Ngày 06-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa ChayVọng Phục Sinh: Bài 39
VietCatholic Network
07:34 06/04/2012
Hôm nay chúng ta cảm nghiệm sự lặng lẽ nơi ngôi mộ Chúa Giêsu "đã ngủ trong cái chết", như yên nghỉ từ sự thương khó nhục hình của Ngài. Rồi, đêm nay trong đêm vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ tuyên xưng qua kinh Tin Kính rằng Chúa Giê-su từ cõi chết chỗi dậy, đạp đổ cổng thành, phá vỡ vòng vây của ma quỉ nơi con người. Trọn đêm nay, chúng ta sẽ chờ đợi điều báo trước về sự phục sinh của Người để giải thoát chúng khỏi tai ương của tội lỗi và phục hồi chúng ta trong đời sống với Thiên Chúa.

Chúng ta cũng được nhắc lại trong đêm nay là đêm dân Israel vượt qua biển Ðỏ. Trốn vào sa mạc sau khi Thần Tru Diệt đã bỏ qua, họ thấy mình bị bao vây, phía trước là biển, đằng sau là quân Pha-ra-ô. Ở đó họ canh thức, được Thiên Sứ của Thiên Chúa và cột mây gìn giữ họ (x Xh 14:19). Ðể hy vọng được giải thoát họ ai oán thế nào! Ðời sống họ trong tình trạng nguy cập, và họ có thể đứng vững qua đức tin (x Xh 14:14). Không còn cách chi họ có thể làm, mọi sự phó thác vào Thiên Chúa.

Môn đồ của Chúa Kitô gặp tình trạng tương tự sau khi Ngài bị đóng đinh vào thập giá. Không còn cách nào, cho dẫu sự ăn năn của Phêrô đã chối Thầy, cho dẫu người phụ nữ chuẩn bị dầu thuốc xức cho Chúa, cũng không thể mang Thầy mình hồi sinh. Chẳng còn cách nào khác hơn là chờ đợi. Nhưng thật đúng lúc này, tận cuối mọi khả năng con người, thì quyền năng Thiên Chúa tỏa rạng vinh quang nhất. Khi chúng ta bị chết trong tội lỗi, Ngài gởi người Con để cứu chúng ta, Chúa Giê-su cứu chúng ta. Khi chúng ta bị nô lệ cho ma quỉ, Thiên Chúa cởi gỡ xiềng xích cho chúng ta.

Chúng ta hãy đợi Thiên Chúa đêm nay, để quyền năng của Ngài lay động chúng ta. Chúng ta chỉ "ngồi yên" và để Ngài hành động cho chúng ta. Ngay cả nếu chúng ta không thể tham dự đêm canh thức, hãy dành thời gian chiều này "theo dõi" và chờ đợi ánh sáng Chúa Kitô tỏa vào tâm hồn chúng ta và chiếu rọi vào thế giới chúng ta. Ðây là "đêm cực thánh, được Thiên Chúa chọn để Chúa Kitô sống lại từ cõi chết" (Công bố Tin Mừng Phục Sinh- Mừng Vui Lên).

"Lạy Chúa Kitô là Ðấng cứu độ chúng con, tất cả niềm hy vọng chúng con đặt nơi Chúa! Qua Phục Sinh của Chúa, dẫn đưa chúng con khỏi tội lỗi và sợ hãi. Biển đổi gánh sầu thương chúng con thành niềm vui. Lạy Chúa xin hồi phục chúng con để được sống trong Chúa".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Đoá Hoa Thiêng Dâng Lên Chúa Phục Sinh
GM. Gioan Bùi Tuần
10:34 06/04/2012
Đoá Hoa Thiêng Dâng Lên Chúa Phục Sinh

1. Đêm lễ Phục Sinh, trong các nhà thờ, khi Phụng vụ vừa công bố xong lời “Chúa đã sống lại”, thì nhiều chậu hoa tươi liền được đưa lên cung thánh. Cung thánh trở thành một vườn hoa tươi thơm đẹp, bao quanh bàn thờ rực sáng, làm nên một cảnh tưng bừng, chào mừng Chúa Phục Sinh.

Nay là thế. Còn xưa kia, khi Chúa Giêsu bước ra khỏi mồ, bầu khí vẫn ảm đạm. Nhưng giữa không gian lặng lẽ đó, đã có một đoá hoa sống động chờ đón Chúa. Đoá hoa ấy đơn độc, nhưng giá trị hơn cả một rừng người. Theo tôi, đoá hoa đó là thánh nữ Mađalêna.

Đoá hoa đó rất đẹp. Tất nhiên đẹp nói đây phải hiểu là những giá trị cao quý thuộc lãnh vực đạo đức. Tôi xin được nói lên một số giá trị đó.

2. Trước hết, Mađalêna tôn thờ Chúa bằng những của lễ cao quý riêng tư, vượt xa khuôn khổ cộng đồng.

Thờ Chúa theo khuôn khổ cộng đồng là mình đọc những kinh mà cộng đồng đọc, là mình làm những việc mà cộng đồng làm. Mọi người đều thờ phượng Chúa theo những lễ nghi như nhau, theo những công thức như nhau. Như thế được coi là đủ.

Còn Mađalêna thì khác. Của lễ bà dâng lên Chúa là tất cả tình yêu riêng tư đầy cảm xúc, đầy gắn bó, đầy trung tín và hy sinh. Phúc Âm viết: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, Maria Mađalêna đi đến mộ Chúa” (Ga 20,1) Những người khác không đi. Nhưng bà cứ đi, bất chấp mọi rủi ro. Động lực khiến bà đi đến mộ Chúa Giêsu chính là tình yêu. Đối với bà, Chúa Giêsu là không gian trong lành để thở, là căn nhà bình an để ở, là cột trụ vững bền để tựa. Trong trái tim bà, Chúa Giêsu có một chân dung riêng, mà chỉ mình bà đã cảm nghiệm được. Bà tôn thờ Chúa Giêsu bằng tất cả một tâm hồn được thuyết phục bởi những chân lý cứu độ, mà Chúa đã dành riêng cho bà.

Như thế, mối quan hệ giữa bà và Chúa Giêsu có những gì rất thắm thiết, rất riêng tư, rất sâu thẳm. Đó là một vẻ đẹp thiêng liêng vượt xa khuôn khổ cộng đồng.

Vẻ đẹp đó càng thêm rực sáng, khi tình hình đang trở thành đen tối, vì mọi người lúc ấy xem ra đều xa tránh Chúa. Mặc cho cộng đồng có thái độ loại trừ, Mađalêna vẫn theo tiếng gọi riêng tư, quyết băng qua đêm tối, để đến mộ, với hy vọng ít ra cũng được xức thuốc thơm trên xác Chúa. Đẹp thay những giá trị của tình yêu riêng tư ấy.

3. Trong nếp sống đạo đức cộng đồng, mỗi người dễ trở thành một con số. Người nọ có thể thay thế người kia. Nhưng trong đạo đức cá thể của Mađalêna, tình yêu của bà là một giá trị độc đáo, không gì thay thế được. Phúc Âm viết: “Bà Maria Mađalêna đứng gần bên mộ mà khóc” (Ga 20,11). Giọt nước mắt của bà mang cả một đại dương tình yêu cao cả. Không gì trong cộng đoàn có thể thay thế được giọt nước mắt ấy. Nước mắt ấy quả là một của lễ riêng tư rất đẹp lòng Chúa. Riêng tư, mà vẫn trong cộng đồng.

4. Ngoài ra, Mađalêna còn dâng lên Chúa sự tự do của mình như một sự hiện diện luôn đợi chờ lắng nghe tình yêu Chúa.

Phúc Âm kể: “Đức Giêsu gọi bà ‘Maria’. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: ‘Rapboni!’. Nghĩa là ‘Lạy Thầy’”. (Ga 20,16). Cuộc đối thoại giữa Chúa Phục Sinh và Mađalêna đã bắt đầu một cách đơn giản. Chúa gọi bà bằng chính tên của bà. Bà trả lời Chúa bằng cách gọi Chúa là Thầy. Với câu trả lời rất hồn nhiên, tự phát, Mađalêna muốn xác định mình là người môn đệ hiện diện, sẵn sàng lắng nghe Thầy.

“Lạy Thầy”, có nghĩa là: “Này con đây”. Lời đó, với ý nghĩa đó, diễn tả thái độ quen thuộc của những người được Chúa gọi, còn ghi trong Kinh Thánh.

Kinh Thánh cũng đã chép về chính Đức Kitô: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con’” (Dt 10,5-7).

Mađalêna, khi nói: Lạy Thầy, thì cũng như nói: Này con đây. Câu trả lời vắn gọn đó thiết tưởng cũng đủ nhắc lại tất cả bài học, mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Người. Người môn đệ Chúa là người luôn hiện diện trước Chúa. Nói cách khác, người môn đệ Chúa là người luôn ở trước mặt Chúa, để lắng nghe Chúa, để sẵn sàng thực thi ý Chúa.

Với thái độ ấy, Mađalêna hiến dâng trọn vẹn sự tự do của mình cho Chúa. Nói cho đúng, bà có một sự tự do mới. Bà thoát ra khỏi chính mình, để được hoàn toàn tự do thuộc về Chúa.

Với thái độ “Này con đây” bà nhấn mạnh ưu tiên đến là hơn làm. Bà muốn mình là người môn đệ đích thực của Chúa, luôn sống trước mặt Chúa. Thái độ “Lạy Thầy, này con đây” của Mađalêna đúng là một giá trị cao quý, làm cho Mađalêna trở thành một đoá hoa thơm đẹp, dâng kính Chúa Phục Sinh.

5. Thêm vào những vẻ đẹp trên đây, Mađalêna còn có một vẻ đẹp nữa, đó là chuyển trao ý Chúa cho các tông đồ Chúa, như một người cộng tác khiêm nhường.

Phúc Âm kể lời Chúa Phục Sinh nói với Mađalêna: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em. Bà Maria Mađalêna đi báo cho các môn đệ: Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,17-18).

Lúc đó, chắc chắn Mađalêna biết rõ tình hình đen tối đã và đang xảy ra có liên quan đến các tông đồ. Có người đã bán Chúa, có người đã chối Chúa, có người đã bỏ Chúa mà trốn. Họ đang sợ hãi. Tình hình như thế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Mađalêna. Cho dù có thể, nhưng khi nghe Chúa Phục Sinh gọi các tông đồ là anh em của Người với những lời rất thân thương, Mađalêna đã hiểu Chúa vẫn dành yêu thương và tin tưởng đặc biệt cho các ngài. Vì thế bà đã rất thông cảm những yếu đuối của các tông đồ. Bà tế nhị chuyển lời của Chúa cho các ngài với tư cách người cộng tác khiêm nhường. Rồi bà âm thầm rút vào bóng tối. Vẻ đẹp của đoá hoa Mađalêna thực là trọn vẹn.

6. Với những suy gẫm trên đây, tôi thấy việc cần làm để đón Chúa Phục Sinh là bản thân mỗi người chúng ta hãy là đoá hoa thiêng thiêng. Mọi thứ hoành tráng bề ngoài có thể sẽ trở thành trống rỗng, nếu bản thân con người chúng ta không là những bông hoa thơm đẹp do những giá trị Phúc Âm.

Tình hình đạo đức lúc này rất cần được đổi mới một cách sâu sắc. Việc đổi mới ấy có thể thực hiện được, với sự góp phần của những đoá hoa Phục Sinh sống động.

+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN
 
Niềm vui Phục Sinh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
14:26 06/04/2012
Trước khi rời nghĩa trang các phụ nữ đã có ý nhìn xem nơi người ta đặt xác Đức Kitô, Thầy dấu yêu của họ. Mong mau hết ngày hưu lễ, họ sẽ trở lại xức dầu thơm theo đúng nghi lễ. Họ im lặng canh thức và mua hương liệu chuẩn bị.

Tảng đá to đã niêm phong cửa mồ, các Thượng tế và những người Pharisiêu xin Tổng trấn Philatô cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mồ (Mt 27,62), và “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá, rồi cắt lính canh mồ” (Mt 27,66). Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do Thái có khả năng thách thức được quyền phép Đức Giêsu.

Giêsu người thành Nagiarét đã yên nghĩ trong mồ sâu. Tảng đá đã lấp cửa mồ. Nỗi lo sợ và niềm đau xót đã giam hãm các môn đệ trong các căn phòng đóng kín. Hãy yên nghỉ và quên đi những đau khổ. Hãy quên đi những oan kiên và tất tưởi của phận người. Hãy quên đi những tiếng la ó, những lời thóa mạ và bản án bất công. Hãy quên đi những tiếng búa nặng nề trên những đinh nhọn xuyên thấu tay chân. Hãy quên đi cơn hấp hối kinh hoàng. Và hãy quên đi đồi Golgotha loang máu chiều tử nạn.

Câu chuyện tưởng đã ngũ yên, người đời sẽ mau quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới Giêsu Nagiarét nữa…

Vậy mà, khi ngày Sabat chấm dứt, vào rạng sáng tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna và một số phụ nữ đang âm thầm lặng lẽ dưới sương mai, gió sớm se lạnh, hối hả bước đi, lòng trí chỉ còn những kỷ niệm xót xa đắng đót. Họ vội vã chạy ra mồ để thi hành cử chỉ thương yêu cuối cùng đối với Thầy.

Đến cửa mồ, họ phát hiện ngôi mộ mở toang, trống rỗng, và thân xác Thầy yêu quý đã không còn trong đó nữa. Dầu thơm và hương liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ. Họ hết sức sững sờ khi thấy mồ trống, hai thiên sứ mặc áo trắng canh gác mồ, một phía đầu, một phía chân, nhưng không thấy xác Thầy. Họ nghĩ lại mất Thầy lần nữa. Họ hối hả chạy về báo tin cho nhóm Mười Hai. Họ xúc động và âu lo: "Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu".

Các môn đệ đã hoang mang sợ hãi, nay càng thêm hốt hoảng khi nghe tin này. Phêrô và Gioan cũng bị lôi cuốn và muốn tìm ra sự thật. Cả hai bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng Gioan chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Phêrô cũng vừa tới nơi. Tảng đá niêm mồ đã trở thành thử thách đầu tiên đối với niềm tin các môn đệ vào Thầy Giêsu. Trông thấy tảng đá lăn qua một bên, cả ba người đã có thể nhận ra dấu chỉ Chúa đã sống lại. Cả ba đều hụt hẫng, chưa thể thấu đạt những lời Chúa đã báo trước.

Tuy Phêrô, Gioan và Mađalêna chưa nhận ra ý nghĩa của dấu chỉ tảng đá lấp cửa mồ, nhưng những trải nghiệm thân tình sống với Thầy đã thôi thúc họ tìm hiểu cặn kẽ những gì vừa xảy đến sáng nay.

Gioan cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất. Rồi Phêrô bước hẳn vào trong mồ. Cả hai đều thấy “Những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi”. Đây là một dấu hiệu mang nhiều ý nghĩa: Thầy đã chỗi dậy, tự mình gỡ và xếp ngay ngắn các băng vải liệm và khăn băng đầu. Chỉ có người đang sống mới làm những việc tỉ mỉ đó. Thầy không còn chết nữa. Thầy đang sống. Thầy đã đánh bại sự chết và bước ra khỏi nấm mồ rồi. Gioan “đã thấy và đã tin”. Không như khi nhìn thấy tảng đá lăn qua một bên, lần này Gioan tin Thầy đã sống lại. Lời tuyên xưng “đã thấy và đã tin”. diễn đạt quá trình từ “thấy” đến gắn bó trọn vẹn niềm tin vào Đấng Phục Sinh.Gioan đã thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu: Ngài phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Ngay giây phút thấy cũng là lúc Gioan nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: "Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại" (Ga 2,19). Gioan còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: "Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy" (Mt 12,40). Gioan vẫn nhớ như in, trên núi Tabor, Chúa hiển dung và căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9). Gioan luôn nhớ, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Thầy cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: "Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại" (Lc 18,31-33). Gioan ghi tạc vào lòng lời tâm sự của Thầy trong buổi tiệc ly: "Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay... Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê" (Mt 26,31-32)…Nhờ ghi nhớ lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.

Từ ngôi mồ trống, ánh sáng Phục sinh bừng toả. Sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá cửa mồ vỡ nát ra. Nấm mồ bằng đá nặng nề đã vỡ tan như vỏ trứng. Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an. Tảng đá lấp mộ làm sao niêm giữ được Người! Nấm mồ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Đức Giêsu dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi sống trường sinh. Mặt Trời Công Chính đã Phục Sinh. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát đắng cay. Tin mừng đã lau khô đôi mắt ngấn lệ khóc tiếc thương của các môn đệ. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương. Chúa đã chỗi dậy từ chính nơi đã được mai táng. Ánh sáng tràn ngập. Niềm hy vọng lớn lao đã được bắt đầu từ chính nơi hôm qua còn đầy đau thương tuyệt vọng.Từ đây các môn đệ bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.

Chúa đã sống lại thật! Allêluia! Đó là niềm vui và tuyên tín của các Tông đồ. Niềm vui và tuyên tín đó đã được loan truyền cho tới ngày nay và mãi cho tới ngày tận cùng của nhân loại.

Chúa Giêsu Phục Sinh. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã trở thành niềm tin và sức sống mãnh liệt cho nhân loại hơn hai ngàn năm qua. Phục Sinh là một biến cố làm nên lịch sử, và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin Phục Sinh và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin Phục Sinh. Giáo Hội làm chứng bằng tình yêu và sự xác tín dọc dài dòng lịch sử.

Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối? Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị thân phận con người cầm chân? Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã đem theo những đau khổ của loài người đi về miền hạnh phúc. Ngài đưa cuộc sống trần gian hướng tới cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Kitô đã sống lại. Từ nay thập giá không còn là dấu hiệu của nhục nhã, nhưng là biểu tượng của vinh quang. Chúa Kitô đã sống lại, cái chết không còn là ngõ cụt mà là cánh cửa mở về đời sống mới. Chúa Kitô đã sống lại, Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa, chúng ta cũng được hưởng vinh quang với Ngài. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta.

Phục Sinh là biến cố lạ thường, chưa từng có bao giờ trong lịch sử nhân loại. Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm Tình Yêu cứu độ. Những chứng nhân đâu tiên của Chúa Phục Sinh cũng là những chứng nhân Tình Yêu.Các môn đệ, bằng các cảm nghiệm bản thân đã tin vào sự Phục Sinh của Thầy mình. Cảm nghiệm thì mỗi người mỗi cách. Mỗi người đều có một kinh nghiệm về đức tin vào Chúa Giêsu một cách khác nhau.

Có người được Chúa ban cho một tình yêu mạnh mẽ như Gioan, cho dù phải sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ vững niềm tin. Người môn đệ được yêu và đang yêu này chỉ “thấy cái tối thiểu”, tuy nhiên lại luôn“tin tối đa”.Tình yêu bồi bổ niềm tin và niềm tin giữ cho tình yêu luôn kiên vững.

Có người được Chúa ban cho những kinh nghiệm như Phêrô: yêu mến Thầy nồng nàn, nhưng hay nóng vội, quá tin tưởng vào sức mình; khi gặp những hoàn cảnh khó khăn thì lại trở nên nhát đảm, không dám bày tỏ niềm tin của mình. Nhưng một khi được gặp lại Chúa Phục Sinh, niềm tin đã trở thành như núi đá, không gì có thể lay chuyển được. Sẵn sàng dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho đức tin.

Có người được Chúa ban cho một niềm tin đơn sơ như những người phụ nữ đạo đức. Họ chẳng cần lý luận, chỉ cần yêu mến Chúa và cảm nhận được lòng Chúa yêu thương. Họ sẵn sàng cho đi tất cả và chỉ mong được ở bên cạnh Thầy tôn kính.

Mỗi người có một cách thế tiếp cận niềm tin và biểu lộ đức tin; nhưng tất cả đều có một điểm chung là họ yêu mến Chúa và sẵn sàng làm chứng bằng cuộc sống và cả mạng sống của mình.

Xin cho mỗi người Kitô hữu chúng ta biết sống niềm vui Phục Sinh một cách mạnh mẽ, để có thể làm chứng cho Chúa bằng một đời sống tốt đẹp chan hòa bình an và sức sống.
 
Ngày thứ nhất
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
14:28 06/04/2012
Chúa nhật Phục Sinh (Tđcv 10, 34a.37-42; Col 3, 1-4; Ga 20, 1-9).

Phúc âm của thánh Gioan viết là ‘ngày đầu tuần’ và thánh Matthêô, Marcô và Luca gọi là ‘ngày thứ nhất trong tuần’, từ sáng sớm khi trời còn tối thì các bà ra thăm mộ và thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ. Ngôi mộ trống. Xác Chúa Giêsu không còn ở đó. Được báo tin, ông Phêrô và Gioan cùng chạy ra xem. Các ông chỉ thấy những khăn liệm và những giây băng còn lại đó. Đây là sự kiện nền tảng đã làm thay đổi tất cả. Một sự kiện chưa bao giờ xảy ra. Chúa Giêsu đã phục sinh từ cõi chết. Sự kiện mồ trống và việc Chúa Giêsu hiện ra với nhiều người đã mở ra một kỷ nguyên mới của Nước Trời. Khởi đầu là ngày thứ nhất trong tuần, không còn theo ấn định ngày Sabát của Đạo Do-thái. Nước Trời không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian. Chúa Giêsu đã mở một biên cương ngang qua ngưỡng cửa của sự chết tới sự sống lại.

Ánh sáng thật đã dọi chiếu vào thế gian. Chúa Giêsu đã phá tan bóng tối của sự chết và mở đường dẫn vào sự sống thật. Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sự sống được trao ban cho mọi loài, nhất là con người. Sự sống không bị tiêu diệt nhưng sự sống được thăng hoa. Sự sống cụ thể sẽ dẫn đến một sự sống tinh tuyền. Chúa Giêsu đã phán dậy: Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời (Mt 22,30). Sự sống đời đời vì Thiên Chúa là tác giả của sự sống. Thiên Chúa là Chúa của các kẻ sống. Thiên Chúa không tạo dựng con người để rồi bị tiêu diệt về hư vô. Đây chính là niềm hy vọng sự sống lại của chúng ta. Trong khi đối thoại với nhóm Sađucêo, họ không tin có sự sống lại, Chúa Giêsu đã trưng câu Kinh Thánh: Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống."(Mt 22,32)

Mỗi người chúng ta chỉ có kinh nghiệm về sự sống trong vật thể hay thân xác. Sự sống của thực vật, động vật và con người. Sự sống có nhiều cấp bậc, từ đơn sơ cho đến phức tạp. Điều kiện quan trọng nhất của sự sống là cần có nước, khí thở và của ăn nuôi dưỡng. Thiên Chúa đã quan phòng đặt để tất cả mọi điều kiện sống trong thiên nhiên. Thiên Chúa phán: "Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời."(Stk 1,20). Sự sống liên kết với vật chất và thể xác làm cho một vật sống. Sống là có sự chuyển động tự bên trong ra bên ngoài. Tiên tri Êdêkiel diễn tả: Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống (Êdêkiel 47,9).

Quan sát tất cả các loại thảo mộc từ những sợi rong rêu bé tí cho tới những cây cổ thụ già cỗi, đều có sự sống luân chuyển hấp thụ dưỡng nuôi. Thực vật có sinh, có phát triển và có chết. Các loài động vật cũng thế, từ những siêu vi khuẩn nhỏ li ti cho tới những con khủng long vĩ đại, đều có sự sống tiềm ẩn và nẩy sinh trong cơ thể. Mỗi loài thực vật cũng như động vật đều có sự truyền sinh riêng biệt. Sự sống nào cũng cần có sinh trưởng như hấp thụ, ăn uống, phát triển, già nua và diệt vong. Thiên Chúa tác tạo loài người có xác, có hồn và có khả năng phát triển không ngừng. Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng con người và ban sự sống: Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (Stk 2,7). Chúng ta không thể hiểu về mầu nhiệm sự sống. Chúng ta chỉ biết chiêm ngưỡng và cảm nghiệm sống.

Sự sống trao ban sự sống. Khi sự sống đã khởi đầu dù chỉ trong trứng nước là đã đi vào hiện hữu. Mỗi một sự sống là một qùa tặng vô giá của Thượng Đế. Con người không làm ra được sự sống nhưng chỉ nhận lãnh. Ngày nay con người dùng khoa học tân tiến để chiếm đoạt bản quyền của Đấng ban sự sống. Họ muốn ghép tạo ra sự sống theo ý họ. Con người đi tìm đủ mọi cách tiêu diệt sự sống tự nhiên để chuyển hoán qua sự sống nhân tạo. Chính con người đã toa rập giết chết Đấng trung gian sự sống. Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã viết: Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng (Tđcv 3,15).

Chúa Giêsu là chính nguồn ban sự sống. Mỗi người chúng ta đều được chia sẻ sự sống trực tiếp từ Thiên Chúa. Sự sống nối dài từ đời này qua đời kia. Sự sống được chuyển đổi chứ không mất đi. Đức Giêsu phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống (Ga 11,25). Sự sống lại thật không còn tùy thuộc thân xác như cần ăn uống, hít thở mà là giống như các thiên thần. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và mang lại sự sống thật cho những kẻ đặt niềm tin nơi Chúa. Sự sống của chúng ta được ẩn dấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa: Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại (Lc 20,36).

Chúa Giêsu đã trút hơi thở trên thánh giá. Chúa đã từ giã cõi trần. Chấm dứt sự sống nơi thân xác. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở (Lc 23,46). Sự sống tạm cần phải thoát ly khỏi thân xác hay hư nát. Như hạt giống bị chôn vùi và tan rữa để sinh ra mầm sống. Chúa Kitô giã từ thân xác mà Ngài đã mặc lấy để trở thành con người. Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mệnh cứu độ trên thập giá. Chúa luôn mở rộng cánh cửa Nước Trời mời gọi mọi người bước vào. Nhận lãnh ơn cứu độ là trách nhiệm riêng của mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể chấp nhận hay từ chối ơn cứu độ. Chúa không ép buộc chúng ta nhưng Chúa ban đủ ân sủng để giúp chúng ta thắng đạt.

Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Ga 3,17). Ơn cứu độ phổ quát cho mọi người. Ai tin vào Chúa Giêsu, sẽ được ánh sáng ban sự sống. Tin vào Chúa, có nghĩa là phải sống và thực hành lời Chúa dậy. Đức tin không có việc làm là đức tin mơ hồ, trừu tượng và lý thuyết. Chúng ta tin vào một Thiên Chúa yêu thương sống động. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."(Lc 20,38). Vũ trụ chuyển động, mọi sự sinh động và tất cả sinh linh đều đang sống trong sự quan phòng của Chúa. Thiên Chúa hằng hiện hữu và làm việc luôn. Thánh Gioan ghi rằng: Đức Giêsu đáp lại, "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc."(Ga 5,17).

Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, là hoa qủa đầu mùa của những kẻ an giấc. Thánh Phaolô viết: Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu (1Cor 15,20). Chúa Giêsu mở đường sự sống và đem lại cho chúng ta niềm hy vọng viên mãn. Chúng ta biết rằng vật chất thì thay đổi, tan biến và hư nát. Mọi vật hiện hữu trên trần thế rồi lại trở về hư vô cát bụi. Chỉ có Thần khí mới ban sự sống: Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống (Ga 6,63). Chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Alpha và Ômega, là khởi điểm và là cùng đích. Mọi sự đều phải qui thuộc về Ngài. Hy vọng sau cuộc đời lữ hành dương thế, chúng ta sẽ được chung hưởng hạnh phúc viên mãn với Ngài. Alleluia!
 
Gặp gỡ Chúa Phục Sinh
+GM GB Bùi Tuần
14:32 06/04/2012
GẶP GỠ CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

1. Chúa Giêsu đã chịu chết và đã phục sinh. Đó là điều tôi tin và tuyên xưng suốt đời. Riêng lễ Phục Sinh, tôi tham dự các nghi thức đầy cảm động tưởng niệm biến cố Phục Sinh. Hơn nữa, tôi còn gởi cho những người thân lời chào chúc Phục Sinh thắm thiết.

Tất cả những việc trên đây đều tốt. Nhưng có một việc còn tốt hơn, đó là việc gặp gỡ chính Chúa Phục Sinh. Với hết lòng khiêm tốn và cảm tạ, tôi xin được phép chia sẻ việc gặp gỡ đó.

Chúa Giêsu Phục Sinh không hiện ra với tôi bằng hình dáng hữu hình. Nhưng Người đến với tôi bằng sự hiện diện thiêng liêng đầy hấp dẫn.

Ở đây, tôi mạo muội nói lên những gì tôi cho là hấp dẫn nhất đã cải hoá bản thân tôi.

2. Hấp dẫn thứ nhất là Chúa Phục Sinh đến với tôi một cách âm thầm, nhẹ nhàng đầy tế nhị.

Thường là những lúc tôi hồi tâm hoặc lúc bị thử thách, tôi chợt nghe tiếng Người gọi. Tôi nhớ lại lời Kinh Thánh nói: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Người gõ nhè nhẹ cửa lòng tôi. Người đợi chờ kiên nhẫn và khiêm tốn. Người chỉ bước vào, khi tôi mở cửa đón Người vào. Tôi cảm thấy rất rõ sự Người đến với tôi là một món quà quý giá riêng tư Người dành cho tôi.

3. Hấp dẫn thứ hai là Chúa Phục Sinh đến với tôi, đem lại cho tôi bầu khí bình an.

Biết bao lần lòng tôi đang sợ hãi, lo âu, bối rối. Chính lúc đó Chúa Phục Sinh đến. Người không nói gì với tôi. Nhưng sự hiện diện của Người đã dẹp tan sóng gió trong lòng tôi. Tôi cảm thấy mình được bình an sâu lắng. Tôi nhớ lại những lần xưa Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, Người đã chào chúc các ngài một lời vắn tắt: “Bình an cho anh em” (Ga 20,21; Lc 24,36).

Lời chào chúc đó đã mở mắt các tông đồ nhìn rõ hình ảnh đúng về bản thân mình, đó là các ngài là những con người yếu đuối, mỏng giòn, tội lỗi, được Chúa thứ tha. Đối với tôi cũng vậy, sự bình an mà Chúa Phục Sinh ban cho tôi cũng đã làm cho tôi nhận biết mình là kẻ cần được Chúa tha thứ cứu độ. Thực sự Chúa đã tha thứ và cứu độ tôi. Đó là ơn ban nhưng không.

4. Hấp dẫn thứ ba là Chúa Phục Sinh ban cho tôi một hình ảnh Thiên Chúa rất gần gũi và thân thiện.

Chúa Phục Sinh hiện diện trong tôi. Tôi chia sẻ với Người đủ mọi chuyện của đời tôi. Người đồng hành với tôi trên mọi chặng đường. Tôi nhớ lại cảnh Chúa Phục Sinh đã cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmau. Chúa Phục Sinh đã tỏ ra rất gần gũi với các ngài (x. Lc 24,13-33).

Chúa Phục Sinh cũng đã rất thân tình với các môn đệ, khi Người cùng ngồi chung với các môn đệ trên bờ biển hồ Tibêria, để cùng ăn bánh và cá nướng với nhau (x. Ga 21,12-14).

Sự gần gũi Chúa dành cho tôi giúp tôi cảm nhận được “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Tình yêu ấy ở nơi Chúa Phục Sinh. Tình yêu ấy được tôi cảm nghiệm sâu sắc. Bởi vì tình yêu ấy rất gần gũi, đến nỗi, một cách nào đó, tôi có thể nói như thánh Gioan tông đồ: “Chúng tôi đã nghe, chúng tôi đã thấy tận mắt, chúng tôi đã chiêm ngưỡng, chúng tôi đã chạm đến” (1 Ga 1,1).

5. Hấp dẫn thứ bốn là Chúa Phục Sinh ban cho tôi thấy sự Người tin tưởng nơi tôi.

Tôi hèn hạ lắm. Tôi tội lỗi lắm. Tôi kém cỏi lắm. Tôi nhận biết mình chỉ là một thứ sâu bọ. Thế mà, chính trong tình trạng nhận thức đó, tôi được Chúa Phục Sinh đến. Người trao cho tôi trách nhiệm làm chứng về Chúa. Người tin tưởng nơi một kẻ yếu đuối hèn mọn. Điều đó làm tôi ngỡ ngàng. Tôi chỉ biết phó thác mọi sự nơi Chúa. Tôi nhớ lại: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã chọn thánh Phêrô, một người chối Chúa, để trao trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên Chúa (x. Ga 21,15-17). Sự chọn lựa đó của Chúa Phục Sinh chứng tỏ Chúa chọn kẻ Chúa muốn (x. Mc 3,13). Họ sẽ là người thuộc trọn vẹn về Chúa, trước khi làm những việc của Chúa.

6. Hấp dẫn thứ năm là Chúa Phục Sinh đã chia sẻ cho tôi về chương trình cứu độ một cách rất chân thực.

Một thao thức thường xuyên sống động trong tôi là làm thế nào để cứu mình và cứu những người khác khỏi tội lỗi. Trả lời cho thao thức đó là vô số giải pháp. Giải pháp kinh tế, giải pháp chính trị, giải pháp văn hoá, giải pháp giáo lý, giải pháp cơ chế, v.v... Khi tôi trình bày với Chúa Phục Sinh về những cố gắng đó, Chúa Phục Sinh luôn trả lời tôi một cách rất chân thực về chương trình cứu độ của Người. Người bảo tôi hãy nhìn vào hai bàn tay của Người còn dấu đinh đóng. Người cho tôi xem trái tim của Người còn dấu lưỡi đòng đâm qua. Tôi nhớ lại cảnh Chúa Phục Sinh bảo môn đệ Tôma hãy đặt tay vào cạnh sườn Người bị lưỡi đòng đâm (x. Ga 20,27).

Người rất chân thực cho thấy: Người cứu độ tôi và nhân loại bằng chính đời sống khó nghèo, khiêm hạ, và tự nguyện chịu khổ nạn và hy sinh mạng sống vì yêu thương theo thánh ý Chúa Cha. Người muốn tôi hãy theo Người, và cùng với Người mà làm như vậy.

7. Những gì tôi gọi là hấp dẫn trên đây chắc chắn chỉ là một số rất nhỏ trong vô số những hấp dẫn khác nơi Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên, những hấp dẫn nhỏ đó cũng giúp tôi biết mình và biết Chúa Phục Sinh. Tôi là con người tội lỗi cần được cứu chuộc. Còn Đấng Cứu chuộc tôi là chính Chúa Giêsu Phục Sinh.

Đến đây, tôi xin hết lòng ca ngợi và cảm tạ Chúa Phục Sinh đã ban cho tôi ơn được gặp Người. Tôi không quên chân thành cảm ơn tất cả những người đã dạy tôi về sự gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Tôi xin thân ái cầu chúc mọi bạn bè gần xa một lễ Phục Sinh đầy ơn Chúa, nhất là được gặp gỡ Chúa Phục Sinh là Đấng Cứu thế rất nhân lành của chúng ta.
 
Đóa hoa thiêng dâng lên Chúa Phục Sinh
+GM GB Bùi Tuần
14:33 06/04/2012
ĐOÁ HOA THIÊNG DÂNG LÊN CHÚA PHỤC SINH

1. Đêm lễ Phục Sinh, trong các nhà thờ, khi Phụng vụ vừa công bố xong lời “Chúa đã sống lại”, thì nhiều chậu hoa tươi liền được đưa lên cung thánh. Cung thánh trở thành một vườn hoa tươi thơm đẹp, bao quanh bàn thờ rực sáng, làm nên một cảnh tưng bừng, chào mừng Chúa Phục Sinh.

Nay là thế. Còn xưa kia, khi Chúa Giêsu bước ra khỏi mồ, bầu khí vẫn ảm đạm. Nhưng giữa không gian lặng lẽ đó, đã có một đoá hoa sống động chờ đón Chúa. Đoá hoa ấy đơn độc, nhưng giá trị hơn cả một rừng người. Theo tôi, đoá hoa đó là thánh nữ Mađalêna.

Đoá hoa đó rất đẹp. Tất nhiên đẹp nói đây phải hiểu là những giá trị cao quý thuộc lãnh vực đạo đức. Tôi xin được nói lên một số giá trị đó.

2. Trước hết, Mađalêna tôn thờ Chúa bằng những của lễ cao quý riêng tư, vượt xa khuôn khổ cộng đồng.

Thờ Chúa theo khuôn khổ cộng đồng là mình đọc những kinh mà cộng đồng đọc, là mình làm những việc mà cộng đồng làm. Mọi người đều thờ phượng Chúa theo những lễ nghi như nhau, theo những công thức như nhau. Như thế được coi là đủ.

Còn Mađalêna thì khác. Của lễ bà dâng lên Chúa là tất cả tình yêu riêng tư đầy cảm xúc, đầy gắn bó, đầy trung tín và hy sinh. Phúc Âm viết: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, Maria Mađalêna đi đến mộ Chúa” (Ga 20,1) Những người khác không đi. Nhưng bà cứ đi, bất chấp mọi rủi ro. Động lực khiến bà đi đến mộ Chúa Giêsu chính là tình yêu. Đối với bà, Chúa Giêsu là không gian trong lành để thở, là căn nhà bình an để ở, là cột trụ vững bền để tựa. Trong trái tim bà, Chúa Giêsu có một chân dung riêng, mà chỉ mình bà đã cảm nghiệm được. Bà tôn thờ Chúa Giêsu bằng tất cả một tâm hồn được thuyết phục bởi những chân lý cứu độ, mà Chúa đã dành riêng cho bà.

Như thế, mối quan hệ giữa bà và Chúa Giêsu có những gì rất thắm thiết, rất riêng tư, rất sâu thẳm. Đó là một vẻ đẹp thiêng liêng vượt xa khuôn khổ cộng đồng.

Vẻ đẹp đó càng thêm rực sáng, khi tình hình đang trở thành đen tối, vì mọi người lúc ấy xem ra đều xa tránh Chúa. Mặc cho cộng đồng có thái độ loại trừ, Mađalêna vẫn theo tiếng gọi riêng tư, quyết băng qua đêm tối, để đến mộ, với hy vọng ít ra cũng được xức thuốc thơm trên xác Chúa. Đẹp thay những giá trị của tình yêu riêng tư ấy.

3. Trong nếp sống đạo đức cộng đồng, mỗi người dễ trở thành một con số. Người nọ có thể thay thế người kia. Nhưng trong đạo đức cá thể của Mađalêna, tình yêu của bà là một giá trị độc đáo, không gì thay thế được. Phúc Âm viết: “Bà Maria Mađalêna đứng gần bên mộ mà khóc” (Ga 20,11). Giọt nước mắt của bà mang cả một đại dương tình yêu cao cả. Không gì trong cộng đoàn có thể thay thế được giọt nước mắt ấy. Nước mắt ấy quả là một của lễ riêng tư rất đẹp lòng Chúa. Riêng tư, mà vẫn trong cộng đồng.

4. Ngoài ra, Mađalêna còn dâng lên Chúa sự tự do của mình như một sự hiện diện luôn đợi chờ lắng nghe tình yêu Chúa.

Phúc Âm kể: “Đức Giêsu gọi bà ‘Maria’. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: ‘Rapboni!’. Nghĩa là ‘Lạy Thầy’”. (Ga 20,16). Cuộc đối thoại giữa Chúa Phục Sinh và Mađalêna đã bắt đầu một cách đơn giản. Chúa gọi bà bằng chính tên của bà. Bà trả lời Chúa bằng cách gọi Chúa là Thầy. Với câu trả lời rất hồn nhiên, tự phát, Mađalêna muốn xác định mình là người môn đệ hiện diện, sẵn sàng lắng nghe Thầy.

“Lạy Thầy”, có nghĩa là: “Này con đây”. Lời đó, với ý nghĩa đó, diễn tả thái độ quen thuộc của những người được Chúa gọi, còn ghi trong Kinh Thánh.

Kinh Thánh cũng đã chép về chính Đức Kitô: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con’” (Dt 10,5-7).

Mađalêna, khi nói: Lạy Thầy, thì cũng như nói: Này con đây. Câu trả lời vắn gọn đó thiết tưởng cũng đủ nhắc lại tất cả bài học, mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Người. Người môn đệ Chúa là người luôn hiện diện trước Chúa. Nói cách khác, người môn đệ Chúa là người luôn ở trước mặt Chúa, để lắng nghe Chúa, để sẵn sàng thực thi ý Chúa.

Với thái độ ấy, Mađalêna hiến dâng trọn vẹn sự tự do của mình cho Chúa. Nói cho đúng, bà có một sự tự do mới. Bà thoát ra khỏi chính mình, để được hoàn toàn tự do thuộc về Chúa.

Với thái độ “Này con đây” bà nhấn mạnh ưu tiên đến là hơn làm. Bà muốn mình là người môn đệ đích thực của Chúa, luôn sống trước mặt Chúa. Thái độ “Lạy Thầy, này con đây” của Mađalêna đúng là một giá trị cao quý, làm cho Mađalêna trở thành một đoá hoa thơm đẹp, dâng kính Chúa Phục Sinh.

5. Thêm vào những vẻ đẹp trên đây, Mađalêna còn có một vẻ đẹp nữa, đó là chuyển trao ý Chúa cho các tông đồ Chúa, như một người cộng tác khiêm nhường.

Phúc Âm kể lời Chúa Phục Sinh nói với Mađalêna: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em. Bà Maria Mađalêna đi báo cho các môn đệ: Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,17-18).

Lúc đó, chắc chắn Mađalêna biết rõ tình hình đen tối đã và đang xảy ra có liên quan đến các tông đồ. Có người đã bán Chúa, có người đã chối Chúa, có người đã bỏ Chúa mà trốn. Họ đang sợ hãi. Tình hình như thế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Mađalêna. Cho dù có thể, nhưng khi nghe Chúa Phục Sinh gọi các tông đồ là anh em của Người với những lời rất thân thương, Mađalêna đã hiểu Chúa vẫn dành yêu thương và tin tưởng đặc biệt cho các ngài. Vì thế bà đã rất thông cảm những yếu đuối của các tông đồ. Bà tế nhị chuyển lời của Chúa cho các ngài với tư cách người cộng tác khiêm nhường. Rồi bà âm thầm rút vào bóng tối. Vẻ đẹp của đoá hoa Mađalêna thực là trọn vẹn.

6. Với những suy gẫm trên đây, tôi thấy việc cần làm để đón Chúa Phục Sinh là bản thân mỗi người chúng ta hãy là đoá hoa thiêng thiêng. Mọi thứ hoành tráng bề ngoài có thể sẽ trở thành trống rỗng, nếu bản thân con người chúng ta không là những bông hoa thơm đẹp do những giá trị Phúc Âm.

Tình hình đạo đức lúc này rất cần được đổi mới một cách sâu sắc. Việc đổi mới ấy có thể thực hiện được, với sự góp phần của những đoá hoa Phục Sinh sống động.
 
Con Đường Đẹp Nhất Và Đúng Nhất
LM. Giuse Trương đình Hiền
19:21 06/04/2012
CON ĐƯỜNG ĐẸP NHẤT VÀ ĐÚNG NHẤT

(Thứ sáu tuần thánh 2012)

Anh chị em,

Hôm nay, Hội Thánh khắp muôn nơi cử hành long trọng cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu. Vì cuộc khổ nạn của Chúa gắn liền với cây thập giá, cho nên trọng tâm và điểm nhấn của Phụng Vụ hôm nay chính là Mầu Nhiệm Thập Giá Chúa Kitô.

Nếu trong đời thường, thập giá là biểu tượng của ô nhục, thất bại, đớn hèn…thì sau biến cố trên đồi Gon-gô-tha với cái chết tũi nhục của Chúa Giêsu người Na-da-rét, thì thập giá đã trở nên Thánh Giá, sự đau khổ không còn là bất hạnh và sự chết đã mở đường về phía của sự sống.

Chính để làm bật nổi nội dung giáo lý nền tảng đó, mà Phụng Vụ hôm nay luôn luôn chọn bài Tường thuật của Thánh Gioan về sự Thương khó của Chúa. Bởi vì chính trong bài tường thuật độc đáo của ngài, cuộc Thương khó của Chúa Giêsu không mang dấu vết của ảm đạm, buồn đau, mà “như tiến trình khải hoàn của Đức Giêsu về với Chúa Cha. Đức Giêsu biết Người sắp từ bỏ cõi đời : Người biết cái chết nào đang đợi Người và Người thản nhiên bước tới: "Mạng sống Ta không ai lấy được, nhưng chính Ta tự ý ban tặng " ( 10,8).

Để nêu bật ý nghĩa nầy, chúng ta có thể thấy thánh Gioan đem vào trong Tin Mừng của ngài những chi tiết mang dấu chỉ và ý nghĩa thần học về cuộc hiển thắng của Chúa Ktô thật rõ nét :

- Thần tính của Chúa Giêsu được biểu hiện ngay khi quân dữ tới bắt Ngài : khi Ngài vừa nói : “chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất.

- Cuộc dấn thân đi vào cuộc khổ nạn chính là thực thi thánh ý Chúa Cha : “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống”.

- Đức Giêsu bị đóng đinh với tư cách là Vua. Philatô nhận ra điều đó khi xét xử Người (19,13) và tấm bảng tréo trên thập giá : công bố điều đó bằng nhiều thứ tiếng (19,19-20)

- Gioan không tách biệt cái chết với niềm phấn khởi. Việc treo Đức Giêsu trên thập giá cũng là cuộc : Người ngự lên trong vinh quang Thiên Chúa để từ đó Người ban Thánh Thần cho nhân loại (19,30). Thánh giá trở thành ngai tòa vinh quang, từ đó Đức Giêsu thiết lập Giáo Hội.

- Ý nghĩa cái chết của Đức Kitô chính là hoàn tất lời tiên báo nơi “chiên vượt qua” của Do Thái Giáo. Người là chiên vượt qua của Giao ước mới. Hơn nữa, Người là Thiên Chúa bị đâm thâu như Zacharia đã báo trước (12,l0 và tiếp theo). Đức Giêsu là Đền Thờ đích thực trong đó Thiên Chúa ngự trị, Đền thờ mà Êdêkien (47,1-12) đã nhìn thấy từ bên phải vọt ra dòng nước tượng trưng cho Thánh Lình. Trong Giáo Hội, Nước và Máu biểu tượng cho hai bí tích Rửa tội và Mình Thánh Cha.

Những ý nghĩa trên sẽ được Dân Chúa đào sâu, quảng diễn và sống theo suốt chiều dài lịch sử, như cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc của chị Chiara Lubich sau đây :

Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.

Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".

Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".

Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.

Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.

Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con (CNHV trg. 148-149)

Và, hôm nay, bước đi trên nẻo đường thập giá đó, tiếp tục hiện thực hóa mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Kitô giữa đời thường :

- Đó chính là vui tươi đảm nhận cuộc sống âm thầm khổ đau, với những giọt mồ hôi liêm khiết của những người cha, người mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả để nuôi dạy con cái trong chính đạo.

- Đó chính là sự chắt chiu từng nghĩa cử yêu thương nhỏ nhặt, là chắp nhặt từng hy sinh mỗi ngày của các đôi vợ chồng để trung thành làm chứng cho tính thiêng thánh và bất khả phân ly của Nhiệm tích Hôn phối.

- Đó chính là sự anh hùng can đảm của biết bao bạn trẻ sẵn sàng chịu đói, chịu khổ, chịu bao nhiêu thiệt thòi để giữ tiết hạnh, liêm chính và phẩm giá cao cả của con cái Thiên Chúa, của những người công dân Nước Trời, trong một xã hội đầy dẫy gương mù gương xấu và những cơn cám dỗ hưởng thụ, phóng túng, đồi truỵ.

- Đó chính là sự chịu đựng từng ngày những cơn bệnh hiểm nghèo ngoài thân xác, những vết thương cay đắng trong tâm hồn của biết bao anh chị em, của biết bao gia đình, sự chịu đựng đầy can đảm và đón nhận trong hoan vui vì được kết hợp với chính cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Độ và chấp nhận hy sinh vì lòng yêu mến và chu toàn thánh ý Chúa.

- Đó chính là sự quảng đại để thứ tha cho dù phải bị khinh miệt hay gánh chịu mọi thua lỗ ; là chấp nhận những bản án bất công và trù dập chỉ vì dám đứng lên bênh vực công lý và lẽ phải…

- Đó chính là những trái tim dâng hiến quảng đại và những đôi tay phục vụ của biết bao tu sĩ nam nữ, của các linh mục, Giám Mục, những con người chấp nhận bỏ mình và vác thập giá theo Đức Kitô để phục vụ Thiên Chúa và lo cho phần rỗi của anh chị em mình.

- Đó chính là những bước chân nhiệt thành trung tín với thánh lễ, với những giờ dạy giáo lý, với những công việc phụng vụ trong những ngày mưa lạnh giá rét hay trong những ngày tất bật ngược xui giữa đời thường… của bao anh chị em chức việc, giáo lý viên, ca đoàn, ban giúp lễ, đạo binh Đức Mẹ…

Vâng, kể từ cây Thánh Giá của Chúa Giêsu được dựng lên trên đồi Canvê, thì khắp nơi, mọi thời, đã có biết bao nhiêu con người can đảm chọn lựa những thánh giá cho riêng cuộc đời mình, một sự chọn lựa đã trở nên con đường tối hảo để nên thánh, để được ơn cứu rỗi, như sự khẳng định của thánh nữ Rôsa Lima : "Ngoài Thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời", hay như qui tắc nền tảng trong linh đạo của ĐGM Lambert de la Motte khi sáng lập dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam : "Chúa Giêsu-Kitô chịu đóng đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta"

Riêng với chúng ta giờ nầy, hôm nay, cử hành cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, chúng ta một lần nữa tuyên xưng như lời thư Do Thái trong BĐ 2 : khi chịu khổ hình thập giá, Đức Kitô đã đạt “tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” ; và không dừng lại ở một lời tuyên xưng trong một cử hành cho dù long trọng, mà còn phải như Thánh Phaolô : "Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1, 24).

Vâng, đón nhận thập giá vì Hội Thánh, trong Hội Thánh và với Hội Thánh, để trở nên dụng cụ cứu độ, để nối dài "Hy tế của Đấng Cứu Độ", để cùng với Đức Kitô "bị treo lên hầu kéo mọi người lên"…đó không phải là con đường đẹp nhất và đúng nhất của mọi Kitô hữu đó sao ?

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Đây Chiên Thiên Chúa
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
22:27 06/04/2012
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA

Lời giới thiệu rất quan trọng của Gioan Tẩy giả về Chúa Giêsu với dân chúng : 'đây là Chiên Thiên Chúa. Đây là đấng xoá bỏ tội trần gian'. Câu nói này nhắc đến hình ảnh một con chiên trong lịch sử của dân Do thái ; họ thường sát tế chiên trong đền thờ Giêrusalem nhất là trong dịp lễ Vượt qua.

Sách Lv 1,4 viết : con chiên trong sạch được dẫn tới bàn thờ, mọi người giơ cao tay đổ hết mọi tội mình lên đầu con chiên, rồi nhổ lông, xé thịt nó. Nó không mở miệng kêu một tiếng. Người ta thiêu sinh nó làm lễ dâng lên Thiên Chúa, xin Thiên Chúa xoá tội cho dân mình. Sách Xh 12,7 viết : con chiên đó chính là chiên lễ vượt qua, máu nó đã cứu sống con trai Do thái, thịt nó làm của ăn cho toàn dân được sức mạnh vượt qua ách nô lệ Ai cập.

Chiên là một con vật trong tập tục lễ vượt qua của người Do thái. Họ lấy bó hương thảo nhúng vào máu chiên và bôi lên khung cửa trong ý nghĩa nhờ máu chiên, họ thoát khỏi tội lỗi, thoát khỏi sự thù nghịch cùng Thiên Chúa. Đối với dân Do thái, con chiên vượt qua là hình bóng Đấng cứu thế như ngôn sứ Isaia đã loan báo: "chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền nát...Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như con chiên dẫn đến lò sát sinh...Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử"(Is 53, 4-5.7). Đấng trường sinh bất tử đó, Gioan đã cam đoan thêm rằng "chính Người là Con Thiên Chúa".

Ý nghĩa về hình ảnh con chiên trong thời xa xưa của dân Do thái, nay được Gioan Tiền hô giới thiệu và làm sáng tỏ nơi Đức Giêsu. Đây là Chiên Thiên Chúa - tượng trưng cho sự giải thoát, lễ sinh đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nếu xưa kia hình ảnh bao nhiêu con chiên khác chỉ là sự tượng trưng, tiên báo cho sự giải thoát khỏi tội lỗi, thì nay điều ấy được thực hiện nơi Đức Giêsu là con chiên vô tội. Nếu xưa kia bao con chiên là những con vật đã bị giết trong các nghi lễ cũ mà không có sức xoá tội thiên hạ, thì nay chỉ cần một con chiên duy nhất bị giết mà cả nhân loại được ơn tha tội. Con chiên đó là Đức Giêsu Đấng gánh tội thiên hạ.

Con chiên là dấu chỉ của sự hiền lành, chấp nhận hiến tế trong tư thế thanh thoát, khôn ngoan. Đức Giêsu là đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng đã bộc lộ rõ ràng tính này trong cuộc thương khó của Ngài. Khi bị tra tấn, xỉ nhục đã không phản đối, kêu ca, trách móc ai điều gì. Con Chiên Thiên Chúa là như vậy.

Có khi chúng ta lại hay suy nghĩ Đức Giêsu xoá tội trần gian thì phải tỏ tỏ ra bằng uy quyền, sức mạnh để xoá bỏ, tấn công, dẹp tội ác mới đúng chứ. Đó là phương n của loài người. Còn phương án của Thiên Chúa là sự thinh lặng chịu đựng, đón nhận tất cả, vậy mới gọi là đấng gánh tội thiên hạ. Chúa Giêsu giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi cho nên Ngài đã cảm nghiệm được thế nào là những nỗi đau đớn trong bệnh tật, nỗi dằn vặt của tội lỗi, những giới hạn trong thân phận làm người ; vì thế, Ngài sẵn sàng mang lấy tất cả thay cho chúng ta để cứu độ hết từng người. Đúng như lời thánh Phaolô đã viết một câu rất kinh khủng rằng: "Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành tội vì chúng ta".

Ngày nay, dường như người ta không muốn chấp nhận một Đấng cứu thế phải chịu những giới hạn của con người, nhất là tội lỗi. Người ta quên rằng nếu Đấng cứu thế không đón nhận những giới hạn ấy thì làm sao chúng ta đựơc cứu rỗi. Người ta quên rằng Đấng cứu thế không phải là một vị thần ở trên mây trên gió mà là một con người thật sự đã đi vào từng chi tiết, ngóc ngách, ph¬¬ng diện của nhân loại.

Vì danh hiệu và sứ mệnh là Chiên Thiên Chúa, đấng xoá bỏ tội trần gian quan trọng, cao cả như thế nên thánh Gioan tiền hô đã dám minh chứng bằng cả cuộc sống qua những lời rao giảng, việc làm và giá máu của mình. Ong đã bị vua Hêrôđê chém đầu vì ông đã trung thành với sứ mệnh làm chứng về Đấng cứu thế. Ong đã chịu tử vì đạo, bị sát tế như con chiên noi gương đấng là Chiên Thiên Chúa cũng sẽ bị người ta giết sau này.

Quả thật, lời giới thiệu 'đây là Chiên Thiên Chúa' của Gioan đã gắn bó với ông suốt cuộc đời cho đến giờ phút chót. Ong cương quyết bảo vệ sứ mệnh và lời cam đoan của mình là chân lý vĩnh cửu tuyệt đối, có giá trị cứu rỗi đời đời. Điều này gợi ý cho mỗi người kitô hữu chúng ta bài học đắt giá về sứ mệnh của mình là người giới thiệu và minh chứng về Chúa Giêsu cho người khác. Liệu chúng ta có trung thành, can đảm như Gioan không? Lời nói có đi đôi với việc làm không? Có khi chúng ta chỉ biết giới thiệu một cách lý thuyết về Đấng cứu thế cho người khác rồi bỏ đấy không kèm theo những hành động, hy sinh cho nên không hấp dẫn được ai.

Trong mỗi thánh lễ, giáo hội không ngừng lặp lại lời của thánh Gioan giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta trước khi rước lễ 'đây Chiên Thiên Chúa, đây đấng xoá tội trần gian..."Điều đó nói lên sứ mệnh của giáo hội tiếp tục nơi thánh Gioan và được ni dài mãi nơi mỗi kitô hữu. Phải tích cực, ra sức giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, mọi nơi, mọi thời, mọi tôn giáo biết để họ được hạnh phúc, được cứu độ.

Chúng ta cũng được gọi là những con chiên của Thiên Chúa, nghĩa là tất cả đều phải phác hoạ lại hình ảnh Đức Giêsu nơi chúng ta. Tức là cũng phải trở thành những người biết gánh vác, đón nhận những đau khổ, bệnh tật, giới hạn và tội lỗi của người khác làm của mình. Đặc biệt càng là những người sống gần gũi với mình thì càng phải tập đón nhận những điều này một cách chu đáo hơn thì mới cứu độ được nhau, mới làm cho nhau bình an, hạnh phúc.

Giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau...nếu không gánh đỡ cho nhau bằng những giới hạn thân phận làm người như sự khác biệt về tính tình, văn hoá, cách sống, sắc đẹp và cả mùi vị nữa! Thì không thể sống với nhau và chết cho nhau đựơc ; không thể làm chứng cho Đấng cứu thế gánh tội thiên hạ được.

Nếu như Gioan tiền hô đã trung thành với lời cam đoan của mình thì mỗi công giáo chúng ta cũng thế. Chúng ta nghĩ sao về bao nhiêu lời cam đoan, thề hứa khác? Có những người thề hứa trước tổ quốc, đồng bào hiến thân để phục vụ đất nước, đồng bào đã bị phản bội chỉ vì vinh thân phì gia. Có những người ngày thành hôn thề hứa trước bàn thờ rất long trọng, quyết liệt nhưng chẳng được mấy tháng mấy năm đã thay lòng đổi dạ. Biết bao lần chúng ta quyết tâm cải thiện đời sống, hứa từ bỏ tội lỗi, dứt khoát với tính mê nết xấu đi xưng tội nhưng được mấy ngày lại quên. Biết bao lần chúng ta từ bỏ ma quỷ, tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa nhưng lại coi thường, bỏ bê vì chạy theo những đam mê của cải, ăn chơi tội lỗi.

Mỗi lần rước Đấng là Chiên Thiên Chúa ngự vào lòng mình là chúng ta nhận lấy sứ mệnh làm chứng cho Ngài bằng cả cuộc sống và phải làm cho hình ảnh Chiên Thiên Chúa sáng ngời trong cuộc đời của mỗi người.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:34 06/04/2012
NHÀ SƯ VÀ CHIM SẺ
N2T

Có con diều hâu truy đuổi con chim sẻ, con chim sẻ bay hoảng loạn và chui vào trong ống tay áo của nhà sư, nhà sư nắm lấy con chim sẻ, nói:
- “A di đà phật, hôm nay ta được ăn một bữa thịt”.
Chim sẻ nhắm mắt bất động, nhà sư tưởng là chim sẻ đã chết nên mở bàn tay ra để coi, nào ngờ chim sẻ “vút” một cái bay lên không, nhà sư lại nói:
- “A di đà phật, ta phóng sinh cho ngươi đó nhé !”

Suy tư:
Người ta nói “lưỡi không xương nhiều đường lắc léo” là như thế, nhưng “lưỡi không xương” là do trời sinh như thế, mà “nhiều đường lắc léo” thì không phải do cái lưỡi mà ra, nhưng là do cái tâm mà ra.
Cái tâm tốt thì cái lưỡi sẽ không nói điều xấu, cái tâm xấu thì cái lưỡi chắc chắn là sẽ “nhiều đường lắc léo”.
Nhà sư lâu ngày không ăn thịt nên cái tâm thèm thịt, thế là hứng chí khi bắt được chim sẻ vì sẽ có một bữa thịt để ăn, cho nên nói: “A di đà phật, hôm nay ta được ăn một bữa thịt”, nhưng sau khi bị con chim sẻ lừa bay mất thì nói: “A di đà phật, ta phóng sinh cho người đó nhé”, đúng ta cái lưỡi không xương nhiều đường lắc léo.
Cái tâm và cái lưỡi có liên kết với nhau như trang facebook của thời @ hiện đại vậy.
--------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Chúa Nhật Phục Sinh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:39 06/04/2012
CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 20, 1-9.
“Đức Chúa Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.


Chúa đã sống lại. Al-le-lui-a
Đức Chúa Giê-su đã sống lại rồi, tiếng reo vui mừng của chị Ma-ri-a Mag-da-la, tiếng reo vui mừng của tông đồ Phê-rô và Gioan, của hai môn đệ đi thành Em-mau...

Chúa đã sống lại rồi như một điệp khúc vui mừng được hát lên bởi những tâm hồn tin tưởng và yêu mến Đức Chúa Giê-su đang vang vọng từ miền Ga-li-lê-a năm nọ, cho đến hôm nay trên khắp thế giới, và vang mãi đến muôn đời. Al-le-lu-ia !

Chúa đã sống lại rồi, mấy chữ thật đơn giản nhưng thật long trọng, nó như lời tuyên bố của một vị thẩm phán toàn năng: quyền lực tử thần từ đây chấm dứt, quyền lực sa-tan từ đây kết thúc, cuộc sống ghét ghen hận thù, kiêu căng ích kỷ từ đây trở thành yêu thương, đoàn kết, bao dung tha thứ nơi mỗi một tâm hồn đã cùng với Đức Chúa Giê-su mai táng trong mồ và nay đã sống lại.

1. Ngôi mộ trống...
Đức Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh là một phép lạ vĩ đại của Ngài để củng cố niềm tin và hy vọng nơi những người tin vào Ngài, và để nhắn gởi tới những kẻ không tin Ngài là Thiên Chúa như một thông điệp yêu thương và tha thứ.

Phục sinh là một biến cố quan trọng và đỉnh cao của Người Ki-tô hữu, bởi vì như lời thánh Phao-lô đã nói với chúng ta rằng, nếu Đức Chúa Giê-su chết đi mà không sống lại thì tất cả chúng ta đều là những kẻ điên điên khùng khùng, nhưng Đức Chúa Giê-su đã sống lại và đức tin của chúng càng thêm phong phú và vững chắc.

Đức Chúa Giê-su hôm qua chịu đau khổ chịu chết trên thập giá, hôm nay Ngài đã sống lại và thống trị đến muôn đời, đó chính là niềm tin, yêu và hy vọng của chúng ta –những người tin vào Đức Chúa Giê-su- là vinh quang và là danh dự của chúng ta.
Đức Chúa Giê-su, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, chính Ngài chứ không ai khác đã sống lại từ cõi chết và đem ơn cứu độ cho nhân loại.

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ thật sớm khi vầng thái dương chưa xuất hiện, nhưng các bà kinh hoàng vì không thấy xác của Đức Chúa Giê-su đâu cả, thất vọng và hoang mang, khiếp sợ và lo âu, đã làm cho các bà không còn sáng suốt nhận ra hai thiên thần đang đứng bên mồ Chúa, hai ngài nói với các bà: “Sao các bà lại tìm người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24, 5b-6a) . Thế là không còn nghi ngờ gì nữa, Chúa đã sống lại rồi, ngôi mộ trống rỗng, lòng các bà cũng hân hoan vui mừng dù không thấy xác Chúa trong mồ nữa, nhưng đức tin của các bà đã thấy Ngài đã sống lại, sống lại thật rồi, ôi vui mừng, ôi hạnh phúc: Thầy đã sống lại rồi.

Mồ chính là nơi an táng những người chết, cho nên nó tượng trưng cho buồn bã cho chết chóc.
Mồ cũng chính là tâm hồn của chúng ta, nơi chất chứa bao nhiêu là tội lỗi mà chính chúng ta đã phạm trong cuộc sống, những kiêu căng ích kỉ, những giận hờn ghét ghen mà chúng ta đã chất chứa trong lòng như những gia bảo của tội nguyên tổ, thì hôm nay, nó được mở tung ra, đón lấy hùng khí của ngày Phục Sinh, nó được Đức Chúa Ki-tô phục sinh thánh hóa và cứu chuộc, và để rồi trong Ngài, chúng ta không còn những thối tha dơ dáy của xác chết con người cũ của chính mình, nhưng nó trở thành trống rỗng để dễ dàng đón nhận dồi dào ơn của Đức Chúa Ki-tô Phục sinh.

Mồ trống, tâm hồn trống vì đã được ân sủng phục sinh của Đức Chúa Ki-tô dọn dẹp sạch sẽ, chúng ta bắt đầu lại một cuộc sống mới trong tình thương của Đấng Phục Sinh, đó chính là yêu thương và phục vụ.

2. Xin các bà về nói...
Người thanh niên mặc áo trắng nói với các bà đến mộ sáng hôm ấy rằng: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông” . Một mệnh lệnh của người sống lại từ cõi chết ! Một lời nhắn nhủ của Đức Chúa Giê-su ! Nhưng dù là của ai chăng nữa thì cũng là một lời loan báo tin vui Chúa đã sống lại của người thanh niên mặc áo trắng.

“Xin các bà về nói...” về nói lại không những với các tông đồ và với thánh Phê-rô, mà hãy nói với tất cả những ai mà các bà gặp trên đường đi, hãy nói cho họ biết: Chúa đã sống lại rồi.

Hôm kia trên đường đi chúng ta đã càm ràm với người bạn về công việc làm ăn không có lợi cho mình; hôm qua trên công sở, nơi trường học chúng ta đã chửi người bạn không cùng ý kiến với mình; hôm nay chúng ta đi đến đâu cũng đều nhìn tha nhân bằng ánh mắt thông cảm yêu thương.

Hôm kia chúng ta đã sống trong ích kỷ của mình, chỉ biết mình, hôm qua chúng ta chỉ thấy những khuyết điểm của anh chị em mà không thấy ưu điểm của họ, hôm nay chúng ta nhìn thấy họ là những người đáng yêu, bởi vì chính Đức Chúa Ki-tô đã thấy chúng ta đều là những người đáng yêu, mặc dù chúng ta là những người tội lỗi, đức tin này được bắt nguồn từ đêm Phục Sinh của Đấng Cứu Thế, và biến đổi tâm hồn chúng ta trở thành những con người được phục sinh, do đó, chúng ta không những có bổn phận phải loan truyền tin vui Phục Sinh, mà còn có bổn phận làm chứng về những gì chúng ta đã tin, đã sống về mầu nhiệm phục sinh của Đức Chúa Ki-tô.

Ngày hôm nay, không phải người thanh niên áo trắng nói với chúng ta, nhưng chính Đấng Phục Sinh đã nói với chúng ta: “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo...” không chỉ loan báo cho những người thân thiết, mà là cho tất cả mọi người. Đi loan báo Tin Mừng cũng có nghĩa là ra đi để đem tình yêu của Chúa Phục Sinh đến cho mọi người, bởi vì ơn cứu độ không chỉ dành cho một vài người, nhưng là cho toàn thể nhân loại.

“Xin các bà về nói...”, “Các con hãy đi loan báo...” tất cả đều là sứ điệp của tình yêu, là mệnh lệnh được ban ra từ sự kiện Đấng đã từ cõi chết sống lại – Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

3. Cầu nguyện.
Lạy Đức Chúa Giê-su Phục Sinh,
Hôm nay chúng con cùng toàn thể vũ trụ hân hoan mừng Đại Lễ Phục Sinh, Chúa đã sống lại.
Chúa đã sống lại sau khi bị mai táng trong mồ, để cho chúng con nhận ra môt sự việc mà chúng con đã quên mất trong cuộc sống đầy bon chen: chúng con cũng sẽ được sống lại với Chúa khi kết thúc cuộc sống ở trần gian này.

Chúng con cảm tạ Chúa, vì nếu Chúa là vị quan toà nghiêm khắc và không biết thông cảm, thì dù Chúa có sống lại môt ngàn lần thì cũng vô ích đối với chúng con là những ngừơi tội lỗi, nhưng Chúa là Đấng rất nhân từ và công bằng, Chúa sống lại để chúng con cùng được tham dự vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa ngay tại trần gian này, đó là chúng con trở nên khoan dung hơn, tha thứ hơn, khiêm tốn hơn và yêu thương hơn khi đồng hành với tha nhân.

Lạy Đức Chúa Giê-su, có những lúc chúng con nghĩ rằng, bốn mươi ngày chay tịnh đã trở thành quá khứ khi Chúa sống lại, cho nên chúng con không thèm giữ chay nữa, không thèm hy sinh nữa, không thèm đền tội nữa, cho nên cuộc sống của chúng con chẳng khác gì chưa sống lại với Chúa, chúng con vẫn không trở nên người mới trong Chúa, bởi vì chúng con coi bốn mươi ngày chay tịnh như là cưỡng ép phải giữ, cho nên khi lễ phục sinh đến thì chúng con như chim sổ lồng, như cá xuống sông vì không còn bị ràng buộc vì chay tịnh và hy sinh nữa.

Xin Chúa ban cho chúng con biết rằng, mỗi ngày trong cuộc sống là mỗi thánh lễ phục sinh, mỗi giây phút trong cuộc sống đều là chay tịnh và phục sinh, để chúng con luôn kết hợp với tình yêu của Chúa mà sống đúng tinh thần phục sinh của Chúa đã dạy chúng con, đó là yêu thương và phục vụ, hy sinh và tha thứ. Amen.

---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:41 06/04/2012
N2T

36. Chúng ta là những người lữ hành cư ngụ trên thế gian này thì không thể không bị thử thách, bởi vì năm tháng của chúng ta được đo lường trong thử thách, hơn nữa nếu không qua thử thách thì không ai có thể trổ hết tài năng và có thể đứng cao sừng sững.

(Thánh Augustine)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:42 06/04/2012
MỪNG HỤT
Giáo xứ hân hoan đón mừng cha sở mới, ngài còn trẻ, mọi người vui vẻ vì từ nay giáo xứ sẽ có bộ mặt trẻ trung và khởi sắc hơn…
Nhưng, ngày thứ ba sau buổi nhậm chức, ngài trợn mắt răn đe trẻ em: không được đùa giỡn trong sân nhà thờ.
Tuần thứ hai sau ngày nhậm chức, ngài nạt nộ giáo dân vì xưng tội ngoài giờ quy định.
Ba tháng sau ngày nhậm chức, giáo dân sợ ngài như sợ ông kẹ, và nhìn ngài như người xa lạ.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Áo Thánh Chúa Giêsu và các cuộc hành hương vĩ đại
Lm. Nguyễn Hữu Thy
08:48 06/04/2012
Áo Thánh Chúa Giêsu và các cuộc hành hương vĩ đại

Trong bản Phúc Âm thứ bốn, thánh sử Gioan đã trình thuật: „Đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá xong, bọn lính lấy áo của Người chia ra làm bốn phần, mỗi người một phần. Họ cũng lấy cả aó dài của Người nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy, họ nói với nhau: „Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm, ai được thì lấy hết.“ (19,23-24)

Chiếc áo dài không có đường khâu này của Chúa Giêsu hiện là một trong những thánh tích quan trọng của Kitô giáo hiện đang được bảo quản một cách cung kính và cẩn mật tại nhà thờ chính tòa Giáo Phận Trier, CHLB Đức.

Và từ trên 800 năm nay, hằng ngày có cả hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới tuôn về kính viếng và tham quan thánh tích đầy ý nghĩa này. Theo tương truyền, thánh nữ Helena (257-336), thân mẫu hoàng đế Constantin, đã cho cung nghinh di tích thánh „Tunica Christi“, chiếc áo dài không có đường khâu này của Chúa từ Thánh Địa Palestina về Trier, một thành phố cổ kính nhất của Đức quốc.

Lịch sử đã ghi là vào năm 327, dù đã tuổi cao sức yếu, nhưng nữ hoàng Helena đã sốt sắng đi kính viếng Thánh Địa Palestina, quê hương của Chúa Giêsu. Và theo trình thuật của hai Đức Giám Mục Gelasius thành Caesarea và Ambrosius thành Milan, thì nữ hoàng Helena đã ra lệnh cho khai quật toàn bộ khu đồi Golgota, nơi Chúa bị đóng đinh, để khôi phục lại tình trạng nguyên thủa của vùng đất đã thấm đượm Máu Thánh Chúa Cứu Thế, vì trước đó hơn một thế kỷ, hoàng đế Aelius Hadrian đã cho đắp toàn bộ đồi Golgota thành một ngọn núi đất nhân tạo khổng lồ, với thâm ý là phi tang tất cả mọi dấu tích Kitô giáo tại đây. Và trong quá trình khai quật này, người ta đã tìm thấy Thánh Giá của Chúa còn nguyện vẹn.

Trong khi đó Áo Thánh Chúa vẫn chưa được nhắc tới trong các sử liệu này. Mãi về sau, vào khoảng thế kỷ XII, người ta mới đọc thấy trong sử liệu „Gesta Treverorum“, trong Biên Niên Sử thành phố Trier, có khi ghi rằng, trong cuộc hành hương Thánh Địa Palestina ấy thánh nữ Helena cũng đã cho sưu tầm và tìm thấy được chiếc áo dài của Chúa hãy còn nguyên vẹn và bà cũng truyền lệnh cung nghinh về thành phố Trier. Từ đó tới ngày nay, chiếc „Tunica Christi“ vẫn luôn được bảo quản tại nhà thờ chính tòa Trier. Trong sử liệu này cũng ghi rõ vào ngày 1.5.1196 chiếc áo dài của Chúa được chuyển từ ca tòa phí đông nhà thờ chính tòa về quàn tại bàn thờ chính, nhưng không hề đề cập tới thời gian chiếc Áo Thánh của Chúa đã được quàn tại ca tòa phía trong bao lâu.

Các cuộc hành hương kính viếng Áo Thánh Chúa

Nhưng vào năm 1512, nhân dịp thăm viếng thành phố Trier, hoàng đế Maximilian đã yêu cầu được chiêm ngưỡng Áo Thánh Chúa, một thánh tích quý báu và quan trọng vào bậc nhất của Kitô giáo nói chung và của Giáo Phận Trier nói riêng, mà trong hàng bao thế kỷ qua đã được quàn giữ kín trong một chiếc tủ bằng gỗ được niêm phong cẩn mật. Trước hoàn cảnh bất khả kháng ấy, vào ngày 14.4.1512 Đức TGM Reichard von Greiffenklau, Giám Mục giáo phận Trier lúc bấy, đành phải mở các khóa niêm phong tủ chứa đựng chiếc Tunica Christi và đem ra trưng bày trên bàn thờ chính của nhà thờ chính tòa trước sự hiện diện của hoàng đế Maximilian, của nhiều vị Giám Mục và của đông đảo các chức sắc đạo đời.

Khi nghe tin chiếc Áo Thánh của Chúa được mang ra trưng bày cho hoàng đế, các Giám Mục và các quan khác khác chiêm ngưỡng, hàng ngàn giáo dân đã tuôn về Trier và yêu cầu cho họ cũng được hạnh phúc chiêm ngưỡng và tôn kính Áo Thánh của Chúa. Trước yêu cần khẩn khoản và hợp lý đó, Đức Tổng Giám Mục Reichard von Greiffenklau đã ra thông cáo cho trưng bày công khai Áo Thánh Chúa tại nhà thờ chính tòa Trier. Tin vui này bay tỏa khắp nơi trong Giáo Hội và hàng triệu người tư khắp nơi đã tuôn đổ về Trier để chiêm ngắm và kính viếng. Truyền thống thánh thiện ấy vẫn lưu giữ mãi cho tới ngày nay.

Trong thế kỷ XX vừa qua, Áo Thánh Chúa đã ba lần được trưng bày công khai. Đó là vào các năm 1933 có trên hai triệu người về kính viếng thánh tích này; năm 1959 có 1,8 triệu khách hành hương có mặt tại Trier và năm 1996 có khoảng một triệu người thuộc mọi tôn giáo và mọi màu da về Trier tôn kính Áo Thánh Chúa.

Đặc biệt năm 2012 này, dịp kỷ niệm năm thứ 500 Áo Thánh Chúa lần đầu tiên được trưng bày công khai cho giáo dân chiêm ngưỡng và tôn kính (1512). Bởi vậy, Giáo Quyền giáo phận Trier sẽ long trọng tổ chức trưng bày Áo Thánh Chúa trong vòng một tháng, từ ngày 13. tháng 04 đến ngày 13 tháng 05. 2012, để các khách hành hương trong Giáo Phận cũng như trên khắp thế giới về chiêm ngưỡng và tôn kính.

Hiện trạng Áo Thánh Chúa

Trước hết, trên phương diện khoa học người ta không thể xác định một cách chính xác thời gian ra đời của chiếc áo. Một điều chắc chắn là do điều kiện bảo quản trong các thế kỷ trước kia không được tốt và qua các cuộc thuyên chuyển tử chỗ này qua chỗ kia, đã làm cho chiếc Áo Thánh Chúa hóa dạng và nhất là chất vải của chiếc áo thay đổi dần tính chất nguyên thủy của nó. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà chuyên môn người Thụy Sỹ về chất vải, thì người ta có thể khẳng định được rằng, thứ vải của chiếc „Tunica Christi “ phát xuất vào thời Chúa Giêsu.

Mục Đích các cuộc hành hương Áo Thánh Chúa

Đối với các tín hữu, chiếc Áo Thánh của Chúa là một thánh tích cụ thể nhắc bảo và hướng dẫn họ đến cùng Đức Kitô, suy niệm về cuộc sống, cuộc tử nạn và biến cố phục sinh vinh quang của Người. Nói cách khác, mục đích các cuộc hành hương Áo Thánh Chúa là để tôn thờ chính Đức Kitô, Đấng đã được sinh ra, đã chịu chết cho hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu của con người, chứ không phải dừng lại nơi việc chiêm ngắm chiếc áo thuần tuý.

Nhất là tính chất hoàn toàn đặc thù của chiếc áo „từ trên xuống dưới không có đường khâu“ là một biểu tượng cho chính Đức Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi, vẫn không hề thay đổi, vẫn yêu thương và mưu tìm hạnh phúc chân thật cho tất cả mọi người không phân biệt giáo phái, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến hay văn hóa, v.v… Vâng, chiếc Áo Thánh Đức Kitô là một lời mời gọi tha thiết và khẩn trương mà chính Người đã tỏ bày trước khi bước vào cuộc tử nạn, là mong muốn cho tất cả mọi tín hữu biết can đảm vượt lên trên mọi khác biệt, mọi biên giới ngăn cách để hợp nhất nên một trong tình huynh đệ chân thành. Vì thế, tính cách lịch sử của chiếc áo chỉ là vấn đề thứ yếu, không nhất thiết phải được đặt ra.

Chính trong cuộc hành hương vĩ đại năm 1959 tất cả các tín hữu có mặt trong cuộc hành hương đã cùng đồng thanh cầu nguyện:

„Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc thế gian, xin thương xót chúng con và mọi người trên thế giới. Xin thương đến toàn thể các tín hữu Chúa và xin hợp nhất lại với nhau, tất cả những ai đang sống trong chia rẽ và ngăn cách. Amen“

(Tuần Thánh 2012)
 
Tín hữu Nam - Bắc Triều Tiên gặp gỡ Phục Sinh để ''cầu nguyện và hòa giải''
Lã Thụ Nhân
09:28 06/04/2012
Tín hữu Nam - Bắc Triều Tiên gặp gỡ Phục Sinh để "cầu nguyện và hòa giải"

Seoul (AsiaNews) – Nhân dịp Phục Sinh, "người dân Triều Tiên, miền Bắc và miền Nam, sẽ hướng về Chúa và họ sẽ cầu nguyện cho việc tái thống nhất đất nước. Mặc dù nhiều năm trôi qua, khát khao chung này sẽ tiếp tục chất chứa trong lòng chúng tôi", các tín hữu từ hai miền Triều Tiên cho hay như thế trong một buổi gặp gỡ cầu nguyện được tổ chức ở Khu công nghiệp Kaesong của Bắc Triều Tiên.

Chế độ cộng sản Bình Nhưỡng đã cho phép tổ chức cuộc gặp để mở lại các kênh nhân đạo đã bị chấm dứt sau hành động khiêu khích hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào năm 2008.

Hội đồng Kitô giáo Quốc Gia tại Hàn Quốc đã đưa ra bản văn lời cầu nguyện để đọc vào Chúa Nhật Phục Sinh.

Tại buổi gặp gỡ ở Kaesong, hai phái đoàn cho hay họ muốn "thay thế hận thù bằng tình yêu và thay sự ngờ vực bằng lòng tin tưởng, vượt ra ngoài ý thức hệ và hệ thống chính trị, để được hiệp nhất và hòa giải như là một quốc gia".

Trước khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt bởi chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã được biết đến như là Giêrusalem của Á Châu, với 410 thừa tác viên và 500 nhà truyền giáo. Cộng đoàn Công Giáo mạnh mẽ của Bình Nhưỡng chiếm 30% dân số của thành phố này. Với sự tiếp quản của Kim Nhật Thành, một cuộc đàn áp xấu xa đã được tung ra để chống lại các tín hữu, hầu như đã dập tắt mọi hình thức tôn giáo ở đất nước này.
 
Trung Quốc: Phong chức bất hợp thức là viên đạn ngụy trang trá hình
Lã Thụ Nhân
09:29 06/04/2012
Trung Quốc: Phong chức bất hợp thức là viên đạn ngụy trang trá hình

Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc (UCAN) - Tin tức về vị giám mục bất hợp thức Giuse Mã Anh Cửu (Joseph Ma Yinglin) phong chức cho sáu tân linh mục ở giáo phận thành phố cổ Đại Lý đã lan truyền hồi tuần trước.

Dường như những cảnh báo từ bên trong và bên ngoài Trung Quốc không thể làm tỉnh thức lương tâm của những người liên quan đến việc duy trì hiệp nhất trong Giáo hội.

Hành động bất chính không hợp giáo luật này được ngụy trang trá hình bằng cảnh tượng vui mừng hoan hỉ dưới ngọn cờ truyền giáo nhưng thực chất nó đang nuốt gọn Giáo Hội chúng ta - thân thể Chúa Kitô.

Ba vị tân linh mục sắc tộc thiểu số nằm trong đợt linh mục đầu tiên được giáo phận đào tạo. Chúng ta hiểu rằng ơn gọi của họ đạt được thật khó khăn trong hoàn cảnh thiếu thốn và được giáo phận trân trọng. Nhưng có bao giờ họ nghĩ rằng các linh mục của họ được sinh ra theo cách thế hổ thẹn không. Đây là điều đáng tiếc mà họ không thể nào quên được.

Giáo Hội địa phương không thể mời một giám mục hợp thức khác thay cho Giám Mục Ma vì áp lực chính trị. Lý do duy nhất đối với nhà cầm quyền là ủng hộ “vị giám mục giả mạo”.

Giáo phận Đại Lý có thể xem lễ phong chức như là một dịp vui mừng nhưng nhà cầm quyền thì đang dùng nó như là một phát súng bắn vào Tòa Thánh Vatican. Dù giáo phận có nhu cầu mục vụ, nhưng lại thiếu ý thức khi quan tâm đến lợi ích địa phương mà lại xem nhẹ tình hình tổng thể của Giáo Hội.

Không có gì là bí mật đối với người Công Giáo Trung Quốc khi một số lãnh đạo Giáo Hội đánh mất đức tin vì tư lợi. Họ không có can đảm dâng sự phát triển của Giáo Hội vào tay Chúa, mà lại cố bảo vệ địa vị chính trị của bản thân với sự hậu thuẫn của nhà cầm quyền dưới cái cớ truyền giáo. Vì vậy họ không ngại ngùng về tình trạng bất hợp thức hay bị vạ tuyệt thông của mình và tiếp tục gây chia rẽ Giáo Hội.

Những vụ việc được lặp lại cho thấy có rất ít hy vọng để họ tự thức tỉnh. Giáo dân theo các vị giám mục này không thể thoát khỏi trách nhiệm tạo thêm chia rẽ dù họ không có ý định xấu.

Nếu tất cả giáo dân giữ thái độ có trách nhiệm bảo vệ Giáo Hội, nếu họ thật sự quan tâm đến các vị lãnh đạo của mình, họ không nên bắt chước và đi theo các giám mục bất hợp thức này mà cần từ chối hiệp thông bí tích với họ. Lúc đó, liệu các giám mục bất hợp thức có còn theo chính quyền nữa không khi họ không có người ủng hộ phất cờ và hò hét xung trận?

Thật là khó hiểu khi ba vị linh mục nước ngoài tham dự vào lễ phong chức linh mục. Ông Anthony Lam Sui-ki, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm Nghiên Cứu Chúa Thánh Thần của Giáo phận Hồng Kông, đã đưa ra nhận xét kỳ quặc sau khi có một vài chỉ trích: "Chúng ta không thể kết án [vụ phong chức] hoàn toàn vì nó trộn lẫn niềm vui và sự bất hợp thức; Vì lợi ích của nhu cầu mục vụ, chúng ta sẽ không lớn giọng chỉ trích, nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ qua".

Tốt hơn là những người bên ngoài Trung Quốc không nên hấp tấp tham gia vào nếu họ không thể giúp ích cho hoàn cảnh này. Đừng gây thêm phiền toái cho Giáo Hội Trung Quốc vốn đang trong tình trạng bất hạnh.

Thiên Chúa là đấng thống trị lịch sử. Mọi thứ nằm trong tay Ngài, gồm cả những hành động điên cuồng ngày càng gia tăng của Hiệp Hội Công Giáo Yêu nước. Ngài có thể giúp chúng ta gặt thành quả tốt từ tình huống xấu. Có lẽ giờ chúng ta đang trong cảnh tối tăm trước bình minh và ánh sáng đang ở không xa.

Quy hướng mọi sự lên Thiên Chúa có lẽ là cách thế duy nhất để hướng đến sự phát triển lành mạnh của Giáo Hội Trung Quốc. Chúa Giêsu Kitô thường bảo các môn đệ rằng: Đừng sợ. Vì Ngài hứa sẽ ở cùng Giáo Hội mãi mãi và bóng tối không thể chế ngự được Ngài.

Bài viết của Mu Di, bút hiệu của một linh mục Trung Quốc đại lục, viết từ Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc
 
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ giới trẻ rằng Chúa Kitô cần họ
Lã Thụ Nhân
11:48 06/04/2012
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ giới trẻ rằng Chúa Kitô cần họ

Vatican City (Zenit.org) - Hôm thứ Hai, nhân ngày Lễ giỗ của Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ban huấn từ cho một nhóm khách hành hương đang sống một phần di sản do Đức Giáo Hoàng người Ba Lan để lại.

Một nhóm khoảng 5.000 người trẻ từ Tổng Giáo Phận Madrid, Tây Ban Nha, hiện đang ở Rôma cùng với Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Antonio Maria Rouco Varela có cuộc hành hương cảm ơn Đức Giáo Hoàng về chuyến tông du của ngài đến Tây Ban Nha nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào tháng Tám năm ngoái.

Trong huấn từ với giới trẻ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về họ như là "những nhân vật chính, những người lĩnh hội chủ yếu của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, sáng kiến mục vụ được khuấy động mạnh mẽ bởi người tiền nhiệm yêu quý của tôi, Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, người mà hôm nay chúng ta tưởng nhớ chặng đường đến Thiên Đàng của ngài".

Đức Thánh Cha cho hay thêm: "Bất cứ khi nào cha nhớ lại Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 26 tại Madrid, trái tim cha tràn ngập lòng biết ơn Thiên Chúa về những ngày không thể nào quên. Đó là cuộc gặp gỡ phi thường chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, vốn không ngừng truyền sự can đảm vào con tim và dẫn dắt chúng ta vào quảng trường công cộng của lịch sử, như đã xảy ra tại Lễ Ngũ Tuần, để chứng kiến những điều kỳ diệu của Thiên Chúa. Chúng con được mời gọi cộng tác vào nhiệm vụ gầy dựng này.... Chúa Kitô cần các con sát cánh với Ngài và xây dựng Vương quốc bác ái của Ngài".

Đức Thánh Cha mời gọi: "Không ai là thừa thải cho một nhiệm vụ như vậy. Vì vậy, hãy không ngừng tự hỏi bản thân Chúa đang mời các con thực hiện điều gì, làm thế nào các con có thể giúp Ngài. Mỗi người trong các con có một ơn gọi cá nhân mà Ngài ban cho niềm vui thiêng liêng của bản thân mình. Khi một người bị chinh phục bởi ngọn lửa của cái nhìn nơi Ngài, dường như không có sự hy sinh nào là quá lớn để theo Ngài và dâng cho Ngài cái tốt nhất của chính chúng ta. Đây là điều mà các thánh đã luôn thực hiện, lan truyền ánh sáng của Chúa ... và biến thế gian thành một ngôi nhà chào đón tất cả mọi người".
 
Các bài suy niệm trong Đàng Thánh Giá trọng thể ĐTC cử hành thứ Sáu Tuần Thánh năm nay
LM. Trần Đức Anh OP - Mai Anh chuyển ý
14:55 06/04/2012
ROMA. Lần đầu tiên một đôi vợ chồng giáo dân được Tòa Thánh ủy thác soạn các bài suy niệm cho buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể ĐTC Biển Đức 16 cử hành lúc 21.15 tối thứ Sáu Tuần Thánh 6-4-2012 tại Hý trường Colosseo ở Roma.

Đó là ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi, người Italia. Ông Danilo năm nay đã 92 tuổi, sinh năm 1920 tại Parma, tốt nghiệp kỹ sư, từng làm chủ tịch phong trào Công giáo tiến hành ở Parma từ năm 1956 đến 1959. Cách đây 59 năm (1953), Danilo thành hôn với cô Anna Maria, một dược sĩ trẻ hơn ông 9 tuổi. Do cuộc hôn nhân này hai người sinh được 5 người con và hiện có 12 cháu nội ngoại.

Năm 1967, cùng với Chị Chiara Lubich, ông bà Zanzucchi thành lập Phong trào các Gia Đình mới và hiện nay Phong trào có hơn 300 ngàn thành viên, với 4 triệu người thiện cảm tại 5 châu. Phong trào đề ra một phương thức mới để sống đời gia đình và canh tân nền văn hóa gia đình dựa trên 4 đường hướng chủ yếu là: linh đạo, giáo dục, xã hội tính và tình liên đới. Các thành viên phong trào dấn thân sống quyết liệt linh đạo hiệp nhất của Phong trào Tổ Ấm.

Các bài suy niệm của ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi được công bố trước trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, qua đó tác giả nhắc đến những tình trạng đau khổ trong đời sống gia đình: bất trung, ly dị hoặc bệnh tật, khó khăn tài chánh, nghèo đói, những lối cư xử vô luân, bất hòa với cha mẹ, thiên tai. Dưới đây là bản dịch nguyên văn.


Dẫn nhập

Chúa Giêsu nói: ”Ai muốn theo Thầy hãy bỏ mình đi, vác thánh giá hằng ngày mà theo Thầy”. Lời mời gọi này được gửi đến tất cả mọi người, người độc thân cũng như người có gia đình, người trẻ, người trưởng thành và người già, giàu cũng như nghèo, thuộc quốc tịch này hay quốc tịch khác. Lời mời gọi ấy cũng có giá trị đối với mỗi gia đình, mỗi thành phần gia đình hoặc toàn thể cộng đoàn bé nhỏ.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn chung kết, Chúa Giêsu, nơi Vườn Cây Dầu, đã bị các tông đồ say ngủ bỏ rơi một mình, Ngài lo sợ trước những gì đang chờ đợi và đã thưa cùng Chúa Cha: ”Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén này”. Nhưng Ngài thêm ngay: ”Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi”.

Trong lúc bi thảm và trọng đại ấy, ta thấy có một giáo huấn sâu xa đối với tất cả những người bước theo Chúa. Mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình đều có thánh giá riêng: bệnh tật, chết chóc, thiếu hụt tài chánh, nghèo khó, phản bội, những thái độ vô luân của người này hay người khác, bất thuận với cha mẹ, thiên tai. Nhưng mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình, trên con đường đau khổ ấy, đều có thể hướng nhìn Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người.

Giờ đây chúng ta cùng nhau tái cảm nghiệm kinh nghiệm cuối cùng của Chúa Giêsu trên trần thế, được đôi tay Chúa Cha đón nhận: một kinh nghiệm đau thương và tột đỉnh, trong đó Chúa Giêsu cô đọng mẫu gương và giáo huấn quí giá nhất của ngài để sống trọn cuộc sống của chúng ta theo mẫu gương cuộc sống của Chúa.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, trong giờ chúng con tưởng niệm cái chết của Chúa, chúng con muốn hướng cái nhìn yêu thương của chúng con vào những đau khổ khôn tả Chúa đã chịu.

Tất cả những đau khổ ấy được tóm gọn trong tiếng kêu huyền nhiệm của Chúa trên thánh giá trước khi trút hơi thở cuối cùng: ”Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?”

Tiếng kêu thần linh và nhân trần ấy đã phá toang bầu không khí trên Núi Sọ, tiếng kêu ấy ngày nay vẫn còn nêu lên câu hỏi và làm cho chúng con kinh ngạc, tỏ cho chúng con thấy có một cái gì khác lạ xảy ra. Cái gì ấy thuộc về ơn cứu độ: từ cái chết nảy sinh sự sống, từ tăm tối nảy sinh ánh sáng, từ chia cách tột cùng nảy sinh sự hiệp nhất.

Lòng khao khát được trở nên đồng hình dạng với Chúa dẫn chúng con đến chỗ nhận ra Chúa bị bỏ rơi bất kỳ ở đâu và bằng mọi cách: trong những đau khổ cá nhân và tập thể, trong những lầm than của Giáo Hội Chúa và trong những đêm đen của nhân loại, để tháp nhập vào cuộc sống của Chúa bất cứ ở đâu và bằng mọi cách, tỏa lan ánh sáng của Chúa, sinh ra sự hiệp nhất của Chúa.

Ngày nay cũng như thời ấy, nếu Chúa không bị bỏ rơi, thì cũng chẳng có sự Phục Sinh.

** Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình

Philatô không tìm thấy những lỗi cụ thể nào để kết tội Chúa Giêsu, ông chiều theo sức ép của những kẻ tố cáo và thế là Đức Giêsu thành Nazareth bị kết án tử hình.

Chúng con dường như nghe thấy tiếng Chúa nói: ”Đúng vậy, Thầy bị kết án tử hình, bao nhiêu người có vẻ yêu mến Thầy và hiểu Thầy, nhưng họ đã nghe những lời dối trá và đã kết án thầy. Họ không hiểu điều Thầy đã nói. Phản bội Thầy, họ xét xử và lên án Thầy”. Họ kết án tử hình, đóng đanh, cái chết nhục nhã nhất”.

Không thiếu những gia đình đang đau khổ vì sự phản bội của người chồng hay người vợ, người thân yêu nhất. Niềm vui được gần gũi, sống hòa hợp, nay kết thúc thế nào? Đâu là sự cảm thấy trở thành một xương một thịt với nhau? Đâu là lời cam kết mãi mãi chung thủy với nhau?

Lạy Chúa Giêsu, nhìn Chúa, Đấng bị phản bội, và sống với Chúa giờ phút mà tình yêu và tình bạn trong các đôi vợ chồng chúng con bị tiêu tán, cảm thấy trong tâm hồn những vết thương do sự phản bội lòng tín nhiệm gây ra, vết thương vì sự tín nhiệm bị tan biến, sự an ninh bị chẳng còn nữa.

Lạy Chúa Giêsu, nhìn ngắm Chúa trong giờ con bị xét xử do kẻ không còn nhớ đến mối liên hệ nối kết chúng con, trong sự hiến thân trọn vẹn cho nhau. Lạy Chúa Giêsu, chỉ có Chúa mới có thể hiểu con, ban cho con can đảm, chỉ có Chúa mới có thể cho con lời sự thật, cho dù con khó hiểu được. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho con sức mạnh giúp con đừng xét đoán, không sa ngã, vì lòng yêu thương những người đang chờ đợi con ở nhà và giờ đây con là nơi nương tựa duy nhất đối với họ.

** Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Philatô giao nạp Chúa Giêsu trong tay các thượng tế và lính canh. Quân lính đặt trên vai Ngài một áo choàng đỏ và trên đầu một mão gai. Họ chế nhạo Ngài trong đêm. Họ ngược đãi và đánh đòn Ngài. Rồi, ban sáng, họ chất một cây gỗ nặng, loại thập giá trên đó người ta vẫn đóng đanh những tên trộm cướp để mọi người thấy số phận của những kẻ bất lương. Bao nhiêu người thân của Chúa bỏ trốn hết.

Biến cố này cách đây 2 ngàn năm vẫn còn tái diễn trong lịch sử Giáo Hội và nhân loại. Ngày nay cũng vậy. Chính thân mình Chúa Kitô, chính Giáo Hội lại bị tổn thương.

Lạy Chúa Giêsu, khi thấy Chúa bị đẫm máu như thế, bị đơn độc, bị bỏ rơi, bị cười nhạo, chúng con tự hỏi: ”Những người mà Chúa yêu thương như thế, giúp ích và soi sáng, những người nam nữ ấy chẳng phải là chúng con ngày nay sao? Cả chúng con cũng trốn tránh vì sợ liên lụy, chúng con quên rằng mình là môn đệ của Chúa”.

Nhưng lạy Chúa Giêsu, điều trầm trọng nhất là chính con cũng góp phần làm Chúa đau khổ. Cả chúng con, các đôi vợ chồng và gia đình chúng con. Cả chúng con cũng đã góp phần chất lên vai Chúa một gánh nặng vô nhân đạo. Mỗi lần chúng con không yêu thương nhau, mỗi khi chúng con đổ lỗi cho nhau, mỗi lần chúng con không tha thứ cho nhau, mỗi khi chúng con không tái bắt đầu yêu thương nhau.

Trái lại, chúng con tiếp tục chiều theo tính kiêu ngạo của chúng con, chúng con luôn muốn mình có lý, hạ nhục những người gần chúng con, cả người gắn bó cuộc sống của họ với cuộc sống chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con không còn nhớ rằng chính Chúa đã nói với chúng con: 'Bất kỳ những gì các con làm cho những người bé nhỏ này, tức là chúng con làm cho Thầy”. Chính Chúa đã nói: đó là các con làm cho Thầy”.

** Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I

Chúa Giêsu ngã. Những vết thương, gánh nặng của thập giá, đường lên dốc, ngoằn nghèo. Và sự chen lấn của dân chúng. Nhưng không phải chỉ có những thứ ấy làm cho Ngài ngã. Có lẽ gánh nặng của thảm trạng mở ra trong cuộc sống của Ngài. Người ta không còn thấy được Thiên Chúa trong Đức Giêsu, con người tỏ ra mong manh yếu ớt, vấp và ngã xuống.

Chúa Giêsu ở đó, trên con đường, giữa tất cả dân chúng ta la hét và gào thét, sau khi ngã xuống đất, Ngài trỗi dậy và tìm cách tiếp tục đi lên dốc. Trong thâm tâm, Chúa biết rằng đau khổ này có một ý nghĩa, Chúa biết mình mang gánh nặng của bao nhiêu thiếu sót của chúng con, những phản bội và tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu, cái ngã của Chúa làm chúng con đau khổ vì chúng con hiểu rằng nguyên nhân chính yếu là chúng con; hay có lẽ sự yếu đuối của chúng con, không phải về thể lý mà thôi, nhưng nhất là lối sống của chúng con. Chúng con không bao giờ muốn ngã; nhưng rồi chỉ cần một chút xíu, một sự xô đẩy, một cám dỗ hoặc một tai nạn, đủ làm cho chúng con buông xuôi, và sa ngã.

Chúng con đã hứa theo Chúa Giêsu, tôn trọng và chăm sóc những người mà Chúa đã đặt cạnh chúng con. Đúng thế, trong thực tế chúng con yêu thương họ, hay ít nhất chúng con có vẻ yêu. Nếu thiếu họ, chúng con đau khổ không ít. Nhưng rồi chúng con lại nhượng bộ trong những hoàn cảnh cụ thể mỗi ngày.

Bao nhiêu sa ngã trong các gia đình chúng con! Bao nhiêu chia lìa, bao nhiêu phản bội! Và rồi những cuộc ly dị, phá thai, bỏ rơi! Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu thế nào là tình yêu, xin dạy chúng con xin tha thứ!

** Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài

Khi tiến lên đồi Calvario, Chúa Giêsu thấy Mẹ Ngài. Mẹ con nhìn nhau và hiểu nhau. Mẹ Maria biết Con mình là ai. Mẹ biết Con mình từ đâu tới. Mẹ biết đâu là sứ mạng của Người. Mẹ Maria biết mình là Mẹ của Người, nhưng cũng biết mình là con của Người. Mẹ thấy Con chịu đau khổ, cho tất cả mọi người, hôm qua, hôm nay và ngày mai. Và Mẹ cũng đau khổ.

Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa đau khổ vì làm cho Mẹ Chúa đau khổ như thế. Nhưng Chúa phải đưa Mẹ vào cuộc phiêu lưu thần linh và kinh khủng của Chúa. Đó là kế hoạch của Thiên Chúa để cứu độ toàn thể nhân loại.

Đối với mọi người nam nữ trên trần thế này, và đặc biệt là các gia đình chúng con, cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài trên con đường Calvario là một biến cố rất sinh động, luôn luôn thời sự. Chúa Giêsu bị mất Mẹ để chúng ta, mỗi người chúng ta, cả các đôi vợ chồng, có được một người Mẹ luôn sẵn sàng và hiện diện. Rất tiếc là nhiều khi chúng ta quên điều ấy. Nhưng khi chúng ta nghĩ lại, chúng ta thấy rằng trong cuộc sống gia đình chúng ta có vô số lần chúng ta chạy đến cùng Mẹ. Mẹ gần gũi chúng ta dường nào trong những lúc khó khăn! Bao nhiêu lần chúng ta đã phó thác cho Mẹ con cái chúng ta, đã khẩn cầu Mẹ can thiệp cho sức khỏe thể lý của con cái và nhất là bảo vệ chúng về luân lý.

Và bao nhiêu lần Mẹ Maria đã nhậm lời chúng ta, chúng ta cảm thấy Mẹ gần gũi để an ủi chúng ta bằng tình mẫu tử của Mẹ.

Trong đàng thánh giá của mỗi gia đình, Mẹ Maria là mẫu gương về sự thinh lặng sinh ra sự sống mới, dù trong những đau khổ xé lòng nhất.

** Chặng thứ V: Chúa Giêsu được ông Simon vác đỡ thánh giá

Có lẽ ông Simon tượng trưng cho tất cả chúng ta khi bất chợt một khó khăn, một thử thách ập tới chúng ta, một thánh giá đôi khi rất nặng. Tại sao? Tại sao tôi lại phải chịu thánh giá như vậy? Tại sao chính trong lúc này? Chúa gọi chúng ta bước theo Ngài, chúng ta không biết ở đâu và ra sao?

Lạy Chúa Giêsu, điều tốt nhất là bước theo Chúa, ngoan ngoãn đối với những điều Chúa yêu cầu chúng con. Bao nhiêu gia đình có thể khẳng định điều đó do kinh nghiệm trực tiếp: nổi loạn chẳng ích gì, tốt hơn nên thưa xin vâng với Chúa, vì Chúa là Chúa Trời Đất.

Nhưng không phải vì vậy mà chúng con có thể và muốn thưa xin vâng với Chúa. Chúa yêu thương chúng con bằng một tình yêu vô tận. Hơn cả cha, mẹ, anh em, vợ chồng, con cái. Chúa yêu chúng con bằng một tình yêu nhìn xa trông rộng, một tình yêu dù gì đi nữa, kể cả tình trạng lầm than của chúng con, Chúa vẫn muốn chúng con được cứu thoát, được hạnh phúc mãi mãi với Chúa.

Cả trong gia đình, những lúc khó khăn, khi phải đi tới một quyết định cam go, nếu có an bình ở trong tâm hồn, thì ta sẽ chú ý đón nhận điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm, chúng ta được soi sáng bằng một ánh sáng giúp chúng ta phân định và vác thánh giá của chúng ta. Ông Simon người xứ Cireneo cũng nhắc nhở chúng ta bao nhiêu khuôn mặt của những người đã gần gũi chúng ta trong những lúc một thập giá nặng nề đè xuống trên chúng ta hoặc gia đình chúng ta. Ông ta làm cho chúng ta nghĩ đến bao nhiêu người thiện nguyện ở nhiều nơi trên thế giới đang quảng đại hiến thân an ủi và giúp đỡ những người gặp đau khổ và túng quẫn. Ông dạy chúng ta hãy khiêm tốn để cho mình được giúp đỡ nếu cần, và cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác.

** Chặng thứ VI: Bà Veronica lau mặt Chúa Giêsu

Veronica, một trong những phụ nữ theo Chúa Giêsu, đã trực giác thấy Ngài là ai, bà yêu mến Ngài và vì thế, bà đau khổ khi thấy Ngài đau khổ. Giờ đây, bà nhìn thấy rõ khuôn mặt Ngài, khuôn mặt mà bao nhiêu lần đã nói với tâm hồn bà. Bà thấy Ngài tiều tụy, rướm máu và biến dạng, dù Ngài vẫn luôn hiền lành và khiêm nhường.

Bà không chịu nổi nữa. Bà muốn làm dịu bớt những đau đớn của Chúa. Bà lấy một tấm khăn và tìm cách lau những giọt máu và mồ hôi từ khuôn mặt Chúa.

Đôi khi trong cuộc sống chúng ta cũng đó có cách lau nước mắt và mồ hôi của những người đau khổ. Có lẽ trong một khu phòng ở bệnh viên chúng ta giúp đỡ một bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, chúng ta giúp đỡ một người di dân hoặc một người thất nghiệp, chứng ta đã lắng nghe một tù nhân. Và để tìm cách nâng đỡ họ, có lẽ chúng ta cũng đã lau mặt họ, nhìn họ với lòng cảm thương.

Thế nhưng, ít khi chúng con nhớ rằng trong mỗi người anh em chúng con đang ở trong tình cảnh đau khổ, có Chúa là Con Thiên Chúa. Giả sử chúng con nhớ đến điều ấy thì cuộc sống chúng con sẽ khác biệt thế nào! Dần dần chúng con ý thức về phẩm giá của mỗi người sống trên Trái đất. Lạy Chúa Giêsu,mỗi người, đẹp hay xấu, tài giỏi hay không, ngay từ lúc đầu tiên trong lòng mẹ, hay là ở tuổi già, đều là đại diện của. Không những thế, mỗi anh em chúng con đều là Chúa. Khi nhìn Chúa tiều tụy trên đồi Calvario, chúng con hiểu cùng với bà Veronica rằng trong mỗi con người thụ tạo, chúng con có thể nhận ra Chúa.

** Chặng thứ VII: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ II

Trong khi bước đi trên con đường nhỏ hẹp dẫn lên đồi Calvario, Chúa Giêsu đã xuống đất lần thứ hai. Chúng ta đoán được sự yếu sức của Ngài, sau một đêm kinh khủng, sau những cực hành tra tấn mà họ gây ra cho Ngài. Có lẽ không phải chỉ có hình khổ, sự kiệt lực và gánh nặng của thập giá trên vai làm cho Ngài ngã. Đè nặng trên Chúa Giêsu còn có một gánh nặng không thể đo lường được, một cái gì thâm sâu mà Ngài cảm thấy với mỗi bước đi.

Chúng con thấy Chúa như một người tội nghiệp đã lầm lẫn trong cuộc đời và giờ đây phải trả giá. Và dường như Chúa không còn sức lực thể lý và tinh thần để đương đầu với một ngày mới. Và Chúa ngã xuống.

Lạy Chúa Giêsu, làm sao chúng con nhận ra bản thân chúng con trong Chúa, cả trong lần ngã thứ hai này vì kiệt lực. Còn Chúa thì trỗi dậy, Chúa muốn tiếp tục. Vì chúng con, vì tất cả chúng con, để mang lại cho chúng con can đảm trỗi dậy. Chúng con yếu đuối, nhưng tình thương của Chúa lớn hơn những thiếu sót của chúng con, Chúa có thể đón nhận và hiểu chúng con.

Những tội lỗi chúng con mà Chúa vác lấy, đè nặng trên Chúa, nhưng lòng từ bi Chúa thật là lớn hơn những lầm than của chúng con. Đúng vậy, lạy Chúa Giêsu, nhờ Chúa chúng con chỗi dậy. Chúng con đã sai lỗi. Chúng con đã chiều thao những cám dỗ của thế gian, vì những hào nhoáng thỏa mãn, để được nghe thấy nói rằng có người nào vẫn con mong ước chúng con, vẫn còn muốn và thậm chí yêu chúng con. Đôi khi chúng con khó tuân giữ sự cam kết chung thủy trong hôn nhân. Chúng con không còn sự tươi mát và hăng hái như trước nữa. Tất cả chỉ là lập đi lập lại, mỗi hành vi có vẻ nặng nề, và ước muốn chạy thoát xảy đến.

Nhưng lạy Chúa Giêsu, chúng con tìm cách trỗi dậy, không chiều theo cám dỗ lớn nhất, đó là cám dỗ không còn tin rằng Tình Yêu của Chúa có thể làm được mọi sự.

** Chặng thứ VIII: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Jerusalem khóc thương Ngài

Trong đám đông theo Chúa có một nhóm các phụ nữ thành Jerusalem: họ biết Ngài. Khi thấy Chúa trong tình cảnh ấy, họ trà trộn vào đám đông và đi lên, hướng về Calvario. Họ khóc thương Chúa.

Chúa Giêsu thấy họ, Ngài đón nhận tâm tình cảm thương của họ. Và cả trong lúc bi thảm ấy Chúa muốn để lại một lời đi xa hơn sự cảm thương thường tình. Ngài muốn rằng nơi họ, và cả nơi chúng ta, không phải chỉ có sự cảm thương nhưng là sự hoán cải tâm hồn, sự hoán cải nhìn nhận mình đã lầm lỗi, và xin tha thứ, bắt đầu lại một cuộc sống mới.

Lạy Chúa Giêsu, bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, chúng con đã nhắm mắt, chúng con không muốn nhìn thực tại! Nhất là chúng con không muốn can dự, không muốn dấn thân tham dự sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh chị em gần xa của chúng con. Chúng con tiếp tục sống thoải mái, nguyền rủa sự ác và những người làm sự ác, nhưng lại không thay đổi cuộc sống chúng con, và không đích thân trả giá để tình trạng được thay đổi, sự ác bị đánh bại và công lý được thực hiện.

Thường thường tình thế không được cải tiến vì chúng con không dấn thân thay đổi nó. Chúng con rút lui để không làm tổn thương cho ai, nhưng cũng chẳng làm điều thiện mà lẽ ra chúng con có thể và phải làm. Và có lẽ có người nào đó trả giá cho chúng con, vì sự ẩn nấp trốn tránh của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, ước gì những lời ấy của Chúa thức tỉnh chúng con, mang lại cho chúng con một chút sức mạnh, thúc đẩy các chứng nhân của Tin Mừng, và thường thường cả những vị tử đạo, các cha mẹ hoặc con cái, với máu được liên kết với máu Chúa, họ đã và đang còn mở ra ngày nay những con đường dẫn đến sự thiện trên thế giới.

** Chặng thứ IX: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ III

Con đường lên dốc tuy ngắn, nhưng sức lực yếu đuối của Chúa đã cạn. Chúa kiệt lực về thể lý, nhưng nhất là về tinh thần. Ngài cảm thấy sự oán ghét của các thủ lãnh, của các tư tế, của đám đông đối với Ngài, dường như họ muốn trút lên Ngài tất cả sự thịnh nộ đã bị đè nén vì những cuộc đàn áp trong quá khứ và hiện tại. Hầu như họ muốn phục thù, chứng tỏ quyền lực của họ trên Chúa Giêsu.

Và Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ngã lần thứ ba. Dường như Chúa quỵ luôn. Nhưng này đây với tất cả sự cơ cực vất vả, Chúa trỗi dậy, và tiếp tục hành trình kinh khủng tiến lên Núi Sọ.

Lạy Chúa Giêsu, chắc chăn bao nhiêu anh chị em chúng con trên thế giới cũng đang phải chịu những thử thách khủng khiếp vì họ theo Chúa. Họ đang cùng với Chúa leo lên đồi Calvario và cùng với Chúa họ cũng đang ngã xuống dưới các cuộc bách hại từ hai ngàn năm đang giáng xuống Thân Mình Chúa là Giáo Hội.

Cùng với những anh chị em ấy, trong tâm hồn chúng con muốn hiến dâng cuộc sống, sự dòn mỏng, những lầm than và đau khổ lớn nhỏ hằng ngày của chúng con. Chúng con thường trở nên vô cảm vì cuộc sống sung túc, không hết sức dấn thân để trỗi dậy và nâng nhân loại lên. Nhưng chúng con có thể trỗi dậy vì Chúa Giêsu đã tìm được sức mạnh để đứng lên và tiếp tục hành trình.

Cả gia đình chúng con cũng là thành phần của những lớp xã hội bị băng hoại, gắn bó với một cuộc sống sung túc, và coi đó là mục đích chính của cuộc sống. Các con cái chúng con lớn lên: chúng con cố gắng làm cho chúng quen sống điều độ, hy sinh, từ bỏ. Chúng con cố gắng mang lại cho chúng một đời sống xã hội mang lại mãn nguyện trong các môi trường thể thao, hội đoàn, giải trí, không để các hoạt động ấy trở thành một phương thức lấp đầy thời gian trong ngày và có tất cả những gì chúng mong ước.

Vì thế, lạy Chúa Giêsu, chúng con cần được lắng nghe Lời Chúa, những lời mà chúng con muốn làm chứng nhân: ”Phúc cho những người thanh bần, người hiền lành, người xây dựng hòa bình, phúc cho những người chịu đau khổ vì bị bách hại”

** Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột áo

Chúa Giêsu ở trong tay bọn lính. Như mọi người bị kết án, Chúa cũng bị họ lột áo để hạ nhục, để biến Ngài thành đồ vô giá trị. Sự lãnh đạm, phỉ báng và bất chấp phẩm giá con người liên kết với lòng hám lợi, tham lam và mưu cầu tư lợi: ”Họ đoạt lấy áo Chúa Giêsu”.

Lạy Chúa Giêsu, chiếc áo của Chúa, không có đường chỉ khâu.

Điều này nói lên sự ân cần săn sóc mà Mẹ Ngài và những người theo Ngài đã dành cho Ngài.

Giờ đây, lạy Chúa Giêsu, Chúa trần trụi không còn áo mặc, Chúa cảm nhận sự khó chịu và khổ sở của kẻ bị nằm trong tay bọn người không biết tôn trọng nhân phẩm.

Biết bao nhiêu người đã và đang tiếp tục đau khổ vì sự thiếu tôn trọng phẩm giá con người, đời sống riêng tư của họ không được tôn trọng. Có lẽ nhiều khi cả chúng ta, cũng không tôn trọng cho đủ phẩm giá của những người ở cạnh chúng ta, tìm cách ”chiếm hữu” họ, con cái, chồng, hoặc vợ, hay là bà con thân thuộc, người quen hay người lạ. Nhân danh điều gọi là quyền tự do của mình, chúng ta làm thương tổn quyền tự do của người khác: biết bao chểnh mảng, cẩu thả lơ là trong cách hành xử và trong cách thức giới thiệu chúng ta với nhau.!

Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã để mình bị phơi bày như thế trước mắt thế gian bấy giờ và trước mắt nhân loại mọi thời, Chúa nhắc nhớ cho chúng con sự cao cả của con người, phẩm giá cao trọng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người nam nữ, phẩm giá mà đáng lý ra, không có gì và không ai được quyền vi phạm, bởi vì họ được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng con được giao phó trách nhiệm thăng tiến lòng tôn trọng phẩm giá và thân xác con người. Đặc biệt chúng con là những đôi vợ chồng, chúng con có sứ vụ phải làm hòa hợp hai thực tại căn bản và không thể tách rời ra được: đó là phẩm giá và sự tận hiến cho nhau.

** Chặng thứ XI: Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá

Đến địa điểm gọi là Núi Sọ, bọn lính đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá. Quan Philatô truyền viết ”Giêsu người Nazareth, vua người Do Thái”, để nhạo cười Ngài và phỉ báng người Do thái. Thế nhưng dù muốn dù không, hàng chữ này là bảo chứng một thực tại, thực tại vương quyền của Chúa Giêsu, vua của một vương quốc không lệ thuộc biên giới, không gian hay thời gian.

Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra sự đau đớn của Chúa Giêsu trong khi chịu đóng đinh trên thập giá, một cực hình dữ dằn và rất đau đớn. Đây là lúc đi vào mầu nhiệm: tại sao một vì Thiên Chúa, nhập thể làm người vì yêu thương loài người chúng ta, lại để cho mình bị đóng đinh vào cây thập giá và bị kéo lên khỏi mặt đất trong những cơn đau khủng khiếp về tinh thần cũng như về thể xác như thế?

Thưa vì tình yêu. Chỉ vì tình yêu. Đây là luật tình yêu dẫn đến chỗ hiến dâng cả mạng sống mình để mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu. Bằng chứng xác quyết điều này là những bà mẹ đã chấp nhận đối diện với cái chết để cho con mình được chào đời. Hay là nhưng bậc cha mẹ đã mất một người con trong trận chiến hay trong những cuộc khủng bố và đã quyết định không trả thù.

Lạy Chúa Giêsu, trên thập giá, Chúa là hiện thân của tất cả mọi người chúng con, tất cả những con người hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Trên thập giá, Chúa đã dạy chúng con yêu thương.

Giờ đây, chúng con bắt đầu hiểu được bí quyết niềm vui toàn vẹn mà Chúa đã nói với các môn đệ trong bữa tiệc ly.

Chúa đã phải từ Trời xuống thế, trở thành một Hài Nhi, rồi làm người trưởng thành và chịu khổ hình trên Núi Sọ, để qua chính cuộc sống của Chúa, chỉ cho chúng con biết tình yêu chân thực là gì.

Khi nhìn Chúa trên cao, bị đóng đinh thập giá, chúng con, trong tư cách là gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái, đang học biết yêu thương và yêu thương lẫn nhau, nuôi dưỡng trong chúng con tâm tình tiếp nhận bằng cách trao ban chính mình và biết đón nhận với lời tạ ơn. Biết chịu đau khổ, biết biến đau khổ thành tình yêu.

** Chặng thứ XII: Chúa Giêsu sinh thì trên thập giá

Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá. Những giờ phút kinh hoàng, những giờ phút khủng khiếp, những đau đớn thê thảm vô cùng tận. Chúa nói: ”Ta khát”. Và người ta lấy miếng bọt biển thấm đầy dấm đưa lên kề vào miệng Ngài.

Một lời than bỗng chợt vang vọng lên: Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?. Phải chăng là lời phạm thượng? Một tội nhân lại dám gào lên lời Thánh Vịnh sao? Làm sao có thể chấp nhận được một vì Thiên Chúa mà lại gào thét, kêu than, một Thiên Chúa mà lại không toàn tri, không hiểu thấu mọi sự sao? Đấng là Con Thiên Chúa nhập thể làm người lại đang sắp chết, chết trong cảnh bị Thiên Chúa Cha bỏ rơi như thế sao?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa chịu trở thành một người như chúng con đến cảnh này sao! Một người như chúng con, ngoại trừ tội lỗi! Đấng là Con Thiên Chúa Nhập thể làm người, Người là Đấng Thánh, đã tự đồng nhất với chúng con đến độ sống trọn thân phận con người tội lỗi, xa rời Thiên Chúa, địa ngục của những kẻ không còn Thiên Chúa. Chúa đã sống kinh nghiệm đêm đen để đem lại cho chúng con ánh sáng. Chúa đã sống sự chia rẽ để hiến tặng chúng con sự hiệp nhất. Chúa đã chấp nhận khổ hình hầu để lại cho chúng con tình yêu. Chúa đã bằng lòng bị cô lập loại bỏ và treo lên giữa Trời và Đất, để đón nhận chúng con vào cuộc sống của Thiên Chúa. Mầu nhiệm bao phủ trọn chúng con mỗi lần chúng con đi lại từng bước trên cuộc Khổ Nạn của Người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã không niêm phong sự đồng bản chất với Thiên Chúa Cha như một kho tàng đóng kín, nhưng Chúa đã lột bỏ tất cả, trở nên khó nghèo để cho chúng con được nên giàu có.

”Trong tay Cha con phó thác hồn con.” Lạy Chúa Giêsu, làm thế nào mà trong biển đau buồn sầu não ấy, Chúa còn có thể cậy trông vào Tình Yêu của Thiên Chúa Cha, buông mình vào trong tay Cha, chết trong Thiên Chúa Cha được? Chỉ khi nào biết hướng nhìn về Chúa, chỉ với Chúa, chúng con mới có thể đối diện với những thảm kịch, những đau thương của người vô tội, những sỉ nhục, lăng mạ và cái chết.

Chúa Giêsu đã sống cái chết của Ngài như một món quà tặng cho chính tôi, cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho mỗi một người, mỗi một gia đình, mỗi một dân tộc, cho toàn thể nhân loại. Chính trong hành động này, sự sống đã được tái sinh.

** Chặng thứ XIII: Tháo xác Chúa Giêsu xuống và trao phó Ngài cho Đức Mẹ

Mẹ Maria đứng nhìn Con của Mẹ đang chết, Đấng là Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ. Mẹ biết là Con vô tội, nhưng đang mang trên mình gánh nặng toàn bộ những lỗi phạm nhỏ nhen của loài người. Người Mẹ hiến tế Con mình; Người con hiến tặng Mẹ mình. Cho môn đệ Gioan, cho mọi người chúng ta. Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đây chính là một gia đình, trên Núi Sọ, đang sống

và chịu đau khổ vì chia lìa vĩnh viễn. Cái chết ngăn chia hai người, hay ít ra hình như chia rẽ Mẹ và Con, cắt làm đôi mối dây liên hệ vừa nhân bản vừa thánh thiêng không ai tưởng tượng ra nổi. Mẹ và Con tự hiến vì tình yêu. Cả hai tự phó thác cho Thánh Ý Thiên Chúa.

Trong hố sâu trống vắng mở ra nơi con tim của Mẹ Maria, một người con khác bước vào, người con tượng trưng cho toàn thể nhân loại. Và tình yêu mà Mẹ Maria dành cho mỗi người trong chúng ta chính là sự kéo dài tình yêu Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu. Phải bởi vì trong mỗi tín hữu, Mẹ nhìn thấy khuôn mặt của người Con yêu dấu. Và Mẹ sẽ sống cho các con, để an ủi nâng đỡ các con, giúp đỡ chúng, khích lệ chúng, dẫn đưa chúng đến chỗ nhận biết tình yêu Thiên Chúa, để rồi chúng được hoàn toàn tự do tìm về với Thiên Chúa.

Người Mẹ và Người Con trên đỉnh Núi Sọ này muốn nói gì với tôi, với chúng ta, với gia đình chúng ta? Mỗi người chỉ có thể dừng lại sững sờ chiêm ngắm cảnh tượng ấy. Họ trực giác được rằng Người Mẹ ấy, Người Con ấy, đang ban tặng cho chúng ta một món quà duy nhất, không thể nào có lần thứ hai. Quả thật, trong hai vị, chúng ta tìm được khả năng rộng mở con tim và các chân trời của chúng ta cho chiều kích hoàn vũ.

Nơi ấy, trên đồi Calvario, bên cạnh Ngài, Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã chết cho chúng con, các gia đình chúng con đớn nhận món quà của Thiên Chúa, món quà tình yêu có khả năng mở rộng đôi tay chúng ta đến vô cùng vô tận.

** Chặng thứ XIV: Táng xác Chúa Giêsu trong mộ đá

Sự im lặng sâu xa bao phủ trọn đồi Calverio. Thánh Gioan, trong sách Phúc Âm, đã chứng thực rằng Núi Sọ nằm trong một khu vườn, nơi có một ngôi mộ chưa chôn táng ai cả. Chính tại nơi đó, các môn đệ đã chôn táng xác Chúa Giêsu.

Chính Đức Giêsu, Đấng mà chỉ trước đó ít lâu họ đã dần dà nhận biết là Thiên Chúa nhập thể, đang là thi hài nằm đó. Trong sự cô đơn lạ lùng, các môn đệ cảm thấy lạc lõng, không biết phải làm gì, phải xử sự thế nào. Họ chỉ còn biết tự an ủi lẫn nhau. khích lệ nhau, nương tựa vào nhau. Nhưng cũng chính trong lúc ấy mà Đức Tin của họ trưởng thành khi họ nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm khi Ngài còn sống giữa họ mà hồi đó, họ chỉ hiểu được mỘt phần.

Chính khi ấy, họ bắt đầu trở thành Giáo Hội, đang chờ đợi sự Phục Sinh và Chúa Thánh Thần hiển linh. Ở giữa họ, có cả Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, người đã được Chúa Con ủy thác cho môn đệ Gioan. Các môn đệ tụ họp nhau quanh Mẹ, với Mẹ. Họ chờ đợi. Chờ đợi Thiên Chúa hiển linh.

Chúng ta biết rằng thân xác Chúa sau ba ngày đã phục sinh. Như thế Chúa Giêsu sống mãi mãi và chính Ngài đích thân đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình dương thế của chúng ta, giữa muôn vàn vui mừng và đau khổ.

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con biết yêu thương lẫn nhau. Để chúng con được có Chúa giữa chúng con mỗi ngày, như chính Chúa đã hứa ”nơi nào có hai hay ba người tụ họp nhau trong danh Ta, thì nơi đó, Ta ở giữa chúng.”
 
Đức Thánh Cha chủ sự lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu
LM. Trần Đức Anh OP
14:56 06/04/2012
VATICAN - Lúc 5 giờ 10 chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 6-4-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ tọa nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám mục tại Tòa Thánh.

Cùng với đoàn giúp lễ, ĐTC tiến lên bàn thờ, được hai vị Hồng Y Phó tế tháp tùng: Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, và Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ. Ngài quì gối trong thinh lặng, trước khi mở đầu với lời nguyện, xin Chúa nhớ lại lòng từ bi và đoái thương, bảo vệ gia đình mà Chúa Kitô, Con Chúa, đã khai mạc mầu nhiệm vượt qua cho họ trong máu của Người.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã diễn giảng về đề tài là một câu trích từ sách Khải Huyền ”Tôi đã chết, giờ đây Tôi sống mãi mãi” (Kh 1,18).

Cha nhắc lại hình ảnh mà một số Giáo Phụ dùng để mô tả sự tham phần của chúng ta vào chiến thắng của Chúa Kitô: giống như một người anh hùng đương đầu với tên bạo chúa tàn ác, sau nhiều cố gắng và đau khổ, đã chiến thắng. Các khán giả trên các bục ghế không chiến đấu nhưng ngưỡng mộ người anh dũng, và chia vui với người ấy, họ cũng được dự phần vào chiến thắng của dũng sĩ. Thánh Gioan Kim Khẩu đã thốt lên: ”Các lưỡi gươm của chúng ta không vấy máu, chúng ta không ở giữa thao trường, chúng ta không bị vết thương nào, chúng ta cũng chẳng thấy cuộc chiến, vậy mà này đây chúng ta đạt được chiến thắng. Cuộc chiến ấy là của chúng ta, triều thiên là của chúng ta. Vì chiến thắng ấy cũng là của chúng ta, nên chúng ta cũng hãy bắt chước điều mà các quân lính đã làm trong những trường hợp ấy: Chúng ta hãy vui mừng, xướng lên những bài ca chúc tụng Chúa” (De coemeterio et de cruce, PG, 49,596).

Cha Cantalamessa cũng nhấn mạnh đến sức thanh tẩy của lòng từ bi Chúa và khẳng định rằng: ”Nếu bạn cởi bỏ áo quần rách rưới, tội lỗi của bạn, bạn sẽ được tắm gội trong lòng từ bi Chúa và khi bạn trỗi dậy, bạn sẽ được mặc áo cứu độ, được ao phủ bằng áo choàng công chính” (Is 61,10). Người Thu Thuế trong dụ ngôn của Phúc Âm, lên Đền thờ cầu nguyện, ông chỉ nói tự thâm tâm ”Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”, ông ra về được được trở nên công chính (Lc 18,14), được hòa giải, được đổi mới, trở nên người vô tội. Nếu chúng ta có niềm tin và lòng thống hối người ông ta, người ta cũng có thể nói về chúng ta như vậy, khi chúng ta trở về nhà sau phụng vụ này”.
Cha Cantalamessa cũng nhắc đến tấm gương người trộm lành cùng bị đóng đanh cạnh Chúa Giêsu và kêu gọi các tội nhân hãy can đảm xưng thú tội của mình để được Thiên Chúa tha thứ.

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. 130 LM đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.
 
Top Stories
The courage to wish for a happy Easter
Bernardo Cervellera
08:17 06/04/2012
Syria and the Christians; Afghanistan and women, Orissa and the Maoists, China and the power struggles, Vietnam against the Vatican: the horizon of Asia and the world looks very bleak. Easter is not the chocolate egg or exaltation of the suffering of the vanquished: it is God who allowed himself be crucified to destroy evil and to rise again victorious. On the night of Easter many in Asia will become Christians because they understood that Jesus Christ is the strongest.

Rome (AsiaNews) - It takes a lot courage to wish for a happy Easter. Ordinary people say that "with what is happening in the world, there is little to be happy about". Even the articles we publish here at AsiaNews every day on the web, and every month in the newspaper, reveal little cause for happiness. The Middle East, Syria above all, is in the throes of an upheaval that threatens to slide into an endless struggle, the most likely outcome of which is its division into many sectarian cantons that will wage a perpetual war, or crush the minorities - including Christians - into a second-class citizenship. Throughout the region - and the whole world - hangs the threat of an Israeli attack on Iranian nuclear facilities

Central Asia and the South is no better. Afghanistan in particular, seems to be returning to Taliban-style regards its treatment of women, while U.S. troops prepare to leave the country after more than 10 years of (almost) useless military presence. Maoist groups in India - who kidnapped the two Italians Claudio Colangelo and Paolo Bosusco - continue to deceive the tribal (Adivasi) that violence is the best way to find respect in the country. They, learning from the Mujaheddin and members of al Qaeda, tend to internationalize their struggle, while the Government of Orissa (and some other Indian states) are deaf to even the smallest of requests and prefer to "local suffocation" to internationalization.

Even the Far East is very tense. Vietnam, after having taken steps towards dialogue with the Vatican, has blocked visas of the delegation that was to visit the places where Card. Van Thuan, lived to gather material for his beatification. China, instead of giving way to the voice of its people, prefers an iron fist of control over everything, while there is an ongoing internal struggle for power in the Politburo that is freezing any chance of change at least until the Party Congress in October. Even Beijing is preparing for the future by increasing the budget of the army, police, launching aircraft carriers and threatening its immediate neighbors.

Even Japan, which had given up war, is strengthening its army and control of territorial waters to stop possible Chinese incursions.

Bad blood still runs between the two Koreas, after the death of Kim Jong-il, and proclamations pitting one against the other are a common day occurrence.

One gets the impression that all political powers in the world are strengthening and positioning themselves to defend their survival. Their weakness is tried even more by the global economic crisis, which has proven just how much international financial powers can undermine governments, change them, shake them and even end them.

If Easter were reduced to being merely the festival of the cherry blossom, the dove, bells and chocolate eggs, then the pessimists would be right not to celebrate it at a time when the world seems hurtling towards an abyss. It would be no better if this celebration was merely a generic consolation for all of history's losers, a monument to heroism and sacrifice.

However, Easter is something more: it is the most unexpected of events, a God who in his flesh, decided to experience the entire abyss of man's evil and bearing it upon his soldiers and in his flesh, destroys it with His death . His resurrection, His victory over death and evil is the unexpected path of hope, which becomes safe.

The "Do not be afraid" that Blessed John Paul II made a popular slogan, echoed the first time on Easter morning, when the women went to the tomb. They thought they would be carrying out a pious rites to seal the end of a man's life but found themselves before the most spectacular and revolutionary announcement: the Man-God is stronger than death, his love renews the heart of man and the universe, thanks to him even that hell, visited by His love, is forced to break the chains of despair and nothingness.

The Christian communities in Asia, tiny minorities, heavily persecuted, live by this force, this relationship with the Lord who died and rose again. It is impressive to think that on Easter night tens of thousands of newly baptized will enter the Churches of Asia. They realize that Jesus Christ is stronger than all political power, all oppression, all material comfort, all poverty. This is why they have become Christians. Happy Easter.
 
Meditations for Good Friday's Way of the Cross with the Holy Father at Colosseum
Danilo & Anna Maria Zanzucchi
08:22 06/04/2012
"As with each individual Christian, so each family has its own way of the cross"

ROME, APRIL 5, 2012 - Here is the text of the Good Friday Way of the Cross meditations, written this year by Danilo and Anna Maria Zanzucchi. The married couple, from the Focolare Movement, founded the “New Families” Movement.

INTRODUCTION

Jesus tells us: “Whoever wishes to come after me must deny himself, take up his cross each day and follow me”. This is an invitation addressed to everyone: to those who are married and those who are single, to young people, adults and the elderly, to the rich and poor, and to people of every nationality. It is also meant for every family, for its individual members and for the little community as a whole.

Before entering upon his final sufferings, Jesus, in the Garden of Olives, left alone by his sleeping Apostles and fearful of what awaited him, turned to his Father and asked: “If it is possible, let this chalice pass from me”. Yet he immediately added: “Not my will, but yours be done”.

In that dramatic and solemn moment, a profound lesson is offered to all those who choose to follow him. As with each individual Christian, so each family has its own way of the cross, marked by sickness, death, financial troubles, poverty, betrayal, wrongdoing, clashes with relatives, natural disasters.

Yet each Christian, each family, in walking this path of sorrows, can look resolutely to Jesus, man and God.

Together let us enter once more into Jesus’ final experience on earth, an experience received from the Father’s hands: an experience both sorrowful and sublime, one in which Jesus distilled the most precious lessons of his life and teaching. In this way we can learn to live our own lives fully, on the model of his own.

OPENING PRAYER

The Holy Father:
In the name of the Father, and of the Son, and of the Holy Spirit.
R. Amen.

The lector:
Let us pray.

A moment of silence follows

Jesus,
at the hour when we recall your death,
we wish to fix our loving gaze
on the unspeakable sufferings which you endured.

These sufferings were gathered up in your mysterious cry
from the Cross before you drew your last breath:
“My God, my God, why have you forsaken me?”

Jesus, you seem a twilight God:
a Son without a Father,
a Father lacking his Son.

That cry, human and divine,
which pierced the air on Golgotha,
challenges and confounds us even today;
it shows us that an unprecedented event has taken place.

An event which saves us:
from death has come forth life,
from darkness, light,
from complete separation, unity.

Our thirst to be conformed to you
leads us to see you forsaken,
everywhere and in every way,
amid our individual and collective pain,
in your Church’s sufferings and in humanity’s dark nights,
and everywhere and in every way
to bring your life, to spread your light, to beget your unity.

Then as now,
were you not forsaken,
we would have no Easter.

R. Amen.

* * * *

FIRST STATION
Jesus is condemned to death


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to John 18:38b-40

After Pilate had said this, he went out to the Jews again, and told them: “I find no crime in him. But you have a custom that I should release one man for you at the Passover; will you have me release for you the King of the Jews?” They cried out again: “Not this man, but Barabbas!” Barabbas was a robber.

Pilate finds no particular crimes to charge Jesus with, so he gives in to the pressure of the accusers and thus the Nazarene is condemned to death.

It seems we can hear you say:
“I have been condemned to death;
so many people who seemed to love and understand me
have listened to lies
and accused me.
They did not understand my words.
They handed me over to judgement and condemnation.
To death by crucifixion, the most ignominious death.”

More than a few of our families suffer because of betrayal by a spouse, the person we hold dearest. Whatever became of the joy of being close, of living in unison? What happened to the sense of being completely one? What became of the words “from this day forward” which were once spoken?

I look to you, Jesus, the victim of betrayal,
and experience with you the moment when the love and friendship
which had grown in our life as a couple fell apart,
and I sense deep in my heart the wounds of trust betrayed,
confidence lost, security gone.

I look to you, Jesus, at this very moment
when I stand judged by someone who has forgotten the bond
that united us in total self-giving.
Only you, Jesus, can understand me, can give me courage,
can speak to me words of truth, even though I struggle to understand them.
You can give me the strength
that enables me not to judge in return,
not to succumb, for love of the little ones
who await me at home,
for I am now their only support.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Stabat Mater dolorosa
iuxta crucem lacrimosa,
dum pendebat Filius.

* * * *

SECOND STATION
Jesus takes up his cross


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to John 19:16-17

Then Pilate handed Jesus over to them to be crucified. So they took Jesus out, bearing his own cross, to the place called the place of a skull, which is called in Hebrew Golgotha.

Pilate hands Jesus over to the chief priests and the guards. The soldiers put a purple robe on him and on his head they set a crown of thorns. They mock him throughout the night; they mistreat him and scourge him. Then, in the morning, they burden him with a heavy beam, the cross on which thieves are nailed, so that all can see what becomes of evildoers. Many of his followers flee.

This event which took place two thousand years ago is repeated in the history of the Church and of mankind. Even today. Once more, Christ’s body, the Church, is struck and wounded.

Seeing you like this, Jesus,
bleeding, alone, forsaken and derided,
we ask ourselves:
“But all those people whom you so deeply loved,
and helped and guided, those men, those women,
are they not us today?
We too have hidden for fear of getting involved,
forgetting that we are your followers”.

But the worst part, Jesus,
is that I too have added to your pain.
We who are spouses and our families
have also added cruelly
to the burden you must bear.
When we failed to love one another,
when we blamed one another,
when we refused to forgive one another,
when we did not begin anew to love one another.

And yet
we continue to yield to our own pride,
we want to be always right, we demean those close to us,
even those who have united their lives to our own.
We no longer remember what you, Jesus, have told us:
“Whatsoever you do to the least of these little ones,
you do also to me”. These were your very words: “to me”.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Cuius animam gementem,
contristatam et dolentem
pertransivit gladius.

* * * *
THIRD STATION
Jesus falls for the first time


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to Matthew 11:28-30

“Come to me, all you who labour, and I will give you rest. Take my yoke upon you, and learn from me; for I am gentle and lowly in heart, and you will find rest for your souls. For my yoke is easy, and my burden is light.”

Jesus falls. His wounds, the burden of the Cross, the steep and uneven road. And the press of the crowd. But it is not only all this that brought him down. Perhaps it is the weight of the tragedy that has appeared in his life. We can no longer see God in Jesus, this man who seems so frail, who stumbles and falls.

Jesus, there, on that road,
amid that shouting and noisy crowd ,
you fall to the ground,
get up, and try to continue the ascent.
In the depth of your heart you know that this suffering has a purpose,
You sense that you have taken up the burden
of our many failings, betrayals and sins.

Jesus, your fall pains us,
for we know that we are its cause,
or perhaps our weakness,
the weakness not only of our bodies, but of our whole being.
We would like never to fall;
yet all it takes is a tiny obstacle,
a temptation or an accident:
we let ourselves go, and we fall.

We have promised to follow Jesus, to respect and to care for those persons with whom he has surrounded us. Yes, we really love them, or at least we think we do. If they were to leave us, we would suffer greatly. But then, in real everyday situations, we fall.

How frequently do we fall in our families!
How many separations, how many betrayals!
And divorces, abortions, desertions!
Jesus, help us to understand the meaning of love,
teach us to ask for forgiveness!

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

O quam tristis et afflicta
fuit illa benedicta
mater Unigeniti!

* * * *

FOURTH STATION
Jesus meets his mother


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to John 19:25

Standing by the cross of Jesus were his mother, and his mother’s sister, Mary the wife of Clopas, and Mary Magdalene.

On the way to Calvary, Jesus sees his mother. Their eyes meet. They understand one another. Mary knows who her son is. She knows whence he has come. She knows what his mission is. Mary knows that she is his mother; but she also knows that she is his daughter. She sees him suffer for all men and women, those of the past, present and future. And she too suffers.

Certainly, Jesus,
it pains you to see your mother suffer in this way.
But you must make her a part
of this tremendous divine drama.
For such is God’s plan
for the salvation of the human race.

For every man and woman in this world, but especially for us families, the meeting of Jesus and his mother on the way to Calvary is a powerful and ever timely event. Jesus gave up his mother so that each of us – including the spouses among us – might have a mother who is always there for us. Sometimes, sadly, we forget this. But, when we think about it, we realize that countless times in our lives as families we have turned to her. How close she has been to us in times of trouble! How many times have we entrusted our children to her, how often we have asked her to intervene for their physical health and, even more, for their moral protection!

How often has Mary heard us, and have we felt her near to comfort us with a mother’s love.

Along each family’s way of the cross, Mary is the model of that silence which, even in moments of overwhelming pain, gives birth to new life.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Quæ mærebat et dolebat
pia Mater, dum videbat
Nati poenas incliti.

FIFTH STATION
Jesus is helped to carry his cross by Simon of Cyrene


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to Luke 23:26

As they led him away, they seized one Simon of Cyrene, who was coming in from the country, and laid on him the cross, to carry it behind Jesus.

Perhaps Simon of Cyrene represents all of us, at that moment when we suddenly face a difficulty, a trial, an illness, an unforeseen burden, a heavy cross. Why? Why me? Why now? The Lord calls us to follow him, though we know not where or how.

The best thing to do, Jesus,
is to follow you, to be open to what you ask of us.
Many families can confirm this
by direct experience:
it does nothing for us to rebel, it is best to tell you “yes”,
for you are the Lord of heaven and earth.

But not only because of this
can we, and must we, say “yes” to you.
You love us with an infinite love.
More than a father, or mother, or brothers and sisters,
more than a wife, or husband, or children.
You love us with a far-seeing love,
a love which, above and beyond all things,
even in our moments of unhappiness,
wants us to be safe and happy, in your company, for ever.

Even in families, at the most difficult times when momentous decisions must be made, if peace dwells in our hearts, if we heed and understand what God desires for us, then a light shines upon us, helping us to see matters clearly and to carry our cross.

The Cyrenean also brings to mind the faces of all those people who have been close to us at times when a heavy cross befell us or our family. He calls to mind the many volunteers throughout the world who generously devote themselves to comforting and assisting those suffering and in distress. He teaches us humbly to let ourselves be helped at times of need, and to be Cyreneans to others.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Quis est homo qui non fleret,
Matrem Christi si videret
in tanto supplicio?

* * * *

SIXTH STATION
Veronica wipes the face of Jesus


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the second letter of Saint Paul to the Corinthians 4:6

God, who said, “Let light shine out of darkness,” has shone in our hearts to give the light of the knowledge of the glory of God in the face of Christ.

Veronica was one of the women who had followed Jesus, who understood who he was, who loved him; she suffers to see him suffer. Now, standing nearby, she sees his face, that countenance which had so often touched her soul. She sees it distraught, marred and covered with blood, yet ever meek and humble.

He cannot long endure. She wants to relieve his suffering. She takes a cloth and tries to wipe the blood and sweat from that face.

In our lives we have had occasion at times to wipe the tears and sweat of those who suffer. Perhaps we have assisted a terminal patient in the wards of a hospital, or helped an immigrant or someone looking for work, or listened to someone in prison. And in trying to ease their suffering, we may have wiped their face simply by looking upon them with compassion.

And yet, all too seldom do we remember
that in each of our brothers and sisters in need
you, the Son of God, are hidden.
How different would our lives be
if we would but remember this!
Little by little we would become aware of the dignity
of every man, woman and child living on the earth.
Each person, beautiful or not, gifted or not,
whether newly conceived in a mother’s womb
or advanced in age, represents you, Jesus.
And not only. Each of our brothers and sisters is you.
Looking upon you, utterly abased on Calvary,
we will understand with Veronica
that in every human being we can recognize your face.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Qui non posset contristari,
Christi Matrem contemplari
dolentem cum Filio?

* * * *

SEVENTH STATION
Jesus falls for the second time


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the first letter of Saint Peter 2:24

He bore our sins in his body on the tree, that we might die to sin and live to righteousness. By his wounds you have been healed.

For the second time as he makes his way along the narrow path to Calvary, Jesus falls. We can sense his physical weakness after the long night and the torture he had endured. Perhaps it was not just that ordeal, his own exhaustion and the heavy cross on his shoulders that made him fall. An unfathomable burden weighs on Jesus, something personal and profound which makes itself felt more clearly with each step.

We see you as a just another poor man,
one who made a mistake in life and now must pay for it.
You seem to have no physical or moral strength left
to face the new day. And so you fall.

We recognize ourselves in you, Jesus,
even in this further, exhausted fall!
Yet you get up again; you want to carry on.
For us, for all of us,
to give us the courage to get up again.
We are weak indeed,
but your love is greater than our failures;
it is always ready to accept and understand us.

Our sins, which you took upon yourself,
crush you, yet your mercy
is infinitely greater than our misery.
Yes, Jesus, thanks to you we get up again.
We made our mistakes.
We let ourselves be taken in by the temptations of the world
perhaps for nothing more than a glimmer of satisfaction,
at the thought that someone still wants us,
that someone says he or she likes us, even loves us.
At times it is a struggle even to maintain
the commitment to fidelity made in our marriage vows.
We no longer feel the freshness or the enthusiasm we once had.
Everything is repetitious, every act seems a burden,
We just want to escape.

But we try to get up once more, Jesus,
And not to fall into the greatest temptation of all:
that of not believing that your love can accomplish all things.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Pro peccatis suæ gentis
vidit Iesum in tormentis
et flagellis subditum.

* * * *

EIGHTH STATION
Jesus meets the women of Jerusalem, who weep for him


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to Luke 23:27-28

And there followed him a great multitude of the people, and of women who bewailed and lamented him. But Jesus turning to them said, “Daughters of Jerusalem, do not weep for me, but weep for yourselves and for your children.

Among the throng following Jesus there is a group of women from Jerusalem: they know him. Seeing him in this sad state, they join in the crowd and ascend to Calvary. They are weeping.

Jesus sees them and feels their sorrow for him. Even at that tragic moment he wants to leave them a word which communicates more than sorrow alone. He desires, for them as for us, not simply pity but heartfelt conversion, a conversion which acknowledges past failures, seeks forgiveness and begins a new life.

Jesus, how often, for weariness or blindness,
for selfishness or fear
do we close our eyes and refuse to face reality!
Above all we choose not to get involved,
we do not share, deeply and actively,
in the lives and the needs of our brothers and sisters, near and far.

We continue to live comfortable lives,
we deplore evil and evildoers,
yet we do not change our lives
and we do not personally pay the price to change things,
so that evil can be overcome and justice served.

Often situations fail to improve because we have made no effort to change them. We withdraw without having wronged anyone, but also without having done the good that we might have done and ought to have done. Perhaps someone else pays the price for us, for the fact that we were not there.

Jesus, may these words of yours revive us,
and give us a portion of that strength
which impels the witnesses to the Gospel
– often martyrs, fathers or mothers or children –
who by their blood, united to your own,
have opened and continue to open even today
a path to goodness in our world.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Eia, Mater, fons amoris,
me sentire vim doloris
fac, ut tecum lugeam.

* * * *

NINTH STATION
Jesus falls for the third time


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to Luke 22:28-30a

“You are those who have continued with me in my trials; and I assign to you, as my Father assigned to me, a kingdom, that you may eat and drink at my table in my kingdom”.

The ascent is brief, yet his weakness is extreme. Jesus is physically spent, but spiritually too. He senses that he has taken upon himself the hatred of the elders, the priests, the crowd, all of whom seem to want to unleash on him all the repressed anger caused by past and present oppression. It is almost as if they are seeking some sort of vengeance by lording it over Jesus.

And you fall, Jesus, you fall for the third time.
You seem to give up.
But see! With utter weariness you rise again
and take up anew the journey to Golgotha.
So many of our brothers and sisters throughout the world
are enduring tremendous trials because they follow you, Jesus.
They are going up with you to Calvary
and with you they are also falling
beneath the persecutions which for two thousand years
have been inflicted on your Body which is the Church.

We wish, alongside these beloved brothers and sisters of ours, to offer our own lives, our weaknesses, our poverty, our daily sufferings great and small. Often we live lives anesthetized by prosperity, without making a strenuous effort to rise or to help humanity to rise. But we can rise, because Jesus found the strength to stand and take up the journey anew.

Our families are also a part of this threadbare fabric, tied to a life of ease which becomes the goal of life itself. Our children grow up: let us try to train them in sobriety, sacrifice, renunciation. Let us try to give them a fulfilling social life through sports, clubs and recreation, but not in such a way that these activities become simply a way of filling up their days and giving them whatever they want.

And so, Jesus,
we need to listen to your words,
and we ourselves want to bear witness:
“Blessed are the poor, blessed are the meek, blessed are the peacemakers,
blessed are those who suffer for justice’s sake…”

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Fac ut ardeat cor meum
in amando Christum Deum,
ut sibi complaceam.

* * * *

TENTH STATION
Jesus is stripped of his garments


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to John 19:23

When the soldiers had crucified Jesus they took his garments and made four parts, one for each soldier; also his tunic. But the tunic was without seam, woven from top to bottom.

Jesus is at the soldiers’ mercy. As is the case with every condemned person, he is stripped to humiliate him, to reduce him to nothing. Indifference, contempt and disregard for the dignity of the human person here are joined to greed, covetousness and private interest: “They took his garments”.

Your robe, Jesus, was seamless.
This shows the care shown for you
by your mother and your followers.
Now you find yourself disrobed, Jesus,
and you experience the distress of those at the mercy
of people lacking respect for the human person.

How many people have suffered and continue to suffer because of this lack of respect for the human person, for their privacy. At times we too may not have shown the respect due to the personal dignity of our neighbours by being possessive of those closest to us, a child or a husband or a wife or a relative, someone we know or a stranger. In the name of our supposed freedom we impinge upon the freedom of others: how casual, how negligent we have been in our way of acting and treating one another!

Jesus, who let himself be exposed in this way to the eyes of the world of his time and to the eyes of mankind in every age, reminds us of the grandeur of the human person and the dignity which God gives to each man and woman; nothing and no one should violate this dignity, for we are made in the image of God. Ours is the task of promoting respect for the human person and for his or her body. In particular, the spouses among us have been given the task of uniting these two fundamental and inseparable realities: personal dignity and complete self-giving.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Sancta Mater, istud agas,
Crucifixi fige plagas
cordi meo valide.

* * * * *

TENTH STATION
Jesus is stripped of his garments


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to John 19:23

When the soldiers had crucified Jesus they took his garments and made four parts, one for each soldier; also his tunic. But the tunic was without seam, woven from top to bottom.

Jesus is at the soldiers’ mercy. As is the case with every condemned person, he is stripped to humiliate him, to reduce him to nothing. Indifference, contempt and disregard for the dignity of the human person here are joined to greed, covetousness and private interest: “They took his garments”.

Your robe, Jesus, was seamless.
This shows the care shown for you
by your mother and your followers.
Now you find yourself disrobed, Jesus,
and you experience the distress of those at the mercy
of people lacking respect for the human person.

How many people have suffered and continue to suffer because of this lack of respect for the human person, for their privacy. At times we too may not have shown the respect due to the personal dignity of our neighbours by being possessive of those closest to us, a child or a husband or a wife or a relative, someone we know or a stranger. In the name of our supposed freedom we impinge upon the freedom of others: how casual, how negligent we have been in our way of acting and treating one another!

Jesus, who let himself be exposed in this way to the eyes of the world of his time and to the eyes of mankind in every age, reminds us of the grandeur of the human person and the dignity which God gives to each man and woman; nothing and no one should violate this dignity, for we are made in the image of God. Ours is the task of promoting respect for the human person and for his or her body. In particular, the spouses among us have been given the task of uniting these two fundamental and inseparable realities: personal dignity and complete self-giving.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Sancta Mater, istud agas,
Crucifixi fige plagas
cordi meo valide.

* * * *

TWELFTH STATION
Jesus dies on the cross


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to Matthew 27:45-46

Now from the sixth hour there was darkness over all the land until the ninth hour. And about the ninth hour Jesus cried out with a loud voice, ‘Eli, Eli, lama sabachthani?’, that is, ‘My God, my God, why have you forsaken me?’.

Jesus is on the cross. Hours of anguish, terrible hours, hours of inhuman physical suffering. “I thirst,” says Jesus. And they lift to his lips a sponge dipped in gall.

An unexpected cry rises up: “My God, my God, why have you forsakenme?” Is this blasphemy? Is the dying man crying out the words of the psalm? How are we to accept a God who cries out, who groans, who doesn’t know, who doesn’t understand? The Son of God made man, who dies thinking he has been abandoned by his Father?

Jesus, until now you had been one of us,
one with us in all things but sin!
You, the Son of God made man,
You, the Holy One of God,
became completely one with us
willing even to experience our sinful state,
our separation from God, the hell of the godless.
You experienced darkness in order to give us light.
You experienced this separation in order to unite us.
You accepted pain in order to leave us Love.
You became an outcast, forsaken, hanging
between heaven and earth, in order to receive us into God’s life.

A mystery surrounds us,
as we relive each step of your passion.
Jesus, you did not cling to your equality with God
as a jealously guarded treasure,
but made yourself completely poor, in order to make us rich.

“Into your hands I commend my spirit”.
Jesus, how were you able,
in that abyss of desolation,
to entrust yourself to the Father’s love,
surrendering yourself to him, dying in him?
Only by looking to you, only in union with you,
can we face tragedies, innocent suffering,
humiliation, abuse and death.

Jesus experiences his death as a gift for me, for us, for our families, for each person, for every family, for all peoples and for the entire human race. In that act, life is reborn.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Vidit suum dulcem Natum
moriendo desolatum,
dum emisit spiritum.

***

THIRTEENTH STATION
Jesus is taken down from the cross and given to his mother


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to John 19:38

After this Joseph of Arimathea, who was a disciple of Jesus, but secretly, for fear of the Jews, asked Pilate that he might take away the body of Jesus, and Pilate gave him leave. So he came and took away his body.

Mary sees her son die, the Son of God and her son too. She knows that he is innocent, but took upon himself the burden of our misery. The mother offers her son, the son offers his mother. To John and to us.

Jesus and Mary: here we see a family that on Calvary suffers as it experiences the ultimate separation. Death parts them, or at least it seems to part them: a mother and son united by an unfathomable bond both human and divine. Out of love they surrender it. Both abandon themselves to the will of God.

Into the chasm opened in Mary’s heart comes another son, one who represents the whole human race. Mary’s love for each of us is the prolongation of her love for Jesus. In Jesus’ disciples she will see his face. And she will live for them, to sustain them, to help them, to encourage them and to help them to acknowledge the love of God, so that they may turn in freedom to the Father.

What do they say to me, to us, to our families, this mother and son on Calvary? Each of us can only halt in amazement before this scene. We know instinctively that this mother and this son are giving an utterly unique gift. In them we find the ability to open our hearts and to expand our horizons to embrace the universe.

There, on Calvary,
at your side, Jesus, who died for us,
our families welcome the gift of God:
the gift of a love
which can open our arms to the infinite.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Fac me tecum pie flere,
Crucifixo condolere,
donec ego vixero.

* * * *
FOURTEENTH STATION
Jesus is placed in the tomb


V. We adore you, O Christ, and we bless you.
R. Because by your holy cross you have redeemed the world.

From the Gospel according to John 19:41-42

Now in the place where he was crucified there was a garden, and in the garden a new tomb where no one had ever been laid. So because of the Jewish day of Preparation, as the tomb was close at hand, they laid Jesus there.

A deep silence surrounds Calvary. John, in his Gospel, tells us that at Calvary there was a garden containing an unused tomb. It was there that the disciples of Jesus laid his body.

That Jesus, whom they had only slowly come to recognize as God made man, is there, a corpse. In this unfamiliar solitude they are lost, not knowing what to do or how to act. They can only console, encourage and draw close to one another. Yet precisely there the faith of the disciples begins to deepen, as they remember all the things which Jesus said and did while in their midst, and which they had understood only in part.

There they begin to be Church, as they await the resurrection and the outpouring of the Spirit. With them is the mother of Jesus, Mary, whom her son had entrusted to John. They gather together with her and around her. And they wait. They wait for the Lord to appear.

We know that three days later that body rose again. Jesus thus lives for ever and accompanies us, personally, on our earthly pilgrimage, amid joys and tribulations.

Jesus, grant that we may love one another,
and to have you once more in our midst,
each day, as you yourself promised:
“Where two or three are gathered in my name,
I am there, in their midst”.

All:

Pater noster, qui es in caelis:
sanctificetur nomen tuum;
adveniat regnum tuum;
fiat voluntas tua, sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum cotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a malo.

Quando corpus morietur,
fac ut animæ donetur
Paradisi gloria.
Amen.

ADDRESS OF THE HOLY FATHER
AND APOSTOLIC BLESSING


The Holy Father will address those present.

At the end of his address, His Holiness imparts the Apostolic Blessing:

Dominus vobiscum.
R. Et cum spiritu tuo.

Sit nomen Domini benedictum.
R. Ex hoc nunc et usque in sæculum.

Adiutorium nostrum in nomine Domini.
R. Qui fecit cælum et terram.

Benedicat vos omnipotens Deus,
Pater, et Filius, et Spiritus Sanctus.
R. Amen.

CRUX FIDELIS

The schola:

R. Crux fidelis, inter omnes arbor una nobilis,
nulla silva talem profert, fronde, flore, germine!
Dulce lignum, dulces clavos, dulce pondus sustinet!

1. Pange, lingua, gloriosi prœlium certaminis,
et super crucis tropæo dic triumphum nobilem,
qualiter Redemptor orbis immolatus vicerit. R.

2. De parentis protoplasti fraude factor condolens,
quando pomi noxialis morte morsu corruit,
ipse lignum tunc notavit, damna ligni ut solveret.
R.
 
Hai Phong: les pouvoirs publics semblent peu pressés de sanctionner les responsables de la récupération illégale des terrains exploités par M. Vuon
Eglises d'Asie
09:25 06/04/2012
L’opération montée, le 5 janvier dernier, par la police de Tiên Lang (Haï Phong) contre un catholique, exploitant d’un élevage de poissons et crustacés, avait dépouillé celui-ci de ses terres et détruit sa maison privée (1). L’action policière s’était non seulement heurté à la résistance armée de l’exploitant et de ses collaborateurs mais avait aussi suscité une grande réprobation dans tout le pays. ...

... Cette indignation s’était ensuite plus ou moins tempérée et avait fait place à un certain espoir au mois de février suivant, après l’intervention personnelle du Premier ministre. L’enquête diligentée par lui, les sanctions prises immédiatement contre les responsables du district de Tiên Lang, les conclusions de l’enquête rapidement rendues publiques le 10 février, la reconnaissance officielle de l’illégalité de l’opération menée par les autorités de Tiên Lang avaient laissé penser que serait rapidement trouvée une solution conforme aux exigences de justice qui s’étaient exprimées avec vigueur au moment des faits. Cependant avec le temps, le rythme du règlement de cette affaire s’est considérablement ralenti et l’optimisme n’est plus de mise. En effet, Il a fallu attendre plusieurs semaines après les conclusions du Premier ministre, pour prendre connaissance d’un communiqué du Comité populaire de Haï Phong sur l’affaire. Celui-ci a causé beaucoup de déception. Par ailleurs, les hautes instances du Parti communiste ont critiqué l’esprit partisan et trop critique avec lequel la presse officielle a traité cette affaire.

Peu de temps après les faits, devant l’indignation qu’ils avaient soulevée, le Premier ministre avait ordonné une vaste enquête à laquelle plusieurs ministères avaient été associés. Les conclusions de celle-ci, rendues publiques le 10 février 2012 affirment notamment que cette récupération forcée était illégale. Elle demandait aussi le rapport l’autocritique des instances provinciales de Hai Phing Ce n’est que de nombreuses semaines plus tard, le 3 avril dernier, que le Comité populaire de Hai Phong a fait paraître un communiqué (2) concernant ce rapport. Certes, celui-ci reconnaît l’illégalité de l’opération de récupération en question. Cependant cette reconnaissance est accompagnée de l’énumération des infractions commises par l’exploitant exproprié, M. Vuon, dans l’utilisation des terrains qui lui avaient été confiés pour son élevage de poissons et crustacés. Il lui est reproché de s’être accaparé de plusieurs hectares de terrain qui ne lui avaient pas été alloués, d’avoir détruit en bois de protection, d’avoir sous-loué la terre, d’avoir négligé de payer des impôts, etc. Par contre, le communiqué garde un quasi silence sur des éléments importants de l’affaire, en particulier sur l’action judiciaire qui devrait être menée contre les responsables de la destruction de la maison de l’exploitant ainsi que sur le maintien ou l’abandon de l’inculpation pour homicide concernant M. Vuon et ses collaborateurs.

Par ailleurs, les instances officielles du parti ont fait connaître publiquement leur mécontentement devant l’attitude critique adoptée par la presse officielle. Le 30 mars, le secrétaire d’Etat à l’information et à la propagande, M. De Đỗ Quý,Doan, s’adressant à un congrès de la presse nationale, réuni à Quang Ninh, a déclaré que la presse officielle avait manqué d’objectivité et d’impartialité dans des articles publiés sur la récupération forcée des terrains de M. Vuon. Il a révélé que par quatre fois, son ministère ainsi que le comité pour l’éducation et la propagande (chargé d’orienter la presse officielle) avait envoyé des rappels à l’ordre à certains journaux qui n’en ont pas tenu compte. Il a reproché aux journaux d’avoir majoré les erreurs commises par les autorités, alors qu’ils minimisaient les fautes commises par l’exploitant catholique et ses collaborateurs. D’autres reproches portent aussi sur la mise en cause, par certains journaux, à cette occasion, du dogme de la propriété collective des terres (3).

Autre signe négatif, la section locale de la fédération des responsables d’élevages de poissons et crustacés qui, depuis le début de l’affaire, soutient M. Vuon et ses collaborateurs, avait demandé la Sécurité publique de se porter garante pour eux. Cette demande vient de lui être refusée, le 3 avril dernier.

(1) Voir le récit de l’affaire dans les dépêches EDA du 17 janvier, 25 janvier, 3 février, 14 février 2012
(2) http://tintuchangngay.info/2012/04/04/thong-cao-bao-chi-c%E1%BB%A7a-ubnd-thanh-ph%E1%BB%91-h%E1%BA%A3i-phong-v%E1%BB%81-v%E1%BB%A5-an-doan-van-v%C6%B0%C6%A1n/
(3) Voir RFA 5 avril 2012

(Source: Eglises d'Asie, 6 avril2012)
 
How the Moon affects the Date of Easter
Joe Rao
11:50 06/04/2012
Friday (April 6,2012) brings us the first full moon of the new spring season. The official moment that the moon turns full is 19:19 UT, or 3:19 p.m. EDT.

Traditionally, the April full moon is known as "the Pink Moon," supposedly as a tribute to the grass pink or wild ground phlox, considered one of the earliest widespread flowers of the spring. Other monikers include the Full Sprouting Grass Moon, the Egg Moon and, among coastal Native American tribes, the Full Fish Moon, for when the shad came upstream to spawn.

(Traditional names for the full moons of the year are found in some publications, such as the Farmers' Almanac. We also published the complete list of full moon names here on SPACE.com. The origins of these names have been traced back to Native America, though they may also have evolved from old England or, as Guy Ottewell, editor of the annual publication Astronomical Calendar, suggests, "writer's fancy.")

The first full moon of spring is usually designated as the Paschal Full Moon or the Paschal Term. Traditionally, Easter is observed on the Sunday after the Paschal Full Moon. If the Paschal Moon occurs on a Sunday, Easter is the following Sunday. [Photos: Full Moon Captivates Skywatchers in February 2012]

Following these rules, we find that the date of Easter can fall as early as March 22 and as late as April 25. Pope Gregory XIII decreed this in 1582 as part of the Gregorian calendar. So according to the current ecclesiastical rules, Easter Sunday in 2012 is to be celebrated April 8.

Interestingly, these rules also state that the vernal equinox is fixed on March 21, despite the fact that from the years 2008 through 2101, at European longitudes it actually will occur no later than March 20.

Adding additional confusion is that there is also an "ecclesiastical" full moon, determined from ecclesiastical tables, whose date does not necessarily coincide with the "astronomical" full moon, which is based solely on astronomical calculations. In 1981, for example, the full moon occurred on Sunday, April 19, so Easter should have occurred on the following Sunday, April 26. But based on the ecclesiastical full moon, it occurred on the same day of the astronomical full moon, April 19!

Hence, there can sometimes be discrepancies between the ecclesiastical and astronomical versions for dating Easter. In the year 2038, for instance, the equinox will fall on March 20, with a full moon the next day, so astronomically speaking, Easter should fall on March 28 of that year. In reality, however, as mandated by the rules of the church, Easter 2038 will be observed as late as it can possibly come, on April 25.

So in practice, the date of Easter is determined not from astronomical computations but rather from other formulae such Golden Numbers.

Since the beginning of the 20th century, a proposal to change Easter to a fixed holiday rather than a movable one has been widely circulated, and in 1963 the Second Vatican Council said it would agree, provided a consensus could be reached among Christian churches. The second Sunday in April has been suggested as the most likely date. That, incidentally, works outs rather nicely this year.

Harvest moon effect, in reverse

The full moon occurring nearest to the autumnal equinox is traditionally called the Harvest Moon. What sets the Harvest Moon apart from the others is that instead of rising at its normal average of 50 minutes later each day, it seems to rise at nearly the same time for several nights.

In direct contrast to the Harvest Full Moon, the Paschal Full Moon appears to rise considerably later each night. Below we've provided some examples for 10 North American cities.

Although normally the moon rises about 50 minutes later each night, over this three-night interval for our relatively small sampling we can see that the rising of the moon comes, on the average, just over 76 minutes later each night. A quick study of the table shows that the night-to-night difference is greatest for the more northerly locations. (Edmonton, located at latitude 53.6ºN, sees moonrise come an average of 88minutes later.) Meanwhile, the difference is less at southerly locations. (In Miami, located at latitude 26ºN, the average difference is about 67 minutes.)

The reason for this seasonal circumstance is that the moon appears to move along the ecliptic (the path the sun takes across the sky), and at this time of year when rising, the ecliptic makes its largest angle with respect to the horizon for those living in the Northern Hemisphere.

In contrast, for those living in the Southern Hemisphere, the ecliptic at this time of year appears to stand at a more oblique angle to the eastern horizon. As such, the difference for the time of moonrise is noticeably less than the average of 50 minutes per night. In Sydney, Australia, for instance, the night-to-night difference amounts to just 40 minutes.

(Source: Joe Rao serves as an instructor and guest lecturer at New York's Hayden Planetarium. He writes about astronomy for The New York Times and other publications, and he is also an on-camera meteorologist for News 12 Westchester, N.Y.)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Perth, Australia
Phóng Viên VietCatholic
06:52 06/04/2012
 
Đức Giám mục Mỹ Tho dâng thánh lễ Tiệc Ly tại nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình
LM Giuse Nguyễn Tuấn Hải
20:26 06/04/2012
Vào lúc 17g30 chiều Thứ Năm Tuần Thánh ngày 5 tháng 4 năm 2012, Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho – đã chủ tế thánh lễ Tiệc Ly và Rửa Chân tại Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình, thuộc Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận, số 23 Lý Thường Kiệt, P.6, Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang. Đồng tế với Đức Cha có Đức Ông Phêrô Trần Văn Hòa, Cha Tổng Đại Diện (TĐD) Phaolô Trần Kỳ Minh cũng là Cha Sở Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, và Cha Giuse Nguyễn Tuấn Hải. Tham dự Thánh lễ có quí nữ tu thuộc Dòng MTG Chợ Quán, Dòng MTG Tân An, Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, và rất đông giáo dân của Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình.

Xem hình ảnh

Trong lúc ca đoàn và cộng đoàn đoàn hát ca nhập lễ, đoàn đồng tế được thánh giá đèn hầu rước từ tiền đàng Nhà thờ lên cung thánh. Sau khi làm dấu thánh giá đầu thánh lễ, Đức Cha chào quí Cha quí tu sĩ và toàn thể anh chị em giáo dân. Kế đến Đức Cha nói rằng, ngài thấy vui khi tự nguyện đến dâng thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho đông đảo anh chị em giáo dân ở đây. Sau cùng, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng sám hối để hiệp dâng thánh lễ sốt sắng.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha mở đầu như sau: “Chiều hôm nay, tôi tự nguyện đến cử hành Thánh lễ cho anh chị em, để có cơ hội cùng anh chị em suy nghĩ về ý nghĩa việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Muốn hiểu bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá của Chúa. Nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, ta được ơn giải thoát, được cứu sống và được phục sinh.

Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời”. “Như Ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người, thì được sống đời đời”. Thánh giá của Chúa Giêsu biểu lộ Tình yêu trao ban của Thiên Chúa Cha, tình yêu dâng hiến của Chúa Con, và Sức Mạnh Tình Yêu của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Đó là điều chúng ta tuyên xưng mỗi lần chúng ta làm dấu thánh giá “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Sau đó, Đức Cha nói đến ý nghĩa việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể là để minh hoạ tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ, và để ở lại với Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Đức Cha nhấn mạnh đến cái chết của Chúa Giêsu không đơn giản chỉ là một cái chết lịch sử, nhưng là cái chết cứu độ, một cái chết siêu lịch sử, tức là Chúa Giêsu vượt qua thế gian này để về cùng Chúa Cha, là cái chết mang lại sự sống cho loài người chúng ta.

Tiếp đến, Đức Cha liên hệ đến việc Giáo hội cử hành Hy tế của Chúa qua Thánh Lễ là cùng nhau đón Chúa đến trong mầu nhiệm cái chết và sự sống lại. Đức Cha nêu dẫn chứng rằng: “Sau khi truyền phép, làm cho bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa, chủ sự lớn tiếng tung hô “Đây là mầu nhiệm đức tin”, và toàn thể cộng đoàn đáp: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.

Trong phần cuối của bài giảng, Đức Cha nêu lên cử chỉ yêu thương đặc biệt của Chúa Giêsu khi rửa chân cho các môn đệ để nhắc lại giới răn yêu thương của Người. Cử chỉ của Chúa quan trọng đến nỗi nếu các Tông đồ không được rửa chân thì không được chung phần với Người.

Qua những điểm vừa nêu, Đức Cha kết luận bài giảng và đưa ra áp dụng vào cuộc sống như sau: “Việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ càng làm nổi bật ý nghĩa của hy tế thập giá và bí tích Thánh Thể: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ…”, sẵn sàng phục vụ và hy sinh mạng sống cho mọi người. Đó là điều mà mỗi người chúng ta hãy cố gắng noi theo trong thân phận yếu đuối tội lỗi của mình.”

Sau bài giảng thì đến nghi thức Rửa Chân. Đức Cha cởi áo lễ bên ngoài ra, và tiến đến chỗ ngồi đã được chuẩn bị sẵn trên cung thánh cho 12 ông trong HĐMVGX, tượng trưng cho 12 Tông Đồ. Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên đích thân Đức Cha rửa chân cho 12 “Tông Đồ”; những lần trước thì thường là một linh mục đồng tế với Đức Cha cử hành nghi thức này.

Sau khi Đức Cha rửa chân cho các “Tông Đồ” xong, Thánh lễ tiếp diễn như thường lệ trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng.

Sau lời nguyện hiệp lễ thì đến phần kiệu Mình Thánh Chúa long trọng sang bàn thờ phụ. Đức Cha và quí Cha đồng tế tiến ra quỳ gối trước bàn thờ có đặt bình đựng Mình Thánh Chúa ở giữa. Cha TĐD phụ trách phần kiệu này, Cha xông hương Mình Thánh Chúa trong lúc ca đoàn hát các bài hát về Thánh Thể. Xông hương xong, Cha TĐD nhận áo choàng rồi tiến đến bàn thờ nâng Mình Thánh Chúa lên cao để bắt đầu đi kiệu. Thứ tự đoàn kiệu như sau: Thánh giá đèn hầu, 12 “Tông Đồ” vừa được rửa chân, giúp lễ, Mình Thánh Chúa, Đức Cha và quí Cha. Đoàn kiệu đi thẳng ra tiền đàng nhà thờ, vòng sang hành lang bên nam và trở về cung thánh. Trên đường kiệu có 3 chặng dừng lại để tôn thờ Thánh Thể: ở giữa Nhà thờ, ở tiền đàng Nhà thờ, và ở giữa hành lang bên nam.

Khi Mình Thánh Chúa được rước đến cung thánh và tiến đến Nhà Tạm phụ đã được chuẩn bị hoa nến rất đẹp, Cha TĐD đặt Mình Thánh Chúa, xông hương, và cộng đoàn cùng thờ lạy. Sau đó, Cha đặt Mình Thánh Chúa vào trong Nhà Tạm, đóng của lại; đoàn đồng tế và cộng đoàn quỳ gối thinh lặng cầu nguyện trong giây lát.

Khi Đức Cha và quí Cha đi vào Phòng Thánh kết thúc nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh, thì khăn bàn thờ được xếp lại, bàn thờ để trống. Thánh lễ kết thúc vào lúc 18g35, Đức Cha ở lại ăn cơm tối với quí Cha tại Trung tâm Mục vụ.

Tại Nhà thờ thì cộng đoàn theo phiên Chầu lượt đầu tiên: Ca đoàn, giúp lễ, giới trẻ, và thiếu nhi. Sau đó, theo thứ tự đã được phân công, các hội đoàn (Hội Các Bà Mẹ Công giáo, Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Legio Mariae), và cộng đoàn cùng thay phiên nhau chầu Thánh Thể, cùng canh thức với Chúa tới khuya.
 
Thứ Năm Tuần Thánh 2012 tại cộng đoàn Tam Biên, Giáo Phận Orange, California
Nguyễn Huyền Trinh
08:10 06/04/2012
Garden Grove - Vừa trở về sau thánh lễ "Rửa Chân", hồn tôi lâng lâng một cảm giác khó tả - Hình ảnh 12 tông đồ trong những bộ cổ trang của người Do Thái năm xưa, Ban Tiếp Đón với đồng phục áo dài trắng, các em thiếu nhi thật nghiêm trang, thật thánh thiện trong đồng phục Thiếu Nhi Thánh Thể, con chiên nằm cạnh bàn thờ trên cung thánh đối diện với Đội Hoa, thánh đường Tam Biên với 1.200 chỗ ngồi không còn chỗ trống, giáo dân tham dự thánh lễ phải đứng thêm vòng trong vòng ngoài cuối nhà thờ. Không khí long trọng của buổi lễ làm tôi thật xúc động.

Xem hình ảnh

Tam Nhật Thánh tại cộng đoàn Tam Biên được bắt đầu bằng thánh lễ Tiệc Ly vào lúc 5 giờ 30 chiều thứ Năm ngày 5 tháng 4 năm 2012 do linh mục phó xứ Giuse Trần Cao Thượng chủ tế với nghi thức Dâng Dầu trước giờ lễ. Trong bài giảng hôm nay, linh mục chủ tế nhất mạnh đến việc "phải" rửa chân cho nhau. Rửa chân cho các tông đồ là hình ảnh phục vụ đẹp nhất mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta. "Phải" rửa chân cho nhau ngày nay nghĩa là "phải" yêu thương nhau và "phải" bày tỏ sự yêu thương đó bằng hành động thiết thực, bằng giúp đỡ nhau cùng thăng tiến qua cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Sau giờ lễ, cộng đoàn cùng rước Mình Thánh Chúa sang nhà tạm. Các em Thiếu Nhi Thánh Thể xếp hàng hai bên làm dàn chào để đón đoàn rước. Đi trước kiệu là đội Dâng Hạt tung những cánh hoa tươi nhịp nhàng hòa theo lời ca của ca đoàn trong bài thánh ca "Thờ Lạy Chúa" của cố linh mục nhạc sĩ Hoài Đức. Tiếp đến là 12 tông đồ và cộng đoàn theo sau và cùng chầu Thánh Thể nửa giờ ngay sau đó.
 
Thứ Sáu Tuần Thánh tại Nhà thờ Saint Martino, Melbourne
Trần Văn Minh
08:13 06/04/2012
Melbourne, vào lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Tại nhà thờ Saint Martino. Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long đã đến cùng Linh mục Philip Lê Văn Sơn vàcộng đoàn giáo dân cử hành nghi thức tưởng niệm ngày Chúa chịu chết.

Xem hình ảnh

Chiều Thứ Sáu, tiết trời nóng và gió. Đất trời cùng với loài người như hòa quyện với nhau để tưởng nhớ đến cuộc tử nạn của Chúa cứu chuộc của 2000 năm trước.

Tiến lên trước bàn Thánh, Đức cha Vincent và Linh mục Philip đã nằm phủ phục trước bàn thờ để tưởng niệm Chúa chịu chết như nghi thức nhớ về cuộc thương khó của Chúa năm xưa.

Sau hai bài đọc của Thứ Sáu Tuần Thánh. Đức cha cùng liên ca đoàn Martino và Nữ Vương đã cùng hát bài Thương Khó của Đức Chúa Giêsu khi ra trước quan tổng trấn Philato và bị khổ hình trước khi bị đóng đinh vào Thập gía và chịu chết chuộc tội cho Thiên Hạ.

Đức cha chia sẻ những biến cố đau thương trên đường đời của mỗi con người mà ai cũng đã từng gặp phải, như bản thân ngài một biến cố mà tưởng như đã không thể còn trên con tàu định mệnh trên đường vượt biển để tìm tự do. Và ngài cùng bao người đã thoát được sau những lời cầu xin đã được Chúa và Mẹ Maria cứu vớt. Ngài nói để thấy rằng công cuộc cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa đã chết cho chúng ta biết đến sự yêu thương của Thiên Chúa đối với con người quý biết dường nào.

Sau đó, Đức cha cùng linh mục đồng tế đã rước thánh gía từ cuối nhà thờ lên trước bàn Thánh để mọi người cùng được hôn kính Thập Gía cứu chuộc của Chúa. Cộng đoàn đã lên để được tham dự để tỏ lòng mình trong sự tôn kính và suy tôn Thánh Gía Chúa.

Đức cha cũng dâng lời nguyện xin Thiên Chúa là đấng toàn năng, hằng hữu cho Giáo hội Kytô được hợp nhất, cho Đức Giáo Hoàng, hàng giáo phẩm, tu sĩ, giáo dân, dự tòng, tân tòng, người ngoại giáo và cả những người vô thần trên địa cầu cùng được hưởng hồng ân Chúa chịu chết để cứu chuộc nhân loại.

Buổi lễ kết thúc bằng nghi thức suy tôn Thánh Gía Chúa dành cho giới trẻ. Các em đã cung nghinh Thánh Gía Chúa lên bàn Thánh, cùng với những ngọn nến màu được đặt chung quanh Thánh Gía, bài suy niệm được đọc bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt ngữ để cho giới trẻ hiểu rõ hơn. Cả cộng đoàn cùng hát những bài Thánh ca về Chúa.

Mọi người thinh lặng ra về, như nỗi cô đơn, sự nhục hình và sự chết của Chúa trên Thập Gía để cứu chuộc mọi người chúng ta.
 
Thánh lễ truyền dầu tại giáo phận Ban Mê Thuột
Jos. Vũ Bình Định
09:02 06/04/2012
THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU TẠI GP. BAN MÊ THUỘT

Thánh Lễ Truyền Dầu của Giáo phận Banmêthuột năm nay diễn ra tại Giáo xứ Vinh An. Đây là lần đầu tiên Giáo phận Banmêthuột tổ chức Lễ Truyền Dầu tại một nhà thờ không phải là Nhà thờ Chánh tòa. Và đương nhiên là lần đầu tiên giáo dân Giáo xứ Vinh An được vinh dự đón Đức Giám mục và tất cả Quý Cha trong Giáo phận về cử hành Thánh Lễ đặc biệt này tại nhà thờ của mình.

Xem hình lễ truyền dầu

Trong Thánh lễ hôm nay, Đức Giám mục hiến thánh Dầu Thánh, làm phép Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng, dùng để cử hành một số bí tích và phụ tích. Thánh Lễ Truyền Dầu cũng còn có mục đích tưởng niệm việc Chúa lập bí tích Truyền Chức Thánh, tái diễn hy lễ của Chúa Ktiô trên Thánh giá, tha tội cho muôn dân, v.v... Đặc biệt, trong Thánh lễ này Đức Giám mục sẽ công bố và trao sắc phong tước vị Giám chức Danh dự (thường gọi là Đức Ông) cho cha Tổng Đại diện Đa Minh Hà Duy Khâm. Sắc phong do Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI phong ban tại Roma ngày 11.11.2011.

Vì Giám mục cũng như linh mục đều được chia sẻ chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô, nên sáng nay, các linh mục trong giáo phận được kêu mời về đồng tế với Giám mục của mình, để tỏ tình hiệp thông hiệp nhất giữa Giám mục và linh mục, cũng như giữa các linh mục với nhau. Trong thánh lễ, các linh mục sẽ lặp lại lời các ngài đã tuyên hứa trong ngày thụ phong, để một lần nữa nhắc nhở các ngài luôn ý thức về những bổn phận phải thi hành trong cuộc sống bản thân cũng như các công tác mục vụ, cố gắng từ bỏ chính mình để gắn bó với Chúa Kitô, nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Người mỗi ngày để mang lại nhiều lợi ích hơn cho các linh hồn.

Thánh Lễ Truyền Dầu còn mang một ý nghĩa thiết thực: Thánh Marcô thuật lại rằng, khi Chúa sai các Tông đồ đi rao giảng, các ngài đã xức dầu cho nhiều bệnh nhân và nhờ đó họ đã được chữa lành (Mc 6, 13). Theo bản chất, dầu là một dược tố chữa bệnh. Trong đời sống thường ngày, mỗi khi cảm thấy khó chịu, nhức đầu, chúng ta cũng thường hay xức dầu, và chúng ta cũng cảm thấy người dễ chịu hơn. Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy người ta xức dầu khi phong vương một ông vua, hiến thánh các tư tế, tuyển chọn các Tiên tri, hiến thánh một đồ vật dành riêng cho việc phụng tự, thoa dịu một vết thương (x. Is 1, 6; Lc 10, 34); chữa lành một bệnh nhân (Gc 4, 14), tẩm liệm một xác chết (Mt 26, 12; Mc 14, 8; Ga 12, 7; Mc 16, 1). Trong lời nguyện hiến thánh Dầu Thánh, Giáo Hội nhắc lại việc Chúa truyền cho ông Môisen xức dầu cho ông Aaron, tấn phong ông làm Tư tế, rồi việc Chúa cho Thánh Thần ngự xuống trên chính Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa tại sông Giođanô, công nhận Người là Con Một Thiên Chúa, là Đấng mà Tiên tri Đavít, được ơn Chúa soi sáng, đã xưng tụng là Đấng được xức dầu hoan lạc. “Chúa đã xức Dầu Thánh tấn phong Con Một Chúa làm Thượng Tế của Giao Ước Mới và vĩnh cửu”.

Như vậy, từ việc xức dầu vật chất, người ta đã hướng lên việc xức dầu thiêng liêng, là chính Chúa Thánh Thần hoặc ân sủng của Ngài. Thật vậy, trong truyền thống của Cựu Ước cũng như Tân Ước, việc xức dầu vật chất chỉ là biểu hiệu, là dấu chỉ, là bảo chứng việc hiến thánh hoặc ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Vì thế trong lời nguyện làm phép Dầu Bệnh nhân, Giáo Hội xin Chúa cho Thánh Thần Chúa xuống trên Dầu, để nhờ phúc lành thánh thiêng của Chúa, Dầu xức trên những ai thì tất cả đều được nâng đỡ ngoài thân xác, trong tâm trí, linh hồn và được khỏi mọi đau đớn, bệnh tật. Rồi trong lời nguyện hiến thánh Dầu Thánh, Giáo Hội xin Chúa thương ban phúc lành thánh hóa Dầu, cho Dầu thấm đượm sức mạnh của Thánh Thần và quyền năng Chúa Kitô, làm cho Dầu trở thành bí tích mang lại ơn cứu độ và sự sống vẹn toàn cho những ai được tái sinh nhờ phép Rửa thiêng liêng. (Gm. Phêrô Trần Đình Tứ)

Qua Thánh lễ Truyền Dầu, Giáo Hội cũng kêu mời giáo dân cầu nguyện cho các Linh mục, Giám mục, và tích cực cộng tác với các ngài. Tham dự lễ Truyền Dầu, chúng ta cảm tạ Chúa về bí tích xức dầu bệnh nhân cũng như tất cả những bí tích khác Chúa đã thiết lập để ban cho chúng ta như những phương thế hữu hiệu hầu đạt được ơn cứu độ. Chúng ta cũng cảm tạ Chúa vì tước vị Giám Chức Danh Dự đầu tiên của Giáo phận, Đức Ông Đa Minh Hà Duy Khâm, một hồng ân cao quý mà Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã khấng ban cho chúng ta.

Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm Chúa thiết lập chức linh mục, chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho tất cả chúng ta được tham dự vào chức linh mục phổ quát của Chúa Giêsu, hơn thế nữa, còn ban cho một số người trong chúng ta được tham dự vào chức linh mục thừa tác, nhờ đó hy lễ cứu độ của Chúa Giêsu Kitô được tái diễn mọi nơi mọi lúc và và ơn tha tội được ban cho tất cả những ai cần đến. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta, giúp chúng ta tham dự các nghi thức Tuần Thánh thật sốt sắng để có thể đón nhận niềm vui vinh quang Phục Sinh hồng phúc.

Jos. Vũ Đình Bình
 
Người Công Giáo Kon Tum cầu nguyện ở t tư gia vì chính quyền tịch thu nhà thờ của họ
Lã Thụ Nhân
21:25 06/04/2012
Người Công Giáo Kon Tum cầu nguyện ở nhà tư vì chính quyền tịch thu nhà thờ của họ

Kon Tum (AsiaNews) - Đối với người Công Giáo trong một giáo xứ tọa lạc ở Tây Nguyên Việt Nam, món quà quý giá nhất dịp Lễ Phục Sinh là sẽ được cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ của họ. Điều này đã bị từ chối suốt 30 năm qua sau khi chính quyền địa phương tịch thu nơi thờ phượng của họ và không bao giờ trả lại. Bất chấp sự sách nhiễu, các Kitô hữu địa phương đã tiếp tục lớn mạnh trong đức tin của mình, dấn thân vào các công tác mục vụ và xã hội, thực hiện các hoạt động truyền giáo mang lại thành quả là hàng ngàn người trở lại đạo và được rửa tội. Chúa Nhật tới, một nhóm các tân tòng khác cũng sẽ được như thế.

Một thành viên của Giáo xứ Hiếu Đạo cho Hãng tin AsiaNews hay: "Tôi hy vọng rằng trong mùa Phục Sinh này, chính quyền địa phương sẽ trả lại nhà thờ của chúng tôi. Chúng tôi cần nhà thờ để dâng Thánh Lễ và cầu nguyện". Giáo xứ này thuộc Giáo phận Kon Tum (tỉnh Gia Lai và Kon Tum), Tây Nguyên Việt Nam.

Đức Giám Mục sở tại, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, lưu ý yêu cầu của ngài bằng cách thúc giục giáo dân ở Kon Tum "tin tưởng vào Thiên Chúa, bất chấp sự mất mát nhà thờ". Thực vậy, "Chúng tôi tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ trả lại bàn thờ cho chúng tôi".

Trong suốt Mùa Chay, hơn 30.000 thành viên Giáo Hội đã tham gia vào các cuộc tĩnh tâm, các bí tích và xưng tội do các linh mục giáo phận đảm trách.

Vì cộng đoàn vẫn không có một nhà thờ, nhiều người dân bày tỏ sự liên đới của mình bằng cách chuẩn bị nhà của mình sẵn sàng cho việc đọc Tin Mừng và lần hạt Mân Côi. Như trong quá khứ, Lễ Phục Sinh năm nay sẽ có một số lượng lớn của các tân tòng được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Theo các nguồn tin của giáo phận, khoảng 5.000 người dân địa phương theo đạo Công Giáo kể từ năm 2003.

Mặc dù đói nghèo lan rộng, người Công Giáo ở Kon Tum được tham gia rất nhiều hoạt động xã hội có liên quan, như công tác bác ái, giáo dục trẻ em, chăm sóc cho người bệnh và người già. Các nguồn tài chính cũng được gia tăng để giúp phụ nữ lập nghiệp hoặc tìm việc làm. Tất cả điều này cũng giúp những người ngoài Kitô giáo, kể cả người vô thần và thành viên của các tôn giáo khác.

Tọa lạc ở Tây Nguyên, Giáo Phận Kon Tum có diện tích 25.000 km2. Theo số liệu năm 2003, số người Công Giáo là 261.000 trong số 1,7 triệu cư dân. Đây là khu vực nghèo với nền kinh tế kém phát triển. Tuy nhiên, nơi đây thật phong phú trong ơn gọi và trở lại đạo, bằng chứng về sức sống của Giáo hội địa phương.
 
Tam nhật vượt qua tại giáo hạt Cầu Rầm
Peter Dũng
13:29 06/04/2012
VINH - Tuần Thánh là trung tâm năm phụng vụ. Những nghi lễ chính thức và những truyền thống của Giáo Hội nhắc nhớ và hiện thực hóa cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu: đi qua cái chết nhục nhằn để đạt tới cuộc sống mới vinh quang. Giáo Hội Công Giáo Đông Phương mệnh danh đây là tuần lễ của Ơn Cứu độ theo đó, con người và mọi tạo vật cũng được vượt qua với ơn cứu độ của Ngài.

Xem hình ảnh

Hòa trong tâm tình của Giáo hội hoàn vũ tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô, giáo hạt Cầu Rầm cũng đã tổ chức các nghi thức một cách rất trọng thể. Đặc biệt trong hai ngày thứ 5 và thứ 6 tuần thánh cha Fx Hoàng Sỹ Hướng; quản hạt Cầu Rầm đã cử hành các nghi thức cao điểm của năm phụng vụ một cách trang nghiêm trong tâm tình sốt sắng của đông đảo tín hữu.

Thứ Năm Thánh bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua. Ban đầu, Tam Nhật chỉ gồm Thứ Sáu Thánh và Thứ Bảy Thánh (theo cách tính của người Do Thái là ba ngày). Sang thế kỷ 4 gồm thêm ngày Thứ Năm Thánh. Trước đó Thứ Năm Thánh có tên là thứ năm Lễ Tiệc Ly. Ngày này tưởng niệm bữa tiệc ly của Chúa và kỷ niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể. Và thứ năm này cũng có tên khác là thứ năm của giới răn mới: “Thầy ban cho anh em một giới răn mới” (Ga 13,34). Trong nghi lễ thứ năm linh mục chủ tế Fx Hướng đã tiến hành nghi thức rửa chân cho 12 vị giáo dân đại diện như là 12 thánh tong đồ, để nhớ mãi giới luật tình yêu Chúa đã dạy trong đêm tiệc ly này. Thứ Năm Thánh tưởng niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể. Màu sắc, khung cảnh hôm nay rất rực rỡ. Kinh Vinh Danh đã vắng lặng từ Thứ Tư Lễ Tro nay lại vang lên rộn rã. Nhà tạm được để trống sau Thánh Lễ. Bánh thánh được truyền phép nhiều hơn để giáo dân rước lễ hôm nay và hôm sau. Để tưởng niệm cuộc thương khó nhục nhã, đớn đau, kể từ sau Kinh Vinh Danh ngày thứ năm, tất cả đờn chuông vắng lặng

Thứ Sáu Thánh là ngày kỷ niệm cái chết của Đức Giêsu trên thập giá ngoài thành Giêrusalem. Những khoảnh khắc hôm nay sẽ được hoàn thành trọn vẹn vào ngày hôm sau - khi đêm tối Thứ Bảy nhường chỗ cho ngày Chủ nhật và khi sự chết chuyển hóa thành cuộc Phục Sinh. Nói “Thứ Sáu Thánh” là nhằm để nhấn mạnh giá trị cứu độ của biến cố lịch sử là cái chết thập giá của Đức Giêsu. Trong suốt giòng lịch sử của nó, ngày Thứ Sáu Thánh bao giờ cũng mang sắc thái trầm lặng u buồn và thương tiếc Đức Giêsu chịu đóng đanh và chịu chết

Tại Cầu Rầm các nghi thức ngày thứ Sáu Thánh diễn ra một cách trọng thể. Với sự đóng góp của giáo dân đặc biệt là nhóm đồng hương Nam Định và Thái Bình, hoạt cảnh diễn tả lại cuộc khổ nan của Chúa được tái hiện một cách rõ nét qua các nghi thức: 14 đàng Thánh giá, táng xác Chúa, di quan Chúa vào hang đá…

Ngày mai thứ 7 Thánh vào buổi sáng các họ các hội đoàn trong giáo xứ sẽ hôn chân viếng mộ Chúa, buổi tối sẽ cử hành canh thức vượt qua.
 
Phụng Vụ thứ Sáu Tuần Thánh tại CĐCG Việt Nam - Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
20:01 06/04/2012
Good Friday
Các Nghi Thức:
-Chặng Đàng Thánh Giá
-Tháo Đinh và Táng Xác
-Suy Tôn Thánh Giá
-Ngắm Đứng

Xem Video Clip

Xem Hình

 
Thánh Lễ Truyền Dầu Tại Giáo Phận Bùi Chu Năm 2012
Jos Đặng Thanh Hải
22:38 06/04/2012
Thánh Lễ Truyền Dầu Giáo Phận Bùi Chu Năm 2012

Tường thuật trực tiếp: Thánh lễ truyền dầu giáo phận Bùi Chu năm 2012

Kiên Lao là đến thánh vinh dự được tổ chức thánh lễ truyền dầu của giáo phận Bùi Chu năm nay. Tôi có mặt tại Kiên Lao khá sớm, những dòng người đổ về khu vực giáo xứ khá đông, có lẽ do thời tiết mát mẻ, đi lại thuận tiện nên giáo dân về dự lễ nay năm khá đông. Cả công an huyện Xuân Trường và xã Xuân Tiến cùng giúp đỡ giáo xứ đền thánh Gia Thất Kiên Lao trong ngày lễ trọng đại hôm nay.

Xem hình lễ truyền dầu

Lượng người mỗ lúc một đông, đây là điều mừng của giáo phận vì lượng người dự lễ năm nào cũng đông, ban trật tự làm việc khá căng thẳng… trước mắt mọi người là ngôi thánh đường sau gần 20 năm xây dựng nay giáo xứ đại tu lại lớp sơn bên ngoài, phía nam là nhà thờ họ Đức Bà đang xây dựng cũng khá quy mô, từ ngoài đường hai bên treo đầy cờ làm cho không khí ngày lễ thêm long trọng sốt sắng. Thánh lễ được cử hành tại lễ đài phía may nhà thờ, mặc dù đang còn xây dựng dở dang nhưng giáo xứ đền thánh đã chuẩn bị một cách tốt nhất có thể cho ngày lễ hôm nay. Trước dó cụ chánh xứ có một bài thơ dâng kính quý Đức Cha, quý cha và quý khách.

