Ngày 19-04-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phục Sinh : Biến cố vô tiền khoáng hậu
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
09:43 19/04/2014
Chúa Nhật Phục Sinh

PHỤC SINH – BIẾN CỐ VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU

Vào Google gõ mục “Người chết hồi sinh”, ta sẽ thấy có đến hơn 128 ngàn kết quả hiển thị. Rất nhiều những câu chuyện về người chết hồi sinh, người chết sống lại. Đọc cả tháng cũng chưa hết. Rõ ràng việc người chết hồi sinh, hay người chết đi sống lại xưa nay trong thiên hạ chẳng có gì là hiếm. Có người chết lâm sàng, tức chết trên giường bệnh, rồi hồi sinh. Có người chết được đưa vào nhà xác rồi sống lại. Thậm chí có người chết bỏ vào trong hòm rồi, được mấy tiếng sau thì bật dậy gọi: ba ơi, má ơi, cứu con, v,v…

Vậy thì việc Chúa Giêsu sống lại có gì khác lạ, có gì đặc biệt mà cả thế giới Kitô giáo với gần 3 tỉ tín đồ phải mừng một cách long trọng và hân hoan, với bậc lễ trọng nhất trong năm như thế? Thưa sự Phục Sinh hay sống lại của Chúa Giêsu có rất nhiều khác biệt, khác biệt rất lớn.

- Khác biệt lớn thứ nhất: sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã được loan báo trước.

Những người may mắn được hồi sinh hay sống lại, có ai đã loan báo trước đó không? Có ai trước khi chết nói với mọi người rằng tao chết 2 ngày, hay 3 ngày sau tao sẽ sống lại, đừng buồn sầu đừng khóc lóc, đừng mua quan tài làm chi cho tốn kém không? Hoàn toàn không. Sự phục sinh hay hồi sinh của họ hoàn toàn không được báo trước, và cũng không có một dấu chỉ nào để báo trước. Giả như có đi nữa thì chỉ là đánh lừa.

Phần Chúa Giêsu thì khác. Chính Ngài đã liên kết về sự Phục sinh với bản thân Ngài khi Ngài nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Ngay trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Ngài đã cho chúng ta một dấu chỉ và một bảo chứng bằng cách phục sinh một số người đã chết, để tiên báo chính Ngài sẽ sống lại. Ngài nói về biến cố này như là “dấu chỉ Giona” và “dấu chỉ Đền Thờ”…. Các môn đệ cũng đã được Ngài loan báo cho biết Ngài sẽ lên Giêrusalem chịu khổ hình, chịu chết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Ngài loan báo không chỉ một lần mà đến ba lần, loan báo một cách trang trọng, nghiêm túc.

- Khác biệt lớn thứ hai: Chúa Giêsu phục sinh rồi sẽ không bao giờ chết nữa.

Trước hết, sự sống lại của Đức Kitô không có nghĩa là Ngài trở lại với đời sống trần thế như trường hợp của những kẻ may mắn được hồi sinh, hay của những kẻ được Chúa Giêsu cho sống lại trước cuộc Vượt Qua. Chẳng hạn như con trai bà goá thành Naim, con gái ông Giairô, hay Lazarô. Dẫu đây đã là một điều quá kỳ diệu đối với con người, song sự sống lại của họ cũng chỉ là sự hồi sinh thân xác. Có ai khi sống lại rồi, khi hồi sinh rồi thì sống mãi thiên thu không? Không. Con trai bà goá thành Naim, con gái ông Giairô, hay Lazarô, có ai còn sống không? Không. Họ chỉ sống được một khoảng thời gian nào đó rồi cũng phải chết. Chết từ đời tám đế nào rồi ấy!

Trái lại, sự Phục sinh của Đức Giêsu hoàn toàn khác hẳn. Thánh Phaolô đã diễn tả sự sống siêu việt ấy như sau: “Chúng ta biết rằng: Một khi Đức Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, thì không bao giờ chết nữa. Cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6,9). Thân xác của Ngài đã được biến đổi hoàn toàn, trở nên một tạo thành mới vượt lên trên thời gian và không gian. Con người của Chúa Giêsu đã hợp nhất trọn vẹn với Ngôi Lời Thiên Chúa vinh quang rạng ngời (x. Pl 3, 21; 1Cr 15, 44). Tuy nhiên, Ngài không phải là hồn ma như vua Saolê đã thấy (1Sm 28, 8). Ngài đã sống lại trong chính thân xác bị thương tích của cuộc khổ nạn, với trọn vẹn nhân tính của mình; dĩ nhiên là nhân tính đã được thần hoá, được biến đổi - nhân tính phục sinh.

- Khác biệt lớn thứ ba: sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có ảnh hưởng đối với tất cả những ai tin vào Ngài.

Trong khi sự hồi sinh của những người may mắn được sống lại không có ảnh hưởng gì đối với người khác cả, hoàn toàn không, thì sự phục sinh của Chúa Giêsu có ảnh hưởng lớn lao trên toàn bộ định mệnh không phải của một hay hai người nào đó, mà là của toàn thể nhân loại. Đây là một khác biệt vô cùng lớn. Nói cụ thể hơn, sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có sức mang lại ơn ơn cứu độ đời đời cho tất cả mọi người. Người đã phá tung mồ đá và xuống nơi trú ngụ của các vong linh, tức là Âm phủ hay ngục Tổ tông, để hoàn tất việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho những kẻ đã chết.

Như thế sự kiện Đức Kitô Phục Sinh mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cho toàn thể nhân loại chúng ta. Trước hết, Người đã đánh bại thần chết đúng như lời Kinh Thánh đã nói: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” Sau nữa, việc Đức Kitô sống lại, cũng xác nhận Người là Thiên Chúa, và ai thuộc về Đức Kitô là tham dự vào sự sống mới, tức là sự sống thần linh của Người.

Vậy qua Thánh Lễ hôm nay, Giáo Hội muốn cùng với mỗi người chúng ta tuyên xưng rằng Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đó là niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta. Chúa đã sống lại, Allêluia. Giáo Hội trong niềm vui phục sinh, ngày ngày vẫn muốn lặp lại điệp khúc Allêluia để ca ngợi, thần phục quyền năng vinh hiển của Chúa. Xin cho niềm tin phục sinh của Chúa trở nên động lực thúc đẩy mỗi người chúng ta biết dấn thân, sẵn sàng ra đi để làm chứng cho tình yêu hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh và biến cố của cuộc đời, như Mađalêna, như Phêrô, như Gioan, như các Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai.

Các thánh Tông Đồ cũng đã rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới. Là những người ở trong Hội Thánh, chúng ta cũng được mời gọi sống làm sao để loan truyền niềm vui phục sinh cho những người chưa biết Chúa. Không ở đâu xa mà là anh em, bà con láng giềng, và bạn bè ở quanh ta.

Niềm vui Phục Sinh phải được thể hiện qua từng ánh mắt nụ cười, trong từng cử chỉ yêu thương của chúng ta. Niềm vui Phục Sinh được thể hiện qua lời rao giảng như Phêrô can đảm, mạnh dạn nói và làm chứng tại gia đình ông Cornêliô. Nghĩa là giúp người khác khôi phục niềm tin yêu vào Chúa. Niềm vui Phục Sinh được thể hiện qua đời sống mới như lời thánh Phaolô đã dạy: “Anh em đã được sống lại với Đức Kitô”, nghĩa là không còn sống theo những xu hướng của con người cũ: ích kỷ, tham lam, gian dối nữa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại và ban sự sống ấy cho chúng con. Ước gì mỗi chúng con luôn sống xứng đáng với tình yêu của Chúa và mỗi ngày sống của con đều là ngày Chúa phục sinh trong niềm vui hân hoan và tin yêu phục vụ. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Kinh xin được sống là con của CHA
Lm. Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD
09:49 19/04/2014
Kinh xin được sống là con của CHA (đọc mỗi ngày, ít nhất một lần)

Mở đầu: Một phút tĩnh lặng.

Lạy Thiên Chúa là Cha kính mến của con! Con hết lòng cảm tạ Cha, vì Cha đã cho con được trở nên một người con trong Ðại-Gia-Ðình của Cha và đươc phép thưa với Cha bằng một lối xưng hô rất giản dị và rất thân thương: “Abba”, “Cha ơi”.

Con thật có phúc quá chừng! Suốt đời con, con sẽ luôn luôn hãnh diện, vì được mang tên là “một đứa con của Thiên Chúa“. Ðó là danh chức cao quí hơn hết mọi danh dự, bằng cấp và địa vị ở trần gian này.

Abba! Cha kính mến của con! Hôm nay con xin Cha ban cho con ơn trọng đại này: là con được thêm ý thức và nghị lực, để mỗi ngày con chuyên cần thực tập ba việc rất mực cần thiết sau đây cho đời con:

Thứ nhất: mỗi ngày con tập sống chân thật. Con muốn từ bỏ mọi sự gian trá, giả dối và mánh lới trong tư tưởng, lời nói và việc làm hằng ngày của con. Vì tham cầu danh vọng, vì kiêu căng, muốn được hơn người, muốn được khen ngợi là người đạo đức, thông minh và tốt lành,..., nên nhiều lần con đã sống giả tạo và dối trá. Từ nay con quyết tâm thực hành lời Chúa Giêsu day: “Có, thì nói có; không thì nói không; thêm bớt điều gì, đều là sái quấy và xấu xa cả!“

Thứ hai: mỗi ngày con tập sống yêu thương. Con đã từng bị chi phối bởi những tình cảm tiêu cực độc hại, như sân hận, chê bai, chỉ trích và nói xấu, nói hành. Từ nay, mỗi ngày con tập sống yêu thương bằng cách con nhìn thấy Cha và con nhận ra Chúa Giêsu, nơi mỗi người, kể cả nơi những người không tốt với con. Con kính mến Cha và Chúa Giêsu hiện diện nơi mỗi người, thì con cũng cư xử một cách hài hòa và nhân nghĩa với những người đó. Nếu con không nói tốt cho họ được, thì it ra con cũng không nói xấu họ. Cha đã tỏ lòng từ tâm đối với con, thì con xin được theo gương Cha, mà thực tập cư xử từ tâm đối với anh, chị, em con. Con tập sống yêu thương cụ thể và giản dị mỗi ngày: bằng một lời chào, một nụ cười, một cái nhìn trìu mến, một cánh thư, một lời cảm ơn chân thành, một lần gọi giây nói, một lời an ủi và phấn khởi tinh thần, một món quà nhỏ, một lời mời ăn một lát bánh hoặc uống một li trà, v.v... – Ðể thực hiện yêu thương, con có rất nhiều phương tiện, phương tiện lớn và phương tiện nhỏ, nhưng điều quan trọng hơn cả, đó là tất cả mọi phương tiện đều phải bắt nguồn từ trái tim thành thật của con!

Con xin Cha hướng dẫn con, để con biết chia sẻ lòng từ tâm của Cha, không chỉ nguyên cho tha nhân, cho mọi người, mà còn chung cho tất cả mọi sinh linh vạn hữu, cách riêng cho các vật trong môi sinh nhỏ bé của con, để con biết quí mến và săn sóc các gia súc, mấy cây hoa, mấy cây cảnh… trong căn nhà bé nhỏ của con.
Cha là Tình Yêu Thương bao la, không bờ, không bến. Lòng Từ Tâm của Cha thật vô cùng vô tận! Con xin được Cha chia sẻ cho con một chút đỉnh tình yêu thương và lòng từ tâm của Cha!

Thứ ba: mỗi ngày con tập sống phú thác hoàn toàn vào Cha. Con xin hết lòng cảm tạ Cha, vì những khả năng và những ơn lành Cha ban cho con. Con xin tận dụng chúng: mỗi ngày con cố gắng suy nghĩ và làm việc với mọi khả năng và thời giờ của con. Nhưng con đặt hết tất cả mọi kết quả và mọi biến cố của đời con trong đôi tay của Cha: thành công, thất bại, được khen hoặc bị chê, còn hay mất, khỏe hay đau, được hay thua, sống hay chết,... Con xác tín rằng: Cha đang hiện hữu trong con và con đang được sống trong Cha; mọi sự của con cũng là của Cha và mọi sự của Cha cũng là của con. Cha là cội nguồn và là cùng đích của đời con!

Abba, Cha ơi, con xin được thưa với Cha một lần nữa: xin Cha thêm sức mạnh, ý thức và nghị lực cho con, để mỗi ngày con được phấn khởi mà tu tập sống chân thật và sống yêu thương, trong niềm tín thác hoàn toàn vào Cha, bởi vì Cha là CHA của con mà!

Xin Cha chúc lành cho con. Con xin hết lòng cảm tạ Cha! – Amen.

Kết thúc: Ðọc thong thả một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng và một kinh Sáng danh.

Phụ chú: Có thể bạn cũng trân quí Ơn được là một người con của Thiên Chúa, thì bạn có thể dùng hai mẫu tự FD làm biểu hiệu, viết sau tên của mình, để nhắc nhở cho mình niềm hãnh diện đó.
Mẫu tự F, do chữ la-tinh “Familia“, nghĩa là “Gia-đình“
Mẫu tự F, do chữ la-tinh “Filius”, là “con trai“ và “Filia”, là “con gái”.
Mẫu tự D, do chữ “Domini”, nghĩa là “của Chúa” hoặc “của Thiên Chúa”.
Vậy FD có nghĩa là “Gia Ðình của Chúa!”; hoặc “Người con của Chúa”.

Trong Kinh ”Thượng Sơn”, cũng gọi là Kinh “Phúc Thật Tám Mối” (Mt 5, 9), Thiên Chúa là CHA của chúng ta, chúc phúc lành đặc biệt cho những ai đem lại bình an cho tha nhân, bằng cách cho họ được làm con cái của Người! Sứ vụ của chúng ta, con cái của Thiên Chúa, là chính mình tập sống an-lạc, và làm cho anh chị em chung quanh mình cũng sống hài hòa với nhau, tích cực tham gia vào những nỗ lực xây dựng tâm an và hòa hợp nơi địa phương, và rộng lớn hơn: nơi cộng đồng quốc gia và thế giới.

Nguyện xin CHA cho có thêm nhiều bạn hãnh diện, vì được ghi thêm hai mẫu tự FD vào tên của mình!

NB:
- Bạn muốn góp ý kiến về “Làm thế nào để sống là con của CHA” trong đại-gia-đình của Chúa?
- Bạn muốn góp ý kiến về việc phổ biến danh hiệu FD nơi các thân hữu?
- Bạn muốn nhận được quà tặng: cuốn “Tuần Cửu Nhật Tôn Vinh Thiên Chúa Cha”?

Thì mời Bạn liên lạc về:
Lm. Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD
Bach-Str. 128
41239 Mönchengladbach / Germany
Tel.: 02166 / 265976
e-mail: josephvantinh@yahoo.de
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Phục Sinh)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 19/04/2014
N2T

Chúa Nhật LỄ PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 20, 1-9.
“Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Chúa Nhật Phục Sinh, bài tin mừng hôm nay tường thuật câu chuyện cô Ma-ri-a Ma-da-lê-na đến mộ của Đức Chúa Giê-su từ sáng sớm, nhưng rất kinh hoàng vì cửa mộ đã mở toang, và xác của Đức Chúa Giê-su không thấy đâu cả ! Thật ra Ngài đã sống lại rồi, sống lại thật như lời Ngài đã phán trước.

Tìm Đức Chúa Giê-su phục sinh nơi mộ trống
Không ai đi tìm người sống nơi mộ, nhưng người ta hy vọng người chết sẽ bằng an ra đi về nơi cõi vĩnh hằng.

Cách nhìn của người không phải là Ki-tô hữu.
Người ta cũng sẽ không tìm thấy Đức Chúa Giê-su phục sinh nơi những người Ki-tô hữu sống bê tha gây gương mù gương xấu, bởi vì những người này như những ngôi mộ âm u lạnh lẽo không có sinh khí, nhưng họ sẽ tìm thấy Ngài nơi những Ki-tô hữu sống thực hành lời của Ngài dạy là phục vụ tha nhân như phục vụ chính Ngài, bởi vì phục vụ chính là dấu hiệu sống động của Thần Khí Thiên Chúa.

Cái nhìn của người Ki-tô hữu.
Trong cuộc sống thường ngày, có những lúc chúng ta nhìn những người tội lỗi bằng cặp mắt không mấy thiện cảm, nhìn những người có thành tích không mấy tốt đẹp bằng thái độ khinh chê, tâm hồn của họ như những nấm mồ trống không có Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, vâng, dưới cái nhìn và suy tư của chúng ta, họ là những người vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc sống.

Đức Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn đồng hành với chúng ta.
Ngài đồng hành với chúng ta trong thân phận của người nghèo khó, đang chờ chúng ta mời Ngài vào trong quán trọ bên đường như hai môn đệ thành Em-mau; Ngài cũng đang đồng hành với mọi người trên con đường dương thế, nhưng mấy ai nhận ra Ngài là Đức Giê-su Phục Sinh ?

Anh chị em thân mến,
Tối hôm qua trong thánh lễ Vọng Phục Sinh chúng ta đã long trọng xác tín và tuyên xưng rằng Đức Chúa Giê-su đã từ cõi chết sống lại vinh hiển, và tiếng hoan ca Al-le-lu-ia vẫn sẽ còn vang vọng mãi cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang.

Chúng ta vui mừng vì tin vào Đức Chúa Giê-su phục sinh, nhưng mỗi người trong chúng ta vẫn chưa thật sự sống lại với Ngài, bởi vì chúng ta không muốn tìm Chúa Phục Sinh nơi những nấm mồ trống, tức là chúng ta không muốn tiếp xúc trò chuyện với những người đang bị cho là kẻ tội lỗi, bởi vì chúng ta vẫn chưa đẩy được tảng đá kiêu ngạo, ghét ghen che lấp tâm hồn của chúng ta, làm cho chúng ta không thoát ra được để đi tới với tha nhân và vươn lên tới Thiên Chúa...

Lăn tảng đá tự kiêu tự mãn ra khỏi tâm hồn mình, là chúng ta sẽ thấy ánh sáng phục sinh của Chúa Giê-su nơi những nấm mộ trống, tức là những người tội lỗi và bất hạnh trong cuộc đời này...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 19/04/2014
N2T

17. Vì tôi tin, nên tôi mới rao giảng.

(Thánh Dominicus)
-----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:27 19/04/2014
THA THỨ KHÔNG BIẾT MỆT
Cha sở đã mặc áo lễ chuẩn bị cử hành thánh lễ Vọng Phục Sinh, một giáo dân rón rén đi vào phòng thánh xin xưng tội. Cha sở rất bực mình muốn nạt nộ vài tiếng và từ chối, nhưng ngài nhớ lại lời của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô: Thiên Chúa không biết mệt mỏi khi tha tội...
Thế là ngài nói với các em giúp lễ đợi cho ngài vài phút để ngài giải tội xong thì bấm chuông làm lễ.
----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mộ trống : Tin mừng hay chuyện cổ tích
Lm Trương Đình Hiền
19:41 19/04/2014
MỘ TRỐNG: TIN MỪNG HAY CHUYỆN CỔ TÍCH (Phục Sinh 2014)

Vâng, kể từ “Ngày Thứ nhất trong tuần” của thập niên 30 trong thế kỷ thứ 1, cho đến mãi hôm nay và tới mãi nghìn sau, câu chuyện “Mộ Trống” sẽ không bao giờ là “cổ tích” mà chính là một Tin Mừng, Tin Mừng vĩ đại trên mọi tin mừng xuất hiện trên cõi thế.

Nếu cái chết của Thầy Giêsu đã kết thúc trên Đồi Sọ và mọi sự đằng sau Ngôi Mộ trống cũng chỉ được các bạn hữu Ngài, môn sinh Ngài nhắc lại một cách bâng quơ như một kỷ niệm để thoa dịu vết thương lòng trong thoáng chốc, như “một chuyện cổ tích” để mua vui cho đám trẻ con, mà không mang theo một thao thức nào, một nhiệt tình nào, một phấn khích và tràn trào niềm vui để loan báo, để làm chứng, để thuyết phục, thì có lẽ “chuyện kể về Ngôi Mộ Trống” ngày nào của cô Maria Mađalêna, tin vui sống lại của các dân chài Galilê cũng đã bị lãng quên tự bao giờ; và sự phục sinh của Đức Giêsu người Nadarét cũng chỉ là một huyền thoại chỉ còn trong những cuốn sách nơi các bảo tàng viện; và như thế, chắc chắn trong thế giới nầy, trong lịch sử loài người hôm qua và hôm nay sẽ không bao giờ có cuộc cử hành hoành tráng long trọng như đêm nay, chả có cái đạo Kitô, chả có Ngày Chúa Nhật, chả có Hội Thánh Công Giáo, và chúng ta sẽ không bao giờ mang tên là Kitô hữu…

Vâng, kể từ “Ngày Thứ nhất trong tuần” của thập niên 30 trong thế kỷ thứ 1, cho đến mãi hôm nay và tới mãi nghìn sau, câu chuyện “Mộ Trống” sẽ không bao giờ là “cổ tích” mà chính là một Tin Mừng, Tin Mừng vĩ đại trên mọi tin mừng xuất hiện trên cõi thế.

Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ đêm nay lại là một gọi mời chúng ta tiếp bước lên đường, tiếp tục lời chứng nguyên thủy của các tông Đồ, của Hội Thánh, tiếp tục “chuyện kể ngày nào của Maria Mađalêna” bằng tất cả niềm vui, sự sống và hy vọng của một Tin Mừng:

“Tôi đã thấy mồ trống của Đức Kitô,

Phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn…

Chúng tôi vững niềm tin sắt đá

Đức Kitô thật đã phục sinh

Tâu Vua chiến thắng hiển vinh

Đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương” (Ca Tiếp Liên).

Sống mầu nhiệm phục sinh chính là biết từng ngày tâm niệm và xác tín rằng: “Tôi đã gặp Đấng Phục Sinh”, là từng ngày tiếp tục ra đi sống mầu nhiệm Thánh Tẩy “cùng chết đi với Đức Kitô để cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới”, cuộc sống yêu thương hơn, chân thật hơn, phục vụ hơn, liêm chính hơn, trong sạch hơn, nhẫn nhục hơn, cuộc sống thật sự là Kitô hữu hơn…Chúa Kitô đang thật sự “phục sinh con người tôi”, trái tim tôi, tư tưởng tôi, và biến tôi nên một con người mới; Ngài đang phục sinh mối tương quan vợ chồng vốn cũ mòn xơ cứng, lãnh đạm thờ ơ nay trở nên mặn nồng, sắt son tha thiết. Ngài đang phục sinh quan hệ ứng xử giữa tôi, gia đình tôi với mọi người xung quanh vốn thờ ơ lạnh nhạt, ghen ghét đố kỵ, nay trở nên thân tình thắm nghĩa anh em. Ngài đang phục sinh cuộc sống vốn ích kỷ nhỏ nhen, lọc lừa gian dối nơi tôi thành một tâm hồn quảng đại khoan dung biết sẻ chia và phục vụ. Ngài đang phục sinh đức tin non yếu, tâm hồn khô khan nguội lạnh, cuộc sống biếng lười lệch lạc của tôi trở thành mạnh mẽ tin yêu, nhiệt tình và sâu sắc…

Và như thế, lời chúc phục sinh sau cùng của chúng ta đêm nay đó là: ước gì niềm tin phục sinh mỗi người chúng ta sẽ như cây nến Phục sinh sẽ cháy mãi như lời ước nguyện ban đầu của bài ca Exultet:

“Ước gì ngọn lửa còn cháy mãi,

Lúc xuất hiện Sao Mai:

Một vì sao không bao giờ lặn,

Là Đức Kitô, Con yêu quí của Cha,

Đấng từ cõi chết sống lại,

Đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân.

Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”.

?020

Tác giả bài viết: TĐH
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: ''chúng ta tưởng niệm ngày hạnh phúc Chúa lập chức linh mục và ngày chúng ta chịu chức linh mục''
VietCatholic
23:35 19/04/2014
Anh em thân mến trong chức linh mục! Ngày thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, ngày mà Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta đến tột cùng (Xc Ga 13,1), chúng ta tưởng niệm ngày hạnh phúc Chúa lập chức linh mục và ngày chúng ta chịu chức linh mục. Chúa đã xức dầu cho chúng ta trong Đức Kitô, Ngài xức bằng dầu hoan lạc và việc xức dầu này mời gọi chúng ta hãy đón lấy và lãnh nhận hồng ân cao cả này: đó niềm vui, niềm hoan lạc linh mục. Niềm vui của chức linh mục là một thiện ích quí giá không những cho đương sự nhưng còn cho toàn thể dân trung thành của Thiên Chúa: dân trung thành mà linh mục được kêu gọi đến giữa họ để được xức dầu và được sai đi để xức dầu cho dân.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đặc biệt đến 3 ý nghĩa trong niềm vui linh mục: đó là một niềm vui xức dầu cho các vị mục tử, đó là một niềm vui không bị hư nát và là một niềm vui thừa sai, chiếu tỏa cho và thu hút tất cả mọi người, bắt đầu từ những người xa xăm nhất.

Niềm vui xức dầu chúng ta. Nghĩa là sự xức dầu ấy thấm nhập tận thâm tâm chúng ta, uốn nắn con tim chúng ta và củng cố bằng các bí tích. Các dấu hiệu trong phụng vụ cử hành lễ truyền chức nói với chúng ta về một ước muốn từ mẫu mà Giáo Hội muốn chuyển đạt và thông truyền tất cả những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta: từ cử chỉ đặt tay, xức dầu hương thảo, mặc phẩm phục thánh vân vân.. Ơn thánh làm cho chúng ta được tràn đầy và lan tỏa toàn vẹn, dồi dào và sung mãn nơi mỗi linh mục. Được xức dầu đến tận xương tủy.. và niềm vui của chúng ta, trào ra từ nội tâm, chính là âm vang của sự xức dầu ấy.

Một niềm vui không thể bị hư hỏng. Hồng ân toàn vẹn mà không ai có thể tước mất hoặc thêm thắt, chính là nguồn mạch không ngừng mang lại niềm vui: một niềm vui không thể hư mất, mà Chúa đã hứa là không ai có thể tước đoạt (Xc Ga 16,22). Niềm vui ấy có thể 'ngái ngủ' hoặc bị tội lỗi hoặc những lo lắng bận bịu của cuộc sống bóp nghẹt, nhưng xét cho cùng niềm vui ấy vẫn còn nguyên vẹn như than hồng dưới lớp tro, luôn luôn có thể được khơi dậy. Lời nhắn nhủ của thánh Phaolo với Timothê vẫn luôn có tính chất thời sự: Cha nhắc nhở con hãy khơi dậy ngọn lửa hồng ân của Thiên Chúa trong con do việc đặt tay của cha (Xc 1 Tm 1,6).

Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung đặc biệt vào đặc tính thứ ba: "niềm vui của linh mục ràng buộc sâu sắc với dân thánh thiện và trung thành của Chúa, vì đó là một niềm vui có đặc tính truyền giáo cao độ." Niềm vui này, "chỉ xuất hiện khi người mục tử ở giữa đoàn chiên của mình. Ở đó niềm vui của người mục tử được bảo vệ bởi các tín hữu, là dân trung thành của Chúa là những người có khả năng bảo vệ và che chở các linh mục của họ, giúp các mục tử mở rộng con tim để tìm lại được niềm vui.

Niềm vui của linh mục không những được bảo vệ bởi dân thánh Chúa mà còn bởi 3 người em quây quần, bảo vệ và bênh đỡ: người em khó nghèo, người em trung thành và người em vâng phục.

Linh mục phải nghèo đi những niềm vui phàm tục, phải từ bỏ rất nhiều Nếu bạn không ra khỏi chính mình, thì dầu sẽ bị ôi và việc xức dầu không thể mang lại kết quả phong phú. Ra khỏi chính mình đòi phải từ bỏ mình, và bao hàm sự thanh bần.

Đức Thánh Cha nói chính Giáo Hội mang lại niềm vui cho linh mục khi linh mục trung thành, khi linh mục làm tất cả những gì phải làm và bỏ đi tất cả những gì phải bỏ để ở lại giữa đoàn chiên mà Chúa đã ủy thác cho linh mục. Đức Thánh Cha giải thích rằng trung thành không phải theo nghĩa tất cả chúng ta sẽ trở nên “không vết tỳ ố” vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng đúng hơn theo nghĩa là một sự trung thành luôn mới mẻ đối với vị Hôn Thê duy nhất là Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng linh mục phải vâng phục Giáo Hội trong việc phục vụ: sẵn sàng và mau mắn phục vụ tất cả mọi người, luôn luôn và theo thể thức tốt đẹp hơn, theo hình ảnh Đức Mẹ sẵn sàng (Xc Lc 1,39) chạy đến giúp đỡ bà chị họ và quan tâm đến cả việc bếp núc ở tiệc cưới Cana trong đó rượu bị thiếu. Sự sẵn sàng của linh mục làm cho Giáo Hội trở thành căn nhà có những cánh cửa mở rộng, là nơi nương náu cho những người tội lỗi, là tổ ấm cho những người sống ở đường phố, là nhà săn sóc các bệnh nhân, nơi cắm trại cho người trẻ, là nơi học giáo lý cho các trẻ em lớp xưng tội rước lễ lần đầu.. Nơi nào dân Chúa có ước mong hoặc nhu cầu, nơi ấy có linh mục biết lắng nghe, và cảm thấy một mệnh lệnh yêu thương của Chúa Kitô, Đấng sai linh mục đến đáp ứng, với lòng từ bi, những nhu cầu hoặc nâng đỡ những ước muốn tốt lành với lòng bác ái sáng tạo.

Trong ngày thứ năm của chức linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu làm cho nhiều người trẻ khám phá thấy một tâm hồn nồng nhiệt khiến họ có được một niềm vui bừng cháy can đảm mau mắn và vui mừng đáp lại tiếng Chúa gọi.

Trong ngày Thứ năm linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu bảo tồn ánh mắt vui mừng của các tân linh mục, họ ra đi để tận tụy phục vụ thế giới này, để bị tiêu hao giữa dân trung thành của Thiên Chúa, xin Chúa cho các linh mục ấy vui mừng dọn bài giảng đầu tiên, thánh lễ mở tay, cử hành bí tích rửa tội đầu tiên, giải tội lần đầu tiên... Đó là niềm vui được kinh ngạc chia sẻ kho tàng Phúc Âm lần đầu tiên trong tư cách là những người được xức dầu và cảm thấy rằng đối lại, dân trung thành xức dầu cho linh mục theo một thể thức khác: họ cúi đầu xin linh mục chúc lành cho họ, xiết tay linh mục, đưa con cái họ đến gần linh mục và xin đặt tay trên chúng.. Xin Chúa giữ gìn nơi các linh mục trẻ niềm vui được khởi hành, làm mọi sự như điều mới mẻ, niềm vui tiêu hao cuộc sống vì Chúa.

Trong ngày thứ năm linh mục này, tôi cầu xin Chúa củng cố niềm vui linh mục nơi những người đã thi hành sứ vụ này trong nhiều năm trời. Xin Chúa gìn giữ sự sâu xa và sự trưởng thành khôn ngoan của niềm vui nơi những linh mục đứng tuổi. Chúng ta hãy biết cầu nguyện như ngôn sứ Neemia: niềm vui của Chúa là sức mạnh của tôi (Xc Ne 8,10).

Sau cùng, trong ngày thứ năm linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu làm cho niềm vui của các linh mục cao niên, lành mạnh hay yếu đau, được chiếu tỏa rạng ngời. Đó là niềm vui của Thập Giá, xuất phát từ ý thức mình có một kho tàng không thể hư nát trong một bình sành dễ bị vỡ. Chúng ta hãy biết an vui trong bất kỳ nơi nào, cảm thấy niềm vui về sự vĩnh cửu trong sự mau qua của thời gian. Họ hãy cảm thấy niềm vui vì được chuyển ngọn đuốc cho người kế tiếp, niềm vui được thấy cảc con cái của các con cái lớn lên, và cảm nghiệm những lời hứa, trong nụ cười và dịu dàng, trong đó niềm hy vọng không làm thất vọng.”
 
ĐTC Phanxicô chủ sự nghi thức trọng thể tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô
Đặng Tự Do
11:04 19/04/2014
Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 18 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu, đông đảo các vị Hồng Y và Giám Mục đang có mặt tại Vatican.

Trước đó trong ngày, Cha Federico Lombardi, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, nói trong một cuộc họp báo rằng việc cử hành cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta là phụng vụ giáo hoàng duy nhất trong năm khi Đức Giáo Hoàng chủ sự nhưng không trình bày những ý tưởng của ngài. Thay vào đó, các bài giảng được trình bày bởi vị giảng thuyết viên phủ giáo hoàng, hiện nay Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino

Sau bài Thương Khó, Cha Cantalamessa đã diễn giảng về đề tài “Trong số họ cũng có Giuđa, kẻ phản bội”.

Các sách Tin Mừng đều đồng thanh nói về một động lực rất trần tục khiến Giuđa phản bội: đó là tiền bạc. Đề nghị của ông với các trưởng tế thật là rõ ràng: ‘Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các trưởng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc’” (Mt 26,15).

Tuy nhiên, cha phân tích các nguyên do sâu xa hơn khiến Giuđa phản bội bán Thầy, mặc dù ông đã được chọn từ đầu trong số 12 Tông Đồ.

Trong câu chuyện lịch sử giữa Thiên Chúa và con người, có nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu như những tia sáng hay như những bóng đen. Một trong những nhân vật bi thảm nhất là Giuđa Iscariot. Câu chuyện phản bộ của Giuđa là một trong số ít các sự kiện được đồng thanh nhấn mạnh bởi tất cả bốn sách Phúc Âm và phần còn lại của Tân Ước. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cũng suy tư rất nhiều về sự kiện này và chúng ta sẽ thiếu sót nếu không làm như thế. Câu chuyện này có nhiều điều để nói với chúng ta.

Giuđa không phải là kẻ phản bội ngay từ lúc lọt lòng mẹ, cũng chẳng phải là kẻ phản bội vào thời điểm Chúa chọn ông. Giuđa đã trở thành kẻ phản bội. Chúng ta đang đứng trước thảm kịch đen tối nhất của sự tự do con người.

Mới gần đây thôi người ta cố trình bày những yếu tố ý thức hệ để biện minh cho hành động phản bội của Giuđa kiểu như Brutus đã giết Julius Caesar để cứu nền Cộng Hòa La Mã. Nhiều phim ảnh và tiểu thuyết đã được tung ra theo chiều hướng này. Chúng có thể có một giá trị văn học hay nghệ thuật nào đó nhưng tuyệt nhiên chẳng có một chứng cứ lịch sử nào.

Nhắc lại lời Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: các con không thể vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự tiền bạc” (Mt 6,24), cha Cantalamessa nói tiền bạc chính là “vị thần hữu hình”, khác với Thiên Chúa chân thực là Đấng vô hình. Kinh thánh dạy rằng “Tất cả đều có thể đối với những ai tin” (Mc 9,23), nhưng thế gian nói rằng “Tất cả đều có thể đối với những ai có tiền”. Kinh Thánh cũng dạy rằng “Sự gắn bó với tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Đằng sau mỗi tai ương của xã hội chúng ta ít nhiều đều có dính đến chữ tiền. Điều gì ở đàng sau việc buôn bán ma túy đang hủy hoại bao nhiêu sinh mạng, nạn khai thác mại dâm, hiện tượng các tổ chức bất lương mafia khác nhau, nạn tham ô chính trị, sự sản xuất và buôn bán vũ khí, và thậm chí cả điều kinh khủng là bán các cơ phận lấy từ các trẻ em? Và phải chăng cuộc khủng hoảng tài chánh mà thế giới đã trải qua và đất nước này còn đang phải gánh chịu, phần lớn cũng vì sự ham hố tiền bạc của một số người?

Cha Cantalamessa nhắc nhớ rằng chính Giuđa cũng đã bắt đầu tiến trình phản bội bằng cách rút lén một số tiền từ quĩ chung. Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu cảnh giác trong dụ ngôn về người giàu có chỉ lo tích trữ của cải và cảm thấy nhờ đó ông ta được bảo đảm trong phần còn lại của cuộc sống: “Hỡi kẻ ngu dại, chính đêm hôm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, và những gì ngươi đã chuẩn bị sẽ thuộc về ai?” (Lc 12,20).

Vị giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng cay đắng nhận xét: “Sự phản bội của Giuđa vẫn còn tiếp tục trong lịch sử và người bị phản bội vẫn luôn là Chúa Giêsu. Giuđa đã bán Đầu, và các đồ đệ của hắn thì bán thân mình, vì những người nghèo là chi thể của Chúa Kitô.

Ngài cảnh cáo thêm: Người ta cũng có thể phản bội Chúa Giêsu vì những bù đắp không phải là 30 đồng bạc: vợ chồng phản bội nhau, thừa tác viên của Chúa bất trung với bậc của mình, hoặc chăn dắt đoàn chiên để mưu lợi cho mình. Kẻ nào phản bội lương tâm thì cũng phản bội Chúa Giêsu..

Trong phần kết luận, bàn về một thắc mắc được nhiều người tranh cãi, đó là số phần của Giuđa đi về đâu, cha Cantalamessa cảnh giác mọi người đừng quyết đoán về số phận một người nào: “Giáo Hội cam kết với chúng ta rằng một người được phong thánh đang ở trong hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng Giáo Hội không biết chắc chắn ai là người đang ở trong hỏa ngục”.

Cha nhắc nhở các tín hữu “hãy gieo mình vào vòng tay rộng mở của Đấng Chịu Đóng Đinh” trong niềm tín thác. Phêrô và Giuđa đều phản bội Chúa, nhưng có một sự khác biệt: Phêrô đã tín thác nơi lượng từ bi của Chúa Kitô, còn Giuđa thì không! Tội lớn nhất của Giuđa không phải là đã phản bội Chúa Giêsu, nhưng vì đã nghi ngờ lòng từ bi của Chúa”. Nếu chúng ta đã bắt chước Giuđa, người hơn người kém, trong sự phản bội, thì chúng ta đừng bắt chước ông ta trong sự thiếu tín thác nơi sự tha thứ. Có một bí tích trong đó chắc chắn chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng từ bi của Chúa Kitô, đó chính là bí tích hòa giải”.

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ.

Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, do đó Thánh Thể không được thánh hiến. Tuy nhiên, Mình Thánh Chúa đã được trao cho các tín hữu bởi hàng chục linh mục. Sau khi Đức Giáo Hoàng đọc lời chúc bình an, phụng vụ đã kết thúc trong im lặng theo như là truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh.
 
Top Stories
Multiligual Stations of Cross at St Margaret Mary Brunswick North, Melbourne
St Margaret Mary Parish Brunswick North, Melbourne
03:10 19/04/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Huế: Hình ảnh Suy tôn Thánh giá và đi đàng Thánh ngoài trời
Trương Trí
09:31 19/04/2014
Thứ Sáu Tuần Thánh mời gọi mỗi một người chúng ta hướng tâm hồn mình về với Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh và chết trên Thập giá.

Hình ảnh

Từ cây Thập giá đó, Chúa Giêsu đã ban ơn cứu độ và cứu chuộc nhân loại, Ngài đã chứng thực tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu sẵn sang chết cho người mình yêu”. Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”. Từ cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá, Ngài đã cho Hội Thánh của Ngài sinh hoa kết trái: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nó thối đi sẽ cho nhiều hoa trái”.

Nghi thức suy tôn Thánh giá diễn ra hết sức long trọng và thánh thiêng do Cha Phó Antôn nguyễn Như Hùng Dũng chủ sự cùng với Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, Quản xứ Chính toà và Cha phó Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung. Bài Thương khó dài chừng 30 phút, nhưng tất cả mọi người từ trong Nhà thờ chật kín người đến dọc hai hành lang đều chăm chú lắng nghe để suy gẫm một cách đầy đủ về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Trong bài chia sẽ, Cha Phó Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung nhấn mạnh: Các nghi thức diễn ra trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh nhằm cho chúng ta được tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa Cha, Ngài thực hiện qua việc đã sai Con Một của mình xuống thế gian để lấy cái chết cứu chuộc tội lỗi cho trần gian.

Tiếp đó, Cha chủ sự và quý Cha dâng 10 lời cầu nguyện mời gọi cộng đoàn sốt sắng khẩn thiết nài xin Chúa ban ơn lành và soi sáng cho tất cả mọi người trên trần gian này: từ Đức Thánh Cha cho đến mỗi một thành phần trong xã hội, cho các nhà lãnh đao quốc gia sáng suốt đem lại hoà bình và hạnh phúc cho con người.

Cuộc suy tôn Thánh giá trọng thể từ Tiền đường rước lên Cung Thánh qua ba chặng dừng chân, cộng đoàn sốt sắng quỳ gối thờ lạy. Vì thời gian có hạn nên chỉ có Cha Tổng Đại diện, quý Cha và HĐGX tỏ lòng cung kính Thánh giá lần lượt hôn chân Chúa để tiếp tục cuộc đi đàng Thánh giá ngoài trời.

Mặc dù thời tiết khá nắng nóng, lại đang trong những ngày Festival Huế 2014, thế mà vẫn có chừng trên 2 ngàn tín hữu sốt sắng tham dự đi dangd Thánh giá. Cha Phó Antôn Nguyễn Như Hùng Dũng vác Thập giá bằng gỗ qua 14 chặng đường, mồ hôi đẫm ướt cả người, mỗi chặng đàng do một hội đoàn phụ trách, chặng thứ nhất do HĐGX phụ trách, tiếp đó là an hem Gia trưởng, chặng cuối cùng do an hem Ban Chung sự Hiếu đạo phụ trách. Ông Chủ tịch HĐGX Matthêô Nguyễn Đình Lục cùng Ban Xướng Kinh ngắm 14 chặng đàng Thánh giá một cách sốt sắng.

Cha Phó Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung phụ trách phần suy niệm từng chặng Thánh giá. Ngài dẫn đưa cộng đoàn đến từng chi tiết của cuộc khổ nạn để mọi người thấm sâu hơn vào tâm hồn sự đau thương mà Chúa Giêsu phải chịu. Mỗi chặng gục ngã xuống đất, Ngài mời gọi cộng đoàn quỳ gối suy niệm, giữa sân Nhà Thờ sỏi và đá dăm nhưng mọi người từ già yếu đến các em thiếu nhi đều quỳ gối sốt sắng suy gẫm, hàng ngàn ngọn nến lung linh trên tay nhằm tôn vinh và ca ngợi Chúa hoà với ca đoàn cất cao tiếng hát: “vinh quang của ta là thập giá Chúa Kitô…”

Chặng thứ 14, Thập giá được vác lên ban công của tiền đường, Cha Tổng Đại diện chia sẻ: Thánh giá được mỗi một người Công Giáo tôn kính từ lúc mới sinh ra, từ trong Nhà thờ ra đến ngoài xã hội. đến khi con người chết đi thì Thánh giá vẫn được tôn vinh cả tại nghĩa trang, thập giá chỉ là vật hèn mọn dành cho những tử tội, nhưng từ khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá thì kể từ đó Thập giá được tôn vinh, Thập giá được nhiều người kể cả những người không Công Giáo vẫn trang sức trên người.

Kết thúc cuộc Tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giếu qua 3 giờ đồng hồ, Cha Tổng Đại diện và quý cha cùng ban Phép lành cho cộng đoàn hiện diện. Mọi người tiếp tục vào Nhà thờ hôn kính Thánh giá.
 
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Houston, TX, đêm thứ sáu Tuần Thánh
Nguyễn Đức Vượng
06:41 19/04/2014
XAO XUYẾN TRONG LÒNG QUA CHÚT SUY TƯ VÀ HÌNH ẢNH CỦA CHIỀU LÊN ĐỒI CANVÊ.

Từ chiều nay muôn muôn nơi đều diễn ra cảnh Chúa vác thập giá và chết cho tội lỗi nhân loại. Một chút suy tư và một số hình ảnh tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Tổng Giáo Phận Galveston-Houston cũng muốn được đóng góp với tứ phương thiên hạ về một chút âm hưởng từ cái chết của Chúa

Một trong những yếu tố độc đáo trong ngôn từ của bài Tin Mừng Ngày Thứ Ba Tuần Thánh: Đó là sự kiện Chúa Xao Xuyến. Phúc âm Thánh Gioan (13,21-33,36.38) “ Đức Giêsu nói thế rồi, tâm thần Người xao xuyến. Người tuyên bố: Thật Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy…. Thầy chấm bánh cho ai, thì chính là kẻ ấy. Rồi người chấm một miếng bánh, trao cho Giuda, con ông Itcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào Y..”

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, chúng ta vẫn thường nghe Chúa đến cứu chuộc nhân loại bằng cái chết thập giá tệ nhất trong mọi cái chết tệ trên trần gian. Đúng, ai ai cũng chấp nhận điều này vì lịch sử và kể cả phim ảnh (the Passion of Christ) diễn lại. Nhưng một điều mà chúng con thấy hài hòa và ăn nhập vào đời sống chúng ta để được cùng chết với thập giá Chúa Kitô rồi được sống lại với Người.

Chúa Giêsu mang thân phận con người Xao xuyến: Trong tự điển Việt Nam Xao Xuyến có nghĩa là” Có những tình cảm rung động mạnh và kéo dài không dứt trong lòng. Càng gần lúc chia tay, lòng dạ càng xao xuyến. Xao xuyến, có sự xao động, nôn nao không yên trong lòng (Đại Tự Điển Tiếng Việt tr. 1802).

Từ ngữ xao xuyến mà Tin Mừng nhắc lại trước khi đón lấy cái chết thập giá chính là mối xao xuyến của từng người chúng ta. Nếu Chúa đã xao xuyến trước việc vác thập và đối diện với cái chết. Thì với chúng ta: Mỗi người ai lại không có xao xuyến:

1. Xao xuyến khi bị bệnh tật, già cả, cô thế cô thân đang len lỏi vào trong tâm tư của chúng ta để suy nghĩ, cái chết tôi sẽ đi về đâu, tôi có sẵn sàng trước cái chết, cái chết sẽ được về đâu nếu không phải là nước Chúa mà chính Chúa Giêsu đã ra đi cũng qua thân phận xao xuyến và chết trên thập giá để được phục sinh trong vinh quang bất diệt.

2. Một đôi bạn trẻ mới lập gia đình với nhau, họ cùng từng có xao xuyến về tương lai của gia đình nào là con cái phải nuôi dưỡng ra sao, nào phải đối diện với cơm áo gạo tiền để lo cho cuộc sống đươc gọi là có của ăn của đế. Vậy chúng tôi có nên dừng lại mãi với sự xao xuyên này hay chúng tôi dù phải đối diện với những lo toan đó nhưng chúng tôi vẫn không làm gì hơn nếu Chúa không ban cho chúng tôi vậy dù có xao xuyến là điều được phép đi nữa chúng tôi vẫn biết phó thác và tin vào sự quan phòng của Chúa để chúng tôi nhờ Chúa mà chính chúng tôi được bình an, hạnh phúc dù cuộc sống có thế nào chăng nữa.

3. Các em thiếu niên mới lớn, cũng có nhiều thao thức cho tương lai học hành, bằng cấp, nghề nghiệp thì họ cũng xao xuyến đến độ mất ăn mất ngủ. Nếu chỉ phải đối diện với những xao xuyến và chôn vùi tại tại đó thì không phải là còn đường và lối suy nghĩ của Chúa. Đó chỉ là lối của Giuda, Giuda cũng xao xuyến khi nộp Thầy thì chỉ vì dừng tại chỗ cái xao xuyến chủ quan nên khi vừa được nhận miếng bánh Xatan đã đột nhập và thống trị tâm hồn ông.

4. Khi chúng ta mang thân phận tội lỗi, tôi có một tội nào đó, lương tâm tôi bị cắn rứt, tôi tự hỏi tôi có dám chạy đến với bí tích hoà giải để làm hỏa với Chúa và với nhau không. Nếu chỉ dừng lại ở vũng tội, ngay cả khi thấy xao xuyến, chúng ta có nguy cơ mất đức tin và dĩ nhiên chúng ta cũng ở trong thái độ của Giuđa năm nào, không hối cải và tâm hồn bị Xatan chiếm mất. Còn khi bị xao xuyến vì phạm tội, tôi biết chạy đến với Chúa để xưng thú và làm hòa thì chính lúc này là lúc tôi làm chủ được bản thân và dĩ nhiên tôi đang đi đúng đường lối của Chúa và từ đó Chúa thêm sức mạnh để đưa tôi về với Chúa và về với nhau.

Cái xao xuyến của Chúa Giêsu là một xao xuyến tích cực, không dừng lại tại sự chủ quan và loanh quanh luẩn quẩn và có khi còn nghĩ vơ nghĩ vẩn, để Xatan đột nhập. Xao xuyến của Chúa là điều có thực nhưng phải làm chủ và hướng dẫn xao xuyến đó, vượt qua xao xuyến tự nhiên đó để hướng tới tích cực là vâng theo thánh ý Chúa qua con đường vào thập giá và dám chết trên đồi cao.

Hôm nay ngày thứ sáu ngày chúng ta cùng xao xuyến chung với cái xao xuyến của chúa, hay nói cách khác là Chúa cùng xao xuyến với chúng ta để cất nhắc đi những nỗi khổ, những bất hạnh, những tội lụy của chúng ta để được phước vinh quang sau này.

Đối với người con Chúa, qua việc chay tịnh, qua việc chịu đói một chút và dừng lại để đến và bước đi cùng Chúa. Chúng con, con dân Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, đã nhiều lần thao thức cho việc đóng đinh và táng xác Chúa như là một hành động của chính mình cũng muốn đóng đinh tội lụy của chính mình mà đưa treo lên thập giá với Chúa Kitô. Chúng con thực hiện lại những diễn biến cuộc khổ hình Chúa, chúng ta tiến lại vào đêm nay để được than khóc qua các bài than vãn, rồi những hành động, bước đi của từng nhân vật được muốn đồng cảnh ngộ với Chúa trong các vai khác nhau, dù đó là vai của kẻ ác nhưng điều quan trọng là không muốn để cho Xatan đột nhập gây dừng lại trong xao xuyến và chết trong tội.

Tối nay 1 bối cảnh diễn ra qua từng tấm hình được gợi lại trong lữ hành đóng đinh, tang xác của từng người chúng ta.

Như vậy đứng trước cái chết mang bản tính con người, Chúa Giêsu đã phải đau khổ lắm, buồn sầu lắm và thểu não lắm vì đang tiến bước dần đến cái chết tột cùng của kẻ tội nhân mà lại biết được đó là một người thân, một môn đệ gần nhất đã được trao cho cầm túi tiền phản bội mình đó là Giuđa. Nhưng dù đó là bối cảnh đâm thấu con tim bởi sự việc bán Chúa của Giuđa, Chúa Giêsu luôn đứng vững và vượt qua sự đòi khống chế của chất Xao Xuyến. Chúa đã bình tĩnh nói với môn đệ Người yêu dấu: Kẻ nào chấm cùng chén với Thầy là kẻ nộp Thầy… Giuđa giờ của Ngươi đã đến.. và từ đó Giuđa ra đi và Xatan đã nhập vào Giuđa.

Xin cho mỗi người chúng ta đừng giống Giuđa nhưng dám vững bước trong trung tín với Chúa Kitô, Chúa chúng ta.

Viết cho đêm Táng Xác Chúa

Hình ảnh do Joseph Ký Nguyễn vả Mary Anh Nguyễn thực hiện: https://www.flickr.com/photos/23686708@N05/sets/72157644138195404/
 
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh năm 2014 tại CĐCGVN - Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
09:30 19/04/2014
Thứ Bảy tuần Thánh
Sáng thứ Bảy, trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân (TTĐMTN) Pooraka mở cổng rất sớm, để các tín hữu đến viếng Chúa, cho đến chiều.
-06 giờ 00 tối, bắt đầu ngắm đứng và dâng hạt.
-07 giờ 00 tối kinh nguyện chung.
-07 giờ 30 tối, cử hành Thánh Lễ vọng Phục Sinh do Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng chủ tế, cùng đồng tế có hai cha Giuse Phạm Minh Ước SJ và Phêrô Phạm Văn Ái SJ.
Thánh Lễ với các nghi thức làm phép lửa và làm phép nước. Đặc biệt Thánh Lễ tối nay có hai tân tòng được rửa tội, gia nhập hội thánh Chúa là ông Tôma Huỳnh Văn Chi và cô Helen Nguyễn Trang Thanh Hằng

XEM HÌNH

Thánh Lễ vọng Phục Sinh có rất đông người đến tham dự, khoảng trên 2, 000 người, chật kín bên trong hội trường và còn đứng cả chung quanh ngoài hội trường nữa.
Ngoài số tín hữu của cộng đồng ra, còn có nhiều khách thập phương đến Adelaide nghỉ holidays cũng đến tham dự. Ngay cả những người không Công Giáo cũng có mặt. Đức ông Chủ Tế phải nhắc nhở những người không phải là tín hữu Công Giáo, không được lên rước lễ, mà chỉ nhận phép lành thôi.
Sau Thánh Lễ các tín hữu kéo nhau ra khu vực hóng mát “Cánh Buồm” uống cà phê mừng “Chúa Phục Sinh” & Happy Easter.
Làm Phép Lửa

Làm Phép Nước

Nước và Lửa

Rửa Tội Miss Helen Nguyễn Trang Thanh Hằng

Rửa Tội Mr. Tôma Huỳnh Văn Chi


 
Giám mục giáo phận chủ sự nghi lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại giáo xứ Kẻ Tùng
Maria Tuyết Hồng
10:13 19/04/2014
Vinh - Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, giáo xứ Kẻ Tùng bước vào Tam Nhật Thánh bằng thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa, vào lúc 17 giờ chiều thứ Năm Tuần Thánh, 17.4.2014. Thánh lễ do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự.

Hình ảnh

Kẻ Tùng được tách từ giáo xứ Thọ Ninh năm 1889. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều gia đình Kẻ Tùng đã di cư vào miền Nam sinh sống. Giáo xứ do cha Antôn Nguyễn Xuân Hồng (quản xứ Thọ Ninh) phụ trách, hiện có 998 giáo dân thuộc 3 giáo họ trải dài trên 3 xã: Đức La, Bùi Xá và Đức Quang. Nơi vùng đất giao nhau của sông La và sông Lam này thường phải hứng chịu những cơn lũ dữ…

Về với Kẻ Tùng, Đức Cha Phaolô đã bày tỏ niềm xúc động khi nhìn con cái giáo xứ với những hy sinh quảng đại để xây dựng giáo xứ, đó là thành quả của đời sống đức tin. Đức Cha cũng gửi tới giáo xứ lời xin lỗi và cám ơn chân thành, bởi: “Dẫu trên 40 năm giáo xứ không có cha quản nhiệm, nhưng bà con giáo dân đã đồng lòng, hiệp nhất gìn giữ, phát triển ơn đức tin và xây dựng giáo xứ, đó là những tài sản vô giá của Giáo Hội.”

Bài chia sẻ trong thánh lễ thực sự là một diễn từ sống động về tình yêu, mà Đức Cha Phaolô muốn gợi lên cho cộng đoàn qua những hình ảnh và cử chỉ của Chúa Giêsu được kể lại trong đoạn Tin mừng Ga 13, 1-5. Và theo gương Chúa Giêsu xưa, Đức Cha Phaolô đã quỳ xuống rửa chân cho 12 vị đại diện của giáo xứ.

Bất ngờ và cảm động, khi vị Chủ chăn Giáo phận đặt lên 12 đôi bàn chân thô ráp, sần sùi những nụ hôn – nụ hôn của sự tôn trọng, của niềm tin tưởng và tình yêu thương như ngài đã nói: “Chúa Giêsu đã rửa những đôi bàn chân hằng ngày đã đi theo Người, những đôi bàn chân lấm lem bụi đường của các môn đệ, vì yêu thương và cũng để dạy các môn đệ và cả chúng ta phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.”

Nghi thức rửa chân trong phụng vụ Thứ năm Tuần Thánh, được tìm thấy trong Sách Kanonarion vùng Giorgia, vào khoảng thế kỷ thứ VII hoặc thứ VIII. Nhưng một số thông tin cho rằng nghi này đã có từ cuối thế kỷ thứ V. Từ Giêrusalem, nghi thức rửa chân lan tới phụng vụ tại Bisanzio và đi vào phụng vụ Bizantina, vào những năm cuối của thế kỷ thứ VIII. Còn phương Tây, chứng cớ đầu tiên về sự hiện diện của nghi thức ấy, được nhận ra trong khoản luật thứ ba của công đồng họp tại Toledo, vào năm 694.

Sau thánh lễ, cùng với cộng đoàn hiện diện, Đức Cha Phaolô đã long trọng kiệu Mình Thánh Chúa sang bàn thờ cạnh, để cùng sống với Chúa Giêsu những khảnh khắc của đêm tối vườn Dầu.
 
Tam Biên: Đêm thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên tại nhà thờ Chánh Tòa Chúa Kitô
Pham Văn Ry
23:36 19/04/2014
Cảm nghĩ về Mùa Chay Tam Biên 2014 trong đêm thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên tại nhà thờ Chánh Tòa Chúa Kitô

Đã một năm trôi qua, năm 2013 cộng đoàn tam biên cùng nhau tổ chức mùa chay thánh cuối cùng tại hội trường nhà thờ St Callistus, Tam Biên, ngôi thánh đường tuy nhỏ bé nhưng ấm cúng đầy tình người, đầy tình thân thiện của cộng đoàn giáo xứ và đầy những kỷ niệm của một số giáo dân từ những ngày đầu đã vun trồng, đóng góp xây dựng để hình thành cộng đoàn và ngôi Thánh Đường này.

Tôi vẫn còn nhớ một cụ già tuổi đã ngoài bát tuần nói với tôi:

"Năm nay là năm cuối cùng chúng tôi được dùng bữa cơm chay của Cộng Đoàn, không biết năm tới chúng tôi có được những bữa ăn cơm chay như thế này nữa không?"

Tôi bâng khuâng, suy nghĩ và cứ nhớ mãi câu hỏi của cụ già năm trước, không biết năm nay cụ có còn không, sống chết ra sao tôi cũng không còn nhớ, vì quả thật câu hỏi của cụ cũng có phần không đúng nhưng cũng có phần không sai.

Cụ băn khoăn lo lắng vì Tam Biên sẽ không còn thuộc một giáo xứ của giáo dân địa phương mà là một giáo xứ của muôn ngàn người từ thập phương. Có ngững người vẫn khẳng khái cho rằng chúng tôi vẫn còn giáo xứ chứ đâu có mất, vẫn cùng một cha xứ, cùng một cha phó, giáo dân có phần tăng chứ không kém. Đúng thế, giáo xứ vẫn còn đấy, giáo dân vẫn còn đây, một mùa Noel đã trôi qua và một ngày Tết dân tộc cũng đã được tổ chức theo truyền thống, sổ xố, văn nghệ, rồi Mùa Chay Thánh đang đến, ban tổ chức đang chuẩn bị nhà mồ táng xác Chúa, cũng sẽ có những bữa cơm chay theo ý muốn của Cụ già năm trước, nhưng năm này, tâm trạng của mỗi giáo dân đã khác.

Bước qua một nhà thờ mới, khang trang rộng rãi, đất trời mênh mông, cây cỏ đẹp mắt, rồi có nhiều buổi tĩnh tâm hướng dẫn tâm linh cho mỗi người biết nhìn lại chính mình, nhìn đến những anh em còn đang bất hạnh, những gia đình đang cô đơn trống vắng và kêu gọi mỗi người cần phải hy sinh và từ bỏ. Nhưng thực chất giáo dân đã nhận được bao nhiêu, hay chỉ là những hạt cải gieo vãi vào những mảnh đất khô cằn rồi héo mòn và bị tiêu diệt.

Hãy đến và xem, Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 18 tháng 4 năm 2014, được tổ chức lần đầu tiên tại khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, số người tham dự nghi thức suy tôn và hôn kính Thánh Giá rất đông. Ngôi Thánh Đường tạm của Tam Biên với trên 1.300 ghế ngồi mà giáo dân vẫn phải đứng vòng trong vòng ngoài như những năm trước và ngay sau những nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa trong nhà thờ, giáo dân đã cùng nhau xuống ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên bên cạnh nhà thờ để dùng cơm chay trước khi bước vào chương trình ngắm, đóng đinh, rước kiệu mồ Chúa, táng xác và hôn chân Chúa.

Đức tin con đã cứu chữa con” (Mt. 9:22; Mc. 5:34; 10:52; Lc. 7:49; 8:48; 17:19), Lòng tin của mỗi người một khác, có người phải được ơn hoặc được cảm nhận mới tin như Thánh Tôma đã cố chấp không tin và nói rằng:: ”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin”(Ga 20,25).

Lạy Chúa lạy Thiên Chúa của tôi, qua một quãng đường dài vác Thánh Giá leo lên đồi Calvario, Chúa Giêsu đã quá mệt và hầu như đã kiệt sức nên đã phải té ngã đến 3 lần. Ba lần Chúa đã ngã xuống có lẽ đã nhắc nhở cho mỗi người chúng ta cần phải thức tỉnh để nhìn lại chính mình, nhìn lại đến thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mỗi người chúng ta.

Chúa Kitô đã chịu nhục hình, vác thập giá và chịu chết trên cây thập tự để cứu rỗi nhân loại trong đó có mỗi một người chúng ta. Trong suốt mùa chay, nhất là trong 3 ngày Tam Nhật Thánh, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta cùng vác thánh gía theo Ngài, cùng quên đi những hiềm thù ích kỷ cá nhân, cùng quên đi những cái TÔI to lớn trong lòng, để cùng đồng hành đón nhận những đau thương, những cay đắng, những hận thù với lòng yêu mến Chúa hầu được kết hợp mật thiết với Chúa hơn.

Cụ già năm trước nay đâu nhỉ. Ông đã chỉ nói đến bữa cơm chay của tình giáo xứ, nhưng chắc ông cũng đã nhìn thấy rằng qua bữa cơm chay đó, ông đã cảm nhận được cả một hình ảnh yêu thương mà Thiên Chúa chỉ vì TÌNH YÊU, đã hy sinh cả một mạng sống cho nhân loại, như Thánh Gioan đã viết: "Chúa Giêsu đã yêu thương họ thì yêu thương đến cùng" (Ga 13, 1)

Trong mùa chay thánh 2014 này, chúng tôi mong ước rằng mỗi người chúng ta sẽ cùng mang theo cả một hành trình đức tin trong người, tin rằng Chúa Kitô đã bị đóng đinh, đã chết và sau 3 ngày đã sống lại thật để qua nền tảng đức tin đó, mỗi người chúng ta sẽ là những men, muối giữa muôn người và luôn luôn can đảm, đừng sợ, vì Chúa đã sống lại và đang cùng đồng hành với mỗi người chúng ta.

Pham Văn Ry

18-4-2014
 
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Giáo xứ St Margaret Mary's Brunswick - Úc Châu
Margaret Mary
23:33 19/04/2014
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Giáo xứ St Margaret Mary's Brunswick - Úc Châu

Giáo xứ xin kính mừng Phục sinh của Chúa tới qúy Đức Cha và Linh mục Tu sĩ và anh chị em hết thảy.

Những hình ảnh do Lê Hải ghi lại: https://www.flickr.com/photos/106202437@N08/sets/72157644107540072/
Giáo xứ St Margaret Mary
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cây nến Chúa phục sinh
Lm. Đa Minh Nguyễn Ngọc Long
09:44 19/04/2014
Cây nến Chúa phục sinh

Trong đêm canh thức đón mừng Chúa phục sinh cây nến phục sinh được đốt sáng lên và long trọng rước vào nhà thờ với lời ca tụng: Lumen Christi - Ánh sáng Chúa Kitô.

Cây nến phục sinh được đúc bằng sáp pha với chất sáp mật ong. Cây nến này to lớn cao hơn mọi cây nến khác trong nhà thờ. Tập tục cây nến phục sinh có từ thời xa xưa. Thánh Hieronimo trong thư gửi cho thầy Phó tế Praesidius năm 384 đã nói đến cây nến phục sinh.

Tập tục truyền thống cây nến phục sinh này đã có từ thời chưa có đạo Công Giáo nơi người lương dân trước đó rồi. Trong lễ nghi kính thờ thân thánh thời cổ xa xưa bài ca ngợi thánh thi thuộc vể lễ vật dâng kính.

Cây nến phục sinh nguyên thủy là một lễ vật dâng kính được đốt cháy và bài kinh ca ngợi được hát xướng lên trong đêm mừng Chúa Giêsu phục sinh. Bài kinh ca ngợi này là bài bằng tiếng Latinh với câu đầu Exultet - Mừng vui lên tương tự như một bài giảng công bố tin mừng Chúa phục sinh.

Chất sáp cây nến được đúc làm bằng chất sáp của ong tỏa mùi hương thơm. Chất sáp làm nên cây nến là hình ảnh tượng trưng cho thân xác con người Chúa Giêsu Kitô, hay biểu hiệu cho thân xác trong sáng tinh tuyền Chúa Giêsu sống lại từ cõi kẻ chết. Đang khi ngọn lửa là hình ảnh bản tính Thiên Chúa chiếu tỏa sáng làm cho chất sáp cây nến từ từ tan chảy ra thành nước.

Cây nến phục sinh không chỉ có tươmg quan nguồn gốc kính thờ thần thánh nơi lương dân thời xa xưa, nhưng còn có tương quan nguồn gốc trong Do Thái giáo nữa. Ngày xưa khi dân Do Thái được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi cảnh sống nô lệ bên Ai Cập, họ đi trở về quê hương Do Thái luôn có cột lửa đi đầu chiếu sáng dẫn đường cho toàn dân đi qua biển đỏ, đi trong sa mạc.

Cũng vậy Chúa Giêsu Kitô biểu hiệu qua cây nến phục sinh thắp sáng là cột lửa chiếu sáng dẫn đầu đoàn chiên Hội Thánh Chúa băng qua vùng thung lũng tối tăm tội lỗi.

Trên cây nến Chúa phục sinh có những dấu hiệu được khắc ghi vẽ: hai chữ Alpha và Omega, niên hiệu của năm, cây thập gía với năm đấu đinh mầu đỏ. Những dấu hiệu này được khắc ghi vẽ trên cây nến phục sinh từ thế kỷ thứ chín.

Chữ Alpha là mẫu tự khởi đầu trong bảng mẫu tự của chữ Hy lạp, nói lên ý nghĩa: Chúa Giêsu là khởi đầu của công trình sáng tạo mới.

Chữ Omega là mẫu tự sau cùng trong bảng mẫu tự Hy lạp, nói lên ý nghĩa : Chúa Giêsu là tận cùng trong công trình sáng tạo.

Cây thánh giá với năm dấu đinh nói lên Chúa Giêsu Kitô đã bị đóng đinh trên hai bàn tay hai bên trái và phải, trên đôi chân, nơi lồng ngực bị đâm thủng, và trên đỉnh đầu bị đóng đội mão gai nhọn.

Những con số của năm niên lịch nói lên Thời gian là của Chúa.

Cây nến Chúa phục sinh được dựng cắm trên cung thánh trong thánh đường ngày lễ mừng Chúa phục sinh đến ngày lễ mừng Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống được tắt đi và dựng bên cạnh giếng nước rửa tội.

Cây nến phục sinh trong năm được đốt thắp lên vào dịp có lễ Rửa tội cho em bé hay người lớn, dịp lễ an táng.

Cây nến phục sinh truyền đi sứ điệp: Chúa Giêsu Kitô đã sống lại. Ngài đã chiến thắng sự chết. Sự sống lại của Ngài xóa tan bóng tối sự dữ tội lỗi. Ánh sáng mạnh hơn bóng tối.

Ngọn lửa Cây nến Chúa phục sinh nói lên: Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian, như lời Ngài đã từng khẳng định.

Ánh sáng của Ngài không làm chói mắt, nhưng mang đến hơi nóng sự đầm ấm an ủi cho tâm hồn con người.

Mừng lễ Chúa phục sinh 2014

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Phục sinh vinh hiển
Đinh Văn Tiến Hùng
10:56 19/04/2014
Phục Sinh Vinh Hiển

( Mừng Lễ Chúa Phục Sinh 20/4/14 )

“Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các Bà đến mồ mang theo hương liệu đã dọn sẵn và họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ. Nhưng khi vào trong họ không thấy xác chúa Giê-su. Đang khi họ phân vân về điều ấy, thì này bỗng hai người hiện ra áo chói lòa. Họ sợ sấp mình xuống đất, hai người kia nói cùng họ : Làm sao các ngươi đi tìm Đấng sống giữa người chết ?
Ngài không còn ở đây, nhưng đã sống lại” ( Lc.24: 1- 6 )

Cuộc đời Chúa ba mươi năm trần thế,
Ba mươi năm sống nghèo khó âm thầm,
Ba năm dạy yêu thương cho thế nhân,
Chết khổ nhục để Phục Sinh Vinh Hiển.

Muôn sức sống bừng lên trong vạn vật,
Ánh bình minh lan tỏa khắp không gian,
Trải qua rồi đêm tăm tối kinh hoàng,
Ngài tiên báo ba ngày sau sống lại.

Họ vội vã tới chân đồi cỏ dại,
Thăm Xác Thày đang khâm liệm nơi hang,
Phiến đá bật tung,rực rỡ hào quang,
Thiên sứ đứng uy nghi nơi cửa mộ.

“Hỡi các người đừng sững sờ lo sợ,
Hãy vui lên Ngài đã Phục sinh rồi,
Báo tin mừng cho nhân thế khắp nơi,
Chúa sống lại vinh quang từ cõi chết “

Hai môn đệ chưa nguôi sầu ly biệt,
Trên đường về chiều xuống làng Em-mau,
Cùng Khách lạ đang chia sẻ mối sầu,
Khi chia bánh nhận ra Thày quí mến.

Thả lưới suốt đêm thuyền vừa cập bến,
Tâm trí u sầu,lòng dạ nôn nao,
Phía chân trời lấp lánh những vì sao,
Ngài tiến đến lướt mình trên sóng nước.


Quây quần đây với bao niềm mơ ước,
Gặp lại Thày hồn khắc khoải chờ trông,
Luồng gíó ào đến từ cõi hư không,
Ngài xuất hiện giữa nguyện đường sáng chói

Thần Khí dâng tràn, xua tan ảm đạm,
Chúa giơ tay chúc phúc các môn đồ
Lời thân thiết vang vọng mãi đến giờ,
Đem sức mạnh Tin Yêu từ ngày đó .

Cuộc đời con trải qua nhiều sóng gió,
Con tin yêu và trông cậy chờ mong,
Lời Chúa phán luôn ấp ủ trong lòng,
Chúa Sống Lại ban tông đồ Thần Khí :
“BÌNH AN CHO CÁC CON !

Đinh văn Tiến Hùng
 
VietCatholic TV
Phóng Sự Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vatican và Jerusalem
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:46 19/04/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm nay Giáo Hội tưởng niệm những giây phút cuối cùng khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết, khi sức sống và sức mạnh của Ngài đang cạn kiệt dần.

Bài Phúc Âm tường thuật cho chúng ta cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và một trong hai người tội phạm cùng bị đóng đinh với Ngài mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”

Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”

Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong chương trình đặc biệt hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em:

- Nghi thức tưởng niệm Chúa chịu chết tại Vatican.

- Buổi đi đàng thánh giá tại tại hí trường Côlôsê.

- Nghi thức tưởng niệm Chúa chịu chết tại Jerusalem.

- Đám tang Chúa tại Giêrusalem.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô đang nằm phủ phục trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Lúc này là 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 18 tháng Tư.

Trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đang quì gối trong thinh lặng, trước khi mở đầu với lời nguyện, xin Chúa nhớ lại lòng từ bi và đoái thương, bảo vệ gia đình mà Chúa Kitô, Con Chúa, đã khai mạc mầu nhiệm vượt qua cho họ trong máu của Người.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài chia sẻ của ngài.

Cha Cantalamessa đã diễn giảng về đề tài “Trong số họ cũng có Giuđa, kẻ phản bội”.

Các sách Tin Mừng đều đồng thanh nói về một động lực rất trần tục khiến Giuđa phản bội: đó là tiền bạc. Đề nghị của ông với các trưởng tế thật là rõ ràng: ‘Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các trưởng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc’” (Mt 26,15).

Tuy nhiên, cha phân tích các nguyên do sâu xa hơn khiến Giuđa phản bội bán Thầy, mặc dù ông đã được chọn từ đầu trong số 12 Tông Đồ.

Trong câu chuyện lịch sử giữa Thiên Chúa và con người, có nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu như những tia sáng hay như những bóng đen. Một trong những nhân vật bi thảm nhất là Giuđa Iscariot. Câu chuyện phản bộ của Giuđa là một trong số ít các sự kiện được đồng thanh nhấn mạnh bởi tất cả bốn sách Phúc Âm và phần còn lại của Tân Ước. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cũng suy tư rất nhiều về sự kiện này và chúng ta sẽ thiếu sót nếu không làm như thế. Câu chuyện này có nhiều điều để nói với chúng ta.

Giuđa không phải là kẻ phản bội ngay từ lúc lọt lòng mẹ, cũng chẳng phải là kẻ phản bội vào thời điểm Chúa chọn ông. Giuđa đã trở thành kẻ phản bội. Chúng ta đang đứng trước thảm kịch đen tối nhất của sự tự do con người.

Mới gần đây thôi người ta cố trình bày những yếu tố ý thức hệ để biện minh cho hành động phản bội của Giuđa kiểu như Brutus đã giết Julius Caesar để cứu nền Cộng Hòa La Mã. Nhiều phim ảnh và tiểu thuyết đã được tung ra theo chiều hướng này. Chúng có thể có một giá trị văn học hay nghệ thuật nào đó nhưng tuyệt nhiên chẳng có một chứng cứ lịch sử nào.

Nhắc lại lời Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: các con không thể vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự tiền bạc” (Mt 6,24), cha Cantalamessa nói tiền bạc chính là “vị thần hữu hình”, khác với Thiên Chúa chân thực là Đấng vô hình. Kinh thánh dạy rằng “Tất cả đều có thể đối với những ai tin” (Mc 9,23), nhưng thế gian nói rằng “Tất cả đều có thể đối với những ai có tiền”. Kinh Thánh cũng dạy rằng “Sự gắn bó với tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Đằng sau mỗi tai ương của xã hội chúng ta ít nhiều đều có dính đến chữ tiền. Điều gì ở đàng sau việc buôn bán ma túy đang hủy hoại bao nhiêu sinh mạng, nạn khai thác mại dâm, hiện tượng các tổ chức bất lương mafia khác nhau, nạn tham ô chính trị, sự sản xuất và buôn bán vũ khí, và thậm chí cả điều kinh khủng là bán các cơ phận lấy từ các trẻ em? Và phải chăng cuộc khủng hoảng tài chánh mà thế giới đã trải qua và đất nước này còn đang phải gánh chịu, phần lớn cũng vì sự ham hố tiền bạc của một số người?

Cha Cantalamessa nhắc nhớ rằng chính Giuđa cũng đã bắt đầu tiến trình phản bội bằng cách rút lén một số tiền từ quĩ chung. Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu cảnh giác trong dụ ngôn về người giàu có chỉ lo tích trữ của cải và cảm thấy nhờ đó ông ta được bảo đảm trong phần còn lại của cuộc sống: “Hỡi kẻ ngu dại, chính đêm hôm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, và những gì ngươi đã chuẩn bị sẽ thuộc về ai?” (Lc 12,20).

Vị giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng cay đắng nhận xét: “Sự phản bội của Giuđa vẫn còn tiếp tục trong lịch sử và người bị phản bội vẫn luôn là Chúa Giêsu. Giuđa đã bán Đầu, và các đồ đệ của hắn thì bán thân mình, vì những người nghèo là chi thể của Chúa Kitô.

Ngài cảnh cáo thêm: Người ta cũng có thể phản bội Chúa Giêsu vì những bù đắp không phải là 30 đồng bạc: vợ chồng phản bội nhau, thừa tác viên của Chúa bất trung với bậc của mình, hoặc chăn dắt đoàn chiên để mưu lợi cho mình. Kẻ nào phản bội lương tâm thì cũng phản bội Chúa Giêsu..

Trong phần kết luận, bàn về một thắc mắc được nhiều người tranh cãi, đó là số phần của Giuđa đi về đâu, cha Cantalamessa cảnh giác mọi người đừng quyết đoán về số phận một người nào: “Giáo Hội cam kết với chúng ta rằng một người được phong thánh đang ở trong hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng Giáo Hội không biết chắc chắn ai là người đang ở trong hỏa ngục”.

Cha nhắc nhở các tín hữu “hãy gieo mình vào vòng tay rộng mở của Đấng Chịu Đóng Đinh” trong niềm tín thác. Phêrô và Giuđa đều phản bội Chúa, nhưng có một sự khác biệt: Phêrô đã tín thác nơi lượng từ bi của Chúa Kitô, còn Giuđa thì không! Tội lớn nhất của Giuđa không phải là đã phản bội Chúa Giêsu, nhưng vì đã nghi ngờ lòng từ bi của Chúa”. Nếu chúng ta đã bắt chước Giuđa, người hơn người kém, trong sự phản bội, thì chúng ta đừng bắt chước ông ta trong sự thiếu tín thác nơi sự tha thứ. Có một bí tích trong đó chắc chắn chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng từ bi của Chúa Kitô, đó chính là bí tích hòa giải”.

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ.

Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, do đó Thánh Thể không được thánh hiến. Tuy nhiên, Mình Thánh Chúa đã được trao cho các tín hữu bởi hàng chục linh mục. Sau khi Đức Giáo Hoàng đọc lời chúc bình an, phụng vụ đã kết thúc trong im lặng theo như là truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh.

Lúc 21:15 tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự.

Hướng về Jerusalem, nơi Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút cuối cùng của Ngài trong cuộc sống dương thế, chúng tôi ghi nhận là vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thượng Phụ Fouad Twal, Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto là khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và hơn 200 linh mục đã cử hành thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà thờ Mộ Thánh.

Vào lúc 11 giờ sáng, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu đã đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tại Thánh Địa Giêrusalem không kết thúc sau lễ nghi suy tôn thánh giá lúc 3 giờ chiều nhưng trái lại buổi tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mới là cao điểm với một nghi thức được nhiều người trông đợi đó là tang lễ của Chúa Kitô.

Đây là một nghi thức rất thịnh hành từ thời Trung Cổ ở nhiều quốc gia Âu Châu. Nhưng ở Giêrusalem, ngay tại nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chịu chết trên thánh giá, nghi thức này có một ý nghĩa đặc biệt.

Ngay từ chiều tối đoàn rước tiến bước chậm chạp trong tiếng nhạc trầm buồn, u sầu trong đền thờ Thánh Mộ. Thỉnh thoảng đoàn lại dừng ở các nhà nguyện khác nhau trong đền thờ để suy niệm.

Bài trình thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu được đọc lên bằng các ngôn ngữ khác sau. Vị tổng thư ký của đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ đã vác một cây thánh giá lên đồi Golgotha, ở đó sau khi đoạn Phúc Âm mô tả việc Chúa trút hơi thở cuối cùng và việc tháo đanh Chúa, 2 vị phó tế bắt đầu diễn lại các động tác tháo đanh và đưa Chúa xuống khỏi thánh giá trong không khí u buồn và than khóc. Đầu tiên là tháo mão gai trên đầu Ngài, rồi đến những chiếc đinh đã ghim Chúa vào thập giá.

Các động tác này tạo ra một bầu không khí thực sự mong đợi cho việc suy niệm về những biến cố lịch sử đã diễn ra ở đây. Một hình nộm của Chúa bị đóng đinh được rước vào trong huyệt đá để xức dầu thơm và được nhẹ nhàng đặt ở đó.

Một tu sĩ dòng Phanxicô, xức dầu chân dung của Đức Kitô trong khi nhắc lại lời Phúc Âm “Ông Giuse người xứ Arimathea là một môn đệ của Chúa Giêsu đã xin Philatô cho ông được tháo xác Chúa xuống khỏi thập giá. Philatô cho phép, và ông đã đưa xác Chúa xuống, bọc trong vải liệm, với các loại dầu thơm theo phong tục chôn cất của người Do Thái”.

Sau đó đoàn rước đến Mộ Thánh nơi đám tang Chúa được thực hiện cách biểu tượng.