Ngày 16-04-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Giá trị của một cái chết
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:07 16/04/2019
SUY NIỆM TUẦN THÁNH

Nói đến thánh giá, chúng ta hay nghĩ rằng, thánh giá chính là cây gỗ đã từng treo Chúa trên đồi Calvariô. Hiểu như thế là đúng, nhưng chưa đủ. Tuân phục thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô chấp nhận cây thập giá đau thương bằng cả một hành trình của chính sự sống mình. Bởi vậy, ta có thể nói, Chúa Kitô vác thập giá suốt cả cuộc đời dương thế của Người. Chặng đường đau khổ để đi vào tử nạn chỉ là đỉnh điểm của cây thập giá cuộc đời của Người mà thôi.

Nhìn vào thập giá Chúa Kitô, người ta tự hỏi: Điều gì đã làm cho cái chết của Chúa Kitô có sức tẩy xóa tội lỗi loài người?

Khi phạm tội, dù là bất cứ tội nào, dưới bất cứ hình thức nào, tội của loài người luôn luôn quy về một thứ tội kinh khủng nhất: chống đối chính Thiên Chúa. Chống lại Chúa của mình, loài người cũng chính là kẻ kiêu ngạo. Hành vi tội ác ấy là hành vi Thiên Chúa cấm. Nhưng Ađam ngày xưa đã khai màu cho tội bằng hành vi chống đối và kiêu ngạo ấy. Từ đó, dòng dõi Ađam, một khi phạm tội, đều rập khuôn tội Ađam.

Một điều rất đỗi lạ lùng là, trái ngược hoàn toàn tội ác của loài người, lại được diễn ra nơi cái chết của Chúa Kitô, đó là Thiên Chúa không hề oán hận loài người, lại một lòng yêu thương rất mực.

Chúa Kitô chết để minh chứng đến cực độ tình yêu mến hiến thân của Người (trái ngược hẳn lòng kiêu căng của Ađam) và sự tuân phục hoàn toàn theo thánh ý Thiên Chúa (điều mà Ađam không có được). Như vậy nhân đức của Chúa Kitô đã tẩy xóa tội ác. Lòng yêu mến và tuân phục của Ađam mới đến bù sự kiêu ngạo và bất tuân của Ađam cũ.

Đặc biệt, thánh Gioan và thánh Phaolô đã có câu trả lời hòng thỏa mãn câu hỏi: Điều gì đã làm cho cái chết của Chúa Kitô có sức tẩy xóa tội lỗi loài người? Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Lòng yêu thương đó lớn đến nỗi, Thiên Chúa chấp nhận hy sinh Người Con Một của mình: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà ta được sống” (1Ga 4, 9).

Bên cạnh tình yêu của Thiên Chúa Cha, còn là chính tình yêu của Chúa Kitô dành cho trần gian: “Như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Eph 5, 2).

Lòng vâng phục trong sự tự hủy chính mình đền tội thay cho trần gian của Chúa Kitô cũng được Tân Ước xem như giá trị cứu độ. Thánh Phaolô khẳng định rằng, sự bất tuân của Ađam đã làm cho chúng ta trở thành những người tội lỗi, đã được thay thế bằng sự tuân phục của Chúa Kitô, Ađam mới, khiến chúng ta nên công chính: “Vì một người duy nhất không vâng phục Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5, 19).

Trong sự vâng phục từ bỏ chính mình, Chúa Kitô cũng cho ta thấy lòng khiêm hạ thẳm sâu của Người: “Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2, 8).

Thánh Gioan cũng cho ta thấy sức mạnh cứu độ, và chiến thắng satan của lòng vâng phục và yêu thương của Chúa Kitô: “Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy! Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14, 30-31).

Như vậy, với cái nhìn cứu độ, cái chết của Chúa Kitô không là sự thất bại. Ngược lại, bởi tình yêu, bởi lòng vâng phục, cái chết của Người là sự chiến thắng lớn. Người đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng lòng kiêu ngạo, chiến thắng sự bất tuân của loài người. Người chiến thắng chính kẻ là đầu mối của tội lỗi, của sự chết: ma quỷ.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:50 16/04/2019
141. Nếu chúng ta theo đuổi tất cả các đức hạnh tốt đẹp, thì chúng ta sẽ ở trong đất của những người lương thiện đó là trên thiên đàng, là tìm được nơi ở của chúng ta. (Thánh Antonius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:52 16/04/2019
89. CON TẰM SỐNG

Có một thầy thuốc nhưng không hiểu một chút gì về thuốc. Một ngày nọ, đột nhiên có người đến mua thuốc, ông ta mở hòm đựng thuốc ra thì thấy có rất nhiều con mọt, người ấy hỏi:

- “Đây là những thứ gì ?”

Thầy thuốc đáp:

- “Là con tằm đó.”

- “Nếu là con tằm, sao lại là tằm sống?”


Thầy thuốc trả lời:

- “Bởi vì nó ăn thuốc của tôi !”

(Tiếu phủ)

Suy tư 89:

Thời nay cũng có nhiều người mang tiếng là thầy thuốc nhưng không biết bốc thuốc, người ta gọi là thầy thuốc dỏm.

Khi có bệnh thì người ta thường hay tìm đến thầy thuốc hay giỏi để chữa bệnh, người ta đem mạng sống của mình giao cho thầy thuốc, đó là một vinh dự cho người làm thầy thuốc vậy.

Bệnh phần xác cần thầy thuốc giỏi thì bệnh phần hồn càng cần thầy thuốc giỏi hơn, bởi vì xác mà chết thì còn hồn cứu lại được, nhưng nếu hồn chết mà xác sống thì cũng vô ích mà thôi. Cho nên không cần phải nói hay phải nhắc nhở thì ai cũng biết các thầy thuốc lo bệnh linh hồn là các linh mục vẫn luôn luôn là những thầy thuốc giỏi đáng tin cậy, bởi vì thuốc mà các ngài dùng để chữa lành bệnh nhân chính là Thánh Thể và kinh Mân Côi, bởi vì khi các ngài thi hành sứ vụ thầy thuốc mục tử của mình thì chính là Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a làm nơi các ngài vậy.

Linh mục mà không chăm lo cầu nguyện, trể nãi đọc thần vụ, không lần chuổi Mân Côi, không siêng năng viếng Thánh Thể, không tích cực làm mục vụ như: ngồi tòa, đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, không thăm viếng giáo dân, thì chẳng khác chi thầy thuốc mà không biết bốc thuốc vậy !

Khốn khổ lắm thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Tư Tuần Thánh (C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:56 16/04/2019
THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Lời Chúa: I-sai-a 50, 4-9a

“Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.”


Bạn thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, kẻ phản bội là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã bị ma quỷ dẫn dắt, để đi đến quyết định đem bán thầy mình là Đức Chúa Giê-su cho các thượng tế với giá ba mươi đồng bạc. Và kể từ lúc ấy, Đức Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ Chúa -như tiên tri I-sai-a đã loan báo- chịu bao thứ cực hình vì tội lỗi của nhân loại, của bạn và của tôi.

Bài ca Người Tôi Tớ Chúa đã được tiên tri I-sai-a loan báo như một bản án dành cho nhân loại, hay nói đúng hơn dành cho những ai chối từ ơn cứu độ đến từ Người Tôi Tớ này, đó chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, người tôi tớ trung thành và khiêm tốn của Chúa Cha, Đấng đã vâng phục tuyệt đối và đã yêu thương đến cùng khi hoàn toàn tự dâng hiến mạng sống của mình trên thập tự giá, để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Khi đồng ý bán Đức Chúa Giê-su với giá ba mươi đồng bạc cho các thượng tế và biệt phái, Giu-đa Ít-ca-ri-ốt cũng đã bán linh hồn mình cho ma quỷ và cho các thế lực tội lỗi, chắc chắn không phải ba mươi đồng bạc, nhưng là con số không, (bởi vì sau đó anh ta đã thắt cổ mà chết (Mt 27, 3-5), và đêm tối cũng đồng lõa với hành vi sát nhân và bội phản, thế là Giu-đa bỏ bàn tiệc ra đi thực hiện âm mưu mờ ám tội lỗi của mình.

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã chia sẻ tấm bánh với Giu-đa để nhắc nhở cho ông ta biết là Ngài rất yêu quý ông, và cũng để cho ông ta có cơ hội thay đổi ý tưởng mờ ám của mình, nhưng quỷ dữ đã xâm nhập vào tâm hồn của Giu-đa, quỷ tham tiền đã chiếm cõi lòng của Giu-đa, thế là ông ta trở thành kẻ phản bội và bán thầy mình.

Đã nhiều lần trong cuộc sống Đức Chúa Giê-su cũng đã nhắc nhỡ chúng ta, cảnh tỉnh chúng ta đừng sống trong tội nữa, hãy đứng dậy và tiến bước trong ân sủng của Chúa, hãy trở thành môn đệ trung tín của Ngài. Nhưng bạn và tôi dù có tai mà cũng như điếc, có mắt mà như đui, bởi vì tiền tài, danh vọng và xác thịt đã chiếm tâm hồn của chúng ta, để rồi có rất nhiều lần chúng ta đã trở thành một Giu-đa thứ hai phản bội và bán Chúa của mình ba mươi đồng bạc...

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Thể, Thiên Chức Linh Mục Và Giới Luật Yêu Thương
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:00 16/04/2019
Thánh Thể, Thiên Chức Linh Mục Và Giới Luật Yêu Thương

THÁNH LỄ TIỆC LY

(Ga 13, 1-15)

Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước Đêm Hấp Hối trong Vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự Hiện Diện Thực Sự của Người giữa chúng ta. Đây là Thánh lễ sau cùng được cử hành trước Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bẩy Tuần Thánh. Vì là Lễ sau hết nên lúc hát Kinh Vinh Danh, các chuông nhà thờ reo lên, và sẽ chỉ reo lại vào đúng lúc hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục Sinh. Sau Thánh lễ chiều nay, các khăn bàn thờ đều được lột sạch, các chân nến và thánh giá được cất đi, người ta không còn trưng hoa nữa để loan báo ngày đại tang của Giáo hội và cũng ngụ ý nói rằng, Giáo hội không cử hành lễ nào nữa cho đến ngày Chúa Kitô sống lại.

Xem Video

Cử hành Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô là mục đích của Tam Nhật Vượt Qua. "Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại; chính Người giải thoát và cứu độ ta" ( Ca nhập lễ ).

"Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1-2). Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ, thì Người đã yêu họ đến cùng một cách kinh ngạc. Thật không có hành động nào khác để diễn tả yêu thương cho bằng tình yêu. Cũng như các môn đệ, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối đời của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ, Chúa thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu.

“Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy cầm lấy mà uống, chén này là Tân ước trong Máu Ta” (1 Cr 11, 24-25). Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Ngài đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.

Thiết lập Bí tích Thánh Thể xong, Chúa Giêsu cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúa nói với các Tông Đồ hiện diện: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19; 1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì yêu.

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, một lần nữa, Người mời gọi chúng ta: “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Người thiết lập một sự liên kết thân mật giữa Bí tích Thánh Thể, Bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm: Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục - không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó gắn chặt, liên kết với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh, trở nên một thì chúng ta không còn tách biệt được nữa.

Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng nói “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).

Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Người kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Người, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.

Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.

Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.

Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thi ca suy niệm tuần lễ Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
18:01 16/04/2019
Chúa Nhật PHỤC SINH. C
(Ga 20: 1-9)
MỒ TRỐNG


Yêu thương chan chứa đong đầy,
Ma-ry thức giấc, nhớ Thầy mồ chôn.
Tinh sương sáng sớm dủ hồn,
Vội vàng cất bước, kính tôn xác Thầy.
Ai lăn tảng đá khỏi đây,
Mồ không trống rỗng, xác Thầy đi đâu.
Trở về loan báo tin sầu,
Phê-rô vội chạy, ngó đầu vào xem.
Chỉ còn khăn liệm bên hèm,
Dây băng vải cuốn, ai đem góc mồ.
Gio-an yêu dấu tông đồ,
Ngó nhìn vào mộ, không vô, hiểu rằng,
Ông tin sống lại vĩnh hằng,
Là Con Thiên Chúa, thiên thăng cõi trời.
Trải qua sự chết phận người,
Phục sinh vinh hiển, cao vời Chúa Con.
Hy sinh tận hiến sắt son,
Cứu nhân độ thế, chính Con Chúa Trời.
Niềm vui hy vọng tuyệt vời,
Cho ai tin tưởng, Ngôi Lời Phục Sinh.

Mùa Xuân khí trời ấm áp, mầm xanh đã đâm chồi nẩy lộc. Cảnh vật thiên nhiên như hoà chung niềm vui sau những ngày tháng lạnh lẽo của tuyết Đông. Mừng Lễ Chúa Giêsu Phục Sinh đã đem lại niềm vui và hy vọng cho mọi người. Gặp nhau ai cũng hớn hở chào chúc nhau: Happy Easter, Mừng Chúa Phục Sinh. Alleluia !

Không phải hôm qua hay hôm nay Chúa mới sống lại. Lịch sử ơn cứu độ đã bắt đầu và đang hoàn tất. Sự kiện Chúa Giêsu phục sinh đã đem lại niềm tin yêu hy vọng. Bà Maria Madalêna đi ra mồ Chúa từ sáng sớm mong được nhìn lại xác Chúa. Ngạc nhiên vì tảng đá đã lăn ra khỏi mồ và Chúa đã sống lại ra khỏi mồ. Sự nghi ngờ và buồn đau trở thành niềm vui và hy vọng. Các Tông đồ cũng hớn hở chạy ra xem. Đúng thật Chúa không còn nơi mồ của kẻ chết. Chúa đã sống lại thật rồi. Mồ đã trống.

Niềm hy vọng nơi Chúa sống lại đã làm thay đổi tất cả. Các Tông đồ không còn là những người chài lưới quê mùa thất học, mà họ trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng. Họ không còn sợ đau khổ hay sợ chết. Niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh là tất cả sự sống của họ. Hy vọng của sự sống lại đã thôi thúc họ lên đường mang tin vui cho mọi người.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận là một nhân chứng hùng hồn cho niềm hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh. Với những tia hy vọng khi sống trong ngục tù, ngài đã viết những bài suy niệm về Con Đường Hy Vọng. Với niềm hy vọng đã dẫn dắt nhiều người chung quanh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Ngài cũng đã đi từ những khổ đau, tù tội, biệt giam để rồi sau mười ba năm tù, ngài vẫn là niềm hy vọng cho nhiều người.

Chúa Kitô Phục Sinh là tia hy vọng của sự sống mai sau. Ánh sáng của cây nến Phục Sinh đã dọi chiếu vào bóng tối của sự chết. Sự chết không còn làm chủ được thân phận con người nữa. Sự sống lại của Chúa Kitô đã trở nên nguồn hy vọng tuyệt đối. Chúng ta đã lãnh nhận ánh sáng phục sinh. Chúng ta đem ánh sáng của Chúa chiếu toả trong mọi nẻo đường chúng ta đi. Để niềm hy vọng của chúng ta luôn sáng ngời.

Mẹ Têrêxa nói rằng chỉ có niềm hy vọng đem lại nguồn ủi an và băng bó những tâm hồn sầu khổ. Mẹ đã dâng hiến trọn đời phục vụ những kẻ cùng khốn nhất trong xã hội. Mẹ chỉ có một niềm hy vọng duy nhất là ở nơi Chúa Kitô Phục Sinh. Alleluia.

THỨ HAI, TUẦN 1 PHỤC SINH
(Mt 28, 8-15).
ĐỪNG SỢ


Mấy bà vội vã ra đi,
Vui mừng loan báo, những gì xảy ra.
Giê-su đón gặp các bà,
Ôm chân phục lạy, Chúa ta sống còn.
Báo tin môn đệ héo hon,
Trở về xứ sở, đường mòn đã qua.
Ga-li-lê chốn phương xa,
Thầy trò sẽ gặp, ngợi ca Chúa Trời.
Lính canh Thượng tế xu thời,
Nhận tiền hối lộ, nói lời dối gian.
Nhóm người Kỳ lão hỏi han,
Tin lành dấu nhẹm, khai man chính quyền.
Nói rằng trộm xác y nguyên,
Loan tin khắp cả, tương truyền hôm nay.
Chúa đã sống lại ai hay,
Hiện ra minh chứng, thân này Phục sinh.

THỨ BA, TUẦN 1 PHỤC SINH
(Ga 20, 11-18).
RABBONI


Ma-ri-a đứng gần mồ,
Đau buồn than khóc, ngó vô kiếm tìm.
Thiên thần áo trắng ngồi im,
Đầu, chân mỗi phía, lắng chìm ngất ngây.
Tại sao bà khóc nơi đây?
Thưa rằng ai trộm xác Thầy đi đâu.
Giê-su đứng đó hồi lâu,
Bà không nhận biết, mặc dầu Chúa đây.
Tìm ai? Chúa hỏi, bà này,
Xin cho tôi biết, đặt Thầy nơi nao?
Giê-su khẽ nhắc lời chào,
Ô Ma-ri-á, tiếng sao dịu dàng.
Rab-bo-ni, lạy thánh nhan,
Hãy đi loan báo, mọi làng hân hoan.
Chúa nay thực đã khải hoàn,
Chết đi sống lại, hoàn toàn phục sinh.

THỨ TƯ, TUẦN 1 PHỤC SINH
(Lc 24, 13-35).
EMMAUS


Có hai môn đệ về làng,
Em-maus tiến bước, dẫn đàng sầu đau.
Truyện trò gợi nhớ trước sau,
Giê-su tiến lại, cùng nhau đồng hành.
Mắt họ che phủ mong manh,
Tai sao buồn bã, tan tành trí tâm.
Hòa mình khách lạ quan tâm,
Ông không hay biết, việc lầm đã qua.
Các thầy trưởng tế mở tòa,
Hùa nhau kết án, mù lòa dối gian.
Tử hình thập giá gian nan,
Tiên tri quyền lực, trao ban chữa lành.
Mấy người phụ nữ báo nhanh,
Loan tin sống lại, xuất hành đó đây.
Bàn ăn cầm bánh trong tay,
Tạ ơn Thiên Chúa, mắt rầy sáng ra.

THỨ NĂM, TUẦN 1 PHỤC SINH
(Lc 24, 35-48).
THẦY ĐÂY


Khi Thầy bẻ bánh trao ban,
Hai ông nhận biết, xóa tan nỗi sầu.
Trở về loan báo phép mầu,
Giê-su đứng giữa, khởi đầu chúc an.
Các con đừng sợ gian nan,
Mọi người bối rối, mê man không ngờ.
Tưởng rằng ma quái vật vờ,
Thầy đây xương thịt, hãy sờ chân tay.
Vui mừng bỡ ngỡ lạ thay,
Chúa ta sống lại, thân này thực hư.
Ăn phần cá nướng còn dư,
Trao cho môn đệ, giống như mọi lần.
Chúa thương giải thích ân cần,
Hiểu lời Kinh Thánh, góp phần chứng minh.
Khổ đau hiến tế thân mình,
Ba ngày sống lại, phục sinh khải hoàn.

THỨ SÁU, TUẦN 1 PHỤC SINH
(Ga 21, 1-14).
THẢ LƯỚI


Tông đồ đánh cá thâu đêm,
Uổng công canh thức, chẳng thêm mẻ nào.
Rạng đông Chúa đến hỏi sao,
Các con dự tính, đãi khao món gì?
Đồng thanh đáp, chẳng có chi.
Chúa truyền thả lưới, hạ chì xuống sâu.
Lưới đầy nặng trĩu một bầu,
Cá to cá nhỏ, ghe tầu đầy vơi.
Phê-rô nghe biết Ngôi Lời,
Vội vàng khoác áo, nhảy bơi vào bờ.
Tông đồ phụ giúp chẳng ngờ,
Lửa than sắp sẵn, chực chờ nướng trui.
Thầy trò gặp mặt mừng vui,
Chia nhau mẩu bánh, tới lui xum vầy.
Tin yêu xác tín là Thầy,
Ba lần hiện đến, đong đầy niềm vui.

THỨ BẢY, TUẦN 1 PHỤC SINH
(Mc 16, 9-15).
LOAN TIN


Hôm nay sáng sớm trong tuần,
Giê-su hiện đến, khơi nguồn tin yêu.
Ma-ry diễm phúc yêu kiều,
Chúa thương nhắn gởi, đôi điều truyền rao.
Loan tin sống lại khai mào,
Tâm hồn xao xuyến, khát khao gọi mời.
Tông đồ môn đệ buông lơi,
Đức tin non yếu, Thầy ơi độ trì.
Chúa thường khiển trách hoài nghi,
Nghi ngờ hạch hỏi, đôi khi cứng lòng.
Thỏa điều nguyện ước cầu mong,
Chỉ cho xem thấy, vết trong thân mình.
Niềm tin phó thác hy sinh,
Truyền rao chân lý, phục sinh sống đời.
Nhiệm mầu sự sống cao vời,
Tin mừng rao giảng, mọi thời mọi nơi.
 
Suy niệm thứ Sáu Tuần Thánh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:32 16/04/2019
Nhìn Ngắm Thánh Giá Khám Phá Tình Yêu

(Ga 18,1-19,42)

Hôm nay, Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn lên Thánh Giá nơi treo Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá với tất cả tình yêu. Bởi theo thánh Ambrosiô, lúc Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà thế nào, thì lúc Chúa Giêsu chết nằm trên Thánh Giá, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu như vậy, và Giáo hội tưởng nhớ đến tình yêu dâng trào ấy.

Câu chuyện tình yêu

Giảng trong Thánh lễ sáng thứ ba ngày 15/03/2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói : "Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết".

Xem Video

Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi phải mang trên mình những đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa được Isaia mô tả : "Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.

Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta" (Is 53, 2-6).

Người ta nói rằng : nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản Kinh Thánh, và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được, và nếu dòng đó là thư thứ nhất của thánh Gioan viết "Thiên Chúa là Tình Yêu ", thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó. Mầu Nhiệm Thập Giá mà chúng ta cử hành là bằng chứng. Vì thế, khi suy tôn Thánh giá Chúa, kính nhớ Chúa chịu chết, chúng ta cảm nhận được sự thật rằng : "Thiên Chúa là Tình Yêu".

Thờ lạy Thánh Giá Chúa

Phần tiếp theo của nghi thức chiều nay là thờ lạy Thánh Giá, tiến xướng chúng ta hát : Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa… vì nhờ gỗ này mà cả vũ trụ được hân hoan. Tại sao vậy ?

Thưa, Thánh Giá không phải là đồ trang sức, không phải là một công trình nghệ thuật được đính nhiều đá quý và kim cương lấp lánh. Nhưng như chúng ta thấy, Thánh Giá là mầu nhiệm tự hủy của Thiên Chúa vì yêu thương. Đây chính là câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta. Đây cũng là chuyện tình của Thiên Chúa.

Với khí giới của riêng mình là cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng cách diệu kỳ. Nếu như đã có một người nữ tên là Evà bị thất bại trước khí cụ của con rắn xưa là cây trái cấm, đem sự chết vào thế gian, Ađam phải chết. Thì nay, Đức Maria, thay thế Evà, cũng với cây sự sống, cây biết lành biết dữ làm gỗ giá treo Chúa Giêsu lên, Người đã đánh bại tử thần, sống lại hiển vinh, cứu con cháu Ađam khỏi chết. Ma quỷ đã bị đánh bại bởi cùng một phương tiện mà nó đã chiến thắng. Ma quỉ đã dùng cây để quật ngã Adam, Chúa Giêsu Kitô đã dùng cây Thánh Giá để đánh bại Nó. Cây trái cấm đã ném con người vào vực thẳm, nay gỗ Thánh Giá kéo con người lên. Cây trái cấm đã làm cho con người mất đi tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa, tống con người vào ngục ; nay gỗ Thánh Giá tước lấy vũ khí của ma quỉ đã chiến thắng con người, giúp con người vượt qua trần thế. Cái chết của Adam đã kéo theo con cháu mình là kẻ sinh sau ông ; sự chết của Chúa Giêsu Kitô mang lại sự sống cho những kẻ sinh ra trước Người. Quả làm một tuyệt phẩm về tình yêu giữa Thiên Chúa với nhân loại từ cây Thánh Giá.

Thánh Giá là cờ vua cả toàn thắng đã cứu chúng ta cho khỏi tay ma quỉ, là vũ khí chông lại tội lỗi, là thanh gươm sắc bén Chúa Giêsu dùng để chiến thắng con rắn xưa. Thánh Giá là ý Chúa Cha, là vinh quang của Chúa Con độc nhất, là chiến thắng của Thánh Thần Thiên Chúa, là niềm vinh dự của các thiên thần, là sự an toàn của Giáo hội, là bức tường thành của các vị thánh, niềm tự hào của thánh Phaolô, là ánh sáng chiếu soi trên toàn thế giới. Từ đây, "sự chết đã bị vùi trong toàn thắng. Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu?" (1Cr 15, 54-55).

Thế giới khi nhìn xem Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, rùng mình, trời đất động địa, đã vỡ ra ; nhưng trái tim của những người Do Thái, cứng hơn đá vẫn không động đậy. Các màn trong đền thờ bị xé ra; nhưng các âm mưu phạm tội vẫn không bị phá vỡ. Tại sao màn che bị xé ? Phải chăng đền thờ đau đớn khi chứng kiến cảnh Thiên Chúa bị giết bên ngoài trên bàn thờ Thập Giá; và khăn che trong đền thờ xé ra như muốn nói với mọi người rằng: sẽ có nhiều đền thờ trở nên hoang vắng và bị bỏ rơi. Chúng ta hãy học để chiến thắng mà không phải chiến đấu, không phải dàn trận, vũ khí không dính máu, chúng ta không bị thương vong nhưng lại giành chiến thắng : Thiên Chúa chiến đấu, còn vương niệm chiến thắng chúng ta nhận.

Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa. Xin Chúa cho chúng con khi nhìn ngắm Thánh Giá Chúa, biết khám phá ra rằng, Thiên Chúa đã chết chỉ vì yêu, để chúng con biết yêu thương nhau hầu chứng tỏ rằng chúng con yêu Chúa, vì đó là cốt lõi của Đạo Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lần đầu tiên, Pháp sẽ có một nữ Đại sứ cạnh Tòa Thánh.
Đặng Tự Do
00:40 16/04/2019
Nhà ngoại giao được chọn vào vị trí này là bà Elizabeth Beton-Delegue, tín hữu Công Giáo 64 tuổi, theo một nghị định bổ nhiệm, ký ngày 10 tháng 4 và được công bố một ngày sau đó.

Chức vụ Đại sứ cạnh Tòa Thánh của Pháp đã bị bỏ trống trong 9 tháng qua theo sau việc nghỉ hưu của Đại sứ, Philippe Zeller, hồi tháng 7 năm ngoái, sau một năm giữ chức vụ này. Trong thời gian chờ đợi, Tham tán (Chargé d'affaires) Yves Teyssier d’Orfeuil đã phụ trách các công việc của Tòa Đại Sứ.

Nhà ngoại giao Công Giáo 64 tuổi này từng làm đại sứ tại Haiti (2015-2018), Mễ Tây Cơ (2012-2014), Giám đốc Mỹ Châu và Vùng Caribiê tại Bộ Ngoại giao Pháp (2008-2012), và Đại sứ Pháp tại Chí Lợi (2005-2008).

Beton-Delegue cũng từng phục vụ tại Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tòa Thánh và Pháp đã trải qua căng thẳng ngoại giao vào năm 2015. Chính phủ Pháp đã nhất quyết không đề cử một đại sứ mới cạnh Tòa Thánh, sau khi Vatican từ chối chấp nhận việc đề cử tân đại sứ Laurent Stefanini.

Tháng Giêng 2015, chính phủ Pháp cử Stefanini làm đại sứ cạnh Tòa Thánh. Tuy nhiên, Vatican đã không chính thức hồi đáp chấp nhận hay không chấp nhận. Sau nhiều tuần sự im lặng đó hiển nhiên có nghĩa là Tòa Thánh đã không chấp nhận sự đề cử này. Theo thông lệ ngoại giao, một nước không nhất thiết phải chấp nhận một tân đại sứ, và không cần có lời giải thích tại sao. Tuy nhiên, nước Pháp không chịu rút lại việc đề cử Stefanini.

Các phương tiện truyền thông ở Pháp cho rằng Tòa Thánh đã không chấp thuận sự đề cử này vì Stefanini là người đồng tính và cho rằng Stetanini chưa bao giờ xác định mình là người đồng tính, cũng chẳng bao giờ ông xuất hiện trước công chúng với một đối tác. Các báo cáo cho rằng ông người đồng tính dường như đã được công bố bởi những kẻ thù chính trị của ông này ở Pháp.

Để làm sáng tỏ vấn đề, trong một động thái rất bất thường, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp riêng Stefanini hồi tháng Tư, 2015. Sau cuộc gặp gỡ này các quan chức ngoại giao Tòa Thánh tiếp tục thảo luận với chính phủ Pháp trong một nỗ lực nhằm chấm dứt bế tắc.

Dù không có công bố chính thức của Tòa Thánh, kết quả cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Stefanini đã nói lên sự thật về những lời đồn đoán về ông Stefanini.

Tuy nhiên, tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố rằng chính phủ của ông nhất quyết không đề cử một đại sứ khác. Tình hình căng thẳng chấm dứt hôm 6 tháng Tư, 2016 khi Francois Hollande cử Stefanini làm Đại Sứ tại Unesco.

Sau 14 tháng căng thẳng, Pháp đề cử ông Philippe Zeller làm Đại Sứ cạnh Tòa Thánh hôm 10 tháng Năm, 2016.


Source:Zenit
 
Điện văn của Đức Thánh Cha gửi đến Đức Tổng Giám Mục Paris về vụ hỏa hoạn tại Notre-Dame de Paris
Đặng Tự Do
06:58 16/04/2019
Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với người dân Pháp sau vụ hỏa hoạn tại nhà thờ chính tòa Notre-Dame de Paris

Hôm thứ Ba 16 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ tình hiệp nhất với người dân Pháp sau một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Ngài khuyến khích họ xây dựng lại nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris, một “viên ngọc quý của kiến trúc” và một “chứng tá của đức tin.”

Toàn văn bức điện của Đức Thánh Cha gửi đến Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris, đề ngày 16 tháng Tư, 2019, như sau:


Sau trận hỏa hoạn tàn phá một phần lớn nhà thờ chính tòa Đức Bà, tôi hiệp trong nỗi đau buồn của Đức Cha, cũng như của các tín hữu trong giáo phận của Đức Cha, của những cư dân thành Paris và mọi người dân Pháp. Trong những Ngày Thánh Thiêng này, khi chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cái chết và sự Phục sinh của Ngài, tôi bày tỏ với Đức Cha sự gần gũi tinh thần và lời cầu nguyện của tôi.

Thảm họa này đã gây thiệt hại nặng nề cho một tòa nhà lịch sử. Nhưng tôi ý thức rằng nó cũng làm thương tổn một biểu tượng quốc gia thân thiết với người dân Paris và người Pháp, thuộc các niềm tin khác nhau, vì nhà thờ Đức Bà là một viên ngọc quý về mặt kiến trúc thuộc ký ức của tập thể, là nơi tụ họp cho nhiều biến cố lớn, là chứng tá đức tin và lời cầu nguyện của các tín hữu Công Giáo tại thành phố này.

Tôi ca ngợi lòng can đảm và công việc của các lính cứu hỏa đã can thiệp để giới hạn vụ hỏa hoạn, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng, nhờ công trình tái thiết và sự huy động tất cả mọi người, nhà thờ chính tòa Đức Bà này có thể tái trở thành bảo vật đẹp đẽ giữa lòng thành phố, dấu chỉ đức tin của những người xây dựng, nhà thờ mẹ của giáo phận Đức Cha, và là gia sản kiến trúc và tinh thần của Paris, của nước Pháp và của nhân loại.

Với niềm hy vọng này, tôi ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho Đức Cha, và cho các Giám Mục Pháp, cũng như các tín hữu trong giáo phận Đức Cha và tôi khẩn cầu phước lành của Thiên Chúa trên cư dân Paris và mọi người dân Pháp.


Source:Holy See Press Office
 
Cháy nhà thờ Đức Bà Paris : “Chứng kiến và Tin”
Lm. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm
08:23 16/04/2019
Cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris: “Chứng Kiến Và Tin”

Thứ Ba Tuần Thánh, 16.04.2019

Tuần Thánh bắt đầu bằng Chúa Nhật Lễ Lá hay còn gọi là Chúa Nhật Thương Khó vì trình thuật Tin Mừng ngày hôm đó chính là Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Năm nay, Tuần Thánh đối với Giáo Phận Pa-ri (Paris) nói riêng, Giáo Hội Pháp nói chung đích thật là một Tuần Thương Khó. Nhà Thờ Đức Bà Pa-ri (Notre-Dame de Paris) chìm trong biển lửa từ 6 giờ 50 phút chiều thứ Hai Tuần Thánh. Sau hơn 8 tiếng hoành hành, ngọn lửa đã thiêu cháy toàn bộ phần khung và phần mái của nhà thờ. Ngọn tháp nhọn nằm ở trung tâm mái ngói nhà thờ, cao khoảng 68m, cũng đã sụp đổ hoàn toàn. Tuy ngọn lửa đã được khống chế trước khi lan đến cung thánh và cấu trúc bên trong nhà thờ nhưng giờ đây, cảnh tượng còn lại trước mắt của công chúng quả thật hết sức đau lòng. Công trình kiến trúc Gô-tích (Gothic) vĩ đại 850 năm tuổi, trái tim của Thủ Đô Pa-ri, dấu tích lịch sử văn và ký ức sống động Kitô Giáo Châu u bị tấn công dữ dội bởi những ngọn lửa hung hăng. Từ đó những cột khói đen ngùn ngụt bốc lên u ám che khuất cả một góc trời Pa-ri.

Ngay khi ngọn lửa còn bùng cháy, Tòa Thánh Vatican và nhiều nguyên thủ các quốc gia lớn đã nhanh chóng gửi đến nước Pháp và cộng cồng tín hữu Công Giáo Pháp lời động viên an ủi. Họ bày tỏ sự đồng cảm chân thành trước biến cô đau buồn không nên xảy ra. Suốt đêm hôm qua, có rất nhiều người đã thổn thức và mất ngủ chỉ vì lo lắng cho sự tồn vong của công trình lịch sử Nhà Thờ Đức Bà Pa-ri. Lý do thật dễ hiểu. Riêng đối với các Kitô hữu Việt Nam, những người chịu ơn các nhà thừa sai Pa-ri và Giáo Hội Pháp trong công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam yêu dấu thì Nhà Thờ Đức Bà Pa-ri đã luôn là 1 trong biểu tượng của niềm tin Kitô giáo. Công trình vừa sừng sững kiên cố vừa thanh thoát mỹ miều. Nét độc đáo của kiến trúc Gô-tích (Gothic) nằm ở chỗ tuy hình khối rất uy nghiêm nhưng đường nét lại rất dịu dàng. Những ai đã từng đặt chân đến đây cũng có thể cảm nhận được đều này, nhất là khi chúng ta từng bước thay đổi góc quan sát. Cảm xúc trào dâng theo từng bước tiến của đoàn hành hương; từ tiền đình tiến vào bên trong nhà thờ, từ cánh phải tiến sang cánh trái, từ phía trước cung thánh đến về phía sau bàn thờ chính, từ mặt sàn lót gạch hoa cổ điển đến những mái vòm cao vút, từ việc chiêm ngắm nhựng họa tiết nghệ thuật làm nên ngọn tháp nhọn đến việc nghỉ chân bên kia giòng sông Sen (Seine) để thả hồn miên man cùng từng hồi chuông thâm trầm vọng vang từ tòa tháp đôi của Nhà Thờ. Rất nhiều người đã không ngần ngại chia sẻ rằng họ đã khóc khi chứng kiến ngọn tháp nhọn bị ngọn lửa khuất phục vào khoảng 9 giờ 30 tối ngày 15 tháng Tư.

Trong bối cảnh tăm tối đó, lòng chúng ta như được an ủi khi thấy cảnh hàng ngàn người dân Paris họp nhau bên ngoài đám cháy và cùng nhau cầu nguyện. Nét mặt thành khẩn, cử chỉ thành tâm, kẻ quỳ người đứng, người ôm mặt khóc, kẻ giơ tay hướng thẳng trời cao, tất cả nói lên cùng một niềm tin duy nhất thể hiện trong cùng một lời khấn nguyện. Những lời thánh ca quen thuộc như nối kết muôn lòng nên một. Lúc đó, nhà thờ Đức Bà Pa-ri, công trình mang hình Thánh Giá, đang quằn quại trong biển lửa, đang khát khô vì thiếu thốn những làn nước từ các phương tiện chữa cháy. Hình ảnh này gợi lên trong chúng ta hình ảnh Đức Kitô đang hấp hối trên thập giá. Hình ảnh này chúng ta vừa mời được nghe cách đó một ngày trong Thánh Lễ Chúa nhật Lễ Lá. Ít ngày nữa, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta lại cùng nhau tưởng niệm cuộc thương khó và phục sinh của Chúa. Vậy ngay giờ phút đau thương này, chúng ta hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn và khích lệ chúng ta.

Thánh Gioan ghi lại rằng khi “Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ‘Tôi khát!’ Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nếm xong, Đức Giêsu nói: ‘Thế là đã hoàn tất!’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 28-30).

Trong thời khắc đặc biệt nhất của cuộc khổ nạn, Kinh Thánh cho thấy có Thân Mẫu Đức Giêsu, có Người Môn Đệ Chúa yêu, và một vài người phụ nữ đã từng theo Chúa, họ chứng kiến và biết rất rõ Chúa khát. Đại diện cho những người này là môn đệ Gioan, “người đã xem thấy việc này và đã làm chứng. Lời chứng của người thì xác thực.” Tông Đồ Gioan biết mình nói sự thật để cho cả chúng ta là những người nghe lời chứng ấy cũng sẽ tin như chính ngài đã tin (x. Ga 19, 35).

Tin Mừng theo thánh Luca còn thuật lại một vài chi tiết khá đặc biệt. Khi chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra cho Chúa và trước cái chết cao thượng của Đức Giêsu, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa mà rằng: “Người này đích thực là người công chính!” Chưa hết, toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, họ cũng đấm ngực khi trở về nhà. Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến và than khóc cho tội lỗi của mình (x. Lc 23, 47-49).

Chúa không chết để được nhân loại tôn vinh như một anh hùng cứu quốc nhưng người chết là để thanh tẩy tội lỗi chúng ta. Chúa chịu mọi cực hình thảm thiết để chúng ta những người nhờ lòng tin mà được bước vào cuộc sống mới cuộc sống vĩnh cửu cùng với Người. Chúa chịu mọi sỉ vả nhọc nhằn, chịu đau đớn và chịu khát là để nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Người mới có thể ban cho chúng ta “Nước Trường Sinh” (Ga 4, 10). Người khao khát điều gì nếu như không phải sự hoán cải nơi chứng ta. Người ước mong nhìn thấy chúng ta được nhấn chìm trong dòng nước tái sinh ấy cho một đời sống mới.

Một số người như đã nhận ra thông điệp “qua Thương Khó đến Phục Sinh” mà Chúa gửi đến cho cộng đồng đức tin thành phố Pa-ri và nước Pháp qua biến cố hỏa hoạn tại Nhà Thờ Đức Bà của họ. Quan trọng hơn là những người này đã thành tâm đáp lại thông điệp ấy cách tích cực. Một số khác cho rằng cảnh nguyện kinh sốt sáng của những người tụ tập gần đám cháy là một phép mầu và những lời hứa trợ giúp cho công tác khắc phục của các nguyên thủ và quan chức cấp cao các tổ chức quốc tế là niềm hy vọng lớn lao cho dân thành Pa-ri. Những nhận định này có thể đúng nhưng chưa đủ.

Chúng ta được mời gọi để giúp nhau cùng khôi phục niềm tin và hy vọng đích thực – niềm tin vào Chúa Cứu Thế và niềm hy vọng đặt nơi lời cầu bầu của Mẹ Maria. Chúng ta hãy tin như Mẹ Maria; đau đớn nhưng không hề quỵ ngã (x. Ga 19, 25). Tin như Gioan, “kể từ giờ phút đó, Gioan đón Mẹ về nhà mình” (Ga 19, 27). Tin như những người phụ nữ theo Chúa, họ chu đáo đến tận nơi an táng Chúa để sau đó về chuẩn bị tươm tất mọi thứ cần cho Thầy (x. Lc 23, 55-56). Tin như người trộm lành, đến phút chót vẫn không từ bỏ hy vọng: “Thầy ơi, thầy nhớ đến tôi nhé khi thầy vào vương quốc của thầy” (x. Lc 23, 42). Tin như viên đội trưởng, can đảm nhận ra lỗi lầm và đấm ngực ăn năn (x. Lc 23, 47). Tin như Giô-xép thành A-ri-ma-thê, bất chấp nguy cơ ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của bản thân, ông đã sẵn sàng nhường cho Chúa ngôi mộ mới mà ông đã lo liệu cho ngày cuối của đời mình (x. Lc 23, 50-53).

Nhà Thờ Đức Bà Pa-ri bị lửa tàn phá một cách nghiêm trọng nhưng không hề sụp đổ như trước đây công trình này đã tồn tại qua cuộc bách hại Cách Mạng Pháp và Thế Chiến Thứ Hai. Biến cố đau buồn xảy ra đúng vào khởi điểm của Tuần Thánh như một lời nhắc nhở về hành trình “từ thập giá tiến tới vinh quang” mà Đức Kitô đã trải qua. Mọi thử thách gian truân sẽ trở thành cơ hội thanh lọc và hồi sinh cho những ai can đảm bước đi với Chúa trên con đường này. Chúng ta đã thấy tâm tình sốt mến như đang hồi sinh nơi tâm hồn hàng ngàn tín hữu Pa-ri. Chúng ta thấy đức tin đang được biến thành hành động nơi một số anh chị em tín hữu Việt Nam tại hải ngoại, những người bắt đầu tiết chế chi tiêu, không phung phí xa hoa nữa nhưng dành dụm, để đóng góp cho việc trùng tu ngôi thánh đường biểu tượng đức tin của người Pa-ri. Rồi đây chúng ta sẽ còn được nghe thêm nhiều những lời chứng đức tin của những chiến sĩ cứu hỏa, của các nghị sĩ, các nhà lãnh đạo, của những ai đã chứng kiến và sẽ tham gia vào tiến trình hồi sinh đức tin và vun đắp tâm tình hiệp thông trong lòng Giáo Hội và xã hội Pháp trong những ngày sắp tới. “Họ đã thấy và đã tin” (x. Ga 19, 35). Còn chúng ta thì sao?

Lm. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.

 
Thành quả đầu tiên của thỏa thuận tạm thời của Tòa Thánh với Trung Quốc: hai bên bổ nhiệm hai tân giám mục
Vũ Văn An
18:20 16/04/2019


Theo tin từ Hồng Kông của AsiaNews, vào ngày 9 tháng 4, cha cựu đại diện giáo phận, Anthony Yao Shun, 54 tuổi, được bổ nhiệm làm đấng bản quyền của giáo phận Jining (Wumeng), ở Nội Mông. Buổi lễ diễn ra tại một khách sạn dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền dân sự, nhưng do Đức cha Meng Qinglu, giám mục Hohhot, thủ phủ của tỉnh, chủ trì. Cha Yao là ứng viên duy nhất được đề nghị và được 29 linh mục, 4 nữ tu và 10 giáo dân bầu chọn.

Vào ngày 11 tháng 4, tại Hanzhong (Thiểm Tây), Cha Stephen Xu Hongwei, linh mục giáo xứ nhà thờ chính tòa, 44 tuổi, được bầu làm ứng viên giám mục cho giáo phận Hanzhong. Cuộc bầu cử này cũng diễn ra tại một khách sạn dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền dân sự. Các cử tri, chủ trì bởi Đức Cha Dang Mingyan, giám mục thủ phủ tỉnh Xi'an, là 27 linh mục, 3 nữ tu, 23 giáo dân, một số người được chính phủ đề nghị, và ứng viên, trong trường hợp này cũng là người duy nhất, đã nhận được 52 phiếu bầu.

Thủ tục của cả hai cuộc bầu cử tương tự nhau: chúng diễn ra tại một khách sạn, dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền dân sự địa phương; dưới sự chủ trì của giám mục thủ phủ tỉnh, với các giáo sĩ giáo phận, đại diện của các nữ tu và giáo dân với tư cách là cử tri, với một ứng viên duy nhất. Tuy nhiên, cả hai đã được Tòa Thánh chấp nhận từ nhiều năm trước khi có Thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc.

Mặc dù là các cuộc bầu cử đầu tiên các ứng viên giám mục sau Thỏa thuận, chúng không tiết lộ điều gì mới, vì các ứng viên đã được Tòa Thánh chấp thuận và chỉ có một ứng viên được xem xét. Do đó, cuộc bầu cử khá hình thức và không hẳn có tính dân chủ, cũng như được tiến hành đúng theo thủ tục vẫn được tuân thủ trước khi có Thỏa thuận, trong mọi khía cạnh. Dường như không hề cần tới việc để ứng viên duy nhất được trình lên Đức Giáo Hoàng để phê chuẩn và bổ nhiệm, hoặc nếu nó được thực hiện, thì đây cũng chỉ hoàn toàn có tính hình thức.

Người ta hy vọng thủ tục bầu cử ứng viên mới cho chức giám mục sẽ tiết lộ thêm chi tiết về nội dung 'bí mật' của Thỏa thuận, nhưng với tính đặc thù của hai cuộc bầu cử này, điều ấy chưa xẩy ra và do đó, các chi tiết về nội dung của Thỏa thuận vẫn còn bí mật.

Tuy nhiên, thủ tục được tuân giữ có cho thấy một số yếu tố gây nghi vấn: biến cố được tiến hành dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền dân sự và trong một môi trường thế tục, gần giống như một biến cố dân sự; mặc dù nó được gọi là bầu cử dân chủ, nhưng thực tế thì không, vì nó không được tiến hành theo yêu cầu của giáo luật.

Về mặt tích cực, có sự kiện này là chính quyền Trung Quốc đã chấp nhận và ủng hộ ứng viên mà Tòa thánh đã phê chuẩn, và vì điều này, chúng ta phải cảm ơn Chúa. Nó có thể là hiệu quả tích cực duy nhất của Thỏa thuận, mặc dù các quyết định tương tự đã được đưa ra bởi các cơ quan dân sự ngay trước khi Thỏa thuận.
 
Vụ kết án Đức Hồng Y Pell, các hướng dẫn bồi thẩm đoàn và “hoài nghi hữu lý”.
Vũ Văn An
22:02 16/04/2019


Trong vụ bồi thẩm đòan kết tội Đức Hồng Y Pell, người ta thường nghe nói tới cụm từ “beyond reasonable doubt” mà nếu dịch từng chữ thì có thể là “vượt quá sự hoài nghi hợp lý” nôm na là ngài có tội “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”.

Có vị linh mục hỏi người viết ý nghĩa thực sự của cụm từ này. Người viết chỉ biết trả lời nôm na như vậy. Tra từ điển luật pháp của Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội năm 1991, thấy họ định nghĩa cụm từ này như sau: “không hữu lý để nghi ngờ, chuẩn chắc chắn, chuẩn xác, đó là mức mà bồi thẩm đoàn lấy quyết định bị can có tội hay vô tội”.

Định nghĩa như thế hình như cũng không hơn kiểu ta hiểu nôm na bao nhiêu. Tra cứu tài liệu tiếng Anh, chúng tôi gặp được bài Jury Directions and “reasonable doubt của William Shrubb trên trang mạng https://www.ruleoflaw.org.au/beyond-reasonable-doubt/ và thấy cụm từ này nói lên một khía cạnh chủ quan nào đó nơi thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Chúng tôi chuyển ngữ tiếng Việt bài này để độc giả rộng đường phán đoán:

Suy đoán vô tội là một phần quan trọng của bất cứ hệ thống tư pháp hình sự công bằng nào dưới nguyên tắc thượng tôn pháp luật (rule of law). Cách rõ ràng nhất mà chúng ta bảo vệ sự suy đoán vô tội trong hệ thống của chúng ta là qua tiêu chuẩn chứng minh cao được đặt lên công tố viện trong một phiên tòa hình sự: họ phải chứng minh vụ kiện chống lại bị cáo “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”.

Tuy nhiên, sự bảo vệ đó nghe có vẻ ít đúng hơn, hoặc có vẻ ít chắc chắn hơn, khi nội dung của cụm từ được giải thích theo nhiều cách khác nhau.

Bài viết này sẽ tìm hiểu các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn về sự suy đoán vô tội liên quan đến thượng tôn pháp luật ra sao. Khi làm như vậy, bài viết này sẽ sử dụng một trường hợp điển hình (case study) gần đây của tiểu bang Victoria: Dookheea.

Các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn

Vào cuối phiên tòa có bồi thẩm đoàn, sau khi tất cả các bằng chứng đã được đưa ra trước bồi thẩm đoàn, và sau khi công tố và bên bào chữa đã đưa ra các tuyên bố kết thúc, thẩm phán sẽ tổng hợp vụ án cho bồi thẩm đoàn. Ông hay bà này sẽ duyệt lại các bằng chứng và lập luận của cả hai bên và lên khuôn các nguyên tắc pháp lý dựa vào đó bồi thẩm đoàn phải đưa ra quyết định. Những nhận xét này của thẩm phán được gọi là “các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn” (jury directions).

Các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn ngày càng trở nên thường xuyên hơn khi diễn trình hình sự phát triển qua nhiều thế hệ. Trước khi hệ thống xét xử chúng ta có ngày nay, ở Vương quốc Anh trong thế kỷ thứ mười tám, đã có những việc như sau:

Thẩm phán có vai trò giám sát, dẫn dắt điều vốn là một cuộc thảo luận phần lớn phi cấu trúc với các bồi thẩm viên, nhân chứng, bị cáo và ngươì được coi là nạn nhân. Các thẩm phán có quyền hạn vô giới hạn để bình luận với bồi thẩm đoàn về bằng chứng và giá trị của vụ án khi họ làm việc với nhau để thu lượm bằng chứng.

“Cuộc thảo luận phi cấu trúc” ấy dần dần phát triển thành hệ thống đối chất (adversarial system) chúng ta có hiện nay, trong đó:

"Việc trình bày các trường hợp để truy tố và bào chữa trở thành trách nhiệm của luật sư qua việc kiểm tra và đối chất (cross-examination) các nhân chứng. Một hệ thống các luật lệ về chứng cớ được khai triển để điều chỉnh và qui định diễn trình này, và quyền của thẩm phán và bồi thẩm đoàn trong việc đích thân thu thập chứng cớ đã bị hạn chế nặng nề. Trong đó có quan niệm cho rằng bồi thẩm đoàn độc lập đối với thẩm phán và phán quyết (verdict) cũng như các nghị án (deliberations) dẫn đến phán quyết của họ là điều không ai có thể dò được.

Khi bồi thẩm đoàn phát triển vai trò độc lập mới này, các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn cũng phát triển song hành: để uốn nắn, cũng như ngăn chặn, bồi thẩm đoàn sai lầm trong việc thi hành vai trò của họ.

Ủy ban cải cách luật pháp New South Wales giải thích mục đích của các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn này như sau:

"Hệ thống các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn tiếp tục hoạt động theo một tiền đề căn bản này: các bồi thẩm viên sẽ gặp khó khăn trong việc thi hành trách nhiệm của họ nếu không có sự hướng dẫn thích hợp của thẩm phán. Các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn nhằm giúp các bồi thẩm viên thi hành vai trò của họ trong việc quyết định các vấn đề sự kiện dưới ánh sáng các nguyên tắc có thể áp dụng được của luật pháp. Chúng nhằm tập chú tâm trí của bồi thẩm đoàn vào những vấn đề thực sự của vụ án. Chúng tìm cách ngăn chặn các bồi thẩm viên dựa quyết định trên các sự kiện không được thừa nhận làm bằng chứng hoặc xem xét bằng chứng cho một mục đích khác với mục đích được thừa nhận. Khi làm như vậy, các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn phục vụ mục đích lớn hơn là đảm bảo một phiên tòa công bằng hoặc, nói khác đi, để tránh bất cứ “rủi ro có thể thấy nào về việc hoài thai công lý”.

Vượt quá sự hoài nghi hợp lý

Một trong những hướng dẫn chủ chốt được đưa ra cho các bồi thẩm đoàn trong các phiên tòa hình sự khắp nước Úc là nhắc nhở họ về quyền bị cáo được suy đoán là vô tội, và chỉ bị kết tội nếu bồi thẩm đoàn đã được thuyết phục “vượt quá sự nghi ngờ hợp lý”. Hướng dẫn chủ chốt này chỉ là sự bảo vệ cuối cùng dành cho sự suy đoán vô tội, một khái niệm đã có trong các hệ thống luật hình sự trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ, và từng được mô tả một cách nổi tiếng là “sợi chỉ vàng” xuyên suốt hệ thống luật tập tục (common law).

Vấn đề duy nhất với các hướng dẫn này là không phải lúc nào người ta cũng hiểu rõ “hoài nghi hợp lý” nghĩa là gì.
Rõ ràng, không phải mọi hoài nghi đều hợp lý. Trong hệ thống của chúng ta, công tố không bắt buộc phải chứng minh tội lỗi của bị cáo “vượt quá mọi hoài nghi có thể có”. Việc nâng cao tiêu chuẩn của bằng chứng lên mức đó sẽ khiến cho việc bảo đảm có được lời kết tội gần như bất khả hữu, và sẽ ngăn cản xã hội không thể cảnh sát các hành vi hình sự.

Mặt khác, việc hạ thấp tiêu chuẩn bằng chứng cho công tố sẽ loại bỏ các bảo vệ quan trọng cho bị cáo. Xã hội của chúng ta đã quyết định rằng tự do cá nhân là điều quan trọng, và sự nhuốc nhơ và đối xử liên quan đến trách nhiệm hình sự là điều mạnh mẽ, đến nỗi chúng ta yêu cầu các bồi thẩm đoàn phải được thuyết phục theo một tiêu chuẩn đặc thù trước khi họ thấy một bị can có tội như đã bị tố cáo.

Vì vậy, câu hỏi là, tiêu chuẩn đặc thù đó là gì?

Văn phòng nghiên cứu và thống kê tội phạm của tiểu bang New South Wales đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2008 về điều người ta hiểu cụm từ “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”. Họ đã thăm dò 1,200 người từng là bồi thẩm viên trong các phiên tòa hình sự trên toàn tiểu bang. Kết quả như sau:

• 55,4% các bồi thẩm viên tin rằng cụm từ đó có nghĩa là họ cần phải "chắc chắn" rằng, người đó có tội;
• 22,9% tin rằng nó có nghĩa là "hầu như chắc chắn";
• 11,6% tin rằng điều đó có nghĩa là “rất có thể”; và
• 10,1% tin rằng điều đó có nghĩa là “khá có khả năng”.

Như báo cáo của Văn phòng nghiên cứu và thống kê tội phạm của tiểu bang NSW đã rí rỏm ghi nhận: “Đây quả là một phát biểu ý kiến phân tán quá rộng rãi”.

Báo cáo cũng gợi ý rằng một số việc làm sáng tỏ phải được đưa ra cho các bồi thẩm viên về ý nghĩa của cụm từ này. Hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn sẽ là cách hiển nhiên để cung cấp việc làm sáng tỏ này.

Tuy nhiên, theo luật hiện hành ở Úc - được hướng dẫn bởi phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Green v R (1971) 126 CLR 28 - các thẩm phán không có nghĩa vụ phải đưa ra bất cứ minh giải nào cho các bồi thẩm đoàn. Cụm từ “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”, không cần được giải thích ngoài chính các từ ngữ của nó. Như Tòa án đã nói trong vụ Green, các thẩm phán nên:

“Tuân thủ và không cố gắng giải thích một cách không cần thiết câu tuyên bố cổ điển về bản chất của gánh nặng chứng cớ (onus of proof) nằm ở phía công tố (the Crwon)".

Hướng dẫn duy nhất do Tòa án cung cấp về ý nghĩa của cụm từ là: “Một hoài nghi hợp lý là một hoài nghi mà bồi thẩm đoàn đặc thù xem xét ngay trong hoàn cảnh. Chính các bồi thẩm viên tự đặt ra tiêu chuẩn cho điều hợp lý trong hoàn cảnh".

Trường hợp điển hình Dookheea

Điều trên đưa chúng ta đến trường hợp điển hình Dookheea ở tiểu bang Victoria. Ông Dookheea và vợ của ông đã bị buộc tội về cái chết của chủ nhân họ, ông Zazai, người mà họ bị cáo buộc đã đánh đập và sau đó siết cổ đến chết.

Ông Dookheea đã bị một bồi thẩm đoàn tại Tòa án tối cao Victoria kết tội giết người, nhưng ông đã kháng cáo bản kết tội ông với lý do một trong những hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn được đưa ra trong phiên tòa đó. Khi tổng kết vào cuối phiên tòa đó, thẩm phán nói:

“Câu hỏi mà các bạn phải tự đặt ra là ‘Công tố có thiết lập vượt quá được sự hoài nghi hợp lý rằng lúc ông Dookheea vi phạm hành vi hoặc các hành vi có liên quan gây ra cái chết của ông Zazai, ông ta có ý định giết ông Zazai hoặc khiến ông này bị thương thực sự nghiêm trọng?' Như một hệ luận, các bạn có thể hỏi, ‘tôi có hoài nghi hợp lý rằng lúc ông ta vi phạm hành vi hoặc các hành vi liên quan gây ra cái chết của ông Zazai, ông Dookheea có ý định giết ông Zazai hoặc khiến ông ta bị thương thực sự nghiêm trọng?’ Nói cách khác, các bạn không cần phải tìm ra dứt khoát trạng thái tâm trí của ông Dookheea là gì khi ông gây ra những vết thương giết chết ông Zazai. Các bạn phải xem xét liệu Công tố có làm các bạn hài lòng không rằng ông Dookheea có ý định, một điều bắt buộc phải có. Và Công tố phải làm các bạn hài lòng về điều này không vượt quá bất cứ sự hoài nghi nào, nhưng vượt quá sự hoài nghi hợp lý”.

Câu cuối cùng trên đây – “không vượt quá bất cứ sự hoài nghi nào, nhưng vượt quá sự hoài nghi hợp lý” - đã bị coi là một lỗi lầm của thẩm phán. Trái với Tòa án tối cao trong vụ Green, thẩm phán xét xử đã cố gắng làm rõ ý nghĩa của việc “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”, trong bản tóm tắt của bà. Việc kết tội ông Dookheea đã bị gạt sang một bên và lệnh tái thẩm được ban bố.

Thượng tôn pháp luật (rule of law)



Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, chưa kể đến sự suy đoán vô tội, bắt đầu bị phá hoại khi hai người bị xử cùng vì các tội phạm tương tự, nhưng lại được phán xử theo hai tiêu chuẩn khá khác nhau - ví dụ, một bồi thẩm đoàn cảm thấy họ phải “chắc chắn” về tội lỗi, trong khi bồi thẩm kia chỉ cảm thấy nó “có khả năng khá cao”.

Đường lối cứng rắn của các tòa án cấp cao ở Úc đối với việc giải thích nội dung của cụm từ “vượt quá sự hoài nghi hợp lý” bắt nguồn từ nỗ lực duy trì tính liêm chính (integrity) của diễn trình quyết định của bồi thẩm đoàn, và không làm cho 1 diễn trình vốn phức tạp trở thành quá phức tạp.

Tuy nhiên, việc từ chối nhìn xa hơn “cụm từ ma thuật’ này có thể cũng gây thiệt hại cho nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Việc bảo vệ do nguyên tắc suy đoán vô tội ngày nghe như càng ít chân thực hay xem ra ít chắc chắn hơn, khi nội dung của cụm từ bị giải thích theo những cách rộng rãi như trên.

Trong vụ xét xử Đức Hồng Y George, người ta lưu ý: ngài phải ra trước hai phiên tòa gần như liên tiếp nhau. Trong phiên tòa đầu tiên, bồi thẩm đoàn chia rẽ theo tỷ lệ 10 người không thấy ngài phạm tội, chỉ có 2 người cho rằng ngài phạm tội. Tại phiên tòa sau, cả 12 người trong bồi thẩm đoàn cho rằng ngài phạm tội “beyond reasonable doubt” sau khi được thẩm phán Peter Kidd “hướng dẫn” cả cụm từ này nữa. Theo cung cách ông này kết án Đức Hồng Y Pell, cụm từ đó có thể đã được giải thích một cách thiên kiến khiến sinh hiểu lầm nơi bồi thẩm đoàn. Ta hãy chờ xem vào tháng Sáu này, khi tòa thượng thẩm xét vụ ngài kháng án. Dù sao, ta vẫn tin tưởng nơi Chúa Quan phòng, hơn là tính liêm chính của con người. Cầu nguyện vẫn là phương cách tốt nhất.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Hành Hương Việt Nam tham dự Rước Lá tại Jerusalem 2019
VietCatholic Network
00:22 16/04/2019

NHÓM HÀNH HƯƠNG VIỆT NAM
Tham dự Rước Lá tại Jerusalem 2019
do Linh mục Nguyễn Tầm Thường hướng dẫn

Phái đoàn hành hương gồm 18 người từ Melbourne, Australia và phần còn lại đến từ các tiểu bang bên Hoa Kỳ. Tất cả 54 người. Tạ ơn Chúa là nhóm hành hương đã xin được dâng lễ trong Mộ Chúa. Đa số chỉ có thể dâng lễ trong Đền Thờ Mộ Chúa. Nhưng nhóm đã được ơn phúc, dâng lễ tận bên trong Mộ Chúa, lại là vào những ngày tuyệt vời của lịch phụng vụ, đó là những bước chân vào Tuần Thánh. Mọi người đều quá hạnh phúc. Trời mùa Xuân Jerusalem năm nay rất đẹp, đường đi Rước Lá tưng bừng tiếng ca. Có thể là lần đầu tiên, những tà áo dài với màu cờ Việt Nam, nhờ trời lộng gió, cờ Việt Nam tung bay trên đường vào thánh đô Jerusalem. Con đường Chúa đã đi qua.

LM. Nguyễn Tầm Thường
 
Hình ảnh Thánh lễ làm Phép Dầu (Chrism Mass) tại nhà thờ chánh tòa Christ Cathedral, Orange. Thứ Hai ngày 15/4/2019
Tài Liệu - Sưu Khảo
10 điều bạn cần biết về Thứ Năm Tuần Thánh
Lm. Nguyễn Ngọc Dũng và Trần Bá Nguyệt
02:53 16/04/2019
Thứ Năm Tuần Thánh là một trong những ngày quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử. Đó là ngày trụ cột chính trong cuộc đời Chúa Giêsu. Dưới đây là 10 điều bạn nên biết và làm thế nào để cử hành các điều ấy trong ngày Lễ quan trọng này.

Trong mọi Thánh lễ chúng ta đều nghe những lời ‘Trong đêm Người bị trao nộp’. Đó chính là Thứ Năm Tuần Thánh, là đêm quan trọng nhất trong mọi đêm trong lịch sử.

Dưới đây là 10 điều bạn nên biết.

1. Điều gì đã xảy ra trong Đêm Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên?

Cả một khối khổng lồ những sự kiện đầy kinh ngạc! Đó chính là đêm trụ cột chính trong cuộc đời Chúa Giêsu.

Đây là một số những sự kiện mà Tin Mừng đã ghi lại cho ngày quan trọng này (bao gồm cả những sự kiện đã diễn ra sau nửa đêm).

- Chúa đã bảo Thánh Phêrô và Thánh Gioan chuẩn bị một căn phòng trên lầu để tổ chức bữa Tiệc Lễ Vượt Qua.
- Người đã rửa chân cho các tông đồ.
- Người đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên.
- Người thiết lập Bí tích truyền chức Thánh.
- Người đã tiên báo việc Giuđa sẽ phản bội Người.
- Người ban “điều răn mới” là phải yêu thương nhau.
- Người chỉ rõ việc Phêrô có vai trò Mục tử đặc biệt ở trong số các tông đồ.
- Người tiên báo rằng Phêrô sẽ chối không biết Người.
- Người đã cầu nguyện cho sự hợp nhất của những kẻ theo Người.
- Tất cả những sự kiện trên được Gioan Thánh sử ghi chép tại trong Năm chương của Tin Mừng Thánh Gioan (John 13-18).
- Người đã hát Thánh vịnh.
- Người đã lên Núi Cây Dầu.
- Người đã cầu nguyện trong Vườn Gethsemane.
- Người đã bị Judas phản bội.
- Người đã ngăn các tông đồ khỏi sự chống cự với bạo lực.
- Người đã chữa lành tai của Malchus, người đầy tớ thầy thượng phẩm sau khi người này bị Tông đồ Phêrô dùng gươm chém đứt tai.
- Người đã bị điệu đến trước mặt thày cả thượng phẩm Annas và Caiphas.
- Người đã bị thánh Phêrô chối không biết Ngài.
- Người đã bị điệu đến trước mặt quan Philatô.
- Đó là một ngày quan trọng vô cùng.
- Nếu bạn muốn đọc những trình thuật của Tin Mừng, bạn có thể dùng đường link sau đây.

Mt 26:17-75
Mc 14:12-72
Lc 22:7-62
Ga 13:1-18:27

2. Tại sao đôi khi người ta gọi Thứ Năm Tuần Thánh là “Maundy Thursday”?

Từ ngữ “Maundy” có nguồn gốc từ chữ Latinh “mandatum” hay “mandate”.

Chữ này dùng trong bản viết tiếng La Tinh trong Tin Mừng Thánh Gioan 13:34.

Ý nghĩa là “Ta ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em.”

Vì thế, thứ Năm Tuần Thánh vì khi được gọi là Maundy Thursday bởi vì chính ngày này Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta một điều răn mới : Đó là hãy yêu thương nhau như Người yêu thương chúng ta.

3 . Theo nghi thức phụng vụ, việc gì đã xảy ra vào ngày này?

Có một số việc:

Đức Giám Mục cử hành “Thánh Lễ Truyền Dầu ” với các linh mục của mình (thường xuyên như vậy).
Thánh Lễ Bữa Tiệc Ly được tổ chức vào buổi chiều.
Trong Thánh Lễ Bữa Tiệc Ly, linh mục cử hành nghi thức rửa chân.
Nhà Tạm để trống và Bánh Thánh được đặt ở một nơi khác.
Bàn thờ không trải khăn.
Giáo dân được mời cầu nguyện trước Thánh Thể trong khi Thánh Thể yên nghỉ.

3. “Lễ Truyền Dầu” là gì?

Theo tài liệu chính thức về những nghi thức liên quan đến Mùa Phục Sinh, Paschales Solemnitatis: Trong Lễ Truyền Dầu, mà Đức Giám Mục cùng dâng lễ với những linh mục trong giáo phận và trong thánh lễ đó dầu thánh được thánh hiến và dầu được làm phép, diễn tả sự hiệp nhất của các linh mục với giám mục của mình trong cùng một Thiên chức linh mục và thừa tác vụ của Chúa Kitô.

Tất cả những linh mục cùng dâng lễ với Đức Giám Mục của mình phải tụ họp về tham dự Thánh Lễ này từ khắp mọi nơi trong giáo phận, vì thế họ sẽ là những người chứng kiến sự thánh hiến của dầu thánh và là những người cộng tác, như trong sứ vụ hàng ngày, họ là những người trợ giúp và cố vấn cho giám mục. Giáo dân cũng được khuyến khích tham dự thánh lễ này và họ cũng được đón nhận Thánh Thể.

Theo truyền thống, Thánh Lễ Làm Phép Dầu được cử hành vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà giáo dân và các linh mục không thể tụ họp nhau được với vị giám mục thì nghi kễ sẽ được chuyển sang một ngày khác, nhưng phải rất gần với ngày Lễ Phục Sinh.

Dầu Thánh và Thánh dầu dự tòng được sử dụng trong nghi lễ của những bí tích mở đầu trong đêm Phục Sinh.

5. Tại sao Thánh Lễ Tiệc Ly lại mang tính đặc biệt?

Theo nghi thức Lễ Vượt Qua long trọng (Paschales Solemtitatis):

Cần phải lưu ý một cách cẩn thận tới những mầu nhiệm được tưởng niệm huyền bí trong Thánh lễ: việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, việc thiết lập bí tích Truyền CHức Thánh , và lệnh truyền của Chúa Kitô về tình yêu thương mang tính huynh đệ: Bài giảng phải giải thích thật rõ những điểm chính này.

6. Thánh Thể có đặt trong nhà tạm trong Thánh Lễ này không?

Không. Theo nghi thức Phụng Vụ trọng thể.

Nhà Tạm hoàn toàn để trống trước khi cử hành nghi thức.

Mình Thánh dùng cho giáo dân phải được thánh hiến trong Thánh lễ.

Một số bánh lễ đủ phải được Thánh hiến để dùng cho việc rước lễ trong ngày hôm sau.

7. Nghi thức rửa chân ám chỉ điều gì và có phải chỉ được thực hiện cho nam giới mà thôi không?

Theo nghi thức Phụng Vụ trọng Thể:

Việc rửa chân cho những nam nhân đã được chọn, theo truyền thống, được thực hiện trong ngày này, mang biểu tượng sự phục vụ và tình bác ái của Chúa Kitô, Đấng đã đến “không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ”. Truyền thống này nên được lưu giữ, và ý nghĩa tương xứng phải được giải thích.

Mặc dầu có một số giải thích nghi thức này (rửa chân) là phản ảnh một định chế về chức linh mục hoặc gắn liền với các Tông Đồ. Nhưng việc giải thích này không thấy ghi trong những văn kiện chính thức của Giáo Hội, ví dụ như Nghi Thức Thánh Lễ Long trọng là nơi giải thích nghi thức này mang tính phục vụ và bác ái yêu thương.

Mặc dầu mãi đến năm 2016, những văn bản chính thức của Giáo Hội ghi là chỉ rửa chân cho nam nhân do chữ Men (Latin là Viri) trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Toà Thánh đã cho phép cá nhân các giám mục rửa chân cho nữ nhân và nam nhân (vì chữ Vir có nghĩa là “con người” chứ không phải “nam giới” trong một số trường hợp.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện điều đó và vào năm 2016, Ngài đã cho phép Thánh Bộ Phụng Tự xem xét sửa đổi luật cũ cho phù hợp với thực hành ngày nay.

8. Việc gì đã diễn ra vào cuối Thánh Lễ Tiệc Ly?

Theo Nghi Thức Phụng Vụ Trọng Thể: Sau lời nguyện Hiệp lễ, rước kiệu với Thánh giá đi đầu được bắt đầu. Bánh Thánh đã được làm phép được kiệu đi giữa đèn cầy và hương trong thánh đường, để đặt vào nhà tạm trong tiềng hát của kinh “Pange Lingua” hay một bài thánh ca Thánh Thể nào khác.

Nghi lễ di chuyển Thánh Thể này có thể không được thực hiện nếu Nghi Thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu không được tổ chức trong cùng một nhà thờ vào ngày hôm sau.

Mình Thánh phải được lưu giữ trong Nhà Tạm khoá kín hay hộp đựng Thánh thể. Mình Thánh không được đặt trong Mặt Nhật trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nơi Nhà Tạm không được có hình dạng giống ngôi mộ và từ giống “ngôi mộ” cần phải tránh sử dụng. Nhà Tạm không được trang trí để diễn tả việc an tang Chúa

nhưng là nơi giữ Mình Thánh để sử dụng trong Phần Hiệp Lễ vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

9. Có nghi thức tôn vinh Thánh Thể vào thời điểm này hay không?

Theo Nghi Thức Phụng Vụ Trọng Thể: Sau Thánh Lễ Tiệc Ly, giáo dân được khuyên nên dành một thời gian trong đêm hôm đó tại nhà thờ để tôn vinh trước khi Bí Tích Thánh Thể được cất giữ một cách trọng thể.

Những nơi thích hợp, nghi thức tôn vinh Thánh Thể kéo dài này có thể đi kèm với việc đọc một phần của Phúc Âm Thánh Gioan (13-17)

Tuy nhiên, từ nửa đêm trở đi, nghi thức tôn vinh không kèm theo những hình thức trọng thể bên ngoài bởi vì đó là thời điểm bắt đầu Cuộc Khổ Nạn của Chúa.

10. Việc gì sẽ diễn ra trong việc trang trí nhà thờ lúc này?

Theo Nghi Thức Phụng Vụ Trọng Thể:

Sau Thánh Lễ, khăn trải bàn thờ phải được lấy đi.

Tất cả những Thánh Giá trong nhà thờ phải được che kín với khăn màu đỏ hay màu tím, trừ khi đã được che kín vào ngày thứ Bảy trước Ngày Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay.

Không được thắp đèn trước tượng ảnh các thánh.


Source:National Catholic Register
 
Giải đáp phụng vụ: Ca xướng viên có thể khởi tấu trong Tam Nhật Thánh không?
Nguyễn Trọng Đa
08:26 16/04/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Khi một linh mục không thể hát trong phụng vụ, liệu một ca xướng viên (cantor) được phép hát “Đây là cây Thánh Giá…” trong nghi thức kính thờ Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh không, và trong Lễ Vọng Phục Sinh, được hát nghi thức giải tán, vốn thường được hát bởi linh mục hay phó tế không? - R. F., Toronto, Canada.


Đáp: Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) có các thời điểm sau đây, mà một linh mục hoặc ca xướng viên có thể can thiệp:

“52. Sau nghi thức sám hối, là luôn luôn đến kinh "Xin Chúa thương xót chúng con, Kyrie, Eleison", trừ khi đã dùng kinh này trong nghi thức sám hối. Vì là bài hát giáo dân dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người, bài này thường được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay ca xướng viên, đều góp phần vào đó.

“53. Kinh Vinh Danh (Gloria) là một thánh thi rất cổ kính, mà Hội Thánh, được đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn Chiên Con. Không được thay đổi bản văn của kinh này bằng một bản văn khác. Vị tư tế hay, tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi mọi người cùng hát chung, hay luân phiên giữa giáo dân và ca đoàn, hay chỉ ca đoàn. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè đối đáp.

“68. Kinh Tin Kính phải do vị tư tế hát hay đọc chung với giáo dân vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng; cũng có thể đọc trong những lễ đặc biệt khá trọng thể.

“Nếu hát, thì vị tư tế hay, tùy nghi, một ca viên, hay ca đoàn xướng, rồi mọi người cùng hát tiếp hay dân chúng và ca đoàn hát luân phiên”. (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ “Sing to the Lord, Hãy hát mừng Chúa” ấn định các vai trò sau đây cho ca xướng viên:

“Ca xướng viên

“37 (40). Ca xướng viên vừa là người hát vừa là người hướng dẫn cộng đoàn hát. Nhất là khi không có ca đoàn, ca xướng viên có thể hát đối đáp với cộng đoàn. Thí dụ, ca xướng viên có thể bắt hát Kinh Xin Chúa Thương Xót, Lời mời gọi theo mẫu thứ ba của nghi thức thống hối, Kinh Vinh Danh và Alleluia, giúp cộng đoàn hát những câu tung hô ngắn khi kết thúc các bài đọc, hát câu Tung hô trước Tin Mừng, hát Ý nguyện trong Lời nguyện chung, hát Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Ca xướng viên cũng có thể hát những câu xướng trong Thánh vịnh đáp ca, Ca nhập lễ, khi Chuẩn bị lễ vật, và khi Rước lễ.

“38 (41). Là người hướng dẫn cộng đoàn hát, ca xướng viên nên tham gia ca hát với toàn thể cộng đoàn. Để điều khiển việc ca hát của cộng đoàn phụng vụ, ca xướng viên không được để giọng hát của mình lấn át cộng đoàn. Lúc chuyển nhạc hay chuyển đoạn bài hát, ca xướng viên có thể hát lớn hơn để khơi dậy và dẫn dắt cộng đoàn ca hát khi tiếng hát của họ yếu ớt. Tuy nhiên, khi cộng đoàn đã cất cao tiếng hát, thì ca xướng viên phải biết cách giảm bớt âm

lượng giọng hát của mình cho phù hợp. Nhiều lúc, có thể sử dụng một cử chỉ nhã nhặn mời gọi cộng đoàn tham gia ca hát và ra hiệu khởi tấu thật rõ ràng cho cộng đoàn bắt đầu, nhưng chỉ sử dụng cử chỉ cách dè dặt và khi thật cần thiết.

“39 (42). Khi hướng dẫn cộng đoàn, ca xướng viên nên đứng ở vị trí để mọi người nhìn thấy, nhưng không làm cho họ mất tập trung vào các hành vi phụng vụ đang diễn ra. Tuy nhiên, khi cộng đoàn đang hát những câu đối đáp hay những câu tung hô hoặc những bài ca quá quen thuộc rồi mà trong đó không có những câu hát dành riêng cho ca xướng viên, thì ca xướng viên nên lánh mặt đi.

“40 (43). Ca xướng viên thi hành tác vụ của mình tại một vị trí thuận tiện nhưng không phải ở tại giảng đài. Ca xướng viên cũng nên mặc áo Al-ba hoặc áo đồng phục ca đoàn, nhưng phải luôn sạch sẽ, chỉnh tề và bằng thứ vải nhã nhặn”.(Bản dịch Việt ngữ của Uỷ Ban Thánh Nhạc thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Cuối cùng, chữ đỏ trong Sách lễ, trong phần nâng Thánh giá lên để thờ kính, nói về linh mục rằng “ngài được hỗ trợ trong khởi tấu bởi Phó tế hoặc, nếu cần, bởi ca đoàn”.

Do đó, trong một số trường hợp, ca xướng viên có thể thay thế linh mục trong việc khởi tấu một số phần nhất định của phụng vụ, vá trước hết, các phần mà mọi người sẽ tiếp tục hát. Tương tự như vậy, mặc dù các chữ đỏ trên đây chỉ nhắc đến ca đoàn, tôi không nghĩ rằng nó loại trừ khả năng hát của một ca xướng viên. Tôi sẽ kết luận rằng nếu linh mục thực sự không thể hát khi nâng Thánh Giá lên cao, thì một phó tế, ca xướng viên hoặc ca đoàn có thể thay thế ngài để hát.

Phần này của buổi cử hành, như với hầu hết các phần của Tam Nhật Thánh, sẽ đạt hiệu quả nhiều nếu hát hơn là chỉ đọc.

Tuy nhiên, nghi thức giải tán của Thánh lễ Phục sinh và bất kỳ Thánh lễ nào liên quan độc quyền cho người có chức thánh, đặc biệt là phó tế, nên một ca xướng viên không thể thay thế phó tế hoặc linh mục vào lúc này. (Zenit.org 16-4-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/cantors-intoning-during-triduum/
 
Văn Hóa
Sứ điệp qua cơn hỏa họan nhà thờ Đức Bà Paris
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
13:50 16/04/2019
Sứ điệp qua cơn hỏa họan nhà thờ Đức Bà Paris

Thứ hai tuần thánh, ngày 15.04.2019, cơn hỏa họan như một cơn cháy rừng đã bùng lên ngay trong lòng thủ đô Paris thiêu hủy tàn phá nhà thờ chính tòa Đức Bà bên nước Pháp.

Phải chăng cơn hỏa hoạn đó có thể đã gửi đi sứ điệp: Hãy trở về! ?

Cơn hỏa hoạn xảy ra tàn phá một ngôi nhà thờ, trung tâm của Kitô giáo. Mỗi người cảm thấy điều đó, dù là tín hữu Công Giáo, hay người không là tín hữu Công Giáo.

Chúng ta có thể chạy đến nơi đâu khi vướng mắc vào hoàn cảnh lâm nguy tai biến của thế giới và của hoàn cảnh riêng mỗi người, khi không còn nhà thờ nữa, khi nền Kitô giáo bị thiêu rụi tàn phá và chỉ sống còn nơi vòng ngoài hay dưới nền tảng bên dưới?

Đời sống đức tin tinh thần đạo giáo bên xã hội Tây phương, nơi là nôi của văn minh Kitô giáo, của đạo Công Giáo càng ngày càng tàn lụi yếu ít đi. Luôn luôn có nhiều nhà thờ đã hoặc sẽ bị đóng cửa, luôn luôn có những thánh đường bị phá hoại.

Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá được cho là trở nên cùng đồng hình dạng với những hình thái khác. Những người có quyền lực uy thế tìm cách làm tất cả những gì có thể để chối bỏ tàn phá hủy diệt văn hóa văn minh Kitô giáo, gây hoang mang hồ nghi khử trừ đức tin khỏi tâm hồn con người, gây khó khăn giới hạn ảnh hưởng của Kitô giáo trong đời sống xã hội.

Ngày 11.04. 2019 vị Giáo hoàng nghỉ hưu Benedictô XVI. thọ 92 tuổi, viết lá thư dài về tình trạng trong Giáo hội:

„ Một xã hội không có Thiên Chúa chỉ có thể là một thế giới không có ý nghĩa. Vì lúc đó, mọi sự phát xuất từ đâu? Dù sao, nó không có mục đích thiêng liêng nào. Nó chỉ đơn giản có mặt ở đó và không có bất cứ mục tiêu cũng như bất cứ ý nghĩa nào. Lúc đó, không hề có tiêu chuẩn thiện hay ác nào. Lúc đó, chỉ những điều mạnh hơn những điều khác mới có thể khẳng định chính nó. Quyền lực lúc đó là nguyên lý duy nhất. Sự thật không đáng kể, nó thực sự không hiện hữu. Chỉ khi mọi thứ có một lý do thiêng liêng, được dự tính và được quan niệm - chỉ khi có một Thiên Chúa sáng tạo, Đấng tốt lành và muốn điều tốt - thì cuộc sống của con người mới có thể có ý nghĩa. „

Nhà thờ Đức bà Paris đã bị cơn hỏa hoạn tàn phá làm mất đi không chỉ một công trình văn hóa xây dựng, nhưng còn nói lên biểu tượng sự suy xụp lung lay về đức tin đạo giáo tinh thần chối xa lìa Thiên Chúa nữa.

Nền tảng văn hóa của nhà thờ chính tòa vẫn còn đứng đó. Những cấu trúc của thánh đường bên Âu châu vẫn còn đó. Nhưng những thánh đường không còn cảnh có nhiều người tín hữu đến đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ Misa, tiếp nhận các Bí Tích, không còn có nhiều người muốn tuyên xưng đức tin vào Chúa, vào sự thánh thiện. Thay vào đó là sự dửng dưng, sự hồ nghi, bình phẩm chỉ trích phỉ báng…

Tin tức loan tải ngôi nhà thờ chính tòa bị hỏa hoạn tàn phá, nhưng Vòng gai của Chúa Giêsu ngày xưa, là di tích lịch sử thánh gìn giữ bảo quản trong nhà thờ đã được cha Fournier can đảm xông vào bên trong nhà thờ mang ra ngoài an toàn. Vòng mạo gai đã được cứu không bị lửa cháy thiêu hủy. Việc này nói lên hình ảnh sự trở về với Chúa. Trở lại với Thiên Chúa là chấp nhận hy sinh chịu đau khổ. Sự đau khổ hy sinh đó là những viên gạch đá sẽ xây dựng lại ngôi nhà thờ chính tòa Đức Bà.

Ngày xưa Thánh Phanxico thành Assisi đã được chính Chúa Giêsu trao cho nhiệm vụ“ Con hãy đi xây dựng lại Giáo Hội của Ta“. Thánh nhân đã vâng nghe tiếng Chúa nói và cứu xây dựng lại ngôi nhà thờ San Damiano trong tình trạng đổ nát tan hoang cho khang trang lại. Qua đời sống hy sinh thánh thiện thánh Phanxico đã không chỉ xây dựng lại ngôi nhà thánh đường, mà còn thổi làn gió đổi mới toàn Giáo Hội nữa.

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris, biểu tượng của văn hóa cùng lịch sử đời đạo của nước Pháp, sẽ được sửa chữa xây dựng lại, như lời Tổng Thống Pháp Macron và nhiều nhà mạnh thường quân đã hứa, đã kêu gọi.

Nhưng sự xây dựng lại qua sự trở về với Thiên Chúa, trở về với đức tin vào Chúa là nền tảng văn minh Kitô giáo còn cần thiết hơn.

Chúa Giêsu đã nói: „Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng, vì những người được tuyển chọn, các ngày ấy sẽ được rút ngắn.“ ( Mt 24,22). Ngày thứ sáu Tuần Thánh, ngày Chúa Giesu bị khổ hình đóng đinh trên thập gía năm xưa, không loại trừ xảy ra cho đời sống con người. Nhưng chúng ta biết và tin rằng cùng có kinh nghiệm trải qua trong đời sống rằng, sau đó ngày phục sinh sống lại sẽ đến.

Hãy để niềm vui mừng hân hoan ngày Chúa Nhật Chúa phục sinh sắp tới tràn ngập vào trái tim tâm hồn. Nhưng trước hết như sức lực được ban cho, hãy đứng vững dưới chân thập gía cùng chịu đựng đau khỗ với Đấng là nguồn sự sống ơn cứu chuộc.

Tuần Thánh 2019

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Phép lạ nhãn tiền: Nhà thờ Đức Bà Paris được cứu khi hàng ngàn người đổ xô đến cầu nguyện
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:41 16/04/2019