Ngày 24-04-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng thương xót Chúa đối với thế giới là vô cùng vô hạn
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:00 24/04/2014
Lòng thương xót Chúa đối với thế giới là vô cùng vô hạn

SUY NIỆM Chúa Nhật LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

(Ga 20, 19-31)

Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa được tiếp liền sau Đại Lễ Phục Sinh, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta cách đặc biệt, kể từ ngày 22 tháng Tư năm 2001 là sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, hôm nay Giáo Hội tôn phong lên bậc hiển thánh muốn đáp lại ý muốn của Thiên Chúa cách minh nhiên được truyền lại cho vị thánh đồng hương của mình là Faustina Kowalska sứ điệp về lòng thương xót Chúa đối với thế giới là vô cùng vô hạn. Chúng ta cùng nhau thực hành lời khuyên của Chúa, để nhận được ơn tha thứ tội lỗi và mọi hình phạt, do đó, trong lời Ca nhập lễ hôm nay : " Như những trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng tinh khiết, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ. Allêluia".

Tin Mừng chung cho cả ba năm Phụng vụ A,B,C được trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan (20, 19-31 ), tường thuật lại sự kiện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp gỡ các tông đồ thật là cảm động. Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông : " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" ( Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi Phục Sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa : " Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (Ga 3, 16). Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng . Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay cần thiết biết bao lòng thương xót của ThiênChúa!

Hôm nay, Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa chúng ta cùng nhau lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang : "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Quả thật : "Tình thương Chúa tồn tại muôn đời! ". Cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô đã thay đổi tận căn số phận của nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Ðây là điều kỳ diệu trong đó được thể hiện trọn vẹn tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha, một tình yêu không ai hiểu thấu, Ðấng vì phần rỗi chúng ta, và để cứu chúng ta, Chúa đã nộp chính Con yêu.

Chúa Giêsu Kitô bị hành hạ và chịu đau khổ vì xót thương chúng ta, thật quá mọi mức độ có thể tưởng nghĩ được. Cả sau biến cố Phục Sinh của Con Thiên Chúa, Thập Giá nói lên và không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Ðấng tuyệt đối trung thành với tình thương muôn đời của Ngài đối với con nguời. Tin vào tình thương này có nghĩa là tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa"( Dives in misericordia, số 7).

Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm, một tình thương mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Giờ đây, nhân loại vẫn đang tiếp tục được thừa hưởng tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đổ ra từ những vết thương vinh hiển và từ trái tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi, sự thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa tuôn tràn sự dịu dàng, thánh nữ Faustina Kowalska thấy xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian. Theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "Hai tia sáng nầy tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3, 5; 4, 14).

Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào tay Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi duy nhất của chúng ta ! Những tia sáng của lòng nhân từ Chúa ban lại niềm hy vọng, một cách đặc biệt, cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.

Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót do chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập. Ngài mất vào đúng vọng ngày Kính Lòng Chúa Thương Xót năm 2005. Hôm lại được tuyên phong hiển thánh đúng Đại Lễ này, ngài quả là vị thánh Giáo hoàng của lòng xót thương. Cùng với thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nhân hậu hay tỏ lòng thương xót đối với mọi người, phần nào diễn tả thái độ nội tâm của ngài trước Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu và hay thương xót.

Lạy Chúa, nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa, Chúa đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha cho chúng con, chúng con tin thác vào Chúa, chúng con lặp lại ngày lúc này với xác tín rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới.

Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Ðấng cứu chuộc chúng con. Lạy thánh Giáo hoang Gioan XXIII, thánh Gioan Phaolô II hôm nay hiển thánh và thánh nữ Faustina chúng con nhớ đến với hết lòng mộ mến, xin cũng trợ giúp chúng con. Xin cho chúng con được cùng với các thánh, hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện : "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa". Bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Lịch phụng vụ tháng 5/2014
LM. Anphong Trần Đức Phương
17:46 24/04/2014
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 5/2014

Trong tháng này, chúng ta sẽ mừng lễ các Chúa Nhật Phục Sinh 3,4,5,6 (Năm A); ngoài ra chúng ta sẽ mừng lễ Thánh Giuse Thợ, Lễ Lên Trời, Lễ Đức Mẹ đi thăm Bà E-li-sa-bét.

LỄ THÁNH GIUSE THỢ (Ngày 1 tháng 5):

Hôm nay là ngày Quốc Tế Lao Động; vì thế, Giáo Hội muốn dâng kính Thánh Giuse, để mọi người chúng ta noi theo gương lao động của Thánh Giuse và chăm chỉ làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình, và đóng góp công sức để xây dựng thế giới này mà Thiên Chúa đã dựng nên cho chúng ta hưởng dùng; đồng thời cũng để đóng góp vào công cuộc cứu chuộc nhân loại.

Thánh Lễ hôm nay được thiết lập vào năm 1955, thời Đức Giáo Hoàng Piô XII.

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin :"Lạy Chúa là Cha và là Đấng Sáng Tạo và điều hành vũ trụ trong mọi thời đại; Chúa kêu gọi con người phát triển và dùng tài năng của mình để giúp đỡ người khác, noi theo gương sáng và sự hướng dẫn của Thánh Giuse. Xin Chúa giúp chúng con làm công việc mà Chúa muốn, hầu được hưởng phần thưởng mà Chúa đã hứa ban."

CÁC BÀI ĐỌC: Có thể lấy các bài sau đây: Bài đọc 1 (Sáng thế 1:26-2:3) (hoặc Côlôssê 3:14-15,17,23,24). Bài Phúc Âm (Matthêu 13:54-58).

LỄ Chúa Nhật III PHỤC SINH (Ngày 4 tháng 5): Bài Đọc1 (Cv. 2:14,22-33) ghi lại việc Thánh Phêrô cùng với các Tông Đồ đứng lên rao giảng về Chúa Giêsu thành Nagiaret " là Đấng đã rao giảng và làm nhiều phép lạ kỳ diệu; nhưng bị bắt và bị giết chết trên Thánh Giá, táng trong mồ; nhưng sau 3 ngày Ngài đã phục sinh và truyền cho các Tông Đồ ra đi rao giảng Danh Ngài cho muôn dân. Trong Bài Đọc 2 (1 Phêrô 1:17-21), Thánh Phêrô nhắc nhở người Do Thái thời đó, và mọi người chúng ta hãy nhớ là chúng ta đã được cứu chuộc khỏi mọi tội lỗi, không phải bằng vàng bạc; nhưng nhờ máu châu báu Chúa Giêsu đã đổ ra trên Thánh Giá. Thiên Chúa Cha đã cho Người sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 24: 13-35) ghi lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường trở về làng quê của họ là Emmaus, và Chúa Giêsu đã nói chuyện với các ông , mà các ông không nhận ra Chúa, mãi cho đến khi Chúa vào nhà các ông để cùng ăn tối, và khi Ngài đọc lời tạ ơn, bẻ bánh và trao cho các ông, bấy giờ "mắt các ông mới sáng lên và nhận ra Chúa. Rồi Chúa Giêsu biến di." Bấy giờ các ông vội vã lên đường trở lại Giêsrusalem và thuật lại mọi sự việc cho các Tông Đồ biết. Các Tông Đồ cũng cho các ông biết Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra với các ông.

CHUA NHAT IV PHUC SINH (Ngày 11 tháng 5):

Bài Đọc 1 (Cv 2:14,36-41) ghi lại việc: " Trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, Thánh Phêrô và các Tông đồ rao giảng cho dân chúng về Chúa Giêsu và mời gọi mọi người hãy ăn năn sám hối tội lỗi để được lĩnh nhận ơn Chúa Thánh Thần và được ban ơn Phép Rửa. Sau đó, nhiều người được ơn Chúa Thánh Thần, ăn năn sám hối tội lỗi và được chịu Phép Rửa , và "trong ngày đó có thêm chừng ba ngàn người gia nhập Giáo Hội." Trong Bài Đọc 2 (1 Phêrô 2:20-25), Thánh Phêrô mời gọi mọi người chúng ta hãy suy ngắm sự nhẫn nại chịu đựng mọi đau khổ của Chúa Giêsu, nhất là chết trên Thánh Giá, để cứu chuộc chúng ta; vậy chính chúng ta cũng hãy chịu đựng mọi gian khổ để đền tội và "chết cho tội lỗi... để trở về đàng ngay nẻo chính ... về cùng vị Mục Tử là Chúa Giêsu, Đấng canh giữ linh hồn chúng ta." Bài Phúc Âm (Gioan 10:1-10): ghi lại việc Chúa Giêsu xác định Ngài là "cửa ràng chiên, các chiên thật đều đi qua cửa mà vào và nghe tiếng Ngài nói và thi hành thì được cứu rỗi." Chúa Giêsu cũng nói "Ta đến để cho các chiên của Ta được sống và được sống dồi dào.

Trong Thánh Lễ hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho Đức Giáo Hoàng, cho các chủ chăn trong Giáo Hội được sức mạnh phần hồn phần xác, được đầy ơn Chúa Thánh Thần, để các Ngài huớng dẫn Giáo Hội luôn đi theo đường lối của Chúa và giữ gìn sự bình an và hiệp nhất trong toàn thể Giáo Hội. Xin Mẹ Maria , Thánh Giuse, các Thánh Tông Đồ và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta.

LỄ Chúa Nhật V PHỤC SINH (Ngày 18 tháng 5): Bài Đọc 1 (Cv 6:1-17) ghi lại việc các Tông Đồ đặt tay trên 7 ông trong cộng đoàn là những người "có tiếng tốt, đầy Chúa Thánh Thần và khôn ngoan" và đặt làm "Phó Tế" để trợ giúp các Ngài trong công việc phục vụ giáo dân, "và Lời Chúa lan tràn, số các môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều."

Trong Bài Đọc 2 (1 Phêrô 2:4-9), Thánh Phêrô nhắc nhở các tín hữu thời bấy giờ, cũng như mọi người chúng ta: "Chúng ta là những tảng đá sống động xây dựng tòa nhà thiêng liêng của Thiên Chúa....Chúng ta là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa." Bài Phúc Âm (Gioan 14:1-12) ghi lời Chúa Giêsu Phục Sinh nói với các môn đệ là Chúa Giêsu về với Đức Chúa Cha và dọn chỗ cho chúng ta, để "Chúa ở đâu chúng ta cũng sẽ ở đó; vì thế lòng chúng ta đừng xao xuyến." Chúa Giêsu cũng nói cho chúng ta biết "Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ở trong Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu."

LỄ Chúa Nhật VI PHỤC SINH (Ngày 25 tháng 5): Bài Đọc 1 (Cv 8:5-8,14-17) ghi lại việc Ông Philiiphê đến rao giảng về Chúa Giêsu Kitô cho dân thành Samaria và làm nhiều phép lạ, dân Samaria đã tin theo Chúa và được chịu phép Rửa Tội; sau đó Ông Phêrô và Gioan đến với họ và cầu nguyện và đặt tay trên họ để được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Trong Bài Đọc 2 (1 Phêrô 3:15-18), Thánh Phêrô khuyên nhủ chúng ta hãy luôn tôn thờ Chúa Giêsu trong tâm trí chúng ta, sống với lương tâm ngay thẳng để không ai có thể "lăng mạ đời sống đức tin của chúng ta" và hãy "làm việc thiện mà phải đau khổ còn hơn là làm điều gian ác." Vì chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta; "nhưng Ngài chỉ chết theo thể xác; nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại." Bài Phúc Âm (Gioan 14:15-21) ghi lại lời Chúa Giêsu nói về việc Chúa sẽ về trời, nhưng Chúa Thánh Thần sẽ đến và sẽ ở với chúng ta luôn mãi. Chúng ta hãy yêu mến Chúa và giữ luật Chúa truyền để được Thiên Chúa yêu mến.

LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI (Ngày 29 tháng 5): Thánh Lễ hôm nay để kỷ niệm việc Chúa Giêsu Phục sinh "lên trời vinh hiển để mở đường về trời cho chúng ta." Nói là Chúa Giêsu về trời, nhưng thực ra Ngài vẫn ở giữa chúng ta, như Ngài đã hứa cùng các Thánh Tông Đồ và mọi người chúng ta "Thầy vẫn ở với chúng con mỗi ngày cho đến tận thế!" Chúa Giêsu về trời chỉ có nghĩa là sau khi đã sống lại và hiện ra với các Tông Đồ trong vòng 40 ngày, thì Ngài không còn hiện ra với các ông nữa.

Bài Đọc 1 (Cv 1:1-11) nói về Việc Chúa Giêsu sau khi chịu nạn chịu chết trên Thánh Giá, đã sống lại và về trời vinh hiển trước mặt các Tông Đồ, sau khi đã hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần xuống các Thánh Tông Đồ. Trong Bài Đọc 2 (Êphêsô 1:17-23), Thánh Phaolô cầu xin cho chúng ta là những tín hữu, chúng ta được "trí khôn ngoan sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi..." và cho chúng ta được hiểu là Thiên Chúa Cha đã "cho Chúa Giêsu sống lại, và đặt Người bên hữu mình trên trời...và Người là đầu Hội Thánh là thân thể Người, và là sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người." Bài Phúc Âm (Matthêu 28:16-20) ghi lại việc Chúa Giêsu lên trời trước mặt các Tông Đồ, sau khi đã bảo các ông "hãy đi giảng dạy muôn dân, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần và dạy họ mọi điều Thầy đã truyền cho các con," và Chúa Giêsu cũng hứa "Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận Thế."

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta năng suy ngắm về mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời và vững lòng trông cậy rằng, chúng ta cũng được về trời với Chúa nếu chúng ta giữ vững Đức Tin và giữ mọi giới răn Chúa đã truyền cho chúng ta (Chúng ta hãy năng lần chuỗi Mân Côi để thờ phượng Chúa, kính Đức Mẹ và suy ngẫm "Năm Sự Mừng.")

LỄ ĐỨC MẸ ĐI THĂM VIẾNG (ngày 31 tháng 5): Thánh Lễ hôm nay để kỷ niệm việc Đức Mẹ Maria đi thăm bà E-li-sa-bét. Chúng ta nhớ lại khi Sứ Thần Gabrien truyền tin cho Đức Mẹ, Sứ Thần đã nói cho Đức Mẹ biết là "bà Eli-sa-bét đã mang thai được 6 tháng..." vì thế, sau giây phút truyền tin, Đức Mẹ "đã vội vã lên đường" để đi thăm bà E-Li-sa-bét và giúp bà trong 3 tháng, chờ đến khi Bà E-li-sa-bét sinh con xong." Đây cũng là Thánh ý Chúa quan phòng để Đức Mẹ, đang mang Thai Đức Chúa Con, đã đem muôn ơn phúc cho gia đình bà E-li-sa-bét, nhất là cho Ông Gioan Baotixita được khỏi tổ tông truyền ngay khi còn trong lòng bà Elisabet." Trong Thánh Lễ hôm nay chúng ta hãy xin "cho được lòng yêu người" (Ngắm thứ hai Năm Sự Vui) như Đức Mẹ, luôn luôn vội vã giúp đỡ những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, về phần hồn cũng như phần xác.

Trong Bài Đọc 1: (Rôma 12:9-16), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy sống đức bác ái thành thật, không giả hình, nhưng chỉ vì yêu thương nhau và vì tình yêu Thiên Chúa: "Hãy chúc phúc cho những người bắt bớ anh em; hãy chúc phúc chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với những ai vui mừng; hãy khóc lóc với ai khóc lóc. Hãy đồng tâm hiệp ý với nhau; đừng tự kiêu tự đại ; nhưng hãy ưa thích những sự tầm thường, và đừng tự đắc cho mình là khôn." (Hoặc có thể đọc bài: Sophonia 3:14-18). Bài Phúc Âm ( Luca 1: 39-56) ghi lại việc Đức Mẹ Maria đi thăm bà E-li-sa-bét; lời bà E-li-sa-bét chúc tụng Đức Mẹ và lời Đức Mẹ chúc tụng Thiên Chúa (Bài Magnificat).

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện , nhờ lời Đức Mẹ và các Thánh bầu cử, xin Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời chúc lành cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho toàn thể Giáo Hội, cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Amen. Alleluia!..
 
Làm sống lại
Lm Vũđình Tường
21:17 24/04/2014
Mắt nhìn cảnh vật và trí óc phân tích chi tiết cảnh vật trước khi ghi nhớ chúng để khi cần có thể mang chúng trở lại. Rất nhiều sự kiện được chôn sâu trong não bộ và bất ngờ sống lại khi chúng được gợi nhớ. Có lần tôi dọn tủ vất bỏ những thứ không cần dành chỗ cho những vật mới hơn. Dưới đáy tủ là một mớ hình ảnh quên đã lâu. Nhìn những hình ảnh thuở thiếu thời biết bao cảnh thân thương hiện về. Khung cảnh quên lãng trong trí lâu nay bừng lên trong trí. Khuôn mặt thân quen, nụ cười duyên dáng, trò chơi dại dột của tuổi thiếu đắn đo, câu nói bông đùa, chọc ghẹo ập đến trong đầu. Chúng sống lại cách mãnh liệt. Vài câu lí luận dổm thế mà cũng có đứa đỏ mặt tía tai cãi cho bằng thắng. Rồi khi chia tay những lời hứa gặp lại chẳng bao giờ thực hiện được vì chiến tranh lan tràn, mỗi người một phương. Không ai nghĩ ngày chia tay cũng là ngày vĩnh biệt một số bạn thân thiết.

Ai biết được rằng cảnh xưa, người cũ trở thành nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại. Chúng có sức mạnh làm sống lại thời đã qua, đã lâu không còn nhớ bỗng chúng sống lại. Thế mới biết những gì xảy ra trong cuộc sống không mất đi. Chúng ngủ chờ cơ hội sẽ bừng tỉnh. Chúng là nhịp cầu nối thời gian và quan trọng hơn chúng ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, cách nhìn của ta trong tương lai. Như thế biến cố trong quá khứ tạo thành tư cách sống của con người tương lai.

Các tông đồ Đức Kitô trong những ngày qua đang sống với quá khứ đau thương, lo sợ, cô đơn và mất hướng đi cho tương lai. Sự kiện xảy ra quá đột ngột, quá nhanh trong một thời gian quá ngắn khiến các tông đồ không đủ thời gian ổn định tâm thần. Thực ra các ông đang sống với hình ảnh của Đức Kitô rao giảng trước Phục Sinh với nhiều ước mơ, hy vọng dạt dào vào Thầy. Các ông ngỡ ngàng học làm quen với lối sống mới. Chưa kịp quen thì biến cố Thầy bị bắt, đánh đòn, và chết trên thập giá. Người ngẩn ngơ, đầu óc rối bời, tâm trí hoảng loạn thì tin dồn dập Thầy đã sống lại. Biết tìm Thầy nơi đâu. Nơi cuối cùng chôn Thầy là khu vườn kia nhưng đến đó chỉ có mộ trống. Ngó trời thì trời vẫn xanh biếc, ngó đất, đất vẫn im lìm hằn dấu chân người. Dấu chân ai, ai biết vì kẻ đến người đi hàng ngày. Thầy đã sống lại biết tìm nơi đâu. Gặp người làm vườn, kẻ đồng hành, kẻ dạo bãi biển. Thiên hạ muôn vàn để í họ làm chi. Tông đồ không nhận ra Thầy vì các ông đang sống với hình ảnh Thầy bị bắt, bị đóng đinh. Nhờ Thầy gợi nhớ mới nhận ra, mới sống và đối diện với Thầy Phục Sinh. Hình ảnh Thầy bẻ bánh được người đi đường thực hiện, hình ảnh người làm vườn gọi rõ tên mình và còn sai đi báo cho các người quen biết, hẹn lại. Chính những gợi nhớ của ngày thứ Năm Tuần Thánh, ngày Đức Kitô lập Phép Thánh Thể đã gợi nhớ lại điều Thầy đã làm. Hãy làm việc này để nhớ đến Ta. Lời nhắn nhủ cuối là tín chỉ nhận biết khi gặp gỡ. Thầy đã bẻ bánh gợi nhớ lại hình ảnh Thầy trong bữa Tiệc Li.

Cuộc sống của Kitô hữu có nhiều kỉ niệm cần gợi nhớ thường xuyên. Ngày rửa tội, ngày thêm sức, ngày rước lễ ngày xưng tội, ngày cưới, ngày khấn. Tất cả những kỉ niệm đẹp đó cần được gợi nhớ. Những biến cố quan trọng đó giúp chúng ta nhìn lại và nhận biết cũng như dâng lời tạ ơn tình thương và lòng Chúa xót thương. Vì thế gợi nhớ lại tình yêu Chúa trong ta, lòng xót thương bao la của Ngài trong đời ta là điều tốt lành và cần làm thường xuyên để cảm nghiệm tình Chúa trong ta. Hình ảnh xưa trở về xem ra có vẻ dễ dàng nhưng thực ra rất phức tạp cho bộ óc vì mỗi một phần của óc ghi nhớ một sự kiện khi gợi nhớ chúng sẽ tập họp các sự kiện lại trước khi thành hình trong đầu. Khi nhớ lại bữa Tiệc Li các tông đồ cũng nhớ lại việc Thầy làm, lời Thầy nói, hình ảnh Thầy bẻ bánh, hình ảnh dâng lời tạ ơn và việc các tông đồ đàm thoại với nhau. Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ chúng ta cũng gợi lại trong trí hình ảnh đó. Càng gợi nhớ lại tình yêu Chúa thường xuyên chừng nào ta càng liên kết mật thiết với Chúa nhiều từng đó.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Bênêđictô XVI tuyên bố : Ngay lúc sinh thời, tôi đã biết chắc rằng Đức Gioan Phaolô II là một vị thánh.
Trần Mạnh Trác
02:41 24/04/2014


Rome, Ý, ngày 23 tháng tư 2014 (CNA) -. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Đức Thánh Cha Benedict XVI nhắc lại tình bạn thân thiết của mình với Chân Phước Gioan Phaolô II, và nói rằng cuộc sống của Ngài nói lên sự thánh thiện và một nền tâm linh sâu đậm.

" Trong những năm mà tôi được cộng tác với Ngài, đối với tôi thì thật là rõ ràng hơn bao giờ hết rằng Đức Gioan Phaolô II là một vị thánh, " Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với nhà báo Ba Lan Wlodzimierz Redzioch trong một cuộc phỏng vấn, được công bố ngày 20 tháng 4 trên tờ báo " La Razon " ở Tây Ban Nha

"Dĩ nhiên, mối quan hệ nồng nhiệt cuả Ngài với Thiên Chúa, sự đắm chìm trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, phải được kể là việc cao trọng hơn hết, " vị cựu Giáo Hoàng nói.

Đức Thánh Cha Benedict XVI, từng phục vụ là tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin dưới triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cho biết vị Giáo hoàng người Ba Lan đã can đảm " chấp nhận nhiệm vụ của mình trong một thời buổi thực sự khó khăn. "

"Đức Gioan Phaolô II đã không đòi hỏi người ta tán thưởng và cũng không lo lắng nhìn xung quanh để xem quyết định của Ngài được chấp nhận ra sao. Ngài hành động dựa trên đức tin và niềm xác tín của Ngài, và Ngài cũng sẵn sàng để bị phê bình, " Đức Thánh Cha Benedict kể lại. " Sự dũng cảm cho sự thật, theo quan điểm của tôi, là thước đo chính của sự thánh thiện. Chỉ cần nhìn vào mối quan hệ của Ngài đối với Thiên Chúa là có thể hiểu được sự quyết tâm không bao giờ sờn cho việc mục vụ của Ngài. "

Trong ý nghĩa ấy, Đức Benedict nhắc lại quyết định của vị thánh tương lai khi phải đối đầu với sự lây lan của nền thần học giải phóng ở châu Mỹ Latinh.

" Ở cả hai bên Châu Âu và Bắc Mỹ, quan điểm chung là nền thần học giải phóng có mục đích hỗ trợ người nghèo và do đó nó là một nguyên lý cần phải được hoàn toàn chấp nhận. Nhưng đó là một lỗi lầm. Cái nghèo và người nghèo tuy rõ ràng đã được Thần học Giải phóng đề cập tới, nhưng là qua một quan điểm rất cụ thể (khác với Công Giáo), " Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích.

Thần học giải phóng sử dụng và chuyển đổi đức tin Kitô giáo " thành một loại lực lượng chính trị. Truyền thống của đức tin tôn giáo được dùng để phục vụ hoạt động chính trị. Vì thế, đức tin bị tha hoá một cách sâu sắc và tình yêu đích thực cho người nghèo do đó cũng bị suy yếu đi. Do đó thật là cần thiết phải phản đối một loại đức tin giả mạo như thế, (sự phản đối như vậy) chính là vì tình yêu và sự phục vụ cho người nghèo, " Ngài tiếp tục.

Tình hình ở Ba Lan là nơi sinh quán cuả Đức Gioan Phaolô II - lúc đó đang bị chủ nghĩa cộng sản cai trị - " đã cho Ngài (đức Gioan Phaolo) thấy rằng Giáo Hội thực sự nên có hành động cho tự do và sự giải phóng, không phải bằng chính trị nhưng bằng cách làm thức tỉnh con người, thông qua đức tin, để tạo thành những lực lượng giải phóng đích thực, " Đức Thánh Cha Benedict XVI nói.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Benedict nhấn mạnh rằng cái danh dự được cộng tác với Đức Gioan Phaolô II "đã luôn luôn đánh dấu bằng tình bạn và sự thân ái, " trên cả hai lãnh vực công cũng như tư. " Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất rành rõi về văn học đương đại của nước Đức và thật là một điều tốt đẹp ( cho cả hai chúng tôi ) đã có một sự tâm đầu ý hiệp về những điều này, " Ngài nói.

Đức Thánh Cha Benedict XVI nhắc lại rằng mỗi thứ Ba, cả hai sẽ thảo luận về giáo lý cho buổi triều kiến chung hôm thứ Tư. " Thông qua việc giảng dạy, Đức Giáo Hoàng đã quyết định sẽ có thể cung cấp một nền giáo lý sau một thời gian. Ngài chọn chủ đề và cho chúng tôi chuẩn bị một bản yếu lược ngắn gọn để có thể phát triển thêm sau này (.. . ). ở Đây Đức Giáo Hoàng đã tỏ ra cách rõ ràng là Ngài có một trình độ và thẩm quyền thần học. Nhưng đồng thời tôi ngưỡng mộ Ngài về việc Ngài sẵn sàng học hỏi thêm. "

Đức Thánh Cha Benedict cũng nhắc tới ba thông điệp đặc biệt quan trọng " cuả Đức Gioan Phaolô II. Đầu tiên là " Redemptor hominis ", trong đó Ngài trình bày một tổng quan cuả Ngài về đức tin Kitô giáo. Thứ hai là " Redemptoris mission", trong đó Ngài đã phác hoạ " các mối quan hệ giữa đối thoại liên tôn và nhiệm vụ truyền giáo. " Thứ ba là " Veritatis splendor, " trong đó Ngài đề cập đến nhiều vấn đề đạo đức mà cho tới ngày hôm nay vẫn tiếp tục còn có ý nghiã.

" Các thông điệp " Fides et ratio" cũng rất đáng kể, trong đó Đức Giáo Hoàng (Gioan Phaolô II ) cố gắng đưa ra một tầm nhìn mới về mối quan hệ giữa đức tin Kitô giáo và lý lẽ triết học. Và cuối cùng, không thể không đề cập đến ' Evangelium vitae, " đã phát triển thành những chủ đề cơ bản nhất của toàn bộ triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II: phẩm giá (không thể hiểu thấu được) của sự sống con người, kể từ lúc thụ thai, " Đức Thánh Cha Benedict XVI nói thêm.

Đức Thánh Cha Benedict cũng cho biết tâm linh của vị tiền nhiệm có một đặc trưng " là cường độ của sự cầu nguyện, bắt nguồn sâu sắc trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. "

" Tất cả chúng ta đều nhận thức rằng Ngài có một tình yêu tuyệt vời dành cho Mẹ Thiên Chúa. 'Tất cả là cuả Mẹ' có nghĩa là, cùng với Mẹ, hoàn toàn mọi sự là cho Chúa. Cũng như Đức Maria đã không sống cho chính mình nhưng cho Chuá, vì vậy Ngài cũng đã học từ Mẹ và cùng Mẹ Ngài đạt tới sự hiến thân toàn vẹn và nhanh chóng với Chúa Kitô. "

" Những kỷ niệm của tôi với Đức Gioan Phaolô II là đầy ắp với lòng biết ơn. Tôi không thể và cũng không nên cố gắng bắt chước Ngài, nhưng tôi đã cố gắng hết mình để tiếp tục di sản và công việc của Ngài, " Đức Thánh Cha Benedict XVI nói.
 
Điểm chung của hai Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II: phá sập các bức tường
Vũ Văn An
04:51 24/04/2014
Để phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II cùng một lúc, Đức Phanxicô đã không ngần ngại bỏ qua thủ tục phong hiển thánh bằng cách không chờ đợi việc xác nhận phép lạ thứ hai nhờ lời cầu bầu của Đức Gioan XXIII. Và chắc chắn đây là hành động đúng. Dĩ nhiên, Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II có nhiều điều khác nhau, nhưng các ngài cũng có nhiều điểm chung với nhau. Không có Đức Gioan XXIII, có lẽ sẽ không có Đức Gioan Phaolô II. Việc cùng một lúc phong hiển thánh cho hai ngài làm chứng cho sự kiện này: Giáo Hội là một định chế luôn cần được cải tổ (campagna semper reformanda) như Đức Bênêđíctô XVI quen nhấn mạnh. Đồng thời việc này cũng cho thấy mọi mảng lịch sử của định chế này đều được liên kết với các mảng khác, như các mảnh ăn khớp với nhau trong trò chơi đố ghép (puzzle).

Hai vị cùng sẽ được phong hiển thánh vào ngày 27 sắp tới có gì chung với nhau? Trước hết, hai vị đều là giáo hoàng, các giáo hoàng thánh thiện. Các ngài sống thực một cách sâu sắc nền linh đạo linh mục của mình, như khẩu hiệu giám mục của các ngài cho thấy. Đức Gioan XXIII chọn khẩu hiệu «Oboedientia et Pax» (Vâng Lời Và Bình An); Đức Gioan Phaolô II thì chọn khẩu hiệu «Totus tuus» (Tất Cả là Của Mẹ), đặt trọn niềm tin nơi Thánh Nữ Đồng Trinh Maria.

Nhưng cuộc sống của các ngài có khác nhau. Đức Gioan Phaolô II mất mẹ trước khi rước lễ lần đầu và mất cha lúc 21 tuổi, sống ơn gọi linh mục trong tư cách một cha xứ và sau đó là giám mục tại Ba Lan. Đức Gioan XXIII được dưỡng dục trong một gia đình đông người, được Tòa Thánh phái tới Thổ Nhĩ Kỳ, Bảo Gia Lợi và Pháp làm khâm sứ rồi sứ thần. Công việc ngoại giao đã rèn nên đức tin và viễn ảnh của ngài về Giáo Hội. Một Giáo Hội có tính bao gồm, đại kết và đối thoại với thế giới. Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1944, tức thánh lễ cuối cùng của ngài tại đó trước khi qua Bảo Gia Lợi, là một điền hình sống động cho thấy tư tưởng của Đức TGM Angelo Giuseppe Roncalli. Ngài nói rằng các Kitô hữu thuộc mọi nhóm tuyên tín rất thích phân biệt họ với những nhóm không tuyên xưng cùng một đức tin như họ, bất kể đó là “người Chính Thống, người Thệ Phản, người Do Thái, người Hồi Giáo, người tin hay người không tin”. Nhưng theo ngài, cho dù “sự đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ, giáo dục, hay các dị biệt đau thương của một quá khứ buồn thảm có giữ chúng ta xa cách nhau đi chăng nữa, dưới ánh sáng Tin Mừng, ta nhận thấy Chúa Kitô đã đến phá sập các bức tường; Người chết để công bố tình huynh đệ phổ quát của chúng ta; tâm điểm giáo huấn này chính là tình yêu nối kết mọi người với Người như là anh cả của các em, và nối kết Người và chúng ta với Chúa Cha”.

Phá sập các bức tường

Hãy phá sập các bức tường: những lời này chính là lệnh tiến bước, hơn bất cứ điều gì khác, vốn nối kết hai vị giáo hoàng thánh thiện này. Cố gắng đại kết đã được Đức Gioan Phaolô II thúc đẩy mạnh mẽ; ngài đã vượt quá ngoại giao để chủ trương nhiều cử chỉ tiên tri khi đương đầu với nền chính trị tôn giáo. Khi tới Hy Lạp năm 2001 trong tư cách vị giáo hoàng đầu tiên tới đó trong 1281 năm, ngài bình thản lắng nghe một danh sách dài gồm tới 13 lời kết án về 13 thứ tội mà người Chính Thống Hy Lạp không ngần ngại nói lên để chống lại Giáo Hội Công Giáo. Sau đó, ngài ngỏ lời xin lỗi về những sai lầm đã phạm. Sau cùng, trong một cuộc gặp gỡ lịch sử tại Areopagus, ngài khẳng định với TGM Christodoulos sự cam kết chung trong việc bảo vệ nguồn gốc Kitô Giáo của Âu Châu. Sau đó, phá bỏ sự cấm kị không cầu nguyện chung giữa Chính Thống và Công Giáo, ngài đã đọc kinh Lạy Cha với TGM Hy Lạp.

Đức Gioan XXIII cũng đã bắt đầu phá sập bức tường vô hình của Bức Màn Sắt khi Liên Bang Xô Viết cảm nhận những vết nứt đầu tiên của nó. Năm 1961, Tổng Bí Thư lúc đó của Đảng Cộng Sản Nga là Nikita Krushchev đã thực hiện biến chuyển đầu tiên trong việc thiết lập truyền thông với Đức Giáo Hoàng bằng cách gửi thông điệp chúc mừng sinh nhật thứ 80 của Đức Gioan XXIII. Đức Giáo Hoàng đã hồi âm, và thế là một ngả tiếp xúc bán chính thức đã được mở ra. Khi cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba nổ ra năm 1962, Đức Gioan XXIII là thế giá tinh thần duy nhất được cả đôi bên đối nghịch nhìn nhận. Các nhận định công khai của ngài, được chính ngài viết lại gần như hoàn toàn, đã được nhật báo Pravda, tiếng nói của Cộng Sản, đăng tải. Nhờ thế cuộc khủng hoảng hỏa tiễn đã được vượt qua.

Pacem in terris: dấu chỉ thời đại

Thành quả của sáng kiến trên đã thuyết phục Đức Gioan XXIII viết thông điệp Hòa Bình Trên Trái Đất. Xây dựng trên sự thật, nhân phẩm, tự do và tự do tôn giáo như bốn cột trụ, thông điệp này là mục tiêu viễn tưởng của Đức Gioan XXIII, và hiện nay vẫn còn hợp thời. Đức Gioan XXIII muốn thông điệp này được viết theo lối cách tân. Làm nền tảng cho thông điệp này là dấu chỉ thời đại, niềm khát mong có nhân phẩm của con người, tự do và hòa bình. Từ viễn tượng này, trọn bộ các khát vọng của con người đều được nhìn dưới ánh sáng Tin Mừng, và các cố gắng để thể hiện chúng đã tạo ra việc theo đuổi nền nhân bản toàn diện, một nền nhân bản sẽ trở thành lệnh tiến bước của Đức Phaolô VI.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một thông điệp đã không dựa vào mạc khải mà là dựa vào các dấu chỉ của thời đại. Phương pháp qui nạp này sau đó sẽ được áp dụng vào hiến chế mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” của Công Đồng Vatican II.

Hào quang của “Hòa Bình Trên Trái Đất” cũng đã làm say mê một giám mục trẻ lúc đó đang tham dự Công Đồng Vatican II, Đức Cha Karol Wojtyla. Vị giám mục này từng kinh qua chủ nghĩa Quốc Xã và chủ nghĩa Cộng Sản, hai hình thức toàn trị lúc ấy đang rúng động Âu Châu. Việc ngài chống lại mọi hình thức toàn trị đã dẫn tới chủ trương triệt để chống mọi chế độ cộng sản của ngài. Ngài chống đối chúng không qua việc trực tiếp phản đối hay tấn công trực diện. Thay vào đó, ngài chăm dưỡng giới trẻ, giáo dục họ về ý nghĩa của tự do và nhân phẩm. Đây là một nền nhân bản cứu thế giới.

Bình thường hóa quan hệ

Đức Cha Wojtyla là một trong các vị tích cực nhất trong việc soạn thảo văn kiện “Dignitatis humanae” của Công Đồng. Văn kiện này là khí cụ cực kỳ có giá trị đối với mọi giám mục đang ở bên kia bức Màn Sắt, là những vị lấy hứng từ nó mà tổ chức ra mặt trận chống đối cách âm thầm. Đức Cha Wojtyla liên kết việc bảo vệ nhân phẩm với ý niệm quốc gia, một ý niệm ngài coi như tương phản với ý niệm nhà nước.

Trong khi ấy, điều gọi là Bình Thường Hóa Quan Hệ (Ostpolitik) của Vatican bắt đầu được khởi động. Đức HY Agostino Casaroli được phái tới các nước ở bên kia bức Màn Sắt, thoạt đầu bởi Đức Gioan XXIII, sau đó bởi Đức Phaolô VI. Ngài đã khởi diễn một cuộc đối thoại đầy khó khăn, bằng một chính sách “hết bước này tới bước khác” mà chính ngài định nghĩa là “tử đạo bằng kiên nhẫn”. Ngài xây dựng được các mối liên hệ dẫn tới việc giảm nhẹ các điều kiện khắt khe vốn được các chế độ cộng sản áp đặt lên Kitô hữu.

Khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã chọn Đức HY Casaroli làm Quốc Vụ Khanh. Chủ trương mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng về tự do và nhân phẩm đã khơi lên nhiều khát vọng nơi những người đang sống tại các nước thuộc Hiệp Ước Warsaw. Cùng một lúc, nền ngoại giao của Đức HY Casaroli vẫn duy trì liên hệ với các nước Cộng Sản dữ dằn nhất, đem lại cho chủ trương của Đức Giáo Hoàng nhiều hỗ trợ có tính bảo vệ.

Trong khi ấy, Đức HY Paul Poupard, Quốc Vụ Khanh dưới thời Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, được Đức Gioan Phaolô II cử đứng đầu Văn Phòng Người Vô Tín Ngưỡng, và trong khả năng này, ngài đã khởi diễn cuộc đối thoại văn hóa với các nhà triết học và trí thức của các nước ở bên kia bức Màn Sắt.

Một bên là chủ trương của Đức Gioan Phaolô II; một bên là nền ngoại giao của Đức HY Casaroli. Ở hậu cảnh, là cuộc đối thoại văn hóa. Chính đó là lý do làm cho một bức tường khác bị phá sập, đó là bức tường Bá Linh. Các hình ảnh bức tường sụp tượng trưng cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Âu Châu và sự chiến thắng của người Công Giáo.

Nếu không có Đức Gioan XXIII, thì không điều gì kể trên có thể diễn ra. Vị “giáo hoàng mục tử” Gioan XXIII quả là một nhà ngoại giao tinh tế. Từ triều giáo hoàng của ngài trở đi, ảnh hưởng của Tòa Thánh trên vũ đài quốc tế đã gia tăng đáng kể.

Đức Gioan Phaolô II tiếp nối di sản trên. Ngài thường hay thách thức Liên Hiệp Quốc, khi nói tới tự do tôn giáo tại Trụ Sở LHQ ở New York. Ngài cũng phê phán ý thức hệ phái tính và ý niệm y tế sinh sản (reproductive health) của các hội nghị Cairo và Bắc Kinh thập niên 1990. Trong khi đó, các nhà ngoại giao của Vatican, những người đầy kỹ năng và tinh tế, đã khôn khéo lồng ý niệm phát triển nhân bản toàn diện, như một thứ “vi khuẩn tích cực”, vào các văn kiện quốc tế.
Thí dụ, trong văn kiện của LHQ công bố năm 1985.

Cùng một phương pháp: đối thoại

Sau cùng, cả Đức Gioan XXIII lẫn Đức Gioan Phaolô II đều theo cùng một phương pháp, bao gồm việc đối thoại với thế giới và hành động. Trong một nhận định ngoài bản văn soạn sẵn đề cập tới việc do đâu ý niệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã phát sinh, Đức Gioan Phaolô II cho thấy phương pháp này đã được thi hành ra sao: “Đó là năm 1984, người bạn lớn của chúng ta là Liên Hiệp Quốc đã thiết lập ra Năm Giới Trẻ. Họ công bố, họ đưa ra kế hoạch. Chúng tôi thực hiện kế hoạch ấy!”.

Tính tự phát này đã phá sập các bức tường. Đức Gioan XXIII mở cánh cửa đưa vào Công Đồng Vatican II bằng cách mở chiếc cửa sổ tại Tông Dinh vào ngày 11 tháng 10, năm 1963, để giảng bài giảng nổi tiếng của ngài về mặt trăng, yêu cầu người ta “vuốt ve con cái họ”. Đức Gioan Phaolô II cũng mở một chiếc cửa sổ cho người ta thấy họ có thể chờ mong chi ở triều giáo hoàng của ngài trong Thánh Lễ khai mạc thừa tác vụ Phêrô: “Hãy mở rộng các cửa ra vào cho Chúa Kitô. Hãy mở rộng các biên giới Nhà Nước, các hệ thống kinh tế và chính trị, những lãnh vực mênh mông của văn hóa, văn minh và phát triển cho sức mạnh cứu rỗi của Người. Đừng sợ hãi. Chúa Kitô biết rõ “trong con người có gì”. Chỉ một mình Người biết điều ấy”.
 
Tại sao tìm Đấng Sống trong những gì mau tàn phai và chết đi?
Linh Tiến Khải
11:24 24/04/2014
Lời cảnh báo ”Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) giúp chúng ta ra khỏi các không gian đau buồn và mở ra cho chúng ta các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy chuyển dời các hòn đá lấp mộ và khích lệ loan báo Tin Mừng, có khả năng sinh ra cuộc sống mới cho tha nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 90.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần 23-4-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong những ngày này nhiều tín hữu đã tuốn về Roma để chờ tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vào ngày Chúa Nhật 27-4-2014. Thứ tư 23-4-2014 cũng là lễ thánh Giorgio bổn mạng của Đức Thánh Cha. Các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh giới thiệu các nhóm hành hương đã nhân danh mọi người chúc mừng lễ Bổn Mạng Đức Thánh Cha.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến trong các ngày này chúng ta cử hành mầu nhiệm vĩ đại sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong niềm vui vượt qua. Đó là một niềm vui đích thật, sâu xa, dựa trên sự chắc chắn Chúa Kitô phục sinh không chết nữa, nhưng sống và hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới. Sự chắc chắn ấy ngự trị trong con tim của các tín hữu từ buổi sáng Phục Sinh đó, khi các phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu và các thiên thần nói với họ: ”Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa các lời này như sau:
Các lời này giống như một hòn đá mốc lịch sử; nhưng chúng cũng là một ”hòn đá làm vấp ngã”, nếu chúng ta không rộng mở cho Tin Mừng, nếu chúng ta nghĩ rằng một Giêsu chết ít gây khó chịu hơn một Giêsu sống! Trái lại, biết bao nhiêu lần trên con đường thường ngày chúng ta cần nghe nói với chúng ta: ”Sao bạn lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Biết bao nhiêu lần chúng ta cần nghe các lời này để được cứu thoát khỏi các tình trạng khó khăn hay tuyệt vọng.

Chúng ta cần các lời đó, khi chúng ta khép kín trong bất cứ hình thức ích kỷ hay tự mãn nào; khi chúng ta để cho mình bị quyến rũ bởi các quyền lực trần gian và các sự vật của trần gian này mà quên Thiên Chúa và tha nhân; khi chúng ta đặt các niềm hy vọng nơi các phù du trần tục, nơi tiền bạc, nơi thành công. Khi đó lời Chúa nói với chúng ta: ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Tại sao con tìm ở đó cái không thể cho con sự sống? Phải! Có lẽ nó sẽ cho con sự vui vẻ trong một phút, một ngày, một tuần, một tháng... Rồi sau đó? ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Câu này phải vào trong tim của chúng ta và chúng ta phải lập lại nó. Chúng ta hãy lập lại nó ba lần nhé? Chúng ta có cố gắng không? Tất cả nào: ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” To hơn: ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Hôm nay khi về nhà, chúng ta hãy nói lên câu đó trong con tim trong thinh lặng, hãy tự hỏi mình câu đó: ”Tại sao trong cuộc sống tôi lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Làm điều đó sẽ đem lại thiện ích cho chúng ta.

Nhưng không dễ rộng mở cho Chúa Giêsu. Nếu chúng ta lắng nghe, chúng ta có thể rộng mở mình cho Đấng trao ban sự sống, cho Đấng có thể ban cho chúng ta niềm hy vọng đích thật. Trong mùa phục sinh này, chúng ta hãy để cho mình lại được kinh ngạc vì cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh, và sống vì vẻ đẹp và sự phong phú trong sự hiện diện của Người.

Nhưng không dễ dàng. Không phải là điều tính trước việc chấp nhận sự sống của Đấng Phục Sinh và sự hiện diện của Người giữa chúng ta. Tin Mừng cho chúng ta thấy các phản ứng của tông đồ Tôma, của Maria Madalena và của các môn đệ. Toma đặt ra một điều kiện cho lòng tin, ông xin được sờ mó vào sự hiển nhiên là các vết thương. Bà Maria Madalena thì khóc, bà thấy Chúa nhưng không nhận ra Người, bà chỉ ý thức được đó là Chúa Giêsu khi nghe Người gọi tên bà. Các môn đệ làng Emmaus, bị trầm cảm và với các tâm tình của sự thất bại, đi tới chỗ gặp gỡ Chúa Giêsu bằng cách để cho người bộ hành bí ẩn đồng hành với họ. Mỗi người bởi các con đường khác nhau! Họ tìm Đấng sống giữa các người chết và chính Chúa sửa chữa lộ trình.

Còn tôi, tôi làm gì? Đâu là lộ trình tôi theo để gặp gỡ Chúa Kitô sống và phục sinh? ”Sao lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) Người sẽ luôn luôn ở gần chúng ta để sửa lại lộ trình, nếu chúng ta đã sai. ”Tại sao tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) Câu hỏi này làm cho chúng ta thắng vượt cám đỗ nhìn lại đàng sau, nhìn vào những gì của ngày hôm qua, và thúc đẩy chúng ta hướng tới tương lai.

Chúa Giêsu không ở trong mồ, Người là Đấng đã sống lại, Đấng Sống, Đấng luôn canh tân thân thể Người là Giáo Hội, và làm cho nó bước đi bằng cách kéo lôi nó đến với Người. ”Hôm qua” là mồ của Chúa Giêsu và của Giáo Hội, mồ của sự thật và của công lý; ”hôm nay” là sự phục sinh vĩnh cửu mà Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta tiến tới, bằng cách trao ban cho chúng ta sự tự do đích thật.

Hôm nay câu hỏi này cũng được đặt ra với chúng ta. Bạn, tại sao bạn tìm giữa các kẻ chết Đấng sống, và bạn tự khép kín trong chính mình sau một thất bại và bạn không còn sức để cầu nguyện nữa? Tại sao tìm giữa các kẻ chết Đấng sống, bạn là người cảm thấy cô đơn, bị các bạn bè bỏ rơi và có lẽ bị cả Thiên Chúa bỏ rơi nữa? Tại sao tìm giữa các kẻ chết Đấng Sống, bạn là người đã mất niềm hy vọng và cảm thấy bị tội lỗi của bạn cầm tù? Tại sao tìm giữa các kẻ chết Đấng Sống, bạn là người ngưỡng mộ vẻ đẹp, sự toàn thiện tinh thần, công lý, hòa bình?

Chúng ta cần nghe lập lại và nhắc nhở nhau lời cảnh báo của thiên thần! Lời cảnh báo này ”Tại sao các ngươi tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” giúp chúng ta ra khỏi các không gian đau buồn và mở ra cho chúng ta các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy chuyển dời các hòn đá lấp mộ và khích lệ loan báo Tin Mừng, có khả năng sinh ra cuộc sống mới cho tha nhân. Chúng ta hãy lập lại câu hỏi đó! ”Tại sao các ngươi lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Anh chị em hãy coi, Người sống, Người ở với chúng ta! Đừng đi tới biết bao nhiêu nấm mồ mà ngày hôm nay chúng hứa hẹn với bạn điều gì đó, vẻ đẹp, nhưng rồi không cho bạn cái gì hết! Người sống! Chúng ta đừng tìm ở giữa các người chết Đấng sống.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Ngoài các nhóm hành hương của các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, còn có các đoàn đến từ các nước Mêhicô, Costa Rica, Colombia, Argentina và Brasil. Ngài đã đặc biệt chào các tân Phó tế trường Ai Len, thân nhân và bạn bè của các vị.

Ngài cũng cám ơn tất cả các trẻ em, giới trẻ, người già, các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ và tu sĩ, cũng như các hiệp hội và phong trào đã gửi lời mừng lễ Phục Sinh, bầy tỏ lòng trìu mến và gần gũi đối với ngài. Đức Thánh Cha xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài và việc phục vụ Giáo Hội của ngài.

Đức Thánh Cha cũng cho mọi người biết Chúa Nhật tới tại Alba có lễ phong Chân phước cho linh mục Giuseppe Girotti, dòng Đa Minh, bị Đức Quốc Xã thù ghét đức tin giết trong trại tập trung Dachau. Ngài cầu mong chứng tá kitô anh hùng và cuộc tử đạo của cha có thể khơi dậy ước muốn ngày càng gắn bó với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người hơn.

Chào các bạn trẻ ngài cầu mong họ luôn sống đức tin với nhiều hăng say và xác tín rằng chỉ có Chúa Giêsu mới cho phép mọi người đạt hạnh phúc đích thực và lâu bền thôi. Đức Thánh Cha khích lệ các người đau yếu tìm được sự ủi an cho các khổ đau của họ nơi Chúa Kitô phục sinh. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới sống hôn nhân trong sự gắn bó với Chúa Kitô và các giáo huấn của Tin Mừng.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Chuẩn bị lễ phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
11:25 24/04/2014
Trong những ngày vừa qua, bầu không khí ở Vatican đang trở nên sôi động vì dòng người kéo đến cũng như vì không khí chuẩn bị cho ngày lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2. Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng đã mở các cuộc họp báo để giới thiệu một vài sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trước và vào ngày lễ trọng đại này.

Trước ngày lễ phong thánh, sẽ có nhiều hoạt động bổ ích để giúp các tín hữu hướng về Chúa và về hai vị giáo hoàng khả kính này. Cha Walter Insero, Giám đốc văn phòng truyền thông của giáo phận Rôma cho biết sẽ có 2 sự kiện lớn diễn ra. Thứ nhất là cuộc gặp gỡ với giới trẻ vào lúc 20h30 ngày 22.4 tại nhà thờ Chánh Tòa Laterano, do Đức Hồng Y Agostino Vallini chủ sự. Các bạn trẻ sẽ nghe hai bài thuyết trình của Đức ông Slavomir Oder, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô 2 và của cha Giovanni Giuseppe Califano, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Gioan 23. Sau đó sẽ bài giáo lý của cha Fabio Rosimi, giám đốc chương trình mục vụ ơn gọi của Tòa Giám Quản Rôma.

Vào thứ bảy 26.4, đêm trước ngày lễ chính, từ lúc 21h, sẽ có 1 đêm canh thức cầu nguyện và các nhà thờ ở trung tâm Rôma đều mở cửa để các tín hữu có thể vào cầu nguyện và xưng tội, nghe những bài đọc sách thánh hay thủ bút của 2 vị Giáo Hoàng. Có 11 nhà thờ dự tính sẽ tổ chức sinh hoạt mục vụ với nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Hiện diện trong buổi họp báo, cha Lombardi, Phát Ngôn Viên Tòa Thánh và cũng là Tổng Giám Đốc Đài Phát Thanh Vatican, chia sẻ một vài chi tiết đáng ghi nhớ rằng ngày phong thánh là ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa. Đây cũng là ngày phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2 (vào 1.5.2011). Thánh lễ phong thánh này sẽ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô lúc 10h sáng. Sẽ có khoảng 1000 vị đồng tế, trong đó có nhiều Hồng Y và Giám Mục. Ít nhất có 700 linh mục phụ trách việc trao Mình Thánh Chúa ngay tại khuôn viên quảng trường thánh Phêrô và hàng trăm thầy Phó Tế khác trao Mình Thánh Chúa tại đường Hòa Giải kế đó cho giáo dân tham dự thánh lễ.

Để giúp các tín hữu có thể tham dự thánh lễ phong thánh, tại khu vực Fori Imperiali gần Hý Trường Colosseo, quảng trường Nhân Dân và quảng trường Đền Thờ Đức Bà Cả sẽ bố trí các màn hình khổng lồ. Quảng trường thánh Phêrô có thể tiếp nhận khoảng 100 ngàn người và 1 con số tương tự tại quảng trường Piô 12 cũng như đường Hòa Giải gần đó. Theo chính quyền thành Rôma, có khoảng 300 ngàn tín hữu đến từ Ba Lan, đông đảo các tín hữu từ tỉnh Bergamo bắc Ý quê hương của ĐGH Gioan 23. Tại quảng trường thánh Phêrô, có 5 ngàn chỗ dành cho các tín hữu Ba Lan và 5 ngàn chỗ dành cho các tín hữu đến từ quê hương của ĐGH Gioan 23. Để việc truyền thông có thể diễn ra cách tốt đẹp, sẽ có 9 vệ tinh thuộc hệ thống Eutelsat, cộng thêm các vệ tinh đã dùng trong dịp thế vận Opimpic mùa đông ở Sochi truyền hình trực tiếp lễ phong thánh trên toàn thế giới. Đài Sky sẽ có 15 máy thu hình theo kỹ thuật 4K. Người ta có thể theo dõi sự kiện qua kênh youtube và facebook.

Các bức hình thêu hai vị Giáo Hoàng sẽ là những bức đã được trưng bày trong dịp phong chân phước của các ngài. Đồ đựng thánh tích của Đức Gioan Phaolô 2 cũng là đồ đã dùng trong lễ trong chân phước, còn đồ đựng thánh tích của Đức Gioan 23 thì sẽ được làm tương tự, vì khi ngài được phong chân phước, mộ của ngài vẫn chưa được cải táng. Trong thánh lễ, hai người được nhận phép lạ do sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô 2 đều có mặt. Đức Gioan 23 thì được miễn chuẩn phép lạ vì theo Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, Công Đồng Chung Vatican II mà Đức Gioan 23 triệu tập đã là một phép lạ rồi. Sau thánh lễ, các tín hữu hành hương sẽ được đi vào viếng mộ hai vị tân hiển thánh trong đền thánh Phêrô. Trong những ngày này, nhân viên Tòa Thánh đang sửa chữ “chân phước” thành chữ “thánh” trên mộ của hai vị.

Cho đến nay, một nguồn tin từ chính quyền Rôma cho biết là sẽ có khoảng 5 - 7 triệu người. Tuy nhiên theo cha Lombardi, con số này có thể là hơi quá, vì toàn bộ số dân tại Rôma cũng chỉ có khoảng 3 triệu 700 ngàn người. Vấn đề con số các tín hữu hành hương đến Vatican để dự lễ phong thánh vẫn còn là một vấn đề bỏ ngõ, và không ai có thể biết được con số chính xác là bao nhiêu. Người ta chỉ có thể dự đoán được là hầu như các con đường lớn dẫn đến Vatican đều sẽ chật kín người. Theo báo Cộng Hòa, trích thuật nguồn tin từ chính quyền thành Rôma, 85% khách sạn và nhà trọ ở Rôma và cả những khu vực chung quanh Rôma, đã được đăng ký chỗ trong thời gian trước và sau lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng.

Khi được hỏi về sự hiện diện của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 trong thánh lễ, cha Lombardi trả lời rằng đây là điều mà mọi người mong đợi. Tòa Thánh đã gửi lời mời nhưng ngài chưa trả lời. Chắc phải đợi đến lúc cận ngày, rồi tùy thuộc vào việc ngài có muốn tham dự, và sức khỏe của ngài có cho phép ngài hay không vì chắc chắn đây là một thánh lễ kéo dài với nhiều nghi thức phức tạp.

Thứ hai ngày 28.4, cũng tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Hồng Y Angelo Comastri sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn. Giới truyền thông sẽ có hai trung tâm làm việc: ở ngay trước quảng trường thánh Phêrô và tại cuối đường Hòa Giải. Từ hai nơi này, các chuyên viên có thể quay lấy cảnh từ trên không. Từ bây giờ, đã có hàng trăm phái viên đăng ký tại phòng Báo Chí Tòa Thánh để được giúp đỡ theo dõi diễn tiến. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đang lập chương trình một loạt các buổi sinh hoạt với các vị thỉnh nguyện viên án phong thánh, các sử gia về giáo hoàng, các chuyên gia về Công Đồng Vatican II, các chứng nhân phép lạ… để giúp các chuyên viên truyền thông đi sâu vào vấn đề hơn.

Quý thính giả có thể theo dõi buổi lễ Phong Thánh với phần thông dịch và bình luận trực tiếp bằng tiếng Việt tại:

- Link website: www.dongten.net/noidung/32396

- Hoặc: Link trực tiếp đã sẵn có trong website: www.youtube.com/watch?v=2qTuL5zCxDQ
 
Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn
LM. Trần Đức Anh OP
11:45 24/04/2014
VATICAN. Hôm 24-4-2014, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cảnh giác giới báo chí đừng rút ra những hệ luận thổi phồng về cú điện thoại mục vụ của ĐTC.

Trong những ngày qua, báo chí ở Argentina cho biết ĐTC gọi điện cho một phụ nữ ly dị tái hôn ở nước này và cho bà được xưng tội rước lễ. Tin này được báo chí các nước đăng lại.

Trong thông cáo công bố ngày 24-4-2014, cha Lombardi nói rằng ”có nhiều cú điện thoại đã xảy ra trong khuôn khổ các quan hệ mục vụ riêng của ĐGH Phanxicô. Những cú điện thoại như thế tuyệt đối không phải là những hoạt động công cộng của ĐGH, nên không nên chờ đợi những thông tin hoặc bình luận từ phía phòng báo chí Tòa Thánh.”

”Bởi vậy, những điều đã được phổ biến về vấn đề này, rút khỏi khuôn khổ những quan hệ riêng, và sự phóng đại của các cơ quan truyền thông sau đó, không đáng tin cậy và là nguồn mạch gây ra những hiểu lầm và hoang mang.

”Vì vậy cần tránh rút từ vụ này những hệ luận liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội.

Tin về việc ĐGH bảo rằng việc cho người ly dị tái hôn rước lễ lại làm cho cuộc tranh luận về vấn đề này bùng lên, nhất là trong viễn tượng Thượng HĐGM thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay.

Hồi tháng 9-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phải cải chính tin cho rằng ĐGH Phanxicô điện thoại cho một thanh niên đồng tính luyến ái người Pháp, để trả lời thư trong đó anh ta nói rằng mình bị giằng co giữa đức tin và xu hướng đồng tính luyến ái của anh. (Apic 24-4-2014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc chính thức nhận chức Tổng giám mục Saigòn
Maria Vũ Loan
12:52 24/04/2014
SAIGÒN - Sáng ngày thứ năm, 24/4/2014, tại nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn, một thánh lễ tạ ơn được cử hành trang trọng nhân dịp Đức TGM phó Phaolô Bùi Văn Đọc chính thức nhận chức Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn. Tham dự thánh lễ có các Đức Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và các thành phần dân Chúa trong TGP Sài Gòn.

Cách nay sáu tháng, dân Chúa nô nức đón Đức Cha Phaolô từ GP Mỹ Tho về Sài Gòn nhận chức TGM phó với quyền kế vị; ngày 22/3/2014, ĐTC Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn theo Giáo Luật và bổ nhiệm Đức Cha Phaolô làm TGM Chánh Tòa TGP Sài Gòn; đây là lý do của thánh lễ tạ ơn được hiệp dâng hôm nay.

Mở đầu thánh lễ, cha sở nhà thờ Chánh Tòa, quí cha quản hạt trong GP đón Đức Tân TGM đến trước tượng đài Đức Mẹ Hòa Bình, để cùng cầu nguyện. Sau đó Đức Tân TGM tiến vào cửa Vương Cung Thánh Đường cùng với Đức Hồng Y Gioan Baotixita mặc lễ phục; tiếp theo đó, Đức Hồng Y trao gậy mục tử cho Đức Tân TGM với ý nghĩa “Gậy mục tử là dấu chỉ nhiệm vụ dẫn dắt dân Chúa và chăm lo cho đoàn chiên Chúa trong Tổng Giáo phận mà Thiên Chúa và Hội Thánh ủy thác cho Ngài”.

Các Đức Giám Mục thuộc 26 Giáo phận của Việt Nam cùng với Đức Hồng Y và Đức Tân TGM tiến lên cung thánh trong khi ca đoàn hát bài “Tôi Mừng Vui”. Trên cung thánh, người dự thấy khẩu hiệu Giám mục của Đức Tân TGM rất rõ: “Chúa là niềm vui của con”.

Bước vào cung thánh, Đức Hồng Y dẫn Đức Tân TGM đến ngồi trên “tòa”; (“Tòa” ở đây là ghế Giám mục ngồi, vì thế nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được gọi là Nhà Thờ Chánh Tòa). Tòa này tượng trưng cho quyền giảng dạy và quyền mục tử của Đức Tổng Giám Mục. Đây cũng là dấu chỉ hiệp nhất của toàn thể các tín hữu trong cùng một đức tin mà Đức TGM loan báo trong tư cách là mục tử của đoàn chiên Chúa.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân đại diện cho các thành phần dân Chúa, đã đọc lên tâm tình bày tỏ lòng kính trọng và vâng phục đối với vị Tân TGM qua ba ý sau:

- Hết lòng kính trọng và vâng phục Đức Tân TGM; sẵn sàng lãnh nhận và chu toàn mọi trách vụ được giao.
- Hiệp thông và cộng tác với Đức Tân Tổng Giám Mục.
- Nỗ lực học hỏi Lời Chúa và hoàn thiện bản thân.

Thánh lễ được cử hành trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng. Bài giảng của Đức Tân TGM không quá dài, vừa đủ để nhấn mạnh về tình yêu Thiên Chúa Phục Sinh; cụ thể là hai đoạn bài giảng của Đức Tân TGM:

“Chúa Giêsu Phục Sinh rất thích hiện ra với các môn đệ của Ngài, nhất là nhóm 11, hiện ra để đàm đạo với các ông, để gần gũi, ăn uống với các ông, để giáo huấn, giải thích lời Thánh Kinh cho các ông. Ngài mở lòng mở trí cho các ông, giúp cho các ông hiểu sách Kinh Thánh. Các tông đồ cũng thế, rất thích gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Những lần gặp đầu, có thể còn bỡ ngỡ, vì chưa kịp chuẩn bị tâm lý, nhưng sau vài lần thì quen, và thích gặp Chúa thường xuyên. Chúa đã chiều theo ý các ông, như lời Thánh Luca trong sách Công vụ Tông đồ: “Trong bốn mươi ngày Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”. Dựa trên Lời Chúa, tôi tin chắc rằng Chúa Giêsu Phục Sinh cũng rất muốn gặp chúng tôi, muốn gặp các giám mục, những người kế vị các tông đồ của Ngài. Các giám mục có muốn gặp Ngài không? Tôi nghĩ rằng: muốn lắm, muốn lắm chứ!”

Và Đức Tân TGM tha thiết:

“Anh chị em hãy cầu nguyện thật nhiều cho chúng tôi, các mục tử của anh chị em, để chúng tôi được như lòng Chúa mong ước, và tha thứ các thiếu sót lỗi lầm của chúng tôi trong khi phục vụ anh chị em. Xin cho chất dầu hoan lạc mà Thiên Chúa đã xức cho chúng tôi, trong ngày chúng tôi lãnh nhận thánh chức linh mục và giám mục, lan tỏa sang cho anh chị em, để anh chị em được vui luôn trong niềm vui của Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho tất cả anh chị em và ban cho anh chị em tràn đầy ơn lành, để anh chị em biết sống yêu thương và phục vụ những người thân cận, nhất là những con người khốn khổ, những ai cần đến anh chị em, kể cả những người chưa biết Chúa”.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Phanxicô Xavier Lê Văn Hồng đã đại diện HĐGMVN có lời chúc mừng Đức Tân TGM; cha Tổng Đại diện GB. Huỳnh Công Minh phát biểu lời cảm ơn và những bó hoa tươi thắm, quà tặng được những giáo dân đại diện các thành phần dân Chúa trao tặng quí Đức Cha, làm cung thánh đã đẹp lại còn tươi thêm.

Sau thánh lễ, người tham dự nhận một hộp bánh và một tiệc mừng thân mật được tổ chức tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn cho người có thiệp mời riêng.

Giữa cái nắng chói chang của mùa khô, ai cũng có vẻ nóng nực nhưng hẳn mỗi người mang một tâm tình vui mà có một điểm chung là mong vị mục tử của mình khi đến với muôn dân thì đến bằng tình yêu thương và can đảm đón nhận sứ vụ, dù là nhiệm vụ có nhiều thách đố.

Hôm nay, Đức Cha đại diện Tòa Thánh không phát biểu nhưng những ai quan tâm đến sự kiện Đức Tân TGM được đón về Sài Gòn nhận chức TGM phó lần trước, sẽ nhớ lại lời khen tặng của Đức Cha Đại diện Tòa Thánh dành cho Đức TGM phó trong ngày hôm đó: “...Tôi nghe nói Đức TGM phó là cầu nối giữa nhiều người, giữa nhiều thành phần xã hội khác nhau...mà Giáo Hội cần nhiều sự liên đới với nhau...”; như thế là đủ yên tâm cho các thành phần dân Chúa trong TGP hôm nay.

Mẫu gương mới nhất của người vừa đón nhận chức quyền cao trọng trong Hội Thánh là Đức Thánh Cha Phanxicô, dù đón nhận quyền cao chức trọng nhưng Ngài vẫn làm cho cả thế giới ngạc nhiên về phong cách trong chức vụ mới. Hôm nay, chắc rằng người giáo dân Sài Gòn và các thành phần dân Chúa cũng mang một niềm vui và niềm hy vọng về người mục tử của mình.
 
VietCatholic đã sẵn sàng tường trình về Lễ Phong Thánh Gioan XXIII và Gioan Phaolô II
LM Gioan Trần Công Nghị
18:38 24/04/2014
LOS ANGELES - Trong những tháng vừa qua các linh mục và anh chị em cộng tác viên của VietCatholic từ khắp nơi đã và đang hăng say làm việc để sửa soạn các tài liệu cho buổi lễ trọng đại tuyên thánh cho 2 vị Giáo hoàng yêu mến Gioan XXIII và Gioan Phaolô II của chúng ta vào ngày 27.4.2014 tại Vatican.

Các bài viết rất đa dạng về nhiều khía cạnh liên quan tới hai vị thánh đã được đăng trên VietCatholic suốt một tháng qua.

Gần đây nhất vào tháng 3, 2014 chúng tôi đã có cuộc họp tại Nam California gồm có LM Văn Chi, nhà văn Quyên Di, xướng ngôn viên VFace truyền hình Thanh Thảo và LM Trần Công Nghị để chuẩn bị cho hành trình sang Roma tường trình Lễ Phong Thánh cho hai vị Giáo hoàng.

Chuẫn bị gần cho Lễ Phong Thánh gồm hai ban:

Ban Truyền thông VietCatholic TV hiện đã có mặt tại Roma do LM Phó Giám đốc VietCatholic là Cha Văn Chi hướng đẫn sẽ tường trình trực tiếp các sự kiện xẩy ra tại Roma và Vatican. Cha Văn Chi là người đã có nhiều cơ hội gặp gỡ với Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nên có rất nhiều kỷ niệm thân thương với thánh Gioan Phaolô II. Cùng đi với Cha Văn Chi từ Hoa kỳ có xướng ngôn viên Thanh Thảo và kỹ thuật viên video Peter Nguyễn. Cô Thanh Thảo đã từng có mặt trước đây tại Vatican với tư cách là phóng viên truyền hình của VietCatholic tại Roma trong lễ phong Hồng Y cho Đức TGM Nguyễn Văn Thuận nên cũng có kinh nghiệm về nghi lễ của Vatican.

Phái đoàn TV VietCatholic lần này đã xin được phép của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ghi hình đại lễ và có chỗ dành riêng. VietCatholic đã từng cộng tác với Truyền hình Rome Report từ nhiều năm qua và với Vatican TV trong những biến cố đặc biệt. Lần này còn có thêm sự cộng tác của đài VFace TV.

Ban Hỗ Trợ Tài Liệu và Thực hiện DVD và Video: Để hỗ trợ cho TV và DVD VietCatholic về biến cố Phong thánh 2 vị Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II trong 6 tháng qua dưới sự điều động của kỹ sự Đặng Minh An một cuốn DVD về cuộc đời thánh Gioan XXIII đã hoành thành. Kỹ sư Đặng Minh An và các xướng ngôn viên của TV VietCatholic cũng đang làm việc hết mình cho biến cố này.

Ngoài ra còn có các Nhóm dịch thuật các tài liệu chính thức được phát hành từ Vatican về 2 vị Thánh Giáo hoàng đang hoàn tất các văn bản. Và chính tài liệu nghi lễ Ngày Phong Thánh cũng đang được hoàn tất qua tiếng Việt để giúp việc cho độc giả thấu hiểu mọi chi tiết lien quan tới nghi lễ và thánh lễ Phong thánh Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Sau đại lễ Phong Thánh, VietCatholic dự tính sẽ phát hành 3 cuốn DVD về Lễ Phong Thánh để những ai không có cơ hội chứng kiến tận mắt được có tài liệu tham khảo và chiêm ngưỡng những kì công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi 2 vị thánh mới của Giáo Hội:

1. Cuộc đời ĐGH Gioan Phaolô II (tái bản lại vì đã phát hành năm 2006 trước đây)

2. Cuộc đời và sự nghiệp Thánh Gioan XXIII

3. Lễ phong thánh Gioan XIII và Gioan Phaolô II

Những ai đã từng xem DVD của VietCatholic đều công nhận hình ảnh rõ ràng và chất lượng, tài liệu phong phú và xác thực, trình bầy và quảng diễn chuyên nghiệp. Được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và với ý thức trách nhiêm đạo đức tôn giáo.

Tưởng cũng nên nói thêm là vào Ngày Phong Thánh sẽ có 9 vệ tinh thuộc hệ thống Eutelsat, cộng thêm các vệ tinh đã dùng trong dịp thế vận hội Olimpic mùa đông ở Sochi truyền hình trực tiếp lễ tuyên thánh trên toàn thế giới. Đài Sky sẽ có 15 máy thu hình theo kỹ thuật 4K.

Nhằm giúp các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam có thể dễ dàng theo dõi và hiệp thông trong sự kiện trọng đại này, kênh Youtube của VietCatholic News và Youtube của Dòng Tên Việt Nam sẽ truyền hình, thông dịch và bình luận bằng tiếng Việt Thánh lễ tuyên thánh qua hệ thống video Youtube.

Kính mời quý bạn đọc đón theo dõi và hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, với Giáo Hội Hoàn vũ để tạ ơn Thiên Chúa.

Giám đốc VietCatholic Network
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
39 năm 30-4 : Xuyên tạc -ngụy biện chỉ gây hận thù
Phạm Trần
08:56 24/04/2014
39 NĂM 30-4 –XUYÊN TẠC-NGỤY BIỆN CHỈ GÂY HẬN THÙ

Mỗi dịp 30 Tháng Tư về lại thấy mọc thêm ra từ miệng người Cộng sản Việt Nam những cạm bẫy tẩm độc mang tên “hòa giải và hòa hợp” dân tộc.

Chiến lược năm nay (2014), 39 năm sau ngày Quân đội miền Bắc chiếm Sài Gòn 30/04/1975, bắt đầu từ cuộc vận động “kiều bào” từ 09 đến 29/03/2014 ở Gia Nã Đãi, Hoa Kỳ và Hàn Quốc của Thứ trưởng Ngọai giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngòai (NVNONN).

Ông Nguyễn Thanh Sơn nói mục đích chuyến đi dài ngày của ông qua 3 nước là để gọi là “xóa bỏ sự ngăn cách, thù hận, tiến tới thực sự hòa giải, hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc.”

Nhưng liệu ông Sơn có xóa bỏ được “ngăn cách” và “thù hận” không hay ông chỉ đổ thêm dầu vào lửa để đốt cháy hy vọng “hòa giải, hòa hợp và đòan kết dân tộc” ?

Tương lai không lâu sẽ trả lời, nhưng xuyên qua nội dung phỏng vấn của Thanh Mai đăng trong Tạp chí Quê Hương Online, cơ quan thông tin của Ủy ban NVNONN, ông Sơn đã tự do “phóng đại” và “tô mầu” một số người ông gặp: “Tại các nước này, Đoàn đã làm việc với đại diện chính quyền sở tại,cũng như với cộng đồng người Việt thuộc nhiều thành phần đa dạng khác nhau: số bảo thủ cực đoan, giới truyền thông báo chí người Việt, doanh nhân, trí thức, số anh chị em cốt cán, cộng đồng lao động, cô dâu, đại diện thế hệ trẻ…” (Quê Hương Online, 29/03/2014)

Ngòai gặp “đại diện chính quyền sở tại” là chuyện đương nhiên theo phép ngọai giao, ông Sơn đã lạm dụng nhóm chữ “cộng đồng người Việt thuộc nhiều thành phần đa dạng khác nhau: số bảo thủ cực đoan, giới truyền thông báo chí người Việt, doanh nhân, trí thức..” để “vơ vào” và “gây ảo tưởng” cho người trong nước hiểu rằng phái đòan Việt Nam đã được Cộng đồng chống Cộng người Việt ở Canada và Hoa Kỳ, kể cả giới đông đảo Nhà báo “Việt kiều” vốn không cảm tình với chế độ, đón tiếp nồng hậu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn không nêu tên những người được ông “mạ kền” và “đánh bóng” là “bảo thủ cực đoan” hay “giới truyền thông báo chí”, nhưng ai cũng biết số người này, nếu có, cũng chỉ đáng xếp vào hàng “tôm tép” mà Cộng đồng nơi họ cư ngụ đã “nhẵn mặt”, đặc biệt ở hai nơi Texas và California.

Bằng chứng như đã có vài ba người, từng đi về Việt Nam một số lần theo sắp xếp của ông Nguyễn Thanh Sơn đã có mặt trong đòan khỏang 50 “kiều bào” đi thăm Trường Sa nhân dịp 30/4/2014.

Con số đầu tiên dự kiến có 70 “Kiều bào”. Và theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thì: “Đa số là các doanh nhân đang thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam, đã lớn tuổi, có tư tưởng yêu nước và theo đạo Phật.”

Nói cách khác thì họ là Hội viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngòai (DNVNONN)” do đảng Cộng sản Việt Nam thành lập.

Nhìn một vài người xuất hiện trên màn ảnh nói lý do tại sao họ đi Trường Sa, người coi cảm thấy thương cho ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn vì ông đã “lỡ thổi phồng” họ tới mức “không cần thiết” đến độ phản tuyên truyền !

Tuy vậy, ông Sơn vẫn không ngại để khoe tiếp rằng: “Chuyến đi của tôi năm 2012 là chuyến đi đầu tiên mang tính chất đột phá và thăm dò tới những người còn có tư tưởng hận thù với đất nước. Cuộc tiếp xúc lần đầu đó tôi cho là thành công, bởi vì tất cả những nơi tôi đến thì họ đều gặp tôi, đặc biệt ở Texas thì số lượng rất đông. So với chuyến đi năm 2012, thì chuyến đi lần này thành công hơn nữa vì số lượng người gặp đông hơn, thành phần cực đoan bảo thủ, đặc biệt là số cốt cán trong các phong trào chống đối chúng ta, đến gặp nhiều hơn. Tôi cho rằng như vậy là họ đã cởi mở và bắt đầu có niềm tin. Con người ta ai cũng có cội nguồn, cuối đời ai cũng muốn trở về quê hương, cũng muốn thấy quê hương đất nước phát triển tốt đẹp. Tôi hiểu tâm nguyện đó của bà con và mong sẽ đặt những viên gạch, những nền móng để bà con trở về được vững chắc, để thực sự là hòa giải, hòa hợp.”

Hãy cứ để cho ông Sơn và Chính phủ CSVN nuôi hy vọng. Nhưng ông Sơn cũng nên thành khẩn với chính mình khi làm báo cáo với Bộ Chính trị kiểm điểm sau 10 năm thi hành “Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/3/2004 – 26/03/2014) đã thu đạt được những gì và có bao nhiêu “kế họach” lớn, nhỏ đã tan ra mây khói ?

XÔI HỎNG BỎNG KHÔNG

Cái hỏng đầu tiên và quan trọng nhất là nhà nước CSVN đã thất bại thê thảm trong kế họach chiêu dụ trên 300.000 trí thức, chuyên gia “Việt kiều” về giúp nước.

Sau 10 năm, số Trí thức-chuyên gia “Việt kiều” chịu quay về giúp Việt Nam chỉ mới chưa đầy 400 người, ở vào giai đọan cao nhất.

Lý do rất đơn giản: đảng vẫn không tin “trí thức Việt kiều” trong khi “trí thức đảng” học hành không bằng ai, nhưng lại được đảng giao quyền “cai trị” trí thức hải ngọai.

Để có bằng chứng, rất tiếc tôi (Phạm Trần) phải lập lại thông tin dưới đây lần thứ 3, sau khi đã sử dụng 2 lần trong các bài viết trước vì tình trạng vẫn như thế.

Năm 2012, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng của Đại học danh tiếng Kỹ thuật và Thiết kế RMIT, Úc Đại Lợi, nói: “ Qua thực tiễn 2 năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:

- Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại;

- Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên...) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước;

- Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức Việt kiều đảm trách vì trong hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt nhất, thích hơp nhất và có lợi nhất cho đất nước;

- Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian;

- Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích “mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;

- Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình.

Giáo sư Vọng kết luận bài viết của ông trên Tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) ngày 07/09/2010: “Từ những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp. Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Cũng thế Trung Quốc đã ứng dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến rất nhanh trong công cuộc hiện đại hoá công nghiệp hoá đất nước, trở thành nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Chỉ có Việt Nam, đã hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng, mà vẫn còn loay hoay mãi với câu hỏi về trí thức Việt kiều.”

Ông Nguyễn Di Niên, nguyên Bộ trưởng Ngọai giao là người có nhiều công trong việc hình thành Nghị quyết 36 giải thích với Báo Việt Nam Net ngày 23/01/2012: “ Cái quan trọng nhất là làm thế nào để sự phân biệt giảm đi và người trong nước phải gần gũi hơn, chìa bàn tay ra để kéo lại. Như chuyện anh muốn vỗ tay thì phải vỗ bằng hai tay, chứ không thể một tay. Nó phải từ hai phía. Hai phía phải tìm cách để cùng gặp nhau. Cần thúc đẩy, làm mạnh hơn như tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư rộng rãi hơn.”

Ông Niên nhìn nhận con đường kéo được người Việt ở nước ngòai về hợp tác với Nhà nước CSVN còn dài.

Ông nói: “Gần tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhìn lại, không thể phủ nhận đã có những bước rất tốt nhưng đoạn đường còn phải đi tiếp vẫn dài lắm. Nhưng sau 10 năm thì thực tiễn cũng cho thấy cần những đổi mới, bổ sung trong triển khai trên thực tế, có những điều phải sửa, phải chấn chỉnh và quyết liệt hơn.”

Ngòai chuyên gia “Việt kiều”, Đảng cũng thất bại trong kế họach dùng ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa vào công tác “hòa hợp dân tộc”, sau chuyến về Việt Nam đầu tiên của tướng Kỳ vào tháng 01/2003.

Đã có thời gian, dưới thời Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết-Thủ tướng Phan Văn Khải, nhiều giới trong đảng CSVN đã hy vọng ông Kỳ sẽ tạo được một “gạch nối” để các thành phần Lãnh đạo cũ của Việt Nam Cộng Hòa quay về “hòa hợp” với chế độ mà họ từng cầm súng chống lại.

Rất tiếc, quyết định “tự quên đi qúa khứ hào hùng của một Thiếu tướng Không Quân VNCH” rồi quay lưng lại với các “chiến hữu và đồng bào miền Nam”, để về Việt Nam với hy vọng được chế độ nhờ cậy, ông Kỳ đã bị cả hai phía “Quốc-Cộng” đẩy vào chân tường cô đơn cho đến khi ông qua đời tại Mã Lai Á tháng 7/2011.

THẤT BẠI Ở NƯỚC NGÒAI

Trong khi đó, vào dịp kiểm điểm “thành tích” sau 8 năm thi hành Nghị quyết 36 (2012), Thứ trường Nguyễn Thanh Sơn đã thừa nhận: “ Công tác nắm tình hình ở nhiều địa bàn chưa sâu, chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc củng cố các hội đoàn tích cực, phát triển lực lượng nòng cốt làm cơ sở để vận động tập hợp kiều bào. Chưa mạnh dạn mở rộng diện tiếp xúc, đấu tranh trực diện với một số đối tượng có các hoạt động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và đất nước.

Công tác thông tin, tuyên truyền đối với cộng đồng NVNONN tiếp tục được đẩy mạnh hơn so với trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của kiều bào.” (Báo điện tử ĐCSVN, 20-01-2012)

Tuy nhiên, theo dõi từ “lời nói đến hành động” của viên Thứ trưởng 57 tuổi Nguyễn Thanh Sơn mới thấy bên cạnh những lời “đường mật hòa giải-hòa hợp” để đòan kết dân tộc, còn hiện ra một Nguyễn Thanh Sơn có đầu óc “quân phiệt quyết ăn thua đủ” với những “Việt kiều” không muốn “hòa hợp” với chế độc độc tài CSVN.

Ông Sơn đã để lộ ra tâm địa này trong bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 12/09/2011: “Các cơ quan đại diện (của Chính phủ ở nước ngòai) cần mạnh dạn mở rộng diện tiếp xúc cộng đồng, kết hợp công tác vận động cộng đồng với vận động chính quyền, bạn bè sở tại nhằm phân hóa cô lập các phần tử cực đoan. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động trong công tác đấu tranh với các phần tử lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá đất nước.”

Thái độ hằn học và xuyên tạc người Việt có lập trường chống chính quyền CSVN của ông Sơn không mới.

Nhưng khi các cấp lãnh đạo khác coi người Việt tị nan chống chế độ là “chống phá đất nước” và “nhân dân ta” thì ông Sơn đã nói chệch đi “chống lại đất nước”.

Thực tế không người Việt Nam nào nuôi manh tâm “chống lại tổ quốc và nhân dân”, ngọai trừ những kẻ làm tay sai cho ngọai bang hay để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của phe nhóm. Nhưng có người Việt chống lại chủ nghĩa Cộng sản (hay đang được gọi ở trong nước là Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh) và chính quyền độc tài và phản dân chủ CSVN vì chính quyền này đã và đang tước đọct mọi quyền căn bản của con người Việt Nam.

Ngoài ra ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đã từng xuyên tạc lý do bỏ nước ra đi của hàng triệu người dân miền Nam sau ngày 30/4/1975 như ông chứng minh trong cuộc đối thọai với phóng viên Minh Hòa của Đài Tiếng Nói Việt Nam ngày 02/11/2010:

PV: Thưa Thứ trưởng, được biết là ông sẽ đích thân có các cuộc gặp gỡ các phần tử đi ngược lại các lợi ích của dân tộc. Xin ông cho biết cụ thể các cuộc gặp đã được tiến hành như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Trong quá trình quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, chúng ta không muốn đặt các tổ chức, cá nhân này ra khỏi vị trí với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vì chúng ta muốn cảm hóa họ, cùng họ nhìn nhận một cách khách quan thực chất phát triển của đất nước, nhìn nhận khách quan vị thế phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Những người này có thể ra đi bằng nhiều con đường khác nhau, họ được tuyên truyền về những nỗi kinh hoàng không có hoặc không tưởng, họ bị nhồi nhét vào đầu quá nhiều những tư tưởng hận thù… “

“…Hiện nay, còn lại bộ phận không nhiều những người đi ngược lại lợi ích dân tộc và họ càng bị phân hóa, bị yếu đi bởi khi chúng ta tổ chức càng nhiều hoạt động ở trong và ngoài nước, bà con càng có nhiều thông tin, càng hướng về quê hương đất nước, hiểu về quê hương đất nước thì càng không tin họ. Chính vì vậy, số lượng dù còn ít nhưng họ lại rất quyết liệt, kiên quyết chống phá chúng ta vì họ đang hoảng loạn trước nguồn cung cấp tài chính của quốc gia sở tại và chính vị thế và uy tín của họ đang bị giảm sút….”

Nhưng ông Sơn không nói ra “quốc gia sở tại” nào đã “cung cấp tài chính” cho những người Việt ở nước ngòai làm cái việc “chống phá chúng ta” không, hay ông chỉ “ăn ốc nói mò” để xuyên tạc lấy điểm với đảng ?

Hành động thiếu trong sáng có chú ý xấu này của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã được lập lại không một chút hổ thẹn nào khi ông ta vu khống số người Việt biểu tình trước Tòa Bạch Ốc chống chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 25/07/2013.

Ông Sơn nói: “Tôi cho rằng là những cái biểu tình chống đối của bà con cô bác ở bên ngoài đối với chủ tịch nước vừa qua nó chỉ là những cái hiện tượng. Tôi nghĩ rằng là tất cả mọi người không phải ai cũng muốn như vậy. Có những người chì vì đồng tiền,có những người chì vì nhu cầu cuộc sống, có những người chỉ vì một chút thu nhập thêm mà tham gia những hoạt động đó, chứ trong lòng tôi nghĩ qúy vị cũng không có những suy nghĩ muốn phá hoại quan hệ Mỹ-Việt.” (Trích phỏng vấn của Phố Bolsa TV)

Đáng lẽ ra ông Sơn phải là người hiểu rõ tại sao nhà nước Việt Nam đã thất bại trong kế họach “hòa giải, hòa hợp” dân tộc. Bởi vì đảng CSVN chỉ muốn người Việt ở nước ngòai bảo nhau bồng bế về “hòa hợp” vào với chế độ, chịu nhận quyền cai trị của đảng CSVN để lao động để duy trì chế độ.

Hơn nữa, hai chữ “hòa giải” mới được ông Sơn và một số báo ở Việt Nam sử dụng vài năm nay thôi chứ trước đây họ chỉ dùng hai chữ “hòa hợp”, ngay cả khi các viên chức đảng nói chuyện “bắt tay” quên đi qúa khứ với ông Nguyễn Cao Kỳ.

Ngòai ra Nhà nước cũng chỉ muốn “hội nhập” mà không muốn bị “hòa tan”, chủ trương “đổi mới” mà kiên quyết “không đổi màu” theo định hướng của Hội đồng Lý luận Trung ương mà đã có thời nằm trong tay Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng khi ông giữ chức Trưởng ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương (bây giờ gọi là Ban Tuyên Giáo).

Thực tế tình hình “hòa giải-hòa hợp” hiện nay giữa người Việt Nam ở nước ngoài và chính quyền trong nước đã rã ra từng mảnh vụn vì làm theo quan niệm “ta thắng trận, ta phải chế ngự” của những người như ông Nguyễn Thanh Sơn và đảng CSVN.

Như vậy hy vọng của ông Sơn, sau chuyến đi 3 nước Canada-Hoa Kỳ và Nam Hàn trong tháng 3/2014, sẽ tạo được những “viên gạch, những nền móng” để người Việt ở nước ngoài “trở về được vững chắc, để thực sự là hòa giải, hòa hợp” với đảng và nhà nước CSVN coi như đã tan vỡ trong trứng nước.

MẠ LỴ VÀ QUYÊN TẠC

Tại sao ? Bởi vì trong đảng CSVN vẫn còn những người như ông Đào Dục Tú viết “mạ lỵ đồng bào phải bỏ nước ra đi” và “xuyên tạc về cuộc chiến” kết thúc ngày 30/04/1975.

Với tiêu đề: “Hòa giải hòa hợp”- tiếng gọi không vô vọng nữa!” đăng trên 2 báo điện tử “Nguyễn Tấn Dũng” (nguyentandung.org) và “Trương Tấn Sang” (truongtansang.net)

ra ngày Thứ bảy, 19/04/2014, tác gỉa Đào Dục Tú viết về Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngòai, phần đông ở Bắc Mỹ và Châu Âu như thế này: “Nhìn lại cái gốc sinh ra cộng đồng ấy là cuộc chiến tranh Việt Nam do người Mỹ tiến hành và đủ thứ hệ lụy của nó, người ta không thể không thấy một thực tế hiển nhiên. Đó là chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của người Mỹ thập kỷ sáu mươi và nửa đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, theo đà tăng tốc độ và cường độ chiến tranh Việt Nam mỗi ngày một cao hơn, đã dần dần khoác lên vai, chất lên lưng người Việt bên kia vĩ tuyến 17, từ con sông tuyến Bến Hải đổ vào tới mũi Cà Mau….”

Hay:”Có lẽ nào giữa người Việt với nhau, gần 40 năm sau chiến tranh, chia cắt, hận thù vẫn cố chấp khư khư ôm “mối thù truyền kiếp” thực ra phần nhiều do tình thế lịch sử chiến tranh Việt Nam của Mỹ gây nên.”

Ô hay, đâu phải tự nhiên mà nửa triệu Quân Mỹ đã lần lượt tham chiến ở miền Nam Việt Nam từ năm 1960 đến khi có Hiệp định Ba Lê tháng 1/1973 ? Và Hoa Kỳ đã “tiến hành” hay “gây nên” cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam Cộng hòa để làm gì ?

Bằng chứng lịch sử sáng như ban ngày đã chỉ rõ chính đảng Lao động Việt Nam, sau này đổi tên thành đảng Cộng sản, đã chủ mưu “tiến hành” và “gây nên” cuộc chiến từ Vỹ tuyến 17 xuống mũi Cà Mâu của miền Nam Việt Nam từ năm 1959. Sự có mặt của quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác, trong số đó có Nam Hàn (Nam Triều Tiên) là để giúp Quân và Dân miền Nam bảo vệ đất nước trước làn sóng xâm lăng của đội quân miền Bắc.

Như vậy, những “hệ lụy của nó” là do chính miền Bắc đã gây ra cho nhân dân miền Nam, trong đó bao gồm cả tội ác chính trị và kinh tế từ sau 30/04/1975. Các chủ trương: bắt bỏ tù lao động với điều kiện ăn ở, y tế khe khắt đã làm chết nhiều người mang danh “học tập cải tạo” được áp đặt lên hàng trăm ngàn quân-cán-chính VNCH; chính sách “đánh tư sản mại bản” được gọi là “cải tạo kinh tế” nhằm tiêu diệt tận gốc tầng lớp tư sản ở miền Nam.

Thêm vào đó là kế họach “đuổi dân thành phố và vợ con binh lính VNCH” đi vùng “kinh tế mới” không có điều kiện sống để cướp lấy tài sản của họ còn là nguyên nhân khiến hàng trăm ngàn người dân miền Nam đã liều chết vuợt biển hay vượt đường bộ qua ngả Cao Miên đến Thái Lan và các nước Đông Nam Á tìm tự do trong thập niêm 80.

Lịch sử “Thuyền nhân” (Boat People) và hàng chục ngàn xác người dân vô tội bị chết chìm, bị hải tặc tấn công trên Biển Đông chẳng lẽ cũng do người Mỹ “tiến hành” và “gây nên” hay sao ?

Với cái nhìn chủ ý xuyên tạc và ngụy biện như thế về nguyên nhân cuộc chiến trong Nam và lý do dân phải bỏ nước ra đi nên không riêng Tác gỉa Đào Dục Tú mà cả Thứ trường Nguyễn Thanh Sơn đã chạy trốn trách nhiệm cho đảng khi ông nói rằng: “ Chúng ta cần hiểu đúng về sự ra đi của họ. Họ ra đi không phải vì hận thù với đất nước, mà vì chưa hiểu đúng về chế độ, vì mưu cầu một cuộc sống khác tốt hơn trong khi chúng ta còn khó khăn.”

Một lần nữa, ông Sơn đã lẫn lộn giữa “hận thù với đất nước” và “hận thù với chế độ”. Và khi nói rằng người bỏ đi “vì chưa hiểu đúng về chế độ, vì mưu cầu một cuộc sống khác tốt hơn” là viên chức ngọai giao cấp Thứ trưởng này đã xuyên tạc nguyên nhân “đành phải nhắm mắt đưa chân” của Thuyền nhân sau khi 25 triệu người dân miền Nam đã nhìn rõ “mặt thật” của người Cộng sản Việt Nam sau ngày 30/04/1975.

Vì vậy không làm gì có chuyện “giá như” theo lối lý luận “con lươn” của người viết tên Đào Dục Tú. Ông Tú viết: “Giá như tinh thần “Không có bên thắng bên thua giữa người Việt với người Việt. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người chiến thắng cuối cùng cuộc chiến tranh này” được thấu suốt thời kỳ hậu chiến, đi vào lòng người. Giá như. . . Thật đáng tiếc những hành xử duy ý chí trong lĩnh vực kinh tế và quản lý xã hội thời hậu chiến như đổ dầu chữa cháy…”

Hẳn ông Tú còn nhớ chính Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói câu “Không có bên thắng bên thua giữa người Việt với người Việt. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người chiến thắng cuối cùng cuộc chiến tranh này”, nhưng cũng chính ông Lê Duẩn đã quyết định “đầy đọa” quân-dân miền Nam xuống tận bùn đen và chết chóc sau ngày 30/04/1975. Rồi cũng chính cái Bộ Chính trị do Lê Duẩn đứng đầu đã có những quyết sách san bằng nền kinh tế trù phú trong Nam xuống ngang hàng với xã hội bần cùng ở miền Bắc. Và cũng chính ông ta và tập thể cầm quyền của CSVN phải chịu trách nhiệm với lịch sử về những tan nát, đẩy đất nước đến bờ vực thẳm sau 10 năm hậu chiến.

Và chẳng lẽ ông Lê Duẩn và những người như các ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt v.v… không có trách nhiệm gì trước lịch sử đau thương của dân tộc về những xác người Việt Nam trôi dạt trên Biển Đông hay sao ?

Và giờ đây, sau gần 30 năm được gọi là “đổi mới”, tại sao Việt Nam vẫn còn bần cùng, lạc hậu và chậm tiến ? Tại sao luân thường, đạo lý dân tộc của trên 4.000 năm văn hiến đã bị đảo lộn ? Tại sao kinh tế vẫn hòan tòan lệ thuộc vào nước ngòai, đặc biệt Trung Cộng ? Tại sao công nhân và nông dân là hai thành phần đóng góp tài sản và xương máu nhiều nhất cho đảng CSVN tồn tại đang phải chịu thiệt thòi nhất trong xã hội ? Tại sao bất công xã hội vẫn chồng cao như núi ? Và tại sao “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên—nhất là những kẻ có chức có quyền vẫn còn “nghiêm trọng”

Cũng tại sao thanh niên là thành phần rường cột của quốc gia đã phai nhạt lý tưởng, không muốn tôi luyện và trau dồi kiến thức để xây dựng đất nước tiến lên “ngang tầm thời đại” với các dân tộc láng giềng ? Tại sao trí thức hết còn được kính trọng là các bậc tôn sư ? Và tại sao tội ác trong xã hội do giới thanh thiếu niên gây ra đã đến mức báo động ? Tại sao Việt Nam tiếp tục có trên 10.000 người chết vì tai nạn lưu thông hàng năm. Và nhiều người dân cũng muốn đảng trả lời tại sao một dân tộc anh hùng như người Việt Nam mà vẫn còn chia rẽ trước hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng ?

Vì vậy mà thắc mắc của Tác gỉa Đào Dục Tú hỏi tại sao 39 năm sau ngày 30/04/1975 vẫn còn “biết bao nhiêu người khác bất chấp thực tế lịch sử, cứ để nấm mồ quá khứ mang tên “quốc hận” đè nặng tâm hồn, bịt chặt mọi cánh cửa hòa giải” có cần phải trả lời không ?

Tất nhiên không cần thiết vì sự tồn tại bất chấp lòng dân và trào lưu tiến bộ của thời đại hậu Cộng sản Liên Xô của đảng độc tài Cộng sản Việt Nam đã “bịt chặt mọi cánh cửa hòa giải” với những nạn nhân của chế độ. -/-

Phạm Trần

(04/014)

Ba chín năm đã qua, với từng người, dấu vết chiến tranh đã nhòa, chỉ có quê hương, Tổ quốc còn mãi. Nhưng dường như vẫn còn những khoảng cách vô hình, không phải sự xa xôi cách trở giữa hai nửa bán cầu mà là khoảng cách từ lòng người khiến con đường hòa giải hòa hợp dân tộc vẫn chưa đi được tới đích. Nói như bà Nguyễn Thị Bình, vẫn cần lắm những nỗ lực từ cả hai phía vì hiện tại và tương lai chung của cả dân tộc, trong đó sự chủ động thuộc về những người đang thực thi chính sách hòa hợp.

CTV Việt Anh (MANG BÁO Nguyễn Tấn Dũng 19/04/2014)
 
Văn Hóa
Bức tranh Phục Sinh ấn tượng nhất.
Trần Mạnh Trác
02:43 24/04/2014


Từ trước đến nay, sự kiện Phục Sinh đã từng là nguồn cảm hứng cho nhiều danh hoạ bực thầy như Rembrandt, Rubens, Paolo Verones hay Sebastiano Ricci.

Những bức tranh nổi tiếng cuả họ thường diễn tả cảnh huy hoàng lúc Chuá Sống Lại, sự khải hoàn bên trên ngôi mộ trống, sự sững sờ cuả đám quân canh, hoặc niềm vui tột độ cuả bà Madalena.

Ít được biết đến, vì không có hình Chuá, và vì ít được sao chép cho mục đích thờ phượng, nhưng được đánh giá là một kiệt tác có ý nghiã nhất trong các tác phẩm Phục Sinh, đó là tác phẩm cuả một hoạ sĩ Thuỵ Sĩ không mấy tiếng tăm tên là Eugène Burnand. Bức tranh có một cái tên rất dài: "Các môn đệ Phêrô và Gioan chạy đến Mộ lúc buổi Sáng Phục Sinh ", niên lịch năm 1898, đang được lưu trữ tại viện Bảo Tàng Musée d'Orsay ở Paris.

Những ai bỏ công đi tới bảo tàng d'Orsay để chiêm ngắm bức tranh, đều đồng ý là bức tranh đã đánh động tâm hồn họ một cách đặc biệt.

Bức tranh không vẽ cảnh Chuá hiển vinh, chỉ miêu tả hai nhân chứng, một người là tông đồ già nhất và một người là tông đồ trẻ nhất cuả Chuá Giêsu.

Vị tông đồ trẻ, Gioan, là người duy nhất đã có đủ can đảm đi theo chân Chuá cho đến tận đồi Golgotha, và cũng là vị tông đồ duy nhất không phải chết tử vì đạo. Còn vị tông đồ già kia, Phêrô, là người vừa mới chối Chuá nhiều lần vì sợ hãi, nhưng sau cùng thì ông đã chọn việc bị xử tử bằng cách chịu đóng đinh ngược đầu chứ không phủ nhận sự Phục Sinh cuả Chúa Kitô.

Trong bức tranh, Gioan siết tay cầu nguyện trong khi Phêrô áp chặt bàn tay trên trái tim mình. Tóc và áo của hai người bay ngược về phiá sau diễn tả một cuộc chạy bộ vội vàng, nôn nóng để được chứng kiến một sự kiện đã thay đổi cục diện cuả cả Trời lẫn Đất một cách vĩnh viễn.

Tuy chỉ vẽ có hai người, nhưng bức tranh gợi ý đến ba nhân vật khác, Chuá Giêsu, Mẹ Maria và bà Madalena.

Người ta có cảm tưởng bà Mary Madalena đang ở gần bên, đứng ngay cạnh bức tranh. Và hầu như người ta có thể nghe thấy giọng nói hớn hở của bà, chỉ mới vài giây trước đó, đã xông vào nhà của các môn đệ mà báo tin Người đã sống lại.

Hình ảnh cuả Phêrô diễn tả toàn thể mối quan hệ giữa ông với Chuá Giêsu. Đôi mắt ông mở to ẩn chứa một sự hỗn hợp giữa lo âu và hy vọng. Ông đang bị dằn vặt bởi ba lần chối Chuá nhưng đã không đánh mất niềm hy vọng được cứu rỗi. Người ta có thể liên tưởng tới vài ngày sau đó khi Chuá ngồi bên đống lửa và hỏi Phêrô ba lần, " Con có yêu Thầy không ? ", và ba câu trả lời cuả ông đã rửa đi tất cả những tội lỗi quá khứ.

Hình ảnh Gioan với đôi mắt đăm chiêu và thái độ tuân phục nhắc nhở tới những giây phút đau buồn trên núi Sọ vẫn còn chưa vơi trong lòng ông, lúc đó Chuá Giêsu đã hướng về mẹ mình và nhắn nhủ với Gioan rằng "Đây là mẹ con, " và hướng về Gioan mà nói với Mẹ rằng "Đây là con bà." Toàn thể loài người đã được ủy thác cho Mẹ và Mẹ cũng đã nhận loài người làm con cuả mình từ lúc đó.

Bầu không khí khẩn trương cuả hai nhân vật trong tranh cho thấy rằng tuy một Thế Giới mới với một cuộc sống mới đã xuất hiện, nhưng mọi người vẫn còn sống trong lo âu và nghi ngờ vì đó là một bí ẩn vượt quá tầm hiểu biết và sự kiểm soát cuả con ngườì nhỏ bé.

Xét về mặt nghệ thuật, bức tranh "Các môn đệ" cuả Eugène Burnand đã được vẽ trong bối cảnh một nền nghệ thuật mới (thứ Bảy) đang ló dạng, đó là nghệ thuật điện ảnh.

Do đó bức tranh đã mang ảnh hưởng cuả nền nghệ thuật sống động mới này, nhằm để diễn tả hành động, để kể một câu chuyện. Cảnh Phục Sinh cuả ông không mô tả những tĩnh vật như mồ đá đã mở hoặc những gương mặt 'sững sờ' đầy kịch tính, nhưng là diễn tả một cảnh chuyển động với nắng lên, mây bay và những gương mặt biểu lộ một tâm tư sôi nổi.

Tuy thể loại hiện thực cuả Burnand sẽ bị thay thế nhanh chóng bởi nghệ thuật thứ Bảy và không được tiếp đón nồng hậu ở Âu Châu khi đó đang bị rơi vào một nạn 'đói' tâm linh trước những tấn công cuả nhiều lý thuyết vô thần. Tuy nhiên bức tranh cuả Burnand đã đóng góp rất nhiều vào những phong trào 'tái sinh tôn giáo' ở cuối thế kỷ 19 tại Mỹ Châu, đã trở thành rất bình dân trong giới thợ thuyền ở 'Tân Thế Giới'. Họ nhìn thấy hình ảnh cuả chính họ ở nơi hai người thuyền chài nghèo khó đang vội vã, lo lắng nhưng cũng tràn đầy hy vọng và họ sẽ được hớn hở vui mừng, trong một buổi sáng tinh sương cách đây 2000 năm về trước.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lễ Chùa Ngày Rằm
Nguyễn Bá Khanh
21:14 24/04/2014
LỄ CHÙA NGÀY RẰM
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Ngày rằm
áo đẹp lên chùa
cầu An, cầu Lạc,
cầu đẹp tình duyên..
(nđc)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 18/04 – 24/04/2014 - Chuẩn bị lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:11 24/04/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi triều yết chung Thứ Tư 23 tháng Tư

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lời cảnh báo “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) giúp chúng ta ra khỏi các không gian đau buồn và mở ra cho chúng ta các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy chuyển dời các hòn đá lấp mộ và khích lệ loan báo Tin Mừng, có khả năng sinh ra cuộc sống mới cho tha nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 90.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần 23-4-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong những ngày này nhiều tín hữu đã tuốn về Roma để chờ tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vào ngày Chúa Nhật 27-4-2014. Thứ tư 23-4-2014 cũng là lễ thánh Giorgio bổn mạng của Đức Thánh Cha. Các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh giới thiệu các nhóm hành hương đã nhân danh mọi người chúc mừng lễ Bổn Mạng Đức Thánh Cha.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến trong các ngày này chúng ta cử hành mầu nhiệm vĩ đại sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong niềm vui vượt qua. Đó là một niềm vui đích thật, sâu xa, dựa trên sự chắc chắn Chúa Kitô phục sinh không chết nữa, nhưng sống và hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới. Sự chắc chắn ấy ngự trị trong con tim của các tín hữu từ buổi sáng Phục Sinh đó, khi các phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu và các thiên thần nói với họ: ”Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5)

Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa các lời này như sau:

Các lời này giống như một hòn đá mốc lịch sử; nhưng chúng cũng là một “hòn đá làm vấp ngã”, nếu chúng ta không rộng mở cho Tin Mừng, nếu chúng ta nghĩ rằng một Giêsu chết ít gây khó chịu hơn một Giêsu sống! Trái lại, biết bao nhiêu lần trên con đường thường ngày chúng ta cần nghe nói với chúng ta: “Sao bạn lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Biết bao nhiêu lần chúng ta cần nghe các lời này để được cứu thoát khỏi các tình trạng khó khăn hay tuyệt vọng.

Chúng ta cần các lời đó, khi chúng ta khép kín trong bất cứ hình thức ích kỷ hay tự mãn nào; khi chúng ta để cho mình bị quyến rũ bởi các quyền lực trần gian và các sự vật của trần gian này mà quên Thiên Chúa và tha nhân; khi chúng ta đặt các niềm hy vọng nơi các phù du trần tục, nơi tiền bạc, nơi thành công. Khi đó lời Chúa nói với chúng ta: “Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Tại sao con tìm ở đó cái không thể cho con sự sống? Phải! Có lẽ nó sẽ cho con sự vui vẻ trong một phút, một ngày, một tuần, một tháng... Rồi sau đó? “Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Câu này phải vào trong tim của chúng ta và chúng ta phải lập lại nó.

2. Vatican bị sẵn sàng để chào đón các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới!

Các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị để tường thuật buổi lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII. Tòa Thánh đã sẵn sàng chào đón tất cả các phóng viên.

Một Trung tâm Truyền thông để loan tải cho thế giới biết về những gì xảy ra trong Thánh Phêrô đã được thiết lập bên trong lãnh thổ Vatican tại Đại Thính Đường Phaolô VI .

Ông Salvatore SCOLOZZI thuộc trung tâm điều phối các phương tiện truyền thông cho biết:

"Chúng tôi có khả năng cung cấp nơi làm việc cho 400 nhà báo cùng một lúc. Chúng ta đang nói về tất cả các phương tiện như báo in, web, đài phát thanh và truyền hình."

Trung tâm Truyền thông được thiết kế công phu hơn một hội trường rất nhiều. Để làm cho không gian làm việc sáng lên, các tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc của hai vị Giáo Hoàng là các vị thánh tương lai, đã được thiết kế.

Ông Salvatore cho biết thêm:

"Chúng tôi muốn các phương tiện truyền thông trình bày cuộc sống và chứng tá của các thánh. Chúng tôi không muốn thiết kế một căn phòng truyền thông lạnh lùng và xa xôi, vì vậy chúng tôi đã thực hiện mọi nỗ lực để giao tiếp sự thánh thiện của hai vị thánh mới với thế giới, thông qua các hoạt động của các nhà báo. "

Để theo dõi thời gian, cái chuông khổng lồ này sẽ vang lên để báo hiệu bắt đầu hay kết thúc một ngày làm việc.

3. Hơn 4,000 sinh viên cử hành Tuần Thánh với Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Mỗi năm, hàng ngàn người trẻ đến Rome để cử hành Tuần Thánh gần gũi với Đức Giáo Hoàng. Năm nay, một số đông sinh viên Tây Ban Nha đã đến trên các xe buýt sau hơn 30 giờ di chuyển.

"Chúng tôi đến để tham gia vào diễn đàn UNIV. Đây là một hội nghị quốc tế cho sinh viên đại học mà chúng tôi trình bày một số công việc của chúng tôi, như sản xuất video và chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra còn có cuộc tranh luận ... Thực sự, mỗi thứ một chút. Chủ đề năm nay là ‘Sinh thái học của con người và môi trường của họ.’"

Hội nghị đầu tiên loại này đã bắt đầu vào năm 1968. Giờ đây sinh viên từ hơn 200 trường đại học tham dự mỗi năm. Họ đến với thành phố Vĩnh Cửu để khám phá lịch sử , văn hóa và tâm linh của nó .

Năm nay, hơn 4.000 sinh viên tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi triều yết chung, vì vậy Đức Giáo Hoàng Francis đã không thể chào đón tất cả cá nhân. Tuy nhiên, một số sinh viên may mắn đã được gặp ngài.

"Tôi chào Đức Giáo Hoàng, và xin ngài cầu nguyện cho tôi và gia đình tôi. Ngài cũng yêu cầu tôi làm như vậy ... Trong một khoảnh khắc tôi không biết phải nói gì, nhưng nó chắc chắn rất thú vị! "

Trước khi nói lời tạm biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón họ và khuyến khích họ thực hiện Tuần Thánh nghiêm túc .

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

"Tôi vui mừng chào đón các đại biểu tham dự hội nghị UNIV, cho sinh viên đại học ... về sinh thái của con người và môi trường, bảo trợ bởi tu hội Opus Dei. "

4. Thánh Lễ Dầu Sáng Thứ Năm 17 tháng Tư

Lúc 9h30 sáng thứ Năm 5 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Một số đông đảo các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc giáo triều Rôma và khoảng 1,600 linh mục thuộc giáo phận Rôma đã tham dự tham dự.

Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đặc biệt đến 3 ý nghĩa trong niềm vui linh mục: đó là một niềm vui xức dầu cho các vị mục tử, đó là một niềm vui không bị hư nát và là một niềm vui thừa sai, chiếu tỏa cho và thu hút tất cả mọi người, bắt đầu từ những người xa xăm nhất.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các linh mục rằng niềm vui của linh mục không những được bảo vệ bởi dân thánh Chúa mà còn bởi 3 người em quây quần, bảo vệ và bênh đỡ: người em khó nghèo, người em trung thành và người em vâng phục.

5. Thánh Lễ Tiệc Ly Chiều Thứ Năm 17 tháng Tư

Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ 5 tuần thánh, 17 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ với nghi thức rửa chân cho những người khuyết tật thuộc hội chân phước Gnocchi ở Roma.

Đây là một trung tâm phục hồi có tên là “Đức Mẹ Chúa Quan Phòng” do hội Chân Phước linh mục Gnocchi thủ đắc và bắt đầu hoạt động từ 10 năm nay. Trung tâm có tổng cộng 150 giường chuyên săn sóc và giúp phục hồi những người khuyết tật.

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà thờ của Trung tâm với sự tham dự của khoảng 500 tín hữu, gồm những người khuyết tật, cùng với thân nhân và các nhân viên của Trung Tâm, đặc biệt là Đức Ông Angelo Bazzari, chủ tịch của Hội Chân phước linh mục Gnocchi và cha tuyên úy của Trung Tâm, là cha Pasquale Schiavulli.

Trong thánh lễ, ngài đã rửa chân cho 12 người khuyết tật tuổi từ 16 đến 86 tuổi, trong đó có 3 người ngoại quốc, đặc biệt là một người Hồi giáo Libia 75 tuổi, bị bệnh xáo trộn nặng về thần kinh. Họ được chọn đại diện cho 29 trung tâm của Hội thiện nguyện này ở Italia.

Trong bài giảng ứng khẩu, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Chúa Giêsu đã trở nên người tôi tớ và gia sản Chúa để lại cho chúng ta là “hãy trở thành những người phục vụ lẫn nhau” trong tình yêu thương.

Ngài nói:

“Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ giã từ, và để lại cho chúng ta một gia sản: Người là Thiên Chúa và đã trở nên người tôi tớ, người phục vụ chúng ta. Và gia sản của Người là: cả các con cũng phải trở thành những người phục vụ nhau. Chúa đã đi con đường đó vì tình yêu: cả anh chị em cũng phải yêu thương và phục vụ nhau trong tình yêu thương. Đó là gia sản Chúa Giêsu để lại cho chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng việc rửa chân là một cử chị tượng trưng: “Những người nô lệ vẫn làm điều ấy, những người phục vụ rửa chân cho các thực khách, cho người đến dùng bữa, vì thời ấy đường đi là đường đất bụi và khi vào nhà người ta cần phải rửa chân.. Vì thế, ngày hôm nay, Giáo Hội, khi tưởng niệm bữa tiệc ly, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, cũng làm cử chỉ rửa chân, nhắc nhớ cho chúng ta cũng phải phục vụ nhau”.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ mọi người, trong thâm tâm, hãy nghĩ đến người khác và đến tình yêu thương mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có đối với nhau, và chúng ta cũng hãy nghĩ xem làm thế nào chúng ta có thể phục vụ tha nhân một cách tốt đẹp hơn, vì đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện”.

Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã cởi áo lễ, rửa và hôn chân 12 người khuyết tật như Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ. Bầu không khí thật cảm động, trong lúc đó ca đoàn gồm những người khách và những người thiện nguyện của Trung Tâm hát các bài thánh ca về tình bác ái.

Trong số những người được rửa chân, có Osvaldinho, 16 tuổi, người Capo Verde, ngồi trên ghế lăn vì bị thương khi nhào xuống biển mùa hè năm qua; hai cụ già Pietro và Angelica 86 tuổi; anh Walter bị hội chứng down; bà Giordana bị tứ chi bất toại, v.v.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha còn bắt tay chào thăm nhiều người ở trung tâm và khích lệ họ. Ngài cám ơn mọi người vì sự tiếp đón, vì thiện chí, kiên nhẫn, tin tưởng, vì chứng tá và niềm hy vọng: ”Xin Chúa Phục Sinh viếng thăm, an ủi và ở cùng anh chị em”.

Thánh lễ chiều thứ 5 tuần thánh năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành tại một Nhà tù thiếu niên ở Roma và rửa chân cho 12 tù nhân nam nữ kể cả những người không Công Giáo

6. Đức Thánh Cha cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn Chúa Giêsu

Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 18 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu, hàng chục Hồng Y và nhiều Giám Mục tại Tòa Thánh.

Các sách Tin Mừng đều đồng thanh nói về một động lực rất trần tục khiến Giuđa phản bội: đó là tiền bạc. Đề nghị của ông với các trưởng tế thật là rõ ràng: ‘Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các trưởng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc’” (Mt 26,15).

Tuy nhiên, cha phân tích các nguyên do sâu xa hơn khiến Giuđa phản bội bán Thầy, mặc dù ông đã được chọn từ đầu trong số 12 Tông Đồ.

Trong câu chuyện lịch sử giữa Thiên Chúa và con người, có nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu như những tia sáng hay như những bóng đen. Một trong những nhân vật bi thảm nhất là Giuđa Iscariot. Câu chuyện phản bộ của Giuđa là một trong số ít các sự kiện được đồng thanh nhấn mạnh bởi tất cả bốn sách Phúc Âm và phần còn lại của Tân Ước. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cũng suy tư rất nhiều về sự kiện này và chúng ta sẽ thiếu sót nếu không làm như thế. Câu chuyện này có nhiều điều để nói với chúng ta.

Giuđa không phải là kẻ phản bội ngay từ lúc lọt lòng mẹ, cũng chẳng phải là kẻ phản bội vào thời điểm Chúa chọn ông. Giuđa đã trở thành kẻ phản bội. Chúng ta đang đứng trước thảm kịch đen tối nhất của sự tự do con người.

Mới gần đây thôi người ta cố trình bày những yếu tố ý thức hệ để biện minh cho hành động phản bội của Giuđa kiểu như Brutus đã giết Julius Caesar để cứu nền Cộng Hòa La Mã. Nhiều phim ảnh và tiểu thuyết đã được tung ra theo chiều hướng này. Chúng có thể có một giá trị văn học hay nghệ thuật nào đó nhưng tuyệt nhiên chẳng có một chứng cứ lịch sử nào.

Nhắc lại lời Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: các con không thể vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự tiền bạc” (Mt 6,24), cha Cantalamessa nói tiền bạc chính là “vị thần hữu hình”, khác với Thiên Chúa chân thực là Đấng vô hình. Kinh thánh dạy rằng “Tất cả đều có thể đối với những ai tin” (Mc 9,23), nhưng thế gian nói rằng “Tất cả đều có thể đối với những ai có tiền”. Kinh Thánh cũng dạy rằng “Sự gắn bó với tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Đằng sau mỗi tai ương của xã hội chúng ta ít nhiều đều có dính đến chữ tiền. Điều gì ở đàng sau việc buôn bán ma túy đang hủy hoại bao nhiêu sinh mạng, nạn khai thác mại dâm, hiện tượng các tổ chức bất lương mafia khác nhau, nạn tham ô chính trị, sự sản xuất và buôn bán vũ khí, và thậm chí cả điều kinh khủng là bán các cơ phận lấy từ các trẻ em? Và phải chăng cuộc khủng hoảng tài chánh mà thế giới đã trải qua và đất nước này còn đang phải gánh chịu, phần lớn cũng vì sự ham hố tiền bạc của một số người?

Cha Cantalamessa nhắc nhớ rằng chính Giuđa cũng đã bắt đầu tiến trình phản bội bằng cách rút lén một số tiền từ quĩ chung. Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu cảnh giác trong dụ ngôn về người giàu có chỉ lo tích trữ của cải và cảm thấy nhờ đó ông ta được bảo đảm trong phần còn lại của cuộc sống: “Hỡi kẻ ngu dại, chính đêm hôm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, và những gì ngươi đã chuẩn bị sẽ thuộc về ai?” (Lc 12,20).

Vị giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng cay đắng nhận xét: “Sự phản bội của Giuđa vẫn còn tiếp tục trong lịch sử và người bị phản bội vẫn luôn là Chúa Giêsu. Giuđa đã bán Đầu, và các đồ đệ của hắn thì bán thân mình, vì những người nghèo là chi thể của Chúa Kitô.

Ngài cảnh cáo thêm: Người ta cũng có thể phản bội Chúa Giêsu vì những bù đắp không phải là 30 đồng bạc: vợ chồng phản bội nhau, thừa tác viên của Chúa bất trung với bậc của mình, hoặc chăn dắt đoàn chiên để mưu lợi cho mình. Kẻ nào phản bội lương tâm thì cũng phản bội Chúa Giêsu..

Trong phần kết luận, bàn về một thắc mắc được nhiều người tranh cãi, đó là số phần của Giuđa đi về đâu, cha Cantalamessa cảnh giác mọi người đừng quyết đoán về số phận một người nào: “Giáo Hội cam kết với chúng ta rằng một người được phong thánh đang ở trong hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng Giáo Hội không biết chắc chắn một người cụ thể nào có phải sa hỏa ngục hay không?”.

Cha nhắc nhở các tín hữu “hãy gieo mình vào vòng tay rộng mở của Đấng Chịu Đóng Đinh” trong niềm tín thác. Phêrô và Giuđa đều phản bội Chúa, nhưng có một sự khác biệt: Phêrô đã tín thác nơi lượng từ bi của Chúa Kitô, còn Giuđa thì không! Tội lớn nhất của Giuđa không phải là đã phản bội Chúa Giêsu, nhưng vì đã nghi ngờ lòng từ bi của Chúa”. Nếu chúng ta đã bắt chước Giuđa, người hơn người kém, trong sự phản bội, thì chúng ta đừng bắt chước ông ta trong sự thiếu tín thác nơi sự tha thứ. Có một bí tích trong đó chắc chắn chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng từ bi của Chúa Kitô, đó chính là bí tích hòa giải”.

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ.

Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, do đó Thánh Thể không được thánh hiến. Tuy nhiên, Mình Thánh Chúa đã được trao cho các tín hữu bởi hàng chục linh mục. Sau khi Đức Giáo Hoàng đọc lời chúc bình an, phụng vụ đã kết thúc trong im lặng theo như là truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh.

7. Buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo

Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 18 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma với sự tham dự của hơn 40 ngàn người.

Nghi thức này được hơn 50 đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực Colosseo và trên đường Fori Imperiali để các tín hữu ở xa có thể theo dõi buổi lễ.

Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt các tín hữu khác, bắt đầu là một chủ xí nghiệp và một công nhân, 2 người ngoại quốc, hai người thuộc cộng đoàn cai nghiện, hai người vô gia cư, một gia đình, hai phụ nữ, hai bệnh nhân, ba trẻ em, hai người già, hai tu sĩ dòng Phanxicô từ Thánh Địa, hai nữ tu.

Các bài suy niệm trong Đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Giancarlo Bregantini, Tổng Giám Mục giáo phận Campobasso ở miền nam Italia biên soạn. Năm nay ngài 66 tuổi (1948), thuộc dòng các dấu thánh Chúa Giêsu (CSS) và nổi tiếng về lập trường quyết liệt chống các tổ chức bất lương mafia. Ngài nguyên là một công nhân trước đi đi tu và thụ phong linh mục năm 1978, rồi làm tuyên úy nhà tù lâu năm.

Qua 14 chặng đàng thánh giá, Đức Tổng Giám Mục Brigantini đề nghị một suy tư về những đề tài khác nhau liên quan đến thực tại ngày nay, chính trị bế tắc, khủng hoảng kinh tế, nạn nghiện ngập ma túy và rượu, nạn tra tấn, lòng ích kỷ, sợ hãi và thất vọng vì những thất bại, nạn cho vay lãi quá cao. Đức Tổng Giám Mục cũng nhắc đến thảm trạng những người tị nạn, và di dân và bao nhiêu người bị ung thư bì các chất độc phế thải chôn trong lòng đất; tình trạng các nhà tù đông nghẹt, nạn bàn giấy và nền tư pháp chậm như rùa, nạn tra tấn ở nhiều nơi trên thế giới, nạn bạo hành chống phụ nữ.

Tuy nhiên, các bài suy niệm của Đức Tổng Giám Mục Brigantini cũng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đứng về phía những người bị tổn thương và bị lạm dụng, Chúa Kitô chịu treo trên thập giá để cứu chuộc mọi tội nhân.

Trong lời kết thúc buổi đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng là tình thương, lòng từ bi và tha thứ.. Thiên Chúa đã đặt trên thập giá của Chúa Giêsu tất cả gánh nặng của tội lỗi chúng ta, tất cả những bất công do mỗi Cain gây ra chống lại em mình, tất cả sự cay đắng do sự phản bội của Giuđa và Phêrô, tất cả sự kiêu kỳ của những kẻ cường quyền, tất cả sự kiêu hãnh của những bạn bè giả dối. Đó là một thập giá nặng nề, như đêm khuya của những người bị bỏ rơi, nặng nề như cái chết của những người thân yêu, thập giá ấy nặng nề vì gồm tóm trọn vẹn sự xấu xa của điều ác”.

“Nhưng đó cũng là một Thánh Giá vinh hiển như bình minh sau một đêm dài, vì tượng trưng tất cả tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn những gian ác và phản bội của chúng ta. Trong Thánh Giá, chúng ta thấy sự quái đản của con người, khi họ để cho sự ác hướng dẫn; nhưng chúng ta cũng thấy lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa, Đấng không đối xử với chúng ta theo tội lỗi của ta, nhưng theo lượng từ bi của Ngài. Đứng trước Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy, hầu như chạm thấy sự kiện chúng ta được yêu thương dường nào; đứng trước Thánh Giá, chúng ta cảm thấy mình là “con cái” chứ không phải là những “đồ vật” hoặc đối tượng, như thánh Grerogio Nazianzeno đã quả quyết khi thân thưa với Chúa Kitô qua lời kinh này: “Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chúa, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tàn lụi rồi. Con sinh ra và cảm thấy tiêu tán. Con ăn, ngủ, nghỉ và bước đi, con ngã bệnh và khỏi bệnh. Bao nhiêu ham hố và hành hạ vậy bủa tấn công con, con chết và thân xác trở thành tro bụi như xác thú vật, chúng không có tội. Nhưng con có gì hơn chúng? Chẳng có gì hơn, nếu không có Chúa. Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chía, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tiêu đời rồi”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Lạy Chúa Giêsu của chúng con, xin hướng dẫn chúng con từ Thánh Giá đến phục sinh, xin dạy chúng con rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng chính là tình thương, lòng từ bi và tha thứ. Lạy Chúa Kitô, xin giúp chúng con tái thốt lên: ‘Hôm qua tôi đã bị đóng đinh cùng với Chúa Kitô; hôm nay tôi được vinh hiển với Ngài. Hôm qua tôi đã chết với Ngài, hôm nay tôi sống với Ngài. Hôm qua tôi đã bị chôn táng với Ngài, hôm nay tôi sống lại với Ngài.’ Sau cùng, tất cả chúng ta cùng nhớ đến các bệnh nhân, nhớ đến tất cả những người bị bỏ rơi dưới gánh nặng của thập giá, để họ tìm được trong thử thách của thập giá sức mạnh của hy vọng, niềm hy vọng phục sinh và tình thương của Thiên Chúa”.