Ngày 04-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:50 04/04/2012
CHIẾU CÓI CHĂN BÔNG
N2T

Một nhà nghèo không có chăn bông chỉ đắp chiếu cói khi ngủ. Con cái rất thật thà nên đem chuyện này nói cho người khác biết, ông bố tức giận nên đánh con và chửi nó:
- “Sau này nếu co người hỏi thì mày nói là có chăn bông, nghe chưa ?”
Một hôm, có khách đến thăm, gặp lúc ông bố có việc phải đi, trên râu mép có vướng cọng rơm, con trai chạy theo phía sau la lớn:
- “Bố, bố, trên mặt của bố có chăn bông”.

Suy tư:
Con nít thì luôn thật thà, vì tâm hồn của chúng nó như tờ giấy trăng chưa vương chút bụi trần, tức là chưa xảo trá điêu ngoa, chưa phân biệt rõ ràng tốt xấu, mà chỉ nghe người lớn nói gì thì nhớ nấy mà thôi.
Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ con, cha mẹ dạy gì thì nhớ lấy: dạy điều tốt thì nhớ điều tốt, dạy điều xấu thì nhớ điều xấu, tóm lại là hành vi ngôn ngữ của cha mẹ và các anh chị trong gia đình thế nào, thì sẽ in rất sâu đậm vào trong tâm hồn của con cái thế ấy.
Có những gia đình vì sĩ diện mà cha mẹ dạy con nói dối; có những gia đình vì nghèo khó mà cha mẹ dạy con đi ăn trộm; có gia đình không vì sĩ diện cũng không vì nghèo khó, nhưng vì nuông chiều con cái mà để chúng nó rất tự do trong cuộc sống, cho nên đi đến phạm pháp và trở thành nỗi đau nhức cho xã hội…
Câu nói: giấy rách phải giữ lấy lề, thật là chí lý. Lề là đạo đức, lề là nề nếp của gia đình và dân tộc, lề cũng là lề luật của Thiên Chúa nơi người Ki-tô hữu.
--------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thứ Năm Tuần Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:53 04/04/2012
THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Bữa tiệc ly
Bữa ăn chiều Thứ Năm năm nọ của Đức Chúa Giê-su với các môn đệ là bữa ăn cuối cùng của Ngài ở trần gian, hay nói cách khác, Đức Chúa Giê-su đã biết cuộc sống tại thế của Ngài sắp chấm dứt, bữa ăn phần xác kết thúc –tiệc ly, để rồi mở đầu cho bữa ăn phần hồn vĩnh viễn và viên mãn –Máu Thịt của Ngài, đó là bí tíchThánh Thể.

Để chuẩn bị cho bữa tiệc được trọn vẹn, Đức Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ hai việc quan trọng để được tham dự tiệc Hằng Sống :
1. Phục vụ.
2. Yêu thương.

Phục vụ và yêu thương giống như bánh miến và rượu nho kết hợp với nhau để thành lương thực hằng sống; phục vụ và yêu thương giống như giọt nước pha trong rượu, trộn lẫn vào nhau để hương vị phục vụ vừa với khẩu vị của mỗi người.

A. Suy tư.

1- Phục vụ
“Nên trong một bữa ăn. Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.

Trước khi ăn người ta thường rửa tay, đây là phép vệ sinh tối thiểu, nhưng rửa chân cho các môn đệ không phải là phép vệ sinh, mà là một hành vi phục vụ, một thái độ khiêm tốn của người mà các môn đệ gọi là Thầy và là Chúa, Đấng ấy là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

“Anh em gọi gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” .

Chỉ có bố mẹ mới rửa chân cho con cái, vì đây là tình yêu, thói đời, không một ông chủ nào rửa chân cho đầy tớ, không một ông thầy nào rửa chân cho học trò vì làm như vậy là tự giảm giá trị nhân cách của mình. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã làm điều ấy, không phải để biểu diễn, không phải để mị dân, nhưng là vì yêu thương các môn đệ, và dạy cho các ông một bài học là phục vụ. Bởi vì phục vụ là dấu chỉ để người ta nhận ra mình là môn đệ của Đức Chúa Giê-su Kitô –Thiên Chúa làm người-

“Một ngày nọ, chim thiên nga hỏi Chúa Tạo Vật (Đấng sáng tạo):
- Con có thể làm môn đồ của Ngài được chứ ?
Chúa tạo vật vui vẻ trả lời: “Được, được”.
Một lúc sau Chúa Tạo Vật nói với chim thiên nga :
- “Con nhìn xem con vịt mẹ đàng kia kìa, nó vừa kiếm ăn từ dưới bùn lầy đi lên đấy, chân nó quá dơ, con đến giúp rửa chân cho nó đi”.
Chim thiên nga lắc đầu không chịu, nói to :
- “Làm môn đồ của Chúa Tạo Vật thì không thể nào đi rửa chân cho người khác”.
Chúa Tạo Vật nói :
- “Này con, nếu con không rửa chân cho người khác, thì ai biết con là môn đồ của Ta chứ ??” (1)


Câu chuyện nhỏ nhưng đạo lí thì lớn.
Phục vụ tha nhân không vì họ là anh em bà con của mình, nhưng vì họ là hình ảnh Đức Chúa Giê-su, là hình ảnh của Chúa Tạo Vật, bởi vì họ là anh em của mình trong đức ái.
Ai cũng thích người khác phục vụ mình, chứ không ai thích mình phục vụ người khác, đó chính là bản chất cốt yếu của căn tính con người là kiêu căng và thích thống trị, không một liều thuốc nào có thể chữa trị được căn bệnh “truyền thống” kiêu căng ấy nơi con người, cũng như không có ai có đủ bản lãnh để chiến thắng nó.

Chỉ có Đức Chúa Giê-su, Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là đến để phục vụ mọi người, và cái giá phải trả đó chính là chết trên thập giá. Với cái chết này, Đức Chúa Giê-su đã trị được căn bệnh kiêu căng và thích thống trị của con người, của ma quỷ; và với cái chết này, Đức Chúa Giê-su đã ghi tận trong tim mỗi người môn đệ của Ngài hai chữ phục vụ, và phục vụ đã trở nên đấu chỉ để cho nhân loại nhận ra mình là người môn đệ của Đức Chúa Giê-su, Đấng đã phục vụ cho đến chết.

2. Yêu thương
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”

Yêu thương nhau là chuyện cũ rất xưa của loài người, nhưng vẫn cứ mới cho người mới yêu, được yêu, và càng mới hơn nữa cho những người biết khám ra yêu thương chính là phục vụ Thiên Chúa trong tha nhân.

Có người nói yêu thương là sự rung cảm của hai con tim.
Có người nói yêu thương là sự liên kết giữa hai tâm hồn.
Có người nói yêu thương là xoá bỏ hận thù.
Có người nói yêu thương là sống chết có nhau.
Có người nói yêu thương là trao ban, là cho đi...

Đức Chúa Giê-su nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”
Đức Chúa Giê-su không đợi lúc sắp chết trên thập giá mới nói những câu này, Đức Chúa Giê-su không đợi khi sống lại mới nói câu này, nhưng Ngài đã nói trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ –bữa tiệc ly- bởi vì yêu thương và phục vụ là nhân tố chính để được tham dự tiệc Con Chiên trong Nước Trời. Không yêu thương thì không phục vụ, mà đã phục vụ thì điều cốt lõi là phải có yêu thương, và khi đã vì yêu thương mà phục vụ thì chúng ta mới xứng đáng tham dự tiệc Con Chiên –bí tích Thánh Thể-

Cuộc đời của Đức Chúa Giê-su là cuộc đời của phục vụ, cuộc sống của Đức Chúa Giê-su là cuộc sống của tình yêu, Ngài vì dân chúng mà phục vụ không ngơi nghỉ, Ngài vì dân chúng lầm than mà thi ân giáng phúc cho họ không biết cơ man nào mà kể. Và cuối cùng Ngài bị nghiền nát để trở nên tấm Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu không những ngay đời này mà cho đến cả đời sau.

B. Cầu nguyện
Lạy Đức Chúa Giê-su Thánh Thể,
Hôm nay là ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mỗi người trong chúng con đều hiểu rất rõ ý nghĩa của các lễ nghi trong chiều nay, chúng con thuộc lòng từng câu từng chữ mà Chúa đã nói với các môn đệ trong ăn bữa cuối cùng với họ, chúng con đã hiểu và chúng con đã tin. Nhưng cái hiểu biết của chúng con chưa rốt ráo, chưa trọn vẹn, nên chúng con chưa phục vụ tốt tha nhân, nên chúng con chưa thật tình yêu thương mọi người.

Hôm nay quỳ trước Nhà Tạm của Chúa trong nơi yên tĩnh này, tâm hồn của chúng con mới được soi sáng về ý nghĩa của phục vụ và yêu thương, đó chính là hai phương thế giúp chúng con tiến tới bàn tiệc thánh thiên quốc.

Xin Chúa ban cho chúng con biêt phục vụ quên mình, phục vụ mà không đòi điều kiện; biết yêu thương cách chân thành mà không đòi được yêu, để chúng con xứng đáng tham dự bí tích của tình yêu là Mình và Máu Thánh của Chúa. Amen

(1) Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay” bản dịch của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:54 04/04/2012
N2T

34. Nếu như không có các loại cám dỗ thì cũng không có chiến thắng của chiến đấu, nếu như không có thắng lợi thì cũng không có triều thiên của chiến thắng.

(Thánh Ciprianus)
 
Chầu Thánh Thể thứ 5 Tuần Thánh năm 2012
GP Đà Lạt
09:54 04/04/2012
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ này cộng đoàn giáo xứ chúng con hiện diện bên Chúa trong đêm Tiệc Ly này để đáp lời mời gọi của Chúa: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Xin cho chúng con đêm nay, khi ở lại bên Thánh Thể chúng con cảm nếm được tình thương bao la, một tình yêu đến cùng mà Chúa dành cho chúng con, để nhờ cảm nếm tình yêu ấy mà tâm hồn chúng con được biến đổi và sống tình yêu Chúa cách tràn đầy hơn nữa trong cuộc sống hằng ngày của chúng con.

Tin Mừng Ga 6, 48-58

Đáp Ca : “Ta là Bánh Hằng Sống”

1. Thánh Thể, nơi biểu hiệu Thiên Chúa yêu con người đến cùng

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Kinh thánh cho chúng con biết rằng: vì tình yêu, Chúa Cha đã làm mọi sự tốt lành: dựng nên trời đất tốt lành, dựng nên con người giống hình ảnh Chúa. Sau khi con người phạm tội, Chúa Cha đã không từ bỏ con người mà con hứa ban cho con người Đấng Cứu Thế.

Và Khi tới thời gian viên mãn, Thánh Gioan nói cho chúng con biết sáng kiến Tình Yêu của Chúa Cha: không phải chúng con yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng con, và sai Con của Người là chính Chúa đến làm của lễ đền tội cho chúng con (1Ga 4, 10). Vâng “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một cho loài người chúng con” (Ga 3,16). Trên vũ hoàn này chúng con không thể có gì quý trọng hơn là Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Thiên Chúa. Thiên Chúa tình yêu ban tặng chính bản thân mình cho chúng con. Lạy Chúa Giêsu Thánh thể, Chúa là Bánh Sự Sống của Chúa Cha ban cho chúng con để chúng con có sự sống đời đời mà không phải đơn thuần tha thứ tội lỗi cho chúng con.

Tiếp nối sáng kiến yêu thương của Chúa Cha, lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha. Chúa cũng đã đi bước trước. Trong Bí tích Thánh thể, chúng con đón nhận sáng kiến tình yêu của Chúa. Chúa là Lời Nói vĩnh hằng của Chúa Cha. Chúa đã hiến mình làm của lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa trên thập giá, và đã tự hiến làm lương thực cho chúng con trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của Chúa “Chính tôi là Bánh trường sinh, ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !” (Ga 6,35). Một sáng kiến tuyệt vời để hiện diện hữu hình và hữu hiệu ở giữa Chúng con: Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20).

(Bài hát: Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng)

2. Thánh Thể, nơi Giáo hội sống Màu nhiệm hiệp thông

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa không chỉ muốn hiện diện mà Ngài còn muốn: “Lạy Cha, Cha ở trong con để chúng cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:21). Kết quả tình yêu tuyệt mỹ này là chúng con được hiệp thông và hiệp nhất với Chúa Cha trong Chúa nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần trong một Nhiệm Thể duy nhất là Giáo Hội. Đời sống hiệp thông đó, “hiệp thông bí tích”, “hiệp thông phẩm trật” cũng như “hiệp thông huynh đệ” được thể hiện, nuôi dưỡng và phát triển qua chính cử hành Thánh Thể.

Nói đến Hiệp thông Bí tích là nói đến sự quy tụ của đàn chiên quanh một Chúa Chiên duy nhất, cũng là sự thông phần và sự liên kết chặt chẽ trong cùng một Nhiệm Thể duy nhất với đầu là Đức Kitô. Một tấm bánh được bẻ ra cho nhiều người để tất cả được thông dự và làm nên một Tấm Bánh. Tấm bánh bẻ ra đó chính là Mình Thánh Chúa, và chúng con tất cả được kêu gọi đến cầm lấy mà ăn, để thông phần sự sống vĩnh cửu và xây dựng một Nhiệm Thể duy nhất.

Như vậy, lạy Chúa tất cả chúng con có chung một mầu nhiệm đức tin, có cùng một thân mình Giáo Hội là chính Nhiệm Thể của Chúa, có vị Cha chung trong Giáo Hội toàn cầu, một vị chủ chăn trong giáo phận. Nói như thế là để chúng con có thể thâm tín như thánh Phaolô trong tin yêu và hy vọng rằng : Chúng ta được liên kết thành một gia đình, một thân xác, vì tất cả chúng ta đều được tham dự vào cùng một Bánh là Chúa Giêsu Kitô (1Cor 10,16-17). Vâng, làm sao có thể thuộc về Chúa mà lại không tháp nhập vào Chúa một cách nào đó ? Làm sao có thể thuộc về Chúa mà lại không thuộc về Giáo Hội của Chúa ? Và hơn thế, làm sao có thể được khi mỗi chúng con nói : "Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Ki-tô." Thế ra Chúa đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? (1Cor 1,12-13).

Vâng lạy Chúa, Thánh Thể mời gọi và tha thiết cổ võ chúng con xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất trong giáo xứ dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Cách cụ thể chúng con được mời gọi hiệp nhất dưới sự điều dẫn của Cha quản xứ để cử hành phụng vụ, thực hiện các chương trình mục vụ, các công việc tông đồ và nhất là việc truyền giáo.

(Bài hát: Xin hiệp nhất chúng con)

3. Thánh Thể, nơi con người sống tình huynh đệ

Lạy Chúa Giêu Thánh thể, đêm nay chúng con ở bên Chúa lúc này thì chúng con cũng được mời gọi noi gương cộng đoàn kitô hữu tiên khởi gởi các phần tử của mình đi truyền giáo, sau khi đã ăn chay, cầu nguyện và cử hành việc bẻ bánh (Cv 13,1-4). Nghĩa là chúng con không thể tách rời việc Cử Hành Thánh Thể, Mầu nhiệm Thánh Thể với bổn phận hàng đầu và cũng là bản chất của Giáo hội là loan báo tình yêu Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại. Như công đồng vaticanô II đã nhắc nhớ chúng con “Phép Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Tin Mừng” (PO 5). Bởi lẽ này, phép lành và lời giải tán cộng đoàn ở cuối thánh lễ chính là lệnh lên đường để ra đi chu toàn sứ vụ đã nhận lãnh từ Chúa. Mỗi lần tham dự Thánh Thể, chúng con được long trọng sai đi thi hành sứ vụ truyền giáo: anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em (x.Mt 28,19-20a).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa không những mời gọi mà còn đòi buộc người Kitô hữu truyền giáo. Hơn thế như Thánh Phaolô đã khẳng khái quả quyết rằng việc cử hành Thánh Thể sẽ thiếu xót nếu không thực thi việc chia cơm sẻ áo cho những người túng nghèo (x.1Cor 11:17-22, 27-34). Đó là lệnh truyền của Chúa cho mỗi người môn sinh theo Chúa (x.Ga 13:35) và cũng là tiêu chuẩn Chúa xét xử chúng con có sống bí tích Thánh Thể thực sự hay không (Mt 25:31-46).

Thực vậy xung quanh chúng con hôm nay biết bao người chết vì thiên tại, bệnh tật, biết bao người già lão cô đơn, biết bao người nhân công thất nghiệp vì không công ăn việc làm... Đó là sự dữ đang hiện diện - dù dưới góc độ khác nhau - hiện diện ngay cả những nơi văn minh vật chất dư thừa nữa!

Vậy lạy Chúa Giêsu Thánh thể, xin dạy chúng con biết chia sẻ cơm bánh cách cụ thể, bởi lẽ làm thế nào chúng con có thể cử Thánh Thể, dùng bữa huynh đệ trong phẩm cách đồng bàn với Chúa cách xứng hợp được khi mà chúng con không dấn thân xây dựng tình huynh đệ đối với những người anh em cô thế cô thân và những người anh em nghèo đói đang hiện diện xung quanh chung con! (Bài hát: Luật yêu thương)

Lời nguyện chung

• Lạy Chúa Giêsu, chỉ vì yêu mà Chúa ước ao, khát khao ăn lễ Vượt Qua này / và thiết lập một lễ Vượt Qua mới đó là bí tích Thánh Thể / để ở lại mãi với mọi người chúng con.

Hát: Con xin tin kính sấp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành. Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình

• Chỉ vì yêu / mà Chúa muốn kết hợp với chúng con như cây liền cành, như đầu kết hợp với toàn thân qua việc Người tự nguyện trở nên của ăn của uống, để đến tận cùng tế bào máu thịt của chúng con . Không phải một của ăn sẽ biến đi nhưng là của ăn đem lại sự sống đời.

Hát: Con xin tin kính sấp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành. Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình

• Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết tìm và nhận ra tình yêu thương cứu độ mà Chúa muốn dành cho chúng con qua Bí tích Thánh Thể / để chúng con năng chạy đến với Người trong mọi biến cố vui buồn trong cuộc sống.

Hát: Con xin tin kính sấp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành. Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình

• Vì tình yêu / mà Chúa đã thí mạng sống vì ta, thì ta cũng phải thí mạng sống vì anh em. Chúa ơi! Chúng con khát khao yêu mến cha mẹ con, anh chị em con, bạn bè con và hết mọi người như Chúa đã yêu.

Hát: Con xin tin kính sấp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành. Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình

• Chúng con khao khát được nên giống Chúa, trao tặng chính mình cho những người xung quanh con: Trao tặng lời cầu nguyện, thời giờ, sức lực, vật chất và chính sự sống của chúng con.

Hát: Con xin tin kính sấp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành. Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình

Lạy Chúa Thánh Thể, xin đón nhận tất cả những ước nguyện chân thành của chúng con và chúng con ao ước được Chúa sai đi cử hành bí tích Thánh Thể giữa đời thường trong môi trường sống của chúng con. Chúng con thưa như vậy nghĩa là lúc này đây chúng con tạm biệt Chúa ra về, mỗi chúng con sẽ trở thành "linh mục thầm lặng" đọc lời truyền phép và bẻ bánh cuộc đời chúng con để cho người khác "rước lấy". Amen
 
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay - Thứ Năm Tuần Thánh.: Bài 37
VietCatholic Network
16:05 04/04/2012
Hôm này bắt đầu Tam Nhật Tuần Thánh, ba ngày để chúng ta làm sống lại qua đức tin và phụng vụ nhắc lại sự khổ nạn cứu độ chúng ta. Ðặc biệt hôm nay là một ngày với đầy những biểu trưng và những điệu bộ nói lên một cách hùng hồn về lòng thương xót và tình yêu được nở rộ vào cuộc đời chúng ta.

Kể lại hành động Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đồ của Ngài, Thánh Gioan đã cho chúng ta thấy hình ảnh toàn bộ sứ điệp Tin Mừng. Con Thiên Chúa, hoàn hảo, trong sạch và thánh thiện, không chỉ nhập thể làm người nhưng còn đóng vai một người tôi tớ để tẩy sạch và đổi mới chúng ta. Ngài tự khiêm hạ để chúng ta được nâng lên. Ngài nhận chức vụ thấp hèn nhất, là cái chết như một tội phạm, để chúng ta được thừa hưởng thiên quốc. Còn bài ca ngợi nào có thể nói lên tình yêu như thế? Liệu chúng ta phải đền bù lại món nợ ấy thế nào?

Sau khi rửa chân cho các môn đồ, Ngài vẫn chưa coi là đủ, Chúa Giêsu đã tiến thêm một bước nữa bằng cách hiến chính thân và máu Ngài cho chúng ta. Nếu như cử chỉ thứ nhất loan báo trước về sự hy sinh tình yêu mà Ngài sẽ dành cho chúng ta, thì cử chỉ thứ hai này thật sự mời gọi chúng ta đồng tham dự vào sự cứu chuộc. Khi nói "Hãy nhận lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà uống" Chúa Giê-su đang kêu gọi chúng ta đồng hành với sự chết và phục sinh của Người. Ngài đang mời gọi chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi và để đời sống của Ngài trở thành đời sống trong chúng ta. Ngài để chúng ta tự do lựa chọn. Liệu chúng ta sẽ hưởng lấy sự tốt lành của Người, hay là chúng ta vẫn tự mãn và sống cô lập khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong những ngày đời của chúng ta?

Ðây là ngày nhắc lại sứ điệp căn bản của Tin Mừng. "Ðức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa" (Ga 13:3). Chúa Giê-su hiến đời Ngài trên Thánh Giá để nên lễ hy sinh hòa giải vì chúng ta. Ngài đã chết cho cái chết mà lẽ ra chúng ta phải chết. Cái chết của Ngài đã tiêu diệt bản tính sa ngã của chúng ta và để chúng ta có thể sống lại với Người trong cuộc sống mới. Bạn có nhận ra Ngài đã hiến cuộc đời Ngài cho bạn không? Bạn có để cho Ngài rửa chân bạn- giải thoát bạn khỏi tội và biến đổi tâm hồn bạn không?

"Lạy Chúa Giêsu, thật bàng hoàng để Chúa tự hạ rửa chân con và hiến mình Ngài vì tội con! Xin rửa tâm hồn con mọi cản trở để tình yêu Chúa ngự trong con".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Ý Nghĩa Của Sự Phục Sinh Trong Tân Ước: Cội Nguồn Do Thái Giáo
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
16:54 04/04/2012
Ý Nghĩa Của Sự Phục Sinh Trong Tân Ước: Cội Nguồn Do Thái Giáo

William L. Burton, OFM
The Bible Today,
Vol. 49, số 45, September/October 2011, tr. 285-290


Để hiểu Tân Ước nói gì về sự phục sinh, chúng ta cần phải am tường bối cảnh tôn giáo của các bản văn Tân Ước cũng như bối cảnh của những người đọc các bản văn này. Chúng ta phải xét đến ngữ cảnh của người viết lẫn độc giả, nghĩa là thế giới ý nghĩa của người Do Thái.

SỰ PHỤC SINH TRONG TƯ TƯỞNG DO THÁI

Quan niệm tôn giáo về sự phục sinh của người chết hầu như không được người Do Thái cổ xưa biết đến. Mãi cho đến thế kỷ thứ I và II trước Công nguyên cũng không. Chính xác đây chỉ là hình thức muộn thời của niềm tin Do Thái giáo, được Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài chia sẻ. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy nhắc đến sự phục sinh trong sách Maccabê 1 và 2, sách Daniel. Hơn nữa, chúng ta cũng biết rằng trong Do Thái giáo thời ấy, niềm tin vào sự phục sinh của người chết không được mọi người Do Thái đồng tình. Những người Samaritanô rõ ràng không tin điều ấy, người Sađucêô cũng không. Bởi thế cho nên không mấy ngạc nhiên khi người Sađucêô không tin vào các thực tại thiêng liêng nói chung như linh hồn, thần khí, ma quỷ, vv…, không tin vào sự phục sinh. Trong khi vấn đề này đặt ra nhiều điểm quan trọng, cần phải nói rằng người Do Thái Giêsu và các môn đệ người Do Thái của Ngài, gồm cả các tác giả Tân Ước, hầu như tin chắc vào sự phục sinh của người chết.

Những người Do Thái vào thời Đức Giêsu thật sự đã hiểu gì về sự phục sinh của người chết? Họ quan niệm thế nào? Đây thật cũng là mớ bòng bong. Như đã nói, người Sađucêô và Samaritanô phủ nhận bất kỳ ý niệm nào về sự phục sinh của người chết. Cũng chẳng biết người Essênêô, một nhánh Do Thái giáo thời ấy, quan niệm thế nào. Họ có nghĩ rằng phục sinh người chết là thân xác sống lại, hay chỉ đó là sự hiện hữu thiêng liêng kéo dài của linh hồn như một bản thảo trong Bản Cuộn Biển Chết (1QS 4:7-8) đã nói: “Niềm vui vĩnh cửu trong cuộc sống, triều thiên vinh quang và vẻ ngoài đường bệ trong ánh sáng khôn cùng”? Thật khó mà nói được. Ngay cả người Pharisiêu cũng có vài vấn đề. Họ tin rằng người công chính sẽ chỗi dậy từ cõi chết và sau đó nhập vào thân xác, nhưng sử gia Josephus cho rằng họ chỉ tin điều này về linh hồn và thân xác của người công chính, còn linh hồn của kẻ tội lỗi vẫn tách biệt khỏi thân xác và chịu hình phạt đời đời (Josephus, Cuộc chiến tranh Do Thái, 2:163). Tuy nhiên, các nguồn sách vở kinh sư sau này cho thấy rằng chỉ một thời gian ngắn sau thời Chúa Giêsu – có lẽ chỉ sau khi Đền Thờ Giêrusalem bị người Roma phá hủy vào năm 70 công nguyên – thì sự phân biệt giữa số phận người công chính và người tội lỗi đã biến mất, và niềm tin rằng mọi người sẽ sống lại, hợp nhất cả hồn và xác, có người hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, có người phải chịu hình phạt đời đời, dường như đã trở thành quan điểm chung.

Sự phục sinh trong Tân Ước cũng được hiểu và phát triển trong cách hiểu của người Do Thái. Trong toàn bộ các sách Tân Ước, chúng ta thấy rõ sự phát triển này trong bộ hai tác phẩm của Luca: Tin Mừng Luca và Tông Đồ Công Vụ.

SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU

Hẳn nhiên, trong Tân Ước, biến cố định hình và trở thành chuẩn mực cho niềm tin Kitô giáo vào số phận của người chết là sự phục sinh của Chúa Giêsu. Các tác giả Tin Mừng chia sẻ vài đồng thuận nào đó về vấn đề này. Sự phục sinh của Đức Giêsu là biến cố có thực, một biến cố lịch sử không tranh cãi, nhưng chính ý nghĩa của biến cố này mới là điều quan trọng đối với các tác giả Tân Ước. Sự phục sinh của Đức Giêsu khai mạc tiến trình cánh chung, chương cuối cùng trong lịch sử nhân loại, và nhờ đó mà vận mệnh cánh chung của các tín hữu được bảo đảm. “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6, 8). Hơn nữa, phục sinh của Đức Giêsu là sự xác minh cho căn tính cứu thế của Ngài và cho thấy sự tưởng thưởng của Thiên Chúa cho sự đau khổ và cái chết nhục nhã của Ngài. Cái nhìn này về sự phục sinh của Đức Giêsu được tìm thấy trong khắp cuốn Tân Ước.

Trong số những đề cập đến sự phục sinh và ý nghĩa của nó trong Tân Ước thì các nguồn quan trọng nhất là các thư của Thánh Phaolô, các sách Tin Mừng, và cuốn Tông Đồ Công Vụ. Ở đây chúng ta sẽ bàn đến những nguồn này theo trật tự: trước hết là Thánh Phaolô, rồi đến các Tin Mừng – đặc biệt là Tin Mừng Luca – và cuối cùng là sách Tông Đồ Công Vụ.

PHỤC SINH THEO THÁNH PHAOLÔ

Thánh Phaolô không quan tâm đến trình thuật về sự phục sinh của Đức Giêsu cho bằng ý nghĩa của biến cố này đối với các Kitô hữu. Đối với Thánh Phaolô, biến cố lịch sử mà Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết chỉ là một sự kiện. Giống như những tác giả Tân Ước khác, Thánh Phaolô tin rằng thực tại thể lý và lịch sử của biến cố Đức Giêsu phục sinh là điều không thể chối cãi:

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. (Rm 15, 3-8)

Là người sáng lập và phát triển các cộng đoàn Kitô giáo, Thánh Phaolô đã có hướng nhìn của một nhà giảng thuyết và là chủ chăn, phải cố gắng làm sao để mở bật ra ý nghĩa của biến cố này cho các Kitô hữu. Khi rao giảng, Thánh Phaolô đã phải khó khăn nối kết biến cố lịch sử của sự phục sinh thân xác nơi Chúa Giêsu với sự phục sinh của mọi người đã chết khi Đức Kitô trở lại. Vì thế, trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Thessalônica, Thánh Phaolô dùng sự phục sinh của Chúa như là một bảo đảm rằng số phận của Chúa Giêsu cũng được chia sẻ với những ai tin vào Ngài: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4, 14). Thánh Phaolô là tác giả đầu tiên trong Tân Ước đã nối kết niềm hy vọng cánh chung đã được bảo đảm của sự phục sinh nơi Chúa Giêsu và nơi các tín hữu với nghi thức rửa tội.

Trong thư gởi các tín hữu Roma, Thánh Phaolô đã chứng minh nhờ bí tích rửa tội mà các Kitô hữu được chia sẻ số phận này của Chúa Phục Sinh: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3-4). Sau này, Thánh Basiliô, một trong những giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội, đẫ nối kết cách sinh động hơn nữa: “Qua bí tích rửa tội, chúng ta bắt chước cuộc mai táng của Đức Kitô. Thân xác của người chịu phép rửa tội được chôn vùi trong nước …” (Basil, Về Chúa Thánh Thần).

Như vậy, Thánh Phaolô đã dùng sự kết hiệp với Đức Kitô trong bí tích rửa tội như một nền tảng cơ bản cho nhiều giáo huấn phát sinh của ngài. Chẳng hạn, trong 1 Côrintô, Thánh Phaolô đã rút ra một vài tiêu chuẩn luân lý cho đời sống người Kitô hữu như là hệ quả của sự thâm nhập vào Đức Kitô nhờ bí tích rửa tội, Vì đã được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô (en Christo trong tiếng Hy Lạp) qua bí tích rửa tội nên người đã được rửa tội không thể kết hợp thân xác này với gái điếm cũng như không thể mang thân xác này vào các đền đài thờ cúng ngẫu tượng ngoại giáo. Trong 1 Thessalônica, Thánh Phaolô dạy rằng người Kitô hữu được kết hiệp với Đức Kitô qua bí tích rửa tội, khi qua đời thì họ cũng không chia lìa với mọi người khác, ngay cả chính sự chết. Sự chia lìa với những Kitô hữu thân yêu đã qua đời của chúng ta chỉ là vẻ bề ngoài, không phải là thực sự, cho nên chúng ta không cần phải buồn sầu thái quá. Như vậy, Thánh Phaolô đã gởi sứ điệp an ủi đến những người Thessalônica, dựa vào phép rửa của họ với Đức Kitô Phục Sinh: “Chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1 Tx 4, 13). Do đó, đối với Thánh Phaolô, chính cái ý nghĩa của sự phục sinh nơi Đức Kitô mới là điều quan trọng đối với Kitô hữu chứ không phải trình thuật về biến cố phục sinh hay ngôi mộ trống. Chính thần học về bí tích rửa tội của Thánh Phaolô, dựa trên niềm tin chắc chắn của ngài về sự phục sinh, mà Giáo Hội đã đặt nền tảng cho những giáo huấn quan trọng về sự sống đời sau, về Giáo Hội học, hành vi luân lý của người Kitô hữu cũng như niềm tin các thánh thông công.

PHỤC SINH THEO CÁC TIN MỪNG

Các trình thuật Tin Mừng về biến cố phục sinh của Chúa Giêsu phản ánh quá trình phát triển về ý nghĩa của sự phục sinh trong Giáo Hội sơ thời, một sự phát triển chịu ảnh hưởng đặc biệt của Thánh Phaolô hoặc qua đó nói lên rằng Thánh Phaolô và các tin mừng cùng chia sẻ chung với nhau các truyền thống sơ thời về sự phục sinh. Từ Tin Mừng đầu tiên của Thánh Marcô cho đến Tin Mừng cuối cùng của Thánh Gioan, chúng ta thấy rằng những trình thuật chi tiết về việc khám phá ngôi mộ trống đã có sự khác biệt – không có những chứng nhân trực tiếp về sự phục sinh của Chúa Giêsu, chỉ là những gì xảy ra sau này. Có một số chi tiết khác nhau: khác nhau về căn tính của chứng nhân, cả con người lẫn thiên thần; lời chứng cũng khác nhau và sự gặp gỡ của các nhân chứng với Chúa Giêsu phục sinh cũng khác nhau. Nó thay đổi từ Tin Mừng này đến Tin Mừng khác. Dù rằng xét tổng thể thì trình thuật về sự phục sinh của mỗi Tin Mừng xem ra giống nhau, nhưng ý nghĩa được gán cho sự phục sinh trong Tin Mừng Luca và Tông Đồ Công Vụ đáng chúng ta để ý vì nó đặt nền trên Sách Thánh của Do Thái giáo.

Ý NGHĨA CỦA SỰ PHỤC SINH TRONG LUCA VÀ TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ

Mặc dù các trình thuật Nhất Lãm giống nhau, nhưng nhãn quan của Luca khác biệt đáng kể. Trong Tin Mừng của mình, Thánh Luca nhấn mạnh rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là cần thiết (dei trong tiếng Hy Lạp). Nó cần thiết để Sách Thánh được “ứng nghiệm” (Lc 4, 21; 9, 51; 18, 31; 21, 22; 23, 37; 24, 44). Đối với Thánh Luca, cả trong Tin Mừng lẫn Tông Đồ Công Vụ, phục sinh được hiểu như là sự ứng nghiệm cần thiết của niềm hy vọng và lời tiên tri trong Do Thái giáo thưở xưa. Điều này thật rõ ràng trong câu chuyện làng Emmau, khi Chúa Giêsu phục sinh hỏi: “Chẳng phải là điều cần thiết khi Đấng Cứu Thế phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” và rồi “bắt đầu từ ông Môisê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 26-27). Như Luke Timothy Johnson đã viết trong chú giải Tin Mừng Thánh Luca (Sacra Pagina 3, 405), Thánh Luca gắng sức chứng minh rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã được Sách Thánh tiên báo: sách Torah, sách Các Tiên Tri và những bản văn khác. Về sự phục sinh của Chúa Giêsu, Thánh Luca luôn nhất quán trong Tin Mừng của mình cũng như khi viết về lịch sử Giáo Hội sơ thời trong Tông Đồ Công Vụ. Trong cả hai cuốn sách, “Thánh Luca sử dụng “lời tiên tri và sự ứng nghiệm” nhiều hơn hết trong tất cả các bản văn khác của Tân Ước” (Luke Timothy Johnson, Tông Đồ Công Vụ, Sacra Pagina, 5, 12).

Không giống như các Tin Mừng, Tông Đồ Công Vụ không có trình thuật ngay sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Nhưng như trong Thánh Phaolô, nhờ Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta biết được ý nghĩa của sự phục sinh trong Giáo Hội sơ thời cũng như nó được rao giảng như thế nào. Như đã nói trên, một phát triển quan trọng trong Tông Đồ Công Vụ là trình bày cách hiểu của Giáo Hội sơ thời về sự phục sinh của Chúa Giêsu như là một phần ứng nghiệm các lời tiên báo của Cựu Ước được hoàn tất trong Chúa Giêsu (Cv 1, 16; 13, 27). Trong bài đại diễn từ đầu tiên của Tông Đồ Công Vụ (Cv 2, 14-36), Thánh Phêrô trình bày cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu như là “áp dụng chú giải midrash các bản văn về Đấng cứu thế trong sách Torah” (Johnson, Tông Đồ Công Vụ, 54). Trong diễn từ này, Thánh Phêrô trích dẫn ngôn sứ Gioel và Thánh Vịnh 15, chủ đề này cũng được tiếp nối trong các diễn từ khác của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô trong Tông Đồ Công Vụ. Như vậy, Thánh Luca “thành công cách thuyết phục trong việc làm cho câu chuyện về Đức Giêsu của mình và bước khởi đầu của người Kitô hữu như là sự nối dài của lịch sử Thánh Kinh” (Ibid., 12). Sự phục sinh của Chúa Giêsu là một phần của kế hoạch lớn lao hơn của Thiên Chúa, được khai mạc trước hết nơi dân Do Thái, được Sách Thánh của họ tiên báo, và cuối cùng ứng nghiệm và có hiệu lực trong sự phục sinh của Chúa Giêsu.

chuyển ngữ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đối thoại giữa Vatican và Do Thái đòi hỏi một nền kinh tế dựa trên sự chừng mực và công lý
Bùi Hữu Thư
07:05 04/04/2012
VATICAN (CNS) – Một Ủy Ban đối thoại Vatican – Do Thái cho hay sự chừng mực, chân thật và phân phối công bằng các tài nguyên của thế giới là những yếu tố cần thiết cho một trật tự kinh tế công bằng hơn.

Các đại biểu của nhóm các Thầy Cả Rabbi của Ít-raen và Uỷ Ban Liên Hệ Tôn Giáo với Người Do Thái của Vatican đã nói trong một bản tuyên ngôn chung: “Các giới lãnh đạo và những nhà thiết lập các chính sách của các quốc gia trên thế giới cũng cần phải quay về với những cố vấn đạo đức như một thành phần của phương thức lấy quyết định của họ.”

Tuyên ngôn này được Vatican phố biến ngày 30 tháng 3, vào lúc cuối của ba ngày họp của Ủy Ban Đối Thoại tại Rôma. Đây là buổi họp lần thứ 11 trong một chương trình đối thoại được khởi đầu từ năm 2002.

Tuyên ngôn nói: Việc cổ võ cho công bình kinh tế bao gồm “Việc phấn phối cho toàn thế giới những tài nguyên của trái đất; một nền văn hóa ‘dùng đủ’ đòi hỏi một mức độ tự kiềm chế và khiêm tốn; một sự quản thủ có trách nhiệm; một hệ thống đạo đức trong việc phân phối các tài nguyên và ấn định các ưu tiên; và tầm quan trọng thiết yếu của sự chân thực, trong sáng, miễn phí và có trách nhiệm.”

Tuyên ngôn nói: Cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn vũ mới đây phản ảnh “một cuộc khủng hoảng về các giá trị luân lý trong đó, tầm quan trọng của những sở hữu, phản ảnh một nền văn hóa của sự tham lam, lấn át tầm quan trọng của sự hiện hữu.”

Tuyên ngôn tiếp: “Sự an vui của các cá nhân và xã hội được nhận biết khi con người công nhận bổn phận và trách nhiệm đối với tha nhân và tham gia vào sự liên đới chân thật. Điều này đòi hỏi phải bảo đảm một vài nhu cầu căn bản của con người, như bảo vệ đời sống, nuôi dưỡng, quần áo, nhà cửa, giáo dục và công ăn việc làm.”

Tuyên ngôn nói: vì cuộc khủng hoảng là bằng chứng của một sự thiếu sót về những quan tâm đến vấn đề đạo lý, “điều thiết yếu là các cơ quan và các học viện nghiên cứu về kinh tế và thiết lập các chính sách phải bao gồm các chương trình đào tạo về đạo lý trong các giáo trình, cũng như đã được phát triển trong những năm gần đây trong lãnh vực đạo lý về y tế."

Tuyên ngôn tiếp: “việc cố vấn về đạo lý cho những nhà lấy quyết định trên tầm mức quốc gia và quốc tế” hết sức thiết yếu.

Uỷ ban hỗn hợp cũng lắng nghe các bài nói chuyện của ông Meir Tamari, chuyên viên kinh tế cao cấp của Ngân Hàng Ít-raen, và Ettore Gotti Tedeschi, giám đốc Ngân Hàng Vatican.
 
Luật phụng vụ: Ai hát bài Exsultet ( Mừng Vui Lên) và có được ngồi nghe đọc bài Thương Khó không?
Nguyễn Trọng Đa
07:50 04/04/2012
Ai hát bài Exsultet (Mừng vui lên)?

Được ngồi khi nghe đọc bài Thương Khó không?

ROMA - Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Có một lý do nào cho phép một linh mục hát bài Exsultet (Mừng vui lên) không, khi có một một phó tế ở đó và phó tế này có thể hát được bài này, chỉ bởi vì linh mục ấy thích tự làm mà thôi? - L.E., Oxon Hill, Maryland (Mỹ)

Đáp: Chữ đỏ trong sách lễ nói rõ ràng điều này:

"Việc công bố Tin mừng Phục Sinh có thể được thực hiện, trong trường hợp không có Phó tế, bởi chính linh mục hoặc bởi một linh mục đồng tế khác. Tuy nhiên, nếu vì nhu cầu, một ca viên giáo dân có thể hát bài công bố này; trong trường hợp này, các chữ từ “Hợp nhau đây, tôi xin anh chị em rất thân yêu...” đến cuối lời mời gọi được bỏ không hát, cũng như không hát lời chào “Chúa ở cùng anh chị em”.

Chữ đỏ này bao hàm nhiều việc. Một là ai là người ưu tiên để hát bài Exsultet. Và lý do khi cần thiết, một ca viên giáo dân có thể thay thế một linh mục và phó tế, nếu các vị không thể hát bài này.

Hai là, sau khi xem xét mọi điều, thừa tác viên thích hợp và ưu tiên nhất để hát bài Exsultet là thầy phó tế.

Vì vậy, một linh mục không nên thay thế một phó tế đủ trình độ, và chắc chắn không phải chỉ vì linh mục thích được hát bài này.

Tuy nhiên, luôn có thể rằng một phó tế đặc biệt (hay linh mục) đánh giá cao khả năng ca hát của mình, trong khi một linh mục biết âm nhạc nghĩ rằng một bài ca tương đối khó như bài Exsultet vượt ngoài khả năng của người ấy. Vì thế, linh mục có thể quyết định tự mình hát bài Exsultet nhằm tôn trọng buổi cử hành long trọng nhất của năm phụng vụ, và cũng để cứu thầy phó tế một khoảnh khắc bối rối trước toàn bộ cộng đoàn giáo xứ.

Xin mừng lễ Phục Sinh cho tất cả!

* * *

Được ngồi khi nghe đọc bài Thương Khó không?

Hỏi: Một độc giả hỏi về việc một linh mục bảo giáo dân ngồi khi nghe đọc bài Thương khó là đúng không.

Đáp: Việc này không được đề cập trong sách lễ chính thức. Đôi khi tôi đã nhìn thấy nó chèn vào như là một chữ đỏ trong các sách lễ được xuất bản riêng, nhưng không ghi thẩm quyền nào cho phép.

Trong khi một người già, hay bất cứ ai gặp khó khăn về thể lý, có thể lựa chọn việc ngồi, nếu việc đứng hoặc quỳ là đặc biệt gánh nặng cho họ, tôi không nghĩ rằng thật là thích hợp – về tinh thần, pháp lý hoặc mục vụ - để mời toàn bộ cộng đoàn ngồi để nghe bài Thương Khó.

Nhiều người trong mọi lứa tuổi dường như có thể đứng hàng giờ, thậm chí cả ngày, để mua vé xem văn nghệ, có mặt tại một sự kiện thể thao, hoặc là những người đầu tiên có được phiên bản cuối cùng của một tiện ích mà họ có thể không thực sự cần.

Do đó, có quá lắm không khi yêu cầu người Công giáo đứng trong 25 phút, hoặc đứng dưới chân Thánh Giá, hiệp cùng Đức Mẹ, và đoàn kết với Chúa Kitô đã chết để cứu chuộc chúng ta? Liệu việc ngồi có là một cử chỉ thích hợp vào thời điểm đọc bài Thương Khó không? (Zenit.org 3-4-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Các nghi thức Phục Sinh sẽ được Đức Thánh Cha Benedict XVI chủ tế
Bùi Hữu Thư
07:52 04/04/2012
Và lịch trình sinh hoạt của Đức Thánh Cha cho đến ngày 11 tháng 4

ROME, thứ ba 3, tháng 4, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ chủ tế đêm Vọng Phục Sinh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ngày thứ bẩy 7 tháng 4, lúc 21 giờ đêm.

Văn phòng các nghi thức phụng vụ của giáo hoàng đã phổ biến chương trình các nghi thức cho Tuần Thánh do Đức Thánh Cha chủ tế.

Sau khi bước vào Tuần Thánh bằng cuộc rước Lá và Thương Khó Chúa Giêsu, ngày Chúa Nhật 1 tháng 4, sinh hoạt kế tiếp, ngoài phụng vụ, là buổi triều kiến chung ngày thứ tư 4 tháng 4, tại quảng trường Thánh Phêrô: Đức Thánh Cha sẽ trình bầy về kết quả của chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ và Cuba.

Chương trình phụng vụ kế tiếp là Thứ NămTuần Thánh, ngày 5 tháng 4: Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ chủ tế Thánh Lễ truyền dầu tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô lúc 9:30 sáng, trước sự hiện diện của các giáo chủ, giám mục và linh mục có mặt tại Rôma.

Trong Thánh Lễ này, giám mục của một giáo phận sẽ làm phép dầu được dùng cho các bí tích trong năm và Thánh Lễ truyền dầu (messe chrismale). Cũng trong Thánh Lễ này, các linh mục tụ tập quanh giám mục của họ để lập lại lời tuyên hứa khi chịu chức linh mục.

Đức Thánh Cha sẽ khai mạc các nghi thức Tam Nhật Thánh lúc 17:30 tại nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, là nhà thờ chánh tòa của ngài, với Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa Giêsu (la messe de la Cène du Seigneur), đặc biệt vì tưởng niệm bí tích truyền chức thánh, bí tích Thánh Thể, và nghi thức rửa chân, và kết thúc bằng giờ chầu Thánh Thể gần Mặt Nhật.

Sáng hôm sau, Thứ Sáu Tuần Thánh, 6 tháng 4, Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ chủ tế nghi thức Lời Chúa, tôn kính Thánh Giá và nghi thức Rước Lễ lúc 17 giờ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Linh mục dòng Phanxicô cải cách Raniero Cantalamesa, nhà giảng thuyết của gia đình giáo hoàng (la Maison pontificale), sẽ giảng thuyết.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ tới Colisée lúc 21:15 theo truyền thống, để chủ tế chặng đàng thánh giá, chương trình này sẽ được trực tiếp truyền hình trên đài MondoVision. Các bài suy niệm của mỗi chặng được trao cho một cặp vợ chồng thuộc phòng trào Focolare (Mouvement des Focolari), Danilo và Anna Maria Zanzucchi phụ trách.

Lễ Vọng Phục Sinh sẽ được cử hành lúc 21 giờ tại Vương Cung Thánh Đường Vatican, thứ bẩy 7 tháng 4: Đức Thánh Cha sẽ chủ tế tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô và rửa tội cho các tân tòng.

Cuối cùng, ngày Chúa Nhật tới, 8 tháng 4, Lễ Chúa Phục Sinh, Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ chủ tế Thánh Lễ lúc 19:15 tại khuôn viên của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Lúc 12:00 ngài sẽ đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành Urbi et Orbi từ ban công (loggia des bénédictions) của Vương Cung Thánh Đường.

Ngày hôm sau, thứ hai 9 tháng 4, được người Ý gọi là "Thứ Hai của Thiên Thần" (lundi de l’Ange) Đức Thánh Cha sẽ chủ tế Kinh Cầu Nữ Vương Thiên Đàng "Regina Coeli" lúc 12:00 tại nhà nghỉ mát của ngài ở Castel Gandolfo.

Đức Thánh Cha sẽ trở về Rôma ngày thứ tư 11 tháng 4, cho buổi triều kiến chung lúc 10:30 tại quảng trường Thánh Phêrô.
 
Một ân nhân hiến tặng 1.7 tỷ Euros cho giáo phận Công Giáo ở Ý
Nguyễn Long Thao
13:30 04/04/2012
Một ân nhân hiến tặng 1.7 tỷ Euros cho giáo phận Công Giáo ở Ý

Rome – Tin của hãng thông tấn AFP cho biết một nhà sản xuất cửa điện tử ở Ý Đại Lợi viết tắt là FAAC đã để lại tài sản trị giá 1,7 tỷ euro tương đương với 2.26 tỷ Mỹ kim cho Giáo Phận Công Giáo ở Bologna, Ý Đại Lợi.

Ân nhân là ông Michelangelo Manini qua đời vào ngày 17 Tháng Ba năm 2012 ở tuổi 50 và theo di chúc để lại cho giáo phận Bologna, tài sản hiến tặng gồm tài khoản ngân hàng và cổ phần. Giáo Phận đã bắt đầu tham gia cuộc họp hội đồng quản trị công ty vào hôm thứ Hai.

Luật sư Andrea Moschetti được giáo phận bổ nhiệm quản lý tài sản của mình tuyên bố. "Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của ân nhân của chúng tôi vì lợi ích của công ty và nhân viên của mình".

Luật sư Moschetti cũng loại trừ khả năng Giáo Phận sẽ bán cổ phần của mình cho một nhóm cổ đông thiểu số người Pháp nắm giữ 34% của công ty. Ông cũng nói thêm: "mục đích của Giáo Hội trong việc thừa kế tài sản này này là lấy tiền giúp các việc từ thiện trong nhu cầu truyền giáo ".

Thân sinh ông Michelangelo Manini đã thành lập công ty FAAC vào những năm 1960, có khoảng 1000 nhân viên, hoạt động tại 12 quốc gia và doanh thu hàng năm là 214 triệu euro (285 triệu dollars).

Không mấy người biết đến Michelangelo Manini là một ân nhân của Giáo Hội. Ông qua đời không có người thừa kế trực tiếp và đã soạn di chúc của mình vào năm 1992.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 20 ngàn tín hữu hành hương
LM. Trần Đức Anh OP
13:16 04/04/2012
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung dành cho 20 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 4-4-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã hài lòng kể lại cuộc tông du của ngài tại Mêhicô và Cuba.

Vì mới viếng thăm mục vụ tại Mêhicô và Cuba từ ngày 23 đến 29-3-2012, ĐTC đã dành bài huấn dụ để thuật lại cho các tín hữu những nét nổi bật cũng như cảm tưởng của ngài về chuyến viếng thăm, đồng thời ngài không quên nhắc nhở các tín hữu về ý nghĩa Tam Nhật Thánh.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, cuộc tông du tại Mêhicô và Cuba đã để lại nơi tôi những ấn tượng mạnh mẽ. Chúa đã cho tôi đến đại lục này để khích lệ dân chúng tại đó sống trong hy vọng và cùng nhau dấn thân xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Tại Mêhicô, tôi đã nhắc nhở về sự cần thiết phải nhìn nhận các quyền căn bản của con người, trong đó nổi bật là quyền tự do tôn giáo. Qua niềm vui được biểu lộ, tôi đã đề cập đến lòng kiên trì hy vọng của các tín hữu Kitô tại Mêhicô, đang phải đương đầu với bạo lực và nạn tham nhũng. Môn đệ của Chúa phải chiếu tỏa niềm vui được làm Kitô hữu và thuộc về Giáo Hội của Chúa. Từ niềm vui ấy nảy sinh nghị lực để phụng sự Chúa Kitô trong những hoàn cảnh khó khăn.
”Tại Cuba, tôi đã khích lệ Giáo Hội Công Giáo tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tôi lập lại rằng Cuba và thế giới cần thay đổi. Họ có thể thực hiện điều đó nếu mỗi người cởi mở đối với sự thật trọn vẹn về con người, để đạt tới tự do. Khi Thiên Chúa bị gạt bỏ, thì thế giới trở nên đố kỵ đối với con người. Các bạn thân mến, chúng ta sắp bước vào Tam Nhật Vượt Qua để cử hành mầu nhiệm trọng yếu của đức tin, đó là cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Toàn thể cuộc đời của Chúa Giêsu đều qui hướng ”vào giờ ấy”, giờ của tình yêu cho đến cùng. Chúng ta hãy để cho tình yêu Chúa đến cùng chúng ta, hãy để cho mình được tình yêu Chúa biến đổi để sự phục sinh được thực sự diễn ra nơi chúng ta”.

Huấn dụ bằng tiếng Ý
Trước đó, trong bài huấn dụ dài bằng tiếng Ý, ĐTC đã trình thuật với nhiều chi tiết hơn về cuộc tông du ngài mới thực hiện. Ngài dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, trong sự quan phòng, đã cho ngài được đến hai nước ấy lần đầu tiên trong tư cách là Người Kế Nhiệm thánh Phêrô; ĐTC cũng nhiệt liệt cám ơn chính quyền và giáo quyền Công Giáo của hai nước Mêhicô và Cuba, cũng như những các cộng tác viên đã quảng đại góp phần tổ chức cuộc viếng thăm ấy.

ĐTC nhắc đến giai đoạn đầu tiên tại thành phố León, ở miền trung tâm Mêhicô về địa lý và kể rằng: ”Nơi đó đám đông đông đảo dân chúng đã dành cho tôi một cuộc tiếp đón đặc biệt, hân hoan và sinh động, như dấu chỉ sự chào đón nồng nhiệt của toàn dân. Ngay từ nghi thức tiếp đón, tôi đã có thể nhận thấy đức tin và lòng nhiệt thành của các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các tín hữu giáo dân. Trước sự hiện của các vị lãnh đạo chính quyền, đông đảo các GM và đại diện các tầng lớp xã hội, tôi đã nhắc nhở về sự cần thiết phải nhìn nhận và bảo vệ các quyền căn bản của con người, trong đó nổi bật nhất là tự do tôn giáo. Tôi cũng bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người đang chịu đau khổ vì những tai ương xã hội, những cuộc xung đột cũ và mới, nạn tham những và bạo lực”.
ĐTC kể lại thánh lễ chúa nhật 25-3 ngài cử hành tại Công viên 200 năm độc lập ở León và nói: tại đây ”Tôi đã nhắn nhủ tất cả mọi người hãy tín thác nơi lòng nhân từ của Thiên Chúa toàn năng, Đấng có thể thay đổi từ bên trong, từ con tim, những tình trạng không thể chịu đựng nổi và đen tối. Người Mêhicô đã đáp lại bằng niềm tin nhiệt thành, và trong sự gắn bó đầy xác tín của họ với Tin Mừng, tôi đã nhận ra những dấu chỉ hy vọng đầy an ủi đối với Đại Lục này.”

”Biến cố cuối cùng trong cuộc viếng thăm của tôi tại Mêhicô là kinh chiều tại Nhà thờ chính tòa León với các GM Mêhicô và các GM đại diện hàng GM Mỹ châu. Tôi đã bày tỏ sự gần gũi với các vị trong sự dấn thân đương đầu với những thách đố và khó khăn, cũng như lòng biết ơn của tôi đối với những người đang gieo vãi Tin Mừng trong những tình cảnh phức tạp và nhiều không thiếu những hạn chế. Tôi khích lệ các GM hãy trở thành những vị Chủ Chăn nhiệt thành, những vị hướng đạo chắc chắn, khơi dậy khắp nơi tình hiệp thông chân thành và thành tâm gắn bó với giáo huấn của Hội Thánh.

Thăm Cuba
”Ngày hôm sau, bắt đầu phần thứ hai trong cuộc tông du của tôi khi tôi đến Cuba: tôi đến đây trước tiên là để hỗ trợ sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo, đang dấn thân hân hoan rao giảng Tin Mừng, - mặc dù nghèo về phương tiện và vẫn còn khó khăn cần khắc phục,- để tôn giáo có thể thi hành việc phục vụ tinh thần và huấn luyện trong lãnh vực công cộng của xã hội. Tôi đã muốn nhấn mạnh điều này khi đến Santiago de Cuba, là thành phố thứ hai tại đảo này. Tôi không quên nêu bật những quan hệ tốt hiện nay giữa Nhà Nước và Tòa Thánh, những quan hệ nhắm phục vụ sự hiện diện sinh động và xây dựng của Giáo Hội địa phương. Tôi cũng đoan chắc rằng Giáo Họi mang trong con tim những âu lo và khát vọng của mọi người dân Cuba, nhất là những người đang chịu đau khổ vì bị giới hạn tự do.

”Thánh lễ đầu tiên mà tôi vui mừng cử hành tại Cuba được diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 400 năm tìm thấy tượng Đức Mẹ Bác Ái ở El Cobre, Mỏ Đồng, Bổn mạng của Cuba. Đó là một lúc có cường độ tinh thần mạnh mẽ với sự tham dự chăm chú và trong tinh thần cầu nguyện của hàng ngàn người, đây là một dấu hiệu chứng tỏ một Giáo Hội đến từ những hoàn cảnh không dễ dàng, nhưng có một chứng tá sinh động về bác ái và sự hiện diện tích cực trong đời sống dân chúng. Tôi đã mời gọi các tín hữu Công Giáo cùng với toàn dân đang hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn hãy mang lại một sinh lực mới cho niềm tin của mình, và, với lòng can đảm tha thứ và cảm thông, góp phần xây dựng một xã hội cởi mở và được đổi mới, trong đó ngày càng có chỗ cho Thiên Chúa.

”Trước khi rời Santiago de Cuba, tôi đã đến viếng Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái ở Mỏ Đồng, mà dân Cuba rất kính mến. Cuộc thánh du của tượng Đức Mẹ Bác trong các gia đình ở đảo Cuba đã khơi dậy lòng sốt sống mạnh mẽ về tinh thần, đó là một biến cố đầy ý nghĩa trong việc tái truyền giảng Tin Mừng và là cơ hội tái khám phá đức tin. Tôi đã đặc biệt phó thác cho Đức Trinh Nữ những người đang chịu đau khổ và giới trẻ.”

”Giai đoạn thứ hai trong cuộc viếng thăm của tôi tại Cuba là thủ đô La Habana. Đặc biệt các bạn trẻ là những người giữ vai chính trong việc tiếp đón hân hoan trên con đường dẫn về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, nơi mà tôi được cơ hội nói chuyện với các GM Cuba để nói về những thách đố mà Giáo hội tại đây được kêu gội đối phó, với ý thức rằng dân chúng đang nhìn Giáo Hội với lòng tín nhiệm gia tăng. Ngày hôm sau, tôi đã chủ sự thánh lễ tại Quảng trường chính ở La Habana, đầy người. Tôi đã nhắc nhở cho tất cả mọi người rằng Cuba và thế giới cần có những thay đổi, nhưng những thay đổi này chỉ có được nếu mỗi người cởi mở đón nhận chân lý trọn vẹn về con người, là điều kiện tiên quyết để đạt tới tự do, và nếu mỗi người quyết định gieo vãi quanh mình sự hòa giải và tình huynh đệ, đặt cuộc sống của mình trên nền tảng là Chúa Giêsu Kitô: chỉ có Chúa mới có thể phá tan bóng đen của sai lầm, giúp chúng ta đánh bại sự ác và tất cả những gì áp bức chúng ta. Tôi cũng muốn tái khẳng định rằng Giáo Hội không xin đặc ân, nhưng chỉ muốn được công bố và cử hành đức tin một cách công khai, mang sứ điệp hy vọng và hòa bình của Tin Mừng đến mọi môi trường của xã hội. Khi đánh giá cao những bước tiến mà chính quyền Cuba đã đạt được cho đến nay, tôi đã nhấn mạnh rằng cần tiếp tục con đường để dẫn tới tự do tôn giáo trọn vẹn hơn.”
”Khi tôi rời Cuba, hàng chục ngàn người đã đến chào tôi dọc theo đường đi, mặc dù trời mưa lớn. Trong nghi thức tiễn biệt, tôi đã nhắc nhở rằng hiện nay nhiều thành phần khác nhau của xã hội Cuba được mời gọi chân thành cộng tác và đối thoại kiên nhẫn để mưu ích cho đát nước. Trong viễn tượng ấy sự hiện diện của tôi tại Đảo này, như chứng nhân của Chúa Kitô, muốn là một sự khuyến khích cởi mở tâm hồn với Chúa, Đấng là nguồn mạch hy vọng và sức mạnh để làm tăng trưởng sự thiện. Vì thế, tôi đã muốn chào dân Cuba nhắn nhủ họ hãy khơi dậy niềm tin của cha ông hầu xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Tạ ơn Chúa, cuộc viếng thăm này tại Mêhicô và Cuba, đã đạt được thành công mục vụ mong muốn. Ước gì dân tộc Mêhicô và Cuba rút được những thành quả dồi dào từ đó để xây dựng một tương lai an bình và huynh đệ trong tình hiệp thông của Giáo Hội và với lòng can đảm theo tinh thần Tin Mừng.”

Mời gọi tham dự Tam Nhật Thánh
Cuối bài huấn dụ, ĐTC nhắc nhở các tín hữu về ý nghĩa tam nhật thánh, từ chiều mai với thánh lễ kỷ niệm Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể và mời gọi tất cả sống 3 ngày này với tất cả lòng sốt sắng.
Buổi tiếp kiến được tiếp tục với phần giới thiệu các phái đoàn lên ĐTC và ngài tóm tắt ý chính bài huấn dụ đồng thời chào thăm họ.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào thăm 4 ngàn sinh viên thuộc 200 đại học tại nhiều nước, đang tham dự Hội nghị quốc tế do Giám hạt Opus Dei tổ chức. Ngài nói ”Các bạn thân mến, các bạn đến Roma nhân dịp Tuần Thánh để cảm nghiệm đức tin, tình thân hữu và sự phong phú tinh thần. Tôi mời gọi các bạn hãy dành những ngày này để đào sâu sự hiểu biết về Chúa Giêsu, đáp lại tiếng gọi yêu thương mà Chúa gửi đến mỗi người trong các bạn. Về vấn đề này tôi muốn nhắc nhớ điều mà thánh Josémaria Escrivà, vị Sáng lập Opus Dei đã viết: ”Tất cả những gì được thực hiện vì tình yêu đều đạt được vẻ đẹp và sự cao cả”.

ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài nhắn nhủ rằng ”Các bạn trẻ thân mến, ước gì việc chiêm ngắm cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại làm cho các bạn kiên vững hơn trong việc làm chứng tá Kitô. Và hỡi anh chị em bệnh nhân thân mến, hãy kín múc từ Thập Giá Chúa Kitô sự nâng đỡ thường nhật để vượt qua những lúc thử thách và đau buồn. Và hỡi các đôi vợ chồng mới cưới, ước gì các con được sự khích lệ từ mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta chiêm ngắm trong những ngày này, để biến gia đình các con thành một nơi yêu thương chung thủy và phong phú”.

Cuối buổi tiếp kiến vào lúc 12 giờ ĐTC đã cùng mọi người hiện diện hát kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành Tòa Thánh cho họ.
 
Top Stories
Vatican Message to Buddhists: ''Let us share the common responsibility we have towards the present and future generations''
Cardinal Jean Louis Tauran
08:33 04/04/2012
VATICAN CITY, APRIL 3, 2012.- Here is a message from the Pontifical Council for Interreligious Dialogue for the Buddhist feast of Vesakh.

Message for the Feast of Vesakh/Hanamatsuri 2012 A.D./2555 B.E.

Christians and Buddhists: Sharing Responsibility for Educating the Young Generation
on Justice & Peace through Interreligious Dialogue

Dear Buddhists Friends,

1. On behalf of the Pontifical Council for Interreligious Dialogue, I am happy to offer again, this year, heartfelt congratulations on the occasion of Vesakh/Hanamatsuri. It is my wish that this annual feast may bring joy and serenity to the hearts of all of you throughout the world.

2. Today, more and more in classrooms all over the world, students belonging to various religions and beliefs sit side-by-side, learning with one another and from one another. This diversity gives rise to challenges and sparks deeper reflection on the need to educate young people to respect and understand the religious beliefs and practices of others, to grow in knowledge of their own, to advance together as responsible human beings and to be ready to join hands with those of other religions to resolve conflicts and to promote friendship, justice, peace and authentic human development.

3. With His Holiness Pope Benedict XVI, we acknowledge that true education can support an openness to the transcendent as well as to those around us. Where education is a reality there is an opportunity for dialogue, for inter-relatedness and for receptive listening to the other. In such an atmosphere, young people sense that they are appreciated for who they are and for what they are able to contribute; they learn how to grow in appreciation of their brothers and sisters whose beliefs and practices are different from their own. When that happens there will be joy in being persons of solidarity and compassion called to build a just and fraternal society giving thus hope for the future (Cf. Message of World of Peace, 1st January 2012).

4. As Buddhists you pass on to young people the wisdom regarding the need to refrain from harming others and to live lives of generosity and compassion, a practice to be esteemed and recognized as a precious gift to society. This is one concrete way in which religion contributes to educating the young generation, sharing the responsibility and cooperating with others.

5. As a matter of fact, young people are an asset for all societies. By their genuineness, they encourage us to find an answer to the most fundamental questions about life and death, justice and peace, the meaning of suffering, and the reasons for hope. Thus they help us to progress in our pilgrimage towards Truth. By their dynamism, as builders of the future, they put pressure on us to destroy all the walls which unfortunately still separate us. By their questioning they nurture the dialogue between religions and cultures.

6. Dear friends, we join our hearts to yours and pray that together we will be able to guide the young people by our example and teaching to become instruments of justice and peace. Let us share the common responsibility we have towards the present and future generations, nurturing them to be peaceful and to be peace makers.

Happy Vesakh/Hanamatsuri.

Jean-Louis Cardinal Tauran
President
Archbishop Pier-Luigi Celata
Secretary
 
Laos: Bravant l’interdiction des autorités, des chrétiens se réunissent pour prier devant leurs églises confisquées
Eglises d'Asie
09:17 04/04/2012
Selon des informations communiquées par différentes ONG dont Rights Watch for Lao Religious Freedom (HRWLRF), deux communautés protestantes de la province de Savannakhet, située dans la partie sud du pays, ont bravé les interdictions des autorités et se sont rassemblées dimanche dernier devant leur église mise sous scellés, afin de célébrer la fête des Rameaux

Au matin du dimanche 1er avril, la communauté chrétienne évangélique de Kengweng s’est rassemblée devant son église, pour la première fois depuis que les forces de l’ordre y ont apposé les scellés, afin de célébrer l’office des Rameaux en ouverture de la semaine Sainte et des fêtes de Pâques. Las de réclamer en vain auprès de la Lao Evanglical Church (LEC), seule Eglise protestante ayant une reconnaissance officielle, d’intervenir en leur faveur auprès des autorités afin que leur église leur soit restituée, les chrétiens « sont aujourd’hui déterminés à faire entendre leur voix, même s’ils doivent se faire tous arrêter et emprisonner », rapporte Worthy News, une agence d’information chrétienne basée en Israël, citant le directeur du HRWLRF Sirikoon Prasertsee, dont le groupe est en contact étroit avec la communauté de Kengweng.

Le 2 avril, ce dernier a rectifié les premières informations diffusées par certains médias selon lesquelles les chrétiens de Kengweng auraient enlevé les scellés placés sur l’église et auraient pénétré dans l’édifice pour y célébrer l’office des Rameaux. « A la dernière minute, a-t-il expliqué, alors qu’ils avaient effectivement pensé retirer les cadenas, ils ont finalement décidé de célébrer l’office à l’extérieur de l’église. (…) Mais ils prévoient ,s’il n’y a pas de représailles d'ici là de la part des autorités, de retirer les scellés dimanche prochain et de célébrer Pâques dans leur église. »

Ce même dimanche des Rameaux, les fidèles de Dongpaiwan ont eux aussi organisé un rassemblement de prière devant leur église, placée également sous séquestre depuis septembre dernier. Lors de la confiscation de l’édifice, les forces de sécurité avaient également saisi les terrains attenants dont un bassin servant à la pisciculture. Elles avaient ensuite retiré la croix qui surplombait l’édifice, déclarant que les autorités avaient décidé de convertir le bâtiment en école, les chrétiens n’ayant pas, selon eux, obtenu d’autorisation de construction en bonne et due forme.

Dans la province de Savannakhet, qui connaît actuellement une campagne de répression antichrétienne, trois églises évangéliques ont récemment été fermées par les autorités et interdites au culte : celle du village de Dongpaiwan en septembre 2011, celle de Nadaeng le 4 décembre 2011, et enfin celle de Kengweng le 22 février 2012. Pour justifier la fermeture des lieux de culte, les autorités ont à chaque fois invoqué des irrégularités dans les permis de construire des édifices et déclaré que les chrétiens devaient présenter une requête écrite formelle aux autorités du village, du district et de la province, requête qui n’a jamais abouti.

L’église de Kengweng, dans le district de Saybulim, a été édifiée il y a une quarantaine d’années et sert au culte de 25 familles chrétiennes, soit un total de 178 fidèles. Selon l’agence Fides, l’édifice a été confisqué à l’issue d’un 'séminaire de formation' intitulé « Les trucs de l’ennemi », au cours duquel des agents du Parti populaire révolutionnaire lao (PPRL) ont enseigné aux villageois comment démasquer « les manœuvres des chrétiens ». Après avoir mis les scellés sur l’église, déclarée construite illégalement, ils ont ensuite interdit à la communauté évangélique de se réunir et de pratiquer le culte où que ce soit.

Quant aux chrétiens de Nadaeng, dont l’église construite il y a plus de cinquante ans, a été confisquée en janvier dernier, ils prévoient eux aussi de réclamer la restitution de leur lieu de culte mais disent attendre le résultat des actions des communautés de Dongpaiwan et de Kengweng, a encore expliqué Sirikoon Prasertsee à l’agence Worthy News.

Pour le moment, le gouvernement laotien ne semble pas avoir réagi. Cependant, différentes ONG, dont le HRWLRF, multiplient les appels à la communauté internationale et aux Nations Unies, demandant à Vientiane de respecter les conventions des droits de l’homme que le pays a signées, ainsi que sa propre Constitution, qui garantit la liberté religieuse.

Ces derniers temps, le Laos a été stigmatisé à plusieurs reprises par des organismes internationaux pour la répression antireligieuse qui s’exerce dans certaines parties du pays. Dans un communiqué de presse du 2 mars 2012, le Mouvement lao pour les droits de l’homme (MLDH) a appelé Vientiane à « respecter les droits des minorités ethniques et les droits fondamentaux du peuple lao », déclarant partager les préoccupations du Comité pour l’élimination de la discrimination raciale (CERD) des Nations Unies qui s’était réuni à Genève en février dernier. L’organisme onusien avait notamment souligné les importantes « violations de la liberté de culte », essentiellement en ce qui concernait les religions « encore soumises à une étroite surveillance ».

En décembre dernier, suite à la vague de répression qui avait touché de nombreuses communautés chrétiennes, le MLDH ainsi que différentes ONG laotiennes et h’mongs avaient publié un communiqué dans lequel elles exprimaient « leurs profondes inquiétudes concernant le sort des chrétiens en République démocratique populaire lao, victimes de menaces, d’arrestations et, ces derniers jours, cibles d’une campagne d’intimidation destinée à les empêcher de fêter Noël (...) ».

Plus récemment, c’est la Commission américaine pour la liberté religieuse dans le monde (USCIRF) qui, dans son rapport annuel paru le 20 mars dernier, a décidé de maintenir le Laos sur la liste des pays commettant les plus sérieuses violations de la liberté religieuse. Malgré l’amélioration de la situation des membres des minorités résidant en ville, a observé la commission, le gouvernement laotien continue de restreindre la pratique religieuse, en particulier dans les zones rurales où sont pratiquées en toute impunité « des détentions arbitraires, des intimidations policières, des confiscations de biens et des renonciations forcées à la foi ».

La communauté chrétienne représente aujourd’hui un peu plus d’1 % de la population du Laos, bouddhiste dans son écrasante majorité

(Source: Eglises d'Asie, 4 avril 2012)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội tới Giáo Xứ Thất Khê
GP Lạng Sơn
09:08 04/04/2012
Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội tới Giáo Xứ Thất Khê, Lạng Sơn

Hướng tới ngày Đại Hội Giới Trẻ Giáo tỉnh Hà nội, cây Thánh Giá của Đại hội tiếp tục được luân chuyển qua các Giáo xứ trong Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng, như một chứng từ của tình thương Chúa Giêsu với người trẻ, để mời gọi các bạn trẻ của mỗi giáo xứ cố gắng trở nên chứng từ của niềm Tin - Yêu - và Hy vọng.

Xem hình

Cây Thánh giá của Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội đã về tới giáo xứ Thất Khê (Lạng Sơn) từ giáo xứ Thanh Sơn (Cao Bằng), qua một quãng đường dài khoảng 65 km.

Sau khi ngự tại giáo xứ Thanh Sơn một tháng, Thánh giá này được luân chuyển tới giáo xứ Thất Khê và cũng ngự tại đây một tháng để được suy tôn.

Thánh giá về tới nhà thờ giáo xứ Thất Khê trong tiếng chuông rộn rã và tiếng trống hòa vang cùng tiếng vỗ tay reo hò mừng rỡ của các bạn trẻ đứng hai bên đường đón tiếp. Thánh giá được các bạn trẻ vác vào nhà thờ và được đặt trên gian cung thánh bên cạnh giảng đài công bố Lời Chúa.

Sau phần niệm hương và lời kinh về Thánh giá, thánh lễ đồng tế với cha Tổng Đại Diện làm chủ tế và các linh mục trong giáo phận Lạng Sơn cử hành hết sức long trọng.

Nhiều người hỏi: cây thánh giá này có gì lạ mà được đón tiếp tưng bừng như thế?

Cây thánh giá này chỉ là hai thanh gỗ bắt ngang. Nhưng Thánh giá là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi sai Con Một là Đức Giê-su đến hy sinh chịu chết trên Thánh giá để cứu độ nhân loại. Thánh giá không có tượng chịu nạn để mời gọi các bạn trẻ biết từ bỏ mình, vác thánh giá và chịu đóng đinh mình vào thánh giá đó cùng với Đức Giê-su.

BTT-Giáo phận
 
Thánh Lễ Truyền Dầu ở Giáo Phận Lạng Sơn-Cao Bằng
GP Lạng Sơn
09:07 04/04/2012
Thánh Lễ Truyền Dầu Ở Giáo Phận Lạng Sơn-Cao Bằng.

Lạng Sơn- Sáng hôm nay thứ Tư Tuần Thánh, từ nhiều nẻo đường khác nhau trong Giáo phận, các linh mục, tu sĩ và giáo dân tề tựu về nhà thờ chính tòa Cửa Nam chung quanh, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận để tham dự thánh lễ Truyền Dầu vào lúc 10g sáng.

Xem hình

Bài ca nhập lễ cũng hướng thêm ý về ngày lễ hôm nay kỷ niệm việc Đức Giê-su chia sẻ chức vụ tư tế của Người cho các thánh Tông đồ và cho các linh mục.

Sau bài giảng, Đức Giám mục kêu gọi Linh mục đoàn trong Giáo phận lập lại lời tuyên hứa ngày lãnh nhận chức Linh mục. Các linh mục nhắc lại ý nghĩa ngày lãnh nhận chức thánh vì yêu mến Thầy Giê-su chí thánh và để phục vụ Giáo Hội, trở thành người quản lý trung tín, phục vụ vô vị lợi Lời Chúa, Bí tích Thánh Thể và các Bí tích khác. Các Linh mục được ơn Chúa gọi không phải vì các ngài tài giỏi hơn người mà chỉ vì tình Chúa thương

Sau lời tuyên hứa của các linh mục, các bình Dầu Bệnh nhân (OI), Dầu Dự Tòng (OS),và Dầu Thánh Hiến (SC) được rước ra nhà thờ. Sau lời Truyền phép và trước phần Vinh Tụng Ca, Đức Giám mục làm phép Dầu OI.để tẩy xóa tội lỗi, nâng đỡ bệnh nhân, làm dịu mọi đau đớn. Như em bé trong giấc ngủ chập chờn khua tay tìm mẹ, bệnh nhân trong giờ phút quyết liệt của cuộc đời cũng giơ tay lên Chúa để tìm sự an ủi mà Dầu Thánh này ban cho họ,

Sau Lời nguyện Hiệp lễ, Đức Giám mục làm phép Dầu OS và SC. Dầu OS dùng để xức cho người chuẩn bị lãnh phép Rửa, thêm sức cho họ giữ Đạo cũng như xua đuổi tà ma. Dầu SC dùng cho người lãnh nhận phép Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh và dùng khi cung hiến Thánh Đường.

Sau phép lành cuối lễ, Dầu được làm phép được rước vào phòng thánh với bình hương nghi ngút khói đi phía trước rước đoàn đồng tế vào phòng áo.

Nhờ Dầu Thánh, bao tội lỗi được thanh tẩy, nhiều linh hồn được sống lại trong ơn nghĩa Chúa. Tất cả mọi ơn ích Dầu Thánh mang lại đều do công nghiệp Đức Giê-su chịu chết trên thập giá.

BTT-Giáo phận.

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU NĂM 2012

Nhà thờ Chính Tòa – Giáo Phận Lạng Sơn

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

Khi cộng đoàn chúng ta vui mừng tham dự thánh lễ Làm Phép Dầu, mang những ý nghĩa đặc biệt trong phụng vụ Tuần Thánh. Chúng ta cùng suy tư Lời Chúa và ý nghĩa việc làm phép Dầu và tình hiệp thông linh mục đoàn giáo phận với Đức Giám mục để thêm sư hiểu biết trong đời sống đức tin của mình.

Tiên tri Isaia thời Cựu Ước đã loan báo Lời của Đức Chúa“Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dần tấn phong tôi, sai đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Isaia 61, 1); những lời này sẽ được thực hiện nơi Đấng mà Đức Chúa sẽ sai đến trần gian là Đức Giêsu Kitô; như chính Ngài đã xác quyết trong bài Tin Mừng thánh Luca hôm nay: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe”(Lc 4, 21). Ý nghĩa thánh lễ hôm nay giúp chúng ta qui hướng về Chúa Giêsu Kitô để cảm nhận tình yêu bao la của Đức Chúa yêu thương nhân loại đến tận cùng khi trao ban chính Con Một của mình để cứu chuộc nhân loại. Hơn nữa, khi chúng ta được phúc mang danh Kitô hữu qua bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Ngài, để tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô.

Từ ý nghĩa sâu sa của chất Dầu thơm hoan lạc là chính Chúa Giêsu Kitô, mà chúng ta được hiểu được ý nghĩa của Dầu trong đời sống Kitô hữu. Từ việc xức dầu vật chất, chúng ta được xức dầu thiêng liêng, là chính Chúa Thánh Thần với những ân sủng của Ngài.

* Dầu Thánh hay còn được gọi là Dầu Christma được dùng để xức cho những người chịu bí tích thánh tẩy, bí tích thêm sức, bí tích truyền chức và thánh hiến bàn thờ. Với lời nguyện hiến thánh dầu, từ nay Giáo hội xin Chúa thương ban phúc lành thánh hóa Dầu Thánh này, để sức mạnh của Chúa Thánh Thần với quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, ban tràn đầy Ơn phúc của Chúa, và ghi dấu ấn trên người đón nhận. Giúp cho chúng ta trở nên con cái của Chúa qua bí tích Rửa tội, được tăng trưởng trong Đức tin qua bí tích thêm sức; trở nên người được ghi dấu ấn đặc biệt bằng chất Dầu Thánh cho hành trình sống ơn gọi phó tế, linh mục và giám mục. Dầu Thánh được dùng để cung hiến bàn thờ, là nơi cử hành hy tế của Chúa.

* Dầu Dự Tòng dùng cho anh chị em dự tòng chuẩn bị tâm hồn xứng đáng nhận bí tích thánh tẩy và có ơn để chuẩn bị đón nhận đời sống Kitô hữu.

* Dầu Bệnh Nhân giúp nâng đỡ bệnh nhân trong lúc bệnh tật đau yếu và thêm sức trợ lực cho người già cả, cao niên: ý nghĩa việc xức dầu bệnh nhân để giúp chúng ta khám phá tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ nơi chính Đức Giêsu Kitô, Ngài tỏ lòng yêu thương chữa lành bệnh nhân mà chính Ngài còn mang trên thân xác mình những đau khổ của nhân loại. Khi cử hành xức dầu bệnh nhân chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và nhận ra dấu chỉ chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Qua dấu chỉ bề ngoài của dầu, chúng ta cùng cảm nhận vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của thánh thiêng, và sự đỡ nâng của Ơn Chúa.

Trong sách Nghi thức Giám mục có nói:“…các linh mục đồng tế trong thánh lễ làm phép Dầu để chứng kiến và để cộng tác với Đức Giám mục của mình trong việc thánh hiến Dầu thánh, cũng là để chia sẻ gánh nặng với Giám mục trong việc xây dựng, thánh hóa và quản trị Dân Thiên Chúa. Như thế càng làm sáng tỏ tính duy nhất của chức tư tế và việc hiến tế của Chúa Kitô trong toàn thể Giáo Hội”. (số 274)

Sau bài giảng, các linh mục cùng lặp lại lời tuyên hứa trung thành với sứ vụ của mình, lời mà các ngài đã hứa trong ngày chịu chức linh mục, bày tỏ sự hiệp thông của linh mục đoàn với Đức Giám mục Giáo phận. Để giúp quý ông bà anh chị em hiểu rõ hơn về thiên chức linh mục, và cầu nguyện, đồng hành với các ngài: chúng ta cùng bàn về chủ đề mà Giáo Hội Công Giáo Việt-Nam đang thực hiện: Giáo Hội Mầu Nhiệm, Giáo Hội Hiệp Thông và Giáo Hội Sứ vụ.

* Linh mục là dấu chỉ Mầu Nhiệm trong Giáo Hội:

Các linh mục luôn dâng lời cảm tạ Chúa đã cho sinh ra làm người, làm con cái Thiên Chúa và hơn nữa được mời gọi trở nên môn đệ được Chúa thương yêu. Khi chịu chức thánh các linh mục được mời gọi tham gia vào chức linh mục duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, từ nay cố gắng từ bỏ chính mình sống “Mầu Nhiệm” của Chúa, để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, là “Alter Christus-Chúa Kitô khác” trong đời sống ơn gọi. Các tân chức linh mục đã được mời gọi trong thánh lễ truyền chức:“…ý thức việc mình làm, noi theo điều mình thực hiện, và rập đời sống mình theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá Chúa”. Như vậy, qua bí tích truyền chức, linh mục là người đã được Chúa Thánh Thần thánh hiến cho Thiên Chúa Cha, nhằm trở nên dấu chỉ Mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô vừa là Đầu vừa là Mục Tử. Các linh mục luôn ý thức được ơn gọi và chức vụ thiêng thánh của mình bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, nhằm diễn tả mầu nhiệm tình yêu Cứu Độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, qua Giáo Hội để tiếp tục được thực hiện trong thế giới.

* Linh mục là dấu chỉ Hiệp thông trong Giáo Hội:

Khi hứa xin vâng ngày chịu chức, các linh mục được mời gọi sống tinh thần của Chúa qua Giáo hội. Các linh mục luôn là dấu chỉ sự hiệp thông trong Giáo Hội, là sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Giáo Hội của Chúa Giêsu, và hiệp thông với toàn thể nhân loại.

Đời sống hiệp thông của các linh mục được kết hiệp với Chúa Giêsu nhờ chính bí tích Thánh Thể, để nhờ đó sống hiệp thông với nhau là những chi thể của một thân thể Mầu Nhiệm mà Đức Kitô là Đầu. Hiệp thông qua các Bí tích, qua đời sống cầu nguyện, qua sự dấn thân phục vụ và sống đức ái. Anh em linh mục là những người có ơn gọi để thi hành sứ mạng của Hội thánh, được mời gọi cùng hiệp thông với Đức Giám Mục, với anh em linh mục và với Dân Chúa để xây dựng Giáo Hội. Bởi tất cả chúng ta đang sống trong một “Gia đình” Giáo Hội. Khi sống tình hiệp thông các linh mục vừa sống trọn vẹn ơn gọi của mình vừa góp phần xây dựng Giáo Hội như một cộng đoàn hiệp thông giữa một thế giới đầy thách đố hôm nay.

* Linh mục thực hiện Sứ Vụ trong Giáo Hội:

Lời hứa lại với Đức Giám Mục trong thánh lễ này, giúp các linh mục nhớ lại điều mình đã hứa trong ngày chịu chức thánh để luôn cộng tác với Ơn Chúa, phấn đấu chu toàn những bổn phận, trách nhiệm trong sứ mệnh cao cả, Hồng ân và trách nhiệm. Các linh mục hãy mang tâm tình của Chúa Giêsu khi Ngài nói và thực hiện: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để Phục vụ và hiến mạng sống vì đoàn chiên”, đó là tâm tình vâng phục, sẻ chia, nâng đỡ, yêu mến, quảng đại, nhẫn nại, tha thứ hy sinh tất cả mà không đòi phải được giúp lại, sẵn sàng trở nên tấm bánh bị ăn cho cộng đoàn Dân Chúa. Đặc biệt sống Sứ Vụ là sống giá trị Truyền Giáo với sứ mạng của Hội Thánh theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15).

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

Giờ đây, chúng ta cùng bước vào thánh lễ với tâm tình tri ân cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa đã trao ban cho các môn đệ chức vụ thánh, để trở nên dấu chỉ tình yêu và phục vụ hữu hình của Chúa Giêsu Kitô giữa lòng Hội thánh và thế giới. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục giáo phận chúng ta cũng như các linh mục trên thế giới. Xin cùng cộng tác, hiệp nhất và giúp đỡ các linh mục trong các công việc của Chúa qua Giáo Hội, và cùng nguyện xin Thiên Chúa luôn ban trên các linh mục và mỗi người chúng ta muôn hồng ân để sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu của mỗi người trong giáo hội và thế giới hôm nay. Amen.


+Giuse Đặng Đức Ngân

Giám Mục Lạng Sơn-Cao Bằng
 
Mục vụ cho người gìa và bệnh nhân trong Tuần Thánh
Diệp Hải Dung
08:24 04/04/2012
Sáng Thứ Tư Tuần Thánh 04/04/2012 Cha Paul Văn Chi và Cha Phêrô Dương Thanh Liêm Tuyên úy Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney đã đến Viện Dưỡng Lão Lansdown Cabramatta - Sydney (Lansdown Nursing Home Cabramatta - Sydney) thăm viếng ủy lạo các người già yếu và các bệnh nhân tại Viện Dưỡng Lão trong Tuần Chay Thánh.

Xem hình ảnh

Trước khi quý Cha hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện là nghi thức Xức Dầu Thánh cho các vị già yếu cao niên bệnh tật để nguyện xin ơn Thiên Chúa chữa lành phần hồn cũng như phần xác. Thánh lễ kết thúc bà Nam Phạm Giám Đốc Viện Dưỡng Lão Lansdown Cabramatta Sydney ngỏ lời cám ơn Cha Chi, Cha Liêm, Ca đoàn Mẹ La Vang Cabramatta, quý vị đại diện các Hội Đoàn trong Cộng Đồng và Cha Bob đã đến thăm viếng Viện Dưỡng Lão Lansdown Cabramatta Sydney.

Bà Nam Phạm đặc biệt ngỏ lời cám ơn Cha Paul Văn Chi đã tặng cho Viện Dưỡng Lão 2 đĩa DVD Movie tường thuật về Con Đường Chúa Đã Đi Qua (The Road Jesus Christ Walked) để chiếu cho mọi người xem trong Tuần Thánh để chiêm niệm. Sau đó quý Cha phát Trứng Phục Sinh (Easter Eggs) cho mọi người và chúc lành trong ơn phúc Chúa KiTô Phục Sinh.
 
Lễ Truyền Dầu tại Giáo Phận Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:12 04/04/2012
Theo truyền thống, hàng năm Lễ Truyền Dầu được tổ chức vào ngày thứ Năm Tuần Thánh tại Nhà Thờ Chính Tòa. Từ hai năm nay, Giáo phận chuyển sang nhịp mục vụ mới, Lễ Dầu luân phiên từng giáo hạt.Năm nay, Lễ Dầu được cử hành tại Giáo Hạt Hàm Thuận Nam.

Xem hình ảnh

Thứ Tư Tuần Thánh, ngày 4/4/2012, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế Thánh lễ làm phép Dầu tại nhà thờ Hiệp Đức. Cùng đồng tế có Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Linh mục đoàn Giáo phận. Các Thầy Phó tế, Chủng sinh, quí Tu sĩ và hàng ngàn giáo dân trong Giáo Hạt cùng hiệp thông cầu nguyện. Niềm vui chan chứa với nụ cười thân thiện trên môi mỗi người dự lễ.

Thánh lễ ghi đậm nét hình ảnh sống động của giáo hội địa phương. Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh “Christus Dominus” đã xác định: “Giáo phận là một phần Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, Giáo phận được tập trung trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo hội riêng biệt, trong đó Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thực sự.” (CD 11)

Đức cha Giuse giảng lễ, suy niệm Sứ Điệp Mùa Chay 2012.

Anh em linh mục thân mến,

Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm 2012 (SĐMC 2012), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dựa vào thư gửi tín hữu Do Thái để kêu gọi mọi người suy tư về điều cốt yếu của đời sống tín hữu và nỗ lực đổi mới hành trình đức tin trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn, trong khi chờ đợi niềm vui Phục Sinh: “Ta hãy quan tâm đến nhau để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành” (Dt 10,24). Hôm nay, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày khai sinh chức linh mục, cùng với lời chúc mừng và tâm tình hiệp thông thường lệ, tôi cũng xin mượn lại động từ “quan tâm đến nhau” mà gửi đến anh em đôi lời chia sẻ. Hy vọng từng linh mục chúng ta sẽ sống tròn đầy ý nghĩa của ngày thật đẹp này, cũng như sống thật đẹp tâm tình của ngày tròn đầy ý nghĩa này.

1. Quan tâm đến nhau trong đời sống cụ thể.

Chưa bao giờ như hiện nay, người ta nói nhiều đến một căn bệnh thời đại là thái độ sống “vô cảm” của nhiều người ngoài đời, cũng như lối sống “thờ ơ” của một số người trong đạo. Phải nói rằng đây là một căn bệnh vừa làm xói mòn đời sống đức tin vừa gây phương hại đến giới luật yêu thương Kitô giáo. Ngược lại với thái độ dửng dưng ấy, thư Do Thái muốn xây dựng một thái độ sống thể hiện đức ái là biết quan tâm đến nhau.

“Quan tâm đến nhau” trong đời sống tín hữu được hiểu một cách nôm na là “nhìn nhau bằng trái tim”, là nhìn nhau không chỉ bằng đôi mắt mà còn bằng tấm lòng, là để ý đến nhau rồi lấy lòng ân cần chăm chút cho nhau. Đây không phải là một lối nhìn xét nét nặng về nghi kỵ, mà là một ánh nhìn dịu hiền thể hiện khít khao tình thương Kitô giáo, như nền tảng đạo đức nhân bản để tình liên đới tín hữu triển nở một cách tự nhiên. “Hãy quan tâm đến nhau”, như thế, đã vượt quá khuôn khổ của lời kêu gọi để trở thành trách nhiệm của mọi kẻ tin.

“Quan tâm đến nhau” trong đời linh mục trước hết thể hiện qua việc anh em linh mục lưu tâm để ý đến đời sống thực tế mọi mặt như sức khỏe, tài chánh và ngay cả điều kiện ăn ở của nhau tại những nơi anh em được sai đến phục vụ. Hiện nay linh mục đoàn Giáo Phận Phan Thiết tuổi trung bình dao động trong khoảng 40-45, nên được xem là trẻ trung khỏe khoắn, nhưng cũng có một hai trường hợp đau bệnh đang được điều trị. Chúng ta thêm lời cầu nguyện cho nhau. Còn yếu tố tài chánh và điều kiện ăn ở nơi các giáo xứ chừng như không có nhiều phân cách, cho dù mức sống giữa vùng núi và vùng biển luôn tồn tại những khác biệt. Vẫn biết tinh thần phục vụ của linh mục là luôn sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu và luôn thích ứng với địa phương nơi mình được sai đến, nhưng thái độ biết giúp đỡ và nâng đỡ nhau những khi cần phải là cách sống đáng trân trọng thể hiện sự quan tâm đến nhau một cách thiết thực. Nếu Thánh Vịnh 133,1 có ca tụng: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”; thì ta cũng có thể phụ họa: Êm đềm hạnh phúc biết bao, linh mục để ý giúp nhau trong đời.

2. Quan tâm đến nhau trong đời sống mục vụ.

Bóng dáng dễ thấy nhất của linh mục Giáo Phận chính là sự hiện diện của các ngài trong các sinh hoạt mục vụ giáo xứ. Mà cũng đúng thật. Linh mục là mục tử chăm sóc các linh hồn hay là người chăm lo phần rỗi các linh hồn (salus animarum), nên không gì thích đáng hơn khi quan tâm đến nhau cũng là để ý kiện toàn với nhau và cho nhau nhiệm vụ chính yếu cũng là trọng trách một đời đối với các linh hồn, được thể hiện rõ nét qua các sinh hoạt mang tính mục vụ tại các đơn vị nhỏ nhất của Giáo Hội tại địa phương là giáo xứ.

Tất nhiên trong Giáo Phận chỉ có một đường hướng mục vụ chung, nhưng phải nói thật: có bao nhiêu linh mục là có bấy nhiêu cách thực hành mục vụ linh động thích ứng. Điều này một mặt cho thấy tính chất phong phú và khả năng đa dạng của các linh mục trong Giáo Phận; mặt khác cũng cho thấy nếu để độc lập, từng linh mục một sẽ không thể gánh vác hết mọi khía cạnh của việc mục vụ được. Mục vụ không để cho mình, mà là để phục vụ cho các tín hữu, mà tín hữu giáo dân càng đông thì việc mục vụ sẽ tới lúc ngập đầu ngập cổ, chính vì thế linh mục cần quan tâm đến nhau để đồng cảm đã đành, mà còn cần quan tâm đến nhau để sẵn sàng tiếp tay chia sẻ những khi nhận được tín hiệu kêu gọi giúp đỡ.

Thật khích lệ khi thấy những linh mục quản xứ, vào dịp trọng đại như chầu lượt thay mặt Giáo Phận hay mừng bổn mạng giáo xứ, có thói quen mời các linh mục lân cận đến giảng tĩnh tâm hoặc giải tội, để giáo dân có điều kiện thuận lợi hơn mà quy tụ lắng nghe giảng giải hoặc tìm đến nhận ơn hoán cải cuộc đời. Và cũng thật khích lệ khi nghe có linh mục này linh mục khác, mỗi khi đến dâng lễ tại các nơi, thường quan tâm hỏi han trước xem ở nơi đó có cần đến sự hỗ trợ gì không, như áo lễ, chén lễ, sách lễ, thậm chí cả hệ thống âm thanh... Quan tâm đến nhau trong đời sốâng mục vụ ở đây, chính là mặt bằng thể hiện tình huynh đệ linh mục một cách chặt chẽ và đẹp đẽ nhất.

3. Quan tâm đến nhau trong đời sống thiêng liêng.

Linh đạo của linh mục Giáo Phận là “nên thánh giữa đời mục vụ”, nên một cách nào đó, khi yêu mến chu toàn việc mục vụ được phân bổ cho mình, linh mục đã từng ngày rảo bước trên đường thánh đức, nhưng trong tình huynh đệ linh mục dựa trên thánh chức được thiết lập vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh và được truyền phong vào ngày tiến chức của từng người, linh mục còn cần được anh em mình quan tâm hơn nữa trong đời sống thiêng liêng. Tiện đây, tôi xin cám ơn các linh mục (và mọi người) hằng ngày trong Kinh Nguyện Thánh Thể đã xin Chúa nhớ đến giám mục giáo phận và hàng giáo sĩ. Đây là một lời kinh ngắn nhưng đầy sức mạnh nâng đỡ giám mục, linh mục và phó tế trên đường nên thánh tùy theo mức độ và bản chất ơn gọi đời mình.

Nhưng linh mục quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của nhau trên hành trình nên thánh, không chỉ thể hiện một cách tổng quát như chung lời cầu nguyện cho nhau hoặc tham gia cầu nguyện với nhau; nhưng còn biểu lộ một cách riêng biệt hơn như nâng đỡ khích lệ nhau qua việc linh hướng và xây dựng cốt cách thánh thiêng qua việc sửa lỗi huynh đệ, uốn nắn bước đi cho nhau. Về điều này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói không úp mở: “Trong một thế giới mang đậm ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, cần phải tái khám phá tầm quan trọng của việc sửa lỗi huynh đệ, để cùng nhau nên thánh. Kinh Thánh nói rằng ngay cả “người công chính cũng sa ngã 7 lần” (Cn 24,16); mà tất cả chúng ta đều là người yếu đuối và thiếu sót (x. 1 Ga 1,8). Vì thế, thật là rất hữu ích khi giúp đỡ người khác và để người khác giúp đỡ mình hầu biết được sự thực về bản thân mình, mà cải tiến cuộc sống và bước đi ngay thẳng hơn theo đường lối Chúa. Chúng ta luôn cần đến ánh nhìn yêu thương và sửa dạy, nhận biết và thấu hiểu, phân định và tha thứ, như Chúa đã và đang làm với mỗi người chúng ta” (x. SĐMC 2012).

Anh em linh mục thân mến,

“Quan tâm đến nhau” trong hoàn cảnh sống cụ thể, trong các sinh hoạt mục vụ cũng như trên đường nên thánh, đó là ba ý chính được chia sẻ với anh em trong dịp kỷ niệm ngày sinh của chức linh mục trong Giáo Hội công giáo, cũng là ngày đẹp nhất của anh em chúng ta. Chung lời tạ ơn với anh em trong dịp hồng phúc. Chung vui cùng anh em trong ngày tươi đẹp. Cầu chúc anh em một đời hạnh phúc vì có Chúa là gia nghiệp, có các tín hữu sẵn sàng cộng tác và có các linh mục gắn bó thành một gia đình biết “nhìn nhau bằng trái tim” yêu thương.(nguồn: gpphanthiet.org)

Các linh mục lặp lại lời tuyên hứa theo nghi thức phụng vụ như sau:

Giám mục:
- Anh em linh mục thân mến,
Trong ngày kỷ niệm Đức Kitô chia sẻ chức vụ tư tế của Người cho các thánh Tông Đồ và mỗi người chúng ta, anh em có nuốn lặp lại những lời anh em đã tuyên hứa trước mặt giám mục của anh em, và trước mặt cộng đoàn dân Chúa, trong ngày anh em lãnh nhận chức linh mục không?

Các linh mục đồng thanh thưa:
- Thưa con muốn.

Giám mục:
- Ngày chúng ta nhận chức thánh vì yêu mến Chúa Kitô và để phục vụ Hội Thánh Người, chúng ta đã vui lòng chấp nhận trách nhiệm phục vụ cộng đoàn được giao phó cho chúng ta. Vậy, anh em có muốn ngày càng gắn bó hơn với Chúa Giêsu và cố gắng noi gương Người mà từ bỏ bản thân và trung thành giữ những lời chúng ta đã cam kết không?

Linh mục:
- Thưa con muốn.

Giám mục:
- Chúng ta phải là những người quản lý trung thành đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa khi rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích Thánh Thể và các bí tích khác. Vậy, theo gương Chúa Kitô là thủ lãnh và là mục tử của chúng ta, anh em có muốn thi hành chức vụ của mình một cách nhiệt thành và vô vị lợi không?

Linh mục:
-Thưa con muốn.

Sau đó, đức giám mục hướng về giáo dân mà nói:
Anh chị em giáo dân thân mến, xin anh chị em cầu nguyện cho các linh mục của anh chị em, xin Thiên Chúa ban cho các ngài đầy tràn ân sủng, để các ngài trở nên những tôi tớ trung thành của Đức Kitô Thượng Tế, và nhờ đó mà dẫn đưa anh chị em đến với Người là nguồn mạch duy nhất của ơn cứu độ.

Cộng đoàn:
Để kết thúc linh mục lặp lại lời tuyên hứa.

Đức Giám Mục dâng lời nguyện theo nghi thức phụng vụ như sau:
- Xin Thiên Chúa giữ gìn tất cả chúng ta trong tình thương của Người. Xin Người đích thân hướng dẫn mục tử cũng như đoàn chiên tới sự sống muôn đời.

Mọi người thưa:
- Amen.

Được làm môn đệ Chúa Kitô là một thiên chức cao quý. Đức Giám Mục xin cho đời sống các linh mục:

- Tuyên hứa linh mục là lời tuyên hứa trước giám mục và cộng đoàn.
- Chấp nhận trách nhiệm phụng vụ cộng đoàn được giao phó, trung thành với lời hứa.
- Quản lý trung thành đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa khi rao giảng Lời Chúa.
- Thi hành chức vụ của mình một cách nhiệt thành và vô vị lợi.
- Trở nên những tôi tớ trung thành của Đức Kitô Thượng Tế.
- Dẫn đưa người trao được trao phó đến với Chúa Kitô là nguồn mạch duy nhất của ơn cứu độ.

Người giáo dân yêu mến và luôn cầu nguyện cho các linh mục hàng ngày. Để thực sự trở thành bạn hữu của Chúa, linh mục phải hiểu biết Chúa, phải kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện và phải kết hợp mật thiết với anh em.

Xin cầu nguyện cho các linh mục “say mê cuồng nhiệt”cho Đức Kitô, như Thánh Phaolô đã nói: “Đối với tôi sự sống là Đức Kitô” (x. Phi1,21).
 
Thánh lễ làm Phép Dầu Tại nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho
LM Giuse Nguyễn Tuấn Hải
09:23 04/04/2012
Vào lúc 9g25 sáng Thứ Tư Tuần Thánh ngày 4 tháng 4 năm 2012, Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho – đã chủ tế thánh lễ Làm Phép Dầu tại Nhà Thờ Chánh toà Mỹ Tho. Đồng tế với Đức Cha có 118 linh mục triều và dòng trong Giáo phận gồm có: Đức Ông Phêrô Trần Văn Hòa, Cha Tổng Đại Diện (TĐD), 6 Cha Hạt Trưởng và quí Cha trong Giáo phận. Đặc biệt có bốn tân linh mục vừa được Đức Cha phong chức ngày 26.3.2012 vừa qua tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Trong tâm tình hiệp thông của linh mục đoàn với Giám mục của mình, quí Cha đã về dâng thánh lễ gần như đầy đủ, chỉ trừ một vài Cha đang bệnh và tuổi già không thể đi được.

Xem hình ảnh

Đoàn đồng tế mặc phẩm phục màu trắng, và được thánh giá đèn hầu rước từ Tòa Giám mục sang nhà thờ Chánh Tòa; trong lúc ca đoàn và cộng đoàn hát ca nhập lễ “Con là linh mục”: “Con là linh mục đời đời theo phẩm hàm Men-ki-sê-đê,…”

Tham dự Thánh lễ có quí nữ tu Dòng MTG Tân An, quí nữ tu Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, quí thầy, giáo dân Chánh Tòa và các giáo xứ khác trong thành phố Mỹ Tho. Số người tham dự ước tính khoảng 600 người.

Sau khi làm dấu thánh giá đầu thánh lễ, Đức Cha chào Cha TĐD, quí Cha Hạt Trưởng, quí Cha, quí nam nữ tu sĩ và toàn thể anh chị em giáo dân. Tiếp theo, Đức Cha nói đến ý nghĩa của ngày lễ để mời gọi mọi người hiểu và sống mầu nhiệm đang được cử hành. Sau cùng, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện cho linh mục đoàn trong giáo phận nhân ngày lễ lặp lại lời tuyên hứa linh mục hôm nay.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha mở đầu như sau: “Năm nay chúng ta cử hành Thánh lễ làm phép Dầu trong bầu khí chuẩn bị “Năm Thánh Đức Tin”. Toàn thể Giáo hội Công giáo đang náo nức hướng về Năm Thánh sẽ được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI long trọng khai mở vào tháng 10 năm 2012 tới đây. Mặc dù tình hình chính trị và an ninh thế giới còn nhiều căng thẳng và bất ổn, tình hình kinh tế của Đất nước chưa được sáng sủa như lòng ta mong muốn, nhưng người Công giáo vẫn lạc quan và không bao giờ thất vọng. Đây không phải là một thứ lạc quan ngây thơ và mù quáng, nhưng là lạc quan vì vững tin vào Thiên Chúa, vào tình thương của Ngài biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô.”

Sau đó, Đức Cha nói đến ý nghĩa cái chết và sự hy sinh của Chúa Giêsu là vì yêu thương nhân loại và Thiên Chúa muốn chia sẻ hạnh phúc của Ngài. Chúa Giêsu chết cho chúng ta được sống, và được sống dồi dào. Chúa đã trao “hơi thở” của Chúa, Thần Khí của Chúa cho Giáo Hội, và Giáo Hội sống bằng chính sự sống của Chúa. Cái chết của Chúa Giêsu là một sự hy sinh lớn lao không phải chỉ của Chúa Giêsu mà còn là của chính Chúa Cha.

Tiếp theo, dựa vào các bài đọc Kinh Thánh của ngày lễ Dầu, Đức Cha khai triển ý nghĩa của việc xức Dầu tấn phong và sai đi mà Chúa Cha đã dùng để tấn phong Chúa Giêsu, như lời tiên tri Isaia: “Thần Khí của Thiên Chúa ngự trên tôi, vì Thiên Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Is 61, 1a). Sau đó, Đức Cha nhấn mạnh rằng ngày hôm nay Thiên Chúa cũng muốn cho Giáo Hội được xức Dầu Thánh Thần, và tiếp tục ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa. Giáo Hội có cùng sứ vụ của Chúa, do chính Chúa đã trao lại: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20, 21).

Trong phần cuối của bài giảng, Đức Cha giải thích ý nghĩa và mục đích sử dụng của từng loại Dầu được làm phép: 1) “Dầu Chrisma”, Dầu hiến thánh của Chúa; 2) Dầu bệnh nhân, dầu được dùng để băng bó các vết thương tâm hồn và thể xác của những người đau ốm bệnh tật, có sức chữa lành các bệnh nội tâm là tội lỗi muốn hủy diệt các linh hồn, hoặc giam hãm con người cách vĩnh viễn với thần dữ; 3) “Dầu dự tòng”, Dầu cung cấp sức mạnh thần linh cho các dự tòng, để họ có thể chiến đấu chống lại muôn vàn cám dỗ của thần dữ.

Đức Cha kết thúc bài giảng như sau:“Các thứ Dầu được làm phép hôm nay đều là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, là Sức mạnh Tình Yêu của Thiên Chúa, Ánh sáng Chân lý của Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng chỉ có sức mạnh ấy mới thực là “vô địch”, và chỉ có ánh sáng ấy mới không bao giờ tàn lụi. Chúng ta hãy xác tín như thế thì chính Chúa sẽ là nguồn vui cho mọi người chúng ta.”

Sau bài giảng thì đến phần nghi thức tuyên hứa của linh mục đoàn. Đức Cha hỏi các linh mục có muốn lặp lại những lời đã tuyên hứa trước mặt giám mục trong ngày lãnh nhận thánh chức linh mục không. Quí Cha đã đồng thanh đáp: “Thưa con muốn.” Khi linh mục đoàn tuyên hứa xong, Đức Cha hướng về phía giáo dân và mời gọi cầu nguyện cho các linh mục được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, để các ngài trở nên những tôi tớ trung thành của Đức Kitô Thượng Tế.

Trước khi cử hành phụng vụ Thánh Thể, các phó tế rước 3 bình Dầu Ôliu đã được chuẩn bị làm phép tiến đến chỗ Đức Cha để giới thiệu lần lượt: Dầu Bệnh Nhân, Dầu Thánh, và Dầu Dự Tòng. Kế đến, các thầy giúp lễ cũng dâng lễ vật cho Đức Cha. Sau đó, Thánh lễ tiếp diễn như thường lệ trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng.

Trước khi xướng “Chính nhờ Người, với Người, và trong Người..”, thì Đức Cha làm phép bình “Dầu Bệnh Nhân”. Sau đó Thánh Lễ tiếp tục cho đến sau Lời Nguyện Hiệp Lễ, Đức Cha làm phép 2 bình Dầu còn lại là “Dầu Dự Tòng” và “Dầu Thánh”.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 10g35, đoàn đồng tế rước ba bình Dầu Thánh tiến ra trước Nhà thờ để về lại Tòa Giám mục. Bên trong Nhà thờ, tiếng hát kết lễ của ca đoàn và cộng đoàn vẫn còn vang vọng: “Thần khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng, Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi Ngài sai tôi đi…”

Thánh lễ Làm Phép Dầu diễn ra thật long trọng, trang nghiêm và sốt sắng. Có rất đông linh mục trong Giáo phận qui tụ về bên Giám mục để nói lên sự hiệp thông giữa giám mục và linh mục đoàn.

Sau Thánh Lễ, quí Cha ăn trưa với Đức Cha tại Tòa Giám mục. Sau đó, quí Cha nhận Dầu vừa được làm phép để đưa về các giáo xứ để dùng cho việc cử hành các bí tích.
 
Thánh lễ làm Phép Dầu giáo phận Hưng Hóa tại giáo xứ Lào Cai
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
13:14 04/04/2012
Hưng Hóa - Ngày 03.04.2012, thứ ba Tuần Thánh, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Gp. Hưng Hóa chủ tế Thánh lễ Làm Phép Dầu tại giáo xứ Lào Cai, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đồng tế với Đức cha, có cha Tổng đại diện - Phêrô Phùng Văn Tôn, cha giám tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin, Giuse Phan Trọng Quang, khoảng 70 linh mục Giáo phận và các cha Dòng đang làm mục vụ tại Hưng Hóa. Tham dự Thánh lễ, còn có quí thầy Phó tế, quí Thầy giúp xứ, quí Tu sĩ nam nữ và khoảng 3 ngàn giáo dân đến từ nhiều giáo xứ trong Giáo phận.

Xem hình ảnh

Theo ý muốn của Đức cha Giáo phận, Thánh lễ Làm Phép Dầu phải được tổ chức mỗi năm tại một giáo hạt khác nhau để cho giáo dân khắp nơi biết. Năm nay, Lào Cai đang được mừng Năm Thánh, kỉ niệm 100 năm thành lập giáo xứ, ngài muốn giáo xứ Lào Cai tổ chức. Đây cũng là dịp tốt để quí Cha, quí Thầy, quí Dì và giáo dân thăm giáo xứ và hưởng ơn Năm Thánh.

Giáo xứ Lào Cai nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam và cũng là giáo xứ gần biên giới nhất Việt Nam. Giáo xứ cách Tòa Giám Mục Sơn Tây khoảng 300 km (từ 7 - 8 tiếng xe hơi) qua 3 trục đường chính: đường quốc lộ 70, quốc lộ 2 và quốc lộ 32C. Khi nghe biết được đăng cai lễ Làm Phép Dầu, giáo dân rất phấn khởi. Người thì cho mượn nhà đón tiếp quí Cha, quí Thầy, quí Dì, người thì đóng góp tiền của tổ chức Thánh lễ. Vì đường xá xa xôi nên hầu hết các cha đến từ hôm trước, và giáo xứ trở thành nơi giao lưu giữa các đoàn đến từ nhiều nơi khác nhau trong Giáo phận.

Đúng 7g15, đoàn đồng tế bắt đầu tiến từ nhà khách giáo xứ tiến vào nhà thờ giữa muôn tiếng kèn vang: “Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca. Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa”. Giáo dân háo hức vì chưa bao giờ thấy đông các cha tới dâng lễ như vậy cũng như chưa bao giờ tham dự Thánh lễ Làm Phép Dầu.

Giới thiệu đầu lễ, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất nói lên ý nghĩa của ngày lễ Làm Phép Dầu Thánh. Dầu Thánh có 3 loại; SO: dầu dự tòng; OI: Dầu bệnh nhân; SC: Dầu thánh hiến. Đặc biệt hơn, trong Thánh lễ hôm nay, các linh mục hứa vâng phục Giám mục của mình và mọi thành phần dân Chúa liên đới với Giám mục qua việc cộng tác, hiệp thông và cầu nguyện.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Cha Piô Ngô Phúc Hậu lấy lại tư tưởng của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Muốn cho Giáo Hội phát triển chúng ta cần làm hai việc: thứ nhất phải củng cố nội bộ; thứ hai phải ra đi loan báo Tin Mừng”. Cha cũng minh chứng rằng thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô bị chia năm xẻ bảy cũng chỉ vì không bám chặt vào Chúa Kitô và yếu tố nhân loại quá nhiều.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức cha Gioan Maria thay mặt cho Giáo phận cám ơn Cha quản xứ, giáo xứ, Ban tổ chức và mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ Lào Cai đã tổ chức Thánh lễ rất nghiêm trang và sốt sáng. Sự nhiệt thành và quảng đại của quí ông bà anh chị em trong giáo xứ Lào Cai rất đáng được nghi nhận.

Thánh lễ kết thúc bằng việc đoàn rước Dầu Thánh tiến vào phòng thánh: “Ôi Đấng Cứu độ ơn phúc chứa chan…”. Sau khi thay phẩm phục, quí cha đã mang Dầu Thánh về nhiệm sở của mình như dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa giữa dân Người.

Mọi thành phần tham dự đều cảm thấy vui. Riêng đối với giáo xứ Lào Cai, ai cũng tự hào vì đã được hân hạnh đăng cai và tận mắt chứng kiến một Thánh lễ long trọng và sốt sáng đến vậy tại mảnh đất thân thương này. Thời tiết mát mẻ. Lòng người tươi trẻ. Ơn Chúa chứa chan. Hạnh phúc lan tràn. Qua sự kiện này, giáo dân biết rõ hơn về mối tương quan trong Giáo Hội và trách nhiệm đóng góp phần mình làm thăng tiến Giáo Hội cách này hay cách khác.
 
Thánh lễ làm Phép Dầu giáo phận Phát Diệm tại giáo xứ Tôn Đạo
Thùy Chi
13:48 04/04/2012
PHÁT DIỆM – Vào lúc 9 giờ sáng thứ Tư Tuần Thánh, ngày 4.4.2012, thánh Lễ Truyền Dầu của Giáo phận Phát Diệm năm nay được tổ chức tại Nhà thờ Tôn Đạo (xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) thuộc Giáo hạt Tôn Đạo, cách Tòa Giám mục Phát Diệm 6km trên trục đường quốc lộ 10. Giáo dân khắp nơi, mỗi lần hành hương về nhà thờ Chính tòa Phát Diệm khi đi ngang qua nhà thờ Tôn Đạo, đều hết lời khen: “Một ngôi nhà thờ ‘mặt phố’ đẹp nhất nhì địa phận”.

Xem hình ảnh

Theo như thông báo về lễ Truyền Phép Dầu, trong dịp diễn ra tuần thường huấn năm 2012 của Linh mục đoàn giáo phận Phát Diệm (27-29.2.2012), đã có rất đông giáo dân trong giáo xứ và các giáo xứ khác trong giáo phận về Tôn Đạo để dự thánh Lễ Dầu do Đức cha giáo phận Giuse Nguyễn Năng cử hành. Điều cảm động là có đông đủ quý cha triều dòng trong giáo phận, như cha Vicente Nguyễn Văn Phương đã đi xe máy gần 100km từ giáo xứ Khoan Dụ ở huyện Chi Nê của tỉnh Hòa Bình và một số cha giáo sư đang dạy tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội trên quãng đường 127km về giáo xứ Tôn Đạo dự Lễ Dầu.

Tính đến Lễ Truyền Dầu hôm nay, Giáo phận Phát Diệm hiện đang có 55 linh mục triều, 5 linh mục dòng Xitô Châu Sơn, 3 giám mục đó là: Đức cha Giuse Nguyễn Năng – Giám mục Giáo phận Phát Diệm; Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến – nguyên Giám mục Giáo phận Phát Diệm, ngài nghỉ hưu tại Nhà thờ Sở Kiện (xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) và Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt – nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, ngài đang nghỉ dưỡng tại Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn (xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Đến ngày 24.4.2012, vào lúc 8 giờ 30 phút, Đức cha Giuse Nguyễn Năng sẽ phong chức linh mục cho 7 phó tế tại Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm. Như vậy, số linh mục của giáo phận Phát Diệm năm 2012 sẽ là 67 cha triều và dòng.

Khoảng chừng 5 phút trước thánh lễ, lúc 8 giờ 55 phút, đoàn đồng tế gồm có Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm, cha Tổng Đại Diện Giuse Trần Ngọc Văn chính xứ Ninh Bình, quí cha quản hạt của 9 giáo hạt Phát Diệm, Văn Hải, Tôn Đạo, Cách Tâm, Phúc Nhạc, Ninh Bình, Bạch Bát, Đồng Chưa và Vô Hốt đi sau Thánh Giá nến cao và linh mục đoàn giáo phận tiến vào nhà thờ trong tiếng ca đoàn hát vang ca nhập lễ. Trong đoàn đồng tế, chúng tôi thấy có quý cha Bề trên Dòng Xitô Châu Sơn – cha Gioan Phạm Văn Hưng và quý cha Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam – cha Giuse Nguyễn Thể Hiện.

Bước vào thánh lễ, trong lời dẫn nhập lễ, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã có đôi lời giải thích với cộng đoàn về ý nghĩa làm phép Dầu để mỗi người nhận thấy tầm quan trọng của Dầu trong các Bí tích của Hội Thánh được cử hành qua tay linh mục. Và ngài cũng xin cộng đoàn cầu nguyện cho linh mục đoàn trong ngày Sinh nhật của linh mục là ngày hôm nay để các ngài tiếp tục quảng đại hy sinh, phục vụ đoàn chiên trong giáo xứ mà mình coi sóc.

Sau bài giảng của Đức cha giáo phận, cộng đoàn yên lặng lắng nghe quý cha lặp lại lời tuyên hứa với giám mục về lời hứa khi lãnh tác vụ linh mục. Tuyên hứa xong, đoàn rước quý thầy Phó tế và đại diện nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, quí vị giáo dân và các em thiếu nhi cầm trên tay mình là của lễ dâng và ba bình dầu từ cuối nhà thờ tiến lên Cung thánh trong bài thánh ca dâng lễ. Tiếp đến, là Phụng vụ Thánh Thể, xen kẽ trong phần Phụng vụ Thánh Thể, Đức cha Giuse đã làm phép ba bình dầu.

Thánh lễ kết thúc lúc 10 giờ 50 phút, đoàn đồng tế cùng Thánh Giá nến cao rước ba bình Dầu Thánh vào trong nhà xứ. Tại đây, các linh mục nhận Dầu mới về giáo xứ của mình.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ông Ðoàn Văn Vươn vẫn bị vu tội 'giết người'
Người Việt
09:54 04/04/2012
HẢI PHÒNG (NV) - Nhà cầm quyền thành phố Hải Phòng vẫn một giọng y hệt như nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng đổ lên đầu ông Ðoàn Văn Vươn nhiều thứ tội, đồng thời loan báo “hoàn chỉnh hồ sơ” để truy tố anh em ông Vươn về tội “giết người.”

Trong một bản thông cáo báo chí phổ biến trên báo điện tử Hải Phòng ngày 3 tháng 4, 2012, nhà cầm quyền thành phố loan báo những việc đã làm theo chỉ thị của ông thủ tướng.

Theo đó, nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng thu hồi các quyết định “không đúng pháp luật” từ các quyết định “thu hồi diện tích đất giao nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sử dụng” ban hành các năm 2008 và 2009, đến thu hồi quyết định cưỡng chế ngày 24 tháng 11, 2011.

Nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng đòi cướp không đất, cướp không tài sản núp dưới những văn bản không có hiệu lực pháp lý để cưỡng chế, dẫn đến vụ nổ súng chống lại, làm 4 công an và 2 huyện đội bị thương nhẹ ngày 5 tháng 1, 2012.

Ông Ðoàn Văn Vươn (49 tuổi), người em Ðoàn Văn Quý (46 tuổi), người anh Ðoàn Văn Sịnh (55 tuổi), và người cháu Ðoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị bắt giam ngay ngày hôm sau. Tất cả đều bị truy tố về tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ” dù không có ai chết. Ðiều đáng nói là ông Vươn vào ngày đó còn đang cầm đơn đi khiếu nại không có mặt ở chỗ cưỡng chế, tương tự như bà vợ ông và vợ ông Quý.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) vẫn bị truy tố về tội “chống người thi hành công vụ.”

Bản thông cáo báo chí của Hải Phòng lập lại những lời cáo buộc của huyện Tiên Lãng, đổ cho gia đình ông Vươn “lấn chiếm đất,” “phá rừng phòng hộ,” “cho thuê lại đất trái quy định,” không nộp thuế.

Những điều cáo buộc này, bà Thương đã gửi cho ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lá đơn khiếu nại ngày 23 tháng 3, 2012, trình bày các chứng cứ cho thấy gia đình bà không làm gì trái luật. Bà cho hay nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng vẫn cố tình làm ngược lại quyết định của thủ tướng. Bây giờ, thành phố Hải Phòng cũng làm như vậy.

Bản thông cáo báo chí của Hải Phòng nói rằng: “Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can là: Ðoàn Văn Vươn; Ðoàn Văn Quý; Ðoàn Văn Sịnh; Ðoàn Văn Vệ; Ðoàn Văn Thoại; Phạm Thái về tội giết người. Phạm Thị Báu (vợ Ðoàn Văn Quý); Nguyễn Thị Thương (vợ Ðoàn Văn Vươn) về tội chống người thi hành công vụ. Áp dụng biện pháp tạm giam đối với 4 bị can (Vươn, Quý, Sịnh, Vệ); áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can (Báu, Thương); ra quyết định truy nã và tập trung các biện pháp truy bắt đối với 2 bị can (Thái, Thoại). Hiện các cơ quan chức năng đang hoàn chỉnh hồ sơ vụ án để truy tố các đối tượng trước pháp luật.”

Nếu không có những cái “quyết định” trái luật của nhà cầm quyền Tiên Lãng, đẩy người dân vào đường cùng thì đã không có sự chống đối. Rất nhiều bài phân tích, nhận định phổ biến trên Internet. Kể cả cựu chủ tịch nước, tướng lãnh cũng phải lên tiếng đòi hỏi công lý cho anh em ông Vươn. Dù vậy, họ vẫn bị truy tố, thay vì công nhận họ là những người có quyền tự vệ chính đáng.

Ngày 1 tháng 4, 2012, ông Vũ Ðức Ðam, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, họp báo nói rằng việc xem xét giảm tội đối với ông Ðoàn Văn Vươn, thủ tướng đã kiến nghị với các cơ quan bảo vệ pháp luật.” Những gì đọc được trong bản thông cáo của Hải Phòng không có dấu hiệu gì thay đổi đối với tội danh cho nhóm người đang bị giam giữ.

Còn vụ án truy tố những kẻ đã đốt và phá 2 căn nhà của anh em ông Vươn, bản thông cáo nói công an thành phố đã “làm rõ được toàn bộ vụ án và hành vi của các đối tượng tham gia” nhưng tới giờ, ba tháng sau, vẫn chưa thấy “khởi tố bị can” và không thấy có ai bị bắt hay bị quy trách nhiệm.

Chỉ mấy ngày sau khu vụ cưỡng chế và san bằng hai căn nhà, vét sạch thủy sản dưới đầm, chủ chiếc xe ủi và tài xế đã gặp mặt một số ký giả kể cho biết họ đã được thuê bao nhiêu tiền, ai đứng ra thuê, lúc phá nhà, có mặt những ông quan nào của huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang.

Sự lề mề tránh né trong vụ việc này cho thấy những dấu hiệu cù cưa theo kiểu muốn lèo lái theo chiều hướng nào đó của nhà cầm quyền huyện và thành phố, tránh nhìn nhận tội lỗi của mình bằng cách đổ tội cho gia đình Ðoàn Văn Vươn.

Hệ thống báo chí “lề phải” rất hăng hái đưa tin từ khi bùng nổ vụ việc ngày 5 tháng 1, 2012. Nhờ đó, cùng với một số blogs đặc biệt là blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, người ta mới biết được bản chất sự việc.

Nhưng ngày 30 tháng 3, 2012 vừa qua, tại “Hội nghị báo chí toàn quốc” tổ chức ở Quảng Ninh, Ðỗ Quý Doãn, thứ trưởng Thông Tin và Truyền Thông đã cáo buộc các báo nhà nước là “có bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều” khi đưa tin về vụ cưỡng chế ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng “mặc dù đã được Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ Thông Tin và truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng.”

Dù vậy “vẫn còn một số tờ báo thông tin quá liều lượng thiết...” Họ bị ông Doãn buộc tội là “nhấn mạnh sai phạm của chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng” mà “nương nhẹ những sai phạm, vi phạm của ông Ðoàn Văn Vươn...”

Nhiều phần vì vậy mà bây giờ, người ta chỉ thấy có một số tờ báo lập lại nội dung cái bản thông cáo báo chí của nhà cầm quyền Hải Phòng. (TN)

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146833&zoneid=1)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giờ Của Chúa
Joseph Nguyễn Tro Bụi
22:06 04/04/2012
GIỜ CỦA CHÚA
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Dưới tia nắng mặt trời thiêu đốt
Ruồi muỗi bâu, châm hút máu hồng.
Miệng khô, cổ khát vô cùng
Tai nghe chế giễu, mắt trông địch thù…
(Trích thơ của ĐHY Phạm Đình Tụng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/3-4/4/2012 Lễ Lá tại Vatican và Giêrusalem - Bảy năm ngày qua đi của ĐGH Gioan Phaolô II
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:57 04/04/2012
Lễ Lá tại Vatican

Lúc 9 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 1 tháng Tư, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bắt đầu Tuần Thánh với nghi thức làm phép lá, rước lá và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, trước sự tham dự của hơn 60 ngàn tín hữu và khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời thoạt đầu bị mây phủ nhưng rồi trở thành nắng đẹp.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 vị Hồng Y, khoảng 30 vị Giám Mục và hơn 150 linh mục và phó tế. Hai vị Hồng Y đi bên cạnh Đức Thánh Cha là Đức Hồng Y Cocopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật và Đức Hồng Y Antonio Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về mục vụ di dân và người du mục. Đức Thánh Cha cầm ngành lá dừa màu vàng được kết một cách nghệ thuật. Trong khi đó, ca đoàn Sistina hát bài “Hosana” mô tả cảnh các trẻ em Do thái cầm những ngành Ôliu đi đón rước Chúa.

Sau khi 3 vị phó tế đọc trình thuật Phúc Âm về biến cố của Chúa Giêsu vào Giê-ru-sa-lem cho đến cái chết của Người trên thập giá, Đức Thánh Cha đã giảng trong thánh lễ.

Đức Thánh Cha đã đặt ra câu hỏi "Chúa Giêsu thành Nazareth là ai đối với chúng ta? Chúng ta nghĩ gì về Đấng Mê-si-a, về Thiên Chúa? Đó là những câu hỏi rất quan trọng mà chúng ta không thể lẩn tránh, ít nhất là trong tuần này khi chúng ta được mời gọi để bước theo Vua của chúng ta là Đấng đã chọn Thánh Giá làm ngai vàng của Ngài. Chúng ta được mời gọi để bước theo một Đấng Mê-si-a đã hứa hẹn với chúng ta, không phải là một thứ hạnh phúc dễ dàng trần thế, nhưng là hạnh phúc của thiên đàng, là những mối phúc thật của thần thánh.Vì vậy, chúng ta phải tự hỏi lòng mình: chúng ta thật sự kỳ vọng điều gì?

Đức Giáo Hoàng cũng giải thích rằng Chúa Nhật Lễ Lá đưa ra cho chúng ta một lời mời gọi chọn lấy một triển vọng thích hợp cho toàn thể nhân loại, cho những dân tộc hình thành nên thế giới, cho các nền văn hóa và nền văn minh khác nhau.

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá cũng là Ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận. Vì thế trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã dành một phần để nói với giới trẻ. Ngài nói:

“Các bạn trẻ thân mến đang tụ họp nơi đây. Đây là Ngày đặc biệt của các bạn, ở mọi nơi trên thế giới có Giáo hội hiện diện. Vì thế tôi rất thân ái chào thăm các bạn! Ước gì Chúa nhật lễ lá là một ngày quyết định đối với các bạn, quyết định đón nhận Chúa và tận tình theo Chúa, quyết định biến cuộc Vượt qua, cái chết và sự sống lại của Chúa thành ý nghĩa cuộc sống của các bạn. Đó là một quyết định mang lại niềm vui đích thực, như tôi đã muốn nhắc nhở trong sứ điệp gửi giới trẻ nhân ngày này: “Anh chị em hãy luôn vui tươi trong Chúa” (Pl 4,4), như đã xảy ra với thánh nữ Clara thành Assisi, cách đây 800 năm, đã được gương thánh Phanxicô và các bạn đầu tiên của Người thu hút, chính vào Chúa Nhật lễ lá. Clara đã rời bỏ nhà cha mẹ để hoàn toàn dâng mình cho Chúa lúc mới được 18 tuổi và đã can đảm tin yêu, quyết định theo Chúa, tìm thấy nơi Chúa niềm vui và an bình.

Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha đã chào thăm các tín hữu, nhất là phái đoàn giới trẻ từ Madrid, do Đức Hồng Y Antonio Rouco Varela hướng dẫn, và phái đoàn giới trẻ ở Rio de Janeiro, Brazil, nơi sẽ diễn ra Ngày Quốc Tế giới trẻ năm tới, do Đức Tổng Giám Mục Tempesta và Ông Thị trưởng Rio hướng dẫn. Ngài không quên chào thăm các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Ý, trước khi ban phép lành cho các tín hữu.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá: khi chúng ta kỷ niệm việc hoan hô Chúa vào thành Jerusalem, cha hân hoan chào đón tất cả các con, đặc biệt là đông đảo các bạn trẻ đã đến đây để cầu nguyện với cha”.

Được biết đông đảo các sinh viên đã tập trung về Rôma để tham dự diễn đàn Đại Học UNIV 2012 và cử hành Tuần Thánh với Đức Thánh Cha. Đề cập đến những tâm tình phải có trong Tuần Thánh, Đức Thánh Cha nói:

“Trong Tuần Thánh này, cầu xin cho chúng ta một lần nữa biết xúc động trước cuộc thương khó và cái chết của Chúa Kitô, quyết tâm chọn một cuộc sống yêu thương và phục vụ anh chị em chúng ta. Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên anh chị em”.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha còn dùng xe mui trần tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào mọi người.

Lễ Lá tại Giêrusalem

Trong khi đó tại Jerusalem lúc 7h sáng ngày Chúa Nhật Lễ Lá 1 tháng Tư các tu sĩ dòng Phanxicô và hàng trăm anh chị em tín hữu đã đốt đèn cầy tay cầm các nhành lá tại nhà thờ Mộ Thánh.

Vào lúc 2h30 chiều đã diễn ra cuộc rước truyền thống Ngày Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Jerusalem. Đoàn rước, được dẫn đầu bởi Đức Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Giêrusalem là Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal, đã đi từ núi Cây Dầu đến cổ thành Giêrusalem ngang qua vườn Giệtsimani.

Tuần trước 6 người Palestine đã bị quân Do Thái bắn chết trong cuộc biểu tình “Land Day”. Tình trạng an ninh có thể đã làm chùn chân một số khách hành hương. Tuy nhiên, đã có ít nhất 18,000 người tham dự trong cuộc rước này.

An ninh đã được tăng cường nghiêm nhặt vì mùa lễ Phục sinh năm nay trùng vào dịp Lễ Vượt Qua của các tín hữu Do Thái bắt đầu từ buổi chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

Bộ Du Lịch Do Thái ước lượng có 125,000 du khách đến Jerusalem trong Tuần Thánh và khoảng 300,000 trong suốt tháng Tư. Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Phục sinh vào ngày 8 tháng Tư, trong khi đó Chính Thống Giáo và các Giáo Hội Đông Phương theo lịch Julian sẽ mừng vào ngày 15 tháng Tư. Các tín hữu Do Thái mừng lễ Vượt Qua từ chiều thứ Sáu 6 tháng Tư.

Ý cầu nguyện trong tháng Tư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Ý cầu nguyện chung của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cho tháng Tư là: "Xin cho nhiều người trẻ có thể nghe thấy tiếng gọi của Chúa Kitô và theo Ngài trong ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến".

Ý truyền giáo trong tháng này là: "Xin cho Chúa Kitô phục sinh trở nên một dấu chỉ của hy vọng nào đó cho những người nam nữ của lục địa châu Phi".

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bắt đầu một chương trình Tuần Thánh bận rộn.

Kết thúc chuyến tông du Mễ Tây Cơ và Cuba, máy bay chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Ciampino lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày thứ Năm, 29 tháng Ba, sau 10 giờ bay. Chỉ một ngày sau chuyến đi dài này, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bắt đầu ngay một chương trình Tuần Thánh bận rộn. Sáng thứ Sáu 30 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tham dự bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cuối cùng của giáo triều Rôma do cha Cantalamessa thần học gia Phủ Giáo Hoàng trình bày.

Trong nhà nguyện Redemptoris Mater của dinh Tông Tòa, cha Raniero Cantalamessa đã trình bày cách thức để hiểu biết Thiên Chúa của Thánh Grêgôriô thành Nyssa.

Bài giảng của cha Cantalamessa đã tập trung vào các mối quan hệ sâu sắc giữa suy nghĩ của vị Giáo Phụ sống vào thế kỷ thứ tư, và những câu hỏi của nhân loại thời đương đại. Ngài giải thích rằng Thánh Gregôriô đã tìm cách để hiểu biết Thiên Chúa trong bối cảnh của tình hình tôn giáo có nhiều nét giống con người ngày nay: tìm cách đến với kiến thức vượt qua sự vô minh. Bằng cách này, Thánh Gregôriô đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của suy tư thần học về kinh nghiệm thần bí, và vào sự phát triển của khái niệm về nhận thức đức tin theo đó, phần cao nhất của con người, tức là lý trí, không loại trừ việc tìm kiếm Thiên Chúa. Nói một cách khác người ta không buộc phải lựa chọn giữa đức tin và trí tuệ. "Khi tin," cha nói. Cantalamessa, "con người không từ bỏ lý trí của mình, nhưng thăng hoa nó đến một cái gì đó rất khác biệt. Nó nới rộng các nguồn tài nguyên của lý trí đến cực điểm, cho phép lý trí thực hiện các tác động cao quý nhất của nó.

Lễ giỗ thứ bảy của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Ngày 02 Tháng Tư đánh dấu kỷ niệm thứ bảy sự qua đi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Đài phát thanh Vatican đã có sáng kiến phỏng vấn những người có những kỷ niệm sâu sắc với Đức Cố Giáo Hoàng .

Trong số họ là chuyên gia nổi tiếng về Vatican, tác giả và nhà báo Marco Politi, người đã xuất bản một cuốn sách trong năm 2008 có tựa đề “Pope Wojtyla. The adieu”, trong đó ông kể về làn sóng đáng kinh ngạc của cảm xúc, tràn ngập hàng triệu người nam nữ giữa tháng hai và tháng tư năm 2005. Marco Politi, hiện là chủ biên cho tờ nhật báo Ý "Il Fatto Quotidiano".

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng được các phương tiện truyền thông mệnh danh là “vận động viên của Thiên Chúa”, người đã thực hiện nhiều chuyến tông du nhất trong các vị Giáo Hoàng nhưng về cuối đời ngài được mô tả là một nhân vật yếu đuối bệnh hoạn nhưng tượng trưng cho sức mạnh cứu độ của đau khổ và cái chết.

Tòa Thánh bày tỏ thất vọng về việc Việt Nam thu hồi thị thực nhập cảnh của các viên chức Vatican

Việt Nam đã thu hồi thị thực nhập cảnh đã cấp trước đó cho một phái đoàn Vatican đến thăm Việt Nam như là một phần của tiến trình điều tra án phong thánh cho Đức Hồng Y Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận.

Phái đoàn điều tra được Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình dự định đến Việt Nam trong thời gian từ 23 tháng Ba đến mùng 9 tháng Tư.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã từng là giám mục coi sóc Giáo phận Nha Trang từ ngày 13 tháng Tư năm 1967. Sau đó, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục bổ nhiệm làm giám mục phụ tá tổng giáo phận Sàigòn vào ngày 24 tháng 4 năm 1975, chỉ vài ngày trước khi thành phố này bị lọt vào tay các lực lượng Bắc Việt.

Ngài đã bị bắt vào ngày 15 tháng 8 năm 1975 và trải qua 13 năm bị giam giữ mà không có bất cứ một phiên tòa xét xử nào. Ngài bị giam giữ tại nhiều nơi khác nhau, cho đến ngày 23 tháng 11 năm 1988 thì được thả tự do và bị quản chế tại Hà Nội.

Tháng 4 năm 1990, ngài đến Roma. Trong khi đang điều trị bệnh tại đây, nhà nước Việt Nam tuyên bố không cho ngài được trở lại Việt Nam. Tòa Thánh đã bố trí cho ngài làm thành viên Ủy ban Quốc tế về Di trú và Di dân. Ngày 9 tháng 4 năm 1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Ngày 24 tháng 6 năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế cho Hồng y Y. R. Etchegaray nghỉ hưu.

Ngày 21 tháng 2 năm 2001, Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tấn phong Hồng y cho ngài với nhà thờ hiệu tòa là Santa Maria della Scala.

Ngày 16 tháng 9 năm 2002, ngài qua đời tại Roma do bệnh ung thư ruột.

Năm năm sau đó, vào ngày 17 tháng 9 năm 2007, Bộ Phong Thánh đã bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên phong chân phước cho ngài và đây cũng là lần đầu tiên một người Việt Nam được khởi sự án phong chân phước mà không phải là Thánh tử đạo.

Theo tiến trình phong thánh thì Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đang ở bậc Tôi tớ Chúa. Ngày 16 tháng 1 năm 2009, Tòa Thánh ban án lệnh chính thức để vận động thu thập những chứng cứ, tài liệu, tác phẩm liên quan đến Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Ngày 22 tháng 10 năm 2010, án phong chân phước cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được chính thức khởi sự.

Trong khi đó, nhà nước Cuba đã quyết định Thứ Sáu mồng 6 tháng Tư 2012 ,tức Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ là ngày nghỉ lễ chính thức của toàn dân Cuba.

Quyết định này là thể theo lời yêu cầu của ĐGH Bênêđictô XVI khi Ngài hội kiến với Tổng Thống Raul Castro trong ngày thứ Ba 27 tháng Ba vừa qua.

Cơ quan thông tấn nhà nước Cuba cũng cho biết sau này chính quyền sẽ quyết định các ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong tương lai có phải là ngày lễ nghỉ chính thức và vĩnh viễn của dân chúng Cuba hay không

Khi ông Fidel Castro thiết lập chế độ cộng sản tại Cuba vào năm 1959, tất cả các ngày lễ quan trọng của Công Giáo đã không còn được coi là ngày lễ nghỉ toàn quốc nữa. Đến năm 1998, Chủ Tịch Fidel Castro đã tái lập ngày lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ chính thức của tòan quốc. Quyết định lịch sử này là do lời yêu cầu của ĐGH Gioan Phaolô II với ông Fidel Castro khi ngài viếng viếng thăm Cuba và nhờ cuộc viếng thăm này, liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Cuba đã được nối lại

Truớc tin chính quyền Cuba nhận ngày thứ Sáu Tuần Thánh là ngày lễ nghỉ, phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi tuyên bố “Đây là một dấu hiệu tích cực”.

Ngài nói thêm “Tòa Thánh hy vọng rằng sự kiện này sẽ khuyến khích nhiều người tham dự các nghi thức tôn giáo và các nghi lễ trong Tuần Thánh trong tương lai. Cuộc viếng thăm của ĐGH sẽ tiếp tục mang lại những kết quả mong muốn cho Giáo Hội và cho cả dân chúng Cuba”

Trong cuộc viếng thăm Cuba, Đức Thánh Cha đã thúc giục chính quyền đảo quốc này thay đổi và yêu cầu để cho Giáo Hội có vai trò tích cực hơn trong thời gian chuyển đổi.

Ông Raul Castro lên thay thế ôgn Fidel Castro vào năm 2008. Từ đó ông đã đưa ra nhiều biện pháp cải tổ kinh tế và mới đây ông công bố sẽ sa thải 1 triệu nhân viên lam việc cho chính phủ.

Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân khẩn thiết kêu gọi anh chị em giáo dân đừng đóng đinh vào thánh giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh

Đức Tổng Giám mục Jose Palma là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Phi Luật Tân, và cũng là chủ chăn của tổng giáo phận Cebu vừa ra tiếp một thư mục vụ kêu gọi anh chị em tín hữu Phi Luật Tân đừng đóng đinh vào thập tự giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Đức Cha Jose Palma đã phải ra thư mục vụ trên sau các báo cáo cho biết 20 người sẽ chịu đóng đinh vào ngày 06 tháng 4 tại Barangay Pedro Catud, Santa Lucia và San Juan, tất cả trong tỉnh Pampanga.

Trong buổi phỏng vấn dành cho Radio Veritas, Đức Cha Jose Palma nói ngài tin rằng các hối nhân có lý do riêng của họ khi muốn được đóng đinh trên thập tự giá. Tuy nhiên, ngài nhắc nhở họ rằng Giáo Hội Công Giáo không tán thành các thực hành này.

"Chúng tôi không phán xét và lên án nhưng chúng tôi không khuyến khích làm như thế. Có thể có một số người đã đưa ra một lời thề (chẳng hạn như chịu đóng đinh trên thập tự giá) và nếu họ không làm điều đó, họ sẽ cảm thấy áy náy lương tâm. ".

Đức Cha Palma đã kêu gọi anh chị em thay vì chịu đóng đinh như thế hãy tham gia vào các nghi thức Phụng Vụ Tuần Thánh như Chúa Nhật Lễ Lá, cuộc Khổ Nạn của Chúa, Tam Nhật Vượt Qua, Thánh Lễ Dầu, Bữa Tiệc Ly cuối cùng và Bảy Di Ngôn cuối cùng.

Trong khi đó, Đức Cha Teodoro Bacani là Giám mục hiệu tòa Novaliches yêu cầu các tín hữu hãy tìm kiếm những cách khác để ăn năn hối cải tội lỗi của họ thay vì gây đau đớn trên mình bằng cách đóng đinh trên thập tự giá.

"Một cách để đền bù tội lỗi của anh chị em là thể hiện mối quan tâm, và làm những việc tốt cho tha nhân, và giúp đỡ mọi người. Đây là những gì họ nên làm thay vì trừng phạt bản thân",

Đức Cha Rey Evangelista là Giám mục Boac Marinduque cũng khuyên giới trẻ không nên chơi âm nhạc ồn ào trong Tuần Thánh.

Trong khi đó Đức Tổng Giám mục Angel Lagdameo của tổng giáo phận Jaro, Iloilo kêu gọi các chính trị gia đừng tận dụng lợi thế của Tuần Thánh để vận động cho cuộc bầu cử 2013.

Hội Đồng Giám Mục Phi cũng kêu gọi quân chính phủ và phiến quân cộng sản thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn trong Tuần Thánh.

Đức Giám Mục Leonardo Medroso của giáo phận Tagbilaran nói rằng thật là bất hạnh là những người lính và quân nổi dậy cộng sản đã tiếp tục chiến đấu với nhau ác liệt ngay cả trong mùa Chay.

Ngài nói: "Tôi hy vọng rằng cả hai bên sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn như một dấu hiệu của sự tôn trọng Mùa Chay. Mùa Chay là một thời gian cho hòa bình và hòa giải”

Những triển vọng tươi sáng cho Miến Điện

Kết quả của cuộc bầu cử, mặc dù chưa chính thức, “là một khởi đầu mới cho đất nước, sự bắt đầu của một kỷ nguyên đầy hy vọng cho tất cả chúng tôi.” Đức Cha Raymond Saw Po Ray, Giám Mục Mawlamyine, Chủ tịch "Ủy ban Công Lý và Hòa bình" của Hội Đồng Giám Mục Miến Điện đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giáo về cuộc bầu cử vừa diễn ra hôm Chúa Nhật 1 tháng Tư.

Theo các số liệu ban đầu, nhà lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, đã trúng cử và đảng “Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ” của bà đã giành được đa số trong 48 ghế vừa được bầu lại tại Quốc Hội.

Đức Giám Mục Raymond nói:" Chúng tôi tin rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ làm hết sức cho lợi ích dân chúng và thiện ích chung, đưa ra tiếng nói của nhiều thành phần trong xã hội mà bấy lâu nay không ai thèm nghe đến. Thách thức lớn nhất đất nước phải đối mặt ngày hôm nay là làm sao đạt được hòa bình, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày nay, người Miến Điện đang có những cơ hội để thực hiện một cuộc đổi đời."

Đức Cha kết luận: "Là Kitô hữu chúng tôi chỉ là một thiểu số nhỏ muốn được phục vụ quốc gia để bảo đảm một tương lai hòa bình và hạnh phúc cho đất nước, trong sự tôn trọng phẩm giá con người và các giá trị của tình đoàn kết".

Bethania, Nơi của tình bằng hữu.

Bethania là một ốc đảo, một nguồn nước sự sống bởi vì chính là ở đây mà Chúa Giêsu công bố: 'Ta là sự sống lại và sự sống’. Các Kitô hữu tại Giê-ru-sa-lem được hướng dẫn bởi các Hiệp Sĩ Thánh Mộ tiếp tục cuộc hành trình Mùa Chay của họ theo Chúa Kitô lên đồi Calvariô.

Trong tuần thứ Tư Mùa Chay, họ đã kỷ niệm sự hy sinh và đau khổ của Chúa Giêsu tại đền thờ Chúa bị đánh đòn ngay sau phép lạ cho ông Lazarô, một bằng hữu của Chúa Giêsu, chết chôn đã 4 ngày được sống lại.

Nơi Bethania, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu rất gần với chúng ta, Chúa Giêsu đã yêu thương những bạn bè của mình là Martha, Maria và Lazarô. Chúa Giêsu đã bật khóc trước cảnh sinh ly tử biệt của người bạn của Ngài là ông Lazarô. Ông Lazarô đã được sống lại chính là nhờ tình yêu của Chúa Giêsu.

Tại Bethania, Chúa Giêsu đã trải qua sự ấm áp của tình bạn con người. Đối với những người hiện diện ở đó khi Lazarô bước ra khỏi mộ, và cả những khách hành hương ngày nay, biến cố này cho thấy Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết, nhưng Ngài cũng là một con người rung động mãnh liệt trước đau khổ của bạn bè của mình.

Ngày nay, tại địa điểm mà truyền thống liên kết với ký ức này có một gian cung thánh nhỏ được xây dựng bởi kiến trúc sư Antonio Baluzzi, chỉ cách vài bước là đến ngôi mộ của Lazarô được đục sâu vào trong đá.

Đền thờ này đã từ thế kỷ thứ 4, nhưng vào cuối thế kỷ 16, nó được chuyển thành một nhà thờ Hồi giáo và bây giờ các lối vào ngôi mộ không còn nguyên trạng nữa. Số phận tương tự cũng xảy ra cho nhà thờ nơi Chúa lên trời trên núi Núi Cây Dầu. Ngôi nhà thờ đó cũng bị chuyển đổi thành một ngôi đền Hồi giáo. Tại đây các tu sĩ Phanxicô thường tập trung trước khi đi bộ đến đền thờ Kinh Lạy Cha cùng với các khách hành hương. Đó là địa điểm nơi mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của mình cầu nguyện.