Ngày 25-04-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hành Trình Emmau
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghía
08:14 25/04/2020
Chúa Nhật III Phục Sinh

Câu chuyên hai môn đệ trên đường đi Emmau thường được biểu trưng hành trình đức tin của Kitô hữu. Nói đến hành trình đức tin của Kitô hữu thì chúng không thể không nói đến một hành vi thờ phượng đỉnh cao trong Phụng Vụ là các buổi cử hành Thánh Thể hay còn gọi là Thánh Lễ. Dõi theo chân hai môn đệ năm xưa, xin được chia sẻ đôi tâm tình.

1. Các cơn giông tố hay những thách đố của cuộc đời:

Hai môn đệ chán chường, mỏi mệt, rời Giêrusalem về quê cũ, Emmau. Thế là hết. Hết mọi hy vọng về một vương triều mới dưới sự lãnh đạo của Thầy Giêsu. Tất cả như vô vọng. Còn gì để mong khi xác Người đã nằm im bất động ngay trong huyệt lạnh. Một vài tin đồn khá giật gân từ miệng các phụ nữ. Ôi, phụ nữ! Ôi đàn bà! Thời nào chẳng vậy, từ không thành có cũng thường do các bà dựng nên. Chẳng còn lý do gì để lưu lại chốn kinh thành. Thôi đành về quê xưa, mang lại cảnh kiếp “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Hành trình đức tin Kitô hữu hôm nay và mọi thời, hẳn không thiếu những thì, những lúc, thấy mình chơi vơi, lạc hướng. Niềm tin đã nhiều lần chao đảo trước bao thử thách, cam go và cảnh hẩm hiu của số phận. Hình như Chúa bỏ tôi hay là Chúa có hiện hữu chăng? Nếu thực có Người và Người đang sống thì tình người sẽ không như thế và cuộc đời sẽ không như vậy. Bao ngang trái vẫn dẫy đầy. Người ngay gặp cảnh dữ, kẻ ác lại gặp vận may. Đâu phải là chuyện hoạ hiếm, mà trái lại, nó đang nhan nhãn thật khó chối cãi. Đôi lần và đã nhiều lần, bản thân tôi và cả bậc thánh nhân như muốn buông xuôi. Cứ mặc dòng đời trôi. Người ta sao, mình vậy. Anh hùng làm gì cho thiệt thân. Sao lại phải vất vả bơi ngược dòng cho khác người?

2. Tình yêu luôn cần đó một lời mời:

Một đôi khi đến Nhà Thờ nghe Lời Chúa, nghe giảng dạy, lòng cũng nóng lên như hai môn đệ đi Emmmau ngày nào. Quyết tâm ăn năn: không thiếu. Quyết tâm thay đổi: có nhiều. Nhưng rồi, ra khỏi Nhà Thờ, về với cuộc sống đời thường thì đâu lại hoàn đấy. Ánh sáng của Lời Chúa vừa le lói: “có qua đau khổ mới đến vinh quang” chợt vụt tắt. Hết lưỡng lự lại phân vân và rồi không thắng nổi cái sức ì của kiếp nhân sinh.

Ta có ngờ đâu, như xưa với hai môn đệ đi Emmau, Chúa Kitô Phục Sinh mãi đang đồng hành bên ta. Không nhận ra Người cũng là điều dễ hiểu. Tại mắt đức tin ta mờ tối hay lòng ta đang nặng trĩu muôn sự đời? Dẫu gì đi nữa thì Người chẳng để ta đơn côi. “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người vẫn đang đồng hành với ta khi vui cũng như lúc buồn, lúc chán chường cũng như khi hân hoan vui sướng. Người đang đợi ta. Người đang chờ ta. Tình yêu luôn mở ngõ với một lời mời.

3. Chuyện nghịch lý của tình yêu:

May thay, hai môn đệ đi Emmau đã mở lời nài ép người khách lạ vào quán trọ dùng bữa, qua đêm. Một nghĩa cử bình thường của tình nhân loại, thế thôi, nhưng cũng đủ thành duyên cớ để Chúa Kitô lưu lại cùng hai ngài và tái diễn các hành vi của Bữa Tiệc Thánh. Thiên Chúa chẳng hề bỏ qua một nghĩa cử nào của ta, dù là bé nhỏ, để bắt đầu một cuộc gặp gỡ. Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Ai mở cửa thì Ta sẽ vào dùng bữa với họ (x. Kh 3,20).

Chuyện nghịch lý đã xảy ra. Khi chủ mời khách dự tiệc đời thì khách lại trao ban cho chủ lương thực bởi trời. Vị khách lạ cầm lấy bánh bẻ ra, trao cho hai môn đệ. Khách chủ đổi ngôi. Tình yêu quả thật kỳ diệu. Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận. Càng chia sẻ thì càng có thêm nhiều. Nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh là một hạnh phúc không gì so sánh.

4. Tình yêu là để thông chia chứ không phải để độc chiếm:

Vừa nhận ra Thầy Chí Thánh, Thầy vụt biến mất. Hạnh phúc là điều cần phải dệt xây chứ không phải để hưởng thụ. Ai càng cố nắm giữ thì sẽ mất. Hiểu được điều này, hai môn đệ vội vàng trở về Giêrusalem ngay giữa đêm khuya báo tin cho anh em. Tình yêu, hạnh phúc thúc bách ta cần chia sẻ, dù lúc trời nắng nhẹ hay giữa đêm khuya lạnh giá. Gặp gỡ, hiệp thông với đấng Phục Sinh để rồi chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã lãnh nhận.

Loan báo Tin Mừng là một hệ luận tất yếu của người đã nhận hồng ân, được cảm nhận Chúa Phục Sinh. Gian truân, bắt bớ, tù đày chẳng hề ngăn được bước chân các tông đồ, các môn đệ. Vừa được giải thoát khỏi tù ngục, các tông đồ đã lại hiên ngang rao giảng tại Đền Thờ (x.Cvtđ 5,17-26).

5. Thánh Lễ: một hành trình Emmau.

Người ta dễ dàng nhận ra bản trình thuật của Thánh Sử Luca về chuyện hai môn đệ đi làng Emmau được cấu trúc như tiến trình của Thánh Lễ gồm hai phần chính là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Mỗi ngày đầu tuần tức là ngày Chúa Nhật, Kitô hữu tiên khởi quy tụ lại để họp mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Truyền thống của Hội Thánh từ xưa đến nay đều mừng Chúa Phục Sinh trong ngày Chúa Nhật, kể cả trong các mùa đặc biệt như mùa Vọng và mùa Chay.

Thật đẹp thay cứ mỗi tuần chúng ta họp nhau ít là một lần vào ngày Chúa Nhật để dâng lên Chúa mọi bao vui buồn sướng khổ của đời ta. Không một ai là khách lạ trong buổi cử hành Thánh Thể. Không một ai đến Nhà Thờ ngày Chúa chỉ vì luật buộc. Và ước gì không một ai đến họp mừng Chúa Phục Sinh với đôi bàn tay trắng trơn, khi họ không thực sự tham dự mà chỉ xem Lễ cách bàng quang, chiếu lệ.

Dâng lên Chúa trọn cuộc sống buồn vui và bao trăn trở của mình để rồi lắng nghe Chúa nói qua phần Phụng Vụ Lời Chúa. Xin đừng quên phần diễn giải Lời Chúa của giám mục, linh mục hay của thầy phó tế trong Thánh Lễ là một phần của Phụng vụ Lời Chúa. Ước gì tất cả mọi người không chỉ nói với Chúa và nghe Chúa nói mà còn được kết hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí tích Thánh Thể. Và rồi cái gì đến sẽ phải đến. Những bước chân của chúng ta sau khi ra khỏi Nhà Thờ sẽ là những bước chân trong hân hoan, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, chia sẻ hồng ân mình đã lãnh nhận. Mong sao cứ mỗi lần ra khỏi Thánh đường, lòng chúng ta lại rộng mở hơn xưa, cho kẻ lạ cũng như người thân, cho người đạo hạnh cũng như kẻ bất nhân bạc tình. Nếu được vậy thì đó là một trong những dấu chỉ nói lên rằng ta đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh, Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân trần.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghía - Ban Mê Thuột
 
CN 3 PS : Những Người Lữ Hành Không Cô Độc
Lm Giuse Trương Đình Hiền
14:46 25/04/2020
(Chúa Nhật III Phục Sinh năm A 2020)

Trong những ngày sau lễ Phục Sinh nầy, dân Kitô giáo gần như được khơi dậy một đức tin mãnh liệt vào một “Người Bạn đồng hành” có một không hai, một “Đấng Phục Sinh” đang có mặt, đang bước đi với mỗi người trên cuộc lữ hành tiến về quê hương vĩnh cửu.

Thật vậy, sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật III Phục sinh hôm nay dẫn dắt chúng ta vào mối tương quan liên vị của người Kitô hữu với chính Đấng Phục sinh, giữa cuộc sống đời thường với mầu nhiệm tuyên xưng; đó cũng chính là cách thể hiện, sống, tuyên xưng, rao giảng của thế hệ các Tông Đồ, các cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy, mà các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố là những bằng chứng sống động.

Trước hết, trích đoạn sách Công Vụ Tông Đồ, qua bài giảng “xuất thần” của Thánh Phêrô, đại diện cho cả “nhóm 11 Tông Đồ” liền sau biến cố “Chúa Thánh Thần hiện xuống” vào dịp lễ Ngũ Tuần, đã vận dụng Lời Chúa phán dạy từ trong Cựu Ước để thuyên giải và làm chứng về sự kiện “Chúa Giêsu Nadarét đã sống lại sau cuộc khổ nạn vừa xảy ra tại Giêrusalem”. Với kiểu lập luận và trình bày dứt dạc, rõ ràng của dân chài lưới, quả thật, bài giảng về Phục Sinh của Thánh Phêrô, có thể nói được là “trên cả tuyệt vời”. Thánh Phêrô đã khôn khéo làm sống lại nhân vật Giêsu Nadaret “bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu…” đã bị chính những người mà thánh Phêrô thân mật gọi là “anh em” trao nộp và dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Tiếp theo, vị “dân chài chân quê chất phác nầy, đã minh giải và làm chứng về sự phục sinh của Đức Kitô qua những lời tiên báo trong Cựu ước, những tâm nguyện mạc khải của thánh vương Đa-vít mà những tín hữu Do Thái đã thuộc nằm lòng: “vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát”.

Điều gì đã xảy ra sau bài giảng xuất thần của Tông đồ trưởng Phêrô? Thưa có khoảng ba ngàn người đã đón nhận “lời” và đã chịu phép rửa. Kể từ đây, chắc chắn những “Tân Tòng” nầy đã có thêm “một người bạn đồng hành” mới trong cuộc lữ hành đức tin của họ, một người mà nhờ sự tác động của Lời Chúa và qua các chứng nhân sống, đã xoay chuyển niềm tin của họ về một hướng mới, hướng của niềm hy vọng phục sinh, của ơn cứu độ và tha thứ.

Sau nầy, sau khi các cộng đoàn Kitô hữu đã được hình thành khắp nơi, chính Thánh Phêrô cũng đã tiếp tục ân cần giáo huấn anh chị em tín hữu về chân lý nền tảng nầy: “Ơn Cứu độ trong Đức Kitô tử nạn phục sinh”, như chúng ta nghe qua thư thứ nhất của ngài được tường thuật trong Bài đọc 2: “Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em.”

Thế nhưng, không phải lúc nào người Kitô hữu cũng giữ được niềm xác tín về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, về sự đồng hành của Đấng Phục Sinh bên cạnh mình trong cuộc lữ hành trên dương thế.

Thật vậy, người ta thường định nghĩa cuộc đời hay cuộc sống là “một cuộc lữ hành”; và cuộc lữ hành đó sẽ tốt đẹp hơn bao lâu còn có một ai đó bước đi bên cạnh; khi mất bạn đồng hành, cuộc lữ hành trở nên bi đát.

Tác giả Vương Kiều đã trải lòng về nỗi bi đát đó qua bài thơ “Người lữ hành cô độc”: Xin trích đôi câu:

Về nơi bầu trời mây đen tối mịt,

tôi một mình tôi,

tiễn bước chân tôi.

Về nơi chiếc lá mùa thu run rẩy lìa cành,

về nơi ngôi sao đang rơi...

Ở cuối trời xa cô độc….

Tôi đi tìm ai?

mà lòng đau Thánh Giá,

đè nặng lên vai,

Người Lữ Hành Cô Độc.

Tin Mừng Luca hôm nay kể cho chúng ta câu chuyện về những bước chân mệt mỏi, nản lòng của hai người lữ hành Emmau, sau biến cố “Ngày Thứ Sáu khổ nạn” và những chuyện tiếp sau đó !

Trên mọi nẻo đường trần thế hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau nầy, chắc chắn không bao giờ vắng bóng những “lữ hành Emmau” cô độc, chán chường, hụt hẫng, hoang mang…về bao nhiêu chuyện trái ngang của cuộc đời tại thế. Là những người Kitô hữu, chúng ta thật hạnh phúc vì chúng ta xác tín rằng, chúng ta luôn có người “bạn đồng hành vô hình”, là chính Đức Kitô Phục Sinh luôn hiện diện trên mọi nẻo đường chúng ta đi, trong mọi biến cố của đời thường cuộc sống.

Thật vậy, không chỉ hôm xưa Đức Kitô phục sinh đã đến, đã đồng hành, đã thỏ thẻ chuyện trò, đã khai lòng mở dạ, đã hong lại niềm tin, đã đốt lên sức sống cho hai môn đệ Emmau…, mà suốt 2000 năm Ngài đã đồng hành xuyên suốt như thế cho bao nhiêu thế hệ con người… (Câu chuyện đại đế Napoléon đi bộ trong tang lễ của người mẹ một người lính).

“Ngày xưa con đã đi bên cạnh ta trên con đường chiến đấu, thì bây giờ ta sẽ đi bên cạnh ngươi trên con đường đau khổ…”.

Và như thế, chúng ta cần nhớ lại lời gọi mời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II: “Anh chị em đừng sợ ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô ! …Đừng sợ ! Chúa Kitô biết rõ “mọi điều trong lòng người” ! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).

Vâng, một khi có Đức Kitô trong cuộc đời, thì “phép lạ” sẽ xảy ra: phép lạ của sự biến đổi, thăng tiến, canh tân và củng cố, như “phép lạ” đã xảy ra với 2 môn đệ trên con đường về Emmau: phép lạ biến hình khi “Bẻ Bánh”, phép lạ biến họ thành những con người mới mạnh mẽ, xông pha lên đường ngay trong đêm tối để loan báo Tin Mừng Chúa sống lại…

Như vậy, điều cuối cùng để chúng ta thể hiện và sống đức tin khởi đi từ những gợi ý của sứ điệp phụng Vụ hôm nay, đó chính là biết thường xuyên chọn lựa ba phương thế mà Đấng Phục Sinh đã sử dụng trong cuộc “đồng hành” của Ngài với chúng ta trên trần thế:

- Lời Chúa: “Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người”. Chúng ta hãy thường xuyên tìm đọc và lắng nghe để Lời Chúa dẫn lối đưa đường chúng ta đến cuộc hội ngộ thường xuyên và đích thực với Chúa Kitô.

- Thánh Thể: “Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. Chúng ta hãy năng tham dự bàn Tiệc Thánh Thể để từ “địa chỉ cao cả và nhiệm mầu, huynh đệ và hiệp nhất” nầy, niềm tin vào Đấng Phục Sinh của chúng ta càng thêm củng cố và phát triển.

- Cộng đoàn Hội Thánh: “Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Chúng ta hãy hăng hái tham gia vào đời sống cộng đoàn để chính nhờ môi trường thánh thiện và mối giây hiệp nhất yêu thương nầy, chúng ta được thăng tiến, đỡ nâng và dồi dào sức mạnh để ra đi làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ.

