THÁNH THƯ Rm 6:3-11
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.
Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi.
Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.
Đó là Lời Chúa.
TIN MỪNG Mt 28:1-10
Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Chiều ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.”
Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
Đó là Lời Chúa.
VƯỢT QUA SANG TRANG MỚI
Tên gọi chính thức của Đêm Vọng Phục Sinh là Canh Thức Vượt Qua. Thế nên, các bài đọc Lời Chúa đều nhấn mạnh sự vượt qua: Bài sách Sáng thế, Chúa tạo dựng trời đất: Vượt qua từ hư không sang hiện hữu; bài sách Xuất hành, dân Do thái vượt biển: Vượt qua nô lệ tới tự do; bài Thánh thư: Vượt qua tội lỗi sang thánh thiện; bài Phúc Âm: Chúa Giêsu vượt qua sự chết lên sự sống. Các cuộc vượt qua làm nên một trang mới trong đời.
2. Con người mới. Con người Chúa tạo dựng thuở ban tốt đẹp dần dà đã bị lấm lem tội lỗi, lối sống và các hành vi ra ô uế. Hạnh phúc thay, ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho thấy: Chúa đã thương thanh tẩy con người sạch mọi ô uế tội lỗi. Chúa ban tặng con người quả tim mới, thần khí mới, đó là quả tim lúc lắc những nhịp đập yêu thương.
3. Sự sống mới. Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết chuộc tội thiên hạ, và Ngài đã sống lại. Từ nay, chết không phải là hết, mà là một bước nhảy vượt qua vĩ đại sang sự sống mới. Đây là điểm cốt lõi làm cho Kitô giáo khác các đạo khác. Và thánh Phaolô đã công bố: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.”
Thứ mới thường đem lại niềm vui. Mừng Chúa phục sinh, chúng ta hãy quyết tâm vượt qua sang một trang mới để đời tốt đẹp hơn. Hãy vượt qua những nếp sống cũ trong đam mê tội lỗi, để vươn tới đời sống mới trong Chúa tốt đẹp; Hãy vượt qua lợi riêng bản thân mình để đem niềm vui hạnh phúc cho người khác. Hãy để ánh sáng Chúa phục sinh chiếu tỏa trên cuộc đời chúng ta, để cuộc đời chan hòa niềm vui hạnh phúc. Alleluia !
CN PHỤC SINH ABC
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
ĐỨC GIÊ-SU PHẢI TRỖI DẬY TỪ CÕI CHẾT
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG : Ga 20,1-9
(1) Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp Simon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu?”. (3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. (6) Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu, khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng : Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
2.Ý CHÍNH :
Gio-an viết Tin Mừng nhằm mục đích “Để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (ga 20,31). Riêng đoạn Tin Mừng hôm nay, Gio-an cho thấy Đức Giê-su thực sự đã từ cõi chết sống lại như Người đã báo trước.
3.CHÚ THÍCH :
– C 1 : + Ngày Thứ Nhất trong tuần : Theo Sáng Thế Ký, thì một tuần lễ có bảy ngày. ngày Thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát và bắt đầu một tuần lễ. Về sau, Giáo Hội dựa vào việc Chúa Phục Sinh hiện ra vào ngày Thứ Nhất, nên gọi là ngày Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. +sáng sớm… lúc trời còn tối : Về thời gian khi các phụ nữ ra thăm mộ, các Tin Mừng có những diễn tả hơi khác nhau : Ở đây Gio-an viết : “Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối” (x. Ga 20,1); Còn Mát-thêu viết : “Sau ngày Sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló rạng (x. Mt 28,1); So với Mác-cô : “Sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc” (x. Mc 16,2); Riêng Lu-ca lại viết : “Ngày Thứ Nhất trong tuần, vừa tảng sáng” (x. Lc 24,1). + Ma-ri-a Mác-đa-la : Mác-đa-la là một thị trấn nằm trên bờ phía tây biển hồ Ghen-nê-xa-rét. Là quê của bà Ma-ri-a. Bà đã từng bị 7 quỷ ám trước khi theo Chúa Giê-su (x. Lc 8,2). Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên đã ra thăm mộ Chúa (x. Ga 20,1; Mt 28,1; Lc 24,10). Trước đó, bà đã can đảm đứng gần thập giá (x. Ga 19,25; Mt 27,56) và đã chứng kiến hai môn đệ mai táng Thầy trong mồ (x. Mt 27,61; Mc 15,47).
– C 2 : + Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô : Câu này nói lên vai trò quan trọng đặc biệt của Phê-rô là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Do đó, Ma-ri-a Mác-đa-la cần phải báo cáo với ông trước tiên về việc xác Thầy biến mất. + Và người môn đệ Đức Giê-su thương mến : Cách nói “môn đệ Đức Giê-su thương mến” là kiểu nói riêng trong Tin Mừng Gio-an. Đây là cách tác giả nói về mình một cách khiêm tốn khi không muốn nhắc đến tên của mình. + Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết : Khi thấy mồ trống, Ma-ri-a Mác-đa-la không nghĩ đến việc Chúa sống lại như nhiều lần Người đã báo trước, mà bà chỉ theo suy luận tự nhiên để cho rằng ai đó đã đến mang xác Thầy ra khỏi mồ. Từ “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ Ma-ri-a không đi ra mộ Chúa một mình mà đi chung với mấy bà khác nữa (x. Mt 28,1).
-C 3-4 : + Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ : Khi được các phụ nữ báo tin mộ trống và xác Thầy biến mất, hai môn đệ nòng cốt là Phê-rô và Gio-an liền tức tốc chạy ra mộ để kiểm tra thực hư. điều đó cho thấy lòng nhiệt thành và ý thức trách nhiệm trổi vượt của hai ông. + Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước : Lý do Gio-an chạy nhanh hơn và đến mộ trước Phê-rô đơn giản là vì ông trẻ hơn nên khỏe và chạy nhanh hơn Phê-rô, và có lẽ cũng vì nôn nóng do yêu mến Thầy nhiều hơn.
– C 5-6 : + Băng vải còn ở đó : Đây là tấm vải lớn bao bọc toàn thân Đức Giê-su. Khăn này theo truyền thuyết còn được lưu giữ tại nhà nguyện thánh Gio-an ở Tu-ri-nô miền Bắc nước Ý. + Nhưng không vào : Gio-an không vào có thể do ông tôn trọng và nhường cho Phê-rô là đàn anh vào trước mình. Nhưng đúng hơn có lẽ do ông cảm thấy bàng hoàng trước sự kiện cửa mồ rộng mở và mải lo suy nghĩ về những tấm khăn để lại, đủ thời gian cho Phê-rô theo sau kịp chạy đến nơi. + Si-mon Phê-rô … vào thẳng trong mộ : Phê-rô tính nóng nảy nên lập tức bước vào trong mộ.
– C 7-9 : + Và khăn che đầu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi : Bên trong mộ các khăn liệm xác vẫn còn để lại, khác với trường hợp La-da-rô khi sống lại ra ngoài trong tình trạng “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11,43-44). Điều này cho thấy Đức Giê-su không cần ai giúp đỡ khi trỗi dậy ra khỏi mồ. Người đã có thể tự lăn tảng đá che kín mộ ra thì cũng có thể tự tháo gỡ các khăn liệm và khăn che mặt như vậy. Sự kiện khăn còn để lại cho Gio-an thấy Thầy Giê-su đã thực sự sống lại. Vì không kẻ trộm nào lại bỏ công sức và thời gian để làm một việc vô ích là cởi các dây vải ra và xếp gọn để vào một chỗ rồi mới đem xác trần đi cả ! + Ông đã thấy và đã tin : Dấu chỉ ngôi mộ trống và các băng vải liệm xác được xếp gọn lại đã giúp Gio-an suy luận và đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. +Trước đó hai ông chưa hiểu rằng : Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết : Trước khi thấy các dấu chứng vừa nói thì Gio-an và các tông đồ đều không tin Thầy các ông sẽ sống lại, dù Người đã báo trước ba lần (x. Mt 16,21; 17,23; 20,19). Nhưng khi thấy các dấu chứng như mồ trống, các khăn vải liệm xác, dây băng được cuộn lại riêng một chỗ, thì các ông đã nhớ lại những lời Thánh Kinh được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su và tin Người đã thực sự sống lại (x.Tv 16,10; Tv 2,7; Hs 6,2).
4.CÂU HỎI :
1) Tại sao ngày nay người ta gọi ngày Thứ Nhất trong tuần là Chúa Nhật?
2) Về thời điểm bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra thăm mộ Chúa, so sánh bản tường thuật của 4 tác giả Tin Mừng khác nhau thế nào?
3) Bạn biết gì về thân thế của bà Ma-ri-a Mác-đa-la?
4) Bà đã báo tin xác Thầy biến mất cho ai? Tại sao?
5) Qua câu nói với Phê-rô và Gio-an, bà Ma-ri-a Mác-đa-la có tin việc Thầy Giê-su đã phục sinh hay không?
6) Hành động chạy nhanh ra mộ của Phê-rô và Gio-an cho thấy tinh thần trách nhiệm của 2 ông thế nào?
7) Tại sao Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô?
8)Tại sao ông Gio-an đến mộ trước Phê-rô mà không vào bên trong mộ ngay?
9) Khi thấy hiện tượng mộ trống, băng vài và khăn che đầu được xếp gọn, hai ông đã tin gì về mầu nhiệm Đức Giê-su sống lại?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA : Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).
2.CÂU CHUYỆN :
1) VỀ SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH :
Sau khi chịu chết trên thập giá, Đức Giê-su đã sống lại và vào trong vinh quang. Tuy vậy, trên tay chân và cạnh sườn Người vẫn còn mang những dấu tích đau thương từ những cây đinh nhọn và lưỡi đòng đâm thâu. Một vị thiên thần đã lên tiếng hỏi Đức Giê-su rằng : “Chắc Chúa đã phải chịu muôn vàn đau khổ nhục nhã do loài người dưới thế gây ra?” Người đáp : “Đúng vậy !” Thiên thần hỏi tiếp : “Có phải tất cả con cái loài người đều biết Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết để đền thay các tội lỗi của họ không?” Chúa trả lời : “Chưa đâu, mới chỉ có một số ít người nhận biết mà thôi”. Thiên thần lại nói : “Thế thì Chúa đã làm gì để họ nhận biết ơn cứu độ đó?” Chúa đáp : “Ta lại đi loan báo Tin Vui cho những người khác, đến khi nào tất cả mọi người trên địa đầu đều được nghe Tin Mừng cứu độ ấy mới thôi”. Vị thiên thần đã hiểu rõ tính bốc đồng của loài người và nghi ngờ họ nên hỏi tiếp: “Giả như Phê-rô, Gio-an và các Tông đồ quên thi hành sứ mệnh rao giảng đó thì sao? Nếu các tín hữu các thế hệ sau này có lúc nào đó gặp phải những bách hại chống đối của kẻ gian ác mà chán nản buông xuôi thì sao? Chúa có lập thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa thôi?” Chúa Giê-su trả lời: “Ta sẽ không bao giờ lập ra thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa ! Ta đã biết trước tính khí con cái loài người thường nhát đảm sợ sệt và bất định, nên đã thổi hơi ban sức mạnh Thần Khí của Ta cho họ, để giúp họ thi hành sứ mệnh, và Ta hoàn toàn tin tưởng họ sẽ chu toàn được sứ mệnh đó”.
2) ĐƯỢC PHỤC SINH NHỜ SỐNG THEO LỜI CHÚA DẠY :
Cuốn phim “Chiếc cầu sông Quai” diễn tả câu chuyện phục sinh tại một trại tù như sau:
Vào thời đệ nhị thế chiến, những người lính đồng minh bị quân đội Nhật bắt làm tù binh, được đem tới vùng biên giới Miến Điện và Thái Lan để xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển vũ khí. Cuộc sống ở đây thật khắc nghiệt. Họ bị cưỡng bức lao động dưới cái nóng như đổ lửa, có khi lên tới những 49 độ. Họ bị đối xử một cách tàn thệ. Chính cuộc sống khắc khổ này đã làm cho họ trở nên những con người độc ác. Họ cư xử với nhau bằng luật rừng « Mạnh được yếu thua », trộm cắp, nghi ngờ và làm tay sai chỉ điểm nhau cho bọn lính cai tù.
Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra: Có hai tù nhân nọ, đã tổ chức cho những bạn tù của mình thành một nhóm học hỏi Lời Chúa. Và nhờ sự học hỏi này, mà Lời Chúa bắt đầu thấm vào tâm hồn họ, để rồi chính họ khám phá ra Đức Ki-tô đang sống giữa họ. Ngài hiểu và cảm thông với nỗi đau của họ, bởi vì Ngài cũng đã từng sống vất vả, đã từng chịu cảnh đói khát mệt mỏi, đã từng bị môn đệ phản bội và đã từng bị bọn lính Rô-ma đánh đòn... Từ đó, tất cả những lời Đức Giê-su nói và những việc Ngài làm đều mang một ý nghĩa mới và trở nên sống động đối với các tù nhân. Họ không còn nghĩ mình là nạn nhân của một cuộc chiến dã man. Họ không còn chỉ điểm và trộm cắp của nhau, nhưng đối xử với nhau bằng tình thương yêu và nhất là họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau.
Từ đó, trong trại tù thỉnh thoảng có những tiếng hát vui tươi thay cho sự thinh lặng căng thẳng, giống như sự khác biệt giữa cái chết và sự phục sinh. Nói cách khác, sự biến đổi xảy ra trong trại tù chính là một lễ phục sinh, là một phép lạ làm cho họ tin tưởng lẫn nhau thay vì nghi ngờ nhau. Làm cho họ biết chia sẻ với nhau thay vì trộm cắp. Làm cho họ biết giúp đỡ nhau thay vì tìm cách chỉ điểm làm hại lẫn nhau.
3) TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT :
Một cuốn phim mang tựa đề “Thế Giới Trong Tăm Tối” diễn tả câu truyện về một nhà khảo cổ danh tiếng tổ chức một cuộc khai quật khoa học ở Giê-ru-sa-lem.
Ngọn đồi Gôn-gô-tha được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và các hang động của một nghĩa trang bên cạnh cũng được thăm dò khám xét kỹ lưỡng. Vì theo Tin Mừng Thánh Gio-an, xác của Chúa Giê-su được chôn cất trong một phần mộ gần nơi Ngài bị án tử hình Thập giá. Sau bao công khó đào bới khám xét, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố : “Tôi đã tìm được xác ông Giê-su”. Rồi ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ, quy tụ hàng trăm ký giả và nhiếp ảnh viên để trình bày kết quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào bới khảo cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mặt mọi người một xác người đã khô đét, nhưng còn có thể nhận ra là tay chân của xác người này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu và cả những dấu chứng tỏ thân xác ấy bị nhuốm máu qua những vết in trên tấm khăn liệm xác.
Cuốn phim quay lại cảnh mọi người im lặng theo dõi bài thuyết trình của nhà khảo cố. Tình cờ có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng : “Đây là sự thật hiển nhiên. Ông ta bị đóng đinh, đã chết và đã được táng xác” và nhà khảo cổ tiếp lời : “Vâng, đúng thế, bị đóng đinh, chết và được an táng. Nhưng làm gì có chuyện Phục Sinh, bởi vì xác ông ta vẫn còn nằm đây”.
Tiếp đến, cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giê-su :
Không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa.
Một linh mục tắt đèn Nhà Chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nhà thờ.
Chuông các thánh đường im tiếng.
Các nữ tu cởi khăn trùm đầu.
Thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống.
Đèn bên những ngôi mộ bị dập tắt.
Thế giới chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.
Cuốn phim kết thúc với cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận : “Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm giả xác của ông Giê-su và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi khởi sự cuộc đào bới tìm kiếm này”.
Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng ngàn người tuôn đến ngôi mộ thánh ở Giê-ru-sa-lem như chúng ta chứng kiến hàng năm trong Tuần Thánh. Những ngọn nến được thắp lên và các tín hữu mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng đi khắp nơi soi sáng con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin Chúa Giê-su đã Phục Sinh : Tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Sự sống mạnh hơn cái chết.
3.SUY NIỆM :
Bằng lối văn súc tích và hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng Gio-an đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức mến của ba nhân vật quan trọng trong Tin Mừng Phục Sinh hôm nay như sau :
1) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ THÚC BÁCH MA-RI-A MÁC-ĐA-LA ĐI TÌM CHÚA :
Niềm vui Phục Sinh khởi đầu bằng việc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi thăm mộ ngay từ sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá che cửa mộ đã bị lăn sang một bên và xác Thầy trong mộ biến mất. Cũng như chính lòng mến đã làm cho bà thêm can đảm đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25), và ở lại chứng kiến việc 2 môn đệ an táng Thầy trước đó (x. Mt 27,61), thì giờ đây lòng mến đó lại thôi thúc bà cùng mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để ướp xác Thầy theo phong tục Do thái (x. Mc 16,2). Khi thấy mộ trống, Ma-ri-a hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ Phê-rô và Gio-an (x. Ga 20,2). Theo bà suy nghĩ thì ai đó đã đến lấy mất xác Thầy và bà không biết họ đã để Thầy ở đâu (x. Ga 20,13.15). Ma-ri-a không hề nghĩ rằng Thầy đã phục sinh, mà bà chỉ mong sao tìm lại được xác Thầy để mang về chôn lại trong mộ mà thôi. Sau khi Phê-rô và Gio-an chạy ra mộ rồi trở về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc, Ma-ri-a lại quay ra mộ mà than khóc. Trong lần ra mộ thứ hai này, bà đã trở thành người đầu tiên gặp được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người còn trao cho bà sứ vụ đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ như sau : “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ rằng : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
2) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ GIÚP GIO-AN NHẬN BIẾT CHÚA PHỤC SINH :
Gio-an là một trong bốn môn đệ được Thầy kêu gọi đầu tiên (x Mt 4,21). Là một trong ba môn đệ được chứng kiến Thầy biến hình (x Mt 17,1) và cũng là người môn đệ được Thầy yêu mến nhất (x Ga 13,23). Tình yêu đối với Thầy đã thôi thúc ông, làm cho ông trở thành người can đảm hơn cả: Không bỏ chạy như các môn đệ khác, nhưng âm thầm theo dõi các sự kiện xảy ra từ lúc Thầy bị bắt đến khi bị xét xử giữa hai tòa án đạo và đời; Can đảm đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của Thầy và được Thầy trăn trối Đức Ma-ri-a làm Mẹ của mình và đón Mẹ về nhà mà phụng dưỡng thay cho Thầy (x Ga 19,27). Cũng do tình yêu thôi thúc mà Gio-an đã trở thành người môn đệ đầu tiên trong Nhóm Mười Hai nhận ra Chúa Phục Sinh tại biển hồ Ti-bê-ri-a (x Ga 21,7). Cũng chính tình yêu ấy đã thúc bách Gio-an chạy nhanh hơn 0và đạt đến đức tin trước Phê-rô (x Ga 20,8).
3) CHÍNH LÒNG MẾN LÀM PHÊ-RÔ ĐƯỢC TRAO QUYỀN CHĂN CHIÊN :
Phê-rô là một trong bốn môn đệ đã theo Đức Giê-su trước hết (x. Mt 4,18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy (x. Mt 19,27-29; Lc 18,28-30). Ông luôn được xếp đứng đầu danh sách Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2). Ông còn là một trong ba môn đệ được nhìn thấy Thầy biến hình trên núi cao (x Mt 17,1), được chứng kiến phép lạ Người cho bé gái mới chết sống lại (x Lc 8,51), được ở gần Đức Giê-su khi Người hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x Mt 26,37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su thường đến ở trọ tại nhà ông Si-mon Phê-rô tại thành Ca-phác-na-um (x Mc 1,29). Có lần Phê-rô đại diện anh em tuyên xưng đức tin “Thầy chính là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ đức tin đó, Phê-rô đã được khen có phúc, và được Thầy hứa sẽ xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin vào Đức Giê-su vững chắc như đá của ông. Người cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (x Mt 16,17-19). Ông còn được trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (x. Lc 22,31-32). Dù còn nhiều khuyết điểm như: bị Thầy nặng lời quở trách vì dám khuyên Thầy đừng chấp nhận con đường thập giá (x Mt 16,22-23), hoặc có lúc ông đã bị Thầy trách kém lòng tin (x Mt 14,31) hay trách khi ông không muốn cho Thầy rửa chân (x Ga 13,6-8). Phê-rô còn bị trách khi quá tự tin vào sức riêng của mình (x Mt 26,33-35). Nhất là ông đã tỏ ra hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước đó (x Mt 26,69-75).
Nhưng bù lại Phê-rô đã có lòng yêu mến Thầy hơn ai hết. Lòng mến của ông thể hiện qua thái độ dứt khoát từ bỏ nghề chài lưới và chấp nhận theo Thầy làm nghề chài lưới các linh hồn (x Mt 4,18-20). Ông cũng thường được Đức Giê-su hỏi ý kiến như: Thầy trò có nên nộp thuế Đền thờ không? (x Mt 17,24-27). Có lần ông hỏi ý Đức Giê-su về số lần phải tha thứ cho anh em (x Mt 18,21). Ông cũng đại diện anh em để tuyên xưng đức tin và thề quyết trung thành với Thầy đến cùng (x Ga 6,68-69). Ông can đảm rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế khi chúng đến bắt Thầy (x Ga 18,10). Ông không chạy trốn như các ông khác mà đi theo Gio-an theo dõi diễn tiến tòa án xét xử Thầy (x Ga 18,15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị mất, Phê-rô cùng Gio-an chạy ra mộ để kiểm chứng thực hư. Trước sự kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, Phê-rô đã tin Thầy sống lại chứ không bị kẻ trộm lấy xác (x Ga 20,8-9). Sau đó ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước anh em Nhóm Mười Một (x Lc 24,34; 1 Cr 15,5). Khi được Gio-an mách bảo Người mặc áo trắng đứng trên bờ hồ là Thầy, Phê-rô vội khoác áo vào rồi nhảy xuống biển bơi vào bờ để mau được gặp Thầy (x Ga 21,7). Ông cũng tuyên xưng lòng mến ba lần và được Thầy trao cho sứ vụ chăn dắt chiên con chiên mẹ và chăn dắt cả đàn chiên là Hội Thánh (x Ga 21,15-17). Ông còn chứng tỏ lòng mến tột cùng khi sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho thầy (x Ga 21,18-19).
4) THỰC HÀNH ĐỨC TIN VÀ ĐỨC MẾN HÔM NAY :
Chính lòng mến Chúa đã làm cho Ma-ri-a Mác-đa-la ăn năn sám hối tội lỗi, ra thăm mộ đầu tiên và đã được Chúa Phục Sinh hiện ra trao cho sứ vụ loan Tin Mừng cho các tông đồ. Cũng chính lòng mến Thầy của Gio-an đã làm cho ông nhận ra Thầy trước anh em và thấy được ý nghĩa của những sự kiện dẫn đến mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su. Lòng mến cũng làm cho ông Phê-rô luôn gắn bó mật thiết với Thầy, hy sinh mọi sự để đi theo làm môn đệ của Thầy. Dù có lúc yếu đuối sa ngã phạm tội, nhưng ông đã sớm hồi tâm sám hối trở về và được Thầy tín nhiệm đặt làm Đá Tảng đức tin, có nhiệm vụ củng cố đức tin cho các anh em (x Lc 22,32), và còn được Chúa Phục Sinh trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh.
Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để ta khỏi bị thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau khổ thất bại trên đường đời. Cuộc sống chúng ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng, khi những gì chúng ta yêu quý nhất hoặc những người thân yêu nhất của mình không còn, chúng ta thường chạy đôn chạy đáo đi tìm người chết trong nước mắt đau thương như Ma-ria Mác-đa-la xưa (x Ga 20,11.13). Nhưng cái chết đã không giam hãm được sự sống: Sự sống đã trỗi dậy từ cõi chết; Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối tử thần;Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Ki-tô sẽ được Hội Thánh loan báo đi khắp thế gian như lệnh Người truyền trước khi lên trời (x Mt 28,19).
4.THẢO LUẬN :
Khi gặp phải những hoàn cảnh đau thương trái ý, bạn cần làm gì để không chán nản thất vọng, nhưng luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, hy vọng Người sẽ kíp thời giải cứu và giúp bạn mau trỗi dậy?
5.LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Sự phục sinh của Chúa vừa là lời mời gọi, lại vừa lôi cuốn chúng con hướng tâm hồn lên cao để nhận ra giá trị tương đối của sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền trần gian… hầu noi gương các thánh : chúng con sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa và dám sống chết cho tình yêu ấy, để quyết dấn thân đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng đón nhận những đau khổ thua thiệt… vì xác tín rằng : “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.- AMEN.
Tin mừng: Ga 20, 1-9.
“Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.
Bạn thân mến,
“Chúa đã sống lại rồi- Alleluia !”
Đó là điệp khúc vui mừng của bạn và tôi và của cả nhân loại, vui mừng vì nhân loại sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, vui mừng vì từ nay cửa thiên đàng rộng mở chờ đón chúng ta, vui mừng vì sự ác sẽ không còn thống trị mặt đất nữa, nhưng cái vui mừng hiện tại nhất của chúng ta hôm nay chính là chúng ta đã được cùng với Đức Chúa Giê-su Ki-tô sống lại sau bốn mươi ngày mùa chay chết cho tội lỗi.
Trong niềm vui phục sinh hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm này:
1. Phục Sinh là trỗi dậy và đi lên.
Đức Chúa Giê-su đã phục sinh, Ngài đã trỗi dậy ra khỏi mồ và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, đó là đức tin và là niềm vui cứu độ của chúng ta.
Đức Chúa Giê-su đã phục sinh, nghĩa là Ngài đã trỗi dậy từ thân xác bất động trở nên sống động, từ trong mộ đá lạnh tanh toả sáng vinh quang phục sinh của Thiên Chúa, từ cõi chết đi qua sự sống, đó chính là những dấu hiệu để cho chúng ta thấy được rằng, Ngài chính là Thiên Chúa và là Đấng duy nhất cứu độ trần gian.
Chia sẻ niềm vui phục sinh này với Đức Chúa Ki-tô, không phải là bạn và tôi chỉ hân hoan hát Alleluia mà thôi, nhưng chúng ta phải thật sự sống lại với Ngài, đi ra khỏi tội lỗi và nơi chốn khiến chúng ta phạm tội, để nơi nào có mặt chúng ta là ở đó ánh sáng phục sinh của Đức Chúa Ki-tô chiếu rọi, để chúng ta hấp dẫn người khác đi theo ánh sáng Tin Mừng của Ngài.
2. Phục Sinh là hiệu quả của yêu thương.
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46b) và thế là mọi sự đã hoàn tất (Ga 19, 30): hoàn tất cuộc khổ nạn, hoàn tất chương trình cứu độ ở trần gian, hoàn tất ba mươi ba năm chia sẻ thân phận làm người, để rồi đỉnh cao hoàn tất chính là sự phục sinh vinh hiển của Ngài –Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ trần gian.
Phục Sinh là hiệu quả của tình yêu, Đức Chúa Giê-su Ki-tô vì yêu thương nhân loại đã đi qua sự chết và đã sống lại, đó chính là hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, chịu mục nát và trở thành cây lúa mì đơm hoa kết trái nuôi sống muôn người. Đức Chúa Ki-tô chính là hạt lúa mì, là hạt tình yêu bởi trời gieo vào trong thế gian, để cho thế gian nhờ Ngài mà được sự sống đời đời.
Đức Chúa Ki-tô đã sống lại, Ngài cũng mời gọi bạn và tôi cùng sống lại với Ngài để đem niềm tin yêu phục sinh này cho mọi người, đó chính là nguồn mạch của yêu thương, bởi vì tình yêu không qua đau khổ là tình yêu chưa trọn vẹn và chưa hoàn hảo. Do đó, khi chúng ta loan báo tin vui Phục Sinh cho tha nhân thì chính là lúc chúng ta làm chứng rằng, phục sinh không chỉ là Đức Chúa Giê-su Ki-tô sống lại mà thôi, nhưng còn là sự sống lại cho những kẻ tin yêu Ngài mà chịu nhiều gian khổ và hi sinh.
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã sống lại như lời của Ngài đã nói, sự sống lại này đã đổi mới và thánh hóa tâm hồn tội lỗi của chúng ta trở nên đền thờ của Ngài.
Ba ngày trong mồ đá là biểu tượng quyền lực của ma quỷ tạm thời thắng thế, nhưng ba ngày sau trở đi thì từ trong mồ đá này, ma quỷ đã thất bại vì Đấng tạm thời khuất phục sự chết - Đức Chúa Ki-tô- đã sống lại vinh hiển, đã chiến thắng tử thần và muôn đời thống trị ma quỷ ác thần. Chúa đã sống lại rồi, Alleluia.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
NGÀY CHÚA ĐÃ LÀM RA
“Đây là ngày Chúa đã làm ra. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhiều nơi trên thế giới, lễ Phục Sinh đến vào mùa xuân. Đây là thời điểm mà thiên nhiên, tự nó, mang đến sự khởi đầu của một cuộc sống mới. Những bông hoa tulips bắt đầu vươn lên khỏi mặt đất im lìm giá lạnh, những chiếc lá nhú trên cành sắp biến khu rừng thành biển xanh; mặt trời toả chiếu rạng ngời, mang theo hơi ấm cho mọi loài. Muôn vật tự nó phản ánh vẻ huy hoàng sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Tuy nhiên, vào một thời điểm, khi sự ấm áp của vầng hồng toả rạng, một lần nữa, thiên nhiên được gọi từ cái chết của mùa đông bước sang sự sống hừng hực của mùa xuân.
Thiên Chúa nói theo nhiều cách, chu kỳ của thiên nhiên là một trong những cách thức dễ thấy nhất. Vậy nếu Cha Trên Trời nâng niu chăm bẵm từng tạo vật nhỏ bé đến thế, thì Ngài quan tâm đến việc tái tạo loài người đến thế nào? Quan tâm đến sự phục sinh của Con Chí Ái của Ngài nữa? Và nhất là, Ngài quan tâm đến việc những con trai, con gái của Ngài bước vào một cuộc sống mới giành được cho từng người nhờ sự Phục Sinh của con Ngài! Hãy để vẻ đẹp của tạo vật trở nên dấu chỉ cho bạn về ‘một thực tại vĩ đại hơn vô hạn!’. Hãy cho phép bản thân được cuốn hút vào những mới mẻ trong sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Vươn lên có nghĩa là trở nên một tạo vật mới trong Ngài!
Hãy gẫm suy những lời tuyệt diệu này, “Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra’, ‘ngày’ vui mừng trong cuộc sống mới Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nó ‘ở đây, lúc này!’. Đó là ‘ngày’ mà bạn và tôi được biến đổi bởi một con người, Giêsu, Đấng Phục Sinh. Cuộc sống mới phải bắt đầu ngay giờ này và phải liên tục trở nên mới mẻ, rạng ngời, khi chúng ta đi sâu hơn vào vinh quang của Đấng Phục Sinh.
“Đây là ngày Chúa đã làm ra!”; “Chúa đã sống lại!”, không phải là một công thức ma thuật làm tan biến các vấn đề. Không! Sự Phục Sinh của Chúa Kitô không làm điều này; thay vào đó, là sự chiến thắng của tình yêu đối với cội rễ của điều ác, một chiến thắng không ‘bỏ qua’ đau khổ và cái chết, nhưng ‘vượt qua’ chúng, ‘đứng trên’ chúng, ‘mở ra một con đường’ trong vực thẳm; biến sự ác thành điều thiện, và đây là dấu ấn độc đáo cho thấy quyền năng đích thực của Thiên Chúa.
Trước một thị trấn, tướng Massena bất ngờ xuất hiện với 18.000 quân. Hội đồng bô lão họp, “Đầu hàng là câu trả lời duy nhất!”. Thế nhưng, một cựu quan chức nói, “Hôm nay là lễ Phục Sinh, hãy mừng lễ và cứ để mọi rắc rối cho Chúa, Chúa có cách của Chúa!”. Họ cử người đến nhà thờ, xin cha xứ rung chuông báo lễ. Nghe tiếng chuông nhà thờ, Napoléon suy luận, quân đội Áo đã đến giải vây; họ phá trại và biến mất trước khi chuông nhà thờ và Kinh Vinh Danh ngừng vang lên.
Anh Chị em,
“Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra!’”, ngày Chúa Giêsu tái tạo trời mới đất mới mà con người đã phá hỏng; ngày Ngài tái giao hoà ‘người với Chúa’, ‘người với người’ mà tội lỗi đã cắt đứt. Đúng thế, nơi sự Phục Sinh, Chúa Cha đã bắt đầu một cuộc sáng tạo mới. Nhưng không phải chỉ hôm nay mà mọi ngày là ‘ngày Chúa đã làm ra’. Hãy để cho mình tưng bừng hỷ hoan và tha nhân được tưng bừng hoan hỷ! Muốn thế, “hãy giao mọi rắc rối vào tay Chúa, Chúa có cách của Chúa”, và thôi làm điều ác, hãy gieo điều thiện. Hãy là con cái của Đấng Phục Sinh; bớt tìm “những sự thuộc hạ giới và không ngừng tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” như thư Côlôssê hôm nay mời gọi!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết sống từng ngày với ‘tư chất’ của một người con đã được cứu chuộc: tưng bừng hỷ hoan; nhờ đó, anh chị em con được hưởng nhờ, và họ cũng tưng bừng hoan hỷ!”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23
Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).
1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.
2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.
BÀI ĐỌC II: Cl 3, 1-4
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
CA TIẾP LIÊN
Các Kitô hữu hãy tiến dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.
Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:
Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống
và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.
ALLELUIA: 1 Cr 5, 7b-8a
All. All. – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa – All.
PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9
“Người phải sống lại từ cõi chết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Ðó là lời Chúa.
Tod Worner của tạp chí mạng Aleteia cho rằng trong khi nói tới những lời cuối cùng của Chúa Kitô trên thập giá, Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã xuất sắc trích dẫn Thánh vịnh 22: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Ngài lìa bỏ con?” (Mt 27:46).
Đó là một tiếng kêu thảm thiết. Các chữ này được phát ra giữa những tiếng thở hổn hển của một Thiên Chúa làm người bị bầm dập và chảy máu do bị đóng đinh trên cây của lý hình. Những người khóc lóc hay chế nhạo Người đều đã bị nhầm lẫn. Cho dù đó là tiếng Do Thái hay tiếng Aram, câu Eloi, Eloi, lama sabachthani? đã bị một số người hiểu sai là Chúa Kitô kêu gọi tiên tri Êlia. Với niềm hân hoan đen tối, như thể đánh cuộc trong một trò chơi lễ hội, một số người nhận xét: “Khoan đã, để xem Êlia có đến cứu ông ấy không”. (Mt 27:49) Nhưng sau đó, có những người khác hiện diện hiểu được bản dịch của lời Người. Đó là những lời mà Vua Đavít đã viết trong Thánh vịnh 22. Họ biết những lời này từ khi lớn lên trong hội đường. Nhưng vào lúc này, họ không hiểu những gì chúng biểu thị.
Trong nhiều năm, tác giả đã nghĩ những lời này tượng trưng cho những vực sâu tăm tối nhất mà Đấng Kitô đã đụng tới trước khi chết. Đó là một khoảnh khắc của Thiên Chúa tuyệt vọng về Thiên Chúa. Đó là Đấng Trung tín tiến đến điểm tuyệt vọng của sự bất tín. Có lẽ địa ngục trần gian từng tàn phá Chúa Giêsu đã dẫn nỗi đau đớn nhân bản trong Chúa Giêsu đến chỗ nhất thời làm lu mờ Đấng Thiên Chúa vĩnh cửu. Ngay cả người anh hùng của tôi, G.K. Chesterton, cũng có thể đã không hoàn toàn hiểu chuyện gì đang xảy ra khi ông viết,
“Quả thực, về vấn đề này, tôi tiếp cận một vấn đề đen tối và khủng khiếp hơn là dễ để thảo luận; và tôi xin lỗi trước nếu bất cứ cụm từ nào của tôi sai hoặc có vẻ bất kính liên quan đến vấn đề mà các vị thánh và nhà tư tưởng vĩ đại nhất đã sợ phải tiếp cận. Nhưng trong câu chuyện tuyệt vời về Cuộc khổ nạn đó, có một gợi ý cảm xúc rõ ràng rằng tác giả của mọi sự (theo một cách không thể tưởng tượng được) không chỉ trải qua sự đau đớn mà còn qua sự nghi ngờ… Khi thế giới rung chuyển và mặt trời biến mất khỏi thiên đường, không phải vào lúc đóng đinh, mà vào lúc có tiếng kêu từ thập giá: tiếng kêu thú nhận rằng Thiên Chúa đã bị Thiên Chúa từ bỏ. Và bây giờ hãy để các nhà cách mạng chọn một tín ngưỡng từ tất cả các tín ngưỡng và một vị thần từ tất cả các vị thần trên thế giới, cân nhắc cẩn thận tất cả các vị thần của sự tái diễn không thể tránh khỏi và quyền năng không thể thay đổi. Họ sẽ không tìm thấy một vị thần nào khác đã từng nổi loạn. Không (vấn đề trở nên quá khó đối với lời nói của con người), nhưng hãy để những người vô thần tự chọn một vị thần. Họ sẽ chỉ tìm thấy một thiên tính đã từng thốt ra sự cô lập của mình; tôn giáo duy nhất trong đó Thiên Chúa dường như là một người vô thần trong một lúc”.
Nhưng sau đó tôi đọc Chúa Giêsu thành Nadarét của Đức Bênêđictô XVI: Tuần Thánh (từ lúc vào Giêrusalem đến Phục sinh). Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là “Đavít mới”. Và khi đọc Thánh vịnh, Chúa Giêsu hoàn toàn sở hữu những lời được nói bởi Vị vua vĩ đại trong Cựu ước, những lời thực sự và vượt thời gian của Chúa Giêsu Kitô. Đức Bênêđíctô viết,
“Trong Cuộc Thương Khó – trên Núi Cây Dầu và trên Thánh Giá – Chúa Giêsu dùng các đoạn Thánh Vịnh để nói về chính mình và nói với Chúa Cha. Tuy nhiên, những trích dẫn này đã trở thành hoàn toàn bản thân; chúng đã trở thành những lời thân tình của chính Chúa Giêsu trong cơn hấp hối. Chính Người là người thực sự cầu nguyện những Thánh vịnh này; Người là chủ thể thực sự của nó. Lời cầu nguyện hoàn toàn riêng tư của Chúa Giêsu và lời cầu nguyện của Người bằng lời của dân Israel trung thành, đau khổ được liên kết chặt chẽ với nhau ở đây”. (tr. 153)
Khi thốt ra những lời mở đầu của Thánh vịnh 22, Chúa Kitô sở hữu các nỗi kinh hoàng trong Cuộc khổ nạn của Người như nguyên khởi được Vua Đavít phát biểu. Nhưng đây là sự sáng chói mà tác giả đã bỏ lỡ.
“Thánh vịnh Khổ Nạn” vĩ đại (Thánh vịnh 22), bắt đầu bằng các chữ: “Lạy Chúa, lạy Chúa của con, sao Chúa lìa bỏ con?”, kết thúc bằng một lời hứa báo trước việc nhận lời cầu nguyện: “Chịu ơn Người, tôi dâng lời ca tụng, ngày đại hội toàn dân. Điều khấn nguyền, tôi xin giữ trọn trước mặt những ai kính sợ Người. Kẻ khốn khổ được ăn uống thoả thuê, người tìm CHÚA sẽ dâng lời ca tụng”. (Tv 22:26-27) Thật vậy, giờ đây những lời này đã được ứng nghiệm: “Kẻ khốn khổ sẽ được ăn uống”. Những gì họ nhận được không chỉ là thức ăn trần thế; họ nhận được manna đích thực: hiệp thông với Thiên Chúa trong Chúa Kitô phục sinh. (tr. 140-141) Chắc chắn, các Thánh vịnh là những lời cầu nguyện bản thân sâu sắc, được hình thành trong khi vật lộn với Thiên Chúa, nhưng đồng thời chúng được thốt ra cùng với tất cả những người chịu đau khổ một cách bất công, với toàn thể Israel, thực sự là với toàn thể nhân loại đang lao đao, và do đó, những Thánh vịnh này luôn trải dài khắp quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng được cầu nguyện trước sự đau khổ, nhưng chúng đã chứa đựng trong chúng sự đáp trả cho lời cầu nguyện, ơn biến đổi. (tr. 215)
Trong tiếng kêu đau đớn của mình, Chúa Giêsu không thất vọng về Thiên Chúa. Người chịu đựng sức nặng đè bẹp của tội lỗi đen tối nhất thế giới. Người là Chiên Vượt Qua không tỳ vết đứng thay chúng ta nhận công lý mà chúng ta đáng phải nhận (điều mà Người không đáng phải nhận). Chúa Kitô sở hữu nỗi kinh hoàng trong Cuộc khổ nạn của Người bằng cách đọc Thánh vịnh 22, nhưng cùng một lúc, Người thẳng thắn chỉ một ngón tay đầy hy vọng về phần cuối không thể tránh khỏi của cùng một bài Thánh vịnh. Người chịu đựng Công lý (phần đầu của Thánh vịnh 22) trong khi ban phát Ân sủng (phần cuối của Thánh vịnh 22). Hành động của Người xóa sạch món nợ của chúng ta và ban cho chúng ta Sự sống Đời đời. Người được biến đổi qua cái chết và sự phục sinh. Và, trong Người, chúng ta cũng được biến đổi.
Vì vậy, đừng quên, Thánh vịnh 22 bắt đầu,
Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con?
và kết thúc,
Thế hệ mai sau sẽ được thuật lại về Chúa, để chúng rao truyền cho một dân tộc chưa được sinh ra, ơn giải thoát mà Chúa đã mang lại.
Thứ Sáu Tuần Thánh báo trước Lễ Phục Sinh. Và Chúa Giêsu cũng vậy.
Đau khổ kết thúc trong Vinh quang.
Cái chết bị Phục sinh nuốt chửng.
Công lý nhường chỗ cho Lòng thương xót.
Vinh quang làm sao. Và rực rỡ làm sao.
Mong sao chúng ta có thể công bố cho một dân tộc chưa được sinh ra sự giải thoát mà Thiên Chúa đã mang lại.
Lúc 7g30 tối thứ Bẩy 8 tháng Tư, Lễ Vọng Phục Sinh đã được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh Lễ Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng sự Phục Sinh của Chúa Kitô mời gọi chúng ta trải nghiệm niềm vui và sự ngạc nhiên vô cùng của những người phụ nữ chứng kiến ngôi mộ trống, đồng thời nói thêm rằng chúng ta được mời gọi để sống lại ân sủng của mình, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa để lớn lên trong đức tin và đức cậy.
Buổi cử hành bắt đầu bên trong lối vào của Đền Thờ Thánh Phêrô với nghi thức làm phép lửa, sau đó là cuộc rước nến trong khi ca đoàn hát bài Lumen Christi. Buổi lễ cũng bao gồm nghi thức rửa tội và thêm sức cho tám tân tòng đến từ Albania, Hoa Kỳ, Nigeria, Ý và Venezuela.
Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ bài giảng của Đức Thánh Cha.
Tin Mừng cho chúng ta biết rằng các bà đi “thăm mộ” (Mt 28:1). Họ nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở nơi chết chóc và mọi thứ sẽ kết thúc mãi mãi. Đôi khi chúng ta cũng có thể nghĩ rằng niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu của chúng ta là một điều gì đó thuộc về quá khứ, trong khi hiện tại chủ yếu bao gồm toàn những ngôi mộ bị niêm phong: những ngôi mộ của sự thất vọng, cay đắng và ngờ vực, của sự mất tinh thần khi nghĩ rằng “không thể làm gì hơn được nữa”,” “mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi,” “tốt hơn hết là sống cho ngày hôm nay,” vì “không có gì chắc chắn về ngày mai.” Nếu chúng ta là nạn nhân của sự buồn phiền, bị đè nặng bởi nỗi buồn, bị khuất phục bởi tội lỗi, cay đắng vì thất bại, hoặc gặp rắc rối vì một vấn đề nào đó, thì chúng ta cũng trải nghiệm vị đắng của sự mệt mỏi và thiếu vắng niềm vui.
Đôi khi, chúng ta có thể chỉ đơn giản là cảm thấy mệt mỏi với thói quen hàng ngày của mình, mệt mỏi với việc chấp nhận rủi ro trong một thế giới lạnh lùng, khắc nghiệt, nơi dường như chỉ những người thông minh và mạnh mẽ mới vượt lên được. Những lúc khác, chúng ta có thể cảm thấy bất lực và nản lòng trước sức mạnh của sự dữ, những xung đột làm rạn nứt các mối quan hệ, những thái độ tính toán và thờ ơ dường như đang thịnh hành trong xã hội, căn bệnh ung thư của nạn tham nhũng, sự lan tràn của bất công, những cơn gió lạnh lùng của chiến tranh. Sau đó, chúng ta cũng có thể đối mặt với cái chết, vì nó cướp đi sự hiện diện của những người thân yêu của chúng ta hoặc vì chúng ta chống chọi với nó trong bệnh tật hoặc thất bại nặng nề. Lúc đó, rất dễ dẫn đến vỡ mộng, một khi nguồn hy vọng đã cạn kiệt. Trong những tình huống này hoặc những tình huống tương tự, con đường của chúng ta dừng lại trước một dãy mộ, và chúng ta đứng đó, đầy đau khổ và tiếc nuối, cô đơn và bất lực, lặp đi lặp lại câu hỏi, “Tại sao?”
Tuy nhiên, những người phụ nữ trong lễ Phục Sinh không đứng sững trước ngôi mộ; đúng hơn, Tin Mừng cho chúng ta biết, “Họ vội vàng ra khỏi mộ, vừa sợ vừa mừng, và chạy về báo tin cho các môn đệ Người” (c. 8). Các bà mang đến tin tức sẽ thay đổi cuộc sống và lịch sử mãi mãi: Chúa Kitô đã sống lại! (câu 6). Đồng thời, các bà cũng nhớ chuyển lời Chúa triệu tập các môn đệ hãy đến Galilê, vì ở đó các ông sẽ gặp Người (x. c. 7). Thưa anh chị em, đi đến Galilê có nghĩa là gì? Thưa: Hai điều, thứ nhất, đó là rời bỏ sự đóng kín trong Nhà Tiệc Ly và đi đến vùng đất của dân ngoại (x. Mt 4:15), ra khỏi nơi ẩn náu và mở lòng ra cho sứ vụ, bỏ lại sau lưng nỗi sợ hãi, và chuẩn bị cho tương lai. Thứ hai - và điều này rất tốt – đó là trở về nguồn cội, vì chính ở Galilê mà mọi thứ đã bắt đầu. Tại đó, Chúa đã gặp và gọi các môn đệ lần đầu tiên. Vì vậy, đi đến Galilê có nghĩa là trở về với ân sủng của thuở ban đầu, để lấy lại ký ức làm tái sinh niềm hy vọng, “ký ức của tương lai” mà Đấng Phục Sinh đã ban cho chúng ta.
Vì vậy, đây là điều mà Lễ Vượt Qua của Chúa hoàn thành: cuộc vượt qua của Người thúc đẩy chúng ta tiến tới, bỏ lại sau lưng cảm giác thất bại, lăn đi tảng đá mồ mả mà chúng ta thường giam hãm niềm hy vọng của mình, và tin tưởng hướng về tương lai, vì Chúa Kitô đã sống lại và đã thay đổi chiều hướng của lịch sử. Tuy nhiên, để làm được điều này, Lễ Vượt Qua của Chúa đưa chúng ta trở lại với ân sủng của quá khứ của chính chúng ta; nó đưa chúng ta trở lại Galilê, nơi bắt đầu câu chuyện tình yêu của chúng ta với Chúa Giêsu, nơi xảy ra cuộc gọi đầu tiên. Nói cách khác, nó yêu cầu chúng ta sống lại khoảnh khắc đó, hoàn cảnh đó, kinh nghiệm mà trong đó chúng ta đã gặp Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Người, và nhận được một cách nhìn mới rạng rỡ về chính mình, về thế giới xung quanh chúng ta, và chính mầu nhiệm của cuộc sống. Để sống lại, để bắt đầu lại, để tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta luôn cần trở về Galilê, nghĩa là quay trở lại, không phải về một Chúa Giêsu trừu tượng hay một lý tưởng xa xôi, mà là về ký ức sống động, cụ thể và sờ thấy được của lần đầu tiên chúng ta gặp gỡ Ngài. Vâng, thưa anh chị em, để tiến tới chúng ta cần phải quay lại, để ghi nhớ; để có hy vọng, chúng ta cần làm sống lại ký ức của mình. Đây là những gì chúng ta được yêu cầu làm: đó là ghi nhớ và tiến lên! Nếu anh chị em tìm lại được tình yêu ban đầu, sự ngạc nhiên và niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa, anh chị em sẽ tiếp tục tiến lên. Vì vậy, hãy ghi nhớ, và tiếp tục tiến về phía trước. Hãy ghi nhớ, và tiếp tục tiến về phía trước.
Hãy nhớ đến Galilê của chính anh chị em và tiến về phía đó, vì đó là “nơi” mà anh chị em đã biết Chúa Giêsu một cách cá vị, nơi Ngài không còn là một nhân vật khác đến từ một quá khứ xa xôi, mà là một con người đang sống: không phải là một Thiên Chúa xa xôi nào đó mà là Thiên Chúa là Đấng hiện hữu, ở bên cạnh anh chị em, Đấng hơn ai hết biết rõ anh chị em và yêu mến anh chị em. Thưa anh chị em, hãy nhớ đến Galilê, Galilê của anh chị em và lời mời gọi dành cho anh chị em. Hãy nhớ đến Lời của Thiên Chúa, Đấng đã phán trực tiếp với anh chị em vào một thời điểm chính xác. Hãy nhớ kinh nghiệm mạnh mẽ đó về Thánh Linh; niềm vui lớn lao của sự tha thứ đã trải qua sau một lời xưng thú tội lỗi; khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khó quên đó; ánh sáng đó đã thắp lên trong anh chị em và thay đổi cuộc đời anh chị em; cuộc gặp gỡ đó, cuộc hành hương đó. Mỗi người chúng ta đều biết nơi phục sinh nội tâm của mình, nơi là khởi đầu và là nền tảng đó, nơi mà mọi thứ đã thay đổi. Chúng ta không thể chôn vùi điều này trong nấm mồ quá khứ; Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta trở lại đó để cử hành Lễ Phục Sinh. Hãy nhớ Galilê của anh chị em. Hãy nhắc nhở bản thân mình.
Hôm nay, chúng ta hãy sống lại ký ức đó. Hãy quay trở lại cuộc gặp gỡ đầu tiên đó. Hãy nghĩ lại xem nó như thế nào và dựng lại bối cảnh, thời gian và địa điểm. Hãy ghi nhớ những cảm xúc và cảm giác; hãy ngắm nhìn màu sắc và thưởng thức hương vị của nó. Bởi vì, anh chị em biết đấy, chính khi anh chị em quên đi mối tình đầu, khi anh chị em không thể nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, thì bụi bặm bắt đầu phủ lên trái tim anh chị em. Đó là khi anh chị em trải qua nỗi buồn; và giống như các môn đệ, anh chị em nhìn thấy tương lai trống rỗng, giống như một ngôi mộ với một tảng đá phong tỏa mọi hy vọng. Tuy nhiên, thưa anh chị em, hôm nay sức mạnh của Lễ Phục Sinh kêu gọi anh chị em lăn đi mọi tảng đá của sự thất vọng và ngờ vực. Chúa là chuyên gia trong việc đẩy lùi những tảng đá tội lỗi và sợ hãi. Người muốn soi sáng ký ức thiêng liêng của anh chị em, ký ức đẹp nhất của anh chị em và khiến anh chị em hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Ngài. Hãy ghi nhớ và tiếp tục tiến về phía trước. Hãy trở về với Người và khám phá lại ân sủng phục sinh của Thiên Chúa nơi anh chị em.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu đến Galilê, gặp gỡ Người và thờ phượng Người ở đó, nơi Người đang chờ đợi mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy làm sống lại vẻ đẹp của khoảnh khắc đó khi chúng ta nhận ra rằng Ngài đang sống và chúng ta tôn vinh Ngài làm Chúa của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy trở lại Galilê. Mỗi người chúng ta hãy trở về Galilê của chính mình, về nơi mà chúng ta đã gặp Người lần đầu tiên. Chúng ta hãy vươn lên trong cuộc sống mới!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Stephen G. Adubato trên tạp chí mạng America của các cha Dòng Tên Hoa Kỳ, ngày 06 tháng 4, 2023 có bài viết về nhận định của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nhân câu nói thời danh của Nietzsche “Thiên Chúa đã chết”, đã cho rằng “chính chúng ta đã giết Người” trong một bài suy niệm Thứ Bẩy Tuần Thánh. Nguyên văn có thể đọc tại đây: https://www.americamagazine.org/faith/2023/04/06/pope-benedict-xvi-nietzsche-death-god/
Anna Khachiyan nhận xét trong một tập gần đây trên podcast “Red Scare”: “'Chúa đã chết' là câu trích dẫn sai và bị lạm dụng nhiều nhất trong số những câu nói suông của Nietzsche. “Và tôi nghĩ,” Dasha Nekrasova, người đồng dẫn chương trình của cô ấy trả lời, “là những Kitô hữu, chúng ta thực sự nên biết ơn Nietzsche.”
Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI có thể được coi là một trong số những nhà thần học Kitô giáo thừa nhận mình mắc nợ cha đẻ của tư tưởng hậu hiện đại này. Tuyên bố gây tranh cãi của Friedrich Nietzsche từ The Gay Science là chủ đề khám phá trong một số bài suy tư của Đức Hồng Y Ratzinger vào Thứ Bảy Tuần Thánh. Khi Nietzsche tuyên bố về cái chết của Thiên Chúa, ông muốn nói rằng khuôn khổ văn hóa từng “chống đỡ” đức tin và đạo đức Kitô giáo đã bị xói mòn, do đó khiến niềm tin vào Thiên Chúa không còn phù hợp với cuộc sống ở châu Âu hiện đại.
Năm 1998, các bài viết của Đức Hồng Y Ratzinger về Thứ Bảy Tuần Thánh, được biên soạn cùng với các bức tranh và lời bình luận của nghệ sĩ người Mỹ William Congdon trong một bộ sưu tập có tựa đề The Sabbath of History (Ngày Sabát của Lịch sử). Mặc dù Congdon - một người trở lại Công Giáo thường gắn liền với phong trào Biểu hiện Trừu tượng [abstract expressionism] - chưa bao giờ gặp Đức Hồng Y Ratzinger, nhưng cả hai người đều bị thu hút và ngỡ ngàng sâu xa bởi những biến cố mầu nhiệm của Thứ Bảy Tuần Thánh.
Trong cuốn sách, Đức Hồng Y Ratzinger mô tả Thứ Bảy Tuần Thánh có một ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với ngài, vì ngài được sinh ra và rửa tội vào chính ngày đó năm 1927. Cuộc đời của ngài “ngay từ đầu dường như đã hướng đến sự phối hợp mầu sáng tối (chiaroscuro) lạ lùng này của đau khổ và hy vọng, của sự ẩn giấu và sự hiện diện thần linh” được ngài liên kết với Thứ Bảy Tuần Thánh. Đó là một ngày lơ lửng giữa “nhân tính hữu hình” của Thứ Sáu Tuần Thánh và “thiên tính rạng ngời” của Chúa Nhật Phục Sinh.
Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, xác của Chúa Kitô, bị hành hạ dã man vào Thứ Sáu Tuần Thánh, nằm trong mồ. Vào ngày này, chúng ta nhớ đến lời khẳng định đầy mầu nhiệm trong Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ: rằng Chúa Kitô “descendit ad infernos,” Người xuống địa ngục. Theo một bài giảng cổ xưa, Giáo Hội cho chúng ta biết rằng trong địa ngục, Chúa Giêsu đã giải thoát “tù nhân Ađam và người bạn tù Evà khỏi các đau đớn của họ,” tìm kiếm họ như “những con chiên lạc”.
Đức Hồng Y Ratzinger thận trọng trong việc ngài giải thích từ “địa ngục,” thích để nó bao phủ trong mầu nhiệm. Ngài gợi ý rằng địa ngục trong trường hợp này có thể được hiểu rõ hơn trong ngữ cảnh của chữ sheol trong tiếng Do Thái hoặc từ hades trong tiếng Hy Lạp của Homer, chỉ một vực thẳm cuối cùng được đặc trưng bởi “sự cô độc tột cùng”, “sự mất mát mọi thông đạt” và là nơi “tình yêu không xâm nhập được.”
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Ratzinger viết, “Việc Thiên Chúa chết trong Chúa Giêsu Kitô đồng thời là biểu thức của tình liên đới triệt để của Người với chúng ta. Mầu nhiệm đen tối nhất trong đức tin của chúng ta đồng thời là dấu hiệu hy vọng tươi sáng nhất không có giới hạn.” Sự im lặng của Thiên Chúa vào Thứ Bảy Tuần Thánh, cảm giác Người không đáp lại những lời cầu nguyện của chúng ta, không phải là lý do để thương tiếc cái chết dứt khoát của Người. Thay vào đó, nó đánh dấu một giai đoạn mà chúng ta háo hức chờ đợi Người thức dậy sau “giấc ngủ thần linh”, như Ratzinger nói, so sánh nó với thời gian Chúa Kitô ngủ trên thuyền trong cơn bão tố.
Đức Hồng Y Ratzinger lưu ý rằng lời tuyên bố của Nietzsche về cái chết của Thiên Chúa “được hiểu gần như theo nghĩa đen từ ngôn ngữ của truyền thống Kitô giáo”. Thay vì cố gắng bác bỏ tuyên bố của Nietzsche, Đức Hồng Y Ratzinger kích động các tín hữu để cho lương tâm của họ bị nó kích thích và đặt câu hỏi về nền tảng niềm tin của họ.
Đức Hồng Y Ratzinger viết tiếp, “Chúng ta đã giết Người bằng cách giam giữ Người trong những lối suy nghĩ cổ hủ, bằng cách trục xuất Người vào một lòng sùng đạo phi thực tại, một lòng sùng đạo ngày càng trở thành một khẩu hiệu tôn sùng hoặc sự tò mò khảo cổ học.” Chúng ta giản lược Thiên Chúa vào một mớ nghi thức và quy tắc phải tuân theo, không cho phép mình cảm nhận đầy đủ nhu cầu về tình yêu của Người và ôm lấy Người trong tất cả sự cao cả và mầu nhiệm của Người. Khi các tín hữu sống đức tin của họ một cách thờ ơ và quên mất gốc rễ của niềm tin của họ, thì làm sao những người ngoại đạo có thể được thuyết phục bởi lời chứng của họ?
Trong The Sabbath of History, Ratzinger hồi tưởng việc tham dự phụng vụ Thứ Bảy Tuần Thánh khi còn nhỏ khi các cửa sổ của nhà thờ được che kín hoàn toàn bằng rèm. Dù “ánh sáng từ bên ngoài và bên trên không chiếu vào,” ngài biết rằng “ánh sáng đang chờ đợi.” Đó là lý do tại sao ngài tin chắc rằng Thứ Bảy Tuần Thánh “đầy ắp mầu nhiệm của niềm hy vọng.”
Hình ảnh tòa nhà thờ tối tăm này đối với Đức Hồng Y Ratzinger là biểu tượng của “tình trạng của thế giới chúng ta” vào cuối những năm 1960. Ngài hỏi, “[Thứ Bảy Tuần Thánh] há không phải là ngày của chúng ta một cách kỳ lạ hay sao?” Ngài hỏi thêm, “há thế kỷ của chúng ta không đang bắt đầu trở thành một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh lớn khi một sự trống rỗng băng giá lớn dần ngay cả trong tâm hồn của các môn đệ hay sao?”
Trong thời gian dẫn đến Công đồng Vatican II, Đức Hồng Y Ratzinger tự phân biệt mình với những người bám chặt vào các khuôn khổ thần học trong quá khứ, cũng như với những người vội vã loại bỏ truyền thống giáo hội nhân danh sự tiến bộ. Với phong cách biện chứng của một học giả kỳ cựu, ngài dấn thân vào vực thẳm nghi ngờ do tư tưởng hậu hiện đại và cuộc cách mạng văn hóa những năm 1960 gây ra. Ngài không bao giờ làm tổn thương các xác tín hoặc đức vâng lời Giáo hội của ngài, nhưng không ngại tra vấn những vấn đề cơ bản về đức tin và tham gia đối thoại với những người ngoại đạo.
Ngài viết: “Chính trong tư cách một người tham gia vào những nhu cầu cấp bách của thế hệ chúng ta, tôi cảm thấy được kêu gọi lên tiếng cho niềm hy vọng rằng sự thật luôn đặc biệt nằm rất gần những giờ phút im lặng và bóng tối”. Phương pháp đáp ứng thời đại bằng cách lội qua bóng tối của nghi ngờ thay vì giải quyết nó từ “bên ngoài” đánh dấu giọng điệu trong bản văn có ảnh hưởng lớn năm 1968 của ngài Introduction to Christianity [Dẫn nhập vào Kitô giáo].
Việc Ratinzger sẵn sàng vật lộn với những luận điểm của các triết gia như Nietzsche và Sartre khiến ngài trở thành một đối tác đối thoại thích hợp cho những người không có đức tin như Jurgen Habermas, Julia Kristeva và Mario Vargas Llosa. Danh tiếng táo bạo và sự tinh tế hậu hiện đại của ngài thậm chí còn mang lại cho ngài danh hiệu “giáo hoàng sặc sỡ nhất” bởi nhà phê bình văn hóa người Ý Fabio Cleto. Cleto không phải là người duy nhất nhận thấy sở thích của Ratinzger đối với nghi thức phức tạp và văn hóa cao cộng hưởng với sự nhạy cảm nghệ thuật được gọi là “sặc sỡ” [camp], thường được liên kết với các nữ hoàng khiêu vũ, ngôi sao nhạc pop và nhà thiết kế thời trang.
Đối tác của Đức Hồng Y Ratzinger trong The Sabbath of History, William Congdon, đã bị ảnh hưởng sâu xa bởi cảnh tượng đau khổ của con người mà ông gặp phải khi được phục vụ trong Thế chiến thứ hai. Ông nói: “Những đau khổ của người sắp chết tiết lộ cho tôi bản sắc thực sự của mình.” Việc ông hào phóng sử dụng sơn đen trên các bức tranh sơn dầu của mình là một cử chỉ thương tiếc nhưng cũng là một niềm hy vọng khi đối mặt với đau khổ. Ánh sáng chỉ có thể xuất hiện từ bóng tối—vốn tự nó là một biến cố kỳ diệu.
Mặc dù việc trở lại của Congdon vào năm 1959 đã khiến cộng đồng nghệ thuật phải kinh ngạc, nhưng loạt tranh về Chúa Kitô bị đóng đinh và trong mồ của ông đã giành được sự hoan nghênh từ các nhà phê bình. Những hình ảnh này là “chủ đề cao nhất” trong cuộc đời của ông, vì cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô khiến ông “khám phá ra rằng tấn kịch của Người trên thập giá” cũng là của chính ông. Congdon thường gọi “những con đường” mà chúng ta đi qua trong tư cách con người, rải rác đau khổ và bạo lực, là “Thân thể đang hấp hối của Chúa Kitô…bị chà đạp như thể giao thông của 'tội lỗi' đã băng qua nó cho hay từ thuở đời đời, cho đến khi cơ thể, điều là cơ thể, trở thành một vết nhơ.
Congdon và Đức Bênêđíctô không phải là những nhân vật duy nhất trong thời đại chúng ta đã lấy chủ đề về Thứ Bảy Tuần Thánh. Đối với nhà triết học và nhà hoạt động Cornel West, Kitô giáo “không phải là niềm tin vào Chúa Kitô vui mừng bị đóng đinh vào Thứ Sáu Tuần Thánh hoặc sống lại từ ngôi mộ của Người đúng lúc vào Chúa nhật Phục sinh của Giáo Hội, mà là một đức tin rút ra từ sự thừa nhận nỗi tuyệt vọng của ngày Thứ Bảy ở giữa.” Thứ Bảy Tuần Thánh đại diện cho tình liên đới của Chúa Kitô với sự đau khổ của những người bị áp bức, đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho các Kitô hữu, những người, giống West, dấn thân vào hoạt động xã hội.
Đối với triết gia người Slovenia (và tự xưng là “Kitô hữu vô thần”) Slavoj Zizek, cái chết của Chúa Kitô đã trở thành một phương tiện để khám phá khoảnh khắc “Thiên Chúa trở thành người vô thần”. Cuộc tranh luận được trình bày giữa Zizek và nhà thần học Anh giáo John Milbank trong cuốn sách năm 2009 của họ The Monstrosity of Christ [Tính quái dị của Đấng Kitô] để lại cho chúng ta tuyên bố rằng hoặc Kitô giáo là sự đầy tràn của tình yêu thần linh mà những làn sóng của nó đưa chúng ta đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa (“nghịch lý của Chúa nhật Phục sinh”); hoặc đó là sự giải thoát khỏi một vị thần xa xôi, độc đoán, do đó cho chúng ta cơ hội yêu thương người khác một cách tự do và không bị ép buộc (“biện chứng của Thứ Bảy Tuần Thánh”).
Dù bằng cách nào, Zizek và Milbank chứng minh “tính quái dị” trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã mang đến cho thế giới một hình thức tình yêu dựa trên cộng đồng và tình liên đới ra sao, trái ngược với chủ nghĩa cá nhân tư bản phương Tây.
Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta bị treo lơ lửng trong trạng thái mầu nhiệm một cách khó chịu giữa cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô; giữa những đau khổ hàng ngày của chính chúng ta và niềm hy vọng đã được hứa cho chúng ta. Chúng ta bị khiêu khích bởi sự im lặng của Thiên Chúa, giấc ngủ của Người. Trong những giây phút bối rối như vậy—thời điểm Thiên Chúa chết—chúng ta rất dễ chạy trốn đến chỗ hoàn toàn nghi ngờ và tuyệt vọng, hoặc tự làm tê liệt mình bằng sự lạc quan ủy mị.
Nhưng chúng ta cũng có thể mời Người bước vào vực thẳm bản thân của chúng ta, cùng với Đức Hồng Y Ratzinger kêu lên với vị Thiên Chúa đang ngủ: “Hãy thức dậy, đừng để bóng tối của Thứ Bảy Tuần Thánh kéo dài vô tận, hãy để một tia sáng Phục sinh chiếu vào những ngày của chúng con…đừng để chúng con chìm vào bóng tối; đừng để lời nói của Chúa bị nhấn chìm trong những giễu cợt của những ngày này. Lạy Chúa, xin giúp chúng con, vì không có Chúa, chúng con sẽ bị diệt vong. Amen.”
Theo tin của Antoine Mekary, ALETEIA, ngày 8 tháng 4, 2023, Phó tế Zane Langenbrunner, một chủng sinh từ Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ, đã được vinh dự hát lời kinh bất hủ Exultet trong Đêm Vọng Phục Sinh ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Exsultet, còn được gọi là Tuyên bố Phục sinh, là một bài thánh ca cổ xưa được hát trong Đêm Vọng Phục sinh, nhắc lại quyền năng và câu chuyện về sự phục sinh của Chúa Kitô. Năm nay, Phó tế Zane Langenbrunner, 29 tuổi, đến từ Mishawaka, Indiana, đã hát lời cầu nguyện này trong Lễ Vọng ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô với Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì.
Phó tế Langenbrunner đã ở trong chủng viện được sáu năm, trong đó bốn năm cuối cùng thầy đã trải qua ở Rôma tại Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ. Thầy sẽ được thụ phong linh mục trong những tháng tới.
Trước khi hát kinh Exultet, Phó tế Zane nói với Aleteia về nhiệm vụ quan trọng và điều thầy tin là những câu thơ hay nhất của lời cầu nguyện này.
Thầy cảm thấy thế nào về việc hát trong Đêm Vọng Phục Sinh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô với Đức Thánh Cha Phanxicô?
Đây thực sự là một kinh nghiệm khiến tôi khiêm nhường nhưng tuyệt vời và tôi thực sự vui mừng được tham gia phụng vụ đó và cử hành Lễ Phục Sinh với Đức Thánh Cha. Tôi chưa bao giờ phục vụ tại một trong các buổi phụng vụ với Đức Thánh Cha, chứ đừng nói đến việc hát trong đó — vì vậy đây là lần đầu tiên. Phải nói là tôi hơi lo lắng, nhưng tôi nghĩ bất cứ ai cũng vậy.
Khi tôi nói với mọi người về việc phải hát bài Exsultet tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, tôi đã nói rằng trong tương lai, sau này và một khi tôi được thụ phong linh mục, tôi sẽ không bao giờ lo lắng khi hát bất cứ điều gì.
Mọi người trong giáo xứ quê hương của tôi đã gửi cho tôi email và tin nhắn động viên tôi và nói rằng họ đang cầu nguyện cho tôi, vì cha mẹ tôi đã nói với họ rằng tôi sẽ làm điều này.
Hai hoặc ba dòng yêu thích của thầy từ bài ca Exsultet là gì?
Đó thực sự là một lời cầu nguyện kỳ diệu và không giống bất cứ lời cầu nguyện nào khác mà chúng ta có trong phụng vụ. Nó nói về sự hợp nhất của sự sáng tạo của Thiên Chúa. Trên thực tế, một trong những câu mà tôi thích là “O vere beata nox, in qua terrenis cælestia, humanis divina iunguntur!” (Ôi đêm thực sự diễm phúc, khi những sự trên trời được kết hợp với những sự dưới đất, và thể thần linh kết hợp với thể nhân bản). Nó nói về sự kết hợp của những sự dưới đất với những sự trên trời, đó chính là điều Chúa Kitô đã làm.
Một câu khác đáng kinh ngạc là “O felix culpa, quæ talem ac tantum meruit habere Redemptorem!” (Ôi tội lỗi hạnh phúc, đã có công có được một Đấng Cứu Chuộc hết sức vĩ đại, hết sức vinh quang!). Nó giải thích cách thế giới hoạt động thông qua tội lỗi của con người để mang lại một Đấng Cứu Chuộc, một sự cứu rỗi. Bằng cách này, Chúa có thể lấy lại sự sống và biến đổi tình trạng chúng ta đang sống, thành một điều gì đó đẹp đẽ, đó là sự cứu rỗi mà Người đã thực hiện cho chúng ta ngay từ đầu.
Cuối cùng, một câu khác thực sự nổi bật đối với tôi là “Lætetur et mater Ecclesia” (Hãy vui mừng, hãy để Mẹ Giáo hội cũng vui mừng). Tôi luôn có ấn tượng bởi dòng này khi nghe nó - nhưng đặc biệt là bây giờ khi tôi chuẩn bị hát nó tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nhà thờ mẹ của Kitô giáo Latinh trên khắp thế giới. Việc cổ vũ Giáo hội Mẹ cho Đức Giáo Hoàng ở chính nơi mẹ Giáo hội hiện hữu và là nơi Thánh Phêrô hiện hữu, càng mạnh mẽ hơn nữa. Tôi thực sự hy vọng toàn thể Giáo hội có thể hân hoan và vui mừng trong sự cứu rỗi của Chúa Kitô.
Thầy vốn luôn luôn hát trong nhà thờ? Niềm đam mê ca hát của thầy bắt nguồn từ đâu?
Kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi luôn yêu thích âm nhạc và ca hát. Tôi đã từng hơi ngại ngùng về điều đó nhưng tôi luôn hát thật to ở nhà thờ. Tôi nhớ những người ngồi trước mặt chúng tôi trong đám đông đã quay lại và nói với cha mẹ tôi: “Con trai của ông bà hát rất hay và to!” Tôi thực sự xấu hổ, nhưng bố mẹ tôi nói với tôi: “Không. Đó là một điều tốt, đó là một món quà mà Chúa đã ban cho con.”
Và tôi nghĩ đó là món quà Người tặng tôi. Tôi đã thực sự may mắn khi lớn lên - tôi tham gia ban nhạc diễn hành, ban nhạc jazz, tôi chơi trống, tôi tham gia vào dàn hợp xướng, sân khấu nhạc kịch, v.v. Khi tôi vào chủng viện, tôi cũng có rất nhiều cơ hội để hát, chẳng hạn như trong ca đoàn.
Âm nhạc thực sự là một món quà mà Chúa đã ban cho tôi và Người cũng đặt những người quan trọng trong cuộc đời tôi thông qua nó: giáo viên âm nhạc, giám đốc ban nhạc, v.v. Tôi thực sự vui mừng vì Chúa đã có thể sử dụng món quà này khi tôi còn là một chủng sinh và hy vọng trong một thời gian dài vẫn còn.
Thánh Augustinô nói rằng “hát là cầu nguyện hai lần.” Thầy nghĩ gì về điều này?
Thánh Augustinô là vị thánh thêm sức của tôi và là một trong những vị thánh yêu thích của tôi. Khi tôi còn ở trong nhóm thanh niên, chúng tôi có những buổi thờ phượng cầu nguyện và vị linh mục quen nói, cho dù bạn hát dở, Thánh Augustinô vẫn nói rằng hát giống như cầu nguyện hai lần, và nếu bạn là ca sĩ dở thì giống như cầu nguyện ba lần!
Tôi chắc chắn sẽ cầu xin Thánh Augustinô và Chúa Thánh Thần giúp tôi hát kinh Exsultet, bởi vì đó là một bài thánh ca dài và tôi hy vọng sẽ được chuẩn bị và giọng nói của tôi có thể vang lên cho đến khi kết thúc.
Thầy đã luyện tập như thế nào cho dịp này?
Tôi phát hiện ra hai tuần trước và tôi đã thực hành mỗi ngày một lần. Giám đốc dàn hợp xướng của chúng tôi tại Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ cho biết có sự cám dỗ thực hành quá đáng với một bài như thế này. Khi bạn đã ghi nhớ giai điệu và giai điệu trong đầu, bạn có thể làm được, và điều quan trọng là giữ giọng của bạn và ở trạng thái tốt để vượt qua đoạn nhạc dài này. Tôi đã ghi nhớ điều đó và cố gắng không tập luyện quá nhiều. Cũng bởi vì càng luyện tập tôi càng thấy lo lắng.
Thầy đã được chọn để hát như thế nào?
Các vị có nhiệm vụ tổ chức các buổi phụng vụ tại Nhà thờ Thánh Phêrô đã ít nhiều có truyền thống liên lạc với Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ và nhờ các phó tế và chủng sinh giúp đỡ trong Tuần Thánh vì chúng tôi sống rất gần, ngay trên ngọn đồi từ Vương cung thánh đường. Hàng năm, họ vẫn yêu cầu giúp đỡ với các thừa tác vụ khác nhau và đặc biệt họ yêu cầu một trong các phó tế tham gia vào ca đoàn và hát Exsultet.
Tôi đã tham gia vào dàn hợp xướng tại Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ trong suốt 4 năm tôi làm việc tại đây. Giám đốc ca đoàn hỏi tôi có sẵn lòng đi hát ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô không và tôi nói tất nhiên rồi! Sau đó, ngài nói thầy sẽ hát bài Exsultet với Đức Thánh Cha và tôi nghĩ, “Ôi trời, thế thì mình phải tập một chút.”
12 cây nến chung quanh cây nến Chúa phục sinh nhắc ta nhớ lại 12 Thánh Tông đồ Chúa Giêsu cùng những người khi thấy Chúa bị bắt phải vác thập giá và sau cùng chết trên đó, đã hoang mang sợ hãi chối bỏ ngài.
Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại mang ánh sáng niềm vui phục sinh ơn cứu độ đến cho nhân loại. Ngài là ánh sáng trần gian soi chiếu vào đêm tối nghi nan lo âu sợ hãi.
1. Cây nến thứ nhất: Các phụ nữ có cảm tình với Chúa Giêsu theo dõi cuộc khổ nạn của ngài. Họ trung thành với ngài cho tới giây phút cuối cùng, khi ngài bị đóng đinh trên thập giá.
Hoang mang lo âu buồn sầu, nhưng họ không bỏ Chúa. Họ ngậm ngùi đứng dưới chân thập giá với Chúa.
Sau khi chôn cất Chúa, rạng sáng ngày thứ nhất trong tuần, họ là những người đầu tiên tới mộ nơi chôn Chúa Giêsu. Họ muốn thăm viếng mộ ngài và bất ngờ họ được Thiên Thần hiện ra báo tin: Chúa Giêsu đã sống lại rồi! Sao các chị em lại đi tìm người sống nơi kẻ chết.
Thế là họ vui mừng hối hả chạy đi loan báo tin mừng Chúa đã sống lại cho các Tông đồ.
Ánh sáng cây nến Chúa phục sinh trong thánh đường chiếu tỏa lời loan báo như Thánh Phaolô đã có tâm tình nhắn nhủ tuyên xưng: Nếu Chúa Giêsu Kitô không sống lại, thì đức tin của mọi người chúng ta trở nên vô ích trống rỗng.
2. cây nến thứ hai: Khi nghe các người phụ nữ loan tin Chúa Giêsu đã sống lại, Thánh Gioan, môn đệ duy nhất trung thành cùng với Đức Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá khi Chúa bị đóng đinh, cùng với ông Phêrô chạy tới ngôi mộ.
Nhìn vào trong, hai ông thấy ngôi mộ nơi chôn Chúa Giêsu giờ đây trống trơn không còn xác Chúa Giêsu nữa. Bấy giờ các ông mới tin lời Mai-đệ liên và các phụ nỡ khác đã nói: Quả thực Chúa Giêsu, Thầy chúng ta đã sống lại !
Ánh sáng cây nến Chúa phục sinh trên bàn thờ là lời nguyện cầu của dân Chúa: Lạy Chúa, Chúa đã sống lại là niềm hy vọng cho con người chúng con. Xin ánh sáng Chúa phục sinh sưởi ấm tâm hồn chúng con trong những khi gặp buồn sầu đau khổ.
3. Cây nến thứ ba: Khi cây nến được thắp sáng lên từ ngọn lửa cây nến phục sinh. Sức nóng ngọn lửa sẽ làm chất sáp khô cứng của cây nến trở nên mềm dẻo sống động.
Cũng vậy, Chúa phục sinh ban phần thưởng ánh sáng sự sống vĩnh cửu cho những người đã qua đời. Sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu cứu linh hồn con người khỏi hình phạt tội lỗi.
Ánh sáng cây nến Chúa phục sinh loan báo sứ điệp : qua cái chết chôn trong mồ dưới lòng đất, Chúa Giêsu đã đi sâu vào nơi cùng tận tối tăm sự chết. Ngài đã chỗi dậy từ trong cõi kẻ chết.
Sự sống lại của Ngài đã cứu chuộc lôi kéo những người chết được chỗi dậy cùng sống lại với Người.
4. Cây nến thứ tư: Ông Thánh Tôma còn hoài nghi vào tin mừng Chúa đã sống lại. Chúa Giêsu đã hiện ra với Ông, và cho ông được đặt tay vào những vết thương của ngài. Bấy giờ lòng trí ông bừng tỉnh dậy và tin Chúa đã sống lại. Ông cung kính thốt lên lời: Lạy Chúa, Lạy Thầy!
Ánh sáng Chúa phục sinh là ánh sáng niềm tin, đã sưởi ấm biến đổi tâm hồn ông từ chỗ hoài nghi đến tin tưởng vào ngài.
Lạy Chúa, xin chiếu vào tâm trí chúng con ánh sáng niềm tin, sưởi ấm tâm hồn chúng con đang trong cơn lạnh lùng hoài nghi, để chúng con biết mở cánh cửa tâm hồn tin nhận Chúa đã sống lại.
5. Cây nến thứ năm: Trong đời sống có nhiều lo âu sợ hãibao phủ. Khi phải sống trong hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn thiếu thốn, khác nào người phải lần mò đi trong đêm tối mù mịt. Sự trợ giúp, an ủi khác nào như ánh sáng soi đường trong đêm tối.
Các Tông đồ ngày xưa cũng hoang mang sợ hãi bỏ trốn khi Chúa Giêsu bị bắt, bị kết án tử hình đóng đinh vào thập gía. Nhưng khi Chúa Giêsu phục sinh, ánh sáng phục sinh Chúa chiếu vào trái tim tâm hồn thất vọng sợ hãi của họ. Và từ đấy họ có lại sức can đảm.
Ánh sáng cây nến Chúa phục sinh mang đến niềm hy vọng, chỉ đường tìm ra lối thoát khỏi cảnh cùng quẫn.
6. Cây nến thứ sáu: Ai cũng trông mong được kính trọng, đựợc tha thứ và sống trong bình an với Chúa, nhất là khi sống trong lo âu thất vọng và tội lỗi. Ánh sáng cây nến Chúa phục sinh toả ra hơi nóng sưởi ấm, mang ơn tha thứ cho tâm hồn con người.
Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta thường thắp sáng cây nến trên bàn thờ. Ánh sáng cây nến nguyện cầu cũng là ánh sáng đốt thắp từ cây nến Chúa phục sinh. Ánh sáng cây nến nguyện cầu Chúa phục sinh chiếu tỏa hơi nóng niềm an ủi, sự bình an sưởi ấm cho tâm hồn đức tin người thành tín cầu nguyện
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con ánh sáng tha thứ bình an.
7. Cây nến thứ bảy: Cây nến khi được thắp lên, soi chiếu ánh sáng và toả ra hơi nóng. Nhưng cùng lúc đó thân xác là chất sáp làm nên cây nến cũng dần dần bị cháy tiêu hao mòn.
Hình ảnh này diễn tả đời sống phục vụ quên mình của cây nến. Chúa Giêsu đã sống hạ mình cho đến bị chết trên thập giá. Đời sống khiêm hạ và sự chết của ngài mang đến ánh sáng ơn cứu chuộc cho con người khỏi tội lỗi.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin giúp chúng con nhận ra ý nghĩa tích cực của một đời sống lòng khiêm nhượng dấn thân là vị tha cho đi.
8. Cây nến thứ tám: Ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, cây nến Rửa Tội của mỗi người được đốt thắp lên từ cây nến Chúa Phục Sinh. Cùng với làn nước bí tích rửa tội em bé người được rửa tội lãnh nhận ánh sáng Chúa Kitô phục sinh cho tâm hồn mình.
Ánh sáng Chúa phục sinh luôn hằng đồng hành với trong đời sống đức tin. Và với thời gian lớn lên thành người trưởng thành, người đã được rửa tội có bổn phận mang ánh sáng đó đến cho mọi người trong gia đình, trong xứ đạo, cộng đoàn nơi mình đang cùng sinh sống, qua đời sống bác ái.
9. Cây nến thứ chín: Chúa Giêsu đã nhắn nhủ những người tin theo Chúa: Các con là ánh sáng trần gian. Chúa Giêsu từ trời cao xuống thế làm người đã mang ánh sáng tình yêu đến cho trần gian.
Là em bé trong gia đình, là bạn trẻ đang lớn lên đi vào đời, là bậc Ông Bà, cha mẹ gia đình, chúng ta những người tin theo Chúa cũng phải là ánh sáng cho mọi người qua lời nói, việc làm trong đời sống của mình
Ánh sáng cây nến đức tin ngày rửa tội năm xưa đốt thắp từ cây nến Chúa Giêsu Phục sinh được củng cố thêm lên qua dầu Thánh bí tích Thêm Sức. Ơn đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sức sống, gây niềm phấn khởi giúp cho mạnh dạn làm chứng cho ánh sánh sáng Chúa Giêsu phục sinh.
10. Cây nến thứ mười: Bóng tối, sự lo âu hoài nghi trên trần gian này không thể chống lại ánh sáng Chúa phục sinh lan tràn đến mọi nơi. Ánh sáng Chúa phục sinh chiếu dọi vào đêm tối,vào tận tâm hồn con người. Ánh sáng này thức tỉnh tâm trí bừng dậy sau giai đoạn thất vọng, hồ nghi dao động.
Ngày còn tuổi thanh xuân, hai người nam nữ cùng dắt tay nhau đến trước bàn thờ Chúa trong thánh đường. Trước Cộng đoàn Hội Thánh, họ trao cho nhau lời thề ước nhận nhau làm vợ chồng. Và họ cùng đốt thắp cây nến hôn nhân cho mình từ ngọn lửa cây nến Chúa Phục sinh.
Ánh lửa Chúa phục sinh là ánh sáng soi chiếu niềm vui cho đời sống gia đình chúng. Gia đình luôn cần hơi nóng sự an ủi trong những khi gặp hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong việc nuôi dưỡng dậy bảo giáo dục con cái.
11. Cây nến thứ mười một: Chúa Giêsu phục sinh đã mạc khải về mình cho hai tông đồ trên đường Em-maus, khi Ngài cùng ngồi vào bàn ăn chia sẻ tấm bánh với họ.
Trong chao đảo bối rối, một tia sáng nhỏ thôi cũng đủ làm tâm trí thức tỉnh nhận ra lối ngõ đi ra khỏi vòng nghi nan.
Ánh sáng cây nến Chúa Phục sinh không sáng mạnh cùng có chu vi lan rộng như bóng đèn điện ngoài đường phố hay chiếc đền xe hơi. Nhưng đủ ánh sáng giúp tâm hồn nhận ra thế nào là sự tốt lành thánh thiện, nhất là nhận ra có Chúa hằng cùng đồng hành trong đời sống.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin khơi dậy trong tâm hồn chúng con ngọn lửa ánh sáng tình yêu, khi chúng con đọc, nghe Lời Chúa cùng cử hành Thánh Lễ, và chia sẻ cuộc sống tình người với nhau.
12. Cây nến thứ mười hai: Ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Mẹ Maria và các Thánh Tông đồ đã nhận được ánh sáng ngọn lửa Chúa Thánh Thần. Ánh sáng ngọn lửa này đã gây phấn khởi, củng cố niềm tin, giúp họ can đảm ra đi làm chứng cho ánh sáng Chúa Phục sinh đến khắp cùng bờ cõi trái đất.
Trong đời sống làm người, con người rất nhiều khi vướng vào những hoàn cảnh lạnh lùng do dự cùng thiếu lòng can đảm, hay có khi chán nản buông xuôi bỏ cuộc. Những lúc như thế, họ cần sức mạnh cho tinh thần chí khí được vươn lên vững mạnh. Ngọn lửa Đức Chúa Thánh Thần chiêu tỏa hơi nóng làm tan sự lạnh lùng do dự, giúp tâm hồn lấy lại nhiệt độ chí khí vươn lên.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin gây niềm phấn khởi vào tin mừng ánh sáng Chúa phục sinh trong chúng con, giúp chúng con cũng mang niềm vui phấn khởi đến cho người khác.
Lễ mừng Chúa Giêsu Kitô phục sinh
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Lễ Phục Sinh: Âm Mưu và Ý Nghĩa
Người tín hữu Kitô giáo tin rằng Đức Giêsu sau khi chôn trong mộ đã sống lại. Sự chết không còn quyền năng trên thân xác của Người.
Nhưng một số người vẫn nghi ngờ và đặt vấn đề về tính trung thực của Tin Mừng Phục Sinh. Họ nghĩ rằng câu chuyện Phục Sinh chỉ là một âm mưu, một câu chuyện được dàn dựng lên.
Âm Mưu
Ngoại trừ những nhân chứng đầu tiên, người tín hữu Kitô của muôn thế hệ không ai kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh. Họ chỉ tin theo vào niềm tin của những nhân chứng đầu tiên, thí dụ, Maria Mađalêna, Phêrô, Phaolô và rất nhiều tín hữu của Giáo hội thời tiên khởi.
Một lần nữa, bởi chỉ tin theo, người Kitô hữu phải chấp nhận một điều, có thể Giáo hội thời tiên khởi đã âm mưu cùng với nhau dựng nên một bộ phim ngắn về Ðức Kitô Phục Sinh. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao lại có bao nhiêu người sẵn sàng đổ máu đào, mạng sống của chính mình cho một âm mưu gian dối lừa đảo như vậy? Stêphanô, người thanh niên trẻ trong chương 7 của sách Tông Đồ Công Vụ, đã đổ máu đào, chết đi để làm chứng cho một âm mưu gian dối của Giáo hội tiên khởi.
Chương 7, 9 và19 chương còn lại của Sách Tông Ðồ Công Vụ cũng không tường thuật điều gì khác hơn ngoài những câu chuyện về những hoạt động của tông đồ dân ngoại Phaolô, một cựu hung thần đã từng giết hại rất nhiều tín hữu thời tiên khởi. Thế mà sau những giây phút gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh, cựu hung thần lột da đổi xác. Phaolô trở thành một chiến sĩ tiền phong, lên non cao, xuống biển sâu, bị hành hung, bị đánh đập, bị săn đuổi, bị tù đày, bị sỉ nhục, bị chìm tàu, cuối cùng chết đi, chỉ để làm chứng cho một âm mưu lừa bịp gian dối.
Ngoài Phaolô ra, còn biết bao nhiêu người khác nữa trong giai đoạn sơ khai của Giáo hội đã đổ máu đào, bị tra khảo, bị chặt đầu, bị đóng đinh, bị đốt cháy, tất cả đều dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho một âm mưu đen tối.
Hiện tượng tử đạo, sẵn sàng thí bỏ mạng sống mình, chết đi cho một niềm tin của bao nhiêu người Kitô vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên thật sự là khó hiểu, và khó mà giải thích cho hợp lý nếu không dựa vào niềm tin là họ đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh.
Ý Nghĩa Phục Sinh
- Tin Mừng minh họa Đức Giêsu là một Đấng Giải Phóng (Liberator). Người giải thoát người bệnh khỏi vòng kiềm tỏa của bệnh tật, người thấp cổ bé miệng khỏi địa vị thấp hèn, người mù khỏi bóng tối mù lòa, người chết bước ra cõi tử thần. Và khi phục sinh từ trong cõi chết, Đức Giêsu giải thoát phụ nữ Do Thái khỏi thân phận công dân hạng hai, bởi người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất không coi chứng từ của phụ nữ là bằng chứng đáng tin cậy. Nói một cách khác, những nhà lãnh đạo Do Thái không dùng phụ nữ làm nhân chứng trong tòa án.
Thế đấy, bất chấp chuẩn mực xã hội này, tất cả những nhân chứng đầu tiên của một sự kiện quan trọng nhất của Kitô giáo đều là phụ nữ. Nói một cách khác, Đức Giêsu Phục Sinh đã biến đổi những người phụ nữ không có tiếng nói trong xã hội Do Thái trở thành tiếng nói duy nhất của Tin Mừng Phục Sinh.
- Vì được giải thoát khỏi tình trạng công dân hạng hai, và sau đó được nâng lên thành người có tiếng nói của và cho một thời đại mới, những người phụ nữ quay trở về nhà. Họ công bố Tin Mừng Phục Sinh tới những người môn đệ của Đức Giêsu. Nhờ lời rao giảng của họ, Phêrô và người môn đồ yêu dấu đã vượt qua được nỗi sợ hãi thường tình. Cả hai cùng chạy đến ngôi mộ Đức Giêsu.
Trên tất cả, sau khi đối thoại với Đức Giêsu Phục sinh, Maria Mađalêna rời bỏ hiện trường ngôi mộ. Cô công bố Tin Mừng Phục Sinh tới mọi người: “Tôi đã diện kiến Đấng Phục sinh”. Lời công bố Tin Mừng của Maria Mađalêna cũng chính là cốt lõi Tin Mừng mà Phêrô, Phaolô và những tín hữu tiên khởi đã công bố tới những người dân thành phố Giêrusalem, vùng Samaria, Antiốt, và trên toàn lãnh thổ đế chế La Mã.
Hơn thế nữa, tin vui Phục Sinh không chỉ là tin vui được người Kitô hữu chia sẻ với nhau trong phạm vi bốn bức tường. Bắt đầu từ những ngày đầu tiên của Giáo hội, Maria Mađalêna, hai môn đệ trên đường Emmau, các vị tông Đồ, Phaolô, và những người tín hữu thời tiên khởi đã lên đường chia sẻ tin vui Phục Sinh tới những người họ gặp gỡ trên nẻo đường truyền giáo. Riêng Phaolô, ngài khẳng định rõ ràng, “Chúng ta ra đi rao giảng về một Đức Giêsu bị đóng đinh”. “Đức Giêsu bị đóng đinh” đã chết trên cây thập giá, chôn trong ngôi mộ đá. Nhưng “Đức Giêsu bị đóng đinh” đã sống lại vào ngày thứ ba như Lời Thánh Kinh.
Do đó, mỗi khi cử hành đại lễ Phục sinh, Giáo hội được chính Đức Giêsu Phục Sinh nhắc nhở về sứ vụ truyền giáo Ngài đã trao tới từng người tín hữu Kitô. Bởi thế mọi người tín hữu của mọi thế hệ đều có nhiệm vụ phải ra đi để loan báo tới mọi người về một Đức Kitô chịu đóng đinh, nhưng đã phục sinh.
- Ý nghĩa quan trọng nhất của biến cố phục sinh có liên quan đến ước mơ về một đời sống vĩnh hằng của con người. Theo như Kinh Thánh, Đức Giêsu đã chết, đã được chôn trong ngôi mộ, nhưng đã phục sinh. Phân tích dưới lăng kính thần học, phục sinh của Đức Giêsu là phục sinh cấu thành (constitutive resurrection). Nói một cách khác, phục sinh của Đức Giêsu là một biến cố đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Bởi Đức Giêsu đã sống lại từ trong cõi chết, sự chết không còn quyền năng trên Ngài nữa. Bởi phục sinh cấu thành của Đức Giêsu, bất cứ ai có niềm tin vào Đức Giêsu, người đó cũng sẽ được sống lại như Ngài.
Trong lá thư thứ nhất gửi công đoàn Côrintô, Phaolô đã đề cập đến nét phục sinh cấu thành này. Đối với Phaolô, biến cố phục sinh của Đức Giêsu là hoa trái đầu tiên hứa hẹn nhiều hoa trái khác xuất hiện trên cây Phục sinh. Vì vậy, Phaolô đã viết, “Nhưng thật ra, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, hoa trái đầu mùa của những kẻ đã chết”. Do đó, những ai tin vào Đức Giêsu Kitô và sự phục sinh của Ngài cũng sẽ được sống lại vào ngày sau hết.
Khởi đầu từ biến cố Phục Sinh đầu tiên, nhân loại không còn phải đối mặt với cụm từ nhị phân, “một thời để sinh ra và một thời để chết,” nhưng, “một thời để sinh ra và một thời để phục sinh.” Tin vui này là tin vui nhất cho tất cả những người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Vì tin vào Đức Giêsu Kitô, dù đã chết, chôn trong mồ, người Kitô hữu cũng sẽ được sống lại như Ngài vào ngày sau hết.
Do đó, khi hát vang, “Alleluia, Ngài đã sống lại,” thật sự ra tín hữu Kitô cũng đang hát vang cho một kỷ nguyên mới của chính họ, “Alleluia! Chúng ta sẽ được phục sinh vào ngày sau hết.”□
https://www.youtube.com/@nguyentrungtay
1. Lực lượng của Putin đang đầu hàng với tốc độ chóng mặt: Quan chức Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Forces Are Surrendering at Surging Pace: Ukraine Official”, nghĩa là “Lực lượng của Putin đang đầu hàng với tốc độ chóng mặt: Quan chức Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo Tổng cục Tình báo Ukraine, quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đầu hàng với tốc độ ngày càng tăng trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng sự gia tăng “mạnh mẽ” về số lượng quân đội Nga muốn đầu hàng để “bảo vệ mạng sống của họ” là do cuộc phản công mùa xuân dự kiến của quân đội Ukraine. Tuyên bố của họ nói thêm rằng một số binh sĩ Nga cũng đang bị “bắt trực tiếp” trên chiến trường.
Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, nhằm giành chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu. Tuy nhiên, Ukraine đã phản ứng bằng một nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn dự kiến, được hỗ trợ bởi viện trợ của phương Tây, điều này đã làm giảm lợi ích quân sự của Nga. Sau hơn một năm xung đột, giao tranh vẫn tập trung ở các vùng cực đông Ukraine, với các nhà phân tích cho rằng âm mưu tấn công vào mùa đông của Nga phần lớn đã thất bại.
Vitaliy Matvienko, phát ngôn viên của đường dây nóng “Tôi muốn sống”, cho biết số đơn ghi danh đầu hàng của binh lính Nga đã tăng gấp đôi so với tháng trước lên 3.000 đơn.
“Tôi Muốn Sống” là một dự án được điều hành bởi Trụ sở Điều phối Đối xử với Tù nhân Chiến tranh, với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Ukraine và Tổng cục Tình báo.
Dự án bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái để khuyến khích các thành viên quân đội Nga bảo vệ mạng sống của họ bằng cách từ bỏ chiến đấu cho Mạc Tư Khoa. Gần đây nhất, cuộc chiến của Nga đã tăng cường ở Bakhmut, nằm trong khu vực Donetsk của Ukraine, nơi diễn ra các trận chiến kéo dài hàng tháng giữa các lực lượng Ukraine và Nga.
“Chiến dịch phản công của Ukraine trên thực địa vẫn chưa bắt đầu, nhưng hiệu quả của nó đã đơm hoa kết trái. Sự lựa chọn của một người lính Nga trong chiến tranh rất đơn giản: chết hoặc bị bắt. Tuy nhiên, một loạt các sự kiện bất ngờ, chớp nhoáng có thể thay đổi mọi thứ”, tuyên bố hôm thứ Sáu của Bộ Quốc phòng Ukraine, cảnh báo rằng cơ hội đầu hàng đang “thu hẹp lại”.
Đầu tháng 3, các quan chức Ukraine báo cáo rằng tổng cộng 9.836 cá nhân được huy động từ Nga và các vùng lãnh thổ bị xâm lược tạm thời của Ukraine đã chọn đầu hàng.
Có khoảng 3.500 đơn xin hàng vào tháng 11, cũng là tháng mà vợ và mẹ của 21 binh sĩ Nga được huy động tuyên bố rằng những người đàn ông này đang bị Nga giam giữ ở vùng Donetsk ở miền đông Ukraine và bị đe dọa hành quyết vì từ chối chiến đấu.
Mặc dù các quan chức Ukraine không tiết lộ số lượng người Nga đã đầu hàng, nhưng họ đã nhiều lần nói rằng “số lượng của họ không ngừng tăng lên, cùng với sự quan tâm đến dự án của người Nga”.
Theo các quan chức Ukraine, hơn 14 triệu người đã truy cập đường dây nóng “Tôi muốn sống” kể từ khi nó được ra mắt. Khoảng 84% du khách đến từ Nga.
Dự án cung cấp cho những người đầu hàng ba bữa ăn mỗi ngày, dịch vụ y tế và khả năng liên lạc với người thân. Nó cũng tuân thủ các Công ước Geneva về cung cấp hỗ trợ và hỗ trợ pháp lý thông qua nhiều tổ chức quốc tế.
Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Quốc phòng Nga và nhà phân tích quân đội Nga Pavel Felgenhauer để xin bình luận.
2. Các trận chiến giành Bakhmut vẫn tiếp tục
Các trận chiến giữa các lực lượng Ukraine và Nga tại Bakhmut vẫn tiếp tục, khi các lực lượng Nga cố gắng giành “toàn quyền kiểm soát” thành phố trọng điểm phía đông, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết như trên.
Trọng tâm chính của các cuộc tấn công của Nga vẫn là các khu vực Bakhmut, Avdiivka, Mariinka và Lyman, nơi các lực lượng Nga đã tiến hành hơn 40 cuộc tấn công trong 24 giờ qua.
“Trong khu vực Bakhmut, đối phương tiếp tục tiến hành các hành động tấn công, cố gắng kiểm soát hoàn toàn thành phố Bakhmut, và các hoạt động chiến đấu vẫn tiếp tục”.
Lực lượng quốc phòng Ukraine đã đẩy lùi khoảng 14 cuộc tấn công của Nga trong 24 giờ qua ở khu vực Bakhmut.
Theo Bộ Tổng tham mưu, các lực lượng Nga cũng tiếp tục cuộc tấn công ở phía nam Bakhmut trong khu vực Avdiivka và Mariinka, đồng thời cho biết thêm rằng “trận giao tranh ác liệt nhất trong khu vực này đang diễn ra gần Mariinka, nơi hơn 10 cuộc tấn công của đối phương đã bị đẩy lùi”.
Bộ Tổng tham mưu cho biết một chiếc máy bay Su-25 của Nga đã bị phá hủy gần Mariinka.
Trong 24 giờ qua, trên khắp Ukraine, các lực lượng Nga đã tiến hành 14 cuộc không kích và hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, đồng thời bắn hơn 10 hệ thống phóng hỏa tiễn đa năng “vào các vị trí của quân đội chúng ta và cơ sở hạ tầng dân sự của các khu định cư”, Bộ Tổng tham mưu cho biết.
Các lực lượng Ukraine đã thực hiện 9 cuộc tấn công vào các khu vực “tập trung quân xâm lược”.
Trong 24 giờ qua, quân xâm lược mất 480 binh sĩ, 2 xe tăng, 3 xe thiết giáp, 8 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 13 xe chuyển quân và nhiên liệu.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 2 Tháng Tư, đến ngày 7 tháng 4 năm 2023, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 177.110 binh sĩ Nga. Quân phòng thủ Ukraine cũng phá hủy 3633 xe tăng Nga, 7016 xe thiết giáp, 2722 hệ thống pháo, 533 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 281 hệ thống phòng không, 306 máy bay, 292 máy bay trực thăng, 2291 máy bay không người lái, 911 hỏa tiễn hành trình, 18 tầu chiến, 5587 xe chuyển quân và nhiên liệu, 304 thiết bị chuyên dụng.
3. Ngũ Giác Đài điều tra cáo buộc rò rỉ tài liệu mật của tình báo Mỹ và NATO về Ukraine
Ngũ Giác Đài đang điều tra những gì dường như là ảnh chụp màn hình thông tin quân sự mật của Mỹ và NATO về Ukraine lan truyền trên mạng xã hội, một quan chức Ngũ Giác Đài nói với các phóng viên báo chí.
CNN đã xem xét một số hình ảnh lưu hành trên Twitter và Telegram, nhưng không thể xác minh xem chúng là xác thực hay đã được chỉnh sửa.
Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết cô sẽ không lên tiếng về việc các tài liệu này là thực sự hay không, nhưng cho biết trong một tuyên bố rằng Bộ Quốc phòng “biết về các báo cáo liên quan đến các bài đăng trên mạng xã hội và Bộ đang xem xét vấn đề”.
Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, nói với CNN rằng ông tin rằng người Nga đứng sau vụ rò rỉ có chủ đích này và rằng các tài liệu mà họ phổ biến là không trung thực, “không liên quan gì đến kế hoạch thực sự của Ukraine” nhưng dựa chủ yếu trên “một lượng lớn thông tin hư cấu.”
Sự xuất hiện của các tài liệu, dù xác thực hay không, đã tập trung nhiều vào thời điểm bắt đầu cuộc phản công theo kế hoạch của Ukraine và những gì một trong hai bên biết về sự chuẩn bị của bên kia cho cuộc phản công đó”.
Một hình ảnh đã được lưu hành trên các kênh Telegram của Nga và được CNN xem xét là một bức ảnh về một bản sao của một tài liệu có tiêu đề “Xây dựng sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Đồng minh và các Đối tác”.
Một tài liệu khác có tiêu đề “Cập nhật hàng ngày của Liên quân Nga/Ukraine J3/4/5 (D+370)”. J3 đề cập đến hoạt động của bộ tham mưu chung của quân đội Hoa Kỳ, J4 liên quan đến hậu cần và kỹ thuật, và J5 đề xuất các chiến lược, kế hoạch và khuyến nghị chính sách.
Tờ New York Times, là tờ báo đầu tiên tiết lộ cuộc điều tra của Ngũ Giác Đài, đã báo cáo rằng một số hình ảnh lưu hành trên mạng mô tả thông tin tình báo có thể hữu ích cho Nga, chẳng hạn như người Ukraine đang sử dụng đạn dược được sử dụng trong các hệ thống hỏa tiễn do Mỹ cung cấp nhanh như thế nào.
Podolyak gọi các tài liệu này là “một trò bịp bợm, bụi bay vào mắt bạn” và nói rằng “nếu Nga thực sự nhận được sự chuẩn bị cho kịch bản thực sự, thì dại gì họ công khai hóa chúng.”
4. Các tài liệu được cho là mật của Ngũ Giác Đài về Ukraine cũng được đăng lên phòng trò chuyện trò chơi điện tử
Đầu ngày Thứ Sáu 7 Tháng Tư, tin tức về sự rò rỉ các tài liệu được cho là mật của Ngũ Giác Đài liên quan đến cuộc phản công của Ukraine đã làm nhiều người xao xuyến. Tuy nhiên, hậu quả của chuyện này đã xoay chuyển bất ngờ vào thứ Sáu, khi có bằng chứng cho thấy các phiên bản của tài liệu này đã được từng được đăng hơn một tháng trước lên một phòng trò chuyện trực tuyến tập trung vào trò chơi điện tử.
Hình ảnh của một số tài liệu - bao gồm ước tính thương vong của Nga và danh sách các hệ thống vũ khí phương Tây có sẵn cho Ukraine - đã được đăng lên ứng dụng trò chuyện Discord vào đầu tháng 3, theo ảnh chụp màn hình của các bài đăng được CNN xem xét.
“Tài liệu này đã ngồi trong máy chủ Minecraft Discord trong một tháng và không ai để ý,” Toler, người phụ trách Minecraft Discord nói. Minecraft là một trong những trò chơi điện tử phổ biến nhất thế giới và máy chủ Discord là không gian dành riêng để thảo luận về một chủ đề chung.
Mãi đến tuần này, các tài liệu mới bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Toler cho biết một người dùng đã đăng một phần tài liệu lên 4chan, một diễn đàn trực tuyến phần lớn không được kiểm duyệt, và sau đó một người nói tiếng Nga đã đăng phiên bản thay đổi của một trong các tài liệu trên nền tảng nhắn tin Telegram.
Các quan chức Mỹ tin rằng ai đó đã thay đổi tài liệu đó để ước tính số người Ukraine thiệt mạng trong cuộc chiến cao hơn nhiều so với thực tế.
Hoang mang đã lan tràn vào hôm thứ Sáu trên Discord, khi một số người dùng tự hỏi liệu họ có thể gặp rắc rối khi đăng lại các tài liệu hay không, đặc biệt là các tài liệu mà hiện chính phủ Hoa Kỳ đang điều tra. Một người dùng đã đăng ảnh của các tài liệu vào ngày 1 tháng 3 dường như đã sợ quá nên xóa tài khoản của mình trên Twitter và Discord.
Một chuyên gia được CNN phỏng vấn đặt câu hỏi liệu đây có phải là công việc của các chủ thể nhà nước hay không:
Thomas Rid, người nghiên cứu các hoạt động thông tin do nhà nước hậu thuẫn, nói với CNN: “Thực tế là sự có sẵn trực tuyến các phiên bản chưa được chỉnh sửa, và các phiên bản đã được chứng minh là bị chỉnh sửa, khiến tôi nghi ngờ rằng đây là một hoạt động tình báo chuyên nghiệp của Nga”.
Trong lịch sử, nếu một cơ quan tình báo có quyền truy cập vào tài liệu mật từ một đối phương và quyết định làm sai lệch một số tài liệu, thì họ sẽ không công khai đồng thời cả hai phiên bản của những tài liệu đó, Rid, giáo sư tại Trường Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Rid nói: “Điều đó chỉ khiến việc phát hiện sự thật dễ dàng hơn và do đó đánh bại mục đích”.
5. Chuyên gia cho rằng các kế hoạch phản công của Ukraine bị rò rỉ có thể là âm mưu của Putin
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Leaked Ukraine Counteroffensive Plans May Have Been Putin Ploy, Says Expert”, nghĩa là “Chuyên gia cho rằng các kế hoạch phản công của Ukraine bị rò rỉ có thể là âm mưu của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo một chuyên gia, các tài liệu bị rò rỉ cho thấy các chi tiết dường như liên quan đến việc NATO hỗ trợ cho một cuộc phản công đã được lên kế hoạch của Ukraine có thể đã được tình báo Nga tiết lộ để gây “tác động tâm lý”.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang điều tra sau khi các tài liệu mật nhằm phá vỡ sự hỗ trợ quân sự cho Kyiv từ Hoa Kỳ và các nước NATO bị rò rỉ trên mạng. Các tài liệu dường như cho thấy sự đánh giá về các lực lượng của Kyiv và các yêu cầu của lực lượng này đối với một cuộc phản công vào mùa xuân đã được lên kế hoạch, như đã được đánh giá vào đầu tháng trước.
Tờ New York Times đưa tin rằng các tài liệu xuất hiện trên mạng xã hội, bao gồm Telegram và Twitter, nhưng dường như đã được “sửa đổi”. Báo cáo cho biết thêm, điều này có thể “chỉ ra nỗ lực tung thông tin sai lệch của Mạc Tư Khoa”, nhằm làm cho người ta tin rằng có “những vi phạm đáng kể thông tin tình báo của Mỹ trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine”.
“Chúng tôi biết các báo cáo về các bài đăng trên mạng xã hội và Bộ Quốc Phòng đang xem xét vấn đề này”.
Theo Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, Đại học King's College London, có “một số lựa chọn” để giải thích thông tin bị rò rỉ này. Cô ấy nói với Newsweek rằng có thể chúng đã bị rò rỉ bởi các cơ quan tình báo Nga vì một “tác động tâm lý”.
Bà nói, nó sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng” các hoạt động chia sẻ thông tin mà Kyiv đang thực hiện với những người ủng hộ phương Tây, đồng thời nói thêm rằng các cơ quan tình báo của Mạc Tư Khoa “nổi tiếng với những kiểu rò rỉ này”.
Cô ấy nói: “Người Nga sau đó có thể biến câu chuyện thành lợi thế của họ.”
Hôm thứ Sáu, thư ký báo chí Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng Nga không nghi ngờ gì về việc Mỹ hoặc NATO can dự trực tiếp hoặc gián tiếp vào Ukraine, theo hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti.
Tuy nhiên, cũng có khả năng các cơ quan tình báo Ukraine đứng đằng sau vụ rò rỉ để “đánh lừa” hoặc “gây nhầm lẫn” cho Mạc Tư Khoa, Miron nói, đồng thời cho biết thêm rằng một số nguồn tin của Nga cho rằng vụ rò rỉ là “sự phá hoại thông tin nhằm làm mất phương hướng” của quân đội Nga.
Andriy Yusov, đại diện của Tổng cục Tình báo Ukraine, đã bác bỏ tính xác thực của các tài liệu lưu hành trực tuyến.
Ông nói với truyền thông Ukraine: “Từ phân tích sơ bộ về những tài liệu này, chúng ta thấy những con số sai lệch về thiệt hại của cả hai bên.”
“Thời điểm rò rỉ cũng rất thú vị,” Miron nói, đồng thời chỉ ra rằng một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho thấy Kyiv sẽ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về Crimea nếu cuộc phản công sắp tới của họ chống lại Nga thành công. Tờ Telegraph đưa tin hôm thứ Năm rằng điều này đã bị Mạc Tư Khoa bác bỏ.
Năm 2014, Mạc Tư Khoa đã sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea ở phía nam lục địa Ukraine vào Nga. Mạc Tư Khoa vẫn giữ quyền kiểm soát lãnh thổ này kể từ đó, nhưng Kyiv đã tuyên bố sẽ giành lại bán đảo này.
Miron nói: “Từ quan điểm này, điều này sẽ chuyển hướng sự chú ý của các lực lượng Nga khỏi các phương tiện tấn công thực tế có thể xảy ra.
Văn phòng của Zelenskiy cho biết hôm thứ Sáu rằng lãnh đạo Kyiv đang tập trung vào “các biện pháp ngăn chặn rò rỉ thông tin liên quan đến các kế hoạch” của lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Mykhailo Podolyak, người đứng đầu văn phòng của Zelenskiy, đã viết trên Twitter vào sáng thứ Sáu rằng Mạc Tư Khoa “rất muốn phá vỡ” một cuộc phản công của Ukraine, gọi các tài liệu là “chỉnh sửa ảnh và 'rò rỉ giả mạo'“.
Cuối cùng, việc khám phá ra ai chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ sẽ giúp xác định độ tin cậy của các tài liệu, Miron nói thêm, đồng thời cho biết vẫn còn “quá sớm để nói nó đến từ bên nào”.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để xin bình luận qua email.
6. Nhận xét của tình báo Ukraine về tài liệu rò rỉ: Hầu hết các hoạt động thành công của Nga đều diễn ra trong Photoshop
Ukraine phải chờ kết quả điều tra của Ngũ Giác Đài về cáo buộc rò rỉ tài liệu mật về phản công của Ukraine. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong những thập kỷ gần đây, các hoạt động thành công nhất của các đặc vụ của Nga đã diễn ra trong Photoshop.
Andrii Yusov, đại diện của Tổng cục Tình báo tại Bộ Quốc phòng Ukraine, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy mùng 8 tháng Tư.
“Vì có thông tin rằng Ngũ Giác Đài đang tiến hành một cuộc điều tra, chúng ta cần nghe từ Ngũ Giác Đài về cuộc điều tra này. Điều rất quan trọng cần nhớ là, trong những thập kỷ gần đây, các hoạt động đặc biệt thành công nhất của các đặc vụ của Nga đã thực sự diễn ra trong Photoshop,” Yusov nói.
Phân tích sơ bộ các tài liệu này cho thấy những con số bị bóp méo liên quan đến thiệt hại từ cả hai bên. Một số dữ liệu được thu thập rõ ràng từ các nguồn mở. Đối với nhu cầu của Quân đội Ukraine, vấn đề này đã được thảo luận rất nhiều và có ý nghĩa ở tất cả các cấp.
“Không có gì bí mật khi Ukraine đã đặt và tiếp tục đặt câu hỏi về máy bay, xe tăng, đạn dược và nhiều thứ khác mà chúng ta cần để giải phóng các khu vực bị xâm lược nhanh hơn, để bảo vệ tính mạng của quân đội và dân thường Ukraine,” Yusov lưu ý.
Theo Yusov, xã hội Ukraine chắc chắn không nên lo lắng về tình trạng này.
“Cuộc phản công sẽ diễn ra, và đối phương sẽ thực sự nhìn thấy và cảm nhận được các kế hoạch chính trên chiến trường,” Yusov nhấn mạnh.
Ông đề cập rằng quyết định về cuộc phản công sẽ được ban lãnh đạo quân đội Ukraine đưa ra và nhóm người được thông báo về các kế hoạch tấn công càng hạn chế càng tốt.
Nhận xét về những lý do có thể có của Nga khi công khai tài liệu, cho dù nó đã bị các cơ quan đặc vụ của Nga đánh cắp, Yusov cho rằng thông tin này có thể hoàn toàn bịa đặt.
“Ngày nay, Nga đang sử dụng mọi phương tiện và công cụ để làm chậm hoặc làm gián đoạn cuộc phản công của Ukraine và giải phóng các lãnh thổ của Ukraine, để làm chậm hoặc làm gián đoạn viện trợ từ liên minh quốc tế thân Ukraine cho Lực lượng An ninh và Quốc phòng của Ukraine, và tất nhiên là Nga vẫn là một đối thủ mạnh mẽ với nguồn tài chính đáng kể có thể sử dụng và tiến hành các chiến dịch khác nhau, đôi khi có thể rất tốn kém,” Yusov giải thích.
Theo ý kiến của ông, để làm gián đoạn viện trợ cho Ukraine, Nga có thể tăng việc hù doạ, cụ thể là tống tiền và đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, đồng thời tuyên truyền những lời dối trá rằng tất cả vũ khí cung cấp cho Ukraine đều bị đánh cắp và chuyển đến chợ đen.
Dù sao đi nữa, theo Yusov, công chúng sẽ sớm biết câu trả lời cho các câu hỏi và thông tin mới nhất về các tài liệu bí mật.
7. Các quan chức Bộ Tài chính cho biết Mỹ đang thúc đẩy nỗ lực toàn cầu trấn áp những mưu mẹo của Nga nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt
Theo các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính, Hoa Kỳ và các đồng minh đang làm việc liên tục để ngăn chặn Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời có được công nghệ và nguồn tài chính cần thiết để tài trợ cho bộ máy chiến tranh của mình ở Ukraine.
Các lệnh trừng phạt được đề cập: Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Mỹ đã áp đặt hàng ngàn lệnh trừng phạt, nhắm đến các chính trị gia, đầu sỏ chính trị và các công ty của Nga.
Các lệnh trừng phạt tìm cách cô lập ngân hàng trung ương Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu; tấn công vào nhóm lính đánh thuê Wagner chủ chốt của Nga, làm suy yếu cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mạc Tư Khoa; và áp đặt trần giá đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Bất chấp tác động của các biện pháp trừng phạt, một số nhà quan sát lưu ý những lo ngại về khả năng của Nga trong việc định hướng lại các tuyến thương mại và đạt được những gì họ cần thông qua các nước láng giềng hoặc các khu vực pháp lý dễ dãi hơn, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Tài chính cho biết Nga thậm chí đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan tình báo của mình tìm kiếm các giải pháp lách các lệnh trừng phạt, là điều mà theo quan điểm của Hoa Kỳ, các lệnh trừng phạt đang tiếp tục gây áp lực.
Hoa Kỳ đã có những nỗ lực lớn để chia sẻ thông tin với các quốc gia và doanh nghiệp đồng minh về cách Điện Cẩm Linh đang cố gắng trốn tránh chế độ trừng phạt.
Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ từ những nỗ lực công và tư của mình. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với Hoa Kỳ vào tháng trước rằng họ đã có thêm hành động để chặn các chuyến vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt trực tiếp đến Nga, theo một nguồn tin quen thuộc với cuộc thảo luận.
Sắp tới sẽ có nhiều hoạt động ngoại giao hơn: Các nhà lãnh đạo của hệ thống tài chính toàn cầu sẽ tham dự Cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington, DC vào tuần tới, mang đến cho Bộ Tài chính một cơ hội khác để tăng áp lực lên các quốc gia chủ chốt trong nỗ lực trốn tránh các lệnh trừng phạt của Nga.
Trong tháng tới, các quan chức cấp cao cũng sẽ tản ra khắp thế giới để lập chiến lược với các chính phủ khác. Hai trong số các quan chức trừng phạt hàng đầu của Bộ Tài chính - Brian Nelson và Liz Rosenberg - sẽ tham gia vào nỗ lực này.
Nelson sẽ đến Thụy Sĩ, Ý, Áo và Đức. Rosenberg sẽ tới Kazakhstan ở Trung Á, một khu vực có lịch sử quan hệ lâu đời với Nga, nơi các quan chức lo ngại Nga đã tìm nguồn cung ứng nguyên liệu.
8. 31 trẻ em Ukraine trở về nhà sau khi bị đưa sang Nga trái phép
Theo Save Ukraine, một tổ chức nhân đạo có trụ sở tại Kyiv, 31 trẻ em đã trở lại Ukraine sau khi chúng bị đưa sang Nga một cách bất hợp pháp.
Những đứa trẻ - kéo vali và túi đồ đạc, với một số con thú nhồi bông đang ôm chặt - cùng với các thành viên trong gia đình, được các tình nguyện viên ôm sau khi đi bộ băng qua biên giới vào Ukraine. Sau đó, họ lên xe khách để tiếp tục hành trình.
Mykola Kuleba, người sáng lập Save Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Telegram: “Những đứa trẻ bị người Nga bắt cóc từ các vùng Kherson và Kharkiv cuối cùng đã cùng gia đình vượt biên và hiện đã an toàn”.
“Cả trẻ em và cha mẹ của chúng đều có khả năng hồi phục về tâm lý và thể chất trước mắt. Và chúng ta sẽ tiếp tục chăm sóc các em cho đến khi các gia đình trở về nhà của họ,” Kuleba nói.
Tình nguyện viên Olha Yerokhina của Ukraine nói với CNN rằng đây là nhiệm vụ giải cứu thứ năm do tổ chức này sắp xếp.
Cô cho biết một nhóm gồm 13 bà mẹ đã rời Ukraine hơn một tuần trước, nhiều người trong số họ được cấp giấy ủy quyền cho phép họ đón con của người khác ngoài con của họ.
Cả nhóm đã đến Ba Lan trước khi đi qua Belarus, Nga và cuối cùng vào Crimea do Nga xâm lược, nơi họ được đoàn tụ với 24 đứa trẻ. Bà cho biết 7 đứa trẻ khác được thu thập ở Voronezh, Rostov và Belgorod, tất cả đều ở Nga.
Yerokhina cho biết việc tạo điều kiện cho các nhiệm vụ giải cứu rất khó khăn vì Save Ukraine không có liên hệ chính thức với bất kỳ ai ở Nga. Thay vào đó, tổ chức đã nhận được sự giúp đỡ quan trọng từ các tình nguyện viên ở các địa điểm khác nhau.
Hôm 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ cả Putin lẫn Ủy viên phụ trách trẻ em của ông ta là Lvova-Belova, 38 tuổi, vì cáo buộc âm mưu bắt cóc trẻ em Ukraine sang Nga. ICC nói rằng Lvova-Belova “bị cáo buộc chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh nghiêm trọng là bắt cóc bất hợp pháp.”
Từ ngày 1 Tháng Tư, Nga đã giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Lợi dụng cơ hội này, Nga đã cho Lvova-Belova phát biểu qua video để bào chữa cho hành vi bắt cóc trẻ em của Nga. Đại diện của bốn mươi chín quốc gia đã bước ra khỏi phòng họp. Họ nói rằng mẹ mìn Lvova-Belova phải trả lời trước ICC, chứ không phải ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Lvova-Belova đang phải đối diện với một tình huống hết sức khó khăn cho bà ta. Theo Cục Thông tin Quốc gia Ukraine, người Nga đã trục xuất 16.226 trẻ vị thành niên Ukraine. Tuy nhiên, nhằm mục đích tuyên truyền, ngay trước khi Tòa án Hình sự Quốc tế đưa ra lệnh bắt giữ, Lvova-Belova khoa trương rằng số trẻ em bị đưa ra khỏi Ukraine lên tới 744.000 em, nghĩa là 45 lần nhiều hơn. Người ta không biết bà Maria Lvova-Belova tìm đâu ra trẻ em để trao trả cho Ukraine.
1. Lễ Vọng Phục sinh sớm nhất trên thế giới bên ngôi mộ Chúa ở Giêrusalem
Lúc 7h30 sáng thứ Bẩy 8 tháng Tư, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem đã cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh.
Theo truyền thống của Giáo Hội Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Giêrusalem, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh vào lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.
Cùng đồng tế với Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa có Đức Giám Mục William Shomali, và Đức Giám Mục Kamal Batish là Giám Mục Phụ Tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, và Đức Giám Mục Giacinto Boulos Marcuzzo, Giám Mục Phụ Tá của Nazareth và hơn 250 linh mục.
Cùng đồng tế trong thánh lễ còn có Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana là sứ thần Tòa Thánh tại Israel và Palestine và Đức Cha Giorgio Lingua, là sứ thần Tòa Thánh tại Jordan.
2. Cảnh sát Nicaragua đàn áp cuộc rước Tuần Thánh
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường thuật nhan đề “Nicaraguan police repress Holy Week procession,” nghĩa là “Cảnh sát Nicaragua đàn áp cuộc rước Tuần Thánh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.
Người ta thường nói rằng chó sủa là chó không cắn người. Ortega đã nhiều lần chứng minh câu nói đó là sai. Việc ông liên tục bịt miệng những tiếng nói bất đồng ở Nicaragua đã trực tiếp nhắm vào Giáo Hội Công Giáo một cách có hệ thống trong ít nhất 5 năm nay. Trong số các mệnh lệnh gần đây nhất của nhà độc tài là cấm quyết liệt các cuộc rước kiệu Thánh giá công khai theo truyền thống tại tất cả các giáo xứ trong cả nước trong mùa Chay. Một số người dám bất chấp lệnh cấm này vào hôm thứ Hai, và sau đó đã bị cảnh sát đánh đập dã man và phải giải tán.
Động thái mới nhất này đã thêm vào một biến cố nữa trong hơn 190 cuộc tấn công và xúc phạm bao gồm vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ chính tòa Managua, trục xuất các Thừa sai Bác ái, bỏ tù Đức Giám Mục Rolando Álvarez, lưu đày và tước quyền công dân của hơn 222 cựu tù nhân chính trị, bao gồm cả linh mục, giám mục và chủng sinh,
Vào hôm Thứ Hai Tuần Thánh, các đường phố ở Nindirí, thuộc tỉnh Masaya của Nicaragua, là nơi diễn ra lễ rước truyền thống Los Cirineos, nghĩa là “Người Kyrênê”. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều mặc áo tang và vác thánh giá, lấy cảm hứng từ câu chuyện ông Simon thành Kyrinê, người đàn ông, theo Phúc âm của Thánh Matthêu và Máccô, đã vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, cảnh sát của Ortega đã trấn áp đám rước và đuổi đánh những người tham gia trên các đường phố của Nandirí.
Những người đang chạy trốn khỏi các mối đe dọa của cảnh sát đã lánh nạn trong nhà hàng xóm cũng như ở giáo xứ Santa Ana, là nhà thờ nơi đám rước thường bắt đầu ở khu vực Masaya, như tác giả Pablo Cesio đã lưu ý trong bài báo của ông cho ấn bản Aleteia bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Cảnh sát đến Nindirí để cấm cuộc rước Cirineos truyền thống. Những người trẻ tuổi chuẩn bị thực hiện cuộc rước truyền thống đã bị truy đuổi khắp thành phố. Cho dù họ có bị giam giữ hay không vẫn chưa được biết. Hàng xóm đã giúp nhiều người trong số họ lẩn trốn,” truyền thông địa phương cho biết, dựa trên thông tin được chia sẻ bởi Unidad Nacional Azul y Blanco, gọi tắt là UNAB, một tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho tự do ở Nicaragua.
Nhiều người chứng kiến cảnh tượng ở Nindirí đã chia sẻ báo cáo của họ thông qua mạng xã hội.
Source:Aleteia
3. Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi tăng cường an ninh trong Tuần Thánh
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo tại Giêrusalem đã ra tuyên bố chung kêu gọi các cơ quan quản lý tăng cường an ninh tại các thánh địa khi Lễ Phục sinh đang đến gần.
“Như tất cả chúng ta đã thấy trong những tháng gần đây, bạo lực leo thang đã nhấn chìm Thánh Địa Giêrusalem. Các Kitô hữu địa phương nói riêng ngày càng phải chịu đựng những nghịch cảnh tương tự như những nghịch cảnh mà Thánh Phêrô đã viết,” các thượng phụ và những người đứng đầu các Kitô hữu địa phương ở Giêrusalem cho biết trong tuyên bố ngày 31 tháng 3 của các ngài, trích dẫn Thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Một số nhà thờ, nghĩa trang và các địa điểm tụ tập công cộng đã trở thành “mục tiêu tấn công”, nhóm lãnh đạo Công Giáo, Chính thống giáo và Tin lành than thở.
“Một số thánh địa và nghĩa trang của chúng ta đã bị xúc phạm, và một số nghi lễ cổ xưa của chúng ta, chẳng hạn như lễ rước Chúa Nhật Lễ Lá và lễ lửa thánh, đã bị đóng cửa đối với hàng ngàn tín hữu,” họ nói thêm. “Điều này bất chấp các thỏa thuận hợp tác của chúng ta với các cơ quan quản lý và đáp ứng mọi yêu cầu hợp lý mà họ có thể đưa ra.”
Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo đều coi Giêrusalem là thành phố linh thiêng và cả ba tôn giáo đều có những lễ kỷ niệm tôn giáo lớn trong những tuần tới. Nhiều người sẽ tập trung tại Thành phố cổ của Giêrusalem trong thời gian này.
Lễ Phục sinh rơi vào ngày 9 tháng 4 đối với những người theo Kitô giáo theo lịch Grêgôriô, trong khi nhiều Kitô hữu Chính thống giáo sẽ tổ chức lễ Phục sinh vào Chúa Nhật tiếp theo. Đối với người Do Thái, lễ Vượt Qua sẽ kéo dài từ lúc mặt trời lặn ngày 5 tháng 4 đến ngày 13 tháng 4. Người Hồi giáo bắt đầu cử hành tháng lễ Ramadan vào ngày 22 tháng 3.
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã đưa ra hai tuyên bố khác nhau vào cuối tháng Giêng và cuối tháng Hai than thở về “chu kỳ bạo lực ngày càng gia tăng ở Thánh Địa Giêrusalem”.
Tháng 2 chứng kiến các vụ xả súng trả đũa và đụng độ bạo lực giữa người Israel và người Palestine ở Nablus và thị trấn Huwara gần đó. Cuộc xung đột này diễn ra sau thỏa thuận của các nhà lãnh đạo Israel nhằm ngăn chặn việc mở rộng các khu định cư vào các khu vực của người Palestine.
Các Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa, một cơ quan Công Giáo do các tu sĩ dòng Phanxicô đứng đầu được giao nhiệm vụ bảo vệ các địa điểm Thánh Địa Giêrusalem, cũng đã báo cáo một số cuộc tấn công gần đây nhằm vào các Kitô hữu. Vào ngày 2 tháng 2, một người Do Thái cực đoan đã giật đổ bức tượng Chúa Giêsu và phá hoại khuôn mặt của bức tượng tại Nhà thờ Chúa bị đánh đòn, điểm dừng chân đầu tiên trên Via Dolorosa hay Đàng Thánh Giá ở Thành phố Cổ Giêrusalem. Vào Tháng Giêng, một nghĩa trang Kitô giáo ở Giêrusalem đã bị phá hoại và ở Khu phố Armenia, cụm từ “cái chết đối với những người theo đạo Kitô” được viết trên tường của một tu viện và một địa điểm được sử dụng để thờ phượng của người Công Giáo Maronite.
Các sự việc khác bao gồm một cuộc tấn công của những người Do Thái tôn giáo nhằm vào khách du lịch tại Cổng Mới gần trụ sở của Cơ quan Quản lý Thánh địa. Những kẻ tấn công đã phá hoại và ném ghế, bàn và kính.
“Không phải ngẫu nhiên mà việc hợp pháp hóa sự phân biệt đối xử và bạo lực trong dư luận và trong môi trường chính trị hiện tại của Israel cũng chuyển thành các hành động thù hận và bạo lực chống lại cộng đồng Kitô hữu,” Cha Francesco Patton, OFM, Giám quản Thánh địa, cho biết vào ngày 2 tháng Hai.
Vào Tháng Giêng, hai thành viên Chính thống giáo cực đoan của liên minh chính trị cầm quyền của Israel đã đề xuất đặt ra ngoài vòng pháp luật “việc cải đạo”, theo đó họ muốn đề cập đến việc kêu gọi ai đó thay đổi tôn giáo của họ. Vi phạm sẽ bị phạt một năm tù và hai năm nếu ai đó cố gắng cải đạo trẻ vị thành niên. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ ngăn cản việc thông qua dự luật và một trong những nhà tài trợ của nó cho biết ông đã đưa ra dự luật như một vấn đề thủ tục mà không có ý định thúc đẩy nó, Associated Press đưa tin.
Israel cho biết họ bảo vệ quyền tự do thờ phượng cho tất cả các tín ngưỡng ở Giêrusalem.
Source:Catholic News Agency
4. Giáo phận phản ứng sau khi linh mục Wisconsin kêu gọi người Công Giáo đừng bỏ phiếu cho ứng cử viên ủng hộ phá thai
Giáo phận Madison đã làm rõ vào cuối tuần trước rằng Giáo hội không tán thành cũng như phản đối các ứng cử viên chính trị cụ thể sau khi một linh mục ở Wisconsin kêu gọi giáo dân trong bản tin hàng tuần của giáo xứ không được bỏ phiếu cho ứng cử viên Tòa án Tối cao tiểu bang Janet Protasiewicz, người công khai ủng hộ việc phá thai.
“Sự tham gia của Giáo Hội Công Giáo vào đời sống công cộng không mở rộng đến việc tán thành các ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào chức vụ công cũng như kêu gọi tẩy chay họ và do đó kiềm chế các hoạt động chính trị đảng phái. Giáo hội khuyến khích cử tri ghi danh và khuyến khích người Công Giáo, với tư cách là công dân, bỏ phiếu và tham gia vào các hoạt động công dân,” giáo phận cho biết trong một tuyên bố gửi tới CNA.
“Tuy nhiên, Giáo hội cũng có cả nhiệm vụ và quyền kêu gọi sự chú ý đến các khía cạnh đạo đức và tôn giáo của các vấn đề công cộng, đo lường các chính sách xã hội và các hoạt động chính trị chống lại luật luân lý tự nhiên và các giá trị Phúc âm. Kể từ thế kỷ thứ nhất, Giáo hội đã liên tục khẳng định sự xấu xa về mặt luân lý của mọi vụ phá thai. Phá thai là trái ngược hoàn toàn với luật luân lý về sự tôn trọng đối với sự sống của tất cả con người”.
Phản ứng của giáo phận được đưa ra sau khi Cha Brian Dulli, cha sở của Nhà thờ Thánh Patrick ở Cottage Grove, Wisconsin, kêu gọi giáo dân của mình đừng bỏ phiếu cho ứng cử viên ủng hộ phá thai trong cuộc bầu cử Tòa án Tối cao Wisconsin vào hôm thứ Ba 4 Tháng Tư, một cuộc đua mà các nhà quan sát cho rằng có thể có tác động lớn đến tính hợp pháp của phá thai trong tiểu bang.
Theo báo cáo của Wisconsin Public Radio, một luật sư của nhóm hoạt động Tổ chức Tự do Tôn giáo, có trụ sở tại Madison, đã viết thư cho chính quyền tiểu bang vào tuần trước để khiếu nại về bản tin, yêu cầu trạng thái miễn thuế của giáo xứ Thánh Patrick dành cho các tổ chức phi lợi nhuận.
Cuộc bầu cử ngày 4 tháng 4 diễn ra giữa cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Wisconsin, Daniel Kelly và thẩm phán hiện tại của Milwaukee, Protasiewicz. Protasiewicz đã nói một cách cởi mở về quan điểm phá thai của mình trong khi nhấn mạnh rằng cô ấy “không hứa hẹn” với các nhóm ủng hộ phá thai rằng cô ấy sẽ tìm cách lật ngược lệnh cấm phá thai hiện tại của bang.
Trong một bản tin của giáo xứ ngày 26 tháng 3, Cha Dulli kêu gọi người Công Giáo không bỏ phiếu cho Protasiewicz, nói rằng cô ấy đã “cố gắng biến cuộc đua này hoàn toàn là một nỗ lực nhằm hợp pháp hóa việc phá thai ở bang Wisconsin.”
“Phá thai là cố ý lấy đi mạng sống con người. Đó là giết người. Đức tin Công Giáo của chúng ta rõ ràng rằng đây là tội trọng. Anh chị em chưa thấy sự tàn phá của phá thai trong xã hội chúng ta hay sao”.
Source:Catholic News Agency
1. Một video từ máy bay không người lái đáng sợ khác từ tiền tuyến cho thấy xe tăng Ukraine tấn công các chiến hào của Nga gần Bakhmut
Các phương tiện truyền thông Ukraine cho biết khi Nga tiếp tục đổ quân để cố giành cho đang một chiến thắng hiếm hoi, các loại xe tăng phương Tây đã được tung vào chiến trường thành phố Bakhmut. Ký giả Chris Jewers của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Ukrainian tank storms Russian trenches near Bakhmut in another terrifying drone video from the frontlines”, nghĩa là “Một video từ máy bay không người lái đáng sợ khác từ tiền tuyến cho thấy xe tăng Ukraine tấn công các chiến hào của Nga gần Bakhmut”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Đây là khoảnh khắc kinh hoàng khi một chiếc xe tăng Ukraine bắn vào một chiến hào của Nga từ cự ly gần, trước khi các binh sĩ tiến vào để hoàn thành công việc.
Trận chiến diễn ra ở phía nam thị trấn Ivanivske nằm ở phía tây thành phố bị bao vây Bakhmut - nơi là tâm điểm của cuộc giao tranh đẫm máu nhất kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine vào năm ngoái.
Cuộc giao tranh ác liệt để giành lấy thành phố và khu vực xung quanh đã chứng kiến sự trở lại của chiến tranh chiến hào ở Âu Châu, trong những cảnh gợi nhớ đến Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.
Trong đoạn phim được Lữ đoàn xung kích biệt lập số 5 của Ukraine ghi lại từ xa, một chiếc xe tăng Ukraine được nhìn thấy đang lăn bánh trên một con đường xuyên qua một cánh đồng cằn cỗi để lại vết sẹo do chiến tranh – và rình rập các mục tiêu của nó.
Một rãnh dài ngoằn ngoèo được nhìn thấy chạy song song với con đường, giống như một vết sẹo trên mặt đất, với những người lính Nga trú ẩn bên trong mà không có vũ khí để chống lại chiếc xe tăng với lớp giáp hạng nặng.
Khi đã vào vị trí, xe tăng bắn nhiều phát vào chiến hào.
Phát đầu tiên trượt trong gang tấc, nhưng các phát tiếp theo của nó đã đánh trúng mục tiêu, xé toạc mặt đất xung quanh chiến hào và làm náo loạn quân của Putin bên trong.
Sau đó, người ta nhìn thấy chiếc xe tăng đang quay ngược trở lại con đường cách xa chiến hào.
Nhưng nếu những người lính Nga nghĩ rằng đây là dấu chấm hết cho cuộc tấn công dữ dội, thì họ đã nhầm to.
Đoạn phim cho thấy một chiếc xe bọc thép thứ hai lăn bánh trên đường dọc theo chiến hào, lần này là một chiếc xe bọc thép chiến đấu với bộ binh bên trong.
Đầu tiên, khẩu súng máy gắn trên đầu xe được nhìn thấy đang khai hỏa vào chiến hào, hạ gục hai binh sĩ Nga đang cố gắng chạy trốn.
Trong một nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi cuộc tấn công không ngừng, những người lính Nga được cho thấy đang bò bằng tay và la hét khi những viên đạn cắm xuống đất xung quanh họ.
Tại thời điểm này trong đoạn phim, bốn binh sĩ Ukraine xuất hiện từ phía sau xe chiến đấu Bộ binh.
Một trong những người lính, được trang bị một bệ phóng hỏa tiễn, bắn một hỏa tiễn vào chiến hào trong khi chiếc xe bọc thép yểm trợ hỏa lực cho anh ta.
Sau đó, những người lính bắn ra một hỏa tiễn thứ hai. Cả hai đều gây ra những vụ nổ lớn trong chiến hào.
Với khẩu súng máy vẫn cung cấp hỏa lực bao trùm, những người lính Ukraine tiến lên phía bên trên chiến hào và di chuyển đều đặn trên đường hầm rình rập bất kỳ người sống sót nào.
Con số thương vong của Nga không rõ ràng, nhưng đoạn phim tàn khốc kết thúc bằng việc cho thấy một vệt dài các thi thể nằm dọc theo chiến hào.
Các lực lượng của Kyiv đã cản bước tiến của Nga tại thành phố 'pháo đài' bị tàn phá ở miền Đông Ukraine. Các binh sĩ cho biết họ sẵn sàng tiến hành cuộc phản công đã được dự đoán từ lâu một khi thời tiết tốt hơn để đẩy lùi Mạc Tư Khoa.
Trận chiến kéo dài nhiều tháng ở Bakhmut, một trong những trung tâm đô thị cuối cùng ở tỉnh Donetsk phía đông Ukraine vẫn chưa rơi vào tay Mạc Tư Khoa, đã cho thấy một trong những hình ghê rợn trong cuộc xâm lược đẫm máu nhất của Nga, hiện đã bước sang tháng thứ 14.
Andriy Yermak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết: “Các trận chiến giành Bakhmut vẫn tiếp tục.”
'Các cuộc giao tranh đang tiến hành trên đường phố, đối phương cố gắng bao vây thành phố và đang thất bại. Bộ chỉ huy của chúng tôi kiểm soát hoàn toàn tình hình trong 'pháo đài' phòng thủ', ông nói, sử dụng biệt danh Zelenskiy đặt cho thành phố.
Các nhà phân tích phương Tây đã hạ thấp tầm quan trọng chiến lược của Bakhmut nhưng Ukraine đã xây dựng hệ thống phòng thủ bền bỉ của mình đối với thành phố hiện đã bị phá hủy hoàn toàn như một cách để làm suy yếu lực lượng Nga.
Cả hai bên đã phải chịu thương vong lớn trong các cuộc giao tranh ở thành phố này.
'Bakhmut đang thực hiện nhiệm vụ chính là gây ra càng nhiều tổn thất cho Nga càng tốt và quan trọng nhất là chuẩn bị cho một cuộc phản công diễn ra vào cuối tháng 4 đến tháng 5', Pavlo Narozhniy, nhà phân tích quân sự Ukraine, nói với Đài phát thanh NV. Ông cho biết thêm, giao tranh cũng đang diễn ra ác liệt ở phía nam tại Avdiivka, một thị trấn gần thủ phủ Donetsk của khu vực.
Những người lính trong các chiến hào gần Bakhmut cho biết họ đã sẵn sàng cho bất kỳ cuộc phản công nào.
'Chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi phải làm điều đó, càng sớm càng tốt. Đối phương phải bị đánh đuổi. Hiện tại chúng ta đang chờ thời tiết thay đổi, bùn là một trở ngại', Naza, chỉ huy đơn vị mới 21 tuổi, nói với Reuters.
Chuyên gia quân sự Ukraine Vladyslav Selezniov cho biết Ukraine sẽ có thể bảo vệ các vị trí ở phía tây Bakhmut được xây dựng dày đặc hơn miễn là tuyến đường về phía tây của họ, 'con đường sống' để tiếp tế và thương binh, vẫn mở.
Tổng thống Zelenskiy cho biết hôm thứ Tư rằng quân đội Ukraine có thể rút khỏi Bakhmut nếu họ có nguy cơ bị bao vây.
Zelenskiy đã phát biểu trong một chuyến đi tới Warsaw, nơi ông nói rằng Ba Lan, một đồng minh thân cận của đất nước ông, sẽ giúp thành lập một liên minh các cường quốc phương Tây để cung cấp máy bay chiến đấu cho Kyiv.
Chính phủ Ba Lan cho biết họ sẽ gửi thêm 10 máy bay chiến đấu MiG ngoài 4 chiếc được cung cấp trước đó, nhưng không có thỏa thuận nào từ Hoa Kỳ hoặc các bên ủng hộ quân sự lớn khác của Ukraine về việc gửi các máy bay chiến đấu F-16 mà Kyiv yêu cầu.
Cho đến nay, Nga nói rằng 'hoạt động quân sự đặc biệt' của họ ở Ukraine là cần thiết để bảo vệ an ninh của mình trước những gì mà họ coi là phương Tây thù địch và hiếu chiến. Kyiv và các đồng minh phương Tây cho rằng Mạc Tư Khoa đang tiến hành một cuộc chiến vô cớ nhằm chiếm lãnh thổ.
2. Zelenskiy tổ chức cuộc họp Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine tối cao liên quan đến việc ngăn chặn rò rỉ thông tin, và tình hình tiền tuyến
Hômo thứ Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tổ chức một cuộc họp thường kỳ của Bộ Tham mưu của Tổng tư lệnh tối cao, liên quan đến tình hình trên chiến trường, việc thành lập các lữ đoàn mới và ngăn chặn rò rỉ thông tin.
Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã thông báo tóm tắt với các tham dự viên về tình hình tác chiến trên các hướng chính của mặt trận.
Các chỉ huy của các nhóm quân chiến lược hoạt động đã báo cáo về quá trình chiến sự ở các khu vực trong phạm vi trách nhiệm của họ.
Giám đốc Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov đã nói về những hành động có thể xảy ra của đối phương trong tương lai gần.
Ngoài ra, các thành viên của Bộ tham mưu đã xem xét chi tiết việc hình thành và trang bị vũ khí cho các lữ đoàn mới. Mức độ đào tạo nhân sự cũng được xem xét.
Những người tham gia đã đặc biệt tập trung vào các biện pháp ngăn chặn rò rỉ thông tin liên quan đến các kế hoạch của Lực lượng Phòng vệ Ukraine.
Cuộc họp còn có sự tham dự của Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Oleksiy Danilov, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak, các quan chức chính phủ, người đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh.
3. Tại sao Putin quay trở lại Hắc Hải sau những mất mát đáng kể?
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Putin's Returning to Black Sea After Significant Losses”, nghĩa là “Tại sao Putin quay trở lại Hắc Hải sau những mất mát đáng kể?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Theo quân đội Ukraine, Nga gần đây đã bố trí thêm các tàu quân sự ở Hắc Hải.
Các tàu Nga được cho là có thể mang theo tới 40 hỏa tiễn Kalibr và gây ra mối đe dọa tấn công hỏa tiễn.
Sự hiện diện gia tăng trên biển diễn ra sau khi Nga hứng chịu một số thất bại đáng chú ý ở đó, bao gồm cả vụ đánh chìm tàu Moskva, là soái hạm trong hạm đội Hắc Hải của Nga.
Ukraine tuần này báo cáo rằng Nga gần đây đã triển khai thêm các tàu quân sự tới Hắc Hải để nâng tổng số đội tàu của họ ở đó lên 15 tàu.
Quyết định bố trí thêm lực lượng ở Hắc Hải của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể khiến một số người ngạc nhiên vì quyết định này diễn ra sau khi hải quân của ông ta đã phải chịu nhiều thất bại đáng chú ý trên vùng biển này. Sau những tổn thất nặng nề đó, Nga dường như ít dựa vào Hắc Hải như một điểm chiến lược cho cuộc chiến mà Putin phát động vào tháng 2 năm 2022.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv, Bộ chỉ huy Tác chiến phía Nam đã viết rằng Nga đã bố trí sáu tàu sân bay hỏa tiễn mới và hai tàu ngầm ở Hắc Hải. Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk cho biết các tàu bổ sung có thể mang tới 40 hỏa tiễn Kalibr và cho biết mối đe dọa tấn công hỏa tiễn từ các tàu là “cực kỳ cao”.
“Động thái của Nga có thể nhằm tăng áp lực lên các lực lượng Ukraine khi họ chuẩn bị tấn công các vị trí của Nga”, giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern nói với Newsweek.
Ông Reno cho biết hỏa tiễn Kalibr của Nga được thiết kế cho hải chiến và có thể “tăng tốc đến tốc độ siêu thanh khi tiếp cận mục tiêu”.
Ông nói: “Điều đó được cho là sẽ khiến lực lượng phòng không khó phát hiện kịp thời hơn, mặc dù một số hỏa tiễn Kalibr bắn vào Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược tăng cường đã bị chặn lại.”
Về lý do tại sao vùng biển không phải là một yếu tố trong kế hoạch chiến tranh gần đây của Putin, Reno cho biết “việc ông ấy có khả năng hạn chế trong hoạt động hải quân ở Hắc Hải có thể phản ánh nhận thức của Nga về tính dễ bị tổn thương”.
Thất bại ở Hắc Hải của Putin. Những thất bại của Putin trên biển kéo dài từ những tuần đầu tiên của cuộc xung đột. Sau khi các lực lượng Nga nắm quyền kiểm soát Đảo Rắn trên biển ngay sau khi bắt đầu chiến tranh, hòn đảo này đã trở thành một bệ phóng quan trọng đối với người Nga. Tuy nhiên, Ukraine đã giành lại hòn đảo và việc giải phóng nó đã tập hợp cả nước.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của hải quân cũng đã tấn công thành phố cảng Sevastopol của Crimea do Mạc Tư Khoa kiểm soát, và một vụ nổ xảy ra vào tháng 10 đã làm hư hại nghiêm trọng Cầu Eo biển Kerch nối liền Nga và Bán đảo Crimea. (Ukraine chưa nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng máy bay không người lái hoặc vụ nổ cầu.)
Có lẽ tổn thất đáng kể nhất trên Hắc Hải là khi Ukraine đánh chìm tàu Moskva. Soái hạm của hạm đội Hắc Hải của Putin, tàu Moskva bị phá hủy dưới tay lực lượng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào ngày 14 tháng 4 năm 2022, vừa là một thất bại quân sự to lớn đối với Putin vừa là một thất bại mang tính biểu tượng.
Reno gọi vụ chìm tàu Moskva trị giá 750 triệu USD là “một lời nhắc nhở rằng tàu là tài sản đắt tiền dễ bị tổn thương trước lực lượng phòng thủ của Ukraine”. Ông cũng cho biết thông tin tình báo do Hoa Kỳ cung cấp có khả năng đóng “vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực của Ukraine” trên biển.
Tại sao Putin sẽ trở lại Hắc Hải? Nếu những tổn thất tốn kém hơn ở Hắc Hải vẫn là một rủi ro cao đối với Nga, thì tại sao Putin lại quay trở lại đó?
“Về mặt chiến thuật, họ cần các tàu chiến ở khu vực đó trong trường hợp Ukraine thúc đẩy việc cố gắng giành lại Crimea,” Guy McCardle, chủ biên của tờ Báo cáo Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, nói với Newsweek.
Mặc dù McCardle không nghĩ rằng giành lại Crimea là mục tiêu chính của Zelenskiy vào thời điểm này, nhưng ông nói rằng Putin “có thể đặt thêm hỏa tiễn ở khu vực Hắc Hải trong trường hợp có một cuộc tấn công phủ đầu” vào bán đảo.
Một lý do khác có thể là quân đội NATO (bao gồm cả lính Mỹ) đã tham gia cuộc tập trận quân sự ở Hắc Hải ngoài khơi Rumani vào cuối tháng Ba.
McCardle nói: “Khi chúng ta làm điều này, Nga có xu hướng đáp trả bằng cách phô trương vũ lực.”
John Spencer, một thiếu tá Lục quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là chủ tịch Nghiên cứu Chiến tranh Đô thị tại Diễn đàn Chính sách Madison, nói với Newsweek rằng mặc dù hải quân của Putin đã bị giáng một đòn mạnh ở Hắc Hải, nhưng khu vực này “đã và sẽ tiếp tục quan trọng đối với Nga”.
“Nga đã phóng hỏa tiễn hành trình từ các tàu ở Hắc Hải ngay từ ngày đầu của cuộc chiến. Ukraine đã có thể tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển của họ, nhưng các tàu nằm ngoài phạm vi hoạt động của hỏa tiễn vẫn là một trong những nguồn chính gây ra các vụ đánh bom trên khắp Ukraine,” Spencer nói, đồng thời cho biết thêm rằng “có nghĩa là họ đang tăng cường khả năng đó vì họ không có thành công nào trên mặt đất trong hơn 8 tháng qua.”
Bất kể lý do mở rộng lực lượng trong khu vực là gì, chiến lược gia địa chính trị Alp Sevimlisoy nói với Newsweek rằng NATO nên hành động.
“Cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ các quốc gia thành viên và đồng minh theo liên minh NATO liên quan đến sự nhấn mạnh chiến lược hoàn toàn vào Hắc Hải cũng như Đông Địa Trung Hải, chống lại cả việc xây dựng hạm đội Nga cũng như vượt qua bất kỳ khả năng tấn công hỏa tiễn nào của Điện Cẩm Linh.,” Sevimlisoy, thành viên của nhóm cố vấn Hội đồng Đại Tây Dương và là Giám đốc điều hành của một tập đoàn quản lý tài sản tư nhân có trụ sở tại Istanbul, cho biết.
Sevimlisoy cho biết NATO có thể thiết lập ưu thế trên biển từ “việc bố trí khả năng hỏa tiễn siêu thanh ở các nước NATO như Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, triển khai khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường USS Zumwalt vào Hắc Hải, cũng như việc tiếp tục triển khai tàu khu trục của Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu ngầm diesel-điện thuộc lớp tàu ngầm Type-214 vào các khu vực…”
Trong khi đó, ông Reno cho rằng việc Nga cam kết thực hiện chiến lược hải quân là không hợp lý khi nước này không thể thiết lập ưu thế trên không.
“Nếu tôi là một nhà lập kế hoạch người Nga, tôi thích hỏa tiễn phóng từ đất liền hơn, bởi vì chúng có thể được phóng từ lãnh thổ Nga mà những người ủng hộ phương Tây của Ukraine khẳng định Ukraine không thể tấn công, và hỏa tiễn trên đất liền dễ dàng che giấu và bảo vệ hơn trước khi phóng.”
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.
4. Quốc hội Nga xem xét án tù chung thân cho tội phản quốc
Các nhà lập pháp Nga trong Duma Quốc gia, hoặc Hạ Viện Nga, sẽ xem xét áp dụng bản án chung thân đối với những người có hành vi phản quốc, một quan chức Mạc Tư Khoa cho biết trên Telegram hôm thứ Sáu
Vasily Piskarev, người đứng đầu Ủy ban An ninh và Chống tham nhũng cho biết: “Chúng tôi đề xuất thiết lập án tù chung thân cho tội phản quốc cao độ.”
Piskarev cũng công bố các sửa đổi dẫn đến các bản án khắc nghiệt hơn đối với những kẻ bị kết tội khủng bố và phá hoại, bao gồm nâng mức án tối đa cho tội “thực hiện hành động khủng bố” từ 15 lên 20 năm.
Piskarev cho biết những người bị kết tội phá hoại có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm, trong khi những người bị kết tội “khủng bố quốc tế” cũng có thể phải đối mặt với bản án chung thân, tăng từ 10 năm.
“Tôi hy vọng rằng những thay đổi mà chúng ta đề xuất sẽ được Duma Quốc gia xem xét trong tương lai gần và được các Dân biểu ủng hộ,” Piskarev nói. “Các sửa đổi đã được chuẩn bị cho dự luật đã được thông qua trong lần đọc đầu tiên, điều này sẽ cho phép chúng được xem xét kịp thời.”
5. Quan chức chính phủ cho biết: Các kỹ sư Nga có thể đã phá hoại các máy bay phản lực được gởi đến cho Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Engineers Might Have Sabotaged Jets Being Sent to Ukraine: Official”, nghĩa là “Quan chức chính phủ cho biết: Các kỹ sư Nga có thể đã phá hoại các máy bay phản lực được gởi đến cho Ukraine.”Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad, các kỹ sư Nga có thể đã phá hoại các máy bay phản lực được gửi tới Ukraine.
Theo tờ Kyiv Independent, Bộ trưởng Quốc phòng Nad gần đây cho biết các kỹ sư Nga đang ở một căn cứ không quân nơi đặt một số máy bay chiến đấu MiG-29 của Slovakia. Các máy bay phản lực cuối cùng đã được cung cấp cho Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra với Nga, bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Theo tờ Dennikn của Slovakia, Tướng Không quân Slovakia Ľubomír Svoboda nói rằng các kỹ sư Nga có mặt tại căn cứ không quân vì họ hiểu rõ hơn về các máy bay phản lực MiG-29 và giúp sửa chữa chúng.
“Chúng có thể bay lên đáp xuống, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng cũng có khả năng chiến đấu,” Nad nói. “Các khiếm khuyết chỉ xuất hiện ở những phần mà người Nga đã có thể đụng tới.”
Bình luận của Nad được đưa ra ngay sau khi Slovakia thông báo rằng họ đang lên kế hoạch gửi một số máy bay phản lực MiG-29 tới Ukraine để giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại Nga.
“Bốn chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 đầu tiên đã được bàn giao an toàn cho Lực lượng Vũ trang Ukraine và đã rời khỏi lãnh thổ Cộng hòa Slovakia,” Nad cho biết vào ngày 23 tháng 3. “Chính phủ sẽ tiếp tục giúp cứu mạng sống những người vô tội, bất cứ ai, vì bất kỳ lý do gì, hay lý do nào khác, đang bị tấn công.”
“Chúng ta đang làm điều đúng đắn vì chính Nga đã xâm lược Ukraine, chính Nga đang ở Ukraine và chính khi Nga rút quân thì chiến tranh sẽ kết thúc ngay lập tức... Trong những tuần tiếp theo, số máy bay còn lại sẽ được bàn giao đến Ukraine, tuy nhiên, vì lý do chiến thuật, chúng ta sẽ không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào trước.”
Trước thông báo của Slovakia, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố rằng nước ông đang gửi các máy bay phản lực MiG-29 tới Ukraine.
“Đầu tiên, theo đúng nghĩa đen, trong vài ngày tới, chúng ta sẽ bàn giao, theo như tôi nhớ, bốn máy bay cho Ukraine trong tình trạng hoạt động bình thường,” Duda cho biết vào tháng trước. “Phần còn lại đang được chuẩn bị.”
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, bắt đầu bằng cuộc xâm lược của Nga, một số quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, như Slovakia và Ba Lan, đã cung cấp cho Ukraine các gói hỗ trợ quân sự. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần yêu cầu các quốc gia phương Tây viện trợ thêm.
Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ mới đây đã gửi thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, thúc giục Mỹ gửi chiến đấu cơ F-16 tới Ukraine.
“Sau khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Mỹ, Ukraine và nước ngoài đang làm việc để hỗ trợ Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng trước, chúng tôi tin rằng Mỹ cần xem xét kỹ lưỡng việc cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine,” bức thư cho biết.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã nói rằng ông không có bất kỳ kế hoạch nào để gửi các máy bay chiến đấu đến Ukraine vào thời điểm này.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine và Nga qua email để xin bình luận.
6. Hoa Kỳ nhận định rằng mặc dù có mối quan hệ chặt chẽ hơn, Trung Quốc đã không cung cấp hỗ trợ lớn cho nỗ lực chiến tranh của Nga
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định rằng dù Trung Quốc và Nga đã tăng cường quan hệ kể từ cuộc xâm lược tàn bạo của Điện Cẩm Linh vào Ukraine, vẫn chưa có bằng chứng về việc Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ vật chất một cách có hệ thống cho nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa.
Đánh giá của Hoa Kỳ được đưa ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và chính phủ của ông ta đang tìm kiếm các con đường để trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và lấp đầy quân đội của mình.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính cho biết, cho đến nay, Trung Quốc không sẵn sàng cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nga ở quy mô đáng kể, thay vào đó chỉ ra những nỗ lực của Nga nhằm lấy nguồn nguyên liệu từ Triều Tiên và Iran.
Các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ ghi nhận những nỗ lực của liên minh nhằm trừng phạt những ai trợ giúp cuộc xâm lược của Nga — bao gồm các bình luận công khai của Hoa Kỳ và các thông điệp trực tiếp do các đồng minh Âu Châu gửi đi — đã khiến Trung Quốc ngừng cung cấp hỗ trợ thực chất hơn cho Nga.
Chính quyền Biden đã làm việc để lấp đầy những lỗ hổng của chế độ trừng phạt, mở rộng chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh và tấn công vào các khu vực mà Nga hy vọng sẽ tránh được các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu.
Mỹ và các đồng minh cũng đã có nhiều hành động trực tiếp hơn, trừng phạt một công ty vệ tinh Trung Quốc cung cấp thông tin tình báo cho lực lượng Nga vào Tháng Giêng và đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
7. Tập Cận Bình của Trung Quốc nói với Macron rằng “không ai có lợi nếu cuộc chiến Ukraine kéo dài”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng “không ai có lợi khi chiến tranh Ukraine kéo dài”, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết như trên vào tối thứ Sáu theo giờ địa phương.
Theo tuyên bố, ông Tập cho biết “lợi ích của tất cả các bên liên quan và toàn thế giới là mang lại lệnh ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt”.
Ông cho rằng giải pháp chính trị là “con đường đúng đắn duy nhất” mà tất cả các bên phải gánh vác trách nhiệm. Trong thông báo, Trung Quốc cho biết họ hoan nghênh Pháp đưa ra các đề xuất cụ thể về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ Pháp và sẵn sàng đóng một vai trò mang tính xây dựng.
Theo bản báo cáo, Pháp “đánh giá cao” ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc và sẵn sàng hợp tác và liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc để đạt được giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine càng sớm càng tốt.
Trong một tuyên bố chung của cả hai nước, Trung Quốc và Pháp cho biết họ ủng hộ các nỗ lực khôi phục hòa bình ở Ukraine, phản đối các cuộc tấn công vũ trang vào các nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở liên quan đến hạt nhân khác, đồng thời duy trì quan điểm của họ về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc và Pháp tái khẳng định quan hệ và bày tỏ sẵn sàng cùng nhau thúc đẩy nhiều phát triển hơn nữa trên cơ sở cả hai nước “tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích lớn của nhau”, theo tuyên bố gồm 51 điểm.
8. Mạc Tư Khoa hoài nghi Trung Quốc có thể thay đổi lập trường về Ukraine sau cuộc hội đàm Tập-Macron
Mạc Tư Khoa đang theo dõi cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Sáu.
“Đây là những liên hệ rất quan trọng, chúng tôi theo dõi mọi diễn biến về vấn đề này,” Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc gọi thường kỳ, đồng thời cho biết thêm rằng Nga và Trung Quốc có “mối quan hệ phong phú và nhiều mặt”.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có khả năng thay đổi quan điểm về cuộc chiến sau các cuộc đàm phán hay không, ông Peskov cho biết Trung Quốc là một “cường quốc lớn, rất nghiêm túc với quan điểm có chủ quyền của mình”, một quan điểm đã được “hình thành mạnh mẽ”.
Ông Peskov nói thêm: “Đây không phải là một quốc gia thay đổi quan điểm của mình quá nhanh dưới tác động của bên ngoài.”
Tổng thống Pháp và người đứng đầu Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu Ursula von der Leyen đã kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Trung Quốc vào hôm thứ Sáu.
Một số thông tin cơ bản: Trung Quốc đã tuyên bố trung lập trong cuộc xung đột của Nga với Ukraine và cố gắng tạo ra một hình ảnh như một tác nhân hòa bình. Nhưng họ đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga và tiếp tục thắt chặt quan hệ kinh tế và ngoại giao với Điện Cẩm Linh trong năm qua – bao gồm cả chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Mạc Tư Khoa vào tháng trước.
Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ Sáu Tuần thánh, 7 tháng Tư, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể đã diễn ra tại hý trường Colosseo ở Roma.
Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Có khoảng 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.
Truyền thống đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo đã được người Công Giáo Rôma thực hành trong nhiều thế kỷ bắt đầu từ thế kỷ 18 dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14, và được hồi sinh vào năm 1964 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.
Từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo cũng trở thành một sự kiện được truyền hình trên toàn thế giới.
Ban đầu, chính Đức Giáo Hoàng tự mình vác thập tự giá từ chặng này sang chặng khác, nhưng trong những năm cuối đời ngài, khi tuổi tác và bệnh tật hạn chế sức khoẻ của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã chủ sự buổi lễ từ một khán đài trên đồi Palatine. Chỉ vài ngày trước khi qua đời vào năm 2005, Đức Gioan Phaolô II đã theo dõi buổi đi đàng Thánh Giá từ nhà nguyện riêng của ngài trong khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin chủ sự toàn bộ buổi lễ.
Truyền thống viết các bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum khác với những bài nguyện ngắm như trong các kinh bổn thường đọc đã được bắt đầu với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1991. Văn bản các chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Colosseum phản ảnh cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo trước thực trạng văn hóa, xã hội và luân lý trong xã hội đương đại. Nó cũng nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, tình trạng bất công, những khổ đau của người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Nhiều bài suy niệm đã đi vào lịch sử như những áng văn chương tuyệt tác như bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum vào năm 2007 của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Sản Văn Hoá của Giáo Hội.
Lúc 7g30 tối thứ Bẩy 8 tháng Tư, Lễ Vọng Phục Sinh đã được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh Lễ Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng sự Phục Sinh của Chúa Kitô mời gọi chúng ta trải nghiệm niềm vui và sự ngạc nhiên vô cùng của những người phụ nữ chứng kiến ngôi mộ trống, đồng thời nói thêm rằng chúng ta được mời gọi để sống lại ân sủng của mình, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa để lớn lên trong đức tin và đức cậy.
Buổi cử hành bắt đầu bên trong lối vào của Đền Thờ Thánh Phêrô với nghi thức làm phép lửa, sau đó là cuộc rước nến trong khi ca đoàn hát bài Lumen Christi. Buổi lễ cũng bao gồm nghi thức rửa tội và thêm sức cho tám tân tòng đến từ Albania, Hoa Kỳ, Nigeria, Ý và Venezuela.
Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ bài giảng của Đức Thánh Cha.
Tin Mừng cho chúng ta biết rằng các bà đi “thăm mộ” (Mt 28:1). Họ nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở nơi chết chóc và mọi thứ sẽ kết thúc mãi mãi. Đôi khi chúng ta cũng có thể nghĩ rằng niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu của chúng ta là một điều gì đó thuộc về quá khứ, trong khi hiện tại chủ yếu bao gồm toàn những ngôi mộ bị niêm phong: những ngôi mộ của sự thất vọng, cay đắng và ngờ vực, của sự mất tinh thần khi nghĩ rằng “không thể làm gì hơn được nữa”,” “mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi,” “tốt hơn hết là sống cho ngày hôm nay,” vì “không có gì chắc chắn về ngày mai.” Nếu chúng ta là nạn nhân của sự buồn phiền, bị đè nặng bởi nỗi buồn, bị khuất phục bởi tội lỗi, cay đắng vì thất bại, hoặc gặp rắc rối vì một vấn đề nào đó, thì chúng ta cũng trải nghiệm vị đắng của sự mệt mỏi và thiếu vắng niềm vui.
Đôi khi, chúng ta có thể chỉ đơn giản là cảm thấy mệt mỏi với thói quen hàng ngày của mình, mệt mỏi với việc chấp nhận rủi ro trong một thế giới lạnh lùng, khắc nghiệt, nơi dường như chỉ những người thông minh và mạnh mẽ mới vượt lên được. Những lúc khác, chúng ta có thể cảm thấy bất lực và nản lòng trước sức mạnh của sự dữ, những xung đột làm rạn nứt các mối quan hệ, những thái độ tính toán và thờ ơ dường như đang thịnh hành trong xã hội, căn bệnh ung thư của nạn tham nhũng, sự lan tràn của bất công, những cơn gió lạnh lùng của chiến tranh. Sau đó, chúng ta cũng có thể đối mặt với cái chết, vì nó cướp đi sự hiện diện của những người thân yêu của chúng ta hoặc vì chúng ta chống chọi với nó trong bệnh tật hoặc thất bại nặng nề. Lúc đó, rất dễ dẫn đến vỡ mộng, một khi nguồn hy vọng đã cạn kiệt. Trong những tình huống này hoặc những tình huống tương tự, con đường của chúng ta dừng lại trước một dãy mộ, và chúng ta đứng đó, đầy đau khổ và tiếc nuối, cô đơn và bất lực, lặp đi lặp lại câu hỏi, “Tại sao?”
Tuy nhiên, những người phụ nữ trong lễ Phục Sinh không đứng sững trước ngôi mộ; đúng hơn, Tin Mừng cho chúng ta biết, “Họ vội vàng ra khỏi mộ, vừa sợ vừa mừng, và chạy về báo tin cho các môn đệ Người” (c. 8). Các bà mang đến tin tức sẽ thay đổi cuộc sống và lịch sử mãi mãi: Chúa Kitô đã sống lại! (câu 6). Đồng thời, các bà cũng nhớ chuyển lời Chúa triệu tập các môn đệ hãy đến Galilê, vì ở đó các ông sẽ gặp Người (x. c. 7). Thưa anh chị em, đi đến Galilê có nghĩa là gì? Thưa: Hai điều, thứ nhất, đó là rời bỏ sự đóng kín trong Nhà Tiệc Ly và đi đến vùng đất của dân ngoại (x. Mt 4:15), ra khỏi nơi ẩn náu và mở lòng ra cho sứ vụ, bỏ lại sau lưng nỗi sợ hãi, và chuẩn bị cho tương lai. Thứ hai - và điều này rất tốt – đó là trở về nguồn cội, vì chính ở Galilê mà mọi thứ đã bắt đầu. Tại đó, Chúa đã gặp và gọi các môn đệ lần đầu tiên. Vì vậy, đi đến Galilê có nghĩa là trở về với ân sủng của thuở ban đầu, để lấy lại ký ức làm tái sinh niềm hy vọng, “ký ức của tương lai” mà Đấng Phục Sinh đã ban cho chúng ta.
Vì vậy, đây là điều mà Lễ Vượt Qua của Chúa hoàn thành: cuộc vượt qua của Người thúc đẩy chúng ta tiến tới, bỏ lại sau lưng cảm giác thất bại, lăn đi tảng đá mồ mả mà chúng ta thường giam hãm niềm hy vọng của mình, và tin tưởng hướng về tương lai, vì Chúa Kitô đã sống lại và đã thay đổi chiều hướng của lịch sử. Tuy nhiên, để làm được điều này, Lễ Vượt Qua của Chúa đưa chúng ta trở lại với ân sủng của quá khứ của chính chúng ta; nó đưa chúng ta trở lại Galilê, nơi bắt đầu câu chuyện tình yêu của chúng ta với Chúa Giêsu, nơi xảy ra cuộc gọi đầu tiên. Nói cách khác, nó yêu cầu chúng ta sống lại khoảnh khắc đó, hoàn cảnh đó, kinh nghiệm mà trong đó chúng ta đã gặp Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Người, và nhận được một cách nhìn mới rạng rỡ về chính mình, về thế giới xung quanh chúng ta, và chính mầu nhiệm của cuộc sống. Để sống lại, để bắt đầu lại, để tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta luôn cần trở về Galilê, nghĩa là quay trở lại, không phải về một Chúa Giêsu trừu tượng hay một lý tưởng xa xôi, mà là về ký ức sống động, cụ thể và sờ thấy được của lần đầu tiên chúng ta gặp gỡ Ngài. Vâng, thưa anh chị em, để tiến tới chúng ta cần phải quay lại, để ghi nhớ; để có hy vọng, chúng ta cần làm sống lại ký ức của mình. Đây là những gì chúng ta được yêu cầu làm: đó là ghi nhớ và tiến lên! Nếu anh chị em tìm lại được tình yêu ban đầu, sự ngạc nhiên và niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa, anh chị em sẽ tiếp tục tiến lên. Vì vậy, hãy ghi nhớ, và tiếp tục tiến về phía trước. Hãy ghi nhớ, và tiếp tục tiến về phía trước.
Hãy nhớ đến Galilê của chính anh chị em và tiến về phía đó, vì đó là “nơi” mà anh chị em đã biết Chúa Giêsu một cách cá vị, nơi Ngài không còn là một nhân vật khác đến từ một quá khứ xa xôi, mà là một con người đang sống: không phải là một Thiên Chúa xa xôi nào đó mà là Thiên Chúa là Đấng hiện hữu, ở bên cạnh anh chị em, Đấng hơn ai hết biết rõ anh chị em và yêu mến anh chị em. Thưa anh chị em, hãy nhớ đến Galilê, Galilê của anh chị em và lời mời gọi dành cho anh chị em. Hãy nhớ đến Lời của Thiên Chúa, Đấng đã phán trực tiếp với anh chị em vào một thời điểm chính xác. Hãy nhớ kinh nghiệm mạnh mẽ đó về Thánh Linh; niềm vui lớn lao của sự tha thứ đã trải qua sau một lời xưng thú tội lỗi; khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khó quên đó; ánh sáng đó đã thắp lên trong anh chị em và thay đổi cuộc đời anh chị em; cuộc gặp gỡ đó, cuộc hành hương đó. Mỗi người chúng ta đều biết nơi phục sinh nội tâm của mình, nơi là khởi đầu và là nền tảng đó, nơi mà mọi thứ đã thay đổi. Chúng ta không thể chôn vùi điều này trong nấm mồ quá khứ; Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta trở lại đó để cử hành Lễ Phục Sinh. Hãy nhớ Galilê của anh chị em. Hãy nhắc nhở bản thân mình.
Hôm nay, chúng ta hãy sống lại ký ức đó. Hãy quay trở lại cuộc gặp gỡ đầu tiên đó. Hãy nghĩ lại xem nó như thế nào và dựng lại bối cảnh, thời gian và địa điểm. Hãy ghi nhớ những cảm xúc và cảm giác; hãy ngắm nhìn màu sắc và thưởng thức hương vị của nó. Bởi vì, anh chị em biết đấy, chính khi anh chị em quên đi mối tình đầu, khi anh chị em không thể nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, thì bụi bặm bắt đầu phủ lên trái tim anh chị em. Đó là khi anh chị em trải qua nỗi buồn; và giống như các môn đệ, anh chị em nhìn thấy tương lai trống rỗng, giống như một ngôi mộ với một tảng đá phong tỏa mọi hy vọng. Tuy nhiên, thưa anh chị em, hôm nay sức mạnh của Lễ Phục Sinh kêu gọi anh chị em lăn đi mọi tảng đá của sự thất vọng và ngờ vực. Chúa là chuyên gia trong việc đẩy lùi những tảng đá tội lỗi và sợ hãi. Người muốn soi sáng ký ức thiêng liêng của anh chị em, ký ức đẹp nhất của anh chị em và khiến anh chị em hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Ngài. Hãy ghi nhớ và tiếp tục tiến về phía trước. Hãy trở về với Người và khám phá lại ân sủng phục sinh của Thiên Chúa nơi anh chị em.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu đến Galilê, gặp gỡ Người và thờ phượng Người ở đó, nơi Người đang chờ đợi mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy làm sống lại vẻ đẹp của khoảnh khắc đó khi chúng ta nhận ra rằng Ngài đang sống và chúng ta tôn vinh Ngài làm Chúa của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy trở lại Galilê. Mỗi người chúng ta hãy trở về Galilê của chính mình, về nơi mà chúng ta đã gặp Người lần đầu tiên. Chúng ta hãy vươn lên trong cuộc sống mới!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana