Ngày 18-04-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phúc cho ai không thấy mà tin
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:55 18/04/2014
Chúa Nhật II PHỤC SINH, năm A
Chúa Nhật “ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA “ ( Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh cho hai Chân phước Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II).

Ga 20,19-31


PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN !

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã biểu lộ hoàn toàn tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với con người. Việc Chúa sống lại đã củng cố lòng tin cho nhiều người. Các tông đồ sau khi được Chúa Phục sinh hiện ra, đặc biệt khi các Ngài lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đức tin của các Ngài lúc đó mới rực rỡ, sáng tỏ. Đức tin ấy là bằng chứng không bao giờ mất của những con người suốt đời dấn thân theo Chúa. Hôm nay, khi Chú hiện ra, không có mặt của tông đồ Tôma, do đó, Ông đã nói với các tông đồ bạn:” Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người , nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi chẳng tin “.

Chúa Giêsu Phục sinh đã minh chứng rõ ràng lời của Ngài loan báo trước. Các người phụ nữ, mồ trống và bằng chứng của các tông đồ đã nói lên tất cả sự thật về Chúa sống lại. Tôma muốn có chứng cớ: được sờ vào vết thương và thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa Phục sinh. Đó là lý luận bình thường của tất cả mọi con người bình thường bởi vì ai cũng muốn được thực nghiệm, ai cũng muốn thấy rồi mới tin. Chúa sống lại bất ngờ hiện ra và ban bình an cho các tông đồ, bình an của Chúa Phục sinh là niềm hạnh phúc, niềm vui của những ai có đức tin. Chúa ban bình an và nói :” Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em “. Rồi Chúa trao cho các môn đệ quyền tha tội bằng một lời nói và bằng hơi thở của Ngài :” Ngài thổi hơi trên họ và nói : Hãy chịu lấy Thánh Thần.Các con tha tội cho ai thì tội họ được tha; các con cầm tội ai thì tội họ bị cầm lại “. Thổi hơi là sinh khí, là thần khí Thiên Chúa đã ban cho nguyên tổ Adam…hơi thở ấy thần khí Chúa, là hoa quả của sự bình an, Chúa sống lại trao ban cho các môn đệ của Ngài.

Trong nhà đóng kín, hôm nay Chúa Phục sinh hiện đến có cả Tôma và các tông đồ. Chúa nhắc lại cho Tôma về điều kiện, khúc mắc mà Tôma đặt ra để có thể tin vào Chúa Phục sinh. Đứng trước Chúa sống lại, Tôma chỉ có một thái độ, một hành động duy nhất là phủ mình trước mặt Chúa không dám nói gì. Tôma cũng không dám xỏ tay vào lỗ đinh nơi chân tay của Chúa Phục sinh hay dám cả gan thọc bàn tay vào cạnh sườn của Chúa sống lại. Tôma chỉ có thể thốt lên :” Lạy Chúa là Chúa trời tôi “. Đó là đức tin, lời tuyên xưng thật trong sáng mà Tôma đã bầy tỏ với Chúa Phục sinh. Jean-Claude Dunand viết :” Lòng ngờ vực mà ông Tôma nói lên thật ra là chính đáng.Chúng ta thử ở chỗ của ông xem ! Người ta kể cho ông rằng một người đã chết nay hãy còn sống ! Đó là điều làm sao tin được chứ ! Xét theo lẽ thường thì không thể được. Thầy Giêsu mà người ta đã thấy chết trên một cây thập giá, đã đặt trong một ngôi mộ, đóng lại với một tảng đá lớn, giờ lại là một người sống sao ? Làm sao tin được một chuyện như thế ?...Đức tin không liên hệ với một điều mắt thấy hay cảm nhận với giác quan, cũng không liên hệ với những gì người ta hiểu.Tin là đặt tin tưởng…Được tin dựa
trên lòng tin tưởng vào một lời nói, một lời được nghe một cách trung thành và đều đặn”.

Vâng, đức tin là đặc ân Thiên Chúa trao ban cho con người. Không có đức tin, con người sẽ chẳng nhận ra được điều gì cả ! Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đã trở về với Chúa Cha, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha để cùng hiển trị với Chúa Cha.Chúa Phục sinh đã ban cho chúng ta một mối phúc, mối phúc mà chúng ta tuy ở xa Ngài hơn các tông đồ, nhưng lại rất gần gũi Ngài vì chúng ta không thấy Ngài như các tông đồ nhưng chúng ta vẫn tin :” Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.Phúc cho ai đã không thấy mà tin “ (Ga 20, 29 ).

Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật “Lòng thương xót Chúa “. Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh cho hai Chân phước Gioan XXIII và Chân phước Gioan-Phaolô II. Đây là hai vị thánh sống rất gần gũi chúng ta. Một Vị thánh đã triệu tập Công đồng Vaticanô II khi tuổi đã già, nhưng lại là một Vị thánh đã làm tái diễn lại ngày Lễ Hiện Xuống mới. Thánh Gioan XXIII là Vị thánh đã làm cho Công đồng Vaticanô II trở nên Công đồng của Lễ Ngũ Tuần mới.Còn thánh Gioan-Phaolô II là thánh của giới trẻ. Cả hai Vị thánh Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II đều là những Vị thánh hết sức đặc biệt nói lên Lòng thương xót của Chúa. Thánh Gioan-Phaolô II đã chọn Chúa Nhật II Phục sinh để kính “ Lòng Thương Xót Chúa “.Chúng ta tạ ơn Chúa vì hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng hai Chân phước Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II nên bậc hiển thánh để tất cả Giáo Hội hoàn vũ tôn kính các Ngài…

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại khải hoàn và chiến thắng sự chết vinh quang, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào Chúa sống lại.

Xin cho chúng con luôn biết noi gương hai thánh Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II yêu mến và tôn sùng “ Lòng Thương Xót Chúa “. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa Giêsu Phục sinh lại nói :” Phúc cho những ai không thấy mà tin ?
2.Tôma đã nói gì với các bạn tông đồ ?
3.Tôma là người thế nào ?
4.Thánh nào đã cho biết về Thánh Danh :” Lòng Thương Xót Chúa “.
5.Ai đã phong thánh cho nữ tu Faustina ?
6.Nữ tu Faustina là người nước nào ?

 
Đức Chúa Giêsu đã sống lại thật và các cuộc đổi đời
Jos. Vinc. Ngọc Biển
12:21 18/04/2014
ĐỨC GIÊSU ĐÃ SỐNG LẠI THẬT VÀ CÁC CUỘC ĐỔI ĐỜI

(Chúa Nhật Phục Sinh)

Câu nói nổi tiếng của thánh Phaolô đã thể hiện niềm tin tuyệt đối, niềm hy vọng chắc chắn của ngài vào Đức Kitô Phục Sinh, ngài nói: “... nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14); “Mà nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Ðức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,17-19). Đúng thế, nếu cả cuộc đời của mỗi chúng ta, sự hy sinh dài lâu cho một con người mà chính người đó lại kết thúc cuộc đời của họ qua cái chết thì quả là một điều vô lý, hão huyền, thua thiệt và dại dột. Tuy nhiên, Đức Giêsu, Đấng mà các môn đệ tin; nhiều người Dothái tin; Giáo Hội tin; và chúng ta tin, Ngài đã chết thật, nhưng Ngài cũng đã sống lại thật.

Như vậy, niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu quả là khôn ngoan và có cơ sở vững vàng. Vậy tại sao biết được Đức Giêsu chết thật, và luận cứ gì làm bảo chứng cho niềm tin Ngài đã sống lại? Việc Ngài chết và đã phục sinh có để lại dấu ấn gì nơi những người tin hay không?

1. Đức Giêsu đã chết?

Đức Giêsu đã chết thật. Đây là lời khẳng định rõ ràng qua các chứng cứ sau:

Cái chết của Ngài là hệ quả của những phiên tòa do những tác động gây sức ép từ phía dân chúng, khiến những nhà lãnh đạo tôn giáo Dothái thời bấy giờ kết án tử Đức Giêsu. Và Đức Giêsu đã bị xử tử theo trình tự như: bị đánh đòn; vác thập giá; bị đóng đinh với hai tên gian phi trên đỉnh đồi Canvê.

Khi họ đóng đinh xong, Đức Giêsu đã chết thật, nên quân lính không đánh dập ống chân Ngài nữa, tuy nhiên để cho chắc ăn, một người lính đã lấy lưỡi đòng đâm cạnh nương long Đức Giêsu, tức thì máu và nước đã vọt ra cho thấy nhát đâm của người lính này đã đâm trúng tim của Đức Giêsu.

Sau đó, có các môn đệ thầm lặng của Ngài như Giuse Arimathia đến xin lĩnh xác Đức Giêsu để táng xác. Philatô đã đồng ý, nhưng ông vẫn phải hỏi lại viên sĩ quan phụ trách thi hành án xem Đức Giêsu đã chết thật chưa? Khi được trả lời là đã chết thật, Philatô mới cho phép tháo xác Đức Giêsu xuống để an táng. Và, họ đã an táng Đức Giêsu trong một ngôi mộ mới.

Như vậy, Đức Giêsu đã chết thật. Không thể không tin vào chuyện này được. Tuy nhiên, nếu cái chết là điểm đến, là kết cục, thì nó là chuyện vô lý, không có gì để chúng ta bàn nữa. Nhưng cái chết đã không còn quyền chi đối với Đức Giêsu khi Ngài đã phục sinh.

2. Ngôi mộ bị bỏ trống

Trong kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu: “... ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Ngài đã sống lại và đã ra khỏi mồ. Vì thế, sự kiện ngôi mồ trống là điều mà mỗi người chúng ta cần quan tâm.

Tin Mừng cho thấy vừa tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ đi ra mồ, khi tới nơi, họ không còn thấy xác Đức Giêsu trong đó nữa. Các bà thì ngỡ ngàng và không hiểu tại sao lại như vậy? Phải chăng Ngài đã phục sinh như lời Ngài đã phán trước? Và thật thế, Thiên Thần đã trấn an các bà, để các bà khỏi hoảng hốt, khiếp đảm và bỡ ngỡ, Thiên Thần nói: "Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. (Mt 28,5-6).

Còn đối với những kẻ chủ mưu giết Đức Giêsu thì có sẵn những âm mưu từ trước nên đã gán cho sự việc này giả thiết như sau: có thể các môn đệ của ông ấy đến ăn cắp xác Đức Giêsu và phao tin Ngài đã sống lại? Và những Thượng Tế, Kỳ Lão đã cho tiền quân lính để chúng đồng thuận với họ về ý tưởng này.

Tuy nhiên, giả thiết này đưa ra thật không có bằng chứng và đáng ngờ vì những lý do:

- Thứ nhất, khi những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ họ đã nghe biết Đức Giêsu nói là sẽ sống lại, nên họ đã đề phòng cẩn thận, bởi vì nếu không lường trước sự việc, thì không khéo điều đó diễn ra thật thì chẳng khác gì như một cú tát, bát nước lạnh tạt vào mặt những kẻ kết án Đức Giêsu, còn với chính họ, chẳng khác gì tự mình ngửa mặt lên và nhổ nước miếng...?Vì thế, họ đã đặt một đội lính canh tinh nhuệ để trông chừng, phòng chống những rủi ro sẽ sảy ra.

- Thứ hai, nếu gán rằng có kẻ thù ăn cắp xác Đức Giêsu thì lại càng không ổn, vì nếu làm nhưu vậy thì vô hình chung lại là điều kiện tốt cho việc phao tin Đức Giêsu sống lại. Và tỷ lệ thuận là điều có thể xảy ra đối với những người đã từng cảm phục Đức Giêsu lúc Ngài còn sống.

- Thứ ba, điều này rất khó xảy ra vì các Tông đồ phần đông là dân chài lưới, ít học, lại kém tin nữa. Bằng chứng là khi cuộc thương khó của Đức Giêsu đến, các ông đã bỏ trốn, có kẻ còn trút lại cả quần áo để miễn sao thoát thân, rồi Phêrô là Tông đồ trưởng nhưng đã vì lo sợ mà trối cả Thầy mình, rồi sau khi Đức Giêsu chết, họ tụ họp với nhau nhưng cửa đóng then cài vì sợ người Dothái..., tiếp theo là sự thất vọng được lộ rõ trên khuôn mặt của hai môn đệ trên đường Emmau. Như vậy, không có lý do gì mà các môn đệ của Đức Giêsu làm được chuyện này trước một đội lính tinh nhuệ và có bề dày kinh nghiệm...

Như vậy, Đức Giêsu đã sống lại thật và sự kiện ngôi mồ trống là bằng chứng. Đây là dấu chỉ thứ nhất. Dấu chỉ thứ 2 là những lần hiện ra với nhiều người, nhiều nơi và cùng lúc, cũng như những người đó lần lượt nhận ra Ngài với những kỷ niệm và những dấu hiệu mà họ đã biết trước đó.

3. Những cuộc hiện ra

Điều đáng nói và cũng là quan trọng nhất, đó là tất cả những diễn biến qua cuộc khổ nạn, chết và sống lại của Đức Giêsu đều được Kinh Thánh báo trước. Khi thì qua hình ảnh, dấu chỉ, tiên báo, hay do chính Ngài loan báo với các môn đệ: Thầy “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21). Và hôm nay, Ngài đã sống lại, đã hiện ra cho Maria Mácđala (x. Ga 20, 11- 18); với các phụ nữ đi ra viếng mồ Ngài (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9; Ga 20,11-18); hiện ra với 2 môn đệ trên đường về Emmau (x. Mc 16,12-13; Lc 24,13-35); hiện ra với các môn đệ khi các ông đang họp kín, trong đó có Tôma (x. Ga 20,19-29); bên bờ hồ Giênêdarét (Ga 21); phép lạ đánh cá (x. Ga 21, 1- 14).v.v; và hiện ra tại Galilê, sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 28,16-20; Mc 16: 14 -18; Lc 24: 36 -49; Ga 20: 19 -23; Cv 1:6-8).

Những lần hiện ra, có những nhận thức khác nhau, và việc nhận thức này được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau:

Nhận ra khuôn mặt Đức Giêsu (x. Ga 20, 20.27); nghe thấy những gì Ngài nói (x. Ga 20,16); những hành động Ngài làm (x. Lc 24, 35); hiểu Kinh Thánh (x. Lc 24,27.45)...

Mặt khác, đây chính là sáng kiến từ phía Đức Giêsu: Ngài đến gặp họ (x. Mt 28,9); Ngài tiến lại gần các môn đệ, đến ở giữa họ, hiện ra với họ (x. Lc 24,15), đón gặp họ, cùng đi với họ, và, ở lại với họ (x. Lc 20,14;21,4).

Các bằng chứng đã rõ. Chúng ta không thể không tin được. Chỉ có cố chấp và trai lì trong ích kỷ, tội lỗi...thì mới không tin mà thôi.

4. Những cuộc đổi đời

Cuối cùng, như trong phần mở đầu đã đề cập đến lời tuyên xưng của thánh Phaolô khi nói: “... nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Cũng vậy, nếu Đức Giêsu đã không sống lại thì làm sao có những cuộc đổi đời ngay tức khắc như vậy?

Các Tông đồ, là những người nhát đảm sợ sệt, ấy vậy mà sau biến cố phục sinh của Đức Giêsu, các ông đã trở nên mạnh dạn khác thường.

Nếu trước kia họ chỉ là người đi theo Thầy của mình, thì từ ngày Thầy mình phục sinh, các ông đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng bị đóng đinh và đã sống lại để rao giảng chân lý Tin Mừng.

Nếu trước kia, các ông là những người ít học, khô khan, kém hiểu biết, thì sau khi Đức Giêsu phục sinh, các ông đã hiên ngang, hùng hồn, uyên thâm khi rao giảng về Đấng đã bị chính dân mình giết chết.

Nếu việc Đức Giêsu sống lại chỉ là chuyện bịa đặt thì làm gì các ông lại dại dột mà đi phỉnh lừa người khác, trong khi mình còn biết bao chuyện phải lo... và các ông cũng đều biết rằng việc các ông rao giảng về Đức Giêsu, thì đồng nghĩa với việc lãnh nhận sự liên klụy và sẽ có nguy bị giết chết.

Nhưng không! Các ông đã không sợ, bởi vì giờ đây, các ông mới hiểu rõ rằng Đức Giêsu là Chúa; là đường, là sự thật và là sự sống. Nên không có gì tách các ông ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, cho dù là gian truân, thử thách, gươm đao và ngay cả cái chết, bởi vì mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, nên vì Ngài, các ông đành mất hết để được tất cả, và đỉnh cao của cái được đó là đồng hiển trị với Ngài trong Vương Quốc của Ngài.

Rồi trải qua biết bao thế hệ, trên khắp thế giới, có biết bao nhiêu con người đã bất chấp hiểm nguy, rừng thiêng núi độc, hiểm trở trăm bề, nhưng vẫn quyết chí lên đường để đi và đến nhằm loan báo Tin Mừng về một Đức Giêsu đã chết, đã phục sinh hầu cứu chuộc nhân loại..., và nếu cần thiết, các ngài sẵn sàng lấy mạng mình để minh chứng điều mình tin là thật. Các thánh tử đạo Việt Nam của chúng ta là một điển hình.

Như vậy, không ai và cũng không thể nào kéo dài cả hơn 2000 năn nay với một câu chuyện, một niềm tin vô lý được! Và nếu tồn tại đi chăng nữa thì chúng ta là những kẻ ngu dốt nhất trong thiên hạ vì đã tin vào cái xác chết. Nhưng không! Chúng ta tin vào Đấng đã chết và đã phục sinh, và Đấng ấy có đủ quyền năng để dẫn đưa những ai cùng chết với Ngài thì cũng sẽ được cùng Ngài sống lại hiển vinh, vì Ngài đi trước dọn chỗ cho chúng ta.

Lạy Đức Kitô Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con thêm đức tin và vững lòng trông cậy theo Chúa đến cùng để được Ngài cho phục sinh vinh hiển. Amen.
 
Đức Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng, chân lý và tình yêu
Jos. Vinc. Ngọc Biển
12:23 18/04/2014
ĐỨC KITÔ GIÊSU LÀ ÁNH SÁNG, CHÂN LÝ VÀ TÌNH YÊU

(Lễ Vọng Phục Sinh)

Những ai đã từng đi rừng vào ban đêm, hẳn sẽ hiểu được sự cần thiết của ánh sáng. Cách đây khoảng mấy chục năm, việc có và sử dụng đèn pin là rất hiếm, nên những người đi rừng vào ban đêm thường hay đốt đuốc để dò đường. Một phần phá đi bóng tối bao phủ, phần khác xua đuổi những loài dã thú dữ... Rồi trong những dịp lễ hội dân gian, người ta thường hay nhóm lên đống lửa và tụ họp trung quanh nó để vui ca nhảy múa... ta gọi đó là lửa trại.

Đêm nay, đêm mà mọi người Công Giáo trên thế giới cũng quây quần bên ánh lửa đặc biệt của ngọn nến Phục Sinh. Ánh lửa đó tượng trưng cho chính Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chiến thắng tử thần và đã sống lại. Ngọn lửa ấy đã làm bừng sáng lên để xua đi bóng tối của những phiêm tòa ẩn khuất xử Đức Giêsu trong đêm và cũng phá tan bóng đen u ám của cái chết trên đồi Canvê chiều thứ 6 Tuần Thánh.

1. Đức Kitô Giêsu là Ánh Sáng, là Chân Lý và Tình Yêu

Trước khi cử hành phụng vụ đêm nay, mọi ánh đèn đều được tắt, để khởi đi từ bóng tối. Đây là hình ảnh của tội lỗi, sự dữ, gian dối và chết chóc. Nhưng ngay sau đó, nến Phục Sinh được thắp lên, được truyền lan đến mọi người, và vị chủ tế cất tiếng giới thiệu: “Ánh Sáng Chúa Kitô”, mọi người đáp: “Tạ ơn Chúa”. Nghi thức này cho thấy: Đức Kitô phục sinh đã phá tan bóng tối, đêm đen, tội lỗi và sự chết. Từ nay Ngài là Chúa của kẻ sống và sẽ phục sinh tất cả những ai đã cùng Ngài bước qua đau khổ thì sẽ được đến vinh quang. Từ nay, Ngài sẽ thông ban sự sống của Ngài cho chúng ta, để chúng ta sống tự do trong cương vị là con cái Chúa.

Vì thế, kể từ đây, chúng ta thuộc về Đức Kitô Phục Sinh - Đấng là Sự Sống, là Ánh Sáng chiếu soi mọi người. Khi đã thuộc về Đức Kitô như thế, mỗi người cũng nhớ lại vai trò trở nên ánh sáng soi cho muôn người ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

Ánh Sáng của nến Phục Sinh được thắp lên, còn gợi cho chúng ta cảm nghiệm được sự sáng và sức nóng, đây chính là biểu trưng của chân lý và tình yêu nơi Đức Giêsu. Chân lý và tình yêu là hai đặc tính luôn ở bên mỗi chúng ta và nó thôi thúc mỗi người hãy bước theo chân lý và sống trong tình yêu. Bước theo chân lý và sống trong tình yêu là gì nếu không phải là cùng làm chứng với Đức Kitô Giêsu, cùng bước vào quỹ đạo của tình yêu là yêu cho đến cùng như Ngài!

Như thế, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, nếu một khi đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, tức là ta cùng chết với Ngài, ắt ta cũng sẽ được cùng Ngài sống lại hiển vinh.

2. Thiên Chúa biểu hiện Tình Yêu của Người

Các bài đọc sẽ giúp cho chúng ta lần lượt khám phá thêm ý nghĩa của đêm nay:

Phụng vụ Lời Chúa được khởi đầu với bài trích sách Sáng Thế, qua bài đọc này, gợi lại cho chúng ta những hình ảnh rất giàu tính biểu cảm, đó là: cảnh tối tăm bao trùm hết mọi nơi, tình trạng hỗn mang vô trật tự. Tuy nhiên, khi Đức Chúa phân rẽ ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, thì tình trạng hỗn mang đó không còn nữa và kể từ đó mọi vật và mọi loài sống theo trật tự đúng với bản chất của chúng. Qua bài đọc này, dưới ánh sáng đức tin, chúng ta xác tín hơn về niềm tin của mình vào một Thiên Chúa là Chủ Tể trời đất. Mọi sự hiện hữu trên trần gian này thuộc về Người, và do ý muốn của Người mà có.

Tiếp theo, hành ảnh của Ápraham hiện lên như một mẫu gương tuyệt vời về niềm tin. Ông đã đặt trọn niềm tín thác của mình ở nơi Đức Chúa, nên ông sẵn sàng hiến dâng cho Người những gì là quý giá nhất của mình, đó chính là Isaác, đứa con trai duy nhất để trọn niềm hiếu trung với Người.

Sang bài đọc Xuất Hành, tác giả gợi lại cho chúng ta về một vị Thiên Chúa luôn yêu thương con cái của mình. Thật vậy, Người đã cứu thoát họ ra khỏi Aicập và đưa họ về miền Đất Hứa, nơi tràn trề sữa và mật. Cuộc xuất hành của dân Do thái cho chúng ta một hình ảnh tiên trưng vừa cá nhân vừa tập thể. Cá nhân thì ám chỉ cuộc vượt qua của Đức Giêsu; tập thể là cuộc vượt qua của tất cả chúng ta.

Hình ảnh dân Israel được trình bày cách tiệm tiến: cuộc đời và dân tộc của Israel đi từ thân phận nô lệ do tội lỗi, đến nơi được tự do trong tâm tình con cái Chúa; đi từ sự thất vọng đến hy vọng tràn trề; từ sự chết đến sự sống. Thiên anh hùng ca giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập là bằng chứng hùng hồn việc Thiên Chúa đang hướng dẫn lịch sử nhân loại tới hồng ân cứu độ. Mặc cho dân thất trung, bội ước, Thiên Chúa vẫn yêu thương và không hề lay chuyển.

Khi xưa, dân Israel đã khước từ nguồn mạch khôn ngoan, thì đến thời Tân Ước, Thiên Chúa đã trao ban chính Đấng Khôn Ngoan của mình đến ở trực tiếp. Đấng ấy chính là Đức Kitô Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại để cứu chuộc nhân loại.

3. Sống mầu nhiệm Ánh Sáng

Đêm nay, đêm Vọng Phục Sinh, ngọn lửa Phục Sinh được chiếu sáng nhắc cho chúng ta thấy rằng, Đức Giêsu là Ánh Sáng, Ánh Sáng đã đến thế gian để cùng chân lý đẩy lui sự dữ, hận thù và chia rẽ... để trao tặng cho nhân loại một Ánh Sáng của tình yêu, niềm tin, phó thác, và như thế, người kitô hữu chúng ta, một khi đã được Rửa tội, chúng ta được mặc lấy Đức Kitô để thuộc về Ngài, thì đêm nay, chúng ta thắp lên và hướng về ngọn nến Phục Sinh như một sự suy phục, hẳn chúng ta cũng không thể không nghĩ đến vai trò chứng nhân của mình là phải trở nên ánh sáng cho mình và soi sáng cho tha nhân.

Cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Israel, và cũng là dành cho mỗi người kitô hữu chúng ta, đêm nay, một lần nữa, mỗi người tuyên tín lại niềm tin của mình ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, để một lần nữa hâm nóng lại sự xác tín của mình vào Đức Kitô Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến để chiếu rãi chân lý và tình yêu của Người cho nhân loại. Đấng ấy đã đi đến tận cùng của tình yêu là vâng lời trọn vẹn và hiến dâng mạng sống của mình làm của lễ đền tội thay cho nhân loại. Đấng ấy đã sống lại để dẫn đưa những người tin vào sự sống mới, sự sống tràn đầy hạnh phúc và bình an.

Nếu Ápraham đã vâng lời, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa nên đã hiến tế con trai duy nhất của mình cho Thiên Chúa, thì Đức Giêsu, Đấng là con duy nhất của Thiên Chúa Cha cũng đã tự hiến chính mình để thể hiện tình yêu trọn vẹn vào Thiên Chúa và vì yêu nhân loại, khi đến lượt chúng ta, mỗi người cũng hãy sống sự hiến tế ấy trong tư cách là con cái Thiên Chúa và trong tư cách là người mang trong mình hình ảnh của Đức Kitô Giêsu, để yêu Chúa và yêu tha nhân hết lòng.

Nếu xưa kia, Đức Chúa đã dẫn dân ra khỏi ách nô lệ bên Aicập, để đưa dân đến bến bờ tự do thực sự, thì Đêm nay, Đức Kitô Giêsu cũng làm một cuộc Xuất Hành mới, cuộc Xuất Hành này đi từ sự chết đến sự sống, cái chết không còn quyền chi đối với Ngài nữa, từ nay Ngài là Chúa các chúa, Vua các vua, là Chúa của kẻ sống. Như vậy, Ngài đã giải thoát con người chúng ta khỏi sự dữ, sự tội, khi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng can đảm để làm một cuộc xuất hành mới, đi từ tối tăm của tội lỗi; từ sự bất hạnh do tội lỗi gây ra; từ những điều bất chính; những ràng buộc do tội gây nên, để trở thành con người mới, con người tự do trong tư cách là người thuộc về Đức Kitô Giêsu.

Bên cạnh đó, đêm hôm nay cũng là đêm của Ánh Sáng được chiếu dãi cho muôn dân. Thật vậy, sự chờ đợi của anh chị em Dự Tòng trong những tháng ngày qua, giờ đây họ đã được chính thức lãnh nhận Phép rửa để trở nên người kitô hữu trong Giáo Hội Chúa Kitô. Họ khoác lên mình chiếc áo trắng, tượng trưng cho sự sống mới trong Đức Kitô, Đấng đã phục sinh.

Chúng ta cùng cầu nguyện và đồng hành với những anh chị em này, để họ luôn giữ được ngọn nến sáng của đức tin, luôn sẵn sàng làm chứng cho chân lý và luôn sống trong tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân.

Lạy Đức Kitô Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con thuộc trọn về Chúa để trở nên một con người mới trong ân sủng và tình yêu. Amen.
 
Gặp đấng phục sinh ở chốn đời thường
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:24 18/04/2014
GẶP ĐẤNG PHỤC SINH Ở CHỐN ĐỜI THƯỜNG

(Lễ Vọng Phục Sinh năm A)

Đã biết bao lần mừng mầu nhiệm Chúa Phục sinh thế mà một cách nào đó theo cái nhìn của quảng đại Kitô hữu dường như tâm tình phục sinh không mấy đượm tình và sốt sắng cho bằng mầu nhiệm tử nạn của Chúa Kitô được suy ngắm trong suốt mùa Chay thánh. Dẫu cho hai mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đấng Cứu Độ luôn gắn liền với nhau, thế nhưng theo chiều kích thần học thì Phục sinh chính là mầu nhiệm nền tảng của Kitô giáo. Chính sự phục sinh của Chúa Kitô mới thực sự khẳng định căn tính Thiên Chúa của Đấng làm người và đồng thời đem lại cho mầu nhiệm Khổ nạn của Người đủ đầy ý nghĩa. Nói như thánh tông đồ Phaolô vì nếu Chúa Kitô không phục sinh thì niềm tin của chúng ta ra vô ích và Kitô hữu chúng ta là những người khốn khổ nhất trần gian.

Vậy thử hỏi vì nguyên cớ nào mà tâm tình Kitô hữu sống mầu nhiệm Phục sinh xem ra không bằng mùa Chay hay mầu nhiệm Giáng sinh? Câu trả lời có thể nằm ở hạn từ sống. Vào mùa Chay Kitô hữu thường được mời gọi nhìn nhận thân phận tội lỗi, yếu đuối, bất toàn của mình để sám hối ăn năn. Cái thực trạng bất toàn yếu đuối, tội lỗi của bản thân thì dường như dễ thấy vì nó như là tình trạng hiện sinh của kiếp người vốn dĩ bất thập toàn. Dù là bậc thánh nhân hay người vai cao vị trọng trong Giáo Hội, tất thảy đều là những con người mỏng dòn. Có thể khẳng định rằng ngoại trừ Mẹ Maria thì khi đã đến tuổi khôn, loài người chúng ta không một ai là đã không từng phạm tội. Mặc dầu được chỉ dạy rằng sám hối ăn năn là để canh tân thay đổi, tuy nhiên một cách nào đó việc ăn năn sám hối rất dễ dừng lại ở bản thân mình hơn và thực tế Kitô hữu nói chung cũng dễ hài lòng với việc lãnh nhận bí tích hòa giải và làm một vài việc đền tội cách tượng trưng do linh mục giải tội đề ra hoặc làm một vài việc bác ái trong giới hạn nào đó hoặc một đôi lần đi đàng Thánh Giá hay một vài hy sinh hãm mình chay tịnh. Đến đây chúng ta mới hiểu được phần nào tâm tình sống mùa Chay xem ra sốt sắng vì nó quy hướng về mình nhiều hơn.

Trái lại mầu nhiệm Phục sinh thì đòi hỏi Kitô hữu chúng ta phải lên đường và ra đi. Tuyên xưng Chúa Kitô đã phục sinh trước hết là tuyên xưng niềm tin vào Đấng tử nạn chính là Thiên Chúa thật, vì chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể chiến thắng sự chết. Khi đã tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thật tức là nhìn nhận sự sống sự chết của chúng ta và cả hạnh phúc đích thật của chúng ta lệ thuộc vào Người. Và như thế điều tất yếu phải đến đó là để được trường sinh, để được hạnh phúc thì chúng ta phải thực thi lời Người truyền dạy, phải dõi theo chân Người để sống như Người đã sống.

Tuyên xưng Chúa Kitô đã phục sinh là nhìn nhận rằng sự thật đã chiến thắng sự gian dối, tình yêu đã chiến thắng sự hiểm ác, bạo tàn. “Chị em đừng sợ! Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10). Không phải ở đền thờ Giêrusalem, cũng không phải ở trên núi Taborê, nhưng là ở Galilê là nơi mà các môn đệ đang sống với những chuyện đời thường, cơm áo gạo tiền, chuyện gia đình, chuyện xóm thôn… các môn đệ sẽ gặp gỡ Đấng Phục sinh.

Qua lời của Đấng Phục sinh ngõ với các bà ở trên thì chúng ta nhận ra hiện thực này: sống niềm tin vào mầu nhiệm Phục sinh không hệ tại ở những câu Hallêluia Chúa đã sống lại được cất lên theo cung điệu hoành tráng ở các thánh đường, cũng không hệ tại ở các nghi thức Phụng vụ trang trọng của đêm Lễ canh thức vọng mừng Chúa sống lại…mà hệ tại ở việc nỗ lực làm cho công lý và sự thật, làm cho tình yêu và sự tương thân tương ái được bừng sáng trong những chuyện của đời thường. Như thế sống mầu nhiệm Phục sinh đòi hỏi chúng ta phải biết sống liên đới với tha nhân đến cùng, nhất là với những người đang bị kìm hãm bởi sự gian tham, dối trá và ác độc. Sống mầu nhiệm Phục sinh là tích cực dệt xây một môi sinh an bình trong công lý và tình huynh đệ. Như thế có thể nói rằng một điểm tới không thể thiếu của mầu nhiệm Phục sinh mà chúng ta cần phải sống đó là tha nhân và xã hội.

Cần thú nhận rằng quá trình đi ra khỏi cái bản ngã để đến với tha nhân trong tình liên đới thật không mấy dễ dàng. Chính vì thế mà chúng ta chưa thật sự cảm nhận hiệu quả của tin mừng Phục sinh. Rất có thể đối với nhiều Kitô hữu, ngay sau Thánh Lễ vọng Phục sinh và ngày Chúa Nhật mừng chính thức tiếp liền sáng hôm sau thì mùa Phục sinh xem như là chấm dứt. Tất thảy vì lý do này: họ đã quên rằng Đấng Phục sinh đã trở về Galilê, nghĩa là đang ở giữa cảnh đời thường để đón đợi chúng ta. Ước gì một mùa Phục sinh đang đến và sẽ không qua đi cách vô hiệu đối với bản thân tôi cũng như với nhiều người trong chúng ta. Ước gì câu từ Alleluia thúc bách chúng ta lên đường, ra đi thực thi nội hàm của sứ điệp Phục sinh: Sự thật phải ngự trị, công lý phải bừng sáng, tình yêu phải tỏa lan ngay trong chuyện cơm áo gạo tiền, cả trong lãnh vực giáo dục và y tế, trong lãnh vực kinh tế và chính tri, cả trong lãnh vực văn hóa và thể thao, an ninh và quốc phòng…

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Thứ Bảy Tuần Thánh – Vọng Phục Sinh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:43 18/04/2014
N2T

THỨ BẢY TUẦN THÁNH
VỌNG PHỤC SINH


Tin mừng : Mt 28, 1-10.
“Ngài trỗi dậy và đi Ga-li-lê trước các ông”


Anh chị em thân mến,
Hôm nay là lễ Vọng Phục Sinh, lễ mừng Đức Chúa Giê-su từ trong mồ đá sống lại khải hoàn, một tin vui và niềm hy vọng lại đến dạt dào nơi những kẻ tin vào Ngài, trước hết là Đức Mẹ Ma-ri-a, các môn đệ và những người yêu mến Ngài.

Trong niềm vui phục sinh với Đức Chúa Giê-su, tôi xin chia sẻ với anh chị em về sự Phục Sinh của Chúa liên quan mật thiết đến sự sống hằng ngày của chúng ta.

Chết liên lỉ và sống lại hằng ngày.
Một hôm ve sầu hỏi Đấng tạo hóa:
- “Có thứ gì vừa có đầy đủ sức sống, nhưng đồng thời cũng có đủ sự chết không?”
- “Có chứ”- Đấng tạo hóa tiếp lời: “Hạt giống của lúa, lúa mì và tất cả các hạt, chúng nó đều là vừa sống vừa chết; vừa chết vừa sống” .


Đức Chúa Giê-su đã sống lại như lời Ngài đã nói trước, đó là một niềm tin và là một sự thật, Ngài đã sống lại sau khi bị đóng đinh vào thập giá, chết, và được mai táng trong mộ đá, đó là tất cả niềm tin của chúng ta, như lời thánh Phao-lô đã quả quyết rằng nếu Đức Chúa Ki-tô chết đi mà không sống lại, thì chúng ta –những kẻ tin- là những người vô phúc nhất. Nhưng Ngài đã sống lại.

Đức Chúa Giê-su là hạt giống Nước Trời được gieo vào thế gian vừa có đủ sự chết nên Ngài đã chết, vừa có đủ sự sống nên Ngài đã sống lại, sự sống lại này là một bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy chính Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu chuộc trần gian. Ngài đã sống lại và đang ở trong mỗi người chúng ta, để làm cho chúng ta -nhờ bí tích Thanh Tẩy và Hòa Giải- cũng được sống lại với Ngài trong từng giây phút của cuộc đời mình.

Anh chị em thân mến,
Phụng vụ đêm nay có nhiều nghi thức, mỗi một nghi thức đều ăn khớp với nhau, từ Cựu ước đến Tân ước, tất cả đều có liên quan đến Đức Chúa Giê-su lá Đấng cứu thế, là Đấng Mê-si-a mà các tiên tri đã loan báo, để cho chúng ta hiểu được kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thật vĩ đại dường nào.

Mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng ta đều có sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giê-su: khi chúng ta hy sinh, chúng ta hãm mình là chúng ta chết cho tội và sống trong ân sủng của Thiên Chúa; khi chúng ta nhịn nhục, khi chúng ta phục vụ là chúng ta chết cho cái tôi và sống lại trong Thần Khí của Đức Chúa Giê-su...

Không phải chỉ đúng ngày lễ Phục Sinh chúng ta mới “sống lại”, nhưng tình yêu của Đức Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta chết và sống lại mỗi ngày, bởi vì mỗi người trong chúng ta là những mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa nẩy mầm và phát triển rồi ảnh hưởng đến môi trường chung quanh chúng ta.

Người ta sẽ không biết Đức Chúa Giê-su chết như thế nào và sống lại ra sao, nếu mỗi người trong chúng ta –người Ki-tô hữu- không đem đời sống của mình ra để làm chứng cho Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, mà chứng cớ sống động nhất chính là chúng ta sống như Chúa đã sống, đó là yêu thương, phục vụ và tha thứ cho nhau- Alleluia.

Xim Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:46 18/04/2014
N2T

1. Nhận biết Thiên Chúa là làm cho người khác nhận biết mình; cũng vậy, nhận biết mình cũng là khiến cho người ta nhận biết Thiên Chúa.

(Thánh Augustinus)
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Văn bản Đàng Thánh Giá do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
J.B. Đặng Minh An dịch
15:39 18/04/2014
Văn phòng các cử hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng
Chặng Đàng Thánh Giá do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự

Rôma ngày 18 tháng Tư

Diện mạo của Thiên Chúa
Diện mạo của con người


Dẫn Nhập

Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.

Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu. (Ga 19:35-37).


Lạy Chúa Giêsu chí ái,
Chúa đã bước lên đồi Golgotha không chút do dự, trong một tình yêu tuyệt đối,
và để cho mình bị đóng đinh mà không phàn nàn trách móc.
Lạy Người Con khiêm nhu của Mẹ Maria,
Chúa kề vai gánh lấy đêm đen của chúng con
để cho chúng con thấy ánh sáng bao la
mà Chúa muốn đong đầy trái tim chúng con.
Nơi sự đau khổ của Chúa là ơn cứu độ chúng con
trong nước mắt Chúa, chúng con thấy "giờ khắc"
mà tình yêu đầy ân sủng của Thiên Chúa được tỏ lộ.
Trong hơi thở cuối cùng của Chúa, như một phàm nhân,
Chúa dẫn chúng con quay về với trái tim của Cha, với bảy lần tha thứ,
và Chúa chỉ cho chúng con, trong những lời cuối cùng của mình,
con đường dẫn đến sự giải thoát mọi buồn sầu của chúng con.
Lạy Chúa, Đấng là Tất Cả đã Nhập Thể, đã tự trút bỏ ra hư không trên thập tự giá,
đến mức chỉ còn một người hiểu được là Mẹ,
người đứng trung thành dưới thập giá dành cho tội nhân.
Cái khát của Chúa là suối nguồn hy vọng,
bàn tay chìa ra cho cả người trộm có lòng ăn năn,
là người ngày nay nhờ Chúa, đã được vào thiên đường.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh
Xin ban cho tất cả chúng con, lòng thương xót vô hạn của Chúa,
một hương thơm Bethany trên thế giới,
một tiếng kêu của cuộc sống cho tất cả nhân loại.
Và cuối cùng, khi chúng con phó mình trong tay Cha,
xin mở cho chúng con những cánh cửa của Cuộc Sống muôn đời! Amen.

1. Chặng thứ Nhất
Chúa Giêsu bị kết án tử hình
Những ngón tay chỉ trỏ buộc tội


Philatô muốn thả Ðức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: "Ðóng đinh! Ðóng đinh nó vào thập gía!" Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra". Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.

Và ông Philatô phán quyết chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Ðức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn. (Lk 23:21-25).


Philatô, kẻ nhút nhát và sợ sự thật, cùng với những ngón tay chỉ trỏ buộc tội, và những tiếng kêu la càng lúc càng ồn ào của đám đông giận dữ: đó là những giai đoạn đầu tiên trong cái chết của Chúa Giêsu. Ngây thơ, giống như chiên con, bị sát tế lấy máu cứu dân Người. Chúa Giêsu, Đấng đi giữa chúng ta mang lại ơn chữa lành và ân sủng của Thiên Chúa, giờ đây bị kết án tử hình. Không một lời tri ân nào được thốt lên từ đám đông đang chọn Baraba thay vì chọn Ngài. Về phần Philatô, phiên tòa này là một sự sỉ nhục. Ông ta trao Ngài cho đám đông và rửa tay mình. Chỉ biết lo lắng cho quyền uy của mình, ông ta trao Chúa Giêsu cho người ta đưa đi đóng đinh. Ông không muốn biết gì hơn về Chúa Giêsu. Đối với Philatô, phiên tòa đã chấm dứt, hồ sơ đã đóng lại.

Việc lên án Chúa Giêsu vội vàng như vậy, với cơ man những cáo buộc dễ dàng, với bao nhiêu những phán xét hời hợt của đám đông mà lòng dạ họ đã chai cứng đi vì những lo sợ bóng gió và những định kiến hình thành nên một nền văn hóa phân biệt chủng tộc và loại trừ, một nền văn hóa của những thư nặc danh và những trò xuyên tạc bỉ ổi. Một khi chúng ta bị cáo buộc, tên của chúng ta ngay lập tức xuất hiện trên trang nhất những tờ báo; nhưng khi chúng ta được tuyên bố trắng án, tin tức được đăng nơi cột cuối cùng!

Còn chính chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có hay không một lương tâm trong sáng, ngay thẳng và có trách nhiệm, một lương tâm không bao giờ bỏ rơi những người vô tội nhưng can đảm đứng về phiá người yếu thế, chống lại bất công và bảo vệ sự thật bất cứ khi nào nó bị vi phạm?

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Trong cõi đời này có những bàn tay chìa ra hỗ trợ và có cả những bàn tay ký những bản án oan sai.
Xin ban cho chúng con, khi được nâng đỡ bởi ơn Chúa, đừng gạt bỏ ai sang một bên.
Xin cứu chúng con khỏi những xuyên tạc và những lời dối trá.
Giúp chúng con luôn luôn tìm kiếm sự thật của Chúa,
đứng về phía người yếu thế,
và đồng hành với họ.
Xin Chúa soi sáng cho tất cả những ai được bổ nhiệm làm thẩm phán tại các tòa án của chúng con để họ có thể luôn luôn đưa ra những bản án công bằng và đúng sự thật. Amen.

2. Chặng thứ Hai
Chúa Giêsu vác thánh giá
Gỗ nặng của thập giá


Tội lỗi của chúng ta, chính người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Ðấng chăm sóc linh hồn anh em. (1 Pr 2:24-25).

Gỗ thánh giá nặng nề, vì trên đó Chúa Giêsu gánh lấy tội lỗi của tất cả chúng ta. Ngài lảo đảo với một gánh quá nặng đối với một người (Ga 19:17).

Gỗ thánh giá cũng là gánh nặng của tất cả những sai lầm đã tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế và hậu quả xã hội nghiêm trọng: công ăn việc làm bấp bênh, thất nghiệp, sa thải, một nền kinh tế thống trị chứ không phải là phục vụ, đầu cơ tài chính, các chủ doanh nghiệp tự sát, nạn tham nhũng và cho vay nặng lãi, công nghiệp địa phương chết dần chết mòn.

Đây là thập giá đè nặng trên giới thợ thuyền, là bất công đè lên vai người lao động. Chúa Giêsu tự mình vác lấy và dạy chúng ta phải chống lại bất công và với sự giúp đỡ của Ngài hãy học cách xây dựng những nhịp cầu của tình liên đới và của hy vọng, nếu không chúng ta cũng chỉ như những con chiên lạc lối trong bối cảnh cuộc khủng hoảng này.

Chúng ta hãy quay lại với Chúa Kitô, là người mục tử và người giám hộ linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy phấn đấu, sát cánh với nhau, cung cấp công ăn việc làm, để vượt qua những sợ hãi và sự cô lập, để phục hồi một sự tôn trọng đối với đời sống chính trị và cùng nhau giải quyết các vấn nạn của chúng ta.

Thánh giá sẽ trở nên nhẹ hơn nếu chúng ta cùng vác với Chúa Giêsu, và nếu tất cả chúng ta cùng nhau nhấc nó lên, vì “nhờ những vết thương - mà nay mở tung những cửa sổ tâm hồn chúng ta - mà chúng ta được chữa lành.”(x. 1 Pr 2:24).

Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
đêm đen của chúng con càng ngày càng tối!
Nghèo đói gia tăng và trở nên cùng cực.
Chúng con không có bánh cho con em của chúng con và mẻ lưới của chúng con chẳng thu được gì.
Tương lai của chúng con bất định.
Xin cho chúng con có công ăn việc làm.
Xin thức tỉnh trong chúng con lòng khát khao cháy bỏng cho công lý,
để cuộc sống của chúng con không thường xuyên là một gánh nặng nhưng là một cuộc sống đúng phẩm giá! Amen.

3. Chặng thứ Ba
Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Sự yếu đuối đang mở ra cho chúng ta sự cởi mở đón tiếp


Sự thật là chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53,4-5).

Đó là một Đức Giêsu yếu đuối, mong manh, rất là phàm nhân, Đấng mà chúng ta kinh ngạc chiêm ngắm trong chặng rất đau thương này. Nhưng chính cái ngã của Chúa càng tỏ lộ tình thương vô biên của Ngài. Ngài bị đám đông chen lấn, bị điếc tai vì những tiếng la của binh sĩ, bị sưng phồng vì những vết thương đánh đòn, đầy cay đắng trong lòng vì những chiều sâu vô ơn của loài người. Và thế là Ngài ngã xuống đất!

Nhưng trong cái ngã xóng xoài dưới sức nặng của thập giá và nhọc mệt, Chúa Giêsu một lần nữa trở thành Thầy dạy Sự Sống. Ngài dạy chúng ta chấp nhận sự dòn mỏng yếu đuối của mình, đừng nản chí vì những thất bại của chúng ta, hãy chân thành nhìn nhận những giới hạn của mình. Thánh Phaolô đã nói:

“Trong tôi có ước muốn làm điều thiện nhưng tôi lại không có khả năng thực hiện ước muốn ấy” (Rm 7,18).

Với sức mạnh nội tâm đến từ Chúa Cha, Chúa Giêsu giúp chúng ta đón nhận những thất bại của người khác; thương xót người bị ngã, không dửng dưng với những ai đang kêu cứu. Và Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để không khép kín đối với người gõ cửa nhà chúng ta, xin tị nạn, xin phẩm giá và một tổ quốc. Ý thức về sự mong manh của chúng ta, chúng ta sẽ đón nhận sự mong manh nơi những người di dân, để họ tìm được an ninh và hy vọng.

Thực vậy, chính trong chậu nước dơ tại nhà Tiệc Ly, nghĩa là trong sự dòn mỏng yếu đuối của chúng ta, đã ánh lên thiên nhan đích thực của Thiên Chúa chúng ta! Vì “thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng đã đến và hoá thành phàm nhân, thì thần khí ấy ắt phải đến từ Thiên Chúa” (1 Ga 4,2)

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa hạ mình để cứu chuộc những dòn mỏng yếu đuối của chúng con.
Xin giúp chúng con tiến vào vào mối tương giao chân chính
với những người nghèo nhất trong anh chị em chúng con.
Xin nhổ tận gốc khỏi con tim của chúng con sự sợ hãi, niềm tự mãn và sự thờ ơ,
là những điều ngăn cản chúng con nhìn thấy Chúa trong những người nhập cư,
là những điều ngăn cản chúng con tuyên xưng rằng Giáo Hội của Chúa không có biên giới, vì Giáo Hội thật sự là mẹ của tất cả! Amen.

4. Chặng thứ Tư
Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ
Những giọt lệ của tình liên đới


“Ông Simeon chúc phúc cho hai ông bà và nói với Maria, Mẹ Ngài: 'Này đây, Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người ở Israel bị vấp ngã hay được chỗi dậy và về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Bà' (Lc 2,34-35).

“Anh chị em hãy rơi lệ với người đang khóc. Hãy có cùng những tâm tình như vậy đối với nhau” (Rm 12,15-16)


Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài đầy xúc động và nước mắt. Nó biểu lộ sức mạnh vô địch của tình mẫu tử vượt lên trên mọi chướng ngại và biết mở mọi con đường. Nhưng cái nhìn liên đới của Mẹ Maria càng sinh động hơn nữa, cái nhìn chia sẻ và mang lại sức mạnh cho Con Mẹ. Và như thế, tâm hồn chúng ta đầy kinh ngạc khi chiêm ngắm sự cao cả của Mẹ Maria, dù chỉ là thụ tạo, đã trở nên ‘láng giềng’ với Thiên Chúa và là Chúa của Mẹ.

Cái nhìn của Mẹ thu tóm tất cả mọi nước mắt của các bà mẹ đối với những người con xa xăm, đối với những người trẻ bị kết án tử hình, bị giết hại hoặc bị đẩy ra chiến trường, nhất là những binh sĩ trẻ em. Chúng ta nghe thấy tiếng kêu xé lòng của những bà mẹ vì con mình đang chết dần vì những thứ bệnh ung thư do việc đốt những đồ phế thải độc hại gây ra.

Những dòng lệ cay đắng dường nào! Những dòng lệ liên đới với những đau khổ của con cái! Những bà mẹ canh thức đêm khuya dưới ngọn đèn sáng, hồi hộp vì những người trẻ đang trong tình trạng bấp bênh hay đang bị sa đà vào ma túy và rượu, nhất là những đêm thứ Bẩy!

Bên Mẹ Maria, chúng ta sẽ không bao giờ là một dân tộc của những trẻ mồ côi! Như với thánh Juan Diego, Mẹ Maria cũng mơn trớn và an ủi chúng ta như những người con và nói với chúng ta rằng: “Tâm hồn các con đừng xao xuyến. Mẹ là mẹ con, chẳng ở đây sao?” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm. 286).

Lời Nguyện
Kính mừng Maria, Mẹ thân yêu,
xin Mẹ ban phép lành cho con.
Xin chúc phúc cho con và gia đình con.
Con dâng lên Chúa tất cả những gì con làm, những gì con chịu hôm nay, trong sự hiệp nhất với những đau khổ của Mẹ và Con rất thánh của Mẹ.
Con dâng lên Mẹ bản thân con và tất cả những gì con có, đặt mọi sự dưới lớp áo của Mẹ.
Lạy Mẹ là Mẹ con, xin tẩy sạch tâm hồn và thân xác con và xin cho ngày hôm nay
con sẽ không làm gì phật lòng Thiên Chúa.
Con khẩn xin điều này nhờ sự Vô Nhiễm Nguyên Tội và sự vẹn tuyền trinh nguyên của Mẹ. Amen (Thánh Gaspare Bertoni)

5. Chặng thứ Năm
Ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa
Bàn tay thân hữu đỡ nâng


“Họ bắt một người qua đường vác đỡ thập giá cho Người. Ông tên là Simon người xứ Xirênê, thân phụ của Alessandro và Rufo” (Mc 15,21)

Tình cờ, ông Simon Xirênê đi qua đó. Nhưng điều này trở thành một thời khắc quyết định trong cuộc đời của ông. Ông từ ngoài đồng trở về. Một người lao động lam lũ và khỏe mạnh. Vì thế, ông bị buộc vác thập giá của Chúa Giêsu, người bị kết án tử hình ô nhục (Xc Pl 2:8).

Nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ này dẫn đến một quyết định đổi đời để đi theo Chúa Giêsu, vác lấy thập giá mỗi ngày, và từ bỏ chính mình (Xc Mt 16,24-25). Thánh Marcô bảo với chúng ta rằng ông Simon là thân phụ của hai tín hữu Kitô được biết đến trong cộng đoàn Roma là Alessandro và Rufo. Một người cha chắc chắn đã in dấu trong tâm hồn các con sức mạnh của thập giá Chúa Giêsu. Cuộc sống, nếu bạn bám víu vào nó quá, thì nó sẽ thoái hóa và trở thành tro bụi. Nhưng nếu bạn cho nó đi, thì sự sống sẽ tươi nở và sinh đầy hoa trái cho bạn và cho toàn thể cộng đoàn!

Đây chính là bí quyết thực sự chữa trị tính ích kỷ vẫn luôn rình mò chúng ta. Tương quan với người khác chữa lành chúng ta và sinh ra tình huynh đệ huyền nhiệm, chiêm niệm, biết nhìn đến sự cao cả thánh thiêng của tha nhân, biết khám phá Thiên Chúa trong mọi người, biết chịu đựng những phiền toái trong cuộc sống, và biết bám chặt vào tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ khi chúng ta mở rộng con tim cho tình yêu Chúa, chúng ta mới được thúc đẩy tìm kiếm hạnh phúc cho tha nhân qua bao nhiêu cử chỉ thiện nguyện: một đêm ở nhà thương, cho mượn mà không đòi lãi cao, một dòng nước mắt được lau khô trong gia đình, sự quảng đại chân thành, việc sử dụng công ích một cách sáng suốt, chia sẻ cơm bánh và công ăn việc làm, và khước từ mọi hình thức ghen tương.

Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: “Những gì anh em làm cho những kẻ bé mọn này, là anh em làm cho ta” (Mt 25:40).

Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, tại Xirênê, người bạn này đánh động con tim Giáo Hội, là nơi trú ẩn của tình yêu dành cho tất cả những ai khao khát Chúa.
Giúp đỡ anh chị em chúng con là chìa khóa cánh cửa sự Sống.
Cầu xin cho những ích kỷ không khiến chúng con ngoảnh mặt không nhìn đến tha nhân, nhưng xin giúp chúng con tuôn đổ dầu ủi an trên những vết thương của họ, và do đó trở thành một người bạn đồng hành trung tín, bền đỗ không mệt mỏi trong dấn thân của chúng con cho tình huynh đệ. Amen.

6. Chặng thứ Sáu
Bà Vêrônica lau mặt Chúa
Tình yêu dịu dàng của người phụ nữ


“Tim con lập lại lời mời của Chúa: Hãy tìm kiếm nhan thánh Ta!”. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài. Xin Ngài đừng ẩn mặt, đừng giận mà ruồng rẫy tôi tớ Ngài. Chúa là Đấng phù trợ con, xin đừng bỏ con, đừng xua đuổi con, lạy Thiên Chúa Đấng cứu độ con” (Tv 27,8-9).

Chúa Giêsu lê bước, thở hổn hển. Nhưng ánh quang rạng ngời trên khuôn mặt Ngài vẫn nguyên vẹn. Những vết khạc nhổ và những cái tát không làm lu mờ vẻ đẹp của Ngài. Khuôn mặt Ngài như bụi gai cháy đỏ, khi càng bị xúc phạm, thì càng chiếu tỏ ánh sáng cứu độ. Những dòng lệ âm thầm chảy xuống từ đôi mắt của Thầy. Ngài mang lấy gánh nặng bị bỏ rơi. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tiến bước, không dừng lại, không ngoái nhìn đàng sau. Ngài đối diện với đau thương. Ngài bị giao động vì sự tàn ác, nhưng Ngài biết rằng cái chết của Ngài không phải là uổng công vô ích.

Bấy giờ Chúa Giêsu dừng lại trước một phụ nữ đến gặp Ngài không chút do dự. Đó là bà Veronia, một hình ảnh của sự dịu hiền phụ nữ đích thực!

Ở đây Chúa là hiện thân nhu cầu của chúng ta mong có được sự yêu thương nhưng không, cảm thấy được yêu mến và được bảo vệ nhờ những cử chỉ ân cần săn sóc. Những săn sóc an ủi của người phụ nữ ấy thật quí giá đối với Chúa Giêsu và dường như cất đi những hành vi xúc phạm mà Ngài đã chịu trong những giờ tra tấn ấy. Bà Veronica đã làm rung động được Chúa Giêsu dịu dàng, cảm nhận được chút gì trong ánh quang của Ngài, không những để thoa dịu nhưng còn để dự phần vào sự đau khổ của Ngài. Trong Chúa Giêsu, bà nhìn thấy những người láng giềng đang cần đến sự an ủi dịu dàng của chúng ta, và tiến đến để lắng nghe tiếng rên xiết đau thương của những người ngày nay là những ai chẳng nhận được sự giúp đỡ cụ thể cũng chẳng có chút hơi ấm nào của tình người, những người chết trong cô đơn.

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, thật nặng nề ngần nào, khi chúng con bị tách biệt khỏi tất cả những ai chúng con nghĩ rằng lẽ ra phải đứng bên cạnh chúng con vào ngày bất hạnh của mình!
Xin bọc chúng con trong vải vấy máu cực trọng của Chúa đổ ra dọc theo con con đường của bỏ rơi, mà Chúa phải chịu đựng bất công.
Nếu không có Chúa, chúng con chẳng có, cũng chẳng cho đi một chút ủi an nào. Amen.

7. Chặng thứ Bẩy
Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
Nỗi thống khổ của ngục tù và tra tấn


Chúng bủa vây tôi.. Chúng bao quanh tôi như bầy ong, chúng như lửa bụi gai cháy bừng bừng, nhờ Danh Chúa tôi đã trừ diệt chúng. Chúng đã xô đẩy tôi, xô thật mạnh cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi, nhưng không nỡ để tôi phải chết. (Tv 118, 11.12 - 13.18)

Quả thật, nơi Chúa Giêsu chúng ta đã thấy sự hiện thực của những lời tiên tri cổ xưa về Người Đầy Tớ khiêm hạ và vâng phục, là Người đã mang trên vai toàn bộ lịch sử thương đau của loài người chúng ta. Và như thế, Chúa Giêsu, bị xô đẩy thô bạo, té ngã vì mệt nhọc và hành hạ, bị bạo lực vây bủa tứ bề, không còn sức chịu đựng nữa. Ngài càng cô đơn hơn, càng chìm sâu trong đen tối hơn! Tan da nát thịt, xương cốt mỏi mòn!

Chúng ta nhận ra trong Người kinh nghiệm đắng cay của những ai chịu giam cầm trong ngục tù, với tất cả những trái ngược vô nhân. Bị vây bủa, bị xô đẩy tàn bạo cho té ngã. Nhà tù ngày nay vẫn còn bị tách biệt, bị quên lãng, bị xã hội dân sự bỏ rơi và khét tiếng với bao nhiêu những ác mộng của bộ máy hành chánh, của bao nhiêu những chậm trễ của công lý. Bản án bị nhân lên gấp đôi bởi những nhà tù đông nghẹt: sự trừng phạt trầm trọng hơn, sự đàn áp bất công, làm hao mòn xương thịt. Quá nhiều người, không thể chịu đựng nổi.. Và ngay cả khi một người anh chị em của chúng ta được ra khỏi ngục tù, chúng ta vẫn xem họ là “cựu tù nhân từng bị kết án”, và như thế, khép kín cánh cửa giúp họ tìm lại phẩm giá trước mặt xã hội và hội nhập thế giới lao động.. Nhưng trầm trọng hơn cả là hiện tượng tra tấn vẫn còn quá thịnh hành tại nhiều nơi trên trái đất, dưới mọi hình thức. Cũng như trong trường hợp Chúa Giêsu: chính Ngài đã bị đánh đập, bị đám quan binh chế diễu nhạo cười, tra tấn hành hạ với chiếc mão gai, roi đòn tàn nhẫn.

Ngày nay, khi chúng ta suy niệm về cái té ngã lần thứ hai của Chúa Giêsu, chúng ta thấy đúng làm sao câu nói của Ngài đã từng vang lên: “Ta bị tù và các ngươi đã đến thăm Ta.” (Mt 25,26) Trong mọi nhà tù, bên cạnh những người bị tra tấn, đều có Người, Đức Kitô đau khổ, bị giam cầm và hành hạ. Ngay cả trong đau khổ tột cùng, Ngài giúp ta đừng chiều theo nỗi sợ. Chỉ với sự trợ giúp này những ai đã té mới gượng dậy được trên đôi chân mình với sự giúp đỡ của các chuyên viên, của những bàn tay huynh đệ của những thiện nguyện viên trước một xã hội dân sự phải chịu trách nhiệm về bao nhiêu những bất công bên trong những bức tường nhà giam.

Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, lòng con bồi hồi khi thấy Chúa ngã xuống vì con.
Con chẳng có công đức gì, đầy tội lỗi, mâu thuẫn và thất bại nhưng Chúa đáp lại với một tình yêu vô biên!
Bị xã hội ruồng bỏ, bị kết án tử Chúa còn chúc phúc cho chúng con muôn đời.
Phúc cho chúng con nếu hôm nay chúng con hiệp cùng Chúa trong cái té ngã này và tránh xa hành vi kết án tha nhân.
Xin giúp chúng con đừng chạy trốn trách nhiệm.
Xin cho chúng con biết nương náu nơi sự khiêm hạ của Chúa, tránh xa những kiêu căng giả trá và được tái sinh trong cuộc sống mới như những tạo vật dành cho nước trời. Amen

8. Chặng thứ Tám
Chúa Giêsu an ủi dân thành Giêrusalem
Liên đới và cảm thông


Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu mình mà chớ. (Lc 23, 28)

Như những ngọn đuốc cháy sáng, chúng ta thấy xuất hiện những phụ nữ đứng dọc theo con đường khổ nạn. Những người phụ nữ trung thành và can đảm này không sợ hãi vì bọn lính hay kích động vì những vết thương của Thầy nhân lành. Họ sẵn sàng gặp gỡ và ủi an Người. Chúa Giêsu đứng đó, trước mặt họ. Có những người chà đạp Chúa khi Người ngã gục mỏi mòn trên mặt đất. Nhưng các phụ nữ đứng đó, sẵn sàng dâng tặng Chúa sự nồng ấm của những con tim yêu thương. Các bà đã đứng nhìn Người từ xa, nhưng rồi cố tiến đến gần, như mỗi người bạn, mỗi người anh chị em đều làm khi thấy người mình yêu mến đang gặp khó khăn.

Chúa Giêsu xúc động vì tiếng khóc đắng cay của họ, nhưng mời gọi họ đừng tan nát con tim khi thấy Chúa bị hành hạ đọa đày, hãy đừng là những phụ nữ khóc lóc thở than nhưng hãy trở thành những phụ nữ của đức tin. Người kêu mời một tình liên đới trước khổ đau chứ không muốn một lòng thương hại cằn cỗi và đẫm nước mắt. Đừng than van khóc lóc, nhưng quyết tâm tái sinh, nhìn thẳng về đàng trước, tiến bước với tràn đầy lòng tin và hy vọng hướng về rạng đông chan hòa ánh sáng trên đầu những ai đang trên đường hướng về Chúa. Chúng ta hãy khóc cho chính mình nếu chúng ta còn chưa tin vào Đức Giêsu, Đấng đã loan báo với chúng ta Vương Quốc Cứu chuộc. Chúng ta hãy khóc cho những tội lỗi chưa xưng thú của chính chúng ta.

Và còn nữa, chúng ta hãy khóc cho những người nam chỉ biết trút mọi bạo lực chứa đựng trong lòng trên những phụ nữ. Chúng ta hãy khóc cho những phụ nữ nô lệ của sự sợ hãi và lạm dụng. Tuy nhiên, đấm ngực than van và thương hại thôi thì chưa đủ. Chúa Giêsu đòi hỏi nhiều hơn nữa. Người đòi hỏi phải trấn an các phụ nữ như Chúa đã làm, phải yêu thương họ như một món quà không thể xúc phạm đến của toàn thể nhân loại để con cái chúng ta có thể lớn lên trong phẩm giá và hy vọng.

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin chặn lại bàn tay của những kẻ tấn công phụ nữ!
Xin nâng đỡ trái tim của những người phụ nữ đang trong vực thẳm của tuyệt vọng khi họ là nạn nhân của bạo lực.
Xin nhìn đến những giọt lệ cô đơn và bị bỏ rơi của họ, và mở rộng trái tim của chúng con để chia sẻ mọi nỗi buồn đầy đủ và thành tâm, vượt lên và vượt xa lòng trắc ẩn.
Xin biến chúng con thành phương tiện cho tự do thực sự. Amen.

9. Chặng thứ Chín
Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
Hãy bỏ lại sau lưng những luyến tiếc não nùng


Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. (Rm 8:35-37)

Thánh Phaolô liệt kê những thử thách của mình, nhưng biết rõ là trước thánh nhân, Chúa Giêsu đã từng trải qua những thử thách ấy; trên đường lên Núi Sọ, Chúa đã té ngã một, rồi hai rồi ba lần. Tan nát bởi những hành hạ, bách hại, bởi gươm đao, bị gỗ thánh giá đè bẹp. Kiệt quệ! Dường như Chúa thốt lên, như chúng ta trong những lúc tối tăm u ám: Tôi không còn chịu nổi nữa! Đó là tiếng kêu của những kẻ bị đàn áp bách hại, của người hấp hối, của các bệnh nhân cuối đời, của những ai đang bị gánh nặng đè bẹp.

Nhưng trong Chúa Giêsu, chúng ta cũng thấy rõ sức mạnh của Người: “Có làm khổ, Người cũng xót thương.” Chúa cho chúng ta thấy rằng trong đau khổ, luôn luôn có lòng Chúa xót thương, vượt lên trên mọi đau khổ và loé lên tia hy vọng. Cũng như Chúa Cha khôn ngoan tỉa bớt những nhánh để cây sinh trái lành (Gv 15,8). Không bao giờ Người tỉa để chặt bỏ cây, nhưng để cây đơm hoa kết trái tốt lành hơn. Hay như một sản phụ sắp đến giờ sinh con: bà đau đớn, rên rỉ, quằn quại khi sinh. Nhưng bà biết rằng đó là những cơn đau của sự sống mới, của một mùa xuân nở đầy hoa chính nhờ việc tỉa cành ấy.
Xin cho sự chiêm ngắm hình ảnh Chúa ngã gục, nhưng rồi lại chỗi dậy được, giúp chúng ta biết chiến thắng những khép kín mà sự sợ hãi tương lai bất định đóng ấn trong con tim chúng ta, đặc biệt trong thời đại khủng hoảng ngày nay. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng sự luyến tiếc quá khứ không lành mạnh, sự hài lòng bảo thủ “từ trước đến giờ vẫn như vậy mà!”. Chúa Giêsu Đấng đã loạng choạng và té ngã, nhưng rồi lại đứng dậy, đã chỉ ra cho chúng ta sự chắc chắn của niềm hy vọng một khi được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện liên lỉ, sẽ nảy sinh từ chính trong thử thách chứ không phải sau thử thách hoặc tách biệt khỏi thử thách.
Chúng ta sẽ là những người toàn thắng, nhờ tình yêu của Ngài.

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cầu xin Chúa nâng lên khỏi mặt đất những người bất hạnh. Đỡ dậy khỏi bùn đất những người nghèo, đặt họ ngồi bên các ông hoàng của chư dân, và ban cho họ vị trí vinh quang. Xin lật nhào những kẻ quyền thế kiêu căng và phục hồi những người yếu đuối vì Chúa là Đấng duy nhất làm chúng con nên giầu có bởi cái nghèo của Ngài. (x. 1 Sam 2:4-8; 2 Cor 8:9). Amen.

10. Chặng thứ Mười
Chúa Giêsu bị lột áo
Hiệp nhất và phẩm giá


Ðóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: "Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được". Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
Áo xống tôi, chúng đem chia chác, còn áo dài, cũng bắt thăm luôn. Ðó là những điều lính tráng đã làm. (Ga 19: 23-24)


Không một miếng vải nào được bọn lính chừa lại để che thân thể Chúa Giêsu. Họ lột trần Người. Chúa không còn áo choàng hay áo dài, không còn quần áo gì cả. Chúng lột trần Người như là hành vi hạ nhục cuối cùng. Thân xác Người chỉ còn được che đậy bằng dòng máu tuôn trào ra từ những vết thương sâu rộng.

Chiếc áo dài được giữ nguyên vẹn là hình ảnh của sự hiệp nhất của Giáo Hội, sự hiệp nhất đang được cố gắng tìm lại trên con đường kiên nhẫn, trong một nền hòa bình dày công xây dựng từng ngày, trên một khung cửi dệt tấm vải bằng sợi vàng của tình huynh đệ trong niềm hòa giải và trong sự tha thứ lẫn nhau.
Trong Chúa Giêsu, Đấng vô tội, bị lột trần và bị tra tấn, chúng ta nhận ra phẩm giá bị xúc phạm của tất cả mọi người vô tội, đặc biệt là của những kẻ bé mọn. Thiên Chúa không hề can thiệp, hay ngăn cản không để cho thân thể trần trụi của Người bị phơi bày trên thập giá. Người đã làm như thế để chuộc lại mọi lạm dụng, được che đậy cách bất công, và chứng tỏ rằng Người, Thiên Chúa, chắc chắn đứng về phía những nạn nhân một cách không thể quay lui được.

Lời Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn trở lại ngây thơ như trẻ con, để được vào Nước Trời; Xin tẩy sạch chúng con khỏi những ô uế và những ngẫu tượng.
Xin lấy đi khỏi chúng con những trái tim chai đá tạo ra chia rẽ gây tổn hại đến uy tín của Giáo Hội Chúa. Xin ban cho chúng con một trái tim mới và một tinh thần mới để chúng con có thể sống theo lệnh truyền của Chúa và sẵn sàng tuân theo pháp luật của Người. Amen

11. Chặng thứ Mười Một
Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá
Bên giường người bệnh


Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Lúc chúng đóng đinh Người vào giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua dân Dothái". Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp. (Mc 15, 24-28)

Và họ đã đóng đinh Người! Hình phạt dành cho những kẻ gian ác, những tên phản bội, những nô lệ nổi loạn. Đây là một bản án dành cho Chúa Giêsu của chúng ta: những đinh nhọn xù xì, nỗi đau khổ tê buốt, nỗi sầu buồn của Mẹ Người, sự nhục nhã vì bị xếp ngang hàng với hai tên trộm cướp, bị quân lính tước hết áo để chia nhau, bị những người đi ngang qua chế giễu: “Nó cứu được người khác nhưng không thể tự cứu mình! Xuống khỏi thập giá đi thì chúng tôi sẽ tin ông” (Mt 27,42)

Họ đã đóng đinh Người! Giêsu đã không đi xuống khỏi thập giá, đã không từ bỏ thập giá. Ngài lưu lại trên thập giá và vâng phục ý Cha cho đến cùng. Ngài yêu thương và Ngài tha thứ.

Giống như Giêsu, ngày nay, rất nhiều anh chị em của chính ta đang bị đóng đinh vào giường bệnh, trong bệnh viện, nhà thương, trong gia đình. Đó là thời gian thử thách, những ngày cay đắng của cô đơn và thậm chí là thất vọng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài lại bỏ con?” (Mt 27,46)

Cầu xin cho đôi tay chúng ta không bao giờ gây thương tích, nhưng luôn luôn ở kề bên, an ủi và nâng đỡ những bệnh nhân, nâng họ dậy từ giường bệnh. Căn bệnh xảy đến chẳng bao giờ xin phép ai, nó đến bất thình lình. Đôi khi nó gây khó chịu, nó giới hạn tầm nhìn của chúng ta, thử thách niềm hy vọng của chúng ta. Nó rất cay đắng. Chỉ khi nào chúng ta thấy bên cạnh mình có ai đó lắng nghe chúng ta, gần gũi chúng ta, ngồi bên giường chúng ta... căn bệnh mới có thể trở thành trường dạy khôn ngoan vĩ đại, trở thành nơi gặp gỡ Thiên Chúa Nhẫn Nại. Bất cứ khi nào có ai đó chia sẻ những đau yếu của chúng ta vì tình yêu thì lúc đó cả ngay trong đêm tối của khổ đau vẫn bừng lên ánh sáng vượt qua của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Điều đối với con người là một bản án cũng có thể biến thành một hy lễ cứu chuộc vì lợi ích cho cộng đoàn và gia đình chúng ta. Các thánh đã cho chúng ta thấy điều đó.

Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Xin đừng bao giờ rời xa con, xin ngồi bên cạnh chiếc giường đau yếu của con và đồng hành với con.
Xin đừng để con một mình nhưng giang tay ra và nâng con lên!
Con tin Chúa là tình yêu,
và con tin rằng thánh ý Chúa là biểu hiện của tình yêu của Ngài;
vì vậy con phó thân con theo thánh ý Chúa,
vì con đặt niềm tín thác nơi tình yêu Chúa. Amen

12. Chặng thứ Mười Hai
Chúa Giêsu chết trên thánh giá
Bẩy lời cuối cùng


Sau đó, Ðức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Ta khát!" Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Ðức Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất!" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19:28-30).

Bẩy lời cuối cùng của Giêsu trên thập giá là một kiệt tác của niềm hy vọng. Một cách từ từ từng bước một, Đức Giêsu đã đi qua tất cả sự tăm tối của đêm đen phó thác hoàn toàn trong vòng tay Cha. Đó là tiếng than van của người đang hấp hối, tiếng kêu của người tuyệt vọng, lời cầu cứu của người lạc lối. Là tiếng kêu của chính Đức Giêsu!

“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Đây là tiếng kêu của Giob, của những ai đang bị vận rủi bủa vây. Thiên Chúa im lặng. Im lặng vì lời đáp trả của Ngài đã ở đó, trên cây thập giá: chính Ngài, Đức Giêsu, là lời đáp trả của Thiên Chúa, Lời vĩnh cửu đã nhập thể vì tình yêu. “Xin hãy nhớ đến tôi...” (Lc 23,42). Lời kêu cứu của người cùng chịu án tử bên kia đã đi vào con tim của Chúa Giêsu, nó vang vọng chính nỗi đau của Người. Và Giêsu đã lắng nghe lời kêu xin đó: “Hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”. Những nỗi đau của người khác thường giải thoát chúng ta vì nó khiến chúng ta ra khỏi chính mình.

“Này bà, đây là con bà!...” (Ga 19,26). Chính mẹ của Ngài, Mẹ Maria, đang cùng với Gioan đứng dưới chân thập giá, đã phá tan nỗi sợ. Mẹ mang đến cho hiện trường một sự dịu dàng và hy vọng. Chúa Giêsu không hề cảm thấy đơn độc chút nào. Cũng giống như chúng ta, nếu bên cạnh giường bệnh có ai đó mà chúng ta thương mến chân thành cho đến cùng.

“Ta khát” (Ga 19,28). Giống như đứa trẻ xin mẹ mình cái gì đó để uống; giống như bệnh nhân bị cơn sốt làm nóng người... Cơn khát này của Chúa Giêsu là cơn khát của tất cả những ai đang khát khao sự sống, tự do, công bình. Và đó là cơn khát của người đang khát nhất là Thiên Chúa, Đấng còn hơn chúng ta, đang khát ơn cứu độ cho chúng ta.

“Mọi sự đã hoàn tất!” (Ga 19,30). Tất cả: mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi lời tiên báo, mọi khoảnh khắc của đời sống Chúa Giêsu. Tấm thảm hoa đã hoàn thành. Hàng ngàn sắc màu của tình yêu giờ đây tỏa ra nét đẹp lấp lánh. Chẳng có gì vô ích. Chẳng có gì bị vứt bỏ. Tất cả đều trở thành tình yêu. Tất cả đều được dành cho tôi, cho bạn! Ngay cả cơn hấp hối của Ngài cũng có một ý nghĩa!

“Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,24). Giờ đây, một cách anh hùng, Đức Giêsu thoát ra khỏi nỗi sợ chết. Vì nếu chúng ta sống trong tình yêu được cho đi nhưng không, tất cả sẽ là sự sống. Sự tha thứ sẽ đổi mới, chữa lành, biến đổi và an ủi! Nó tạo ra một dân mới. Nó chấm dứt chiến tranh.

“Lạy Cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46). Nỗi thất vọng không còn nữa, nhưng chỉ còn niềm tin tưởng tràn đầy trong tay Cha, tựa mình vào tim Cha. Bởi vì trong Thiên Chúa, từng mảnh cuối cùng sẽ được gắn lại với nhau thành một tổng hợp!

Lời Nguyện:
Lạy Thiên Chúa, Đấng trong cuộc thương khó của Chúa Kitô, đã giải phóng chúng con khỏi sự chết, là giá phải trả cho tội lỗi xưa của chúng con, mà toàn thể nhân loại thừa kế, xin đổi mới chúng con theo hình ảnh của Con Chúa.
Khi được hoài thai chúng con mang trong mình hình ảnh của những người phàm nhân trên dương thế, xin Chúa cho chúng con nhờ tác động của Thánh Thần có thể mang hình ảnh của con người thiên quốc.
Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

13. Chặng thứ Mười Ba
Đưa xác Chúa xuống khỏi thập giá
Tình yêu mạnh hơn sự chết


“Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxép, và cũng là môn đệ Ðức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Ðức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông.” (Mt 27,57- 58).

Trước khi được mai táng trong mồ, Đức Giêsu rốt cuộc cũng được trao cho mẹ Ngài. Mẹ là hình ảnh con tim bị đâm thâu, nói với chúng ta rằng cái chết không ngăn cản được nụ hôn cuối cùng của người mẹ dành cho con mình. Bên xác Giêsu, Mẹ Maria tiến sát bên Ngài bằng một cái ôm trọn vẹn dành cho Ngài. Hình ảnh này thường được gọi là “Mẹ Sầu Bi”. Thật đau buồn nhưng nó cho thấy cái chết không phá vỡ được tình yêu, vì tình yêu thì mạnh hơn sự chết! Tình yêu thuần khiết thì luôn còn mãi. Đêm đã đến. Trận chiến đã phân định thắng thua rạch ròi. Tình yêu vẫn còn nguyên trọn vẹn. Những ai sẵn sàng hiến mạng sống vì Đức Kitô, sẽ lại tìm thấy được nó, một sự sống được biến đổi sau cái chết.

Máu và nước mắt đã hòa lẫn trong tấn thảm kịch này. Cũng như cuộc sống của gia đình chúng ta, đôi khi cũng bị vây hãm bởi những mất mát bất ngờ và đau xót, với khoảng trống không thể khỏa lấp được, đặc biệt khi con cái của chúng ta qua đời.

Lòng thương xót có nghĩa là biến anh chị em thành người thân cận, những người đang trong cơn đau buồn và cảm thấy bất an. Thật là một lòng bác ái cao cả khi ta biết chăm sóc cho những ai đang chịu đau khổ nơi thân xác tổn thương, nơi tinh thần sa sút, nơi linh hồn tuyệt vọng. Tình yêu bao giờ cũng là một bài học cao cả mà Đức Giêsu và Mẹ Maria để lại cho chúng ta. Đó là sứ mạng an ủi anh chị em trong cuộc sống hàng ngày, một sứ mạng được trao ban trong chúng ta trong cái ôm thành tín giữa Đức Giêsu chịu chết và Đức Mẹ sầu bi của Ngài.

Lời Nguyện:
Lạy Mẹ Đồng Trinh Sầu Bi, nơi bàn thờ của chúng con Mẹ cho chúng con thấy khuôn mặt rạng ngời của Mẹ; với đôi mắt ngước lên trời và đôi bàn tay rộng mở, Mẹ dâng lên Chúa Cha trong cử chỉ hiến tế nạn nhân cứu độ là Chúa Giêsu Con Mẹ.
Xin chỉ cho chúng con vị ngọt của vòng tay trung thành cuối cùng và ban cho chúng con sự an ủi từ mẫu của Mẹ, để những nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày của chúng con không bao giờ làm lu mờ hy vọng của chúng con về cuộc sống đời sau. Amen.

14. Chặng thứ Mười Bốn
Táng xác Chúa vào huyệt đá mới
Khu vườn mới


“Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.” (Ga 19,41-42)

Khu vườn, nơi có ngôi mộ mai táng Đức Giêsu, nhắc nhớ chúng ta về một khu vườn khác: Vườn Êđen. Một khu vườn đã bị mất đi nét đẹp và trở thành nỗi sầu khổ, nơi chết chóc và không còn sự sống nữa bởi sự bất tuân của con người. Những nhành cây hoang dại vốn ngăn cản chúng ta hít thở thánh ý Thiên Chúa, cũng như sự gắn bó với tiền tài, danh vọng, lối sống phóng đãng, giờ đây đã bị cắt bỏ và đính chặt vào gỗ cây Thập Giá. Đây là khu vườn mới: cây thánh giá được cắm vào thế gian!

Trên cao ấy, Đức Giêsu đã mang tất cả trở lại với sự sống. Sau khi Ngài trở lại từ nơi hố thẳm địa ngục, nơi Satan đã giam giữ rất nhiều linh hồn, tất cả mọi sự đã bắt đầu được phục hồi. Ngôi mộ là biểu tượng cho cái kết thúc của con người cũ. Thiên Chúa đã không để cho Chúa Giêsu và tất cả chúng ta, là con cái Ngài phải chịu hình phạt là cái chết đời đời. Trong cái chết của Đức Kitô, vương quyền của sự dữ, thứ vương quyền đặt nền trên tham vọng và con tim cứng cỏi, đã bị bẻ gãy.

Cái chết sẽ tước đoạt hết mọi thứ của chúng ta, làm cho chúng ta hiểu rằng sự hiện hữu của chúng ta trên dương thế này có một giới hạn và tới hồi kết thúc. Nhưng trước thân xác Đức Giêsu, một thân xác chịu mai táng trong mồ, chúng ta ý thức được chúng ta là ai. Chúng ta là những thụ tạo cần đến Đấng Tạo Hóa của chúng ta để không phải chết. Sự thinh lặng đang phủ kín khu vườn cho phép chúng ta lắng nghe được thanh âm của làn gió nhẹ: “Ta là Đấng hằng sống và ta luôn ở với các con” (Xh 3,14) Tấm màn trướng trong đền thờ đã bị xé toạc ra. Cuối cùng, chúng ta cũng được thấy dung nhan của Thiên Chúa chúng ta. Chúng ta biết được tên đầy đủ của Người: đó là lòng thương xót và sự trung tín, để ta không còn phải bối rối sợ hãi cả khi phải đối diện với cái chết vì Con Thiên Chúa đã sống lại từ trong kẻ chết (X. Tv 88,6)

Lời Nguyện:
Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài con đang ẩn náu.
Con thưa cùng CHÚA: "Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc?"
Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ,
vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.
Máu tế thần, con quyết chẳng dâng,
tên của thần, môi con không tụng niệm!
Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn.
Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! Amen
(x. Tv 15)
 
Ơn cứu độ là một món quà được cho không từ Thiên Chúa.
Pt Huỳnh Mai Trác
08:21 18/04/2014
Ơn cứu độ “không thể mua được, cũng không thể bán được” bởi vì đó là một món quà hòan tòan chỉ được cho không”. Nhưng muốn nhận thì Chúa đòi hỏi phải có một tâm hồn khiêm nhường, hiền hậu và biết vâng lời” . Và trong ngày lễ Truyền Tin, chúng ta được mời gọi hân hoan vui mừng như ngày đại lễ và tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì hôm nay chúng ta kỷ niệm một giai đọan đích thật đi đến sự cứu độ kể từ ngày con người bị đuổi ra khỏi địa đàng”.

Dĩ nhiên vì lý do đó chúng ta vui mừng ngày lễ hôm nay : ngày lễ từ con đường này, một người mẹ và một người mẹ khác nữa, một người cha và một người cha khác nữa” ,Đức Giáo Hòang giải thích Ngài mời gọi suy niệm về hình ảnh của Eva và Adong, cùng hình ảnh của Maria và Giêsu “ và cùng chiêm nghiệm về dòng lịch sử mà Thiên Chúa luôn đồng hành cùng dân của Ngài .

Adong và Eva “ làm thành một dân tộc” . Và trên con đường này, họ không cô đơn : họ có Thiên Chúa đồng hành, Thiên Chúa đã đồng hành cùng nhân lọai suốt cuộc hành trình lâu dài : khởi đầu là sự bất phục tùng và chấm dứt trong sự phục tùng vâng lời”.

Thiên Chúa vẫn luôn luôn ở với dân người trên mọi đường đi : Chúa đã gởi đến những tiên tri và những người để giải thích những lề luật”. Nhưng tại sao Thiên Chúa đã đồng hành với dân người với lòng ưu ái như thế ? “Để làm mềm lòng chúng ta “ đó là câu trả lời . Và Kinh Thánh đã giải thích rỏ ràng : Ta sẽ biến đổi trái tim bằng đá của các ngươi thành những quả tim bằng thịt .

Trong thực chất Thiên Chúa muốn làm mềm lòng chúng ta” để chúng ta có thể đón nhận “lời hứa của Thiên Chúa từ địa dàng : một người làm nên tội, và một Người đến để ban ơn cứu độ”.

Vâng đó là lời xác quyết “ơn cứu độ không thể mua được cũng như không thể bán đươc. Chỉ được biếu không, được cho không” . Và như vậy chúng ta không thể tự mình cứu lấy mình được, ơn cứu độ là một món quà, hòan tòan cho không”. Như thánh Phao lồ đã viết, ơn cứu độ không thể mua bằng giá máu của các con bò mộng hoặc dê cừu”. Và nếu không thể mua được thì đối với chúng ta cần phải có một con tim khiêm tốn, một con tim hiền hậu, một con tim biết tùng phục như Mẹ Maria”.

Như vậy thế nào là con đường khiêm tốn, thế nào là lòng khiêm nhường ? Rất là đơn sơ , Đức Giáo Hòang Phanxicô kết luận : hãy nói lên rằng, tôi là người nam, tôi là người nữ, còn Ngài là Thiên Chúa! Và tiến bước trước mặt Thiên Chúa trong sự vâng phục và với tâm hồn hiền hậu vâng lời chịu lụy . (Nguồn Tin: News.va)


 
Top Stories
Vietnam: Les récentes libérations anticipées de dissidents signifient-elles un changement de politique des autorités vietnamiennes ?
Eglises d'Asie
07:16 18/04/2014
Le plus ancien prisonnier politique du Vietnam, Nguyên Huu Câu, avait purgé 37 années de détention quand il a été libéré le 21 mars dernier. Les autorités vietnamiennes ont-elles résolu de changer d’attitude ? Toujours est-il qu’au cours de la semaine dernière, elles ont procédé à la libération anticipée de plusieurs prisonniers politiques, tous condamnés pour avoir exprimé publiquement une opinion critique sur le régime. Le docteur en droit Cu Huy Ha Vu a été libéré, bien avant le terme de sa peine, le 7 avril dernier. Deux autres dissidents bien connus, Nguyên Tiên Trung et Vi Duc Hôi, sont également sortis de prison, le 11 avril, avant l’expiration de leur peine.

Ces trois libérations successives ont surpris. Dans un communiqué paru le 14 avril, Amnesty International s’en réjouit, tout en faisant remarquer que ces trois dissidents n’auraient jamais dû être détenus et que de nombreux autres croupissent encore dans leurs cellules. Un autre commentaire prononcé au micro de la BBC replace cette manifestation d’apparente clémence dans le contexte d’une nouvelle stratégie politique qui aurait été adoptée par le Vietnam vis-à-vis des droits de l’homme en général et de la dissidence en particulier.

Le 7 avril dernier, Cu Huy Ha Vu a été libéré de prison avant l’expiration de sa peine. Accompagné de sa femme, il a aussitôt gagné les Etats-Unis où il doit recevoir des soins médicaux. Il est le fils d’un poète célèbre, Cu Huy Cân, proche collaborateur de Hô Chi Minh et ministre de son premier gouvernement. Juriste de profession et directeur d’un cabinet d’avocats, Cu Huy Ha Vu s’était fait connaître par ses déclarations retentissantes en faveur de la démocratie, mises en ligne sur Internet ou parues dans la presse étrangère.

Il avait été arrêté en novembre 2010, sous un prétexte fallacieux, dans un hôtel de Saigon. Le 4 avril 2011, le Tribunal populaire de Hanoi le condamnait à sept ans de prison pour « propagande contre l’Etat socialiste du Vietnam ». Sa peine de prison a été ainsi allégée de plus de trois ans.

Les deux autres bénéficiaires d’une libération anticipée avaient été également condamnés pour délit d’opinion.

Vi Duc Hôi, écrivain, journaliste et membre du Parti communiste, avait été exclu du parti en 2007 pour avoir appelé le régime à une réforme démocratique. Arrêté en 2010, il fut, un peu plus tard, condamné en première instance à huit ans de prison, une peine qui avait été réduite à cinq ans de prison lors du procès en appel.

La libération de Nguyên Tiên Trung a été une grande surprise pour lui-même et pour sa famille tout étonnée de le revoir, le 11 avril dernier. Ce jeune ingénieur en informatique de 30 ans, blogueur et militant pour la démocratie, avait été condamné en 2010 pour « tentative de renversement du pouvoir populaire ». Membre fondateur d’un petit groupe nommé « Association de la jeunesse démocratique », il avait été arrêté le 7 juillet 2009. En janvier 2010, il avait été condamné à sept ans de prison. La délibération des juges avait duré 15 minutes. Mais il avait fallu 45 minutes pour lire la sentence prétendument issue de cette délibération.

Il ne fait pas de doute pour les intéressés comme pour beaucoup d’observateurs que ces libérations anticipées sont le résultat des très nombreuses pressions internationales exercées sur les autorités vietnamiennes.

Dans une émission en langue vietnamienne, diffusée par la BBC le 13 avril 2014, un ancien diplomate vietnamien a déclaré que cette série de libération anticipées était surtout le signe d’une une nouvelle stratégie du gouvernement en matière de politique internationale. Il a en particulier insisté sur la nouvelle image que l’Etat vietnamien veut présenter au monde, depuis qu’il a obtenu d’être membre du Conseil des droits de l’homme de l’Organisation des Nations Unies. C’est aussi, a-t-il affirmé, une façon de desserrer l’étau de la Chine, dont les ambitions territoriales sont de plus en plus visibles, en se rapprochant des puissances occidentales, en particulier des Etats-Unis qui exercent une pression constante dans le domaine humanitaire.(eda/jm)

(Source: Eglises d'Asie, le 18 avril 2014)
 
Pope Francis at Chrism Mass: the joy of being a priest
Vatican Radio
07:17 18/04/2014
2014-04-17 Vatican - “The Lord anointed us in Christ with the oil of gladness, and this anointing invites us to accept and appreciate this great gift: the gladness, the joy of being a priest.” At the Chrism Mass in Saint Peter’s, Pope Francis spoke about “priestly joy,” a joy, he said, “which anoints us,” an “imperishable joy,” a “missionary joy.”

The joy which anoints priests, the Pope said, “has penetrated deep within our hearts, it has shaped them, and strengthened them sacramentally.” It is a joy that can never be taken away; although it “can lie dormant, or be clogged by sin or by life’s troubles … deep down it remains intact, like the embers of a burnt log beneath the ashes, and it can always be renewed.”

Pope Francis focused especially on the third feature of priestly joy: “Priestly joy is deeply bound up with God’s holy and faithful people, for it is an eminently missionary joy.” This joy, he said, “arises only when the shepherd is in the midst of his flock.” There, his joy is “guarded” by the faithful, by “God’s faithful people” who are able to protect and embrace their priests, to help them open their hearts “to find renewed joy.”

Priestly joy, the Holy Father continued, is guarded, not only by the flock, but “by three sisters who surround it, tend it, and defend it: sister poverty, sister fidelity, and sister obedience.”

Explaining these three “sisters,” the Pope said that because the priest is poor “in terms of purely human joy,” he must seek his joy “from the Lord and from God’s faithful people.” The priest must go out of himself, seeking God and the people of God. “Going out of ourselves,” he said, “presupposes self-denial; it means poverty.”

Priestly joy is also a “sister to fidelity,” Pope Francis said – not, he explained, “in the sense that we [priests] are all ‘immaculate’ (would that by God’s grace we were!), for we are all sinners, but in the sense of an ever renewed fidelity to the one Bride, to the Church.” Priests will find true joy when they are faithful to their mission, doing “all that he has to do, and letting go of everything that he has to let go of, as long as he stands firm amid the flock which the Lord entrusted to him.”

Finally, priests find joy in “sister obedience,” an obedience not only to the externals of their mission, “but also union with God the Father, the source of all fatherhood.” The Pope continued, “It is also an obedience to the Church in service: in availability and readiness to serve everyone, always, and as best I can,” following the example of Mary.

“All who are called should know that genuine and complete joy does exist in this world,” Pope Francis said. “It is the joy of being taken from the people we love and then being sent back to them as dispensers of the gifts and counsels of Jesus.”

Concluding his homily, Pope Francis prayed that the Lord might “enable many young people to discover the burning zeal which joy kindles in our hearts as soon as we have the stroke of boldness needed to respond willingly to his call.” He prayed, too, for the recently ordained, for priests who have been in ministry for some time, and for elderly priests.
 
Pope Francis: In Coena Domini homily
Vatican Radio
07:20 18/04/2014
2014-04-17 Vatican- Pope Francis preached an extemporaneous homily during the celebration of the Mass of the Lord’s Supper, which was held at S. Maria della Provvidenza, a rehabilitation and long-term care facility in the suburbs of Rome. The following is an English translation of Pope Francis’ reflections on the Lord’s loving act of service, an act which the Pope himself imitated later in the Mass, kneeling down to wash the feet of twelve patients of the centre.

We have heard what Jesus did at the Last Supper: It is a gesture of farewell. He is God and He makes Himself a servant, our servant. It is like an inheritance. You also must be servants of one another. He crossed this path by love. Also you must love each other and be servants in Love. This is the inheritance that Jesus leaves us. And He makes this gesture of washing feet, which is a symbolic act. The slaves performed this, the servants at the meals for the people who came to dine because at that time the streets were made of dirt, and when they entered in a house it was necessary to wash one’s feet. And Jesus made performed this action, a work, a service of a slave, of a servant. And this He leaves like an inheritance amongst us. We must be servants of each other.

And for this reason, the Church, today, commemorates the Last Supper when Jesus instituted the Eucharist, also—in the ceremony—performs the action of the washing of the feet, which reminds us that we must be servants of one another. Now I will perform this act, but all of us, in our hearts, let us think of others and think in the love that Jesus tells us that we have to have for the others and let us consider also how we can serve better, other people. Because Jesus wanted it this way amongst us.
 
Pope Francis: 'Serve one another in love'
Vatican Radio
07:21 18/04/2014
2014-04-17 Vatican - In a gesture of humility and service, and in imitation of Christ, Pope Francis put on an apron and knelt down to wash the feet of 12 patients at a long-term care facility, during the Missa In Coena Domini, or the Mass of the Lord’s Supper, on Thursday evening.

Visibly fatigued and requiring assistance to kneel and stand up again as he came close to the end of the rite, Pope Francis conveyed tenderness and concern for each person, pouring water on each person’s foot, then drying it and kissing it, before offering a loving gaze, sometimes reciprocated, depending on each person’s state of health. The patients ranged in age from 16 to 86, and all suffer from a variety disabilities. All of them are Italian (though three were of a different ethnic origin), including one Muslim man.

The Mass was celebrated in Italian in the chapel of the Santa Maria della Provvidenza Centre, one of more than two dozen healthcare facilities, run by the Don Carlo Gnocchi Foundation. It reflected the character of the healthcare centre and of the local Christian community, with the centre’s usual Sunday choir, consisting of patients, volunteers and staff, singing popular Italian hymns. Many of the centre’s patients sat in their wheelchairs in the front rows of the assembly.

The Mass, which recalls Christ’s last Passover meal with this Apostles, his washing of their feet in a gesture of service, and the institution of the Eucharist, begins the Easter Triduum.

The Pope’s selection of the location and his gesture of washing the feet of 12 people with disability was intended to underline the forms of fragility, in which the Christian community is called to recognize the suffering Christ and to which it must devote attention, solidarity and charity.

In his brief homily, the Pope recalled that God made himself a servant in Christ and that this is the inheritance of all believers. Christ came to love and his followers, in turn, “need to be servants in love”.

Speaking extemporaneously, he said to wash the feet of another was, in Jesus’ time, the task of the slave or the servant of the house. In executing this gesture, Jesus tells his followers that they are called to be servants to each other.

“Everyone here must think of others… and how we can serve others better,” he said.

At the end of the Mass, the Pope carried the Blessed Sacrament to an Altar of Repose. He remained there in prayer until the end of the Pange Lingue hymn, after which he processed out of the chapel in the usual silence with which the Holy Thursday evening liturgy concludes.

This is the second year the Pope celebrates the Mass of the Lord’s Last Supper among a group of people usually marginalized by society. Last year, the Pope celebrated the Mass of the Lord’s Last Supper at a youth detention centre.
 
Pape Francis during Holy Thursday's Chrism Mass commemorates the institution of the priesthood
L’Osservatore Romano
07:23 18/04/2014
2014-04-17 L’Osservatore Romano - “Anointed with the oil of gladness”. In a few words Pope Francis was able to capture the mission of a priest. This he did in his homily at Holy Thursday's Chrism Mass, 17 April, in St Peter's Basilica. The following is the English text of the Pope's homily, which was delivered in Italian.

Dear Brother Priests,

In the eternal “today” of Holy Thursday, when Christ showed his love for us to the end (cf. Jn 13:1), we recall the happy day of the institution of the priesthood, as well as the day of our own priestly ordination. The Lord anointed us in Christ with the oil of gladness, and this anointing invites us to accept and appreciate this great gift: the gladness, the joy of being a priest. Priestly joy is a priceless treasure, not only for the priest himself but for the entire faithful people of God: that faithful people from which he is called to be anointed and which he, in turn, is sent to anoint.

Anointed with the oil of gladness so as to anoint others with the oil of gladness. Priestly joy has its source in the Father’s love, and the Lord wishes the joy of this Love to be “ours” and to be “complete” (Jn 15:11). I like to reflect on joy by contemplating Our Lady, for Mary, the “Mother of the living Gospel, is a wellspring of joy for God’s little ones” (Evangelii Gaudium, 288). I do not think it is an exaggeration to say that priest is very little indeed: the incomparable grandeur of the gift granted us for the ministry sets us among the least of men. The priest is the poorest of men unless Jesus enriches him by his poverty, the most useless of servants unless Jesus calls him his friend, the most ignorant of men unless Jesus patiently teaches him as he did Peter, the frailest of Christians unless the Good Shepherd strengthens him in the midst of the flock. No one is more “little” than a priest left to his own devices; and so our prayer of protection against every snare of the Evil One is the prayer of our Mother: I am a priest because he has regarded my littleness (cf. Lk 1:48). And in that littleness we find our joy. Joy in our littleness!

For me, there are three significant features of our priestly joy. It is a joy which anoints us (not one which “greases” us, making us unctuous, sumptuous and presumptuous), it is a joy which is imperishable and it is a missionary joy which spreads and attracts, starting backwards – with those farthest away from us.

A joy which anoints us. In a word: it has penetrated deep within our hearts, it has shaped them and strengthened them sacramentally. The signs of the ordination liturgy speak to us of the Church’s maternal desire to pass on and share with others all that the Lord has given us: the laying on of hands, the anointing with sacred chrism, the clothing with sacred vestments, the first consecration which immediately follows… Grace fills us to the brim and overflows, fully, abundantly and entirely in each priest. We are anointed down to our very bones… and our joy, which wells up from deep within, is the echo of this anointing.

An imperishable joy. The fullness of the Gift, which no one can take away or increase, is an unfailing source of joy: an imperishable joy which the Lord has promised no one can take from us (Jn 16:22). It can lie dormant, or be clogged by sin or by life’s troubles, yet deep down it remains intact, like the embers of a burnt log beneath the ashes, and it can always be renewed. Paul’s exhortation to Timothy remains ever timely: I remind you to fan into flame the gift of God that is within you through the laying on of my hands (cf. 2 Tim 1:6).

A missionary joy. I would like especially to share with you and to stress this third feature: priestly joy is deeply bound up with God’s holy and faithful people, for it is an eminently missionary joy. Our anointing is meant for anointing God’s holy and faithful people: for baptizing and confirming them, healing and sanctifying them, blessing, comforting and evangelizing them.

And since this joy is one which only springs up when the shepherd is in the midst of his flock (for even in the silence of his prayer, the shepherd who worships the Father is with his sheep), it is a “guarded joy”, watched over by the flock itself. Even in those gloomy moments when everything looks dark and a feeling of isolation takes hold of us, in those moments of listlessness and boredom which at times overcome us in our priestly life (and which I too have experienced), even in those moments God’s people are able to “guard” that joy; they are able to protect you, to embrace you and to help you open your heart to find renewed joy.

A “guarded joy”: one guarded by the flock but also guarded by three sisters who surround it, tend it and defend it: sister poverty, sister fidelity and sister obedience.

The joy of priests is a joy which is sister to poverty. The priest is poor in terms of purely human joy. He has given up so much! And because he is poor, he, who gives so much to others, has to seek his joy from the Lord and from God’s faithful people. He doesn’t need to try to create it for himself. We know that our people are very generous in thanking priests for their slightest blessing and especially for the sacraments. Many people, in speaking of the crisis of priestly identity, fail to realize that identity presupposes belonging. There is no identity – and consequently joy of life – without an active and unwavering sense of belonging to God’s faithful people (cf. Evangelii Gaudium, 268). The priest who tries to find his priestly identity by soul-searching and introspection may well encounter nothing more than “exit” signs, signs that say: exit from yourself, exit to seek God in adoration, go out and give your people what was entrusted to you, for your people will make you feel and taste who you are, what your name is, what your identity is, and they will make you rejoice in that hundredfold which the Lord has promised to those who serve him. Unless you “exit” from yourself, the oil grows rancid and the anointing cannot be fruitful. Going out from ourselves presupposes self-denial; it means poverty.

Priestly joy is a joy which is sister to fidelity. Not primarily in the sense that we are all “immaculate” (would that by God’s grace we were!), for we are sinners, but in the sense of an ever renewed fidelity to the one Bride, to the Church. Here fruitfulness is key. The spiritual children which the Lord gives each priest, the children he has baptized, the families he has blessed and helped on their way, the sick he has comforted, the young people he catechizes and helps to grow, the poor he assists… all these are the “Bride” whom he rejoices to treat as his supreme and only love and to whom he is constantly faithful. It is the living Church, with a first name and a last name, which the priest shepherds in his parish or in the mission entrusted to him. That mission brings him joy whenever he is faithful to it, whenever he does all that he has to do and lets go of everything that he has to let go of, as long as he stands firm amid the flock which the Lord has entrusted to him: Feed my sheep (cf. Jn 21:16,17).

Priestly joy is a joy which is sister to obedience. An obedience to the Church in the hierarchy which gives us, as it were, not simply the external framework for our obedience: the parish to which I am sent, my ministerial assignments, my particular work … but also union with God the Father, the source of all fatherhood. It is likewise an obedience to the Church in service: in availability and readiness to serve everyone, always and as best I can, following the example of “Our Lady of Promptness” (cf. Lk 1:39, meta spoudes), who hastens to serve Elizabeth her kinswoman and is concerned for the kitchen of Cana when the wine runs out. The availability of her priests makes the Church a house with open doors, a refuge for sinners, a home for people living on the streets, a place of loving care for the sick, a camp for the young, a classroom for catechizing children about to make their First Communion… Wherever God’s people have desires or needs, there is the priest, who knows how to listen (ob-audire) and feels a loving mandate from Christ who sends him to relieve that need with mercy or to encourage those good desires with resourceful charity.

All who are called should know that genuine and complete joy does exist in this world: it is the joy of being taken from the people we love and then being sent back to them as dispensers of the gifts and counsels of Jesus, the one Good Shepherd who, with deep compassion for all the little ones and the outcasts of this earth, wearied and oppressed like sheep without a shepherd, wants to associate many others to his ministry, so as himself to remain with us and to work, in the person of his priests, for the good of his people.

On this Holy Thursday, I ask the Lord Jesus to enable many young people to discover that burning zeal which joy kindles in our hearts as soon as we have the stroke of boldness needed to respond willingly to his call.

On this Holy Thursday, I ask the Lord Jesus to preserve the joy sparkling in the eyes of the recently ordained who go forth to devour the world, to spend themselves fully in the midst of God's faithful people, rejoicing as they prepare their first homily, their first Mass, their first Baptism, their first confession… It is the joy of being able to share with wonder, and for the first time as God’s anointed, the treasure of the Gospel and to feel the faithful people anointing you again and in yet another way: by their requests, by bowing their heads for your blessing, by taking your hands, by bringing you their children, by pleading for their sick… Preserve, Lord, in your young priests the joy of going forth, of doing everything as if for the first time, the joy of spending their lives fully for you.

On this Thursday of the priesthood, I ask the Lord Jesus to confirm the priestly joy of those who have already ministered for some years. The joy which, without leaving their eyes, is also found on the shoulders of those who bear the burden of the ministry, those priests who, having experienced the labours of the apostolate, gather their strength and rearm themselves: “get a second wind”, as the athletes say. Lord, preserve the depth, wisdom and maturity of the joy felt by these older priests. May they be able to pray with Nehemiah: “the joy of the Lord is my strength” (cf. Neh 8:10).

Finally, on this Thursday of the priesthood, I ask the Lord Jesus to make better known the joy of elderly priests, whether healthy or infirm. It is the joy of the Cross, which springs from the knowledge that we possess an imperishable treasure in perishable earthen vessels. May these priests find happiness wherever they are; may they experience already, in the passage of the years, a taste of eternity (Guardini). May they know, Lord, the joy of handing on the torch, the joy of seeing new generations of their spiritual children, and of hailing the promises from afar, smiling and at peace, in that hope which does not disappoint.
 
Good Friday homily: Judas' story ‘should move us to surrender' to Christ
+ Pope Francis
12:20 18/04/2014
Vatican - Pope Francis presided the celebration of the Passion of Our Lord in St Peter’s Basilica in Rome on Friday evening. The celebration of the Passion of Our Lord, also known as the Good Friday service, is the liturgy that recalls the crucifixion and death of Jesus. Fr Raniero Cantalamessa, the preacher of the papal household, preached the homily.

Below is the official English translation of the full text of Fr Cantalamessa’s homily:

‘Judas was Standing with Them’ (Jn 18:5)

In the divine-human history of the passion of Jesus, there are many minor stories about men and women who entered into the ray of its light or its shadow. The most tragic one is that of Judas Iscariot. It is one of the few events attested with equal emphasis by each of the four Gospels and the rest of the New Testament. The early Christian community reflected a great deal on this incident and we would be remiss to do otherwise. It has much to tell us.

Judas was chosen from the very beginning to be one of the Twelve. In inserting his name in the list of apostles, the gospel-writer Luke says, “Judas Iscariot, who became (egeneto) a traitor” (Lk 6:16). Judas was thus not born a traitor and was not a traitor at the time Jesus chose him; he became a traitor! We are before one of the darkest dramas of human freedom.

Why did he become a traitor? Not so long ago, when the thesis of a “revolutionary Jesus” was in fashion, people tried to ascribe idealistic motivations to Judas’ action. Someone saw in his name “Iscariot” a corruption of sicariot, meaning that he belonged to a group of extremist zealots who used a kind of dagger (sica) against the Romans; others thought that Judas was disappointed in the way that Jesus was putting forward his concept of “the kingdom of God” and wanted to force his hand to act against the pagans on the political level as well. This is the Judas of the famous musical Jesus Christ Superstar and of other recent films and novels — a Judas who resembles another famous traitor to his benefactor, Brutus, who killed Julius Caesar to save the Roman Republic!

These are reconstructions to be respected when they have some literary or artistic value, but they have no historical basis whatsoever. The Gospels — the only reliable sources that we have about Judas’ character — speak of a more down-to-earth motive: money. Judas was entrusted with the group’s common purse; on the occasion of Jesus’ anointing in Bethany, Judas had protested against the waste of the precious perfumed ointment that Mary poured on Jesus’ feet, not because he was interested in the poor but, as John notes, “because he was a thief, and as he had the money box he used to take what was put into it” (Jn 12:6). His proposal to the chief priests is explicit: “‘What will you give me if I deliver him to you?’ And they paid him thirty pieces of silver” (Mt 26:15).

But why are people surprised at this explanation, finding it too banal? Has it not always been this way in history and is still this way today? Mammon, money, is not just one idol among many: it is the idol par excellence, literally “a molten god” (see Ex 34:17). And we know why that is the case. Who is objectively, if not subjectively (in fact, not in intentions), the true enemy, the rival to God, in this world? Satan? But no one decides to serve Satan without a motive. Whoever does it does so because they believe they will obtain some kind of power or temporal benefit from him. Jesus tells us clearly who the other master, the anti-God, is: “No one can serve two masters. . . . You cannot serve God and mammon” (Mt 6:24). Money is the “visible god” in contrast to the true God who is invisible.

Mammon is the anti-God because it creates an alternative spiritual universe; it shifts the purpose of the theological virtues. Faith, hope, and charity are no longer placed in God but in money. A sinister inversion of all values occurs. Scripture says, “All things are possible to him who believes” (Mk 9:23), but the world says, “All things are possible to him who has money.” And on a certain level, all the facts seem to bear that out.

“The love of money,” Scripture says, “is the root of all evil” (1 Tim 6:10). Behind every evil in our society is money, or at least money is also included there. It is the Molech we recall from the Bible to whom young boys and girls were sacrificed (see Jer 32:35) or the Aztec god for whom the daily sacrifice of a certain number of human hearts was required. What lies behind the drug enterprise that destroys so many human lives, behind the phenomenon of the mafia, behind political corruption, behind the manufacturing and sale of weapons, and even behind — what a horrible thing to mention — the sale of human organs removed from children? And the financial crisis that the world has gone through and that this country is still going through, is it not in large part due to the “cursed hunger for gold,” the auri sacra fames, on the part of some people? Judas began with taking money out of the common purse. Does this say anything to certain administrators of public funds?

But apart from these criminal ways of acquiring money, is it not also a scandal that some people earn salaries and collect pensions that are sometimes 100 times higher than those of the people who work for them and that they raise their voices to object when a proposal is put forward to reduce their salary for the sake of greater social justice?

In the 1970s and 1980s in Italy, in order to explain unexpected political reversals, hidden exercises of power, terrorism, and all kinds of mysteries that were troubling civilian life, people began to point to the quasi-mythical idea of the existence of “a big Old Man,” a shrewd and powerful figure who was pulling all the strings behind the curtain for goals known only to himself. This powerful “Old Man” really exists and is not a myth; his name is Money!

Like all idols, money is deceitful and lying: it promises security and instead takes it away; it promises freedom and instead destroys it. St. Francis of Assisi, with a severity that is untypical for him, describes the end of life of a person who has lived only to increase his “capital.” Death draws near, and the priest is summoned. He asks the dying man, “Do you want forgiveness for all your sins?” and he answers, “Yes.” The priest then asks, “Are you ready to make right the wrongs you did, restoring things you have defrauded others of?” The dying man responds, “I can’t.” “Why can’t you?” “Because I have already left everything in the hands of my relatives and friends.” And so he dies without repentance, and his body is barely cold when his relatives and friends say, “Damn him! He could have earned more money to leave us, but he didn’t.”

How many times these days have we had to think back again to the cry Jesus addressed to the rich man in the parable who had stored up endless riches and thought he was secure for the rest of his life: “Fool! This night your soul is required of you; and the things you have prepared, whose will they be?” (Lk 12:20)

Men placed in positions of responsibility who no longer knew in what bank or monetary paradise to hoard the proceeds of their corruption have found themselves on trial in court or in a prison cell just when they were about to say to themselves, “Have a good time now, my soul.” For whom did they do it? Was it worth it? Did they work for the good of their children and family, or their party, if that is really what they were seeking? Have they not instead ruined themselves and others?

The betrayal of Judas continues throughout history, and the one betrayed is always Jesus. Judas sold the head, while his imitators sell body, because the poor are members of the body of Christ, whether they know it or not. “As you did it to one of the least of these my brethren, you did it to me” (Mt 25:40). However, Judas’ betrayal does not continue only in the high-profile kinds of cases that I have mentioned. It would be comfortable for us to think so, but that is not the case. The homily that Fr Primo Mazzolari gave on Holy Thursday 1958, about “Our Brother Judas” is still famous. “Let me,” he said to the few parishioners before him, “think about the Judas who is within me for a moment, about the Judas who perhaps is also within you.”

One can betray Jesus for other kinds of compensation than 30 pieces of silver. A man who betrays his wife, or a wife her husband, betrays Christ. The minister of God who is unfaithful to his state in life, or instead of feeding the sheep entrusted to him feeds himself, betrays Jesus. Whoever betrays their conscience betrays Jesus. Even I can betray him at this very moment — and it makes me tremble — if while preaching about Judas I am more concerned about the audience’s approval than about participating in the immense sorrow of the Savior. There was a mitigating circumstance in Judas’ case that that I do not have. He did not know who Jesus was and considered him to be only “a righteous man”; he did not know, as we do, that he was the Son of God.

As Easter approaches every year, I have wanted to listen to Bach’s “Passion According to St. Matthew” again. It includes a detail that makes me flinch every time. At the announcement of Judas’ betrayal, all the apostles ask Jesus, “Is it I, Lord?” Before having us hear Christ’s answer, the composer — erasing the distance between the event and its commemoration — inserts a chorale that begins this way: “It is I; I am the traitor! I need to make amends for my sins.” Like all the chorales in this musical piece, it expresses the sentiments of the people who are listening. It is also an invitation for us to make a confession of our sin.

The Gospel describes Judas’ horrendous end: “When Judas, his betrayer, saw that he was condemned, he repented and brought back the thirty pieces of silver to the chief priests and the elders, saying, ‘I have sinned in betraying innocent blood.’ They said, ‘What is that to us? See to it yourself.’ And throwing down the pieces of silver, he departed; and he went and hanged himself” (Mt 27:3-5). But let us not pass a hasty judgment here. Jesus never abandoned Judas, and no one knows, after he hung himself from a tree with a rope around his neck, where he ended up: in Satan’s hands or in God’s hands. Who can say what transpired in his soul during those final moments? “Friend” was the last word that Jesus addressed to him, and he could not have forgotten it, just as he could not have forgotten Jesus’ gaze.

It is true that in speaking to the Father about his disciples Jesus had said about Judas, “None of them is lost but the son of perdition” (Jn 17:12). But here, as in so many other instances, he is speaking from the perspective of time and not of eternity. The enormity of this betrayal is enough by itself alone, without needing to consider a failure that is eternal, to explain the other terrifying statement said about Judas: “It would have been better for that man if he had not been born” (Mk 14:21). The eternal destiny of a human being is an inviolable secret kept by God. The Church assures us that a man or a woman who is proclaimed a saint is experiencing eternal blessedness, but she does not herself know for certain that any particular person is in hell.

Dante Alighieri, who places Judas in the deepest part of hell in his Divine Comedy, tells of the last-minute conversion of Manfred, the son of Frederick II and the king of Sicily, whom everyone at the time considered damned because he died as an excommunicated. Having been mortally wounded in battle, he confides to the poet that in the very last moment of his life, “…weeping, I gave my soul / to Him who grants forgiveness willingly” and he sends a message from Purgatory to earth that is still relevant for us:

Horrible was the nature of my sins, but boundless mercy stretches out its arms to any man who comes in search of it.

Here is what the story of our brother Judas should move us to do: to surrender ourselves to the one who freely forgives, to throw ourselves likewise into the outstretched arms of the Crucified One. The most important thing in the story of Judas is not his betrayal but Jesus’ response to it. He knew well what was growing in his disciple’s heart, but he does not expose it; he wants to give Judas the opportunity right up until the last minute to turn back, and is almost shielding him. He knows why Judas came to the garden of olives, but he does not refuse his cold kiss and even calls him “friend” (see Mt 26:50). He sought out Peter after his denial to give him forgiveness, so who knows how he might have sought out Judas at some point in his way to Calvary! When Jesus prays from the cross, “Father, forgive them; for they know not what they do” (Lk 23:34), he certainly does not exclude Judas from those for whom he prays.

So what will we do? Who will we follow, Judas or Peter? Peter had remorse for what he did, but Judas was also remorseful to the point of crying out, “I have betrayed innocent blood!” and he gave back the thirty pieces of silver. Where is the difference then? Only in one thing: Peter had confidence in the mercy of Christ, and Judas did not! Judas’ greatest sin was not in having betrayed Christ but in having doubted his mercy.

If we have imitated Judas in his betrayal, some of us more and some less, let us not imitate him in his lack of confidence in forgiveness. There is a sacrament through which it is possible to have a sure experience of Christ’s mercy: the sacrament of reconciliation. How wonderful this sacrament is! It is sweet to experience Jesus as Teacher, as Lord, but even sweeter to experience him as Redeemer, as the one who draws you out of the abyss, like he drew Peter out of the sea, as the one who touches you and, like he did with the leper, says to you, “ I will; be clean” (Mt 8:3).

Confession allows us to experience about ourselves what the Church says of Adam’s sin on Easter night in the “Exultet”: “O happy fault that earned so great, so glorious a Redeemer!” Jesus knows how to take all our sins, once we have repented, and make them “happy faults,” faults that would no longer be remembered if it were not for the experience of mercy and divine tenderness that they occasioned.

I have a wish for myself and for all of you, Venerable Fathers, brothers and sisters: on Easter morning, may we awaken and let the words of a great convert in modern times, Paul Claudel, resonate in our hearts:

My God, I have been revived, and I am with You again!

I was sleeping, stretched out like a dead man in the night. You said, “Let there be light!” and I awoke the way a cry is shouted out!

My Father, You who have given me life before the Dawn, I place myself in Your Presence.

My heart is free and my mouth is cleansed; my body and spirit are fasting. I have been absolved of all my sins, which I confessed one by one.

The wedding ring is on my finger and my face is washed. I am like an innocent being in the grace that You have bestowed on me.

This is what Christ’s Passover can do for us.
 
Papal Good Friday liturgy solemn, prayerful
Vatican Radio
13:12 18/04/2014
Vatican- Hundreds of faithful filled St Peter’s Basilica Friday evening for the celebration of the Passion of Our Lord. The liturgy, also known as the Good Friday service, recalls the crucifixion and death of Jesus. Pope Francis presided the liturgy, whose focal points included the reading of the Passion of Christ and the Adoration of the Holy Cross.

Earlier in the day, Fr Federico Lombardi, director of the Holy See Press Office, told a press conference that the celebration of the Passion of Our Lord is the only papal liturgy in the year when the Pope does not preach the homily.

The Pope presides, but he does not speak any of his own words, said Fr Lombardi. Instead, the homily is given by the preacher of the papal household, currently Father Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap.

Following the homily, the liturgy proceeded with the 10 universal prayer intentions specific to Good Friday: for the Church, the Pope, and all orders and degrees of the faithful, for catechumens, Christian unity, and the Jewish people, for those who do not believe in Christ and for those who do not believe in God, for all in public office and for all in special need.

The second part of the liturgy followed with the Adoration of the Holy Cross, during which the Cross of Christ was unveiled. The Stabat mater, a 13th-century hymn which meditates on the suffering of Mary at the foot of the Cross, was sung, after which the Cross was placed before the altar for the entire assembly to adore in silence.

The Good Friday liturgy is not a Mass, therefore the Eucharist was not consecrated. However, Communion was distributed. After the Pope prayed the blessing over the people, the liturgy concluded in silence, with no words of dismissal, as is the tradition for this second day of the Easter Triduum.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video Tháo Đinh và Táng Xác Chúa - Thứ Sáu Tuần Thánh tại Nam Úc
Truyền Thông Vietcatholic Adelaide
09:32 18/04/2014
Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh 2014 tại Nam Úc

Hôm nay thứ Sáu tuần thánh, Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu hiến tế, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Ngày mà Ngài hoàn tất chương trình cứu chuộc đã được Chúa Cha sai đến trần gian. Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã đến thế gian để ở với chúng ta, chia sẻ kiếp người với chúng ta và đã chết vì chúng ta.

Thật là một tình yêu cao cả và vĩ đại, một tình yêu vượt trên cả sự chết.

Nhìn lên Thánh giá, chúng ta chiêm ngắm con Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài chết để cứu chuộc chúng ta, để chúng ta được sống và sống dồi dào hạnh phúc.

Tình yêu Chúa đối với chúng ta cao vời như thế. Nhưng có mấy khi chúng ta đón nhận để rồi chúng ta trao ban lại cho tha nhân hay chúng ta còn chối từ, còn phản bội để đi vào con đường tội lỗi.

Cùng với Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại tiểu bang Nam Úc, xin mời quý vị và anh chị em hãy tiến vào kinh nghiệm của những giờ phút sau cùng của Đức Giêsu Kitô trên trần gian này, một kinh nghiệm nhận được từ ân sủng của Thiên Chúa: một kinh nghiệm vừa thánh thiêng mà cũng vừa thực tại, vừa đau thương vừa tuyệt vời, trong đó Chúa Giêsu đúc kết cho chúng ta những bài học quý giá nhất về cuộc sống và giáo huấn của người, đó chính là chết vì yêu.

Thưa quý vị, giờ này khắp nơi trên thế giới, nơi có sự hiện diện các tín hữu Công Giáo trong những giờ phút linh thiêng của thứ Sáu tuần thánh Giáo Hội mời gọi chúng ta suy gẫm về chặng đàng thánh giá và suy tôn thánh giá Chúa, mời gọi chúng ta dành những giờ phút thinh lặng nơi tận cõi lòng mình, hãy mở con mắt đức tin để chiêm ngắm Chúa trên thánh giá. Chiêm ngắm tình yêu thương tha thứ vô biên của Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu vượt trên cả sự chết, chết vì người mình yêu…

Trong tâm tình ấy Cộng Đồng Công Giáo VN - Nam Úc đã cùng hiệp thông qua 14 chăng đàng thánh giá thứ Sáu tuần thánh 2014 tại trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân Việt Nam tại Pooraka, thuộc tiểu bang Nam Úc.

Trong hội trường rộng với khoảng trên 1000 người tham dự chặng đàng thánh giá do Đức ông Nguyễn Minh Tâm, quản nhiệm cộng đồng chủ sự cùng với phụng đoàn và với đoàn tông đồ mặc áo dài trắng chít khăn tang trên đầu, lần lượt dõi theo những bước chân của Chúa Giêsu qua từng chặng đàng thánh giá, từ dinh Philatô đến đỉnh đồi Golgotha, với sự tham dự sốt sáng của toàn thể giáo dân trong cộng đồng.

Trong không khí bao trùm màu tang, cộng đoàn đã lặng lẽ sốt sáng suy niệm về chặng đường khổ nạn mà Chúa Giêsu phải chịu vì tội lỗi nhân loại. Qua những lời dẫn giải, suy niệm, những bài ca trầm buồn suy tôn thánh giá, những nét mặt trầm tư thống hối và những lời kinh nguyện dủ buồn như có sức mạnh liên kết lòng mọi người kết hợp một cách trọn vẹn trong ý nghĩa thương khó, nơi gặp gỡ của sự công bằng và lòng thương xót, của sự phán xét và quyền tối thượng, bởi vì không có thánh giá sẽ không có ơn cứu độ, không có Giáo Hội, không có sự tha thứ, không có hòa giải, không có hy vọng. Thánh giá là trung tâm điểm nơi sự chết và phục sinh của con Thiên Chúa.

Sau 12 chặng đàng thánh giá, trong thinh lặng phủ trùm không gian, toàn thể cộng đoàn cùng hướng về cây thánh giá lớn nơi gian cung thánh, ngạo nghễ, ngước cao, nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, thân thể bê bết máu, thương cảm, thảm sầu. Lời nguyện ngắm về giờ phút tháo đinh Chúa từ trên thánh giá do đoàn Liên Minh Song Tâm dẫn giải, diễn lại 2 chặng sau cùng tháo đanh chúa Giêsu và táng trong hang đá: Cộng đoàn hướng nhìn lên thánh giá cùng suy niệm về khung cảnh năm xưa môn đệ tháo đinh Chúa từ cây thánh giá trên đỉnh đồi hiu hắt mà lòng đầy thương cảm, chen lẫn trong khung trời buồn, những lời ca thống hối của ca đoàn như réo rắt thấm sâu lòng người, mời gọi mọi người hãy sống cho xứng đáng với tình yêu Chúa dành cho nhân loại bằng cách lánh xa tội lỗi mà mau quay gót trở về bên tình yêu dịu hiền của Chúa. Hãy sống thánh thiện, và hãy yêu tha nhân như Chúa đã yêu chúng ta, một tình yêu vị tha, quảng đại và quên cả chính mình.

Sau nghi thức táng xác, Thánh Thể Chúa được đặt trong hòm kính, Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân và Gia Đình đã cung nghinh Thánh Thể Chúa, cùng với Đức ông chủ sự, các vị tông đồ, phụng đoàn, rước thánh thể quanh hội trường tiến về hang đá tượng trưng cho ngôi mộ xưa, nơi an táng thánh thể Chúa.

Những lời kinh, tiếng nhạc hòa lẫn trong tâm tình thống hối, tiếc thương, những giờ phút sốt sáng quỳ bên hang đá trong ngày kỷ niệm Chúa chịu khổ hình và chịu chết như in sâu vào lòng người tham dự trong ngày thứ Sáu tuần thánh.

Trong những giờ phút linh thiêng và cảm động, người tín hữu có dịp suy gẫm sâu xa hơn về Thánh gía, cùng cầu xin. Xin Chúa cho chúng ta luôn cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, Ngài đã chết vì tội lỗi nhân loại. Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống gắn bó mật thiết với Chúa, biết tránh xa dịp tội. Hầu không những luôn biết quay gót trở về với Chúa mà còn đưa tha nhân, anh chi em chúng con cùng trở về với Chúa như chính tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

XEM HÌNH

Nghi thức tháo đanh, táng xác và an vị thánh thể Chúa trong hang đá đã kết thúc lúc 12 giờ trưa. Mọi người thinh lặng ra về trong tâm tình chay tịnh của ngày thứ Sáu tuần thánh và sẽ tiếp tục nghi thức suy tôn và hôn kính thánh gía vào lúc 3 giờ chiều thứ Sáu cùng ngày.

Đan Huyền
tường trình
 
Giáo xứ Bảo Nham , GP Vinh đi đường thánh giá
Huy Hoàng
12:18 18/04/2014
Giáo xứ Bảo Nham: Vào hồi 10 h thứ sáu Tuần thánh: Cha quản xứ các thầy các xơ cùng toàn thể giáo dân suy niệm 14 chặng đàng Thánh giá nơi lèn Thánh Đức Mẹ Bảo Nham, nơi mà Mẹ đã ra tay cứu giáo dân trong cuộc bách hại thời Văn Thân bắt đạo, và giờ đây hằng ngày Mẹ đã ban nhiều ơn lành cho những ai kêu cầu đến Mẹ.

Xem Hình

Theo truyền thống đúng 10 giờ Cha quản xứ và cộng đoàn đã tập trung đầy đủ về nơi linh địa Mẹ để suy niệm chặng đường thương khó của Chúa.
 
Thánh lễ tiệc ly tại giáo xứ VN Seattle
Nguyễn An Quý
15:03 18/04/2014
THÁNH LỄ TIỆC LY 2014 TẠI GIÁO XỨ VN SEATTLE

SEATTLE. Hôm nay ngày 17 tháng 4 thứ năm tuần thánh, giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle cùng với Giáo Hội hoàn vũ bắt đầu cử hành Tam Nhật Vượt Qua với Thánh Lễ Tiệc Ly. Giáo xứ CTTĐVN Seattle trong những ngày Tam Nhật Vượt qua đều có 2 thánh lễ vào lúc 5 giờ và 7 giờ 30 tối. Người viết tham dự Thánh lễ lúc 7 giờ 30 tối, đây là Thánh Lễ thứ nhì trong ngày thứ năm Tuần Thánh. Phần phụng vụ của thánh lễ giờ này do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách.

Xem Hình

Đúng 7 gìờ 30, Ca đoàn hát bài ca nhập lễ và nghi đoàn gồm các em Thiếu Nhi Thánh Thể cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh, cha Nguyễn Sơn Miên linh hướng Thiếu Nhi Thánh Thể chủ tế Thánh Lễ cùng với linh mục Phạm Hoàng Trung trợ uý Đoàn TNTT đồng tế và thầy sáu phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế Thánh lễ.

Sau phần phụng vụ Lời Chúa là nghi thức của buổi Tiệc Ly được diễn ra một cách trang trọng. Mở đầu linh mục chủ tế đã đề cập đến ý nghĩa của việc Chúa đã rửa chân cho các môn đệ của Ngài đã diễn ra trong buổi Tiệc Ly. Mười hai Tông Đồ do 12 em trong Đoàn Chúa Hài Đồng đảm nhận vai từng Tông Đồ gồm Batôlômêô, Anrê, Giacôbê anh của Gioan và Giacôbê con Anphê, Phêrô( simon), Gioan, Tôma, Simon, Philipphê, Giuđa Itcariot, Giuđaê con ông Anphê và Matthêu.

Nghi thức rửa chân được diễn ra với hoạt cảnh diễn lại quang cảnh xưa kia thầy trò của Chúa đã ăn lễ Vượt Qua một cách thân mật trong một bữa ăn tối. Tất cả những gì mà Chúa đã trao đổi với 12 Tông Đồ trong bửa tiệc ly là Chúa muốn mời gọi các Môn đệ của Chúa: hãy yêu thương nhau. Khi rửa chân cho các môn đệ Chúa cũng đã giải thích cho các Tông Đồ theo Ngài: Ta là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Linh mục Trung đóng vai Chúa Giêsu đã diển tả một cách sinh động khi rửa chân cho các Tông đồ là 12 em đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Mở đầu là rửa chân cho Batôlômêô với lờ nói: Batôlômêô Ta rửa chân cho con, linh mục Trung tự mình rửa chân cho từng em là các Tông Đồ, khi rửa chân cho người đóng vai Giuđa thì linh mục đã cúi hôn chân người này. Đến chỗ người đóng vai Phêrô thì lại xẩy ra chuyện, ông Phêrô đứng lên phản đối việc Chúa rửa cân cho ông, trên thực tế, vai trò của Phêrô bao giờ cũng nổi bật như khi ông thề sống chết gì cũng theo Chúa nhưng đã chối Chúa 3 lần, bây giờ khi rửa chân thì ông cũng đứng dậy: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Linh mục Trung đóng vai Chúa Giêsu: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".Vị cuối cùng được rửa chân là Matthêu.

Sau Thánh lễ là cuộc rước kiệu Thánh Thể trọng thể. Cha Nguyễn Sơn Miên chủ sự cuộc rước kiệu Thánh Thể, ngài cầm Bình Thánh Thể có kiệu hầu che Bình Thánh kiệu xuống phía cuối nhà thờ cùng với nghi đoàn và tiến đến vị trí đặt nhà chầu. Giờ chầu được cử hành trọng thể. Mở đầu là giờ chầu chung của giáo xứ, đặc biệt giờ chầu chung này do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách phần dẫn nguyện có sự hiện diện của LM Nguyễn Sơn Miên chủ sự cùng vơí linh mục Trung. Đến 9 giờ 30 phút, các hội đoàn thay phiên nhau chầu cho đến 12 giờ thì chấm dứt. Đoàn Liên Minh Thánh Tâm phụ trách dẫn nguyện giờ chầu từ 9 giờ 30 đến 9 giờ 55 mlột cách sốt sắng cùng với sự hiện diện của Cộng Đoàn Fatima và một số đoàn thể.

Lúc 12 giờ khuya, cha chánh xứ chủ sự bế mạc kết thúc đêm canh thức chầu Thánh Thể Thứ Năm Tuần Thánh, trả lại sự yên lặng của ngội giáo đường để chuẩn bị bước vào ngày thứ sáu, ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa. Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, từng cộng đoàn giáo dân của mỗi hội đoàn đã sốt sắng cầu nguyện bên nhau trước Mình Thánh Chúa, tất cả đã thật sự đến với Chúa trong tâm tình tạ ơn của đêm Cực Thánh.

Nguyễn An Quý
 
Lễ Truyền Dầu tại Nhà Thờ Chính Tòa St Patrick của Tổng Giáo phận Melbourne
Lê Hải
21:55 18/04/2014
Lễ Truyền Dầu Tại Nhà Thờ Chính Tòa St Patrick Melbourne
Lê Hải
Xem hình bấm vào đây: https://www.flickr.com/photos/106202437@N08/sets/72157644061916171/

Ngày thứ Ba tuần thánh ĐTGM Denis Hart cùng với ba Giám mục và hơn 400 linh mục và đông đảo giáo dân đã cử hành lễ truyền dầu.
 
Đàng Thánh Giá Giáo xứ St Margaret Mary Brunswick, Melbourne
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
07:25 18/04/2014
Tin Melbourne (Tô Tịnh)
DIỄN NGUYỆN ĐÀNG THÁNH GIÁ: Tại Giáo xứ St Margaret Mary’s Brunswick Úc Châu
Xem hình ảnh xin bấm vào đây: https://www.flickr.com/photos/106202437@N08/sets/72157644056385566/
Sáng thứ Sáu Tuần thánh 18/4/2014 nhà thờ St Margart Mary’s chật ních người già trẻ lớn bé gồm người Úc, Ý, Việt nam và các sắc dân khác… Họ tới để tham dự diễn nguyện “Đàng Thánh Giá và Lòng Thương Xót Chúa”.
Với chủ đề đó, trước đàng Thánh giá chủ tế đã dẫn nhập: Trong nhật ký của Thánh Nữ Mary Faustina Kowalski, người được Thiên Chúa chọn làm Tông đồ và Thư ký của Lòng Thương Xót Chúa, có đoạn viết: “Trong thời Cựu Ước, Ta đã gửi các Tiên tri đến làm sấm sét để răn đe sửa trị dân Ta. Hôm nay Ta gửi đến tất cả mọi người trên thế giới Lòng Thương Xót của Ta. Ta không muốn phạt nhân loại đau khổ nữa, nhưng muốn chữa lành, và ôm chặt các con vào Trái Tim đầy tình Thương Xót của Ta.” (Nhật ký 1588).
Bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa có một mối liên hệ chặt chẽ với ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Hai luồng máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Cứu Thế và vết thương trên hai tay và cạnh sườn Ngài nhắc nhớ lại những biến cố tử nạn của ngày Thứ Sáu, và qua đó, lòng xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Sự tha thứ mà Chúa Giêsu dành cho Phêrô, người bạn thân đã chối bỏ Ngài, và Giuda Iscariot, kẻ đã nộp Ngài, cũng như sự hy sinh cuối cùng trên thập giá, là một vài vén mở cho chúng ta thấy về đại dương Thương Xót lớn lao mà Thiên Chúa đổ tràn trên nhân loại.
Hãy cùng đi với Chúa chặng đường Thương Khó năm nay trong Lòng Thương Xót Chúa, lòng thương xót mà chính Ngài đã hứa sẽ là “nơi tựa nương và ẩn náu cho tất cả mọi linh hồn, nhất là những linh hồn tội lỗi khốn khổ...”, mà từ đó “một đại dương ân sủng sẽ tuôn tràn trên những ai biết tìm đến nguồn mạch Lòng Thương Xót” của Ngài. (Nhật ký 699)
Rồi các diễn viên đã diễn lại cảnh bữa tiệc ly của Chúa Giêsu với sự bội phản của Giuđa để đưa vào cảnh Chúa bị bắt, vác thập giá, cảnh Chúa gặp Mẹ đã ngừng lại với bài ca “Gentle Woman” qua giọng ca trầm lắng của bé Amy Trần đã làm cho cả cộng đoàn trầm lắng không một tiếng động. Hình như ai cũng đang nhỏ lệ khóc thương Chúa và đồng cảm với Maria, người mẹ khổ đau đã bị lưỡi đồng đâm thấu như lời tiên tri Giacaria đã nói lúc gặp mẹ dâng con trong đền thờ. Rồi kết thúc bằng tháo đinh Chúa và an táng trong huyệt mộ… Sau hơn một tiếng đồng hồ, nhiều người đã ngậm ngùi nhỏ lệ và trong tâm tình tạ ơn thống hối đã lên đặt bông hay thắp lên một ngọn nến trước mồ của Chúa… và ra về trong thinh lặng cầu nguyện.
 
Văn Hóa
Đức Giêsu: Thất Vọng và Hy Vọng
Nguyễn Trung Tây, SVD
02:26 18/04/2014
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Đức Giêsu: Thất Vọng và Hy Vọng



Cách đây khá lâu, có rất nhiều người cũng đã cảm nghiệm được sự mất mát to lớn cho một giấc mơ. Nhìn hòn đá đang từ từ che kín ngôi mộ, nhiều người có cảm tưởng mình đang lăn tảng đá chôn lấp giấc mơ của chính mình. Còn gì nữa mà mơ! Có người bỏ về làng tiếp tục nghề đánh cá. Có người âm thầm ngồi than khóc trong bóng tối. Có người treo cổ tự sát!




Mở cửa văn phòng, tôi gặp chị và bạn…

Thấy tôi, chị khóc,

— Cháu mới sáu tuổi, làm gì nên tội mà phải bị ung thư?

Tôi gặp bạn, bạn than,

— Nhớ lại cảnh vợ mình bị hải tặc bạo hành, tôi vẫn không thể nào hiểu được con người và chiều sâu dã thú...

Lắng nghe những lời chia xẻ của chị và của bạn, tôi xót xa trong lòng. Tôi muốn nói nhiều, nhiều thật nhiều, hy vọng chị và bạn sẽ bớt đi những giọt nước mắt phiền muộn. Nhưng thật lòng tôi biết tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi về mối tương quan giữa cuộc sống và thất vọng. Nhưng tôi nói xin cho tôi được có cơ hội để chia sẻ về nỗi niềm thất vọng của một người...

Cả chị và bạn cùng đều bật miệng hỏi lại,

— Cha muốn nói ai?

Tuần Thánh nếu phải đặt tên cũng là tuần của thất vọng. Đức Giêsu thất vọng bởi Giuđa, người môn đệ thân cận đang âm mưu rập rình bán đứng sư phụ. Đức Giêsu thất vọng bởi Ngài thấy trước Phêrô sẽ chối từ mối liên hệ thầy trò không phải chỉ là một, mà là ba lần nơi công cộng. Trong Vườn Cây Dầu, Ngài mang theo ba người môn đệ thân cận hy vọng sẽ được ủi an. Nhưng không, Phêrô, Giacôbê, và Gioan mệt nhọc thân xác tiếp tục nhắm mắt ngủ yên trong Vườn không hề hay biết mặt đất đang rung chuyển bởi vó ngựa quân lính La Mã. Thất vọng này nối tiếp thất vọng kia, bởi trên cây thánh giá, Đức Giêsu cảm nhận được sinh lực của tuổi ba mươi đang dần dần bốc hơi khô cạn trong thân xác. Và thật đúng như vậy, khi cửa ngôi mộ đá chầm chậm đóng lại chôn lấp một xác chết, chẳng có còn gì sót lại gì cho Đức Giêsu và những người môn đệ hy vọng vào một ngày mai.

I. Nỗi Niềm Thất Vọng

Vào đêm Đức Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu, tất cả những môn đệ của Người đã hoàn toàn mất hy vọng vào Thầy của mình. Bởi thế họ đã bỏ Thầy, bỏ tất cả chạy lấy người. Tuy nhiên, bởi Phêrô vẫn còn chút hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, ông đã liều lĩnh đi tới sân Tòa Án Tối Cao của người Do Thái. Nhưng rất tiếc, Phêrô cũng không khám phá ra được điều gì khác hơn ngoài việc ông tự nhiên lại mang lấy phải cái vạ chối Thầy vào người.

Vào khoảng ba giờ chiều của ngày thứ Sáu hôm đó, bầu trời của kinh thành Giêrusalem lúc đó đã tối lại càng tối đen hơn cho những người môn đệ của Đức Giêsu, khi chính họ chứng kiến giây phút cặp mắt thất thần của Đức Giêsu đang từ từ nhắm chặt lại.

Cuối cùng, trong khi đứng nhìn tảng đá của ngôi mộ được ông Giuse Arimáthêa chầm chậm lăn lại che kín một xác chết, mọi người môn đệ của Đức Giêsu biết rằng đã không còn gì để họ hy vọng. Họ hoàn toàn thất vọng vào một tương lai trong Đức Giêsu.

II. Mầu Nhiệm Thương Khó

— Bạn đang đứng ở đâu trong khi những giọt mồ hôi máu đỏ của Đức Giêsu đang rớt xuống, thấm sâu vào lòng đất đen trong Vườn Cây Dầu? Bạn có nghe thấy tiếng Đức Giêsu đang năn nỉ những người môn đệ thân tín, những người bạn bè ruột thịt thân thiết trong suốt một khoảng thời gian dài là làm ơn cố gắng tỉnh thức để chia xẻ nỗi niềm cô đơn với Ngài hay không? Bạn nghĩ gì khi Đức Giêsu bị bạn bè đâm, không phải là sau lưng nhưng ngay trước mặt, bằng một cái hôn nồng nàn thắm thiết? Bạn thấy gì khi Đức Giêsu bị tất cả mọi người bỏ rơi, đứng chơ vơ giữa một rừng gươm sắc, giáo mác, và những kẻ chống đối Ngài? Trong hoàn cảnh bơ vơ lạc loài này, Đức Giêsu sẽ quay sang ai để tìm kiếm cảm thông, chia xẻ, và an ủi? Bạn có nhìn thấy vòng gai sắc nhọn đang đâm thâu qua đầu Ngài? Máu đỏ lại rơi xuống. Thịt da lại rách tan. Bạn có ước lượng được cây thánh giá đang đè lên vai của Đức Giêsu nặng khoảng bao nhiêu pounds hoặc là bao nhiêu ký hay không? Có thể chúng ta vẫn không bao giờ biết được sức nặng thật sự của cây thánh giá, nhưng ít ra chúng ta biết là cây thập giá nặng lắm, nếu không Đức Giêsu đã không té ngã ba lần dưới sức nặng của hai cây gỗ đan chéo vào nhau. Cả ba lần Đức Giêsu té ngã xuống mặt đường ngập đầy đá sỏi của kinh thành Giêsuralem, bạn đang làm gì? Bạn đứng ở đâu? Bạn có thấy Ngài té ngã xuống mặt đường, và đá sỏi tiếp tục cào rách nát khuôn mặt của Ngài ra không?

Tôi tiếp tục chia sẻ,

— Trên đỉnh núi Sọ, bạn có nghe thấy tiếng búa sắc nhọn đang đập xuống những đầu đinh, và những đầu đinh sắc nhọn đang đâm xuyên qua hai chân và hai tay của Đức Giêsu hay không? Bạn có thấy trời đang kéo mây đen che kín đỉnh đồi Calvê hay không? Bạn nghĩ gì khi đất đá của Núi Sọ rung động, mồ mả của những người đã chết bật tung nắp, màn trong đền thờ Giêrusalem xé rách ra làm hai vào giây phút Đức Giêsu nhắm chặt mắt lại? Bạn nghĩ gì khi bộ ngực gầy gò ốm yếu của Đức Giêsu không còn di động lên xuống theo nhịp thở yếu ớt nữa?

III. Mầu Nhiệm Phục Sinh

Nhưng tạ ơn Trời, tạ ơn Đất, tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì câu chuyện thất vọng của năm xưa không dừng lại ở đoạn ông Giuse đang từ từ lăn tảng đá che kín lại ngôi mộ đá. Hai ngày sau, sứ thần từ trời cao ngự xuống đẩy tảng đá che kín ngôi mộ của Đức Giêsu sang một bên. Nhờ thế người ta mới biết là ngôi mộ được niêm phong bởi lệnh của Quan Tổng Trấn Philatô tự nhiên trở thành ngôi mộ trống (Mátthêu 27:62-66). Nhờ những người phụ nữ Do Thái dẫn nhau đi ra ngôi mộ vào buổi sáng sớm của ngày hôm đó, người ta mới biết xác Đức Giêsu đã biến mất. Ngôi mộ đá đã lạnh ngắt lại càng trở nên lạnh ngắt với khăn liệm nằm chơ vơ lạc loài (Máccô 16:1-8, Luca 24:12). Nhờ Maria Mađalêna còn vấn vương với ngôi mộ trống sau khi Phêrô và người môn đệ được Đức Giêsu thương mến đã bỏ về nhà, chúng ta mới biết ngôi mộ đá trở nên ngôi mộ trống chính vì Đức Giêsu đã sống lại (Gioan 21:11-18). Và nhờ hai người môn đệ, một người tên là Clêôpas, thất vọng bỏ thành phố Giêrusalem ra đi, chúng ta mới hiểu tại sao ngôi mộ của Đức Giêsu đã trở thành ngôi mộ đá trống (Luca 24:13-35). Nhờ những người môn đệ của Đức Giêsu mất hy vọng bỏ về lại Bắc Galilê tiếp tục hành nghề ngư phủ trên Biển Hồ, chúng ta mới biết Đức Kitô đã thực sự phục sinh, bởi vì Ngài đã hiện ra bên bờ biển vào một buổi sáng sớm, trong khi những người ngư phủ đang thất vọng với khoang thuyền trống vắng không một con cá (Gioan 21:1-14). Nhờ những nhân chứng phục sinh tiên khởi vừa được liệt kê ở trên, chúng ta biết ngôi mộ đá trở thành ngôi mộ trống bởi vì Đức Giêsu đã phục sinh, và Ngài trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mỗi người trong chúng ta.

Trong phạm trù Kitô học, Đức Kitô Phục Sinh trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mọi người trong chúng ta bởi vì Ngài cũng đã từng thất vọng với cuộc sống. Trong nguyện đường của thị trấn Nazareth, Ngài thất vọng nói, “Không có ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương của mình” (Luca 4:24). Trong Vườn Cây Dầu, Ngài buồn phiền thở than, “Lạy Cha! Nếu được, xin cất chén đắng này xa con” (Máccô 14:36). Trên đỉnh núi Sọ, Ngài thất vọng kêu lớn tiếng, “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Sao lại bỏ rơi con”? (Matt 27:46).

Cuộc sống nào mà lại không có những nhọc nhằn, những phiền muộn, và những thất vọng? Đức Giêsu cũng đã từng thất vọng, nhưng Ngài không bao giờ tuyệt vọng. Lúc nào Ngài cũng chấp nhận và tin tưởng vào bàn tay quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa quyền năng, mặc dù Ngài thất vọng vào đám đông của thị trấn Nazaret, những người đồng hương đang bịt mũi khinh bỉ gốc gác thợ mộc của Ngài. Lúc nào Ngài cũng hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn rực rỡ hơn, dù rằng Ngài đang bị mọi người bỏ rơi trong Vườn Cây Dầu. Lúc nào Đức Giêsu cũng hy vọng vào Nước Trời mặc dù ánh mắt của Ngài đang lạc thần, mờ đi, và xám đen lại vào khoảng 3 giờ chiều của ngày thứ Sáu hôm đó. Và đúng như Ngài đã từng tin tưởng, chấp nhận, và hy vọng, cuối cùng Ngài đã sống dậy từ trong kẻ chết, và Ngài đã trở thành Đức Kitô Phục Sinh. Ngài trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta về một cuộc sống với niềm hy vọng vào một Thiên Chúa quyền năng nhưng nhân hậu.

Bạn,

Ai trong chúng ta lại chẳng có những lúc sống với thất vọng, với tuyệt vọng? Ai trong chúng ta lại chẳng có những giây phút hoàn toàn mất tin tưởng vào ngày mai bởi vì giấc mơ của mình trong vòng bao nhiêu năm vừa chợt sụp đổ như hai tòa nhà cao ngất trời của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế đang từ từ sụp đổ vào một buổi sáng mùa thu ngày 11 tháng 9 năm 2001? Ai trong chúng ta chẳng có những lúc bừng con mắt dậy, thấy mình trắng tay? Tương tự như Giuđa và Phêrô đã từng một lần cảm nghiệm, giờ này chúng ta mất hết, bây giờ chúng ta trắng tay!

Những mất mát trong cuộc sống khiến ai chẳng cảm thấy buồn phiền tiếc nuối. Cách đây khá lâu, có rất nhiều người cũng đã cảm nghiệm được sự mất mát to lớn cho một giấc mơ. Nhìn hòn đá đang từ từ che kín ngôi mộ, nhiều người có cảm tưởng mình đang lăn tảng đá chôn lấp giấc mơ của chính mình. Còn gì nữa mà mơ! Có người bỏ về làng tiếp tục nghề đánh cá. Có người âm thầm ngồi than khóc trong bóng tối. Có người treo cổ tự sát.

Cuộc sống là một tổng hợp của những buồn và vui, khóc và cười, mất và được. Có những lúc nổi giận, đốt hết. Có những lúc từ bi, thứ tha. Có những lúc mất hết, trắng tay. Những mất mát trong đời là một phần của cuộc sống. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình đang còn trẻ và mình cũng đang già. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình là con của bố và của mẹ, có những người chị, người anh, và người em.

Nhưng chấp nhận không thì cũng chưa đủ. Phải hy vọng, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, rực rỡ hơn. Hy vọng như người con hoang đàng, hai người phụ nữ, một người bên giếng nước Giacóp, một người trong nhà ông Biệt Phái Simon, đã hy vọng những dĩ vãng những lỗi lầm của mình sẽ được quên đi, sẽ được xóa nhòa. Hy vọng như Phêrô đã từng hy vọng là mình sẽ được thứ tha. Thất vọng như Giuđa đã từng tuyệt vọng vào một ngày mai. Cành cây bên vệ đường là nơi người mất hy vọng tìm đến. Một sợi dây treo lên, một mạng người rớt xuống. Hy vọng như hai người môn đệ trên đường Emmau. Vào một buổi sáng mùa Xuân, có hai người mất hy vọng đang đi với nhau. Nhưng Niềm-Hy-Vọng đã tới với họ. Niềm-Hy-Vọng chuyện trò với họ. Và bởi Niềm-Hy-Vọng, họ quyết định quay về Giêrusalem, thành phố của mất hy vọng. Họ quay về để tạo dựng lại một niềm hy vọng mới. Bao nhiêu người chứng kiến cảnh tảng đá đang từ từ chôn lấp một xác chết. Họ thất vọng. Họ cảm nghiệm đắng cay cho một mất mát. Nhưng rồi họ lại hy vọng, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Cuối cùng đúng như họ mơ ước Mùa Hy Vọng của Kitô Giáo đã tới gần hai ngàn năm.


□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Tân Phúc Âm hóa Gia đình – Suy tư và thao thức
Hoài Thu Nguyễn
09:45 18/04/2014
Tân Phúc Âm hóa Gia đình – Suy tư và thao thức

Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học và công nghệ, sự phát triển của nó với tốc độ chóng mặt như một cơn lũ kéo theo sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho các nền kinh tế đang phát triển, bên cạnh đó mặc tiêu cực của nó cũng không nhỏ, nạn thất nghiệp cho những lao động phổ thông như là một hiện tượng; khủng hoảng hôn nhân gia đình đang nổ ra và lan rộng từng ngày. Đó là “ con sóng dữ “ do chính con người tạo nên và con người lại phải vật lộn trong cơn sóng để tồn tại.

Và để đáp ứng cho đòi hỏi của cuộc sống công nghiệp đầy nhộn nhịp và gian manh, mỗi con người và mỗi gia đình trong xã hội lại phải chạy đua với thời gian để cố làm sao kiếm được nhiều tiền cho cuộc sống, cho gia đình và con cái, và khi đã có đủ điều kiện vật chất cho cuộc sống ấm no thì lòng tham của con người không chỉ dừng lại đó mà lại tiến thêm một bước nữa là phải kiếm thật nhiều tiền để mua sắm xe hơi, bu-đing biệt thự. Thế là các thành viên trong gia đình tự tách mình ra khỏi cái đầm ấm của bửa cơm gia đình, con cái thì phó mặc cho nhà trường và người giúp việc; chồng thì ngày đêm lao vào công việc tại công ty qua các thương vụ kinh tế béo bở, say sưa giao lưu cùng bạn bè bên các đối tác làm ăn; vợ thì mãi mê trong công việc kinh doanh mua bán hoặc các cuộc vui chơi bên đồng nghiệp, dần dà những cuộc tiếp xúc thân mật đã tạo nên một môi trường tình cảm phức tạp nảy sinh một tình ý không ngay lành cho cả đôi bên, tình nghĩa vợ chồng và sự gắn bó hôn nhân đang khô cứng và trở nên chán ngán từng ngày, mỗi người lại tìm cho mình một thú vui riêng, gia đình chỉ còn lại là nơi trú ngụ cho những lúc rượu tàn, say sưa và mệt mõi.

Trước viễn cảnh những đổ vỡ của các gia đình đang lan rộng trong xã hội, trẻ em bị khủng hoảng tinh thần vì cảnh cha mẹ ly hôn đã bỏ bê học hành mà lao vào chốn ăn chơi. Hút chích, mại dâm và cướp giật là những tệ nạn đang hoành hành trong xã hội như một căn bệnh trầm kha khó chữa, nền tảng đạo đức gia đình đang bị xói mòn trầm trọng, là mối suy tư mà các đấng bậc trong Giáo Hội luôn thao thức vì niềm tin trong cuộc sống đã bị đánh cắp. Qua thời gian chuẩn bị, Giáo Hội đã chọn năm 2013-2014 là Năm Tân Phúc âm hóa gia đình như một lời mời gọi mọi thành phần dân Chúa từ bỏ con đường cũ, từ bỏ tội lỗi để trở về trong Đức Ky-tô, là nguồn mạch Ơn Cứu độ.

Là một Ky-tô hữu, cũng là con người trong thân phận mỏng dòn hèn yếu, mang trong mình tính hư xác thịt, đam mê và tội lỗi; có những lúc không tránh khỏi những mông lung lệch lạc, khi mà cuộc sống vật chất đã lôi cuốn con người lao vào chốn vui chơi mạo hiểm; bên cạnh đó sự đối xử với nhau giữa vợ chồng nhiều khi quá chân thật đã trở nên khô khan trong tình cảm, hòa lẫn những khó khăn trong cuộc sống đã nỗi lên những tiếng to nhỏ hằn hộc, tiếp nối với thời gian đã trở thành một làn khói mờ mịt ngày càng đẩy xa hình ảnh thân thương của tình yêu đôi lứa mà ngày hôn phối đã thề hứa trước bàn thờ Chúa.

Năm Tân Phúc âm hóa gia đình là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang còn trong bóng tối lầm lạc, còn đang ngủ mê trong cơn say tiền bạc và tội lỗi, hãy tỉnh thức và quay về với Lòng Thương xót vô biên của Chúa. Hãy canh tân đời sống đức tin để làm chổ dựa tinh thần cho đời sống hôn nhân gia đình.

Ta cần phải làm gì trong năm Tân phúc âm hóa gia đình, đó là câu hỏi mà mỗi người, mỗi gia đình cần phải đặt ra và đem ra thực hiện với một tinh thần khẩn trương, vì đời sống hôn nhân gia đình trong xã hội ngày nay đang lâm vào một tình trạng khủng hoảng vô cùng bức bách.

1/ Đối với đời sống đức tin :

- Ngoài việc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật một cách sốt sắng, tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình chúng ta cần sắp xếp thời giờ để tham dự các thánh lễ ngày thường trong tuần ít nhất là các ngày: Thứ Tư là ngày lễ kính Thánh cả Giuse bổn mạng các gia trưởng, Thứ Năm là ngày kỷ niệm Bữa Tiệc Ly cầu nguyện cho các linh mục và ơn gọi các bậc tu trì, Thứ Sáu là ngày kỷ niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su.

- Tham dự các giờ chầu Thánh Thể để nuôi dưỡng một cách sống động Bí tích Thánh Thể, vì chính mình máu Chúa đang hiện diện trong Nhà Tạm nơi các nhà thờ để làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn ta trên bước đường hành trình về Nước Chúa.

- Trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại, một số gia đình khó có thể tổ chức giờ kinh gia đình thường xuyên thì ít ra cũng nên có ba buổi đọc kinh chung để tạo được một bầu khí quây quần hiệp nhất trong gia đình sau một ngày công việc vất vả; đồng thời cũng nên khuyến khích mỗi thành viên trong gia đình có thói quen đọc kinh riêng trước khi đi ngủ và mỗi khi thức dậy, là một phút tâm sự với Chúa Thánh Thần để cảm tạ và xin Ngài thánh hóa mọi việc làm của ta.

- Để thăng tiến trong đời sống đạo đức bình dân, chúng ta nên tham dự các giờ kinh chung trong các dịp Tháng Hoa, Tháng Mân Côi, Tháng Thánh Tâm Chúa, Tháng Các Đẳng và tham dự các giờ kinh khi có người qua đời, tuy là một việc đạo đức bình dân nhưng nó mang lại lợi ích rất lớn cho các phần rỗi linh hồn, là một sự hiệp thông trọn vẹn trong Đức Giê - su Ky-tô, như lời Kinh Thánh có chép : “ Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho “ ( Mt 18,19-20).

- Tích cực sắp xếp thời gian để tham dự các dịp hành hương trong giáo phận hoặc giáo hạt, là biểu lộ một sự hiệp nhất trong Giáo Hội với bên ngoài xã hội, vì mỗi dịp hành hương là dịp chúng ta được nghe những bài giảng súc tích , những huấn từ của vị chủ chăn, làm cho tâm hồn chúng ta ấm lại và nâng hồn ta vươn cao lên tới Chúa.

2/ Đối với đời sống gia đình :

- Nên quan tâm chăm sóc đến những sinh hoạt thường ngày của vợ, của chồng, con cái và những người thân trong gia đình;

- Dành cho nhau những cử chỉ đầy yêu thương như những ngày mới kết hôn, đừng bao giờ xem thường và bỏ quên nó, vì đó chính là hơi ấm để nung đức tinh yêu giữa vợ chồng và con cái, và cũng chính nó là mối dây siết chặt tình nghĩa vợ chồng và con cái, để mỗi người trong chúng ta cảm nhận được “ khi xa thì nhớ khì gần thì thương “.

- Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng nên dành một khoảnh khắc nhất định để ngồi nên nhau trong những dịp cuối tuần, ngày lễ, ngày sinh nhật, ngày bổn mạng, ngày kết hôn, . . để quên đi những nhọc nhằn vất vả trong cuộc sống thường ngày. Vì chính lúc nầy gợi nhớ cho ta những ngày đầu tiên gặp gỡ thật là êm đềm và hạnh phúc, cho ta sống lại bầu khí yêu thương và gần gũi.

Vẫn còn kịp nếu chúng ta biết dừng bước và quay trở lại,

Vẫn còn kịp nếu chúng ta biết đặt niềm tin vào Đức Ky-tô, đấng chiến thắng mọi sự dữ,

Vẫn còn kịp nếu chúng ta biết phó thác vào tình thương vô biên của Thiên Chúa là đấng Giàu Lòng thương xót,

Vẫn còn kịp nếu chúng ta biết chạy đến cùng Mẹ Maria và Thánh cả Giu-se để được nâng đỡ và chuyển cầu cho ta trước Danh Thánh Chúa.

Thứ Sáu Tuần Thánh 18/04/2014

HoàiThu Nguyên
 
Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:37 18/04/2014
PHỤC SINH.
Tin yêu hy vọng dâng trào,
Muốn ban sự sống, Chúa trao thân mình.
Đớn đau chuốc lấy khổ hình,
Chết treo thập giá, cực hình vì yêu,
Thân trần thiêu đốt nắng chiều,
Ân đền phúc trả, bấy nhiêu tháng ngày.
Xin thương cất chén đắng này,
Ý Cha nên trọn, giang tay cứu đời.
Gục đầu, trút thở, tàn hơi,
Hiến dâng hy tế, muôn đời khắc ghi.
Hạt mầm chôn xuống chết đi,
Trổ sinh hoa trái, có chi sánh bằng.
Khổ đau thánh giá thường hằng,
Vác đi theo Chúa, siêng năng mỗi ngày.
Lời vàng phán bảo hôm nay,
Ách Ta êm ái, gánh tay nhẹ nhàng.
Qua khổ ải tới vinh quang,
Triều thiên sáng chói, huy hoàng phúc vinh.
Chúa Ta sống lại hiển linh,
Cứu nhân độ thế, trọn tình xót thương.

CẦU NGUYỆN.
Thành tâm dâng Chúa lời cầu,
Thần dân dưới thế, khấu đầu khấn xin.
Dủ hồn thao thức lòng tin,
Ngợi khen danh Chúa, van xin chúc lành.
Mắt nhìn sự vật chung quanh,
Tai nghe tấu khúc, âm thanh tuyệt vời.
Miệng thầm khấn nguyện đôi lời,
Ngợi ca danh Chúa, muôn đời tán dương.
Nhịp nhàng hơi thở trầm hương,
Khói nhang khứu giác, làn sương cao vời.
Gối quỳ, đầu cúi, hồn ơi,
Vòng tay trước ngực, dâng lời khấn van.
Tâm tư, thần trí bình an,
Nguyện cầu cùng Chúa, thương ban trí lòng.
Tẩy cho tâm sạch hồn trong,
Niềm Tin, Cậy, Mến, cầu mong vững vàng.
Tâm đầu kết hợp nài van,
Yêu người, mến Chúa, xóa tan hận thù.
Cầu xin Các Đấng hộ phù,
Thiên đàng chờ đón, thiên thu vĩnh hằng.

TIN YÊU.
Đưa tay Chúa dắt con về,
Đi đâu đi mãi, mải mê thú trần.
Lời ngay, nói thật, vạch trần,
Chỉ cho con biết, nợ nần bấy lâu.
Chúa thương đón lấy khổ sầu,
Mong con thoát khỏi, vũng sâu bùn lầy.
Vẫy vùng tâm dạ đong đầy
Tâm linh lạc hướng, xin Thầy cứu con.
Cả tin nhẹ dạ héo hon,
Tin người ái mộ, lòng son phỉnh lừa.
Nghe lời ngon ngọt theo bừa,
Lỗi điều răn Chúa, xin chừa từ nay
Quyết lòng suy thẳng, nghĩ ngay,
Tránh xa thần tượng, cầu may chữa lành.
Phận người cát bụi mong manh,
Mạo danh thần thánh, ơn lành cứu cho.
Ơn thiêng phù trợ khỏi lo,
Tiền trao công đức, mối lo vẫn còn.
Chúa thương cứu độ hồn con,
Tin yêu phó thác, sắt son muôn đời.

TRỞ VỀ.
Đường đời uổn khúc vòng xoay,
Bước đi đi mãi, cần quay trở về.
Nắng chiều đỉnh núi Can-Vê,
Chết treo thập giá, máu bê bết mình.
Chúa thương gánh lấy tội tình,
Cứu con thoát khỏi, luyện hình khổ đau.
Sao còn lẩn tránh phía sau,
Thực hành sống đạo, hãy mau khẩn cầu.
Tâm xa, lạc bước bấy lâu,
Kêu mời hoán cải, vạn sầu nhớ thương.
Thôi rồi lỡ nhỡ tình trường,
Mải mê lạc thú, vấn vương kiếp này.
Cầu buông gian dối đắng cay,
Thấm nhuần lẽ đạo, phen này quyết tâm.
Trở về bên Chúa từ tâm,
Rời xa lối cũ, bước lầm tránh qua.
Ân thiêng thôi thúc giao hòa,
Xét mình xưng thú, vào tòa xin tha.
Chúa Kitô, chết vì ta,
Xin thương tha thứ, đón ta trở về.

ĐAU KHỔ.
Ai mang đau khổ dư thừa,
Vui chung chưa thấy, lại lừa đổ quanh.
Đi tìm bắt bẻ cạnh tranh,
Thắng thua hơn thiệt, cố dành chữ kiêu.
Liều thân sa chốn tiêu điều.
Vợ chồng con cái, gây nhiều khó khăn.
Đoạn trường trăm mối băn khoăn,
Còn đâu mái ấm, tận căn xói mòn.
Dù rằng một chữ cỏn con,
Vô tình dập tắt, héo hon lòng người.
Khổ đau chồng chất gấp mười,
Nhiệt tâm lo lắng, nhạo cười ý ngay.
Yêu thương nhắc khéo lời này,
Tri ân Tạo Hóa, ơn này phú ban.
Nam thanh nữ tú ngang hàng.
Đường đời chung nẻo, nhẫn vàng có đôi.
Chi bằng tôn trọng nhau thôi,
Song hành tiến bước, cặp đôi hữu tình.
Gia đình con cái an bình,
Sống vui hạnh phúc, trong tình Chúa thương.

HIẾN LỄ.
Tử hình thập giá chiều xưa,
Gánh nặng oằn vai, cũng chưa thỏa lòng.
Ngã xô dập dụi lưng còng,
Đòn roi hằn vết, tỏ lòng Chúa thương.
Khóc than tội lỗi vấn vương,
Lột trần da tróc, rạn xương vết bầm.
Lưỡi đòng nhọn sắc thấu tâm,
Treo thân thịt rách, âm thầm buốt đau.
Sức tàn hơi yếu qua mau,
Gục đầu trút thở, cõi sau bước vào.
Nhân loại lỡ giết Chúa sao?
Mẹ thương nhìn ngắm, biết bao âu sầu.
Xác con ôm ẵm hồi lâu,
Đành chôn xác Chúa, mặc dầu xót thương.
Mồ chôn cửa lấp đôi đường,
Tông đồ môn đệ, tựa nương Chúa Trời.
Sớm chiều lặng lẽ khôn vơi,
Mồ không trống trải, Chúa dời chốn đây.
Niềm tin hy vọng đong đầy,
Phục Sinh vinh hiển, xin Thầy cứu con.

HIỂU BIẾT.
Vũ trụ bao la tuyệt vời,
Con người nhỏ bé, cuộc đời chóng qua.
Thời gian cống hiến chút qùa.
Sống sao ý nghĩa, giao hòa thế nhân.
Học khôn học khéo đường trần,
Trau dồi trí đức, đối nhân khó bì.
Kho tàng kiến thức là chi?
Tập tành nhân đức, cũng vì tấm thân.
Sửa mình, tẩy uế, canh tân,
Hợp tình chung sống, thành nhân thức thời.
Khuyên người cố học biết đời,
Biết sai biết đúng, gọi mời hiến thân.
Noi gương tỏa sáng chứng nhân,
Nghe lời Chúa dậy, giữ thân cứu hồn.
Tin Mừng nhắc nhở ôn tồn,
Trả vay vay trả, khéo khôn thật thà.
Công bằng chớ lỗi người ta,
Vào tòa xưng thú, tội tha vạ còn,
Ân đền oán tha cho tròn,
Lòng thanh tâm lặng, sắt son một đời.

SỐNG.
Không gian vũ trụ trao ban,
Thiên hà tinh tú, ngút ngàn trời mây.
Muôn loài thụ tạo có đây,
Vĩnh hằng thiên phú, cõi này thiên thai
Tin rằng từ thuở sơ khai,
Trời cao đất rộng, có ai mong chờ.
Vội mong tính đếm từng giờ.
Dòng đời xuôi chảy, lững lờ trôi qua.
Tìm đâu cuộc sống an hòa,
Trăm công nghìn việc, kinh qua mỗi ngày.
Thời gian quí báu lắm thay,
Bận chi sống vội, không ngày không đêm.
Chúa ban ngày tháng êm đềm,
Cùng nhau chia xẻ, ấm êm gia đình.
Vợ chồng con cái yên bình,
Tụng ca danh Chúa, vô hình thiêng liêng.
Giê-su đôi mắt dịu hiền,
Ngước trông thập giá, linh thiêng cứu đời.
Lữ hành cuộc sống ai ơi.
Yêu người mến Chúa, một đời khát mong.

BÊN CHÚA.
Yêu thương Chúa xuống gian trần
Hy sinh cứu độ, thân trần đớn đau.
Nhìn lên thánh giá hồi lâu,
Lòng thương xót Chúa, ghi sâu cõi lòng.
Thì thầm khấn vái cầu mong,
Trí lòng tĩnh lặng, giữ trong tâm hồn.
Tôn thờ Chúa Cả càn khôn,
Ngắm nhìn tượng Chúa, suy tôn phép mầu.
Lòng suy miệng xướng lời cầu,
Tình yêu dâng hiến, khấu đầu ý Cha.
Hết tình trọn nghĩa vị tha,
Mong tình đáp trả, tránh xa tội đời.
Lặng yên nhìn Chúa cao vời,
Vòng tay âu yếm, dâng lời thở than.
Gục đầu tấu lậy nài van,
Xin thương tha thứ, Chúa ban phúc lành.
Ơn thiêng soi sáng lòng thanh,
Quyết tâm sửa lỗi, hoàn thành lễ dâng.
Hiệp lời khấn nguyện đỡ nâng,
Thoát vòng gian dối, xin vâng theo Ngài.

THINH LẶNG.
Mênh mang huyền diệu vũ hoàn,
Nhiệm mầu khôn ví, vẹn toàn thẳm sâu.
Ngắm nhìn tứ phía thật lâu,
Không gian im lắng, một bầu trời quang.
Thiên hình vạn trạng huy hoàng,
Triệu ngàn tinh tú, ánh quang bầu trời.
Cõi không vươn trải bao đời,
Âm thầm di chuyển, khắp nơi không cùng.
Ngút ngàn vũ trụ không trung,
Ai đong ai đếm. ngàn trùng cách xa.
Đất liền biển cả bao la,
Núi non hùng vĩ, có là gì đâu.
Hành tinh trái đất dù lâu,
Hoàn toàn giới hạn, qủa cầu vòng xoay.
Sóng gầm gió thổi lạ thay,
Bao đời vẫn thế, xưa nay sinh tồn.
Lắng lòng yên lặng tâm hồn,
Suy cùng nghĩ thấu, kính tôn Chúa Trời.
Hạ mình chịu chết cho đời,
Treo thân thập giá, Ngôi Lời Chúa Con.

KHIÊM HẠ.
Theo Thầy cúi xuống rửa chân,
Yêu thương bác ái, dấn thân vào đời.
Cúi mình hạ xuống mọi nơi,
Chọn bàn thấp nhất, xin mời bước lên.
Chúa mang chậu nước đến bên
Phê-rô lung túng, đừng nên, thưa Thầy
Giê-su là Chúa, là Thầy.
Đóng vai đầy tớ, giờ đây sẵn sàng.
Rửa chân phục vụ người làng,
Chân trần lấm bụi, kẻ sang người hèn.
Dù cho môn đệ phàm hèn.
Hồn nhơ bán Chúa, bon chen kiếm tiền.
Ba lần chối Chúa luân phiên,
Đa phần chạy trốn, sợ phiền tấm thân.
Chúa thương ghé mắt đôi lần,
Thầy đây đừng sợ, đường trần sẽ qua.
Hiến thân chịu chết vì ta,
Nêu gương phục vụ, giải hòa lẫn nhau.
Bỏ qua tha thứ thật mau,
Xứng danh môn đệ, trước sau một Thầy.

DỪNG CHÂN.
Bước chân đi mãi không ngừng,
Ngày mai chưa tới, xin đừng quá lo.
Đường đời may mắn rủi ro,
Sống giây hiện tại, Trời cho mỗi ngày.
Thức dậy buổi sáng hôm nay,
Tri ân Thượng Đế, một ngày bình an.
Sống vui phúc lộc tuôn tràn,
Hồn an hưởng phước, ngập tràn tin yêu.
Bon chen tranh đấu chi nhiều,
Được thua thắng bại, sớm chiều cạn vơi
Lam lũ vất vả cả đời,
Học hành, lao động, qua thời thanh xuân.
Ngập tràn bao nỗi gian truân,
Biết bao lo lắng, mỗi tuần qua mau.
Dừng chân đong đếm trước sau.
Trần gian của cải, xa nhau có ngày.
Sống sao ý nghĩa đời này,
Công cha nghĩa mẹ, ơn thầy khắc ghi.
Trời cao Chúa ngự uy nghi,
Cúi đầu kính lạy, thực thi công bình.
 
Tin Mừng Phục Sinh
Lm Thái Nguyên
10:00 18/04/2014
TIN MỪNG PHỤC SINH

Tin Mừng về Đức Giêsu và về sự Phục Sinh?

(Cv 17, 18)

Lạy Cha!

Mọi đau khổ sẽ trở nên vô ích,

mọi hy sinh sẽ trở thành vô dụng

nếu đau khổ không đưa tới vinh quang,

và hy sinh không đưa tới vinh thắng.

Cũng vậy, cái chết sẽ là một xúc phạm lớn,

nếu nó không phải là điều kiện

để đưa tới cuộc sống hiển dung.

Đời người sẽ là một vô nghĩa,

nếu mọi nỗ lực vượt qua không có đích điểm.

Chính vì vậy mà niềm hy vọng của chúng con

phát sinh từ chính Thập giá Đức Kitô,

là bằng chứng sâu nhiệm

và là sự khôn ngoan thượng trí

của Thiên Chúa giàu lòng thương xót,

Đấng đảm bảo sự sống đời đời cho những ai tin.

Thế nên con thực sự vui mừng

trong những đau thương và khốn khó,

mà mình cùng chịu với Đức Kitô,

cùng chết và cùng được mai táng với Ngài,

để cùng được sống lại và hưởng phúc vinh quang.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh!

Ngài là Đường để con bước đi,

là Sự Thật để con tín thác,

là Sự Sống để con no thỏa,

và là Điểm Hẹn để con được hạnh ngộ.

Tin vào sự phục sinh của Chúa

chính là tin vào sự phục sinh của con.

Xin cho con đừng quản ngại bước theo Chúa;

đừng nao núng dấn thân cho Sự Thật;

đừng sợ sệt chết đi cho Sự Sống;

đừng dừng lại trước khi tới Điểm Hẹn.

Xin cho con cảm nhận được

niềm vui Phục Sinh của Chúa đang bừng lên

trong chính linh hồn và thân xác con,

Xin cho con cảm nghiệm sâu xa

sức sống Phục Sinh của Chúa,

đang luân chuyển trong từng biến cố,

đang sinh động trong từng quan hệ,

đang thấm nhập vào mọi hoạt động,

và đang biến đổi đời sống nhân loại hôm nay.

Xin cho con mạnh dạn loan báo

Tin Mừng Phục Sinh, cũng chính là Tin Mừng Cứu Độ

cho mọi người chung quanh con. Amen.

Lm. Thi Nguyn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúa Đã Sống Lại
Dominic Đức Nguyễn
21:10 18/04/2014
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
(Hình chụp tại Đan Viện Châu Sơn Sacramento, CA)


Chúa đã sống lại. Alleluia !