơn sơ vì tình yêu, nay biến thành một biến cố thực sự thay đổi cuộc sống của họ: không có gì giống như trước đây nữa, không những trong cuộc sống của các phụ nữ, nhưng cả trong đời sống chúng ta và lịch sử nhân loại. ”Chúa Giêsu không chết, Ngài đã sống lại, Ngài vẫn sống! Ngài không chỉ trở lại trong cuộc sống, nhưng Ngài là chính sự sống, vì Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Sống (Xc Ds 14,21-28; Dnl 5,26; Gs 3,10). Chúa Giêsu không còn ở trong quá khứ, nhưng Ngài đang sống trong hiện tại và hướng về tương lai, Ngài là ”hôm nay” trường cửu của Thiên Chúa. Thế là sự mới mẻ của Thiên Chúa ở trước mắt các phụ nữ, các môn đệ, và tất cả chúng ta: chiến thắng trên tội lỗi, sự ác, sự chết, trên tất cả những gì đè nén cuộc sống và làm cho nó kém xứng đáng với con người. Và đó là sứ điệp được gửi đến cho tôi, và cho bạn, cho anh chị em,. Bao nhiêu lần chúng ta cần Đấng là Tình Thương nói với chúng ta: tại sao các người tìm kiếm người sống nơi kẻ chết? Các vấn đề, những lo âu hằng ngày có xu hướng làm cho chúng ta co cụm vào mình, trong buồn sầu và cay đắng.. tại đó có chết chóc. Chúng ta đừng tìm Đấng hằng sống tại đó!

“Vậy hãy chấp nhận để cho Chúa Giêsu Phục Sinh đi vào đời sống của bạn, hãy đón nhận Ngài như người bạn, với lòng tín thác: Ngài chính là sự sống! Nếu cho đến nay bạn xa lìa Ngài, hãy cố gắng làm một bước tiến nhỏ: Ngài sẽ đón nhận bạn với vòng tay rộng mở. Nếu bạn dửng dưng lãnh đạm, hãy chấp nhận rủi ro: bạn sẽ không thất vọng. Nếu bạn thấy có vẻ khó theo Ngài, đừng sợ, hãy tín thác vào Ngài, hãy chắc chắn là Ngài gần gũi bạn, ở với bạn và mang lại cho bạn an bình mà bạn tìm kiếm và sức mạnh để sống như Ngài muốn.”

Trong phần thứ ba của bài giảng, ĐTC nhận xét rằng ”khi các phụ nữ thấy ngôi mộ trống và hai thanh niên mặc áo trắng tinh, phản ứng đầu tiên của họ là sợ hãi, nhưng khi họ nghe lời loan báo Chúa sống lại, họ đón nhận với niềm tin. Và hai người mặc áo trắng dẫn vào một lời cơ bản: ”Các bà hãy nhớ Ngài nói với các bà thế nào khi Ngài còn ở Galilea.. Và họ nhớ lại những lời Ngài” (Lc 24,6.8). Chính lời mời gọi hãy nhớ lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, những lời nói, cử chỉ, và cuộc sống của Ngài; và chính sự nhớ lại trong tình yêu thương về kinh nghiệm với Thầy đã làm cho các phụ nữ ấy vượt thắng mọi sợ hãi và đem tin Chúa sống lại cho các Tông đồ và mọi người khác (Xc Lc 24,9). Nhớ lại điều Chúa đã và đang làm cho tôi, cho chúng ta, nhớ lại con đường đã trải qua; và điều này mở toang tâm hồn cho hy vọng tương lai. Chúng ta hãy học nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc sống chúng ta!”

Và ĐTC kết luận rằng:

”Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta tham phần vào sự phục sinh của Ngài: cởi mở chúng ta đối với sự mới mẻ biển đổi, cởi mở đối với nhưng điều ngạc nhiên của Chúa; làm cho chúng ta trở nên những người nam nữ có khả năng nhớ lại những điều Ngài đã làm trong cuộc đời chúng ta cũng như trong lịch sử thế giới, làm cho chúng ta có khả năng cảm thấy Ngài như Đấng Hằng Sống, đang sống và hoạt động giữa chúng ta, xin Ngài dạy chúng ta mỗi ngày không tìm Đấng đang sống nơi những kẻ chết. Amen”.

Trong phần rước lễ, 120 LM đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.
 
Thánh lễ và Sứ Điệp Phục Sinh đầu tiên của ĐTC Phanxicô
LM. Trần Đức Anh OP
07:34 01/04/2013
VATICAN. 250 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ và buổi công số sứ điệp Phục Sinh do ĐTC Phanxicô chủ sự sáng chúa nhật 31-3-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ 15 sáng và số tín hữu đứng đầu Quảng trưởng tràn ra đến cuối đường Hòa Giải.

Theo thói quen từ 28 năm nay, Hiệp Hội các nhà trồng hoa tại Hòa Lan đã tặng ĐTC khoảng 40 ngàn bông hoa đủ loại, đặc biệt là các hoa màu trắng và màu vàng, màu cờ Vatican, để trang điểm khu vực Bàn Thờ trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô, biến địa điểm này trở thành một vườn hoa thật đẹp. Tổng cộng đã có hàng trăm đài truyền hình tại gần 70 quốc gia truyền đi thánh lễ và buổi công bố Sứ điệp Phục Sinh.

Trong khi lễ Vọng Phục Sinh có 30 Hồng y đồng tế với ĐTC, thánh lễ sáng hôm qua ngài chỉ có 2 vị Hồng Y phụ tế là ĐHY Raffaele Farina, nguyên thư viện trưởng của Tòa Thánh, và ĐHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô. Hai vị đều là Hồng y đẳng Phó tế. Các HY khác cùng với hơn 20 GM tham dự thánh lễ trong hàng ghế đầu bên hông bàn thờ. Trước thềm bàn thờ có sự hiện diện của đoàn vệ binh Thụy Sĩ, đoàn liên quân của Italia và hai ban quân nhạc của Vatican và Italia.

Đảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 4 Ca đoàn là: Ca đoàn Mẹ Giáo Hội với 140 ca viên, Ca Đoàn Hoa kỳ 105 người và ca đoàn Giáo Hoàng Học Viện Đức - Hungari gồm 65 ca viên, sau cùng là Ca đoàn Học Viện Anh quốc với 75 người.

Đầu thánh lễ, hai phó tế đã mở hai cánh của ảnh Chúa Cứu Thế cực thánh cho ĐTC và mọi người tôn kính, trước khi ca đoàn hát ca nhập lễ.

Nghi thức thống hối được thay thế bằng nghi thức rảy nước thánh với lời nguyện của ĐTC ”Xin Thiên Chúa toàn năng thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi và nhờ việc cử hành thánh lễ này, làm cho chúng ta được xứng đáng tham dự bàn tiệc vương quốc của Chúa”.

ĐTC không giảng sau bài Tin Mừng, vì sau thánh lễ có sứ điệp Phục Sinh. Trong phần lời nguyện phổ quát bằng 5 thứ tiếng: Ý, Hindi, tiếng Hoa, Đức và Pháp, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội: xin Chúa cho sức mạnh của Thánh Linh nâng đỡ những người loan báo Tin Mừng và làm cho chứng tá của các thừa tác viên của Giáo Hội được hữu hiệu; cho ĐTC Phanxicô được sự nâng đỡ nhờ ánh sáng của Thánh Linh và kinh nguyện của toàn thể Giáo Hội, để Người dẫn dắt mọi người trong sự vâng phục chân lý và trong việc tuyên xưng đức tin chân thật; cầu cho các nhu cầu của đời sống con người: xin chân lý của Thánh Linh hướng dẫn các lương tâm và trí tuệ con người tìm kiếm sự thiện đích thực và phục vụ phẩm giá mỗi người; cầu cho toàn thế giới: xin Chúa tái tạo sự hiệp nhất của các gia đình và khơi lên những cử chỉ hòa giải giữa các dân tộc với nhau; sau cùng là cầu cho cộng đoàn tham dự thánh lễ: xin Chúa Thánh Linh khơi dậy nơi mỗi người ơn thánh của bí tích rửa tội, để mang lại nhiều hoa trái của sự sống vĩnh cửu.

Trong phần hiệp lễ, 250 LM đã trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. Thánh lễ chỉ kéo dài 1 giờ 20 phút và kết thúc lúc 11 giờ 35. Sau khi cởi bỏ áo lễ, ĐTC đã tiến ra bắt tay chúc mừng các Hồng Y hiện diện rồi lên xe díp màu trắng mui trần, tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào thăm các tín hữu, trong bầu không khí rất nồng nhiệt và hân hoan. Rồi ngài tiến lên bao lớn chính của Đền thờ thánh Phêrô lúc 12 giờ trưa để chủ sự buổi công bố sứ điệp Phục sinh và ban phép lành. Tháp tùng ĐTC có ĐHY Trưởng đẳng Phó Tế Jean Louis Tauran, cũng là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và ĐHY Comastri. Ban nhạc của Italia và Tòa Thánh trổi quốc thiều Vatican và Italia.

Công bố Sứ điệp Phục Sinh

Trong sứ điệp, ĐTC quảng diễn ý nghĩa sự sống lại của Chúa Cứu Thế: đó là chiến thắng của Chúa trên sự ác và sự chết, và biến cố này có nghĩa là Thiên Chúa dẫn đưa con người từ nô lệ tội lỗi đến tự do của điều thiện. Ngài cũng cầu chúc hòa bình cho các dân tộc tại những vùng còn chiến tranh, hận thù, máu lửa trên thế giới. ĐTC nói:
Anh chị em ở Roma và toàn thế giới thân mến, chúc anh chị em Lễ Phục sinh tốt đẹp!

Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi được loan báo cho anh chị em: Chúa Kitô đã sống lại! Tôi muốn lời này đi tới mỗi nhà, mỗi gia đình, đặc biệt là tại những nơi có nhiều đau khổ hơn, trong các nhà thương, các nhà tù, v.v..
Nhất là tôi muốn cho lời loan báo này đến với mọi tâm hồn, vì chính tại đó Thiên Chúa muốn gieo vãi Tin Vui này: Chúa Giêsu đã sống lại, có hy vọng cho bạn, bạn không còn ở dưới ách thống trị của tội lỗi, của sự ác nữa! Tình thương đã chiến thắng, lòng từ bi đã chiến thắng!

Cả chúng ta, giống như các nữ môn đệ của Chúa Giêsu đi đến mộ và thấy mộ trống, chúng ta cũng có thể tự hỏi xem biến cố này có ý nghĩa gì (Xc Lc 24,4). Chúa Giêsu sống lại nghĩa là gì? Có nghĩa là tình thương của Thiên Chúa mạnh hơn sự ác và sự chết; có nghĩa là tình thương của Thiên Chúa có thể biến đổi cuộc sống chúng ta, làm cho những vùng sa mạc trong tâm hồn chúng ta nở hoa.

Chính vì tình thương này, Con Thiên Chúa đã làm người và đã đi đến tận cùng con đường khiêm hạ và hiến thân, cho đến địa ngục, nơi hố sâu chia cách với Thiên Chúa; chính lòng từ bi yêu thương ấy đã làm cho tử thi của Chúa Giêsu tràn đầy ánh sáng và được hiển dung, được tiến vào sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu không trở lại đời sống trước đó, đời sống trần thế, nhưng đã đi vào cuộc sống vinh hiển của Thiên Chúa và Ngài vào đó với nhân tính của chúng ta, mở cho chúng ta một tương lai hy vọng.

Đây là ý nghĩa lễ Vượt Qua: đó là một cuộc xuất hành, con người tiến từ tình trạng nô lệ tội lỗi, nô lệ sự ác, đến tự do của tình thương, của sự thiện. Vì Thiên Chúa là sự sống, chỉ là sự sống, và vinh quang của Ngài là con người được sống (Xc Ireneo, Adversus haereses, 4,20,5-7).

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại một lần cho tất cả và cho mọi người, nhưng sức mạnh sự sống lại của Ngài, sự vượt qua từ tình trạng nô lệ sự ác đến tự do của điều thiện, phải được thể hiện trong mọi thời đại, trong mọi không gian cụ thể của cuộc sống chúng ta, trong đời sống mỗi ngày của chúng ta. Ngày nay con người vẫn còn phải tiến qua bao nhiêu sa mạc! Nhất là sa mạc trong nội tâm con người, khi họ thiếu lòng mến Chúa yêu người, khi họ không ý thức mình là người gìn giữ tất cả những gì Đấng Tạo Hóa đã và đang ban cho chúng ta. Nhưng lòng từ bi Chúa có thể làm cho đất khô cằn nhất nở hoa, có thể tái ban sự sống cho những bộ xương khô (Xc Ez 37,1-14).

Vì thế, đây là lời mời gọi mà tôi gửi đến tất cả mọi người: chúng ta hãy đón nhận ơn Phục Sinh của Chúa Kitô! Hãy để cho mình được lòng từ bi của Thiên Chúa đổi mới, hãy để cho Chúa Giêsu yêu thương, hãy để cho quyền năng tình thương của Ngài biến đổi cả đời sống chúng ta; và chúng ta hãy trở thành dụng cụ của lòng từ bi ấy, làm máng chuyển qua đó Thiên Chúa có thể tưới gội trái đất, bảo tồn toàn thể công trình sáng tạo và làm cho công lý và hòa bình được triển nở.

Và chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Phục Sinh, biến đổi sự chết thành sự sống, biến cải oán ghét thành tình thương, thù hận thành tha thứ, chiến tranh thành hòa bình. Đúng vậy, Chúa Kitô là niềm an bình của chúng ta, và nhờ Ngài chúng ta khẩn cầu hòa bình cho toàn thế giới.

Hòa bình cho Trung Đông, đặc biệt là giữa người Israel và Palestine, đang vất vả tìm kiếm con đường hòa thuận, để họ can đảm mở lại các cuộc thương thuyết trong thái độ sẵn sàng hầu chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài quá lâu. Hòa bình tại Irak, để vĩnh viễn chấm dứt mọi bạo lực, và nhất là hòa bình cho Siria yêu quí, cho nhân dân đất nước này bị thương tổn vì xung đột, và hòa bình cho đông đảo người tị nạn, đang chờ đợi được trợ giúp và an ủi. Bao nhiêu là máu đã đổ ra! Và dân lành còn phải chịu đau khổ bao lâu nữa trước khi người ta tìm được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này?

Hòa bình cho Phi châu, vẫn còn là nơi diễn ra các cuộc xung đột đẫm máu. Hòa bình tại Mali, để đất nước này tìm lại được thống nhất và ổn định; và tại Nigeria, nơi mà rất tiếc các vụ khủng bố vẫn không chấm dứt, đe dọa trầm trọng sinh mạng của bao nhiêu người vô tội, và đó cũng là nơi mà nhiều người, kẻ cả các trẻ em, đang bị các nhóm khủng bố giữ làm con tin. Hòa bình tại miền đông Cộng hòa dân chủ Congo và ở Cộng hòa Trung Phi, nơi mà nhiều người buộc lòng phải rời bỏ gia cư và đang còn sống trong sợ hãi.

Hòa bình tại Á châu, nhất là tại Bán đảo Triều Tiên, để những dị biệt được khắc phục và một tinh thần hòa giải đổi mới được trưởng thành.

Hòa bình cho toàn thế giới, vẫn còn bị phân rẽ vì lòng ham hố của những người tìm kiếm lợi lộc dễ dàng, còn bị thương tổn vì lòng ích kẻ đe dọa sự sống con người và gia đình, lòng ích kỷ tiếp tục kéo dài nạn buôn người, làm cho nạn nô lệ càng lan rộng trong thế kỷ 21 này. Hòa bình cho toàn thế giới, bị xâu xé vì bạo lực gắn liền với nạn buôn bán ma túy và khai thác bất chính các tài nguyên thiên nhiên! Hòa bình cho Trái Đất này của chúng ta! Xin Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại an ủi cho các nạn nhân thiên tai và làm cho chúng ta trở thành những người bảo tồn công trình tạo dựng trong tinh thần trách nhiệm.

Anh chị em thân mến, tôi gửi đến tất cả anh chị em là những người đang nghe tôi ở Roma và ở mọi nơi trên thế giới lời mời gọi này của Thánh Vịnh: ”Hãy cảm tạ Chúa vì Người nhân từ, vì tình thương của Ngài tồn tại mãi mãi. Israel hãy nói rằng: ”Tình thương của Ngài vĩnh cửu” (Tv 117,1-2

ĐTC đã bỏ thói quen chúc mừng Phục Sinh bằng 65 thứ tiếng khác nhau và ngài chỉ cầu chúc chung bằng tiếng Ý:
”Anh chị em đến từ các nơi trên thế giới hiện diện tại Quang trường này, trung tâm của Kitô giáo, và tất cả anh chị em đang theo dõi qua các phương tiện truyền thông, tôi lập lại lời cầu chúc Lễ Phục sinh tốt đẹp! Hãy mang vào các gia đình và đất nước của anh chị em sứ điệp vui mừng, hy vọng và hòa bình mà mỗi năm, vào ngày này, được mạnh mẽ lập lại: Chúa đã sống lại, Ngài chiến thắng tội lỗi và sự chết, xin Chúa nâng đỡ tất cả mọi người, nhất là những người yếu thế và túng thiếu nhất. Xin cám ơn anh chị em vì sự hiện diện và chứng tá đức tin của anh chị em. Tôi đặc biệt nghĩ đến và cám ơn vì món quà các hoa rất đẹp đến từ Hòa Lan. Tôi thân ái lập lại với tất cả mọi người: Xin Chúa Kitô phục sinh hướng dẫn tất cả anh chị em và toàn nhân loại trên con đường công lý, tình thương và hòa bình.

Phép lành toàn xá

Sau sứ điệp phục sinh là nghi thức ban phép lành URBI ET ORBI kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh và truyền hình.

Mở đầu nghi thức, ĐHY Tauran, trưởng đẳng Phó tế, tuyên bố chủ ý của ĐTC ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý ĐTC và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Liền đó, ĐTC đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu. Cũng nên nói thêm rằng: Trong sứ điệp, khi cầu chúc hòa bình cho Phi châu, ĐTC đã nhắc đến nhiều người, trong đó có các trẻ em, còn bị các nhóm khủng bố giữ làm con tin. Trong số những người ấy có 7 người Pháp, gồm 3 người lớn và 4 trẻ em bị những nhóm người võ trang bắt cóc cách đây 2 tuần tại miền bắc Camerun, gần biên giới nước Nigeria. Đó là 7 người thuộc cùng một gia đình, cha là nhân viên của hãng dầu khí GDF của Pháp, làm việc tại vùng này.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
LM Trần Đức Anh OP
11:40 01/04/2013
VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu đón nhận chiến thắng của Chúa Kitô trên sự ác và diễn tả qua những thực tại cụ thể của lịch sử và xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng lần đầu tiên, trưa ngày 1-4-2013, thứ hai sau Phục Sinh, với khoảng 40 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngày này cũng là lễ nghỉ tại Italia. ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Cầu chúc tất cả anh chị em lễ Phục Sinh tốt đẹp! Tôi cám ơn anh chị em hôm nay đến đây đông đảo để chia sẻ niềm vui của lễ Phục Sinh, mầu nhiệm chủ yếu của đức tin chúng ta. Ước gì sức mạnh Phục Sinh của Chúa Kitô đến với mỗi người - nhất là những người đang chịu đau khổ - và tất cả những hoàn cảnh đang cần niềm tín thác và hy vọng hơn cả”.

”Chúa Kitô đã chiến thắng sự ác một cách trọn vẹn và chung kết, nhưng mỗi người chúng ta, những người thuộc mọi thời đại, có nhiệm vụ đón nhận chiến thắng ấy trong cuộc sống bản thân và trong những thực tại cụ thể của lịch sử và xã hội. Vì thế, tôi thấy một điều quan trọng là nhấn mạnh điều mà hôm nay chúng ta cầu xin Chúa trong phụng vụ: ”Lạy Cha, là Đấng làm cho Giáo Hội của Cha được tăng trưởng bằng cách luôn ban cho Giáo Hội những người con mới, xin ban cho các tín hữu của Cha được biểu lộ trong cuộc sống bí tích mà họ đã lãnh nhận trong đức tin” (Kinh Tổng nguyện thứ 2 tuần bát nhật Phục Sinh).

”Đúng vậy, bí tích rửa tội làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, bí tích Thánh Thể liên kết chúng ta với Chúa Kitô, phải trở thành sự sống, nghĩa là phải được biểu lộ của các thái độ, lối cư xử, những cử chỉ và chọn lựa. Ơn thánh chứa đựng trong các bí tích Phục Sinh là một tiềm năng canh tân rất lớn cho cuộc sống bản thân, cho đời sống gia đình, cho các quan hệ xã hội. Nhưng tất cả đều tiến qua tâm hồn con người: nếu tôi để cho ơn thánh của Chúa Kitô phục sinh đạt tới, nếu tôi để ơn thánh biến đổi tôi trong những khía cạnh không tốt, có thể gây hại cho tôi và tha nhân, thì có nghĩa là tôi để cho chiến thắng của Chúa Kitô vững mạnh trong đời sống của tôi, mở rộng những hoạt động tốt lành của tôi. Đó chính là sức mạnh của ơn thánh!”

Và ĐTC kết luận rằng:
”Anh chị em thân mến, biểu lộ trong cuộc sống bí tích chúng ta đã nhận lãnh: đó chính là sự dấn thân hằng ngày của chúng ta và tôi có thể nói đó là niềm vui thường nhật của chúng ta! Niềm vui cảm thấy mình là dụng cụ của ơn thánh Chúa Kitô, như những nghành của cây nho là chính Ngài, được sống động nhờ nhựa sống của Thánh Linh Ngài”.

”Chúng ta hãy cùn gnhau cầu nguyện, nhân danh Chúa đã chịu chết và sống lại, và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh, để Mầu Nhiệm phục sinh có thể tác động sâu xa trong chúng ta và trong thời đại chúng ta ngày nay, để oán ghét nhường chỗ cho tình thương, dối trá nhường chỗ cho sự thật, oán thù nhường chỗ cho tha thứ, sầu muộn nhường chỗ cho vui mừng”.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC còn chào thăm tất cả các tín hữu hành hương đến từ các đại lục để tham dự buổi đọc kinh này. Ngài chỉ nói bằng tiếng Ý, và không dùng các sinh ngữ khác.

Chiều 1-4-2013, ĐTC đã xuống hầm đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện tại mộ thánh Tông Đồ. Tháp tùng ngài có ĐHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô. (SD 1-4-2013)
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện trước mộ Thánh Phêrô
Bùi Hữu Thư
18:26 01/04/2013
Nền phía trên mộ Thánh Phêrô


Vatican, ngày 1 tháng 4, 2013 / 12:24 pm (CNA/EWTN News).- Đức Thánh Cha Phanxicô viếng mộ Thánh Phêrô chiều ngày Thứ Hai Phục Sinh để cầu nguyện trước di hài vị Giáo Hoàng tiên khởi.

Đức Hồng Y Angelo Comastri chủ trì Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đã tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô đến mộ Thánh phêrô tại Necropolis, khu có nhiều mộ chí bên dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Thánh Phêrô đứng đầu Giáo Hội Công Giáo sau khi Chúa Giêsu thăng thiên. Thánh Phêrô chịu tử đạo dưới thời Hoàng Đế La Mã Nêrô năm 64 trên đồi Vatican. Ngài bi đóng đanh ngược đầu theo ý nguyện của ngài vì ngài nói ngài không xứng đáng được chịu chết y như Chúa GIêsu.

Năm 1965 các nhà khảo cổ khai thác khu Necropolis cho hay họ đã tìm thấy các xương của Thánh Phêrô gần một bia ghi chữ Hy Lạp “Phêrô có ở đây.”

Ngày thứ hai 1 tháng 4, đánh dấu lần viếng thăm Mộ Thánh Phêrô lần thứ nhì trong tháng đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của ngài. Ngài đã thăm mộ này vào ngày lễ đăng quang: 19 tháng 3.
 
Đức Phanxicô và mùi chiên
Vũ Văn An
21:10 01/04/2013
Tin Mừng nói Chúa Giêsu sinh ra trong một chuồng chiên, đặt trong một máng cỏ, do đó, chắc chắn Người rất quen thuộc với mùi của chiên. Không lạ gì, khi bước vào tác vụ công khai, người khác và cả Người nữa đã tự ví mình như chiên, Chiên Thiên Chúa, và người chăn chiên.

Thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, vị đại diện của Người nơi trần gian cũng đã nói tới chiên và mùi chiên và nghĩa vụ của người chăn chiên là phải mang vào người cả cái mùi của chiên nữa để đi tới với đoàn chiên và cả những người chưa thuộc đoàn chiên.

Đọc bản dịch huấn từ của Đức Phanxicô với các linh mục tại Đền Thờ Thánh Phêrô đăng trên Vietcatholic, người ta không thấy đoạn nào nói rõ phần cuối của câu trên. Nhưng Stephen White, một chuyên viên nghiên cứu về Công Giáo Học tại Trung Tâm Đạo Đức và Chính Sách Công ở Washington D.C., trong bài “Eau de Sheep”, thì cho rằng: sau khi khuyên các linh mục ra khỏi mình, đem ít dầu thơm Chúa xức cho để làm thơm và giữ thơm cho tín hữu, Đức Phanxicô đã nói với các linh mục hiện diện rằng “Cha mời gọi các con điều này: các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên!”.

Tưởng Stephen White bịa chuyện giống CNN, ngày Đức Phanxicô “ra mắt” quần chúng tín hữu tại công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô tối ngày 13 tháng 3, đã tường thuật rằng trước khi chúc lành cho tín hữu, vị tân giáo hoàng xin tín hữu chúc lành cho mình! Thực ra, ngài chỉ xin họ cầu cùng Chúa chúc lành cho ngài, trước khi ngài chúc lành cho họ. Nhưng đọc kỹ lại trọn bài huấn từ của Đức Phanxicô hôm đó nói với các linh mục đăng trên trang mạng chính thức của Vatican, thì thấy Stephen White không sai. Đức Thánh Cha quả có phân biệt giữa người chăn chiên và người mối lái, người quản lý chuyên thu tích đồ cổ đồ mới. Điểm khác nhau: người chăn chiên thì sống với “mùi chiên”. “Đó là điều cha xin nơi các con: các con hãy trở thành những người chăn chiên, có ‘mùi chiên’, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con”.

Phải là cái mùi của chiên, nói theo Stephen White, phải là mùi “Eau de Sheep”, chứ không phải "Eau de Cologne", càng không phải "Eau de Channel Five"! Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng mùi ấy cũng có thể phát sinh từ những yêu cầu bất tiện, đôi lúc hoàn toàn vật chất hay hoàn toàn tầm phào. Người chăn chiên phải nhận thức và đồng cảm với ý muốn của đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã nhận thức và đồng cảm cái đau ra huyết trắng của người đàn bà khốn khổ trong Tin Mừng. Muốn có cái mùi ấy, người mục tử phải ra khỏi con người mình, phóng mình tới những vùng ngoại biên nơi có đau khổ, đổ máu, mù lòa, giam cầm đủ loại. Mục tử phải cảm nhận được các gánh nặng và bộ mặt của quần chúng giáo dân, trên vai và trong trái tim mình.

Ngài tới đây làm gì?

Theo tiến sĩ Edward Mulholland, thuộc Viện Gregorian của Trường Cao Đẳng Benedictine, Đức Phanxicô đã làm gương về phương diện trên khi cử hành Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh tại Casal del Marmo, một trại giam thiếu niên tại Rôma.

Thực vậy, sau Thánh Lễ, trước khi trở lại Vatican, Đức Phanxicô đã tới phòng thể dục thể thao của trại giam để gặp mặt các thiếu niên cùng với bộ trưởng tư pháp Ý, trưởng ngành tư pháp Ý về thiếu niên phạm pháp và các viên chức cao cấp khác của trại giam. Các thiếu niên của trại kính tặng ngài cây thánh giá và một bàn qùy bằng gỗ do chính họ chế tạo. Trong buổi gặp mặt này, một thiếu niên đã hỏi Đức Phanxicô như sau: Cám ơn Đức Thánh Cha đã tới đây. Nhưng con muốn biết một điều: tại sao hôm nay, ngài lại tới Casal del Marmo?

Ngài cho hay: ngài sẵn sàng đến bất cứ nơi nào có người giúp ngài khiêm nhường hơn, trở thành đầy tớ nhiều hơn. Và vì có người cho hay nơi đó là Casal del Marmo, nên ngài tới. Chỉ có thế. Nhưng không phải chỉ có thế. Vì quyết định này phát xuất từ trái tim. Mà những điều phát xuất từ trái tim thì làm sao giải thích được. Chúng đến thì chúng đến, thế thôi.

Nói cách khác, chỉ có thế, ngài mới là người chăn chiên đích thực, người có đủ mùi chiên. Và ở đây, chiên quả đủ mầu đen trắng, đủ giống nam nữ, đủ cả tín ngưỡng ngược xuôi. Điều này gây ấn tượng mạnh mẽ nơi giới thiếu niên phạm pháp. Trên National Review Online, ngày 28 tháng 3, Kathryn Jean Lopez ghi nhận một số phản ứng của thiếu niên phạm pháp Los Angeles, dưới hình thức tweets đối với cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Phanxicô tại Casal del Marmo:

* Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu quí, cám ơn Đức Giáo Hoàng đã rửa chân cho các thiếu niên như chúng con tại Ý. Chúng con cũng trẻ người non dạ và từng mắc nhiều lầm lỗi. Xã hội đã bỏ rơi chúng con, xin cám ơn Đức Giáo Hoàng vì ngài không bỏ rơi chúng con.

* Quả khó khăn khi phải làm người trẻ và bị bủa vây bởi bóng tối. Xin Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho con để một ngày kia con được tự do và có thể giúp đỡ những người trẻ khác như Đức Giáo Hoàng đang làm.

* Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu quí, đêm nay, con cầu nguyện cho mọi nạn nhân của bạo lực. Gia đình những người chúng con gây thương tổn cần được chữa lành. Gia đình chúng con cần được chữa lành. Tất cả chúng con đều đau khổ. Đêm nay, tất cả chúng ta hãy cảm nhận được ơn chữa lành của Chúa.

* Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu quí,… con vốn là người Công Giáo và vui mừng vẫn còn là người Công Giáo vì con có được một vị giáo hoàng như ngài. Mỗi ngày con sẽ cầu nguyện cho ngài vì chúng con cần các gương mẫu của Chúa như ngài trong thế giới đầy bạo lực ngày nay.

Nhíu mày

Tuy nhiên hành vi trên của Đức Phanxicô không khỏi làm nhiều người nhíu mày hay, ít nhất, thắc mắc tại sao ngài lại rửa chân cho hai phụ nữ và cho cả người không phải là Công Giáo? Nói cho cùng thì không có qui định nào buộc chỉ rửa chân cho người Công Giáo. Nhưng rửa chân cho nam giới thì có qui định đàng hoàng.

Thực thế, Jimmy Akin, trên National Catholic Register, ngày 28 tháng 3, cho rằng qui định đó tìm thấy trong hai văn kiện. Một là văn kiện qui định việc cử hành Tuần Thánh gọi là Paschales Solemnitatis. Theo văn kiện này, những người được chọn để được rửa chân là “đàn ông”. Văn kiện thứ hai, là Sách Lễ Rôma, cũng qui định như thế: những người được chọn để được rửa chân là “đàn ông” (viri)

Đức Phanxicô, khi rửa chân cho phụ nữ, đã không theo qui định này. Ngài có quyền làm thế hay không? Akin cho rằng có, ngài có quyền làm thế. Vì một vị giáo hoàng không cần bất cứ ai cho phép thực hiện các ngoại lệ đối với giáo luật liên quan tới ngài. Ngài là nhà lập pháp, người giải thích và thi hành tối cao của giáo luật. Ít nhất trong mấy thập niên gần đây, các vị giáo hoàng từng thực hiện nhiều ngoại lệ trong lúc cử hành nghi lễ. Đức Gioan Phaolô II, chẳng hạn, từng ra ngoài các bản văn phụng vụ của Giáo Hội nhất là khi ngài muốn vươn ra bắt tay với người khác.

Nhưng nếu Đức Giáo Hoàng làm thế, thì người khác có làm như thế được hay không? Akin trả lời: về phương diện kỹ thuật thì không. Khi, vì một hoàn cảnh đặc thù nào đó khiến vị giáo hoàng thấy cần phải thực hiện một ngoại lệ cho việc cử hành của mình, thì điều này không tạo ra một tiền lệ luật pháp khiến người khác cũng được phép làm như vậy.

Đây có lẽ cũng là nhận định của phát ngôn viên Tòa Thánh, tuy có bao quát hơn. Ngày 29 tháng 3, Cha Thomas Rosica, nhân danh cha Federico Lombardi, đã phân phối một thông cáo báo chí nói về nghi thức rửa chân cho cả nữ tù nhân tại Casal del Marmo của Đức Phanxicô. Thông cáo báo chí cho hay: để trả lời cho “nhiều câu hỏi và lo âu” liên quan tới nghi thức này, phòng báo chí Tòa Thánh cho hay: “trong một cử hành lớn lao, nam giới thường được chọn cho việc rửa chân vì Chúa Giêsu đã rửa chân cho mười hai tông đồ là những người đàn ông. Tuy nhiên, nghi thức rửa chân vào tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại Trung Tâm Giam Giữ Thiếu Niên ở Rôma diễn ra trong một cộng đoàn đặc biệt và nhỏ bé bao gồm cả thiếu nữ nữa”. Thông cáo ngầm cho thấy Chúa Giêsu cũng thế, Người đã bao gồm mọi thành phần của cộng đoàn rửa chân nhỏ bé, có ai trong cộng đoàn ấy bị Người loại bỏ đâu?

Và tuy có nhắc đến việc Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, từng rửa chân cho cả phụ nữ, thông báo vẫn nhấn mạnh tới hoàn cảnh đặc biệt “để chứng tỏ một cử chỉ yêu thương, trìu mến, tha thứ và xót thương của Giám Mục Rôma”, chứ không hẳn để tạo ra “cuộc tranh luận về luật lệ, phụng vụ hay giáo luật”. Nói cách khác, không tạo ra tiền lệ cho phép người khác cũng làm như vậy một cách tổng quát.

Dù gì, Akin vẫn chờ mong Thánh Bộ Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích sẽ minh giải nhiều hơn trong tương lai. Thực ra, trong một bài khác, cũng trên tờ National Catholic Register, ngày 27 tháng 3, Akin cho hay, Thánh Bộ này từng cho Đức Hồng Y O’Malley của Boston hay: luật phụng vụ đòi chỉ rửa chân cho nam giới trong nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh, tuy nhiên Thánh Bộ dành cho Đức Hồng Y quyền được quyết định mục vụ trong phạm vi này. Do đó, Đức Hồng Y O’Malley đã rửa chân cho cả phụ nữ nữa.

Như thế, ngoại lệ rửa chân cho phụ nữ của Đức Phanxicô, cả lúc ngài còn là Hồng Y Bergoglio, vẫn nằm trong qui định của Giáo Hội, chứ không hẳn vượt ra ngoài các qui định ấy. Và thiển nghĩ, trong hoàn cảnh đặc thù, bất cứ giám mục hay linh mục nào cũng có quyền bao gồm phụ nữ trong nghi thức rửa chân ngày Thứ Năm Tuần Thánh, miễn là thực hành việc này trong ngữ cảnh “ngoại lệ” như vừa nói.

Một đe dọa thầm lặng

Biến cố trên nói lên một nguy cơ: quá chú trọng tới Đức Phanxicô khiến nhiều người không nhìn ra trọng điểm. Đó là nhận định của Elizabeth Scalia, ngày 27 tháng 3 (www.patheos.com).

Scalia nhắc đến một số những lệch lạc hiện nay của dư luận đối với Đức Phanxicô. Như có người cho rằng Đức Phanxicô (người tốt) từ khước không dọn vào “các phòng ốc sang trọng của Đức Bênêđíctô” (người xấu). Thực ra, Đức Bênêđíctô có sở hữu phòng ốc sang trọng nào đâu! Các phòng ốc thuộc Tông Tòa chỉ là những căn phòng mà vị nào được bầu làm giáo hoàng đều cư ngụ từ năm 1906 cho tới nay. Việc Đức Phanxicô không dọn vào đó là điều tốt thôi, nhưng đâu có phải là một hành vi chống lại vị tiền nhiệm.

Báo chí cũng làm như thể trước đây, người nghèo chưa bao giờ là tập chú của Giáo Hội hay của các vị giáo hoàng. Họ làm thế để làm gì? Phần lớn để bẻ cong sự thật và gieo rắc hận thù, một hận thù bắt nguồn từ hợm hĩnh và ngu dốt. Có ai trong số họ sẵn sàng từ bỏ mọi xa xỉ hay không, vì xa xỉ rõ ràng là vô cảm đối với người nghèo? Có ai đòi tổng thống Mỹ phải thôi không chơi golf, hay một bữa ăn thịnh soạn hoặc một cuộc nghỉ hè “xa xỉ” chỉ vì trong nước, người nghèo còn nhiều quá hay không?

Thực ra, theo Scalia, Đức Phanxicô chỉ đem ra thực hành những điều đã được vị tiền nhiệm của ngài giảng dạy. Đức Bênêđíctô thấy thế gian thôi không còn chú ý nữa, nên ngài đã tuyên bố từ nhiệm để kéo sự chú ý của họ, sự chú ý đúng nghĩa. Làm thế, ngài đã dành chỗ để Chúa Thánh Thần hành động. Giờ đây, khi Giáo Hội đã có được sự chú ý của thế gian, nghĩa là Chúa Thánh Thần đã có chỗ để hành động, thì Đức Phanxicô nhanh chóng loại bỏ mọi chống đối phiến diện đối với Giáo Hội, vạch trần các than vãn vô cớ, rỗng tuếch xưa nay của thế gian. “Ngươi không thích Phêrô trong đôi giầy đỏ ư? Thì đây là Phêrô trong đôi giầy đen. Ngươi không thích Phêrô e thẹn và xa cách ư? Thì đây là Phêrô xông xáo sẵn sàng hôn người tàng tật mà sự hiện hữu vốn làm cho ngươi khó chịu, mà sự sống vốn bị ngươi coi là vô dụng, chẳng cần phải duy trì! Cầu được ước thấy nhá, bây giờ, chịu khó mà giải quyết vấn đề đi khi ta đưa ra những giáo huấn mà ngươi vẫn còn rất ghét, rất khinh bạc, chỉ lúc đó, ngươi mới hết ẩn mình đàng sau những “giận dữ công chính” nhân danh người nghèo; đến lúc đó, ngươi sẽ phải thừa nhận thực tại mà ngươi vốn hận thù; đến lúc đó, ngươi sẽ phải nhìn vào nội tâm, thấy được nỗi nghèo nàn cơ cực trong chính tâm hồn ngươi, và ngươi sẽ phải quyết định phải phục vụ ai và phục vụ điều gì, một cách tỉnh táo, không còn bị che phủ bởi những câu truyện tự bịa đặt hay thổi phồng xưa nay”.

Cũng theo Scalia, thực ra, Phêrô vẫn là Phêrô dù ở trong tông tòa hay không, dù ngài có gọi ngài là Giám Mục Rôma hay không. Phêrô vẫn là Phêrô dù ngự trên ngai hay đi lại giữa những người cần đến ơn chữa lành bằng cái bóng của mình. Thấy giáo triều, và Giáo Hội gặp khủng hoảng, giống một võ sĩ bị thế gian dồn vào góc quá lâu, Đức Bênêđíctô hiểu rõ nếu muốn sống còn, Giáo Hội cần phải lui vào một góc để giải lao và phục sức, sau đó sẽ tái xuất thi đấu. Ngài đã rung chuông và dành cho Giáo Hội cơ may ấy.

Ngay từ giây phút đầu tiên khi Đức Phanxicô xuất hiện trên bancông chính Nhà Thờ Thánh Phêrô, thế giới đã biết rõ vị giáo hoàng này là một võ sĩ thiêng liêng, một đe dọa thầm lặng, một võ sĩ có nụ cười và không đưa ra điều gì khác ngoài sự dịu dàng “đáng sợ”, một sự dịu dàng sẽ không ngừng đánh vào mạng lưới thần kinh ở bụng cho đến khi bạn nghẹt thở và cầu xin sự khoan hồng. Thế giới cần thứ thế đấm liên hồi này để hết còn phòng ngự. Mọi người, ít nhiều, đều sẽ thấy một điều gì đó đáng yêu nơi Đức Phanxicô nhưng đồng thời cũng một điều gì đó để bực mình nổi giận. Tất cả chúng ta đều bị thách thức phải ra khỏi vùng an toàn của mình.
 
Top Stories
Pope Francis: Regina coeli
Vatican Radio
11:32 01/04/2013
(Vatican Radio) Pope Francis prayed the Regina coeli with pilgrims gathered in St Peter's Square on Monday. The focus of his remarks before the traditional Eastertide prayer of Marian devotion was twofold: the reality of the resurrection and of Christ's grace; the need for us to cooperate with that grace so that it can become effective in our lives and in the world. Below, please find Vatican Radio's English language translation.

Dear Brothers and Sisters,

Happy Easter to you all! Thank you for coming today, in such large numbers, to share the joy of Easter, the central mystery of our faith. Let us pray that the power of the resurrection of Christ might reach everyone - especially those who suffer - and every place that is in need of trust and hope.

Christ has conquered evil fully and finally, but it is up to us, to people in every age, to embrace this victory in our lives and in the realities of history and society. For this reason it seems important to point out that today we ask God in the liturgy: “O God, who give constant increase to your Church by new offspring, grant that your servants may hold fast in their lives to the Sacrament they have received in faith.” (Collect for Monday in the Octave of Easter).

Indeed, the Baptism that makes us children of God, and the Eucharist that unites us to Christ, must become life. That is to say: they must be reflected in attitudes, behaviors, actions and choices. The grace contained in the Easter Sacraments is an enormous source of strength for renewal in personal and family life, as well as for social relations. Nevertheless, everything passes through the human heart: if I allow myself to be reached by the grace of the risen Christ, if I let that grace change for the better whatever is not good in me, [to change whatever] might do harm to me and to others, then I allow the victory of Christ to affirm itself in in my life, to broaden its beneficial action. This is the power of grace! Without grace we can do nothing – without grace we can do nothing! And with the grace of Baptism and Holy Communion, we can become an instrument of God's mercy – that beautiful mercy of God.

To Express in our lives the sacrament we have received: behold, dear brothers and sisters, our daily work – and, I would say, our daily joy! The joy of being instruments of the grace of Christ, as branches of the vine which is Christ himself, inspired by the sustaining presence of His Spirit! We pray together, in the name of the dead and risen Lord, and through the intercession of Mary Most Holy, that the Paschal mystery might work deeply in us and in our time, in order that hatred give way to love, lies to the truth, revenge to forgiveness, sadness to joy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gx Các Thánh Tử Đạo VN Seattle mừng lễ Chúa Phục Sinh
Nguyễn An Quý
12:14 01/04/2013
SEATTLE. Mừng Tam Nhật Vượt Qua để chuẩn bị đón mừng Chúa Phục Sinh năm 2013, hôm nay bước vào ngày thứ hai, ngày thứ sáu tuần thánh, ngày mà giáo hội hoàn vũ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Trong ngày trọng đại này, giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle hằng năm thường cử hành nghi thức phụng vụ một cách long trong theo truyền thống đức tin của người Công Giáo Việt Nam hét sức cảm động.

Lễ Vọng Phục Sinh năm 2013 tại Gx Các Thánh Tử Đạo VN Seattle

Thành phố mang tên Ngọc Bích hôm nay thật đẹp với bầu trời tươi mát, có ánh nắng dịu dàng tạo nên một khung cảnh mùa xuân thật tuyệt vời, đường phố đầy ắp hoa đào nở. Ngay trên con đường trước mặt nhà thờ của giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam những cây hoa đào cũng nở rộ đầy hoa. Mới hơn 5 giờ 30, nhà thờ đã đầy kín giáo dân đến tham dự lễ Vọng Chúa Phục Sinh được cử hành lúc 6 giờ chiều. Số lượng giáo dân đến tham dự lễ vọng năm nay quá đông đảo nên cha chánh xứ phải cho thiết kế hệ thống truyền hình trực tiếp ở Hội trường với màn ảnh lớn để giáo dân cùng tham dự Thánh lễ tại hội trường. Dù vậy vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nên trong giờ Thánh lễ rất đông giáo dân phải đứng ngay cả ngoài trời và các lối đi từ cửa ra vào trong suốt buổi lễ dài gần 2 giờ.

Xem hình ảnh

Đúng 6 giờ, cha phụ tá Nuyễn Sơn Miên chủ tế Thánh lễ bắt đầu nghi thức phụng vụ Vọng Phục Sinh. Mở đầu là nghi thức làm phép lửa. Trước cửa nhà thờ một số giáo dân cùng với nghi đoàn gồm các em giúp lễ và các vị Thừa Tác Viên Thánh Thể đã tập trung chung quanh một cái chậu lửa khá lớn. Nghi thức bắt đầu khi ngọn lửa vừa bùng cháy, Cha Chủ Tế liền cử hành nghi thức làm phép Lửa với lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã nhờ Con Chúa mà ban cho các tín hữu lửa vinh quang của Chúa, xin Thánh hóa lửa mới này và xin nhờ tuần lễ Phục Sinh này, cho chúng con được sốt sắng ao ước những sự trên trời, để chúng con đạt tới ngày lể sáng láng vĩnh cửu với tâm hồn trong sạch. Nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.(mọi người thưa Amen). Đoạn cha chủ tế lấy lửa đốt nến Phục Sinh và bắt đầu làm phép cây Nến Phục Sinh.”. Sau khi làm phép Lửa, thầy Triết thừa tác viên cầm cây nến lớn tiến đến vị chủ tế và cha chủ tế cử hành nghi thức làm phép Nến Phục Sinh. Trước tiên cha chủ tế kẻ hình Thánh Giá trên cây nến với các động tác như khi kẻ hàng dọc ngài đọc Chúa Kitô hôm qua và hôm nay, kẻ hàng ngang thì đọc: Nguyên thủy và cùng đích, phía đỉnh hàng dọc là Alpha, phía dưới là Omêga. Bốn góc của hình Thập giá được ghi niên hiệu của năm 2013 theo thứ tự bốn số 2,0,1,3 từ trái sang phải ở phần trên và phần dưới hàng dọc của hình Thập Giá.

Kết thúc phần nghi thức làm phép Lửa và Nến Phục Sinh, sau đó là buổi Rước Kiệu ánh sáng Chúa Kitô từ vị trí làm phép lửa và nến phục sinh. Vị Thừa tác viên cầm Nến Phục Sinh đi vào cửa chính của Thánh Đường, khi bước vào cửa chính thì cha chủ tế lớn tiếng hát câu: “Ánh Sáng Chúa Kitô”, mọi giáo hữu đều cất tiếng: “Tạ ơn Chúa”. Nến Phục Sinh được tiến lên gian Cung Thánh cùng với nghi đoàn. Đoàn kiệu tiến lên khoảng giữa Thánh Đường, cha chủ tế cất lên tiếng hát lần thứ hai: “Ánh Sáng Chúa Kitô” và mọi người cùng đáp lại: “Tạ ơn Chúa”. Nến Phục Sinh được dừng lại và một số các em giúp lễ liền chuyển ánh sáng từ nến phục sinh tức ánh sáng được đốt từ Nến Phục Sinh rồi chuyền đi để đốt toàn bộ các cây nến mà mọi giáo hữu hiện diện đang có sẳn trong tay.

Sau khi toàn bộ đèn cầy của giáo dân đã được đốt cháy từ Ánh Sáng Nến Phục Sinh xong, Cha chủ tế và nghi đoàn tiến lên Cung Thánh. Cha chủ tế bước lên Cung Thánh và đọc lời nguyện mở đầu nghi thức canh thức Phục Sinh: “Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và miệng lưỡi chúng con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố tin mừng phục sinh của Chúa: Nhân danh Cha và Con và Thánhh Thần”. cộng đoàn thưa Amen

Khi lời nguyện của cha chủ tê kết thúc, thầy Thừa tác viên đem Nến Phục Sinh cắm vào chân đèn. Cha Nguyễn Sơn Miên tiến về vị trí để công Bố tin mừng Phục Sinh, và hát: ” Hãy vui lên, hỡi ca đoàn Thiên sứ, hãy vui lên, hỡi những mầu nhiệm thánh. Tiếng loa cứu độ, hãy vang khúc mừng Vua Cả khải hoàn. Vui lên hỡi trái đất rực rỡ trong ánh sáng huy hoàng….”Kết thúc lời công bố tin mừng Phục Sinh, toàn bộ đèn cầy của giáo dân cầm trong tay đều được tắt để bắt đầu nghi thức canh thức Phục Sinh qua phần phụng vụ Lời Chúa. Mở đầu là Bài đọc I: trích sách Sáng Thế (St 1, 1 - 2, 2) kể lại câu chuyện Chúa dựng nên trời đất và cuối cùng là Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài có Nam có Nữ với lời phán: Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, hãy thống trị tất cả mọi loài …”Bài đọc II: trích Sách Xuất Hành (Xh 14,15 15-15,1) mô tả việc Chúa cho Mosê dẫn toàn dân Irael vượt giữa lòng biển để tránh quân Ai Cập truy bắt. Bài Đọc III: trích sách Tiên tri Isaia (Is 55,1-11): với đoạn: “Hãy đến cùng Ta và hồn các ngươi sẽ được sống”.kế đến là Đọc IV: bài trích sách tiên tri Êdêkiel (Ed 36, 16-17a. 18-28) nói lên ý nghĩa: "Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới". Kết thúc phần cựu ước, đèn trong nhà thờ được mở sáng và ca đoàn hát kinh Vinh Danh, bức màn che trên cung thánh được từ từ hạ xuống, hình ảnh Chúa Phục Sinh được nổi hiện ra cùng với tiếng chiêng trống ngân vang mở đầu dấu hiệu biều tỏ sự vui mừng của toàn thể dân Chúa trong giáo xứ đang hiện diện đón mừng Chúa Phục Sinh một cách long trọng. Phần vụ lời Chúa được tiếp nối với bài Thánh Thư của Thánh Phaolô ( Rm 6,3-11) gởi tín hữu Rôma: "Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa". sau đó cha chủ tế công bố Bài Tin Mừng Lc 24, 1-12

“Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn. Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, nhưng bước vào, các bà không thấy xác Chúa Giêsu. Ðang khi các bà còn ngơ ngác không hiểu việc đó, thì có hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói. Các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất, thì hai người lên tiếng bảo: "Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây. Người đã sống lại, các bà hãy nhớ lại Người đã nói với các bà thế nào khi Người còn ở xứ Galilêa. Người đã nói: Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại"….”

Phần chia sẻ lời Chúa qua bài giảng ngắn gọn cha chủ tế nói: hằng năm chúng ta có hai vui mừng: ngày thứ nhất là ngày vui đón mừng Chúa Giáng Sinh, ngày vui thứ hai cũng không kém phần trọng đại đó là ngày Chúa Phục Sinh. Chúa Giáng Sinh, Ngài đến để phục vụ con người. Chúa Phục Sinh mang lại cho chúng ta niềm hỵ vọng sống lại trong vinh quang của Chúa…. Đón mừng Chúa Phục Sinh, xin mỗi người chúng ta luôn tin tưởng vào tình yêu của Chúa. Chúa đã ban cho mỗi ngươì chúng ta quá nhiều, ngay cả mạng sống của Ngài, xin cho mỗi gươì chúng ta biết kết hợp với Chúa trong đời sống để biết yêu thương và tha thứ cho nhau… ”

Thánh lễ kết thúc vào khoảng gần 8 giờ tối sau lời chúc mừng lễ Phục Sinh đến mọi người và mọi gia đình trong giáo xứ của cha chủ tế sau đó cha chủ tế Ban Phép Lành đặc biệt lành kết thúc Thánh Lễ. Mọi người ra về trong niềm vui của Chúa Phục Sinh. Đông đảo giáo dân cũng đã có mặt ở ngoài nhà thờ, chờ vào dâng Thánh Lễ tiếp theo lúc 8 giờ.

Ngắm sự thương khó

Từ 3 giờ chiều, giáo dân đã tập trung để bắt đầu cử hành các nghi thức như: ngắm 15 sự Thương Khó Chúa, tháo đinh, táng xác Chúa và suy tôn Thánh Giá. Chương trình được bắt đầu bằng buổi ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa, mỗi hội đoàn trong giáo xứ đều có các vị đại diện lên đọc các phần ngắm sự thương khó này. Sau phần ngắm Sự Thương Khó, một nghi đầy cảm động đó là nghi thức tháo đinh, hạ xác và táng xác Chúa. Những vị trong đoàn cử hành nghi thức hạ xác và táng xác Chúa đều mặc tang phục rất trang trọng để cùng chịu tang khi diễn đạt cảnh táng xác Chúa trong ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn mà Chúa đã gánh chiụ cho đến chết để cứu chuộc nhân loại. Tượng Chúa được đặt trong một khung kính tượng trưng chiếc quan tài. Giáo dân tham dự đã cung nghinh tượng Chúa Giêsu đến ở vị trí được thiết kế như mộ đá mà xưa kia đã tang xác Chúa gọi là MỒ CHÚA.

Trên suốt chặng đường kiệu xác Chúa, những tiếng trắc đánh từng ba tiếng một qua từng chặng đường thật vô cùng cảm động. Khi đoàn kiệu xác Chúa đến vị trí, linh cửu được đặt trong mồ đá, các hội đoàn cũng như nhiều giáo dân có mặt đã lần lượt đến viếng mộ và hôn chân Chúa. Tất cả mọi người tham dự đã tỏ lòng cung kính khi viếng mộ Chúa. Trong thời gian mọi người kính viếng mộ Chúa, phần diễn nguyện do các nhóm đặc biệt phụ trách đã tạo thêm sự thiêng liêng, tạo nên sự sốt sắng cho mọi người hiện diện khi hướng về cuộc khổ nạn của Chúa cách đây gần 2 ngàn năm.

Đúng 5 giờ chiều, giáo dân tập trung tại nhà thờ để cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá do linh mục phụ tá Nguyễn Sơn Miên chủ sự cùng với thầy sáu phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ giúp phụng vụ. Mở đầu nghi thức phụng vụ, nghi đoàn gồm các em giúp lễ. các vị thừa tác viên Thánh Thể cùng với linh mục chủ sự tiến lên gian cung thánh. Cha chủ sự bắt đầu bằng lời nguyện dẫn nhập nghi thức phụng vụ. Phần phụng vụ lơì Chúa được bắt đầu với các bài đọc I và Bài Đọc II.. Bài Thương Khó Chúa Giêsu theo Thánh Gioan được hát một cách trọng thể. Đặc biệt nghi thức cử hành phụng vụ lúc 5 giờ giáo dân tham dự quá đông đảo, tất cả các lối đi trong nhà thờ đều đầy kín người.

Phần giáo dân hôn kính Thánh Giá Chúa được tiến hành nhanh chóng nhờ việc Thánh Giá được đặt ở 5 vị trí trong nhà thờ nên việc hôn kính Thánh Giá cũng tương đối khá nhanh chóng và trật tự. Giáo dân tham dự nghi thức phụng vụ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô chiều nay khá đông đảo, nên giáo xứ đã thiết kế một màn ảnh lớn và trực tiếp truyền hình suốt buổi phụng vụ cho giáo dân ngồi ở hội trường tham dự nghi thức phụng vụ. Sau phần hôn kính Thánh Giá là nghi thức Rước Mình Thánh Chúa. Sau đó mọi người đều ra về trong thinh lặng lúc 6 giờ 50 để nhường chỗ cho phiên phụng vụ kế tiếp được bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối.
 
Lễ Chúa Phục Sinh, Tân Tòng gia nhập Giáo Hội tại Sydney
Diệp Hải Dung
07:44 01/04/2013
Chúa Nhật Phục Sinh 31/03/2013, sau những tháng ngày học hiểu về Giáo Lý, Kinh Thánh 21 Anh Chị Em Tân Tòng thuộc Giáo đoàn Cabramatta đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta Sydney tham dự Đại Lễ Phục Sinh và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Bí tích Thánh Thể để chính thức gia nhập vào đoàn chiên của Chúa.

Xem hình ảnh



Trước khi khai mạc Thánh lễ, Cha Paul Văn Chi Tuyên úy Đặc trách Ban Truyền Giáo TGP Sydney chúc mừng Phục Sinh đến với tất cả mọi người trong Giáo đoàn, đồng thời Cha cũng chúc mừng 21 anh chị em Tân Tòng hôm nay đón nhận Bí tích Khai Tâm để gia nhập vào Giáo Hội.



Trong bài giảng, Cha Paul Văn Chi kể những mẫu truyện tiêu biểu về Chúa Giêsu KiTô Phục Sinh đã biến đổi tất cả chúng ta trở thành những con người mới, những con người yêu thương, những con người phục vụ, những con người xây dựng hòa bình, xây dựng hạnh phúc. Đức KiTô Phục Sinh đổi mới từ chán nản bi quan tới niềm vui và hy vọng yêu thương, từ sầu khổ đến hân hoan, và từ đêm tối hận thù ghen ghét nghi kỵ, từ đêm tối của sự chết trở thành một niềm vui hy vọng sống lại vinh quang Alleluia…



Sau bài giảng, ông Giuse Huỳnh Công Lợi Ban Truyền Giáo đọc danh sách các anh chị em Tân Tòng lên trước bàn thờ tuyên xưng Đức Tin và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, đồng thời nhận Khăn Trắng và Ánh Nến Phục Sinh của Chúa KiTô sau đó các anh chị em đón nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức. Cha Paul Văn Chi Đặc trách Ban Truyền Giáo chúc mừng 21 anh chị em Tân Tòng và mọi người cùng vỗ tay chúc mừng.

Trước khi kết thúc Thánh lễ Cha Patrick Chính xứ Cabramatta ngỏ lời chúc mừng các anh chị em Tân Tòng. Ông Đào Huy Thái Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Cabramatta cũng thay mặt Giáo đoàn ngỏ lời chúc mừng Phục Sinh và các anh chị em Tân Tòng được gia nhập vào Giáo Hội.

Sau cùng cô Thi Thanh Huyền đại diện anh chị em Tân Tòng ngỏ lời “Được có ngày hôm nay, trước hết chúng con vô cùng cảm tạ Thiên Chúa, Mẹ Maria và các Thánh. Các Ngài đã yêu thương kêu gọi và dẫn dắt chúng con trở lên con cái của các Ngài.” Chúng con cũng hết lòng cám ơn Cha Chủ tế Paul Văn Chi, quý Giảng Viên Giáo Lý, quý Vú Bõ đỡ đầu đã tận tình hướng dẫn cho các anh chị em Tân Tòng chúng con học hiểu Giáo Lý, Kinh Thánh biết về Chúa để chúng con gia nhập vào Giáo Hội của Chúa. Chúng con kính xin Cha và tất cả mọi người cầu nguyện cho chúng con trên bước đường chập chững bước theo Chúa.



Thánh lễ kết thúc Cha Paul Văn Chi và Ban Mục Vụ Giáo đoàn phát quà Trứng Phục Sinh (Easter Eggs) mừng Phục Sinh cho các anh chị em Tân Tòng và tất cả mọi người.

Vào buổi sáng cùng ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tại Giáo đoàn Revesby có 9 anh chị em Tân Tòng cũng được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội chính thức gia nhập vào Giáo Hội. Các anh chị em Tân Tòng được sự hướng dẫn của ông Hoàng Văn Long Trưởng Ban Truyền Giáo TGP Sydney.
 
Giáo xứ Nam Viên hân hoan mừng lễ Phục Sinh
Nguyễn Hoa
10:35 01/04/2013
BẮC NINH - Xứ đạo Nam Viên yên bình nay bỗng trở nên nhộn nhịp hơn bởi tiếng trống, tiếng chiêng, bởi tiếng bước chân hối hả về ngôi Thánh Đường của giáo xứ để đón mừng niềm vui Chúa sống lại. Phần lớn giáo dân của giáo xứ Nam Viên có gốc từ Bùi Chu đến làm ăn sinh sống và rồi định cư luôn ở đây nên có những điểm khác biệt nho nhỏ. Tuy nhiên điều đó không quan trọng vì tất cả đều là “con một cha, nhà một Chúa”.

Xem hình ảnh

Đúng 19h ngày Chúa nhật Phục Sinh, mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ hân hoan cùng nhau rước kiệu Chúa Kitô và Đức Mẹ vòng quanh làng. Ánh sáng lung linh tỏa ra từ cây nến mà mỗi người cầm trên tay như khiến mọi thứ trở nên thiêng liêng hơn, mầu nhiệm hơn. Đoàn người không bước đi trong lặng lẽ mà hát lên những khúc ca, xướng lên những câu kinh mừng “Chúa chiến thắng tử thần”. Rước kiệu Chúa Phục sinh không chỉ đơn thuần là một nghi lễ mà sâu sắc hơn là để biểu hiện niềm tin, tình yêu của mỗi người với Đấng đã “hiến mạng sống vì người mình yêu”. Từ ánh mắt trong sáng của các em thiếu nhi đến những vết nhăn thời gian hằn lên trên trán của những cụ già đều như được thổi một luồng gió mới: an lành và bình yên đến lạ. Phải chăng đó chính là hồng ân mà khi Chúa sống lại, Ngài đã gột sạch tội lỗi và ban ơn cho mỗi con dân của Ngài.

Đại lễ Phục Sinh diễn ra ngay sau đó dưới sự chủ tế của cha Fx Nguyễn Văn Thắng, mỗi người như ý thức được tầm quan trọng của Thánh Lễ nên ai ai cũng sốt sắng khiến không khí thêm trang nghiêm. Trong bài giảng cha xứ giải thích cho cộng đoàn hiểu về “Mầu nhiệm Phục Sinh chính là chân lí nền tảng cho đời sống Đức Tin Kitô giáo”. Ngài cũng nhấn mạnh với mọi người rằng không chỉ nhận biết mà còn phải sống và rao giảng Tin Mừng Phục Sinh nữa. Thoáng thấy nụ cười hiện trên môi mỗi người có lẽ rằng họ đã hiểu được những gì mà qua lời giảng của cha chủ tế mà Chúa muốn gửi đến họ.

Thánh Lễ kết thúc nhưng mọi người nán lại để trao nhau những lời chúc, câu cảm ơn hay lời xin lỗi muộn màng. Mọi người cũng không quên dâng lên Chúa tiếng nguyện cầu cho vị Cha xứ kính yêu đang bệnh, cho những người con đang học tập, làm ăn xa xứ. Và tiếng vỗ tay thay cho lời đoan hứa sẽ sống xứng đáng với những gì mà Chúa đã chết và đã sống lại.

Xin được trích câu nói của Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbit thay cho lời kết. Nguyện xin cho giáo dân giáo xứ Nam Viên nói riêng và toàn thể những người có chung niềm tin vào Thiên Chúa biết hiểu và sống theo đúng ý nghĩa của Mầu nhiệm Phục Sinh: “Việc Chúa Giêsu đã sống lại có ý nghĩa gì? Sự kiện này có nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ và chính cái chết, nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta và làm cho những nơi khô cằn trong con tim chúng ta nở hoa”.
 
Tam Nhật Thánh và Đại Lễ Phục Sinh tại Giáo Xứ Tam Biên
Phan Ry
10:54 01/04/2013
"Mừng vui lên, (Exultet)! Mừng vui lên (Exultet)! , Mừng vui lên (Exultet)! hỡi muôn lớp cơ binh Thiên Thần trên trời ...." Thật là một đêm Hồng phúc, một đêm được đầy ơn cứu độ, một đêm tất cả những xiềng xích bị bẻ tan và những đau khổ, tối tăm được tràn ngập ánh sáng và tình yêu.

Xem hình ảnh

Thật là một niềm hạnh phúc khó tả khi nhìn thấy ngôi thánh đường đầy ngập người là người hân hoan mừng đại lễ. Thánh Đường Tam Biên với 1200 chỗ ngồi, cộng thêm 400 ghế xếp phía cuối và ngoài nhà thờ mà giáo dân vẫn phải đứng vòng trong vòng ngoài và 24 dự tòng tham dự đêm lễ Vọng Phục Sinh. Cha Phó Trần Cao Thượng, Giáo Xứ Tam Biên, trong bài giảng, Ngài đã chia sẻ và đã nói lên ý nghĩa của đêm Chúa Phục Sinh, một đêm đầy ánh sáng với đầy sức sống như con người từ trong bóng tối tội lỗi, được giải thoát qua sự phục sinh khải hoàn của Chúa Kytô, như những cành được tháp vào với cây để tăng trưởng sức sống và sinh bông trổ trái. Cha Phó đã dẫn đưa ý nghĩa của Chúa Kytô phục sinh đến Cộng Đoàn qua những tinh thần phục vụ, hy sinh của mỗi người cho Giáo Xứ, để thăng tiến cho Cộng Đoàn và cho Giáo Hội, và cho mỗi gia đình biết thương yêu nhau và xã hội không còn bất công và hận thù.

Nhưng để ngày mừng Chúa Ky Tô phục sinh khải hoàn được đầy đủ ý nghĩa và được sốt sáng, Giáo Xứ Tam Biên đã chuẩn bị từ khung cảnh đến tâm hồn cho giáo dân từ những ngày đầu tiên Mùa Chay - thứ Tư lễ Tro – Cung Thánh chỉ chơ vơ ít cành cây khô với các dây tím giăng quanh nhà thờ. Trang phục của Ban Tiếp Đón và ca đoàn cũng cùng một màu tím u buồn như màu áo các cha. Bên cạnh đó, giáo dân được dành nhiều thời gian để hòa giải với Chúa, và với những ngày tĩnh tâm thinh lặng để có những giây phút tìm về chính mình và đến gần với Chúa hơn.

Qua ngày Thứ Năm tuần thánh, Giáo Hội kỷ niệm bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu dùng với các tông đồ, cũng là thời điểm mà Chúa đã rửa chân cho các Ngài, để dạy cho các Ngài về tầm quan trọng trong tinh thần phục vụ và khiêm tốn. "Cứ dấu này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy thương yêu nhau". Trong tâm tình này, chính Cha Chánh Xứ Nguyễn Văn Tuyên, và Cha Phó Trần Cao Thượng đã diễn lại những nghĩa cử cao quí đó. Các Ngài cũng đã rửa chân cho 12 vị tông đồ, đại diện là 7 vị cựu chủ tịch và các vị cao niên đã gắn bó và đóng góp công sức lâu dài với Cộng Đoàn. Vị chủ chăn của Giáo Xứ, đại diện cho Chúa Giêsu, Cha Chính xứ và Cha phó cũng đã rửa chân và hôn chân các vị đại diện cho 12 tông đồ một cách thân tình và đầy tình yêu mến trước sự chứng kiến của gần 1800 giáo dân tham dự Thánh Lễ. Sau Thánh Lễ là cuộc rước kiệu đưa Mình Thánh Chúa qua Nhà Tạm một cách trọng thể. Đoàn rước đã tiến hành từ nhà thờ chính đến nhà thờ cũ, nơi đã được trang trí với những cây cối chen lẫn những núi đồi như trong vườn Giệtsimani, nơi mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng với các tông đồ năm xưa. Dọc hai bên đường có các em Thiếu Nhi Thánh Thể đứng làm dàn chào cho kiệu Thánh Thể đi qua. Đi trước kiệu là đội Tung Hoa. Ngay sau kiệu là các tông đồ và cộng đoàn dân Chúa theo sau. Cộng đoàn đã chầu Mình Thánh đến 12 giờ đêm mới chấm dứt.

Thứ Sáu tuần thánh Tam Biên được bắt đầu vào lúc 2:00 chiều, Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Tam Biên đã diễn lại 14 chặng đường lên núi Golgotha, còn gọi là núi sọ, trong khuôn viên nhà thờ với 4 sắc dân tham dự (Mỹ, Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân và Việt Nam). Ngay sau những chặng đường thương khó của 4 sắc dân, vào lúc 17:30 chiều là nghi thức suy tôn và hôn kính Thánh Giá của Cộng Đoàn Việt Nam. Tham dự nghi thức lễ thứ Sáu Tuần Thánh tại ngôi thánh đường Tam Biên lần cuối năm nay, phải đến hơn 1500 giáo dân tham dự, và sau nghi thức suy tôn Thánh Giá, cộng đoàn đã dùng cơm chay với nhau. 1500 phần ăn: cơm với tôm rim, đậu hũ sốt cà và bắp cải muối chua ngọt đã được giáo dân yêu mến thưởng thức hết sạch trước khi vào đêm tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu qua những nghi thức đọc đoạn, thánh ca, dâng hạt, đóng đinh, tháo đanh, và táng xác Chúa trong mồ.

Trong những giây phút suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, xen lẫn với những bài thánh ca, cha Phó Trần Cao Thượng đã dẫn đưa giáo dân trở về với thời gian hơn 2000 năm về trước, khi Chúa Giêsu bị bắt, bị đánh đòn, bị vác thánh gía và cuối cùng bị đóng đinh trên cây thập tự đ ã làm bao nhiêu giáo dân thổn thức rơi nước mắt. Ngài nhấn mạnh “Nhưng nhờ cái chết của Chúa Giêsu, mà con người được cứu rỗi, bóng tối nhân gian được xóa tan, những ưu phiền và khổ đau được an bình và hạnh phúc. Đó là đêm Bình An và Hồng Phúc mà khắp nơi trên thế giới đang mừng kính và tôn vinh Chúa khải hoàn Phục Sinh ngày hôm nay.”

Đây chính là một món quà vô giá của Thiên Chúa cho thế giới và đặc biệt cho Công Đoàn Giáo Xứ Tam Biên với hơn 1600 giáo dân khắp nơi đến tham dự Thánh Lễ thật sốt sáng và đầy tràn niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh.
 
Giáo xứ Phú Xuân - Nhà Bè: Niềm vui trong Lễ hội Phục Sinh
Hồng Tuyến
12:57 01/04/2013
SAIGÒN - “Chúa đã sống lại! “Thông điệp của niềm vui ấy luôn vang lên trong cuộc sống của những người tin Chúa Kitô, và nhất là vào mỗi dịp mừng Đại lễ Phục Sinh.

Để cùng với Giáo hội toàn cầu diễn tả niềm vui mừng Chúa Phục Sinh, gia đình giáo xứ Phú Xuân đã tổ chức chương trình Lễ Hội Phục Sinh dành cho thiếu nhi, vào lúc 14g30, Chúa nhật 31.03.2013.

Xem hình ảnh

Đến tham dự ngày hội có Cha sở Đaminh Ngô Quang Tuyên, Cha sở giáo xứ Tắc Rỗi Martin Trần Quang Vinh, Hội Các Bà mẹ Công giáo, Ban Giáo lý, các hội đoàn và toàn thể các em thiếu nhi trong giáo xứ.

Sau khi khai mạc, chương trình bắt đầu với việc đổi phiếu tham dự hội chợ cho các em thiếu nhi. Với các phiếu có được trong chiến dịch mùa Chay 2013, các em đổi thành những phiếu tham dự hội chợ. Chương trình hội chợ bao gồm hai phần: Trò chơi dân gian và lễ hội ẩm thực. Các trò chơi dân gian do các thầy cô giáo lý viên đảm trách. Riêng phần ẩm thực do Các Bà mẹ Công giáo trong giáo xứ thực hiện, với nhiều món ăn hấp dẫn.

Các gian hàng trò chơi được thiết kế ở các phòng học giáo lý, phía trên lầu. Các em chơi các trò chơi đến 15g30.Đúng giờ qui định, các gian hàng trò chơi đồng loạt kết thúc, để chuyển qua chương trình lễ hội ẩm thực . Bữa tiệc buffet, với các món ăn tự chọn, được tổ chức dưới tán lá của những cây sakê, phía sân sau nhà xứ. Sau hồi chuông báo, tất cả thiếu nhi cùng tập trung về đây để chờ đón cha sở đến khai tiệc.

Trong phần khai tiệc, cha sở nhấn mạnh đến niềm vui của ngày Lễ Phục Sinh. Đồng thời cha cũng cám ơn Ban Giáo lý, các Bà mẹ Công giáo, và mọi thành phần dân Chúa đã cùng nhau mang niềm vui đến cho thiếu nhi trong dịp lễ Phục Sinh. Qua đó, cha cũng đã giáo dục các em thiếu nhi về lòng biết ơn.

Trong bầu khí đầm ấm, thân thương của một gia đình, cha đã có những trò chơi sinh hoạt vui nhôn với các em, làm cho mọi người cảm thấy gần gũi với cha và với nhau hơn. Tiếp theo, cha làm phép của ăn và tuyên bố khai tiệc. Trong trật tự, các em đã đến các gian hàng để mua thức ăn. Thật dễ thương với hình ảnh các bé lớp Khai tâm đang ngơ ngác giữa đám đông và được các anh chị lóp lớn đến chỉ dẫn, giúp đỡ.

Và rồi mọi người đều bất ngờ khi cha sở trở lại lễ hội ẩm thực, với chiếc đàn Accordeon trên tay. Cha đã vui vẻ, phục vụ các em những bản nhạc hòa tấu du dương. Các em rất thích thú về điều này và cùng xúm xít bên cha, vừa ăn, vừa thưởng thức âm nhạc.

Khi các món ăn đã “ sạch sẽ”, buổi tiệc kết thúc, các anh chị lớp lớn cùng phụ giúp các mẹ và thầy cô dọn dẹp vệ sinh, sau đó cùng tập trung về phía sân trước nhà thờ để chụp hình lưu niệm.

Lễ hội Phục Sinh không chỉ dừng lại nơi đây vì đỉnh cao của ngày hội chính là Thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh. Thánh lễ do Cha Martin Trần Quang Vinh chủ sự. Những bài hoan ca Phục Sinh từ tiếng hát đơn sơ của ca đoàn thiếu nhi và cộng đoàn cùng với bài giảng của cha chủ tế đã tạo nên bầu khí vui tươi của ngày Đại lễ Phục Sinh. Trong khi cha diễn giải bài Tin Mừng, các em đã tích cực tham gia trả lời những câu hỏi mà cha đặt ra. Và dễ thương nhất vẫn là những câu trả lời của các bé Khai Tâm.

Mặc dù đã trải qua cả buổi chiều “ ăn – chơi”,nhưng khi vào Thánh Lễ, các bé đã biết chú ý nghe Lời Chúa và đã đưa ra những câu trả lời chính xác đến không thể ngờ!!! Qua các câu hỏi của cha chủ tế, với chất giọng ngây thơ, hồn nhiên, bé Martin Nguyễn Hữu Đức, 5 tuổi, lớp Khai Tâm 1 đã “tường thuật lại” biến cố Phục Sinh. Khi vừa quay về chỗ ngồi, bé đã hớn hở, cười thật tươi và khoe với cô: “ Hôm nay, con trả lời đúng đến ba câu đó cô!” Niềm vui của cậu bé cũng gợi lên cho chúng ta một thông điệp về ngày Lễ Phục Sinh hôm nay: Khi nhận ra được Tin Mừng Phục Sinh và loan báo Tin Mừng đó cho người khác thì chúng ta sẽ có đươc niềm vui, niềm vui mà không ai có thể lấy mất của chúng ta ( x…….)

Thánh lễ tiếp diễn trong tâm tình hân hoan và tạ ơn. Sau Thánh lễ, cha chủ tế đã phát trứng Phục Sinh cho các em thiếu nhi.

“Chúa đã sống lại! “Thông điệp của niềm vui ấy luôn vang lên trong cuộc sống của những người tin Chúa Kitô, và nhất là vào mỗi dịp mừng Đại lễ Phục Sinh.Cùng với niềm vui ấy, lễ hội hôm nay không chỉ mang niềm vui đến cho thiếu nhi mà còn mang niềm vui đến cho các thành phần dân Chúa trong giáo xứ, khi cùng cộng tác vào các công việc chung. Gia đình giáo xứ Phú Xuân chúng con xin tạ ơn Chúa vì những niềm vui mà từng người chúng con có được trong ngày Đại lễ Phục Sinh 2013. Nguyện xin bình an của Đức Kitô Phục Sinh sẽ luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng con. Amen!!! Halleluia!!!
 
Mừng Chúa Phục Sinh tại giáo xứ Đức Mẹ La Vang Tucson, Arizona
Lý Liêm
19:43 01/04/2013
TUCSON, AZ(03/30/2013): tuần thánh được chuẩn bị tâm hồn sốt sắng, với sự hướng dẫn, giúp đỡ cuả cha JB Nguyễn Minh Phương, CSsR đến từ VN, qua lời mời cuả cha quản nhiệm Dominic Phúc Phạm,CSsR. giáo dân GXĐMLV nô nức, đón mừng Chuá Phục Sinh Khải hoàn chiến thắng sự chết.

Xem hình ảnh

Cùng vui mừng với giáo hội toàn cầu, Thánh lể vọng Phục sinh khai mạc lúc 8giờ tối, trước đó mọi người trong giaó xứ đã tụ họp đầy sân nhà thờ, gần tượng đài Đức Mẹ La Vang nơi sẽ diễn ra nghi thức làm phép lửa mới và nến Phục sinh do cha quản nhiệm GX chủ tế, cùng đồng tế cha JB Phương,CSsR.cha Phương khơi gợi cho giáo dân nhớ lại rằng xưa dân Do Thái đi trong đêm tối, vượt qua sa mạc Chuá đã cho những cột lửa dẫn đường họ, ngày nay Chúng ta có “ánh lửa Phục Sinh” soi rọi cuộc đời tăm tối vì hận thù, bạo lực, bất công, áp bức, gian dối và cả văn hoá sự chết: phá thai, thế tục hoá giáo hội…..

Sau khi nghi thức công bố Phục sinh. Cha Phương chia sẻ niềm vui Chuá sống lại, ngày xưa niềm tự hào cuả dân Do Thái là thoát khỏi kiếp nô lệ Ai-Cập, là vượt qua biển Đỏ ráo chân. là hình ảnh thoát khỏi lệ thuộc vào tội lỗi cuả chúng ta ngày nay. bằng những “ dụ ngôn” thời đại. thiết thực cho tín hữu Kitô mang ơn Chuá Phục Sinh về cuộc sống đời thường cuả mình nơi gia đình, khu vực mình sinh sống, nơi làm việc và chia sẻ cho người khác.

Cha lại cũng nhắc lời cuả, ĐTC danh dự Benedic 19 trong năm đức tin, là Kitô Hữu phải tái khám phá mầu nhiệm đức tin. Chúng ta cảm tạ ơn Chuá Phục Sinh đã đi vào lòng chúng ta, biến đổi tâm hồn chúng ta để trở thành con cái cuả Thiên Chuá. Vì cùng một sự kiện có người được ân phúc có người không: khi đặt chân lên mặt Trăng thì phi hành gia Neil Armstrong cuả Mỹ đã giở kinh thánh ra cất lời ca tụng Chuá, nhưng phi hành gia cuả Liên Sô lúc bấy giờ lại phát biểu: “ chẳng thấy Chuá đâu!”.

mầu nhiệm Phục Sinh hôm nay dẫn đưa chúng ta đi đâu? Là câu hỏi mà mỗi giáo dân tự đặt ra cho mình. thánh Augustino đã nói“Chúng ta hãy chạy vì chúng ta đi về nhà Thiên Chúa. Chúng ta hãy chạy vì hành trình này không làm kiệt sức chúng ta, vì chúng ta sẽ tới đích nơi đó không làm hao tổn sức lực. Chúng ta hãy chạy về nhà Thiên Chúa và tâm hồn ta vui mừng vì những người đã lặp lại những lời đó. Họ đã nhìn thấy quê nhà trước chúng ta, các thánh Tông đồ đã thấy quê nhà và đã nói với chúng ta: ‘Hãy chạy, chạy mau, hãy theo chúng tôi! Chúng ta đang tiến về nhà Thiên Chúa’.”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền : Một Ngày Đồng Áng
Dominic Đức Nguyễn
21:17 01/04/2013
MỘT NGÀY ĐỒNG ÁNG
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Cứ trong gia tộc nhà ta
Cấy cày là nghiệp ông cha nối dòng
Mỗi kỳ gặt hái vừa xong
Mọi người hớn hở trong lòng yên vui.
(Ca dao)