Ngày 03-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tin là hồng ân
Lm. Vũ xuân Hạnh
11:49 03/04/2013
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Một giáo lý viên đã lớn tuổi thật thà chia sẻ: Trước kia, khi mới dạy giáo lý dự tòng, cầm cuốn giáo lý là ông dạy từ đầu đến cuối. Nhưng sau này, ông lại làm ngược lại: dạy phần cuối cùng trước, rồi đi lên dần. Có nghĩa là ông bắt đầu dạy các dự tòng cầu nguyện trước tiên, sau đó dạy về luân lý, cuối cùng mới là phần tín lý.

Ông cho biết lý do vì sao ông lại làm chuyện xem ra ngược đời ấy: “Vì tôi nghĩ, một người mới bắt đầu theo Chúa, họ phải được gặp Chúa trước, để từ đó họ sống với anh em. Vì nghĩ như thế, tôi giúp họ cầu nguyện trước”.

Từ đời sống cầu nguyện bắt đầu chớm nở đó, ông nói với họ về lòng Thiên Chúa yêu thương, về sự hiến thân của Đấng là Thiên Chúa làm người, lòng tha thứ Thiên Chúa dành cho con người…

Khi họ đã có thể hiểu một cách tương đối, ông nói với họ về Điều răn của Thiên Chúa, về tám Mối phúc của Chúa Giêsu.

Sau khi đã bắt đầu hình thành một đời sống Kitô hữu như thế, ông đưa họ vào các chân lý đức tin, qua việc giúp họ hiểu giáo lý, trong đó có niềm tin vào Chúa Phục sinh. Đó là những chân lý rất khó, sẽ càng khó đón nhận hơn, nếu không được chuẩn bị, ít là những điều cần thiết một cách cơ bản.

Ông bảo rằng, Thiên Chúa đã trợ lực cho ông. Chính Người dùng miệng lưỡi của ông mà nói với dân của Người. và cũng chính ơn của Chúa đã đồng hành với anh chị em, để những gì xuất phát từ môi miệng ông, anh chị em có thể hiểu được và tin.

Kể chuyện về người giáo lý viên nói trên để thấy rằng, chúng ta không phải là những kẻ dễ tin. Nhất là thời đại khoa học phát triển đến mức chóng mặt như hiện nay, người ta vịn vào khoa học để giải đáp mọi vấn đề, thì những chân lý đức tin, như vấn đề thân xác sống lại chẳng hạn, càng không dễ dàng chấp nhận.

Anh chị em dự tòng đi học giáo lý, chắc Thiên Chúa phải ban ơn cho họ, để họ tin. Vì một người đã lớn khôn, đã có sự hiểu biết, rất bình thường về năng lực lý trí, bây giờ được nói tới những chân lý đức tin xem ra khá xa xôi, vậy mà họ có thể chấp nhận. Ít là có thiện chí để chấp nhận. Tôi nghĩ, Thiên Chúa phải chuẩn bị cho họ nhiều lắm.

Hôm nay suy niệm Tin Mừng về việc Chúa Phục sinh hiện ra với tông đồ Tôma, tôi thấy cả tôi cũng được Chúa chuẩn bị bằng ơn thánh của người.

Cũng giống như sự chuẩn bị cho các dự tòng và tân tòng, hoặc cũng giống như bản thân thánh Tôma, Chúa đã chuẩn bị cho thánh nhân đón nhận đức tin cách hoàn hảo khi đáp ứng yêu cầu “được xỏ vào lổ đinh, được thọc tay vào cạnh sườn” của Chúa. Để qua cuộc khám phá diện đối diện với Chúa Phục sinh của thánh Tôma, Chúa Phục sinh ban cho tôi một bằng chứng xác thực. Đó là sự chuẩn bị đức tin, Người dành cho tôi, để bây giờ tôi tin Người .

Có người trách thánh Tôma là cứng lòng tin. nhưng riêng tôi, tôi thầm cám ơn thánh Tôma. Cám ơn, vì nơi thánh nhân, tôi thấy chính mình. Bởi không dễ dàng gì, một sớm một chiều tôi tin Chúa sống lại. Tôi cám ơn thánh Tôma do hai lý do:

Lý do thứ nhất: để có được đức tin, chắc chắn tôi cũng sẽ đòi bằng chứng. Chúa Giêsu đã trả lời bằng một bằng chứng mạnh mẽ nhất: cho xem chính thân xác của Người. “Tôma, hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh trên tay Thầy, hãy thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy”.

Ngày xưa, với một bằng chứng xác thực, Chúa bảo đảm cho đức tin của thánh Tôma đã vậy, ngày nay đó cũng là một bảo đảm cho chính đức tin của tôi. Vì Chúa của tôi đã sống lại thật. Người trả lời cho tôi không phải bằng lời, nhưng bằng thân xác Phục Sinh đích thật của Người.

Lý do thứ hai: Nhờ sự đòi hỏi bằng chứng xác thực của thánh Tôma, tôi biết mình có phúc. Vì Chúa Phục Sinh đã nói: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con tin, phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Từ lời của Chúa Phục sinh, chúng ta vui mừng mà chúc phúc cho nhau: Phúc cho ông, phúc cho bà, phúc cho anh chị em, phúc cho các bạn là những người trẻ, phúc cho các bé thiếu nhi, phúc cho tôi, phúc cho tất cả chúng ta…, vì chúng ta không hề thấy nhưng lòng tin tưởng thì rất lớn lao.

Đặc biệt, trong những ngày này, chúng ta không thể quên các anh chị em tân tòng. Phúc thật, phúc lớn cho những anh chị em tân tòng, những người vừa mới đón nhận đức tin, đặt biệt những anh chị em mới đón nhận đức tin trong dịp lễ Phục Sinh. Họ cũng là những người giống như bạn, như tôi: đã không thấy mà tin.

Các bạn tân, dự tòng thân mến, Giáo Hội đã trao cho chúng tôi kho tàng đức tin. Giáo Hội cũng đã hoặc sẽ trao cho các bạn đức tin ấy. Nếu chúng tôi đã lãnh nhận kho tàng đức tin, đã sống và gìn giữ kho tàng quý giá đó suốt cả cuộc đời chúng tôi. Nếu chúng tôi đã tuyên xưng đức tin và hãnh diện nhận mình là người Công giáo, chúng tôi cũng mong muốn, và cả ước ao tha thiết nữa, các bạn sẽ bền tâm giữ đạo đến giây phút cuối cuộc đời. Vì đức tin mà các bạn vừa có được là do sự chọn lựa của chính các bạn. Chính các bạn quyết định lãnh nhận bí tích rửa tội để vào đạo, chứ không do bất kỳ ai thúc ép.

Tất cả chúng ta, dù là người đã đi đạo từ lâu, hay chỉ mới đi đạo, thậm chí mới được rửa tội đúng một tuần, hay đang là dự tòng, chúng ta mang trong lòng mình một niềm xác tín lớn lao về Chúa Kitô Phục sinh. Bởi đó, chúng ta cũng cưu mang niềm hy vọng phục sinh như Chúa của mình đã phục sinh.

Đức tin vào ơn Phục sinh là niềm xác tín của cả Giáo Hội nói chung. Nhưng rất đặc biệt, vì đức tin ấy cũng đã trở thành niềm xác tín của riêng từng người là con cái của Giáo Hội.

Chúng ta xác tín mạnh mẽ rằng, tin vào ơn Phục sinh là một đức tin đã được chính Chúa chuẩn bị để ta có thể cưu mang và sống suốt cuộc đời của mình. Đức tin vào ơn Phục sinh cũng chính là lời chúc phúc trọng đại dành cho từng người, cho bạn cho tôi.

Bạn ạ, tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt, ra ngoài cái có thể thấy hay cảm nhận được. Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu của thánh Tôma. Nhưng chúng ta, rõ ràng nhất là các tân, dự tòng, lại được thấy Chúa qua đức tin của thánh Tôma, của Giáo Hội và của biết bao chứng nhân trong Giáo Hội.

Thông thường, ta vẫn nghĩ thánh Tôma thật là diễm phúc vì được Chúa trả lời cho sự chất vấn về đức tin của thánh nhân. Thánh Tôma cũng như nhiều môn đệ khác, thật diễm phúc vì nhìn thấy Chúa Giêsu Phục sinh cách nhãn tiền.

Nhưng Nói cho cùng, tin mà vẫn không thấy, chúng ta vẫn là người có phúc, phúc lớn. Tin mà vẫn không thấy, đó là đức tin mạnh, mạnh vô cùng. Tin mà vẫn không đòi bằng chứng, chỉ cần lời giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta đáng hãnh diện về mình, một niềm kiêu hãnh thuộc về một giá trị tuyệt đối.
 
thắp lên niềm tin
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:50 03/04/2013
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Cả bốn Tin mừng đều thuật lại những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh với những cá nhân (Ga 20,14-17; Mt 278,5-7; Lc 24,25-31; Mc 16,9-13) và những nhóm môn đệ khác nhau (Mt 28,16-20;Lc 24,36-49;Ga 21,1-23).

Tường thuật Chúa Phục Sinh đến với Nhóm Mười Hai vào ngày thứ nhất trong tuần có một tầm quan trọng đặc biệt. Nhóm Mười Hai trở thành nền tảng của cộng đoàn Phục Sinh, thành những chứng nhân mắt thấy tai nghe về Chúa Phục Sinh, để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người ( x. Cv 4,20).

Khi Chúa đến với Nhóm Mười Hai lần đầu tiên vào chiều ngày thứ nhất trong tuần thì Tôma vắng mặt. Các Tông đồ đã nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa”(Ga 20,25). Đây vừa là lời tuyên xưng đức tin vừa là lời làm chứng về Chúa Phục Sinh. Những lời này có tác dụng chuẩn bị và khơi dậy đức tin đã phai lạt nơi Tôma.

Tám ngày sau,cũng trong cộng đoàn đó, Tôma tìm lại được đức tin của mình. Chính cộng đoàn đã thắp sáng lên niềm tin cho người anh em. Bởi đó, khi Chúa Phục Sinh với lời mời gọi yêu thương: “Tôma,hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh,hãy đặt bàn tay con vào cạnh sườn Thầy.Chớ cứng lòng nhưng hãy tin”, lập tức Tôma được biến đổi từ bóng tối nghi nan sang ngời sáng niềm tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20,28).

Một trong những khuyết điểm lớn nhất của Tôma là ông đã tự tách rời khỏi các Tông Đồ khác, rời khỏi đời sống cộng đoàn. Trong sự choáng váng, thất vọng, chán nản, trong tâm trạng hoài nghi, đau khổ, ông đã tự nhốt mình trong cô đơn xa lánh anh em,tìm quên lãng trong phiền muộn nên đánh mất cơ hội gặp Chúa Phục Sinh. Chỉ đến khi tham gia trở lại với cộng đoàn, Tôma mới gặp gỡ Người và nhờ đó ông đã tìm lại được lòng tin mạnh mẽ, kiên trung.

Hành trình của Tôma đi qua ba giai đoạn: vắng mặt, nghi ngờ và tuyên xưng đức tin. Một lộ trình dài hơn mọi anh em, nhưng Tôma đã đến gần Chúa Giêsu hơn mọi anh em khác. Truyền thống Giáo hội kể lại, Tông đồ Tôma đã đưa Tin Mừng tới tận Ba Tư, Syria và Ấn Độ và chịu tử đạo ở đó.

Đức tin của người tín hữu được trao ban và nhận lãnh nơi cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn giáo xứ. Nơi cộng đoàn này, người tín hữu được nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin, hoặc tìm lại được niềm tin của mình.

Đức tin Kitô giáo vừa có chiều kích cộng đoàn vừa có chiều kích cá nhân. Đức tin cá nhân được cộng đoàn nuôi dưỡng và làm thành đức tin cộng đoàn. Cộng đoàn lớn lên và phát triển là nhờ đức tin cá nhân. Cộng đoàn làm cho đức tin cá nhân phong phú và độc đáo.

Lời Chúa được công bố giữa cộng đoàn Thánh Thể chính là Lời Phục Sinh. Mỗi tín hữu lắng nghe và chấp nhận cho riêng mình. Mỗi người, nhờ lòng tin và lòng mến mà Lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả trong tâm hồn.

Mình Máu Chúa được trao ban cho mọi tín hữu trong cộng đoàn Thánh Thể, mỗi cá nhân tín hữu lại đón nhận với mức độ đức tin khác nhau. Người tín hữu phải đủ đức tin khi rước Thánh Thể của Đấng đã chết và sống lại.Không chỉ ăn uống Mình Máu Chúa mà còn là gặp gỡ riêng tư với Chúa Phục Sinh như Tôma vậy.Trong cuộc gặp gỡ riêng tư này, người tín hữu được đón nhận sự sống dồi dào vào tâm hồn mình.

Đời sống cộng đoàn thật quan trọng cho niềm tin người tín hữu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Người Kitô hữu giáo dân” đã đưa ra bốn hình ảnh về giáo xứ, cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn Thánh Thể.

* Giáo xứ là một gia đình của Thiên Chúa chan hoà tình bác ái huynh đệ : mọi người được đón tiếp chân thành,được sống trong bầu khí bác ái,được cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương che chở,ai cũng cảm thấy mình thuộc về giáo xứ là một vinh dự.

* Giáo xứ là một cộng đoàn nuôi dưỡng đức tin :Mọi người được bồi dưỡng đức tin,được kêu gọi sống đức tin,được giúp hiểu biết các vấn đề đức tin. Các Thánh lễ, các giờ giáo lý,các buổi cầu nguyện luôn hướng về Thiên Chúa, được Lời Chúa và lời Giáo hội soi sáng để người tín hữu hiểu biết những biến cố cuộc đời.

* Giáo xứ là một cộng đoàn có tổ chức : Mọi người được sắp xếp trong một hệ thống trật tự,có phân công, có trách nhiệm.Tất cả liên hệ với nhau trong tinh thần hiệp thông, cộng tác và trách nhiệm để xây dựng giáo xứ tốt đẹp.

* Giáo xứ là một cộng đoàn truyền giáo: Đây là hình ảnh mà Công Đồng Vatian II đề cao nhất,hình ảnh cộng đoàn truyền giáo. Mọi người được nuôi dưỡng đức tin, được sống tình bác ái để ra đi truyền giáo, loan báo Tin Mừng Phục Sinh, rao truyền niềm vui, niềm hy vọng như cộng đoàn Nhóm Mười Hai đã ra đi đến với muôn dân.

Cộng đoàn phụng vụ ngày Chúa Nhật là điểm hẹn chính thức và thường xuyên của Chúa Phục Sinh với các tín hữu.Không nên lỗi hẹn với Chúa trong các cuộc họp cộng đoàn (x.Dt 10,25).Cần chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh. Người luôn có mặt để giải thích Kinh Thánh đồng thời mở lòng mở trí cho các tín hữu hiểu Lời Người (x.Lc 24,32.45) và hiến ban chính mình để nuôi sống người tín hữu chúng ta.

Cám ơn thánh Tôma. Nhờ ngài, các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Chúa. Nhờ ngài, Chúa Giêsu lại hiện ra một lần nữa. Và nhất là nhờ ngài, chúng con có được mối phúc thứ chín : “Phúc cho ai không thấy mà tin”(Ga 20,29). Mối phúc này nghe như có lời dặn dò : muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy và chừng như cũng có lời ước hẹn: tin điều mình không thấy sẽ thấy điều mình tin.

Mỗi tín hữu vững tin sẽ thấy điều mình tin để nói được rằng: “Tôi đã thấy Chúa”(Ga 20,18), nhờ đó cả cộng đoàn cũng đều nói lên : “Chúng tôi đã thấy Chúa”(Ga 20,25).

Thánh Tôma đã nhờ cộng đoàn anh em yêu thương nâng đỡ nên tìm lại được niềm tin.Nơi Tôma có cái gì đáng yêu đáng ngưỡng mộ, tuy cứng lòng tin nhưng lại dễ dàng khiêm nhường đón nhận những góp ý chân thành của cộng đoàn.

Chúa Kitô Phục Sinh chính là nền tảng và trung tâm của đời sống đức tin Kitô giáo. Đấng Phục sinh đã chọn “ngày thứ nhất trong tuần” làm ngày gặp gỡ các Tông Đồ. Như thế, “Ngày thứ nhất trong tuần” đã trở thành ngày của cộng đoàn, ngày của gặp gỡ, ngày hát mừng niềm vui Phục sinh, và nhất là ngày của cuộc “sáng tạo mới”.

Xin cho mỗi ngày Chúa nhật trở thành ngày bồi bổ đức tin, bồi dưỡng tâm linh, bồi đắp tình huynh đệ, giúp mỗi tín hữu sống thánh thiện, hiệp thông, yêu thương…Nhờ đó, mỗi người trở thành chứng nhân cho sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 03/04/2013
THÁNH NHÂN LÀM MAI (MỐI)
N2T

Có một thiếu nữ mỗi ngày thường cầu nguyện với thánh cả Giu-se, xin thánh cả cho cô ta gặp được một người chồng tốt. Cô ta đã cầu nguyện suốt cả mười năm trời, nhưng không thấy một dấu hiệu hy vọng nào cả, cô ta bắt đầu mất đi niềm tin.
Vào một sáng chúa nhật, cô gái sau khi tham dự thánh lễ về nhà, thì đến quỳ trước tượng thánh cả Giu-se xin ngài hoàn thành ý nguyện của mình, nhưng qua mười lăm phút sau, cô ta cảm thấy vừa giận vừa tuyệt vọng, bèn nắm lấy tượng thánh quăng ra bên ngoài cửa.
Lúc ấy có một thanh niên đi ngang qua bị bức tượng rơi trúng trên đầu, bị thương rất nặng, anh ta bèn gõ cửa cầu cứu và nói nguyên nhân bị thương, cô gái sau khi xin lỗi thì đưa anh ta đến bệnh viện cấp cứu.
Hai người trở thành bạn, nửa năm sau thì hai người kết hôn với nhau trở thành vợ chồng.
(Drinkwater)

Suy tư:
Thiên Chúa không phải là người giúp việc cho con người, Ngài cũng không phải là người quản gia cho con người, nhưng Ngài là Thiên Chúa toàn năng, là Đấng tạo dựng nên muôn loài trong vũ trụ, cho nên khi cầu nguyện với Đấng tạo dựng thì phải có niềm tin mạnh mẻ, có một sự kiên nhẫn và khiêm tốn sâu xa thấy mình là kẻ bất xứng khi cầu xin.
Các thánh nam nữ là những tôi trung của Thiên Chúa, các ngài cũng là những bậc có thế giá trước mặt Đấng tối cao, vì các ngài đã tuân giữ và thực hành ý muốn của Thiên Chúa khi còn ở thế gian này, cho nên nhờ các ngài cầu bàu hoặc cầu thay nguyện giúp thì đúng quá rồi, nhưng nguyên tắc thì vẫn phải có lòng yêu mến, tin tưởng và khiêm tốn...
Chúng ta không phải là ông chủ của Thiên Chúa, nhưng là tạo vật hèn mọn, cho nên khi chúng ta xin một điều mà điều đó không có ích cho linh hồn chúng ta, thì Thiên Chúa sẽ không ban cho, nhưng Ngài sẽ ban cho điều khác có ích cho linh hồn chúng ta hơn.
Cho nên, cầu nguyện không phải chỉ là xin ơn, nhưng quan trong hơn chính là xin cho mình biết thánh ý của Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
--------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 03/04/2013
N2T

30. Nên khắc chế dục tình, và chán ghét những ham muốn tình cảm cá nhân lệch lạc.

(Thánh Benedict)
----------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Inhã và các thần học gia vĩ đại của Vatican II
Vũ Văn An
01:46 03/04/2013
Thánh Inhã và các thần học gia vĩ đại của Vatican II
Vũ Văn An2/2/2013
________________________________________
Hồng y kiêm thần học gia Dòng Tên, Avery Dulles, không khỏi thiên vị khi đặt câu hỏi: thần học hiện đại sẽ đi về đâu nếu không có các công trình của Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) và Henri de Lubac (1896-1991) của Pháp, Karl Rahner (1904-84) của Đức, Bernard Lonergan (1904-84) của Gia Nã Đại và John Courtney Murray (1904-67) của Hoa Kỳ. Tất cả đều là con cái của Thánh Inhã đệ Loyola, thánh tổ Dòng Tên. Một thần học gia vĩ đại khác của Thế Kỷ 20 là Hans Urs von Balthasar (1905-88), người Thụy Sĩ, cũng có thể được xếp vào hàng ngũ này, bởi Balthasar vốn mài đũng quần trên ghế tu viện Inhã và từng là tu sĩ Dòng Tên trong nhiều thập niên. Sau khi đậu tiến sĩ tại Đại Học Zurich vào năm 1929, Balthasar gia nhập Dòng Tên và được thụ phong linh mục trong Dòng vào năm 1939, tại Munich. Những ngày sắp xảy ra Thế Chiến Hai, ngài bó buộc phải trở về Thụy Sĩ. Ở đấy, ngài trở thành tuyên úy sinh viên tại Đại Học Basle. Và cũng ở đấy, ngài gặp Adrienne von Speyr, một nhà vật lý mới trở lại Đạo Công Giáo, với một thiên bẩm huyền nhiệm diệu kỳ. Khoảng mười năm sau, Balthasar bỏ Dòng Tên để cùng Speyr sáng lập một tu hội đời.

Theo Dulles, những người khổng lồ về tâm trí này hiển nhiên thuộc hàng ngũ tiên phong của Công Đồng Vatican II và, trừ Teilhard, người qua đời vào năm 1955, tất cả đều là những nhà giải thích hàng đầu của Công Đồng này. Nhưng nếu hỏi những người này có gì chung với nhau, câu trả lời hiển nhiên hẳn phải là: tất cả đều được đào luyện bằng Linh Thao và giáo huấn của Thánh Inhã, người mà họ nhận làm vị hướng dẫn tâm linh. Teilhard de Chardin, Rahner, de Lubac và Balthasar cho ta thấy rõ cái phổ hệ trí thức này.

De Lubac, trong một cuốn sách nhỏ về Teilhard de Chardin, từng ghi nhận rằng cuốn The Divine Milieu (Lãnh Vực Thần Linh) tràn ngập các điểm nhấn của Thánh Inhã như tình yêu say đắm đối với Chúa Giêsu, lòng khát mong cháy bỏng đối với Nước của Người và tinh thần mạnh dạn dám đưa ra những kế sách vĩ đại để phục vụ Người (Teilhard de Chardin: The Man and His Meaning). Balthasar, trong một tác phẩm về de Lubac, ghi nhận tính trung tâm của Giáo Hội trong tầm nhìn thần học và các nhận định của tác giả này: “Người ta có thể chứng minh được rằng cái trung tâm này, tức cái kênh tinh ròng để chuyên chở các ơn phúc cách tinh trong, cũng chính là tâm điểm của tinh thần Inhã. Henri de Lubac vốn sống một cách thân thiết trong và nhờ tinh thần này đến nỗi đã không ngần ngại trích dẫn vị sáng lập của mình rất nhiều trong số các chú dẫn (The Theology of Henri de Lubac: An Overview). Thực ra nói như thế cũng chưa đủ. Như sẽ thấy, trong cuốn The Splendor of the Church, de Lubac không những tham chiếu cuốn Linh Thao mà cả cuốn “Thư về Vâng Lời” nữa của Thánh Inhã.

Nói về mình, Balthasar cũng đã hân hoan mô tả lòng biết ơn trong tư cách thần học gia đối với Thánh Inhã. Chính ngài đã dịch cuốn Linh Thao sang tiếng Đức. Nói về thời gian tu học tại Lyons, Balthasar viết: “… hầu hết chúng tôi được Linh Thao đào luyện; đó là trường học vĩ đại của chiêm niệm qui Kitô, của chú tâm vào lời tinh ròng và bản vị chứa đựng trong Tin Mừng, của cam kết suốt đời cố gắng bước theo chân…” (My Work in Retrospect). Ngài cho rằng Linh Thao cung cấp cho ta “cái cốt lõi đầy đặc sủng của nền thần học mạc khải có thể cung ứng câu trả lời siêu đẳng cho mọi vấn đề của thời đại từng làm người Kitô hữu kinh hoàng”.

Trong một cuộc phỏng vấn lúc 75 tuổi, Rahner cho rằng “… so sánh với các nền triết và thần học khác từng ảnh hưởng tới tôi, linh đạo Inhã quả có ý nghĩa và có tầm quan trọng lớn hơn… Thiển nghĩ: linh đạo của Thánh Inhã, mà tôi học được nhờ thực hành việc cầu nguyện và việc đào luyện tu đức, đối với tôi quan trọng hơn mọi thứ triết học và thần học học được ở bên trong cũng như ở bên ngoài nhà dòng” (cuộc phỏng vấn ngày 3/10/79 tại Hoa Kỳ, in lại trong Karl Rahner in Dialogue).

Những lời ca ngợi trên của các thần học gia thế kỷ 20 quả đáng ngạc nhiên, vì dù là một nhà lãnh đạo tâm linh vĩ đại, Thánh Inhã ít khi được nhắc đến trong lịch sử thần học Công Giáo. Ngài chưa bao giờ có cao vọng được kể là một nhà thần học độc đáo. Để huấn luyện các sinh viên Dòng Tên, ngài chỉ khuyên nên dùng học thuyết của Thánh Tôma Aquinô. Thay vì kêu gọi canh cải, ngài chỉ thị cho các giáo sư Dòng Tên phải gắn bó với các ý kiến an toàn nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất, tránh các tác phẩm và các tác giả bị nghi ngờ.

Điều gợi hứng cho tính sáng tạo của các thần học gia hiện đại chủ yếu không phải là các quan điểm thần học của Thánh Inhã cho bằng huyền nhiệm học của ngài. Các tác giả hiện đại thường coi nền huyền nhiệm này có tính qui Kitô, nghĩa là lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, một nền huyền nhiệm có tính bí tích và là một nền thần học có tính giáo hội. Họ cũng nhắc tới huyền nhiệm học phục vụ, huyền nhiệm học kính yêu, huyền nhiệm học Thánh Giá và huyền nhiệm học biện phân của Thánh Inhã. Trong khi nhiều nhà huyền nhiệm khác tìm được sự hiệp thông với Thiên Chúa qua việc rút lui khỏi hoạt động trần thế, thì điều ngược lại đã xẩy ra với Thánh Inhã. Ngài chủ yếu tìm sự hợp nhất với Thiên Chúa bằng cách ở lại trong các lẽ huyền nhiệm mà qua đó Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra trong thế gian, nhất là mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con trường cửu. Đó là một huyền nhiệm học hành động, nhờ đó, ta kết hợp với sứ mệnh của Chúa Kitô trong Giáo Hội.

Bốn chủ đề sau đây của Linh Thao đã đặc biệt gợi hứng cho các thần học gia vĩ đại trên của thế kỷ 20: tìm thấy Chúa trong mọi sự, tính cận kề (immediacy) Thiên Chúa của linh hồn, vâng lời giáo hội và cuối cùng ơn gọi vinh danh Chúa Kitô bằng cách tự ý và đầy yêu thương phó thác trong tay Người. Nói cách khác, đó là các chiều kích vũ trụ (cosmic), qui thiên (theistic), qui giáo hội và Kitô học của Linh Thao, như người ta thường nói.

Tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự

Tuy trong các trước tác của Thánh Inhã, ta không tìm được từng chữ kiểu nói “tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự”, nhưng trong Linh Thao, các thư của Thánh Inhã và bản hiến pháp ngài viết cho Dòng (thí dụ Hiến Pháp, điều 288), ta thấy nhiều kiểu nói tương tự như thế.

Trong “Nguyên Tắc và Nền Tảng Thứ Nhất” ở đầu cuốn Linh Thao, Thánh Inhã dạy rằng đau yếu hay khỏe mạnh, nghèo khó hay giầu có, ô nhục hay vinh quang, yểu mệnh hay trường thọ, đều được dùng làm phương tiện cho việc kết hợp với Thiên Chúa, một việc kết hợp nhằm cứu rỗi ta đời đời (số 23). Trong “Xét Mình”, ngài viết rằng những ai đã tiến xa trong cuộc sống thiêng liêng thì luôn luôn chiêm ngưỡng Chúa là Thiên Chúa của ta “trong mọi tạo vật” (số 39). Trong “Chiêm Niệm để Có Được Tình Yêu Thiên Chúa” ở cuối cuốn Linh Thao, Thánh Inhã suy niệm về việc Thiên Chúa cư ngụ ra sao trong mọi tạo vật, nhất là trong con người nhân bản vốn được dựng nên “giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa” (số 235). Thực thế, theo ngài, Thiên Chúa không những hành động trong các con người nhân bản, mà Người còn hành động trong mọi yếu tố, cây cỏ và giống vật nữa (số 236). Căn cứ vào những câu này và nhiều câu tương tự khác, rõ ràng ngài muốn nói: Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong mọi sự.

Đệ tử cận kề của Thánh Inhã là Jerome Nadal (1507-80) cho rằng ngài được phú ban một ơn đặc biệt “có thể nhìn ra và chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa và tình yêu đối với các sự việc thiêng liêng trong mọi sự, mọi hành động và lời nói của mình; ngài có thể chiêm niệm ngay trong lúc hành động”. Nadal tin rằng chiêm niệm trong lúc hành động và tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự là các ơn đặc biệt hay các đặc sủng hết sức đặc thù của Dòng Tên.

Trong số các tác giả Dòng Tên hiện đại, không ai ca ngợi sự hiện diện khắp nơi của Thiên Chúa một cách hùng hồn bằng Pierre Teilhard de Chardin, trong công trình đã trở thành cổ điển, Lãnh Vực Thần Linh, được ấn hành bằng tiếng Anh năm 1960. Theo tác giả, công trình này được viết ra với ý định giúp độc giả “biết cách tìm thấy Thiên Chúa ở khắp nơi, thấy Người trong tất cả những sự vật bí ẩn nhất, rắn chắc nhất và tối hậu nhất trong vũ trụ”. Teilhard tuyên bố rằng: lãnh vực thần linh “tự tỏ mình cho ta như một sức biến đổi đối với bản chất sâu xa của sự vật”, một biến đổi không làm khác đi các hiện tượng khả niệm, nhưng khiến chúng ra lung linh và mỏng manh (diaphanous), đến nỗi trở thành những tỏ hiện của thần linh (epiphanies of the divine).

Trong các chương kế tiếp, Teilhard giải thích cách tìm thấy Thiên Chúa trong các kinh nghiệm tích cực của thành công, và trong các kinh nghiệm tiêu cực của thất bại. Ngài chủ trương rằng Thánh Giá giúp bệnh hoạn và chết chóc trở thành các nẻo đường dẫn tới chiến thắng. Nền linh đạo của Teilhard là nền linh đạo huyền nhiệm bao gồm việc xa lánh mọi tạo vật để kết hợp với Đấng Thần Linh. Như ngài đã viết trong một lá thư riêng đề ngày 22 tháng 10 năm 1925: “Dù sao, chỉ có một điều duy nhất đáng kể là ‘thấy’ Chúa ở bất cứ nơi nào”. Mục sư Thệ Phản Georges Crepsy nhận định rất đúng rằng: “Ta dễ nhận ra gợi hứng của Thánh Inhã nơi Lãnh Vực Thần Linh”.

Đối với Teilhard, việc nhận ra dung nhan phổ quát của Thiên Chúa không phải chỉ là một nguyên tắc tu đức đối với đời sống nội tâm của ngài. Nó còn gợi hứng cho cố gắng cả đời của ngài nhằm bắc một nhịp cầu giữa đức tin Kitô Giáo và khoa học hiện đại. Sau khi suy niệm sâu xa về Vương Quốc Kitô, như đã được trình bày trong Linh Thao, Teilhard bùng cháy một nỗi khát mong sâu xa được nổi lửa tình yêu Chúa Kitô nơi mọi sự vật (xem Henri de Lubac, The Religion of Teilhard de Chardin).

Với ngọn lửa truyền giáo ấy, ngài thấy thế giới khoa học mời gọi ngài như một mảnh đất mới cần được phúc âm hóa. Năm 1926, sau khi nghe bài thuyết trình trước đó của một giáo sư Harvard về buổi bình minh của lý thuyết biến hóa, ngài viết trong một lá thư: “Dù thoạt đầu ý niệm này có xa vời bao nhiêu chăng nữa, cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng hic et nunc (ngay tại đây và lúc này), Chúa Kitô không còn xa lạ đối với các vấn đề từng làm cho Giáo Sư Parker lưu ý nữa: Chỉ cần một vài bước trung gian nữa là đủ để nền tâm lý học duy nghiệm của ông chuyển thành một nhãn quan linh đạo nào đó. Việc nhận ra này làm tôi lên tinh thần. Ôi, có những người thổ dân (indies) đang lôi cuốn tôi mạnh hơn các thổ dân của Thánh Phanxicô Xaviê nhiều”.

Các nhà truyền giáo Dòng Tên tiên khởi đã tìm cách thích ứng tất cả những gì lành mạnh trong các nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa thế nào, thì Teilhard cũng đã tìm cách sử dụng các khám phá tân kỳ của khoa học làm cửa ngõ đưa người ta vào niềm tin đối với mạc khải Kitô Giáo như vậy. Trong niềm hứng khởi của ngài, Teilhard quan niệm Chúa Kitô như Điểm Omega mà mọi năng lực tôn giáo và khoa học đều hội tụ vào. Giả thuyết này chắc đi quá xa tất cả những điều Thánh Inhã từng nói hay từng tưởng tượng, nhưng rất có thể nó là cách nói quá của một thị kiến qua đó Thánh Inhã thấy Chúa Kitô vinh quang trong tư cách “Chúa trường cửu của muôn loài” (Linh Thao, số 98); nó nhắc ta nhớ tới những chân trời đầy phổ quát tính trong các suy niệm về Vương Quốc Kitô, về Nhập Thể và về Hai Lá Cờ.

Bất chấp tổng hợp của Teilhard có yếu ớt như thế nào, thì người ta cũng không có quyền coi nó như một quan điểm duy tục. Ngài minh nhiên cảnh báo chống lại sai lầm này: “những nền huyền nhiệm duy cảm và một số chủ thuyết tân-Pêlagiô (tự sức mình, không cần Thiên Chúa, như chủ thuyết Duy Mỹ [Americanism])… mắc sai lầm ở chỗ đã đi tìm tình yêu Thiên Chúa và Nước của Người trên cùng một bình diện như đi tìm các xúc cảm và tiến bộ nhân bản” (The Divine Milieu). Đối với ngài, Chúa Kitô mà mọi sự vật đều hội tụ về không là đấng nào khác mà chính là Chúa Giêsu lịch sử, Đấng đã bị đóng đinh dưới thời Phôngxiô Philatô. Khi nói tới việc hội tụ mọi tôn giáo, ngài thêm rằng: các tôn giáo này phải hội tụ trên trục Kitô: bởi “các tín ngưỡng khác thấy nơi đức tin vào Chúa Kitô biểu thức chân chính nói lên điều họ đã và đang tìm kiếm xưa nay trong hành trình mò mẫm tìm đường tiến tới cõi thần linh”. Trong một tham luận tựa là “Tôi Thấy Cách Nào”, Teilhard trình bày Giáo Hội Công Giáo như “chiếc trục chính của sự hội tụ phổ quát và là điểm chính xác diễn ra cuộc hội tụ của Vũ Trụ và Điểm Omega”. Bác bỏ bất cứ hình thức chiết trung mơ hồ nào, ngài nhấn mạnh rằng Kitô Giáo là nguyên chủng (phylum) qua đó việc biến hóa của các tôn giáo phải bước qua để hoàn thành mục tiêu của mình. Năm 1948, từ Rôma, ngài viết: “Chính tại đây, tại Rôma này, ta thấy cái cực qui Kitô của trái đất; tôi muốn nói, cái trục đi lên của việc nhân hóa (hominization) phải chạy qua Rôma”. Như ta sẽ thấy, nền linh đạo qui Giáo Hội và qui Rôma này cũng có tính hoàn toàn Inhã.

Tính cận kề trực tiếp với Thiên Chúa

Chủ đề thứ hai của Linh Thao là tính cận kề trực tiếp với Thiên Chúa của linh hồn. Trong “Ghi Chú dành cho Vị Linh Hướng” ở phần dẫn nhập của Linh Thao, Thánh Inhã khuyên vị linh hướng hạn chế, đừng ép người tĩnh huấn chọn lối sống hoàn hảo hơn. Ngài viết: “Cách thích hợp và tốt hơn là để Đấng Hóa Công và là Chúa đích thân thông đạt chính Người cho linh hồn đạo hạnh đang đi tìm ý của Người, và để Người làm rực lên ngọn lửa yêu thương Người trong linh hồn ấy”. Bởi thế, vị linh hướng nên “để Đấng Hóa Công trực tiếp xử sự với tạo vật, và để tạo vật trực tiếp xử sự với Đấng Hóa Công và là Chúa của nó” (Số 15).

Sau này, Thánh Inhã tuyên bố: khi chọn một lối sống, cá nhân nên chuyên chăm hướng về việc cầu nguyện trước nhan Chúa (Số 183) và tự lượng giá xem liệu xu hướng mà họ cảm thấy đang thiên về một lựa chọn nào đó có đơn giản phát xuất từ trên cao, nghĩa là từ chính tình yêu Thiên Chúa hay không (Số 184). Chúa rất có thể hành động trực tiếp trên linh hồn, ban cho họ niềm vui và niềm an ủi thiêng liêng mà con người chúng ta chưa chuẩn bị đón nhận bằng bất cứ tri thức hay nhận thức nào có trước (các số 329-330). Vì chỉ một mình Chúa mới có thể hành động cách đó, nên sự an ủi trên chắc chắn là dấu chỉ ý của Người (Số 336).

Trong số các thần học gia hiện đại từng dựa vào chủ đề này của Thánh Inhã, không vị nào minh nhiên bằng Karl Rahner. Dựa trên cơ sở Thiên Chúa có thể lôi cuốn linh hồn vào với Người một cách đột ngột và hoàn toàn, Rahner cho rằng tâm trí con người có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa, khi Người tức khắc ban Người cho ta trong ơn thánh. Rahner đã dựa vào triết lý siêu việt bắt nguồn từ công trình của tu sĩ Dòng Tên người Bỉ là Joseph Maréchal (1878-1944) để đọc lại Thánh Tôma Aquinô.

Ý niệm nền tảng của triết lý Maréchal là: tinh thần con người, dù nhận biết các đối tượng trong vũ trụ nhờ kinh nghiệm giác quan, nhưng quá bên kia các đối tượng này, đã hướng tới một mầu nhiệm thần linh không thể đối tượng hóa được. Theo Rahner, toàn bộ công trình của thần học phải được duy trì và lên năng lực “nhờ tính tương quan bất chủ đề (unthematic relatedness), hoàn toàn siêu việt trước đó của trọn bộ khả năng tri thức của ta với đấng vô hạn không tài nào hiểu nổi”. Ngài bảo: “ý nghĩa của mọi nhận thức minh nhiên về Thiên Chúa trong tôn giáo và siêu hình học chỉ có thể khả niệm khi mọi ngôn từ ta dùng trong đó qui về cảm nghiệm bất chủ đề trong xu thế hướng ta tới mầu nhiệm khôn dò” (Foundations of Christian Faith). Mọi phát biểu có tính ý niệm về Thiên Chúa, theo Rahner, chỉ có giá trị nhờ cảm nghiệm phi đối tượng (nonobjective experience) về cõi siêu việt tự tại.

Có thể coi nhận thức siêu việt phi đối tượng về Thiên Chúa này như là chủ điểm trong trọn bộ thần học của Rahner. Như Francis Fiorenza từng nhận định, nó tạo nền cho rất nhiều chủ đề đặc trưng của Rahner, như Thiên Chúa hiện diện với con người trong ơn thánh và mạc khải, “hiện tồn siêu nhiên” ( “supernatural existential”), Kitô hữu nặc danh, sự hợp nhất hữu thể học và tâm lý học của Chúa Kitô, các giới hạn trong nhận thức nhân bản của Chúa Kitô, tính lịch sử của tín điều, và nhiều chủ điểm khác.

Rahner lên khuôn lại nền thần học bí tích dựa trên cơ sở cho rằng chúng không môi giới ơn thánh theo lối sự vật hóa (reified way) mà là đem lại và nói lên một cảm nghiệm ơn thánh bao gồm một tiếp xúc trực tiếp giữa linh hồn và Thiên Chúa. Ngài cảnh cáo chống lại cái cạm bẫy vốn tưởng tượng Thiên Chúa như bị đồng hóa với bất cứ thứ hiện diện tôn giáo được môi giới “một cách phạm trù” (categorically) nào như Thánh Kinh hay bí tích. Dù sao, hình như Rahner muốn nói rằng không hề có chuyện ơn thánh đóng chai!

Dựa trên cơ sở mọi cá nhân đều có thể tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa qua ơn thánh, Rahner đã khai triển ra một lý thuyết độc đáo về mối tương quan giữa các yếu tố đặc sủng và định chế của Giáo Hội. Ngài chủ trương rằng các đặc sủng, hay các ơn Chúa Thánh Thần, về nguyên tắc, có trước định chế. Thực thế, yếu tố đặc sủng là “cốt lõi (pith) và yếu tính của Giáo Hội”, là điểm trong đó tư cách Chúa của Chúa Kitô được thể hiện một cách trực tiếp và hiệu nghiệm hơn hết. Trong hệ thống của Rahner, các cơ cấu bên ngoài của Giáo Hội được coi là phụ thuộc vào việc tự hiện thực hóa của chủ thể siêu việt nhờ ơn thánh mà đạt được. Các vị giữ trọng trách trong Giáo Hội không được làm tê cứng Chúa Thánh Thần mà phải thừa nhận và phát huy hành động tự do của Người trong Giáo Hội.

Vì chủ trương rằng nội dung tín điều không bao giờ múc cạn được thực tại nó phát biểu, nên Rahner yêu cầu phải rất khoan dung đối với tính đa dạng của học lý trong Giáo Hội. Ngài ủng hộ một Giáo Hội đa hình thức (pluriform) với các cơ cấu có thể thích ứng với nhu cầu địa phương và mau qua. Đối với ngài, các hình thức định chế, trong căn bản, đều phụ thuộc cảm nghiệm bất chủ đề về ơn thánh. Về phương diện này, những ai nghiên cứu Linh Thao đều được nhắc phải nhớ tới cung cách trong đó Thánh Inhã dạy vị linh hướng phải thích ứng các suy niệm theo tuổi, trình độ giáo dục và năng khiếu của người thực hành Linh Thao. Các người tĩnh huấn được khuyến khích thích ứng bất cứ thế thân (posture) nào giúp họ cầu nguyện tốt nhất. Đối với Thánh Inhã, các hình thức và thực hành bên ngoài luôn phụ thuộc các hoa trái thiêng liêng bên trong.

Dựa trên cơ sở tinh thần con người luôn cởi mở đón nhận việc Thiên Chúa tự thông truyền hồng phúc Người, bất cứ họ ở nơi nào, Rahner đã rút ra nhiều kết luận xa hơn. Ngài cho rằng mọi người đều có một cảm nghiệm nào đó về sự hiện diện cận kề tức khắc của Thiên Chúa, có khả năng sống nhờ ơn thánh của Người, ngay cả lúc họ không đạt được một niềm tin minh nhiên vào Thiên Chúa hay vào Chúa Kitô. Trong một thuật ngữ thời danh, Rahner cho rằng cả những người chưa bao giờ nghe công bố Tin Mừng, cũng có thể là các “Kitô hữu nặc danh”. Ta có quyền hy vọng rằng mọi người đều được cứu rỗi.

Rahner phối hợp xác tín của ông về việc có thể tìm thấy Thiên Chúa trong cảm nghiệm siêu việt với chủ trương hết sức đặc trưng của Thánh Inhã về việc Thiên Chúa hiện diện trong mọi sự. Dù nhấn mạnh tới tính ưu vị của cảm nghiệm nội tâm về Thiên Chúa trong thẳm sâu ý thức, Rahner vẫn cho rằng cảm nghiệm này được hiện thực hóa qua các gặp gỡ với các thực tại trần gian. Thể siêu việt không xa xôi diệu vợi; thể ấy liên tục tự môi giới mình qua các kinh nghiệm lịch sử đặc thù.

Trong một tham luận trước đó nói tới “Huyền Nhiệm Học Inhã về Niềm Vui trong Thế Gian”, Rahner ca ngợi việc Dòng Tên khẳng nhận trần gian và các giá trị của nó, có thiên hướng nhìn nhận các thành tựu của văn hóa, biết trân quí chủ nghĩa nhân bản và biết thích ứng trước các đòi hỏi của nhiều tình huống dị biệt. Ngài kết luận rằng: một khi đã khám phá ra vị Thiên Chúa của sự sống bên kia, ta sẽ có khả năng lao mình vào mọi công việc mà thế giới hiện nay đang đòi hỏi nơi ta. Ngài biện luận rằng vì Thiên Chúa luôn linh hoạt trong mọi thời đại và tại khắp mọi nơi, nên ta không cần phải trốn vào sa mạc hay quay về với quá khứ để tìm thấy Người. Bởi thế, giống Teilhard, Rahner cho rằng Thánh Inhã đã đặt nền cho nền thần học đời, một nền thần học khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các thực tại trần gian.

Và cũng như Teilhard, Rahner nhìn nhận nền thần học Thánh Giá của Thánh Inhã. Ngài nhấn mạnh rằng phải tìm Thiên Chúa không chỉ trong các cảm nghiệm tích cực mà cả trong các cảm nghiệm tiêu cực của nhân sinh, bao gồm thất bại, hất hủi, bệnh hoạn, nghèo khổ và chết chóc. Cuộc khổ nạn và cái chết có tính trung tâm như thế nào đối với công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, thì thiếu thốn và từ bỏ mình cũng có thể là những nẻo đường như thế dẫn ta tới việc từ bỏ tối hậu mà ai trong chúng ta cũng phải kinh qua trong cái chết. Thiên Chúa lớn lao hơn cả các thành công và thất bại của ta. Người, Đấng Deus semper maior (Thiên Chúa muôn đời lớn hơn), chính là hy vọng trường cửu của ta.

Vâng lời Giáo Hội

Dù nhìn nhận tính cận kề trực tiếp của linh hồn cá thể đối với Thiên Chúa, Thánh Inhã đệ Loyola hết sức nhấn mạnh tới vai trò trung gian của Giáo Hội. Ngài liên tiếp nói tới Giáo Hội như là Mẫu Thân của Tín Hữu và là Hiền Thê của Chúa Kitô (Linh Thao số 353). Ngài xác quyết “Trong Chúa Kitô, Chúa chúng ta, và trong Hiền Thê Người là Giáo Hội, chỉ có một Thần Khí thống trị” (Số 365). Trong Linh Thao, Thánh Inhã nói tới việc phục vụ Chúa Kitô trong Giáo Hội chiến đấu và ở hai dịp, ngài đã nói tới việc đó như là “giáo hội có phẩm trật” (Số 170, 353), một từ ngữ rất độc đáo của Thánh Inhã. Một dịp khác, ngài còn nói thêm rằng giáo hội có phẩm trật ấy chính là Giáo Hội Rôma (Số 353). Nền huyền nhiệm giáo hội này sẽ được thần học gia Dòng Tên người Pháp là Henri de Lubac, cũng như người bạn và là đệ tử của ngài là Hans Urs von Balthasar, tiếp nối.

Giống Rahner, de Lubac chịu ảnh hưởng nặng nề của Maréchal, người vốn cho rằng tinh thần con người được tạo lập bởi một lực đẩy năng động, khiến nó vượt lên trên mọi đối vật hữu hạn để tìm kiếm thể lớn lao hơn bất cứ sự vật khả niệm nào (xem The Discovery of God). Ngài tin rằng sức năng động đẩy tinh thần con người tới chỗ nhìn thấy Thiên Chúa này vượt xa mọi khẳng định cũng như bác bỏ của cả hai nền thần học tích cực và tiêu cực. Nỗi bất an khôn nguôi của linh hồn hướng về Thiên Chúa này là sức bật đẩy trọn diễn trình tiến tới. Nhận thức sơ nguyên tự đến với nó trong các ý niệm phản tỉnh (reflexive concepts), nhưng các ý niệm này không bao giờ là chung cục cả; chúng luôn chịu phê phán và sửa chữa (xem Balthasar, The Theology of Henri de Lubac).

Dù biết rõ lực đẩy bên trong này, de Lubac không rơi vào chủ nghĩa cá nhân tôn giáo. Tiếp nối truyền thống Inhã coi Giáo Hội như Hiền Thê của Chúa Kitô và như Mẫu Thân của mọi Tín Hữu, ngài quả quyết rằng có một “đồng nhất tính huyền nhiệm” giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Ngài bác bỏ mọi khuynh hướng muốn đặt một tương phản giữa thể huyền nhiệm và thể hữu hình, giữa tinh thần và thẩm quyền hay giữa đặc sủng và phẩm trật. Mặc dù Giáo Hội có chiều kích vô hình, nhưng Giáo Hội cũng hữu hình và có phẩm trật ngay trong yếu tính của mình. Ngài tuyên bố rằng “Không có phẩm trật làm tụ điểm tổ chức, làm người tổ chức và hướng dẫn Giáo Hội” sẽ không thể nói tới một giáo hội (The Splendor of the Church).

Trong một đoạn nổi tiếng của cuốn The Splendor of the Church, de Lubac vẽ cho ta một bức chân dung sáng ngời về một Kitô hữu trung trinh, một người tìm cách trở thành điều Origen gọi là “người của giáo hội thực sự” (true ecclesiastic). Giống Thánh Inhã, người như thế luôn quan tâm tới việc suy nghĩ cùng với Giáo Hội và suy nghĩ bên trong Giáo Hội, luôn vun sới một ý thức liên đới Công Giáo và nhận giáo huấn của huấn quyền làm qui phạm phải theo. Theo de Lubac, người của giáo hội không phải chỉ vâng lời mà còn yêu đức vâng lời, lấy nó làm phương thế chết cho chính mình hòng được tràn đầy chân lý mà Thiên Chúa sẵn sàng tuôn đổ xuống tâm trí ta. De Lubac không tán thành việc chỉ trích và ta thán tiêu cực. Ngài viết: “Ngày nay, khi Giáo Hội đang bị tố cáo, hiểu lầm, chế nhạo vì chính sự hiện hữu của mình và cả vì sự thánh thiện của mình nữa, thì người Công Giáo nên ý tứ kẻo điều họ muốn nói chỉ để làm cho Giáo Hội tốt hơn đã trở thành đầu đề chống lại Giáo Hội”. Một sự tế nhị nhị nào đó nên hạn chế họ đừng chỉ trích công khai. Trong các tuyên bố ấy, de Lubac quả đã vang dội lại giáo huấn của Thánh Inhã trong bài “Những Qui Luật để Suy Nghĩ cùng Giáo Hội” của ngài.

Tiếng Đức Vua kêu gọi

Chủ đề cuối cùng trong Linh Thao từng gây hứng cho các đồ đệ hiện đại của Thánh Inhã là tiếng Chúa Kitô kêu gọi trong bài suy niệm về Nước Chúa. Thánh Inhã chủ trương rằng tất cả những ai có phán đoán tốt đều sẵn sàng hiến thân lao nhọc với Chúa Kitô để được chia sẻ chiến thắng với Người (Số 96). Nhưng những ai muốn trổi vượt về phục vụ hẳn sẽ vui lòng bắt chước Chúa Kitô trong việc chịu đựng mọi bất công, mọi khinh bạc và nghèo khó, để minh chứng tình yêu lớn lao hơn của mình (các số 97-98). Bi hài kịch bước chân theo Chúa Kitô xuyên qua đau khổ để tới chiến thắng cuối cùng là chủ đề chính trong toàn bộ công trình thần học của Hans Urs von Balthasar. Nền thần học mạc khải của Balthasar xoay quanh việc tự tỏ mình ra của Thiên Chúa uy linh, một chủ đề được ngài nối kết với khẩu hiệu của Thánh Inhã: ad maiorem Dei gloriam (Để Thiên Chúa Được Vinh Quang Hơn). Balthasar chủ trương rằng vinh quang của Thiên Chúa tràn ngập và làm ngây ngất tất cả những ai thấy nó. Mà tột đỉnh của việc tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại. Chúa Giêsu vinh danh Thiên Chúa qua việc trung thành thi hành sứ mệnh của Người, là trải dài trong thời gian chính cội nguồn phát xuất từ Chúa Cha của Người.

Sự hoàn hảo của con người không thể đo bằng những thước đo đạo đức trừu tượng mà chỉ có thể đo bằng việc họ đáp trả lời kêu gọi mà Chúa Kitô từng ngỏ với họ. Lời kêu gọi này luôn luôn là phải dự phần vào số phận và sứ mệnh của Chúa. Giáo Hội làm cho các chi thể của mình thành các chi thể của Chúa Kitô, qua bí tích rửa tội để tham dự vào cái chết của Người. Các Kitô hữu đạt được sự tự do của con cái Chúa nhờ biết từ bỏ ý mình, mặc lấy tâm trí Chúa Kitô. Bởi thế, trong giáo hội học của Balthasar, đức vâng lời là điều cốt yếu và có tính hiến định. Muốn là Giáo Hội, ta phải là “nữ tỳ của Chúa” như Đức Maria. Giống Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội có nhiệm vụ lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời ấy.

Để khai triển nền thần học vâng lời của ngài, Balthasar đã khai thác rộng dài cuốn Linh Thao của Thánh Inhã, nhất là ở phần “Các Qui Luật để Tuyển Lựa” và “Các Qui Luật để Suy Nghĩ Cùng Giáo Hội”. Nhờ Thánh Inhã, ngài hiểu sự vẹn toàn của người Kitô hữu hệ ở việc đáp trả một cách trung thành và đầy yêu thương đối với lời kêu gọi của Thiên Chúa. Tình yêu đối với Chúa Kitô đòi ta không những phải giữ các giới răn mà còn phải theo các lời khuyên của Tin Mừng nữa; những lời khuyên này không là gì khác mà chỉ là hình thức nói lên tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô.

Tác phẩm lớn của Balthasar, tức cuốn The Christian State of Life, chẳng qua chỉ là một cuốn chú giải chi tiết tiếng gọi của Chúa Kitô được Thánh Inhã mô tả trong bài suy niệm của ngài về Nước Chúa. Theo Balthasar, ơn gọi sống cuộc sống tận hiến là đặc điểm chính của Giáo Hội. Từ lúc Chúa Giêsu kêu gọi Nhóm Mười Hai sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời, thì bậc sống các lời khuyên Tin Mừng đã xuất hiện rồi, trước cả bậc sống linh mục. Nhờ biết từ bỏ mọi ước muốn riêng, người Kitô hữu mới có khả năng chia sẻ sự tự do tuyệt đối mà chỉ trong Thiên Chúa mới có. Lời kinh của Thánh Inhã “Lạy Chúa, xin hãy lấy và hãy nhận” chính là biểu thức tuyệt vời nói lên sự hy sinh tự do bản thân để sống bằng duy một mình ý Chúa mà thôi.

Việc bước chân theo Chúa chịu đóng đinh mang một hình thức cụ thể trong Giáo Hội có phẩm trật, là giáo hội duy trì được hình thức Kitô học nhờ thẩm quyền của những người đảm nhiệm trách vụ đối với các chi thể khác của Giáo Hội. Ngài cho rằng nếu sự tương phản giữa phẩm trật và tín hữu bị xóa đi, thì “chỉ còn lại cái sướt mướt vô hình dáng của những huấn giáo đạo đức”. Bởi thế, cũng như de Lubac, Balthasar cho rằng chức vụ và đặc sủng cùng thuộc về nhau. Xét theo một khía cạnh nào đó, ta có thể coi chức vụ như một đặc sủng đặc biệt để phối hợp các đặc sủng khác và đem chúng vào sự hợp nhất của Giáo Hội như một toàn bộ.

Vì thừa nhận tính trung tâm trong chức vụ của Thánh Phêrô, Balthasar đã viết một tác phẩm lớn để chống lại điều ngài gọi là cảm thức chống Rôma “đầy độc dược” và “phi lý” khá thịnh hành trong các giới Công Giáo kể từ Vatican II. Ngài quả quyết rằng trong mầu nhiệm Kitô học, lý tưởng của Dòng Tên trong việc kết hợp diễn trình trưởng thành bản thân với việc tin yêu suy phục thẩm quyền của Giáo Hội không hề có chút phi lý nào như một số người nghĩ (The Office of Peter and the Structure of the Church). Ngài nhận định rằng trong lời khấn đặc biệt vâng lời Đức Giáo Hoàng, Dòng Tên, như một toàn bộ, đã thực hành đức tính tuyệt đối sẵn sàng có đó để phục vụ, một đức tính vốn nằm ở tâm điểm lý tưởng “bình tâm” (indifference) của Thánh Inhã.

Đó là bốn chủ đề của Thánh Inhã được bốn thần học gia hàng đầu của thế hệ Vatican II tiếp nối. Bốn chủ đề này chính là bốn cách thế chân chính và đầy chất tông truyền để suy tư về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, về Giáo Hội và thế giới. Dĩ nhiên, Thánh Inhã còn nhiều chủ đề khác từng gợi hứng cho nhiều thần học gia khác của thế kỷ 20, tỷ dụ thần học truyền giáo của Pierre Charles và Jean Daniélou, thần học đại kết của Augustin Bea, thần học hồi hướng của Bernard Lonergan và “thần học” tự do tôn giáo của John Courtney Murray. Tất cả các tác giả này đều là những người thực tập Linh Thao lâu dài và thường xuyên. Tất cả các tác giả này đều có những đóng góp đáng kể, dù trực tiếp hay gián tiếp, đối với công trình của Vatican II. Chỉ cần căn cứ vào các vị này và cái nền chung là Linh Thao của họ, ta phải đồng tâm nhất trí với quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI trong việc bác bỏ lối giải thích “gián đoạn” đối với Vatican II. Công đồng này không cắt đứt với truyền thống Giáo Hội mà nhằm canh tân phương thức mục vụ, giúp Giáo Hội cùng đồng hành với con người hiện đại trong mọi nỗi vui mừng, hy vọng, đấu tranh gian khổ của họ.

Các nguyên tắc của Thánh Inhã có thể dẫn tới nhiều hệ thống thần học khác nhau. Bởi ngay trong Linh Thao, ta đã thấy sự căng thẳng bên trong giữa tính cận kề và tính trung gian, giữa tự do bản thân và việc vâng lời, giữa chủ thuyết phổ quát và chủ thuyết lấy giáo hội làm trung tâm, giữa việc cởi mở theo chiều ngang đối với thế giới và việc tôn kính theo chiều dọc đối với thể thánh thiêng và thể thần linh. Một số thần học gia, như Teilhard de Chardin và Rahner, nhấn mạnh nhiều hơn tới tính cận kề Thiên Chúa, tự do bản thân và chủ thuyết phổ quát; một số khác, như de Lubac và Balthasar, thì nhấn mạnh nhiều hơn tới sự trung gian của Giáo Hội, tới tính bí tích và đức vâng lời. “Các Qui Luật để Biện Phân Thần Khí” xem ra đi theo một hướng, trong khi “Các Qui Luật để Suy Nghĩ Cùng Giáo Hội” lại đi theo một hướng khác. Nhưng vì cả hai lối nhấn mạnh ấy đều có giá trị và được nối kết với nhau trong Linh Thao, nên hẳn nhiên, ta có thể giảng hòa chúng một cách hài hòa trong thần học. Đó cũng là lối đọc Vatican II trong cái toàn bộ của nó, chứ không hẳn chỉ căn cứ vào một vài văn kiện riêng rẽ.

Có thể nói đặc sủng Inhã hệ ở khả năng phối hợp cả hai khuynh hướng mà không thiệt hại tới bất cứ khuynh hướng nào. Chỉ máy móc vâng lời mà không quan tâm tới các chuyển vần của Chúa Thánh Thần, hoặc chỉ cá nhân chủ nghĩa dựa vào Chúa Thánh Thần mà không chú ý gì tới thẩm quyền Giáo Hội đều là những chủ trương xa lạ đối với di sản Inhã. Đối với ngài, phương châm của người Kitô hữu phải là: thực hiện cho được sự tự do chân chính bằng cách phó thác sự tự do bản thân có tính hữu hạn của mình trong tay Thiên Chúa. Nhà thần học nào biết đón nhận một cách cung kính các thúc đẩy của Chúa Thánh Thần đều là người có khả năng hơn cả để đi vào tâm trí Giáo Hội và nhờ đó giải thích được đức tin Kitô Giáo một cách phù hợp nhất đối với ý định của chính Chúa.

Viết theo Đức HY Avery Dulles, S.J.,Ignatius among Us, America, Tháng Tư năm 1997.
 
Giám mục và thần học gia phục vụ tân phúc âm hóa
Vũ Văn An
01:45 03/04/2013
Giám mục và thần học gia phục vụ tân phúc âm hóa
Vũ Văn An2/5/2013
________________________________________
Trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa, Đức GH Bênêđíctô XVI đã suy niệm về câu truyện Chúa chữa lành người mù Bartimêo. Ngài nói rằng đây là phép lạ cuối cùng Chúa Giêsu thực hiện trước khi chịu khổ nạn và không hẳn là chuyện ngẫu nhiên khi người được chữa lành là một người mù, một người mà con mắt đã mất hết thị lực… Câu truyện này muốn cho ta thấy con người cần ánh sáng Thiên Chúa, ánh sáng đức tin, để nhận biết thực tại thực sự và bước đi trên đường đời. Bartimêo đại diện cho những ai từng sống trong các khu vực đã được phúc âm hóa từ lâu, nhưng nay ánh sáng đức tin đã trở thành lù mù khiến con người lạc dần xa Thiên Chúa, không còn coi Người có chút liên hệ nào với họ nữa. Những khu vực ấy rất cần được tân phúc âm hóa. Tuy nhiên, tân phúc âm hóa là công việc của toàn thể Giáo Hội. Bởi thế, Thượng Hội Đồng tạo cơ hội để ta suy tư về vai trò của Giáo Hội, trong đó, có vai trò của các giám mục và thần học gia, trong công trình tân phúc âm hóa, một công trình nhằm phục hồi thị lực cho mọi người đang mò mẫm trong bóng tối nơi mà ánh sáng đã trở thành lù mù.

Đối với các thần học gia, Đề Nghị số 30 của THĐ viết rằng: “Thần học gia là những người được mời gọi thực thi tác vụ này (đối thoại giữa đức tin, các khoa khác và thế giới) vốn là thành phần trong sứ mệnh của Giáo Hội. Điều cần thiết là họ phải suy nghĩ và cảm nhận với Giáo Hội” (sentire cum Ecclesia).

Trách vụ của thần học gia đối với Giáo Hội

Vai trò đặc thù của thần học gia tuy bao hàm việc trình bày đức tin theo lối giáo lý nhưng phải vượt trên lên việc trình bày ấy, vượt lên trên chứ không đi ngược, nghiã là, thần học chân chính không giả thiết phải tạo ra các giáo huấn mới, mà cần vào sâu hơn, thâm hậu và chính xác hơn. Các nhà thần học có đặc ơn đào sâu hơn, một cách có hệ thống, ý nghĩa của đức tin, theo châm ngôn xưa fides quaerens intellectum (đức tin tìm kiếm sự hiểu biết). Như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo từng dạy, đức tin của Giáo Hội được phong phú hóa nhờ việc chiêm niệm và học hỏi của các tín hữu, những người chuyên chăm “suy đi nghĩ lại những điều ấy trong lòng” và nhất là nhờ những cuộc khảo cứu thần học nhằm thâm hậu hóa các nhận thức về chân lý mạc khải (Số 94).

THĐ ủng hộ điều vốn được ĐGH Bênêđíctô XVI gọi là nền giải thích đúng đắn về việc triển khai thần học. Một nghiên cứu thần học đúng nghĩa bao giờ cũng diễn tiến trong liên tục và nối kết với truyền thống tông truyền sống động của Giáo Hội. Như Đề Nghị 12 của THĐ từng viết, các nghị phụ THĐ nhìn nhận giáo huấn của Vatican II, coi nó như dụng cụ quan yếu để chuyển tải đức tin trong bối cảnh tân phúc âm hoá. Đồng thời, các ngài cho rằng các văn kiện của Công Đồng phải được đọc và giải thích một cách đúng đắn. Về khía cạnh này, các ngài muốn bày tỏ lòng gắn bó của mình đối với tư tưởng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI khi ngài chủ trương: Vatican II là một công đồng cải cách trong liên tục; chỉ có nguyên tắc cải cách này mới giúp ta tìm được tinh thần đích thực của Công Đồng qua các văn kiện của nó. Như thế, thần học không đơn giản chỉ là giáo lý mà cũng không phải chỉ là một khoa học thuật hoàn toàn độc lập. Nó luôn được cột chặt vào đức tin của Giáo Hội, giống như công trình của nhà khoa học tự nhiên luôn được cột chặt vào các sự kiện thuộc luật vật lý. Thần học được hưởng một sự độc lập chính đáng. Nhưng sự độc lập này không vô giới hạn, do chính phạm vi nghiên cứu của nó. Phạm vi này rất bao la, từ các giả định nền tảng và các phát biểu tín lý minh nhiên… tới các vấn đề ý nghĩa của chúng hay các hệ luận tín lý và mục vụ của chúng; phạm vi này cũng bao gồm cả những việc như so sánh chúng với các tín lý khác, nghiên cứu ngữ cảnh lịch sử và giáo hội của chúng, phiên diễn chúng thành những phạm trù văn hóa khác nhau, nghiên cứu mối tương quan qua lại của chúng với kiến thức do các ngành khoa học nhân văn và khoa học đem lại (The Teaching Ministry of the Diocesan Bishop). Song, những nghiên cứu này không diễn ra một cách tách biệt đối với đức tin đã nhận được từ Giáo Hội, mà luôn luôn giả thiết phải có đức tin ấy trước, nghĩa là phải diễn ra dưới ánh sáng của đức tin.

Bởi thế, muốn lành mạnh và đạt tiến bộ, thần học phải diễn biến trong bối cảnh một cộng đoàn đức tin gắn bó rõ ràng; tính sáng tạo của nó phải được thu quén và tối đa hóa bởi các đường ranh do mạc khải xác định. Nhận diện ra các đường ranh này chính là phần đóng góp lớn lao của các giám mục vào việc triển nở của các khoa thần học. Nhiệm vụ của các ngài là phải lo liệu sao để công trình thần học cao quí luôn được hội nhập vào sứ mệnh toàn diện của Giáo Hội là chuyển giao Tin Mừng.

Bởi thế, người ta không bao giờ được phép đặt ý kiến thần học ngang hàng với giáo huấn đầy thẩm quyền của những vị mà Chúa Kitô đã ủy nhiệm cho việc chăm sóc đoàn chiên của Người. Tuy thế, giám mục và thần học gia vẫn có một mối tương quan đặc biệt, một mối tương quan có thể và nên phong phú hóa lẫn nhau. Văn kiện The Teaching Ministry of the Diocesan Bishop dạy rằng Giáo Hội không thể nào hiện hữu nếu không có chức vụ giảng dạy của giám mục; Giáo Hội cũng không thể triển nở nếu không có sự uyên bác lành mạnh của thần học gia. Giám mục và thần học gia có mối tương quan hợp tác qua lại với nhau. Giám mục thừa hưởng công trình của thần học gia, còn thần học gia thì đạt được cái hiểu sâu sắc hơn đối với mạc khải dưới sự hướng dẫn của huấn quyền. Thừa tác vụ của giám mục và việc phục vụ của thần học gia mang theo chúng lòng kính trọng và sự hỗ trợ lẫn nhau. Nhận định này cũng được văn kiện “Thần Học Ngày Nay: Viễn Tượng, Nguyên Tắc và Tiêu Chuẩn” của Ủy Ban Thần Học Quốc tế nhắc đến. Ủy ban này cho rằng huấn quyền cần đến thần học… [và] cả chuyên năng thần học lẫn lượng giá có phê phán của nó… Đàng khác, huấn quyền là một trợ giúp không thể thiếu đối với thần học (số 39).

Thách đố của thần học gia

Richard Gaillardetz, trong bài “The Road Ahead”, đăng trên tờ America ngày 24 tháng 9 năm 2012, có than phiền rằng việc can thiệp mới đây của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tỏ ra đã không tôn trọng chức năng thăm dò có phê phán của thần học trong việc thách thức các luận điểm sai lầm, nhờ thế nêu ra được nhiều vấn nạn khó giải đáp và đề xuất được nhiều giải đáp thay thế giúp cho Giáo Hội biết biện phân đúng đắn. Bài này cho rằng phần lớn công trình của các thần học gia nhằm hỗ trợ huấn quyền, nhưng lại kết luận rằng người ta không thể giới hạn công trình ấy vào việc hỗ trợ kia. Nó cho rằng nếu huấn quyền không cưỡng lại các thách thức của thần học gia, thì chắc chắn các nghiên cứu của thần học sẽ đem lại nhiều thông sáng giúp cho giáo huấn của huấn quyền phát triển, thậm chí thay đổi đáng kể nữa.

Ta thấy có điểm khó hiểu ở đây. Ta biết huấn quyền không bao giờ cho rằng trong việc tuyên xưng đức tin, mình đã khai triển hết, đã bao quát hết mọi sắc thái của đức tin hay đã áp dụng đức tin vào mọi hoàn cảnh của cuộc nhân sinh ngày nay. Giáo Hội chỉ quả quyết dứt khóat rằng các bậc thầy có thẩm quyền dạy dỗ đức tin không dẫn dắt ta tới sai lầm hay ra xa Chúa Kitô. Không ai khác có quyền nói như thế một cách chính đáng. Ta hướng về giáo huấn của Giáo Hội không phải để suy lý (speculation), mà để được hướng dẫn một cách chắc chắn trên đường tiến tới cuộc sống vĩnh cửu với Chúa Kitô. Cho rằng thay đổi đáng kể giáo huấn của Giáo Hội là kết quả chính đáng của nghiên cứu thần học chỉ là quan điểm khác lạ của một số thần học gia ngày nay. Tiếp cận thần học như thế chắc chắn nhằm đem lại cho công trình thần học một hào quang chói lọi, thậm chí còn minh nhiên tuyên bố rằng đây là một thứ “huấn quyền song hành”, một huấn quyền không những có năng quyền thâm hậu hóa cái hiểu của ta về đức tin, mà còn tháp nhập vào nó nhiều giáo huấn hoàn toàn xa lạ đối với kho tàng đức tin mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội trông coi.

Thách đố thực sự của thần học gia không phải là thẩm quyền tự cao tự đại giúp họ thách thức lời dạy lâu đời của huấn quyền, mà đúng hơn là ơn gọi giúp họ thách thức chính họ trong việc thăm dò sâu hơn, thâm hậu hơn, cung kính hơn các chân lý của đức tin mà Chúa Kitô đã để lại cho ta qua Giáo Hội. Đây là một thách thức giúp họ biết nhận giáo huấn của Giáo Hội làm khởi điểm cho các tìm tòi của mình, biết dựa vào thẩm quyền của những người được ủy thác việc chuyển giao đức tin và gìn giữ đức tin ấy khỏi sai lầm mà khởi đầu công trình nghiên cứu của mình. Thách thức ấy cũng là thách thức phải cưỡng lại cơn cám dỗ muốn cúi mình trước các trào lưu của thời đại, bẻ cong các giáo huấn Công Giáo cho phù hợp với các khuynh hướng của trần gian hơn là mặc lấy sự khôn ngoan trong giáo huấn Công Giáo để bước sâu vào trần thế. Đây cũng là thách thức khiến họ hiểu ra rằng đức tin thực sự là một hồng phúc, một lời mời gọi tha thiết khiến ta bước chân theo Chúa Kitô chứ không phải khiến ta biến giáo huấn Công Giáo thành thoải mái, dễ chịu đối với lối sống hiện nay của ta.

Bất chấp tác phẩm của họ có trở thành sách giáo khoa tại các học viện Công Giáo hay không, thần học gia Công Giáo vẫn là các cộng sự viên trong sứ mệnh giảng dạy của Giáo Hội và do đó không thể miễn trừ mình dựa vào thứ tự do giả tạo và vô bổ. Làm như thế, thực ra, chỉ là bôi lọ ơn gọi cao cả của thần học. Các nhà thần học vĩ đại của cả quá khứ lẫn hiện tại đều nổi danh không chỉ vì những thông sáng sâu sắc cũng như các suy nghĩ đầy thách thức của họ, mà còn vì lòng khiêm hạ sẵn sàng nhìn nhận khả thể sai lầm của mình và chấp nhận lời phê phán của Giáo Hội đối với việc làm của mình nữa. Lòng khiêm hạ này đặt căn bản trên việc họ biết thừa nhận vai trò quan trọng của mình trong đời sống và trong giáo huấn của Giáo Hội về đức tin, dù công trình của họ có được sử dụng hay không trong việc giảng dạy của Giáo Hội. Như chính các thần học gia đã nhắc nhở ta, ơn gọi của họ không phải chỉ là ơn gọi dạy giáo lý; ơn gọi thích đáng nhất của họ còn là thâm hậu hóa cái hiểu của ta về đức tin của Giáo Hội, một cái hiểu mà việc làm của họ cần phải chịu trách nhiệm đặc biệt.

Thần học và tân phúc âm hóa

Thần học gia nào có được tầm nhìn sinh động như trên về vai trò của họ, vai trò cộng tác viên có trách nhiệm trong sứ mệnh giảng dạy của Giáo Hội, mới là người đủ tư cách góp phần vào công trình tân phúc âm hóa mà Đức Thánh Cha và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kêu gọi mới đây. Hiện có nhiều người, nhất là trong thế giới Tây Phương, đã từng được nghe nói về Chúa Giêsu. Ơn gọi của ta trong tư cách Kitô hữu là khuấy động lên và khơi dậy trong cuộc đời hàng ngày và hoàn cảnh cụ thể của họ một ý thức và một thân quen mới với Chúa Giêsu, là tái đề xuất Tin Mừng của Người trong tất cả các nét sâu sắc, thâm hậu và có sức biến đổi của nó. Trong các cố gắng như đào sâu hơn nữa cái hiểu của ta về kho tàng đức tin, rút ra các kết luận mới về đức tin ấy, làm cho cái hiểu của ta đối với giáo huấn của Giáo Hội trở nên chính xác hơn, áp dụng các chân lý đức tin và luân lý vào thời đại ta và vào nền văn hóa của ta, và tìm ra các phương thức tốt hơn để công bố đức tin cho người thời nay cách hữu hiệu, các thần học gia quả đóng một vai trò chủ chốt trong việc thăng tiến ngọn cờ của tân phúc âm hóa.

Cái nhìn đầy năng động tính đối với thần học trong toàn bộ đời sống Giáo Hội này rút tỉa được sinh lực từ ơn thánh đức tin. Để trở thành tác nhân của tân phúc âm hóa, các nhà thần học trước nhất phải biết nhìn mình như thế, như những cộng tác viên quan trọng trong công trình của Giáo Hội, như những tín hữu đáng tin và đầy xác tín. Đức tin bản thân của họ không làm trở ngại cho công trình thần học khách quan và nhiều hoa trái của họ, đúng hơn chính là các điều tiên quyết của công trình kia. Trong bài The Nature and Mission of Theology, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger từng nhận xét rằng: không có đức tin, không có thần học, không có hồi tâm không có thần học… đức tin càng trở nên hiện thực và bản vị, cơ may cho nền thần học sáng tạo càng gia tăng; việc hồi tâm kia càng có được sự chắc chắn nội tâm. Chính đức tin giúp các nhà thần học đứng vững trên cột trụ chân lý mạc khải, cảm nhận được nhu cầu “phải tính sổ” của thần học, nhìn nhận huấn quyền như là thành phần nội tại ngay trong việc làm của mình. Các nhà khoa học tự nhiên luôn biết ơn các định luật vật lý bởi việc làm của họ chỉ có nghĩa, chỉ có ích khi biết tôn trọng các chân lý cụ thể của những định luật ấy. Cũng thế, huấn quyền của Giáo Hội, nếu được hiểu trong ngữ cảnh đức tin, chính là một trợ giúp vĩ đại đối với công cuộc nghiên cứu bác học của các thần học gia vì các phán đoán của huấn quyền chính là các định mức cho một nền thần học tốt đẹp.

Trích dịch bài “The Noble Enterprise, Bishops and Theologians in The Service of The New Evangelization” của Đức HY Donald W. Wuerl, TGM Washington, D.C., America, 4 tháng 2, 2013.
 
Quan điểm Tòa Thánh về tự do tôn giáo
Vũ Văn An
01:52 03/04/2013
Quan điểm Tòa Thánh về tự do tôn giáo
Vũ Văn An2/8/2013
________________________________________
Theo tin Zenit ngày 16 tháng 1 năm 2013, trước quyết định của Tòa Nhân Quyền Âu Châu về một số vụ liên quan tới tự do lương tâm và tự do tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, ngoại trưởng của Tòa Thánh, trong một cuộc phỏng vấn của Đài Phát Thanh Vatican, đã lên tiếng cho biết quan điểm của Tòa Thánh về các vấn đề này.

Bốn vụ án nói trên liên quan tới tự do lương tâm và tự do tôn giáo của một số nhân viên tại Vương Quốc Thống Nhất (Anh). Hai vụ liên quan tới các nhân viên bị sa thải vì đã khước từ không đeo cây thánh giá nhỏ quanh cổ. Hai vụ liên quan tới tự do phản kháng lương tâm đối với việc cử hành một cuộc phối hợp dân sự của những người đồng tính và đối với việc cố vấn hôn nhân cho những cặp đồng tính.

Trước đó, Sứ Bộ của Tòa Thánh bên cạnh Hội Đồng Âu Châu đã công bố Bản Nhận Định về quyền tự do và độc lập về định chế của Giáo Hội. Đức TGM cho hay: ngữ cảnh của Bản Nhận Định này là vấn đề quyền tự do của Giáo Hội trong các liên hệ với các thẩm quyền dân sự hiện đang bị xem sét bởi Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu trong hai vụ có liên can tới Giáo Hội Chính Thống Lỗ Ma Ni và Giáo Hội Công Giáo. Đó là các vụ Sindacatul 'Pastorul cel Bun' chống Lỗ Ma Ni và Fernandez Martinez chống Tây Ban Nha. Nhân dịp này, Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh bên cạnh Hội Đồng Âu Châu đã cho công bố một bản nhận định tổng quát để giải thích giáo huấn chính thức của Giáo Hội về quyền tự do và sự độc lập về định chế của mình.

Theo Đức TGM, trong các vụ này, Tòa Âu Châu phải phán quyết xem liệu có vi phạm Qui Ước Nhân Quyền của Âu Châu hay không khi bác bỏ không thừa nhận nghiệp đoàn linh mục (vụ Lỗ Ma Ni) và khi bác bỏ không cử nhiệm một giáo viên dạy môn tôn giáo nhưng công khai tuyên bố các chủ trương đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội (vụ Tây Ban Nha).

Trong cả hai vụ, các quyền lập hội và tự do phát biểu đã được đưa ra để buộc các các cộng đồng tôn giáo phải hành động ngược với các qui định giáo luật và Huấn Quyền của mình. Như thế, các vụ này đặt thành vấn đề quyền của Giáo Hội được tự do hành động theo các luật lệ riêng, chứ không lệ thuộc luật lệ dân sự, ngoại trừ những luật lệ cần thiết để bảo đảm ích chung và trật tự công cộng.

Đức TGM tiếp tục cho hay: vấn đề chủ yếu hiện nay tại các nước Tây Phương là làm thế nào để nền văn hóa chủ yếu có tính duy vật, duy cá nhân và duy tương đối hiểu được và tôn trọng bản chất của Giáo Hội, một bản chất vốn đặt căn bản trên đức tin và lý trí.

Ngoại trưởng của Tòa Thánh nhấn mạnh tới sự cần thiết phải duy trì quyền tự do tôn giáo trong chiều kích xã hội của nó. Ngài nói: “Chiều kích này tương hợp với bản chất xã hội của cả con người lẫn sự kiện tôn giáo nói chung. Giáo Hội không đòi để các cộng đồng tôn giáo thành những vùng vô luật lệ nhưng để chúng được thừa nhận như những không gian tự do, do chính quyền tự do tôn giáo mang lại, trong khi vẫn tôn trọng trật tự công cộng. Giáo huấn này không chỉ dành riêng cho Giáo Hội Công Giáo; vì các tiêu chuẩn của nó đặt can bản trên công lý và do đó, áp dụng cho mọi tôn giáo.

Kết thúc buổi phỏng vấn, Đức TGM Mamberti nhấn mạnh rằng điều chủ yếu là Toà Nhân Quyền Âu Châu phải thừa nhận nguyên tắc pháp lý về quyền độc lập định chế của các cộng đồng tôn giáo, một nguyên tắc, theo ngài, các quốc gia từng tôn trọng tự do tôn giáo và luật lệ quốc tế đều đã thừa nhận. Ngài cũng cho rằng chính Tòa Nhân Quyền Âu Châu cũng đã nhiều lần nhắc đến nguyên tắc này trong khá nhiều phán quyết. Các định chế khác cũng thường khẳng định nguyên tắc này, nhất là Cơ Quan An Ninh và Hợp Tác Âu Châu và cả Ủy Ban Nhân Quyền LHQ nữa trong Văn Kiện Sau Cùng của Hội Nghị Vienna ngày 19 tháng Giêng năm 1989 và Nhận Định Tổng Quát Số 22 về Quyền Tư Do Tư Tưởng, Lương Tâm và Tôn Giáo ngày 30 tháng Bẩy năm 1993.

Bốn vụ ở Vương Quốc Thống Nhất

Nhân dịp này, Đức TGM Mamberti cũng đề cập tới 4 vụ vi phạm tự do lương tâm và tôn giáo của Toà Nhân Quyền Âu Châu tại Vương Quốc Thống Nhất (Anh). Hai trong bốn vụ này liên quan tới quyền tự do của công nhân được mang thánh giá nhỏ quanh cổ tại nơi làm việc. Hai vụ kia liên quan tới quyền tự do phản đối lương tâm đối với việc cử hành cuộc phối hợp dân sự giữa những người đồng tính và việc cố vấn hôn nhân cho các cặp đồng tính.

Theo Đức TGM, những vụ này cho thấy các vấn đề liên quan tới tự do lương tâm và tự do tôn giáo rất phức tạp, nhất là trong xã hội Âu Châu, nơi càng ngày tính đa dạng tôn giáo càng gia tăng cũng như chủ nghĩa duy thế tục mỗi ngày một lớn mạnh thêm. Nguy cơ của chủ nghĩa tương đối luân lý là chuyện có thật. Chủ nghĩa này đang tự áp đặt thành qui phạm mới cho xã hội; nó sẽ phá hoại các nền tảng của tự do lương tâm cá nhân và tự do tôn giáo. Giáo Hội luôn tìm cách bảo vệ các quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo này trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là phải giáp mặt với nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối. Vì mục tiêu này, lý tính của lương tâm con người nói chung và hành động luân lý của Kitô hữu nói riêng đòi phải được giải thích. Liên quan đến các chủ đề có tính tranh cãi về luân lý, như phá thai và đồng tính luyến ái, tự do lương tâm phải được tôn trọng. Thay vì làm trở ngại cho việc thiết lập ra một xã hội khoan dung trong tính đa nguyên của nó, việc tôn trọng tự do lương tâm và tự do tôn giáo là một điều kiện cho việc thiết lập này. Lên tiếng với ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh vào tuần trước, Đức GH Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rằng: “Để có thể bảo vệ một cách hữu hiệu việc thực thi quyền tự do tôn giáo, điều chủ yếu là phải tôn trọng quyền phản đối lương tâm. Cái chiến tuyến tự do này bao gồm nhiều nguyên tắc hết sức quan trọng về đặc tính đạo đức và tôn giáo, bén rễ ngay trong phẩm giá của con người nhân bản. Có thể nói, chúng là các tường đệm (bearing walls) của bất cứ xã hội nào muốn thực sự tự do và dân chủ. Như thế, đặt ra vòng pháp luật việc phản đối lương tâm của cả cá nhân lẫn của định chế nhân danh tự do và đa nguyên tính, nghịch lý thay, sẽ mở rộng cửa cho chủ nghĩa bất khoan dung và buộc người ta phải trở thành nhất dạng”

Việc xâm thực tự do lương tâm cũng cho thấy một hình thức của chủ nghĩa bi quan liên hệ tới khả năng của lương tâm con người biết nhìn nhận sự thiện và sự thật, biết thăng tiến một mình luật lệ tích cực, là luật nhằm độc quyền hóa việc xác định ra luân lý tính. Giáo Hội cũng có vai trò nhắc nhở người ta rằng mọi người, bất kể thuộc tín ngưỡng nào, đều nhờ lương tâm mà có được khả năng phân biệt tốt xấu và hành động theo sự phân biệt ấy. Chính đó là nguồn gốc tự do đích thực của họ.

Bản Nhận Định

Để quyền tự do của Giáo Hội được nhà cầm quyền dân sự hiểu biết hơn, Phái Bộ Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh tại Hội Đồng Âu Châu đã cho công bố một bản nhận định về hai phán quyết của Tòa Nhân Quyền Âu Châu nhằm giải thích quan điểm của Giáo Hội dựa trên 4 nguyên tắc sau đây: 1) sự phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị; 2) tự do trong liên hệ với nhà nước; 3) tự do bên trong Giáo Hội; 4) tôn trọng trật tự công cộng chính đáng. Bản nhận định này dựa vào hai văn kiện của Vatican II: Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae và Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes.

1. Sự phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị

Giáo Hội nhìn nhận sự phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị, mỗi bên có những cùng đích khác biệt riêng; Giáo Hội không hề bị lẫn lộn với cộng đồng chính trị và không hề bị trói buộc vào bất cứ hệ thống chính trị nào. Cộng đồng chính trị phải lo ích chung và bảo đảm để các công dân có được một cuộc sống thanh thản và hoà bình ở trên đời. Giáo Hội thừa nhận rằng chính trong cộng đồng chính trị, việc thực thi ích chung một cách hoàn hảo nhất đã diễn ra (Xem Sách Giáo Lý Của GHCG số 1910); ích chung này phải được hiểu như “toàn bộ các điều kiện xã hội giúp người ta, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách nhóm, đạt được các chờ mong của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (cùng chỗ, số 1906). Nhiệm vụ của Nhà Nước là bảo vệ ích chung ấy và đảm bảo sự gắn bó, sự đoàn kết và việc tổ chức xã hội để ích chung kia có thể được thể hiện với sự đóng góp của mọi công dân và mọi tài nguyên văn hóa, luân lý và thiêng liêng cần thiết cho cuộc nhân sinh đích thực cần được mang đến cho mọi người. Về phần mình, Giáo Hội được thiết lập để dẫn đưa tín hữu tới cùng đích trường cửu của họ bằng việc giảng dạy, bằng các bí tích, bằng cầu nguyện và luật lệ.

Sự phân biệt này dựa trên lời của chính Chúa Giêsu: “Hãy trả cho Xêda những gì thuộc Xêda, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa” (Mt 22:21). Trong lãnh vực riêng của mình, cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập và tự lập đối với nhau. Còn trong các lãnh vực có cả mục tiêu trần thế lẫn mục tiêu thiêng liêng, như trong hôn nhân hay trong việc giáo dục con cái chẳng hạn, thì quan điểm của Giáo Hội là: nhà cầm quyền dân sự phải thi hành thẩm quyền của mình cách nào đó để đừng xâm hại tới lợi ích thiêng liêng của tín hữu. Giáo Hội và cộng đồng chính trị không được làm ngơ nhau; vì quan điểm tuy khác nhau nhưng cả hai đều phục vụ cùng những con người như nhau. Hai bên sẽ càng phục vụ hữu hiệu hơn khi càng hợp tác với nhau cách lành mạnh hơn, như Công Đồng Vatican II đã nói trong Gaudium et spes, số 76.

Sự phân biệt này sẽ được bảo đảm qua việc tôn trọng tính độc lập của nhau; việc tôn trọng này là điều kiện tạo nên tự do hỗ tương. Đối với Nhà Nước, giới hạn của tự do này là không được đưa ra các biện pháp gây hại cho sự cứu rỗi đời đời của tín hữu; còn đối với Giáo Hội, giới hạn là phải tôn trọng trật tự công cộng của Nhà Nước.

2. Tự do đối với Nhà Nước

Giáo Hội không đòi bất cứ đặc quyền nào nhưng yêu cầu rằng quyền tự do thi hành sứ mệnh của mình trong một xã hội đa nguyên phải được tôn trọng và che chở đầy đủ. Giáo Hội tiếp nhận sứ mệnh và sự tự do này từ chính Chúa Giêsu Kitô, chứ không từ Nhà Nước. Do đó, quyền bính dân sự nên tôn trọng và che chở sự tự do và độc lập của Giáo Hội và bất cứ cách nào cũng không được ngăn cản Giáo Hội thi hành đầy đủ sứ mệnh của Giáo Hội; sứ mệnh này bao gồm việc dẫn dắt tín hữu tới cùng đích trường cửu của họ bằng giáo huấn, bí tích, cầu nguyện và luật lệ.

Nhà cầm quyền dân sự phải tôn trọng tự do của Giáo Hội trong mọi khía cạnh liên quan tới sứ mệnh của Giáo Hội, bất kể đó là việc tổ chức Giáo Hội theo định chế (chọn lựa và huấn luyện nhân viên và hàng giáo sĩ, chọn lựa các giám mục, truyền thông nội bộ giữa Tòa Thánh, các giám mục và tín hữu, thiết lập và quản trị các viện tu trì, ấn hành và phân phối các văn kiện, sở hữu và quản trị các tài sản vật chất…), hay là việc chu toàn sứ mệnh của Giáo Hội đối với tín hữu (nhất là qua việc thi hành Huấn Quyền, cử hành việc thờ phượng công cộng, việc ban phát các bí tích và chăm sóc mục vụ).

Đạo Công Giáo hiện hữu trong và qua Giáo Hội, vốn là nhiệm thể của Chúa Kitô. Muốn xem sét sự tự do của Giáo Hội, người ta phải đặc biệt chú ý tới chiều kích tập thể của Giáo Hội: Giáo Hội độc lập trong chức phận định chế, trong trật tự pháp lý và trong việc quản trị nội bộ. Với việc tôn trọng xứng đáng đối với các đòi hỏi của trật tự công cộng chính đáng, sự độc lập này phải được nhà cầm quyền dân sự tôn trọng; đây là điều kiện của tự do tôn giáo và của việc phân biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Nhà cầm quyền dân sự không được can thiệp vào lãnh vực hoàn toàn thuộc tôn giáo, nếu không sẽ vi phạm việc lạm quyền, thí dụ tìm cách thay đổi quyết định của một vị giám mục liên quan tới việc bổ nhiệm các chúc vụ của ngài.

3. Tự do trong Giáo Hội

Giáo Hội biết rõ việc một số tôn giáo và ý thức hệ đàn áp tự do của những người theo họ; tuy nhiên, về phần mình, Giáo Hội vẫn thừa nhận giá trị căn bản của tự do con người. Vì Giáo Hội thấy mọi con người nhân bản đều là tạo vật được phú bẩm một trí hiểu và một ý chí tự do. Giáo Hội thấy mình là một không gian của tự do và do đó đặt ra các qui định nhằm để bảo đảm cho quyền tự do này được tôn trọng. Như thế, mọi hành vi tôn giáo muốn có giá trị đòi những người thi hành chúng phải được tự do, nghĩa là có thể sử dụng được ý chí của họ. Xét chung với nhau và không kể tầm quan trọng cá thể, những hành vi được tự do thực hiện này nhằm đem “sự tự do của con cái Thiên Chúa” đến cho mọi người. Các liên hệ hỗ tương bên trong Giáo Hội (như các lời khấn hứa lúc kết hôn cũng như lúc khấn dòng) đều được sự tự do này điều hòa.

Sự tự do này tùy thuộc sự thật (“sự thật sẽ giải phóng chúng con”, Ga 8:32): thành thử, ta không thể nại đến nó để biện minh cho việc tấn công vào sự thật. Do đó, một phần tử trong hàng ngũ giáo dân hay một tu sĩ không thể nại tới tự do để chống đối đức tin (như dùng công luận chống lại Huấn Quyền chẳng hạn) hay để phá hoại Giáo Hội (như tạo ra một nghiệp đoàn linh mục chống lại ý muốn của Giáo Hội). Đã đành mọi người được tự do trong việc thách thức Huấn Quyền hay các qui luật và qui định của Giáo Hội. Khi bất đồng, ai cũng có thể sử dụng các tài nguyên do giáo luật cung cấp và thậm chí cắt đứt liên hệ với Giáo Hội. Tuy nhiên, vì mối liên hệ với Giáo Hội chủ yếu có tính thiêng liêng trong bản chất, nên Nhà Nước không thể can thiệp vào lãnh vực này để giải quyết cuộc tranh chấp.

4. Tôn trọng trật tự công cộng chính đáng

Giáo Hội không đòi cho các cộng đồng tôn giáo trở thành các khu vực vô luật lệ, nơi mà luật lệ Nhà Nước không còn được áp dụng nữa. Giáo Hội nhìn nhận năng quyền hợp pháp của thẩm quyền và quyền tài phán dân sự để bảo đảm việc duy trì trật tự công cộng. Trật tự này phải phù hợp với công lý. Do đó, Nhà Nước nên đảm bảo để các cộng đồng tôn giáo tôn trọng luân lý và trật tự công cộng chính đáng. Đặc biệt, Nhà Nước phải lo liệu sao để người dân không phải chịu các cư xử bất nhân hay mất nhân phẩm, sự vẹn toàn về thể lý và luân lý của họ được tôn trọng, bao gồm cả khả thể tự do lià bỏ cộng đồng tôn giáo của họ. Đó là chỗ sự độc lập của các cộng đồng tôn giáo khác nhau bị giới hạn, để quyền tự do tôn giáo của cả cá nhân lẫn tập thể và định chế được đảm bảo, trong khi vẫn tôn trọng ích chung và sự gắn bó của xã hội đa nguyên. Ngoài những trường hợp này ra, các nhà cầm quyền dân sự phải tôn trọng sự độc lập của các cộng đồng tôn giáo, nhờ thế, các cộng đồng này được tự do hành động và tổ chức theo các qui định riêng của họ.

Về phương diện này, người ta phải nhớ rằng đức tin Công Giáo hoàn toàn tôn trọng lý trí. Kitô hữu nhìn nhận sự phân biệt giữa lý trí và tôn giáo, giữa trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên, và tin rằng ơn thánh không tiêu diệt tự nhiên, nghĩa là, đức tin và các ơn phúc khác của Thiên Chúa không bao giờ biến bản nhiên con người và việc sử dụng lý trí của họ ra vô ích, không bao giờ làm ngơ chúng, đúng hơn, luôn cổ vũ và khích lệ chúng. Không giống các tôn giáo khác, Kitô Giáo không đưa ra các qui định tôn giáo có tính hình thức về thực phẩm, áo quần, cắt bỏ v.v… vốn chống lại nền luân lý tự nhiên và đi ngược lại luật lệ của Nhà Nước trung lập về tôn giáo. Dù sao, Chúa Kitô cũng đã dạy ta phải vượt lên trên những qui định tôn giáo hoàn toàn có tính hình thức này và thay thế chúng bằng việc sống luật bác ái, một luật mà trong trật tự tự nhiên, biết thừa nhận việc lương tâm có nhiệm vụ phân biệt giữa thiện và ác. Như thế, Giáo Hội Công Giáo vốn không áp đặt bất cứ qui định nào trái với đòi hỏi chính đáng của trật tự công cộng.
 
Linh mục là như thế đó...Thư một linh mục Công giáo gửi báo The New York Times
Nguyễn Trọng Đa
08:54 03/04/2013
Linh mục là như thế đó...Thư một linh mục Công giáo gửi báo The New York Times

Lời người dịch: “Đây là một bài đọc hữu ích để tái lập sự quân bình phần nào so với một sự tấn công dàn dựng của nhiều phương tiện truyền thông. Liệu việc tìm kiếm sự thật không đòi hỏi rằng các thực tại tiêu cực không ngăn cản chúng ta nhìn thấy các thực tại tích cực, khi các thực tại này có thể khuyến khích chúng ta, truyền cảm hứng cho chúng ta làm sự thiện chăng? Nó cũng sẽ là một thuốc chữa cho sự rầu rĩ lan tràn” (www.riposte-catholique.fr).

Nhật báo The New York Times là một tờ báo lâu đời ở Mỹ, nổi tiếng là chống đạo Công giáo một cách có hệ thống. Báo này khai thác, quá nhiều và không công bằng, một vài vụ linh mục ấu dâm ở Mỹ và nơi khác, trong khi không hề đưa tin về tuyệt đại đa số linh mục có tâm huyết với Giáo Hội, hy sinh cuộc đời vì Chúa và vì tha nhân. Do đó linh mục Martín Lasarte, người Uruguay, Dòng Don Bosco (SDB), một nhà truyền giáo ở Angola từ 20 năm qua, đã viết bài dưới đây gửi nhật báo The New York Times ngày 6-4-2010. Dễ hiểu là nhật báo không hề trả lời lá thư của cha. Vài ngày sau, lá thư được đăng trên trang mạng Enfoques Positivos ở Argentina, và phát tán nhanh trên các trang mạng bằng tiếng Tây Ban Nha. Sau đó, bản dịch tiếng Anh được phổ biến ở nhiều nước nói tiếng Anh. Mới đây, bản dịch tiếng Pháp được trang www.riposte-catholique.fr đăng ngày 22-3-2013. Xin được giới thiệu bài viết đầy tính thời sự này.


Anh bạn phóng viên thân mến.

Tôi chỉ là một linh mục Công giáo bình thường. Tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào về ơn gọi của mình. Trong 20 năm qua, tôi đã sống ở Angola với tư cách là một nhà truyền giáo.

Tôi đọc trong nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt là tờ báo của bạn, sự phóng đại của chủ đề linh mục ấu dâm, nhưng trong một cách bệnh hoạn, vì chỉ tìm kiếm chi tiết trong đời sống các linh mục, các sai lầm trong quá khứ.

Có một trường hợp linh mục ấu dâm, trong một thành phố của Mỹ, trong những năm 1970, một trường hợp ở Úc trong thập niên 1980, và cứ như thế, có trường hợp mới đây hơn.... Chắc chắn rằng tất cả các trường hợp này đáng bị khiển trách!

Có các bài báo được cân nhắc và cân bằng, có các bài khác lại phóng đại, đầy thành kiến và thậm chí hận thù nữa. Tôi tự cảm thấy đau đớn nhiều về sự dữ lớn lao rằng các người đáng lẽ là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, lại là con dao găm trong cuộc sống của các người vô tội. Không có từ ngữ nào để biện minh cho các hành vi như vậy. Không có nghi ngờ rằng Giáo Hội phải là đứng về phia kẻ yếu, và người nghèo. Vì lý do này, tất cả các biện pháp mà người ta có thể dùng để ngăn ngừa và bảo vệ nhân phẩm của trẻ em sẽ luôn luôn là một ưu tiên.

Nhưng sẽ là kỳ cục hết sức khi có ít tin tức và sự thiếu quan tâm đến hàng ngàn các linh mục khác, đã hiến đời mình và phục vụ hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và các người bất hạnh nhất ở bốn phương trời của thế giới.

Tôi nghĩ rằng đối với tờ báo của bạn, các điều sau đây không hề được quan tâm đề nói tới:

1) Tôi phải di chuyển qua các con đường đầy mìn do chiến tranh trong năm 2002, để giúp đỡ các em nhỏ đang chết đói từ Cangumbe đến Lwena (Angola), bởi vì cả chính quyền không thể làm được và cả các tổ chức phi chính phủ không được phép làm;

2) Tôi đã chôn cất hàng chục trẻ em chết do việc dời chỗ vì chiến tranh;

3) Chúng tôi đã cứu sống hàng ngàn người dân ở Mexico, nhờ một trung tâm y tế duy nhất hiện hữu trong một vùng có diện tích 90.000 km2, với việc phân phát thực phẩm và các loại giống cây trồng;

4) Chúng tôi đã có thể cung cấp giáo dục và trường học trong mười năm qua cho hơn 110.000 trẻ em;

5) Cùng với các linh mục khác, chúng tôi đã cứu trợ cho gần 15.000 người ở các trại du kích quân, sau khi họ đã đầu hàng và giao nạp vũ khí, bởi vì thực phẩm của chính phủ và của Liên Hiệp Quốc không thể đến được với họ;

6) Không phải là tin tức thú vị khi một linh mục 75 tuổi, Cha Roberto, rảo qua thành phố Luanda ban đêm, chăm sóc các trẻ em đường phố, dẫn họ đến một nơi trú ngụ, để cho họ không bị ngộ độc bởi xăng dầu mà họ hít để kiếm sống, như là người ném lửa;

7) Việc xoá nạn mù chữ cho hàng trăm tù nhân cũng không phải là tin hay;

8) Các linh mục, như cha Stéphane, tổ chức các nhà tạm trú cho các thanh thiếu niên bị ngược đãi, đánh đập, hãm hiếp, để họ tạm lánh;

9) Linh mục Maiato, 80 tuổi, đến thăm từng ngôi nhà một của người nghèo, an ủi người bệnh và người tuyệt vọng;

10) Không phải là tin hấp dẫn khi hơn 60.000 trong số 400.000 linh mục và tu sĩ hiện nay đã rời đất nước và gia đình của họ để phục vụ anh em mình tại các quốc gia khác trong các trại phong, bệnh viện, trại tị nạn, cô nhi viện cho trẻ em bị cáo buộc là phù thủy, hoặc cho trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì AIDS, trong các trường học dành cho người nghèo nhất, trung tâm dạy nghề, trung tâm tiếp nhận người nhiễm HIV......

11) Nhất là các linh mục dành đời mình trong các giáo xứ và cứ điểm truyền giáo, động viên mọi người sống tốt hơn và nhất là thương mến người khác;

12) Không phải là tin hấp dẫn khi bạn tôi, Cha Marcos Aurelio, để giải cứu trẻ em trong cuộc chiến ở Angola, đã đưa các em từ Kalulo đến Dondo và khi trên đường trở về, cha bị bắn chết; và một tu sĩ tên là Phanxicô và năm nữ giáo lý viên, bị chết trong một tai nạn, khi họ đi giúp đỡ các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước;

13) Hàng chục các nhà truyền giáo tại Angola đã chết vì thiếu các phương tiện y tế, chỉ vì bệnh sốt rét đơn giản;

14) Nhiều người khác đã bị tung xác lên trời do mìn nổ, khi đi thăm các tín hữu; quả vậy, trong nghĩa trang ở Kalulo, có mộ các linh mục đầu tiên đến khu vực ấy... không ai sống hơn 40 tuổi cả....;

15) Không phải là tin hấp dẫn, khi một linh mục "bình thường" sống công việc hàng ngày của mình, trong các khó khăn và niềm vui của mình, sống âm thầm cả đời vì lợi ích của cộng đoàn mình phục vụ;

Sự thật, là linh mục chúng tôi không cố gắng để có tên trong tin tức, nhưng chỉ mang "Tin Mừng", và Tin Mừng này, không ồn ào, đã bắt đầu vào buổi sáng Phục Sinh. Một cây ngã gây tiếng ồn nhiều hơn cả cánh rứng đang mọc và phát triển.

Người ta gây nhiều tiếng ồn cho một linh mục phạm một lỗi lầm, hơn là gây tiếng ồn cho hàng ngàn linh mục hiến đời mình cho hàng chục ngàn trẻ em và người nghèo khó.

Tôi không muốn làm một biện hộ cho Giáo Hội và các linh mục.

Một linh mục không phải là một anh hùng, cũng không phải là một người rối loạn thần kinh. Linh mục chỉ là một con người bình thường, và với bản tính con người của mình, tìm cách theo Chúa và phục vụ Ngài trong anh chị em của mình.

Linh mục có nhiều khổ đau, nghèo đói và sự mỏng giòn như các người khác; nhưng linh mục cũng có vẻ đẹp và hùng vĩ như mọi thụ tạo khác.... Việc nhấn mạnh một cách ám ảnh bẩm sinh và phá hoại về một đề tài đau đớn, trong khi mất tầm nhìn chung của công việc, tạo ra thật sự các biếm họa tấn công vào hàng linh mục Công Giáo, do đó tôi cảm thấy bị xúc phạm.

Tôi chỉ yêu cầu anh, người bạn phóng viên thân mến, hãy tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Điều này sẽ làm lớn mạnh nghề nghiệp của bạn.

Chào anh trong Đức Kitô,

Linh mục Martin Lasarte, SDB

"Quá khứ của con, Lạy Chúa, con phó thác cho lòng Thương xót của Chúa; hiện tại của con, cho Tình yêu Chúa; và tương lai của con, cho sự Quan Phòng của Chúa”.

(www.riposte-catholique.fr ngày 22-3-2013)

Nguyễn Trọng Đa dịch
 
Đức Thánh Cha nói phụ nữ truyền thông tình yêu Thiên Chúa
Bùi Hữu Thư
09:56 03/04/2013
Đức Thánh Cha Phanxicô


Vatican, ngày 3 tháng 4, 2013 (CNA/WETN) Trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nói vai trò chính của phụ nữ trong Giáo Hội là truyền thông tình yêu Thiên Chúa.

Ngài nói ngày 3 tháng 4 tại quảng trường Thánh Phêrô: “Phụ nữ đã có và vẫn có một vai trò trong việc mở các cánh cửa ra cho Chúa, bằng cách bước theo Người và truyền thông gương mặt của Người, vì con mắt đức tin luôn luôn cần đến nhãn quan giản dị và sâu thẳm của tình yêu.”

Đức Thánh Cha nói: “Điều này thật là tuyệt đẹp, và đây là sứ vụ của phụ nữ, của các bà mẹ, là làm chứng tá cho con cháu rằng Chúa Kitô đã Phục Sinh.”

Theo các giới chức Ý, có khoảng 50.000 người tham dự buổi triều kiến chung, kể cả 43 thành viên của quốc hội Hoa Kỳ.

Có khoảng 10.000 khách hành hương đến từ Milan cùng với tổng giám mục Angelo Scola của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ đám đông là những người được chứng kiến đầu tiên sự Phục Sinh của Chúa Kitô là các phụ nữ.

Ngài nói: “Điều này chứng tỏ rằng Thiên Chúa không chọn lựa theo các tiêu chuẩn của con người: các nhân chứng đầu tiên về việc Chúa Giêsu giáng sinh là các mục đồng, các nhân chứng đầu tiên về việc phục Sinh là các phụ nữ.”

Ngài nói: “Điều quan trọng đối với Thiên Chúa là trái tim chúng ta, nếu chúng ta mở lòng cho Chúa, nếu chúng ta giống như các con trẻ biết tin cậy.”

Theo Đức Thánh Cha, các môn đệ khó tin hơn về việc Chúa Kitô sống lại. Như cho thấy: Thánh Phêrô đã ngừng lại trước cửa mồ rộng mở, và Tôma cần phải được rờ vào vết thương của Người.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong hành trình đức tin, chúng ta cần biết và cảm nhận là Thiên Chúa yêu chúng ta, xin đừng ngần ngại khi yêu mến: đức tin được tuyên xưng bằng môi miệng và trái tim, bằng lời nói và tình yêu.”

Ngài lưu ý: “Tiếc thay, đã có nhiều nỗ lực để làm lu mờ đức tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và có nhiều nghi ngờ đã len lỏi vào trong tâm hồn của chính các tín hữu.”

Nhưng loại đức tin “yếu kém này’ là do “đôi khi nông nổi, bận rộn về hàng ngàn công chuyện cho là quan trọng hơn đức tin, hay chỉ vì một viễn tượng hoàn toàn thấp kém về đời sống.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chính sự Phục Sinh ban cho chúng ta có niềm hy vọng lớn hơn, vì đã cởi mở đời sống chúng ta và đời sống thế gian cho tương lai vĩnh cửu của Thiên Chúa, cho hạnh phúc viên mãn, cho sự xác tín rằng ngay cả sự dữ, tội lỗi và cái chết vẫn có thể vượt thắng.”

Sau đó Đức Thánh Cha nói với giới trẻ: “Các bạn, là nhân chứng của Chúa Kitô, xin hãy mang lại niềm hy vọng cho thế giới này đang bị tàn phá vì chiến tranh và tội lỗi, và xin hãy tiến lên.”

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích đám đông trong đó đa số là giới trẻ: “Xin hãy mang lại niềm xác tín này cho thế gới: Chúa Kitô đang sống và đang đồng hành với chúng ta trên đường đời.”

Ngài nói: “Xin hãy mang đi niềm tin này, xin hãy nắm vững niềm hy vọng này, một niềm hy vọng đến từ Thiên Đàng!”
 
Đức Thượng phụ Latinh ở Giê-ru-sa-lem nói rằng Đức Giáo Hoàng sẽ được ‘chào đón nồng nhiệt’ như một người hành hương
Đồng Nhân
12:03 03/04/2013
JERUSALEM - Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh tại Nhà thờ Mộ Thánh, Đức Thượng Phụ Latinh ở Giê-ru-sa-lem đã nói về tầm quan trọng của sự hiệp nhất Kitô giáo, hối thúc người Công giáo địa phương hãy tích cực truyền giáo, và nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được "chào đón nồng nhiệt" như một người hành hương tại Thánh Địa.

Đức Thượng phụ Fouad Twal nói: "Thiên Chúa mời gọi chúng ta nơi đây hãy mang ánh sáng đức tin ở trung tâm của khu vực Trung Đông, nơi Kitô giáo được sinh ra, nơi Giáo Hội Mẹ của Giê-ru-sa-lem đã được sinh ra, và nơi mà tất cả mọi thứ thuộc Kitô giáo đã được sinh ra". Ngài nói thêm:

”Đó là lý do tại sao việc truyền giáo mới của chúng ta, để được cập nhật hóa và có có hiệu quả, phải bắt đầu lại từ Giê-ru-sa-lem: bắt đầu từ cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, là những người "chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42); và bắt đầu lại từ cộng đoàn đầu tiên bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, có một chính nghĩa và sẵn sàng thực hiện bất kỳ sự hy sinh nào đến mức tử vì đạo. Vì vậy, tôi nhắc lại lời mời của tôi với tất cả các khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến Đất Thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng tai sẽ là người được chào đón nhất.

Nhắc lại các đau khổ của các Kitô hữu ở Syria và Đất Thánh, Đức Thượng phụ Twal nói rằng "sống làm người Kitô hữu ở Trung Đông không phải là một sự lựa chọn, nhưng là một ơn gọi. Để biết sự sống lại, người ta phải biết đến thập giá".
 
Đức Thánh Cha Phanxicô viếng mộ Thánh Phêrô
Đồng Nhân
12:04 03/04/2013
VATICAN - Chiều Thứ Hai Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi thăm khu vực hầm mộ bên dưới Đền thờ Thánh Phêrô, trong đó có mộ của Thánh Phêrô. Cùng đi với Ngài có linh mục trưởng Đền thờ là Đức Hồng Y Angelo Comastri, và các vị đứng đầu của các dự án khảo cổ học là các tiến sĩ Pietro Zander và Mario Bosco, Đức Thánh Cha đã đi qua các hầm mộ, nghe lời giải thích của các nhà khảo cổ, trước khi đến mộ của Thánh Phêrô, chính xác nằm bên dưới bàn thờ trung tâm và vòm nhà thờ.

Đức Thánh Cha Phanxicô dừng lại cầu nguyện trong nhà nguyện Clementine, trước khi đi đến các hang Vatican, nơi đó Ngài đã kính cẩn cầu nguyện trước các mộ của các Đức Giáo Hoàng của thế kỷ 20, gồm có: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, Đức Giáo Hoàng Piô XI, Đức Giáo Hoàng Piô XII, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I. Chuyến thăm kéo dài khoảng 45 phút, bắt đầu từ năm giờ chiều giờ Rôma. Trên đường ra về, Đức Thánh Cha Phanxicô chào các nhân viên thi hành công vụ, và trở về Nhà thánh nữ Martha giống như cách Ngài đã đi đến, tức là Ngài hoàn toàn đi bộ.
 
Tòa thánh Vatican tuyên phong 65 vị tử đạo của thế kỷ 20
Đồng Nhân
12:05 03/04/2013
VATICAN - Lần đầu tiên, Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô đã chuẩn y một loạt công bố, nhằm tuyên phong 65 vị tử đạo mới, tất cả đều thuộc thế kỷ 20.

Trong một loạt các Sắc lệnh ban hành ngày 27 tháng 3 với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, Thánh Bộ Phong Thánh đã xác nhận việc tử đạo của một số người Tây Ban Nha, Romania, Đức, Hungary, và Ý.

Thánh Bộ cũng khẳng định một phép lạ được gán cho sự cầu bầu của nữ tu Maria Theresa Bonzel (1830 - 1905), người Đức sáng lập Tu hội các Nữ Tu Thánh Phanxicô chầu thánh thể liên tục. Giống như các vị tử đạo được tuyên phong cùng một ngày, nữ tu hiện giờ có đủ điều kiện để được phong Chân phước.

Cuối cùng, các sắc lệnh của Tòa thánh xác nhận "nhân đức anh hùng” của 7 ứng viên: 5 linh mục, một thầy trợ sĩ và một nữ giáo dân. Tất cả có thể có đủ điều kiện cho việc phong chân phước, nếu có một phép lạ được gán cho sự cầu bầu của họ.

Phim Un Dios Prohibido

Trong một sự trùng hợp rất đặc biệt, các vị tử đạo người Tây Ban Nha được Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y án phong Thánh hôm 27 tháng Ba cũng là những nhân vật chính trong cuốn phim vừa mới được hoàn thành và sắp trình chiếu trong Mùa Hè này.

Bộ phim Tây Ban Nha này có nhan đề 'Un Dios Prohibido' (Một Thiên Chúa bị cấm) mô tả thảm kịch của một nhóm các tu sĩ Dòng Claretian truyền giáo, khi các ngài bị bắn chết năm 1936, trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Bộ phim kể lại việc các chủng sinh trẻ bị đe dọa vì đức tin Kitô giáo như thế nào. Nhà nước cộng sản trao cho họ một tối hậu thư bắt phải bỏ đạo, họ quyết định duy trì thực hành đức tin của mình, bất chấp các sự đe dọa cho cái chết của họ. Họ đã cầu nguyện và rước lễ trong bí mật, trước khi bị bắn chết.

Họ bị giết hồi tháng 8-1936. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước cho các vị tử đạo hồi tháng 10-1992. Bộ phim sẽ được chiếu ở các rạp của Tây Ban Nha trước mùa hè năm 2013.
 
Đông đảo tín hữu địa phương và khách hành hương trong Vương Cung Thánh Đường Emmaus
Đồng Nhân
12:06 03/04/2013
THÁNH ĐỊA - Cũng như mọi năm, các cư dân của Al Qubeibe (Kinh Thánh gọi là Emmaus) hân hoan khi thấy rất nhiều xe bus và xe hơi đậu gần vương cung thánh đường. Hàng trăm tín hữu địa phương từ Giê-ru-sa-lem, các nơi khác nhau của Bờ Tây và Israel, và người hành hương từ các nơi như Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan và Pháp, đã cùng nhau kỷ niệm ngày cuối cùng của Tuần Thánh ở nơi này. Đây là nơi mà, sau cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ để họ biết rằng các tin đồn là đúng sự thật: Ngài đã thực sự sống lại.

Đông đảo tín hữu địa phương và khách hành hương vào nhà thờ để tham dự lễ trọng truyền thống, được cử hành bởi Linh mục Quản thủ Thánh địa, Pierbattista Pizzaballa. Mặc dù có nhiều ghế xếp đặt xung quanh gian giữa nhà thờ, nhiều tín hữu đã phải đứng để theo dõi buổi lễ vì các tín hữu quá đông. Tuy nhiên, niềm vui lễ Phục sinh chắc chắn đã giúp họ đứng tham dự thánh lễ, tiếp theo là một bữa ăn sáng mộc mạc.

Đối với một số nhóm hành hương, đây là thánh lễ cuối cùng của cuộc hành hương bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá tuần trước. Cần phải rời khỏi Al Qubeibe để đến ngay sân bay, họ ăn bữa ăn dã ngoại cá nhân trong các khu vườn. Còn những người không theo một lịch trình chặt chẽ lại được hưởng vẻ đẹp của khu vực đỉnh đồi, với quang cảnh tuyệt đẹp của nó. Sau bữa ăn, họ đến vào một trường học cũ, được biến tạm thời thành căn phòng ăn cho dịp này. Một bữa ăn chung đơn giản được phục vụ, và được chia sẻ bởi các tu sĩ và các tín hữu... một sự chia sẻ rất có ý nghĩa do chính tên của địa điểm nổi tiếng này.

Sau khi ăn uống và dành thời gian tận hưởng môi trường xung quanh, các tín hữu một lần nữa vào nhà thờ. Lúc này, ai cũng có chỗ ngồi, không ai phải đứng để tham dự giờ Kinh lễ Phục sinh. Vào cuối nghi thức biểu tượng này, cộng đoàn cùng hát thánh ca trong tiếng chuông ngân vang vọng khắp thung lũng.

Sau các nghi thức, vị Quản thủ Thánh địa, linh mục Pierbattista Pizzaballa, lên xe của ngài trở về Giê-ru-sa-lem giữa tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Phía sau xe của ngài, đoàn xe bus đã được phép từ Bộ Quốc phòng Israel sử dụng trạm kiểm soát quân sự Al Jib, rút ngắn chuyến đi trở về. Nếu họ bị buộc phải qua trạm kiểm soát Kalandiya là trạm kiểm soát chính từ Bờ Tây đến Giê-ru-sa-lem, chuyến đi sẽ lâu thêm vài giờ nữa.

Việc cử hành lễ tại Emmaus là một ngày vui vẻ tràn đầy niềm hoan hỉ huynh đệ, khi tất cả mọi người cảm nghiệm sự sống lại và sự hiện ra công khai của Chúa Giêsu theo cách riêng của mình. Được cổ vũ bởi ngày này, nhiều người hành hương đã trở về, tự hứa là sẽ khuyến khích gia đình, bạn bè và những người quen biết của mình hãy đến Đất Thánh vào năm tới, để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm tình cảm này.
 
Đức Phanxicô và Năm Đức Tin
Vũ Văn An
18:43 03/04/2013
Tháng 10, 2012, nhân năm Đức Tin, Đức HY Bergoglio đã gửi cho tín hữu Buenos Aires một thư chung về chủ đề đức tin. Đọc thư này, nhất là phần nói về ý nghĩa của việc “bước qua ngưỡng cửa đức tin”, người ta có lý để tin rằng Đức Phanxicô sẽ nối tiếp công trình dở dang của Đức Bênêđíctô XVI. Thực thế, vị tiền nhiệm của ngài đã khởi sự viết thông điệp về đức tin, nhưng biến cố từ nhiệm khiến ngài không hoàn tất được công trình đó. Phải chăng đây là công trình dở dang vẫn còn nằm trên bàn giấy giáo hoàng theo lời kể của Đức TGM Capovilla, thư ký riêng của Chân Phúc Gioan XXIII. Dù sao, xin mời bạn đọc theo dõi thư của Đức HY Bergoglio gửi tín hữu Buenos Aires về Năm Đức Tin.

Anh chị em thân mến,

Trong số các kinh nghiệm đáng nhớ hơn cả của thập niên qua, ta nhận ra việc được thấy nhiều cửa bị đóng lại. Dần dần, việc càng ngày càng mất an ninh khiến chúng ta phải khóa chặt cửa, dùng nhiều loại phương tiện canh chừng, lắp đặt nhiều máy hình an tòan và không tin tưởng những người lạ tới gõ cửa.

Dù ở một số nơi, cửa vẫn để mở. Nhưng cửa đóng thực sự đã biểu tượng cho thời hiện đại của ta. Đây không hẳn chỉ là một sự kiện xã hội học đơn giản; nó là một thực tại hiện sinh tự áp đặt thành một lối sống, một lối chống lại thực tại, chống lại người khác và cả tương lai nữa.

Chiếc cửa khóa kín của nhà tôi, nơi diễn ra cuộc sống thân mật của tôi, các giấc mơ, các hy vọng, các đau buồn và các khoảnh khắc hạnh phúc của tôi, thẩy bị khóa kín phòng chống người khác. Và đây không phải chỉ là căn nhà vật lý; nó còn là trọn lãnh vực sống của tôi, trọn trái tim tôi. Càng ngày càng có ít người hơn vượt qua được ngưỡng cửa. Sự an toàn của chiếc cửa kiên cố bảo vệ sự bất an của một cuộc đời đang mỗi ngày mỗi trở nên mỏng dòn hơn và ít cởi mở hơn đối với những phong phú trong đời sống và tình yêu của người khác.

Hình ảnh chiếc cửa mở luôn biểu tượng cho ánh sáng, tình bạn, hạnh phúc, tự do và tin tưởng. Ta cần khám ra chúng xiết bao. Cửa đóng chỉ làm hại ta, thu nhỏ và tách biệt ta.

Nghịch lý thay, ta khởi đầu Năm Đức Tin và hình ảnh được Đức Giáo Hoàng đề ra lại là hình ảnh một chiếc cửa, một chiếc cửa mà ta phải bước qua để có thể tìm được điều ta hết sức cần xưa nay.

Qua tiếng nói và tâm hồn Vị Mục Tử của mình, là Đức Bênêđíctô XVI, Giáo Hội mời gọi ta bước qua ngưỡng cửa, thực hiện một bước tự do để tiến vào phía trong: tự sinh động hóa mình để bước vào sự sống mới.

Thuật ngữ “cửa dẫn vào đức tin” đem chúng ta trở về với Sách Tông Đồ Công Vụ: “Tới nơi, các ngài tập họp giáo hội lại và cho họ hay những gì Thiên Chúa đã thực hiện qua họ và cách Người mở cửa đức tin cho Dân Ngoại ra sao” (Cv 14:27).

Thiên Chúa luôn luôn nêu sáng kiến và Người không muốn ai bị loại. Thiên Chúa gõ cửa trái tim ta: Này, Ta đang ở ngoài cửa, kêu mời: ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào nhà nó, dùng bữa tối với nó và nó dùng bữa tối với Ta” (Kh 3:20).

Đức tin là một ơn thánh, một hồng phúc của Thiên Chúa

“Chỉ nhờ tin, đức tin mới lớn mạnh và được củng cố: liên tục phó thác cho bàn tay yêu thương vốn luôn được cảm nhận là lớn lao vì bắt nguồn từ chính Thiên Chúa”.

Bước qua ngưỡng cửa trên đòi trước đó phải khởi đầu một con đường hay một hành trình kéo dài suốt đời, trong khi vượt qua không biết bao nhiêu chiếc cửa mở sẵn cho ta, mà nhiều chiếc chỉ là những cửa giả tạo, những chiếc cửa mời mọc ta cách quyến rũ nhưng là cách đầy láo khoét khiến ta lấn sâu trên con đường đó, bằng cách hứa hẹn đem lại cho ta một hạnh phúc trống rỗng tự kỷ, một hạnh phúc lúc nào cũng có kỳ hạn. Những chiếc cửa này sẽ dẫn ta tới những ngã ba đường, nơi mà bất cứ chọn ngả nào, chẳng chóng thì chầy, đều đem lại đau khổ, bối rối. Chúng là những chiếc cửa tự tập chú vào mình nên sẽ tàn tạ và không đảm bảo chi cho tương lai.

Trong khi cửa các nhà đóng, thì cửa các khu buôn bán vẫn luôn rộng mở. Ta bước qua cửa đức tin, ta bước qua ngưỡng cửa này, khi Lời Thiên Chúa được công bố và trái tim ta để nó được lên khuôn bởi ơn thánh biến đổi. Một ơn thánh có tên cụ thể, và tên đó chính là tên Giêsu. Chúa Giêsu là cửa (Ga 10:9). Người, và chỉ Người mà thôi, là cửa và sẽ luôn luôn là cửa. Không ai đến với Chúa Cha ngoại trừ phải qua Người (Ga 14:6). Nếu không có Chúa Kitô, sẽ không có đường dẫn tới Thiên Chúa. Là cửa, Người mở lối cho ta tới Thiên Chúa. Là Mục Tử Tốt Lành, Người cũng là Đấng Duy Nhất săn sóc ta bằng chính giá sự sống của Người.

Chúa Giêsu là cửa và Người gõ cửa lòng ta để ta cho phép Người bước qua ngưỡng cửa đời ta. “Các con đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, Chân Phúc Gioan Phaolô II dạy ta như thế ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài. Mở cửa lòng ta như các môn đệ Emmau từng làm là xin Người ở lại với ta để ta có thể bước qua ngưỡng cửa đức tin và để Chúa đưa ta tới chỗ thấu hiểu các lý do khiến ta tin, sau đó để ta ra đi loan báo đức tin ấy. Đức tin luôn giả thiết điều này: ta nhất quyết ở với Chúa, sống với Người và chia sẻ sự sống ấy với các anh chị em mình.

Ta tạ ơn Chúa đã ban cho ta dịp này để ta hiểu được giá trị đời sống làm con Chúa của mình nhờ hành trình đức tin này, một hành trình đã khởi đầu từ lúc lãnh nhận nước rửa tội, dòng nước bất tận và đầy hiệu quả, biến ta thành con cái Chúa và thành anh chị em của nhau trong Chúa Kitô.

Mục đích, mục tiêu của năm đức tin này là gặp gỡ Chúa, Đấng mà ta đã bước vào hiệp thông với và là Đấng luôn muốn phục hồi ta, thanh tẩy ta, nâng ta dậy và thánh hóa ta, cùng ban cho ta niềm hạnh phúc mà trái tim ta hằng khát khao.

Bắt đầu năm đức tin này là lời mời gọi ta thâm hậu hóa trong đời sống ta đức tin mà ta từng nhận lãnh. Tuyên xưng đức tin bằng lời lẽ bao hàm việc phải sống nó trong tâm hồn và biểu lộ nó ra trong tất cả những gì chúng ta hành động: Đây là một lời chứng và một cam kết công khai. Nó là một thách đố quan trọng và mạnh mẽ đối với cuộc sống hằng ngày, với niềm xác tín rằng Đấng khởi đầu việc làm tốt nơi anh chị em cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hóa việc làm này cho tơí ngày Chúa Giêsu Kitô lại đến (Pl 1:6). Nhìn vào thực tại của ta, như những môn đệ được sai đi, ta hãy tự vấn xem việc bước qua ngưỡng cửa đức tin này đem lại cho ta thách đố nào?

Bước qua ngưỡng cửa Đức Tin

Bước qua ngưỡng cửa đức tin này thách thức ta khám phá ra rằng dù sự chết xem ra đang thống trị dưới nhiều hình thức khác nhau và lịch sử ta đang bị cai trị bởi luật của kẻ mạnh nhất và khôn lanh nhất và ganh ghét cũng như tham vọng đang là những lực lượng dẫn đạo trong rất nhiều cuộc đấu tranh của con người thời nay, ta vẫn tuyệt đối xác tín rằng thực tại đáng buồn này có thể và nhất định sẽ thay đổi, vì ‘Nếu Thiên Chúa ở với ta, ai có thể thắng được ta?’ (Rm 8:31, 37).

Bước qua ngưỡng cửa đức tin này giả thiết ta không được xấu hổ vì đã có trái tim của trẻ thơ, một trái tim nhờ biết tin vào những điều không thể có, nên vẫn sống trong hy vọng, là điều duy nhất có khả năng đem ý nghĩa và biến đổi lịch sử ta. Nó có nghĩa liên tục cầu xin, cầu xin không mệt mỏi và liên tục thờ lạy để tầm nhìn của ta được biến đổi.

Bước qua ngưỡng cửa đức tin này khiến chúng ta cầu xin cho mọi người có được “cùng những tâm tình như Chúa Kitô” (Pl 2-5), để ai cũng tìm được đường lối mới để suy nghĩ, để thông đạt với nhau, để nhìn vào nhau, để kính trọng lẫn nhau, để cùng nhau làm một gia đình, để đặt kế hoạch cho tương lai, để sống thực tình yêu và ơn gọi của ta.

Bước qua ngưỡng cửa đức tin là trở nên tích cực, tin tưởng vào quyền năng của Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội và trong các dấu chỉ của thời đại. Điều này có nghĩa ta sẽ tham gia vào sự chuyển vần không ngừng của sự sống và lịch sử mà không rơi vào chủ nghĩa chủ bại vốn có tính làm tê liệt vì cho rằng mọi điều trong quá khứ đều hay hơn. Điều này cũng có nghĩa phải khẩn cấp suy nghĩ theo lối mới, đưa ra các gợi ý mới mẻ, tinh thần sáng tạo mới, nhào nặn cuộc đời bằng “men mới của công lý và thánh thiện” (1Cor 5:8).

Bước qua ngưỡng cửa đức tin hàm nghĩa rằng ta có mắt để ngạc nhiên và một trái tim không quen thuộc lười biếng, nhưng có khả năng nhìn nhận rằng mỗi lần người đàn bà sinh nở đều là một cuộc đánh cá nữa cho sự sống và tương lai; rằng, khi bảo vệ nét ngây thơ vô tội của trẻ em, ta đang bảo đảm sự thật của ngày mai và khi chăm sóc dịu dàng sự sống của một người cao niên, ta đang hành động một cách công chính và đang âu yếm chính cội rễ của mình.

Bước qua ngưỡng cửa đức tin là làm việc với phẩm giá và ơn gọi phục vụ bằng đức quên mình của một người luôn trở tới trở lui không biết mệt, như thể mọi sự làm xưa nay chỉ là một bước trong cuộc hành trình về Nước Trời, nơi viên mãn của sự sống. Đây là lúc im lặng ngồi chờ sau một ngày gieo vãi: đây là lúc chiêm niệm mùa gặt sắp thu, cảm tạ Chúa vì Người tốt lành, cầu xin Người đừng bỏ rơi công trình của tay Người (Tv 137).

Bước qua ngưỡng cửa đức tin đòi ta phải tranh đấu cho tự do và sự sống cùng với người khác dù bốn phía đang chần chờ, vì xác tín rằng Chúa đòi ta phải sống công chính, yêu điều thiện và khiêm nhưởng bước đi với Người (Mk 6:8).

Bước qua ngưỡng cửa đức tin mang sâu trong nó cuộc hồi hướng liên tục các thái độ, các sắc thái và âm sắc sống của ta. Nó đòi một việc lên công thức lại, chứ không vá víu hay đánh bóng. Nó có nghĩa chấp nhận hình thức mới mà Chúa Giêsu Kitô đã in nơi kẻ được bàn tay và Tin Mừng sự sống của Người đụng tới. Nó cũng có nghĩa làm một điều gì hoàn toàn mới cho xã hội và cho Giáo Hội; vì “Ai ở trong Chúa Kitô đều là một tạo vật mới” (2Cor 5:17-21).

Bước qua ngưỡng cửa đức tin sẽ dẫn ta tới việc tha thứ và biết cách nở một nụ cười. Điều này có nghĩa phải tiếp cận bất cứ ai sống bên lề nhân sinh và gọi họ bằng tên. Là phải chú ý tới tính mỏng dòn của người yếu đuối nhất và nâng đỡ những đầu gối đang run rẩy của họ trong niềm xác tín rằng bất cứ ta làm gì cho một người bé nhỏ nhất trong anh chị em ta là ta đang làm điều đó cho chính Chúa Giêsu (Mt. 25:40).

Bước qua ngưỡng cửa đức tin đòi ta phải cử hành sự sống. Nó đòi ta phải để mình được biến đổi vì ta đã trở nên một với Chúa Giêsu tại bàn tiệc Thánh Thể cử hành trong cộng đoàn và từ đó bàn tay và tâm óc ta luôn bận bịu với dự án vĩ đại của Nước Trời: mọi sự khác sẽ được ban thêm cho ta (Mt. 6.33).

Bước qua ngưỡng cửa đức tin là sống tinh thần của Công Đồng Vatican II và của cuộc họp mới đây của các giám mục Mỹ Châu Latinh và vùng Caribbean tại Aparecida, tức tinh thần của một giáo hội mở cửa, không phải chỉ để nhận vào mà căn bản để đi ra ngoài, làm cho khắp phố phường và con người thời đại tràn đầy Tin Mừng.

Bước qua ngưỡng cửa đức tin, trong tổng giáo phận ta, đòi trước đó phải xác tín được Sứ Mệnh làm một giáo hội biết sống, cầu nguyện và làm việc với định hướng truyền giáo.

Bước qua ngưỡng cửa đức tin là dứt khoát tiếp nhận tính mới mẻ của sự sống nơi Chúa Kitô Phục Sinh, người đã trỗi dậy trong thân xác yếu hèn của ta để biến nó thành dấu chỉ sự sống mới.

Suy niệm tất cả các điều trên, ta nhìn lên Mẹ Maria. Xin ngài, là Mẹ Đồng Trinh, đồng hành với chúng ta trong cuộc vượt qua ngưỡng cửa đức tin này và đem Chúa Thánh Thần đến cho Giáo Hội, như xưa Người đã đến Nadarét, để cũng như Đức Mẹ, ta có thể thờ lạy Chúa và lên đường loan báo những kỳ công Người đã thực hiện nơi chúng ta.

Cardenal Jorge Bergoglio
Buenos Aires
Tháng Mười, 2012
 
ĐTC Phanxicô gửi điện văn và ban phép lành Tòa Thánh cho 13 tân phó tế Dòng Tên
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
18:52 03/04/2013
ROMA (Zenit.org) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi điện văn và ban phép lành Tòa Thánh cho 13 tân phó tế Dòng Tên ngay sau thánh lễ truyền chức được Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa chủ sự vào lúc 16 giờ chiều Thứ Ba 02.04.2013 tại nhà thờ Chúa Giêsu ở Roma.

Các phó tế này đang theo học tại Học Viện Quốc Tế của Dòng ở Rôma và thuộc 10 quốc tịch khác nhau, như : Italia, Croatia, Bồ Đào Nha (2), Ba Lan, Bêlarút, Pêru, Vênêzuela (2), Việt Nam (2), Bănglađét, và Inđônêxia. Trong đó, Danh tánh hai thầy phó tế Việt Nam là Cao Gia An và Nguyễn Mai Kha.

Điện văn của Đức Thánh Cha được đọc ngay sau thánh lễ truyền chức. Nhân dịp này, ngài không những ban phép lành Tòa Thánh Cho các tân phó tế, mà còn cho cả Dòng Tên, gia đình cũng như bạn bè của đương sự và cho tất cả những ai tham dự thánh lễ.

Trong đó, Đức Thánh Cha cũng nói rằng mình cầu nguyện cách riêng cho các tân chức để Thiên Chúa làm cho họ trở thành « người phục vụ » trong việc « loan báo Tin Mừng cho Dân Chúa », đồng thời ngài cũng kêu gọi thừa tác viên phó tế kiên trì trong việc bắt chước « Thầy Chí Thánh Giêsu, Người đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ ». Đức Thánh Cha cũng gửi gắm họ qua sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria.

Trong bài giảng của thánh lễ truyền chức, Đức Hồng Y chủ tế đã nhắn nhủ các ứng viên phó tế theo gương thánh nữ Mađalêna sau khi đã gặp và nhận ra Chúa Phục Sinh ngay lúc sáng sớm đã chạy để báo tin vui Phục Sinh cho các Tông Đồ theo lời đề nghị của Chúa Giêsu. Đức Hồng Y Ravasi cũng nhấn mạnh rằng chức năng phó tế là phục vụ Lời Chúa và thực thi bác ái, nhất là biết đem bác ái này đến cho môi trường xung quanh mình.

Trưa hôm nay, 03.04.2013, các tân phó tế cùng với gia đình đã tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha, và ngài cũng đã ngỏ lời với họ.
 
Top Stories
Vietnam: Le président de la Commission épiscopale ‘Justice et Paix’ et l’évêque de Hai Phong demandent la libération immédiate de M. Doan Van Vuon et de ses frères
Eglises d'Asie, 2 avril 2013
11:55 03/04/2013
Le 2 avril 2013 a débuté le procès de M. Doan Van Vuon et de ses frères qui avaient défendu leurs biens, les armes à la main, lors d’une opération d’expropriation illégale menée par les autorités régionales à Tiên Lang, près de Hai Phong. Ils sont jugés par le Tribunal populaire de Hai Phong pour homicide. Les épouses des deux principaux accusés de ce procès comparaîtront dans quelques jours devant le même tribunal pour « opposition à des agents du gouvernement dans l’exercice de fonctions ».

L’annonce de ces procès, le 18 mars dernier, avait soulevé une grande vague de réprobation, non seulement dans la région où s’était déroulée l’affaire, mais aussi dans tout le pays. Des pétitions en faveur des accusés ont recueilli en quelques jours des dizaines de milliers de signatures. La plus remarquable de ces interventions est certainement une lettre rédigée conjointement par l’évêque du diocèse de Hai Phong, Mgr Joseph Vu Van Thiên, et par le président de la Commission nationale ‘Justice et Paix’, Mgr Paul Nguyên Thai Hop, suivie de leurs deux signatures. L’évêque de Hai Phong avait, dès le début de l’affaire, soutenu la cause de M. Doan Van Vuon dans une lettre qu’il avait rendue publique.

Après avoir résumé toute l’affaire, les deux évêques déconstruisent, les unes après les autres, les accusations portées contre les accusés, tout en soulignant le caractère illégal de l’expropriation forcée du terrain et de l’entreprise de M. Vuon. Pour les deux évêques, l’innocence des accusés est totale et une seule solution s’impose: leur libération immédiate.

La rédaction d’Eglises d’Asie a traduit en français le texte vietnamien de cette lettre qui est datée du 29 mars 2013.



Au Tribunal populaire de la ville de Hai Phong.

Après avoir reçu le communiqué de la décision fixant la date du procès ainsi qu’un appel à l’aide du représentant de la famille de Doan Van Vuon en date du 26 mars 2013, nous avons pensé que nous manquerions à nos devoirs si nous ne vous envoyions pas cette lettre, qui marque notre accord avec l’opinion publique.

L’affaire est longue et comporte des éléments fort complexes. Cependant, on a pu suivre facilement son déroulement partout grâce aux mass médias. Son contenu est simple: un pisciculteur, Doan Van Vuon, qui avait vu ses plaintes auprès des diverses autorités rester sans solution satisfaisante, s’est opposé, avec ses proches, à l’expropriation forcée et illégale de son exploitation ordonnée par les autorités régionales afin de sauvegarder les constructions édifiées par lui. Son entreprise était le fruit de sa sueur, de ses efforts, et de celle de ses proches, pendant des dizaines d’années consacrées à l’élevage des poissons et des crustacés. Ils y avaient été invités par les autorités elles-mêmes qui les avaient encouragés à défricher la région.

L’opinion publique au Vietnam et dans le monde ainsi que de nombreux hauts dirigeants du pays ont sympathisé avec M. Vuon et ses frères et soutenu leur juste cause. Dans le même temps, ils ont condamné la violence des autorités du district de Tiên Lang et de la commune de Vinh Quang. Celles-ci ont appliqué la loi d’une façon erronée, outrepassant leur droit en recourant à la violence, en mobilisant du personnel pour s’emparer d’un terrain, propriété légale d’un citoyen et propriété garantie par la loi. Cela a été affirmé vigoureusement par le Premier ministre lui-même, lors d’une réunion portant sur cette expropriation forcée, à laquelle ont participé de nombreux organismes et services, le 10 février 2012: « La décision de récupérer le terrain n’étant pas conforme aux dispositions de la loi sur les terres, il s’ensuit que la décision d’expropriation forcée n’est pas conforme à la loi. Par ailleurs, l’organisation de la récupération forcée de terrains par le Comité populaire du district de Tiên Lang est entachée de nombreuses irrégularités et erreurs. »

Malgré cela, la Sécurité de la ville de Hai Phong a ouvert une instruction contre les membres de la famille de M. Vuon, les a arrêtés ou assignés à résidence pour le temps de l’enquête. Le 4 janvier 2013, le Parquet de Hai Phong a rendu public un acte d’accusation très lourd contre M. Vuon et ses frères. Plus particulièrement, le 18 mars 2013, le Tribunal populaire de Hai Phong a annoncé que l’affaire allait être jugée. Selon cette décision, les quatre membres de la famille M. Vuon (…) sont l’objet de poursuites judiciaires de la part du Parquet populaire de Hai Phong pour homicide, tel qu’il est défini à l’article 93, paragraphe 1, alinéa d, du Code pénal. Ils seront jugés du 2 au 5 avril 2013 par le Tribunal populaire de Hai Phong. Quant à Mme Pham Thi Ban et Mme Nguyên Thi Thuong (épouses des deux principaux accusés), des poursuites sont engagées contre elle par le Parquet populaire pour s’être opposées à un agent dans l’exercice de ses fonctions, infraction définie à l’article 257, paragraphe 2, alinéa d du Code pénal. Elles seront jugées du 8 au 10 avril 2013 par le Tribunal populaire de Hai Phong.

Cette fois-ci, l’opinion publique constate qu’une famille est jetée en prison pour s’être opposée à des agissements illégitimes. Une famille est poursuivie et jugée en vertu d’une loi sur les terrains qui ne donne satisfaction à personne et surtout à la suite d’une opération menée au mépris de tous les règlements par les autorités régionales. Comment l’opinion publique pourrait-elle considérer que cette famille est poursuivie pour de justes motifs ? La vérité est celle-ci: des paysans sans malice ont été acculés le dos au mur et ils ont pensé qu’ils ne pouvaient compter que sur leurs propres forces pour s’opposer à une opération illégale menée par des intrus et pour sauvegarder cette portion de terrain qu’ils avaient arrosée de leur sueur et fertilisée par leurs efforts pendant plus de vingt ans.

Pourra-t-on accepter qu’une sentence soit prononcée sur la base d’un acte d’accusation qui ne respecte pas la réalité, dépourvu d’arguments juridiques et ne tenant aucun compte de l’opinion commune ? Nous proposons que le Tribunal populaire de la ville de Hai Phong ainsi que les principaux responsables laissent parler la justice. Qu’ils s’enracinent dans le peuple pour le protéger, pour protéger la justice.

Il est donc nécessaire de libérer les membres de la famille de M. Vuon (NdT: souligné dans le texte), car ceux-ci n’ont pas commis le crime d’homicide tel qu’il est défini à l’alinéa d du paragraphe 1 de l’article 93 du Code pénal. Ils ne sont pas non plus coupables de s’être opposés à des agents dans l’exercice de leur fonction, crime décrit à l’article 257, paragraphe 2, alinéa d, du Code pénal. Car, comme il a été dit plus haut, selon les conclusions d’une enquête d’un organisme gouvernemental, publiées le 10 février 2012, la décision de récupérer le terrain n’étant pas conforme aux dispositions prévues par la loi, la confiscation forcée du terrain était elle-même contraire à la loi. Le fait que cette récupération forcée a été commandée et exécutée par les dirigeants du district de Tiên Lang constitue une grave violation de la loi, un abus de fonction et de pouvoir portant atteinte aux biens et aux intérêts légitimes d’un citoyen, obligeant les autorités du district de Tiên Lang à indemniser la famille de M. Doan Van Vuong – indemnisations qui ont d’ailleurs été réellement versées.

Ainsi, l’expropriation forcée menée par les autorités du district de Tiên Lang étant une violation de la loi, par nature, elle ne peut plus être considérée comme ayant été menée dans « l’exercice de fonctions légitimes ». En outre, le fait que les forces engagées dans cette opération aient été illégalement équipées d’armes pour porter atteint aux intérêts légitimes d’un citoyen est d’une extrême gravité. Les précautions prises par les membres de la famille de Doan Van Vuon en enterrant des explosifs rudimentaires autour de leur jardin et en s’équipant de fusil de chasse avaient pour objectif légitime l’autodéfense (Cf. le paragraphe 1 de l’article 15 du Code pénal), la protection de leur vie et des intérêts légitimes de leur famille. Cette autodéfense n’a pas, semble-t-il, dépassé les limites, car en réalité elle n’a pas entraîné de conséquences graves pour la vie de ceux qui étaient « des intrus ».

Il est donc clair que M. Doan Van Vuon et les membres de sa famille, pour la protection de leurs intérêts légitimes, se sont défendus contre des personnes qui, en infraction avec la loi, portaient atteinte à leurs intérêts légitimes de citoyen. Cette autodéfense, en elle-même, n’est pas un crime. Elle est autorisée par la loi du Vietnam et le droit international.

Ils doivent donc être libérés et recevoir une indemnité convenable. (NdT: souligné dans le texte)

Nous proposons donc au Tribunal populaire de la ville de Hai Phong, en tant qu’unique organisme ayant compétence pour juger de façon indépendante des autres organes de l’Etat, de faire œuvre objective au cours de ce procès en première instance, et de se conformer à l’esprit qui anime la réforme de la Constitution que le Vietnam s’efforce d’améliorer. (…).

(Ce texte est suivi de la signature de Mgr Paul Nguyên Thai Hop, président de la Commission épiscopale ‘Justice et Paix’, et de celle de l’évêque du diocèse de Hai Phong, Mgr Joseph Vu Van Thiên).

(Source: Eglises d'Asie, 2 avril 2013)
 
Audience: The fundamental role of women in the Church
Vatican Radio
13:38 03/04/2013
For the third time this week Pope Francis returned to the topic of women in the Church in his general audience catechesis. On Holy Saturday he had dedicated his Easter Vigil Homily to the women as the first witnesses to the novelty of the Resurrection. On Tuesday morning he had spoken of the tears of the Magdalene and how we should follow her example of faith in our life’s journey. On Wednesday he expanded his reflections to the women of the world, whom he said have a special and fundamental role in the Church and the transmission of the faith . Departing from his scripted text, as is now his very own tradition, he appealed: “Mothers go forward with this witness to the Risen Christ!”.

Looking out over the tens of thousands present, Pope Francis returned to the catechesis on teh Year of Fith and in particular the Creed. He spoke of how the in the professions of faith of the New Testament, only men are remembered as witnesses of the Resurrection, the Apostles, but not the women. “This is because, according to the Jewish Law of the time, women and children were not considered reliable, credible witnesses. In the Gospels, however, women have a primary, fundamental role. Here we can see an argument in favor of the historicity of the Resurrection: if it were a invented, in the context of that time it would not have been linked to the testimony of women. Instead, the evangelists simply narrate what happened: the women were the first witnesses. This tells us that God does not choose according to human criteria: the first witnesses of the birth of Jesus are the shepherds, simple and humble people, the first witnesses of the Resurrection are women. This is beautiful, and this is the mission of women, of mothers and women, to give witness to their children and grandchildren that Christ is Risen! Mothers go forward with this witness! What matters to God is our heart, if we are open to Him, if we are like trusting children. But this also leads us to reflect on how in the Church and in the journey of faith, women have had and still have a special role in opening doors to the Lord, in following him and communicating his face, because the eyes of faith always need the simple and profound look of love. The Apostles and disciples find it harder to believe in the Risen Christ, not the women however! Peter runs to the tomb, but stops before the empty tomb; Thomas has to touch the wounds of the body of Jesus with his hands. In our journey of faith it is important to know and feel that God loves us, do not be afraid to love: faith is professed with the mouth and heart, with the word and love”.

The crowds had formed queues since early morning around the entrance to St Peter’s Square and spilled through the barricades under the eyes of the Pontifical Swiss Guard to guarantee their place closer to where the Pope would pass in his open topped jeep, hoping to be able to personally greet the Holy Father.

The audience began promptly at 10:30 and - as has become the norm with Pope Francis - was in Italian with speakers from the Secretariat of State translating summaries into the main languages.

This morning’s audience was also enlivened by the presence of Gospel choirs composed of young people from the US and Great Britain. Reflecting the Easter spirit, they sang the Alleluia, to the joy and appreciation of Pope Francis who applauded them from the raised dais in front of St Peter’s basilica.

And indeed, noting the large presence of young people at Wednesday’s audience, the Pope added an extra unscripted greeting for them at the end of his main catechesis: “I see that there are many young people in the Square! Young boys and girls, to you I say bring forth this certainty to the world: the Lord is Alive and walks beside us on our life’s journey! Bring forth this hope, be anchored in this hope, the hope that comes from heaven! Be anchored and bring forth the hope! You witnesses of Christ bring forth hope to this world that is aged by wars and sin! Go forward young people!”.

Below we publish a Vatican Radio transcript and translation of the full text of Pope Francis’ Wednesday General Audience:

Dear Brothers and Sisters,

Today we turn to the Catechism of the Year of Faith. In the Creed we repeat this phrase: "He rose again on the third day, in accordance with the Scriptures". This is the very event that we are celebrating: the Resurrection of Jesus, the center of the Christian message that has resounded since the beginning and has been handed down so that it may reach us today. Saint Paul writes to the Christians of Corinth: "For I handed on to you …what I also received: that Christ died for our sins in accordance with the scriptures; that he was buried; that he was raised on the third day in accordance with the scriptures; that he appeared to Cephas, then to the Twelve"(1 Cor 15:3-5). This brief confession of faith announces the Paschal Mystery, with the first appearances of the Risen Christ to Peter and the Twelve: the Death and Resurrection of Jesus is the heart of our hope. Without this faith in the Death and Resurrection of Jesus our hope would be weak, but it wouldn’0t even be hope, the Death and Resurrection of Jesus is the heart of our hope. The Apostle says: "If Christ has not been raised, your faith is vain; you are still in your sins" (v. 17).

Unfortunately, there have often been attempts to obscure faith in the Resurrection of Jesus, and doubts have crept in even among believers themselves. A watered down faith, as we would say, not a strong faith. This is because of superficiality, sometimes because of indifference, occupied by a thousand things considered more important than the faith, or because of a purely horizontal vision of life. But it is the Resurrection that gives us the greatest hope, because it opens our lives and the life of the world to the eternal future of God, to full happiness, to the certainty that evil, sin, death can be defeated. And this leads us to live everyday realities with more confidence, to face them with courage and commitment. The Resurrection of Christ shines a new light on these daily realities. The Resurrection of Christ is our strength!

But how was the truth of faith in Christ’s Resurrection transmitted? There are two kinds of witness in the New Testament: some are in the form of the profession of the faith, namely, synthetic formulas that indicate the center of the faith. Instead, others are in the form of an account of the event of the Resurrection and the facts connected to it. The form of the profession of faith, for example, is what we have just heard, or that of the Letter to the Romans where Paul writes: " for, if you confess with your mouth that Jesus is Lord and believe in your heart that God raised him from the dead, you will be saved "(10.9). From the earliest days of the Church, faith in the Mystery of Death and Resurrection of Jesus is steadfast and clear.

Today, however, I would like to dwell the second, on testimony in the form of the accounts that we find in the Gospels. First, we note that the first witnesses to this event were the women. At dawn, they go to the tomb to anoint the body of Jesus, and find the first sign: the empty tomb (Mk 16:1). This is followed by an encounter with a Messenger of God who proclaims: Jesus of Nazareth, the Crucified One, he is not here, he is risen (cf. vv. 5-6). The women are driven by love and know how to accept this proclamation with faith: they believe, and immediately transmit it, they do not keep it for themselves. They cannot contain the joy of knowing that Jesus is alive, the hope that fills their heart. This should also be the same in our lives. Let us feel the joy of being Christian! We believe in the Risen One who has conquered evil and death! Let us also have the courage to "go out" to bring this joy and light to all the places of our lives! The Resurrection of Christ is our greatest certainty, it is our most precious treasure! How can we not share this treasure, this beautiful certainty with others! It’s not just for us it’s to be transmitted, shared with others this is our testimony!

Another element. In the professions of faith of the New Testament, only men are remembered as witnesses of the Resurrection, the Apostles, but not the women. This is because, according to the Jewish Law of the time, women and children were not considered reliable, credible witnesses. In the Gospels, however, women have a primary, fundamental role. Here we can see an argument in favor of the historicity of the Resurrection: if it were a invented, in the context of that time it would not have been linked to the testimony of women. Instead, the evangelists simply narrate what happened: the women were the first witnesses. This tells us that God does not choose according to human criteria: the first witnesses of the birth of Jesus are the shepherds, simple and humble people, the first witnesses of the Resurrection are women. This is beautiful, and this is the mission of women, of mothers and women, to give witness to their children and grandchildren that Christ is Risen! Mothers go forward with this witness! What matters to God is our heart, if we are open to Him, if we are like trusting children. But this also leads us to reflect on how in the Church and in the journey of faith, women have had and still have a special role in opening doors to the Lord, in following him and communicating his face, because the eyes of faith always need the simple and profound look of love. The Apostles and disciples find it harder to believe in the Risen Christ, not the women however! Peter runs to the tomb, but stops before the empty tomb; Thomas has to touch the wounds of the body of Jesus with his hands. In our journey of faith it is important to know and feel that God loves us, do not be afraid to love: faith is professed with the mouth and heart, with the word and love.

After the apparitions to women, there were others: Jesus becomes present in a new way: He is the Crucified One, but his body is glorious; He did not return to an earthly life, but a new condition. At first they did not recognize him, and only through his words and deeds were their eyes opened: the encounter with the Risen Lord transforms, it gives new strength to faith, an unshakable foundation. The Risen Christ also reveals Himself to us with many signs: Sacred Scripture, the Eucharist, the other Sacraments, charity, these gestures of love bring a ray of the Risen One.

Let us be enlightened by the Resurrection of Christ, let us be transformed by His power, so that through us the signs of death give way to signs of life in the world! I see that there are many young people in the Square! Young boys and girls, to you I say bring forth this certainty to the world: the Lord is Alive and walks beside us on our life’s journey! Bring forth this hope, be anchored in this hope, the hope that comes from heaven! Be anchored and bring forth the hope! You witnesses of Christ bring forth hope to this world that is aged by wars and sin! Go forward young people!

Below we publish the English summary of the Wednesday General Audience catechesis.

Taking up the series of Catechesis on the Creed, we now turn to the passage: “He rose again on the third day, in accordance with the Scriptures”. Our belief in Christ’s Resurrection is the very heart of our faith, the basis of our hope in God’s promises and our trust in his victory over sin and death. The first witnesses of the Resurrection were women: moved by love to go to the tomb, they accept with joy the message of the Resurrection and then tell the good news to the Apostles. So it must be with us; we need to share the joy born of our faith in the Resurrection! In Church’s history, women have had a special role in opening doors to faith in Christ, for faith is always a response to love. With the eyes of faith, we too encounter the risen Lord in the many signs of his presence: the Scriptures, the Eucharist and the other sacraments, and the acts of charity, goodness, forgiveness and mercy which bring a ray of his Resurrection into our world. May our faith in the risen Christ enable us to be living signs in our world of the triumph of life and hope over evil, sin and death.* * *

I offer a warm welcome to all the English-speaking visitors present at today’s Audience, including those from England, Scotland, Wales, Ireland, Norway, Sweden, Australia, the Philippines, Canada and the United States. In a special way I greet the newly-ordained deacons from the Pontifical Irish College and their families. My greeting also goes to the delegation from the United States Senate. I thank the choirs for their praise of God in song. With great affection I invoke upon all of you the joy and peace which are the abiding gifts of the risen Lord.
 
Inde: Le recteur du séminaire de Bangalore assassiné la nuit du dimanche de Pâques
Eglises d'Asie
14:57 03/04/2013
Le P. K. J. Thomas, 62 ans, recteur du très réputé séminaire pontifical Saint-Pierre à Bangalore, au Karnataka, a été assassiné avec une grande violence la nuit du dimanche de Pâques par des agresseurs non identifiés et dans des circonstances encore mal définies. La communauté catholique est sous le choc et la police n’écarte pour le moment aucune hypothèse.

« C’est absolument incompréhensible : on ne lui connaissait aucun ennemi, il était très aimé, et venait de voir son mandat reconduit », rapporte à Eglises d’Asie le P. Rossignol, prêtre des Missions Etrangères de Paris (MEP) et ancien recteur lui-même du séminaire de Bangalore.

Le P. Thomas a été retrouvé mort à l’aube du lundi 1er avril, baignant dans son sang, le visage tellement mutilé que ceux qui l’ont découvert ont eu du mal à l’identifier. Les traces de pas, les nombreux coups portés et les traînées de sang semblent indiquer que le prêtre a tenté d’échapper à ses agresseurs – ils auraient été trois selon la police – qui l’auraient poursuivi depuis sa chambre près de l’entrée du bâtiment jusqu’au réfectoire situé au rez-de-chaussée pour finir par le frapper dans la cour centrale où ils lui auraient écrasé le visage et la tête à coups de briques. Le corps du recteur a été ensuite traîné jusqu’à la salle de repos des professeurs où il a été retrouvé au petit matin par le P. Patrick Xavier, économe du séminaire.

La mort a dû survenir entre 2h30 et 3 heures du matin, ce qui concorde avec le témoignage du P. Patrick Xavier, lequel a déclaré avoir entendu du bruit et des cris, mais les avoir attribués à la violente pluie de mousson qui s’abattait alors sur Bangalore. Les deux agents de sécurité du séminaire ont reconnus, quant à eux, avoir quitté leur poste pour se mettre à l’abri de l’orage et s’être endormis.

La police a déclaré ne vouloir écarter aucune piste, le mobile du meurtre demeurant le principal mystère de l’affaire, le P. Thomas étant décrit de façon unanime comme un « homme de paix et de générosité », n’ayant jamais été la cible d’aucune critique ni l’objet d’aucune querelle. Si les enquêteurs, comme l’entourage du prêtre, semblent avoir rapidement écarté l’inimitié personnelle ou la vengeance pour expliquer l’assassinat du recteur, ils considèrent cependant comme une hypothèse crédible le fait que l’attaque ait pu être préméditée.

« Il y a une possibilité que ce meurtre fasse partie de ces agressions anti-chrétiennes qui se produisent hélas de plus en plus fréquemment au Karnataka, reconnaît le P. Rossignol qui rappelle que l’Etat a subi ces dernières années de nombreux actes de violences à l’encontre de prêtres, de religieuses ou un grand nombre de destructions de biens d’Eglise, notamment lors des pogroms de 2008. Mais l’entourage du P. Thomas et les autres prêtres du séminaire pensent qu’il s’agit d’un crime crapuleux, favorisé par les circonstances et la défaillance de la sécurité. »

Cependant, la police, qui avait dans un premier temps envisagé l’hypothèse d’une tentative de vol qui aurait mal tourné, est revenue ensuite sur ses déclarations, soulignant que malgré la mise à sac des bureaux de l’accueil et de la chambre du P. Thomas aucun objet de valeur n’avait été dérobé et que les agresseurs avaient également dédaigné le portable, l’iPad et l’ordinateur du prêtre. L’acharnement avec lequel les trois hommes ont ensuite poursuivi et massacré avec une rare férocité le recteur, ne plaide pas non plus en faveur de l’incident non prémédité.

Selon la police, les agresseurs, qui ont pénétré par la porte principale, « connaissaient les lieux » et « avaient planifié leur action ». L’immense bâtiment était vide de ses 150 pensionnaires – les étudiants venant de partir pour les vacances de Pâques –, les locaux avaient été laissés sans surveillance par les gardes et, autre malheureux concours de circonstances, le commissariat tout proche, qui avait l’habitude d’effectuer des rondes nocturnes devant le séminaire, ne l’avait justement pas fait ce soir-là. Le commissaire chargé de l’enquête a fait également remarquer que des voleurs professionnels auraient difficilement commis certaines erreurs comme d’essayer d’essuyer les traces de sang sur les pavés de la cour avec les vêtements de leur victime, et prendre le temps de saccager les bureaux sans pour autant rien emporter.

Ces récentes déclarations ont contribué à relancer des rumeurs circulant déjà depuis l’annonce du meurtre du recteur lundi 1er avril – sur les réseaux sociaux notamment –, accusant des factions nationalistes du Tamil Nadu ou du Karnataka de s’en être pris au P. Thomas en raison du statut particulier du séminaire Saint-Pierre qui accueille de futurs prêtres en provenance du Karnataka et du Tamil Nadu (1). Certains nationalistes pro-kannada (comme l’Akhila Karnataka Catholic Chraistara Sangha) réclament en effet depuis plusieurs années que le St Peter’s Seminary soit placé sous la direction exclusive d’évêques du Karnataka et n’accueille que des séminaristes issus de cet Etat où se trouve aujourd’hui le prestigieux établissement.

« L’histoire même du Séminaire Saint-Pierre va à l’encontre de ces revendications, (1) explique le P. Rossignol sous la direction duquel s’était effectuée en 1968 le « transfert » du séminaire, fondé et géré par les MEP entre les mains des évêques de Pondichéry (Tamil Nadu) et de Bangalore (Karnataka), pour y recevoir les futurs prêtres en formation des deux Etats. Le P. K. J Thomas était d’ailleurs du Kerala, et nul ne pouvait pas lui reprocher d’être acquis à l’une ou l’autre faction, c’était un homme réputé pour son caractère modéré et conciliant. »

Le recteur, originaire d’Ettumanoor (district de Kottayam) au Kerala, avait été ordonné prêtre pour le diocèse d’Ooty, au Tamil Nadu. Il avait fait ses études au séminaire Saint-Pierre, avant de parfaire sa formation au sein des universités de Mysore, de Madras et de Madurai. Après avoir soutenu une thèse de théologie à l’Université pontificale urbanienne à Rome, il avait rejoint l’équipe du St Peter’s Seminary avant d’être nommé à la tête du département de théologie, puis élu recteur en 2007. Le P. Thomas, dont le mandat avait été renouvelé récemment, avait passé trente ans de sa vie au service de l’institution, à différentes fonctions.

Une messe à la mémoire du P. Thomas s'est tenue hier matin dans la chapelle du séminaire, en présence de milliers de personnes, prêtres et religieuses se pressant aux côtés d’étudiants, de membres d’organisations œcuméniques ou interreligieuses, mais aussi d’hommes politiques divers, du BJP au Congrès.

Mgr Bernard Moras, archevêque de Bangalore, a prononcé un éloge ému du défunt, se faisant l’interprète du choc et de la consternation de la communauté : « Cet homme doux et pieux, qui a été massacré d’une façon terrible, barbare et insensée, est une grande perte pour nous tous, et spécialement pour tous les membres du séminaire. »

Mgr Moras, entouré de plusieurs évêques, a ensuite lu les nombreux messages de condoléances reçus (3) dont celui du cardinal Oswald Gracias, archevêque de Bombay, qui s’exprimait au nom de la Conférence des évêques de l’Inde mais aussi à titre personnel, déclarant que P. Thomas avait été pour lui « un ami cher, un prêtre plein d’humilité et de compassion, un homme bon et généreux, aimé de tous ».

L’inhumation du recteur du St Peter’s Seminary est prévue le 8 avril prochain dans son village natal d’Ettumanoor, au Kerala.

(1) Le séminaire Saint-Pierre a été ouvert à Pondichéry par les MEP en 1778 avant d’être déplacé à Bangalore, au Karnataka, en 1934. Premier séminaire régional de l’Inde, il est élevé au rang de séminaire pontifical en 1962. Bien que placé sous l’autorité de l’archevêque de Bangalore (Mgr Moras en est aujourd’hui l’actuel chancelier), le séminaire, en raison de ses origines pondichériennes, accueille les étudiants des deux Etats de l’Inde (les « Académies » de St Peter sont d’ailleurs réparties en trois langues : kannada, anglais et tamoul). Le St Peter’s Pontifical Seminary est aujourd’hui l’un des plus importants centres de formation et de recherche de l’Eglise catholique en Inde : il compte quatre facultés : théologie, philosophie, droit canon et missiologie.

(2) Parmi eux, les messages du nonce apostolique en Inde, Mgr Salavatore Pennacchio, de l’archevêque majeur de l’Eglise syro-malankare, Mar Baselios Cleemis, l’archevêque majeur de l’Eglise catholic syro-malabare, Mar George Alencherry, le cardinal Telesphore Placidus Toppo, archevêque de Ranchi.

(Source: Eglises d'Asie, 3 avril 2013)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cha Giuse Phạm Văn Tuệ đã qua đời
Lm Gioan Trần Công Nghị
11:46 03/04/2013
NEW ORLEANS - Cha Giuse Phạm Văn Tuệ đã được Chúa gọi về Nhà Cha trên trời lúc 4 giờ 20 sáng thứ Tư 3.4.2013 tại bệnh viện West Jefferson.

Sau 4 tuần lễ tĩnh dưỡng tại nhà ông bà Cố Phạm Văn Chí, được các em chăm sóc nhưng bệnh tình mỗi ngày một trầm trọng. Vào tuần lễ cuối cùng này, Cha đã được đưa trở lại ICU, Bệnh viện West Jefferson và đã ra đi theo tiếng gọi của Chúa toàn năng.

Cha Giuse Phạm văn Tuệ là Linh mục của Tổng Giáo phận New Orleans, Louisiana, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Lê Thị Thành. Cha sinh năm 1947 tại Giáo phận Phát Diệm. Học tại Tiểu chủng viện Phát Diệm Saigòn, sau đó gia nhập giáo phận Xuân Lộc, học tại Giáo Hoàng Học viện Pio X Đà Lạt. Năm 1967 Thầy Tuệ được Đức Giám Mục Lê Văn Ấn gửi đi du học Triết học và thần học tại Trường Truyền giáo Roma và được thụ phong Linh mục năm 1973. Từ năm 1975 đến nay phục vụ tại Tổng giáo phận News Orleans.

Tang lễ cho cho Giuse sẽ được thông báo sau. Xin cầu nguyện cho linh hồn Giuse.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
CĐCGVN - Nam Úc Ký Thỉnh Nguyện Thư Ủng Hộ HĐGM Việt Nam
Ban Truyền Thông SA
00:14 03/04/2013
Nam Úc Ký Thỉnh Nguyện Thư Ủng Hộ Việc Sửa Đổi Hiến Pháp Việt Nam của HĐGM Việt Nam

XEM TÊN & CHỮ KÝ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Xuân
Đặng Đức Cương
21:46 03/04/2013
NẮNG XUÂN

Ảnh của Đặng Đức Cương

Nắng xuân sưởi ấm lòng ta

Mùa đông tuyết giá đã qua mừng thầm

Hoa tươi khoe sắc hằng năm

Thời gian thay đổi trong tâm an hoà.

(Trích thơ của Minh Lương Trương Minh Sung)