Lúc 9h00 đoàn lễ nghi được rước từ trung tâm mục vụ giáo xứ đền thánh,vòng qua phía nam và tiến thẳng lên lễ đài, đi đầu là bình hương, rồi đến thánh giá nến cao, quý thầy dòng Fanxico, quý thầy Đại Chủng Viện Bùi Chu,Qúy cha mang 3 bình dầu thánh, Qúy cha đồng tế và Đức cha khả kính. Đoàn rước tến ra lễ đài trong tiếng kèn ngân vang của gần 300 người hợp nhất của giáo xứ, đoàn lễ nghi tiến lên lễ đài và hôn bàn thờ trong khi đó ca đoàn hợp nhất hát ca nhập lễ. Cùng đồng tế với Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm,giám mục giáo phận Bùi Chu còn có hơn 160 linh mục trong giáo phận bao gồm quý cha quản hạt, quý cha ĐCV, quý cha Tòa giám mục, quý cha nghỉ hưu, và quý cha trong giáo phận, ngoài ra còn có hơn 300 nữ tu thuộc 5 dòng trong giáo phận, quý tầy dòng Fanxico, quý thầy ĐCV, hơn 20.000 giáo dân đến từ khắp các nẻo đường trong giáo phận nhà…Đức giám mục chào mừng quý cha, quý tu sĩ, và toàn thể giáo dân Bùi Chu về tham dự thánh lễ truyền dầu sáng thứ năm tuần thánh năm nay tại giáo xứ đền thánh Kiên Lao, Ngài nói: “hôm nay ước chừng có hơn 20.000 giáo dân có mặt tại đền thánh Kiên Lao để tham dự thánh lễ truyền dầu, nhưng không phải thế mà là 400.000 giáo dân giáo phận Bùi Chu đều đang hướng về đền thánh này để cùng hiệp ý với Đức Cha và quý tu sĩ nam nữ trong ngày lễ truyền dầu năm nay”.

Trong phần giảng lễ Đức cha đề cập đến vai trò và sức mạnh của dầu thánh, của dầu tân tong và dầu bệnh nhân. Ngià diễn giản khá chi tiết về tên gọi, công dụng, cách thức dung của các loại dầu thánh mà người thánh hiến dầu thánh hôm nay, Ki-tô nghĩa là kẻ được xức dầu, các Kito hữu cần hiểu rõ để biết và thích nghi với phụng vụ mà giáo hội ưu ái cho chúng ta. Bài tin mừng nói đến khá rõ việc Chúa thiết lập bí tích truyền chức linh mục mà lát nữa tất cả linh mục đoàn trong giáo phận sẽ lập lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích truyền chức thánh. Dầu Thánh là dầu oliu làm từ cành oliu nguyên chất,oliu là loại cây được kinh thánh nhắc đến khi đại hồng thủy xẩy ra khi có chim bồ câu ngậm cành oliu bao về, báo cho dân Chúa biết một dấu hiệu mới, dấu hiệu của bình anvaf hạnh phúc…Phần cuối bài giảng đức giám mục nói nhiều đến vai trò của người linh mục mà chúa đã thiết lập trong ngày thứ 5 tuần thánh, ngài nhấc lại lời nói trong kinh thánh ta đến để phục vụ chứ không phải để sai khiến. Đức giám mục đã thay mặt linh mục đoàn xin lỗi bà con giáo dân trong giáo phận vì đôi khi các cha còn lòng tham, còn bị cái tôi, chưa phục vụ nhu cầu cho giáo dân, còn đòi hỏi này nọ, đức cha xin lỗi, hôm nay ngài xin lỗi nhiều lắm, những lời nói ấy cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ khi thánh lễ này kết thúc

Sau phần giảng lễ của đức cha là nghi thức lập lại lới tuyên hứa của các linh mục khi lãnh nhận bí tích truyền chức thánh để nhấc nhớ chúng ta có bổn phận phục vụ chứ không phải để được phụng vụ. Các cha đã mau mắn đáp lại lời gọi mời của Thiên Chúa mà tuyên xưng niềm tin và trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên mà Chúa giao phó. Sau đó thánh lễ tiếp tục như thường lệ, sau khi đọc kinh tiền tụng đức cha làm phép dầu đầu tiên,đó là bình dầu bệnh nhân, bình dầu thánh được linh mục đồng tế rước trước bàn thờ, dầu thánh khi lãnh nhận bí tích Xức dầu và Mình Thánh Chúa sẽ là của ăn đàng cho chúng ta giúp chúng ta đủ sức mạnh đi về nước Thiên đàng.

Sau phần hiệp lễ trước khi lãnh nhận phép lành đức cha đã làm phép 2 bình dầu còn lại là Dầu thánh dùng trong phụng vụ và dầu tân tòng, hai linh mục rước dầu thánh về trước bàn thờ, trong 3 bình dầu thánh thì chỉ có dầu thánh được giám mục bỏ thuốc thơm vào trong bình và hà hơi trên bình. Đây là dấu chỉ yêu thương của Chúa cho chúng ta, nào chúng ta cùng nhau đến mà nhận lấy và tạ ơn người. Trước khi thánh lễ kết thúc, cha chánh xứ đền thánh có lời cảm tạ và tri ân quý Đức cha,quý cha,quý tu sĩ, quý đoàn hội, quý vị khác mời tôn giáo bạn, quý cố, quý đoàn hội xứ đền thánh, các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho giáo xứ đền thánh tổ chức thành công ngày địa lễ. Thánh lễ kết thúc lusc10h30 trong niềm vui và thánh thiêng của cha- con giáo phận Bùi Chu

Ban truyền thông sinh viên giáo phận Bùi Chu

Jos Đặng Thanh Hải- tin từ Kiên Lao- Bùi Chu
 
Tin Đáng Chú Ý
Lãnh tụ Kim Jong-un 'bỏ học liên miên'
BBC
10:30 06/04/2012
Lãnh tụ Kim Jong-un 'bỏ học liên miên'

Xung quanh nhân vật ông Kim Jong-un vẫn còn nhiều bí ẩn

Một tờ báo Anh nói lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un khi còn du học chuyên môn bỏ lớp và nhận toàn điểm kém.

Tờ Daily Record xuất bản tại Scotland dẫn nguồn thông tin rò rỉ cho hay ông Kim, người lên lãnh đạo đất nước sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời hồi tháng 12 năm ngoái, đã theo học một trường tư tại Bern, Thụy Sỹ, với học phí một năm lên tới 20.000 bảng Anh (khoảng 32.000 đôla Mỹ).

Theo tờ báo này, trong năm đầu tại trường ông Kim bỏ học 75 ngày.

Năm thứ hai, số ngày bỏ học lên tới 105 ngày (!).

Một số bạn học của ông Kim Jong-un nói ông hay trốn các buổi học sáng, thay vào đó ngồi nhà chơi games điện tử hoặc xem các trận đấu bóng rổ.

Thành tích học tập của ông cũng bị mô tả là thậm tệ, trượt môn khoa học, tiếng Anh và tiếng Đức thì đỗ vớt. Ngay cả môn toán, môn ông học khá nhất, điểm trung bình cũng không thể gọi là cao.

Theo nhiều nguồn tin, ông Kim Jong-un đã theo học trường tư mang tên Liebefeld Steinhölzli ở gần thành phố Bern từ 1998-2000.

Ông đăng ký tên là Pak-un, và xưng là con trai một nhân viên Đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Thụy Sỹ.

Ông đột ng̣ột thôi học năm 2000.

Sau đó, ông Kim Jong-un được tin đã theo học trường đại học mang tên ông nội ông - Đại học Kim Il-sung, ở thủ đô Bình Nhưỡng, từ 2002 tới 2007.

Lãnh đạo tối cao

Kim Jong-un, 29 tuổi, được phong Đại tướng năm mới 28 tuổi và được người dân Bắc Hàn gọi là 'Lãnh tụ Vĩ đại'.

Ông là con trai út của ông Kim Jong-il với người vợ thứ ba đã quá cố, bà Ko Yong-hui; và được cho là "con cưng" của cố lãnh tụ Bắc Hàn.

Ông lên nắm quyền điều hành đất nước ngay sau khi cha ông chết ngày 17/12, và cũng lập tức trở thành tư lệnh tối cao của quân đội Bắc Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un đã ra lệnh phóng "hỏa tiễn vệ tinh" trong tháng Tư này, gây phản ứng lo lắng và tức giận từ nhiều quốc gia vốn cho rằng đây là bình phong cho việc thử tên lửa tầm xa.

Cũng giống như đối với cha và ông nội của ông, xung quanh ông Kim Jong-un là một tấm màn nhiều câu chuyện thêu dệt về nhân vật được dân chúng tôn sùng.

Tháng 12 năm ngoái, báo Tiền Phong ở trong nước đăng tin nói là lấy từ 'tài liệu mật của Triều Tiên' cho hay ông Kim Jong-un là người "trẻ tuổi tài cao".

Bài báo tựa đề 'Đại tướng Kim Jong-un: ba tuổi bắn súng, tám tuổi lái xe' còn cung cấp thông tin: "Năm chưa tròn tám tuổi, Đại tướng Kim lái chiếc xe chở hàng cỡ lớn vượt qua đoạn đường khúc khuỷu với vận tốc bình quân 120 km/h và tới đích an toàn (!)".

Nguồn tin dẫn lại nói "không có môn nào Kim Jong-un không giỏi", nhất là môn bóng rổ thì ngay từ 10 tuổi ông Kim đã "khiến nhiều vận động viên chuyên nghiệp ngả mũ kính phục".
 
Văn Hóa
Thập Giá mời gọi
Nguyễn thanh Trúc
14:35 06/04/2012
Thập giá Chúa làm cho con hãi sợ
Vì con sao? Mà Chúa chịu đóng đinh
Thân con là chi? một hạt bụi hoang sơ
Sao Chúa đã vì con mà câm nín

Mặc quân lính khinh khi và chửi vả
Chúa cúi đầu thinh lặng chịu đòn roi
Thân xác Chúa giập vùi đầu tơi tả
Chỉ vì con tâm íck kỷ nhỏ nhoi

Thập giá Chúa con nhìn và hối lỗi
Tay Ngài dang mời gọi con quay về
Tay Ngài dang muốn con xa đường tội
Con hững hờ vì mãi chốn u mê

Thập giá Chúa mời con và chờ đợi
Ánh mắt Ngài thu hút tim con rồi
Máu Ngài chảy đem con xa ngõ tối
Cảm tạ Ngài yêu con suốt cuộc đời

Con phải gắng quyết tâm về chính lộ
Đền ơn Ngài sống cuộc sống đơn sơ
Sống trọn vẹn dù cuộc trần loang lỗ
Chúa là Cha, con kính bái tôn thờ

Thập giá Chúa con vẫn còn hãi sợ
Vì tội con vì yếu đuối phận người
Nhưng ơn Chúa giúp con ngày tháng tới
Đường con về tâm dâng Chúa lời thơ.
 
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
18:07 06/04/2012
Chuyện phiếm đọc vào tuần Phục Sinh năm B 08.4.2012

“Chiều còn vương nắng để gió đi tìm,”
“Vết bước chân em, qua bao nhiêu lần.
Lời ru, đan ngón tay buồn
Ngàn năm, cho giá băng hồn
Tuổi gầy, nồng lên màu mắt... .”
(Ngô Thuỵ Miên – Dấu Tình Sầu)
(Ga 1: 1-5)
“Tuổi gầy nồng lên mầu mắt”, có là bao mà sao buồn đến thế? Phải chăng đó là nỗi buồn ở tuổi mười ba, khi em và tôi, ta vẫn “ta bà” chạy khắp xóm? Hay là, tình nồng tuổi đôi tám, mà bầy tôi đây vẫn chẳng dám. Hoặc cả hai? Ôi thôi, bầy tôi cũng phải chạy dài, rồi khấn vái.
Thật ra thì, 13 có là tuổi ngọc ngà nhiều me chua cùng mận ngọt hay chỉ là tuổi thích ô-mai lai rai, ngậm dài dài! Còn đôi tám, lại là tuổi của bọn tôi khi đó vẫn rất quậy. Quậy rồi phá. Phá làng/phá xóm để vui cười, đôi lúc cũng bị cha mẹ la mắng, đuổi ra sân. Tuổi gì thì tuổi, vẫn là “lũ kỷ niệm” mà đám phá phách bọn tôi đây không chừa nổi. Với người đời, tuổi ô mai chín mọng hoặc tuổi thần tiên đôi tám là tháng ngày hạnh phúc chốn dân gian giờ đây chắc khó tìm thấy, dù rất muốn.
Kể ra thì nghệ sĩ họ Ngô trên đây, nay nhớ “tuổi gầy nồng lên” năm nào, để rồi sẽ hát tiếp đôi câu:

“Trời còn mây tím, để lá mơ nhiều.
Lá khóc trên mi, cho môi ươm sầu.
Chiều lên, đỉnh núi ngang đầu
Nhặt thương, cho gót dâng sầu
Giận hờn, xin ngập lối đi.”
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Kể đi rồi thì kể lại, đã thấy ngôn ngữ người mình thật phong phú và cũng thi phú. Có mỗi chuyện phát âm thôi, cũng làm bạn bè người nước ngoài phải vận dụng đến ba tấc lưỡi uốn lên uốn xuống cho thật đúng cách mới phát âm cho chuẩn được. Bằng không, thì phải cải chính với chỉnh sửa, mới "tiện bề sổ sách”.
Còn nhớ, hồi bần đạo mới lên 9 đã chịu cảnh mồ côi cha, bôn ba theo mẹ từ Sàigòn ra Hà Nội để nhờ các anh chị trông nom gia đình thay cho mẹ. Bần đạo, khi ấy đã phải vật lộn với chữ nghĩa của đồng môn thấy khá mệt vì cung cách phát âm nghe cũng lạ.
Rõ ràng chỉ mỗi đoạn Kinh thánh có mấy chữ: “Kho tàng giấu dưới ruộng” thôi, mà sao đám bạn dân Bắc của bần đạo cứ đọc đi đọc lại câu ấy mà chỉ nghe mỗi âm “dê” và “dê” tựa hồ: “kho tàng dzấu dzưới dzuộng” đến lạ kỳ. Kịp khi khôn lớn, ra Huế lập nghiệp, bần đạo lại vất vả thêm với lối phát âm “thần thánh” của các anh chị giống giòng hào kiệt đất thần kinh sông nước mỗi lần đọc Tin Mừng có đoạn nói môn đồ hỏi Chúa điều gì, nghe đi nghe lại cứ như thể: “Chúa đạp môn đệ” thay vì “Chúa đáp lại môn đệ”, cũng đã ghê và rất sợ.
Chợt đến lúc vô Nam, bần đạo còn nhớ: lần nọ có thầy trợ sĩ chuyên lo phòng khách nhà Kỳ Đồng của bổn Dòng kể lại:

Hôm ấy có chị giáo dân rất thân là người đặc sệt gốc Nam Kỳ tìm đến nhà Dòng để gặp cho được người anh linh mục tên Lan. Thầy phụ trách hỏi đi hỏi lại mãi:
-Cha Lan mà chị muốn gặp có dê hay không dê? Nhà Dòng chúng tôi có một cha Lan còn trẻ không “dê” là cha Phaolô Nguyễn Ngọc Lan, còn cha Lan kia lớn tuổi hơn là cha Lan có “dê” tức cha Félix Lê Văn Lang. Vậy chị muốn gặp cha Lan nào?”
Nghe hỏi gắt, nữ giáo dân bèn vội đáp:
-Dạ, cha Lan có dê hay không dê đối với em không thành vấn đề, em chỉ muốn gặp ông cha chuyên xuống đường để hỏi vài câu thôi!
Nghe thấy thế, thày nọ bèn gật gù nói:
-À, cha đó là cha Nguyễn Ngọc Lan có làm chính trị nhưng không có “dê”!…

Về xử thế với người đời, đôi lúc bạn và tôi, ta cũng thấy xảy ra nhiều nghịch cảnh đến độ mỗi lần nghĩ đến đều thấy rất thương nhưng không hại, dù nhiều lúc cũng vẫn là thương hại, hoặc thương rồi hại. Thế đó là chuyện ngôn ngữ.
Về ngôn ngữ của người nước ngoài, tuy ngữ vựng và ngôn từ của họ cũng phong phú nhưng chẳng thi phú bằng tiếng nước mình, như trường hợp sau đây:

“Thư gửi ông Steve Jobs,
Lẽ đáng ra, tôi đã phải gửi bức thư này cho ông trước khi ông lìa đời mới đúng, nhưng vì thấy ông có biệt tài về truyền thông tinh vi đã sáng chế ra những là: iPod, iPhone và iPad hoặc thứ gì đó cả sau khi chết nữa để tự giúp mình chuyển tải thông điệp gửi từ trái đất về nơi mình ở và ngược lại, nên tôi hy vọng ông sẽ tìm ra phương thức nào khác rất thực tiễn hầu tải thư phản hồi do ông trả lời từ nơi ấy (?).

Giống nhiều người, tôi cũng bị ấn tượng khá nhiều về chuyện đời tư của riêng ông, tức chuyện tự sự của một trẻ mồ côi từ hồi còn nhỏ, chẳng ai muốn đem về nhà nuôi để rồi sau này, khi khôn lớn, ông lại sẽ sáng chế ra những thứ rất lạ, mọi người đều muốn có. Chuyện đời là chuyện của một người nổi tiếng sáng chế ra cung cách rất mới cho công ty Apple.

Thập niên qua, thời mà tên tuổi của ông nổi như cồn, cứ liên tục đem đến cho giới tiêu thụ chúng tôi nào là iPod (năm 2001), rồi iPhone (2007) và iPad (2010). Nhưng, đó là các thiết bị điện tử do ông sáng chế, để ai nấy tìm cách lánh xa mọi người xung quanh, hầu tìm một góc riêng mà hưởng thụ niềm vui cho riêng mình. Có lẽ ông cũng chẳng thiết tha gì chuyện chế biến các dụng cụ điện tử nào khác để mọi người xài chung, tựa như wePod, wePhone hoặc wePad để giúp mọi người có thể cùng nhau trao đổi cho thoải mái có yêu thương, tức: chỉ muốn kiến tạo thật nhiều hải đảo cách chia khiến mọi người cứ phải sống biệt lập, trên mặt đất. Các thứ như: iPod, iPhone và iPad do ông sáng chế cái nào cái nấy đều là thiết bị mới của một thành phố bít kín trong bốn bức tường ngột ngạt không cho mọi người đến được với nhau để cảm thông, yêu thương và giùm giúp. Nói chung, thiết bị ông tạo ra chỉ đem thế giới đến với riêng ông hệt như một người tiêu thụ chỉ thích hàng ngoại, thôi.

Thiết bị do ông sáng chế có mỗi điều hay là: nó giúp bọn tôi gom gộp toàn thể thế giới/vũ trụ vốn đã đủ mọi rắc rối có ở đời vào món đồ gọn lỏn trong lòng bàn tay. Nhưng nó lại có điểm yếu khác là: từ nay bọn tôi chỉ nhìn thấy diện mạo của một số rất ít bà con, cô bác dù họ ở sát cạnh bên.

Hiện có rất nhiều điều tôi muốn đạo đạt với riêng ông mà thôi, dù tôi không có thẩm quyền để phán xét chuyện người khác, nhưng tôi cố tìm hiểu vẫn không rõ tại sao ông lại cứ tránh né không muốn tặng tiền cho hội bác ái từ thiện này nọ một chút tiền dư mà ông kiếm được từ những doanh thương ông đeo đuổi. Tôi cũng không biết tại sao ông lại ít đề cập đến gia đình nhân loại là thế. Tôi càng thấy buồn khi biết ông đã tự liệu trước cho mình việc ra đi vào cõi vĩnh hằng, khi ông tiết lộ cho giới trẻ từng khâm phục tài năng của ông, rằng: “Đừng để mình rơi vào bẫy cạm của các tôn giáo chuyên gài bẫy bằng một số tín điều nghe rất hay, mà thật ra đó chỉ là kết quả của lối suy tư mà người khác mang đến thôi.”

Theo tôi, ngôn ngữ ấy là bí kíp tạo cô đơn đến cùng cực vốn cắt hết mọi liên hệ giữa người với người, bằng chủ tâm khiến chúng tôi phải ra khỏi kinh nghiệm phong phú đang chờ đợi chúng tôi ngay từ lúc chúng tôi bước vào cuộc sống con người.

Có lần ông nói: “Sự chết giống như một sáng chế/phát minh đơn điệu cũng rất đẹp của sự sống. Đó là dạng đổi thay của sự sống, mà thôi.” Và đây quả là điều mà chúng ta có thể chấp nhận đồng hành. Nói cho đúng, thì sự chết là cơ hội duy nhất để ta duy trì/cầm cự những gì quý giá nhất, đối với ta. Với người theo Đức Kitô, chết là sự thể duy nhất cho phép ta được sống mãi cõi miên trường, kéo dài đến thiên thu. Chính ông có lần cũng nói: “Sự chết đẩy người cao niên vào nơi nào khác hầu người trẻ mới xuất hiện được, tức: có thể tạo tiến trình sống theo cung cách hệt như mẫu mã của các thiết bị, nay lỗi thời.”

Theo tôi, không phải thế. Ngược lại mới đúng. Chết là cách giúp ta thưởng ngoạn trong cảm kích sự già nua/lỗi thời, có như thế ta mới taọ điều kiện giúp cái mới/người mới biết cảm kích tuổi già là thế nào. Chúng tôi tin rằng sự sống tự nó là cội nguồn của nhiều điều thích thú, vui tươi và kinh ngạc hơn các cửa hàng đầy những thiết bị tối tân, đẹp, lạ lung nhiều mẫu mã.” (x. Michael McGirr Australian Catholics Summer edition, tr. 9)

Về sự phong phú của ngôn ngữ, có lẽ cũng nên để ý đến một số khía cạnh khiến người đọc Tin Mừng biết về sự thực của cuộc sống trong không gian vũ trụ mình đang sống. Trước hết, là ngôn ngữ thi ca phong phú của thi hào Archibald MacLeish nước Anh, khi ông bàn về nét đẹp của vũ trụ/vạn vật lúc phi hành gia tầu Apollo chụp một số ảnh hình của trái đất, bằng thứ ngôn từ nghe hơi lạ như:

“Nhìn trái đất trần trụi rõ mồn một từ không gian bên ngoài, bạn thấy nó bé nhỏ và xanh biếc biết là chừng nào. Nó trở nên quá nhỏ khi đắm chìm trong cõi tịch liêu, bồng bềnh ở đây đó, giống hệt cảnh tượng có thực, trong đó người đi bộ hoặc chạy xe đang di chuyển trên mặt đất. Nói cách khác, nhìn người anh/người chị của ta hiện hữu trong tình yêu sáng rực ở chốn lạnh tanh kéo dài miền vĩnh cửu, người người nhận ra được sự thật rất to lớn là: các người anh người chị ấy nay đã biết: dù gì mình vẫn là anh em của nhau và với nhau theo nghĩa đích thực, rất đáng yêu.” (x. Archibald MacLeish, Bubble of the blue Air, Riders on Earth Together, Brothers in Eternal Cold, New York Times 25/12/1968)

Vâng. Sự thật là thế. Người ở đời vẫn nhớ và cứ nói bằng ngôn ngữ đời thường, nhưng lại quên chính “Lời” mà thánh Gioan từng qu%
 
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
18:13 06/04/2012
Chuyện phiếm đọc vào tuần Phục Sinh năm B 08.4.2012

“Chiều còn vương nắng để gió đi tìm,”
“Vết bước chân em, qua bao nhiêu lần.
Lời ru, đan ngón tay buồn
Ngàn năm, cho giá băng hồn
Tuổi gầy, nồng lên màu mắt... .”
(Ngô Thuỵ Miên – Dấu Tình Sầu)
(Ga 1: 1-5)
“Tuổi gầy nồng lên mầu mắt”, có là bao mà sao buồn đến thế? Phải chăng đó là nỗi buồn ở tuổi mười ba, khi em và tôi, ta vẫn “ta bà” chạy khắp xóm? Hay là, tình nồng tuổi đôi tám, mà bầy tôi đây vẫn chẳng dám. Hoặc cả hai? Ôi thôi, bầy tôi cũng phải chạy dài, rồi khấn vái.
Thật ra thì, 13 có là tuổi ngọc ngà nhiều me chua cùng mận ngọt hay chỉ là tuổi thích ô-mai lai rai, ngậm dài dài! Còn đôi tám, lại là tuổi của bọn tôi khi đó vẫn rất quậy. Quậy rồi phá. Phá làng/phá xóm để vui cười, đôi lúc cũng bị cha mẹ la mắng, đuổi ra sân. Tuổi gì thì tuổi, vẫn là “lũ kỷ niệm” mà đám phá phách bọn tôi đây không chừa nổi. Với người đời, tuổi ô mai chín mọng hoặc tuổi thần tiên đôi tám là tháng ngày hạnh phúc chốn dân gian giờ đây chắc khó tìm thấy, dù rất muốn.
Kể ra thì nghệ sĩ họ Ngô trên đây, nay nhớ “tuổi gầy nồng lên” năm nào, để rồi sẽ hát tiếp đôi câu:

“Trời còn mây tím, để lá mơ nhiều.
Lá khóc trên mi, cho môi ươm sầu.
Chiều lên, đỉnh núi ngang đầu
Nhặt thương, cho gót dâng sầu
Giận hờn, xin ngập lối đi.”
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Kể đi rồi thì kể lại, đã thấy ngôn ngữ người mình thật phong phú và cũng thi phú. Có mỗi chuyện phát âm thôi, cũng làm bạn bè người nước ngoài phải vận dụng đến ba tấc lưỡi uốn lên uốn xuống cho thật đúng cách mới phát âm cho chuẩn được. Bằng không, thì phải cải chính với chỉnh sửa, mới "tiện bề sổ sách”.
Còn nhớ, hồi bần đạo mới lên 9 đã chịu cảnh mồ côi cha, bôn ba theo mẹ từ Sàigòn ra Hà Nội để nhờ các anh chị trông nom gia đình thay cho mẹ. Bần đạo, khi ấy đã phải vật lộn với chữ nghĩa của đồng môn thấy khá mệt vì cung cách phát âm nghe cũng lạ.
Rõ ràng chỉ mỗi đoạn Kinh thánh có mấy chữ: “Kho tàng giấu dưới ruộng” thôi, mà sao đám bạn dân Bắc của bần đạo cứ đọc đi đọc lại câu ấy mà chỉ nghe mỗi âm “dê” và “dê” tựa hồ: “kho tàng dzấu dzưới dzuộng” đến lạ kỳ. Kịp khi khôn lớn, ra Huế lập nghiệp, bần đạo lại vất vả thêm với lối phát âm “thần thánh” của các anh chị giống giòng hào kiệt đất thần kinh sông nước mỗi lần đọc Tin Mừng có đoạn nói môn đồ hỏi Chúa điều gì, nghe đi nghe lại cứ như thể: “Chúa đạp môn đệ” thay vì “Chúa đáp lại môn đệ”, cũng đã ghê và rất sợ.
Chợt đến lúc vô Nam, bần đạo còn nhớ: lần nọ có thầy trợ sĩ chuyên lo phòng khách nhà Kỳ Đồng của bổn Dòng kể lại:

Hôm ấy có chị giáo dân rất thân là người đặc sệt gốc Nam Kỳ tìm đến nhà Dòng để gặp cho được người anh linh mục tên Lan. Thầy phụ trách hỏi đi hỏi lại mãi:
-Cha Lan mà chị muốn gặp có dê hay không dê? Nhà Dòng chúng tôi có một cha Lan còn trẻ không “dê” là cha Phaolô Nguyễn Ngọc Lan, còn cha Lan kia lớn tuổi hơn là cha Lan có “dê” tức cha Félix Lê Văn Lang. Vậy chị muốn gặp cha Lan nào?”
Nghe hỏi gắt, nữ giáo dân bèn vội đáp:
-Dạ, cha Lan có dê hay không dê đối với em không thành vấn đề, em chỉ muốn gặp ông cha chuyên xuống đường để hỏi vài câu thôi!
Nghe thấy thế, thày nọ bèn gật gù nói:
-À, cha đó là cha Nguyễn Ngọc Lan có làm chính trị nhưng không có “dê”!…

Về xử thế với người đời, đôi lúc bạn và tôi, ta cũng thấy xảy ra nhiều nghịch cảnh đến độ mỗi lần nghĩ đến đều thấy rất thương nhưng không hại, dù nhiều lúc cũng vẫn là thương hại, hoặc thương rồi hại. Thế đó là chuyện ngôn ngữ.
Về ngôn ngữ của người nước ngoài, tuy ngữ vựng và ngôn từ của họ cũng phong phú nhưng chẳng thi phú bằng tiếng nước mình, như trường hợp sau đây:

“Thư gửi ông Steve Jobs,
Lẽ đáng ra, tôi đã phải gửi bức thư này cho ông trước khi ông lìa đời mới đúng, nhưng vì thấy ông có biệt tài về truyền thông tinh vi đã sáng chế ra những là: iPod, iPhone và iPad hoặc thứ gì đó cả sau khi chết nữa để tự giúp mình chuyển tải thông điệp gửi từ trái đất về nơi mình ở và ngược lại, nên tôi hy vọng ông sẽ tìm ra phương thức nào khác rất thực tiễn hầu tải thư phản hồi do ông trả lời từ nơi ấy (?).

Giống nhiều người, tôi cũng bị ấn tượng khá nhiều về chuyện đời tư của riêng ông, tức chuyện tự sự của một trẻ mồ côi từ hồi còn nhỏ, chẳng ai muốn đem về nhà nuôi để rồi sau này, khi khôn lớn, ông lại sẽ sáng chế ra những thứ rất lạ, mọi người đều muốn có. Chuyện đời là chuyện của một người nổi tiếng sáng chế ra cung cách rất mới cho công ty Apple.

Thập niên qua, thời mà tên tuổi của ông nổi như cồn, cứ liên tục đem đến cho giới tiêu thụ chúng tôi nào là iPod (năm 2001), rồi iPhone (2007) và iPad (2010). Nhưng, đó là các thiết bị điện tử do ông sáng chế, để ai nấy tìm cách lánh xa mọi người xung quanh, hầu tìm một góc riêng mà hưởng thụ niềm vui cho riêng mình. Có lẽ ông cũng chẳng thiết tha gì chuyện chế biến các dụng cụ điện tử nào khác để mọi người xài chung, tựa như wePod, wePhone hoặc wePad để giúp mọi người có thể cùng nhau trao đổi cho thoải mái có yêu thương, tức: chỉ muốn kiến tạo thật nhiều hải đảo cách chia khiến mọi người cứ phải sống biệt lập, trên mặt đất. Các thứ như: iPod, iPhone và iPad do ông sáng chế cái nào cái nấy đều là thiết bị mới của một thành phố bít kín trong bốn bức tường ngột ngạt không cho mọi người đến được với nhau để cảm thông, yêu thương và giùm giúp. Nói chung, thiết bị ông tạo ra chỉ đem thế giới đến với riêng ông hệt như một người tiêu thụ chỉ thích hàng ngoại, thôi.

Thiết bị do ông sáng chế có mỗi điều hay là: nó giúp bọn tôi gom gộp toàn thể thế giới/vũ trụ vốn đã đủ mọi rắc rối có ở đời vào món đồ gọn lỏn trong lòng bàn tay. Nhưng nó lại có điểm yếu khác là: từ nay bọn tôi chỉ nhìn thấy diện mạo của một số rất ít bà con, cô bác dù họ ở sát cạnh bên.

Hiện có rất nhiều điều tôi muốn đạo đạt với riêng ông mà thôi, dù tôi không có thẩm quyền để phán xét chuyện người khác, nhưng tôi cố tìm hiểu vẫn không rõ tại sao ông lại cứ tránh né không muốn tặng tiền cho hội bác ái từ thiện này nọ một chút tiền dư mà ông kiếm được từ những doanh thương ông đeo đuổi. Tôi cũng không biết tại sao ông lại ít đề cập đến gia đình nhân loại là thế. Tôi càng thấy buồn khi biết ông đã tự liệu trước cho mình việc ra đi vào cõi vĩnh hằng, khi ông tiết lộ cho giới trẻ từng khâm phục tài năng của ông, rằng: “Đừng để mình rơi vào bẫy cạm của các tôn giáo chuyên gài bẫy bằng một số tín điều nghe rất hay, mà thật ra đó chỉ là kết quả của lối suy tư mà người khác mang đến thôi.”

Theo tôi, ngôn ngữ ấy là bí kíp tạo cô đơn đến cùng cực vốn cắt hết mọi liên hệ giữa người với người, bằng chủ tâm khiến chúng tôi phải ra khỏi kinh nghiệm phong phú đang chờ đợi chúng tôi ngay từ lúc chúng tôi bước vào cuộc sống con người.

Có lần ông nói: “Sự chết giống như một sáng chế/phát minh đơn điệu cũng rất đẹp của sự sống. Đó là dạng đổi thay của sự sống, mà thôi.” Và đây quả là điều mà chúng ta có thể chấp nhận đồng hành. Nói cho đúng, thì sự chết là cơ hội duy nhất để ta duy trì/cầm cự những gì quý giá nhất, đối với ta. Với người theo Đức Kitô, chết là sự thể duy nhất cho phép ta được sống mãi cõi miên trường, kéo dài đến thiên thu. Chính ông có lần cũng nói: “Sự chết đẩy người cao niên vào nơi nào khác hầu người trẻ mới xuất hiện được, tức: có thể tạo tiến trình sống theo cung cách hệt như mẫu mã của các thiết bị, nay lỗi thời.”

Theo tôi, không phải thế. Ngược lại mới đúng. Chết là cách giúp ta thưởng ngoạn trong cảm kích sự già nua/lỗi thời, có như thế ta mới taọ điều kiện giúp cái mới/người mới biết cảm kích tuổi già là thế nào. Chúng tôi tin rằng sự sống tự nó là cội nguồn của nhiều điều thích thú, vui tươi và kinh ngạc hơn các cửa hàng đầy những thiết bị tối tân, đẹp, lạ lung nhiều mẫu mã.” (x. Michael McGirr Australian Catholics Summer edition, tr. 9)

Về sự phong phú của ngôn ngữ, có lẽ cũng nên để ý đến một số khía cạnh khiến người đọc Tin Mừng biết về sự thực của cuộc sống trong không gian vũ trụ mình đang sống. Trước hết, là ngôn ngữ thi ca phong phú của thi hào Archibald MacLeish nước Anh, khi ông bàn về nét đẹp của vũ trụ/vạn vật lúc phi hành gia tầu Apollo chụp một số ảnh hình của trái đất, bằng thứ ngôn từ nghe hơi lạ như:

“Nhìn trái đất trần trụi rõ mồn một từ không gian bên ngoài, bạn thấy nó bé nhỏ và xanh biếc biết là chừng nào. Nó trở nên quá nhỏ khi đắm chìm trong cõi tịch liêu, bồng bềnh ở đây đó, giống hệt cảnh tượng có thực, trong đó người đi bộ hoặc chạy xe đang di chuyển trên mặt đất. Nói cách khác, nhìn người anh/người chị của ta hiện hữu trong tình yêu sáng rực ở chốn lạnh tanh kéo dài miền vĩnh cửu, người người nhận ra được sự thật rất to lớn là: các người anh người chị ấy nay đã biết: dù gì mình vẫn là anh em của nhau và với nhau theo nghĩa đích thực, rất đáng yêu.” (x. Archibald MacLeish, Bubble of the blue Air, Riders on Earth Together, Brothers in Eternal Cold, New York Times 25/12/1968)

Vâng. Sự thật là thế. Người ở đời vẫn nhớ và cứ nói bằng ngôn ngữ đời thường, nhưng lại quên chính “Lời” mà thánh Gioan từng quả quyết:

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.”
(Ga 1: 1-3)

Ở vào trạng huống được Ơn Trên soi sáng, có đấng bậc vị vọng nọ kịp nhận ra được “ngôn ngữ” của đời thường vừa rất “ảo” lại vừa “lý tưởng” như cuộc sống ở đời mà người thường cứ ngỡ tràn đầy tính duy-vật-chất, nên đã thêm đôi điều để bạn và tôi, ta hiểu rõ ý nghĩa của “ngôn ngữ” ngoài đời/trong Đạo, cũng rất bạo, như sau:
“Đã nhiều lần, tôi nghe thiên hạ phê bình thế giới của ngày càng mang tính duy-vật-chất, rất nguy hiểm. Nhưng kỳ thực, thế giới chúng ta đang mang trong mình ý nghĩa rộng rãi và đậm sâu qua cụm từ mà ta gọi là: “ảo” như “ảo ảnh”, “ảo giác”, “ảo vọng”, để rồi phá bỏ mọi hình thức cũng rất “ảo” ấy. Thật sự, thì nhiều người vẫn kiếm tìm ý nghĩa sâu lắng của đời mình theo hình thức khác nhau, kể cả tôn giáo cách này hay cách khác.
Có lần tôi nghe linh mục trẻ người Tây Ban Nha cùng Dòng với tôi, đã đề cao điều mà ông trích dẫn bằng tiếng nước mình là chữ “ilusiones’ mà bà con ta có thói quen dịch là “ảo giác” như trên. Sau một hồi gạn hỏi mới vỡ lẽ ra rằng: tiếng Tây Ban Nha, “ilusiones” ngoài ý nghĩa rất “ảo” (tức Không thực) nó còn mang ý nghĩa của một “lý tưởng”. Điều này, khiến tôi từ đó phải cẩn thận, cân nhắc về lưỡng tính của mỗi vấn đề. Bởi thật ra thì các “ảo giác”, “ảo vọng” thường vô lý và dễ ngộ nhận, vì chúng khống chế thực tại.” (xem Lm Gerard J. Hughes, Disillusion: a new Year Resolution, www.thingkingfaith.org 20/01/2012)

Quả là, ngôn ngữ nước bạn tuy không thi phú bằng tiếng Việt mình, nhưng cũng phong phú không kém. Phong phú ở điểm: đôi khi chỉ một từ, một chữ thôi cũng có nghĩa rất khang khác, lác đác chuyên chở một sự thật, rất nghịch thường. Thế nên, đấng bậc vị vọng hội dòng trích dẫn ở trên, còn nói thêm:

“Khi sự thể xem ra không xảy đến như ta mong muốn, tuy nhiên ta vẫn nên cẩn thận kẻo rồi sẽ bác bỏ cái-gọi-là sự phong phú của tiếng Tây Ban Nha, về chữ “ảo”, nói trên. Bởi, nếu bác bỏ tính “ảo” của mọi sự đều là điều rất cần và tốt đẹp, nhưng cũng có lúc việc bác bỏ ấy lại đem đến nhiều tệ hại đối với ta. Chẳng hạn như, bỏ mất đi tính chất “lý tưởng” mà cụm từ này bao hàm. Đó mới là thảm hoạ.” (x. Lm Gerard j Hughes, bđd)

Từ và ngữ đã mang tính “ảo” rồi lại bảo: đó là sự phong phú của ngôn ngữ, nghe khá lạ. Tuy nhiên, có điều lạ khác là đấng bậc nói trên lại mang ý nghĩa ấy vào với đề tài nhà Đạo, như sau:

“Những gì được gọi là “ảo” ta có, không chỉ liên quan đến sự thể bảo rằng Nước Thiên Chúa trước nhất không mang tính chính trị, cũng không hàm ngụ chuyện quân sự, nội bộ hoặc xã hội tuyệt vời của loài người trong đó mười hai chi tộc Israel là do nhóm Mười Hai coi sóc. Để phá bỏ tính chất “ảo” như thế là bước đầu đi đến tình trạng an bình để hiểu rõ hơn các “lý tưởng” ta dựa vào đó để sống, tựa hồ Tin Mừng của Chúa có nói: “Nước của Ta không ở thế gian này.”
Bởi thế nên, thay vì bám vào những gì rất “ảo” của thế gian, để rồi lòng mình lại sẽ chịu ảnh hưởng từ một kỳ vọng cho rằng mình biến đổi được thế gian rất dễ dàng, nếu có gắng, nhưng tốt hơn, hãy mặc lấy lý tưởng mà thánh Inhatiô từng diễn tả như “sự kiếm tìm Đức Kitô, nơi mọi sự.”
Làm sao thực hiện việc ấy?
Theo tôi, ta cần suy nghĩ về việc Thiên Chúa đang nhìn xuống thế giới với những gì ta đang làm cho nó trở nên tồi tệ, có lẽ cũng nên tỏ ra đôi chút lương thiện để ngó nhìn mọi sự và mọi người đúng thực họ là thế, tức không mang “ảo giác” nào; và tìm cách bắt chước làm như Chúa khi đáp trả sự việc ấy. Nói cách khác, ta nên thẳng thắn mà định giá chính mình như người con thứ trong truyện “người con đi hoang” ở Tin Mừng. Đồng thời cũng đáp trả chính mình và mọi người bằng tình thương yêu tha thứ của người cha trong truyện, là người không mang “ảo tưởng” nào về con mình. Chính thực bằng tâm can trí tuệ Chúa ban cho ta, mà Ngài gọi ta đến.
Để nghe được tiếng gọi ấy, cũng là một “ảo giác” để ta đáp trả bằng tất cả sự khôn ngoan ta có qua cảm xúc cũng như kinh nghiệm sống. Và lúc ấy, Chúa mới nói với ta trong phần sâu thẳm ở nơi ta rằng: ta ra thế nào thì Ngài sẽ nói theo thế ấy; tức là: ta có vui lòng chấp nhận người khác như chính họ, và ngang qua Ngài kiến tạo. Đó mới là “lý tưởng” dẫn dắt ta trong mọi sự, như thánh Phaolô từng quả quyết “Chẳng gì có thể tách ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa được.”
Và cuối cùng, nếu ta không đủ ngôn ngữ để nói lên mọi chuyện với Chúa, và với con người, thì khi ấy Chúa Thánh Thần sẽ nói thay ta, và Ngài sẽ ở trong ta.” (x. lm Gerard J Hughes, bđd)

Hiểu tính đa dạng của ngôn ngữ ở đời, là hiểu như thế. Hiểu đời người như người đời ở bên ngoài, còn là hiểu cách nhẹ nhàng, vui tươi, sảng khoái như truyện kể, ở bên dưới:

“Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội...ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.
Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:
-Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.
-Nhưng bố thích mặc bộ này!
Tôi bắt đầu cau có:
-Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.
Ông già buồn rầu, lập lại:
-Bố thích bộ quần áo này lắm.
Tôi cũng cương quyết:
-Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.
Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:
-Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.
Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.
Từ đó, tôi rút ra một bài học là: trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, nên xét lại trái tim mình đã.”

Kể truyện thì như thế, nhưng bàn chuyện thì cũng nên bàn như người kể, buổi hôm nay. Ý bảo rằng: Những “ảo” của đời người không chỉ thấy ở ngôn ngữ, tư tưởng hoặc lập trường chọn lựa khác biệt, mà cả ở lối sống thường ngày ở huyện nữa.
Hiểu thế rồi, nay hãy cùng người nghệ từng “ngộ” ra được chuyện đó, nên hát thêm lời cuối, mà rằng:

“Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn
Đường hoang vắng cho lá về nguồn
Người tìm đến xin gợi nỗi hờn.
Từ khi gió mang đấu địa đàng
Đường lên đá che vết nồng nàn...
Người còn nhớ mãi hay quên lời.”
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Nói cho cùng, người đời không nói bằng lời “ảo” hay ngôn ngữ rất thật ở đời thường nữa; nhưng lại đã theo chân người nghệ sĩ ở đời và Đấng Nhân Hiền nhà Đạo để bảo rằng: Tình yêu qua những ới gọi, như sau:

“Và người tìm đến giọng hát mơ hồ.
Vết bước năm xưa nay vương âm thầm.
Hàng cây mơ bóng bên đường
Gọi người khi nắng phai tàn
Gọi tình yêu vào lãng quên....... “
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Cuối cùng thì, ngôn ngữ mà người người ở đời hôm nay đang sử dụng có là ngôn ngữ của vi tính, hay truyền hình, phim ảnh rất “ảo” đi nữa vẫn là thứ ngữ và ngôn giúp ta hát câu cuối mà người nghệ sĩ trích ở trên vẫn cứ hát:

“Hàng cây mơ bóng bên đường
Gọi người khi nắng phai tàn
Gọi t́nh yêu vào lăng quên....... “
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Và, lời cuối bần đạo muốn nói hôm nay, đó là: ngôn ngữ của người đời, dù hạn hẹp, kỳ dị hoặc lỗi thời đi nữa, vẫn cứ là phương tiện để bạn và tôi, ta chuyển tải tư tưởng rất muốn nói với mọi người. Chí ít, là với Thiên Chúa đang ngự trị nơi môi miệng của con người, và người con của thánh hội, khắp nơi nơi. Muôn đời.

Trần Ngọc Mười Hai
nay không còn muốn nói nữa,
mà chỉ muốn viết lách
vì còn viết là còn lách
chứ nói năng lăng nhăng
thì không thế
và không thể như thế.

Suy niệm Chúa Nhật Lễ Phục Sinh 08.4.2012

“Rêu tần ngần, tuyết in phong”
“Sóng phơi trường mộng, từ trong dậy nguồn.”
(dẫn từ thơ Bùi Giáng)
Ga 20: 1-9
Dậy nguồn từ trong, hẳn là lời thơ mà thi sĩ nhà ta ngâm nga chỉ một chốc! Dậy nguồn từ nỗi chết, là sự thật Chúa sống lại hằn in rõ ở trình thuật. Trình thuật Chúa “Dậy Nguồn” sống lại gồm các đặc trưng vẫn được lập đi lập lại ở Phúc Âm, như: “Galilê”, “viên đá”, “bắt đầu tin”, “và từ đó”…
Galilê với tác giả Máccô: “Ngài sẽ đi trước các ông đến Galilê, ở đó các ông sẽ thấy Ngài.” (Mc16: 7)
Còn với Mát-thêu, thì: “Ngài đi trước các ngươi đến Galilê. Ở đó các ngươi sẽ thấy Ngài.” (Mt 28:7)
Luca lại nói: “Ngài không có đây nhưng đã sống lại; hãy nhớ lời Ngài nói lúc còn ở Galilê.” (Lc 24:6)
Và Gioan:“Ta lên cùng Cha và cũng là Cha của các ngươi”. (Ga 20: 17).
Xem như thế, đi Galilê là đi và đến với Cha.
“Galilê” đây, không mang tính không gian/địa dư/nơi chốn, mà là biểu tượng rất nghĩa bóng. Galilê, có nghĩa là “đất lành” của người nghèo. Của những ai có cuộc sống đầy đặn. Tuy là như thế, nhưng cũng đừng đến nơi ấy, để rồi cứ ngồi đó mà chờ Chúa hiện hình, hoặc bàn tán Chúa sống lại, mà phải có “hành động” nào mang mục đích sống thực.
“Hành động” đây, là làm những gì?
Là, thực hiện điều Chúa làm ở đó. Là, lấy đi những gì gây chết chóc, trầm thống, đói khổ. Để, người người được an vui, lành thánh và hy vọng, ngõ hầu đưa họ đi dần vào Thứ Bẩy Thánh, để rồi tiến thẳng vào chốn “không-gian-cộng-thời-gian” đầy sự sống. Nói cách khác, hãy giúp nâng nhấc mọi người để họ có thể rời nỗi buồn rất chết chóc. Có làm thế, người người mới hiểu được thế nào là phục sinh. Thế nào là sự sống quang vinh. Và, có làm thế mới cảm nghiệm được sức mạnh Phục Sinh năng động ở trong ta, như thánh Phaolô từng căn dặn: điều cần thiết là ta biết Chúa và sức mạnh phục sinh của Ngài.
“Viên đá”, nói trong câu: “Ai là người vần viên đá lăn khỏi mồ Thày?” (Mc 16: 3) “Đá“ đây, nên hiểu là những “trở ngại” cản ngăn ta làm điều tốt đẹp cho đời mình. “Đá”, còn là thành viên gia đình. Là, thủ trưởng nơi sở làm. Là bạn bè, niềm đơn côi, tật bệnh; là thế gian, đầy những khủng hoảng. Là, đá tảng trên đó có ghi chữ “giả như”, giống hệt giòng chữ nguệch ngoạc trên tường, xoá nó đi bờ tường sẽ sạch đẹp. “Đá”, là người vẫn cứ quấy rầy, quậy phá khiến ta khó quyết tâm thực hiện dứt bỏ mọi khó khăn rất không đẹp.
Thần thoại Hy Lạp, có nhân vật Sisiphus dùng mỗi đôi bàn tay thôi cũng lăn được viên đá rất to cồng kềnh lên đỉnh đồi, để rồi chính “đá” lại lăn đè vào người ông. Thử nghĩ, “giả như” các nữ phụ hôm ấy lăn được “đá viên che mộ Thầy mình”, thì các bà sẽ thấy được những gì ở phía bên kia đá tảng có là thi hài của người chết cần xức dầu/tẩm liệm thêm cho kỹ? Đó là điều, khiến các bà nghĩ phải làm khi có người trợ giúp lăn đá mở cửa mồ cho Chúa; sau đó, nhờ người ấy lăn về chốn cũ.
Về “đá tảng còn lăn”, ám chỉ chính “cái chết” là “đá” thực thụ khả dĩ cản ngăn mọi người chúng ta. Cất bỏ “đá-tảng-sự-chết”, tức: tìm cách chối bỏ cái chết không nhân nhượng. Thật ra, ta vẫn muốn cất bỏ những gì gây phiền toái/chết chóc cứ lảng vảng ở quanh mình trong khi ta hiện hữu. Đó là lý do khiến ta cứ phải “đi” bác sĩ, nhờ y tá giúp hoặc trông cậy vào phương pháp vật lý trị liệu, tập tạ, đi bộ cho thật xa, kiểm tra sức khoẻ, bỏ hút thuốc, cữ uống rượu, vv... “Đá” đây, còn là kinh nghiệm bản thân về những hạn chế/sút giảm trong đời mình khiến ta hiểu lầm cuộc sống, nên vẫn muốn cái chết cứ chậm đến với ta.
Về “đá tảng vẫn cứ lăn”, là cá tính khó đổi của mọi người. Bởi, đá tảng hoặc đá vẫn lăn hiện diện ở đâu đó, chẳng phải để ta đổi dời, hoặc chuyển lăn. Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến “đá lăn”. Còn thánh Gioan lại vẫn viết: đá ấy được “lấy đi”. Tựu chung thì, có chuyển lăn hay được lấy đi, cũng chẳng có gì làm ta hãi sợ. Điều, khiến ta hãi sợ lại là những “đá và sỏi” nằm trong đầu/trong óc của mỗi người. Những đã tảng nằm im đó, cũng rất to, nên khó lòng mà rời lăn nó ra khỏi đầu óc con người.
“Bắt đầu tin”. Ngay khi ấy, mọi người đã thấy ‘sợ’. Sợ, vì nghĩ rằng có sự sống đâu đó ở ngoài đây, chốn này. “Bắt đầu tin”, là khởi đầu sống một cuộc sống không hãi sợ nỗi chết. Cuộc sống, không nỗi sợ và cũng không bao gồm chỉ một hạn chế. Cuộc sống ấy, không do ta thiết lập mà là quà tặng. Quà sự Sống, khiến ta kinh ngạc, hồ hởi. Bởi thế, cũng đừng nên kiếm tìm sự sống nơi cõi chết. Nhưng, hãy cứ sống và sống ngay tại đây, chốn này!
Người cứu hộ, bao giờ cũng hứa hẹn nhiều điều như thế. Thế gian, ngập tràn khốn khó để có được người cứu hộ như thế. Tuy nhiên, họ là người chỉ biết nói năng hoặc giùm giúp, nhưng không tặng sự sống có “dậy nguồn”. Đức Giêsu mới đích thực là Đấng Nhân Hiền duy nhất trao ban hết mọi sự. Ngài ban hết tất cả. Trao và ban, cả thân mình Ngài. Chính đó là Phục Sinh quang vinh cho mọi người.
Tin Mừng thánh Gioan, vẫn quan tâm đến “hừng đông” của niềm tin rất thực, nhờ đó khiến người người thêm phấn khởi. Khi viết lên những giòng chữ đầy vui mừng: “Bấy giờ môn đồ kia, người đã tới mộ trước tiên, cũng đi vào. Ông đã thấy, và đã tin.” (Ga 20: 8) Bản Hy Lạp không rõ ràng, dứt khoát với câu: “Ông đã thấy, và bắt đầu tin…” Tức, ông chưa đạt niềm tin trọn vẹn cho đến khi Đức Chúa chợt đến vào xế hôm Chủ nhật Phục Sinh ấy và ban cho họ Thần Khí Ngài. Chính Thần Khí mới là Đấng khiến “đồ đệ tin một cách thực tình” vào Sự Sống.
“Và từ đó…” tức: từ đó về sau, đến với Galilê là để cất nhắc người nào đó khỏi nỗi chết. Để, ta hiểu rằng: dù sao đi nữa, cũng chẳng nên nói chỉ mỗi sự sống tốt đẹp, thôi. Nhưng hãy cứ tin vào sự sống. Sống cuộc sống đích thực. San sẻ cuộc sống thực, để rồi sức mạnh của phục sinh tràn đầy sẽ đổ dồn vào với niềm tin ta đang sống, ngõ hầu lấy đi mọi “đá tảng” cản ngăn sự sống rất đích thực. Và nâng nhấc mọi người để họ cũng sống đích thực như ta. Thế nên, hãy đem đến cho mọi người phục sinh đích thực vào trong cuộc sống có trỗi dậy, phấn khởi.
Thời trước, người người có truyền thống cổ mang tính chất cũng rất “Gioan” qua đó còn bàn luận: có thể, Giêsu Đức Chúa chưa hoàn toàn sống lại thật! Cũng có người lại cho rằng: Ngài sẽ còn trỗi dậy ngày một nhiều hơn, để rồi ngang qua động tác trỗi dậy, ta nâng nhấc người người khỏi tính chất rất chết chóc của họ. Có làm thế vào Tiệc Thánh, ta mới chứng minh được rằng Chúa đã sống lại thật. Có làm thế, người người mới không còn thắc mắc và tin chắc rằng Ngài vẫn trỗi dậy ngay trong gia đình, cộng đoàn mình đang sống. Sống rất thực, ở nơi này nhiều hơn nơi khác. Có làm thế, người người sẽ không tập trung vào việc so sánh, ganh đua, tị nạnh để chỉ chú trọng vào việc nâng nhấc hết mọi người.
Nhiều truyền thống trong Đạo vẫn cứ coi thời buổi hôm nay, bắt đầu từ chủ nhật Chúa Phục Sinh đến chủ nhật Chúa Thánh Thần Hiện đến vào ngày Ngũ Tuần, là thời điểm của Thần Khí mới Chúa phú ban, cũng rất đúng. Chay mùa kiêng khem và tuần lễ thánh xưa nay vẫn là mùa của tháng ngày cần “vượt qua”. Lễ Thánh Thần Ngự đến, mới là kỷ niệm tính hiệu năng của phục sinh, trỗi dậy. Có quan niệm như thế, rồi ra ta sẽ nguyện cầu Phục Sinh thể hiện đúng cách cứ đến mãi, với mọi người.
Trong tâm tình ấy, tưởng cũng nên ngâm tiếp lời thơ vừa trích dẫn, vẫn kéo dài:

“Rập rờn đầu liễu xanh buông,
Mùa trăng nước đẩy, xô buồn đi xa.
Trang hồng kim rải ra hoa,
Trổ bông mùa phượng, cũ đà hồ phai.”
(Bùi Giáng – Mùa Phượng cũ)

Phượng cũ, là những gì rất cũ và rất cổ với nhà thơ. Là, cuộc sống có thói tật và nỗi chết. “Xô buồn đi xa”, là xô đẩy cả nỗi chết rất buồn vào cõi hết, để “mùa phượng cũ”, sẽ “trổ bông” nếp sống cũ nay “đà hồ phai”. Hồ có phai và thay đổi, mới là đích điểm của Phục sinh mùa trỗi dậy, với mọi người. Ở đời.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá phỏng dịch
 
VietCatholic TV
Những nghi thức cảm động ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vatican và Giêrusalem
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:11 06/04/2012
Nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tại Vatican

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chủ tọa nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma.

Đức Thánh Cha quì gối trong thinh lặng, trước khi mở đầu với lời nguyện, xin Chúa nhớ lại lòng từ bi và đoái thương, bảo vệ gia đình mà Chúa Kitô, Con Chúa, đã khai mạc mầu nhiệm vượt qua cho họ trong máu của Người.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã diễn giảng về đề tài là một câu trích từ sách Khải Huyền “Tôi đã chết, giờ đây Tôi sống mãi mãi” (Kh 1,18).

Cha nhắc lại hình ảnh mà một số Giáo Phụ dùng để mô tả sự tham phần của chúng ta vào chiến thắng của Chúa Kitô: giống như một người anh hùng đương đầu với tên bạo chúa tàn ác, sau nhiều cố gắng và đau khổ, đã chiến thắng. Các khán giả trên các bục ghế không chiến đấu nhưng ngưỡng mộ người anh dũng, và chia vui với người ấy, họ cũng được dự phần vào chiến thắng của dũng sĩ. Thánh Gioan Kim Khẩu đã thốt lên: “Các lưỡi gươm của chúng ta không vấy máu, chúng ta không ở giữa thao trường, chúng ta không bị vết thương nào, chúng ta cũng chẳng thấy cuộc chiến, vậy mà này đây chúng ta đạt được chiến thắng. Cuộc chiến ấy là của chúng ta, triều thiên là của chúng ta. Vì chiến thắng ấy cũng là của chúng ta, nên chúng ta cũng hãy bắt chước điều mà các quân lính đã làm trong những trường hợp ấy: Chúng ta hãy vui mừng, xướng lên những bài ca chúc tụng Chúa” (De coemeterio et de cruce, PG, 49,596).

Cha Cantalamessa cũng nhấn mạnh đến sức thanh tẩy của lòng từ bi Chúa và khẳng định rằng: “Nếu bạn cởi bỏ áo quần rách rưới, tội lỗi của bạn, bạn sẽ được tắm gội trong lòng từ bi Chúa và khi bạn trỗi dậy, bạn sẽ được mặc áo cứu độ, được bao phủ bằng áo choàng công chính” (Is 61,10). Người Thu Thuế trong dụ ngôn của Phúc Âm, lên Đền thờ cầu nguyện, ông chỉ nói tự thâm tâm ”Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”, ông ra về được trở nên công chính (Lc 18,14), được hòa giải, được đổi mới, trở nên người vô tội. Nếu chúng ta có niềm tin và lòng thống hối như ông ta, người ta cũng có thể nói về chúng ta như vậy, khi chúng ta trở về nhà sau phụng vụ này”.

Cha Cantalamessa cũng nhắc đến tấm gương người trộm lành cùng bị đóng đanh cạnh Chúa Giêsu và kêu gọi các tội nhân hãy can đảm xưng thú tội của mình để được Thiên Chúa tha thứ.

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. 130 LM đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Đàng Thánh Giá truyền thống tại Rôma

Đức Thánh Cha đã chủ sự Đàng Thánh Giá truyền thống tại Rôma vào lúc 21 giờ 15 ngày thứ Sáu 06 Tháng Tư năm 2012.

Trong phần giới thiệu Đàng Thánh Giá, bản văn cho biết:

Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng "Ai muốn theo Thầy thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày mà theo Thầy". Đây là một lời mời gọi gửi đến tất cả mọi người chúng ta: những người đã lập gia đình và những người còn độc thân, già, trẻ, lớn, bé, giầu, nghèo, và mọi quốc tịch. Đó cũng có nghĩa là lời mời gọi cho mọi gia đình, cho từng cá nhân cũng như cho toàn thể cộng đoàn nhỏ bé ấy.

Trước khi bước vào cuộc thương khó sau cùng của Người, Chúa Giêsu đã cô đơn trong Vườn Cây Dầu vì các Tông Đồ ngủ vùi và sợ hãi về những gì sắp diễn ra. Ngài cầu nguyện với Chúa và thưa: "Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này ". Tuy nhiên, ngay lập tức Ngài nói thêm: "Nhưng không phải theo ý con, một xin vâng theo ý Cha".

Trong giây phút bi thảm và nghiêm trọng ấy, một bài học sâu sắc đã được đưa ra cho tất cả những ai chọn lựa theo Người. Cũng như mỗi cá nhân người tín hữu Kitô, mỗi gia đình cũng có con đường thánh giá, ghi dấu bằng bệnh tật, cái chết, các rắc rối tài chính, nghèo đói, sự phản bội, những hành vi sai trái, gây gổ với nhau, và thiên tai.

Tuy nhiên, mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình, khi đi trên con đường buồn sầu này, có thể hướng mắt nhìn kiên quyết lên Chúa Giêsu, Đấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa.

Cùng nhau chúng ta hãy tiến vào kinh nghiệm cuối cùng trên trái đất này của Chúa Giêsu, một kinh nghiệm nhận được từ bàn tay của Chúa Cha: một kinh nghiệm vừa đau thương vừa tuyệt vời, trong đó Chúa Giêsu đúc kết cho chúng ta những bài học quý giá nhất về cuộc sống và giáo huấn của người. Từ đó, chúng ta có thể học để sống cuộc sống của chúng ta viên mãn nhất, theo mô hình của chính Ngài.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã làm dấu Thánh Giá và đọc lời nguyện khai mạc:

Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, trong giây phút này khi chúng con tưởng nhớ cái chết của Chúa, chúng con muốn dán mắt nhìn trìu mến vào những đau khổ không kể xiết mà Chúa đã phải chịu đựng.

Những đau khổ này đã gom góp thành tiếng nức nở nhiệm mầu mà từ Thánh Giá Chúa đã thốt ra trước khi hơi thở cuối cùng: "Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con?"

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dường như là một Thiên Chúa chạng vạng: Là Con mà không có Cha, Là Cha mà không có Con,

Đó là tiếng kêu, vừa bản tính con người vừa là Thiên Chúa, xuyên qua bầu khí trên đồi Golgotha, thách thức và làm lúng túng chúng con thậm chí cho đến hôm nay; tiếng kêu ấy cho chúng con thấy rằng một sự kiện chưa từng có đã diễn ra.

Một sự kiện cứu rỗi chúng con: đưa chúng con từ cái chết trở lại cuộc sống, từ bóng tối đến ánh sáng, từ tách biệt hoàn toàn đến hiệp nhất.

Khát khao của chúng con để được theo Ngài dẫn chúng con đến chỗ nhìn thấy Chúa bị bỏ rơi, ở khắp mọi nơi và bằng mọi cách, giữa những đau thương của cá nhân và tập thể, trong đau khổ của Giáo Hội và trong đêm đen của nhân loại, và ở khắp mọi nơi và bằng mọi cách để mang lại cuộc sống của Chúa, để truyền bá ánh sáng của Chúa, để hình thành hiệp nhất.

Lúc đó, cũng như bây giờ, nếu Chúa không bị bỏ rơi, chúng con sẽ không có Phục Sinh.

Thánh Lễ Tiệc Ly tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô

Như bản tin chúng tôi đã loan, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô lúc 17h30 ngày Thứ Năm mùng 5 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly và rửa chân cho 12 linh mục của giáo phận Rôma.

Đức Thánh Cha cũng đã giải thích lý do tại sao Giáo Hội cử hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh và nói về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu.

Đức Thánh Cha nói:

"Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, tràn ngập bởi nỗi đau đớn nghiêm trọng, Chúa đã thực hiện sứ vụ của một linh mục: Ngài mang trên vai những tội lỗi của nhân loại, của tất cả chúng ta, và Ngài đã dẫn dắt chúng ta đến trước Chúa Cha."

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta tưởng mình được tự do và thực sự là mình khi chúng ta chỉ theo ý riêng mình. Thiên Chúa xuất hiện như điều trái ngược với tự do của chúng ta. Suy nghĩ ấy là sai.

Ngài nói:

"Khi con người đặt mình chống lại Thiên Chúa, họ đặt mình chống lại sự thật về chính con người của mình và do đó không trở nên tự do, nhưng tự làm cho mình bị tha hóa. Chúng ta chỉ tự do nếu chúng ta ở trong sự thật, nếu chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa. "

Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của kinh thành vĩnh cửu và một trong bốn đại giáo đường ở Rôma.

Thánh Lễ Tiệc Ly tại Jerusalem

Lúc 8h sáng thứ Năm 05 tháng Tư, tại nhà thờ Mộ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh.

Cùng đồng tế với ngài có Đức Giám mục William Shomali, và Đức Giám mục Kamal Batish là Giám Mục phụ tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, và Đức Giám mục Giacinto Boulos Marcuzzo, Giám Mục phụ tá của Nazareth và hơn 200 linh mục.

Tham gia trong buổi lễ còn có sứ thần Tòa Thánh tại Israel, là Đức Cha Antonio Franco, và sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, là Đức Cha Giorgio Lingua.

Trong Thánh Lễ, Đức Thượng Phụ cũng lặp lại nghi thức rửa chân. Sau đó, ngài làm phép các loại dầu thánh cho các bệnh nhân và cho các tân tòng, và dầu thánh hiến.

Lễ kỷ niệm kết thúc với một cuộc rước dài với tất cả các vị đồng tế đi hàng một quanh mộ Chúa trong tiếng nhạc kawas và âm thanh của bình ca.

Theo thỏa ước Nguyên Trạng, hôm nay là ngày các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa được giữ chìa khóa để mở cửa đền thờ Mộ Thánh cho buổi chầu Thánh Thể tổ chức lúc 2:45 chiều.

Lúc 9 giờ tối, cha Pierbattista Pizzaballa là Custos tức là trưởng đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ đã chủ sự đêm canh thức cùng với Chúa Giêsu tại vườn GiệtSimani.

Nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tại Jerusalem

Lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thượng Phụ Fouad Twal, Đức Cha William Shomali, Đức Cha Kamal Batish, Đức Cha Giacinto Boulos Marcuzzo và hơn 200 linh mục đã cử hành thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà thờ Mộ Thánh.

Vào lúc 11 giờ sáng, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu đã đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha.