“Ngài không có ở đây!”.
Tại các Giáo Phận, phần lớn giáo dân các họ đạo truyền thống có thói quen ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu vào Mùa Chay. Riêng Tổng Giáo Phận Huế, kinh nguyện quý báu này được ngắm vào Tuần Thánh; đặc biệt, sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Nó được gọi là Kinh Lễ Đèn, vì có đến 15 ngọn nến hoặc đèn, được đốt lên trên cùng một giá. Cách thức đọc Kinh Lễ Đèn được hướng dẫn đến từng chi tiết; cách chung, ngắm một chặng, tắt một ngọn nến, đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, ở Lễ Đèn 3, tức sáng thứ Bảy, ngọn nến 15 sẽ không được tắt! Thật thú vị, nó được đem vào phòng thánh một chốc, đang khi cộng đoàn quỳ gối ngắm “Thánh Mẫu Thống Khổ Kinh”. Sau đó, ngọn nến này được đem trở lại, đặt trên bàn thờ; ngọn nến đó tượng trưng cho Chúa Giêsu! Ngài đã chết, nhưng thực ra, cái chết của Ngài chỉ như một sự nghỉ ngơi trong mồ. Vì thế, thứ Bảy Tuần Thánh được coi như ngày mà Kitô hữu ‘cùng Mẹ, một ngày lặng yên’ đợi ngày Con Chúa phục sinh!
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ của những ngày qua đầy cảm xúc với nhiều nghi lễ; thế nhưng, thứ Bảy Tuần Thánh lại trôi qua một cách lặng lẽ, thanh thản. Đó là một ngày để tận hưởng tất cả những tình cảm đan xen giữa trầm buồn lẫn hy vọng! Đừng để thứ Bảy Tuần Thánh trôi qua như bao ngày khác, hay chỉ là một ngày giữa thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Đó là một ngày mà tất cả chúng ta cùng Mẹ Maria và Mẹ Hội Thánh nữa, tĩnh lặng, chiêm ngắm và tôn thờ.
Chỉ trong sự suy gẫm thầm lặng này, các tông đồ, và cả chúng ta mới có thể nhìn thấy mọi sự đã xảy ra phù hợp và trùng khít với nhau thế nào. Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ những gì sẽ xảy ra với Ngài, kể cả sự phục sinh; Ngài đã nói với họ, nhưng tâm trí họ chưa chuẩn bị đủ để hiểu. Chỉ trong sự im ắng của ngày thứ Bảy, và nhờ có một ngày lặng yên với Mẹ Chúa Giêsu, họ mới có thể hiểu được những gì Thầy đã nói. Cũng thế, với chúng ta; cùng Mẹ Maria, chúng ta ghi nhớ những lời của Chúa Giêsu. Nhiều lần, chúng ta nghĩ, chúng ta biết Ngài là ai, dạy chúng ta điều gì, nhưng thực ra, những điều đó chưa đi vào trái tim chúng ta; bằng chứng là cuộc sống của bạn và tôi chưa biến đổi! Phải lắng nghe, cẩn thận suy gẫm những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, chúng ta mới hiểu được sâu sắc để áp dụng vào cuộc sống mình!
Anh Chị em,
“Ngài không có ở đây!”. Sự im lặng của ngày hôm nay không phải là một sự im lặng của thoái chí và tuyệt vọng, nhưng là ‘im lặng thánh’, một sự im lặng của niềm mong đợi lớn lao sẵn sàng bùng lên trong niềm vui ngập tràn của Đêm Vọng Phục Sinh. Chúng ta sẽ ‘đến mộ’ Chúa cùng với các thánh nữ, không phải để xức dầu cho một xác chết, nhưng để vui mừng với các thiên thần khi nghe họ tuyên bố, “Ngài không có ở đây. Ngài đã sống lại!”; “Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những kẻ chết?”. Và như thế, nhờ có một ngày lặng yên với Mẹ, chúng ta mới có thể vui mừng nói cùng Mẹ, “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Halleluia!”, và với Mẹ, chúng ta hát khúc khải hoàn ca, “Chúa Đã Sống Lại, Halleluia!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, xin dạy con biết chờ đợi Chúa như Mẹ. Không chỉ hôm nay, nhưng mỗi ngày, từng ngày, và ‘một đời với Mẹ’, con chờ đợi Chúa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Bạn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta giữ chay kiêng thịt, để chia sẻ những khổ hình mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã chịu vì tội chúng ta, cao điểm của ngày hôm nay chính là giây phút này đây: suy tôn Thánh Giá Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
Trong niềm hiệp thông này, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai vấn đề chính trong nghi lễ hôm nay:
1-Thánh giá là Tin, Yêu và Hy Vọng.
Trong suốt bốn mươi ngày của mùa chay, chúng ta đã thống hối, ăn năn các tội phạm làm Chúa buồn, giờ đây chúng ta đang đi vào đỉnh cao của ý nghĩa thống hối và ăn năn ấy, đó chính là suy tôn Thánh Giá của Đức Chúa Ki-tô.
Với người không có đức tin thì Thánh Giá là khổ đau là nhục hình và là dấu hiệu của thất vọng, nhân loại lại luôn sợ cây Thánh Giá vì họ đã không tìm thấy nơi thánh giá có gì lạ, nhưng với những người có đức tin như chúng ta thì Thánh Giá là niềm vui, niềm tin yêu và hi vọng, nó được biểu hiện qua việc hiệp thông với Đấng đã dùng nó để cứu chuộc loài người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Mỗi một việc làm hi sinh là một Thánh Giá đem lại niềm tin cứu độ, mỗi một đau khổ là một Thánh Giá đem lại yêu thương từ sự cứu độ, mỗi một tâm tình thống hối là một Thánh Giá đem lại hi vọng cho nhân loại vào sự cứu độ. Cho nên người Ki-tô hữu chúng ta thật sự là những người hạnh phúc nhất trong tủi nhục, những người lạc quan nhất trong đau khổ, bởi vì chúng ta tin và chia sẻ cùng Thánh Giá với Chúa Kitô khổ nạn và Phục Sinh...
2. Thánh Giá là Phục Sinh.
Thánh Giá Đức Chúa Ki-tô hai ngàn năm trước và Thánh Giá Ki-tô hữu hai ngàn năm sau vẫn chỉ là một Thánh Giá, bởi vì nó đã trở thành biểu tượng phục sinh không những của người Ki-tô hữu mà là của cả nhân loại.
Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh, cây Thánh Giá sần sùi năm xưa trên đồi Gol-go-tha đã trở nên cây trường sinh và biểu tượng của Phục Sinh, trong mùa chay và nhất là trong ngày hôm nay, người Ki-tô hữu tay ôm Thánh Giá đấm ngực ăn năn với một niềm tin tưởng sâu xa, chính nó là nơi đã treo Đấng cứu độ trần gian –Đức Chúa Ki-tô, thì nay cũng sẽ trở thành cái thang đưa họ lên trời phục sinh vinh quang với Ngài.
Hôm nay, mỗi người chúng ta ngắm đàng Thánh Giá với hết cả tâm tình chia sẻ đau khổ tột cùng của Đức Chúa Ki-tô, chính Ngài đã gánh vác cây thánh giá là tội lỗi của tôi, của anh, của chị và của cả nhân loại trên đôi vai của mình, Ngài đã mệt nhọc vác đi trên quảng đường dốc đá để nơi chịu đóng đinh để nhân loại có đường sống, Ngài đã chịu đóng đinh trên Thánh Gía để cho nhân loại khỏi bị quăng vào lửa thiêu đốt đời đời.
Bạn thân mến,
Suy tôn Thánh Giá Đức Chúa Ki-tô là làm vinh quang Đấng cứu độ nhân loại, bái lạy Thánh Giá Đức Chúa Ki-tô là tung hô Đấng Thiên Chúa làm người, hôn kính Thánh Giá là yêu thương Đấng đã vì yêu mà chết trên Thánh Giá...
Cầu xin Đức Chúa Ki-tô, Đấng đã bị đóng đinh trên Thánh Giá ban ơn sức mạnh cho chúng ta, để mỗi người luôn biết yêu mến vác thánh giá của mình cùng đi lên Núi Sọ với Ngài, đó chính là ý nghĩa sâu xa nhất trong ngày hôm nay vậy.
Xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn đồng hành với chúng ta trên đường khổ nạn.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
(Vọng Phục Sinh)
Tin mừng: Mt 28, 1-9.
- “Người đã sống lại rồi, và Người đi Ga-li-lê-a trước các ông.”
Bạn thân mến,
Hôm qua chúng ta long trọng cử hành nghi thức Suy tôn Thánh Giá, tưởng nhớ và kỷ niệm Đức Chúa Giê-su chịu chết trên Thánh Giá vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Hôm nay chúng ta cũng rất long trọng cử hành thánh lễ vọng Phục Sinh mừng Đức Chúa Ki-tô sống lại vinh hiển, trong niềm vui ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em mấy cảm nhận sau:
1. Ánh sáng Phục Sinh là Khiêm tốn phục vụ.
Với nghi thức làm phép lửa mới mà chúng ta vừa cử hành, với nến phục sinh mà chúng ta rước vào nhà thờ và đặt bên cạnh giảng đài gần bàn thờ làm cho chúng ta xác tín sâu xa rằng Đức Chúa Giê-su Ki-tô là ánh sáng trong đêm tối, là nguồn ân sủng và là sự sống của chúng ta.
Ánh sáng Phục Sinh đã bừng sáng trong đêm tối tội lỗi của hai ngàn năm trước, vẫn đang chiếu rọi cho chúng ta trong ngày hôm nay, đó chính là Đức Chúa Ki-tô. Ngày hôm qua chúng ta than khóc vì tội lỗi của mình mà Ngài đã chết, ngày hôm nay chúng ta vui mừng vì Ngài đã sống lại, đó là niềm hy vọng duy nhất cho chúng ta là những người đang đi trong đêm tối của tội lỗi trần gian.
Khiêm tốn chính là ánh sáng và là hành vi nổi bật nhất, mà chính Đức Chúa Ki-tô đã dùng để cứu chuộc nhân loại đã sa ngã vì tội kiêu ngạo, nó cũng là ánh sáng của chúng ta chiếu rọi qua người khác, khi chúng ta khiêm tốn phục vụ tha nhân trong tinh thần yêu thương.
Mọi người có thể nhìn thấy tài cao học rộng của chúng ta nhưng ít người nhìn thấy Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh đang sống trong chúng ta, bởi vì học thức và tri thức không phải là ánh sáng, nó cũng không phải là đường dẫn chúng ta đi đến sự sống đời đời, nhưng khiêm tốn thật mới chính là ánh sáng nơi chúng ta, nó phản ảnh lại khuôn mặt phục sinh sáng chói của Đức Chúa Ki-tô nơi tất cả hành vi ngôn từ của chúng ta.
2. Ánh sáng phục sinh là sự đổi mới.
Trong đêm tối chúng ta không thể làm gì được vì đêm tối cũng đồng nghĩa với sự chết, cũng vậy, sống trong tội chúng ta cũng không thể làm gì được để linh hồn chúng ta được đổi mới, do đó đêm tối cần có ánh sáng và tội lỗi cần có ân sủng của Thiên Chúa.
Ánh sáng phục sinh đã đến đó chính là Đức Chúa Giê-su, Ngài đến để đổi mới những gì mà chúng ta đã làm trong bóng tối như gian dâm, là kiêu ngạo, là hận thù, là ghét ghen và vu khống.v.v... Ánh sáng đến chiếu sáng những nơi tăm tối, đổi mới tâm hồn chúng ta từ cũ qua mới, từ kiêu ngạo trở thành khiêm tốn, từ gian dâm đầy dục vọng trở thành trong sáng và hồn nhiên, từ ghét ghen hận thù trở thành yêu thương và tha thứ, từ lãnh đạm với Tin Mừng đến nhiệt tình và phục vụ Chúa trong tha nhân...
Ánh sáng phục sinh đã đến không phải chỉ đổi mới chúng ta đêm hôm nay mà thôi, nhưng suốt mọi ngày trong cuộc sống của chúng ta, nó luôn chiếu dọi thôi thúc và đổi mới tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta biết luôn trân trọng gìn giữ ánh sáng này cho khỏi bị cuồng phong của thế gian là những quyến rũ đam mê thổi tắt.
Bạn thân mến,
Đêm hôm nay trên tay của bạn của tôi và của mỗi người Ki-tô hữu tham dự thánh lễ đều cầm cây nến nho nhỏ, biểu tượng đức tin của anh chị em được cháy sáng nhờ tin vào Đức Chúa Ki-tô Phục sinh, cây nến nhỏ này sẽ cháy hết nhưng đức tin của chúng ta sẽ luôn trưởng thành và càng trưởng thành hơn trong hi sinh và thử thách, bởi vì trong thử thách, đức tin của chúng ta càng cháy sáng và toả sáng chiếu dọi cho mọi người thấy Tin Mừng Phục Sinh mà chúng ta đang tin và đang sống.
Xin Đức Chúa Kitô Phục Sinh chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
SUY NIỆM LỄ PHỤC SINH
Ngay trong chính ngày Chúa Kitô phục sinh, tại đền thờ Giêrusalem, lễ Vượt Qua được tổ chức long trọng, một cuộc lễ rầm rộ, một cuộc lễ có một không hai trong niềm tin của người Do thái. Đó là cuộc lễ nhắc lại biến cố oai hùng, cha ông họ vượt qua Ai cập, vượt qua Hồng Hải và vượt qua kiếp nô lệ cách lạ lùng, chưa từng có...
Vì thế, trong ngày lễ vượt qua hôm nay, như mọi lễ vượt qua trong lịch sử, từng đoàn, từng đoàn người đổ về Đền Thánh, bên cạnh những nhà lãnh đạo tôn giáo của họ: thầy cả thượng phẩm, các thượng tế, các luật sĩ… để dâng của lễ, để làm cái việc gọi là “tạ ơn và tôn thờ Chúa”.
Nhưng thật oái oăm, thật nghịch lý, thật mỉa mai! Mỉa mai đến độ chua xót: Bởi cũng chính vị Chúa ấy, vị Chúa mà ngay giờ này, họ đọc kinh, họ thắp hương, họ bái lạy bàn thờ của Ngài và dâng lễ vật kính Ngài…, chỉ mới hai ngày trước thôi, họ nguyền rủa, họ sỉ vả, họ đánh đập đến nhừ tử, họ giết chết một cách không thương tiếc...
Và ngay chính lúc này đây, lúc mà họ đang tổ chức mừng lễ vượt qua vô cùng long trọng, họ đang cử hành nghi lễ vô cùng sốt sắng, thì Chúa của họ, Đấng mà họ vừa giết chết đã vừa mới phục sinh, đã vừa mới đội mồ chỗi dậy, thì họ lại không tin.
Chẳng những không tin, họ còn hoàn toàn chối từ. Được lính canh mồ báo tin Chúa của họ đã bừng dậy khỏi mồ, họ ngang nhiên trả tiền để bịt miệng lính, để lính thực hiện điều mà không bao giờ có thể thứ tha được: “Các anh hãy nói thế này: ban đêm trong lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã lấy trộm xác” (Mt 28, 13).
Các lãnh đạo tôn giáo do lòng ganh tỵ, họ không chỉ thủ tiêu Chúa của họ, giờ đây, họ còn thủ tiêu cả niềm tin Phục sinh đang bừng dậy cho toàn thế giới: “Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ dàn xếp với quan, và lo cho các anh được vô sự” (Mt 28, 14).
Nghịch lý trong cách thực hành đạo của những nhà lãnh đạo Dothái giáo, cùng tất cả những người lên án Chúa, cứ tưởng là chuyện đã xưa lắm. Nào ngờ, đó cũng là thứ nghịch lý tồn tại trong lòng các Kitô hữu hôm nay.
Vì hôm nay, chúng ta cũng có thể thờ phượng Chúa trong nhà thờ tốt, chúng ta đến nhà thờ dự lễ chăm chỉ, chúng ta xưng tội rước lễ đều đặn, chúng ta đọc kinh sớm chiều đầy đủ…
Nhưng ngược lại, khi rời khỏi nhà thờ, rời nơi cầu nguyện, chúng ta sống thiếu trách nhiệm trong công tác của mình, chúng ta xem thường lề luật Chúa, chúng ta không có tình yêu, lòng vị tha, thái độ nhã nhặn… với anh chị em.
Nghịch lý hôm nay của chúng ta là giữ đạo nhưng không sống đạo. Nghịch lý của chúng ta là sẵn sàng tuyên xưng danh Chúa nhưng trong đời sống thường nhật lại sống như không có Chúa. Nghịch lý của chúng ta là giữ đạo trong nhà thờ, nhưng không đem tinh thần thờ phượng từ nhà thờ vào trong cuộc sống.
Từng người hãy mau loại trừ thái độ sống không phù hợp này, để trở nên đích thực là người có Chúa luôn luôn trong mọi ngày sống của mình, dù là hoàn cảnh hay bất cứ thời gian nào.
Lạy Chúa, xin cho ánh sáng Phục Sinh của Chúa chiếu rọi vào mọi góc tối tăm của linh hồn chúng con, để chúng con trung thành sống chết cho đức tin của chúng con.
Xin đừng để chúng con rơi vào hoàn cảnh bi thảm mà các lãnh đạo Dothái giáo xưa đã từng thực hiện, đó là một mặt tuyên xưng lòng tin của mình, nhưng mặt khác, do đời sống bê bối của chúng con, chúng con lại đang ra sức chối từ Chúa, ra sức đẩy xa ảnh hưởng của niềm tin Phục sinh ra khỏi cuộc đời mình. Amen.
Các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã diễn ra lúc 5h chiều thứ Sáu 7 tháng Tư tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Trong ngày đớn đau này, Giáo Hội tưởng niệm những giây phút cuối cùng khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết, khi sức sống và sức mạnh của Ngài đang cạn kiệt dần.
Bài Phúc Âm tường thuật cho chúng ta cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và một trong hai người tội phạm cùng bị đóng đinh với Ngài mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”
Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”
Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.
Trước Đức Thánh Cha, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, và 9,000 tín hữu, Đức Hồng Y Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã có bài giảng sau đây. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Từ hai ngàn năm nay, Giáo hội đã loan báo và cử hành, vào ngày này, cái chết của Con Thiên Chúa trên thập giá. Trong mỗi Thánh Lễ, sau khi truyền phép, chúng ta nói hoặc hát: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.”
Tuy nhiên, một “cái chết của Chúa” khác đã được tuyên bố trong một thế kỷ rưỡi trong thế giới phương Tây phi Kitô hóa của chúng ta. Khi, giữa những người có học, người ta nói về “cái chết của Thiên Chúa”, thì đó là cái chết khác của Thiên Chúa, ngụ ý cái chết ý thức hệ chứ không phải cái chết lịch sử. Để bắt kịp thời đại, một số nhà thần học vội vàng xây dựng một nền thần học xung quanh nó: “Thần học về cái chết của Chúa”.
Chúng ta không thể giả vờ phớt lờ sự hiện hữu của câu chuyện khác biệt này, làm như thế sẽ khiến các tín hữu làm mồi cho những hoài nghi. Cái chết khác biệt này của Chúa đã được thể hiện đầy đủ nhất trong lời tuyên bố nổi tiếng mà Nietzsche đặt vào miệng của “người điên” hổn hển chạy đến thành phố:
“Chúa ở đâu?” anh ta kêu lên; “Tôi sẽ nói cho bạn biết. Chúng ta, anh và tôi, đã giết Ngài...Chưa bao giờ có một hành động vĩ đại hơn; và bất cứ ai sinh ra sau chúng ta - vì hành động này, người ấy sẽ thuộc về một lịch sử cao hơn tất cả lịch sử cho đến nay. [1]
Theo logic của những từ này (và, tôi tin, theo kỳ vọng của tác giả), lịch sử sau ông sẽ không còn được chia thành Trước Chúa Giáng Sinh và Sau Chúa Giáng Sinh nữa, mà thành Trước Nietzsche và Sau Nietzsche. Rõ ràng, không phải Hư vô được đặt vào vị trí của Chúa, mà là con người, và chính xác hơn là “siêu nhân” hay “con người siêu phàm” thay thế vị trí của Thiên Chúa. Về con người mới này, giờ đây người ta phải thốt lên - với cảm giác hài lòng và tự hào – Đây mới là người đàn ông thực sự! - chứ không còn thốt lên đầy cảm thương nữa: “Ecce homo!” – “Này là người” [2] Tuy nhiên, sẽ không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng, nếu bị bỏ lại một mình, con người thực sự chẳng là gì cả.Chúng ta đã làm gì khi giải phóng trái đất này khỏi mặt trời của nó? Bây giờ nó đang di chuyển ở đâu? Chúng ta đang di chuyển đến đâu? Xa tất cả mặt trời rồi sao? Chẳng phải chúng ta đang lao dốc liên tục đó sao? Phía sau, sang một bên, về phía trước, theo mọi hướng à? Còn có những thăng trầm nào nữa chăng? Chẳng phải chúng ta đang đi lạc như đang xuyên qua một cõi hư vô bất tận hay sao?
Câu trả lời đầy ẩn ý, trấn an của “người điên” cho những câu hỏi đáng lo ngại này của anh ta là: “Không, bởi vì con người sẽ thực hiện nhiệm vụ được giao cho Chúa cho đến bây giờ.” Ngược lại, câu trả lời của chúng ta với tư cách là những tín hữu là: “Đúng thế, và đó chính xác là những gì đã và đang xảy ra” – nhân loại đang lang thang như thể xuyên qua một khoảng không vô tận! Điều quan trọng là, chính xác theo sau tư tưởng của Nietzsche, một số người đã định nghĩa sự hiện hữu của con người là “sự hiện hữu của cái chết” và coi tất cả những khả năng được cho là của con người là “phù vân ngay từ đầu”. [3]“Vượt qua thần thánh và ác quỷ”, là một trận chiến khác của tác giả. [4] Tuy nhiên, ngoài thần thánh và ác quỷ, chỉ còn “ý chí quyền lực”, và chúng ta đang chứng kiến một lần nữa điều đó dẫn đến những gì…
Chúng ta không có quyền phán xét tâm hồn của một người mà chỉ có Chúa mới biết. Ngay cả tác giả của lời tuyên bố đó cũng đã chia sẻ những đau khổ trong cuộc đời mình, và đau khổ liên kết với Chúa Kitô có lẽ nhiều hơn những lời xúc phạm tách rời anh ta khỏi Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá: “ Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34), không chỉ được nói cho những người có mặt tại đồi Canvê ngày hôm đó!
Một hình ảnh, mà đôi khi tôi đã quan sát trực tiếp, xuất hiện trong tâm trí tôi (mà tôi hy vọng đã trở thành hiện thực, trong khi chờ đợi, đối với tác giả của lời tuyên bố đó!): một đứa trẻ tức giận cố đấm và cào vào mặt cha mình, cho đến khi, kiệt sức, anh ta khóc trong vòng tay của cha mình, người cha đã trấn an anh ta và kéo anh ta vào ngực mình.
Tôi xin nhắc lại, chúng ta đừng phán xét người mà chỉ có Chúa mới biết. Tuy nhiên, những hậu quả mà tuyên bố của ông ta đã gây ra cho chúng ta có thể và phải được đánh giá. Tuyên bố của ông ta đã len lỏi theo rất nhiều cách đa dạng và dưới nhiều tên gọi khác nhau, đến mức trở thành mốt thời thượng và bầu không khí ngự trị trong giới trí thức của thế giới phương Tây “hậu hiện đại”. Mẫu số chung là một thuyết tương đối tổng thể trong mọi lĩnh vực – đạo đức, ngôn ngữ, triết học, nghệ thuật và tất nhiên là cả tôn giáo. Không còn điều gì là vững chắc; tất cả mọi thứ đều ở thể lỏng, hoặc thậm chí thể khí. Vào thời của chủ nghĩa lãng mạn, người ta từng chìm đắm trong u sầu, ngày nay con người chìm đắm trong chủ nghĩa hư vô!
Với tư cách là những tín hữu, nhiệm vụ của chúng ta là chỉ ra những gì đằng sau, hoặc bên dưới lời tuyên bố đó, rằng đó là ánh sáng lập lòe của ngọn lửa cổ xưa, sự phun trào đột ngột của một ngọn núi lửa chưa bao giờ bị dập tắt kể từ buổi đầu của thế giới. Vở kịch nhân loại cũng có “phần mở đầu về thiên đường”, trong “tinh thần phủ nhận” không chấp nhận sự hiện hữu trong ân sủng của người khác. Kể từ đó, ma quỷ đã tuyển dụng những người ủng hộ mục tiêu của mình, Adong và Êvà ngây thơ là nạn nhân đầu tiên của anh ta: “Các ngươi sẽ nên như các vị thần, biết điều thiện điều ác “ (St 3,5).
Tất cả những điều này đối với con người hiện đại dường như chẳng là gì ngoài một huyền thoại căn nguyên để giải thích cái ác trên thế giới. Và – theo nghĩa tích cực của huyền thoại ngày nay – đúng như vậy! Nhưng lịch sử, văn học và kinh nghiệm cá nhân của chính chúng ta cho chúng ta biết rằng đằng sau “huyền thoại” này, có một sự thật siêu việt mà không tài liệu lịch sử hay lý luận triết học nào có thể truyền đạt cho chúng ta.
Thiên Chúa biết chúng ta kiêu ngạo như thế nào và đã đến giúp chúng ta bằng cách trút bỏ chính mình trước mặt chúng ta.
Chúa Giêsu Kitô,
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự. (Phil 2:6-8).
Tại sao chúng ta lại nói về tất cả những điều này trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh? Không phải để thuyết phục những người vô thần rằng Chúa không chết. Người nổi tiếng nhất trong số họ đã tự khám phá ra điều đó, ngay lúc họ nhắm mắt trước ánh sáng – huy hoàng hơn là với bóng tối của thế gian này. Đối với những người vẫn còn sống giữa chúng ta, để thuyết phục họ cần có những phương tiện khác ngoài lời của một nhà thuyết giáo già. Có những phương tiện mà Chúa sẽ không ngừng ban cho những ai có trái tim rộng mở đón nhận sự thật, những người mà chúng ta sẽ chuyển cầu cho họ trong lời cầu nguyện phổ quát sẽ diễn ra sau đây.
Không, mục đích của chúng ta thực sự là khác; đó là để giữ cho các tín hữu – thậm chí có lẽ chỉ một hoặc hai sinh viên đại học – khỏi bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa hư vô, vốn là “hố đen” thực sự của vũ trụ tâm linh. Mục đích là để lời cảnh báo của Dante Alighieri một lần nữa vang vọng giữa chúng ta:
Hỡi các Kitô hữu, hãy nghiêm túc hơn trong mọi chuyển động của mình;
Đừng như một chiếc lông vũ trong mỗi cơn gió,
Và đừng nghĩ rằng mọi thứ nước đều có thể thanh tẩy mình. [5]
Lạy Chúa, chúng con loan truyền
việc Chúa chịu chết
và tuyên xưng
việc Chúa sống lại
cho tới khi Chúa lại đến
[1] Friedrich Nietzsche, Khoa học đồng tính, số. 125.
[2] Friedrich Nietzsche, Ecce homo, 1888.
[3] Martin Heidegger, Hữu thể và Thời gian, II, ch. 2-3.
[4] F. Nietzsche, Jenseits von Gut und Böse, Leipzig 1886.
[5] Paradise, V, 73-75 (Bản dịch của H. Wadsworth Longfellow).
Source:Holy See Press Office
Những người theo Chúa Giêsu
Từ lịch sử, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã chết vì Người bị thẩm quyền Do Thái kết án tử hình và giao Người cho người La Mã để hành quyết. Người bị xử tử, vì Người nói rằng Người là Đấng Mêxia, Con Thiên Chúa, là Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho quyền phán xét mọi người. Lời tuyên bố này bị coi là phạm thượng, nên Thượng công nghị Do Thái cho rằng Người phải chết. Thượng công nghị Do Thái tuân theo lời dạy của Môsê một cách nghiêm nghặt. Họ không tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêxia. Trong suốt dòng lịch sử Israel, các ngôn sứ thường phải chịu những bất công khi thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao phó.
Trên đây, Cha Pelavendran đã nói về một số người chống lại Chúa Giêsu. Họ đã gây ra rất nhiều đau đớn và nhục mạ cho Chúa Giêsu. Giờ đây, cha muốn nhắc đến những người đã yêu mến, tin cậy và đi theo Chúa Giêsu suốt cuộc đời và sự chết của Người.
Đức Trinh Nữ Maria
Mẹ của Chúa Giêsu là người trung thành nhất trong số các môn đệ của Người. Từ biến cố Truyền Tin đến biến cố Đóng Đinh của Con mình, Đức Maria có thể được coi là sự xác minh tối hậu của Thiên Chúa đối với ý chí tự do. Ngài đã vâng lời Thiên Chúa khi Người sai Thiên Thần Gabrien đến với ngài. Ngài còn rất trẻ, nhưng đức tin của ngài vào Thiên Chúa rất mạnh mẽ. Ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa yêu cầu ngài. Ngài và Thánh Giuse là cha mẹ rất yêu thương. Các ngài đã bảo vệ Chúa Giêsu từ khi Người ra đời, và trong suốt những năm Người trưởng thành. Các ngài dạy Người và đưa Người đến đền thờ, nơi Người học luật Do Thái về Thiên Chúa.
Thánh Giuse qua đời trước khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, nhưng Đức Maria vẫn tiếp tục theo Chúa Giêsu cho đến chết. Đức Maria thực sự là tông đồ đầu tiên của Người. Ngài là người đầu tiên hôn lên mặt Chúa và là người đầu tiên tin Chúa Giêsu là Cứu Chúa của mình. Ngài là Kitô hữu đầu tiên. Có lẽ ngài cũng là môn đệ duy nhất của Chúa Giêsu không bao giờ lìa bỏ Người hay nghi ngờ Người. Ngài đã ở lại và chấp nhận cho đến cùng, ngay cả khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh giá. Trải qua các thời đại, Đức Maria khóc than của Thập giá chứng kiến sự tra tấn và cái chết của con trai mình đã liên đới với tất cả các tín hữu cũng đau khổ và sống dưới bóng của Thập giá. Bạn có thể tưởng tượng Đức Maria cảm thấy thế nào khi chứng kiến con mình chết một cách khủng khiếp như vậy không? Ngài bất lực và tất cả những gì ngài có thể làm là đứng nhìn. Ngài ở lại dưới chân Thánh Giá cho đến cùng. Ngài không bao giờ rời đi cả buổi sáng và ở đó vào buổi chiều khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng. Khi xác Chúa được hạ xuống khỏi Thánh Giá, ngài đã theo Chúa tới mồ. Ngài muốn ở lại với Người càng lâu càng tốt, mặc dù ngài đau lòng khi nhìn thấy Người đau khổ. Đức Maria yêu con trai mình rất nhiều, Ngài không muốn rời xa Người ngay cả sau khi Người đã chết.
Là Kitô hữu, chúng ta biết mình phải chấp nhận rằng đau khổ và cái chết chỉ là một phần của cuộc sống. Không dễ dàng hơn khi chúng ta đang sống qua nó, nhưng chúng ta nên nhìn vào Đức Maria như một tấm gương. Chúng ta có thể bắt chước sức mạnh và sự dũng cảm của ngài vì lợi ích của gia đình và làm bất cứ điều gì chúng ta có thể vì tình yêu thương, điều đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những thời điểm đó. Đức Maria đã thể hiện tình yêu thương, lòng dũng cảm và sức mạnh phi thường.
Thánh Phêrô tông đồ
Thánh Phêrô là một ngư phủ. Ngài và anh trai Anrê, là một trong bốn môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu kêu gọi và các ngài bỏ lại mọi thứ phía sau, kể cả thuyền và dụng cụ đánh cá. Phêrô luôn là một nhà lãnh đạo. Ngài muốn bảo vệ Chúa Giêsu và giữ Người an toàn. Khi Chúa Giêsu nói với ngài rằng Người sẽ chịu khổ hình và chịu chết, Phêrô không tin. Khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Diệsimani, Phêrô rút gươm chém đứt tai người lính. Phêrô đã ở với Chúa Giêsu và chứng kiến tất cả các phép lạ, kể cả việc chữa lành mẹ vợ của ngài, và tại nhà của Giaia. Phêrô có mặt trong biến cố biến hình, trong bữa ăn tối cuối cùng và ở Vườn Diệsimani. Trong cuộc khổ nạn, ngài theo Chúa Giêsu trên đường lên đồi Canvê. Chúa Giêsu trao cho ngài chìa khóa để ngài trở thành người đứng đầu Giáo Hội. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên của chúng ta, dù đã chối Chúa ba lần.
Thánh Gioan Tông đồ
Ngay từ đầu thừa tác vụ công khai, Chúa Giêsu đã chọn Gioan và anh ngài làm môn đệ. Hai người là con trai của Zêbêđê một người đánh cá. Chúa Giêsu gọi họ là “Những đứa con của sấm sét”. Đó là một danh hiệu mà Giacôbê và Gioan có được nhờ sự phán đoán nhanh chóng của họ về người khác và sự nhiệt tình háo hức của họ. Các sách Tin Mừng trao cho Gioan một vị trí quan trọng trong số mười hai tông đồ. Ngài là một trong bốn môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi.
Ngay từ đầu việc kêu gọi, Gioan đã luôn ở với Chúa Giêsu. Ngài là một trong số ít người ở với Chúa Giêsu trong thừa tác vụ công khai. Ngài có lẽ là một trong số ít môn đệ được chứng kiến tất cả các phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện. Trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, Gioan đã ở với Người. Ngài thậm chí còn ở dưới chân Thập giá khi Chúa Giêsu chịu khổ hình và chịu chết.
Thánh Gioan cũng là tác giả của Tin Mừng thứ tư. Tin Mừng của ngài là Tin Mừng duy nhất cho chúng ta biết rằng Thánh Gioan và Đức Maria nằm trong số những người ở dưới chân Thánh giá khi Chúa Giêsu qua đời. Khi Chúa Giêsu hấp hối, Người nhìn xuống họ và phán; “Thưa bà, đây là con bà!” Rồi Người nói với môn đệ, “Đây là mẹ con.” Và từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19:26–27) Khi Chúa Giêsu nói điều này, thực ra Người đang ban Đức Maria cho tất cả chúng ta trong tư cách Mẹ thiêng liêng của chúng ta. Thánh Gioan dưới chân Thánh Giá là một người bạn trung thành. Chung thuỷ và trung thành chính là Tình Yêu.
Viên Bách quản La Mã
Trong Kinh Thánh, chúng ta được thoáng thấy viên bách quản La Mã. Ông là chỉ huy của hơn 100 binh sĩ trong quân đội La Mã. Ông chịu trách nhiệm giám sát việc đóng đinh Chúa Giêsu. Ông có thể chịu trách nhiệm bắt giữ Chúa Giêsu. Và ông sẽ đồng hành với Chúa Giêsu trên đường Gôngôtha. Ông có lẽ đã chủ trì việc đóng đinh hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn người đàn ông và có lẽ đã trở nên vô cảm trước nỗi thống khổ mà những người đàn ông này phải chịu đựng.
Viên Bách quản La Mã này được đề cập trong ba trình thuật Tin Mừng. Ông không được nhắc đến vì sự tàn ác của mình, nhưng vì một sự biến đổi kỳ diệu xảy ra khi Chúa Giêsu qua đời. Hầu hết những người đàn ông bị đóng đinh là tội phạm, kẻ trộm và kẻ giết người. Họ kêu gào trong đau đớn và van xin tha mạng. Khi Chúa Giêsu qua đời, ông biết rằng đây không phải là một cuộc hành hình thông thường. Bóng tối, động đất và tiếng kêu bị bỏ rơi của Chúa Giêsu đã thuyết phục những người lính rằng đây KHÔNG phải là một người bình thường. Các sự kiện làm họ khiếp sợ. Viên bách quản La Mã nói rằng người đàn ông này ĐÚNG LÀ CON THIÊN CHÚA.
Tên Trộm Tốt lành
Nhờ Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta biết rằng có hai tên trộm bị đóng đinh với Chúa Giêsu, ở hai bên Người. Một trong những tên trộm nhạo báng Chúa Giêsu rằng: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình và cứu chúng tôi!” Nhưng tên trộm kia nói với anh ta: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:39.43) Tên tội phạm thứ hai này được chúng ta biết đến với cái tên Thánh Dismas, ông là vị thánh bảo trợ của tất cả tội phạm và tù nhân, đặc biệt là những tên trộm.
Maria Mađalêna
Tin Mừng Thánh Luca cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã đuổi bảy con quỷ ra khỏi Maria Mađalêna. Thánh Luca cũng nói với chúng ta rằng bà vừa đổ dầu thơm đắt tiền lên chân Chúa Giêsu vừa khóc. Bà lau khô chân Người bằng mái tóc dài của mình. Maria Mađalêna, Đức Maria mẹ của Chúa Giêsu và một số phụ nữ khác đã đi theo Chúa Giêsu trên đường đến Gôngôtha, và ở lại dưới chân Thập giá, thậm chí đi theo đến nơi chôn cất Người. Bà là một môn đệ trung thành, theo Chúa Giêsu trong hầu hết thừa tác vụ công khai, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người.
Giuse Arimathêa và Nicôđêmô
Giuse Arimathêa được mô tả là một người đàn ông tốt và công chính, rõ ràng ông rất giàu có và là môn đệ của Chúa Giêsu. Sau khi bị đóng đinh, ông đã xin phép Philatô để tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thánh giá. Với sự giúp đỡ của Nicôđêmô, ông bọc thi thể trong vải lanh mịn và đặt trong ngôi mộ chưa có người chôn của chính mình. Cả hai người này đều là thành viên của Thượng công nghị Do Thái, tức hội đồng tối cao của họ. Các ông là những môn đệ bí mật của Chúa Giêsu. Nicôđêmô bí mật đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm để thảo luận về luật Do Thái.
Cả Giuse lẫn Nicôđêmô đều đã làm một sự hy sinh vĩ đại— Giuse từ bỏ ngôi mộ của mình còn Nicôđêmô trả tiền mua hương liệu và dầu thơm đắt tiền cho việc chôn cất. Tin Mừng Gioan (19:39) nói rằng đó là một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương, một số lượng phi thường. Đây là một hành động yêu thương về phía Giuse và Nicôđêmô. Hai viên chức tôn giáo cao cấp, dốc hết sức mình để tôn vinh Chúa của họ.
Đêm tồi tệ nhất trong cuộc đời họ, khi bóng tối dường như bao trùm thế giới, đã trở thành bình minh của một điều gì đó mới mẻ. Những người nam và nữ chứng kiến phiên tòa, việc đóng đinh, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô đã nhìn thấy nhiều điều mà không lời nào có thể diễn tả được. Những gì họ đã thấy trong cuộc đời của họ, chúng ta đã thấy trong sách thánh, và kết quả giống nhau một cách đáng kinh ngạc. Chúng ta có thể không nhìn thấy Người về mặt thể chất, nhưng chúng ta nhìn thấy Người trong Đức tin của mình.
Kể từ buổi biểu diễn đầu tiên vào năm 2010, màn tái diễn đầy cảm hứng Cuộc Khổ Nạn (The Passion) đã nhanh chóng trở thành một nét rất được mong đợi trong dịp Lễ Phục sinh ở Luân Đôn, thường thu hút ít nhất 20,000 người đến xem hai buổi biểu diễn.
Câu chuyện kỷ niệm ngày Chúa Giêsu bị người La Mã bắt giữ, xét xử và đóng đinh, trước khi sống lại từ cõi chết một cách kỳ diệu vào Chúa nhật Phục sinh, được làm sống động trở lại bởi hơn một trăm diễn viên, mặc trang phục đầy đủ, đi cùng với ngựa, chim bồ câu và thậm chí một con lừa.
Sự thay đổi đáng kể nhất trong quá trình sản xuất năm nay sẽ là sự vắng mặt của James Burke-Dunsmore, nam diễn viên đã đóng vai Chúa Giêsu trong quá trình sản xuất của Wintershall trong hơn 20 năm qua.
Năm nay, sau khi treo mão gai, anh sẽ được thay thế bởi Peter Bergin, giáo viên trung học và diễn viên được đào tạo dưới quyền của anh.
Việc nói chuyện với Peter về tác động của việc đảm nhận vai trò này đã tiết lộ sự phức tạp và tác động dường như cùng một lúc với việc thực hiện một câu chuyện như Cuộc Khổ Nạn, vốn là thành phần cấu tạo ra đức tin của tất cả các Kitô hữu.
Anh nói: “Từ góc độ của một diễn viên, tôi đóng một vai trò có vô số cách diễn giải khác nhau, và có rất nhiều điều để rút ra từ cách người khác thể hiện vai diễn”.
“Nhưng từ quan điểm Kitô giáo và quan điểm tâm linh, bằng cách thực sự dành thời gian để tìm hiểu sâu xa về những gì đang diễn ra trong tâm trí của Chúa Giêsu, trong thời gian mà ngày nay chúng ta gọi là Tuần Thánh, tôi đã có thể có được một cảm nhận về một nhân vật mà tôi đã biết suốt cuộc đời tôi.
“Việc nhận ra những khía cạnh con người hơn của Người đã đặt sự hy sinh vào đúng viễn ảnh của nó. Nói với chúng ta lúc chúng ta còn là những đứa trẻ rằng Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chết trên thập giá là điều tốt, nhưng điều đó có vẻ rất trừu tượng.
“Khi bạn đang diễn tập một cảnh đóng đinh và phải suy nghĩ về sự thống khổ phải đi trên đường thập giá như vậy, điều đó thực sự giúp bạn đặt được điều đó vào viễn ảnh và cho bạn thấy sự hy sinh đó vĩ đại như thế nào.
“Đây là cơ hội để tôi lớn lên trong đức tin và gần gũi hơn với Chúa Giêsu.”
Lớn lên trong khu vực, Bergin khi còn là một cậu bé thường xem các tác phẩm Cuộc đời của Chúa Kitô và Chúa giáng sinh, được dàn dựng tại Điền trang Wintershall ở Surrey. Được đào tạo như một diễn viên trong ba năm, hiện anh đang làm giáo viên tiếng Anh tại Trường St. John Baptist ở Woking.
Bất chấp định hướng Kitô giáo rõ ràng, cả Peter lẫn Charlotte de Klee, nhà sản xuất, đều rất muốn nhấn mạnh tính bao gồm của biến cố.
Peter nói: “Những vở kịch này rất quan trọng để tiếp cận những người theo tín ngưỡng khác, hoặc những người không có đức tin, để cho họ thấy chúng ta có điều gì đó đặc biệt. Đó không phải là cơ hội để đứng trên bục giảng và thuyết giảng.
“Nó chỉ đơn giản là cho thấy một con người có một thông điệp mạnh mẽ và thông điệp đó là tình yêu. Có cơ hội để chia sẻ điều đó trên một sân khấu lớn như vậy ở trung tâm Luân Đôn là một dịp may tuyệt vời.”
Charlotte lặp lại một tình cảm tương tự. Cô nói: “Chúng tôi không nói với mọi người rằng họ phải tin vào điều đó. Chúng tôi không rao giảng. Không có phụng vụ. Chúng tôi chỉ đang kể câu chuyện Tin Mừng. Những người mà chúng tôi đang cho xem có thể không bao giờ vào nhà thờ. Chúng tôi có các giáo phái hỗn hợp và những người thuộc mọi tín ngưỡng và không có tín ngưỡng đến xem.
“Tôi nghĩ mọi người chỉ muốn biết Chúa Giêsu là ai. Rất cần được biết con người này là ai, Người đã làm gì và tại sao Người vẫn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng tôi như vậy.”
Peter Hutley, cha của Charlotte, ban đầu dàn dựng Cuộc Khổ Nạn như một lần duy nhất vào năm 1999. Kể từ đó, nó đã phát triển về tầm vóc và sự nổi tiếng theo năm tháng và Peter, hiện đã 96 tuổi, đã truyền cây gậy chỉ huy cho thế hệ tiếp theo của gia đình Hutley, bảo đảm rằng truyền thống này vẫn tồn tại.
Khi được hỏi về tầm quan trọng và di sản của các câu chuyện tôn giáo, chẳng hạn như Cuộc Khổ Nạn được trình diễn ở nơi công cộng, Charlotte nói: “Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng bởi vì với kiến thức, bạn sẽ không còn sợ hãi. Nếu bạn biết về một điều gì đó, thì bạn không phải sợ nó nữa. Với giáo dục, bạn học được rằng tất cả chúng ta đều là con người đang vật lộn để tiến qua cuộc sống.”
Thị trưởng Luâm Đôn Sadiq Khan cho biết: “Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã làm sống động câu chuyện Phục sinh ở Quảng trường Trafalgar trong 12 năm qua và quy tụ hàng nghìn người từ mọi tầng lớp xã hội và bối cảnh để có một trải nghiệm Phục sinh khó quên. Sự kiện độc đáo này cho phép mọi người tôn vinh lòng khoan dung và sự đa dạng của thủ đô chúng ta, đồng thời truyền cảm hứng cho chúng ta tiếp tục nỗ lực hướng tới một Luân Đôn công bằng và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.”
Việc Wintershall và gia đình Hutley có thể dàn dựng những tác phẩm này ở một khu vực như Quảng trường Trafalgar chắc chắn là một minh chứng cho tinh thần cởi mở có thể tìm thấy ở Luân Đôn. Khi gặp khó khăn, bất kể bạn có thể tìm thấy bất cứ sự khác biệt nào, tất cả chúng ta sẽ đoàn kết trong lời cầu nguyện để có được ánh nắng mặt trời.
CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ 2023, TẠI ĐẤU TRƯỜNG CÔLISÊ RÔMA
“Tiếng nói của hòa bình trong một thế giới có chiến tranh”
Lời Cầu nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là “bình an của chúng con” (Eph 2:14).
Trước Cuộc Khổ nạn của Chúa, Chúa đã nói: “Ta để lại bình an cho các con; sự bình an của Ta, Ta ban cho các con; Ta ban cho các con không như thế gian ban cho các con” (Ga 14:27). Lạy Chúa, chúng con cần sự bình an của Chúa, sự bình an mà chúng con không thể xây dựng bằng sức riêng của mình. Chúng con cần được nghe lại những lời mà sau khi sống lại, Chúa đã ba lần củng cố tâm hồn các môn đệ: ‘Bình an cho các con’(Ga 20:19.21.26). Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã vác thập giá vì chúng con, xin Chúa nhìn thế giới của chúng con, đang khao khát hòa bình trong khi máu của anh chị em của Chúa tiếp tục đổ và nước mắt của biết bao bà mẹ mất con trong chiến tranh hòa lẫn với nước mắt của Mẹ thánh của Chúa. Lạy Chúa, Chúa cũng khóc thương Giêrusalem vì nó đã không nhìn nhận con đường hòa bình (x. Lc 19:42).
Đêm nay, con đường thập giá ngoằn ngoèo sau lưng anh chị em, trực tiếp đến từ Đất Thánh. Chúng ta sẽ bước đi, lắng nghe nỗi đau khổ của anh chị em được phản ánh trong nỗi đau khổ của các anh chị em của chúng ta, những người đã và đang đau khổ vì thiếu hòa bình trên thế giới, để cho chúng ta được đâm thấu bởi các chứng từ và những suy tư đã chạm đến tai và trái tim của Đức Giáo Hoàng trong các chuyến tông du của ngài. Chúng là tiếng vọng của hòa bình vang lên trong “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra từng phần”, những tiếng kêu phát xuất từ các quốc gia và khu vực ngày nay bị chia cắt bởi bạo lực, bất công và nghèo đói. Tất cả những nơi đang phải chịu đựng xung đột, hận thù và bách hại đều hiện diện trong lời cầu nguyện của Thứ Sáu Tuần Thánh này.
Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa giáng sinh, các thiên thần đã loan báo: “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2:14). Giờ đây, những lời cầu nguyện của chúng con hướng lên trời cao để kêu gọi “Hòa bình cho trái đất, điều mà nhân loại hằng mong mỏi” (Pacem in Terris, 1). Chúng con cầu nguyện, cầu xin sự bình an mà Chúa đã để lại cho chúng con và chúng con không giữ được. Lạy Chúa Giêsu, Chúa ôm lấy cả thế giới từ trên thập giá: xin Chúa tha thứ cho những lỗi lầm của chúng con, chữa lành tâm hồn chúng con, ban bình an cho chúng con.
Chặng thứ nhất: Chúa Giêsu bị kết án tử hình
(Tiếng nói hòa bình từ Đất Thánh)
Bấy giờ, [Philatô] thả Baraba cho họ, và sau khi đánh đòn Chúa Giêsu, ông giao Người để bị đóng đinh (Mt 27:26).
Baraba hay Chúa Giêsu? Họ phải lựa chọn. Điều này không giống bất cứ sự lựa chọn nào khác: nó liên quan đến việc quyết định mình sẽ đứng ở đâu, có lập trường nào trước những biến cố phức tạp của cuộc đời. Hòa bình, điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn, không phải tự nó sinh ra; thay vào đó, nó chờ đợi quyết định của chúng ta. Rồi, cũng như bây giờ, chúng ta liên tục được mời gọi để lựa chọn giữa Baraba hoặc Chúa Giêsu: nổi loạn hay nhu mì, vũ khí hay nhân chứng, quyền lực con người hay sức mạnh thầm lặng của hạt giống nhỏ bé, quyền lực của thế gian hay của Chúa Thánh Thần. Ở Đất Thánh, dường như sự lựa chọn của chúng ta luôn rơi vào Baraba. Bạo lực dường như là ngôn ngữ duy nhất của chúng ta. Động cơ trả đũa qua lại liên tục được thúc đẩy bởi nỗi đau của chính người ta, điều này thường trở thành tiêu chuẩn duy nhất để phán xét. Công lý và tha thứ không thể nói chuyện với nhau. Chúng ta sống với nhau mà không nhận ra nhau, từ chối sự hiện hữu của nhau, lên án nhau, trong một vòng luẩn quẩn bất tận và ngày càng bạo lực. Trong bối cảnh đầy hận thù và oán giận này, chúng ta cũng được mời gọi để bày tỏ sự phán đoán và đưa ra quyết định của mình. Và chúng ta không thể làm điều này mà không nhìn lên Đấng đã im lặng và bị kết án tử hình: một kẻ thất bại, nhưng là Đấng mà chúng ta đã lựa chọn, đó là Chúa Giêsu. Chúa Kitô mời gọi chúng ta đừng sử dụng tiêu chuẩn của Philatô và của đám đông, nhưng hãy nhìn nhận nỗi đau khổ của người khác, đối thoại với công lý và sự tha thứ và mong muốn ơn cứu độ cho mọi người, kể cả kẻ trộm cướp, kể cả Baraba.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng chúng con!
Khi chúng con tin rằng chúng con luôn đúng: Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng chúng con!
Khi chúng con lên án anh chị em mình mà không kháng cáo: Lạy Chúa Giêsu xin soi sáng chúng con!
Khi chúng con nhắm mắt trước sự bất công: Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng chúng con!
Khi chúng con bóp nghẹt điều tốt quanh mình: Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng chúng con!
Chặng Thứ Hai: Chúa Giêsu Vác Thánh Giá
(Tiếng nói hòa bình của một người di cư từ Tây Phi)
Chính Người đã mang tội lỗi của chúng ta trong thân thể Người trên cây gỗ, để chúng ta chết cho tội lỗi và sống cho sự công chính. Nhờ vết thương của Người mà anh chị em được chữa lành (1 Pr 2:24).
Con đường Thánh Giá của tôi đã bắt đầu từ sáu năm trước, khi tôi rời thành phố của mình. Sau cuộc hành trình mười ba ngày, chúng tôi đến sa mạc và đi qua nó trong tám ngày, gặp những chiếc xe hơi bị cháy, những lon nước rỗng và xác chết, cho đến khi chúng tôi đến Libya. Những người vẫn phải trả tiền cho những kẻ buôn lậu để vượt biên đã bị nhốt và tra tấn cho đến khi họ trả tiền. Một số mất mạng, số khác mất trí. Họ hứa sẽ đưa tôi lên một con tàu đi châu Âu, nhưng các chuyến đi đã bị hủy bỏ và chúng tôi không lấy lại được tiền. Có chiến tranh ở đó và chúng tôi đã đến mức không còn chú ý đến bạo lực và đạn lạc. Tôi đã tìm được công việc như một thợ trát vữa để trả tiền cho việc vượt biển. Cuối cùng tôi lên một chiếc bè với hơn một trăm người. Chúng tôi bơi bè trong nhiều giờ trước khi một con tàu Ý cứu chúng tôi. Tôi tràn trề niềm vui và chúng tôi quỳ xuống để cảm ơn Thiên Chúa. Nhưng rồi, chúng tôi phát hiện ra rằng con tàu đang quay trở lại Libya. Ở đó, chúng tôi bị giam giữ trong một trung tâm giam giữ, nơi tồi tệ nhất trên thế giới. Mười tháng sau, tôi lại lên thuyền. Đêm đầu tiên có sóng lớn, bốn người rơi xuống biển và chúng tôi đã cứu được hai người trong số họ. Tôi ngủ thiếp đi với hy vọng được chết. Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy mọi người đang mỉm cười bên cạnh tôi. Một số ngư dân Tunisia đã kêu cứu, con tàu cập cảng và các tổ chức phi chính phủ đã cho chúng tôi thức ăn, quần áo và chỗ ở. Tôi đã làm việc để trả tiền cho một cuộc vượt biển khác. Đây là lần thứ sáu; sau ba ngày lênh đênh trên biển, tôi đến Malta. Tôi ở trong một trung tâm trong sáu tháng và ở đó tôi mất trí. Mỗi đêm tôi hỏi Thiên Chúa tại sao: tại sao những người như chúng tôi lại coi chúng tôi là kẻ thù? Nhiều người chạy trốn khỏi chiến tranh đang vác thập giá như của tôi.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con!
Khỏi sự kết án dễ dàng đối với người thân cận của chúng con: Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con!
Khỏi phán xét vội vàng: Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con!
Khỏi chỉ trích và những lời vô ích: Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con!
Khỏi những chuyện ngồi lê đôi mách phá hoại: Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con!
Chặng Thứ Ba: Chúa Giêsu ngã lần thứ nhất
(Tiếng nói hòa bình của những người trẻ đến từ Trung Mỹ)
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm (Isaia 53:4-5).
Thanh niên chúng con muốn hòa bình. Tuy nhiên, chúng con thường sa ngã và sự sa ngã có nhiều tên: chúng con bị đánh gục bởi sự lười biếng, sợ hãi, chán nản và cả những hứa hẹn hão huyền về một cuộc sống dễ dàng nhưng bất lương được tạo nên từ lòng tham và sự thối nát. Điều này làm gia tăng chu kỳ buôn bán ma túy, bạo lực, nghiện ngập và bóc lột con người, trong khi quá nhiều gia đình tiếp tục đau buồn vì mất con cái, và sự thiếu trách nhiệm của những kẻ lừa gạt, bắt cóc và giết người vẫn chưa có hồi kết. Làm thế nào chúng con có thể đạt được hòa bình? Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ngã xuống dưới sức nặng thập giá, nhưng rồi Chúa đã đứng dậy, vác lấy thánh giá một lần nữa và mang lại bình an cho chúng con. Chúa thúc đẩy chúng con chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, Chúa thúc đẩy chúng con can đảm dấn thân, mà ngôn ngữ của chúng con gọi là compromiso. Điều này có nghĩa là nói không với nhiều compromisos, với những thỏa hiệp sai lầm giết chết hòa bình. Chúng con có đầy đủ những thỏa hiệp này: chúng con không muốn bạo lực, nhưng chúng con tấn công những người không có suy nghĩ giống chúng con trên mạng xã hội; chúng con muốn một xã hội đoàn kết, nhưng chúng con không nỗ lực để hiểu những người bên cạnh chúng con; tệ hơn, chúng con làm ngơ những người cần chúng con. Lạy Chúa, xin đặt vào lòng chúng con ước mong cho người ngã xuống đất trỗi dậy. Như Chúa làm với chúng con.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin nâng đỡ chúng con!
Khỏi sự lười biếng của chúng con: Lạy Chúa Giêsu, xin nâng đỡ chúng con!
Khỏi những sa ngã của chúng con: Lạy Chúa Giêsu, xin nâng đỡ chúng con!
Khỏi nỗi buồn của chúng con: Lạy Chúa Giêsu, xin nâng đỡ chúng con!
Khỏi việc suy nghĩ rằng việc giúp đỡ người khác không phụ thuộc vào chúng con: Lạy Chúa Giêsu, xin nâng đỡ chúng con!
Chặng Thứ Tư: Chúa Giêsu gặp Mẹ Người
(Tiếng nói hòa bình từ một bà mẹ Nam Mỹ)
Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:34-35).
Năm 2012, một quả bom do quân du kích gài nổ đã làm chân tôi bị thương nặng. Mảnh đạn gây ra hàng chục vết thương trên cơ thể tôi. Vào thời điểm đó, tôi nhớ tiếng la hét của mọi người và máu ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, điều khiến tôi kinh hãi nhất là nhìn thấy đứa con 7 tháng của mình bê bết máu với nhiều mảnh thủy tinh găm vào mặt. Chắc hẳn Đức Maria cảm thấy thế nào khi nhìn thấy khuôn mặt bầm tím và đẫm máu của Chúa Giêsu! Lúc đầu, tôi, một nạn nhân của bạo lực vô nghĩa đó, cảm thấy tức giận và phẫn uất, nhưng sau đó tôi phát hiện ra rằng nếu tôi gieo rắc hận thù, tôi sẽ tạo ra nhiều bạo lực hơn. Tôi nhận ra rằng bên trong và xung quanh tôi có những vết thương sâu hơn vết thương của thể xác. Tôi hiểu rằng nhiều nạn nhân, giống như tôi và thông qua tôi, cần khám phá ra rằng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc đối với họ và chúng ta không thể sống với sự oán giận. Vì vậy, tôi bắt đầu giúp đỡ họ: Tôi nghiên cứu để dạy họ cách ngăn ngừa tai nạn do hàng triệu quả mìn nằm rải rác trên đất nước chúng tôi. Tôi cảm ơn Chúa Giêsu và Mẹ của Người đã khám phá ra rằng lau nước mắt cho người khác không phải là lãng phí thời gian, mà là liều thuốc tốt nhất để chữa lành vết thương cho chính chúng ta.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra Chúa!
Trên những khuôn mặt biến dạng của những người đau khổ: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra Chúa!
Nơi những người bé mọn và nghèo khó: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra Chúa!
Nơi những người kêu cầu một hành động yêu thương: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra Chúa!
Nơi những người bị bách hại vì công lý: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra Chúa!
Chặng Thứ Năm: Simong người Kyrênê vác thập giá giúp Chúa Giêsu
(Tiếng nói hòa bình của ba người di cư từ Châu Phi, Nam Á và Trung Đông)
Khi điệu Chúa Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simong, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Chúa Giêsu (Lc 23:26).
[1] Tôi là người bị tổn thương bởi hận thù. Một khi bạn trải qua sự thù hận, bạn sẽ không quên nó, nó sẽ thay đổi bạn. Hận thù có những hình thức khủng khiếp. Nó khiến con người sử dụng súng không chỉ để bắn người khác mà còn để bẻ gãy xương của họ trong khi người khác đứng nhìn. Có một khoảng trống tình yêu trong tôi khiến tôi cảm thấy mình như một gánh nặng vô dụng. Ai sẽ là người Kyrênê cho tôi?
[2] Tôi sống cuộc sống của tôi trên đường: Tôi trốn bom, dao, đói và đau. Tôi đã bị đẩy lên một chiếc xe tải, bị giấu trong những chiếc hòm, bị ném lên những chiếc thuyền không an toàn. Tuy nhiên, cuộc hành trình của tôi vẫn tiếp tục để đến một nơi an toàn, một nơi mang lại tự do và cơ hội, nơi tôi có thể cho và nhận tình yêu, thực hành đức tin của mình và nơi hy vọng là điều có thực chất. Ai sẽ là người Kyrênê cho tôi?
[3] Tôi thường được hỏi: Bạn là ai? Tại sao bạn ở đây? Thân phận của bạn là gì? Bạn có muốn ở lại không? Bạn sẽ đi đâu? Đây không phải là những câu hỏi nhằm mục đích làm tổn thương, nhưng chúng làm tổn thương. Họ giản lược lòng hy vọng của tôi vào việc kiểm tra các ô của tờ đơn. Tôi phải chọn người nước ngoài, nạn nhân, người tầm trú, người tị nạn, người di cư hoặc người khác. Tuy nhiên, điều tôi muốn viết là con người, anh em, bạn bè, tín hữu, láng giềng. Ai sẽ là người Kyrênê cho tôi?
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con!
Khi chúng con coi thường Chúa trong điều bất hạnh: Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con!
Khi chúng con làm ngơ Chúa trong những người cần giúp đỡ: Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con!
Khi chúng con bỏ rơi Chúa trong tình trạng không thể tự vệ: Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con!
Khi chúng con không phục vụ Chúa trong những người đau khổ: Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con!
Chặng Thứ Sáu: Bà Veronica lau mặt Chúa Giêsu
(Tiếng nói của hòa bình từ một linh mục dòng từ bán đảo Balkan)
Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. (Mt 25:34-36).
Tôi là một mục tử bốn mươi tuổi khi chiến tranh nổ ra: một số lính canh có vũ trang vào nhà xứ và đưa tôi đến một trại, nơi tôi đã ở đó bốn tháng. Chúng thật khủng khiếp: thiếu những điều kiện vệ sinh tối thiểu, chúng tôi phải chịu đói khát mà không thể tắm rửa, cạo râu. Chúng tôi bị ngược đãi, đánh đập và tra tấn bằng nhiều đồ vật khác nhau. Họ đưa tôi ra ngoài, thậm chí năm lần một ngày, nhất là vào ban đêm, gọi tôi là “Mục tử” và đánh đập tôi. Ngoài những việc khác, họ đã đánh gãy ba chiếc xương sườn và đe dọa rút móng tay của tôi, rắc muối vào vết thương của tôi và lột da sống của tôi. Có lần quá khó để cưỡng lại, tôi đã cầu xin lính canh giết tôi, vì tôi tin chắc rằng họ sẽ làm điều đó bằng mọi cách. Người lính canh trả lời tôi: “Anh sẽ không chết dễ dàng như vậy đâu; vì anh, chúng tôi sẽ nhận được một trăm năm mươi người của chúng tôi ”. Những lời đó đã đánh thức lại trong tôi hy vọng sống sót. Tuy nhiên, tôi sẽ không thể tự mình gánh chịu tất cả những điều ác đó, nếu không có Thiên Chúa: lời cầu nguyện, được lặp đi lặp lại trong trái tim, đã tạo ra những điều kỳ diệu. Và Chúa Quan phòng đã đến, dưới hình thức viện trợ và lương thực, thông qua một phụ nữ Hồi giáo, Fatima, người đã tìm cách tiếp cận tôi, vượt qua hận thù. Đối với tôi, cô ấy giống như bà Veronica đối với Chúa Giêsu. Giờ đây, cho đến cuối đời, tôi chứng kiến sự khủng khiếp của chiến tranh và kêu lên: Không bao giờ có chiến tranh nữa!
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện rằng: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con cái nhìn của Chúa!
Xin cho chúng con có thể yêu thương những người không được yêu thương: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con cái nhìn của Chúa!
Xin cho chúng con có thể giúp đỡ những ai lạc lối: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con cái nhìn của Chúa!
Xin cho chúng con có thể chăm sóc những người bị bạo hành: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con cái nhìn của Chúa!
Xin chúng con có thể chào đón những ai ăn năn vì tội ác: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con cái nhìn của Chúa!
Chặng Thứ Bảy: Chúa Giêsu ngã lần thứ hai
(Tiếng nói hòa bình của hai thiếu niên đến từ Bắc Phi)
“Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25:37-40).
[1] Tôi là Giuse, và tôi mười sáu tuổi. Tôi đến trại dành cho những người tản cư trong nước cùng với cha mẹ tôi vào năm 2015 và đã sống ở đó hơn tám năm. Nếu có hòa bình, tôi đã ở lại ngôi nhà nơi tôi sinh ra và tận hưởng tuổi thơ của mình. Ở đây cuộc sống không tốt. Tôi lo sợ cho tương lai, cho chính tôi và cho những người trẻ khác. Tại sao chúng tôi phải chịu đựng trong trại dành cho những người tản cư trong nước? Bởi vì những cuộc xung đột đang diễn ra ở đất nước tôi, nơi đã bị chiến tranh tàn phá từ lâu. Không có hòa bình, chúng tôi sẽ không thể vực dậy được nữa. Hòa bình luôn được hứa hẹn, nhưng chúng tôi tiếp tục gục ngã dưới sức nặng của chiến tranh, thập giá của chúng tôi. Tôi cảm ơn Chúa đã nuôi nấng chúng tôi như một người cha, và rất nhiều người đàn ông và đàn bà rộng lượng mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết và những người đã giúp đỡ chúng tôi, cho phép chúng tôi sống sót.
[2] Tôi là Johnson và kể từ năm 2014, tôi đã sống trong một trại khác dành cho những người di tản trong nước ở Khu B, Phần Hai. Tôi mười bốn tuổi, và tôi đang học lớp ba. Ở đây cuộc sống không tốt; nhiều trẻ em không được đến trường vì không có đủ giáo viên và trường học cho tất cả mọi người. Nơi này quá nhỏ và đông đúc, thậm chí không có chỗ để chơi bóng đá. Chúng tôi muốn hòa bình để chúng tôi có thể trở về nhà. Hòa bình là tốt, chiến tranh là xấu. Tôi muốn nói điều này với các nhà lãnh đạo thế giới. Và tôi yêu cầu tất cả bạn bè của tôi cầu nguyện cho hòa bình.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con mạnh mẽ!
Trong lúc thử thách: Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con mạnh mẽ!
Trong nỗ lực xây dựng những nhịp cầu huynh đệ: Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con mạnh mẽ!
Khi vác thập giá: Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con mạnh mẽ!
Trong việc làm chứng cho Tin Mừng: Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con mạnh mẽ!
Chặng thứ tám: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem
(Tiếng nói hòa bình từ Đông Nam Á)
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người (Lc 23:27).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa vác thập giá của Chúa. Và con nghĩ rằng đất nước của con cũng đang vác thập giá của nó. Chúng con là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng chúng con đang bị đè bẹp bởi thập giá xung đột: bạo lực, di cư nội bộ, tấn công vào các nơi thờ phượng… Lạy Chúa Giêsu, đó là một gánh nặng mà chúng con đang vác: con đường thập giá dường như dài vô tận. Những người mẹ của chúng con đã rơi nước mắt và đau buồn trước cái đói của những đứa con của họ. Và giống như họ, con cũng không có nhiều lời để cầu nguyện, nhưng có nhiều nước mắt để dâng. Lạy Chúa, đoàn người dẫn Chúa đến đồi Canvê thật khủng khiếp, nhưng một số phụ nữ đau buồn đã chen qua đám đông vốn bị sự dữ làm suy thoái. Chính họ đã tiếp thêm sức mạnh cho Chúa, những người mẹ không nhìn thấy ở Chúa một con người bị kết án mà là một người con trai. Từ chúng con cũng vậy, một người phụ nữ đã bước ra khỏi đám đông và trở thành người mẹ tinh thần của nhiều người. Bà quỳ xuống để bảo vệ người dân của mình trước sức mạnh của vũ khí được xếp thành hàng và sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, hiền lành cầu xin hòa bình và hòa giải. Lạy Chúa Giêsu, bây giờ cũng như lúc bấy giờ, trong sự hỗn loạn khủng khiếp của hận thù, vũ điệu của hòa bình đã xuất hiện. Và Kitô hữu chúng con muốn trở thành khí cụ của hòa bình. Lạy Chúa Giêsu, xin hoán cải chúng con trở lại với Chúa và ban sức mạnh cho chúng con, vì chỉ một mình Chúa là sức mạnh của chúng con.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin hoán cải chúng con!
Khỏi việc buôn bán vũ khí mà lương tâm không cắn rứt: Lạy Chúa Giêsu, xin hoán cải chúng con!
Khỏi việc phân bổ tiền cho vũ khí thay vì cho thực phẩm: Lạy Chúa Giêsu, xin hoán cải chúng con!
Khỏi ách nô lệ của đồng tiền sinh ra chiến tranh và bất công: Lạy Chúa Giêsu, xin hoán cải chúng con!
Khỏi những ngọn giáo có thể biến thành lưỡi câu: Lạy Chúa Giêsu, xin hoán cải chúng con!
Chặng Thứ Chín: Chúa Giêsu ngã lần thứ ba
(Tiếng nói của hòa bình từ một phụ nữ thánh hiến từ Trung Phi)
Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (Ga 12:24-25).
Vào ngày 5 tháng 12 năm 2013, lúc 5 giờ sáng, tôi bị đánh thức bởi âm thanh của vũ khí. Quân nổi dậy đang xâm chiếm thủ đô. Mọi người đều chạy và cố gắng ẩn nấp, nhưng tất cả chỉ là cái chết nếu băng qua đường đạn lạc. Đây là khởi đầu của những đau khổ không thể diễn tả được: giết chóc, mất mát người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Em gái tôi biến mất và không bao giờ trở lại, điều đó khiến cha tôi bị tổn thương. Người đã rời bỏ chúng tôi vài năm sau đó sau một trận ốm ngắn. Tôi tiếp tục khóc. Trong thung lũng đầy nước mắt và “tại sao”… tôi đã nghĩ đến Chúa Giêsu. Người cũng gục ngã trước sức nặng của bạo lực, thậm chí đến mức phải thốt lên trên thập giá: “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con?”. Tôi liên kết câu hỏi “tại sao” của tôi với câu hỏi của Người và một câu trả lời đã đến với tôi: hãy yêu như Chúa Giêsu yêu con. Đây là ánh sáng giữa bóng tối. Tôi hiểu rằng tôi phải rút tỉa sức mạnh để yêu thương. Kể từ đó, mỗi khi hòa bình đôi chút, tôi đi tham dự Thánh lễ. Để đến được giáo xứ, tôi phải đi nhiều con đường và đi qua ít nhất ba rào cản của phiến quân. Tuy nhiên, hết Thánh Lễ này đến Thánh Lễ khác, một niềm xác tín lớn dần lớn lên trong tôi: mặc dù thực tế đã mất tất cả, kể cả ngôi nhà nơi tôi lớn lên, mọi thứ đều qua đi ngoại trừ Thiên Chúa. Điều này đã nâng tôi lên và cùng với một số bạn bè, chúng tôi bắt đầu tập hợp một số trẻ em đang đóng vai những người lính để cố gắng truyền đạt cho các em, những người là tương lai, các giá trị Tin Mừng là giúp đỡ lẫn nhau, tha thứ và trung thực, để ước mơ hòa bình có thể trở thành sự thật.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con!
Khỏi nỗi sợ không được yêu thương: Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con!
Khỏi sợ bị hiểu lầm: Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con!
Khỏi nỗi sợ bị lãng quên: Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con!
Khỏi sợ thất bại: Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con!
Chặng thứ mười: Chúa Giêsu bị lột áo
(Tiếng nói hòa bình của các bạn trẻ Ukraine và Nga)
[Những người lính] đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Điều này ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn”. (Mc 15:24; Ga 19:24).
[1] Năm ngoái, bố mẹ tôi đã đưa tôi và em trai út của tôi đến Ý, nơi bà của chúng tôi đã làm việc hơn hai mươi năm. Chúng tôi rời Mariupol vào ban đêm. Tại biên giới, những người lính ngăn cha tôi lại và nói với ông rằng ông phải ở lại Ukraine để chiến đấu. Chúng tôi tiếp tục đi bằng xe buýt trong hai ngày nữa. Khi chúng tôi đến Ý, tôi rất buồn. Tôi cảm thấy bị tước bỏ mọi thứ: hoàn toàn trắng tay. Tôi không biết ngôn ngữ và không có bạn bè. Bà tôi đã cố gắng hết sức để khiến tôi cảm thấy may mắn nhưng tôi chỉ biết nói rằng tôi muốn về nhà. Cuối cùng gia đình tôi quyết định quay trở lại Ukraine. Ở đây tình hình tiếp tục khó khăn: có chiến tranh ở tất cả các bên, thành phố bị phá hủy. Tuy nhiên, trong trái tim tôi vẫn còn niềm tin chắc chắn mà bà tôi thường nói với tôi khi tôi khóc: “Mọi sự rồi sẽ qua, con sẽ thấy. Và với sự giúp đỡ của Chúa nhân lành, hòa bình sẽ trở lại”.
[2] Mặt khác, tôi đến từ Nga… như tôi nói, tôi gần như cảm thấy tội lỗi, nhưng đồng thời tôi không hiểu tại sao và tôi cảm thấy tồi tệ gấp đôi. Tôi cảm thấy bị tước đoạt hạnh phúc và những ước mơ cho tương lai. Tôi đã thấy bà và mẹ tôi khóc trong hai năm. Một lá thư báo cho chúng tôi biết rằng anh cả của tôi đã chết; Tôi vẫn nhớ anh ấy vào ngày sinh nhật thứ mười tám, tươi cười và rạng rỡ như mặt trời, và tất cả những điều này chỉ diễn ra vài tuần trước khi lên đường cho một hành trình dài. Ai cũng bảo chúng tôi nên tự hào, nhưng ở nhà chỉ có nhiều đau khổ và buồn bã. Điều tương tự cũng xảy ra với cha và ông tôi: họ cũng đã bỏ đi và chúng tôi không biết gì hơn. Một số bạn cùng lớp của tôi vô cùng sợ hãi đã thì thầm vào tai tôi rằng có chiến tranh. Khi trở về nhà, tôi đã viết một lời cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho thế giới được bình an và tất cả chúng con là anh chị em với nhau.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thanh tẩy chúng con!
Khỏi oán hận và cay đắng: Lạy Chúa Giêsu, xin thanh tẩy chúng con!
Khỏi những lời nói và phản ứng bạo lực: Lạy Chúa Giêsu, xin thanh tẩy chúng con!
Khỏi những thái độ tạo nên chia rẽ: Lạy Chúa Giêsu, xin thanh tẩy chúng con!
Khỏi tìm kiếm vẻ đẹp đẽ bằng cách hạ nhục người khác: Lạy Chúa Giêsu, xin thanh tẩy chúng con!
Chặng thứ mười một: Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá
(Tiếng nói hòa bình của một người trẻ đến từ vùng Cận Đông)
Và cùng với Người, họ đóng đinh hai tên cướp, một tên bên phải và một tên bên trái.
Và những người đi qua, lắc đầu chế giễu mà nói: “Aha! Nó là người sẽ phá hủy đền
thờ và xây lại trong ba ngày, hãy tự cứu lấy mình và xuống khỏi thập giá!” (Mc 15:27-30).
Vào năm 2012, một nhóm cực đoan vũ trang đã xâm chiếm khu phố của chúng tôi và bắt đầu giết những người thường dân bên ngoài và bên trong các tòa nhà chung cư bằng súng đạn! Lúc đó, tôi mới chín tuổi, nhưng tôi nhớ rõ nỗi khổ của cha mẹ tôi; vào buổi tối, chúng tôi ôm lấy nhau và cầu nguyện, vì ý thức được thảm cảnh trước mắt chúng tôi. Càng ngày chiến tranh càng trở nên tàn khốc hơn.
Trong một thời gian dài chúng tôi không có điện và nước, và giếng được đào khắp nơi. Thực phẩm là một vấn nạn hàng ngày. Vào năm 2014, trong khi chúng tôi đang trên ban công, một trái bom phát nổ trước nhà, đánh bật chúng tôi vào trong nhà và kính cùng cát đá gỗ đè ập lên chúng tôi! Vài tháng sau, một trái bom rơi trúng phòng ba mẹ em. May mắn thay, ba mẹ được sống sót một cách kỳ diệu và miễn cưỡng quyết định phải di tản khỏi đất nước. Một
cuộc “ngã ngựa” bởi vì, sau nhiều cố gắng bám trụ tại quê hương, cuối cùng chúng tôi đành liều chết để vượt biên... Nhưng bất hạnh thay tầu chúng tôi bị chạm vào đá ngầm, đành chờ cho tới bình minh lên và được một tàu tuần duyên cứu vớt.
Sau khi được cứu, người dân địa phương đã chào đón chúng tôi với vòng tay rộng mở và cảm thông những thống khổ của chúng tôi. Chiến tranh là thập giá của cuộc đời chúng tôi. Chiến tranh đã hỷ diệt hy vọng của chúng tôi. Ở quê hương chúng tôi, nhiều gia đình, trẻ em và người già cả không còn hy vọng, và thậm chí không có hy vọng vì sau chiến tranh còn bị những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nữa! Nhân danh Chúa Giêsu, Đấng mở rộng cánh tay trên cây thánh giá, mở rộng cánh tay với nhân dân con!
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con!
Khỏi việc không thể đối thoại với nhau! Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con!
Khỏi những ngờ vực và nghi ngờ! Lạy Chúa Giêsu Xin chữa lành chúng con!
Khỏi thiếu kiên tâm và vội vã: Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con!
Khỏi việc khép kín vào chính mình và cô lập: Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con!
Chặng Thứ Mười Hai: Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh giá! Người tha thứ cho
những kẻ đóng đinh Người
(Tiếng nói hòa bình của một người mẹ đến từ Tây Á)
Chúa Giêsu kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho chúng; vì chúng không biết việc chúng làm”. Bấy giờ là khoảng giờ thứ sáu, và màn đêm bao trùm tất cả cho đến giờ thứ chín, khi mặt trời lặn; bức màn trong đền thờ bị xé làm đôi. Bấy giờ Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha!” Nói xong, Người trút hơi thở cuối cùng (Lc 23,34.44-46).
Ngày 6 tháng 8 năm 2014, thành phố nơi tôi sinh sống bị dội bom. Những kẻ khủng bố đã ở tấn công... Sau ba tuần, họ chiếm nhiều thành phố và làng mạc lân cận, họ đối xử tàn nhẫn với dân chúng. Vì vậy, chúng tôi phải chạy trốn, dù sau ít ngày chúng tôi lại tìm về nhà. Một buổi sáng, trong khi chúng tôi đang bận rộn với việc nấu nướng và lũ trẻ chơi đùa trước nhà, chúng tôi nghe thấy tiếng bom nổ... Tôi chạy ra ngoài. Tiếng lũ trẻ chơi đùa không còn nữa, mà chỉ là tiếng la hét của người lớn. Con trai tôi, anh trai nó và cô hàng xóm đang chuẩn bị kết hôn đã bị chết. Việc ba người thân bị chết, bắt buộc chúng tôi phải chạy trốn! nếu không muốn rơi vào tay bọn khủng bố. Tuy nhiên, đức tin giúp tôi hy vọng, vì tôi xác tín rằng những người thân yêu của tôi đã chết đang được vòng tay Chúa Giêsu ôm ẵm. Và chúng tôi, những người sống sót, cố gắng tha thứ cho kẻ khủng bố vì Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành quyết Người. Trong cơn chết chóc, chúng con vẫn tin tưởng vào Chúa, suối nguồn sự sống. Chúng con muốn theo Chúa và làm chứng rằng tình yêu của Chúa thì mạnh mẽ hơn tất cả mọi thù hận!
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con!
Yêu như Chúa đã yêu chúng con: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con!
Tha thứ như Chúa đã thứ tha cho chúng con: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con! Biết đi bước đầu trong hòa giải: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con!
Biết làm điều thiện mà không đòi đền đáp: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con!
Chặng Thứ Mười Ba: Tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá
(Tiếng nói hòa bình của một nữ tu đến từ Đông Phi)
Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Có phải gian truân, hoạn nạn, bắt bớ, đói kém, trần truồng, nguy hiểm, hay gươm giáo? Không, chính tình yêu của Đấng đã hiến thân vì yêu thương chúng ta gắn kết chúng ta lại với Người (Rm 8:35.37).
Vào ngày 7 tháng 9 năm 2022, ngày mà đất nước chúng tôi ăn mừng Hiệp định độc lập toàn quốc. Thình lình lại xảy ra một biến cố làm tan biến niềm vui của chúng tôi: Một nữ tu, là người truyền giáo lâu năm của Dòng cho vùng đất này đã bị giết. Những kẻ khủng bố xông vào nhà dòng, bắn chết sơ một cách không thương tiếc. Ngày mừng độc lập đã trở thành ngày tang thương: nỗi sợ hãi và sự bất an tràn ngập tâm lòng chúng tôi. Kinh nghiệm của hàng trăm gia đình chứng kiến cái chết thương tâm của người thân đã trở thành hiện thực với chúng tôi:
Trong vòng tay của chúng tôi là thi thể bất động của một người chị em. Thật không dễ để chấp nhận một thảm trạng như thế trong cộng đoàn, Cũng như không dễ gì nhìn thấy ngôi nhà và tài sản của chính mình biến thành tro bụi và tương lai trở nên tăm tối! Nhưng đó là cuộc sống của người dân tôi, nó cũng là cuộc sống của sơ. Chúng ta đã nghe biết và học nơi Đức Trinh Nữ Maria, người thiếu nữ quê làng Naaarét, đã đón nhận Chúa Giêsu trong tâm hồn và ngậm chìm trong tình yêu với Người bằng đức tin, chúng ta cũng không bao giờ được chùn bước trước những ước mơ một tương lai hy vọng, hòa bình và hòa giải. Vì tình yêu của Chúa Kitô Phục Sinh luôn tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta; vì chính Chúa là hòa bình của chúng ta, Chúa đã chiến thắng phục sinh để cứu chúng ta. Và không gì có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu của Người.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con!
Lạy Mục Tử Nhân Lành, đã hiến mạng vì đàn chiên: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con!
Chúa, Đấng đã tiêu diệt sự chết bằng chính cái chết của mình: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con!
Chúa, Đấng đã làm cho sự sống bùng lên từ trái tim bị đâm thâu của Chúa: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con!
Chúa, Đấng từ ngôi mộ đã làm bùng sáng cho tương lai: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con!
Chặng thứ mười bốn: Chúa Giêsu được mai táng trong mồ
(Tiếng nói hòa bình của các cô gái trẻ đến từ Nam Phi)
Sau đó, ông Giuse, người Arimathêa, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Chúa Giêsu xuống... Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giuse hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô cũng đến... Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Chúa Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn (Ga 19:38-40)
Lúc đó là tối Thứ Sáu khi quân phiến loạn lục soát làng chúng tôi. Chúng bắt rất nhiều con tin theo khả năng của chúng, phát vãng bất cứ ai họ thấy và bắt chúng tôi mang vác những gì chúng cướp được. Trên đường, chúng giết nhiều đàn ông bằng súng hoặc dao. Chúng dẫn các phụ nữ tới một công viên. Mỗi ngày chúng tôi bị ngược đãi về thể xác và tâm hồn. Bị lột quần áo và bị chà đạp nhân phẩm, chúng tôi sống trần trụi không lối thoát. May thay một ngày, khi phiến quân đưa chúng tôi đi lấy nước từ sông, tôi đã trốn thoát được. Quê tôi ngày nay vẫn là chốn đầy nước mắt và khổ đau. Khi Đức Thánh Cha đến tông du lục địa của chúng tôi, chúng tôi đã đặt dưới thánh giá Chúa Giêsu bộ quần áo của những người đàn ông vũ trang, những người vẫn đe dọa chúng tôi, làm chúng tôi sợ hãi. Nhân danh Chúa Giêsu, chúng tôi tha thứ cho họ vì tất cả những gì họ đã làm cho chúng tôi. Chúng tôi xin Chúa ban cho ơn chung sống hòa bình và tôn trọng nhân quyền. Chúng tôi biết và tin rằng ngôi mộ không phải là nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến một cuộc sống mới ở Giêrusalem trên trời.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin gìn giữ chúng con!
Trong niềm hy vọng, chứ không thất vọng: Lạy Chúa Giêsu, xin gìn giữ chúng con!
Trong ánh sáng không hề tắt: Lạy Chúa Giêsu, xin gìn giữ chúng con!
Trong sự tha thứ đổi mới tâm hồn: Lạy Chúa Giêsu, xin gìn giữ chúng con!
Trong bình an cho chúng con được hạnh phúc: Lạy Chúa Giêsu, xin gìn giữ chúng con!
Lời cầu nguyện kết thúc (Mười bốn lời “cảm ơn”)
Lạy Chúa Giêsu, Ngôi Lời hằng hữu của Chúa Cha, Chúa đã câm nín vì chúng con. Và trong thinh lặng đã hướng dẫn chúng con về ngôi mộ của Chúa, vẫn còn một lời chúng con muốn thưa với Chúa, trong khi nhắc lại hành trình Chặng Đàng Thánh Giá mà chúng con đã đi với Chúa: Cảm tạ Chúa
Cảm tạ Chúa, lạy Chúa Giêsu vì sự hiền lành thay cho cao ngạo.
Cảm tạ Chúa, vì Chúa đã can đảm chấp nhận thập giá.
Cảm tạ Chúa, vì sự bình yên tuôn tràn từ vết thương Chúa.
Cảm tạ Chúa, đã ban cho chúng con người Mẹ chí thánh của Chúa và cũng là Mẹ của
chúng con.
Cảm tạ Chúa, vì tình yêu được luôn thể hiện khi chúng con phản bội Chúa!
Cảm tạ Chúa, vì đã biến nước mắt thành nụ cười.
Cảm tạ Chúa, vì đã yêu thương tất cả mọi người, không loại trừ ai.
Cảm tạ Chúa, vì hy vọng Chúa thương ban trong lúc gian nan thử thách.
Cảm tạ Chúa, vì lòng thương xót chữa lành những đau khổ.
Cảm tạ Chúa, vì đã tự hủy để chúng con được nâng lên hàng con Chúa.
Cảm tạ Chúa, vì đã biến thập giá thành cây sự sống.
Cảm tạ Chúa, vì đã tha thứ ngay cho những kẻ hành quyết Chúa.
Cảm tạ Chúa, vì Chúa đã đánh bại thần chết.
Cảm tạ Chúa, lạy Chúa Giêsu vì ánh sáng Ngài thắp lên trong đêm tối. Khi hòa giải mọi chia rẽ, Chúa đã làm cho chúng con thành anh chị em, con cái cùng một Cha trên trời:
Lạy Cha, chúng con ở trên trời...
Chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ 6 Tuần Thánh là truyền thống cổ xưa của Giáo Hội Công Giáo có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và thiêng liêng. Trước khi bước vào nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu cử hành vào buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Lm. Paul Văn Chi chủ sự buổi Chặng Đàng Thánh Giá trọng thể tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly. Chặng Đàng Thánh Giá diễn ra với ba phần chính.
Xem Hình
Mở đầu, Cha Chủ sự đọc lời dẫn nhập khai mạc, sau đó xông hương Thánh Giá và đoàn kiệu bắt đầu tiến đến chặng thứ nhất. Linh Mục đọc lời: Chúng con thờ lậy và ngợi khen Chúa Kitô, và mọi người đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ. Một đạ diện quý Phong Trào Đoàn Thể đọc phần Thánh Kinh và cùng nhau cầu nguyện. Sau đó, cả đoàn người đi tới chặng kế tiếp. Mỗi chặng Đàng Thánh Giá, Linh Mục xông hương Thánh Giá. Trên đường đi cộng đoàn cùng sốt sắng hát bài “Con Đường Chúa Đã Đi Qua”, Giờ Tử Nạn, Stabat Mater, Mẹ Sầu Bi…
Trời bắt đầu mưa, nhưng Cha Chủ sự và mọi người quyết định tiến hành Chặng Đàng Thánh Giá trong mưa gió để kết hợp và đồng hành với Chúa Tử Nạn Thứ 6 Tuần Thánh. Dù trời mưa nhưng đã có hơn 300 giáo dân tới tham dự. Giòng người di chuyển tới mỗi chặng, trên tay người mang dù, kẻ đội mũ và người mặc áo mưa đi trong mưa gió.
Đàng Thánh Giá gồm 14 chặng, mô tả diễn tiến Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, từ khi Người bị kết án cho đến lúc bị đóng đinh trên cây Thập giá, kết thúc là việc được an táng trong hầm mộ.
Các em Thanh Niên Công Giáo mặc quần áo Lính Roma, tay mang đòng, một em đóng vai Chúa Giêsu, một chị đóng vai Đức Mẹ Maria, nhiều chị em phụ nữ mặc quần áo như thời Chúa Giêsu.
Đặc biệt bà Veronica động lòng trắc ẩn và đưa cho Ngài tấm khăn lau mặt để lau máu và mồ hôi trên trán.
Các bài suy niệm chặng Đàng Thánh Giá được biên soạn cho phù hợp với chủ đề mỗi năm. Đàng Thánh Giá gồm 14 chặng, mô tả diễn tiến Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, từ khi Người bị kết án cho đến lúc bị đóng đinh trên cây thập giá, kết thúc là việc được an táng trong hầm mộ.
Sau cùng, cả đoàn người trở lại đứng dưới Thánh tượng Đức Mẹ, Cha Chủ sự đọc lời nguyện kết thúc Chặng Đàng Thánh Giá, cùng nhau chụp một tấm hình lưu niệm, Chặng Đàng Thánh Giá kết thúc lúc 11.15am.
Khanh Lai tường trình
Chiều thứ Năm 06/04/2023 rất đông đủ giáo dân đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta tham dự Thánh lễ Tiệc ly do Cha Tuyên uý Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm chủ tế.
Xem Hình
Sau bài giảng là nghi thức Rửa Chân cho 12 Tông đồ và Cha dâng Thánh lễ tạ ơn. Thánh lễ kết thúc là phần nghi thức kiệu cung nghinh rước Thánh Thể Chúa Giêsu KiTô về nhà Tạm mới để chuẩn bị cho đêm Chầu Thánh Thể Chúa.
Thứ Sáu ngày 07/04/2023 Giáo đoàn Marrickville tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu rất long trọng. Khai mai buổi tưởng niệm Cha Phêrô Trần Văn Trợ Đặc trách Giáo đoàn Marrickville và Cha Chính xứ phủ phục trước bàn thờ và sau đó là phần phụng vụ Lời Chúa.
Kế tiếp là nghi thức diễn tả lại cảnh Chúa bị đóng đinh trên thập giá và suy tôn Thánh giá. Mọi người đến bên Thánh giá cúi đầu thờ lạy. Sau đó là nghi thức tang xác Chúa trong mồ và kết thúc buổi tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Cũng cùng trong ngày Giáo đoàn Cabramatta và các Giáo đoàn khác cũng tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu rất long trọng.
Diệp Hải Dung ghi nhanh.
NGÀY 06/04/2023
Giáo đoàn Thánh Anrê Phú Yên Revesby được thành lập từ ngày 3/2/2002 tại Nhà Thờ St.Luke’s Revesby. Số 1, Beaconsfield St, Revesby NSW 2212 ngay bên Văn Phòng CĐCGVN TGP Sydney.
Hằng tuần, Giáo đoàn có Thánh lễ tiếng Việt vào lúc 11.15 giờ sáng Chúa Nhật. Riêng tuần này Giáo đoàn Anrê Phú Yên, Revesby cùng với Giáo hội trên toàn thế giới hân hoan bước vào Tam Nhật Thánh.. Linh mục Paul Văn Chi, Tuyên úy đặc trách Giáo đoàn đã cử hành Thánh lễ Tiệc ly vào tối Thứ Năm Tuần Thánh và nghi thức Rửa chân cho mười hai môn đệ theo truyền thống của Giáo hội.
Khởi đầu, cha Chủ tế nêu lên ý nghĩa của Thánh lễ hôm nay và Tam Nhật Thánh, đồng thời ngài kêu gọi cộng đoàn hãy ý thức và sốt sắng tham dự các cử hành trong Tam Nhật Thánh. Đúng 8:30 tối, đoàn rước, đi đầu là Thánh Giá nến cao, các em Thiếu nhi cung thánh, các Thừa tác viên Thánh thể và đặc biệt có 12 vị, đại diện của Ban Mục Vụ và các ban ngành, đoàn thể làm Tông đồ, cùng Linh mục chủ tế lên Cung Thánh.
Trong bài giảng, Linh mục Chủ tế nói đến sự khẳng định Tình yêu và sự trao ban tình yêu của Chúa Kitô, đặc biệt nhất là vào Thứ Năm Tuần thánh. Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi để lại ba báu vật: Bí tích Thánh Thể, chức Linh mục và Giới luật yêu thương. Chúa cứu độ qua hình ảnh con chiên là Đức Giêsu Kitô, sự kiện Chúa lập Bí tích Thánh thể, việc Chúa rửa chân cho các Môn đệ, và Chúa ban Giới luật mới, Giới luật của yêu thương. Ngài đã trao ban tình yêu trong xuyên suốt ngày Thứ Năm Tuần thánh khi bị phản bội bởi Giuđa, bị đánh đòn tại dinh Caipha, và chịu xỉ nhục trong dinh Caipha, bị đánh đòn trong dinh Philatô, với con đường Thập Tự Giá... tất cả là con đường trao ban tình yêu.
Cha chủ tế đã kết thúc bài giảng với lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao ban tình yêu cho chúng con, xin cho chúng con cùng trao ban tình yêu cho tha nhân khi chúng con tham dự Thánh lễ Tiệc ly, Giới răn yêu thương ngày hôm nay, xin cho con cùng vác với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài và con được thấy con đường tình yêu Chúa dành cho con hôm nay và mãi mãi.” Amen.
Tiếp theo sau bài giảng là Nghi thức Rửa chân, ca đoàn đã nhắc lại giới luật yêu thương qua bài hát “Hãy rửa chân cho nhau” trong lúc Cha chủ mặc áo trắng, thắt dây lưng và rửa chân cho các Tông đồ.
Lời nguyện trong Thánh lễ này được đặc biệt cầu cho giới trẻ nhận ra ơn gọi của họ trong thiên chức Linh mục, cầu cho mọi người biết noi gương Chúa Giêsu phục vụ trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương, sống yêu thương và hiệp nhất.
Để tưởng nhớ lễ vượt qua, ơn cứu độ của Chúa, Ban mục vụ cũng đã làm một con chiên sát tế để dâng của lễ. Phần phụng vụ sau đó diễn ra như thường lệ.
Sau Thánh lễ là giờ phút linh thiêng: Tiễn Chúa vào vườn Giệtsimani, nửa giờ canh thức với Chúa và để chia sẻ những nỗi đau buồn của Chúa trong vườn Giệtsimani. Đi đầu là Thánh Giá nến cao, các em Thiếu nhi cung thánh, các Thừa tác viên Thánh thể, Ban Mục Vụ, con chiên và cuối cùng là Cha chủ tế. Khi kiệu Thánh Thể, tất cả giáo dân đều hướng về Thánh Thể ba lần để quỳ gối kính thờ Chúa Thánh Thể, sau đó đến trước bàn thờ – nơi vườn Giệtsimani và chầu Thánh Thể.
Cuối cùng trước khi ra về, tất cả giáo dân giáo đoàn Thánh Anrê Phú Yên, Revesby và cha Chủ tế sát tế con chiên tại cuối nhà thờ.
Đinh Nhung tường trình.
Thánh lễ Tiệc Ly lúc 5g30 thứ năm ngày 6/4/2023 tại giáo đoàn Thánh Tử Đạo Nguyễn Huy Mỹ - Nhà Thờ Our Lady Of Mt Carmel Mt Pritchard.
Linh mục F.X Nguyễn Văn Tuyết, tuyên uý đặc trách giáo đoàn đã chủ sự Thánh lễ Tiệc ly và Nghi thức rửa chân với đông đảo cộng đoàn dân Chúa sốt sắng tham dự.
Theo truyền thống xa xưa của Giáo hội, trong Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành nghi thức rửa chân, tưởng niệm việc Chúa Kitô lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục, cũng như ban bố giới luật mới tức là giới luật yêu thương.
Trong bài giảng trước nghi thức rửa chân, cha chủ sự đã gợi lại bối cảnh tại phòng tiệc ly, Chúa Giêsu đã hiến trọn thân mình cho các môn đệ và nhân loại. Điều ấy được thể hiện qua Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập. Đồng thời, cha chủ tế cũng gợi lên mối liên hệ giữa linh mục và Bí tích Thánh Thể.
Cha chủ tế đặc biệt nhấn mạnh: “Thánh lễ hôm nay, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ. Nhưng cũng cầu nguyện cho những người đang sống trong ơn gọi linh mục tu sĩ và xin Chúa giúp họ luôn luôn trung thành và sống tốt đời sống mà họ đang sống”.
Ngay sau bài giảng, như Chúa Giêsu khi xưa đã hạ mình xuống mà rửa chân cho các môn đệ với cử chỉ yêu thương, trìu mến. Theo gương Thầy Chí Thánh, cha chủ sự cũng cởi bỏ áo lễ, thắt lưng khăn trắng để rửa chân cho 12 người đại diện cộng đoàn dân Chúa.
Phụng vụ Thánh lễ tiếp tục như thường lệ và để kết thúc là nghi thức cung nghinh Thánh Thể về Nhà Tạm qua 3 trạm dừng. Tại mỗi trạm linh mục chủ tế xông hương và dơ cao Thánh Thể cho giáo dân thờ lạy.
Trong phần thông báo giáo dân được nhắc nhở vào lúc 10g tối nay là giờ chầu Thánh Thể. Cộng đoàn được mời gọi đến để giống như các môn đệ khi xưa ở lại với Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu.
Gíáo dân thinh lặng ra về, thế nhưng trong lòng vẫn còn ghi nhớ giới luật yêu thương là trở nên nhân chứng tình yêu. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Ước mong mọi thành phần trong giáo đoàn hãy sống yêu thương, hiệp nhất để tình yêu của Chúa sẽ mãi được lan tỏa và tình người được gắn kết, keo sơn.
Vũ Nhuận tường trình với hình ảnh.
Thứ Sáu Tuần Thánh - Sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô.
Giáo Đoàn Kitô Vua, Lakemba.
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ảm đạm nhất, ngày đại tang của chúng ta, nhưng cũng chính là Ngày Hồng Phúc bởi con Thiên Chúa đã hoàn tất mọi sự để Cứu Độ nhân loại. Chính cái chết của Chúa Giêsu đã chiến thắng Tử Thần và mang lại sự sống mới cho con người.
Thứ Sáu Tuần Thánh, mọi người Ăn chay và kiêng thịt là truyền thống trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Lý do là bởi ngày này chính là ngày Thiên Chúa bị phản bội, hạ nhục, hành hạ, mỉa mai, với Con Đường Thập Tự và cái chết đau thương để cứu độ nhân loại... Ăn chay kiêng thịt để hy sinh kết hợp với đau khổ của Chúa Giêsu… để hãm mình hy sinh đền tội khi chính đám người mới vài ngày trước tung hô vạn tuế Ngài, rồi sau đó lại giết chết Ngài như một tên tội phạm.
Phóng viên vietcatholic đã có mặt tại giáo đoàn Lakemba, để ghi nhận và tường trình cùng quý vị trong Thánh lễ hôm nay, hôm qua chúng tôi cũng giới thiệu vài chi tiết về những ngày mới thành lập Giáo Đoàn Này, hôm nay chúng ta đọc lại một số sinh hoạt về Trường Giáo Lý và các Phong Trào Đoàn Thể Giáo Đoàn Kitô Vua Lakemba.
Trường Giáo Lý Kitô Vua dưới sự điều hành của Ban Mục Vụ cùng một số quý vị phụ tá và các Huynh Trưởng và Giảng viên Giáo Lý. Học Viên gồm các em sinh hoạt trong Xứ Đoàn và được chia thành năm lớp, Nghĩa Sĩ, Thiếu nhi, Ấu Nhi, Thêm sức, Xưng tội Rước lễ lần đầu, và lớp Tuổi thơ. Ngoài việc giảng dạy Giáo lý, trường Giáo lý Kitô Vua còn là một trong ba trường giáo lý có trách nhiệm luân phiên, phối hợp với Ban Mục Vụ của Giáo đoàn hỗ trợ cho Ban truyền giáo của cộng đồng, cũng như Liên Đoàn Thiếu Nhi, để tổ chức Ngày Đại Hội TNTT toàn tiểu bang NSW vào năm 1994. Ban Mục Vụ và Ban quản trị Xứ đoàn đã chuẩn bị cho các em tham dự Đại hội với kết quả thật khích lệ.
Phong trào Tôn Nữ Vương Gia Đình gồm các nhóm, với trên 40 gia đình luân phiên đọc kinh tối tôn kính Mẹ.
Hội Đaminh được thành lập theo nguyện vọng của một số giáo dân vẫn sẵn có tinh thần hăng say trong các công tác tông đồ phục vụ Thiên Chúa được thành lập tại Giáo đoàn ngày 15 tháng 11 năm 1993 với danh xưng Hội Đaminh Tôma Đinh Viết Dụ, Ngoài các Đoàn thể trên, Ban Mục Vụ đã kêu gọi các bạn trẻ tham gia hát trong các Thánh Lễ ngày thứ bảy. Nhóm này lấy tên là "Nhóm hát thứ bảy", lúc đầu chỉ vọn vẹn có 4 hay 5 ca viên. Nhưng hiện nay đã có trên 20 ca viên. Ngoài việc dâng lời ca tiếng hát lên cùng Chúa trong các Thánh lễ thứ bảy, các ca viên còn tình nguyện cộng tác với Ca đoàn Kitô Vua để giúp hát các thánh lễ cưới hay tang lễ được tổ chức tại Giáo đoàn. Hằng năm, Giáo đoàn tổ chức trọng thể Lễ Chúa Kitô Vua, cũng là quan thầy của Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu nhi Thánh thể. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo đoàn 1983 - 1993, Giáo đoàn đã tổ chức thật long trọng Lễ bổn mạng với sự hiện diện của quý Cha Tuyên Úy, qúy Cha Việt nam tại Sydney và qúy Cha đại diện các Xứ đạo Úc có đông người Việt cư ngụ như Punchbowl, Belmore và Lakemba. Sau 48 năm cố gắng, Giáo đoàn được lớn mạnh như ngày hôm nay là nhờ sự cố gắng không ngừng của Ban Mục Vụ, các Phong Trào Đoàn thể và sự đóng góp tích cực của toàn thể Giáo dân trong Giáo đoàn. Ước mong sự nhiệt tình của quí vị sẽ giúp cho Giáo đoàn mỗi ngày một phát triển trên con đường phục vụ Giáo hội và tha nhân.
Đúng 5 giờ chiều Thứ 6 Tuần Thánh, 18 em Thiếu Nhi Cung Thánh, 2 Thừa Tác Viên, và Linh Mục Paul Văn Chi, tiến lên cung thánh từ cuối nhà thờ, đi đầu là Thánh Giá Nến Cao cử hành Nghi thức suy tôn Thánh Giá hôm chia làm 4 phần.
Phần Thứ I: Phụng Vụ Lời Chúa.
Trong phần phục vụ Lời Chúa, có bài đọc 1 và 2, đặc biệt trong Nghi thức suy tôn Thánh Giá hôm nay, không trải khăn bàn thờ, không đốt nến. Bàn Thờ trơ trụi đơn giản. Ca đoàn hát Đáp Ca với bài: “Con xin phó thác” do nhạc sĩ: Thanh Tâm, Lạy Cha con xin phó thác linh hồn trong tay Cha.
Lạy Cha con xin phó thác linh hồn trong tay Ngài.
Vì Chúa đã cứu chuộc con. Lạy Chúa là Đấng tín trung.
Lạy Cha con xin phó thác linh hồn trong tay Cha.
Sau đó là phần hát Bài Thương Khó Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. Diễn tả Bài Thương Khó với Người tường thuật, Thế nhân, và ca đoàn đóng vai dân Do Thái, Sau Bài Thương Khó với bài giảng ngắn gọn Con Đường Tình Yêu Thập Tự do Lm. Paul Văn Chi.
Phần Thứ II: 10 Lời Nguyện Trọng Thể.
Sau Bài Thương Khó với bài giảng ngắn gọn, Linh Mục Chủ Sự long trọng cùng với Cộng Đoàn dân Chúa dâng lên Thiên Chúa 10 Lời Nguyện Trọng Thể, Cầu Cho Hội Thánh, Cầu cho Đức Thánh Cha, Cầu cho hàng Giáo Sĩ và Giáo Dân, Cầu cho Dự Tòng, Cầu cho mọi Tín Hữu được hiệp nhất, Cầu cho người Do Thái, Cầu cho người ngoài Kitô Giáo, Cầu cho người vô thần, Cầu cho những nhà Lãnh Đạo quốc gia, Cầu cho người đau khổ, với Lời Nguyện Cầu cho Đại Dịch sau cùng.
Phần Thứ III: Kính Thờ Thánh Giá.
Linh Mục và đoàn phụng vụ đi xuống cuối nhà thờ, Linh Mục cầm cây Thánh Giá giơ cao trên đầu và hát “Đây là cậy Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian.” Cộng đoàn đáp lại và quỳ gối thờ kính Thánh Giá: “Chúng ta hãy đến thờ lạy.” Lm Chủ sự và đoàn phụng vụ đi tới giữa nhà thờ và tung hô Thánh Giá lần thứ 2: “ Đây là cậy Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian.” Linh mục và đoàn phụng vụ tiến lên trước bàn thờ và tung hô lần thứ 3: “Đây là cậy Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian.” Cộng đoàn đáp lại: “Chúng ta hãy đến thờ lạy.” Mọi người quỳ gối 30 phút kính thờ Thánh Giá. Sau đó Linh Mục quỳ gối thờ lạy và hôn kính Thánh Giá trước, tới các thừa tác viên cũng lên bái quỳ, vì hoàn cảnh đại dịch nên Giáo Dân không hôn kính Thánh Giá. Sau đó, tất cả giáo dân lần lượt lên cúi đầu thờ kính Thánh Giá. Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều em nhỏ, cả quí anh chị tật nguyền cũng tiến lên cúi đầu thờ kính Thánh Giá.
Phần Thứ IV: Rước Lễ.
Trong Nghi Thức Cử Hành Cuộc Thương Khó của Chúa hôm nay, không có Thánh Lễ, Thừa Tác Viên Thánh Thể kiệu Mình Thánh Chúa từ Nhà Tạm ra Bàn Thờ, sau khi trải khăn Bàn Thờ với nến sáng. Linh Mục và cộng đoàn cùng đọc kinh Lạy Cha và mọi người tiến lên Rước Lễ.
Kết thúc Nghi Thức Cử Hành Cuộc Thương Khó của Chúa hôm nay, Linh Mục Chủ Sự đọc lời nguyện chúc lành cho mọi người ra về trong thinh lặng.
Khanh Lai tường trình.
Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 7/4/2023, cộng đoàn Giáo xứ Bút Đông sốt sắng tham dự nghi thức đi Đàng Thánh Giá trọng thể và tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su.
Xem Hình
Vào lúc 17h00, Cha xứ Giu-se Mai Xuân Lâm đã chủ sự nghi thức đi Đàng Thánh giá trọng thể với sự tham dự của đông đảo cộng đoàn.
14 chặng Đàng Thánh Giá gắn liền với từng nỗi đau mà Chúa Giê-su đã gánh chịu vì tội lỗi nhân loại. Qua 14 chặng Đàng Thánh Giá hôm nay, phần nào giúp cộng đoàn cảm nghiệm được tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại ngang qua cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su.
Sau phần đi Đàng Thánh Giá trọng thể là nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Trong phẩm phục màu đỏ, Cha xứ Giu-se tiến ra cung thánh và thinh lặng phủ phục cầu nguyện trong giây lát. Kế đó, Cha xứ chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Ki-tô qua 3 phần chính: Phụng vụ Lời Chúa, Tôn kính Thánh Giá và Rước lễ.
Kết thúc nghi thức, cộng đoàn Giáo xứ lần lượt xếp hàng lên hôn chân Chúa để bày tỏ tình yêu của mọi tín hữu dành cho Người.
BTT Gx. Bút Đông
Người chinh phụ tiễn chồng năm ấy
Có màng chi một bữa tiệc nồng !
Bước chinh phu đường mai gió cát,
Biết có còn gặp lại nữa không?
Chỉ một lần ra đi rất lạ,
Mấy ngàn năm Cựu ước xa xôi.
Lên đường mà vui như mở hội,
Chẳng chút bận tâm chuyện khứ hồi !
Thì ra cuộc Xuất Hành năm ấy,
Ít-ra-en thoát cảnh ngục tù,
Nên tiệc “chia ly” là “giải thoát”,
Tiệc mừng thoát kiếp nạn âm u !
Thịt béo rượu nồng say túy lúy,
Máu chiên nhuộm đỏ cửa nhà ai,
Mấy trăm năm rồi thân nô lệ,
Giờ xuất hành thôi dẫu dặm dài !
Dẫu biết tiệc tan là hoang mạc,
Là lang thang gió cát mông mênh.
Là nắng là sương là đói khát,
Là xa xôi Biển Đỏ lênh đênh...
Và sau đêm hồng Vượt Qua ấy,
Đoàn “dân ưu tuyển” nếm tự do.
Máu đỏ chiên con thành vĩ đại,
Nghìn năm Giao ước thánh khôn dò !
Câu chuyện “Vượt Qua” ngàn năm trước,
Thì ra chỉ là một “tiên trưng”.
“Nô lệ Pha-ron” là dấu chỉ,
“Đất hứa” quê trời mới cánh chung !
Máu chiên độ ấy là Giao ước,
Bây giờ là “Máu của Con Người”.
Và bánh không men ngàn năm trước,
Giờ nên Thân thể Đấng Cứu đời.
Tiệc Vượt qua xưa giờ Thánh Thể,
Cho dẫu nhuốm màu cảnh “tiệc ly”,
Nhưng mãi thiên thu hoài tái diễn,
“Chết và Phục sinh” thắm diệu kỳ.
Nên sau “Tiệc Thánh” là khổ nạn,
Là “rửa chân” phục vụ người ta,
Là chết vì yêu thành của lễ,
Là đường thánh giá để vượt qua.
Ai theo Đạo Chúa mà không nhớ,
Giữa một “Tuần lễ Thánh” uy nghi,
Có một Chiều Thứ Năm rất lạ,
Cuộc họp mừng “Thánh lễ Tiệc Ly” !
Mãi mãi Tiệc Thánh nầy gia bảo,
Chỉ ai mang căn cước Kitô,
Ai tin bánh rượu là máu thịt,
Nên một thân mình một cành nho.
Sơn Ca Linh (Thứ Sáu TT 2023)
1. Vladimir Putin sa thải tướng hàng đầu của Nga sau khi 5.000 quân tử trận, 36 xe tăng và 94 xe thiết giáp bị phá hủy
Ký giả David Averre của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Vladimir Putin fires top Russian general behind massacre in Vuhledar: Commander leading Ukraine assault becomes 'most senior military dismissal of this year' amid catastrophic losses”, nghĩa là “Vladimir Putin sa thải tướng hàng đầu của Nga đứng sau vụ thảm sát ở Vuhledar: Tư lệnh chỉ huy cuộc tấn công Ukraine trở thành quan chức quân sự cấp cao nhất trong năm nay bị sa thải giữa những tổn thất thảm khốc”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Một chỉ huy người Nga chỉ huy các cuộc tấn công ở Ukraine khiến hàng nghìn người thiệt mạng đã chính thức bị cách chức.
Tướng Rustam Muradov đã lãnh đạo Tập Đoàn Quân phía Đông của Nga trong gần một năm, đảm nhận vai trò này sau nỗ lực tấn công Kyiv bất thành của người tiền nhiệm trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến.
Muradov, một đồng minh thân cận của chỉ huy quân sự Nga Valery Gerasimov, đầu năm nay đã phát động một cuộc tấn công vào thị trấn khai thác mỏ Vuhledar ở vùng Donetsk phía đông
Chiến thuật của anh ta, một cuộc tấn công trực diện giữa thanh thiên bạch nhật, đã kết thúc trong một thảm họa hoàn toàn.
Những người sống sót cho biết một lữ đoàn thủy quân lục chiến gồm 5.000 người gần như bị xóa sổ và ít nhất 130 xe bọc thép, trong đó có 36 xe tăng, bị phá hủy.
Cảnh quay trên không gây sốc do máy bay không người lái của Ukraine thực hiện cho thấy xác chết và đống đổ nát của các phương tiện vương vãi khắp các cánh đồng xung quanh thị trấn.
Muradov cũng tham gia vào việc lên kế hoạch cho một cuộc tấn công tương tự vào làng Pavlivka, trong đó hàng trăm binh sĩ của Putin đã bị bắn hạ.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết sự ra đi của ông là vụ sa thải quân sự cấp cao nhất tính đến năm 2023 - nhưng cảnh báo nhiều khả năng xảy ra hơn khi Mạc Tư Khoa không đạt được các mục tiêu của mình ở miền đông Ukraine.
“Bộ Quốc phòng Nga rất có thể đã cách chức Đại Tướng Rustam Muradov với tư cách là chỉ huy của Tập Đoàn Quân phía Đông ở Ukraine”, bản cập nhật tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh viết.
'Tập Đoàn Quân phía Đông dưới sự chỉ huy của Muradov đã phải chịu thương vong đặc biệt nặng nề trong những tháng gần đây khi các cuộc tấn công được lên kế hoạch sơ sài của họ liên tục thất bại trong việc chiếm được thị trấn Vuhledar của tỉnh Donetsk.'
Việc sa thải Muradov sẽ được rất nhiều nhà bình luận quân sự, blogger và nhân vật truyền thông Nga hoan nghênh, những người trong những ngày sau vụ thảm sát Vuhledar hồi tháng 2 đã kêu gọi mở các phiên tòa công khai để trừng phạt các chỉ huy và tướng lĩnh đứng sau những tổn thất.
Igor 'Strelkov' Girkin, cựu sĩ quan tình báo Nga, người đã giúp dàn dựng các cuộc nổi dậy ủng hộ Mạc Tư Khoa năm 2014 ở Donetsk và Crimea, cho biết: “Một số người trong số họ hoàn toàn là những kẻ ngu xuẩn - tất cả những sai lầm đã mắc phải trước đây đều được lặp lại”.
Girkin phàn nàn rằng binh lính Nga - bao gồm nhiều Thủy Quân Lục Chiến, lính đặc nhiệm và đội xe tăng giỏi nhất của họ - đã bị hạ gục 'như gà tây trong trường bắn' khi người Ukraine giữ các vị trí cao hơn 'không gặp nhiều khó khăn'.
Một đơn vị cụ thể của Nga - Lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 của Hạm đội Thái Bình Dương - đã mất hàng trăm người trong cuộc tấn công được lên kế hoạch sơ sài của Muradov vào Pavlivka vào cuối năm 2022.
Những người sống sót nổi loạn sau đó đã viết một lá thư cho thống đốc khu vực đổ lỗi cho Muradov về thương vong đáng báo động của họ và yêu cầu thay thế anh ta, nhưng lời cầu xin của họ đã bị bỏ ngoài tai.
Chỉ vài tháng sau, lữ đoàn 155 được Muradov cử đến Vuhledar và gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đại tá Oleksiy Dmytrashkivskyi, phát ngôn viên quân đội Ukraine cho biết: “Lữ đoàn 155 đã phải tái biên chế ba lần.”
Thị trấn khai thác mỏ Vuhledar, nơi sinh sống của 14.000 người trước chiến tranh và nằm trên vùng đất cao, đã được củng cố bằng pháo binh sau khi chịu đựng được ba tháng tấn công.
Tom Cooper, một nhà sử học quân sự đã nghiên cứu về trận chiến, mô tả Vuhledar là “một pháo đài lớn, cao sừng sững giữa một sa mạc bằng phẳng và trống trải”.
Evgeny Nazarenko, phát ngôn viên của một trong các đơn vị phòng thủ của Ukraine, cho biết những bước tiến của Nga đã dễ dàng được phát hiện từ các tòa nhà cao tầng khi họ băng qua những cánh đồng trống về phía thị trấn được xây dựng để phục vụ một mỏ than gần đó.
'Chúng tôi ở trên cùng và họ ở dưới cùng. Họ hoàn toàn có thể nhìn thấy được', ông nói.
Quân Nga đang tiến lên đã bị nghiền nát bởi hỏa lực pháo binh, bom máy bay không người lái và mìn, sau khi Muradov được cho là đã ra lệnh cho xe tăng tiến thành một hàng do thiếu thiết bị rà phá bom mìn.
Một nguồn tin quân sự Nga nói với The Moscow Times: 'Muradov bị đình chỉ công tác vì anh ta là một tên ngốc điên rồ có thể… ra lệnh cho binh lính đi đến cái chết chắc chắn. Rất nhiều người đã phàn nàn về anh ta.'
Việc loại bỏ các chỉ huy hàng đầu của Nga khỏi vị trí của họ hầu như không phải là điều mới lạ.
Người đứng đầu quân đội Nga hiện tại, Valery Gerasimov, đã thay thế 'Tướng quân Ngày Tận Thế' Sergei Surovikin vào Tháng Giêng - chỉ ba tháng sau khi Surovikin được đưa lên nắm giữ vị trí này.
2. Các trận chiến khốc liệt nhất vẫn xảy ra ở 3 thành phố miền đông Ukraine
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu mùng 7 tháng Tư, Đại Tá Georgi Gleba cho biết “Các trận chiến khốc liệt nhất” vẫn đang diễn ra ở Bakhmut, Avdiivka và Mariinka ở miền đông Ukraine. Quân đội Ukraine đang tập trung vào thành phố Bakhmut bị tàn phá để cố gắng làm quân Nga kiệt sức.
Các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi hơn 20 cuộc tấn công của Nga trong 24 giờ qua. Các lực lượng Nga đã phóng 4 hỏa tiễn và 7 cuộc không kích, bắn “hơn 10 lần từ nhiều hệ thống phóng hỏa tiễn vào các vị trí của quân đội Ukraine và cơ sở hạ tầng dân sự của các khu định cư.”
“Đối phương tiếp tục tập trung nỗ lực chính vào việc tiến hành các hành động tấn công ở các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Mariinka. Cuộc giao tranh ác liệt nhất đang diễn ra tại các thị trấn Bakhmut, Avdiivka và Mariinka.”
Đại Tá Georgi Gleba cho biết các lực lượng Nga tiếp tục tấn công để giành quyền kiểm soát hoàn toàn Bakhmut, và lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi khoảng 10 cuộc tấn công của đối phương chỉ riêng trong khu vực này. Hơn 15 khu định cư trong khu vực chiến đấu đã trở thành mục tiêu của các cuộc pháo kích của Nga.
“Bakhmut vẫn là hướng tấn công chính của đối phương. Chỉ trong ngày hôm nay, đã có 302 cuộc pháo kích với nhiều cỡ nòng khác nhau dọc theo chiến tuyến khu vực Bakhmut. Có 22 cuộc đụng độ”
Ông nói rằng quân Wagner ở Bakhmut, “được bổ sung bởi các tù nhân Nga, hiện đã tan rã và được thay thế bởi lính dù, và các đơn vị súng trường cơ giới của quân chính quy, phần lớn bao gồm các binh sĩ mới được huy động.”
Trong 24 giờ qua, người Nga bị mất 390 binh sĩ, 2 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 7 hệ thống pháo, một hệ thống phòng không và một máy bay trực thăng.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 6 Tháng Tư, 176.630 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Thiệt hại của người Nga còn bao gồm 3.631 xe tăng, 7.013 xe thiết giáp, 2.714 hệ thống pháo, 532 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 281 hệ thống tác chiến phòng không, 306 máy bay, 292 máy bay trực thăng, 2.287 máy bay không người lái, 911 tên lửa hành trình, 18 tàu chiến, 5.574 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 302 đơn vị thiết bị đặc biệt.
3. Nhận định của Hoa Kỳ về tình hình chiến sự tại Ukraine
Nga đã đạt được “tiến bộ rất chậm” ở Bakhmut trong hơn 6 tháng qua
Các lực lượng Nga đã đạt được “tiến bộ rất chậm” ở Bakhmut trong 6 tháng qua, mặc dù đã triển khai một số lượng lớn binh sĩ và chịu tổn thất nặng nề, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm thứ Tư.
Ông cho biết, trong vài tuần qua, tiến bộ của Nga có thể được “đo bằng mét”, đồng thời gọi tuyên bố cuối tuần của người sáng lập Wagner, Yevgeny Prigozhin, rằng Bakhmut đã bị chiếm là một nỗ lực “khá tuyệt vọng”.
“Một tuyên bố như thế nhắm vào công chúng nội địa của Nga. Chúng ta hiện tin rằng người Nga vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn Bakhmut, người Ukraine vẫn đang có thể chống lại lực lượng Nga và Wagner.”
Ông nhấn mạnh rằng các lực lượng Ukraine đang “kiểm soát tỷ lệ thương vong của họ tốt hơn nhiều so với người Nga vào lúc này”.
“Chúng ta đã thấy rằng họ có thể luân chuyển các đơn vị vào và ra khỏi Bakhmut. Mọi người đang được nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng Ukraine đang được tái tạo và bổ sung lực lượng cũng như các thiết bị mới do NATO hoặc phương Tây cung cấp.
Các cuộc giao tranh hiện đang tạm lắng, một phần do thời tiết xấu, nhưng cũng do cả hai bên đều kiệt sức và lo ngại về một cuộc phản công của Ukraine.
“Không một chỗ nào trong thành phố còn sót lại. Nó sẽ không giống như những gì nó có thể đã là một năm trước. Bakhmut hoàn toàn bị phá hủy, không thể ở được theo bất kỳ tiêu chuẩn thông thường nào”.
Ukraine thực hiện các cuộc tấn công sâu bên trong phòng tuyến Nga và dự trữ đạn dược
Tướng Kirby cho biết ông tin rằng Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công sâu và dự trữ một số đạn dược trước một cuộc phản công dự kiến trong những tháng tới.
“Một số cuộc tấn công sâu vào các vị trí của Nga ở miền nam Ukraine là sự chuẩn bị cho bất kỳ hình thức tấn công nào trong tương lai. Chúng ta đã thấy một cách nhất quán trong suốt chiến dịch là người Ukraine đã rất thành thạo trong việc tấn công bằng các hệ thống HIMARS chính xác vào các mục tiêu cụ thể của Nga. “
Ông cũng cho biết Ukraine sẽ dự trữ đạn dược trước một cuộc phản công, nhưng họ không ghi nhận bất kỳ sự thiếu hụt nào có thể hạn chế các hoạt động hàng ngày.
Ông nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không thấy họ ở một vị trí mà họ phải hạn chế hoạt động của mình do thiếu đạn dược. Rõ ràng là họ muốn dự trữ vào lúc này vì họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công, vì vậy họ cần có những bảo đảm về nguồn cung để có thể duy trì cuộc tấn công.”
“Từ những gì chúng ta thấy, họ đang nhận được những nguồn cung cấp đó vào lúc này,” ông nói thêm.
Nga gặp vấn đề trong việc tạo ra “nhân lực quân sự”
Tướng Kirby cũng cho rằng Nga đang gặp vấn đề trong việc tạo ra “nhân lực quân sự được đào tạo bài bản”.
“Nga đã thừa nhận rằng họ cần thêm 400.000 binh sĩ và điều đó không chỉ dành cho cuộc xung đột ở Ukraine, mà còn để hoàn thành các đơn vị mới sắp được triển khai ở biên giới mới với NATO và Phần Lan”
“Làm thế nào họ tạo ra điều đó vẫn chưa rõ ràng vào lúc này.”
Các quan chức nói với CNN rằng họ đã thấy Nga tăng thời hạn nhập ngũ và mở rộng độ tuổi, nhưng lưu ý rằng họ đã không nỗ lực triển khai đợt huy động thứ hai.
“Liệu người dân có thể duy trì một đợt huy động khác hay không và liệu Điện Cẩm Linh có thực sự muốn kiểm tra khả năng phục hồi của người dân đối với điều đó hay không vẫn chưa rõ ràng vào lúc này.”
Ngoài việc thu hút những người ở Nga tham gia quân đội, ông lưu ý rằng Mạc Tư Khoa còn gặp khó khăn trong việc đào tạo họ.
“Chúng ta đã chứng kiến các đơn vị Nga được huấn luyện ở Belarus, chúng ta đã chứng kiến các lực lượng khác của Nga bị đẩy thẳng ra mặt trận mà không được huấn luyện gì”.
“Họ gặp phải một vấn đề thực sự trong việc tạo ra nhân lực quân sự được đào tạo bài bản.”
4. Quan chức Ukraine tiết lộ 'Đội quân máy bay không người lái' với video về kho dự trữ khổng lồ
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Official Reveals 'Drone Army' With Video of Massive Stockpile”, nghĩa là “Quan chức Ukraine tiết lộ 'Đội quân máy bay không người lái' với video về kho dự trữ khổng lồ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Một quan chức Ukraine gần đây đã chia sẻ một đoạn video cho thấy một “đội quân máy bay không người lái” được dự trữ trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra với Nga.
Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng phụ trách đổi mới, giáo dục, khoa học và công nghệ của Ukraine, đã viết trong một bài đăng được dịch trên Telegram: “Máy bay không người lái mạnh mẽ là lợi thế cạnh tranh của chúng ta so với người Nga. 'Chim' thay đổi tiến trình chiến tranh và cứu sống những người lính.
Ông cho biết: “Trong 9 tháng của dự án UNITED24, Quân đoàn máy bay không người lái đã ký hợp đồng với 3.200 tổ hợp máy bay không người lái với giá hơn 4 tỷ tiền Ukraine, tức là hơn 100 triệu Mỹ Kim. Học thuyết về việc sử dụng UAV đã hoàn toàn thay đổi. Hơn 7.000 quân nhân đã được đào tạo thành người điều khiển máy bay không người lái.”
Theo The Kyiv Independent, “đội quân máy bay không người lái” là dự án kết hợp giữa Bộ chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine và tổ chức United24. Dự án này giúp cung cấp máy bay không người lái cho binh lính Ukraine, cũng như huấn luyện họ cách sử dụng chúng.
Bài đăng của Fedorov được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến giữa Ukraine và Nga tiếp tục căng thẳng sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào năm ngoái. Việc sử dụng máy bay không người lái đã được công bố rộng rãi trong cuộc xung đột.
Hoa Kỳ đã tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ trong suốt cuộc chiến, bao gồm cả máy bay không người lái. Vào tháng 2, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ an ninh trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm máy bay không người lái cũng như vũ khí để chống lại máy bay không người lái do Nga sử dụng.
Phát biểu với Newsweek vào tháng 2, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine nói rằng máy bay không người lái “là siêu vũ khí ở đây”.
Gerashchenko nói với Newsweek: “Chúng tôi sẽ giành chiến thắng nhanh hơn và ít tổn thất hơn nếu chúng tôi có hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn máy bay không người lái do thám và chiến đấu. Chúng tôi cần hàng không chiến đấu, và chủ đề ày đã được thảo luận rất nhiều gần đây. Và ngoài ra, như tôi vẫn thường nói—cuộc chiến này là cuộc chiến của máy bay không người lái, chúng là siêu vũ khí ở đây.”
Ở phía bên kia của cuộc chiến, Nga được cho là đang sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất. Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gần đây đã báo cáo rằng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gặp Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, nơi họ có thể đã thảo luận về một thỏa thuận mua thêm máy bay không người lái.
Ban đầu, Iran phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái Shahed-136 cho Nga nhưng sau đó xác nhận rằng họ đã cung cấp “một số lượng nhỏ máy bay không người lái” cho Nga trước khi bắt đầu chiến tranh.
Trung tướng Serhiy Nayev, thuộc Bộ Tư lệnh Lực lượng Thống nhất của Lực lượng Vũ trang Ukraine, hồi đầu tháng này cho biết việc sử dụng súng máy đã “có hiệu quả” trong việc chống lại máy bay không người lái Shahed-136.
Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao ở Ukraine và Nga qua email để bình luận.
5. Điện Cẩm Linh cho biết “đề xuất hòa bình” về Ukraine của nhà lãnh đạo Belarus có thể sẽ được thảo luận trong các cuộc hội đàm với Putin
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết “đề xuất hòa bình” về Ukraine của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko có thể sẽ được thảo luận trong các cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa.
“Alexander Grigoryevich Lukashenko có thể sẽ cho rằng cần phải làm rõ vấn đề này. Sau đó, tất nhiên, họ sẽ trao đổi quan điểm,” Peskov nói trong một cuộc gặp gỡ thường xuyên với các nhà báo.
Thứ sáu tuần trước, Lukashenko đã kêu gọi đóng băng “các hành động thù địch” ở Ukraine và hạn chế di chuyển thiết bị và vũ khí từ cả hai bên, điều mà cả Nga và Ukraine đã nhanh chóng bác bỏ.
Lukashenko đã đến đàm phán tại Mạc Tư Khoa vào hôm thứ Tư. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương trước cuộc họp của Hội đồng tối cao Nhà nước Liên bang Nga và Belarus vào thứ Năm.
Lukashenko cũng cho biết ông đã tăng cường đàm phán với Putin về việc triển khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược - mạnh hơn - để đối phó với các mối đe dọa từ các đồng minh phương Tây của Ukraine, những người mà ông tuyên bố đang lên kế hoạch đảo chính chống lại ông.
6. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi Phần Lan gia nhập, người đứng đầu NATO nói rằng ông “tin tưởng” Thụy Điển cũng sẽ tham gia liên minh
Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của NATO bất chấp sự phản đối hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nỗ lực gia nhập của Stockholm, người đứng đầu liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương cho biết hôm thứ Tư trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi Phần Lan trở thành thành viên mới của nhóm hôm thứ Ba.
“Tôi tin rằng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của NATO, đặc biệt là vì tất cả các đồng minh NATO, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã mời Thụy Điển trở thành thành viên tại hội nghị thượng đỉnh của chúng tôi ở Madrid,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
“Thụy Điển hiện đang ở một vị trí tốt hơn và an toàn hơn nhiều so với trước khi họ nộp đơn, bởi vì ngay sau khi tất cả các đồng minh mời họ, họ đã có tư cách là người được mời, nghĩa là giờ đây họ đã được tích hợp vào các cấu trúc quân sự và dân sự của NATO - hoàn toàn có thể hiểu được rằng sẽ không có bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào chống lại Thụy Điển mà NATO không phản ứng,” ông nói.
Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vào hôm thứ ba, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong bối cảnh an ninh ở đông bắc Âu Châu, thêm khoảng 1.300 km vào biên giới của liên minh với Nga. Nỗ lực gia nhập khối của Thụy Điển đã bị cản trở bởi các thành viên liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi.
Việc Phần Lan gia nhập liên minh cũng khơi lại lời kêu gọi gia nhập NATO từ Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đang ở Ba Lan và ông Stoltenberg đã chỉ ra rằng Tổng thống Zelenskiy cũng đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh, diễn ra tại thủ đô Vilnius của Lithuania vào tháng Bảy.
“Lập trường của NATO là Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh. Trọng tâm chính của chúng ta bây giờ là cung cấp hỗ trợ cho Ukraine để bảo đảm rằng Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền ở Âu Châu, đây là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc thảo luận có ý nghĩa nào về tư cách thành viên,” ông Stoltenberg nói. “Điều quan trọng là phải gặp gỡ Ukraine để thảo luận về cách duy trì sự hỗ trợ chưa từng có mà NATO và các đồng minh NATO đang dành cho Ukraine, để thảo luận về các cải cách, nhưng cũng để nêu ra các vấn đề liên quan đến quyền của người thiểu số.”
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố một gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine với tổng trị giá 2,6 tỷ đô la vào hôm thứ Ba, một phần trong hàng loạt hỗ trợ của NATO dành cho quốc gia đang bị bao vây. Ukraine đã đốt hết đạn dược và vũ khí nhanh hơn khả năng sản xuất của Mỹ và NATO, nhưng ông Stoltenberg hứa sẽ đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng các nhu cầu tiếp theo.
7. Đại diện phương Tây bước ra khỏi cuộc họp của Liên Hiệp Quốc khi ủy viên trẻ em Nga phát biểu
Các phái viên từ một số quốc gia phương Tây đã rời khỏi cuộc họp của Liên Hiệp Quốc khi ủy viên Nga về quyền trẻ em, người đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, truy nã về các cáo buộc tội ác chiến tranh. Họ cáo buộc bà truyền bá “thông tin sai lệch” về cuộc chiến ở Ukraine.
Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Maria Lvova-Belova và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18 tháng Ba với cáo buộc âm mưu trục xuất trẻ em Ukraine sang Nga.
Lvova-Belova đã xuất hiện tại cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ở New York, được Nga triệu tập để thảo luận về việc “di tản” trẻ em Ukraine khỏi vùng xung đột. Nga đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào ngày 1 Tháng Tư.
“Khi Nga đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bảo an, chúng ta sẽ tận dụng mọi cơ hội để đẩy lùi việc họ sử dụng vị trí của họ trên ghế chủ tọa để truyền bá thông tin sai lệch và sử dụng chiếc ghế của họ để thúc đẩy sự ủng hộ cho những nỗ lực của họ”, đại sứ Mỹ tại LHQ, Linda Thomas-Greenfield, nói với các phóng viên trước cuộc họp.
“Vì vậy, chính vì lý do đó mà hôm nay chúng tôi đã phản đối người tóm tắt Công thức Arria của họ, một phụ nữ bị buộc tội ác chiến tranh, là người đã tham gia vào việc bắt cóc và đưa trẻ em ra khỏi nhà của chúng đến Nga”.
Thomas-Greenfield nói thêm rằng Hoa Kỳ, giống như Vương quốc Anh, đã chặn webcast của cuộc họp, vì vậy Lvova-Belova không được trao “một bục quốc tế để truyền bá thông tin sai lệch và cố gắng bảo vệ những hành động khủng khiếp của bà ta đang diễn ra ở Ukraine.”
Đại diện của Hoa Kỳ, Anh, Albania và Malta, bước ra khỏi phòng hội nghị khi Lvova-Belova đang phát biểu. Phái viên Liên Hiệp Quốc của Nga, Vassily Nebenzia mô tả động thái này là “một minh chứng rõ ràng về sự thờ ơ của họ đối với số phận của trẻ em Donbas và trẻ em Ukraine.” Tuy nhiên, các nước phản đối nói rằng một con mẹ mìn không có gì để bào chữa tại Liên Hiệp Quốc, bà ta phải trả lời trước Tòa án Hình sự Quốc tế.
Lúc 8h sáng thứ Năm 6 tháng Tư, tại nhà thờ Mộ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa cử hành thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh. Trong Thánh Lễ, Đức Thượng Phụ cũng lặp lại nghi thức rửa chân. Sau đó, ngài làm phép các loại dầu thánh cho các bệnh nhân và cho các tân tòng, và dầu thánh hiến.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa chủ sự buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa chung quanh Edicule, tức là ngôi đền nhỏ bao quanh mộ Chúa.
Không phải người hành hương nào đến Giêrusalem cũng có may mắn bước vào trong Mộ Thánh.
Thật vậy, theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.
May mắn là năm nay Tuần Thánh của Chính Thống Giáo theo lịch Julian diễn ra một tuần sau Tuần Thánh của Công Giáo theo lịch Grêgôriô. Cho nên, các Giáo Hội Chính Thống và Armenia Tông Truyền không sử dụng đền thờ trong những ngày này.
Nhân đây chúng tôi cũng xin trình bày một vài nét về Nhà thờ Thánh Mộ.
Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha (hay còn gọi là đồi Can Vê nơi Chúa Giêsu đã bị đóng đinh vào thập giá). Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.
Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.
Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.
Theo dòng lịch sử, Giêrusalem đã bị phá hủy ít nhất hai lần, bị bao vây 23 lần, bị tấn công 52 lần, và bị chiếm và tái chiếm lại 44 lần. Số phận của ngôi nhà thờ này cũng trôi nổi theo những thăng trầm của thành Thánh Giêrusalem.
Ngôi nhà thờ mà chúng ta thấy hiện nay đã được tái thiết từ đống tro tàn vào thế kỷ thứ 12.
Thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, quy định rằng Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.
Thỏa ước cũng quy định một điều trái khoáy là việc giữ chìa khoá nhà thờ được trao cho 2 gia đình Hồi Giáo.
Ngày nay, nhà thờ này cũng được dùng làm trụ sở Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp ở Giêrusalem.
Một phần quan trọng nhất trong nhà thờ này là 5 chặng cuối trong 14 chặng Đàng Thánh Giá, và Bàn Thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna theo truyền thống là nơi Chúa Giêsu đã gặp thánh nữ sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cuộc đi đàng Thánh Giá do các Hiệp Sĩ Thánh Mộ, tức là các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô tại Giêrusalem, chủ sự diễn ra lúc 11 giờ sáng sẽ kết thúc với 5 chặng bên trong nhà thờ này.
Trở lại với các nghi thức ngày thứ Năm Tuần Thánh.
Lễ kỷ niệm kết thúc với một cuộc rước dài với tất cả các vị đồng tế đi quanh mộ Chúa trong tiếng nhạc kawas và âm thanh trầm buồn của bình ca.
Theo thỏa ước Nguyên Trạng, hôm nay là ngày các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa được giữ chìa khóa để mở cửa đền thờ Mộ Thánh cho buổi chầu Thánh Thể tổ chức lúc 2:45 chiều.
Lúc 9 giờ tối, cha Francesco Patton là Custos tức là trưởng đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ đã chủ sự đêm canh thức cùng với Chúa Giêsu tại vườn Giệtsimani.
1. Lời đe dọa ớn lạnh của Putin tấn công các vệ tinh của phương Tây để làm tê liệt lưới điện và điện thoại sau trò lừa bịp hạt nhân bất thành
Hai ký giả Henry Holloway và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “SPACE WAR Putin’s chilling threat to blitz West’s satellites to cripple power grids and phones after Russia hit with nuke hoaxes”, nghĩa là “CHIẾN TRANH KHÔNG GIAN Lời đe dọa ớn lạnh của Putin về việc tấn công các vệ tinh của phương Tây để làm tê liệt lưới điện và điện thoại sau khi Nga tấn công bằng trò lừa bịp hạt nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
NGA đã đe dọa tấn công các vệ tinh của phương Tây trong một bước leo thang lớn trong cuộc chiến ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao của Vladimir Putin đã đưa ra lời đe dọa ớn lạnh khi cáo buộc các lực lượng giấu tên tấn công các nền tảng quỹ đạo của chính họ.
Việc phá hủy các vệ tinh có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau như làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc, lưới điện, hệ thống ngân hàng, v.v.
Các chỉ huy quân sự trước đây đã cảnh báo rằng sẽ không còn là “cuộc sống như chúng ta biết” nếu chiến tranh trong không gian làm gián đoạn mạng lưới vệ tinh của thế giới.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Ukraine đã phá vỡ các vệ tinh của họ với sự giúp đỡ của “các chuyên gia từ một số quốc gia nước ngoài”.
“Đây là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế,” Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói. “Phía Nga có quyền đáp trả thích đáng.”
Bà ta cảnh báo: “Tất cả các khả năng cần thiết cho việc này đều có sẵn,” nhưng không đưa ra một trường hợp cụ thể nào.
Nga đã cáo buộc phương Tây sử dụng cơ sở hạ tầng không gian dân sự của mình để hỗ trợ các hoạt động của quân đội Ukraine, bao gồm cả các cuộc tấn công chiến đấu, chẳng hạn như phát hiện các vị trí của quân đội Vladimir Putin và các hoạt động của họ.
Đất nước của Putin cũng đang bị bao vây bởi hàng loạt vụ tấn công tin tặc vào TV và đài phát thanh, thường kết thúc bằng những cảnh báo khẩn cấp về chiến tranh hạt nhân được phát đi cho hàng triệu người.
Tác động được coi là gây chấn thương tâm lý trong dân chúng và dẫn đến nghi vấn về cuộc chiến của Putin chống lại Ukraine. Trong những trường hợp như vậy, các quan chức Nga đã đổ lỗi vụ hack cho các nhóm mơ hồ không xác định.
Người ta không biết liệu Mạc Tư Khoa có lo ngại về những vi phạm khác đối với các vệ tinh của mình hay không.
Bộ Ngoại Giao Nga không nói rõ Nga có thể đáp trả như thế nào trong bất kỳ cuộc tấn công nào vào các vệ tinh của phương Tây.
Vệ tinh rất quan trọng đối với viễn thông và hệ thống định vị toàn cầu, gọi tắt là GPS, cũng như dự báo thời tiết và cứu trợ thiên tai. Điện thoại thông minh và internet cũng có thể bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công vào mạng lưới vệ tinh phức tạp liên kết với các nền kinh tế phương Tây.
Trở lại năm 2021, Nga đã phá hủy một trong những vệ tinh của chính mình trên quỹ đạo bằng một loại hỏa tiễn mới.
Trung Tướng Nina Armagno, giám đốc của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ, năm ngoái đã nêu ra sự nguy hiểm của các cuộc tấn công vào các vệ tinh.
Cô cảnh báo: “Cuộc sống như chúng ta biết sẽ không còn như chúng ta biết nữa.
“Tôi không muốn trở nên kịch tính. Chiến tranh trong không gian trông như thế nào? Chúng ta có thể sẽ không nhìn thấy nó bằng mắt thường nhưng chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được hậu quả ngay từ khi nó bắt đầu.”
Đô đốc Sir Tony Radakin cũng chỉ ra sự nguy hiểm của vũ khí không gian vào tháng 9 năm ngoái.
“Nga có khả năng trong không gian. Chúng ta đã thấy một ví dụ về điều đó vào cuối năm ngoái, khi Nga cho nổ một vật thể trong không gian tạo ra những mảnh vỡ khổng lồ,” Sir Tony nói.
Trong khi đó, Nga đã tăng cường khả năng chiến tranh mạng và gián điệp trên bầu trời bằng cách tăng cường năng lực vệ tinh quân sự trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Đoạn phim tuần trước cho thấy một vụ phóng Soyuz-2.1v từ Sân bay vũ trụ Plesetsk ở khu vực phía bắc Arkhangelsk – đó là lần phóng mới nhất trong chuỗi các trọng tải của Bộ Quốc phòng được gửi vào quỹ đạo.
Putin đã không đạt được những thành tựu mà ông và các chỉ huy của ông mong đợi và nước Nga đã sa lầy vào một cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài khi những thất bại nhục nhã chồng chất.
Bạo chúa bây giờ dường như có tương lai gắn liền với thành công hay thất bại của mình ở Ukraine.
Putin đã ngu ngốc tin rằng lực lượng của mình sẽ được chào đón vào Ukraine với tư cách là những người giải phóng khi ông xâm lược vào tháng 2 năm ngoái.
Nhưng thay vào đó, cuộc tấn công ban đầu đã kết thúc trong một thảm họa khiến lực lượng của ông bị tàn phá và bị đánh bật trở lại.
Kyiv tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của phương Tây để giúp họ đánh bại Putin.
Thế giới hiện đang chờ xem liệu Ukraine có tiến hành cuộc phản công được mong đợi từ lâu hay không, với phần lớn các cuộc giao tranh ác liệt nhất hiện đang tập trung xung quanh thành phố Bakhmut.
2. Phân tích: Thời điểm sẽ là chìa khóa khi Ukraine chuẩn bị cuộc tổng phản công
Vượt qua cơn bão, làm đối phương kiệt sức và sau đó tấn công lại - đó là câu thần chú của quân đội Ukraine trong nhiều tháng, một câu nói được các quan chức cấp cao của Mỹ và NATO lặp lại kể từ mùa đông.
Nhưng bản thân người Ukraine có thể chưa biết liệu nó có thể được thực hiện hay không và bằng cách nào khi họ nghiên cứu tiền tuyến dài 1.000 km để tìm các lỗ hổng của Nga,
Tuy nhiên, họ nhận thức được rằng đó sẽ là một chương quan trọng trong cuộc xung đột. Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng Nga và Ukraine sẽ đánh nhau “một trận chiến quyết định vào mùa xuân này, và trận chiến này sẽ là trận chiến cuối cùng trước khi cuộc chiến này kết thúc”.
Điều đó cho thấy người Ukraine có thể dành thời gian để tối đa hóa khả năng của mình. Nhưng công tác chuẩn bị đang được tiến hành tốt.
Các điều kiện tiên quyết cần thiết cho một cuộc phản công của Ukraine bao gồm việc hoàn thành huấn luyện và tích hợp các đơn vị mới, làm suy yếu hậu phương Nga, tăng cường chuỗi hậu cần và thông tin tình báo diễn ra trong thời gian thực.
Bức tranh tình báo sẽ cho biết những thứ như nơi có thể có điểm yếu trong việc triển khai phòng thủ của Nga, cũng như các vị trí của Bộ chỉ huy, hậu cần và các địa điểm của lực lượng dự bị của Nga,” Mick Ryan, cựu tướng quân đội Úc, người gần đây đã ở Ukraine, cho biết.
Ukraine đang thành lập một số quân đoàn mới, mỗi quân đoàn sẽ bao gồm vài nghìn quân. Ryan nói với CNN: “Bao gồm trong số này không chỉ có xe tăng mới của phương Tây, xe chiến đấu bộ binh, xe bánh lốp và các thiết bị khác mà còn có rất nhiều thiết bị kỹ thuật”.
Các đơn vị này có thể gần như đã sẵn sàng.
Kateryna Stepanenko tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington DC cho biết: “Các nguồn tin Ukraine đã cho biết họ đang thành lập hoặc đã thành lập từ 6 đến 9 lữ đoàn mới để phản công.
Ryan cho biết những cuộc tấn công đầy tham vọng như vậy tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu, đạn dược, thực phẩm, vật tư y tế và thiết bị dự phòng. Chuỗi hậu cần – thứ có thể bị cản trở bởi thời tiết xấu - là cực kỳ quan trọng.
3. Ông chủ Wagner mâu thuẫn với tuyên bố chiến thắng của chính mình ở Bakhmut
Buổi trưa ngày thứ Sáu theo giờ địa phương Kyiv, tức là buổi chiều tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, các bloggers quân sự Nga đưa tin rằng trong quyết tâm chiếm cho bằng được thành phố Bakhmut, lính Dù Nga đang tấn công vào khu vực trung tâm thành phố đã được yêu cầu rút lui để không quân và pháo binh Nga tấn công bằng các loại hỏa tiễn và bom nhiệt hạch nhằm tiêu diệt các ổ kháng cự của quân Ukraine.
Trong khi đó, tờ The Kyiv Independent khẳng định rằng quân Ukraine vẫn đang giữ được thành phố Bakhmut. Trong bối cảnh đó, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Boss Contradicts Own Claim of Victory in Bakhmut”, nghĩa là “Ông chủ Wagner mâu thuẫn với tuyên bố chiến thắng của chính mình ở Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Người sáng lập Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin mâu thuẫn với tuyên bố mà ông ta đưa ra trước đó về chiến thắng của Nga ở Bakhmut ngay sau khi quân đội Ukraine bác bỏ tuyên bố của ông.
Tờ The Kyiv Independent đưa tin rằng thủ lĩnh của nhóm lính đánh thuê do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn cho biết hôm Chúa Nhật vừa qua rằng Bakhmut, nơi diễn ra trận chiến dữ dội kéo dài hàng tháng giữa các lực lượng Nga và Ukraine, đã bị “đánh chiếm” và quân đội Ukraine “tập trung ở khu vực phía tây” của thành phố.
Hôm thứ Năm, Prigozhin đã nói thông qua dịch vụ báo chí của mình trên Telegram rằng “đối phương, tức là Ukraine, sẽ không đi đâu cả, họ vẫn ở Bakhmut.”
“Họ tổ chức phòng thủ bên trong thành phố, đầu tiên là bên cạnh các đường hỏa xa, sau đó là ở khu vực các tòa nhà cao tầng ở quận phía tây thành phố,” ông nói và cho biết thêm rằng “hiện tại, tôi nghĩ không có bất kỳ cuộc tấn công nào.”
Prigozhin cũng chỉ ra rằng để nhóm Wagner có thể tiến tới Bakhmut, họ phải giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thiếu quân bên sườn, đạn dược và một ban lãnh đạo “được tổ chức tốt”.
Ông nói: “Khi chúng ta giải quyết được cả ba vấn đề này thì chúng ta có thể đi đến bất cứ đâu.”
Tập đoàn Wagner đang giúp đỡ quân đội Nga ở Ukraine, bao gồm cả nỗ lực chiếm Bakhmut, nằm ở tỉnh Donetsk đang tranh chấp. Theo một báo cáo năm 2022 của Viện Brookings, nhóm này trước đây đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và tấn công dân thường ở các quốc gia khác nhau, bao gồm cả Mali và Cộng hòa Trung Phi. Các thành viên của nhóm cũng đã được triển khai trong những năm gần đây tới Yemen, Syria, Libya, Sudan, Mozambique và Madagascar.
Tuyên bố hôm thứ Năm của Prigozhin trên Telegram được đưa ra sau khi ông ta nói rằng lực lượng của ông đã kiểm soát tòa nhà hành chính của Bakhmut và giương cờ Nga ở đó. Tuy nhien, theo tờ The Kyiv Independent, quân đội Ukraine phủ nhận những tuyên bố đó và nói rằng tòa nhà đã bị phá hủy bởi pháo kích.
Phát ngôn viên Lực lượng Vũ trang Ukraine Serhiy Cherevatyi cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng:
“Prigozhin có lẽ đến Bakhmut vì ở St. Petersburg lúc này không an toàn cho anh ta. Ở đó, các bạn thấy đấy, các nhà hàng nổ tung. Vì vậy, ông ấy cắm cờ trên các tòa nhà từ lâu đã không còn tồn tại”
Tuyên bố của lãnh đạo Tập đoàn Wagner cũng bị John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ bác bỏ. Tướng Kirby cho biết quân đội Ukraine không rút lui khỏi Bakhmut và mô tả trận chiến trong thành phố là “khá tàn bạo lực và khá gần. “
Ông nói thêm: “Ngay cả khi người Nga có được thành phố Bakhmut, nó sẽ không thay đổi động lực chiến trường từ góc độ chiến lược.”
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Tư gợi ý rằng ông có thể ra lệnh cho quân đội Ukraine rút khỏi Bakhmut nếu họ gặp nguy hiểm trước sự bao vây của Nga.
“ Đối với tôi, điều quan trọng nhất là không để mất binh lính, và tất nhiên, nếu có một thời điểm nào đó xảy ra những sự kiện nóng bỏng hơn và nguy cơ chúng ta có thể mất nhân lực vì bị bao vây - tất nhiên các tướng lĩnh sẽ đưa ra các quyết định chính xác kịp thời ở đó,” Zelenskiy nói trong một cuộc họp báo ở Ba Lan cùng với tổng thống Ba Lan.
Nhưng ông cũng ám chỉ rằng chưa đến lúc rút quân.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.
4. Các quan chức Ukraine nói rằng họ sẽ không nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, bao gồm cả Crimea
Các quan chức cấp cao Ukraine khẳng định hôm thứ Năm rằng Kyiv sẽ không nhượng bộ về lãnh thổ trong cuộc chiến chống lại Nga, sau phát biểu của một thứ trưởng trong văn phòng tổng thống Ukraine về tương lai của Crimea.
Trong các bình luận được Financial Times đưa tin đầu tiên hôm thứ Tư, cố vấn hàng đầu Andriy Sybiha cho biết nếu một cuộc phản công của Ukraine đẩy lực lượng Nga trở lại biên giới hành chính với Crimea, thì “chúng ta sẵn sàng mở một trang ngoại giao để thảo luận về vấn đề này vấn đề.”
“Điều đó không có nghĩa là chúng ta loại trừ con đường giải phóng Crimea bằng quân đội của chúng ta,” Sybiha nói thêm.
Tại sao nó đáng chú ý: Ý kiến cho rằng Crimea có thể sẵn sàng để đàm phán về cơ bản là điều cấm kỵ đối với các quan chức Ukraine kể từ những ngày đầu của cuộc chiến.
Nga sáp nhập bán đảo Hắc Hải vào năm 2014, trong một động thái bị Ukraine và nhiều đồng minh phương Tây lên án là vi phạm luật pháp quốc tế. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố sẽ lấy lại lãnh thổ khi nước này chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga, được phát động 8 năm sau khi chiếm giữ bán đảo.
Hai nước đã không tổ chức đàm phán về việc chấm dứt giao tranh trong một năm qua.
Các nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định lại quan điểm của họ: Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, dường như đã khẳng định lại lập trường kiên quyết của Ukraine đối với Crimea vào hôm thứ Năm.
Yermak cho biết “sự trở lại của tất cả các lãnh thổ Ukraine” là chìa khóa.
“Chúng ta sẽ trả lại mọi thứ là của chúng ta và đối phương sẽ bị đưa ra trước công lý,” Yermak nói.
Một quan chức cấp cao khác trong văn phòng tổng thống, Mykhailo Podolyak, cho biết trong một tweet rằng cơ sở cho “các cuộc đàm phán thực sự” với Điện Cẩm Linh là “sự rút lui hoàn toàn của các nhóm vũ trang Nga ra khỏi biên giới Ukraine được quốc tế công nhận vào năm 1991. Bao gồm cả Crimea.”
5. Không có khả năng là Nga sẽ sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được lưu trữ ở Belarus, người đứng đầu hội đồng an ninh Belarus nói
Căng thẳng khó có thể leo thang đến mức Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân mà nước này dự định triển khai ở Belarus, quan chức hàng đầu trong Hội đồng An ninh Belarus cho biết hôm thứ Năm, theo hãng thông tấn nhà nước BelTa.
“Số lượng đầu đạn không quan trọng. Điều quan trọng là chúng sẽ được sử dụng như thế nào và liệu chúng có được sử dụng đúng cách hay không”, Alexander Volfovich, thư ký Hội đồng an ninh Belarus cho biết.
“Về việc liệu chúng có được sử dụng hay không… Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ đi xa đến mức chúng sẽ cần được sử dụng,” ông nói thêm.
Volfovich đang phát biểu tại Mạc Tư Khoa, nơi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và các quan chức khác đã tới trong tuần này để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Các đầu đạn và các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc chiến lược khác chủ yếu được thiết kế để răn đe, được thiết kế để bảo đảm an ninh cho cả Nga và Belarus,” Volfovich cho biết.
Các phóng viên đã yêu cầu Volfovich làm rõ nơi Nga sẽ đặt các đầu đạn, sau nhận xét của đại sứ Nga rằng chúng sẽ được triển khai tới biên giới phía tây của Belarus.
“Toàn bộ Belarus nằm gần biên giới phía tây. Đây là tiền đồn phía tây của Nhà nước Liên minh Belarus và Nga. Chúng tôi không cần phải triển khai chúng sát biên giới Ba Lan, Lithuania và Latvia,” ông nói.
Quan chức Belarus cho biết nước này có “nhiều không gian để triển khai”, đồng thời cho biết hàng chục địa điểm từ thời Liên Xô mà nước này từng sử dụng để đặt vũ khí hạt nhân đã được “bảo tồn”.
Một số thông tin cơ bản: Belarus là một trong số ít đồng minh của Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Quân đội của họ không trực tiếp tham gia vào cuộc giao tranh, nhưng Belarus đã giúp quân đội của Điện Cẩm Linh tiến hành cuộc xâm lược bằng các cuộc xâm nhập từ lãnh thổ của họ.
Tháng trước, Putin tuyên bố ông có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của đồng minh.
Belarus không có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình kể từ đầu những năm 1990. Ngay sau khi giành được độc lập sau sự sụp đổ của Liên Xô, nước này đã đồng ý chuyển giao tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt từ thời Liên Xô đang đồn trú ở đó cho Nga.
Phản ứng toàn cầu: Ukraine, NATO và nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Âu Châu đã lên án kế hoạch của Mạc Tư Khoa. Hoa Kỳ đã hạ thấp động thái này, nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
6. Putin nói Nga và Belarus đang xây dựng hợp tác quân sự trong bối cảnh “tình hình quốc tế khó khăn”
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết Nga và Belarus sẽ tiếp tục phát triển hợp tác quân sự trong bối cảnh “tình hình quốc tế khó khăn” và “căng thẳng gia tăng” dọc biên giới bên ngoài của họ.
“Liên bang Nga và Belarus đang xây dựng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, mở rộng trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình quốc tế khó khăn”, Putin phát biểu trong phiên họp của Hội đồng Nhà nước Tối cao của Nhà nước Liên bang Nga và Belarus, diễn ra tại Điện Cẩm Linh.
“Khái niệm an ninh của Nhà nước Liên minh nhằm xây dựng các nhiệm vụ cơ bản trong tương tác của chúng ta trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng ở biên giới bên ngoài của các quốc gia chúng ta cũng như các lệnh trừng phạt và cuộc chiến thông tin chống lại chúng ta,” Putin nói.
Tháng trước, Putin tuyên bố ông ta có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, đó là nơi mà từ đó ông đã dàn dựng một phần cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022 vào Ukraine.
Đầu ngày thứ Năm, nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko nói rằng ông “đồng ý” với nhận xét của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng không quốc gia nào có thể triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của một quốc gia khác, nhưng tuyên bố của ông hướng tới Hoa Kỳ. “Đây là lý do tại sao người Mỹ nên loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân khỏi năm hoặc sáu quốc gia nơi chúng được triển khai. Và thế là xong,” ông ta nói.
Lukashenko đã đến Mạc Tư Khoa vào thứ Tư và tham dự Hội đồng Nhà nước Tối cao tại Điện Cẩm Linh vào hôm thứ Năm.
7. Lãnh đạo Belarus nói đối đầu về ý thức hệ Đông Tây sẽ không suy yếu sau khi “tiếng súng im bặt” ở Ukraine
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết hôm thứ Năm rằng ông “đồng ý” với nhận xét của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng không quốc gia nào có thể triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của một quốc gia khác, đồng thời cho biết ông tin rằng cuộc đối đầu về ý thức hệ giữa phương Đông và phương Tây sẽ không suy yếu “ngay cả sau khi tiếng súng im bặt” ở Ukraine. Hãng thông tấn BelTa của nhà nước Belarus đã cho biết như trên
Phát biểu với các phóng viên khi đến thăm Mạc Tư Khoa để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin, Lukashenko đã trả lời câu hỏi về những bình luận của tổng thống Pháp, rằng: “Tôi đồng ý với ông ấy. Đây là lý do tại sao người Mỹ nên loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân khỏi năm hoặc sáu quốc gia nơi chúng được triển khai. Và thế là xong.”
“Nói chung, tôi khá cấp tiến về điều đó. Tôi tin rằng vũ khí hạt nhân nên được gom thành một đống và nên bị phá hủy theo đúng nghĩa đen trong một khoảng thời gian nhất định,” Lukashenko nói thêm, theo BelTa. “Thật dễ dàng để ba hoa như đồng chí này của chúng ta. Mọi người đều có thể làm được. Đây là lý do tại sao hãy xếp chồng mọi thứ lại với nhau và phá hủy nó. Đó là lựa chọn tốt nhất. Nhưng bây giờ chúng ta sẽ hành động giống như họ.”
Vào tháng 3, CNN đưa tin về kế hoạch của Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus. Ông Putin cho biết Mạc Tư Khoa sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ đặc biệt cho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào đầu tháng 7.
Trong cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Tối cao của Bang Liên minh, Lukashenko cho biết một hệ thống phòng thủ “hiệu quả” đã được phát triển ở Liên minh hai nước.
“Nhà nước Liên minh đã phát triển một hệ thống phòng thủ và an ninh hiệu quả, trong đó lực lượng khu vực và hệ thống phòng không khu vực thống nhất hoạt động thành công,” Lukashenko nói.
Ông nói: “Các bước được thực hiện để tăng cường an ninh biên giới đã tăng cường đáng kể khả năng bảo vệ Nhà nước Liên minh khỏi chủ nghĩa khủng bố quốc tế, dòng người di cư không kiểm soát, buôn lậu vũ khí và đạn dược, buôn bán ma túy và hoạt động kinh tế bất hợp pháp”.
8. Tập Cận Bình của Trung Quốc nói với Macron rằng ông ấy sẵn sàng gọi cho Zelenskiy vào đúng thời điểm
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong các cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh hôm thứ Năm rằng ông sẵn sàng gọi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào đúng thời điểm, các nguồn tin ngoại giao Pháp nói với CNN.
Trong bài phát biểu tại các cuộc đàm phán song phương trước đó vào thứ Năm, Macron nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng “ông ấy có thể tin tưởng vào việc ông Tập sẽ lý luận với Nga và đưa mọi người trở lại bàn đàm phán”. Macron trước đó đã bày tỏ hy vọng về vai trò mà Bắc Kinh, một đồng minh thân cận của Mạc Tư Khoa, có thể đóng trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine.
9. Bộ trưởng Ngoại giao Hung Gia Lợi: Gây áp lực lên các nhà lập pháp Hung Gia Lợi sẽ không giúp Thụy Điển gia nhập NATO
Bộ trưởng Ngoại giao Hung Gia Lợi Péter Szijjártó đã cảnh báo Thụy Điển rằng việc gây áp lực lên các nhà lập pháp Hung Gia Lợi sẽ không giúp ích cho quá trình gia nhập NATO của Stockholm, theo một tuyên bố của chính phủ đưa ra hôm thứ Năm.
Szijjártó đã đưa ra bình luận khi phát biểu tại Brussels sau cuộc họp của các ngoại trưởng NATO trong tuần này, tuyên bố cho biết.
Ông nói thêm rằng lịch biểu quyết của Hung Gia Lợi về vấn đề này phụ thuộc vào nhóm nghị sĩ Fidesz – là đảng cầm quyền của đất nước.
Bộ trưởng cũng nói rằng chính phủ Hung Gia Lợi “không có điều kiện” liên quan đến việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự, đồng thời nói thêm rằng đó là quyết định mà các nhà lập pháp nước này sẽ đưa ra.
Trong một tuyên bố riêng vào hôm thứ Tư, văn phòng nội các Hung Gia Lợi dẫn lời tổng thống nước này Katalin Novák nói rằng “Chúng ta nên đặt những vấn đề này sang một bên và nói rằng trong tình huống rất khó khăn và đòi hỏi khắt khe này, chúng ta có nhiều lý do hơn để chấp nhận Thụy Điển vào NATO hơn là các lý do để từ chối điều này.”
Theo văn phòng nội các Hung Gia Lợi, Novák đã đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TRT World của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển đã bị cản trở bởi các thành viên liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi. Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm thứ Ba, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong bối cảnh an ninh ở đông bắc Âu Châu, làm tăng thêm khoảng 1.300 km biên giới của liên minh với Nga.
Sự ủng hộ của công chúng Phần Lan và Thụy Điển đối với việc gia nhập NATO đã tăng lên sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
10. Theo thống đốc Ukraine, 5 dân thường thiệt mạng ở khu vực phía đông Donetsk
Thống đốc Donetsk của Ukraine cho biết ít nhất 5 dân thường đã thiệt mạng ở khu vực phía đông Donetsk trong các cuộc tấn công mới nhất, trong đó có 2 dân thường ở thành phố Bakhmut.
Điều này xảy ra sau khi các cuộc tấn công của Nga nhằm vào một trường mẫu giáo, nhà riêng và tòa nhà cao tầng, Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko cho biết trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv.
11. Điện Cẩm Linh cho biết cuộc gặp của Putin với Tổng thống Belarus Lukashenko là “dài và có ý nghĩa”
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm thứ Tư là “kéo dài và có ý nghĩa” và “kéo dài quá nửa đêm”.
Hôm thứ Năm, Putin và Lukashenko đã gặp lại nhau với tư cách là một phần của Hội đồng Nhà nước Tối cao của Nhà nước Liên minh Nga và Belarus, là cơ quan quản lý cao nhất của Nhà nước Liên minh Nga và Belarus.
Putin và Lukashenko dự kiến sẽ xem xét tiến độ trong các chương trình công nghiệp chung và thảo luận các vấn đề thực tế liên quan đến hợp tác hơn nữa.
Peskov nói với các nhà báo trong một cuộc họp báo rằng ông Putin cũng đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp vào thứ Năm với các nhà lãnh đạo của bốn khu vực mà Nga đã sáp nhập từ Ukraine.
Theo quy trình sáp nhập, bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, Mạc Tư Khoa công nhận các khu vực Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia là lãnh thổ của Nga.
Tại Giêrusalem nơi Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút cuối cùng của Ngài trong cuộc sống dương thế, vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 7 tháng Tư, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem, Đức Tổng Giám Mục Tito Yllana là khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và hơn 200 linh mục đã cử hành thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà thờ Mộ Thánh.
Vào lúc 11 giờ sáng, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu đã đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha.
Được đi lại trên chính con đường thương khó Chúa đã đi qua là một kinh nghiệm sâu sắc thay đổi cuộc đời biết bao người hành hương đến Giêrusalem.
Tương truyền, sinh thời Đức Mẹ có thói quen hàng ngày đi viếng lại tất cả những nơi Chúa Con đã đi qua trong cuộc tử nạn. Sau khi hoàng đế Constantine công nhận Kitô giáo vào năm 313, địa điểm của một số chặng quan trọng trong đàng thánh giá này đã được xác định cụ thể. Trong một tác phẩm của mình Thánh Giêrônimô sinh năm 342 và qua đời năm 420 tại Bê-lem cho biết có nhiều đám đông hành hương từ nhiều nước khác nhau đến thăm các nơi thánh và đi đàng thánh giá tại Thánh Địa.
Năm 1342, các tu sĩ Phanxicô được chỉ định làm người canh giữ các di tích Thánh Địa. Các tín hữu sẽ nhận được ân xá khi cầu nguyện ở những chặng sau: Tại dinh tổng trấn Philatô, tại nơi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu, tại nơi Chúa ngỏ lời với các người phụ nữ thành Giêrusalem, tại nơi Chúa gặp ông Simôn thành Kirênê, tại nơi lính tráng lột áo Chúa, tại nơi Chúa chịu đóng đinh, và tại hang đá nơi an táng Chúa.
Khi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ chặn đường sang Thánh Địa, việc cho tái dựng các chặng đàng thánh giá được thực hiện tại các trung tâm hành hương lớn trên thế giới,
Vào cuối thế kỷ thứ 17, việc cho dựng các chặng đàng thánh giá trong các nhà thờ ngày trở nên phổ biến. Năm 1686, Đức Innocent 11 nhận thấy hiếm người có thể tới được Thánh Địa vì sự cấm cản của Hồi giáo, ngài ban cho các tu sĩ dòng thánh Phanxicô đặc quyền được dựng chặng đàng thánh giá nơi tất cả các nhà thờ của mình. Năm 1731 Đức Clementê 12 mở rộng đặc quyền này hơn nữa và cho phép tất cả mọi nhà thờ được đặt các chặng đàng thánh giá.
Các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tại Thánh Địa Giêrusalem không kết thúc sau lễ nghi suy tôn thánh giá nhưng trái lại buổi tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mới là cao điểm với một nghi thức được nhiều người trông đợi đó là tang lễ của Chúa Kitô.
Đây là một nghi thức rất thịnh hành từ thời Trung Cổ ở nhiều quốc gia Âu Châu. Nhưng ở Giêrusalem, ngay tại nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chịu chết trên thánh giá, nghi thức này có một ý nghĩa đặc biệt.
Ngay từ chiều tối đoàn rước tiến bước chậm chạp trong tiếng nhạc trầm buồn, u sầu trong đền thờ Thánh Mộ. Thỉnh thoảng đoàn lại dừng ở các nhà nguyện khác nhau trong đền thờ để suy niệm.
Bài trình thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu được đọc lên bằng các ngôn ngữ khác sau. Vị tổng thư ký của đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ đã vác một cây thánh giá lên đồi Golgotha, ở đó sau khi đoạn Phúc Âm mô tả việc Chúa trút hơi thở cuối cùng và việc tháo đanh Chúa, 2 vị phó tế bắt đầu diễn lại các động tác tháo đanh và đưa Chúa xuống khỏi thánh giá trong không khí u buồn và than khóc. Đầu tiên là tháo mão gai trên đầu Ngài, rồi đến những chiếc đinh đã ghim Chúa vào thập giá.
Các động tác này tạo ra một bầu không khí thực sự mong đợi cho việc suy niệm về những biến cố lịch sử đã diễn ra ở đây. Một hình nộm của Chúa bị đóng đinh được rước vào trong huyệt đá để xức dầu thơm và được nhẹ nhàng đặt ở đó.
Một tu sĩ dòng Phanxicô, xức dầu chân dung của Đức Kitô trong khi nhắc lại lời Phúc Âm “Ông Giuse người xứ Arimathea là một môn đệ của Chúa Giêsu đã xin Philatô cho ông được tháo xác Chúa xuống khỏi thập giá. Philatô cho phép, và ông đã đưa xác Chúa xuống, bọc trong vải liệm, với các loại dầu thơm theo phong tục chôn cất của người Do Thái”.
Sau đó đoàn rước đến Mộ Thánh nơi đám tang Chúa được thực hiện cách biểu tượng.
Các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã diễn ra lúc 5h chiều thứ Sáu 7 tháng Tư tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Trong ngày đớn đau này, Giáo Hội tưởng niệm những giây phút cuối cùng khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết, khi sức sống và sức mạnh của Ngài đang cạn kiệt dần.
Bài Phúc Âm tường thuật cho chúng ta cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và một trong hai người tội phạm cùng bị đóng đinh với Ngài mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”
Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”
Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.
Trước Đức Thánh Cha, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, và 9,000 tín hữu, Đức Hồng Y Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã có bài giảng sau đây. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Từ hai ngàn năm nay, Giáo hội đã loan báo và cử hành, vào ngày này, cái chết của Con Thiên Chúa trên thập giá. Trong mỗi Thánh Lễ, sau khi truyền phép, chúng ta nói hoặc hát: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.”
Tuy nhiên, một “cái chết của Chúa” khác đã được tuyên bố trong một thế kỷ rưỡi trong thế giới phương Tây phi Kitô hóa của chúng ta. Khi, giữa những người có học, người ta nói về “cái chết của Thiên Chúa”, thì đó là cái chết khác của Thiên Chúa, ngụ ý cái chết ý thức hệ chứ không phải cái chết lịch sử. Để bắt kịp thời đại, một số nhà thần học vội vàng xây dựng một nền thần học xung quanh nó: “Thần học về cái chết của Chúa”.
Chúng ta không thể giả vờ phớt lờ sự hiện hữu của câu chuyện khác biệt này, làm như thế sẽ khiến các tín hữu làm mồi cho những hoài nghi. Cái chết khác biệt này của Chúa đã được thể hiện đầy đủ nhất trong lời tuyên bố nổi tiếng mà Nietzsche đặt vào miệng của “người điên” hổn hển chạy đến thành phố:
“Chúa ở đâu?” anh ta kêu lên; “Tôi sẽ nói cho bạn biết. Chúng ta, anh và tôi, đã giết Ngài...Chưa bao giờ có một hành động vĩ đại hơn; và bất cứ ai sinh ra sau chúng ta - vì hành động này, người ấy sẽ thuộc về một lịch sử cao hơn tất cả lịch sử cho đến nay. [1]
Theo logic của những từ này (và, tôi tin, theo kỳ vọng của tác giả), lịch sử sau ông sẽ không còn được chia thành Trước Chúa Giáng Sinh và Sau Chúa Giáng Sinh nữa, mà thành Trước Nietzsche và Sau Nietzsche. Rõ ràng, không phải Hư vô được đặt vào vị trí của Chúa, mà là con người, và chính xác hơn là “siêu nhân” hay “con người siêu phàm” thay thế vị trí của Thiên Chúa. Về con người mới này, giờ đây người ta phải thốt lên - với cảm giác hài lòng và tự hào – Đây mới là người đàn ông thực sự! - chứ không còn thốt lên đầy cảm thương nữa: “Ecce homo!” – “Này là người” [2] Tuy nhiên, sẽ không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng, nếu bị bỏ lại một mình, con người thực sự chẳng là gì cả.Chúng ta đã làm gì khi giải phóng trái đất này khỏi mặt trời của nó? Bây giờ nó đang di chuyển ở đâu? Chúng ta đang di chuyển đến đâu? Xa tất cả mặt trời rồi sao? Chẳng phải chúng ta đang lao dốc liên tục đó sao? Phía sau, sang một bên, về phía trước, theo mọi hướng à? Còn có những thăng trầm nào nữa chăng? Chẳng phải chúng ta đang đi lạc như đang xuyên qua một cõi hư vô bất tận hay sao?
Câu trả lời đầy ẩn ý, trấn an của “người điên” cho những câu hỏi đáng lo ngại này của anh ta là: “Không, bởi vì con người sẽ thực hiện nhiệm vụ được giao cho Chúa cho đến bây giờ.” Ngược lại, câu trả lời của chúng ta với tư cách là những tín hữu là: “Đúng thế, và đó chính xác là những gì đã và đang xảy ra” – nhân loại đang lang thang như thể xuyên qua một khoảng không vô tận! Điều quan trọng là, chính xác theo sau tư tưởng của Nietzsche, một số người đã định nghĩa sự hiện hữu của con người là “sự hiện hữu của cái chết” và coi tất cả những khả năng được cho là của con người là “phù vân ngay từ đầu”. [3]“Vượt qua thần thánh và ác quỷ”, là một trận chiến khác của tác giả. [4] Tuy nhiên, ngoài thần thánh và ác quỷ, chỉ còn “ý chí quyền lực”, và chúng ta đang chứng kiến một lần nữa điều đó dẫn đến những gì…
Chúng ta không có quyền phán xét tâm hồn của một người mà chỉ có Chúa mới biết. Ngay cả tác giả của lời tuyên bố đó cũng đã chia sẻ những đau khổ trong cuộc đời mình, và đau khổ liên kết với Chúa Kitô có lẽ nhiều hơn những lời xúc phạm tách rời anh ta khỏi Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá: “ Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34), không chỉ được nói cho những người có mặt tại đồi Canvê ngày hôm đó!
Một hình ảnh, mà đôi khi tôi đã quan sát trực tiếp, xuất hiện trong tâm trí tôi (mà tôi hy vọng đã trở thành hiện thực, trong khi chờ đợi, đối với tác giả của lời tuyên bố đó!): một đứa trẻ tức giận cố đấm và cào vào mặt cha mình, cho đến khi, kiệt sức, anh ta khóc trong vòng tay của cha mình, người cha đã trấn an anh ta và kéo anh ta vào ngực mình.
Tôi xin nhắc lại, chúng ta đừng phán xét người mà chỉ có Chúa mới biết. Tuy nhiên, những hậu quả mà tuyên bố của ông ta đã gây ra cho chúng ta có thể và phải được đánh giá. Tuyên bố của ông ta đã len lỏi theo rất nhiều cách đa dạng và dưới nhiều tên gọi khác nhau, đến mức trở thành mốt thời thượng và bầu không khí ngự trị trong giới trí thức của thế giới phương Tây “hậu hiện đại”. Mẫu số chung là một thuyết tương đối tổng thể trong mọi lĩnh vực – đạo đức, ngôn ngữ, triết học, nghệ thuật và tất nhiên là cả tôn giáo. Không còn điều gì là vững chắc; tất cả mọi thứ đều ở thể lỏng, hoặc thậm chí thể khí. Vào thời của chủ nghĩa lãng mạn, người ta từng chìm đắm trong u sầu, ngày nay con người chìm đắm trong chủ nghĩa hư vô!
Với tư cách là những tín hữu, nhiệm vụ của chúng ta là chỉ ra những gì đằng sau, hoặc bên dưới lời tuyên bố đó, rằng đó là ánh sáng lập lòe của ngọn lửa cổ xưa, sự phun trào đột ngột của một ngọn núi lửa chưa bao giờ bị dập tắt kể từ buổi đầu của thế giới. Vở kịch nhân loại cũng có “phần mở đầu về thiên đường”, trong “tinh thần phủ nhận” không chấp nhận sự hiện hữu trong ân sủng của người khác. Kể từ đó, ma quỷ đã tuyển dụng những người ủng hộ mục tiêu của mình, Adong và Êvà ngây thơ là nạn nhân đầu tiên của anh ta: “Các ngươi sẽ nên như các vị thần, biết điều thiện điều ác “ (St 3,5).
Tất cả những điều này đối với con người hiện đại dường như chẳng là gì ngoài một huyền thoại căn nguyên để giải thích cái ác trên thế giới. Và – theo nghĩa tích cực của huyền thoại ngày nay – đúng như vậy! Nhưng lịch sử, văn học và kinh nghiệm cá nhân của chính chúng ta cho chúng ta biết rằng đằng sau “huyền thoại” này, có một sự thật siêu việt mà không tài liệu lịch sử hay lý luận triết học nào có thể truyền đạt cho chúng ta.
Thiên Chúa biết chúng ta kiêu ngạo như thế nào và đã đến giúp chúng ta bằng cách trút bỏ chính mình trước mặt chúng ta.
Chúa Giêsu Kitô,
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự. (Phil 2:6-8).
Tại sao chúng ta lại nói về tất cả những điều này trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh? Không phải để thuyết phục những người vô thần rằng Chúa không chết. Người nổi tiếng nhất trong số họ đã tự khám phá ra điều đó, ngay lúc họ nhắm mắt trước ánh sáng – huy hoàng hơn là với bóng tối của thế gian này. Đối với những người vẫn còn sống giữa chúng ta, để thuyết phục họ cần có những phương tiện khác ngoài lời của một nhà thuyết giáo già. Có những phương tiện mà Chúa sẽ không ngừng ban cho những ai có trái tim rộng mở đón nhận sự thật, những người mà chúng ta sẽ chuyển cầu cho họ trong lời cầu nguyện phổ quát sẽ diễn ra sau đây.
Không, mục đích của chúng ta thực sự là khác; đó là để giữ cho các tín hữu – thậm chí có lẽ chỉ một hoặc hai sinh viên đại học – khỏi bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa hư vô, vốn là “hố đen” thực sự của vũ trụ tâm linh. Mục đích là để lời cảnh báo của Dante Alighieri một lần nữa vang vọng giữa chúng ta:
Hỡi các Kitô hữu, hãy nghiêm túc hơn trong mọi chuyển động của mình;
Đừng như một chiếc lông vũ trong mỗi cơn gió,
Và đừng nghĩ rằng mọi thứ nước đều có thể thanh tẩy mình. [5]
Lạy Chúa, chúng con loan truyền
việc Chúa chịu chết
và tuyên xưng
việc Chúa sống lại
cho tới khi Chúa lại đến
[1] Friedrich Nietzsche, Khoa học đồng tính, số. 125.
[2] Friedrich Nietzsche, Ecce homo, 1888.
[3] Martin Heidegger, Hữu thể và Thời gian, II, ch. 2-3.
[4] F. Nietzsche, Jenseits von Gut und Böse, Leipzig 1886.
[5] Paradise, V, 73-75 (Bản dịch của H. Wadsworth Longfellow).
Source:Holy See Press Office