Ngày 05-04-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:34 05/04/2016
24. CÓ MỘT CÂY HƠN NGÀN ĐẦY TỚ.
Lý Xung ở Giang Long có trồng một cây dâu hơn ngàn quả, mỗi năm thu hoạch rất nhiều quả.
Ông ta nói với đứa con trai:””
- “Bố có một cây hơn ngàn đầy tớ làm sản nghiệp, đã đủ cho con ăn uống cả đời”.
(Độc dị chí)

Suy tư 24:
Người suy nghĩ nông cạn là người chỉ biết việc trước mắt mà không thấy cái hại sau lưng, là người ham cái lợi nhỏ mà bỏ đi cái lớn to lớn về dài về lâu. Một cây dâu lớn, dù cho nó có hàng vạn quả, cũng không thể nào hơn một người đầy tớ, chứ đừng nói là một ngàn đầy tớ.
Có một giáo dân nọ nói với người hàng xóm không phải là giáo dân rằng: “Theo đạo Chúa dễ lắm, chỉ cần đi xem lễ ngày Chúa Nhật là được lên thiên đàng !” Thánh lễ ngày Chúa Nhật không phải là tấm vé vào rạp coi phim và Thiên Chúa cũng không hứa cho những ai đi lễ ngày Chúa Nhật được vào thiên đàng, nhưng đi lễ ngày Chúa Nhật là một trong mười điều răn của Chúa dạy chúng ta phải tuân giữ để giữ đạo làm con, và để tôn kính một Thiên Chúa duy nhất trên hết mọi sự.
Thánh lễ ngày Chúa Nhật không phải là cây dâu có ngàn quả để thụ hưởng suốt đời, bởi vì cây dâu không phải là Thiên Chúa, càng không phải là con người, mà chỉ là một...cây dâu do Thiên Chúa tạo dựng và được con người ươm trồng chăm sóc, chỉ cần cơn gió cấp mười một là cây dâu tàn tạ tiêu điều, chỉ cần nhu cầu mặt bằng để làm ăn thì cây dâu không còn chỗ đứng.
Cũng vậy, thánh lễ ngày Chúa Nhật có tầm quan trọng đặc biệt vì là ngày của Chúa, nhưng nếu đi lễ mà giống như là đi biểu diễn thời trang, tụm năm tụm bảy phê bình cô này áo quần mô-đen thời thượng, cô kia tóc tém mi-nhon hết ý, hoặc có đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật nhưng không bao giờ tham dự các bí tích, không thực hành Lời Chúa trong bài giảng ngày Chúa Nhật, không yêu người lân cận như chính mình, thì dù có đi tham dự một ngàn thánh lễ ngày Chúa Nhật cũng không được nhìn vào bên trong cửa thiên đàng, chứ đừng nói là được lên thiên đàng !
Đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật thật sốt sắng tuyệt vời, thì cây dâu có ngàn quả đối với người Ki-tô hữu chỉ là một cây củi khô mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:37 05/04/2016

16. Ý nghĩa của đức khiết tịnh chính là dốc hết khả năng của con người để noi gương Thiên Chúa.

(Thánh Clemens I)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chúa đó
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:49 05/04/2016
Chúa Nhật III PHỤC SINH, năm C
Ga 21, 1-19

CHÚA ĐÓ

Các môn đệ của Chúa Giêsu, sau khi Thầy bị bắt, bị kết án tử hình: đóng đinh trên Thập giá. Các Ông thất vọng hoàn toàn, nản chán hoàn toàn vì các Ông tưởng rằng :” Thế là xong, thế là hết “. Do đó, tất cả các Ông trở về nghề cũ. Phêrô dù chán nản, nhưng vẫn được coi là thủ lãnh, ông không ra lệnh cho các bạn nhưng mời gọi cách kín đáo :” Tôi đi đánh cá đây “. Các bạn đồng môn hiểu ý Phêrô và đồng thanh thưa với Phêrô :” Chúng tôi cùng đi với anh “.

Thực lạ lùng, hai lần hiện ra trong nhà Tiệc Ly, các môn đệ đã nhận ra Chúa Phục Sinh, nhưng họ vẫn còn ngờ ngợ. Do đó, lần này Chúa không hiện ra nơi nhà Tiệc Ly nữa mà Chúa lại có mặt trên bờ Biển Hồ Tibêriát từ sáng tinh mơ. Gioan, người môn đệ được Chúa thương mến nhạy cảm hơn, tinh tế hơn đã nhận ra Chúa Phục Sinh, nhưng môn đệ này lại cứ im lặng, ngồi yên trong thuyền. Phêrô luôn là người bộc trực, nóng nảy, Ông đang ở trần vì đang trên thuyền ngoài khơi, nhảy vội xuống nước bơi vào vì Ông nôn nóng muốn gặp Chúa Giêsu sống lại. Đúng là hai người hai phản ứng khác nhau nhưng mẫu số chung vẫn là yêu mến Chúa. Hội Thánh cũng vậy thôi vì Hội Thánh gồm nhiều người trên khắp mặt đất với những suy nghĩ, văn hóa, ngôn ngữ khác nhau nhưng tựu chung tất cả đều tin và yêu mến Chúa. Như Phêrô và các môn đệ đánh bắt cá trên Biển Hồ Tibêriát sau khi Chúa Giêsu chịu chết. Họ là những tay đánh bắt cá lành nghề, nhưng suốt đêm không bắt được con cá nào. Nghe lời người lạ trên bờ Biển Hồ, đó là Chúa Giêsu Phục Sinh mà họ chưa nhận ra, họ chèo ra biển và thả lưới như người lạ bảo, họ đã bắt được mẻ cá lạ lùng 153 con cá lớn. Họ vui mừng, đang mệt, đang buồn, bỗng trở nên sung sướng hân hoan. Họ đã chèo vào bờ và đến ăn. Lúc đó họ đã nhận ra người lạ là Đức Giêsu Phục Sinh. Đây là lần thứ ba Chúa đã hiện ra cho các môn sau khi Ngài đã từ cõi chết sống lại.

Cũng trong bài tường thuật của thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu sống lại đã hỏi thánh Phêrô đến ba lần về lòng yêu mến của thánh Phêrô. Vâng, vị tông đồ Phêrô là người rất bộc trực, nóng nhưng rất nhiệt tình. Trước khi Chúa chịu chết, Ngài đã loan báo cho Phêrô biết Ông sẽ chối Chúa ba lần trước khi gà gáy. Phêrô vẫn tự tin, tự mãn cho rằng dù ai chối, dù ai bỏ

Thầy, riêng Ông thì không, nhưng thực tế Phêrô đã chối Chúa ba lần. Hôm nay, Chúa hỏi Phêrô có yêu mến Chúa đến ba lần làm Ông bực, tự ái. Chúa Giêsu muốn biết sự xác quyết sâu xa của Phêrô về lòng mến Phêrô dành cho Chúa để từ đó Chúa sẽ cất nhắc Ông làm đầu Giáo Hội, chăn dắt chiên mẹ, chiên con của Chúa. Đây là lần thứ ba Chúa hỏi Phêrô :” Anh có yêu mến Thầy không ? “ ( Ga 21, 17 ). Phêrô đáp :” Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy “ ( Ga 21, 17 ). Chúa đã chọn Phêrô để Phêrô :” Chăm sóc chiên của Thầy “.

Phêrô được chia sẻ sứ vụ mục tử với Chúa Giêsu, Ông cũng được chia sẻ Thập giá với Đức Kitô, đồng thời được đi theo Thầy, và được chết cùng Thầy :” Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn “ ( Ga 21, 18 ). Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi đáp lại tình thương của Ngài bằng chính đời sống bác ái, yêu thương của chúng ta đối với anh chị em của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết can đảm vượt thắng con người cũ, mặc lấy Đức Kitô và sống bác ái hòa hợp với mọi người. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :


1.Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lần thứ ba với các môn đệ ở đâu ?
2.Tại sao Gioan lại nhận ra Chúa Phục Sinh đang đứng trên bờ Biển Hồ Tibêriát ?
3.Tại sao Chúa Phục Sinh lại hỏi Phêrô tới ba lần về lòng yêu mến Chúa ?
4.Chúa loan báo Phêrô sẽ phải chết cách nào ?
 
Mẻ Lưới Của Lòng Thương Xót
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:01 05/04/2016
Mẻ Lưới Của Lòng Thương Xót

SUY NIỆM Chúa Nhật III PHỤC SINH - C

(Ga 20, 19-31)

Bước sang Chúa Nhật thứ Ba sau Đại lễ Phục Sinh, phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta tích cực gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh trong đời sống thường ngày. Gặp được Chúa sẽ có niềm vui, vui vì Chúa đã sống lại. Thánh Phêrô Tông Đồ cho chúng ta kinh nghiệm sống động về cuộc gặp gỡ này, ông hân hoan vui mừng cả khi người Do Thái đánh đòn, cấm không được rao tin Chúa Kitô Phục Sinh (x.Cv 5,40b). Vì thế lời Ca nhập lễ bảo ta ca vang : "Cả trái đất, nào tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên, mừng danh thánh rạng ngời, hãy dâng Người lời ca tụng tôn vinh. Hallêluia".

Trang Tin Mừng (Ga 21, 1-19) thật là đẹp, đẹp về con người người, vì các môn đệ tin Chúa đã sống lại ; đẹp về công việc, đi bắt cá suốt đêm không được gì, này có mẻ lưới đầy cá; đẹp về thời gian, bởi đây là buổi bình minh của ngày thứ nhất trong tuần; đẹp về nơi chốn vì Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các ông ở trên bờ (x. Ga 21,4).

Một chi tiết rất hay đáng chúng ta lưu ý là : "Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bời biển" (Ga 21,4). Biển là gì nếu không phải là biểu tượng của thế gian đang bị xô đẩy bởi những con sóng dữ dội và những vòng xoáy của ba thù? Và bờ biển ở đây là gì, hả chẳng tượng trưng cho sự sống đời đời đó sao ? Các môn đệ đã vất vả, cực nhọc suốt đêm trên biển để đánh bắt cá, đương đầu với những con sóng của cuộc sống hay chết, nhưng Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại, Người đứng trên bờ. Theo thánh Grêgôriô Cả (540-604), Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh giải thích thì : Chúa Giêsu đứng trên bờ, vì sau khi sống lại, Người đã vượt qua các điều kiện của một xác thịt mong manh hay hư nát, Người đứng trên bờ để nói cho các môn đệ về mầu nhiệm phục sinh, rằng : "Thầy không hiện ra với anh em trên mặt biển nữa (x. Mt 14,25), bởi vì Thầy không còn ở với anh em trong lúc biển gầm bão tố nữa". Đó chính là ý nghĩa Chúa muốn nói với các môn đệ sau khi sống lại: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em" (Lc 24,44). Người không nói điều này bởi vì Người không còn ở với họ. Thân xác vĩnh hằng lúc ẩn lúc hiện rất xa vời với thân xác hay chết của các môn đệ. Người nói, Người không còn ở giữa họ nữa. Chúa ở trên bờ để kéo các ông lên bờ và biến các ông từ nay trở thành những kẻ lưới người ở trên bờ, chứ không lưới cá ở dưới nước nữa. (Trích Homélies sur l'Évangile, n°24)

Trở lại với mẻ cá lạ của các môn đệ làm theo lệnh truyền của Chúa Phục Sinh, vào buổi bình minh của ngày mới, Chúa hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Nếu như Tin Mừng không nói rõ, chúng ta không thể tưởng tượng được rằng chính Chúa sẽ chuẩn bị một cái gì đó cho chính mình cũng như các môn đệ, những ngư dân mệt mỏi suốt đêm nay cần đồ ăn sáng.

Chúa Giêsu Phục Sinh đã cách mạng hóa cuộc sống của họ và biến đổi lịch sử nhân loại ở mọi nơi mọi thời. Các Tông Đồ thấy rằng họ đã thất bại, họ đã không đạt được tầm mức mà Đấng Mê-sia mong đợi. Trong lưới của Phêrô và các môn đệ, người ta nhận ra sự kiệt sức, gần như đầu hàng, không hướng về Thiên Chúa, nhưng lại đối diện với sự nghèo nàn của chính họ. Phêrô nói : "Tôi đi đánh cá đây"(Ga 21,3), ngay lập tức những người khác cũng đi theo, dường như muốn nói: "Bây giờ họ không có gì khác để làm".

Quả thật, con người của các Tông Đồ lúc này : Sau "khổ đau" của Thánh Giá, họ đã trở về gia đình, với cộng việc thường nhật, có người đi đánh cá, nghĩa là họ trở về lại con người và làm những công việc trước lúc chưa gặp Chúa Giêsu. Điều này cho thấy bầu khí phân tán và rối loạn trong nhóm (x. Mc 14, 27, và Mt 26, 31). Đó là khó khăn cho các môn đệ để hiểu những gì đã xảy ra, khi mà tất cả dường như đến hồi kết, thì trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã đến với các môn đệ dưới dạng khách đồng hành. Giờ đây, Chúa gặp gỡ họ lúc họ đang ở biển, là nơi mà tâm trí họ nặng trĩu vì những thử thách gian truân của cuộc đời; Người gặp họ vào rạng sáng ngày sau khi họ vất vả cực nhọc vô dụng suốt đêm. Lưới họ không có gì, cách nào đó, điều này cho thấy cảm nghiệm của họ với Chúa Giêsu, họ biết Chúa đang ở bên họ, và Chúa hứa với họ nhiều điều. Tuy nhiên, họ thấy mình bây giờ với mẻ lưới trống rỗng.

Chúng ta cũng vậy, có lúc thấy mình với mẻ lưới trống rỗng. Đi bộ, kiệt sức, trên đường Emmaus của chúng ta, Chúa tiến lại gần để giúp chúng ta thực hiện những bước nhảy vọt về sự khiêm nhường và tin tưởng vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Các tông đồ thấy mỏi mệt, nhưng xúc động trước tình yêu của Chúa Kitô, họ thả lưới ở "phía bên kia" thuyền. Tại sao lại ‘bên kia ? Bên kia là bên của lòng thương xót của Thiên Chúa. Tấm lưới của Phêrô đã được thả xuống từ một phần của lòng thương xót Chúa. Quả thật, lòng thương xót của Thiên Chúa là rất cần thiết trong thế giới hôm nay. Chúng ta hãy vâng nghe Lời Chúa, tin tưởng làm theo những gì Chúa truyền dạy để xứng đáng được kể là dân của lòng Chúa xót thương.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:37 05/04/2016

15. Dâm dục được thực hiện thì cuối cùng trở thành thói quen, thói quen không đổi thì cuối cùng không thể nhổ được.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vụ Panama Papers: Nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải ngồi tù, nhiều chính quyền sẽ sụp đổ hàng loạt trong thời gian tới
Đặng Tự Do
05:32 05/04/2016
Tháng 8 năm 2015, một nguồn tin ẩn danh đã cung cấp cho tờ Süddeutsche Zeitung 11.5 triệu tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca lên đến 2,6 terabyte dữ liệu. Đây là số tài liệu rò rỉ lớn nhất cho đến nay. Tờ báo này sau đó cung cấp số tài liệu trên cho Tổ Hợp Các Ký Giả Điều Tra Quốc Tế (International Consortium of Investigative Journalists -ICIJ) có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ. Đến nay, số tài liệu này đã lọt vào tay ít nhất 400 ký giả quốc tế.

Những tài liệu này cho thấy các hoạt động tài chính bí mật và bất hợp pháp của 12 nhà lãnh đạo đương chức của năm quốc gia là Á Căn Đình, Iceland, Saudi Arabia, Ukraine và United Arab Emirates - cũng như 143 quan chức chính phủ, những người thân và cộng sự viên gần gũi của những người đứng đầu các chính quyền khác nhau của hơn 40 quốc gia khác, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Pakistan, Nga, Nam Phi, Tây Ban Nha, Syria và Vương quốc Anh.

Các tập tin bị rò rỉ cũng giúp xác định sự tham gia vào các hoạt động tài chính bất hợp pháp của 61 thành viên gia đình và cộng sự viên của các Thủ tướng, các Chủ tịch và các vị vua, trong đó có người anh rể của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình của Trung Quốc, cha của Thủ tướng Anh David Cameron, con trai của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, các con của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, và “nhà thầu ưa thích” của Tổng thống Mễ Tây Cơ Enrique Peña Nieto.

Vụ “siêu leak”, được gọi là “Panama Papers”, này đang làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình tại nhiều nước trên thế giới. Những người biểu tình giận dữ kêu gọi các nhà lãnh đạo có liên quan phải từ chức và các cuộc điều tra phải được tiến hành để truy tố những kẻ phạm pháp. Lo sợ ảnh hưởng của vụ này sẽ dẫn đến xáo trộn chính trị, Trung quốc cấm tất cả các Web sites đăng ký tại Hoa Lục không được nhắc đến những thông tin về vụ này.


Mossack Fonseca là một công ty luật và là một tổ hợp dịch vụ của Panama được thành lập vào năm 1977 bởi Jürgen Mossack và Ramon Fonseca. Các dịch vụ của Mossack Fonseca bao gồm giúp thành lập, chia nhỏ, nhập lại các công ty ở hải ngoại, quản lý các công ty ở nước ngoài và cung cấp dịch vụ quản lý tài sản. Công ty có hơn 500 nhân viên tại hơn 40 văn phòng trên toàn thế giới. Mossack Fonseca là đại diện pháp luật của hơn 300,000 công ty.

Tờ The Guardian mô tả Mossack Fonseca là công ty luật lớn thứ tư trên thế giới. Nó làm việc với các tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, chẳng hạn như Deutsche Bank, HSBC, Societe Generale, Credit Suisse, UBS, ngân hàng Commerzbank và Nordea.

Trước khi xảy ra vụ rò rỉ “Panama Papers”, Mossack Fonseca đã được mô tả bởi các nhà kinh tế như một công ty “kín tiếng” nhất trong ngành công nghiệp tài chính.

Một bài viết trên trang web của Australian Broadcasting Corporation (ABC) giải thích phương thức hoạt động của Mossack Fonseca như sau:

“Sử dụng các vỏ bọc phức tạp của các cấu trúc công ty và tín dụng, Mossack Fonseca giúp khách hàng của mình có thể hoạt động đằng sau một bức tường bí mật gần như bất khả xâm phạm. Thành công của Mossack Fonseca dựa trên một mạng lưới toàn cầu các mạng lưới kế toán và các ngân hàng có uy tín đang thuê công ty luật này quản lý tài chính cho những khách hàng giàu có của họ. Ngân hàng là kẻ giật dây lớn đằng sau việc tạo ra các công ty hoàn toàn không để lại dấu vết gì trong lãnh vực thuế má.

Phần lớn công việc của công ty này có vẻ hoàn toàn hợp pháp và lành mạnh. Nhưng các tài liệu đầu tiên bị rò rỉ cho chúng ta một cái nhìn chi tiết hoạt động bên trong của nó, cho thấy có quá nhiều thứ có thể gian trá”.

Theo tờ The Guardian, tên của tổng thống Nga Vladimir Putin “không xuất hiện trong bất kỳ hồ sơ nào”, nhưng tờ báo xuất bản một danh sách dài “những người bạn thời thơ ấu của ông Putin và những đồng đội cũ”, bao gồm cả tỷ phú xây dựng Arkady và Boris Rotenberg, nhạc sĩ chuyên nghiệp Sergei Roldugin, và tài phiệt Alisher Usmanov.
 
Tòa Thánh và việc quản lý tên miền .catholic
Đặng Tự Do
12:28 05/04/2016
Trong tuần qua, Tòa Thánh thủ đắc được quyền quản lý những tên miền có đuôi tận cùng là. catholic bất chấp những phản đối của Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi chỉ trích việc Internet Assigned Numbers Authority giao quyền quản lý tên miền danh mục Internet. catholic cho Tòa Thánh với lập luận rằng Vatican “không thể chứng minh quyền sở hữu độc quyền danh mục. catholic.” Ủy ban công nghệ thông tin của vương quốc Hồi giáo này tuyên bố chủ quyền đó thuộc về cả các nhóm Kitô giáo khác, bao gồm cả các Giáo Hội Đông Phương và Chính Thống Đông Phương.

Ngoài ra, Ả Rập Saudi còn phản đối việc phân cấp quản lý cho các danh mục Internet khác, vì nhiều lý do. Nước này phản đối bất kỳ nhóm nào được giao phụ trách các danh mục liên quan đến tôn giáo như. islam,. halal và. ummah.

Trong thông cáo đưa ra ngày 4 tháng Tư, 2016, Vụ Thông Tin Tòa Thánh cho biết:

“Theo đề nghị của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Vụ Thông Tin Tòa Thánh đã thành lập một văn phòng gọi là ‘DotCatholic’ với mục đích là tận dụng một tên miền danh mục Internet (.catholic), để chia sẻ giáo lý, sứ điệp và các giá trị của Giáo Hội Công Giáo với cộng đồng quốc tế rộng hơn trong không gian mạng.

Cựu giám đốc của bộ phận Công nghệ thông tin Vatican Radio, là kỹ sư Mauro Militia, đã được bổ nhiệm đứng đầu nhóm làm việc mới, gồm 7 kỹ thuật viên kỹ thuật thông tin.”

Đức Cha Paul Tighe, vừa được tấn phong Giám Mục hôm 29 tháng Hai, Phụ Tá Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hoá từ tháng 12 năm ngoái, người đã từng là Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, bày tỏ hy vọng rằng tên miền danh mục. catholic sẽ giúp cho sự hiện diện của Giáo Hội trên Internet “có tổ chức và mạch lạc” hơn. Đó chính là nhiệm vụ của văn phòng DotCatholic hiện nay trong việc đề ra những chính sách nhằm quản lý tên miền. catholic.

Tưởng cũng nên biết thêm một chút về các tên miền.

Mỗi computer khi hòa vào mạng lưới Internet đều cần có một địa chỉ để có thể nhận và phát data. Địa chỉ đó được gọi là IP address. Thí dụ, 74.208.250.66. Server của VietCatholic cũng phải có một IP address như thế.

Nhưng, khó ai có thể nhớ nổi những con số này. Cho nên, thay vì đánh http://74.208.250.66, ta có thể đánh http://vietcatholic.net. vietcatholic.net là domain name – hay tên miền của VietCatholic.

Trong tên miền vietcatholic.net,. net được gọi là TLD – Top Level Domain. Khi chuyển đổi từ tên miền vietcatholic.net sang ip address 74.208.250.66, các chương trình bắt đầu lục trong tự điển tra cứu Internet từ TLD. net, rồi tìm xuống vietcatholic. Cho nên,. net được gọi là TLD hay tạm dịch là Bậc Cao Nhất của Tên Miền.

Bên cạnh TLD. net, chúng ta còn có 6 TLD khác là mã danh mục tổ chức. Đó là. gov. edu. com. mil. org và. int. Khi hệ thống tên miền được đưa ra vào thập niên 1980, TLD quốc gia gồm 2 chữ cũng được giới thiệu nhằm minh định quốc gia. Thí dụ,. au là Australia;. va là Vatican. Thí dụ catholicdirectory.com.au là một tên miền có cả mã quốc gia là Australia. Tóm lại, chúng ta có hai loại TLD. Loại thứ nhất là mã danh mục tổ chức. Loại thứ hai là mã quốc gia.

Với sự phát triển của Internet, người ta mong muốn có thêm các mã danh mục tổ chức. Tính đến tháng 10 năm 2009, đã có 21 TLD mã danh mục tổ chức và 250 TLD mã quốc gia.

Internet Assigned Numbers Authority (IANA) là cơ quan quản lý danh sách các TLD giao quyền cấp tên miền cho các tổ chức thích hợp. Thí dụ, một cơ quan hữu quan của Australia sẽ quản lý việc cấp các miền. au.

Gần đây IANA đã đề nghị thêm hàng loạt TLD khác trong đó có TLD. catholic.
 
Buổi canh thức kính Lòng Thương Xót Chúa tại Vatican
VietCatholic Network
13:36 05/04/2016
Năm Thánh Lòng Thương Xót đã bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 năm ngoái và sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 11 năm nay. Đỉnh cao của năm thánh này là thánh lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa diễn ra vào Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Phục sinh.

Chính vì thế, vào chiều áp lễ, Hội Đồng Giáo Hội Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hoá đã tổ chức một buổi canh thức tại quảng trường Thánh Phêrô do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự. Buổi canh thức cầu nguyện này trùng hợp với kỷ niệm 11 năm ngày Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời hôm Chúa Nhật 2 tháng 4, 2005. Ngày 30 tháng Tư năm 2000, trong lễ tuyên thánh cho sơ Faustina Kowalska, chính Đức Gioan Phaolô II đã thiết định Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Phục sinh là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa.

Buổi canh thức đã diễn ra vào lúc 6h chiều theo giờ Rôma. Tuy nhiên, từ lúc 4 giờ rưỡi chiều, các tham dự viên đã sinh hoạt với các bài thánh ca, chứng từ, và hoạt cảnh, xoay quanh các chủ đề: Lòng Thương Xót là kho tàng của Giáo Hội, Lòng thương xót là nguồn mạch Hy Vọng, và sau cùng Lòng Thương Xót và các chứng nhân hy vọng.

Kính thưa quý vị và anh chị em

Đức Thánh Cha đang tiến ra trước lễ đài từ phía bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Ngài vẫy tay chào mọi người trong khi ca đoàn và cộng đoàn cùng hát bài hát chính thức của năm thánh Lòng Thương Xót.

Đức Thánh Cha tiến lên lễ đài trong tiếng vỗ tay của anh chị em tín hữu và những người hiện diện.

Những người ngồi trên xe lăn được ưu tiên xếp ngồi phiá trước hàng rào an ninh, gần lễ đài.

Ca đoàn và cộng đoàn cùng hát bài hát chính thức của năm thánh Lòng Thương Xót.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá bắt đầu buổi canh thức.

Cộng đoàn đang đọc kinh Lạy Cha

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Cộng đoàn đọc kinh Kính Mừng

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Cộng đoàn đọc kinh Tin Kính

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh; chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công; tôi tin phép tha tội; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy, Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Buổi canh thức được tiếp tục với 5 giai đoạn: mỗi giai đoạn gồm một bài đọc sách thánh, và một bài suy niệm rồi các ý chỉ cầu nguyện, sau đó là lời nguyện do Đức Thánh Cha tuyên đọc.

Phần I:

Bài trích sách Tiên Tri Isaia (40, 27-31; 43, 1. 16-19)

Hỡi Gia-cóp, sao ngươi nói, hỡi Ít-ra-en, sao ngươi bảo:
“Đường tôi đi, ĐỨC CHÚA không nhìn thấy,
quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài? “
Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao?
ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa vĩnh cửu,
là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.
Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn,
trí thông minh của Người khôn dò thấu.
Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi,
kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.
Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn,
trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.
Nhưng những người cậy trông ĐỨC CHÚA
thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh.
Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,
và đi mãi mà chẳng chùn chân.

Nhưng bây giờ, đây là lời ĐỨC CHÚA phán,
lời của Đấng tạo thành ngươi, hỡi Gia-cóp,
lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Ít-ra-en:
Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về,
đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!
Đây là lời ĐỨC CHÚA,
Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
Đấng đã cho xuất trận
nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng:
- tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy,
đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn.

Người phán như sau:
"Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa,
chớ quan tâm về những việc thuở trước.
Này Ta sắp làm một việc mới,
việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.

Đó là Lời Chúa
Tạ ơn Chúa

Cộng đoàn yên lặng để tâm hồn lắng đọng
Cộng đoàn đang nghe một bài suy niệm.

Các ý cầu nguyện được dâng lên Chúa để cầu
Cho Giáo Hội được phát triển giữa các dân tộc;
Cho Đức Thánh Cha và tất cả các giám mục;
Cho các linh mục;
Cho những người thánh hiến;
Cho tất cả những ai loan báo Tin Mừng.
Cộng đoàn cùng hát một bài thánh ca

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa. Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót vô biên, là Đấng luôn luôn dõi theo con cái mình, xin giữ cho chúng được kiên định trong việc tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh. Xin cho mọi người chúng con được hưởng ơn cứu rỗi, mà Chúa Giêsu đã dâng trên bàn thờ Thánh Giá. Chúng con cầu xin Chúa, Người là Đấng Hằng Sống, Hằng Trị cùng Đức Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Phần II:

Bài trích sách Tiên Tri Isaia (51, 1-8)

Hỡi ai theo đuổi sự công chính,
hỡi kẻ đi tìm ĐỨC CHÚA, hãy nghe Ta!
Hãy đưa mắt nhìn lên tảng đá:
từ tảng đá này, các ngươi đã được đẽo ra;
hãy đưa mắt nhìn vào hầm đá:
từ hầm đá này, các ngươi đã được lấy ra.
Hãy ngước mắt nhìn tổ phụ Áp-ra-ham
và Xa-ra, người đã sinh ra các ngươi;
vì khi được Ta gọi, Áp-ra-ham chỉ có một mình, nhưng Ta đã ban phúc lành cho nó,
và cho nó trở nên đông đảo.

Đúng vậy, ĐỨC CHÚA an ủi Xi-on,
an ủi những nơi hoang tàn của nó,
làm cho hoang địa nên như vườn Ê-đen,
cho nơi khô cằn nên như thượng uyển của ĐỨC CHÚA.
Tại Xi-on sẽ vang tiếng reo mừng hoan hỷ,
vang lời cảm tạ và khúc vịnh ca.
Hỡi dân Ta, hãy chăm chú nghe Ta!
Hỡi nước Ta, hãy lắng tai nghe Ta!
Vì luật pháp sẽ do Ta ban truyền,
và quyết định của Ta, Ta sẽ công bố là ánh sáng muôn dân.
Đức công chính của Ta đã gần kề,
ơn cứu độ của Ta sắp xuất hiện,
cánh tay Ta sẽ lãnh đạo muôn dân muôn nước,
muôn đảo đặt hy vọng nơi Ta
và mong chờ Ta ra tay hành động.
Hãy ngước mắt lên trời, rồi cúi nhìn xuống đất:
Này, trời sẽ tan ra như làn khói,
đất sẽ rách tươm như manh áo cũ,
và dân cư trên đó sẽ chết như ruồi;
nhưng ơn cứu độ của Ta sẽ trường tồn vạn kỷ
và đức công chính của Ta sẽ không suy suyển bao giờ.

Hãy nghe Ta, hỡi những ai biết sống đời công chính,
hỡi dân hằng tâm niệm luật pháp của Ta,
đừng sợ chi miệng đời nhạo báng,
chớ vì lời sỉ nhục của ai mà khiếp đảm.
Vì chúng sẽ như chiếc áo bị mối ăn,
như tấm vải len bị rận cắn;
còn đức công chính của Ta sẽ trường tồn mãi mãi
và ơn cứu độ của Ta sẽ vạn đại thiên thu.

Đó là Lời Chúa
Tạ ơn Chúa

Cộng đoàn yên lặng để tâm hồn lắng đọng

Cộng đoàn đang nghe một bài suy niệm.

Các ý cầu nguyện được dâng lên Chúa để cầu xin Lòng Thương Xót Chúa
Cho các Kitô hữu bị bách hại;
Cho các Kitô hữu dao động đức tin;
Cho các Kitô hữu đã mất niềm hy vọng;
Cho các Kitô hữu không biết yêu thương;
Cho các Kitô hữu là tù nhân của não trạng của thế gian
Cng đoàn cùng hát một bài thánh ca

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa. Chúa là Thiên Chúa luôn trung tín, xin ban cho chúng con là con cái Chúa được vững mạnh trong đức tin khi chiêm ngưỡng các kỳ công tuyệt vời của Chúa. Xin cho chúng con luôn được vui mừng và hy vọng trong Chúa Kitô, Đấng Hằng Sống, Hằng Trị cùng Đức Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Phần III:

Bài trích sách Tiên Tri Isaia (52, 6-10)

Vì vậy, trong ngày ấy, dân Ta sẽ nhận biết danh Ta,
nhận biết rằng: chính Ta là Đấng đã phán: "Này Ta đây! "
Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xi-on rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị."
Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi
cùng cất tiếng reo hò vang dậy;
họ sẽ được thấy tận mắt ĐỨC CHÚA đang trở về Xi-on.
Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,
vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
Trước mặt muôn dân,

ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người:
Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,
người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

Đó là Lời Chúa
Tạ ơn Chúa

Cộng đoàn yên lặng để tâm hồn lắng đọng
Cộng đoàn đang nghe một bài suy niệm.

Các ý cầu nguyện được dâng lên Chúa để cầu xin Lòng Thương Xót Chúa
Cho cuộc sống của các gia đình phát sinh từ cuộc hôn nhân;
Cho giao ước tình yêu của vợ chồng;
Cho tâm hồn các trẻ em bị tổn thương và bị xâm phạm;
Cho những kỳ vọng của giới trẻ;
Cho những người cao niên.

Cộng đoàn cùng hát một bài thánh ca

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa. Chúa là nguyên ủy của lòng bác ái đích thật, xin đổi mới và làm đẹp cuộc sống hàng ngày của các gia đình và các cộng đồng chúng con để mỗi người cảm thấy được chấp nhận, được yêu thương và được nâng đỡ và nếm hưỏng được tất cả sự mới lạ đến từ sự phục sinh của Chúa Giêsu, Con Chúa, Đấng Hằng Sống, Hằng Trị cùng Đức Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Phần IV:

Bài trích sách Tiên Tri Isaia (54, 4-10)

Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ,
chớ e thẹn: ngươi sẽ không phải nhục nhằn.
Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân
và không còn nhớ bao nhục nhằn thời goá bụa.
Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt
chính là Đấng đã tác thành ngươi,
tôn danh Người là ĐỨC CHÚA các đạo binh;
Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Ít-ra-en,
tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.

Phải, ĐỨC CHÚA đã gọi ngươi về,
Như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn.
"Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành? ",
Thiên Chúa ngươi phán như vậy.
Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi,
nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.
Lúc lửa giận bừng bừng,
Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi,
nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót,
ĐỨC CHÚA, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.

Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê: lúc đó, Ta đã thề rằng
hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa,
cũng vậy, nay Ta thề
sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu.
Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,
tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi,
giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay,
ĐỨC CHÚA là Đấng thương xót ngươi phán như vậy.

Đó là Lời Chúa
Tạ ơn Chúa

Cộng đoàn yên lặng để tâm hồn lắng đọng
Cộng đoàn đang nghe một bài suy niệm.

Các ý cầu nguyện được dâng lên Chúa để cầu xin Lòng Thương Xót Chúa ban ơn hoán cải
Cho các tội nhân;
Cho những người không tin Chúa;
Cho những ai gieo rắc bạo lực;
Cho những kẻ gieo rắc lòng thù ghét;
Cho những kẻ đàn áp nhân phẩm của con người;

Cộng đoàn cùng hát một bài thánh ca
Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa. Đấng đầy dịu dàng, xin lòng nhân từ Chúa biến đổi những ai lạc xa Chúa để tất cả đàn chiên quay về cùng một Chủ Chiên là Chúa Kitô Con Chúa, Đấng Hằng Sống, Hằng Trị cùng Đức Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Phần V:

Bài trích sách Tiên Tri Isaia (55, 1-3. 6-8)

Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!
Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.
Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,
được thưởng thức cao lương mỹ vị.
Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu,
để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.

Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp,
kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,
người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có
mà trở về với ĐỨC CHÚA - và Người sẽ xót thương -,
về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.

Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

Đó là Lời Chúa
Tạ ơn Chúa

Cộng đoàn yên lặng để tâm hồn lắng đọng
Cộng đoàn đang nghe một bài trích từ nhật ký của thánh Faustina.

Các ý cầu nguyện được dâng lên Chúa để cầu xin Lòng Thương Xót Chúa
Cho những người khốn khổ và đau khổ;
Cho những người bị lạm dụng và khai thác;
Cho những người tị nạn và những người lưu vong;
Cho những người cô đơn và bị bỏ rơi;
Cho những người bệnh tật, cách riêng cho những người đang hấp hối.

Cộng đoàn cùng hát một bài Thánh Ca.

Bài Phúc Âm theo Thánh Gioan (20, 19-31)

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "

Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Tin Mừng của Chúa Kitô
Ngợi khen Chúa

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày các suy tư của ngài về Lòng Thương Xót Chúa như một “đại dương bao la đến mức rất khó để mô tả tất cả một cách tổng thể”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng Kinh Thánh trình bày lòng thương xót Thiên Chúa như sự gần gũi với dân Ngài và trong những thể hiện dịu dàng, đặc biệt là trong sách tiên tri Hôsê.

Đi sâu vào những khía cạnh đa dạng của lòng thương xót Chúa, Đức Thánh Cha nói:

“Có biết bao những biểu hiện của Lòng Thương Xót Chúa! Lòng Thương Xót này đến với chúng ta như sự gần gũi và sự dịu dàng, như lòng từ bi và tình liên đới, sự an ủi và tha thứ. Chúng ta càng nhận được, chúng ta càng được mời gọi để chia sẻ với những người khác; chứ không thể giấu kín đi hoặc chỉ giữ lại cho mình. Lòng Thương Xót là một điều gì đó cháy bỏng trong lòng chúng ta, dẫn dắt chúng ta đến tình yêu thương tha nhân, và như thế nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô nơi những người rốt cùng, yếu thế, cô đơn, hoang mang và chiụ nhiều thiệt thòi.”

Sau bài giảng Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho những người hiện diện.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Curia Giáo hạt Thuận Nghĩa đại hội Acies 2016
GX Thuận Nghiã
09:46 05/04/2016
Curia Giáo hạt Thuận Nghĩa đại hội Acies 2016



Hàng năm cứ đến ngày Lễ Truyền Tin, Curia hạt Thuận Nghĩa lại tổ chức Đại hội Acies. Trong dịp này, các hội viên sẽ dâng mình cho Đức Mẹ với ý nghĩa một đạo binh sẵn sàng vào trận chiến thiêng liêng.

Xem Hình



Bắt đầu từ 13 giờ 30 phút ngày 04 tháng 04 năm 2016, các hội viên từ các giáo xứ trong giáo hạt đã qui tụ đông đủ tại nhà thờ giáo xứ Thuận Nghĩa. Bắt đầu bằng nghi thức dâng mình cho Đức Mẹ. Từng hai người một lần lượt tiền đến đặt tay lên Vaxillum, hiệu kỳ của Lêgiô Mariae đọc lại lời tuyên hứa khi gia nhập Lêgiô Mariae: “Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”.



Sau đó, cha linh giám Antôn Nguyễn Văn Đính đã dành thời gian để tĩnh tâm cho các hội viên. Ngài đề cập đến sự cộng tác của Mẹ với công cuộc cứu độ qua biến cố Truyền Tin. Tiếng thưa xin vâng không chỉ thể hiện trong biến cố Truyền Tin mà còn theo sát cuộc sống của Mẹ từ khi cưu mang Chúa Giêsu cho tới khi Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá. Qua đó, cha linh giám mời gọi các hội viên hãy noi gương bắt chước Mẹ thưa xin vâng với Giáo Hội, với sứ mạng của một hội viên Légiô trong cuộc sống hằng ngày. Trong bối cảnh của năm thánh Lòng Thương Xót, cha linh giám cũng mời gọi các hội viên hãy trở thành tông đồ của lòng thương xót trong mọi môi trường sống, đặc biệt là những lúc đi thăm viếng người già cả, ốm đau, bệnh tật. Để mọi người có thể đụng chạm đến lòng thương xót của Chúa qua sự hiện diện của các hội viên.



Đúng 15 giờ 30 phút, thánh lễ đồng tế diễn ra long trọng và sốt sắng, do Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ tế. Hiện diện trong thánh lễ còn có quý cha linh giám, gần 600 hội viên Légiô và đông đảo bà con giáo dân.



Thánh lễ kết thúc vào lúc 16 giờ 30 phút cùng ngày. Sau thánh lễ, đại diện trong ban điều hành Curia Thuận Nghĩa có lời cám ơn Đức Cha, quý cha và cộng đoàn.



Curia Thuận Nghĩa được thành lập cách đây 13 năm, hiện có trên 800 hội viên.



Thuận Nghĩa
 
Ca đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ Truyền tin 2016
Văn Minh
09:52 05/04/2016
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ Truyền tin 2016

"Này tôi đây là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền" (Lc 1,38)

Vào lúc 17g30 thứ Hai ngày 04.04.2016, cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, long trọng mừng lễ Truyền tin cho Đức Maria – bổn mạng ca đoàn Truyền Tin giáo xứ Vĩnh Hòa, Thánh lễ trọng thể được cha xứ GioaKim Lê hậu Hán – chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Antôn Nguyễn Thanh Hà, Dòng Ngôi Lời, cùng đông đảo bà con giáo dân và các em thiếu nhi trong giáo xứ tham dự.

Xem Hình

Đầu lễ, cha xứ mời gọi cộng đoàn hãy cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa, vì Ngài đã ban tặng cho nhân loại chúng ta món quà vô giá mà Thiên Chúa đã thực hiện qua Đức Maria trong chương trình lớn lao này. Đồng thời, ngài cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các thành viên trong ca đoàn luôn biết sống khiêm nhường trước mặt Đức Maria, hy sinh thời gian, công sức đem lời ca tiếng hát của mình cùng nhau làm vinh Danh Chúa, “hát là hai lần cầu nguyện”.

Trong phần giảng lễ, cha Antôn dựa bài đọc và bài Tin Mừng chia sẻ: Muôn ngàn đời Chúa vẫn chọn tình thương, một tình thương chỉ biết cho đi không mong đền đáp, đó chính là Ngôi Lời đã nhập thể xuống thế gian qua cung lòng Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu đã vâng lời ý Chúa Cha chấp nhận mang thân phận kiếp phàm nhân để cứu mhân độ thế. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Maria không chút đắn đo, do dự, Mẹ đã đáp lời xin vâng đễ cùng Ngài thực hiện trong chương trình cứu chuộc, cho dù có gặp phải những khó khăn, thử thách, ngay trước mặt. Và cũng chính Ngôi Lời nhập thể đi vào trần gian cũng với lời nói xin vâng: Lạy Chúa, này con đây. Con đến để thực thi ý Chúa. Trước khi đi vào cuộc khổ nạn, Ngài đã truyền dạy cho mỗi người chúng ta là, “anh em hãy yêu thương nhau”. Để người ta cứ theo dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau (Ga 13,35).

Trong ngày lễ Truyền tin hôm nay, xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, cách riêng, đối với các thành viên trong ca đoàn cũng biết nói lời xin vâng giống như Mẹ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, và cộng tác vào chương trình cứu độ bằng đời sống đức tin của mình. Chia sẻ bác ái cho những người gặp khó khăn, nghèo khổ, bệnh tật, trong gia đình và môi trường xung quanh, cùng nhau làm cho Hội thánh ngày ngày một phát triển và được bình an.

Sau bài giảng, vị đại diện ca đoàn lên đọc lời nguyện tín hữu và dâng của lễ cùng cha chủ tế dâng lên Thiên Chúa với lòng cảm mến và biết ơn.

Sau phần hiệp lễ, cha xứ GioaKim thay mặt cộng đoàn cảm ơn cha Antôn cùng cộng đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ thật sốt sắng. Đồng thời, ngài chúc mừng ca đoàn được nhiều Hồng ân của Thiên Chúa và sức khỏe dồi dào, tinh thần hăng say đem lời ca tiếng hát của mình cùng nhau làm sáng Danh Chúa bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Nhân đây, ngài cũng mời gọi các bạn trẻ tham gia vào ca đoàn, để đưa tiếng hát của mình góp phần mang lại trong Thánh lễ do ca đoàn mình phụ trách được thêm phần sốt sắng.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Sau Thánh lễ, quý cha cùng ca đoàn chụp chung tấm hình kỷ niệm nhân ngày mừng bổn mạng.

Được biết, ca đoàn Truyền Tin hiện nay có gần 30 ca viên, hát trong Thánh lễ lúc 19g00 vào tối thứ Bảy hàng tuần.
 
Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót của giáo phận Xuân Lộc tại Núi Cúi
Hoàng Bá Quý
09:57 05/04/2016
Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót của giáo phận Xuân Lộc tại Núi Cúi

Giáo Phận Xuân Lộc: Gần 800 hội viên và thỉnh nguyện viên thuộc Ban phụng vụ của Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót (Hiệp Hội LCTX) từ khắp nơi trong Giáo phận Xuân Lộc đã tề tựu về ngôi nhà nguyện Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi vào lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật ngày 03/04/2016, để tham dự Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.

Nghi thức làm phép Cờ và Huy hiệu

Nhằm giúp các hội viên sống và loan báo Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) cách hiệu quả theo đúng hướng dẫn và linh đạo của hiệp hội đề ra. Cha đặc trách giáo phận Giuse Trần Phú Sơn đã rảy nước thánh cờ hiệu và thánh hoá những phù hiệu để những ai đón nhận mà sống linh đạo LCTX nên trọn lành.

Ngợi ca Lòng Chúa Thương Xót

"Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới". Tất cả anh chị em của hiệp hội đã quỳ trước nhan thánh LCTX để hát khen và lần chuỗi thương xót. Những lời tán dương cộng với lời kinh đơn sơ cất lên đã giúp cho cộng đoàn cảm nhận ra tình Chúa xót thương đang tuôn đổ trên mỗi người.

Tiếp nối tâm tình của ngày lễ, Đức ông Vinh sơn Đặng Văn Tú, Tổng đại diện đã đến và đồng hành cùng với Hiệp Hội LCTX Giáo phận Xuân Lộc. Ngài chia sẻ:

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước vô cùng. Tuy nhiên, tình yêu đó đã bị cuộc sống trần gian vùi dập, khiến cho nhiều thời đại và nhiều người không còn nhận ra Thiên Chúa đang ấp ủ yêu thương. Do đó, Ngài đã có sáng kiến kêu gọi những người tầm thường như Thánh nữ Faustina để khơi lên tình yêu thương đó, đồng thời giúp con người khám phá ra tình thương yêu của Ngài đã có từ ngàn đời. Quả vậy, Thiên Chúa đã trao ban cho con người một kho tàng tình yêu quý báu mà cho đến muôn đời vẫn sẽ khai thác không bao giờ cạn, nhưng con người vì những hạn chế cách này hay cách khác vẫn không biết, vẫn ngoan cố và từ chối tình yêu của Ngài. Đây là một thực tế trong cuộc sống hôm nay.

Ngày nay, Chúa vẫn tin dùng những con người bé nhỏ và tầm thường như Thánh nữ Faustina. Dù chỉ là một tông đồ giáo dân nhưng đã được Chúa biến đổi cho trở thành sứ giả của LCTX. Qua con đường mà Thánh nữ Faustina đã giới thiệu, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng hôm nay và cho đến muôn đời sau, Thiên Chúa vẫn hằng thương xót con người và mời gọi con người sống như Cha trên Trời.

Với những ý hướng ấy, Đức ông Vinh Sơn tiếp tục chia sẻ những hướng dẫn dành cho ban phụng vụ mới, đồng thời nói lên ý nghĩa của việc thành lập Hiệp hội LCTX, cơ cấu tổ chức và sự hình thành Ban phụng vụ các cấp từ giáo xứ, giáo hạt cho đến giáo phận đều được Đức Giám Mục giáo phận hướng dẫn.

Sau giờ chia sẻ, lúc 10 giờ là Thánh lễ tạ ơn kính LCTX do Đức ông Vinh Sơn chủ sự. Cùng đồng tế có Cha Giám đốc, Cha Phó giám đốc, Cha Thư ký, Cha đặc trách Hiệp Hội LCTX các giáo hạt, Cha chính xứ Dốc Mơ và Ban phụng vụ của Hiệp Hội LCTX từ cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Bên cạnh đó, ngày lễ cũng có sự tham dự của đại diện Cộng đoàn LCTX tổng giáo phận Sài Gòn.

Huấn từ với cộng đoàn LCTX giáo phận, Đức ông Vinh Sơn đã mượn thái độ cứng tin của Thánh Tôma để nói về sự cứng tin của con người hôm nay. Chúa đã thương xót và đón nhận con người với tất cả tình yêu thương cao cả nhưng thực tế con người có tin không? Con người đã cảm nhận gì về LCTX và đã đón nhận LCTX như thế nào? Vì thế, nhân dịp lễ kính LCTX, mỗi người hãy tự cảm nhận LCTX dành cho chính mình, cho gia đình, cho giáo phận và cho quê hương đất nước Việt Nam để góp phần chút ít đáp đền LCTX.

Nghi thức tiếp nhận và tuyên hứa

Trong niềm hân hoan mừng lễ kết nạp, Đức ông Vinh Sơn và Cha đặc trách giáo phận Giuse đã chủ sự nghi thức tiếp nhận và tuyên hứa cho các thành viên Ban phụng vụ gồm 12 vị đại diện Ban phụng vụ thuộc 12 giáo hạt, và 4 vị đại diện của giáo phận. Qua nghi thức, mỗi anh chị em đã tuyên hứa quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của hiệp hội, hứa tuân giữ, trung thành và sùng kính LCTX mỗi ngày.

Thánh lễ tiếp tục diễn ra trong bầu khí linh thiêng với tâm tình sốt sắng.

Với tâm tình tạ ơn, cuối lễ, vị đại diện của hiệp hội đã thay lời cám ơn Đức ông Vinh Sơn và quý cha tham dự. Kế đến, ông báo cáo số lượng những giáo xứ của các giáo hạt đã thành lập Hiệp Hội LCTX.

Gia Kiệm: 14
Biên Hoà: 9
Long Thành: 15
Tân Mai: 17 + 1 giáo họ
Phú Thịnh: 12
Phước Lý: 13 + 1 giáo họ
Phương Lâm: 14
An Bình: 12
Túc Trưng: 11 + 1 giáo họ
Xuân Lộc: 32
Hố Nai: 13

Đáp từ trước khi kết thúc thánh lễ, Đức ông Vinh Sơn mời gọi anh chị em hiệp hội hãy chia sẻ với nhau cảm nghiệm về Lòng Chúa Thương Xót mỗi ngày, hãy cảm nhận để mà đón nhận cho sứ vụ sống và loan báo LCTX cho mọi người. Hôm nay, dù chỉ là bước khởi đầu nhưng anh chị em hãy thực hiện điều đó cách vững chắc và chất lượng để tạo nên sức mạnh Tân Phúc Âm hoá thế giới, đặc biệt cho quê hương đất nước Việt Nam. Xin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót sẽ thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho từng người và cho tất cả chúng ta.

Ngày gặp gỡ đầu tiên của Hiệp hội LCTX Giáo phận Xuân Lộc khép lại trong bầu khí thân tình và ấm áp với Ơn Toàn Xá được lãnh nhận.
 
Viện trưởng Viện đại học Niagara hội kiến Đức Hồng y Nguyễn Văn Nhơn
LM Đặng Kim Đoài,CM
13:36 05/04/2016
Viện trưởng Viện đại học Niagara hội kiến Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn

Linh mục James J. Maher, thuộc dòng Vinh Sơn, Viện trưởng Viện đại học Niagara, trong chuyến thăm viếng Hà Nội vào hôm 29/03, đã hội kiến Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn để thảo luận về vấn đề trợ giúp giáo dục cho sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ.

Linh mục James J. Maher và Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn cũng đã đề cập đến vấn đề giảng dạy Anh ngữ và phát triển các chương trình đào tạo linh mục Công Giáo Việt Nam.

“Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn công nhận nền giáo dục rộng lớn của phương Tây mang đến nhiều cơ hội học tập cho sinh viên Việt Nam, linh mục và chủng sinh Công Giáo. Chúng tôi đã thảo luận về những phương thức Viện đại học Niagara có thể mở rộng việc trợ giúp về giáo dục”, linh mục James J. Maher nói.

“Tôi có vinh dự được gặp gỡ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn. Chúng tôi đã thấy được phương thức mới để xây dựng nhịp cầu nối liền toàn cầu, và sẵn sàng cộng tác với Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn theo tinh thần của “Năm Thánh lòng thương xót” do Đức Thánh Cha Francis công bố.

Dưới quyền điều hành của Viện trưởng James J. Maher, Viện Đại học Niagara tăng cường mối quan hệ với Việt Nam. Vào tháng 1 vừa qua, trong chương trình phát triển quốc tế, Đại học Niagara đã góp phần đào tạo nhân sự cho một trung tâm huấn luyện nhân viên ngành du lịch và khách sạn ở Việt Nam.

Mùa hè năm ngoái, khoảng 250 thành viên Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam Miền Đông bắc Hoa Kỳ đã tổ chức đại hôi tại Viện đại học Niagara. Tháng 5 năm 2015, hàng chục sinh viên Cao học thuộc đại học Niagara đã tham dự trong chương trình trao đổi văn hóa với các quốc gia Đông Nam Á, được tổ chức ở Việt Nam trong 13 ngày.
 
Thánh Lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Melbourne
Khắc Thái
22:37 05/04/2016
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (2)
Vũ Văn An
23:54 05/04/2016
I. Lòng thương xót, một chủ đề có liên hệ chủ yếu nhưng bị lãng quên

1. Tiếng kêu thương xót

Thế kỷ 20, một thế kỷ nay đã lùi về phía sau ta, là một thế kỷ khủng khiếp về nhiều phương diện, và thế kỷ 21, một thế kỷ vẫn còn rất trẻ và vào ngày 11 tháng Chín năm 2001, đã bắt đầu một cách đầy điềm gở và gây xúc động mạnh với cuộc tấn công khủng bố vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York, cũng không hứa hẹn điều gì tốt hơn. Trong thế kỷ 20, chúng ta chịu hai chế độ toàn trị man rợ; hai cuộc thế chiến, với từ 50 tới 70 triệu người chết riêng trong Thế Chiến II; cũng như việc diệt chủng, sát hại hàng loạt, hàng triệu người, các trại tập trung, và các trại tù khổ dịch. Trong thế kỷ 21, chúng ta sống với sự đe dọa của khủng bố tàn nhẫn, bất công vô nhân đạo, các trẻ em bị lạm dụng và bỏ đói, hàng triệu người trốn chạy, gia tăng bách hại các Kitô hữu, và, thêm vào đó, là các thiên tai tàn phá dưới hình thức động đất, núi lửa, sóng thần, lụt lội và hạn hán. Tất cả những điều này và rất nhiều điều khác là “các dấu chỉ thời đại”.

Dưới ánh sáng của tình thế trên, đối với nhiều người, thật khó có thể nói đến một Thiên Chúa vừa quyền năng lại vừa cùng một lúc công chính và hay thương xót. Người ở đâu khi tất cả các thảm họa trên đã xẩy ra? Người ở đâu khi chúng đang diễn ra? Tại sao Thiên Chúa lại cho phép tất cả các thảm họa này? Tại sao Người không can thiệp? Người ta đặt câu hỏi: há tất cả những đau khổ bất công này không phải là luận chứng mạnh mẽ nhất chống lại niềm tin vào một vị Thiên Chúa toàn năng và hay thương xót đó sao? (1). Thực vậy, trong thời hiện đại, sự đau khổ của người vô tội đã trở thành nền tảng vững chắc của chủ nghĩa vô thần (Georg Buchner). Người ta cho rằng bào chữa duy nhất dành cho Người là Người không hề hiện hữu (Stendhal). Dưới ánh sáng của sự ác ma quái xổ lồng này, há người ta không bó buộc phải bác bỏ Thiên Chúa thì mới cứu được danh dự lớn hơn của Người đó sao? (Odo Marquard) (2).

Nói về Thiên Chúa thường cũng là điều khó khăn đối với những người tin ở Người. Vì cả họ nữa, họ cũng thấy mình rơi vào đêm tối đức tin, trong đó họ không biết phải nói gì trước các bất hạnh khôn nguôi và những đau khổ bất công trên thế giới; trước những đòn đánh nặng nề của số phận và những bệnh tật đau đớn, vô phương cứu chữa; trước nỗi kinh hoàng của chiến tranh và bạo lực. Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, người, cũng như nhiều người khác, từng trải nghiệm rất nhiều đau khổ ở trong đời, đã viết trong tác phẩm của mình tựa là Anh Em Nhà Karamazov, về một đứa trẻ bị một bầy chó dữ của địa chủ xé xác tan tành ngay trước mặt người mẹ. Ông quả quyết rằng nỗi bất công và đau đớn của một đứa trẻ như thế sẽ không thể nào được bất cứ kết cục hạnh phúc nào trong tương lai đền bù được. Vì lý do này, ông đã trả lại tấm vé vào Thiên Đàng (3). Romano Guardini, một người hết sức ngoan đạo, nhưng cũng là một phàm nhân hết sức tiếc nuối khi bị ghi dấu bởi thần chết, vốn nói rằng “ông không những để mình bị hạch hỏi trong Ngày Phán Xét Sau Cùng, nhưng cả ông nữa, ông cũng sẽ hạch hỏi”. Lúc ấy, ông hy vọng có được câu trả lời “cho câu hỏi mà không sách vở nào, kể cả Thánh Kinh, và không một tín điều nào và không một cơ quan giáo huấn nào trong Giáo Hội có thể trả lời: Tại sao, ôi lạy Chúa, lại có những khúc khủyu quanh co khủng khiếp như thế này rồi mới tới được ơn cứu rỗi, tại sao người vô tội lại phải chịu đau khổ, tại sao lại có quá nhiều điều không đúng đến thế này?” (4).

Đau khổ trên thế giới rõ ràng là luận điểm nặng ký nhất của chủ nghĩa vô thần hiện đại. Cũng có những luận điểm khác nữa, như sự bất tương hợp giữa thế giới quan truyền thống của Kitô Giáo và thế giới quan khoa học và duy tự nhiên của thời nay, một thế giới quan từng được lên khuôn bởi thuyết biến hoá hay những tìm tòi về bộ óc gần đây (5). Tất cả các luận điểm này đều có những hậu quả của chúng. Chúng đã dẫn tới sự kiện này: với nhiều người ngày nay, Thiên Chúa không còn hiện hữu nữa. Ít nhất, nhiều người cũng sống cuộc sống họ như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu. Thực vậy, đa số những người này xem ra sống rất tốt, ít ra cũng không tệ gì hơn các Kitô hữu. Điều này đã làm thay đổi hết các câu hỏi về Thiên Chúa. Nếu, đối với nhiều người, Thiên Chúa không hiện hữu hoặc nếu Người không còn quan trọng với họ nữa, thì việc phản kháng chống lại Người đâu còn nghĩa lý gì nữa. Các câu hỏi như “Tại sao có sự đau khổ này?” và “tại sao tôi phải đau khổ?” chắc sẽ lắng đi và câm lặng hẳn. Câu hỏi liên quan tới một Thiên Chúa nhân lành từng gây bối rối cho chàng tuổi trẻ Martin Luther dạo nào đâu còn được nhiều người dạo này đặt ra nữa. Họ hoàn toàn dửng dưng và lạnh lùng với thứ câu nỏi này.

Việc buông xuôi trước câu hỏi về ý nghĩa và chủ nghĩa đầu hàng kèm theo nó không những tìm thấy nơi những người ta thường vội vàng và miệt thị coi là hời hợt; theo nhận định của Jurgen Habermas, nó còn được tìm thấy nơi những người nhiều suy tư và triết lý cao nữa (6). Tuy nhiên, với nhiều người chịu suy nghĩ, vẫn có một cảm nhận thiếu vắng một điều gì đó (7). Ngoài những bất hạnh khác nhau về thể lý rất khó chịu đựng được, còn có sự khốn khổ về tâm linh nữa, sự mất hướng đi, và những trải nghiệm vô nghĩa. “Khi các ốc đảo ảo tưởng cạn khô, một hoang địa tầm thường và bất lực sẽ lan tràn (8). Chỉ một sự kiện các câu trả lời xưa cũ bị bác bỏ mà thôi, thì vẫn không có nghĩa: các câu trả lời mới mẻ có tính thuyết phục sẽ tự động được khám phá ra. Một khoảng trống rỗng đã được phát sinh ra.

Nhiều người can đảm chịu đựng tình huống trên và đã vượt qua được nó. Họ đáng được ta kính trọng. Tuy nhiên, tình huống trên khiến nhiều người thất vọng. Đứng trước một thế giới họ cảm thấy phi lý, họ tự hỏi: không sinh ra có phải tốt hơn không? Đối với Albert Camus, tự sát chỉ là một vấn đề triết lý phải được coi trọng (9). Nhưng với việc bác bỏ Thiên Chúa, con người không những chỉ bác bỏ Người, họ còn bác bỏ chính họ nữa. Đối với một số người khác nữa, nỗi lo âu trước những bóng ma luôn luôn khác, mới và vô danh đã thay thế cho các thần minh và nỗi sợ đối với một vị Thiên Chúa đầy phán xét (10).

Nhiều con người có suy nghĩ cảm thấy tính nghiêm trọng của tình thế và bắt đầu cuộc tìm hiểu mới. Hiện đang có nhiều người tìm tòi và nhiều khách hành hương không được nhận diện, vô danh, hơn ta tưởng. Khi câu hỏi về ý nghĩa không còn được nêu lên nữa, những người này cảm thấy: phân tích đến cùng, điều này ngầm cho thấy một sự bác bỏ con người nhân bản và phẩm giá đích thực của họ. Không có câu hỏi về ý nghĩa và không có niềm hy vọng, chúng ta trở về trạng thái thú vật, chỉ biết tìm vui hưởng trong các của cải vật chất. Nhưng lúc ấy, mọi sự đều trở thành ảm đạm và vô vị. Không còn nêu ra bất cứ câu hỏi nào về ý nghĩa là mất hết hy vọng rằng một ngày kia sẽ có công lý trở lại. Tuy nhiên, nếu đúng như thế, thì phạm nhân bạo động sẽ là người đúng và tên sát nhân sẽ là kẻ chiến thắng nạn nhân vô tội của hắn.

Vì lý do trên, không phải chỉ các Kitô hữu ngoan đạo, mà cả những con người nhân bản có suy nghĩ và có ý có tứ biết thừa nhận rằng việc công bố Thiên Chúa đã chết, trên thực tế, không đem lại việc giải phóng cho con người nhân bản, hoàn toàn không như Nietzsche hy vọng (11). Nơi nào đức tin vào Thiên Chúa biến mất, nó cũng để lại đàng sau một lỗ hổng và một sự lạnh lẽo khôn nguôi, mà chính Nietzsche vốn đã biết (12). Không có Thiên Chúa, ta hoàn toàn và một cách vô vọng bị trao vào tay một số mệnh trần thế, một may rủi và các đẩy đưa của lịch sử. Không có Thiên Chúa, sẽ không còn một thẩm quyền nào nữa để ta nại tới. Không có Thiên Chúa, sẽ không còn hy vọng nào nữa đối với ý nghĩa tối hậu và công lý sau cùng.

Cái chết của Thiên Chúa trong linh hồn nhiều người (Friedrich Nietzsche), sự “vắng mặt của Thiên Chúa” (Martin Heidegger) (13), “sự che khuất của Thiên Chúa” (Martin Buber) (14), tất cả tượng trưng cho một thứ mất mát chân thực sâu xa nhất. Nó quả thuộc “các dấu chỉ của thời đại” và “các vấn nạn nghiêm trọng nhất thời ta” (15). Câu sau đây của Max Horkheimer đã trở thành nổi tiếng: “Cứu một cảm thức vô điều kiện về ý nghĩa mà không cần Thiên Chúa là một điều hoài công” (16). Theodor W. Adorno nói đến “tính bất khả niệm của thất vọng” (17) và viết: “Nền triết học duy nhất còn có thể thực hành một cách có trách nhiệm khi giáp mặt với thất vọng là cố gắng chiêm ngắm mọi sự như thể chúng tự trình bầy về mình theo quan điểm cứu chuộc. Kiến thức không có ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng nó rõi chiếu lên thế gian bằng ơn cứu chuộc: tất cả mọi điều khác chỉ là xây dựng lại, chỉ là kỹ thuật” (18). Ta có thể nói tới định đề của Kant theo nghĩa này: nếu nhân loại muốn có một phẩm giá tuyệt đối, thì chỉ với điều kiện: Thiên Chúa phải hiện hữu và Người phải là một vị Thiên Chúa của Thương Xót và Ơn Thánh (19).

Theo Kant, một định đề như trên không chứng minh được Thiên Chúa hiện hữu. Thực vậy, định đề của Kant hệ ở giả thiết này: đời sống con người phải ngụ hàm hạnh phúc. Bác bỏ tiền giả thiết này có thể dẫn ta tới chủ nghĩa hư vô, và từ chủ nghĩa hư vô, ta mau chóng được dẫn tới chủ nghĩa khuyển nho của bạo lực giết người và cả sát nhân nữa. Thành thử định đề của Kant không hẳn là một chứng cớ, nhưng ít nhất nó cũng rõ ràng chỉ cho thấy: câu hỏi về Thiên Chúa chưa được giải quyết xong. Với câu hỏi về Thiên Chúa này, ý nghĩa hay vô nghĩa của nhân sinh sẽ được xác định. Đây là lý do tại sao những bàn tán về Thiên Chúa cứ vẫn dai dẳng khôn nguôi bất chấp mọi luận điểm thông sáng thực hay thông sáng giả muốn nói ngược lại (20). Không phải niềm tin vào Thiên Chúa đã được tỏ bầy cho người khờ dại, mà đúng hơn các lý thuyết của những người từng tiên đoán bước tiến tất yếu của phong trào tục hóa và việc tôn giáo từ từ tận số. Những người nào nghĩ rằng hồi chuông báo tử cho niềm tin vào Thiên Chúa đã được kéo lên rồi, quả đã tự biến mình thành khờ dại (21).

Ta không thể là người ủng hộ luận đề đầy nghi vấn này: tôn giáo đang tái xuất giang hồ vì chủ nghĩa vô thần cũng đang trải nhgiệm một cuộc phục hưng (22). Nhưng ta có thể mời gọi mọi người tham dự cuộc suy nghĩ mới mẻ về Thiên Chúa. Trong diễn trình này, vấn đề không phải chỉ là hỏi: Thiên Chúa có hiện hữu không? dù câu hỏi này có thực sự quan trọng đến đâu.

Vấn đề ở đây là sự hiện hữu của một Thiên Chúa nhân từ, một Thiên Chúa “giầu lòng thương xót” (Eph 2:4), luôn an ủi ta để cả ta nữa cũng an ủi người khác (2Cor 1:3tt). Vì đứng trước cái vòng luẩn quẩn của sự ác, chỉ có thể hy vọng ở một khởi đầu mới nếu ta có thể hy vọng ở một Thiên Chúa nhân từ, thương xót và đồng thời toàn năng, Đấng, chỉ một mình Người, mới có thể thiết lập một khởi đầu mới, chỉ một mình Người mới có thể ban cho ta lòng can đảm để hy vọng bất chấp mọi thất vọng, và là Đấng ban cho ta sức mạnh bước vào khởi đầu mới. Vấn đề ở đây là vị Thiên Chúa hằng sống, Đấng ban sự sống cho người chết và là Đấng, cuối cùng, lau khô mọi nước mắt và làm mọi sự nên mới (Kh 21:4f).

Theo chính chứng từ của ngài, Thánh Augustinô, vị giáo phụ vĩ đại nhất của Phương Tây, đã cảm nghiệm được lòng thương xót và sự gần gũi với Thiên Chúa trong đời ngài, nhất là lúc ngài biết ngài xa Thiên Chúa nhất. Trong cuốn Tự Thú, ngài viết: “Ôi lạy nguồn suối từ bi, xin ngợi khen Ngài, xin vinh danh Ngài. Con càng trở nên đồi bại, Chúa càng gần gũi con hơn” (23). Và ngài viết thêm: “Xin Ngài đừng để những người không hiểu rõ lòng thương xót của Ngài ngợi khen Ngài, lòng thương xót mà từ thẳm sâu linh hồn, con hằng xưng tụng với Ngài” (24). Thật vậy, ta phải im lặng về Thiên Chúa nếu ta không biết phải nói lại ra sao sứ điệp của lòng Chúa thương xót cho những người đang gặp nhiều đau buồn thể lý và tinh thần. Câu hỏi về lòng thương xót của Thiên Chúa cũng như về những con người nhân bản hay thương xót, sau biết bao trải nghiệm khủng khiếp của thế kỷ 20 và cả của thế kỷ 21 còn non trẻ này, hiện khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Kỳ sau: 2. Lòng thương xót: một vấn đề nền tảng đối với thế kỷ 21

________________________________________________________________________________________

(1) Muốn có một phân tích rộng dài về vấn đề thần lý học (theodicy), xin xem Chương V, 7.

(2) Odo Marquard, “Der angeklagte und der entlastete Mensch in der Philosophiedes 18. Jahrhunderts,” trong Abschied vom Prinzipiellen (Stuttgart: Reclam, 1981), 39-66.

(3) Fyodor M. Dostoesky, The Brothers Karamasov, Richard Pevear và Larissa Volokhonsky dịch sang tiếng Anh (New York: Vintage Classics, 1991), 242-43.

(4) Trích bởi Eugen Biser, Interpretation und Varanderung: Werk und Wirkung Romano Guardinis (Paderborn: Schoningh, 1979), 132f.

(5) Về vấn nạn của vô thần thuyết xưa hơn xin xem Walter Kasper, The God of Jesus Christ, bản dịch tiếng Anh của Matthew J. O’Connel (New York: Crossroad, 1986) 16-46. Về cái gọi là “tân vô thần thuyết”, xin xem Magnus Striet chủ biên, Wiederkehr des Atheismus: Fluch oder Segen fur dieTheologie? (Freiburg i. Br.: Herder, 2008); Gregor M. Hoff, Die neuen Atheismen: Eine notwendige Provokation (Kevelaer: Topos, 2009).

(6) Xem Jurgen Habermas, Glauben und Wissen (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 2001) 27f.

(7) Jurgen Habermas và những người khác, An Awareness of What is Missing: Faith and Reason in a Post-Secular Age, bản tiếng Anh của Ciaran Cronin (Malden, MA: Polity Press, 2010), 15-23.

(8) Jurgen Habermas, Zeitdiagnosen: Zwolf Essays 1980-2001 (Frankfurt a.M.: Suhrkamp, 2003), 47.

(9) Albert Camus, The Myth of Sisyphus and Other Essays, bản dịch tiếng Anh của Justin O’Brien (New York: Vintage Books, 1955), 3.

(10) Rudiger Safranski, Romantik: Eine deutsche Affare (Munchen: C. Hanser, 2007).

(11) Friedrich Nietzsche, The Gay Science, bản dịch tiếng Anh của Walter Kaufmann (New York: Vintage Books, 1974),167, 181-82, 279-80.

(12) Nietzsche, The Gay Science, 181.

(13) Martin Heidegger, Elucidations of Holderlin’s Poetry, bản dịch tiếng Anh của Keith Holler (New York: Humanity Books, 2000), 46.

(14)Martin Buber, Eclipse of God: Studies in the Relation between Religion and Philosophy (New York: Harper, 1952), 13-14.

(15) Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 19.

(16) Max Horkheimer, Die Sehsucht nach dem ganz Anderen: Ein Interview mit Kommentar von H. Gumnior (Hamburg: Furche, 1970), 69.

(17) Theodor W. Adorno, Negative Dialektik (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1966), 376.

(18) Theodor Adorno, Minima Moralia: Reflections from Damaged Life, bản dịch tiếng Anh của E.F.N. Jephcott (New York: Verso, 1978), 247.

(19) Xem Chương II, 1.

(20) Robert Saemann, Das unsterbliche Gottesgerucht: Die Frage nach Gott und die Tauschung der Moderne (Stuutgart: Klett-Cotta, 2007).

(21) Đối với chủ đề phức tạp về thế tục hóa, xin xem tác phẩm tiêu chuẩn của Charles Taylor, A Secular Age (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2007).

(22) Xem Kasper, The God of Jesus Christ, 7-12.

(23) Thánh Augustinô, Confessions, VI, 16.

(24) Thánh Augustinô, Confessions, VI, 7.
 
Giải đáp phụng vụ: Có thể xin các ý lễ khác ngoài ý cầu cho người chết không?
Nguyễn Trọng Đa
10:08 05/04/2016
Giải đáp phụng vụ: Có thể xin các ý lễ khác ngoài ý cầu cho người chết không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. Hỏi: Thưa cha, con muốn biết liệu người ta có thể xin các ý lễ khác ngoài ý cầu cho người chết không; thí dụ, xin Chúa chúc phúc cho một hiệp hội, một việc tông đồ, hoặc vượt qua một cơn trầm cảm, v.v.? - S. L, Rôma, Ý.

Đáp: Câu trả lời ngay lập tức cho câu hỏi này là "được"; linh mục có thể dâng lễ với các ý lễ khác ngoài ý cầu cho người chết. Tuy nhiên, thật là đáng giá để nói rõ thêm vấn đề này.

Bất cứ khi nào Thánh Lễ được cử hành, có ba loại hoa trái phát sinh từ việc cử hành này: ý cầu tổng quát (cho toàn thể Giáo Hội), ý đặc biệt hoặc thừa tác (cho ý của linh mục như là thừa tác viên), và ý cá nhân (cho mỗi tín hữu, bao gồm cả các linh mục, những người tham dự Thánh lễ, mỗi người theo ý của mình).

Ý lễ, mà vì đó linh mục nhận một bổng lễ, không phải là ý riêng của ngài, nhưng là ý của ngài với tư cách là linh mục, nghĩa là thừa tác viên Thánh lễ.

Chắc chắn, khi một linh mục chấp nhận một bổng lễ để cử hành Thánh lễ, ngài cam kết cử hành Thánh lễ theo ý của người xin lễ. Sự công bằng đòi hỏi rằng ngài thực sự cử hành Thánh lễ theo ý đó. Để làm như vậy, ngài phải thực hiện một số hành động của việc cử hành cá nhân, ít nhất thống nhất ý lễ của ngài với ý của người xin lễ.

Ý lễ này là thường cầu cho linh hồn người đã qua đời, nhưng cũng có thể theo ý cá nhân của người còn sống. Trong thực tế, bất kỳ ý tốt lành và thánh thiện nào cũng có thể là đối tượng của một ý xin lễ.

Trong Sách Lễ Rôma, Giáo Hội đưa ra một số thí dụ về các ý lễ ngoài ý cầu cho người chết.

Trước hết, điều này được thực hiện trong các Thánh Lễ nghi lễ, mà trong đó thường ý của chủ tế là dành cho những người được rửa tội, thêm sức, kết hôn, truyền chức, lãnh bí tích bệnh nhân, khấn Dòng, nhận tác vụ.

Thứ đến, có một loạt các ý lễ, được tìm thấy trong các Thánh Lễ cho các nhu cầu khác nhau. Các Thánh Lễ được cử hành cho Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng hay Giám mục địa phương, cho cuộc bầu chọn các vị trong thời Trống Tòa, cho một Công đồng hoặc một Thượng Hội đồng, cho các linh mục và chính linh mục đang cử hành, cho các thừa tác viên, cho ơn gọi, cho giáo dân vào ngày kỷ niệm lễ cưới, cho việc truyền chức hoặc khấn Dòng, cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, cho sự hòa giải, cho các Kitô hữu bị bách hại và cho các kẻ áp bức họ.

Ngoài ra, còn có một loạt các ý dân sự, chẳng hạn cầu cho quốc gia, cho những người giữ chức vụ công cộng, cho thời gieo hạt và thời thu hoạch mùa màng, cho hòa bình và công lý và trong thời chiến. Một số ý lễ nói đến các hiện tượng thiên nhiên như động đất và bão táp.

Một loạt các ý lễ khác là cho việc tha tội, khiết tịnh, từ thiện, người thân, kẻ bị bắt giữ, tù nhân, người bệnh, người sắp chết, cho sự chết lành và cho sự tạ ơn.

Có một công thức Thánh lễ tổng quát gọi là “cầu cho mọi nhu cầu”.

Tôi nghĩ rằng một điều cần đề cập đến là rằng, một linh mục cử hành bất kỳ Thánh Lễ nào được nêu ra trên đây, có thể nhận một bổng lễ cho một ý lễ hoàn toàn khác. Tương tự, một linh mục có thể có một trong các ý trên và không cử hành công thức Thánh lễ thích hợp. Thí dụ, một người có thể xin linh mục cử hành một "Thánh lễ cầu cho ơn gọi" vào một ngày, mà trong đó phụng vụ không cho phép loại cử hành ấy, chẳng hạn vào một ngày Chúa Nhật hoặc trong Mùa Chay.

Điểm tôi muốn làm rõ ở đây là rằng, việc Sách Lễ cung cấp một sự lựa chọn rộng rãi của các công thức chứng minh rằng phạm vi của ý lễ là rất rộng thực sự. Như tôi đã đề cập ở trên, người Công Giáo có thể xin lễ cho bất cứ ý nào đáng xin trong thực tế, hoặc ý tốt lành và thánh thiện. Các thí dụ của Sách Lễ cũng cho thấy các loại ý lễ nào có thể được coi là tốt lành và thánh thiện.

Vì lý do này, có thể có những trường hợp khi một linh mục đã nhẹ nhàng từ chối một ý lễ cụ thể, ngay cả khi ý được xin trong thiện ý, và có thể là đối tượng của lời cầu nguyện cá nhân. Chẳng hạn, việc xin lễ cho một đội bóng mình yêu thích được thắng giải đấu là một ví dụ. Người ta có thể tưởng tượng tình huống khó xử, nếu linh mục ấy cũng được một người khác xin lễ cầu cho đội bóng đối thủ của đội bóng trên được thắng giải. (Zenit.org 15-3-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thảnh Thơi
Nguyễn Đức Cung
18:08 05/04/2016
THẢNH THƠI
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Một mình vớt nước với trời
Tâm thiền trí cởi, tuyệt vời thảnh thơi.
(nđc)