Ngày 03-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng thương xót Chúa tồn tại đến muôn đời
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:21 03/04/2018
SUY NIỆM Chúa Nhật LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

(Ga 20, 19-31)

Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa được tiếp liền sau Đại Lễ Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cách đặc biệt, kể từ ngày 22 tháng Tư năm 2001 là sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn đáp lại ý muốn của Thiên Chúa cách minh nhiên được truyền lại cho vị thánh đồng hương của mình là Faustina Kowalska sứ điệp về lòng thương xót Chúa đối với thế giới là vô cùng vô hạn. Chúng ta cùng nhau thực hành lời khuyên của Chúa, để nhận được ơn tha thứ tội lỗi và mọi hình phạt, do đó, trong lời Ca nhập lễ hôm nay : " Như những trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng tinh khiết, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ. Allêluia".

Tin Mừng chung cho cả ba năm Phụng vụ A,B,C được trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan (20, 19-31 ), tường thuật lại sự kiện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp gỡ các tông đồ thật là cảm động. Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông : " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" ( Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi Phục Sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa : " Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (Ga 3, 16). Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng . Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay cần thiết biết bao lòng thương xót của ThiênChúa!

Hôm nay, Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa chúng ta cùng nhau lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang : "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Quả thật : "Tình thương Chúa tồn tại muôn đời! ". Cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô đã thay đổi tận căn số phận của nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Ðây là điều kỳ diệu trong đó được thể hiện trọn vẹn tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha, một tình yêu không ai hiểu thấu, Ðấng vì phần rỗi chúng ta, và để cứu chúng ta, Chúa đã nộp chính Con yêu.

Chúa Giêsu Kitô bị hành hạ và chịu đau khổ vì xót thương chúng ta, thật quá mọi mức độ có thể tưởng nghĩ được. Cả sau biến cố Phục Sinh của Con Thiên Chúa, Thập Giá nói lên và không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Ðấng tuyệt đối trung thành với tình thương muôn đời của Ngài đối với con nguời. Tin vào tình thương này có nghĩa là tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa"( Dives in misericordia, số 7).

Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm, một tình thương mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Giờ đây, nhân loại vẫn đang tiếp tục được thừa hưởng tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đổ ra từ những vết thương vinh hiển và từ trái tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi, sự thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa tuôn tràn sự dịu dàng, thánh nữ Faustina Kowalska thấy xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian. Theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "Hai tia sáng nầy tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3, 5; 4, 14).

Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào tay Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi duy nhất của chúng ta ! Những tia sáng của lòng nhân từ Chúa ban lại niềm hy vọng, một cách đặc biệt, cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.

Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót do chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập. Ngài mất vào đúng vọng ngày Kính Lòng Chúa Thương Xót năm 2005. Ngài được tuyên phong hiển thánh đúng Đại Lễ này, ngài quả là vị thánh của Lòng Xót Thương. Cùng với thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nhân hậu hay tỏ lòng thương xót đối với mọi người, phần nào diễn tả thái độ nội tâm của ngài trước Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu và hay thương xót.

Lạy Chúa, nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa, Chúa đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha cho chúng con, chúng con tin thác vào Chúa, chúng con lặp lại ngay lúc này với xác tín rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới.

Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Ðấng cứu chuộc chúng con. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và thánh nữ Faustina, chúng con nhớ đến với hết lòng mộ mến, xin trợ giúp chúng con. Xin cho chúng con được cùng với các thánh, hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện : "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Quyền năng của Thần Khí
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
10:32 03/04/2018
Chúa Nhật II Phục Sinh, năm B
Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa
Cv 4, 32 – 35 1 Ga 5, 1 – 6 Ga 20, 19 – 31

Đức Giêsu đã sống lại thật rồi. Alléluia ! Những điều Thánh Kinh thuật lại đã minh chứng việc Chúa Giêsu sống lại : các Tông đồ và mọi người chúng ta với con mắt đức tin, đã nhận ra Đức Giêsu sống lại, Ngài đang hoạt động trong thế giới và trong mỗi người chúng ta. Hôm nay, Chúa sống lại lại hiện ra với các Tông đồ: việc đầu tiên Ngài ban bình an cho các Tông đồ, và minh chứng cho các Tông đồ thấy tay, chân bị đóng đinh và cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu qua, và Ngài thổi hơi vào các Tông đồ và bảo :” Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…” “ Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em “.

Đọc Lại Kinh Thánh, chúng ta đã nhận ra ngay từ thời Cựu Ước, lúc Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất, muôn vật…Thần khí của Thiên Chúa đã bay là là trên mặt nước. Thần khí lúc này là Thần khí sự sống. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và muôn loài. Thần khí của Thiên Chúa hả hơi ban sự sống. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa thổi sinh khí của Người và ban cho con người sự sống. Trình thuật của thánh Gioan hôm nay cũng cho thấy Chúa Phục Sinh thổi hơi vào các môn đệ và ban cho họ năng lực mới, tạo thành mới “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ “. Các môn đệ của Chúa được Chúa sai đi :” Như Cha đã sai Thầy.Thầy cũng sai anh em “.Quyền năng của Đấng Phục Sinh đã biến đổi các môn đệ. Các ngài có sứ mạng đem niềm vui, bình an và kiến tạo sự sống mới cho những ai tin vào Đức Kitô.Bởi vì, các môn đệ đã lãnh nhận quyền năng nơi Đức Kitô Phục Sinh, các ngài có trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ hăng say đem quyền năng ấy đi khắp tận cùng thế giới.

Quả thực, các môn đệ khi được Chúa sống lại thổi hơi ban sinh khí mới, năng lực mới của Chúa Thánh Thần, các ngài đã hiên ngang, mạnh dạn làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Lời chứng của các môn đệ càng ngày càng mạnh mẽ, không suy giảm cường độ chút nào cả và càng lúc càng ảnh hưởng đến mọi người. Các môn đệ cảm nghiệm rõ ràng năng lực mới lạ và kỳ diệu đã khiến họ làm được nhiều phép lạ. Sự biến đổi không thể nào giải thích được nơi các môn đệ của Đức Giêsu, khiến cho nhiều người rất đỗi ngạc nhiên và chính những người này nói rằng lý trí cũng đủ minh chứng Chúa Giêsu Phục Sinh.

Chúng ta hôm nay, không được diễm phúc như thánh Tôma đối diện với Chúa Phục Sinh, được nhìn chân tay và những lỗ đinh, nhìn cạnh sườn của Chúa bị lưỡi đòng đâm thâu qua, để có thể cảm nghiệm trực tiếp Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, chúng ta đã có chứng cớ của Kinh Thánh, chứng cớ sống động của các Tông đồ, chứng cớ không thể chối cãi của bà Maria Mađalêna đã thuật lại…Chúng ta có thể dùng lý do Chúa tặng ban để xác quyết và nhận ra Chúa đã sống lại thật. Và rồi, chúng ta cũng phải sẵn sàng quỳ gối như thánh Tôma và thưa với Chúa Giêsu :” Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con “. Và Chúa cũng sẽ nói với mọi người chúng ta :” Hạnh phúc thay những ai không thấy mà tin “.

Chúa Nhật hôm nay cũng là Chúa Nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.Chúng ta luôn tin tưởng, phó thác nơi lòng nhân từ thương xót của Chúa. Như người con hoang đàng, như con chiên lạc, như người phụ nữ ngoại tình, chúng ta luôn tín thác nơi Lòng Thương Xót của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc hành trình theo Chúa là một cuộc hành trình đức tin lâu dài, có những lúc chúng con dễ dàng tin nhận, nhưng có những lúc đức tin của chúng con bị thử thách, chao đảo như thánh Tôma, xin giúp chúng con nhớ lại những sự việc đã xảy ra theo lời Kinh Thánh thuật lại vào ngày Chúa Nhật Phục sinh, xin Chúa đánh thức đức tin của chúng con để chúng con nhận ra biến cố Phục Sinh không chỉ tác động trên các môn đệ của Chúa năm xưa mà có ảnh hưởng sâu rộng trên lịch sử nhân loại. Xin giúp chúng con biết mau mắn loan báo Chúa Phục Sinh cho nhiều người như Mađalêna và các môn đệ đã mau mắn loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhiều người. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón nhận năng lực mới của Chúa Thánh Thần : đem niềm vui, hiệp nhất, yêu thương và bình an đến cho mọi người. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Tại sao Chúa Phục Sinh lại ban bình an cho các môn đệ ?
2.Thổi hơi vào các môn đệ có nghĩa gì ?
3.Quyền năng của Đấng Phục Sinh là gì ?
4.Ai đã sai Chúa Giêsu và ai đã sai các Tông đồ ?
5.Quyền tha tội là gì ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:56 03/04/2018
58. HỘP QUẢ SƠN VÀNG
Ngày xưa có một người cận thị rất nặng độ, sáng sớm mở cửa thì thấy một bãi phân trâu khô bèn lấy tay mà sờ, luôn miệng khen đẹp:
- “Cái hộp quả sơn vàng đẹp thật, chỉ có điều là nước sơn quá nhạt”.
(Chuyện tiếu thời đại)

Suy tư 58:
Người bị cận thị nặng thì cũng giống như người bị quáng gà, cứ chiều tối đến là quờ quạng nhìn không rõ ràng.
Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, là đèn soi của tâm hồn, cửa sổ bị khép hờ, đèn soi bị gió thổi ngọn lửa chập chờn thì quả là bực mình vì nhìn không thấy rõ ràng.
Con mắt cận thị nặng thì cũng chẳng sao cả, vì đã có kính cận mang vào là thấy rõ, hoặc đi mổ bằng tia laser thì cũng hết, nhưng người bị cận thị trong tâm hồn thì quả là khó chịu cho người chung quanh.
Người bị cận thị trong tâm hồn thì không nhìn thấy được xa, họ như con ếch ngồi đáy giếng chỉ thấy trời to bằng cái miệng giếng, họ đưa ra kế hoạch gì thì cứ cho đó là kim chỉ nam, nếu có ai đó có cái nhìn xa hơn mà góp ý, thì họ cảm thấy đau lòng và như bị xúc phạm, những người cận-thị-trong-tâm-hồn-này chưa bước ra khỏi được cái vỏ câu nệ hình thức và thường có tính khoe khoang tài năng cá nhân, họ không nhìn thấy xa đã đành, nhưng họ bắt mọi người phải cận thị (nhìn gần) như mình thì mới là người của “phe ta”.
Đức Chúa Giê-su đã nói: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” , câu Lời Chúa này chính là cái “kính cận” dành cho người cận-thị-trong-tâm-hồn dùng, bởi vì cái “mới lẫn cái cũ” tức là bảo thủ và tiến bộ, nhìn xa và nhìn gần, khoa học và đức tin đều là những cái mà con người có thể khám phá, có nghĩa là phải khôn ngoan hài hoà kết hợp giữa trào luu mới và nếp cũ, giữa cái bảo thủ và sự tiến bộ, giữa cái nhìn gần của hiện tại và cái nhìn xa của tương lai...
Con mắt xác thịt bị cận thị cũng như con mắt tâm hồn bị cận thị, cả hai đều khổ, nhưng người bị cận thị trong tâm hồn thì khổ hơn, bởi vì cá nhân họ khổ đã đành, mà người khác cũng rất khổ vì cái nhìn cận thị của tâm hồn họ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:57 03/04/2018

7. Trước mặt Thiên Chúa tôi như thế nào, thì tôi là như thế

. (Thánh Phan-xi-cô Năm Dấu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật II Sau Phục Sinh. Năm B - 8.4.2018
Lm Francis Lý văn Ca
20:09 03/04/2018
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta xác tín rằng Đức Kitô đã chết, đã sống lại và đang hiện diện… Nhưng mỗi người trong chúng ta có thể gặp gỡ Đức Kitô phục sinh trong cuộc sống cá nhân của mỗi người hay không? Gặp Ngài trong sự cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và tâm sự với Ngài như một người bạn cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc đời.

Chúng ta gặp gỡ Ngài trong đau khổ của cuộc đời, trong niềm vui của cuộc sống của chúng ta hay gia đình và bạn hữu. Ngài cũng hiện diện trong đời sống cộng đoàn-xứ đạo. Chúng ta có cảm nghiệm được điều nầy không? Ngài hiện diện trong bí tích Thánh Thể khi chúng ta lãnh nhận Ngài trong thánh lễ.

Trong ngày Chúa Nhật hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta tôn kính Lòng Thương Xót Chúa. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta nhớ đến cách riêng thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Đấng khởi xướng phong trào Tôn Kính Lòng Thương Xót Chúa và nâng vị nữ tu Faustina lên hàng hiển thánh. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Thánh Tôma đã tin sau khi thị giác và xúc giác đã thấy và đụng vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Với sự kiện nầy giúp chúng ta, những người thường đòi chứng cớ trực tiếp để tin Chúa Kitô đã sống lại. Nếu lấy đức tin để nhận ra Chúa trong thế gian, qua các phép bí tích mà Ngài đã lưu lại cho đến tận thế, thì chúng ta sẽ trở nên những người được Chúa chúc phúc: “Vì chúng ta đã không thấy mà tin”.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tinh thần hiệp thông và chia sẻ của thời các tông đồ thật đáng ca ngợi. Mọi sự đều là của chung. Ước chi tinh thần nầy, thể hiện nơi chúng ta, để cùng giúp nhau xây dựng nhiệm thể nhỏ bé của Cộng Đoàn-Xứ Đạo và giúp những giáo xứ nghèo nơi quê Mẹ Việt Nam.

TRƯỚC BÀI II:
Tình yêu được biểu lộ qua việc thực thi các giới răn của Giáo Hội và của Chúa. Nếu được như thế, chúng ta sẽ chiến thắng tội lỗi và tin tưởng vào Chúa hơn. TRƯỚC BÀI TIN MỪNG: Thánh Tôma là mẫu gương cho những ai kém lòng tin. Đời sống người Kitô hữu trong xã hội văn minh điện tử, có thể bị lung lay và thử thách trước những biến chuyển của thời đại. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có một đức tin thật vững mạnh.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Giống như cộng đoàn tiên khởi thời các tông đồ, chúng ta cùng quy tụ nơi đây. Hiệp nhau trong lời cầu nguyện, chúng ta thành khẩn dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội hoàn vũ, luôn trung thành trong sứ mệnh rao truyền việc Chúa chịu chết và phục sinh. Xin ban cho Giáo Hội sức mạnh của Thánh Thần để Giáo Hội luôn là chứng tá cho Tin Mừng Phục Sinh. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội muôn vàn chứng tá của Lòng Thương Xót. Đặc biệt Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Thánh Nữ Faustina là những vị thánh đã giúp chúng ta hiểu biết sâu xa hơn về Lòng Thương Xót qua Phong Trào Tôn Kính Lòng Thương Xót, để xin ơn tha tội qua việc hoán cải tâm hồn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho sự tôn kính lòng thương xót Chúa đem lại cho chúng ta và những người tội lỗi sự tha thứ và sự canh tân cuộc sống. Qua tha thứ và canh tân cuộc sống, chúng ta sẽ trở thành sứ giả của hòa bình, hoà giải, cảm thông và kiên trì trong sự tìm kiếm hiệp nhất. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho chúng ta luôn khám phá ra sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh trong Cộng Đoàn-Xứ Đạo, dù lớn hay nhỏ, nơi đó phải có sự hiệp nhất, yêu thương và cùng có chung một trái tim, đầy lòng quảng đại và tha thứ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị sắp bước vào đời sống hôn nhân Công Giáo, xin cho khóa Dự Bị Hôn Nhân mà họ tham dự sẽ là những hành trang căn bản cho đời sống của họ mai ngày. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Xin cho thế giới chúng ta đang sống, biết chia sẻ cho nhau tình huynh đệ đại đồng, biết tôn trọng mạng sống con người. Xin cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết dùng sự khôn ngoan để mưu cầu lợi ích trong việc xây dựng ‘Hoà Bình Chung’ cho toàn thế giới. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

7. Chúng ta cầu nguyện cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu... Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an mà Chúa Kitô đã chúc phúc cho các tông đồ khi hiện ra với các ông. Với ánh mắt đức tin, chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa, với đôi tai, chúng con lắng nghe Lời Chúa. Xin cho chúng con biết đem sự bình an và tình bác ái mà Chúa đã ban, chia sẻ với những người sống xung quanh chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Jean-Pierre Kutwa tố cáo nạn hiến tế trẻ em tại Bờ Biển Ngà
Đặng Tự Do
03:37 03/04/2018
Nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu ở Côte d'Ivoire (Bờ Biển Ngà) đã lên tiếng tố cáo việc bắt cóc trẻ em và giết chết chúng trong các “hy tế” bất hợp pháp tại quốc gia này.

Đức Hồng Y Jean-Pierre Kutwa của Abidjan đã giảng trong Thánh lễ Truyền Dầu ngày thứ Năm Tuần Thánh trước 5,000 người rằng “Chỉ có máu Chúa Kitô mới có khả năng cứu độ chúng ta. .. Tất cả mọi người trên đất nước này phải biết rằng họ phải trả lời cho máu người vô tội bị đổ ra”.

Kể từ đầu năm đến nay, đã có ba trường hợp được cảnh sát xác nhận trong đó các trẻ em ở quốc gia Tây Phi này bị bắt cóc và bị giết trong các “hy tế” của các thầy mo và các thầy phủ thủy. Trước Tuần Thánh, một đứa trẻ năm tuổi đã bị giết sau khi một phù thủy nói với tên nhà giàu rằng hắn ta sẽ vô cùng giàu có nếu sát tế một đứa bé.

Tại Yopougon, thành phố có 1,1 triệu dân, hơn 1,000 giáo dân đã tham gia vào một cuộc diễu hành, trong đó họ cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu để nạn giết trẻ em sớm chấm dứt.

Bờ Biển Ngà có 24,2 triệu dân trong đó 43% là người Hồi giáo, 17% theo Công Giáo 17%, 12% theo đạo Tin lành 12%, 4% theo đạo thờ vật linh, và 19% tuyên bố mình là người vô thần.
Source: Catholic World News Ivory Coast: cardinal denounces ritual sacrifice of children
 
Chuyện không tin cũng xảy ra: Hội Đồng Giám Mục Pakistan tố cáo các bác sĩ trong một nhà thương đánh chết một người Công Giáo
Đặng Tự Do
04:09 03/04/2018
Bà mẹ anh Suneel Saleem than khóc con
Trong một thông cáo được đưa ra hôm 28 tháng Ba, ủy ban truyền thông xã hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan cực lực lên án với những lời lẽ mạnh nhất hành động dã man của các bác sĩ và nhân viên bảo vệ trong một nhà thương đã xúm lại đánh chết một người Công Giáo.

Cha Qaiser Feroz, thư ký điều hành ủy ban truyền thông xã hội của các giám mục Pakistan, nói:

“Tôi rất bàng hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bi kịch như thế.. . Người ta đến bệnh viện để điều trị và bác sĩ phải cứu mạng sống con người. Đàng này họ lại đánh chết người.”

Suneel Saleem, 34 tuổi, cha của bốn đứa con, đã bị 14 bác sĩ và 20 nhân viên an ninh xúm lại đánh tới tấp trong một bệnh viện chính phủ ở thành phố Lahore của Pakistan trong một cuộc cãi vả. Vụ việc đã xảy ra sau khi một nữ bác sĩ tát vào mặt em gái anh là người đang mang thai sắp sinh và đến bệnh viện để kiểm tra. Suneel Saleem lên tiếng phản đối hành động này và đôi co với các bác sĩ trong nhà thương.

Aneel Saleem, một người anh của người quá cố, cũng bị tấn công, cho biết:

“Khoảng 20 nhân viên bảo vệ và 14 bác sĩ đánh đấm và tấn công em tôi bằng dùi cui, ghế và thắt lưng. Suneel ngất xỉu và sau đó chết trong bệnh viện này”.

Cha Qaiser Feroz, đã tổ chức lễ tang của Suneel vào ngày 27 tháng 3. Sau đó, hơn 300 người đã cùng với gia đình nạn nhân tụ tập phản đối trước câu lạc bộ báo chí Lahore.

Thủ hiến bang Punjab là ông Shahbaz Sharif đã bày tỏ sự thông cảm đối với gia đình Suneel và ra lệnh điều tra vụ việc. Christian True Spirit, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nạn nhân các cuộc bách hại, cho biết họ sẽ trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình nạn nhân và sáu tháng hỗ trợ tài chính. Người con út của Suneel là đứa con gái mới 4 tháng tuổi.

Sự phân biệt đối xử đối với các nhóm tôn giáo thiểu số bởi các quan chức chính phủ là một hiện tượng thường thấy ở Pakistan.

Trong khi đó, bọn bác sĩ lại nộp đơn tố cáo với cảnh sát là gia đình anh Suneel Saleem đã tạo ra một tình huống “coi thường pháp luật” trong nhà thương. Được hỏi tình huống “coi thường pháp luật” ấy là gì ban quản trị của bệnh viện nói: “Cuộc chiến bắt đầu khi các nhân viên bảo vệ bệnh viện yêu cầu những người thân của bệnh nhân ngừng quay phim bằng điện thoại di động. Nhưng họ không tuân thủ”.
Source: UCANNews - Pakistani Catholic beaten to death by hospital staff
 
Linh mục và giáo dân một giáo xứ tại Brazil bị chỉ trích “phạm thánh” và “ngu xuẩn”
Đặng Tự Do
06:06 03/04/2018
Một giáo xứ ở Brazil đã bị chỉ trích trên các phương tiện truyền thông xã hội sau khi một video được tung lên Facebook cho thấy thay vì long trọng rước kiệu Mình Thánh Chúa, vị linh mục đã dùng một chiếc drone, thiết bị bay không người lái, để treo lơ lửng Mặt Nhật.

Một thanh niên và một thiếu nữ đã điều khiển chiếc drone này bay lên bay xuống để đưa Mặt Nhật từ cửa nhà thờ lên cung thánh.

Trong đoạn băng video đính kèm (nếu không chắc khó ai tin nổi đây là chuyện có thật), chúng ta có thể thấy cộng đoàn nhà thờ São Geraldo Magela của Tổng Giáo phận Sorocaba, Brazil đang hò reo chúc mừng nhiệt liệt, như đang xem một trận túc cầu, khi cô gái tung hứng chiếc drone đang treo lơ lửng Mặt Nhật.

Chiếc drone cuối cùng đưa Mặt Nhật đến tay một linh mục trước khi được đặt lên bàn thờ.

Một blogger, là cha John Zuhlsdorf, mô tả hành động này là “sự dại dột vô luân”. Những người bình luận khác trên các phương tiện truyền thông xã hội thì cho là một trò “ngu xuẩn”, “tai tiếng” và “phạm thánh”.
Source: Catholic Herald - Parish criticised after flying Blessed Sacrament from drone
 
Chuyện lạ bốn phương: Dự lễ mỗi Chúa Nhật trong 28 năm qua, bây giờ mới chịu vào đạo Công Giáo
Đặng Tự Do
08:04 03/04/2018
Ông David Bereit đã được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo
Một người đồng sáng lập ra phong trào 40 ngày Phò Sinh đã được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo trong đêm Vọng Phục Sinh sau khi đã tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật trong suốt 28 năm qua.

Ông David Bereit, nguyên là mục sư Tin Lành, đã tham dự Thánh lễ mỗi Chúa Nhật kể từ khi gặp người bây giờ là vợ ông vào tháng Giêng năm 1990.

“Sau nhiều năm cầu nguyện, phân định và sau nhiều cuộc vật lộn với Thiên Chúa, tôi đã được đón nhận vào sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo vào buổi tối Phục Sinh hôm qua,” ông viết trong một blog trên mạng xã hội.

Trong suốt 28 năm qua, mỗi sáng Chúa Nhật, ông David Bereit đều đến nhà thờ Công Giáo với vợ và sau đó đến nhà thờ của ông để tiếp tục giảng đạo Tin Lành. Ông cứ tiếp tục cuộc sống như thế trong 28 năm trời cho đến khi:

“Sau một lần trải nghiệm sâu sắc trong một giờ Chầu Mình Thánh Chúa hồi tháng 9 năm ngoái, tôi đã tham dự các lớp học Khai Tâm Kitô Giáo trong vài tháng qua. Mùa Chay đã mang lại nhiều ý nghĩa hơn bình thường cho tôi, khi tôi cầu nguyện và ăn chay mạnh mẽ hơn bao giờ hết với một mong muốn tập trung để tiếp tục tiến gần hơn với Chúa Kitô. Bây giờ tôi tràn ngập niềm vui, và hoàn toàn bình an, về bước tiếp theo này trong cuộc hành trình dài về đức tin trong cuộc đời tôi.”

Năm 2007, ông đã giúp thành lập phong trào 40 ngày Phò Sinh, bao gồm việc tổ chức các buổi cầu nguyện ôn hòa bên ngoài các phòng khám phá thai, cũng như ăn chay và cầu nguyện.

David đã được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Fredericksburg, tiểu bang Virginia.
Source: Catholic Herald Co-founder of 40 Days for Life received into Catholic Church
 
67 phần trăm người Công Giáo Ba Lan đi xưng tội trong Tuần Thánh
Nguyễn Long Thao
10:34 03/04/2018
Văn phòng báo chí của Hội đồng Giám mục Ba Lan, trích dẫn dữ liệu của Viện Nghiên Cứu Ý Kiến của nước này cho biết có hơn 25 triệu người Ba Lan, tức 67% dân số nhận bí tích hòa giải trong tuần thánh vừa qua để mừng Lễ Phục Sinh.

Phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cha Pawel Rytel Andrianik cho biết “ Giáo Hội Ba Lan làm tất cả những gì cần thiết để bảo đảm ai cũng sẽ có cơ hội làm hòa với Chúa.

Cha nói thêm. Những người không có cơ hội đi xưng tội ban ngày thì nhà thờ vẫn mở cửa suốt đêm và cha giải tôi vẫn ở đó chờ đón họ.

Số giáo dân đi xưng tội nhiều nhất trong dịp này là hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh.

Theo Viện Nghiên Cứu Ý Kiến thì 44% dân chúng Ba Lan coi lễ Phục Sinh là sự kiện tôn giáo, 67% dân chúng coi lễ Phục Sinh là lễ để mừng trong gia đình.

Theo viện nghiên cứu ý kiến thì trong suốt mùa chay, phân nửa dân số Ba Lan từ bỏ những thú vui giải trí công cộng như xem truyền hình, khiêu vũ, đi xem xinê, nghe nhạc. Vào ngày thứ Sáu tuần thánh, 85% dân Ba Lan giữ chay không ăn thịt và nhiều người không phải Công Giáo cũng thích giữ chay như người Công Giáo

Theo truyền thống Ba Lan, trong dịp lễ Phục Sinh, tại nhà thờ có nghi lễ ban phép lành cho thực phẩm của gia đình và cũng có phong tục trao đổi trứng như là cách thức chúc mừng lễ Phục Sinh.

Nguyễn Long Thao
 
Trung Quốc công bố Bạch Thư về tôn giáo: mục đích chỉ là để tuyên truyền.
Trần Mạnh Trác
12:20 03/04/2018
(AsiaNews 3/4/2018) – Văn phòng thông tin cuả hội đồng quốc gia Trung quốc vừa phát hành một cuốn "bạch thư" về tôn giáo, nói rõ ra là chính sách cuả Trung Quốc liên quan đến việc thực hành và bảo vệ tự do tôn giáo.

Văn bản dài 8 nghìn chữ, được in bằng tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ả Rập. Nhấn mạnh đến những "tiến bộ quan trọng trong việc đảm bảo sự tự do tôn giáo" ở trong nước, việc thực hiện chính sách, những đảm bảo về pháp lý, những cách hành xử “trật tự" mà các tôn giáo được phép làm, và vai trò của các cộng đồng tôn giáo trong xã hội.

Đây là văn bản về tôn giáo đầu tiên sau khi việc điều hành văn phòng tôn giáo được đặt dưới quyền cai quản trực tiếp cuả đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thoạt nhìn, cuốn bạch thư không có gì đáng gọi là thay đổi lớn trong chính sách kiểm soát tôn giáo. Nhưng qua giọng điệu cuả các quan chức trong cuộc họp báo, thì người ta lưu ý thấy có những ý muốn thổi phồng về một nước Trung Quốc "là một quốc gia đa tôn giáo kể từ thời cổ đại" và tôn giáo nói chung vẫn được coi là "một hiện tượng xã hội phổ quát trong xã hội con người". Người ta không còn nghe thấy họ lập lại những thành ngữ cố hữu cuả chủ nghĩa Karl Marx, như định nghĩa tôn giáo là "thuốc phiện của quần chúng" cần phải bị loại trừ.

Thay vào chủ nghiã Marx, cuốn bạch thư đề cập đến một nguyên tắc mới là "tôn giáo phải được định hướng Trung Quốc" (nghiã là Hoa hoá) và "một kim chỉ nam" được cung cấp để tôn giáo "có thể thích ứng với xã hội chủ nghĩa". Cái “kim chỉ nam hướng dẫn hoạt động" này là một khẩu hiệu do ông Tập Cận Bình đề ra, được khẳng định tại Đại hội đảng vào cuối tháng mười năm ngoái và tại Đại hội nhân dân quốc gia vào tháng ba vừa qua. Nó bao gồm nhiều quy định mới về các hoạt động tôn giáo và "những hướng dẫn" nói trên thì thực sự là những công cụ để kiểm soát tất cả mọi hành vi của các tín hữu trên mọi cấp độ.

Qua bản văn, người ta thấy có nhiều mưu mô ‘nhào lộn’ trên các lập luận trí tuệ, nhằm mục đích lấp liếm cái thực tế phũ phàng đang xẩy ra ngược lại. Ví dụ, họ ngây thơ viết rằng "không có cơ quan nhà nước, tổ chức công cộng hoặc cá nhân có thể buộc một người công dân phải tin, hoặc không tin vào bất cứ tôn giáo nào; và không có sự phân biệt đối xử đối với các công dân tin hay không tin, bất kỳ tôn giáo nào, theo hiến pháp". Nhưng, ngay từ khi đảng Cộng Sản viết ra những lời này thì họ đã thực hiện một sự phân biệt đối xử rất khắt khe rồi, là từ nhiều năm qua họ bắt buộc các thành viên không thể tin theo một đạo nào, ngay cả sau khi đã nghỉ hưu. Đó là chưa nói đến việc tuyển dụng vào các chức vụ công quyền, dù đó là một lãnh vực chuyên môn phi chính trị, thì vẫn phải có chứng minh thư là một đảng viên.

Một mưu mô khác được tìm thấy khi nói đến sự tự do tôn giáo của những người nước ngoài sống trên lãnh thổ Trung Quốc. Những người nước ngoài có quyền tự do đi chùa, nhà thờ, đền Hồi giáo, nhưng phải nằm trong phạm vi "luật lệ và qui định cuả Trung Quốc ". Nghĩa là người nước ngoài không được tự do gặp gỡ bất kỳ một giáo sĩ nào, ngoại trừ những vị đó đang tham gia vào một cộng đồng được đăng ký chính thức.

Mọi hành động biểu lộ tôn giáo của người nước ngoài phải được "cho phép": nghiã là họ không được thiết lập tổ chức tôn giáo, thiết lập các trang web cho các hoạt động tôn giáo, điều hành các tổ chức tôn giáo, và đặt văn phòng tôn giáo để tuyển dụng sinh viên nước ngoài tới học tại Trung Quốc mà không có sự ủy quyền; và họ cũng không được kết nạp những công dân Trung Quốc theo đạo, hoặc bổ nhiệm chức sắc cho các hoạt động truyền giáo.

Cuối cùng, có những lập luận – rất là buồn cười - rằng các tôn giáo ở Trung Quốc đã luôn luôn sống "hòa bình" và "hòa hợp". Tờ bạch thư viết: "những xung đột và đối đầu tôn giáo là hiếm có xẩy ra ở Trung Quốc kể từ sự ra đời của Phật giáo, Hồi giáo, Công Giáo và Tin lành từ hơn 2.000 năm qua... Nhà nước và xã hội đã giữ một thái độ cởi mở đối với các tôn giáo và những sự tin tưởng bình dân".

Nhưng lịch sử từ thời Đường cho tới nhà Thanh đã cho thấy rằng các vị hoàng đế thường xử dụng một một tôn giáo chống lại một tôn giáo khác, thiên vị một tôn giáo vì lý do chính trị hoặc để liên minh với một nước ngoài... Đặc biệt trong thời kỳ cách mạng văn hóa cuả Mao, đảng Cộng Sản đã cố gắng tiêu diệt mọi biểu hiện tôn giáo.

Tờ bạch thư phạm phải một "sự giả mạo lịch sử " khi viết "nguyên tắc độc lập và tự chủ là một sự lựa chọn có tính cách lịch sử đã do các tín hữu tôn giáo cuả Trung Quốc thực hiện trong cuộc đấu tranh cho nền độc lập quốc gia và sự tiến bộ xã hội ". Trong thực tế, tất cả các tôn giáo đã chống lại sự kiểm soát cuả đảng và sự đòi hỏi cuả đảng bắt họ phải chia rẽ với các cộng đồng khác trên toàn thế giới. Cách riêng với Giáo Hội Công Giáo trong những năm 1950, hàng chục giám mục đã thà phải chịu tù đày lâu năm trong các trại tập trung, chứ không chịu tuân thủ chiêu bài "yêu nước và độc lập" cuả đảng.

Tuy nhiên điều đáng nghi ngờ nhất trong cuốn bạch thư là những thống kê về tôn giáo, mặc dù các quan chức nhấn mạng rằng những thống kê đó là "khách quan" và "khoa học".


Theo cuốn bạch thư, có 5 tôn giáo được công nhận ở Trung Quốc: Phật giáo, Đạo Lão, Hồi giáo, Tin lành và Công Giáo. Số tín đồ là 200 triệu và được phục vụ bởi 380 ngàn sư sãi, linh mục, đạo trưởng, mục sư, vv..

Chỉ nhắc tới thống kê liên quan đến người Công Giáo và Tin lành thì đã thấy có nhiều khiếm khuyết rồi: Theo bạch thư thì Công Giáo có 6 triệu giáo dân và Tin lành có 30 triệu, nhưng đó là tính toán dựa trên các cộng đồng chính thức mà thôi, mà trên thực tế thì ở Trung Quốc đã có những cộng đồng tôn giáo không chính thức. Riêng với Công Giáo, thì ước tính là ít nhất có 6 triệu tín hữu ‘chui’; Còn Tin lành là khoảng 60 triệu.

Nếu chúng ta tính thêm các nhóm Phật tử ‘ngầm’- sinh hoạt dưới danh nghiã các nhóm hoặc hiệp hội "văn hóa" – và them các người thực hành đạo Lão, thì số lượng tín đồ tại Trung Quốc phải là trên 500 triệu, chua kể những người tin vào những vị tiên thánh siêu nhiên khác.

Do đó những sai lầm cuả cuốn bạch thư là hiển nhiên: đây không phải là một nỗ lực để vẽ lên một tấm bản đồ mô tả thực trạng về tôn giáo, nhưng chỉ là một nỗ lực để thuyết phục thế giới rằng các tôn giáo tồn tại ở Trung Quốc chỉ là những tôn giáo đã được chính thức công nhận, được đảng Cộng Sản cho phép mà thôi.

Với người Cộng Sản, vấn đề tôn giáo chỉ là một sự nhân nhượng của quyền lực chính trị, chứ không phải là một nhu cầu bẩm sinh của con người.
 
Tòa Thánh Vatican tưởng nhớ 50 năm kỷ niệm ngày giỗ của Mục Sư Martin Luther King Jr.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:15 03/04/2018
(Vatican News) Hôm nay ngày 4 tháng Tư, đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày Martin Luther King, Jr, một Mục Sư của nhà thờ Tin Lành Hoa Kỳ và nhà đấu tranh cho nhân quyền đã bị ám sát vào năm 1968 tại Memphis, tiểu bang Tennessee trong lúc ông đang đấu tranh chống nghèo đói và kỳ thị chủng tộc. Nhân dịp này, Đại diện Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc đã phát biểu rằng ĐGH Phanxicô và Mục Sư King chia sẻ cùng một niềm tin về sự quan trọng của bất bạo động và nhu cầu đoàn kết toàn cầu.

Tưởng cũng nên nhắc lại là ngay sau cái chết của Mục Sư King, ĐGH Phao-lô VI trong buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng Trường Thánh Phê-rô đã chia sẻ niềm thương tiếc về cái chết của “một tiên tri Kitô giáo cho việc hội nhập chủng tộc.”

ĐGH Phanxicô trong cuộc nói chuyện với Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng Chín, năm 2015 cũng nói rằng giấc mơ của Mục Sư Martin Luther King, Jr vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các Kitô hữu trên toàn thế giới.

Bất bạo động và đoàn kết toàn cầu.

Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic, Sứ thần Tòa Thánh và Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã nói với phóng viên Alessandro Gisotti của tờ Tin Tức Vatican về sự tương đồng giữa Mục Sư King và ĐGH Phanxicô, cả hai cùng chia sẻ về tầm quan trọng của bất bạo động và nhu cầu đoàn kết toàn cầu.

ĐTGM nói rằng “Con người chỉ có thể phát triển qua việc bất bạo động. Bạo lực tạo ra những khó khăn mới và những chia cách mới.” Đề cập đến nhu cầu đoàn kết, ĐTGM cho rằng Giáo Hội Công Giáo, cũng như Mục Sư Martin Luther King, Jr. tin rằng,, “tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại và chúng ta phải thắng vượt mọi rào cản của chia rẽ, đặc biệt là chia rẽ vì chủng tộc hay vì những khác biệt về xã hội.”

“Chúng ta nhìn thấy rõ một điều là ĐGH Phanxicô là một trong số ít người thực sự và cương quyết bảo về nhân quyền…Đấu tranh cho hòa bình phải trở thành một mô hình toàn cầu về phát triển chính trị.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Top Stories
Generale ed ex premier del Sud Vietnam riceve il battesimo nella Chiesa cattolica
Asia-News
04:15 03/04/2018


Trần Thiện Khiêm è stato uno dei personaggi di spicco nella guerra del Vietnam. Durante gli anni Sessanta è stato coinvolto in numerosi colpi di Stato. Divenuto Primo ministro nel 1969, rimase in carica fino ad un mese prima della caduta di Saigon. La Chiesa vietnamita vive con gioia l’aumento di interesse nei suoi confronti tra intellettuali e celebrità del Paese.

San José (AsiaNews) – In occasione della Settimana Santa, Trần Thiện Khiêm (foto), generale ed ex Primo ministro della Repubblica del Vietnam (del Sud), ha ricevuto il battesimo in California (Usa). La cerimonia pone fine alle voci durate decenni circa la sua appartenenza alla fede cristiana durante la guerra del Vietnam, conclusasi con la sconfitta del Sud. Lo scorso 25 marzo, Domenica delle Palme, p. Lê Trung Tướng, parroco di Santa Elisabetta, Milpitas (San José) ha celebrato il battesimo dell'ex Primo ministro. All'età di 93 anni, il gen. Trần Thiện Khiêm ha così deciso di entrare a far parte della Chiesa cattolica, scegliendo San Paolo come suo santo patrono.

Nato il 15 dicembre 1925, egli è stato uno dei personaggi di spicco della guerra che ha devastato il Paese. Durante gli anni Sessanta è stato coinvolto in numerosi colpi di Stato nel Sud. Nel novembre del 1960, il gen. Trần Thiện Khiêm aiutò il presidente cattolico Ngô Đình Diệm a scongiurare un tentativo di golpe. Tuttavia, tre anni dopo prese parte al colpo di Stato che rovesciò e assassinò lo stesso Diệm, che lo aveva ricompensato con diverse promozioni. In seguito ad una serie di complotti, Khiêm divenne primo ministro della Repubblica del Vietnam nel 1969 e rimase in carica fino al marzo 1975, un mese prima della caduta di Saigon.

In un apparente tentativo di diffamare i cattolici, comunisti ed anti-cattolici hanno suggerito per anni che Khiêm fosse un devoto cattolico, che tuttavia non poteva professare in pubblico la sua religione. Ciò nonostante, sarebbe stato pronto a tradire i suoi fratelli nella fede. L'ex premier ha dichiarato ai giornalisti che durante la guerra seguiva le credenze tradizionali vietnamite, che promuovono il culto degli antenati. Egli ha affermato che diventare cattolico è stata una delle esperienze più profonde e gioiose della sua vita, e che lui stesso aveva deciso di unirsi alla Chiesa dopo aver studiato a lungo il cattolicesimo e riflettuto su quanto era accaduto durante la sua vita.

La Chiesa in Vietnam vive con gioia l’aumento di interesse nei suoi confronti tra intellettuali e celebrità del Paese. Sempre più persone cominciano a studiare il cattolicesimo ed entrano a far parte della Chiesa, ispirati dalle testimonianze di fede di sacerdoti e laici, che osano sfidare il regime in favore dei poveri e degli indifesi in una società segnata da così tanti atti di ingiustizia, privazione ed esclusione.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh lễ Vọng Phục Sinh tại Trung Tâm Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne
Vũ Ngô
00:32 03/04/2018
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Rảy Nước thánh và đặt tượng Chúa mùa Phục sinh
Nguyễn Trọng Đa
09:29 03/04/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con hy vọng cha có thể giúp đỡ con trong hai câu hỏi về Mùa Phục sinh. 1) Tại giáo xứ của con, chúng con thực hiện nghi thức Rảy Nước thánh vào đầu Thánh lễ trong các lễ Chúa Nhật mùa Phục Sinh. Nước được lấy từ bình nước lớn được làm phép trong lễ Vọng Phục Sinh. Trước khi nghi thức rảy Nước thánh bắt đầu, linh mục làm phép nước lần nữa. Lý do đưa ra cho thực hành này là rằng trong sách bí tích, chỉ có hai lựa chọn cho việc chuẩn bị nước, một sự làm phép nước trong Mùa thường niên và một sự làm phép nước trong Mùa Phục sinh. Liệu không có sự lựa chọn nào khác, đặc biệt là sự làm phép nước cho phép sử dụng, trong suốt mùa Phục Sinh, nước thánh đã được làm phép một cách long trọng nhất trong lễ Vọng Phục sinh chăng? 2) Nhiều giáo xứ (không phải chỉ giáo xứ chúng con) đặt một bức tượng Chúa Phục Sinh ở một vị trí nổi bật trong nhà thờ trong mùa Phục Sinh. Con còn nhìn thấy một số nơi duy trì các trang trí Bàn thờ tạm trong mùa Phục sinh nữa, thay thế cho việc đặt tượng Chúa Phục sinh. Con luôn hiểu rằng cây nến Phục sinh là biểu tượng chính của Chúa Phục Sinh trong mùa Phục sinh. Liệu việc đặt tượng như thế có làm giảm giá trị biểu tượng/biểu hiệu của cây nến Phục sinh không, và là tương đương với việc đặt một biểu tượng mới trong việc thực thi phụng vụ hiện nay không? - S. P., Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ.


Đáp: Về câu hỏi số 1, tôi xin nói rằng quy chế phụng vụ đã giả định sẵn một hình thức rảy Nước thánh này mà không có sự làm phép thứ hai - nhưng chỉ vào Chúa Nhật Phục Sinh mà thôi. Do đó, thông tư về Cử hành Đại Lễ Phục sinh của Tòa Thánh năm 1988 ghi rõ: "97. Thánh lễ cử hành trong ngày Mừng Chúa Phục Sinh rất long trọng. Trong thánh lễ này, thay vì nghi thức sám hối thì rảy nước thánh đã làm phép trong Đêm Canh Thức, trong lúc đó hát điệp ca ‘Tôi đã thấy nước’ (Vidi aquam), hay một bài thánh ca nào khác diễn tả đặc tính của bí tích Thánh Tẩy. Những bình đựng nước thánh ở cửa ra vào nhà thờ cũng được đổ đầy nước thánh mới làm phép này” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Vào các ngày Chúa Nhật khác, nghi thức dường như giả định rằng nước được làm phép trong lễ Vọng Phục Sinh không phải là nước được dùng trong nghi thức làm phép và rảy trước Thánh lễ. Bởi vì nghi thức được gọi là nghi thức "Làm phép và Rảy Nước Thánh", người ta có thể phỏng đoán rằng cả hai sự việc (Làm phép và Rảy Nước) là cần thiết, và rằng Ngày Lễ Phục Sinh là một ngoại lệ do tính cách đặc biệt của nó.

Vào các thời điểm khác trong năm, nước thánh được làm phép trước đó không được sử dụng trong nghi thức này, ngay cả khi nó sẵn có. Vì vậy, có thể cho rằng nghi thức không dự tính việc sử dụng nước thánh ấy trong suốt 50 ngày Mùa Phục Sinh.

Tương tự như vậy, cũng không là đúng khi làm phép nước một lần thứ hai. Nước được làm phép trong lễ Vọng Phục Sinh là chủ yếu dành cho việc cử hành Thánh Tẩy trong Mùa Phục sinh. Trong trường hợp này, nghi thức làm phép nước Thánh Tẩy được bỏ qua.

Về câu hỏi thứ hai, tôi xin nói rằng mặc dù cây nến Phục Sinh là biểu tượng phụng vụ chính của Chúa Kitô Phục Sinh, nhưng nó không oại trừ các biểu tượng sùng kính khác.

Trưng bày một bức tượng hoặc cờ hiệu của Chúa Phục Sinh trong thời kỳ này có thể giúp làm sáng tỏ sự sùng kính và nhận thức về mầu nhiệm. Theo nghĩa này, nó là tương tự như hang đá lễ Giáng sinh. Điều quan trọng là cần lưu ý rằng chúng ta đang giải quyết trước tiên một sự thực hành sùng kính, chứ không phải là một đối tượng phụng vụ thay thế cây nến Phục sinh.

Vì lý do này, cần lưu ý đến vị trí và địa điểm của các hình ảnh này, để chúng giúp tăng cường sứ điệp Phục Sinh, trong khi không làm lu mờ biểu tượng phụng vụ chính.

Hỏi 3: Thưa cha, tại sao chúng ta che tất cả các tượng và thánh giá trong nhà thờ bằng vải màu tím, hai tuần trước lễ Phục Sinh? Liệu chúng con có thể mở rộng sự thực hành này ở nhà riêng của mình, bằng cách che tất cả các tượng và thánh giá trong văn phòng, nhà cửa, vv.., của chúng con không? Xin cha cho cho lời giải thích về mặt lịch sử? - B. C., Lagos, Nigeria.

Đáp: Mặc dù tập tục này rõ ràng là dấu hiệu của sự buồn bã và sự sám hối, phù hợp với bầu khí toàn Mùa Chay, nguồn gốc lịch sử của tập tục này có thể được tìm thấy ở nơi khác.

Có thể rằng tập tục này phát sinh từ việc dùng trong thời Trung Cổ một màn che hoặc rèm lớn trước bàn thờ vào đầu Mùa Chay, che giấu nó hoàn toàn cho người ta khỏi nhìn thấy. Tấm vải lớn này, vốn có bằng chứng từ thế kỷ IX, được gọi là ‘vải sự đói’ (Hungertuch) ở Đức.

Tấm màn này đã được tháo gỡ khi người ta đọc lời "Màn đền thờ xé ra làm hai" trong bài Thương Khó ngày thứ Tư Tuần Thánh.

Có thể có một số lý do cho sự thực hành này. Trước tiên, đó là một cách thực tiễn để thông báo cho người dân ít học rằng Mùa Chay đã bắt đầu. Nó cũng có thể là một dấu vềt của việc thực hành cổ xưa về sự trục xuất các người phạm tội công khai khỏi nhà thờ vào đầu Mùa Chay. Dần dần sự sám hối công khai biến mất, nhưng vào Thứ Tư Lễ Tro tất cả các Kitô hữu trong một nghĩa nào đó chính thức nhập vào hàng ngũ các người đền tội. Do không còn việc trục xuất bất cứ ai ra khỏi nhà thờ, việc này được thực hiện một cách biểu tượng bằng cách che Nơi Cực Thánh, cho đến khi tất cả mọi người được hoà giải với Thiên Chúa vào Lễ Phục Sinh.

Theo nguyên tắc tương tự, nhiều nhà thờ trong thời cuối Trung Cổ bắt đầu che các tượng và thánh giá từ đầu Mùa Chay. Vào thế kỷ XVII, sách lễ nghi của các Giám mục đã hạn chế việc che cho hai tuần cuối Mùa Chay, hoặc từ Chúa Nhật V Mùa Chay, và tập tục này vẫn còn duy trì. Nếu không được che vào thời gian này, các tượng ảnh phải được che hoặc cất đi sau Thánh Lễ Tiệc Ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

Căn cứ vào bối cảnh lịch sử của nguồn gốc của sự thực hành này, không có yêu cầu nào mở rộng sự thực hành cho nhà riêng, trường học hoặc các khu vực khác, mà ở đó các tượng ảnh được trưng cho mục đích sùng kính. (Zenit.org 20-4 và 4-5-2010)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Tiếng gọi Phục Sinh
Sơn Ca Linh
09:27 03/04/2018
Đức Giêsu gọi bà : “Ma-ri-a !”. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hip-ri : “Ráp-bu-ni !”(Nghĩa là ‘Lạy Thầy’). (Ga 20,16)

“Ma-ri-a !”
Ai vừa khẻ gọi ta đây,
Mà sao nghe giống giọng Thầy quá đi ?...
Trời ơi ! Thầy, “Ráp-bu-ni !”,
Vừa nghe tiếng gọi…hèn chi, biết liền !...

Dòng thời gian chảy triền miên,
Chuyện “Ngày Thứ Nhất” tưởng quên, nào ngờ !
Dệt thành nhạc, chuốt thành thơ,
Đơm hoa kết trái khắp bờ nhân sinh…

“Ma-ri-a”, tiếng gọi mình,
Mỗi cuộc đời mỗi “chuyện tình Giê-su”.
Gọi em từ giữa mùa thu,
Khi đời xao xác âm u giọt sầu…
Gọi anh từ giữa đêm thâu,
Bỏ con đường cũ qua cầu bến mê.
Gọi đời vất vả chân quê,
Giọt mồ hôi đắng chiều về vẫn vui.
Gọi ai thổn thức, ngậm ngùi,
Bờ vai để tựa, niềm vui đang chờ !
Bạc màu hay tóc xanh thơ,
Đã nghe “Thầy gọi” bơ vơ không còn.
Trùng khơi, rừng thẳm, núi non,
Nước sâu buông lưới, vuông tròn chân đi…
Gọi ai qua buổi “sinh thì”,
Nghìn thu an giấc ngại gì quê xa…

Tiếng Thầy xưa : “Ma-ri-a”,
Vẫn còn vang vọng bên ta mỗi ngày !

Sơn ca Linh
Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2018


 
VietCatholic TV
Những người Việt Nam may mắn được dâng lễ tại Mộ Chúa trong Tuần Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:42 03/04/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Được đi lại trên chính con đường thương khó Chúa đã đi qua là một kinh nghiệm sâu sắc thay đổi cuộc đời biết bao người hành hương đến Giêrusalem. Còn đặc biệt hơn nếu cuộc hành hương ấy được diễn ra ngay trong Tuần Thánh, là cao điểm của Phụng Vụ Kitô Giáo trong đó chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Chính vì thế hàng năm từ hàng chục đến hàng trăm ngàn người đổ xô về Thánh Địa Giêrusalem để tham dự các nghi lễ tại đây bất chấp tình hình an ninh bấp bênh và những căng thẳng trong khu vực giữa người Do Thái và người Palestine vẫn rất cao.

Tuy nhiên, trong năm nay một tình huống đặc biệt chưa từng có đã xảy ra. Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em, ngày 25 tháng Hai, tức là đúng một tháng trước Tuần Thánh, các cánh cửa của Đền Thờ Thánh Mộ tại Giêrusalem đã bị khóa lại nhằm phản đối “một chiến dịch sách nhiễu có hệ thống chống lại các Giáo hội và các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa, và vi phạm thô bạo thoả ước Nguyên Trạng”. Hôm Chúa Nhật 25/2, thông báo của các nhà lãnh đạo của ba Giáo Hội chịu trách nhiệm coi sóc Đền Thờ Thánh Mộ, đã được dán phía trước lối vào Đền Thờ, nay đã bị niêm phong.

Bộ du lịch Do Thái ghi nhận hàng loạt vé máy bay đến Thánh Địa cũng như việc giữ chỗ phòng khách sạn đã bị hủy bỏ chỉ trong mấy ngày xảy ra những căng thẳng này.

Trước tình hình đó nhiều người âu lo con số khách hành hương đến Thánh Địa sẽ rất ít.

Tuy nhiên, hôm Chúa Nhật Lễ Lá 25 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa là Giám Quản Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem, cho biết con số người tham dự buổi rước lá từ núi Oliu về thành Giêrusalem rất khả quan:

Ngài nói:

“Không một Kitô hữu nào tại dải Gaza xin được giấy phép của chính quyền Israel để đến Giêrusalem trong dịp này. Trừ ra điều đó, chúng ta có thể hài lòng vì số những người hành hương từ các nơi trên thế giới đến được Giêrusalem là rất khả quan.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong số những người hành hương đến được Giêrusalem cũng có một đoàn hành hương của người Việt Nam chúng ta do cha Giuse Nguyễn Trọng Tước tức là linh mục nhà văn Nguyễn Tầm Thường hướng dẫn.

Trong một video trước đây, VietCatholic đã trình bày các hoạt động của đoàn hành hương Việt Nam trong ngày lễ lá.

Trong chương trình này chúng tôi xin trình bày với quý vị và anh chị em sinh hoạt của đoàn hành hương Việt Nam trong ngày thứ Năm Tuần Thánh tại nhà thờ Thánh Mộ.

Kính thưa quý vị và anh chị em

Lúc 8h sáng thứ Năm 29 tháng Ba, tại nhà thờ Mộ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa cử hành thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh. Trong Thánh Lễ, Đức Thượng Phụ cũng lặp lại nghi thức rửa chân. Sau đó, ngài làm phép các loại dầu thánh cho các bệnh nhân và cho các tân tòng, và dầu thánh hiến.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa chủ sự buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa chung quanh Edicule, tức là phòng nhỏ bao quanh mộ Chúa, do đoàn hành hương Việt Nam quay được.

Sau cuộc rước này, cha Giuse Nguyễn Trọng Tước đã cử hành thánh lễ cho đoàn hành hương Việt Nam ngay trong Edicule.

Không phải người hành hương nào đến Giêrusalem cũng có may mắn bước vào trong Mộ Thánh.

Thật vậy, theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.

May mắn là năm nay Tuần Thánh của Chính Thống Giáo theo lịch Julian diễn ra một tuần sau Tuần Thánh của Công Giáo theo lịch Gregorian. Cho nên, các Giáo Hội Chính Thống và Armenia Tông Truyền không sử dụng đền thờ trong những ngày này.

Edicule quá nhỏ cho nên quý vị và anh chị em có thể thấy các anh chị em trong đoàn hành hương thay phiên nhau vào kính viếng ngôi mộ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân đây Kim Phượng và Thúy Nga cũng xin trình bày một vài nét về Nhà thờ Thánh Mộ.

Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha (hay còn gọi là đồi Can Vê nơi Chúa Giêsu đã bị đóng đinh vào thập giá). Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.

Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.

Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.

Theo dòng lịch sử, Giêrusalem đã bị phá hủy ít nhất hai lần, bị bao vây 23 lần, bị tấn công 52 lần, và bị chiếm và tái chiếm lại 44 lần. Số phận của ngôi nhà thờ này cũng trôi nổi theo những thăng trầm của thành Thánh Giêrusalem.

Ngôi nhà thờ mà chúng ta thấy hiện nay đã được tái thiết từ đống tro tàn vào thế kỷ thứ 12.

Thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, quy định rằng Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.

Thỏa ước cũng quy định một điều trái khoáy là việc giữ chìa khoá nhà thờ được trao cho 2 gia đình Hồi Giáo.

Ngày nay, nhà thờ này cũng được dùng làm trụ sở Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp ở Giêrusalem.

Một phần quan trọng nhất trong nhà thờ này là 5 chặng cuối trong 14 chặng Đàng Thánh Giá, và Bàn Thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna theo truyền thống là nơi Chúa Giêsu đã gặp thánh nữ sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cuộc đi đàng Thánh Giá do các Hiệp Sĩ Thánh Mộ, tức là các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô tại Giêrusalem, chủ sự diễn ra lúc 11 giờ sáng sẽ kết thúc với 5 chặng bên trong nhà thờ này.