Trong một thế giới có quá nhiều những “thần tượng giả”, những “bạn đồng hành không ra gì”, những ý thức hệ lầm lạc và giả dối…chúng ta cần luôn tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng như hai môn đệ Emmau khi xưa, với người “bạn đồng hành duy nhất đáng tin”- Đức Kitô phục sinh: “Xin Thầy ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”; và cùng cầu xin cho cho mọi người trên thế giới, nhất là những kẻ đang bước đi trong buồn phiền cô độc, được tìm thấy “Người bạn đồng hành đích thực là chính Đức Kitô Phục Sinh”, để cuộc sống của họ không là một “cuộc lữ hành cô độc” mà là một cuộc tiến bước trong hoan vui và đầy hy vọng. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
18:35 25/04/2020
6. Khi một linh hồn kết hợp với Đức Chúa Giê-su trên thánh giá, thì việc làm cho họ vinh quang nhất, chính là: hy vọng mình có thể cùng bị đóng đinh vào thập giá và cùng chết như Ngài vậy.(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
18:42 25/04/2020
2. KHÔNG LÀM QUAN ĐỤC

Vào thời Minh Huệ Tông, Dương thái thú châu phủ Nhữ Ninh làm quan rất thanh liêm, bá tánh rất yêu mến, mà Lưu tri huyện của Nhữ Dương là huyện sở tại thuộc quyền cai trị của Dương thái thú thì lại rất tham lam bủn xỉn, bá tánh rất căm giận.

Một đêm nọ, Dương thái thú mặc thường phục cải trang đi điều tra, đến một gia đình nông gia rất nghèo khó.

Có một bà lão dệt vải ban đêm nhìn thấy người lạ đến bèn kêu con gái ra mời rượu, đứa con gái vâng mệnh đem rượu ra, trong bình rượu không còn nhiều nên thấy đáy bình.

Con gái nhà nghèo rót một ly rượu, nói:

- “Ly rượu này là Dương thái gia !”

Rồi lại rót ly nữa, dốc hết rượu cặn đục, trong bình ra và nói:

- “Ly này là Lưu thái gia !”

Việc này về sau truyền ra bên ngoài, có người làm một bài thơ như sau:

- “Nhắn (người) làm quan nên làm quan, không làm ly thứ hai của nhân gian.”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 2:

Thanh liêm là thanh bạch liêm chính, nghĩa là không nhúng tay vào những đồng tiền dơ bẩn cũng không hà khắc bắt dân phục vụ mình, đó là vị quan thanh liêm.

Làm vị quan thanh liêm thì rất được dân chúng yêu mến, làm một linh mục mà biết đặt phần hồn của giáo dân lên trên mọi ích lợi và việc cá nhân của mình, thì không những được mọi người yêu mến mà lại còn được Thiên Chúa thưởng công bội hậu đời này cũng như đời sau: đời này thì có nhiều người tin và theo Đức Chúa Giê-su do cuộc sống gương mẫu của mình, đời sau thì sẽ không hổ thẹn trước mặt bàn dân thiên hạ trong ngày phán xét, vì mình đã làm tròn bổn phận mà Thiên Chúa giao phó cách xuất sắc...

Vì quý trọng vị quan thanh liêm mà cô gái đã đề cao bằng ly rượu thứ nhất không cặn bả; người giáo dân sẽ tặng cho vị linh mục yêu quý của mình bằng tất cả sự kính trọng và yêu thương, khi họ cảm nhận được tình yêu phục vụ vô vị lợi của các ngài đối với Giáo Hội và đối với cộng đoàn dân Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 25/4/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người làm công việc mai táng trong thời đại dịch kinh hoàng này
Đặng Tự Do
01:16 25/04/2020
Lúc 7 sáng thứ Bẩy 25 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ kính thánh Máccô Thánh Sử, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người làm việc trong dịch vụ mai táng, là những người tháp tùng các nạn nhân của coronavirus đến tận huyệt mộ của họ, và hết ngày này sang ngày khác phải chứng kiến những cảnh buồn thảm và những nỗi buồn.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho những người thực hiện các dịch vụ tang lễ. Những gì họ làm là rất đau đớn, rất buồn và họ cảm thấy nỗi đau của đại dịch này rất gần. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã bình luận về Tin Mừng hôm nay (Mc 16: 15-20), trong đó Chúa Giêsu phục sinh xuất hiện trước các môn đệ, kêu gọi các ngài đi khắp thế giới để loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

PHÚC ÂM: Mc 16: 15-20

“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.

Bài kết thúc Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, Giáo hội cử hành lễ kính Thánh Máccô, một trong bốn Thánh Sử, rất thân với thánh tông đồ Phêrô. Phúc Âm theo thánh Máccô là Phúc Âm đầu tiên được viết. Thật đơn giản, một phong cách đơn sơ, rất gần gũi. Nếu anh chị em có một chút thời gian ngày hôm nay, hãy cầm Kinh Thánh trong tay và đọc hết cuốn Phúc Âm này. Không dài, nhưng thật vui khi đọc những dòng đơn sơ mà thánh Máccô dùng để kể lại cuộc đời của Chúa.

Và trong bài Tin Mừng hôm này - kết thúc Phúc Âm theo thánh Máccô, những gì chúng ta đã đọc hôm nay là sự gửi gấm của Chúa. Chúa mạc khải mình là Đấng Cứu Thế, là Con Một của Chúa Cha. Điều này được mạc khải cho nhà Israel và cho chư dân, cách riêng và chi tiết hơn cho các tông đồ, cho các môn đệ của Người. Rồi sau đó là sự ra đi của Chúa: “Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Nhưng trước khi lên trời, Người hiện ra với Nhóm Mười Một, và nói với họ: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”. Đó là bản chất truyền giáo của đức tin. Đức tin mà không có bản chất truyền giáo thì không phải là đức tin. Đức tin không chỉ dành cho tôi như thuyết Ngộ đạo chủ xướng. Trước hết và trên hết, đức tin được sinh ra từ những chứng tá trong cuộc sống. Những người có đức tin phải ra khỏi chính mình và thể hiện đức tin “một cách xã hội”. Đức tin phải được truyền đi, phải được loan báo, đặc biệt là qua các chứng tá: Hãy đi, và cho mọi người thấy anh chị em sống như thế nào.

Có một linh mục Âu châu, nói về một thành phố Âu châu: “Có quá nhiều sự bất tín, rất nhiều người theo thuyết bất khả tri ở các thành phố của chúng tôi, bởi vì các Kitô hữu không có đức tin. Nếu họ thực sự có đức tin, họ chắc chắn sẽ trao đức tin ấy cho mọi người.” Bởi vì niềm tin bị mất gốc: “Vâng, tôi là người theo Kitô Giáo, tôi là người Công Giáo, nhưng...”. Như thể đó là một thái độ xã hội. Trong chứng minh thư, bạn được gọi như thế này, thế kia và “Tôi là Kitô hữu”. Đó là một dữ liệu của tờ căn cước. Đó không phải là niềm tin. Đó là một chuyện thuộc về văn hóa. Đức tin nhất thiết phải đưa anh chị em ra ngoài, đức tin phải dẫn anh chị em đến việc trao ban, bởi vì đức tin phải được loan truyền. Đức tin không thể lặng lẽ. “Ah, tôi hiểu rồi, ý cha là tất cả chúng ta phải là những nhà truyền giáo và phải đi đến những đất nước xa xôi chứ gì?”. Không, đây chỉ là một phần của bản chất truyền giáo. Điều này có nghĩa là nếu anh chị em thực sự có đức tin, anh chị em nhất thiết phải vươn ra khỏi chính mình, anh chị em phải thoát ra khỏi chính mình, và thể hiện đức tin một cách xã hội. Đức tin phải dành cho tất cả mọi người: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật”. Và điều này không có nghĩa là chiêu dụ tín đồ, như thể mời gọi người ta vào một đội bóng hoặc một tổ chức bác ái. Không, đức tin không phải là chiêu dụ. Đức tin là thể hiện mặc khải, để Chúa Thánh Thần có thể tác động nơi mọi người với các chứng tá như một chứng nhân phục vụ. Phục vụ là một cách sống: nếu tôi nói rằng tôi là Kitô hữu và tôi sống như một người ngoại đạo, thì không đi đến đâu! Điều này không thuyết phục được ai. Nếu tôi nói rằng tôi là một Kitô hữu và sống như một Kitô hữu, điều này sẽ thu hút. Đó là chứng tá.

Một lần, ở Ba Lan, một sinh viên đại học hỏi tôi: “Nhưng ở trường đại học con có nhiều bạn là người vô thần. Con phải nói gì với họ để thuyết phục họ?” – “Đừng nói gì, con thân yêu ạ, đừng nói gì! Nói là điều cuối cùng con cần phải làm. Hãy bắt đầu sống và khi họ nhìn thấy chứng tá của con, họ sẽ hỏi con: ‘Nhưng tại sao bạn lại sống được như thế này?’ Đó là lúc để nói. Loan truyền đức tin không phải là thuyết phục nhưng là trao ra một kho báu. Đức tin phải đi kèm với sự khiêm nhường, như Bài Đọc Một trích từ Thư thứ nhất của Phêrô nói hôm nay, tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường để đối xử với nhau (1 Pt 5: 5-14). Thiên Chúa chống lại sự kiêu hãnh, nhưng ban ân sủng cho những người khiêm nhường. Đã bao nhiêu lần trong Giáo hội, trong lịch sử, các phong trào, các nhóm những người nam nữ được hình thành để thuyết phục đức tin, cải đạo... Họ là những người đi chiêu dụ không phải là những người loan báo Tin Mừng.

Để kết luận Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Người đời rao truyền các trong ý thức hệ thì phải cần đến những “bậc thầy”, khi chúng ta loan truyền đức tin thì ai cũng làm được vì luôn có Chúa ở cùng chúng ta. Chúa giúp chúng ta sống một đức tin với sự cởi mở, với những cánh cửa trong suốt mang lại ơn cứu rỗi cho tha nhân.


Source:Vatican News
 
Đức Hồng Y Bo kêu gọi ngừng bắn ở Myanmar
Thanh Quảng sdb
04:57 25/04/2020
Đức Hồng Y Bo kêu gọi ngừng bắn ở Myanmar

Đáp lại lời kêu gọi của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Charles Bo kêu gọi mọi phe phái đang giao chiến với nhau tại Myanmar hãy ngưng chiến.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Đức Hồng Y nói: Đang khi cả thế giới đồng tâm hiệp nhất chống lại một kẻ thù vô hình đang gây chết chóc và cướp đi mấy trăm ngàn sinh mạng con người trên khắp thế giới, thì tại Myanmar quân đội đang được tăng cường để tấn công các nhóm tranh đấu vũ trang khác nhau trên khắp đất nước.

Đức Hồng Y kêu gọi quân dân nước Myanmar hãy vượt lên trên mọi bất đồng để ngưng chiến và cùng nhau góp phần vào một cuộc chiến cấp bách là chống lại cơn đại dịch Covid-19.

Càng xung đột, Myanmar càng bị tổn thương.

Hậu quả của cơn đại dịch là một thảm họa đe dọa sức khỏe dân chúng và xáo trộn đời sống kinh tế xã hội; cho nên đây không phải là lúc để leo thang chiến tranh! Đức Hồng Y Charles Bo của Tổng Giáo phận Yangon, đã đưa ra một công bố vào thứ Tư 22/4/2020 vừa qua.

Đức Hồng Y tuyên cáo: Tôi tin chắc rằng càng tăng cường các hoạt động quân sự thì càng đưa đất nước nún sâu vào khủng hoảng, gây ra những hậu quả thảm khốc cho đất nước chúng ta! Đức Hồng Y Charles Bo là Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Thủ đô Yangon, kiêm Chủ tịch Hội đồng các Giám mục Châu Á (FABC).

Đức Hồng Y nhấn mạnh bây giờ là thời điểm để quyết tâm xây dựng đất nước Myanmar thành một quốc gia thống nhất, hòa bình, thịnh vượng. Tất cả mọi người là những thành viên của một đại gia đình quốc gia; vì xung đột chỉ làm cho Myanmar bị chia rẽ và tổn thương.

Tất cả các nhà lãnh đạo của đất nước và của mọi sắc tộc trong nước hãy ngồi lại với nhau để tìm ra một đường lối chung qua sự tin tưởng và hợp tác vì lợi ích của tất cả mọi người, trong tình đoàn kết quốc gia, vì con đường xung đột chỉ dẫn đến thảm họa chia rẽ và đau khổ!

Xung đột

Tổ chức Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (OHCHR) báo cáo vào tuần trước rằng tình hình ở vùng Rakhine và Tiểu bang Chin đang có những giao tranh khốc liệt! Một sự gia tăng bạo lực giữa nhóm vũ trang của sắc tộc Arakan với lực lượng quân đội quốc gia đã gây lên nhiều tang thương cho thường dân vô tội của mọi bên...

Người phát ngôn của Tổ chức Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (OHCHR), Ông Richard Colville ngày 17 tháng 4 lấy làm tiếc rằng Tuyên cáo gần đây của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Ông Guterres mời gọi hãy “ngưng chiến trên khắp hoàn cầu” trước đại dịch COVID-19, nhưng lời kêu gọi này đã bị đất nước Myanmar làm ngơ...

Một nhân viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giúp chống lại vi khuẩn Covid-19 đã thiệt mạng trong một giao tranh ở bang Rakhine hôm thứ Hai vừa qua (27/4/20). Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Guterres đã mạnh mẽ lên án về cái chết này...

Myanmar trước cơn đại dịch Covid-19

Nỗ lực của Myanmar giúp hàng ngàn người bị nghi ngờ nhiễm bệnh được kiểm dịch toàn quốc, đã giúp ngăn chặn được sự lây lan của coronavirus. Bộ Y tế vừa báo cáo có hai trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào hôm thứ Năm 23/4/2020, nâng tổng số cả nước lên 123 ca, với 5 trường hợp tử vong.

Trích dẫn lời của bà Aung San Suu Kyi nói về tầm quan trọng của việc bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh, Đức Hồng Y Bo bày tỏ một sự đánh giá cao trước những nỗ lực của Bộ Y tế và Thể thao; nhưng cho biết việc tăng cường các hoạt động quân sự dù ở bất luận về phương diện nào, đều mâu thuẫn với tất cả những nỗ lực và sáng kiến phòng chống đại dịch!

Trước tình huống này, Đức Hồng Y Bo nêu ra các mối đe dọa cho đất nước: Binh lính của mọi phe nhóm đang bị đe dọa trước một sự lây lan của con vi rút vô hình! Thường dân thì đang đối diện với nguy cơ bắn phá nại vào cớ an ninh quân sự. Các cuộc đàm phán hòa bình bị đe dọa! Nền kinh tế bị thiếu hụt vì phải chi phí cho các cuộc phiêu lưu quân sự. Nguy cơ lây nhiễm trong các trại di cư (IDP) sống chen chút… Lây lan giữa những người đang bị cầm tù… Tất cả đang đe dọa sự an nguy của dân tộc!

Hãy hạ giới!

Đức Hồng Y nhiệt liệt kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia, nếu chúng ta thực sự mong muốn có một đất nước Myanmar thịnh vương, một dân tộc đoàn kết, hòa bình, thịnh vượng, thì phải quyết tâm hành động ngay lập tức, với một hành động tích cực và tôn trọng xây dựng hòa bình.

Đức Hồng Y nêu ra một số quốc gia như Cameroon, Phi Luật tân, Yemen và Syria đã đáp lại lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc và của Đức Thánh Cha, ngưng chiến trước mối đe dọa của cơn đại dịch! Đức Hồng Y Bo cũng kêu mời các bên tham chiến ở Myanmar hãy hạ giới và ngưng ngay lập tức mọi hành động gây hấn!

Về vấn đề này, Đức Hồng Y cam kết rằng Giáo Hội Công Giáo luôn sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải qua những cuộc họp song phương giữa các phe nhóm khác nhau...
 
Hội Đồng Giám Mục Pháp Họp Trực Tuyến Thảo Luận Về Nhiều Vấn Đề Quan Trọng
Lê Đình Thông
08:07 25/04/2020
Từ 15 đến 17 giờ chiều qua (24/04/2020), Hội đồng Giám mục Pháp đã họp phiên khoáng đại trực tuyến để thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Hội nghị trực tuyến được triệu tập sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận qua điện thoại với Đức TGM Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch HĐGM Pháp, về khả năng mở lại thánh đường sau ngày giải tỏa lệnh cách ly (déconfinement). Theo lịch trình đã đưọc công bố, các thánh đường trên khắp nước Pháp sẽ mở lại từ hai đến ba tuần sau ngày 11/05.

Sau hội nghị trực tuyến, thông cáo cho biết các vị giám mục đã thảo luận về việc cử hành các nghi thức phụng vụ, việc mở lại các lớp giáo lý và việc tiếp tục các sinh hoạt từ thiện của Giáo Hội. Các vị giám mục thấu hiểu nỗi ưu tư của các tín hữu, cầu mong các sinh hoạt tôn giáo sớm được tiếp tục.

Nhiều vị giám mục mong muốn các nhà thờ sẽ được cử hành thánh lễ ngay từ 11/05/2020, cùng một lượt với các trường học và công sở. Cùng ngày 24/04/2020, Đức Cha Stanislas Lalanne, giám mục Pontoise, tuyên bố trên đài Notre-Dame, là ngài mong sớm cử hành thánh lễ. Ngài nói : ‘‘Công Giáo là đạo nhập thể, đức tin phải được cử hành một cách sống động giữa cộng đoàn, hiệp nhất với Hội thánh. Cộng đoàn là môi trường cần thiết để cử hành các phép bí tích. Nhà thờ nên theo cùng lịch trình với học đường và công sở, tiếp tục hoạt động vào ngày 11/05.’’

Ngày 23/04, Đức TGM Robert Le Gall, giáo phận Toulouse, tuyên bố với báo chí địa phương là đoàn chiên cần các phép bí tích. Ngài nói mỗi thánh lễ chỉ giới hạn từ 30 đến 40 người, mỗi người được lấy nhiệt độ là lau tay bằng một dung dịch khử trùng (gel hydroalcoolique) trước khi vào nhà thờ. Trong thánh đường, có khoảng cách giữa các ghế ngồi.

Ngày 23/04, Đức TGM Michel Aupetit, tổng giám mục Paris, trả lời phỏng vấn của nhật báo Le Figaro, ngỏ ý lấy làm tiếc là các nhà thờ không có cùng lịch trình giải tỏa cách ly như các công sở và trường học.

Các vị giám mục tuyên bố hiệp nhất với các tín hữu trong cố gắng chung nhằm chống lại đại dịch vẫn tiếp tục lan tràn trên thế giới.

Lê Đình Thông
 
Thống Đốc Cuomo Và Tính Siêu Việt Không Cạnh Tranh Của Thiên Chúa
Lm. Phạm Văn Trung
08:45 25/04/2020
Tuần trước, Andrew Cuomo, thống đốc bang New York, đã có một nhận định thần học khá thú vị. Nhận xét về sự tiến bộ mà tiểu bang của ông đã đạt được khi chiến đấu với coronavirus và ca ngợi những nỗ lực cụ thể của nhân viên y tế và công dân bình thường, ông nói, “Con số đã giảm xuống bởi vì chúng tôi đã làm giảm con số ấy xuống. Chúa đã không làm điều đó. Đức tin đã không làm điều đó.” Tôi sẽ không lãng phí nhiều thời gian để khảo sát tỉ mỉ sự kiêu căng xấc xược của nhận xét đó, sự kiêu căng xấc xược này là hiển nhiên đối với bất kỳ ai. Vì mối quan tâm mục vụ, tôi đề nghị thống đốc nên đọc phần đầu tiên của chương mười một sách Sáng Thế Ký.

Thay vào đó, những gì tôi sẽ làm là giải thích sự nhầm lẫn trí tuệ cơ bản làm nền cho sự khẳng định của Cuomo, một khẳng định mà tôi sợ là ngay cả nhiều tín hữu cũng đồng ý. Điều kiện để cho thống đốc có thể tuyên bố như trên là sự giả định rằng Thiên Chúa là một nguyên nhân cạnh tranh giữa nhiều nguyên nhân cạnh tranh khác, một diễn viên chen lấn xô đẩy dành vị trí và thời gian trên sân khấu với một nhóm các diễn viên khác. Nói như vậy nghĩa là Thiên Chúa thực hiện một số điều nhất định - thường có tính chất khá ngoạn mục – còn các nguyên nhân phụ thuộc làm những việc khác, thường là trần tục hơn. Theo đó, chúng ta có thể phân biệt rõ ràng trách nhiệm và công trạng - một số gán cho Chúa và một số gán cho các tác nhân hữu hạn. Nhưng lối giải thích này hoàn toàn không có trong kinh thánh và xa lạ với truyền thống thần học Công Giáo.

Để hiểu ý nghĩa kinh thánh của phạm vi hoạt động giữa nguyên lý nhân quả thần linh và nguyên lý nhân quả sinh vật, thật hữu ích khi tham khảo một chuỗi những câu chuyện liên quan đến Vua Đa-vít trong sách tiên tri Samuel thứ nhất và thứ hai. Điều khiến người đọc chú ý là không có gì là siêu nhiên rõ ràng diễn ra trong các trình thuật này. Thực tế, mọi thứ xảy ra với Vua Đa-vít đều có thể được giải thích nguyên nhân một cách thích đáng trên cơ sở tâm lý, lịch sử, quân sự hoặc chính trị. Tuy nhiên, trong suốt bản tường thuật, hoạt động và sự tham gia của Thiên Chúa được giả định là có, vì tác giả đã đương nhiên chấp nhận nguyên tắc rằng Thiên Chúa chân thực không hoạt động theo cách đặc biệt không liên tục, mà chính xác là thông qua một loạt các nguyên nhân thứ cấp. Nhớ rằng, một số giải thích về câu chuyện của Vua Đa-vít manh tính chính trị hay tâm lý và một số hoàn toàn mang tính thần học, nhưng đây không phải là trường hợp giả định trên; đúng hơn, mọi thứ, cùng một lúc, vừa là tự nhiên vừa là siêu nhiên, chính xác là bởi vì nguyên lý nhân quả của Thiên Chúa đang hoạt động một cách không cạnh tranh, ở một mức độ khác biệt về chất lượng so với nguyên lý nhân quả con người. Nếu bạn muốn một lời tóm tắt trong một câu về tầm nhìn Kinh thánh đặc biệt sâu rộng này, bạn không thể làm tốt hơn thế này, trích sách tiên tri Ê-sai: “Lạy Đức Chúa, chính Chúa là Đấng kiện toàn tất cả những gì chúng con thực hiện” (Isaia 26,12).

Tại sao điều này phải là sự thật? Tới đây thật hữu ích chúng ta quay sang nhà thần học vĩ đại nhất của Giáo hội, Thánh Tô-ma Aquinô. Đối với Thánh Tô-ma, Thiên Chúa không phải là hữu thể tối cao (ens summum bằng tiếng Latin của Ngài), nhưng đúng ra là ipsum esse subsistens, có nghĩa là “ Hữu Thể tự tại.” Nói ngắn gọn, Thiên Chúa không phải là một thực thể trội hơn trong loài “hữu thể”, một thứ, tuy cao quý, nhưng cũng chỉ là một trong số những hữu thể khác; thay vào đó, dù cũng là hữu thể như thế nhưng Ngài lại là nguồn hiện hữu tự hữu, Ngài là căn nguyên vĩ đại của tồn tại, mà trong đó và qua đó tất cả những thứ hữu hạn tồn tại và hành động. Do đó, Thiên Chúa không tranh giành không gian, có thể nói như thế, trên cùng một mạng lưới hữu thể học như các sinh vật tranh giành; một trò chơi có tổng bằng không (ND: kẻ thắng được bao nhiêu thì người thua mất bấy nhiêu) không thể được sử dụng khi liên quan đến hoạt động của Chúa và hoạt động con người, chúng ta càng gán cho cái này nhiều bao nhiêu thì chúng ta càng phải gán cho cái kia ít bấy nhiêu.

Cho phép tôi đặt nền cho biện pháp tu từ khá trừu tượng này bằng một ví dụ rất giản dị. Nếu người ta hỏi cần những gì để chế tạo một chiếc xe đạp, câu trả lời sẽ là như thế này: lốp xe, má phanh, dây chuyền, khung kim loại, kỹ năng của người chế tạo, có lẽ có cả sơ đồ hướng dẫn quá trình chế tạo, v.v.. Không ai có thể bị dụ trả lời như sau: lốp xe, má phanh, dây xích, Thiên Chúa, khung kim loại, kỹ năng của người chế tạo, v.v. Tuy nhiên, một người ngoan đạo thông minh, sau khi hoàn thành dự án chế tạo chiếc xe đạp đó, sẽ nói một cách hoàn toàn hợp lô-gíc, “Tạ ơn Chúa!”. Lời cầu nguyện này sẽ là một sự thừa nhận khiêm nhường, không phải là Thiên Chúa đã can thiệp một cách xâm lấn ồn ào vào quá trình chế tạo, mà là Chúa đảm trách toàn bộ mối quan hệ giữa các nguyên nhân và hành vi tạo nên quá trình. Kết quả cuối cùng là: hai chiều của mối quan hệ nhân quả - một hữu hạn và một siêu việt - hoạt động đồng thời và không cạnh tranh: “Chúa kiện toàn tất cả những gì chúng con thực hiện”.

Tất cả những điều đó đưa tôi trở lại với Thống đốc Cuomo. Để khẳng định rằng, “Thiên Chúa đã không làm điều đó” bởi vì chúng tôi đã làm nó, điều đó đơn giản chỉ là hiểu sai về phạm trù. Điều gì đã làm giảm số lượng coronavirus? Thật là hoàn toàn chính xác khi nói rằng, “Kỹ năng của các bác sĩ và y tá, sự sẵn có các giường bệnh, sự sẵn sàng của rất nhiều người chấp nhận ở tại chỗ, v.v.” Nhưng cũng hoàn toàn hợp lý khi nói rằng Thiên Chúa đã đưa những con số đó xuống, chính xác bằng cách dựa vào toàn bộ mối quan hệ nhân quả con người vừa được nói trên. Mối quan hệ này là ở cấp độ siêu hình, nhưng có lẽ rõ ràng hơn khi nói đến động lực tâm lý của những bác sĩ và y tá tận tâm đó. Tại sao cuối cùng thì họ cũng sẵn sàng làm những gì họ đã làm? Tôi sẵn sàng đặt cược rằng một tỷ lệ lớn trong số các bác sĩ và y tá đó sẽ nói đó là mong muốn phục vụ người khác và làm đẹp lòng Chúa.

Vì vậy, chúng ta nên cảm ơn tất cả những người tốt lành đã tham gia vào việc cải thiện tình hình hiện tại của chúng ta, và chúng ta cũng không nên ngần ngại, dù trong giây lát, tạ ơn Thiên Chúa. Hoàn toàn không cần phải chơi trò chơi tổng bằng không được đề xuất bởi thống đốc New York.

Chuyển ngữ tiếng Việt: Phạm Văn Trung.

https://www.wordonfire.org/resources/article/governor-cuomo-and-gods-noncompetitive-transcendence/27149/
 
Phái đoàn Chính Trị và Bác Sĩ Trung Quốc vội vàng sang gặp Kim Jong-un
Trần Mạnh Trác
09:24 25/04/2020
Seoul (AsiaNews) - Một nhóm nhân sĩ, chính trị gia và bác sĩ Trung Quốc đã gấp rút tới Bình Nhưỡng để "cố vấn" về tình hình cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chuyến đi bí mật này – bị rò rỉ cho Reuters bởi một nguồn tin giấu tên - xảy ra trong lúc có nhiều câu hỏi về sức khỏe của vị thủ lĩnh tối cao của Triều Tiên.

Ngày trước, tờ báo cuả Bắc Hàn là Daily NK đã công bố một bản tin cho biết ông Kim đang ở trong một tình trạng rất nghiêm trọng, sau khi được giải phẫu tim mạch. Sự cố này thêm vào các vấn đề sức khoẻ khác là bệnh tiểu đường và béo phì cuả ông Kim.

Nhưng cho đến nay, chính phủ Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc cũng vẫn đánh giá thấp những báo động có thể xảy ra về sức khỏe của ông Kim.

Hai ngày trước thông tấn xã KCNA cuả Bắc Hàn đã phát tin một thông điệp cảm ơn cuả ông Kim gửi cho Tổng thống Syria Bashar Assad. Nhưng không hề có hình ảnh cuả ông Kim tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trong một thời gian dài.

Bộ Quốc phòng Nam Hàn ghi nhận đã có những "gia tăng bất thường" ở Bắc Hàn trong việc thanh tra các đơn vị không quân và pháo binh dọc theo đường ranh ngưng bắn và dọc theo bờ biển. Có nhiều phi cơ đã cất cánh một cách bí mật, không được thông báo trước cho phía Nam Hàn.

Triều Tiên là một trong những quốc gia khép kín nhất. Sức khỏe của nhà lãnh đạo được coi là tối mật, vì sợ đảo chính.

Người em gái cuả ông Kim, cô Kim Yo-jong, đã là một phần của guồng máy tối cao của chế độ. Những tháng gần dây, cô thường xuất hiện bên cạnh anh trai trong các nghi lễ chính thức và lần đầu tiên vào tháng trước, cô đã đọc một bài diễn văn công khai. Cô được xem là một nhà lãnh đạo ôn hòa, là người đã khuyến khích anh trai cuả mình thư giãn trong những quan hệ với chính quyền Trump. Và có lẽ đó là lý do tại sao các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đổ về Bình Nhưỡng.
 
Tất cả các linh mục ở Baghdad tặng tiền lương cho quĩ nạn nhân Covid-19.
Trần Mạnh Trác
14:15 25/04/2020
Baghdad (AsiaNews) - Các linh mục cuả giáo phận Baghdad đã quyết định đóng góp tiền lương của họ để giúp đỡ người nghèo và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch coronavirus. Số tiền sẽ được đưa vào quĩ bác ái sẵn có cuả giáo phận Công Giáo theo nghi lễ Can Đê (Chaldean).

Quyết định được đưa ra vào cuối buổi họp tối hôm 23 tháng 4 giữa các linh mục, Đức Hồng Y Giáo Chủ Louis Raphael Sako và các Giám Mục Phụ Tá Shemon Warduni và Basil Yaldo.

Trong cuộc họp, Đức Hồng Y và các linh mục đã thảo luận về những diễn biến gần đây trong đại dịch COVID-19.

Vị Giáo Chủ cuả nghi lễ Chaldean nhắc lại sự cần thiết phải tôn trọng việc xa cách xã hội trong các nhà thờ, và duy trì các chỉ thị y tế của chính phủ và khóa cửa các hoạt động để chống lại sự lây lan của coronavirus.

Cuối cùng, tất cả các việc sinh hoạt đông người trong các giáo xứ vẫn bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới, kể cả các lớp giáo lý và các hoạt động thanh thiếu niên.

Đức Hồng Y Sako cũng cho biết rằng Giáo hội Chaldean đang có kế hoạch sử dụng Internet và các mạng xã hội để liên lạc với các tín hữu.

Các chương trình giáo dục và tôn giáo "sẽ được cung cấp, nhưng chúng ta cũng không quên các nhu cầu vật chất hàng ngày" của các gia đình đang phải đối mặt với những khó khăn trong thời điểm này.

Đưa ra lời nhắc nhở tới cộng đồng Kitô giáo, đức giáo chủ nhấn mạnh rằng tại thời điểm lịch sử và định mệnh này, tất cả mọi người dân Iraq phải gác lại mọi tranh chấp và lợi ích cá nhân để thúc đẩy sự chia sẻ và đoàn kết chống lại một kẻ thù chung (nạn dịch) đang "đe dọa cuộc sống, kinh tế và các quan hệ xã hội và tôn giáo.

Theo nguồn tin chính thức, Iraq có 1.677 trường hợp nhiễm coronavirus với 83 người chết và 1.171 người hồi phục.

Tuy nhiên, các nguồn tin y tế và các nhà phân tích độc lập đã chỉ trích con số chính thức đó; cho rằng nó phải nhiều hơn. Trong những tuần trước một số bác sĩ đã bị cảnh sát sách nhiễu vì đã báo cáo một con số nhiều hơn gấp ba lần con số chính thức của chính phủ.
 
Lo sợ cuả giáo hội Tin Lành ở Trung Quốc: Các giáo xứ sẽ thay đổi thành vô hình?
Trần Mạnh Trác
15:23 25/04/2020
Bắc Kinh (AsiaNews) - Đại dịch COVID-19 đang có tác động lớn đến các Giáo hội Tin lành ở Trung Quốc.

“Nếu nạn dịch cứ tiếp diễn thế này trong vòng một hoặc hai năm, các nhà thờ lớn có thể biến mất,” theo lời một mục sư Tin lành ở miền đông Trung Quốc tên là mục sư L..” Tôi nghĩ rằng tương lai sẽ dẫn đến một cộng đồng đức tin vô hình chứ không phải là một giáo xứ hữu hình.”

Tờ báo China Christian Daily đã đăng các cảm nghĩ cuả mục sư L. và cuả hai giáo chức khác là Trưởng X. và mục sư M. trên số xuất bản ngày thứ Tư. Cả ba người nói trên đều trẻ: mục sư L. và M. sinh năm 1980; còn Trưởng X. là một trưởng nhóm thanh niên sinh vào thập niên 1990.

Kể từ ngày 23 tháng 1, hầu hết các nhà thờ đã đình chỉ các cuộc tụ họp lớn. Nhiều cộng đồng đã chuyển sang Internet, nhưng không phải là tất cả. Tình hình đã đưa đẩy các nhóm như vậy đi vào các mạng ảo vô hình nhiều hơn bao giờ hết.

Mục sư L. trích dẫn vấn đề tài chính là lý do đầu tiên. Vì các thành viên một nhà thờ không còn gặp nhau, việc thu tiền trở nên bất khả thi. Nhiều cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng lớn, phải trả tiền thuê nhà và văn phòng rất lớn. Đối với mục sư L., nếu tình trạng khẩn cấp tiếp diễn trong một năm, sẽ có "những vấn đề lớn".

Các cộng đồng nhỏ hơn cho đến nay tránh được vấn đề tài chính đó. Họ chỉ cần một không gian nhỏ và có chi phí thấp hơn. Hơn thế nữa, kể từ khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, các thành viên của họ đã có thể gặp nhau được, bằng cách chia ra thành nhiều nhóm mười người trở xuống.

Ngược lại, các cộng đồng lớn hơn chưa thể bắt đầu lại và nếu họ làm như vậy, hàng xóm sẽ hoảng loạn vì sợ sự lây lan của virus.

Lý do thứ hai cho sự "vô hình" là sự phổ biến các dịch vụ trực tuyến. Theo Trưởng X., ngay cả sau nạn dịch, mọi người sẽ khó khăn hơn để quay lại nếp sinh hoạt bình thường ngày xưa. Sau khi đã dựa vào Internet một thời gian dài cho cuộc sống đức tin của mình, mọi người có thể thích phong cách thoải mái này hơn, một phong cách dễ theo dõi hơn, gần guĩ với nhu cầu của họ.

Với việc truy cập vào các dịch vụ phụng vụ trên mạng trở nên đầy dẫy (thậm chí mười lần một ngày), một số người sẽ thấy tham gia trực tuyến là phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Kết quả là, một số nhà thờ sẽ mất thành viên, trong khi những nhóm trực tuyến khác sẽ tăng hội viên.

Mặc dù vậy, Trưởng X. đưa ra nhận xét rằng đối với nhiều cộng đồng, sự tham gia trực tuyến hiện chỉ bằng một nửa so với khi các thành viên được gặp nhau trực tiếp.

Một yếu tố thứ ba của sự "vô hình" là trên thực tế ngày nay, các Giáo hội đã không thể làm những việc phòng ngừa và chữa lành, do đó lời chứng của họ ít được nhìn thấy.

Mục sư L. nhắc lại vào thời Trung Cổ, các nhà thờ rất tích cực trong thời gian dịch bệnh và cung cấp các dịch vụ quan trọng trong xã hội. Hiện tại, các dịch bệnh như thế này chủ yếu dựa vào sức mạnh của nhà nước để phòng ngừa và kiểm soát.

Tuy nhiên, cả ba người đều đồng ý rằng dịch bệnh sẽ khiến cho nhiều Kitô hữu khao khát đức tin hơn và siêng năng cầu nguyện nhiều hơn, nhưng họ không chắc chắn rằng điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng số lượng tín hữu trong các nhà thờ. Có lẽ phải chờ cho đến khi tình trạng khẩn cấp kết thúc thì mới trở nên rõ ràng hơn
 
Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi các tín hữu nhân dịp Tháng Năm 2020 và các kinh nguyện mới do ngài soạn
J.B. Đặng Minh An dịch
16:13 25/04/2020

Hôm thứ Bẩy 25 tháng Tư, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố lá thư sau của Đức Thánh Cha gởi tất cả các tín hữu trên toàn thế giới. Đính kèm với lá thư này là hai Kinh Nguyện để cầu cùng Đức Mẹ sau khi lần chuỗi Mân Côi.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Anh chị em thân mến,

Tháng Năm đã gần đến, là thời gian mà Dân Chúa bày tỏ tình yêu và lòng sùng kính của mình đối với Đức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt sốt sắng. Đọc kinh Mân Côi tại nhà chung trong gia đình là truyền thống trong tháng này. Những hạn chế vì trận đại dịch còn khiến chúng ta cảm kích hơn nữa khía cạnh “gia đình” này, kể cả về phương diện thiêng liêng.

Vì thế tôi muốn khích lệ mọi người tái khám phá vẻ đẹp của việc đọc kinh Mân Côi tại nhà trong tháng Năm. Chúng ta có thể đọc kinh chung với nhau, hay đọc riêng; anh chị em hãy quyết định tùy theo hoàn cảnh, tận dụng tối đa cả hai cơ hội ấy. Bí quyết để thực hiện điều này luôn là sự đơn sơ; và rất dễ tìm các mẫu cầu nguyện tốt để làm theo ngay cả trên internet.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị với anh chị em hai kinh nguyện với Đức Mẹ mà anh chị em có thể đọc vào cuối kinh Mân Côi, và chính tôi sẽ đọc trong tháng Năm này, trong sự hiệp nhất thiêng liêng với anh chị em. Tôi gửi kèm hai kinh nguyện ấy cùng với thư này để thuận tiện cho mọi người.

Anh chị em thân mến, chiêm ngắm gương mặt Chúa Kitô cùng với trái tim Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, sẽ làm cho chúng ta hiệp nhất hơn nữa như một gia đình thiêng liêng và sẽ giúp chúng ta vượt qua thời gian thử thách này. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, đặc biệt cho những người đau khổ nhất, và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Tôi chân thành cám ơn anh chị em và chúc lành cho anh chị em.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 25 tháng Tư 2020

Lễ Thánh Máccô thánh sử

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

Kinh nguyện thứ nhất

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.

Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.

Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần và chúng con chắc chắn rằng Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.

Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.

Ngài là Đấng đã gánh lấy trên mình Ngài các nỗi đau của chúng con và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.

Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu dưới sự che chở của Mẹ. Xin chớ chê chớ bỏ lời cầu xin của chúng con đang trong cơn thử thách, và thân lạy Đức Trinh nữ vinh hiển đầy ơn phúc, xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

Kinh nguyện thứ hai

“Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con chạy đến ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ.”

Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, trong tình cảnh bi thương hiện nay, khi toàn thế giới chìm trong khổ đau và lo lắng, chúng con chạy đến với Mẹ và tìm nương ẩn dưới sự chở che của Mẹ.

Lạy Đức Trinh nữ Maria, xin đoái thương ghé mắt từ ái nhìn đến chúng con đang trong đại dịch coronavirus này; xin an ủi những người đang phải bàng hoàng than khóc người thân đã qua đời, đôi khi chỉ được an táng sơ sài khiến họ đau lòng sâu sắc. Xin gần gũi với những ai đang lo lắng cho những người thân yêu bị nhiễm bệnh, và những ai, để tránh lây lan, không thể cận kề bên cạnh. Xin mang đến hy vọng cho những ai đang lo lắng trước một tương lai bấp bênh do các hậu quả đối với kinh tế và công ăn việc làm của đại dịch này.

Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, xin cầu cùng Chúa, là Cha đầy lòng thương xót cho chúng con, để thử thách này chấm dứt, và rạng đông của hy vọng và bình an sẽ lại đến. Xin Mẹ cầu khẩn cùng Con chí thánh của Mẹ, như khi xưa Mẹ đã cầu khẩn cùng Người ở Cana, để gia đình các bệnh nhân và nạn nhân được an ủi; và tâm hồn họ được mở ra với hy vọng và cậy trông.

Xin bảo vệ các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tình nguyện viên, là những người đang ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp này và đang liều mạng sống của mình để cứu những mạng sống khác. Xin nâng đỡ nỗ lực anh hùng của họ và ban cho họ sức mạnh, lòng quảng đại và sức khỏe dồi dào.

Xin cận kề bên những người ngày đêm trợ giúp các bệnh nhân, và xin gần gũi với các linh mục, là những vị với mối quan tâm mục vụ và lòng trung tín với Tin Mừng, đang tìm cách giúp đỡ và trợ giúp tất cả mọi người.

Lạy Đức Trinh nữ đầy ơn phúc, xin soi sáng tâm trí của những người nam nữ dấn thân trong các nghiên cứu khoa học, xin giúp họ tìm ra những giải pháp hiệu quả để khống chế được virus này.

Xin nâng đỡ những nhà lãnh đạo các quốc gia, để với sự khôn ngoan, quan tâm và quảng đại, họ có thể giúp đỡ những người đang thiếu những điều cần thiết căn bản cho cuộc sống, và đề ra được các giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa và với tình liên đới.

Lạy Mẹ Maria rất thánh, xin đánh động lương tâm chúng con để những số tiền khổng lồ thay vì được chi trả cho việc phát triển và thu tích các vũ khí, được dùng để thúc đẩy các nghiên cứu hiệu quả, nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai.

Lạy Mẹ rất yêu dấu, xin giúp chúng con nhận thức được rằng tất cả chúng con là các thành viên của cùng một đại gia đình duy nhất, và ý thức được mối liên hệ hiệp nhất tất cả mọi người, để trong tình huynh đệ và liên đới, chúng con có thể giúp giảm bớt biết bao các tình cảnh nghèo đói và lầm than. Xin cho chúng con kiên vững trong đức tin, bền chí trong phục vụ và liên lỉ trong cầu nguyện.

Lạy Mẹ Maria, Đấng An ủi những người đau khổ, xin ôm lấy các con cái của Mẹ đang u sầu, và xin cầu cùng Chúa để Người vươn cánh tay quyền năng ra giải thoát chúng con khỏi đại dịch khủng khiếp này, để cuộc sống thanh thản có thể trở lại như bình thường.

Lạy Mẹ, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng, chúng con phó thác chúng con cho Mẹ. Ôi Khoan Thay, Nhân Thay, Dịu Thay Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Amen.


Source:Holy See Press Office
 
Dịch cúm: Người bản địa tại Amazon có nguy cơ bị diệt chủng
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
20:57 25/04/2020
Đức Tổng Giám Mục Steiner của Manaus tại vùng Amazon cho biết: "Cho đến nay, khoảng cách đã bảo vệ họ. Nhưng với sự gia tăng các cuộc xâm lược của những kẻ buôn người, sự lây lan có thể đến với họ." "Mối quan tâm chính của tôi đối với những cư dân sống ở vùng ngoại ô rộng lớn của Manaus là họ không có bảo hiểm tư nhân và họ gặp khó khăn khi truy cập hệ thống y tế công cộng. Nhưng tôi cũng rất sợ những gì có thể xảy ra nếu virus lây lan sang các làng bản địa. Cho đến nay khoảng cách đã bảo vệ họ. Nhưng cho đến khi nào?». Tân Tổng Giám Mục của Mamaus, Dom Leonardo Ulrich Steiner, điều hành cộng đồng trong một trong những khoảnh khắc bi kịch nhất của nó. Các đô thị chính của Amazon là trung tâm Brazil của Covid-19. "Nếu số người chết tiếp tục tăng trong hai tuần tới, đó sẽ là một thảm họa."

Nguy cơ diệt chủng đối với cộng đồng bản địa

ĐTGM nói thêm: Đó là nỗi sợ của tôi. Tất nhiên, nếu Covid đến được với họ, đó sẽ là một thảm họa: nhiều bộ lạc có 20, 40, 80 người. Virus có khả năng quét sạch họ, như đã xảy ra trong quá khứ. Sau đó, một số người đã lây nhiễm mới đây, những người khác không bị ảnh hưởng, nhưng họ không có sự bảo vệ miễn dịch cần thiết. Hơn nữa, gia tăng liên tục các cuộc xâm nhập của những kẻ buôn bán gỗ, khoáng sản, thợ săn và ăn trộm làm tăng gấp bội nguy cơ lây nhiễm. Vấn đề lớn là sự thờ ơ của chính phủ Brazil, vốn luôn chống lại văn hóa và lối sống của người dân bản địa, trong khi họ ủng hộ việc khai thác các vùng đất bản địa. Trong bối cảnh này, nguy cơ diệt chủng là nhiều hơn thực tế.

Tình hình ở Manaus

Bệnh viện đang được thiết lập. Các giường chăm sóc đặc biệt đều bị chiếm dụng. Mới hôm qua chúng tôi phải nhập viện một trong những linh mục của chúng tôi có bảo hiểm tư nhân bổ sung và đó là một cuộc phiêu lưu. Linh mục này phải ở trong phòng cấp cứu một lúc cho đến khi họ giải tỏa được một chỗ cho vị này. Nếu một người có bảo hiểm gặp khó khăn như thế thì điều gì xảy ra với những người khác?

Tuy nhiên, các số liệu chính thức không đáng báo động...

Vấn đề là rất khó để biết nguyên nhân cái chết. Các số liệu chỉ đề cập đến những bệnh nhân đã được thử nghiệm. Nhưng, cá nhân tôi biết nhiều người chết ở nhà mà không thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào.

Trường hợp đầu tiên đã được xác nhận vào ngày 13 tháng 3. Kể từ đó, nhiễm trùng đã tăng nhanh: với 762 bệnh nhân trên một triệu dân, tỷ lệ này gần gấp ba lần so với phần còn lại của Brazil, người đầu tiên ở Mỹ Latinh, với 45,000 người mắc bệnh và gần 3,000 người chết. Theo các chuyên gia, tốc độ lây lan vẫn có thể gia tăng: do đó, đại dịch chỉ ở giai đoạn đầu. Ngoài ra, Manaus có một hồ sơ tử vong: 72 người chết trên một triệu dân. Và đây chỉ là những con số chính thức, được phản ánh qua con số tuyệt đối chỉ hơn 2.000 nạn nhân bị nhiễm và 180 nạn nhân. Thực tế là bi kịch hơn nhiều.

Vị truyền giáo Luis Modino nói: «Họ sống ở khu ổ chuột tại Cidades de Deus. Trong số 45 gia đình tôi đến thăm, tất cả họ đều có mang bệnh. Bệnh gì? Không thể nói mà không kiểm tra. Họ bị ho, sốt, khó thở, Một nửa trong số 2,2 triệu dân của Manaus là người nghèo. Hàng năm, có từ 30 đến 40 nghìn người bản địa Amazon chạy trốn đến các đô thị do nạn trộm cắp đất đai gây ra. Và họ đổ vào hơn năm mươi khu ổ chuột bao quanh đô thị. «Bạo lực nhổ gốc là dữ dội. Nhà nước không công nhận họ là người bản địa. Đây là lý do tại sao họ không nhập số liệu thống kê chính thức, bị mắc kẹt với mười người bản địa đã chết », thuật lại do Marcivana, người giới thiệu của Điều phối viên (Copime), liên quan đến người bản địa trong bối cảnh đô thị. «Nhiều, rất nhiều người bị bệnh. Hầu hết không đến bệnh viện vì họ biết rằng họ sẽ không được giúp đỡ.

"Các bệnh viện đang suy sụp. Ngay cả trong những người tư nhân cũng không có giường sẵn sàng ở khu chăm sóc đặc biệt. Thống đốc Wilson Miranda Lima đã đưa ra cảnh báo bệnh viện quá tải ngay từ cuối tháng ba. Chính phủ chỉ trích người trung gian Jair Bolsonaro. Cuối cùng, một phòng khám dã chiến đã đến từ Brasilia - đã đầy - và một số phòng lạnh để cất giữ thi thể của người quá cố đang chờ chôn cất. Trong nghĩa trang của Nossa Senhora Aparecida không còn chỗ trống và Quận đang đào những ngôi mộ tập thể. Chính quyền đã chôn cất 1.330 xác chết trong ba tuần đầu tiên của tháng Tư, tất cả đều không chắc chắn phải làm gì vì không có xét nghiệm. Hai ngày trước, Quận trưởng Arthur Virgilio Neto đã công khai cầu cứu trong nước mắt. Tuy nhiên, Basilia hiện tại vẫn tiếp tục phát sáng. Trong cuộc họp báo đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Y tế mới, ông Nelson Teich, đã mô tả việc kiểm dịch là "vô dụng" và tuyên bố kết thúc sắp xảy ra.

Ở Amazon, dân chúng phải ở nhà. Tuy nhiên, với tổng số 531 chỗ được chăm sóc đặc biệt - 13 trên 100 nghìn dân, ít hơn 40% so với phần còn lại của Brazil, tất cả tập trung ở Manaus -, trong điều kiện bình thường, cảnh quan sức khỏe của khu vực này có màu xám. Đặc biệt vào thời điểm này trong năm, mùa mưa, trong đó có đỉnh điểm là nhiễm trùng đường hô hấp. «Bây giờ chúng tôi kiệt sức. Các nhân viên đang khan hiếm và một vài bác sĩ và y tá làm nhiệm vụ mà không có sự bảo vệ », nhà báo José Rocha giải thích. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết về rủi ro.

Ngoài việc gia tăng nạn phá rừng lên 300% trong tháng 3, các vụ xâm nhập của các nhóm này cũng làm gia tăng các vụ lây nhiễm. Tuy nhiên, ở đây cũng có sự khác biệt lớn giữa các số liệu chính thức và tình hình trong khu vực. Có 1.872 người bị nhiễm bệnh ở Manaus. Tuy nhiên, các nhân chứng địa phương nói có khoảng 20 và 30 nghìn người với các triệu chứng tương thích với Covid. Trong số họ, cũng có hai linh mục. Tại khu vực Amazon của Brazil, các trường hợp được công nhận chỉ có hơn 6 nghìn và 328 nạn nhân. Tuy nhiên, sau này không bao gồm, ví dụ, sáu trong số mười người bản địa đã chết cho đến nay vì họ sống trong thành phố. Có một sự nghi ngờ mạnh mẽ rằng chính phủ cố gắng giảm thiểu con số, đặc biệt là sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Luis Mandietta ủng hộ kiểm dịch. Và những con số được cung cấp - 43 nghìn trường hợp và 2.700 người chết - đang giảm.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Avvenire
 
Coronavirus và chiều kích tôn giáo
Vũ Văn An
23:44 25/04/2020
Trong các kế sách chống trả đại dịch Covid-19, người ta ít đề cập đến vai trò của các tôn giáo. Những người như Brian Adams, giám đốc Trung Tâm Đối Thoại Liên Tôn và Văn Hóa của Đại Học Griffith và là Giám Mục một cộng đoàn Các Thánh Ngày Sau Hết ở Brisbane, vì thế, nêu câu hỏi trên Đài ABC như sau “Tại sao các cộng đồng tôn giáo là các đối tác chủ chốt trong việc đặt kế hoạch chống việc bùng phát của coronavirus?”.



Bài của ông viết từ ngày 12 tháng Ba, nhưng cho đến nay, nhiều điều vẫn còn giá trị. Theo ông, các cộng đồng tôn giáo là những điểm nối kết quan trọng giữa Covid-19 và xã hội rộng lớn hơn, và họ là những chủ thể chủ chốt đối với việc chuẩn bị và đáp ứng thành công chống lại việc bùng phát của Covid-19.

Theo ông, ngày 11 tháng Ba, 2020, tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) chính thức coi Covid-19 là một trận toàn dịch (pandemic). Giống việc thay đổi khí hậu, thứ coronavirus này không kiêng nể ai cả. Nó là một thách thức đa tín ngưỡng, đa văn hóa trong xã hội chúng ta, một thách thức chỉ có thể bị đánh bại nhờ một cộng đồng hợp nhất. Cho nên nay là lúc để các nhà lãnh đạo chính trị, cộng đồng và dịch vụ cấp cứu duy trì, thậm chí thâm hậu hóa các mối tương quan với các cộng đồng tín ngưỡng và các tổ chức phục vụ có cơ sở đức tin như là phần chủ chốt trong việc chuẩn bị và đặt kế hoạch ứng phó.

Theo Ông Adams, xã hội của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ở ba phạm vi giao nhau giữa Covid-19 và các cộng đồng đức tin. Phạm vi thứ nhất là tác động đối với chính các cộng đồng đức tin và là điều việc chuẩn bị và lên kế hoạch ứng phó nên xem xét.

Trước nhất, điều xem ra chắc chắn là một số thực hành tôn giáo sẽ bị thách thức. Thí dụ, trong một số buổi lễ thờ phượng của các cộng đồng Kitô giáo, các người tham gia có thói quen uống từ cùng một chén thánh. Còn các tín hữu Hồi giáo thì có thói quen cầu nguyện vai sát vai nhau.

Đã đành việc lây lan virút trong xã hội rõ ràng sẽ dễ dàng hơn bởi các thực hành tôn giáo không hẳn chỉ là việc nhiều người cùng tụ họp tại một chỗ. Các thực hành này không hẳn chỉ là những sắp xếp hậu cần để có nhiều người đông đảo tụ họp với nhau; chúng còn là những biểu lộ đức tin được tín lý nâng đỡ và phải được nhìn nhận như là những vấn đề quan trọng trong diễn trình hoạch định.

Liên quan đến vấn đề trên là hậu quả do virút gây ra cho những nơi thờ phượng. Dễ nhận diện và định lượng hơn cả là số người tham dự sẽ giảm sút khi người ta tránh các cuộc tụ tập công cộng, hay các nơi thờ phượng bị đóng cửa lâu dài.

Tuy nhiên, các nơi thờ phượng không hẳn chỉ là những nơi thờ phượng; chúng còn là những nơi tụ họp về phương diện xã hội, nơi nương náu và là điểm cung cấp các dịch vụ không chính thức, nhưng hết sức chủ yếu.

Giáo sư Ram Cnaan tại Đại Học Pennsylvania tính ra mỗi cộng đồng đức tin mỗi năm đóng góp $150,000 vào các nơi thờ phượng. Deloitte Access Economics báo cáo rằng các cộng đoàn tôn giáo tại Úc đóng góp gần 500 triệu dollars mỗi năm qua việc thiện nguyện và quyên góp. Những con số này không bao gồm các đóng góp rất có ý nghĩa về kinh tế và xã hội qua trợ giúp hôn nhân và gia đình, săn sóc trẻ em, huấn đạo, ngăn ngừa và ứng phó bạo lực gia đình, chăm sóc người vô gia cư và các dịch vụ nhân dụng, và nhiều dịch vụ khác có thể có nhờ các nơi thờ phượng.

Như thế, hậu quả của Covid-19 dối với xã hội qua các hậu quả của nó đối với cộng đồng tôn giáo chắc chắn quan trọng về phương diện kinh tế và xã hội, nhưng khó có thể nhận dạng và đề cập. Do đó, điều khôn ngoan là lồng việc liên hệ với các cộng đoàn tôn giáo vào việc chuẩn bị và qui hoạch ứng phó.

Điểm giao nhau thứ hai giữa Covid-19 và các cộng đồng tôn giáo là người cao niên. Một cách tình cờ, tuổi dễ lây nhiễm Covid-19 cũng là tuổi người ta có lòng đạo hơn cả. Các dữ kiện của Phòng Thống Kê Úc cho hay: quá 73 phần trăm những người 65 tuổi hay cao hơn coi mình là người có tôn giáo. Và trong khi tỷ lệ tử vong nói chung được ước tính là 2.6 phần trăm, tỷ lệ này đã tăng lên 3.6 phần trăm cho những người ở tuổi 60, và 8.0 phần trăm cho những người 70 tuổi, và 14.8 phần trăm cho những người 80 tuổi.

Điều trên có nghĩa các cộng đồng tôn giáo nằm trong số các cộng đồng có liên hệ với những người dễ bị thương tổn nhất đối với đại dịch Covid-19. Các cộng đồng đức tin vì thế có đủ điều kiện biết người cao niên là ai, biết họ sinh hoạt ra sao và đáng tin tưởng để cung cấp việc chăm sóc và nâng đỡ. Do đó, việc chuẩn bị và ứng phó với các hậu quả của Covid-19 trên ngưòi cao niên chắc chắn được củng cố bởi việc cộng tác với các cộng đồng đức tin, bắt đầu ngay từ giai đoạn chuẩn bị.

Điểm giao nhau cuối cùng giữa Covid-19 và các cộng đồng đức tin là qua các cơ quan cung cấp các dịch vụ cộng đồng có cơ sở đức tin. Tại Úc, các cơ quan này: cung cấp các dịch vụ liên quan đến trợ giúp cấp cứu, nhà ở và vô gia cư, y tế, sức khỏe tâm thần, giáo dục, phát triển cộng đồng, bênh vực, tìm tòi, nâng đỡ thu nhập và “các dịch vụ xã hội” khác bao trùm một loạt rộng lớn các nhu cầu an sinh cộng đồng.

Trong đại dịch Covid-19, nhiều dịch vụ cộng đoàn sẽ bị khánh kiệt, không thể tiếp tục hoạt động. Sở dĩ như thế, vì nhiều cơ sở có rất ít khả năng trả tiền thuê hay linh động đủ trong việc sắp xếp việc làm. Nhiều cơ sở thiếu kinh nghiệm và nguồn tài chánh để thiết kế và thi hành việc lập kế hoạch tái tục hoạt động vốn rất phức tạp. Và quá nhiều cơ sở thiếu khả năng đối phó với các chi phí to lớn và đầy bất ngờ...

Dù thế nào, việc chuẩn bị và hoạch định ứng phó của xã hội nói chung cũng phải tính đến chiều kích tôn giáo vì họ vốn có nhiều giao thoa trong đại dịch này.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
30/4 - Chữ Trầm Chữ Thăng
Nguyễn Trung Tây
01:25 25/04/2020
Lời dẫn: Ngày 30 tháng 4 đang về. Xin ghi lại một vài tư tưởng về một khoảng thời gian biến động của Việt Nam. "Chữ Trầm Chữ Thăng" đã hình thành bởi tác giả vẫn gặp khá nhiều em thanh niên tuổi hai hoặc ba mươi hỏi, "Sao hồi đó cha lại đi vượt biên vậy?" “Chữ Trầm Chữ Thăng” là cách tác giả chia sẻ lý do "Tại sao?"

Giờ này là những ngày cuối tháng 4 mùa Xuân. Tấm hình máy bay trực thăng đậu trên nóc tòa nhà của thủ đô Sài Gòn giờ phút hấp hối với hàng người nối đuôi dưới chân trực thăng bất ngờ lần đường quay về lại trong đầu. 30 tháng 4, thủ đô miền Nam sụp đổ! Chữ “Trầm” chữ “Thăng” có lẽ là hai danh từ chính xác đánh dấu một khoảng thời gian dài sau ngày định mệnh!

Ký ức của Sài Gòn đập mạnh nhất trong bộ nhớ của tôi (tính đến ngày hôm nay) là một buổi chiều tối tháng 4 năm 74, anh em tôi xuống phố coi phim chiếu trong rạp. Phim tên gì? Tôi quên rồi. Nhưng tôi vẫn nhớ đèn đường xanh đỏ huyền ảo chớp sáng trên những trục lộ giao thông rực rỡ đường Lê Văn Duyệt. Sau Ngã Sáu (?), đường đổi sang mấy tên khác, cuối cùng dẫn thẳng tới tòa nhà Quốc Hội. Về đêm đèn đường, đèn xe hơi, đèn xe “bus,” đèn xe taxi, đèn xe máy, đèn tòa nhà Quốc Hội, ngàn vạn ngọn đèn thắp sáng rực rỡ thành phố một thời tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông.

Hơn một tháng sau, anh tôi tuổi nhập ngũ khoác lên quân phục Thủy Quân Lục Chiến. Sáng Chúa Nhật, chị tôi tóc đen áo dài trắng nữ sinh dẫn tôi đón xe lửa lên Thủ Đức thăm. Căn cứ Sóng Thần nắng trưa hè hôm đó chiếu sáng rực rỡ chị tôi áo trắng tinh khôi và anh tôi màu xanh áo lính. Tôi ngồi trên ghế gỗ yên lặng nhìn anh nói chuyện với chị và ăn xôi đậu phộng, mẹ tôi nấu. Giây phút chia tay, mắt chị đỏ hoe hoe! Anh tôi quyết định dậy, vẫy tay chào!

Tháng 12 năm 1974, hai chị em lại dẫn nhau lên căn cứ Sóng Thần thăm anh. Nhưng lần đó, đợi hoài vẫn không thấy. Mãi sau, hai chị em lủi thủi dẫn nhau ra ga xe lửa về lại nhà. Mấy lon Guigoz cơm, ruốc chà bông và thịt heo kho trứng vịt ngày hôm đó phải mang về, bởi giờ này anh tôi đã theo sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra trấn Cổ Thành Quảng Trị. Khuya hôm đó, tôi thấy Mẹ tôi ngồi trước bàn thờ miên man với những lời kinh. Bên ngoài, Sài Gòn thủ đô của những ngày cuối năm 74 gió Bắc Cực thổi về se da thịt; Sài Gòn vẫn sáng rực rỡ đèn đường; Sài Gòn vẫn rộn ràng những dòng xe cộ ngược xuôi; Sài Gòn có mẹ tôi nằm trên giường, khóc!

Sài Gòn thủ đô lăn những vòng quay dẫn tới biến cố 30 tháng 4, trận đại hồng thủy bôi xóa chính quyền, tư duy, tên đường phố và nhiều sinh mạng. Sáng định mệnh, tôi đứng ngay bên lề đường Lê Văn Duyệt nhìn những chiếc xe tăng Bắc Việt lăn bánh trên đường lộ thủ đô. Tôi con nít ngơ ngác nhìn những người chủ nhân mới của thành phố. Sài Gòn mùa Xuân 75 trời kéo mây đen khi đài phát thanh Sài Gòn vang vang lời kêu gọi đầu hàng của vị Tổng Thống cuối cùng.

Sài Gòn, giờ thứ 25 tháo chạy trên bầu trời và hỗn loạn dưới đường phố!
Sài Gòn, xe tăng Bắc Việt húc tung cửa sắt Dinh Độc Lập!
Sài Gòn, mặc cho ngày ngày mẹ tôi đứng ngóng trước cửa, bóng của anh tôi, người lính Thủy Quân Lục Chiến trấn đóng Cổ Thành, vẫn khuất dạng nơi đường chân trời! Tôi đã từng nghĩ nhưng không dám nói với ai về suy nghĩ anh tôi có thể đã gục ngã ở một góc rừng nào đó. Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn hy vọng!

Sài Gòn, cải tạo không bản án!
Sài Gòn, kinh tế mới!
Sài Gòn, đổi tiền!
Sài Gòn, đói xanh xao!
Sài Gòn, đêm khuya tiếng gõ cửa công an vang dội!
Sài Gòn, mất niềm tin vào mình, vào người và vào xã hội!
Rồi thuyền gỗ!
Rồi biển xanh!
Rồi hải tặc!
Rồi trại tỵ nạn!

Có những quãng đời Sài Gòn sau biến cố 75, viết thêm chi tiết hóa ra dư thừa. Chỉ nhắc lại vài chữ, tựa như tên một cuốn sách, thế cũng đã đủ thấm thía!

Đến ngày hôm nay, nghe Việt Dũng hát Lời Kinh Đêm, Khánh Ly hát Đêm Chôn Dầu Vượt Biển của Châu Đình An, xúc động xôn xao nổi dậy, bởi vẫn còn nằm nguyên vẹn trong góc hồn tôi những tháng ngày của chữ Trầm.

Mỗi lần có dịp nhìn thấy hình ảnh của trại tỵ nạn Pulau Bidong, nhìn tượng đài thuyền nhân trên đồi Tôn Giáo, nhìn cầu gỗ Jetty, tôi vẫn bồi hồi, bởi dù muốn dù không, ký ức của một thời lang thang tại đảo lại quay về. Năm 82, khi đó thuyền gỗ không số nhổ neo tại Rạch Sỏi. Sau bốn ngày lênh đênh trên sóng biển xanh đậm đặc Vịnh Thái, thuyền viễn xứ đặt chân tới bến cảng Marang. Sau cùng, thuyền tỵ nạn đặt chân tới đảo Bidong, khoác lên người mã số PB 706. Thời đó, trên nghĩa trang khu F, tôi nhận ra mộ của bạn thời tiểu học. Hắn ngủ yên trên nghĩa trang khu F. Pulau Bidong giờ này còn đó, chứng tích và cũng là hình ảnh của chữ Trầm.

Có lần tôi gặp một người sinh viên Việt Nam du học tại Úc Châu. Em đọc một số bài tôi viết về biến cố 75 và đời tỵ nạn, khi thuyền lênh đênh trên biển, những kinh nghiệm gặp gỡ ngư phủ Thái, những hung tàn trên khoang thuyền gỗ, những tàn nhẫn nhân gian không gặp trong cơn ác mộng. Em hỏi tôi,

— Những chuyện chú viết về thuyền nhân là chuyện thật hay là giả tưởng vậy?

Tôi không tin vào tai mình, cứ tưởng như có người hỏi, “Chuyện Hitler và lò hơi ngạt là chuyện thật hay giả tưởng vậy?”

Cái thời của chữ Trầm nó thấm sâu và bùi ngùi với câu hỏi của người trí thức tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm đó. Câu hỏi vẫn đi theo tôi. Khi có dịp, tôi lại nhắc lại câu hỏi của em với người Việt và người ngoại quốc. Những hương hồn của thiếu nữ Việt Nam bỏ mình trên biển. Bạn tôi nằm ngủ yên trên nghĩa trang Khu F của đảo Bidong. Bao nhiêu thân xác Việt Nam đã chìm sâu trong lòng biển và gục ngã trên đường bộ. Xác thịt đã tan, xương trắng đã biến mất, nhưng linh hồn của họ vẫn còn đó, vẫn còn anh linh hiển hiện trong cõi muôn trùng. Và riêng tôi, vẫn còn đây, vẫn là một nhân chứng cho một thời của chữ Trầm.

Nhưng cuối cùng chữ Trầm rồi cũng chuyển mình, từ sâu hóa bướm, hóa ra chữ Thăng.

Trận hồng thuỷ trong trang sử Việt mang nhiều mảnh đời Việt Nam trôi dạt sang xứ người. Nhiều sinh mạng đã bỏ mình trên đường bộ và đường biển. Nhưng cũng nhiều sinh mạng đã đặt chân tới bờ.

Sau những ngày tháng vật vờ tại trại tỵ nạn Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Hồng Kông, những người sống sót không tuyệt vọng, nhưng âm thầm và kiên nhẫn làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.

Rồi thương xá Việt: Little Saigon, Thung Lũng Hoa Vàng.
Rồi con cái Việt lớn lên hoặc sinh ra trên vùng đất mới, vươn vai cao lớn, sắc son giữ gìn truyền thống Việt Nam.
Rồi những thành tựu mới tinh khôi trên vùng đất mới.
Rồi niềm tin vào mình và vào người, niềm tin vững vàng.
Rồi niềm hy vọng vào một ngày mai, hy vọng tràn trề.

Cộng đồng Việt Nam hải ngoại như rồng vàng Thăng Long ngày nào vươn cao, chuyển mình thay đổi.
Thành công của cộng đồng Việt Nam hải ngoại sau biến cố 75 là một điều không thể từ chối.

Ngày 30 tháng 4 năm 75, anh tôi, lính Thủy Quân Lục Chiến bước chân lên tàu di tản tại bến cảng Vũng Tàu ngay giờ phút Sài Gòn hấp hối. Mấy năm sau, nhờ những thước vải và hộp thuốc tây anh gửi về, gia đình tôi cầm cự với cơm trộn bo bo và khoai sắn.

Năm 82, sau những hãi hùng với biển và người, thuyền tôi dừng lại tại bến cảng Mã Lai.
Năm 87, mẹ tôi, chị và em đường bộ đặt chân tới đất Thái.

Giờ này Thung Lũng Hoa Vàng trở thành quê hương thứ hai (riêng Mẹ tôi, quê hương thứ ba). Nơi đó, thế hệ thứ ba và thứ tư của gia đình tôi đang vươn cao hóa ra thiếu nữ thanh niên, vừa nói tiếng Việt giọng Bắc vừa nói tiếng Anh giọng Mỹ. Cháu tôi đọc bài tôi viết, và không bao giờ hỏi tôi chuyện đó chuyện thật hay giả tưởng, bởi chính bố mẹ các cháu là nhân chứng cho một giai đoạn của chữ Trầm.

Biến cố tháng 4 năm 1975 sẽ được ghi lại trên trang sách lịch sử Việt Nam. Hậu thế Việt Nam sẽ đánh giá và nhận xét về một giai đoạn đánh dấu bằng hai cột mốc: Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước năm 1954 và Hiệp Định Paris dẫn tới biến cố năm 1975. Nhận xét và đánh giá ra sao, không ai biết. Nhưng mỗi lần tháng 4 quay về trên những trang lịch, người Việt hải ngoại vẫn nhắc nhở nhau những câu chuyện của một thời, thời của chữ Trầm. Riêng đối với tôi, nhắc để nhớ và trên hết tất cả hy vọng tôi học được một bài học quý giá cho riêng mình để chữ Trầm sẽ không bao giờ lập lại thêm một lần nữa.

Ngày 30 tháng 4, như một thường lệ vẫn quay về trên những trang lịch. Tờ lịch 30 tháng 4 hằng năm nhắc nhở người Việt một thời bể dâu và cũng là dấu mốc thành công của cộng đồng hải ngoại. 30 Tháng 4 của ngày hôm nay là của chữ Trầm và trên tất cả cũng là của chữ Thăng.

Nguyễn Trung Tây – 30/4
 
Bài học Sống – Chết
Đinh Văn Tìến Hùng
14:44 25/04/2020
Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4/75-
Nguyện cầu hạnh phúc đến với Dân tộc VN thân yêu.

-Ngày Quốc Hận vết đen trang sử Việt,
Bày quỉ đỏ chốn rừng núi ào về,
Gieo tang tóc thành thị đến thôn quê,
Bao chiến sĩ hy sinh đền nợ nước !

-Ngày Quốc Hận vẫn dày vò thân xác,
Lời Núi Sông luôn vang vọng tâm hồn,
Tổ Tiên xưa quyết chống Tàu giữ Nước,
Con cháu nay phải dẹp Cộng dựng Nhà.

- Xin dùng bài thơ ‘ Sống-Chết ‘của chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu bày tỏ khi phách trong cuộc sống thà ‘Chết vinh hơn sống nhục’ Và dạy cho tà quyền Việt cộng bài học nhân tưởng niệm ngày Quốc Hân.

*Sống.

“Sống tủi làm chi đứng chật trời,
Sống nhìn thế giới hổ chăng ngươi.
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười,
Sống tưởng công danh không tưởng nước,
Sống lo phú quí chẳng lo đời,
Sống mà như thế đừng nên sống,
Sống tủi làm chi đứng chật trời.

*Chết.

“Chết mà vì nước chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần,
Chết buổi Đông Chu hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân,
Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương phách hóa thần,
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước chết vì dân “
Phan Bội Châu

- Cũng mạo muội mượn ý thơ của cụ Sào Nam
để ghi nhớ công ơn các chiến sĩ QLVNCH đã
hy sinh cho Tổ Quôc thân yêu :

*Sống.

Sống đứng hiên ngang giữa đất trời,
Sống trong lửa đạn vẫn tươi cười,
Sống mong Dân tộc được no ấm,
Sống muốn Tổ quốc phải đẹp tươi.
Sống tỏ hào hùng trai Đất Việt,
Sống nêu trung liệt gái Nước Nam,
Sống mà như thế thật đáng sống,
Sống đứng hiên ngang giữa đất trời.

*Chết.

Chết đền nợ nước chết vì dân,
Chết đem hạnh phúc chẳng ngại ngần,
Chết không luyến tiếc vòng danh lợi,
Chết nhẹ lông hồng quên xác thân.
Chết hùng tử sĩ ngoài trận địa,
Chết vinh ngưỡng phục của toàn dân,
Chết mà như thế ôi đẹp quá,
Chết đền nợ nước chết vì dân !


- Đồng thời để cảnh báo bọn cầm quyền Cộng Sản Việt Nam là những kẻ “Sống hèn chết nhục’:

*Sống.

‘Sống nhục làm chi trên cõi đời,
Sống mà luồn cúi hổ chăng ngươi,
Sống làm nộ lệ cho Tầu Cộng,
Sống kiếp ngựa trâu chẳng phải người,
Sống bóc lột dân quên Tổ Quốc,
Sống mua chức tước ngất ngưởng ngồi,
Sống tham vơ vét cho đầy túi,
Sống nhục làm chi trên cõi đời ! ‘

*Chết.

Chết mà cả nước vỗ tay cười,
Chết giống cáo chồn lũ chuột hôi,
Chết chẳng yên thân tiền bạc tỉ,
Chết không nhắm mắt cướp của người,
Chết trong ô nhục lời nguyền rủa,
Chết nợ Núi Sông bán mất rồi,
Chết chẳng ai thương ai nhắc nhớ
Chết mà cả nước vỗ tay cười.

Đinh văn Tiến Hùng





 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền:Thác Đổ Trên Ngàn
Dominic Đức Nguyễn
14:52 25/04/2020
THÁC ĐỔ TRÊN NGÀN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Ta là thác nước hồn nhiên
Cất cao điệp khúc giữa miền núi non
Say sưa giai điệu... chẳng còn
Nghe phiền muộn trổ nụ buồn hư hao
(Trích thơ của Thủy Trang)
 
VietCatholic TV
Bằng chứng coronavirus là nhân tạo. Chiến tranh khó tránh. ĐTC cầu nguyện cho những người mai táng
Giáo Hội Năm Châu
03:39 25/04/2020

1. Khoa Học Gia Lãnh Giải Nobel 2008 cho rằng Cúm Tầu là nhân tạo!

Giáo sư Luc Montagnier là nhà virus học nổi tiếng hàng đầu thế giới, từng được trao giải Nobel Y khoa năm 2008. Ông cũng là Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp - và là nhà nghiên cứu của Viện Pasteur Pháp. Vào năm 1983, cùng với 2 nhà khoa học khác đã nghiên cứu và tìm ra virus HIV gây bệnh SIDA, và đã được trao giải Nobel Y khoa năm 2008 cho công trình này.

Trên tờ Connexion số ra ngày 23 tháng Tư, Giáo sư Luc Montagnier vừa công bố kết quả nghiên cứu của ông theo đó dịch cúm Tầu, được Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, gọi bằng một tên khác là COVID-19, chắc chắn là NHÂN TẠO, do con người chế tạo ra bằng các kỹ thuật chuyên môn trong phòng thí nghiệm.

Ông đã tìm ra một đoạn gen của HIV virus trong coronavirus. Gen HIV virus không thể xâm nhập vào coronavirus một cách tự nhiên, nhưng do chính con người cố tình và chủ ý tạo ra bằng các kỹ thuật biến đổi gen!

Ai lén lút nghiên cứu tạo ra loại virus có khả năng hủy diệt cả bao nhiêu mạng sống trên khắp toàn cầu như thế này thì phạm vào tội ác chống nhân loại, bất kể họ cố tình gieo rắc hay do sơ xuất mà gây thành đại dịch như hiện nay.

Trước đây người ta cũng nêu ra chuyện này nhưng không có cơ sở, chỉ là nghi vấn thôi nên không đáng tin cậy và không chính phủ nào thực sự có phản ứng.

Trong video này, Giáo sư Montagnier nói rằng ông là nhà khoa học và không đứng về phe nào hay có chủ ý nói ai là người đã tạo ra virus này với mục đích gì, mà chỉ xác quyết một sự thật đó là coronavirus là nhân tạo.

Theo Giáo sư Montagnier, trước ông, đã từng có một nhóm các nhà Khoa học Ấn độ đã nghiên cứu coronavirus và tiến rất gần đến cùng kết quả này, nhưng khi nhóm các nhà khoa học Ấn muốn công bố thì đã chịu sức ép bắt phải rút lại.

“Tuy nhiên tôi là nhà nghiên cứu tự do, tôi cũng từng được trao giải Nobel Y khoa nên tôi không dễ bị bắt nạt,” Giáo sư Mongtanier nói.

Ông nhận xét rằng “Sự lừa dối đi bằng thang máy còn sự thật thì đi bộ. Tuy cần thời gian nhưng cuối cùng thì sự thật sẽ luôn luôn đến đích”



Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người làm công việc mai táng trong thời đại dịch kinh hoàng này

Lúc 7 sáng thứ Bẩy 25 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ kính thánh Máccô Thánh Sử, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người làm việc trong dịch vụ mai táng, là những người tháp tùng các nạn nhân của coronavirus đến tận huyệt mộ của họ, và hết ngày này sang ngày khác phải chứng kiến những cảnh buồn thảm và những nỗi buồn.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho những người thực hiện các dịch vụ tang lễ. Những gì họ làm là rất đau đớn, rất buồn và họ cảm thấy nỗi đau của đại dịch này rất gần. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã bình luận về Tin Mừng hôm nay (Mc 16: 15-20), trong đó Chúa Giêsu phục sinh xuất hiện trước các môn đệ, kêu gọi các ngài đi khắp thế giới để loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

PHÚC ÂM: Mc 16: 15-20

“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.

Bài kết thúc Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, Giáo hội cử hành lễ kính Thánh Máccô, một trong bốn Thánh Sử, rất thân với thánh tông đồ Phêrô. Phúc Âm theo thánh Máccô là Phúc Âm đầu tiên được viết. Thật đơn giản, một phong cách đơn sơ, rất gần gũi. Nếu anh chị em có một chút thời gian ngày hôm nay, hãy cầm Kinh Thánh trong tay và đọc hết cuốn Phúc Âm này. Không dài, nhưng thật vui khi đọc những dòng đơn sơ mà thánh Máccô dùng để kể lại cuộc đời của Chúa.

Và trong bài Tin Mừng hôm này - kết thúc Phúc Âm theo thánh Máccô, những gì chúng ta đã đọc hôm nay là sự gửi gấm của Chúa. Chúa mạc khải mình là Đấng Cứu Thế, là Con Một của Chúa Cha. Điều này được mạc khải cho nhà Israel và cho chư dân, cách riêng và chi tiết hơn cho các tông đồ, cho các môn đệ của Người. Rồi sau đó là sự ra đi của Chúa: “Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Nhưng trước khi lên trời, Người hiện ra với Nhóm Mười Một, và nói với họ: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”. Đó là bản chất truyền giáo của đức tin. Đức tin mà không có bản chất truyền giáo thì không phải là đức tin. Đức tin không chỉ dành cho tôi như thuyết Ngộ đạo chủ xướng. Trước hết và trên hết, đức tin được sinh ra từ những chứng tá trong cuộc sống. Những người có đức tin phải ra khỏi chính mình và thể hiện đức tin “một cách xã hội”. Đức tin phải được truyền đi, phải được loan báo, đặc biệt là qua các chứng tá: Hãy đi, và cho mọi người thấy anh chị em sống như thế nào.

Có một linh mục Âu châu, nói về một thành phố Âu châu: “Có quá nhiều sự bất tín, rất nhiều người theo thuyết bất khả tri ở các thành phố của chúng tôi, bởi vì các Kitô hữu không có đức tin. Nếu họ thực sự có đức tin, họ chắc chắn sẽ trao đức tin ấy cho mọi người.” Bởi vì niềm tin bị mất gốc: “Vâng, tôi là người theo Kitô Giáo, tôi là người Công Giáo, nhưng...”. Như thể đó là một thái độ xã hội. Trong chứng minh thư, bạn được gọi như thế này, thế kia và “Tôi là Kitô hữu”. Đó là một dữ liệu của tờ căn cước. Đó không phải là niềm tin. Đó là một chuyện thuộc về văn hóa. Đức tin nhất thiết phải đưa anh chị em ra ngoài, đức tin phải dẫn anh chị em đến việc trao ban, bởi vì đức tin phải được loan truyền. Đức tin không thể lặng lẽ. “Ah, tôi hiểu rồi, ý cha là tất cả chúng ta phải là những nhà truyền giáo và phải đi đến những đất nước xa xôi chứ gì?”. Không, đây chỉ là một phần của bản chất truyền giáo. Điều này có nghĩa là nếu anh chị em thực sự có đức tin, anh chị em nhất thiết phải vươn ra khỏi chính mình, anh chị em phải thoát ra khỏi chính mình, và thể hiện đức tin một cách xã hội. Đức tin phải dành cho tất cả mọi người: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật”. Và điều này không có nghĩa là chiêu dụ tín đồ, như thể mời gọi người ta vào một đội bóng hoặc một tổ chức bác ái. Không, đức tin không phải là chiêu dụ. Đức tin là thể hiện mặc khải, để Chúa Thánh Thần có thể tác động nơi mọi người với các chứng tá như một chứng nhân phục vụ. Phục vụ là một cách sống: nếu tôi nói rằng tôi là Kitô hữu và tôi sống như một người ngoại đạo, thì không đi đến đâu! Điều này không thuyết phục được ai. Nếu tôi nói rằng tôi là một Kitô hữu và sống như một Kitô hữu, điều này sẽ thu hút. Đó là chứng tá.

Một lần, ở Ba Lan, một sinh viên đại học hỏi tôi: “Nhưng ở trường đại học con có nhiều bạn là người vô thần. Con phải nói gì với họ để thuyết phục họ?” – “Đừng nói gì, con thân yêu ạ, đừng nói gì! Nói là điều cuối cùng con cần phải làm. Hãy bắt đầu sống và khi họ nhìn thấy chứng tá của con, họ sẽ hỏi con: ‘Nhưng tại sao bạn lại sống được như thế này?’ Đó là lúc để nói. Loan truyền đức tin không phải là thuyết phục nhưng là trao ra một kho báu. Đức tin phải đi kèm với sự khiêm nhường, như Bài Đọc Một trích từ Thư thứ nhất của Phêrô nói hôm nay, tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường để đối xử với nhau (1 Pt 5: 5-14). Thiên Chúa chống lại sự kiêu hãnh, nhưng ban ân sủng cho những người khiêm nhường. Đã bao nhiêu lần trong Giáo hội, trong lịch sử, các phong trào, các nhóm những người nam nữ được hình thành để thuyết phục đức tin, cải đạo... Họ là những người đi chiêu dụ không phải là những người loan báo Tin Mừng.

Để kết luận Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Người đời rao truyền các trong ý thức hệ thì phải cần đến những “bậc thầy”, khi chúng ta loan truyền đức tin thì ai cũng làm được vì luôn có Chúa ở cùng chúng ta. Chúa giúp chúng ta sống một đức tin với sự cởi mở, với những cánh cửa trong suốt mang lại ơn cứu rỗi cho tha nhân.

 
COVID-19: Trung Quốc phải bồi thường nhiều ngàn tỷ Mỹ Kim hoặc phải đối diện với chiến tranh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:31 25/04/2020


1. Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit bênh vực một linh mục dâng lễ có giáo dân tham dự

Tính cho đến sáng thứ Bẩy 25 tháng Tư, tử vong tại Pháp đã lên đến 22,245 người, trong số 159,828 trường hợp nhiễm coronavirus.

Trong một diễn biến đang gây xôn xao dư luận tại Pháp, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã tố cáo sự can thiệp của các cảnh sát vũ trang tại một nhà thờ ở Paris trong một thánh lễ.

Cảnh sát vũ trang đã xông vào một nhà thờ ở Paris vào hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư sau khi một người hàng xóm kế bên nhà thờ đã thông báo cho các quan chức thực thi pháp luật về một “thánh lễ bí mật”.

Sáng Chúa Nhật ngày 19 tháng 4, Cha Philippe de Maistre đang cử hành thánh lễ tại giáo xứ Saint-André-de-l'Europe, nằm ở quận 8, Paris, thì cảnh sát vũ trang bước vào nhà thờ ra lệnh cho ngài dừng lại. Cha Philippe de Maistre đã không chấp hành và tiếp tục dâng thánh lễ.

Kể từ khi lệnh cách ly có hiệu lực, giáo xứ đã đề nghị anh chị em giáo dân theo dõi các thánh lễ trên Youtube và Facebook. Cha Philippe de Maistre đang cử hành thánh lễ phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội, khi cảnh sát vào nhà thờ với đầy đủ súng ống. Ngài giải thích tình huống lúc đó với tờ Le Figaro như sau.

“Chúng tôi có bảy người: bản thân tôi, một người giúp lễ, một ca viên, một người chơi đàn organ và ba giáo dân để thưa gởi và đọc sách thánh. Giữa thánh lễ, ba cảnh sát vũ trang bước vào nhà thờ. Tuy nhiên, theo luật của Pháp, cảnh sát chỉ được phép vào nhà thờ theo yêu cầu của linh mục giáo xứ, hoặc nếu trật tự công cộng bị đe dọa.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit, Tổng Giám mục Paris, đã lên án mạnh mẽ cách hành xử của cảnh sát với Đài phát thanh Notre Dame. Ngài nói:

“Chúng ta đang ở một thời kỳ khá đặc biệt, gợi lại những thời kỳ nhất định của nước Pháp không mấy vui vẻ gì, chẳng hạn như thời Chiếm Đóng. Hôm Chúa Nhật vừa qua cảnh sát trang bị súng ống đã bước vào một nhà thờ. Trong thánh lễ Chúa Nhật đó chỉ có một linh mục, và vài người phụ giúp ngài. Thế rồi, một người hàng xóm, rõ ràng là quá tử tế như bạn có thể tưởng tượng ra, đã gọi cảnh sát và nói rằng ‘có một thánh lễ bí mật’. Không có bí mật gì cả! Có một thánh lễ, bởi vì thánh lễ được cử hành mỗi ngày. Chúng tôi vẫn có quyền cử hành thánh lễ với một số tối thiểu người tham dự để tránh lây lan. Tôi cử hành Thánh lễ mỗi Chúa Nhật, và thậm chí mỗi ngày.”

“Vấn đề là đột nhiên cảnh sát vào nhà thờ vũ trang đầy đủ vũ khí. Tuy nhiên, cảnh sát chính thức bị cấm không được nhà thờ với vũ khí. Không có kẻ khủng bố nào ở đó. Bạn phải giữ đầu óc tỉnh táo và ngăn chặn trò xiếc này. Chúng tôi sẽ nói và trong trường hợp bị cô lập này, sẽ gào lên rất to.”

Bộ Nội vụ Pháp nói với tờ L’Express rằng các thừa tác viên có thể cử hành thánh lễ trực tuyến “nhưng đằng sau cánh cửa đóng kín. Các thừa tác viên có thể được một số người giúp đỡ, nếu cần thiết, và với số lượng nhỏ nhất có thể được để ghi lại buổi lễ.”

Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit là hoàn toàn trái ngược với phản ứng của Đức Cha Antonio Napolioni của giáo phận Cremona. Trong một tình huống tương tự, 12 giáo dân vừa mất người thân vì coronavirus đã đến tham dự thánh lễ tại nhà thờ San Pietro Apostolo, trong thành phố Gallignano, thuộc giáo phận Cremona.

Cảnh sát đã làm gián đoạn thánh lễ và yêu cầu cha Lino Viola đuổi anh chị em giáo dân ra khỏi nhà thờ. Ngài từ chối và giải thích rằng trước hoàn cảnh của họ thê thảm như thế “Tôi là ai mà yêu cầu người ta ra khỏi nhà thờ? Thật không phải là con người khi bảo họ đi ra.”

Mỗi tín hữu tham dự trong Thánh lễ này bị phạt €280, riêng cha Viola bị phạt đến €680.

Đức Cha Antonio Napolioni đã không hỗ trợ linh mục của ngài và đã trách Cha Viola “không tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến tình trạng khẩn cấp, và lệnh cấm cử hành các Thánh Lễ có sự hiện diện của các tín hữu.”



2. Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, kêu gọi tái tục các thánh lễ

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý đã viết một bức thư kêu gọi tái tục các Thánh lễ Chúa Nhật khi đất nước này bắt đầu nới lỏng các hạn chế di chuyển và tụ tập để ngăn chặn sự lây lan coronavirus.

“Đã đến để tái tục việc cử hành các Thánh lễ Chúa Nhật, các lễ tang, rửa tội và tất cả các bí tích khác, theo các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh đối với các cuộc tụ họp của nhiều người ở những nơi công cộng,” Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti của tổng giáo phận Perugia đã viết như trên trong một lá thư gửi cho giáo phận của ngài hôm 23 tháng Tư.

Các thánh lễ có dân chúng tham dự đã bị đình chỉ trên khắp nước Ý trong gần bảy tuần qua sau khi chính phủ Ý ban hành sắc lệnh ngày 8 tháng 3 đình chỉ tất cả các nghi lễ tôn giáo công cộng, bao gồm cả các tang lễ.

Hôm 21 tháng Tư, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho biết chính phủ sẽ công bố kế hoạch vào cuối tuần này về việc Ý sẽ từ từ dỡ bỏ các hạn chế di chuyển và tụ tập để ngăn chặn sự lây lan coronavirus và mở lại các doanh nghiệp sau ngày 3 tháng Năm. Kế hoạch này cũng cho biết khi nào các cuộc tụ họp công khai của các tôn giáo sẽ có thể tiếp tục.

Một tuyên bố ngày 15 tháng 4 từ Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết các giám mục ở Ý đã thảo luận với chính phủ, để xác định một chính sách liên quan đến việc cử hành phụng vụ cho các tín hữu với ít hạn chế hơn.

Theo Đức Hồng Y Bassetti, “Tình huống mà thế giới đang trải qua gây căng thẳng cho mỗi con người và cả các cộng đồng Kitô giáo, như một thực thể nhân loại. Giáo Hội Công Giáo, nói riêng, đang phải đối mặt với một tình huống chưa từng có.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh trong thư của ngài rằng việc đình chỉ các Thánh lễ công khai là một thời gian mà giáo dân được kêu gọi trưởng thành trong đức tin của họ. Trách nhiệm của giáo dân là suy niệm lời Chúa và cầu nguyện các giờ kinh Phụng vụ trong nhà của mình. Đó là điều phù hợp với chiều kích tư tế trong phép Rửa Tội.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết mọi người đã phản ứng với thử thách này bằng sự quảng đại, sáng tạo và dũng cảm. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng, việc theo dõi các thánh lễ trên mạng thông qua việc phát trực tuyến không giống như việc hiện diện trong Thánh lễ, là “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu”.

“Những gì chúng ta đang trải qua hôm nay chắc chắn là một giờ phút khủng hoảng; Từ ngữ ‘crisi’ - ‘khủng hoảng’ theo nghĩa sâu sắc của từ này, từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là ‘giudizio’ - ‘phân định’ - một cơ hội để đánh giá thực tại và cuộc sống của chúng ta, và đưa ra các lựa chọn,” Đức Hồng Y Bassetti nói.

Ngài kết luận rằng “Trong giờ phút này của lịch sử, Chúa mặc khải cho chúng ta về những gì chúng ta thực sự là, và những gì chúng ta thực sự đáng tin tưởng.”



3. Cha Federico Lombardi : Vai trò của truyền thông trong cuộc khủng hoảng hiện nay

Cha Federico Lombardi là linh mục dòng Tên, đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 bổ nhiệm làm Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh từ ngày 11 tháng 7 năm 2006, thay thế Tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls, một giáo dân đã giữ chức vụ này trong 22 năm. Cha Lombardi cũng lãnh đạo Đài phát thanh Vatican và Trung tâm Truyền hình Vatican. Ngài đã đảm nhận cả ba trọng trách này trong hơn 10 năm cho đến khi xin nghỉ hưu vì tuổi tác từ ngày 31 tháng 7 năm 2016.

Vatican News vừa công bố bài đầu tiên trong một loạt các bài viết của ngài với chủ đề “Sống qua thời khủng hoảng”. Bài đầu tiên có tựa đề “Empty piazzas, filled spaces” – “Các quảng trường trống không, các không gian đầy ắp”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của Kim Thúy.

Trong thời kỳ này, hàng triệu và hàng triệu người ở Ý và trên thế giới đã và đang theo dõi, những khoảnh khắc cầu nguyện do Đức Giáo Hoàng chủ sự thông qua truyền hình và các phương tiện truyền thông xã hội. Đó là một mức độ lắng nghe thật phi thường. Và không có gì lạ. Với mỗi khía cạnh của sự tham gia thể chất và các mối quan hệ mà chúng ta phải từ bỏ, tình huống này tự nhiên khiến chúng ta phải bù đắp bằng những giao tiếp thông qua các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, tình huống này khiến chúng ta phải đi tìm những từ ngữ và hình ảnh đáp ứng kỳ vọng sâu sắc của chúng ta về niềm an ủi, niềm khắc khoải tìm kiếm ánh sáng trong thời gian đầy những bóng tối, cũng như niềm cậy trông trong thời buổi đầy những bất định.

Năm 2013, khi Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu cử hành thánh lễ buổi sáng tại Santa Marta với một nhóm tín hữu - một trong những đổi mới đầu tiên và đặc trưng nhất trong triều giáo hoàng của ngài – thì có một yêu cầu được đưa ra ngay lập tức từ TV 2000, là đài truyền hình do Hội đồng Giám mục Ý điều hành. Họ xin được truyền hình trực tiếp các thánh lễ này để một tầng lớp khán giả rộng lớn hơn có thể theo dõi khoảnh khắc cầu nguyện cảm động đó với Đức Giáo Hoàng. Tôi nhớ rõ rằng tại thời điểm năm 2013 đó, điều này đã được thảo luận với chính Đức Giáo Hoàng và yêu cầu trên đã được xem xét. Kết luận sau đó là không phát trực tiếp các Thánh lễ đó, bởi vì, không giống như các cử hành công khai, Đức Thánh Cha muốn giữ một đặc tính thân mật và riêng tư, đơn giản và tự phát hơn, trong đó chủ tế và cộng đoàn không cảm thấy rằng họ đang ở trước mắt thế giới. Chắc chắn, có thể phát sóng các hình ảnh nổi bật và ngắn gọn về bài giảng và Phụng vụ, nhưng không thể phát sóng toàn bộ. Trên thực tế, có nhiều dịp khác, trong đó một số lượng lớn khán giả có thể theo dõi Đức Giáo Hoàng, khi ngài cố ý nói với không chỉ những người có mặt, mà cả một lượng khán giả lớn hơn nhiều được kết nối bằng các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Bây giờ tình hình đã thay đổi. Không có cộng đoàn các tín hữu ở Santa Marta, thậm chí một nhóm nhỏ cũng không có. Ngoài ra, Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng - mà ngài cử hành gần như chỉ có một mình - được truyền hình trực tiếp và được theo dõi bởi là một số lượng rất lớn người xem. Họ nhận được sự thoải mái và an ủi, họ tham gia với ngài trong lời cầu nguyện và được ngài mời gọi “hiệp thông thiêng liêng” bởi vì họ không thể nhận được Mình Máu Thánh Chúa Kitô một cách bí tích. Mầu nhiệm được cử hành là như nhau, nhưng cách tham gia vào việc cử hành đã thay đổi. Trong bài giảng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô thích nhìn vào mắt những người có mặt và đối thoại với họ. Bây giờ ánh mắt và giọng nói của ngài được truyền đi qua trung gian công nghệ thông tin, nhưng những ánh mắt và lời nói của ngài vẫn có thể chạm đến những con tim. Cộng đoàn không còn hiện diện về mặt thể lý nữa, nhưng họ vẫn ở đó, và thực sự, thông qua cá nhân của vị chủ tế, được hợp nhất chung quanh Chúa là Đấng đã chết và đã sống lại.

Kinh nghiệm của Đức Giáo Hoàng khi nói và cầu nguyện trong Đền Thờ Thánh Phêrô và thậm chí trước quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống rỗng cũng tương tự như thế, và thậm chí còn mạnh hơn nữa. Đã bao nhiêu lần trong những năm qua, chúng ta thấy mình tung ra những con số đầy ấn tượng hơn bao giờ hết về sự hiện diện của các tín hữu: 50, 100, 200 nghìn người... lấp đầy Quảng trường, thậm chí tràn ra khắp Đại Lộ Hòa Giải, và có những lúc vươn đến tận Sông Tiber... Có những cuộc tụ họp đông đến mức không đếm nổi... Trong thế kỷ qua, chúng ta đã học được cách dần dần thêm vào sự hiện diện thể lý này, nhiều người khác, nhờ radio, rồi truyền hình, rồi các công cụ truyền thông mới, và đã mở rộng các cuộc tụ họp đó đến các phần khác nhau của thế giới. Cách riêng là trong các buổi ban phép lành Urbi et Orbi, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, với lời chúc mừng Giáng sinh và Phục sinh bằng hàng chục ngôn ngữ, đã giúp chúng ta hiểu rằng cộng đoàn được tập hợp tại quảng trường Thánh Phêrô là trung tâm, trung tâm của một cuộc tụ họp lớn hơn rất nhiều, lan rộng khắp tất cả các châu lục, được hợp nhất bởi mong muốn lắng nghe một thông điệp cứu rỗi, nhờ tiếng nói của Đức Giáo Hoàng.

Bây giờ chúng ta thấy Quảng trường hoàn toàn trống rỗng, nhưng cộng đoàn lớn hơn vẫn hiện diện về mặt tinh thần, chứ không phải về mặt thể lý, và có lẽ thậm chí còn nhiều hơn và đoàn kết mạnh mẽ hơn so với các dịp khác. Vào thời điểm này, chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có thể có mặt ở quảng trường Thánh Phêrô, cũng như trong Nhà nguyện Santa Marta. Tuy nhiên, Giáo hội, là cộng đoàn phổ quát của các tín hữu, thực sự được kết hợp mạnh mẽ nhờ các liên kết rất sâu sắc bắt nguồn từ đức tin và trong trái tim con người.

Quảng trường trống rỗng, nhưng trong sự trống rỗng của nó, người ta nhận thấy sự hiện diện rất mãnh liệt và sự giao thoa giữa các mối quan hệ tinh thần của tình yêu, lòng trắc ẩn, đau khổ, mong muốn, ước vọng, và hy vọng... Đó là một dấu chỉ mạnh mẽ sự hiện diện của Thánh Linh là Đấng liên kết “Nhiệm thể” Chúa Kitô: một thực tại thiêng liêng tự thể hiện chính mình khi cộng đoàn kết hợp và hiện diện một cách thể lý, nhưng không bị ràng buộc và giới hạn trong sự hiện diện thể lý, và lạ lùng thay, trong những ngày này, lại được trải nghiệm một cách mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn. Chúa Giêsu đã từng nói với ông Nicôđêmô, là người đã đến gặp Người vào ban đêm: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”.

Source:Vatican News


4. Tiểu bang Missouri đòi Tầu Cộng bồi thường tổn thất thiệt hại vì coronavirus, sơ khởi 44 tỷ Mỹ Kim

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Fox Business hôm thứ Sáu 24 tháng Tư, Ông Eric S. Schmitt, Bộ trưởng Tư Pháp thứ 43 của Missouri kể từ năm 2019 đến nay, cho biết Trung Quốc phải đền cho tiểu bang của ông 44 tỷ Mỹ Kim.

Theo ông Schmitt, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về từng cái chết, từng tổn thất tài chính trong kinh doanh, và trong các chi phí y tế gây ra bởi đại dịch coronavirus kinh hoàng tại tiểu bang Missouri.

Ông nói rằng khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 12 và tháng Giêng, đã ra lệnh dừng việc thử nghiệm các mẫu mới và phá hủy các mẫu hiện có, đồng thời chặn đứng tất cả những ai cố gắng cảnh báo với thế giới. Nó đã bắt những người tố giác, và cho phép hàng ngàn người rời khỏi Vũ Hán, và ra nước ngoài sau khi nó đã rõ ràng rằng một căn bệnh truyền nhiễm rất cao đã bùng phát ở đó.

Chính quyền Trung Quốc đã tham gia vào một chiến dịch lừa dối, các nhà chức trách không có những hành động cần thiết, dẫn đến loại virus độc ác này lan rộng trên toàn cầu. Và Missouri đã không tránh khỏi điều đó.

Khi được hỏi nếu Trung Quốc không đền thì sao? Ông Schmitt nói với “Họ sẽ phải đền” và thêm rằng đó mới chỉ là số tiền sơ khởi dựa trên các thống kê cho đến nay.

Hiệp hội Henry Jackson, gọi tắt là HJS, gồm các phân tích gia chiến lược của Anh, nói với tờ Daily Mail rằng Trung Quốc nợ nước Anh 3.2 ngàn tỷ bảng Anh, tức là khoảng 4 ngàn tỷ Mỹ Kim thiệt hại kinh tế. HJS cho biết thêm là nếu tính chung các thiệt hại về y tế, chưa kể tổn thất nhân mạng, là điều không thể quy ra tiền, Trung Quốc nợ nước Anh 5.2 ngàn tỷ bảng Anh, tức là khoảng 7 ngàn tỷ Mỹ Kim.

Chương trình 60 minutes tối thứ Sáu 24 tháng Tư cho biết Úc cũng đang tính toán các tổn thất để đòi Trung Quốc phải bồi thường.

 
Thư Đức Thánh Cha gởi tất cả các tín hữu Công Giáo trên thế giới và các kinh nguyện mới do ngài soạn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:02 25/04/2020


Hôm thứ Bẩy 25 tháng Tư, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố lá thư sau của Đức Thánh Cha gởi tất cả các tín hữu trên toàn thế giới. Đính kèm với lá thư này là hai Kinh Nguyện để cầu cùng Đức Mẹ sau khi lần chuỗi Mân Côi.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Anh chị em thân mến,

Tháng Năm đã gần đến, là thời gian mà Dân Chúa bày tỏ tình yêu và lòng sùng kính của mình đối với Đức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt sốt sắng. Đọc kinh Mân Côi tại nhà chung trong gia đình là truyền thống trong tháng này. Những hạn chế vì trận đại dịch còn khiến chúng ta cảm kích hơn nữa khía cạnh “gia đình” này, kể cả về phương diện thiêng liêng.

Vì thế tôi muốn khích lệ mọi người tái khám phá vẻ đẹp của việc đọc kinh Mân Côi tại nhà trong tháng Năm. Chúng ta có thể đọc kinh chung với nhau, hay đọc riêng; anh chị em hãy quyết định tùy theo hoàn cảnh, tận dụng tối đa cả hai cơ hội ấy. Bí quyết để thực hiện điều này luôn là sự đơn sơ; và rất dễ tìm các mẫu cầu nguyện tốt để làm theo ngay cả trên internet.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị với anh chị em hai kinh nguyện với Đức Mẹ mà anh chị em có thể đọc vào cuối kinh Mân Côi, và chính tôi sẽ đọc trong tháng Năm này, trong sự hiệp nhất thiêng liêng với anh chị em. Tôi gửi kèm hai kinh nguyện ấy cùng với thư này để thuận tiện cho mọi người.

Anh chị em thân mến, chiêm ngắm gương mặt Chúa Kitô cùng với trái tim Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, sẽ làm cho chúng ta hiệp nhất hơn nữa như một gia đình thiêng liêng và sẽ giúp chúng ta vượt qua thời gian thử thách này. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, đặc biệt cho những người đau khổ nhất, và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Tôi chân thành cám ơn anh chị em và chúc lành cho anh chị em.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 25 tháng Tư 2020

Lễ Thánh Máccô thánh sử

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

Kinh nguyện thứ nhất

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.

Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.

Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần và chúng con chắc chắn rằng Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.

Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.

Ngài là Đấng đã gánh lấy trên mình Ngài các nỗi đau của chúng con và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.

Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu dưới sự che chở của Mẹ. Xin chớ chê chớ bỏ lời cầu xin của chúng con đang trong cơn thử thách, và thân lạy Đức Trinh nữ vinh hiển đầy ơn phúc, xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

Kinh nguyện thứ hai

“Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con chạy đến ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ.”

Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, trong tình cảnh bi thương hiện nay, khi toàn thế giới chìm trong khổ đau và lo lắng, chúng con chạy đến với Mẹ và tìm nương ẩn dưới sự chở che của Mẹ.

Lạy Đức Trinh nữ Maria, xin đoái thương ghé mắt từ ái nhìn đến chúng con đang trong đại dịch coronavirus này; xin an ủi những người đang phải bàng hoàng than khóc người thân đã qua đời, đôi khi chỉ được an táng sơ sài khiến họ đau lòng sâu sắc. Xin gần gũi với những ai đang lo lắng cho những người thân yêu bị nhiễm bệnh, và những ai, để tránh lây lan, không thể cận kề bên cạnh. Xin mang đến hy vọng cho những ai đang lo lắng trước một tương lai bấp bênh do các hậu quả đối với kinh tế và công ăn việc làm của đại dịch này.

Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, xin cầu cùng Chúa, là Cha đầy lòng thương xót cho chúng con, để thử thách này chấm dứt, và rạng đông của hy vọng và bình an sẽ lại đến. Xin Mẹ cầu khẩn cùng Con chí thánh của Mẹ, như khi xưa Mẹ đã cầu khẩn cùng Người ở Cana, để gia đình các bệnh nhân và nạn nhân được an ủi; và tâm hồn họ được mở ra với hy vọng và cậy trông.

Xin bảo vệ các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tình nguyện viên, là những người đang ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp này và đang liều mạng sống của mình để cứu những mạng sống khác. Xin nâng đỡ nỗ lực anh hùng của họ và ban cho họ sức mạnh, lòng quảng đại và sức khỏe dồi dào.

Xin cận kề bên những người ngày đêm trợ giúp các bệnh nhân, và xin gần gũi với các linh mục, là những vị với mối quan tâm mục vụ và lòng trung tín với Tin Mừng, đang tìm cách giúp đỡ và trợ giúp tất cả mọi người.

Lạy Đức Trinh nữ đầy ơn phúc, xin soi sáng tâm trí của những người nam nữ dấn thân trong các nghiên cứu khoa học, xin giúp họ tìm ra những giải pháp hiệu quả để khống chế được virus này.

Xin nâng đỡ những nhà lãnh đạo các quốc gia, để với sự khôn ngoan, quan tâm và quảng đại, họ có thể giúp đỡ những người đang thiếu những điều cần thiết căn bản cho cuộc sống, và đề ra được các giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa và với tình liên đới.

Lạy Mẹ Maria rất thánh, xin đánh động lương tâm chúng con để những số tiền khổng lồ thay vì được chi trả cho việc phát triển và thu tích các vũ khí, được dùng để thúc đẩy các nghiên cứu hiệu quả, nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai.

Lạy Mẹ rất yêu dấu, xin giúp chúng con nhận thức được rằng tất cả chúng con là các thành viên của cùng một đại gia đình duy nhất, và ý thức được mối liên hệ hiệp nhất tất cả mọi người, để trong tình huynh đệ và liên đới, chúng con có thể giúp giảm bớt biết bao các tình cảnh nghèo đói và lầm than. Xin cho chúng con kiên vững trong đức tin, bền chí trong phục vụ và liên lỉ trong cầu nguyện.

Lạy Mẹ Maria, Đấng An ủi những người đau khổ, xin ôm lấy các con cái của Mẹ đang u sầu, và xin cầu cùng Chúa để Người vươn cánh tay quyền năng ra giải thoát chúng con khỏi đại dịch khủng khiếp này, để cuộc sống thanh thản có thể trở lại như bình thường.

Lạy Mẹ, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng, chúng con phó thác chúng con cho Mẹ. Ôi Khoan Thay, Nhân Thay, Dịu Thay Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Amen.


Source:Holy See Press Office
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Ở Lại Với Con - Sáng tác: Lm. Nguyễn Hùng Cường - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
01:33 25/04/2020


Ở lại với con, Chúa ơi ! Ở lại với con.
Ngoài kia đêm xuống,bóng tối đã về
Hồn con lo lắng xao xuyến tứ bề,
Chúa ơi con nào biết trông cậy vào ai?!

Ở lại với con Chúa ơi ! Ở lại với con.
Màn đêm u tối không ánh sao rọi
Tìm đâu cho thấy một chốn nương nhờ?!
Chúa ơi con chỉ biết trông cậy Chúa thôi!

Đêm năm canh con cầu khấn Chúa,
Ngày sáu khắc con kêu danh Ngài.
Xin Ngài đừng lánh xa con.
Xin Ngài đứng chối từ con,
Nhưng đoái thương để tai nghe tiếng con van nài.

Ở lại với con,Chúa ơi ! Ở lại với con.
Làm thân lữ khánh nơi chốn quê người,
Buồn thương nhung nhớ che lấp tiếng cười.
Chúa ơi! Xin Ngài hãy ở lại với con.