Ngày 01-05-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 02/05: Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:30 01/05/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:19 01/05/2023

51. Những người được Đức Mẹ Ma-ri-a bảo hộ thì thật có phúc, bởi vì tương lai sau này người nhận bạn trên thiên đàng chính là Mẹ.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:20 01/05/2023
38. CHIM ANH VŨ

Mã Vinh là một thợ săn lão luyện, ông ta nuôi trong nhà một con chim anh vũ biết nói vài câu ngắn. Ví dụ như mỗi lần Mã Vinh trở về nhà, vừa vào cửa thì hỏi:

- “Tiểu anh vũ, mày ở đâu?”

Anh vũ lập tức trả lời:

- “Tôi ở đây.”

Hạ Thụy là một thanh niên hàng xóm, nó rất thích con chim anh vũ này, thường chạy qua nói chuyện với nó. Một hôm, nó nhìn thấy người thợ săn không có ở nhà, nó không nén nổi tính tham nên đem con chim anh vũ bỏ vào trong túi của mình, chuẩn bị ra về. Lúc nó sắp rời đi thì người thợ săn trở về, ông ta làm như mọi ngày kêu lên:

- “Tiểu anh vũ, mày ở đâu?”

Chim anh vũ đang ở trong túi của Hạ Thụy, lập tức dùng âm thanh lớn hơn mọi ngày trả lời:

- “Tôi ở đây.”

Suy tư ngắn 38:

Làm một người thành thực thì chúng ta phát hiện một điều, đó là chúng ta sẽ không bao giờ hối hận. Tận lực trung thành với chức vụ của mình, hơn thế nữa dùng sự nhân ái yêu thương để đối đãi với tha nhân, thì Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên chúng ta.

Đã có lòng tham thì tâm hồn sẽ bất an và sự hối hận sẽ đến khi lòng tham được thực hiện.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Luôn khích lệ
Lm. Minh Anh
15:54 01/05/2023
LUÔN KHÍCH LỆ

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.

William Arthur Ward nói, “Hãy tâng bốc tôi, tôi có thể không tin bạn! Hãy chỉ trích tôi, tôi có thể không thích bạn! Hãy quên bẵng tôi, tôi có thể không tha cho bạn! Và hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”.



Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”. Thật thú vị! Các nhân vật nổi bật của Lời Chúa hôm nay là những con người ‘luôn khích lệ’ mà Hội Thánh và thế giới sẽ không bao giờ lãng quên: Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’; và Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ!’.



Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba; “Barnaba”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khích lệ!’. Từ Giêrusalem, Barnaba được Hội Thánh Giêrusalem cử xuống Antiôkia để xem xét hiện tình. Vui mừng với những gì “ơn Chúa đã thực hiện”, Barnaba cổ võ mọi người “bền tâm vững chí”; ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao. Sau đó, Barnaba đến Taxô tìm Phaolô, người mới tin; đưa Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu”. Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ niềm hân hoan, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói những lời thật khích lệ, “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Ngài quan tâm đặc biệt đến hạnh phúc tối thượng là “sự sống đời đời” của mỗi con chiên. Tuy nhiên, không phải là những con chiên thụ động vì “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi”, bạn và tôi vẫn có một vai trò nhất định trong mối quan hệ của mình với Mục Tử! Ngài sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chúng ta, “Không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi”; nhưng mỗi người cần đóng góp phần tích cực của mình trong đó. Chúng ta phải im ắng đủ để lắng nghe tiếng Ngài qua Phúc Âm, qua từng biến cố, từng con người; siêng năng tìm đến với các Bí Tích, suối nguồn ân sủng. Bởi lẽ, ngày nay, có nhiều ‘tiếng người lạ’ đang tranh giật sự chú ý của chúng ta; và thật không dễ để bạn và tôi có thể nghe được những lời ‘luôn khích lệ’ của Ngài.

Anh Chị em,

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Noi gương Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’, chúng ta cũng ao ước “sự sống đời đời” cho bản thân và cho anh chị em mình. Như những con người ‘được gọi để khích lệ’, chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau lớn lên trong sự thân tình với Chúa, và sống liên đới với nhau. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau để cùng nhau nên thánh mỗi ngày! Ước gì bạn và tôi có một trái tim lặng đủ để nhanh nhạy ‘ngẩng lên’ khi nghe tiếng Giêsu, Mục Tử Nhân Lành và mau mắn thi hành ý muốn của Ngài! Từ đó, dám hy sinh, dấn thân, trở nên những con người ‘luôn khích lệ’ người khác, những ai đang bủn rủn và đầu gối rã rời! Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ vẫn đóng một vai trò quan trọng, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Hội Thánh trưởng thành và ngay cả với thế giới hiện đại!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho lửa mến yêu luôn nung đốt lòng con; để ai gặp con, họ gặp được sự khích lệ của Chúa, khích lệ của Chúa là “sự sống đời đời” không chỉ đời sau, mà cả đời này!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc họp báo của Đức Giáo Hoàng trên chuyến bay từ Hung Gia Lợi trở về Rôma: Tòa Thánh sẽ làm việc để trả lại trẻ em Ukraine bị đưa đến Nga
Vu Van An
00:24 01/05/2023

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với các nhà báo tháp tùng ngài trên chuyến bay trở về Rôma từ chuyến Tông du tới Hung Gia Lợi, và thảo luận về những nỗ lực của Tòa thánh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine và sự trả lại các trẻ em Ukraine từ Nga, cũng như việc ngài nhập viện và hồi phục gần đây.

Đức Giáo Hoàng cũng nói về việc trả lại các hiện vật đền Parthenon cho Hy Lạp, gọi đó là một điển hình cho những cử chỉ tương tự trong tương lai.

Sau đây là bản dịch cuộc họp báo trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng từ nguyên bản tiếng Ý, do VaticanNews thực hiện.



[Antal Hubai (Rtl Klub)] - Trải nghiệm bản thân của Đức Thánh Cha về những cuộc gặp gỡ ở Hung Gia Lợi là gì?

Tôi rất thích trải nghiệm lần đầu tiên gặp gỡ [với người Hung Gia Lợi] vào những năm 1960, vào thời điểm mà nhiều tu sĩ Dòng Tên Hung Gia Lợi bị trục xuất khỏi đất nước của họ. Sau đó, một số trường học đã đến… có một trường học cách thủ đô Buenos Aires hai mươi cây số, và tôi đến thăm trường này hai lần một tháng. Sau đó tôi cũng có quan hệ với một hội giáo dân Hung Gia Lợi làm việc tại Buenos Aires. Tôi không hiểu ngôn ngữ của họ. Nhưng có hai chữ tôi hiểu rõ: GulashTokai (cười). Đó là một trải nghiệm tốt. Tôi rất xúc động trước nỗi đau làm người tị nạn và không thể về lại quê hương của họ. Các chị dòng Mary Ward [Loreto] ở lại đó [ở Hung Gia Lợi], trốn trong các căn hộ để chế độ không đuổi họ ra ngoài. Sau này, tôi mới biết thêm về toàn bộ việc thuyết phục Đức Hồng Y Mindszenty đến Rôma. Và tôi cũng trải qua sự phấn khích ngắn ngủi của năm 1956 và sự thất vọng sau đó.

[Antal Hubai]: Quan điểm của Đức Thánh Cha có thay đổi kể từ đó không?

Nó không thay đổi. Nó đã trở nên phong phú hơn, theo nghĩa là những người Hung Gia Lợi mà tôi đã gặp đều có một nền văn hóa tuyệt vời....

[Antal Hubai]: Lúc ấy Đức Thánh Cha nói tiếng gì?

Họ thường nói tiếng Đức hoặc tiếng Anh. Tiếng Hung Gia Lợi không được nói ở bên ngoài Hung Gia Lợi. Chỉ có trên Thiên đàng, bởi vì họ nói rằng phải mất thiên thu mới học được nó [cười].

[Eliana Ruggiero, AGI]: Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã đưa ra lời kêu gọi mở - mở lại - những cánh cửa ích kỷ của chúng ta đối với người nghèo, đối với người di cư, đối với những người không hợp pháp. Trong cuộc gặp của Đức Thánh Cha với Thủ tướng Hung Gia Lợi Orbán, Đức Thánh Cha có yêu cầu ông ấy mở lại biên giới của tuyến đường Balkan mà ông ấy đã đóng cửa không? Rồi, trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha cũng đã gặp Tổng Giám Mục Hilarion: Bản thân Hilarion và Orbán có thể trở thành kênh cởi mở với Mạc Tư Khoa để thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Ukraine, hoặc để tạo điều kiện cho cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha và Tổng thống Putin không? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

Tôi tin rằng hòa bình luôn được tạo ra bằng cách mở các kênh; hòa bình không bao giờ có thể được thực hiện bằng cách đóng cửa. Tôi mời mọi người mở các mối quan hệ, các kênh kết bạn... Điều này không hề dễ dàng. Những điều tương tự mà tôi đã nói một cách tổng quát, tôi đã nói với Orbán và mọi nơi.

Về vấn đề di cư: Tôi nghĩ đó là vấn đề mà Châu Âu phải chung tay vì có 5 quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất: Síp, Hy Lạp, Malta, Ý, Tây Ban Nha, vì họ là các quốc gia Địa Trung Hải và phần lớn người di cư đổ bộ vào đó. Và nếu châu Âu không chịu trách nhiệm về vấn đề này, về việc phân bổ người di cư một cách công bằng, thì vấn đề sẽ chỉ dành cho các quốc gia này. Tôi nghĩ rằng châu Âu phải cho mọi người cảm giác rằng đó là Liên minh châu Âu ngay cả khi đối diện với điều này.

Có một vấn đề khác liên quan đến di cư, đó là tỷ lệ sinh. Có những nước như Ý, Tây Ban Nha... không có con. Gần đây... năm ngoái tôi đã phát biểu tại một cuộc họp dành cho các gia đình về điều này, và gần đây tôi thấy rằng chính phủ và các chính phủ khác cũng đang nói về nó. Độ tuổi trung bình ở Ý là 46, Tây Ban Nha còn cao hơn và có những ngôi làng nhỏ bị bỏ hoang.

Một chương trình di cư được thực hiện tốt với mô hình di cư mà một số quốc gia đã có - tôi nghĩ đến ví dụ như Thụy Điển vào thời kỳ các chế độ độc tài ở Mỹ Latinh - cũng có thể giúp ích cho những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp này.

Sau đó, cuối cùng... điều cuối cùng là gì nhỉ? À, vâng, Hilarion: Hilarion là người mà tôi rất kính trọng và chúng tôi luôn có mối quan hệ tốt đẹp. Và ngài rất tử tế khi đến gặp tôi, sau đó ngài đến tham dự Thánh lễ, và tôi cũng đã gặp ngài ở đây tại sân bay. Hilarion là một người thông minh mà người ta có thể nói chuyện, và những mối quan hệ này cần được duy trì, bởi vì nếu chúng ta nói về chủ nghĩa đại kết - tôi thích điều này, tôi không thích điều này - chúng ta phải dang tay ra với mọi người, thậm chí nhận lấy bàn tay của họ.

Tôi chỉ nói chuyện với Thượng phụ Kirill một lần kể từ khi chiến tranh bắt đầu, 40 phút qua zoom, sau đó qua Anthony, người đang ở chỗ của Hilarion, người đến gặp tôi. Ngài là một giám mục từng là linh mục giáo xứ ở Rôma và biết rõ về môi trường, và luôn luôn thông qua ngài mà tôi có mối liên hệ với Kirill.

Có một cuộc họp mà chúng tôi dự định tổ chức ở Giêrusalem vào tháng 7 hoặc tháng 6 năm ngoái, nhưng nó đã bị đình chỉ vì chiến tranh: điều đó sẽ phải diễn ra. Và sau đó, với người Nga, tôi có mối quan hệ tốt với đại sứ hiện đang sắp mãn nhiệm; ông đã làm đại sứ tại Vatican được bảy năm, ông là một người vĩ đại, một người nghiêm túc, có văn hóa và cân bằng. Mối quan hệ của tôi với người Nga chủ yếu là với vị đại sứ này.

Tôi không biết liệu tôi đã nói tất cả mọi điều chưa. Có chưa? Hay tôi đã bỏ qua một điều gì đó?

[Eliana Ruggiero]: Liệu bằng cách nào đó, Hilarion và cả Orbán có thể đẩy nhanh tiến trình hòa bình ở Ukraine và cũng có thể khiến cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha và Putin có thể xảy ra, liệu họ có thể đóng vai trò “làm trung gian” không?

Cô có thể tưởng tượng rằng trong cuộc họp này, chúng tôi không chỉ nói về Cô bé quàng khăn đỏ, phải không? Chúng tôi đã nói về tất cả những điều này. Chúng tôi đã nói về điều này bởi vì mọi người đều quan tâm đến con đường dẫn đến hòa bình. Tôi sẵn sàng. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần phải làm. Ngoài ra, có một nhiệm vụ đang diễn ra, nhưng nó vẫn chưa được công khai. Hãy xem sao... Khi nó được công khai, tôi sẽ nói về nó.

[Aura Maria Vistas Miguel, Rádio Renascença]: Điểm dừng tiếp theo của Đức Thánh Cha là Lisbon. Đức Thánh Cha cảm thấy thế nào về sức khỏe của Đức Thánh Cha? Chúng con đã rất ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha đến bệnh viện; Đức Thánh Cha nói rằng Đức Thánh Cha đã ngất đi. Vậy Đức Thánh Cha có cảm thấy mình có năng lực để đi đến Đại hội Giới trẻ Thế giới không? Và Đức Thánh Cha có muốn một sự kiện với một thanh niên Ukraine và một thanh niên Nga như một dấu chỉ các thế hệ mới không?

Trước hết, sức khỏe của [tôi]. Những gì tôi gặp phải là một cơn bệnh nặng, đột ngột vào cuối Buổi Tiếp Kiến Thứ Tư. Tôi không muốn ăn trưa; Tôi nằm xuống một chút. Tôi không bất tỉnh, nhưng vâng, tôi bị sốt rất cao và vào lúc ba giờ chiều, bác sĩ lập tức đưa tôi đến bệnh viện. Tôi bị viêm phổi cấp tính nặng ở phần dưới của phổi—tạ ơn Chúa, tôi có thể kể cho cô nghe về nó—đến mức cơ quan, cơ thể, phản ứng tốt. Cảm ơn Chúa. Đây là những gì tôi đã gặp phải.

Về Lisbon: Một ngày trước khi rời đi, tôi đã nói chuyện với Đức Cha Americo [Aguiar, Giám Mục Phụ Tá của Lisbon], người đã đến để xem tình hình ở đó như thế nào. Tôi sẽ đi. Tôi sẽ đi. Tôi hy vọng sẽ đi được. Cô có thể thấy rằng nó không giống như hai năm trước, với cây gậy. Bây giờ nó tốt hơn. Hiện tại chuyến đi chưa bị hủy bỏ.

Rồi chuyến đi Marseilles, rồi đến Mông Cổ, rồi chuyến tiếp theo, tôi không thể nhớ ở đâu... lịch trình của tôi khiến tôi luôn di chuyển.

[Aura Vistas]: Còn về giới trẻ Nga và Ukraine?

[Đức Giáo Hoàng Phanxicô]: Đức Cha Americo đã có một điều gì đó trong tâm trí. Ngài nói với tôi rằng ngài đang chuẩn bị một điều gì đó. Ngài đang chuẩn bị thật tốt.

[Nicole Winfield, Associated Press]: Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi ngài một điều hơi khác một chút. Gần đây Đức Thánh Cha đã thực hiện một cử chỉ đại kết rất mạnh mẽ. Đức Thánh Cha đã tặng, thay mặt cho Bảo tàng Vatican, ba mảnh một tác phẩm điêu khắc Parthenon cho Hy Lạp. Cử chỉ này cũng đã gây được tiếng vang bên ngoài thế giới Chính thống giáo, bởi vì nhiều bảo tàng ở phương Tây đang thảo luận chính xác về việc quay trở lại thời kỳ thuộc địa, như một hành động công lý đối với những người này. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha liệu Đức Thánh Cha có sẵn sàng cho các khoản bồi thường khác. Đặc biệt, con đang nghĩ đến những người và các nhóm bản địa ở Canada đã đưa ra yêu cầu trả lại các đồ vật từ các bộ sưu tập của Vatican như một phần của diễn trình đền bù cho những thiệt hại phải gánh chịu trong thời kỳ thuộc địa.

Đây là điều răn thứ bảy: nếu cô đã đánh cắp [thứ gì], cô phải trả lại [nó]. Nhưng, có cả một lịch sử, tức là đôi khi chiến tranh và thuộc địa dẫn đến những quyết định được đưa ra để lấy đi những điều tốt đẹp của người khác. Đây là một cử chỉ đúng đắn; nó phải được thực hiện: Parthenon, để trả lại một điều gì đó. Và nếu ngày mai người Ai Cập đến và yêu cầu đài tưởng niệm, chúng ta sẽ làm gì? Nhưng sau đó, một lần nữa cô phải phân biệt trong từng trường hợp.

Liên quan đến việc hoàn trả các đồ vật bản địa cho Canada, nó đang được tiến hành, hoặc ít nhất là chúng tôi đã đồng ý thực hiện. Tôi sẽ hỏi xem chuyện ấy đã đi đến đâu.

Nhưng trải nghiệm với người bản địa ở Canada đã rất hữu hiệu. Ngay tại Hoa Kỳ, Dòng Tên đang làm gì đó với nhóm người bản địa bên trong Hoa Kỳ. Cha Bề trên Cả đã nói với tôi về điều đó vào một ngày khác.

Nhưng trở lại bồi thường. Trong phạm vi đây là điều cô có thể trả lại, điều đó là cần thiết, điều đó được coi là một cử chỉ, thì tốt hơn là cô nên làm điều đó. Đôi khi người ta không thể; không có khả thể chính trị, thực chất, cụ thể. Nhưng khi cô có thể trả lại [đồ vật], thì hãy làm như vậy; điều này tốt cho tất cả mọi người, để không quen đút tay vào túi người khác.

[Eva Fernandez, Radio COPE]: Thủ tướng Ukraine đã yêu cầu sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha trong việc đưa trở lại những đứa trẻ bị cưỡng bức đưa đến Nga. Đức Thánh Cha có nghĩ đến việc giúp đỡ Ông không?

Tôi nghĩ vậy, bởi vì Tòa thánh đã đóng vai trò trung gian trong một số tình huống trao đổi tù nhân, và qua tòa đại sứ, nó đã diễn ra tốt đẹp. Tôi nghĩ nó cũng có thể diễn ra tốt đẹp.

Nó quan trọng. Tòa thánh sẵn sàng hành động vì đó là điều đúng đắn và công bằng. Và chúng ta phải giúp bảo đảm rằng đây không phải là một casus belli [trường hợp gây chiến], mà là một trường hợp nhân bản. Đó là một câu hỏi về tình người trước khi nó là một câu hỏi về chiến lợi phẩm hoặc sự di dời do chiến tranh gây ra. Mọi cử chỉ nhân bản đều hữu ích, nhưng những cử chỉ độc ác không giúp được gì. Chúng ta phải làm mọi thứ con người có thể.

Tôi muốn nói rằng tôi cũng đang nghĩ đến những người phụ nữ đến đất nước của chúng tôi, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hung Gia Lợi, rất nhiều phụ nữ đến với chồng con, hoặc họ là vợ... của những người đang chiến đấu chống lại chiến tranh. Đúng là hiện tại họ đang được giúp đỡ, nhưng chúng ta không được đánh mất sự nhiệt tình vì điều này, bởi vì nếu sự nhiệt tình giảm sút, những người phụ nữ này sẽ không được bảo vệ, có nguy cơ rơi vào tay những con kền kền luôn rình rập những tình huống này.

Chúng ta hãy cẩn thận để không đánh mất sự căng thẳng giúp đỡ mà chúng ta dành cho những người tị nạn. Điều này liên quan đến tất cả mọi người.
 
Tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn Hung Gia Lợi cho bài phát biểu về ‘thực dân ý thức hệ’
Vu Van An
17:45 01/05/2023

Niall Gooch của tạp chí Catholic Herald, Anh quốc, cho hay: một hoặc hai năm trước, ông đã suy đoán về việc liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý định coi thường Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán bằng cách chỉ đến thăm đất nước của ông trong một thời gian ngắn. Rõ ràng ký giả này đã lầm vì Đức Thánh Cha đã thăm Hung Gia Lợi dài hơn trong mấy ngày qua.



Một phần trong chương trình nghị sự của ngài là bài phát biểu tại đan viện Carmelite trước đây, hiện là văn phòng của Thủ tướng.

Đức Phanxicô đã mượn dịp này để chỉ trích điều mà ngài gọi là “thực dân ý thức hệ”, theo đó ngài muốn nói đến nỗ lực của các nước phương Tây giàu có hơn nhằm sử dụng sức mạnh kinh tế và văn hóa của họ để khuynh đảo các xã hội truyền thống hơn.

Ví dụ, điều này được thực hiện bởi Hoa Kỳ hoặc Liên minh Châu Âu, bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ phá thai trong việc xây dựng các cơ sở y tế ở các nước đang phát triển, hoặc bằng việc viện trợ phụ thuộc vào các cách tiếp cận tự do đối với các vấn đề liên quan đến tình dục và giới tính. Trong một lĩnh vực khác, nó đạt được thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, phim ảnh và chương trình truyền hình, đặc biệt là những chương trình nhắm đến trẻ em, những người có trí tưởng tượng đang chờ được hình thành. Đôi khi trên báo chí xuất hiện hình ảnh các đại sứ quán Mỹ treo cờ tự hào, với nhiều cách lặp lại khác nhau, bên cạnh hoặc thậm chí thay cho cờ ngôi sao và sọc.

Hung Gia Lợi là một nơi thích hợp để Đức Phanxicô đưa ra lập luận này vì chính phủ ở Budapest đã là mục tiêu của hình thức chủ nghĩa đế quốc mềm này. Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao ở Washington DC tài trợ cho các nhóm “xã hội dân sự” ở Hung Gia Lợi. Những nhóm như vậy đang tích cực tìm cách lật ngược những hạn chế nặng nề của Orbán đối với chiến dịch và vận động LGBT, đồng thời gây ra những kiểu tấn công tương tự vào hôn nhân, gia đình và thái độ tình dục lành mạnh tàn phá các quốc gia phương Tây khác.

Brussels cũng vậy, đã tìm cách gây áp lực lên Orbán, bằng cách liên tục đe dọa rút các hình thức tài trợ cụ thể khỏi Hung Gia Lợi trừ khi họ tuân thủ các vấn đề về chuyển giới và đồng tính. Đáng chú ý, Orbán đã làm tương đối ít để hạn chế phá thai ở Hung Gia Lợi, mặc dù ông tập trung vào việc tăng tỷ lệ sinh và duy trì xã hội Hung Gia Lợi truyền thống.

Hơn bao giờ hết, không có gì đơn giản bằng việc nói rằng các quốc gia riêng lẻ hoặc các tổ chức xuyên quốc gia không bao giờ nên tìm cách truyền bá các giá trị và lý tưởng đạo đức trên khắp thế giới. Dù sao, Giáo Hội Công Giáo là một tổ chức xuyên quốc gia, và người Công Giáo chúng ta khó có thể tránh khỏi trách nhiệm tìm cách cải đạo cho một thế giới quan cụ thể.

Như mọi khi, đây là chuyện nói về nội dung. Thật tốt cho các Kitô hữu khi truyền bá khắp thế giới những lời dạy của Chúa Kitô vì những lời dạy đó là chân thật và đúng đắn. Từ bản chất, chúng hòa hợp với bản chất nền tảng của thế giới. Loại ý thức hệ mà Đức Phanxicô đang đề cập đến thì hoàn toàn ngược lại – chúng sai lầm và tai hại. Chúng sẽ không mang lại sự đoàn kết và lành mạnh cho các xã hội chấp nhận chúng, mà là xung đột, bất hòa và tan rã. Cứ nhìn vào những gì đã xảy ra trong các xã hội Tây phương trong nửa thế kỷ qua: ly dị, phá thai, cuồng loạn giới tính, và cuộc chiến hôn nhân thực sự đã tạo ra hàng triệu con người lạc lối, khốn khổ, bị xa lánh.

Đức Giáo Hoàng đúng khi chỉ ra sự kiêu ngạo và ngu xuẩn ẩn sau cơ cấu xã hội của giới tinh hoa thế tục. Nhiệm vụ của chúng ta là vạch ra một giải pháp thay thế – điều mà một linh mục già quen gọi là “nền văn minh của tình yêu”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bổ nhiệm LM Giuse Huỳnh Văn Sỹ làm Giám Mục Chính Tòa Nha Trang
LM Giuse Đào Nguyên Vũ
11:52 01/05/2023
 
Lễ tuởng niệm 30/4/ tại Giáo Xứ Maria Goretti, San Jose
Thái Phạm
18:48 01/05/2023
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, chương bốn
Vu Van An
22:18 01/05/2023

Chương bốn: Chứng thực Các Bằng chứng


Có các bằng chứng đáng tin cậy cho Chúa Giêsu bên ngoài các cuốn tiểu sử về Người hay không?

Harry Alemen quay lại, dí ngón tay của hắn vào tôi. Hắn lắp bắp, nặn ra từng chữ khinh thị. “Mày, tại sao mày cứ mãi viết những điều đó về tao?” Rồi hắn lẹ làng quay gót, khuất dạng phía dưới cầu thang, tránh các phóng viên đang theo đuổi hắn khắp tòa án.

Quả thực khó có phóng viên tội ác nào ở Chicago trong thập niên 1970 mà lại không viết về Harry Aleman. Dù gì, hắn cũng là tên giết mướn khét tiếng của tập đoàn tội ác. Và, một cách ngang ngạnh, người Chicago lại thích đọc về những tên đánh thuê chém mướn này.

Các công tố viên hết sức muốn bỏ tù tên Aleman này vì một trong cuộc hành quyết lạnh lùng họ hoài nghi hắn đã thực hiện nhân danh các ông chủ của tập đoàn hắn. Dĩ nhiên, vấn đề là sự khó khăn tìm được bất cứ ai chịu làm chứng chống lại tên tội phạm khét tiếng cỡ Aleman.

Rồi thế bí cũng đã được vượt qua. Một trong các đàn em cũ của Aleman, Louis Almeida, bị bắt trên đường đi giết viên chức lao động ở Pensylvania. Bị kết tội mang vũ khí và bị kêu án 10 năm tù, Almeida đồng ý làm chứng chống lại Aleman trong vụ chưa được giải quyết là hạ sát một nhân viên bán hàng của Teamsters Union ở Chicago, nếu các công tố viên đồng ý giảm khinh cho Almeida.

Điều trên có nghĩa Almeida có động lực để hợp tác, một điều chắc chắn sẽ làm hoen ố tính đáng tin cậy của hắn đến một mức nào đó. Các công tố viên nhận biết rằng họ cần làm tăng chứng từ của hắn để bảo đảm có được một vụ kết án, nên họ đi tìm một ai đó sẵn lòng chứng thực trình thuật của Almeida.

Từ điển Webster định nghĩa động từ chứng thực (corroborate) thế này: “làm cho chắc chắn thêm; xác nhận” (1). Bằng chứng chứng thực nâng đỡ một chứng từ khác; nó khẳng định hay nâng đỡ các yếu tố chủ yếu trong trình thuật của nhân chứng tận mắt. Nó có thể là hồ sơ công cộng, một hình chụp, hay một chứng từ bổ xung từ một người thứ hai hay thứ ba. Nó có thể chứng thực cho toàn bộ chứng từ của một người, hay chỉ là các phần chủ chốt của nó.

Thật vậy, bằng chứng chứng thực hành động như những dây chống đỡ giúp giữ cho các dây ăngten cao được thẳng và không lung lay. Bằng chứng càng được chứng thực, thì lý lẽ công tố càng mạnh và bảo đảm hơn.

Nhưng các công tố viên tìm đâu ra việc chứng thực lời khai của Almeida? Nó phát xuất từ một nguồn thật bất ngờ: một công dân thầm lặng, tuân thủ luật pháp, tên Bobby Lowe, nói với các viên điều tra rằng ông ta đang cho chó đi đại tiện thì thấy Aleman giết nhân viên công đoàn. Bất chấp việc khét tiếng lạnh xương sống của Aleman, Lowe đồng ý hỗ trợ câu truyện của Almeida bằng cách làm chứng chống tên đâm thuê chém mướn.

Sức mạnh của việc chứng thực

Trong phiên xử Aleman, Lowe và Almeida thôi miên bồi thẩm đoàn bằng câu truyện của họ. Trình thuật lái chiếc xe trốn chạy của Almeida ăn khớp với mô tả trung thực của Lowe nhìn thấy Aldeman sát hại nạn nhân của hắn tại một vỉa hè một con phố công cộng vào tối ngày 27 tháng 9 năm 1972.

Các công tố viên nghĩ họ đã kết hợp được một lý lẽ vững chắc chống lại tên đâm thuê chém mướn đáng sợ, thế nhưng suốt trong phiên xử, họ cảm thấy một điều gì đó không ổn. Sự hoài nghi của họ trước nhất xuất hiện khi Aleman quyết định không muốn một phiên xử có bồi thẩm đoàn, thay vào đó, hắn muốn một phiên sử chỉ có quan tòa mà thôi.

Kết cục phiên toà, sự hoài nghi của các công tố viên trở nên cực kỳ tệ hại: bất chấp chứng từ hết sức thuyết phục của Lowe và Almeida, quan tòa tuyên bố Aleman vô tội và để hắn được tự do.

Điều gì đã xẩy ra? Nên nhớ, điều trên xẩy ra tại Quận Cook, nơi tham nhũng thường lẩn khuất đâu đó. Mấy năm sau, có tiết lộ cho thấy quan tòa đã lãnh cả hàng chục ngàn dollars để tha bổng tên đâm thuê chém mướn. Khi một chỉ điểm viên của FBI tiết lộ vụ hối lộ, vị quan tòa lúc ấy nghỉ hưu đã tự tử, và các công tố viên đã mở lại án sát nhân chống lại Aleman.

Đến lúc vụ xử thứ hai được tổ chức, luật lệ đã thay đổi giúp các công tố viên có thể yêu cầu để một bồi thẩm đoàn nghe lý lẽ. Và đó là điều họ đã làm, và cuối cùng, đúng 25 năm tròn sau vụ giết người, Aleman bị lên án là có tội và bị kêu án từ 100 tới 300 năm tù (2).

Bất chấp các trì hoãn, truyện dài Aleman cho thấy bằng chứng chứng thực quan trọng như thế nào. Và điều này cũng đúng khi xử lý các vấn đề lịch sử. Qua chứng từ của Tiến sĩ Craig Blomberg, chúng ta đã được nghe: trong các sách Tin Mừng, có bằng chứng tuyệt vời của nhân chứng tận mắt về cuộc đời, giáo huấn, cái chết, và việc phục sinh của Chúa Giêsu. Nhưng liệu có bất cứ bằng chứng nào khác chứng thực điều đó hay không? Liệu có các trước tác ngoài các sách Tin Mừng quả quyết hay yểm trợ bất cứ điều chủ yếu nào về Chúa Giêsu và Kitô Giáo sơ khai không?

Nói cách khác, liệu có bất cứ tài liệu bổ sung nào khác có thể giúp niêm ấn cho lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, như chứng từ của Bobby Lowe đã niêm ấn cho lý lẽ chống lại Harry Aleman không? Theo chứng nhân kế tiếp của chúng ta, câu trả lời là có, và số lượng cũng như phẩm chất của bằng chứng này sẽ làm chúng ta hết sức ngạc nhiên.



Cuộc phỏng vấn thứ ba: Edwin M. Yamauchi, Ph.D.

Khi tôi bước vào tòa nhà gạch uy nghi có chứa văn phòng của Edwin Yamauchi tại Đại Học Miami thuộc vùng Oxford đầy ấn tượng của Ohio, tôi bước dưới một chiếc vòng cung bằng đá, trên đó có hàng chữ “Ngươi nên biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng ngươi”. Là một trong các chuyên viên hàng đầu của cả nước về lịch sử cổ thời, Yamauchi đã theo đuổi việc tìm kiếm sự thật lịch sử gần cả đời ông.

Sinh tại Hawai năm 1937, con một gia đình di dân từ Okinawa, Yamauchi bắt đầu từ một khởi đầu khiêm tốn. Cha ông qua đời trước khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, để lại mẹ ông một mình kiếm kế sinh nhai cho gia đình trong tư cách ở thuê cho các gia đình giầu có. Dù chính mình thất học, bà đã khuyến khích con trai đọc và nghiên cứu, cho ông những cuốn sách có tranh ảnh tuyệt đẹp in đậm vào ông lòng yêu mến học hành suốt đời.

Chắc chắn các thành tựu học thuật của ông hết sức gây ấn tượng. Sau khi lấy bằng cử nhân về tiếng Do Thái và Văn hóa Hy Lạp, Yamauchi nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ về Địa Trung Hải Học từ Đại Học Brandeis.

Ông được cấp 8 học bổng nghiên cứu sinh, từ Hội Đồng Nghiên cứu Rutgers, Qũy Quốc gia Hiến tặng Các Ngành Nhân văn, Hội Triết học Hoa kỳ và nhiều định chế khác. Ông học 22 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Ả Rập, Trung Hoa, Ai Cập, Nga, Syria, Ugaritic [của người Êmôri xưa] và cả Commanche [của người Da đỏ].

Ông trình bầy 71 khảo luận trước các hội bác học; thỉnh giảng tại hơn một trăm chủng viện, Đại Học và cao đẳng, trong đó có Yale, Princeton và Cornell; giữ chức chủ tọa và rồi chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh thánh và chủ tịch Hội nghị về Đức tin và Lịch sử; và đã công bố 80 bài báo trên 37 tạp chí bác học.

Năm 1968, ông tham dự các cuộc khai quật đầu tiên đền thờ Hêrốt ở Giêsuralem, cho thấy bằng chứng đền thờ bị phá hủy vào năm 70 CN. Khảo cổ cũng là chủ đề của một vài cuốn sách của ông, trong đó có các cuốn The Stones and the Scriptures [Những Phiến đá và Sách Thánh]; The Scriptures and Archaeology[Sách Thánh và Khảo Cổ Học]; và The World of the First Christians [Thế giới của Các Kitô hữu Tiên khởi].

Dù sinh ra trong một bối cảnh Phật Giáo, Yamauchi đã theo chân Chúa Giêsu từ năm 1952, năm tôi sinh ra. Tôi đặc biệt tò mò muốn biết liệu cam kết lâu đời với Chúa Kitô có lên mầu sắc cho việc ông lượng giá bằng chứng lịch sử hay không. Nói cách khác, ông có cẩn trọng bám lấy sự kiện hay bị cám dỗ rút các kết luận vượt quá các bằng chứng chắc chắn?

Tôi thấy Yamauchi có cách cư xử hiền hòa và không tự phụ. Mặc dù nói chung ăn nói nhỏ nhẹ, ông tập chú rất cao độ. Ông cung cấp những câu trả lời thấu đáo và chi tiết cho các câu hỏi, thường ngưng bổ xung câu trả lời bằng miệng bằng cách cung cấp bản sao các bài báo bác học ông từng viết trước đó. Một học giả tốt biết bạn không bao giờ có quá nhiều dữ kiện.

Bên trong văn phòng đầy sách của ông, giữa một khuôn viên Đại Học nhiều cây cối rực sáng với đủ mầu mùa thu, chúng tôi ngồi nói về đề tài vẫn còn làm mắt ông sáng lên, cả sau rất nhiều năm nghiên cứu và giảng dậy.

Khẳng định các sách Tin Mừng

Vì cuộc phỏng vấn của tôi với Blomberg, tôi không muốn gợi ý chúng tôi cần đi quá các sách Tin Mừng để tìm bằng chứng về Chúa Giêsu. Nên tôi bắt đầu hỏi Yamauci câu hỏi này, “là một sử gia, ông có thể cho tôi một lượng giá của ông về tính đáng tin lịch sử của chính các sách Tin Mừng không?”

Ông trả lời, “Nói một cách tổng thể, các sách Tin Mừng là các nguồn tuyệt vời. Thực vậy, chúng là những nguồn đáng tin cậy, đầy đủ và đáng dựa vào nhất. Những cuốn bổ xung thực sự không thêm được nhiều thông tin chi tiết; tuy nhiên, chúng vẫn có giá trị như các bằng chứng chứng thực".

Tôi nói, “Vâng, đó chính là điều tôi muốn thảo luận, bằng chứng chứng thực. Chúng ta hãy trung thực: một số người chế giễu không biết có bao nhiêu bằng chứng chứng thực ở đó. Thí dụ, năm 1979, Charles Templeton viết cuốn tiểu thuyết Act of God [Hành vi của Thiên Chúa], trong đó, nhà khảo cổ học hư cấu đưa ra một tuyên bố phản ảnh niềm tin của khá nhiều người”.

Tôi lôi cuốn sách ra và đọc đoạn có liên quan:

“Giáo Hội Kitô Giáo dựa các chủ trương của mình phần lớn trên các giáo huấn của một thanh niên Do Thái không có tiếng tăm nhưng lại có các cao vọng thiên sai, người, ta nên thẳng thắn ở đây, không gây được mấy ấn tượng lúc sinh thời. Không có lấy một lời nào trong lịch sử thế tục nói về ông ta. Không một lời nào cả. Người Rôma không nhắc đến ông ta. Josephus cũng không nhắc nhiều đến ông ta” (3).

Tôi nhấn mạnh, “Như thế, điều đó nghe như không có mấy việc chứng thực cuộc đời Chúa Giêsu ở bên ngoài Kinh thánh”.

Yamauchi mỉm cười và lắc đầu, trả lời với một giọng bác bỏ, “Nhà khảo cổ của Templeton đơn giản chỉ là sai lầm, vì chúng ta có những lời rất, rất quan trọng nhắc đến Chúa Giêsu trong Josephus và Tacitus.

“Chính các sách Tin Mừng cũng nói rằng nhiều người nghe Người, ngay cả các thành viên của gia đình Người, không tin Chúa Giêsu lúc sinh thời của Người, ấy thế nhưng Người đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi ngày nay, Chúa Giêsu được mọi nơi nhớ đến, trong khi Hêrốt đại vương, Phôngxiô Philatô và nhiều nhà cai trị cổ thời không được biết đến một cách rộng rãi như thế. Cho nên, chắc chắn, Người đã gây ấn tượng mạnh nơi những ai tin tưởng nơi Người.

Ông ngừng lại rồi nói tiếp, “dĩ nhiên, Người không ở nơi những người không tin Người”.

Chứng từ của một kẻ phản bội

Templeton và Yamauchi đều nhắc đến Josephus, một sử gia thế kỷ thứ nhất, rất nổi tiếng trong giới học giả nhưng tên tuổi ít được phần lớn người thời nay biết đến. Nên tôi nói, “xin cho tôi hay một ít hậu cảnh về ông ta và chứng từ của ông ta đã cung cấp việc chứng thực về Chúa Giêsu ra sao”.

Yamauchi trả lời khi ông bắt chéo chân và tựa lưng vào ghế, “Vâng, dĩ nhiên. Josephus là một sử gia Do Thái quan trọng của thế kỷ thứ nhất. Ông sinh năm 37 CN và viết phần lớn bốn tác phẩm của ông vào cuối thế kỷ thứ nhất.

“Trong cuốn tự truyện, ông bênh vực tác phong của ông trong Chiến tranh Do Thái – La Mã diễn ra trong các năm 66 tới 74. Ông thấy đấy, ông ta đã đầu hàng tướng La Mã Vespasian trong cuộc vây hãm Jotapata, cho dù nhiều đồng nghiệp của ông tự tử thay vì đầu hàng”. Giáo sư cười thầm rồi nói, “Josephus quyết định ý Thiên Chúa không muốn ông tự tử. Thế là ông trở thành kẻ bênh vực người La Mã".

Nghe như Josephus là một nhân vật mang nhiều mầu sắc; tôi muốn có thêm chi tiết về ông ta để tôi hiểu rõ hơn các động cơ và thiên kiến của ông ta. Nên tôi yêu cầu, “xin vẽ cho tôi một bức chân dung về ông ta”.

“Ông là một tư tế, một người Biệt phái, và đôi chút vị kỷ. Công trình tham vọng nhất của ông có tên là The Antiquities [Cổ thời] nói về lịch sử Dân Do Thái từ lúc sáng thế tới thời của ông. Có lẽ ông đã hoàn thành công trình này vào khoảng năm 93 CN.

“Như ông có thể tưởng tượng từ việc ông ta hợp tác với người La Mã bị khinh bỉ, Josephus bị đồng bào Do Thái ghét thậm tệ. Nhưng ông rất nổi tiếng nơi các Kitô hữu, vì trong các trước tác của mình, ông nhắc tới Giacôbê, em Chúa Giêsu, và chính Chúa Giêsu”.

Đó là thí dụ đầu tiên về việc chứng thực cho Chúa Giêsu ở bên ngoài các sách Tin Mừng. Tôi nói, “xin nói cho tôi hay các lời nhắc đến ấy”.



Yamauchi trả lời, “Trong cuốn The Antiquities, ông mô tả việc một thượng tế tên Ananias đã lợi dụng cái chết của tổng đốc La Mã Festus, người từng được đến tên trongTân Ước, để ra lệnh giết Giacôbê”.

Ông nghiêng người về phía giá sách, lấy một cuốn sách dầy, rồi lần giở tới trang mà ông gần như đã thuộc lòng nằm ở chỗ nào. Ông nói, “à đây rồi. ‘Ông triệu tập một phiên họp của thượng hội đồng Do Thái và trình trước thượng hội đồng một người tên Giacôbê, em trai của Giêsu, người cũng được gọi là Kitô, và một số người khác. Ông tố cáo những người này vi phạm lề luật và trao họ cho người ta ném đá’” (4).

Yamauchi tin tưởng quả quyết, “tôi biết không học giả nào đã thành công tranh luận về đoạn này. L. H. Feldman nhận định rằng nếu đoạn này đã được các Kitô hữu sau này thêm vào, thì đáng lẽ nó phải có tính ca ngợi Giacôbê chứ. Thành thử ở đây, ông thấy có nhắc đến em trai Chúa Giêsu, người rõ ràng đã hoán cải nhờ Chúa Kitô sống lại đã hiện ra, nếu ông so sánh Ga 7:5 và 1Cr 15:7, và việc chứng thực của sự kiện một số người coi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nghĩa là “Đấng được Xức dầu” hay “Mêxia”.

“Giêsu đã sống ở đó...”

Tôi biết rằng Josephus đã viết một đoạn còn dài hơn thế về Chúa Giêsu, đoạn được gọi là Testimonium Flavianum[Chứng từ Flavianô]. Tôi cũng biết rằng đoạn này bị tranh luận gắt gao nhất trong văn chương cổ thời bởi vì nó rõ ràng cung cấp lời chứng thực vững chắc cho đời sống, các phép lạ, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Nhưng đoạn này có chân thực hay không? Hay nó bị thêm thắt trong nhiều năm bởi những người có thiện cảm với Chúa Giêsu?

Tôi hỏi Yamauchi xem ông có ý kiến ra sao, và lập tức biết rõ tôi đã gõ trúng một phạm vi ông hết sức quan tâm. Ông bỏ thế ngồi chéo chân và đứng lên khỏi ghế. Ông hào hứng nói, nghiêng người về phía trước, tay cầm cuốn sách, “Đó là một đoạn rất hấp dẫn. Nhưng, đúng, nó gây tranh cãi”. Nói xong, ông đọc đoạn đó cho tôi nghe:

“Ông Giêsu, một hiền giả, sống vào khoảng thời gian này, nếu người ta quả thực được phép gọi ông là một con người. Vì ông là người làm nhiều điều lạ lùng và là một thầy dạy hay đến nỗi người ta chấp nhận sự thật một cách vui vẻ. Ông chinh phục nhiều người Do Thái và nhiều người Hy Lạp. Ông là Đấng Kitô. Khi Philatô, lúc nghe ông bị các vị vọng cao nhất của chúng ta tố cáo, đã kết án ông bị đóng đinh, những người trước nhất đã tiến tới chỗ yêu mến ông, đã không từ bỏ lòng âu yếm đối với ông. Vào ngày thứ ba, ông hiện ra với họ sau khi sống lại, vì các tiên tri của Thiên Chúa từng nói tiên tri về những điều này và vô số những điều lạ lùng khác về ông. Và nhóm Kitô hữu, được gọi như thế những người theo ông, vẫn còn đến ngày nay, không biến mất” (5).

Sự phong phú chứng thực cho Chúa Giêsu đã trở nên hiển nhiên. Tôi hỏi, “Ông nhìn nhận đoạn này gây tranh cãi, vậy các học giả kết luận gì về đoạn văn này?”

Ông nói, “Giới học giả có ba xu hướng sau về đoạn văn này. Vì những lý do hiển nhiên, các Kitô hữu tiên khởi nghĩ rằng đây là lời chứng thực tuyệt diệu và hoàn toàn chân thực về Chúa Giêsu và việc Người phục sinh. Họ rất thích nó. Rồi, toàn bộ đoạn này bị chất vấn ít nhất bởi một số học giả thời Phong trào Ánh sáng.

“Nhưng ngày nay, đã có một sự đồng thuận đáng kể trong số các học giả cả Do thái giáo lẫn Kitô giáo thừa nhận toàn bộ đoạn này xét chung là chân thực, mặc dù có những chỗ thêm thắt”.

Tôi nhíu lông mày, “Thêm thắt, ông muốn nói gì qua thuật ngữ này?”

Yamauchi trả lời, “Có nghĩa là những người Kitô hữu chép tay tiên khởi đã lồng một vài cụm từ mà một nhà văn Do Thái như Josephus có lẽ đã không viết”.

Ông chỉ rõ một câu trong cuốn sách. “Thí dụ, dòng đầu tiên viết, ‘Ông Giêsu, một hiền giả, sống vào khoảng thời gian này’. Cụm từ này thường không được các Kitô hữu dùng để chỉ về Chúa Giêsu, nên dường như đúng là của Josephus. Nhưng cụm từ tiếp theo, ‘nếu người ta quả thực được phép gọi ông là một con người’. Cụm từ này ngụ ý Chúa Giêsu không phải chỉ là một con người, xem ra là cụm từ thêm vào”.

Tôi gật đầu để cho ông hay tôi vẫn theo ông cho đến lúc này.

“Nó tiếp tục viết, ‘Vì ông là người làm nhiều điều lạ lùng và là một thầy dạy hay đến nỗi người ta chấp nhận sự thật một cách vui vẻ. Ông chinh phục nhiều người Do Thái và nhiều người Hy Lạp’. Cụm từ này xem ra phù hợp với ngữ vựng Josephus quen dùng ở những nơi khác, nên nói chung được thừa nhận là chân thực.

“Nhưng rồi lại có lời tuyên bố không hàm hồ, “Ông là Đấng Kitô’. Câu này dường như được thêm vào”.

Tôi nói chêm vào, “Vì khi nhắc đến Giacôbê, Josephus nói rằng Ông Giêsu được ‘gọi là Đấng Kitô’”.

Yamauci nói, “Đúng vậy. Khó có xác suất Josephus thẳng thừng quả quyết Chúa Giêsu là Đấng Mêxia ở đây, khi ở chỗ khác ông chỉ nói Người được các môn đệ coi là Đấng Mêxia.

Phần khác của đoạn văn tức phần nói tới phiên xử và việc chịu đóng đinh của Chúa Giêsu và sự kiện các môn đệ của Người vẫn còn yêu mến Người thì không có gì ngoại thường và được coi là chân thực. Rồi đến câu, ‘Vào ngày thứ ba, ông hiện ra với họ sau khi sống lại’.

“Một lần nữa đây là lời tuyên bố niềm tin rõ ràng vào sự phục sinh, và như thế, Josephus khó có xác suất viết nó. Thành thử xem ra ba yếu tố đã được thêm vào”.

Tôi hỏi, “Đâu là kết luận?”

“Là đoạn văn trong trước tác của Josephus chắc nguyên thủy được viết về Chúa Giêsu, dù không có ba điểm tôi vừa nhắc đến. Nhưng dù thế, Josephus đã chứng thực các thông tin quan trọng về Chúa Giêsu: Người là nhà lãnh đạo bị tử đạo của Giáo Hội ở Giêrusalem và Người là một thầy dạy khôn ngoan đã thiết lập được một đoàn môn đệ kiên vững, bất chấp sự kiện Người bị đóng đinh dưới thời Philatô do sự xúi bẩy của một số lãnh tụ tôn giáo người Do Thái.

Tầm quan trọng của Josephus

Mặc dù các tham chiếu trên có cung cấp một số chứng thực độc lập quan trọng về Chúa Giêsu, tôi vẫn thắc mắc tại sao một sử gia như Josephus lại không viết nhiều hơn về một nhân vật quan trọng như thế của thế kỷ thứ nhất. Tôi biết một số kẻ hoài nghi, như triết gia của Đại Học Boston, Michael Martin, cũng đã đưa ra cùng một phê phán.

Nên tôi hỏi Yamauchi xem ông phản ứng ra sao trước tuyên bố của Martin, người không tin Chúa Giêsu từng đã sống: “Nếu ông Giêsu quả có thực, thì người ta phải chờ mong Josephus... viết nhiều hơn về ông ta chứ... điều bất ngờ là Josephus nhắc đến ông ta... nhân nói tới các nhân vật thiên sai khác và Gioan Tẩy giả với nhiều chi tiết hơn” (6).

Câu trả lời của Yamauchi xem ra không đặc trưng mạnh mẽ lắm. Ông nói bằng một giọng bực tức, “Có bằng chứng áp đảo Chúa Giêsu hiện hữu thực sự, còn những câu hỏi giả thiết này thực sự rất trống rỗng và lầm lẫn.

“Nhưng tôi xin trả lời như thế này: Josephus quan tâm đến các vấn đề chính trị và cuộc chiến đấu chống La Mã, nên đối với ông, Gioan Tây giả quan trọng hơn vì xem ra ông này hình như tạo ra mối đe dọa chính trị lớn lao hơn Chúa Giêsu”.

Tôi nhẩy bổ vào. “Xin ông ngừng ít phút. Há không có một số học giả vốn mô tả Chúa Giêsu như một người Nhiệt thành hay ít nhất có thiện cảm với phái Nhiệt thành đó sao?" Tôi hỏi thế có ý nhắc đến một phong trào cách mạng thế kỷ thứ nhất chống đối người La Mã về phương diện chính trị.

Yamauchi khua tay bác bỏ biện bác đó, ông nói, “đó là lập trường các sách Tin Mừng không hỗ trợ, vì ông nên nhớ Chúa Giêsu thậm chí không chống đối việc trả thuế cho người La Mã. Cho nên vì Chúa Giêsu và các môn đệ không đặt ra một đe dọa chính trị tức khắc nào, chắc chắn điều dễ hiểu là Josephus ít lưu tâm đến giáo phái này, mặc dầu khi nhìn trở lui, nó quả trở thành rất quan trọng”.

“Như thế, theo đánh giá của ông, hai tham chiếu của Josephus này quan trọng ra sao?”

Yamauchi trả lời, “Rất quan trọng, đặc biệt vì các trình thuật của ông về cuộc Chiến tranh Do thái được chứng mình là rất chính xác; thí dụ, chúng được chứng thực nhờ các cuộc khai quật khảo cổ học tại Masada cũng như bởi các sử gia như Tacitus. Ông được coi là một sử gia khá đáng tin cậy và việc ông nhắc đến Chúa Giêsu được coi là cực kỳ quan trọng”.

Còn 1 kỳ

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trang Sử Phát Diệm
Phó tế Phạm Bá Nha
09:07 01/05/2023
Trang Sử Phát Diệm (1891 – 2022)

Từ lâu đời, trang sử Phát Diệm được tổ tiên và con cháu liên tục ghi lại những nét oai hùng vẻ vang. Đáng kính phục và ngưỡng mộ. Xưa, Phát Diệm chỉ là tên một làng thuộc Quận Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ninh Bình được vua Minh Mệnh chính thức thành lập năm 1831.
Xét về địa dư, Phát Diệm đã được gần 200 năm (1831-2022). Ngày 15.4.1901, ĐGH Lêô XIII ban hành sắc lệnh thành lập giáo phận Thanh, gồm Ninh Bình, Thanh Hóa và Châu Lào. Ngày 8.2.1902, Phát Diệm gồm phần đất toàn Tỉnh Ninh Bình, có tòa Giám Mục do Đc Alexandre Marcou Thành, MEP quản trị. Nhà thờ chính tòa Phát Diệm được linh mục Trần Lục xây cất, 1891.
Tính về mặt Giáo Hội thì Phát Diệm được hơn 100 năm (1891-2022). (Bài này giới hạn theo con số niên biểu này). Cuộc đời Phát Diệm thăng trầm gắn liền với mảnh đất và sự nghiệp qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

THỜI CẤM ĐẠ0
Ngày 9.9.1659. ĐGH Alexandre VII ban hành sắc lệnh thành lập hai đầu tiên tại VN là Gp Đàng Trong vá Đàng Ngoài. Phát Diệm Ninh Bình thuộc Đàng Ngoài. Năm 1679, Đàng Ngoài được tách làm hai là Gp Đông Đàng Ngoài (Thái Bình) và Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Ninh Bình thuộc Hà Nội.
Thời Cấm Đạo. Phát Diệm thuộc Gp Hà Nội. Dưới thời Minh Mệnh, Phát Diệm,Ninh Bình đã cống hiến cho Giáo Hội các vị tử đạo sau :
-Thánh Linh Mục Phaolô Phạm Khắc Khoan (Duyên Mậu, 1771-1840. Lễ nhớ 28.4)
-Thánh Thày Giảng Gioan Nguyễn Văn Hiếu (Đồng Chuối, 1783-1840. Lễ 28.4)
-Thánh Thày Giảng Gioan Baotixita Đinh Văn Thành (Hảo Nho,1796-1840. Lễ 28.4)
-Thánh Thày Giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự (Ninh Bình. 1811-1838. Lễ 10.7)
-Thánh Lý trưởng Micae Nguyễn Huy Mỹ (Hà Nội, 1804 -1838. Lễ 12.6)
-Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành (Phúc Nhạc, 1781-1841, Lễ 12.7)
Còn nhiều vị khác anh dũng chịu cực hình, tù đầy, bị xử, bị khắc hai chữ ‘Tả Đạo’ trên má… Hai linh mục chính xứ Phát Diệm là Cha Kỳ bị chém đầu, cha Dũng chết rũ tù. Chủng Sinh Bột bị voi cuốn và đạp nát thân mình. Thi hài chủng sinh Bột được chôn cất dưới tháp chuông Tcv Phúc Nhạc, Phát Diệm (1999 được bốc?). Chính cha Trần Lục khi còn thày Sáu (1858) bị bắt, nhốt, đánh đập bị nhốt bị kìm kẹp thịt ở Nho Quan.
Các Thánh anh hùng tử đạo tiền nhân Phát Diệm vẫn còn bên cạnh con cháu và hướng dẫn dìu dắt trên đường mở Nước Chúa. Cha Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, khi các quan hỏi sao Cha không ham sống. Ngài trả lời ‘Ai mà không thích sống… Nhưng chết vì Chúa sẽ được lãnh phần thưởng trên Trời qúy giá trăm lần sự sống trần giàn’. Thánh Nữ Lê Thị Thành dặn con gái Ngài và chúng ta : ‘Con về bảo anh em coi sóc việc nhà, chịu khó giữ đạo, sáng tối đọc kinh, xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá theo Chúa đến cùng, chẳng bao lâu chúng ta sẽ gặp nhau trên Thiên Đàng’
Máu Tổ Tiên tử đạo Phát Diệm làm nảy nở hun đúc đức tin giáo dân Phát Diệm cho tới ngày nay. Để Phát Diệm từ 1000 giáo dân thời cha Trần Lục (1865) đến 2001 là 140. 791 giáo dân với 65 giáo xứ. Không kể con dân Phát Diệm tản mát trên thế, sau 1975.

LM. PHÊRÔ TRẦN LỤC (sinh 1825, chánh xứ Phát Diệm 1865-1899)
Cha Phêrô Trần Lục thường gọi là Cụ Sáu, sinh năm 1825 tại Mỹ Quan, Nga Sơn, Thanh Hóa. Nhưng quê ngoại ở Bạch Bát, Ninh Bình. Ở đây ngài nghe tiếng gọi của Chúa và đi tu dưới sự hướng dẫn của cha Tiếu chính xứ Bạch Bát. Ngày còn là chủng sinh, Phêrô tỏ ra thông minh, đạo đức, can đảm phi thường, đã từng bị bắt, bị đánh đập nhưng vẫn xưng đạo trước bạo lực vua quan. Ngài chịu chức linh mục năm 1860, phụ trách ba giáo đoàn : Lạng Sơ, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Năm 1865, được cử làm chánh xứ Phát Diệm. Sự nghiệp ngài để lại cho Phát Diệm qua hai giai đoạn :
-1865-1875 : Ổn định và cải tiến dân sinh.
Vào thời bấy giờ, Phát Diệm là phần đất xình lầy, lau sậy. Hơn nữa lại bị đe dọa bởi nước mặn từ biển tràn vào và nước lũ từ thượng du đổ xuống. Cụ Sáu bắt tay vào kế hoạch đắp đê ngăn nước, đồn thời khai thác, mở rộng đất canh tác. Nhiều đê chạy ngang khoảng cách theo diện tích, vừa là trục giao thông thuận lợi vừa giữ đất phù sa. Chẳng bao năm khu đất Phát Diệm trở thành màu mỡ, dân cư khắp nơi kéo về lập nghiệp sinh sống làm ăn.
-1880-1891 : Xây dựng giáo khu Phát Diệm.
Sau khi dân chúng có đất canh tác, Cha Trần Lục chuẩn bị xây cất giáo khu Phát Diệm ngay khu đất giữa làng Phát Diệm trên thửa đất rộng và phân chia cân đối, đẹp mắt gồm hai khu riêng biệt.
. Khu nhà chung có tòa giám mục ngay cổng bên mặt, phía sau gồm rẫy nhà cho các cha thuộc văn phòng tổ chức, nhà hưu dưỡng, kho dự trữ thóc gạo (theo tài liệu cũ, trước 1954)
. Khu thánh đường, từ ngoài vào có ao hồ, đến phương đình bằng đá mài nhẵn cao 25m. Trên tháp chính có qủa chuông (việt) nam, nặng 125 kg, cao 1,90m. Chuông này đúc tại chỗ bằng vàng và đồng do giáo dân quyên tặng. Khoảng sân rộng giữa tháp chuông và nhà thờ chính có mộ Cụ Sáu. Nhà thờ chính tòa được xây trên nền đất cao khoảng gần 2m với 3 bậc thềm đá. Nhà thờ dài 80m, rộng 24m và cao 16m. Cả nhà thờ, phương đình đều xây mái ngói cong theo kiểu cung điện đền vua chúa. Hai bên nhà thờ chính có 5 nhà nguyện nhỏ và hai núi đá. Một nhà nguyện bằng đá và một nhà nguyện khác bằng gỗ gụ. Điểm đáng chú ý là toàn khu giáo đường đều kiến trúc theo kiểu Á Đông, có mái cong rất mỹ thuật đẹp mắt cân đối. Vào thời ấy không có phương tiện chuyên chở dễ dàng. Vật liệu xây cất, gỗ đá vận tải bằng bè mảng thả theo dòng nước thủy triều chảy. Nhân công điêu khắc do giáo dân tình nguyện. Khuân viên giáo khu được lát bằng gạch và có nhiều cây cao bóng mát.
Song song với hai công trình trên, Cụ Sáu chú tâm đến truyền giáo, dạy giáo lý và phổ biến kinh sách. Các bài giáo lý của ngài được viết theo thơ lục bát in thành tập gọi là ‘CaVè Cụ Sáu’. Cha qua đời 7.7.1899, thọ 74 tuổi. Lời di chúc của Cụ Sáu : Linh hồn tôi và linh hồn các con chiên là một. Linh hồn của họ mà không có linh hồn tôi, cũng như linh hồn của tôi mà không có linh hồn của họ đều là mồ côi. Vì thế, để còn ở lại với họ, tôi sẵn sàng chết trên thềm Thánh đường này. Đó là danh dự lớn lao cho tôi. Anh chị em đừng ngăn cản tôi nhận danh dự ấy khi nó đến cho tôi. (Kỷ Yếu Phát Diệm 1891-1991. Tr.202)

GM. ALEXANDRE MARCOU THÀNH (1857, 1902-1932)
Đức Cha Thành sinh 1857 tại Montpelier, nam Pháp (miền 34). Năm 1879, mới 22 tuổi, ngài thụ phong linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris. Năm 1880, cha qua truyền giáo tại VN. Ngày 18.10.1895, được chọn làm giám mục phó Hà Nội. Ngài về và đặt tòa giám mục tại Phát Diệm, ngày 8.2.1902. Đc là vị truyền giáo chú trọng tới xây chủng viện và tu viện đào tạo các linh mục, tu sỹ VN. Các trung tâm được xây cất:
-1903 : Dòng MTG Lưu Phương
-1909 : Tcv Thánh Phaolô Phúc Nhạc
-1912 : Đcv Thánh Giuse Thượng Kiệm
-1913 : Y viện Trì Chính
-1915 : Trường Thày Giảng Tam Châu, sau rời về Trì Chính, rồi làm Trường Thử,
1947.
-1920 :Y viện Phú Vinh
-1932 : Trường La San Phát Diệm, sau thành trường Trần Lục
Đc Thành có nhiều công tuyển chọn đề cử Gm VN như Đc Nguyễn Bá Tòng (Phát Diệm,1933) và Đc Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu, 1935). Tháng 4.1928, Đc mở Đại Hội Thánh Thể trong giáo phận. Sau này, Đại Hội này được tổ chức tại Hà Nội (1931), Saigon (1934). Thời ấy chỉ các tỉnh lớn mới có trường công. Ngài đã xin chính quyền mở tại Phát Diệm tư thục Công Giáo. Để có điều kiện văn bằng hợp lệ làm hiệu trưởng, các cha xứ phải thi lại, lấy bằng của chính phủ.
Về mặt dân sinh, tiếp nối chương trình Cụ Sáu, Đc hô hào dân chúng đắp đập quai đê, nối tiếp 10 cây số đê Tân Khẩn. Mở lớp dạy thêu, cắt may cho phụ nữ. Phát động phong trào trồng đay, cói, dệt chiếu qui mô theo các đội, để dễ trao đổi buôn bán. Chợ Năm Dân được thành hình cho dịch vụ buôn bán chiếu, cói và đay sợi hay vê.
Năm 1935, Đc Thành về hưu ở Thanh Hóa và qua đời 7.11.1939, ở tuổi 83. Thi hài ngài được chôn cất tại nhà thờ Phát Diệm.

GM. GB NGUYỄN BÁ TÒNG (1868, 1935-1944)
Đức cha GB Nguyễn Bá Tòng sinh 7.8. 1868, tại Gò Công và thụ phong linh mục 19.9.1896. Ngày 11.6.1933, ĐGH Pio XI tấn phong tại Roma. Năm 1933, Phát Diệm hân hạnh có Đc GB Nguyễn Bá Tòng, giám mục tiên khởi VN. Đc GB Nguyễn Bá Tòng, 11. 1933, về Phát Diệm làm Đc Phó Đc Thành. Thời Đc Tòng, Phát Diệm là giai đoạn độc lập trưởng thành về cơ sở, điều hành tổ chức giáo sỹ VN. Đc đã viết 70 thư luân lưu về tổ chức, điều hành và giáo huấn.

Về tổ chức, sau Đc có cha Tổng Quản như Cha Phan Đình Phùng, 1935-1940, Cha Luca Mai Học Lý, 1940-1954. Thời Đc Tòng Phát Diệm có 9 hạt. Mỗi hạt có 5 hay 6 xứ kế cận theo địa dư. Mỗi giáo xứ có 4,5 họ tùy nhân số. Ban điều hành : chánh, phó trương, thư ký, tuần kiểm, quản giáo (GLV). Đứng đầu ho : Trùm họ. Phát Diệm có 52 xứ.
Các hội đoàn: Ảnh hưởng nhiều là Hướng Đạo Công Giáo, Nghĩa Binh, Trung Binh, Con Đức Mẹ, Ca Vịnh.
Đc Tòng xây cất nới rộng khu nhà Tập Dòng MTG Lưu Phương. Xây trường Thày Giảng ở Trì Chính. Xây hội quán Kim Thanh, chứa tới 2000 người. Lập Dòng Kín ở Trì Chính. Thu nhặt vật liệu xây khu chợ Năm Dân.
Đc Tòng mất 11.7.1949, tại bệnh viện Phú Vinh, tuổi thọ 81. Thi hài chôn cất trong cung thánh nhà thờ chính tòa Phát Diệm.
Tình hình giữa tha765
GM. GIOAN MARIA PHAN ĐÌNH PHÙNG (1891,1940-1944)
Đc Gioan Maria Phan Đình Phùng sinh 1891, tại Kiến Thái xứ Trì Chính. Ngày 2.6. 1940, ngài được bổ nhiệm làm Gm Phó Phát Diệm, quyền kế vị, thì ngày 28.5.1944, Đc đột ngột
vĩnh viễn ra đi, sau khi chủ lễ khấn tại Dòng Xitô Châu Sơn. Đc chỉ nhận việc cai quản Phát Diệm được 5 tháng.

GM. ANSELMO TADEO LÊ HỮU TỪ (1896, 1945-1954)

Đc Anselmo Tadeo Lê Hữu Từ sinh 28.10.1896 tại Quảng Trị. Từ đầu, ngài tu triều, đến chức Sáu xin vào tu dòng Xitô Châu Sơn và thụ phong linh mục 22.12.1928. Ngày 25.12.1929, ngài khấn trọn đời trong dòng mang tên. Anselmo. Ngày 29.10.1945, ngài thụ phong giám mục và nhận quyền giáo phận Phát Diệm, 1.11. 1945.

Cuối 1945, Phát Diệm chưa hoàn hồn về nạn đói năm Ất Dậu. Thì dồn dập chính trị và quân sự do Nhật và Việt Minh. Công việc đầu tiên, là Đc chỉnh đốn và thúc đẩy ban Cứu Tế được thành lập thời Đc Tòng, 4.1945. Hoạt động tích cực hơn, để giúp đồng bào nghèo. Cho thu nhận khoảng 300 trẻ em mồ côi, thành lập viện mồ côi ở Trì Chính do thầy Bảo coi sóc. 1954, cô nhi viện này chuyển vào Nam, ở Bảo Lộc, nuôi các em khôn lớn. Ngày 10.12.1948, Liên Đoàn Bác Ái Công Giáo thành lập, đáp ứng nhu cầu người tỵ nạn khắp nơi. Liên Đoàn này sau sát nhập Liên Đoàn Bác Ái Quốc Tế, 10.5.1949. Ngày 28.10.1945, Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo Phát Diệm được thành lập, hoạt động theo Công Gíao Tiến Hành. Sau biến thành Liên Đoàn Cứu Quốc và tới 15.8.1947 biến thành Tự Vệ Công Giáo. Ngày 10.12.1947, Đc can thiệp với chính quyền tha thuế cho dân chúng…

Trên cương vị chủ chăn, Đc Từ luôn là người cha nhân từ, thương con chiên. Ngài viết 131 thư luân lưu, chỉ thị và thông báo để hướng dẫn toàn giáo phận. Năm 1946, nhà in Lê Bảo Tịnh được thành tập, in sách báo. Ngày 4.7.1947, Phát Diệm xuất bản báo Tiếng Kêu, 4 trang, 1 đồng. Tới 16.10.1949, Tiếng Kêu hai lần đổi thành Lượm Tin và Đời Sống, tới 1954.

Đc Từ cho tái lập và cổ võ hoạt động mạnh hơn “Hội các Thày Cả Chầu Mình Thánh”. Hội cổ động việc năng rước lễ. Hội Tông Đồ Cầu Nguyện. Hội Chục Hạt Trẻ Em. Thành lập Đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể, Đức Mẹ Fatima. Ngài cho phép chầu Mình Thánh vào Thứ Bảy đầu tháng kính Trái Tim Đức Mẹ và chiều thứ Sáu kính Trái Tim Chúa Giêsu. Ngày 15.8.1947, lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngài dâng toàn thể giáo phận cho Đức Mẹ.

Ngày 27.11. 1948, Đc Hồ Ngọc Cẩn, Bùi Chu qua đời. Tòa Thánh chỉ thị Đc Từ giám quản Bùi Chu, 1.1949, cho tới khi Đc Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám Đốc Đcv Phát Diệm làm giám mục thay thế, 4.8.1950. Từ đó hai giáo phận như “an hem” sát cánh trong công tác mục vụ, kéo dài tới sau 1954 ở miền Nam.

Từ 1951, tình hình an ninh trong giáo phận gặp nhiều khó khăn. Quân Đội Pháp chiếm phân nửa Tcv Phúc Nhạc. Trường Thử Trì Chính bị chiếm hoàn toàn, phải rời qua Dòng Kín. Năm 1952, Phát Diệm mở trường Đạo Sỹ, thu nhận ơn gọi muộn. Cũng năm này, Đcv Thượng Kiệm gửi các thầy ra Hà Nội học chung với Xuân Bích. Để bảo toàn giáo dục và ơn gọi, Phát Diệm quyết định xây cơ sở giáo dục mới tại Hà Nội. Tháng 5.1954, Đc Từ làm phép nhà, lễ khánh thành và dự định mở khóa 1954, thì hiệp định Genève, chia đôi đất nước. Trong chúc thư Ngài viết: “Ngày đau nhất trong đời tôi là ngày đất nước chia đôi”. (LS GP PD. ĐÔ. Trần Ngọc Thụ, 2021, tr. 202). Cũng trong thời gian này Foyer Phát Diệm ở Roma được mở. Cuối 1954, quân đội Pháp rút. Ngày 29.6.1954, Đc cùng ban Giám Đốc chủng viện, dòng MTC, chủng sinh, tu sỹ vượt thuyền xuống Kim Đài ra Hải Phòng vào Nam, ngày 15.7.1954.

Bước đầu trong miền Nam, số người không đông. Nên từ Đc, các cha, các chủng sinh, dòng MTG đều tập trung ở Phú Nhuận. Sau này, nhân số gia tăng. Nên chia thành nhiều cơ sở khác nhau. Chỗ cũ để cho Tcv Phúc Nhạc cho đến khi hết huấn luyện chủng sinh. Chỗ này biến thành Trung Học Phát Diệm. Nay, nhà nước một nửa làm trường học, bên phải. Một nửa, giữa, của Phát Diệm.

Năm 1960, các chủng viện sát nhập vào các địa phận miền Nam. Đc chuyển qua Võ Duy Nghi, Phú Nhuận. Đcv ở 98 Chi Lăng, học chung với Bùi Chu, đường làng Gia Định. Nhà hưu dưỡng cho các cha và Dòng MTG ở Gò Vấp được mở. Giáo dân Phát Diệm di cư có khoảng 50.000, ở Phú Nhuận, Bình An, Gia Kiệm, Bảo Lộc và Cái Sắn.

Năm 1958, Đc Từ làm giám đốc Trung Tâm CG Tiến Hành ở Nguyễn Đình Chiểu, Tân Dịnh. Ngày 27.4.1967, Ngài qua đời tại bệnh viện Saint Paul, Saigon. Thọ 71 tuổi. Linh cữu chôn cất tại sân nhà hưu dưỡng Phát Diệm, Gò Vấp, Sài Gòn. Trong di chúc, 5.4.1967, Đc viết có câu: Về vật chất, tôi đã sống khó khăn và muốn chết khó nghèo. Tôi chẳng có gì để trối lại. (LS GP PD 1901-2021. Đô Trần Ngọc Thụ, tr.198)

GM. PHAOLO BÙI CHU TẠO (1909, 1959 -1998)
Đc Phaolô Bùi Chu Tạo sinh 1909, tại họ Tam Châu, xứ Phúc Nhạc, thụ phong linh mục năm 1928. Năm 1954, khi Đc Từ vào Nam thì đề cử Cha Tạo là giám quản giáo phận. Ngày 14.4.1959, Tòa Thánh chính thức bổ nhiệm Gm Phát Diệm
Trước 1954, Phát Diệm có 160 cha, sau đó chỉ còn 26. Một số cha đã vào Nam lại xin trở về Bắc.
Ngày 13.3.1987, trong điện văn chúc mừng, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi Đc Tạo mừng 50 năm linh mục, đã xác nhận sự can đảm kiên trì của Phát Diệm mà Đc Tạo là chủ chăn đại diện : Trong thời gian qua, Đc không quản ngại khó khăn săn sóc và quản trị giáo phận với sự khôn ngoan và kiên nhẫn đáng kính phục…Xin Chúa củng cố Đc và các linh mục và giáo dân trong đức tin kiên trì và lòng trung thành với Giáo Hội
Năm 1991, Đc Tạo quyết định tổ chức kỷ niệm thánh đường Phát Diệm xây cất được 100 năm. Trong thư chung Đc viết: Nhà thờ Phát Diệm là hình ảnh Hội Thánh, và Giáo Phận. Muốn xây nhà thờ, thì phải có cột, xà, kèo, đá, gạch, ngói…Các vật liệu ấy phải đục, đẽo, cưa, bào, rồi mới lắp lại cho tất cả ăn khớp với nhau thành một cái gì vững chắc. Trong nhà thờ, hết mọi thành phần dù là những gì nhỏ nhất như viên đá, miếng ngói, hòn gạch, đều quan trọng và đều có một vai trò, vì có nó mới xây nên nhà thờ. Trong Hội Thánh và cách riêng Giáo Phận chúng ta cũng thế. Như lời Thánh Kinh: “Anh em là những viên đá sống động, bị người ta loại bỏ. Nhưng được Thiên Chúa chọn lựa và coi là qúi giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh dâng những lễ tế thêng liêng đẹp lòng Người’ (1Ph 2,5). Hội Thánh trong Giáo Phận chính là đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa xây bằng những viên đá sống là mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta sống đức tin và đoàn kết với nhau thì chúng ta sẽ góp phần xây dựng nên đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa, trong đó chúng ta dâng tế lễ thiêng liêng tức là bản thân mình và lễ tế này rất đẹp lòng Chúa… (Phát Diệm 25.10.1990) (Kỷ Yếu Phát Diệm. Ca. HK.1992, ttr. 258-259)

Nhân dịp giỗ mãn tang Đc, 5.5.2004, Ban Biên Soạn Phát Diệm phát hành ‘Thư chung Đc Phaolô Bùi Chu Tạo, Gm Phát Diệm, 1959-1998’, Gồm 79 thư chung. (303 trang)
Trong thư chung nhân dịp về hưu, 1.12.1998, Đc viết, mới thấy trách nhiệm Gm : Thánh Gm Tiến sỹ Augustino đã nói với các tín hữu: chức vụ giám mục quả là gánh nặng.Vì anh em chỉ phải thưa với Chúa về đời sống mình, còn tôi không những phải thưa với Chúa đời mình, mà còn phải thưa với Chúa về đời sống anh em nữa… (Phát Diệm 1.12.1998) (Thư chung…tr. 296)

Vì lý do sức khỏe, trong 40 năm, Đc đau nặng 3 lần, Đc Tạo xin bổ nhiệm các Đc Phó:
GM Phó Giuse Nguyễn Chí Thanh (1964-1974)
(x. Thư Chung, 28.5.1974)
GM Phó Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (1971-1981)
(x. Thư chung 3.2.1982)
GM Phó Giuse Nguyễn Văn Yến (1988-2009)
(x. Thư chung, 18.11. 1988)

Khi làm Đc Phó, Đc Yến là người hợp tác đắc với Đức cha chính. Đc Phó Nguyễn Văn Yến đã tỏ ra tài ba, quán xuyến không quản ngại, khi được trao phó. Với thời gian, nhiều nhà thờ bằng gỗ, cũ, mối mọt, xiêu vẹo, đổ nát, hư hỏng :
- 1988, xây nhà nguyện trong khu tòa Giám Mục
- 1992, xây các nhà thờ Cồn Thoi, Quảng Phúc, Sào Lâm
- 1993, sửa các nhà thờ xứ Tùng Thiện, Tống Thị, Dưỡng Điềm
- 1994, sửa các nhà thờ xứ Xích Thổ, An Ngãi, Quy Hậu, Đường Quan
-1995, trùng tu các nhà thờ xứ Phú Thận, Uy Kỳ Đức, Tân Khẩn, Vô Hốt, Hiếu Nghĩa, Kim Đài, Duyên Khê. (LSPD, 2021.ttr, 222-223)

Công lớn là mặt đức tin, nâng đời sống cầu nguyện
-Phát động phong trào ‘dạy và học giáo lý’. Tuyển GLV. Có tới 1000 GLV cho cả Gp.
- In lại sách kinh, sách bổn.
- Chấn chỉnh lại tháng 5 và 10 tôn kính Đức Mẹ
- Tận tụy đến các xứ không có cha xứ, dâng lễ và giảng

Và Đc Tạo bổ nhiệm thêm các cha Tổng Đại Diện (cha Chính Địa Phận)
- Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (1974-1980)
- Cha Guise Nguyễn Chí Thanh (1979-1974)
- Cha Phêrô Vũ Hiến Cúc (1980-1984)
- ĐÔ Giuse Phaolô Tịnh Nguyễn Quang Thiều (1984-1989)
(x. Kỷ Yếu Phát Diệm 1891-1991. Ttr.37-38)

Trong thời đầu làm giám mục Đc truyền chức linh mục cho hai linh mục già (đã qua đời) và 24 cha và 1 cha Dòng Châu Sơn, Đc cũng phong chức Ptvv cho thầy già Giuse Hiến ở Bình Sa.
Về chủng sinh, năm 1957, huấn luyện tại Cv Thượng Kiệm. Sau vì không có chủng viện (bị tịch thu, 1979) nên không thể huấn luyện. Mãi năm 1989, mới gửi được 8 thầy lên Hà Nội. 7 thầy được thụ phong linh mục. Trong những năm 1993 và 1996, đều gửi 8 thầy lên Hà Nội.

Về Dòng MTG, từ 1954, nhà Dòng di cư vào Nam gần hết, còn lại chừng 30 nữ tu coi nhà. cho nên mãi sau mấy năm Đc Tạo mới tổ chức lại nhà Dòng, nhận đệ tử và huấn luyện, vào nhà tập và cho khấn đơn. Ngày 11.10.1962, cho bầu lại Bề Trên. Bà Toàn (có em là cha Phạm Minh Đăng, chính xứ Bình Thái, Q7, Saigon) làm Bề Trên và bà Hiếu làm Phó.

Đầu năm 1958, lần đầu tiên Đc tổ chức tĩnh tâm cho các Cha trong địa phận (26 cha)
(VietCatholic News 5.5.2001)

GM. GIUSE NGUYỄN VĂN YẾN (1942, 1998 -2009)
Đc Tạo toại nguyện vì có người kế vị. Vì thiếu linh mục Đc Tạo phụ trách thêm các xứ Tôn Đạo, Phú Hậu, Hòa Lạc, Ứng Luật và Hướng Đạo. Đc Yến coi thêm mục vụ các xứ Văn Hải, Hóa Lộc, Tân Khẩn, Tân Mỹ, Như Tân, Tùng Thiện và Cồn Thoi.
Ngày 15.10. 1998, Tòa Thánh chính thức bổ nhiệm Đc Giuse Nguyễn Văn Yến Giám Mục Phát Diệm. Đc Yến đốc công đã xây khu nhà nguyện, ở giữa, 1999, và khu nhà chung 3 tầng, có tòa giám mục, nơi cho khách hành hương, khu nhà xứ 2 tầng, 2001. Vì khu cũ rải rác đổ nát. Nhất là sau 1962 và 1972, khu nhà chung bị bom tàn phá.

Từ ngày có khu nhà chung, các phái từ khắp nơi, cả nước ngoài về thăm Phát Diệm. Kẻ ở người đến thăm, tình yêu thắm thiết mặn nồng :
(Gm Phó Giuse Nguyễn Văn Yến. Thư Chung, 25.1.1991)

Xuất ngoại. Cuối tháng 10.1994, Đc qua Roma, cùng với các tân Giám Mục yết ĐGH và dự khóa bồi dưỡng, theo lời mời của bộ Truyền Giáo. Năm 2000, Đc tham dự JMJ lần XV tại Roma, có mặt gần 2 triệu bạn trẻ. Ngày 21. 2. 2021, Đc qua Roma tham dự lễ vinh thăng Hồng Y của ĐTGM Nguyễn Văn Thuận.

Đc Tạo và Đc Yến, luôn nhắc nhớ con chiên bổn đạo gia tăng lòng sùng kính Đức Mẹ:
(Gm Phaolô Bùi Chu Tạo và Gm Phó Nguyễn Văn Yến. Thư Chung, 28. 5.1991)
Hai vị chủ chăn dạy cho con cháu hiểu biết hơn ‘Giáo Hội là Công Giáo Tông Truyền.Thư chung có 3 phần : 1) Người giáo dân trong Giáo Hội. 2) trong Giáo Xứ. 3) và các bổn phận trần thế. (Thư Chung, 6. 9.1991, mang tên “Địa vị và vai trò của người giáo dân’’. Gm Phaolô Bùi Chu Tạo và Gm Phó Nguyễn Văn Yến.
Từ ngày có Đc Năng về Phát Diệm (2009) Đc Yến về nghỉ hưu tại Sở Kiện, Hà Nội. Ngày 31.8.2021, Đc Yến về trung tâm Mục Vụ tòa GM Phát Diệm tĩnh dưỡng (x. Thư cám ơn của Đc Nguyễn Văn Yến, 31.8.2921)

GM GIUSE NGUYỄN NĂNG (1953, 2009-2018)
Đc Giuse Nguyễn Năng là người Tam Châu, con cháu Phát Diệm lại được bổ nhiệm coi sóc Phát Diệm. Thật qúi và hợp lý.
Ngày ra mắt sau 2 năm vắng bóng chủ chăn, 24.8.2009, của Đc Giuse Nguyễn Năng, có mặt
Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, ghi trong phim tư liệu, gồm 2 diễn văn chào-đáp và ghi lễ Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Tân Giám Mục Phát Diệm.

Một mặt xây dựng vật chất. Xây nhà mục vụ nhờ vận dụng kế hoạch đóng góp tài chánh “3.000 đồng” của các gia đình, xây ‘nhà chung’ theo ‘Dự án mục vụ 10 năm’, 2017-2027. Nhà này dùng các hội đoàn họp, cho sinh hoạt của TN TT hay Giới Trẻ, lớp Giáo Lý.
Một mặt chăm sóc về mặt thiêng liêng qua các thư chung…
Khi còn ở Phát Diệm, 2017, Đc đã viết Lời Giới Thiệu ‘Hồi Ký Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô Phát Diệm, 1887-1967’
Hiện nay, Phát Diệm đón nhận hàng năm các thầy Thần Học năm thứ I của Đcv Hà Nội ăn học tại Trường Thử cũ, sửa chữa lại khang trang đẹp đẽ.

ĐỨC TGM GIÁM QUẢN GIUSE NGUYỄN NĂNG (2018-2023)
Thời gian làm Giám Quản, 22. 10. 2021, ĐTM Nguyễn Năng và Ban Truyền Thông Phát Diệm tái phát hành, có tu sửa, cuốn ‘Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm’ (1901-2001), của Đô Trần Ngọc Thụ. Sách này đã in 1ần đầu tại Paris 2001.
Ở đây ghi lại sinh hoạt mùa ‘thánh hiến’ của Phát Diệm (qua youtube) trong những tháng (7,8 và 9.2022) cuối năm mục vụ là kết quả của thời gian đào tạo huấn luyện lâu dài.

- 10.5 2022, Xứ Thiện Dưỡng, mừng kỷ niệm 130 năm thành lập, 1802-2022. Nghe kể lại, khi còn Cụ Sáu, có nhờ giáo dân Thiện Dưỡng vào rừng đem những cây gỗ hay phiến đá về xây quần thể Phát Diệm. Đáp lại, Cụ cho thợ đục đẽo lên giúp Thiện Dưỡng xây nhà thờ, có mái cong giống Phát Diệm
-5.7.2022. Linh mục đoàn tĩnh tâm (năm 2021 có 135 linh mục). Tại nhà nguyện Tòa Giám Mục. Đức Giám Quản, TGM Giuse Nguyễn Năng giảng phòng. Đề tài ‘Mục tử liên đới với dân Chúa’.
-6.7.2022, xứ Sào Lâm, đoàn TNTT mang tên Đa Minh Đạt, ra mắt giáo xứ.
Cùng ngày, xứ Hòa Lạc tổ chức kỷ niệm mừng 110 năm thành lập. Có ĐTGM Năng, Đc Yến đến tham dự.
- 25.7.2022, tại xứ Cách Tâm, các GLV : Cách Tâm (32 glv), Mông Hưu (20) và Quân Triêm
(16) hội thảo ‘GLV là trái tim của Hội Thánh’. Sau đó dự lễ kính CP Anrê Phú Yên
-11+12.7.2022, Ngày Lễ Sinh, chia 3 giai đoạn :1) Khai mạc, giao lưu thể thao giữa Fc. Clergy Phát Diệm và Thái Bính. 2) Gía trị ơn gọi. 3) Chia sẻ ơn gọi.
- 25.7. 2022, xứ Tôn Đạo có 60 em Dự Bị Huynh Trưởng, qua 3 ngày sa mạc
-1-29.7.2022, xứ Văn Hải, dành một tháng, Đoàn TNTT đã học hỏi về ‘Hiệp Hành trong Yêu Thương’
-31.7.2022, xứ Cách Tâm có 69 em lãnh phép Thêm Sức do cha Đại Diện Antôn Vũ Văn Tự trao ban.
- Ngày 18.8. 2022, xứ Uy Đức có 29 em lãnh phép Thêm Sức do cha Đại Diện Antôn Vũ Văn Tự trao ban.
- Ngày 19.8.2022, tổ chức huấn luyện và quàng khăn cho TNTT, thảo luận ‘Hiệp Hành cùng Chúa Kitô trên đồi Gongotha’
-25.8.2022 : tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm,11 tân Linh Mục chịu chức do Đức TGM Giám Quản Nguyễn Năng truyền chức. Được biết linh mục đoàn Phát Diệm có 135, luôn cả 11 cha mới. Dịp này tòa GM thuyên chuyển 41 cha trong giáo phận.

Đức TGM còn gửi thư hướng dẫn về mặt thiêng liêng :
- Ngày 1.10.2021, thư gửi gia đình giáo phận Phát Diệm (về Tháng Mân Côi)
- Thư mục vụ Mùa Chay, 2.3.2022 mang tên ‘Kinh nghiệm thiêng liêng trong đại dịch đến đời sống mới của Chúa Kitô phục sinh’
- Ngày 8.6.2022, Giảng lễ về ‘Hội Nghị Tiền HĐGM cấp giáo phận’
- 25.4.2023, dâng lễ tạ ơn, hết làm Giám Quản Phát Diệm
Phát Diệm trải qua hơn một thế kỷ lịch sử hào hùng vẻ vang và tự hào. Phát Diệm vượt mọi trở ngại, chông gai giữ lấy danh thơm tiếng tốt của tiền nhân, xứng đáng là con đầu lòng của Giáo Hội VN. Phát Diệm hãnh diện không phải xây dựng cho mình mà còn đóng góp nhiều nhân tài sinh trưởng tại Phát Diệm phục vụ khắp nơi.
-Đc Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, sinh tại Tôn Đạo, Giám Mục Bùi Chu (1950-54), Qui Nhơn (1957) và Đà Nẵng (1963)
-Đc Vinsơn Phaolô Phạm Văn Dụ, sinh tại Ninh Bình, Gm Cao Bằng Lạng Sơn, 1960. Ngày 30.11.2021, khi khai quật mộ lên thì thân xác Ngài và lễ phục còn nguyên. (Thư của Đc Châu Ngọc Tri. 2021)
-Đc Phêrô Phạm Tần, sinh tại Hàm Phu, Giám Mục Thanh Hóa (1959-1990)
- Đức HY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, sinh tại Bình Sa, Giám Mục Bắc Ninh (1963), Giám Mục Hà Nội (1990) Hồng Y (1994)
-Đc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, sinh tại Phú Vinh, Giám Mục Xuân Lộc (1975-2007). Chủ Tịch HĐGMVN (1989-1995)
-Đc Giuse Nguyễn Phụng Hiểu, sinh tại Hàm Phu,1921, Giám Mục Hưng Hóa (1991-1992)
-Đc Gioan Đỗ Văn Ngân, sinh tại Phát Diệm 1953, Giám Mục Xuân Lộc (2017 - nay)
-Đc Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, sinh tại Cần Thơ 1955, Giám Mục Đà Lạt (2015 - nay).
Nhưng ông cố Phêrô Nguyễn Minh (+2020) người Phúc Nhạc, Bà cố Anna Phạm Thị Yên (+ 2005) người Dục Đức, Phát Diệm
-Đô Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, sinh tại Văn Hải, 1918, Thư Ký Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1998-2002). Cáo Thỉnh Viên Phong Hiển Thánh cho 117 vị Thánh, ở Roma, 1988.
-Đô Đa Minh Vũ Văn Thiện, sinh tại Dưỡng Điềm, Giám Đốc Foyer Phát Diệm, Roma (+ 2011)
-Đô Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, sinh tại Quân Triêm (1937-2017), Bộ Phụng Tự, Roma.
-Đô Phanxicô Phạm Văn Phương, sinh tại Tôn Đạo (1939- nay) du học Hoa Kỳ, 1972, hiện ở tiểu bang Atlanta, HK.

Ngày 25.3.2023, ĐGH Phanxicô tiến cử Cha Phêrô Kiều Công Tùng làm Gm chính tòa Phát Diệm. Khẩu hiệu : ‘Xin vâng can đảm bước đi’ (x. Gl 5,25). Ngày 16.5.2023, 7g, tại Phát Diệm thánh lễ phong chức và nhậm chức.
Xin tóm lược tiểu sử Tân Gm :
- Sinh 24. 3. 1964, Thủ Đức, xứ Cao Thái, Sài Gòn
- 1993- 1999 : Tu học Đcv Sài Gòn
- 30.6.1999 : Thụ phong linh mục tại nhà thờ Sài Gòn
- 1999-2003 : Phó xứ Bùi Phát, Sài Gòn
- 2004-2009 : Du học Boston, HK. Tốt nghiệp Thạc Sỹ Mục, Thánh Nhạc và Thần Học.
- 2009-2010 : Phụ Tá nhà thờ chính tòa Sài Gòn.
- 2010-nay : Giáo sư Đcv Sài Gòn
- 2016-nay : Chưởng ấn Sài Gòn

Kết luận
Sự trưởng thành trong đức tin và tồn tại của Giáo Hội Phát Diệm là nhờ ân sủng, với sức mạnh Thánh Linh mà chỉ ai sống ở Phát Diệm mới xác tín được. Thiên Chúa đã trao ban cho các vị chủ chăn sự khôn ngoan và giáo dân đức tin vững mạnh, cho Phát Diệm vượt sóng gió, ba đào tưởng như không thoát nổi để Phát Diệm còn mãi. Nhiều biến cố lịch sử qua đi, người Phát Diệm tin tưởng trong lo âu là ơn đặc biệt là ‘phép lạ’ Chúa dành cho. Hơn 100 năm tràn đầy Ơn Thánh, sự phù hộ của Đức Mẹ Mân Côi và trợ giúp của các Thánh Tử Đạo Phát Diệm.
Con cháu Phát Diệm hôm nay dù ở bất cứ nơi đâu đều mang nặng tình sâu nghĩa nặng đối với tiền nhân và mong đền đáp. Được biết thế hệ trẻ đàn em Phát Diệm ở hải ngoại sẵn sàng trở về quê hương. Nhân lực ưu tú thế hệ trẻ bắt đầu ghi vào trang sử đầu sau hơn 100 năm cho Trang Sử Phát Diệm với quyết tâm nếu không đẹp hơn thì ít nhất cũng bằng 100 năm đầu.
Thánh đường cổ kính Phát Diệm còn đó. Tiếng chuông từ phương đình Phát Diệm vẫn nhắc nhở mời gọi con cháu Phát Diệm ngày sum họp và giữ lấy ‘Truyền Thống Phát Diệm’ mãi mãi nối tiếp.

(Ns DCÂC số 108. 10. 1991. Ttr :7-11.
Bổ túc, Paris lễ Đức Mẹ Lên Trời, 15.8.2022)


TÀI LIỆU THAM KHẢO
-Ns GXVN Paris, số 174, 1.6.2001. Ttr. 17-21 và DCÂC số 108. 10. 1991. Ttr :7-11
-Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Tân Việt.1954
-Lm. Phan Phát Huồn, CSSR. Việt Nam Giáo Sử. 1955, 1962
-Lm. Đoàn Độc Thư và Xuân Huy : Giám Mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm
- P.J.B. Trương Vĩnh Ký : Voyage au Tokin en 1876. (bản tiếng Việt, 32 trang)
Saigon. Bản in nhà hàng C. Cuiliand et Martinon.
- Bernard Fall : Le Viet Minh. Azmend Colin, Paris, 1960
-‘L’avenir du Tonkin’. Compte rendu du 29 Septembre 1938 de S.E Mgr Tong :
LE PÈRE SIX
- Mgr Olichon, Le Père Six Curé de Phat-Diem Vice-roi en Annam. Librairie BLOUD &GAY. Paris-6e
 
VietCatholic TV
Đòn trí mạng: Nhà máy hỏa tiễn phóng hàng loạt duy nhất nổ tung. Ukraine tấn công xuyên biên giới?
VietCatholic Media
03:51 01/05/2023


1. Diễn biến tai hại đối với nỗ lực chiến tranh của Putin. Nhà máy duy nhất của Nga chế tạo hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt đã bốc cháy

Diễn biến quan trọng nhất trong ngày qua là vụ hỏa hoạn nhấn chìm nhà máy duy nhất của Nga chế tạo hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt đã bốc cháy. Cố vấn Bộ Nội Vụ Ukraine Anton Gerashchenko nhận định rằng Ukraine không có khả năng tấn công nhà máy nó. Vụ hỏa hoạn này do chính người Nga làm ra vì họ không muốn kéo dài cuộc chiến tại Ukraine. Ông cho rằng diễn biến này giáng một đòn trí mạng vào nỗ lực chiến tranh của Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian MLRS Weapons Factory Bursts Into Flames: Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy nhà máy vũ khí chế tạo hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt của Nga bốc cháy.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một vụ hỏa hoạn đã bùng phát hôm thứ Bảy tại khu đất của một nhà máy Nga bị trừng phạt, là nhà máy sản xuất hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt duy nhất của nước này.

Vụ việc lần đầu tiên được đưa tin bởi Kommersant, một tờ báo thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Nga, trích dẫn một tuyên bố từ Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Điện Cẩm Linh. Ngọn lửa bùng phát trong khuôn viên của Nhà máy PJSC Motovilikha ở thành phố Perm, miền trung nước Nga vào khoảng 8 giờ tối theo giờ địa phương, được cho là bắt nguồn từ một gian máy biến áp. Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp đã tìm cách đưa tin theo chiều hướng giảm nhẹ thiệt hại. Họ nói rằng một đội đã được cử đi để giải quyết ngọn lửa, được cho là đã đạt tới kích thước 10 mét vuông.

“Hôm nay, một đám cháy đã bùng phát tại trạm biến áp trên lãnh thổ của doanh nghiệp,” văn phòng báo chí của nhà máy cho biết trong một tuyên bố với Pravda. “Ngọn lửa đã được các chuyên gia của Bộ Tình trạng Khẩn cấp đến hiện trường kịp thời khống chế.”

Tuy nhiên, nhiều hình ảnh và video cũng đã bắt đầu lan truyền trên mạng cho thấy vụ cháy, bao gồm một đoạn clip ngắn được đăng trên VK Video, trong đó từ xa người ta có thể nhìn thấy ngọn lửa và cột khói khổng lồ. Cũng có thể nhìn thấy chùm khói ở khoảng cách xa hơn nhiều trong một loạt ảnh và video được chia sẻ lên Twitter bởi dự án tin tức độc lập Perm 36.6.

Theo Kommersant, Nhà máy Motovilikha của PJSC đáng chú ý ở chỗ đây là nhà máy duy nhất ở Nga sản xuất hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, là vũ khí phổ biến trên chiến trường hiện đại có khả năng phóng hàng loạt hỏa tiễn rất nhanh đến một khoảng cách xa. Vụ hỏa hoạn xảy ra trong một thời điểm quan trọng khi quân Ukraine chuẩn bị cuộc tổng phản công. Nhà máy chắc chắn sẽ phải ngừng hoạt động để sửa chữa các thiệt hại do vụ hỏa hoạn gây ra.

Tháng 12 năm ngoái, nhà máy đã bị Liên minh Âu Châu trừng phạt vì cung cấp các hệ thống này cho lực lượng vũ trang Nga trong cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra tàn bạo. Kommersant cũng báo cáo rằng nhà máy đã làm thủ tục phá sản kể từ năm 2018.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga qua email để bình luận.

Perm nằm gần trung tâm nước Nga, cách Mạc Tư Khoa khoảng 1.500 km về phía đông. Do đó, không rõ liệu lực lượng Ukraine có khả năng gây ra vụ này hay không. Nhiều cuộc tấn công, cả vô tình và được cho là cố ý, đã được báo cáo trong biên giới của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược mà Điện Cẩm Linh đã đổ lỗi cho Ukraine. Tuy nhiên, những sự việc này thường xảy ra gần biên giới giữa hai nước. Địa điểm này quá xa Ukraine.

Trong một tuyên bố với Newsweek hôm Chúa Nhật, chuyên gia quốc phòng Âu Châu Rajan Menon thuộc tổ chức tư vấn Ưu tiên Quốc phòng, nói rằng cuộc tấn công phù hợp với mô hình các sự việc đáng ngờ tại các cơ sở trực thuộc quân đội Nga, nhưng không có bằng chứng cho thấy Ukraine chịu trách nhiệm về việc này.

“Đây chỉ là một trong những vụ hỏa hoạn bí ẩn xảy ra trong vài tuần qua ở Nga,” Menon nói. “Trước vụ hỏa hoạn ở Perm, gần đây nhất chúng ta có thể thấy các vụ hỏa hoạn xảy ra tại một khu công nghiệp ở quận Kystovsky của Nizhni Novgorod. Chắc chắn đã có suy đoán về việc liệu những vụ cháy này là kết quả của các hoạt động bí mật của Ukraine (đặc biệt là do một số vụ cháy đã xảy ra tại các cơ sở sản xuất quân sự) hay công việc của các nhóm kháng chiến ở Nga. Tôi cũng không biết bằng chứng chắc chắn nào chỉ ra hoặc loại trừ.”

2. Cựu Tư lệnh Nga thừa nhận Ukraine 'thành công' trong việc đẩy lùi quân Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ex-Russian Commander Admits Ukraine 'Successfully' Repelling Putin's Troops”, nghĩa là “Cựu Tư lệnh Nga thừa nhận Ukraine 'thành công' trong việc đẩy lùi quân Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Cựu chỉ huy Nga Igor Girkin hôm Chúa Nhật thừa nhận rằng quân đội Ukraine đã có thể chiến đấu “thành công” với lực lượng Nga trong suốt tháng Tư khi chiến tranh tiếp tục kéo dài.

Trong một video trên Telegram, Girkin đã liệt kê một số thất bại của Nga ở Ukraine, chẳng hạn như tổn thất “nặng nề” gần thành phố Avdiivka của Ukraine, mà Girkin báo cáo đã buộc quân đội Nga phải “rút lui một lần nữa, bỏ lại một phần các vị trí đã chiếm được trước đó”. Ông nói thêm rằng mặc dù trận chiến ở Bakhmut vẫn đang tiếp diễn, nhưng Ukraine đã đạt được tiến bộ trong khi Nga thì không.

“Ở các mặt trận khác, các trận chiến cục bộ đã diễn ra và các cuộc không kích và pháo binh đã được trao đổi. Kết luận chung: Ukraine một lần nữa đã thực hiện thành công các trận đánh trong tháng Tư cho chính họ, như một phần để có thời gian chuẩn bị cho cuộc tổng phản công chiến lược”.

Ông cũng dự đoán rằng vào tháng tới “chiến dịch mùa hè” và “chạy theo sau người Ukraine” sẽ bắt đầu, vì các tướng lĩnh của chúng ta thực tế không thể làm được gì trong suốt mùa đông và mùa xuân,” ngoại trừ việc đạt được một số mục tiêu nhỏ mọn ở vùng Donbas.

Girkin đã đưa ra những đánh giá về cuộc chiến Nga-Ukraine kể từ khi nó bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái. Xung đột đã kéo dài khắp các thành phố lớn của Ukraine như Kyiv và Kherson. Trong khi đó, Girkin là người chỉ trích thẳng thắn Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn Wagner - một đơn vị quân sự tư nhân đang hỗ trợ các hoạt động của Nga ở Ukraine.

Hôm thứ Bảy, cựu chỉ huy Nga cảnh báo rằng Putin có thể phải đối mặt với “binh biến” từ Tập đoàn Wagner, khi lãnh đạo Yevgeny Prigozhin, được tường trình đã đe dọa rút quân khỏi Bakhmut.

Tập đoàn Wagner đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các lực lượng Nga trong nỗ lực giành quyền kiểm soát Bakhmut. Tuy nhiên, Prigozhin thường công khai chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga không cung cấp thêm đạn dược và hỗ trợ cho các chiến binh của mình.

Trong một bài đăng khác trên Telegram vào thứ Bảy, Girkin đã viết rằng Prigozhin đã “công khai” tống tiền giới lãnh đạo quân sự của Nga bằng cách cảnh báo rằng Tập đoàn Wagner sẽ rời khỏi vị trí của mình ở Bakhmut nếu vấn đề cung cấp đạn dược cho lực lượng của ông ta không được giải quyết vào thứ Sáu.

Những lời chỉ trích và lo ngại của Prigozhin xuất hiện trước cuộc phản công mùa xuân dự kiến của Ukraine, mà phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, đang giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá chuẩn bị bằng cách cung cấp thiết bị quân sự, pháo và xe tăng tiên tiến, cùng các nguồn lực quốc phòng khác.

Quốc gia Đông Âu có kế hoạch lấy lại các vùng lãnh thổ đã bị lực lượng Nga xâm lược. Nga đã xây dựng hàng ngàn vị trí phòng thủ mới trong các khu vực chiến lược khi họ lường trước các cuộc tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết hôm thứ Sáu rằng công tác chuẩn bị cho cuộc phản công đang ở giai đoạn cuối cùng, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội Ukraine đang được huấn luyện để sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự do các đồng minh phương Tây gửi đến.

“Việc chuẩn bị sắp kết thúc, vì ngoài vũ khí và thiết bị quân sự, quân nhân của chúng ta phải được đào tạo về cách sử dụng chúng. Chúng ta đã nhận được các hệ thống tối tân”, Bộ trưởng Quốc phòng nói với các phóng viên.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

3. Thống đốc Nga cáo buộc Ukraine pháo kích xuyên biên giới làm 4 người Nga thiệt mạng

Thống đốc khu vực Bryansk, của Nga là Alexander Bogomaz cho biết số người chết đã tăng lên 4 người sau vụ pháo kích của Ukraine vào một ngôi làng ở vùng Bryansk, bên Nga.

“Theo thông tin ban đầu, 1 căn nhà dân bị sập hoàn toàn, 2 căn nhà khác bị hư hỏng một phần. Các nhóm phản ứng khẩn cấp tiếp tục làm việc tại địa điểm này,” Bogomaz cho biết trên kênh Telegram của mình vào đầu ngày Chúa Nhật.

Thống đốc cho biết cuộc tấn công của quân đội Ukraine đã đánh trúng các tòa nhà dân cư ở làng Suzemka. Vùng Bryansk có chung đường biên giới về phía nam với Ukraine và về phía tây với Belarus.

Bogomaz đã đăng một video trên Telegram cho thấy mọi người ra khỏi một tòa nhà bị hư hại vào ban đêm. CNN chưa xác minh video vào lúc này.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Ukraine cảnh báo rằng công tác chuẩn bị của họ gần như đã hoàn tất cho một cuộc phản công vào mùa xuân, mà nhiều chuyên gia tin rằng có thể đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột.

4. Các trận đánh cận chiến và pháo kích dữ dội của Nga ở Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 1 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết giao tranh ở thành phố Bakhmut là “rất dữ dội”.

“Quân đội Nga đang cố gắng chiếm thành phố trước ngày 9 tháng 5. Họ hiện đang thất bại. Họ đang sử dụng pháo binh, súng cối và xe tăng để phá hủy thành phố. Thông thường, các trận chiến đang diễn ra là những trận cận chiến trong đó quân phòng thủ Ukraine tiêu diệt đối phương bằng vũ khí nhỏ và lựu đạn, không phải bằng pháo binh.”

Cô cho biết các lực lượng Nga liên tục pháo kích vào các vị trí của Ukraine: “Không có điểm dừng — đối phương đang bắn không ngừng. Đầu tiên, pháo địch hoạt động, sau đó chúng cố gắng chọc thủng hàng phòng ngự của ta. Khi thất bại, họ lại bắt đầu bắn pháo binh.”

Các chiến binh Nga dường như buộc phải kết thúc trận chiến nhanh chóng. “Đối phương đang vội vã; đối phương đang cố gắng gây áp lực, cố gắng tấn công vào khu vực các tòa nhà cao tầng ở Bakhmut”, cô nói.

Một sĩ quan Dù của Nga bị bắt tại mặt trận khai rằng Putin ra lệnh cho quân Nga phải chiếm được thành phố Bakhmut trước ngày 9 Tháng Năm. Trước đó, một sĩ quan Dù khác cũng bị bắt tại mặt trận khai rằng quân Nga được lệnh phải chiếm thành phố Bakhmut trước ngày 30 Tháng Tư. Ông than thở rằng “Ám sát Putin có lẽ dễ hơn hoàn thành các chỉ tiêu do ông ta đề ra.”

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, quân đội của Mạc Tư Khoa đang cạn kiệt nguồn cung cấp và cạn kiệt cả niềm tin vào nhiệm vụ của họ, vì vậy họ đã trở nên phá hoại hơn, phá hủy nhà cửa và các tòa nhà.

Các chiến binh của Nga không đủ quân để tấn công dọc theo toàn bộ chiều rộng của chiến tuyến ở Bakhmut, vì vậy các trận chiến chỉ tập trung vào một số khu vực nhất định.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, các tuyến đường tiếp tế vẫn được bảo đảm nhưng đầy nguy hiểm: Quân đội Ukraine phải vật lộn để thực hiện các hoạt động hậu cần trong bóng tối, với hy vọng tránh bị pháo kích trên các con đường vào và ra khỏi thị trấn.

Mối nguy hiểm nhất đến từ tuyến đường tiếp tế quan trọng giữa các thị trấn Chasiv Yar và Khromove, nơi trước đây cô đã mô tả là các cuộc pháo kích của Nga diễn ra liên tục.

“Chỉ có xe thiết giáp mới đến được Bakhmut. Vì vậy, tình hình khá phức tạp”

Tuy nhiên, tình hình của quân Nga cũng không khá hơn. Không quân và pháo binh Ukraine liên tục tấn công các tuyến đường tiếp tế của quân Putin.

5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhắc lại những ngày đầu xâm lược của Nga

Trong cuộc phỏng vấn dành cho các cơ quan truyền thông trong vùng Bắc Âu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhắc lại những ngày đầu xâm lược của Nga. Ông cho biết ông đã mang theo một khẩu súng lục và sẽ chiến đấu đến chết cùng với những người thân cận của ông nếu người Nga xông vào phủ tổng thống ở Kyiv khi bắt đầu chiến tranh.

Trong những ngày đầu tiên sau cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 năm 2022, các quan chức Ukraine cho biết các đơn vị tình báo Nga đã cố gắng đột nhập vào Kyiv, nhưng bị đánh bại và không tiếp cận được Phố Bankova ở trung tâm, nơi có dinh tổng thống.

“Tôi biết bắn súng. Bạn có thể tưởng tượng một tiêu đề như 'Tổng thống Ukraine bị người Nga bắt giữ không?' Đây là một sự ô nhục. Tôi tin rằng đây sẽ là một sự ô nhục,” ông nói với kênh truyền hình Bắc Âu.

Các đơn vị khác của Nga mở cuộc tấn công vào ngoại ô Kyiv, nhưng không tiến được. Các quan chức cũng báo cáo một số nỗ lực phá hoại không thành công bên trong thành phố.

“Tôi nghĩ nếu họ vào bên trong phủ tổng thống, sẽ không có ai bị bắt làm tù binh vì chúng tôi đã chuẩn bị rất nghiêm túc cho việc bảo vệ phố Bankova. Chúng tôi sẽ ở đó đến người cuối cùng,” Ông Zelenskiy nói.

Khi được hỏi liệu anh ta có mang theo một khẩu súng lục và thực hành sử dụng nó hay không, Tổng thống Zelenskiy trả lời rằng có, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng ông có thể đã sử dụng nó để tự sát chứ không phải để bị bắt.

“Không không không. Nó không phải để bắn bản thân tôi. Chắc chắn là tôi sẽ dùng nó để bắn trả” ông nói.

6. Người đứng đầu Wagner: Cuộc phản công của Ukraine có thể trở thành 'thảm kịch' của Nga

Người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, Yevgeny Prigozhin, đã nói rằng một cuộc phản công của Ukraine có thể trở thành một “thảm kịch” đối với Nga và phàn nàn rằng các chiến binh của ông thiếu đạn dược.

Trong nhiều tháng, Wagner đã dẫn đầu cuộc tấn công của Nga vào Bakhmut, thị trấn phía đông Ukraine, tâm điểm giao tranh.

Prigozhin là đồng minh của tổng thống Vladimir Putin nhưng với tư cách là người đứng đầu nhóm quân sự tư nhân đã tham gia vào một cuộc đấu tranh quyền lực với Bộ Quốc phòng Nga.

“Nhóm Wagner chúng tôi chỉ có 10 đến 15% cơ số đạn mà chúng tôi cần,” ông nói, đồng thời đổ lỗi cho giới lãnh đạo quân đội Nga.

Ông đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với Semyon Pegov, phóng viên chiến trường thân Cẩm Linh của Nga.

Prigozhin cho biết ông tin rằng một cuộc phản công của Ukraine sẽ diễn ra vào giữa tháng Năm.

Ông nói: “Cuộc phản công này có thể trở thành một thảm kịch đối với đất nước chúng ta”.

7. Tướng Nga chính thức bị mất chức khi Ukraine chuẩn bị phản công

Bộ Quốc phòng Nga đã thay thế Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần, tạo ra sự thay đổi trong lãnh đạo quân đội ngay khi các lực lượng Nga chuẩn bị đối phó với một cuộc phản công của Ukraine.

Hôm Chúa Nhật, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết Aleksey Kuzmenkov - một Thượng Tướng từng giữ nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau trong quân đội Nga - đã được bổ nhiệm vào vị trí mà trước đây do Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đảm nhiệm.

Mạc Tư Khoa không đưa ra lý do ngay lập tức về việc thay thế Mizintsev. Động thái này diễn ra khi các quan chức Ukraine báo hiệu cuộc phản công mùa xuân của họ có thể sắp được phát động.

Thông tin thêm về Mizintsev, biệt danh “Tên Đồ tể thành Mariupol”: Chỉ huy hậu cần sắp mãn nhiệm của Nga đã nổi tiếng về sự tàn bạo và một biệt danh đáng ngại trong giới chức phương Tây vì vai trò của ông trong cuộc bao vây Mariupol, nơi diễn ra một số cuộc tấn công khét tiếng nhất của cuộc xâm lược và bị cáo buộc là hành động tàn bạo.

Tại sao vai trò hậu cần lại quan trọng: Các chuỗi hậu cần của Mạc Tư Khoa có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các lãnh thổ Ukraine bị xâm lược, trong khi lực lượng của Kyiv đang tìm cách phá vỡ các tuyến tiếp tế bằng hỏa lực tầm xa.

Quân đội Nga đã phải vật lộn để giữ cho các lực lượng tiền tuyến luôn được cung cấp cả vũ khí và các thiết bị khác, và các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng các quan chức đang đưa những chiếc xe tăng cũ ra khỏi kho.

Bất chấp điều đó, các nhà phân tích cho rằng Nga cho đến nay vẫn có thể duy trì lượng đạn dược đổ về mặt trận để chứng minh qua việc tiêu thụ nhiều đạn pháo và hỏa tiễn

Thông tin thêm về Kuzmenkov: Ông ta tốt nghiệp Trường hậu cần quân sự cấp cao Volsk năm 1992.

Trong những năm qua, Kuzmenkov phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga với tư cách là người đứng đầu bộ chỉ huy hậu cần, chỉ huy hậu cần ở Quân khu phía Nam và ở vị trí chỉ huy phó Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga.

8. Zelenskiy và Macron của Pháp thảo luận về viện trợ quân sự, tư cách thành viên NATO và diễn biến trên chiến trường

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và tổng thống Pháp đã có một cuộc điện đàm vào hôm Chúa Nhật, thảo luận về điều mà bài phát biểu của Emmanuel Macron gọi là “cam kết của Pháp cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho Ukraine để khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.”

Phủ tổng thống Ukraine cho biết Zelenskiy đã chia sẻ chi tiết về tình hình trên chiến tuyến của cuộc xung đột và nó có thể phát triển như thế nào vào tháng 5 và tháng 6, khi dự đoán về cuộc phản công của Kyiv được xây dựng.

Zelenskiy cũng đưa ra viện trợ ưu tiên cao nhất mà quân đội của ông cần để đánh bại lực lượng của Mạc Tư Khoa.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận về Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại thủ đô Vilnius của Lithuania, nơi Zelenskiy cho biết ông dự đoán các thành viên sẽ bảo đảm an ninh cho đất nước của ông và tại đây ông cũng hy vọng sẽ bắt đầu quá trình chính thức mời Ukraine tham gia liên minh. Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lithuania sẽ diễn ra vào giữa tháng 7.

Zelenskiy cho biết ông cảm ơn “Pháp đã hỗ trợ toàn diện và hiệu quả cho Ukraine trước sự xâm lược toàn diện của Nga đang diễn ra.”

9. Tổng thống Zelenskiy đã nói rằng điều quan trọng là các đồng minh của Ukraine và người dân của nước này vẫn “đoàn kết nhất có thể” trong cuộc chiến chống lại Nga.

Trong một tuyên bố bằng video một phần để đánh dấu sự đóng góp của lực lượng biên phòng Ukraine, ông cho biết ông đã nói chuyện với tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong những ngày gần đây về việc chuyển giao vũ khí và hợp tác hơn nữa. Ông cảm ơn các nước Âu Châu và Hoa Kỳ đã cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính.

“Điều rất quan trọng là Nga nhận được những tín hiệu mạnh mẽ hơn bao giờ hết rằng thế giới sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động khủng bố nào của Nga,” Zelenskiy nói. “Và ngày càng có nhiều bên trên toàn thế giới ủng hộ luật pháp quốc tế và ủng hộ việc trừng phạt chống lại Nga vì tội khủng bố.”

Ông nói rằng một ngày nào đó, những người lính biên phòng, những người đầu tiên bảo vệ đất nước chống lại các lực lượng Nga, sẽ quay trở lại để bảo vệ các biên giới cũ của Ukraine một lần nữa. “Ngày chắc chắn sẽ đến khi việc kiểm soát biên giới Ukraine đối với hành khách tại các sân bay quốc tế Donetsk và Simferopol của chúng ta một lần nữa sẽ trở nên khá phổ biến”.

Ông nói thêm: “Bằng cách đoàn kết nhất có thể, duy trì lập trường nguyên tắc lớn nhất để bảo vệ các giá trị chung của chúng ta và thực hiện các thỏa thuận quốc phòng càng nhanh càng tốt, tất cả cùng nhau ở Ukraine, ở Âu Châu, trên thế giới, chúng ta sẽ có thể ngăn chặn Nga kéo dài chiến tranh và khôi phục lại một nền hòa bình bình thường, và công bằng.”

10. Ít nhất 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương do pháo kích của Nga ở miền nam Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 1 tháng Năm, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết Nga đã tấn công 9 trong số 25 khu vực của Ukraine trong 24 giờ qua. Các khu vực phải đối mặt với cuộc pháo kích là Sumy, Chernihiv, Kharkiv, Kherson, Mykolaiv, Zaporizhzhia, Dnipropetrovsk, Luhansk và Donetsk.

Một thường dân đã thiệt mạng và một người khác bị thương ở Kherson, nơi đã xảy ra 27 cuộc pháo kích vào 14 khu định cư.

Các cuộc tấn công dữ dội nhất của Nga đã được báo cáo ở khu vực Luhansk, nơi các lực lượng Nga được tường trình đã pháo kích vào khu vực này 93 lần trong ngày qua. Không có thương vong được báo cáo.

Ít nhất một người thiệt mạng và hai người bị thương khi lực lượng Nga nã pháo vào thành phố Nikopol ở miền nam nước này hôm Chúa Nhật.

“Trong ngày, đối phương đã triển khai pháo hạng nặng hai lần để nã đạn vào Nikopol. Một cư dân 48 tuổi của thành phố đã thiệt mạng. Một phụ nữ 46 tuổi và một người đàn ông 80 tuổi bị thương.”

Thống đốc cho biết cuộc tấn công của Nga đã làm hư hại sáu tòa nhà cao tầng và một số nhà riêng, cộng với các tòa nhà nông nghiệp, hai đường ống dẫn khí đốt và một đường dây điện.

11. Nga được báo cáo là đang trừng phạt những người lính trong các hố đất thời trung cổ

Một báo cáo đang gây hoang mang cho người Nga khi biết rằng chồng con của họ bị các chỉ huy Nga đối xử ra sao. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Reported to Be Punishing Soldiers in Medieval Zindans”, nghĩa là “Nga được báo cáo là đang trừng phạt những người lính trong các hố đất thời trung cổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Theo một đánh giá mới, quân đội Nga đang sử dụng “các phòng giam tự chế” và các kỹ thuật trừng phạt thời trung cổ để trừng phạt những người kém kỷ luật.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm Chúa Nhật rằng trong vài tháng qua, các chỉ huy Nga “có khả năng đã bắt đầu trừng phạt những kẻ vi phạm kỷ luật bằng cách giam giữ những binh sĩ vi phạm trong những 'Zindans'“, tức là những hố sâu được đào xuống đất. Các binh sĩ Nga bị ném xuống đó. Bộ Quốc Phòng Anh đã mô tả “Zindans” là “các phòng giam tự chế bao gồm các hố sâu được bao phủ bởi một lưới kim loại trên mặt đất.”

Các báo cáo cho thấy “Zindans” được sử dụng để trừng phạt những người lính say rượu hoặc muốn kết thúc hợp đồng quân sự của họ, Bộ Quốc phòng viết trên Twitter. “Zindans” trước đây được sử dụng ở các vùng của đế chế Nga cũ, với các bức ảnh cho thấy “Zindans” được sử dụng ở các vùng của Trung Á vào đầu thế kỷ 20, với một số tài khoản cho thấy việc sử dụng chúng trong các thế kỷ trước.

Chính phủ Anh cho biết những chiến thuật như vậy là một sự thay đổi rõ rệt so với giai đoạn đầu của cuộc chiến tổng lực ở Ukraine. Giai đoạn đầu chứng kiến “việc thực thi kỷ luật tương đối nhẹ nhàng” - một thái độ đã thay đổi vào mùa thu năm 2022.

Vào thời điểm đó, các lực lượng Nga đang rút lui khỏi các phần lãnh thổ Ukraine chiếm được trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến. Trong suốt cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa, các nguồn tin phương Tây đã báo cáo các vấn đề về tinh thần và kỷ luật trong hàng ngũ của Nga.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2022, các chỉ huy Nga đã đưa ra “nhiều sáng kiến ngày càng hà khắc để cải thiện kỷ luật trong lực lượng”. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy kể từ khi Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Nga, nắm quyền kiểm soát các hoạt động quân sự của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Gerasimov đảm nhận vị trí này vào giữa Tháng Giêng trong bối cảnh các quan chức quân sự hàng đầu của Mạc Tư Khoa đang cải tổ. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington viết vào ngày 11 Tháng Giêng rằng việc bổ nhiệm ông có thể nhằm mục đích “cải thiện khả năng chỉ huy và kiểm soát của Nga” vào đầu năm mới.

Tuy nhiên, Gerasimov có thể sẽ tiếp quản một “cơ cấu chỉ huy vô tổ chức bị cản trở bởi những thất bại triền miên, dai dẳng và tự lặp lại mà ông đã bắt đầu đề cập đến trong vai trò ban đầu của mình trước cuộc xâm lược Ukraine”.

Các báo cáo đã lan truyền trực tuyến trong tháng này về việc các binh sĩ Nga dường như phải đối mặt với án tù ở “Zindans” như vậy. Một báo cáo, được xuất bản bởi tài khoản ASTRA Telegram, tự mô tả là một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, được cho là đã cho thấy những người lính từ vùng Saratov phía tây nam của Nga được đưa vào một “Zindan” vì uống rượu. Các chiến binh được báo cáo là từ lực lượng trinh sát của trung đoàn 99.

“Hôm nay đã có một sự hiểu lầm, và chúng tôi đã bị đưa vào một cái hố,” một người lính nói trong video.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận qua email.
 
ĐTC gặp gỡ vị TGM Nga chống cuộc xâm lược của Putin. Bài giảng của ĐTC trong thánh lễ tại Budapest
VietCatholic Media
05:10 01/05/2023


1. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Tổng Giám Mục Hilarion

Cuộc đối thoại với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa,đối với Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở nên hơi giống khối Rubik, kỳ lạ, mệt mỏi và được đánh dấu bằng những khó khăn ngày càng tăng trong việc tìm ra giải pháp cho sự bế tắc đại kết phát sinh sau cuộc xâm lược vào Ukraine mà Thượng Phụ Kirill công khai chúc lành. Thượng Phụ Kirill ngụy biện rằng đó là một cuộc xung đột thần thánh do Chúa muốn để diệt trừ cái ác ở phương Tây. Với những tiền đề quái lạ như thế, hành trình đại kết cho sự hiệp nhất giữa các Giáo hội Kitô giáo từ ngày 24 tháng 2 năm ngoái trở đi trên thực tế đã bị đóng băng, ngoại trừ một số trao đổi hậu trường vì lịch sự hơn là thực chất.

Bức tranh còn phức tạp bởi tình hình thảm khốc của một số ít tu sĩ Chính thống giáo còn lại ở Kyiv và có liên hệ chặt chẽ với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, những người đang bị kiểm tra vì bị chính phủ Ukraine nghi ngờ có liên quan tình báo với đối phương. Tháng trước, các tu sĩ Chính thống của tu viện Pechersk Lavra ở Kyiv đã từ chối rời đi sau khi bị chính phủ của tổng thống Zelenskiy trục xuất. Họ nhận được sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng, người trong buổi tiếp kiến chung vào tháng trước, đã yêu cầu Kyiv tôn trọng những nơi linh thiêng khi ngài đề cập đến các nữ tu cư trú tại Lavra, mà trong thực tế tu viện này hoàn toàn là nam giới, không có nữ tu nào ở đó cả.

Với những tiền đề này, Đức Thánh Cha, đã gặp Đức Tổng Giám Mục Hilarion Alfeev, hiện là Giám mục Chính thống Nga tại Budapest và cựu Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Tổng Giám Mục Hilarion diễn ra tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, rất thân mật và kéo dài 20 phút. Điều này đã được Văn phòng Báo chí Vatican báo cáo mà không cung cấp các chi tiết khác. Từ những bức ảnh chính thức, chúng ta có thể thấy rằng Đức Giáo Hoàng đã chào đón Đức Tổng Giám Mục Nga bằng một cái ôm và hôn lên cây thánh giá trước ngực của vị Tổng Giám Mục. Tuy nhiên, theo các báo cáo từ văn phòng của ngài, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã nói với Đức Thánh Cha về cuộc sống ở tổng giáo phận Hung Gia Lợi của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, các hoạt động xã hội và giáo dục, mối quan hệ với Giáo Hội Công Giáo và các hệ phái Kitô giáo khác. Như một món quà, sau đó Đức Cha Hilarion đã tặng Đức Thánh Cha Phanxicô bốn tập chuyên khảo “Chúa Giêsu Kitô, Cuộc Đời Và Giáo Huấn” được dịch sang tiếng Ý. Không có đề cập chính thức về cuộc chiến đang diễn ra cũng như quan hệ với Giáo Hội Công Giáo và các hệ phái Kitô giáo khác.

Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Nga có vẻ cảm động khi được gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, và ngài không dấu được nỗi buồn.

Dưới tác động của Thượng Phụ Kirill, Đức Tổng Giám Mục Hilarion của tổng giáo phận Volokolamsk, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa kể từ năm 2009, đã bị Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga bãi nhiệm.

Vị Tổng Giám Mục thường được xem là cánh tay phải của Thượng phụ Kirill về các vấn đề đối ngoại, được ghi nhận là có quan điểm khác với Thượng Phụ Kirill về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Từ việc coi sóc tổng giáo phận Volokolamsk, nơi có hàng trăm ngàn tín hữu Chính Thống Giáo, Tổng Giám Mục Hilarion giờ đây trở thành Tổng Giám Mục của Budapest và Toàn Hung Gia Lợi. Tên nghe có vẻ kêu nhưng thực tế chỉ có vài trăm tín hữu. Chúa Nhật và các ngày lễ trọng giáo dân ngồi không quá 5 hàng ghế. Tổng giáo phận Budapest cũng không hoàn toàn mới mẻ đối với Tổng Giám Mục Hilarion. Thật vậy, đó là một lãnh thổ mà ngài biết quá rõ vì ngài là Giám Quản Tông Tòa từ những năm 2000. Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 6, Tổng Giám Mục Hilarion đã đến thăm Hung Gia Lợi và gặp gỡ với Đức Hồng Y Tổng Giám mục Peter Erdö của Budapest. Trong khi ngài đang ở đó, Thượng Phụ Kirill triệu tập một cuộc họp tại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa với kết quả là yêu cầu Tổng Giám Mục Hilarion ở lại Hung Gia Lợi, không cần về Nga nữa.

Như thế, có thể nói vắn tắt, Tổng Giám Mục Hilarion đã bị loại bỏ hầu hết các chức vụ, và chỉ còn giữ được một chức vụ khiêm tốn nhất trong các chức vụ đã đảm nhận.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo, đã vắng mặt trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám Mục Hilarion. Một sự vắng mặt đã được chú ý ngay lập tức và điều đó chứng tỏ có bao nhiêu căng thẳng về vấn đề xoay quanh Ukraine. Trong một số trường hợp, cách đây vài tháng, Đức Hồng Y Koch đã liên tục chỉ ra lập trường của Kirill trong cuộc chiến là vô đạo đức như thế nào. “Thật dị giáo khi một vị Thượng phụ lại dám hợp pháp hóa cuộc chiến tàn bạo và vô lý ở Ukraine với những lý do tôn giáo giả hiệu,” ngài nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo Công Giáo Đức Die Tagespost.
Source:Il Messagero
 
Putin dồn dập tin buồn: Đoàn tầu quân sự nổ ngay trên đất Nga. Quân đội bất mãn, nguy cơ binh biến
VietCatholic Media
15:20 01/05/2023


1. Đoàn tầu quân sự của Nga nổ tung sau khi bị mìn nổ làm trật đường ray. Quân đội Nga có thể dính líu

Một vụ nổ ở khu vực phía tây Bryansk giáp với Ukraine đã làm trật đường ray một đoàn tàu chở hàng của Nga vào hôm thứ Hai, thống đốc địa phương cho biết trên truyền hình Nga.

“Một thiết bị nổ chưa được xác định đã phát nổ, khiến đầu máy của một đoàn tàu chở hàng bị trật đường ray,” thống đốc Bryansk Alexander Bogomaz cho biết như trên, đồng thời nhấn mạnh rằng không có thương vong nào được báo cáo.

Ban đầu, chính quyền địa phương cho biết đoàn tàu bị trật đường ray đang vận chuyển “nhiên liệu và vật liệu xây dựng”.

Tuy nhiên, hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một số toa xe tăng nằm nghiêng lộ ra đạn dược và các khí tài chiến tranh. Khói xám đen bốc lên không trung tại địa điểm trật đường ray, cách biên giới Nga với Ukraine khoảng 92km về phía bắc.

Hiện chưa rõ ai chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Cơ quan truyền thông Meduza của nhóm người Nga chống Putin có trụ sở ở Latvia cho rằng họ không loại trừ khả năng vụ này có sự dính líu của quân đội Nga. Ít nhất là cung cấp thông tin, hay chất nổ, và nặng hơn là trực tiếp tham gia. Họ muốn cuộc chiến ở Ukraine chấm dứt sau khi thấy đã hết hy vọng.

Đã có sự gia tăng các sự việc liên quan đến hệ thống đường sắt của Nga trong 14 tháng kể từ khi Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine.

Theo trang web độc lập của Nga Mediazona, chính quyền Nga đã bắt giữ ít nhất 66 người Nga vì nghi ngờ phá hoại đường sắt kể từ mùa thu năm ngoái.

Trong một diễn biến khác, thống đốc vùng Leningrad của Nga gần St. Petersburg cho biết một đường dây điện đã bị nổ tung trong đêm Chúa Nhật rạng sáng thứ Hai 1 Tháng Năm, và một thiết bị nổ được tìm thấy gần đường dây thứ hai.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Kể từ mùa hè năm 2022, Nga đã xây dựng một số hệ thống công trình phòng thủ quân sự quy mô nhất từng được thấy ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới trong nhiều thập kỷ. Những hệ thống phòng thủ này không chỉ ở gần tiền tuyến hiện tại mà còn được đào sâu bên trong các khu vực mà Nga hiện đang kiểm soát.

Hình ảnh cho thấy Nga đã thực hiện một nỗ lực đặc biệt để củng cố biên giới phía bắc của Crimea bị xâm lược, bao gồm cả một khu vực phòng thủ nhiều lớp gần làng Medvedevka.

Nga cũng đã đào hàng trăm dặm chiến hào bên trong biên giới được quốc tế công nhận của Nga bao gồm cả vùng Belgorod và Kursk.

Những biện pháp phòng thủ này nêu bật mối quan ngại sâu sắc của các nhà lãnh đạo Nga rằng Ukraine có thể đạt được một bước đột phá lớn.

Tuy nhiên, một số công trình có thể đã được ra lệnh bởi các chỉ huy địa phương và các nhà lãnh đạo dân sự nhằm cố gắng cổ vũ cho câu chuyện chính thức rằng Nga bị Ukraine và NATO 'đe dọa'.

3. Ukraine thẳng thừng tuyên bố vụ nổ kho dầu Crimea là nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công toàn diện

Mikhail Razvozhaev, thống đốc Sevastopol, đã làm hết sức để giảm nhẹ thiệt hại trong vụ cháy tổng kho nhiên liệu. Tuy nhiên, thực tế không thể che đậy là đám cháy đã diễn ra suốt 18 giờ thiêu hủy một số lượng nhiên liệu rất lớn. Trong một trường hợp hết sức hiếm hoi, quân Ukraine chính thức nhận trách nhiệm gây ra vụ cháy nhằm tiêu hủy nhiên liệu dùng cho Hạm Đội Hắc Hải.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Oil Depot Blast Was Preparation for Full-Scale Offensive: Ukraine”, nghĩa là “ Ukraine tuyên bố vụ nổ kho dầu Crimea là nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công toàn diện.”

Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố cuộc tấn công vào một tổng kho nhiên liệu ở khu vực Crimea bị sáp nhập vào Nga là một phần trong quá trình chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân sắp tới.

Một kho chứa dầu do Nga kiểm soát ở Sevastopol, thành phố lớn nhất ở bán đảo Crimea, đã bốc cháy dữ dội vào sáng sớm ngày thứ Bảy. Mikhail Razvozhaev, thống đốc địa phương Sevastopol do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, sau đó nói rằng vụ việc là do một cuộc tấn công từ hai máy bay không người lái và đám cháy xảy ra tại một thời điểm có diện tích lên tới 21.500 feet vuông.

Hôm Chúa Nhật, trong chương trình thời sự 24 giờ toàn quốc. Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, xác nhận rằng cuộc tấn công vào kho dầu được lực lượng Ukraine thực hiện “để chuẩn bị cho cuộc tấn công toàn diện, rộng lớn mà mọi người đều mong đợi”.

Humeniuk tuyên bố thêm rằng “hậu cần của đối phương đã bị phá hoại” và các quan chức Nga trong khu vực hiện đang cố gắng “di tản gia đình của họ và tự rời khỏi Crimea” để đáp trả cuộc tấn công.

Nga xâm lược và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Mặc dù Nga tiếp tục khẳng định rằng việc sáp nhập được tiến hành dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý của người dân Crimea, nhưng động thái này đã bị lên án rộng rãi trên trường quốc tế và nhiều quốc gia tiếp tục công nhận bán đảo này là đất của Ukraine.

Trong cuộc xung đột kéo dài một năm gần đây với Nga, các quan chức Ukraine đã thường xuyên thảo luận về khả năng cố gắng chiếm lại Crimea như một phần của cuộc chiến đánh đuổi các lực lượng xâm lược. Các quan chức hàng đầu của chính phủ Ukraine đã tuyên bố trong những tuần gần đây rằng các quan chức Nga đang chạy trốn khỏi khu vực trước cuộc phản công mùa xuân đã được lên kế hoạch.

Trong tuyên bố của mình về sự việc kho dầu hôm thứ Bảy, Razvozhaev khẳng định rằng vụ tấn công không làm ai bị thương và nó sẽ không có tác động gây rối đối với tình hình năng lượng ở Crimea.

“Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: Điều quan trọng nhất là không ai bị thương,” Razvozhaev nói. “Với phần còn lại - chúng ta sẽ tìm ra nó.”

Nhiều báo cáo về các vụ hỏa hoạn và tấn công tương tự đã xuất hiện từ Crimea trong sáu tháng qua, đặc biệt là xung quanh Sevastopol. Ngoài việc là thành phố lớn nhất của Crimea, đây còn là cảng trọng yếu đóng vai trò là căn cứ chính cho Hạm đội Hải quân Hắc Hải của Nga.

“Những đêm ở Ukraine có thể hơi lạnh vào mùa xuân, vì vậy Lực lượng vũ trang Ukraine đã hào phóng giúp những kẻ xâm lược Nga sưởi ấm ở Sevastopol bị xâm lược,” Chiến dịch Bầu Trời Sao, là tài khoản Twitter chính thức của một vệ binh quốc gia Ukraine, gần đây đã tweet về dầu tấn công kho.

Newsweek đã liên hệ với các chuyên gia quốc phòng nước ngoài qua email để có cái nhìn sâu sắc và bình luận.

4. Nga tấn công Pavlohrad nhằm cản trở cuộc phản công của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Strikes on Pavlohrad Aim to Hamper Ukraine's Counteroffensive”, nghĩa là “Nga tấn công Pavlohrad nhằm cản trở cuộc phản công của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Thành phố Pavlohrad ở miền đông Ukraine đã rung chuyển bởi một vụ nổ lớn vào đêm Chúa Nhật rạng sáng ngày thứ Hai sau một loạt cuộc tấn công của Nga, với các báo cáo chưa được xác nhận rằng các kho đạn dược và cơ sở hạ tầng đường sắt đã bị tấn công.

Serhiy Lysak, thống đốc của tỉnh Dnipropetrovsk của Ukraine, cho biết một cuộc tấn công đã đánh vào một trung tâm công nghiệp và gây ra một đám cháy, sau đó đã được dập tắt. Video có mục đích cho thấy hậu quả đã được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một địa ngục lớn với lửa và khói cuồn cuộn.

Các lực lượng Nga đang tiếp tục tấn công vào thành phố Bakhmut của Donbas, nơi họ đã cố gắng chiếm giữ trong nhiều tháng trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán rằng quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn.

Hãng thông tấn Tass thuộc sở hữu nhà nước của Nga đưa tin các cuộc không kích ở Pavlohrad đã đánh vào “cơ sở hạ tầng đường sắt, kho đạn dược và nhiên liệu”, trích lời Vladimir Rogov, người Ukraine làm tay sai cho Nga, là người đứng đầu Phong trào 'Chúng ta cùng với nước Nga' ủng hộ Điện Cẩm Linh.

Rogov nói thêm: “Người dân địa phương nói với tôi về các cuộc tấn công lớn vào cơ sở hạ tầng đường sắt và kho nhiên liệu và đạn dược, mà các chiến binh Ukraine đã tích lũy cho cuộc phản công.”

Chỉ trong một đêm, một loạt 11 máy bay ném bom chiến lược của Nga đã bắn 18 hỏa tiễn vào các mục tiêu ở Ukraine, theo Tướng Valeri Zaluzhny, người chỉ huy quân đội Ukraine. Zaluzhny tuyên bố 15 trong số này đã bị lực lượng phòng không phá hủy, bao gồm tất cả những mục tiêu nhằm vào Kyiv, nhưng xác nhận Pavlohrad đã bị trúng hỏa tiễn, khiến 34 người bị thương trong đó có 3 trẻ em.

Tymofiy Mylovanov, cố vấn của chính phủ Ukraine và trước đây là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, suy đoán vụ tấn công có thể là để trả đũa việc Ukraine tấn công tổng kho nhiên liệu của Nga ở Crimea hôm thứ Bảy.

Ông viết: “Suy đoán của một người quan sát không có hiểu biết, không có kiến thức chuyên sâu của tôi là Nga đã bối rối trước vụ đánh Sevastopol. Vì vậy, nó phải đánh một cái gì đó để tuyên truyền. Ukraine bảo vệ các tài sản quan trọng và không giữ chúng tập trung. Vì vậy, Nga đã đánh vào thứ gì đó ít liên quan hơn nhưng dễ bắt lửa”.

Newsweek đã liên hệ với cả Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để xin bình luận qua email.

Hôm thứ Bảy, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xác nhận Ukraine đang lên kế hoạch phản công, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Scandinavia.

Ông nhận xét: “Sẽ có một cuộc phản công, và tôi nghĩ nó sẽ thành công. Tôi sẽ không đưa ra chi tiết. Chúng tôi đã có đủ vũ khí cho việc đó chưa? Tôi muốn nói rằng chúng tôi đang trên đường đi đến thực tế là chúng tôi sắp có đủ.”

Cũng trong ngày thứ Bảy, Yevgeny Prigozhin, chỉ huy của Tập đoàn lính đánh thuê Nga Wagner, đe dọa sẽ rút quân của mình khỏi Bakhmut trừ khi họ nhận được thêm đạn dược.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, ông cảnh báo lực lượng Wagner sẽ sớm cần phải “rút lui một cách có tổ chức hoặc ở lại và chết”, đồng thời kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu “cấp đạn ngay lập tức”.

5. Putin không tin ai, thay đổi chỉ huy thường xuyên đã làm suy yếu khả năng của quân đội Nga, và làm tăng thù oán với quân đội.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi chỉ huy thường xuyên đã làm suy yếu khả năng của Mạc Tư Khoa trong việc tiến hành một chiến dịch gắn kết ở Ukraine, Tướng Mark Hertling, nguyên Tư Lệnh quân đội Mỹ tại Âu Châu đã cho biết như trên sau khi Putin thay đổi hàng loạt nhân sự gần đây.

Ngay từ đầu cuộc xâm lược, Putin đã không bổ nhiệm một chỉ huy chiến trường tổng thể cho cuộc chiến của ông ta. Điều này đã có “tác động nhiều tầng đối với quân đội Nga, bao gồm thúc đẩy sự phân hóa bè phái mạnh mẽ, làm rối loạn các cơ cấu chỉ huy và nuôi dưỡng những kỳ vọng không thể đạt được”.

Sự miễn cưỡng ban đầu của ông trong việc bổ nhiệm một chỉ huy chung có thể liên quan đến kỳ vọng của Mạc Tư Khoa khi bắt đầu cuộc xâm lược rằng họ sẽ chiếm được Kyiv trong vòng vài ngày. Theo Tướng Mark Hertling: “Putin có thể muốn tuyên bố cuộc xâm lược thần tốc này là một chiến thắng địa chính trị của cá nhân ông ta.”

Những thay đổi sau đó hoặc đã được Putin và Bộ Quốc phòng của ông “che đậy hoặc công bố một cách cẩn thận” để “bảo vệ bản thân khỏi những lời chỉ trích, trong khi đưa một số vị tướng ra làm vật tế thần cho những thất bại quân sự, nhằm xoa dịu những tiếng nói nhất định trong không gian thông tin của Nga, hoặc nỗ lực rao bán cho công chúng Nga những lợi ích lãnh thổ nhỏ mọn như là các chiến thắng huy hoàng.

Trong khi đó, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, nhận định rằng Putin từ lâu đã luân chuyển nhân sự trong các vị trí chính phủ như một cách để bảo đảm rằng không một nhân vật nào có quá nhiều ảnh hưởng chính trị và duy trì sự ủng hộ giữa các phe phái cạnh tranh.

Putin cũng thường tránh sa thải thẳng thừng các quan chức mà thay vào đó tạm thời giáng chức họ để khuyến khích họ tìm cách giành lại sự ủng hộ của ông và giữ lại các lựa chọn cho các bổ nhiệm trong tương lai.

Tính thường xuyên của các thay đổi chỉ huy gây cản trở nỗ lực chính thức hóa chỉ huy và kiểm soát và sự trở lại của các chỉ huy trước đây đã bị giáng chức, những người đã thất bại nặng nề, có khả năng làm trầm trọng thêm các vấn đề về uy tín cũng như hiệu quả hoạt động của Bộ Quốc phòng Nga.

6. Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, cho biết quân Ukraine đã đánh bật được quân Nga ở một vài quận trong thành phố Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai mùng 1 tháng Năm, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết trong đêm 30 Tháng Tư rạng sáng mùng 1 Tháng Năm, quân đã Nga tấn công lãnh thổ Ukraine bằng máy bay chiến lược, bắn ra 18 hỏa tiễn hành trình.

“Khoảng 02:30 sáng, quân xâm lược Nga đã tấn công lãnh thổ Ukraine bằng máy bay chiến lược: chín máy bay ném bom Tu-95 từ Olenegorsk của vùng Murmansk và hai máy bay ném bom Tu-160 từ Biển Caspian. Tổng cộng 18 hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không bao gồm các loại Kh-101 và Kh-555 đã được quân xâm lược bắn ra”

Theo Đại Tá Yurii Ihnat, các đơn vị phòng không của Không quân Ukraine đã phá hủy 15 hỏa tiễn hành trình của Nga. Nhưng, 3 hỏa tiễn đã đạt được các mục tiêu. Quận Pavlohrad bị ảnh hưởng nặng. Theo dữ liệu sơ bộ, 25 người bị thương, trong đó có ba trẻ em.

Theo lời ông, một doanh nghiệp công nghiệp đã bị thiệt hại ở Pavlohrad. Một đám cháy bùng phát, nhưng lực lượng cấp cứu đã dập tắt nó.

19 khu chung cư, 25 căn nhà biệt lập, 6 cơ sở giáo dục trung học cơ sở và mầm non, 5 cửa hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra, sự tàn phá đã được ghi lại trên khắp các cộng đồng của quận Pavlohrad. Khoảng 40 ngôi nhà dân cư ở cộng đồng Verbky, hai ngôi nhà ở cộng đồng Yurivka, cũng như một trường học ở cộng đồng Mezhyrich đã bị hư hại. Tất cả các dịch vụ khẩn cấp đang làm việc tại hiện trường.

Cũng trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai mùng 1 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar dẫn lời Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine cho biết các cuộc phản công của Ukraine đã đánh bật lực lượng Nga khỏi một số vị trí ở thành phố Bakhmut phía đông đang bị tấn công, nhưng tình hình vẫn “khó khăn”.

Trong vài tháng qua, trận chiến giành Bakhmut đã trở thành tâm điểm của một cuộc xung đột với rất ít sự thay đổi trên chiến tuyến kể từ cuối năm ngoái, khiến cả hai bên phải tìm kiếm một bước đột phá.

“Tình hình khá khó khăn,” Tướng Oleksandr Syrskyi nói. “Đồng thời, ở một số khu vực trong thành phố, địch đã bị các đơn vị của ta phản công và phải bỏ chạy khỏi một số vị trí.”

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết Tướng Syrskyi đã đưa ra nhận xét này khi đến thăm các binh sĩ tiền tuyến vào hôm Chúa Nhật, Ông nói thêm rằng các đơn vị mới của Nga, bao gồm lính dù và chiến binh từ nhóm lính đánh thuê Wagner, “liên tục bị ném vào trận chiến” mặc dù chịu tổn thất nặng nề. “Nhưng đối phương không thể kiểm soát thành phố,” Tướng Syrskyi nói.

Trong cuộc họp báo trước đó, Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết các tuyến đường tiếp tế vẫn được bảo đảm nhưng đầy nguy hiểm: Quân đội Ukraine phải vật lộn để thực hiện các hoạt động hậu cần trong bóng tối, với hy vọng tránh bị pháo kích trên các con đường vào và ra khỏi thị trấn.

Mối nguy hiểm nhất đến từ tuyến đường tiếp tế quan trọng giữa các thị trấn Chasiv Yar và Khromove, nơi trước đây cô đã mô tả là các cuộc pháo kích của Nga diễn ra liên tục.

“Chỉ có xe thiết giáp mới đến được Bakhmut. Vì vậy, tình hình khá phức tạp”

Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng tình hình của quân Nga cũng không khá hơn. Không quân và pháo binh Ukraine liên tục tấn công các tuyến đường tiếp tế của quân Putin.

Trong 24 giờ qua, 450 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 1 xe tăng, 3 xe thiết giáp, 7 hệ thống pháo, 3 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 1 Tháng Năm, 190.960 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch còn bao gồm 3.700 xe tăng, 7.192 xe thiết giáp, 2.921 hệ thống pháo, 544 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 295 hệ thống tác chiến phòng không, 308 máy bay, 294 trực thăng,, 2.476 máy bay không người lái, 932 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.845 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 359 đơn vị thiết bị đặc biệt.

7. Quân Nga pháo kích vào dân lành vô tội ở Kherson đến 39 lần bằng 163 quả đạn pháo

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai mùng 1 tháng Năm, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết trong 24 giờ qua, quân xâm lược Nga đã tấn công vùng Kherson 39 lần, bắn 163 quả đạn.

Quân đội Nga đã sử dụng pháo hạng nặng, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt Grad, máy bay không người lái và cả máy bay chiến đấu. Thành phố Kherson tám lần bị tấn công.

Theo Alyona Lyutnytska, đạn của Nga tấn công vào các khu dân cư trên khắp các khu định cư của vùng Kherson. Tòa nhà của một tổ chức công cộng đã bị tấn công ở trung tâm thành phố Kherson.

Hậu quả của các cuộc tấn công của Nga là một thường dân thiệt mạng và ba người bị thương, trong đó có một trẻ em.

Trong khi đó, thêm 62 người đã được di tản khỏi các khu vực bị xâm lược trong vùng Kherson trong ngày qua.

8. Phân tích: 72 giờ hỗn loạn cho thấy Nga thiếu sẵn sàng trước cuộc phản công của Ukraine

Cuộc phản công rất được mong đợi của Ukraine dường như sắp xảy ra — và cách mỗi bên chuẩn bị nói lên rất nhiều điều về sự sẵn sàng của họ.

Tiền tuyến của Kyiv đang náo nhiệt với sự di chuyển của các phương tiện và các cuộc tấn công bằng pháo, với các vụ nổ thường xuyên nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Nga trong các khu vực bị xâm lược.

Bộ trưởng Quốc phòng của nước này cho biết công tác chuẩn bị “sắp kết thúc” và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã bảo đảm một cuộc phản công “sẽ xảy ra”, đồng thời bác bỏ bất kỳ ngày bắt đầu chính xác nào.

Nó có thể đã bắt đầu rồi; nó có thể là tuần tới. Chúng ta không biết - và thực tế đó là thước đo mạnh mẽ cho sự thành công của Ukraine khi điều này bắt đầu.

Mặt khác, Mạc Tư Khoa đang trong giai đoạn ẩu đả ở quán bar vào thời điểm kết thúc cuộc chiến của họ. Sau khi mất Kharkiv và Kherson, họ đã có ít nhất bảy tháng để sẵn sàng cho mục tiêu tấn công tiếp theo của Ukraine là Zaporizhzhia.

Điều đó đã xảy ra, với các mạng lưới phòng thủ chiến hào rộng lớn có thể nhìn thấy từ trên không. Phải công nhận là các chiến hào này to lớn thật. Nhưng đây không nhất thiết phải là một lời khen vào năm 2023. Chúng rất lớn, đúng vậy, nhưng chúng cũng là thứ mà bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu trên Google. Đó không phải là điều tuyệt vời trong thời đại của hỏa tiễn chính xác và những tiến bộ bọc thép thần tốc.

Nhưng 72 giờ qua có lẽ đã phản bội rõ nhất sự thiếu sẵn sàng của Nga:

Thứ nhất, rõ ràng nhất là vụ sa thải Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần, Mikhail Mizintsev. Bộ Quốc phòng Nga đã không tuyên bố sa thải ông mà chỉ công bố một sắc lệnh rằng Aleksey Kuzmenkov hiện đã thay công việc của ông.

“Tên Đồ tể thành Mariupol”, là biệt danh của Mizintsev được toàn thế giới biết đến, chắc chắn đã có đủ thất bại trong cuộc chiến thảm khốc của Nga để xứng đáng bị sa thải. Nhưng điều này không thỏa mãn được câu hỏi: Tại sao lại là bây giờ?

Bằng cách loại bỏ các bộ trưởng chủ chốt vào thời điểm trước khi quân đội của họ đối mặt với cuộc phản công của Ukraine, Mạc Tư Khoa gửi đi một thông điệp về sự hỗn loạn.

Và sau đó là vòng chỉ trích mới của Yevgeny Prigozhin. Lãnh chúa lính đánh thuê Wagner đã chọn ngày Chúa Nhật để thực hiện một cuộc phỏng vấn dài khác, trong đó ông chỉ ra mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà lính đánh thuê của ông phải đối mặt.

Theo người đứng đầu Wagner, các chiến binh của ông ta thiếu đạn dược đến mức họ có thể phải rút khỏi Bakhmut - thành phố không quan trọng về mặt chiến lược mà họ đã lãng phí hàng nghìn sinh mạng để cố gắng chiếm lấy.

Prigozhin không phải là nguồn đáng tin cậy nhất và cung cấp rất ít bằng chứng cho những gì ông ta nói. Nhưng kiểu tranh cãi công khai này không phải là điều mà Mạc Tư Khoa khuyến khích vào thời điểm nhạy cảm này.

Nguồn cung cấp đạn dược đang bị xói mòn của Nga đã được biết đến từ lâu, nhưng nêu lên sự thất bại này khi sắp xảy ra ngay các đòn phản công, rõ ràng một nỗ lực lớn để đổ lỗi.

Điểm mấu chốt: Những giờ trước khi Ukraine tổng phản công đang thu hẹp lại. Số lượng chúng ta biết về trạng thái cảm xúc hoặc mục tiêu của họ gần như không có gì. Trái lại mức độ thiếu quyết đoán, ganh đua và mất đoàn kết nội bộ của Mạc Tư Khoa ngày càng lớn.

9. Các lực lượng Nga tấn công trung tâm thị trấn ở khu vực phía bắc Kharkiv bằng hỏa tiễn, lãnh đạo khu vực nói

Theo Oleh Syniehubov, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực, hỏa tiễn đã tấn công trung tâm Kupyansk, phần phía bắc của tiền tuyến trong khu vực Kharkiv của Ukraine.

“Một ngôi nhà riêng và nhà để xe bị hư hại, và đám cháy bùng phát. Bốn chiếc xe đã bị phá hủy,” Syniehubov nói trên Telegram. “May mắn thay, không có ai thương vong.”

Quan chức Ukraine cho biết cuộc tấn công được bắn từ nhiều bệ phóng hỏa tiễn và tấn công thành phố vào khoảng 6:45 sáng giờ địa phương ngày Chúa Nhật 30 Tháng Tư.

Ông Syniehubov cho biết vụ tấn công diễn ra một ngày sau khi các lực lượng Nga nổ súng vào các quận Kharkiv, Chuhuiv và Kupyansk của khu vực.

Lãnh đạo khu vực cho biết thêm, các đội đang làm việc tại các khu vực đã được giải phóng của Kharkiv để rà phá bom mìn.

Serhii Lysak, thống đốc vùng Dnipropetrovsk, cho biết trên Telegram Chúa Nhật: Nga cũng nã pháo vào Nikopol ở miền nam Ukraine trong đêm, làm hư hại 7 ngôi nhà riêng, một đường dây điện, một xe buýt nhỏ, một nhà kính và một chiếc xe hơi. Lysak cho biết không có thương vong.
 
ĐGH nói Vatican đang tham gia vào nỗ lực hòa bình cho Ukraine. Diễn từ với giới văn hóa Hung Gia Lợi
VietCatholic Media
17:33 01/05/2023


1. Đức Giáo Hoàng nói Vatican tham gia vào nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo hôm Chúa Nhật rằng Vatican đang tham gia vào sứ mệnh chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Đức Phanxicô đã đưa ra nhận xét trên trong một cuộc họp báo sau chuyến đi ba ngày tới thủ đô Hung Gia Lợi.

“Nhiệm vụ hiện đang trong quá trình thực hiện, nhưng nó vẫn chưa được công khai. Khi nó được công khai, tôi sẽ tiết lộ nó,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Trong chuyến đi đến Budapest, Đức Thánh Cha đã gặp Đức Tổng Giám Mục Hilarion, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, và đã bị Thượng Phụ Kirill cách chức vì chống lại cuộc xâm lược của Putin. Khi được hỏi liệu cuộc gặp đó và cuộc gặp với Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán có thể thúc đẩy hòa bình hay không, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi tin rằng hòa bình luôn được tạo ra bằng cách mở các kênh; hòa bình không bao giờ có thể được thực hiện bằng cách đóng cửa.”

Một phóng viên đã hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có sẵn sàng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả trẻ em Ukraine được đưa đến Nga hay không. “Tòa thánh sẵn sàng hành động vì đó là điều đúng đắn.”

Tuần trước, Đức Giáo Hoàng đã gặp Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, người đã yêu cầu ông giúp đưa những trẻ em bị bắt cóc trở về nhà.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng chuyến thăm Hung Gia Lợi để đưa ra lời kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trong Thánh lễ bên bờ sông Danube vào cuối chuyến viếng thăm ba ngày, thể hiện sự quan tâm của Vatican đối với hoàn cảnh khó khăn của nước láng giềng Ukraine, ngài đã cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và “một tương lai của hy vọng, không phải chiến tranh, một tương lai đầy hy vọng, cái nôi, không phải nấm mồ, một thế giới của anh chị em, không phải bức tường.”

Ngài cũng kêu gọi người Hung Gia Lợi và phần còn lại của Âu Châu chào đón người di cư và người nghèo. Trong số những người tham dự có Tổng thống Katalin Novak và thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu của Hung Gia Lợi, Viktor Orban, người mà sự ủng hộ lạnh nhạt dành cho Ukraine đã khiến các thành viên Liên minh Âu Châu lo ngại.

Đức Phanxicô đã cố gắng thực hiện một hành động cân bằng ngoại giao trong lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh của Nga, bày tỏ tình đoàn kết với người Ukraine trong khi vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Mạc Tư Khoa. Hôm thứ Bảy, ngài đã cầu nguyện với những người tị nạn Ukraine và sau đó gặp Đức Tổng Giám Mục Hilarion, của Chính Thống Giáo Nga, là người đã bị Thượng Phụ Kirill cách chức vì chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Putin.