Ngày 04-04-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống và loan báo Tin Mừng Phục sinh
Lm. Đan Vinh
02:03 04/04/2023

ĐÊM VỌNG PHỤC SINH A
St 1,1.26-31a;Xh 14,15-15,1a; Ed 36,16-17a18-28; Rm 6,3-11; Mt 28,1-10
SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG : Mt 28,1-10
(1) Sau ngày sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló dạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. (2) Và kìa, đất rung chuyển dữ dội, Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên. (3) Diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. (4) Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. (5) Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ : “Phần các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. (6) Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, (7) rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này : “Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”. (8) Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. (9) Và kìa Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. (10) Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.

2.Ý CHÍNH :
Vào lúc bình minh ngày thứ nhất trong tuần, do lòng mến thôi thúc, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà Ma-ri-a khác đã cùng đi thăm mồ Đức Giê-su. Nơi đây, các bà đã chứng kiến một trận động đất và cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy thiên thần hiện ra. Thiên thần đã trấn an các bà và loan báo Tin Mừng Chúa Giê-su đã phục sinh. Thiên thần còn trao cho các bà sứ mệnh : hãy loan báo Tin Mừng ấy cho các tông đồ. Các bà vui vẻ thi hành và sau đó các bà còn được chính Chúa Phục Sinh hiện ra. Một lần nữa, Người lại trao sứ mệnh cho các bà : “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (10).

3.CHÚ THÍCH :
– C 1-3 : + Sau ngày Sa-bát : Về thời gian các bà ra thăm mộ Chúa thì có người cho rằng vào lúc chập tối thứ bảy, tức là bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần. Nhưng hầu hết các ý kiến đều dựa theo Tin Mừng Lu-ca và Mác-cô để quả quyết rằng : các bà đến thăm mộ vào lúc tảng sáng ngày đầu tuần, tức là lúc mặt trời sắp mọc (x Lc 24,1). + Bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a : Đây là những phụ nữ đã chứng kiến việc an táng Đức Giê-su (x Mt 27,61). Khi ghi lại việc đến mộ này, Mát-thêu nhằm nhấn mạnh các bà như là nhân chứng của mầu nhiệm Phục Sinh, đang khi Mác-cô và Lu-ca lại trình này khía cạnh nhân bản : ra thăm mộ và mang theo dầu thơm để tiếp tục công việc ướp xác Đức Giê-su (x Mc 16,1; Lc 24,1). + Đất rung chuyển dữ dội : Chỉ Tin Mừng Mát-thêu ghi lại chi tiết “đất chuyển mạnh” như câu này và ”màn Đền Thờ bị xé, đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung” xảy ra sau khi Đức Giê-su trút linh hồn trên cây thập giá (x. Mt 27,51-52). Những sự kiện này đều tiên báo cho “Ngày của Đức Chúa” do các Ngôn sứ đã tuyên sấm (x Is 26,19; Ed 37,12; Đn 12,2). + Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên : Tảng đá được lăn ra ở đây có thể là do đất động, nhưng đã được gán cho thiên thần. Việc thiên thần xuất hiện lăn tảng đá và ngồi lên trên, cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa đã chiến thắng mọi dự tính của con người, khi họ muốn chôn Đức Giê-su và công trình cứu độ của Người trong mồ đá (x Mt 27,66). + Diện mạo Người như ánh chớp và y phục trắng như tuyết : Vẻ sáng láng của diện mạo và y phục trắng như tuyết là đặc điểm của cuộc thần hiện trong Thánh Kinh. Chẳng hạn : Trong sách Đa-ni-en, dung mạo Con Người giống như ánh chớp (x Đn 10,6), áo của Đấng Lão Thành trắng tinh như tuyết (x Đn 7,9), và khi biến hình, dung mạo Đức Giê-su cũng chói lọi như mặt trời, y phục Người trắng tinh như ánh sáng (x Mt 17,2).
– C 4-7 : + Thấy người, lính canh khiếp sợ : Sự xuất hiện của thiên thần làm cho lính canh hoảng sợ, vì được tiếp xúc với thế giới thần thiêng, giống như các Tông đồ đã từng khiếp sợ khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển đến với các ông giữa đêm khuya (x. Mt 14,26). + Các bà đừng sợ : Thiên thần trấn an các bà. Lính canh phải sợ hãi chứ các bà việc chi phải sợ ! + Các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh : Có sự song đối giữa “Đấng bị đóng đinh” với Tin Mừng “Người đã chỗi dậy”, hầu ứng nghiệm lời Người đã tiên báo là sẽ “Qua đau khổ để vào vinh quang” (x. Mt 16,21). + Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm : Các phụ nữ này được mời đến kiểm chứng nơi Đức Giê-su đã nằm để thấy lời thiên thần nói là xác thực. + Rồi mau về nói với môn đệ Người : Các bà được vinh dự nhận trách nhiệm mang sứ điệp Chúa Phục Sinh cho các môn đệ (x Mc 16,7). Ở đây Mát-thêu nhấn mạnh vì là sứ điệp quan trọng, nên các bà phải lập tức thi hành. + Và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông : Thiên thần nhắc lại lời tiên báo của Đức Giê-su về việc Người sẽ từ cõi chết sống lại và sau đó thiên thần còn cho biết Người hẹn sẽ gặp lại các ông tại xứ Ga-li-lê (x Mt 26,32).
– C 8-10 : + Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng : Các phụ nữ tuy sợ nhưng lại rất phấn khởi, và lập tức thi hành sứ mệnh được trao phó. + Chào chị em : Lời chào nói lên niềm vui ơn cứu độ do Chúa Phục Sinh mang lại, giống như lời sứ thần Gáp-ri-en chào khi truyền tin cho Đức Ma-ri-a (x Lc 1,28). + Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân và bái lạy Người : Cử chỉ bái lạy để biểu lộ đức tin trước đó đã được nhiều người thể hiện với Đức Giê-su (x Mt 8,2; 9,18; 14,33). Nhưng ở đây được các bà làm cách trang trọng, kèm theo cử chỉ hôn chân biểu lộ lòng yêu mến kính phục của môn đệ được gặp lại Thầy sau những ngày buồn sầu thất vọng. + Chị em đừng sợ : Đây là lời trấn an của Chúa dành cho các môn đệ đang bị khiếp sợ khi phải đối diện với thần thiêng.

4.HỎI ĐÁP : Chúa PS đã hiện ra mấy lần với các môn đệ trước khi lên trời?
ĐÁP :
Về các cuộc hiện ra của Chúa Giê-su Phục Sinh thì các Tin Mừng không nhất trí với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là các tác giả Tin Mừng đều không muốn kể lại toàn bộ các lần Chúa đã hiện ra sau khi từ cõi chết trỗi dậy. Ta chỉ có thể so sánh giữa nhiều đoạn văn của Tân Ước với nhau, để phỏng đoán : trong thời gian bốn mươi ngày trước khi lên trời, Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần chứ không phải chỉ vài ba lần như đã được kể lại (x Cv 1,8; 13,31; 1 Cr 15,3-8). Riêng Mát-thêu, vì viết theo lối giản lược, nên đã bỏ qua nhiều hoàn cảnh và nhiều chi tiết cụ thể các lần Chúa hiện ra trước đó, mà chỉ muốn nhấn mạnh sự kiện Chúa Phục sinh tại Ga-li-lê để chính thức sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng mà thôi (x. Mt 28,16-20).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA : Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ : “Mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người” (6b-7).

2.CÂU CHUYỆN :
1) BÉ SƠ SINH CHẾT ĐƯỢC SỐNG LẠI NHỜ LỜI CẦU NGUYỆN :
Vào tháng 10 năm 1995, tại vùng Hồ Lớn ở miền Đông Bắc nước Mỹ, giáp ranh với Ca-na-đa, một câu chuyện xảy ra làm sửng sốt nhiều người: Một bé sơ sinh đã chết và sau đó nhờ lời cầu nguyện của cha mẹ và người thân, đã được Chúa cho sống lại như sau :
Bà TAN-MƠ (Tanmer) mẹ của bé RƠ-GHEO (Reugel) xúc động, kể lại như sau : “Đây là một món quà của Thiên Chúa đã ban cho gia đình tôi. Khi mới mang thai Rơ-gheo, mọi chuyện đều diễn ra bình thường. Các bác sĩ đã theo dõi tôi chặt chẽ, vì cháu lớn của tôi đã từng bị chết khi vừa ra đời. Qua kết quả kiểm tra thai nhi ngay trước khi lọt lòng mẹ thì tim cháu vẫn đập bình thường. Thế nhưng chỉ ít phút sau, cháu đã ra đời trong tình trạng tim bị ngừng đập. Lập tức các bác sĩ đã tìm cách cấp cứu, nhưng sau khi làm hết cách mà vẫn không kết quả, họ đành chịu bó tay, và ra lệnh cho hộ lý vào lau rửa và bọc cháu trong một chiếc khăn lông, rồi đặt nằm trong nôi để cha mẹ và các người thân vào chào từ biệt, trước khi nhà đòn đến liệm xác cháu rồi đem đi chôn. Bấy giờ cả gia đình tôi đều rất đau khổ. Bà ngoại là người cuối cùng bế cháu trong lúc mọi người sốt sắng cầu nguyện xin Chúa cho cháu được sống lại. Ít phút sau, bà ngoại phát hiện ra cháu vừa nấc lên một cái và thở mạnh. Bà nói to trong niềm vui : “Ồ, cháu tôi đang thở rồi này !”. Tiếng cầu kinh im bặt. Mọi người hồi hộp chạy lại gần. Bấy giờ bác sĩ trực đang ở gần đó vội chạy đến dùng ống nghe kiểm tra cháu và xác nhận cháu đã thực sự sống lại rồi. Ít phút sau phòng của bé đầy ắp người. Ai nấy đều ngạc nhiên chứng kiến sự kiện lạ lùng này trong niềm vui hân hoan khôn xiết.

2) ĐÁNH TAN BÓNG TỐI TỘI LỖI BẰNG ÁNH SÁNG TIN YÊU :
Một hôm JOHN KELLER, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại sân vận động Thành Phố Los Angeles Hoa Kỳ. Đang diễn thuyết, diễn giả bỗng dừng lại và nói : “Bây giờ xin các bạn đừng sợ ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”. Sau đó đèn tắt và sân vận động chìm trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp : “Bây giờ tôi sẽ đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi vừa đốt lên thì hãy kêu lớn : “Đã thấy !”. Sau đó một que diêm được bật lên và cả sân vận động đều vang lên tiếng hô : “Đã thấy !”. Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông John Keller giải thích : “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm, cũng sẽ chiếu sáng trong bóng tối của nhân loại như vậy”.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại vụt tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh : “Tất cả những ai có mang diêm quẹt hay bật lửa, xin hãy đốt cháy lên !”. Bỗng chốc cả sân vận động rực sáng. Ông John Keller kết luận : “Nếu mọi người chúng ta đều hợp lực cùng nhau, sẽ có thể chiến thắng bóng tối sự dữ và sự oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng nhân ái của chúng ta”. Làm như thế, John Keller muốn gửi đến mọi người một sứ điệp : “Mỗi người là một cây đèn, cần phải được thắp sáng lên”. Nếu một ngọn đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn cháy sáng, thì thế giới đang bị tối tăm bao trùm này sẽ bớt đi phần tăm tối. Nếu mọi tín hữu Ki-tô đều thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu bằng các việc bác ái yêu thương phục vụ tha nhân, thì thế giới này sẽ nhận biết và tin yêu Thiên Chúa như lời Chúa Giê-su : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

3.SUY NIỆM :

1) ÁNH SÁNG PHỤC SINH XUA TAN BÓNG TỐI SỰ CHẾT :
Phụng Vụ Lễ Vọng Phuc Sinh khởi đầu bằng nghi thức làm phép lửa mới và thắp nến Phục Sinh, nói lên cuộc vượt qua của Đức Giê-su từ bóng tối tử thần đến ánh sáng Phục Sinh. Đức Giê-su chính là Ánh Sáng như Người đã tuyên bố : “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Ánh sáng đó đã được diễn tả trong nghi thức trước thánh lễ Vọng Phục Sinh hôm nay.
Lúc đầu, bóng tối bao trùm không gian nhà thờ khi các ngọn đèn đều tắt hết. Sau khi Chủ Sự làm phép lửa mới ở cuối nhà thờ, Linh mục đã dùng lửa này để thắp sáng cây nến Phục Sinh, và sau đó là nghi lễ rước nến Phục Sinh. Trong cuộc rước, Chủ sự cầm nến Phục Sinh lần lượt công bố ba lần : “Ánh Sáng Chúa Ki-tô”. Lần thứ nhất công bố ngay sau nghi thức làm phép lửa mới và mọi người đáp : “Tạ ơn Chúa”. Lần thứ hai công bố khi Chủ sự bước vào cửa chính cuối nhà thờ, và nến Phục Sinh được rước từ cuối nhà thờ đi lên cung thánh. Chủ Sự cầm cây nến cháy sáng đi đến đâu thì sẽ mồi lửa cho người đứng ở đầu các hàng ghế, người này sẽ mồi lửa sang người bên cạnh. Ánh sáng Phục Sinh dần dần lan tỏa ra cả nhà thờ. Khi rước nến Phục Sinh tới Cung Thánh, Chủ Sự sẽ quay xuống cộng đoàn long trọng công bố lần thứ ba. Bấy giờ toàn bộ ánh sáng trong nhà thờ được bật lên. Niềm vui Phục Sinh tiếp tục được thể hiện cách đầy đủ trong bài công bố Tin Mừng Phục Sinh “Mừng Vui Lên” hay “Exultet”.

2) SỐNG ĐỨC TIN VÀO MẦU NHIỆM PHỤC SINH :
Nhiều người chúng ta vẫn đang ở trong nấm mồ tội lỗi, vẫn muốn ở lì trong con người cũ cùng với các thói hư, khiến chúng ta chưa đón nhận được niềm vui của Chúa Phục Sinh. Cuộc sống của nhiều người chúng ta còn bị đè nặng bởi sự gian dối, ham mê tiền bạc của cải vật chất, khiến chúng ta không thể trở thành người loan báo tin vui phục sinh cho tha nhân chung quanh. Cuộc sống của nhiều gia đình tín hữu đang bị đè nặng bởi sự cãi vã, bị trói buộc bởi những giận hờn ganh ghét ích kỷ, khiến cuộc sống gia đình luôn bị căng thẳng. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi những nấm mồ tối tăm ấy, để đón nhận ánh sáng phục sinh của Chúa. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Thánh Thần sẽ làm cho cuộc đời chúng ta tràn ngập niềm vui Phục Sinh.
Mỗi tín hữu không thể tuyên xưng Chúa đã phục sinh với khuôn mặt buồn rầu thất vọng. Chúng ta không thể nói về Chúa Phục Sinh khi lời nói và hành động của chúng ta thiếu sự bao dung cảm thông với nỗi đau của anh chị em chung quanh mình.
Cũng vậy, niềm tin vào Chúa Phục Sinh phải trở thành động lực thúc đẩy chúng ta canh tân đổi mới nếp sống của bản thân và gia đình mình, đem lại cho môi trường mình đang sống một sức sống mới. Hãy phá bỏ đi tảng đá của sự giận hờn thù oán đang đè nặng cuộc sống chúng ta, để chúng ta bước đi trong ánh sáng tin yêu của Chúa.

3) HĂNG SAY LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH CHO THA NHÂN :
Phiến đá trấn ngoài cửa mộ đã không thể cầm hãm được Đức Giê-su phục sinh. Những băng vải và khăn liệm đã không thể trói buộc được Người tiếp tục ở trong mồ đá. Sự sống đã chiến thắng thần chết. Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối âm u. Tình yêu đã toàn thắng d ù trước đó đã bị hận thù nuốt trửng ! Niềm vui Phục sinh sẽ là quà tặng bất ngờ cho chúng ta giống như Ma-ri-a Mác-đa-la đã nhận được niềm vui khi gặp Chúa Phục Sinh ở bên cạnh mồ Chúa; Như các môn đệ đã vui mừng khi gặp lại Chúa tại xứ Ga-li-lê. Điều quan trọng là chúng ta hãy noi gương Ma-ri-a Mác-đa-la, sau khi gặp Chúa Phục Sinh đã hăng hái đi báo Tin Mừng cho các Tông đồ. Còn chúng ta hôm nay sẽ làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho những anh em bệnh tật, nghèo đói, những người đang bị đau khổ thất vọng và mất niềm tin?

4.THẢO LUẬN:
Cụ thể trong mùa Phục Sinh này, mỗi người chúng ta sẽ phải làm gì để làm chứng Chúa đã Phục Sinh cho những người bên cạnh mình?

5.NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Xin gia tăng lòng mến trong chúng con. Chính nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng con sẽ mau mắn đi tìm Chúa nơi Sách Thánh, trong Thánh lễ và sẽ nhận biết Chúa đang hiện diện trong những người bệnh tật đau khổ, qua các biến cố may rủi xảy ra trong cuộc sống đời thường của con. Nhờ đó, chúng con sẽ vui tươi phấn khởi và nhiệt thành loan báo Tin Mừng Phục Sinh noi gương Ma-ri-a Mác-đa-la và các Tông đô khi xưa.- AMEN.


CN PHỤC SINH ABC
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG : Ga 20,1-9
(1) Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp Simon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu?”. (3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. (6) Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu, khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng : Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

2.Ý CHÍNH :
Gio-an viết Tin Mừng nhằm mục đích “Để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (ga 20,31). Riêng đoạn Tin Mừng hôm nay, Gio-an cho thấy Đức Giê-su thực sự đã từ cõi chết sống lại như Người đã báo trước.

3.CHÚ THÍCH :
– C 1 : + Ngày Thứ Nhất trong tuần : Theo Sáng Thế Ký, thì một tuần lễ có bảy ngày. ngày Thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát và bắt đầu một tuần lễ. Về sau, Giáo Hội dựa vào việc Chúa Phục Sinh hiện ra vào ngày Thứ Nhất, nên gọi là ngày Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. +sáng sớm… lúc trời còn tối : Về thời gian khi các phụ nữ ra thăm mộ, các Tin Mừng có những diễn tả hơi khác nhau : Ở đây Gio-an viết : “Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối” (x. Ga 20,1); Còn Mát-thêu viết : “Sau ngày Sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló rạng (x. Mt 28,1); So với Mác-cô : “Sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc” (x. Mc 16,2); Riêng Lu-ca lại viết : “Ngày Thứ Nhất trong tuần, vừa tảng sáng” (x. Lc 24,1). + Ma-ri-a Mác-đa-la : Mác-đa-la là một thị trấn nằm trên bờ phía tây biển hồ Ghen-nê-xa-rét. Là quê của bà Ma-ri-a. Bà đã từng bị 7 quỷ ám trước khi theo Chúa Giê-su (x. Lc 8,2). Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên đã ra thăm mộ Chúa (x. Ga 20,1; Mt 28,1; Lc 24,10). Trước đó, bà đã can đảm đứng gần thập giá (x. Ga 19,25; Mt 27,56) và đã chứng kiến hai môn đệ mai táng Thầy trong mồ (x. Mt 27,61; Mc 15,47).
– C 2 : + Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô : Câu này nói lên vai trò quan trọng đặc biệt của Phê-rô là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Do đó, Ma-ri-a Mác-đa-la cần phải báo cáo với ông trước tiên về việc xác Thầy biến mất. + Và người môn đệ Đức Giê-su thương mến : Cách nói “môn đệ Đức Giê-su thương mến” là kiểu nói riêng trong Tin Mừng Gio-an. Đây là cách tác giả nói về mình một cách khiêm tốn khi không muốn nhắc đến tên của mình. + Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết : Khi thấy mồ trống, Ma-ri-a Mác-đa-la không nghĩ đến việc Chúa sống lại như nhiều lần Người đã báo trước, mà bà chỉ theo suy luận tự nhiên để cho rằng ai đó đã đến mang xác Thầy ra khỏi mồ. Từ “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ Ma-ri-a không đi ra mộ Chúa một mình mà đi chung với mấy bà khác nữa (x. Mt 28,1).
-C 3-4 : + Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ : Khi được các phụ nữ báo tin mộ trống và xác Thầy biến mất, hai môn đệ nòng cốt là Phê-rô và Gio-an liền tức tốc chạy ra mộ để kiểm tra thực hư. điều đó cho thấy lòng nhiệt thành và ý thức trách nhiệm trổi vượt của hai ông. + Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước : Lý do Gio-an chạy nhanh hơn và đến mộ trước Phê-rô đơn giản là vì ông trẻ hơn nên khỏe và chạy nhanh hơn Phê-rô, và có lẽ cũng vì nôn nóng do yêu mến Thầy nhiều hơn.
– C 5-6 : + Băng vải còn ở đó : Đây là tấm vải lớn bao bọc toàn thân Đức Giê-su. Khăn này theo truyền thuyết còn được lưu giữ tại nhà nguyện thánh Gio-an ở Tu-ri-nô miền Bắc nước Ý. + Nhưng không vào : Gio-an không vào có thể do ông tôn trọng và nhường cho Phê-rô là đàn anh vào trước mình. Nhưng đúng hơn có lẽ do ông cảm thấy bàng hoàng trước sự kiện cửa mồ rộng mở và mải lo suy nghĩ về những tấm khăn để lại, đủ thời gian cho Phê-rô theo sau kịp chạy đến nơi. + Si-mon Phê-rô … vào thẳng trong mộ : Phê-rô tính nóng nảy nên lập tức bước vào trong mộ.
– C 7-9 : + Và khăn che đầu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi : Bên trong mộ các khăn liệm xác vẫn còn để lại, khác với trường hợp La-da-rô khi sống lại ra ngoài trong tình trạng “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11,43-44). Điều này cho thấy Đức Giê-su không cần ai giúp đỡ khi trỗi dậy ra khỏi mồ. Người đã có thể tự lăn tảng đá che kín mộ ra thì cũng có thể tự tháo gỡ các khăn liệm và khăn che mặt như vậy. Sự kiện khăn còn để lại cho Gio-an thấy Thầy Giê-su đã thực sự sống lại. Vì không kẻ trộm nào lại bỏ công sức và thời gian để làm một việc vô ích là cởi các dây vải ra và xếp gọn để vào một chỗ rồi mới đem xác trần đi cả ! + Ông đã thấy và đã tin : Dấu chỉ ngôi mộ trống và các băng vải liệm xác được xếp gọn lại đã giúp Gio-an suy luận và đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. +Trước đó hai ông chưa hiểu rằng : Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết : Trước khi thấy các dấu chứng vừa nói thì Gio-an và các tông đồ đều không tin Thầy các ông sẽ sống lại, dù Người đã báo trước ba lần (x. Mt 16,21; 17,23; 20,19). Nhưng khi thấy các dấu chứng như mồ trống, các khăn vải liệm xác, dây băng được cuộn lại riêng một chỗ, thì các ông đã nhớ lại những lời Thánh Kinh được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su và tin Người đã thực sự sống lại (x.Tv 16,10; Tv 2,7; Hs 6,2).

4.CÂU HỎI :
1) Tại sao ngày nay người ta gọi ngày Thứ Nhất trong tuần là Chúa Nhật?
2) Về thời điểm bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra thăm mộ Chúa, so sánh bản tường thuật của 4 tác giả Tin Mừng khác nhau thế nào?
3) Bạn biết gì về thân thế của bà Ma-ri-a Mác-đa-la?
4) Bà đã báo tin xác Thầy biến mất cho ai? Tại sao?
5) Qua câu nói với Phê-rô và Gio-an, bà Ma-ri-a Mác-đa-la có tin việc Thầy Giê-su đã phục sinh hay không?
6) Hành động chạy nhanh ra mộ của Phê-rô và Gio-an cho thấy tinh thần trách nhiệm của 2 ông thế nào?
7) Tại sao Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô?
8)Tại sao ông Gio-an đến mộ trước Phê-rô mà không vào bên trong mộ ngay?
9) Khi thấy hiện tượng mộ trống, băng vài và khăn che đầu được xếp gọn, hai ông đã tin gì về mầu nhiệm Đức Giê-su sống lại?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA : Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).

2.CÂU CHUYỆN :

1) VỀ SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH :
Sau khi chịu chết trên thập giá, Đức Giê-su đã sống lại và vào trong vinh quang. Tuy vậy, trên tay chân và cạnh sườn Người vẫn còn mang những dấu tích đau thương từ những cây đinh nhọn và lưỡi đòng đâm thâu. Một vị thiên thần đã lên tiếng hỏi Đức Giê-su rằng : “Chắc Chúa đã phải chịu muôn vàn đau khổ nhục nhã do loài người dưới thế gây ra?” Người đáp : “Đúng vậy !” Thiên thần hỏi tiếp : “Có phải tất cả con cái loài người đều biết Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết để đền thay các tội lỗi của họ không?” Chúa trả lời : “Chưa đâu, mới chỉ có một số ít người nhận biết mà thôi”. Thiên thần lại nói : “Thế thì Chúa đã làm gì để họ nhận biết ơn cứu độ đó?” Chúa đáp : “Ta lại đi loan báo Tin Vui cho những người khác, đến khi nào tất cả mọi người trên địa đầu đều được nghe Tin Mừng cứu độ ấy mới thôi”. Vị thiên thần đã hiểu rõ tính bốc đồng của loài người và nghi ngờ họ nên hỏi tiếp: “Giả như Phê-rô, Gio-an và các Tông đồ quên thi hành sứ mệnh rao giảng đó thì sao? Nếu các tín hữu các thế hệ sau này có lúc nào đó gặp phải những bách hại chống đối của kẻ gian ác mà chán nản buông xuôi thì sao? Chúa có lập thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa thôi?” Chúa Giê-su trả lời: “Ta sẽ không bao giờ lập ra thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa ! Ta đã biết trước tính khí con cái loài người thường nhát đảm sợ sệt và bất định, nên đã thổi hơi ban sức mạnh Thần Khí của Ta cho họ, để giúp họ thi hành sứ mệnh, và Ta hoàn toàn tin tưởng họ sẽ chu toàn được sứ mệnh đó”.

2) ĐƯỢC PHỤC SINH NHỜ SỐNG THEO LỜI CHÚA DẠY :
Cuốn phim “Chiếc cầu sông Quai” diễn tả câu chuyện phục sinh tại một trại tù như sau:
Vào thời đệ nhị thế chiến, những người lính đồng minh bị quân đội Nhật bắt làm tù binh, được đem tới vùng biên giới Miến Điện và Thái Lan để xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển vũ khí. Cuộc sống ở đây thật khắc nghiệt. Họ bị cưỡng bức lao động dưới cái nóng như đổ lửa, có khi lên tới những 49 độ. Họ bị đối xử một cách tàn thệ. Chính cuộc sống khắc khổ này đã làm cho họ trở nên những con người độc ác. Họ cư xử với nhau bằng luật rừng « Mạnh được yếu thua », trộm cắp, nghi ngờ và làm tay sai chỉ điểm nhau cho bọn lính cai tù.
Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra: Có hai tù nhân nọ, đã tổ chức cho những bạn tù của mình thành một nhóm học hỏi Lời Chúa. Và nhờ sự học hỏi này, mà Lời Chúa bắt đầu thấm vào tâm hồn họ, để rồi chính họ khám phá ra Đức Ki-tô đang sống giữa họ. Ngài hiểu và cảm thông với nỗi đau của họ, bởi vì Ngài cũng đã từng sống vất vả, đã từng chịu cảnh đói khát mệt mỏi, đã từng bị môn đệ phản bội và đã từng bị bọn lính Rô-ma đánh đòn... Từ đó, tất cả những lời Đức Giê-su nói và những việc Ngài làm đều mang một ý nghĩa mới và trở nên sống động đối với các tù nhân. Họ không còn nghĩ mình là nạn nhân của một cuộc chiến dã man. Họ không còn chỉ điểm và trộm cắp của nhau, nhưng đối xử với nhau bằng tình thương yêu và nhất là họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau.
Từ đó, trong trại tù thỉnh thoảng có những tiếng hát vui tươi thay cho sự thinh lặng căng thẳng, giống như sự khác biệt giữa cái chết và sự phục sinh. Nói cách khác, sự biến đổi xảy ra trong trại tù chính là một lễ phục sinh, là một phép lạ làm cho họ tin tưởng lẫn nhau thay vì nghi ngờ nhau. Làm cho họ biết chia sẻ với nhau thay vì trộm cắp. Làm cho họ biết giúp đỡ nhau thay vì tìm cách chỉ điểm làm hại lẫn nhau.

3) TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT :
Một cuốn phim mang tựa đề “Thế Giới Trong Tăm Tối” diễn tả câu truyện về một nhà khảo cổ danh tiếng tổ chức một cuộc khai quật khoa học ở Giê-ru-sa-lem.
Ngọn đồi Gôn-gô-tha được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và các hang động của một nghĩa trang bên cạnh cũng được thăm dò khám xét kỹ lưỡng. Vì theo Tin Mừng Thánh Gio-an, xác của Chúa Giê-su được chôn cất trong một phần mộ gần nơi Ngài bị án tử hình Thập giá. Sau bao công khó đào bới khám xét, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố : “Tôi đã tìm được xác ông Giê-su”. Rồi ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ, quy tụ hàng trăm ký giả và nhiếp ảnh viên để trình bày kết quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào bới khảo cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mặt mọi người một xác người đã khô đét, nhưng còn có thể nhận ra là tay chân của xác người này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu và cả những dấu chứng tỏ thân xác ấy bị nhuốm máu qua những vết in trên tấm khăn liệm xác.
Cuốn phim quay lại cảnh mọi người im lặng theo dõi bài thuyết trình của nhà khảo cố. Tình cờ có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng : “Đây là sự thật hiển nhiên. Ông ta bị đóng đinh, đã chết và đã được táng xác” và nhà khảo cổ tiếp lời : “Vâng, đúng thế, bị đóng đinh, chết và được an táng. Nhưng làm gì có chuyện Phục Sinh, bởi vì xác ông ta vẫn còn nằm đây”.
Tiếp đến, cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giê-su :
Không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa.
Một linh mục tắt đèn Nhà Chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nhà thờ.
Chuông các thánh đường im tiếng.
Các nữ tu cởi khăn trùm đầu.
Thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống.
Đèn bên những ngôi mộ bị dập tắt.
Thế giới chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.
Cuốn phim kết thúc với cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận : “Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm giả xác của ông Giê-su và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi khởi sự cuộc đào bới tìm kiếm này”.
Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng ngàn người tuôn đến ngôi mộ thánh ở Giê-ru-sa-lem như chúng ta chứng kiến hàng năm trong Tuần Thánh. Những ngọn nến được thắp lên và các tín hữu mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng đi khắp nơi soi sáng con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin Chúa Giê-su đã Phục Sinh : Tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Sự sống mạnh hơn cái chết.

3.SUY NIỆM :
Bằng lối văn súc tích và hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng Gio-an đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức mến của ba nhân vật quan trọng trong Tin Mừng Phục Sinh hôm nay như sau :

1) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ THÚC BÁCH MA-RI-A MÁC-ĐA-LA ĐI TÌM CHÚA :
Niềm vui Phục Sinh khởi đầu bằng việc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi thăm mộ ngay từ sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá che cửa mộ đã bị lăn sang một bên và xác Thầy trong mộ biến mất. Cũng như chính lòng mến đã làm cho bà thêm can đảm đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25), và ở lại chứng kiến việc 2 môn đệ an táng Thầy trước đó (x. Mt 27,61), thì giờ đây lòng mến đó lại thôi thúc bà cùng mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để ướp xác Thầy theo phong tục Do thái (x. Mc 16,2). Khi thấy mộ trống, Ma-ri-a hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ Phê-rô và Gio-an (x. Ga 20,2). Theo bà suy nghĩ thì ai đó đã đến lấy mất xác Thầy và bà không biết họ đã để Thầy ở đâu (x. Ga 20,13.15). Ma-ri-a không hề nghĩ rằng Thầy đã phục sinh, mà bà chỉ mong sao tìm lại được xác Thầy để mang về chôn lại trong mộ mà thôi. Sau khi Phê-rô và Gio-an chạy ra mộ rồi trở về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc, Ma-ri-a lại quay ra mộ mà than khóc. Trong lần ra mộ thứ hai này, bà đã trở thành người đầu tiên gặp được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người còn trao cho bà sứ vụ đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ như sau : “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ rằng : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

2) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ GIÚP GIO-AN NHẬN BIẾT CHÚA PHỤC SINH :
Gio-an là một trong bốn môn đệ được Thầy kêu gọi đầu tiên (x Mt 4,21). Là một trong ba môn đệ được chứng kiến Thầy biến hình (x Mt 17,1) và cũng là người môn đệ được Thầy yêu mến nhất (x Ga 13,23). Tình yêu đối với Thầy đã thôi thúc ông, làm cho ông trở thành người can đảm hơn cả: Không bỏ chạy như các môn đệ khác, nhưng âm thầm theo dõi các sự kiện xảy ra từ lúc Thầy bị bắt đến khi bị xét xử giữa hai tòa án đạo và đời; Can đảm đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của Thầy và được Thầy trăn trối Đức Ma-ri-a làm Mẹ của mình và đón Mẹ về nhà mà phụng dưỡng thay cho Thầy (x Ga 19,27). Cũng do tình yêu thôi thúc mà Gio-an đã trở thành người môn đệ đầu tiên trong Nhóm Mười Hai nhận ra Chúa Phục Sinh tại biển hồ Ti-bê-ri-a (x Ga 21,7). Cũng chính tình yêu ấy đã thúc bách Gio-an chạy nhanh hơn 0và đạt đến đức tin trước Phê-rô (x Ga 20,8).

3) CHÍNH LÒNG MẾN LÀM PHÊ-RÔ ĐƯỢC TRAO QUYỀN CHĂN CHIÊN :
Phê-rô là một trong bốn môn đệ đã theo Đức Giê-su trước hết (x. Mt 4,18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy (x. Mt 19,27-29; Lc 18,28-30). Ông luôn được xếp đứng đầu danh sách Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2). Ông còn là một trong ba môn đệ được nhìn thấy Thầy biến hình trên núi cao (x Mt 17,1), được chứng kiến phép lạ Người cho bé gái mới chết sống lại (x Lc 8,51), được ở gần Đức Giê-su khi Người hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x Mt 26,37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su thường đến ở trọ tại nhà ông Si-mon Phê-rô tại thành Ca-phác-na-um (x Mc 1,29). Có lần Phê-rô đại diện anh em tuyên xưng đức tin “Thầy chính là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ đức tin đó, Phê-rô đã được khen có phúc, và được Thầy hứa sẽ xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin vào Đức Giê-su vững chắc như đá của ông. Người cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (x Mt 16,17-19). Ông còn được trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (x. Lc 22,31-32). Dù còn nhiều khuyết điểm như: bị Thầy nặng lời quở trách vì dám khuyên Thầy đừng chấp nhận con đường thập giá (x Mt 16,22-23), hoặc có lúc ông đã bị Thầy trách kém lòng tin (x Mt 14,31) hay trách khi ông không muốn cho Thầy rửa chân (x Ga 13,6-8). Phê-rô còn bị trách khi quá tự tin vào sức riêng của mình (x Mt 26,33-35). Nhất là ông đã tỏ ra hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước đó (x Mt 26,69-75).
Nhưng bù lại Phê-rô đã có lòng yêu mến Thầy hơn ai hết. Lòng mến của ông thể hiện qua thái độ dứt khoát từ bỏ nghề chài lưới và chấp nhận theo Thầy làm nghề chài lưới các linh hồn (x Mt 4,18-20). Ông cũng thường được Đức Giê-su hỏi ý kiến như: Thầy trò có nên nộp thuế Đền thờ không? (x Mt 17,24-27). Có lần ông hỏi ý Đức Giê-su về số lần phải tha thứ cho anh em (x Mt 18,21). Ông cũng đại diện anh em để tuyên xưng đức tin và thề quyết trung thành với Thầy đến cùng (x Ga 6,68-69). Ông can đảm rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế khi chúng đến bắt Thầy (x Ga 18,10). Ông không chạy trốn như các ông khác mà đi theo Gio-an theo dõi diễn tiến tòa án xét xử Thầy (x Ga 18,15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị mất, Phê-rô cùng Gio-an chạy ra mộ để kiểm chứng thực hư. Trước sự kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, Phê-rô đã tin Thầy sống lại chứ không bị kẻ trộm lấy xác (x Ga 20,8-9). Sau đó ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước anh em Nhóm Mười Một (x Lc 24,34; 1 Cr 15,5). Khi được Gio-an mách bảo Người mặc áo trắng đứng trên bờ hồ là Thầy, Phê-rô vội khoác áo vào rồi nhảy xuống biển bơi vào bờ để mau được gặp Thầy (x Ga 21,7). Ông cũng tuyên xưng lòng mến ba lần và được Thầy trao cho sứ vụ chăn dắt chiên con chiên mẹ và chăn dắt cả đàn chiên là Hội Thánh (x Ga 21,15-17). Ông còn chứng tỏ lòng mến tột cùng khi sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho thầy (x Ga 21,18-19).

4) THỰC HÀNH ĐỨC TIN VÀ ĐỨC MẾN HÔM NAY :
Chính lòng mến Chúa đã làm cho Ma-ri-a Mác-đa-la ăn năn sám hối tội lỗi, ra thăm mộ đầu tiên và đã được Chúa Phục Sinh hiện ra trao cho sứ vụ loan Tin Mừng cho các tông đồ. Cũng chính lòng mến Thầy của Gio-an đã làm cho ông nhận ra Thầy trước anh em và thấy được ý nghĩa của những sự kiện dẫn đến mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su. Lòng mến cũng làm cho ông Phê-rô luôn gắn bó mật thiết với Thầy, hy sinh mọi sự để đi theo làm môn đệ của Thầy. Dù có lúc yếu đuối sa ngã phạm tội, nhưng ông đã sớm hồi tâm sám hối trở về và được Thầy tín nhiệm đặt làm Đá Tảng đức tin, có nhiệm vụ củng cố đức tin cho các anh em (x Lc 22,32), và còn được Chúa Phục Sinh trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh.
Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để ta khỏi bị thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau khổ thất bại trên đường đời. Cuộc sống chúng ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng, khi những gì chúng ta yêu quý nhất hoặc những người thân yêu nhất của mình không còn, chúng ta thường chạy đôn chạy đáo đi tìm người chết trong nước mắt đau thương như Ma-ria Mác-đa-la xưa (x Ga 20,11.13). Nhưng cái chết đã không giam hãm được sự sống: Sự sống đã trỗi dậy từ cõi chết; Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối tử thần;Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Ki-tô sẽ được Hội Thánh loan báo đi khắp thế gian như lệnh Người truyền trước khi lên trời (x Mt 28,19).

4.THẢO LUẬN :
Khi gặp phải những hoàn cảnh đau thương trái ý, bạn cần làm gì để không chán nản thất vọng, nhưng luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, hy vọng Người sẽ kíp thời giải cứu và giúp bạn mau trỗi dậy?

5.LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Sự phục sinh của Chúa vừa là lời mời gọi, lại vừa lôi cuốn chúng con hướng tâm hồn lên cao để nhận ra giá trị tương đối của sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền trần gian… hầu noi gương các thánh : chúng con sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa và dám sống chết cho tình yêu ấy, để quyết dấn thân đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng đón nhận những đau khổ thua thiệt… vì xác tín rằng : “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.- AMEN.


 
Ý nghĩa về sự Phục Sinh của Đức Giêsu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:31 04/04/2023

CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Ý NGHĨA VỀ SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊSU

Biến cố Chúa Giêsu phục sinh là trung tâm điểm và là nền tảng của Kitô giáo. Bởi lẽ, nếu không sống lại thì Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa và sự nghiệp của Người kết thúc nơi nấm mồ. Đức Giêsu chỉ là một nhân vật tôn giáo thất bại. Chính thánh Phaolô đã quả quyết:
“Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy” (1 Cr 15,14-15).

Với những lời này, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh biến cố phục sinh là nền tảng. Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Niềm tin Kitô giáo sẽ đứng vững hay sụp đổ với chân lý này. Vì là biến cố quan trọng nhất, nên chúng ta cần phải tìm hiểu, suy tư và học hỏi nhiều hơn.

Chúng ta cần tập trung suy tư và tìm hiểu sâu hơn biến cố Chúa Giêsu phục sinh để khám phá ý nghĩa cốt lõi và điều mới mẻ nơi biến cố này.

Khi nói tới sự phục sinh, chúng ta cần phân biệt ba trường hợp:
1) Tưởng đã chết nhưng sau đó sống lại;
2) Đã chết thật nhưng được sống lại;
3) Đã chết thật, sau đó sống lại và sống cuộc sống mới.

1. Trường hợp 1: Tưởng đã chết, sau sống lại

Đây là trường hợp mà chúng ta có thể chứng kiến trong cuộc sống hằng ngày: Chẳng hạn đối với thiên nhiên, vào mùa đông giá lạnh, cây cối trơ trọi, cằn cỗi như đã chết, nhưng khi mùa xuân về, khí hậu ấm áp, thiên nhiên bừng dậy, cây cối sinh chồi nẩy lộc, chúng như được phục sinh. Sức sống trở lại. Hay trường hợp có ai đó, bị tai nạn, bất tỉnh nhân sự, nhưng sau khi được cấp cứu, họ tỉnh lại và tiếp tục sống. Những trường hợp này bên ngoài tưởng đã chết, nhưng thực ra bên trong không chết và sau đó sống lại một cách mạnh mẽ. Đây không phải là trường hợp của Chúa Giêsu phục sinh. Người không phải tưởng đã chết, hay giả vờ chết, rồi sau đó sống lại. Nhưng Người thực sự đã chết và được mai táng trong mồ.

2. Trường hợp 2: Đã chết thật và sống lại

Đây là ba trường hợp đã chết được Chúa Giêsu cho sống lại, đó là: trường hợp của Ladarô đã chết bốn ngày và được chôn trong mồ, nhưng Chúa Giêsu đã làm cho anh sống lại (x. Ga 11,1-45); trường hợp người con trai bà góa thành Naim đã chết, người ta khiêng đi chôn, và được Chúa cho sống lại (x. Lc 7,11-17). Và trường hợp con gái ông Giairô (Mc 5,22-43). Đây là những trường hợp mà sự sống sinh học, thể lý của họ đã bị chấm dứt hoàn toàn, thân xác của họ chỉ là một thây ma. Nhưng nhờ quyền năng thần linh, Chúa Giêsu đã làm cho họ sống lại và sống thêm một thời gian. Dù Tin Mừng không nói đến số phận cuối cùng của ba người này thế nào, nhưng chúng ta chắc chắn rằng sau khi được sống lại, họ sống một thời gian, sau đó, họ cũng phải chết. Vì họ không thể bẻ gãy xiềng xích của sự chết trói buộc định mệnh con người. Cái chết vẫn là quy luật tất yếu. Đây không phải là trường hợp sống lại của Chúa Giêsu nhưng chỉ là hình bóng tiên báo sự phục sinh của Người.

3. Trường hợp 3: Đã chết, nhưng sau phục sinh

Đây chính là trường hợp phục sinh của Chúa Giêsu. Nghĩa là Chúa đã chết thật, được an táng trong mồ; đến ngày thứ ba nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết; Người phục sinh có nghĩa là Người đi vào một cách thế hiện hữu mới mẻ, đi vào đời sống hoàn toàn khác, đó là sự sống của Thiên Chúa. Sự sống đó được Đấng Phục Sinh khai mở, sự sống hoàn toàn mới, sự sống trọn vẹn và không bị hủy hoại, sự sống này không còn nằm dưới lề luật của cái chết và thay đổi. Sự sống này được thánh Gioan gọi là ‘zôê’ khác với ‘bios’ – sự sống sinh học, tự nhiên. Bởi thế, khi phục sinh, Đức Giêsu không trở lại đời sống bình thường trên thế gian như Ladarô và những người chết đã được Người làm cho sống lại. Nhưng Người đã bước vào một đời sống hoàn toàn khác biệt – vào sự bất tử, vào sự sống vĩnh hằng, vào sự vô biên của Thiên Chúa. Người không bao giờ chết nữa, Người là Đấng Hằng Sống, được hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta những chứng cớ không thể nghi ngờ về sự kiện “Con Người sẽ trỗi dậy trong ngày thứ ba” là một điều hoàn toàn khác và mới mẻ đã xuất hiện (x. Lc 24,36-43). Những lần Đức Giêsu hiện ra minh chứng điều đó: Người không phải là một bóng ma, Người vẫn là chính Người với một con người có thân xác, còn mang những dấu đanh, nhưng Người là Đấng hoàn toàn mới lạ, Người hiện hữu theo một cách thức mới mẻ, nên không còn bị lệ thuộc bởi thời gian, không gian và nơi chốn. Người có thể xuất hiện và hiện diện với các môn đệ khi các cửa nhà đều đóng kín. Đó là một sự hiện hữu hoàn toàn mới mẻ.

Kết luận

Như thế, Đức Giêsu là người đầu tiên đi vào sự sống mới này, nên Người là người mở đường dẫn con người tới cuộc sống đó. Sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là một sự kiện đơn thuần chỉ liên quan đến Người mà thôi, nhưng là một “biến chuyển nhảy vọt” liên quan đến định mệnh toàn thể nhân loại. Trong sự phục sinh của Đức Giêsu một khả thể mới của hiện sinh con người gắn kết với tất cả mọi người và từng người, mở ra một tương lai, một nền tảng cho niềm hy vọng về sự phục sinh của con người.

Khi diễn tả về mầu nhiệm này, Chính Thống Giáo dùng Icône Chúa Phục Sinh như là Đấng Cứu Độ đầy ánh sáng, Người đi xuống ngục tổ tông, bẻ gãy xiềng xích sự chết, kéo họ lên và đưa họ vào sự sống mới với Người.

Như thế, biến cố phục sinh của Chúa Kitô minh chứng Thiên Chúa quyền năng, Người làm chủ sự sống và sự chết, Người chiến thắng sự dữ. Biến cố này minh chứng thần tính của Đức Giêsu: Người là Thiên Chúa thật, đã sống lại, để giải phóng con người khỏi vòng luẩn quẩn của cái chết và dẫn con người tới sự sống mới. Nếu cái chết trên thập giá minh chứng rằng Đức Giêsu là một con người, thì sự phục sinh minh chứng Người là Thiên Chúa.

Đồng thời, biến cố phục sinh là hoa quả đầu mùa cho những kẻ an giấc, là nền tảng cho niềm hy vọng vào sự phục sinh của chúng ta trong tương lai. Như thánh Phaolô quả quyết:
“Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20).
Đó là chân lý nền tảng. Chúng ta tin tưởng như thế. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/



 
Ngày 05/04: Nụ hôn phản bội của Giuđa – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:01 04/04/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông Giê-su cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”

Đó là lời Chúa
 
Chuyện Ngài Phêrô
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:21 04/04/2023
Chuyện Ngài Phêrô

Dù được Chúa Giêsu nói mình là đá tảng và trên đá này Người sẽ xây Hội Thánh của Người nhưng vị thế làm đầu tập thể nhóm Mười Hai của Phêrô vẫn chưa chính thức rõ ràng. Ròng rã suốt ba năm đi theo Thầy chí thánh các tông đồ thường tranh luận nhau về cái chức vị làm đầu này. Ngay cả trong đêm Tiệc ly các vị vẫn còn tranh cãi nhau xem ai làm đầu trong nhóm (Lc 22,24). Vì nhiệt thành, Phêrô thường là người đầu tiên lên tiếng trả lời những khi Chúa Giêsu hỏi. Thế nhưng kết quả không phải lúc nào cũng được như ý chàng ngư phủ này, vì có khi thì được Thầy khen, có khi lại bị quở trách nặng nề: “Satan, xéo lui đằng sau Thầy” (x.Mt 16,13-23).

Tuy nhiên dữ liệu Tin Mừng cho chúng ta thấy cái tình của Phêrô dành cho Thầy Giêsu quả là hiếm thấy theo cái nhìn bình thường của kiếp nhân sinh. Phêrô ngăn cản Thầy lên Giêrusalem chịu nạn là vì yêu mến Thầy. Vì yêu mến nên dù chưa hiểu gì lắm lời Thầy nói về Bánh Hằng Sống từ trời xuống nhưng ông dứt khoát không lìa bỏ Thầy. Đêm Tiệc ly, không phải bốc đồng khi thề hứa dù ai có bỏ Thầy thì ông sẽ liều mạng sống để bảo vệ Thầy, nhưng đây là những lời từ trái tim thắm đượm lửa tình. Trong vườn cây dầu khi quân lính đến bắt Thầy thì chỉ một mình Phêrô rút gươm ra đánh trả để bảo vệ Thầy.

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng việc Phêrô chối Thầy ba lần là hèn nhát, là phản bội nhưng thực chất đó là sự yếu đuối nhất thời của kiếp người. Hơn nữa dữ kiện này còn là một bằng chứng về cái tình của ông ngư phủ. Trong khi các bạn đồng môn bỏ chạy lấy thân khi Thầy bị bắt, bị điệu đến dinh Thượng Tế Caipha thì Phêrô vì yêu nên đã tìm cách vào dinh để nắm bắt thông tin về Thầy.

Chính Chúa Giêsu sau khi từ cõi chết sống lại hiện ra với các môn đệ trên biển hồ Tibêria đã minh nhiên khẳng định hiện thực này: Phêrô là người yêu mến Thầy hơn tất cả các bạn đồng môn (x.Ga 21,15-23). Là người yêu mến Thầy hơn tất cả các bạn thế mà Phêrô không tỏ ra ích kỷ nhỏ nhen khi thấy Thầy yêu mến một môn đệ khác hơn mình. Đêm Tiệc ly, chính Phêrô đã mở miệng nhờ môn đệ này hỏi xem ai là người bán nộp Thầy và ông cũng đã quan tâm đến tương lai của người môn đệ này (x.Ga 13,21-30; 21,20-23).

“Tình yêu phủ ấp muôn vàn tội lỗi” (1P 4,8). Ngài Tông đồ cả Phêrô cảm nghiệm chân lý này từ hiện thực của bản thân. Sau khi phục sinh Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Người tín nhiệm và trao phó trách nhiệm lớn cho người yêu mình hơn mà không phải là người mình yêu hơn. Không phải người môn đệ Chúa yêu mà là chính Phêrô, người yêu mến Chúa hơn hết đã được trao phó “chăm sóc chiên mẹ lẫn chiên con của Chúa” (x.Ga 21,15-17).

Bước vào Tuần Thánh ước gì Kitô hữu chúng ta xem lại cái tình của mình dành cho Đấng cứu độ, Giêsu Kitô như thế nào. Làm sao kiểm nhận tấm lòng của chúng ta dành cho Chúa Giêsu đây. Chính Chúa Giêsu đã từng minh nhiên nói trong dụ ngôn ngày cánh chung. Đó không phải là những lễ nghi bên ngoài dù đó là nghi lễ tôn giáo mà đó là cái tình của chúng ta dành cho những người thấp cổ bé phận (x.Mt 25,31-46).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Thánh Lễ Tiệc Ly
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:06 04/04/2023
Thánh Thể - Chức Linh Mục - Giới Luật Yêu Thương

(Ga 13, 1-15)

Khởi đầu Tam Nhật Thánh bằng Thánh lễ Tiệc ly, tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ cho con người, Chúa đã thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu.

Thánh Phaolô kể lại như sau: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em, trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11,23-25).

Đoạn tường thuật trên là cổ xưa nhất ta có được về những gì đã xảy ra trong nhà Tiệc ly, do Thánh Tông đồ Phaolô kể lại. Thánh Phaolô không chứng kiến tận mắt, nhưng Người truyền lại điều đã được bảo quản như một mầu nhiệm thánh và đã được thực hiện trong phụng vụ của cộng đoàn Kitô giáo trẻ trung.

Cao điểm của việc cứu độ chúng ta là cái chết trên Thập giá và sự sống lại từ cõi chết của Chúa Giêsu. Để cuộc tử nạn và sự sống lại của Chúa luôn hiện diện với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là thiết lập Bí tích Thánh Thể vào buổi chiều ngày thứ năm Tuần Thánh trong bữa tiệc ly, trước khi đi vào cuộc khổ nạn, tử nạn và Phục Sinh để cứu chúng ta. Để rồi mỗi khi tham dự cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận được ơn cứu độ y như người đứng dưới chân Thánh Giá trên đồi Calvariô xưa. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn và cầu xin Chúa trước sáng kiến đầy yêu thương này.

Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô đặt câu hỏi : “Làm thế nào Chúa Giêsu có thể ban Mình và Máu Người? Thưa : Bằng cách biến đổi bánh thành Thân xác Người và rượu thành Máu Người, và Người ban Mình Máu Người trước khi chịu chết, Người đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội. Việc đóng đinh vào thập giá. nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” (Đức Bênêđictô XVI, 21-8-2005)

Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Ngài đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.

Sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng lập luôn bí tích Truyền Chức Thánh khi Người nói với các Tông Đồ hiện diện : “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả là chỉ vì yêu chúng ta.

Khi Ngài rửa chân xong cho các môn đệ, một lần nữa, Ngài mời gọi chúng ta : “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Ngài thiết lập một sự liên kết thân mật giữa bí tích Thánh Thể, bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm : Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục - không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó gắn chặt, liên kết với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh, trở nên một thì chúng ta không còn tách biệt được nữa.

Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng nói “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).

Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Ngài kêu gọi bước theo Ngài. Chính tình yêu của Ngài, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.

Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.

Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.

Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong ba Mầu nhiệm : Mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, Mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con một niềm sùng kính, mến yêu bí tích kỳ diệu này để cảm tạ tình yêu của Chúa và để chúng con nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Có cách nào để Thập Giá đời ta nên nhẹ?
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
14:16 04/04/2023

CÓ CÁCH NÀO ĐỂ THẬP GIÁ ĐỜI TA NÊN NHẸ?
SUY NIỆM TUẦN THÁNH 2023

Cha Hoàng Kim để lại một bài Thánh Ca thường được hát trong Tuần Thánh, ai hát lên cũng thấy bàng hoàng xúc động:
“Thập giá ngất cao ở trên thế gian này
Ôi hỡi thập giá chúa Giêsu.
Từ nơi Thánh Tâm yêu thương Ngài,
Sông ơn thiêng khơi nguồn chan hòa,
Qua ngươi máu cứu độ chảy xuống nơi đây.
Ôi hỡi thập giá Chúa Kitô”.


“Thập giá ngất cao”. Vâng! thập giá ở đâu mà chẳng có. Mấy chữ “ngất cao ở trên thế gian” vừa như muốn nói lên chiều cao, vừa như cho thấy chiều rộng, vừa như là sự cao cả, quý giá, nhưng cũng nặng nề, lo sợ.

Và Giữa một rừng thập giá của kiếp nhân sinh, lại thấy nổi lên, lại thấy “ngất cao” cây Thánh Giá của Chúa chúng ta. Thánh Giá của Chúa ngất cao là để tỏa bóng, để lôi kéo, để đỡ nâng, để thánh hóa tất cả mọi cây thập giá đời.

Thập giá lúc nào mà không có. Không mời gọi, và dù run rẫy khi đón nhận, nhưng có ai thoát khỏi thập giá! Thập giá là người bạn không ai chờ đợi, nhưng nó vẫn cứ đến, vẫn cứ đồng hành trên suốt chặng đường đời của mỗi con người.

Là Kitô hữu, chúng ta hạnh phúc, vì thập giá của chúng ta đong đầy ý nghĩa. Chúng ta biết, thập giá đời mình được tháp nhập, được lồng trong Thánh Giá Chúa Kitô. Thập giá đời dẫu có “ngất cao ở trên thế gian này”, thì mãi mãi vẫn còn đó Thánh Giá Chúa Kitô soi bóng, chiếu sáng ý nghĩa, lan tỏa hạnh phúc, như mặt trời soi vào từng ngõ ngách của trần thế.

Cây thập giá được Chúa Giêsu chọn để làm nơi phó dâng linh hồn trong tay Chúa Cha đã trở nên báu vật của nhân loại và được gọi là Thánh Giá sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển.

Thiên Chúa đã thánh hóa thập tự: từ một dụng cụ độc ác, tàn nhẫn của con người thành công cụ của tình yêu thương, tha thứ. Từ biểu tượng của sự chết đã trở thành biểu tượng giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời. Từ sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn trở nên chiến thắng vinh quang của Chúa Kitô.

Người Kitô hữu luôn kính mến và tôn xưng cây thập giá đồng hành với Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ là Thánh Giá. Chúng ta thường đọc trước mỗi chặng đàng Thánh Giá: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ”, thường làm dấu Thánh Giá trước khi cầu nguyện, thường ghi dấu Thánh Giá lên thân mình trước và sau khi dùng bữa, thường ghi dấu Thánh Giá trước bất cứ một nghĩa cử đạo đức nào…, chúng ta thực sự hãnh diện, vui mừng vì Thánh Giá vinh quang của Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa:
Vinh quang của ta
Là Thánh Giá Đức Kitô
Nơi Ngài, ơn cứu độ của ta
Sức sống của ta
Phục sinh của ta
Nhờ Chúa ta được cứu độ
Nhờ Chúa ta được giải thoát.


Vậy chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu vì chính Ngài là nguồn sức mạnh duy nhất có thể nâng đỡ và thêm sức cho chúng ta vác thập giá: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt. 1,28).

Xin Chúa ngự trị và cùng vác thập giá với ta hàng ngày. Nếu ta mang vác những gánh nặng, những trách nhiệm, những lo toan hàng ngày một mình thì sức nặng của cây thập giá đời mình sẽ càng nặng, càng đau đờn, càng u uất…

Nhưng nếu ta ngã mình vào Thánh Giá Chúa Giêsu, xin Chúa đồng hành với ta, thập giá đời ta, vẫn là thập giá ấy thôi, vẫn nặng nề, vẫn khổ đau, vẫn u uất, sẽ được biến đổi thành những cây Thánh giá phúc, có tình yêu của Chúa, có ơn cứu độ của Chúa, có sức mạnh của Chúa, có sức sống phục sinh của Chúa.

Mãi mãi thập giá không nhẹ. Nhưng tình yêu Thánh Giá sẽ làm thập giá dễ chịu hơn, và chan đầy ý nghĩa.


 
Một suy nghĩ chết chóc, Một suy nghĩ đáng mừng
Lm. Minh Anh
14:21 04/04/2023

MỘT SUY NGHĨ CHẾT CHÓC, MỘT SUY NGHĨ ĐÁNG MỪNG
“Thưa Thầy, có phải con không?”.

Pascal nhận định, “Quả là một sự dữ khi mắc đầy lầm lỗi, nhưng sẽ là một sự dữ lớn hơn khi đầy lầm lỗi mà không nhận ra chúng!”. Như vậy, tệ hơn biết mấy, khi biết đó là lầm lỗi nhưng từ chối nhìn nhận nó và vờ nghĩ rằng, nó không phải là tội. Đó là ‘một suy nghĩ chết chóc!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Pascal hiện nguyên hình nơi con người Giuđa qua Tin Mừng hôm nay khi ông hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, có phải con không?”. Giuđa có thực sự nghĩ ông không phản bội? Chúng ta không biết chắc điều gì đang diễn ra trong tâm trí ông; nhưng rõ ràng, Giuđa đã phản bội! Thế nhưng, với chính mình, Giuđa không thừa nhận điều này, ông phủ nhận nó!

“Phủ nhận”, dưới dạng viết tắt, có nghĩa là, “Tôi thậm chí không biết mình đang nói dối!”. Phải chăng vì quá tham tiền, Giuđa đắm chìm trong tội và sa lầy trong tội đến nỗi ông không thể thừa nhận với chính mình, chứ đừng nói thừa nhận với người khác; rằng, ông đang nói dối và chuẩn bị phản Thầy. Đúng là ‘một suy nghĩ chết chóc!’.

Đây là một bài học quan trọng cho chúng ta trong Tuần Thánh. Tội lỗi không bao giờ là điều thú vị khi nhìn vào nó; phải hết sức can đảm mới có thể đối diện nó! Nhưng thử tưởng tượng, nếu Giuđa thực sự thú nhận những gì ông sắp làm; hoặc nếu ông sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, trước các bạn đồng môn, nói cho Thầy và anh em biết toàn bộ sự thật… thì có lẽ, hành động lương thiện này đã cứu được linh hồn vĩnh cửu và mạng sống mình. Điều này rất khó, đau đớn và nhục nhã, nhưng nếu vượt qua, thì đó là một chọn lựa sáng suốt nhất!
Điều này cũng đúng với chúng ta! Có lẽ chúng ta không ở vào thời điểm mà tội lỗi có thể dẫn đến sự phản bội Chúa Giêsu như Giuđa; nhưng mỗi người đều có thể tìm thấy một số loại hình phản bội của mình trong Tuần Thánh này. Bạn và tôi, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, hãy tìm cách khám phá một số ‘nếp tội’ hoặc thói quen xấu vốn đã hình thành nơi bản thân. Đây sẽ là một khám phá tuyệt vời nếu chúng ta có thể đối mặt với một tội ‘đầu nậu’ nào đó với lòng trung thực và sự dũng cảm. Điều này cho phép bạn bóc trần mọi tội lỗi của mình; chiến thắng nó, để khám phá sự tự do mà Chúa Phục Sinh muốn bạn trải nghiệm! Đừng quên lời thánh Phaolô, “Nếu chúng ta không trung tín, thì Ngài vẫn thành tín”. Niềm xác tín về tình yêu miên viễn của Chúa khuyến khích chúng ta tiếp tục trở về với Ngài. ‘Một suy nghĩ đáng mừng!’.

Anh Chị em,

“Thưa Thầy, có phải con không?”, câu nói buồn nhất này hẳn đã làm cho trái tim Chúa Giêsu tổn thương sâu sắc khi Ngài chứng kiến việc chối nhận tội mình nơi Giuđa. Cũng thế, nhiều lần chối nhận tội mình, chúng ta không thành thực ăn năn. Hãy biến những ngày này thành thời gian cho sự chính trực và trung thực. Lòng thương xót Chúa lớn hơn tội của chúng ta vạn lần; nó sâu sắc và thuần khiết đến nỗi, nếu hiểu được nó, không ai cần phải tiếp tục phủ nhận tội mình dưới bất cứ hình thức nào, ‘một suy nghĩ đáng mừng!’. Chúa Giêsu sẵn sàng “nâng đỡ sự nhọc nhằn” của bạn và tôi, Ngài là vị Thiên Sai nhân ái. Isaia, qua bài đọc hôm nay tiên báo về Ngài rằng, “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn”. An ủi biết bao khi chúng ta hiểu được điều này! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, đây giờ phút thi ân; vì ơn cả nghĩa dày!”. Tuần Thánh, tuần Thiên Chúa thi ân!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, vẫn còn kịp! Xin giúp con dám sấp mình trước toà Cáo Giải ngay hôm nay; ở đó, Chúa Xót Thương đang đợi để ôm lấy con. ‘Một suy nghĩ đáng mừng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Tư Tuần Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 04/04/2023
THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Tin mừng: Mt 26, 14-25.

“Con Người phải ra đi như kinh thánh đã chép về Ngài, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người”.


Bạn thân mến,

“Một hôm, hoa Hải Đường ôm tâm nhĩ bị nghiến đau và chảy máu, nó đau khổ nói cùng Đấng tạo hóa:

- “Người lạ làm tổn thương con, con có thể quên rất nhanh, tại sao người càng thân cận, càng làm cho con không thể chịu đựng được?”

Đấng tạo hóa thở dài nói:

- “Thân cận chưa chắc là thân mật, thân mật không nhất định là thân yêu, người càng thân cận, thường làm tổn thương nhau càng sâu, bởi vì trước mặt người chí thân, chí cận, chí ái thì trong lòng không bố trí phòng thủ, cho đến nỗi bị vết thương vừa sâu vừa lớn”.
(1)

Có phải người phản bội Đức Chúa Giêsu là tôi?

Thân cận chưa chắc đã thân mật và chưa chắc đã yêu, bằng chứng là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã cùng ở với Đức Chúa Giê-su ba năm mà vẫn phản bội Ngài; bằng chứng là có những đôi vợ chồng đã kề cận thân mật trong nhiều năm trời, nay lại phản bội nhau đường ai nấy đi; bằng chứng là có rất nhiều anh em chị em ruột tố cáo nhau trước tòa án, dù rằng họ là người thân thiết thân cận của nhau. Đức Chúa Giê-su đã trả lời các môn đệ: “Kẻ giơ tay chấm chung một dĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy”(Mt 26, 23), kẻ nộp Ngài không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là môn đệ của Ngài sao?

Có phải tôi là người phản bội Đức Chúa Giê-su không?

Cùng ăn một tấm bánh, cùng uống một chén nhưng cộng đoàn trong giáo xứ chúng ta vẫn cứ chia rẻ nhau, mà cộng đoàn giáo xứ không phải là thân mình của Đức Chúa Giê-su, là anh chị em của nhau sao? Đó là một sự đau khổ nhất của Đức Chúa Giê-su, mà chính tôi cũng là người có trách nhiệm trong việc chia rẻ này, khi tôi đứng phe bên này chửi rủa thóa mạ chỉ trích phe bên kia.

Có phải tôi là người phản bội Đức Chúa Giê-su không?

Chắc chắn rằng tôi đã phản bội Ngài khi tôi là một mục tử được Ngài tuyển chọn, khi tôi ăn Mình và uống Máu Ngài mỗi ngày trong thánh lễ, nhưng tôi vẫn giơ chân đá Ngài văng ra khỏi cuộc sống linh mục của tôi, đó là khi tôi vẫn tham lam coi tiền bạc là cứu cánh của mình, khi tôi coi dục vọng là sự thỏa mãn mình hơn niềm vui phục vụ tha nhân, khi tôi kiêu căng không thèm rửa chân cho những con chiên bị lấm bùn vì cuộc sống xô bồ, mà chỉ thích con chiên rửa chân cho mình mà thôi...

Bạn thân mến,

Bắt đầu ngày mai là chúng ta bước vào Tam Nhật Thánh, nó là đỉnh cao của năm phụng vụ, là kỷ niệm ba ngày cuối cùng của Đức Chúa Giê-su tại trần gian, do đó, trong tâm tình kết hợp sâu xa với Đức Chúa Giê-su khổ nạn, chúng ta cùng đồng hành với Ngài qua các nghi thức của Giáo Hội, để chia sẻ những đau khổ với Ngài, và đón nhận những hồng ân cao quý mà Thiên Chúa sẽ ban cho trong cuộc đời của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine nhận định về triển vọng ĐTC thăm Ukraine
Đặng Tự Do
05:11 04/04/2023


Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine nhận định “cuộc chiến này khó giải quyết đến mức chỉ có phép lạ mới giúp được chúng ta”

“Tôi rất vui khi sự kết nối này diễn ra trong một nhà thờ vì tôi tin chắc rằng cuộc chiến này rất khó giải quyết và chỉ có phép lạ mới có thể giúp chúng ta”. Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, là Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, cho biết như trên khi chào mừng 150 tình nguyện viên của đoàn lữ hành hòa bình StopTheWarNow đã đến Mykolaiv cho nhiệm vụ thứ năm của họ.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh đã kết nối trực tuyến từ Kyiv đến Nhà thờ Công giáo La tinh Thánh Giuse ở Mykolaiv, nơi các tình nguyện viên cử hành thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá. Đức Sứ thần nói: “Việc các bạn là một nhóm lớn như vậy đã là một dấu hiệu tuyệt vời của sự gần gũi”.

“Cầu nguyện không chỉ là lời nói. Thiên Chúa không cần lời nói nhưng cần trái tim của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục cũng nói với những người theo chủ nghĩa hòa bình của Ý về việc “tìm kiếm hòa bình, không phải bằng vũ khí mà bằng những cách khác”. Ngài nói rằng chủ trương đó đầy khó khăn. Ngài giải thích rằng “Nếu chúng ta làm như thế, tình hình hiện nay sẽ rất nghiêm trọng. Với chủ trương đó, chúng ta sẽ không phản ứng trước các mối đe dọa vũ khí trong những năm qua, điều đó có nghĩa là chúng ta không phản ứng trước chủ nghĩa độc tài, trước sự phá hoại hoạt động của Liên Hiệp Quốc và phá hủy tất cả các công cụ của luật pháp quốc tế”.

Sứ thần nói rằng ngài “tiếp xúc với nhiều thành viên gia đình của các tù nhân và tôi biết rằng nhiều người không có đủ nước để uống. Tất cả những điều này là dấu hiệu của sự đau khổ lớn lao. Đau khổ không chỉ xảy ra với những người đã chết và mất mạng mà còn với những người vẫn là tù nhân, không chỉ những người lính mà còn nhiều thường dân. Đó là sự đau khổ vô cùng.”

“Với sự hiện diện của anh chị em, hãy cố gắng đánh động lương tâm. Và điều này rất quan trọng bởi vì chúng ta thấy rằng khi cuộc chiến ở Ukraine được kể ở nơi khác, nó được mô tả như một trận túc cầu. Giống như một cuộc chiến xa xôi, xa cách những trái tim. Vì lý do này, anh chị em, những người đã đến đây, cho thấy tầm quan trọng của việc được ở bên cạnh, từ bi, suy tư, cầu nguyện và tìm kiếm giải pháp cho tương la. Ước muốn của tôi là sự hiện diện của anh chị em sẽ đánh động lương tâm và trở thành tiếng kêu lên với Chúa: Xin Chúa thương xót chúng con”.

Khi được hỏi về chuyến viếng thăm Ukraine của Đức Giáo hoàng, Sứ thần trả lời: “Đó phải là quyết định của Đức Thánh Cha. Năm ngoái, đã có một thời điểm diễn ra cuộc thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau về việc tìm kiếm khả năng trao trả thường dân và binh lính đang mắc kẹt ở Mariupol sang một nước thứ ba. Trong khi chuẩn bị dự án đó, chúng tôi đã hỏi Đức Thánh Cha liệu ngài có thể hiện diện ở Mariupol với tư cách là người bảo lãnh về mặt đạo đức hay không và Đức Thánh Cha đã đồng ý. Ngay trong tháng Năm, chúng tôi đã nhận được lời đồng ý từ Đức Thánh Cha. Nhưng ngay sau đo, dự án ấy không hoạt động”.

“Chúng tôi rất mong muốn Đức Thánh Cha đến. Nhưng quyết định là ở ngài. Vũ khí của chúng ta là lời cầu nguyện không chỉ bằng lời nói mà bằng cả trái tim”.

Cho đến nay, vướng mắc lớn nhất là chủ trương cho rằng Đức Thánh Cha sẽ chỉ đến Kyiv nếu có thể đến Mạc Tư Khoa. Điều đó hiện nay là không thể được. Hôm 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Putin. Ông ta giờ đây là một tên tội phạm bị quốc tế tầm nã. Tập Cận Bình, người bị cáo buộc đã giết hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, và giam giữ hàng triệu người khác, có thể thăm Putin, Đức Thánh Cha thì không.
Source:SIR
 
Ba Lan tuần hành bảo vệ Đức Gioan Phaolô II chống lại các cáo buộc che đậy lạm dụng
Đặng Tự Do
05:13 04/04/2023


Hàng ngàn người Ba Lan tham gia tuần hành hôm Chúa Nhật để bảo vệ Đức cố Giáo Hoàng, Thánh Gioan Phaolô II, sau khi một bộ phim tài liệu truyền hình cáo buộc rằng ngài che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ em liên quan đến các giáo sĩ ở quê hương Ba Lan trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng.

Các cuộc tuần hành diễn ra ở Warsaw và các thành phố khác nhân kỷ niệm 18 năm ngày mất của Đức Gioan Phaolô. Cuộc tuần hành lớn nhất, được tổ chức tại Warsaw, với khẩu hiệu: “Ngài đã thức tỉnh chúng con, chúng con sẽ bảo vệ ngài”.

Những người tham gia đã cầu nguyện trước khi diễu hành phía sau thánh tích của Đức Gioan Phaolô ở thủ đô, dẫn đầu là chiếc xe giáo hoàng mà Đức Gioan Phaolô đã sử dụng trong các chuyến viếng thăm Ba Lan. Một số người tuần hành mang theo ảnh của Đức Gioan Phaolô II. Vì ngày kỷ niệm rơi vào Chúa Nhật Lễ Lá, nên họ cũng mang theo những các cành lá được dùng trong ngày lễ lá.

Bộ phim tài liệu điều tra được phát sóng vào tháng trước bởi TVN, một đài truyền hình độc lập thường chỉ trích chính phủ bảo thủ của Ba Lan. Nó trùng hợp với việc xuất bản cuốn sách có tên “Maxima Culpa” của một nhà báo người Hà Lan, Ekke Overbeek, cáo buộc rằng Đức Gioan Phaolô II đã không giải quyết đến nơi đến chốn các trường hợp giáo sĩ lạm dụng trước khi trở thành giáo hoàng.

Nhiều người Công giáo Ba Lan coi đó là một cuộc tấn công vào di sản của một người được tôn kính ở Ba Lan như một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử quốc gia và cũng được người Công giáo trên toàn thế giới tôn kính như một vị thánh nhờ vào việc phong thánh nhanh chóng của Vatican sau khi ngài qua đời năm 2005.

Vấn đề đã mang tính chính trị ở Ba Lan, đặc biệt kể từ khi nước này chuẩn bị có một cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu.

Chính phủ đã gọi bộ phim tài liệu là một cuộc tấn công vào bản sắc và lý tưởng của quốc gia bởi phe đối lập chính trị tự do. Đó là quan điểm gây được tiếng vang ở một quốc gia mà đa số vẫn coi Đức Gioan Phaolô II là một người có thẩm quyền về mặt đạo đức, và đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền đã nhận được sự ủng hộ rõ ràng khi các nhà lãnh đạo của đảng này vận động tranh cử.

Theo đài truyền hình thương mại Polsat News, một số quan chức hàng đầu đã tham gia tuần hành, bao gồm cả bộ trưởng quốc phòng và người đứng đầu tòa án hiến pháp.

Các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy đảng này là đảng được yêu thích nhất trong cả nước, với số lượng đông đảo như khi Luật pháp và Công lý lần đầu tiên giành được quyền điều hành chính phủ cách đây 8 năm.

Tại Warsaw, một số người tuần hành mang cờ quốc gia Ba Lan và cờ của Công đoàn Đoàn kết, phong trào công đoàn và tự do được Đức Gioan Phaolô thành lập sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 1978 và đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Âu một thập kỷ sau đó.

Một cặp vợ chồng tham gia cuộc tuần hành, Eleonora và Stanislaw Sochal, cho biết họ rất tức giận với TVN vì đã sản xuất một bộ phim tài liệu mà họ coi là phỉ báng Đức cố Giáo Hoàng.

Họ nhớ chủ nghĩa cộng sản là thời kỳ đen tối khi quốc gia bị Liên Xô kiểm soát và mô tả Đức Gioan Phaolô II là người đã truyền cảm hứng cho cuộc kháng chiến dẫn đến việc đất nước giành lại chủ quyền và tự do.

“TVN vu khống chính quyền của chúng ta. Nó phỉ báng Đức Gioan Phaolô và nó phỉ báng tất cả các giá trị của chúng ta,” bà Eleonora Sochal, 76 tuổi, nói.

Giữa cuộc tranh luận đầy xúc động về di sản của Đức Gioan Phaolô, một bức tượng của cố giáo hoàng đã bị phá hoại trong đêm ở trung tâm thành phố Lodz. Ai đó đã sơn tượng đài bằng sơn đỏ và vàng và dòng chữ “Maxima Culpa”.

Bộ trưởng Ngoại giao Zbigniew Rau, người đã đến thăm tác phẩm điêu khắc vào sáng Chúa Nhật, đã gọi hành động phá hoại này là một “hành động đê hèn” và là một yếu tố được tổ chức của chiến tranh hỗn hợp.

Rau nói: “Đó là về chia rẽ xã hội, tấn công những đường nét cơ bản nhất trong bản sắc của chúng ta.”

Ông không đề xuất thủ phạm có thể là ai, nhưng khi chính quyền Ba Lan nói về chiến tranh hỗn hợp, họ thường đề cập đến những nỗ lực bị cáo buộc của Nga nhằm gieo rắc bất hòa và mất lòng tin ở Ba Lan.

Các nhà chức trách Ba Lan cũng đánh dấu lễ kỷ niệm bằng cách cung cấp cho hành khách trên một số tuyến đường sắt nhà nước những chiếc bánh ngọt nhân kem miễn phí mà ngày nay nổi tiếng vì Đức Gioan Phaolô II rất thích những chiếc bánh này.


Source:AP
 
Thứ Năm Tuần Thánh: Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ rửa chân tại trại giam vị thành niên
Đặng Tự Do
05:14 04/04/2023


Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, với nghi thức “rửa chân”, tại Trung tâm giam giữ các tội hình sự dành cho Trẻ vị thành niên Casal del Marmo, ngoại ô thủ đô Ý, nơi ngài đã chủ sự buổi cử hành tương tự vào năm 2013.

Thông báo đã được Vatican đưa ra hôm nay, vài ngày sau khi Đức Phanxicô xuất viện. Ngài đã phải nhập viện hôm thứ Tư tuần trước tại Bệnh viện Gemelli, ở Rome, vì bệnh viêm phế quản cấp tính.

Kể từ đầu triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã chọn cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, khai mạc Tam Nhật Thánh Phục Sinh, ở những nơi mang tính biểu tượng, liên quan đến đau khổ của con người, chẳng hạn như nhà tù, trung tâm tị nạn hoặc cơ sở y tế.

Thánh lễ Tiệc Ly ngày 6 tháng 4 sẽ diễn ra một cách riêng tư tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên đã đón tiếp Đức Giáo hoàng vào năm 2013, hai tuần sau cuộc bầu cử giáo hoàng.

Lần đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ngạc nhiên khi rửa chân cho 10 thanh niên và hai phụ nữ trẻ thuộc các quốc tịch khác nhau và các niềm tin tôn giáo khác nhau.

Trước đại dịch, Đức Phanxicô luôn cử hành Thứ Năm Tuần Thánh bên ngoài Vatican: qua năm lần cử hành thánh lễ Tiệc Ly trong tù – 2019, 2018, 2017, 2015 và 2013, ngài đã rửa chân cho những người thuộc nhiều quốc tịch và niềm tin tôn giáo khác nhau. Ngài cũng đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly tại một trung tâm tiếp nhận người tị nạn, năm 2016; và tại một trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật và người già, vào năm 2014.

Covid-19 buộc giáo hoàng cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào năm 2020, vinh danh các linh mục đã qua đời vì dịch bệnh; vào năm 2021, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ Tiệc ly với Hồng Y Angelo Becciu, cộng tác viên cũ của ngài, người vào năm 2020 đã từ chức khỏi Bộ Phong thánh và từ bỏ các quyền gắn liền với chức vụ Hồng Y.

Ngay trong năm 2022, Đức Phanxicô đã tiếp tục truyền thống và đến nhà tù Civitavecchia, ngoại ô Rôma.


Source:agencia.ecclesia.pt
 
Bẩy huyền thoại dai dẳng về thần học của Henri de Lubac
Vu Van An
15:02 04/04/2023

Sara Hulse Kirby, ngày 23 tháng 3, 2023, trên trang mạng https://churchlifejournal.nd.edu/articles/seven-myths-about-henri-de-lubacs-theology của Đại Học Notre Dame, đã có bài viết về Bẩy huyền thoại dai dẳng về nền thần học của Henri de Lubac, người vừa được Hội Đồng Giám Mục Pháp quyết định mở án phong chân phúc:



Từ chỗ chỉ là mối quan tâm hạn chế của các nhà Tân kinh viện vào giữa thế kỷ 20, thuyết dị giáo được cho là của Henri de Lubac (1896–1991) và các nhà thần học về nguồn [ressourcement] khác đã trở thành tiếng kêu gọi tập hợp của những người tự xưng theo chủ nghĩa truyền thống vào thế kỷ 21. Mặc dù được Giáo hội phẩm trật chấp nhận, các khía cạnh trong đời sống và tư tưởng của vị Hồng Y người Pháp này vẫn bị những người chỉ trích ngài cũng như nhiều người coi ngài là đồng minh hiểu lầm. Bảy huyền thoại sau đây vừa phổ biến vừa nghiêm trọng.

De Lubac và những ý tưởng của ngài về tự nhiên và ân sủng đã bị lên án trong thông điệp Humani Generis

Trong thông điệp Humani Generis năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên bố, “Những người khác phá hủy tính nhưng không của trật tự siêu nhiên, vì họ nói rằng Thiên Chúa không thể tạo ra những hữu thể trí thức nếu không ra lệnh và kêu gọi họ đến với thị kiến vinh phúc” (§26). Vào thời điểm công bố thông điệp, một số người, bao gồm cả các bề trên dòng Tên của de Lubac, tin rằng thần học của de Lubac về tự nhiên và ân sủng có liên quan đến nó, vì de Lubac cho rằng con người được mời gọi đến với thị kiến vinh phúc. Ngày nay, ấn tượng đó vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, de Lubac lại khẳng định ngược lại và bằng chứng của ngài rất thuyết phục.[1]

Trong một cuộc phỏng vấn cuối đời với Đức Hồng Y Angelo Scola, khi được hỏi về đoạn văn trong Humani Generis , de Lubac khẳng định, “Không hề có bất cứ lời quở trách nào... đoạn văn mượn một câu của tôi để diễn đạt tín lý chân chính.”[2] Câu này có ý nói đến bài tiểu luận năm 1949 của de Lubac, “Mầu nhiệm của siêu nhiên.” (3) Ở đấy, một năm trước khi Humani Generis được công bố, de Lubac viết, “[Nếu] Thiên Chúa muốn... Người có thể không kêu gọi hữu thể, mà Người đã ban cho chúng ta, được thấy Người”. Nói cách khác, Thiên Chúa có thể đã tạo ra các hữu thể trí thức mà không cần kêu gọi họ đến với thị kiến vinh phúc — chính là điểm được Đức Piô XII đưa ra vào năm sau.

Luận điểm bao quát của de Lubac là trên thực tế, Thiên Chúa kêu gọi con người đến với thị kiến vinh phúc, và lời kêu gọi này cấu thành bản chất con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bắt buộc phải gọi chúng ta như vậy; và de Lubac làm rõ điều này ngay cả trước khi ban hành thông điệp. De Lubac lặp lại lập trường của mình về sự tự do của Thiên Chúa vào năm 1965.[4] Trong khi một số người cho rằng cuốn sách năm 1965 là một nỗ lực nhằm sửa đổi quan điểm trước đó của ngài về Humani Generis , thì rõ ràng là de Lubac đã dự đoán về Humani Generis từ năm 1949. Do đó, thông điệp không thể lên án quan điểm của ngài.

De Lubac bị Giáo hội khiến phải im lặng do hậu quả của thông điệp Humani Generis

Những người gièm pha de Lubac, cũng như một số lượng đáng ngạc nhiên những người bảo vệ ngài, cho rằng ngài đã bị Giáo Hội làm cho im lặng do bị cáo buộc lên án ở HG. Trên thực tế, hai tháng trước khi ban hành Humani Generis , de Lubac đã bị các bề trên Dòng Tên yêu cầu thôi dạy tại trường thần học Lyon-Fourvière.[5] Chỉ thị này không phải từ phẩm trật Giáo hội mà từ dòng tu của ngài. Ngài nhắc lại rằng cả Đức Giáo Hoàng Piô XII “cũng như bất cứ cơ quan hợp pháp nào khác của Giáo hội cũng không bao giờ từng có bất cứ hành động nào chống lại tôi.”[6]

Theo de Lubac, các tu sĩ Dòng Tên không bao giờ nói rõ lý do sa thải ngài.[7] Có lẽ, nó liên quan đến một bài báo của Cha Réginald Garrigou-Lagrange, Dòng Đaminh, cáo buộc các giảng viên tại trường Lyon-Fourvière thực hiện nền thần học mới—một lời buộc tội mà de Lubac kịch liệt phủ nhận (xem huyền thoại #7). Sau khi Humani Generis được công bố, cấp trên của ngài tiếp tục cấm ngài xuất bản về thần học Công Giáo và rút sách của ngài khỏi các thư viện Dòng Tên vì họ sợ rằng ngài có liên quan đến thông điệp.[8]

Chính một thành viên của phẩm trật, Đức Hồng Y Gerlier, người đã bênh vực de Lubac trước Dòng Tên.[9] Đức Hồng Y Gerlier đã đi xa đến mức chọn de Lubac làm cố vấn thần học cho ngài vào năm 1951 để phục hồi danh tiếng cho ngài.[10] Nhờ sự can thiệp của Đức Hồng Y Gerlier, vào năm 1953, các tu sĩ Dòng Tên đã cho phép de Lubac giảng dạy trở lại, mặc dù không phải về các vấn đề thần học Công Giáo, và không thường xuyên.[11] Ngài cũng được phép xuất bản cuốn Méditation sur l’Eglise [Suy niệm về Giáo Hội] trong cùng năm.

Năm 1958, de Lubac đã gửi một số sách của ngài cho Đức Giáo Hoàng Piô XII, bao gồm Sur les Chemins de Dieu [Trên Các Nẻo Đường Thiên Chúa], Méditation sur l'Eglise, và các tác phẩm của ngài về Phật giáo. Đức Piô XII đã nhiệt tình tiếp nhận chúng. Trong một lá thư gửi cho de Lubac, cha giải tội của Đức Giáo Hoàng, Augustin Bea, viết, “Đức Thánh Cha yêu cầu tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ngài và nói với cha rằng ngài mong đợi nhiều hơn nữa từ những tài năng mà Chúa đã ban cho cha vì lợi ích của Giáo hội. Ngài hết lòng chúc phúc cho bản thân cha, đặc biệt là sức khỏe của cha, và cho tất cả các công việc của cha, và ngài khuyến khích cha tiếp tục với niềm tin tưởng mạnh mẽ vào hoạt động khoa học của mình, từ đó hứa hẹn nhiều hoa trái cho Giáo hội.”[12]

Năm 1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm de Lubac vào ủy ban chuẩn bị thần học cho Vatican II, nơi ngài tiếp tục phục vụ trong tư cách chuyên viên cho một số giám mục, trong đó có Karol Wojtyła. Wojtyła trở thành một người bạn thân và vào năm 1983, trong tư cách Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã nâng de Lubac lên hàng Hồng Y.

De Lubac tin rằng Tự nhiên được ban tặng ân sủng một cách tự nhiên (Hoặc, ân sủng đó thuộc về cấu trúc của bản chất con người đúng nghĩa)

Như Susan K. Wood đã phát biểu, câu hỏi được đặt ra là “liệu ân sủng có thể được coi là một cấu trúc của sáng thế hay không.” (13) Câu trả lời của de Lubac là “không” một cách rõ ràng: ân sủng không phải là thành phần của sáng thế cũng như cấu trúc của bản chất con người đúng nghĩa. De Lubac mô tả tự nhiên và ân sủng như hai hồng phúc, với hồng phúc thứ hai “hoàn toàn khác biệt” với “hồng phúc đầu tiên là sáng thế.”[14] Dù lời kêu gọi hưởng thị kiến vinh phúc được tạc ghi trong bản chất con người, đến độ trái tim con người luôn khắc khoải khát mong Thiên Chúa, việc nên trọn của lời kêu gọi này không nằm trong tự nhiên, cũng như không có các phương tiện để đạt được nó. Cấu trúc của Tự nhiên là nghịch lý: nó chỉ có thể nhận được mục đích cuối cùng của mình thông qua Đấng khác, Đấng ban tặng nó một cách miễn phí.

De Lubac nhấn mạnh rằng mục đích siêu nhiên không làm cho bản chất con người trở nên siêu nhiên, cũng không nối kết bản chất tự nhiên với ân sủng. Ngài tuyên bố,

“Sự kiện bản chất của hữu thể thiêng liêng, khi nó thực sự hiện hữu, không được quan niệm như một trật tự nhằm cuối cùng sẽ khép kín vào chính nó, mà theo một nghĩa nào đó mở ra cho một mục đích có tính siêu nhiên không thể tránh khỏi, không có nghĩa là nó đã có sẵn trong chính nó, hoặc như một phần cơ sở của nó, yếu tố siêu nhiên tích cực nhỏ nhất. Điều đó không có nghĩa là bản chất này, ‘trong tư cách bản chất và do bản chất,’ được nâng cao.” [15]

Theo mô hình của de Lubac, tự nhiên mang trong mình sự sẵn sàng đón nhận ân sủng mà không thực sự được ban ân sủng. Ân sủng là một thực tại hoàn toàn mới trong tương quan với bản chất con người; tự nhiên khao khát điều mà nó chưa có.

Thành thử, de Lubac mô tả quá trình đi từ tự nhiên đến siêu nhiên như sau:

“Vấn đề không phải là chuyển sang một mức độ mới trong cùng một trật tự... Đó là sự gián đoạn của một nguyên tắc hoàn toàn khác. Sự mở ra đột ngột của một loại chiều kích thứ tư, không có bất cứ tỷ lệ nào đối với tất cả các tiến bộ được cung cấp trong các chiều tự nhiên. Một ‘sự sáng tạo mới’, sự sáng tạo của một ‘trái tim mới’”[16].

Siêu nhiên đáp ứng mong muốn của tự nhiên mà không phải là thành quả tự nhiên của tự nhiên.

Cuộc tranh cãi về lập trường của de Lubac bắt nguồn từ sự tán thành của Tân kinh viện đối với châm ngôn của Aristốt cho rằng mục đích của một bản chất tương ứng với điều một sự vật là và nằm trong khả năng đạt được của bản chất đó. Vì vậy, mục đích của một con voi là trở thành một con voi tốt, và những con voi có thể đạt được mục đích đó mà không cần sự trợ giúp siêu nhiên. Trên cơ sở này, người ta lý luận: cho rằng bản chất con người có mục đích siêu nhiên, như de Lubac đã làm, sẽ có nghĩa là khẳng định rằng bản chất con người là siêu nhiên. Do đó, những người theo mô hình của Aristotle kết luận rằng de Lubac quan niệm bản chất con người có ân sủng.

Mặc dù de Lubac chấp nhận tiên đề của Aristốt liên quan đến các bản chất khác, ngài bác bỏ việc áp nó vào bản chất con người. Bản chất con người là một trường hợp đặc biệt bao lâu nó là bản chất thiêng liêng và là hình ảnh của Thiên Chúa. Vị thế của bản chất như một hình ảnh với lời kêu gọi tham gia vào họa ảnh của Thiên Chúa không được Aristốt biết đến. Tuy nhiên, chúng ta, những người được hưởng sự mặc khải, nên kết hợp nó vào nhân học của chúng ta.

Trên cơ sở dữ kiện mặc khải, de Lubac lập luận rằng tự nhiên không có mục đích cuối cùng của nó trong chính nó mà là ở trong Thiên Chúa. Tuy nhiên, mục đích của tự nhiên trong Thiên Chúa không làm cho tự nhiên trở nên siêu nhiên. Cấu trúc của tự nhiên thật nghịch lý: nó khao khát điều chỉ có thể được ban tặng như một hồng ân miễn phí.

De Lubac phủ nhận mục đích tự nhiên của bản chất con người

Nhiều nhà phê bình de Lubac (và không ít bạn đồng hành của ngài) cho rằng de Lubac chỉ khẳng định mục đích siêu nhiên của bản chất con người, nhưng phủ nhận mục đích tự nhiên của nó. Bản thân De Lubac đôi khi đưa ra ấn tượng này, giống như khi ngài tuyên bố, “Chỉ có một mục đích duy nhất, và do đó, tôi mang trong mình, dù cố ý hay không, một 'mong muốn tự nhiên' về nó.”[17] Tuy nhiên, khi giải thích chi tiết về nó, de Lubac khẳng định vấn đề này có hai mục đích, tự nhiên và siêu nhiên. Ngài viết, “Hạnh phúc,” cùng đích của con người, “có hai mặt: thứ nhất là 'tự nhiên' và thứ hai là 'siêu nhiên'."[18] Hạnh phúc tự nhiên là không hoàn hảo trong khi hạnh phúc siêu nhiên là hoàn hảo; nhưng cả hai đều là cứu cánh của con người.

Mục đích tự nhiên của con người “không cần [điều siêu nhiên] để hoàn thành nó một cách tự nhiên,”[19] vì hạnh phúc tự nhiên nằm trong khả năng của bản chất con người đạt được bằng chính sức mạnh của mình. Mặt khác, con người chỉ có thể đạt được mục đích siêu nhiên nhờ ân sủng. Ngài giải thích, “Theo một nghĩa nào đó, đó là vấn đề của con người với hai mục đích: một là tương xứng với bản chất được tạo ra của họ và họ có thể tự mình đạt được; cái mục đích kia vượt quá mọi tỷ lệ và hệ ở sự sống vĩnh cửu.”[20] Mục đích siêu nhiên không phải là thành quả tự nhiên của tự nhiên và cũng không thể đạt được bằng năng lực bẩm sinh của con người. Mặc dù de Lubac tuyên bố rằng siêu nhiên là mục đích thực sự của tự nhiên đúng nghĩa, nhưng nó độc đáo so với tất cả các mục đích khác, bao lâu con người không thể tự mình đạt được siêu nhiên.

Như Nicholas J. Healy nhận xét, cả de Lubac lẫn những người đối thoại với bản chất thuần túy của ngài đều thừa nhận một mục đích tự nhiên. Sự khác biệt là sức nặng mà mỗi người gán cho nó. “De Lubac... nhấn mạnh tính không đầy đủ hoặc tính áp chót của “hạnh phúc tự nhiên” trong khi những người đối thoại của ngài... nhấn mạnh rằng mục đích tự nhiên thực sự là mục đích cuối cùng theo trật tự riêng của nó.” [21] De Lubac nhấn mạnh đến đặc tính đệ nhị đẳng của mục đích tự nhiên, nghĩa là, cách trong đó hạnh phúc tự nhiên chuẩn bị cho việc chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.

Khi không nhấn mạnh đến hạnh phúc tự nhiên, de Lubac đã đẩy lùi chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa thế tục đang thịnh hành của nước Pháp thời hậu chiến. Theo ngài, cuộc khủng hoảng đương thời không phải là sự phủ nhận các mục đích tự nhiên, mà là việc bị tri nhận là không liên quan của siêu nhiên đối với con người tự nhiên và cuộc sống bình thường. Sự nhấn mạnh một chiều của ngài vào mục đích siêu nhiên được minh giải dựa trên bối cảnh đó.

De Lubac hạ thấp Phép Thánh Thể để nhấn mạnh đến sự hiệp thông của các tín hữu.

Trong Corpus Mysticum (Nhiệm Thể] (1944), de Lubac minh họa rằng trong Giáo hội sơ khai, sự hiệp thông bí tích và sự hiệp thông giáo hội được coi là liên kết với nhau. Đối với các Giáo phụ, “sự hiệp thông bí tích (sự hiệp thông trong Mình và Máu) luôn đồng thời là sự hiệp thông giáo hội (sự hiệp thông bên trong Giáo hội, của Giáo hội, vì Giáo hội).”[22] Thánh Thể làm nên Giáo hội, khi các tín hữu trở thành những gì họ ăn. Bí tích Thánh Thể “tương ứng với Giáo hội như nguyên nhân tương ứng với hậu quả, phương tiện với mục đích, dấu hiệu với thực tại.” [23] Mặc dù Giáo hội tạo ra Bí tích Thánh Thể qua các linh mục của mình, nhưng Bí tích Thánh Thể, theo một nghĩa rất thực chất, sản sinh ra Giáo hội, bao lâu sự hiệp thông giáo hội là hiệu quả của sự hiệp thông bí tích.

De Lubac tuyên bố rằng trong thời hiện đại, mối liên kết giữa hiệp thông bí tích và hiệp thông giáo hội đã mất đi do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý trong thần học. Tập chú chuyển sang vấn đề liệu Thánh Thể có thực sự là Mình Chúa Kitô hay không—thân thể ngược với biểu tượng. Mặc dù de Lubac khẳng định rằng Bí tích Thánh Thể là Sự Hiện diện Thực sự, nhưng ngài nghĩ rằng Bí tích Thánh Thể phải được nhìn theo mối tương quan qua lại của nó với Thân thể ba phần (lịch sử, bí tích, giáo hội) của Chúa Kitô.

Thật không may, tuyên bố của de Lubac đã bị hiểu sai. Một số người đã coi nghiên cứu lịch sử của ngài về mối tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và Giáo hội như một sự tán thành về một Giáo hội coi các Bí tích không quan trọng và Sự Hiện diện Thực sự không quan hệ. Lời buộc tội đó không những không áp dụng cho de Lubac mà chính ngài còn thực sự chỉ trích một cách rõ ràng quan điểm như vậy nữa. Thí dụ, vào năm 1972, ngài viết rằng nếu không có các Bí tích,

“việc cử hành phụng vụ sẽ trở thành không gì khác hơn một cộng đồng gồm những người tập hợp lại, tự cho mình cách diễn đạt riêng của mình để thông qua nó, thực tại của nó sẽ được cấu thành: như thể việc cử hành chỉ bắt nguồn từ bên trong cộng đoàn và như thể mục đích duy nhất của nó là cho phép cộng đồng nhận thức được chính bản thân mình như vậy. Sẽ không còn gì nữa để được ‘ban cho từ trên cao’” [24].

Thân thể của Chúa Kitô sẽ không như vậy nếu không có Chúa Kitô, và Chúa Kitô được ban cho các tín hữu qua Bí tích Thánh Thể. Không có Thân thể bí tích thì không có Thân thể Giáo hội. Bằng một ngôn ngữ chắc chắn, de Lubac đề cao tầm quan trọng của các Bí tích đối với giáo hội học.

De Lubac rất nhiệt tình đối với Joachim thành Fiore và đề xuất ý tưởng của vị này.

Huyền thoại này lan truyền trong thế giới nói tiếng Anh có lẽ là do tác phẩm hai tập của de Lubac (1979, 1981) về vị đan viện trưởng thế kỷ 12, Joachim thành Fiore, cho đến nay vẫn chưa được phiên dịch. Tuy nhiên, ngay khi người ta đọc tác phẩm này, rõ ràng là huyền thoại sai sự thật. De Lubac không tán thành nhà tư tưởng thời trung cổ, nhưng viết về vị này vì ngài tin rằng chủ nghĩa Joachim là một “mối nguy hiểm cấp bách.”[25]

Như Patrick X. Gardner giải thích, chủ nghĩa Joachim, đối với de Lubac, biểu thị một chủ nghĩa nội tại [immanentism]“có xu hướng giản lược Giáo hội vào thế giới, Vương quốc của Thiên Chúa vào những điều không tưởng của xã hội, và siêu nhiên vào lĩnh vực thế tục.”[26] Nó hiện diện trong xã hội không tưởng của Comte, tôn giáo của Marx về người lao động, và việc Thiên Chúa tan hòa vào thế giới của Hegel. Hơn nữa, nó hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa nội tại trong Giáo hội, chịu ảnh hưởng của Marx và Hegel.

Động lực của De Lubac đối với công trình nói về Joachim không phải là để truyền bá ý tưởng của vị này, mà là để cảnh báo về khuôn mẫu tư tưởng của vị này, điều mà de Lubac coi là đang gây ảnh hưởng nguy hiểm trong Giáo hội hậu công đồng. Một cách chuyên biệt, ngài thấy nó được phản ảnh trong ý tưởng của Edward Schillebeeckx về Giáo hội như “bí tích của thế giới”[27] và trong một số (không phải tất cả) hình thức thần học giải phóng vốn san bằng sự khác biệt giữa tiến bộ thiêng liêng và thế tục. De Lubac nhấn mạnh rằng sự khác biệt giữa tự nhiên và ân sủng, cũng như thời gian và vĩnh cửu, phải được duy trì - một sự khác biệt mà chủ nghĩa Joachim làm suy yếu.

De Lubac đang cố gắng thực hiện nền thần học mới

Thuật ngữ “thần học mới” không phải do de Lubac đặt ra—mặc dù nó thường được áp dụng vào ngài—mà bởi Pietro Parente vào năm 1942 để chỉ trích các tu sĩ Đa Minh người Pháp là Marie-Dominique Chenu và Louis Charlier.[28] Năm 1946, Réginald Garrigou-Lagrange áp dụng thuật ngữ này cho trường thần học Lyon-Fourvière của Dòng Tên, trong đó de Lubac là một thành phần.[29] Vì vậy, một số người cho rằng thuật ngữ này được áp dụng cho de Lubac trong tư cách một giảng viên của Fourvière. De Lubac bác bỏ thuật ngữ này. Ngài viết:

“Tôi không thích lắm khi người ta nói về một ‘nền thần học mới,’ có ý chỉ về tôi; tôi chưa bao giờ sử dụng cách diễn đạt này, và tôi ghét nó. Ngược lại, tôi đã luôn tìm cách làm cho Truyền thống của Giáo hội được biết đến, theo những gì nó mang lại tính phổ quát nhất và ít chịu sự thay đổi của thời gian nhất. ‘Nền thần học mới’ là một thuật ngữ luận chiến... mà hầu hết thời gian không có ý nghĩa gì, chỉ phục vụ để gây nghi ngờ cho tác giả trong tâm trí của những người không xem xét kỹ hơn về nó”.[30]

Như ngài thấy nó, de Lubac không phát minh ra nền thần học mới mà là khám phá lại truyền thống. Thật vậy, lời phê bình của ngài đối với Chủ nghĩa tân kinh viện, đặc biệt là lý thuyết về bản chất thuần túy của nó, cho rằng đó là thần học mới — một cuộc phiêu lưu hiện đại không trung thành với công trình của Thánh Tôma Aquinô và truyền thống Công Giáo.

De Lubac mô tả lực đẩy căn bản trong công trình thần học của mình như sau: “Không cho rằng mình mở ra những nẻo đường tư tưởng mới, tôi đã tìm cách, không có bất cứ tính thích đồ cổ nào, làm cho một số lĩnh vực lớn và chung của truyền thống Công Giáo được biết đến. Tôi muốn làm cho nó được yêu thích, để cho thấy tính phong phú luôn hiện hữu của nó.”[31] Mục đích thần học của De Lubac không phải là thần học mới, mà là sự tái tạo: sự trở về nguồn gốc của truyền thống Công Giáo, nguồn gốc đã bị bỏ rơi trong thời kỳ hiện đại, theo quan điểm của de Lubac.

Nhìn chung, de Lubac đã ảnh hưởng không thể chối cãi đến Công đồng Vatican II và thần học thế kỷ XX. Mặc dù một số khía cạnh trong suy nghĩ của ngài cần được làm sáng tỏ, nhưng việc vội vàng bác bỏ ý tưởng của ngài mà không đọc kỹ chúng là không có cơ sở. Trong thời đại mà một số người Công Giáo nghi ngờ tính hợp lệ của Công đồng Vatican II, thì việc vội vàng bác bỏ suy nghĩ về một trong những nguồn gốc của nó có nguy cơ xác nhận sự nghi ngờ này. Một nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc đời và công việc của de Lubac cho thấy rằng ngài thực sự là một người con trung thành của Giáo hội, với sứ mệnh cả đời là làm cho đức tin được biết đến và yêu mến.

[1] Muốn có một giải thích thấu đáo về việc tuyên bố của de Lubac là đúng như thế nào, hãy xem Nicholas E. Lombardo, O.P., “What God Cannot Do: Divine Power, the Gratuity of Grace, and Henri de Lubac,” [Điều Thiên Chúa không thể làm: Quyền năng Thiên Chúa, tính Nhưng không của Ân sủng, và Henri de Lubac] Modern Theology 37, no. 1 (tháng 1 năm 2021): 114–38.

[2] Henri de Lubac and Angelo Scola, A Theoloian Speaks [Một Nhà Thần học lên tiếng] (Los Angeles, CA: Twin Circle Publishing, 1985), 4. De Lubac khẳng định lại niềm tin của mình về đoạn Humani Generis trong Letters of Étienne Gilson to Henri de Lubac: With Commentary by Henri de Lubac [Các Lá thư của Étienne Gilson gửi Henri de Lubac: với nhận định của Henri de Lubac](San Francisco: Ignatius Press, 1988), 99 và trong Henri de Lubac, At the Service of the Church: Henri de Lubac Reflects on the Circumstances that Occasioned his Writings [Henri de Lubac phục vụ Giáo Hội: Henri de Lubac suy tư về các hoàn cảnh làm dịp cho các bài viết của ngài], bản tiếng Anh của Anne Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1993), 71.

[3] Henri de Lubac, “The Mystery of the Supernatural,” [Mầu nhiệm Siêu nhiên] trong Theology in History [Thần học trong Lịch sử], bản tiếng Anh của Anne Englund Nash (San Francisco: Ignatius Press, 1996), 281–316; thoạt đầu được xuất bản trong Recherches de science religieuse [Các nghiên cứu về khoa học tôn giáo] (1949): 80–121.

[4] “Chúa đã không... hề buộc phải định cho chúng ta được hưởng 'hạnh phúc đích thực và hoàn hảo' vốn chỉ được thể hiện khi được thấy Người. Không có loại ràng buộc hay sự nhất thiết nào, dù là bên trong hay bên ngoài, tinh thần' hay 'tự nhiên'—hoặc theo thuật ngữ của một nhà thần học hiện đại 'pháp lý' hay 'hữu thể học'—bắt buộc ý chí thần linh.”[4] Trong một chú thích, ngài viết tiếp, “Thật sai lầm xiết bao khi nói rằng 'Chúa không thể sáng tạo', và càng sai lầm hơn khi nói rằng 'Chúa không thể tạo ra những hữu thể được phú bẩm trí hiểu mà không sắp xếp và mời gọi họ đến hưởng thị kiến vinh phúc’” (Henri de Lubac, The Mystery of the Supernatural, bản tiếng Anh của Rosemary Sheed (New York: Herder and Herder, 2016), 80, n. 8).

[5] Xem Rudolf Voderholzer, Meet Henri de Lubac: His Life and Work [Gặp Henri de Lubac: Đời sống và công trình của ngài], bản tiếng Anh của Michael J. Miller (San Francisco: Ignatius Press, 2008), 70.

[6] De Lubac, A Theologian Speaks [Một nhà thần học lên tiếng], 4.

[7] De Lubac suy tư, “Trong toàn bộ sự việc... Tôi chưa bao giờ bị thẩm vấn, tôi chưa bao giờ có một cuộc trò chuyện nào về gốc rễ của vấn đề với bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào của Giáo hội ở Rôma hoặc của Dòng. Không ai từng thông báo cho tôi bất cứ khoản tố cáo chính xác nào. … Chưa từng có ai yêu cầu tôi bất cứ điều gì giống như ‘rút lại’, giải thích hoặc quy phục đặc thù” (At the Service of the Church, 78).

[8] Sđd., 74.

[9] Sđd., 88.

[10] Voderholzer, Meet Henri de Lubac [Gặp Henri de Lubac], 75.

[11] Sđd., 76.

[12] De Lubac, At the Service of the Church [Phục vụ Giáo hội], 90.

[13] Susan K. Wood, “The Nature-Grace Problematic within Henri de Lubac’s Christological Paradox,” [Vấn đề Tự nhiên – Ân sủng trong Nghịch lý Kitô học của Henri de Lubac] Communio 19, số 3 (Mùa thu 1992): 397.

[14] De Lubac, Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm Siêu nhiên]299.

[15] Sđd., 31.

[16] De Lubac, Drama of Atheist Humanism [Bi kịch của Chủ Nghĩa Nhân bản Vô thần](San Francisco, Ignatius Press, 1995), 466. Nguyên bản tiếng Pháp xuất bản năm 1944.

[17] De Lubac, Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm siêu nhiên], 56.

[18] De Lubac, “Duplex Hominis Beatitudo,” [Phước hạnh kép của con người] Communio 35 (Mùa Đông 2008): 612; ban đầu được xuất bản dưới cùng tiêu đề trong Recherches de Science Religieuse [khoa học tôn giáo] 35 (1948): 290–99.

[19] De Lubac, The Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm siêu nhiên], 94.

[20] De Lubac, Augustinianism and Modern Theology [Chủ nghĩa Augustinô và Nền Thần học Hiện đại], bản tiếng Anh của Lancelot Sheppard (New York: Crossroad Publishing Company, 2000), 130. De Lubac giải thích lập trường của Soto, nhưng như thể đó là quan điểm của chính ngài. Bản gốc tiếng Pháp xuất bản năm 1965.

[21] Nicholas J. Healy, “Henri de Lubac on Nature and Grace: A Note on Some Recent Contributions to the Debate,” [Henri de Lubac về Tự nhiên và Ân sủng: Một Ghi nhận về Các Đóng góp gần đây vào cuộc tranh luận] Communio 35 (Mùa đông 2008): 551.

[22] Henri de Lubac, Corpus Mysticum: The Eucharist and the Church in the Middle Ages [Nhiệm thể: Thánh Thể và Giáo Hội thời Trung Cổ], bản tiếng Anh của Gemma Simmonds, Richard Price, và Christopher Stephens (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 2007), 21. Bản gốc tiếng Pháp xuất bản năm 1944.

[23] Sđd., 13.

[24] Henri de Lubac, “Sanctorum Communio” [hiệp thông các thánh] trong Theological Fragments [Những Mảnh Thần Học], bản tiếng Anh của Rebecca Howell Balisnki (San Francisco: Ignatius Press, 1989), 28. Tiểu luận gốc xuất bản năm 1972.

[25] De Lubac, At the Service of the Church [Phục vụ Giáo hội], 156.

[26] Patrick X. Gardner, Modern Pentecost: Henri de Lubac on Atheism and the Spiritual Posterity of Joachim of Fiore [Lễ Ngũ tuần Hiện đại: Henri de Lubac nói về Chủ nghĩa Vô thần và Hậu duệ Tinh thần của Joachim thành Fiore] (Ph.D. Diss., University of Notre Dame, 2015), 3.

[27] Edward Henri Schillebeeckx, Approches théologiques [các phương thức thần học] (Brussels và Paris: Editions du C.E.P., 1967), bộ 3, chương 2 tiết 1, điểm. 3: “L’Eglise Sacrament du monde.” [Giáo Hội bí tích của thế giới]

[28] Pietro Parente, “Nuove tensenze teologiche,” [xu hướng thần học mới] L’Osservatore Romano 9-10, tháng 2 năm 1942, 1.

[29] Réginald Garrigou-Lagrange, “La nouvelle théologie où va-t-elle?” [Nền thần học mới đi về đâu] Angelicum 23 (1946): 126–24.

[30] De Lubac, At the Service of the Church [Phục vụ Giáo hội], 361.

[31] Henri de Lubac, “Epilogue to Part Two: The Texture of a Work and its Unity” [Lời bạt cho Phần thứ hai: Kết cấu của một tác phẩm và sự thống nhất của nó] trong Theology in History [Thần học trong lịch sử], bản tiếng Anh của Anne Englund Nash (San Francisco: Ignatius Press, 1996), 599. Cũng xem de Lubac, At the Service of the Church[Phục vụ Giáo hội], 143.
 
Đức cha Sang Bình được thuyên chuyển về Thượng Hải, Tòa thánh chỉ được biết việc thuyên chuyển này từ truyền thông
Thanh Quảng sdb
16:57 04/04/2023
Đức cha Sang Bình được thuyên chuyển về Thượng Hải, Tòa thánh chỉ được biết việc thuyên chuyển này từ truyền thông

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ông Matteo Bruni cho biết Vị Giám mục được thuyên chuyển từ Giáo phận Hải Môn, mà “Tòa thánh chỉ được thông báo vài ngày trước về quyết định của chính quyền Trung Quốc. Hiện tại Tòa thánh không có tiếng nói gì!”.

(Tin Vatican)

Đức Giám Mục Sang Bình, cho đến nay là Giám mục Hải Môn, đã được nhận Giáo phận Thượng Hải, Trung Quốc, vào sáng nay. “Tòa Thánh đã được thông báo cách đây vài ngày về quyết định của chính quyền Trung Quốc” thuyên chuyển Đức Giám Mục Sang Bình và “được biết từ các phương tiện truyền thông về việc sắp xếp này”, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, cho biết trong một tuyên bố với báo giới. “Hiện tại”, ông nói thêm, “tôi không có gì để nói, không có ý kiến gì của Tòa thánh về vấn đề này”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày hạnh ngộ của Giới trẻ Giáo phận Xuân Lộc tại Gx. Thánh Tâm
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
08:50 04/04/2023
Ngày hạnh ngộ của Giới trẻ Giáo phận Xuân Lộc tại Gx. Thánh Tâm

Chiều Chúa Nhật Lễ Lá 02/04/2023, khoảng 3000 bạn trẻ của Xuân Lộc đã có ngày hạnh ngộ dành cho các bạn trong Ngày Quốc Tế Giới trẻ tại Vườn Vượt Qua, Giáo xứ Thánh Tâm, Hạt Hố Nai, một không gian thật rộng, thoáng, lý tưởng cho mọi hoạt động, lễ nghi của chương trình. Cuộc gặp gỡ đặc biệt hôm nay quy tụ các bạn trẻ đến từ cụm 4 (Giáo hạt Biên Hòa, Hố Nai, Hòa Thanh và Phú Thịnh) và các bạn trẻ trong ban trị sự các giáo xứ thuộc những cụm 1,2,3 là các giáo hạt khác trong Giáo phận. “Trỗi dậy đi- Đừng sợ!” là chủ đề của ngày gặp gỡ các bạn trẻ Xuân Lộc.

Xem Hình

Dù chương trình bắt đầu từ 14g30 với phần đón tiếp, nhưng từ khá sớm trước giờ chính thức, tại các ngã, ngỏ đường xung quanh khu vực Giáo xứ Thánh Tâm, các ban phục vụ của Giáo xứ đã chờ sẵn, không kể nắng nóng và cơn mưa rào đầu mùa bất chợt ập xuống, để ân cần đón, chỉ dẫn lối các bạn trẻ vào Vườn Vượt Qua, nơi diễn ra Chương trình.

Sau 30 phút của phần đón tiếp, giao lưu, sinh hoạt với những vũ điệu tập thể để bầu khí thêm sinh động và tăng thêm ý nghĩa, Cha Gioakim Phan Công Chính, Đặc trách Giới trẻ Giáo phận chính thức khai mạc chương trình trong tiếng vỗ tay của các bạn trẻ, khởi đầu cho một buổi hạnh ngộ ý nghĩa, dẫn các bạn dám sống như lời Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ “Hãy trỗi dậy. Đừng sợ!”

Liền tiếp sau đó, Cha Giuse Vũ Thế Toàn đã chia sẻ với các bạn trẻ về chủ đề như ban tổ chức đã chọn. Với sự dí dỏm và kinh nghiệm của một nhà thuyết giảng, Cha Giuse đã thu hút người trẻ, giúp các bạn nhìn sâu vào kinh nghiệm của chính các môn đệ (trước cuộc Khổ nạn của Chúa và sau khi Chúa Phục Sinh), và rồi của chính những người trẻ trong cuộc đời họ hôm nay. “Hãy trỗi dậy. Đừng sợ!” phải là ý lực sống của chính họ, phải là lúc đứng lên để can đảm sống với những gì Chúa muốn, làm cho cuộc đời người trẻ Công Giáo thêm ý nghĩa.

Phần giao lưu sinh hoạt bằng các vũ khúc do các bạn trẻ đến từ một số giáo xứ luôn tạo nên một bầu khí thật vui và đầy sức trẻ, bất chấp những hạt mưa đầu mùa rơi xuống, bởi không gian nơi ấy, chiều nay là của họ, tràn đầy khí thở của người trẻ của Chúa Kitô.

16g35, Nghi thức Cung nghinh và Suy tôn Thánh Giá do Cha Giuse Hà Đăng Định, Chánh xứ Thánh Tâm chủ sự. Với nghi thức Cung nghinh Thánh Giá từ cổng Vườn Vượt Qua lên đến lễ đài, cùng những suy niệm và cầu nguyện về Thánh Giá cứu độ mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã đón lấy, chắc rằng, ít nhiều đã đọng lại trong tâm hồn người trẻ tham dự một khát khao sống cho tình yêu như Thầy Giêsu, Đấng đã dùng thập giá để cứu độ nhân loại, xóa tan đi nỗi sợ hãi về thập giá, nhưng sẽ can đảm hơn để sống vì yêu, yêu Chúa và yêu tha nhân, yêu cho đến cùng.

Đỉnh cao của ngày gặp gỡ Giới trẻ chính là Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá do Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Giáo phận chủ sự với đoàn đồng tế gồm quý Cha Tổng Đại Diện, Cha Trưởng ban MVGT Giáo phận cũng như quý Cha Trưởng ban MVGT các Giáo hạt, Cha Giuse Thế Toàn, Cha Chánh Xứ và quý Cha Phó xứ Thánh Tâm.

Sau bài Thương Khó, trong bài giảng chia sẻ với cộng đoàn tham dự Thánh Lễ, đặc biệt với các bạn trẻ, Đức Cha Gioan đã mời gọi họ hãy tưởng tượng đang ở trong Vườn Cây Dầu, thị kiến cuộc Thương Khó của Chúa, để có được nhiều điều suy niệm. Đức Cha nói, với hành trình 40 ngày của Mùa Chay, và Tuần Thánh đang đến, mỗi người đã, đang chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng vừa là con người và là Thiên Chúa. Chính nơi Đức Giêsu, Chúa Cha trở nên hữu hình để con người được chiêm ngắm. Khi chiêm ngắm những cử chỉ, lời nói, hành động của Đức Giêsu nơi các Tin Mừng, các thánh ký cho thấy Đức Giêsu đã cùng khóc, cùng vui với những môn đệ, những người theo Ngài, yêu hết mọi người. Đức Cha chia sẻ, Đức Giêsu yêu từng người “và Ngài cũng quan tâm, yêu thương đến từng người các con.” Liền sau đó, Đức Cha đã suy niệm về bảy lời sau cùng của Chúa Giêsu khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập giá (x. Lc 23,34; Lc 23,43; Ga 19,26-27; Mt 27,46; Mc 15,34; Ga 19,28; Ga 19,30 và Lc 23,46).Nhắc đến từng lời của Đức Giêsu, Đức Cha chia sẻ rằng, tất cả những lời mà Ngài thốt ra, “từ trong cổ họng khô rát, từ trong tâm hồn đau khổ, từ một trái tim yêu thương”, đó là những lời chứa đầy cảm xút đặc biệt, những lời thật ý nghĩa, quan trọng để những ai theo Chúa suy niệm. Đức Cha chia sẻ rằng, tất cả bảy lời sau cùng này của Đức Giêsu đều cho thấy tâm hồn Ngài hướng tất cả về Chúa Cha, bởi Chúa Cha là nền tảng, là tình yêu bao trùm tất cả đời sống và sứ vụ của Chúa. Qua bảy lời đó, con người nhận ra Đức Giêsu luôn hướng tới tình yêu với Chúa Cha, tới Giáo Hội của Chúa (x. Ga 19,26-27). Những lời Đức Giêsu thốt ra trong những giờ phút đau khổ trên Thập giá, cho thấy “Ngài thật sự là con người. Nhờ vậy, chúng ta thấy được ý nghĩa của đau khổ”, và có đó con đường đến với Đức Giêsu. Cũng trong bảy lời đó, Đức Cha nói tiếp, cho chúng ta thấy rằng, cái chết không làm cho Ngài kinh sợ, không ngăn được tình yêu của Đức Giêsu hướng về Chúa Cha, tình yêu dành cho Giáo Hội, cho con người. “Hơn ai hết, khi mỗi bạn trẻ đang mang trong mình một trí khôn minh mẫn, một trái tim biết nhạy bén, hãy lắng nghe lời ĐTC Phanxicô khuyên các con “Hãy trỗi dậy! Đừng sợ!”

“Hãy trỗi dậy! Đừng sợ!”, Đức Cha nhấn mạnh, khi mà trong Mùa Chay họ, những người trẻ đã lãnh nhận được ơn Chúa, và nhận ra những yếu đuối của mình, “các con hãy trỗi dậy, để trong hành trình tiếp theo này, các con sẽ hoàn thành cuộc đời mình.” Ngài thêm, “Trỗi dậy” cũng là lời mời gọi đến với Đức Giêsu, là Lời. “Lời” đó cho biết Chúa Cha, “Lời” của quyền năng, “Lời” ban sự sống, “Lời” được đón nhận nơi mỗi Thánh Lễ, nơi Lời Chúa và Thánh Thể, là suối nguồn hồng ân ở trong tay từng người tín hữu mà ai cũng có thể có được. Kết thúc bài giảng, một lần nữa, Đức Cha Giáo phận mời gọi các bạn trẻ Giáo phận “Hãy cố gắng để trỗi dậy, đến với Chúa, và rồi, để được biến đổi nơi Chúa Giêsu".

Thánh Lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể trong ân phúc của Thiên Chúa xuống trên các bạn trẻ và cộng đoàn đang tham dự.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Anh Trưởng Ban Trị Sự Giới trẻ Giáo phận đã dâng lời cám ơn đến Đức Cha Giáo phận, Cha Tổng Đại Diện, Cha Đặc trách Giới Trẻ GP, cùng quý Cha đã yêu thương, hướng dẫn, quan tâm lo lắng về tinh thần và đời sống thiêng liêng cho người trẻ Giáo phận, cụ thể qua việc tổ chức ngày Hạnh ngộ đặc biệt trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá.

Trước khi đáp từ lại những lời cám ơn chân thành của biết bao người trẻ, Đức Cha Giáo phận đã cám ơn Cha Giuse Vũ Thế Toàn, vì đã đến chia sẻ với các bạn trẻ Xuân Lộc, và hy vọng, ngài sẽ tiếp tục đến gặp các bạn trẻ Xuân Lộc trong thời gian tới. Đức Cha còn ngỏ lời cám ơn Cha Trưởng ban MVGT Giáo phận, quý Cha Trưởng ban MVGT các Giáo hạt, vì đã lo lắng hướng dẫn các bạn trẻ. Ngài cũng cám ơn đặc biệt đến Cha Chánh Xứ Thánh Tâm đã sẵn sàng để lo cho việc chung của Giáo phận, cũng như lời cám ơn đến quý cha phó và các ban ngành của Giáo xứ Thánh Tâm đã phục vụ chu đáo ngày lễ của giới trẻ Xuân Lộc.

Và sau cùng, Đức Cha cầu chúc Ơn Phục Sinh, đỉnh cao của Tuần Thánh, sẽ xuống tràn trên các bạn trẻ và chúc mừng Lễ Phục Sinh đến hết tất cả mọi người.

Sau phép lành cuối lễ Đức Cha đã chủ sự Nghi thức chuyển trao Thánh Giá của Giới trẻ Xuân Lộc. Trong Nghi thức này, Cha Giuse Hà Đăng Định- đại diện Giới trẻ Cụm 4, đã chuyển trao Thánh Giá của Giới trẻ cho Cha Raymunđô Trần Quốc Thắng, - Đặc trách Giới trẻ Giáo hạt Phương Lâm, đại diện Giới trẻ Cụm 1. “Nhân danh Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, thay lời cho Cha Gioakim Phan Công Chính, Trưởng ban MVGT Xuân Lộc, con xin kính chuyển trao Thánh Giá cho Cha Raymunđô Trần Quốc Thắng, đại diện cho quý cha cũng như quý bạn trẻ của Cụm 1. Xin Thánh Giá Chúa Giê su Ki tô, Chúa chúng ta, vinh dự của chúng ta, sức sống của chúng ta, ơn cứu độ của chúng ta luôn hiện diện trong cuộc đời của quý cha và các bạn trẻ, để thánh giá trở nên nguồn ơn cứu độ của chúng ta.” Trước khi đón nhận Thánh Giá, Cha Raymunđô thưa với Đức Cha, quý cha và cộng đoàn “Chúng con sẽ cố gắng làm cho tình thương của Chúa lớn lên trong giới trẻ của chúng con, và đem tình yêu này đến tất cả mọi người...tất cả để làm vinh danh Chúa.”

Ngày Hạnh ngộ của Giới trẻ Xuân Lộc kết thúc trong biết bao hồng ân của Thiên Chúa và hẹn ngày gặp gỡ lần tới, Chúa Nhật Lễ Lá 2024 tại Cụm 1, Hạt Phương Lâm của Giáo phận.

Tin: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Phóng sự Lễ Lá Việt Nam ở Tokyo Nhật Bản
Trần Mạnh Trác
21:24 04/04/2023
Xem hình ảnh

Lễ Lá trong một khung cảnh hoa Anh Đào rơi rụng thì không có gì thấm thía cho bằng!

Hoa Anh Đào ở Tokyo năm nay nở sớm 2 tuần, nở rộ (full bloom) đúng vào lúc đoàn Hành Hương ‘Hành Trình Đức Tin’ cuả chúng tôi đáp xuống phi trường Haneda cuả Tokyo và sau đó hai tuần đã bắt đầu rơi khi chúng tôi từ giã xứ Phù Tang.

Ngắm hoa chỉ là cái cớ ‘tiếp thị’ cuả cô Mỹ Linh lo việc tổ chức, còn thăm viếng các Thánh Địa cuả Nhật Bản mà hầu hết là những pháp trường Tử Đạo thì là cái cớ ‘tâm linh’ cuả Cha Chu Quí Ly, chánh xứ St Peter ở Des Moines, Iowa...còn thời khắc được phù hợp khít khao như thế thì, suy rằng thời tiết thì khó đoán ở nước Nhật, cho nên chỉ có một câu giải thích đúng đắn đó là ‘chỉ có Trời mới biết được’! Nói cách khác ‘đó là Ý Chuá’, đấng làm chủ thời gian...

Khoảng thời gian chúng tôi đến được thánh đường Kojimachi St.Ignatius ở Yotsuya, trung tâm Tokyo, là khoảng 2:30 chiều Chúa Nhật, nưả giờ trước lễ 3:00g hằng tuần cuả người Việt Nam. Hôm đó là ngày Lễ Lá.

Lúc bấy giờ, nhiều cánh hoa Anh Đào đã bắt đầu rơi rụng, bay lờ lững như cảnh tuyết rơi, rồi tung tăng trên mặt sân, và luà đi theo chiều cuả những cơn gió vô tình.

Cảnh hoa Anh Đào đẹp lộng lẫy rồi chóng vánh héo tàn làm cho chúng tôi xúc động khi liên tưởng tới cảnh ngày xưa Chuá Giêsu đi lên Đền Thánh giữa những tiếng tung hô và những cành vạn tuế phất phơ, để rồi không lâu sau, những cành vạn tuế bây giờ khô ròn, bị đoàn người chà đạp dưới chân khi rủ nhau đi coi một tử tội vác thập giá lên núi Sọ.

Người tử tội đó đã chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại, mà ngày hôm nay, ở cuối sân, có một hàng người dài đang xếp hàng xưng tội trước cửa văn phòng Trung Tâm An Việt cuả Lm Giuse Nguyễn Thanh Nhã, dòng Tên.

Cha Nhã sẽ làm chủ tế cho buổi Lễ Lá hôm nay.

Một căn nhà sát bên Trung Tâm An Việt có một căn phòng lớn mà tôi nghĩ là hội trường có nhiều bàn với nhiều người đang ngồi hàn huyên.

Tôi trộm nghĩ đây sẽ là dịp tốt để thăm hỏi bà con VN, nghĩ như thế, tôi mạnh dạn bước vào và tới thẳng cái bàn gần nhất có một số trai gái đang vui vẻ cười đuà.

“Các em có phải là Việt Nam không?” tôi hỏi.

Họ nhìn tôi ngạc nhiên, một thanh niên với gương mặt ranh mãnh trả lời...”Ố ồ, Spanish!”

Phải đó, người Spanish cũng có 1 lễ ngay trước người VN, đây chắc phải là nhửng bạn trẻ Spanish còn ngồi nán lại, nghĩ như thế tôi nhắm tới một chiếc bàn khác có một số ông bà đứng tuổi đang chăm chú nhìn tôi với nụ cười thiện cảm...

“Chào quí vị, là người VN ạ?”

Phải đấy, họ là người VN sinh sống ở vùng này từ lâu. Qua một số trò chuyện tôi cũng biết được chiếc bàn mà tôi vừa tới đều là VN cả...

Ra ngoài hội trường, tôi gặp một thanh niên ngồi lẻ loi với vẻ mặt trầm tư...được làm quen, anh ta thật thà cho biết tuy không có đạo nhưng anh thường đi lễ để có dịp sống trong một khung cảnh ‘đồng hương’.

Nhưng có một người không phải là VN nhưng lại thích hoà nhập với người VN, đó là Lm Saturnino Ochoa, SJ, cha xứ. Trước buổi lễ tôi thấy ngài đi lang thang thăm hỏi và tiếp chuyện với bất kỳ ai, ngài thành thạo tiếng Anh và cho tôi biết đã từng sống ở Hoa Kỳ một thời gian dài, người Công Giáo ở Tokyo có được 10 ngàn người, riêng người VN đã cung cấp cho Giaó Phận rất nhiều Lm và Nữ Tu.

Nhà thờ St.Ignatius mỗi tuần có ít ra là 7 lễ: 3 lễ tiếng Nhật, 2 lễ tiếng Mỹ, 1 lễ Spanish và 1 lễ tiếng VN. Ngoài ra mỗi tháng đều có thêm lễ cho người Bồ (Portuguese,) người Ba Lan và người Indonesia.

Ngài than thở là sau muà Phục Sinh này thì vì nhu cầu ít đi cho nên một lễ bằng tiếng Anh (Sau lễ 3g cuả VN) sẽ phải cắt giảm. Tôi bỗng nguyện thầm rằng Ngài tặng giờ lễ ấy cho người VN để không còn cái cảnh Ca đoàn phải vất vả ‘dọn nhà’ gấp rút và bị xua đuổi ra khỏi nhà thờ mau chóng để dành chỗ cho buổi lễ tiếng Anh ngay sau đó.

Một lý do khác, đó là số người VN tăng, phần lớn là giới trẻ.

Có ít ra là 3 loại thanh niên thiếu nữ khác nhau, một số là ‘định cư’, một số là ‘lao động’ và một số khác là ‘sinh viên du học’.

Hình như các anh chị em ‘định cư’ thì phần lớn đang tham gia tích cực vào các hội đoàn cuả nhà thờ, như Ca đoàn (họ chỉ có 1 lễ mỗi tuần mà có tới 2 ca đoàn luân phiên nhau hát), giữ trật tự (có 7 nhóm lận...) và khi leo lên lầu cuả nhà thờ, tôi thấy một nhóm chuyên viên đông đảo về video, audio để lo âm thanh và thu hình buổi lễ.

Nói về buổi lễ thì khi Cha Nhã và cha giảng lễ đứng vào hàng rước (Xin lỗi Cha vì làm mất Tên cuả cha rồi) thì những người ‘đi lễ’ đã vào ghế ngồi cả rồi, sức chứa nhà thờ là 700 chố, sẽ không có cái cảnh người ra kẻ vào lai rai xuốt buổi như các nhà thờ VN ớ những nơi khác.

Có vẻ người VN ở Nhật rất đúng giờ, bỏ đi được cái tiếng xấu ‘giờ cao su’. Có thể là vì sự di chuyển cuả mọi người phải chịu ảnh hưởng cuả xe điện chăng? Dùng xe điện thì một chuyến đi phải qua nhiều trạm đổi xe, cho nên hễ trễ một trạm là bị dây chuyền trễ các trạm kế tiếp và cái trễ đó có thể leo thang lên đến nhiều giờ.

Cũng nói về thời gian, thì tuy cuộc sống là luôn phải chạy đua với giòng giao thông như vừa nói trên, nhưng sau lúc tan lễ người Việt ở đây đã nán lại rất đông ở bên ngoài nhà thờ để thăm hỏi chào mừng nhau. Họ thường tụ hội thành nhiều nhóm quanh những Sơ dòng St Paul và các Sơ truyền giáo.

Và ở bên kia đường, một cảnh rất quen thuộc với cảnh các nhà thờ ở vùng Houston TX bên Hoa Kỳ, đó là có những bà bán hàng rong xuất hiện ngay sau giờ lễ...

Ghi chú: Những hình ảnh trong Album là sự góp công cuả nhiều anh em trong đoàn Hành Hương, đó là các anh John Sinh Bui, Hieu Quang Nguyen, Linh Hoang Khong.
 
Đại Hội Giới Trẻ Hạt Đông Hưng Yên, Thái Bình: Củng Cố Sự Hiệp Thông
BTT GH Dông Hưng Yên
21:30 04/04/2023
Đại Hội Giới Trẻ Hạt Đông Hưng Yên, Thái Bình: “Củng Cố Sự Hiệp Thông”

Chúa Nhật, ngày 04 tháng 4 năm 2023, gần 500 bạn trẻ đến từ khắp các giáo xứ trong toàn Giáo hạt Đông Hưng Yên đã có mặt tại Giáo xứ Cao Xá, nơi diễn ra đại hội giới trẻ Mùa Chay của Giáo hạt với chủ đề: “CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG”.

Xem Hình

Có thể nói, những cơn mưa đầu mùa hạ cũng không thể làm chùn bước của các bạn trẻ trở về, để gặp gỡ, chia sẻ và tìm lại chính mình trong ngày Đại hội.

Do thời tiết mưa nên phần khai mạc ngoài trời với những cử điệu quen thuộc của các bạn trẻ bị tạm dừng. Thay vào đó, các bạn tập trung trong ngôi thánh đường tham dự giờ chia sẻ hồi tâm rất hay và ý nghĩa của Cha Phanxicô Huyền – Dòng Chúa Cứu Thế, với chủ đề “Củng cố sự hiệp thông”, qua các câu chuyện, Cha đã nêu bật sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, giữa người với người và chính ta với ta. Qua bài chia sẻ này, thuyết trình viên đã giúp các bạn trẻ hiểu và sống tốt hơn nữa đời sống đức tin của mình trong tương quan với Chúa và tương quan với tha nhân, nhất là sống tinh thần của Năm Hiệp Hành mà Giáo Hội hoàn vũ đang mời gọi.

Ngay sau đó, Cha Tô-ma Đỗ Văn Lâm hướng dẫn các bạn trẻ “hồi tâm trở về với Chúa”, để trong giờ Chầu Chúa Giê-su Thánh Thể, các bạn thinh lặng lắng nghe lời Chúa nói với mỗi người và đón nhận Bí Tích Hoà Giải, giao hoà với Thiên Chúa.

Vào lúc 9g30, các bạn trang nghiêm, sốt sáng đi Đàng Thánh Giá xung quanh khuôn viên thánh đường. Các bạn sốt sắng, kiên trì dưới trời phùn, để dâng một chút hy sinh hiệp thông với nhau và cảm nghiệm về tình yêu và nỗi đau của Chúa Giê-su suốt trong 14 chặng đường thương khó.

Đúng 10g30 bắt đầu nghi thức làm phép, đi kiệu lá và Thánh Lễ đồng tế cao điểm của ngày đại hội. Chủ tế thánh lễ là Cha Phê-rô Đinh Văn Hùng quản hạt Đông Hưng Yên, cũng là Cha chánh xứ Cao Xá.

Trong bài giảng lễ, Cha Phanxicô Sơn – Dòng Chúa cứu thế, một lần nữa khái quát lại ý nghĩa của Bài thương khó hôm nay. Qua đó, Cha nhắn nhủ mỗi bạn trẻ hãy biết dành thời gian để đến với Chúa, để trở về cùng Ngài qua những hành động như: giữ ngày Chúa Nhật, xưng tội rước lễ và sống bác ái yêu thương.

Thánh lễ kết thúc lúc 12g30. Các cha và các bạn trẻ cùng chung chia những phần cơm trong sự hiệp thông, niềm vui, bình an và hạnh phúc. Hẹn gặp lại vào năm 2025 trong kỳ đại hội cấp giáo hạt tiếp theo.

BTTGH Đông Hưng Yên
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh rửa chân
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
18:45 04/04/2023
Hình ảnh rửa chân

Hằng năm vào ngày Thứ Năm tuần thánh, Hội Thánh mừng kỷ niệm Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể (Mt 26, 26-29).Trong bữa ăn tiệc ly lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của mình tại bàn ăn. (Ga 13, 1-15).

Đâu là sứ điệp hình ảnh rửa chân?

Chúa Giêsu Kitô ngày xưa đã cúi mình rửa chân cho các môn đệ, một cử chỉ truyền đi hình ảnh rất ấn tượng sâu sắc về tính cách sống lòng khiêm nhượng của người phục vụ.

Cử chỉ rửa chân thời Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa. Đó là cung cách giữ vệ sinh trước bữa ăn. Nhưng cũng nói lên cung cách lịch sự lòng tôn trọng hiếu khách. Rửa chân dĩ nhiên là việc thấp hèn. Chủ nhà không làm công việc này, nhưng những người (đầy tớ) giúp việc làm công việc này.

Cung cách rửa chân của Chúa Giêsu Kitô còn ẩn chứa dấu hiệu tiên tri nữa: Chúa Giêsu, là thầy và Chúa, rửa chân, lau chân cho các môn đệ học trò mình. Tất nhiên Ngài làm việc này theo lòng tự nguyện.

Và cung cách rửa chân tự nguyện của Ngài đồng thời diễn tả sứ điệp tâm tình sâu thẳm: dấu chỉ tình yêu cho nhau, lối sống hy sinh dấn phục vụ lẫn nhau, như chính ngài đã nói về sứ mạng của mình: “ Con Người ( Chúa Giêsu)đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”( Mc 10,45).

Theo gương đó Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh đã đi rửa chân cho anh chị em trong trại tù, cho cả các người phụ nữ, cho cả người tỵ nạn không phải Công Giáo nữa. Qua cử chỉ khiêm nhượng mang dấu ấn phục vụ kính trọng như thế, Đức Giáo Hoàng muốn gửi đi sứ điệp, như ngài có lần đã tâm sự: Ai muốn là người đứng đầu, phải phục vụ người khác!

Cha mẹ nào, nhất là người mẹ, luôn hằng ngày rửa chân, lau khô chân cho con mình, từ lúc chúng chào đời cho tới khi khôn lớn tự làm việc này lấy được.

Em bé, bạn trẻ lúc còn nhỏ có nhu cầu được tắm rửa, được rửa chân cho sạch sẽ vệ sinh, cho sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần tâm trí được khoẻ mạnh. Người mẹ vui mừng hãnh diện làm công việc phục vụ cho nhu cầu đời sống của con mình.

Người mẹ làm công việc này vì tình yêu thương con mình. Đó không chỉ là việc bổn phận, nhưng còn là niềm vui hạnh phúc thiên đàng cho đời sống người mẹ.

Người con có niềm vui hạnh phúc, vì được mẹ yêu thương qua cung cách phục săn sóc cho nhu cầu đời sống của mình.

Và qua cung cách tình yêu thương của mẹ, em bé bạn trẻ với thời gian học hỏi nhận ra gía trị qúy báu cao cả của cung cách phục vụ, mà mẹ đã làm cho mình.

Cử chỉ rửa chân của Chúa Giêsu, của một người hầu hạ, truyền đi hình ảnh tích cực: cung cách uy quyền về tình yêu thương.

Cung cách uy quyền tình yêu thương này không bắt người khác phải qùy xuống, phải hạ thấp mình xuống. Nhưng chính người làm đầu là người chót sau cùng, là người hạ thấp mình xuống phục vụ hầu hạ người khác. Như Chúa Giêsu đã tâm tình cắt nghĩa“ Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Tin nóng về Bakhmut. Vụ nổ St. Petersburg: FSB bắt cô gái Nga, Tatarsky từng cướp nhà băng ở Ukraine
VietCatholic Media
03:06 04/04/2023


1. Tòa Bạch Ốc bác bỏ tin giả của Nga về thành phố Bakhmut

Không có xác nhận nào khẳng định người Nga được đã nắm quyền kiểm soát thành phố Bakhmut của Ukraine ở vùng Donetsk, nhưng có bằng chứng cho thấy Lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục bảo vệ thành phố và giao tranh ác liệt đang diễn ra ở đó.

“Tôi không thể xác nhận thông tin báo chí đưa tin rằng người Nga đã chiếm tòa nhà hành chính. Điều tôi có thể xác nhận là người Ukraine vẫn đang chiến đấu hết mình vì Bakhmut,” Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby đã mô tả tình hình như trên hôm thứ Hai trong bối cảnh có những tin giả gần đây của Nga.

Ông nhấn mạnh rằng giao tranh ác liệt đang diễn ra ở đó và thành phố chưa rơi vào tay quân Nga.

Đồng thời, Kirby lưu ý rằng người Nga đang cố gắng đạt được chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Theo ông, họ chỉ đơn giản là đẩy những tân binh vào hỏa lực của quân Ukraine, “cho ngay vào cối xay thịt”. Ngoài ra, đại diện Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng việc bảo vệ thành phố rõ ràng có ý nghĩa rất lớn đối với người Ukraine.

Như đã đưa tin, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, nói rằng quân đội Nga đang mất dần sức mạnh và cố gắng che đậy bằng những thông tin giả mạo về việc “đánh chiếm” thành phố Bakhmut.

2. Lực lượng Nga 'còn rất xa' mới chiếm được Bakhmut

Ukraine cho biết các lực lượng Nga còn “rất xa” mới chiếm được thị trấn Bakhmut phía đông và giao tranh đã nổ ra xung quanh tòa nhà hành chính thành phố, nơi nhóm lính đánh thuê Wagner tuyên bố đã giương cao lá cờ Nga.

Serhiy Cherevatiy, phát ngôn viên của bộ chỉ huy quân sự miền đông, nói với Reuters qua điện thoại: “Bakhmut là của Ukraine, và họ chưa chiếm được bất cứ thứ gì và còn rất xa mới làm được điều đó”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết đêm qua giao tranh ở Bakhmut là “đặc biệt nóng”.

“Tôi biết ơn những chiến binh của chúng ta đang chiến đấu gần Avdiivka, Maryinka, gần Bakhmut… Đặc biệt là Bakhmut! Hôm nay ở đó đặc biệt nóng!” ông nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình mà không giải thích thêm.

Bình luận của ông được đưa ra khi người sáng lập Wagner, Yevgeny Prigozhin, cho biết quân đội của ông ta đã cắm cờ Nga trên tòa nhà hành chính của thành phố.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào từ các quan chức Ukraine rằng Bakhmut đã rơi vào tay Nga và Prigozhin trước đó đã đưa ra tuyên bố quá sớm về tiến trình quân sự của Wagner tại thành phố này.

Các lực lượng Nga trong nhiều tháng đã cố gắng bao vây và chiếm Bakhmut, một thị trấn có 70.000 dân trước cuộc xâm lược của Nga hơn một năm trước.

3. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tới Yahidne ở miền bắc Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tới Yahidne ở miền bắc Ukraine, nơi gần 400 cư dân bị giam giữ trong tầng hầm của một trường học dưới sự xâm lược của Nga trong 27 ngày trước khi họ được tự do một năm trước. Zelenskiy cho biết 11 người đã chết trong thời gian này.

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck và Tổng thư ký Hội đồng Âu Châu Marija Pejčinović Burić đã tham gia chuyến thăm ngôi làng ở vùng Chernihiv. Zelenskiy cảm ơn Habeck và Burić đã tham dự.

Ông nòi rằng: “Điều quan trọng là phải nhìn thấy điều này và ở trong những tầng hầm này để hiểu nên giúp đỡ Ukraine hay tiếp tục nghĩ cách nói chuyện với Nga.”

Ông nói quân đội Nga và giới lãnh đạo đất nước, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin, phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này. Ông nói thêm:

“Sau khi chứng kiến tất cả những điều này, tôi có thể ước rằng tổng thống Nga sẽ dành những ngày còn lại của mình trong tầng hầm với một cái xô để đi vệ sinh.”

4. Blogger người Nga bị giết Vladlen Tatarsky là mục tiêu dễ dàng cho nhiều đối phương của anh ta

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 4 tháng Tư, đại diện của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, gọi tắt là SBU, đã cho biết thêm chi tiết về Vladlen Tatarsky, người vừa bị giết tại một quán cà phê ở thành phố St. Petersburg của Nga hôm Chúa Nhật 2 Tháng Tư.

Như chúng tôi đã đưa tin, có 30 người bị thương trong vụ nổ hôm Chúa Nhật tại một quán cà phê ở St. Petersburg. Người duy nhất thiệt mạng trong vụ nổ là blogger quân sự Nga Vladlen Tatarsky.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti cho biết một người phụ nữ đẹp đã tặng Tatarsky một bức tượng nhỏ trước vụ nổ. Anh ta ngây ngất trong hào quang anh hùng, mân mê bức tượng, và khi cẩn thận gói lại thì bức tượng nổ tung giết chết anh ta.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã xác định người phụ nữ đẹp này là Darya Trepova, 26 tuổi. Cô ta đã bị FSB bắt giam. Cho đến nay, Darya Trepova phủ nhận tất cả các cáo buộc của FSB. Một số người có mặt tại hiện trường cũng cho rằng căn cứ vào hình ảnh được FSB đưa ra, có thể Darya Trepova không phải là thủ phạm.

SBU cho biết Ukraine không liên quan đến vụ giết blogger quân sự Nga Vladlen Tatarsky. Ông nhận xét rằng, số blogger quân sự Nga lên đến vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn, giết đến bao giờ cho hết. Tuy nhiên, theo đánh giá của SBU, có nhiều người Nga có thể muốn giết Vladlen Tatarsky, và anh ta là một mục tiêu khá dễ dàng.

Tatarsky, tên thật là Maxim Fomin, khét tiếng vì ủng hộ kịch liệt cuộc xâm lược Ukraine. Anh ta thường xuyên kêu gọi Nga tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực và ủng hộ bạo lực cực đoan bao gồm tội ác chiến tranh. “Chúng ta sẽ đánh bại tất cả mọi người, chúng ta sẽ giết tất cả mọi người, chúng ta sẽ cướp bóc bất cứ ai mà chúng ta cần, và mọi thứ sẽ diễn ra theo ý muốn của chúng ta,” anh ta nói vào năm ngoái trước máy quay sau một buổi lễ ở Điện Cẩm Linh xác nhận việc “sáp nhập” bốn tỉnh của Ukraine vào Nga.

Theo hồ sơ của cảnh sát quốc gia Ukraine, Tatarsky là người Ukraine gốc Nga, chào đời tại Ukraine. Anh ta từng là công nhân mỏ than ở miền đông Ukraine, Fomin bị kết tội cướp ngân hàng và đang thụ án tù ở miền đông Ukraine khi các lực lượng ủy nhiệm của Nga phát động cuộc chiến chống lại chính phủ. Fomin trốn khỏi nơi giam giữ và gia nhập lực lượng do Nga hậu thuẫn. Sau đó, anh ta trở thành một blogger và chuyển đến Mạc Tư Khoa vài năm trước khi Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Sau khi chiến tranh bắt đầu, anh tuyên bố đã gia nhập một tiểu đoàn tình nguyện và chiến đấu ở Mariupol.

Khi bắt đầu chiến tranh, anh ta trở thành thành viên của một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng gồm các blogger quân sự, những người đã lên tiếng ủng hộ cuộc xung đột, thường xuyên đăng các bản cập nhật trích dẫn quân đội ở tiền tuyến hoặc đưa tin sốt dẻo về các cuộc tấn công tiềm năng hoặc các quyết định chính trị lớn chẳng hạn như lệnh động viên bán phần.

Đồng thời, họ cũng là một trong những nhà phê bình gay gắt nhất đối với nỗ lực quân sự của Nga, lên án những người đứng đầu quân đội là kém hiệu quả và lười biếng, đồng thời không quan tâm đến tính mạng của binh lính Nga được cử ra trận.

Các bài đăng của họ trên Telegram đã trở thành một lựa chọn thay thế phổ biến cho các phương tiện truyền thông nhà nước. Tuyên bố cung cấp tin tức chưa được lọc từ tiền tuyến, họ thường đưa ra một đường lối hung hăng, và nói với người Nga rằng đất nước này quá do dự và nên huy động cho cuộc chiến tổng lực chống lại Ukraine và phương Tây.

Tatarsky đặc biệt liên tục kêu gọi truy tố các tướng lĩnh: vì những cuộc rút lui lớn khỏi các thành phố bao gồm Kherson vào năm ngoái, hoặc những nỗ lực không hiệu quả trong việc huấn luyện và trang bị cho binh lính được huy động. Và anh ta đã liên kết với những người chỉ trích giới lãnh đạo quân sự khác.

“Chúng ta đổ máu để làm gì? Tại sao Zelenskiy có thể bình tĩnh đến Kherson? Tatarsky đã hỏi trong một bài đăng video vào năm ngoái, kêu gọi một vụ ám sát nhằm vào tổng thống Ukraine sau sự rút lui của Nga.

“Hoặc là chúng ta tiến hành một cuộc chiến toàn diện hoặc là… chúng ta sẽ không thành công.”

Trong cộng đồng nhỏ những người viết blog ủng hộ chiến tranh, Tatarsky đã bị chế giễu vì phóng đại nghĩa vụ quân sự của mình. Anh ta có mối thù với Igor Girkin, cựu thủ lĩnh của các chiến binh do Nga hậu thuẫn, người cũng chỉ trích nỗ lực quân sự.

Quan trọng nhất, anh ta là một mục tiêu dễ tấn công - một người có thể nhìn thấy khuôn mặt của cuộc chiến nhưng lại thiếu sự bảo vệ mà một quan chức chính phủ hoặc quân nhân có được. Sự kiện mà anh ta đang phát biểu đã được công khai và người phụ nữ bị buộc tội mang bom đến sự kiện thậm chí còn được cho là đã nói đùa với anh ta về việc liệu cô ta có mang theo một thiết bị nổ giấu bên trong tượng bán thân của một người lính hay không. Ngay sau đó, bức tượng phát nổ.

Tatyana Stanovaya, người sáng lập R Politik, một công ty phân tích chính trị, viết: “Các sự kiện đã cho thấy những người tích cực ủng hộ chiến tranh này dễ bị tổn thương như thế nào. “Tôi không nghĩ rằng sẽ có phản ứng lớn từ chính phủ: như kinh nghiệm cho thấy, Điện Cẩm Linh sẽ cố gắng biến những tình huống này thành thông lệ.”

Cô nói thêm: “Chúng ta đang phải đối mặt với việc các cuộc tấn công khủng bố diễn ra thường xuyên, mà chắc chắn sẽ trở thành một trong những yếu tố dẫn đến bất ổn chính trị nội bộ.”

5. Video mới công bố khoảnh khắc vụ nổ khiến blogger người Nga thiệt mạng

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế, những người mà cô ấy nói đã không bày tỏ “sự đồng cảm cơ bản của con người” sau cái chết của blogger Tatarsky, một người cuồng nhiệt cổ vũ cho cuộc xâm lược Ukraine của Putin.

Tuy nhiên, thực tế là truyền thông nhà nước và các cơ quan độc lập ở Nga cũng không bày tỏ “sự đồng cảm cơ bản của con người” sau cái chết của blogger Tatarsky khi mô tả biến cố này.

Trong một video mới được công bố cho thấy những khoảnh khắc dẫn đến vụ nổ giết chết Vladen Tartovsky trong một quán cà phê ở St Petersburg vào Chúa Nhật, người ta có thể nghe thấy những lời châm biếm nhắm vào người quá cố.

Tatarsky chết khi một vụ nổ xé toạc quán cà phê nơi anh ta xuất hiện với tư cách là khách của một nhóm ủng hộ chiến tranh có tên là Cyber Front Z. Các báo cáo trước đó của truyền thông Nga cho rằng Tatarsky có thể đã bị giết bởi một thiết bị giấu trong một bức tượng nhỏ mà một người phụ nữ đưa cho anh ta trước vụ nổ

Đoạn video cho thấy Tartovsky mân mê bức tượng được người đẹp tặng rất lâu, ngây ngất trong hào quang của một anh hùng, trước khi cẩn thận đặt bức tượng vào một chiếc hộp sau khi đưa micrô cho một người đàn ông khác.

Anh ta đặt bức tượng nhỏ trở lại hộp và sau đó bọc nó bằng thứ có vẻ như là giấy gói. Khi anh ta ấn tờ giấy xuống, một tiếng nổ xảy ra.

Người nói trong video than thở rằng Tartovsky mân mê bức tượng quá lâu đủ để người phụ nữ có cơ hội thoát ra ngoài. Nếu anh ta không cầm bức tượng lâu như thế, có thể anh ta chỉ bị thương.

6. Phần Lan chính thức gia nhập NATO vào ngày thứ Ba 4 Tháng Tư

Quan điểm của NATO đối với nỗ lực xin gia nhập của Ukraine “vẫn không thay đổi” và đó là “Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Tuy nhiên, trọng tâm chính hiện nay là “bảo đảm rằng Ukraine chiếm ưu thế trong cuộc chiến với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền ở Âu Châu”, ông nói. Vì vậy, bước đầu tiên và cấp bách nhất là các đồng minh của Kyiv phải duy trì và đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ quân sự, sát thương, phi sát thương và kinh tế cho Ukraine.

Tổng Thư Ký NATO cho biết liên minh cũng đang xem xét làm thế nào để có thể phát triển mối quan hệ chính trị với Ukraine, và làm thế nào để có thể mở rộng công việc của mình đối với những cải cách dài hạn hơn trong việc xây dựng thể chế.

Điều cực kỳ quan trọng là tiếp tục chứng minh rằng cánh cửa của Nato vẫn mở, như chúng ta sẽ làm vào ngày thứ Ba 4 Tháng Tư, khi Phần Lan trở thành thành viên đầy đủ. Hy vọng rằng chúng ta sẽ làm như vậy khi hoàn tất quá trình gia nhập của Thụy Điển trong tương lai gần.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, đã phát biểu như trên tại một cuộc họp báo sau thông báo rằng Phần Lan sẽ chính thức gia nhập liên minh quân sự vào ngày thứ Ba 4 Tháng Tư.

Ông nói: Phần Lan gia nhập NATO “sẽ là một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh của Bắc Âu và cho toàn bộ NATO”.

Về chủ đề Thụy Điển – quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập NATO cùng lúc với Phần Lan vào tháng 5 năm ngoái nhưng vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản đề nghị gia nhập NATO – ông Stoltenberg cho biết việc gia nhập của Phần Lan “cũng tốt cho Thụy Điển”. Ông nói rằng ông sẽ tiếp tục làm việc để hoàn thiện quá trình gia nhập của Thụy Điển.

7. Ba Lan giao lô máy bay phản lực MiG-29 đầu tiên cho Ukraine

Marcin Przydacz, người đứng đầu chính sách quốc tế của Văn phòng Tổng thống Ba Lan, cho biết Ba Lan đã chuyển giao lô máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô đầu tiên cho Ukraine.

Przydacz, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Ba Lan RMF hôm nay, cho biết:

Theo thông tin của tôi, quá trình này đã được hoàn thành, tức là việc chuyển phần đầu tiên này. Tất nhiên, sẽ có những cuộc thảo luận về khả năng hỗ trợ thêm.

Ông không nói rõ có bao nhiêu máy bay phản lực đã được chuyển đi. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tháng trước cho biết Warsaw sẽ bàn giao 4 chiếc MiG-29 đầu tiên cho Ukraine. Duda đã nói vào thời điểm đó:

Chúng tôi vẫn còn hàng tá máy bay loại này. Chúng tôi nhận được chúng vào đầu những năm 1990 từ quân đội Đông Đức. Đây là những năm cuối cùng hoạt động phù hợp với khả năng kỹ thuật của chúng nhưng nói chung là chúng vẫn hoạt động tốt.

Kyiv đã kêu gọi các đồng minh cung cấp máy bay chiến đấu để bảo vệ không phận và phản công hiệu quả hơn trước các lực lượng Nga trên lãnh thổ của mình. Cho đến nay, chỉ có Ba Lan và Slovakia, là những quốc gia chấp thuận chuyển giao 13 máy bay phản lực MiG-29, đã đáp lại lời kêu gọi đó.

Zelenskiy sẽ đi cùng vợ, Olena Zelenska, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Warsaw kể từ cuộc xâm lược của Nga 13 tháng trước. Ông đã tổ chức một số cuộc họp về các việc cần làm trong nước khi đi công tác nước ngoài.

Chuyến thăm sẽ bắt đầu bằng một cuộc gặp chính thức tại lâu đài hoàng gia giữa Zelenskiy và Duda, dự kiến hai bên sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh, chính trị khu vực và hợp tác kinh tế, cũng như việc vận chuyển ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine qua Ba Lan.

Theo văn phòng của tổng thống Duda, các cuộc đàm phán sẽ được theo sau bởi một cuộc họp với công chúng. Ông Zelenskiy dự kiến cũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki về an ninh khu vực, tình hình ở mặt trận và hợp tác song phương, bao gồm cả tình hình tại các cửa khẩu biên giới và vấn đề ngũ cốc của Ukraine, theo Michal Dworczyk, trợ lý của ông Morawiecki.

8. Ukraine cần F-16 vì ưu thế trên không của Nga

Nga áp đảo Ukraine về không quân từ 5 đến 6 lần nên Ukraine cần máy bay F-16 đa năng có thể tấn công các mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước.

Yuriy Ihnat, phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine, đã cho biết như trên Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 4 tháng Tư.

“Nga đông hơn chúng ta về số lượng, từ 5 đến 6 lần. Đây là nhóm mà ngày nay được đặt tại 40 sân bay xung quanh Ukraine và ở Crimea bị xâm lược. Ngoài ra, về mặt công nghệ, chúng tốt hơn nhiều lần. Họ đã tiến hành hiện đại hóa sâu máy bay Su-27, ngày nay là Su-30, ngoài ra còn có biến thể Su-35, cũng như máy bay ném bom chiến đấu Su-34, và thứ mà những chiếc máy bay này khai hỏa là một loại vũ khí mới.”

Ihnat cho biết thêm rằng Liên bang Nga phóng khoảng 10 quả bom dẫn đường qua Ukraine hầu như mỗi ngày mà không đi vào khu vực được bảo vệ bởi hệ thống phòng không của Ukraine.

Phát ngôn nhân lưu ý rằng những chiếc MiG-29 mà Ukraine nhận được từ Slovakia và Ba Lan, cải thiện khả năng của Lực lượng Không quân nhưng chúng đã lỗi thời về mặt kỹ thuật, yếu hơn về mặt công nghệ. Phát ngôn nhân nhấn mạnh Ukraine rất cần những chiếc F-16 đã trải qua nhiều giai đoạn hiện đại hóa.

“F-16, cùng tuổi với MiG-29, đã trải qua nhiều giai đoạn hiện đại hóa sâu sắc. Điều này bao gồm việc thay thế thiết bị chính của nó: đó là một radar trên máy bay có thể nhìn xa và nhiều loại vũ khí – hỏa tiễn hành trình, hỏa tiễn dẫn đường có khả năng tấn công các mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước – mọi thứ đều có trong máy bay F-16. Đó là lý do tại sao chúng ta cần những chiếc máy bay chiến đấu đa năng như vậy. MiG-29 do đối tác bàn giao cho ta không có cái này. Ở đó, một sự hiện đại hóa nhỏ của hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống định vị, hệ thống bạn-thù, và gần như thế. Nhưng chúng ta hiểu rằng đây là bước đầu tiên và chúng ta cảm ơn các đối tác vì sự hỗ trợ như vậy,” phát ngôn nhân nhấn mạnh.

Bình luận về vấn đề đào tạo phi công Ukraine, ông cho biết một số phi công đã hoàn thành khóa đào tạo lái F-16 nhưng việc chuẩn bị tài liệu kỹ thuật và kỹ sư để bảo trì F-16 cũng không kém phần quan trọng. Ihnat cho biết, việc điều chỉnh cơ sở hạ tầng của các sân bay Ukraine cũng rất quan trọng.

Như đã đưa tin, Ba Lan và Slovakia có kế hoạch chuyển giao cho Ukraine 33 máy bay MiG-29. 20 trong số đó sẽ được Kyiv nhận từ Warsaw và 13 chiếc – từ Bratislava. Theo các báo cáo sơ bộ, Ba Lan và Slovakia đã cung cấp cho Ukraine 4 chiếc MiG-29.
 
Khả năng ĐTC thăm Ukraine. Những xúc phạm nghiêm trọng Thánh Gioan Phaolô II, phản ứng của GH Ba Lan
VietCatholic Media
05:04 04/04/2023


1. Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine nhận định “cuộc chiến này khó giải quyết đến mức chỉ có phép lạ mới giúp được chúng ta”

“Tôi rất vui khi sự kết nối này diễn ra trong một nhà thờ vì tôi tin chắc rằng cuộc chiến này rất khó giải quyết và chỉ có phép lạ mới có thể giúp chúng ta”. Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, là Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, cho biết như trên khi chào mừng 150 tình nguyện viên của đoàn lữ hành hòa bình StopTheWarNow đã đến Mykolaiv cho nhiệm vụ thứ năm của họ.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh đã kết nối trực tuyến từ Kyiv đến Nhà thờ Công Giáo La tinh Thánh Giuse ở Mykolaiv, nơi các tình nguyện viên cử hành thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá. Đức Sứ thần nói: “Việc các bạn là một nhóm lớn như vậy đã là một dấu hiệu tuyệt vời của sự gần gũi”.

“Cầu nguyện không chỉ là lời nói. Thiên Chúa không cần lời nói nhưng cần trái tim của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục cũng nói với những người theo chủ nghĩa hòa bình của Ý về việc “tìm kiếm hòa bình, không phải bằng vũ khí mà bằng những cách khác”. Ngài nói rằng chủ trương đó đầy khó khăn. Ngài giải thích rằng “Nếu chúng ta làm như thế, tình hình hiện nay sẽ rất nghiêm trọng. Với chủ trương đó, chúng ta sẽ không phản ứng trước các mối đe dọa vũ khí trong những năm qua, điều đó có nghĩa là chúng ta không phản ứng trước chủ nghĩa độc tài, trước sự phá hoại hoạt động của Liên Hiệp Quốc và phá hủy tất cả các công cụ của luật pháp quốc tế”.

Sứ thần nói rằng ngài “tiếp xúc với nhiều thành viên gia đình của các tù nhân và tôi biết rằng nhiều người không có đủ nước để uống. Tất cả những điều này là dấu hiệu của sự đau khổ lớn lao. Đau khổ không chỉ xảy ra với những người đã chết và mất mạng mà còn với những người vẫn là tù nhân, không chỉ những người lính mà còn nhiều thường dân. Đó là sự đau khổ vô cùng.”

“Với sự hiện diện của anh chị em, hãy cố gắng đánh động lương tâm. Và điều này rất quan trọng bởi vì chúng ta thấy rằng khi cuộc chiến ở Ukraine được kể ở nơi khác, nó được mô tả như một trận túc cầu. Giống như một cuộc chiến xa xôi, xa cách những trái tim. Vì lý do này, anh chị em, những người đã đến đây, cho thấy tầm quan trọng của việc được ở bên cạnh, từ bi, suy tư, cầu nguyện và tìm kiếm giải pháp cho tương la. Ước muốn của tôi là sự hiện diện của anh chị em sẽ đánh động lương tâm và trở thành tiếng kêu lên với Chúa: Xin Chúa thương xót chúng con”.

Khi được hỏi về chuyến viếng thăm Ukraine của Đức Giáo Hoàng, Sứ thần trả lời: “Đó phải là quyết định của Đức Thánh Cha. Năm ngoái, đã có một thời điểm diễn ra cuộc thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau về việc tìm kiếm khả năng trao trả thường dân và binh lính đang mắc kẹt ở Mariupol sang một nước thứ ba. Trong khi chuẩn bị dự án đó, chúng tôi đã hỏi Đức Thánh Cha liệu ngài có thể hiện diện ở Mariupol với tư cách là người bảo lãnh về mặt đạo đức hay không và Đức Thánh Cha đã đồng ý. Ngay trong tháng Năm, chúng tôi đã nhận được lời đồng ý từ Đức Thánh Cha. Nhưng ngay sau đo, dự án ấy không hoạt động”.

“Chúng tôi rất mong muốn Đức Thánh Cha đến. Nhưng quyết định là ở ngài. Vũ khí của chúng ta là lời cầu nguyện không chỉ bằng lời nói mà bằng cả trái tim”.

Cho đến nay, vướng mắc lớn nhất là chủ trương cho rằng Đức Thánh Cha sẽ chỉ đến Kyiv nếu có thể đến Mạc Tư Khoa. Điều đó hiện nay là không thể được. Hôm 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Putin. Ông ta giờ đây là một tên tội phạm bị quốc tế tầm nã. Tập Cận Bình, người bị cáo buộc đã giết hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, và giam giữ hàng triệu người khác, có thể thăm Putin, Đức Thánh Cha thì không.
Source:SIR

2. Ba Lan tuần hành bảo vệ Đức Gioan Phaolô II khỏi cáo buộc che đậy lạm dụng

Hàng ngàn người Ba Lan tham gia tuần hành hôm Chúa Nhật để bảo vệ Đức cố Giáo Hoàng, Thánh Gioan Phaolô II, sau khi một bộ phim tài liệu truyền hình cáo buộc rằng ngài che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ em liên quan đến các giáo sĩ ở quê hương Ba Lan trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng.

Các cuộc tuần hành diễn ra ở Warsaw và các thành phố khác nhân kỷ niệm 18 năm ngày mất của Đức Gioan Phaolô. Cuộc tuần hành lớn nhất, được tổ chức tại Warsaw, với khẩu hiệu: “Ngài đã thức tỉnh chúng con, chúng con sẽ bảo vệ ngài”.

Những người tham gia đã cầu nguyện trước khi diễu hành phía sau thánh tích của Đức Gioan Phaolô ở thủ đô, dẫn đầu là chiếc xe giáo hoàng mà Đức Gioan Phaolô đã sử dụng trong các chuyến viếng thăm Ba Lan. Một số người tuần hành mang theo ảnh của Đức Gioan Phaolô II. Vì ngày kỷ niệm rơi vào Chúa Nhật Lễ Lá, nên họ cũng mang theo những các cành lá được dùng trong ngày lễ lá.

Bộ phim tài liệu điều tra được phát sóng vào tháng trước bởi TVN, một đài truyền hình độc lập thường chỉ trích chính phủ bảo thủ của Ba Lan. Nó trùng hợp với việc xuất bản cuốn sách có tên “Maxima Culpa” của một nhà báo người Hà Lan, Ekke Overbeek, cáo buộc rằng Đức Gioan Phaolô II đã không giải quyết đến nơi đến chốn các trường hợp giáo sĩ lạm dụng trước khi trở thành giáo hoàng.

Nhiều người Công Giáo Ba Lan coi đó là một cuộc tấn công vào di sản của một người được tôn kính ở Ba Lan như một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử quốc gia và cũng được người Công Giáo trên toàn thế giới tôn kính như một vị thánh nhờ vào việc phong thánh nhanh chóng của Vatican sau khi ngài qua đời năm 2005.

Vấn đề đã mang tính chính trị ở Ba Lan, đặc biệt kể từ khi nước này chuẩn bị có một cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu.

Chính phủ đã gọi bộ phim tài liệu là một cuộc tấn công vào bản sắc và lý tưởng của quốc gia bởi phe đối lập chính trị tự do. Đó là quan điểm gây được tiếng vang ở một quốc gia mà đa số vẫn coi Đức Gioan Phaolô II là một người có thẩm quyền về mặt đạo đức, và đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền đã nhận được sự ủng hộ rõ ràng khi các nhà lãnh đạo của đảng này vận động tranh cử.

Theo đài truyền hình thương mại Polsat News, một số quan chức hàng đầu đã tham gia tuần hành, bao gồm cả bộ trưởng quốc phòng và người đứng đầu tòa án hiến pháp.

Các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy đảng này là đảng được yêu thích nhất trong cả nước, với số lượng đông đảo như khi Luật pháp và Công lý lần đầu tiên giành được quyền điều hành chính phủ cách đây 8 năm.

Tại Warsaw, một số người tuần hành mang cờ quốc gia Ba Lan và cờ của Công đoàn Đoàn kết, phong trào công đoàn và tự do được Đức Gioan Phaolô thành lập sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 1978 và đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Âu một thập kỷ sau đó.

Một cặp vợ chồng tham gia cuộc tuần hành, Eleonora và Stanislaw Sochal, cho biết họ rất tức giận với TVN vì đã sản xuất một bộ phim tài liệu mà họ coi là phỉ báng Đức cố Giáo Hoàng.

Họ nhớ chủ nghĩa cộng sản là thời kỳ đen tối khi quốc gia bị Liên Xô kiểm soát và mô tả Đức Gioan Phaolô II là người đã truyền cảm hứng cho cuộc kháng chiến dẫn đến việc đất nước giành lại chủ quyền và tự do.

“TVN vu khống chính quyền của chúng ta. Nó phỉ báng Đức Gioan Phaolô và nó phỉ báng tất cả các giá trị của chúng ta,” bà Eleonora Sochal, 76 tuổi, nói.

Giữa cuộc tranh luận đầy xúc động về di sản của Đức Gioan Phaolô, một bức tượng của cố giáo hoàng đã bị phá hoại trong đêm ở trung tâm thành phố Lodz. Ai đó đã sơn tượng đài bằng sơn đỏ và vàng và dòng chữ “Maxima Culpa”.

Bộ trưởng Ngoại giao Zbigniew Rau, người đã đến thăm tác phẩm điêu khắc vào sáng Chúa Nhật, đã gọi hành động phá hoại này là một “hành động đê hèn” và là một yếu tố được tổ chức của chiến tranh hỗn hợp.

Rau nói: “Đó là về chia rẽ xã hội, tấn công những đường nét cơ bản nhất trong bản sắc của chúng ta.”

Ông không đề xuất thủ phạm có thể là ai, nhưng khi chính quyền Ba Lan nói về chiến tranh hỗn hợp, họ thường đề cập đến những nỗ lực bị cáo buộc của Nga nhằm gieo rắc bất hòa và mất lòng tin ở Ba Lan.

Các nhà chức trách Ba Lan cũng đánh dấu lễ kỷ niệm bằng cách cung cấp cho hành khách trên một số tuyến đường sắt nhà nước những chiếc bánh ngọt nhân kem miễn phí mà ngày nay nổi tiếng vì Đức Gioan Phaolô II rất thích những chiếc bánh này.


Source:AP

3. Thứ Năm Tuần Thánh: Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ rửa chân tại trại giam vị thành niên

Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, với nghi thức “rửa chân”, tại Trung tâm giam giữ các tội hình sự dành cho Trẻ vị thành niên Casal del Marmo, ngoại ô thủ đô Ý, nơi ngài đã chủ sự buổi cử hành tương tự vào năm 2013.

Thông báo đã được Vatican đưa ra hôm nay, vài ngày sau khi Đức Phanxicô xuất viện. Ngài đã phải nhập viện hôm thứ Tư tuần trước tại Bệnh viện Gemelli, ở Rome, vì bệnh viêm phế quản cấp tính.

Kể từ đầu triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã chọn cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, khai mạc Tam Nhật Thánh Phục Sinh, ở những nơi mang tính biểu tượng, liên quan đến đau khổ của con người, chẳng hạn như nhà tù, trung tâm tị nạn hoặc cơ sở y tế.

Thánh lễ Tiệc Ly ngày 6 tháng 4 sẽ diễn ra một cách riêng tư tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên đã đón tiếp Đức Giáo Hoàng vào năm 2013, hai tuần sau cuộc bầu cử giáo hoàng.

Lần đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ngạc nhiên khi rửa chân cho 10 thanh niên và hai phụ nữ trẻ thuộc các quốc tịch khác nhau và các niềm tin tôn giáo khác nhau.

Trước đại dịch, Đức Phanxicô luôn cử hành Thứ Năm Tuần Thánh bên ngoài Vatican: qua năm lần cử hành thánh lễ Tiệc Ly trong tù – 2019, 2018, 2017, 2015 và 2013, ngài đã rửa chân cho những người thuộc nhiều quốc tịch và niềm tin tôn giáo khác nhau. Ngài cũng đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly tại một trung tâm tiếp nhận người tị nạn, năm 2016; và tại một trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật và người già, vào năm 2014.

Covid-19 buộc giáo hoàng cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào năm 2020, vinh danh các linh mục đã qua đời vì dịch bệnh; vào năm 2021, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ Tiệc ly với Hồng Y Angelo Becciu, cộng tác viên cũ của ngài, người vào năm 2020 đã từ chức khỏi Bộ Phong thánh và từ bỏ các quyền gắn liền với chức vụ Hồng Y.

Ngay trong năm 2022, Đức Phanxicô đã tiếp tục truyền thống và đến nhà tù Civitavecchia, ngoại ô Rôma.


Source:agencia.ecclesia.pt
 
Éo le: Putin truy tặng Anh Dũng Bội Tinh cho kẻ cướp ngân hàng. Biệt kích Ukraine tấn công Melitopol
VietCatholic Media
16:58 04/04/2023


1. Du kích Melitopol nhận trách nhiệm về vụ nổ xe của cộng tác viên

Hơn 10 vụ nổ kinh hoàng đã được nghe thấy tại thành phố Melitopol trong đêm thứ Hai rạng sáng ngày thứ Ba 4 Tháng Tư.

Vladimir Rogov, người Ukraine phản bội, được Nga dựng nên làm thị trưởng thành phố Melitopol cho biết pháo binh Ukraine đã tấn công vào các cơ sở hạ tầng đường sắt đang trong quá trình phục hồi sau vụ tấn công bằng HIMARS hôm 30 tháng Ba.

Trong một tuyên bố hôm 30 tháng Ba, Rogov cho biết sáu hỏa tiễn HIMARS của Ukraine đã tấn công cơ sở hạ tầng đường sắt trong một cuộc tấn công trước bình minh. Hậu quả của cuộc tấn công là tuyến đường sắt Melitopol đã ngừng hoạt động.

Người Nga đang ráo riết sửa chữa để bảo đảm khả năng vận chuyển vũ khí cho các khu vực phía Nam Ukraine và vùng Zaporizhzhia. Nhưng cuộc tấn công mới nhất dường như đã phá hủy các cố gắng sửa chữa này.

Bên cạnh những tiếng nổ do pháo binh Ukraine gây ra, Rogov thừa nhận rằng có những tiếng nổ khác do quân du kích Ukraine gây ra. Ông ta than thở rằng “thành phố Melitopol ngày nay là Thủ đô của khủng bố.” Rogov đưa ra nhận định trên sau khi một vụ nổ kinh hoàng đã diễn ra hôm thứ Hai giết chết Maksym Zubarev, một kẻ phản bội được Nga bổ nhiệm làm phó thị trưởng thành phố Melitopol.

Một video do các du kích Melitopol thực hiện đã nhận trách nhiệm vụ nổ tung chiếc xe của cộng tác viên Maksym Zubarev đã được lan truyền trên mạng.

Ban đầu, có các báo cáo của các phương tiện truyền thông Nga rằng Maksym Zubarev đã bị thương nặng và các bác sĩ đang cố gắng giành giật mạng sống của anh ta. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 4 tháng Tư, thị trưởng của Melitopol, Ivan Fedorov, cho biết Zubarev có lẽ đã chết trong bệnh viện.

“Chúng tôi bắt đầu nhận được tin Zubarev không qua khỏi, các bác sĩ đã cố gắng chiến đấu để giành lấy mạng sống của anh ta nhưng họ không thể cứu được anh ta. Mặc dù thông tin này vẫn chưa được xác nhận 100%, nhưng xác suất chín mươi phần trăm,” Fedorov nói.

2. Putin truy tặng huy chương cho blogger quân sự sau vụ nổ ở St Petersburg

Hôm thứ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho rằng đã bắt được thủ phạm vụ đánh bom giết chết blogger quân sự Nga ủng hộ chiến tranh. Phát ngôn nhân FSB nói Cô Daria Trepova, 26 tuổi đã bị bắt.

Nhưng đến sáng thứ Ba, 4 Tháng Tư, lại có tin của FSB cho rằng đã bắt giữ một người phụ nữ thứ hai tên là Maria Yaran, 40 tuổi, có liên quan đến vụ nổ. Cô ấy được cho là đang nằm trong bệnh viện ở St Petersburg sau vụ đánh bom.

Dù vậy, xem ra FSB và các phương tiện truyền thông Nga vẫn nhắm chủ yếu vào Trepova. FSB nói rằng một video camera giám sát cho thấy Trepova tươi cười hân hoan khi đang chạy khỏi quán cà phê.

Tờ Izvestia đưa tin vào chiều ngày thứ Hai rằng Trepova đã có vé cho chuyến bay từ sân bay Pulkova ở St Petersburg vào đêm Chúa Nhật sau vụ nổ, nhưng cô đã không xuất hiện,

Hướng của chuyến bay không được đưa ra nhưng có ý kiến cho rằng cô ấy muốn đến Georgia qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Cô được cho là đã ngồi trên 7 chiếc taxi khác nhau trong 4 giờ sau vụ tấn công để che đậy dấu vết của mình. Cô Daria Trepova được cho là đã đến một căn hộ thuê gần quán cà phê, sau khi thay đổi diện mạo và cắt tóc ngắn.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều tranh cãi này, ký giả Christian Oliver của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Putin honours pro-Kremlin blogger killed in café bombing for 'courage and bravery': Moscow awards propagandist who championed Russian tyrant's invasion of Ukraine after St Petersburg blast”, nghĩa là “Putin vinh danh blogger thân Cẩm Linh bị giết trong vụ đánh bom quán cà phê vì 'lòng can đảm và dũng cảm': Mạc Tư Khoa trao huy chương cho nhà tuyên truyền đã ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của bạo chúa Nga sau vụ nổ St Petersburg.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Vladimir Putin đã truy tặng giải thưởng cho một blogger quân sự nổi tiếng của Nga và là người ủng hộ cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa vào Ukraine, là người đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại một quán cà phê ở Saint Petersburg hôm Chúa Nhật.

Vladlen Tatarsky, tên thật là Maxim Fomin, hôm thứ Hai đã được trao tặng Huân chương Dũng cảm 'vì lòng can đảm và dũng cảm thể hiện trong khi thực hiện nhiệm vụ chuyên nghiệp' sau khi anh ta qua đời, một sắc lệnh của Điện Cẩm Linh cho biết như trên.

Tatarsky bị ám sát vào tối Chúa Nhật trong một vụ đánh bom được cho là do một nhà hoạt động phản chiến 26 tuổi thực hiện.

Blogger ủng hộ Điện Cẩm Linh đã bị nổ tung thành từng mảnh sau khi người ta cho rằng anh ta được trao cho một bức tượng nhỏ của chính mình được cho là chứa đầy chất nổ.

Tatarsky là một người ủng hộ trung thành của Putin và cuộc xâm lược Ukraine của bạo chúa. Anh ta đã phát biểu tại một sự kiện tuyên truyền chính trị khi anh ta bị giết.

Tatarsky đã gửi báo cáo thường xuyên từ tiền tuyến ở Ukraine và đã có được hơn 560.000 người theo dõi trên kênh ứng dụng nhắn tin Telegram của mình.

Vụ đánh bom làm hơn 30 người khác bị thương, là vụ tấn công mới nhất bên trong nước Nga nhằm vào một nhân vật cấp cao ủng hộ chiến tranh. Năm ngoái, một nhà bình luận truyền hình theo chủ nghĩa dân tộc đã bị ám sát khi một quả bom phát nổ trong xe của cô ở ngoại ô Mạc Tư Khoa.

Các nhà điều tra cho biết họ tin rằng quả bom tại quán cà phê được giấu trong bức tượng bán thân của blogger mà một khán giả đưa cho anh ta ngay trước khi vụ nổ xảy ra. Một video cho thấy anh ta mân mê bức tượng và nói đùa về bức tượng bán thân khá lâu trước khi nó phát nổ.

Các nhà chức trách Nga thông báo đã bắt giữ Darya Trepova, một cư dân St Petersburg 26 tuổi được nhìn thấy trên video khi trao tặng Tatarsky bức tượng bán thân và coi vụ việc là một hành động khủng bố.

Cảnh sát đã bắt giữ Trepova vì tham gia biểu tình phản đối chiến tranh vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, ngày xảy ra cuộc xâm lược, và cô đã phải ngồi tù 10 ngày.

Bộ Nội vụ đã công bố một đoạn video cho thấy Trepova nói với một sĩ quan cảnh sát rằng cô đã mang bức tượng phát nổ đến quán cà phê. Khi được hỏi ai đã đưa nó cho cô ấy, cô ấy nói rằng cô ấy sẽ giải thích sau. Hoàn cảnh mà Trepova nói không rõ ràng, cho thấy có khả năng cô ấy bị bức cung.

Theo báo chí Nga, Trepova nói với các nhà điều tra rằng cô được yêu cầu giao bức tượng bán thân, nhưng không biết bên trong có gì.

Ủy ban chống khủng bố quốc gia, cơ quan điều phối các hoạt động chống khủng bố, cho biết vụ đánh bom là 'do các cơ quan đặc biệt của Ukraine lên kế hoạch', lưu ý rằng Trepova là 'người ủng hộ tích cực' cho thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny đang bị cầm tù.

Navalny, đối thủ quyết liệt của Putin, người đã vạch trần tham nhũng của các quan chức và tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ, đang thụ án 9 năm tù về tội lừa đảo mà ông đã tố cáo là một âm mưu trả thù chính trị.

Cộng sự của Navalny, Ivan Zhdanov cảnh báo rằng các nhà chức trách có thể sử dụng tuyên bố về sự tham gia của các đối thủ chính trị như một cái cớ để gia hạn án tù cho Navalny. Ông cũng cáo buộc rằng các cơ quan an ninh Nga có thể đứng sau vụ nổ để coi những người ủng hộ Navalny là 'kẻ thù trong nước'.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Nga, cảnh sát đã lần ra Trepova bằng cách sử dụng camera giám sát, mặc dù cô được cho là đã cắt ngắn mái tóc vàng dài của mình để thay đổi diện mạo và chuyển đến một căn hộ khác với ý định trốn thoát.

Các blogger quân sự và các nhà bình luận theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã so sánh vụ đánh bom với vụ ám sát nhà bình luận truyền hình theo chủ nghĩa dân tộc Darya Dugina vào tháng 8 năm 2022, người đã thiệt mạng khi một chất nổ điều khiển từ xa cài trong xe của cô ấy phát nổ khi cô ấy lái xe ở ngoại ô Mạc Tư Khoa.

Chính quyền Nga đổ lỗi cho tình báo quân đội Ukraine về cái chết của Dugina, nhưng Kyiv phủ nhận có liên quan.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết các cuộc tấn công vào Dugina và Tatarsky đã chứng minh rằng Mạc Tư Khoa hoàn toàn có lý khi phát động cuộc xâm lược Ukraine mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Mạc Tư Khoa đã đưa ra một loạt lời giải thích cho cuộc xâm lược, bị Ukraine và phương Tây lên án là một hành động xâm lược vô cớ, trong khi cung cấp rất ít hay chẳng đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho các cáo buộc.

“Nga đã đối mặt với chế độ Kyiv, vốn hỗ trợ các hoạt động khủng bố”, ông Peskov nói trong một cuộc họp báo với các phóng viên. 'Đó là lý do tại sao chiến dịch quân sự đặc biệt đang được tiến hành.'

Yevgeny Prigozhin, làm chủ hàng loạt các nhà hàng sang trọng ở St Petersburg, người đứng đầu nhà thầu quân sự của Tập đoàn Wagner dẫn đầu cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa ở miền đông Ukraine, cho biết ông ta sở hữu quán cà phê và cho phép các nhóm yêu nước sử dụng nó cho các cuộc họp. Prigozhin nói rằng anh ta nghi ngờ cáo buộc cho rằng chính quyền Ukraine có liên quan đến vụ đánh bom, và nói rằng nó có khả năng được thực hiện bởi một 'nhóm cực đoan' không liên quan gì đến chính phủ ở Kyiv.

Tổng thống Zelenskiy cũng đã gạt đi những câu hỏi liên quan đến vụ đánh bom.

'Tôi không nghĩ về những gì đang xảy ra ở St Petersburg hay Mạc Tư Khoa. Nga nên suy nghĩ về điều này. Tôi đang nghĩ về đất nước của chúng ta', Zelenskiy nói với các nhà báo.

Mặc dù không nhận trách nhiệm về nhiều vụ nổ, đánh bom và các cuộc tấn công khác ở Nga kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, nhưng chính quyền Ukraine thường chào đón những thảm họa của Nga một cách tưng bừng và khẳng định Ukraine có quyền tiến hành các cuộc tấn công như vậy.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã phản ứng trước tin tức về vụ đánh bom coi đó là kết quả của đấu đá nội bộ ở Nga.

“Những con nhện đang ăn thịt lẫn nhau trong một cái lọ,” ông nói vào cuối Chúa Nhật. 'Câu hỏi khi nào chủ nghĩa khủng bố trong nước sẽ trở thành công cụ đấu tranh chính trị nội bộ chỉ còn là vấn đề thời gian.'

Hôm thứ Hai, ông Podolyak cho biết Nga đã 'quay trở lại với các tác phẩm kinh điển của Liên Xô', chỉ ra sự cô lập ngày càng tăng của nước này, sự gia tăng của các vụ gián điệp và sự gia tăng đàn áp chính trị.

3. Na Uy và Đan Mạch sẽ tặng 8.000 viên đạn pháo cho Ukraine

Na Uy và Đan Mạch sẽ hợp tác để tặng 8.000 quả đạn pháo cho Ukraine, chính phủ Na Uy tuyên bố trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phản ứng trước thông báo này, nói trong một dòng tweet rằng ông rất biết ơn về khoản quyên góp.

“Rất biết ơn chính phủ Đan Mạch và Na Uy vì sáng kiến chung chuyển một lô đạn pháo bổ sung tới Ukraine. Hỗ trợ quân sự kịp thời từ các đối tác là chìa khóa để đưa chiến thắng chung của chúng ta đến gần hơn!” Zelenskiy nói.

Các loại đạn sẽ là “đạn pháo 155 ly tiêu chuẩn của NATO và sẽ bổ sung cho việc Đan Mạch tặng 19 khẩu lựu pháo tự hành Caesar”, tuyên bố của Na Uy cho biết thêm.

Theo tuyên bố, đạn pháo của Na Uy sẽ được vận chuyển từ kho của lực lượng vũ trang nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram cho biết “Ukraine có nhu cầu đáng kể về đạn pháo. Na Uy sẽ đóng góp nếu chúng ta có thể. Điều quan trọng đối với an ninh của cả Âu Châu và Na Uy là Ukraine thành công trong việc đứng vững trước cuộc tấn công của Nga”.

“Người Ukraine vẫn có nhu cầu rất lớn và cấp bách về đạn dược cho cuộc chiến giành tự do chống lại Nga. Đan Mạch, cùng với các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu và NATO khác, đang trong quá trình đáp ứng một số đóng góp quân sự khác nhau. Sự hợp tác của chúng ta với Na Uy là một ví dụ quan trọng về điều này”, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết trong một tuyên bố.

4. Người đứng đầu NATO cho biết các đồng minh của Ukraine đã gửi 57 tỷ bảng viện trợ quân sự

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các đồng minh phương Tây của Ukraine đã gửi cho nước này khoản viện trợ quân sự trị giá 65 tỷ euro, hay 57 tỷ bảng Anh, để giúp nước này chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Phát biểu tại một cuộc họp báo khi các ngoại trưởng Nato chuẩn bị gặp nhau tại Brussels vào ngày thứ Ba 4 Tháng Tư, ông cho biết mục đích của cuộc họp là “thảo luận về cách chúng ta có thể tăng cường hỗ trợ, bao gồm cả việc tiếp tục tăng cường lực lượng vũ trang của Ukraine, chúng ta không thể cho phép Nga tiếp tục phá hoại an ninh Âu Châu”..

5. Mạc Tư Khoa sẽ tăng cường quân sự ở các khu vực phía Tây và Tây Bắc để đáp trả việc Phần Lan gia nhập NATO vào ngày mai.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết Mạc Tư Khoa sẽ tăng cường quân sự ở các khu vực phía Tây và Tây Bắc nước này để đáp trả việc Phần Lan gia nhập NATO vào ngày mai.

Ông nói với hãng thông tấn Ria thuộc sở hữu nhà nước của Nga:

“Trong trường hợp các lực lượng và nguồn lực của các thành viên NATO khác được triển khai ở Phần Lan, chúng ta sẽ thực hiện các bước bổ sung để bảo đảm an ninh quân sự của Nga một cách đáng tin cậy.”

Phần Lan có đường biên giới dài 1.300 km với Nga và việc gia nhập NATO sẽ tăng gấp đôi biên giới của liên minh đối diện với Mạc Tư Khoa.

6. Mỹ công bố gói quốc phòng khác cho Ukraine trong tuần này

Hoa Kỳ chuẩn bị công bố gói hỗ trợ quốc phòng mới cho Ukraine trong tuần này, phù hợp với những nỗ lực trước đây của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, John Kirby, cho biết điều này hôm thứ Hai trong một cuộc họp báo.

“Tôi nghĩ các bạn sẽ thấy một số khác sẽ đến trong tuần này. Tôi không có chi tiết cụ thể để cung cấp cho các bạn về thời gian chính xác của việc đó. Nhưng chúng tôi đã làm việc chăm chỉ kể từ gói cuối cùng để phát triển gói tiếp theo và gói tiếp theo này sẽ ra mắt rất, rất sớm”, Tướng Kirby nói.

Kirby cũng chỉ ra rằng gói mới sẽ “phù hợp” về số lượng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine trong những tuần gần đây để cung cấp vũ khí và đạn dược cần thiết cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Đại diện Tòa Bạch Ốc cũng bày tỏ đánh giá rằng khi điều kiện thời tiết được cải thiện, một động lực phản công mới có thể xảy ra trên chiến trường ở Ukraine.

Như Reuters đã đưa tin trước đó, gói hỗ trợ quốc phòng mới trị giá 2,6 tỷ USD cho Ukraine đang được chuẩn bị.

7. Lực lượng vũ trang Ukraine đã có 5 lữ đoàn máy bay chiến đấu

Lực lượng Vũ trang Ukraine có 5 lữ đoàn máy bay chiến đấu: 2 lữ đoàn SU-27 và 3 lữ đoàn MIG-29.

“Việc chuyển giao máy bay chiến đấu của Ba Lan là bước đầu tiên. Đây là một bước lịch sử trong việc chuyển giao một loại vũ khí như máy bay chiến đấu. Cho đến nay, chúng ta có 5 lữ đoàn máy bay như vậy: 2 lữ đoàn SU-27 và 3 lữ đoàn MIG-29”, Yuriy Ihnat, Phát ngôn nhân Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 4 tháng Tư

Đây là những máy bay chiến đấu cũ của Liên Xô thuộc thế hệ thứ tư, đã lỗi thời về mặt công nghệ và thể chất, và Ukraine cần những máy bay khác.

Ba Lan và Slovakia có kế hoạch bàn giao tổng cộng 33 máy bay MiG-29 cho Ukraine: trong số đó, Kyiv sẽ nhận 20 chiếc từ Warsaw và 13 chiếc từ Bratislava. Theo thông tin sơ bộ, các nước này đã chuyển giao 4 máy bay MiG-29 cho Ukraine.

8. Ukraine mua hệ thống vũ khí điều khiển từ xa của Úc

Hệ thống Electro Optic Systems, gọi tắt là EOS, của Australia thông báo họ đã giành được hợp đồng có điều kiện cung cấp Hệ thống vũ khí từ xa, gọi tắt là RWS, cho Ukraine trị giá lên tới 80 triệu USD.

EOS đã bảo đảm hợp đồng với SpetsTechnoExport, gọi tắt là STE, một doanh nghiệp ngoại thương thuộc sở hữu nhà nước của Ukraine để cung cấp tới một trăm RWS hạng nặng của mình cho Ukraine, bao gồm cả phụ tùng thay thế và các dịch vụ liên quan.

Hợp đồng dự kiến cung cấp trong năm 2023 và 2024, tùy thuộc vào thử nghiệm trong những tuần tới và các điều khoản thông thường khác cho các hợp đồng quân sự.

“Được thiết kế để mang lại độ chính xác và độ tin cậy cao hơn bất kỳ hệ thống đối thủ nào khác, RWS có thể được tích hợp trên nhiều phương tiện và nền tảng khác nhau và được sử dụng cho nhiều loại nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm sẵn sàng sử dụng vũ khí đầy đủ khi tổ lái vận hành hệ thống trong khi được bảo vệ bên trong phương tiện”

Sản phẩm được sản xuất tại Úc. Khi thực hiện hợp đồng này, EOS sẽ dựa trên một mạng lưới hỗ trợ và chuỗi cung ứng bao gồm hơn một trăm nhà cung cấp trên khắp nước Úc và các nhà cung cấp khác trên toàn thế giới, theo tuyên bố của công ty.

9. Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức xây dựng cơ sở sản xuất ở Rumani

Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đang xây dựng một trung tâm bảo trì và hậu cần quân sự ở Satu Mare, Rumani, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng này để phục vụ vũ khí được sử dụng cho cuộc chiến ở Ukraine.

Trung tâm này nằm gần biên giới Ukraine, sẽ phục vụ pháo tự hành, xe tăng Leopard 2 và Challenger, xe chiến đấu bộ binh Marder, xe vận tải bọc thép Fuchs và xe tải quân sự.

Trung tâm dịch vụ sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì khả năng sẵn sàng hoạt động của các hệ thống chiến đấu phương Tây đang được sử dụng ở Ukraine và bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ hậu cần.

Giám đốc điều hành của công ty, Armin Papperger, cho biết đây là “mối quan tâm chính” để cung cấp cho lực lượng NATO và Ukraine “sự hỗ trợ tốt nhất có thể”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Moldova Maia Sandu và Tổng thống Rumani Klaus Iohannis đã tới dự một cuộc họp báo chung ở Bucharest, Rumani.

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đã tới Rumani hôm thứ Hai để hội đàm với chủ tịch nước này, Klaus Iohannis, tập trung vào an ninh, kinh tế và năng lượng. Họ cũng thảo luận về hợp tác quốc phòng ở sườn phía đông của NATO và an ninh ở khu vực Hắc Hải.

Scholz nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt giữa Đức và Rumani và một lần nữa hứa sẽ “hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong thời gian cần thiết, và chúng ta đang làm việc liên tục và cùng nhau”. Ông đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi về cơ sở Rheinmetall đang được thành lập ở Rumani.

Iohannis và Scholz sau đó đã cùng với tổng thống Moldova, Maia Sandu, thảo luận về các cách hỗ trợ đất nước đang gặp khó khăn của cô. Mandu nói với các phóng viên rằng Moldova là “hàng xóm dễ bị tổn thương nhất” của Ukraine, đồng thời nói thêm rằng “khi các giá trị của chúng ta bị tấn công, các nước dân chủ phải giúp đỡ lẫn nhau”.

10. Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ 'đẩy mạnh' việc trả tự do cho phóng viên Wall Street Journal

Tòa Bạch Ốc cho biết chính phủ Mỹ đang “thúc đẩy mạnh mẽ” việc trả tự do cho Evan Gershkovich, phóng viên tờ Wall Street Journal bị giam giữ ở Nga với cáo buộc gián điệp.

Phát ngôn nhân của hội đồng an ninh quốc gia, John Kirby, nói với các phóng viên:

“Chúng tôi đã nỗ lực hết sức kể từ thời điểm chúng ta phát hiện ra phóng viên đã bị giam giữ.”

Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ đang theo dõi “sâu sắc, mạnh mẽ, chặt chẽ” việc giam giữ Gershkovich.

11. Giám đốc điều hành của Unicef lên án Nga ngược đãi trẻ em Ukraine

Catherine Russell, giám đốc điều hành của Unicef, quỹ trẻ em của Liên Hiệp Quốc, đã bình luận về thông báo của nhóm cập nhật thương vong dân sự của OHCHR Ukraine rằng số trẻ em thiệt mạng trong cuộc xung đột kể từ tháng 2 năm 2022 đã tăng lên ít nhất là 501. Bà nói:

Đây là một cột mốc bi thảm khác đối với trẻ em và gia đình Ukraine.

Kể từ khi chiến tranh leo thang vào tháng 2 năm 2022, ít nhất 501 trẻ em đã thiệt mạng. Đây chỉ là con số được UN xác minh. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều và thiệt hại đối với các gia đình bị ảnh hưởng là không thể tưởng tượng được.

Gần 1.000 trẻ em đã bị thương, để lại cho chúng những vết thương và vết sẹo – cả hữu hình và vô hình – có thể tồn tại suốt đời.

Trẻ em và gia đình ở Ukraine đang phải trả giá đắt nhất cho cuộc chiến tàn khốc này. Đằng sau mỗi con số là một gia đình bị chia cắt và thay đổi mãi mãi. Thật đau lòng.

Chiến tranh luôn là đối phương tồi tệ nhất của trẻ em, dù là ở Ukraine, hay vô số xung đột khác trên thế giới. Mọi trẻ em, dù sống ở đâu, đều xứng đáng được lớn lên trong một môi trường hòa bình.

Hôm 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ cả Putin lẫn Lvova-Belova vì cáo buộc âm mưu bắt cóc trẻ em Ukraine sang Nga. ICC nói rằng Lvova-Belova “bị cáo buộc chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh là bắt cóc bất hợp pháp.”

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết 33 em vừa được Lvova-Belova trao trả cho phía Ukraine như hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

“Lệnh bắt giữ của ICC đã có một tác động rất tích cực,” Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk nói khi tiếp nhận các em. Lvova-Belova từ một người hung hăng trong việc bắt cóc trẻ em Ukraine đang làm điều ngược lại. Đứng trước lệnh bắt giữ của ICC, các gia đình người Nga cũng không còn muốn giữ các em.

Tuy nhiên, Lvova-Belova đang phải đối diện với một tình huống hết sức khó khăn cho bà ta. Theo Cục Thông tin Quốc gia Ukraine, người Nga đã trục xuất 16.226 trẻ vị thành niên Ukraine. Tuy nhiên, nhằm mục đích tuyên truyền, ngay trước khi Tòa án Hình sự Quốc tế đưa ra lệnh bắt giữ, Lvova-Belova khoa trương rằng số trẻ em bị đưa ra khỏi Ukraine lên tới 744.000 em, nghĩa là 45 lần nhiều hơn. Người ta không biết bà Maria Lvova-Belova tìm đâu ra trẻ em để trao trả cho Ukraine.
 
Cơ quan an ninh Ukraine cho biết lãnh đạo Chính Thống Giáo có quan hệ với Moscow đang bị điều tra
VietCatholic Media
17:00 04/04/2023


1. Tòa Thánh tuyên bố: “Đạo lý về khám phá” không bao giờ của Công Giáo

Tòa Thánh xác quyết rằng “Đạo lý về sự khám phá” không hề thuộc về giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và tái bày tỏ lập trường bênh vực các thổ dân bản xứ.

Trên đây là nội dung thông cáo chung của Bộ Văn hóa và Giáo dục và Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, công bố hôm 30 tháng Ba năm 2023 vừa qua tại Vatican.

Vấn đề “Đạo lý về sự khám phá” đã được nhắc đến gần đây, đặc biệt nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm các thổ dân Canada hồi cuối tháng Bảy năm ngoái. Đạo lý này là một lý thuyết về triết học, chính trị và pháp luật cho rằng những thực dân Âu châu có quyền truất hữu đất đai và tài sản của các thổ dân.

Trong thông cáo chung, nhắc lại lịch sử đạo lý vừa nói, các cường quốc thực dân hồi thế kỷ XVI đã dựa vào đạo lý này, đặc biệt là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, để đi chiếm hữu các lãnh thổ của các thổ dân bản xứ trên thế giới. Thông cáo của hai Bộ khẳng định rằng: “Đạo lý về sự khám phá” không thuộc về giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Sự nghiên cứu lịch sử chứng tỏ rõ ràng rằng các văn kiện Giáo hoàng về vấn đề này, được soạn ra trong một thời điểm lịch sử đặc biệt và gắn liền với những vấn đề chính trị, không bao giờ được coi như biểu hiện đức tin Công Giáo. Đồng thời, Giáo hội nhìn nhận rằng các sắc chỉ của các vị Giáo hoàng không phản ánh một cách thích hợp phẩm giá và quyền lợi bình đẳng của các thổ dân bản địa. Giáo hội cũng ý thức sự kiện nội dung những văn kiện ấy đã bị các thế lực thuộc địa lèo lái vào những mục tiêu chính trị, cạnh tranh giữa họ với nhau, để biện minh cho những hành động vô luân đối với các dân bản xứ, đôi khi được thực hiện mà không gặp sự chống đối của giáo quyền. Nhìn nhận những sai lầm đó thật là điều đúng, nhìn nhận những hậu quả kinh khủng của những chính sách đồng hóa và đau khổ mà các thổ dân đã chịu và xin lỗi. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ rằng: “Không bao giờ cộng đoàn Kitô có thể để cho mình bị lây nhiễm ý tưởng, theo đó một nền văn hóa này cao trọng hơn nền văn hóa khác, hoặc được phép sử dụng những phương thức cưỡng bách những người khác”. (n.6)

“Huấn quyền của Giáo hội minh bạch ủng hộ sự tôn trọng phải có đối với mỗi người. Vì thế Giáo Hội Công Giáo loại bỏ những ý niệm không nhìn nhận các quyền nội tại của các thổ dân bản xứ, kể cả điều được biết đến như “Đạo lý về sự khám phá”.

“Gần đây, tình liên đới của Giáo hội đối với các thổ dân bản xứ đã khiến Giáo hội mạnh mẽ ủng hộ các nguyên tắc được ghi trong Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về các quyền của thổ dân. Việc thực thi những nguyên tắc này sẽ cải tiến điều kiện sống và giúp bảo vệ các quyền của các thổ dân bản xứ, tạo điều kiện cho họ phát triển trong sự tôn trọng căn tính, ngôn ngữ và văn hóa của họ”.

2. Cơ quan an ninh Ukraine cho biết lãnh đạo Chính Thống Giáo có quan hệ với Mạc Tư Khoa đang bị điều tra

Một nhà lãnh đạo Giáo Hội chính thống tại tu viện Kyiv-Pechersk Lavra đang bị điều tra, theo một tuyên bố hôm thứ Bảy từ Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU. Ông bị cáo buộc tội “kích động hận thù tôn giáo” và “biện minh và bác bỏ cuộc xâm lược vũ trang của Nga đối với Ukraine. “

Là một phần của cuộc điều tra, SBU cho biết họ đã phát hiện ra rằng Tổng Giám Mục Petro Lebid, “trong các bài phát biểu trước công chúng của mình, đã nhiều lần xúc phạm cảm xúc tôn giáo của người Ukraine, làm bẽ mặt quan điểm của các tín hữu của các tín ngưỡng khác và cố gắng tạo ra thái độ thù địch đối với họ, và đưa ra các tuyên bố biện minh hoặc phủ nhận các hành động của quốc gia xâm lược.”

SBU cho biết: “Các hành động điều tra” đã được thực hiện tại nơi cư trú của Tổng Giám Mục Petro Lebid. Theo SBU, hoạt động này được tiến hành dưới sự giám sát của Văn phòng Tổng công tố Ukraine.

“Đối phương đang cố lợi dụng môi trường Giáo Hội để tuyên truyền và chia rẽ xã hội Ukraine. Nhưng chúng ta sẽ không cho quân xâm lược một cơ hội nào! SBU ngăn chặn một cách có hệ thống mọi nỗ lực của các cơ quan đặc nhiệm Nga nhằm sử dụng các đặc vụ của họ để gây tổn hại đến lợi ích và an ninh của Ukraine”, người đứng đầu SBU Vasyl Malyuk cho biết trong tuyên bố.

Đây là những gì dẫn đến cuộc điều tra: Tổng Giám Mục Petro Lebid là tu viện trưởng của tu viện 980 tuổi, trụ sở của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, một nhánh của Chính thống ở Ukraine có truyền thống trung thành với nhà lãnh đạo Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill.

Kirill là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là người ủng hộ cuộc chiến của ông ta với Ukraine.

Căng thẳng về sự hiện diện của Giáo Hội Chính thống Ukraine tại Kyiv-Pechersk Lavra đã gia tăng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga và một thỏa thuận cho phép UOC chiếm giữ khu phức hợp lịch sử đã bị chấm dứt vào ngày 10 tháng 3. UOC được hướng dẫn rời khỏi cơ sở trước ngày 29 tháng Ba.

Vào tháng 5 năm 2022, UOC cắt đứt quan hệ với Mạc Tư Khoa và tuyên bố “độc lập hoàn toàn”, nhưng một số thành viên vẫn duy trì lòng trung thành của họ.

Giáo Hội Chính thống Ukraine cho biết Tổng Giám Mục Petro Lebid đã tham dự phiên tòa hôm thứ Hai nhưng cảm thấy không khỏe và phải đến bệnh viện.

Các tín hữu cầu nguyện chặn lối vào một nhà thờ tại khu phức hợp của tu viện Kyiv-Pechersk Lavra ở Kyiv vào ngày 31 tháng 3.

Một số thông tin cơ bản khác: Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào năm 2022, Cơ quan An ninh Ukraine cho biết họ đã triển khai hơn 40 “biện pháp an ninh và phản gián toàn diện” trong môi trường UOC, “nhằm mục đích ngăn chặn các hoạt động phá hoại của những kẻ ủng hộ các giáo sĩ Nga.”

Theo kết quả của các biện pháp mà SBU thực hiện, 61 thủ tục tố tụng hình sự đã được khởi xướng đối với 61 giáo sĩ. “Tổng cộng, các tòa án đã tuyên 7 bản án đối với các cá nhân giáo sĩ đứng về phía đối phương, trong đó có 2 người đã được trao cho phía Nga để đổi lấy các quân nhân của chúng ta”

Dựa trên các cuộc điều tra của SBU, 17 quan chức UOC đã bị Kyiv trừng phạt và gần 250 giáo sĩ của Nhà thờ Chính thống Nga đã bị cấm vào Ukraine.

Ukraine cũng đã tước quyền công dân của 19 giáo sĩ UOC, những người mang hai quốc tịch Ukraine-Nga, và buộc họ phải rời khỏi đất nước.

3. Tại sao những kẻ dị giáo kiên quyết ở lại trong Giáo hội trong khi cố gắng phá hủy Giáo Hội?

Tiến sĩ Jennifer S. Bryson, Thành viên tại Trung tâm Chính sách công và Đạo đức học ở Washington, DC và là Nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Hochschule Heiligenkreuz, cho rằng sự lạc quan phi thực tế của những kẻ dị giáo giữ họ ở lại trong Giáo hội trong khi cố gắng phá hủy nó.

Theo bà, năm mươi năm trước, lúc đó còn là một linh mục, Joseph Ratzinger và Ida Friederike Görres đang xem chương trình truyền hình tương đương với trực tuyến ngày nay về sự sụp đổ của Giáo hội ở Châu Âu. Và họ cũng hỏi cùng những câu hỏi về “những người cải cách” trong Giáo Hội mà ngày nay nhiều người trong chúng ta đang hỏi:

Tại sao họ quá lạc quan về những nỗ lực của họ, những nỗ lực rõ ràng đang dẫn đến sự suy giảm trong Giáo Hội? Và tại sao những người này vẫn ở trong một Giáo hội mà họ rõ ràng coi thường như vậy? Và, dám thốt ra chữ L, khi nào các vị nắm quyền cuối cùng sẽ rút thẻ đỏ ra và tuyên bố, “ly giáo”?

Vào đầu thập niên 1970, Ratzinger là một giám mục trẻ đang lên và Görres là một tác giả giáo dân lớn tuổi gần cuối đời. Cuộc sống của họ giao nhau. Ratzinger và Görres tiếp tục trao đổi thư từ từ những năm 1960 cho đến khi bà qua đời vào năm 1971, khi Ratzinger đọc điếu văn tại tang lễ của bà.

Khi nói đến các kẻ phá hoại vào thập niên 1970, Ratzinger nhận thấy tính lạc quan là một đặc điểm trung tâm của họ. Ngài đã khai triển ba giả thuyết để giải thích sự lạc quan của họ. Trong một bài nói chuyện của Ratzinger về “Hy vọng” vào năm 1986, ngài đã sử dụng Giáo hội ở Hòa Lan vào đầu những năm 1970 như một trong những nghiên cứu điển hình của mình về đối tác không tương ứng của hy vọng, tức tính lạc quan. Ngài mô tả tại sao tình trạng của Giáo hội ở Hòa Lan lại là một chủ đề rất được thảo luận giữa các đồng nghiệp của ngài vào thời điểm đó.

Sau chuyến thăm Hòa Lan, một trong số các vị mang về một bản báo cáo cho thấy “các chủng viện trống rỗng, các dòng tu không có tập sinh, linh mục và tu sĩ đang quay lưng lại với ơn gọi của họ, việc xưng tội biến mất, số người tham dự Thánh lễ giảm sút nghiêm trọng, và v.v...” Ratzinger nói: “Điều thực sự ngạc nhiên” là sự phổ biến của “tính lạc quan”. Ratzinger kể lại việc vị khách trở về từ Hòa Lan nói với họ:

“Không nơi nào có sự bi quan, mọi người đều hướng tới ngày mai với sự lạc quan. Hiện tượng lạc quan nói chung cho phép quên đi tất cả sự suy đồi và tàn phá: đủ để bù đắp cho tất cả những gì tiêu cực”.

Ratzinger đưa ra ba giả thuyết cho sự lạc quan này trước sự sụp đổ hết sức rõ ràng.

Một là “sự lạc quan có thể chỉ là vỏ bọc đằng sau ẩn giấu sự tuyệt vọng mà người ta đang cố gắng vượt qua.”

Giả thuyết thứ hai, theo ngài, “có thể là một điều gì đó tồi tệ hơn.” Ngài giải thích:

“Có thể sự lạc quan này là phương pháp được nghĩ ra bởi những người mong muốn phá hủy Giáo hội cũ và dưới chiêu bài cải cách muốn xây dựng một Giáo hội hoàn toàn khác, một Giáo hội theo sở thích của họ mà không cần quá ồn ào”.

Ratzinger nghĩ rằng sự hủy diệt như vậy sẽ là “Điều gì đó mà họ không thể khởi động nếu ý định của họ bị phát hiện quá sớm.” Ngài xác định rằng giả thuyết thứ hai này đòi hỏi hai kiểu lạc quan: kiểu lạc quan của những kẻ hủy diệt và kiểu lạc quan của những người ngây thơ bước theo.

Do đó, hình ảnh “sự lạc quan công cộng” được duy trì bởi những kẻ hủy diệt “sẽ là một cách trấn an các tín hữu nhằm tạo ra bầu không khí trong đó người ta có thể phá bỏ Giáo hội một cách lặng lẽ nhất có thể và giành quyền lực đối với nó.” Theo Ratzinger, muốn làm cho cách tiếp cận thứ hai này có thể thực hiện được, cần phải có “sự cả tin, thực sự là sự mù quáng của các tín hữu, những người để cho mình được trấn an bằng những lời hoa mỹ.”

Ngài kết luận, “tuy nhiên, sự lạc quan kiêu ngạo bội giáo này sẽ lợi dụng sự lạc quan ngây thơ của phía bên kia và thực sự cố tình nuôi dưỡng nó.” Kiểu lạc quan này sẽ được trình bày một cách lừa bịp như thể nó “chẳng là gì khác ngoài… nhân đức cậy thần thiêng,” trong khi, “trong thực tế, nó là một sự nhái lại đức tin và đức cậy.” Ngài nói, kiểu lạc quan thứ hai này sẽ là “một chiến lược có chủ ý nhằm xây dựng lại Giáo hội để… ý muốn của chúng ta” chứ không phải ý muốn của Thiên Chúa, “sẽ có tiếng nói quyết định cuối cùng.”

Giả thuyết thứ ba của ngài là “sự lạc quan này…chỉ đơn giản là một biến thể của niềm tin cấp tiến vào sự tiến bộ không ngừng—sự thay thế kiểu tư sản cho niềm trông cậy đã mất của đức tin.”

Ratzinger kết luận rằng rất có thể cả ba loại lạc quan đều đang hoạt động, “Không dễ để xác định loại nào trong số chúng có sức nặng quyết định và khi nào và ở đâu.”

Năm 1970, cũng có một giả thuyết khác về tiền thân Hòa Lan của Tiến trình Công nghị ngày nay, lần này được phát triển bởi Ida Görres. Trong một bức thư gửi cho người bạn của bà, Cha Paulus Gordan, OSB, bà giải thích rằng một linh mục đã mang về các tài liệu từ Giáo Hội Hòa lan. Bà phát biểu: “Về vấn đề này, tôi không thể hiểu tại sao, ở Rôma, người ta không đơn giản tuyên bố sự ly giáo, mà thực tế đã diễn ra từ lâu” — bà nói, một sự ly giáo “bây giờ chỉ được ngụy trang bằng những công thức khinh miệt ngoại giao.” Sau đó, bà giải thích lý do tại sao từ phía bên kia, ở Hòa lan, những người, trong căn bản, đã rời bỏ Giáo hội không tỏ ra háo hức bước ra khỏi cửa:

“Các quý ông ở Hòa lan chắc chắn đủ thông minh để biết rằng, nếu chính thức tách ra, họ sẽ chìm xuống vực thẳm của sự tầm thường không đáng quan tâm, trong khi bằng cách này, tất nhiên, họ sẽ tiếp tục đóng một vai giật gân tuyệt vời và, đồng thời, vẫn làm được những gì phù hợp với họ”.

Sự lạc quan tươi sáng, vui vẻ và tình yêu dành cho sự chú ý của giới truyền thông ngày nay lại được trình bầy giữa những người thống khoái Tiến trình Công nghị ở Đức. Năm này qua năm khác, ngày càng có nhiều người Đức rời bỏ Giáo hội; nhưng tại Tiến trình Công nghị, họ lạc quan hơn bao giờ hết. Họ say mê một tương lai với việc phong chức linh mục cho phụ nữ, cho phép ly dị, mở rộng bí tích hôn nhân cho các cặp đồng tính, v.v. Và họ nhanh nhẩu trong việc làm cho trường hợp của họ được biết đến trên bất cứ kênh truyền thông nào có thể. Và trong suốt thời gian đó, họ “làm những gì phù hợp với họ” chứ không phải những gì phù hợp với Giáo hội.

Hiện nay, chúng ta đang ở tình tiết không biết thứ bao nhiêu của mùa thứ bao nhiêu của một loạt phim bi kịch được gọi là “Cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội.” Trong tình tiết mới nhất, Tiến trình Công nghị ở Đức, vốn đã gieo rắc hết sự phẫn nộ này đến sự phẫn nộ khác trên con đường của nó, giờ đây đang ôm lấy hết quan điểm dị giáo này đến quan điểm dị giáo khác và làm như vậy một cách trơ trẽn hơn bao giờ hết.

Và khi xem lại đoạn trực tuyến về điều này, chúng ta vẫn đặt câu hỏi: Tại sao những người theo đuổi sự hủy diệt này lại tràn đầy lạc quan như vậy? Khi nào thì đủ để sự phân ly trên thực tế được tuyên bố một cách công khai? Và tại sao những người ghét Giáo hội này vẫn ở trong Giáo hội?