Ngày 03-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đồng Hành với Chúa Giêsu Trên Đường Thập Giá - Bài 10
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
05:58 03/04/2010
Nơi Thứ Chín - Chúa Giêsu Ngã Xuống Ðất Lần Thứ Ba


Bàn tay bất lực của Thiên Chúa phải giơ lên để được giúp đỡ (Is 53:8-20)


Khi Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba, Người chất chứa trong thân thể Người tất cả sự cô đơn của một nhân loại tuyệt vọng. Người không đứng lên được nữa nếu không ai giúp Người. Nhưng không ai giơ tay ra giúp Người và nâng Người dậy. Thay vào đó, người ta lại đánh vào bàn tay rộng mở của Người và dùng những bàn tay hung bạo mà kéo Người đứng lên. Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm Người, ngã xuống để chúng ta có thể cúi xuống trên Người và tỏ cho Người tình yêu và lòng trắc ẩn của chúng ta, nhưng chúng ta quá bận rộn với những chuyện khác nên không hay biết. Thiên Chúa, mà tay Người nắn thành vũ trụ, ban hình dáng cho Adong và Evà, đã chạm đến tất cả mọi người đau khổ với sự dịu dàng, và Ðấng nâng đỡ mọi sự trong tình thương, trở nên một con người với bàn tay con người để xin bàn tay người ta giúp đỡ. Nhưng đôi tay ấy vẫn còn mở ra và đã bị đâm thủng bởi những mũi đinh nhọn.

Từ khi tôi biết bàn tay của Thiên Chúa – không phải bàn tay uy quyền điều khiển dòng lịch sử, nhưng là bàn tay bất lực van xin được nắm lấy bởi một bàn tay chăm sóc của con người – tôi đã nhìn bàn tay tôi cách khác. Dần dần, tôi đã thấy thấy bàn tay bất lực của Thiên Chúa giơ ra cho tôi khắp nơi trên thế giới, và, càng thấy rõ điều ấy, thì những bàn tay giang thẳng đó lại càng xem ra gần gũi hơn. Những bàn tay của người nghèo đang xin thức ăn, những bàn tay của những người cô đơn kêu xin được sự hiện diện đơn giản, những bàn tay của những trẻ em xin được nâng lên và ấp ủ, những bàn tay của những bệnh nhân hy vọng được người khác chạm đến, những bàn tay của những người bất tài muốn được huấn luyện - Tất cả những bàn tay này là những bàn tay của Chúa Giêsu bị ngã đang chờ đợi người khác đến và cho Người những bàn tay của họ.

Trong tôi luôn có sự cám dỗ để nghĩ về những bàn tay ăn xin của dân chúng ở Calcutta, Cairô, hay New York, xa, thật xa, mà không thấy những bàn tay đang mở ra, giơ lên ngay nơi tôi đang ở. Mỗi đêm tôi đi nghỉ và nhìn vào hai bàn tay tôi. Và tôi phải hỏi chúng: “Các anh có giơ ra cho một trong những bàn tay mở ra chung quang các anh và đem đến cho họ một chút bình an, hy vọng, can đảm, và tin tưởng không?” Một cách nào đó, tôi cảm thấy rằng tất cả những bàn tay con người van xin sự giúp đỡ thuộc về những bàn tay của nhân loại sa ngã của chúng ta, và rằng khi chúng ta giơ tay ra và chạm đến chúng, chúng ta tham gia vào việc chữa lành toàn thể nhân loại.

Việc Chúa Giêsu ngã xuống và kiếm tìm sự giúp đỡ để đứng lên hầu làm tròn sứ vụ của Người, làm cho chúng ta có thể có khả năng chạm đến Thiên Chúa và toàn thể nhân loại trong mọi bàn tay con người và cảm nghiệm ở đó ân sủng thật của sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

Lm. Henri J.M. Nouwen

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Đồng Hành với Chúa Giêsu Trên Đường Thập Giá - Bài 11
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
06:06 03/04/2010
Nơi Thứ Mười - Chúa Giêsu Bị Lột Trần


Tôi phải ôm lấy sự nghèo nàn của chính tôi – và cái nghèo của toàn thể nhân loại. (Is 53:1-3)


Chúa Giêsu bị lột hết áo quần. Quân lính rút thăm để quyết định xem ai được áo của Người (xem Ga 19:24). Người không còn gì trên than thể. Ngưởi, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của mọi tạo vật, trong Người mọi vật được tạo thành trên trời và dưới đất, mọi vật vô hình và hữu hình, mọi quyền thần, quản thần, lãnh thần, và quyền lực – chính Người, đã bị lột hết quyền hành và nhân phẩm, và bị phơi bày ra cho thế gian trong sự tổn thương hoàn toàn.

Ờ đây, mầu nhiệm cao trọng nhất của mọi thời đại được tỏ ra cho chúng ta: Thiên Chúa đã chọn để biểu lộ thiên tính vinh quang cho chúng ta trong nhục nhằn. Nơi mà mọi sự tốt đẹp đều mất, mọi lời hùng biện đều im lặng, mọi vinh hoa đều bị cất đi, và mọi sự kính phục đều bị rút lại, đó chính là điều mà Thiên Chúa đã chọn để bày tỏ tình yêu vô điều kiện cho chúng ta. “Nhiều người kinh hoàng khi thấy Người - Người bị biến dạng thê thảm đến nỗi không còn hình dạng một người nữa - vậy mà nhiều dân nước kinh hãi và vua chúa lặng câm trước mặt Người… Người không có duyên để hấp dẫn chúng ta, không có sắc đẹp để để chiếm đoạt trái tim của chúng ta, Người bị khinh chê, là người thấp hèn nhất trong mọi người, một người đầy tang thương, quen thuộc với đau khổ, một người mà nếu thấy như thế chúng ta cũng ngoảnh mặt đi, một người bị khinh bỉ mà chúng ta không chút quan tâm đến.” (Is 52:14-15; 53:2-3).

Chúa Giêsu gánh chịu sự đau khổ của chúng ta. Thân xác trần truồng của Người tỏ ra cho chúng ta sự mất nhân phẩm lớn lao mà con người phải gánh chịu trên khắp thế giới, ở mọi nơi, và qua mọi thời đại. Tôi thường nghĩ rằng cuộc đời là một cuộc hành trình đi lên đỉnh núi nơi mà cuối cùng tôi sẽ thấy vẻ đẹp toàn vẹn của cảnh vật chung quanh tôi, và ở đó tôi sẽ cảm nghiệm là tôi làm chủ được mọi giác quan của tôi. Nhưng Chúa Giêsu đã chỉ cho tôi một hướng đi khác. Cuộc đời là một lời mời gọi mỗi ngày một quên đi những ước muốn thành công và chiến thắng, quên đi nhu cầu được nắm quyền hành, để chết cho ảo ảnh của sự vĩ đại. Niềm vui và sự bình yên, mà Chúa Giêsu ban cho, được che dấu trong đường đi xuống của thập giá. Ở đó có hy vọng, chiến thắng, và đời sống mới, nhưng chúng ta chỉ nhận được khi chúng ta mất tất cả. “Ai mất mạng sống mình sẽ được nó” (Lc 9:24).

Tôi không nên sợ bị mất mát, hay sợ cho những người bị mất mát quá nhiều, nếu không phải là tất cả. Chúa Giêsu bị lột trần truồng để chúng ta dám ôm ấp sự nghèo nàn của chúng ta và sự nghèo nàn của bản tính nhân loại của chúng ta. Nhờ nhìn vào con người nghèo nàn của chính mình, và sự nghèo nàn của đồng loại mình, mà chúng ta lại khám phá ra lòng trắc ẩn bao la Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta. Và ở đó chúng ta sẽ biết làm thế nào để cho đi và tha thứ, làm thế nào để săn sóc và chữa lành, làm thế nào để ra tay giúp đỡ và tạo dựng một cộng đồng tình yêu. Trong sự đoàn kết của nghèo khó, chúng ta tìm thấy con đường để gần gũi nhau hơn, và cùng vui mừng xác nhận bản tính nhân loại chung của chúng ta.

Lm. Henri J.M. Nouwen

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Lễ phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:32 03/04/2010
Lễ phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại

Hằng năm người Công giáo mừng lễ Phục sinh, theo như lịch phụng vụ Giáo Hội ấn định mỗi năm mỗi thay đổi khác nhau về ngày tháng lễ mừng.

Trong đêm mừng kỷ niệm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, Giáo Hội Công Giáo thường cử hành nghi lễ này rất long trọng và cảm động khi mặt trời đã lặn, hoặc vào buổi sáng tinh sương ngày chúa nhật phục sinh lúc mặt trời chưa mọc.

Nghi lễ này không chỉ nhắc nhở một biến cố, một kỷ niệm đã diễn ra cách đây trên 2000 năm, nhưng còn muốn nói đến nguồn gốc của Đức Tin. Như thánh Phaolo tuyên tín: Nếu Chúa Giê su không sống lại, đức tin của chúng ta trở nên hoang đường. (1 cor 15,17).

Như thế lễ phục sinh mừng kỷ niệm Chúa Giêsu sống lại chính là lễ của Đức tin, lễ của niềm vui và của niềm hy vọng.

Nhưng lịch sử nguồn gốc lễ mừng này trong Giáo Hội Công giáo có từ khi nào và tại sao có sự thay đổi khác nhau về ngày tháng của lễ mừng?

1.Lịch sử lễ mừng theo hai niên lịch

Lễ Phục sinh cùng với lễ Ngũ Tuần - Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống – là ngày đại lễ lớn long trọng cùng có chiều dài lịch sử lâu đời nhất trong Giáo Hội Công giáo.

Lễ Phục sinh có nguồn gốc rễ từ lễ Passah của Do Thái giáo. Lễ Phục sinh khởi đầu từ buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần – ngày Chúa nhật – và kéo dài 50 ngày tới lễ Ngũ tuần - lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Tới thế kỷ thứ ba lễ Phục sinh được mừng như một ngày lễ trọng thôi. Trong thế kỷ thứ ba, một tuần trứơc ngày đại lễ Phục sinh bắt đầu có Tuần Thánh như mùa chay thánh chuẩn bị đón mừng đại lễ phục sinh. Từ Thế kỷ thứ tư, ba ngày thánh trọng đại: Thứ Năm tuần thánh, thứ sáu tuần thánh và thứ bảy tuần thánh – đến sáng ngày lễ Phục sinh, như cao điểm của năm phụng vụ được đưa vào.

Các Giám Mục họp Công đồng Nicea thứ nhất năm 325 đã đưa ra quyết định ngày lễ Phục sinh là ngày Chúa nhật thứ nhất sau tuần trăng tròn thứ nhất khi mùa Xuân ngoài thiên nhiên bắt đầu.

Như thế, theo niên lịch Gregorianer bên Phương tây ngày lễ mừng sớm nhất vào ngày 22. Tháng Ba hằng năm và trễ nhất vào ngày 25. Tháng Tư mỗi năm.

Giáo Hội Chính Thồng giáo (Oxthodox) tính ngày tháng theo niên lịch Julianer, nên so với niên lịch bên phương tây trễ hơn 13 ngày. Và cũng theo Giáo Hội Chính thống, lễ Phục sinh không được phép mừng liền trước hoặc ngay sau lễ Passah của Do Thái. Chính vì thế, hai bên Giáo Hội phương tây (Công giáo) và Giáo Hội phương đông (Chính thống giáo) mừng lễ Phục sinh vào những ngày Chúa nhật khác nhau.

Nhưng dẫu vậy, cả hai Gíao Hội và cả Giáo Hội Tin Lành cũng cử hành lễ nghi Phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết vào ban đêm.

2.Lễ nghi phụng vụ

Lễ nghi mừng Phục sinh vào chiều tối ban đêm ngày thứ bảy tuần thánh sang ngày chúa nhật gồm có bốn phần:

2.1.Làm phép Lửa mới và Cây Nến Phục sinh

Lễ nghi này được cử hành ngoài sân trước thánh đường. Sau đó vị chủ tế, Linh mục hoặc Thầy Phó tế cầm cây nến Phục sinh, và Cộng đoàn giáo dân đốt thắp mỗi người một cây Nến nhỏ cầm trong tay tiến vào nhà thờ còn tối.

Đến cung thánh Cây nến Phục sinh được cắm trên chân bệ cao, Linh mục hoặc thầy Phó tế xông hương và hát bài Exultet ca ngợi ánh lửa cây nến Phục sinh, như ánh sáng Chúa Giêsu Kito sống lại dọi chiếu vào nơi tối tăm sự chết.

Ngọn lửa phục sinh tuy là hình ảnh tượng trưng cho ánh sáng hơi nóng ấm của Chúa sống lại

chiếu soi vào đêm tối sự chết, nhưng có lịch sử nguồn gốc trong đời sống xã hội trong dân gian. Từ xa xưa người dân lúc chưa biết đến đạo Công giáo hay Chính Thống đã có tập tục đốt lửa mùa Xuân rồi. Qua đó họ muốn kéo ánh sáng mặt trời từ trời cao xuống mặt đất địa cầu.

Vào năm 750 ở bên Pháp những tín hữu Chúa Kitô đã bắt đầu tập tục đốt lửa phục sinh và tập tục này lan rộng khắp nơi từ thế kỷ thứ 11. Ngày nay Cây Nến Phục sinh là trung tâm của nghi lễ đêm phục sinh.

Lần đầu tiên Thánh Hieronimo trong một bức thư đã nói đến Cây Nến Phục sinh ở Piacenca năm 384. Đến thế kỷ thứ 10. Cây Nến Phục sinh trở thành tập tục lễ nghi phụng vụ chắc chắn trong toàn thể Giáo Hội Công giáo, và được đốt thắp từ đêm lễ Phục sinh đến lễ Ngũ Tuần - lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống – Sau đó cây nến Phục sinh được dựng gần bên giếng nước rửa tội trong nhà thờ.

2.2. Canh thức đón tin mừng phục sinh

Phần này là phần Phụng vụ Lời Chúa gồm bảy bài đọc trích trong các sách Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước. Có những nơi đọc cả bảy bài. Nhưng có những nơi chỉ đọc ba hay bốn bài được lựa chọn. Nhưng bài sách thánh thứ ba trích trong sách Xuất hành ( 14,15-15,1a) không được bỏ.

Tiếp đến là bài Thánh thư, phần công bố Tin mừng Phục sinh. Trong lúc này Halleluia được long trọng cất hát với cung giọng theo ba cấp từ trầm tới bổng báo tin Chúa Giêsu sống lại. Sau đó là phần công bố tin mừng Chúa sống lại trích trong sách Phúc âm.

2.3.Làm phép nước Rửa tội và tuyên lại lời hứa rửa tội.

Từ thế kỷ thứ 4. đêm phục sinh trở thành đêm của lễ nghi rửa tội trong Giáo Hội, và qua đó nảy sinh ra mối tương quan giữa phục sinh và bí tích rửa tội. Theo tập tục lễ nghi của Giáo Hội Công Giáo, trong đêm này người giáo dân lấy nước thánh đã làm phép mang về cất ở nhà để xin Chúa Phục sinh gìn giữ nhà khỏi những xấu xa sự dữ tai ương.

Trong đêm này, mọi người tín hữu Chúa Kitô đi tham dự lễ nghi Phục sinh tuyên lại lời hứa khi xưa đã chịu phép rửa tội, là từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ma qủi sự dữ. Tin vào Thiên Chúa ba ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, như trong kinh Tin Kính đọc. Đây là những điều tin căn bản trong đạo Công giáo.

2.4. Phụng vụ Thánh Thể.

Tiếng Hy lạp có tên Eucharistei, tiếng latinh là Eucharistica, có nghĩa là „Tạ ơn“. Trong mỗi Thánh lễ Misa trong phần này không chỉ tưởng nhớ, nhưng tin đây là sự hy sinh chịu chết của Chúa Giêsu trên thánh gía hiện diện mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Giáo Hội Công giáo, cũng như Giáo Hội Chính Thống giáo và cả Anh giáo đều coi phần nghi lễ phụng vụ Thánh Thể có cơ sở căn bẳn dựa theo lời Thánh Phaolô viết để lại trong thư thứ nhất gửi Giáo đoàn Côrinthô ( 1. Cor 11,24-27) về Bí tich Thánh Thể:

„Chúa Giêsu cầm lấy bánh, (24) dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy".(25) Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Ðây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy". (26) Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. (27) Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.“

Giáo Hội Tin lành lại có quan niệm đây là bữa tiệc ly cuối cùng của Chúa Giêsu với các Môn đệ trước khi chịu chết. Nên bây giờ cử hành lại chỉ là bữa tưởng niệm nhớ lại thôi.

3. Một vài tập tục lễ phục sinh

Con chiên: Xưa nay có những nơi làm con chiên ằng bột hay bằng cơm gạo nếp vào dịp lễ Phục sinh. Và ngày nay trong các cửa hàng bán bày trưng dịp lễ phục sinh cũng có con chiên đúc làm bằng bột bánh kẹo.

Hình ảnh con chiên tượng trưng cho sự vô tội hiền lành. Con chiên hay một con vật rừng ngày xưa bị bắt đem đi xén cắt lông rồi bị giết làm vật tế thờ Thiên Chúa, như trong sách Kinh Thánh cựu ước ghi chép lại.

Chúa Giêsu được xem ví như con chiên: „Đây con chiên Thiên Chúa, đấng đến gánh tội trần gian“ (Gioan 1,29).

Thời Giáo Hội thuở ban đầu người ta đặt thịt con chiên ở dưới chân bàn thờ. Thịt chiên được làm phép thánh hiến đem dùng làm thức ăn mừng lễ phục sinh.

Trứng phục sinh: Từ thế kỷ thứ 12. nói đến tập tục làm phép trứng đêm phục sinh. Trứng là biểu hiệu sự sinh sôi nảy nở sức sống mới. Thời trung cổ trứng còn là bản vị giao dịch trao đổi mua bán như tiền bây giờ.

Trứng trở thành biểu hiệu tượng trưng cho sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Vì sự sống lại của Ngài bùng lên từ trong nấm mồ chôn sâu kín dưới lòng đất cũng giống như con gà con chui trồi ra từ vỏ bao trái trứng cứng khô chung quanh nó.

Càng ngày trái trứng phục sinh trở thành thức ăn ưa thích trong mùa phục sinh hoặc còn để trang trí cho ngày lễ, người ta đã và còn đang vẽ nhuộm trái trứng với những mầu sắc cùng hình tượng theo truyền thống nếp văn hóa mang tính chất nghệ thuật và mỹ thuật rất hấp dẫn đẹp mắt.

Con thỏ phục sinh: từ thế thứ 17. ở những gia đình theo đạo Tin lành ngoài tập tục trứng phục sinh dấu trong vườn còn có thêm tập tục con thỏ phục sinh nữa. Con thỏ phục sinh cũng là biểu tượng cho lễ phục sinh về sự sống mới, vì lòai thỏ sinh sản rất nhiều và nhanh, nhất là vào mùa Xuân, và vì chúng ngủ mà vẫn mở to con mắt. Tập tục con thỏ phục sinh dần dần trở thành phổ biến khắp nơi vào dịp lễ phục sinh khắp nơi bên Âu châu.

************

Lễ mừng tôn kính Thần Thánh của tôn giáo đều có căn bản cốt lõi đức tin đạo giáo, nhưng cũng dần dần phát triển thành hình theo với nếp văn hóa cùng phong tục tập quán của con người.

Những lễ nghi cùng với ý nghĩa biểu trưng tập tục trong đời sống không làm cho trung tâm đức tin lễ mừng bị tán loãng phân hoá, trái lại tô đậm làm nổi bật ý nghĩa thêm lên cho đức tin.

Nhưng rất tiếc, nhiều khi con người lại qúa chú ý đến phần lễ nghi bên ngoài mà bỏ quên hay sao lãng phần trung tâm đức tin của lễ mừng.

Lễ phục sinh tuy là ngày lễ nghỉ, lễ mừng xưa nay trong đời sống xã hội, nhưng lễ này là lễ đức tin của đạo Kytô giáo: Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là nền tảng cho đức tin vào Thiên Chúa hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Mừng lễ Phục sinh 2010

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Mới hoài câu chuyện “Mồ Trống”
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:36 03/04/2010
THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH (2010): Mới hoài câu chuyện “Mồ Trống”

Dẫn nhập: Kính thưa ông bà anh chị em,

Đáp lại lời hiệu triệu của bài ca Exultet, bài ca công bố Tin Mừng Phục Sinh vào nghi thức đầu lễ: ”Mừng vui lên hỡi chư thân chư thánh…Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế…Mừng vui lên, hỡi Hội Thánh mẹ hiền…”, chúng ta hãy vui mừng, hân hoan chúc cho nhau lời chúc tốt đẹp nhất, thánh thiện nhất, bằng một tràng pháo tay thật nồng nhiệt.

Kính thưa ông bà anh chị em,

Nếu Phục Sinh là đỉnh cao của PV Kitô giáo, thì quả thật, Phụng Vụ Đêm Vọng Phục sinh nầy là một thuyết minh sống động và cụ thể.

Thật vậy, những gì chúng ta cử hành trong suốt Tuần Thánh nầy để đọng lại Đêm nay là xoay quanh những sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời Chúa Kitô: Từ cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem đến Bửa Tiệc Ly trong đêm Ngài bị nộp; từ bóng tối sự chết bao phủ đồi Canvê tới ánh bình minh rạng rỡ tràn ngập “Ngày Thứ Nhẩt trong tuần”; từ thân xác bất động được phủ kín tấm khăn liệm tang chế, đến “Mồ trống” tràn đầy dấu chỉ của phục sinh; từ những tan nát, vỡ vụn cõi lòng trước nổi đau mất mát của Thầy Chí Thánh đến niềm vui ngỡ ngàng của gặp gỡ, đối diện với vị Mục tử dấu yêu từ cõi chết trở về… Thánh thi Kinh sáng CN PS đã diễn tả sự kiện đó bằng những lời:

Đã im bặt câu than tiếng khóc
Đã hết rồi cảnh ngục thê lương
Sứ thần áo trắng vui mừng
Loan tin Chúa dã uy hùng phục sinh.

Những sự kiện đó cũng chính là những “lời rao giảng đầu tiên” của các Tông đồ Chúa Giêsu mà nội dung chủ yếu chỉ là những bài công bố một lời chứng sống động mắt thấy, tai nghe, tay rờ, miệng nếm, những lời chứng về một Đấng Phục Sinh mà các ông đã từng sợ hải chối bỏ khi Ngài dấn thân vào cuộc khổ nạn (Lc 22, 54-62), và đã ngỡ ngàng, hoài nghi cứ ngỡ là ma quỷ hiện hình khi Ngài đột nhiên hiện đến (Lc 24,36-43).

1. Phục sinh, một huyền nhiệm khó tin:

Cho dù có gần gũi thân thương đến mấy, Phục sinh vẫn là một huyền nhiệm luôn thách thức trái tim và trí óc con người muôn nơi và muôn thuở.

Chính vì thế, chúng ta cũng đừng lấy làm lạ, trong suốt cuộc hành trình gần 2000 năm của Tin Mừng Phục Sinh giữa lòng thế giới, đã có không biết bao nhiêu luận thuyết, lập trường, ý thức hệ, bao nhiêu tác phẩm văn chương,nghệ thuật muốn loại trừ, xuyên tạc, phá đổ niềm tin về sự Phục Sinh của Đức Kitô, Đâng mà chúng ta hôm nay một lần nữa tuyên xưng và xác tín, đang hiện diện cách mật thiết giữa cộng đoàn chúng ta.

Chúng ta đừng quên rằng: ngay từ đầu, khi phiến đá che cửa mộ táng xác Chúa Giêsu mới vừa được khép lại, các quan chức Do Thái giáo đã dùng tiền bạc đút lót để hòng dập tắt mọi chuyện liên quan đến “vụ án Giêsu Nadarét”, và nhất là tìm cách ngăn ngừa và vô hiệu hóa mọi toan tính nếu có của những tên tông đồ cuồng tín bày đặt ra câu chuyện “phục sinh” của Thầy mình để biện minh cho những lời tiên báo của Thầy trước đó; và họ cứ ngỡ rằng: bằng phiến đá to lấp cửa mộ, bằng vài tên lính canh đứng gác bên ngoài, bằng dấu triện niêm phong của quan tổng trấn Philatô…vĩnh viễn cái xác của tên “tội đồ” Giêsu Na-da-rét sẽ chết thúi trong mồ và tên của “chàng thợ mộc” Giêsu Na-da-rét sẽ sớm chìm vào sọt rác của thời gian !

Nhưng rồi, chỉ bằng những bước chân hớt hải hoảng kinh của một nhóm đàn bà đi thăm mộ thấy mộ trống (như Tin Mừng Luca vừa được công bố), hay chỉ với những lời tường thuật đầy hoang mang sợ hải đượm một thoáng ngỡ ngàng của một thiếu phụ Maria Mađalêna đã vang bóng một thời là một cô gái làng chơi nức tiếng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mộ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” (Ga 20, 2), mọi toan tính “khai trừ Giêsu” khỏi thế giới sự sống và lịch sử của loài người của hội đồng cộng tọa Do Thái, của những người cương quyết chống lại Chúa Giêsu cho tới cùng đã trở nên “dã tràng xe cát”.

Và rồi, khi những bước chân đầu tiên của các Tông Đồ mới vừa mạnh dạn mở cửa phòng Tiệc Ly để công bố cho dân Giêrusalem về Đấng Phục Sinh, đã bị quan chức Do Thái giáo đập cho te tua bằng lao tù, trấn áp, cấm ngăn…thì đã có một Phaolô ngã ngựa, và cùng với niềm tin và lời rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh của Phaoloo và các môn đệ khác của Chúa Giêsu, đã lần lượt mọc lên các giáo đoàn Antiochia, Côrintô, Êphêsô…và sau cùng là cả đế quốc Rôma đã bị thuyết phục bởi niềm tin Phục Sinh cho đến khi “tiếng chúng đã vang cùng trái đất và lời chúng tràn ra khắp cõi địa cầu”…

Chính vì thế, một lần nữa chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa Kitô phục sinh đó là “câu chuyện của niềm tin”, đó là mầu nhiệm đức tin, đó là hồng ân đức tin vĩ đại nhất được trao ban như lời ca của bài ca Exultets hôm nay đã vang lên ngay từ khi ánh nến lung linh của Cây Nến Phục Sinh mới vừa được thắp sáng trong nghi thức đầu lễ:

“Ôi kỳ diệu thay, lòng Cha yêu thương đoàn con, nào ai hiểu thấu, để cứu kẻ nô lệ Cha đã nộp chính Ngôi Con. Ôi tội A-dam thật là cần thiết, tội đã được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Kitô. Ôi tội đã hóa thành hồng phúc vì nhờ đó mà chúng con có được Đấng Cứu Chuộc cao sang. Ôi đêm thật diễm phúc, vì chỉ mình ngươi xứng đáng biết được thời giờ Đức Kitô từ cõi chết phục sinh…”

2. Phục sinh: tiêu đích của lịch sử cứu độ:

Vâng, nhân loại kể từ sau biến cố “Ngôi Mộ Trống” của buổi sáng tinh mơ “Ngày Thứ Nhất trong tuần” cách đây 2000 năm, đã tiến trên một “lộ trình mới”, đã thoát ra khỏi “con đường hầm của thất vọng buồn tênh” mà cái chết như là một căn phần định mệnh chí tử. Đức Kitô đã sống lại và từ đó một nguồn sống mới đã thổi vào trần gian, một niềm hy vọng về sự sống lại và sự sống vĩnh cửu đã được nhen lên giữa miền âm u tử địa, một con đường dẫn tới hy vọng rạng ngời cho kiếp phận vĩnh hằng của nhân loại đã được mở ra với dòng nước Thanh Tẩy khởi đi nơi dòng nước xuất phát từ trái tim bị đâm thâu của Ngài.

Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay đã khẳng định với chúng ta về điều đó: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới…”.

-Cuộc sống mới này, mà Chúa Giêsu là người đầu tiên sinh ra trong đó, chúng ta có thể kinh nghiệm được ngay từ bây giờ. Nó không phải là một giả thiết cho tương lai, song là một thực tại của hiện thời. Đó là tất cả ý nghĩa của phép thánh tẩy và sức mạnh canh tân của nó mà ta đang thấy qua các cử hành Phục sinh. Nếu Chúa Giêsu là trưởng tử của tạo vật mới, thì không nguyên một mình Ngài mà tất cả những ai được rửa tội, ngay từ bây giờ, đã làm thành một dòng tộc mới giống Chúa Giêsu. Và đây là vai trò chính yếu và là sứ mệnh muôn đời của Giáo hội: loan báo cho thế gian biết rằng: Chúa Giêsu đã sống lại và trao ban sự sống mới của Ngài cho tất cả những ai tin nhận Ngài và cùng Ngài bước đi trên lộ trình “Bát Phúc”.

- Chính vì thế, cử hành Phụng vụ đêm nay còn nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta hãy canh tân phép rửa của chúng ta thường xuyên trong sức mạnh nguyên tuyền của nó để củng cố sự hiện hữu của thế giới mới đã được Chúa Giêsu phục sinh khai mào. Muốn thế, chúng ta phải không ngừng từ bỏ tội lỗi và những biểu hiện của một nền “văn minh sự chết”, của lối sống đồi trụy, bấp bênh, ảo tưởng và không định hướng mà bao ý thức hệ điên khùng, bao triết lý phi nhân đang rao bán nhan nhản trên chợ đời thế giới hôm nay.

-Chúng ta, những người tin vào mầu nhiệm Phục Sinh phải luôn luôn sống trong Chúa Giêsu Phục sinh, là sự thật, sự sống và niềm hy vọng duy nhất của nhân loại. Đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả các anh chị em được lãnh nhận các bí tích nhập đạo đêm nay được kiên vững niềm tin và bước đi trong niềm vui của cuộc đời con cái Chúa giữa lòng Giáo Hội và trong cuộc sống con người.

3. Phục sinh: Tin vui cần được loan báo
Cho dù Phục Sinh là câu chuyện của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa lại cứ muốn mượn lấy đôi môi con người, bước chân con người, trái tim con người để chuyển tải mầu nhiệm đó qua muôn thế hệ. Và vì thế, chúng ta có thể nói được rằng: sở dĩ câu chuyện “Mồ Trống” của Bà Maria Mađalêna, câu chuyện Ngày Thứ Nhất trong tuần của hai môn đệ làng Emmau, của Phêrô, của Gioan…cứ sống mãi, cứ mới hoài và cứ đầy sức thuyết phục, vì suốt 2000 năm nay luôn tiếp nối liên tục những chứng từ, những ngôn sứ, những, tông đồ đã tin và dám trả giá cho niềm tin đó bằng chính mạng sống mình.

Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ đêm nay lại là một gọi mời chúng ta tiếp bước lên đường, tiếp tục lời chứng nguyên thủy của các tông Đồ, của Hội Thánh, tiếp tục “chuyện kể ngày nào của Maria Mađalêna”:

“Tôi đã thấy mồ trống của Đức Kitô,
Phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn…
Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức kitô thật đã phục sinh
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
Đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương” (Ca Tiếp Liên).

Sống mầu nhiệm phục sinh chính là biết từng ngày tâm niệm và xác tín rằng: “Tôi đã gặp Đấng Phục Sinh”, là từng ngày tiếp tục ra đi sống mầu nhiệm Thánh Tẩy “cùng chết đi với Đức Kitô để cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới”, cuộc sống yêu thương hơn, chân thật hơn, phục vụ hơn, liêm chính hơn, trong sạch hơn, nhẫn nhục hơn, cuộc sống thật sự là Kitô hữu hơn…Chúa Kitô đang thật sự “phục sinh con người tôi”, trái tim tôi, tư tưởng tôi, và biến tôi nên một con người mới; Ngài đang phục sinh mối tương quan vợ chồng vốn cũ mòn xơ cứng, lãnh đạm thờ ơ nay trở nên mặn nồng, sắt son tha thiết. Ngài đang phục sinh quan hệ ứng xử giữa tôi, gia đình tôi với mọi người xung quanh vốn thờ ơ lạnh nhạt, ghen ghét đố kỵ, nay trở nên thân tình thắm nghĩa anh em. Ngài đang phục sinh cuộc sống vốn ích kỷ nhỏ nhen, lọc lừa gian dối nơi tôi thành một tâm hồn quảng đại khoan dung biết sẻ chia và phục vụ. Ngài đang phục sinh đức tin non yếu, tâm hồn khô khan nguội lạnh, cuộc sống biếng lười lệch lạc của tôi trở thành mạnh mẽ tin yêu, nhiệt tình và sâu sắc…

Và như thế, lời chúc phục sinh sau cùng của chúng ta đêm nay đó là: ước gì niềm tin phục sinh mỗi người chúng ta sẽ như cây nến Phục sinh sẽ cháy mãi như lời ước nguyện ban đầu của bài ca Exultet:

“Ước gì ngọn lửa còn cháy mãi,
Lúc xuất hiện Sao Mai:
Một vì sao không bao giờ lặn,
Là Đức Kitô, Con yêu quí của Cha,
Đấng từ cõi chết sống lại,
Đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”.





 
Sống và chia sẻ lời Chúa: Mừng Chúa sống lại là từ bỏ con người tội lỗi
Phó tế: GB Maria Nguyễn văn Định
08:50 03/04/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

Chúa nhật Phục Sinh (04-04-10)

MỪNG CHÚA SỐNG LẠI LÀ TỪ BỎ CON NGƯỜI TỘI LỖI

A- Cảm nghiệm Sống về Phục Sinh, Tái sinh, Sống lại, Đổi mới:

Bài đọc 1: Công vụ (10:34,37-43). “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường.” (c. 40)

1/ Tôi có thể sống lại với Đức Kitô bây giờ hay sau khi chết.Tai sao ?

Khi ta đang chết đi cho tội lỗi là ta đang sống cho Đức Chúa Trời

2/ Việc làm nào trong gia đình, xã hội thấy bạn đang sống đổi mới ?

Vui mừng, mến yêu, đại lượng, nhân hậu, tốt lành, hiền lành…

Bài đọc 2: Côlôxê (3:1-4). “Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.” (câu 3)

1/ Xin chia sẻ các lợi ích của Bí tích Thánh tẩy cho người Tín hữu?

Người rửa tội thành một con người mới, là chi thể của Chúa Giêsu, là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, ta được tham dự vào ba chức Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Kitô, là dân Thánh.

2/ Đời sống mới của người Kitô hữu ở đời này là đời sống thế nào?

Sự chết đi cho tội là không phạm tội. Sự chết và sự chết tự động hằng ngày là mặt trái của sự sống mới, đang chiếm hữu toàn thân tôi. Người Tín hữu không phải chỉ chết khi tắt hơi, mà hằng ngày ta hằng chết. Khi ta đang chết cho lỗi ta đang sống cho Chúa.

Tin Mừng: Gioan (20:1-9). “ trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết.” (câu 9)

1/ Ngôi mộ trống và băng vải, khăn liệm xác Chúa nói lên điều gì ?

* Giúp bà Maria Macđala thấy đã tin vào sự sống lại của Chúa.

2/ Tại sao Đức Giêsu lại tranh thủ hiện ra nhiều lần với các môn đệ?

Chúa cần khích lệ lòng tin, niềm vui và đem bình an cho các ông

3/ Từ nay, bạn cần làm gì để sống lại với Chúa trong suốt cuộc đời?

* Hãy coi mình như đã chết với tội lỗi để hoàn toàn sống cho Chúa.

Vì con người cũ của bạn đã đóng đinh (diệt tội) vào thập gía với Đức Kitô, như vậy con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để bạn không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. (Sống tốt 10 Điều Răn.)

B- Những nét đặc thù của đời sống mới trong người Kitô hữu:

1/ Đoạn tuyệt với tội lỗi: Tội lỗi phải được dứt bỏ để nhường chổ cho ân sủng, sự chết trong tôi phải nhường chỗ đời sống mới ngự trị. Tuy nhiên giác quan không cảm nhận được, nhưng thực tại đã có rồi. Đức Kitô là sức sống của bạn và tôi ở đời này là một đời sống vừa công khai vừa ẩn dấu, để chờ ngày sống lại vinh quang hơn.

2/ Những tật xấu cần tránh: Bạn cần bỏ hẳn những gì thuộc hạ giới trong con người của mình như là giận dữ, nóng nảy, độc ác, chửi rủa, nói thô tục, gian dâm, ô uế, đam mê, tham lam., nhất là coi nặng cái tôi, độc tài, nói mà không làm, đổ lỗi, xét đoán…

3/ Cần thực hiện Yêu thương: Chỉ có yêu thương mới dẹp bỏ được những tật xấu trên, có đời sống mới trong Chúa và thực sự sống lại với Chúa ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ sau khi chết: Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, khơng nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác; nhưng vui khi thấy điều chân thật. (1 Cor 13, 4-7)

C- Câu Kinh Thánh thúc đẩy bạn và tôi chọn để thực hành:

“SỰ SỐNG MỚI CỦA ANH EM HIỆN ĐANG TIỀM TÀNG VỚI ĐỨC KITÔ NƠI THIÊN CHÚA” (Côlôxê 3, 3)

1/ Tôi tập bỏ những tật xấu như: nóng nẩy, giận dữ, độc ác, thù hằn.

2/ Bạn hoà nhã, khiêm tốn, nhận lỗi, sử lỗi và tôn trọng mọi người.

D- Bạn và tôi cùng cầu nguyện và Sống Cầu nguyện:

Lạy Cha, thánh Phaolô đã khuyên: Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Với ơn Chúa, từ nay con quyết dẹp bỏ những đam mê vật chất chóng qua và dứt khoát những thói mê tật xấu, để có đời sống mới trong Chúa và thực sự sống lại với Đức Kitô ngay từ bây giờ. Con noi gương Mẹ Maria thực hành những điều đã hứa. Nhờ Đức…

Phó tế: GB Maria Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Đi Tìm Chân Lý Phục Sinh
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn.
08:54 03/04/2010
Đi Tìm Chân Lý Phục Sinh

Vọng Phục Sinh, đêm của ánh sáng tình yêu và uy quyền Thiên Chúa chiếu soi vào tâm hồn chúng ta, lan toả vào những vùng tối nhân loại. Trong Đêm Huyền Thiêng này, chúng ta được mời gọi nhìn lên Chân Lý Phục Sinh, để nhận diện và sống sứ điệp Tin Mừng Sự Sống.

1. “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ?”

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ?”; đó là lời mách bảo của “hai người đàn ông y phục sáng chói’ cho những phụ nữ ra viếng mộ Chúa vào buổi sáng hôm ấy, khi các bà “thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ” nhưng “không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả”. Lời này không chỉ là một gợi mở mang tính triết lý về ranh giới giữa hai thế giới sống – chết, mà vượt xa hơn thế nữa, nó minh chứng cho sự “trỗi dậy” của Đấng Phục Sinh.

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ?”. Nó mở ra bước ngoặt tâm lý, thúc đẩy chiều sâu tâm linh nơi những tâm hồn đơn sơ, mộ mến và gắn bó mật thiết với Thầy Chí Thánh trong suốt hành trình rao giảng và Khổ Nạn của Người. Chính lòng yêu mến đã dẫn các bà đến giữa vùng thâm ưu huyệt mộ - nơi mà các bà cữ ngỡ Thầy mình còn “nằm” đó; và cũng chính lòng mến yêu đã đưa các bà tìm gặp “Người Sống” đã “trỗi dậy” từ “giữa kẻ chết”.

Điều mà Chúa Giêsu đã báo trước cho các bà về sự “sống lại” của Người sau cái chết đã được chứng nghiệm sống động và thuyết phục. Những gì “các bà nhớ lại” đang diễn trước mắt các bà; hy vọng rực sáng trong những tâm hồn đang phải nhuốm ưu sầu, đớn đau khi nhìn Thập giá đau thương.

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ?”, có nghĩa nhắc cho các bà đừng buồn phiền nhìn vào thế giới thâm ưu của huyệt mộ nữa, vì Đấng Hằng Sống không thể luỵ phục trước đau thương, dập nát, hư vô. “Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá…” (Lc 24, 7a) “đã trỗi dậy rồi” (Lc 24, 6a).

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ?”, cũng có nghĩa là “Các bà hãy tìm Người Sống ở giữa Sự Sống”. Sự Sống là thực tại bất biến nơi Thiên Chúa. Hạnh phúc biết bao cho những người ra viếng mộ Chúa trong “tảng sáng” tràn ngập bình minh Sự Sống ấy. Sự Sống Thiên Chúa hiện hữu sống động nơi Con Người Đức KiTô. Cái chết không là đích điểm trong cuộc Khổ Nạn của Người; nhưng nó được nại đến như phương tiện điển biệt nhất, để qua đó, tình yêu và quyền năng Thiên Chúa biểu tỏ tột đỉnh cho con người.

Do vậy, một khi chương trình cứu độ của Thiên Chúa thành toàn, Đức Kitô đã bước qua ngưỡng cửa của sự chết vào trong Sự Sống của chính Người. Thế nên, những phụ nữ viếng mộ Chúa xưa và cả chúng ta hôm nay, không thể “tìm Người Sống ở giữa kẻ chết” được.

2. Chân Lý Phục Sinh hôm nay

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ?”; đó cũng là lời mách bảo chân tín nhất cho nhân loại hôm nay trong hành trình kiếm tìm Chân Lý Phục Sinh.

Như các bà xưa, đã bao lần và có thể chính lúc này đây, chúng ta cũng đang hoang mang tự vấn trước hình ảnh “ngôi mộ trống” với những khả nghi. Tâm lý này có thể dẫn chúng ta tới chỗ lung lạc, mất đi xác tín căn bản về Đấng Phục Sinh. Ở khía cạnh này, ta dường như bị rơi vào trường hợp của những vị Tông Đồ nhát đảm, kém tin, khi được các bà mách bảo điều mắt thấy tai nghe, nhưng “các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24, 11).

Nhiều người trong chúng ta có thiện chí tìm kiếm Chân Lý Phục Sinh. Nhưng ý thức, phương cách, nhất là thái độ sống của chúng ta lại rất mơ hồ giữa những xáo trộn, bộn bề của bao chọn lựa trần thế.

Có lúc, chúng ta vẫn “tìm Người Sống ở giữa kẻ chết”. Nghĩa là, ta chưa hội tụ một niềm xác tín tuyệt đối vào tình thương và quyền năng Thiên Chúa đã cho Đức Kitô trỗi dậy từ nấm mồ tử thần. Chúng ta dễ bị giao động, hấp dẫn bởi những học thuyết, những hệ tư tưởng và cả những hành động sai lầm nhuốm màu sự chết. Nó phủ xuống trên tâm hồn đơn sơ, hướng thiện của ta màn đêm hư vô; như tấm cửa mồ vô hình ngăn khép ta với thế giới vĩnh hằng của Sự Sống.

Chân Lý Phục Sinh hôm nay đang và sẽ hiển ngự trong và giữa chúng ta. Nếu chúng ta thành tâm tin nhận, mến yêu và sống cho Đấng “đã vì yêu mà hiến thân cho người mình yêu”.

Sự Sống của Đức Kitô đang linh hiển nơi những con người đang âm thầm bước tiếp con đường Thập giá để bênh vực cho nhân phẩm, sự sống, làm thăng triển hoa trái Phục Sinh.

Đi tìm Chân Lý Phục Sinh hôm nay là hành trình sống loan báo Tin Mừng cứu độ giữa một thế giới đang được Thiên Chúa đồng hành và kêu mời tiến về vĩnh cửu. Sự Sống đang chờ ta.
 
Dấu chỉ Phục Sinh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:23 03/04/2010
DẤU CHỈ PHỤC SINH

Con người ở đời thường khởi sự bằng cái có: có địa vị, có quyền thế, có bằng cấp, có tiền của, có sức mạnh, có tài năng … mới làm nên chuyện. Nhưng Thiên Chúa lại thường khởi sự bằng cái không.Trong sách Sáng Thế,Thiên Chúa khởi sự từ cái hoang vu trống rỗng, không không “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, tối tăm bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước” ( St 1,1-2). Thiên Chúa vẫn thích khởi đi từ cái không không để tạo dựng và tái tạo.

Cái hoang vu trống rỗng của “ngày thứ nhất” trong công trình sáng tạo trời đất sẽ lại xuất hiện trong một “ngày thứ nhất” khác: Ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Đó là cái hoang vu trống rỗng của Ngôi Mộ Trống mà Mađalêna đã chứng kiến và đau buồn thốt lên “ Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi rồi”, Phêrô ngạc nhiên trong hoài nghi, Gioan “đã thấy và đã tin”.

Tất cả được khởi đầu bởi một sự kiện lạ lùng. Các phụ nữ ra mồ và thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. Tin tức hối hả đưa về khiến các môn đệ hốt hoảng. Phêrô và Gioan vội vã đi kiểm chứng sự việc. Cả hai cùng chạy ra mồ. Tốc độ khác nhau vì khả năng thể lý khác nhau. Phêrô đi vào trong mộ trước và thấy các băng vải và khăn liệm gấp lại để riêng ra một góc. Người môn đệ Chúa yêu thương đến mộ trước nhưng lại vào sau. Gioan đi vào bên trong và thấy những băng vải liệm được xếp gọn gàng. Phêrô và Gioan không thấy xác Chúa trong ngôi mộ mở toang. Có lẽ lúc này Philatô còn đang ngũ. Các Thượng tế, Kinh sư, Kỳ mục cũng thế. Họ ngủ thật say. Sung sướng vì đã dẹp yên được một chướng ngại từng làm họ ghen tức, mất ăn mất ngủ. Mọi sự đã được giải quyết đúng như sự sắp đặt khéo léo của họ. Cái tên Giêsu rồi sẽ bị quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới. Tảng đá to đã niêm phong cửa mộ. Giêsu Nazarath đã đi vào lòng đất lạnh. Họ hả hê vui sướng. Tử thần đắc ý vỗ tay reo vui. Xác Ðức Giêsu nằm trong mộ huyệt tối tăm, như hạt lúa mục nát trong lòng đất.

Đối với những người vẫn thương mến Chúa Giêsu thì kể như đã hết. Không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hải. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi cùng với Giêsu Nazareth. Sáng nay, mấy chị em phụ nữ ra mộ thì cũng chỉ có mục đích là ướp lại cái xác không hồn chưa kịp thối rửa. Họ đi tìm một cái xác, một kẻ chết, nhưng họ đã đối diện với Ngôi Mộ Trống. Mađalêna đau khổ thốt lên “ người ta đã đánh cắp xác Chúa tôi rồi”. Các Thiên Thần hiện ra cắt nghĩa Chúa đã sống lại. Không biết các bà đã tin hay chưa, họ vội chạy về báo tin cho các Tông Đồ.

Phản ứng của Phêrô là thinh lặng. Ông đang phân vân. Nếu có kẻ lấy trộm xác Thầy thì tại sao kẻ gian lại mất công xếp đặt khăn liệm và các dây vải cách thứ tự và gọn gàng như thế ? Ông vẫn còn bàng hoàng về những lỗi lầm chối Thầy với niềm ăn năn thống hối. Ông chưa hiểu sống lại nghĩa là gì.

Còn Gioan thì “đã thấy và đã tin”. Gioan thấy gì ? Thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống. Khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm. Còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu: Ngài phải chịu nhiều đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Nhờ ghi nhớ Lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.

Trước mọi phản ứng đó, Đức Kitô Phục Sinh đã biểu lộ một sự chiến thắng âm thầm. Không rình rang giữa tiếng kèn trống. Không cờ quạt giăng khắp lối. Không tung hô reo hò của toàn dân. Đức Kitô đã chiến thắng tử thần. Thân thể bằng xương bằng thịt của Người hôm nay đã được “ Thần Khí Hoá”. Từ đây, Người sống hoàn toàn bởi Thần Khí, vì chỉ “ Thần Khí mới làm cho sống còn xác thịt thì có ích gì” ( Ga 6,36). Các phép lạ về sự sống lại như con trai bà góa thành Naim (Lc 7,11-17), như con gái ông Giaia (Lc 8,40-56), như Lazarô (Ga 11,1-45) là hồi sinh trở về đời sống cũ. Sự Phục Sinh của Đức Kitô là sống lại từ cõi chết. Người hoàn toàn chiến thắng sự chết. Người trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại cho nhân loại "Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,24)

Đức Kitô đã sống lại thật trong vinh quang. Người không mặc lấy một thân xác khác. Thân xác Phục Sinh của Người vẫn chính là thân xác trước đây chịu khổ hình, chết trên thập giá. Nay thân xác đó được biến đổi. Thân xác tâm linh không hư nát. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không chỉ là phục hồi sự sống như trước mà còn chuyển qua thể thức hiện hữu mới.Thân xác của Người được Thần Khí Hoá không bị vật chất cản trở. Đấng Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ. Cũng cố đức tin, chuẩn bị tâm hồn cho các Tông đồ đón nhận Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, các Tông đồ trở nên chứng nhân rao truyền sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa.

Ngày nay nếu muốn làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta cũng cần khởi đi từ Ngôi Mộ Trống như các Tông Đồ ngày xưa. Nói theo ngôn ngữ tu đức là trở về đời sống thanh bạch. Đó là đời sống trong sạch, ngay lành và có tinh thần nghèo khó. Thế giới hôm nay không thiếu những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Không ai nhận thấy được Người vì họ thiếu tâm hồn ngay thẳng trong sạch “ Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa “ ( Mt 5,8 ). Nói khác đi mỗi tâm hồn chúng ta là một ngôi mộ trống. Ngôi Mộ Trống là ngôi mộ không còn xác Chúa nhưng còn là dấu chỉ Đấng Phục Sinh. Đó là khăn liệm và khăn che mặt.Tất cả những gì nhân loại dùng để trói buộc Chúa Giêsu, che mặt Người, cần phải cởi ra và xếp gọn một bên.

Gioan đã đi vào Ngôi Mộ Trống. Gioan nhìn với cặp mắt trong sạch nên đã thấy và đã tin. Ông không thấy Chúa, nhưng thấy dấu chỉ của Phục Sinh. Dầu vậy Ông vẫn tin. Chúng ta không thấy Chúa mà vẫn tin vì “ Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Phần chúng ta không thấy Chúa nhưng thấy Ngôi Mộ Trống là cái thế giới bao la đầy dấu chỉ sự hiện diện của Người.Ta cũng có thể thấy Chúa bằng tâm hồn khiêm nhu, tự hạ, quên mình. Gặp Chúa qua nội tâm thanh thản bình an. Đó là những dấu chỉ mà Đấng Phục Sinh ban tặng.

Không có Phục Sinh, đức tin chúng ta chỉ là hảo huyền. Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa gì nếu không có gì sau hết, nếu tất cả chỉ dừng lại ở đời này ?

Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự Phục sinh. Rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục Sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vở, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao ? Khi ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, loại trừ sự oán ghét, đó là cuộc vượt qua phi thường …

Như mùa xuân sau đông tàn, Phục Sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.
 
Thập Giá và Phục Sinh
Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung
09:26 03/04/2010
Suy niệm Tuần Thánh 2010: THẬP GIÁ VÀ PHỤC SINH

Nơi Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Thập Giá và Phục Sinh là hai mặt của chỉ một Thực tại duy nhất là Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ hiểu được điều đó khi hiểu được “những nghịch lý” trong Tình Yêu và trong Tin Mừng của Đức Giêsu-Kitô: chết đi-sống lại, mất-còn, mất-tìm lại được, cho đi-nhận lại, tự hủy-tồn tại, đau khổ-hạnh phúc, ra đi-trở về, v.v… (Mc 8, 35; Mt 10, 39; Lc 17, 33; Ga 12, 24-25; Lc 15, 24.32); hay nói theo ngôn ngữ Đông phương: Âm và Dương luôn gắn bó mật thiết với nhau và chuyển hóa cho nhau: âm cực sinh dương, dương cực sinh âm…

I- Ở NƠI MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA-BA NGÔI

Có thể nói rằng những “đối nghịch” (oppositions) trong tương quan giữa Ba Ngôi Vị (Cha-Con-Thánh Thần) là hình ảnh phản ảnh chính xác nhất của Tình Yêu và những nghịch lý của Tin Mừng: sự đối nghịch vừa mang tính chất “tình yêu và đau khổ”. Thật vậy, khi Thiên Chúa yêu đến cùng cực đó chính là lúc Thiên Chúa “ra khỏi chính mình”: đây là nguồn gốc của hành vi nhiệm sinh Con, hoàn toàn như Cha, chỉ trừ cương vị là Cha; và khi Con yêu Cha đến cùng cực là Con hiệp nhất cùng cực với Cha. Và khi Cha và Con yêu nhau đến cùng cực là lúc Hai Đấng “cùng đi ra khỏi chính mình”: đây là nguồn gốc của hành vi nhiệm xuất ra Thần Khí…Đó chính là điều mà các sách Tin Mừng gọi là những nghịch lý “đánh mất mình để là mình” (Lc 15, 24.32; Mc 8, 35 và song song); hay nói theo ngôn ngữ Đông phương: âm cực sinh dương, dương cực sinh âm…

II- Ở NƠI MẦU NHIỆM SÁNG TẠO

Và, khi Ba Ngôi Thiên Chúa yêu nhau đến cùng cực, thì “trong Con-Ngôi Lời”, Hình Ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (Cl 1, 15; 1 Cr 11, 7; 2 Cr 4, 4), tức là “trong Thiên Chúa”, vì Tình Yêu, công trình Sáng tạo diễn ra…(xem Hiến chế tín lý MK, số 2)… Có vẻ như qui trình “nghịch lý Tin Mừng” vẫn là một, dù đó là nơi Kết đồ tế thế diễn ra trong lịch sử (Economie) hay bên trong Thực tại nội thân của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi: ban cho-đón nhận, ra đi-trở về, hiện hữu cho (pro-existence)-hiện hữu (existence), đánh mất-tìm lại được, chết-sống, v.v…

III- Ở NƠI MẦU NHIỆM NHẬP THỂ CỦA NGÔI LỜI

Những nghịch lý của Tin Mừng sẽ được bày tỏ cách rõ ràng nơi Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, cách đặc biệt qua ngôn ngữ của Thánh Phaolô:

“Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.

Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lố người phàm,

Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá !

Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài !

Và ban cho Ngài Danh hiệu, vuợt quá mọi danh hiệu, …” (Pl 2, 6-9).

Người ta gọi đó là mầu nhiệm “tự hủy” (kénose): mất đi để mà được lại, chết đi để mà được sống, âm cực thì sinh dương… (xem Ga 10, 17-18; Rm 5, 8; 8, 32; 1 Ga 3, 1; Gl 4, 4-7).

IV- THẬP GIÁ VÀ PHỤC SINH

Như trong bài viết “Nguyên nhân và những Hiệu quả của Ơn Cứu độ”, chúng tôi đã có lưu ý, Thập giá, tự nó, không phải là mục đích hay cứu cánh, mà chỉ là phương tiện, công cụ để bày tỏ Tình Yêu, bởi vì chỉ có Tình Yêu dâng hiến và vị tha mới có khả năng làm thay đổi, canh tân thế giới và “cứu độ” con người; và, chúng tôi cũng đã có lưu ý rằng Tình Yêu, Tự do, Thập giá (đau khổ, chết chóc, sự dữ…) là ba khái niệm-chìa khóa để có thể hiểu được cách đúng đáng mầu nhiệm Ơn cứu độ trong Đức Giêsu-Kitô…

Trước tiên, bởi vì một Tình Yêu đích thực bao giờ cũng mang tính vị tha, dâng hiến, cho đi (xem Ga 15, 13). Và, ở nơi Thiên Chúa, Tình Yêu đó luôn luôn là tuyệt đối tự do, nhưng không (Rm 5, 6 tt; Tt 3, 5; 1 Ga 4, 10-19). Vì thế, hiện sinh của Đức Giêsu-Kitô được định nghĩa như là một “hiện sinh-cho…” (une pro-existence); hay nói theo ngôn ngữ của nhà Phật là “vô ngã” (hiểu theo nghĩa tích cực) và theo ngôn ngữ của Kim Dung là “thân vô kỷ”…

Thứ đến, Thánh Kinh cũng chứng thực cho chúng ta biết công trình cứu độ là sáng kiến tự do và là công trình tự nguyện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, là công trình của Tình Yêu… (Ga 3, 16; Rm 8, 32; 1 Ga 4, 10; 1 Ga 4, 8.16; v.v…).

Một cái nhìn lướt nhanh và tóm lược về ý nghĩa của Cái chết của Đức Giêsu-Kitô sẽ giúp chúng hiểu được những nội hàm cứu độ nầy.

1- Cái chết trong Thiên Chúa:

Trước khi là cái chết “của” Thiên Chúa, cái chết của Đức Giêsu-Kitô là cái chết “trong” Thiên Chúa. Tại sao vậy ? Lý do là bởi vì trong tư cách vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật, Đức Giêsu-Kitô vừa không phải chết vừa phải chết. Trong ngôn ngữ “ngôi hiệp” (union hypostatique) qua đó thần tính và nhân tính của Đức Kitô hiệp nhất với nhau trên cơ sở cùng chung bản vị hay ngôi vị, và tuy hiệp nhất nên một, nhưng thần tính vẫn giữ nguyên là mình (đặc biệt đặc tính bất hoại và không thể nào chết) và nhân tính vẫn là nhân tính với những yếu tố đặc thù của mình (như có thể bị hủy hoại và phải chết), một vấn đề sẽ phải được đặt ra: trên Thập giá, “Ai” chết ? Trong tư cách là Thiên Chúa thật, Đức Giêsu-Kitô không thể nào chết được. Còn, nếu trong tư cách là con người thật, Đức Giêsu hẳn phải chết như bất cứ ai trong chúng ta. Làm sao dung hòa được hai yếu tố hoàn toàn mâu thuẩn nầy ? Một số nhà thần học, dựa trên những khái niệm “nhận là của mình” (appropriations) và “thông ban cho” (communications), giải thích rằng bởi vì thần tính của Đức Giêsu-Kitô đã hiệp nhất nên một với nhân tính của Ngài và đã nhận nhân tính đó là của mình nên thần tính đó cũng nhận cái chết của nhân tính như là của mình. Nhưng, giữa việc nhận cái chết đó là của mình với việc chết thực sự là hai việc có thể không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Vì thế, có lẽ nên hiểu cái chết của Đức Giêsu-Kitô, bởi vì là cái chết “trong” Thiên Chúa, chính là cái chết của Sự Chết, tức là chết để mà sống…Và chỉ trong chân trời đó, người ta mới có thể nói được về cái chết “của” Thiên Chúa nơi Đức Giêsu-Kitô: Thiên Chúa chết để con người được sống với Ngài…Tức là Thiên Chúa “chết” để được phục sinh và để con người cũng được phục sinh và sống sự sống tình yêu vĩnh hằng trong Ngài và như Ngài…

2- Cái chết của Sự Chết:

Như đã có lưu ý trong bài “Nguyên nhân và những hiệu quả của Ơn cứu độ”, ở trên Thập giá, hành vi cứu độ - hay nói đúng hơn là hành vi khiến cho nhân tính của Đức Giêsu-Kitô (vốn là hiện thân của toàn thể nhân loại) được thần linh hoá, được tham dự vào sự sống tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa, được phục hồi lại như là “hình ảnh của Thiên Chúa” (hay nói cách khác giống như Đức Kitô), được giao hoà lại với Thiên Chúa, với anh em mình, với chính bản thân mình và với thiên nhiên vũ trụ (Thiên-Địa-Nhân hoà) - được diễn ra khi nhân tính của Đức Giêsu-Kitô sống cách trọn vẹn Tình Yêu dâng hiến của mình trong tương quan với Cha, với Thánh Thần và với thụ tạo: chính ở nơi hành vi dâng hiến tất cả nầy (Ga 19, 30; 15, 13) mà Cha đã trao ban lại cho Con tất cả, và trong Con và qua Con, con người được trở thành đích thật là con của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau, là mình (căn tính của mỗi người được thực hiện), tức là “được siêu độ” (Ga 17, 10; Lc 15, 31). Chính trên cơ sở nhân tính của Đức Giêsu-Kitô là hiện thân của toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời nầy, - và khi nhân tính nầy được thánh hóa, được tôn vinh, được hiệp nhất trọn vẹn với thần tính, với Thiên Chúa và qua đó với tất cả thụ tạo, thì toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời đều được hưởng những ân phúc đó trong Đức Giêsu-Kitô – mà Giáo Hội trước sau như một vẫn luôn khẳng định rằng Đức Giêsu-Kitô là Đấng Siêu độ duy nhất và phổ quát…

Cái chết vì tình yêu của nhân tính cũng có nghĩa là cái chết của Sự Chết (tức là Tội lỗi: kiêu căng, thù hận, ghét ghen, ích kỷ, v.v…) nơi nhân tính, và điều đó có nghĩa là “sinh thì” (thời gian của sự sống), là sự phục sinh, sự tái sinh, sự được thần linh hoá, được trở nên con Thiên Chúa “trong” Đức Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa…

3- Cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu-Kitô:

Khoảnh khắc diễn ra cái chết trên Thập giá, cách lạ lùng, được ngôn ngữ nhà đạo cổ điển Việt Nam gọi là “lúc sinh thì” của Đức Giêsu. Điều đó chứng tỏ rằng đã từ rất lâu, người công giáo Việt Nam đã hiểu được cái chết của Đức Giêsu không có nghĩa là chấm hết, là bị hủy diệt, mà là “bắt đầu thời gian sống” (sinh thì) của Ngài. Trong cái chết đã bao hàm sự phục sinh, hay đúng hơn, tiếp nối hành vi tự hủy hoàn toàn chính bản thân mình là hành vi sở đắc hoàn toàn bản thân mình (âm cực sinh dương). Phục sinh là sự tiếp nối cái chết trong Thiên Chúa và vì Thiên Chúa.

Vì thế, không được coi sự Phục sinh đơn giản như chỉ là sự sống lại của con người chỉ về mặt thể lý (như trường hợp của Lazarô, của người con trai của bà goá thành Naim, v.v…). Sự Phục sinh trọn vẹn bao hàm không chỉ sự phục sinh về mặt thể lý, mà trước hết và trên hết là sự phục sinh thuộc linh. Có những trường hợp, về mặt thể lý, người ta vẫn “sống” nhưng vẫn được coi như “đã chết” (xem Lc 15, 24.32). Có những trường hợp người đã chết vẫn được coi như đang sống (xem Mc 12, 26-27 và ss). Thật vậy, con người chỉ có thể được coi như là “sống” khi “ở trong” Đức Giêsu-Kitô, hay khi “ở trong Tình Yêu”, “ở trong Thiên Chúa”…

Chính vì ở nơi Đức Giêsu-Kitô, trên Thập giá, đó là cái chết của Sự Chết (đã đành cùng với những đặc tính đau thương, khổ nhục như của bất cứ cái chết nào của con cái loài người), được thực hiện bởi Thần Khí sự sống (1 Pr 3, 18) và Cha Ngài, nên, “nhân cơ hội” (1 Pr 3, 19) Ngài đã có thể “đi vào ngục tổ tông” và “loan báo Tin Mừng cho cả kẻ chết” (1 Pr 4, 6). Ở đây, phải chăng người ta có thể nói rằng về mặt thuộc linh (vì Ngài không bao giờ phạm tội), Đức Giêsu-Kitô không bao giờ chết, nhưng Ngài chết về mặt thể lý như chúng ta ? Nếu như thế, thì về mặt thể lý, Đức Giêsu-Kitô đã chết thật, và chính Cha Ngài và Thần Khí Sự Sống của Cha Ngài và cả của Ngài đã phục sinh Ngài từ giữa các kẻ chết (Ga 2, 19 tt; Mc 8, 31; 9, 31; 10, 34; Cv 26, 23; Cl 1, 18; Kh 1, 5; 1 Cr 15, 20).

Tóm lại, sự Phục Sinh Đức Giêsu-Kitô là một sự Phục Sinh trọn vẹn, bao hàm cả khía cạnh thể lý cả khía cạnh thuộc linh: toàn thể nhân loại kể từ đó trong nhân tính đã được thánh hoá và thần linh hoá của Ngài được thần linh hoá, được thánh hoá, được “cứu độ”, v.v… “Ơn cứu độ” đã hiện hữu ở đấy, “ở nơi” và “cho” con người của tất cả mọi thời và mọi nơi. Vấn đề là con người có mở lòng mình ra để đón nhận “ơn cứu độ” đó hay không, con người có để cho Thiên Chúa cứu độ mình hay không, con người có cảm nhận mình cần được cứu độ hay không, con người có nhận ra mình đang bệnh hoạn hay không, con người có biết mình đang chết về mặt thuộc linh hay không…? Không ai có thể trả lời những câu hỏi đó thay cho mình cả. Mỗi người phải có câu trả lời của riêng mình, vì con người vốn tự do… Đã đành, ở một góc độ nào đó, vốn yếu đuối, mỏng dòn, con người vẫn luôn cần sự giúp đỡ của Giáo hội, của các cộng đoàn và của tha nhân…
 
Muốn tin phải yêu
LM. Anmai, CSsR
09:31 03/04/2010
Chúa nhật PS C

Cv 10, 34a.37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9

MUỐN TIN - PHẢI YÊU

Cả bốn Tin Mừng đều đồng ý về điểm lịch sử này: biến cố Phục sinh xảy ra vào hôm sau ngày Sabát, tức là hôm sau ngày Lễ Vượt qua của người Do Thái. Các sách Tin mừng đều nhất trí về thời điểm lịch sử của Chúa Giêsu Phục sinh. Gioan, tác giả trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe cũng là người yêu Chúa và được Chúa yêu. Gioan là người hết sức nhạy cảm. Gioan đã cho rằng, "ngày thứ nhất" trên đây gợi lên một thế giới mới đang khởi đầu. .. một cuộc tạo dựng mới, một tuần lễ sáng thế mới.

Thiên Chúa làm sao có thể tái tạo một thế giới đầy bất hạnh như vậy trong khi con người thường biện minh đau khổ và cái chết là những chứng cớ hiển nhiên chống lại sự hiện diện của Thiên Chúa và nhất là việc Chúa Phục Sinh từ cõi chết.

Vấn nạn con người đặt ra hết sức hợp lý và không thể nào phủ nhận được nếu như không có chuyện Chúa Giêsu Phục sinh. Các giáo phụ cũng như những người quen suy niệm Kinh Thánh, đều nghĩ rằng, Thiên Chúa có thể không bao giờ "dựng nên" công cuộc sáng tạo đầu tiên (mọi tạo vật đều phải chết), nếu Người đã không tiên liệu từ thuở đời đời công cuộc sáng tạo thứ hai của Người, nhờ đó sẽ không còn sự chết, cũng không còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21,4).

Thánh Gioan cho chúng ta biết việc bà Maria Mác-đa-la đến mộ, lúc sáng sớm, khi trời còn tối. Cả bốn Tin mừng đều ghi nhận như vậy. Maria Mác-đa-la là một trong nhóm người đầu tiên đã khám phá ra “biến cố". Là người cùng được chứng kiến biến cố ấy, Gioan đặc biệt quan tâm tới một người phụ nữ, bà Maria Mác-đa-la. Gioan gán cho bà là Người đã được Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên (Ga 20,11-18).

Bà thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến.

Hình ảnh Gioan ghi lại là bà Maria "chạy". Chi tiết chạy này hết sức ý nghĩa. Bà chưa gặp Chúa Giêsu nên bà chưa tin. Bà mới chỉ đứng trước sự kiện ngôi mộ mở ngỏ ! Đó là điều bất thường. Bà không ngờ được việc đó. Bà cảm thấy hốt hoảng. Bà chạy đi báo tin cho các vị có trách nhiệm. Ở đoạn văn trên, ta nên ghi nhận một tên gọi đặc biệt được gán cho "môn đệ" không nêu rõ danh tánh: "Người môn "đệ Chúa Giêsu thương mến". Truyền thống vẫn thừa nhận Gioan, tác giả của trình thuật trên, là chính người môn đệ đó. Ngoài ra, trong nhóm Mười Hai, không phải là không có sự ghen tị, vì Gioan vẫn thường được Chúa Giêsu quan tâm cách hết sức đặc biệt. Chi tiết này cũng rất quan trọng. Ta nên ghi nhận điều đó.

Sau khi phát hiện điều ấy, bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu ?”.

Lúc này, chị mới chỉ đưa ra giả thuyết: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ. Người ta không giải thích sự kiện theo lý trí: Vì quá mong ước Người sống lại, nên không tránh khỏi một ảo giác. Đúng ra, tất cả các bản văn đều nói ngược lại.

Rõ ràng, trình thuật trên được kể lại để giúp ta cảm thấy rằng, sự kiện ngôi mộ trống không là một bằng chứng, tự nó có khả năng khiến ta tin. Tuy nhiên, ngôi mộ trống kỳ diệu đó là một đối tượng đòi hỏi ta phải thắc mắc. Chỉ vỏn vẹn trong một trang, mà từ "ngôi mộ i được nhắc tới bảy lần ! Cho đến lúc này, mới chỉ có thế !

Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông và đã tới mộ trước.

Gioan nhớ lại, ông đang ở đó. Nhưng giải thích chi tiết hơn, chỉ nguyên dựa vào sự kiện chưa đủ. Còn một yếu tố khác Gioan nhận ra một biểu tượng: Phêrô có thể tự để cho kẻ khác vượt qua mình. . . để cho các môn đệ hăng say hơn đi trước ông. Và đó không phải là trường hợp duy nhất Gioan đã đi trước Phêrô (Ga 13,24-18,12-16-21,20-23). Nhưng tại sao ở đây lại nhấn mạnh đến điểm bất thướng này?

Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy băng vải để ớ đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.

Áng Tin mừng này, nếu theo cách dịch sát nhất của bản văn Hy Lạp do chính Gioan đã mục kích và viết lại có thể như sau: "ông nhìn thấy băng vải bung ra, và khăn quấn đầu Ngài, không tuột ra cùng với băng vải, nhưng được cuốn lại riêng biệt, đặt đúng chỗ của nó”.

Tóm lại, không có bàn tay bên ngoài nào đã tham dự vào. Chỉ thấy thân xác đã biến mất, và những khăn liệm tuột bung ra tại chỗ. Gioan cũng ghi nhận rằng, khăn quấn đầu (đó là thứ băng vải quấn chung quanh đầu để giữ quai hàm, theo như tập quán tẩm liệm của người Do thái) vẫn còn ở đó, được cuốn lại đặt đúng chỗ, bên trong băng vải.

“Bấy giờ, người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào”. Gioan đã khẳng định về sự hiện diện của ông và chuyện quan trọng xảy ra sau đó là: Ông đã thấy và đã tin. Gioan đã tin còn Phêrô thì chưa hiểu gì. Khi thuật lại cảnh Phêrô đến thăm mộ, Thánh Luca nói rõ ràng, ông ta chỉ chứng kiến, nhưng trở về nhà rất đỗi ngạc nhiên, không hiểu gì hết” (Lc 24,12).

Maria Mác-đa-la đã giải thích theo kiểu nhân loại: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ".

Để tin không phải là chuyện đơn giản. Tin: cần phải có đôi mắt của tâm hồn, cần có cặp mắt của tình yêu. Giờ đây chúng ta mới hiểu rõ, tại sao Gioan lại nói đến "người môn đệ Chúa Giêsu thương mến". Vì tình yêu này mà Gioan đã chạy nhanh hơn ! Vì tình yêu này mà ông là người đầu tiên đã tin sau này, trên bờ hồ Galilê, chính "người môn đệ Chúa Giêsu thương mến" sẽ nhận ra Chúa Giêsu … trước Phêrô (Ga 21, 7).

Ở đây chúng ta lại nhận thấy tình yêu luôn tác động tới đức tin. Những người nắm giữ quyền bính trong Giáo hội chưa hẳn đã có đặc ân này. Thay vì ganh tị nhau "quyền bính", trong Giáo hội, tất cả chúng ta được mời gọi trở nên những người đi tiên phong "trong tình yêu”... Đó là điều quan trọng hơn cả.

Với Gioan, sự kiện khăn liệm được sắp xếp gọn gàng là một dấu chỉ còn ý nghĩa hơn ngôi mộ trống. Khi vừa nhìn thấy "băng vải tuột ra” và "khăn quấn đầu vẫn ở nguyên tại chỗ", nhờ một thứ trực giác soi sáng, ông đã nhận ra ngay rằng, Người đã không thể dùng tay chân mà di động thân xác ra khỏi mộ, nhưng chỉ có thể Người đã hết hiện hữu cách thể lý bên trong những khăn băng tẩm liệm vẫn còn y nguyên.

Dấu chỉ không có khả năng chuyển tải đức tin cho con người. Dấu chỉ không tuyệt đối phải có. Cần phải vượt qua “cái thấy được”, “cái sờ được”, “cái chạm được” để đi tới "điều tin nhận". Chính Chúa Giêsu sắp tuyên bố: "Phúc thay những người không thấy mà tin" (Ga 20,29). Như thế, Gioan đã tỏ ra là một môn đệ tuyệt vời: Ông tin... dù không thấy.

Đức tin nằm sâu thẳm trong cung lòng của con người. Tình yêu không ai có thể cân - đo - đong -đếm nhưng những ai yêu sẽ nhận được những tín hiệu phát ra của tình yêu đó. Do đó, những dấu chỉ tình yêu của Gioan chỉ nhận ra nơi những người đã yêu. Một cử chỉ, một lời nói, một sự vật. .. là những cử chỉ còn hàm hồ, bấp bênh ! Chúng cần phải được giải thích nhưng không phải là chuyện căn cốt. "Sự việc đó muốn nói với tôi điều gì đây ? Tôi cần phải hiểu cử chỉ đó thế nào ?" Đó là điều rất cảm động trong mọi cuộc gặp gỡ của con người. Cuộc gặp mặt nào cũng đòi buộc những kẻ tham dự phải ở trong tình trạng cởi mở và quan tâm chú ý. Tất cả chúng ta đâu có kinh nghiệm chua xót, vì đã ra một dấu hiệu mà không được hiểu biết, đã phát biểu một lời mà không được đón nhận, đã làm một cử chỉ mà người ta giải thích sai... Hai người cần phải yêu thương nhau hết tình thì sứ điệp trao đổi mới được nhận biết trọn vẹn ý nghĩa.

Vì thế, sự kiện “mộ trống" và "những khăn liệm được sắp xếp gọn gàng”, chỉ những ai "yêu nhiều, mới có thể hiểu được”.

Thực vậy, các sự kiện chưa đủ ! "Ngôi mộ trống" chỉ là một dấu chỉ đối với Gioan, trước khi ông gặp Chúa Giêsu trong những lần hiện ra, bởi vì ông đã để cho Thánh Thần lay chuyển, mạc khải cho ông ý nghĩa của dấu chỉ. Trước những chứng cớ ông ghi nhận, Gioan còn biết nhớ lại những đoạn Kinh Thánh của Chúa Giêsu đã trích dẫn cho các ông (Hs 6,2; Tv 2,7; Gn 2,1).

Trong đời sống thực tại, nên chăng ta cũng hành xử theo như. Chúng ta chỉ có thể hiểu sâu sắc các biến cố đó, nếu ta làm sáng tỏ chúng, nhờ việc luôn suy niệm Lời Chúa, trong Thánh Thần.

Chính tình yêu làm cho ta hiểu rõ chân lý: Muốn tin, cần phải yêu mến.
 
Đại lễ Phục Sinh 2010
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng
09:38 03/04/2010
Đại lễ Phục Sinh 2010

Mỗi năm, hàng chục triệu người đến viếng thăm các Kim tự tháp Ai cập, nơi an nghỉ các vị Pharaô Ai Cập. Hàng triệu người khác đến Tây An chiêm bái bảo tàng tượng chiến sĩ đất nung canh gác lăng mộ Tần Thủy Hoàng đế. Hàng trăm ngàn du khách đến Huế chiêm ngưỡng lăng tẩm các vua nhà Nguyễn...

Những địa điểm đang lưu giữ xác ướp, hay là xương ống tay, ống chân, là răng, là tóc.... Nói chung là chút tro bụi của những nhân vật lừng danh một thời.

Nơi đây an nghỉ của ngài nọ, ngài kia.

Các Giáo hội Ki tô giáo cũng có một ngôi mộ nổi tiếng không kém, ngôi mộ của Chúa Giêsu tại thành phố Giêrusalem.

Một địa điểm hành hương lừng danh mà ngày nay với mạng Internet và kỹ thuật 3D, ba chiều hiện đại, chúng ta chẳng cần tốn tiền bạc cũng có thể đến Thánh địa nầy bằng một cuộc hành hương ảo...tham quan ngôi thánh điện hai ngàn năm tuổi nầy.

Có điều, khác với những lăng mộ khác, không ai tin nơi nầy còn lưu giữ thân xác Đức Kitô.

Sẽ không bao giờ có bia đá ghi: nơi đây là nơi an nghỉ, là nơi giữ tro cốt, xác ướp, xá lợi...hay bất cứ thứ gì của Người.

Vì sao? Đối với gần ba tỷ tín đồ Ki tô giáo gốm Chính Thống, Tin lành, Anh Giáo và một tỷ 1.115. triệu người công giáo.

Nơi đó chỉ còn là một ngôi mộ trống.

Rổng không vĩnh viển.

Vì Chúa Giêsu đã sống lại rồi.

Đã Phục sinh vinh thắng.

Sự chết không làm chủ được Người.

Tử thần đã hoàn toàn bị khuất phục.

Đã hoàn toàn chiến bại.

Nhiều người sẽ càm ràm.

“ Quá vô lý, ngu muội, điên rồ...” và bao nhiêu danh từ, tĩnh từ khác người ta có thể lôi ra để đả phá Ki tô giáo và gần ba tỷ tín đồ hai ngàn năm lịch sử của tôn giáo nầy.

Họ cho câu chuyện Chúa Giêsu sống lại là trò bịp bợm, là huyền thoại, là phản khoa học, là chuyện phi lý... hay gì gì đi nữa. Điều đó không cản được bước tíến niềm tin vào Chúa Giêsu: Đã chết và sống lại.

Đã chết.

Đó là một chân lý không thể chối cải: bị giết như một tử tội khi mới 33 tuổi. Một cái chết kinh khủng: bị đánh hàng ngàn đòn, đội mũ gai, vác và bị đóng đinh vào thập giá.

Người chết không phải trong một xó tối mà giữa lòng thủ đô Giêrusalem. Chết giữa thanh thiên bạch nhật, giữa hàng ngàn người chứng kiến và dưới sự giám sát chặc chẻ của những tên đao phủ chuyên nghiệp.

Chết rồi vẫn chưa yên. Dù ba lít rưởi máu của một con người đã tuôn trào, trái tim Người vẫn còn bị đâm thủng để những cục máu đông cuối cùng chảy hết.“ Máu và nước chảy ra” thánh Gioan đã mục kích..( Ga. 19,34 )

Đức Kitô chỉ còn là một cái xác không hồn, được hạ xuống khỏi thập giá và được an táng trong ngôi mộ đục vào núi, có viên đá nặng lấp mồ.

Đã chết rồi.

Các giám y của quan Philatô đã khám nghiệm tử thi, và cho phép gia đình chôn cất như một phát hiện ghi trên khăn liệm Turinô mới đây.

Câu chuyện về vị tiên tri trẻ Giêsu có thể kết thúc tại đây. Chỉ cần đặt thêm một bia đá: Nơi đây yên nghỉ vĩnh viễn thân xác Đức Giêsu, người làng Nazaret.

Nhưng.

Phải, đã có một từ Nhưng.

Nhưng sự việc không dừng lại nơi nấm mộ. Một nấm mộ lẻ thường mỗi cuộc đời:

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì. ( On Như Hầu ).

Một tin động trời được tung ra.

Chúa đã sống lại từ cỏi chết.

Tin M?ng Cha Gisu Kitơ theo Thnh Marcơ 16, 1-7 )

H?t ngy Sabbat, b Maria Madalna, b Maria, m? ơng Gia-cơb v b Salơm mua thu?c thom d? di x?c xc Cha Gisu. V t? sng s?m ngy th? nh?t trong tu?n, khi m?t tr?i h m?c, cc b d?n m?, h? b?o nhau: "Ai s? lan t?ng d ra kh?i c?a m? cho chng ta?" Khi dua m?t nhìn, cc b th?y t?ng d d du?c lan ra bn c?nh. M t?ng d dĩ r?t l?n. Cc b di vo trong m?, th?y m?t thanh nin ng?i bn ph?i, m?c o di tr?ng nn cc b khi?p s?. Nhung ngu?i dĩ b?o cc b r?ng: "Cc b d?ng s?: Cc b di tìm Cha Gisu Nadart ch?u dĩng dinh, nhung Ngu?i d s?ng l?i, khơng cịn ? dy n?a. Ðy l ch? ngu?i ta d d?t Ngu?i. Cc b hy nĩi v?i cc mơn d? Ngu?i, nh?t l v?i Phrơ r?ng: Ngu?i d?n x? Galila tru?c cc ơng. ? dĩ cc ơng s? th?y Ngu?i nhu Ngu?i d t?ng nĩi tru?c". Nhung cc b ch?y ra kh?i m? tr?n di, run r?y kinh h?n ch?ng dm nĩi gì v?i ai vì s? hi.

Tin Đức Giêsu đã Phục sinh từ cõi chết chỉ có vậy: một ngôi mộ trống vì Người đã sống lại.

Đã sống lại!

Đầu tiên tin ấy được coi như chuyện đàn bà.

Và cái câu chuyện đàn bà ấy đã được tung ra vào một buổi sáng Chúa nhật sau lễ Vượt qua ngày 14 tháng Nissan dân tộc Do Thái, năm 786 theo lịch Rôma, tức là từ khi Romulus xây dựng thành phố Rôma; năm 544 theo Phật lịch; 11 năm trước cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng của Việt Nam tức năm Quý Tỵ, năm thứ chín Quang Võ Đế, thời Đông Hán. Theo lịch công nguyên tức năm 33 sau Chúa Giê su Ki tô.

Và câu chuyện vớ vẫn đàn bà đã trở nên Tin mừng tiên khởi. Là tin khởi đầu cho mọi sự. Là ngày lễ cội nguồn của mọi ngày lễ.

Chúa Kitô đã chết nay sống lại.

Đã trở thành điểm khởi hành niềm tin của một tôn giáo mới, Kitô giáo.

Đức Ki tô sống lại không dừng lại ở một biến cố cá nhân. Chẳng ai thèm lưu ý nếu đó chỉ là một câu chuyện đơn độc, dù ngoạn mục của một con người. Ngược lại, kể từ hôm ấy biến cố trên đã trở thành một sự kiện vô cùng quan trọng, đó là việc hình thành một tôn giáo mới. Sự sống lại đó mang một tầm vóc cách mạng chứ không chỉ là là một sự hồi tỉnh bình thường.

Mùa Phục sinh 2009 vừa qua, trong bài giảng Phục Sinh Urbi et Orbi ( Cho thành phố và cả thế giới) tại quảng trường thánh Phêrô tại Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 suy tư về biến cố chết và sống lại của Chúa Giêsu, vừa với danh hiệu là giáo chủ một tôn giáo lớn, vừa như một triết gia trước một vấn đề nhân sinh: ý nghĩa sống và chết của loài người.

Ngài nói:

“ Trong nh?ng cu h?i gy ra kh?c kho?i nh?t cho nh?ng ngu?i nam n? l: di?u gì s? di?n ra sau khi ch?t? Tru?c m?u nhi?m ny, d?i l? hơm nay cho php chng ta dp tr? r?ng s? ch?t khơng cĩ ti?ng nĩi chung cu?c, b?i vì cu?i cng cng S? S?ng m?i l ngu?i chi?n th?ng. Ni?m xc tín c?a chng ta khơng d?a trn nh?ng lý lu?n don gi?n c?a nhn lo?i, nhung l trn m?t s? ki?n l?ch s? c?a d?c tin: Ð?c Gisu Kitơ, Ð?ng d b? dĩng dinh v mai tng, d s?ng l?i v?i thn xc vinh hi?n. Ð?c Gisu d s?ng l?i, d? cho chng ta l nh?ng k? tin vo Ngu?i, cĩ th? cĩ s? s?ng muơn d?i. L?i loan bo ny l tr?ng tm c?a s? di?p Tin M?ng. Thnh Phaolơ d kh?ng d?nh m?nh m?: “N?u Ð?c Kitơ khơng s?ng l?i thì l?i rao gi?ng c?a chng tơi ra hu khơng, lịng tin c?a anh em cung ch? l hu khơng” (1Cr 15,14.19).

T? bu?i h?ng dơng l? Ph?c Sinh, m?t ma Xun m?i c?a hy v?ng d ng?p trn tri d?t; t? ngy ?y tr? di, cu?c ph?c sinh c?a chng ta d b?t d?u, b?i vì l? Ph?c Sinh khơng ch? dnh d?u m?t th?i di?m c?a l?ch s? m l m?t kh?i d?u cho m?t tình tr?ng m?i. Ð?c Kitơ d s?ng l?i khơng ph?i b?i vì h?i ?c v? Ngi v?n cịn s?ng d?ng trong con tim cc mơn d?, nhung b?i vì chính Ngu?i dang s?ng trong chng ta, v trong Ngu?i, chng ta d cĩ th? hu?ng du?c ni?m vui c?a cu?c s?ng d?i d?i.

Thnh ra, s? ph?c sinh khơng ph?i l m?t lý thuy?t nhung l m?t th?c t?i l?ch s? du?c m?c kh?i b?i con ngu?i Gisu Kitơ thơng qua s? “Vu?t Qua” c?a Ngu?i, v?i “con du?ng” ?y Ngu?i d m? ra m?t “thơng l? m?i” gi?a tr?i v d?t (x Dt 10:20). Ðĩ ch?ng ph?i l m?t huy?n tho?i hay m?t u?c mo, cung ch?ng ph?i l m?t th? ki?n hay m?t hồi bo, ch?ng ph?i chuy?n th?n tho?i, m l m?t bi?n c? d?c nh?t vơ nh?: Ð?c Gisu Nazareth, con c?a b Maria, Ð?ng d du?c h? xc xu?ng kh?i Th?p Gi vo bu?i hồng hơn c?a ngy Th? Su, v du?c an tng trong m?, Ð?ng ?y d vinh quang r?i b? ngơi m?.

Th?c v?y, vo bu?i sng c?a ngy th? nh?t trong tu?n ngay sau ngy Sabt, ơng Phrơ v ơng Gioan d pht gic ra ngơi m? tr?ng khơng. B Madalna v cc ph? n? khc d g?p g? Cha Kitơ ph?c sinh. Trn du?ng Emmaus, hai mơn d? cung nh?n ra Ngu?i vo lc b? bnh. Cha Ph?c Sinh cung d hi?n ra v?i cc Tơng Ð? vo bu?i t?i trong nh Ti?c Ly, v ti?p dĩ v?i nhi?u mơn d? khc n?a t?i Galila.

........

Vi?c cơng b? bi?n c? Ph?c Sinh c?a Cha chi?u soi nh?ng vng t?i tam trn th? gi?i m chng ta dang s?ng. Cch ring tơi mu?n nĩi v? thuy?t duy v?t v thuy?t hu vơ, d?n t?m nhìn khơng vuon ln cao hon n?i nh?ng gì di?u m khoa h?c cĩ th? ki?m ch?ng, v chn n?n thu mình vo c?m gic vơ v? du?c cho l thn ph?n c?a ki?p ngu?i. Th?c ra, n?u d?c Kitơ d khơng s?ng l?i, thì dng l “s? tr?ng r?ng” s? th?ng tr?. N?u chng ta lo?i b? Ð?c Kitơ v s? ph?c sinh c?a Ngu?i, thì con ngu?i vơ phuong xoay x? v ni?m tin noi Ngu?i ch? l ?o v?ng. Tuy nhin, hơm nay vang ln m?nh m? l?i loan bo v? s? ph?c sinh c?a Cha, v dĩ l cu tr? l?i cho v?n n?n c? l?p di l?p l?i c?a nh?ng k? hồi nghi nhu d du?c sch Gi?ng vin ghi l?i: “Th? h?i trn d?i ny cĩ di?u gì nĩi du?c l m?i l? khơng? (Gv 1,10). Chng tơi xin dp: Cĩ d?y: vo bu?i sng Ph?c Sinh, m?i s? d?u d?i m?i: “Mors et vita duelle conflixere mirando: dux vitae mortuus regnat vivus” - S? ch?t v s? s?ng d giao d?u v?i nhau trong cu?c giao tranh k? di?u: Cha s? s?ng d ch?t, nhung nay Ngu?i d s?ng l?i kh?i hồn. Ðĩ l chuy?n m?i l?. M?t s? m?i l? lm thay d?i cu?c s?ng c?a ai dĩn nh?n nĩ, nhu d x?y ra trong tru?ng h?p cc thnh. Ch?ng h?n, nhu cho thnh Phaolơ.

....

“Resurrectio Domini, spes nostra- Cu?c ph?c sinh c?a Cha l ni?m hy v?ng c?a chng ta”. Hơm nay Gio H?i hn hoan cơng b? di?u dĩ. Gio H?i loan bo ni?m hy v?ng gi? dy l ch?c ch?n v khơng th? d?o ngu?c vì Thin Cha d cho Ð?c Gisu Kitơ ph?c sinh t? ci ch?t. Gio H?i thơng truy?n ni?m hy v?ng dang ?p ? trong tim v mu?n chia s? v?i m?i ngu?i, ? kh?p noi, d?c bi?t l t?i nh?ng noi m cc Kitơ h?u dang ch?u bch h?i vì d?c tin ho?c vì s? d?n thn c?a h? nh?m b?o v? cơng lý v hồ bình. Gio H?i g?i ln hy v?ng cĩ kh? nang dem l?i lịng can d?m lm di?u thi?n k? c? khi ph?i gi d?t. Hơm nay Gio H?i ca t?ng “ngy m Thin Cha d lm nn” v m?i g?i hy vui m?ng.”

( Bản dịch JB Đặng Minh An)

Thưa anh chị em, đúng vậy, “ cuối cùng Sự sống mới là kẻ chiến thắng”

dù trong những ngày nầy, khắp thế giới đang hùa nhau tấn công Đức Giáo hoàng và Giáo hội công giáo vì những sai lầm và tội lỗi của một số thành viên, đặc biệt những người thánh hiến. Trên các phương tiện truyền thông, người ta toa rập nhau như bầy chó đói, moi móc những xác chết hôi thối của quá khứ và chia nhau thưởng thức như một chiến lợi phẩm, một chiến tích với hy vọng đánh sập đức tin công giáo và làm tan tác Giáo hội.

Lịch sử Giáo hội đã từng trải qua bao lúc thăng trầm, bao ngày thử thách như vậy.

Giáo hội không bao che, không lấp liếm, không dung túng những sai lầm của con cái mình và những người con trưởng thành của Giáo hội cũng chẳng hề nao núng vì những sự kiện trên.

Hãy nhớ rằng, lịch sử chứng minh: kẻ chiến thắng cuối cùng không phải là những kẻ đang ở thế thượng phong tấn công mà là Giáo hội Chúa Kitô.

Bởi vì sức mạnh của Giáo hội nầy là luôn chấp nhận “ chết” để “ sống lại”. Luôn biết đấm ngực vì lầm lỗi để canh tân “ đổi mới” ( nói theo ngôn ngữ thường dùng) và theo Thánh kinh là “ metanoia” ( thay đổi, hoán cải).

Nhưng phải công bằng và sáng suốt nhận định: trong thời gian qua các tổ chức thế trần hoặc các tôn giáo khác cũng không thiếu những thành viên bệ rạc, có điều người ta khéo che đậy, chưa phanh phui ra đó thôi. Đúng như Chúa nhận định: “ Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà không thấy cái xà nhà trong mắt ngươi.” Mt 7, 3 ). “ Ai sạch tội, hãy ném đá trước” ( Ga.8.7) Các người tự cho là đạo đức kia sao không lên tiếng bảo vệ 50 triệu trẻ em khỏi chết vì nạn phá thai trên toàn thế giới mỗi năm ? Sao không giúp đở 400 triệu người không có gì ăn mỗi ngày? Sao không ngăn cản chiến tranh, hận thù, bạo loạn, khủng bố... giết chết hàng triệu người trong mỗi năm? Sao không quan tâm đến 150 dến 210 triệu trẻ em mồ côi trên thế giới mà thống kê cho biết mỗi phút đồng hồ có thêm 5,700 em.

Sao không quan tâm đến một tỷ người cao huyết áp, 200 triệu đái tháo đường, 50 triệu Hiv, 40 triệu người mù, chưa kể ung thư và hàng triệu người phong cùi. Hãy kể thêm 650 triệu người khuyết tật và 2 tỷ rưởi người già nữa...Sao chỉ quan tâm đến bảo vệ hải cẩu, da xương cọp, beo, rùa, rắn...và dùng quá nhiều thời gian, của tiền để lo soi mói vào chuyện chỉ là cái rác so với những sự việc khủng khiếp nói trên? Các người đứng đắn công tâm, tuy không cùng niềm tin với chúng ta, vẫn phải thừa nhận rằng trong thế giới hôm nay Giáo hội công giáo vẫn là thành trì tốt nhất bảo vệ trẻ em, người già, người nghèo, tật bệnh và những ai bị áp bức, cô thân cô thế. Nguyên tại Hoa Kỳ, nơi đang phát ra những tín hiệu tiêu cực trên để rồi các phương tiện truyền thông thuộc hệ thống ‘’ nhai lại”, “ sao chép” khắp thế giới hùa theo tạo tin “giật gân” để trục lợi, cách nầy hay cách khác. Trong khi nhiều người công giáo tự ti mặc cảm thì Sam Miller, thì một thương gia danh giá Do Thái ở Cleveland đã vạch mặt chỉ tên những kẻ không biết điều và chỉ cho thấy tại cường quốc Hoa Kỳ nầy, chỉ riêng y tế và giáo dục, Giáo hội với 50 triệu tín hữu, đang chăm lo cho gần ba triệu sinh viên, học sinh. Riêng 230 Đại học và Cao đẳng phụ trách 700.000 sinh viên. Giáo hội đó phải chi phí mỗi năm 10 tỷ Mỹ Kim và giúp cho dân khỏi đóng thuế thêm 18 tỷ Mỹ Kim.Giáo hội có một hệ thống 637 bệnh viện miển phí, giúp đở người nghèo.

Tôi xin kể thêm trên thế giới hiện nay:

“ CƠ SỞ GIÁO DỤC

Giáo Hội điều hành 67.264 trường Mẫu giáo với 6.386.497 học sinh; 91.694 trường Tiểu Học với 29.800.338 học sinh; 41.210 trường Trung Học với 16.778.633 học sinh; bậc cao đẳng có 1.894.148 sinh viên và 2.837.370 sinh viên Đại Học.

CƠ SỞ TỪ THIỆN

- 5.378 bệnh viện (Châu Mỹ 1.669; Châu Âu 1.363)

- 18.088 trạm y tế ( Châu Mỹ 5.663; Châu Phi: 5373; Châu Á 3.532)

- Trại cùi: 5218 (Châu Á 293 và Châu Phi 186)

- Nhà dưỡng lão,khuyết tật: 15.448 (Châu Âu 8.271 và Châu Mỹ 3.839)

- Cô nhi viện: 9.376 (Châu Á 3.367)

- Vườn trẻ: 11.555

- Tư vấn hôn nhân (5.919)

- Trung tâm giáo dục và phục hồi: 33.146

( Trích thống kê Giáo Hội Công Giáo 2007)

Một vài trăm, thậm chí tăng lên vài ngàn trong hai ba chục năm, chẳng phải là một trận động đất 9 độ Richter ! Cũng chưa đến độ trời sụp, tận thế ! Mặt trời chiếu rạng 365 ngày không ai quan tâm nhưng có một vụ nhật thực nguyệt thực là cả thế giới xôn xao, bàn tán, có đáng không?

Để kết thúc bài viết Sam Miller vị thương gia Do Thái khích lệ người công giáo:

“ Hãy bước đi vai vươn cao và đầu ngẩng cao hơn nữa. Hãy tự hào là thành viên của một cơ quan phi chính phủ quan trọng nhất Hoa Kỳ.

Như tiên tri Jeremiah phán...thấy được con đường tốt và hãy bước đi..

Hãy hãnh diện hiên ngang và trân trọng để nói về niềm tin của bạn..

Hãy tự hào là người công giáo”

(http://catholicfriends.multiply.com/journal/item/2377/_Excerpts_of_an_article_written_by_Sam_Miller_prominent_Cleveland_Jewish_businessman_-_NOT_Catholic. “ Walk with your shoulders high and you head higher. Be a proud member of the most important non-governmental agency in the United States. . ... Be proud to speak up for your faith with pride and reverence and learn what your Church does for all other religions.

Be proud that you're a Catholic.)

Neron, Voltaire và bao người người ngạo mạng đã từng húc đầu vào đá tảng Giáo hội và từng rêu rao sẽ phá tan Giáo hội ấy, nhưng Giáo hội suy yếu đâu chưa thấy, chỉ thấy họ mục rã trong lòng đất. Họ tưởng có thể đội đá vá trời nhưng kết cục là chuyện không tưởng. Tôi nhớ lại câu ca dao:

Cái búa mà đập hòn đe.

Tưởng rằng đe bể, ai dè búa tan.

Cùng tư tưởng ấy là một tác giả công giáo nào đó ở Au Châu đã viết “ Phêrô là đá tảng và trên viên đá nầy bao chiếc búa đã bể tan”, để ráp thành câu ca dao công giáo Việt Nam.

Cái búa mà đập đá đe.

Tưởng rằng đá vở, ai dè búa tan.

Chính Chúa Giêsu đã xác nhận và lịch sử đã minh chứng:

“ Phêrô, anh là đá tảng. Trên đá nầy thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và các của Địa ngục sẽ không thắng được” ( Mt16,18 )

Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta phách lối, tự cao tự đại, khinh bỉ những lời tố cáo, đạp qua công lý, khinh thường các nạn nhân và gia đình.

Không, trái lại chúng ta phải đấm ngực vì bao tội lỗi của nhưng thành viên và của mỗi người trong chúng ta: Kyrie eleison “ Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi”. Mea culpa, mea maxima culpa. “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Nhưng chính vì thế mà Chúa đã đến để cứu chúng ta, tha thứ, chết và sống lại để cho chúng ta còn có cơ hội để tự thanh tẩy tội lỗi, làm lại cuộc đời và được sống lại trong cuộc sống tràn đầy hy vọng tương lai.

Lời bài Du ca năm nào trong thời chiến tranh mà tôi cũng từng ngâm nga chợt đến:

“Ai chiến đấu mà chẳng hề chiến bại.

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần.

Dậy mà đi hởi đồng bào ơi.”

Anh chị em ơi, Chúa đã sống lại thật rồi.

Hãy chổi dậy từ cỏi chết, hãy bước ra khỏi mồ.

Đừng tiếc nữa can chi khóc mãi

Dậy mà đi, núi sông vẫn chờ.

Dậy mà đi. Dậy mà đi.

Dậy mà đi hởi Cha già Biển Đức, hởi hàng ngàn vị chủ chăn, hàng triệu linh mục, tu sĩ. Chủng sinh...và trên một tỷ người con Chúa Kitô Phục sinh.

Dậy mà đi cùng với Đức Kitô Phục sinh vinh thắng, hởi anh chị em ơi.

Chúng ta, Giáo hội tại thế, giáo hội lữ hành, giáo hội chiến đấu chắc chắn đã, đang và còn sẽ mắc nhiều sai lầm, nhưng Chúa KiTô Người không hề sai lầm, giáo lý đạo tình thương của Người không hề sai lầm. Công cuộc giải phóng triệt để của Chúa Cứu Thế: chiến thắng sự chết, chiến thắng ma quỷ, chiến thắng tội lỗi là không hề sai lầm và không thể đảo ngược.

Chính vì thế, đêm nay hòa cùng gần ba ngàn triệu Kitô hữu trong đó có 1.115 triệu người công giáo, cộng đồng nhỏ bé chúng ta hãy hân hoan vì tin vui Chúa Phục Sinh. Đông qua đi và Mùa Xuân đang trở lại. Hãy vững tin điều đó dù quanh đây lũ quỷ Satan “ như sư tử vây quanh tìm mồi cắn xé” ( Thư 1 Phêrô 5, 8 ) gầm gừ nhe nanh dọa nạt ( Tv 2, Tv 22 ). Can đảm lên: Thầy đã thắng thế gian. Đừng sợ. Với sức mạnh của Đấng Phục Sinh...Chúng ta cũng sẽ chiến thắng cái ác và quỷ dữ.

Vì thế, Tin mừng Đức Ki tô sống lại không phải là chuyện thời sự hời hợt, một lễ hội vui vẻ khi mùa xuân trở lại mà phải là một cuộc cách mạng toàn diện, một cuộc đổi đời của mỗi người chúng ta, một ý thức đem Tin Mừng Phục Sinh vào cuộc sống chứng nhân nhất là trong Năm Thánh của Giáo hội Việt nam 2010 nầy.

Đối với chúng ta Chúa Ki tô không chỉ là một vĩ nhân mà là chính Thiên Chúa cứu đời, người đưa chúng ta từ cỏi chết đến cỏi sống, từ bóng tối đến ánh sáng, từ hố sâu tuyệt vọng đến bến bờ hạnh phúc chân thật. Vì ngài chính là con đường, con đường sự thật và sự sống, ngài chính là ánh sáng trần gian. Ai đi theo ngài sẽ không đi trong tăm tối nhưng đươc ánh sáng ban sự sống.

Xin Cho ánh sáng Chúa Kitô Phục sinh luôn chiếu toả trên cuộc đời chúng ta để chúng ta tiếp tục loan báo tin vui Chúa đã sống lại, là hy vọng và là đấng canh tân mọi sự.

Và cùng các thế hệ Kitô hữu, chúng ta hãy là những nhân chứng:

LOAN TRUYỀN SỰ CHẾT

VÀ TUYÊN XƯNG VIỆC CHÚA SỐNG LẠI

CHO ĐẾN KHI CHÚA LẠI ĐẾN.

AMEN

ALLELUIA.
 
Ông thánh trộm lành
Nguyễn Kim Ngân
09:55 03/04/2010
ÔNG THÁNH TRỘM LÀNH

“Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! "40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! "42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! "43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

Không dưng hình ảnh người “trộm lành” rực sáng trong tôi khi suy niệm về đoạn Phúc Âm theo thánh Luca (23:39-43) vừa dẫn. Trong cái tình cảnh cực kỳ “dầu sôi lửa bỏng” là nằm tuyệt vọng chờ chết trên thập tự, chỉ một vài lời trách cứ gửi đến “đồng nghiệp” của mình, cùng với những lời vớt vát tưởng như là “cầu may” hướng về Chúa Giêsu, thế mà anh “trộm lành” này đã vớ bở, chính thức trở thành nhân vật đầu tiên trong lịch sử nhân loaị được chính Chúa Cứu Thế tuyên phong lên bậc hiển thánh. Tất cả như xẩy ra chỉ trong nháy mắt, nhưng thật nhịp nhàng, hài hòa, đúng điệu, đúng nơi, đúng lúc, đúng người, đưa đến một kết thúc tuyệt đẹp và có hậu.

Từ dấu tội, chối tội, chạy tội, gỡ tội, đổ tội…cáo tội, xử tội, kết tội, buộc tôị rồi đền tội

Dường như các thầy cãi của Hoa Kỳ mặc nhiên công nhận và thực hành một quy ước bất thành văn, đang trở thành rất phổ thông, là bảo cho thân chủ của mình: “Nhớ nhé, chết cũng không nhận tội.” Nghĩa là cho dù có bị bắt quả tang với đầy đủ tang chứng, nhân chứng, việc tiên quyết là cứ chối phắt cái đã, rồi hoãn binh bằng câu: “Có gì, xin liên lạc với luật sư của tôi!” Mấy vị thầy cãi khôn bỏ mẹ, bởi vì trong trường hợp xấu nhất thì họ vẫn còn đường “binh” cuối cùng: cứ nhận là mình mắc bệnh tâm thần là xong.

Cái khôn ranh đến độ ma mãnh này thực ra được khai thác từ nền tảng là chính bản chất con người. Cứ đọc mấy chương đầu của sách Sáng Thế mà xem: khi tội ăn trái cấm đã đổ bể, thì Ađam chạy tội bắng cách đổ tội cho Evà. Đến lượt Evà thì gỡ tội bằng cách gán tội cho con rắn. Đến phiên con rắn thì hết đường chạy, đành phải ngậm nhấm mối thù truyền kiếp với loài người. Không biết có phải vì mối oán thù cay đắng câm nín này chăng mà từ xưa tới nay, cứ khi nào rắn và người gặp nhau, thì một trong hai phải chết. Nếu rắn không bị túm cổ để trở thành đồ nhậu hay đồ ngâm rượu bổ cho con người, thì con người sẽ bị rắn cắn, từ chết đến bị thương, không thể toàn thây được!

Đó là chưa kể đến kiểu tình lờ, ngây thơ, vô (số) tội đến xấc xược của Cain khi Chúa hỏi thăm hắn về Abel, người em trai ruột mà hắn vừa “cho đi tầu suốt” (chuyến tầu định mệnh đầu tiên của nhân loại): “Bộ tôi là thằng vú em trông nom nó sao?” (Sách Sáng Thế 4:9)

Thực ra, bảo rằng con người hôm nay đang mất dần cảm thức về tội, không còn nhậy cảm về tội nữa thì chỉ đúng một phần. Phải nói rằng con người hôm nay đang thi nhau chối tội, chạy tội, gỡ tội, đổ tội, để rồi chỉ nhận tội và đành lòng đền tội sau khi đã bị cáo tội, xử tội, kết tội, và luận tôi. Câu nói thời danh “nên tự giác để khỏi bị phát giác” thật khó tìm được chỗ đứng trong xã hội hôm nay.

Dù bi quan hay lạc quan, phải nhận rằng: mỗi người chúng ta đều là tội nhân, đều là gian phi, trong một mức độ nào đó. Vấn đề còn lại là thái độ của ta trước tội lỗi. Thông thường nhất là dấu diếm, ngụy trang, chối phắt. Đến khi bị “phát hiện” thì tìm đủ cách chạy chọt để gỡ gạc. Đấu tố người khác rất thường là một thái độ nhằm che dấu yếu điểm của mình. Đó chính là thái độ của tờ New York Times hiện nay khi đang ầm ĩ tố khổ Đức đương kim Giáo Hoàng nhân vụ lạm dụng tính dục trẻ em. Thật ra thì càng nổ lớn, càng dễ banh xác, và càng tố giác sinh quán của mình nằm ở “gần kho đạn.” Từ tạo thiên lập điạ đến nay, “nổ” vẫn là “đệ nhất của bẩy mối tội đầu.”

…Cho đến nhận tôi, (xưng) thú tội, tạ tội, hối tội, để được ơn tha tội và chừa tội

Mùa Chay năm nay, cũng y như những năm trước, hễ có nơi nào tổ chức giải tội, là y kỳ đông ơi là đông, vòng trong vòng ngoài, hàng dài hàng ngắn, nam phụ lão ấu. Đây là một hình ảnh đẹp, hình ảnh những bước chân của người con phung phá trở về với Cha. Có thể là trở về, rồi lại âm thầm ra đi một lần nữa, một lần nữa. Đến như Phêrô kia mà cũng quá tam đến ba lần khi chối Chúa…Vấn đề không phải là bao nhiêu lần lầm lũi, lén lút đi hoang, mà là tiếp tục trở về, trở về hoài mãi, chứ đừng đi…luôn (nếu không lầm, thì đó là chính là thái độ ngụy tín của André Gide trong tác phẩm “Đứa con đi hoang…không trở về” của ông). Kẻ theo đuôi tên “trộm dữ” có thể kể đến Giuđa, con người phản phúc, đi hoang, và rồi không bao giờ trở về nữa, kết cuộc là một trầm luân trong tuyệt vọng. Nhưng vẫn có đó những người đi theo “ông thánh trộm lành” và “đứa con đi hoang trở về,” đó là Giakêu, Phêrô, Phaolô, Mađalêna…

Thì ra, đi xưng tội là nhận chân rằng mình là con người nghèo nàn, yếu đuối, chỉ còn biết cậy nhờ phó thác vào tình thương của Chúa, đấng nhập thể và nhập thế hầu gánh lấy tội lỗi nhân loại, để qua bàn tay của linh mục, hối nhận nhận được ơn tha tội và sự bình an nội tâm. Muốn được thế, điều tiên quyết là phải xì cho hết hơi những bình nổ trong con người của mình, hầu khiêm nhường đấm ngực ăn năn. Đi xưng tội, nói như thánh Augustinô, chính là đi tìm thầy thuốc chữa trị cho căn bệnh nan y của tâm hồn.

“Xin cảm tạ ông Thánh Trộm Lành, Hối Nhân Kiệt Xuất, đã chỉ dậy cho tôi con đường ngắn nhất để lên thiên đàng. Đó là con đường khiêm nhường xưng thú tội lỗi mình trước mặt Đấng hiện thân của tình yêu, một tình yêu tột cùng, tình yêu có sức khỏa lấp hết mọi nhuốc nhơ tội lỗi, tình yêu đem lại ơn cứu độ muôn đời. Amen.”

Thứ Sáu Tuần Thánh 2010
 
Alleluia ! Alleluia
LM. Anphong Trần Đức Phương
13:38 03/04/2010
ALLELUIA! ALLELUIA!

(CHÚA NHẬT LỄ PHỤC SINH)

Hôm nay, chúng ta mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh (Các Bài Đọc năm A, B, C đều giống nhau. Bài Đọc I: Sách Công Vụ Tông Đồ 10: 34, 37-43; Bài Đọc II: Thư gởi tín hữu Côlôsê 3: 1-4 hoặc Sách 1 Corintô 5: 6-8; Bài Phúc Âm Gioan 20: 1-9 hay lấy ở Lễ Vọng Phục Sinh, hoặc Luca 24: 13-35 (trong Lễ buổi chiều).

Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh đêm hôm qua, chúng ta đã long trọng hát Alleluia. Alleluia được dùng trong Phụng Vụ của Giáo Hội trên toàn thế giới, gốc từ tiếng Do Thái, có nghĩa là “Hãy ngợi khen Thiên Chúa” và để tỏ niềm vui mừng (niềm vui mừng tạ ơn Chúa).

Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa vì Chúa đã chịu khổ nạn, chịu chết để đền tội cho chúng ta, đã mai táng trong mồ để thánh hóa các phần mộ của chúng ta,và Ngài đã sống lại để mở đường cứu rỗi cho chúng ta. Đó là niềm vui khôn tả cho chúng ta trong niềm hy vọng chúng ta cũng được sống lại với Chúa sau cuộc đời đau khổ và cái chết của mỗi người chúng ta. “Nếu Chúa Giêsu đã không sống lại trong vinh quang thì niềm tin của chúng ta thật vô ích!”(Thư Thánh Phaolô)

Việc Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra với nhiều người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau đã được ghi lại trong các Sách Phúc Âm Matthêu (Chương 28), Matcô (Chương 16), Luca (Chương 24), Gioan (Chương 20-21) và Sách Công Vụ Tông Đồ (10: 40-43). Các Thánh Tông Đồ và Thánh Phaolô đã hy sinh cả cuộc đời để rao giảng Tin Mừng tình thương của Chúa cho mọi người, và đã chịu tử đạo để làm chứng về “Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.”

Chúa Giêsu đã sống lại, chúng ta cũng sẽ được sống lại với Chúa trong cuộc sống đời đời. Nhưng để được sống lại với Chúa, chúng ta cần phải chết đi với tội lỗi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (Rôma 6: 8-11) và luôn cố gắng ‘sống lại’ trong cuộc sống mới. Trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta đã cùng với các anh chị em Tân Tòng, lặp lại lời Tuyên Hứa khi chịu Phép Rửa Tội. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã được chết đi với tội lỗi, và sống lại thật trong đời sống mới của các con cái Chúa; nhưng vì chúng ta vẫn phải sống trong thân xác yếu hèn và giữa bao cám dỗ của thế gian, nên chúng ta vẫn có thể sa ngã phạm tội vì yếu đuối của con người (Sách Rôma 3: 9-19). Vì thế, chúng ta phải cố gắng liên lỉ để canh tân đời sống chúng ta “Tân Nhật Tân!” Mỗi ngày là một cuộc đổi mới nhờ Ơn Thánh Chúa mà chúng ta lãnh nhận qua các Phép Bí Tích, đặc biệt Bí Tích Hòa Giải (Xưng Tội) và việc rước Mình và Máu Thánh Chúa là của nuôi Linh Hồn chúng ta.

Qua những hy sinh, hãm mình, ăn năn sám hối tội lỗi, qua các cuộc tĩnh tâm Mùa Chay, và lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, chúng ta đã quyết tâm chết đi với tội lỗi, và hôm nay chúng ta vui mừng hát “Alleluia! Alleluia!” để tạ ơn Chúa trong niềm vui mừng được cùng sống lại với Chúa Kitô thì “chúng ta hãy tìm kiếm những sự trên trời… Hãy hướng tâm trí về những sự trên trời, chứ đừng đắm chìm với những sự thế gian…” (Bài Đọc II: Colosê 3: 1-4).

“Chúa Giêsu Kitô đã sống lại là niềm hy vọng sống lại của chúng ta. Chúng ta hãy vui mừng tạ ơn Chúa! Alleluia! Alleluia!” (Ca Tiếp Liên) và cầu nguyện cho nhau để chúng ta cũng được sống lại thật với Chúa trong cuốc sống mới: trong sạch, khiêm tốn, hòa hợp và yêu thương phục vụ mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các anh chị em Tân Tòng đã được chính thức gia nhập Giáo Hội Chúa trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh đêm qua. Chúng ta cũng đừng quên hiệp thông với Giáo Hội Hoa Kỳ, cầu nguyện cho những anh chị em đã xa lạc được sớm trở về với Chúa (Catholics Come Back Home).

Xin Chúa Giêsu Phục Sinh chúc lành cho toàn thể Giáo Hội Chúa, cho Đức Giáo Hoàng và các vị Chủ chăn, cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam, cho mọi người chúng ta và gia đình chúng ta.Alleluia! Alleluia!
 
Thánh lễ Phục Sinh 2010
+ Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
20:37 03/04/2010
Thánh lễ Phục Sinh 2010

(Cv 10, 34a.37-43; Col 3, 1-4; Ga20, 1-9)

Anh chị em thân mén,

Chúng ta đang cùng với những người phụ nữ đạo đức và các môn đệ sống lại kinh nghiệm của buổi sáng ngày Phục Sinh.

Chiều thứ sáu, vì phải gấp rút chôn Chúa Giêsu vào trong mộ trước khi mặt trời lặn, để khỏi mắc ô uế không thể dự lễ Vượt Qua, nên người ta khâm liệm Ngài một cách khá vội vã. Những người phụ nữ đạo đức, yêu mến Chúa Giêsu, chờ đến vừa tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần vội vã đem thêm thuốc thơm để ướp xác Chúa. Họ đến để ướp một xác chết.

Thế nhưng, khi đến mộ họ khám phá ra là tảng đá che mộ đã được lăn ra ngoài, nghĩa là có một chuyện gì đó liên quan đến xác Chúa Giêsu. Và họ đã báo tin cho các môn đệ rằng: “ Người ta đã đem Chúa ra khỏi mồ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Thấy mất xác, các bà nghĩ ngay đến việc trộm xác, không hề nghĩ đến có một khả năng khác có thể xảy ra.

Nghe các bà báo tin, Phêrô và Gioan vội vã chạy ra mộ. Các ông vào mộ và thấy gì ? Họ thấy các tấm khăn liệm còn ở đó. Khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng, không lẫn lộn với các băng vải. Gioan đã thấy hiện tượng này và ông đã tin.

Gioan đã tin gì ? Chắc chắn không phải là một vụ trộm xác. Nếu người ta ăn trộm xác Chúa Giêsu vào ban đêm, có lẽ họ không có thời giờ để xếp những tấm khăn ngay ngắn như thế. Vậy đó là hiện tượng gì ? Có lẽ tông đồ Gioan đã nhớ lại Lời của Chúa Giêsu đã nói trước và ông đã tin, dẫu cho ông cũng không hiểu rõ về việc sống lại.

Điều gì đã giúp cho Gioan liên kết sự kiện mồ trống, những tấm khăn liệm xếp ngay ngắn, và sự phục sinh của Chúa Giêsu, trong khi tông đồ Phêrô chỉ kinh ngạc, và các bà đạo đức thì nghĩ đến việc trôm xác ? Có lẽ chính tình yêu dành cho Chúa Giêsu một cách tuỵêt đối, nên Gioan tin luôn vào Lời của Chúa dẫu cho phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Tình yêu và lòng tin giúp cho tông đồ Gioan có một cái nhìn xuyên suốt, và nhờ đó, ngài có thể hiểu được điều mà những người khác klhông thể hiểu nổi.

Anh chị em thân mến,

Cũng giống như các bà đạo đức, thánh Phêrô và thánh Gioan, chúng ta mỗi người đều có một kinh nghiệm về đức tin vào Chúa Giêsu một cách khác nhau.

Có người được Chúa ban cho một tình yêu mạnh mẽ như Gioan, nên cho dù phải sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ vững niềm tin. Hãy nhớ lại hình ảnh của tông đồ Gioan theo Chúa suốt hành trình thập giá, ở bên Thầy cho đến giây phút cuối cùng, dẫu cho bao nhiêu anh em khác đều bỏ Thầy mà trốn hết.

Có người được Chúa ban cho những kinh nghiệm như Phêrô: yêu mến Thầy nồng nàn, nhưng hay nóng vội, quá tin tưởng vào sức mình; khi gặp những hoàn cảnh khó khăn thì lại trở nên nhát đảm, không dám bày tỏ niềm tin của mình. Nhưng một khi được gặp lại Chúa Kitô Phục Sinh, niềm tin đã trở thành như núi đá, không gì có thể lay chuyển được. Sẵn sàng dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho đức tin.

Có người được Chúa ban cho một niềm tin đơn sơ như những người phụ nữ đạo đức. Họ chẳng cần lý luận, chỉ cần yêu mến Chúa và cảm nhận được lòng Chúa yêu thương. Họ sẵn sàng cho đi tất cả và ở bên cạnh Chúa Giêsu khi họ cảm thấy là Ngài cần đến họ.

Mỗi người có một cách thế tiếp cận niềm tin và biểu lộ đức tin; nhưng tất cả đều có một điểm chung là họ yêu mến Chúa và sẵn sàng làm chứng cho tình yêu của Ngài, cái chết của Ngài và sự phục sinh của Ngài.

Xin cho mỗi người Kitô hữu chúng ta biết sống niềm vui Phục Sinh một cách mạnh mẽ, để có thể làm chứng cho Chúa bằng một đời sống tốt đẹp trong tinh thần tôn trọng con người và yêu thương anh chị em mình.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Suy niệm của ĐHY Ruini trong buổi đi đàng Thánh Giá của Đức Thánh Cha
LM. . Trần Đức Anh, OP
08:40 03/04/2010
Suy niệm của ĐHY Ruini trong buổi đi đàng Thánh Giá của Đức Thánh Cha

ROMA. ĐTC đã mời ĐHY Camillo Ruini soạn các bài suy niệm cho 14 chặng Đàng Thánh Giá trọng thể tối Thứ Sáu Tuần Thánh 2-4-2010 tại hý trường Colosseo ở Roma.

Nghi thức này được hơn 60 đài truyền hình năm châu truyền đi trên hệ thống Mondovisione.

Văn bản các bài suy niệm này đã được phổ biến trước trên Web của Tòa Thánh (www.vatican. va) để các tín hữu có thể tải xuống, đọc trước, suy niệm hoặc tham gia qua các phương tiện truyền thông. ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Và trong số những người vác Thánh Giá tại các chặng còn lại có 2 tín hữu Irak, 2 tín hữu từ Haiti, một người Việt Nam là chị Thérèsa Nguyễn Thị Linh Khương (Gia đình Hồng Ân Thiên Chúa, Eau Vive), một phụ nữ Congo và hai tu sĩ Phanxicô từ Thánh Địa.

ĐHY Camillo Ruini năm nay 79 tuổi, nguyên là Giám quản Roma trong 17 năm trời (1991-2008), cho đến khi về hưu cách đây 2 năm và từng làm chủ tịch HĐGM Italia trong 15 năm.

Khác với nhiều bài suy niệm trong các buổi đi đàng Thánh Giá của ĐTC trong những năm trước đây, các bài suy niệm của ĐHY Ruini không nhắc đến những tệ đoan xã hội hoặc những tranh luận thời sự, nhưng mang một sắc thái huấn giáo về những điểm thiết yếu trong đức tin Kitô giáo. ĐHY giải thích rằng ”vì có hằng triệu người trên thế giới tham gia buổi đi Đàng Thánh Giá này, nên tôi thiết nghĩ đây là cơ hội rất tốt để giúp dân chúng đi sâu vào trọng tâm đức tin của chúng ta hoặc tái khám phá niềm tin ấy, đối với những người đã xa lìa Giáo Hội”. Sau đây, một số suy niệm cho 9 chặng (1, 2, 3, 4, 5 và 10, 11, 12 và 13). Mở đầu buổi đi Đàng Thánh Giá, ĐTC xướng lên lời nguyện:

”Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Chúa biết mọi sự, Chúa thấy tiềm ẩn trong con tim chúng con điều này là: chúng con rất cần Chúa. Xin ban cho mỗi người chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận nhu cầu ấy. Xin giải thoát khỏi trí tuệ chúng con sự tự phụ sai lầm và lố bịch, tưởng rằng có thể thống trị mầu nhiệm bao quanh chúng con ở mọi nơi. Xin giải thoát ý chí chúng con khỏi sự tự mãn thơ ngây và vô lý, tưởng rằng mình có thể tự kiến tạo hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc sống chúng con. Xin làm cho cái nhìn nội tâm chúng con trở nên chân thành và thấu suốt để chúng con thành thực nhìn nhận rằng sự ác đang ở trong chúng con. Nhưng, trong ánh sáng cuộc khổ nạn và phục sinh của Con Chúa, xin Chúa cũng ban cho chúng con xác tín mạnh mẽ rằng, khi được kết hiệp với Người và được Người nâng đỡ, chúng con cũng có thể chiến thắng sự ác bằng sự thiện. Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tiến bước theo thánh giá Chúa với tâm tình như vậy.

Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình

Tại sao Chúa Giêsu bị kết án tử hình, trong khi Ngài là ”Đấng luôn làm điều thiện” (Cv 10,38)? Câu hỏi này tháp tùng chúng ta trong Đàng Thánh Giá này cũng như cả cuộc đời chúng ta.

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta tìm được câu trả lời đích thực: các thủ lãnh người Do thái đã muốn giết Chúa Giêsu vì họ cho rằng Ngài coi mình là Con Thiên Chúa. Và chúng ta cũng tìm được một câu trả lời mà người Do thái đã dùng như một cái cớ để xin Quan Philatô kết án Chúa Giêsu: ”Ông này tự nhận mình là vua trần thế này, vua của người Do thái.”

Nhưng đàng sau những câu trả lời ấy có mở ra một vực thẳm mà các Sách Tin Mừng và toàn thể Kinh Thánh cho chúng ta nhìn thấy, đó là Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta. Và sâu xa hơn nữa, Ngài đã chết cho chúng ta, đã chết vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và yêu đến độ ban Con duy nhất của Ngài để chúng ta nhờ Ngài mà được sống (Cx Ga 3,16-17).

Vì thế, chúng ta phải nhìn chính mình: nhìn sự ác và tội lỗi đang ở trong chúng ta và quá nhiều khi chúng ta làm bộ không biết. Và hơn nữa chúng ta phải hướng nhìn về Thiên Chúa đầy lòng xót thương, Đấng đã gọi chúng ta là bạn hữu (Xc Ga 15,15). Như thế Đàng Thánh Giá này và toàn thể hành trình cuộc sống chúng ta trở thành hành trình thống hối, đau đớn và hoán cải, nhưng đồng thời cũng là hành trình biết ơn, tin tưởng và vui mừng.

Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác Thập Giá

Sau khi bị kết án, Chúa Giêsu bị xỉ nhục. Điều mà quân lính làm cho Chúa Giêsu thật là vô nhân đạo: họ nhạo cười và khinh rẻ, qua những hành vi đó có biểu lộ một sự tàn ác tăm tối, bất chấp đau khổ, kể cả về mặt thể lý mà họ vô cớ gây ra cho một người đã bị kết án cực hình kinh khủng là Thập Giá. Nhưng thái độ ấy của quân lính cũng là điều quá thường tình. Hàng ngàn trang lịch sử nhân loại và tin tức báo chí hằng ngày xác nhận rằng những hành động như thế không phải là xa lạ với con người. Thánh Phaolô Tông Đồ đã nêu rõ sự mâu thuẫn này: ”Tôi biết rằng trong tôi.. trong thân xác tôi không có điều thiện: thực vậy tôi không làm điều thiện mà tôi muốn, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,18-19)

Quả thực là như vậy: trong lương tâm chúng ta có ánh sáng của sự thật được thắp lên, một ánh sáng hiển nhiên trong nhiều trường hợp và hạnh phúc thay chúng ta để cho mình được ánh sáng ấy hướng dẫn. Nhưng nhiều khi xảy ra điều trái ngược: ánh sáng ấy bị che khuất vì sự chua cay, vì những ước muốn không thể xưng thú được, vì sự sa đọa của tâm hồn. Và khi ấy chúng ta trở nên tàn bạo, có khả năng làm những chuyện xấu xa, thậm chí cả những điều không thể tưởng tượng được.

Lạy Chúa Giêsu, cả con cũng thuộc vào số những người đã nhạo cười và đánh đập Chúa. Thực vậy Chúa đã nói: ”Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40). Lạy Chúa Giêsu xin tha thứ cho con.

Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I

”Các sách Tin Mừng không nói về những lần Chúa Giêsu bị ngã dưới sức nặng của Thập Giá, nhưng truyền thống cổ kính này thực sự là điều rất có thể đã xảy ra. Chúng ta chỉ nhớ rằng, trước khi vác Thập Giá, Chúa Giêsu đã bị quan Philatô ra lệnh đánh đòn. Sau khi phải chịu tất cả những đau khổ từ đêm trong vườn Giệtsimani, sức lực của Ngài hầu như chẳng còn nữa.

Trước khi dừng lại nơi những khía cạnh sâu xa và nội tâm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta hãy ghi nhận sự đau khổ thể lý mà Ngài phải chịu. Một sự đau khổ lớn lao kinh khủng, cho đến hơi thở cuối cùng trên Thập Giá, một sự đau khổ không thể không gây khiếp đảm.

Sự đau khổ thể lý thì dễ khắc phục hay ít là làm dịu bớt, với những kỹ thuật và phương pháp hiện nay của chúng ta, với thuốc mê và những phương pháp trị liệu chống đau. Cho dù vì nhiều lý do, tự nhiên hay là do thái độ của con người, một khối lượng đau khổ thể lý rất lớn vẫn hiện diện trong thế giới.

Dầu sao, Chúa Giêau đã không từ khước đau khổ thể lý và khi làm như thế, Ngài liên đới với toàn thể gia đình nhân loại, nhất là với phần lớn những người đang phải chịu hình thức khổ đau này. Khi thấy Chúa ngã xuống đất dưới sức đè của Thập Giá, chúng ta hãy khiêm tốn xin Ngài ban ơn can đảm nới rộng không gian quá chật hẹp trong con tim của chúng ta, bằng tình liên đới không phải bằng lời nói mà thôi.

Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài

Các sách Tin Mừng không nói trực tiếp về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài trên đường Thập Giá, nhưng có nói về sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân Thập Giá. Tại đây Chúa Giêsu ngỏ lời với Mẹ và với môn đệ yêu quí của Ngài là Gioan Thánh Sử. Những lời có ý nghĩa trực tiếp: Ngài phó thác Mẹ Maria cho thánh Gioan, để chăm sóc Mẹ. Và một cảm thức bao quát và sâu xa hơn, đó là dưới chân Thập Giá, Mẹ Maria được kêu gọi nói lên một lời ”xin vâng” thứ hai, sau lời thưa đầu tiên lúc truyền tin, qua đó Người trở thành Mẹ của Chúa Giêsu, và nhờ đó mở cửa cứu độ cho chúng ta.

Qua lời thưa ”xin vâng” thứ hai, Mẹ Maria trở thành Mẹ của tất cả chúng ta, của mỗi người nam nữ mà Chúa Giêsu đã đổ máu ra để cứu chuộc. Đây là một tình mẫu tử như dấu hiệu sinh động của tình yêu thương và lòng từ bi của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vì vậy có những mối liên hệ kính mến và tín thác rất sâu đậm nối kết dân Kitô với Mẹ Maria: bởi vậy, chúng ta tự nhiên chạy đến cùng Mẹ nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Nhưng Mẹ Maria đã trả giá đắt đỏ cho tình mẫu tử đại đồng này. Như ông Simeon đã tiên báo về Mẹ tại Đền thờ Jerusalem, ”một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Bà” (Lc 2,35).

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con, xin giúp chúng con cảm nghiệm trong tâm hồn chúng con, tối hôm nay và mãi mãi, sự đau khổ đầy tình yêu thương đã liên kết Mẹ với Chúa Con của Mẹ.

Chặng thứ V: Ông Simon vác đỡ Thập Chúa Giêsu

”Có lẽ Chúa Giêsu đã thực sự kiệt lực nên quân lính bắt người đầu tiên mà họ gặp và buộc ông ta vác đỡ Thập Giá. Trong đời sống hằng ngày, Thập Giá dưới bao nhiêu hình thức khác nhau cũng thường bất ngờ xảy ra cho chúng ta, từ một cơn bệnh cho đến tai nạn nặng nề, hoặc mất một người thân yêu, mất công ăn việc làm. Và chúng ta chỉ coi đó là một điều xui xẻo, hoặc tệ hơn, như một bất hạnh.

Nhưng Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Ai muốn theo Thầy thì hãy bỏ mình đi, vác Thập Giá của mình và theo Thầy” (Mt 16,24). Đây không phải là điều dễ dàng, trái lại, trong đời sống cụ thể, đây là những lời dạy khó nhất trong Tin Mừng. Toàn thể cuộc sống chúng ta, tất cả những gì ở trong chúng ta đều nổi loạn chống lại những lời như thế.

Nhưng Chúa Giêsu nói tiếp: ”Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó” (Mt 16,25). Chúng ta hãy suy nghĩ về câu này ”vì Thầy”: ở đây có tất cả đòi hỏi của Chúa Giêsu, ý thức của Ngài về bản thân và lời yêu cầu của Ngài đối với chúng ta. Ngài ở trọng tâm mọi sự, Ngài là Con Thiên Chúa, là một với Thiên Chúa Cha (Xc Ga 10,30), Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta (Xc Cv 4,12).

Thực ra, nhiều khi điều ban đầu có vẻ là chỉ một điều xui xẻo hay bất hạnh sau đó nó lại là một cánh cửa mở ra cho đời sống chúng ta và mang lại cho chúng ta một điều tốt đẹp lớn hơn. Nhưng không phải bao giờ cũng như thế: nơi trần thế này, bao nhiêu lần bất hạnh chỉ là những sự mất mát đau thương. Ở đây Chúa Giêsu cũng có những điều để nói với chúng ta. Hay đúng hơn, có một cái gì đó xảy ra cho Ngài: sau Thập Giá, Ngài đã sống lại từ cõi chết, và đã sống lại như người anh cả của nhiều người em (Xc Rm 8,29; 1 Cr 15,20). Đúng vậy, Thập Giá của ngài không thể tách rời khỏi sự phục sinh của Ngài. Chỉ khi nào tin nơi sự sống lại, chúng ta mới có thể tiến bước một cách khôn ngoan trên con đường Thập Giá.

Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột quần áo

Chúa Giêsu bị tước bỏ y phục của ngài: chúng ta bước vào hồi chót của bi kịch bắt đầu từ khi Ngài bị bắt nơi Vườn Cây Dầu, nơi Ngài bị tước bỏ nhân phẩm, trước khi bị tước bỏ phẩm giá làm Con Thiên Chúa.

Vì thế, Chúa Giêsu đứng trần trụi trước cái nhìn của dân thành Jerusalem và trước cái nhìn của toàn thể nhân loại. Theo một nghĩa sâu xa, điều đó cần xảy ra như vậy: Ngài đã hoàn toàn từ bỏ chính mình, để tự hiến cho chúng ta. Vì vậy, việc lột bỏ áo quần cũng là điều chu toàn một lời trong Kinh Thánh.

Khi nhìn Chúa Giêsu trần trụi trên Thập Giá, chúng ta cảm thấy trong lòng một nhu cầu thúc bách: chúng ta cần trực tiếp nhìn vào bản thân mình; lột bỏ một cách thiêng liêng mọi sự trước mắt chúng ta, và trước mặt Thiên Chúa, cũng như trước anh chị em chúng ta nữa. Chúng ta cần tước bỏ khỏi mình lòng tự phụ coi mình tốt đẹp hơn thực trạng của mình, để cố gắng sống thành thực và minh bạch.

Thái độ có lẽ làm cho Chúa Giêsu phẫn nộ hơn mọi điều khác, chính là sự giả hình. Bao nhiêu lần Ngài đã nói với các môn đệ: các con đừng làm “như những kẻ giả hình” (Mt 6,2.5.16), hoặc Ngài nói với những kẻ phản đối những việc lành của Ngài: ”Khốn cho các ngươi là những kẻ giả hỉnh” (Mt 23,13.15.23. 25.27.29).

Lạy Chúa Giêsu chịu trần trụi trên Thập Giá, xin giúp con trở thành trơ trụi trước mặt Chúa.

Chặng thứ XI: Chúa Giêsu bị đóng đanh vào Thập Giá

Chúa Giêsu bị đóng đanh vào Thập Giá. Một cực hình khủng khiếp. Và trong khi Ngài bị treo trên Thập Giá, có nhiều người chế nhạo và khiêu khích Ngài: ”Hắn đã cứu người khác mà lại không thể cứu được chính mình!.. Hắn đã tin tưởng nơi Thiên Chúa: giờ đây, Người hãy cứu hắn đi nếu Người thương hắn. Vì hắn đã nói: ”Tôi là Con Thiên Chúa!” (Mt 27,42-43). Và thế là họ cười nhạo không những con người của Ngài nhưng cả sứ mạng cứu độ của Ngài nữa, sứ mạng mà Chúa Giêsu đang chu toàn ngay trên Thập Giá.

Nhưng trong thâm tâm, Chúa Giêsu còn cảm thấy một nỗi đau khổ lớn lao hơn nữa khiến Ngài phải kêu lên: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?” (Mc 15,34). Đây là những lời khởi đầu một thánh vịnh và thánh vịnh này được kết thúc với sự tái xác quyết lòng tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Nhưng dầu sao những lời ấy cũng cần được coi trọng vì diễn tả thử thách lớn nhất mà Chúa Giêsu phải chịu.

Bao nhiêu lần trước một thử thách, chúng ta nghĩ rằng mình bị Thiên Chúa quên lãng hoặc bỏ rơi. Hoặc thậm chí chúng ta bị cám dỗ cho rằng Thiên Chúa chẳng hiện hữu.

Thế nhưng, Con Thiên Chúa, đã uống trọn chén đắng của Ngài rồi sống lại, Ngà nói với chúng ta, với trọn con người, cuộc sống và cái chết của Ngài rằng chúng ta phải tín thác vào Thiên Chúa. Chúng ta có thể tin tưởng nơi Chúa.

Chặng thứ XII: Chúa Giêsu chết trên Thập Giá

Khi một người từ trần sau một cơn bệnh đau đớn, người ta thường thở phào nói: ”Người này không còn đau đớn nữa”. Theo một nghĩa nào đó, những lời này cũng được áp dụng cho Chúa Giêsu. Nhưng những lời này quá hạn hẹp và hời hợt trước cái chết của bất kỳ người nào, và nhất là trước cái chết của vị là Con Thiên Chúa.

Thực vậy, khi Chúa Giêsu sinh thì, màn trong đền thờ Jerusalem xé ra làm đôi từ trên xuống dưới và xảy ra những dấu lạ khác khiến cho viên quan bách quân La Mã đứng canh Thập Giá phải thốt lên: ”Quả thực ông này là Con Thiên Chúa” (Xc Mt 27,51-54).

Trong thực tế, không gì bí ẩn và huyền nhiệm như cái chết của Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Thiên Chúa Cha là nguồn mạch và là sự sống sung mãn. Những cũng không gì rạng ngời cho bằng cái chết của Ngài, vì ở đây vinh quang của Thiên Chúa chiếu sáng, vinh quang của Tình Yêu toàn năng và thương xót.

Đứng trước cái chết của Chúa Giêsu, lời đáp trả của chúng ta là thinh lặng thờ lạy. Như thế, chúng ta tín thác nơi Ngài, đặt mình trong tay Ngài, cầu xin Ngài để trong cuộc sống và cái chết chúng ta, không điều gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi Ngài (Xc Rm 8,38-39).

Chặng thứ XIII: Tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá và trao cho Mẹ Ngài.

Giờ đây giờ của Chúa Giêau đã hoàn tất và Ngài được tháo khỏi Thập Giá. Đón nhận xác Chúa có vòng tay của Mẹ Ngài. Sau khi đã nếm đến tột cùng nỗi cô đơn của cái chết, Chúa Giêsu, qua thi hài nhợt nhạt của Ngài, đã tìm lại được mối liên hệ mạnh mẽ và dịu dàng nhất, sự nồng ấm nhất của tình thương Mẹ Ngài. Các nghệ sĩ nổi danh nhất, - chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ đến tượng Đức Mẹ sầu bi của Michelangelo, - họ đã biết trực giác và diễn tả sự sâu thẳm và kiên cường không thể phá hủy của mối liên hệ ấy.

Khi nhớ lại rằng dưới chân Thập Giá, Mẹ Maria đã trở thành Mẹ của mỗi người chúng ta, chúng ta xin Mẹ đặt trong con tim chúng ta những tâm tình liên kết Mẹ với Chúa Giêsu. Thực vậy, để trở thành những Kitô hữu chân chính, để có thể thực sự theo Chúa GIêsu, chúng ta cần được liên kết với Chúa qua tất cả những gì ở trong chúng ta: trí tuệ, ý chí, con tim, những chọn lựa bé nhỏ cũng như những chọn lựa lớn lao hằng ngày.

Chỉ như thế, Thiên Chúa mới có thể ở trung tâm cuộc sống chúng ta, và không bị thu hẹp thành một thứ an ủi luôn sẵn sàng sử dụng, nhưng không tác động cụ thể vào những gì làm căn bản cho hoạt động của chúng ta.
 
Tuần Thánh và lễ Phục Sinh ngày nay tại Pháp
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:52 03/04/2010
Tuần Thánh và lễ Phục Sinh ngày nay tại Pháp

Đạo Công Giáo tại Pháp có bề dầy lịch sử hơn 17 thế kỷ. Ngày nay các trào lưu tục hóa muốn xóa bỏ gốc tích truyền thống này. Tuy nhiên Kitô giáo đã ăn sâu vào văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và các lãnh vực đời sống của người dân, quốc gia và dân tộc. Đây là dấu ấn không thể bị xóa nhòa. Các kỳ nghỉ trong năm học của học sinh sinh viên đều dựa trên những dịp lễ lớn của Kitô giáo (kỳ nghỉ Lễ Các Thánh, Giáng Sinh, Phục Sinh…). Tên của các vị thánh được đặt cho một số đại lộ, đường phố hay thành phố. Các nhãn hiệu phó mát và rượu nổi tiếng gắn liền với các đan viện dòng tu. Ngày di sản quốc gia, địa điểm viếng thăm của dân chúng tập trung chủ yếu tại các vương cung thánh đường và các ngôi nhà thờ chính tòa nguy nga tráng lệ với nét kiến trúc đa dạng, độc đáo và giầu tính nghệ thuật. Những dịp lễ lớn Giáng Sinh, Phục Sinh hay dịp lễ gắn liền với gia đình như rửa tội, rước lễ lần đầu… đều có những món ăn đặc trưng. Đặc biệt, các di tích và sử sách Kitô giáo vẫn là những nhân chứng vật chứng không thể phủ nhận cho những ai có thiện chí tìm hiểu căn nguyên.

Cũng như mọi nơi, trong suốt Mùa Chay tại Pháp, việc thực hành chia sẻ được các Kitô hữu chú trọng. Đâu đó đều tham gia vào việc đóng góp cụ thể nhằm chống lại nghèo đói và ủng hộ cho công cuộc phát triển tại các quốc gia và địa phương đang cần sự giúp đỡ. Các bữa ăn quyên góp chỉ với chén cơm trắng cũng được các giáo xứ tổ chức để giúp đỡ cho những người thiếu thốn.

Cuộc khổ nạn và Phục Sinh vinh hiển của Đức Giêsu có sức mạnh biến đổi và hoán cải rất nhiều tâm hồn quay về đường chính nẻo ngay. Đức tin Kitô giáo vẫn tiếp tục đánh động và thôi thúc những người có thiện ý trở về với Thiên Chúa qua những dịp lễ lớn và những biến cố xảy ra trong đời. Vào Đại Lễ Phục Sinh năm nay, Giáo Hội Pháp đón nhận thêm gần 3000 người trưởng thành gia nhập đạo Công Giáo.

Bắt đầu bước vào Tuần Thánh với Chúa Nhật Lễ Lá, số người đến tham dự các nghi thức tăng lên khác thường. Đặc biệt, dịp Tam Nhật Vượt Qua, không ai có thể bàng quan trước một Đức Giêsu là Chúa và là Thầy mà lại ở giữa các môn đệ như người tôi tớ trong bữa Tiệc Ly. Thứ Sáu Tuần Thánh, các nghi thức suy tôn Thánh Giá và các chặng đàng Thánh Giá được cử hành khắp nơi. Trong nhà nguyện của một số nhà hưu dưỡng, những người cao tuổi mắt đã mờ và chân không còn vững chãi được trợ giúp bởi đôi nạng vẫn bước đi chậm rãi để kết hợp với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Trong phần suy tôn Thánh Giá nơi các nhà thờ, đoàn người đủ mọi thành phần già trẻ nam nữ lũ lượt tiến về Thập Giá Chúa Kitô để chiêm ngắm và để được đánh động bởi tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người.

Một số các giáo xứ trong các giáo phận cũng tổ chức đi đàng Thánh Giá trên đường phố. Đoạn đường Thánh Giá tại thành phố Lyon năm nay được xuất phát từ nhà thờ Saint Louis trong khu vực giới lao động Guillotières đi trên những chiếc cầu bắc qua hai con sông lớn Rhône và Saône chảy qua thành phố, băng qua quảng trường trung tâm Bellcour để tiến về nhà thờ chính tòa Saint Jean. Các bài suy niệm được cha Jean-Sébastien Tuloup, Giám Đốc chủng viện Saint Irénée đảm nhiệm với sự hiện diện của Đức Hồng Y Philippe Barbarin.

Khoảng 20 giáo xứ tại thủ đô Paris đi đàng Thánh Giá trên đường phố. Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris chủ sự đàng Thánh Giá tại khu vực đồi Montmartre. Đặc biệt, đoạn đường Thánh Giá trên đại lộ Champs Elysées (nơi diễn ra buổi duyệt binh vào ngày Quốc Khánh Pháp 14 tháng 7) do giáo xứ Saint-Pierre de Chaillot tổ chức cùng với sự tham dự của các sinh viên và đoàn hiệp sĩ Malta. Các bài suy niệm được hướng dẫn bởi linh mục tu sĩ Philippe Jeannin, OP, người thực hiện chương trình Ngày Của Chúa trên kênh truyền hình 2 trong việc truyền hình trực tiếp các thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần tại các ngôi thánh đường khác nhau.

Các đoạn đường Thánh Giá diễn ra hết sức trang trọng và đánh động cả những người khách qua đường mà không hề ảnh hưởng đến giao thông hay trật tự nơi công cộng. Trái lại, nó mang lại nét đẹp tôn giáo trong đời thường và thể hiện sự hài hòa giữa chiều kích tâm linh với các khía cạnh của cuộc sống.

Đêm vọng Phục Sinh, mọi người rạng rỡ quây quần đông đảo bên đống lửa tại đó Nến Phục Sinh, biểu tượng của Chúa Sống Lại, được thắp sáng xóa tan đêm tối và được rước vào nhà thờ. Đoàn người hân hoan tay cầm nến cháy sáng miệng hát kinh Vinh Danh và Alleluia tai nghe công bố Tin Mừng Phục Sinh. Niềm vui ngày Chúa sống lại tuôn trào và lan tỏa cho hết mọi loài thụ tạo.

Dịp Lễ Phục Sinh cũng trùng lặp mới mùa xuân. Cái lạnh giá của mùa đông khô cằn bị đẩy lùi. Người ta bắt đầu nghe thấy tiếng chim hót vào ban mai và trong ngày. Trăm hoa đua nở khoe sắc khoe màu. Đất đai ngủ vùi trong suốt mùa đông giờ đây bừng tỉnh dậy để nuôi dưỡng mọi thứ thảo mộc. Tấm thảm màu xanh điểm tô các sắc hoa phủ khắp đó đây. Cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc và khoác trên mình chiếc áo mới màu xanh mơn mởn như muốn cùng hòa mình vào bầu khí lễ hội Phục Sinh. Tạ ơn Thiên Chúa đã tác tạo muôn loài và sai Đức Giêsu Kitô đến thế gian để mang lại ơn cứu độ và mở lối cho nhân loại bước vào sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Quốc. Alleluia.

Vọng Phục Sinh 2010

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
 
Lễ Vọng Phục Sinh trên một đất nước đã mất đi niềm hy vọng
Đặng Minh Trí
10:16 03/04/2010
Xin nhấn vào đây để xem hình ảnh Tuần Thánh tại giáo xứ Takarazuka

Trong tiếng chuông reo vang mừng Chúa Phục Sinh, trong phụng vụ huy hoàng của đêm đại lễ, và trong bài Vinh Tụng Ca (Exultet) chứa chan niềm hy vọng, buổi tối ngày thứ Bẩy 3/4/2010, giáo xứ Takarazuka thuộc tổng giáo phận Kobe Nhật Bản đã đón nhận 13 tân tòng trong đó có 10 người lớn.

Bài Vinh Tụng Ca xướng lên niềm hy vọng vào ơn cứu độ vang lên trên một đất nước đã mất đi niềm hy vọng. Thật vậy, với hơn 30.000 vụ tự tử được ghi nhận hàng năm, Nhật Bản, cường quốc thứ hai trên thế giới, thường được ghi nhận là đất nước đã mất đi niềm hy vọng.

Theo thống kê hồi tháng 7/2009, trong tổng số 127,078,000 dân, 90% người Nhật tự nhận mình thuộc giai cấp trung lưu. Tuy nhiên, sự phồn vinh vật chất, những hứa hẹn của một cuộc sống dư dật đầy tràn được người Nhật trả giá bằng một cuộc sống không chỉ là “busy” nhưng nói cho chính xác là “phờ phạc” về thể xác và một sa mạc bao la của sự trống không tâm linh, đã không đem lại những gì họ mong muốn.

Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, Giáo Hội Công Giáo Nhật đã mang lại cho đất nước này những viễn tượng bớt đen tối hơn. Ngày càng có nhiều người dân Nhật suy tư về ý nghĩa của cuộc đời, của niềm hy vọng thật sự.

Những gì đang diễn ra tại giáo xứ nhỏ bé Takarazuka là một thí dụ điển hình.
 
Một vài nhận định về tình hình Giáo Hội
+ ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc
15:41 03/04/2010
Tuần Thánh năm nay, tư tưởng đầu tiên đến với tôi là “niềm hy vọng ”. Mặc dù, qua theo dõi tin tức hằng ngày, tôi biết khá rõ tinh hình Giáo hội Công giáo trên thế giới càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Đức Thánh Cha Bênêđictô gặp rất nhiều đau khổ, vì đã mạnh dạn lên tiếng bảo vệ những giá trị căn bản cho thế giới con người như là “Chân lý, Tình yêu và Sự Sống”. Ngài cũng đã quyết tâm canh tân Giáo Hội bằng cách canh tân hàng giáo sĩ. Năm linh mục được lập ra cũng vì mục đích đó.

Chính vì Giáo Hội quyết chí canh tân, kẻ thù quan trọng hơn cả của Giáo Hội là “thần dữ” nhất quyết chống lại Giáo Hội và tìm cách phá Giáo Hội. Thần dữ áp dụng “chiến lược gậy ông đập lưng ông” để đánh phá Giáo Hội, làm cho Giáo Hội nản chí, không còn quyết tâm bảo vệ các giá trị truyền thống của mình nữa. Thần dữ lợi dụng những lỗi lầm của các giáo sĩ trong Giáo Hội về phương diện lạm dụng tình dục, có khi đã xảy ra cách đây 60 năm, để thúc đẩy các thế lực thù địch tấn công Giáo Hội, làm mất uy tín của Giáo Hội, đặc biệt của hàng Giáo phẩm, và ngay cả uy tín của Đức Thánh Cha.

Nếu công bằng mà phân tích tình hình đạo đức trên thế giới, nhiều người đều phải công nhận là thế giới chúng ta đang xuống dốc cách trầm trọng về nhiều phương diện, đặc biệt về phương diện luân lý tính dục. Bệnh “Aids” đang lan tràn khắp nơi trên thế giới chẳng phải là hậu quả rõ rệt của một sự sa đoạ trầm trọng về phương diện luân lý đó sao? Tình trạng nhiều gia đình tan rã vì nạn ly dị kéo theo nhiều hậu quả bi thảm cho hạnh phúc gia đình cũng không thể chối cải được ! Nạn phá thai và giết người bừa bãi khắp nơi đã tới mức không thể chấp nhận được nữa ! Máu của những người vô tội đã kêu lên tới thấu trời! Hằng ngày các toà án trên thế giới phải giải quyết không biết bao nhiêu các vụ loạn luân trong gia đình. Những trường hợp lạm dụng tình dục nhan nhản khắp nơi trong các cơ quan và xí nghiệp, thậm chí trong cả các trường học.

Xét về việc lạm dụng tình dục, phải công nhận rằng so với ngoài xã hội, tỷ lệ phạm pháp trong Giáo Hội rất thấp. Ấy vậy mà các thế lực trần gian, thù địch với Giáo Hội, bao gồm nhiều báo chí và các phương tiện truyền thông, các tập đoàn luật sư… tập trung chỉa mũi dùi vào Giáo Hội. Họ muốn làm gì đây? Phải chăng họ muốn làm sụp đổ uy tín tinh thần của Giáo Hội, để Giáo Hội không còn dám lên tiếng nói về những điều mà họ không ưa thích. Dĩ nhiên việc trừng trị những tội ác thực sự đã xảy ra là điều phải lẽ, các nạn nhân của lạm dụng tình dục thật đáng thương và phải được đền bù xứng đáng. Nhưng không phải vì thế mà bôi nhọ cả một Tập thể, và gán ghép trách nhiệm một cách bừa bãi.

Việc gán ghép trách nhiệm cho Đức Thánh Cha rõ ràng phát xuất từ “ý đồ làm hại” ngài mà thôi. Chúng ta thử suy nghĩ về một con người mà hơn phân nữa cuộc đời miệt mài trong công tác nghiên cứu và suy tư thần học, và sau đó chỉ làm Giám Mục giáo phận Munich một thời gian rất ngắn, chưa đủ để sắp xếp và ổn định công việc trong giáo phận mình, thì đã được chuyển về Rôma lãnh trách nhiệm “bảo vệ đức tin”, và đã hết mình trong công việc này đến nỗi chấp nhận mang tiếng là “khắt khe”, là “xe tăng”. Bây giờ thì lại bị gán cho cái tội là “không nghiêm khắc đủ”. “Miệng đời” quả thật là “điêu ngoa”. Sư điêu ngoa này chỉ có thể hiểu được, nếu nó phát xuất từ “thần dữ”. Theo lời Kinh Thánh, Satan nói dối và điêu ngoa ngay từ thưở ban đầu (x. St 3,4-5).

Tôi nghĩ đã đến lúc phải mạnh mẽ lên tiếng thức tĩnh lương tâm các nhà báo, các người làm công tác truyền thông xã hội, những luật sư thường chỉ chú trọng tới tiền bạc, những con người “đầu cơ chính trị”, về sự công bằng trong nhận định và phê phán về người khác, về lịch sự và văn minh trong ngôn từ khi viết hay phát biểu những điều có liên quan tới những con người lãnh đạo tinh thần và tôn giáo, đặc biệt là Đức Thánh Cha. Hãy nhìn xem phản ứng của những tín đồ Hồi giáo khắp năm châu, khi có những lời mà họ cho là xúc phạm tới tôn giáo của họ hay các lãnh đạo tinh thần của họ.

Tôi rất ngạc nhiên là nhiều người trí thức trong các xã hội dân chủ và văn minh, lại không chịu làm một bài tính so sánh thái độ hiền hoà nhịn nhục của những người công giáo, mà nhất là của các lãnh đạo tinh thần của họ, với thái dộ hằn học và thô tục của những người không ngừng lên tiếng chỉ trích những vị hữu trách đạo cũng như đời. Thái độ quá ư vô trách nhiệm của một số những người trí thức thời đại quả thực không còn chấp nhận được nữa.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đích thực là một con người hiền hoà, bình tĩnh, trái tim dào dạt yêu thương, đầu óc rộng mở lắng nghe, đối thoại, đón nhận với lòng kính trọng những lời nói thẳng, nói thật. Đức Thánh Cha là một “con người của chân lý”, luôn luôn phục vụ chân lý, luôn dùng những lời lẽ tế nhị để nói lên sự thật, đang bị “những thế lực dối trá” toa rập với nhau để tấn công và làm hại. Trong lịch sử Kitô giáo, từ lúc ban đầu những thế lực xấu đã toa rập với nhau mà chống lại “Tôi Tớ thánh của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa đã xức dầu” (Cv 4, 27).

Tôi ước mong tất cả mọi thành phần Dân Chúa trên thế giới hãy đoàn kết với nhau, trước hết để ý thức cái “hiểm hoạ” của những lời vu oan và phỉ báng của những thế lực chống đối Giáo Hội đang toa rập nhau tìm cách làm sụp đổ uy tín của Đức Thánh Cha, của Hàng Giáo Phẩm thế giới, gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng tinh thần và đạo đức của Giáo Hội Công Giáo. Thứ hai là các giáo sĩ, trong “Năm linh mục” này hãy cố gắng tối đa để canh tân bản thân và đời sống, tránh làm cớ cho thế gian to tiếng sỉ nhục Giáo Hội và cả Chúa Giêsu nữa.

Dù cho sự dữ có lan tràn, tình thương của Thiên Chúa đối với loài người còn lớn hơn sự dữ, mạnh hơn tử thần. Thần dữ dù có mưu mô đến cở nào, có tập trung các mãnh lực thù địch của thế gian nhiều đến mấy để chống phá Giáo Hội, chúng ta cũng không sợ. Chúa Phục Sinh không ngừng đến và nói với chúng ta: đừng sợ ! Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Phục Sinh đổi mới mọi sự trong ngoài chúng ta. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là “nội tâm con người”. Hãy cảnh giác đối với những kẻ nội thù là những sự dữ trong lòng chúng ta ! Và đừng để cho “thần dữ” có chỗ trong lòng chúng ta ! Hãy để cho Tình Yêu của Chúa Phục Sinh thanh tẩy và đổi mới mọi sự. Chúa Phục Sinh là “Niềm Hy vọng” của chúng ta.

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Giám mục Đặc trách Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGM Việt Nam
 
Suy niệm của ĐHY Ruini trong buổi đi đàng Thánh Giá của Đức Thánh Cha
G. Trần Đức Anh OP
15:43 03/04/2010
ROMA. ĐTC đã mời ĐHY Camillo Ruini soạn các bài suy niệm cho 14 chặng Đàng Thánh Giá trọng thể tối Thứ Sáu Tuần Thánh 2-4-2010 tại hý trường Colosseo ở Roma.

Nghi thức này được hơn 60 đài truyền hình năm châu truyền đi trên hệ thống Mondovisione.

Văn bản các bài suy niệm này đã được phổ biến trước trên Web của Tòa Thánh (www.vatican.va) để các tín hữu có thể tải xuống, đọc trước, suy niệm hoặc tham gia qua các phương tiện truyền thông. ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Và trong số những người vác Thánh Giá tại các chặng còn lại có 2 tín hữu Irak, 2 tín hữu từ Haiti, một người Việt Nam là chị Thérèsa Nguyễn Thị Linh Khương (Gia đình Hồng Ân Thiên Chúa, Eau Vive), một phụ nữ Congo và hai tu sĩ Phanxicô từ Thánh Địa.

ĐHY Camillo Ruini năm nay 79 tuổi, nguyên là Giám quản Roma trong 17 năm trời (1991-2008), cho đến khi về hưu cách đây 2 năm và từng làm chủ tịch HĐGM Italia trong 15 năm.

Khác với nhiều bài suy niệm trong các buổi đi đàng Thánh Giá của ĐTC trong những năm trước đây, các bài suy niệm của ĐHY Ruini không nhắc đến những tệ đoan xã hội hoặc những tranh luận thời sự, nhưng mang một sắc thái huấn giáo về những điểm thiết yếu trong đức tin Kitô giáo. ĐHY giải thích rằng ”vì có hằng triệu người trên thế giới tham gia buổi đi Đàng Thánh Giá này, nên tôi thiết nghĩ đây là cơ hội rất tốt để giúp dân chúng đi sâu vào trọng tâm đức tin của chúng ta hoặc tái khám phá niềm tin ấy, đối với những người đã xa lìa Giáo Hội”. Sau đây, một số suy niệm cho 9 chặng (1, 2, 3, 4, 5 và 10, 11, 12 và 13). Mở đầu buổi đi Đàng Thánh Giá, ĐTC xướng lên lời nguyện:

”Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Chúa biết mọi sự, Chúa thấy tiềm ẩn trong con tim chúng con điều này là: chúng con rất cần Chúa. Xin ban cho mỗi người chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận nhu cầu ấy. Xin giải thoát khỏi trí tuệ chúng con sự tự phụ sai lầm và lố bịch, tưởng rằng có thể thống trị mầu nhiệm bao quanh chúng con ở mọi nơi. Xin giải thoát ý chí chúng con khỏi sự tự mãn thơ ngây và vô lý, tưởng rằng mình có thể tự kiến tạo hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc sống chúng con. Xin làm cho cái nhìn nội tâm chúng con trở nên chân thành và thấu suốt để chúng con thành thực nhìn nhận rằng sự ác đang ở trong chúng con. Nhưng, trong ánh sáng cuộc khổ nạn và phục sinh của Con Chúa, xin Chúa cũng ban cho chúng con xác tín mạnh mẽ rằng, khi được kết hiệp với Người và được Người nâng đỡ, chúng con cũng có thể chiến thắng sự ác bằng sự thiện. Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tiến bước theo thánh giá Chúa với tâm tình như vậy.

Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình

Tại sao Chúa Giêsu bị kết án tử hình, trong khi Ngài là ”Đấng luôn làm điều thiện” (Cv 10,38)? Câu hỏi này tháp tùng chúng ta trong Đàng Thánh Giá này cũng như cả cuộc đời chúng ta.

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta tìm được câu trả lời đích thực: các thủ lãnh người Do thái đã muốn giết Chúa Giêsu vì họ cho rằng Ngài coi mình là Con Thiên Chúa. Và chúng ta cũng tìm được một câu trả lời mà người Do thái đã dùng như một cái cớ để xin Quan Philatô kết án Chúa Giêsu: ”Ông này tự nhận mình là vua trần thế này, vua của người Do thái.”

Nhưng đàng sau những câu trả lời ấy có mở ra một vực thẳm mà các Sách Tin Mừng và toàn thể Kinh Thánh cho chúng ta nhìn thấy, đó là Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta. Và sâu xa hơn nữa, Ngài đã chết cho chúng ta, đã chết vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và yêu đến độ ban Con duy nhất của Ngài để chúng ta nhờ Ngài mà được sống (Cx Ga 3,16-17).

Vì thế, chúng ta phải nhìn chính mình: nhìn sự ác và tội lỗi đang ở trong chúng ta và quá nhiều khi chúng ta làm bộ không biết. Và hơn nữa chúng ta phải hướng nhìn về Thiên Chúa đầy lòng xót thương, Đấng đã gọi chúng ta là bạn hữu (Xc Ga 15,15). Như thế Đàng Thánh Giá này và toàn thể hành trình cuộc sống chúng ta trở thành hành trình thống hối, đau đớn và hoán cải, nhưng đồng thời cũng là hành trình biết ơn, tin tưởng và vui mừng.

Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác Thập Giá

Sau khi bị kết án, Chúa Giêsu bị xỉ nhục. Điều mà quân lính làm cho Chúa Giêsu thật là vô nhân đạo: họ nhạo cười và kinh rẻ, qua những hành vi đó có biểu lộ một sự tàn ác tăm tối, bất chấp đau khổ, kể cả về mặt thể lý mà họ vô cớ gây ra cho một người đã bị kết án cực hình kinh khủng là Thập Giá. Nhưng thái độ ấy của quân lính cũng là điều quá thường tình. Hàng ngàn trang lịch sử nhân loại và tin tức báo chí hằng ngày xác nhận rằng những hành động như thế không phải là xa lạ với con người. Thánh Phaolô Tông Đồ đã nêu rõ sự mâu thuẫn này: ”Tôi biết rằng trong tôi.. trong thân xác tôi không có điều thiện: thực vậy tôi không làm điều thiện mà tôi muốn, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,18-19)

Quả thực là như vậy: trong lương tâm chúng ta có ánh sáng của sự thật được thắp lên, một ánh sáng hiển nhiên trong nhiều trường hợp và hạnh phúc thay chúng ta để cho mình được ánh sáng ấy hướng dẫn. Nhưng nhiều khi xảy ra điều trái ngược: ánh sáng ấy bị che khuất vì sự chua cay, vì những ước muốn không thể xưng thú được, vì sự sa đọa của tâm hồn. Và khi ấy chúng ta trở nên tàn bạo, có khả năng làm những chuyện xấu xa, thậm chí cả những điều không thể tưởng tượng được.

Lạy Chúa Giêsu, cả con cũng thuộc vào số những người đã nhạo cười và đánh đập Chúa. Thực vậy Chúa đã nói: ”Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40). Lạy Chúa Giêsu xin tha thứ cho con.

Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I

”Các sách Tin Mừng không nói về những lần Chúa Giêsu bị ngã dưới sức nặng của Thập Giá, nhưng truyền thống cổ kính này thực sự là điều rất có thể đã xảy ra. Chúng ta chỉ nhớ rằng, trước khi vác Thập Giá, Chúa Giêsu đã bị quan Philatô ra lệnh đánh đòn. Sau khi phải chịu tất cả những đau khổ từ đêm trong vườn Giệtsimani, sức lực của Ngài hầu như chẳng còn nữa.

Trước khi dừng lại nơi những khía cạnh sâu xa và nội tâm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta hãy ghi nhận sự đau khổ thể lý mà Ngài phải chịu. Một sự đau khổ lớn lao kinh khủng, cho đến hơi thở cuối cùng trên Thập Giá, một sự đau khổ không thể không gây khiếp đảm.

Sự đau khổ thể lý thì dễ khắc phục hay ít là làm dịu bớt, với những kỹ thuật và phương pháp hiện nay của chúng ta, với thuốc mê và những phương pháp trị liệu chống đau. Cho dù vì nhiều lý do, tự nhiên hay là do thái độ của con người, một khối lượng đau khổ thể lý rất lớn vẫn hiện diện trong thế giới.

Dầu sao, Chúa Giêau đã không từ khước đau khổ thể lý và khi làm như thế, Ngài liên đới với toàn thể gia đình nhân loại, nhất là với phần lớn những người đang phải chịu hình thức khổ đau này. Khi thấy Chúa ngã xuống đất dưới sức đè của Thập Giá, chúng ta hãy khiêm tốn xin Ngài ban ơn can đảm nới rộng không gian quá chật hẹp trong con tim của chúng ta, bằng tình liên đới không phải bằng lời nói mà thôi.

Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài

Các sách Tin Mừng không nói trực tiếp về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài trên đường Thập Giá, nhưng có nói về sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân Thập Giá. Tại đây Chúa Giêsu ngỏ lời với Mẹ và với môn đệ yêu quí của Ngài là Gioan Thánh Sử. Những lời có ý nghĩa trực tiếp: Ngài phó thác Mẹ Maria cho thánh Gioan, để chăm sóc Mẹ. Và một cảm thức bao quát và sâu xa hơn, đó là dưới chân Thập Giá, Mẹ Maria được kêu gọi nói lên một lời ”xin vâng” thứ hai, sau lời thưa đầu tiên lúc truyền tin, qua đó Người trở thành Mẹ của Chúa Giêsu, và nhờ đó mở cửa cứu độ cho chúng ta.

Qua lời thưa ”xin vâng” thứ hai, Mẹ Maria trở thành Mẹ của tất cả chúng ta, của mỗi người nam nữ mà Chúa Giêsu đã đổ máu ra để cứu chuộc. Đây là một tình mẫu tử như dấu hiệu sinh động của tình yêu thương và lòng từ bi của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vì vậy có những mối liên hệ kính mến và tín thác rất sâu đậm nối kết dân Kitô với Mẹ Maria: bởi vậy, chúng ta tự nhiên chạy đến cùng Mẹ nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Nhưng Mẹ Maria đã trả giá đắt đỏ cho tình mẫu tử đại đồng này. Như ông Simeon đã tiên báo về Mẹ tại Đền thờ Jerusalem, ”một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Bà” (Lc 2,35).

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con, xin giúp chúng con cảm nghiệm trong tâm hồn chúng con, tối hôm nay và mãi mãi, sự đau khổ đầy tình yêu thương đã liên kết Mẹ với Chúa Con của Mẹ.

Chặng thứ V: Ông Simon vác đỡ Thập Chúa Giêsu

”Có lẽ Chúa Giêsu đã thực sự kiệt lực nên quân lính bắt người đầu tiên mà họ gặp và buộc ông ta vác đỡ Thập Giá. Trong đời sống hằng ngày, Thập Giá dưới bao nhiêu hình thức khác nhau cũng thường bất ngờ xảy ra cho chúng ta, từ một cơn bệnh cho đến tai nạn nặng nề, hoặc mất một người thân yêu, mất công ăn việc làm. Và chúng ta chỉ coi đó là một điều xui xẻo, hoặc tệ hơn, như một bất hạnh.

Nhưng Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Ai muốn theo Thầy thì hãy bỏ mình đi, vác Thập Giá của mình và theo Thầy” (Mt 16,24). Đây không phải là điều dễ dàng, trái lại, trong đời sống cụ thể, đây là những lời dạy khó nhất trong Tin Mừng. Toàn thể cuộc sống chúng ta, tất cả những gì ở trong chúng ta đều nổi loạn chống lại những lời như thế.

Nhưng Chúa Giêsu nói tiếp: ”Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó” (Mt 16,25). Chúng ta hãy suy nghĩ về câu này ”vì Thầy”: ở đây có tất cả đòi hỏi của Chúa Giêsu, ý thức của Ngài về bản thân và lời yêu cầu của Ngài đối với chúng ta. Ngài ở trọng tâm mọi sự, Ngài là Con Thiên Chúa, là một với Thiên Chúa Cha (Xc Ga 10,30), Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta (Xc Cv 4,12).

Thực ra, nhiều khi điều ban đầu có vẻ là chỉ một điều xui xẻo hay bất hạnh sau đó nó lại là một cánh cửa mở ra cho đời sống chúng ta và mang lại cho chúng ta một điều tốt đẹp lớn hơn. Nhưng không phải bao giờ cũng như thế: nơi trần thế này, bao nhiêu lần bất hạnh chỉ là những sự mất mát đau thương. Ở đây Chúa Giêsu cũng có những điều để nói với chúng ta. Hay đúng hơn, có một cái gì đó xảy ra cho Ngài: sau Thập Giá, Ngài đã sống lại từ cõi chết, và đã sống lại như người anh cả của nhiều người em (Xc Rm 8,29; 1 Cr 15,20). Đúng vậy, Thập Giá của ngài không thể tách rời khỏi sự phục sinh của Ngài. Chỉ khi nào tin nơi sự sống lại, chúng ta mới có thể tiến bước một cách khôn ngoan trên con đường Thập Giá.

Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột quần áo

Chúa Giêsu bị tước bỏ y phục của ngài: chúng ta bước vào hồi chót của bi kịch bắt đầu từ khi Ngài bị bắt nơi Vườn Cây Dầu, nơi Ngài bị tước bỏ nhân phẩm, trước khi bị tước bỏ phẩm giá làm Con Thiên Chúa.

Vì thế, Chúa Giêsu đứng trần trụi trước cái nhìn của dân thành Jerusalem và trước cái nhìn của toàn thể nhân loại. Theo một nghĩa sâu xa, điều đó cần xảy ra như vậy: Ngài đã hoàn toàn từ bỏ chính mình, để tự hiến cho chúng ta. Vì vậy, việc lột bỏ áo quần cũng là điều chu toàn một lời trong Kinh Thánh.

Khi nhìn Chúa Giêsu trần trụi trên Thập Giá, chúng ta cảm thấy trong lòng một nhu cầu thúc bách: chúng ta cần trực tiếp nhìn vào bản thân mình; lột bỏ một cách thiêng liêng mọi sự trước mắt chúng ta, và trước mặt Thiên Chúa, cũng như trước anh chị em chúng ta nữa. Chúng ta cần tước bỏ khỏi mình lòng tự phụ coi mình tốt đẹp hơn thực trạng của mình, để cố gắng sống thành thực và minh bạch.

Thái độ có lẽ làm cho Chúa Giêsu phẫn nộ hơn mọi điều khác, chính là sự giả hình. Bao nhiêu lần Ngài đã nói với các môn đệ: các con đừng làm “như những kẻ giả hình” (Mt 6,2.5.16), hoặc Ngài nói với những kẻ phản đối những việc lành của Ngài: ”Khốn cho các ngươi là những kẻ giả hỉnh” (Mt 23,13.15.23.25.27.29).

Lạy Chúa Giêsu chịu trần trụi trên Thập Giá, xin giúp con trở thành trơ trụi trước mặt Chúa.

Chặng thứ XI: Chúa Giêsu bị đóng đanh vào Thập Giá

Chúa Giêsu bị đóng đanh vào Thập Giá. Một cực hình khủng khiếp. Và trong khi Ngài bị treo trên Thập Giá, có nhiều người chế nhạo và khiêu khích Ngài: ”Hắn đã cứu người khác mà lại không thể cứu được chính mình!.. Hắn đã tin tưởng nơi Thiên Chúa: giờ đây, Người hãy cứu hắn đi nếu Người thương hắn. Vì hắn đã nói: ”Tôi là Con Thiên Chúa!” (Mt 27,42-43). Và thế là họ cười nhạo không những con người của Ngài nhưng cả sứ mạng cứu độ của Ngài nữa, sứ mạng mà Chúa Giêsu đang chu toàn ngay trên Thập Giá.

Nhưng trong thâm tâm, Chúa Giêsu còn cảm thấy một nỗi đau khổ lớn lao hơn nữa khiến Ngài phải kêu lên: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?” (Mc 15,34). Đây là những lời khởi đầu một thánh vịnh và thánh vịnh này được kết thúc với sự tái xác quyết lòng tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Nhưng dầu sao những lời ấy cũng cần được coi trọng vì diễn tả thử thách lớn nhất mà Chúa Giêsu phải chịu.

Bao nhiêu lần trước một thử thách, chúng ta nghĩ rằng mình bị Thiên Chúa quên lãng hoặc bỏ rơi. Hoặc thậm chí chúng ta bị cám dỗ cho rằng Thiên Chúa chẳng hiện hữu.

Thế nhưng, Con Thiên Chúa, đã uống trọn chén đắng của Ngài rồi sống lại, Ngà nói với chúng ta, với trọn con người, cuộc sống và cái chết của Ngài rằng chúng ta phải tín thác vào Thiên Chúa. Chúng ta có thể tin tưởng nơi Chúa.

Chặng thứ XII: Chúa Giêsu chết trên Thập Giá

Khi một người từ trần sau một cơn bệnh đau đớn, người ta thường thở phào nói: ”Người này không còn đau đớn nữa”. Theo một nghĩa nào đó, những lời này cũng được áp dụng cho Chúa Giêsu. Nhưng những lời này quá hạn hẹp và hời hợt trước cái chết của bất kỳ người nào, và nhất là trước cái chết của vị là Con Thiên Chúa.

Thực vậy, khi Chúa Giêsu sinh thì, màn trong đền thờ Jerusalem xé ra làm đôi từ trên xuống dưới và xảy ra những dấu lạ khác khiến cho viên quan bách quân La Mã đứng canh Thập Giá phải thốt lên: ”Quả thực ông này là Con Thiên Chúa” (Xc Mt 27,51-54).

Trong thực tế, không gì bí ẩn và huyền nhiệm như cái chết của Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Thiên Chúa Cha là nguồn mạch và là sự sống sung mãn. Những cũng không gì rạng ngời cho bằng cái chết của Ngài, vì ở đây vinh quang của Thiên Chúa chiếu sáng, vinh quang của Tình Yêu toàn năng và thương xót.

Đứng trước cái chết của Chúa Giêsu, lời đáp trả của chúng ta là thinh lặng thờ lạy. Như thế, chúng ta tín thác nơi Ngài, đặt mình trong tay Ngài, cầu xin Ngài để trong cuộc sống và cái chết chúng ta, không điều gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi Ngài (Xc Rm 8,38-39).

Chặng thứ XIII: Tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá và trao cho Mẹ Ngài.

Giờ đây giờ của Chúa Giêau đã hoàn tất và Ngài được tháo khỏi Thập Giá. Đón nhận xác Chúa có vòng tay của Mẹ Ngài. Sau khi đã nếm đến tột cùng nỗi cô đơn của cái chết, Chúa Giêsu, qua thi hài nhợt nhạt của Ngài, đã tìm lại được mối liên hệ mạnh mẽ và dịu dàng nhất, sự nồng ấm nhất của tình thương Mẹ Ngài. Các nghệ sĩ nổi danh nhất, - chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ đến tượng Đức Mẹ sầu bi của Michelangelo, - họ đã biết trực giác và diễn tả sự sâu thẳm và kiên cường không thể phá hủy của mối liên hệ ấy.

Khi nhớ lại rằng dưới chân Thập Giá, Mẹ Maria đã trở thành Mẹ của mỗi người chúng ta, chúng ta xin Mẹ đặt trong con tim chúng ta những tâm tình liên kết Mẹ với Chúa Giêsu. Thực vậy, để trở thành những Kitô hữu chân chính, để có thể thực sự theo Chúa GIêsu, chúng ta cần được liên kết với Chúa qua tất cả những gì ở trong chúng ta: trí tuệ, ý chí, con tim, những chọn lựa bé nhỏ cũng như những chọn lựa lớn lao hằng ngày.

Chỉ như thế, Thiên Chúa mới có thể ở trung tâm cuộc sống chúng ta, và không bị thu hẹp thành một thứ an ủi luôn sẵn sàng sử dụng, nhưng không tác động cụ thể vào những gì làm căn bản cho hoạt động của chúng ta.
 
Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh bác tin của một số báo chí Mỹ
G. Trần Đức Anh OP
15:44 03/04/2010
VATICAN. Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, SJ, bác bỏ việc ”dựng lại” của một báo chí Mỹ về vụ Linh Mục Teta thuộc giáo phận Tucson, Arizona, để cáo buộc ĐHY Ratzinger nay là Đức Đương Kim Giáo Hoàng.

Các báo này, như hãng AP loan đi, cho rằng đã nhận được những tài liệu chứng tỏ Bộ giáo lý đức tin cho ĐHY Joseph Ratzinger điều khiển, đã ”ngâm tôm” 12 năm trời hồ sơ về vụ LM Michael Teta lạm dụng tính dục trẻ em, mặc dù GM Tucson đã nhiều lần thỉnh cầu loại bỏ LM Teta khỏi hàng giáo sĩ.

Trong thông cáo công bố hôm 3-4-2010 tại Vatican, cha Lombardi viết:

”Việc trình bày mới đây của một số báo về vụ ”Teta”, - một vụ bi thảm: một LM thuộc giáo phận Tucson đã lạm dụng trong thập niên 1970, - thật là gây lạc hướng (fuorviante, misleading).

”Thực vậy, qua các hồ sơ người ta thấy rõ ràng và chắc chắn các vị hữu trách của Bộ giáo lý đức tin - mà giáo phận Tucson thỉnh cầu cứu xét, vì đây là một vụ liên quan đến tội dụ dỗ trong tòa giải tội - đã nhiều lần tích cực chiếu cố vụ này trong thập niên 1990 để cuộc xét xử theo giáo luật đang tiến hành bấy giờ ở giáo phận Tucson được kết thúc phải phép (vụ này kết thúc năm 1997 với bản án buộc bị can hồi tục). Đức Cha Kicanas, Giám mục giáo phận Tucson, đã xác nhận chính xác điều đó khi trả lời những câu hỏi của báo chí, kể cả qua việc công bố các thư của chính Bộ giáo lý đức tin.

Nhưng rồi LM Teta kháng án chống lại bản án của giáo phận và đơn khiếu nại của đương sự được gửi đến Bộ giáo lý đức tin, trong lúc Bộ đã khởi sự việc duyệt lại các điều khoản giáo luật có hiệu lực trước đó. Vì thế, đơn khiếu nại bị treo ở đó cho đến khi qui luật mới bắt đầu có hiệu lực từ năm 2001, theo đó tất cả ”những tội ác nặng nhất” đều thuộc thẩm quyền xét xử của Bộ giáo lý đức tin để cứu xét một cách chắc chắn và mau lẹ hơn.

Từ năm 2001, tất cả các đơn kháng án đã được cứu xét mau lẹ, và vụ LM Teta là một trong những trường hợp được cứu xét đầu tiên. Việc cứu xét này đòi phải có thời gian, cũng vì hồ sơ quá nhiều. Dầu sao thì án quyết ở cấp một đã được hoàn toàn y án, với kết quả là buộc LM Teta hồi tục vào năm 2004.

Cũng không được quên rằng cả khi đơn khiếu nại còn chờ được cứu xét và bản án được ngưng lại, thì các biện pháp phòng ngừa do ĐGM đề ra cho đương sự vẫn có hiệu lực. Và thực tế là LM Teta đã bị cấm thi hành chức vụ thánh từ năm 1990.”

Trên đây là trả lời của cha Lombardi cho vụ LM Teta. Báo chí Mỹ cũng nói đến một vụ khác liên quan đến LM Robert Trupia và cho rằng ĐGM Tucson, Manuel Moreno (1982-2003) hồi đó đã viết cho ĐHY Ratzinger và mô tả LM Trupia là ”yếu tố một rủi ro lớn cho trẻ em, thiếu niên và người lớn có tiếp xúc với đương sự”, vậy mà không thấy ĐHY Ratzinger trả lời. Cha Lombardi cho biết vụ này không có trong hồ sơ của Bộ giáo lý đức tin. (SD 3-4-2010)
 
Nhìn lại năm năm Ðức Benedicto XVI được bầu làm giáo hoàng
Chu Văn
16:23 03/04/2010
Vatican [CNS 31/3 và 1/4/2010] - Sau năm năm Đức Benedicto XVI được bầu làm chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, người ta thấy rõ hai mục tiêu mà vị giáo hoàng này đề ra là: tạo không gian cho tôn giáo trong lãnh vực công cộng và tạo không gian cho Thiên Chúa trong đời sống riêng tư.

Trong hàng trăm bài diễn văn và bài giảng, trong ba thông điệp, qua 13 chuyến tông du hải ngoại, tại các Thượng hội đồng Giám mục thế giới và ngay cả trên các trang mạng mới, Ðức Benedicto XVI đã đương đầu với điều mà ngài gọi là "cuộc khủng hoảng đức tin" trong thời hiện đại. Theo ngài, căn cội của những tệ nạn luân lý và xã hội là bởi vì con người không muốn đón nhận chân lý đến từ Thiên Chúa.

Ðể đương đầu với cuộc khủng hoảng này, ngài đã đề ra Kitô giáo như một tôn giáo của Tình Thương chứ không phải của luật lệ. Ngài không ngừng lập lại rằng sứ mệnh trọng tâm của Kitô giáo chính là giúp cho con ngời đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và chia sẻ tình yêu ấy, bằng cách nhìn nhận rằng tình yêu đích thực đòi hỏi phải hy sinh.

Nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Ðấng Tạo Hóa và kêu gọi ý thức về những vấn đề sinh thái, đức Benedicto XVI được mệnh danh là "vị giáo hoàng xanh". Ngài giới thiệu đức tin Kitô như con đường không chỉ dẫn đến cứu độ, mà còn mang lại công bình xã hội và hạnh phúc đích thực.

Ðược bầu làm giáo hoàng ngày 19 tháng 4 năm 2005, đức Benedicto XVI đã khiến cho những người tưởng ngài là một con người có kỷ luật cứng nhắc, phải ngạc nhiên. Là chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, ngài đã hướng dẫn người Công giáo trở về những điều cơ bản trong giáo lý đức tin; ngài dẫn giải cho họ hiểu những thực hành truyền thống của Giáo hội.

Nhưng sứ mệnh dạy dỗ của Ðức Benedicto XVI lại thường xuyên bị làm cho lu mờ vì những vấn đề và khủng hoảng được báo chí tìm cách khai thác.

Theo nhiều viên chức Tòa Thánh, việc kỷ niệm 5 năm đức Benedicto XVI được bầu làm giáo hoàng là dịp để ngài được giới truyền thông chú ý tới. Ðồng thời đây cũng là dịp dể ngài nhấn mạnh đến những đường hướng của triều đại giáo hoàng của ngài.

Tuy nhiên, trong những tuần lễ vừa qua, cuộc khủng hoảng vì những lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục, đã khiến cho Ðức thánh cha trở thành điểm nhắm của báo chí thế giới. Tại Vatican, xem ra người ta không còn nghĩ đến việc kỷ niệm 5 năm làm giáo hoàng của Ðức Thánh Cha mà chỉ lo bênh đỡ cho ngài trước những cuộc tấn công của báo chí.

Trong lá thư gởi cho người Công giáo Ái Nhĩ Lan, đức Benedicto XVI đã đích thân xin lỗi các nạn nhân vì những lạm dụng tình dục của các linh mục và loan báo những biện pháp mới để chữa lành các vết thương.

Các viên chức của Tòa thánh xem đây như một cử chỉ chưa từng có của một vị Giáo hoàng. Tuy nhiên, những kẻ chỉ trích ngài xem lá thư chỉ là những lời nói suông.

Sứ điệp của đức Benedicto XVI cũng bị lu mờ trước nhiều cuộc tranh luận khác.Chẳng hạn khi về thăm quê hương Bavaria, Ðức, hồi năm 2006, đức Benedicto XVI đã làm cho nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo thất vọng khi ngài trích dẫn lời của một vị hoàng đế Byzantin theo đó tiên tri Mahomet là người đã mang lại "những điều tệ hại và vô nhân đạo", như việc ông truyền lệnh phải quảng bá niềm tin bằng gươm giáo.

Trước sự phẩn nộ của thế giới Hồi giáo, đức Benedicto XVI đã lên tiếng xin lỗi. Ngài nói rằng ngài không hề có ý phê bình Hồi giáo. Nhưng ngài nhìn nhận rằng bài diễn văn của ngài đã gây ra ngộ nhận. Sau đó, ngài bắt đầu thiết lập quan hệ với các học giả Hồi giáo để từ đó mở ra một chương mới trong cuộc đối thoại giữa Tòa thánh và Hồi giáo.

Trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối năm 2006, ngài đã vào "Ðền Thờ Xanh" của Hồi giáo tại thủ đô Istanbul và đứng cầu nguyện bên cạnh một giáo sĩ Hồi giáo. Cử chỉ này đã tạo một tiếng vang tích cực trong toàn thế giới Hồi giáo. Ðồng thời, ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng mọi tôn giáo đều phải loại trừ bạo động nhân danh tôn giáo.

Phụng vụ cũng là một trong những quan tâm chính của Ðức Thánh Cha. Ðây là một trong những lãnh vực, trong đó ngài muốn quân bình hóa sự canh tân do Công Ðồng Vatican II chủ xướng với truyền thống của Giáo hội. Ðây là một tiến trình mà ngài gọi là "canh tân trong sự liên tục".

Năm 2007, Ðức thánh cha cho phép cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức có trước thời Công Ðồng Vatican II. Ðây là một nhượng bộ lớn dành cho các tín hữu Công giáo thủ cựu để tìm một sự thỏa thuận với Huynh đoàn Pio X là huynh đoàn đã tách lìa khỏi Giáo hội vì không chấp nhận những cải tổ của Công đồng Vatican II.

Thế những khi ngài rút lại vạ tuyệt thông cho 4 vị giám mục thủ cựu hồi đầu năm 2009, thì sự hòa giải hầu như thất bại. Chỉ cách đó 4 ngày, một trong 4 vị giám mục được rút lại vạ tuyệt thông là Ðức cha Richard Williamson đã tạo ra một làn sóng phẩn nộ trên khắp thế giới khi tuyên bố rằng Ðức quốc xã không có trách nhiệm trong cuộc sát tế người Do thái.

Ðức Benedicto XVI đã tìm cách hàn gắn sự rạn nứt với các tổ chức Do thái. Trong một lá thư gởi cho các Ðức giám mục trên toàn thế giới, ngài đã cám ơn "những người bạn Do thái" vì đã giúp tái lập sự tin tưởng. Cũng trong lá thư, ngài bày tỏ đau buồn vì một số người Công giáo cho rằng ngài đã thay đổi hướng đi trong các quan hệ giữa Do thái và Công giáo và công khai lên tiếng công kích ngài.

Tuy không đi nhiều cho bằng người tiền nhiệm của ngài là đức Gioan Phaolo II, đức Benedicto XVI cũng đã thành công trong các chuyến tông du. Ðược nhắc đến nhiều nhứt là chuyến đi Hoa kỳ dạo tháng Tư năm 2008 và chuyến viếng thăm Thánh Ðịa hồi tháng 5 năm 2009.

Ngoài các chuyến tông du, các thông điệp của đức Benedicto XVI cũng gây được một tiếng vang lớn trên thế giới.

Cũng được nhắc đến không kém là lá thư của ngài gởi cho người Công giáo Trung Quốc hồi năm 2008.
 
Sứ điệp Phục Sinh của Hội đồng Giám mục Úc Đại Lợi.
Chu Văn
16:23 03/04/2010
Sydney [Cathnews 1/4/2010] - Các Ðức giám mục Úc đại lợi kêu gọi giáo dân tìm đến với người khác trong Mùa Phục Sinh 2010.

Trong sứ điệp Phục Sinh năm 2010, Ðức cha Philip Wilson, chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc đại lợi kêu gọi các tín hữu hãy đặc biệt quan tâm đến người kém may mắn, nhứt là các nạn nhân của các vụ động đất vừa qua tại Haiti và Chile.

Ðược báo The Sydney Morning Herald trích dẫn, Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc đại lợi nói: "Trong khi nhiều người nhìn vào các biến cố ấy và tự hỏi tại sao Chúa có thể để cho xảy ra như thế, thì đức tin của chúng ta giúp chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu là câu giải đáp cho sự đau khổ của chúng ta".

Ðức cha Wilson kêu gọi người dân Úc hãy nhớ đến nhân dân Haiti và Chile trong lời cầu nguyện của mình.

Các nhà lãnh đạo Kitô khác tại Úc đại lợi cũng mời gọi giáo dân hãy đến với người khác trong dịp Phục Sinh này để xoa dịu sự cô đơn vốn là một căn bệnh trầm kha trong xã hội.

Trong sứ điệp Phục Sinh được cho công bố hôm thứ Năm mùng 1 tháng 4 năm 2010, Ðức cha Peter Jensen, Tổng giám mục Anh giáo Sydney khẳng định: "Sứ điệp Kitô là một sứ điệp về việc tái lập các quan hệ". Nhà lãnh đạo Anh Giáo nói: "Vì những gì Chúa Giêsu đã làm, chúng ta được kêu gọi tìm đến với người khác để chăm sóc, yêu thương và phục vụ. Chúng ta không nên sống cô đơn."

Về phần mình, mục sư Niall Reid, đại diện của Giáo hội Tin lành Hiệp Nhứt tại New South Wales và vùng thủ đô Canberra, nói rằng Phục sinh là thời gian để các tín hữu Kitô làm chứng cho Hy vọng và Sự Sống. Sứ điệp Phục Sinh của Mục sư Reid khẳng định: "thập giá, vốn là một khí cụ chết chóc dã man, cũng là một Cây mang lại sự sống: đây là cách sự sống đứng về phía người nghèo và những người dễ bị tổn thương để chống lại quyền lực bất công".
 
Top Stories
Homily on Good Friday by Fr. Raniero Cantalamessa
Fr. Raniero Cantalamessa
15:51 03/04/2010
Here is the homily delivered on Good Friday by Capuchin Father Raniero Cantalamessa, preacher of the Pontifical Household, at the celebration of the Lord's passion in St. Peter's Basilica. The liturgy was presided over by Benedict XVI.

* * *

"We have a great High Priest who has passed through the heavens, Jesus, the Son of God": Thus begins the passage from the Letter to the Hebrews that we heard in the second reading. In the Year for Priests, the liturgy for Good Friday enables us to go back to the historical source of the Christian priesthood. It is the source of both the realizations of the priesthood: the ministerial, of bishops and presbyters, and the universal of all the faithful. This one also, in fact, is founded on the sacrifice of Christ that, Revelation says, "loves us and has freed us from our sins by his blood and made us a kingdom, priests to his God and Father" (Revelation 1:5-6). Hence, it is of vital importance to understand the nature of the sacrifice and of the priesthood of Christ because it is from them that priests and laity, in a different way, must bear the stamp and seek to live the exigencies.

The Letter to the Hebrews explains in what the novelty and uniqueness of Christ's priesthood consists, not only in regard to the priesthood of the old Covenant, but as the history of religions teaches us today, in regard to every priestly institution also outside of the Bible. "But when Christ appeared as a high priest of the good things that have come [...] he entered once for all into the Holy Place, taking not the blood of goats and calves but his own blood, thus securing an eternal redemption. For if the sprinkling of defiled persons with the blood of goats and bulls and with the ashes of a heifer sanctifies for the purification of the flesh, how much more shall the blood of Christ, who through the eternal Spirit offered himself without blemish to God, purify your conscience from dead works to serve the living God" (Hebrews 9:11-14).

Every other priest offers something outside of himself, Christ offered himself; every other priest offers victims, Christ offered himself victim! Saint Augustine enclosed in a famous formula this new kind of priesthood in which priest and victim are the same thing: "Ideo sacerdos, quia sacrificium": priest because victim."[1]

* * *

In 1972 a famous French thinker launched the thesis according to which "violence is the heart and secret spirit of the sacred."[2] In fact, at the origin and center of every religion there is sacrifice, and sacrifice entails destruction and death. The newspaper "Le Monde" greeted the affirmation, saying that it made of that year "a year to mark with an asterisk in the annals of humanity." However, before this date, that scholar had come close again to Christianity and at Easter of 1959 he made public his "conversion," declaring himself a believer and returning to the Church.

This enabled him not to pause, in his subsequent studies, on the analysis of the mechanism of violence, but to point out also how to come out of it. Many, unfortunately, continue to quote René Girard as the one who denounced the alliance between the sacred and violence, but they do not speak of the Girard who pointed out in the paschal mystery of Christ the total and definitive break of such an alliance. According to him, Jesus unmasks and breaks the mechanism of the scapegoat that makes violence sacred, making himself, the victim of all violence.

The process that leads to the birth of religion is reversed, in regard to the explanation that Freud had given. In Christ, it is God who makes himself victim, not the victim (in Freud, the primordial father) that, once sacrificed, is successively raised to divine dignity (the Father of the Heavens). It is no longer man that offers sacrifices to God, but God who "sacrifices" himself for man, consigning for him to death his Only-begotten Son (cf. John 3:16). Sacrifice no longer serves to "placate" the divinity, but rather to placate man and to make him desist from his hostility toward God and his neighbor.

Christ did not come with another's blood but with his own. He did not put his sins on the shoulders of others -- men or animals -- he put others' sins on his own shoulders: "He himself bore our sins in his body on the tree" (1 Peter 2:24).

Can one, then, continue to speak of sacrifice in regard to the death of Christ and hence of the Mass? For a long time the scholar mentioned rejected this concept, holding it too marked by the idea of violence, but then ended by admitting the possibility, on condition of seeing, in that of Christ, a new kind of sacrifice, and of seeing in this change of meaning "the central fact in the religious history of humanity."

* * *

Seen in this light, the sacrifice of Christ contains a formidable message for today's world. It cries out to the world that violence is an archaic residue, a regression to primitive stages and surmounted by human history and -- if it is a question of believers -- a culpable and scandalous delay in becoming aware of the leap in quality operated by Christ.

It reminds also that violence is losing. In almost all ancient myths the victim is the defeated and the executioner the victor.[3] Jesus changed the sign of victory. He inaugurated a new kind of victory that does not consist in making victims, but in making himself victim. "Victor quia victima!" victor because victim, thus Augustine describes the Jesus of the cross.[4]

The modern value of the defense of victims, of the weak and of threatened life is born on the terrain of Christianity, it is a later fruit of the revolution carried out by Christ. We have the counter-proof. As soon as the Christian vision is abandoned (as Nietzsche did) to bring the pagan back to life, this conquest is lost and one turns to exalt "the strong, the powerful, to its most exalted point, the superman," and the Christian is described as "a morality of slaves," fruit of the mean resentment of the weak against the strong.

Unfortunately, however, the same culture of today that condemns violence, on the other hand, favors and exalts it. Garments are torn in face of certain events of blood, but not being aware that the terrain is prepared for them with that which is shown in the next page of the newspaper or in the successive palimpsest of the television network. The pleasure with which one indulges in the description of violence and the competition of the one who is first and the most crude in describing it do no more than favor it. The result is not a catharsis of evil, but an incitement to it. It is disturbing that violence and blood have become one of the ingredients of greatest claim in films and video-games, that one is attracted to it and enjoys watching it.

The same scholar recalled above has unveiled the matrix that sparks the mechanism of violence: mimicry, that innate human inclination to consider desirable the things that others desire and, hence, to repeat the things that they see others do. The "heard" psychology is that which leads to the choice of the "scapegoat" to find, in the struggle against a common enemy -- in general, the weakest element, the different one -- a proper artificial and momentous cohesion.

We have an example in the recurrent violence of youth in the stadium, in the bullying in schools and in certain square manifestations that leave behind destruction and debris. A generation of youth that has had the very rare privilege of not knowing a real war and of never having been called to arms, amuses itself (because it is about a game, even if stupid and at times tragic) to invent little wars, driven by the same instinct that moved the primordial horde.

* * *

However there is a yet more grave and widespread violence than that of youth in stadiums and squares. I am not speaking here of violence against children, of which unfortunately also elements of the clergy are stained; of that there is sufficient talk outside of here. I am speaking of violence to women. This is an occasion to make persons and institutions that fight against it understand that Christ is their best ally.

It is a violence all the more grave in as much as it is often carried out in the shelter of domestic walls, unknown to all, when it is not actually justified with pseudo-religious and cultural prejudices. The victims find themselves desperately alone and defenseless. Only today, thanks to the support and encouragement of so many associations and institutions, some find the strength to come out in the open and denounce the guilty.

Much of this violence has a sexual background. It is the male who thinks he can demonstrate his virility by inflicting himself on the woman, without realizing that he is only demonstrating his insecurity and baseness. Also in confrontations with the woman who has made a mistake, what a contrast between the conduct of Christ and that still going on in certain environments! Fanaticism calls for stoning; Christ responds to the men who have presented an adulteress to him saying: "Let him who is without sin among you be the first to throw a stone at her" (John 8:7). Adultery is a sin that is always committed by two, but for which only one has always been (and, in some parts of the world, still is) punished.

Violence against woman is never so odious as when it nestles where mutual respect and love should reign, in the relationship between husband and wife. It is true that violence is not always and wholly on the part of one, that one can be violent also with the tongue and not only with the hands, but no one can deny that in the vast majority of cases the victim is the woman.

There are families where the man still believes himself authorized to raise his voice and hands on the women of the house. Wife and children at times live under the constant threat of "Daddy's anger." To such as these it is necessary to say courteously: dear men colleagues, by creating you male, God did not intend to give you the right to be angry and to bang your fist on the table for the least thing. The word addressed to Eve after the fault: "He (the man) shall rule over you" (Genesis 3:16), was a bitter forecast, not an authorization.

John Paul II inaugurated the practice of the request for forgiveness for collective wrongs. One of these, among the most just and necessary, is the forgiveness that half of humanity must ask of the other half, men to women. It must not be generic or abstract. It must lead, especially in one who professes himself a Christian, to concrete gestures of conversion, to words of apology and reconciliation within families and in society.

* * *

The passage from the Letter to the Hebrews that we heard continues saying: "In the days of his flesh, with loud cries and with tears he offered prayers and supplications to Him who could save him from death." Jesus felt in all its crudity the situation of the victims, the suffocated cries and silent tears. Truly, "we do not have a high priest who cannot suffer with us in our weaknesses." In every victim of violence Christ relives mysteriously his earthly experience. Also in regard to every one of these he says: "you did it to me" (Matthew 25:40).

By a rare coincidence, this year our Easter falls on the same week of the Jewish Passover which is the ancestor and matrix within which it was formed. This pushes us to direct a thought to our Jewish brothers. They know from experience what it means to be victims of collective violence and also because of this they are quick to recognize the recurring symptoms. I received in this week the letter of a Jewish friend and, with his permission, I share here a part of it.

He said: "I am following with indignation the violent and concentric attacks against the Church, the Pope and all the faithful by the whole world. The use of stereotypes, the passing from personal responsibility and guilt to a collective guilt remind me of the more shameful aspects of anti-Semitism. Therefore I desire to express to you personally, to the Pope and to the whole Church my solidarity as Jew of dialogue and of all those that in the Jewish world (and there are many) share these sentiments of brotherhood. Our Passover and yours undoubtedly have different elements, but we both live with Messianic hope that surely will reunite us in the love of our common Father. I wish you and all Catholics a Good Easter."

And also we Catholics wish our Jewish brothers a Good Passover. We do so with the words of their ancient teacher Gamaliel, entered in the Jewish Passover Seder and from there passed into the most ancient Christian liturgy:

"He made us pass

From slavery to liberty,

From sadness to joy,

From mourning to celebration,

From darkness to light,

From servitude to redemption

Because of this before him we say: Alleluia."[5]

* * *

Notes

[1] St. Augustine, Confessions, 10, 43.

[2] Cf. R. Girard, La Violence et le Sacré, Grasset, Paris, 1972.

[3] Cf. R. Girard, Il sacrificio, Milano 2004, pp. 73 f.

[4] St. Augustine, Confessions, 10, 43.

[5] Pesachim, X, 5 e Meliton of Sardi, Easter Homily, 68 (SCh 123, p. 98).
 
Cardinals unite in a sermon of solidarity for Pope over 'child sex abuse cover-up'
Mail Online
16:03 03/04/2010
Cardinals across Europe have used Easter sermons to defend Pope Benedict XVI from accusations he played a role in covering up child sex abuse.

Cardinal Angelo Scola used his Maundy Thursday homily in Venice to praise the pope for seeking to remove all 'dirt' from the priesthood, and condemned the 'deceitful allegations'.

In Warsaw, Archbishop Kazimierz Nycz said the church must treat sex abuse cases seriously, but criticised the media's handling of the scandal for ' targeting the whole church, targeting the Pope, and to that we must say "no" in the name of truth and in the name of justice'.

Vienna's Cardinal Christoph Schoenborn, speaking of the many years Benedict spent as head of a Vatican office that investigates abuse, said he 'had a very clear line of not covering up but clearing up'.

The Pope himself celebrated a Mass in St Peter's Basilica in Rome on Thursday. In the afternoon, he washed the feet of 12 priests in a ceremony commemorating Christ's Last Supper with his 12 apostles on the evening before the Crucifixion.

He made no reference to the scandal at either ceremony.

It was claimed last week that Pope Benedict XVI failed to act against an American curate who abused 200 deaf children.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Vọng Giáng Sinh Tại Cộng Đoàn St. John East Melbourne
Kim Trinh
08:57 03/04/2010
Xem thêm các hình ảnh khác
Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình cứu độ nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, Ngài đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta. Vì thế Tam Nhật Vượt Qua Giáo Hội cho chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó và Phục Sinh của Chúa Ki-tô.

Trong tâm tình đó, đêm nay hiệp với Giáo Hội hoàn vũ, cộng đoàn St John cùng với Cha Chủ Tế Võ Thanh Xuân hân hoan cử hành biến cố Chúa sống lại trong bầu khí linh thiêng của đêm cực Thánh, đêm hồng phúc, vì Đức Ki-tô đã ra khỏi mồ, vượt qua sự chết và đi vào sư sống.

Phụng vụ được cử hành theo bốn phần:

Phần thứ nhất: làm phép lửa.

Cha chủ tế làm phép lửa, lửa được coi là hình ảnh tượng trưng cho Đức Ki-tô, là ánh sáng thế gian. Người đem lửa tình yêu và sưởi cho nhân loại. Tiếp đến cha chủ tế vẽ hình thánh giá và ghi số năm lên nến Phục Sinh. Tiếp đến là gắn 5 hạt hương theo hình thánh giá lên nến, tượng trưng cho 5 dấu đing của Chúa Giêsu, sau cùng là lấy lửa vừa mới làm phép thắp lên nến Phục Sinh.

Nến phục sinh được rước vào nhà thờ, tượng trưng cho ánh sáng của Chúa ki-tô, Ngài đến phá tan bóng tối và đem lại hạnh phúc tình người, từ nay chúng ta được bước đi dưới ánh sáng công chính Chúa Ki-tô phục Sinh. Ánh sáng sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân.

Tiếp đến, Cha chủ tế đã trang trọng công bố Tin Mùng Phục Sinh. Đây chính là niềm hân hoan vô tận của những con người được Thiên Chúa cứu độ cùng hợp nhau ca tụng Thiên Chúa.

Phần thứ hai: Phụng Vụ Lời Chúa.

Các bài đọc hôm nay nhắc nhở suy niệm về Lời Chúa và điều Chúa hứa qua những kỳ công Chúa đã làm cho dân Người ngay từ lúc khởi nguyên. Và bài ca chiến thắng của con cái It-ra-en đã được ca đoàn St John hát thật hùng hồn vá sốt sắng.

Phần thứ ba: Phụng vụ Tháng tẩy.

Cha chủ tế làm phép nước và rảy trên tất cả cộng đoàn. Thanh tảy là một cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống, là chết đi cho con người cũ và tái sinh con người mới, đồng thời trong nghi thức rảy nước thánh cũng nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại Bí Tích Thánh Tẩy mà chúng đã lãnh nhận. Tiếp đó trong niềm hân hoan của đêm Cực Thánh, mọi người cùng cầm nến sáng trên tay, ánh sáng được lấy từ nến phục sinh để lập lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích rửa tội.

Phần bốn: Phụng vụ Thánh Thể.

Cùng với toàn thể giáo hội và với những chi thể mới đã được tái sinh trong bí tích thánh tẩy, toàn thể cộng đoàn được mời vào bàn tiệc mà Chúa đã dọn sẵn cho dân Người qua sự chết và phục sinh của Người.

Thánh Lễ được cử hành trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng và ấm cúng trong tình yêu Thiên chúa và tình cộng đoàn. Sau Thánh Lễ tất cả mọi người cùng chia sẻ niềm vui cho nhau, niềm vui
 
Nhật ký chuyến mục vụ Tuần Thánh tại đảo Phú Quý Phục Sinh 2010
Hồng Hương
09:03 03/04/2010
Nhật ký chuyến mục vụ Tuần Thánh tại đảo Phú Quý Phục Sinh 2010

THỨ SÁU TUẦN THÁNH TRÊN ĐẢO PHÚ QUÝ

Thời gian trôi qua thật nhanh, hôm nay ngày2.3.2010, nhật ký hành trình đoàn chúng tôi đã sang trang thứ 4, đúng vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày mà Giáo Hội tưởng niệm cái chết đau thương của Thầy Chí Thánh Giêsu. Mầu nhiệm tử nạn, cái chết của Chúa, bầu khí sốt sắng của cộng đòan Phú Quý thật sự làm cho mỗi người chúng tôi cảm động.

Xem hình tuần thánh trên đảo Phú Qúy

Không có những lời nói khách sáo, cách tiếp đón của gia đình trên đảo thật gần gũi và chân chất. Ai cũng tỏ sự vui mừng thật sự khi được đoàn đến thăm. Buổi sáng, đoàn dành thời gian tiếp tục đi thăm viếng các gia đình Công giáo còn lại trên đảo. Đến thăm gia đình ông Chủ tịch Mặt Trận huyện có người con rể là người Công giáo, chị giáo viên, gia đình làm biển … ai cũng tỏ lộ vui mừng và quan tâm và mong chờ đến việc nhà thờ sớm được tiến hành xây dựng mang lại niềm vui cho bà con Giáo dân đảo. Buổi chiều, đoàn cũng tranh thủ đi thăm bà con xã Ngũ Phụng và Tam Thanh. Thời tiết đảo Phú Quý những ngày này đứng gío, nắng vàng rực rỡ, ai gặp nhau cũng như nheo mắt cười chào (không biết vì vui hay vì nắng!!!).

Có một điều dễ thương nữa chúng tôi phát hiện trên đảo và vội ghi vào nhật ký của đoàn: đó là khi muốn đi đâu mà không có sẵn xe, quý vị cứ cầm sẵn mũ an toàn đứng ở bên đường, thấy ai đi một mình thì ngoắc lại xin quá giang, nếu thuận đường thì quý vị sẽ được chở đến tận nơi. Trên đảo cũng có xe ôm, nhưng chỉ dăm chiếc và chỉ đón khách ngoài cảng.

Buổi chiều, đoàn tiếp tục đi thăm các gia đình. 14h30 thì trở vể để cha Sáng tiếp tục giải tội. Không chỉ bà con trên đảo biết có linh mục để đến lãnh nhận các Bí tích. Mà chiều nay có một nhóm các anh em theo tàu ximăng đổ hàng ở cảng cũng hỏi thăm tìm đến để xưng tội và dự lễ Tuần Thánh. Chúng tôi hỏi làm sao biết có cha đến đảo, ai cũng cười và trả lời rằng ở đảo Phú Quý này có gì khác lạ mà dân đảo không biết và loan cho nhau. Và lại việc đòan chúng tôi đến đảo thì trước đó đài truyền hình đã loan tin cho mọi người cũng biết rồi. Và nhà cô Lý đạo Thiên Chúa (hay đạo Nhà thờ ông cha) thì nhiều người biết lắm. Nhiều người dân ở đây là học trò cũ của cô. Không chỉ học trò mà cả phụ huynh cũng và rất mến phục cô.

19g, các nghi thức phụng vụ của thứ Sáu Tuần Thánh được tổ chức đầy đủ cho cộng đòan. Bà con đến tham dự đông hơn. Bài thương khó được Cha Sáng, thầy Xuân và một thanh niên đảo Phú Quý hát sốt sắng. Không chỉ người lớn mà đám trẻ con cũng đứng rấy nghiêm trang tham dự từ đầu đến cuối. Kết thúc các nghi thức, các soeurs mở phim Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho bà con xem. Đám thanh niên xem xong còn bàn tán đến khuya rồi … ngủ lại luôn ngoài thềm nhà cô Lý.

Nói là ngày Chúa chết, nhưng bầu khí ở cộng đòan Phú Quý lúc nào cũng vui vẻ và nhộn nhịp. Người đến xưng tội, người đến chơi trò chuyện, thanh niên đến tập hát cả ngày, trẻ con theo mẹ đến chơi khóc cười rộn ràng. Bà con trong cộng đoàn Phú Quý, mỗi người mỗi suy nghĩ theo cách riêng của mình, nhưng tất cả đều hướng về một ước mơ trong niềm hy vọng Nhà thờ Giáo họ sớm được xây dựng và mong muốn được đóng góp sức mình cho giáo họ Phú Quý trên hòn đảo dễ mến này.
 
Cộng đoàn CGVN Thánh Phê Rô và Giáo dân Miền Tây Melbourne Mừng lễ vọng Phục Sinh
FX Trần Văn Minh
09:45 03/04/2010
Cộng đoàn CGVN Thánh Phê Rô và Giáo dân Miền Tây Melbourne Mừng lễ vọng Phục Sinh

Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Phê Rô thuộc Giáo hạt Sunshine và Giáo dân Miền Tây Melbourne Mừng lễ vọng Phục Sinh

Melbourne, vào lúc 20 giờ tối 04 Tháng 4- 10. Tại Hội trường Nhà thờ St Bernadettes vùng North Sunshine. Giáo dân thuộc Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Phê Rô Giáo xứ Sunshine cùng với Giáo dân Công giáo Việt Nam khu vực Miền Tây thuộc TGP Melbourne hân hoan mừng vui đón mừng lễ vọng Chuá Phục sinh.

Xem hình lễ vọng Phục Sinh

Trong thời tiết rất ấm vào đầu muà Thu Melbourne. Rất đông giáo dân đủ mọi thành phần dân Chuá trong khu vực đã tề tựu tại hội đường rất sớm. Có các cụ ông, cụ bà, các vị trung niên, thanh niên, thiếu nữ và các em nhỏ cùng đến tham dự thánh lễ Phục sinh. Do Linh mục Peter Hoàng phụ trách Giáo xứ Sunshine chủ tế.

Trên khu vực lễ đài, một hang đá làm mồ táng xác Chuá được dựng lên. Đối diện phiá dưới cuối khu vực lễ, nơi làm các nghi thức làm phép lưả và làm phép nến Phục Sinh được thắp và Ánh sáng Chuá lan toả qua các đèn tay cuả một số giáo dân ngồi hai hàng bià ngoài đường lên lễ đài. Linh mục chủ tế giơ cao ngọn nến rước lên bàn thờ và trịnh trọng đặt nến Phục sinh vào chân nến cao có trang hoàng hoa lá.

Sau các bài đọc Sáng Thế, nói về Ngày Chuá tạo dựng vũ trụ và các việc Ngài đã làm trong bảy ngày, để tạo bầu trời, ánh sáng, biển cả, núi non cùng muôn vật Người đã tao ra. Cùng với các bài đọc trong lễ Vọng Phục Sinh. Linh mục chủ tế đã đọc bài tin mừng Chuá Phục sinh, và ngài đã chia sẽ với mọi người về niêm vui cứu độ cuả Thiên Chuá qua tình thương yêu tuyệt vời trong đêm cực Thánh này.

Khi Kinh Vinh danh được Ca đoàn trẻ Phê Rô hát vang, cũng là lúc ánh đèn được bật sáng, và tại nơi mồ chôn xác Chuá nắp mồ bị mở tung để Chuá vinh hiển sáng láng sống lại trong niềm hân hoan cuả mọi người đón nhận niêm vui hân hoan Chuá Phục sinh.

Chuá đã sống lại, mang niềm vui và hy vọng cho mọi người, đêm nay Cộng đoàn Công giáo Việt Nam khu vực Miền Tây nói chung và Cộng đoàn Thánh Phê Rô Sunshine nói riêng, vui mừng vì cũng được thông phần nhận ơn cứu độ từ Chuá Phục sinh ban an bình đến với nhân loại và mọi người trong công đoàn.

Sau Thánh lễ, Cha Perter Hoàng chủ tế đã hân hoan chúc mừng mọi người, ngài cũng ngỏ lời cám ơn đến các vị trong ban đại diện, các hội đoàn, đoàn thể trong cộng đoàn đã tích cực chung tay tổ chức buổi lễ thật tốt đẹp về mọi mặt. Buổi lễ kết thúc vào lúc 22 giờ.

Melbourne Ngày 4/4/2010.
 
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Sydney
Diệp Hải Dung
09:50 03/04/2010
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Sydney

Tối thứ Bảy 3/04/2010 thời tiết mặc dù lạnh và mưa gió nhưng có khoảng 4000 người (kể cả những người không Công Giáo) đã đến công viên Paul Keating Park Bankstown Sydney che dù dưới mưa tham dự Lễ Vọng Phục Sinh. Giờ khai mạc đoàn phụng vụ và quý Cha xuống cuối công viên với nghi thức trang trọng làm phép Lửa và nến Phục Sinh. Tất cả mọi người đều hướng về cuối công viên thinh lặng cầu nguyện và đón mừng Ánh Sáng Phục Sinh của Chúa KiTô.

Xem hình lễ vọng Phục Sinh tại Sydney

Sau đó nến Phục Sinh được rước lên Lễ đài và thắp sáng cho tất cả mọi nguời, tiếp theo là phần Phụng Vụ Lời Chúa do Cha Paul Văn Chi điều hợp, mọi người đều sốt sắng hướng lên Lễ đài và giơ cao ngọn Nến hân hoan mừng Chúa Sống Lại và nối tiếp là nghi thức tuyên xưng Đức Tin và qúy Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh.

Truớc khi kết thúc Thánh lễ, Cha Tuyên Uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời cám ơn quý Cha và tất cả mọi người không quản ngại mưa gió đã đến tham dự Lễ Mừng Chúa Phục Sinh. Cha cám ơn anh chị em thiện nguyện viên trong Hội Đồng Mục Vụ đã giúp ích rất nhiều cho công việc tổ chức Thánh lễ Vọng Phục Sinh tại công viên Paul Keating Park và Cha cám ơn Ca đoàn KiTô Giáo đoàn Lakemba hát rất hay giúp cho mọi nguời thêm phần sốt sắng trong Thánh lễ.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại thưởng ngoạn màn bắn Pháo Bông mừng Chúa Phục Sinh rất đẹp mắt và ngoạn mục, do ông bà Nguyễn Thanh Vương ở Plumpton bảo trợ.

Ngày mai Chúa Nhật Phục Sinh, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney hân hoan mừng đón 16 Anh Chị Em Tân Tòng lãnh nhận Bí tích Rửa Tội gia nhập vào đoàn chiên của Chúa.
 
Đức TGM dâng lễ vọng Phục Sinh tại nhà thờ chính Tòa Huế
Trương Trí
12:53 03/04/2010
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC DÂNG THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH tại nhà thờ CHÍNH TÒA

BAN BÍ TÍCH RỬA TỘI VÀ THÊM SỨC cho 14 ANH CHỊ EM TÂN TÒNG.


Tối thứ bảy, Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế đã dâng thánh lễ vọng mừng Chúa phục sinh tại nhà thờ chính tòa Phủ cam Huế. Bầu khí nhà thờ có nhiều thay đổi, cờ xí trang hoàng rực rở chứ không mang màu tang tóc của ngày thứ sáu, ngày Chúa Giêsu chịu nạn.

Xem hình ảnh lễ vọng Phục Sinh tại Huế

Đúng 8 giờ tối, tất cả đèn trong nhà thờ đều tắt, từ nơi tiền đường, Đức Tổng Giám mục đã làm phép nến Phục sinh và lửa, từ ngọn lửa của nến phục sinh được truyền đến cộng đoàn khi Đức Tổng Giám mục rước nến lên cung Thánh với lời xướng “Ánh sáng Chúa Kitô”. Đèn trong nhà thờ được bật sáng lên.

Phần canh thức phục sinh, cộng đoàn được nghe lại ba bài cựu ước, nói về việc Thiên Chúa thử lòng ông Abraham, bảo ông đem con trai là Isaac hiến tế lên Thiên Chúa, ông vâng theo Thánh ý Chúa, nhưng Người phán hãy bắt con chiên trong bụi gai để hiến tế thay cho con ông. Và việc Thiên Chúa dẫn đường cho dân Israen vượt qua biển đỏ bình an, dân Israen đi giữa lòng biển khô cạn, còn quân Ai cập đuổi theo thì bị vùi lấp giữa lòng biển khơi.

Kinh Vinh danh Thiên Chúa đọc trong suốt cả mùa chay thì được cộng đoàn hát lên để mừng Chúa Phục sinh một cách trọng thể trong tiếng chiêng trống hòa vang, màn che Thánh giá trong ba ngày chịu nạn cũng được từ từ hạ xuống, đèn cung thánh bừng sáng lên.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám mục nhắc lại lời thánh Phao lô nói về kết quả của việc Chúa Giêsu phục sinh đến với chúng ta. Nhờ bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tham dự vào sự sống phục sinh của Chúa Kitô, trở thành con người mới hoàn toàn...Sự sống mới náo nức trong lòng, thúc đẩy chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cuộc sống vui tươi, bình an, thân thiện, luôn hy vọng và lan tỏa hy vọng đến người khác. Như thánh Phaolô vừa nêu trên, ngay giữa những khó khăn thử thách nặng nề nhất, vì tin chắc rằng Chúa Kitô đã toàn thắng cái chết, tội lỗi và sự dữ.

Người sống tin mừng phục sinh thì chạy nhanh đến nỗi những nhỏ nhen cuộc đời không thể theo kịp. Họ vươn cao đến độ những xúc phạm không thể chạm tới được. Họ dìm sâu trong yêu mến để dũng cảm đi trước trong những hy sinh thiệt thòi. Họ cũng đủ khiêm tốn và kiên nhẫn để đến sau trong danh dự.Và trên hết mọi sự, họ thành tâm phụng sự Chúa, phục vụ Hội Thánh và con người.

Sau đó, cộng đoàn cùng đọc kinh cầu các Thánh để cầu nguyện cho 14 anh chị em dự tòng sắp được Đức Tổng Giám mục ban bí tích rửa tội và thêm sức. Tiếp đó, Đức Tổng đã làm phép nước thánh tẩy để rửa tội và thêm sức để ban cho họ sức mạnh của Chúa Thánh thần, tăng thêm đức tin vững vàng trong cuộc sống hằng ngày. Lần đầu tiên được dâng lời nguyện và dâng lễ vật lên bàn thờ, anh chị em tân tòng thật xúc động trong niềm vinh dự lớn lao.

Sau thánh lễ, cha Antôn Dương Quỳnh quản xứ chính tòa thay mặt cộng đoàn cảm ơn Đức Tổng Giám mục đã thương yêu giáo xứ chính tòa. Mặc dù vất vả theo những ngày hội nghị Hội đồng Giám mục Việt nam, Ngài vẫn đến dâng lễ và ban phép bí tích rửa tội cũng như thêm sức cho các anh chị em tân tòng. Cha quản xứ cũng đã trình lên Đức Tổng kế hoach xây nhà mục vụ của giáo xứ mà Ngài đã giao trách nhiệm cho cha quản xứ vào ngày nhận chức quản xứ chính tòa. Theo đó, trong thời gian vừa qua, giáo xứ đã vận động được nhiều ân nhân và đồng hương Phủ cam ở trong cũng như ngoài nước, đồng thời cộng đoàn giáo xứ mặc dù đời sống khó khăn vất vả nhưng cũng đã nhiệt tình đóng góp để xây nhà mục vụ. Tính cho đến nay, số tiền đã được 990 triệu đồng (tất cả quy ra tiền Việt nam), so với dự toán khoảng 8 đến 10 tỷ, thì số tiền trên chưa thấm vào đâu, nhưng cha quản xứ cũng đã thay mặt giáo xứ cảm ơn tất cả các ân nhân cũng như bà con đồng hương đồng hương trong và ngoài nước, cùng cộng đoàn giáo xứ. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ LaVang và các thánh Tử Đạo Việt nam, xin Chúa ban nhiều ơn lành cho tất cả.

Đức Tổng Giám mục cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng nhà mục vụ của giáo xứ là rất cần thiết, tuy nhiên việc xây dựng đòi hỏi lâu dài nên việc đóng góp của bà con đồng hương, sự giúp đở của các ân nhân, cũng như của cộng đoàn giáo xứ còn nhiều. Nhà mục vụ là nơi thể hiện tình đoàn kết yêu thương của giáo xứ, do đó trong việc đóng góp có kẻ ít người nhiều, tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, nhưng không vì thế mà mất tình đoàn kết.

Cuối cùng Đức Tổng Giám mục đã ban phép lành cho cộng đoàn tham dự thánh lễ, trong niềm hân hoan mừng Chúa Kitô phục sinh.

Cũng trong dịp mừng đại lễ phục sinh này, thể hiện tình yêu thương, giúp đở những kẻ khó nghèo, như Chúa Giêsu đã dạy: khi ta đói các ngươi đã cho ăn, khi ta rét các ngươi đã cho mặc. Buổi chiều thứ bảy, cha quản xứ cùng với ban văn hóa xã hội đã phát 125 phần gạo cho những gia đình khó khăn trong giáo xứ, trong đó có một số gia đình lương dân. Cha quản xứ cũng đã gởi đến bà con niềm vui phục sinh của Chúa Giêsu, Ngài cũng thay mặt bà con cảm ơn các ân nhân đã giúp đở cho bà con suốt trong những năm tháng qua, cám ơn ban văn hóa xã hội đã không quản ngại vất vả, để giúp cho bà con vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

TRƯƠNG TRÍ.
 
Giáo xứ Hướng Phương tiếp nhận các anh chị vào gia đình Giáo Hội
Hoàn Nguyễn
13:05 03/04/2010
Giáo xứ Hướng Phương: Những Thụ Tạo Mới Trong Chúa Phục Sinh

Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng mạng sống mình làm của lễ đền tội thay cho tòan nhân loại (x. Rm 3,25), và qua cuộc Phục sinh của mình, Người đã đổi mới tòan thể vũ trụ (x. 2Cr 5, 17). Với các tín hữu Kitô, Tam Nhật Vượt Qua thời gian đặc biệt để họ tưởng nhớ và tham dự vào công cuộc cứu chuộc và tái tạo của Đức Kitô. Với ý nghĩa đó, ngay từ thời kỳ đầu của Kitô giáo, Giáo Hội đã có thói quen cử hành bí tích Thánh Tẩy cho các dự tòng vào đêm Vọng Phục Sinh. Tiếp nối truyền thống đó, đêm vọng Phục Sinh năm nay (03.04.2010), giáo xứ Hướng Phương đã cử hành bí tích Thánh Tẩy cho bốn người gia nhập Công giáo.

Xem hình

Trong niềm hân hoan đêm Vọng Phục Sinh năm nay, giáo xứ Hướng Phương tiếp nhận các anh chị sau đây vào trong gia đình Giáo Hội:

1. Phaolô Phạm Minh Thế

2. Giuse Nguyễn Văn Thương

3. Phaolô Nguyễn Đắc Thuận

4. Maria Đậu Thị Hồng

Trong phần diễn giải lời Chúa, có đoạn linh mục Giuse Hòang Thái Lân nói với các dự tòng rằng: như mấy phụ nữ ra mộ Đức Giêsu và các bà đã nhận được tin Chúa đã phục sinh, thì cũng thế, hôm nay là ngày thứ nhất trong đời, các anh chị được đón nhận niềm tin vào Chúa Phục Sinh; chút nữa đây, sau khi các anh chị lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, các anh chị sẽ trở thành thụ tạo mới, trở thành con cái Thiên Chúa, thành người nhà của Hội Thánh. Chúng tôi, những anh chị em ở trong gia đình Hội Thánh trước, hân hoan chào đón anh chị em, cùng cầu nguyện với anh chị em, để ân sủng mà hôm nay anh chị em nhận được ngày một phát triển dồi dào.

Thực ra, không phải chỉ vào đêm Vọng Phục Sinh giáo xứ Hướng Phương mới cử hành bí tích Thánh Tẩy cho các dự tòng, mà mỗi năm, nơi đây có nhiều dịp cử hành nghi thức gia nhập Công giáo cho các anh chị em dự tòng. Cha Giuse Hòang Thái Lân cho biết, trung bình mỗi năm, cha cử hành bí tích Thánh Tẩy cho khỏang 50 người.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm một chút về giáo xứ Hướng Phương.

Giáo xứ Hướng Phương là trị sở của hạt Bình Chính, tọa lạc tại xã Quảng Phương, tỉnh Quảng Bình. Trước đây, Bình Chính là cả vùng phía Bắc Sông Gianh của tỉnh Bố Chính xưa và Quảng Bình sau này cho đến giáp tỉnh Hà Tĩnh. Trong địa bàn giáo phận Vinh, Bình Chính là một trong những vùng đất được đón nhận hạt giống đức tin sớm nhất, vào năm 1629, dưới thời truyền đạo của linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Tiếp sau thời cha Đắc Lộ, vùng đất nơi đây cũng đã đón nhận nhiều nhà truyền giáo phương Tây. Riêng giáo xứ Hướng Phương, nơi đây là chỗ cư trú của nhiều nhà truyền giáo nhất so với vùng đất Bình Chính. Thuở xưa, khi giáo phận Vinh còn thuộc về giáo phận Tây Đàng ngòai, hay khi đã trở thành giáo phận Nam Đàng Ngòai và ngay cả khi đã hình thành tên gọi giáo phận Vinh cho đến cách đây vài ba chục năm, do địa bàn rộng lớn, ngăn sông cách núi và phương tiện đi lại, nên Đức giám mục giáo phận luôn đặt cha Chính hay linh mục Tổng Đại Diện trông coi xứ Hướng Phương, cùng để giải quyết những công việc của các giáo xứ trong vùng đất Bình Chính.

Vào năm 2005, hạt Bình Chính đã chia ra làm bốn giáo hạt là Hướng Phương (hay Bình Chính), Hòa Ninh, Minh Cầm và Đồng Troóc. Giáo hạt Hướng Phương hiện nay có 10 giáo xứ; và giáo xứ Hướng Phương, với số tín hữu khỏang 6.000, được đặt làm trụ sở của hạt.

Với bề dày lịch sử đức tin như thế, và nhất là với việc các tín hữu Hướng Phương nhận ra hồng ân đức tin lớn lao mà tổ tiên họ là một trong số ít những nguời ở vùng đất Bố Chính được đón nhận vào hàng sớm nhất trong giáo phận, nên họ cảm thấy mình phải có trách nhiệm đáp trả hồng ân của Chúa và công lao của các nhà truyền giáo bằng việc sống tốt đời sống tôn giáo của mình và nỗ lực đưa nhiều người trở về gia nhập đòan chiên của Chúa Kitô.
 
Thiệp Chúc Mừng Phục Sinh của Tòa Giám Mục Lạng Sơn
+ ĐGM Giuse Đặng Đức Ngân
16:19 03/04/2010
 
Luật sư Lê Thị Công Nhân tham dự Thánh lễ vọng Phục sinh tại Thái Hà
J.B. Nguyễn Hữu Vinh
17:58 03/04/2010
Luật sư Lê Thị Công Nhân tham dự Thánh lễ vọng Phục sinh tại Thái Hà

Chúng tôi đến Thái Hà tham dự Thánh lễ vọng phục sinh cuối cùng dành cho mọi người sau Thánh lễ dành cho các học sinh và trẻ nhỏ, Thánh lễ bắt đầu khi 9 giờ đêm. Khi chúng tôi đến, Thánh lễ dành cho các cháu chưa xong nhưng hàng ngàn người đã đến để chuẩn bị tham dự Thánh lễ đêm, dưới trời mưa phùn nhỏ hạt. Những hạt mưa bay li ti như điểm thêm chút không khí mong đợi, ngóng chờ của mỗi tín hữu Ki tô tới giờ phút vui mừng đón biến cố Phục sinh sau chuỗi ngày thương khó và thanh luyện.

Bỗng tôi thấy Lê Thị Công Nhân đang đứng dự lễ tại bậc thềm nhà Dòng, bên cạnh có một cô bé đang nói liến thoắng. Nhận ra tôi, cô định hỏi chuyện thì cô bé mang chiếc áo khoác vàng bên cạnh liên tục gọi điện và rủ cô đi ra ngoài. Nhưng Lê Thị Công Nhân bảo đang giờ lễ không đi được, cô bé gọi điện thoại hỏi “chúng mày còn ở nơi ấy nữa không” và chạy ra ngoài.

Tôi cứ tưởng là hai người đi cùng với nhau. Một số giáo dân thấy vậy hỏi cô: “Em này cùng đi với em à?” nhưng Lê Thị Công Nhân lắc đầu nói: “Em đến đây bằng taxi một mình, đến nhà thờ dự lễ một lúc thì thấy cô bé này xuất hiện và bảo không phải người công giáo nhưng đến đây gặp chị và rất hâm mộ, em có mấy đứa bạn em ở ngoài nữa, mời chị ra đây uống cafe với bọn em, nhưng đang giờ lễ nên em không đi được”.

Một lúc sau cô bé lại vào mấy giáo dân hỏi cô ta từ đâu đến, cô trả lời mình là Hương, sinh viên năm thứ 4, đang đi học và đến đây đi chơi, rồi rối rít rủ Công Nhân đi ra ngoài quán cafe. Cô bé có những biểu hiện rất lạ là khi các giáo dân giơ máy ảnh lên, thì cô ta ngăn lại và quay mặt hoặc chạy trốn sau lưng ai đó, thái độ đó làm nhiều người nghi ngờ.

Mấy giáo dân thấy vậy đi cùng Công Nhân ra đến cuối sân nhà thờ thì một đoàn mấy thanh niên cả nam lẫn nữ đang đứng đợi phía ngoài hàng rào. Đến đó Công Nhân quay trở lại dự lễ đám thanh niên đứng trao đổi một lúc thì đi ra ngoài, một số giáo dân đi ra đường Nguyễn Lương Bằng thì thấy cả đoàn đến một chiếc xe 7 chỗ không biển số. Tất cả đứng gọi điện thoại và chờ một lúc nữa thì lên xe đi.

Lê Thị Công Nhân vào tham dự Thánh lễ đêm vọng Phục sinh với mọi giáo dân, một Thánh lễ sốt sắng và đầy sự tôn nghiêm, linh thiêng trong mọi nghi thức được cử hành.

Cuối lễ, khi mọi người ra về, rất nhiều giáo dân thấy Công Nhân đã đến hỏi thăm và nói chuyện vui vẻ, để đảm bảo an toàn cho cô một mình đêm hôm khuya khoắt, rất đông giáo dân đã hộ tống cô về tận nhà.

Thật vui và cảm động khi nhìn thấy sự quan tâm lẫn nhau hết tình của các tín hữu Kitô ở đây.

Một đêm Thánh ân đã về, mừng Chúa Phục sinh, xin Ngài đổ tràn muôn ơn xuống cho mọi người, cho Giáo hội và Đất nước ngày càng tiến bộ về mọi mặt.

Hà Nội, Đêm Phục sinh 2010
 
Thứ Bảy tuần thánh tại GX Thanh Đức, Đà Nẵng
Paul Maria
20:45 03/04/2010
THỨ BẢY TUẦN THÁNH TẠI GX THANH ĐỨC GP ĐÀ NẴNG: VỌNG PHỤC SINH - ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA

" Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào "

Thật đúng như lời Chúa đã hứa. Bởi trong suốt cả Tuần Thánh, toàn thể Giáo Hội hoàn vũ đã được múc lấy biết bao ơn lành của Thiên Chúa tuôn ban qua việc cử hành sốt sắng các buổi Phụng vụ, đặc biệt với Tam Nhật Vượt Qua. Nhưng không chỉ có chúng ta, con cái của Hội Thánh là Chi thể Mầu nhiệm của Đức Kitô, được sống và sống dồi dào, mà chính qua Giáo Hội, qua mỗi người chúng ta, Ân Sủng Phục Sinh của Chúa sẽ biến đổi tâm hồn vốn chai đá, tội lỗi, bất tuân, kiêu ngạo... của con người hôm nay, cách riêng trên đất nước Việt Nam này, trở thành những người con ngoan hiền của Người.

Xem hình đêm canh thức

Và đêm nay nữa, Đêm Canh Thức Vượt Qua, Hội Thánh trên khắp hoàn cầu long trọng cử hành nghi thức Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng hôm qua đã chết trên thập giá, được chôn cất vào lúc hoàng hôn, và sáng tinh sương ngày lễ Vượt Qua, Người đã sống lại như lời Người loan báo.

Đêm nay là Đêm cực Thánh, Đêm Hồng phúc vì Đức Kitô đã ra khỏi mồ, vượt thắng sự chết để đi vào sự sống vinh quang. Chúng ta hân hoan cử hành biến cố Chúa Sống Lại. Với biến cố này, Hội Thánh nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta sẽ được sống lại với Đức Kitô qua bí tích Thanh Tẩy.

Thánh lễ Vọng Phục sinh - Đêm Canh Thức Vượt Qua hôm nay được cử hành trên khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ. Cha Phó Phaolô Trần ngọc Hoàng chủ tế cùng với Cha Quản xứ Bônaventura Mai Thái và trên 3500 bà con Giáo dân tham dự.

Phần mở đầu Thắp và Rước Nến Phục Sinh, một rừng nến cháy tỏa lan từ Ánh Sáng Phục Sinh, lung linh trong tiếng ca chúc tụng: " Ánh Sáng Chúa Kitô - Tạ ơn Chúa ". Một cảnh tượng hoành tráng và uy nghiêm lạ lùng.

Muôn tâm hồn lắng dịu và chăm chú lắng nghe Cha Quản xứ hát vang bài ca Công Bố Tin Mừng Phục Sinh: : Hãy vui lên ! Toàn thể trái đất hãy vui lên ! Trong ánh sáng huy hoàng của Vua Muôn Thuở, Hãy vui lên, Mẹ Hội Thánh, hãy vui lên !. . "

Cùng với những Bài đọc Cựu Ước là các bài Đáp ca được Ca đoàn Giáo xứ lột tả hết mọi ý tưởng, mọi cảm xúc, giúp bầu khí thêm Thánh thiêng, giúp cộng đoàn thêm sốt mến và cảm nhận được sự nhẹ nhàng của Thánh lễ vốn kéo dài hơn hai tiếng đông hồ.

Kinh Vinh Danh được Cha Chủ tế xướng lên trong tiếng chuông, tiếng trống chiêng đổ hồi. Ánh sáng tràn ngập chói chang. Tấm màn che hình Chúa Giêsu Phục Sinh Ra Khỏi Mồ ( cao hơn 7 mét ) trên nóc cao Nhà thờ được kéo xuống, pháo sáng bừng cháy lên rực rỡ, tiếng hát cộng đồng âm vang bài ca Chúc Tụng: " Vì lạy Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao, cùng Đức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Đức Chúa Cha. Amen ! "

Chia sẻ sau Tin Mừng, Cha Phó Phaolô đã nói:

" Sao lại tìm người sống ở giữa kẻ chết ? "

Ý nghĩa câu Tin Mừng này là gì ? Ai sống và Ai chết ?

Có thể nói " Kẻ chết " là các Tông Đồ của Chúa. Khi Chúa Giêsu tắt thở, tâm hồn các ông như một khối hỗn mang vô định. Những mộng ước không thành, bao dự tính tan theo mây khói. Niềm tin chao đảo, tâm tư buồn chán, các ông chìm trong sầu muộn mênh mong. Các ông bơ vơ như người lạc mất phương hướng, không biết phải đi đâu về đâu. Các ông còn sống đó mà tâm hồn như đã chết rồi.

Khi an táng Chúa Giêsu vào huyệt đá, thì cũng là lúc các Tông Đồ tự an táng hồn mình trong những nấm mồ buồn thảm: nghi ngờ, mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng, sợ hãi. Đó là hình ảnh của những kẻ chết... Điều này không loại trừ nơi mỗi người chúng ta hôm nay: sống mà như mất niềm tin, không lý tưởng. Sống mà chỉ biết có mình, chỉ ích kỷ. Sống mà đè đầu cởi cổ anh em. Sống hể ha, sống hưởng thụ, chỉ biết dồn hết sức mình để chiếm đoạt bằng được mọi cạn bả của nền văn minh sự chết mà nào biết đâu: sống như thế là đã chết rồi...

Và Ai sống ? Thưa, chính Đức Kitô - Chúa chúng ta.

" Sao các bà lại tìm Ngưới Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại " ( Lc. 24, 5 - 7 ).

Chúa đã sống lại. Đó là sự thật, cho dù chúng ta tin hay không tin. Tất cả các sách Tin Mừng đều tường thuật điều này. Hãy nghe Gioan - môn đệ Chúa yêu dấu - thuật lại: "... Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Kitô phải trỗi dậy từ cõi chết " ( Ga. 20, 8 - 9 ).

Chúa Phục sinh là một biến cố lịch sử. Biến cố này được xác định rõ ràng thời gian, chi tiết sự việc xảy ra, ngôi mộ trống và Chúa đã hiện ra nhiều lần với các Tông Đồ. Nhưng đặc biệt bởi chính đời sống đã được biến đổi của các Tông Đồ minh chứng hùng hồn nhất việc Chúa đã sống lại. Các ông, từ những con người yếu đuối, nhát đảm, hồ nghi, ít học,. .., đã trở thành những người can đảm, mạnh mẽ, khôn ngoan và dám coi thường cả cái chết để làm chứng việc Chúa đã sông lại...

Bây giờ, lúc này đây, Chúa đang sống bên tôi, bên anh, bên chị, bên mọi con người trần thế. Người đồng hành cùng chúng ta. Người sống cùng chúng ta mọi ngày như xưa đã sống, đã đồng hành cùng các Môn đệ...

Xin Ánh Sáng Chúa Kitô Phục Sinh hun nóng, đốt cháy tâm hồn mỗi người chúng con, để nhờ đó, chúng con can đảm và mạnh mẽ sống đời chứng nhân cho Chúa, nhiệt thành đem ánh sáng, niềm vui Phục Sinh cho hết mọi người... "

Trước khi ban Phép Lành, Cha Quản xứ chúc mừng lễ Phục sinh đến mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo xứ và anh chị em di dân tham dự Thánh lễ hôm nay. Ngài chân thành cám ơn tất cả bà con trong mọi chức vụ đã nhiệt tình đóng góp sức mình cho việc cử hành Đại Lễ Phục Sinh trong an bình và Thánh thiện.

" Muôn vinh hiển dâng lên Tòa Cao Sáng

Kính tôn Cha và Thánh Tử Phục Sinh

Hằng trị vì cùng với Chúa Thánh Linh

Từ muôn thuở đến thiên thu vạn đại. .. "

Paul Maria
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Toả Sáng Niềm Tin
Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
04:39 03/04/2010
Hai khuôn mặt Ki-tô hữu

Vào lúc các tín hữu Chúa Ki-tô trên khắp cùng thế giới bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm Chúa Ki-tô chịu thương khó, chịu chết rồi phục sinh, thì ngay trên đất nước Việt Nam chúng ta, hai Ki-tô hữu đang lôi kéo sự chú ý của các cơ quan truyền thông trên thế giới, cho dù ở trong nước, toàn bộ báo đài đều giả điếc làm ngơ, hai khuôn mặt đang ngời sáng đó là một tín hữu Tin Lành, luật sư Lê Thị Công Nhân, và một linh mục Công Giáo, cha Ta-đê-ô Nguyễn Văn Lý. Luật sư Lê Thị Công Nhân bước vào nhà tù khi mới 28 tuổi, vào lúc bạn bè đồng trang lứa của cô nghĩ đến tương lai, đến tình yêu, đến hạnh phúc, đến sự nghiệp. Nhà tù của chế độ cộng sản Việt Nam đã nuốt trọn 3 năm của quãng thời gian đẹp nhất của một đời người. Còn linh mục Nguyễn Văn Lý, năm nay 64 tuổi, thì tổng cộng đã có 14 năm tù. Dưới cái nhìn của người Ki-tô hữu chúng ta, đó là những người đã đi con đường hy sinh, con đường thánh giá mà chính Đức Giê-su đã đi khi thực hiện công trình cứu độ.

Đức Giê-su không phải là một nhà hùng biện nói thật hay để ta nghe cho sướng tai, không phải là một nhà trí thức siêu đẳng với những pho sách dày cộm làm ta lác mắt, không phải một lý thuyết gia đưa ra những tư tưởng lỗi lạc khiến chúng ta sững sờ. Không, Ngài là Thiên Chúa làm người để cứu độ con người. Và để đạt được mục tiêu đó, Ngài đã chấp nhận trả giá: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đây không phải là một công thức khô khan trừu tượng, nhưng là một nguyên tắc Đức Giê-su đã áp dụng cho chính mình qua cuộc thương khó và cái chết nhục nhằn trên thập giá mà Hội Thánh tưởng niệm một cách đặc biệt long trọng mỗi năm một lần, trong suốt cả Tuần Thánh.

Đường tranh đấu là con đường thánh giá

Sở dĩ tôi dám liên kết những năm tù đày của luật sư Lê Thị Công Nhân và Cha Lý với cuộc thương khó của Chúa Ki-tô là vì cả hai, thay vì đi con đường trơn tru suôn sẻ mà bao người vẫn đi, đã chọn con đường gai góc, con đường đấu tranh, con đường thánh giá. Tốt nghiệp cử nhân luật ở tuổi 22, hai năm sau đã là thành viên luật sư đoàn Hà Nội và luật sư đoàn quốc tế, cô Lê Thị Công Nhân đã có nhiều điều kiện thuận lợi để thành đạt trên đường đời. Nhưng vì lợi ích của Dân Tộc, cô đã chấp nhận quên mình, chấp nhận dấn thân vào con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ. Qua điện thoại viễn liên truyền thanh trước đồng bào hải ngoại Nam California ngày 25-02-2007, cô đã tuyên bố: “Tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là: tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Và Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất cứ một điều gì dù chỉ là thỏa hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng về phía tôi. Tôi không thách thức, nhưng Cộng sản Việt Nam nếu đã hạ quyết tâm thực hiện những hành vi tội ác bằng cách chà đạp lên nhân quyền của người dân Việt Nam và muốn tiếp tục dìm đất nước Việt Nam trong một sự tăm tối về mặt chính trị, nghèo nàn về mặt kinh tế, lạc hậu về mặt văn hóa kéo dài cho tới tận đời con cháu của chúng ta cũng như của chính người Cộng sản, thì tùy họ và họ có quyền hành xử với những cái gì họ có. Gia đình tôi đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, đó là tôi có thể bị khởi tố và có thể đi tù”. Và cô đã đi tù. Đúng 3 năm.

Còn Cha Lý, nếu chấp nhận làm một ông cha xứ ngoan ngoãn: hăng hái thì tham gia sinh hoạt trong Uỷ Ban Đoàn Kết để dễ bề thăng quan tiến chức, không nữa thì ít là đừng chọc phá Nhà Nước, chuyện trên trời thì tha hồ nói, chuyện dưới đất, chuyện xã hội thì hoặc là đừng nói, hay có nói thì chỉ nói cách chung chung, vô thưởng vô phạt. Nếu thế thì giờ này, ít ra cha cũng được một chân Hạt trưởng. Nhưng tội của cha là đã sớm nhận ra khuôn mặt thật của chế độ, rồi công khai bày tỏ ý kiến của mình, lập trường của mình. Với tư cách là thư ký (và nay ta có thể nói là người con tinh thần) của đức cha Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám Mục Huế, ngay từ năm 1977, cha đã phổ biến rộng rãi 2 bài phát biểu thời danh của Đức Tổng Điền: “Chưa có tự do tôn giáo tại Việt Nam” và “Người Công Giáo bị xem như công dân hạng nhì.” Thế thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu từ năm 1977 cha đã bị cộng sản Việt Nam bắt bỏ tù. Đến nay tổng cộng 4 đợt là 14 năm.

Cha được công luận đặc biệt chú ý từ năm 2000. Biểu ngữ được căng lên trước mặt tiền nhà thờ Nguyệt Biều ngày 14-11-2000 đã nói lên kinh nghiệm xương máu và xác tín sâu xa của Cha: “Tự do tôn giáo hay là chết”. Là vì tự do xây nhà thờ, xây trung tâm mục vụ hay trung tâm hành hương, tự do truyền chức linh mục, tự do tổ chức các cuộc lễ, tự do đi ra nước ngoài, mà không được tự do phục vụ con người: tự do tham gia vào các công tác giáo dục, y tế, xã hội, mặc cho người dân nghèo không còn ruộng cày, không còn đất sống, mặc cho phụ nữ và thậm chí trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, mặc cho hằng triệu thai nhi bị giết mỗi năm, mặc cho xã hội ngày càng mục nát, băng hoại, mặc cho những ai tranh đấu cho tự do dân chủ nối tiếp nhau vào tù, mặc cho đất đai và biển đảo của tổ quốc cứ từ từ lọt vào tay Trung Quốc để dân tộc thêm một lần làm nô lệ, thế thì cái tự do tý tẹo còn lại mà tôn giáo được hưởng kia chỉ biến tôn giáo thành đồ trang trí cho chế độ, thành cái xác không hồn, và cuối cùng thứ tự do đó dẫn tôn giáo đích thực đến chỗ chết. Chính xác tín này đã dẫn Cha Lý từ chỗ tranh đấu cho tự do tôn giáo đến việc tranh đấu cho tự do dân sự: Là vì cuối cùng, tôn giáo chỉ có thể thực sự tự do khi dân tộc được hoàn toàn tự do.

Thép đã tôi

Sau khi ra khỏi tù, qua những lời phát biểu của Cha Lý, ta thấy Cha chẳng có vẻ gì là bận tâm quá đáng đến sức khoẻ, hay tỏ ra ít là nhẹ nhàng cho khỏi làm mất lòng Nhà Nước. Cha đã nói với đài VOA: “Đã chọn con đường tù đày để làm việc thì càng ở tù, tôi càng tỉnh táo và khôn ngoan hơn thôi. Những người đấu tranh bất bạo động thì càng ở tù càng mạnh hơn. Đối phương càng bắt bớ càng yếu hơn. Chuyện tù đày là cái giá phải trả của những người đấu tranh chân chính”.

Còn cô Lê Thị Công Nhân, khi trả lời đài VOA ngày 9-3-2010, cô đã nói: “Mình đã xác định tranh đấu, phải xác định hy sinh. Đó là hệ quả tất yếu, nếu không đừng tranh đấu nữa. Đã xác định hy sinh thì phải hy sinh đến cùng”. Khi được hỏi cô hình dung thế nào về con đường trước mắt, về tương lai, về sự nghiệp, Lê Thị Công Nhân trả lời: “Chắc chắn tôi sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh vì lý tưởng của tôi. Tôi cảm thấy vui, thú vị, bay bổng, mạnh mẽ và có ích khi tôi sống theo con đường đó.” Những lời lẽ như thế cho thấy rằng nếu mục đích nhà cầm quyền cộng sản là tiêu diệt ý chí những người đấu tranh, thì họ đã thất bại.

Bí quyết của sức mạnh: niềm tin

Câu hỏi đặt ra là do đâu mà hai nhà tranh đấu chúng ta đang nói tìm được sức mạnh để không chỉ nín thở qua sông, nhưng hiên ngang mạnh mẽ nói lên ý định của mình, xác tín của mình sau khi đã can đảm và kiên trì chịu đựng những năm tháng lao tù. Tôi nghĩ: đó chính là niềm tin.

Trở về Nhà Chung Huế, Cha Lý phải dựa vào xe lăn mới di chuyển được. Khởi hành từ nhà tù lúc 4 giờ sáng, cha cho biết phải thức dậy từ lúc 2 giờ để có thể đọc kinh, dâng lễ. Khi được biết chỉ từ một năm nay thôi, cha mới được phép giữ sách kinh, thì ta hiểu ra: đối với cha, việc đọc kinh dâng lễ quý hoá và quan trọng như thế nào. Và cũng vì thế mà ta dễ dàng hiểu được những điều cha nói khi gặp bà phó đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 23-03-2010. Cha nói: “Mấy lần bị cán bộ CS bắt giam, tôi đều nói: Các anh sợ mà bắt giam tôi thôi, nhưng đố các anh ghét tôi được ! Tôi có làm chi phương hại, xúc phạm hay nguyền rủa các anh đâu mà các anh ghét. Trái lại tôi chỉ đọc kinh cầu nguyện cho các anh.

Tôi đi tù như vậy là 5 lần, riêng dưới chế độ này là 4 lần. Mỗi lần vừa vào tù, tôi đều quỳ cúi xuống hôn đất mà thầm nói: “Con xin nhận nhiệm sở mới” Nhiệm sở mới này không phải đức Giám mục bổ nhiệm tôi đến mà là Chúa Giêsu Kitô. Vì thế tôi coi ban giám thị, cán bộ trại và mọi tù nhân trong trại đều là giáo hữu mà tôi có bổn phận cầu nguyện và rao giảng Tin Mừng cho. Như mọi chiến sĩ dân chủ hòa bình, tôi có tình thương, sự thật và lẽ phải nên không sợ. Nhưng đằng sau lưng tôi là cả Triều thần Thiên quốc, có Thiên Chúa, có Đức Mẹ, có các thánh, rồi có hàng triệu các thai nhi bị trục giết mỗi năm mà tôi luôn bênh vực. Các em ủng hộ tôi, chuyển cầu cho tôi thì đảng CS làm chi tôi được!” (bản tin ngày 24-03-2010 của nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền).

Còn luật sư Lê Thị Công Nhân, nếu ta đặt câu hỏi đâu là lý do khiến cô hy sinh tuổi trẻ, dấn thân vào con đường chông gai, con đường tranh đấu, ta hãy nghe cô trả lời trong cuộc điện thoại viễn liên ngày 25-02-2007: “chính Đấng tạo hóa -Thượng đế đã sinh tôi ra trên cõi đời này nhờ qua một thể xác đó là mẹ tôi và cha tôi, và tôi đã được sinh ra là một con người thì tôi có đầy đủ những nhân quyền cơ bản mà Thượng đế -Đấng tạo hóa đã ban cho tôi, chứ không phải là người mẹ người cha xác thịt đã sinh ra tôi trên đời. Và tôi đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và tự do cho Việt Nam hoàn toàn xuất phát từ niềm tin, từ lương tâm và trách nhiệm của tôi đối với chính tôi, đối với dân tộc Việt Nam và đối với Đấng tạo hóa đã sinh ra tôi.” Và gần đây, trong cuộc tiếp xúc với anh Nguyễn Hữu Vinh và một nhóm bạn Công Giáo đến thăm nhân ngày 08-03-2010, cô đã cho biết: Trong buồng giam 60 người, chỉ mình cô công khai xưng mình là Ki-tô hữu. Ta hãy nghe cô tâm sự: “Để vượt qua ba năm trong nhà tù, em chỉ có mỗi cuốn Kinh Thánh; trang cuối cùng em đọc xong lần thứ nhất là đêm trước ngày em ra toà Phúc Thẩm. Ba năm trong tù, Chúa vừa là người bạn, là người Cha, là người Thầy của em, nâng đỡ dìu dắt em vượt qua tất cả”.

Như thế, không còn là chuyện suy diễn, nếu ta khẳng định rằng: Không chỉ có lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu tự do dân chủ, nhưng vượt lên trên tất cả là niềm tin vào Thiên Chúa đã cho các nhà đấu tranh của chúng ta sức mạnh vượt thắng mọi gian khổ của những năm tù đày. Điều này đã được dễ dàng chứng minh qua các biến có Toà Khâm Sứ - Thái Hà hay Tam Toà, Đồng Chiêm. Những người giáo dân bình thường, phần đông trình độ văn hoá không cao, đời sống vật chất trung bình hay thậm chí nghèo túng, nhưng lòng dũng cảm, tính kiên trì đã khiến chính quyền phải sợ. Là vì một lòng tin mạnh mẽ đem lại cho người tín hữu một sức mạnh vô song.

Trả giá để sống niềm tin

Nếu nói rằng: trong công cuộc đấu tranh cho công lý, cho sự thật, cho tự do dân chủ, chính nhờ niềm tin mà người Ki-tô hữu tìm được sức mạnh, thì cũng có thể nói: niềm tin thúc đẩy người Ki-tô hữu dấn thân cho các giá trị vừa nói. Nếu chỉ cần đút tay vào túi quần để hô hoán “Đồng hành với dân tộc”, hay “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, liệu chúng ta sẽ thuyết phục được ai ? Ai sẽ nghe chúng ta, sẽ tin chúng ta, nếu chúng ta một mặt thì tuyên bố sẵn sàng chết vì đạo, nhưng khi thánh giá Đồng Chiêm bị triệt phá thì đành im thin thít, không dám hé môi ! Thánh Gia-cô-bê đã từng nói: “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18).

Đối thoại và hợp tác

Sống trong một đất nước tự do như bên Tây bên Mỹ mà nói chuyện đối thoại và hợp tác là chuyện bình thường. Nhưng tại Việt Nam, trong một thể chế độc tài toàn trị, mà nói chuyện đối thoại và hợp tác chỉ là mơ chuyện hão huyền. Ngày nay, nhắc đến tên Nguyễn Văn Lý, cả thế giới đều nghĩ đến tấm hình ngài bị bịt miệng ngay tại phiên toà. Đối thoại phải có kẻ nói người nghe. Nếu chỉ nói chuyện trời nắng trời mưa thì không bõ, còn nếu muốn nói những điều nên nói, những điều cần nói, nhưng điều phải nói bằng bất cứ giá nào, thì chỉ cần nhớ lại cảnh Cha Lý bị bịt miệng là ta hiểu ngay mình có được để cho nói hay không.

Kết luận

Một lần nữa, mầu nhiệm Phục Sinh lại nhắc nhở người Ki-tô hữu chúng ta rằng, thánh giá là con đường tất yếu dẫn tới vinh quang phục sinh. Sở dĩ cô Lê Thị Công Nhân và Cha Nguyễn Văn Lý, hai tín hữu Chúa Ki-tô, đang được người Việt khắp nơi yêu mến, kính nể, vì cả hai đã là những người Việt Nam yêu nước nồng nàn, cả hai đã là những chứng nhân của lòng tin. Đúng như lời đức cố giáo hoàng Phao-lô VI đã nói: “Con người thời đại ngày nay không cần những thầy giảng, mà cần những chứng nhân đích thực của Tin Mừng”.

Sài-gòn, ngày 03 tháng 04 năm 2010

pascaltinh@gmail.com
 
Văn Hóa
Phục Sinh 'hết hồn hết vía', 'ớn lạnh' và 'sợ điện giật'
Vũ Văn An
00:20 03/04/2010
Theo nghĩa rộng, áp dụng cho mọi tôn giáo, thần nghiệm học hay huyền nhiệm học (mysticism) là việc tìm kiếm hiệp thông, đồng hóa với hay ý thức được thực tại tối hậu, thần tính, chân lý thiêng liêng hay Thiên Chúa qua kinh nghiệm trực tiếp, trực giác, bản năng hay quán niệm (insight). Kinh nghiệm này được các tôn giáo diễn tả nhiều cách khác nhau: trở thành không và bị thu hút hoàn toàn vào ánh sáng vô biên của Thiên Chúa (Trường phái Hassidic trong Do Thái Giáo); hoàn toàn không còn phân biệt với thế giới (một số trường phái Ấn Giáo, trong đó có Yoga; trường phái Jhana trong Phật Giáo); thoát khỏi vòng nghiệp (karma) (Giải Thoát trong Ấn Giáo, Niết Bàn trong Phật Giáo); nối kết nội tại sâu xa với thế giới (Ngộ trong Phật Giáo Đại Thừa), kết hợp với Thiên Chúa (Henosis trong thuyết Tân Platông), thành thần (theosis) hay kết hợp với Thiên Chúa và tham dự vào bản tính của Người (Công Giáo, Chính Thống Đông Phương), thấy Ánh Sáng hay “ánh sáng Thiên Chúa” trong mọi người (Quaker)…

Diễn trình huyền nhiệm

Evelyn Underhill, một tác giả người Anh theo phái Công Giáo trong Anh Giáo, vào năm 1911, đã xuất bản cuốn sách thời danh “Mysticism” trong đó, bà phác họa diễn trình chung cho mọi kinh nghiệm huyền nhiệm qua 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là nhận thức (awakening), ý thức được thực tại tuyệt đối hay thần linh. Giai đoạn thứ hai là tẩy rửa (purgation) tức ý thức được sự bất toàn và hữu hạn của mình, do đó tự kỷ luật chính mình và sống nhiệm nhặt. Giai đoạn thứ ba là thông sáng (illumination) là ngộ, mà một số nhà huyền nhiệm cho là giai đoạn chót, trong đó, người ta ý thức được một cõi siêu việt, một trời mới đất mới. Tuy nhiên nhiều nhà huyền nhiệm vĩ đại còn tiến xa hơn nữa qua giai đoạn thứ tư, được Thánh Gioan Thánh Giá của Kitô Giáo mô tả là đêm đen của linh hồn, giai đoạn chót linh hồn được hoàn toàn thanh tẩy, đánh dấu bằng bối rối, bất lực, mắc cạn trong ý chí và cảm nhận như Thiên Chúa rời bỏ mình. Đây là giai đoạn chót của việc từ bỏ mình (unselfing) và phó mặc cho các mục tiêu dấu ẩn của Thiên Chúa. Giai đoạn thứ năm dĩ nhiên là nên một với đối tượng yêu thương, với Thực Tại Duy Nhất, với Thiên Chúa.

William Inge, tác giả cuốn Christian Mysticism (1899, Bampton Lectures), tóm tắt diễn trình trên thành 3 giai đoạn: giai đoạn tẩy rửa hay khổ hạnh (ascetic), giai đoạn thông sáng hay chiêm niệm và giai đoạn kết hợp nên một trong đó ta thấy Chúa mặt đối mặt. Trong Kitô Giáo, huyền nhiệm học cũng xưa như chính tôn giáo này. Ít nhất cũng có 3 bản văn Tân Ước đề cập tới các chủ đề sau này được các nhà huyền nhiệm Kitô Giáo nhắc tới nhắc lui.

Bản văn đầu tiên là thư Galát 2:20: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”. Một bản văn thánh kinh quan trọng khác đối với huyền nhiệm học Kitô giáo là Thư thứ nhất của Thánh Gioan chương 3, câu 2: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Bản văn thánh kinh thứ ba, đặc biệt quan trọng đối với các Kitô hữu Phương Đông là Thư thứ hai của Thánh Phêrô, chương 1 câu 4: “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian”.

Hai chủ đề chính trong huyền nhiệm học của Kitô giáo là (1) hoàn toàn đồng hóa với hay hoàn toàn bắt chước (imitation) Chúa Kitô để đạt tới sự hợp nhất giữa tinh thần nhân bản và tinh thần Thiên Chúa; và (2) thị kiến Thiên Chúa một cách hoàn hảo, trong đó, nhà huyền nhiệm cảm nhận được Người “như chính thật là Người” (as he is) chứ không “như qua một tấm gương mờ” theo lời Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 13, câu 12: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi”. Các kinh nghiệm huyền nhiệm khác cũng được Thánh Phaolô mô tả trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, chương 12, các câu 2-4: “Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba -có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng -trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết-, và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại”.

Như thế, rõ ràng Thánh Phaolô đã sử dụng tới cảm nghiệm “ngoài thân xác” để mô tả kinh nghiệm huyền nhiệm, mà nhiều người cho là chính ngài đã có được, dù ở đây ngài khiêm tốn viết ở ngôi thứ ba. Theo đó, ngài đã được nâng lên tầng trời thứ ba để cảm nghiệm “những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại”.

Một kinh nghiệm tương tự hình như cũng xẩy ra trong trình thuật Chúa Hiển Dung, một biến cố được cả 4 Phúc Âm cùng nhắc tới. Trong biến cố này, Chúa Giêsu dẫn 3 trong số các môn đệ của mình là Phêrô, Gioan và Giacôbê lên đỉnh một ngọn núi cao, ở đấy Người đã hiển dung. Mặt Người sáng láng như mặt trời, áo Người một mầu trắng xóa. Êlia và Môsê xuất hiện với Chúa Giêsu, trò truyện với Người, rồi một đám mây sáng xuất hiện trên đầu và một giọng nói từ đó phán ra: “Này là Con Ta yêu dấu: hãy nghe lời Người”…Phêrô ngây ngất đến mê sảng, nói một câu như người mất hồn: ở đây tốt quá, nếu Thầy muốn, con sẽ dựng ba căn nhà… Có thể ông không biết ông muốn nói gì. Thật khác với Phaolô, thấy được những điều “khôn tả”, chả dám nói gì ngoài cái ngây ngất được nâng lên tầng trời thứ ba.

Có người cho rằng thái độ của Thánh Phaolô cũng là thái độ của Thánh Tôma Tiến Sĩ sau này. Cả hai vị thánh cùng để lại một gia tài trí thức và thần học vĩ đại mà hậu thế khai thác hoài không thấu, và cùng giống nhau vì có lúc cảm nhận được những điều “khôn tả”. Chỉ khác một điều, Thánh Phaolô hình như được nâng lên tầng trời thứ ba rất sớm và điều ấy không làm ngài chùn bước ra đi tới tận chân trời góc biển để rao giảng về Chúa Phục Sinh. Thánh Tôma, trái lại, hình như cũng được nâng lên tầng trời thứ ba như thế, nhưngvào lúc cuối đời và khi được thấy nhiều điều “khôn tả” với cường độ diệu kỳ hơn sao đó vào ngày 6 tháng 12 năm 1273 đến nỗi sau đó thấy mọi điều mình viết ra trước đó chỉ như rơm rác mihi videtur ut palea! Do đó, đã nhất định không còn đọc cho người thư ký Reginald de Piperno viết tiếp bộ Summa bất hủ… cho đến ngày qua đời vào năm 1274.

Máccô “hết hồn hết vía”

Cảm nghiệm huyền nhiệm là như thế, nói ra chỉ là một việc bất đắc dĩ, dám làm kẻ phàm tục hiểu lầm tai hại. Thiển nghĩ các phúc âm gia cũng từng gặp khó khăn này. Không thuật lại thì không được mà thuật lại thì lúng túng, không biết dùng lời lẽ nào để diễn tả một điều mà theo Thánh Phaolô “loài người không được phép nói lại”. Đúng ra, ngài muốn nói: loài người không nên nói lại vì sợ sai. Cụ thể là biến cố xẩy ra trong Ngôi Mộ Trống vào Ngày Phục Sinh. Mỗi phúc âm gia thuật lại một cách, tuy cùng xác nhận việc Chúa không còn trong mộ, đã sống lại như lời Người nói trước (xem Mt 28:1-8; Mc 16:1-8; Lc 24:1-7; Ga 20: 110). Thánh Luca và Thánh Gioan không nhấn mạnh tới phản ứng của các phụ nữ sau khi được chứng kiến ngôi mộ trống và được nghe thiên thần giải thích lý do tại sao ngôi mộ lại trống như thế. Nhưng Thánh Mátthêu và thánh Máccô thì thuật lại phản ứng ấy rất rõ. Thánh Mátthêu viết: “Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay”. Thánh Máccô cho biết nhiều chi tiết hơn nữa về phản ứng này: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi”.

Ai cũng thấy trình thuật của Thánh Mátthêu là trình thuật của một sử gia khách quan, lạnh lùng thuật lại điều người khác nói và đó là ngôn từ gián tiếp. Người ta vẫn tin ngài rút tư liệu từ Thánh Máccô. Dù Thánh Máccô không hẳn là người trực tiếp chứng kiến cuộc đời Chúa Giêsu. Chính vì thế, có nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng không hẳn Thánh Mátthêu là tác giả phúc âm mang tên ngài, nó là sản phẩm của cộng đồng được ngài hướng dẫn. Ngôn từ chính thức vẫn gọi đó là Phúc Âm Theo Thánh Mátthêu. Ý kiến chuyên môn vẫn coi Phúc Âm Máccô là phúc âm trước nhất, có thể chỉ sau nguồn Q mà thôi. Nói gì thì nói, điều hiển nhiên là Phúc Âm Máccô sử dụng ngôn từ trực tiếp y như thuật lại chính lời các phụ nữ nói về mình, những nhà huyền nhiệm nữ ngay từ hừng đông Kitô giáo. Vâng, họ chính là những nhà huyền nhiệm đầu hết của tôn giáo phục sinh, thuật lại những cảm nghiệm đầu hết, chưa từng thấy bao giờ, huyền nhiệm đến không biết phải nói làm sao, thà rằng câm nín như Tôma Tiến Sĩ sau này thì hơn. Nhưng câm nín làm sao cho được trước những nài nỉ của một người như Máccô, của cả một cộng đoàn những con người yêu Thầy hơn chính bản thân, nước mắt đầy nước mắt vơi ngong ngóng tin Thầy.

Thế là họ lên tiếng và “ngôn bất tận ý”, họ dùng những từ ngữ có thể chính họ cũng thấy là không ổn, cùng lắm chỉ diễn tả được phần nào tâm tư ý nghĩ của mình lúc ấy, dù tâm tư ý nghĩ ấy vẫn còn rất nóng hổi. Họ bảo họ run lẩy bẩy, hết hồn hết vía, nói không ra lời vì sợ hãi. Đọc thoáng qua, kết luận thông thường vẫn cho rằng phản ứng ấy tiêu cực và tự hỏi không biết tại sao họ lại sợ hãi vì một tin vui có một không hai ấy.

Nhưng nếu đọc kỹ, ta thấy phản ứng ấy không những không tiêu cực nhưng là thái độ của những người đứng trước một thực tại diệu kỳ ở chỗ “nhân gian không thể hiểu” như một tựa đề của Du Tử Lê, hay như Thánh Phaolô nói “những điều khôn tả mà loài người không được phép nói lại”.

Ta nên xem kỹ hai mệnh đề (16:8) trong đoạn này: Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía (Tiếng Hy lạp: ekstasis). Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi (tiếng Hy Lạp, phobeo)”. Các bản dịch Thánh Kinh đều dịch đại cương như thế. Thiết tưởng nên chú ý đến các từ ngữ Hy Lạp được chua trên đây. Theo W.E. Vine, trong “An Expository Dictionary of New Testament Words” (1), dịch phobeo là sợ hãi không hẳn sai, vì động từ này quả có nghĩa là sợ hãi, như trong Cv 23:10. Nhưng nó cũng có nghĩa như kính sợ, kinh ngạc (awe, amazement) theo nghĩa tôn giáo của cung kính, thờ kính và kính phục (reverence, worship and pious obedience).Vine trích dẫn nhiều đoạn Thánh Kinh trong đó, phobeo được dùng theo nghĩa này như Cv 10:2, 22; 13:16, 26; Cl 3:22; 1Pr 2:17… Câu trước dịch là “run lẩy bẩy, hết hồn hết vía” không hẳn đã chỉnh. Run thì có, nhưng lẩy bẩy là thứ run tiêu cực. Còn hết hồn hết vía để dịch chữ ekstasis thì không hẳn đúng, vì từ chữ ekstasis ta có chữ ecstasy của tiếng Anh, có nghĩa mạnh nhất chỉ tình trạng quá vui đến xuất thần, quên cả thực tại chung quanh, nhẹ nhất cũng là kinh ngạc (amazed), một tình trạng tích cực chứ không tiêu cực chút nào. Mấy người đàn bà này làm sao sợ hãi cho được khi họ khám phá ra điều kỳ diệu: Chúa Giêsu đã sống lại! Sự thật ấy chỉ có thể làm họ vui ngất! Tiếc rằng Bản Phổ Thông cũng như Bản Tân Phổ Thông (Nova Vulgata) đều nghiêng về nghĩa tiêu cực: Et exeuntes fugerunt de monumento; invaserat enim eas tremor and pavor, et nemini quidquam dixerunt, timebant enim. Tuy nhiên, phúc âm Mátthêu (28:8) cho hay: “Các bà vội vã rời khỏi mộ, vừa sợ hãi vừa rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay”. Sợ thì ít mà vui mừng thì “rất đỗi”. Chú giải phúc âm Mátthêu, Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho hay: “sự sợ hãi của các bà phải coi như là một phản ứng có ý nghĩa thần học hơn là tâm lý: một cảm nghiệm siêu nhiên về cuộc thần hiện, một sự gặp gỡ Thiên Chúa” (Bốn Sách Tin Mừng, tr.129).

Hàn Mạc Tử “ớn lạnh”

Thiển nghĩ, nên lấy cái ớn lạnh và run sợ của Hàn Mạc Tử, trong bài Ave Maria, bài thơ đã đem nguồn linh hứng của Kitô Giáo vào nền thi ca chính dòng của Việt Nam, mà hiểu cái run sợ của các phụ nữ trong Máccô:

Maria linh hồn tôi ớn lạnh,

Run như run thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng,

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến!.


Người em ruột của Hàn Mạc Tử là Nguyễn Bá Tín cho rằng khi viết những câu thơ bất hủ này, Hàn Mạc Tử còn rùng mình nghĩ tới biến cố “súyt chết” của mình bên bãi biển Qui Nhơn mà ông vốn coi là nhờ Đức Mẹ mà ông sống thoát (coi Hàn Mặc Tử Anh Tôi, trong tủ sách Dũng Lạc). Rất có thể người em này hiểu anh ruột hơn ai hết. Nhưng thực ra, không ai biết rõ Hàn Mạc Tử muốn nói gì qua chữ “ớn lạnh”. Chữ ấy hiển nhiên để mô tả một phản ứng kỳ diệu trước điều “khôn tả” như kiểu nói của Thánh Phaolô. Nếu ông quả có thấy Đức Nữ Đồng Trinh, người mà ông luôn khẩn cầu tha thiết, người đã cho ông cảm hứng huyền diệu để viết lên những dòng thơ trác tuyệt không những củng cố địa vị thi sĩ có một không hai trong lịch sử thi ca Việt Nam mà còn lên vương miện cho ông trong làng thơ Công Giáo, thì cái ớn lạnh theo nghĩa thông thường không thể có được mà phải là cái ớn lạnh đi đôi với và bị cái “thấm nhuần ơn trìu mến” vượt qua. Phải chăng đó là trạng thái vừa sợ vừa mừng như Mátthêu hay phobeoekstasis của Máccô? Mừng vì được diện kiến Mẹ Hiền. Sợ là sợ Mẹ lung linh quá đến có thể biến thành mây khói, mất dạng khỏi thị kiến con, biết đến bao giờ được nhìn lại? Vả lại, nếu “linh hồn tôi ớn lạnh” có hơi hướm đôi chút tiêu cực, thì câu sau “run như run thần tử thấy long nhan” và nhất là “run như run hơi thở chạm tơ vàng” không hề có nét nào tiêu cực mà chỉ là cái run sung sướng của một thần tử thấy long nhan, một Đấng Nữ Vương ông “thấm nhuần ơn trìu mến”, nhưng chỉ sợ Ngài biến mất, hay không xứng đáng với Ngài như hơi thở chạm tơ vàng. Thiển nghĩ không còn chiêm niệm thần bí nào cao siêu hơn thế, một chiêm niệm thần bí trong truyền thống Máccô.

Tuy nhiên, trong cái say sưa ngây ngất được chiêm ngưỡng Mẹ Thiên Chúa, hình như thi sĩ quên khuấy hết mọi khung cảnh huyền nhiệm chung quanh nhất là khung cảnh huyền nhiệm bên trên. Không như Kinh Kính Mừng, trong bài thơ này không một chữ nào nhắc đến nguồn cội sự cao cả của Đức “Nữ Đồng Trinh”, của “Đấng tinh tuyền thánh vẹn”. Có chăng là “song lộc triều nguyên”, là “Sao Mai chiếu rạng”. Sao Mai vẫn được coi là báo hiệu Mặt Trời. Thi sĩ không ngần ngại tiến gần đến tâm thức của Goethe trong Faust coi Đức Maria như nữ thần (2), sinh ra đã bằng thần (3). “Run như run thần tử thấy long nhan”. Rõ ràng đặt một phương trình cân bằng với thái độ cung kính của tạo vật trước Vua vũ trụ, Đấng Hóa Công. Không lạ gì ông ca tụng Đức Mẹ bằng nhiều tước hiệu cân bằng với Thiên Chúa: “giầu muôn hộc từ bi”, “rất nhiều phép lạ”, “Bắc Đẩu rạng bình minh, Chiếu cùng hết, khắp ba ngàn thế giới” . Thực ra, tước hiệu Mẹ Nhân Lành hay Mẹ Từ Bi (Mater Misericordiae) vốn là tước hiệu trên môi miệng từ giáo hoàng trở xuống hàng giáo dân khi họ đọc Kinh Lạy Nữ Vương hàng ngày. Nhưng nhiều phép lạ? Đây cũng là một kiểu nói tắt rất bình dân nhưng rất dễ phiếm thần nếu quả Hàn Mạc Tử được thị kiến Đức Mẹ. Không ai làm phép lạ, ngoại trừ Thiên Chúa, trong đó có Thiên Chúa làm người. Không lạ gì khi Nguyễn Bá Tín thưa truyện này với linh mục Labisusse, cha xứ Nhà Thờ Qui Nhơn, liền bị ông quở: chỉ nói bậy, Đức Mẹ đâu có làm phép lạ. Hình như Nguyễn Bá Tín không hiểu hết ý lời vị linh mục này. Ông không quở về truyện Đức Mẹ hiện ra, mà quở vì gán cho Đức Mẹ khả năng làm phép lạ (4).

Xét cho cùng, xu hướng phiếm thần rất dễ chiếm ngự tâm hồn thi sĩ, một tâm hồn sẵn sàng

“…bay suốt một đời chưa thấu,

hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu,

trên triều thiên ngời chói vạn hào quang”.


Nguyễn Khắc Dương “sợ điện giật”

Một người Việt Nam khác, sau Hàn Mạc Tử trên dưới nửa thế kỷ, cũng sáng tác một bài thơ cùng tên Ave Maria. Đó là Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương. Xin mạn phép được trích dẫn toàn bộ bài thơ này, theo tủ sách Dũng Lạc:

Ave Maria!

Mẹ đẹp dung quang mờ nhật nguyệt.

Mẹ hiền hương đức ngát trời mây!

Mẹ quyền phép cao sang,

Con phàm hèn cát bụi.

Mẹ trong trắng vẹn tuyền,

Con bùn nhơ tội lỗi.

Hai thái cực gần nhau,

Nên con nhìn lên Mẹ,

Nên Mẹ cúi nhìn con.

Ave Maria!

Mẹ là quỳnh giao vườn thượng uyển,

Con là lê thứ dám gần xa?

Nhưng Mẹ cũng là hoa cà hoa cải,

Vui mắt bầy mục tử rộn đồng quê.

Mẹ như hương cau quyện lòng người lữ thứ,

Bước đường xa ước hẹn ngày về.

Ave Maria!

Mẹ là đỉnh thái sơn vời vợi,

Tuyết băng ngàn chân phàm tục dám in lên?

Nhưng Mẹ cũng là tàu cau nhánh trúc bên đình,

Như gốc đa giãi bóng, như mái lầu lối cũ,

Khách bộ hành dừng bước: ngụm chè xanh.

Ave Maria!

Mẹ là ngôi sao Bắc Đẩu rạng trời khuya.

Nhưng! Mẹ cũng là ánh đèn le lói

Trong gian nhà thấp hẹp bác nông phu.

Ave Maria!

Mẹ, Ngôi Trời vinh hiển,

Cả Thiên đình quỳ lạy tung hô.

Nhưng Mẹ cũng là người thôn nữ bên cầu vo gạo,

Bên bếp lửa vùi rơm,

Giữa chợ đời trưa sớm.

Ave Maria!

Mẹ là chiếc mâm vàng đôi đũa ngọc,

Con là rau hèn cỏ mọn tiến dâng lên,

Và cỏ mọn rau hèn nên đẹp mắt

Đấng muôn trùng đoái nhận đời con.

Ave Maria!

Trái tim Mẹ là chiếc thuyền bát nhã,

Vớt hồn con phiêu dạt bến trầm luân.

Trái tim Mẹ là trùng dương bát ngát,

Nơi chảy về muôn suối lệ của trần gian.

Trái tim Mẹ là ngọc tuyền lai láng,

Nước cam lộ ướp dịu mảnh hồn đau.

Ave Maria!

Trái tim Mẹ là nguyện đường mầu nhiệm,

Nơi hồn con chiêm ngưỡng

Chúa tình yêu.

Amen.

Không dài bằng Ave Maria của Hàn Mạc Tử, không nhiều điển tích bằng, không “huyền bí” bằng, vì tác giả vốn tự hào coi mình là đồ đệ của Blaise Pascal, người bao giờ cũng có cái nhìn cân bằng của những “ni ange ni bête” tiêu cực thì là không thiên thần không thú vật, tích cực thì là vừa thiên thần vừa thú vật. Như thế Đức Mẹ vừa cao vừa thấp, Đức Mẹ vừa hơn con vừa là như con.

Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, khoa trưởng khoa triết tại Đại Học Đà Lạt trước năm 1975 luôn luôn là con người như thế: là nho sĩ không đủ, ông muốn là Kitô hữu, nên đã là người duy nhất trong một danh gia nho học, dứt khoát gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Chỉ có điều, khi đã gia nhập Giáo Hội ấy rồi, một Giáo Hội ông coi không hoàn hảo gì, gồm đủ hầm bà lằng xí cáu “y như số người hành khất tật nguyền bên lề vệ đường, bỗng được gọi vào dự tiệc cưới, như trong bài ngụ ngôn mô tả Nước Trời vậy.” (5), ông không bao giờ nhìn lui, dù được người anh ruột mời cùng từ Pháp trở về Miền Bắc “phục vụ”. Anh ruột ông chính là đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp và là nhà văn hóa lớn của Miền Bắc, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, giám đốc nhà xuất bản Ngoại Văn, giải thưởng Grand Prix de la Francophonie của Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp, tác giả Việt Nam, Một Thiên Lịch Sử, huân chương Độc Lập hạng nhất, giải thưởng Nhà Nước của Chủ Tịch Nước, được chôn tại Nghĩa Trang Mai Dịch, dành cho những người có công đầu với đất nước.

Suốt cuộc đời, sau khi chấp nhận Chúa Kitô, ông “phát nguyện thầm dâng trọn cuộc đời cho Ngài, yêu mến tất cả mọi người trong Ngài, như Ngài, và nhờ Ngài….” bằng con đường tu trì, từ hết Phan Sinh qua Biển Đức, và cuối cùng thành nhà cư sĩ (oblat), không hẳn một “moine défroqué” mà là một “moine manqué” lỡ chuyến như lời ông nói. Nhưng lúc nào cũng hân hoan trong Đức Kitô dù là sau khi ra khỏi Trại Cải Tạo năm 1976, mất cả nhề dạy mà ông rất thích. Các dấu mốc 1945, 1963 và 1975 được ông coi là những dấu mốc hồng ân, không phải là những khúc rẽ đưa mình vào ngõ cụt. Ông mến Đức Mẹ vì Đức Mẹ gần gũi với ông, coi ông như một con người và nhất là một con người duy nhất, theo nghĩa người yêu đối với người yêu, không yêu chung chung như Quán Thế Âm đối với chúng sinh, dịu hiền đấy, nhưng không đồng hành với ông qua suốt cuộc đời chìm nổi của một con người nhận cả Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca làm thầy “và nhất là Thầy Chí Thánh Giêsu” (6).

Ông chưa bao giờ tự hào được diễm phúc hưởng bất cứ thị kiến nào, nguyên tuyền chỉ là một niềm tin đơn thuần, một niềm tin mà lúc đang tìm hiểu Đạo, được ông ghi nhận: “Chứ lúc ấy tôi vừa thấy thích thú, vừa bị thu hút, vừa thấy sợ như sợ đụng vào phải giây điện cao thế! Khi nhìn lên tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, tôi thấy có sự thu hút mãnh liệt, nhưng đồng thời có cái gì rờn rợn, khiến mình phải ở vào thế đề phòng bị điện giật”. Cảm giác ấy, ông không tìm thấy nơi Thích Ca: “Trái lại với không khí êm ả, thanh thản, điềm nhiên lắng đọng của tượng Phật trong một ngôi chùa”. Ông còn nói đến cảm giác rờn rợn này nhiều lần trong cuốn tự thuật của mình. Như khi nói về người Công Giáo, ông viết: “tiếp cận với giới Công giáo vừa có cái gì làm mình bị hấp dẫn, vừa có cái gì làm mình ngài ngại, đôi khi thấy rờn rợn như thể đến gần cầu giao điện cao thế! Thế giới Phật giáo có hiền hòa mát dịu, thế giới Công giáo có cái gì gay gắt, cường bạo. Xét cho cùng, tôi không tìm sự thoải mái hơn là được tiếp cận với một Người đang hiện diện và tác động ‘hic et nunc’" (ở đây và bây giờ).

Dù không phải là nhà huyền nhiệm, giáo sư Nguyễn Khắc Dương quả đã có cùng một kinh nghiệm huyền nhiệm như những vị thánh nữ trong Máccô, như người đồng đạo của mình là Hàn Mạc Tử. Thiển nghĩ đấy là gia tài giầu có nhất của một người hiện vui với mấy luống rau ở đâu đó Bình Triệu, Sài Gòn, mặc cho người em ruột Nguyễn Khắc Phê chỉ trích ông nặng lời trong tiểu thuyết “Biết Đâu Địa Ngục Thiên Đường” vừa mới xuất bản tại Hà Nội. Tựa đề đó chính là lời người mẹ nói với Tâm (tên một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết, chỉ về Giáo Sư Dương vì Thế Tâm, vốn là bút hiệu của Giáo Sư) khi Tâm xin phép thầy mẹ gia nhập đạo và đi tu. Lời ấy vốn trích từ Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Có thể Phê cho ông không đạt, chẳng vào địa ngục nhưng cũng chẳng thấy thiên đường, vì đời ông cho đến nay là một con số không vĩ đại đối với anh. Không vợ không con không sự nghiệp. Con số không ấy ông chờ đợi cả đời mới có, nó là cái giốc hết, trống trơn, ông cần phải có để được cái no đầy của ơn thánh, như chính lời ông viết trong cuốn tự thuật. Phục Sinh này, xin ngả mũ chào một người bạn quí, nhờ anh, tôi thấy Chúa Giêsu quả đã sống lại thật trong tôi, một người tin nhận Người từ lúc mới sinh, một lần nữa.

Ghi chú

(1) Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1984

(2) Faust, 12102-3

(3) Faust, 112009-12

(4) Hàn Mạc Tử Trong Cõi Riêng Tư, tủ sách Dũng Lạc

(5) Trích theo Đỗ Tấn Hưng, Những Nẻo Đường Việt Nam, Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương

(6) Tài liệu vừa dẫn
 
Slideshow Tiếng Chuông Phục Sinh
Phạm Đức Huyến
06:47 03/04/2010
Xin trân trọng giới thiệu Nhạc phẩm "Tiếng Chuông Phục Sinh" của NS Phạm Đức Huyến và Vũ Đình Ân với sự trình diễn của Ca Đoàn Hương Kinh.

Xin bấm vào đây để download: "Tiếng Chuông Phục Sinh" rồi mở ra bằng cách bấm Slideshow, rồi From the Beginning
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Niềm Vui Vượt Thắng
Lm. Trần Cao Tường
19:27 03/04/2010

NIỀM TIN VƯỢT THẮNG



Ảnh của Cao Tường (trong sa mạc Arizona)

Cám ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

(Trích thơ Tô Thùy Yên, Ta Về)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền