Ngày 20-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:49 20/04/2009
HƯ VINH

N2T


Sư phụ thường nhắc nhở các đệ tử, thánh đức của con người như khuôn mặt đẹp vậy, là trọn vẹn do trời tạo thành chứ không tự có. Ông ta thích ứng dụng câu thơ này:

“Hoa hồng, nở hợp thời

không duyên không cớ;

Cũng không muốn trang điểm

để giành được tán thưởng của ta.”


Ông ta lại trưng dẫn ngạn ngữ: “Khi người ta nhận ra mình chỉ có thế mà thôi, mới có thể gọi là thánh.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Đức hạnh của một người không những giống như khuôn mặt đẹp, mà còn là làm cho con người tỏa sáng như ánh sao giữa trời đêm, mà đức hạnh thì không phải tự nhiên mà có, nhưng là do lòng ước muốn và luôn thành tâm thực hành luyện tập của con người...

Đức hạnh của người đời thì tự làm cho mình được mọi người yêu mến, dễ chịu và thích thú, nhưng đức hạnh của người Ki-tô hữu thì làm cho người khác nhìn thấy Chúa Giê-su ở trên mình, tức là cuộc sống của họ phản ảnh lại những đức hạnh của Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria như: khiêm tốn, yêu thương, bác ái, phục vụ và nhiệt thành trong bổn phận của mình.

Nếu đức hạnh chỉ làm cho người khác yêu thích mình thì chỉ là hư vinh mà thôi, bởi vì có những người khi được người khác yêu mến cảm phục thì lại trở thành kẻ hợm hĩnh, mất đi đức hạnh vốn có ban đầu của mình.

Hư vinh thì tìm kiếm cho mình, gom góp cho mình, đó là đức hạnh giả tạo. Nhưng đức hạnh phát xuất từ nội tâm với ân sủng của Chúa ban cho, thì lại hấp dẫn người khác đến với Chúa qua cuộc sống của mình.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:50 20/04/2009
N2T


145. Trên đường đi con chỉ nên chú ý phía trước không cần phía sau, cũng không nên bỏ dở nửa chừng, càng không nên thay đổi mục tiêu, chuyển hướng sai lầm.

(Thánh Augustinus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:52 20/04/2009
N2T


91. Cuộc sống không cần mẫn thì là mang tội, không lao động kỹ thuật thì là xấc xược.

 
Hãy làm chứng nhân
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
03:31 20/04/2009
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH, năm B

Lc 24, 35-48

Sống trong một thế giới hưởng thụ, văn minh lên cao và con người thích lợi nhuận, thích tìm tòi những việc thực tế, con người ưa thực dụng hơn là suy nghĩ, động não vv…Do đó, Tin Mừng của thánh Luca hôm nay nói về việc Chúa Giêsu sống lại: ” Chúng ta hãy làm chứng nhân cho Người”. Làm chứng cho Chúa phục sinh là giới thiệu Chúa quả thực đã sống lại và đang hiện diện với con người, với nhân loại, với thế giới.Làm chứng cho Chúa phục sinh không đòi lợi nhuận, không cần tiền bạc nhưng là sống chính đức tin và tình thương để làm chứng.

CÁC MÔN ĐỆ CŨNG SỢ MA: Vấn đề ma quỉ hoành hành và gieo rắc những trở ngại, sự dữ tràn lan và đau khổ chất chồng vẫn là những đe dọa đang đè nặng trên con người. Việc sợ ma không chỉ xẩy ra với các trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng sợ ma, ngay cả các môn đệ cũng không khỏi bàng hoàng sợ ma. Đọc Tin Mừng chúng ta nhận ra đã có lần Chúa Giêsu đi trên mặt nước, đi trên mặt hồ mà tới với các môn đệ. Các ông sợ run lên vì ngỡ rằng ma hiện hình. Chúa phục sinh hiện ra với các ông, các ông vẫn cứ tưởng là ma. Chúa sống lại đã luôn kiên nhẫn và tìm mọi cách để đưa các môn đệ ra khỏi mọi nỗi ám ảnh của ảo tưởng là nhìn thấy ma. Chúa cho các môn đệ xem các lỗ đinh ở tay, chân, xem cạnh sườn bị đâm thâu vv…để các ông thấy Người là người bằng xương bằng thịt. Chúa Giêsu sống lại còn ăn một miếng cá nướng để các môn đệ thấy Ngài là người thật chứ không phải là bóng ma. Vâng, khi các môn đệ còn yếu đức tin, đức tin chưa được củng cố, Chúa Thánh Thần chưa soi sáng các ông, các ông coi Chúa Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma. Đức tin một khi đã được củng cố, Chúa Thánh Thần mở trí soi lòng cho các ông, các môn đệ đã nhận ra Chúa phục sinh: ” À ra là Thầy “.

CÁC MÔN ĐỆ LÀM CHỨNG CHO CHÚA PHỤC SINH : Khi nhận ra Chúa phục sinh, các môn đệ đã hăng say làm chứng cho Chúa, bởi vì họ hiểu rõ lời Kinh Thánh: ” Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này “ ( Lc 24, 46-48 ). Các môn đệ đã hiên ngang làm chứng cho Chúa phục sinh, họ không hề sợ sệt, không hề bị nao núng trước bất cứ thế lực nào, họ sẵn sàng đổ máu, hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Chúa.

MỌI KITÔ HỮU ĐỀU PHẢI LÀM CHỨNG CHO CHÚA PHỤC SINH: Chúa phục sinh vẫn luôn hiện diện với thế giới, với con người. Do đó, sự dữ, bóng tối sẽ bị đánh tan. Kitô hữu tin vào sự chiến thắng của Chúa trên sự dữ, ma quỉ và ngay cả sự chết. Mọi Kitô hữu luôn là chứng nhân cho niềm vui như các môn đệ buồn phiền vì Thầy chết nhưng họ bừng tỉnh và vui sướng khi nghe Chúa sống lại. Họ không còn sợ, không còn lo âu vì Thầy đã sống lại thật.Hãy mang lại cho con người nụ cười, hãy đẩy lùi sự dữ, hãy làm cho sự hy vọng tiến triển. Hãy làm sáng lên niềm tin. Như thế, Kitô hữu đã công bố Tin Mừng phục sinh.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ: Hãy nhìn gương của Mẹ Têrêsa Calcutta. Hãy nhìn gương của một Phanxicô khó nghèo. Hãy nở nụ cười như Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô I. Hãy có lòng tha thứ và nhân từ như Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hãy nhìn vào gương các thánh. Tất cả đều là những chứng nhân sống động cho Chúa phục sinh.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin dạy chúng con biết trở nên những chứng nhân của một Thiên Chúa phục vụ và yêu thương. Amen.
 
Tôi Tin
LM. Anphong Trần Đức Phương
06:39 20/04/2009

TÔI TIN



(CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, NĂM B)

Có một thời gian tôi được hân hạnh chung sống với một số vị linh mục, trong đó có một Cha đã từng đi du học ở Rôma và có dịp đi nhiều nơi trên thế giới. Về Việt Nam, Cha đã dạy Thần Học nhiều năm ở các Đại Chủng viện. Lúc đó Cha đã lớn tuổi và về hưu. Qua các câu chuyện hằng ngày, Cha đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm qúy giá về cuộc sống Đức Tin của Cha. Mỗi lần kết thúc câu chuyện, Cha đều chắp tay nói: Tất cả là chữ “Credo!” (Tôi Tin!).

“Tin” là bước khởi đầu khó khăn nhất để nhận ra Thiên Chúa hiện hữu, vừa là Đấng Tạo Hóa, vừa là Cha chúng ta, và để tin Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật, đã chịu chết trên Thánh Giá, đã chịu táng trong mồ, nhưng thực sự đã sống lại và đã về Trời để mở đường về Trời cho chúng ta.

Đức Tin thật sự là một ân huệ Chúa thương ban cho những ai biết sống khiêm tốn và biết lắng nghe tiếng Chúa nói qua lòng mình.

Các Tông Đồ dù đã sống với Chúa, dù đã được Chúa nói trước về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Ngài, nhưng vẫn thật khó tin việc một người chết treo trên Thập Giá, đã an táng trong mồ, mà đã sống lại thật.

Trong Chúa Nhật trước, chúng ta thấy “Tôma chỉ tin thật Chúa đã sống lại khi nhìn thấy tận mắt ‘chân tay và cạnh sườn Chúa’ (Gioan 20,24…). Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này (Luca 24, 35-48), chúng ta thấy hai môn đệ chán nản, bỏ cuộc trở về qê hương Emmau; Chúa Phục Sinh đã hiện ra, đi đường và đàm đạo với các ông ‘như một người đồng hành’ mà các ông vẫn không nhận ra, cho đến khi cùng ngồi bàn ăn và thấy cử chỉ ‘người khách đồng hành’ cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng và trao cho các ông!... Bấy giờ mắt các ông mới mở ra và nhận ra là Chúa!... Hai ông quá vui mừng vì đã thấy Chúa sống lại thật, ngay đêm khuya, vội vã trở về Giêrusalem thuật lại câu chuyện cho các Tông đồ khác. Lúc đó, Chúa Phục sinh lại hiện ra với các ông, thế mà các ông “vẫn hoảng sợ, tưởng là ma!”(Luca 24,37).

Vì thế, trong Bài Đọc I (Cv. 3, 13-15, 17-19), Thánh Phêrô đã trưng dẫn tất cả những lời tiên tri căn bản trong Cựu Ước để chứng minh cho dân chúng có thể tin nhận “Chính Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại.” Và trong Bài Đọc II (1 Gioan 2, 1-5), Thánh Gioan đã cũng nhắc nhở chúng ta việc Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại: “Chính Ngài là của lễ đền tội cho chúng ta; mà không phải chỉ nguyên cho chúng ta mà thôi, mà còn đền tội cho cả thế giới!”

Trong Đêm Thánh Vọng Phục Sinh, chúng ta đã chứng kiến nhiều anh chị em (Riêng tại Hoa Kỳ năm nay đã có khỏang 150 ngàn người, kể cả vị Cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich – năm ngoái có Cựu thủ TướngAnh Quốc Tony Blair) sau bao ngày tháng tìm hiểu giáo lý đã quyết tâm xin chịu phép Thánh Tẩy và chính thức gia nhập Giáo Hội Chúa. Trong nghi lễ rất cảm động, trước khi được chịu phép Thánh Tẩy, tất cả đã tuyên bố từ bỏ tội lỗi và nếp sống trần tục; sau đó đã long trọng tuyên xưng “TÔI TIN!” sau ba câu hỏi căn bản về Đức Tin: “Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?”, “Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha không?”, “Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các Thánh Thông Công, tin Phép Tha Tội, tin xác loài người sẽ sống lại, và sự sống đời đời không?”

Tất cả tín hữu chúng ta đã được chịu Phép Thánh Tẩy trong Đức Tin căn bản đó, và mỗi Thánh Lễ cuối tuần, khi chúng ta cùng họp mặt để thờ phượng Chúa, và học hỏi Lời Chúa, chúng ta đều cùng nhau tuyên xưng Đức Tin qua Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính một Thiên Chúa…”

Vậy, mỗi khi chúng ta dự Lễ Thánh Tẩy trẻ em hoặc người lớn, cũng như trong Thánh Lễ cuối tuần, khi tuyên xưng Đức Tin, chúng ta hãy luôn ý thức lời tuyên xưng của chúng ta, và xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống Đức Tin của chúng ta qua việc thực hành Đức Bác Ái trong niềm Trông Cậy vững chắc vào cuộc sống đời đời Chúa đã hứa ban.
 
Làm chứng cho biến cố phục sinh
Giuse Đinh Lập Liễm
06:44 20/04/2009
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH B

LÀM CHỨNG CHO BIẾN CỐ PHỤC SINH

+++

A. DẪN NHẬP

Đức Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã báo trước, nhưng nhiều nguời còn hoài nghi. Sự kiện ngôi mồ trống chưa thể xác quyết được việc Chúa sống lại từ cõi chết. Ngày thứ nhất trong tuần, chính Đức Giêsu đã hiện ra với bà Maria Madalena từ sáng sớm, với hai môn đệ đi làng Emmau vào buổi chiều và với mười Tông đồ tại nhà Tiệc ly vào buổi tối, để chứng minh là Ngài đã sống lại thật.

Sau khi đã được thấy cả con người Phục sinh của Chúa với những lỗ đinh ở chân tay cùng với cạnh sườn, cũng như thấy Ngài cùng ăn với các ông, lúc đó các ông mới xác tín rằng Chúa đã sống lại. Các ông đã trở nên những chứng nhân trung thành của Chúa phục sinh, và từ đó, các ông đi loan truyền cho mọi người biến cố Phục sinh của Chúa.

Chúng ta không được diễm phúc trông thấy Chúa sống lại như các Tông đồ, nhưng nhờ Thánh kinh, chúng ta tin vững chắc Chúa đã sống lại. Việc Phục sinh của Chúa sẽ là nền tảng cho đời sống Kitô hữu chúng ta. Và từ nền tảng này, chúng ta sẽ loan báo Chúa Phục sinh cho những người chung quanh bằng cuộc sống thường ngày của chúng ta.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 3,13-15.17-19

Thánh Phêrô đã làm phép lạ chữa lành người què ở cửa Đền thờ, điều này làm cho nhiều người ngạc nhiên và bàn tán. Nhân dịp này, thánh Phêrô đã giảng cho người Do thái một bài rất hùng hồn. Ngài cho biết rằng phép lạ ngài làm cho người què đi được, không phải do quyền năng hay đạo đức riêng của mình, mà chính do nhân danh Đức Giêsu Kitô mà ông đã chữa lành. Đức Giêsu chính là người mà dân Do thái đã giết đi, nhưng nay Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết.

Sở dĩ người Do thái giết Đức Giêsu là Đấng Messia vì họ không biết. Vì vậy, họ hãy sám hối, từ bỏ tội lỗi và tin nhận Ngài để được ơn cứu độ.

+ Bài đọc 2: 1Ga 2,1-5

Khi hiến mình làm lễ vật hy sinh, Đức Kitô đã trở nên Đấng can thiệp rất thần thế cho chúng ta bên cạnh Chúa Cha. Nhiều người cho rằng mình đã “biết” Đức Giêsu, nhưng họ đã biết như thế nào ? Thánh Gioan Tông đồ giải thích cho chúng ta thế nào là “biết” thật: ”Chính nơi điều này mà chúng ta biết rằng mình “biết” Đức Giêsu, đó là chúng ta giữ các giới răn của Ngài. Ai nói rằng mình “biết” Ngài mà không giữ giới răn Ngài thì ấy là kẻ nói dối”.

+ Bài Tin mừng: Lc 24,35-48

Khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu đã hiện ra trước hết với Maria Madalena, rồi với hai môn đệ đi làng Emmau và với các tông đồ tại nhà Tiệc ly. Những lần hiện ra này là bằng chứng rõ ràng về sự kiện Ngài đã từ cõi chết sống lại. Chính nhóm Mười Một không tin Ngài sống lại, họ còn tưởng Đấng Phục sinh là một hồn ma. Đức Kitô đã phải để cho họ sờ tay chân Ngài và ăn một khúc cá nướng trước mặt họ để họ nhận ra Ngài.

Mối quan tâm đầu tiên của thánh Luca là chứng tỏ rằng Đức Giêsu Phục sinh chính là người mà các Tông đồ đã biết trước, khi Ngài chịu đóng đinh. Thánh nhân nhấn mạnh rằng sự sống lại về mặt thể xác của Đức Giêsu là có thật, nhưng lại giải thích rõ ràng rằng sự sống lại của Ngài không phải là cuộc trở lại với đời sống trần thế. Đức Giêsu đã sống lại với sự sống mới ở bên ngoài cái chết.

Vì thế, tất cả niềm tin của người Kitô hữu dựa trên biến cố Phục sinh này. Các Tông đồ đã chứng kiến tận mắt, nên lời chứng của các ngài rất đáng tin. Đồng thời Chúa cũng trao cho các ông sứ mệnh rao giảng Tin mừng Phục sinh cho muôn dân, để họ sám hối và được ơn tha tội, bởi vì “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”(Lc 24.48).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Làm chứng cho Chúa Phục sinh

I. ĐỨC GIÊSU LÀM CHỨNG VỀ MÌNH

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly. Biến cố này, Gioan cũng thuật lại trong Ga 20,19-23.

Với một cái nhìn chung, người ta nhận ra nơi Luca việc tường thuật các lần Chúa sống lại hiện ra được kể với ba hạng người: Trước tiên với các phụ nữ (Lc 24,1-12), rồi cho các môn đệ (Lc 24,13-25), và cuối cùng cho các Tông đồ, tức nhóm Mười Hai (Lc 24, 35-48). Đó là ba nhóm người mà khi Chúa đi rao giảng, đã liên kết với Chúa một cách chặt chẽ, tuy nhiên với mức độ khác nhau.

Qua các lần hiện ra, Đức Giêsu làm chứng rằng mình đã sống lại bằng một phép lạ chưa từng có trên đời này. Để các Tông đồ tin, Ngài đã làm hết mọi cách từ tâm lý đến vật lý, từ lịch sử đến thực hiện đúng lời đã hứa.

Bởi vậy, khi Luca kể lại việc Chúa xuất hiện cho mười một Tông đồ lúc đêm xuống, thì ông nhấn mạnh việc Chúa xuất hiện bằng thể xác của Ngài. Khi các môn đệ thấy Ngài thì họ tưởng mình thấy ma, hoặc là hồn Ngài hiện về. Đánh tan cảm tưởng sai lầm đó, Đức Giêsu đã vận dụng mọi giác quan để chứng tỏ Ngài có một thân thể không phải phi vật chất hay linh thiêng, nhưng là một thân thể có xương có thịt, mà hôm thứ sáu đã bị đóng đinh vào thập giá và được táng trong mồ. Chính là thân thể vật chất ấy với những dấu đinh, với cạnh nương long mà các ông trông thấy và có thể sờ vào được.

Để chứng minh tính chất vật chất của thân thể mình, Ngài cầm lấy miếng cá nướng và ăn trước mặt các ông và đưa cho các ông cùng ăn.

Khi các Tông đồ đã trở về tình trạng lành mạnh về tâm lý và thể lý rồi, Chúa mới hướng dẫn các ông về bằng chứng lịch sử:”Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Maisen, các sách tiên tri và các Thánh vịnh đã chép về Thầy, đều phải được ứng nghiệm”.

Đức Giêsu nói cho các Tông đồ biết toàn bộ Kinh thánh đã ứng nghiệm về Ngài. Nếu Thánh kinh không ứng nghiệm về Ngài, thì toàn bộ Thánh kinh là giả dối vì Thánh kinh loan báo về Đấng cứu độ và ngoài Đức Giêsu ra không ai đem lại ơn cứu độ (Cv 4,12). Để thấy rõ như thế, Ngài đã “dẫn giải cho các ông những điều viết về Ngài trong toàn bộ Thánh kinh”(Lc 24,27). Để có thời gian giải thích, chắc Ngài còn phải ở với các ông lâu dài, như thánh Luca đã xác định là 40 ngày được ghi rõ trong sách Công vụ tông đồ:”Ngài lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong 40 ngày, Ngài đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”(Cv 1,3). Thời gian 40 ngày đã quá đủ để các Tông đồ thấy chắc chắn: Thầy đã sống lại thật.

II. CÁC TÔNG ĐỒ LÀM CHỨNG VỀ CHÚA

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca nhắc lại cho chúng ta lời Đức Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ khi Ngài sống lại:”Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”(Lc 24,47-48).

Trong bài đọc một, thánh Phêrô đã làm chứng cho toàn dân Giêrusalem về Đức Giêsu bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Chính họ đã nộp Ngài và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan xét xử không thấy tội gì. Họ đã xin tha cho kẻ sát nhân và lên án Đấng công chính. Nghe thế, họ quá rõ tội lỗi đã phạm, họ đã ăn năn sám hối:”Hôm ấy đã có thêm khoảng 3000 người theo đạo”(Cv 2,41).

Trong bài đọc hai, thánh Gioan đã làm chứng về “ Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, chính Người là của lễ hy sinh đền bù tội lỗi ta, và còn đền bù tội lỗi cho cả thế giới”. Rồi Gioan kêu gọi chúng ta làm chứng về Đức Kitô bằng đời sống đừng phạm tội, hãy vâng giữ lệnh Đức Kitô để chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa tới mức hoàn hảo và biết được mình đang ở trong Đức Kitô. Ai không vâng lời Đức Kitô là kẻ nói láo.

Nhìn vào lịch sử truyền giáo, chúng ta thấy các Tông đồ, những chứng nhân trung thực, đã đi rao giảng Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cho muôn dân, nghĩa là sau khi Chúa về trời, và sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, từ những người nhát gan, sợ hãi, từ những người dân chài, quê mùa, không hiểu gì về Đấng Cứu thế... các Tông đồ đã trở nên những người can đảm, thông thái, lợi khẩu. Các ngài đã vâng lệnh Chúa ra đi rao giảng cho mọi người biết và tin Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và sống lại để cứu chuộc tất cả mọi người. Các ngài đã đóng đúng vai trò chứng nhân và thi hành đầy đủ bổn phận làm chứng của mình.

Bằng lời nói, các ngài rao giảng mà không sợ bất cứ một áp lực nào hay một sự đe dọa nào. Mỗi khi rao giảng, các ngài thường hiên ngang tuyên bố:”Chúng tôi xin làm chứng”. Dù đứng trước toà án cấm đoán, dọa nạt, các ngài vẫn khảng khái thưa:”Xin quí vị xét cho, phần chúng tôi, chúng tôi không thể không nói về những điều đã thấy, đã nghe”.

Không những làm chứng bằng lời nói, các ngài còn làm chứng bằng việc làm, bằng chính đời sống của mình: sẵn sàng chịu vất vả, khổ cực, đòn vọt, tù ngục, và sẵn sàng chịu chết vì Chúa Giêsu. Sau 12 Tông đồ, lại có biết bao lớp Tông đồ khác, trải qua các thời đại, tiếp nối sự nghiệp loan báo Tin mừng và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

III. CHÚNG TA LÀM CHỨNG VỀ ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH

Đức Kitô đã làm chứng về Ngài đã sống lại thật. Phêrô, Gioan, các Tông đồ và bao nhiêu người đã tin và đã làm chứng về Đức Kitô phục sinh. Còn chúng ta, nếu chúng ta vâng lệnh Đức Kitô truyền, chúng ta phải ra sức làm chứng về Ngài.

1. Giáo huấn của Hội thánh

Trong sắc lệnh Tông đồ giáo dân của công đồng Vatican II, Hội thánh nhắc nhở cho các tín hữu nhiệm vụ làm tông đồ và làm chứng nhân bởi vì nhiệm vụ này phát xuất từ bí tích Thánh tẩy:

“Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa”.

(Sác lệnh tông đồ giáo dân, số 16)

2. Làm chứng là gì ?

Làm chứng là nhận thực một sự kiện mà chính mình đã kinh qua hay đã kinh nghiệm. Hay nói cách khác, làm chứng là chứng nhận bằng lời nói hay bằng hành động một sự việc đã xẩy ra, một sự kiện có thật mà mình đã thấy, đã nghe, đã trải qua. Ở toà án, chứng nhân hay nhân chứng là người nói sự thật những điều mắt thấy tai nghe, và phải nói đúng sự thực như mình đã thấy. Chứng nhân càng có uy tín thì lời chứng của mình càng có giá trị, khiến người khác dễ bị thuyết phục. Ngược lại, những người không có uy tín thì khiến những lời nói của mình không có tính thuyết phục, đôi khi lại trở nên phản chứng.

3. Làm chứng như thế nào ?

Làm chứng cho Đức Giêsu đâu có phải là chỉ kể lại cho kẻ khác về đời sống của một vĩ nhân đã sống cách đây 2000 năm. Ai cũng có thể làm được điều này. Làm chứng cho Đức Giêsu đâu phải chỉ là xác nhận rằng Đức Giêsu đã sống lại. Đám lính cánh gác mồ cũng đã làm như thế. Làm chứng cho Đức Giêsu chính là dùng chính cuộc sống của mình để chứng tỏ rằng quyền năng của Đức Giêsu sống lại đã tác động và biến đổi chúng ta một cách lạ lùng nhất, có thể tưởng tượng được. Làm chứng nhân cho Đức Giêsu là để cho Ngài ngỏ lời với tha nhân ngang qua chúng ta, nghĩa là dùng chúng ta để nói với kẻ khác.

Truyện: làm chứng bằng đời sống.

Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài” Truyền giáo năm 2000”, nhiều bạn trẻ đề nghị phải xử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạp quyền con người, để xây dựng công lý và hoà hợp.

Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu:”Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở, báo chí, phim ảnh, chúng tôi chỉ gửi đến đó một gia đình công giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo.

(R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, tr 208)

Thánh Phaolô nhận thấy mình có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, nếu không là một điều có lỗi lớn:”Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Nếu muốn rao giảng Lời Chúa thì mỗi người có trách nhiệm phải lắng nghe và thực hành lời Chúa vì không nghe thì làm sao mà biết, không biết thì làm sao có thể rao giảng Lời Chúa bằng cách này hay cách khác cho những người chung quanh. Mỗi Chúa nhật có một bài giảng, mỗi năm có 54 tuần lễ, tức là có 54 bài chia sẻ lời Chúa. Nhưng chúng ta đã lãnh nhận như thế nào ? Đành rằng có nhiều thứ bài giảng cũng như bánh chia có nhiều loại, bánh mặn, bánh lạt, bánh khô, bánh ướt, thì Lời Chúa qua thừa tác viên, đến với ta cũng vậy, có bài dài bài ngắn, bài hấp dẫn bài buồn ngủ...

Vào giây phút cuối cuộc đời, văn sĩ John Bayern đã nói những lời từ giã người vợ thân yêu như sau:”Mình yêu dấu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

“Trong gương mặt của mình tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa”. Mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống như thế nào, để anh em chung quanh có thể nói tương tự: ”Trong gương mặt của anh, tôi có thể nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn bạn vô cùng”. Đó là ơn gọi cao cả của mỗi người Kitô hữu được gọi trở nên giống Chúa, và làm cho những người khác nhìn thấy Chúa như trong Tin mừng theo thánh Matthêu. Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ:”Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành”. Đức Giêsu còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của người Kitô hữu đến độ Chúa so sánh cuộc sống của họ như đèn sáng: ”Các con là anh sáng thế gian”. Ánh sáng đó cần phải chiếu sáng trước mặt người đời, ngõ hầu họ thấy việc lành mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời.

(Hạt giống âm thầm, tr 178)

Ta hãy suy nghĩ về đoạn văn trích từ lá thư mục vụ của Giám mục Duval của Pháp:

“Dù có phát biểu khéo léo đến đâu, những tư tưởng trừu tượng cũng khó mà cảm động được lòng người. Nhưng những con người sống động, có khả năng làm cảm động lòng người, những người đó hãy xung phong bước ra. Hãy để cho chân lý trào ra từ cuộc sống của mình, và hãy làm cho quyền năng của mình tương xứng với món quà mà mình trao tặng bằng tình yêu. Lúc đó mọi người sẽ lắng tai nghe, và bình minh của những ngày tươi sáng sẽ bừng lên trên bầu trời của chúng ta”.

Truyện: Gương lành lôi kéo.

Một nhà truyền giáo Ấn độ, ông Gordon M. Suer đã xin một tín đồ Ấn độ giáo sống bên cạnh, để nuôi dạy ông học tiếng bản xứ, nhưng tín đồ Ấn độ giáo này từ chối như sau:

- Thưa ngài, tôi không đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì tôi không muốn trở nên người Kitô hữu.

Nhà truyền giáo trả lời:

- Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao thiệp với những người chung quanh, để hiểu biết họ hơn chứ không nhằm bắt họ phải trở lại đạo Chúa.

Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:

- Thưa ngài, tôi biết vậy nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không ai có thể sống bên cạnh ngài lâu, mà không bị ngài cảm hóa tin theo Chúa. Tôi không thể dạy ngài, vì tôi không thể sống bên cạnh ngài mà không trở thành người Kitô hữu.

Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ (Sđd, tr 179).

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Thánh Marcô, tác giả Tin Mừng thứ hai
Lm Giacôbê Tạ Chúc
23:39 20/04/2009
Nếu làm một cuộc so sánh với các Thánh sử khác, thì Phúc âm của Thánh Marcô là ngắn nhất(16 chương). Trong khi Matthêu có đến 28 chương, Luca 24 chương, và Gioan 21 chương. Lối trình bày của Ngài đơn sơ, mộc mạc, mang tính kể chuyện về cuộc đời của Chúa Giêsu, thích hợp cho mọi độc giả, đặc biệt cho những anh chị em bình dân.

Marcô là học trò của Thánh Phêrô, điều này được nhắc đến trong lá thư thứ nhất của thánh nhân:” Hội Thánh ở Babylon cũng được chọn như anh em, và Marcô con tôi, gởi lời chào anh em”( 1Pr 5,13). Marcô cũng còn được gọi là Gioan-Marcô:” Ý thức được như vậy, ông đi đến nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Marcô; ở đó có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện”( Cv 12,12). Mẹ của thánh nhân là bà Maria, một góa phụ giàu có, nơi ngôi nhà này, các tín hữu hay đến để tụ họp. Phêrô, sau khi ra khỏi tù đã về đây trú ẩn:”Mở cổng ra, thấy ông, họ kinh ngạc. Ông giơ tay làm hiệu cho họ im lặng, rồi kể cho họ nghe Chúa đã đưa ông ra khỏi tù thế nào”( Cv 12, 16-17). Nhiều lần Marcô cùng với Phaolô và Barnabê đồng hành bên nhau trong các hành trình truyền giáo. Marcô dù không thuộc nhóm mười hai, nhưng đã trở nên rất thân quen với cộng đòan các kitô hữu tiên khởi, một người bạn đồng hành với Phaolô và một người con của thánh Phêrô( Col 4,10; II Tim 4,11). Văn là người. Lối văn của Marcô sống động, uyển chuyển, trung thực. Một tuyển tập các lời Chúa dạy, các việc Chúa làm, kết thành một sách bỏ túi cần thiết cho mọi người, cụ thể là những anh chị em giáo lý viên. Marcô viết Phúc âm một cách chân thành, không như một nghệ sỹ hay một nhà tư tưởng. Là thính giả của Phêrô, Marcô đã ghi lại một cách trung thực cho hậu thế những điều Phêrô đã giảng và như lời Giám mục Papias:” Marcô chỉ có một lo lắng này là không bỏ sót một điều nào đã nghe và không thêm điều gì mới. Đọc phúc âm Marcô, chúng ta chắc chắn được nghe tiếng của vị đã nói với Hội Đồng tối cao Do Thái:” chúng tôi không thể không nói những điều mắt thấy tai nghe”(Cv 4,20).

Các tín hữu thuộc các Giáo hội cổ Ai Cập, Syrie và Byzantin đều mừng kính Ngài vào ngày 25 tháng 4. Ở Tây phương, kể từ thế kỷ thứ IX, người ta cũng mừng lễ thánh Marcô vào ngày này. Một truyền tụng từ thế kỷ thứ III cho rằng thánh nhân đã thiết lập giáo đòan Alexandrie( Ai cập), và qua đời tại nơi đây.

Biểu hiện của Marcô là con sư tử, con vật của vùng sa mạc thảo nguyên. Đọc Tin mừng của ngài, chúng ta càng xác tín vào một Đức Giêsu con Thiên Chúa đã nhập thể trong dòng chảy của lịch sử cứu độ của con người và nhân lọai hôm nay và mãi mãi.
 
Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Thê-xa-lo-ni-ca
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
23:56 20/04/2009
1. Thành lập giáo đoàn

Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai vào năm 50, thánh Phao-lô đến Thê-xa-lo-ni-ca, thủ phủ xứ Ma-kê-đo-ni-a, Đây là thành phố lớn đầu tiên ở Âu châu ngài đặt chân tới. Thành phố này được thiết lập ngay từ thế kỹ IV trước công nguyên và mau chóng trở nên một thành phố quan trọng. Về địa thế, Thê-xa-lo-ni-ca nằm sâu trong vịnh Thê-mai-ót nên là một hải cảng vững chắc, lại nằm trên đường Ê-nha-xi-a nối biển Ê-dê (Égée) với biển A-ri-a-tích (Adriatique) nên lại là nơi qua lại tấp nập và là thị trường tiêu thụ của cả một vùng đồng bằng phì nhiêu ở bên trong nội địa. Dưới thời Ma-kê-do-ni-a thống trị cũng như dưới thời đế quốc Rô-ma, Thê-xa-lo-ni-ca đóng một vai trò chính trị quan trọng, đặc biệt trong cuộc nổi dậy năm 149 trước công nguyên nhằm rũ bỏ ách thống trị của người Rô-ma. Năm 42 trước công nguyên, Thê-xa-lo-ni-ca trở nên một thành phố được hưởng qui chế tự do dưới quyền cai trị của một tổng trấn. Thành phố cứ mỗi ngày một phát triển và bến tầu mỗi ngày một mở rộng thêm. Hồi thánh Phao-lô đến đây, Thê-xa-lo-ni-ca đã là một thành phố thương mại phồn thịnh có nhiều người nước ngoài và đống người Do thái.

Sách Công vụ Tông đồ cho biết thánh Phao-lô đã từ Phi-líp-phê tới đây, có các ông Si-la và Ti-tô di theo (Cv 17,1-10). Ngài lưu lại ở đây khá lâu và đã có thời gian hành nghề (1 Tx 2,9) và nhận đồ tiếp tế nhiều lần từ Phi-líp-phê gửi tới (Pl 4,16) cũng như đưa nhiều người Do thái, nhất là dân ngoại đến với Tin Mừng (1 Tx 1,9). Nhưng công việc rao giang của ngài bỗng nhiên bị gián đọan, vì sự chống đối của người Do thái, khiến ngài phải vội vã ra đi. Họ đã tạo ra một cuộc đại náo, phá rối không cho ngài giảng, vu khống cho ngài đã hoạt động chống lại các mệnh lệnh của triều đình và bắt một số tín hữu đưa ra tòa (Cv 17,5-9). Vì thế, ngài đã phải từ giã giáo đoàn vừa mới thành lập. Như vậy, làm sao ngài không lo lắng cho đàn chiên còn ở lại đang gặp bao sóng gió ? Cũng thật dễ hiểu tại sao trong thư, ngài đã nặng lời khi nói về người Do thái.

2. Thư 1 Thê-xa-lo-ni-ca

Điều đáng lưu ý là giọng điệu trong thư này rất khác với các thư khác. Thánh Phao-lô không phải băn khoăn về một điểm giáo lý nào. Ngài bày tỏ tâm tình tha thiết với giáo đoàn mới thành lập mà nay phải xa cách. Có lúc ngài đã băn khoăn nhưng rồi lại vui mừng vì nhận được tin tức của giáo đoàn. Thấy đức tin của họ ngày càng thêm vững mạnh, ngài hân hoan cảm tạ Chúa. Ngài không cần phải uốn nắn điều gì, vì mọi người đều đi theo đường lối ngài đã vạch ra.

Những tâm tình hỉ hoan sốt sắng ấy được diễn tả trong một lối văn đơn sơ trực tiếp. Thư này thật như một thông điệp đầy tình phụ tử của một người cha gủi cho các con. Nhờ thư này, người ta biết được Hội thánh thời sơ khai đã gặp phải bao nỗi cam go và các chiến thắng thật là phấn khởi. Thư cho thấy hào khí buổi ban đầu của hết mọi công cuộc vĩ đại.

Thật vậy, thư 1 Thê-xa-lo-ni-ca không những là thư đầu tiên của thánh Phao-lô mà còn là tác phẩm đầu tiên của toàn bộ Tân Ước. Ngài đã sọan thư này vào khoảng đầu năm 51 (20 năm sau khi Chúa Giê-su chịu chết), khi ngài vừa đến Co-rin-tô và đuợc môn đệ Ti-mô-thê cho biết các tin tức lạc quan về giáo đoàn Thê-xa-lo-ni-ca. Vẫn biết khi ấy đã có các truyền thống Tin Mừng rồi, nhưng các sách Tin Mừng như ngày nay vẫn chưa đuợc soạn ra. Nhiều tác phẩm Tân Ước khác ghi lại những truyền thống xa xưa, nhưng xét về bút tích thì thư 1 Thê-xa-lo-ni-ca là bản văn đầu tiên của Ki-tô giáo được lưu truyền.

3. Thư 2 Thê-xa-lo-ni-ca

Người ta cho rằng thánh Phao-lô đã gửi thư này ít lâu, sau khi đã gửi thư 1 Thê-xa-lo-ni-ca. Nhưng vẫn có người đặt câu hỏi có thật thánh Phao-lô là tác giả thư 2 Thê-xa-lo-ni-ca không ? Có hai nhận xét về thư thứ hai này. Nhận xét thứ nhất là có đến 10 chữ trong thư này chẳng bao giờ thấy xuất hiện trong các thư của thánh Phao-lô. Nhận xét thứ hai là một số chữ không có cùng một nghĩa như trong các thư khác. Ngoài ra, còn hai nhận xét nữa quan trọng hơn:

3,1 Văn chương trùng hợp

Thư thứ hai xem ra lấy lại nhiều từ ngữ và nhiều câu của thư thứ nhất, thí dụ:

1 Tx 1,2-3 = 2 Tx 1,3
1 Tx 2,12 = 2 Tx 1,5
1 Tx 3,15 = 2 Tx 1,7
1 Tx 3,11-13 = 2 Tx 2,16-17
1 Tx 2,9 = 2 Tx 3,8
1 Tx 5, 2-3 = 2 Tx 3, 16
1 Tx 5,28 = 2 Tx 3,17

Lý do giải thích hai thư giống nhau là vì cả hai thư chỉ viết cách nhau trong một khoảng thời gian ngắn. Như vậy, phải giả thiết rằng trong một thời gian ngắn, tình hình ở Thê-xa-lo-ni-ca đã biến đổi một cách đột ngột. Nhưng thư 1 Tx không cho phép phỏng đoán như thế. Do đó, thật khó mà hiểu được tại sao thánh Phao-lô đã có thể thay đổi cung giọng trong một khoảng thời gian chỉ có vài tuần lễ.

3,2 Giáo lý trong thư

Giáo lý trong thư về các biến cố sẽ xẩy ra trong thời cánh chung không thấy nhắc đến những tư tưởng trong thư 1 về ngày quang lâm bất thần của Đức Ki-tô. Lạ lùng hơn nữa là người ta sẽ đi từ một tình trạng xem ra như ổn định sang một tình trạng sụp đổ thì thư 2 lại mô tả các giai đọan lịch sử nối tiếp nhau cho đến khi Đức Ki-tô vinh hiển ngự đến.

Để trả lời cho những vấn nạn đó, người ta có thể nói rằng lối văn khải huyền vẫn thường pha trộn hai đề tài: biến cố sẽ xẩy ra cách bất ưng nhưng sẽ có các dấu hiệu báo trước. Khi có dịp, thánh Phao-lô cũng nói về thời cánh chung (1 Tx 4,13-5,3; 1 Cr 15, 20-24), nhưng không cho rằng trước đó người ta sẽ bỏ đạo và một Phản Ki-tô xụất hiện; còn thư 2 Tx thì rõ ràng là đã được soạn ra để trình bày diễn tiến khải huyền này (2 Tx 2,1-12). Nếu tác giả muốn nói cho rõ hơn hoặc đúng hơn một điều gì đã đuợc dạy trước đó, thì tại sao lại làm như chỉ nhắc lại một điều người ta đã được đọc và nghe về việc Chúa bất thần trở lại như kẻ trộm lúc ban đêm ?

Do đó, vấn đề vẫn có thể được đặt ra, nhưng có lẽ không quan trọng lắm, vì truyền thống không hề để ý tới. Chắc chắn thư 2 Tx `muốn đáp ứng một tình hình cụ thể của các giáo đoàn đang thao thức không hiểu tại sao Chúa không đến mau như người ta tưởng. Có lẽ một văn sĩ Ki-tô giáo nào đó hiểu biết giáo lý sâu xa của thánh Phao-lô thấy có bổn phận phải núp bóng ngài để sửa chữa một lối giải thích sai lạc và nguy hiểm về ngày Chúa quang lâm. Nếu vậy thì có thể giải thích được những khác biệt giữa hai thư về lời văn cũng như tư tưởng. Cách chấp văn như vậy đối với người xưa không có gì là lạ cả. Ngày nay, người ta có thể cho đó là giả mạo, thiếu thành thật, nhưng văn chương Do thái và Ki-tô giáo ngày xưa hay dùng kiểu cách như thế để xác định hoặc đào sâu một giáo lý cổ truyền nào đó. Nhưng dù sao thì thư 2 Tx cũng đã đóng một vai trò quan trọng lịch sử Hội thánh, tuy có nhiều ám chỉ khó hiểu theo lối văn mặc khải. Thư này khiến tín hữu không được có thái độ bàng quang, sống xa cuộc chiến phải đương đầu ở trần gian này, đồng thời nhắc bảo không đuợc tách lòng trông cậy ra khỏi thái độ cảnh giác.

4. Giáo lý về cánh chung

4.1 Trong thư 1 Tx

Mặc dù ba chương đầu toàn nhắc lại quá khứ và giọng thư rất khác với các thư khác, nhưng ở đây vẫn thấy có một giáo lý rất đặc biêt về cánh chung, tức là những biến cố trong thời sau hết. Giáo lý đó không phải chỉ nằm trong 4,13-5,3, bởi lẽ cả thư đều thấm đầy lòng tin về ngày Chúa Ki-tô quang lâm (x 1,10; 2, 19; 3, 13) và lấy việc này làm nền tảng cho thái độ ở đời của người Ki-tô hữu. Họ phải sống như người chờ đợi biến cố này. Cựu Ước đã nói tới ngày của ĐỨC CHÚA, tức ngày Người sẽ tỏ ra là vị Thẩm phán xét xử người lành cũng như kẻ dữ. Thánh Phao-lô đồng hóa ngày đó với ngày Đức Ki-tô quang lâm. Đức Ki-tô sẽ ngự đến trong vinh quang của một vị Con Thiên Chúa để cứu người trung tín và lên án kẻ bất nhân. Ngày đó, các tín hữu của Thiên Chúa phải vẹn toàn không có gì đáng chê trách.

Ngày đó lại gần đến. Thế hệ tín hữu đầu tiên kể cả thánh Phao-lô đều tin rằng Chúa sắp trở lại. Nhân một vấn nạn, ngài phải xác định thêm tư tưởng của mình. Tư tưởng đó là số phận những người chết trước khi Chúa đến sẽ ra sao ? Họ có bị thiệt thòi hơn những người đang còn sống trong ngày đó không ? Chắc là vấn nạn này đã được nêu lên khá sớm trong các giáo đoàn. Các tín hữu không biết ngày nào Chúa sẽ quang lâm, nên lo sợ phải chết trước ngày đó. Thánh Phao-lô trấn an họ (4,15-18). Lòng trông cậy của người tín hữu phải dựa vào biến cố Đức Ki-tô phục sinh và quyền năng của thiên Chúa đã cho Đức Ki-tô phục sinh. Người tín hữu chẳng bao giờ chết mãi. Chúa phục sinh sẽ không quên ai. Mọi người sẽ được tham dự vào ngày trọng đại kia và sự vinh quang đó. Bấy giờ các tín hữu đã chết sẽ sống lại trước rồi cùng các tín hữu đang sống đi đón Chúa để được ở cùng Người mãi mãi.

Thánh Phao-lô dạy như thế, dựa vào một lời của Chúa (x 4,15). Ngài dùng những hình ảnh của truyền thống khải huyền trong Do thái giáo. Tiếng Tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn sẽ phát lệnh của Chúa.. Điều đáng lưu ý là thánh Phao-lô bảo đừng có mất giờ ngồi tính toán, vì ngày đó sẽ đến bất ưng như kẻ trộm lúc ban đêm. Người ta cứ tưởng là bình an, nào ngờ chính lúc đó tai ương lại ập đến (5,2-3. Do đó, mối ưu tư duy nhất là phải luôn luôn sẵn sàng chờ Chúa đến, nên phải tỉnh thức không ngừng.

4,2 Trong thư 2 Tx

Trong thư thứ hai, mối ưu tư của thánh Phao-lô lại khác hẳn. Có một số tín hữu tưởng rằng Chúa Ki-tô đã gần đến, nên sống như Ngừoi đã đến rồi. Họ dựa vào một lời của thánh Phao-lô mà họ không hiểu rõ (2 Tx 2,1-2). Họ sống vô trật tự (3,6), không chịu khép mình vào kỷ luật đời sống hàng ngày và chẳng chịu làm gì nữa (3,10-12). Để giải quyết vấn đề đó, chương 2 đã phải tỉ mỉ nói đến các biến cố sẽ xảy ra trước ngày Chúa đến cho người ta đừng có ảo tưởng. Thật vậy, Chúa sẽ đến phạt kẻ bất tín và thưởng người hiếu trung (1,8-12). Nhưng Người chỉ đến sau khi có một số các đảo lộn sẽ xẩy ra, như truyền thống Do thái vẫn nói và như lời Chúa dạy trong Tin Mừng.(Mc 13). Đại khái, các biến cố sẽ xẩy ra như sau:

4,2,1 Thế giới phân đôi

Sa-tan đã họat động trong thế gian rồi. Bằng chứng là tín hữu đang bị bắt bớ. Thế giới sẽ phân làm hai hạng người: người tin và kẻ không tin. Số kẻ không tin mỗi ngày một tăng thêm. Đâu đâu cũng tràn ngập gian dối và bất công. Tệ hại nhất là những sự gạt gẫm; người ta sẽ lấy điều giả làm thật, cho bất công là công bình.

4,2,2 Nhiều người bỏ đạo

Rồi sẽ đến thời người ta bỏ đạo

Lúc ấy tên Vô đạo sẽ xuất hiện. Y là một tên Phản Ki-tô, hiện thân của mọi sự gian tà độc ác. Y làm những điều lạ lùng để lôi cuốn vào đường sai lạc những kẻ không có lòng yêu mến sự thật (2,10). Y dám tự phụ mình là Thượng đế và vào ngồi trong đền thờ. Lúc thánh Phao-lô viết thư này, tên Vô đạo kia chưa xuất hiện, vì có điều và có người còn đang cầm chân nó (3,6-7). Thánh Phao-lô muốn ám chỉ gì, hiện nay người ta không rõ, nhưng chắc chắn độc giả thời bây giờ đã phải hiểu. Dù sao, thời gian từ khi viết thư này cho tới khi tên Vô đạo kia xuất hiện, theo thánh Phao-lô, không biết còn bao lâu nữa.

4,2,3 Tên Phản Ki-tô bị tiêu diệt

Như vậy, ai sống như Chúa đã đến rồi là đã quên giáo lý của thánh Phao-lô (2,3); họ thật lầm lạc khi sống thoải mái như vậy, và chẳng hiểu gì về các cuộc giao tranh và rối loạn trong thời sau hết.

Trước khi Đức Ki-tô toàn thắng, cuộc chiến đấu sẽ cam go hơn nhiều; ai nấy phải tỉnh thức và sáng suốt hơn bao giờ hết. Vẫn biết Tin Mừng đã kêu gọi chúng ta tham dự vào vinh quang của Chúa (2,14), nhưng trước khi tới vinh quang, tín hữu phải chịu bắt bớ và khổ cực (1,4-5). Người ta chỉ có thể chịu được như thế, nếu biết tiến bước trong đức tin, đức cậy, đức mến và lòng kiên trì.

Do đó, sánh với thư 1 Tx, vấn đề Chúa đến đã đuợc tương đối hóa. Theo thư 2 Tx thì chính vì chúng ta đang sống ở đầu thời kỳ khải huyền, nên không được hấp tấp đảo lộn mọi trật tự trong cộng đoàn cũng như ngoài xã hội, lại phải tránh thái độ của những kẻ muốn sống như đã chiến thắng rôi, đang khi chưa có gì kết thúc. Nếu cần, phải đoạn tuyệt với bọn họ (3,14). Chính màn cuối cùng mới phân biệt thắng bại, nhưng chưa đến màn áp chót.

Kết luận

Như vậy, thư gửi tín hữu Thê-xa-lo-ni-ca đã nêu rõ vấn đề mà trải qua bao thời đại Ki-tô giáo đã không ngớt gặp phải, khi suy nghĩ về đức tin và đức cậy của mình. Hai thư Thê-xa-lo-ni-a thật là những tài liệu quan trọng về Hội thánh thời xưa và niềm trông đợi của Hội thánh thời ấy. Hai thư không khai triển các tín điều nhưng không phải vì vậy mà được coi nhẹ, bởi vì hai thư đã nói lên niềm tin chung của các tín hữu tiên khởi và kinh nghiệm bản thân của các nhà truyền giáo đầu tiên. Trong hai thư này, người ta đọc thấy nào là tình yêu của Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, nào là niềm tin vào Đức Ki-tô là Chúa, Đấng được tín hữu khát mong trở lại, nào là họat động phong phú của Chúa Thánh Thần trong lời rao giảng của các nhà tryền giáo và trong đời sống của các giáo đoàn. Mọi người tin chắc sẽ có phục sinh, ai nấy đều kiên trì trong cơn bách hại, tình yêu huynh đệ làm cho các tín hữu và các giáo đoàn liên đới với nhau... Người tín hữu có thể nào không năng đọc lại những bản văn phong phú này ? Làm sao họ không tìm thấy ở đó lời kêu gọi sống ngày nay niềm tin mãnh liệt như ngày xưa ?

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris, trang 2863-2869)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khuyên sống đời thánh thiện theo Chúa Kitô Phục Sinh
Bùi Hữu Thư
06:02 20/04/2009

Đức Thánh Cha khuyên sống đời thánh thiện theo Chúa Kitô Phục Sinh



Ngài nói Phục Sinh là nhịp cầu cho chúng ta đạt được hạnh phúc vĩnh cửu

CASTEL GANDOLFO, Ý, 19 tháng 4, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định rằng Chúa Kitô Phục Sinh đang ở với chúng ta trong Mình Thánh, để trợ giúp chúng ta trên đường toàn thiện và đạt được cuộc sống vĩnh cửu với Người.

Đức Thánh Cha nói như vậy ngày Thứ Hai, trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh, ngày 13 tháng 4, trước khi đọc kinh Regina Caeli với mọi người tụ tập tại tư thất của ngài ở Castel Gandolfo, phía nam Rôma. Chương trình này cũng được chiếu hình tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng trong những ngày Lễ Phục Sinh, lời Chúa Giêsu vang vọng: “Ta đã sống lại và Ta ở với các con luôn mãi."

Ngài nói, "Thật vậy, khi sống lại từ kẻ chết, Chúa Giêsu khai mạc ngày vĩnh cửu của Người và cũng mở cửa cho niềm hân hoan của chúng ta.”

Đức Thánh Cha giải thích, "Dân Chúa, với Chúa Kitô là đầu, được tăng trưởng qua các thế kỷ cho đến khi kế hoạch cứu chuộc được viên mãn.”

Ngài tiếp, "Rồi, tất cả nhân loại sẽ được kết hợp với Người và mọi thực tại hiện hữu sẽ bị chiến thắng toàn vẹn của Người xâm chiếm."

Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định: "Do đó tất cả chúng ta, cộng đồng Công Giáo phải vui mừng, vì sự Phục Sinh của Chúa đảm bảo cho kế hoạch cứu chuộc thiêng liêng chắc chắn được hiện thực, mặc dầu có nhiều sự mơ hồ trong lịch sử.

"Chính vì vậy mà cuộc Vượt Qua của Người thực sự là niềm hy vọng của chúng ta. Và chúng ta, được sống lại với Người qua phép rửa, bây giờ phải trung thành theo người trong cuộc sống thánh thiện, và tiến bước về Lễ Vượt Qua vĩnh cửu, được nâng đở bởi ý thức rằng các khó khăn, các tranh đấu thử thách của cuộc sống con người, kể cả cái chết, không còn có thể ngăn cách chúng ta với Chúa và tình yêu của Người.

"Sự sống lại của Người tạo được một nhịp cầu nối liền thế gian này với cuộc sống vĩnh cửu, trên đó mọi người nam và nữ có thể vượt qua để đạt đến đích điểm đích thực của cuộc hành hương trần thế."

Sự Hiện Diện Đích Thực

Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu giữ lời hứa là sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi, trên hết bởi sự hiện diện của Người trong Thánh Thể.

Ngài giải thích rằng “Chính trong mọi cử hành Thánh Lễ, Giáo Hội và mọi thành phần có cảm nghiệm về sự hiện diện sống động của Người, và được hưởng thụ tất cả sự phong phú của tình yêu Người."

Ngài tiếp, "Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Phục Sinh hiện diện và thương xót thanh tẩy tội lỗi chúng ta; Người nuôi dưỡng tinh thần chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng mọi thử thách khó khăn trong đời và chống trả tội lỗi và sự dữ."

Do đó, Đức Thánh Cha khẳng định, “Người là nguồn trợ lực vững mạnh trong cuộc lữ hành của chúng ta về nơi trú ngụ vĩnh cửu trên Thiên Đàng."
 
Vatican: Quốc gia đầu tiên trên thế giới dùng toàn năng lượng mặt trời.
Nguyễn Long Thao
17:03 20/04/2009
VATICAN 20/04/09 - Vatican là quốc gia nhỏ bé nhất thế giới nhưng sẽ là nước đầu tiên xử dụng toàn năng lượng mặt trời.

Theo nguồn tin từ Vatican, Tòa Thánh sẽ chi ra một số tiền 500 triệu Euros, tương đương với 660 triệu Mỹ kim để công ty Đức thiết lập nhà máy sản xuất điện năng từ ánh sáng mặt trời. Theo thiết kế, nhà máy sẽ có công suất 100 megwatts, dư điện năng cung cấp cho 40,000 đơn vị gia cư, có nghĩa là toàn bộ sinh hoạt của Tòa Thánh và đài phát thanh Vatican dùng toàn năng lượng mặt trời

Các tấm bảng để thu năng lượng mặt trời sẽ che phủ một khu đất rộng 740 mẫu tây tại Santa Maria di Galeria là nơi đài phát thanh Vatican đang đặt các cột trụ phát sóng.

Tưởng cũng nên nhắc lại, từ lâu Tòa Thánh đã có chính sách làm sạch môi trường. Xe của Đức Giáo Hoàng không chạy bằng xăng mà bằng điện. Khu nhà nghỉ mùa hè của Đức Giáo Hoàng tại Castel Gandolfo dùng điện năng sản xuất từ khí Methane do phân ngựa bốc ra. Trên nóc nhà sảnh đường Phaolô VI được trang bị với 2400 tấm bảng thu năng lượng mặt trời để sưởi ấm vào mùa đông và chạy máy lạnh vào mùa hè. Nay với dự án mới, toàn thể quốc gia Vatican sẽ sử dụng năng lượng mặt trời.

 
Tạp chí Newsweek: “Nước Mỹ Kitô giáo” đang suy thoái và sụp đổ
Phụng Nghi
21:47 20/04/2009
WASHINGTON (CNS) - Biên tập viên Jon Meacham thuộc tạp chí Newsweek đã cho rằng “nước Mỹ Kitô giáo” đang trong tình trạng “suy thoái và sụp đổ.” Đây là một bài mà chủ đề được nêu ngay ngoài trang bìa số báo ra ngày 13 tháng 4 và được rất nhiều người nói tới.

Thế thì chuyện đó thực hư ra sao còn tùy thuộc vào cách thức người ta định nghĩa tỉ mỉ thế nào “nước Mỹ Kitô giáo” cũng như định nghĩa thế nào là “suy thoái và sụp đổ.”

Ông Meacham chỉ vào một điều khám phá thấy trong Cuộc thăm dò về việc Theo đạo tại Hoa kỳ (American Religious Identification Survey) công bố hồi tháng 3 năm nay, cho biết rằng tỷ lệ số người Mỹ tự cho là không theo tôn giáo nào đã gần như gấp đôi: từ 8.2% năm 1990 tăng lên thành 15% vào năm 2008. Ông dám chắc rằng người theo Kitô giáo nay không còn là “một sức mạnh trong nền chính trị và văn hóa Hoa kỳ hơn bất cứ thời kỳ nào khác trong ký ức gần đây.”

Một số người nói rằng đó là lý do tại sao đảng Cộng hòa, đã từ lâu là một đồng minh tự nhiên của cánh hữu Kitô giáo, đã mất cả Thượng và Hạ viện trong cuộc bầu cử năm 2006. Con số thành viên Quốc hội của họ còn co cụm lại nhiều hơn nữa trong những cuộc bầu cử năm 2008 khi ứng viên đảng Cộng hoà tranh cử chức vụ tổng thống là Thượng nghị sĩ John McCain bang Arizona bị thảm bại trước Barack Obama cả về số phiếu phổ thông lẫn phiếu của cử tri đoàn.

Những người khác nêu lên trường hợp James Dobson, một trong những người ủng hộ không nao núng một nghị trình chính trị Kitô giáo, và quyết định của ông bước xuống khỏi vai trò đứng đầu Focus on the Family (Lấy Gia đình làm Trọng điểm), một tổ chức ông thành lập tại Colorado. Tuy nhiên, Dobson đã phản bác lại tin tức của giới truyền thông loan rằng ông đã đầu hàng trong các “cuộc chiến đấu về văn hóa”, ông khẳng định rằng không hề “rút lui khỏi khu vực công cộng.”

Một số nhà quan sát cho rằng vụ tai tiếng gây ra do chuyện lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ nổ ra năm 2002 đã làm thiệt hại cho uy thế luân lý của giáo hội, và đã có lúc làm yếu đi ảnh hưởng của uy thế đó trên chính sách.

Trong bài giảng hôm thánh lễ nhậm chức ngày 15 tháng 4 mới rồi, tân tổng giám mục New york là Timothy M. Dolan, đã ám chỉ đến sự thách đố những nhà lãnh đạo giáo hội có thể phải đối đầu để truyền đạt được các sứ điệp của mình: Với “những thiếu thốn, những cắt giảm, người ta bực dọc với giáo hội hoặc ngay cả bỏ giáo hội mà đi, và chúng ta dường như không còn khả năng làm cho thông điệp của Tin Mừng đáng còn tin cậy nữa. Chúng ta chả có lúc giống như hai môn đệ chán nản trên đường đi tới Emmaus đó sao?”

Nhưng những con số trong cuộc thăm dò, giống như những con số ông Meacham trưng dẫn, có thể được diễn dịch để đem ra đo lường mức hiệu quả trong nghị trình chính sách công cộng của bất cứ một tổ chức tôn giáo nào chăng?

“Tôi không chắc chắn điều đó. Càng lúc càng khó mà nói được, chẳng hạn, là có cái gọi là số phiếu Công giáo.” Đó là ý kiến của bà Mary Gautier, một chuyên gia nghiên cứu thâm niên tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Tông đồ giáo dân (Center for Applied Research in the Apostolate, gọi tắt là CARA) tại trường đại học Georgetown ở Washington.

Lời Christel Manning, một giáo sư xã hội học tại trường Đại học Thánh tâm ở Fairfield, Connecticut: “Một khối bảo thủ đáng tin cậy – có lẽ đang thay đổi.”

Bà Manning nói: Cuộc nghiên cứu thực hiện năm 2002 cho biết rằng “cánh hữu tôn giáo đã rất thành công khi liên kết Kitô giáo với chủ nghĩa bảo thủ đến nỗi một số Kitô hữu đã không còn liên kết nữa. Thay vì tự xưng là tín hữu Kitô giáo, họ muốn không có sự liên kết với tôn giáo nào hết.”

Bà nói tiếp: “Đã có một số những cuộc nghiên cứu cho thấy rằng giới trẻ theo đạo Tin lành Evangelical đang không mấy quan tâm đến các vấn đề mà cái gọi là cánh hữu tôn giáo đã quan tâm trong quá khứ.”

“Người trẻ theo đạo Evangelical quan tâm hơn đến việc cứu lấy hành tinh…khoan dung hơn về vấn đề đồng tính luyến ái. Thế hệ trẻ người Evangelical coi một mức độ nào đó về bình đẳng giới tính là điều tự nhiên, không cần phải quan tâm. Điều đó có thể dẫn người ta đến chỗ tin rằng thế hệ trẻ người Evangelical cấp tiến hơn thế hệ già nua.”

Việc tự định nghĩa thế nào là Kitô giáo cũng là chuyện dễ đổi thay. Bà Manning cũng viện dẫn những cuộc nghiên cứu do tác giả Christian Smith thực hiện và nói: “Mặc dầu nhiều người tự cho mình là Kitô hữu, nhưng nhiều người trong số đó lại không biết nhiều về tôn giáo của mình.”

“Khi bạn hỏi họ về các giáo lý đặc thù của tôn giáo họ, quả thực họ không trả lời được… Việc họ hiểu biết Thiên Chúa là ai… ý niệm coi Thiên Chúa như là một người tốt lành, như một người ở cao trên kia, yêu thương bạn và săn sóc cho bạn, sẽ nuôi bạn ăn nhưng không đòi hỏi nhiều nơi bạn” đã được Smith mô tả như là “chủ nghĩa thần luận trị liệu về luân lý (moral therapeutic deism)”. Một thứ hệ thống tín ngưỡng như thế có tạo thành Kitô giáo chân chính hay không?”

Một cuộc thăm dò của trường đại học Princeton theo sự ủy nhiệm của báo Newsweek cho biết có những khoảng cách rộng lớn về suy tư giữa những người theo đạo Tin lành Evangelical với người Công giáo, là trọng tâm phần lớn bài viết của ông Meacham.

Người Công giáo gần gũi hơn với các đối tác theo đạo Tin lành không thuộc phái Evangelical, trong việc tuyên bố rằng tôn giáo là điều rất quan trọng đối với cuộc sống của họ: 55% số người Công giáo và 54% số người Tin lành không thuộc phái Evangelical, so với 89% số người Tin lành Evangelical. Tỷ lệ chung nơi toàn bộ người Kitô giáo là 67%. Thực ra, số người Công giáo nói rằng tôn giáo là rất quan trọng đều thấp hơn nơi cả người theo đảng Cộng hòa (66%) lẫn người theo đảng Dân chủ (60%).

Khi được hỏi là yếu tố tôn giáo chi phối việc tham gia đảng phái chính trị như thế nào, đa số người Công giáo (46%) nói rằng không có ảnh hưởng nào hết; còn 48% người Tin lành Evangelical nói rằng tôn giáo là một ảnh hưởng lớn.

Tỷ lệ số người Công giáo theo đảng Dân chủ hơn theo đảng Cộng hòa cao hơn các nhóm Kitô giáo khác: 50% so với 17%. Trong tổng số tất cả người theo Kitô giáo, có 25 % theo đảng Cộng hòa, 40% theo đảng Dân chủ.

Ngay cả người Tin lành Evangelical cũng ưa chuộng đảng Dân chủ (35%) hơn đảng Cộng hoà (33%). Còn người Tin lành không theo phái Evangelical, thì tỷ lệ này là 39% và 22%.

Lời bà Gautier: “Theo cuộc nghiên cứu khung cảnh tôn giáo của Pew khoảng một năm trước đây và những cuộc nghiên cứu tương tự, thì người Công giáo có khuynh hướng vẫn theo Công giáo, vẫn tự mô tả mình là người Công giáo, hơn hết các nhóm khác. Họ có khuynh hướng vẫn ở lại trong giáo hội Công giáo hơn người Presbyterian ở lại trong giáo hội Presbyterian, hơn người Lutheran ở lại trong giáo hội Lutheran, v.v.”

Đồng nghiệp của bà, ông Mark Gray, phụ trách những cuộc thăm dò bằng điện thoại của tổ chức CARA (Center for Applied Research in the Apostolate) nói rằng mức độ thường xuyên tham dự các phụng vụ nơi thánh đường mới là thước đo rõ rệt hơn việc tự nhận theo chi phái tôn giáo nào. Và kể từ năm 2000 khi CARA khởi đầu thăm dò về vấn đề này đến nay, tỷ lệ người Công giáo tham dự thánh lễ hàng tuần vẫn giữ mức ổn định – điều đó có nghĩa là con số này đã gia tăng theo với đà gia tăng dân số Công giáo Hoa kỳ.

Ông Gray nói: “Chúng ta là những kẻ ngoại lệ. Chúng ta là những người đặc biệt, khi nhìn vào những nước khác trong thế giới dân chủ đã kỹ nghệ hóa… ta hơn bất cứ quốc gia tương tự nào” xét về khía cạnh tôn giáo. Như trở lại với những nhận xét về nền dân chủ Hoa kỳ của ông (Alexis) de Tocqueville vào năm 1830.”

Ông Gray cho biết: Cuộc Thăm dò việc Theo đạo của người Mỹ cho thấy có một tỷ lệ cao đáng ngạc nhiên số người vô thần đi tham dự việc phụng tự ở nhà thờ, và chuyện về sự gia tăng tỷ lệ số người Mỹ nói họ không còn dính dáng đến một tôn giáo nào đã được đề cao quá mức.”

Ông nói thêm: Dựa vào chuyện mức xuống thấp gần gấp đôi “tới hai hàng số” người Mỹ nói mình không theo tôn giáo nào để tuyên bố rằng tôn giáo đang xuống dốc là chuyện “điên rồ”. “Chuyện ở trang bìa tạp chí Newsweek là chuyện khùng.”
 
Top Stories
Sri Lanka: Des milliers de civils fuient la zone des combats
Eglises d'Asie
23:38 20/04/2009
Lundi 20 avril, le président sri-lankais Mahinda Rajapakse a annoncé que l’armée avait ouvert une brèche dans la ligne de fortification des Tigres libérateurs de l’Eelam tamoul (LTTE), permettant à des milliers de civils de fuir la zone des combats où ils étaient piégés depuis plusieurs semaines dans des conditions qualifiées de « désespérées » par la communauté internationale (1). Martelant que la « défaite complète » de la guérilla est désormais consommée, le chef de l’Etat a donné 24 heures (jusqu’à mardi 21 avril, midi - heure locale -) aux Tigres et plus particulièrement à leur chef Velupillaï Prabhakaran, dont on ne sait s’il est toujours en vie, pour « se rendre ou mourir ».

Cet exode massif de civils intervient alors que se multiplient dans le monde les manifestations de soutien aux populations tamoules du Sri Lanka (2) ainsi que les appels au cessez-le-feu des principaux organismes internationaux, de l’ONU, de l’UNICEF, ou encore des Etats qui se sont proposés comme médiateurs dans le conflit (3).

La trêve de 48 heures (les 13 et 14 avril), décrétée par Mahinda Rajapakse pour célébrer le Nouvel An bouddhiste, s’était achevée sans avoir permis l’évacuation humanitaire des civils, telle que l’avait demandé la communauté internationale (4). Après avoir refusé la prolongation du cessez-le-feu, les demandes de négociations des séparatistes tamouls, puis les propositions de médiation internationale, Colombo avait annoncé l’assaut final contre les Tigres, déclarant s’engager dans la plus grande opération « au monde visant à sauver des otages » (5). Avec la reprise des combats, plus violents que jamais (des sources pro-tamoules ont fait état de près de 200 morts parmi les civils, trois heures seulement après la fin du cessez-le-feu, chiffres démentis par le gouvernement), de nombreuses voix s’étaient jointes à celle de John Holmes, coordinateur des secours d’urgence de l’ONU, lequel avait déclaré craindre « un bain de sang » pour les populations civiles. De son côté, l’évêque de Jaffna, Mgr Thomas Savuntharanayagam, qui avait souligné la concomitance des fêtes de Pâques et du Nouvel An sri-lankais, célébrations rassemblant les deux communautés dans « la même paix », avait supplié le LTTE et le gouvernement de « stopper la guerre et d’autoriser la population à se mettre en sûreté » (6).

C’est dans ce contexte de plus en plus tendu, que l’armée sri-lankaise a annoncé le 20 avril être entrée dans la zone d’une quinzaine de km2 dans laquelle se retranchaient les rebelles, piégeant également avec eux 150 000 à 190 000 civils. Après avoir annoncé dimanche 19 avril le « sauvetage » de quelque 5 000 personnes, les forces armées ont diffusé le lundi 20 avril la nouvelle de l’exode de dizaines de milliers de civils rejoignant les territoires sous le contrôle du gouvernement. Le site Internet des rebelles, a dénoncé quant à lui, le massacre par les forces armées de « centaines de civils ».

S’appuyant sur des images vidéo aériennes, le président sri lankais a déclaré à l’AFP qu’une foule de personnes « dont le nombre ne pouvait encore être fixé », mais qu’il évaluait à 35 000 civils, s’était échappée à pied ou à la nage, de la zone des combats. Pour le moment, la plupart des réfugiés seraient bloqués dans les zones de checkpoint où les militaires vérifieraient qu’aucun rebelle ne se serait glissé parmi eux. Il a été rapporté, mais sans aucune confirmation officielle, trois attentats suicides de Tigres tamouls dans cette zone de contrôle, lesquels auraient fait 17 morts et 200 blessés, toujours selon les sources militaires.

Si la guérilla des Tigres tamouls, que l’on disait la plus puissante d’Asie, semble aujourd’hui en passe d’être écrasée comme s’y était engagé Mahinda Rajapakse lors de son élection en 2005, le conflit entre Tamouls et Cinghalais en revanche, n’aura cessé de se durcir au fur et à mesure que s’intensifiait la tragédie humanitaire des civils au nord du pays.

Les Eglises chrétiennes du Sri Lanka qui s’emploient depuis le début de la guerre civile à tenter de réconcilier les deux communautés, ont conscience des difficultés que devront affronter ces populations, quelle que soit l’issue du conflit. Dans leur message de Pâques, Mgr Oswald Gomis, archevêque catholique de Colombo et président de la Conférence épiscopale du Sri Lanka, Mgr Duleep de Chickera, évêque anglican de Colombo et le P. Sebastian Maria Anthony, Provincial des jésuites du Sri Lanka ont ainsi appelé à prier pour « la paix dans le pays et la fin des souffrances de la population civile » et ont réitéré leur conviction que le conflit ne pouvait trouver de règlement que par le dialogue et non par la force.

(1) Voir EDA 505, 503, 501, 500, 499, 497, 496, 495, 493, 492
(2) Entre autres, les manifestations du 19 avril à Paris et du 20 avril à Londres.
(3) Il s’agit essentiellement de la Grande-Bretagne, de la Norvège (mais à la suite d’une manifestation le 13 avril dernier à Oslo en faveur des Tamouls, Colombo a déclaré que la Norvège ne pourrait plus servir de médiateur dans le conflit sri-lankais), de l’Inde, du Japon, des Etats-Unis et de l’Union Européenne.
(4) La Croix-Rouge Internationale (CICR) a pu cependant évacuer plus de 900 personnes pendant la trêve.
(5) AFP, 20 avril 2009
(6) Daily News, 13 avril 2009

(Source: Eglises d'Asie, 20 avril 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội tân tòng năm 2009 tại Tuy Hòa, Quy Nhơn
GX Tuy Hòa
06:49 20/04/2009
ĐẠI HỘI TÂN TÒNG 2009 TẠI TUY HÒA

Chương trình đại hội Tân Tòng-Dự Tòng năm 2009 đã diễn ra đúng theo dự kiến ban đầu. Từ sáng sớm Chúa Nhật II Phục Sinh, 19.4.2009, tại sân tu viên các nữ tu Phaolô Chartres đã thấy xuất hiện các anh em Tân tòng thuộc giáo xứ Tịnh Sơn và Đa Lộc thuộc giáo xứ Đồng Tre. Đặc biệt nhất là các Tân Tòng thuộc giáo xứ Tịnh Sơn gồm có 6 anh em người dân tộc Gia-rai trong số 24 tuyển nhân dự tòng vừa được gia nhập đạo hôm ĐêmVong Phục Sinh tại Nhà thờ Tịnh Sơn.

Rồi lần lượt các đơn vị Tân Tòng và dư tòng thuộc giáo xứ Tuy Hòa cũng lục tục kéo đến. Trong biến cố mục vụ quan trọng nầy, một số các cha trong giáo phận, giáo hạt cũng đã trở về đồng hành và chia sẻ với các anh chị em Tân Tòng và Dự Tòng. Đó là quý cha: Phêrô Võ tá Khánh, Quý cha thuộc dòng Đồng Công, chi nhánh tại Tuy Hòa, cha phó xứ Tuy Hòa Phêrô Ngyễn Xuân Hòa.

Đúng 8.30 tất cả tập trung vào nguyện đường Phaolô để chính thức khai mạc ngày Đại Hội. Trong dịp đặc biệt nầy, các anh em tân tòng dân tộc đã trình bày một bài hát bằng tiếng Giarai và một nghệ nhân, anh Y Thanh đã biểu diễn dùng bàn tay, và các ngón tay biểu diễn các loại tiếng kêu của các loài chim. Sau đó, cha chính xứ triển khai nội dung chủ đề ngày Đại Hội lần thứ IV: "THẦY BIẾT CON YÊU MẾN THẦY". Tiếp nối chương trình là sinh hoạt chia sẻ cảm nghiệm đức tin. Bác Ký, nhập đạo từ năm 2000, cho tới hôm nay vẫn cảm nhận được hồng ân cao quí của đức tin và sẽ chọn ngày 1.5 tới đây để mừng kỷ niệm và tạ ơn tròn 10 năm tin Chúa "THẦY BIẾT CON YÊU MẾN THẦY"..

Kế đó là những tâm tư chân thành của dự tòng Hoàng Công Chiến được bộc bạch qua chính bài thơ do anh viết mang tựa đề Phục Sinh, nói lến tâm tư cảm tạ Chúa đã dẫn lối đưa đường đến với đức tin Công Giáo.Sau đó là những tâm tình đơn sơ dễ thương của tân tòng Maria Lưu Nguyễn Tố Trân, chia sẻ khúc quanh cuộc đời kể từ khi chấp nhận tiến tới hôn nhân với người bạn đời Công Giáo. Riêng, một tân tòng tại giáo họ Đa Lộc, anh Đoàn Cảnh Lệ đã chia sẻ về hồng ân đức tin và thể hiện hồng ân đó qua cuộc sống dấn thân phục vụ cộng doàn Hội Thánh địa phương trong tin yêu phó thác.

Sau cùng, một dại diện của nhóm anh em tân tòng dân tộc đã chia sẻ về biến cố quyết định đến với đức tin Công Giáo. Chương trình còn được tiếp nối bởi trò chơi năng động thâm nhập chủ đề. Cao điểm của Này Đại Hội chính là Thánh lễ đồng tế với bài chia sẻ sống động của Cha Phêrô Võ tá Khánh về cách thức "làm Tông đồ" của Chúa Giêsu và sứ mênh Tông đồ của mỗi người hôm nay. Sau thánh lễ, trưởng ban mục vụ Tân Tòng-Dự Tòng, anh Giacoobee Trương Huy, một tân tòng nhập đạo từ 2003, đã nói lời tri ân cảm tạ và trao hoa cho quí cha và những người liên hệ vói sinh hoạt Dự Tòng - Tân tòng. Bữa cơm trưa thân mật sau đó được tổ chức tại Hội trường giáo lý giáo xứ Tuy Hòa. Cuộc Đại hội lần thứ IV đã để lại trong tâm hồn mỗi tham dự viên niềm phấn khổi hân hoan. Đại Hội bế mạc lúc 1.30.
 
Sinh hoạt giáo xứ Tam Tổng thuộc giáo phận Thanh Hóa
Lm. Raphael Đỗ Minh Tuấn
23:18 20/04/2009
THANH HÓA - Lần đầu tiên sau bao năm bị cấm cách và bách hại, người giáo dân giáo xứ Tam tổng, giáo phận Thanh Hoá mới có thánh lễ mừng Chúa Phục sinh tại các giáo họ. Mặc dù chỉ cử hành lễ tại gia đình người giáo dân, nhưng mọi người đều phấn khởi vui mừng. Hiện nay, giáo xứ Tam tổng chỉ có một ngôi nhà thờ phục vụ cho sấp sĩ 10 ngàn tín hữu. Trước 1975, giáo xứ đã có tới 6 ngôi nhà thờ, gồm 1 nhà thờ giáo xứ và 5 nhà thờ giáo họ. Do thời thế nhiễu nhương, nên giáo dân tại các họ lẻ đã không thể giữ lại được ngôi nhà Chúa cho mình để làm nơi sinh hoạt tôn giáo. Không phải chỉ có mình giáo xứ Tam tổng mới bị phá đi các ngôi nhà thờ họ lẻ, mà hầu hết các xứ đạo trong huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh hoá đều bị phá bỏ ngôi nhà thờ giáo họ như vậy. Tại huyện Nga Sơn có 7 giáo xứ với tổng số 25,187 giáo dân.

Xem hình ảnh

Trong tuần bát nhật phục sinh, giáo xứ đã tổ chức 4 thánh lễ tại các gia đình thuộc địa bàn 3 xã Nga Liên, Nga Tiến, Nga Thanh trong giáo xứ Tam tổng. Đây là dịp thuận lợi giúp cho các ông già bà cả neo đơn, tàn tật được tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích thánh trong mùa phục sinh. Trước khi cử hành thánh lễ, cha chính, cha phó đã cử hành bí tích hoà giải cho quý ông bà già neo đơn tàn tật. Trong thánh lễ, cha xứ đã cử hành bí tích xức dầu. Sau thánh lễ, quý ông bà già neo đơn nhận quà (tổng số 174 xuất) nhân dịp mừng lễ Chúa Phục Sinh 2009.

Đây là một hoạt động bác ái bên cạnh nhiều sinh hoạt đạo đức khác mà giáo xứ đã làm trong thời gian mùa chay và tuần thánh vừa qua. Ngoài truyền thống học giáo lý, kinh thánh và ngắm nguyện (Suy Ngắm Sự Thương Khó Chúa Giêsu) mùa chay trong toàn thể giáo phận Thanh hoá từ xa xưa, giáo xứ Tam tổng còn có nhiều sinh hoạt hội đoàn đạo đức khác nhân dịp mua chay thánh năm 2009 này. Chẳng hạn như: Hội Legio Mariae viếng thăm, khuyên nhủ những người tội lỗi trở về với Chúa và Giáo Hội; Gia đình Khôi Bình giúp hoà giải các gia đình bất hoà; Các em ca đoàn góp tiền mua gạo làm quà tặng cho các ông bà già neo đơn tàn tật....

Ngoài ra, trong mùa chay thánh năm giáo dục đức tin gia đình công giáo, quý bậc phụ huynh và giới trẻ cũng đã được quý cha trong giáo phận về giúp tĩnh tâm, học hỏi về thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và thư của Thánh Phaolô Tông Đồ.

Một sự kiện lịch sử khác đã diễn ra tại giáo xứ Tam tổng trong những ngày tuần thánh vừa qua, đó là Thánh Lễ Làm Phép Dầu được Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận cùng với quý cha và giáo dân trong toàn giáo phận cử hành một cách trọng thể vào ngày thứ tư tuần thánh, mồng 08 tháng 04 năm 2009. Gọi là sự kiện lịch sử vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 150 năm thành lập, giáo xứ Tam tổng mới có thánh lễ làm phép dầu. Trong ngày lịch sử trọng đại này, giáo xứ có thêm một hội đoàn được chính thức thành lập, đó là Hội Kèn Đồng Nữ Giới, gồm 30 chị em, những người đã có gia đình. Ngoài hội kèn đồng nữ giới, giáo xứ cũng đã có hội kèn đồng nam giới, với tồng số 70 anh em cả già lẫn trẻ. Mọi người ai nầy đều vui mừng phấn khởi. Người người nô nức tuốn về trung tâm giáo xứ để tham dự thánh lễ. Nhà nhà chuẩn bị cơm rượu để tiếp đãi quý khách trong dịp trọng đại này. Ơn thánh Chúa ban cho mọi người trong ngày lễ thật khôn kể xiết. Chẳng thế mà rất nhiều người đã trở về và tham dự Tam Nhật Thánh thật đông đảo. Mọi người đều nhận định là chưa bao giờ mà giáo dân tham dự lễ vọng phục sinh đông như năm nay. Tạ ơn Chúa.

Vì giáo xứ Tam tổng là một giáo xứ đông dân đứng hàng thứ 2 trong giáo phận Thanh hoá, nên giáo xứ cũng có rất nhiều hội đoàn để giúp mọi người sống đạo tốt và tích cực xây dựng giáo xứ qua hội đoàn mình tham dự. Ngoài hội kèn đồng nam nữ, phải kể đến Hội Thánh Thể quy tụ những người đã làm việc trong ban hành giáo xứ họ và các ông cố thân sinh quý cha, quý thầy, quý xơ; Hội Mân Côi tập hợp những bà mẹ quý cha, quý nam nữ tu sĩ và các bà làm việc trong ban hành giáo xứ họ, cùng vợ quý chức việc đương thời hay đã nghỉ; Hội Legio Mariae; Gia đình Khôi Bình; Ca đoàn Têrêxa gồm các bạn thanh niên nam nữ; Ca đoàn Cecilia gồm các bạn thanh niên nam nữ; Ca đoàn Thánh Cả Giuse gồm anh chị em đã có gia đình; ca đoàn thiếu nhi. Ngoài ra, giáo xứ cũng chia sinh hoạt theo giới tính khác nhau, như Giới Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Giới Hiền Mẫu, Giới Gia Trưởng. Mỗi giới đều có một ca đoàn để phục vụ thánh lễ của giới mình đã được phân công trong mỗi tháng. Hội Lễ Sinh, Giáo Lý Viên, Lớp Dự Tu là những hội đoàn được lập để giúp chính các em sống ơn gọi kitô hữu và tham gia công tác giáo dục đức tin cho thế hệ mần non trong xứ.

Nhìn vào bức tranh giáo xứ vừa nêu trên, mỗi người con dân Tam tổng đều phải cất lời ca tụng ngợi khen Thiên Chúa, vì muôn hồng ân mà Ngài đã tuôn đổ xuống cho mọi người, mọi nhà. Ai cũng tự hào vì mình là con cái Giáo Hội, sinh ra và lớn lên trong lòng Hội Thánh. Đồng thời, ai cũng có bổn phận cùng nhau xây dựng Hội Thánh, để Hội Thánh trở thành dấu chỉ và khí cụ phục vụ Nước Thiên Chúa, nhờ đó mà muôn người được ơn cứu độ của Đức Kitô, Đấng đã phục sinh vinh hiển.
 
Đức Kitô Phục Sinh - Chứng nhân Tình Yêu
Ngọc Lương
23:37 20/04/2009
HÀ NỘI - Vào hồi 8h30 ngày 19/04/2009, Nhóm Sinh viên Công giáo Phát Diệm tại khu vực Cổ Nhuế sinh hoạt thường niên, chia sẻ Lời Chúa với chủ đề: “Sự Phục Sinh của Đức Kitô” trích trong Tin Mừng Gioan 20, 1-10. Buổi sinh hoạt có sự đồng hành của quý Thầy Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, cùng đông đảo các bạn sinh viên và đặc biệt có một bạn mới được nhập đạo và một số không cùng Công giáo cũng tham gia.

Nhóm Sinh viên Công giáo Phát Diệm tại Hà Nội thành lập năm 2006, được chia thành những nhóm nhỏ ở các khu vực Thái Hà, Phùng Khoang, Công Nghiệp và Cổ Nhuế. Với những hoạt động bác ái, và sinh hoạt thật sôi nổi, nhất là qua việc chia sẻ Lời Chúa hết sức sống động, áp dụng thực tế trong cuộc sống, phản ánh thiết thực từng “mảnh đời” của các bạn sinh viên.

Đến hẹn lại lên, vào Chúa Nhật II Phục Sinh - ngày kính Lòng Thương Xót của Chúa. Nhóm Sinh viên Phát Diệm khu vực Cổ Nhuế hân hoan đem tin vui Chúa Phục Sinh đến trong ngày họp mặt, địa điểm của chúng tôi tại phòng khách Nhà Đức Mẹ La Vang - cơ sở II của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Buổi sinh hoạt và chia sẻ Lời Chúa trong bầu khí ấm áp tình gia đình, tình anh em đồng hương, đồng đạo. Qua những bài hát sinh hoạt sôi nổi và ý nghĩa như: “Gặp gỡ Đức Kitô biến dổi cuộc đời mình...”, tiếp sau đoạn Tin Mừng là những lời chia sẻ hết sức sống động qua từng kinh nghiệm sống, từng chứng nhân về những cuộc gặp gỡ chia sẻ của quý Thầy và của các bạn sinh viên.

Qua những câu hỏi đầy ý nghĩa đối với các bạn sinh viên: Căn cứ vào đâu bạn biết Chúa Phục Sinh? Tại sao khi Phục Sinh, Chúa không hiện ra với các đồ đệ thân tín mà lại hiện ra trước tiên với người phụ nữ?..... Một hồi qua rất nhiều ý kiến giải thích và các bạn được “bừng tỉnh”....!!!

Các bạn cũng chia sẻ rất thật về mình, bạn Thuỷ chia sẻ: “Thưa các Thầy, thưa các anh chị và các bạn! Em không nói ra tâm sự của em lúc này, về nhà em sẽ cảm thấy cắn rứt....Bạn nói: “gia đình em sống trong một khu vực mà chung quanh là những gia đình không cùng Công giáo, các anh chị của em đều đi làm ăn xa; em lại là con út, ở nhà chỉ có hai mẹ con, nên em sống đạo thấy “khô” lắm. Từ khi lên Hà Nội, em thấy mình gặp rất nhiều những thử thách về đức tin. Nhưng khi gặp Mai - người bạn ở cùng phòng, qua cách sống đạo của bạn đã làm cho đức tin của em được hâm nóng lại; mỗi lần em có chuyện gì vui buồn, em đến nhà thờ gặp Chúa và em không muốn trở về. Vì ở đó, em thấy mình được Chúa nâng đỡ, em cảm thấy hạnh phúc khi được ở gần bên Chúa!. ....Em không biết nói gì, em cảm ơn các Thầy, các anh chị và đặc biệt là cảm ơn Mai!”

Thêm chứng nhân khác, trong một dịp giúp xứ, Thầy Tuân (Hà Nam) đã gặp một anh không cùng Công giáo, bị nhiễm HIV hầu như tuyệt vọng với cuộc sống. Qua gặp gỡ, chia sẻ Thầy đã dần dần dẫn anh đến với Chúa, và lấy tên thánh cho anh là Antôn. Anh có Đức tin và lòng yêu mến Chúa thật lạ, qua những lần Thầy rước Mình Thánh Chúa đến cho anh, khi đọc “Mình Thánh Chúa Kitô” thì mắt anh sáng ra một cách lạ lùng...vào đêm vọng lễ Phục Sinh 2007, khi Thầy được tin anh qua đời, và được nghe những lời sau cùng của anh qua người thân kể lại; trước khi qua đời, anh gọi mẹ đến và nói: “Mẹ à! Cho dù cuộc đời này có quật ngã thân xác con, nhưng không thể quật ngã được linh hồn con”, và khi gần trút hơi thở cuối cùng anh nói: “Antôn đi đây! Có người đến đón Antôn rồi!”. Đời sống của anh hay thật, lòng tin của anh hay thật! Đúng là “đức tin của con đã cứu chữa con” (Lc 8,50). Quả đúng là Chúa Kitô Phục Sinh đã dẫn đưa anh vào hưởng sự sống nơi Người!

Còn rất nhiều những chứng nhân và tâm tình rất cảm động của các bạn.... Vâng! Quả là những chứng nhân hết sức sống động và ý nghĩa. Qua đó, các bạn sinh viên cảm nhận và nhìn lại đời sống đức tin của mình nơi gia đình, nơi học đường, nơi xóm trọ...!!!

Ngày kính Lòng Thương Xót Chúa, cũng là ngày để cho các bạn sinh viên cảm nhận được Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người. Từ cạnh sườn Người đã đổ ra những nguồn sống mới cho nhân loại, cho từng người. Hơn nữa việc Đức Kitô chịu đóng đinh, chịu chết và Phục Sinh để cho Tình Yêu của Thiên Chúa Cha có thể tiếp nhận nhân loại trong sự hiệp thông của sự sống vĩnh cửu, nhân loại từ đây được cứu chuộc và giải thoát.

Lạy Chúa, chúng con cảm ơn Chúa đã cho chúng con những ngày hồng ân này. Xin Chúa tiếp tục qui tụ và thúc bách tâm hồn chúng con, để chúng con hăng say hơn nữa trong việc tìm hiểu tri thức, đào sâu đức tin và xin Tình Yêu Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành cùng anh chị em sinh viên chúng con!
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mục tử im tiếng trước bạo quyền là mục tử không nhân lành
Gioan Lê Quang Vinh
23:29 20/04/2009
Bài viết này kíng tặng Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt với lòng kính phục và yêu mến.
Ngài là người đã củng cố lòng tin yêu cho nhiều thành phần Dân Chúa, nhất là giới trí thức.


Có một giai thoại tôi không nhớ mình đọc ở đâu, rằng nhiều thế kỷ trước, trong lúc Giáo Hội đang gặp nhiều khủng hoảng và thử thách, các vị Hồng Y trong Hội Đồng Cơ Mật của Toà Thánh đang bối rối chọn người kế vị ngai toà Phêrô, thì một vị hồng y dõng dạc lên tiếng: “Nếu các ngài chọn vị giáo hoàng thánh thiện thì chọn vị này, nếu chọn vị khôn ngoan thì chọn vị này, còn nếu thấy giai đoạn này cần vị giáo hoàng can đảm, thì xin hãy chọn… tôi!”. Kết quả là ngài được bầu làm Giáo Hoàng và ngài đã đưa Giáo Hội vượt qua mọi thử thách để bước vào thời kỳ bình an. Chuyện này tôi chưa có cơ hội tìm tài liệu kiểm chứng, nhưng nó chứa đựng một sự thật không ai có thể chối cãi: Giáo Hội cần những vị chủ chăn can đảm và biết quên mình.

Đọc lại Kinh Thánh và nhất là Tin Mừng, chúng ta bắt gặp hình ảnh những người mục tử nhân hậu, yêu thương đoàn chiên, hết lòng vì đoàn chiên và hy sinh mạng sống vì đoàn chiên của mình. Đức Giêsu là người Mục Tử cao cả nhất, đã sống trọn vẹn cho lý tưởng ấy.

Thế nhưng, có một điểm cực kỳ quan trọng mà chúng ta ít chú ý: Để là người mục tử nhân lành, trước hết phải là người mục tử can đảm. Điều này thật dễ hiểu. Nếu người mục tử nhân hậu yêu thương mà lại nhút nhát sợ hãi trước uy lực thì làm sao bảo vệ được đàn chiên khi sói rừng xông đến? Xin hãy nhớ can đảm hay dũng cảm là một trong các nhân đức cần thiết cho đời sống người Kytô hữu. Nhưng thế nào là người mục tử can đảm? Thưa đó là người biết lên tiếng khi cần thiết để bảo vệ đàn chiên, bảo vệ Công lý và Hoà bình; đó là người không sợ nguy khó, không sợ mất quyền lực; và đó còn là người dám nói “Có” khi đa số nói “Không” và ngược lại, miễn là điều mình nói là đẹp lòng Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan diễn tả sự khôn ngoan là làm đúng Thánh Ý Thiên Chúa, vậy người mục tử khôn ngoan phải là người mục tử can đảm.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để quở trách những mục tử không dám lên tiếng bênh vực cho công lý, cho hoà bình và cho đàn chiên: “Quân canh của chúng: Một lũ đui mù, chúng hết thảy đều vô tri vô giác. Hết thẩy, đàn chó câm, không biết sủa, chúng mê sảng, nằm im thin thít, chỉ thích ngủ lười. Lũ chó háu ăn, không hề biết chán, chúng là mục tử mà chẳng biết để ý: Hết thảy chúng ngả theo đường của chúng,mỗi người với lợi riêng tư nơi xó của mình: “Lại đây, qua sẽ kiếm rượu, rượu nồng, ta uống tha hồ, Hôm nay sao, mai rồi cũng thế. Còn bộn, còn quá nhiều!” Người công chính thiệt mạng, mà không kẻ nào bận tâm. Những người nhân nghĩa bị diệt mà không ai màng để ý. Ác đức hoành hành, người lành bị diệt, Nhưng họ sẽ được vào trong an bình. Họ sẽ thảnh thơi an nghỉ, Những ai dõi theo đường ngay nẻo chính” (Isaia 56, 10; 57, 1-2). Chỉ cần đọc đoạn này thôi, chúng ta thấy rõ ràng khi mục tử câm lặng thì đàn chiên thiệt mạng, bị tiêu diệt còn người gian ác thì cứ nhởn nhơ và tiếp tục vờn bắt đàn chiên nhỏ bé.

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu, vị Mục tử nhân lành nhấn mạnh: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, (13) vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” . (Ga 10,11-18). Chúa Giêsu bảo rằng người Mục Tử nhân lành dám hy sinh để bảo vệ chiên mình.

Suy ngắm và cảm nghiệm Lời Chúa sâu xa, Đức Thánh Cha Benedicto XVI của chúng ta là mục tử nhân lành thực sự. Khi còn là Hồng Y, ngài đã lên tiếng vể những mục tử vì sợ hãi mà câm lặng: "Lời Chúa trong Kinh Thánh và những lời của các giáo phụ như vang lên trong đầu tôi: Kết án nặng nề những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Im lặng không phải là bổn phận hàng đầu của người công dân và riêng tôi, tôi kinh sợ cảnh một giám mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột". (trích Muối Cho Đời trang 85). Chính ngài làm chứng cho Lời Chúa và sống điều ngài nói khi ngài luôn lên tiếng để bênh vực sự sống, bênh vực sự thật và sẵn sàng chấp nhận bị oán ghét và chỉ trích bởi những kẻ luôn muốn huỷ diệt mầm sống.

Giáo Hội Việt Nam với truyền thống anh dũng của hàng trăm ngàn tiền nhân tử đạo, can đảm làm chứng cho Tin Mừng, chắc chắn cũng có vô số những chủ chăn nhân hậu và can đảm. Đức Tổng Giám Mục Giuse là một trong những chủ chăn mà sự can trường và lòng nhân hậu đã đánh động rất nhiều tâm hồn Kitô hữu. Khi một số người Công giáo, nhất là giới trí thức, đang chán nản trước một vài chủ chăn qúa im lặng, thì Thiên Chúa gửi Đức Tổng Giuse Hà nội, Đức Cha Tôma Vĩnh Long, Đức Cha Micae Kontum v.v… và các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, và nhiều linh mục can đảm khác. Chính các ngài đã làm bừng lên ngọn lửa mà Đức Giêsu đã đem vào thế gian và mong cho bùng cháy lên, ngọn lửa mà Chúa Thánh Linh đã dùng để ngự xuống ngày lễ Ngũ Tuần. Trong khi đó, cũng thấy rải rác đó đây vài chủ chăn nhát đảm, nghe đến Công Lý, Sự Thật là chết khiếp kêu lên: “Ôi làm vậy để làm gì?”!!!

Có một điều khác biệt lạ lùng giữa xưa và nay là thời các ngôn sứ, thời Chúa Giêsu không có các chủ chăn quốc doanh. Các chủ chăn thời ấy có nhu nhược, yếu kém thì cũng chỉ “lo kiếm rượu rồi tha hồ uống” như Isaia diễn tả, chứ không thấy kiểu chủ chăn quá dè dặt đến khiếp nhược trước bạo quyền, không dám lên tiếng bênh đỡ đoàn chiên bị chèn ép, thậm chí còn cho chiên đi để tiếp đón người có uy quyền. Có những chủ chăn quyền uy trước đàn chiên, nhưng lại nhu nhược trước bất công và bạo lực. Tôi đã thấy có những chủ chăn nói cười tâng bốc các thế lực nhưng lại sẵn sàng đuổi chiên Chúa đi, họ sẵn sàng nghe và làm theo lời người chống đối Thiên Chúa nhưng lại quay lưng trước các vấn nạn của dân Thiên Chúa. Có những chủ chăn mà “người có quyền” bảo nói cái gì, đọc cái gì trong Thánh Lễ thì cũng nói, cũng đọc cho cộng đoàn nghe hết, không nghĩ điều ấy làm xúc phạm đến dân Chúa, nhưng khi giáo dân góp ý thì hét lên: “Có giỏi thì lên đó mà giảng”!

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con sắp mừng lễ Chúa là Mục Tử nhân lành, xin Chúa biến đổi lòng các mục tử mà Chúa đã chọn, để khi các ngài loan báo Tin Mừng thì các ngài cũng can đảm bảo vệ đoàn chiên Chúa và dám lên tiếng vì Công Lý và Sự Thật.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Quan điểm triết học của Edith Stein về cuộc sống sung mãn
LM. Nguyễn Hữu Thy
16:51 20/04/2009

Quan điểm triết học của Edith Stein về cuộc sống sung mãn



Đúng vào ngày lễ Hòa Giải của dân Do-thái, 12.10.1891, Edith Stein được cất tiếng chào đời tại tỉnh Breslau cũ thuộc Đức Quốc, ngày nay thuộc Ba La, trong một gia đình gốc Do-thái. Từ năm 1913 đến năm 1916, bà theo học và dọn luận án tiến sĩ triết học với giáo sư Edmund Husserl, ông tổ của khoa triết học về hiện tượng luận, ở đại học Göttingen và sau đó ở đại học Freiburg. Trong các công trình nghiên cứu của mình về hiện tượng luận như thế, cô „sinh viên ưu tú siêu đẳng“ Edith Stein còn có thể khám phá một khuynh hướng triết học mới về hiện tượng luận riêng của mình, „Hiện tượng luận thực tiễn“, một khuynh hướng phát xuất từ sự tương ứng thực tiễn giữa hữu thể và ý thức.

Do hậu quả của một cuộc khủng hoảng về tâm linh đưa đẩy, kể từ năm 1917 Edith Stein đã bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu triết học cũng như giáo thuyết Kitô giáo. Năm 1922 bà đã được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Từ năm 1923 đến 1931, bà dạy môn văn chương Đức ngữ và môn sử học tại tỉnh Speyer, đồng thời bà cũng dịch thuật các tác phẩm của thánh Thomas Aquinô và của ĐHY John Henry Newman ra Đức ngữ. Chính qua công trình dịch thuật này bà đã đào sâu và hiểu rõ được tư tưởng triết học và giáo thuyết Công Giáo hơn. Vì thế, sau hai lục cá nguyệt dạy môn nhân chủng học nặng tính cách triết và thần học tại đại học Sư phạm ở Münster thuộc bắc Đức, thì vào tháng 10 năm 1933 Edith Stein đã xin gia nhập tu viện các Sơ Dòng Kín Carmelô ở Köln với tên Dòng là Schwester Teresia Benedicta a Cruce (Sơ Tê-rê-xa Bê-nê-đíc-ta Thánh Giá).

Chính thời gian ở Köln 1936/37, Edith Stein đã soạn thảo tác phẩm chính của bà „Endliches und ewiges Sein. Versuch eines Aufstiegs zum Sinn des Seins“ (Sự hữu hữu hạn và sự hữu vĩnh cửu. Lược khảo về sự vươn lên tới ý nghĩa sự hữu) để phân tích và tranh luận với các đại triết gia trong lịch sử triết học nhân loại, như: Aristote, thánh Augustinus, thánh Thomas Aquinô và Heidegger, được xuất bản năm 1950 và tái bản lần thứ bốn vào năm 2006.

Sau đêm kinh hoàng (Kristallnacht) vào tối ngày mồng 9 rạng ngày 10.11.1938: Dân quân Đức Quốc Xã ra lệnh đốt phá tất cả nhà cửa, Đền thờ, các tiệm buôn và tàn sát người Do-thái (Pogrom), nữ tu triết gia Edith Stein phải ẩn trốn sang một nhà con của Dòng Carmelô ở nước láng giềng Hòa Lan. Chính ở đây bà đã soạn thảo trước hết một tác phẩm bình giải những những tác phẩm thuộc thần bí học của Đấng Sáng Lập Dòng là thánh Gioan Thánh Giá, „Die Kreuzeswissenschaft“ (Khoa học về Thánh Giá), xuất bản năm 1942. Ngày 2.8.1942, lấy cớ các Giám Mục Hòa Lan đã ra Thư Luân Lưu chống lại sự bắt bớ và tàn sát người Do-thái ở Đức, quân đội Đức Quốc Xã của nhà độc tài Hitler đã tràn vào xâm chiếm Hòa Lan và bắt tất cả người Do-thái sinh sống tại đây và giải nộp về Đức để hành hình, trong số đó có Sơ Edith Stein. Ngày 9.8.1942, Sơ cùng với người em gái của Sơ là cô Rosa bị sát hại bằng hơi độc tại trại tập trung Auschwitz, một trong các lò sát sinh người Do-thái khủng khiếp nhất của chế độ diệt chủng Đức Quốc Xã được xây dựng trên đất Ba Lan.

Năm 1987 Sơ Edith Stein – Teresia Benedicta a Cruce được Giáo Hội tôn phong lên bậc Chân Phước và năm 1998 Sơ được tôn phong Hiển Thánh. Một năm sau đó, năm 1999, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vinh danh thánh nữ Edith Stein làm Thánh Quan Thầy bảo hộ Âu Châu.

Trong tác phẩm chính „Endliches und ewiges Sein“ của bà, Edith Stein đã thay đổi về phương diện luận cứ từ Aristote và thánh Thomas Aquinô sang tới Husserl, và sau cùng là sang tới thánh Augustinus. Và mục đích nhằm đạt tới của tác phẩm là sự cộng tác vào việc củng cố và xây dựng „philosophia perennis“ (nền triết học vĩnh cửu), một sự nhận thức triết học vượt ra khỏi phạm trù thời gian.

Trong vòng ảnh hưởng triết học của thánh Augustinus, thì lý thuyết về hữu thể theo khuynh hướng Aristote-Thomas được gắn liền với lý thuyết về nhân vị và rồi khởi đầu từ lý thuyết đó, ý nghĩa của hữu thể được khai triển. Nhờ thế, lý thuyết về hữu thể đã giải mã được vấn nạn khó khăn về sự hiện hữu của con người, một vấn nạn được coi như là điểm nhận diện của thế kỷ XX. Tuy Edith Stein đã có chủ ý đi sát khuynh hướng triết học đầy thách đố của Heidegger, nhưng bà chỉ muốn áp dụng một cách thật sâu xa ý nghĩa thời gian tính (die Zeitlichkeit) đối với sự hiện hữu của con người và minh chứng sự hiện hữu đó vượt lên trên biên giới của sự chết. Nói cách khác, tuy cũng chịu ảnh hưởng của phạm trù thời gian tính như bao tạo vật khác, nhưng sự chết đối với con người không phải là điểm chấm tận sau cùng. Chết không phải là hết. Sau cái chết thể xác của mình, con người vẫn tiếp tục hiện hữu, nhưng trong một chiều kích mới, hoàn toàn vượt ra khỏi ảnh hưởng của phạm trù thời gian và không gian.

Ngay lúc khởi đầu, Edith Stein đã nhận thức được hiện tượng luận đương thời qua sự tách biệt khỏi Descartes và Kant như là một sự khởi đầu mới mẻ mang tính cách thời đại. Lần đầu tiên, bà nối kết cả hai vấn nạn độc lập, vâng đối lập nhau, về sự hữu (das Sein) cũng như về sự nhận thức (das Erkennen) lại với nhau. Chính Edith Stein đã nổ lực bình giải „nền triết học non trẻ của thế kỷ XX“ và nền triết học thời trung cổ như hai khuynh hướng triết học liên tiếp nối gót nhau trong dòng tư tưởng đầy biến động và đa phức của nhân loại. Trong đó, sự phân tích về sự hữu hữu hạn đã vượt lên trên vấn nạn cảm giác để đi tới sự hữu vĩnh cửu, một sự hữu mà quan điểm triết học của thánh Thomas Aquinô cho rằng đã được suy diễn bằng „analogia entis“ (sự loại suy về sự hiện hữu), và suy luận ra một sự kiện tam diện trong công trình sáng tạo, đó chính là sự đồng nhất giữa thể xác, linh hồn và tinh thần của ngôi vị con người.

Vì thế, người ta chỉ có thể phân tích bản ngã con người một cách toàn diện trong khuôn khổ của sự hữu và sự vô hữu, của thời gian tính và vĩnh cửu. Thời gian là điểm tựa hay phương tiện cho một sự vận hành nguyên thủy (Urbewegung) bước vào trong sự hữu, ngược lại với cái hư vô. Sự hữu mang tính cách thời gian tính là sự biến dịch (Werden), một sự hữu dĩ nhiên không bao giờ trở thành một sự hữu hoàn toàn bất động trong chính mình. Bởi vậy, „sự hữu ấy cần đến thời gian“ – với sự đặc thù, nghĩa là „hiển thể tính luôn tiếp diễn rực sáng lên một cách mới mẻ“ của nó xuất hiện trong hiện tại. Tuy nhiên, cũng chính điểm hiện tại lại biểu hiện cho thấy nó là một sự khiếm khuyết, vì thế bản ngã con người ở trong đó cũng không phải là tất cả cái đã hiện hữu và cái sẽ hiện hữu. Bản ngã con người hiện hữu theo thời gian tính trong một dòng chảy đầy biến động không ngừng.

Nhưng cũng chính vì thế, tự bản chất của nó bản ngã con người phải bó buộc loại bỏ „ý tưởng về sự hữu thuần túy, một sự hữu tự bản chất là sự vô hữu, và từ sự vô hữu thì không thể phát xuất được gì cả“. Bản ngã có thể bao gồm từ sự hữu „mỏng dòn“ được gắn liền với khoảnh khắc thời gian và luôn treo lủng lẳng trên hố sâu hư vô của nó cho tới sự hữu viên mãn và hạnh phúc. Người ta có thể gọi đó là một sự tăng trưởng, trong đó tất cả mọi khả năng đều được hiện thực trong hành động, và là một nơi tất cả mọi sự đều là hiện tại. Từ tính chất „mong manh mỏng dòn và phân hóa của sự hữu tạo vật“ biến đổi một cách lô-gíc thành sự hiện hữu trọn vẹn của một hữu thể luôn hiệp nhất với yếu tính của mình trong mọi khoảnh khắc, là năng lực hoàn toàn được hiện tại hóa một cách trọn vẹn. Vì thế, điều này càng mang một ý nghĩa đầy tính cách suy tư, chứ không phải một sự luân chuyển triền miên trong sự hữu, nói cách khác: đây là một sự viên mãn đầy đủ, còn kia là một sự khiếm khuyết trong sự hữu. Dĩ nhiên, bản ngã lưỡng diện – được pha trộn giữa sự hữu và sự vô hữu – có thể tự bình giải chính mình từ sự hữu trọn vẹn nguyên thủy và có thể thấu triệt được sự trống rỗng của chính mình. Sự hữu „kinh sợ trước sự hư vô và đòi hỏi không chỉ sự nối tiếp vô tận sự hữu của nó, nhưng còn cả sự chiếm hữu đầy đủ (Vollbesitz) sự hữu“. Bởi vậy, theo Edith Stein – khác với Heidegger – con người đòi hỏi nơi chính mình sự phong phú sung mãn và không tiếp cận với sự hư vô, dù trong tâm trí hay trong cuộc sống thực tiễn, vì tiếp cận với sự hư vô trước hết có nghĩa là mở đường cho sự chết thể lý xâm nhập vào.

Vì thế, nếu theo Heidegger chính sự sợ hãi dẫn đưa con người „đến trước sự hư vô“, thì trái lại theo Edith Stein chính sự chính xác rõ ràng của sự hữu được phát triển cao tột độ dẫn đưa con người vốn triền miên quanh quẩn trong sự trống rỗng „đến trước sự hữu“. Nếu sự hư vô luôn là mối đe dọa nguy hiểm cho sự hiện hữu của con người là một điều bất khả phủ nhận, thì một đàng khác cũng không thể phủ nhận được rằng sự chính xác rõ ràng của sự hữu – một điều mà mỗi người đều cảm nghiệm được trong cuộc sống của mình – là một câu trả lời cho sự hiện hữu của con người. „Trong sự hữu của tôi, tôi va chạm vào một sự hữu khác không phải là sự hữu của tôi, nhưng là điểm tựa, là lý do của sự hữu của tôi, vì vốn tự trong nội tại của nó sự hữu của tôi là bất khả kham và thiếu căn cứ“.

Gắn liền với điều vừa đề cập tới là một sự phân biệt quan trọng: Con đường đức tin có thể nhận thức được nguyên lý ấy trong sự hữu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Còn con đường nhận thức triết học tuy được coi là khiếm khuyết và bất toàn, nhưng lại hợp lý: Sự hữu hữu hạn cần đến một sự hữu vĩnh cửu và được coi như là sự hữu đối diện với nó và là nguồn gốc của nó, tức một sự hữu xuất phát tự chính mình, độc nhất, độc lập và là chính mình; bởi vì theo nguyên tắc luận lý, cái chi hữu hạn thì cần tới cái vô hạn, cái chi bất toàn thì cần tới cái hoàn hảo tuyệt đối. Nói cách khác, tự bản chất cái hữu hạn hay cái bất toàn thì không thể tự hữu được. Cũng tương tự như thế, thời gian tính – do tính khả tri giác của nó – cần đến sự vĩnh cửu như điểm tựa của nó. Sau cùng, tính cách hữu hạn cần đến chiều kích vô hạn. Và sự cần thiết này không chỉ là một sự ao ước, nhưng là được phát xuất từ sự cảm nghiệm thực tiễn trong tư duy. Edith Stein tham chiếu thánh Augustinus, người đã biểu thị điểm tựa và lý do đột biến của tính cách hữu hạn của yếu tính thẳm sâu nhất của mình như là một cái chi bất khả lý hội, như là một điều mà các phạm trù nhận thức nhân loại bất khả đạt tới. Nơi đây, một vòng đen khoanh tròn „sự kế cận tất nhiên“ kia cũng như „sự bất khả tri“. Đi sâu vào tri thức, người ta sẽ nhận thức được rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa tự hiện thực như là một sự phát xuất từ chính trong nội tại của Người, vì thế là nguyên lý cho tất cả mọi sự hiện hữu khác. Nhưng nếu là nguyên lý cho tất cả mọi hiện hữu khác, thì sự hiện hữu của Thiên Chúa không tùy thuộc vào bất cứ sự hiện hữu nào khác, nhưng là „sự vận hành vĩnh cửu trong chính mình, là sự tự-tạo-dựng-nên-chính-mình vĩnh cửu xuất phát từ tận đáy sâu thẳm sự hữu bất tận của chính mình như là sự hiến dâng của bản ngã vĩnh cửu cho một sự hữu vĩnh cửu và một sự đón-nhận-chính-mình vĩnh cửu tương ứng và một sự lại-trao-ban-chính-mình vĩnh cửu“.

Triết học thay đổi vị trí nguyên nhân hữu ngã (personalen Grund) bằng khái niệm vào trong khoảng cách lý thuyết. Một điều chắc chắn đối với Edith Stein, đó là: con đường dẫn đến đức tin băng qua việc làm sáng tỏ được „bản thể Thiên Chúa“, tức băng qua việc đặt vấn đề trên con đường nhận thức triết học. Tuy nhiên, đức tin ý thức được nguyên nhân sự hữu của nó như là sự tiếp cận Thiên Chúa một cách cá nhân. Vì thế, Edith Stein phát huy một thuyết hiện sinh mới vượt lên trên thuyết hiện sinh của Heidegger. Đó là: thay vì sợ hãi thì tin tưởng vào trí năng, thay vì vất bỏ thì thiết lập nền tảng, thay vì lo lắng thì hy vọng vào sự viên mãn, thay vì bám chặt vào chính mình thì khát vọng tìm kiếm tình yêu.

Vậy, ngôi vị con người không được xây dựng chuyên biệt bằng sự hữu một mình cũng như bằng sự nhận thức một mình, nhưng chính yếu bằng sự biến dịch trong sự gặp gỡ. Sự cảm nghiệm đầy suy tư này vượt qua sự luận lý về sự hữu của thánh Thomas Aquinô, vượt qua sự luận lý về bản ngã của Edmund Husserl, và tiến tới sự luận lý của thánh Augustinus xuất phát từ sự tương quan giữa sự cho đi và sự tiếp nhận.

____________________

Sách tham khảo:

Edith Stein: „Endliches und ewiges Sein. Versuch eines Aufstiegs zum Sinn des Seins“. Nhà xuất bản Herder 2006, 596 trang.
 
Văn Hóa
Học viện Khổng Tử tại Việt Nam
Vũ Khánh Thành
23:59 20/04/2009
Tuần lễ vừa qua chính phủ Việt Nam chính thức cho thiết lập Học Viện Khổng Tử tại Việt Nam theo lời yêu cầu của Trung Quốc. Giữa lúc dư luận Việt Nam đang sôi sục về việc đảng CSVN đang tỏ ra khiếp nhựơc trước mưu đồ thôn tính Việt Nam, kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc bằng việc phản đối lấy lệ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam, thiết lập xa lộ từ Trung Hoa qua Lào, dọc trường sơn tới cảng Kampuchea, cảng Thái Lan, nắm mũi Cà Mâu của Việt và việc cho Trung Quốc khai thác Bauxit tại Tây Nguyên, đưa hàng chục ngàn nhân công mà thực ra là quân đội trá hình vào vị trí chiến lược tại Tây Nguyên với ngầm ý chiếm Đông Dương, kiểm soát Biển Đông và bảo vệ sự tồn tại của đảng CSVN phòng khi có biến, Trung Quốc sẽ chính thức xâm lược Việt nam theo lời kêu cứu của đảng CSVN để đưa quân vào, thực hiện mưu đồ thống trị Việt Nam như những thời Bắc thuộc “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năn nô lệ giặc Tây” trước đây.

Cùng với dã tâm xâm lược ấy, việc thiết lập Học Viện Khổng Tử tại Việt Nam theo ý nghĩ thông thường của người dân hiện nay là nhằm thống trị văn hoá. Nhưng Văn Hoá Trung Hoa và Văn Hoá Việt Nam cũng như toàn khối Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là nền văn hoá nhân bản khởi đầu bằng Bách Việt trên 5 ngàn năm trước, lúc đó chưa có Hán Tộc và lãnh thổ Trung Hoa như hiện nay. Nhất là với ông tổ của cộng sản Tàu là Mao Trạch Đông đã nói một câu bất hủ “Cái học Khổng Tử là cái học ăn cứt”. Bây giờ tình thế thay đổi, giới lãnh đạo Tàu hiện nay, hậu duệ của Mao, muốn hiện đại hoá đất nước, nhưng vẫn độc quyền chính trị, cai trị dân như chó ngựa, ngược hẳn với chủ trương nhân trị của Khổng Tử thì việc khôi phục văn hoá Khổng Tử và bành trướng các Học Viện Khổng Tử chỉ là bôi son trét phấn cho tư tưởng bá đạo của nhà nước “Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa”để lòe bịp dư luận chứ không thay đổi được gì. Cái học “ăn cứt” Mao đã tận diệt để thay thế bằng học thuyết Mác Lê với đấu tranh giai cấp và đạo đức cách mạng là con tố cha, vợ tố chồng, bạn bè phản nhau, giết hại lương tri con người đến muôn thế hệ mà nay cổ võ cho “cái học ăn cứt” kia bằng việc liếm láp chút đỉnh cục cứt mà Mao đã nguyền rủa tận diệt thì còn có ý nghĩa gì chăng ?

Chưa kể nói tới Đạo Học mà Khổng đã chủ trương ngay thời của Ngài rằng “Tìm Đạo ở phương Nam”. Phương Nam là phương nào ? Là miền Nam sông Hoàng Hà Dương Tử, là vùng văn hoá nông nghiệp đầu tiên của nhân loại, bắt đầu từ Bách Việt. Trong lúc đó phuơng Bắc còn sống bằng du mục, trọng võ nghệ, gỏi cung đao, nay đây mai đó làm gì đã có văn minh. Phương Nam Bách Việt, nhờ nông nghiệp nên văn minh trước, nhìn trăng sao mây nước để định gieo gặt cày cấy, thấy sự chuyển biến của vũ trụ làm nến tảng cho dịch, có làng xã, có chữ viết tượng hình, có thi, thơ, lễ, nhạc mà sau này Khổng Tử đã san định những sinh hoạt văn hoá truyền khẩu phương Nam thành Lục Kinh: KINH DỊCH, KINH THI, KINH THƯ, KINH LỄ, KINH NHẠC, KINH XUÂN THU (Kinh Nhạc đã thất truyền, nay chỉ còn NGŨ KINH). Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế đã hoàn thiện chữ tượng hình của Bách Việt, chữ con quăng (chữ chân chim, chữ nòng nọc - chữ của những dân đã nhận vật biểu Xà Long và Giao Long) thành chữ Hán ngày nay. Về văn hoá thì tiếp tục chính sách của Tần Thủy Hoàng đốt Sách chôn Nho, lập ra gác Thạch Cừ lấy các văn nô nô thay đổi lời dạy về Đạo Học của Khổng Tử để phục vụ chế độ quân chủ chuyên chế, gán những lời đã thay đổi kia thành lời của Khổng Tử mà mãi cho tới tận ngày nay thiên hạ vẫn lầm tưởng là Khổng Tử dạy như vậy. Khổng là bậc Thánh Nhân không thể bất nhất trong đạo học được. Người học phải có cái nhìn nhất quán mới nhìn ra những chỗ sai của những điểu “Tử viết” kia đâu là chính thực của ngài, đâu là đã bị bẻ quặt đi.

Trong Ngũ kinh, Kinh Lễ chứa đựng nhiều điều tai dị ngược với tinh thần Khổng Tử. Kinh Lễ là một thí dụ Khổng giáo che lấp Khổng Tử. Hai chương trong Kinh Lễ được coi là tinh túy nhất, người đời sau đã tách ra làm thành một trong TỨ THƯ là: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Luận Ngữ được coi là phản chiếu khá trung thành hình ảnh Nho Giáo chính truyền.

Nhà Hán đã kế tiếp nhà Tần không những trong di sản chính trị là trung ương tập quyền và luôn cả óc chuyên chế y như chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam ngày nay. Nho Giáo trong bản chất chống đối óc độc tài chuyên chế, đề cao “ý dân là ý trời”, đề cao người hiền đức, trọng dụng người tài, không kể gì đến dòng tộc (ngày nay là đảng viên v.v…).

Ngày xưa sách vở chính truyền đã bị đốt sạch, nho sĩ đã bị giết cũng như ngày nay tại Trung Quốc và Việt Nam sách vở của miền Nam Việt Nam trước kia đã bị đốt phá hết bằng các chiến dịch gọi là “văn hoá phản động đồi trụy”, còn ít nào ở thư viện thì muốn được vào thư viện đọc sách cũ phải có giấy phép tham khảo dành cho các cán bộ đảng thì còn đâu là tư tưởng chân thực. Cái trò khôi phục văn hoá dân tộc hay mở các học viện Khổng Tử cũng không khác gì việc lập lại hành động đốt sách chôn nho, bẻ quẹo Nho giáo để phục vụ chế độ quân chủ chuyên chế của thời nhà Tần, nhà Hán xưa kia vậy.

Một mưu đồ đen tối ghê gớm khác của Mao Trạch Đông nhằm tận diệt Nho Giáo và tư tưởng Khổng Tử là chữ viết. Mao đã bắt buộc học chữ quan thoại với lối viết giản tiện ngày nay, thoạt nhìn là tốt vì dễ học, dễ viết nhưng mưu đồ bên trong là cắt đứt việc trở về nghiên cứu sách vở đạo lý, lịch sử, phong tục xưa viết bằng chữ chân phương. Thế hệ sau sẽ không đọc được sách vở, chữ cổ nữa. Vì lý do này mà Đài Loan, Hồng Kông vẫn học chữ chân phương.

Lược qua mấy điểm nêu trên ta thấy Nho Giáo đã thực hiện những điều sau đây cho các xã hội Viễn Đông:

1. Sớm bỏ được chế độ nô lệ trước Tây Phương vài chục thế kỷ,
2. Đã có nhiều cố gắng thực hiện sự quân phân tài sản như các kiểu công điền,
3. Đặt chức Gián Quan để dòm ngó chính quyền, kể cả Vua,
4. Đặt phép thi cử để tuyển người tài đức trong cả nước, không phân biệt dòng họ.

Đấy là về tổ chức còn về Đạo Học, Nho Giáo chủ trương con người ngang hàng với trời cùng đất, sống hoà với trời và người, lấy tâm của mình là thước đo của mọi hành vi (Nhân Chủ, Thái Hoà, Tâm Linh). Mọi hành vị y cứ trên 3 đức nền tảng Trí, Nhân, Dũng. Cư xử thì trọng phép nước, kính thầy, hiếu với cha mẹ, đễ với anh em, tín với bạn bè. Những nguyên tắc ấy không bao giờ lỗi thời, thay đổi.

Nói tón lại Học Viện Khổng Tử đáng trao vào tay ĐÀI LOAN, NAM HÀN hay NHẬT BẢN được coi như người anh cả trong đại gia đình văn hoá Đông Á. để khởi xướng lên một ĐẠO TRƯỜNG CHUNG cho Đông Á bên cạnh thị trường chung về Kinh Tế, như Giáo Sư Triết Gia Kim Định đã kêu gọi tại Hội Nghị Quốc Tế Nho Học tổ chức tại Đài Bắc tháng 11 năm 1987:

“Sở dĩ đề nghị lập Đạo Trường là cốt để Đông Á có thể đáp ứng sự mong đợi của triết học Tây Âu đang ngóng chờ sự đóng góp của triết lý Á Đông giúp lập lại thế quân bình giữa tâm và vật. Vì hiện nay con người quá thiên về vật chất mà nhãng bỏ tâm linh, cần phải đưa tâm linh vào cho cân đối. Điều đó một mình triết tây không làm được vì đã quá thiên về lý trí nên chỉ có lý thuyết suông, trừu tượng, xa đời và hóc búa không thể dẫn đưa nhân loại đến quân bình mà còn bị kinh tế chỉ huy. Lẽ ra triết lý phải chỉ huy hạ tầng kinh tế thế mà nay phải để cho hạ tầng kinh tế chỉ huy thì đủ biết văn hoá thiếu hồn, quá yếu. Các triết gia Tây Âu đã ý thức điều đó nên mới chờ mong cái gì khác hơn ở triết lý Á Đông”.

Học Viện Khổng Tử Trung Quốc đang muốn thiết lập tại nhiều nơi, nhất là lập tại Việt Nam thì nên chú trọng vào mấy điểm sau:

1. Bách Việt làm chủ nước Tàu, văn hóa Tàu trước người Tàu. Người Hán đến sau làm đã làm sa đoạ ra Hán Nho như thế nào.

2. Hãy tìm hiểu xem tại sao Việt còn giữ được mấy điểm hơn Tàu như: địa vị đàn bà Việt cao hơn Tàu. Chế độ bình sản giữ được nhiều hơn (quá bán ruộng là công điền công thổ). Chỉ có thời thực dân Pháp gom ruộng vào mây tên chủ điền, tạo nên chênh lệch xã hội. Không có vụ chôn người sống theo người chết. (Tần Thủy Hoàng chết, chôn theo 3 ngàn cung phi !)

3. Hãy nghiên cứu bãi bỏ chế độ toàn trị, chuyên chế của đảng cộng sản hiện nay, trả lại quyền làm người cho người dân. Thực hiện ý dân là ý trời như Khổng Tử đề cao trong Nho Giáo chính thực.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Lửa Phục Sinh
Lê Trị
14:07 20/04/2009

LỬA PHỤC SINH



Ảnh của Lê Trị

“Sự chết đã vùi trong toàn thắng”

(Cor 15:54)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền