Ngày 22-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần Thứ 4 Sau Phục Sinh
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
05:07 22/04/2010
Thứ Hai sau Chúa nhật IV Phục sinh

Ga 10,11-18

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể như dấu chỉ sự hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu của Chúa là Cha, như lời bài hát đơn sơ diễn tả: “Chúa đến thăm con, thăm con mỗi sáng ngày, linh hồn thấy lại tuổi thơ ngây”. Bởi lẽ, tuổi thơ con cái thường vui đùa bên cha mẹ, luôn cảm thấy an vui khi cha mẹ ở bên. Nhờ cha mẹ mà con cái xum vầy bên nhau. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa hiện diện với chúng con như người cha ở giữa con cái mình. Sự hiện diện của Chúa đã quy tụ chúng con nên một đàn chiên duy nhất là giáo xứ thân yêu của chúng con. Niềm vui của sự xum vầy và hạnh phúc của tình huynh đệ càng nhân lên nếu chúng con biết sống trong sự hướng dẫn và quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa là mục tử chăn dắt cuộc đời chúng con. Chúng con xin phó dâng cuộc đời cho lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng con khỏi sự tấn công của thế gian và ma quỷ. Xin Chúa cũng lưu lại nơi gia đình chúng con để hàn gắn những đổ vỡ, hiểu lầm và tái tạo tình hiệp nhất yêu thương. Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng con luôn thiết tha với tâm nguyện: xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu của Chúa ngõ hầu danh Chúa được cả sáng nơi xứ đạo thân thương này.

Lạy Chúa, đồng cỏ xanh ngát mà Chúa cho chúng con hưởng dùng chính là Mình Máu Thánh Chúa. Chính Chúa đã dẫn đưa chúng con đến giòng suốt ân tình là các bí tích nhiệm màu. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con luôn được no thoả ân tình của Chúa. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật IV phục sinh

Ga 10,22-30

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tấm bánh nuôi chúng con. Chúa hằng mong ước chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng con biết đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác nơi Chúa. Xin cho Lời Chúa mãi là ngọn đèn soi dẫn bước chân chúng con đi trong chân lý và sự thật. Xin Mình và Máu Thánh Chúa nuôi dưỡng chúng con trong ân sủng và tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa hằng tha thiết kêu mời chúng con. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Chúa không muốn chúng con đi theo tiếng của ma quỷ dẫn dắt vào đường xấu, vào con đường chết đời đời. Chúa muốn chúng con quay trở về với biển trời mênh mông của Chúa. Chúa muốn chúng con sống theo Lời Chúa vì: “cá không ăn muối cá ươn”. Cuộc đời chúng con đi lạc xa lời Chúa cũng sẽ rơi vào hố diệt vong đời đời. Chúa không muốn một ai trong chúng con phải hư mất. Chúa luôn tìm cách bảo vệ và che chở chúng con khỏi mọi sự dữ, khỏi mọi hiểm nguy của ba thù.

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho niềm khao khát sống với Chúa nơi chúng con được sống lại, để chúng con luôn được thuộc trọn về Chúa. Xin cho con biết ra đi tìm kiếm Chúa, biết đặt Chúa là trung tâm điểm của đời sống chúng con, biết tìm kiếm của ăn không bao giờ hư nát là chính Chúa và giáo lý của Chúa để chúng con được no đầy ân tình của Chúa hôm nay và hạnh phúc nước trời mai sau. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 4 phục sinh

Ga 12,44-50

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thât hạnh phúc vì được Chúa ngự đến viếng thăm. Chúa là Chúa cả trời đất. Chúa là Đấng tạo thành. Chúa là Chúa, là vua Cả Trời Đất. Thế mà Chúa đã phá bỏ mọi ngăn cách để đến với chúng con trong khiêm tốn âm thầm. Với tấm bánh đơn sơ Chúa hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúa trở nên người bạn luôn ở bên chúng con. Chúa luôn đồng hành và nhắc nhở chúng con sống xứng đáng là con Cha trên trời. Chúng con xin cảm tạ tình thương ưu ái mà Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, lời Chúa là lời chân lý. Chúa có lời ban sự sống đời đời. Xin cho chúng con biết mau mắn tuân theo Lời Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì những đam mê mù quáng để rồi ngoảnh mặt làm ngơ trước tiếng nói của Chúa. Xin ban ơn để chúng con thắng vượt những yếu đuối bản thân, biết làm chủ tư tưởng, ước muốn, lời nói, việc làm cùa mình theo đường lối huấn lệnh của Chúa. Xin cho chúng con biết bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, biết ăn ở ngay lành theo tiếng nói của lương tâm. Xin cho chúng con luôn biết sống đẹp lòng Chúa qua việc lắng nghe và thực thi lời Chúa.

Lạy Chúa, Chúa hằng mong muốn chúng con được sống đời đời. Xin ban cho chúng con một lương tâm ngay thằng để chúng con biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình. Xin cho chúng con mau mắn tuân theo lề luật tối thượng của Chúa để lề luật của Chúa sẽ gìn giữ chúng con khỏi chết muôn đời. Amen.

Thứ Năm sau Chúa nhật 4 phục sinh

Ga 13,16-20

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Năm xưa, Chúa đã buồn vì Giu-đa phản bội. Chúa đã buồn vì Giu-đa từng ngồi chung bàn, đi chung đường với Chúa nhưng lại nuôi giã tâm phản bội Chúa. Ngày nay, có lẽ Chúa cũng buồn khi chúng con rước Chúa cách bất xứng. Chúa sẽ tiếp tục buồn khi chúng con rước Chúa nhưng không dám sống theo lời Chúa. Chúa sẽ càng buồn hơn khi chúng con rước Chúa mà lòng vẫn nuôi dưỡng những hận thù, ghen ghét, những tư tương xấu, cùng những đam mê thấp hèn.

Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin Mình và Máu Thánh Chúa hàn gắn lại những thương tích do tội lỗi gây ra trong tâm hồn chúng con. Xin Thánh Thể Chúa nâng đỡ những yếu đuối của tâm hồn chúng con. Xin giúp chúng con biết sửa đổi bản thân khỏi những ham muốn tội lỗi, những thói đời sa đoạ đang làm băng hoại cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con biết nuôi dưỡng như tư tưởng thanh cao thay cho những tư tưởng dâm ô, tục tĩu. Xin giúp chúng con luôn mang trong mình tâm tình hoà bình hơn là nuôi dưỡng những ghen ghét, hận thù. Xin đừng để chúng con quay lưng lại với Chúa vì những đam mê thấp hèn.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết dọn mình cho xứng đáng đón rước Chúa mỗi ngày. Xin giúp chúng con biết siêng năng kết hợp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, để nhờ ơn Chúa, chúng con kiện toàn con người mình mỗi ngày được trở nên giống Chúa hơn. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 4 phục sinh

Ga 14,1-6

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Cuộc đời là một hành trình tiến về nhà Cha. Cuộc hành trình không thiếu gian nan, không thiếu những khó nguy. Cuộc hành trình này chúng con không bước đi một mình. Chúng con luôn có Chúa đồng hành. Thánh Thể Chúa là lương thực dưỡng nuôi chúng con. Thánh Thể Chúa là hồn sống luôn mang lại cho chúng con sức mạnh để vượt thắng những khó nguy trên đường. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa Giê-su phục sinh, sự phục sinh của Chúa đã đem lại niềm an ủi, sự bình an cho các tông đồ, xin Chúa cũng ban ơn bình an đến cho tâm hồn chúng con. Một tâm hồn còn nặng trĩu những lo âu về ngày mai sẽ ra sao? Xin Chúa hãy nói với chúng con như xưa Chúa đã nói với các tông đồ: “Lòng các con đừng sao xuyến. Hãy tin vào Chúa và tin vào Thầy”. Tương lai hãy để Chúa an bài. Điều Chúa cần nơi chúng con chính là sống hôm nay cho đúng thánh ý Chúa. Chúa dạy chúng con phải sống như con một Cha trên trời và như anh em của mọi người. Đó chính là lối đường sẽ dẫn chúng con về nhà Cha trên trời.

Lạy Chúa, chúng con vẫn ao ước được sống đời đời, xin cho chúng con biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa qua bí tích Thánh Thể để ngày mai chúng con cũng được tham dự sự sống phục sinh vinh hiển với Chúa. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 4 phục sinh

Ga 14,7-14

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được nhận biết Chúa là Cha. Chúng con thật hạnh phúc vì được biết Chúa luôn yêu thương chúng con. Dù chúng con không xứng đáng. Dù chúng con bất toàn. Chúa vẫn yêu thương và chăm sóc từng cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con biết Chúa là Đấng nhân từ, giầu lòng thương xót và rất từ bi. Chúa luôn gần gũi với những người khổ đau nghèo đói. Chúa luôn đối xử khoan dung với những ai lầm lỡ. Chúa đã tỏ cho chúng con thấy một tình yêu thuỷ chung và sắt son của Chúa. Chúa đã yêu chúng con và yêu cho đến cùng. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa tình yêu thương để chúng con cũng đối xử nhân ái bao dung với nhau. Xin giúp chúng con biết hoạ lại dung nhan hiền hậu của Chúa giữa cuộc sống còn đầy hận thù, bất công, đang cạn kiệt lòng nhân ái bao dung.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã từng nói: “ai thấy Thầy là thấy Cha”. Xin cho đời sống chúng con cũng phản ánh hình ảnh yêu thương của Chúa cho thế giới hôm nay. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Yêu thương đích thực
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:03 22/04/2010
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH, năm C

Ga 13,31-33a.34-35

Thực tế, giới răn yêu thương không phải là một cái gì mới mẻ và lạ lùng. Cái mới và lạ lùng, chính là Tin Mừng đưa tình yêu lên tầm cao mới, chiều sâu mới. Tình yêu đạt tới đích điểm của nó là hy sinh mạng sống: “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Đây xem ra không phải là một việc dễ dàng và đơn sơ, nhưng không phải vì khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều hy sinh cố gắng mà chúng ta được miễn trừ yêu thương. Vậy, chúng ta phải sống thế nào để Lời Chúa và giới răn yêu thương của Chúa đi vào cụ thể trong đời sống thường ngày của chúng ta ?

Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, Ngài lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Ngài phục sinh vinh hiển khi Ngài được tôn phong làm vua vũ trụ vạn vật. Đức Giêsu Kitô cũng được vinh hiển khi Tin Mừng cứu độ của Ngài được rao giảng khắp nơi, qui tụ muôn người tin Ngài làm gia nghiệp, làm cứu Chúa của mình. Một trong khía cạnh phụng vụ và Tin Mừng của thánh Gioan cho chúng ta biết: ” Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau “. “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em “ ( Ga 13, 34 ). Tình yêu là một mầu nhiệm. Nên, yêu nhau giúp chúng ta trở nên môn đệ Chúa. Yêu nhau là dấu chỉ chúng ta là con của Cha trên trời và yêu nhau là dấu chỉ chúng ta là anh em của nhau. Yêu nhau như Chúa đã yêu là cúi xuống rửa chân cho nhau để noi gương bắt chước Chúa đã khiêm nhượng, đã cúi mình thẩm sâu để làm một công việc của một tên đầy tớ, một tên nô lệ dẫu người đó là một kẻ phản bội như Giuđa Iscariốt. Yêu như Thầy đã yêu là yêu cho đến chết, yêu cho đến cùng…yêu trên thập giá.Yêu như Thầy đã yêu là một tình yêu cao sâu, mầu nhiệm và hoàn toàn linh thánh. Đây không phải là tình yêu vị kỷ nhưng là một tình yêu vị tha, tình yêu hiến dâng, hy sinh cho người khác. Yêu như Thầy yêu là ban chính Mình Máu Thánh để nuôi dưỡng nhân loại, nuôi sống con người. Chúa đã yêu thương nhân loại, yêu thương con người để nêu gương cho chúng con hãy bắt chước Chúa yêu thương anh chị em đồng loại của chúng con.Yêu thương là cốt lõi của Đạo Đức Kitô. Do đó, cái chính yếu của Đạo là tình yêu, cốt lõi của Tin Mừng là tình yêu. Càng gắn bó, càng sống mật thiết với Chúa, càng biết thương mến anh chị em, càng yêu mến người nghèo, người bơ vơ, vất vưởng. Chúa Giêsu trong nhà Tiệc Ly ngày Thứ Năm Thánh đã dạy các môn đệ và nhân loại một bài học sâu xa, bài học để đời:” Yêu thương và yêu thương cho đến cùng, yêu thương đến hy sinh mạng sống, yêu thương đến chết trên thập giá “. Các thánh là những người đã đạt đến trình độ yêu thương như Chúa Giêsu. Các Ngài đã dám tin, đã dám liều mình coi thường mạng sống để yêu thương nhân loại, yêu thương người nghèo. Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã nói: ” Chúng con đã được rước Chúa trong Thánh Thể, bây giờ hãy đi sờ đụng Chúa trong người nghèo…”. Đó là tình yêu thật, tình yêu đã trở thành lạ lùng, linh thiêng và mầu nhiệm.

Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết yêu thương đồng loại, yêu thương người khác như Chúa đã yêu. Amen.
 
Mục tử chính hiệu
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
07:38 22/04/2010
Chúa Nhật IV Phục Sinh

MỤC TỬ CHÍNH HIỆU

Mục tử nhân lành là một hình ảnh rất đẹp ở xứ Palestin. Danh xưng mục tử nhân lành không phải là tôn danh người ta gán cho Chúa Giêsu để ca tụng Ngài, nhưng đây chính là mạc khải của Chúa Giêsu cho biết Ngài là ai. Ngài là mục tử chính hiệu, mục tử thứ thiệt, mục tử nhân lành đúng nghĩa:

- Mục tử nhân lành là mục tử biết rõ đàn chiên:

Ngài biết rõ từng con chiên. Biết theo nghĩa Thánh kinh, tức là không phải chỉ biết trên lý thuyết, biết theo con số, nhưng là biết tường tận từng đặc điểm, từng tính cách của mỗi con chiên và Ngài có thể gọi tên từng con một, dẫu đàn chiên của Ngài là vô cùng đông đảo. Tương quan giữa Ngài và đàn chiên là rất gần gũi và mật thiết. Đàn chiên trở nên lẽ sống của Ngài.

Ngài gọi tên rồi đi trước dẫn đường cho đàn chiên theo sau. Ngài đi trước chứ không phải đi sau để “lùa”. Chiên đi sau cũng có nghĩa là chúng được Ngài cho tự do để có thể theo hoặc không theo Ngài. Ngài đi trước bằng lời nói, bằng việc làm. Ngài đi trước bằng gương sáng phục vụ cách tận tuỵ.

- Mục tử nhân lành là mục tử yêu thương đàn chiên:

Ngài không chăn dắt bằng quyền uy và bạo lực như những mục tử trong Cựu Ước. Ngài cũng không chăn dắt kiểu tắc trách, gặp chăng hay chớ như những kẻ chăn thuê. Ngài chăn dắt hoàn toàn bằng tình yêu và trách nhiệm. Tình yêu được thể hiện đặc biệt ở chổ: đối với những con chiên đau yếu, Ngài tận tuỵ chạy chữa; những con chiên thương tích, Ngài tận tình băng bó; những con chiên lạc đàn, Ngài tận lực kiếm tìm; những con chiên có nguy cơ làm mồi cho sói hùm, Ngài tận trung canh giữ... Ngài chưa thể an giấc, bao lâu còn những con chiên bị yếu đau, thương tích. Ngài chưa thể an phận, bao lâu còn những con chiên ngơ ngác lạc đàn. Ngài chưa thể an tâm, bao lâu còn những con chiên hoang đàng đùa giỡn trước nanh vuốt của ác thú. Mục tử nhân lành là thế, và nhất là Ngài còn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên.

- Mục tử nhân lành là mục tử hiến mạng vì đàn chiên:

Thường tình thì chủ chiên bắt các con chiên hiến lông, hiến thịt, hiến sữa và cả hiến mạng cho mình. Hiếm có trường hợp ngược lại. Đây là điểm khác biệt rõ nét giữa mục tử nhân lành và người chăn thuê. Chỉ có mục tử chính hiệu Giêsu nhân lành mới sẵn sàng tự nguyện hiến mạng cho đàn chiên. Ngài hiến mạng để bảo vệ sự hiệp nhất cho đàn chiên. Ngài hiến mạng để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào. Nói cách khác để đàn chiên có được sự hệp nhất và sự sống sung mãn, Chúa Giêsu đã phải trả bằng chính giá máu của mình. Đây là đỉnh cao của tình yêu mà Ngài dâng hiến cho đàn chiên.

Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên những con chiên tốt lành của Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, mục tử chính hiệu. Trở nên tốt lành qua hai tương quan tình yêu:

+ Tương quan với người mục tử: biết – nghe – đi theo. Biết mục tử của mình là Đấng đã yêu thương và hiến mạng sống vì mình. Biết qua Lời của Chúa, qua Phụng vụ các Bí tích, qua cầu nguyện…. Nghe theo tiếng người mục tử, tiếng mang lại hạnh phúc đời đời, chứ không nghe tiếng người lạ. Đi theo mục tử của mình, chứ không đi theo người lạ, kẻ trộm hay sói dữ. Nếu chiên mà nghe và đi theo người lạ thì sẽ bị lạc; nghe và đi theo kẻ trộm sẽ bị bắt; nghe và đi theo sói dữ sẽ bị ăn thịt. Chỉ khi biết nghe và đi theo chủ mình thì mới có sự sống đích thực. Vì chỉ có chủ chiên mới đưa đàn chiên tới những nơi có đồng cỏ xanh tươi, có suối nước mát lành.

+ Tương quan với các con chiên khác: hiệp nhất trong yêu thương, phục vụ trong quên mình. Biết, nghe và đi theo chủ chiên, con chiên cũng phải biết yêu thương hiệp nhất trong đàn chiên nữa. Chiên không thể cấu xé nhau, hay mạnh con nào con đó sống. Trái lại các con chiên khoẻ mạnh phải biết phục vụ nâng đỡ các con chiên ốm yếu theo gương của chủ mình. Sẽ không thể nào có một đàn chiên duy nhất, nếu các con chiên không hoà hợp với nhau, không yêu thương nâng đỡ nhau. Sẽ không thể nào trở nên gương sáng cho các con chiên khác không thuộc về đàn noi theo, nếu đàn chiên không biết hy sinh phục vụ lẫn nhau theo tinh thần của người mục tử nhân lành.

Trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân được thuộc về đàn chiên của Người. Đồng thời hãy xin Chúa giúp mỗi người chúng ta luôn biết trung thành nghe và đi theo vị Mục Tử Tuyệt Hảo là chính Đức Giêsu Kitô, qua các các vị chủ chăn đại diện cho Ngài ở trần gian. Xin Chúa cũng gởi thêm cho chúng ta nhiều mục tử nhân hậu biết noi gương Đức Kitô: hết lòng yêu thương và sẵn lòng hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên được Chúa trao phó. Amen.
 
Mơ ước của Chúa
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.
07:48 22/04/2010
ƯỚC MƠ CỦA CHÚA

Ơn gọi là một huyền nhiệm, là ơn riêng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Người thì được kêu gọi sống hiến dâng trong đời tu trì. Có người lại được chọn đời gia đình, ở đó họ sống sung mãn nếu ý thức chu toàn bổn phận ơn gọi đòi hỏi. Dù bậc sống nào cũng vậy, mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương, quan phòng, chăm sóc.

Những ai được kêu gọi sống đời dâng hiến, đều cảm nhận tình thương vô biên Thiên Chúa ban. Bởi ơn thiên triệu tiên vàn là hồng ân của Thiên Chúa, để kêu gọi những con người quảng đại dâng mình hiến thân phục vụ Nước Trời. Theo sát dấu chân Người mục tử nhân lành, họ sát tế cuộc đời, đem Tin Mừng cứu độ chiếu sáng khắp trần gian.

Ai từng sống đời thánh hiến, đều có chung cảm nhận tình thương Thiên Chúa lớn hơn lòng quảng đại của họ. Tất cả đều là hồng ân, giả như Thiên Chúa không ưu ái trao ban, nâng đỡ, tha thứ, đợi chờ, họ chẳng thể nào sống trọn vẹn lời đoan hứa của mình. Chính vì biết họ được dựng nên bằng gì, mà Ngài đã thương dùng thân phận yếu đuối mỏng dòn của kiếp người mỏng manh làm vũ khí ca tụng tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

Thật ra, tự bản thân, không ai dám tự hào công trạng, nhưng phải chân nhận thực với nhau, công phúc làm nên thì ít mà tội lại quá nhiều. Có dùng cả cuộc đời để tôn vinh Thiên Chúa cũng chưa đền đáp cân xứng. Do vậy, cứ nhìn hậu phúc người dâng hiến thì biết, những ai chưa hết mình xả thân cho Nước Chúa, người ấy chưa cảm nhận thật tình thương Thiên Chúa ban cách riêng để mà đáp trả. Bất kỳ ai có mối thân tình với Ngài đều không thể chối bỏ sự thúc bách cần phải hiến dâng cuộc đời tôn vinh Thiên Chúa.

Khám phá tình thương Thiên Chúa ban cho mình, người tận hiến không chỉ cảm nhận phải xả thân chứng nhân tình thương mà còn khao khát sáng tạo sao cho tình yêu ấy lớn lên và hiện thực giữa đời nữa kìa. Bất kỳ ai có kinh nghiệm sống đời dâng hiến đều cảm nhận sức mạnh thần linh từ bên trong thúc đẩy. Sức mạnh nội tại ấy lớn lao đến nỗi khiến họ không ngừng bị thôi thúc phải lên đường ra đi loan báo tin vui cứu độ. Có tình thương nào lớn lao hơn tình thương Người đã đến cho nhân loại sự sống. Có tình thương nào lớn lao hơn tình thương của Người dám xả thân cứu độ con người.

Chủ nhật cầu nguyện cho ơn thiên triệu hôm nay, Giáo Hội kêu gọi những người đang sống mầu nhiệm dâng hiến, cần nhất sự ý thức phải ghi nhớ ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban để mà đáp trả. Không có sự đáp trả nào trong tình yêu cân xứng hơn bằng sự hiến dâng chính bản thân mình. Tình yêu chân thành đòi hỏi như vậy đó, không phải gượng ép nhưng là sự hiến dâng tự nguyện. Khi yêu, người ta biết sống hết mình cho người họ yêu thương như vậy đó, ngay cả từ khước chính bản thân họ cũng không e ngại.

Kêu gọi những tâm hồn quảng đại bước theo mình, chắc chắn Thiên Chúa hoàn toàn muốn họ tự nguyện dâng hiến như chính Ngài đã tự nguyện hiến dâng. Bởi tình yêu thật không có gượng ép. Cứ cảm nhận tình thương Chúa Chiên chăm lo cho mình thế nào, người tận hiến tất nhiên biết sống ra sao cho Chúa. Bổn phận duy nhất của những con người được thánh hiến, được kêu gọi nhưng không, được trao ban cách nhiệm mầu là cũng phải đáp trả cách diệu huyền như vậy.

Nếu bạn đã cảm nhận sứ mạng Thiên Chúa trao ban, tại sao bạn còn hững hờ, chưa dám sống hết mình đáp trả tình thương. Nếu bạn ý thức tình thương cao cả Thiên Chúa ban và mời gọi bạn sống chứng nhân, tại sao bạn còn chần chừ, chưa dám xả thân ra đi loan báo tin vui cứu độ. Nếu nói những gì bạn đang có tất cả là do ân huệ Ngài, tại sao bạn không lên tiếng rao truyền cho mọi người tin biết.

Thế giới hiện đại, cần hơn bao giờ hết những con người biết sống xả thân cho Thiên Chúa. Thế giới hôm nay cần hơn bao giờ hết những mục tử nhân lành biết sống cho tha nhân, vì tha nhân. Nhưng đáng buồn cũng là ở đó, người nhận lãnh hồng ân dâng hiến thì nhiều nhưng người biết sống ơn gọi thật thì ít. Do vậy, còn rất nhiều chiên lạc, bơ vơ, nghèo khổ, bất hạnh không người quan tâm, chăm sóc. Nếu nói nền văn hoá thực dụng của thế giới làm cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng thôi thì chưa đủ, nhưng đúng hơn là vì người dâng hiến chưa sống đúng với trách nhiệm, với bổn phận ơn gọi của mình. Người lãnh nhận hồng ân tận hiến không thiếu nhưng người dám sống tận hiến lại không thừa. Hình như, người ta đánh mất bản chất của ơn gọi chính là tận hiến để được sai đi vậy.

Thiên Chúa cần tâm hồn tận hiến chứ không chỉ con người tận hiến. Thế giới hiện đại cần chứng nhân tận hiến chứ không cần người nói lời tận hiến. Hỏi được bao nhiêu người biết sống tận hiến thật. Mà sự tận hiến thật là gì chứ, nếu không phải chết đi cho chính mình để chỉ còn sống cho Thiên Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã sinh con ra trong ơn gọi làm người, lại sinh con ra lần nữa trong ơn gọi Tận Hiến. Thời gian qua đi, là những chuỗi ngày hồng ân của biết bao ân huệ Ngài tuôn đổ xuống cuộc đời con. Mặc dầu không thiếu những đêm tối u buồn vì đau khổ, thử thách, nhất là những thách đố của niềm tin, niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa vĩnh cửu bất diệt và trung tín. Nếu như thời gian có trở lại từ đầu, con cũng không có thêm lựa chọn. Trong lòng con, chỉ chọn một mình Chúa và quyết sống cho một mình Ngài. Thế nhưng, trớ trêu ở chỗ, không thay đổi lựa chọn nhưng con lại để cho cuộc đời thay đổi mình. Con đã nô lệ tiền tài, danh vọng, địa vị thay vì tin yêu Chúa. Con đã chọn vui thú bản thân thay vì sống cho ước mơ của Chúa để hiến thân cho nhân loại. Xin tha thứ cho con, xin yêu con nhiều hơn nữa, xin hãy chiếm đoạt con hoàn toàn để con mãi mãi là của Ngài, thuộc về Ngài. Hầu thời gian còn lại, phải là thời gian tha nhân tìm thấy hạnh phúc trong Thiên Chúa qua sự hiện diện của con.
 
Cầu cho ơn thiên triệu
Lm Giacôbê Tạ Chúc
07:51 22/04/2010
CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU

Có lẽ không ai phủ nhận, ơn gọi tại Việt nam rất phong phú và đa dạng. Các Đại chủng viện, Dòng tu rất đông chủng sinh và các đệ tử. Ở các Giáo phận, con số các linh mục triều, linh mục dòng, các tu sỹ nam nữ rất dồi dào. Trong khi ở các nước phương tây, hay những nước lân cận, con số những người lựa chọn bậc sống độc thân, để dâng mình phục vụ cho Chúa rất là giảm sút. Vì vậy, Giáo hội mời gọi con cái mình cầu nguyện và đóng góp giúp đỡ, cho ơn gọi đặc biệt này là để có nhiều tâm hồn quảng đại, hy sinh phục vụ cho Tin mừng của Chúa Giêsu.

Dẫu rằng ơn gọi nào cũng cao quý và đều xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thế nhưng những người hy sinh, quảng đại đi theo Chúa một cách triệt để, vẫn là nét son nổi bật nhất của Giáo hội. Đời sống của những con người tận hiến cho Chúa là một bằng chứng hùng hồn, chứng tỏ Đức Giêsu đang hiện diện và hoạt động trong Giáo hội. Qua dấu chỉ của tình yêu thương, sự hiệp nhất nên một và sự phục vụ cách vô vị lợi, thế gian sẽ nhận ra khuôn mặt của Đấng Phục sinh.

Dấu chỉ tình yêu

Như lời mà Đức Giêsu bảo ban các môn đệ Ngài: “ Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau”(Ga 13,35). Khi tỏ ra cho các môn đệ ở biển hồ Têbêria, Đức Giêsu, trước khi trao sứ mạng thủ lãnh cho Thánh Phêrô, Ngài cũng hỏi ông đến ba lần, con có yêu mến Thầy không. Thực tại của tình yêu thương không chỉ dừng lại ở bản thân, gia đình, những người mình yêu thích mà còn là trở nên hy tế và của lễ hiến dâng, cho tình yêu mà Đức Giêsu mời gọi: “ Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu”(Ga 15, 13).

Tình yêu trao nhau, không chỉ dừng lại ở trên sách vở, mà nó phải trở nên căn tính của người môn đệ của Đức Giêsu.

Dấu chỉ của sự hiệp nhất

Trong mỗi Giáo phận, sự hiệp nhất của các linh mục đươc thể hiện rõ nhất, qua những thánh lễ đại triều, xung quanh vị Giám mục của mình. Sự nên một mà Đức Giêsu mời gọi và đã trở thành khi Ngài phán: “ Ta và Cha là một”(Ga 10,30). Mong muốn của vị Thầy chí thánh luôn là: xin cho họ nên một. Hình ảnh Kinh thánh dùng để nói lên sự nhất thống trong một cộng đòan các tín hữu là cây nho và cành nho. Cây nho và cành nho gắn liền trong một thân cây duy nhất, nếu tách ra khỏi, cành và lá sẽ héo khô. Một trong bốn đặc tính của Giáo hội là duy nhất, trở một một xương một thịt, trong thân mình Đức Giêsu Kitô.

Dấu chỉ của sự hy sinh, phục vụ

Hy sinh không luôn dễ, quên mình không luôn vui, chỉ có thể với những ai có tâm hồn hy sinh, quảng đại. Con người của ngày hôm nay đầy ắp những thực tế và thực dụng. Những việc chung chung nhiều khi thiếu vắng địa chỉ của những tấm lòng rộng mở. Những người đành chấp nhận mất tất cả: lợi lộc, lạc thú trần gian... thì sẽ nhận được gấp trăm lần, ở đời này, lẫn đời sau.

Nhân ngày Quốc tế ơn thiên triệu, xin cho các vị chứng nhân của Tin mừng Phục sinh, hằng luôn gắn bó, và khiêm nhường phục vụ cho cánh đồng truyền Giáo được trổ bông chín vàng.
 
Ta Ban Sự Sống Đời Đời
Tuyết Mai
08:04 22/04/2010
Ta Ban Sự Sống Đời Đời

"Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Điều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một". (Ga 10, 27-30).

Chúa ban cho toàn thể nhân loại của chúng ta sự sống đời đời, thật quả thế thưa anh chị em, bởi luật muôn đời Thiên Chúa đã dậy bảo chúng ta phải hiểu như thế! Có phải Thiên Chúa Cha từ trước đến giờ, từ thời cha ông chúng ta, Thiên Chúa đã không ngừng làm như thế!? Ngài thương yêu nhân loại hư đốn của chúng ta vô cùng. Chẳng hiểu có ai từng thắc mắc vì sao Ngài lại thương yêu chúng ta cuồng si như thế!? Ngài yêu chúng ta một cách điên rồ!? Ngài yêu thương chúng ta không đặt điều kiện!? Bằng chứng Ngài chẳng bắt chúng ta phải thờ phượng Ngài!? Ngài thật nhượng bộ chúng ta mà cho chúng ta quyền tự do, từ khi Ngài tạo dựng nên chúng ta. Yêu Ngài nếu chúng ta thật sự chọn để yêu Ngài và theo Luật của Ngài. Ngài yêu thương chúng ta ngay cả ngại ngùng khi phải sửa phạt chúng ta. Ngài đã từng rất nghiêm khắc với cha ông của chúng ta, nhưng rồi Ngài lại thương lượng với cha ông của chúng ta!? Ngài đã từng phái biết bao nhiêu tiên tri đến thế gian để khuyên răn chúng ta nên sửa đổi, nên sống tốt lành, sửa đổi cách sống để không phải bị Thiên Chúa sửa phạt, trừng trị, và sẽ không khoan dung; nhưng tất cả mọi tiên tri đã phái đến rồi đi hay rồi đã bị giết chết, mà lời răn đe của Ngài chẳng ai còn biết sợ? Chẳng ai còn thèm để ý đến? Chẳng ai còn muốn nghe lời ngăm đe của Ngài nữa!???

Ngài có thể không thể tưởng tượng được con người mà Ngài tác tạo ra lại cứng đầu, khó dậy, và chướng như thế! Chắc Ngài đã hết cách để sửa dậy chúng ta rồi chăng!?? Ngài đã bó tay và chịu thua con người chúng ta rồi chăng!? Vì nếu có phải Người sửa phạt tất cả thì ai, ai xứng đáng để còn lên Trời hưởng Nhan Thánh Chúa đây!?? Có phải xưa kia Ngài đã sửa phạt và trừng trị cha ông chúng ta một cách rất nghiêm khắc khi các thành đang sống trong tội lỗi trong nhuốc nhơ?? Và rồi có phải như thế thì làm cho con người sửa đổi và sợ hãi Ngài đâu!? Và con người đã cứ sống trong tội lỗi như thế, Thiên Chúa Cha đã ra mệt mỏi và không còn có ý muốn hủy diệt toàn thể con người nữa!??

Và rồi vì thế, Con Thiên Chúa đã được giáng trần, ra đời trên thế gian này, do Thiên Chúa Cha muốn vậy! Để làm gì thưa anh chị em? Vâng, thưa là để cho Chúa Con được sinh ra và lớn lên như một người phàm. Đồng hình đồng dạng với chúng ta. Chúa Giêsu Ngài giống chúng ta mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi, vì Ngài chính thực là Con Đức Chúa Trời, Ngài chẳng có dính bén một tội gì của trần gian cả!. Chương trình của Ngài ở trần gian này không ngoài mục đích là để Cứu Độ toàn thể nhân loại chúng ta. Ngài phải qua cái chết để mang tội lỗi của chúng ta chết với Ngài. Rồi khi Ngài Phục Sinh, Ngài sẽ đem chúng ta hết thảy về Nước của Ngài là Thiên Đàng, sống trong vinh hiển, vinh quang, vĩnh cửu, và thiên thu bất tận.

Ngài Giêsu là một người mẫu mực tuyệt hảo mà Chúa Cha ban cho trần gian nhân loại của chúng ta. Phải Ngài là vị mục tử rất nhân lành của chúng ta, và hết thảy chúng ta là chiên của Ngài, vì thế cho nên Ngài phán bảo: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta". Quả Ngài phán thật phải, vì nếu chúng ta muốn có được hạnh phúc do Ngài ban cho được sống muôn đời thì lẽ đương nhiên chúng ta phải nghe quen tiếng của Ngài, để tất cả không bị lạc. Để tất cả không bị sa lầy. Và để tất cả không bị lạc bầy; bẫy giăng của người đời? Sự cám dỗ đi vào con đường của chết chóc, của tất cả loài thú dữ, đang rình rập và đang đón chờ, chúng ta.

Chiên khôn ngoan là chiên luôn ở bên cạnh mục tử của mình. Để được chăn dắt, ăn uống no nê, sống hạnh phúc từng ngày bên dòng suối mát lạnh, cỏ tươi xanh, và bóng mát êm đềm, trong vui thỏa. Luôn được vị mục tử của mình thương yêu chăm sóc, dậy dỗ, một mực tranh đấu đến cùng nếu cần, để không một con chiên nào bị thương tích, bị sa vào hố sâu, hay mất tích, và chết được. Thế nhưng được bao nhiêu con chiên là cảm thấy hạnh phúc bên mục tử thương yêu của mình, mà không cảm thấy bị cô lập, gò bó, luật lệ, không được bay nhảy đến một phương trời xa xôi diệu vợi ngoài xa kia, để được rộng chân rộng cẳng!?? Muốn làm gì cũng được, không bị cặp mắt của Người theo dõi và mọi hành vi đều bị kiểm soát!?

Lậy Ngài mục tử nhân lành của chúng con!

Ngài làm sao có thể hiểu được lòng dạ của chúng con đây!? Rất ư là ngây ngô và khờ khạo, và nhiều lúc không hiểu nổi cả chính mình muốn gì và làm gì?. Chúng con thích những gì sôi nổi, không thích sự bình thường và an lạc của cuộc sống ngày lại ngày này!? Cảm thấy thích thú hơn trong sự mạo hiểm một cách rất nguy hiểm và nếu có tính cách như là thách đố!? Như thế có gọi là bình thường không thưa Chúa!? Như chúng con thường có những trò chơi của con người đặt ra thật là nguy hiểm đến tánh mạng, nhưng chúng con vẫn chơi!? Nếu thất bại chúng con lại cứ tiếp tục, cho dù trò chơi nguy hiểm ấy, nếu nhẹ cũng gẫy tay gẫy chân, ngay cả sự chết nhưng chúng con lại cứ muốn thử, cứ muốn lao vào. Cái gì trong đầu của chúng con lại cho phép chúng con làm thế thưa Chúa? Có phải cái bộ não của chúng con khi được tác tạo đã không được bình thường!?, vì thế mà Chúa Cha đã phải bao nhiêu thế kỷ khổ sở vì nhân loại chúng con? Và điều gì đã làm cho bộ não của chúng con trở nên bình thường và thuần thục, khác hơn là nhờ Ơn Chúa!? Ngoài Ơn trợ giúp của Chúa và tình yêu muôn đời Chúa ban cho nhưng không, chúng con sẽ chẳng là gì, và thật vô dụng Chúa ơi!

Xin cho chúng con hiểu được rằng được mãi ở cạnh bên Chúa là niềm vui, hạnh phúc, và là bình an. Không toan tính, không mọi lắng lo, chỉ giao phó tất cả cho Chúa định liệu và chăn dắt, là điều tốt lành nhất và là khôn ngoan nhất. Amen.
 
Tiếng kêu đứt đoạn
Lm Vũđình Tường
15:26 22/04/2010
Đức Kitô vừa là Đấng tạo dựng vũ trụ vừa là Chúa Chiên Lành. Đấng tạo dựng có quyền trên tạo vật và quyền ban sự sống. Mục tử nhân lành lắng nghe, chăm sóc, yêu mến đàn chiên và sẵn sàng bảo vệ chiên. Không con nào bị ngược đãi hay bị hại.

Lắng nghe

Chúa Chiên Lành luôn lắng nghe tiếng chiên kêu cầu. Biết chúng bằng cách nhận biết tiếng chiên kêu. Nhờ lắng nghe mà rõ nhu cầu từng của chiên. Không phải một lần mà nghe đi nghe lại cho đến khi nhớ được giọng từng con. Chính Chúa Chiên Lành xác định với các tông đồ như thế.

Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi;

Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.

Tôi ban cho chúng sự sống đời đời,

không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi. Gioan 10,27


Chúa Chiên lắng nghe tiếng chiên qua lời cầu của cộng đoàn dân Chúa, nghe rõ tiếng kêu cầu của từng chiên con. Nhận biết nhu cầu từng cá nhân. Chiên con dâng Chủ chiên lời tạ ơn lúc vui mạnh, thành công cũng như khi tràn trề hy vọng.

Chiên con phát tiếng kêu cứu nghẹn ngào. Dâng lời van nài đứt đoạn, nức nở nói không nên lời. Tiếng uất nghẹn, rên xiết khi đương đầu với hoạn nạn, buồn tủi, cô đơn. Lúc ngồi lặng câm mắt nhìn thập tự, hồi tưởng đau khổ Chúa chịu, liên tưởng đau khổ, bệnh tật đời mình, phó thác nỗi lòng, tâm sự, niềm đau người thân quen. Lời cầu dâng lên Chúa liên lỉ ngày đêm, hết ngày này đến tháng nọ, đời này qua thế hệ kia, liên tục. Chúa Nhân Lành là Đấng đêm ngày lắng nghe đoàn con kêu cứu, nài van.

Chúa chăn nuôi tôi

Chúng ta nghe tiếng Chúa nhiều ít, bao nhiêu, tự mình mình biết. Tự mình mình hay. Điều chắc chắn là tiếng chiên con gọi Chúa Chiên lắng nghe, đáp lại theo nhu cầu từng con. Chúa Chiên nghe biết, nhận ra tiếng kêu cứu. Không mệt mỏi nghe tiếng chiên kêu cầu và còn dậy cách cầu xin.

Khi cầu nguyện các con đừng nhiều lời Mat 6,5

Thần khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính thần khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả Roma 8,26.


Tiếng nấc

Gần đây màng lưới truyền thông khắp nơi lên tiếng dùm tiếng nấc nghẹn ngào của chiên con. Nạn nhân của chủ chiên chọn thái độ im lặng.

Kêu, chủ chiên không cứu.

Than, chủ chiên không nghe.

Gọi, chủ chiên không đáp.

Kêu oan, bảo ráng nhịn.

Nỉ non khóc than, bảo ích chi

Nhờ dóng tiếng, ngoảnh mặt làm ngơ.

Chủ chiên chọn thái độ im lặng mong yên thân.

Lầm tưởng

Vô số mục tử địa phương học từ Chúa Chiên trở thành những kẻ lắng nghe tuyệt vời, tận tình giúp đỡ, chăm sóc chiên con ốm đau, bệnh hoạn, vỗ về con cô đơn, cảm thông chiên sầu khổ. Các vị này noi gương các thánh tông đồ xưa, vui mừng được chịu đau khổ, tù đầy vì Đức Kitô Phục Sinh. Các ông nói với thủ lãnh Do Thái

Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm. Cv 5,29.

Mục tử lặng thinh, chọn thái độ im lặng được truyền thông ca tụng. Đừng quên truyền thông sống nhờ quần chúng. Hôm nay im lặng là khôn ngoan. Khi được tự do ăn nói, truyền thông sẵn sàng miệt thị thái độ câm nín. Không phải họ thay đổi lập trường. Nhiệm vụ chính của truyền thông là đưa tin. Quần chúng nguyền rủa im lặng. Báo đưa tin. Đa số chỉ trích, khích bác im lặng. TV loan tin. Đừng lầm tưởng chọn im lặng hưởng an bình. Đúng, hưởng bình an trong chốc lát. Tương lai về đâu chưa xác quyết. Cứ nhìn Giáo Hội hoàn vũ đủ biết. Thập niên 60 chọn im lặng. Thập niên 90 bắt đầu chống đỡ, tiếng sấm vang làm sống lại sự việc 30 năm trước. Vuốt mặt không kịp. Chủ chiên im lặng hôm nay, hãy chuẩn bị nhận hậu quả phê bình, chỉ trích, vác chiếu hầu toà trong tương lai. Người ta sẵn sàng kiện từ mồ mả kiện lên.

Nạn nhân

Hỡi những nạn nhân thống khổ vì tiếng kêu cứu bị lãng quên. Nên nhớ Chúa Chiên Lành không bao giờ quên ai. Ngài có quyền ban sự sống trường sinh. Ngài không nhẹ tay hay tha thứ cho kẻ làm hại, gây đau khổ hay ngược đãi chiên con. Chiên con van nài chủ chiên lên tiếng. Họ chọn thái độ lặng câm. Xin đừng quên cầu nguyện cho họ. Xin cho họ ơn can đảm, kiên trì vì Danh Chúa như các tông đồ xưa.

Lòng hân hoan bởi được coi là là xứng đáng chịu khổ nhục vì Danh Đức Giêsu. Cv. 5,41

Phaolô nhiều phen ra tù, vào khám, đòn vọt, đói khát, bị ném đá, đắm tầu, bị cướp, dân ngoại vu cáo và kẻ giả danh làm khốn. 2 cor 11,25


Đức Kitô Phục Sinh chiến thắng khải hoàn. Một ngày nào đó những câm nín hôm nay sẽ bùng phát.

Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che dấu mà sẽ không được tỏ lộ. Không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng Mat 10,26-27
 
Phải cầu nguyện cho các Linh Mục
PM. Cao Huy Hoàng
15:58 22/04/2010
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Phục Sinh, Năm C

“Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một."

( Ga 10, 27 – 30 )

Chúa Giêsu lặp lại hai lần câu nói: “không ai cướp được”; lần thứ nhất “không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” và lần thứ hai “không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Như vậy, mỗi tín hữu phải cảm thấy thật là vinh dự lớn lao vì mình được là con chiên trong đoàn chiên của Chúa Giêsu, được ban cho Sự Sống đời đời và không ai cướp được Sự Sống ấy.

Mỗi tín hữu, dù là Đức Giáo Hoàng, xuống đến các Đức Giám Mục, Linh Mục rồi Giáo Dân, ai cũng là con chiên được ban Sự Sống đời đời, vì ai cũng đã có một lần từng đứng trước một vị Linh Mục mà trả lời câu hỏi này: “Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa ?” Thưa: “Con xin Đức Tin và Đức Tin mang lại cho con Sự Sống đời đời”.

Sự sống đời đời của con chiên, “không ai cướp được” là vì luôn có sự hiện diện của chủ chiên. Chủ chiên tối thượng là Chúa Giêsu. Ngài vẫn còn hiện diện sống động trong đoàn chiên của ngài qua những chủ chiên là con chiên được tuyển chọn để cất nhắc lên coi sóc đoàn chiên của Ngài, và bảo đảm cho đoàn chiên ấy một Sự Sống đời đời, không để ai cướp mất được.

Tin tưởng vào lời hứa của Chúa Giêsu: “Ta là Mục Tử Tốt Lành”, mỗi con chiên có quyền khao khát một vị chủ chiên thánh thiện, tốt lành như Chủ Chiên Giêsu để có thể phó thác đời mình ở trần gian hôm nay và thiên quốc mai sau. Khao khát có chủ chiên và khao khát có chủ chiên thánh thiện là khao khát thánh thiện phát xuất từ khao khát được sống đời đời.

Sự Sống đời đời ấy là Ơn Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã truyền cho các mục tử của Ngài phải ban phát cho nhân loại, cho mỗi tín hữu. Như Thánh Phaolô và Barnabê đã khẳng định: “Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem Ơn Cứu Độ đến tận cùng cõi đất" ( Cv 13, 47 ).

Hơn thế nữa, sách Khải Huyền nói: “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” và “Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ." ( Kh 7, 14, 17 )

Vậy, nếu Chúa Giêsu Mục Tử Tốt Lành đã bằng lòng đổ máu mình, để các con chiên nhờ máu Ngài mà tẩy sạch mọi tội lỗi và nên tinh tuyền trước mặt Thiên Chúa, thì mỗi tín hữu còn có quyền khao khát những mục tử đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu đổ máu để họ cũng được nên tinh tuyền, được cứu độ.

Quả thật, vinh dự thay được làm con chiên trong ràn chiên của Chúa. Càng vinh dự hơn nữa, cùng với trọng trách nặng nề biết bao khi được Chúa cất nhắc lên coi sóc đoàn chiên của Ngài. Tôi không chỉ nghĩ đến các Linh Mục với vài ngàn con chiên, mà còn nhớ đến những người làm cha mẹ, với năm bảy hoặc mươi lăm con chiên mình phải coi sóc, kể cả những nhà giáo, những huynh trưởng, những giáo lý viên. Thảy đều phải noi gương Mục Tử Tốt Lành là Chúa Giêsu mà chịu đổ máu mình ra để đoàn chiên mình được cứu rỗi.

Vì để bảo đảm cho Sự Sống đời đời không ai cướp đi được, nhờ có các Mục Tử Tốt Lành, mà hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho ơn Thiên Triệu, đặc biệt cho ơn Thiên Triệu Linh Mục thừa tác.

- Phải cầu nguyện vì Giáo Hội luôn cần có những người sẵn lòng tận hiến đời mình cho Thiên Chúa trong vai trò mục tử thánh thiện.

- Phải cầu nguyện để có nhiều, nếu không nói là tất cả, những Linh Mục thánh thiện.

- Phải đóng góp cụ thể cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội trong việc chuẩn bị, và đào tạo các ứng sinh Linh Mục.

- Và thiết nghĩ, còn phải bảo vệ các Linh Mục với thân phận con người mỏng dòn của mình nữa.

Tại Việt Nam, điều đáng mừng là còn có nhiều thanh thiếu niên đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa và tận hiến đời mình cho Chúa và Giáo Hội. Nơi này, nơi kia, Giáo Xứ này, Giáo Xứ nọ, đều có những hoa trái Linh Mục đáng kể, mặc dầu không phải nơi nào cũng có nhiều người được chọn làm Linh Mục.

Tôi bỗng nhớ câu chuyện của một cụ già đầy kinh nghiệm kể rằng: “Giáo Xứ chúng tôi đến nay đã hơn trăm năm thành lập, mà Chúa chọn có mỗi một người làm Linh Mục thôi. Linh Mục ấy cũng qua đời ở Dallas rồi !”

Tôi hỏi cụ: “Theo cụ thì tại sao Chúa lại bất công như thế. Có Giáo Xứ có đến mười hoặc hơn mười người làm Linh Mục”. Ông nói: “Truyền rằng, trong Giáo Xứ tôi hồi xa xưa ấy, có một bà làm nhục cha sở, rồi cả Giáo Dân đứng lên phản đối cha, bêu xấu, đóng cửa Nhà Thờ, trả cha về cho Tòa Giám Mục… Từ ấy về sau, con cái trong Giáo Xứ đứa nào đi tu cũng cách này cách khác tìm đường chuồn về, chẳng đứa nào đậu được chức cha. Giá mà hồi ấy ai nấy ra sức cầu nguyện cho cha, và đừng phạm sự thánh cách công khai ấy, thì có lẽ Chúa thương cũng được thêm vài cha nữa rồi”.

Tôi không biết suy nghĩ của ông cụ có đúng không. Tôi chỉ biết là phải trân quí, yêu mến, cầu nguyện và bảo vệ các Linh Mục, và không được phép khước từ. Sách Công Vụ Tông Đồ đã kể: “Phaolô và ông Barnaba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ Lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng Sự Sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” ( Cv 13, 46 ).

Vâng, phải cầu nguyện và cũng phải bảo vệ nữa. Vì ma quỷ luôn có những kế hoạch hàng đầu trong chương trình phá hoại Giáo Hội là “đánh kẻ chăn, đàn chiên ắt tan tác”.

- Phải cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, vì những tố cáo về những vụ “sexual scandals” mà ngài phải gánh chịu do một số Linh Mục sống cuộc sống buông thả.

- Phải cầu nguyện cho các Đức Giám Mục, các Đấng Chăn Chiên trực tiếp của Giáo Hội Địa Phương. Tôi nghĩ có thể có những bất toàn thuộc về cá nhân, nhưng tôi không tin có một bất toàn nào thuộc về tập thể, vì phải xác tín rằng, Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn các ngài dẫn dắt Giáo Hội đi theo đường ngay nẻo chính, không đi trên con đường sai lầm. Không thể lấy điển hình tốt của một cá nhân Giám Mục này, mà bôi nhọ, bài xích tất cả các vị khác. Còn thậm tệ hơn nữa, dùng cách bôi nhọ bài xích thiếu văn hóa, thiếu nhân phẩm, thiếu đức tin, là cách làm của ma quỷ. Lịch sự luôn là hoa trái của lòng bác ái. Cách bôi nhọ bài xích không phải là cách góp ý chân thành. Vô tình mà các tín hữu tự mãn, tự phụ về vốn hiểu biết chính trị một chiều của mình lại làm tay sai cho ma quỷ để thực hiện mưu toan chia rẽ sự hiệp nhất nội bộ của các chủ chiên.

- Phải cầu nguyện cho các Linh Mục, vì thời nào cũng có những cạm bẫy cho các Linh Mục, những người được Thiên Chúa tuyển chọn để chăn dắt đoàn chiên Chúa, những hiện thân của Chúa Giêsu, những cánh tay nối dài của các Giám Mục. Riêng trong thời đại này, thời đại ma quỷ đỏ rực lửa hỏa ngục đang nhắm thẳng vào các chủ chiên tốt lành của Giáo Hội, để giảm thiểu tối đa uy tín của chính các ngài, để làm mất mặt Giáo Hội và Chúa Giêsu. Ma quỷ thừa biết rằng: uy tín của các ngài phát xuất từ Chúa Giêsu, qua Giáo Hội. Vì thế, chúng tạo mọi điều kiện tốt để các ngài được tận hưởng một nền văn minh hưởng thụ vật chất thế gian mà các ngài đã quyết lòng từ bỏ, để tận hiến cho Thiên Chúa.

Trước nỗi đau của Đức Giáo Hoàng, của Giáo Hội, về các vụ sexual scandals, thiết tưởng, Giáo Dân Việt Nam càng phải tha thiết cầu nguyện nhiều nhiều hơn nữa cho các chủ chiên của mình luôn cảnh giác trước những chước cám dỗ tinh vi. Không chỉ cầu nguyện, mà còn tích cực góp ý và chặn đứng các nguy cơ dẫn đến điều tệ hại ấy.

Cha Hạt Trưởng của tôi mất nay đã gần 100 ngày. Tôi nhớ, cũng tháng này 3 năm trước, ngài gọi tôi để nhờ tìm hiểu về tác giả một bức thư gửi qua E-mail của chính ngài: thư đề “Kính gửi quí cha nhân ngày Tĩnh Tâm các cha trong Giáo Hạt”, như sau:

“Là Giáo Dân sống trong thời đại này, chúng con còn cần phải cảnh giác tối đa, trước những cám dỗ về tiền bạc, rược chè, khoái lạc, huống chi là các Linh Mục. Giáo Dân còn bị ma quỷ đen đầu đỏ đuôi cài đặt cạm bẫy để phạm các tội luân lý huống nữa là các Linh Mục. Không ai đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã.

Vì thế, với lòng yêu mến, và vì cương quyết bảo vệ các Linh Mục là những mục tử tốt lành như lòng Chúa mong muốn để ban Sự Sống đời đời cho chúng con, chúng con thực tình mà nói về những điều mà Giáo Dân chúng con không muốn thấy:

- Giáo Dân không muốn thấy các cha nhập cuộc với “văn hóa cạn chén” nơi những đám cưới, đám giỗ chạp, hoặc ngay cả trong buổi tiệc tốt lành tại nhà xứ… để được tiếng là “cha mình rất dễ tính, rất hòa đồng”… huống nữa là họ phải thấy cha mình đang lai rai ở các quán ăn, quán bia, hoặc nhâm nhi cà phê giết thời gian dưới ánh đèn mờ, hoặc hát karaoke với mấy bà sồn sồn quá mười giờ đêm không cho ai ngủ.

- Giáo Dân càng không muốn thấy cha cử hành Thánh Lễ đang lúc còn sặc nồng men rượu nghiêng ngã trên bàn thờ, giảng Lời Chúa lắp bắp, cử hành Phụng Vụ quên trước quên sau, huống nữa là họ phải thấy, phải nghe ngay từ trên tòa giảng cha mình nặng lời chĩa mũi dùi vào một vài cá nhân chân thành góp ý...

- Giáo Dân không muốn thấy cha mình cần tiền bạc đến mức phải thường xuyên lui tới thăm mục vụ các nhà việt kiều, thăm các nhà kinh doanh, thăm những ân nhân, thăm những người đẹp..., còn nhà những người nghèo, người đau yếu tật nguyền cùng khổ… thì đợi tới khi xức dầu, cha vẫn tìm không ra nhà hoặc là đi lộn ngõ !

- Giáo Dân không muốn thấy các cha tiếp khách ưu tiên nơi phòng riêng, trong khi tiếp các ông Hội Đồng, các người giúp việc Giáo Xứ nơi hiên Nhà Thờ cho qua loa cho xong chuyện.

- Giáo Dân không muốn thấy kể cả các Nữ Tu hiền lành thánh thiện thường trú ở nhà xứ, vì họ vẫn biết rằng “une soeur, deux femme”, huống nữa là họ phải chứng kiến các cô các bà sinh hoạt ở nhà xứ, ăn ở nhà xứ sáng trưa chiều tối có khi đến tận khuya, đùa cợt, nói cười vui vẻ. Không phải Giáo Dân không tín nhiệm bản lĩnh của cha mình, nhưng không có gì bảo đảm cho một cuộc chiến thắng thánh thiện. Họ sợ cha mình phải xiêu lòng, vì trong số các xơ, các bà, các cô ấy, chỉ cần có một sơ sẩy, là đã tiêu tan cả cái uy tín của ngài, huống nữa là có thể có hai hoặc ba hoặc nhiều hơn, đến lúc bà này đánh ghen với bà kia thành ra bể chuyện.

- Giáo Dân không muốn thấy cha chánh xứ mình chán xứ đi vắng thường xuyên, mọi chuyện ở nhà giao cho bà xơ già “chủ lễ- Phụng Vụ Lời Chúa”, việc hôn phối đợi cha về giải quyết một lúc, các Bí Tích khác có ông cha già ở xứ bên cạnh, cần thì ông Hội Đồng cứ kêu. Họ đang rất cần cha. Biết cha đi đâu ? Làm gì ? Chỉ nghe nói cha đi lo việc chung, đến khi vỡ chuyện rằng cha đi lo chuyện riêng của cha rồi mới hỡi ôi ! Không còn cứu kịp !”…

Tôi nhớ có câu chuyện vui rằng: Một cha trẻ mới về Giáo Xứ, chuẩn bị xây Nhà Thờ. Đức Cha gọi cha về Tòa Giám Mục thẩm tra: “Nghe nói con xin được nhiều tiền rồi phải không ?” – “Vâng, lạy Đức Cha, con xin cũng được khá khá” – “Nghe nói con giao tiền cho bà nào đó quản lý phải không” – “Dạ thưa Đức Cha, không hề có chuyện đó ạ. Con đang nhờ cha Quản Lý giữ mà” – “Tốt lắm, chắc con đã thuộc lòng câu: “Tiền đưa cho gái không đòi được đâu”. Chúc con giữ vững điều con đã xác tín”.

Tôi nghĩ là Giáo Dân Việt Nam rất dễ thương đấy chứ. Họ đang rất tha thiết với chức Linh Mục thánh thiện. Họ sẵn lòng dâng hiến và khuyến khích con cái họ theo đường dâng hiến. Tuy nhiên, họ cũng rất cảm thông với thân phận con người yếu đuối của Linh Mục. Họ âm thầm chịu đựng các lầm lỗi của Linh Mục và cầu nguyện cho các ngài nhiều hơn là chống đối hay nổi loạn. Nhưng, không phải như thế là không có thiểu số lầm lỗi hay đã toàn thiện cả đâu. Có thể nói, chỉ sợ thiếu Linh Mục thánh thiện chứ chưa đến nỗi phải sợ thiếu ơn gọi làm Linh Mục. Càng phải ra sức cầu nguyện cho các Linh Mục, không chỉ hôm nay.

Lạy Chúa, chúng con mong được sống đời đời. Sự Sống đời đời ấy nơi Giá Máu của Chúa Giêsu, và hôm nay, cụ thể nơi Giá Máu của các Linh Mục Chúa. Chúng con tha thiết nguyện xin Chúa ban cho các Linh Mục tự hiến đời mình cách hoàn toàn, không chỉ trong đời sống độc thân mà còn trong Đức Khiết Tịnh, không chỉ dâng lễ tế Chúa Giêsu mà còn dâng chính thân mình và cuộc đời các Ngài đã trở nên hiến lễ tinh tuyền đẹp lòng Chúa. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 22/04/2010
KÉO CO

N2T


Theo truyền thuyết, kéo co là một loại vận động bắt nguồn từ khu vực Tương Sở thời chiến quốc, là một loại sinh hoạt quân sự giữa người và thuyền kéo trên sông đó là kéo thuyền, lại còn gọi là “kéo móc”, “thi móc”, “dắt móc” hoặc “móc cường”.

Thời ấy, nước Sở vì muốn đánh nước Ngô nên dùng phương pháp “dắt móc” để huấn luyện thủy binh, khi vừa mới phát động “dắt móc” thì dùng hết sức đánh trống và lớn tiếng hát ca dao để phấn chấn lòng người. Căn cứ theo “Kinh Sở tuế thời ký” miêu tả: khi chơi “thi móc” thì dùng dây gàu làm thành dây thừng, buộc ở hai đầu thuyền dài mấy dặm, lúc thi, nếu thuyền tụt lui thì dùng móc để móc nó dừng lại, nếu thuyền tiến phía trước thì dùng hết sức kéo qua.

Về sau, trò chơi kéo thuyền từ trên nước chuyển dời trên đất, và đổi tên thành kéo co.

(Chuyện ngày xưa, suy tư ngày nay)

Suy tư:

Kéo co là một trò chơi phổ biến hiện nay trong các buổi sinh hoạt tập thể, ngay tại Đài Loan, nhân ngày tết Đoan Ngọ có các địa phương muốn làm sống lại trò chơi nhân gian này, nên đã tổ chức kéo co, có cả ông thị trưởng thành phố đến tham dự cũng xắn quần xắn áo kéo co cùng với dân chúng, không phân biệt ông này bà nọ, vui vẻ vô cùng.

Kéo co là một trò chơi nhân gian lành mạnh, chia làm hai tốp hai với một lằn ranh ở giữa, hai bên ra sức kéo đối phương bước qua lằn ranh là thắng.

Trong đời sống thường ngày của chúng ta cũng vậy, giữa hai sự thiện và sự ác vẫn luôn kéo co giằng đôi trong tâm hồn của chúng ta. Lúc nào sự thiện thắng thì tâm hồn chúng ta vui vẻ, nhìn đời bằng sự lạc quan; khi nào sự ác thắng thì tâm hồn chúng ta đen tối, sống bi quan chán nản...

Dù trong cuộc sống đầy những sự dữ, nhưng người Ki-tô hữu vẫn cứ lạc quan sống, họ vẫn vươn lên giữa những sự ác, vẫn vui tươi làm việc thiện, vẫn lạc quan giữa những bi quan, bởi vì đã có Chúa Giê-su ở với họ, cho nên phần thắng nhất định sẽ về họ, bởi vì họ luôn tin tưởng rằng: sự thiện sẽ thắng sự ác, công chính sẽ thắng gian tà, lạc quan sẽ thắng bi quan, vui vẻ sẽ thắng buồn bực.v.v...

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 22/04/2010
N2T


35. Chỉ có người tôi tớ vác Thánh Giá mới có thể tìm được con đường ánh sáng thật và hạnh phúc thật.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:35 22/04/2010
N2T


425. Dùng tặng phẩm để mua người, thì họ cũng có thể bị người khác nmua lại.

 
Mạnh dạn công bố lời Chúa
Phó tế: GB. Maria Nguyễn Văn Định
23:00 22/04/2010
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Phục Sinh, Năm C

A- Cảm nghiệm Sống và Chia sẻ với sự tác động của Thánh Linh:

Bài đọc 1: Công vụ (13:14;43-52). “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố Lời Chúa; nhưng vì anh em khước từ Lời ấy…thì chúng tôi quay về phía dân ngoại.” (câu 46)

1/ Bạn đang để làm gì cho Lời Chúa được học hỏi trong Cộng đoàn?

2/ Các Gia trưởng có được gọi là Linh mục tại gia không? Tại sao?

Bài đọc 2: Khải huyền (7:9;14b-17). “Vì Con Chiên đang ngự giữa ngai sẽ chăn dắt… họ đến nguồn nước trường sinh.” (c.17)

1/Con Chiên đây là Chúa Giêsu, Ngài đang dẫn dắt họ là những ai?

2/Người có trách nhiệm ngoài xã hội kể là Mục tử không? Tại sao?)

Tin Mừng: Gioan (10:27-30). Đức Giêsu nói:“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (c. 27)

1/ Tôi là Kitô hữu, xin chia sẻ cách nghe và thực hành tiếng Chúa ?

2/ Tầm quan trong của Chia sẻ Lời Chúa tại Gia đình và Giáo xứ?

3/ Nhiệm vụ chính của bạn và tôi từ khi chịu phép Rửa tội là gì ?

B- Ngay bây giờ tôi phải làm gì? (For Action):

1/ Không nên im lặng: Xin Chúa Thánh Thần cho khôn ngoan để biết nói năng khi cần, giúp người khác không bị lầm lạc, được soi sáng bởi Lời Chúa. Nếu bạn sợ mất lòng, nên ngại không dám nói thẳng nói sự thật, không nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên, trong gia đình hay cộng đoàn theo Lời Thiên Chúa cho đúng chức năng mục tử, thì bạn như người làm thuê, sẽ bỏ chạy khi chó sói đến.

2/ Không chạy trốn nhiệm vụ: Nếu tôi sợ không dám nói là quay lưng chạy trốn, là người ngoại tình với Chúa mà bạn đã thề hứa lãnh nhận Bí tích hôn nhân và Chức Thánh, trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh. Nếu tôi không dùng Lời hay làm gương sáng mà mở mắt cho người tôi có trách nhiệm nhìn thấy điều gian ác, thì tôi không xứng đáng chức vụ Ngôn sứ mà tôi đã lãnh nhận.

3/ Vui đón nhận chê trách: Quở trách hay chê trách giúp bạn nhận ra những điều sai lỗi, mà bấy lâu nay bạn không biết hay cố tình quên đi. Bởi đó thánh Phaolô cương quyết và nói thẳng, nói thật: “Đây là lời đáng tin cậy: Ai mong được làm Giám quản (người đứng đầu một Cộng đoàn &Gia đình) người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp. Vậy Giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy; người ấy không được nghiện rượu, không hiếu chiến; nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền, biết điều khiển tốt Gia đình mình(Sở làm, Cộng đoàn), biết dạy con cái phục tùng cách nghiệm chỉnh. Vì ai không biết điều khiển Gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh được?... (x. 1 Tm 3, 1-7)

4/ Thực hiện ba chức vụ: Mọi Tín hữu đều lãnh nhận chức tư tế, Ngôn sứ và Vương đế từ khi chịu phép Rửa tội, không riêng gì Giáo sĩ là Tư tế thừa tác. Bởi vậy môi của Tư tế phải chất chứa sự hiểu biết, và người ta sẽ thấy được Lời Thiên Chúa qua miệng Tư tế, vì ông là sứ giả của Đức Chúa. Vậy nếu bạn không biết nói về Chúa thì khác gì người câm! Vì thế Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trong ngày lễ Ngũ tuần cho các Tông Đồ, là các Mục tử đầu tiên với hình lưỡi lửa, để các vị này là bạn và tôi hôm nay, làm Ngôn sứ cho mọi người được đầy tràn Thánh Linh; những người biết rao giảng, để làm chứng cho Thầy Chí Thánh.

C- Câu Kinh Thánh bạn và tôi chọn làm Châm ngôn Sống:

CHIÊN CỦA TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI; TÔI BIẾT CHÚNG VÀ CHÚNG THEO TÔI. (Ga 10, 27)

1/ Là ngườiTín hữu tôi rất cần đọc và thực hành Lời Chúa hàng ngày.

2/ Bạn nghe Giáo hội là biết sống theo lời dạy của CĐ. Vatican II.

D- Bạn và tôi cùng cầu nguyện và Sống Cầu nguyện: (Pray in Action)

Lạy Cha, Đức Giêsu đã nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng, và chúng theo tôi.” Xin cho các Giáo sĩ và Giáo dân biết đọc và suy niệm Lời Chúa hàng ngày, để Gia đình và Giáo xứ con cũng như mọi Tín hữu lúc nào cũng có Chúa làm chủ và dẫn dắt. Tôi quyết noi gương Mẹ Maria ca ngợi Lòng Chúa Thương Xót không ngừng, cho những kẻ biết kính sợ Người. Amen.

Hoa thơm cỏ lạ: BIẾT CHÚA GIÊSU LÀ BIẾT ĐỨC CHÚA TRỜI

“To know Jesus is to know God”

CHÚA PHẢI ĐƯỢC LỚN LÊN, CÒN TÔI NHỎ ĐI. (Ga 3, 30)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sinh viên các Đại Học tại Rôma chúc mừng Đức Thánh Cha
Bùi Hữu Thư
06:22 22/04/2010
Nhân dịp kỷ niệm 5 Năm Giáo Triều

Rôma, Thứ Tư 21 tháng 4, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Khoảng 1.200 sinh viên các đại học tại Rôma đã đồng ký một lá thư gửi tới Đức Thánh Cha để chúc mừng lễ kỷ niệm 5 năm giáo triều của ngài hôm thứ hai vừa qua.

Lá thư đã được Đức Hồng Y Agostino Vallini, đại diện giám mục Rôma, chuyển cho Đức Thánh Cha vào ngày thứ tư này, sau buổi triều kiến chung.

Đức Cha Lorenzo Leuzzi, giám đốc văn phòng mục vụ Đại Học của giáo phận Rôma đã tuyên bố với phóng viên ZENIT: Sáng kiến này là do “ước nguyện của các sinh viên trẻ muốn bầy tỏ lòng biết ơn ngài về 5 năm qua.”

Các sinh viên cảm tạ Đức Thánh Cha vì đã yêu cầu họ “trở nên các công nhân về bác ái trí tuệ”, và nhấn mạnh là họ “chưa bao giờ được nghe thấy một đề nghị nào có ý nghĩa như vậy cho “kinh nghiệm Đại Học của họ.”

Họ viết trong lá thư gửi Đức Thánh Cha: “Với Đức Thánh Cha chúng con đã học biết là học vấn là một việc phục vụ, và là con đường để cổ võ và xây dựng nền văn minh Tình Yêu.”

Các sinh viên của nhiều Đại Học tại Rôma công lập hay tư thục, cũng như tôn giáo và của Giáo Hoàng, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho 5 năm giáo triều Đức Thánh Cha Benedict XVI, với những giáo huấn dành cho các sinh viên trẻ, và đã cho phép “khởi sự một tổng hợp mới giữa đức tin và luận lý, để có thể làm chứng tá cho lịch sử phồn thịnh của Phúc Âm, là sức mạnh chính thật thúc đẩy việc phát triển đích thực và toàn vẹn của con người.”

Lá thư cuả các sinh viên trẻ tiếp: “Trong những năm qua, chúng con đã hân hoan và hăng hái tiếp nhận những hướng dẫn huấn quyền và mục vụ cung ứng cho tất cả mọi tín hữu và tất cả mọi cộng đồng Đại Học những viễn cảnh mới về sự tham gia của văn hóa trong việc tái tạo ơn gọi đặc biệt của các Đại Học.”

Họ viết tiếp: Trong giai đoạn này của giáo triều, họ đã hiểu rằng “kinh nghiệm của các năm Đại Học không chỉ là một việc huấn luyện chuyên môn, và việc truyền giao kiến thức không thể diển giải bằng một sự thông truyền thật giản dị của các thông tin.”

Họ cũng khám phá rằng thế giới Đại Học “cần có những người tìm kiếm chân lý có thể thúc đẩy tất cả cộng đồng Đại Học tìm được niềm vui và sự mê say khảo cứu.”
 
Chúa Nhật Chúa Chiên Lành: Đức Thánh Cha cổ võ ơn gọi
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
11:15 22/04/2010
Chúa Nhật Chúa Chiên Lành: Đức Thánh Cha cổ võ ơn gọi

ROMA, (zenit.org) - Nhân dịp Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu của năm nay, tức Chúa Nhật ngày 25 tháng tư, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI kêu gọi các bạn trẻ « thân thưa với Chúa » và khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ « cầu nguyện hằng ngày ».

Như thường lệ, Đức Thánh Cha chào các bạn trẻ, bệnh nhân và các cặp vợ chồng trẻ bằng Tiếng Ý trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư vừa qua.

Trước hết, Đức Thánh Cha ngỏ lời với rất nhiều sinh viên sinh hoạt trong đoàn thể Công Giáo nơi các trường đại học tại Rôma mà trước đó họ đã gửi tới Đức Giáo Hoàng lá thư bày tỏ sự ủng hộ, sau đó ngài nói tiếp: « Chúa Nhật tới đây, Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh, là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Cha mong ước nơi các bạn trẻ tìm thấy qua cuộc đối thoại với Thiên Chúa câu trả lời của mỗi cá nhân cho kế hoạch yêu thương của Ngài ».

Đức Giáo Hoàng cũng đã mời gọi các bệnh nhân hãy dâng những đau khổ tật nguyền cho việc triển nở nhiều ơn gọi và đặc biệt là những ơn gọi thánh thiện ».

« Còn các con, hỡi những đôi vợ chồng trẻ, ngài nói tiếp, hãy kín mục nơi buổi cầu nguyện hằng ngày sức mạnh xây dựng một gia đình Công Giáo đích thực ».
 
Phỏng vấn Đức Hồng Y Karl Lehmann, Tổng Giám Mục Mainz, về kỷ niệm 5 năm Đức Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng
Linh Tiến Khải
13:42 22/04/2010
Ngày 19-4-2010 là kỷ niệm đúng 5 năm Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ lấy tên là Biển Đức XVI.

Trong 5 năm qua Đức Thánh Cha đã thi hành chức vụ này trong một cách thế riêng biệt được ghi dấu bằng việc gặp gỡ với thế giới, trong khiêm tốn, trong tình yêu thương sự thật, trong ý hướng chữa lành và hòa giải. Đó là các đặc thái mà mọi người có thể nhận ra trong cung cách Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đương đầu với các vấn đề của Giáo Hội và của thế giới ngày nay. Và chúng đã đem lại nhiều hoa trái tích cực, tuy ban đầu có gây ra các phản ứng tiêu cực và các chỉ trích gay gắt đối với vị Chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ.

Điển hình như bài diễn văn của Đức Thánh Cha tại đại học Regensburg, trong đó ngài đặt vấn nạn với Hồi giáo và hỏi đâu là phần đóng góp của tôn giáo cho xã hội, khi nó bị biến thành bạo lực chối bỏ Thiên Chúa và lý trí. Một số thành phần hồi giáo trên thế giới đã gay gắt giận dữ chỉ trích Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là không biết dùng từ vựng đúng đắn, và họ đã phản ứng với rất nhiều bạo lực. Nhưng sau các phản ứng vì cảm tính bồng bột và thiếu suy nghĩ ấy, dần dần thế giới hồi giáo nhận ra lòng can đảm và sự hữu lý của Đức Thánh Cha, đến độ tai nạn mà nhiều người cho là một ”sự vụng về” của Đức Thánh Cha đã trở thành một động lực giúp tiến tới một cuộc đối thoại tích cực hơn giữa tín hữu công giáo và hồi giáo. Và kết qủa là càng ngày càng có nhiều người hồi trí thức công khai lên án bạo lực tại A rập Sauđi, Irak, Indonesia, Ấn Độ, Ai Cập và cả Pakistan nữa. Đó là kết qủa lòng can đảm dám nói lên sự thật của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Sự thật, chữa lành và hòa giải đã là trọng tâm chuyến hành hương Thánh Địa của Đức Giáo Hoàng hồi năm ngoái 2009. Đức Thánh Cha đã bầy tỏ tình bạn sâu xa đối với dân tộc Israel cũng như dân tộc Palestine, và ngài kêu gọi họ chấm dứt bạo lực và tìm ra con đường chung sống hòa bình.

Về lòng can đảm và hy vọng, Đức Thánh Cha đã vượt xa mọi vị lãnh đạo chính trị toàn thế giới, thường có lập trường phò bên này hay bên kia. Trong khi mọi người vu cáo ngài là người có khunh hướng ”đức quốc xã”, chối bỏ cuộc diệt chủng do thái và ảo tưởng.

Chữa lành và hòa giải đã là đường hướng sự lựa chọn tha vạ tuyệt thông cho các Giám Mục của huynh đoàn Pio X, theo Đức Tổng Giám Mục Lefèvre, với mục đích đưa hàng trăm linh mục và hàng chục ngàn tín hữu của huynh đoàn này trở về hiệp nhất với Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI coi việc duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội quan trọng hơn các lời càm ràm của các tín hữu cấp tiến và các lẩm bẩm của những người chống lại khuynh hướng chối bỏ cuộc diệt chủng do thái phản đối Đức Giám Mục Williamson. Cả khi vụ Giám Mục Williamson và các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên cho thấy sự thiếu sót của các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vẫn kiên trì trong quyền của ngài tìm cứu vãn một tình hình, bằng cách định nghĩa điều thật điều giả, điều đúng điều sai, bằng cách khước từ các lựa chọn mù quáng phò bên này hay bên kia.

Sự thật, chữa lành và hòa giải đã luôn luôn là các chỉ thị của Giáo Hội.

Có biết bao nhiêu người do thái, người đức quốc xã, các du kích quân đã được các tín hữu, linh mục và giáo dân công giáo cứu sống trước, trong và sau đệ nhị thế chiến? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bị nhiều người thù ghét chính vì sự phân biệt giữa sự thật, biết chú ý tới mọi chi tiết của thực tại, và các cung cách hành xử ý thức hệ có khuynh hướng tiêu diệt đối phương, là kiểu hành xử của xã hội ngày nay, trong đó thống trị chế độ độc tài của chủ trương tương đối hóa và thích nghi, trong đó không còn có sự thật khách quan nữa, mà chỉ còn có cảm tính của cái ”tôi” mà thôi.

Sự thật nói trên đủ để giải thích mọi điêu ngoa, dối trá, vu khống, mạ lị và bôi nhọ, mà giới truyền thông quốc tế hăm hở trút đổ trên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Giáo Hội Công Giáo trong các tháng qua, liên quan tới các vụ giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Thái độ bạo lực bệnh hoạn và mù quáng này nảy sinh từ sự kiện con người ngày nay với các tiến bộ khoa học kỹ thuật nó tưởng mình đã lên thấu tới trời và trở thành Thiên Chúa, nhưng lại khám phá ra rằng mình nghèo nàn, thiếu thốn và yếu đuối với một thứ khoa học chỉ tàn phá môi sinh và gây chết chóc cho con người, với một đường lối chính trị ngày càng bất lực, với một thứ kinh tế tự hãnh diện là ”khoa học” ngày càng tỏ ra vô luân và không có khả năng đem lại hạnh phúc cho xã hội loài người.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc cho thế giới biết rằng lý trí con người vén mớ cho thấy giới hạn mà không ai muốn thừa nhận và xưng thú; chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành tất cả mọi què quặt thê thảm đó trong các yêu sách của con người; chỉ có Chúa Giêsu Kitô là phương dược trao ban sự bất tử và vẻ đẹp cho cuộc sống con người.

Cuộc chiến đấu của lý trí đó cũng là cuộc chiến đấu Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đang hướng dẫn trong Giáo Hội. Chống lại một thứ Kitô giáo tình cảm, nhàm chán theo thói quen, phân chia theo ý thức hệ bảo thủ hay cấp tiến, Đức Thánh Cha thúc đẩy tín hữu bước vào trong tương quan sinh động với Chúa và với Giáo Hội là Thân Mình mầu nhiêm của Chúa Kitô, chứ không phải là trung tâm của quyền lực hay nơi trốn tránh thế giới. Tương quan sinh động đó khiến cho các lý lẽ của đức tin được lớn lên, và thúc đẩy tín hữu làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô giữa lòng thế giới.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Karl Lehmann, Tổng Giám Mục Mainz, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Liên Bang Cộng Hòa Đức, về biến cố Đức Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng và tổng kết 5 năm Chủ Chăn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Lehmann, cách đây 5 năm Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã được Hồng Y Đoàn bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ. Đức Hồng Y đã sống giây phút lịch sử ấy như thế nào?

Đáp: Tôi đã không tin là một người Đức có thể được bầu làm Giáo Hoàng. Lý do bởi vì các vết thương của hai Thế Chiến với sự tham dự của người Đức vẫn chưa bị lãng quên. Cũng có người sợ một ảnh hưởng Đức qúa mạnh trên Giáo Hội. Nhưng mặt khác thì Đức đương kim Giáo Hoàng đã là một thần học gia nổi tiếng, trên 20 năm trời đã sẵn sàng cho việc bầu cử ấy. Qua các hoạt động và tiếp xúc đa diện ngài đã là nhân vật rất được biết tới. Vì thế mà điều ban đầu xem ra không thể xảy ra, lại đã xảy ra.

Hỏi: Đức Hồng Y có thể tổng kết 5 năm làm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI như thế nào?

Đáp: Như là người kế vị Đức Gioan Phaolô II Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có các điều kiện thật khó khăn. Bên cạnh một nhân vật có dáng dấp cao và được giới truyền thông chấp nhận như Đức Gioan Phaolô II, hồi đó trong Hồng Y Đoàn người ta đã tự hỏi không biết có tìm ra được một vị nào giống như thế, mặc dù có kiểu cách riêng của vị ấy hay không. Vì thế thật là may mắn khi chọn được một Người có tầm mức trí thức và thần học như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Trước hết Đức Giáo Hoàng là một con người của công việc bàn giấy, có tầm hiểu biết thần học cao, đáng tin cậy, và gây ấn tượng trong các cuộc gặp gỡ cá nhân cũng như trong khi nói chuyện và diễn thuyết. Và sau khi được bầu lên, Đức Giáo Hoàng đã có thể thích nghi mau chóng như gặp gỡ con người thuộc mọi giai tầng xã hội khác nhau, và có thể giảng dậy một cách rất đơn sơ gần gũi với dân chúng. Người đã mau chóng phát triển một kiểu riêng, mà không bắt chước vị tiền nhiệm.

Hỏi: Đức Giáo Hoàng cho người ta cảm tưởng ngài có thể là một vị chủ chăn không chính trị, có đúng thế không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong các tình trạng nóng bỏng, hay trong các tai ương lớn hoặc trong bài diễn văn đọc trước Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã hiện diện và tỉnh táo hơn là điều có người tưởng nghĩ. Đồng thời người cũng đã hành động một cách đúng đắn. Người đã sử dụng các ơn Chúa đã ban cho người là ơn lời nói và ơn rao giảng, mà người đã để cho tuôn chảy trong cuốn sách đầu tiên về Đức Giêsu và trong nhiều bài giảng của người. Sau nhiều hoạt động và cải cách thời hậu công đồng, Đức Giáo Hoàng phải giúp cho Giáo Hội đi vào việc suy tư, đào sâu và canh tân tư tưởng nhiều hơn. Đó là món qùa đặc biệt mà triều đại giáo hoàng của người hiến tặng cho Giáo Hội. Và ở điểm này thì không ai có thể bắt chước người được.

Hỏi: Trên bình diệm đại kết xem ra Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ít cởi mở, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Có vài điều thật ra đối với tôi xem ra sai lầm. Bên Tây Phương cũng như về phía các Giáo Hội Cải cách người ta không thừa nhận lập trường của Đức Thánh Cha. Đặc biệt trước thời Công Đồng Chung Vaticăng II, qua các nghiên cứu của mình cũng như của các môn sinh như Vinzenz Pfnuer hay Siegfried Wiedenhofer, thần học gia Joseph Ratzinger đã đóng góp rất nhiều cho phong trào đại kết, hồi đó không phải là điều đương nhiên chút nào.

Chẳng hạn như vấn đề dưới các điều kiện nào có thể nghĩ tới việc Giáo Hội Công Giáo thừa nhận Bản tuyên xưng đức tin Augsburg năm 1530. Như là người đầu tiên đã viết khảo luận về vấn đề này, Đức Thánh Cha đã làm việc với các nhóm đại kết vào cuối thập niên 1950, và đầu thập niên 1960 đã diễn thuyết về đề tài này. Tôi tin rằng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã dấn thấn cho phong trào đại kết hơn là điều người ta tưởng nghĩ rất nhiều. Đương nhiên là ở đây người có các mẫu mực và tiêu chuẩn cao của người.

Hỏi: Ngày nay có người cho rằng thiếu tiếng nói rõ ràng của Đức Giáo Hoàng liên quan tới các vụ lạm dụng tính dục trong Giáo Hội. Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Việc liên tục yêu sách Đức Thánh Cha phải lên tiếng liên quan tới các vụ lạm dụng tính dục tại Đức tôi thấy đôi khi nó có tính cách cuồng loạn. Vì Đức Giáo Hoàng là Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ. Khi ngài giải thích điều gì, thì ngài nói với toàn thể Giáo Hội. Và Đức Giáo Hoàng đã nói nhiều lần về vấn đề này và đã mạnh mẽ lên án tội lạm dụng tính dục trẻ em như trong chuyến công du mục vụ tại Hoa Kỳ năm 2008 và chuyến công du bên Australia trong cùng năm, hay nhiều dịp khác nữa, cũng như trong bức thư gửi Giáo Hội tại Ailen hồi đầu năm nay. Những chuyện một đàng là tự nhiên, đàng khác đã được nói đến nhiều lần, thì Đức Giáo Hoàng không cần phải lập lại nữa, nhất là vì người khác ra lệnh.

Ít ngày trước lễ Phục sinh Đức Thánh Cha cũng đã đề cập tới các vụ lạm dụng tính dục tại Đức với Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, vì thế những lập đi lập lại nói trên là vô ích. Ai cũng biết là ngay từ ban đầu Đức Thánh Cha đã rất nhậy cảm đối với vấn đề này, và không cần phải can thiệp với tư cách là người Đức. Lý do là vì Đức Giáo Hoàng là của mọi người, nên ngài cũng phải để ý. Những gì cần thiết nhất thì ngài đã trình bầy rất rõ ràng trong thư gửi Giáo Hội tại Ailen rồi. Thế thì Đức Thánh Cha còn phải nói với chúng tôi tại Đức điều gì khác nữa?

Hỏi: Ban đầu thì dân Đức vui mừng nói ”Chúng ta là Giáo Hoàng”. Bây giờ thì họ lại rất là đơn sơ, tại sao vậy thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Ban đầu tựa đề ”Chúng ta là Giáo Hoàng” là do nguyệt san ”Bild” cho đăng, và nó đã là biến cố lịch sử vì cảm hứng khoan khoái hứng khởi trong những ngày đầu tiên có Giáo Hoàng người gốc Đức. Nhưng trong cuộc sống thường ngày sự kiện đó trở thành đơn sơ hơn. Sự thật thì có lẽ nó là một đặc tính của người Đức chúng tôi. Vì các chờ mong căng thẳng qúa đáng không được đáp trả. Nhưng mà ngay từ đầu thì cũng đã rõ ràng là Đức Giáo Hoàng không chỉ là của người Đức mà thôi.

Hỏi: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã làm được những gì cho Giáo Hội hoàn vũ trong 5 năm qua thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi rất vui vì thấy Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm Phi châu và đã yểm trợ đại lục này rất mạnh mẽ, kể cả qua Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II. Chúng ta thấy là đại lục này gặp rất nhiều khó khăn vì kém phát triển trên bình diện kinh tế cũng như chính trị, thường là không có các cơ cấu dân chủ, thêm vào đó là tệ nạn gian tham hối lộ và bạo lực. Và Đức Giáo Hoàng đã góp phần giúp tình hình chuyển động. Rất nhiều người Phi châu đặt hy vọng nơi Giáo Hội. Đây chỉ là một thí dụ thôi. Cũng có thể nói về các đại lục và các quốc gia khác tương tự như vậy, qua các chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha.

Hỏi: Đức Hồng Y cầu chúc Đức Thánh Cha trong tương lai những gì?

Đáp: Trước hết tôi cầu chúc Đức Thánh Cha được dồi dào sức khỏe và giữ gìn được sức mạnh của người. Nếu chúng ta biết trong 5 năm qua người đã chu toàn được các bổn phận thường ngày như thế nào, thì chúng ta phải rất biết ơn người. Tôi cũng chúc Đức Giáo Hoàng, qua các chỉ dẫn và nghệ thuật thần học của người, luôn là một bậc Thầy của Giáo Hội. Và tôi cũng hy vọng rằng các nút thắt khiến cho triều đại giáo hoàng của người phải đau khổ được tháo cởi - chẳng hạn như với huynh đoàn thánh Piô X, hay với phát biểu này phát biểu khác về đại kết đáng lý đã phải chú ý hơn tới lịch sử để đừng khiến cho gương mặt của Đức Thánh Cha bị méo mó đi.

(KNA 14-4-2010; ASIANEWS 19-4-2010)
 
Học giả George Weigel bênh vực Đức Thánh Cha Benedicto XVI
Dominic David Trần
16:12 22/04/2010
Học Giả George Weigel
VATICAN, ngày 21 tháng Tư năm 2010 theo tin Thông Tấn Xã toàn cầu (CWN) để đáp lại những điều Thần học gia Hans Kung chỉ trích Đức Thánh Cha Benedicto XVI, học giả George Weigel đã gởi thư ngỏ đến Hans Kung;

" Học giả George Weigel đã phê phán mạnh giáo sư Hans Kung vì những lời tấn công cá nhân gần đây của Hans Kung có tính cách chửi rủa Đức Thánh Cha Benedicto XVI. Học giả George Weigel cho rằng những lời tấn công cho đến gần đây ấy là bởi vì " Lá Thư ngỏ viết ngày 16 tháng Tư năm 2010 gởi cho Giám Mục toàn Công Giáo trên thế giới của Hans Kung được George Weigel đọc trên tờ Aí Nhĩ Lan Thời Báo Irish Times-qua bài viết này Hans Kung đã thiết lập một tiêu chuẩn mới cho một hình thái đặc thù của hận thù ghen ghét đặc biệt vốn được định danh là odium theology và vì "Hans Kung đã có sự lên án thật ti tiện và xử sự rất nhỏ mọn đối với một người bạn cũ nay đã được tôn phong lên ngôi vị Đức Giáo Hoàng-cũng trong lúc ấy Hans Kung lại rộng lượng với chính bản thân mình và nói vun vào cho mọi công việc Hans Kung đương làm để chống lại các giáo thuyết Thần học Chính thống của Giáo Hội Công Giáo."

Học giả Weigel cũng lập lại thuật ngữ odium theology: Thần học của Hận thù -có tính chất Bỉ thử-Ghen tỵ và Xấu miệng ( Nếu các con gà ghét nhau vì tiếng gáy- thì các thần học gia ghen ghét hận thù nhau, xấu miệng xấu máu khi nghĩ và nói về suy tư thần học của người khác như kiểu- Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng. Chuyển ý của Dominic David Trần).

Học gỉa Goerge Weigel nêu rõ là "Hans Kung đã một tay mình- tự phát minh ra một nhân cách mới- mang tính chất toàn cầu-tự biến Hans Kung từ một thần học gia chuyên bất đồng chính kiến-trở thành một ngôi sao được chú ý trên phương tiện truyền thông quốc tế. Than ôi, George Weigel tiếc cho Hans Kung quá vì rằng thời điểm Hans Kung đưa ra những bất đồng chính kiến hoặc muốn ly khai khỏi Thần học Công giáo vào lúc này là trật duộc và chẳng hợp thời tí nào cả."

"Hơn 50 năm qua -ngài Hans Kung đã kiên trì không mệt mỏi để đi tìm và đòi cho bằng được một thứ Chủ nghĩa Công Giáo Cải Cách theo hướng Thần học giải phóng (sic); nhưng chính xác là tại ngay những thời điểm này thì cái dự tính... Tin Lành Cải Cách theo thần học giải phóng ấy của ngài Hans Kung đã và đang bị sụp đổ từ tự chính bản thân của những mớ nhận thức lủng củng- ý nghĩ hổ lốn-chẳng ra đầu đuôi gì cả ấy -đã nằm sẵn trong cái gọi là suy tư thần học của ngài." (Xin được nói rõ là học giả George Weigel đã dùng từ ngữ Thần học chung chung là Theology để nói về công trình của Hans Kung. Để phân biệt- riêng trong Đạo Công Giáo thì được định danh rõ là Thần học Công Giáo- Catholic Theology. Vì Giáo Sư Hans Kung đã bị tước bỏ giấy phép và huấn quyền giảng dạy Thần Học Công Giáo từ năm 1997 rồi. Chú thích của Dominic David Trần)

Học giả Goerge Weigel viết tiếp: "Thưa ngài Hans Kung, xin ngài cho phép tôi được khuyến nghị rằng: "ngài Hans Kung đang nợ Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Benedicxto XVI một lời xin lỗi công khai trên thế giới -vì khách quan mà nói- lời xin lỗi ấy gây nên từ những lời vu oan giá họa mà chính ngài Hans Kung đã áp đặt cho Đức Thánh Cha Benedicto XVI. Nếu có những điều ta không biết mà ta có thể vẫn có tội hoặc cố tình không biết hay là lỗi phạm vào kỷ luật tu trì thì nay tôi đang cầu nguyện vì đã nhận thức được phần nào sự việc dù rằng tôi chẳng biết chi.

Tôi, Goerge Weigel, xin đoan chắc với ngài Hans Kung rằng tôi thực sự gắn bó mật thiết với công cuộc Canh tân toàn bộ của Giáo Triều Rôma và Giám Mục Đoàn- là những dự án hệ trọng mà tôi đã diễn giải khá dài trong tác phẩm "Thiên Ý của Chúa: Đức Thánh Cha Benedicto XVI và Tương Lai của Giáo Hội Công Giáo". Tôi rất vui lòng kính gởi đến tặng ngài một bản dịch tác phẩm này bằng tiếng Đức.

"Thưa ngài Hans Kung, như ngài đã biết rõ - tiếc thay chẳng có con đường nào dẫn đến sự canh tân đổi mới thật sự trong Giáo Hội Công giáo mà không phải bước qua những thung lũng rất cheo leo- vừa hẹp lại vừa dốc của Sự Thật. Theo một cách thế nào đó, Chân Lý đã bị giết chết hay Sự Thật đã bị hạ sát ngay trong những bài viết mà ngài Hans Kung đã cho đăng tải trên tờ Aí nhĩ Lan Thời Báo Irish Times. Và như thế- có nghĩa là tự thân ngài Hans Kung đã đi thụt lùi trong chính nghĩa của sự nghiệp Canh Tân Giáo Hội rồi."

Ngài Hans Kung, xin đoan chắc rằng tôi luôn nhớ đến ngài trong lời kinh nguyện của tôi. Kính thư; GEORGE WEIGEL."

Chia xẻ đại kết của Dominic David Trần: Lạy Chúa, Chúa đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang là Thiên Chúa, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời chịu chết, chết trên cây Thập Tự.

Người tầm thường như chúng con cũng được nghe cựu Giáo Sư Thần học gia Joseph Ratzinger tuyên bố khi được bầu làm Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI; " Thiên Chúa đã thương xót và chọn lựa tôi làm người lao công khiêm hạ trong vườn nho của Chúa". Và chúng con qua đó cũng biết rằng thần học gia lỗi lạc Hans Kung có kính Chúa nhưng Hans Kung yêu cá nhân mình hơn yêu thương những người khác, và qua tất cả những công trình nghiên cứu của Hans Kung thì ngay đến Đấng Đáng Kính như Đức Thánh Cha Gioan Phao-Lồ đệ nhị và Đấng đương nhiệm Benedicto XVI cũng bị Giáo sư Hans Kung chỉ trích. Dominic David Trần xin hiệp ý thông công với học giả George Weigel- Xin Thiên Chúa soi sáng và tẩy sạch odium theology ra khỏi suy tư của giáo sư Hans Kung và những ai đang có những tâm thức tương tự như vậy.

Học giả George Weigel là Học giả cao cấp xuất sắc nhất của Trung Tâm Quốc gia Nghiên Cứu về Các Chính Sách Công Công và Đạo Đức của Hoa Kỳ tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và là Chủ Nhiệm Chương trình Nghiên cứu Về Công Giáo tại đây. Ông được công nhận là một trong những học giả thông thái nhất Hoa Kỳ, bên cạnh những tác phẩm đặc biệt của ông chuyên nghiên cứu về Thần học Đại Kết và Đối thoại Liên Tôn- có tác phẩm mang tựa đề "Nhân Chứng của Hy Vọng hay là Hồi ký về Cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-Lồ đệ Nhị" được xuất bản năm 2005 đã làm cho tên tuổi và các công trình học thuật của ông vang lừng trên khắp thế giới và được chuyển dịch sang nhiều thứ tiếng.
 
Top Stories
Vietnam: L’accord des autorités ayant été donné sous condition, l’évêque responsable annule un Congrès de la jeunesse prévu pour le mois de juillet
Eglises d'Asie
07:41 22/04/2010
VIETNAM: L’accord des autorités ayant été donné sous condition, l’évêque responsable annule un Congrès de la jeunesse prévu pour le mois de juillet

Eglises d'Asie, jeudi 22 avril 2010 - Un communiqué de la commission épiscopale pour la jeunesse fait connaître ce qui est sans doute le premier accroc dans l’organisation de l’année sainte et plus particulièrement dans la collaboration de l’Eglise et des autorités civiles à cette occasion. Le communiqué annonce aux responsables diocésains l’annulation d’une très importante manifestation qui devait réunir l’ensemble des jeunes catholiques vietnamiens au mois de juillet dans le diocèse de Thanh Hoa. Les autorités locales ayant jugé bon de n’accorder l’autorisation que sous condition, la commission a décidé de rayer le Congrès de la jeunesse du programme des manifestations de l’année sainte et de la remplacer, dans un autre lieu, par une réunion plus discrète des délégués des divers diocèses.

Dans le cadre de l’année sainte 2010 commémorant le 350e anniversaire de la fondation des deux vicariats apostoliques du Tonkin et de la Cochinchine, ainsi que les 50 ans de l’établissement de la hiérarchie au Vietnam, la commission épiscopale de la jeunesse avait décidé d’organiser un vaste rassemblement de la jeunesse de tout le pays, le 21 et 22 juillet 2010, dans la paroisse de Ba Lang du diocèse de Thanh Hoa. Ce lieu avait été choisi à cause de l’importance qu’il revêt au sein de l’histoire du christianisme au Vietnam. C’est dans ce village côtier qu’avaient abordé le père Alexandre de Rhodes et ses compagnons, le 19 mars 1627, alors qu’ils venaient apporter l’Évangile au Tonkin, le Vietnam du Nord. L’organisation de cette manifestation avait été adoptée à l’unanimité par les évêques du Vietnam, lors de leur première assemblée annuelle de 2009. La nouvelle avait été accueillie avec joie par l’ensemble de la jeunesse du Vietnam.

Le 5 décembre 2009, la commission de la jeunesse avait adressé au bureau des Affaires religieuses ainsi qu’aux les autorités civiles de la province de THanh Hoa une requête signée de l’évêque responsable de la commission, Mgr Joseph Vu Van Thiên, évêque de Hai Phong, et de l’évêque de Thanh Hoa, Mgr Joseph Nguyen Chi Linh, qui est aussi vice-président de la Conférence. Après plusieurs mois d’attente et de nombreuses interventions, le Comité populaire de la province de Thanh Hoa a fait savoir récemment qu’il existait un conflit de terrain entre la paroisse de Ba Lang et les autorités locales et que le Congrès de la jeunesse ne pourrait avoir lieu tant qu’il ne serait pas résolu.

La commission a immédiatement tiré les conséquences de cette réponse dilatoire. Pour organiser ce Congrès national d’envergure exceptionnelle, les responsables devaient bénéficier d’un certain temps. N’ayant pas de réponse à cette date de l’année, après avoir consulté l’évêque de Thanh Hoa, l’évêque responsable de la commission a averti le bureau des Affaires religieuses que la commission décidait de retirer sa demande d’organisation d’un Congrès de la jeunesse à Ba Lang, ainsi qu’en tout autre lieu au Vietnam. Le Congrès sera remplacé par un séminaire qui rassemblera les délégués des 26 diocèses du Vietnam en un lieu qui n’est pas encore fixé aujourd’hui.

Le communiqué adressé à tous les prêtres responsables de la pastorale de la jeunesse dans les diocèses a été mis en ligne sur le site de la Conférence épiscopale du Vietnam (1).

(1) http://hdgmvietnam.org/thong-bao-cua-uy-ban-gioi-tre/1683.24.16.aspx
 
Chine: Dans le Jiangsu, nouvelle ordination épiscopale d’un évêque « officiel » et reconnu par Rome
Eglises d'Asie
07:43 22/04/2010
CHINE: Dans le Jiangsu, nouvelle ordination épiscopale d’un évêque « officiel » et reconnu par Rome

Eglises d’Asie, jeudi 21 avril 2010 - Les ordinations d’évêques en communion avec Rome, se succèdent ces derniers temps en Chine; le 8 avril dernier, Mgr Du Jiang, évêque tout à la fois « officiel » et reconnu par Rome avait été installé sur le siège épiscopal de Bameng en Mongolie intérieure, puis le 18 avril, ce fut le tour de Mgr Paul Meng Qinglu, avec l’approbation de Pékin et du Vatican, d’être ordonné évêque de Hohhot, diocèse situé lui aussi en Mongolie intérieure (1).

Le mercredi 21 avril, le nouvel évêque du diocèse de Haimen, situé dans la province de Jiangsu, était lui aussi, approuvé par la Conférence des évêques « officiels » de Chine tout en ayant reçu mandat pontifical. Agé de 40 ans, Mgr Joseph Shen Bin, est né dans une famille catholique et a suivi ses années de formation au séminaire national de Beijing. Il a été ordonné prêtre en 1996 et a desservi plusieurs paroisses avant d’être appelé en 1999 au vicariat général du diocèse.

Son prédécesseur, Mgr Matthew Yu Chengcai, évêque « officiel » mais qui n’avait jamais reçu de mandat pontifical, est décédé en 2006 à l’âge de 89 ans. Le siège épiscopal était resté vacant depuis.

L’ordination épiscopale a été célébrée en la cathédrale du Bon Pasteur à Nantong, sous la présidence de Mgr Johan Fang Xinyao, évêque de Linyi, de la province de Shandong, assisté de Mgr Francis Lu Xinping, évêque de Nanjing, de Mgr Joseph Xu Honggen, évêque de Suzhou, et de Mgr Wang Renlei, évêque coadjuteur de Xuzhou, tous trois de la province de Jiangsu.

Tous ces prélats étaient en communion avec Rome, sauf Mgr Wang Renlei, ordonné en 2006 sans mandat pontifical.

Malgré les tensions et les diverses pressions, perceptibles notamment lors de l’ordination de Mgr Du Jiang, en raison de la présence parmi les officiants d’un évêque officiel non reconnu par Rome mais imposé par les autorités - ce à quoi s’opposait le futur évêque (2) -, ces récentes ordinations d’évêques reconnus par le Vatican et acceptés comme « officiels », marquent selon certains observateurs locaux, une évolution importante dans les relations entre l’Etat et l’Eglise en Chine. Selon eux, ces ordinations épiscopales, malgré la présence pour deux d’entre elles d’un évêque illégitime (sans mandat pontifical), semblent montrer que Pékin se résout à faire des concessions, en tolérant des candidatures de prélats reconnus par Rome, qui auparavant, auraient été contraints à la clandestinité (3).

Assistaient à l’ordination, plus d’une vingtaine de prêtres et près de 2 000 fidèles. Le nouveau prélat a déclaré vouloir donner la priorité à la formation du clergé, ainsi qu’à celle des laïcs, et à mettre tout en oeuvre pour développer des actions concrètes en faveur des déshérités.

A la fin de la célébration, un temps de silence a été observé en union avec les populations victimes du tremblement de terre meurtrier qui a touché le 14 avril dernier le plateau tibétain, dans la province de Qinghai, et dont le bilan s’élève aujourd’hui à plus de 2 000 morts, 12 000 blessés, et 100 000 sans-abris, selon les chiffres de l’agence officielle Chine Nouvelle du 22 avril.

Le diocèse de Haimen compte actuellement 9 prêtres, 21 religieuses, 3 séminaristes et 30 000 fidèles, dont la plupart sont des paysans ou des ouvriers. Il est l’un des premiers vicariats apostoliques créés en Chine et son premier évêque, Mgr Simon Zhu Kaimin fut ordonné avec les six autres premiers évêques chinois par Pie XI à Rome en 1926 (4).

(1) Voir dépêche précédente et EDA 527

(2) Voir EDA 527

(3) Sur les difficultés actuelles de la reconnaissance du clergé « officiel » et « clandestin » en Chine, voir dépêches ci-dessus, ainsi qu’ EDA 527, 526, 525

(4) Ucanews, 21 avril 2010; China Infodoc Service, 21 avril 2010; Asianews, 21 avril 2010
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Phó Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Hà Nội
VP Tòa TGM Hà Nội
07:33 22/04/2010
Hôm nay, 22/04/2010, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã loan báo: “Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Phó Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Hà Nội. Cho đến lúc này Đức Cha Phêrô là Giám Mục của Giáo phận Đà Lạt và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”.

Tiểu sử Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn:

Khẩu hiệu giám mục: "NGƯỜI PHẢI LỚN LÊN" (Ga 3,30)

Sinh tại Đà Lạt ngày 01-04-1938

Học tại tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn từ ngày 26-10-1949

Ðại chủng sinh khóa đầu tiên Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt từ 1958 đến 1968

Thụ phong Linh Mục tại Đà Lạt ngày 21-12-1967

Giáo sư Tiểu chủng viện Đà Lạt từ 1968 đến 1972

Giám đốc Ðại chủng viện Minh Hòa Đà Lạt từ 1972 đến 1975

Cha xứ Chính Tòa Đà Lạt từ ngày 01-04-1975

Tổng Ðại Diện Giáo Phận Đà Lạt từ ngày 10-09-1975

Ðược Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục ngày 19-10-1991

Thụ phong Giám mục tại Đà Lạt ngày 03-12-1991

Giám mục phó giáo phận Đà Lạt từ 1991 đến 1994

Giám Mục giáo phận Đà Lạt ngày 23-3-1994

Được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội ngày 22-4-2010.
 
Đức Giám Mục giáo phận Phát Diệm thăm Thái Hà
Joseph Nguyễn Văn Thống
07:59 22/04/2010
Hà Nội_ Lúc 9h30, sáng ngày 22/4/2010, tại nhà thờ Thái Hà, vị giám mục đã chọn câu khẩu hiệu" Hiệp thông và Phục vụ” cho đời giám mục của minh, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, tân giám mục giáo phận Phát Diệm, đã đến hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong niềm vui dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội kỷ niệm 80 năm thành lập và nhân dịp Năm Thánh Thái Hà.

Xem hình ĐGM Phát Diệm thăm Thái Hà

Được tin Đức Cha Giuse Nguyễn Năng đến chủ tế Thánh lễ hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Không chỉ con cái giáo phận Phát Diệm và giáo dân Thái Hà mà còn thu hút đông đảo Cộng đoàn khắp muôn phương trong Tổng Giáo Phận Hà Nội đến hiệp dâng thánh lễ.

Đúng 10h, đoàn đồng tế gồm Đức Cha, hai linh mục thuộc giáo phận Phát Diệm, các linh mục trong dòng Chúa Cứu Thế cùng đoàn rước đã tiến vào nhà thờ để hiệp dâng Thánh lễ. Thánh lễ đã diến ra trong bầu không khí thật ấm cúng và thánh thiêng trong ngôi Đền Thánh dâng kính mẹ.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse đã mời gọi mọi người sống đúng tinh thần với sứ vụ" Hiệp Thông và Phục Vụ" Điều này, chúng ta cũng nhớ lại bài chia sẻ của Đức Cha khi được hỏi về ý nghĩa của câu khẩu hiệu" Hiệp Thông và Phục Vụ" trước ngày Ngài nhận lãnh thiên chức Giám Mục, Ngài đã nói:

"Theo sách Công vụ Tông đồ, Hiệp thông (koinonia) và Phục vụ (diakonia) là hai yếu tố nòng cốt làm thành đời sống của Giáo Hội nhằm làm chứng (marturia) cho Đức Kitô Phục sinh. Muốn làm chứng cho Chúa, Giáo Hội phải hiệp thông và phục vụ. Sự hiệp thông mang nhiều chiều kích: trước hết là hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, để từ nguồn mạch và theo mẫu gương hiệp thông của Ba Ngôi, kiến tạo sự hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa và sống hiệp thông với cả những người ở ngoài biên giới hữu hình của Giáo Hội, vì Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện và hoạt động nơi họ. Sự hiệp thông như vừa trình bày được diễn tả qua hình ảnh ba người giang tay liên kết với nhau để làm thành chữ H-T tức là Hiệp Thông."

Việc Đức Cha Giuse Nguyễn Năng đến hành hương Thái Hà, như một bằng chứng đích thực sống "Mầu Nhiệm Hịêp Thông Năm Thánh" mà Giáo hội Việt Nam khi bước vào năm Thánh 2010 cũng như chính con người Đức Cha Giuse Nguyễn Năng đã chọn. Trong những năm qua, trong công cuộc làm chứng cho "công lý" và "sự thật", giáo xứ Thái Hà đã chịu bao đau thuơng từ phía nhà nước Cộng sản, nên việc Đức Cha Giuse Nguyễn Năng đến hành hương và hiệp thông với Thái Hà như là sống cuộc đời làm chứng cho Chúa như lời Đức Cha đã nói: "Muốn làm chứng cho Chúa, Giáo Hội phải hiệp thông và phục vụ"

Thánh lễ kết thúc, Cha Mathêu Vũ Khởi Phụng, bể trên dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội đã cảm ơn Đức Cha vì sự hiện diện của Ngài với giáo xứ Thái Hà. Đáp lai, Đức Cha cũng cảm ơn mọi người đã đón tiếp Ngài để dâng một Thánh lễ trong tinh thần hiệp thông. Thêm nữa, Ngài cũng nhắn nhủ công đoàn kiên trì và cố gắng trong công cuộc làm chứng cho "Công lý" và "sự thật"

Sau thánh lễ, Đức Cha đã dành thời gian để gặp gỡ và chia sẻ với đoàn con cái của giáo phận Phát Diệm đang học tập và làm việc tại Hà Nội

Hà Nội 22/4/2010
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn làm TGM Phó Hà Nội
Lm G. Trần Đức Anh, OP
08:25 22/04/2010
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn làm TGM Phó Hà Nội

VATICAN. Hôm 22-4-2010, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, GM Đà Lạt, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị của Tổng giáo phận Hà Nội.

Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn năm nay 72 tuổi, sinh ngày 1-4 năm 1938 tại Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 21 tháng 12 năm 1967 và được chọn làm GM Phó giáo phận Đà Lạt cách đây 19 năm (3-12-1991) và gần 3 năm sau, ngày 23-3 năm 1994 ngài kế nhiệm Đức Cha Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm trong nhiệm vụ Giám mục chính tòa Đà Lạt. Đức Cha Nhơn kế nhiệm Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa trong nhiệm vụ Chủ tịch HĐGM Việt Nam.

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt năm nay 58 tuổi (4-9-1952), nguyên thuộc giáo phận Long Xuyên, thụ phong linh mục năm 1991, và được chọn làm GM Lạng Sơn và Cao Bằng năm 1999. 6 năm sau đó ngài thăng TGM chính tòa giáo phận Hà Nội ngày 19-2-2005.

Theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, Tổng giáo phận Hà Nội có gần 335 ngàn tín hữu Công Giáo với 143 giáo xứ và hơn 90 linh mục triều và dòng (SD 22-4-2010)
 
Phỏng vấn Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt
WHĐ
14:02 22/04/2010
Phỏng vấn Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt

Xin chân thành cảm ơn Đức Tổng Giuse đã nhận trả lời phỏng vấn của WHĐ.

Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt.


* * *

1. Xin chúc mừng Đức Tổng đã trở về Hà Nội bình an. Hiện sức khỏe của Đức Tổng ra sao?

Trả lời: Cám ơn Ban Biên Tập đã có sự quan tâm. Tôi đã được Bộ Loan báo Tin mừng sắp xếp vào bệnh viện Gemili và được Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum sắp xếp vào Universita Campus Bio-Medico di Roma. Vì giấy của Cor Unum đến trước nên tôi vào bệnh viên mới, rất tối tân. Vì trong bệnh viện có phân khoa Y của đại học Roma nên có nhiều giáo sư bác sĩ tận tâm khám chữa với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại. Nhưng sau một tháng theo dõi và chữa trị, bệnh của tôi không thuyên giảm bao nhiêu. Các giáo sư bác sĩ kết luận là phải nghỉ ngơi lâu dài thì mới có hi vọng hồi phục.

2. Mặc dù đi vắng, không tham dự Hội nghị kỳ I của HĐGM năm 2010, diễn ra tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu (Vũng Tàu) từ ngày 05-04 đến ngày 09-04-2010, nhưng có lẽ Đức Tổng vẫn theo dõi tin tức về Hội nghị, vẫn hướng về Hội nghị qua lời cầu nguyện và sự hiệp thông?.

Trả lời: Tuy không thể tham dự Hội nghị HĐGM nhưng tôi luôn theo dõi và biết tình hình. Hội nghị lần này chắc chắn bận rộn vì bàn về việc cử hành Năm Thánh là việc thời sự và quan trọng đối với Giáo hội Việt nam. Nhưng có lẽ những tin tức bên lề còn sôi động hơn, nên tôi không ngừng theo dõi và cầu nguyện thật nhiều cho Hội nghị.

3. Hội nghị của HĐGM kết thúc và ngay sau đó Đức cha Phó Tổng Thư ký đã công bố Biên bản của Hội nghị. Văn kiện này giúp toàn thể Dân Chúa tại VN và mọi người quan tâm biết được nội dung nghị sự của các Đức giám mục.

Tuy nhiên lại có thông tin cho rằng HĐGMVN cũng đã bàn trong Hội nghị về vấn đề nhân sự của Tòa Tổng giám mục Hà Nội. Đức Tổng nghĩ gì về thông tin này?

Trả lời: Những thông tin đó tỏ ra không am hiểu cơ chế hoạt động trong Giáo hội, hoặc cố tình lái dư luận vào chiều hướng khác. Phải nói ngay rằng bổ nhiệm giám mục là quyền của Đức Thánh Cha chứ không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Giám mục. Hội đồng Giám mục chắc chắn không dám lạm bàn vấn đề này. Đàng khác tiến trình bổ nhiệm giám mục là bí mật của Tòa Thánh (secret pontifical) mà mọi người phải nghiêm cẩn tuân giữ. Có thể có những thăm dò. Nhưng thăm dò chỉ là tham khảo và không hề có tính quyết định. Cho nên chắc chắn các Đức Cha không bàn về những vấn đề không thuộc thẩm quyền.

4. Nhân đây xin Đức Tổng cho độc giả hiểu về tiến trình bổ nhiệm giám mục của Tòa Thánh. Các HĐGM, trong đó có hàng giáo phẩm Việt Nam, có vai trò gì trong tiến trình bổ nhiệm này?

Trả lời: Thông thường việc bổ nhiệm giám mục gồm những bước cơ bản như sau. Bước thứ nhất: Khi có nhu cầu, giám mục địa phương đệ trình lên Tòa Thánh kèm với một danh sách các ứng viên thích hợp. Bước thứ hai: Tòa Thánh cứu xét bằng tham khảo ý kiến của nhiều người có uy tín về các ứng viên. Bước thứ ba: các cơ quan hữu trách (khá nhiều) cùng với các vị cố vấn họp lại, căn cứ vào các thông tin thu lượm được để duyệt xét và quyết định chọn vị xứng đáng và thích hợp nhất trong số các ứng viên. Trường hợp không tìm được ứng viên xứng đáng, sẽ trả lời và yêu cầu vị Bản quyền địa phương làm lại danh sách và tiến hành lại từ bước thứ nhất. Bước thứ tư: Nếu tìm được ứng viên thích hợp, sẽ phải hỏi ý kiến đương sự có đồng ý chấp nhận hay không. Bước thứ năm: Đức Thánh Cha chính thức bổ nhiệm và chọn ngày công bố. Như thế HĐGM không có vai trò gì chính thức. Tòa Thánh chỉ tham khảo ý kiến của một số vị liên quan.

5. Chúng con được biết: Tòa Thánh đã bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, làm Tổng giám mục phó Hà Nội. Có nguồn tin cho rằng Tòa Thánh đã định bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục, nhưng sau đó, do áp lực của dư luận, nên phải thay đổi quyết định. Sự thật ra sao, thưa Đức Tổng?

Trả lời: Đức cha đương kim Chủ tịch HĐGMVN là bậc đáng kính hoàn toàn xứng đáng nhiệm vụ Tổng giám mục. Không ai biết được sự thật như thế nào. Vì đó là việc của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên chúng ta đã biết quá trình bổ nhiệm một giám mục khá phức tạp phải thông qua nhiều bước. Hồ sơ một giám mục khá dầy và phải mất nhiều thời gian. Dư luận có thể là một ý kiến tham khảo. Nhưng nên biết với cơ chế làm việc như thế, Tòa Thánh không thể trong một ngày mà thay đổi ý kiến được. Một điều khá dễ hiểu, Tòa Thánh không thể nào làm một việc vô lý là bổ nhiệm TGM trong khi TGM đương nhiệm vẫn còn đó.

6. Gắn liền với việc bổ nhiệm vị tổng giám mục phó Hà Nội, có dư luận cho rằng Đức Tổng phải rời khỏi Hà Nội do sức ép của Tòa Thánh, của chính quyền Việt Nam, và của cả HĐGMVN. Xin Đức Tổng soi sáng cho chúng con về vấn đề này.

Trả lời: Bản thân tôi không bị áp lực nào hết. Tòa Thánh và HĐGM luôn ở bên cạnh tôi và bênh vực khi tôi bị công kích. Các ngài không bao giờ bảo tôi, dù là gợi ý xa xôi nhẹ nhàng, phải từ chức. Tôi chỉ bị áp lực của lương tâm trách nhiệm. Từ hai năm nay sức khỏe tôi sa sút không thể làm việc trí óc có hiệu quả. Tôi đã trình bày với Tòa Thánh để xin nghỉ vì lợi ích của Giáo hội, riêng của Tổng giáo phận Hà nội. Khi đi Ad limina các Đức cha biết điều đó đã phản đối. Thậm chí các Đức cha trong giáo tỉnh Hà nội còn viết đơn khiếu nại với Tòa Thánh. Nhưng khi hiểu hoàn toàn không có áp lực từ phía Nhà Nước hay Tòa Thánh, các ngài đã tôn trọng ý kiến của cá nhân tôi.

7. Đức Tổng đã từng chia sẻ với WHĐ: “Hiện đang có nhiều phát biểu không chính xác về chuyện nhân sự liên quan đến Tòa Hà Nội”. Đức Tổng có thể cho độc giả biết thêm ý kiến về vấn đề truyền thông, đặc biệt về truyền thông công giáo?

Trả lời: Tòa Hà nội trong giai đoạn hiện nay được sự quan tâm của nhiều người. Sự quan tâm vấp phải tiến trình bổ nhiệm giám mục luôn thực hiện trong âm thầm kín đáo, nên càng thu hút sự tò mò. Vì tò mò nên thường hay suy đoán. Mới chỉ suy đoán mà đã cho là sự thật thì đã vượt qua một khoảng cách thiếu an toàn. Nhất là dùng suy đoán đó để đi đến những kết luận mang tính kết án thì thật là tai hại.

Nếu các phương tiện truyền thông ngoài đời cần tôn trọng sự thật thì truyền thông công giáo còn cần phải có bác ái nữa. Để có sự thật, trước hết truyền thông công giáo phải hiểu biết Giáo hội và những hoạt động trong Giáo hội, ví dụ như tiến trình bổ nhiệm giám mục. Để có bác ái thông tin phải có tính cách xây dựng. Tất nhiên không phải che giấu những yếu kém, xấu xa trong Giáo hội. Nếu đã không có sự thật mà lại thiếu bác ái thì truyền thông trở thành dụng cụ gieo rắc nọc độc tàn phá ghê gớm.

8. Nhân dịp được hân hạnh phỏng vấn Đức Tổng, WHĐ muốn mời Đức Tổng chia sẻ thêm đôi điều với cộng đồng Dân Chúa, nhất là lúc này, trong khung cảnh Giáo Hội tại VN đang cử hành Năm Thánh 2010, hướng vào chủ đề “Giáo Hội mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”, đặc biệt đang tích cực chuẩn bị Đại Hội Dân Chúa dự trù sẽ diễn ra tại Sài Gòn vào tháng 11 – 2010.

Trả lời: Hiệp thông là rất quí nhưng rất khó. Hiệp thông không tự có nhưng phải xây dựng. Lý thuyết thì ai cũng đã biết. Nhưng hiệp thông thực sự chỉ có thật khi thực hành. Chúng ta đã được sống kinh nghiệm hiệp thông trong lễ Khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện. Có sự hiện diện của mọi thành phần Dân Chúa từ trung ương đến địa phương. Có sự cộng tác của mọi tầng lớp, ngành nghề, khả năng. Rất đa dạng phong phú nhưng lại rất đồng tâm nhất trí. Mọi khác biệt đều được tôn trọng và trân trọng. Đó thật là một chứng từ sống động có sức thuyết phục. Đó là một bài giảng hùng hồn về đức tin sống động. Tôi mong ước và cầu chúc mọi thành phần Dân Chúa tiếp tục tinh thần này một cách cụ thể trong Đại Hội Dân Chúa và thánh lễ Bế Mạc Năm Thánh cũng như trong mọi sinh hoạt của Giáo hội sắp tới. Được như thế hai công cuộc quan trọng trong Năm Thánh này sẽ thành công xây dựng tình hiệp thông trong Giáo hội và nhờ thế thành công trong sứ vụ của Giáo hội tại Việt nam.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lún và Sập
Thanh Tâm
08:02 22/04/2010
LÚN VÀ SẬP !

Nhớ lại ngày còn bé ít bao giờ nghe được hai chữ “chờ lún” nhưng ngày nay hai chữ “chờ lún” cứ nhan nhãn khắp nơi.

Cây cầu Bình Triệu vừa làm xong chưa kịp khánh thành thì người đi đường thấy một tấm bảng thật lớn “Đường chờ lún !”. Cầu Mỹ Thuận cũng cùng chung số phận với cây cầu Bình Triệu là mang một tấm bảng tương tự để nhắc nhở tính mạng người đi đường. Và mới nhất, con đường “cao tốc” từ Sài Gòn đi Trung Lương (Mỹ Tho) thì độ lún ngoài sức tưởng tượng của người đi đường. Chuyện lún ở những nền đất yếu là chuyện bình thường nhưng những trường hợp lún trên đây nó không ở mức bình thường mà nó ở mức ngoại thường vì hình như những con đường ấy bị rút ruột, con đường ấy được làm một cách cẩu thả và chất liệu kém.

Thật ra những con đường bị lún ấy đã không kịp che mắt thiên hạ nên bị báo giới đưa tin. Nếu như nó che kịp mắt thiên hạ và “phù phép” một cách nhanh chóng thì chẳng ai có thể biết được. Với kiểu làm tạm bợ cho xong thì không sớm cũng muộn những con đường bề mặt coi là láng o đấy nhưng chỉ cần vài cơn mưa, vài chuyến xe công-tai-nơ đi qua thì sẽ biết chất lượng nó ra sao.

Ai một lần đi ngang con đường Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè), con đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), con đường Rừng Sác (Cần Giờ) … sẽ “nghiệm” và “thu” được biết bao nhiêu hậu quả do cách lối thi công của nó. Những con đường, những công trình “chờ lún” gây biết bao hậu quả cho người sử dụng, người đi đường nhưng thật ra “chờ lún” vẫn còn “êm ái” và “nhẹ nhàng” hơn những con đường, những công trình sập đột ngột.

Sự cố cầu Cần Thơ gây ra tổn thất quá lớn ! Cầu Cần Thơ sập là vết thương lòng quá nặng cho người dân nghèo miền Tây sông nước. Biết bao nhiêu gia đình phải chia ly trong ngầm ngùi đau đớn. Sự cố cầu Cần Thơ tưởng chừng là lời cảnh báo cho chất lượng công trình, chất lượng con đường nhưng không, ngày 19 tháng 4 vừa qua dầm cầu Pháp Vân cũng đã sập. May mà cây cầu “cạn” Pháp Vân này không gây thiệt hại về người.

Điều hết sức bình thường người ta phải làm đó là tìm nguyên nhân dẫn đến sập cầu và sửa cầu. Đáng tiếc thay là những nguyên nhân người ta tìm thấy được thì hình như không bao giờ được thấy vì lẽ người ta đã phủi trách nhiệm cho xong chuyện. Nếu có chăng đi nữa thì chỉ chuyển công tác của người có trách nhiệm là xong.

Chuyện “chờ lún” hay chuyện “sập” thật khó để mà khắc phục, thật khó để mà sửa chữa. Đường lún hay cầu sập thì sửa được nhưng khi lòng người ta bị lún hay lòng người ta bị sập thì khó mà sửa được. Đường sẽ hết lún và cầu sẽ hết sập khi mà lòng người ta không lún và không sập.

Ngày hôm nay, thật sự phải tham gia giao thông, phải đi trên những cây cầu chứ không còn cách nào khác để chọn lựa. Đi qua những cây cầu cao vút với những cọng dây văng thật đẹp hay là vi vu trên con đường nhựa “láng cón” nhưng hình như cảm giác người ta không được an tâm. Người ta không an tâm vì lẽ chất lượng công trình chỉ có “chủ công trình” mới biết được mà thôi. Điều đáng tiếc thay là chủ công trình ấy cũng bị lún và bị sập thì làm sao những công trình đưa vào sử dụng tốt được.

Chuyện lún và sập không chỉ xảy ra ở các công trình vật chất nhưng ở những công trình tinh thần, những công trình bên trong của con người cũng xảy ra tương tự như vậy.

Ngày hôm nay, nền tảng gia đình, nền tảng của đời sống cộng đoàn nhìn bề ngoài ta cũng thấy như những cây cầu mới xây kia, như những con đường mới trải nhựa kia vì nó được thì công khá đẹp nhưng chất lượng bên trong nó làm sao ấy.

Đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn xem ra bề ngoài có vẻ tốt, có vẻ đẹp ấy nhưng nó lún, nó sập bất cứ lúc nào không biết. Nguyên nhân thì ắt hẳn ai ai cũng biết đó là vì lòng người của những người trong gia đình, trong cộng đoàn nó bị lún rồi.

Trong gia đình, trong cộng đoàn có những người tự cho mình là hay hơn, tự cho mình là cao hơn, tự cho mình là giỏi hơn để rồi nền tảng của nó bị khập khiễng. Khi nền của gia đình, của cộng đoàn khập khiễng thì chẳng chóng thì chầy nó cũng sẽ lún và sẽ sập thôi.

Hậu quả của những con đường, những công trình, những cộng đoàn, những gia đình gây ra thì người đương thời phải gánh chịu nhưng đáng tiếc hơn nữa là đến đời con, đời cháu cũng sẽ phải lãnh nhận cái hậu quả bi đát này.

Chuyện lún, chuyện sập thì không có thể che đậy, bưng bít nữa. Nếu không dám nhìn vào sự thật, nếu không chịu sửa sai, nếu không chịu chấn chỉnh tận gốc thì hậu qủa thật khôn lường !
 
Bình tĩnh, sáng suốt trong cơn bão truyền thông.
Nguyễn Thắng
19:11 22/04/2010
Bình tĩnh, sáng suốt trong cơn bão truyền thông.

Truyền thông ngày nay đang là một sức mạnh mới. Ai nắm được truyền thông, ấy là người quyền lực. Các thể chế độc tài ý thức rất rõ mối nguy hiểm đó, nên dưới trướng của họ tất cả phương tiện truyền thông đại chúng phải là “cơ quan ngôn luận”, là tiếng nói của họ. Chính vì thế họ cũng là người lão luyện trong việc thông tin sao cho có lợi; đồng thời thao túng, lừa lọc các những người nhẹ dạ, cả tin khác.

Người viết bài này mong ước các độc giả hãy sang suốt đừng để bị lung lạc hầu rơi vào các chiêu bài bởi các trang mạng thông tin tinh vi của các thế lực đó nhằm quấy phá Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội hôm nay đang đứng trước một nền văn hóa nghi ngờ và thù hận. Giáo Hội toàn cầu đang bị đánh phá tứ bề bởi truyền thông hả hê đưa tin về một số vụ xì căng đan tình dục của một số giáo sĩ cách đây đã mấy chục năm. Đài BBC - một trong những địa chỉ quen thuộc của người Việt – cũng là một cái loa hết sức nhiệt tình trong vụ này. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thâm niên mà ngón nghề đã trở thành tuyệt kỹ, BBC đủ cao tay ấn và tinh vi để không la lối hay phản đối om sòm, nhưng ma mãnh khơi gọi sự phản đối từ phía độc giả. Giáo Hội Việt nam, gồm mọi thành phần dân Chúa, thì trước đây cũng bị đánh phá tứ phương, từ tuyên truyền, sách báo cho đến sân khấu, truyền thanh, truyền hình, bởi cả một bộ máy khổng lồ các văn nghệ sĩ, phóng viên vv… theo sự chỉ đạo của chế độ không đội trời chung với tôn giáo. Nay lại càng phải tỉnh táo hơn bao giờ hết trước thế lực quân thù vốn như rồng thêm vây khi được tiếp sức mạnh mẽ bởi các phương tiện truyền thông hiện đại.

Người Việt hải ngoại, những người may mắn hơn vì được tiếp cận với nhiều loại hình thông tin hơn, lại cần phải cẩn trọng hơn trước cả một rừng thông tin như hiện nay. Sự tự do thái quá đến vô độ đã làm băng hoại con người. Một số trang mạng hiện nay nói về Giáo Hội Việt Nam làm cho nhiều người trở nên bối rối và một số ít thật sự tức giận Hàng Giáo Phẩn Việt Nam. Bởi các trang mạng này cũng nhân danh Thánh Kinh, cũng cầu xin Ơn Chúa, … nhưng để lên án và đả phá người khác. Dù không đủ kinh nghiệm và tinh vi như BBC để có thể phát biểu một cách nhẹ nhàng, thậm chí ngọt ngào như BBC, nhưng họ cũng biết ca tụng người này nhằm hạ gục người khác. Mưu chước của thế lực sự dữ rất tài tình, họ biết các cơ quan ngôn luận của họ không đủ uy tín nên họ phải “mượn gió bẻ măng” để “ném đá dấu tay”. Cứ thử hỏi cách thức các trang mạng đang hoạt động, cổ xúy cho một nền công lý, hòa bình, tha thứ, cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu, cho dân tộc Việt Nam hạnh phúc, xem họ lấy được các thông tin nhạy cảm ở đâu thì rõ. Họ làm như thánh tướng khi nói rằng họ suy nghĩ, phỏng đoán và biết trước được vận mệnh tương lai!

Các thông tin nhạy cảm mà các trang mạng này có được để nói trước về Giáo Hội, nói về cách sắp xếp nhân sự cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở đâu ra? Nếu bị chất vấn, họ sẽ ỡm ờ là vì có một nguồn thông tin đáng tin cậy ở Vatican, là vì một vị chức sắc nào đó dấu tên, là vì ngay cả trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng không hiệp nhất vv và vv… Thật ra, những toan tính sắp xếp đó, những động thái trước và sau các sự kiện đó, những toan tính kiểu trần thế đó, tất cả trong chừng mực nào đó đều có, và rồi cũng sẽ xảy ra cách nào đó. Bởi chúng ta biết trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, Giáo Hội không thể đơn phương bổ nhiệm Giám Mục, các thông tin đó đã được bàn thảo với chính quyền các cấp. Vậy nên, câu trả lời cho việc các trang mạng ấy lấy thông tin mật từ đâu thì đã rõ. Chắc chắn không thể lấy từ Giáo Hội! Không thể từ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Những diễn biến ở Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội hiện nay đang thu hút dư luận. Đây không phải là lần đầu người ta xôn xao vì đoán trước được các diễn biến có thể xảy ra. Nhưng nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, lần này tác động ở mức cao chưa từng có. Một vài địa phận trước đây cũng đã là nạn nhân do bị giật dây như thế này, và rồi kết quả là các anh em trong nhà “lôi nhau ra dạy bảo” nhiệt tình quá. Do vậy mà mô hình “chiến đấu” này được nhân rộng. Hãy bình tĩnh, sang suốt trước cơn bão truyền thông hiện nay. Cẩn thận trước những bài viết, những hô hào với ý đồ gây chia rẽ. Cách thức con cái thế gian rất tinh vi. Những lời chỉ trích chế độ xấu xa, cổ võ công lý chỉ để tung hỏa mù che mắt các ý đồ thâm hiểm là tấn công Giáo Hội, đồng thời thu hút tầng lớp trí thức vào những chuyện vô bổ. Hơn nữa, chuyện đòi công lý của các trang mạng này chỉ nhằm trang điểm, mở rộng lối vào cho việc đánh phá chủ chăn để đoàn chiên tan tác. Thật vậy, trước các trang mạng kiểu này, nếu không tỉnh táo, độc giả sẽ chẳng quan tâm bao nhiêu tới các chỉ trích hay tranh đấu cho công lý, nhưng sẽ rất chú tâm tới các thông tin thật thật hư hư mà họ cho rằng đã sở hữu được từ “một nguồn tin đáng tin cậy”, một loại tin được cung cấp từ nguồn ngoài Giáo Hội để nói về nội bộ Giáo Hội, và để đánh phá Giáo Hội.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Siêu hình học hỗ trợ tích cực cuộc sống
Lm Nguyễn Hữu Thy
02:18 22/04/2010
Siêu hình học hỗ trợ tích cực cuộc sống

Phải chăng siêu hình học, một khoa học mà triết gia Immanuel Kant đã coi là nữ hoàng của tất cả mọi hoa học, đã thực sự đánh mất giá trị bất khả nhượng hay vị trí thượng đẳng của nó trong khung cảnh khoa học toàn cầu hóa ngày nay? Phải chăng ngày nay người ta còn có thể giữ vững được personale recta ratio, còn giữ vững được lý trí ngay thẳng của con người theo chiều hướng siêu hình học Hy Lạp-Roma hay Kitô giáo-kinh viện, vốn đã được thiết lập ngày từ thời Socrate, mà chính trên nền tảng vững chắc đó sự huy hoàng tráng lệ của nền văn hóa Tây phương, và qua nền văn hóa Tây phương, cả nền văn hóa thế giới cũng đã được xây dựng lên? Và phải chăng khi phải đối mặt với tinh thần thời đại tân tiến ngày nay đang xâm chiếm hầu như tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống, sự quay trở lại với siêu hình học còn là một điều khả dĩ?

Những câu hỏi vừa được nêu lên thực sự là những vấn nạn mà hiện nay nhiều nhà khoa học thời danh đang nổ lực tìm kiếm những câu trả lời thích đáng từ viễn tượng triết học, văn hóa, khoa học, pháp lý, xã hội và nhất là từ viễn tượng thần học.

Sau chiến tranh, trong các nước Tây phương và khối các nước Đông Âu theo chế độ xã hội trước kia, một quan điểm duy tự nhiên trong phạm vi khoa xã hội học đã tỏ ra thắng thế

Giữa những chủ đề thần học và triết học, giáo sư Tadeusz Guz, khoa trưởng tại đại học Công Giáo „Gioan Phaolô II“ ở Dublin (Ái Nhĩ Lan), đã trình bày trong bài thuyết trình của ông về „Tình yêu đối với Logos(1) Thiên Chúa và Logos hữu hạn - Bản chất và mục đích của khoa học“ (Die Liebe zum göttlichen undendlichen Logos – Wesen und Ziel der Wissenschaft). Ông nhìn thấy trong lịch sử sự hiểu biết về Logos Thiên Chúa, vốn đã từng được loan báo trong Cựu Ước và được mặc khải ra trong Tân Ước như là chân lý và tình yêu vĩnh cửu, ý nghĩa thực sự đối với khoa học của chúng ta. Giáo sư Guz trích dẫn lời thơ của cựu giáo sư Karol Wojtyla(2) mà ông hy vọng có thể làm sáng tỏ được tư tưởng của ông:

„Der allmächtige Bildhauer! Das Wortes Anfang/

Der wunderbarste in strahlender Kraft –/

Und das Wort des Vaters ist das Geliebtsein,/

Das höchste Wunder der allmächtigen Augen,/

Und das dauerhafte Sich-Erkennen,/

Das Licht der Liebe – das goldene Dia./

Das Wort ist Fleisch geworden – Verwirklichtsein,/

Der paradiesischen Verheißungen irdischer Same.“


Tạm dịch:

„Nhà điêu khắc toàn năng! Khởi đầu của Ngôi Lời/

Vô cùng tuyệt vời trong sức mạnh ngời sáng –/

Và Ngôi Lời của Cha là tình yêu vĩnh cửu,/

Phép lạ cao tột đỉnh của con mắt toàn năng,/

Và hằng nhận biết mình trong muôn đời muôn thuở,/

Ánh sáng tình yêu – hình ảnh vàng ròng tinh khiết./

Ngôi Lời đã trở thành xác phàm – một thực tại rõ ràng,/

Của những lời hứa Thiên đàng cho hạt giống trần thế“.


Tiếp đến, trong bài diễn thuyết của ông với tựa đề: „Siêu hình học truyền thống là nền tảng của thần học“ (Zur traditionellen Metaphysik als Grundlage der Theologie), giáo sư Horst Seidl thuộc đại học Lateran ở Roma đã khởi đầu từ thánh danh Thiên Chúa „Jahwe“ mà Sách Xuất Hành của Cựu Ước đã trình thuật (3,14). Đó là Thiên Chúa, Đấng đã hiện ra với Mô-sê qua một vị Thiên thần trong một bụi cây có lửa cháy, mặc khải cho ông biết „Người là Thiên Chúa của các Tổ phụ, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp“. Còn khi Mô-sê hỏi tên Người là gì, Thiên Chúa đã trả lời: „Ta là chính Ta“, hay: „Ta là Đấng hằng hữu“. Còn bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ: „Ta là Đấng hiện hữu“ đã làm nổi bật phương diện siêu hình học. Và sau này, kiểu nói „Thầy là“, hay: „Tôi là“ của Đức Kitô trong các sách Phúc Âm, cho thấy là rõ ràng được xây dựng trên kiểu nói Thiên Chúa Jahwe của Ít-ra-en trong sách Xuất Hành. Truyền thống về Thiên Chúa Jahwe của Ít-ra-en này đã được nhắc đến ở nhiều chỗ trong Tân Ước, chẳng hạn trong bài ca „Ngợi Khen“ Magnificat của Đức Maria: „Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người“ (Lc 1,54), hay trong bài ca „Chúc Tụng“ Benedictus của Thầy Tư tế Da-ca-ri-a: „Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Ít-ra-en“ (Lc 1,68). Giáo sư Seidl đã trình bày vai trò hết sức quan trọng của nền tảng siêu hình học đối với giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi, một giáo huấn mà trong tác phẩm nổi danh của ngài „De Trinitate“, thánh Augustinô đã mạnh mẽ bênh vực chống lại các triết gia ngoại giáo vào thời bấy giờ.

Có lẽ chính đây cũng là chỗ đã nói lên sự nối kết giữa siêu hình học (Metaphysik) và nhân loại học (Anthropologie) tân thời, mà chính Đức Gio-an Phao-lô II cũng đã trình bày, khi ngài coi gia đình như là tấm gương phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo giáo sư Seidl, ý niệm „nhân vị“ (Person) vốn được dựa trên nền tảng siêu hình học đã bổ túc đầy đủ „siêu hình học“.

Cũng tương tự như giáo sư Seidl, giáo sư Erik M. Morstad, đại học Oslo (Na Uy), với bài thuyết trình „Luther và siêu hình học (Luther und Metaphysik):, cũng đi từ danh Thiên Chúa trong Cựu Ước „Ich bin, der ich bin“: Ta là Ta, hay: Ta là Đấng Hiện Hữu“ và trình bày sự đoạn tuyệt với siêu hình học về Kinh Thánh và Kitô giáo của nhà cải cách Martin Luther. Một cách vắn tắt, giáo sư Morstad đã trình bày rõ ràng và gãy gọn sự tóm lược siêu hình học về Kinh Thánh và Kitô giáo. Ông trình bày nền tảng Kinh Thánh và Kitô giáo của siêu hình học theo quan niệm của Cựu Ước, của Tân Ước và của Giáo Hội cũ.

Đến lượt ông, giáo sư Heinz-Georg Kuttner (Weilheim) cũng đưa ra những quan điểm gay cấn tương tự. Trong bài thuyết trình „Xã hội học như là khoa học của thực tại trong sự giới hạn xã hội học như là khoa học của luật pháp“ (Die Soziologie als Wirklichkeitswissenschaft in Abgrenzung zur Soziologie als Gesetzeswissenschaft) của ông, giáo sư Kuttner đã trình bày một „phân tích về hình ảnh vũ trụ và hình ảnh con người trong khoa học nhân bản và xã hội tân thời“. Theo ý kiến giáo sư Kuttner, sau thế chiến II, ở các nước Tây Âu cũng như ở các nước Đông Âu theo chế độ xã hội, một quan điểm tự nhiên hay duy vật trong lãnh vực khoa xã hội học đã thắng thế một cách hiển nhiên hay tiềm tàng, và đã làm thay đổi một cách sâu xa hình ảnh về vũ trụ của con người. Ông nhìn thấy song quan luận (Dillema) của khoa xã hội học, một khoa học được hiểu như một hình thức mới của sự ngộ đạo (Gnosis), khi tất cả những phạm trù hình thức của sự ngộ đạo lại tái xuất hiện và mang tới một trào lưu tục hóa, một hiện tượng không gì khác hơn là sự vùng dậy của sự ngộ đạo theo quan điểm Kitô giáo và rồi cùng sụp đổ với „thuyết nội tại) (Immanentismus) hay tự nhiên chủ nghĩa (Naturalismus).

Cách thức suy tư siêu hình học là điều kiện tiên quyết cho một thái độ đối xử quân bình và hợp lý với thực tại, và nhờ thế tránh được cạm bẩy của ý thức hệ“.

Sự phủ nhận siêu hình học là một thái độ có tương quan mật thiết với „sự độc đoán của chủ nghĩa tương đối“. Giáo sư Kuttner loại bỏ một cách khéo léo sự suy tư theo chủ nghĩa tương đối và ông nhìn thấy bên kia biên giới chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa hoài nghi là khoa xã hội học và nhân bản học được bám rễ sâu trong siêu hình học. Bài thuyết trình của ông quả thực vừa sâu sắc bao quát và vừa mang tính cách dẫn đường.

Trong khi đó, ngược lại, giáo sư Joseph Schumacher thuộc đại học Freiburg im Breisgau (Đức) lại chọn một lộ trình hoàn toàn khác hẳn để đến với việc suy tư siêu hình học. Ông nghiên cứu cặn kẽ một trong những chủ đề đầy tranh cãi hiện nay về việc đánh giá của siêu hình học và đồng thời của luân lý, đó là: „Việc cống hiến và cấy trồng các cơ quan thuộc thân thể con người. Sự đánh giá các hành động mổ xẻ này dưới ánh sáng luân lý Kitô giáo“. Vấn đề khúc mắc và cần phải được lý giải trong việc cấy trồng các cơ quan trên thân thể con người là ở chỗ: „Điều quan trọng cần phải quan tâm là chính thời điểm mà người ta lấy đi một cơ quan nào đó trong thân thể của một người để cấy trồng vào thân thể của một người khác“. Trong lãnh vực này, một điều đã quá hiển nhiên đối với giới y khoa, đó là một cơ quan đã chết thì hoàn toàn bất khả sử dụng được nữa, tức không thể cấy trồng vào thân thể của một người khác được nữa. Và tiếp đến, một vấn đề khác cũng quá rõ ràng tương tự như thế, đó là từ thân thể một người đã chết thì người ta không thể có được những cơ quan sống động. Như vậy, người ta phải căn làm sao cho đúng lúc để có được cơ quan cần tới còn sống động, và điều đó có nghĩa là phải tuyên bố một người đã chết sớm hơn, tức phải sử dụng ý niệm „não bộ đã chết“, mà theo sự định nghĩa cũ thì một người đã chết về não bộ thì chưa có nghĩa là ngưới ấy đã chết hẳn, nhưng chỉ có nghĩa là người đó đang trong một „cơn hôn mê bất khả hồi tỉnh lại“. Nhưng nếu từ một người đã được coi là chết về não bộ, tức đang hấp hối, mà người ta mổ lấy đi một cơ quan trọng yếu đối với sự sống của người ấy, thì cái chết tiếp liền sau đó của người ấy hoàn toàn không phải là cái chết tự nhiên nữa.

Nếu vậy, người ta có thể nói được rằng vấn đề được đề cập đến ở đây là một hình thức trợ tử (Euthanasie), tức dùng thuốc để kết thúc sự sống một cách nhẹ nhàng và không đau đớn. Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm và vô cùng quan trọng, mà Đức Gio-an Phao-lô II đã trình bày trong thông điệp „Evangelium vitae“: Phúc Âm sự sống của ngài. Trong đó Đức Giáo Hoàng đã nói một cách thẳng thắn, không úp mở về một sự cám dỗ trợ tử trong khuôn khổ cấy trồng các cơ quan, và nay giáo sư Schumacher lại đề cập tới. Như vậy, trong tình huống này, „để có được các cơ quan cho công việc cấy trồng“ Đức Giáo Hoàng nói đến „sự trợ tử“, nghĩa là „trở về cùng Thiên Chúa băng qua cái chết, khi người ta làm cho sự chết xảy ra trước thời hạn“.

Giáo sư Schumacher đi tới kết quả là: „Nếu được nhìn ngắm một cách quân bình thì những người chết về não bộ là những người đang chết (Sterbende), chứ chưa phải là những người đã chết (Gestorbene). Những người ấy đang trong diễn tiến của sự chết, (hay đang trong giờ hấp hối), trong diễn tiến mà người ta không được phép can thiếp một cách trực tiếp vào, và là một diễn tiến mà người ta không được phép chấm dứt một cách quyết định được. Lý do là vì phẩm giá con người và vì các quyền tống quát của con người, tức những quyền lợi phát xuất từ địa vị đặc biệt của con người trong vũ trụ“. Nếu „cái chết tự nhiên của một người đã chết về não bộ bị phá hủy“, nghĩa là người ấy không được chết một cách tự nhiên, thì bấy giờ chắc chắn rằng vấn đề được đề cập tới là công việc thuộc lãnh vực siêu hình học. Và trong Thông điệp nói trên, Đức Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: „Sự trợ tử là một xúc phạm nặng nề đến Luật tối thượng của Thiên Chúa“.

Đây cũng là quan điểm mà giáo sư Schumacher luôn quan tâm tới, khi ông đặt định đề là: „Người ta định hướng theo những tiêu chuẩn hiện tượng đối với thời điểm sự chết, người ta qui định thời điểm sự chết theo những hiện tượng thay đổi bên ngoài của thân thể con người“. Và „con người không được phép làm tất cả những gì mình có thể làm. Hành động con người bị giới hạn bởi Ethos, bởi luân lý đạo đức“.

Nếu từ công trình sưu tập các bài thuyết trình trên đây người ta chỉ có thể trích dẫn ra được một số điểm nào đó mà thôi, thì đó là điều dễ hiểu. Bởi vì sắc thái các bài thuyết trình rất khác biệt nhau, chúng chỉ cho thấy một cách tổng quát mục đích thực sự của quan điểm siêu hình học, tức làm xuất hiện – đúng với chữ „Meta“: „ở giữa“, „sau“ hay „với“ – nghĩa là „ngay ở giữa“ vũ trụ hữu hình, „giữa hai bên“, „đàng khác“, vâng, „vượt xa lên trên“ tất cả, luôn hiện hữu một thực tại rộng mở. Còn con người là một thực thể có thể bắc lên nhịp cầu ấy, vâng, tự bản chất nội tại của mình, con người là chính nhịp cầu ấy.

Cách thức suy tư siêu hình học là điều kiện tiên quyết cho một thái độ quân bình và hợp lý đối với thực tại, qua đó nó cống hiến một sự bảo vệ hiệu nghiệm trước ý thức hệ, đồng thời nó cũng cống hiến một định hướng và là một cách thức hỗ trợ cuộc sống. Đây là một điều mà người ta luôn mang ơn đối với giáo sư Tadeus Guz và các cộng sự viên của ông.

_____________________

1. Logos: trong văn minh Hy-lạp có nghĩa là ngôn ngữ, lời nói, hóa đơn, sự cân xứng, nguyên tắc, lý do, lý trí con người, khả năng suy tư; còn trong Kinh Thánh có nghĩa là lời, mệnh lệnh hay lệnh truyền của Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Kitô.

2. Karol Wojtyla là tên đời của Đức Gioan Phaolô II (1979-2005).

Sách tham khảo:

Tadeus Guz/Elzbiata Szcurko/Leszek Brusniak: Metaphysik heute. Nhà xuất bản Peter Lang, Frankfurt am Main, 2009, 647 trang.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trưa Hè
Nguyễn Ngọc Danh
10:30 22/04/2010

TRƯA HÈ



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Ngày con về hồn nhiên hoa mướp nở

Giòng sông xưa trâu tắm nước trưa Hè

Nhưng đâu rồi xanh mát những lũy tre ?

Đã che chở tình quê - Hồn Dân Tộc.

(Nguyễn Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Con Đường Mây Dông
lm. Nguyễn Trung Tây
22:21 22/04/2010

CON ĐƯỜNG MÂY DÔNG



Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây.

Những lúc đường đi bỗng dưng vời vợi,

bão vần xoay đen xám nghịt bầu trời.

Nhưng có Chúa đồng hành đi bên cạnh,

con vững tâm, lăn bánh bước chân đời…

(Nguyễn Trung Tây, SVD)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền