Ngày 15-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
00:04 15/04/2010
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Phục Sinh, Năm C

Bị điệu ra giữa Thượng Hội Đồng, bị chất vấn rằng vì sao không chấp hành lệnh nghiêm cấm không được giảng dạy nhân danh Giêsu nữa, Phêrô và các Tông đồ đã khẳng khái trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cvtđ 5,32). Câu trả lời thật tuyệt vời. Hầu như tất cả những ai đã tin vào Thiên Chúa đều phải “tâm phục, khẩu phục” trước câu nói này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để phân biệt đâu là lời của Thiên Chúa và đâu là lời của người phàm? Kitô hữu chúng ta vốn nhìn nhận tiếng Chúa phán qua thiên nhiên vũ trụ, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng lương tâm. Nhưng cần thú nhận rằng các phương thức phán dạy ấy của Thiên Chúa dường như không minh nhiên rõ ràng với nhiều người. Chúng ta vốn tin nhận Lời Chúa qua Thánh Kinh, đặc biệt qua lời của Con Một Thiên Chúa nhập thể, Giêsu Kitô. Tuy nhiên cũng không dễ phân biệt đâu là cách thế trình bày của tác giả nhân loại và đâu là ý lời Thiên Chúa muốn truyền. Ngay đến các tông đồ là những người trực tiếp tai nghe lời Đấng Cứu Thế mà vẫn còn nhiều điều các ngài chưa thể hiểu (x.Ga 16,12-13). Trong lịch sử đã không thiếu nhiều trường hợp lời của Thiên Chúa đã bị cắt xén hoặc bị đưa khỏi ngữ cảnh, để phục vụ cho ý, lời của phàm nhân. Ngoài ra còn cần phải kể đến nhiều lời giảng dạy của Đấng Cứu độ mà không được ghi chép trong Kinh Thánh (x.Ga 20,30-31;21,25). Đó là một trong những nội hàm mà Giáo hội Công giáo gọi là Thánh Truyền.

Căn cứ bài Tin mừng thánh Gioan (Ga 21,1-19) mà Giáo hội cho trích đọc trong Chúa Nhật III mùa Phục Sinh năm C, xin cùng nghe và có đôi suy nghĩ về những lời từ miệng của Đấng Phục Sinh. Xin được ghép những lời của Chúa Kitô trong lần tỏ mình ra trên biển hồ Tibêria thành bốn cặp lời hữu quan, mang tính biện chứng như sau:

1. “Này các anh, có gì ăn không?” – “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.

Các anh có gì ăn không? Một lời cầu xin ư? Đúng vậy. Rất nhiều nhu cầu của tha nhân đang vọng vang bên tai chúng ta. Đó không chỉ là nhu cầu lương thực vật chất mà còn nhiều nhu cầu thiết yếu khác về tinh thần, tâm linh. Người ta không chỉ sống đúng nhân phẩm bằng cơm bánh mà còn bằng nhu cầu học hành, đi lại, nói năng, suy nghĩ, kết hội… Chắc hẳn thế nào các môn đệ cũng nhớ lại lời Thầy Chí Thánh trước đây: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Có người thầm thỉ, nói đúng hơn là than thở: “Chúa ơi, Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, thế mà sao còn qua nhiều người đói khổ như ở Sômali, ở Haiti…còn quá nhiều người bị áp bức, chịu cảnh bất công nơi này nơi kia trên thế giới và ngay cả chung quanh con?” Chắc hẳn Chúa sẽ trả lời rằng: “Con ơi, Ta đã làm rồi đó. Ta đã dựng nên con. Đó là điều rất tốt đẹp” (x.St 1,31).

Chúng ta cũng đã từng phân trần: “Tài mọn, sức yếu như con làm sao kham nỗi? Hoàn cảnh thế sự lại quá khó khăn, Chúa biết đấy, một con én không làm nên mùa xuân.” Thế nhưng Chúa vẫn cứ gợi ý, ra lệnh hay mời gọi: “Cứ thả lưới!” Các ngư phủ lành nghề ngày xưa đã làm điều nghịch thường: thả lưới giữa ban ngày. Cách đó ba năm Simon đã được một mẻ cá lạ lùng chất đầy hai thuyền nặng gần chìm và hôm nay ngài cùng với các bạn lại được một mẻ cá không kém: 153 con cá lớn, nghĩa là bắt gần hết cá dưới biển vì theo quan niệm thời bấy giờ thì dưới biển chỉ có 153 loại cá. Ngạn ngữ Tây: “Les paresseurs sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose”(Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó). Xin đừng mộng mơ! Xin chớ ngồi mà ước muốn suông hoặc chỉ biết chấp tay cầu nguyện! Hãy thả lưới dù trời đã sáng!

2. “Anh em hãy đến mà ăn!” – “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

“Hãy đến mà ăn!” Lời mời gọi của Chúa Cứu thế nhắc nhớ chúng ta rằng mọi người đều cần đến lương thực bởi trời. Mọi hiện hữu ở đời đều do bởi Thiên Chúa. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Đến với Chúa để kín múc nguồn sống, để nhận lấy năng lực yêu thương, phục vụ, trao ban. Đấng Cứu Độ không muốn chúng ta đến với Người với đôi bàn tay trắng. Dù có thể làm được mọi sự, nhưng Người cũng đã từng muốn cần đến năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ (x.Mt 14,17). Hằng ngày đến với Người qua bàn tiệc Lời, bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta đã mang gì để dâng cho Người?

3. “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không”? – “Hãy chăn dắt chiên (chiên con và chiên mẹ) của Thầy”

Vì yêu Chúa Kitô nên chúng ta sẵn sàng đảm nhận phần việc của Người. Nhờ yêu Chúa Kitô nên chúng ta mới có khả năng chăn dắt các chiên lớn bé của Người. Không ai dại dột giao trứng cho ác. Người ta chỉ ký thác người thân yêu cho kẻ đáng tin cậy. Và người đáng tin, đáng cậy nhất đó là người yêu mến mình hết sức, hết lòng. Biết chăn dắt đàn chiên với cả tấm lòng yêu mến thì mới xứng là mục tử. Không có tình yêu thì không thể chuyên chăm dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Không có tình yêu thì không thế can đảm chống trả sói dữ và liều mạng sống vì đàn chiên. Không có tình yêu thì chẳng thể quan tâm chắm sóc chiên gầy, chiên bệnh tật hoặc vất vả đi tìm con lạc và cả những chiên đang ở ngoài đàn.

4. “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” – “Hãy theo Thầy”

Dưới đóa hoa hồng thường lấp ló những cành gai. Thập giá là hệ quả như tất yếu của tình yêu. Đường tình yêu là đường thập giá. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”(Lc 9,23). Vấn đề đặt ra là bạn, tôi, chúng ta muốn theo ai? Đã quyết đinh theo Chúa Kitô thì không có con đường nào khác, ngoài con đường Người đã đi. Xin đừng quá chăm chú đến khúc gỗ sần sù. Đường Chúa đi là đường yêu thương. Khi đã lao mình vào biển tình yêu, hết lòng vì người mình yêu, hết tình vì người yêu mình, thì những khúc gỗ sần sù kia dù có ê vai nhưng rồi sẽ trở thành ách êm ái, gánh nhẹ nhàng. (x.Mt 11,29-30)

Có ai yêu thương chúng ta như Đấng đã phó ban Người Con Một, vì hạnh phúc chúng ta? Có ai đầy quyền uy cao cả cho bằng Đấng đã dựng nên cả đất trời và đưa chúng ta từ chốn hư vô đến hiện hữu ở đời này? Vì thế, thái độ vừa chính đáng vừa khôn ngoan và phải đạo là: “Phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời người ta.”
 
''Nhắm mắt hay mở mắt''
Giám Mục Fx: Nguyễn Văn Sang
00:13 15/04/2010
Lời Nói Đầu:

Tôi đặt tựa đề này cho những đoạn trích trong những bài giảng của cha Rahiero Cantalametssa,O.F.M.CAP - cha chuyên trách giảng dạy trong Nhà Giáo Hoàng, trong bài giảng thứ hai mùa chay, trước mặt Đức Thánh Cha Benedicto 16 và giáo triều Rôma. Những đoạn trích này rất ý nghĩa cho mọi thành phần dân Chúa trong giáo hội, đặc biệt cho các linh mục trong năm thánh này. Suốt cả ngày sống của linh mục, chứ không phải chỉ nguyên trong thánh lễ đều là phép Thánh Thể. Dù khi người giảng dạy, giải tội, giáo huấn, đi thăm nom các bệnh nhân kể cả lúc nghỉ ngơi, hay giải trí, đều tham gia cách này hay cách khác vào mầu nhiệm thánh thể. Trong nhãn quan này thì đời sống của linh mục già cả hay đau ốm là một ơn ban quí giá dâng lên Thiên Chúa nhờ hy tế thánh thể. Những dòng sau đây được trích trong bài giảng, được đăng trên báo “Người Quan Sát Rôma”

“Để được trở thành linh mục theo “Dòng Chúa Giê-su Kitô” thì linh mục phải như Người, tự hiến chính mình. Trên bàn thờ, ngài không những chỉ đại diện cho Chúa Giê-su Kitô là vị “linh mục tối cao”, nhưng còn là Chúa Giê-su “hiến lễ tối cao” cả hai từ này liên kết chặt chẽ. Nói cách khác, ngài không thể là dâng kính Chúa Kitô lên Đức Chúa Cha trong những bí tích bánh và rượu,mà ngài còn phải tự dâng hiến chính mình, cùng với Đức Kitô lên Đức Chúa Cha. Huấn từ của thánh bộ Phụng Tự đã trích lại tư tưởng của Thánh Auguftino, ngài viết: “Còn về phần giáo hội là Hiền Thê và Nữ Tỳ của Đức Kitô khi thực hiện cùng với ngài, nhiệm vụ tư tế và hi lễ, thì giáo hội dâng lên Đức Chúa Cha của lễ, đồng thời giáo hội cũng dâng toàn thể chính mình cùng với Chúa Kitô”.

Điều gì nói về giáo hội toàn thể thì cũng ứng dụng cách riêng cho chủ tế. khi phong chức, Đức Giám mục đã khuyên các vị thụ phong rằng: “Hãy tìm hiểu; những điều các ông làm và bắt chước điều các ông thi hành”. Nói cách khác hãy làm điều Đức Kitô làm trong thánh lễ, nghĩa là hãy tự dâng mình cho Thiên Chúa trong hiến lễ sống động. Thánh Grêgoa thành Nazian viết: “biết rằng không có ai có thể xứng đáng với sự cao cả của Thiên Chúa với Hiến tế, và với vị Thượng tế, nếu người đó không tự hiến chính mình làm nghi lễ sống động thánh thiện, nếu không hiến dâng như của lễ hợp lý và đẹp lòng, và nếu người đó không tự hiến mình cho Thiên Chúa trong một hiến lễ ca tụng, và tinh thần xám hối. (hiến tế duy nhất, là tác giả của tất cả các ơn ban đòi hỏi phải dâng lên), thì có thể làm sao tôi có thể dâng lên Thiên Chúa một của lễ bề ngoài trên bàn thờ, và tượng trưng cho mầu nhiệm vĩ đại”.

Để giúp các đấng hiểu rõ hơn con xin phép kể lại chính con đã khám phá ra tầm mức của chức linh mục của con sau khi được thụ phong con đã cư xử như thế này. Trong lúc truyền phép: “con nhắm mắt vào, cúi đầu và cố gắng cắt đứt mọi liên hệ chung quanh để đồng hoá với Đức Giê-su trong nhà tiệc ly”, lần đầu tiên con đọc lời truyền phép: “hãy nhận lấy mà ăn”.

Phụng vụ xem ra cũng tán thành cử chỉ đó, dạy phải đọc lời truyền phép nhỏ tiếng, bằng tiếng la tinh. Nghiêng mình trên của lễ quay về phía bàn thờ, chứ không đối diện với giáo dân. Rồi đến một ngày tôi hiểu rằng cử chỉ như vậy, không biểu hiện tất cả ý nghĩa tham gia vào việc truyền phép của tôi.đấng chủ sự một cách vô hình trong thánh lễ là Đức Kito Phục sinh đấng hằng sống, một Đức Giê-su, nói cho đúng đấng đã chết, nay đã sống lại cho đến muôn đời. Nhưng Đức Gie-su ấy là Đức Kito toàn phần là đầu và là thân thể liên kết chặt chẽ. Vậy nếu đó là Đức Kito đọc lời truyền phép thì cũng chính là tôi dọc những lời đó với Ngài. Trong tiếng “Tôi” (tiếng Việt Nam dịch là thầy) của đầu thì dấu ẩn một tiếng “Tôi” nhỏ của thân thể là giáo hội trong đó có tiếng “Tôi” nhỏ xíu của tôi. (Trong bài viết linh mục là người bị ăn, tôi đã viết về vấn đề này trong sách “suy và ngẫm tập 3”: giống như Chúa Giê-su mời gọi mọi người đến ăn mình và máu thánh Chúa, thì linh mục cũng mời gọi mọi người đến ăn chính mình trong cuộc sống linh mục của mình. Suy và Ngẫm tập 3 trang 199 số 8 linh mục là: “tấm bánh bị ăn”)

Từ ngày đó với tư cách linh mục được giáo hội phong chức, tôi đọc lời truyền phép “ Nhân Danh Đức Kitô”. Vì tin rằng nhờ vào Chúa Thánh Thần nhờ lời đó có sức mạnh biến Bánh thành Mình Thánh, và Rượu trở thành Máu Thánh. Đồng thời với tư cách là thân thể của Đức Kitô tôi không còn nhắm mắt nữa và tôi mở mắt nhìn tất cả anh chị em, hay khi tôi làm lễ một mình thì tôi nghĩ tới tất cả những ai tôi phải phục vụ trong ngày, và tôi quay hướng về họ, tôi nói trong trí óc với Chúa Giê-su rằng: “Hỡi anh chị em hãy nhận lấy mà ăn: vì đây là Mình tôi; hãy nhận lấy mà uống vì đây là Máu tôi”.

Sau đó tôi tìm thấy một sự đồng thuận lạ kỳ của một vị huyền bí người Mễ đấng sáng lập 3 dòng tu tên là Conchita Bà đã viết cho một người con thuộc dòng tên ấy chịu chức linh mục:

“Hỡi con, con nên nhớ rằng khi con cầm trong tay Bánh và Rượu con không đọc đây là Mình Chúa Giê-su và đây là Máu của Ngài nhưng con sẽ nói: đây là mình ta (tôi, thầy) đây là máu ta” nghĩa là sẽ sảy ra ở trong con một sự chuyển biến hoàn toàn, con sẽ “mất hút” ở trong Ngài, để trở nên một Đức Giê-su khác.

Việc hiến tế của linh mục và toàn thể giáo hội không có hiến tế của Chúa Giê-su, sẽ trở nên không thánh thiện, và không đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì chúng ta là những thụ tạo tội lỗi; nhưng hiến tế của Chúa Giê-su không có hiến tế của thân thể Người là giáo hội phải chăng không hoàn toàn và đầy đủ: chắc chắn không phải thế, để được ơn cứu rỗi, nhưng để cho chúng ta được tiếp nhận và được chiếm hữu hiến tế đó. Chính trong ý nghĩa mà giáo hội đã nói với thánh Phalô rằng: “Tôi phải hoàn tất trong thân xác tôi những gì còn thiếu nơi các thử thách của Đức Kitô” (Cuol 1,24). Chúng ta có thể dùng một hình ảnh hay một ví dụ diễn ra trong mỗi thánh lễ chúng ta tưởng tượng. Trong một gia đình có những người con, người con cả yêu mến cha mình cách đặc biệt. Anh ta muốn biếu cha mình một món quà nhân dịp kỷ niệm, nhưng trước khi biếu cha, anh ta bí mật xin tất cả các anh,chi, em của mình ký tên vào tặng phẩm đó. Món quà được đến tay người cha như một của lễ dâng kính của tất cả con cái, và là dấu chỉ của sự yêu quí của tất cả. Nhưng thực tế chỉ có một người đã trả công cho của lễ đáng quí đó, và đây là điều áp dụng. Chúa Giê-su ngưỡng mộ và yêu mến vô cùng, người Cha trên Trời- Người muốn mỗi ngày cho tới tận thế hiến dâng lên của lễ quí giá mà không ai có thể tưởng tượng nổi đó chính là sự sống của Ngài. Trong thánh lễ Ngài mời gọi tất cả anh em, chị em của Ngài nghĩa là tất cả mọi người chúng ta hãy kí tên vào của lễ đó, để sao cho khi đến với Thiên Chúa là Cha như một quà biếu của tất cả các con cái: “là hiến tế của tôi và tất cả anh chị em” (hiến tế của tôi cũng là của tất cả anh chị em ). Như linh mục đã đọc trong kinh Oratefrates. Nhưng thực tế chúng ta biết chỉ có một người trả giá cho hiến tế. Ôi một giá cao trọng chừng nào!

Năm linh mục không phải chỉ là một dịp thuận lợi và ân huệ riêng dành cho các linh mục, mà cũng cho cả giáo dân nữa, sắc lệnh Presbyterorum. Ordinis cũng khẳng định rõ ràng rằng: chức linh mục tư tế, để phục vụ cho chức linh mục phổ quát của tất cả những người đã được rửa tội, để họ cũng dâng chính mình họ làm của lễ toàn thiêu sống động thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Quả vậy: “chính nhờ vào sứ vụ của các linh mục mà hiến tế thiêng liêng của các Kitô được hoàn tất, kết hợp với hiến tế của Đức Kitô Đấng trung gian duy nhất, được dâng lên, nhân danh tất cả trong bí tích thánh thể nhờ vào các linh mục, một cách không đổ máu,và bí tích cho tới khi Chúa đến”

Theo báo “Người Quan sát Roma” số 16/02/2010
 
Yêu tha nhân quảng đại, phải từ bỏ bản thân
Jos. Tú Nạc, NMS
07:55 15/04/2010
YÊU THA NHÂN QUẢNG ĐẠI, PHẢI TỪ BỎ BẢN THÂN

Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm C (Acts 5: 28-32, 40-41; Psalm 30; Revelation 5: 11-14; John 21: 1-19)

Khi chúng ta có tin vui đặc biệt thì việc giữ im lặng là một điều vô cùng khó khăn. Những lời muốn nói cứ âm ỉ trong lòng chúng ta mong đợi để chia sẻ điều gì đó tuyệt vời. Hãy tưởng tượng nó sẽ trở nên muôn vàn khó khăn – nếu không thể nói ra – để cứ giữ im lặng khi những tin vui phải được chia sẻ ấy có ảnh hưởng phổ quát và thay đổi cuộc sống.

Các tông đồ đã được lệnh dứt khoát và mạnh mẽ là phải chấm dứt loan truyền sự kiện Chúa Giê-su bị đóng đinh và đã sống lại, một mệnh lệnh mà họ tỏ ra hoàn toàn không cần biết. Câu trả lời của Thánh Phê-rô đó là họ trả lời với một thẩm quyền cao cả hơn – Thiên Chúa – và rằng họ phải công bố quyền năng cứu chuộc của Người trong cuộc đời và cái chết của Chúa Giê-su. Có quá nhiều nguyên tắc đang đấu tranh để thực hiện: sự hối cải của dân tộc, sự tha thứ của tội lỗi, và món quà của Chúa Thánh Thần. Ai có thể im tiếng được?

Nhưng việc thỉnh cầu Thiên Chúa như quyền lực chủ yếu của con người không phải là sự thực hiện tự do để nói và làm bất cứ điều gì mà người ta mong ước. Chúng ta đã có không biết bao nhiêu những bi kịch điển hình và sự tàn ác và có thể là hậu quả khi mà những cá nhân cuồng tín và bất ổn tâm thần dám tự phụ để nói hoặc làm trong Danh Chúa. Các tông đồ chỉ là chứng tá trước những điều mà Thiên Chúa đã thực hiện trước sự hiện diện của họ. Và thay vì đắm mình trong nỗi đắng cay hoặc thương xót bản thân họ đã mừng vui khôn xiết vì đặc ân hoặc đau khổ cho lợi ích của Danh Thánh Chúa. Vô tri khổ hạnh có thể bị tiêu diệt dần mà để đau khổ vì điều gì đó là chân, thiện, mỹ có thể giảm thiểu gánh nặng chất chồng và thực sự giải phóng. Có rất nhiều tiếng nói đối lập và tiêu cực làm mờ nhạt sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới của chúng ta. Chứng kiến trước những hành động của Thiên Chúa về lòng thương xót là phần quan trọng trong việc loan báo của chúng ta với tư cách là những Ki-tô hữu.

Có lẽ các tông đồ đã được hỗ trợ trong chứng tá can đảm của họ bởi thứ kinh nghiệm mà nhà tiên tri của Patmos đã trải qua. Đó là thời điểm mà ông có thể thấy trong bức tranh đồ sộ - cái bao la của sự sáng tạo, cài kỳ diệu và vinh quang của sự hiện diện thánh thiêng và sự nhận biết uy lực và quyền năng phổ quát của Chúa Giê-su. Để thấy và nghe tất cả lời ca sáng tạo ngợi khen Thiên Chúa mà họ phụng thờ duy nhất có thể bù đắp cho con người với những mong muốn mãnh liệt là một phần của nó. Suy niệm về tầm nhìn này cùng phạm vi vũ trụ của nó có thể giúp để xua tan những áng mây của hoài ngi và nản chí đó là mối nguy hiểm luôn hiện diện trong thời đại của chính chúng ta.

Chuông cuối trong Tin Mừng của Thánh Gio-an đợt ấn bản lần thứ hai, một câu chuyện giản lược về sự kết thúc của Tin Mừng mà ban đầu là 20 chương. Đó là một thể loại truyện lạ lung – các tông đồ dường như quay trở về với cuộc sống của họ với tư cách là ngư phủ sau lần gặp gỡ bất ngờ với Chúa Giê-su trong phòng trên và việc đón nhận Chúa Thánh Thần. Ở đó dường như không xuất hiện được bất kỳ hoạt động nào Tiền Lễ Ngũ Tuần ấn tượng và công khai đầy kịch tính mà chúng ta mà chúng ta thấy trong sách Công vụ của những Tông đồ. Mặc dù cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ở phòng trên có vẻ như họ xa lạ Chúa Giê-su và phần nào đó hoài nghi danh tính Người. Câu chuyện thực sự tập trung và Phê-rô, ông đã bỏ rơi và chối Chúa trong lúc Người gặp nạn để tránh nguy hiểm bản thân. Chúa Giê-su đưa ra cho ông ba lần cùng một câu hỏi: con có yêu ta không? Phản ứng của Chúa Giê-su trước những khẳng định của Phê-rô ngắn gọn nhưng chính xác: hãy nuôi nấng cừu của ta, hãy chăm sóc chiên của ta. Nó cách khác, hãy chứng minh điều đó – thể hiện tình yêu của bạn trong hành động, đặc biệt việc quan tâm đến người khác của bạn. Nó tiết lộ mô hình lãnh đạo trong cộng đồng của Thánh Gio-an và mô thức trong mối quan hệ đích thực của con người.

Nhưng Chúa Giê-su cũng báo trước cho Phê-rô biết rằng cuộc đời ông sẽ không bao giờ được trở lại chính mình. Trong sinh hoạt cho tha nhân dưở quyền linh ứng và hướng dẫn của Thánh Linh ông sẽ được dìu dắt trên những nẻo đường và dẫn tới những nơi mà ông không muốn đến, thậm chí cuối cùng dẫn đến tử vì đạo. Trong Tin Mừng của Thánh Gio-an, những môn đệ của Chúa Giê-su được ban cho duy nhất một điều răn: hãy yêu thương nhau, như Chúa đã yêu thương chúng ta. Đó là điều chắc chắn không phải “dễ dàng nhận ra” – vì chúng ta đã được biết rằng Chúa Giê-su đã yêu môn đệ của người đến giây phút cuối cùng – tự thân thập giá.

Một tái ủy thác để chăm sóc và nuôi nấng đàn chiên là nhu cầu cấp thiết của chính thời đại chúng ta. Chúng ta có thể sống theo cách đơn giản đó nhưng liên kết mật thiết với điều răn bằng sự yêu mến tha nhân quảng đại và từ bỏ bản thân không?

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần Thú 3 Phục Sinh
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
13:46 15/04/2010
Thứ hai sau tuần thứ 3 phục sinh

Ga 6,22-29

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thế,

Năm xưa trên hành trình về đất hứa, Chúa đã nuôi dân riêng bằng bánh Manna từ trời. Ngày nay trên hành trình tiến về quê trời, Chúa nuôi dưỡng chúng con bằng bánh trường sinh, là Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng con xin tri ân cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là tất cả cuộc đời chúng con. Chúa là gia nghiệp, là thành luỹ, là hạnh phúc của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, biết gắn bó với Chúa trên hết mọi sự. Xin giúp chúng con đừng vì những của ăn hư nát đời này mà đánh mất sự sống đời đời mai sau. Xin giúp chúng con biết thắng vượt những đam mê tật xấu để chúng con biết sống thanh cao, trong sạch và cao thượng. Xin cho chúng con biết tích góp của cải không bao giờ hư nát là gia tài trên trời bằng những việc lành phúc đức, những hành vi bác ái yêu thương. Xin đừng để chúng con ngụp lặn trong đam mê tội lỗi mà đánh mất hướng đi về trời.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã nói “ai ăn bánh này sẽ có sự sống đời đời”. Xin cho chúng con mỗi lần rước Chúa là một lần chúng con được lớn lên trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết siêng năng rước Chúa mỗi ngày để mai sau chúng con được chiêm ngưỡng dung nhan đích thực của Chúa trên quê trời. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 3 phục sinh

Ga 6,30-35

Lạy Chúa Giê- su Thánh Thể,

Tình yêu của Chúa thật bao la rộng lớn. Tấm lòng của Chúa luôn hết lòng yêu thương chúng con. Chúa đã lập bí tích Thánh Thể để trở nên nguồn sống cho linh hồn chúng con. Chúng con xin tri ân tình yêu quá cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ thờ ơ với tình yêu ban tặng nhưng không của Chúa, nhưng biết siêng năng đón nhận qua thánh lễ mỗi ngày.

Lạy Chúa, giữa cuộc đời đầy cám dỗ yêu ma. Có biết bao cám dỗ mời mọc chúng con xa Chúa. Có biết bao cám dỗ lôi kéo chúng con đi sai đường lối và những huấn lệnh của Chúa. Có biết bao cám dỗ ngọt ngào, khiến nhiều phen chúng con đã để lòng mình chiều theo những tư tương xấu xa, những tham lam ích kỷ, những đam mê thấp hèn. Xin tha thứ những yếu đuối của lòng trí chúng con. Xin giúp chúng con vượt thắng những cám dỗ bằng việc luôn hướng về trời cao. Nơi đó không còn đau khổ bởi những tham sân si lòng người. Nơi đó có hạnh phúc tròn đầy bên Chúa. Xin giúp chúng con đừng để lòng mình chìm đắm trong những đói khát vật chất thế gian, nhưng biết khát khao say mê Thánh Thể Chúa là thần lương ban tặng cho chúng con sự sống vĩnh hằng.

Lạy Chúa, xin Chúa ở lại với chúng con để canh tân đổi mới cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con chỉ biết ao ước tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong cuộc đời. Xin giúp chúng con thanh luyện trí lòng khỏi những tư tưởng xấu và giữ gìn sự thanh sạch tâm hồn, ngõ hầu luôn xứng đáng là đền thề cho Chúa ngự trị. Amen

Thứ Tư sau chúa nhật 3 phục sinh

Ga 6,35-40

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là bánh bởi trời được ban xuống trần gian để lôi kéo con người về với Chúa Cha. Xin nhờ Mình và Máu Thánh Chúa Phục sinh đã chiến thắng sự chết đang hiện diện trong tâm hồn chúng con cũng biến đổi chúng con thành bất tử như Chúa. Xin giúp chúng con đón rước Chúa trong niềm tri ân cảm tạ, và biết sống kết hợp trọn vẹn với Chúa như cành liền cây, để mai sau chúng con cũng được sống lại vinh hiển với Chúa.

Lạy Chúa, ở đời ai cũng muốn cho mình được lưu danh hậu thế. Vì “không công danh thời nát với cỏ cây”. Ai cũng muốn được trường sinh bất tử. Chúng con thật hạnh phúc vì có thuốc trường sinh bất tử là chính Mình Thánh Chúa. Vì Chúa đã hứa “ai ăn bánh này thì sẽ không bao giờ phải chết, và Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết”. Xin cho chúng con luôn dành thời giờ đến với Chúa qua việc siêng năng tham dự thánh lễ mỗi ngày. Xin giúp chúng con biết sống bất tử theo bước chân mà Chúa đã đi qua. Bước chân của yêu thương. Bước chân của bác ái vị tha. Bước chân của dâng hiến mạng sống cho anh em được sống và sống dồi dào. Vì mỗi nghĩa cử yêu thương là chúng con đang làm cho mình trở nên bất tử trước mặt mọi người và trước mặt Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn giầu lòng quảng đại như Chúa đã từng quảng đại với chúng con. Xin cho thế giới chúng con có nhiều người biết cho đi để tấm bánh sự sống trường sinh được đến với mọi người. Xin cho chúng con cũng trở nên dấu chỉ cho tình yêu của Chúa giữa thế giới khô cạn tình người hôm nay. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 3 phục sinh

Ga 6,44-51

Lạy Chúa Giê-su Thánh thể,

Chúng con tin nhận Thánh Thể Chúa là bánh trường sinh. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời. Xin Chúa thương ngự đến tâm hồn chúng con. Xin ban cho chúng con sự sống của Chúa để chúng con có được sự sống trường sinh nơi con người chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã hứa rằng: “ai tin vào Ta sẽ không chết bao giờ”. Xin ban cho chúng con có một đức tin đủ để chúng con biết phó dâng cuộc đời trong tay Chúa. Xin ban cho chúng con một đức tin nồng nàn để chúng con luôn yêu mến và thi hành thánh ý Chúa. Xin ban cho chúng con một đức tin sắt son để chúng trung thành sống theo giáo huấn của Chúa.

Lạy Chúa là Đấng mà ai gặp gỡ cũng được đổi mới. Từ Gia-kêu đã trở thành Lê-vi. Từ cô gái tội lỗi đã trở thành thánh nữ Madalena. Từ một người thuyền chài ít học lại trở thành người dẫn dắt con thuyền giáo hội ngay từ lúc sơ khai. Từ một kẻ từng bắt bớ Chúa lại trở thành một tông đồ Phao-lô nhiệt thành. Tất cả đều nhờ tin vào Chúa mà được đổi mới cuộc đời. Xin cho chúng con cũng được đổi mới cuộc đời mỗi khi được rước Chúa vào lòng. Xin giúp chúng con biết đứng dậy làm lại cuộc đời sau mỗi lần vấp ngã. Xin giúp chúng con biết hoàn thiện mình một ngày nên thánh thiện như Chúa là Đấng Thánh vô cùng. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 3 phục sinh

Ga 6,52-59

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Vì muốn cho chúng con được sống và sống dồi dào, Chúa đã ban bánh trường sinh cho chúng con. Chúa chính là tấm bánh trường sinh đã ban xuống cho trần gian. Thế nhưng, không ít lần chúng con đã đón rước Chúa một cách hững hờ, bất xứng, khiến cho sự sống đời đời chẳng sinh hiệu quả tốt trong tâm hồn chúng con. Xin Chúa thứ tha vì những lần chúng con rước Chúa một cách vô ý thức và thiếu sự tôn thờ kính yêu.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại chúng con. Chúa đã sống vì mọi người. Chúa còn dám hiến mạng sống để cứu độ chúng con. Xin dạy chúng con biết cho đi mãi mãi, cho đi vật chất, cho đi cả bản thân như tấm bánh mang lại niềm vui cho gia đình, cho bè bạn và mọi người. Xin giúp chúng con biết dùng cuộc đời mình để trao ban hơn là tích góp, biết dâng hiến hơn là an phận thủ thường, biết sống vì lợi ích mọi người hơn là đòi hỏi người khác phục vụ cho lợi ích của mình.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết kiện toàn mình mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn. Qua bí tích Thánh Thể chúng con được lãnh nhận chính sự sống của Chúa, xin cho chúng con biết sống yêu thương và trao ban như Chúa đã sống cho chúng con. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 3 phục sinh

Ga 6,60-69

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa cho chúng con được nên một trong Chúa. Sự sống phục sinh của Chúa lưu chảy trong cuộc đời chúng con. Cuộc đời chúng con được gắn liền với Chúa như cành liền cây để sinh hoa kết trái. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết tín thác trọn vẹn vào Chúa, biết cậy dựa vào Chúa, và can đản bước đi theo Chúa trên con đường thập giá để tiến tới vinh quang Phục sinh.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu! Chúa đã thắng thế gian. Chúa đã chết và đã sống lại. Sự chết đã bị tiêu diệt qua cuộc Tử nạn và Phục sinh vinh hiển của Chúa. Xin giúp chúng con biết chạy đến với Chúa mỗi khi gặp gian nan, biết trao vào tay Chúa dòng đời với nhiều lo toan vất vả. Xin cho chúng con biết bám vào Chúa mỗi khi dòng đời xô đẩy những sóng gió nghi nan. Xin giúp chúng con biết một lòng xác tín như thánh Phê-rô năm nào: “Bỏ Ngài, con biết theo ai?”. Xin giúp chúng con biết chọn Chúa là gia nghiệp, là cùng đích cuộc đời chúng con. Vì Chúa mới có Lời Ban Sự Sống đời đời.

Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin ban cho chúng con Thần Trí của Chúa để chúng con biết chọn giá trị vĩnh cửu hơn là những vinh hoa trần thế mau qua. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH - Từ ngày 16 đến 30.4.2010
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
13:48 15/04/2010
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 16 đến 30-4-2010

Ngày 16-4-10: Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, người đã tiêu diệt sự thù ghét. (Ep 2, 16) -- Thân thể duy nhất là Hội Thánh, là Đức Kitô, Ngài đã tiêu diệt ngăn cách, thù hận, làm hoà. Tôi cần noi gương Chúa sống hiệp nhất trong gia đình và xã hộị.

Ngày 17-4-10: Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. (Ep 2, 17) -- Những kẻ ở xa chỉ dân ngoại, những kẻ ở gần chỉ người Do thái. Bạn cần sống hoà hợp mọi người, vì họ đều là con Chúa cả.

Ngày 18-4-10: Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha. (Ep 2, 18)

-Thánh Thần đã biến đổi Đức Kitô và liên kết bạn và tôi trong chi thể của Người. Tôi luôn sống hiệp nhất với mọi người trong Chúa.

Ngày 19-4-10: Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em, do lòng yêu thương của Người. (Pl 2, 13)

-Thiên Chúa hành động tích cực với ân sủng của Ngài cho con người. Bạn hãy cộng tác với Ngài trong việc làm để được ơn cứu độ.

Ngày 20-4-10: Anh em hãy làm việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. (Pl 2, 14) -- Phaolô nhắc đến dân xưa kêu ca, lẩm bẩm trách Chúa trong sa mạc. Đó là một bài học để bạn và tôi đừng làm vậy. Sống khiêm tốn và phục vụ để xứng đáng được Chúa tuyển chọn.

Ngày 21-4-10: Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ… (Pl 2, 15)

-Đứng trước xã hội nhiều bạo hành và cạm bẫy của thời đại cuối này.

Tôi cần chiếu sáng Tin Mừng của Chúa qua việc làm trong đời sống.

Ngày 22-4-10: Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người. (Cl 1, 19) -- Đức Giêsu đã nhập thể chịu chết và phục sinh để hoàn tất ý Chúa Cha. Tôi noi gương Người sống chu toàn ba chức vụ của Tín hữu là Tư tế, là Ngôn sứ và Vương đế.

Ngày 23-4-10: Cũng như nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình…Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật… (Cl 1, 20) -- Đức Kitô là nguyên nhân và đích điểm của việc cứu chuộc, là hoà giải tức là mầu nhiệm thập giá cho cả nhân loại. Tôi sống làm chứng bằng hy sinh và là làm hoà với nhau.

Ngày 24-4-10: Nhưng nay, nhờ Đức Kitô là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền… (Cl 1, 22)

-Một người đã chịu đau khổ và chết cho tôi, để tôi noi gương Người sống thánh. Vì thế tôi luôn hy sinh, làm hoà và tha thứ cho anh em.

Ngày 25-4-10: Ý muốn Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm. (1 Tx 4, 3) -- Chúa đòi hỏi người Tín hữu bước đầu là không lạm dụng tình dục. Con quyết tu luyện hằng ngày sau khi đã khấn hứa với Chúa, sống trong sạch chứ không lợi dụng, hưởng thụ.

Ngày 26-4-10: Mỗi người hãy hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự. (1 Tx 4, 4)

- Lập gia đình là thề hứa trung thành với nhau quan trọng như khi khấn thuộc về Chúa. Hãy yêu quí người mình chọn như chính bản thân mình. Tôi đã chọn ai thì hãy sống chung thủy và thánh thiện.

Ngày 27-4-10: Chứ không đam mê dục vọng như những người không biết Thiên Chúa. (1 Tx 4, 5) -- Tôi đã được học hỏi, tu luyện nhiều khoá, thế mà lại sống buông tuồng như người không biết Chúa. Từ nay tôi nhận lỗi đã làm, quyết sửa mình, trở về với người mình yêu.

Ngày 28-4-10: Đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó…(1 Tx 4, 6)

- Xin đọc Sáng thế đoạn 19 phá hủy thành Xơ-đơm và Mat 11 câu 24 về Ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn tôi.

Ngày 29-4-10: Thật vậy, Thiên Chúa đã không gọi chúng ta sống ô uế; nhưng sống thánh thiện. (1Tx 4, 7) -- Rõ ràng là Chúa muốn gọi và ban mọi ân huệ cho bạn hiện nay, để trở nên thánh. Tôi hết lòng sám hối, quyết từ bỏ mọi đam mê, để xứng đáng là người Kitô hữu.

Ngày 30-4-10: Ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm; nhưng khinh thường Thiên Chúa… (1 Tx 4, 8) -- Bấy lâu nay tôi được hưởng bao quyền lợi Chúa ban; nhưng tôi đã khước từ Lời Chúa dạy, chỉ lo hưởng thụ vinh thân phì da. Tôi quyết mau mắn sám hối trở về, vì cái rìu đã đặt sẳn gốc cây.

Phó tế: Gioan B. Maria Nguyễn Định/Huyền Đồng
 
''Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền''
PM. Cao Huy Hoàng
14:04 15/04/2010
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Phục Sinh, Năm C

Chúa Giêsu đã bị người Do Thái đóng đinh trên Thập Giá. Ngài chết thật rồi. Các môn đệ Chúa Giêsu không chỉ bàng hoàng, mà còn mang một nỗi buồn chiến bại trong trận chiến khôi phục giang san với Thầy mình. Thầy chết rồi, đồng nghĩa với cả một ước mơ, một nỗ lực làm “cách mạng” thay đổi cục diện của cả đất nước và dân tộc đành tan theo mây khói. Họ thất chí, bỏ mộng theo thầy, trở về cái nghề chài lưới bên biển hồ Tibêriát đầy kỷ niệm.

“Ông Simôn Phêrô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả” ( Ga 21, 3 ).

Biết các Tông Đồ không đánh được con cá nào, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các ông và bảo: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá" ( Ga 21, 6 ).

Bắt đầu từ Gioan, đến Phêrô, rồi các Tông Đồ nhận ra Chúa Phục Sinh trong bữa ăn trên biển với bánh và cá nướng. Chúa Giêsu một lần nữa củng cố niềm tin Phục Sinh nơi các Môn Đệ của mình, và còn hơn thế nữa, bắt đầu thiết lập một Giáo Hội của Đấng Tử Nạn và Phục Sinh nơi người Tông Đồ đã ba lần chối Chúa trong đêm vườn dầu đau đớn.

“Người hỏi Phêrô lần thứ ba: "Anh có yêu mến Thầy không ? "Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy." ( Ga 21, 17 – 19 )

Và sách Công Vụ Tông Đồ cho biết các ông đã ra đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh bất chấp mọi nghiêm cấm: “Bấy giờ các Tông Đồ bị điệu đến giữa Thượng Hội Đồng, vị thượng tế hỏi các ông rằng: "Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi !"( Cv 5, 27 – 28 ).

Lời Chúa Giêsu Phục Sinh bảo “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền” và mẻ cá lạ lùng ngày trên biển hồ Tibêriát, đã biến đổi các ông từ nhát đảm nên can trường, từ chỗ thất chí đến chỗ vững tin vào Chúa Phục Sinh và không hề nao núng rao truyền một chân lý, một sự thật, một lẽ phải muôn đời là chính Thiên Chúa. Vì thế không có sức mạnh nào có thể ngăn nổi việc làm chứng cho Chân Lý của Thiên Chúa. Các ngài đã mạnh dạn tuyên bố “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy” ( Cv 5, 29 – 30 ).

Vâng lời Thiên Chúa là thả lưới bên phải mạn thuyền. Không thả lưới bên trái mạn thuyền.

Quả thực, Giáo Hội tiên khởi của Thánh Phêrô hẳn đã dứt khoát “không đi theo đàng trái” là không chiều theo sự dữ của thế lực chống lại Thiên Chúa, chống lại Chúa Giêsu Phục sinh, và dẫu cho có chịu đòn vọt, tù tội, thì các Ngài cũng hân hoan chịu thương khó với Chúa Giêsu và hân hoan la lớn lên về một Nước Thiên Chúa của kẻ sống trong Chân Lý, và sống lại vĩnh cửu trong Chúa Phục Sinh.

“Bấy giờ họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” ( Cv 5, 40 – 41 ).

“Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền”, một sứ vụ quan trọng của Giáo Hội là thu nhận về cho Thiên Chúa những linh hồn để được cứu rỗi nhờ giá Máu của Chúa Giêsu. Không thể để cho giá cứu chuộc ấy trở nên oan uổng.

Vì quả thực Chúa Giêsu sống lại để tất cả nhân loại cùng được sống lại với Người. Thao thức của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu luôn là thao thức mong chờ nhân loại đón nhận Ơn Tái Sinh trong Máu và Nước của biển Lòng Thương Xót. Chúa Giêsu đã đổ máu và nước để đổi lấy Ơn Cứu Chuộc, thì Giáo Hội cũng phải luôn là một Giáo Hội bị bách hại là điều hẳn nhiên.

Nếu không chấp nhận bị bách hại, thì không thể nói “vâng lời Thầy con thả lưới” và “thả lưới bên phải mạn thuyền”. Vì thế lực chống lại Thiên Chúa vẫn luôn rình rập, toan tính, bách hại để giảm thiểu tối đa Lòng Tin và người tin vào Thiên Chúa qua Giáo Hội mà đi theo con đường chân chính.

Không chấp nhận bị bách hại, thì không thể làm chứng cho Sự Thật, hoặc có thể nói là một cách đồng lõa với sự gian dối chống lại Thiên Chúa.

Thiết nghĩ, Lời Chúa hôm nay, mở ra cho mỗi người một ý thức trách nhiệm lớn lao của mình trong nhiệm cuộc Giáo Hội là cứu rỗi nhân loại, là đem Tin Mừng Phục Sinh đến tất cả mọi người. Mỗi người cùng “thả lưới bên phải mạn thuyền” là mạnh dạn làm chứng cho Sự Thật, là mạnh dạn tuyên xưng Niềm Tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, đấng mình đã tôn thờ, là cương quyết không thỏa hiệp, không bắt tay, không tiếp tay, không làm nô lệ cho tội lỗi, cho sự dối trá, cho bất công, cho gian ác…

Đầu tuần nầy, ngày 12.4.2010, Vietcatholic có một bản tin về việc “Em Lê Tiến Quốc, học sinh trường cấp 2 An Bằng – Vinh An, Thừa Thiên – Huế, đi học, bị thầy giáo Ngô Văn Tuyên, giảng viên Môn Giáo Dục Công Dân, không cho mang tượng Thánh Giá vào lớp học”.

Trích bản tin: “Sáng ngày thứ hai, 12.4.2010, tại lớp 7/5 vào tiết 2, thầy Ngô Văn Tuyên đứng lớp, tổ chức thi học kỳ II môn Giáo Dục Công Dân. Thầy gọi em học sinh Lê Tiến Quốc lên trước lớp, ra lệnh em cởi bỏ dây và tượng Thánh Giá khỏi cổ. Em thưa: “Chúa của em thì em đeo". Thầy liền xách tai, tát vào mặt em và nắm cây Thánh Giá kéo đứt dây đeo khỏi cổ em. Thầy còn lôi em đến phòng Hội Đồng trường để xử lý”. ( http://vietcatholic.net/News/Html/79136.htm )

Tôi cho rằng đây một sự kiện không ngoài thánh ý Chúa trong thời điểm hiện tại của chúng ta. Em Phao-lô Lê Tiến Quốc đã nói: “Chúa của em thì em đeo”. Một lời chứng hùng hồn của một em học sinh Việt Nam cấp 2 cho thấy Niềm Tin vào Chúa Giêsu Tử Nạn và Phục Sinh, nhưng là cũng là một lời nhắc nhớ quan trọng đến mọi thành phần Dân Chúa trong giai đoạn cần những chứng từ cụ thể trong cuộc sống Đức Tin, trong sứ vụ của chính mình và của Giáo Hội.

“Chúa của em thì em đeo”, thiết tưởng, đó cũng là lời nhắc nhớ thật ý nghĩa mời gọi chúng ta thay đổi cách sống nhân chứng Phục Sinh của mình để có thể cùng với Thánh Gioan “nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời !” ( Kh 5, 13 ).

Lạy Chúa, xin củng cố Đức Tin non yếu, hèn nhát của chúng con nên mạnh mẽ, can trường, để chúng con “vâng lời Chúa hơn là vâng lời người phàm” mà làm chứng cho Thiên Chúa của Sự Thật, của Tình Thương, và của Ơn Cứu Độ nơi Chúa Giêsu Phục Sinh vì chúng con, vì nhân loại. Amen.
 
Thánh Hiến Nghề
Lm Vũđình Tường
16:20 15/04/2010
Đại đa số các tông đồ Đức Kitô làm nghề chài lưới cá. Cuộc đời gắn liền với biển cả, sóng nước bồng bềnh. Đêm đêm chèo thuyền xa bờ chài cá, sáng sáng trở về, cặp bến. Vui buồn từng ngày. Thuyền đầy cá mang hy vọng cho ngày mới. Suốt đêm quăng chài, thả lưới. Kéo lên thả xuống vẫn lưới không, ngoại trừ rong, chà cùng rác. Dù không bắt được cá ngày hôm sau cũng vất vả như thường. Cũng nai lưng ra giặt lưới, thẳng cánh tay phơi lưới. Chiều đến vẫn khom lưng vá lưới. Dù có cá hay không cũng bằng ấy công việc. Chài được cá, đời thêm tươi. Không có cá mỏi tấm thân, buồn năm phút. Đời dân chài, mỗi lần ra đi là một lần hy vọng. Mỗi lần trở về tay không, thuyền trống lại mong chờ hy vọng thành quả đêm sau. Cuộc đời cứ thế, lam lũ, âm thầm, trôi theo ngày tháng. Ngoài ra dân chài không còn cách nào khác để bảo đảm chuyến đi gặt hái thành quả mong muốn. Tất cả may rủi đều phó thác cho trời.

Gặp Đức Kitô

Gặp gỡ người lạ mặt biến đổi cuộc đời dân chài. Người đó hỏi

Này các chú, không có gì ăn ư? c.5

Thưa không.

Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy cá. c.6


Gợi nhớ

Người môn đệ Đức Kitô yêu mến nhận ra nói với ông Phêrô. Chúa đó.

Trước đây các ông cũng có cùng kinh nghiệm. Nghe lời Đức Kitô thả lưới xuống bên phải mạn thuyền các ông cũng bắt được mẻ cá đến nỗi gần chìm thuyền. Sự việc hôm nay gợi nhớ lại hình ảnh Thầy xưa kia. Hình ảnh đó sống lại trong tâm trí các tông đồ và các ông nhận ngay ra Đức Kitô. Ngày đó Ngài còn nói với các ông. Từ nay các anh trở thành chài lưới người ta, ngụ ý nói chài lưới các linh hồn.

Sự kiện thứ hai giúp các Tông đồ nhớ lại lời Chúa dậy khi xưa. Đó là sự kiện khi các ông lên khỏi bờ, Đức Kitô mời các ông đến mà ăn.

Hình ảnh Bữa Tiệc Li năm xưa hiện về. Năm xưa Ngài cầm bánh trao cho các ông, nói: Hãy cầm lấy mà ăn vì đây là Mình Thầy hiến thân vì anh em. Sau bữa tiệc Ngài cầm chén rượu trao cho các ông nói, anh em cầm lấy mà uống đây là máu Thầy đổ ra vì anh em. Mt 26,26

Tinh sương sáng nay, cuộc hội ngộ bất ngờ giữa tám thầy trò, kể cả Đức Kitô. Phêrô, Tôma, Nathanael, hai con ông Zebedee và thêm hai môn đệ nữa. Hình ảnh bữa Tiệc Li tái diễn không giống bữa tiệc buồn xưa trên vườn Cây Dầu hay Đồi Sọ. Bữa tiệc sáng nay diễn ra ngay bãi biển, nơi có gió mát phảng phất, có nắng sớm và có mẻ cá tươi mới bắt. Lời Ngài mời

Anh em hãy đến mà ăn. c.12

Đức Kitô cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.


Không thấy nhắc đến ‘hiến thân’. Cũng chẳng có sự kiện máu đổ. Không có cái hôn phải bội và thiếu cả đám quân lính, hung hăng tiến đến. Có lẽ các tông đồ đang chờ xem có gì khác thường xảy đến. Bữa Tiệc Li ngày nào gây một ấn tượng kinh hãi, thảm sầu nơi các ông. Người bỏ chạy, kẻ đi trốn, kẻ chối Thầy.Tất cả các hình ảnh đó còn rõ nét, sống động trong tâm. Hôm nay cũng hình thức bữa Tiệc Li, sự khốn nào sắp xảy ra. Không ai đoán nổi vì thế tất cả đều im lặng. Phúc âm thuật lại không ai dám lên tiếng hỏi Ngài.

Chia tay

Chia tay lần này xem ra nhẹ nhàng, vui tươi không khốn khó như lần trước. Đức Kitô biết rõ gần đến giờ Ngài rời bỏ thế gian để về cùng Chúa Cha. Ngài không nỡ để các tông đồ bơ vơ, không ai coi sóc. Các ông cần có người lãnh đạo thay thế chứ. Phêrô xứng đáng được chọn hơn cả. Không phải ông tài cán hơn người. Cũng chẳng phải ông kinh nghiệm chài lưới giỏi hơn. Phêrô được chọn vì tỏ lòng yêu mến nhiều hơn các môn đệ khác. Xã hội trao việc lãnh đạo vào tay người tài ba, cao bằng cấp. Lãnh đạo tôn giáo không nhất thiết phải tài giỏi, bằng cấp cao. Tình yêu là yếu tố quyết định. Phúc Âm thuật lại

Vừa nghe nói: Chúa đó. Ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển (bơi vào). Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá. c.7

Sự kiện trên cho thấy Phêrô yêu Thầy với tất cả tấm lòng. Ông không ngại mất mẻ cá lớn vừa bắt. Bỏ tất cả, mẻ cá lẫn thuyền nhảy xuống biển một mình bơi vào bờ gặp Thầy trước các đồng nghiệp. Phải là một người có lòng yêu mến chân thành, đặc biệt mới có hành động khác thường như thế. Sau này chính Đức Kitô đã yêu cầu Phêrô xác nhận điều đó. Ba lần Đức Kitô hỏi anh có yêu mến Thầy hơn các người này không. Đức Kitô biết tất cả đều yêu mến Ngài. Ngài muốn chọn người yêu mến hơn, yêu nhất để trao cho công việc làm chủ con thuyền Giáo Hội. Phêrô không cần suy nghĩ, sốt sắng trả lời công khai. Thầy biết con yêu mến Thầy.

Thánh hoá công việc

Công việc thường nhật chúng ta làm trở thành ơn gọi khi công việc đó được làm với tất cả lòng yêu mến. Chính tình yêu thánh hoá việc làm của chúng ta. Dân chài, công nhân xưởng thợ hay nhân viên văn phòng. Tất cả mọi công việc làm vì tình yêu, cho tình yêu. Các công việc đó biến thành ơn gọi tông đồ. Người tông đồ thánh hoá ngay cả nơi làm việc của mình. Yêu thương người cùng sở làm, đi chung chuyến xe, nhường nhịn khi lái xe.

Người ta cứ dấu hiệu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương nhau. Jn 15,17
 
Đâu là phép lạ
Thanh Thanh
17:43 15/04/2010
ĐÂU LÀ PHÉP LẠ?

Người ta thường hỏi nhau xem phép lạ ở đâu? Rồi tìm đến để xem, cầu nguyện, xin ơn. Thế cũng tốt. Nhưng xem ra không ổn. Vì nếu hỏi là phép lạ ở đâu để đến, thì những chỗ không có phép lạ thì không có Chúa à. Và cuộc sống đạo nghĩa, đức tin của ta sẽ ra sao, nếu chỉ phụ thuộc vào phép lạ ở đây hay ở kia. Với người tín hữu, câu hỏi đúng không phải là phép lạ ở đâu, nhưng là: đâu là phép lạ.

Phép lạ là chính Chúa Giêsu

“Có mấy kinh sư và người Pharisêu nói với Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ. Người đáp: Hỡi thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy (Mt 12,38-40).

Trước kia dân chúng có được dấu lạ Gioan. Nhưng khi Đức Giêsu xuất hiện, thì không còn có dấu lạ nào nữa, thay vào đó là phép lạ. Phép lạ là chính Ngài.

Đức Giêsu là Thiên Chúa trở thành người, và hiện diện với con người, chính là phép lạ.

Từ Đấng giàu sang trở nên nghèo khó, không có gì ngoài tình yêu, chính là phép lạ.

Từ Đấng đầy quyền năng toàn quyền sinh tử, lại trở nên yếu ớt luôn bị con người đe doạ, sát hại, chính lạ phép lạ.

Từ Đấng luôn ban phát lại trở thành người hành khất xin lòng từ bi xót thương chia sẻ của con người, chính là phép lạ.

Toàn bộ cuộc sống của Ngài, mọi lời nói và việc làm vì con người, chính là phép lạ.

Đường đức tin của người tín hữu chính là gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu. Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi là tôi kết hiệp với Ngài, Đấng là phép lạ chưa?

Phép lạ là Bí tích của Chúa Giêsu

Trước khi về trời, Ngài ban Thánh Thần cho nhân loại, Đấng sẽ thánh hoá, hoán cải, giúp con người biết rõ Chúa Giêsu, hiểu rõ lời nói, việc làm, đường lối và mục đích của Ngài đến trần gian làm gì. Rồi giúp ta biết về chính mình từ đâu đến và sẽ về đâu, nhờ sức mạnh nào….Sự phát triển và thăng tiến trên đường nhân đức, sự tăng trưởng trong đức tin ngày càng mạnh mẽ, sự biến đổi bản thân để ngày càng giống Chúa hơn, chính là phép lạ.

Trước khi về trời, Ngài ban giới răn mới, chỉ cho ta cách thức nhận biết Chúa, là môn đệ Ngài, là rửa chân cho nhau, là yêu như Thầy yêu. Giới răn mới chính là phép lạ.

Trước khi về trời, Ngài đã chu đáo để lại các Bí tích, qua đó, con người tham gia cử hành thì được gặp Chúa, lớn lên với Ngài trong đức tin, đức cậy và đức mến, đó là phép lạ.

Con người tuy trần tục, tương đối, tội lỗi, nhưng vẫn được tiếp cận và đón nhận Ngài, và lãnh mọi ơn ích, qua phụng vụ Bí tích, đó là phép lạ.

Con người nhờ con đường của bí tích mà đứng vững trước mọi phong ba cuộc đời, đủ sức chống lại và chiến thắng được cám dỗ của ma quỷ, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Rửa tội, con người dìm mình vào suối tình yêu và được nâng lên từ con người trở thành người con Chúa có quyền thừa hưởng gia tài cứu độ, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Thánh thể, con người được hưởng lương thực hằng sống, đuợc chia sẻ sự sống thần linh, linh hồn được lớn lên theo năm tháng, và dần gần với sự sống vĩnh cửu của Chúa hơn, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Giải tội, con người được ơn giao hoà và bình với Chúa, được tẩy rửa con người cũ do tội phải chết, thành con người mới do ân sủng mà sống trong Giáo hội, trong nhà của Đức Chúa, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Thêm sức, con người được vươn cao trong nhân đức, trong sự sống và trong sức mạnh của Thánh Thần, sẵn sàng dấn thân xây dựng và kiến tạo hoà bình, giới thiệu và làm chứng về Chúa Giêsu, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Xức dầu, con người được xoa dịu vết thương, tăng sức mạnh lòng tin, thắng vượt cám dỗ của satan, và đón nhận được những đau đớn về thân xác và tinh thần, bền đỗ đến cùng trong ân nghĩa Chúa, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Hôn nhân, con người hưởng được sự ngọt ngào của tình yêu khi trao hiến cho nhau, từ đó, nhận ra Thiên Chúa chính là Tình Yêu đích thực đã chia sẻ và trao ban cho con người, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, con người được chia sẻ và thi hành chức vụ tư tế, cử hành lễ tế giao hoà, tạ ơn, kết hiệp làm một với hiến tế duy nhất của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, đó là phép lạ.

Nhờ mầu nhiệm vượt qua, con người được xoá bỏ mọi tường luỹ của sự dữ, được sống trong tự do của con cái Chúa, được quyền hưởng ơn cứu độ qua sự chết và sống lại của Đức Kitô, đó là phép lạ.

Bí tích, con đường dẫn đến Thiên Chúa.

Đường đức tin của người tín hữu chính là gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu qua các bí tích tình yêu Người để lại. Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi là tôi có gắn chặt với các Bí tích, là những phép lạ chưa?

Phép lạ là lòng thương xót Chúa

Như mẹ yêu con, như ong yêu hoa, như cá yêu sông; như cỏ cây yêu đất, như nai cần cỏ non và suối mát, con người cũng phải cần đến Thiên Chúa như vậy để được sống và tồn tại.

Thiên Chúa đã thương yêu nên không để ta không đời đời, mà cho sinh ra, cho làm nghĩa tử và sống trong ân nghĩa Ngài, không phải vì ta nhiều công phúc, càng không do mình đạo đức thánh thiện hay xứng đáng, mà tất cả bởi lòng thương xót Chúa. Vì thế, sự hiện diện của con người chính là phép lạ.

Nếu Chúa chấp tội, nào ai đứng vững được chăng. Nhờ lòng thương xót Chúa, con người được núp bóng Đấng toàn năng. Như cành nho gắn liền với thân nho và sinh trái thơm ngon ngọt, thì con người cũng nhờ nhựa sống là Mình Máu Chúa Giêsu mà trổ hoa công chính, đơm bông bình an, kết trái sự sống trường sinh. Đó là phép lạ.

Đường đức tin của người tín hữu chính là nép mình vào lòng Chúa. Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi là tôi có tựa mình vào lòng thương xót Chúa, là phép lạ chưa?

Phép lạ là vũ trụ và con người

Có người đệ tử muốn gặp Chúa và xin Thầy chỉ cho. Lần thứ nhất, lần hai rồi lần ba, mà thầy vẫn im lặng. Rồi một ngày nọ, thầy trò xuống sông tắm, bất chợt, thầy đè người đệ tự xuống nước. Đệ tử dãy dụa trong nước đến ngộp thở suýt chết. Lên khỏi mặt nước, thầy hỏi, ở dưới nước con cần gì nhất. Trò thưa là cần không khí để thở, vì nếu không sẽ chết. Thầy nói, đời người cũng cần có Chúa như vậy, thiếu Ngài con người sẽ chết.

Thiên Chúa đã tài tình xếp đặt trăng sao tinh tú ban đêm và mặt trời chiếu sáng ban ngày để làm đẹp và phục vụ cho con người, nhờ vậy mà con người tồn tại, phát triển nhờ quang hợp, nhờ không khí, nước, ánh sáng, năng lượng mặt trời…Nếu con người phải mua mọi thứ như vậy thì có đủ tiền để mua suốt đời không, và có để mua không? Đó là phép lạ.

Trong con người của ta thôi, mọi cơ phận đã được Thiên Chúa sắp đặt vị trí và chức năng của từng loại, và chúng hoạt động liên lỉ suốt đời, không cần phải thay, phải sửa hay nâng cấp, đó là phép lạ.

Đường đức tin của người tín hữu chính là dựa vào trời đất muôn vật, vào cuộc sống và các biến cố đời thuờng để nhận ra Chúa. Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi tôi có hăng say tích cực tìm Chúa trong hoạt động của vũ trụ và con người để cảm tạ Ngài, là là phép lạ chưa?

Phép lạ là vâng lời

Nếu nhân đức vâng lời được nghiêm túc thi hành, thì bất cứ lúc nào con người vâng lời Thiên Chúa và Giáo hội Ngài, thì lúc ấy chính là phép lạ.

Nếu Đức Maria không vâng lời thì sẽ ra sao, có thể Thiên Chúa phải dùng cách khác để cứu con người. Nhờ xin vâng mà công trình cứu độ vô cùng lớn được khởi sự, đó là phép lạ.

Cả hai trình thuật Tin Mừng Luca và Gioan đều nói về việc ông Phêrô vâng lời để thả lưới như sau:

Đức Giêsu bảo ông Phêrô hãy chèo ra chỗ nước sâu, thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Ông đáp: Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, con thả lưới. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như muốn rách cả lưới.… họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm (Lc 5,4-7; Ga 21,6).

Phêrô dựa vào cá nhân, dù dày dạn kinh nghiệm trong nghề mà chẳng ăn thua gì, vất vả suốt đêm có được gì đâu. Lời của Đức Giêsu, nghe xem ra chói tai, không trình độ, thêíu kinh nghiệm: thả lưới bên phải mạn thuyền, chỗ nước sâu, lúc trời sáng…nhưng nhờ ông vâng lời, nên đã có phép lạ.

Quả thật, ngày nay, con người ngại hoặc không muốn nói đến hai chữ vâng lời. Vì cho rằng vâng lời là nhục, là nép vế, là thua trận; vâng lời là mất tự do, là phong kiến, là áp đặt, là chèn ép. Vâng lời quả thật rất khó.

Nhưng hiểu đúng thì vâng lời đâu phải là xấu hổ xấu mặt, mà vâng lời là dấu hiệu của người trưởng thành.

Khi cúi đầu vâng lời, có nghĩa là chấp nhận mình bé nhỏ, yếu đuối, nghèo nàn, kém cỏi, là hạt cát trong sa mạc, là giọt nước nơi biển đông, nên tôi vui lòng đón nhận hướng dẫn và chỉ dạy của người khác, của bề trên, của Thiên Chúa.

Khi cúi đầu vâng lời, có nghĩa là mình chấp nhận có nhiều thứ cao hơn, lớn hơn, tốt hơn; có nhiều điều mới hơn, tuyệt vời hơn, hoàn hảo hơn; có nhiều bình an hơn, hạnh phúc hơn, thánh thiện hơn... mà mình chưa có. Và sẵn sàng học hỏi, nghiên cứu tìm tòi để lãnh hội và ứng dụng trong cuộc sống của mình, làm giàu cho bản thân, gia đình, Giáo hội và xã hội.

Cứ mỗi lần nhìn nhận sự hạn hữu của mình và cúi đầu vâng lời, thì cũng chính là lúc ta bước thêm một bước của tiến bộ, trưởng thành.

Bởi nếu không vâng lời thì làm sao cha mẹ dạy bảo, thầy cô chỉ dạy, làm sao Giáo hội hướng dẫn, làm sao Thiên Chúa có thể dẫn đường chỉ lối cho được. Không được dạy dỗ thì không lớn lên được về thân xác và nhân cách được.

Vâng lời thường làm cho ta khó nghe, chói tai, khó hiểu, khó chịu, khó thực hiện. Ta hãy xin Chúa ơn khiêm nhường để có thể vâng lời Sự Thật. Sự thật về Thiên Chúa tốt lành hoàn hảo và sự thật về hạn hữu của mình. Để được sống trong khôn ngoan, đạo đức, hạnh phúc an bình của tình yêu Chúa và tình nghĩa với nhau.

Đường đức tin của người tín hữu chính là hết lòng vâng Thiên Chúa như Đức Giêsu, Giáo hội của Người; như Mẹ Maria, thánh Giuse, thánh Phêrô… Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi có sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa, dù có trái ý, khó hiểu, nghịch lý, đó là phép lạ chưa?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 15/04/2010
MỨC QUẢ XÂU

N2T


Thời nam Tống Quang Tông, có một năm, quý phi mà Quang Tông yêu mến nhất bị bệnh, ngự y dùng rất nhiều loại dược thảo quý giá để chữa, nhưng bệnh của hoàng quý phi vẫn không thuyên giảm, hoàng đế nhìn thấy ái phi ngày càng tiều tụy thì mặt mày ủ rủ suốt ngày, cuối cùng phải dán công cáo tìm thầy thuốc hay đến chữa bệnh. Một ông thầy lang giang hồ nhìn thấy công cáo bèn tiến vào cung xin chữa bệnh cho hoàng quý phi, ông ta chẩn mạch, nói:

- “Chỉ cần dùng đường phèn và cây sơn tra nấu nhừ, trước khi ăn cơm thì uống từ năm đến mười viên, không quá nửa tháng là lành bệnh”.

Mọi người nửa tin nửa ngờ, nhưng may là cách dùng thuốc này rất hợp với khẩu vị của quý phi, cho nên sau khi uống thuốc này thì bệnh càng ngày càng giảm.

Về sau phương thuốc này truyền khắp dân gian, bá tánh đem nó pha trộn lại để bán, nên trở thành mức quả xâu.

(Chuyện ngày xưa, suy tư ngày nay)

Suy tư:

Có những cơn bệnh thật trầm trọng uống nhiều loại thuốc đắt tiền, dùng nhiều loại thuốc quý mà bệnh vẫn không thuyên giảm, nhưng –đôi lúc- chữa trị thật đơn giản vì thuốc hợp với bệnh trạng và tâm lý của bệnh nhân.

Cách chữa trị cũng đơn giản nhưng đòi hỏi phải kiên nhẫn, khi muốn một người tội lỗi ăn năn trở lại với Chúa:

- Về ân sủng thì đó chính là bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể và cầu nguyện.

- Về tâm lý thì dùng những lời lẽ ôn hòa khuyến khích và khơi dậy những ưu điểm tốt lành của họ.

- Về nhân bản thì phục vụ trong yêu thương.

Con người ta ai cũng muốn mình trở thành người có ích cho Giáo Hội và cho xã hội, nhưng vì hoàn cảnh mà phải trở thành những người xấu, cho nên cần nhìn cái tâm “bổn thiện” của họ để làm cho họ trở thấy mình cũng là người rất có ích cho mọi người.

“Mức quả xâu” rất bình thường nhưng chữa được bệnh nặng của hoàng quý phi, huống hồ bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể không chữa được bệnh phần hồn và phần xác của tội nhân hay sao ?

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:04 15/04/2010
N2T


28. Đường lên Nước Trời thì hẹp, ai muốn từ bỏ đi trên đường khó khăn thì phải từ bỏ thế tục, dùng Thánh Giá làm gậy, quyết chí yêu mến Thiên Chúa, cam lòng đón nhận các nổi đau khổ.

(Thánh Gioan Thánh Giá)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 15/04/2010
N2T


418. Phương pháp trị liệu hai bên hiệu quả nhất là hai bên lắng nghe chuyện của nhau.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bồ Đào Nha chờ đợi Đức Thánh Cha tới
Bùi Hữu Thư
11:05 15/04/2010
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha khai mạc đại hội khoáng đại

ROME, Thứ Năm 15, tháng 4, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Đức Cha Jorge Ortiga, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha đã tuyên bố ngày thứ hai: Bồ Đào Nha “chờ đợi Đức Thánh Cha tới”, trong thời kỳ có nhiều cáo buộc đối với ngài.

Trong bài diễn văn khai mạc đại hội khoáng đại tại Nossa Senhora das Dores, trong thánh điạ Fatima, Đức Cha Ortiga đã công nhận rằng “buổi họp khoáng đại này của HĐGM Bồ Đào Nha được triệu tập vào một thời điểm tế nhị, vào lúc đang có những thắc mắc và dư luận về các sự kiện hay các cáo buộc đã bị giới truyền thông thổi phồng.”

Ngài tiếp: “Các dữ kiện và cáo buộc đòi hỏi nơi tất cả mọi người, lòng can đảm trên phương diện phân tích, công chính, chân lý và bác ái, về các hành động và lời nói.”

Đối với Đức Giám Mục Ortiga, trước “những tai hại nặng nề cho phẩm giá cá nhân của các nạn nhân trong trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên, cần phải tái thiết sự công chính, thanh tẩy ký ức và khiêm nhường xác nhận sự tham dự của Giáo Hội trong sự trung thành với Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.”

Đức Cha nói: ngoài vấn đề ấy, "trong thời điểm này là lúc hân hoan vui sướng, hăng hái và hy vọng, một thời kỳ chờ đợi cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Phêrô. Chúng ta luôn luôn ở bên ngài.”

Đối với Đức Cha Ortiga, sự trợ giúp của Giáo Hội cho xã hội, “nhờ vào một hoạt động mục vụ được suy nghĩ lại và chú tâm vào việc duyệt lại lương tâm về sứ vụ, có thể và phải là nguyên cớ cho niềm hy vọng của người dân Bồ Đào Nha, vì Đức Thánh Cha sẽ đến để mang lại những sinh lực và những chân trời mới được tăng cường hơn.”
 
Top Stories
Viet Nam: Lettre de la Conférence épiscopale à la communauté du peuple de Dieu
Eglises d'Asie
07:51 15/04/2010
Eglises d'Asie, 15 avril 2010

VIETNAM

Lettre de la Conférence épiscopale
à la communauté du peuple de Dieu


NDLR

A l’issue de leur première assemblée plénière de l’année, au sanctuaire marial de Bai Dau, dans le diocèse de Ba Ria situé au sud du pays, les évêques catholiques du Vietnam ont publié une lettre, comme à l’accoutumée. Ils n’y abordent pas tous les sujets, fort nombreux, qui ont été traités durant les travaux de cette assemblée. Aucune allusion n’est faite au changement de personnel qui se prépare, dit-on, au sommet de la hiérarchie. Les évêques se bornent à revenir sur l’inauguration de l’Année sainte et à préparer les autres événements qui vont la marquer. En cette année consacrée au sacerdoce, ils évoquent les prêtres du Vietnam et leur formation et réaffirment leur soutien au souverain Pontife en ces temps où la critique ne le ménage pas.

TEXTE

Frères et sœurs,

Dans le cadre de la première semaine de Pâques 2010, la Conférence épiscopale du Vietnam s’est réunie pour sa première assemblée plénière annuelle, du 5 au 9 mars 2010, au sanctuaire de la Vierge de Bai Dau, à Vung Tau. Les évêques des 26 diocèses étaient présents. Mgr Emmanuel Lê Phong Thuân, évêque de Can Tho, et Mgr Joseph Ngo Quang Kiêt, archevêque de Hanoi, n’ont pu se joindre à nous pour raisons de santé. En communion avec vous, dans la confiance mutuelle, nous vous envoyons, frères et sœurs, nos salutations affectueuses et nos souhaits de paix dans le Christ ressuscité.

Cette assemblée plénière revêt cette année une signification particulière car elle se déroule durant l’Année sainte de l’Eglise du Vietnam, qui commémore le 350e anniversaire de la fondation des deux vicariats apostoliques du Tonkin et de la Cochinchine, ainsi que les 50 ans de l’établissement de la hiérarchie au Vietnam. C’est pourquoi nous avons porté notre attention sur la façon de célébrer et de vivre cette Année sainte 2010. Elle a été solennellement inaugurée à So Kiên et rassemblée les évêques des 26 diocèses, près de 1 000 prêtres, plus de 2 000 religieux et religieuses et environ 120 000 fidèles. Etaient aussi présents des cardinaux et des évêques venus de Rome et d’autres pays, des représentants des autorités civiles à tous les niveaux, des représentants des religions amies et de diverses ambassades. Tous se sont accordés à reconnaître que les cérémonies d’inauguration avaient été organisées de façon grandiose et solennelle. Elles ont laissé une profonde impression dans le cœur de chacun, en particulier auprès de ceux qui ont participé directement à la fête. En même temps que notre action de grâces pour le Seigneur, nous voulons aussi exprimer notre sincère reconnaissance à l’égard de la province ecclésiastique de Hanoi qui, avec enthousiasme et grand cœur, a organisé avec succès ces jours de fête. Puisse l’esprit d’action de grâces, de pénitence, de renouvellement et de réconciliation qui a marqué ces jours d’inauguration de l’Année sainte continuer de croître et de se développer dans toute notre vie.

Nous avons aussi consacré beaucoup de temps à la future grande assemblée du peuple de Dieu, qui sera organisée à Hô Chi Minh-Ville, du 21 au 26 novembre 2010. Celle-ci rassemblera les représentants du clergé, des religieux et du laïcat, issus des 26 diocèses du pays. Ces représentants de toutes les composantes du peuple de Dieu, unis à la Conférence épiscopale, prieront, réfléchiront et échangeront afin de découvrir les opportunités offertes et les défis lancés à l’Eglise du Vietnam par la situation actuelle, pour définir les orientations pastorales adaptées à notre époque, dans l’espoir d’édifier et une Eglise conforme au cœur de Dieu, à savoir l’Eglise du Christ au sein de notre nation. En outre, nous avons, dès maintenant, porté notre attention sur les cérémonies de clôture de l’Année sainte 2010. Elles constitueront un pèlerinage du peuple de Dieu sur la terre sacrée de La Vang. En compagnie de la Vierge Marie, ce peuple fera entendre son Magnificat et, à son exemple, il s’engagera dans l’annonce de la Bonne Nouvelle de Jésus-Christ à ses compatriotes qui, avec lui, vivent en ce pays.

Bien que les cérémonies d’inauguration aient été organisées par la province ecclésiastique de Hanoi, que la grande assemblée du peuple de Dieu tienne ses assises dans la province de Saigon et que la cérémonie de clôture ait lieu dans celle de Huê, toutes ces manifestations sont l’œuvre commune de la communauté du peuple de Dieu au Vietnam. C’est pourquoi nous vous prions d’y participer activement par la prière, par votre contribution sincère et par votre aide matérielle en fonction de vos possibilités. Nous collaborons tous à l’édification de la communion dans l’Eglise – l’objectif essentiel de l’Année sainte.

L’Année sainte 2010 de l’Eglise du Vietnam coïncide avec l’année sacerdotale de l’Eglise universelle. Le jour même de l’ouverture de l’année sacerdotale, le pape Benoît XVI a exalté l’exemple de saint Jean-Marie Vianney, le présentant comme le modèle vivant des prêtres et appelant instamment ceux-ci à devenir des saints. Le prêtre doit être un véritable homme de Dieu, lui appartenant. Ce n’est qu’ainsi qu’il pourra apporter la Bonne Nouvelle du salut de Dieu à tous. L’Eglise du Vietnam rend grâce à Dieu pour les vocations sacerdotales qui continuent de progresser en nombre. Mais, en même temps, il lui est nécessaire de se préoccuper de leur formation pour que les prêtres deviennent des pasteurs conformes au désir de Dieu. C’est pourquoi, en cette année sacerdotale, la Conférence épiscopale a décidé de ratifier un texte intitulé: « Formation des prêtres: orientations et directives ». Il a pour but d’orienter la totalité de cette formation tout au long des diverses étapes: la préparation au grand séminaire, le séjour au grand séminaire et la période qui suit l’ordination sacerdotale.

Dans cette même orientation, en plus des retraites et de la formation ordinaire, les trois provinces ecclésiastiques de Hanoi, Huê et Saigon ont déjà organisé et organiseront à l’avenir des rencontres de prêtres à l’intérieur de la province ecclésiastique, créant ainsi les conditions pour que les prêtres nouent entre eux des liens serrés de communion fraternelle, échangent entre eux et se soutiennent les uns les autres dans leur vie et dans leur ministère sacerdotal. Par ailleurs, les prêtres, particulièrement les anciens et les malades, ont un besoin urgent de notre soutien, aussi bien moralement que matériellement. C’est pourquoi nous vous demandons instamment de continuer à prier avec ardeur pour les prêtres et de collaborer activement à les soutenir dans leurs tâches pastorales pour qu’ils puissent accomplir leur mission sublime mais pleine de difficultés.

Nous vivons à l’époque des communications. Utilisés d’une façon correcte, les médias modernes peuvent constituer de véritables passerelles pour la communion, l’amour et la solidarité. Cependant, il peut y avoir un mauvais usage de ces moyens de communication pour semer la division, le trouble et le désordre. Ces derniers jours, par l’intermédiaire d’un certain nombre de médias, nous avons appris que le Saint-Père Benoît XVI, en particulier, et, d’une façon plus générale l’Eglise, ont été l’objet de critiques injustes. L’Eglise de Dieu, partout dans le monde, comme dans notre propre pays, doit faire face à de nombreuses difficultés et défis qui se manifestent sous différentes formes. La Bonne Nouvelle de la Résurrection nous affirme que, dans notre itinéraire au service de l’annonce de l’Evangile et de la construction de l’Eglise, le Christ ne cesse de nous accompagner, même si, souvent, nous ne le reconnaissons pas. Il nous accompagne tout particulièrement par sa Parole et par le sacrement de l’eucharistie. C’est pourquoi, en toutes circonstances, nous devons nous appliquer à écouter la Parole de Dieu et à célébrer l’eucharistie. C’est la façon la plus sûre de garder allumée la flamme de l’espérance et de nous avancer sur le chemin de l’annonce de la bonne nouvelle du salut, au service de la vie et du développement intégral de l’homme comme de la société.

Réunis dans le sanctuaire de la Vierge de Bai Dau, nous ne pouvons qu’évoquer l’image des apôtres réunis au Cénacle, avec la Vierge Marie, qui, avec eux, attend elle aussi, l’arrivée de l’Esprit Saint. Par son intercession, nous prions pour que les grâces de l’Esprit Saint descendent sur la communauté du peuple de Dieu au Vietnam, pour que, grâce à sa lumière et à sa force, l’Eglise du Vietnam, avec sagesse et ardeur, réalise la mission que le Seigneur nous confie dans les circonstances présentes.

Rédigé au sanctuaire de la Vierge de Bai Dau, le 9 mars 2010.

Le vice-secrétaire de la Conférence Le président de la Conférence
Joseph Vo Duc Minh Pierre Nguyên Van Nhon
évêque de Nha Trang évêque de Da Lat
 
Chine: De la difficulté d’être un évêque « officiel » en Chine après la publication du communiqué du 25 mars par le Saint-Siège
Eglises d’Asie
08:26 15/04/2010
CHINE: De la difficulté d’être un évêque « officiel » en Chine après la publication du communiqué du 25 mars par le Saint-Siège

Eglises d’Asie, 15 avril 2010 – Interrogés par l’agence Ucanews (1), plusieurs évêques « officiels » dont la qualité épiscopale est à la fois reconnue par Rome et par Pékin ont exprimé l’idée que l’application par eux de certains des conseils exprimés par le Saint-Siège dans un récent communiqué relatif à l’Eglise en Chine les mettait dans une situation délicate.

Le communiqué en question est celui du 25 mars 2010, publié à l’issue de la troisième réunion au Vatican de la Commission pour l’Eglise en Chine. Instituée par Benoît XVI en 2007 dans la foulée de la publication de sa Lettre aux catholiques chinois, la Commission s’est réunie à Rome, pour la troisième fois, du 22 au 24 mars dernier. Dans ce texte, le Saint-Siège a, avec une clarté et une publicité inédites, demandé aux évêques de Chine de s’engager toujours plus avant dans la voie de l’unité de la communauté ecclésiale « en évitant (…) de poser des gestes (comme par exemple des célébrations des sacrements, des ordinations épiscopales, la participation à des réunions) qui sont en contradiction avec la communion avec le pape, lequel les a nommés comme pasteurs, gestes qui créent des difficultés, parfois angoissantes, au sein des communautés ecclésiales respectives ». Sont visées la participation à des cérémonies sacramentelles menées aux côtés d’évêques exerçant leur épiscopat sans mandat pontifical, l’ordination à l’épiscopat de prêtres n’ayant pas reçu leur nomination de Rome, ou bien encore la participation à l’Assemblée nationale des représentants catholiques, assemblée dont la convocation est repoussée depuis plus d’un an mais qui devrait être réunie avant la fin de l’année 2010 (2).

Si les trois évêques interrogés par Ucanews n’évoquent pas leurs « angoisses », ils expriment clairement la difficulté dans laquelle ils se trouvent. Faisant partie des évêques « officiels » reconnus par le pape, ils ont choisi de s’exprimer sous le sceau de l’anonymat, signe du caractère sensible des enjeux en présence.

Mgr « Joseph » ne cache pas que le communiqué a mis « sous pression » les évêques de Chine. Il loue la « clarté » du propos et la direction « plus concrète » ainsi indiquée pour parvenir à « une réconciliation » des communautés catholiques en Chine, mais il estime que certains évêques pourront rencontrer des difficultés à suivre les conseils ainsi formulés par Rome. Il précise que les situations diffèrent d’un diocèse à l’autre et que « chaque évêque agit selon sa propre conscience ». Pour sa part, il souligne que sa conscience ne lui permet pas de prendre part à une ordination illicite (i.e. menée sans le consentement du Saint-Père). Il se montre plus hésitant quant à participer ou non à l’Assemblée nationale des représentants catholiques, bien qu’il qualifie cette instance de « contraire à l’esprit de l’Eglise ».

Les deux autres évêques – appelons-les « Paul » et « Pierre » – affirment eux aussi qu’ils ne participeraient pas à une ordination épiscopale illicite, le pape Benoît XVI s’étant clairement exprimé à ce propos dans sa Lettre de 2007. « Quoi que mon diocèse ou moi-même puissions endurer à cause de cela, je ne participerai certainement pas à une ordination illicite », déclare Mgr « Paul ». Quant à être amené à concélébrer l’Eucharistie aux côtés d’un ou de plusieurs évêques illégitimes, la chose peut se produire à l’occasion de telle ou telle réunion organisée par les autorités ecclésiales. « Je n’y participerai pas si celui qui préside est un évêque illégitime, mais si celui-ci figure parmi les autres concélébrants, je peux difficilement faire autrement que de participer », explique-t-il (3).

A propos d’une éventuelle participation à l’Assemblée nationale des représentants catholiques, l’évêque ajoute que, bien qu’il comprenne les intentions de la Commission pour l’Eglise en Chine, il lui semble difficile pour un évêque de refuser une convocation des autorités. « Pas plus que nombre de mes confrères, je ne souhaite siéger au sein de cette Assemblée nationale, mais il est difficile de refuser. » L’Assemblée est organisée par le gouvernement. « Si vous ne vous rendez pas à la convocation, on vous reprochera de ne pas aimer votre pays. Les fonctionnaires responsables subiront la pression exercée par leurs supérieurs et ils passeront leur colère sur les évêques récalcitrants. Tout le travail que souhaite faire un évêque pour son Eglise deviendra alors très difficile », analyse Mgr « Paul ».
Pour Mgr « Pierre », il est difficile de mettre en pratique ce que préconise le communiqué du 25 mars. Comment dire ‘non’ à des représentants du pouvoir qui peuvent exercer de très fortes contraintes pour obtenir que tel ou tel évêque participe à l’Assemblée nationale des représentants catholiques ou prenne part à une ordination illicite ? « Nous, les évêques, nous ne savons plus quoi faire. Nous n’avons plus aucune marge de manœuvre depuis que la Lettre du pape est parue. Nous ne pouvons que choisir entre survivre avec les failles du système ou rompre les contacts avec le gouvernement », se lamente-t-il, poursuivant: « Dans la partie « officielle » de l’Eglise, on craint de mettre en danger les bonnes relations patiemment construites avec les autorités, année après année. »

Selon Mgr « Pierre », la convocation prochaine de l’Assemblée nationale des représentants catholiques ne pourra qu’aboutir à une fracture au sein de la communauté « officielle ». « Je choisirai d’y prendre part tout en y siégeant de manière passive, afin d’élargir ma marge de manœuvre dans le champ pastoral et ne pas embarrasser les autorités locales [de mon diocèse] », affirme-t-il, précisant que, selon lui, la majorité des évêques « officiels » feront de même. Agir autrement serait irréaliste, explique-t-il. Ceux qui souhaitent suivre les conseils formulés par le Saint-Siège doivent se préparer à des relations nettement plus difficiles avec les autorités et à un contrôle plus resserré – ce qui est une autre manière d’être témoin du Christ, conclut-il.

(1) Ucanews, 14 avril 2010.
(2) L’Assemblée nationale des représentants catholiques est convoquée en principe tous les cinq ans. Elle aurait dû se réunir en 2009. Composée des évêques, de prêtres et de religieuses délégués ainsi que de laïcs, elle doit élire les prochains présidents de la Conférence des évêques « officiels » et de l’Association patriotique des catholiques chinois, deux postes actuellement vacants. Voir EDA 517
(3) A propos de la récente et mouvementée installation de l’évêque « officiel » de Bameng, voir EDA 527. L’ordination épiscopale du P. Paul Meng Qinglu, pour le diocèse de Hohhot, en Mongolie intérieure, doit avoir lieu le 18 avril 2010 et sera attentivement suivie par les observateurs.
 
Inde: Karnataka: après une semaine d’emprisonnement, douze chrétiens arrêtés pour blasphème envers la religion hindoue ont été remis en liberté sous caution
Eglises d’Asie
10:20 15/04/2010
INDE: Karnataka: après une semaine d’emprisonnement, douze chrétiens arrêtés pour blasphème envers la religion hindoue ont été remis en liberté sous caution

Eglises d’Asie, 15 avril 2010 – Onze pasteurs et un laïc pentecôtistes ont été relâchés lundi 12 avril, une semaine après avoir été mis en prison pour avoir « insulté » la religion hindoue et pratiqué de prétendues conversions forcées dans le district de Coorg, au Karnataka.

Le tribunal avait demandé pour leur libération une caution de 5 millions de roupies (83 000 euros), a raconté à l’agence Ucanews (1), Sajan K. Georges, président du Global Council of Indian Christians (GCIC), une ONG d’obédience protestante qui lutte contre les violences antichrétiennes. Le militant chrétien a expliqué que la libération des douze chrétiens avait été retardée parce que les Eglises pentecôtistes « n’arrivaient pas à réunir une somme aussi colossale » pour la caution. « Nous avons dû l’acheter au sens littéral du terme », a-t-il déclaré.

Les pasteurs pentecôtistes avaient été arrêtés par la police le lundi 5 avril et placés en détention sur la base d’allégations faites par des membres du groupe hindouiste radical Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS, Corps national des volontaires) (2). Les douze chrétiens appartiennent à différentes dénominations protestantes: l’Eglise pentecôtiste de l’Inde, l’Assemblée de Dieu, l’Agape Ministry, l’Indian Bible Translators Ministry et d’autres encore. Selon Sajan K. Georges, ils avaient participé le vendredi précédent à un grand rassemblement de prière commun.

Le 5 avril, les pasteurs pentecôtistes étaient en train de déjeuner chez un certain Vijay, un chrétien laïc, lorsque six hindous appartenant au RSS et accompagnés de trois policiers ont fait irruption dans la maison et les ont arrêtés sous l’inculpation de conversions forcées et d’autres pratiques illégales.

Le président du GCIC affirme que cette affaire ne va pas en rester là et suivra son cours en justice « jusqu’à son aboutissement », soulignant l’irrégularité de l’arrestation, basée sur de « fausses accusations » et une « intimidation criminelle ».

Les hindouistes ont accusé les pasteurs d’avoir délibérément porté atteinte aux sentiments religieux d’autrui par leurs paroles et leurs actes, et voulu outrager volontairement leur religion par des actes mal intentionnés. Ils ont affirmé que les chrétiens organisaient des réunions illégales, portaient atteinte à l’ordre public par leurs insultes et pratiquaient des conversions forcées. Enfin, alors que les pasteurs « n’avaient sur eux qu’une bible », ils les ont accusés de porter des armes.

« Dans notre système [judiciaire], n’importe qui peut déposer une plainte fondée sur de fausses accusations ». Et si la police porte l’affaire devant le tribunal, « c’est aux accusés de prouver leur innocence », dénonce Sajan K. Georges

Selon les études de son organisation, dont le siège se trouve à Bangalore, et celles d’autres associations de défense de la liberté religieuse comme le All India Christian Council (AICC), les chrétiens de l’Etat du Karnataka sont victimes d’attaques et de violences de plus en plus nombreuses depuis que le Bharatiya Janata Party (Parti du peuple indien, BJP) est arrivé au pouvoir, en mai 2009.

(1) Ucanews, 13 avril 2010; Ucanews, 9 avril 2010.

(2) Fondé en 1925, à Nagpur, par le Dr Keshav Bali Ram Hedgewar, le RSS (Rashtriya Swanamsevak Sangh, Corps national des volontaires) est, à l’origine, l’une des composantes des mouvements de libération de l’Inde. Par la suite, ce mouvement nationaliste s’est assigné comme objectif de faire de l’Inde un « hindu rashtra » (Etat hindou), à l’instar du Pakistan qui est un Etat musulman. C’est un mouvement discipliné, fortement organisé, avec de multiples programmes de formation (depuis la formation « idéologique » jusqu’à la formation physique). Il n’est jamais devenu un parti politique, mais il a puissamment contribué à la formation du parti Jang Sangh d’abord, puis du BJP (Bharatiya Janata Party) avec lequel existent des relations d’interdépendance: le RSS soutenant le BJP tandis que celui-ci favorisait les objectifs du mouvement, devenu le fer de lance des hindous extrémistes.

(3) Voir EDA 517
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhà cầm quyền Nghệ An và trường Cao Đẳng Sư Phạm Vinh lập ''Bản Cam Kết'' để ngăn cản sinh viên Công Giáo sinh hoạt tại Nhà bà Lâm
Nguyễn Thông
07:58 15/04/2010
Nhà cầm quyền Nghệ An và trường Cao Đẳng Sư Phạm Vinh lập "Bản Cam Kết" để ngăn cản sinh viên Công Giáo sinh hoạt tại Nhà bà Lâm

Như tin chúng tôi đã đưa về nhóm sinh viên Công Giáo thuộc trường Cao Đẳng Sư Phạm Vinh và trường Đại Học Sư Phạm Kỷ Thuật Vinh trước đây. Nhóm sinh viên viên thuộc hai trường đại học và cao đẳng này là một nhóm sinh viên Công Giáo trong tổng số 16 nhóm thuộc hội sinh viên Công Giáo Vinh. Nhóm sinh viên Công Giáo này thường sinh hoạt tại gia đình nhà bà Lâm thuộc xã Hưng Lôc, Thành Phố Vinh., Nghệ An

Sinh viên Công Giáo đã từ lâu có thói quen thường quy tụ lại với nhau để nâng đỡ nhau về đời sống đức tin và tri thức, thì dưòng như những điều tốt lành của các bạn sinh viên Công Giáo đã và đang làm lại là cái" gai" trong mắt của nhà cầm quyền.

Chính vì lẽ đó, nhiều lần nhà cầm quyền Thành Phố Vinh đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn và trán áp nhóm sinh viên Công Giáo trên không cho sinh hoạt tại gia đình nhà Bà Lâm với nhiều chiêu bài khác nhau và gần đây nhất đã lập ra một cái gọi là: " Hương ước Của làng" để ngăn cản sinh viên Công Giáo đến nhà bà Lâm sinh hoạt.

Phía nhóm sinh viên Công Giáo thuộc trưường Cao Đảng Sư Phạm và Đại Học Sư Phạm Kỷ Thuật Vinh vẫn duy trì được việc làm tốt lành của mình và ngày càng thu hút đông đảo các bạn sinh viên Công Giáo thuộc trường đại học và cao đẳng nói trên tham gia sinh hoạt tại nhà bà Lâm, mặc dù có nhiều khó khăn gây ra bởi nhà cầm quyền.l

Trước nhiều chiêu bài nhà cầm quyền thành phố Vinh sáng chế. Nay, nhà cầm quyền lại dùng thêm một chiêu bài mới là sử dụng ngay môi trường giáo dục nơi các bạn sinh viên Công Giáo đang học tập để trán áp với một thứ mới lạ là: " Bản Cam Kết" văn bản đã được soạn thảo sẳn để các bạn sinh viên ký. Văn bản có nhiều nội dung, trong đó, vấn đề được xem như là nhắm vào các bạn sinh viên Công Giáo:" Không tham gia họat động tôn giáo trái phép, không tụ tập, sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng công dân gây ảnh hướng đến an ninh trật tự và vi phạm quy ước của địa phương"

Theo nhận định của nhiều người thì đây là cuộc thử nghiệm tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Vinh để trán áp nhóm sinh viên Công Giáo không cho sinh hoạt tại nhà bà Lâm. Nếu sinh viên Công Giáo ký vào cam kết trên thì là một thành công ban đầu của nhà cầm quyền và nơi tiếp theo mà nhà cầm quyền sẽ làm là trường Đại Học Sư Phạm Kỷ Thuật Vinh.

Theo tin chúng tôi nhận được, hiện, Bản Cam Kết này đã được phát tới các bạn sinh viên trong trường Cao Đẳng Sư Phạm Vinh ngày 14/4/2010, nhưng các bạn sinh viên Công Giáo thường sinh hoạt tại nhà bà Lâm đồng tâm nhất quyết không ký vào Bản Cam Kết trên.

Chúng ta hãy chờ xem, liệu nhà cầm quyền sẽ dùng trường Cao Đẳng Sư Phạm Vinh hành xử với sinh viên Công Giáo như thế nào khi các bạn không chịu ký vào "Bản Cam Kết" với nọi dung áp đặt.

Xin mọi người khắp muôn nơi hãy hiệp lời cầu nguyện cho các bạn sinh viên công giáo Vinh.

Vinh 15/4/2010
 
Chương trình chuyên đề cuối tuần tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Sàigòn
Ban Mục Vụ Gia Đình
09:30 15/04/2010
TRUNG TÂM MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN ĐỀ CUỐI TUẦN

Thứ bảy tuần này ngày 17/04/2010 Chương Trình Chuyên Đề kính mời Quí khán giả đến gặp gỡ giao lưu với hai Bác sĩ của Bệnh Viện Phụ Sản Từ Dũ – Tp HCM

-Bs. Giuse Lê Tấn Cảnh, khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ – TP.HCM ·
-Bs Nguyễn Ban Mai, Trưởng Khoa Phụ Sản II, Bệnh Viện Từ Dũ– TP.HCMVới đề tài:

GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO THAI PHỤ

Hai Bác Sĩ cũng sẽ giải đáp tất cả thắc mắc thầm kín “to nhỏ tâm sự” của khán giả trực tiếp hoặc gởi những câu hỏi liên quan tới đề tài và “bệnh hiếm muộn”. Hy vọng mọi người sẽ lãnh hội được nhiều kiến thức hay, bổ ích trong buổi chia sẻ này.

Thời gian: Thứ 7 ngày 17.04. 2010, từ 2g00 – 5g00

Địa Điểm: Giảng Đường Phanxico X. Nguyễn Văn Thuận (B102) Lầu 1, Trung Tâm Mục Vụ, Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Địa chỉ: Số 6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q. 1. Tp. HCM.

TRUNG TÂM MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN Tp.HCM

Ban Mục Vụ Gia Đình
6 bis Tôn Đức Thắng Q. 1, Tp. HCM
ĐT: 39.105.692
Emaill: bmvgiadinh@gmail.com
 
Kỷ niệm 50 năm bài thánh ca Kinh Hoà Bình của LM Kim Long
Maria Vũ Loan
15:05 15/04/2010
“Lạy Chúa từ nhân,

Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục

Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,

Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm…”.


Xem hình buổi lễ kỷ niệm 50 năm bản thánh ca Kinh Hoà Bình

Ca khúc Kinh Hòa Bình, do linh mục nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc từ lời kinh của thánh Phanxicô Assisi, luôn sống động trong lòng phụng vụ của Giáo hội Việt Nam và mang lại lợi ích đức tin cho cộng đoàn dân Chúa.

Năm nay, mừng Năm Thánh Giáo hội Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm, cũng là năm ca khúc Kinh Hòa Bình tròn 50 tuổi. Nhân kỷ niệm này, Ủy ban Văn hóa đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và các môn sinh của cha Kim Long tổ chức thánh lễ tạ ơn và đêm thánh ca có tên Ca Vang Suốt Đời vào lúc 17 giờ 30 ngày 15/4/2010 tại thánh đường giáo xứ Phú Trung, Sài Gòn.

Thánh lễ tạ ơn

Trước khi thánh lễ được cử hành để chúc mừng 50 năm bài thánh ca Kinh Hòa Bình ra đời và sinh nhật thứ 70 của linh mục Phêrô Kim Long, một đoàn rước từ nhà giáo lý đi vào nhà thờ rất trang trọng.

Lời giới thiệu đầu lễ của cha chánh xứ Giuse Maria Lê Quốc Thăng làm người dự được biết, hôm nay Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Ủy ban thánh nhạc chủ tế, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, chủ tịch Ủy ban phụng tự đồng tế, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch Ủy ban Văn hóa đức tin giảng lễ; ngoài các Đức cha còn có Đức ông Đinh Đức Đạo và quí cha trong giáo phận Sài Gòn cùng đồng tế.

Ở phần bài giảng, sau khi nói nội dung chính trong bài Tin Mừng, Đức cha Giuse dẫn mọi người đi tìm câu trả lời: Tại sao bài thánh ca Kinh Hòa Bình lại trở thành bài hát phổ cập trong dân Chúa?

Câu trả lời được nhận định như sau: Sở dĩ bài hát này được phổ biến sâu rộng vì:

1. Có một NỘI DUNG rất thành công:

- Nội dung bài hát là toát yếu của tám mối phúc thật; thấm đẫm nhiều niềm hạnh phúc và hứa hẹn đem bình an đến cho mọi người.

- Nội dung bài bát còn thấm đẫm niềm cậy trông, từ niềm cậy trông này dẫn đến một sự hiến thân trở thành khí cụ, một khí cụ làm cho nhiều nơi được đón nhận hạnh phúc của Đức Chúa Trời.

- Nội dung của Kinh Hòa Bình khởi nguồn từ Kinh Thánh thì mặc nhiên nói lên chân lý. Nếu ai có thiện chí trở thành sứ giả của hòa bình đi đến đâu cũng mang hòa bình và bình an ở đó.

- Nội dung của Kinh Hòa Bình có sức hấp dẫn vì phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi thành phần dân Chúa đều có thể hát được.

2. Cội nguồn xuất phát của lời kinh này:

- Theo tự điển Bản Kinh Tôn giáo thì vào năm 1912, lời kinh này đã được đăng bằng tiếng Pháp và được đọc trong thánh lễ. Năm 1915, bản kinh được gởi sang Đức cha Benedicto XV để trình với Ngài.

- Năm 1920, một linh mục dòng Phanxicô đã quá mến mộ lời kinh này nên khi in bản kinh cũng in hình thánh Phanxicô ở mặt sau. Thật ra, thánh Phanxicô sống vào cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13 mà Kinh Hòa Bình lại có từ đầu thế kỷ 12 nên không thể là của thánh Phanxicô được nhưng “Bản Kinh thời danh này được gán cho thánh Phanxicô thành Assisi là tác giả. Dầu sao, tất cả những gì mà Kinh này diễn tả, người ta có thể thấy, được thể hiện trong đời sống của thánh nhân….”.

3. Kinh Hòa Bình là một quà tặng của Thiên Chúa:

- Đức cha Philiphê Nguyễn Kim Điền đã có công dịch bản kinh sang tiếng Việt, cha Kim Long Phổ nhạc. Cha Kim Long cho biết, cha sáng tác bản nhạc này lúc 20 tuổi, trong lúc suy tư, bỗng dưng những nốt nhạc được hình thành. Rồi nó được phổ biến giữa thế chiến I và thế chiến II, tức là Kinh đã được cất lên giữa những cuộc chiến tranh tương tàn.

- Kinh Hòa Bình như là một món quà tặng của Thiên Chúa, một ca khúc có những giai điệu bình dị dễ nhớ. Dẫu là bằng những cảm xúc các nhân nhưng cha Kim Long đã trao tặng Hội Thánh một bài ca giúp nhiều tâm hồn vượt qua những sóng gió cuộc đời và những người khát khao hoàn thiện trong cách sống.

Kết thúc bài giảng, Đức cha Giuse đề nghị mọi người gọi Kinh Hòa Bình là một “ca khúc vàng” của một cha (Kim Long) “Rồng Vàng” và hôm nay mừng Kim Khánh của bài ca tức là “lễ vàng”. Tiếng vỗ tay vang dội thánh đường.

Đêm thánh ca “Ca vang suốt đời”

Có thể nói đêm thánh ca sau thánh lễ thật hoành trángvới những ca khúc hay được thể hiện với những dàn đồng ca qui tụ cả trăm người.

Nếu ca đoàn Sao Mai và Phát Hải thể hiện bài Ca Lên Đi 1, Khúc Hát Mùa Xuân và Mầu Nhiệm Tình Thương thì ca đoàn Vượt qua hát bài Vị Cứu Tinh; một số ca sĩ lên thể hiện giọng ca ngọt ngào như điểm xuyết thêm hay cho một buổi trình diễn thánh ca có tầm cỡ. Hay nhất là cha Kim Long đã đánh nhịp cho các ca đoàn cùng hợp xướng bài Kinh Hòa Bình, hay vì những giai điệu có lúc như nhảy nhót, có lúc như lướt đi trong niềm khao khát hoàn thiện của con người. Các ca đoàn còn thể hiện các ca khúc như Lưu danh thiên thu, Bài ca máu đỏ, Linh hồn tôi.

Xen kẽ những bài ca, cha tổng thư ký Ủy ban Văn hóa đức tin Giuse Trịnh Tín Ý đã phỏng vấn cha Kim Long về cảm xúc khi sáng tác bài ca ở tuổi 20 và thấy gì khi tác phẩm của mình vượt thời gian. Bên cạnh đó, sau 50 năm cha có cảm nhận gì mới mẻ hay muốn thay đổi gì đối với giai điệu của bài hát này không?

Cha Kim Long sau khi đã nói lên cảm xúc của mình thì cho rằng đây là bài hát có dấu ấn của thời gian nên không muốn thay đổi gì hết. Cha tổng thư ký đã cầu chúc cho cha Kim Long mãi mãi là người “dậy thì” trong làng nhạc và trong cảm hứng của cha.

Đúng vậy, hôm nay cha Kim Long tặng mỗi người tham dự một tập bài hát Bài Ca Suy Niệm mà cha mới sáng tác để kỷ niệm 70 tuổi đời, 53 năm viết thánh ca, 42 năm linh mục và 16 năm được chữa lành bệnh. Trong khi các môn sinh của cha cũng tặng mỗi người cuốn Nguồn gốc & suy tư về Kinh Hòa bình. Quả là một cuộc đời không ngừng cho Thánh Nhạc.

Một lời cảm ơn.

Trước khi chương trình được khép lại bằng bài hát Ca Vang Suốt Đời, cha chánh xứ Phú Trung đã thay mặt các môn sinh và thân hữu, cùng cha Kim Long lên nói lời cảm ơn những người tham dự và bày tỏ niềm vui lớn đang nối kết mọi người bằng thánh ca. Một giáo dân đã bước lên choàng vào cổ cha một vòng hoa. Một vòng hoa như kết bằng những tấm lòng của những người yêu mến thánh nhạc và biết ơn những nhạc sĩ đã giúp họ ca tụng Chúa bằng giai điệu tuyệt vời của âm thanh.
 
Thánh Lễ Tại Hà Nội Cầu Nguyện Cho Tổng Thống Và Các Nạn Nhân Của Ba Lan
BBT TGP Hà Nội
17:12 15/04/2010
Thánh Lễ Tại Hà Nội Cầu Nguyện Cho Tổng Thống Và Các Nạn Nhân Của Ba Lan

Hà Nội, chiều ngày 15/04/2010, Thánh Lễ tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội cầu nguyện cho Tổng Thống Ba Lan và phu nhân cùng các nạn nhân trong chuyến bay ngày 10/04 vừa qua. Tham dự Thánh Lễ có Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, ngài Đại Sứ Ba Lan, Roman Iwaszkiewicz, cùng các nhân viên, đại diện của các tòa đại sứ quán tại Hà Nội. Linh mục Anphongsô Phạm Hùng chủ sự Thánh Lễ bằng Anh ngữ.

Hà Nội, chiều ngày 15/04/2010, Thánh Lễ tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội cầu nguyện cho Tổng Thống Ba Lan và phu nhân cùng các nạn nhân trong chuyến bay ngày 10/04 vừa qua. Tham dự Thánh Lễ có Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, ngài Đại Sứ Ba Lan, Roman Iwaszkiewicz, cùng các nhân viên, đại diện của các tòa đại sứ quán tại Hà Nội. Linh mục Anphongsô Phạm Hùng chủ sự Thánh Lễ bằng Anh ngữ.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã ngỏ lời:

“Sự ra đi của Tổng Thống Lech Kaczynski và phu nhân, những cộng sự viên thân tín cao cấp trong chính quyền, và các nạn nhân để lại một vết thương sâu xa trong tâm hồn của cả dân tộc Balan và nhiều người trên thế giới.

Qua ngài Đại Sứ, tôi xin chia buồn sâu sắc đến Đất nước và Giáo hội Balan, và cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và đất nước Balan trong lúc đau thương này.

Nguyện xin sự an ủi của Thiên Chúa ở cùng quý vị”.

Sau lời nguyện nhập lễ, ngài Đại Sứ Balan, Roman Iwaszkiewicz, đã xướng danh Tổng thống và phu nhân cùng tất cả các nạn nhân trong chuyến bay.

Được biết lễ an táng tổng thống Lech Kaczynski sẽ được tổ chức tại thành phố Wawel ngày 17 tháng 4 tới.

Máy bay TU-154 đã gặp tai nạn khi đáp xuống phi trường thuộc miền tây nước Nga ngày 10 tháng 4 vừa qua. Tất cả hành khách và phi hành đoàn đã chết, trong đó có Tổng Thống Balan và phu nhân, 95 người khác trong đó có một số nhân viên cao cấp trong chính phủ Balan: Thống đốc ngân hàng, Tham mưu trưởng lục quân, Thứ trưởng ngoại giao…

Phái đoàn cao cấp này của Balan tới Nga theo lời mời của thủ tướng Putin và tổng thống Medvedev để tham dự cuộc tưởng niệm 70 năm vụ thảm sát Katyn.

.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt ngỏ lời chia buồn.

Ngài Đại Sứ Balan tại Hà Nội xướng danh các nạn nhân.
 
Mừng năm thánh 2010, Xem lịch sử truyền giáo Việt Nam: Đào Tạo Đội Ngũ Tông Đồ Giáo Dân
Trần Văn Cảnh
17:34 15/04/2010
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM

Bài 13: Đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân

Qua sắc chỉ « Super Cathedram » ngày 09/09/1659, Tòa Thánh đã trao cho các Giám mục Đại diện Tông Tòa sứ mệnh truyền giáo tại Đàng Trong và Đàng Ngoài. Để thực hiện sứ mệnh này, công việc quan trọng nhất đã được rõ rệt xác định là việc quản trị các địa phận truyền giáo và việc đào tạo giáo sỹ địa phương. Các Đại Diện Tông Tòa đã thực hiện hai công việc này một cách nhiệt tình và tích cực ngay từ buổi đầu. Song song với hai công việc ấy, các ngài còn thực hiện nhiều công việc khác, quan trọng không kém, đặc biệt là việc đào tạo các tu sĩ, phát triển Hội Thầy Giảng, lập từ thời các cha Dòng Tên và lập Dòng Mến Thánh Giá năm 1670 và việc đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân. Trong bài này, chúng ta đặc biệt chú trọng đến công việc đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân, trong buổi đầu, vào thế kỷ XVII và những kết quả của nó trong hai thế kỷ XVIII và XIX.

1. Xác định những nguyên tắc nền tảng cho việc đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân, trong Công Đồng Ayuthia 1664

Trong bản « Chỉ dẫn thừa sai », tài liệu căn bản của Công Đồng Ayuthia 1664, việc đào tạo giáo dân rõ rệt chiếm một chỗ quan trọng hơn cả, chiếm sáu trên 10 chương của Chỉ Dẫn. Ba chương III, IV và V dành cho việc rao giảng Tin Mừng cho lương dân, Hai chương VI và VII dành cho dự tòng, chương VIII dành cho tân tòng và chương IX dành cho « Những Kitô hữu tòng giáo lâu năm ».

Chương IX về « Những Kitô hữu tòng giáo lâu năm », trước nhất đã đưa ra lời xác định tổng quát. Công đồng viết: « Các vị Đại diện Tông Tòa phải có trách nhiệm không những với người dự tòng và tân tòng mà còn với những tín hữu lâu năm, trách nhiệm của người cha đối với con cái, của người chủ chăn với giáo dân, của người thầy với học trò. Vậy phải yêu mến, dẫn dắt, dậy dỗ họ và phải dành sự chăm sóc hơn mức bình thường vào việc hướng dẫn cũng như giáo dục họ. Nhưng sự trung thành làm tròn bổn phận này, phải kéo theo cả sự an ủi vỗ về, và công việc này sẽ sinh hoa kết trái: tức là càng đào tạo được những tín hữu đạo đức thánh thiện, thì càng phụ được việc các vị thừa sai, sẽphản chiếu nơi chính bản thân sự tinh tuyền của Giáo Hội, sẽ lôi kéo được những người bất trung bởi hương thơm nhân đức của mình, đặt họ tự nguyện téúng phục ách êm ái của Chúa chúng ta. Trách nhiệm của người mục tử rất phúc tạp, bởi số lượng và tính đa dạng của những bổn phận; chúng tôi nhận thấy nên thu gọn việc giải thích thành ba điểm cơ bản: hướng dẫn, gìn giữ và cai quản đoàn chiên được giao phó cho họ chăm sóc ». (François Pallu, Pierre Lambert de la Motte, Nhắn nhủ các thừa sai, trong Tòa GM Kon Tum, Khơi nguồn tiến bước, Lưu hành nội bộ, 2004, tr. 201)

Sau lời xác định tổng quát trên, lần lượt ba trách nhiệm của các mục tử đối với việc đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân, mà các ngài gọi là trách nhiệm đối với các tín hữu đã tòng giáo lâu năm, đã được quảng diễn: trách nhiệm giáo huấn giáo dân; trách nhiệm gìn giữ giáo dân; và trách nhiệm cai quản đoàn chiên.

11. Trách nhiệm hướng dẫn các tín hữu

Nhiệm vụ đầu tiên của người mục tử là dẫn đoàn chiên được giao phó đến đồng cỏ, nghĩa là họ có trách nhiệm tìm ra đồng cỏ hoặc thức ăn phù hợp với đoàn chiên và cung cấp cho chúng. Thức ăn này là; lời giáo huấn và sự yểm trợ bước đầu về tinh thần và cả vật chất nữa. Vậy, người mục tử - thừa sai phải chăm chú toàn tâm vào việc cung cấp cho các tín hữu Sữa Thần Linh của giáo lý thánh, củng cố họ bằng ơn sủng từ các Bí tích. Trong những nỗi đau khổ sâu xa,hãy nhỏ xuống trên họnhững giọt sương êm dịu của sự an ủi. Khi tàn tật, tăng thêm cho họ sức mạnh, giúp đỡ bằng những lời khuyên khi họ đau buồn, bằng sự bố thí khi họ thiếu thốn, năng đỡ họ hết thảy bằng sự hy sinh và cầu nguyệ, vây bọc họ trong sự ân cần của lòng vị tha đầy tình phụ tử. Bởi vì, mình đã vui vẻ hiến cả cuộc đời cho giáo dân chưa, nếu không cho họ những thứ đó ? (Ibidem, tr. 202).

12. Trách nhiệm gìn giữ gìn giữ các tín hữu

Về trách nhiệm gìn giữ các tín hữu, Công Đồng nêu ra ba công việc phải làm: Xua đuổi sói xa khỏi chuồng, Dẫn những con chiên lạc về và liều mình cứu chúng.

« Vậy người mục tử sẽ là người gieo kinh hoàng cho những con sói tham mồi luôn đe dọa đoàn chiên của Chúa. Duổi cho chúng chạy bằng sức mạnh kêu gào. Vậy phải nổi dậy bằng nghị lực chống lại những hào nhoáng của ma quỷ, sự quyến rũ mà chúng dùng hằng ngày để bắt chộp được sự nhẹ dạ của con chiên. Đừng để cho quen phạm tội công khai mà không bị phạt, đây là nguyên nhân gây gương xấu cho những người yếu đuối, cũng đừng để một cơn dịch truyền nhiễm và nguy hại nào len lỏi vào các linh hồn, dặc biệt có một số tật xấu của tính xácthịt là nguy cơ sa sútcho những cộngđoàn Kitô giáo.,….

Khi cơn thịnh nộ của những tên bạo chúa nổi lên thì phải an ủi đoàn chiên, năng cho họ những lời khích lệ, cổ vũ họ, bảo vệ và bênh vực họ bằng những lời huấn giáo thành ính và bằng lời cầu nguyện của mình.

Thứ đến, phải ân cần đi tìm những tâm hồn lầm lạc; Và khi đã tìm thấy, hãy vác lên vai, không quản mệt nhọc, mồ hôi và che chở để đưa chúng về chuồng. Những con tự mìh trở về thì hãy đón nhận chúng với lòng thương yêu đầy tình phụ tử, sự kiên nhẫn của mình sẽ trị được những con bướng bỉnh nhất và để có thể cứu chúng hết thảy, phải ưng chịu sự yếu đuối của từng con.

Cuối cùng, người mục tử phải nhớ lại rằng Chúa Giêsu mục tử nhân lành đã hiến mạng vì đoàn chiên: không có công việc nào làm mình chán nản, không nghịch cảnh nào làm mình ngã gục, không nguy hiểm nào làm mình khiếp sợ; Nếu có gì liên quan đến ơn cứu độ con chiên, phải bênh vực hết thảy, ngay cả việc nguy hiểm trực tiếp đến mạng sống, ngay khi việc giải thoát bị lâm nguy, ngay khi họ cần sự nâng đỡ cho lòng tin bị lung lay, cần đến người thừa tác các Bí tích, người hướng dẫn, người bảo trợ, cố vấn hay làm chỗ dựa. …(Ibidem, tr. 202-205).

13. Trách nhiệm tuyển chọn một đội ngũ giáo dân tham gia việc quản trị mục vụ

Trách nhiệm tuyển chọn một đội ngũ giáo dân tham gia việc quản trị mục vụ có nghĩa là: Trong tầt cả các giáo đoàn, tùy thuộc vào tầm quan trọng của nó, người ta sẽ phải chọn một số giáo dân để giúp linh mục tham gia việc quản trị mục vụ.

Bốn điều kiện để tuyển chọn những người giáo dân này là:

• Họ « phải đặc biệt hơn những giáo dân khác bởi sự hiểu biết về giáo lý Kitô giáo

• bởi lòng sùng đạo nhiệt thành và đời sống gương mẫu của họ

• Những giáo dân được tuyển chọn này trước tiên phải tuyên xưng đức tin và tuyên hứa giảng dậy cho dân chúng không chút thay đổi nào với giáo lý thuần chất và toàn vẹn giống như họ đã nhận từ các thừa sai

• Tuyên thệ không bao giờ được biển thủ đồ tế lễ của các tín hữu cho việc xử dụng phàm tục của cá nhân hay kẻ khác.

Công việc của họ gồm những gì ? Đặc biệt trong những giáo xứ không có linh mục, họ phải làm những việc sau đây:

« Họ phải lo việc cầu kinh cho các tín hữu tụ họp nhau vào mỗi chủ nhật hay lễ trọng.

« Vào những dịp này, sau khi đã đọc kinh tin, kinh thờ lậy và kinh cám ơn, rồi các kinh sáng, họ giúp giáo dân hướng lòng về Tòa Thánh để rước lễ thiêng liêng. Những lời nguyện mà họ đọc phải được Thánh Bộ hay Ðức Giám Mục duyệt xét trước. Theo lời Vị Tông Ðồ Dân Ngoại dậy rằng phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng (Tim I, ch. 2, 1-2), họ phải nhắc bảo cho các tín hữu rằng trong các chủ nhật và lễ trọng, trước khi lui khỏi nhà thờ, phải đọc ba lần Kinh Chủ Nhật và Kinh Thiên Thần Truyền Tin để cầu cho việc truyền bá đức tin và mở rộng giáo hội; cho Ðức Thánh Cha La Mã; cho giám mục và các chủ chăn; cho các vua chúa và quân quan; cho những người có tội được Chúa tha thứ và quay trở về đường ngay của Chúa; cho những người rối đạo được biết tuân phục giáo hội công giáo; cho lương dân được biết rời bỏ lầm lẫn mà gắn bó tin vào Chúa Kitô; cho các linh hồn đã qua đời, đặc biệt là những linh hồn đã an nghỉ trong giáo hội, được khỏi ách luyện hình; cho các dân nước được thịnh vượng mà thoát khỏi tai ương bất hạnh.

« Thêm vào đó, như của ăn nuôi dưỡng linh hồn bổn đạo, họ đọc sách đạo do Ðức Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa chỉ dậy, hoặc về những lý lẽ đức tin, hoặc về những điều khác cần thiết cho sự rỗi.

« Ho cũng đọc lịch báo trước cho giáo dân các ngày lễ, ngày chay, chiều trước lễ,… có thể có trong tuần và những việc mà giáo dân phải làm để giữ đúng luật đạo thánh.

« Họ công bố các lễ cưới và tìm xem những ngăn trở, nếu có.

« Họ Công bố các lệnh truyền của giám mục và đọc các lời rao theo hoàn cảnh. Tất cả những việc đó đều phải làm vào ban sáng.

« Về ban chiều, nếu có thể, họ lại tụ họp giáo dân lần nữa để đọc kinh, xét mình và đọc kinh chiều.

« Ðặc biệt họ phải lo lắng rửa tội cho con nít và người lớn, nếu họ xin, và vào lúc lâm tử.

« Họ cũng đặc biệt lo lắng cho các bệnh nhân, cứu giúp người hấp hối, chôn cất kể chết và xin giáo xứ cầu nguyện cho họ; như vậy, họ sẽ cố gắng gây lên lòng sùng kính các linh hồn nơi luyện tội mà tránh cho người ngoại đạo cái thiên kiến rằng chỉ có họ mới biết tôn kính tổ tiên.

« Họ dậy giáo lý và lòng đạo cho các trẻ em theo cách thức và thói quen đã được truyền dậy, với một lòng xác tín rằng công việc giáo dục giới trẻ là một trong những việc quan trọng nhất.

« Họ bảo trợ các trẻ mồ côi, các goá phụ công giáo và cả các góa phụ ngoại đạo.

« Chẳng bao giờ họ xen mình vào những cuộc kiện cáo giữa những giáo dân, để quyết định; nhưng họ gắng sức khôn ngoan giải hòa.

« Họ chứng kiến các cuộc cử hành hôn lễ, cùng với hai người làm chứng.

« Và để cho các việc thánh được coi là thánh, họ phải áp dụng những luật lệ rõ rệt cho lễ nghi rửa tội trẻ em và ngưới lớn, cho việc giúp đỡ kẻ hấp hối, tẩm liệm kẻ chết, việc ma chay, việc phó dâng linh hồn, việc rao hôn phối, việc cử hành hôn phối và tất cả những việc liên quan đến họ, theo như luật giáo hội đòi hỏi.

« Họ cần có một cuốn sổ ghi chép những lý do cho phép cử hành mỗi dịp lễ trong nhà thờ và những kinh nguyện đặc biệt cho những lễ này.

« Họ có một cuốn sách trình bày những điểm chính yếu về đạo kitô, về các tội trọng, về những lời khuyên phúc âm, về 4 mục đích tối hậu ( Sự chết, sự phán xét, thiên đàng, hỏa ngục)

« Họ có tại nhà họ cuốn lịch các ngày lễ do các thừa sai soạn.

« Họ coi sóc thứ tự các sổ rửa tội, thêm sức, qua đời, hôn phối và lưu trữ tại nhà họ hay nhà hàng xóm, nếu an toàn hơn.

« Nếu các trưởng giáo khu này không đủ sức làm hết những công việc đó, thì các thừa sai phải giúp họ. Như vậy, thứ nhất, để giúp giải quyết những vụ kiện tụng giữa các tín hữu, người ta có thể chỉ định vài ba người vị vọng để khởi sự nghe các người kiện trước khi trình lên quan tòa sự tranh chấp, hầu nghe theo sự phân xử phụ mẫu của họ, hầu nhân nhượng giao hòa với nhau. Nhưng để tránh bóng vía ngoại đạo, nhửng người trọng tài này phải tránh xuất hiện như là muốn tạo lập nên một loại tòa án mới.

« Thứ hai, cần phải đào tạo những thầy giáo kitô, để họ có thể cung cấp cho tuổi trẻ công giáo cũng như không công giáo những lời giảng dậy phù hợp với phong hóa của xứ sở; có thể chinh phục được thiện cảm của dân bản địa và có thể trải rộng khắp nơi hương thơm đạo thánh; như vậy họ có thể dậy bảo trẻ em kitô làm hết bổn phận đức ái.

« Cũng phải chọn những đàn bà công giáo đạo đức để làm công việc bà mụ, hầu họ không để một trẻ em nào chết mà không rửa tội, ngay cả khi chúng là những con của cha mẹ ngoại đạo.

« Sau cùng, các trưởng giáo khu này phải thường xuyên gởi các bản tường trình chi tiết về tình trạng tôn giáo trong những xứ mà họ được trao trách nhiệm coi sóc.(Trần văn Cảnh, Công Ðồng Thừa Sai Hải Ngoại đầu tiên Năm 1664 ở thủ đô AYUTHIA, nước Xiêm, http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=13&ia=644)


2. Những bước đầu đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân, trong Công Đồng Phố Hiến 1670 và Công Đồng Hội An 1672

Những nguyên tắc tổng quát về việc đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân, phác thảo trong Công Đồng Ayuthia 1664 đã được nhắc lại cho các thừa sai và giáo sỹ địa phương trong hai công đồng: Phố Hiến năm 1670 ở Đàng Ngoài và Công Đồng Hội An 1672 ở Đàng Trong.

21 Công đồng Phố Hiến 1670

Trong văn kiện Công Đồng Phố Hiến, địa phận Đàng Ngoài 1670, trên 34 khoản dự thảo, không kể các khoản đề cập đến việc đào tạo 11 khoản đã đề cập đến việc sồng đức tin của tín hữu, trong đó ba khoản 7, 8 và 21 đặc biệt lưu ý đến việc huấn luyện đội ngũ tông đồ giáo dân trong tất cả các công ciệc giúp đỡ các linh mục thực hiện công việc mục vụ trong hai sứ vụ chính: điều hành giáo xứ và truyền đạo cho lương dân.

Khoản 7: Ở mỗi nhà thờ có nhiều tín hữu, người ta sẽ đặt những tín hữu đạo đức nhất, lo việc kinh nguyện trong những ngày lễ buộc, cũng như lo cho những ngày khác.

Khoản 8: Những chức việc nêu trên sẽ báo cáo công việc của mình và của giáo dân cho các Thầy Giảng, và các Thầy cũng sẽ báo cáo như vậy về công việc mình làm, cũng như của các Chức Việc cho vị quản nhiệm (linh mục) của xứ mà họ thuộc thẩm quyền.

Khoản 21: Những (linh mục) quản nhiệm, thầy giảng chức việc, hãy thúc dục các tín hữu tuân giữ và bước theo con đường hẹp, thúc dục họ suy niệm, ít là vào những ngày lễ buộc, và trong những ngày ấy, suy gẫm đặc biệt về cuộc Tử Nạn và Thương Khó của Chúa chúng ta là Đức Kitô. (Ibidem, tr. 246, 249)

22. Công Đồng Hội An 1672

Về những quyết định của Công Đồng Hội An địa phận Đàng Trong, liên hệ đến việc đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân, Đức Ông Mai Đức Vinh đã tóm tắt như sau; « Hai năm sau công nghị Bắc Kỳ, từ ngày 26-10 đến ngày 18-11-1672, công nghị Nam Kỳ được triệu tập tại thành phố Hội An (Faifo) thuộc tỉnh Quảng Nam khi đó trực thuộc miền truyền giáo Nam Kỳ. Công nghị này cũng do đức cha Lambert de la Motte, vị giám quản đầu tiên của giáo phận Nam Kỳ (1659-1679), chủ tọa. Công nghị đã chú trọng đến đời sống tín hữu, sự tổ chức những giáo sở và những họ đạo. Chính vì thế, bên cạnh những nghị quyết về hôn nhân, ban hành các bí tích, còn có những nghị quyết liên quan đến định chế của quí chức họ đạo, những nghị quyết về những bổn phận của quý chức. Chúng ta có thể lược tóm như sau:

* Cần thiết phải chọn lựa những quí chức cho những họ đạo tương đối đông đảo. Quí chức phải là những tín hữu đức hạnh và khôn ngoan.

* Nhiệm vụ của quí chức trong những khi vị linh mục và các thầy giảng vắng mặt là chăm lo trước tiên những buổi cầu nguyện, rao lịch những ngày kiêng thịt, dạy giáo lý, thăm viếng bệnh nhân, rửa tội cho trẻ em và người lớn, tuy nhiên chỉ rửa tội cho người lớn sau khi biết rõ tình trạng hôn phối của họ, quản lý sổ hôn phối và sổ tửù, giúp đỡ tín hữu sống Phúc Âm.

Như thế, vai trò và nhiệm vụ của quí chức đã được thừa nhận và qui định bởi giáo quyền. Họ không chỉ là những tín hữu đức hạnh, mà còn là những cộng tác viên của linh mục, những ông trùm của họ đạo. Trong thời buổi cấm cách, trong lúc thiếu vắng linh mục, họ là những người thay thế để củng cố và làm vươn tiến sinh hoạt họ đạo về mặt thiêng liêng, luân lý đạo đức cũng như về mặt vật chất ». (Mai Đức Vinh, Hội Đồng Quý Chức, Paris: GXVN Paris, 2008, tr. 73-74).

3. Những kết quả quan trọng do đội ngũ tông đồ giáo dân đã thực hiện, đặc biệt trong thời cấm đạo thế kỷ XIX

Những quyết định đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân quyết định ở hai Công Đồng địa phương đã được đem ra áp dụng, Kết quả là nhiều giáo dân có khả năng và đạo đức đã được đào tạo. Đến lượt họ, họ đi đào tạo giáo dân. Mà công việc đào tạo lớn vô giá mà họ đã thực hiện là nêu gương can đảm tuyên xưng đức tin, nhờ đó họ làm vững đức tin của các giáo dân khác.

31. Cha Deydier đã thành lập đội ngũ tông đồ giáo dân ngay từ năm 1668, 1680 ở Đàng Ngoài

Những điều mà Công Đồng Ayuthia 1664, Công Đồng Phố Hiến 1670 và Công Đồng Hội An 1672 đã nêu ra, liên hệ đến việc đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân, mà vào thời buổi đầu nhắm nhất vào những chức việc trong Hội Đồng Quý Chức, trong thực tế đã được thực hiện trên cánh đồng truyền giáo.

Sau đây là « trích thư của cha Deydier viết cho ban giám đốc chủng viện Thừa Sai Hải Ngoại ngày 28.7.1668, và một bản tường trình khác về tình hình truyền giáo năm 1680. Cả hai bản văn xác nhận rõ ràng: hàng ngũ quí chức được tổ chức một cách thực tế từ buổi đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

«Từ khi tôi làm xong công việc sắp đặt mọi sự cho được tốt đẹp nhất, tôi đã có thể thiết dựng 5 ngôi thánh đường trong thành phố vương đô này, và đặt 6 vị (quí chức) nhiệt thành và học thức nhất trong các tín hữu tại mỗi thánh đường, vì tôi muốn đi khắp các làng để rao giảng Tin Mừng…».

«…Trong mỗi thánh đường, từ hàng ngũ giáo dân người ta chọn ra một người có đời sống gương mẫu và không mấy bị câu thúc bởi công kia việc nọ để giúp việc nhà thờ, hội họp giáo dân, xướng kinh hạt những ngày chủ nhật và ngày lễ, đọc sách thiêng liêng, giảng dạy, thông báo lịch hàng tuần những ngày lễ hay chay tịnh, thăm viếng bệnh nhân, sắp xếp cho vị linh mục đến ban bí tích xức dầu nếu là bệnh nặng, thu nhận tiền bạc dâng cúng của tín hữu để mua nhang đèn và những gì cần thiết cho nhà thờ...” (Mai Đức Vinh, Ibidem).


32. Đội ngũ tông đồ giáo dân đã nêu gương can đảm tuyên xưng đức tin

Nhưng kết quả lớn nhất mà đội ngũ tông đồ giáo dân đã làm cho các bậc chủ chăn cũng như giáo hội được thỏa mãn là gương can đảm tuyên xưng đức tin của họ trong những thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử kitô giáo việt nam, những thời kỳ cấn đạo. Nhờ gương can đảm ấy người ta nhận ra sự cộng tác quảng đại và can đảm của quí chức vào thừa tác vụ của linh mục, hay đúng hơn, vào công cuộc truyền đạo và giữ đạo, vào đời sống của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Đức ông Mai Đức Vinh đã nêu ra những trường hợp tiêu biểu sau đây.

1) Bắt giam toàn bộ quí chức công giáo

Năm 1859: Vào khoảng trung tuần tháng 10.1859, chiếu theo các sắc lệnh của vua, quan triều tiến hành bắt giam những quí chức các họ đạo. Trên toàn quốc, những quí chức trên năm mươi tuổi bị lùng bắt. Nhà tù chẳng mấy chốc trở nên đầy ứ. Những tù nhân bất hạnh này không được vua cho cơm ăn, nên các thừa sai phải chu cấp cho họ. Những cuộc bắt giam hàng loạt này đã làm sụp đổ cơ cấu tổ chức và gây hoảng loạn trong các họ đạo. Người ta khiếp sợ nghĩ đến những hành quyết sắp ập xuống trên những tù nhân này. Tiếng đồn về một cuộc tàn sát tận tuyệt đã loan truyền khắp các tỉnh thành.

Năm 1861: Tiếp đó, vào năm 1861, quan triều thi hành sắc lệnh phát vãng toàn diện: Những quí chức bị bắt giam cầm từ hai năm nay và tất cả giáo dân trai tráng đều vắng bóng, trong các làng chỉ còn những người già cả, tàn tật, đàn bà, con nít và một vài người bần cùng, vì bị quên sót hay được ân huệ.

Lúc này, quan triều lùng bắt khắp nơi. Rút kinh nghiệm, họ bắt giam cả những tín hữu đã bỏ đạo, bởi vì, theo nhà vua: “Chúng không thành thực bỏ đạo và vẫn mê muội với giáo thuyết sai lạc của chúng”. Vào tháng 5.1860, đức cha Lefebvre viết về tình hình ở Sài Gòn: “Những cuộc bắt bớ tại khắp nơi gia tăng gấp đôi cường độ. Chưa từng bao giờ trong vòng một năm lại có nhiều người tuyên xưng đạo và nhiều người tử vì đạo đến như vậy. Hiện tại, tôi đang có 396 tín hữu bị rên xiết dưới gông cùm và xiềng xích ngục tù! Con số này còn gia tăng trong suốt các năm 1860 và 1861 với sự bắt giam những quí chức của các họ đạo thuộc giáo phận”

2) Một vài dẫn chứng đặc biệt

Vào năm 1647, tại tỉnh Quảng Bình, sáu tín hữu bị bắt giam, hai người trong số đó bị tử hình: Một người là Alexis, quan võ trong đạo quân triều đình. Người kia là ông trùm họ đạo, tên là Augustinô.

Ngày 9.1.1665, Chúa Hiền Vương cho quân lùng bắt giáo dân họ đạo Dinh Cát, trong số đó có ông trùm Têphanô và sáu người đàn anh trong họ bị lên án chặt đầu.

Ngày 9.12.1888, tu viện Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Cái Mơn bị một toán quân xâm nhập. Sau khi cướp phá, chúng tra gông cùm các ông trùm trưởng, nữ tu bề trên Matta Lành và nữ tu Elisabeth Ngộ, rồi dẫn điệu họ về Vĩnh Long. Đồng thời, chúng bắt giam 5 người trong số những quí chức của các họ đạo vùng Cái Môn. Một trong những quí chức, ông Gioan Hoan, là trùm của họ đạo và lý trưởng của làng, ông đã tuyên chứng một đức tin bất khuất.

Vào năm 1859: Vào đêm mùng 7 rạng ngày mùng 8 tháng 1.1859, họ đạo Dầu Nước, vùng phía Tây miền truyền giáo, bị một toán ít ra là ba trăm quân lính xâm nhập giữa đêm khuya. Họ đạo này bị tố lên quan triều tỉnh Châu Đốc về tội chứa chấp một giáo sĩ thừa sai Âu Châu, một linh mục Việt Nam, có một tu viện và một thánh đường xinh đẹp. Vị thừa sai nói đây không ai khác là cha M. Pernot, trở về làm giám đốc chủng viện ở Paris vào cuối năm 1860. Sự tận tâm của ông trùm Lý Phụng đã đưa cha M. Pernot vượt thoát. Nhưng khi trở về, ông Lý Phụng bị quân hầu bắt trói. Ngày 13.7.1859, ông Lý Phụng và cha Quy bị kết án tử hình. Ngày 13.2.1879, cả hai vị được đức giáo hoàng Léon XIII tuyên phong bậc Đáng Kính, đức giáo hoàng Piô X suy tôn bậc Chân Phước, ngày 02.05.1909 và đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong bậc Hiển Thánh ngày 19.06.1988. (Mai Đức Vinh, Ibid., tr. 74-76)

LỜI KẾT

Công việc đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân đã được các Giám mục Đại Diện Tông Tòa chỉ đạo thực hiện, song song với các công việc truyền giáo, đào tạo hàng giáo sỹ địa phương và quản trị giáo phận. Việc đào tạo này đã được thể hiện ngay từ buổi đầu, trong th ế k ỷ XVII, qua ba khía cạnh: hướng dẫn, gìn giữ và tham gia quản trị. Đội ngũ tông đồ giáo dân được đào tạo, trong suốt ba thế kỷ XVII, XVIII và XIX đều chính yếu chỉ xoay quanh các thành phần ban « Hội Đồng Quý Chức ».

Trong luận án tiến sỹ thần học mục vụ về « Hội Đồng Quý Chức » bảo vệ tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquinô tại Rôma năm 1977, Đức Ông Mai Đức Vinh, sau khi đã trình bày tỷ mỷ về lịch sử đại cương của Giáo Hội Việt Nam, Diễn tiến lịch sử công trình tổ chức Hội Đồng Quý Chức, khuôn mặt Họ Đạo Việt Nam, Tham gia vào Thừa tác vụ Thánh Hóa, Giảng Huấn và Quản Trị, Hội Đồng Quý Chức dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, đã đi đến một kết luận như sau: « Vào năm 1533, Tin Mừng bắt đầu được truyền rao ở Việt Nam và « người trưởng nữ của Giáo Hội tại Viễn Đông » chào đời. Kể từ năm 1580, sự đàn áp đạo giáo nổ bùng và kéo dài cho đến năm 1580, tức là trong vòng 300 năm. Đồng thời, giặc giã và loạn lạc liên miên. Giáo Hội Việt Nam lớn lên trong những đàn áp và chiến tranh. Đó là một sự thật lịch sử ngoạn mục. Sau hồng ân của Thiên Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần, một trong những nhân tố chính yếu đã củng cố và phát triển Giáo Hội Việt Nam trong những điều kiện như thế, đó là « Quý Chức Họ Đạo Tham Gia Vào Các Thừa Tác Vụ Của Linh Mục » (Mai Đức Vinh, O.c., tr. 338).

Trước Đức Ông Mai Đức Vinh, cha Cadière, một thừa sai lão luyện và một cha sở nổi tiếng của địa phận Huế, cũng đã có một kết luận tương tự: « Từ nhiều thế kỷ qua, tổ chức Hội Đồng Quý Chức đã cống hiến nhiều lợi ích to lớn. Nếu Giáo Hội Công Giáo được tồn tại giữa dân chúng Việt Nam thì một phần lớn là nhờ có tổ chức sáng suốt này trong các họ đạo. Chính nhờ vào hoạt động của các quý chức mà các tín hữu luôn trung thành gắn bó với đạo giáo của họ mặc dù phải trải qua những bách hại lâu dài và đẵm máu » (Ibidem).

Paris, ngày 15/04/2010

Ghi chú: Sau bài này, loạt bài « MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM » sẽ tạm ngưng trong mấy tháng và sẽ tiếp tục lại vào sau hè 2010.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thầy giáo tát tai và giật đứt Thánh Giá đeo cổ của một học sinh đã nhận lỗi
HĐGX An Bằng
08:47 15/04/2010
Vụ việc Giáo viên tại An Bằng – Thư của Thầy Hiệu Trưởng gởi cho Linh mục Quản xứ An Bằng và Hội Đồng Giáo xứ An Bằng

Thứ năm, 15 Tháng 4 2010 16:11.

Lúc 15 giờ ngày thứ năm hôm nay, 15-04-2010, Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải gởi tài liệu nầy đến cho tôi. Tôi, linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, đưa lên trang mạng WTGP Huế để Quý Vị theo dõi vụ việc nầy.

 
Cái nhìn mới về tôn giáo của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay
Phạm Huy Thông
09:03 15/04/2010
Cái nhìn mới về tôn giáo của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay

Do bị ảnh hưởng của khuynh hướng thiên tả của một số nước theo chủ nghĩa xã hội, nên tôn giáo ở nước ta trước đây thường được xem xét dưới góc độ chính trị nên chỉ thấy những mặt tiêu cực. Khoảng độ vài chục năm trở lại đây, với quan điểm đổi mới, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã có cách đánh giá xem xét khá mới mẻ với vấn đề luôn được coi là “ nhạy cảm và tế nhị”- đó là tôn giáo.

Tôn giáo tồn tại lâu đời trong lịch sử nhân loại nhưng xếp nó vào chỗ nào trong các sản phẩm của tinh thần? GS.TS Hồ Ngọc Đại cho rằng: “ Vương quốc tinh thần chia ra cho khoa học, nghệ thuật, tôn giáo. Khoa học sống bằng khái niệm. Nghệ thuật sống bằng hình tượng. Tôn giáo sống bằng đức tin…Khoa học cần có chứng, biện minh bằng chứng. Nhưng chứng này chỉ là cái cớ trong nghệ thuật. Còn tôn giáo thì chẳng cần chứng cũng chẳng cần cớ, chỉ cần tin. Mà ai tin thì tin, không tin thì thôi”(1). Như vậy, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo là những lĩnh vực khác nhau. Mặc dù đều thuộc lĩnh vực tinh thần nhưng chúng có đối tượng, công cụ tiếp cận khác nhau. Mà như vậy, không thể nhân danh khoa học để bác bỏ hay chứng minh sự tồn tại của tôn giáo như một vài người lầm tưởng.

Vậy tôn giáo có phải là hiện tượng văn hoá không? Các nhà nghiên cứu trước đây không dám công nhận. Vì như vậy, nói bảo tồn văn hoá là đồng nghĩa với bảo tồn tôn giáo. Ngay cuốn “ Văn hoá Việt Nam – Tổng hợp 1989-1995” ( Ban Văn hoá văn nghệ Trung ương xuất bản 1989), dày 500 trang, liệt kê đủ phong tục, tập quán, các lọai hình nghệ thuật nhưng không có một dòng nào nói đến tôn giáo. Nhưng GS Trần Quốc Vượng khẳng định: “ Nhìn nhận vấn đề tôn giáo trên quan điểm “ văn hoá học” tôi thấy thế này: xét theo lịch sử phát sinh và trưởng thành, tôn giáo vừa là một sản phẩm của văn hoá, vừa là một thành phần hữu cơ, một nhân tố cấu thành của văn hoá” ( 2).

Cũng đồng quan điềm trên đây, GS Ngô Đức Thịnh- Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian cho rằng: “ Xét cho cùng, mọi hệ thống biểu tượng của tôn giáo, tín ngưỡng đều là hệ thống biểu tượng của văn hoá, nó vừa chứa đựng hệ giá trị của dân tộc đồng thời là sự thể hiện bản sắc và các sắc thái của dân tộc trong một thời đại nhát định. Trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng đã sản sinh, tích hợp và bảo tồn nhiều hiện tượng văn hoá nghệ thuật mang sắc thái dân tộc độc đáo. Nếu nhìn vấn đề theo phương pháp hệ thống, thì chính tôn giáo, tín ngưỡng là các yếu tố nhân lõi tạo nên hệ thống ấy. Còn các hiện tượng văn hoá nghệ thuật chỉ là các yếu tố phát sinh. Điều này cắt nghĩa rằng, không thể cắt rời các yếu tố tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá kèm theo. Bất cứ một thứ tôn giáo, tín ngưỡng nào xét về bản chất của nó không bao giờ hướng tới cái xấu, cái độc ác mà luôn khuyến khích làm điều thiện, vươn tới cái đẹp, cái cao cả vì lợi ích bản thân và cộng đồng” (3).

Vì sao tôn giáo lại có tính hướng thiện? GS Trần Quốc Vượng lý giải: “ở trong mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo là thành tựu văn hoá lớn nhất của loài người. Cái từ bi của Phật, cái bác ái của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là những hạt ngọc văn hoá đó” (4).

Tôn giáo không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn làm cho văn hoá các dân tộc được bảo tồn. PGS.TS Nguyễn Đức Lữ- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh viết: “ Thông qua sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người mà tín ngưỡng, tôn giáo đã tô đượm cho văn hoá dân tộc nhiều sắc màu. Các cơ sở thờ tự của tôn giáo thường là nơi diễn ra nghi lễ, thờ phụng của tín đồ tôn giáo, đồng thời cũng là nơi lưu giữ văn hoá truyền thống làm cho văn hoá dân tộc có sức sống trường tồn” (5).

Trước đây có không ít người coi tôn giáo đồng nghĩa với mê tín, lạc hậu và phản khoa học. Song GS. Đặng Nghiêm Vạn- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo cho rằng: “ Niềm tin tôn giáo không phải là niềm tin mê muội, cuồng tín thiếu suy nghĩ. Người tín đồ tôn giáo trước hết là người hiểu một cách trí tuệ điều mình tin, điều mình coi là thiêng liêng… Niềm tin tôn giáo cũng không thể là những hiện tượng được xem là phản văn hoá, trái với tiến bộ, văn minh” (6). GS. Vũ Khiêu cũng khẳng định: “ Người ta cứ nghĩ rằng, ánh sáng khoa học tiến tới đâu thì bóng đen tôn giáo sẽ lui tới đó. Nhưng cho đến nay, khoa học vẫn không đẩy lùi được tôn giáo. Những viễn tượng phong phú của thời đại dang kích thích cả khoa học và tôn giáo. Khoa học và tôn giáo không chỉ đối chọi nhau mà còn là bạn đồng hành tương đối lâu dài trong cuộc hành trình của nhân loại tiến về chân trời chân lý. Con người ta mỗi bước tiến đến gần chân lý thì chân lý lại lùi xa thu hút cả khoa học và tôn giáo” (7).

Đóng góp của tôn giáo đối với văn hoá, xã hội được nhiều nhà nghiên cứu minh chứng trong khá nhiều bài viết gần đây. Chính tâm linh tôn giáo góp phần giữ gìn đạo đức con người, ổn định trật tự xã hội. Nó đã góp thêm một thiết chế để “giữ xã hội trong vòng trật tự” cùng với pháp luật, dư luận. GS. Nguyễn Đình Chú viết: “Xin nhớ rằng, hiến pháp có chặt chẽ đến đâu, pháp luật dù có được quy định ngóc ngách đến đâu so với sự sống thiên hình vạn trạng vẫn còn khe hở. Cảnh sát trần gian dù có đông đủ nghiêm túc đến đâu ( mà thực tế làm gì có nghiêm túc cả) vẫn không đủ bao hết sự đời. Phải có thêm cảnh sát cõi âm, loại cảnh sát nằm ngay trong tâm linh mỗi người, không loại trừ ai, kể cả ông vua có quyền uy tối thượng trị vì trăm họ, mới mong đảm bảo có cuộc sống tốt lành nhiều hơn. Trong điều kiện thiện ác vốn dĩ cứ tranh chấp triền miên cùng nhân loại” (8).

PGS.TS Nguyễn Hồng Dương- Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo cũng khẳng định trong một cuốn sách chuyên khảo về tôn giáo: “ Tôn giáo nào cũng khuyên con người- tín đồ, làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện, yêu người, cho người đói ăn, cho kẻ khát uống. Tôn giáo dạy con người tu thân, tề gia, đưa ra những chuẩn mực trong quan hệ vua- tôi, cha – con, vợ- chồng, thày –trò. Hầu hết các nội dung trên là những lời răn dạy của các đấng sáng lập tôn giáo ( Chúa Trời, Phật, Thánh Ala…), trở thành quy chuẩn, mô phạm điều chỉnh những hành vi của con người, tín đồ” (9).

Trước đây, có người phê phán đạo đức tôn giáo là uỷ mỵ, trốn đời chỉ có tác dụng “ bảo vệ chế độ bóc lột” nhưng GSTS Nguyễn Hữu Vui cho rằng: “ Lâu nay, các nhà nghiên cứu Mác xít hai loại đạo đức ( nhân loại và tôn giáo), thường chỉ nhằm mục đích là lên án, phê phán đạo đức tôn giáo, phủ nhận nó một cách triệt để, mà không thấy rằng chính trong sự khác biệt đó lại chứa đựng một mối liên hệ tác động qua lại và nhận thức mối liên hệ đó có ý nghĩa không kém phần quan trọng đối với công cuộc xây dựng xã hội mới của chúng ta” (10).

Bởi vậy, từ lâu tôn giáo đã trở thành nhu cầu của số đông người dân. Ngay ở Việt Nam, số lượng tín đồ các tôn giáo chiếm hơn 1/4 dân số. Nếu kể cả những người theo đạo tổ tiên, ông bà thì hầu hết đều có tôn giáo, tín ngưỡng. Cho nên tôn giáo không chỉ là nhu cầu của cá nhân mà còn của cả xã hội nữa. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết: “ Xét về mặt đời sống xã hội thì niềm tin là một trong những nhu cầu cơ bản không thể thiếu đối với con người. Đây là nhu cầu thuộc tâm linh. Nếu bị khủng hoảng hay mất lòng tin vào cộng đồng thì sẽ rối loạn hành vi. Một xã hội có niềm tin lành mạnh sẽ tạo sự ổn định trong phát triển” (11).

Do đó, nếu nhà nước dùng các biện pháp để xoá bỏ tôn giáo là một sai lầm. GS Phạm Như Cương đã gọi sai lầm đó là “ bệnh kiêu ngạo cộng sản”: “Những sai lầm, khuyết điểm của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ bao gồm cả những sai lầm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo, nổi lên là khuynh hướng muốn xoá bỏ tôn giáo một cách nhanh chóng bằng các biện pháp hành chính và có khi bằng cả trấn áp bạo lực là một thứ chủ nghĩa vô thần cực đoan, thô thiển. Những sai lầm đó không chỉ gây tổn thất cho đời sống tinh thần của xã hội mà còn dẫn đến ngưng đọng sự phát triển” (12).

GS Đặng Nghiêm Vạn- nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban tư vấn về tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhận xét tương tự: “ Thực tế đã hình thành trong tư tưởng cán bộ quan niệm rằng, phát triển tôn giáo là không có lợi cho cách mạng. Dó là do sự hiểu biết hạn hẹp của họ chỉ xét tôn giáo qua những hành động tôn giáo phục vụ mục đích chính trị đơn thuần, nên đã vô tình gay ra những đối lập không cần thiết giữa nhà nước và các tôn giáo. Do đấy dẫn đến thái độ họ không thấy vai trò tôn giáo trong đời sống xã hội, trên cả mặt văn hoá, đạo đức, tâm lý…Thành kiến với tôn giáo đẫn đến thu hẹp nhu cầu chính đáng của các tín đồ tôn giáo, vi phạm ngay những điều nhà nước đề ra” (13).

Trên thế giới cũng như nhiều triều đại ở nước ta cũng đã từng duy ý chí muốn xoá bỏ tôn giáo bằng cách này hay cách khác nhưng không thành. GS Vũ Khiêu đã giải thích nguyên nhân đó: “ Tôn giáo là một hiện tượng không thể dễ xoá bỏ trước sự tấn công của chủ nghĩa vô thần. Nó là hiện tượng suy thoái lại hồi sinh, nén ép lại vùng lên, dập tắt lại bùng cháy. Duy trì nó hay gạt bỏ nó chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính con người bởi nó tồn tại trong tâm linh sâu kín của con người. ở đây không có một sức mạnh nào từ bên ngoài có thể xông vào tiêu diệt nó” (14).

Dĩ nhiên, nhà nước có thể giải thích rằng, do tôn giáo dễ bị lợi dụng, thao túng cho các mục tiêu chính trị nên phải canh chừng, cảnh giác. Nhưng GS Phạm Như Cương nói: “Dĩ nhiên việc đối phó với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo là vấn đề quan trọng, lâu dài, cần đề cao cảnh giác nhưng thái độ phòng thủ, bị động đó làm cho chúng ta không nhìn thấy và sử dụng hết khả năng, sức mạnh của chế độ mới trong việc biến cộng đồng tôn giáo thành một lực lượng tích cực, chủ dộng tham gia xây dựng một xã hội mới không chỉ về mặt kinh tế, vật chất mà cả tinh thần, văn hoá” (15).

Riêng với đạo Công giáo, các nhà nghiên cứu hiện nay cũng đặc biệt quan tâm và có nhiều khám phá mới mẻ nhất là trong việc chi nhận những đóng góp của tôn giáo này với xã hội, văn hoá Việt Nam.

Đóng góp đầu tiên được nhiều người khẳng định đó là việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ. GS Trần Quốc Vượng viết: “ Việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ hay việc latinh hoá chữ Việt, về lâu về dài đây là một thành tựu văn hoá lớn và có tác dụng sâu xa đến việc phổ biến tri thức, thông tin đến việc phát triển nền văn hoá giáo dục cận hiện đại Việt Nam. Thành tựu văn hoá này gắn với lịch sử đạo Thiên chúa ở Việt Nam và thật điên rồ khi muốn tách bạch văn hoá và tôn giáo trong đời sống xã hội ngày xưa, chỉ thừa nhận văn hoá là tích cực còn tôn giáo là tiêu cực” (16).

Ngay từ đầu thế kỷ XX, nhiều chí sĩ của nhóm Duy tân, Đông kinh nghĩa thục đã coi học chữ quốc ngữ là một trong sáu kế để mở mang dân trí. Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm nhận định: “ Các giáo sĩ người Âu đã đặt ra chữ quốc ngữ, chủ ý là để có một thứ chữ để viết tiếng ta cho tiện và dùng cho việc truyền giáo. Không ngờ rằng, vị thế lịch sử xui khiến, chữ ấy nay đã thành văn tự phổ thông của cả dân tộc Việt Nam. Đành rằng cũng như các công trình do con người sáng tạo ra, thứ chữ ấy cũng có vài khuyết điểm, nhưng ta nên nhận rằng ở trên hoàn cầu này không có thứ chữ nào tiện lợi và dễ học bằng thứ chữ ấy”(17).

Nhà văn Kim Lân còn dứt khoát khẳng định: “ Tôi rất biết ơn Alexandre de Rhodes. Hội Nhà văn cần phải dựng tượng ông ấy. Cái chữ nó ghê lắm. Không có ông ấy thì tôi, bà Anh Thơ, ông Nguyên Hồng …không thể trở thành nhà văn được” (18).

Chỉ tiếc rằng, cho đến tận hôm nay vẫn có ngưòi tố cáo Alexandre de Rhodes là “ gián điệp” cho Pháp và đẻ ra thứ chữ làm mất đi chữ Hán, mặc dù ông mất gần 200 năm sau Pháp mới đến Việt Nam ( 5-11-1660) và quyết định dùng chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chính và thi cử ở nước ta lại do Thống sứ Băc Kỳ ký năm 1910.

Đạo Công giáo không chỉ có đóng góp cho văn hoá Việt Nam về mặt ngôn ngữ, nó còn là chiếc cầu nối giao lưu giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá phương Tây. Các tác giả của đề tài nghiên cứu KX.07 do GS Nguyễn Tài Thư làm chủ nhiệm đã nhận xét: “Nếu nói ảnh hưởng của văn hoá tư tưởng phương Tây ở Việt nam thì chắc chắn đạo Thiên Chúa là nhân tố đầu tiên của sự ảnh hưởng này. Và như vậy, trong lịch sử, tôn giáo luôn luôn đóng vai trò là một trong những sứ giả đi đầu trong những cuộc viếng thăm, tiếp xúc giao lưu văn hoá giữa các dân tộc” (19).

Đạo Công giáo cũng đóng góp cho Việt Nam trong việc truyền bá các thành tựu khoa học văn minh của nhân loại thông qua các nhà truyền giáo buổi đầu. GS Phan Huy Lê viết: “ Trong hàng ngũ giáo sĩ có những người chỉ hoạt động vì đức tin và cũng góp phần truyền bá một số thành tựu văn minh phương Tây vào Việt Nam. Nhà toán học và thiên văn học Jean Baptisle Sanna (ý), Sebatien Pices ( Bồ), Francoi de Lima ( Bồ), Joseph Neugebeaur ( Đức), nhà y học Sibert ( Tiệp), Chales salemenski ( Hung), Jean Koffler ( Tiệp), Jean de Lourerio ( Bồ)…là những giáo sĩ đã giúp chúa Nguyễn ở Đàng Trong” (20).

Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, GS Đỗ Quang Hưng cũng tán đồng nhận định của sử gia người Pháp Alain Forest: “ Xét cả trên phương diện kinh tế của vấn đề hiện đại hoá, những nhà truyền giáo phương Tây cũng đem lại những sự thay đổi về tổ chức kinh tế cho cộng đồng Kitô hữu: lối mua sắm đất đai, can dự vào việc phân chia giàu nghèo, lối làm ăn cho vay lấy lãi” (21). Điều này rất đúng với nước ta vì người Việt Nam trước đây vốn coi trọng nghề nông, xem thường buôn bán theo thang bậc “ sĩ, nông, công, thương”.

Mặc dù các cơ sở tôn giáo chưa được phép mở các trường phổ thông, đại học nhưng những cơ sở mẫu giáo do các cơ sở tôn giáo đảm nhiệm cũng đã được xã hội ghi nhận. TS. Đinh Thị Xuân Trang viết: “ Rõ ràng hoạt động của các dòng tu đã góp phần khá quan trọng trong việc chủ trương xã hội hoá giáo dục, y tế…Đối với ngành học mầm non, nội dung và chất lượng nuôi dạy trẻ của các trường nuôi dạy trẻ do các dòng tu phụ trách hầu hết là đơn vị điển hình, chiếm 40 % các trường ngoài công lập” (22).

Là người có điều kiện đi nhiều nơi khắp đất nước Việt Nam, TS Nguyễn Quang Du- Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận Tổ quốc chia sẻ: “Đồng bào Công giáo ở bất kỳ nơi đâu trên đât nước Việt Nam, không kể thành thị hay nông thôn, miền đồng bằng ven biển hay miền núi cao, hải đảo đều đồng hành cùng hoà mình yêu thương lẫn nhau, yêu Tổ quốc, yêu quê hương…Chính cách nghĩ, cách làm như vậy mà đồng bào Công giáo ngày càng có vị trí xứng đáng trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” (23).

Đương nhiên, nếu chỉ có đồng bào các tôn giáo nói chung hay Công giáo nói riêng thì cũng không thể xây dựng được xã hội này tiến lên mà đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Chẳng hạn vấn đề hội nhập văn hoá dân tộc như nhận xét của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng: “ Hội nhập văn hoá dân tộc không chỉ là công việc riêng của người Công giáo mà nó cần sự cổ vũ, khích lệ của phía ngoài Công giáo và từ phía cấp chính quyền. Người ngoài Công giáo không nên nhìn nhận theo lối cũ, coi những yếu tố văn hoá châu Âu Kitô giáo như những gì xa lạ với văn hoá truyền thống, mà ngược lại, như một sự bổ sung thêm, làm phong phú văn hoá truyền thống của dân tộc. Cơ sở của cách nhìn mới chính là truyền thống khoan dung, đoàn kết, tương nhân tương ái của dân tộc ta” (24).

Vâng, chúng ta ước mong có nhiều cái nhìn mới như vậy về tôn giáo cũng như Công giáo để đạo và đời hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn.

Chú thích:

1- Công nghệ giáo dục, Báo Văn nghệ số 38 ngày 9-9-1995

2,4- Tôn giáo là và văn hoá, Báo NCGVN Xuân Kỷ Tỵ 1989

3- Báo Thể thao văn hoá ngày 11-12-1998

5- Giá trị văn hoá của tôn giáo, Tạp chí Công tác tôn giáo số 3-2010, tr.21

6,10,12,13, 14,15- Những vấn đề tôn giáo hiện nay, Nxb KHXH 1994, tr63;144; tr.78; tr.61; tr.138; tr.119

7- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, Nxb Tôn giáo 2003,tr.76

8- Văn hoá đại cương và văn hoá VN, Nxb KHXH 1996, tr.123

9- Tôn giao trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở VN, Nxb KHXH 2004, tr.43

11- Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, Nxb KHXH 2001, tr.11

16- Trong cõi, Nxb Trăm hoa, úA 1991, tr.186-187

17- Việt Nam văn học sử yếu, Sài Gòn 1960, tr.180

18- Trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên số 26 ngày 26-1-2002

19- ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Vn hôm nay, Nxb CTQG 1997, tr.59

20- Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên chúa và lịch sử dân tộc VN, KHXH 1988, tr.19

21- Một số vấn đề về lịch sử đạo tiên chúa ở VN, Dại học Tổng hợp Hà Nội 1988, tr.62

22- Công giáo VN- một số vấn đề nghiên cứu, Nxb Từ điểnbách khoa 2008, tr.125

23- Nửa thế kỷ người Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, Nxb Tôn giáo 2005, tr.85-86

24- Từ Công đồng Vatican 2 đến Thư chung 1980, Nxb Tôn giáo 2005, tr.108.
 
Thông Báo
LỜI CÁM ƠN của Gia Đình Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Brisbane, Úc Châu
Jos. Vĩnh SA
08:03 15/04/2010
LỜI CÁM ƠN

Thật là một niềm an ủi lớn lao, vô biên cho gia đình chúng tôi, khi được rất đông đảo quí bà con và bạn hữu, quí họ hàng, thân thuộc xa gần, đã đến thăm viếng, tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn và Tiễn Biệt người thân yêu của gia đình chúng tôi là:

ÔNG CỐ GIUSE NGUYỄN VĂN VƯỢNG

Trên Hành Trình về Quê Trời


Thay mặt cho toàn gia đình, chúng con xin chân thành cảm tạ đến:

- Quí Đức Cha đang cai quản các Tổng Giáo Phận: Brisbane, Adelaide, Hà Nội và Toronto, Canada, Giáo Phận Thái Bình VN

- Quí Cha Đồng Tế Thánh Lễ Tạ Ơn và Tiễn Biệt, cùng Quí Cha, Quí Tu Sĩ nam Nữ Thân Hữu đang phục vụ và tu học tại các

quốc gia: Úc Châu, Pháp, Đức, Bỉ, Ba Lan, Malaysia, Phi Châu, Hoa Kỳ và VN

- Quí Hội Dòng và các Dòng Tu Nam Nữ: Phi Châu, Úc Châu, Italy, PNG và VN

- Lm. John Trần Công Nghị cùng Ban Giám Đốc và các Thông Tín Viên Vietcatholic Net Work

- Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB và Ban Biên Tập Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu

- Quí Vị Đại Diện HĐMV hai Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam –Nam Úc và Brisbane, Úc Châu

- Quí vị Đại Diện các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong và ngoài CĐCGVN – Nam Úc và Melbourne

- Quí ông bà, anh chị em và quí thân hữu xa gần, qúi bà con họ hàng Nội, Ngoại bên Hoa Kỳ, Việt Nam, Đức, Bỉ, Pháp, Canada,

Úc Châu.

- Qúi vị Đại diện các gia đình thông gia Việt Nam, Đức và Úc Châu.

Chúng con xin luôn ghi nhớ những nghĩa cử cao đẹp, tấm thiện tình của Quí Đức Cha, Đức Ông, Qúi Cha, Qúi Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả qúi vị đã gửi Emails, gọi Điện Thoại, đăng báo Phân ưu, đặt vòng hoa kính viếng. Quí ân nhân đã tặng nhiều thực phẩm và vải tang, cùng các bạn hữu đã ân cần, tận tình giúp đỡ gia đình rất nhiều công việc, mà tang gia chúng tôi không thể chu toàn được trong những ngày bận rộn về tang lễ. Nhất là những ý chỉ hiệp thông xin lễ và cầu nguyện mà quí vị đã dành cho Ông Cố Giuse Nguyễn Văn Vượng suốt thời gian còn trên giường bệnh cũng như trong Thánh Lễ Tạ Ơn và Tiễn Biệt vừa qua.

Xin Thiên Chúa chúc lành và trả công vô cùng bội hậu cho tất cả quí vị.

Và xin quí vị tiếp tục thêm lời cầu nguyện cho Linh Hồn Ông Cố Giuse sớm được về hưởng vinh phúc trên Thiên Đàng.

Trong lúc tang gia bối rối có điều chi sơ xuất. Kính xin Qúi vị niệm tình tha thứ.

Thay mặt cho toàn thể gia đình

Xin chân thành cảm tạ tất cả Quí Vị

BÀ CỐ NGUYỄN VĂN VƯỢNG

Nhũ Danh MARIA NGUYỄN THỊ LIỄU

cùng Chị và các Em, các Con, các Cháu, các Chắt



Linh Mục Giuse NGUYỄN THANH LIÊM (Brisbane, QLD, Úc Châu)

Joseph NGUYỄN VĨNH (Vietcatholic Net Work Australia)

Nữ tu Cecilia NGUYỄN THỊ THANH THỦY
(Tanzania, Phi Chau)


Lời Cám Ơn trên Các trang Web Bạn:

http://namlo.conggiao.net/jl/tin1/tin-cmphuu/281-thankyoucv.html

http://canhthep.com/modules.php?op=modload&name=Forum&file=view&bn=70a_camta&key=1271377641
 
Văn Hóa
Ra Khơi
Ngô Xuân Tịnh
17:38 15/04/2010
Ra khơi

Đời
bài thơ đang tới
nóng hổi bồi hồi
Đời
bài ca đang soạn
vượt thắng gian nan
tràn đầy hân hoan
Đời
con thuyền giáo hội
lướt sóng ra khơi.
Con thuyền giữa biển khơi
không gian chật chội
không phải dùng để giải trí
nhưng dùng để thi hành mệnh lệnh Chuá kitô
không quản ngại nguy khó
tìm độ sâu thả lưới.
Không gian chật mọi người gần nhau hơn
tình yêu thông cảm dễ dàng hơn
nếu ta biết dùng cặp mắt đức tin
sống yêu thương nhường nhịn
và ý thức môi trường nguy hiểm trên biển.
Mọi người cần cảnh giác kỷ luật hơn lên
vì con thuyền đang hoạt động
trên biển khơi mênh mông
và nhiều lúc đầy sóng gió.
Người hoa tiêu phải có trách nhiệm
đủ tài đức với một niềm
tin, lý tưởng hăng say phục vụ
để điều khiển đoàn thủy thủ
cho đến ngày cập bến bình an
khoang thuyền cá ắp đầy tràn.
Đây thời gian Đức Giáo hoàng
Gioan Phaolô đệ nhị
đã phát đi lời mời gọi tha thiết:
Tất cả lên thuyền giáo hội
để ra khơi
để truyền giáo giữa đất trời rộng mở.
Mỗi cộng đoàn nhỏ to
đều là một con thuyền
nhắm mục tiêu thực hiện.
Chúng ta dâng lời khấn nguyện
Chuá Thánh Thần trung kiên
hướng dẫn giáo hội
trong sứ vụ rất đỗi nặng nề nhưng vinh quang
Mẹ Maria là ngọn hải đăng ngời sáng
dẫn đưa giáo hội trong sứ vụ được giao
Hồng ân Chuá Mẹ dạt dào
Tin mừng cứu rỗi truyền rao những vùng
Á châu đồng lúa mênh mông
Mọi người hạnh phúc sống cùng đức tin
Giêsu cứu Chuá phục sinh
Vương triều Người sẽ hiển vinh muôn đời

 
Thắc Mắc Điện Toán
Kỷ niệm 50 năm thánh ca Kinh Hoà Bình của LM Kim Long
Maria Vũ Loan
15:18 15/04/2010
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tặng Vật Tình Yêu - Love's Gift
Lm. Trần Cao Tường
09:55 15/04/2010

TẶNG VẬT TÌNH YÊU - Love's Gift



Ảnh của Cao Tường


Vì tặng vật tình yêu để lại thường bẽn lẽn thẹn thùng, chẳng bao giờ chịu nói tên mình. Âm thầm lướt qua bóng mát tặng vật rắc gieo nguồn vui khôn tả. Hãy cầm lấy kẻo mãi mãi tay không. Nhưng đừng quên, tặng vật trao tay chỉ là cánh hoa mong manh, ngọn đèn leo lét.

(Tagore, Tặng Vật Tình Yêu #2)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tình Yêu
Dominic Đức Nguyễn
22:09 15/04/2010

TÌNH YÊU



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Nếu phải sống trăm năm

Giữa biển đời bão tố

Xin đựoc làm tù nhân

Của tình yêu muôn thuở....

(Trích thơ của Diệp Minh Tuyền)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền