Ngày 04-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tảng đá ngày lễ phục sinh
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:02 04/04/2010
Tảng đá ngày lễ phục sinh

Phúc âm thuật lại biến cố Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, đều ghi chú: tảng đá chắn cửa mồ đã lăn sang một bên.

Tảng đá trên nầm mồ nói gì với chúng ta về đức tin vào Chúa Giêsu đã sống lại?

Trên các nấm mồ người qua đời đều có bia đá cứng kích thước to nhỏ tùy theo thân nhân làm, dựng đặt trên mộ. Trên tấm bia đó có ghi tên hay có hình nữa, ngày tháng năm cùng nơi chốn sinh ra của người qúa cố; rồi hàng bên dưới có ghi ngày tháng năm nơi chốn qua đời của người qúa cố nằm trong nấm mồ này.

Bia đá đó khác nào như tấm căn cước của người đã qua đời. Bia đá khác nào như cánh cửa của ngôi nhà nấm mồ của người đã qua đời nằm yên nghỉ trong đó. Và khi người khác đến thăm viếng nhận ra mộ thân nhân người quá cố của mình, và nhận ra giới hạn ngưỡng cửa mà dừng chân lại không được tiếp tục đi thêm nữa.

Tảng đá nơi cửa mồ chôn Chúa Giêsu chắc là cũng phải có những dữ kiện ghi lại như thế. Nhưng khi các người phụ nữ lúc tảng sáng sớm đầu tiên ra viếng mộ Chúa Giêsu, họ muốn đọc kinh cầu nguyện than khóc, cắm hoa nến, sửa sang lại mặt nền ngôi mộ. Họ làm vì tình yêu mến Chúa. Nhưng họ đã chứng kiến cảnh hoàn toàn trái ngược: Tảng đá chắn lấp cửa mồ chôn Chúa Giêsu chết đã lăn sang một bên! Và họ còn được Thiên Thần nói cho biết: Chúa Giêsu đã sống lại không còn trong nấm mồ này nữa.

Họ kinh ngạc bán tín bán nghi. Nhưng họ cảm nhận ra rằng sự sống không còn bị cản ngăn chắn vướng lối đi nữa. Vì tảng bia đá chắn ngang cản sự sống đã được vần lăn sang một phía bên cạnh, và sự sống đã bừng lên nơi Chúa Giêsu.

Điều này là bằng chứng căn bản cho đức tin vào Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.

Thiên Thần Chúa từ trời cao hiện xuống và kéo vần tảng đá chắn cửa mồ nơi Chúa Giêsu được chôn táng ra bên cạnh, nói lên người chết nằm trong đây là Chúa Giêsu đã sống lại.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài đã chết và sống lại cả phần thân xác. Con người chúng ta là tạo vật của Thiên Chúa dựng nên. Chúng ta có ngày thành hình sự sống trong cung lòng mẹ cha, có ngày mở mắt chào đời, có quãng thời gian sinh sống trên trần gian và sau cùng có ngày tận cùng trở về với lòng đất mẹ và thân xác dần tiêu tan trong lòng đất. Nhưng phần tinh anh linh hồn cùng lịch sử đời sống chúng ta được sống lại như Chúa Giêsu.

Tảng đá chắn cửa mộ Chúa Giêsu đã được vần lăn sang một bên, cánh cửa đã mở ra. Đó là dấu hiệu của sự sống đã chiến thắng sự chết.

Nhiều lúc trong đời sống khi gặp điều khó khăn buồn sầu lo nghĩ, chúng ta cảm thấy tâm trí cùng thân thể nặng nề muốn chùng xuống, hơi thở khó khăn, không suy nghĩ tích cực được nữa, sức sống bị đình trệ lạnh lùng. Nhưng bỗng dưng có người nào đó nói lời phấn chấn an ủi, đem đến tin vui…lúc đó ta cảm thấy trong người khoan khoái nhẹ nhàng khác nào như cục tảng đá đang đè nặng tâm hồn bây giờ rơi xuống lăn ra khỏi người. Và từ lúc đó như được khai thông, hơi nóng sức sống trong tâm hồn nơi thân thể bừng lên nhiềm vui phấn khởi.

Tảng đá đặt chắn trên mồ chôn Ladarô như trong phúc âm thuật lại ( Ga 11,53... ) là hình ảnh nói lên mối tương quan liên lạc bị cắt đứt giữa con người với nhau. Khi sự liên lạc mối tương quan bị cắt đứt, người đàng nằm sau tảng đá trong mồ dần bị tiêu tan và dậy mùi hôi tanh. Nhưng tình yêu mến của Chúa Giêsu đã đi xuyên qua tảng đá. Ngài bảo: hãy lăn tảng đá chắn mồ ra một bên. Và khi tảng đá được tháo vần chuyển ra khỏi, Lời kêu gọi của Ngài xuyên vọng vào bên trong gọi Ladaro chỗi dậy sống lại. Và từ lúc đó đường thông thương liên lạc tương quan được nối lại. Lời tình yêu đã giải thoát người chết Ladarô khỏi những dây cuốn băng bó cột buộc anh ta lại.

Qua đó, ta hiểu được rằng, tình yêu của Chúa Giêsu làm cho trái tim của Ladaro đã chết không cứng được sống động trở lại.

Trong biến cố Chúa Giêsu sống lại, tảng đá chắn cửa mồ Chúa Giêsu được Thiên Thần Chúa từ trời xuống lăn vần sang một bên nói lên tình yêu của Đức Chúa Cha xuyên qua bóng đêm tối sự chết, sự tan rã của thân xác và đánh thức gọi Chúa Giêsu lại Con Thiên Chúa sống lại.

Thiên Chúa Cha, Đấng đã gửi Thiên Thần đến lăn tảng đá chắn mồ Chúa Giêsu cho Ngài sống lại từ cõi chết, cũng gửi Thiên Thần đến trợ giúp con người chúng ta, những khi chúng ta như bị tảng đá chắn ngang đè nặng đời sống trong nầm mồ lo âu sợ hãi.

Tình yêu của Thiên Chúa đẩy tảng đá chắn ngang đường đời sống tâm hồn lăn sang một bên, và mang đến cho ta hơi thở đời sống mới an bình.

Mừng lễ Chúa Giêsu Phục sinh 2010
 
Đức Chúa Giêsu lên trời nghiã là gì
Đức Ông Phạm Hân Quynh
13:43 04/04/2010
ĐỨC GIÊSU LÊN TRỜI NGHĨA LÀ GÌ

Phần I:

Trong Cv 3,21 có nói như sau: Ông Phêrô nói:

21Đức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời, cho tới thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo từ ngàn xưa.

Câu này xem ra tầm thường, Nhưng thực sự rất khó hiểu phải đặt ra những vấn đề thần học rất khó giải quyết. Đức Giêsu đã lên trời vậy sao còn nói được rằng: Đức Giêsu còn phải được giữ lại trên trời cho đến thời phục hồi vạn vật.

Tại sao và ai đã giữ lại được Đức Giêsu trên trời, mà giữ lại để làm gì. Chúng ta đã chẳng nói rằng Đức Giêsu đã về trời nghĩa là về cùng Đức Chúa Cha đấy sao?

Chúng ta cũng nói Người hằng xuống trong Phép Mình Thánh (và ban muôn ơn cho chúng ta trong lời cầu nguyện và trong phép bí tích). Vậy Người giữ lại trên trời giữ lại gì.

Xét cho kỹ chúng ta biết Kinh thánh còn nói, như trong Gioan rằng Đức Giêsu luôn ở trước mặt Chúa Cha để bảo vệ chúng ta, cũng nói Đức Giêsu ở bên hữu Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta, Phaolô cũng nói Đức Giêsu là trung gian giữa chúng ta và Chúa Cha. Như vậy xem ra Đức Giêsu không ở cùng Đức Chúa Cha mà còn cách một chút, ở trước mặt, ở bên hữu, làm trung gian: Đức Giêsu còn ở trên trời, còn được giữ lại ở trên trời là để làm những việc ấy. Người lên trời nhưng chưa về hẳn cùng Đức Chúa Cha, chưa ở trong Đức Chúa Cha, còn cách Đức Chúa Cha một chút là để làm những việc trên, và cũng để có thể hoạt động trong trần gian, với chúng ta qua lời cầu nguyện và các phép bí tích. Trong sách Khải huyền có nói, ngày tận thế, tất cả chúng ta, ở trong ngai vinh quang của chúng ta, sẽ được ở trong ngai của Chúa Giêsu, và chính ngai của Chúa Giêsu cũng ở trong ngai của Chúa Cha: mọi sự ở trong nhau đấy là ngày tận thế. Bây giờ thì mọi sự chưa hoàn toàn ở trong nhau, tất cả đang tiến dần đến đích cùng ấy, và Đức Giêsu vẫn còn được giữ lại ở trên trời, còn cách Chúa Cha như sách Công vụ Tông đồ đã nói.

Năm 2006, nhân có dịp qua Pari, tôi đã rất vất vả tìm gặp được thầy Yves Prétot là giáo viên dạy phụng vụ tại đại học Công giáo Pari, là người dòng Bênêdictô. Tôi hỏi ngài về giá trị câu Cv 3,21. Đầu tiên ngài cười cho là quá dễ dàng nhưng một lúc sau ngài bảo tôi đợi để tìm tòi trong các sách giáo phụ: Grêgoriô, Tômasô, Augutinô, Bonaventura, Anatasiô, … ngài bảo tôi: các giáo phụ không ông nào nói đến câu này thành thử tôi không dám có ý kiến. Lối giải thích của cha có lẽ là đúng nhưng tôi không giám bảo đảm, vì chưa biết truyền thống trong Giáo hội. Cha đợi mấy hôm tôi sẽ tìm thấy. Mấy hôm sau tôi đến ngài vẫn chưa tìm thấy mà tôi thì phải về Việt nam. Ngài bảo: tôi không thể tưởng tượng một linh mục Việt nam già ở nhà quê mà có những câu hỏi hóc búa như thế, tôi hứa sẽ tìm được. Mùng một tết năm ấy tôi nhận được một cú điện thoại một bạn từ Pari báo cho biết rằng thầy dòng giáo sư vẫn chưa tìm thấy lời giải đáp. Và hôm nay cuối tháng tám năm 2009 vẫn chưa tìm ra ý nghĩa của câu ấy. Tôi đành đưa giải đáp như tôi đã trình bày bên trên nghĩa là Đức Giêsu vẫn chưa nên cùng Chúa Cha hoàn toàn, tuy đã lên trời sát Đức Chúa Cha, trước mặt Đức Chúa Cha, bên hữu Đức Chúa Cha, làm trung gian với Đức Chúa Cha, vẫn bị giữ lại trên trời, vì thế vẫn có thể ở với chúng ta hằng ngày cho đến tận thế, nhờ lời cầu nguyện và các bí tích, nhất là ở trong ta trong tình yêu của Người.

Trong đạo phật, có một nhân vật tương tự như thế. Đáng lẽ đã có thể thành phật và vào Nát bàn, vị ấy đã dừng lại ngưỡng cửa để có thể liên hệ với loài người đang đau khổ. Đấy là các vị Bồ Tát: Quán Thế Am Bồ tát nghĩa là vị Bồ Tát nghe thấu tiếng than van của thế gian và luôn sẵn sàng giúp đỡ. Ta thấy rất giống Đức Giêsu còn bị giữ lại trên trời vẫn thấy rõ tình trạng loài người và luôn gắn bó trong tình thương yêu. Như vậy Bồ tát là một hình ảnh của Đức Giêsu trong lòng đạo phật, đấy cũng là một thứ tiên tri trong đáy lòng con người A đông. Trong đạo phật có nhiều giá trị tiền phúc âm hơn chúng ta tưởng.

Ngày tận thế Đức Giêsu mới làm hết công việc cứu độ của Người, bấy giờ như Phaolô nói trong ICr 15,23: 23Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. 24Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

Sau đấy chúng ta cùng muôn loài sẽ về cùng Chúa Cha và như vậy Thiên Chúa sẽ có toàn quyền trên mọi loài. Như Gioan nói trong Khải huyền: muôn loài và chúng ta sẽ ở trong ngai, ngai này ở trong ngai của Chúa Giêsu, và ngai của Chúa Giêsu ở trong ngai của Chúa Cha. Bấy giờ Đức Giêsu rõ ràng không còn bị giữ lại trên trời nữa.

Về vấn đề Quán Thế Am Bồ Tát và Đức Giêsu, xin kể lại câu chuyện tôi đã được nói với giáo sư Denis Gira dạy môn phật học ở đại học Công giáo Pari. Giáo sư nghe lập trường của tôi coi quan thế âm Bồ Tát như một vị tiền phúc âm khao khát tiến tới Đức Giêsu, và giáo sư đã nói: chính tôi đã hiểu như thế và trong một bài viết về Bồ Tát tôi cũng ám chỉ rằng Bồ Tát báo trước Đức Giêsu Chúa chúng ta. Sau hơn một giờ nói chuyện, giáo sư dẫn tôi ra hiệu sách công giáo gần đấy, có ý lấy quyển sách giáo sư đã viết về vấn đề này, chẳng may người bán sách bảo rằng cuốn sách đã bán hết. Thật là đáng tiếc, nhưng tôi rất vui vì biết rằng tư tưởng của mình đã có một giáo sư chấp thuận.

Đức Giêsu chưa lên hẳn cùng Đức Chúa Cha vừa có lợi cho chúng ta, vừa là đẹp lòng Ngài. Chúa Thánh Thần đã đến, phải đến, tiếp tục Chúa Giêsu, như ta biết Ngài là linh thiêng khó lòng được giáo dân tiếp nhận thân mật như Đức Giêsu. 2000 năm rồi, giáo dân chúng ta chưa được biết Chúa Thánh Thần là bao nhiêu, vì thế vai trò của Thánh Thần chưa được phát huy cho đủ, chưa thể thay Đức Giêsu làm xong công việc cứu độ được. Rồi đây vai trò Thánh Thần sẽ mạnh dần Đức Giêsu là Bồ Tát sẽ đỡ công việc hơn với loài người, phận sự Người cách Đức Chúa Cha sẽ tăng lên cho mau ngày tân thế. Như vậy Đức Giêsu còn được giữ trên trời lâu hay chóng còn tuỳ Chúa Thánh Thần và nói cho cùng là còn tuỳ chúng ta có cộng tác với Chúa Thánh Thần mà hoàn tất công trình cứu¬ độ của Thiên Chúa hay không.

Ta nên nhớ thường thì Bồ Tát trong đạo phật chỉ giúp được bề ngoài, ốm đau, tai nạn, công việc làm ăn, túng thiếu, bị bất công, … rất nhiều trên thế gian này. Nhưng Đức Giêsu Bồ Tát đi sâu vào trong lòng con người tội lỗi muôn kiểu, lý tưởng đạo đức và hành động từ thiện bác ái muôn vẻ, của cá nhân nhưng nhất là của tập thể đạo… thế thì công việc của Ngài nặng biết bao, Thánh Thần phải tiếp tục làm, và chúng ta góp phần của chúng ta vào đấy.

Một bạn đọc giả đã đề nghị thêm để được rõ hơn. Như ta đã nói Bồ tát ở ngoài ta mà giúp đỡ, Đức Giêsu còn vào trong ta, trong tâm hồn, trí khôn và cả thân xác để thêm sức thêm ánh sáng. Đây là một nấc cao và sâu hơn Bồ tát trong đạo phật. Quan thế âm bồ tát thì khi con người than van, cầu khẩn thì mới cho, còn Đức Giêsu nhờ phép Mình Thánh vào trong ta, ở trong ta, nên biết tất cả các vấn đề chúng ta cần mà cho ta. Bạn đọc giả này còn nhấn mạnh Đức Giêsu nhờ phép Mình Thánh mà vào trong ta toàn diện, nhất là thân xác, được thánh hóa ngay trong đời sống thường ngày của mình. Điều này nói rõ sự ích lợi mênh mông của việc rước lễ, đi lễ mà không rước lễ thì thiệt thòi đến thế nào. Đức Giêsu thật là Bồ tát nhưng vượt xa và ảnh hưởng sâu xa gấp bao nhiêu lần các vị Bồ tát trong đạo phật.

CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI NGHĨA LÀ GÌ

Phần II:

Ơ Tây âu, trong các mô họa đạo, có một bức tranh tượng trưng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, ngồi trong hai ghế lớn bằng nhau, đầy uy nghiêm, trước mặt có hình chim bồ câu đang vỗ cánh bay, rõ ràng là chỉ Chúa Thánh Thần: Đây là nói lên Chúa Giêsu đã về ngự bên hữu Đức Chúa Cha trong vinh quang. Nhưng chúng ta biết là Đức Chúa Giêsu trên trời ở trước mặt Chúa Cha để bảo vệ chúng ta, chứ không phải ngự vinh quang ngang hàng với Đức Chúa Cha. Chúng ta cũng biết Đức Giêsu ở bên hữu Đức Chúa Cha (chứ không phải là ngự) ở trong tư thế cầu bầu cho chúng ta, chứ không phải là ngồi ngang hàng. Chúng ta cũng biết Đức Giêsu làm trung gian giữa chúng ta và Thiên Chúa, làm trung gian không phải là ngồi như vậy. Đàng khác nếu Đức Giêsu đã làm việc xong mà ở nơi Chúa Cha thì sách khải huyền có một hình ảnh tuyệt đẹp và rất dễ hiểu: là Đức Chúa Cha ngồi trong ngai to lớn của Người, Đức Chúa Con ở trong chiếc ngai bé hơn ít chút ở trong ngai của Đức Chúa Cha, còn chúng ta là một đám đông không đếm kể xiết, nhưng cũng chỉ ở trong một cái ngai bé hơn ở trong cái ngai của Đức Giêsu. Đây là cách diễn tả bình dân về câu Đức Giêsu đã nói: chúng ở trong Con và Con ở trong Cha, tất cả thành một. Giống như các đồ chơi của Nga (con búp bê nhỏ ở trong con búp bê to, vặn ra từng lớp ở trong nhau): chúng ta trong Chúa Giêsu, Chúa Giêsu trong Chúa Cha cũng như thế.

Đấy là ngày cuối cùng: Chúa Giêsu đi đầu sau đến chúng ta cùng với tạo vật sau chúng ta, chúng ta cùng với tạo vật cùng tiến về ở trong ngai Chúa Giêsu, còn bây giờ Đức Giêsu còn bị giữ lại ở trên trời như Phêrô nói, Đức Giêsu cùng với chúng ta chuẩn bị cho ngày cuối cùng nói trên. Khi so sánh Đức Giêsu với Quán Thế Am Bồ Tát, chúng ta cần nói rõ một số điều sau đây. Khi khấn vái cùng Quán Thế Am, thì ngài từ của trời xuống giúp việc phù hộ, thí dụ đuổi quỷ ma, chữa bệnh, cho tiền tài của cải như người ta xin và tưởng là được, xong rồi ngài lại về trời. Đức Giêsu thì không thế: có khi Người ở lại với chúng ta trong phép Mình Thánh và điều này hợp với lời Ngài là ở cùng chúng ta đến tận thế. Không những ở lại cách linh thiêng mà cách vật chất trong hình bánh và hình rượu, không phải ở trong ta cách linh thiêng, nhưng là bánh và rượu thấm vào trong thân xác ta, hóa thành xương thịt ta. Đức Giêsu không như Quán Thế Am đến giúp việc một lúc xong rồi về, nhưng còn ở trong ta dẫu là cách linh thiêng để cùng chúng ta hoạt động, kể cả lao động phần xác. Người ở lại trong ta giúp sức cùng làm việc với ta trong việc xây dựng Nước Đức Chúa Trời, kể cả trong những việc tầm thường nhất. Chúng ta cần ý thức việc Đức Giêsu ở lại trong ta đấy, thêm sức và soi sáng trong mọi việc chúng ta làm, kể cả việc đạo kể cả việc đời. Chúng ta sống trong, với, cùng Đức Giêsu là như vậy.

Một điều rất quan trọng ta thường quên là thế này. Người ta bảo chạy đến cùng Đức Giêsu thường là khi chúng ta gặp khó khăn khốn đốn, và nói như thế là phải. Đời ta biết bao khó khăn khổ ải nên cần đến cùng Đức Giêsu hơn. Nhưng chúng ta nhiều khi cũng làm được nhiều việc lành, làm sáng danh Chúa, làm vinh quang đạo Chúa, những lúc ấy ta càng cần ơn thánh để Người giúp sức ta làm việc cho Người, như câu kinh chúng ta thường đọc: chính nhờ Người, với Người, và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa … Trên đây chúng ta chưa nói đến ảnh hưởng linh thiêng của Đức Giêsu thông qua con người biến đổi và thánh hóa tạo vật, đưa tạo vật vào trong Nước Chúa, trở nên thành phần nước Chúa đời đời. Kích thước con người Đức Giêsu rộng rãi mênh mông đến như thế. Trong vấn đề này rõ ràng là đã kết hợp Đức Giêsu làm vinh quang Đức Chúa Cha: những việc chúng ta làm bảo để làm vinh quang Đức Giêsu là không phải, sự thực thì không phải, mục đích cuối cùng là để làm vinh quang Chúa Cha, nhưng chúng ta không thể làm vinh quang Đức Chúa Cha nếu không kết hợp với Đức Giêsu.

Quán Thế Am Bồ Tát thực tế là một phát minh của loài người, và là một phát minh vinh quang của con người chúng ta. Đây là đỉnh cao trí khôn loài người đã nghĩa ra mà chúng ta đã thấy rõ, loài người chỉ phát minh đến thế là cùng cực. Đức Giêsu là nhân vật thật và ta xem đã vượt quá Quán Thế Am Bồ Tát đến thế nào. Nỗ lực con người vươn tới Quán Thế Am Bồ Tát thực sự là để chuẩn bị cho Đức Giêsu, một giá trị tiền Phúc Am, chúng ta không tôn thờ nhưng cần quý mến và tôn trọng. Đạo phật đã đạt tới đỉnh cao giá trị, ta thấy rất gần Phúc âm: Đây không phải là sự thật nhưng là những mơ ước tiến tới đỉnh cao vời của đạo thật được mặc khải trong Đức Giêsu Kitô. Đáng ngợi khen thay những con người đã có khả năng mơ ước như thế.

Chính vì thế mà ta cần tôn kính Quán Thế Am Bồ Tát đặt trong quan điểm đạo công giáo chúng ta: là một mơ ước bên cạnh một sự thật. Cũng vậy ta phải đặt sự thờ kính Đức Giêsu trong toàn bộ đức tin của chúng ta, tránh được mọi lẫn lộn trong sự thờ kính Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nói chúng chúng ta không cầu nguyện cùng Đức Giêsu mà là nhờ Đức Giêsu với Đức Giêsu trong Đức Giêsu. Chúng ta cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha nhưng mà trong Chúa Giêsu. Trong suốt buổi cầu nguyện chúng ta luôn kết hợp với Đức Giêsu, ở trong Người mà cầu nguyện hoặc để xin điều gì cùng Đức Chúa Cha, hoặc để làm việc gì cho Nước Chúa Cha: cái tâm tình ở trong Đức Giêsu ở với Đức Giêsu, ở trong Đức Giêsu phải là một tình trạng liên tục như hai vợ chồng liên tục ở với nhau dẫu khi vì làm việc mà phải xa nhau. Chúng ta vẫn nói Đức Giêsu Đấng trung gian giữa chúng ta với Chú Cha như một dân đồng nối chúng ta với Chúa Cha: Đức Giêsu là dây đồng ấy, liên tục nối chúng ta với Chúa Cha, trong dây đồng ấy có lời cầu nguyện của chúng ta cùng với sự chuyển cầu của Chúa Giêsu lên với Chúa Cha. Muốn nói cho hết nghĩa phải nói rằng Đức Giêsu còn là trung gian chuyển cầu mọi lời xin của cả vạn vật, của cả loài người cả giáo cả lương miễn là những người lương chân chính. Như vậy Đức Giêsu không chỉ là vị trung gian duy nhất của chúng ta công giáo mà còn là vị trung gian phổ quát của tất tận mọi tạo vật. Điều này cần nhấn mạnh để nói lên Ngài là Đấng cứu độ của muôn loài, không xa rời ông cha ta từ ngàn xưa vẫn cầu xin cùng Ông Trời cách thành tâm.

Thường thường, ngay trong thánh lễ Misa, chúng ta cầu xin cùng Chúa Cha để xin điều này điều khác rồi đến cuối cùng chúng ta mới nhờ ơn Đức Giêsu. Thiết tưởng là như vậy thì không mạnh sức: trong suốt lời cầu xin chúng ta vẫn kết hợp với Đức Giêsu, ta vẫn kép với Đức Giêsu, lời cầu xin là của ta cộng với Đức Giêsu từ đầu đên cuối. Lời cầu nguyện mạnh sức là vì thế, và chắc thành công là vì thế. Ta phải làm cho lời cầu nguyện là của ta với Đức Giêsu là một.

Việc này cần nhất là khi chúng ta đọc Tin Mừng: Tin Mừng là Chúa nói, và chúng ta đọc ta cần thành một với Đức Giêsu khi đọc. Ta là người nghe hay người đọc sách Tin Mừng cần liên tục ở trong, ở với và nhờ quyền năng Đức Giêsu trong Lời mà hoạt động trong chúng ta, cung cấp sức thiêng của Người cho ta và dẫn ta đến cùng Chúa Cha. Không thế đọc Tin Mừng kém hiệu quả. Ta thấy so với Quán Thế Am Bồ Tát khác hẳn nhau thế nào. Với Bồ Tát có vấn đề cứu vớt vật chất, đời sống trần gian, không hề nói đến sự thánh hóa, sự sống đời đời.

Chúng ta thấy rõ ràng khi ta cầu nguyện là hướng về Chúa, mọi lời cầu nguyện là lên cùng Chúa Cha, nhưng nhờ, trong, cùng Đức Giêsu. Rõ ràng chúng ta không cầu xin cùng Đức Giêsu (chính Người đã bảo bà mẹ Dêbêđê là người không có quyền cho mà Chúa Cha mới cho được, nhưng chính nhờ Người trong Người thì Chúa Cha sẽ cho điều ta xin qua Người). Giáo dân chúng ta ít chú ý đến điều này và cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Giêsu như nhau.

Phải làm sao thay đổi cách cầu nguyện của giáo dân, là điều rất khó. Cần có một giáo lý một thần học về Chúa Ba Ngôi và vai trò của mỗi Ngôi đối với đời sống đạo đức của chúng ta, cuối cùng để đạo đức phải căn cứ vào sự sống của chúng ta với Ba Ngôi Thiên Chúa, và sự hiểu biết của chúng ta về đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta vẫn lại coi Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiện vô cùng hiểm hóc không hiểu được thế nào, nên không động đến vẫn để mu mơ trong lòng trí chúng ta. Tất nhiên chúng ta không có khả năng hiểu nhiều, nhất là còn động đến Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu được tí chút và tăng thêm rất nhiều về hiệu lực của đời sống đạo, sự cầu nguyện và những hành động đạo đức của chúng ta. Cầu nguyện và hoạt động trong đạo trước mặt Chúa là như nhau. Thường thường chúng ta chỉ cho cầu nguyện là có sức kéo ơn thiêng, còn hành động kể cả hành động đạo không có sức không phải là nguồn kéo ơn Chúa xuống cho ta. Thí dụ những người làm việc giúp cho xứ đạo thì chúng ta không coi là những người đạo đức, chỉ coi người đọc kinh nhiều là đạo đức mà thôi. Cầu nguyện và hành động phải luôn kết hợp với nhau và cấu thành đời sống của chúng ta. Đức Giêsu hiện nay như vậy còn rất nhiều việc phải làm. Nếu như xưa Người sống là Giêsu trên đất Do thái, Người không thể làm hàng triệu triệu công việc giúp chúng ta, nay Người là Giêsu Kitô đã về gần Chúa Cha, đã trở thành linh thiêng trên trời như Phêrô nói, Người có khả năng, quyền năng cầu bầu cùng Đức Chúa Cha cho chúng ta, bảo vệ trước mặt Chúa Cha cho chúng ta, làm trung gian với Chúa Cha cho chúng ta, và cho cả muôn loài. Chúng ta phải chú ý đặc biệt đến công việc quan trọng nhất Đức Giêsu làm cho chúng ta, từ nay cho đến ngày tận thế là Người có quyền năng và sứ vụ thánh hóa chúng ta, và muôn loài, cho chúng ta xứng đáng là con Chúa Cha, anh em của Người, thánh thiện hoàn hảo trong nước Chúa đời đời.

CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI NGHĨA LÀ GÌ

Phần III

Đầu sách tin mừng Gioan, có nói là Ngôi Lời vốn ở cùng Thiên Chúa, là Thiên Chúa, nhờ Người mà có mọi sự, và Người ở trong mọi sự. Ngôi lời tồn tại và là sự sống của muôn loài. Đây là cơ sở thần học của đạo tự nhiên, của mọi giá trị tư tưởng văn hóa tôn giáo của loài người khắp mọi nơi mọi thời. Ngày nay người ta quay lại với mọi tôn giáo và tìm ra dấu vết của Ngôi Lời, ở biết bao nhiêu nơi mà trước đây người ta khinh chê cho là vớ vẩn, chứ chưa nói là lầm lạc, dối trá, thậm trí là ma quỷ. Riêng đối với đạo phật, sau hơn 150 năm tranh luận với Mát thêu Ricci và dòng dõi của ông, các nhà thần học đã phải công nhận những cái đúng của ông. Biết bao cái hay của đạo phật đã được nhận định lại. Về phần phật giáo, biết bao nỗ lực để dần dần xóa bỏ những mê tín dị đoan, trở lại với giáo lý biết bao cao siêu của đức Phật, ngài không phải là một Thiên Chúa phải tôn thờ, nhưng chỉ là một ngón tay vô cùng quý báu chỉ nhân loại biết mặt trăng. Chắc chắn đạo phật ngày càng lan rộng sang Châu Au, gặp các nhà nghiên cứu đầy thiện chí sẽ dần dần thấy lại được những kho tàng chân lý từng vun trồng từ hơn 2000 năm nay.

Trong phần 1 của bài này chúng ta đã nói đến Quán Thế Am Bồ Tát. Đây là một khuôn mặt rất đẹp, rất thánh thiện loài người chúng ta đã tìm ra. Ơ đây chưa giám khẳng định là một nhân vật có thật hay không có thật, lúc đầu có tính chất lịch sử bao nhiêu, dần dần đã tô vẽ thêm thắt bao nhiêu. Nguyên việc kì đầu cách đây hơn 1000 năm, ở Ấn Độ, người ta tôn sùng Quán Thế Am là một nam giới, về sau sang Trung Quốc và Việt Nam, đã biến thành một nữ thần, điều ấy cho phép chúng ta tin rằng đã có biết bao tô vẽ thêm thắt để có một hình ảnh tuyệt đẹp về Ngài như ngày nay. Cần nghiên cứu lại các sách về đạo phật hơn 1000 năm qua, trải theo các bước đi của các nhà sư giảng đạo phật, các nhà chùa tu viện phật từ khắp An Độ, Trung Quốc đến Việt Nam, theo dõi các diễn biến hình ảnh của Quán Thế Am Bồ Tát, có thế mới tìm lại được giá trị đích thực của Ngài. Về các nhân vật khác quan trọng của phật giáo, cũng như về các kiểu cách thờ phượng qua các thời đại và các miền phật giáo, ta mới tìm lại được cái lõi tinh truyền của đạo phật. Những nỗ lực của thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhằm mục đích ấy. Tất nhiên nhiều vị tu hành phật giáo cũng đang tìm tòi sâu sắc và cũng đã rõ là đã có những kết quả khác nhau. Không lạ gì khi những môn đệ của Thích Nhất Hạnh về Huế hay Đà Lạt sống cùng với nhiều phe phái phật giáo khác đã sẩy ra nhiều bất đồng gây xáo trộn trong nội bộ phật giáo. Thật ra, tuy không quan trọng, nhưng trong công giáo cũng đã có những cách hiểu khác nhau về thần học hay thờ phượng, nhưng vì có tòa thánh lãnh đạo nên những sự khác nhau ấy dần dần hướng về một mối, nhẹ nhàng trong sự hiểu biết và chân tình hơn. Điều này không phải trong tôn giáo nào cũng có và giữ được sự duy nhất trong tôn giáo mình.

Ta hãy trở lại vấn đề Quán Thế Am Bồ Tát. Tự sức loài người, không có mặc khải của Đức Giêsu (chứ không phải của nguyên Ngôi Lời) thế mà dần dần đã tìm tòi sáng tạo một nhân vật cao cả như Quán Thế Am Bồ Tát, thật là tuyệt vời. Có tấm lòng từ bi nhân hậu với loài người đau khổ, không nỡ vào Nát Bàn trong khi có hàng tỷ tỷ người lầm than, dốt nát, thương đau … thật là một lòng từ bì mênh mông đáng quý mến tôn sùng vô bờ. Trong cuốn Hai Nguồn của luân lý và tôn giáo, Bergson có nói một câu làm cho bao người trong Giáo Hội phải suy nghĩ. Ông nói: nếu được lên Thiên Đàng mà trong khi ấy có bao nhiêu người phải đầy đọa đời đời trong Hỏa Ngục, thì ông chán ngấy cái Thiên Đàng loại ấy, và thà trái đất này nát tan ra còn hơn. Vì không thể chấp nhận một hỏa ngục kiểu ấy mà cha Boismard trước khi ngài chết đã cho xuất bản một tập sách giải thích hỏa ngục là đi vào cõi không, cõi quên đi đời đời. Quán Thế Âm Bồ Tát cũng không chịu có một hỏa ngục và ngài giải quyết bằng cách kéo mọi người ra khỏi cảnh đau khổ ấy. Trong đạo công giáo Đức Giêsu cũng có lòng từ bi thương xót gấp nghìn vạn lần, nhưng sự ấy không được làm nổi bật như Quán Thế Am Bồ Tát. Trong kinh cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu chẳng hạn, có thừa những câu nói lên lòng từ bi thương xót của Đức Giêsu, nhưng lẫn lộn vào bao nhân đức khác, lòng từ bi không được tách riêng ra nên kém được chú ý. Ngay về Thiên Chúa gần đây Hội Đồng giám mục Việt Nam mới làm nổi bật chân dung Người là Cha từ bi thương xót (15 chữ Cha và chữ Cha đứng trước chữ Thiên Chúa trong kinh năm thánh 2010), còn thì ngay trong sách lễ Rôma vẫn kêu xin cùng Người là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong mấy trăm năm trước vẫn tuyên xưng rằng phép tắc vô cùng hằng có đời đời, phương diện từ bi thương xót bị lấn át hẳn. Thiên Chúa là Tình Yêu chưa được đưa vào sống trong tâm linh giáo dân Việt Nam. Bà con lương dân vẫn mến Đức Phật nhân hậu từ bi, vẫn quý Phật Bà Quan Âm gần gũi xót thương người đau khổ, làm thế nào để bà con bên lương mến yêu Thiên Chúa là Cha muôn ngàn từ bi thương xót và Đức Giêsu Con của Người là chủ chiên nhân lành yêu thương ta, giảng dạy đến chết và chết trên thập giá.

Vì thế một thần học về Đức Giêsu đã lên trời nhưng chưa lên trời hẳn, còn ở bên hữu Đức Chúa Cha, cầu bầu cho chúng ta, bảo vệ chúng ta, làm trung gian cho chúng ta, nói vào lòng, tâm trí của chúng ta thấy sâu sắc Chúa nhân hậu từ bi gấp ngàn lần Quán Thế Am Bồ Tát. Đã rõ trong sách kể về các tiền kiếp của Đức Phật, có nói nhiều lần Đức Phật xả thân cứu giúp con người, nhưng rõ ràng là những chuyện đặt ra về sau không có lịch sử: vả lại đấy là chuyện Đức Phật chứ không phải của Bồ Tát. Giáo lý công giáo vẫn nhắc chúng ta rằng Đức Giêsu chưa về hẳn cùng Đức Chúa Cha mà còn ở tình trạng hiến dâng (không được quên cuộc hiến dâng trên thập giá mà hàng ngày trên hàng vạn bàn thờ vẫn nhắc lại trước mặt Chúa Cha). Chúng ta không được quên sự có mặt của Đức Giêsu trên tầng trời với công việc của Ngài dâng lễ vật lên Chúa Cha, cùng với lễ vật của chúng ta: về khía cạnh này phật giáo đã sáng tạo được rất nhiều điều cao siêu, nhưng còn xa mới đạt tầm vóc của Đức Giêsu. Ta thấy đức tin về Đức Giêsu đã lên trời nhưng chưa lên trời hẳn quan trọng đến thế nào đối với đạo công giáo chúng ta.

Từ nay đến tận thế, Người còn chuyển bao nhiêu lời cầu xin của chúng ta lên Chúa Cha, Ngài còn chuyển bao của lễ của chúng ta lên Chúa Cha, Người còn bảo vệ bao việc của chúng ta trước mặt Chúa Cha, còn phải làm trung gian cho chúng ta trước mặt Cha, chưa kể Ngài vẫn ở cùng chúng ta hàng ngày cho đến tận thế trong các bí tích và nâng đỡ các việc làm của chúng ta, đạo và đời, … Những điều ấy không Bồ Tát nào có thể như thế. Người công giáo chúng ta cần làm sáng tỏ những sự khác biệt này, sự ấy càng chứng minh rõ ràng các Bồ Tát nên để làm những hình ảnh xa xôi tiên báo và chuẩn bị cho vai trò của Đức Giêsu mà thôi. Bồ Tát trở nên thân mật với chúng ta và là người dẫn ta đến với Đức Giêsu dễ dàng hơn. Nhờ Bồ Tát chúng ta thấy rõ tầm vóc bao la sâu thẳm của Đức Giêsu và lòng mến của chúng ta với Đức Giêsu sẽ gia tăng gấp bội.

Một câu nói của Phêrô trong Công Vụ Tông Đồ nói rằng Đức Giêsu còn bị giữ lại trên trời, chưa về hẳn cùng Chúa Cha giúp chúng ta hiểu rộng biết bao nhiêu vai trò của Đức Giêsu sau khi Người lên trời vinh hiển. Không những vai trò cứu độ của Đức Giêsu đối với loài người và vạn vật chưa xong, khi Người chết trên thánh giá (công việc riêng của Người thì đã hoàn tất nhưng việc cứu độ chúng ta và vạn vật thì còn lâu mới xong), Phêrô đã bảo là còn đợi đến ngày tận thế. Nói chung, nguồn gốc của sai lầm là ở điểm chúng ta tưởng rằng Đức Giêsu về trời là đã làm hết việc cứu độ của Người, bây giờ chỉ còn ngự bên hữu Đức Chúa Cha mà thôi. Hỏi 1000 giáo dân, thậm trí cả tu sĩ và linh mục cho biết Đức Giêsu lên trời nghĩa là gì, thì có đến 999 người trả lời rằng Đức Giêsu đã hoàn tất thắng lợi mọi công việc Ngài phải làm, bây giờ chỉ còn nghỉ việc mà thôi. Tiện thể có thể nói điều này: tượng các thánh mà chúng ta thờ thí dụ thánh Giuse, thánh Phêrô, thánh Antôn, … làm chúng ta tưởng rằng bây giờ số phận các vị ấy đã xong và các ngài cũng ngự vinh hiển bên Chúa Cha như vậy. Sự thật chúng ta biết không phải như thế. Các vị được lên thiên đàng là về phần hồn, phần xác còn phải đợi ngày sống lại, sống lại như thế nào chúng ta chưa biết, Phaolô bảo như hạt giống gieo xuống đất mỗi hạt khi sống lại là một cây khác nhau theo ý Chúa, chứ không phải giống như những bức tượng mà chúng ta tưởng tượng ra. Ngày tận thế, Đức Giêsu sẽ dẫn đầu một đoàn lũ các thánh, ở tình trạng có xác sống lại, vô cùng đa dạng làm sao chúng ta biết được. Hiện tại chính Đức Giêsu trên trời của Ngài đang hoàn tất nhiệm vụ cứu độ của Người với sự cộng tác của chúng ta, thật muôn hình muôn vẻ, chúng ta chẳng biết rõ, ngày tận thế làm sao mà chúng ta biết được: chúng ta chỉ có thể như công đồng Vatican II, là có sự phác thảo đời sau và có Trời Mới Đất Mới. Đây là những lời rõ nét nhất mà Giáo Hội đã có thể nói trước được. Từ nay đến ngày ấy Đức Giêsu còn phải làm rất nhiều việc, có cả chúng ta cùng làm với Người, cả vạn vật cùng làm với Người nữa. Làm sao cho giáo dân thấy được, từ trên trời của Ngài, Đức Giêsu chưa nghỉ ngơi đâu mà còn phải tiếp tục công việc cứu độ còn dở dang, hiểu được như vậy Giáo Hội sẽ sống động hơn nhiều, cả trên trời cả dưới đất cùng phải hoạt động và việc này sẽ thành nội dung của đời sống đạo chúng ta, và có sức lôi cuốn cả chúng ta cả mọi người lương dân trong chương trình của Chúa.

Đức Giêsu đã lên trời, nhưng chưa lên hẳn đấy là một điều cần phổ biến cho giáo dân hiểu: điều này đem một sức mạnh mới cho hoạt động Tông Đồ, đem một sức sống mới cho Giáo Hội ngày nay quá im lìm thụ động vì chỉ thấy ơn cứu rỗi cho cá nhân mình mà thôi.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:33 04/04/2010
LÀM VIỆC THIỆN THÌ ĐƯỢC BÁO ĐÁP

N2T


Bà Lâm Sa là một quả phụ nghèo, mỗi buổi sáng trước khi bắt tay vào máy dệt thì vẫn luôn thành khẩn cầu nguyện.

Một hôm, khi bà ta vừa mới đọc xong một đoạn kinh có liên quan đến việc khuyến khích làm việc từ thiện, thì linh cảm có một luồng sáng chiếu vào trong tâm hồn rất thâm sâu. Bà ta thở dài nói:

“Lạy Thiên Chúa yêu quý của con, gia tài của con chỉ có chính là cái khung cửi dệt này mà thôi, và nó cũng làm cho con có cơm ăn. Chỉ còn vài ngày nữa là mùa đông đến, căn nhà của con sẽ biến thành nơi rất lạnh, ngón tay của con sẽ lạnh cóng không thể làm việc, mà tiền thuê nhà của con cũng chưa trả hết, ngay cả mình cũng mau biến thành một người ăn xin, lại có thể đi làm việc từ thiện sao ?”

Nhưng bà Lâm Sa vẫn cảm thấy mình nhất định có thể tận lực vì người khác mà làm việc từ thiện. Bà ta nhớ lại mình có một người bạn đang bị bệnh rất trầm trọng, bà ta nói một mình: “Hôm nay mình phải đi chăm nom bà ta, mình có thể dệt vải ngay tại nhà bà, đồng thời cũng có thể khiến cho bà ta cảm thấy vui vẻ”.

Thế là bà ta lấy trong dĩa hai trái táo mà bạn bè cho bà, sau đó đi thăm bạn.

Khi người bạn bị bệnh ấy nhìn thấy bà Lâm Sa thì vui không thể tả, bà ta phấn khởi nói: “Bạn Lâm Sa thân mến, gần đây tôi được quyền kế thừa một số tài sản lớn, bạn đến đây ở với tôi và chăm sóc tôi được chứ ? Như thế bạn có thể tiết kiệm tiền thuê nhà, nghề dệt của bạn cộng thêm với sản nghiệp của tôi, thì chúng ta có thể vui vẻ sống vui vẻ mà không ưu tư gì cả”.

Bà Lâm Sa rất vui vẻ và chấp nhận đề nghị ấy, ngay đêm hôm ấy bèn dọn nhà đến nhà bạn ở. Rất nhiều năm qua, đây là lần đầu tiên bà ta thảnh thơi an nhàn thoải mái sống mà không phải ngày đêm lo lắng buồn bực.

(100 câu chuyện suy tư)

Suy tư:

Làm việc thiện không tính toán thì chắc chắn sẽ được báo đáp từ việc thiện, đó chính là điều căn bản mà tất cả các tôn giáo đều nhấn mạnh đến, bởi vì khi làm việc thiện là khi chúng ta được giảm bớt tội của mình, được có thêm kinh nghiệm bởi lòng bác ái, và được trở nên người an ủi Chúa Giê-su trong những người mình phục vụ.

Có những người khi làm việc thiện thì tính toán hơn thiệt, nên việc từ thiện của họ trở thành tảng đá cản đường người khác đến với Chúa; có người khi làm việc thiện thì phải có điều kiện tối thiểu mới làm, nên việc từ thiện của họ những phèng la rổng ruột kêu to; có những người khi làm việc thiện thì đăng báo quảng cáo khắp nơi để mọi người biết mình, nên việc từ thiện của họ tuy nhiều người biết nhưng Thiên Chúa thì hình như không biết gì việc từ thiện của họ cả...

Sách Châm Ngôn đã dạy:

“Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành

Cho ai đáng được hưởng.

Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói:

“Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh”. (Cn 3, 27-28)


-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:34 04/04/2010
N2T


18. Con người ta nhờ Thánh Giá mà trong yếu đuối được dũng mạnh, trong nhục nhã được quang vinh, trong sự chết được sự sống.

(Thánh Lê-ô I giáo hoàng)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:36 04/04/2010
N2T


408. Cửa thành công nhanh gọn nhất là phải nổ lực dựa vào những viên gạch viên ngói trong cuộc sống hằng ngày.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ và sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha
Bình Hòa
12:29 04/04/2010
Thánh lễ Phục sinh tại đền thánh Phêrô có gì khác với các nơi khác trên thế giới không? Dưới một khía cạnh nào đó, thì phải thưa rằng không, bởi vì nội dung của đức tin và buổi cử hành thì đâu đâu cững như nhau, đó là tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh đang hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu đặc biệt qua bí tích Thánh Thể. Nhưng xét về vài chi tiết bên ngoài, thì thánh lễ tại quảng trường thánh Phêrô mang nhiều nét độc đáo. Thứ nhất, bởi vì người ta có thể nhận thấy tính cách hoàn vũ của Giáo hội, gồm bởi nhiều sắc dân chủng tộc, được tượng trưng qua 65 lời chúc mừng của đức thánh cha vào cuối sứ điệp Phục sinh. Kế đến, ngươi ta cũng nhận thấy sự hiện diện của nhiều thành phần cộng đoàn Dân Chúa, các hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ thuộc nhiều hội dòng, các phong trào giáo dân, vv. Những đặc trưng này bắt nguồn từ vị trí của vị giám mục Rôma, kế vị thánh Phêrô được đặt làm thủ lãnh Giáo hội. Từ năm 2000, thánh lễ Phục sinh bắt đầu với nghi thức hai phó tế mở hai cánh cửa của bức icôn tượng trưng Chúa Kitô Phục sinh, và hướng về đức thánh cha để công bố: “Chúa Kitô đã sống lại và đã hiện ra với ông Simon Phêrô”. Dựa theo sách Tông đồ công vụ, ông Phêrô là người đầu tiên thay mặt Hội thánh để rao giảng cuộc Phục sinh của Chúa Kitô. Năm nay còn một thêm chi tiết khác nữa, liền tiếp theo đó, đức hồng y Angelo Sodano niên trưởng hồng y đoàn đã lên tiếng cám ơn đức Bênêđictô XVI vì lòng can đảm làm chứng cho Tin mừng, bất chấp những sự chống đối, và cam đoan với ngài tình liên đới của toàn thể Hội thánh trong lời cầu xin dâng lên Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành để nâng đỡ sứ vụ của ngài.

Bất chấp trời mưa, các tín hữu đã đứng chật quảng trưòng thánh Phêrô để tham dự Thánh lễ. Các bài đọc Sách thánh đươc xướng bằng tiếng Tây ban nha, Anh, Ý, và các ý chỉ lời nguyện giáo dân bằng tiếng Pháp, Đức, Nga, Malayalam, Bồ-đào-nha. Ba ca đoàn tổng cộng 230 ca viên đã cùng với cộng đoàn dâng lời ca tụng Thiên Chúa. 140 linh mục đã giúp trao Mình Thánh.

Sau Thánh lễ, đức thánh cha lên bao lơn chính để đọc sứ điệp Phục sinh. Tư tưởng chính dựa trên bài ca chúc tụng của dân Do thái sau khi vượt qua Biển đỏ. Phụng vụ Kitô giáo trích lại bài ca đó, áp dụng cho cuộc Vượt qua mà Chúa Kitô đã thực hiện khi dẫn đưa nhân loại từ cái chết đến sự sống mà chúng ta được tham dự nhờ bí tích Rửa tội. Linh đạo của lễ Vượt qua có thể tóm lại trong tiếng “xuất hành”, vượt qua cái chết của tội lỗi bước sang cuộc sống mới. Sau đây là nguyên văn sứ điệp.

Cantemus Domino: gloriose enim magnificatus est: “Nào chúng ta hãy hát mừng Chúa: bởi vì Ngài thật cao cả uy hùng"

Anh chị em thân mến

Tôi xin mang đến cho anh chị em lời loan báo Phục sinh bằng những lời của phụng vụ, vọng lại bài thánh thi chúc tụng cổ xưa của dân Do thái sau khi vượt qua Biển Đỏ. Sách Xuất hành (ch 15,19-21) thuật lại rằng sau khi dân Do thái đã băng qua giữa lòng biển khô cạn thì bà Myriam, em gái của hai ông Mosê và Aarron cùng với các phụ nữ đã đánh trống nhảy múa xướng lên bài ca hoan hỉ: "Hãy hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương". Người Kitô-hữu lặp lại bài ca này vào đêm Vọng Phục sinh, và một lời nguyện riêng đã giải thích ý nghĩa của nó dưới ánh sáng của lễ Phục sinh, lời nguyện mà chúng ta hân hoan coi như là của mình: "Lạy Chúa, kể cả vào thời nay, chúng con được chứng kiến những kỳ công của Chúa. Điều mà xưa kia bàn tay dũng lực Chúa đã thực hiện khi giải thoát một dân tộc khỏi cảnh áp bức của vua Pha-ra-on, thì ngày nay Chúa thực hiện qua nước của bí tích Rửa tội để cho muôn dân được ơn cứu độ; xin ban cho toàn thể nhân loại được đón nhận vào những con cái của ông Abraham và được thông dự vào phẩm giá của dân tộc được tuyển chọn".

Tin mừng mặc khải cho chúng ta biết những hình bóng cổ xưa thì nay đã hoàn tất: Đức Giêsu Kitô, nhờ cái chết và sống lại của mình, đã giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ tận căn, ách nô lệ của tội lỗi, và đã mở ra cho chúng ta con đường vào Đất hứa thực nghĩa, vào Vương quốc của Thiên Chúa, Vưong quốc của công lý, tình yêu và hoà bình. Trước tiên cuộc "xuất hành" này diễn ra ở ngay trong bản thân chúng ta, hệ tại một cuộc tái sinh trong Thánh Linh, công hiệu của bí tích Thanh Tẩy mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta trong mầu nhiệm vượt qua. Con người cũ nhường chỗ cho con người mới; chúng ta bỏ lại đàng sau nếp sống trước kia, và có thể tiến bước theo cuộc sống mới (xc. Rm 6,4). Nhưng cuộc "xuất hành" tinh thần là nguyên uỷ của một cuộc giải phóng toàn diện, có khả năng thay đổi hết mọi chiều kích của con người, cá nhân và xã hội.

Quả vậy, anh chị em thân mến, lễ Phục sinh là cuộc cứu độ đích thực của toàn nhân loại! Nếu Đức Kitô - Chiên Thiên Chúa - đã không đổ máu mình vì chúng ta, thì chúng ta sẽ chẳng có niềm hy vọng nào, định mệnh của toàn thể thế giới sẽ đương nhiên là cái chết. Nhưng sự Phục sinh đã lật ngược lại tình thế: sự Phục sinh của Chúa Kitô là một cuộc sự tạo dựng mới, như một cành chiết mang lại khả năng làm cho toàn thể thân cây được hồi sinh. Cuộc Phục sinh của Chúa Kitô là một biến cố đã làm thay đổi hướng đi của lịch sử, làm nghiêng cán cân về phía điều thiện, sự sống, sự tha thứ. Chúng ta đã được tự do, chúng ta đã được cứu thoát! Đó là lý do vì sao chúng ta hoan hỉ thốt lên tự đáy lòng: “Nào chúng ta hãy hát mừng Chúa: bởi vì Ngài thật cao cả uy hùng”

Đoàn dân Kitô hữu, ra khỏi nước Rửa tội, được phái đi khắp hoàn cầu để làm chứng cho ơn cứu độ, để mang đến cho mọi người hoa trái của cuộc Phục sinh, cốt ở một cuộc sống mới, được giải thoát khỏi tội lỗi và được hoàn phục vẻ đẹp nguyên thuỷ, điều thiện và sự thật Trải qua hai ngàn năm, các Kitô hữu - cách riêng là các thánh - đã liên tục làm cho lịch sử được phong phú nhờ kinh nghiệm sống động của cuộc Phục sinh. Hội thánh là đoàn dân xuất hành, bởi vì luôn luôn sống mầu nhiệm vượt qua và quảng bá ở mọi thời và mọi nơi niềm tin mang sức đổi mới. Kể cả vào thời nay, nhân loại cần một cuộc "xuất hành", không phải là những sự thích ứng hời hợt, nhưng là một sự hoán cải tinh thần và luân lý. Nhân loại cần được ơn cứu độ của Tin mừng, để có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu đậm, và vì thế đòi hỏi những thay đổi sâu xa, bắt đầu từ việc thay đổi lương tâm.

Tôi cầu xin Chúa Giêsu để cho tại miền Trung đông, cách riêng, miền đất đã được thánh hoá nhờ cái chết và sự sống lại của Người, các dân tộc thực hiện một cuộc "xuất hành" thực sự và dứt khoát ra khỏi chiến tranh và bạo lực, và đi đến hoà bình và hoà giải. Với các cộng đoàn Kitô hữ đang nếm nhiều thử thách và đau khổ, đặc biêt là tại Irak, xin Đấng Phục sinh lặp lại lời nói đầy niềm an ủi và phấn khích với các tông đồ tại nhà Tiệc ly: "Bình an cho các con!” (Ga 20,21)

Với các quốc gia ở Châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi đang chứng kiến cảnh gia tăng tội phạm liên quan đến việc buôn bán ma tuý, ước mong cho cuộc Phục sinh đánh dấu cuộc sống chung hòa bình và tôn trọng ích chung. Mong cho dân tộc Haiti thân yêu, bi tàn phá bởi thảm cảnh động đất, thực hiện được một cuộc xuất hành ra khỏi tang tóc và cảnh tuyệt vọng bước sang niềm hy vọng mới, nhờ tình liên đới quốc tế nâng đỡ. Mong sao cho các công dân Chile, đã bị ngã quỵ vì một cuộc thiên tai nặng nề khác, biết bắt tay vào công cuộc tái thiết nhờ sự nâng đỡ của đức tin.

Trong quyền lực của Chúa Giêsu phục sinh, mong sao bên Phi châu được chấm dứt những cuộc xung đột tiếp tục gây ra cảnh tàn phá và đau khổ, và mong sao cho họ đạt được nền hoà bình và hoà giải, là những bảo đảm cho sự phát triển. Tôi xin ký thác cho Chúa tương lai của Cộng hoà dân chủ Congo, Guinea và Nigeria.

Nguyện xin Chúa Phục sinh nâng đỡ các Kitô hữu vì đức tin mà phải chịu bắt bớ và thậm chí bị sát hại như là tại Pakistan. Nguyện xin Chúa ban cho các nước đang bị nạn khủng bố và kỳ thị hoành hành được sức mạnh dấn thân vào con đường đối thoại và chung sống an hoà. Nguyện xin cuộc Phục sinh của Chúa Kitô đem lại ánh sáng và sức mạnh cho các nhà hữu trách của mọi quốc gia, ngõ hầu hoạt động kinh tế và tài chánh được định hướng theo những tiêu chuẩn của công bằng và tương trợ. Nguyện xin quyền năng cứu độ của cuộc Phục sinh của Chúa Kitô thấm nhập toàn thể nhân loại, ngõ hầu họ vượt bỏ những đường lối biểu lộ "văn minh từ thần" đang lan rộng, để xây dựng một tương lai đầy tình yêu và chân lý, trong đó mạng sống con người được kính trọng và tiếp nhận.

Anh chị em thân mến. Lễ Phục sinh không phát sinh bùa phép nào hết. Cũng như sau khi băng qua Biển đỏ, người Do thái gặp thấy sa mạc, thì Hội thánh, sau cuộc Phục sinh của Chúa, luôn gặp thấy lịch sử cùng với những nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những đau khổ và lo âu của nó. Tuy vậy lịch sử này đã biến đổi, đã được đánh dấu bởi giao ước mới và vĩnh viễn, đã thực sự mở rộng đến tương lai. Vì thế, nhờ được cứu rỗi trong hy vọng, chúng ta tiếp tục cuộc lữ hành, mang trong tâm hồn bài ca cổ xưa nhưng vẫn luôn mới mẻ: “Nào chúng ta hãy hát mừng Chúa: Đấng cao cả uy hùng”.

Sau bài sứ điệp là các lời chúc mừng bằng 65 ngôn ngữ khác nhau (mở đầu là tiếng Ý, rồi các ngôn ngữ châu Âu, châu Á, và kết thúc với tiếng esperanto và latinh).

Phụng vụ mừng lễ Chúa Phục sinh kết thúc với phép lành ban ơn Tòan xá Urbi et Orbi, cho thành phố Rôma và cho tòan thế giới.
 
Phần mộ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 5 năm sau đã trở thành điạ điểm thăm viếng nhiều nhất của Rôma
Tien Ho chuyển ngữ
12:55 04/04/2010
VATICAN – 02 tháng 04, Zenit.org) Kể từ năm 2005, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, hầm Vatican, nơi có đặt phần mộ của Ngài, đã trở thành một trong những điểm được viếng thăm thường xuyên nhất ở Rôma.

Các giới chức tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô cho hãng tin Zenit biết, trung bình có khoảng 12.000 người đến viếng thăm phần mộ này mỗi ngày, mở cửa cho công chúng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (hoặc đến 6 giờ vào mùa hè). Nhiều vị giáo hoàng khác cũng an nghỉ gần Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ít ra trong danh sách có thể kể đến vị giáo hoàng đầu tiên - Thánh Phêrô.

Một hướng dẫn viên kêu gọi nhắc nhở du khách giữ im lặng và tưởng niệm vì nơi này là chốn linh thiêng.

Các lối dẫn vào hầm mộ được tạo ra từ bên phải vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Du khách đi xuống cầu thang này sẽ thấy các cây cột còn sót lại của ngôi thánh đường đầu tiên, được xây theo phong cách Constantine từ năm 326 đến 333.

Tiếp theo, họ sẽ đi ngang qua phần mộ của Đức Giáo Hoàng Calixtô III và sau đó là Bônifaciô VIII, Nicôla III, Innôxentê VII, Nicôla V, Phaolô II, Mácxêlô II, Gioan Phaolô I và Innôxentê IX.

Một số phần mộ lại được trưng bày hình ảnh của các vị giáo hoàng được chôn cất tại đó – tương tự những hình ảnh mà chúng ta có thể thấy nơi Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành, chúng được trang trí bằng những bức họa ảnh dưới thời 266 vị giáo hoàng chưa hề bị gián đoạn.

Trong một chuyến tham quan gần đây, phóng viên bài viết này ghi nhận rằng, đại đa số du khách đều tìm đến nơi an nghỉ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vài người khác, đặc biệt là du khách lớn tuổi, cũng tạm dừng chân bên Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô I. Một số người cho biết, phần mộ Đức Gioan Phaolô II, trước kia là nơi an táng Đức Gioan XXIII (kể từ năm 2002, Ngài được cải táng vào bên trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô).

Luôn có một vệ sĩ canh giữ tại phần mộ Đức Gioan Phaolô II để yêu cầu khách hành hương tạm dừng cầu nguyện và lùi về không gian giới hạn đằng sau để lối đi được khai thông. Nhiều người đến đặt hoa, tràng hạt, huân chương và các vật thánh khác nhưng có một số lại nhìn bằng con mắt tò mò.

“Kể từ khi Đức Gioan Phalô II qua đời, chúng tôi phải tổ chức lại mọi việc khác trước, do số lượng khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới mỗi ngày”, một vị giám sát phần mộ cho hãng Zenit biết. “Không có một ngày nào mà người ta không đến nơi này”.

Trước đây, để xuống hầm mộ phải đi thông qua bên trong vương cung thánh đường - không được sáng sủa và chỉ có vài lối xuống. Ngày nay, khách hành hương đến hỏi làm cách nào để tìm ra phần còn lại của vị giáo hoàng người Ba Lan.

“Tôi thích thú nhìn thấy nó [phần mộ], vì đây là lần đầu tiên tôi đến đây”, một khách hành hương từ Tây Ban Nha nói với hãng Zenit ngay sau khi viếng thăm. “Tôi luôn đọc và nghe nói về Ngài và tôi yêu mến Ngài rất nhiều, điều đó đã thúc đẩy tôi đến viếng thăm nơi Ngài an nghỉ. Tôi yêu bầu không khí và thái độ của người ta [nơi đây]”.

Một khách hành hương Tây Ban Nha nói với chúng tôi rằng, được thấy hầm mộ là một trong những mục tiêu chính của mình khi đến Rôma. “Tôi ngưỡng mộ sự đơn giản và gần gũi với người khác của Ngài”, anh ta nói thêm, “Thật không may khi Ngài qua đời vì Ngài rất quan trọng, Ngài đã để lại dấu ấn trong lịch sử Kitô giáo và cả lịch sử thế giới”.

Một khách hành hương Argentina (Á Căn Đình) khẳng định rằng, cô rất vui mừng khi đến viếng thăm nơi an nghỉ của Ngài. “Được nhìn thấy phần mộ của Đức Gioan Phaolô II, những kí ức về cuộc đời Ngài lại hiện lên trong tâm trí tôi. Ngài là người rất đơn giản, nhân bản và gần gũi. Thật đáng buồn khi Ngài qua đời, mặc dù Đức Giáo Hoàng bây giờ cũng là một người tuyệt diệu”.

Sau cùng, những bản nhạc thánh liêng luôn được vang lên trong không gian này như khơi gợi lại hồi ức, làm cho những người khách hành hương tưởng nhớ và cảm tạ Đức Thánh Cha, Ngài đã ra đi vào một ngày 02 tháng 04 như hôm nay, bên cạnh đó còn có hàng chục ngàn tín hữu đang cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ghi chép của Villa Carmen Elena.
 
Đức Hồng Y Sodano bầy tỏ với ĐTC Benedict XVI: “Toàn dân Chúa luôn ở với ngài”
Bùi Hữu Thư
20:26 04/04/2010
ROME, Chúa nhật 4 tháng 4, 2010, (Le Monde vu de Rome) - Đức Hồng Y Angelo Sodano, chủ tịch Hồng Y Đoàn và cựu Tổng Trưởng Bộ Ngoại Giao đã bầy tỏ với Đức Thánh Cha sự hỗ trợ của Giáo Hội, tại trọng tâm của các cuộc tấn công của giới truyền thông.

Đức Hồng Y khẳng định trong một bài diễn từ gửi Đức Thánh Cha Benedict XVI vào lúc khởi đầu Thanh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh, do Đức Thánh Cha chủ tế tại bậc thềm trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô: “Chúng con luôn ở bên ngài”

Đức Hồng Y đã tuyên bố: “Chúng con biết ơn sâu xa khi ngài biểu lộ sức mạnh tâm hồn và lòng can đảm về mục vụ để công bố Phúc Âm Chúa Kitô.”

Đức Hồng Y tiếp: “Dân Chúa không để cho bị lung lạc bởi những luận điệu bàn tán hiện nay, và bởi những thử thách đôi khi tấn công cộng đồng các tín hữu. Chúng con luôn ở bên ngài.”

Đức Hồng Y tiếp: “Các Hồng Y, là các cộng sự viên của ngài tại giáo triều Rôma đều ở bên ngài. Các giám mục bạn hữu của ngài trên khắp thế giới, đang hướng dẫn ba ngàn cộng đồng giáo phận toàn cầu đang ở với ngài. 400.000 linh mục đang quảng đại phuc vụ dân Chúa tại các giáo xứ, các nguyện đường, trường học, bệnh viện và các nơi khác, trong các xứ truyền giáo, các miền xa xôi hẻo lánh trên thế giới, cũng đang sát cánh mật thiết với ngài trong các ngày này.”

Đức Hồng Y Sodano nhấn mạnh là trong Thánh Lễ truyền dầu sáng thứ năm, Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng Thánh Phêrô đã mô tả như vậy thái độ của Chúa Kitô trong cuộc Thương Khó: “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1 P 2, 23).

Đức Hồng Y đã kết luận: Trong Lễ Phục Sinh cực trọng, chúng con cầu nguyện cho ngài, xin Chúa, là Đấng Chăn Chiên Nhân Lành tiếp tục nâng đỡ ngài trong sứ vụ chăm lo cho Giáo Hội và thế giới.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc, Thánh Lễ Phục Sinh và Rửa Tội Hai Tân Tòng
Jos. Vĩnh SA
02:03 04/04/2010
 
Lễ Vọng Phục Sinh tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 3/4/2010.
Bùi Hữu Thư
02:47 04/04/2010
Arlington, Virginia: Ngày 3/4/2010: Lễ Vọng Phục Sinh còn được gọi là Đêm Canh Thức Phục Sinh, là một nghi thức trọng thể được cử hành tại các Giáo Hội Kitô như việc tưởng niệm chính thức và đầu tiên Sự Sống Lại của Chúa Giêsu. Theo lịch sử Giáo Hội, trong nghi lễ này nhiều người được rửa tội hầu hết là người lớn tân tòng được tiếp nhận hoàn toàn vào sự hiệp thông với Giáo Hội. Nghi thức được khởi sự trong những giờ trời đã tối từ lúc mặt trời lặn ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh đến lúc mặt trời mọc sáng Chúa Nhật Phục Sinh – thông thường thì vào buối tối Thứ Bẩy Tuần Thánh – nhưng vẫn được coi như là một ngày Lễ Trọng khi các Thánh Lễ được cử hành vào lúc mặt trời lặn tối hôm trước.

Đây là nghi thức quan trọng nhất trong năm phụng vụ, được khởi sự trong bóng tối hoàn toàn với việc làm phép lửa Phục Sinh, việc thắp cây nến Phục Sinh lớn (biểu hiệu cho Chúa Kitô Sống Lại) và việc hát bài ca Exultet, là bài công bố Tin Mừng Phục Sinh do Thánh Ambrôsiô thành Milan biên soạn, và Kinh Cầu Các Thánh.

Sau khi làm phép lửa và nến, có một số các bài đọc trong Cựu Ước: kể lại câu chuyện sáng thế, chuyện hiến tế Isaac, việc vượt qua Biển Đỏ, và lời tiên tri Đấng Thiên Sai sẽ đến. Phần này đạt tới cao điểm với bài Phúc Âm về Chúa Sống Lại. Vào lúc đó, tất cả đèn trong nhà thờ bật sáng và chuông nhà thờ reo vang. Sau bài giảng của linh mục chủ tế, trọng tâm được chuyển từ bàn thờ sáng giếng nước rửa tội. Ngay từ cổ xưa, Phục Sinh đã được coi là ngày lý tưởng để các dự tòng được rửa tội. Trong khi làm phép rửa cho các dự tòng, tất cả cộng đồng dân Chúa trong nhà thờ Lập lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận Bí Tính Thánh Tẩy. Nghi thức này được ghi ấn bằng việc rẩy nước Thánh từ giếng rửa tội trên toàn thể cộng đoàn. Sau đó các tân tòng được chịu phép Bí Tích Thêm Sức và kết thúc bằng Bí Tích Thánh Thể, khi tất cả tân tòng cùng với cộng đoàn được rước Mình Thánh Chúa. Ngoài ra các tân tòng còn được rước Thánh Thể với hai hình dạng: Mình và Máu Chúa.

Hàng năm giáo xứ Các Thánh Tử Đạo tiếp nhận khoảng 20 anh chị em tân tòng. Họ phải qua một chương trình giáo lý Tân Tòng kéo dài trong vòng 9 tháng từ đầu tháng 9 cho tới đầu tháng 5 năm sau. Khóa học được sự giảng dậy và hướng dẫn của Cha Xứ Nguyễn Đức Vượng, Thầy Sáu Phạm Minh Kiên, và thầy Vũ Trần Thành. Năm nay, 2010, giáo xứ Các Thánh Tử Đạo có 28 anh chị em dự tòng được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức. Trong số này có 6 em nhỏ được gọi là tiểu dự tòng và được rửa tội cùng với cha mẹ. Phục Sinh năm nay trùng hợp với sự kiện thánh đường đang sửa sang và bành trướng sắp hoàn tất sau hơn 1 năm xây cất. Hôm nay cũng là lần đầu tiên phép lửa được cử hành trên một bàn thờ cẩm thạch dựng trên tiền đài Đức Mẹ La Vang, và cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm 2009 có cuộc rước kiệu Nến Phục Sinh từ Đài Đức Mẹ La Vang vào trong nhà thờ qua cửa chính mặt tiền.

Giáo xứ cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho một mùa gặt mới dồi dào với gần 30 tân tòng, và mọi sự tốt đẹp đã xẩy ra: từ thời tiếp tốt đẹp, đến mọi sự dễ dàng công ty xây cất đã dành cho giáo xứ trong việc sử dụng tầng lầu và tầng hầm cho các tiện nghi cũng như dành cho thêm chỗ đậu xe cho cuối tuần Phục Sinh, là những ngày giáo dân đi lễ hết sức đông đảo.

Nguyện xin tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, qua lời bầu cử của Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, luôn tác động, biến đổi và thánh hóa trong cuộc sống mới của quý anh chị. Cầu xin chúc cho anh chị em tân tòng được trung thành với Ơn Chúa cho đến trọn đời.



Le Vong Phuc Sinh 1010
 
Giáo xứ Bắc Hải, Hố Nai, Xuân Lộc mừng lễ Chúa Phục Sinh
Giuse Khổng Hữu Nguồn
08:22 04/04/2010
GIÁO XỨ BẮC HẢI, HẠT HỐ NAI, GIÁO PHẬN XUÂN LỘC MỪNG CHÚA PHỤC SINH

Trong những ngày qua, cùng với Hội Thánh Chúa khắp nơi Giáo xứ Bắc Hải đã long trong tổ chức Chương trình Tưởng niệm cuộc thương khó và Phục sinh của Chúa Giesu Kito, dù hoàn cảnh Giáo xứ đang xây dựng Thánh Đường.

Chương trình được phân chia cho 14 giáo Họ, cho các Giới, các Đoàn Hội trong Giáo xứ. Việc Ngắm sự thương khó Chúa (Ngắm Đứng) được bắt đầu từ Tuần thứ năm mùa chay. Các công việc chuẩn bị cũng như diễn tiến của những ngày: Lễ Lá, Lễ Tiệc Ly, các phiên Chầu Thánh Thể, Canh thức Vượt qua, rước nến mừng Chúa Phục Sinh được Cha Đaminh Bùi Văn Án, chánh xứ Bắc Hải rất quan tâm.

Xem hình

Cha xứ và cha phó Giuse Nguyễn Đức Thắng đã giúp cộng đoàn phụng vụ đi vào Tuần Thánh 2010 mang một ý nghĩa rất đặc biệt, năm ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam. Mừng 350 năm thiết lập hai giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong, 50 năm thiết lập Hàng giáo phẩm tại Việt Nam.

Các Ngài rất vui khi thấy cộng đoàn tham dự các lễ nghi Phụng Vụ Tuần Thánh rất đông, cách sốt sắng.

Các Ngài cũng ân cần khuyến cáo mọi người trong cộng đoàn giáo xứ hãy biết thinh lặng nội tâm để có thể sống gắn bó mật thiết với Chúa, với cuộc khổ nạn của Chúa, phục sinh với Chúa, để mưu cầu hạnh phúc thật cho mình, cho những người thân yêu trong Gia đình, cho Xóm làng, Xứ đạo, Quê hương Việt Nam.

Giuse Khổng Hữu Nguồn
 
Lễ Phục Sinh tại nhà thờ chính tòa Thái Bình
Trường Giang
11:07 04/04/2010
LỄ CHÚA PHỤC SINH TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA THÁI BÌNH

9 giờ sáng Chúa Nhật Phục Sinh, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình cùng đồng tế với 10 linh mục trong giáo phận, tại nhà thờ Chính Tòa Thái Bình, trước sự tham dự của hàng ngàn tín hữu Công Giáo.

Vì lý do trời mưa lớn, nên cuộc rước đoàn đồng tế từ tiền sảnh Tòa giám mục không diễn ra như mong đợi của ban tổ chức, mặc dù vậy nhưng cộng đoàn dân Chúa vẫn ngồi chật kín ngôi thánh đường có ngai tòa Giám mục. Trong thánh lễ hôm nay ngoài đội kèn nam của giáo xứ Chính Tòa, còn có đội kèn nữ giáo xứ Bác Trạch cùng phục vụ.

Mở đầu thánh lễ, trong niềm vui Chúa Kitô Phục Sinh khải hoàn, Đức Giám mục cầu chúc những lời tốt đẹp nhất đến các cha, các nam nữ tu sĩ và giáo dân toàn giáo phận, nhất là anh chị em hiện diện trong thánh lễ trọng đại hôm nay. Tiếp đến Đức cha hân hoan loan báo với toàn thể giáo phận một tin vui, sau bao cố gắng và nỗ lực chuẩn bị, đến nay 57 anh em tu sinh đã trở về ngôi nhà của giáo phận, tiếp tục được đào tạo trong khoảng thời gian hai năm, trước khi thi vào các đạic hủng viện.

Trong bài chia sẻ Lời Chúa, Đức cha lấy lại ý tưởng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc nhở những người trẻ ngày nay cần phải chỉnh đốn lại đời sống của mình. Đời sống của mỗi người cần có hai cái cánh để bay cao và bay xa hơn, đó là cánh Đức tin và cánh hiểu biết hay gọi là cánh khoa học. Đức tin cần có hiểu biết để xác tín cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn, khoa học cần có mạc khải soi sáng để xác định được mục đích tối hậu đời mình.

Kết thúc thánh lễ, Đức ông Hierônimô Nguyễn Phúc Hạnh, chánh xứ Chính Tòa cám ơn Đức cha và các hội đoàn, cũng như mọi thành phần dân Chúa, đã nhiệt tình cộng tác với giáo xứ tổ chức Tuần Thánh được tốt đẹp và sinh nhiều ơn ích hồn xác cho cộng đoàn phụng vụ.

Trong niềm vui Chúa đã sống lại hiển vinh, giáo phận Thái Bình vui mừng hơn nữa, vì trong đêm vọng Phục Sinh, có rất nhiều anh chị em tân tòng được gia nhập vào Hội Thánh Chúa. Tại giáo xứ Chính Tòa, Đức cha Phêrô Đệ ban bí tích rửa tội và thêm sức cho bốn anh chị. Giáo xứ Sa Cát do cha Phêrô Trần Duy Điển (chánh xứ) ban bí tích thánh tẩy và thêm sức cho ba anh chị, đó là:

1. Maria Hà Thị Lý, 19 tuổi, thôn Gia Mỹ, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

2. Maria Nguyễn Thị Ánh, 18 tuổi, thôn Hảo Sơn, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

3. Giuse Hà Văn Quang, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Các anh chị đã được học giáo lý từ hơn ba tháng nay. Do ông Giuse Vũ Quang Ánh, trưởng Ban hội đồng mục vụ, trưởng ban giáo lý xứ Sa Cát hướng dẫn.
 
Mừng các anh chị tân tòng Sydney Gia Nhập Giáo Hội
Diệp Hải Dung
11:25 04/04/2010
Mừng các anh chị tân tòng Sydney Gia Nhập Giáo Hội

Sydney, Chúa Nhật Phục Sinh 04/04/2010 - Sau những tháng ngày học hiểu về Giáo Lý, Kinh Thánh 16 Anh Chị Em Tân Tòng thuộc Giáo đoàn Cabramatta và Giáo đoàn Marrickville đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta Sydney tham dự Đại Lễ Phục Sinh và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Bí tích Thánh Thể để chính thức gia nhập vào đoàn chiên của Chúa.

Xem hình nghi thức anh chị em tân tòng gia nhập Giáo Hội

Sau bài giảng, các anh chị em Tân Tòng lên trước bàn thờ tuyên xưng Đức Tin và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, đồng thời nhận Khăn Trắng và Ánh Nến Phục Sinh của Chúa KiTô sau đó các anh chị em đón nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức. Cha Paul Văn Chi Đặc trách Ban Truyền Giáo chúc mừng 16 anh chị em Tân Tòng và mọi người cùng vỗ tay chúc mừng.

Thánh lễ mừng Phục Sinh gồm quý Cha Paul Văn Chi, Cha Việt, Cha Kiệt cùng hiệp dâng Thánh lễ và Thầy Phó tế Đặng Đình Nên phụ giúp Lễ. Trước khi kết thúc Thánh lễ Cha Patrick Mac Auliff Chính xứ Cabramatta ngỏ lời chúc mừng Phục Sinh đến Giáo Đoàn và chúc mừng các anh chị em Tân Tòng. Ông Hà Pi Liến Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Cabramtta thay mặt Giáo đoàn ngỏ lời chúc mừng các anh chị em Tân Tòng gia nhập vào Giáo Hội. Sau cùng một vị đại diện Tân Tòng ngỏ lời cám ơn Cha Chi, quý Giảng Viên Giáo Lý, quý Vú Bõ đỡ đầu đã tận tình hướng dẫn cho các anh chị em Tân Tòng chúng con học hiểu Giáo Lý, Kinh Thánh biết về Chúa để chúng con gia nhập vào Giáo Hội của Chúa. Chúng con kính xin quý Cha và tất cả mọi người cầu nguyện cho chúng con trên bước đường chập chững bước theo Chúa. Thánh lễ kết thúc quý Cha và Ban Mục Vụ Giáo đoàn phát quà mừng Phục Sinh cho các anh chị em Tân Tòng và tất cả mọi người.
 
Thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh tại nhà thờ chính tòa Huế
Trương Trí
13:39 04/04/2010
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ CHỦ SỰ THÁNH LỄ ĐẠI TRIỀU MỪNG CHÚA GIÊSU PHỤC SINH TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA.

Sáng chủ nhật 3.4. tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam Huế, Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể đã chủ sự thánh lễ đồng tế mừng Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Phục sinh vinh hiển. Cùng đồng tế có Đức giám mục phụ tá F.X. Lê Văn Hồng và các linh mục trong hạt thành phố Huế, với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ các dòng tu tại Huế.

Xem hình lễ Phục Sinh tại nhà thờ chính tòa Huế

Đúng 8 giờ 30, đoàn rước Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục phụ tá và các linh mục đồng tế từ công trường Thánh Giuse tiến vào nhà thờ một cách long trọng với tiếng kèn trống tưng bừng tấu khúc hoan ca mừng Chúa Kitô Phục sinh. Các hội đoàn đồng phục theo từng màu áo, đại diện các hội đồng giáo xứ nghiêm trang với áo thụng xanh truyền thống dân tộc, các anh chị em tân tòng vừa được Đức Tổng Giám mục ban phép Thánh tẩy và bí tích thêm sức trong đêm vọng phục sinh cũng hân hoan và vinh dự trong đoàn rước. Đức Tổng Giám mục tiến vào nhà thờ và ban phép lành cho cộng đoàn tham dự thánh lễ.

Mở đầu thánh lễ mừng Mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục sinh vinh quang, Đức Tổng giám mục đã nói: “ Tảng đá lấp mộ huyệt đã lăn ra một bên, để cho sự sống mới tuôn trào khắp vũ trụ. Chúng ta quy tụ về đây trong niềm hân hoan, để cùng nhau ca ngợi, tôn vinh và ngợi khen Chúa Giêsu Phục sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Tạ ơn Chúa đã ban sự sống mới phục sinh cho chúng ta, qua bí tích Thánh tẩy, để chúng ta được làm con Chúa, làm con Hội Thánh, những người con sống đạo một cách tích cực, chủ động, có ý thức trách nhiệm trong đại gia đình cộng đoàn mình. Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ chúng ta đây. Ngài ban phúc lành và bình an cho mỗi người, Ngài trao sứ mạng cho tất cả chúng ta:” Các con đừng sợ, các con hãy đi loan báo tin mừng phục sinh cho anh em mình” bằng cuộc sống, cách sống làm toát lên niềm vui tươi và hy vọng.

Nguyện xin Giêsu Phục sinh lôi cuốn chúng ta đi vào trong cuộc Vượt qua lớn lao của Ngài.Vượt qua:

- Từ bóng tối đến ánh sáng.

- Từ tội lỗi đến thánh thiện.

- Từ hững hờ đến nhiệt tình.

- Từ những đam mê thấp hèn đến một đời sống cao thượng, quãng đại, yêu thương và phục vụ để có thể làm chứng một cách trung thực và thiết thực cho mầu nhiệm Chúa Phục sinh.”

Trong điều kiện cuộc sống xô bồ, bon chen trong xã hội ngày nay, nhiều người đã tham dự thánh lễ vọng phục sinh đêm qua, nhưng sáng hôm nay vẫn rất đông tín hữu từ khắp nơi trong thành phố về đây để sốt sắng tham dự đại lễ mừng Chúa Kitô phục sinh, rất nhiều du khách nước ngoài cũng đến dự, dọc hai bên hành lang và trên tầng lầu đều kín chổ, rất nhiều người phải đứng tràn ra sân.

Cuối thánh lễ, ông chủ tịch hội đồng giáo xứ chính tòa Phủ cam Matthêô Nguyễn Đình Lục, thay mặt cộng đoàn dân Chúa bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Tổng, Đức giám mục phụ tá, cha quản xứ, các cha đồng tế và các hội dòng đã đến tham dự thánh lễ, gởi đến mọi người lời chúc mừng phục sinh thánh thiện và an bình. Các em thiếu nhi giáo xứ chính tòa hân hoan lên tặng hoa và mừng lễ Đức Giám mục, Đức Giám mục phụ tá và các cha đồng tế.

Đức Tổng Giám mục cũng gởi đến cộng đoàn phụng vụ lời chúc mừng phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu. Ngài cũng thông báo cho cộng đoàn biết những công việc của giáo phận trong thời gian sắp tới. Trước mắt, ngay trong chiều nay, hai Đức cha sẽ đi Sài gòn để tham dự hội nghị Họi đồng Giám mục Việt nam tại Vũng tàu, đồng thời dự lễ cung hiến nhà thờ chính tòa của giáo phận Bà rịa, giáo phận thứ 26 của giáo hội Việt nam mới thành lập.

Ngày 2.5. đến đây, sẽ có cuộc gặp mặt giới lao động tại Trung tâm mục vụ giáo phận Huế, dành cho anh em đạp xích lô, xe thồ và thợ thuyền.

Ngày 19.6. sẽ bế mạc năm Thánh Linh mục, theo dự kiến sẽ truyền chức linh mục cho 13 thầy phó tế, trong đó có 3 thầy thuộc dòng Thánh tâm Huế.

Các ngày 7,8,9/9/2010 sẽ có cuộc hội thảo chuyên đề về linh mục Cadiere tại Trung tâm mục vụ giáo phận Huế, cuộc hội thảo này sẽ có rất nhiều nhà nghiên cứu khắp cả nước về dự. Cuộc hội thảo do Ủy ban Văn hóa của Hội đồng Giám mục Việt nam và Tổng giáo phận Huế đăng cai tổ chức.

Ngày 6.1.2011 sẽ là Đại lễ bế mạc Năm Thánh giáo hội Việt nam tại Trung tâm Thánh mẫu toàn quốc LaVang. Lễ bế mạc này có ý nghĩa rất quan trọng, chắc chắn sẽ có rất nhiều người trong và ngoài nước, dự kiến sẽ có Đặc sứ Tòa Thánh tham dự. Cũng trong dịp lễ bế mạc này sẽ kết hợp Đại hội Đức Mẹ LaVang lần thứ 29. Giáo phận đang ráo riết chuẩn bị, tuy nhiên chỉ sợ thời tiết mùa này hay bị mưa rét. Đồng thời sẽ làm lễ đặt viên đá xây dựng và tái thiết Trung tâm Thánh Mẫu LaVang, bản thiết kế quy hoạch sẽ được Hội đồng Giám mục Việt nam bàn bạc và thảo luận sao cho phù hợp với hiện trạng.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám mục đã ban phép lành Tòa Thánh cho cộng đoàn tham dự phụng vụ mừng mầu nhiệm Phục sinh. Mọi người đều hân hoan chúc mừng nhau, trong niềm vui đón chờ những sự kiện trọng đại của giáo phận.

TRƯƠNG TRÍ.
 
Cộng Đoàn Praha đã long trọng tổ chức Thánh lễ Quan Thầy Cộng Đoàn
Anthony Trương
13:45 04/04/2010
Chiều ngày 21/03/2010 tại nhà thờ thánh Giacôbê Tiền, Kunratice, Praha 4, Cộng Đoàn Praha đã long trọng tổ chức Thánh lễ kính Thánh Giuse, Quan Thầy Cộng Đoàn.

Về tham dự Thánh Lễ, có hai Linh Mục Tuyên Úy, Cha phanxicô asisi Đăng Phước Hòa, CSsR., Cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Hùng, SVD, Ban Chấp hành Liên Cộng Đoàn (LCĐ), đại diện các Cộng Đoàn Morava, Cheb, Tábor, Pardubice và đông đảo bà con giáo dân Cộng Đoàn Praha.

Cộng Đoàn Praha là Cộng Đoàn lớn, được thành lập vào khoảng năm 1999. Qua dòng thời gian, trải qua bao nhiêu thăng trầm, nhờ ơn Chúa, CĐ đã phát triển không ngừng, hạt giống được nhân lên, đoàn kết, có tinh thần chung giúp đỡ lẫn nhau và hăng say xây dựng Cộng Đoàn. Cộng Đoàn Praha được coi là trung tâm cho mọi sinh hoạt của LCĐ trong các dịp lễ lớn, đặc biệt trong những năm gần đây.

Tuy thành lập đã được nhiều năm, nhưng vào dịp Đại Hội Liên Đoàn Công Giáo năm 2009, Cộng Đoàn mới nhận tước hiệu thánh Giuse, Bạn trăm năm của Đức Maria, làm Quan Thầy. Đây là lần đâu tiên Cộng Đoàn tổ chức mừng Lễ. Mặc dù chưa có kinh nghiệm về tổ chức, vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với cả con tim yêu Chúa và lòng sùng kính thánh Quan Thầy, cùng với sự hy sinh, dẫn dắt của Cha Tuyên Úy, Cộng Đoàn đã tổ chức khá thành công và không kém phần long trọng.

Trước Thánh Lễ, Cộng Đoàn hát kính thánh nhân “Lạy Thánh Giuse” và bắt đầu rước cờ Đức Mẹ La Vang của LCĐ, kiệu thánh Giuse vòng quanh khuôn viên nhà xứ và đi vào Thánh Lễ. Trong bài giảng, Cha Phanxicô, Tuyên Úy Cộng Đoàn, chia sẻ: “Anh chị em nhận thánh Giuse làm Quan Thầy, để xin ơn cho gia đình, cho công việc làm ăn, thì chúng ta cũng nên và phải nên xin thánh Cả Giuse giúp chúng ta biết cách học về Đức Giêsu. Khi chăm sóc Chúa Giêsu và Đức Maria, đức tin đã khiến ngài tin phó thác mọi sự cho Chúa và làm tất cả những gì thiên sứ truyền tin, Ngài đã nuôi sống đức tin của mình từng ngày, từng giờ một để trung thành với ơn gọi. Có ai chịu được khi nghe tin người mình yêu thương nhất bỗng dưng mang thai, thế mà thánh Giuse làm được vì Ngài tin vào Thiên Chúa. Có lẽ cả Tôi và anh chị em phải xin thánh Cả Giuse cho chúng ta biết tin vào Thiên Chúa, học hỏi nhau về điều hay điều tốt, bởi Chúa luôn nói với chúng ta qua người chồng, người vợ, người con trong gia đình và nơi anh em đồng loại…”

Vâng quả thật là như vậy, thánh Giuse có rất nhiều nhân đức cho chúng ta noi theo trong cuộc sống thường ngày, khiêm nhường, nhẫn nại, yêu thương, trung thành … cho nên có nhiều người đã khởi xướng lòng tôn kính thánh Giuse cách đặc biệt. Người khởi xướng việc tôn sùng thánh Giuse trước tiên trong Giáo Hội là Đức Hồng Y Patricio Daily. Ngài đã chép sách để cổ võ cho mọi người tin tưởng tôn kính thánh Cả.

- Thế kỷ 12, thánh Bênađô, thánh Tôma Aquinô, thánh Bonaventura, rao giảng về thánh Cả Giuse.

- Thế kỷ thứ 15, nhà thần học Gerson của Đại Học Paris, đã tiếp tục việc cổ động này. Trong Hội Nghị thành Constantinô, trước mặt đông đủ các vị Sứ Thần Tòa Thánh, các Thần Học Gia.... Ông đã thuyết trình một bài rất hùng hồn về thế lực và lòng nhân lành của thánh Cả Giuse. Kết quả Hội Đồng đã tôn nhận thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Đại Hội.

- Thế kỷ thứ 16, thánh Têrêsa Avila cổ động lòng sùng kính thánh Cả. Mẹ Têrêsa đã dùng chính đời sống mình để làm gương khuyến khích các chị em trong Dòng. Mẹ quả quyết rằng: "Chưa bao giờ tôi kêu cầu thánh Cả Giuse mà ngài không giúp đỡ tôi. Nhất là việc nhờ ngài tu sửa lại Dòng Kín".

- Thế kỷ 17, Giám mục Bossuet tại nước Pháp đọc diễn văn ca ngợi thánh Giuse gây tiếng vang tới Rôma đến nỗi Đức Ubarnô VIII đã nâng lễ thánh Giuse lên bậc lễ buộc trong nước Pháp.

- Tại nước Austria (Áo), vua Leopoldo nhiệt liệt ca tụng thánh Giuse, đã xin Tòa Thánh cho lập lễ Hôn phối thánh Giuse với Đức Mẹ để ghi ơn thánh Cả đã cho sinh con nối dòng và chiến thắng quân Turkey.

- Thế kỷ 19, năm 1870, Đức Piô IX, theo đề nghị của các Nghị phụ Công đồng Vatican I, đặt thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo Hội và truyền mừng lễ ngày 19 tháng 3 hàng năm trọng thể.

Năm 1889, Đức Lêô XIII ra thông điệp về lòng tôn kính thánh Cả Giuse và truyền lấy tháng Ba hàng năm tôn kính Ngài. (Châu Thủy, Thánh Giuse trong Phúc âm, NSTTĐM, 1989, trang 148-150)

Đức Piô XI tuyên xưng thánh Cả là mẫu gương đời lao công. Và Đức Thánh Cha Piô XII đã ðặt thánh Giuse làm chủ các gia ðình.

Tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào, mặc dù đi đâu, làm gì, sống tha phương nhưng chúng ta những người Công Giáo vẫn giữ vững đức tin, vẫn có những Thánh lễ Quan Thầy thật ý nghĩa làm cho đức tin ấy càng sống động hơn.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của thánh Cả chúc phúc cho Cộng Đoàn Praha nói riêng, và tất cả mỗi người để cho chúng ta biết noi gương thánh Cả Giuse sống đức tin trọn vẹn và trung thành với Thiên Chúa.
 
Giáo Xứ Việt Nam Paris mừng lễ Phục Sinh đón nhận 10 tân tòng
Trần Văn Cảnh
21:09 04/04/2010
Giáo Xứ Việt Nam Paris mừng lễ Phục Sinh đón nhận 10 tân tòng

Paris, Chúa nhật Phục Sinh 04/04/2010. Mùa Phục Sinh 2010 năm nay, Giáo Xứ Việt Nam đã được hân hạnh đón tiếp 10 tân tòng, hiệp thông với 320 tân tòng trong tổng giáo phận Paris, và với 3000 tân tòng trong giáo hội Pháp.

Đây là một chuẩn bị kỹ lưỡng và tương đối lâu dài. Đa số đã theo học cả hơn năm nay. Không kể lễ nghi chung « Được gọi chính thức » với các dự tòng khác ở nhà thờ Đức Bà Paris với Đức Hồng Y Tổng Giám Mục André Vingt-Trois, riêng tại Giáo Xứ hai lễ nghi đã được cử hành: lễ dự tòng gia nhập công đoàn vào chủ nhật I mùa vọng và lễ tân tòng lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức vào chủ nhật Phục Sinh hôm nay.

Chia sẻ Tin Mừng, Đức Ông Mai Đức Vinh đã nhắc lai những những lời chứng của các chứng nhân qua ba bài Thánh Kinh hôm nay.

Trước tiên là lời chứng của chứng nhân Phêrô, người theo Chúa ngay từ buổi đầu, và được Chúa đặt làm đầu Giáo Hội, ‘lo làm vững đức tin của mọi người’. Thay mặt cho các Tông Đồ, thánh Phêrô đã cả quyết: ‘Chúa Giêsu là Đấng người ta đã giết chết treo trên Thập giá. Nhưng ngày thứ ba Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại, và Ngài đã hiện ra với chúng tôi. Chúng tôi là những nhân chứng… (bài dọc một, Cv 10, 34; 37-43).

Thứ đến là những lời chứng của bà Madalêna mà thánh Gioan ghi lại một cách khách quan và sống động như chúng ta đọc được trong bài Tin Mừng hôm nay. Lời chứng của bà Madalêna đã thúc đẩy Gioan và Phêrô chạy vội ra mồ thị sát thật hư, lời chứng làm cho cả nhóm mười hai chưng hửng, ‘vì họ chưa hiểu rằng, theo Thánh Kinh thì Chúa Giêsu phải sống lại từ cõi chết’. (Phúc Âm, Ga 20, 1-9)

Sau cùng là lời chứng hay đúng hơn là lời khẳng định của thánh Phaolô với giáo đoàn Côlôsêô: “Chúa Giêsu đã sống lại, lên trời đang ngự bên hữu Chúa Cha, vậy nếu anh chị em đã sống lại với Đức Kitô, thì anh chị em hãy lo tìm kiếm những sự trên Trời..” (bài đọc hai, Cl, 3, 1-4).

Từ đó, Đức Ông nhắc lại ơn đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh, theo đó, chúng ta tin và làm chứng về Chúa Phục Sinh. Và hôm nay, một lời chứng mới của 10 anh em tân tòng, sau thời gian tìm hiểu, đã tin vào Chúa Phục sinh và muốn mang đời sống mình để làm chứng điều mình đã hiểu và đã tin. Đón nhận anh em tân tong, ôn lại lời hứa phép rửa, chúng ta xác tín theo lời thánh Phaolô: “Chúa Giêsu đã sống lại, lên trời đang ngự bên hữu Chúa Cha, vậy nếu anh chị em đã sống lại với Đức Kitô, thì anh chị em hãy lo tìm kiếm những sự trên Trời..”
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đường hội thánh đi là đường vinh quang
Gioan Lê Quang Vinh
11:17 04/04/2010
ĐƯỜNG HỘI THÁNH ĐI LÀ ĐƯỜNG VINH QUANG

Chúng ta đã có dịp cùng suy tư về con đường Hội Thánh đi, và chúng ta đã thấy rõ đường Hội Thánh đi là đường Thập Giá, là đường khiêm hạ, nhưng chắc chắn chúng ta cũng phải quả quyết đường Hội Thánh đi là đường vinh quang, nơi mà ánh sáng vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng Hội Thánh tôn thờ, chiếu giãi muôn ngàn đời mà không bàn tay gian tà nào che lấp được.

Hội Thánh được thành lập khi nào? Cha Bùi Đức Sinh O.P., trong tác phẩm Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, đã viết: “Nếu Giáo hội Công giáo định nghĩa là một khối tín hữu vây quanh Chúa Cứu Thế và vâng lời Người, thì Giáo hội đã có từ khi bốn dân chài: Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan, đáp lời mời của Chúa Giêsu bỏ thuyền lưới tại hồ Galilêa, để trở thành những“ngư ông câu người” (Mt. 4, 18-22).

Tác giả viết tiếp: “Theo các nhà thần học, Giáo hội được thành lập vào buổi sáng ngày Chúa Thánh Thần Hiện xuống, khi thánh Phêrô và các Tông đồ được tràn đầy ơn Thánh Thần, mạnh dạn làm chứng nhân về sự Chúa sống lại, lên Trời, trước công chúng từ bốn phương kéo về Giêrusalem nhân ngày lễ “Ngũ Tuần” (Cv 2, 1-4)

Như thế, Hội Thánh có giai đoạn là một Hội Thánh thầm lặng, được giáo huấn bằng Lời và hành động mạnh mẽ của Đức Kytô để Hội Thánh ấy được chuẩn bị và thanh luyện, nhưng từ ngày Phục Sinh, đặc biệt là từ ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Hội mà Đức Giêsu sáng lập trở thành Hội Thánh vinh quang và can đảm làm chứng cho Chân lý và Công lý giữa một thế gian bị ác thần cố giành quyền điều khiển.

Philatô và Hêrôđê đại diện cho thế gian nhu nhược và tàn nhẫn. Các ông nhu nhược khi biết rằng Giêsu là người công chính và Baraba là tội phạm mà vẫn phải kết án Giêsu vì các ông sợ công chúng, một công chúng bị kích động bởi tà quyền. (Thời nào cũng có một loại công chúng sống cho bóng tối). Ông tàn nhẫn khi ông truyền kết án dã man Đấng Công chính là Vua mọi người công chính.

Ngày Phục Sinh là ngày mà mọi gian tà phải trả lẽ. Ngày ấy Hêrôđê và Philatô phải hối tiếc vì những quyết định vô thần của mình. Nhưng tôi tớ ma quỉ có đời nào nhận mình lầm, bởi lẽ bản chất của Satan là luôn khẳng định mình là đỉnh cao của chân lý, trong khi chính đầu mục của quỉ tự trong thâm tâm đã thấy mình ngu muội ngay từ lúc một Tổng lãnh Thiên Thần kêu lên “Michael” (Ai bằng Thiên Chúa?)

Ngày Đức Kytô Phục Sinh, thiên hạ chiêm ngắm ba yếu tố: ánh sáng, màu trắng tinh khiết và sự nhẹ nhàng thanh thoát, ba yếu tố của thân mình mầu nhiệm Đức Kytô Phục Sinh. Giáo Lý Công Giáo dạy rằng Hội Thánh là thân mình mầu nhiệm Đức Kytô, thân mình bầm dập “không còn hình tượng người ta nữa” như Iasaia tiên báo, nhưng đồng thời cũng là thân mình vinh quang của ngày biến hình trên núi Tabor. Do vậy, Hội Thánh cũng là Hội của màu trắng tinh khiết, của sự nhẹ nhàng thanh thoát và của “ánh sáng cho muôn dân”.

Vâng, Hội Thánh là Hội của vinh quang. Khi các nhà thiên văn khám phá một vì sao, họ góp phần làm cho nhân loại nhìn thấy ánh sáng của vì sao. Hội Thánh là nhà thiên văn khám phá ánh sao muôn đời của Đấng Cứu độ trần gian, và trong Đêm Vọng Phục Sinh, Hội Thánh chiếu ánh sao ấy vào nhân gian: “Ánh sáng Chúa Kytô”.

Thế nhưng trong Đêm Thánh ấy, chỉ một phần nhân loại được cứu độ reo vang: “Tạ ơn Chúa”. Còn một phần khác lại chế nhạo: “Chúa chúng nó ở đâu?”. Hơn nữa, kẻ ác còn đến từng tâm hồn và rỉ rả rằng chẳng có Thiên Chúa nào cả, mà chỉ có những con người to lớn vốn là người trần tục làm chủ lịch sử! Chúng còn chạy lăng xăng để mong xô ngã Thánh Giá Đấng Cứu độ trần gian. Thật tội nghiệp cho những con người không biết phận mình hèn kém.

Thập giá hành hình trên đồi xưa có thể bị xô ngã hay bị hạ xuống. Nhưng Thánh Giá Đức Giêsu thì muôn ngàn đời không bao giờ còn quyền lực nào xô ngã nổi vì đã được bảo chứng bằng ánh vinh quang ngày Người sống lại. Kẻ nào manh tâm định đạp ngã Thánh giá là “giơ chân đạp mũi nhọn” và lập tức đón nhận án phạt kinh khiếp nhất.

Đường Hội Thánh đi là đường vinh quang vì có cờ Thánh Giá. Người La mã cổ đại rùng mình khi thấy hình thập tự giống như người Mỹ nhìn thấy ghế điện, còn hơn người Việt nghe từ “kinh tế mới”, “cải tạo tư sản”. Nhưng khi Đấng Cứu thế giang tay trên thập tự, thì thập tự biến thành Thánh Giá, đau thương biến thành vinh quang nuớc Trời và trở nên ngày hiển trị.

Đường Hội Thánh đi là đường vinh quang vì đó là con đường khiêm hạ và thập hình. Chúa Giêsu bảo: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” và “con đường hẹp dẫn đến vinh quang”. Chúa Giêsu đã thách thức người Do thái hãy phá huỷ Đền Thờ là chính Người, và Người sẽ xây dựng lại sau ba ngày. Họ không những không tin mà còn cười nhạo Người.

Tiếng cười nhạo ấy hai ngàn năm sau còn vang mãi với bao ê chề dành cho những kẻ đứng trong bóng tối để ủng hộ Satan. Tiếng cười ấy vang lên và bảo “Giáo Hội Công Giáo được bao binh đoàn?”. Lời tiên báo của Mẹ Maria “Trái Tim Mẹ sẽ thắng” cũng bị tiếng cười ấy ngạo nghễ nhạo báng. Khi Hội Thánh chứng minh sức mạnh của mình, sức mạnh từ Trái Tim bị đâm thâu của Đấng bị đóng đinh và từ Trái Tim đồng công của Mẹ Maria, tiếng cười ấy nghẹn ngào trốn vào phía sau quỉ vương hoả ngục.

Nếu đường Hội Thánh đi là đường vinh quang thì đã đến lúc con cái Giáo Hội, từ người mục tử cho đến từng con chiên nhỏ bé, chẳng còn gì phải sợ hãi. Nhiều năm qua dường như Hội Thánh Việt nam vẫn như những môn đệ đầu tiên, lúc thì e dè, lúc thì sợ sệt, thậm chí có khi chiên bị đánh tan đàn mà chủ chăn vẫn hiền lành hơn cả chiên con. Vinh quang đâu? Lòng tin đâu? Phục Sinh đâu?

Đành rằng lòng tin là chuyện cá nhân. Nhưng vì những cá nhân được Chúa giao cho chủ chăn trông coi, cho nên không thể có chuyện Phêrô sợ sệt mà đoàn chiên hăm hở tiến bước. Phải là lúc Phêrô và Phaolô coi hình khổ và lao tù là dấu chứng của vinh quang, các ngài mới củng cố đức tin anh em mình.

Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa và chúng con tôn vinh Phục Sinh Chúa. Xin cho ánh vinh quang của ngày Phục Sinh củng cố đức tin của mọi người trong Hội Thánh Chúa.
 
Tin Đáng Chú Ý
UBND huyện Quảng Trạch kết tội linh mục Nguyễn Minh Dương
Giáo dân Vĩnh Phước
17:14 04/04/2010
Ngày 30/3/2010 linh mục Nguyễn Minh Dương nhận được “thông báo về những việc làm trái pháp luật của linh mục Nguyễn Minh Dương” do UBND huyện Quảng Trạch gửi. Đó là những việc làm nào và thông báo đó ra sao? Xin quí độc giả dành ít thời giờ đọc và suy gẫm.

Giáo xứ Vĩnh Phước, hạt Hoà Ninh, giáo phận Vinh, thuộc xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hơn 50 năm không có linh mục quản nhiệm. Tháng 11 năm 2004 được Bề Trên giáo phận sai linh mục Nguyễn Minh Dương về coi sóc giáo xứ. Tại đây, linh mục G.B Nguyễn Minh Dương gặp không ít khó khăn về xây dựng đời sống tinh thần đã sa sút của bà con giáo dân cũng như cơ sở vật chất.

Theo dòng lịch sử, giáo xứ Vĩnh Phước là 1 trong 4 xứ đầu tiên của tỉnh Quảng Bình đón nhận hạt giống Tin Mừng của các vị thừa sai. Đất của nhà thờ Vĩnh Phước trước đây có đến hàng chục ngàn mét vuông. Nhưng với thời gian dài không có linh mục quản nhiệm nên nhà thờ đổ nát xuống cấp trầm trọng. Đất nhà thờ bị chính quyền mượn cho dân sản xuất rồi chiếm dụng xây trường mầm non, cấp cho dân làm nhà ở, mở đường làng băng qua làm cho đất sử dụng của nhà thờ còn lại khoảng 3000m2. Thấy được sự việc như vậy, năm 2005, linh mục Nguyễn Minh Dương cùng giáo dân Vĩnh Phước đã làm đơn (228 đơn của dân) xác nhận nguồn gốc đất nhà thờ gửi chính quyền các cấp đòi lại đất nhưng không được giải quyết. Vì thế cha quản xứ đã vận động những người xây nhà và sản xuất trên đất nhà thờ tự nguyện trả lại cho giáo xứ. Nhờ đó hiện nay giáo xứ có được khuôn viên rộng 6000m2. Với UBND huyện đó là chỉ đạo lấn chiếm đất đai mở rộng khuôn viên.

Bước chân đến một giáo xứ tan hoang, không có cơ sở vật chất để sinh hoạt, linh mục Nguyễn Minh Dương cùng giáo dân đã bắt tay xây tường rào khuôn viên, nhà ở, phòng cho giáo xứ sinh hoạt, con em học giáo lý. Nhất là nhà thờ, sau 20 ngày linh mục và giáo xứ gửi đơn và hồ sơ xin làm lại nhưng không được chính quyền trả lời bằng văn bản theo như luật định nên giáo dân Vĩnh Phước đã xây dựng lại nhà thờ vì không thể chờ đợi thêm nữa. Với UBND huyện đó là tổ chức xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo trái qui định pháp luật.

Về một xứ đạo sau 50 năm không có linh mục, thấy nhiều tệ nạn, bất công, dân phải chịu khổ cực nên cha Dương đã lên án những bất công, đấu tranh cho sự thật, cho quyền lợi của người dân. Cụ thể một số vấn đề như sau:

- Việc làm giấy chứng minh nhân dân. Chính quyền xã thông báo những người đúng tuổi đến chụp hình để làm chứng minh nhân dân. Dân đến rất đông nhưng cán bộ chỉ làm một ngày. Những người quá tuổi qui định biết được số phận của mình nên dùng tiền mua phiếu và được làm trước. Còn những người đúng tuổi qui định thì nghĩ rằng mình có quyền lợi nên ngồi đợi đến lượt. Nhưng cuối buổi phải về không vì đông quá, mà phiếu đã bán hết và chỉ làm một ngày. Và như thế đến năm sau những người này lại trở thành người quá tuổi qui định nên bị phạt mới được làm giấy chứng minh nhân dân. Vì lên tiếng đấu tranh nên linh mục Dương bị qui kết là tuyên truyền sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước

- Năm 2009, Thủ Tướng chính phủ cho người nghèo ăn tết, “mỗi người 200,000đ, mỗi gia đình nếu nhiều người thì không quá 1000,000đ”. Thế mà sau khi tết linh mục đã nhận được hơn 80 thẻ chứng nhận hộ nghèo không được hưởng chế độ hỗ trợ ăn tết của Thủ Tướng. Bên cạnh đó lại có những trường hợp không có thẻ chứng nhận người nghèo nhưng được nhận tiền hỗ trợ; có người nhận được tiền nhưng phải chia cho người khác. Lại có những người bị trích lại một ít để làm “quỹ vì người nghèo”. Vì lên tiếng đấu tranh nên linh mục Dương bị qui kết là tuyên truyền sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước.

- Cuối năm 2008, Thủ Tướng chính phủ quyết định hỗ trợ dầu cho các tàu thuyền đánh bắt hải sản. Dân làng Cồn sẻ có hơn 60 chiếc tàu lớn, hàng trăm chiếc thuyền đánh bắt hải sản. Thế mà chính quyền địa phương đã thu mỗi tàu, thuyền là 200 đến 300,000đ để làm thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ dầu. Kết quả chỉ một số rất ít được tiền hỗ trợ, còn lại đa số không được tiền hỗ trợ dầu lại mất cả tiền nạp làm thủ tục luôn. Vì lên tiếng đấu tranh nên linh mục Dương bị qui kết là tuyên truyền sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước

- Dân làng Cồn sẻ hơn 3000 người sống trên một hòn đảo nhỏ, qua lại đất liền bằng một chiếc cầu tạm bằng gỗ tạp do dân góp làm. Cơn bão số 9 năm 2009 đã cuốn trôi, làm cho dân qua lại làm ăn sinh sống rất khó khăn và nguy hiểm. Nhất là con em phải bỏ học rất nhiều (hơn 60 em bỏ học trong năm học này). Thế mà chính quyền không quan tâm. Ban cán sự thôn chỉ xin chữ ký chứng nhận là cầu trôi, cần làm lại để đi xin kinh phí chổ khác về làm nhưng chủ tịch xã không cho lại còn bảo “về tự góp tiền làm cầu mà đi”. Cuối cùng giáo dân cùng linh mục góp tiền làm cầu cho dân đi nên bị kết tội “xây dựng không xin phép”.

- Các vụ việc như Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, Đồng Chiêm v.v…linh mục Dương đều lên tiếng hiệp thông, cung cấp thông tin cho giáo dân biết rõ sự thật, nên bị coi là tuyên truyền sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước.

Tháng 8 năm 2009, một kẻ côn đồ chặn đường để chém linh mục Dương bị phát hiện và bị bắt (trong người có dao) giao cho Công an nhưng Công an không giải quyết thấu tình đạt lý nên linh muc Dương “được” coi là bắt giữ và đánh người trái pháp luật.

Năm 2005, giáo xứ tổ chức ăn mừng lễ quan thầy giáo xứ. Chính quyền xã Quảng Lộc được mời và đồng ý tham dự, đến giờ, tiệc đã dọn đầy đủ nhưng đợi mãi không thấy cán bộ nào. Hội đồng giáo xứ gọi điện hỏi thì các cán bộ đều có lý do đột xuất, không một ai đến.

Noel năm 2007, Linh Mục nhận được công văn của huyện Quảng Trạch (giấy trắng mực đen, dấu đỏ) thông báo là 8 giờ sáng ngày 23/ 12 phái đoàn của Huỵên sẽ đến chúc mừng Noel nhưng linh mục và một cán bộ trong địa phương đợi đến 12 giờ không thấy.

Noel 2008, Linh Mục nhận được công văn (giấy trắng, mực đen, dấu đỏ) thông báo là ngày 23/ 12 đoàn của Huyện đến chúc mừng Noel nhưng 2giờ chiều ngày 22/12 đã đến mà không một thông báo đính chính nên không biết đường mà tiếp, nên linh mục Dương “được” coi là không tiếp các đoàn lãnh đạo tỉnh, huyện, xã.

Noel năm 2009, không được thông báo nào và đoàn cán bộ đến chúc mừng Noel và đã được Hội đồng giáo xứ tiếp mà không có linh mục nên được kể là không tiếp các đoàn lãnh đạo tĩnh, huyện, xã.

Nhiều lần chính quyền các cấp gửi giấy mời (cả giấy triệu tập) đi họp, làm việc nhưng linh mục Dương có một số lần không đi nên cũng được kể là nhiều lần không đến làm việc …. Mời là quyền của anh đi hay không là quyền của tôi chứ sao lại kết tội nhỉ?

Còn nữa, UBND huyện Quảng Trạch yêu cầu linh mục Dương “thực hiện sứ điệp mục vụ phù hợp với thư chung của Hội Đồng giám mục việt nam” thì không biết là thư nào đây? Thật không biết thục hiện theo thư chung nào để làm cho vừa ý của UBND huyện Quảng Trạch! có ai biết ý UBND huyện Quảng Trạch muốn thực hiện thư chung nào xin chỉ dùm.

Đôi bờ sông Gianh

Sau đây là bản thông báo “về những việc làm sai trái pháp luật của Linh mục Nguyễn Minh Dương”của UBND huyện Quảng Trạch.



 
Văn Hóa
Ra khỏi huyệt mộ
Ngô Xuân Tịnh
18:40 04/04/2010
Ra khỏi huyệt mộ

Chúa đã phục sinh
ra khỏi huyệt mộ
trút bỏ tấm khăn liệm
sau ba ngày nằm im trong huyệt đá.
Niềm hạnh phúc bao la
đang hiện diện
cho nhân loại
bị băng hoại
trải qua bao đau khổ triền miên.
Sau thánh giá là phục sinh
đau khổ sẽ nở hoa
và kết trái hy vọng
trong sự sống vĩnh cửu của hồng ân cứu độ
Hãy hát khúc hoan ca
Alleluia,alleluia,alleluia!
Hãy bước ra khỏi những huyệt mộ
chia rẽ, nghi kỵ, hận thù, ích kỷ, giá băng, vô cảm
tham lam,
mặc chiếc áo phục sinh làm con người mới
đông hành với giáo hội
cuộc lữ hành vương quốc nước Trời
vĩnh cửu.
Cùng lên thuyền với giáo hội ra khơi
loan báo Tin-Mừng-Sự-Sống-Yêu-Thương
giữa thế giới
làn sóng đau thương chới với
nền văn hóa chết chóc xông tới
cho muôn Người
hưởng hạnh phúc dồi dào mùa xuân cứu độ
 
Bản nhạc Lòng Thương Xót Chúa
Nguyễn Chánh
21:30 04/04/2010
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ngày Mới
Dominic Đức Nguyễn
22:22 04/04/2010

NGÀY MỚI



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn (Hình chụp tại Đan Viện Châu Sơn

Sacramento)


Ngày mới đã bừng sáng nơi nơi

Ánh sáng Phục Sinh rực chiếu ngời

Xóa tan đi đêm đen tăm tối

Sưởi ấm lên Tình Chúa, tình người.

(Trích thơ của Vọng Sinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền