Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
Bấy giờ, vị thượng tế hỏi các Tông Đồ rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”
Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”
Bấy giờ, họ cho gọi các Tông Đồ lại và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 Kh 5:11-14
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
Tôi là Gio-an, tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. Các vị lớn tiếng hô:
“Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận
phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh,
danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.”
Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô:
“Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên
lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng
đến muôn thuở muôn đời!”
Bốn Con Vật thưa: “A-men.” Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG
Alleluia. Alleluia.
Đức Ki-tô nay đã phục sinh, chính Người đã tạo thành vạn vật và xót thương cứu độ loài người. Alleluia.
TIN MỪNG Ga 21:1-19
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.
Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”
Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”
Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.”
Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
Đó là Lời Chúa.
8. Người đau khổ rơi nước mắt khi nghe giảng đạo là vinh quang của người giảng đạo; nếu không thể làm cảm động lòng người thì sẽ khiến người ta nói con giảng đạo lý cao diệu, giảng nghe rất hay nhưng bài giảng biến thành vô ích.
(Thánh Jerome)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Quan huyện muốn mua vàng nên gọi tiệm vàng đem đến và nói họ đi nhận tiền ở công sở của huyện.
Ông chủ đích thân đưa đến hai đỉnh vàng, và để nịnh nọt quan huyện lão gia nên cười nói:
- “Tính tiền một nửa theo giá thị trường ạ”.
Quan huyện bèn dặn dò tả hữu:
- “Lại đây, cầm một đỉnh trả lại cho nó.”
Nhưng ông chủ tiệm vàng không đi về.
Quan huyện nói:
- “Tiền vàng đã đưa cho ngươi rồi, còn đợi gì nữa?”
Trả lời:
- “Tôi chưa nhận tiền mà !”
Quan huyện nổi giận quát:
- “Tên nô tài này, mày thật láo ! Mày vừa nói rất rõ ràng bán một nữa theo giá thị trường, ta đã đưa cho người một đỉnh, không phải là một nửa giá sao, bay đâu, đuổi nó ra gấp”.
(Tiếu lâm quảng ký)
Suy tư 64:
Tác giả sách Huấn Ca dạy rằng:
“Hãy đứng xa người nắm quyền sinh sát,
thì con sẽ không còn cảm thấy sợ tử thần.
Nếu đến gần nó, thì đừng bất cẩn,
kẻo nó lại cướp mất mạng con” (Hc 9, 13).
Và trong sách Châm Ngôn cũng dạy rằng:
“Khi con ngồi ăn với kẻ có chức quyền,
hãy để ý kỹ người đối diện…”(Cn 23,1).
Ở đời, có rất nhiều người thích chơi với các ông lớn bà lớn, ông quan này bà quan nọ, để hãnh diện khoe với hàng xóm bè bạn; có người thích làm bạn với những người có chức có quyền để lấy le với…bạn gái và hù dọa bà con chơi.
Hãy đọc lời răn dạy của Thiên Chúa qua miệng người khôn ngoan trong sách Huấn Ca và sách Châm Ngôn ở trên để nhắc nhở mình, bằng không thì sinh mạng mình chẳng có giá nào chứ đừng nói là một nửa giá.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin mừng : Ga 21, 1-19
“Đức Chúa Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các môn đệ; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy”.
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã sống lại, đó là niềm tin của chúng ta và đó cũng là một thách đố cho nhân loại ngày xưa cũng như ngày hôm nay, Ngài đã sống lại và đang hiện diện với bạn và tôi trong thánh lễ này trên bàn thờ, khi chúng ta cùng nhau ăn Thịt và uống Máu của Ngài, và đó là dấu hiệu để chúng ta nhận ra chúng ta đều là anh chị em với nhau trong Ngài. Trong niềm xác tín ấy tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm sau đây:
1. Bẻ bánh là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống lại.
Thánh lễ được lập lại mỗi giây mỗi phút trên khắp thế giới, nghĩa là nơi đâu có linh mục công giáo thì ở đó đều có thánh lễ, đó là một bằng chứng cho thấy Đức Chúa Giê-su đã sống lại cách sống động nhất mà Giáo Hội luôn đề cao, và mời gọi các tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ.
Nơi thánh lễ linh mục làm lại cử chỉ mà Đức Chúa Giê-su thường làm với các Tông Đồ đó là cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông ăn. Cử chỉ này Đức Chúa Giê-su đã làm trước khi chịu chết, và Ngài vẫn làm sau khi từ cõi chết sống lại, và sẽ được Giáo Hội của Ngài –Giáo Hội Công Giáo- tiếp tục làm (bẻ bánh) cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đó là hiến tế tạ ơn –thánh lễ-.
Đức Chúa Giê-su đã sống lại, và tấm bánh mà chúng ta ăn chính là Mình Thánh sống động của Ngài, vì sống động, nên trở thành động lực thúc đẩy những ai ăn và uống Mình Máu Thánh ấy phải trở nên những công cụ sống động phục vụ tha nhân, theo ý muốn của Đấng đã từ cõi chết sống lại là yêu thương và phục vụ lẫn nhau, như Ngài đã rửa chân phục vụ các môn đệ của mình.
2. Phục vụ là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống lại.
Đức Chúa Giê-su đã sống lại, Ngài nướng bánh và cá để phục vụ bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm đánh cá mệt mỏi, Ngài tuy là Thầy và là Chúa, nhưng Ngài đã phục vụ trong cung cách là người bạn chí thiết của các môn đệ: bình dị và đầy yêu thương.
Ở đời có nhiều cách phục vụ: người bán hàng phục vụ khách hàng là vì để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, họ phục vụ không phải vì yêu thương khách hàng nhưng là vì túi tiền của họ; bác sĩ khám bệnh chăm sóc bệnh nhân với cung cách là nghề bác sĩ; nhà giàu bố thí cho người nghèo khi có dịp lễ hay vận động làm việc từ thiện; các “cò mối” phục vụ khách hàng.v.v... đều là những người vì mình chứ không vì người...
Người Ki-tô hữu có nhiều cách để tuyên xưng Đức Chúa Giê-su sống lại, nhưng cách hữu hiệu nhất là vì tha nhân và vì anh em mà phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm, bởi vì không một xác chết nào biết phục vụ, nhưng phải là người đang sống mới biết phục vụ người khác. Đức Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, nghĩa là Ngài vẫn đang sống nên Ngài phục vụ trong chúng ta, và qua chúng ta mà mọi người nhận biết yêu mến và kính thờ Ngài..
Bạn thân mến,
Từ trong gia đình cha mẹ và con cái “truyền giáo” cho nhau, bằng cách phục vụ lẫn nhau như Đức Chúa Giê-su đã rửa chân phục vụ cho các tông đồ của mình.
Bẻ bánh và phục vụ là hai điều kiện tiên quyết để mọi người nhận ra Đức Chúa Giê-su phục sinh, đang sống động trong công việc hàng ngày của bạn và tôi, do đó mà chúng ta cần có một tâm hồn biết đặt phục vụ lên trên mọi nguyên tắc, để ưu tiên phục vụ những người cần phục vụ, nhất là những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
KHÔNG THỂ THAY THẾ
“Con có yêu mến Thầy không?”.
Thomas Edison với hơn 1.000 bằng phát minh; hầu hết các thiết bị ánh sáng, điện, sóng âm… từ thế kỷ 19 đến nay, đều có công của ông. Ngày nọ, Edison đem về cho mẹ một tờ giấy của thầy giáo; mở tờ giấy, bà thất thần, đôi mắt bà đẫm lệ! Bà đọc lớn tiếng cho con trai nghe, “Con của bà là một thiên tài; trường này quá nhỏ cho cậu ấy, không đủ giáo viên giỏi để đào tạo cháu. Bà hãy dạy cháu!”. Hàng chục năm sau, Edison lục lại đồ đạc cũ, bỗng tìm thấy mảnh giấy năm xưa, ghi rằng, “Con của bà đần, chúng tôi không nhận!”. Edison đã khóc hàng giờ; ông viết lên nhật ký, “Edison là một thằng đần, được sinh ra bởi một người mẹ anh hùng, một người mẹ đầy tình yêu, một người mẹ ‘không thể thay thế!’. Và ông ta đã trở thành một thiên tài của thế kỷ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mặc dầu Chúa Giêsu biết rất rõ Phêrô, nhưng Phêrô vẫn là người mà Ngài đặt hết kỳ vọng, “Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy!”. Thế nhưng, trong thực tế, xem ra Phêrô tỏ ra không xứng đáng; ông đã chối Thầy vào lúc Ngài cần Phêrô nhất! Vậy đâu là phản ứng của Chúa Giêsu? Liệu Ngài có tước vị trí lãnh đạo của Phêrô để trao cho một người khác? Gioan chẳng hạn! Các sách Tin Mừng và ngay cả Gioan, cho thấy Gioan phù hợp hơn để trở thành lãnh đạo, trở thành tảng đá mà trên đó, Chúa Giêsu có thể xây dựng Hội Thánh. Dường như Gioan có đủ phẩm chất hơn, không bao giờ chạy trốn hay chối Thầy; Gioan có mặt dưới chân thập giá… Vậy mà, Chúa Giêsu không lấy công việc của Phêrô mà giao cho Gioan; thay vào đó, một lần nữa, Ngài vẫn kỳ vọng Phêrô. Với Ngài, Phêrô là người ‘không thể thay thế!’.
Về Phêrô, ông có tình yêu sâu đậm đối với Chúa Giêsu, nhưng xem ra, ‘chưa đủ sâu!’. Đêm Tiệc Ly, Phêrô nghĩ mình có khả năng chết vì Thầy, nhưng ông đã nhầm; khi ‘bài kiểm tra’ đến, Phêrô ‘nộp giấy trắng’. Như Phêrô, chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao sự sẵn sàng đi theo Chúa của bản thân; trong những hoàn cảnh bình thường, chúng ta làm thật tốt, nhưng khi thời khắc khó khăn xảy đến, cám dỗ, chống đối, thậm chí là bắt bớ… chúng ta thất bại. Như Phêrô, chúng ta yêu mến Chúa, nhưng ‘chưa đủ sâu!’. Vậy mà phản ứng của Chúa Giêsu đối với chúng ta cũng như vậy; Ngài không mất lòng tin nơi chúng ta. Ngài lờ đi lỗi lầm của chúng ta; mong chúng ta lớn lên trong yêu mến; vì với Ngài, chúng ta cũng là người ‘không thể thay thế’.
Anh Chị em,
“Con có yêu mến Thầy không?”. Phêrô trả lời đến ba lần, “Thưa Thầy, Thầy biết, con yêu mến Thầy”. Phêrô giờ đây, với một trái tim đầy tình yêu; vì thế, Chúa Giêsu không cần phải lấy lại chìa khóa Nước Trời đã lỡ trao! Cũng thế, trước mặt Thiên Chúa dẫu chúng ta có là gì đi nữa, ‘vẫn là duy nhất’. Bạn và tôi, mỗi người hãy là “một người mẹ anh hùng, một người mẹ đầy tình yêu, một người mẹ ‘không thể thay thế’” cho người khác. Chúa Giêsu đang mong chờ tình yêu nhỏ bé của chúng ta hoà quyện trong tình yêu vĩ đại của Ngài; và như thế, chúng ta thật sự là những cộng sự viên ‘không thể thay thế’ của Nước Trời ‘hôm nay, ở đây’. Vì yêu mến, Phêrô can đảm làm chứng cho Nước Trời; bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay ghi lại bằng chứng việc yêu mến đó. Trước Thượng Hội Đồng, Phêrô và các tông đồ thưa, “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Và Phêrô sẽ yêu mến và vâng lời cho đến mức được chết như Thầy!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết hoán cải mỗi ngày; hầu con có thể đáp ứng tất cả những gì Chúa kỳ vọng nơi con, một người ‘không thể thay thế’ trong đấng bậc Chúa dành cho con!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Hôm 24 tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis đã công khai kêu gọi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu dành cho các nhà tài phiệt Nga cũng phải được áp đặt lên Thượng Phụ Kirill. Chính Thống Giáo Nga phê bình đề xuất của Vilnius là “vô nghĩa”.
Trước diễn biến này, Maria Antonietta Calabrò, ký giả tờ HuffPost của Ý, có bài nhận định nhan đề “Un oligarca come patriarca. Il lusso di Kirill nel mirino delle sanzioni Ue”, nghĩa là “Tài phiệt làm Thượng Phụ. Sự giàu sang của Krill trong tầm ngắm của lệnh trừng phạt do Liên Hiệp Âu Châu đưa ra”. Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Không, Kirill không phải là nhà lãnh đạo Kitô Giáo như Đức Thánh Cha Phanxicô. Không phải theo nghĩa là một vị Giáo chủ, như Đức Giáo Hoàng Rôma Bergoglio. Ông ta không phải là nhà tu hành theo nghĩa mà vị thánh nghèo thành Assisi hiểu. Đức Thượng phụ của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, là người vào năm 2012 đã định nghĩa Vladimir Putin là “phép lạ của Chúa”, là người đã chúc lành cho hỏa tiễn hạt nhân trong Nhà thờ Chúa Cứu thế, và người đã tuyên bố thánh chiến ở Ukraine. Trên tất cả, ông ta không phải là một nhà tu khổ hạnh, nhưng ông ta là một tài phiệt, với khối tài sản được ước tính là 4 tỷ đô la.
Vì lý do này, các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt đối với ông ta, cũng như đối với các nhà tài phiệt khác. Vào ngày 24 tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis đã công khai kêu gọi các biện pháp hạn chế đối với Thượng Phụ Kirill. Trước một mối nguy hiểm cụ thể như vậy, trên Interfax, Giáo hội Chính thống giáo Nga đã xác định đề xuất của Vilnius về việc yêu cầu các biện pháp trừng phạt đối với Kirill là “vô nghĩa”. Họ nói: “Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo là vô nghĩa, nó trái với lẽ thường”. Tuy nhiên, sự kiện này xác nhận sự tồn tại các tài sản chìm nổi của Thượng Phụ Kirill ở nước ngoài, và chúng có thể bị tấn công. Thượng Phụ Kirill luôn quyết liệt phủ nhận sự giàu có của mình, thế thì phản ứng làm gì?
Chắc chắn sẽ là vô nghĩa nếu trừng phạt vị thánh nghèo của Assisi, nhưng đây chắc chắn không phải là trường hợp, vì theo một báo cáo năm 2006 được Forbes công bố vào năm 2020, người ủng hộ nồng nhiệt cuộc chiến ở Ukraine, có tài sản lên đến 4 tỷ đô la. Ở Nga có một tạp chí nổi tiếng chuyên theo đuổi các phóng sự điều tra về các nhà tài phiệt Nga làm ăn phi pháp. Đó là tờ Novaya Gazeta. Tạp chí do Dmitri Muratov, người đoạt giải Nobel làm chủ biên, trong đó các ký giả bị ám sát chết gần hết, mới nhất là cô Anna Politkovskaja qua đời vào ngày 5 tháng 4 vừa qua. Novaya Gazeta ước tính vào năm 2019 rằng Thượng Phụ Kirill có một khối tài sản từ 4 đến 8 tỷ đô la. Các số liệu không được xác minh và trong mọi trường hợp không thể xác minh được. Tài sản cá nhân đáng kể này là kết quả của việc nhà nước Nga miễn thuế đối với một phần đáng kể thuốc lá và bia được Chính Thống Giáo Nga nhập khẩu từ nước ngoài về bán tại Nga. Khi Forbes France đặt câu hỏi về sự giàu có của ngài, Thượng phụ Kirill trả lời: “Chủ nghĩa khổ hạnh trên hết là hướng vào cuộc đấu tranh với những đam mê. Đam mê là một vấn đề vì nó có thể nhấn chìm chúng ta và biến chúng ta thành nô lệ của nó. Khát khao quyền lực không thể dập tắt, đối với một số thứ vật chất nhất định hay tiền bạc là những ví dụ điển hình cho những đam mê mà nhiều người mắc phải ngày nay”.
Thượng Phụ Kirill quyết liệt phủ nhận mình không dính bén đến của cải, nhưng nhà lãnh đạo tôn giáo bị nghi ngờ sở hữu một khối lượng tài sản cá nhân kếch xù, một số lớn đang ở nước ngoài, bao gồm cả ở Thụy Sĩ và các địa điểm an toàn khác ở hải ngoại. Một số người thậm chí còn nghi ngờ rằng ngài Thượng phụ thậm chí còn là người đứng tên cho những tài sản của Putin, Lavrov và những người khác. Theo một số nguồn tin công khai (tuy nhiên khó xác minh, do tính chất bảo mật cao dành cho khách hàng của các ngân hàng) Kirill cũng có tài khoản ngân hàng ở Ý, Áo và Tây Ban Nha. Chuyên gia nhân quyền Hanna Hopko cho rằng Thượng phụ Kirill “trên thực tế là một trong những chính trị gia cấp cao nhất ở nước Nga của Putin”. Do đó, Hanna Hopko đang yêu cầu các biện pháp trừng phạt chống lại ngài Thượng Phụ trên tờ Repubblica.
Các cuộc điều tra đang được tiến hành trên khắp Âu Châu. Thêm vào đó là các tài sản ở Nga: một biệt thự gần nhà của Putin ở Gelendzhik trên Biển Đen và một siêu đồng hồ mà ông đeo trên tay, chụp trong bộ đồ tắm. Niềm đam mê đồng hồ xa xỉ của Kirill trong quá khứ đã làm nảy sinh những hình ảnh photoshop gây tò mò về Giáo chủ, điều này đã loại bỏ chiếc đồng hồ trên cổ tay ông ta, nhưng điều đó không phản ảnh hoán cải của ông. Hệ thống tài chính của Giáo Hội Chính thống Nga có rất nhiều lợi nhuận, nhờ được miễn thuế đối với các sản phẩm thuốc lá và bia, là cơ sở mang lại rất nhiều của cải. Hoạt động nhập khẩu thuốc lá đã mang lại cho Kirill những danh xưng như “Giáo hoàng của Putin”, hay “Đức Thượng Phụ thuốc lá”, dù Kirill tuyên bố đã tách mình khỏi công việc kinh doanh này.Un oligarca come patriarca. Il lusso di Kirill nel mirino delle sanzioni Ue
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “The Pope And The Patriarch Of Moscow”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Mạc Tư Khoa”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn rất đau buồn trước cuộc tàn sát ở Ukraine. Và khi chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đại kết của Giáo Hội Công Giáo, Đức Hồng Y Kurt Koch, nói với các nhà báo rằng ngài chia sẻ niềm tin của Đức Giáo Hoàng rằng những lời biện minh tôn giáo dành cho hành vi xâm lược là “báng bổ” — tức là cách sử dụng xấu xa những điều thuộc về Chúa — chúng ta có thể chắc chắn rằng điều này cũng là quan điểm của Đức Phanxicô.Vậy thì tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nên gặp Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, như một số cá nhân và phong trào trong Giáo hội đã từng thúc giục? Kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, Kirill đã liên tục đưa ra các biện minh tôn giáo cho cuộc tấn công man rợ của Nga vào Ukraine. Vậy thì Kirill có phải là một kẻ báng bổ không?
Một số người trong số những người cổ vũ cho cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill có khả năng nghĩ mắc chứng “ảo ảnh”. Họ đã tưởng tượng rằng khi hai nhà lãnh đạo tôn giáo gặp nhau trong thời chiến để cầu nguyện cho hòa bình, thì điều đó thể hiện một cách sinh động cho khả năng của người Kitô, nhân danh đức tin Phục sinh và các chuẩn mực đạo đức phổ quát, có thể vượt lên trên lòng căm thù dân tộc và lòng yêu nước. Tuy nhiên, điều đó chỉ là tưởng tượng dựa trên sự nguỵ biện.
Kirill Gundayev bắt đầu sự nghiệp giáo hội của mình tại Hội đồng Giáo Hội Thế giới trong một công việc chỉ được giao cho một người hoàn toàn được tin cậy và có khả năng làm việc với KGB, là cơ quan tình báo bí mật của Liên Xô. Trong những năm làm giáo chủ Chính thống giáo Nga, Kirill đã thúc đẩy một tầm nhìn mở rộng về “thế giới Nga”, làm sai lệch lịch sử Kitô giáo của người Slav phía đông, và cổ vũ cho sự phục hưng chủ nghĩa đế quốc dựa trên chủ nghĩa Sa hoàng và chủ nghĩa Stalin. Kirill cũng là cơ quan ngôn luận trong chiến dịch thông tin sai lệch của Nga, trong đó tuyên bố bạo chúa Vladimir Putin là vị cứu tinh của nền văn minh chống lại sự suy đồi của phương Tây – đó là một lời nói dối đã đánh lừa được quá nhiều người Công Giáo.
Một cuộc gặp gỡ giữa Giám mục đương nhiệm của Rôma và Đức Thượng phụ đương nhiệm của Mạc Tư Khoa sẽ không phải là cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tôn giáo. Đó sẽ là một cuộc gặp giữa một nhà lãnh đạo tôn giáo và một công cụ quyền lực của nhà nước Nga.
Nhưng, một số có thể nhanh nhẩu trả lời, đó, vấn đề chính là ở chỗ đó. Bằng cách tiếp tục cuộc đối thoại cá nhân với Kirill mà ngài đã mở ra ở Havana vào năm 2015, Đức Phanxicô sẽ trao quyền cho Kirill để có tác động kiềm chế Putin trong khi định vị Vatican là nhà môi giới trung thực trong việc dàn xếp một hòa bình đàm phán ở Ukraine.
Đó cũng là một điều tưởng tượng, ảo ảnh cuộc đời.
Thứ nhất, trong mối quan hệ Putin-Kirill, Thượng Phụ Kirill không có đòn bẩy thực sự. Tổng thống bạo chúa không tìm đến Thượng Phụ để tìm lời khuyên chiến lược, và chắc chắn ông ta cũng không tìm đến ngài Thượng Phụ để hoán cải đạo đức. Ông ta trông đợi Kirill tạo ra vỏ bọc cho mình và hỗ trợ. Là những gì ông ta nhận được.
Thực tế đáng buồn là sự phụ thuộc đối với nhà nước ngăn cản việc lãnh đạo Chính thống giáo Nga nói sự thật với quyền lực Điện Cẩm Linh, hoặc kêu gọi vị sa hoàng thời hậu cộng sản hoán cải. Những gì Kirill và các cộng sự của ông ta (như Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại) đưa ra là một lời biện minh giả danh tôn giáo cho tham vọng đế quốc của Putin, đồng thời bảo đảm với những người Nga thực hiện các hành động bạo lực khủng khiếp chống lại thường dân rằng, họ là những người yêu nước thực sự, và là những người con của Tổ quốc Nga.
Thứ hai, ý tưởng về Vatican là nhà môi giới trung thực toàn cầu dựa trên một quan niệm sai lầm về cách Tòa thánh có thể gây ảnh hưởng trong thế giới ở thế kỷ 21. Vatican ngày nay không phải là Quốc gia của Đức Giáo Hoàng đầu thế kỷ 19: một cường quốc Âu Châu cấp ba vẫn sử dụng đòn bẩy tại các sự kiện như Đại hội Vienna năm 1814–1815. Quốc gia Đức Giáo Hoàng không còn tồn tại, và thế giới của Metternich, Castlereagh, và Hồng Y Ercole Consalvi, bộ trưởng ngoại giao tài giỏi và hiệu quả của Đức Giáo Hoàng Pius Đệ Thất cũng không còn.
Tuy nhiên, như Đức Gioan Phaolô II đã chứng minh, Tòa Thánh có quyền lực trong thế giới ngày nay: quyền lực của chứng nhân đạo đức, bắt đầu bằng cách gọi mọi thứ bằng đúng tên của chúng. Bài bình luận của Vatican trong cuộc chiến Ukraine vào tháng thứ hai đã sử dụng một từ vựng chân thực hơn những gì được hiển thị trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Tuy nhiên, kể từ Lễ Phục sinh, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng và Vatican vẫn là tiếng than thở hơn là tiếng nói tiên tri tố cáo hành vi xâm lược và chỉ đích danh kẻ xâm lược. Lỗ hổng đó được kết hợp bởi những lời lẽ thiếu thận trọng gợi ý rằng không có cuộc chiến tranh nào là hợp pháp về mặt đạo đức, điều này không đúng với việc Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình và về sự chuyển đổi văn hóa và chính trị của đất nước bắt đầu với cuộc Cách mạng Nhân phẩm Maidan ở Kyiv vào hai năm 2013 và 2014.
Bằng việc tàn sát dã man những người vô tội ở Bucha, ở Mariupol, và trên khắp Ukraine, Vladimir Putin đã tự bêu xấu mình bằng dấu ấn của Cain. Kirill đã cố gắng che đậy dấu ấn đó. Việc Giám mục Rôma đã gặp Kirill như thể ông Thượng Phụ người Nga này là một nhà lãnh đạo tôn giáo thực sự sẽ khiến những người Ukraine theo Công Giáo và Chính thống giáo thất vọng một cách cay đắng, những người sẽ coi đó là một sự phản bội một cách vô lý; nó sẽ làm cạn kiệt vốn đạo đức của Tòa thánh trong các vấn đề thế giới; và nó sẽ không đóng góp gì cho hòa bình.
Source:First Things
Các nghị sĩ Nga đã soạn thảo một dự luật mới về “các điệp viên nước ngoài”. Luật được đề xuất, có tiêu đề “Về việc giám sát hoạt động của các cá nhân dưới ảnh hưởng của nước ngoài,” đã được đệ trình lên Duma, tức là Hạ Viện của Nga, vào ngày 25 tháng 4.
Andrey Lugovoi, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Chống tham nhũng và đồng tác giả dự luật nói:
“Dự luật là cần thiết vì số lượng lớn và ngày càng tăng của các điệp viên nước ngoài hoạt động cho các quốc gia không thân thiện với Nga và muốn ảnh hưởng đến công dân của chúng ta và các chính sách của đất nước chúng ta.”
Những người được xem là chịu 'ảnh hưởng của nước ngoài' có thể được coi là 'đặc vụ nước ngoài'
Theo dự luật mới, “đặc vụ nước ngoài” có thể bao gồm bất kỳ ai nhận được hỗ trợ tài chính từ nước ngoài hoặc “chịu sự ảnh hưởng của nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào”.
Ngay cả việc nhận tiền từ người thân ở nước ngoài cũng có thể khiến một người bị điều tra và cuối cùng có thể bị kết án.
Source:meduza.io
Với việc bổ nhiệm hai thư ký tại Bộ Giáo lý Đức tin và sự xác nhận của các nhà lãnh đạo mới tại Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt tay vào một loạt thay đổi nhân sự trước khi hiến pháp mới của Vatican có hiệu lực vào tháng Sáu..
Được công bố vào ngày 19 tháng 3, tông hiến Praedicate evangelium quy định các nhiệm vụ và các bộ phận của Giáo triều Rôma. Sau gần chín năm soạn thảo, văn bản sẽ có hiệu lực vào ngày 5 tháng Sáu.
Vào ngày hôm đó, các bộ phận của Vatican sẽ đổi tên và một số bộ phận sẽ đảm nhận các năng lực mới, trong khi một số quy tắc và quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực. Ví dụ, các linh mục sẽ không còn có thể phục vụ trong Giáo triều trong hơn hai nhiệm kỳ 5 năm.
Tuy nhiên, cuộc cải cách tổng thể đã được dự đoán trước bởi một số quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có hai điều quan trọng trong những tháng gần đây.
Đầu tiên là việc tái cơ cấu Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, hiện được chia thành hai bộ phận, một bộ phận chuyên về kỷ luật và một bộ phận chuyên về tín lý,
Điều thứ hai là quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô không gia hạn nhiệm kỳ của Đức Hồng Y Peter Turkson với tư cách là Tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.
Từ đầu năm nay, Đức Hồng Y Michael Czerny đã giữ chức Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện. Ngài trước đây là thư ký phụ trách bộ phận người di cư và người tị nạn của bộ này. Thư ký lâm thời là Sơ Alessandra Smerilli.
Về CDF, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn các tân thư ký theo cả tính liên tục và tính mới mẻ.
Sự liên tục nằm trong phần kỷ luật: Đức Ông John Joseph Kennedy, người đã phục vụ tại CDF từ năm 2003 và lãnh đạo bộ phận kỷ luật của CDF từ năm 2017.
Điểm mới lạ nằm ở phần giáo lý: thư ký là Đức Ông Armando Matteo, người đến CDF vào năm 2021 với tư cách là phó thư ký và nhanh chóng xâm nhập vào trái tim của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thật vậy, Đức Giáo Hoàng đã tặng các thành viên của Giáo triều một bản sao cuốn sách “Sự hoán cải của Peter Pan” do Đức Ông Matteo biên soạn trong bài diễn văn truyền thống trước Giáng Sinh của ngài.
Thật đáng ngạc nhiên khi Đức Ông Matteo Visioli, phụ tá tổng thư ký hiện tại của CDF, không được cất nhắc. Sơ đồ tổ chức mới dường như nhằm mở đường cho việc bổ nhiệm một vị tổng trưởng CDF mới, vì Đức Hồng Y Luis Ladaria đã bước sang tuổi 78, tức là đã quá hạn ba năm so với giới hạn nghỉ hưu 75 tuổi.
Người ta nói rằng tân tổng trưởng có thể là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, tổng giám mục Malta và là một phụ tá thư ký của CDF. Nhưng điều đó, tất nhiên, vẫn còn phải xem.
Việc công bố hai tân thư ký không đi kèm với việc bổ nhiệm giám mục, đây cũng là một dấu hiệu cho thấy chiều hướng mới tại Vatican. Vì theo tầm nhìn của Tông Hiến Praedicate evangelium, thẩm quyền được trao bởi sứ mệnh chứ không phải do việc tấn phong giám mục.
Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch 79 tuổi của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, chắc chắn sẽ ra đi. Hội đồng giáo hoàng sẽ trở thành một phần của Bộ Văn hóa và Giáo dục mới, nhưng vị tổng trưởng hiện tại của Bộ Giáo dục, Đức Hồng Y Giuseppe Versaldi, cũng đã trên 75 tuổi. Có tin nói về việc Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich có thể là một ứng cử viên cho chức vụ lãnh đạo của bộ này.
Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục, đã quá tuổi nghỉ hưu. Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương cũng vậy, nhưng ngài có thể vẫn giữ vai trò này.
Việc bổ nhiệm mới có khả năng dẫn đến việc tạo ra các Hồng Y mới.
Source:Catholic News Agency
8 giờ 00 sáng ngày 30 tháng 4 năm 2022, tiếng chuông nhà thờ giáo xứ Tụy Hiền vang lên. Kinh Truyền Tin được xướng đọc, tiếp theo là cả cộng đoàn cất lên lời nguyện cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Dứt bài hát là kinh cầu Đức Bà được râm ran trên miệng mọi người. Hồi chuông đổ tiếp. 5 đội hoa trong giáo xứ được các sơ Dòng MTG dày công tập luyện với vũ điệu và thánh ca đồng dâng.
Xem Hình
Sau giờ dâng hoa cộng đồng là cuộc rước cung nghinh Đức Mẹ Fatima chung quanh làng và nhà thờ. Những bản thánh ca về Mẹ Fatima lại vang lên (Lạy Mẹ Fatima, Mẹ nỉ non bao lần... Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima...).
Thánh lễ tiếp liền sau cuộc rước. Cả đồng đoàn và các em nhỏ, nhất là các em dâng hoa rỗn rã mừng vui vì tháng Hoa kính Đức Mẹ đã về.
Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con. Amen.
BTTGx. Tụy Hiền
Xem hình
Buổi lễ có ba phần bao gồm: Lễ Thượng kỳ tại cổng chính vào Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang. Thánh Lễ Cầu nguyện và phần thắp nến cầu nguyện cho quê hương. Đã được rất đông, quý vị cựu quân nhân đại diện cho các quân binh chủng Hải, Lục, Không Quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và gia đình cũng như đồng bào thuộc mọi lứa tuổi về tham dự. Đặc biệt, có rất nhiều người đã mang khăn, mặc áo dài mang màu cờ Vàng ba sọc đỏ. Các chị phần đông là mặc áo dài Việt Nam.
Điều hành buổi lễ do cô MC duyên dáng Đinh Phượng Chi của cộng đồng trong tà áo dài nhung đen, rất hợp với buổi lễ tưởng niệm. Trong hàng qúy khách hiện diện có Quý Linh mục trong ban tuyên úy Cộng đồng Công Giáo Việt Nam TGP Melbourne. Thượng Nghị sỹ thuộc quốc hội Tiểu bang Victỏia Tiến sỹ Kiều Tiến Dũng, Nghị Viên Lợi thuộc Hội Đồng Thành phố, Bà Phượng Vỹ, và Đại diện của Hội Cựu Quân nhân QLVNCH.
Trong cái nắng hanh của Mùa Thu Melbourne và một chút gió. Đúng một giờ trưa, Lễ Thượng kỳ bắt đầu bằng đội quân danh dự dàn chào trước cột cờ do quý vị cựu quân nhân mặc quân phục đảm trách. Đội thủ kỳ thuộc ba thế hệ, quân nhân, chức sắc, và TNTT tiến lên vị trí. Và sau lời khai mạc của Cha Đặng Nhật Trường quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang. Lễ thượng kỳ với các bài Quốc ca Vatican, Australia và gây xúc động nhất cho toàn thể mọi người là bài Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa được trổi lên được mọi người cất tiếng hát vang.
Sau lễ thượng kỳ, mọi người theo đoàn quân danh dự tiến qua vào nhà thờ dự lễ đồng tế do Linh mục Phạm Minh Ước SJ chủ tế với hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế là Linh mục Lý Trọng Danh và Linh mục Đặng Nhật Trường đồng tế. Ca đoàn Trung Tâm phụ trách thánh ca
Phần chia sẻ do Linh mục Phạm Minh Ước, người cựu sỹ quan QLVNCH vẫn còn bùi ngùi kể lại biến cố đau thương của 47 năm trước. Mặc dù nhà cầm quyền vẫn ra rả kêu gọi hòa giải dân tộc, nhưng thực tế, chúng chỉ nói cho sướng miệng chúng theo lệnh của bọn tuyên giáo! Dịp này, Cha Ước đã nói về cuộc chiến cũng Nam, Bắc của nước Mỹ, khi họ ngưng tiếng súng cũng là lúc họ không còn địch ta, mà tất cả đều là công dân của Nước Mỹ, xóa hết hận thù, cùng chung tay xây dựng một nước Mỹ hùng cường như ngày hôm nay. Tiếc thay, nước Việt Nam ta đã không có được như vậy, sự trả thù của bên thắng làm hằn thêm vết thương, mà sau 47 năm vẫn còn chảy máu của niềm đau thương!
Sau thánh lễ cầu nguyện cho các anh hùng tử sỹ Việt Nam đã bỏ mình để bảo vệ Miền Nam Tự do, đồng bào bỏ mình trên rừng sâu, biển cả để tìm tự do. Và sau lời cảm ơn của ông Trần Ngọc Cẩn, đại diện ban điều hợp Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Melbourne, cũng là trưởng ban tổ chức. Một nghi thức thắp nến cầu cho quê hương mau chóng có một nền tự do dân chủ đích thực, hòng đem lại quyền con người, mang ấm no hạnh phúc đến cho người dân.
Một bàn thờ tổ quốc rất trang trọng được đặt bên cánh phải bàn thờ, nền là một lá quốc kỳ VNCH trên có hình Nước Việt Nam, bên cạnh là vòng hoa của cộng đồng với hàng chữ “Đời đời GHI ƠN.” Phía trước bàn thờ là các kệ để mọi người thắp nến và đặt lên cầu nguyện. Ca đoàn kết thúc phần nghi thức đốt nến cầu nguyện bằng một bài “Chung khúc Việt Nam” của cố Nhạc sỹ Phạm Duy
Mặc dù, một số đông đồng bào đang đi biểu tình trên Canbera, một số nữa đi dự lễ tưởng niệm tại đài tưởng niệm chiến sỹ tại Sunshine, nhưng buổi lễ được đồng bào hưởng ứng rất đông, từ khắp các vùng, các cộng đoàn đã về dâng lễ cầu nguyện cho quê hương Việt Nam. Sau lễ mọi người được mời qua bên khu nhà bên cạnh nhà thờ, để hàn huyên, tâm sự và uống với nhau ly cà phê, ly trà trước khi chia tay.
Được biết, đây là buổi tưởng niệm hằng năm của cộng đồng, nhưng do dịch Covid 19 Wu – Han đã bị tạm ngưng, nay mới có dịp thuận tiện để tổ chức lại.
Bài Tin Mừng Luca 8:9-10: Tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói?
9Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. 10Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.
Trích Tin Mừng Luca trực tuyến của Nhóm Phiên dịch CGKPV
Chú thích
Các môn đệ. Tức Nhóm Mười Hai và các phụ nữ ở 8:1-2. Song hành trong Máccô viết “những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai”. Họ được nhắc đến khác với những “kẻ khác” ở câu 10. Máccô nói rõ “Khi còn một mình Đức Giêsu” (4:10), hai nhóm này mới hỏi Chúa Giêsu về ý nghĩa của dụ ngôn.
Anh em thì được ơn. Kiểu nói ở thể thụ động này Cha Fitzmyer gọi là thể thụ động thần học, để chỉ chính Thiên Chúa ban ơn. Kiểu nói của Chúa Giêsu ám chỉ việc Chúa Cha tuyển chọn các môn đệ một cách nhân hậu. Họ được đặc ân biết điều sẽ được mô tả ở đây; một cách ngụ hàm, câu nói này cho thấy cách Luca hiểu về việc làm môn đệ. Cha An Sơn Vị dịch câu này theo thể chủ động: “Thiên Phụ đã cho các con biết" (Tin Mừng Về Chúa Giêsu, ấn bản toàn thư 1983, tr.472)
Hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Trong Máccô, mầu nhiệm nước Thiên Chúa được ban cho các môn đệ, Luca đổi mầu nhiệm thành các mầu nhiệm và thêm “hiểu biết” nhằm làm cho hồng ân Thiên Chúa ban cho các môn đệ như một kinh nghiệm tri thức về Nước Thiên Chúa. Họ không phải chỉ là những người nghe dụ ngôn mà còn là những người thấy và hiểu các hệ luận của nó. Điều hàm ngụ không hẳn là một sự ngộ đạo bí truyền ban cho một nhóm khép kín nào đó, mà là một nhận thức để loan truyền, về nước Thiên Chúa và vai trò của nó trong đời người. Việc các môn đệu hiểu biết “các mầu nhiệm” không nhất thiết là hiểu thấu đáo với lời giải thích của Chúa Giêsu, vì Luca nhấn mạnh trong Cv 1:3b rằng Chúa phục sinh sẽ giải thích cho họ thêm về Nước Thiên Chúa.
Việc dùng mầu nhiệm ở số nhiều có thể phản ảnh lối dùng đương thời ở Palestine như thấy trong một số bản văn Qumran 1QpHab 7:8; 1QW 3:9; 16:11...
Còn với kẻ khác. Mc 4:11b phân biệt các môn đệ với “những kẻ ở ngoài” nhưng vì Luca đã bỏ câu “Khi còn một mình Chúa Giêsu” trong Máccô nên ở đây ngài bỏ luôn “kẻ ở ngoài” chỉ nói là những người còn lại, người khác.
Để. Luca giữ chữ “để” trong Máccô trong khi Mátthêu dùng chữ là "vì" (13:13) có lẽ để làm nhẹ câu nói và cho thấy lý do của việc những người này không hiểu. Nhưng chữ “để” ở đây có nghĩa gì? Thông thường dĩ nhiên có nghĩa mục đích (teleological), diễn tả lý do tại sao Chúa Giêsu dạy bằng dụ ngôn. Thành thử nó ngụ ý rằng Chúa Giêsu cố ý giảng dạy theo lối như Thiên Chúa trong Cựu Ước sai các ngôn sứ đến để làm cứng lòng Israel hay các Pharaô. Tuy nhiên mục đích ấy luôn xem ra mâu thuẫn với chính bản chất của các dụ ngôn, vốn là một hình ảnh soi sáng và trong một số trường hợp còn minh giải một số yếu tố trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Do đó, một số nhà chú giải nghĩ rằng đôi khi chữ “hina” (để) này có nghĩa tiếp sau (consecutive), diễn tả không phải mục đích Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà là hiệu quả của việc này.
Nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu. Cha Nguyễn Thế Thuấn cũng dịch là “nhìn mà không nhìn”. Riêng Cha An Sơn Vị thì dịch là “nhìn mà không thấy” (Đã dẫn, cùng trang). Cha Fitzmyer cũng dịch theo lối này: “they look and see nothing”. Theo cha, lời văn của Luca nhẹ nhàng hơn Mc 4:12: “họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu”. Máccô gần hơn với Is 6:9-10: “Chúa phán: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.” Mt 13:13-15 đã trích lại hoàn toàn lời lẽ này của Isaia. Luca đã lược trích và bỏ hẳn đoạn nói về hoán cải và tha thứ. Có tác giả cho rằng việc bỏ này là cố ý để tránh hiểu lầm cho rằng mục đích lời giảng của Chúa Giêsu là ngăn cản việc hoán cải. Tuy nhiên, Luca đã chuyển điều này xuống câu 12 trong phần giải thích dụ ngôn “kẻo họ tin mà được cứu độ”.
Nhận định
Cha Fitzmyer cho rằng khác với Máccô, khi lược bỏ việc Chúa Giêsu lui về một mình với các môn đệ, Luca dường như muốn nhấn mạnh việc các môn đệ hỏi Chúa Giêsu ngay giữa đám đông nghe dụ ngôn của Người. Hình thức của Máccô đã được Luca làm nhẹ và rút ngắn và các môn đệ chỉ hỏi về một dụ ngôn.
Theo Cha, đoạn này phân biệt các môn đệ với các người khác ở chỗ các ngài được Thiên Chúa ban ơn hiểu biết các lời giảng dạy về Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Trong khi Máccô nhấn mạnh đến khía cạnh chia sẻ các bí mật của Nước Thiên Chúa thì Luca và Mátthêu nhấn mạnh tới ơn “hiểu biết” (nhận thức) các bí mật ấy. Việc thay đổi này nhấn mạnh việc ý thức được các khía cạnh siêu việt, giấu kín của Nước trời. Nó phù hợp với việc Luca nhấn mạnh tới Chúa Giêsu như vị giảng thuyết về Nước Trời.
Về lý do tại sao Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà giảng dậy, tuần trước, trong bài Học Hỏi Tin Mừng Luca 12, chúng tôi đã trình bày nhận định của Thánh Cyril thành Alexandria. Jeremy Myers, trong nhận định về Lc 8:9-10, cho rằng dụ ngôn nào thoạt nghe cũng vô lý cả. Có gì vô lý bằng cách dùng ví dụ, dùng hình ảnh, dùng dụ ngôn để làm sáng tỏ điều mình giảng dạy mà ở đây lại bảo rằng “để nghe mà không hiểu”. Mà không phải chỉ có dụ ngôn này, trong Lc 16, chúng ta có người làm bất lương lừa gạt chủ được Chúa Giêsu khen ngợi! Trong Lc 18, ta thấy bà góa chỉ nhận được điều bà muốn bằng cách quấy rầy quan tòa, được Chúa Giêsu ví tác phong của bà như một lời cầu nguyện! Lại còn dụ ngôn khác người làm vào giờ chót cũng lãnh lương bằng người làm từ giờ đầu tiên! Thật hàm hồ bối rối.
Nhưng theo Myers, nếu bạn cảm thấy bối rối, thì đó không phải vì bạn dốt mà vì Chúa Giêsu muốn thế. Ông cho rằng nếu dụ ngôn có ý để soi sáng chân lý và bạn bị chúng làm cho bối rối, thì một là Chúa Giêsu là ông thầy tồi hay bạn là học trò dở. Nhưng nếu dụ ngôn nhằm gây bối rối và bạn bị nó làm cho bối rối, thì mọi sự đều ổn cả. Câu hỏi còn lại là tại sao Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn làm ta bối rối?
Trong Mt 13:11-14, Chúa Giêsu giải thích chi tiết hơn lý do tại sao Người nói dụ ngôn, nhưng cuối cùng, để dụ ngôn biểu lộ chân lý cho một số người, đồng thời che đậy chân lý đối với số người khác. Người muốn dạy bảo kẻ tin nhưng che giấu sự thật với những kẻ không tin.
Nhưng tại sao Người lại muốn giấu sự thật với những kẻ không tin? Theo Myers, chân lý chính mà người không tin cần nghe là họ cần sự sống đời đời và sự sống này chỉ nhận được bằng đức tin vào Chúa Giêsu mà thôi. Chân lý này ít khi được trình bầy dưới hình thức dụ ngôn, nhất là trong Gioan. Khi trình bầy nó, Chúa Giêsu trình bầy thẳng thừng.
Tuy nhiên, các chân lý thâm sâu hơn về nước Thiên Chúa được dành cho những người đã tin rồi và sẵn lòng muốn học hỏi về chúng. Nên khi nói các sự thật về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói. Và bất luận là người tin hay người không tin, một trong hai điều sau sẽ xẩy ra.
Hoặc người ta đến để xin Người giải thích hoặc họ bỏ đi. Dĩ nhiên Chúa Giêsu muốn người ta đến để xin Người giải thích. Nếu họ đến và là người không tin, Người sẽ chia sẻ Tin Mừng với họ, như trường hợp Nicôđêmô trong Gioan 3. Còn nếu là người tin, Chúa Giêsu sẽ giải thích sự thật giấu kín của dụ ngôn. Điều Người đã làm trong Luca 8.
Tóm lại, Chúa Giêsu nói dụ ngôn vì Người muốn người ta đến với Người và xin giải thích. Vì Người trước hết và đầu hết là một người tạo ra môn đệ. Đúng, Người là nhà giảng thuyết đại tài và một nhà làm phép lạ tuyệt vời, nhưng tận thâm tâm Người là mong ước mọi người đến với Người, từng người một, hay từng nhóm môn đệ nhỏ.
Khi Chúa Giêsu giảng dậy bằng dụ ngôn, ai muốn nghe thêm sẽ đến và khỏi thêm và lúc đó, Người có khả năng làm họ trở thành môn đệ. Nhưng những ai tâm hồn chai đá, tuy nghe lời Người, nhưng rối bỏ đi, nghĩ rằng mình hiểu câu truyện vĩ đại của Người, nhưng thực sự không nắm bắt được điều Người giảng dậy”.
Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6,20)
Mến tặng các anh em mừng kỷ niệm chịu chức linh mục dịp tháng 5
Bên kia một thoáng xa bờ,
Mù sương biển rộng đêm mờ mờ hoang.
Chênh vênh một chiếc thuyền nan,
Trên nghe gió giật dưới vang sóng vồ…
Thì ra “cả bọn Tông Đồ”,
Nghe lời Thầy dạy “sang bờ bên kia” !
Mặc hoàng hôn, dẫu đêm khuya,
Bờ xa xa tắp vẫn lìa lìa đi !
Đã quen thuyền lưới ngại gì,
Tay chèo tay chống lo chi trở trời !
Qua đêm rồi cũng tới nơi,
Bên kia trời sáng thảnh thơi rượu nồng !
Nhưng kìa trời nổi cơn giông,
Mưa đâu trút hạt gió gồng thét tru…
Sấm ran, sét xé âm u,
Thuyền chao nghiêng giữa mịt mù đêm đen…
Hồn ma bóng quế kia chăng?
Ai đi giữa biển sóng giăng chập chùng?
Dạn dày mấy độ gian truân,
Dẫu dân chài vẫn một lần khiếp kinh !
Giọng người bạt sóng uy linh:
“Thầy đây, đừng sợ” vững tin lên nào !
Bây giờ sóng hết xôn xao,
Gió đi theo gió mưa rào dần tan…
Thầy chưa lên kịp thuyền nan,
Bờ kia bến đỗ đã gần ngay bên.
Qua rồi một chuyến chênh vênh,
Thuyền đời nghiêng ngã lênh đênh giữa trời !
Qua rồi mấy độ “ra khơi”,
Nước sâu mặc nước, thuyền trôi mặc thuyền !
Xa xôi mấy độ còn duyên,
“Thầy đây đừng sợ” lời nguyền thiên thu.
Đường tương lai dẫu mịt mờ,
Theo Thầy theo mãi tận “bờ bên kia” !
Mặc cuồng phong, dẫu chông gai…
Thuyền ai có Chúa, đời xây mộng vàng !
Sơn Ca Linh (30.4.2022)
1. Lữ đoàn Dù Nga chỉ còn 7 người sau cuộc giao tranh với một trung đoàn bộ binh Ukraine
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lữ đoàn Dù Nga tăng phái cho vùng Luhansk đã đụng độ với Lữ đoàn cơ giới hóa biệt lập số 24 mang tên Vua Danylo hôm thứ Sáu 29 tháng Tư.
“Lính dù Nga đã cố gắng xông vào các vị trí chiến đấu của trung đoàn bộ binh Vua Danylo ở vùng Luhansk trong ngày hôm nay. Sau khi nhiệm vụ của họ thất bại, quân xâm lược Nga chỉ còn 7 người sống sót. Những người còn lại đã bị các quân nhân của chúng tôi loại khỏi vòng chiến.”
Theo báo cáo của trung đoàn bộ binh Vua Danylo:
“Đồ đạc cá nhân và tài liệu của những kẻ xâm lược cho thấy họ đến chiến đấu tại Ukraine từ các vùng khác nhau của Nga như Udmurtia, Bashkortostan, và vùng Rostov.”
2. Các đơn vị pháo binh Ukraine đã bắn trúng 11 mục tiêu của quân Nga ở miền nam Ukraine
Lực lượng hỏa tiễn Ukraine và Pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn trúng 11 mục tiêu của quân Nga ở miền nam Ukraine.
Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Bộ Chỉ huy Chiến dịch phía Nam:
“Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đêm qua đã bắn trúng 11 mục tiêu của đối phương. Các tổn thất của quân Nga vẫn chưa được báo cáo.”
Theo Bộ chỉ huy chiến dịch phía Nam, tình hình trong khu vực kiểm soát của họ vẫn căng thẳng nhưng ổn định.
Trong các khu vực bị chiếm đóng tạm thời ở Kherson và trong Khu vực Mykolaiv, quân xâm lược Nga đang cố gắng thúc đẩy ý tưởng về sự chắc chắn của việc hợp nhất các khu vực này dưới sự kiểm soát của Nga nhưng không thành công. Cư dân địa phương quyết liệt chống đối bất chấp sự đe dọa và thái độ quyết liệt giải tán các cuộc biểu tình của quân Nga.
Quân Nga cố gắng kích động lễ kỷ niệm ngày 9 tháng 5 giữa các cựu chiến binh và những người sinh ra trong chiến tranh để dàn dựng một video giả khác cho kênh truyền hình tuyên truyền của Nga.
Sau khi bị đánh bại và rút lui khỏi nhiều khu định cư trong Khu vực Mykolaiv, quân Nga đang cố gắng quay lại những nơi này.
Tại Vùng Odessa, các biện pháp chống phá hoại đang được tiến hành. Hải quân Nga tiếp tục kiểm soát phần tây bắc của Biển Đen, ngăn chặn hàng hải Ukraine. Nguy cơ tấn công hỏa tiễn từ biển vẫn ở mức cao. Cũng có nguy cơ xảy ra các cuộc không kích chiến lược.
Hôm 27 tháng Tư, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng John Kirby cho biết “hơn một nửa” trong số 90 trọng pháo tầm xa Howitzers, mà Mỹ đang gửi tới Ukraine hiện đã có mặt ở quốc gia này.
50 binh sĩ Ukraine đã được đào tạo về Howitzers. Các binh sĩ Ukraine này sẽ quay trở lại Ukraine và “huấn luyện đồng đội của họ,” Kirby nói. Ông cho biết thêm, 50 người Ukraine đã được đào tạo về Howitzers là một phần của “đợt đầu tiên” trong khóa đào tạo.
3. Báo cáo của tình báo Anh ngày 29 tháng Tư
Trận Donbas vẫn là trọng tâm chiến lược chính của Nga, nhằm đạt được mục đích đã nêu là bảo đảm quyền kiểm soát các vùng Donetsk và Luhansk.
Trong những vùng này, giao tranh diễn ra đặc biệt nặng nề xung quanh Lysychansk và Severodonetsk, với một cuộc tiến công về phía nam từ Izium đến Slovyansk.
Do sự kháng cự mạnh mẽ của người Ukraine, việc giành được lãnh thổ của Nga đã bị hạn chế và các lực lượng Nga phải trả giá đáng kể.
4. Tổng thống Ukraine ca tụng chương trình cho vay mượn của Hoa Kỳ để giúp Ukraine đánh bại Nga
Trong diễn văn với quốc dân đồng bào vào tối thứ Sáu 29 tháng Tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ tin tưởng rằng chương trình Lend-Lease sẽ giúp Ukraine và toàn thế giới tự do đánh bại những kẻ kế thừa ý thức hệ của Đức Quốc xã, những người đã bắt đầu cuộc chiến chống lại nhà nước của chúng ta.
Đạo luật cho vay và cho thuê của Hoa Kỳ, hay Lend-Lease, được chính thức giới thiệu là Đạo luật thúc đẩy phòng thủ của Hoa Kỳ, được ban hành ngày 11 tháng 3 năm 1941. Đó là một chính sách theo đó Hoa Kỳ đã cung cấp cho Anh, Liên Xô và các quốc gia Đồng minh khác lương thực, dầu mỏ và các khí tài khác từ năm 1941 đến năm 1945. Nó được đưa ra trên cơ sở rằng sự giúp đỡ đó là cần thiết cho việc bảo vệ Hoa Kỳ. Đạo luật được ký thành luật vào ngày 11 tháng 3 năm 1941 và kết thúc vào ngày 20 tháng 9 năm 1945. Tuy Đạo luật đề cập đến việc cho vay mượn, nhưng nhìn chung, viện trợ theo đạo luật này là không hoàn lại, mặc dù một số khí tài chiến tranh chẳng hạn như tàu, thuyền, máy bay, xe tăng đã được trả lại sau chiến tranh. Đổi lại, Hoa Kỳ được quyền thuê các căn cứ quân đội và hải quân trên lãnh thổ của Đồng minh trong chiến tranh.
Ông Zelenskiy nói:
“Tôi biết ơn Hoa Kỳ, Tổng thống Biden và Quốc hội về một chương trình tương tự của chương trình Lend-Lease nổi tiếng, chương trình này sẽ rất hữu ích trong cuộc chiến chống Nga, chống lại những kẻ xâm lược Nga. Điều đó đã giúp ích rất nhiều trong cuộc chiến chống lại Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Tôi chắc chắn rằng giờ đây Lend-Lease sẽ giúp Ukraine và toàn bộ thế giới tự do đánh bại những kẻ kế thừa ý thức hệ của Đức Quốc xã, những kẻ đã bắt đầu cuộc chiến chống lại chúng tôi trên đất của chúng tôi.”
Tổng thống nói thêm rằng “Lend-Lease và các chương trình khác hỗ trợ Ukraine là bằng chứng cụ thể cho thấy quyền tự do vẫn có thể tự bảo vệ mình trước chế độ chuyên chế.”
Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Lend-Lease dành cho Ukraine vào ngày 28/4.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách cho vay cho phép Hoa Kỳ cung cấp viện trợ quân sự cho các đồng minh nước ngoài của mình một cách nhanh chóng.
5. Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine hơn 200 xe tăng.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng Hai, Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine hơn 200 xe tăng. Bên cạnh đó còn có các xe thiết giáp, hệ thống phóng hỏa tiễn Grad, pháo Gvozdika. Tổng cộng, Ba Lan đã cung cấp hơn 7 tỷ zloty (hơn 1,6 tỷ USD) vũ khí và đạn dược cho Kyiv.
Hơn 200 xe tăng T-72, có thể được sử dụng để trang bị cho hai lữ đoàn xe tăng.
Ba Lan cũng cung cấp cho quân đội Ukraine hỏa tiễn không đối không cho máy bay MiG-29 và Su-27, máy bay không người lái trinh sát và máy bay không người lái Warmate do công ty WB Electronics của Ba Lan sản xuất và hỏa tiễn phòng không di động Piorun.
Ba Lan cũng bàn giao hàng chục xe chiến đấu bộ binh và một số lượng lớn đạn pháo cho Ukraine.
Theo Polskie Radio, trong cuộc họp gần đây của các đồng minh Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein, Ba Lan được mệnh danh là một trong những nước đi đầu về hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
6. Quân đội Ukraine nhận hệ thống hỏa tiễn S-300 từ các nước đối tác
Lực lượng hỏa tiễn phòng không của Bộ Tư lệnh Phòng không phía Nam Các lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận được một hệ thống hỏa tiễn S-300 từ các nước đối tác, giúp tăng cường đáng kể hệ thống phòng không của Ukraine ở phía nam đất nước.
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết như sau:
“Hệ thống hỏa tiễn S-300 thực hiện hiệu quả công việc chống lại một phần đáng kể các đối tượng của quân chiếm đóng Nga và có thể bắn hạ máy bay, hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo ở khoảng cách từ 5 đến 150 km. Đồng thời, mục tiêu bay ở khoảng cách nào không quan trọng - 10 mét hay 27 km đều có xác suất bị bắn hạ như nhau.”
Bộ chỉ huy cho biết hệ thống đã được đưa vào thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.
Không quân Ukraine đã tiêu diệt 15 mục tiêu trên không vào ngày 28/4, bao gồm một máy bay Su-34, 5 hỏa tiễn hành trình và 9 UAV.
7. Borrell: Cuộc không kích mới nhất của Nga vào Kyiv là sự coi thường trắng trợn luật pháp quốc tế
Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell coi cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thủ đô Ukraine trong chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres và Thủ tướng Bulgaria Petkov là một hành động coi thường luật pháp quốc tế một cách trắng trợn.
“Tôi bị sốc và kinh hoàng về các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine. Một lần nữa, Nga lại thể hiện sự coi thường trắng trợn luật pháp bằng cách bắn phá một thành phố trong khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres có mặt cùng với Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov,” Ông Borrell nói.
Như đã đưa tin, ngày 28/4, quân Nga lại nã hỏa tiễn vào thủ đô của Ukraine.
Một tòa nhà dân cư 25 tầng đã bị phá hủy một phần do hậu quả của cuộc tấn công của quân Nga. Theo số liệu sơ bộ, có 10 người bị thương.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba lưu ý rằng Nga đã thể hiện thái độ xem thường của mình với Âu Châu và thế giới một lần nữa bằng cách bắn hỏa tiễn vào Kyiv trong chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres và Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov.
1. Giáo phận Nigeria yêu cầu thả linh mục bị buộc tội giết người, và thúc giục điều tra kỹ lưỡng
Giáo phận Công Giáo Abakaliki ở Nigeria đã lên tiếng chỉ trích điều mà họ coi là vụ bắt giữ sai trái đối với một thành viên trong hàng giáo sĩ của mình, là người đã bị buộc tội giết người, và hàng loạt các hành vi bạo lực khác ở quốc gia Tây Phi này.
Trong một tuyên bố được chia sẻ với ACI Phi Châu vào Chúa Nhật, ngày 24 tháng 4, vị Chưởng Ấn của Giáo phận Abakaliki nói rằng Cha Timothy Ngwuta đã bị bắt vào tháng 12 năm ngoái tại Ebonyi, nơi ngài đến giúp bạn mình, Jude Ariom, lấy một chiếc xe đang đậu ở đó.
Kể từ đó, Cha Timothy đã phải ra vào tòa án nhiều lần và hiện đang phải đối mặt với cáo buộc về những gì đã “biến hóa” thành bắt cóc và giết người cũng như tấn công và giết các sĩ quan cảnh sát. Cha Matthew Uzoma Opoke, Chưởng Ấn của giáo phận, nói trong tuyên bố dài hai trang của mình ngày 24 tháng 4.
Cha Timothy cũng bị buộc tội hỗ trợ trốn thoát, đốt phá, thúc đẩy chiến tranh giữa các cộng đồng và nhiều tội danh khác.
Chưởng Ấn của Giáo phận Abakaliki kêu gọi các cơ quan an ninh ở Nigeria tiến hành “một cuộc điều tra kỹ lưỡng” về tình trạng bạo lực ở quốc gia này, và trả tự do cho vị linh mục đã bị buộc tội oan.
Source:ACIAfrica
2. Hội đồng Giám mục Trung Á nhóm đại hội đầu tiên
Hội đồng Giám mục miền Trung Á sẽ nhóm khóa họp đầu tiên, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Tư này, tại Nur-Sultan thủ đô Kazakhstan để thảo luận và đề ra những ưu tiên mục vụ cho các Giáo hội địa phương.
Tham dự khóa họp, có các giám mục và các vị bản quyền Công Giáo của bảy nước, là: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan, Afghanistan, và Mông Cổ. Ngoài ra có các vị Sứ thần Tòa Thánh tại các nước liên hệ và chức sắc của Tòa Thánh.
Trong dịp này, Hội đồng Giám mục tân lập cũng chào mừng các vị lãnh đạo Thượng viện, Bộ Thông tin và phát triển xã hội của Kazactan trong buổi khai mạc.
Trong khóa họp, Hội đồng Giám mục Trung Á sẽ chuẩn bị một thủ tục để tiến hành các khóa họp toàn thể của Hội đồng cũng như công việc của Ban thường vụ và Văn phòng tổng thư ký. Ngoài ra, các tham dự viên cũng thảo luận về Đại hội thế giới kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới tại Nur-Sultan, vào tháng Chín năm nay và cuộc viếng thăm chính thức của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nước này.
Hôm 12 tháng Tư vừa qua, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni xác nhận Đức Thánh Cha Phanxicô có ý muốn viếng thăm Kazakhstan, nhân dịp hội nghị kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới, tiến hành tại thủ đô Nur-Sultan trong hai ngày 14 và 15 tháng Chín năm nay, về chủ đề: “Vai trò của các vị lãnh đạo tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống trong sự phát triển tình nhân loại về mặt xã hội tinh thần trong thời hậu đại dịch”.
Ngoài trường hợp Mông Cổ, sáu nước còn lại trong vùng Trung Á đều có đại đa số dân theo Hồi giáo Sunnit, được ước lượng vào khoảng 72 triệu người. Hệ phái Kitô có đông tín hữu ở miền này là Chính thống Nga. Trong số các nước Trung Á, Kazakhstan là quốc gia lớn nhất, với gần 15 triệu dân và số tín hữu Công Giáo vào khoảng 250.000 người.
Trong dịp nhóm họp, các tham dự viên sẽ viếng thăm những địa điểm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo tại Karaganda và Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Hòa Bình ở Ozarnoye. Tại đây, các vị Bản quyền sẽ cử hành nghi thức thánh hiến miền Trung Á cho Đức Mẹ Maria.
Hội đồng Giám mục miền Trung Á được thành lập với sắc lệnh của Bộ Truyền giáo ngày 08 tháng Chín năm ngoái, 2021, với mục đích giúp các tín hữu Công Giáo tại miền này chu toàn các công tác mục vụ, cụ thể là giúp các vị chủ chăn cùng nhau đáp ứng những thách đố chung và hỗ trợ nhau trong việc đối phó với các vấn đề.
3. Đặc sứ Vatican ca ngợi Timor-Leste về cuộc bầu cử hòa bình
Đặc phái viên của Vatican tại Timor-Leste đã chúc mừng quốc gia có đa số dân theo Công Giáo vì đã tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống hòa bình và dân chủ, đồng thời hy vọng nước này sẽ duy trì quan hệ tốt đẹp với Tòa thánh.
Đức Ông Marco Sprizzi, phụ tá sứ thần Tòa thánh, cho biết ngài “rất vui mừng” với cuộc bầu cử ngày 19 tháng 4, vì “cuộc bầu cử được thực hiện một cách rất dân chủ và hòa bình.”
“Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai và những tháng tiếp theo, đời sống chính trị và các thể chế công cộng ở Timor-Leste sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả để phục vụ người dân,” ngài nói với các phóng viên tại Dili vào ngày 25 tháng 4 sau khi tham dự cuộc gặp với Fidelis Manuel Leite Magalhaes, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Vòng thứ hai và cuối cùng của cuộc bầu cử đã thuộc về người đoạt giải Nobel Jose Ramos-Horta với 62,1% phiếu bầu, đánh bại Tổng thống đương nhiệm Francisco “Lu-Olo” Guterres, người được 37,9% phiếu bầu.
Cùng với các nhà lãnh đạo của các đảng chính trị ủng hộ ông, Guterres đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 22 tháng 4 chấp nhận thất bại của mình, được nhiều người hoan nghênh như một cử chỉ dân chủ.
Sprizzi nói rằng, cũng như thái độ của các giám mục Timor-Leste, Tòa thánh không bao giờ ưu ái một ứng cử viên cụ thể nào trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ năm kể từ khi quốc gia trẻ nhất Á Châu giành được độc lập.
Hãng thông tấn nhà nước Tatoli dẫn lời Đức Ông Sprizzi cho biết: “Cả hai ứng cử viên đều là người Công Giáo và chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với cả hai người”.
Đức Ông cũng nhấn mạnh rằng Timor-Leste và Tòa thánh đã có quan hệ ngoại giao mạnh mẽ và Vatican sẽ tiếp tục cam kết duy trì các mối quan hệ này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục vun đắp những mối quan hệ này trên tinh thần như vậy, và Tòa thánh luôn ở đó để hỗ trợ chính phủ Timor-Leste phát triển tốt hơn,” Đức Ông Sprizzi nói “Mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là vì lợi ích chung của người dân.”
Vatican từ lâu đã được coi là một trong những người bạn ngoại giao thân thiết nhất của đất nước. Mối quan hệ của hai bên đã được củng cố bằng việc ký kết một hiệp định vào năm 2015 khi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đến thăm đất nước.
Thỏa thuận xác định các lĩnh vực cụ thể mà Giáo hội có thể phục vụ người dân trong nước một cách tự do và cởi mở, bao gồm hỗ trợ tinh thần trong các nhà tù, bệnh viện, phòng khám và trại trẻ mồ côi, làm công việc từ thiện và thành lập trường học ở mọi cấp độ.
Ramos-Horta sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 5 trùng với lễ kỷ niệm 20 năm đất nước khôi phục độc lập.
Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Salêdiêng Dom Virgilio do Carmo da Silva của Dili hy vọng “tổng thống mới sẽ làm việc chăm chỉ để đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo.”
Trong một tuyên bố sau bầu cử, Đức Tổng Giám Mục yêu cầu tổng thống mới hoạt động trên các lợi ích được ưu tiên và hành động “như một nhà lãnh đạo toàn cầu.”
Source:UCANews
1. Ukraine cho biết lực lượng của họ đang ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trên khắp các mặt trận
Ukraine cho biết các lực lượng của họ tiếp tục chống lại các cuộc tấn công của Nga trên một số mặt trận, bất chấp có những bằng chứng cho thấy, các đơn vị mới của Nga đang tiến qua biên giới, đồng thời tuyên bố rằng pháo binh Nga đã nhắm vào các ngôi làng gần biên giới ở góc đông bắc của đất nước, một khu vực đã chứng kiến ít hoạt động trong vài tuần qua.
Đánh giá được đưa ra từ bản tin mới nhất của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, người Nga tiếp tục tăng cường sự hiện diện của họ ở khu vực Izium ở miền đông Ukraine, bằng cách đưa các đơn vị thường đóng ở Viễn Đông của Nga sang.
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết nỗ lực mới nhất của lực lượng Nga nhằm đột phá khu vực Izium đã thất bại vì bị kháng cự quyết liệt, nhưng quân Nga vẫn tiếp tục tấn công thị trấn Lyman - một trung tâm đường sắt quan trọng, nơi bị Nga pháo kích vào hôm thứ Sáu.
Bộ Tổng tham mưu cho biết cũng có giao tranh dữ dội xung quanh Rubizhne, và Popasna, là hai thị trấn mà người Nga đã cố gắng chiếm giữ trong vài tuần qua.
Bộ Tổng tham mưu cũng cho biết, các đơn vị Nga đã nhắm vào các vị trí của Ukraine tại 4 ngôi làng ở vùng Sumy, ở góc đông bắc Ukraine, một khu vực ít có hoạt động trong những tuần gần đây.
Quân đội Ukraine cho biết, tổng cộng, 14 cuộc tấn công của kẻ thù đã bị đẩy lùi ở các khu vực Donetsk và Luhansk trong 24 giờ qua.
Serhiy Hayday, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Luhansk, cho biết hai trường học và 20 ngôi nhà đã bị phá hủy hôm thứ Sáu, khi quân Nga tiếp tục tấn công Rubizhne và Popasna. Ông cho biết người Nga đã thực hiện 16 cuộc tấn công bằng pháo lớn trong ngày qua, với Hirske và Orikhovo nằm trong số các mục tiêu. Cả hai đều là những thị trấn gần chiến tuyến đã hứng chịu thiệt hại nặng nề trong tháng này.
Hayday cho biết 31 người đã được di tản khỏi Popasna, nhưng hai xe buýt di tản đã bị bắn vào và không có liên lạc nào kể từ đó với những người trên xe.Những người lái xe đều là các tình nguyện viên.
“Tôi rất sợ rằng chúng ta sẽ mất những người này,” anh nói.
Ở mặt trận phía nam, người Nga đã nổ súng ở vùng ngoại ô của một ngôi làng tranh chấp gần Kryvyi Rih. Không có thương vong.
2. Ukraine chịu tổn thất lớn trong trận chiến phía đông, nhưng Nga tổn thất nặng hơn
Cố vấn của Tổng thống Ukraine, Oleksiy Arestovych, đã thừa nhận rằng quân đội Ukraine đã bị tổn thất nặng nề khi lực lượng của Mạc Tư Khoa, do không chiếm được thủ đô, đã tăng gấp đôi nỗ lực của họ để chiếm hoàn toàn khu vực Donbas ở phía đông Ukraine.
Tuy nhiên, ông Arestovych cho biết thương vong trong đội quân xâm lược thậm chí còn tồi tệ hơn. Phát biểu sớm hơn ngày hôm nay, ông nói:
Chúng tôi bị tổn thất nghiêm trọng, nhưng tổn thất của người Nga còn lớn hơn nhiều… Họ có những tổn thất rất to lớn.
Các quan chức phương Tây hôm nay cho biết Nga đã ít chịu thương vong hơn sau khi thu hẹp quy mô cuộc xâm lược nhưng con số vẫn ở mức “rất cao”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Vladimir Putin có thể tuyên bố về việc tổng động viên vào ngày 9 tháng 5 tới đây do thiếu hụt quân số trầm trọng.
Ông Wallace nói rằng ông Putin có thể tuyên bố rằng “chúng ta hiện đang chiến tranh với Đức Quốc xã trên thế giới và chúng ta cần tổng động viên quần chúng nhân dân Nga”.
Ông nói với LBC rằng nhà lãnh đạo Nga đã “thất bại” trong “gần như tất cả các mục tiêu của mình”.
Ông nói thêm: “Chúng ta phải giúp người Ukraine thoát khỏi tình trạng chênh lệch quá lớn giữa họ và người Nga, một cách hiệu quả và giữ động lực đẩy lui đối phương”.
Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Ukraine đã thông báo về việc mở lại đại sứ quán ở thủ đô Kyiv sau khi nó được di dời tạm thời vài ngày trước khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.
3. Người phát ngôn Ngũ Giác Đài xúc động khi nói về hành động của Putin ở Ukraine
Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 29 tháng Tư, khi được hỏi liệu Bộ Quốc phòng có coi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “tác nhân có lý trí” hay không, thư ký báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby đã phát biểu đầy xúc động về “sự đồi bại” của Putin ở Ukraine.
“Thật là khó khăn khi nhìn vào một số hình ảnh và tưởng tượng rằng một nhà lãnh đạo trưởng thành, nghiêm túc, có tư duy tốt lại làm ra được điều đó. Cho dù tôi không biết tâm lý của ông ta như thế nào. Nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể nói lên sự đồi bại của o6ng ấy,” Kirby nói trong một cuộc họp báo của Ngũ Giác Đài trước khi lặng người đi gần 10 giây.
Nhấn mạnh vào mô tả của Barbara Starr của CNN, Kirby gọi những lời biện minh của Putin cho cuộc xâm lược là “rác rưởi”, có lúc ông đập mạnh lên bục để nhấn mạnh.
“Thật khó để giải thích... thật là rác rưởi khi nói rằng cuộc chiến này là về chủ nghĩa Quốc xã ở Ukraine, và đó là về việc bảo vệ người Nga ở Ukraine, và đó là về bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga, khi không ai trong số họ, không ai trong số họ bị Ukraine đe dọa,” Kirby nói.
Thiếu tướng Kirby đã liệt kê một số hành động mà ông gọi là những hành động “vô lương tâm” của các lực lượng Nga, bao gồm cả việc thường dân bị “bắn vào đầu, tay bị trói sau lưng, phụ nữ mang thai bị giết, bệnh viện bị đánh bom”.
Tướng Kirby sau đó đã xin lỗi vì những gì ông nói đã tiêm nhiễm “quan điểm cá nhân” của ông và sẽ không nói rõ thêm về đánh giá của Hoa Kỳ liên quan đến trạng thái tinh thần của Putin.
4. Lực lượng Nga nổ sập cầu đường sắt gần Sloviansk trong mưu toan tiến chiếm thành phố
Bức ảnh chụp ngày 29 tháng 4 năm 2022 cho thấy một cây cầu đường sắt bắc qua sông Siverskyi Donets, đã bị phá hủy bởi một cuộc tấn công hỏa tiễn. Các binh sĩ Ukraine, ở Raygorodok, miền đông Ukraine, cho biết như trên..
Cây cầu nằm dọc theo đường cao tốc giữa các thành phố Sloviansk và Lyman của Ukraine. Một hình ảnh vệ tinh từ vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ Âu Châu cho thấy cây cầu còn nguyên vẹn vào hôm thứ Năm.
Các cuộc không kích của Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng ở Lyman, đặc biệt nhắm vào một trung tâm đường sắt đóng vai trò là tuyến tiếp tế quan trọng cho quân đội Ukraine. Hôm thứ Sáu, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng các lực lượng Nga đang thực hiện “một số bước tiến chậm, không đồng đều và gia tăng” đối với Sloviansk.
Càng gần đến ngày 9 tháng Năm, là lễ kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô với Quốc Xã Đức, quân Nga càng cố gắng giành một số chiến thắng nào đó để dâng lên bác Putin. Chẳng may, cho đến nay các cố gắng này đều không đi đến đâu.
5. Bản tin của tình báo Anh ngày 30 tháng Tư
Trong bản tin ngày 30 tháng Tư, cục tình báo Bộ Quốc Phòng Anh đưa ra 3 nhận định sau:
Thứ nhất, Nga hy vọng sẽ khắc phục các vấn đề trước đây, đã hạn chế cuộc xâm lược của họ, bằng cách tập trung về mặt địa lý, hỏa lực chiến đấu, rút ngắn đường tiếp tế, và đơn giản hóa chỉ huy và kiểm soát.
Thứ hai, Nga vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Nga đã bị buộc phải hợp nhất, và tái triển khai các đơn vị đã cạn kiệt, và tách biệt ra những đơn vị đã thất bại trong các hướng tiến công ở đông bắc Ukraine. Nhiều đơn vị trong số các đơn vị này có thể đang bị xuống tinh thần.
Thứ ba, những thiếu sót trong phối hợp chiến thuật của Nga vẫn còn. Việc thiếu các kỹ năng cấp đơn vị, và hỗ trợ không quân không đồng bộ, đã khiến Nga không thể phát huy hết khả năng tác chiến của mình, mặc dù đã có những cải tiến cục bộ.
6. Bộ Quốc phòng cho biết Mỹ hiện đang huấn luyện lực lượng Ukraine ở Đức
Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Mỹ đã bắt đầu huấn luyện bổ sung cho các lực lượng vũ trang Ukraine tại các cơ sở quân sự của Mỹ ở Đức.
“ Những nỗ lực này được xây dựng dựa trên quá trình huấn luyện pháo binh ban đầu mà các lực lượng của Ukraine đã nhận được ở những nơi khác, và cũng bao gồm đào tạo về hệ thống radar và xe bọc thép đã được công bố gần đây như một phần của gói hỗ trợ an ninh,” Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, nói trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 29 tháng Tư.
Tướng Kirby nói rằng Đức là một trong “khoảng ba địa điểm” đang được Mỹ sử dụng để đào tạo người Ukraine bên ngoài Ukraine, nhưng ông không tiết lộ những địa điểm khác.
Ông cũng cho biết “phần lớn khóa huấn luyện” sẽ được thực hiện bởi Lực lượng Vệ binh Quốc gia Florida, những người đã từng huấn luyện người Ukraine trước khi được lệnh rút ra khỏi Ukraine vào tháng Hai trước khi Nga xâm lược.
Tướng Kirby cho biết: “Cuộc hội ngộ gần đây của những thành viên Vệ binh Quốc gia Florida này với các đồng nghiệp Ukraine của họ, là một cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc, vì mối quan hệ bền chặt đã hình thành khi họ sống và làm việc cùng nhau trước khi tạm chia tay vào tháng Hai”
7. Quốc hội cho biết dự luật trị giá 33 tỷ đô la Ukraine sẽ mất một thời gian để thông qua
Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cảnh báo có nhiều vấn đề cần được giải quyết liên quan đến yêu cầu tài trợ bổ sung cho Ukraine của Tổng thống Joe Biden chính thức được đưa ra hôm thứ Năm - bao gồm cả việc soạn thảo ngôn ngữ lập pháp - và toàn bộ quá trình có thể mất nhiều tuần cho đến khi có phiếu cuối cùng ở cả hai viện.
Biden đã chính thức đề nghị Quốc hội thông qua một dự luật tài trợ bổ sung trị giá 33 tỷ USD nhằm hỗ trợ Ukraine trong vài tháng tới khi cuộc chiến tàn khốc và không ngừng của Nga bước sang một giai đoạn mới. Ông đưa ra một đề xuất có thể gây áp lực hơn nữa đối với các nhà tài phiệt Nga về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả việc sử dụng tiền từ tài sản bị tịch thu của họ để tài trợ cho quốc phòng Ukraine.
Quốc hội muốn thông qua dự luật này trước kỳ nghỉ Memorial Day. Nhưng có những phức tạp bổ sung cần giải quyết - cụ thể là phải làm gì với gói tài trợ Covid-19 bị đình trệ. Ngoài ra, các nhà lập pháp Hạ viện đang nghỉ vào tuần tới có khả năng sẽ tiếp tục đình trệ khi họ có thể đưa ra thời biểu cho một cuộc bỏ phiếu.
8. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Nancy Pelosi, cho biết Hạ viện sẽ bỏ phiếu để thông qua yêu cầu 33 tỷ đô la của Joe Biden về viện trợ cho Ukraine “càng sớm càng tốt”.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của mình vào sáng thứ Sáu, chủ tịch Hạ viện cho rằng yêu cầu của chính quyền là một trong số những “trường hợp khẩn cấp” mà Quốc hội cần phải giải quyết ngay.
Theo Reuters, bà Pelosi nói:
“Chúng tôi có những trường hợp khẩn cấp ở đây. Chúng tôi cần có tiền của Covid, và thời gian là điều cốt yếu vì chúng tôi cần tiền cho cả Ukraine... vì vậy tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể làm được điều đó sớm”
Tuy nhiên, bà Pelosi không thể đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về thời điểm có thể có bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào, chỉ nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ thông qua luật đó càng sớm càng tốt”.
Hôm thứ Năm, ông Biden công bố kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu của Mỹ cho viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine khi nước này chống lại cuộc xâm lược kéo dài hơn hai tháng qua của Nga.
1. Luật các điệp viên nước ngoài của Nga nhằm bỏ tù bất cứ ai
Các nghị sĩ Nga đã soạn thảo một dự luật mới về “các điệp viên nước ngoài”. Luật được đề xuất, có tiêu đề “Về việc giám sát hoạt động của các cá nhân dưới ảnh hưởng của nước ngoài,” đã được đệ trình lên Duma, tức là Hạ Viện của Nga, vào ngày 25 tháng 4.
Andrey Lugovoi, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Chống tham nhũng và đồng tác giả dự luật nói:
“Dự luật là cần thiết vì số lượng lớn và ngày càng tăng của các điệp viên nước ngoài hoạt động cho các quốc gia không thân thiện với Nga và muốn ảnh hưởng đến công dân của chúng ta và các chính sách của đất nước chúng ta.”
Những người được xem là chịu 'ảnh hưởng của nước ngoài' có thể được coi là 'đặc vụ nước ngoài'
Theo dự luật mới, “đặc vụ nước ngoài” có thể bao gồm bất kỳ ai nhận được hỗ trợ tài chính từ nước ngoài hoặc “chịu sự ảnh hưởng của nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào”.
Ngay cả việc nhận tiền từ người thân ở nước ngoài cũng có thể khiến một người bị điều tra và cuối cùng có thể bị kết án.
Source:meduza.io
2. Hành hương của các quân nhân quốc tế tại Lộ Đức
Cho đến nay đã có khoảng 8.500 quân nhân nam nữ thuộc 30 quốc gia đăng ký tham dự cuộc hành hương của giới quân nhân quốc tế lần thứ 62, tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức, từ ngày 11 đến ngày 17 tháng Năm tới đây.
Sau hai năm bị tạm ngưng vì đại dịch, năm nay cuộc hành hương dần dần trở lại bình thường. Đặc biệt cũng sẽ có một phái đoàn quân nhân từ Ucraina.
Đức cha Werner Freistetter, Giám hạt quân đội tại Áo, nói với hãng tin Công Giáo Kathpress của nước này rằng “Sẽ có 180 quân nhân Áo tham dự cuộc hành hương tới đây... Mặc dù vui mừng vì cuộc hành hương của giới quân nhân Công Giáo được mở lại, nhưng đây là một cuộc hành hương trong dấu chỉ chiến tranh tại Ucraina. Chiến tranh làm lu mờ mọi sự và vì thế cuộc hành hương năm nay thực là một dấu chỉ hy vọng. Chiến tranh cũng sẽ giữ một vai trò trong các cuộc gặp gỡ và cầu nguyện. Điều chắc chắn là các quân nhân Áo đặc biệt đưa dân chúng tại Ucraina vào trong kinh nguyện đặc biệt của mình, ví dụ trong buổi đi Đàng Thánh giá”.
Đề tài cuộc hành hương thứ 62 năm nay, là “Thầy ban cho các con niềm vui của Thầy”. Trong số 8.500 tham dự viên, có khoảng 1.000 người cư ngụ trong khu lều quốc tế.
Đức cha Freistetter nhận xét rằng “tuy đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt nhưng tôi vui mừng vì sau thời gian tạm ngưng dài như vậy, cuộc hành hương của các quân nhân quốc tế tại Lộ Đức lại có thể mở lại, tuy rằng con số vẫn còn ít hơn so với những năm trước đại dịch.”
Các cuộc hành hương của giới quân nhân quốc tế tại Lộ Đức bắt đầu từ năm 1944, trong năm cuối cùng của thế chiến, với các quân nhân Pháp và dần dần phát triển thành các cuộc hành hương miền, rồi quốc gia và quốc tế.
3. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu một làn sóng bổ nhiệm mới tại Vatican
Với việc bổ nhiệm hai thư ký tại Bộ Giáo lý Đức tin và sự xác nhận của các nhà lãnh đạo mới tại Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt tay vào một loạt thay đổi nhân sự trước khi hiến pháp mới của Vatican có hiệu lực vào tháng Sáu..
Được công bố vào ngày 19 tháng 3, tông hiến Praedicate evangelium quy định các nhiệm vụ và các bộ phận của Giáo triều Rôma. Sau gần chín năm soạn thảo, văn bản sẽ có hiệu lực vào ngày 5 tháng Sáu.
Vào ngày hôm đó, các bộ phận của Vatican sẽ đổi tên và một số bộ phận sẽ đảm nhận các năng lực mới, trong khi một số quy tắc và quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực. Ví dụ, các linh mục sẽ không còn có thể phục vụ trong Giáo triều trong hơn hai nhiệm kỳ 5 năm.
Tuy nhiên, cuộc cải cách tổng thể đã được dự đoán trước bởi một số quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có hai điều quan trọng trong những tháng gần đây.
Đầu tiên là việc tái cơ cấu Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, hiện được chia thành hai bộ phận, một bộ phận chuyên về kỷ luật và một bộ phận chuyên về tín lý,
Điều thứ hai là quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô không gia hạn nhiệm kỳ của Đức Hồng Y Peter Turkson với tư cách là Tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.
Từ đầu năm nay, Đức Hồng Y Michael Czerny đã giữ chức Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện. Ngài trước đây là thư ký phụ trách bộ phận người di cư và người tị nạn của bộ này. Thư ký lâm thời là Sơ Alessandra Smerilli.
Về CDF, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn các tân thư ký theo cả tính liên tục và tính mới mẻ.
Sự liên tục nằm trong phần kỷ luật: Đức Ông John Joseph Kennedy, người đã phục vụ tại CDF từ năm 2003 và lãnh đạo bộ phận kỷ luật của CDF từ năm 2017.
Điểm mới lạ nằm ở phần giáo lý: thư ký là Đức Ông Armando Matteo, người đến CDF vào năm 2021 với tư cách là phó thư ký và nhanh chóng xâm nhập vào trái tim của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thật vậy, Đức Giáo Hoàng đã tặng các thành viên của Giáo triều một bản sao cuốn sách “Sự hoán cải của Peter Pan” do Đức Ông Matteo biên soạn trong bài diễn văn truyền thống trước Giáng Sinh của ngài.
Thật đáng ngạc nhiên khi Đức Ông Matteo Visioli, phụ tá tổng thư ký hiện tại của CDF, không được cất nhắc. Sơ đồ tổ chức mới dường như nhằm mở đường cho việc bổ nhiệm một vị tổng trưởng CDF mới, vì Đức Hồng Y Luis Ladaria đã bước sang tuổi 78, tức là đã quá hạn ba năm so với giới hạn nghỉ hưu 75 tuổi.
Người ta nói rằng tân tổng trưởng có thể là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, tổng giám mục Malta và là một phụ tá thư ký của CDF. Nhưng điều đó, tất nhiên, vẫn còn phải xem.
Việc công bố hai tân thư ký không đi kèm với việc bổ nhiệm giám mục, đây cũng là một dấu hiệu cho thấy chiều hướng mới tại Vatican. Vì theo tầm nhìn của Tông Hiến Praedicate evangelium, thẩm quyền được trao bởi sứ mệnh chứ không phải do việc tấn phong giám mục.
Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch 79 tuổi của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, chắc chắn sẽ ra đi. Hội đồng giáo hoàng sẽ trở thành một phần của Bộ Văn hóa và Giáo dục mới, nhưng vị tổng trưởng hiện tại của Bộ Giáo dục, Đức Hồng Y Giuseppe Versaldi, cũng đã trên 75 tuổi. Có tin nói về việc Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich có thể là một ứng cử viên cho chức vụ lãnh đạo của bộ này.
Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục, đã quá tuổi nghỉ hưu. Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương cũng vậy, nhưng ngài có thể vẫn giữ vai trò này.
Việc bổ nhiệm mới có khả năng dẫn đến việc tạo ra các Hồng Y mới.
Source:Catholic News Agency
Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 29 tháng Tư, khi được hỏi liệu Bộ Quốc phòng có coi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “tác nhân có lý trí” hay không, thư ký báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby đã phát biểu đầy xúc động về “sự đồi bại” của Putin ở Ukraine.
“Thật là khó khăn khi nhìn vào một số hình ảnh và tưởng tượng rằng một nhà lãnh đạo trưởng thành, nghiêm túc, có tư duy tốt lại làm ra được điều đó. Cho dù tôi không biết tâm lý của ông ta như thế nào. Nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể nói lên sự đồi bại của o6ng ấy,” Kirby nói trong một cuộc họp báo của Ngũ Giác Đài trước khi lặng người đi gần 10 giây.
Nhấn mạnh vào mô tả của Barbara Starr của CNN, Kirby gọi những lời biện minh của Putin cho cuộc xâm lược là “rác rưởi”, có lúc ông đập mạnh lên bục để nhấn mạnh.
“Thật khó để giải thích... thật là rác rưởi khi nói rằng cuộc chiến này là về chủ nghĩa Quốc xã ở Ukraine, và đó là về việc bảo vệ người Nga ở Ukraine, và đó là về bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga, khi không ai trong số họ, không ai trong số họ bị Ukraine đe dọa,” Kirby nói.
Thiếu tướng Kirby đã liệt kê một số hành động mà ông gọi là những hành động “vô lương tâm” của các lực lượng Nga, bao gồm cả việc thường dân bị “bắn vào đầu, tay bị trói sau lưng, phụ nữ mang thai bị giết, bệnh viện bị đánh bom”.
Tướng Kirby sau đó đã xin lỗi vì những gì ông nói đã tiêm nhiễm “quan điểm cá nhân” của ông và sẽ không nói rõ thêm về đánh giá của Hoa Kỳ liên quan đến trạng thái tinh thần của Putin.