Ngày 03-05-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Họ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh lúc Ngài bẻ bánh
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:14 03/05/2011
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH, năm A
Lc 24, 13-35

Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã có một truyền thống rất đặc biệt, đó là luôn tự họp nhau cầu nguyện, chia sẻ tình thương, hiệp thông, san sẻ của cải vật chất cho nhau và cùng nhau cử hành lễ bẻ bánh. Đó là hình thức đầu tiên để cộng đoàn các thế hệ sau này, noi gương bắt chước và cử hành hy lễ tạ ơn. Những câu chuyện về Chúa, về Giáo Hội được các Thánh sử ghi lại theo sự linh ứng của Chúa Thánh Thần được đọc đi đọc lại trong các Thánh lễ hằng ngày và ngày Chúa nhật, lễ Trọng đã nói lên niềm tin của Hội Thánh, của những người theo chúa.

Hôm nay, Chúa nhật III Phục Sinh, Giáo Hội cho đọc lại câu chuyện rất ấn tượng, nhưng rất cảm động của hai môn đệ trên đường Emmau. Hai môn đệ này đã gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh vào đêm Chúa sống lại nhưng lại không nhận ra Người. Trên đường đi về làng Emmau, Chúa Phục sinh dưới dáng dấp của người khách bộ hành đã cắt nghĩa Kinh Thánh cho hai môn đệ khiến lòng họ bừng cháy ngọn lửa bên trong. Tuy nhiên, họ chỉ nhận ra Chúa khi Chúa đồng bàn với họ trong quán trọ vào xế chiều, lúc Chúa cầm lấy bánh đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho họ, mắt họ mở ra và nhận ra Người, nhưng Người đã biến mất. Khi kể lại câu chuyện này, thánh sử Luca không những cho chúng ta hiểu thế nào về hạnh phúc hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Chúa, nhưng cũng nhấn mạnh những gì Chúa sống lại đã làm cho hai môn đệ xưa, Chúa Phục sinh vẫn tiếp tục làm cho chúng ta. Các môn đệ thực sự lúc đầu không hề hiểu gì về sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Nhưng từ từ với ơn Chúa Thánh Thần họ nhận ra cuộc đau khổ của Chúa Giêsu là một cuộc hành trình tăm tối Người phải vượt qua để tiến tới vinh quang ánh sáng. Cuộc đau khổ, chịu chết của Chúa Giêsu không phải là một tai nạn bất ngờ, không phải là một sự luống công vô ích nhưng là một chương trình cứu độ đầy yêu thương của Chúa Giêsu.

Đức Giêsu Phục sinh vẫn đang thực hiện cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta nhiều điều ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Khi chúng ta sốt sắng tham dự thánh lễ hằng ngày, thánh lễ trọng và thánh lễ ngày Chúa nhật, ngôi nhà thờ giáo xứ sẽ trở thành Emmau của chúng ta. Nơi nhà thờ, những bài Sách Thánh sẽ soi chiếu cho chúng ta, tuy nhiều lúc chúng ta chưa hiểu nhưng rồi chúng ta sẽ nhận ra Chúa đang nói với chúng ta. Chúa Phục sinh đang hiện diện với chúng ta. Chúa Phục sinh đang dạy dỗ chúng ta. Chính lời Chúa sẽ như đuốc sáng soi đường cho mỗi người chúng ta và như ngọn đèn pha định hướng cho con tầu đức tin của chúng ta cập bến bình an và giúp chúng ta vượt qua những thử thách gian nan.

Vâng, đọc lại Tin Mừng chúng ta hiểu được rằng ” chính khi Chúa Giêsu bẻ bánh, tạ ơn thì hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Chúa Phục sinh “. Nên, Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp người môn đệ Chúa lấy lại được sức mạnh của lòng tin. Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp người Kitô hữu thắng vượt mọi sự trên cuộc đời của mình và Bí Tích Thánh Thể đem con người từ thân phận tối tăm tới bến bờ sự sáng. Người Kitô hữu được mời gọi qui tụ đến Nhà thờ để cầu nguyện, giúp đỡ lẫn nhau và hiệp dâng thánh lễ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hứa “ Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho tới tận thế “, chúng con tín thác nơi Chúa, chúng con rất cần Chúa, xin Chúa giải thoát chúng con khỏi những cơn bão tố của cuộc đời. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao hai môn đệ lại trở về Emmau ?
2.Chúa đã làm gì khi gặp hai môn đệ trên đường Emmau ?
3.Hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Chúa khi nào ?
4.Chúa đã làm gì khi hai môn đệ nhận ra Người ?
5.Chúng ta phải có thái độ nào khi nhận ra Chúa Phục Sinh ?

 
Emmau con đường Chúa đồng hành
Lm Giacôbê Tạ Chúc
06:46 03/05/2011
Chúa Nhật II Phục Sinh

Con người giao tiếp với nhau thông qua nhiều con đường: đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không…Đường là nhịp cầu nối của gặp gỡ và liên đới, từ cổ chí kim, từ đông chí tây, ai cũng qua vạn nẻo đường. Hai môn đệ trên đường Emmau, chung nhau một con đường, và họ cũng chung nhau một nỗi chán chường, đến thất vọng: Chúa Giêsu chịu Tử nạn.

Bao năm theo Chúa, biết bao kỳ vọng vào Ngài, giờ tan theo mây khói. Họ đi, những bước chân nặng trĩu u buồn. Họ nói về quá khứ, về những gì mới xảy ra, trong tâm trạng nuối tiếc. Cho đến khi có một người khách lạ cùng bước chung đường: “ Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24,17). Như được dịp, họ trút hết bầu tâm sự cho vị khách không mời này. Họ thi nhau thuật lại một biến cố đau thương mới xảy ra, và chính họ là những người ở trong cuộc.

Người khách lạ chăm chú lắng nghe và hoà trong kênh buồn của hai môn đệ. Những nhịp bước cùng cảm thông, những cõi lòng cùng rung động. Người khách bộ hành, như đã thấu hiểu tất cả tâm trạng của hai người lữ hành Emmau.

Câu chuyện cứ ngày càng được sáng tỏ, vị khách thứ ba dẫn giải từ Kinh Thánh Cựu ước rồi Tân ước. Và như một điểm hẹn của niềm hy vọng. Vị khách bộ hành cùng hai môn đệ cử hành Thánh Thể, lúc bấy giờ hai người mới nhận ra người khách lạ đồng hành chính là: Chúa Giêsu.

Con đường cuộc đời có những lúc cũng đầy nỗi bi quan, thất vọng. Đường công danh sự nghiệp, đường học hành, đường tình duyên trắc trở…Con đường Emmau, là con đường mở ra nhiều hy vọng, có Chúa đồng hành sợ chi gian khổ, hỡi bạn, ta cùng đi.
 
“Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
07:21 03/05/2011
Chúa nhật 3 Phục Sinh A

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được Tân Chân Phước, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dùng làm bản văn nền của Tông Huấn “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”.

Từ nay, mỗi lần đọc đến câu chuyện “Hai môn đệ trên đường Emmau”, chúng ta thật xúc động và nhớ đến Chân Phước Gioan Phaolô II. Trong năm cuối cùng của triều đại ngài, trước khi qua đời, Đức Gioan Phaolô II đã mở ra Năm Thánh Thể, mời gọi cộng đoàn Dân Chúa qui hướng về Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiện diện thường trực và sống động. Khi cầu nguyện trước Thánh Thể, một cách nào đó, mọi người cũng dễ nhớ về Chân Phước Gioan Phaolô II.

Trong bài giảng Lễ Phong Chân Phước Đức Gioan Phaolô II, Chúa Nhật ngày 01.5.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nhớ đến vị tiền nhiệm với lòng ngưỡng mộ: Công việc của tôi đã được nâng đỡ nhờ sự sâu sắc tâm linh và nhờ tri thức khôn ngoan phong phú của ngài. Tấm gương cầu nguyện của ngài không ngừng gây cảm kích và soi sáng cho tôi: ngài không ngừng kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa ngay cả khi lọt thỏm giữa bao yêu cầu của sứ vụ. Và cần phải kể đến chứng tá của ngài trong đau khổ nữa: Chúa đã dần dần rút đi khỏi ngài mọi sự, nhưng ngài vẫn cứ là “tảng đá”, như Chúa Kitô mong muốn. Lòng khiêm nhường sâu xa của ngài, cắm rễ trong mối gắn bó mật thiết với Đức Kitô, đã giúp ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội và trao cho thế giới một sứ điệp thậm chí càng hùng hồn hơn khi sức mạnh thể lý của ngài suy kiệt. Bằng cách này ngài đã sống trọn, một cách phi thường, ơn gọi của mọi Linh Mục và Giám Mục, đó là trở nên một hoàn toàn với Chúa Giêsu, Đấng mà ngài đón nhận và trao ban hằng ngày trong Bí Tích Thánh Thể.

Chân Phước Gioan Phaolô II, khi trối lại cho cộng đoàn Dân Chúa lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể, ngài muốn công bố và nhắc nhớ về Đức Giêsu Phục Sinh. Bởi vì có phục sinh thật, Đức Giêsu mới đang thật sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, như thánh Phêrô công bố sự kiện Phục Sinh cho người Do thái sau khi Chúa sống lại (theo bài đọc 1). Ngài xác tín là chúng ta sẽ gặp Đức Giêsu Phục Sinh khi mộ mến Bí Tích Thánh Thể. Ngài mời gọi hãy nhớ đến Đấng đã cứu độ nhân loại, nhớ đến thân phận con người và diễm phúc là đã được cứu nhờ Đức Giêsu hy sinh mạng sống và đổ máu vì chúng ta, hay nói như thánh Phêrô trong bài đọc 2, được cứu khỏi nếp sống phù phiếm và sự chết đời đời, không phải nhờ vàng bạc hay hư nát mà nhờ Máu châu báu của Đức Giêsu.

Đường Emmau thật kỳ lạ. Đường dẫn đưa những lữ khách từ Giêrusalem về Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về lại hoá nên gần gũi thân quen. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, đi mãi không đến. Lúc về sao ngắn ngũi, chưa đi đã đến. Khi đi thì chán nản u sầu. Lúc về phấn khởi hân hoan. Khi đi chán chường chậm chạp. Lúc về nhanh nhẹn vui tươi. Điều kỳ diệu của đường về là hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt giữa hai lần đi về. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc sống có ý nghĩa, có niềm vui, có hy vọng và có lẽ sống.

Chúng ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Luca tường thuật, suốt trên con đường đi về Emmau có một khách bộ hành đi cùng, hai môn đệ không nhận ra Thầy kính yêu của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao ban thì hai ông mới nhận ra. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Giêsu bẻ bánh, nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Các ông gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục Sinh. Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen. Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục Sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các ngài nữa vì Đấng Phục Sinh đang cùng đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

Chúng ta vẫn có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi cử hành Bí Tích Thánh Thể: cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức.

Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần cùng nhau cử hành Bí Tích Thánh Thể. Miễn là có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước mầu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Ngài và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài.

Cầu Nguyện

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn. (Mana).
 
Lòng xác tín vào Thiên Chúa
Tuyết Mai
13:26 03/05/2011
Chúa Nhật III Phục Sinh

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. (Lc 24, 13-35).

Con người chúng ta sống trên trần gian thường để cho những phù phiếm che con mắt đức tin của chúng ta và để Thiên Chúa bên lề cuộc đời của chúng ta. Nhưng có phải Thiên Chúa, Người vẫn luôn hiện diện và luôn bên cạnh chúng ta, như hai ông trên đường đi Emmaus có Chúa Giêsu đi cùng. Chẳng những thế mà Ngài còn giải thích Kinh Thánh cho hai ông nghe, để qua đó Chúa củng cố thêm đức tin cho hai ông, là sự việc phải được như thế; Con Người phải chịu chết và Phục Sinh để Cứu Chuộc cho toàn thể nhân loại. Chứng minh cho nhân loại hiểu rằng chỉ có Người mới thật là Thiên Chúa tối cao và toàn năng muôn thuở muôn đời. Phận làm người chúng ta phải tin làm vậy! Vì có gì mà nhân loại không thể không hiểu nổi chứ!? Có gì mà Thiên Chúa của muôn tạo vật Người không làm được chứ? Trí óc non nớt và dại khờ của chúng ta làm sao hiểu thấu được tất cả những việc Thiên Chúa làm? Càng thắc mắc thì trí tuệ hạn hẹp của chúng ta chẳng chứng minh thêm được điều chi. Nên việc thích đáng nhất và là tối cần nhất, là chúng ta đừng nên cứng lòng, một phải tin những sự nhiệm mầu mà Thiên Chúa đã chứng minh cho chúng ta thấy. Là Người đã Phục Sinh, đã hiện ra cho các tông đồ được thấy, và một vài người được Chúa cho thấy; bấy nhiêu cũng đủ để làm cho tất cả chúng ta phải Tin.

Có tùy những sự việc và tùy người mà Chúa đặc biệt muốn mạc khải cho để làm chứng cho Chúa, hoặc đắc lực giúp Chúa qua những gì mà Chúa muốn họ làm. Để làm tăng thêm niềm tin bằng nhiều cách. Cho họ có tài hùng biện. Có thể ở nhiều nơi một lúc. Giải được những giấc mộng lạ. Chữa người bệnh được lành. Nói tiếng lạ, và v.v.v….. Được như thế và những người được Chúa tuyển chọn, là những người ít nhất có cuộc sống đạo hạnh, biết kính sợ Thiên Chúa, và yêu tha nhân. Hay những người như Thánh Phaolo trở lại, Thánh Phanxico thành Asassi, và những người tội lỗi mà biết ăn năn hối cải, được Chúa tuyển chọn để trở thành những dụng cụ đắc lực của Chúa. Nhưng có phải tất cả những người được Chúa tuyển chọn, họ là những con người rất tầm thường như chúng ta đây hay không? Như Chúa tuyển chọn 12 tông đồ của Chúa là thành phần ngu dốt, thất học, một chữ cắn đôi cũng không biết, và kiếm sống bằng nghề đánh cá. Việc Chúa làm thì con người tầm thường thấp kém như chúng ta làm sao hiểu nổi? Tôi thiết nghĩ cũng dễ hiểu vì sao Chúa luôn chọn những con người nghèo khổ và ngu dốt làm việc cho Chúa, mà không chọn những con người có tài cao học rộng? Vì thường những con người cao ngạo này khi họ làm được việc gì thì họ chứng minh rằng chính tài năng hạn hẹp của riêng họ đã làm, mà Chúa chẳng có công cán gì trong công việc hay thành quả của những việc họ làm. Những người học cao hiểu rộng, thường hay tìm những lý lẽ và chứng minh cụ thể thì mới làm cho họ tin được. Họ thích lý luận và thích được nổi nang. Như thế làm sao Chúa có thể chứng minh những ai được Chúa tuyển chọn để làm nên những điều quá khả năng của người đó, mà chỉ có Chúa đã ban tặng riêng cho họ được?.

Những người được Ơn Chúa, cuộc sống của họ cũng gặp rất nhiều những thử thách; thử thách thường là kiêu ngạo nếu họ không sống kết hiệp chặt chẽ và dành nhiều thời giờ cầu nguyện. Vì kiêu ngạo nên đã lơ là việc phụng thờ Thiên Chúa và tin rằng mình đã được Chúa thương nên không cần trau dồi nhân đức của mình hằng ngày. Cũng giống y như 99 con chiên sống trong đàn được Chúa yêu thương nhưng ỷ lại, chọn sống một cuộc sống cách thao túng mà không cần hối cải. Ai lại không bị cám dỗ? Nhưng cái cám dỗ Kiêu Ngạo luôn là cái tội làm nên mọi sự việc chống lại hay đi ngược lại với những Điều Răn của Thiên Chúa. Và có phải Luciphe bị đày xuống hỏa ngục muôn đời vì cái tội tày trời này?.

Cho nên sự khôn ngoan nhất của chúng ta là luôn phải giữ được lòng xác tín của chúng ta vào Thiên Chúa. Phó thác cuộc đời của chúng ta vào bàn tay quan phòng của Người. Vì chỉ có Người là Thiên Chúa của mọi tạo vật trên toàn cõi địa cầu. Không có bàn tay của Người thì mọi sự vật sẽ bị nổ tung lên mà chết. Không có Lòng Thương Xót của Người thì con người sẽ không ai lên được Nước Chúa, vì chẳng ai trong chúng ta là xứng đáng cả!. Nên chúng ta mới có Luyện Ngục, một Nơi chờ đợi để chúng ta được thanh tẩy. Ai trong chúng ta cũng được Người thương yêu bằng nhau và luôn muốn chúng ta có sự sống đời sau tốt lành, hưởng nhan Thánh Chúa, và sống hạnh phúc bên cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng sớm hay muộn là do tự chúng ta phải biết chuẩn bị. Người khôn ngoan là con người phải biết sắp xếp, chuẩn bị những gì cần phải mang theo, Nơi chúng ta sẽ đến. Nếu chúng ta hiện nay đang sống một cách thờ ơ, lãnh đạm, phung phí ở đời này, mà không cần chuẩn bị, thì Nơi trước khi chúng ta đến là Luyện Ngục, sẽ còn gặp khổ gấp trăm lần trên trần gian này!.

Lậy Chúa Giêsu Phục Sinh! Xin mở mắt đức tin của chúng con bằng những Lời Kinh Thánh của Chúa. Xin cho lòng chúng con được mở ra để đón nhận Lời của Chúa. Để hạt giống Lời Chúa không bị rơi vãi trên vệ đường, hoặc trên đá sỏi, mà được êm ái nằm trên đất tốt. Để hạt sẽ trổ mầm nên cây tốt tươi và cho sai trái. Hạt được 20, 50, và 100. Như Chúa nói nhìn trái thì biết cây nhưng đâu phải chúng con cây nào cũng có trái đâu thưa Chúa!. Xin Chúa ban Thánh Thần Chúa ngự trên chúng con để Người cũng sẽ tỉa lá, bắt sâu, tưới gội chúng con nên cây tươi tốt, mang những trái tốt lành dâng lên cho Chúa. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:57 03/05/2011
TĂNG SĨ HỎI VẶN

Tú tài hỏi hòa thượng:

- “Trong kinh điển của các ông hai chữ “nam mô南無” nên đọc âm gốc mới phải, tại sao lại đọc thành “na mô那摩” ?”

Hòa thượng hỏi vặn lại:

- “Này anh, trong sách Tứ Thư, hai chữ “ư hô于戲”, tại sao đọc là “ô hô嗚呼” ? Bây giờ nếu anh đọc là “ư hô” thì tôi sẽ đọc là “nam mô”; còn nếu như anh đọc là “ô hô” thì tự nhiên tôi sẽ đọc là “na mô”.

Suy tư:

Tú tài không hiểu những ý nghĩa của kinh Phật nên mới hỏi hòa thượng, nhưng hòa thượng lại hỏi vặn lại tú tài, rồi cuối cùng cũng không giải đáp câu hỏi của tú tài.

Người không biết thì hỏi người biết, người biết thì trả lời rõ ràng chứ không vặn hỏi lại, đó chính là đức ái trong cách đối xử hằng ngày giữa con người với nhau, bởi vì khi trong lòng không có đức ái, thì đối xử với nhau cũng khôn có đức ái. Đức ái được phát xuất từ chính lòng nhân từ khi trong lòng họ yêu mến Chúa Giê-su, bởi vì lòng bác ái không chỉ là đem tiền bạc giúp đỡ người khác, không chỉ là phục vụ người khác, không chỉ là đi trại phong này trại cùi nọ để làm việc từ thiện, nhưng còn là trong cách đối xử nhân từ giữa người với nhau nữa, chẳng hạn như cha sở đối xử nhân từ với giáo dân, giáo dân đối xử nhân từ với các linh mục, người này đối xử nhân từ với người kia, mà đối xử nhân từ với nhau thì như thế này: Chúa Giê-su khi hiện ra với thánh nữ Faustina thì dạy thánh nữ phải có lòng nhân từ khi đối xử với người khác, và dạy thánh nữ ba cách đối xử nhân từ, đó là:

- Nhân từ trong thái độ.

- Nhân từ trong lời nói.

- Cầu nguyện luôn.

Khi chúng ta đối xử nhân từ với người khác theo ba cách của Chúa Giê-su dạy, thì chúng ta là những người rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa, và là những chứng nhân của lòng thương xót Chúa vậy.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:56 03/05/2011
N2T

46. Hy vọng khi phạm tội mà có cơ hội được cứu, thì chẳng qua đó là hy vọng hảo huyền.

(Thánh Augustine)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Auschwitz, trường dạy thánh thiện của Chân Phúc Gioan Phaolô II
Vũ Văn An
05:40 03/05/2011
Theo cha Manfred Deselaers, giám đốc chương trình của Trung Tâm Đối Thoại và Cầu Nguyện tại Oswiecim, gần trại tập trung Auschwitz, trại tập trung này chính là trường dạy thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II: chính tại đây, ngài tìm ra sự thật về con người vì các câu hỏi mà mọi người tự nêu ra với chính mình đều là những câu hỏi căn bản về ý nghĩa đời người.
Trung tâm này được thiết lập năm 1992, gần trại tập trung Auschwitz-Birkenau, do sáng kiến của Đức Hồng Y Franciszek Macharski, lúc đó là tổng giám mục của Kracow, với sự nhất trí của các giám mục toàn Âu Châu và đại diện các định chế Do Thái. Hơn 7 năm qua, hơn 34,000 người đã lui tới trung tâm này, nhất là người Đức, người Na Uy và người Mỹ, nhiều người tới để tham dự hội thảo cũng như linh thao. Nó được gọi là trung tâm đối thoại và cầu nguyện, mặc dù, theo cuốn hướng dẫn, người ta có cảm tưởng không thể nào có lời cầu nguyện nào phát xuất từ một địa điểm như thế này.
Cha Deselaers giải thích: những ai tới đây đều phải làm thế với ý hướng lắng nghe, khi viếng trại tập trung, khi gặp gỡ các cựu tù nhân, khi nghiên cứu các tài liệu. Tuy nhiên, theo ngài, không phải họ chỉ đến để thăm một viện bảo tàng với những khung trưng bày một số lớn các gọng kính mắt, các rương hòm và ngay cả các sợi tóc của tù nhân.
Các vấn đề phổ quát
Vị linh mục nói tiếp: ở Ba Lan, người ta có niềm xác tín sâu xa rằng máu người chết biết nói: nên cần phải lắng nghe tiếng nói của mảnh đất Auschwitz và dành thì giờ để suy niệm câu hỏi: tất cả những điều này có nghĩa gì với tôi? Và câu trả lời sẽ khác nhau tùy bạn là người Ba Lan hay người Ý, người Do Thái Giáo hay người Công Giáo, là linh mục và là người Đức, như chính cha chẳng hạn. Cha cho hay: "việc kính trọng hỗ tương các nhạy cảm khác nhau là câu trả lời trước nhất đối với trại tập trung nơi người khác hoàn toàn bị bác bỏ".
Cha cũng cho rằng bước qua ngưỡng cửa Auschwitz, là bước vào các trường học, đi dưới tấm bảng từng in sâu vào ký ức tập thể của phim ảnh và đồ kỷ niệm:
"Arbeit macht frei" (lao động giải phóng con người). Cha nói rằng: nhiều khách viếng thăm ra về với đôi mắt đỏ ngầu vì nhớ tới ít nhất 1 triệu rưỡi người, cả đàn ông, đàn bà lẫn con trẻ từng mất mạng một cách dã man nhất ở đấy.
Ngài bảo: Birkenau là chứng tá của một ý chí có hệ thống nhằm tận diệt, được diễn dịch thành những dẫy trại thẳng tắp, với hai hàng kẽm gai phân cách các mương hào do chính các tù nhân đào. Chỉ có các khối xi măng của các lò thiêu, mà Quốc Xã cho nổ tung trước khi bỏ trại để dấu giếm tội ác của họ, mới có vẻ tàn phá, chồng chất lên nhau. Mọi sự ở đấy đều toát ra một sự khiếp đảm mà tâm trí ta khó có thể chấp nhận được, khó có thể quan niệm được: làm thế nào con người lại có thể làm điều ấy cho đồng loại của mình? Cha cho hay: nhiều người hỏi: Thiên Chúa đang ở nơi đâu? Đó là câu hỏi đầu tiên mà Elie Wiesel, người lãnh giải Nobel về Hoà Bình, đã hỏi khi cho rằng: "trước khi Thiên Chúa hỏi tôi 'ngươi đang ở đâu', tôi phải hỏi Người 'Chúa ở nơi đâu khi người ta giết anh tôi, giết chị tôi, giết dân tộc tôi?'"
Không có câu trả lời dễ dãi
Theo cha Deselaers, không hề có câu trả lời dễ dãi, chỉ có cầu nguyện và im lặng. Khó có cầu nguyện chân thực, nếu không có những nơi như thế này. Cha là người đã nghiên cứu mọi tài liệu của Đức Gioan Phaolô II liên quan đến chủ đề này và theo cha, vị giáo hoàng này đóng một vai trò chủ yếu về phương diện ấy. Là giám mục Krakow, ngài không những là giám mục của Auschwitz, nhưng ta có thể nói ngài còn coi chức linh mục của ngài như một đáp trả đối với những gì xẩy ra trong Thế Chiến II, những đau khổ lớn lao mà người khác phải trải nghiệm thay vì ngài.
Thực thế, chính trong cuộc chiến đó, Wojtyla đã quyết định trở thành linh mục và gia nhập chủng viện hầm trú do Đức Hồng Y Adam Sapieha tổ chức. Đối với ngài, người mà từ niên thiếu đã có nhiều bạn hữu Do Thái, Auschwitz không phải chỉ là một thảm kịch trừu tượng nhưng nó tạo nên một phần đời ngài. Theo cha Deselaers, kinh nghiệm Auschwitz phát sinh nơi Đức Gioan Phaolô II một dấn thân mạnh bạo để tranh đấu cho phẩm giá và quyền lợi con người, cho việc tìm kiếm đối thoại giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo, cho cuộc gặp gỡ tại Assisi giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo để mọi người cùng hợp tác vào nền văn minh tình thương...
Năm 1965, lúc còn là một giám mục trẻ, Wojtyla tới Oswiecim cử hành Lễ Các Thánh. Trong bài giảng hôm đó, ngài nói rằng ta có thể nhìn chỗ này bằng con mắt đức tin. Dù Auschwitz là nơi cho ta hay con người có thể trở nên độc ác đến mức nào, nhưng ta vẫn không thể để mình bị đánh qụy vì cái cảm tưởng khủng khiếp này, trái lại phải nhìn tới những dấu chỉ của đức tin, như (thánh) Maximilian Kolbe từng làm. Theo cha Deselaers, quan điểm ấy dạy ta rằng Auschwitz cũng làm chứng cho sự cao cả của con người, những gì con người có thể thực hiện được, là chinh phục sự chết nhân danh tình yêu, như Chúa Kitô từng làm. Khi tới đây lần đầu trong tư cách giáo hoàng, ngài tuyên bố: "sự chiến thắng chống thù hận ấy nhân danh tình yêu không chỉ thuộc các tín hữu mà thôi, mọi chiến thắng của nhân loại đối với một hệ thống phi nhân đều là một biểu tượng đối với ta". Có lẽ chính vì thế, Thánh Nữ Teresa Benedicta Thánh Giá (Edith Stein), người đã kết hợp việc tuyên xưng niềm tin Kitô Giáo với thàm họa diệt chủng (Shoah),đã trở thành quan thầy của Âu Châu.
Cha cho hay: Wojtyla muốn nói với ta rằng nếu Âu Châu muốn tìm căn tính mình trong thời hiện đại, họ không thể nào quên được Auschwitz. Nó là trường dạy thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II. Điều này được người ta thấy ngay lập tức vì Wojtyla hiểu rõ niềm tin có nghĩa gì đối với con người thời đại. Cha kết luận: "Con người khắp thế giới hiểu rõ ngài vì ngài hiểu rõ họ". (Zenit 3 tháng 5)



 
Tường thuật thánh lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo II
Trần Phúc Nhạc - Linh Tiến Khải
07:06 03/05/2011
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 1-5-2011 kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II trước thềm đền thờ thánh Phêrô.

Trái với lời tiên đoán thời tiết mưa, trời Roma sáng Chúa Nhật đã có nắng ấm mùa xuân chan hòa rất đẹp. Tham dự thánh lễ phong Chân Phước đã có 87 phái đoàn chính thức từ các nước về Roma dự lễ phong thánh, trong đó có có 16 vị Quốc trưởng, 5 hoàng gia Âu Châu là Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Luxemburg và Liechtenstein. Phải đoàn Italia do tổng thống Giorgio Napolitano và thủ tướng Silvio Berlusconi cầm đầu. Thủ tướng Francois Fillon đại diện cho nước Pháp, Vua Albert II và hoàng hậu Paola đại diện cho nước Bỉ. Quận Công Henri đại diện cho nước Luxembourg. Số tín hữu từ khắp nơi trên thế giới về dự lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II vào khoảng một triệu người.

Đông đảo nhất là tín hữu Italia khoảng 3-4 trăm ngàn người, đa số là các thế hệ đã sinh ra và lớn lên dưới triều đại của Đức Gioan Phaolô II. Ba Lan có 80.000 tín hữu do Hội Đồng Giám Mục hướng dẫn. Pháp có 40.000 tín hữu với 30 Giám Mục. Trong số các tín Pháp có nữ tu Marie Simon Pierre, người đã được phép lạ khỏi bệnh Parkinson nhờ lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II. Các nước khác, mỗi nước cũng từ năm mười ngàn người trở lên. Từ Việt Nam cũng có một phải đoàn do Linh Mục Trương Kim Hương hướng dẫn gồm khoảng 20 người, trong đó có 13 Linh Mục. Từ Anh quốc có phái đoàn 50 người do cha Phaolô Huỳnh Chánh hướng dẫn.

Đã có hơn 2.300 ký giả từ 100 nước đăng ký để theo dõi và tường thuật, trong đó có 1.300 phóng viên các đài truyền hình. Lúc 2 giờ sáng, các nhân viên an ninh đã mở các rào chắn cho tín hữu vào thay vì lúc 5 giờ như dự định.

Quảng trường thánh Phêrô, đại lộ Hòa Giải, lâu đài Thiên Thần, các con đường phụ cận Vaticăng đầy đặc tín hữu và du khách hành hương, khoảng trên 400.000 người. Những người không thể vào gần hơn đã tìm đến quảng trường thánh Gioan Laterano hay đến Circo Massimo, nơi chiều thứ Bẩy đã có buổi canh thức do Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản Roma chủ sử từ 8.00 cho tới 11.30 tối, với sự tham dự của hơn 100.000 tín hữu. Ở đâu không có màn hình, tín hữu đã theo dõi thánh lễ qua radio và các loại điện thoại cầm tay đời mới như Ipad, Iphone.

Quảng trường thánh Phêrô được trang hoàng đơn sơ, nhưng rất đẹp. Bên trái có bức hình khổng lồ của Đức Gioan Phaolô cầm gậy mục tử với lời người kêu gọi trong bài giảng thánh lễ khai mào chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ ngày 22 tháng 10 năm 1978: ”Hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô”. Phía đối diện bên phải là nhiều bức hình ghi lại các biến cố chính trong triều đại của người, trong đó có buổi liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi. Ở hai đầu hành lang bao bọc quảng trường có hình bức khảm đá mầu Mater Eccleasiae Mẹ giáo Hội, mà Đức Giona Phaolô II đã cho đặt trên Dinh Tông Tòa trong Năm Thánh Mẫu.

Thềm đền thờ được trang hoàng như một vườn hoa nhỏ rất dễ thương. Phía bên trái thềm đền thờ Thánh Phêrô được dành cho mấy trăm Hồng Y, Giám Mục và các giám chức, và phía bên phải dành cho các phái đoàn chính thức. Ở bên trái phía chân thềm đền thờ dành cho hơn 5.000 Linh Mục, các bệnh nhân, và người khuyết tật, còn phía bên phải được dành cho ngoại giao đoàn, chính quyền dân sự và khách mời danh dự.

Ngoài các Hồng Y, được đồng tế với Đức Thánh Cha còn có Đức Cha Miệc-Tếk (Mieczyslaw Mokrzycki), Tổng Giám Mục giáo phận Lvov của Công giáo la tinh ở Ucraine, là người kế nhiệm Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ trong nhiệm vụ bí thư thứ 2 của Đức Cố Giáo Hoàng từ năm 1995 đến 2005.

Ban giúp lễ gồm các Đại chủng sinh giáo phận Roma và các phó tế sẽ được thụ phong linh mục trong năm nay thuộc Giáo phận Roma. Chén lễ dùng trong thánh lễ cũng là chén mà Đức Cố Giáo Hoàng đã dùng trong những năm cuối của triều đại Giáo Hoàng. Cũng vậy đối với áo lễ và mũ Giám Mục mà Đức Thánh Cha đương kim dùng trong thánh lễ phong chân phước.

Xe díp chở Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đi một vòng để ngài chào các tín hữu giữa các tràng pháo tay và cờ vẫy trong khi ca đoàn Sistina hát thánh ca nhập lễ.

Sau phần mở đầu lễ và kinh Thương Xót, Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản Roma và Đức Ông Oder, thỉnh nguyện viên phong thánh tiến tới trước mặt Đức Thánh Cha và xin Đức Thánh Cha phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II.

Đức Hồng Y Vallini nói: Lậy Đức Thánh Cha, vị Tổng Giám Quản của Đức Thánh Cha cho giáo phận Roma khiêm tốn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Chân Phước, Vị Tôi Tớ Đấng Kinh của Thiên Chúa Gioan Phaolo II. Tín hữu đã vỗ tay khi nghe tên Đức Gioan Phaolô II. Sau đó Đức Hồng Y đã đọc tóm tắt tiểu sử của Đức Gioan Phaolô II.

Đức Karol Wojtila sinh tại Wadovice in Ba Lan ngày 18 tháng 5 năm 1920 là con trai thứ hai của ông Karol WJtila và bà Emilia KacẠđorowska. Năm 1929 bà Emilia qua đời khi Karol mới lên 9 tuổi. Anh cả của Karol là Edmund, bác sĩ cũng qua đời năm 1932. Chị gái là Olga qua đời năm 1914 trước khi Karol chào đời. Thân phụ là hạ sĩ quan cũng qua đời năm 1941. Năm 1938, sau khi hết chương trình trung học tại Wadovice, Karol ghi danh học đại học Jagellónica tại Cracovia. Nhưng năm sau đó Đức quốc xã xâm lăng Ba Lan, Karol phải làm việc trong một hầm đá, và sau đó trong nhà máy hóa học Solvay để sinh sống.

Từ năm 1942 khi cảm thấy tiếng Chúa gọi làm linh mục, Karol theo học các khóa đào tạo của đại chủng viện lén lút do Đức Hồng Y Adam Stefan Sapieha tổ chức. Sau thế chiến thứ II thầy Karol Wojtila được thụ phong linh mục ngày mùng 1 tháng 11 năm 1946, tiếp đến được gửi sang Roma du học, và dọn luận án tiến sĩ thần học về đề tài đức tin trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá tại đại học giáo hoàng Angelicum. Trong các kỳ hè cha Karol đi làm việc mục vụ cho tín hữu Ba Lan tại các nước Pháp, Bỉ và Hòa Lan.

Sau khi về nước năm 1948 cha Karol làm cha phó hai giáo xứ, rồi làm tuyên úy sinh viên cho tới năm 1951. Sau đó cha làm giáo sư đạo đức học tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học Lublin. Năm 1958 Đức Giáo Hoàng Pio XII chỉ định cha làm Giám Mục phụ tá Cracovia. Năm 1964 cha được chỉ định làm Tổng Giám Mục Cracovia, và năm 1967 người được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vinh thăng Hồng Y. Đức Cha Wojtila đã tham dự Công Đồng Chung Vaticăng II và góp phần hữu hiệu trong việc soạn thảo Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng. Đức Hồng Y Wojtila cũng đã tham dự 5 Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Ngày 16 tháng 10 năm 1978 Đức Hồng Y Wojtila được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên là Gioan Phaolô II, và ngày 22-10 người đã chính thức khai mạc chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ với lời kêu gọi thời danh: ”Hãy mở cửa cho Chúa Kitô. Còn hơn thế nữa hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô”.

Trong 27 năm làm Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện 104 chuyên tông du ngoài Italia và viếng thăm 127 quốc gia, cũng như 145 chuyến viếng thăm trong nước Italia và thăm 317 trên 332 giáo xứ của giáo phận Roma.

Trong số các tài liệu quan trọng của người có 14 Thông điệp, 15 Tông huấn, 11 Tông hiến, 45 Tông thư, và 5 cuốn sách. Trong triều đại của mình Đức Gioan Phaolô II cũng đã chủ sự 147 lễ tôn phong chân phước cho 1.338 vi tôi tớ Chúa, và 51 lễ phong hiển thánh cho 482 chân phước. Người cũng đã triệu tập 9 Công Nghị Hồng Y và vinh thăng 231 Hồng Y cộng với 1 vị dấu tên. Người cũng đã chủ tọa 6 phiên họp khoáng đại các Hồng Y.

Từ năm 1978 Đức Gioan Phaolô II cũng triệu tập 15 Thượng Hội Đồng Giám Mục: 6 Thượng Hội Đồng bình thường, 1 ngoai thường và 8 đặc biệt.

Ngày 13 tháng 5 năm 1981 người bị mưu sát tại quảng trường thánh Phêrô, nhưng đã được Đức Mẹ cứu sống, và người đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình.

Sự lo lắng mục vụ cho Giáo Hội của người được diễn tả ra bằng cách thành lập nhiều giáo phận và giáo miền mới, ban hành Bộ Giáo Luật mới cho Giáo Hội Công Giáo Latinh và cho các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, đề nghị với Dân Chúa các thời gian củng cố tinh thần sâu đậm bằng cách công bố Năm Thánh Cứu Độ, Năm Thánh Mẫu và Năm Thánh Thể, cũng như Đại Năm Thánh 2.000. Người tới gần các thế hệ trẻ bằng cách thành lập Ngày Quốc Tế giới Trẻ.

Đã không có vị Giáo Hoàng nào gặp gỡ nhiều người như Đức Gioan Phaolô II. Đã có hơn 17 triệu 600 ngàn tín hữu hành hương tham dự 1.160 buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư hàng tuần, không kể các buổi tiếp kiến đặc biệt và các lễ nghi phụng vụ. Chỉ nội trong Đại Năm Thánh 2.000 đã có hơn 8 triệu tín hữu và du khách hành hương tham dự các lễ nghi tôn giáo do người cử hành. Ngoài ra, còn có các buổi tiếp kiến các nhân vật chính quyền, 38 cuộc viếng thăm chính thức, 738 buổi tiếp kiến hay gặp gỡ các Quốc Trưởng các nước, và 246 buổi tiếp kiến các Thủ Tướng.

Đức Gioan Phaolô II qua đời trong Dinh Tông Tòa tại Roma lúc 21 giờ 37 phút tối thứ bẩy mùng 2 tháng 4 năm 2005, áp ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa do chính người thành lập. Thánh lễ an táng trọng thể đã diễn ra tại quảng trường thánh Phêrô và lễ nghi an táng đã diễn ra tại hầm đền thờ ngày mùng 8 tháng 4 năm 2005.

Tiếp đến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đọc công thức phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II như sau:

Chấp nhận ước mong của Người Anh Em chúng tôi là Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản giáo phận Roma, của nhiều Anh Em khác trong Hàng Giám Mục, và nhiều tín hữu, sau khi đã có ý kiến của Bộ Phong Thánh, với Quyền Tông Đồ của chúng tôi, chúng tôi chấp thuận rằng Vị Tôi Tớ Đáng Kính của Thiên Chúa Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng, từ nay trở đi được gọi là Chân Phước, và có thể cử hành lễ của người hàng năm vào ngày 22 tháng 10 tại các nơi và theo các điều lệ do giáo luật thiết định. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần Amen.

Mọi người đã hân hoan vỗ tay rất lâu trong khi tấm màn che hình Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolo II ở bao lơn chính giữa đền thờ thánh Phêrô được từ từ vén lên. Hình Đức Giáo Hoàng nhìn nghiêng tươi vui mỉm cười hóm hỉnh, mắt to mắt bé.

Ca đoàn và cộng đoàn hát ba lần Amen, trong khi đó thánh tích của vị tân chân phước là một ống nhỏ đựng máu của người đã được nữ tu Marie Simon Pierre và nữ tu Tobiana, người đã phục vụ Đức Gioan Phaolô 2, rước lên đặt tại giá cao cạnh bàn thờ. Ống máu nhỏ được gắn ở giữa 4 nhành ô liu bằng bạc.

Đây là 1 trong bốn ống máu đã được các nhân viên y tế lấy trong những ngày cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II và được giữ tại nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu, phòng hờ trường hợp phải chuyền máu cho ngài, nhưng đã không dùng đến. Máu ở thể lỏng vì chất chống đông tụ. Hiện nay 2 ống do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwicz giữ bên Cracovia, ống còn lại do các nữ tu nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu giữ gìn như thánh tích qúy báu.

Các bài đọc phụng vụ đã được tuyên đọc bằng các thứ Ba Lan và Anh. Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Ân được hát bằng tiếng La Tinh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha ca ngợi mối phúc thật mà Đức Gioan Phaolô 2 đã nhận lãnh, đó là mối phúc đức tin, lòng kính mến của Người đối Đức Mẹ, và công trình của Đức Chân Phước Giáo Hoàng dẫn Dân Chúa tiến qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ ba, và sau cùng là kinh nghiệm bản thân của Ngài về vị Tiền Nhiệm. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, ”Cách đây hơn 6 năm, chúng ta đã tụ họp tại Quảng trường này để cử hành lễ an táng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Nỗi đau buồn vì sự mất mát thật là sâu đậm, nhưng cũng có một cảm thức lớn lao hơn nữa về một ân phúc vô biên bao trùm Roma và toàn thế giới: ân phúc ấy như là thành quả trọn cuộc đời vị Tiền Nhiệm yêu quí của tôi và đặc biệt là chứng tá của ngài trong đau khổ. Ngay từ ngày ấy, chúng ta đã cảm thấy hương thơm thánh thiện của ngài loan tỏa và Dân Chúa đã biểu lộ lòng tôn kính ngài bằng nhiều cách. Vì thế, tôi đã muốn rằng án phong chân phước cho ngài được tiến hành sớm trong niềm tôn trọng đúng phép đối với qui luật của Giáo Hội. Và nay, ngày mong đợi đã đến; và đã đến sớm, vì điều đẹp lòng Chúa là: Đức Gioan Phaolô 2 là chân phước!”

Đức Thánh Cha chào thăm tất cả các Hồng Y, Thượng Phụ, các Giám Mục, Linh Mục và các phái đoàn chính thức, các đại sứ và chính quyền, các tu sĩ nam nữ và giáo dân, cả những người theo dõi qua truyền thanh và truyến hình, rồi ngài nói đến Chúa nhật thứ 2 sau Phục Sinh, chúa nhật mà Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 đã đặt tên là Chúa Nhật kính Lòng Từ Bi Chúa. Đức Thánh Cha nói: ”Chúa nhật này được chọn làm ngày cử hành lễ phong chân phước vì, do một ý định của Chúa Quan Phòng, vị Tiền Nhiệm của tôi đã từ trần chính vào tối hôm áp lễ này. Ngoài ra, hôm nay là ngày đầu tháng 5, tháng kính Đức Mẹ Maria và cũng là ngày kính nhớ thánh Giuse Thợ. Các yếu tố này góp phần làm cho kinh nguyện của chúng ta thêm phong phú, nâng đỡ chúng ta là những người còn lữ hành trong thời gian và không gian; trong khi ở trên trời, đại lễ nơi các Thiên Thần và các Thánh rất khác! Tuy nhiên, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một Đức Kitô là Chúa, Đấng giống như chiếc cầu nối liền đất và Trời, và chúng ta trong lúc này đây, chúng ta cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết, như thể được tham dự vào Phụng vụ thiên quốc.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha áp dụng một số ý tưởng trong các bài đọc của thánh lễ vào cuộc đời của Đức Chân Phước Giáo Hoàng: ”Phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố mối phúc này: mối phúc đức tin này đánh động chúng ta một cách đặc biệt vì chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành một lễ phong chân phước, và hơn nữa, hôm nay là lễ phong chân phước cho một vị Giáo Hoàng, người Kế Vị thánh Phêrô được kêu gọi củng cố anh em mình trong đức tin. Đức Gioan Phaolô 2 là chân phước vì niềm tin của ngài, niềm tin mạnh mẽ và quảng đại, tông truyền. Và chúng ta nhớ ngay tới một mối phúc khác: ”Hỡi Simon, con của Giona, con có phúc vì không phải phàm nhân tỏ điều đó cho con, nhưng chính là Cha Thầy ở trên trời” (Mt 16,17). Cha trên trời đã tỏ điều gì cho Simon? Thưa đó là: Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Do niềm tin đó, Simon trở thành ”Phêrô”, là đá tảng trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội của Người. Hạnh phúc vĩnh cửu của Đức Gioan Phaolô 2 mà hôm nay Giáo Hội vui mừng tuyên bố, hệ tại lời này của Chúa Kitô: ”Hỡi Simon, con có phúc” và ”Phúc cho những ai không thấy mà tin!”. Hạnh phúc đức tin, mà Đức Gioan Phaolô 2 đã lãnh nhận từ Chúa Cha như hồng ân, để xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô.” (...)

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: Anh chị em thân mến, hôm nay hình ảnh Đức Gioan Phaolô 2 kính mến chiếu tỏa rạng ngời trước mắt chúng ta trong ánh sáng thiêng liêng tràn đầy của Chúa Kitô phục sinh. Hôm nay tên của ngài được thêm vào hàng ngũ các thánh và chân phước mà ngài đã tôn phong trong gần 27 năm làm Giáo Hoàng, nhắc nhớ hùng hồn về ơn gọi của tất cả hãy đạt tới đỉnh cao của đời sống Kitô, đạt tới sự thánh thiện, như Hiến chế Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân, của Công đồng đã quả quyết. Tất cả mọi thành phần của Dân Chúa - Giám Mục, Linh Mục, phó tế, giáo dân, tu sĩ nam nữ - chúng ta đang tiến về quê hương thiên quốc, nơi mà Đức Trinh Nữ Maria đi trước chúng ta, Mẹ kết hiệp một cách đặc biệt và hoàn hảo với mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Đức Karol Wojtila, trước tiên như Giám Mục Phụ tá, rồi như Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, đã tham dự Công Đồng Chung Vatican 2 và ngài biết rõ rằng sự kiện Công Đồng dành cho Mẹ Maria chương cuối cùng trong Văn kiện về Giáo Hội có nghĩa là đặt Mẹ Đấng Cứu Chuộc như hình ảnh và mẫu gương thánh thiện cho mỗi Kitô hữu và cho toàn thể Giáo Hội. Cái nhìn thần học này cũng là cái nhìn mà Đức Chân phước Gioan Phaolô 2 đã khám phá khi còn trẻ, và sau đó đã bảo tồn và đào sâu suốt đời. Đó là một cái nhìn được tóm gọn trong hình ảnh của Kinh Thánh về Chúa Kitô trên Thánh Giá cạnh Đức Maria Mẹ Người. Đó là một hình ảnh ở trong Tin mừng theo thánh Gioan (19,25-27) và được tóm tắt trong huy hiệu Giám Mục và huy hiệu Giáo Hoàng của Đức Karol Wojtila: trên đó có một Thánh Giá màu vàng, một chữ M dưới chân bên phải của Thánh Giá, và khẩu hiệu ”Totus tuus”, Toàn thân con thuộc về Mẹ, là câu nói nổi tiếng của thánh Louis Marie de Montfort trong đó Đức Karol Wojtila đã tìm được nguyên lý nền tảng cho cuộc đời của ngài: ”Toàn thân con thuộc về Mẹ, mọi sự của con là của Mẹ. Con đón nhận Mẹ trong mọi sự của con. Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con trái tim Mẹ” (Totus tuus ego sum et omnia mea tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor tuum) (Trattato della vera devozione alla Santa Vergina, n.266).

Trong di chúc, Đức tân chân phước đã viết: ”Ngày 16-10-1978, khi mật nghị Hồng chọn Gioan Phaolô 2, Đức Hồng Y Stefan Wyszynbski, Giáo Chủ Ba Lan, nói với tôi: ”Nhiệm vụ của vị Giáo Hoàng mới là đưa Giáo Hội vào Ngàn Năm Thứ Ba”. Và ngài viết thêm: ”Một lần nữa tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Thánh Linh vì đại hồng ân Công Đồng Chung Vatican 2, mà tôi cảm thấy mắc nợ cùng với toàn thể Giáo Hội, nhất là toàn thể hàng Giám Mục. Tôi xác tín rằng về lâu về dài các thế hệ mới còn được kín múc từ sự phong phú mà Công Đồng Chung của thế kỷ 20 đã rộng ban cho chúng ta. Trong tư cách là Giám Mục đã tham dự Công đồng từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, tôi muốn phó thác gia sản lớn lao này cho tất cả những người đang và sẽ được kêu gọi thi hành gia sản này trong tương lai. Về phần tôi, tôi cảm tạ vị Mục Tử Vĩnh Cữu đã cho tôi được phục vụ chính nghĩa rất cao cả trong tất cả những năm qua trong triều đại Giáo Hoàng của tôi”.

Đâu là chính nghĩa ấy? Chính nghĩa ấy đã được Đức Gioan Phaolô 2 nói đến trong thánh lễ trọng thể đầu tiên của ngài tại Quảng trường thánh Phêrô, với những lời đáng ghi nhớ: ”Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, đúng hơn, hãy mở toang mọi cánh cửa cho Chúa Kitô!”. Điều mà Đức tân Giáo Hoàng yêu cầu tất cả mọi người, chính ngài đã thi hành trước tiên: ngài đã mở rộng cho Chúa Kitô xã hội, văn hóa, các chế độ chính trị và kinh tế, với sức mạnh của một người khổng lồ, sức mạnh ngài nhận được từ Thiên Chúa, ngài đã đảo lộn một xu hướng dường như không thể lật ngược được”.

Tiếp tục bài giảng trong lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: Đức Karol Wojtila lên ngai tòa thánh Phêrô mang theo suy tư sâu sắc của ngài về sự đối chiếu giữa thuyết mác xít và Kitô giáo, quy trọng tâm vào con người. Sứ điệp của ngài là: con người là đường đi của Giáo Hội và Chúa Kitô là con đường của con người. Với sứ điệp này, vốn là đại gia sản của Công Đồng Chung Vatican 2 và của Vị Tôi Tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô 6, ”hoa tiêu” của Công Đồng, Đức Gioan Phaolô 2 đã hướng dẫn Dân Chúa tiến qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba, mà nhờ Chúa Kitô, ngài đã có thể gọi là ”ngưỡng cửa hy vọng”. Đúng vậy, qua hành trình dài chuẩn bị Đại Năm Thánh, Ngài đã mang lại cho Kitô giáo một hướng đi mới tiến về tương lai, tương lai của Thiên Chúa, tương lai siêu việt so với lịch sử, nhưng cũng ảnh hưởng trên lịch sử. Sức mạnh của niềm hy vọng ấy trước đó phần nào đã bị nhường cho chủ thuyết mác xít và ý thức hệ tiến bộ, nhưng ngài đã phục hồi một cách hợp pháp cho Kitô giáo, trả lại cho Kitô giáo hình dạng đích thực của niềm hy vọng, một niềm hy vọng cần được sống trong lịch sử với tinh thần chờ đợi, trong cuộc sống bản thân và cộng đồng, hướng về Chúa Kitô, là sự sung mãn của con người và là sự viên mãn những mong đợi công lý và hòa bình.

Trong phần kết của bài giảng, Đức Thánh Cha gợi lại quan hệ bản thân với Đức chân phước Giáo Hoàng. Ngài nói: ”Sau cùng, tôi cũng muốn cảm tạ Thiên Chúa vì kinh nghiệm bản thân Chúa đã ban cho tôi, được cộng tác lâu dài với Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Trước kia, tôi đã từng được biết và quí mến ngài, nhưng từ năm 1982, khi ngài gọi tôi về Roma làm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong 23 năm trời, tôi đã được ở gần ngài và ngày càng kính mến ngài hơn. Công tác phục vụ của tôi được nâng đỡ nhờ linh đạo sâu xa và những trực giác phong phú của ngài. Gương cầu nguyện của ngài luôn đánh động và khích lệ tôi: Ngài chìm đắm trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, dù giữa bao nhiêu công việc bề bộn trong sứ vụ của ngài. Rồi chứng tá của ngài trong đau khổ: Chúa đã dần dần tước bỏ mọi sự của ngài, nhưng ngài vẫn luôn là ”một đá tảng” như Chúa Kitô đã muốn. Lòng khiêm tốn sâu xa của ngài được ăn rễ sâu nơi sự kết hiệp thân mật với Chúa Kitô, đã giúp ngài tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội và mang lại cho thế giới một sứ điệp hùng hồn hơn, chính trong thời kỳ sức lực thể lý của ngài bị suy giảm. Vì thế, ngài đã thực hiện một cách ngoại thường ơn gọi của mỗi linh mục và giám mục, đó là trở nên một với Chúa Giêsu, Đấng mà hằng ngày các vị lãnh nhận và trao ban trong Thánh Thể.”

”Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 quí yêu, phúc cho ngài vì ngài đã tin! Chúng con xin ngài tiếp tục nâng đỡ niềm tin của Dân Chúa từ trời cao. Amen.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay dài của tín hữu.

Lời nguyện giáo dân cầu cho các nhu cầu của Giáo Hội được đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Mga, và Anh. Lời nguyện tiếng Đức cầu cho kitô hữu bị bách hại được can đảm và kiên trì trong đức tin.

Ba cặp nam nữ đã bưng lễ vật lên Đức Thánh Cha, đi đầu là một cặp năm nữ trong sắc phục cổ truyền Ba Lan rất đẹp.

Đức Thánh Cha đã cho một số tín hữu rước lễ, trong đó có hai nữ tu Marie Simon Pierre và nữ tu Tobiana. 800 Linh Mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Lay Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tậy Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Ý. Ngài chào các phái đoàn chính thức, các giới lãnh đạo dân sự và quân sự, các linh mục tu sĩ nam nữ và rất đông đảo tín hữu đến tham dự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II. Ngài ước mong cuộc sống và công trình của Chân Phước Gioan Phaolô II là suối nguồn cho một dấn thân mới phục vụ tất cả mọi người và toàn con người. Đức Thánh Cha xin vị Tân Chân Phước chúc lành cho các cố gắng của mỗi người trong việc xây dựng một nền văn minh tình thương, trong sự tôn trọng phẩm giá của từng người được dựng nên giống hình ảnh của Chúa, và đặc biết chú ý tới những người yếu đuối hơn.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt cám ơn chính quyền Italia, tổng thống, chính phủ và các giới chức thành phố Roma, cũng như mọi tổ chức và hiệp hội, các lực lượng an ninh và đông đảo các thiện nguyện viên vì sự cộng tác tích cực báu cho ngày lễ này. Ngài cũng chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô các đường phụ cận và tại nhiều nơi khác trong thành phố Roma, đặc biệt là các bệnh nhân, người già cả cũng như những ai theo dõi lễ nghi qua các đài phát thanh truyền hình. Ngài phó thác mọi người cho lời bầu cử của Tân Chân Phước và tình yêu thương hiền mẫu của Mẹ Maria.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người

Tiếp đến Đức Thánh cha và các vị Hồng Y đồng tế đã vào bên trong Đền thờ thánh Phêrô để tôn kính quan tài của Đức Gioan Phaolô 2, theo sau là các phải đoàn chính quyền, các giám mục, các bệnh nhân, rồi đến các tín hữu.

Lễ nghi mở mộ Đức Gioan Phaolô II đã diễn ra lúc 9 giờ sáng thứ sáu 29-4-2011 dưới hầm đền thờ thánh Phêrô, trước sự hiện diện của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Quan tài của Đức Gioan Phaolô II được đặt trước mộ của thánh Phêrô có phủ một khăn viền vàng. Sáng Chúa Nhật hôm qua, quan tài đã được đưa lên đặt trước bàn thờ tuyên xưng đức tin của đền thờ thánh Phệrô. Chiều thứ hai hôm nay quan tài Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được bỏ vào một hộc trong nhà nguyện thánh Sebastiano cạnh nhà nguyện Pietà. Tấm bia mộ của người sẽ được đưa về Cracovia và sẽ được đặt trong nhà thờ mới dâng kính người.

Lúc 10.30 sáng thứ hai 2-5-2011 Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ sự thánh lễ tạ ơn tại quảng trường thánh Phêrô.
 
Thánh lễ tạ ơn phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II
LM Trần Đức Anh OP
07:08 03/05/2011
VATICAN - Sáng ngày 2-5-2011, hàng trăm ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ do ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô tạ ơn vì lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2.

Sau thánh lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2 với sự tham dự của lối một triệu rưỡi tín hữu sáng chúa nhật 1-5 vừa qua, Quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ hai 2-5-2011 lại đông nghẹt các tín hữu đến tham dự thánh lễ tạ ơn do ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ sự lúc 10 giờ rưỡi, dưới bầu trời không nắng.

Trong lúc ĐHY chủ tế, cùng với 30 HY và hàng trăm Giám Mục đi rước lên lễ đài, Ca đoàn của Giáo Phận Roma, do Đức Ông Marco Frisina điều khiển, hát bài ca mừng kính Đức tân Chân phước Giáo Hoàng do chính Đức ông sáng tác.

Đồng tế với các HY và GM còn có hàng ngàn linh mục, trước sự hiện diện của các phái đoàn chính phủ, các giới chức chính quyền địa phương, và hàng chục ngàn tín hữu Ba Lan.

Đầu thánh lễ, ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM giáo phận Cracovia, nguyên bí thư của Đức Gioan Phaolô 2 đã ngỏ lời chào mừng và cám ơn ĐHY Quốc vụ khanh chủ tế, nhân danh tất cả các tín hữu hành hương hiện diện tại Quảng trường, đặc biệt những người đến từ Ba Lan. Ngài cũng xin ĐHY Quốc vụ khanh chuyển lời cám ơn đến ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích cảm thức đức tin (sensus fidei) của Dân Chúa và đã phong chân phước cho vị Tiền Nhiện, cũng như giữ cho ký ức của Người luôn sinh động, ngay từ lúc Người trở về Nhà Cha. ĐHY Dziwisz nói: “Chúng con rất biết ơn ĐTC vì đã quyết định cho mở án phong chân phước và phong thánh cho Vị Tôi Tớ Chúa, đã xác nhận đặc tính anh hùng các nhân đức cũng như phép lạ của Đức Gioan Phaolô 2 và đã chọn Chúa Nhật kính Lòng Từ Bi Chúa làm ngày lễ phong chân phước cho Người. Chúng con xác tín rằng sự chọn lựa này càng củng cố niềm tin của các môn đệ Chúa Kitô nơi Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2 cùng với thánh nữ Faustina, đã trở thành đại tông đồ về chân lý này. Xin ĐHY bảo đảm với ĐTC về lời cầu nguyện liên lỷ của chúng con cho Ngài, đặc biệt tại Đền thánh Lòng Từ Bi Chúa ở Cracovia”.

Bài giảng của ĐHY Bertone

Trong bài giảng sau các bài sách thánh, ĐHY Quốc vụ khanh bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu Phục sinh và thánh Phêrô “Simon, con Giona, con có mến Thầy không? Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa” (Ga 21,17). Cuộc đối thoại này đi trước mệnh lệnh của Chúa “Con hãy chăn dắt các chiên của Thầy”, nhưng đó cũng là một cuộc đối thoại dò hỏi trọn cuộc sống của con người. Phải chăng đó cũng là câu hỏi và câu trả lời đã đánh dấu trọn cuộc sống và sứ mạng của Chân phước Gioan Phaolô 2?” ĐHY Bertone nhận định rằng: “Đúng vậy, đó là cuộc đối thoại yêu thương giữa Chúa Kitô và con người đánh dấu trọn cuộc sống của Đức Karol Wojtila và đã dẫn đưa Người không những đến công tác trung thành phục vụ Giáo Hội, nhưng còn đến chỗ tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa và loài người, vốn là một đặc điểm trong con đường nên thánh của Người.

“Tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta còn nhớ trong ngày lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng, trong buổi lễ, có một lúc gió thổi nhẹ trên các trang sách Tin Mừng đặt trên quan tài. Dường như gió của Thánh Linh đã muốn đánh dấu sự kết thúc cuộc phiêu lưu nhân bản và tinh thần của Đức Karol Wojtila, được hoàn toàn chiếu sáng nhờ Tin Mừng của Chúa Kitô. Từ cuốn sách đó, Người đã khám phá những ý định của Thiên Chúa đối với nhân loại, cho bản thân, nhưng nhất là ngài đã học về Chúa Kitô, về tôn nhan, tình thương của Chúa, đối với Đức Karol, tình thương này luôn luôn là một lời kêu gọi lãnh trách nhiệm. Dưới ánh sáng Tin Mừng Người đọc lịch sử nhân loại và những biến cố của mỗi người nam nữ mà Chúa đã đặt trên đường đời của Người. Từ đó, từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong Tin Mừng, nảy sinh đức tin của Người.

ĐHY Bertone nói tiếp: “Đức Gioan Phaolô 2 là một con người đức tin, người của Thiên Chúa, một người sống bằng Thiên Chúa. Cuộc sống của Người là một cuộc cầu nguyện liên tục, liên lỷ, một lời cầu nguyện yêu thương bao trùm mọi người dân trên trái đất, những người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa và vì thế đáng được tôn trọng, được cứu cuộc bằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, và vì thế, con người thực sự trở thành vinh quang sống động của Thiên Chúa. Nhờ niềm tin được biểu lộ đặc biệt trong kinh nguyện, Đức Gioan Phaolô 2 là người bảo vệ đích thực phẩm giá của mỗi người chứ không phải chỉ là một người tranh đấu cho các ý thức hệ chính trị xã hội..

“Nhưng kinh nguyện của Đức Gioan Phaolô 2 cũng là một lời chuyển cầu liên lỷ cho toàn thể nhân loại, cho Giáo hội, cho mỗi cộng đoàn tín hữu trên toàn trái đất, sự chuyển cầu này có lẽ càng hiệu nghiệm, nhất là được đánh dấu bằng đau khổ trong các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của Người. Phải chăng từ đó, từ kinh nguyện gắn liền với bao nhiêu biến cố đau khổ của Người và của tha nhân, đã nảy sinh mối quan tâm của Người đối với hòa bình thế giới, sự sống chung hòa bình giữa các dân nước? Chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I hôm nay: “Đẹp thay những bước chân trên núi của vị sứ giả loan báo hòa bình” (Is 52, 7).

Các lý do tạ ơn

Tiếp tục bài giảng, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói đến những lý do của thánh lễ tạ ơn:

“Hôm nay chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta một Vị Mục Tử như Ngài. Một mục tử biết đọc những dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, và rồi loan báo những công trình cao cả của Thiên Chúa trong toàn thế giới, trong mọi ngôn ngữ. Một Mục Tử đã làm cho ăn rễ sâu nơi bản thân ý thức về sứ mạng, về sự dấn thân rao giảng Tin Mừng, loan báo Lời Chúa mọi nơi, hô to trên các mái nhà...

Hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta một Chứng Nhân như Ngài, rất đáng tin cậy, minh bạch, dạy chúng ta phải sống đức tin và bảo vệ các giá trị Kitô như thế nào, bắt đầu từ sự sống, và không chút mặc cảm hay sợ hãi; làm thế nào để làm chứng tá đức tin một cách can đảm và có sự phù hợp giữa nói và làm, biểu lộ các Mối Phúc thật trong đời sống thường nhật. Chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta một vị hướng đạo như Ngài, sống đức tin sâu xa dựa trên mối liên hệ vững chắc và thân mật với Thiên Chúa, biết thông truyền cho con người chân lý “Chúa Giêsu Kitô đã chết, và đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa và chuyển cầu cho chúng ta!” và chúng ta là những người đại chiến thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta, và sự chết, sự sống, các thiên thần và vua chúa, hiện tại hay tương lai, quyền lực, chiều cao hay chiều sâu, hay bất kỳ thụ tạo nào khác không bao giờ có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, Đấng ở trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,34.38-39). Cuộc sống, đau khổ, cái chết và sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô là bằng chứng và là một sự khẳng định cụ thể chắc chắn về điều đó”.

“Chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta một vị Giáo Hoàng đã biết mang lại cho Giáo Hội Công Giáo không những một dự phóng hoàn vũ và một uy tín tinh thần trên bình diện thế giới chưa từng có trước đó, nhưng đặc biệt với việc cử hành Đại Năm Thánh 2 ngàn, Người đã mang lại cho Giáo hội một cái nhìn tinh thần hơn, có tính chất Kinh Thánh hơn, quy trọng tâm vào Lời Chúa. Một Giáo Hội biết canh tân bản thân, ấn định công trình tái truyền giảng Tin Mừng, tăng cường các mối quan hệ đại kết và liên tôn, và và còn tìm lại những con đường đối thoại thành quả với các thế hệ mới.

“Và sau cùng, chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta một Vị Thánh như Ngài. Chúng ta đều có thể nhận thấy tình người, lời nói và cuộc sống của Đức Cố Giáo Hoàng phù hợp nhau như thế nào. Người là một người chân thực vì liên kết chặt chẽ với Đấng là Chân Lý. Theo Đấng là Đường, Người là một người luôn lữ hành, luôn hướng về điều thiện cao cả hơn cho mỗi người, cho Giáo Hội và cho thế giới, hướng về mục tiêu đối với mỗi tín hữu là vinh quang Chúa Cha. Người là một người linh hoạt sinh động vì đầy sự Sống là Chúa Kitô, luôn cởi mở đối với ơn thánh và tất cả những hồng ân của Chúa Thánh Linh.

“Sự thánh thiện của Người được sống thực, đặc biệt trong những tháng cuối cùng, những tuần lễ cuối cùng, hoàn toàn trung thành với sứ mạng được ủy thác, cho đến chết. Tuy đó không phải là một cuộc tử đạo đúng nghĩa, nhưng tất cả chúng đều thấy ứng nghiệm trong cuộc sống của Người những lời chúng ta đã nghe trong Tin Mừng hôm nay: “Thực, quả thực Thầy bảo con: khi còn trẻ con tự mặc áo một mình và đi đến nơi con muốn, nhưng khi con già nua, con sẽ giang tay, và một người khác sẽ mặc áo cho con và dẫn con đến nơi con không muốn” (Ga 21, 18). Tất cả chúng ta đều thấy Người bị tước bỏ tất cả những gì có thể gây ấn tượng cho con người: sức lực thể lý, sự diễn tả thân thể, khả năng di chuyển, thậm chí cả lời nói nữa. Và bấy giờ, hơn bao giờ hết Người phó thác cuộc sống và sứ mạng của mình cho Chúa Kitô, vì chỉ có Chúa Kitô mới có thể cứu vớt thế giới. Người biết rằng sự yếu nhược thể xác càng cho thấy rõ hơn Chúa Kitô hoạt động trong lịch sử. Và khi dâng hiến những đau khổ cho Chúa và cho Giáo Hội, Người đã ban tặng cho tất cả chúng ta một bài học cuối cùng về tính người và sự phó thác cho vòng tay Thiên Chúa”.

Và ĐHY Quốc vụ khanh kết luận rằng: “Chúng ta hãy hát mừng Chúa một bài ca vinh danh, vì hồng ân là vị đại Giáo Hoàng này: một người đức tin và cầu nguyện, một Mục Tử và Chứng nhân, một người Hướng Dẫn giữa hai Ngàn Năm. Ước gì bài ca mới này soi sáng cuộc sống chúng ta, để không những chúng ta tôn kính vị Chân Phước mới, nhưng còn theo giáo huấn và tấm gương của Người nhờ ơn Chúa phù trợ.

Sau thánh lễ lúc gần 1 giờ trưa, cửa đền thờ thánh Phêrô lại được mở rộng để đón tiếp các tín hữu đến kính viếng di hài Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 được đặt trong áo quan bằng gỗ đặt trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có 4 vệ binh Thụy Sĩ đứng gác chung quanh.

Chiều Chúa nhật vừa qua, các tín hữu đã liên tục đến kính viếng cho đến nửa đêm. ĐHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, đã phối hợp các buổi cầu nguyện, đọc kinh Mân Côi, suy niệm và hát thánh ca để giúp các tín hữu hiệp ý cầu nguyện và cảm tạ Chúa trong khi xếp hàng tiến đến cạnh áo quan của vị Chân Phước.
Hôm qua, các tín hữu đã viếng di hài của Đức Tân Chân Phước Giáo Hoàng cho đến 5 giờ rưỡi chiều. Sau đó, áo quan được đặt dưới bàn thờ Thánh Sebastiano bên trong Đền thờ Thánh Phêrô.
 
Tổng thống Ba Lan cám ơn ĐTC về lễ phong chân phước cho ĐTC Gioan Phaolô II
Phạm Kim An
09:05 03/05/2011
Tổng thống Ba Lan cám ơn ĐTC về lễ phong chân phước cho ĐTC Gioan Phaolô II

Vatican - Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã có một cơ hội để đích thân cám ơn ĐTC Biển Đức 16 vì đã phong Chân phước cho vị tiền nhiệm gốc Ba Lan, ĐTC Gioan Phaolô II.

Sáng 2-5, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski sau thánh lễ phong chân phước. Tổng thống chuyển lòng tri ân của người dân Ba Lan đến ĐTC, vì Ngài đã ban danh dự cao quý của Giáo Hội cho một anh hùng quốc gia Ba Lan.

ĐTC và Tổng thống đã thảo luận về tác động lịch sử của cuộc đời tân chân phước Gioan Phaolô II trong lịch sử của cả Ba Lan nói riêng và thế giới nói chung. Vị Giáo hoàng đầu tiên người Ba Lan, người đã có lời nói và hành động giúp chấm dứt chế độ Cộng sản ở đất nước mình, cũng đi thăm nhiều quốc gia hơn bất cứ Giáo hoàng nào trong lịch sử.

Cả hai vị đồng ý rằng cuộc đời của tân Chân phước đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử, vì Ngài tìm cách đưa ra sứ điệp cứu độ Kitô giáo cho một thế giới gặp khó khăn và ngày càng kết nối với nhau.

Tổng thống Komorowski đảm bảo với ĐTC Biển Đức 16 rằng các lời dạy của Tân Chân phước, nhất là lời dạy liên quan phẩm giá con người và thánh thiêng của sự sống, sẽ vẫn còn quan trọng cho quốc gia Ba Lan.

Ba Lan xem việc phá thai là tội ác trong hầu hết các trường hợp phá thai từ năm 1993. Trong những năm gần đây, nước này đã vật lộn với vấn đề liệu luật chống phá thai của đất nước có nên trở thành chặt chẽ hơn nữa hay ít hơn, hoặc vẫn giữ nguyên như hiện nay. (CNA 2-5-2011)

Phạm Kim An
 
Hoa Kỳ: Tổng Giáo Phận Washington mở chủng viện mới mang tên Gioan Phaolô II
Tiền Hô
09:34 03/05/2011
Washington DC, 1 Tháng Năm 2011 - ĐHY Donald Wuerl - Tổng Giám Mục của Washington đã chính thức thành lập một chủng viện mới cho tổng giáo phận, chủng viện sẽ được đặt tên là Chủng Viện Gioan Phaolô II.

Việc đặt tên như thế này là để đánh dấu lễ phong Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn ra tại Rôma hôm nay, chủng viện sẽ được làm phép vào ngày 22 Tháng Mười năm 2011, tức ngày lễ kính Đức Gioan Phaolô II và kỷ niệm ngày Ngài lên ngôi Giáo Hoàng năm 1978. Kế hoạch thiết lập chủng viện đã được công bố vào Tháng Mười năm 2010 và các giấy phép cần thiết để hoàn thành việc trùng tu xây dựng cho chủng viện đã được hoàn tất gần đây. Chủng sinh trong tổng giáo phận sẽ bắt đầu được xếp lớp tại chủng viện mới vào Tháng Tám năm 2011, và việc trùng tu tòa nhà dự kiến sẽ hoàn thành vào Tháng Mười năm 2011.

"Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đóng vai trò làm một mẫu hình đặc biệt cho nhiều người, cả linh mục, giám mục và giáo hoàng. Trong một phần tư thế kỷ trên ngôi giáo hoàng, ngài đã đi rất xa và rộng khắp, gặp gỡ rất nhiều người và khuyến khích họ bằng câu: "Đừng sợ. Hãy đặt niềm tin của bạn vào Thiên Chúa. Mở rộng trái tim của bạn cho Chúa Kitô", ĐHY Wuerl nói. "Những lời đó đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ đến với ơn gọi. Các tân chủng sinh trong tổng giáo phận, họ là những nam thanh niên đã được nhận lãnh nguồn cảm hứng để trở nên một phần của công cuộc truyền giáo mới, bây giờ họ có thể bắt đầu tu tập ngay tại ngôi nhà này, và cũng bắt đầu làm một phần không thể tách rời của cộng đồng Công giáo địa phương ở Washington".

Chủng viện này dự kiến sẽ có chỗ cho 30 người nam, họ sẽ tham dự học tập tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ đồng thời tu tập tại chủng viện. Trước khi được thụ phong, họ sẽ cần thêm bốn năm nữa để hoàn thành việc nghiên cứu thần học tại chủng viện hiện đang được các giáo phận sử dụng: Mount St Mary's tại Emmitsburg, MD; Đại Học Giáo Hoàng Bắc Mỹ ở Rôma (Ý), Chủng viện Quốc Gia Gioan XXIII ở Weston, MA; Đại Học Thần Học ở Washington, DC.

Các giảng viên tại chủng viện:

• Đức Ông Robert Panke được bổ nhiệm làm Giám Đốc Chủng viện tổng giáo phận và kiêm Cha Chính của các linh mục của tổng giáo phận.
• Cha Carter Griffin được bổ nhiệm làm Hiệu Phó, với nhiệm vụ làm tân Giám Đốc Ơn Gọi Linh Mục cho tổng giáo phận. Hiện ngài đang làm cha phó giáo xứ Thánh Phêrô ở Capitol Hill.
• Cha William Gurnee được bổ nhiệm làm Giám Đốc Linh Hướng Chủng Viện và Giám Đốc Linh Hướng Tu Tập. Ngài hiện đang là cha sở giáo xứ Holy Angels Avenue, Maryland,
• Cha Scott Woods được bổ nhiệm làm Trợ Lý Giám Đốc Ơn Gọi Linh Mục cho tổng giáo phận và sẽ tiếp tục cha sở giáo xứ Thánh Cecilia tại thành phố St Mary's và giáo xứ Thánh Peter Claver tại thành phố St Inigoes, Maryland.
• Cha Robert Walsh sẽ tiếp tục làm Trợ Lý Giám Đốc Ơn Gọi Linh Mục cho tổng giáo phận và là cha giáo tại Đại học Maryland.
• Cha Mario Dorsonville được bổ nhiệm làm Phụ Tá Giám Đốc Linh Hướng và sẽ tiếp tục làm Giám Đốc của Trung Tâm Công Giáo người nói tiếng Tây Ban Nha và Phó Chủ Tịch công cán tại Cơ Quan Bác Ái Công Giáo (Catholic Charities).

Chủng viện này sẽ tọa lạc gần Đại học Công giáo Hoa Kỳ tại 145 Taylor Street, NE, Washington, DC. Việc trùng tu xây dựng đã bắt đầu, nhà nguyện trong công trình đang được hoàn tất và sẽ được dâng riêng cho Đức Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội. Hiện nay, Tổng Giáo Phận Washington có 67 tu sinh đang học tập để trở thành linh mục, 29 người đang theo học đại học và nghiên cứu tiền thần học.

(Nguồn: http://www.adw.org)
 
Top Stories
I “preti di Stato”, una vera sfida per la Chiesa vietnamita
Asia-News
06:40 03/05/2011
L’arcidiocesi di Saigon ha rimosso un sacerdote che si è candidato alle elezioni, ma il fenomeno di chierici che collaborano più o meno apertamente con il regime è un fenomeno preoccupante, perché finisce con l’allontanare i fedeli. Il caso di un prete che ha interrotto i parrocchiani che recitavano il Rosario per convocarli a un incontro elettorale.

Hanoi (AsiaNews) – L’avvicinarsi delle elezioni per il Congresso nazionale del popolo, con la candidatura di tre sacerdoti, ha nuovamente evidenziato il problema dei “preti di Stato” che ferisce la Chiesa vietnamita. Persone che usano e abusano dei beni della Chiesa e del loro ruolo per sostenere il Partito comunista, dal quale, in cambio, ricevono aiuti di ogni genere e che, con il loro comportamento, allontanano i fedeli.



L’arcidiocesi di Saigon ha rimosso uno dei candidati, padre Phan Khac Tu, che è il responsabile di “Cattolici e popolo”, rivista fondata nel 1975, al momento dell’unificazione del Paese, con il sostegno del governo e divenuto noto per le sue frequenti critiche contro Giovanni Paolo II e il Vaticano. La sua campagna elettorale ha evidenziato il suo coinvolgimento nella guerra, dal momento che egli sostiene di aver gestito durante il conflitto una piccola fabbrica di bombe a mano da usare contro i soldati americani. “Una decisione che apprezziamo”, dice padre Peter Nguyen, che aggiunge: “il contrasto tra il suo comportamento e le prescrizioni del Diritto canonico era stato evidenziato anche da alcune agenzie cattoliche come AsiaNews, Catholic World News, VietCatholic News e altre nel mondo”.



Altrove, come a Thai Binh, il coinvolgimento di un sacerdote nella campagna elettorale ha dato vita a un forte contrasto con i fedeli. Arrivando alla chiesa di Trung Chan, il 29 aprile, i fedeli hanno visto con fastidio il loro pastore, padre Vincent Pham Van Tuyen, che, invece di preararsi per la messa era impegnato a organizzare, sotto un tendone, un incontro con alti funzionari della provincia per lanciare la campagna per le elezioni (nella foto).



A quanto riferisce una fonte locale, i fedeli sono comunque entrati in chiesa, nella convinzione che la celebrazione non sarebbe stata cancellata. Ma il loro raccoglimento era disturbato dagli altoparlanti istallati per l’incontro tra il sacerdote e i suoi “compagni”, ripreso anche da un canale della Tv. La tensione è cresciuta quando padre Tuyen è entrato in chiesa per chiedere ai suoi parrocchiani di sospendere la recita del Rosario per unirsi all’incontro che si svolgeva all’esterno, per far apparire in televisione una maggiore partecipazione “popolare”.



Il sacerdote, che è un membro di rilievo del Fronte popolare della provincia, in precedenza è stato parroco di Pho Hien, nella provincia di Hung Yen, fino a quando nella sua chiesa non è andato più nessun fedele. “Dal momento che padre Tuyen lavorava per il governo – spiega ad AsiaNews uno dei suoi ex-parrocchiani – nessuno voleva andare da lui a confessarsi, nel timore che poi lui avrebbe riferito alla polizia”. “Ci chiedevamo se i sacramenti amministrati da lui fossero validi o non “ e “stare per anni senza confessarci e senza fare la comunione, pian piano ci ha portati lontano”.



Sarebbe però un grave errore pensare che questa sia la realtà della Chiesa vietnamita, nella quale la maggior parte dei sacerdoti pagano duramente, e sono pronti anche a dare la vita, per seguire la via della santità e servire con zelo Dio e i loro fratelli e sorelle. Ma sarebbe ingenuo sottostimare gli sforzi vigorosi e subdoli con i quali i servizi di sicurezza tentano di infiltrarsi nella Chiesa per sovvertirla e distruggerla dal di dentro.



Questi sforzi hanno dato come risultato che c’è una parte dei sacerdoti che sono divenuti, a vario livello, informatori del regime e che fanno del loro meglio per collaborare col Partito e alcune centinaia di altri – chiamati “linh mục quốc doanh” (preti di Stato) che non vedono la necessità di nascondere i loro rapporti col regime. Sono pubblicamente legati al Partito e ad altre strutture ad esso collegate, come il Comitato per la solidarietà dei cattolici, creato nel 1975 con l’obiettivo di dar vita a una Chiesa “patriottica” di tipo cinese, staccata da Roma.

I “preti di Stato” creano disfunzioni all’interno della Chiesa. E’ tipico il fatto che le autorità si adoperino per togliere al vescovo i suoi poteri per permettere ad alcuni di tali sacerdoti una gestione parallela della diocesi. E in alcuni casi, quando servono permessi statali, si dice che hanno messo in secondo piano il vescovo.



Padre Peter, che era cappellano nell’esercito del Vietnam del Sud, racconta ad AsiaNews che “nel 1975, come altri cappellani, sono stato messo in prigione, dove sono rimasto per 12 anni. Nel giorno del mio rilascio, un esponente del Partito comnista mi dice: ‘Vai a casa, sosati e fai dei figli’. Pensavo che fosse uno scherzo, ma non lo era. Nei due anni successivi il mio vescovo ha fatto del suo meglio, ma inutilmente, per assegnarmi a uno degli incarichi che si rendevano disponibili”. “Ma un giorno - prosegue il racconto – mi si disse di andare a trovare un sacerdote che era il residente del Fronte popolare. Pochi giorni dopo avevo un incarico. E oggi non so dire chi regge la diocesi”.



“E’ vero - dice padre Andrew - che ci troviamo di fronte a questo tipo di difficoltà”. “Prima della fine del blocco sovietico - spiega – c’erano dei sacerdoti che erano veri seguaci del comunismo. La loro passione per il comunismo è stata una grave minaccia per la Chiesa. Ma questo è passato. Ora, con l’eccezione di una piccola minoranza di preti che hanno collaorato con il regime per i loro bisogni o per denaro, credo che la maggior parte di loro si comporta come fa per debolezza, minacce, paura o ricatto. Il fatto è che, eccettuate le principali città, i sacerdoti sono piuttosto isolati. Se non si sentono protetti dal loro vescovo, dove volgono lo sguardo?”.
 
''State priests'', a real challenge for the Vietnamese Church
Asia-News
06:40 03/05/2011
The archdiocese of Saigon has removed a priest who was a candidate for election, but the phenomenon of clergy who work more or less openly with the regime is a serious concern, because it leads to the distancing of the faithful. The case of a priest who interrupted parishioners reciting the rosary to summon them to an election meeting.

Hanoi (AsiaNews) - The approaching elections to the National People's Congress, with the candidacy of three priests, has again highlighted the problem of “state priests" which hurt the Vietnamese Church. People who use and abuse church property and their role to support the Communist Party, from which, in return, they receive all kinds of benefits a conduct that is distancing the faithful.

The archdiocese of Saigon has removed one of the candidates, Father Phan Khac Tu, who is in charge of "Catholics and People" magazine, founded in 1975, during the unification of the country, with the support of the government and became known for his frequent criticism of John Paul II and the Vatican. His election campaign highlighted his involvement in the war, since he claims to have operated a small factory of hand grenades for use against American soldiers during the conflict. "A decision that we appreciate," says Father Peter Nguyen, who adds: "the contrast between his behaviour and the requirements of canon law was highlighted by some Catholic agencies such as AsiaNews, Catholic World News, VietCatholic News and others in the world”.

Elsewhere, like in Thai Binh, the involvement of a priest in the election campaign has created a strong contrast with the faithful. Arriving at the church of Trung Chan, April 29, the faithful reacted with hostility towards their pastor, Father Vincent Pham Van Tuyen, who, instead of preparing for mass, was holding a meeting in a tent with senior provincial officials for the launch of his election campaign (see photo).

A local source reports that the faithful still entered the church, in the belief that the celebration would not have been cancelled. But their concentration was disturbed by the installed loud speakers for the meeting between the priest and his "comrades", which was also filmed by a TV channel Tension grew when father Tuyen came into the church to ask his parishioners to stop their recitation of the Rosary to join the meeting outside, to make it appear on TV that there was a larger participation.

The priest, who is a prominent member of the Popular Front for the province, was previously pastor of Pho Hien, Hung Yen province, until there wasn’t a single faithful left in his church. "Since father Tuyen worked for the government - one of his former parishioners told AsiaNews - nobody wanted to go to him for confession, for fear that he would then reported to the police." "We wondered if the sacraments administered by him were valid or not" and "we stayed for years without confession and without communion, slowly we left the church."

But it would be a grave mistake to think that this is the reality of the Church in Vietnam, where most of the priests pay heavy prices, and are also ready to give their lives, to follow the path of holiness and zeal to serve God and their brothers and sisters. However it would also be naive to underestimate the subtle and vigorous efforts by which the security services are trying to infiltrate the Church to subvert and destroy it from within.

These efforts have had some results, there is a part of the priests who have become, to varying degrees, informers of the regime and who are doing their best to cooperate with the Party and hundreds of others - called "Linh muc Quoc doanh" (State priests) who do not see the need to hide their relationship with the regime. Having publicly linked themselves to the Party and other facilities connected to it, such as the Committee for Solidarity of Catholics, created in 1975 with the aim of establishing a Chinese-style "patriotic" Church, separate from Rome.

The “state priests" create dysfunction within the Church. Typically, the authorities move to undermine the bishop’s powers of governance to allow some of these priests a parallel management of the diocese. And in some cases, when state permits are needed, they overshadow the bishop.

Father Peter, who was chaplain in the army of South Vietnam, told AsiaNews that "in 1975, like other chaplains, I was put in prison, where t we remained for 12 years. On the day of my release, a member of the communist Party tells me: 'Go home, get married, have children'. I thought it was a joke, but it was not. For two years after my bishop did his best, but in vain, to assign me one of the jobs as they became available. " "But one day - the story continues - I was told to go find a priest who was a resident of the Popular Front. A few days later I had an assignment. And today I do not know who runs the diocese. "

'It is true - Father Andrew says - that we are facing this difficulty. " "Before the end of the Soviet bloc – he adds - there were priests who were true followers of communism. Their passion for Communism was a serious threat to the Church. But this has past. Now, with the exception of a small minority of priests who have collaborated with the system for their needs or for money, I believe that most of them behave the way they do out of weakness, threats, fear or blackmail. The fact is that, except for major cities, the priests are quite isolated. If they do not feel protected by their bishop, who can they look to? ".
 
Vietnam: Publication d’une lettre commune issue de la « Grande Assemblée du Peuple de Dieu »
Eglises d'Asie
07:20 03/05/2011
Eglises d'Asie, 3 mai 2011- Un communiqué émanant du service d’information de la Conférence des évêques catholiques du Vietnam (1) vient d’annoncer la parution d’une « lettre commune » faisant suite à la Grande Assemblée du Peuple de Dieu qui s’est tenue au mois de novembre 2010 à Saigon. Lors de leur dernière rencontre à Saigon entre le 25 et 28 avril, les évêques ont consacré une grande partie de leur temps à l’élaboration et à la rédaction de cette lettre.

Elle est issue des réflexions, des échanges et des prières des membres du peuple de Dieu au Vietnam, unis à leurs passeurs, qu’ils résident dans le pays ou à l’étranger. La lettre détermine les orientations de la vie et des activités de l’Eglise au Vietnam dans les conditions qui sont les siennes aujourd’hui. Cette vie et ces activités sont « au service du royaume de Dieu, royaume de la vérité, de la vie, de la justice, de l’amour et de la paix » (Lettre commune n° 2).

La lettre commune faisant suite à la Grande Assemblée du Peuple de Dieu 2010 est datée du 1er mai 2011 et sera envoyée à l’ensemble des fidèles vietnamiens. En premier lieu, la lettre commune expose sommairement la situation actuelle du pays, où les catholiques vietnamiens sont en train de vivre et de réaliser leur mission. Un second chapitre donne à comprendre comment doit être vécu et mis en œuvre le mystère de l’Eglise dans les conditions propres à notre temps et selon l’appel de Dieu. Le troisième chapitre est consacré à la communion dans l’Eglise en tant que famille de Dieu. Dans un quatrième chapitre sont mis en relief les aspects essentiels de la mission de l’Eglise au Vietnam aujourd’hui.

La date de la publication officielle de cette lettre commune est le 1er mai 2011, fête de la miséricorde du Seigneur, jour où le pape Jean Paul II est béatifié. La lettre, qui semble longue (36 pages en format A4 avec huit pages de notes), n’était pas encore imprimée le jour de l’annonce de sa publication officielle (2).

(1) http://hdgmvietnam.org/gioi-thieu-“thu-chung-hau-dai-hoi-dan-chua-2010”/2872.63.8.aspx

(2) Dès que le texte vietnamien sera accessible, Eglises d’Asie en présentera une traduction française, qui paraîtra sans doute en plusieurs parties.

(Source: Eglises d'Asie, 3 mai 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trại họp mặt “Một gia đình yêu thương” di dân các giáo xứ
Quân Tuấn Anh
06:57 03/05/2011
Cùng với cả nước trong ngày nghĩ lễ 30/4 và 01/5, hôm nay giới di dân của các Giáo xứ Khiết Tâm, Phao Lô, Nam Hải và Mỹ Hội (Nhơn Trạch – Đồng Nai) đã cùng nhau tổ chức cuộc cắm trại với chủ đề “Một gia đình yêu thương” kết nối giới di dân của các Giáo xứ lại với nhau như một gia đình tràn đầy yêu thương và tình đoàn kết liên đới trong một gia đình Giáo hội. Đây cũng là cuộc trại đầy thú vị vì là ngày Lễ Thánh Giuse thợ, bổn mạng giới lao động và cách riêng là bổn mạng của nhóm di dân Giáo xứ Khiết Tâm, đồng thời đây cũng là cuộc trại liên kết các khối di dân của bốn Giáo xứ lại với nhau mà từ trước tới nay chưa hề diễn ra, đây cũng là tâm nguyện của các Cha đặc trách di dân các giáo xứ đặc biệt là Cha Giuse Phan Ngọc Trợ - Chánh xứ Khiết Tâm đã quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện để chương trình trại diễn ra tốt đẹp.

Xem hình ảnh

Tham gia chương trình trại năm nay rất đặc biệt có sự tham dự của Cha Giuse Hoàng Yến Linh, SSS, đặc trách di dân Giáo xứ Khiết Tâm, Cha Giuse Đinh Đức Huỳnh, SSS, đặc trách di dân Dòng Thánh Thể, quý Sr Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, quý Sr Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, quý Thầy Học Viện Thánh Thể và quý Thầy Dòng Hiến Sỹ Đức Mẹ, cùng với khoảng 145 trại sinh đến từ các Giáo xứ. Quả là một đội ngũ đông đảo, một Ban Tổ Chức dồi dào về nhân sự góp phần cho sự thành công của cuộc trại năm nay.

Địa điểm cắm trại năm nay được chọn là Khu Du lịch Bò sữa Long Thành (Đồng Nai), nơi có nhiều điều kiện lý tưởng cho cuộc cắm trại. Từ sáng sớm, các Giáo xứ đã lên đường di chuyển tới đất trại. Với nghi thức lên đường là các đội được nghe đoạn Xuất hành ra khỏi đất Ai Cập của dân Is-ra-en và nghi thức nhập trại là các đội phải “vượt biển đỏ” để vào đất trại. Ai ai cũng phấn khởi và hứng thú với nghi thức này. Tiếp theo đó là thi dựng lều trại và Thánh lễ khai mạc, sau Thánh lễ là phần giới thiệu Ban Tổ chức cùng với các nhóm tham dự và cùng nhau hát múa bài hát Chủ đề “Tâm điểm yêu thương” rất vui nhộn và đầy ắp tình liên đới. Tiếp theo đó là chương trình trò chơi hội thao, phút hồi tâm, dùng cơm trưa và chuẩn bị cho chương trình buổi chiều.

Vào buổi chiều là phần chia sẽ về chủ đề do Cha Giuse Hoàng Yến Linh phụ trách, sau đó là phần chơi đố vui về Kinh thánh và Giáo hội. Đây là phần chơi rất hấp dẫn, hứng thú cho các đội, tuy trời mưa sau phần thi khởi động nhưng không làm các bạn bỏ cuộc mà ngay sau khi tạnh mưa, các đội còn chơi tích cực hơn. Phần chơi này nhằm thêm cũng cố kiến thức về Kinh thánh, về Giáo hội Việt Nam và Giáo hội Hoàn vũ cho các trại sinh. Sau chương trình này, các bạn được tự do tham quan du lịch, tắm rửa, dùng cơm tối và chương trình lửa trại rất thú vị với các tiết mục văn nghệ bên ánh lửa bập bùng và nồng ấm. Đặc biệt trong phần lửa trại đêm nay có Cha Chánh xứ Giuse Phan Ngọc Trợ cùng với Ông trưởng ban Nội vụ của Giáo xứ Khiết Tâm đã bớt chút thời gian quý báu cùng với đường sá xa xôi đến viếng thăm và châm ngọn lửa khai mạc đêm lửa trại tràn đầy cảm xúc và tình mến thương của một vị Cha chung quan tâm đến những người con di dân xa xứ.

Ngày thứ hai của cuộc trại 01/5, sau khi thức dậy là Thánh lễ Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh, một Thánh lễ long trọng và đặc biệt như Cha chủ tế nêu lên, sự đặc biệt thứ nhất là ngày lễ Chúa nhật hai Phục Sinh, thứ hai là lễ Thánh Giuse thợ, bổn mạng của giới lao động, thứ ba là ngày đầu tiên bước vào tháng Hoa, kính Đức Mẹ và cuối cùng là cùng với toàn Giáo hội trong ngày lễ Phong Chân phước cho Đức Thánh cha Gioan Phaolo đệ nhị. Quả là một Thánh lễ chứa chan biết bao ý nghĩa. Sau Thánh lễ là chương trình Trò chơi lớn mà các đội phải khó khăn “vật lộn” với biết bao trò chơi hấp dẫn của các trạm. Đây là chương trình mà các trại sinh sẽ không bao giờ quên sau cuộc cắm trại này. Kết thúc trong buổi chiều hôm nay là phần công bố kết quả, trao giải cho các đội, dọn dẹp lều trại và lên đường trở về sau hai ngày trại đầy vất vã, thú vị và chan chứa tình liên đới của các nhóm trao cho nhau.

Cuộc cắm trại này đã để lại cho các trại sinh biết bao kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là các bạn trẻ lần đầu tiên tham dự, đồng thời đây cũng là chương trình cắm trại đặc biệt mà từ trước tới nay chưa hề diễn ra với sự liên kết của bốn Giáo xứ. Trong đó hai Giáo xứ “đàn anh” về việc chăm sóc mục vụ cho anh chị em di dân xa quê như Khiết Tâm và Phao Lô đang ngày càng lớn mạnh về quy mô cũng như vạch ra các chương trình nhằm quan tâm giúp đỡ những người di dân tại Giáo xứ. Bên cạnh đó không thể không cảm phục trước sự sãn sàng tham gia sinh hoạt trong đợt trại này của giới di dân hai Giáo xứ Nam Hải (Quận 8) và Mỹ Hội (Nhơn Trạch – ĐN).

Được biết giới di dân của Giáo xứ Nam Hải mới thành lập được 6 tháng và con số khoảng 20 thành viên gồm các bạn công nhân và sinh viên đang học tập và làm việc gần nơi Giáo xứ. Ngoài ra nhóm được quý Thầy Dòng Hiến Sỹ Đức Mẹ giúp đỡ và hướng dẫn về cách sinh hoạt như các kỹ năng về sinh hoạt, chia sẽ Lời Chúa, chia sẽ về cuộc sống…vào các tối thứ 7 hàng tuần. Trong cuộc trại này các bạn tham gia được 15 người và rất hòa đồng cùng với các nhóm khác khi tham gia các chương trình, trò chơi…

Một nhóm như rất nhiều người nói là “nhóm mồ côi” đang khao khát được sự đồng hành và giúp đỡ đó là nhóm di dân của Giáo xứ Mỹ Hội (Nhơn Trạch – ĐN). Nhóm được cha Chánh xứ Giáo xứ Mỹ Hội thành lập 3 năm về trước, các Cha ở đây rất quan tâm về mục vụ cho anh chị em di dân, tuy nhiên vì hoàn cảnh nhóm vẫn đang thiếu người đồng hành và hướng dẫn, nhiều bạn trẻ trong nhóm hy vọng và chờ mong sẽ có quý Thầy, quý Sr tới giúp nhóm để nhóm khỏi mang tiếng “mồ côi” như từ trước tới nay nhiều người vẫn trêu đùa. Được biết nhóm có khoảng 30 thành viên tham gia và sinh hoạt vào buổi tối Chúa nhật hàng tuần sau Thánh lễ, với nội dung hiện tại là đọc kinh phòng trọ, chia sẽ Lời Chúa, chia sẽ về cuộc sống…trong cuộc trại này các bạn tham dự được 15 người và khao khát sẽ được tham dự vào những chương trình sắp tới.

Chương trình trại đã khép lại, và đã để lại cho toàn thể mọi người tham dự biết bao niềm vui và nổi nhớ. Tuy hai ngày trại đầy gian khổ và vất vã, các trại sinh đã cảm nhận được một phần nào về thử thách trong cuộc sống khi phải xa cách cuộc sống hiện thời để hòa nhập vào một cuộc sống đầy khó khăn về nhiều mặt, tuy nhiên các trại sinh vẫn vui tươi, phấn khởi và hẹn một cuộc trại mới trong tương lai tới.

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Cha Chánh xứ Khiết Tâm, quý cha đặc trách di dân, quý Sr, quý Thầy và quý anh chị em trong Ban Tổ chức, cuộc trại đã thành công tốt đẹp. Nhờ lời cầu bầu của Thánh Giuse thợ, Mẹ Maria nhân lành cùng với Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị ban nhiều ơn lành trên quý Cha, quý Thầy, quý Sr và toàn thể mọi người.
 
Một ngày ý nghĩa với Bệnh Nhân Phong tại trại Phong Phú Bình, Thái Nguyên
Bồ Câu Trắng
13:48 03/05/2011
Trại Phong Phú Bình - Thái Nguyên, ngày 30/4/2011 - Một kỳ nghỉ trong tuần vào dịp lễ kéo dài 4 ngày, một khoảng thời gian hiếm hoi đấy chứ. Bạn bè tôi háo hức với những kế hoạch dã ngoại, về quê thăm nhà. Riêng tôi và các chị em đệ tử Dòng Thánh Phaolô Hàng Bột, Hà Nội lại tìm cho mình một niềm khác, niềm vui “chẳng giống ai” (là cách nói bạn tôi thường dành cho tôi).

Xem hình ảnh

Ngồi trên xe, nhớ lại những sự chuẩn bị, những thao thức, những tình cảm mà tôi dành cho chuyến đi, tôi cảm thấy vui nhưng cũng không khỏi lo lắng, băn khoăn: Liệu tôi có thể đem niềm vui Phục Sinh cho tâm hồn nào không, có thể an ủi, có thể xoa dịu được vết thương nào không…? Thôi, phó thác cho Chúa Phục Sinh còn mình chỉ là khí cụ, nghĩ như vậy, tôi thả lỏng cho mình lao vào chơi đùa cùng các chị. Lâu rồi tôi chưa chơi đùa vui như thế này, vì cũng từ lâu rồi tôi không có chuyến đi nào với chị em. Đúng là chơi thì thời gian trôi thật nhanh. Chiếc xe lách mình qua một lối quẹo: “Chúng ta đã sắp đến trại phong Phú Bình. Mọi người chuẩn bị nhé…”.

Còn rất nhiều câu nhắc nhở phía sau nữa. Đó là anh Xuân Hòa. Đã từ lâu nay, anh trở thành một thiện nguyện viên của Cộng đoàn, đó là cái nhìn của anh cũng như của tất cả mọi người trong Cộng đoàn. Và một người nữa, tôi biết không hiện diện với đoàn hôm nay, nhưng đang đồng hành với tất cả. Đó là Cha Paul Phạm Văn Tuấn ở bên Đức- Người luôn thao thức cho những cuộc đời bất hạnh của bệnh nhân phong, một cánh tay nối dài của Đấng Phục Sinh cúi xuống và chữa lành. Trong chuyến đi, chúng tôi mang theo cả tình cảm của Cha và các đóng góp hy sinh của giáo dân trong vùng Bắc Đức giúp cho những người ở trong trại phong. Mới đây vào tháng giêng 2011 cha Tuấn, một giáo dân ở Đức và Cộng đoàn Phaolô Hàng Bột đã đi thăm viếng ủy lạo trại Phong Quả Cảm, Bắc Ninh và nhà tình thương Hương La. Trong sự liên kết ấy, lần này chúng tôi cũng theo phương án “góp gạo thổi chung: kẻ góp công, người góp của” cho chuyến đi Phú Bình với sự đóng góp của giáo dân vùng Bắc Đức, nhóm thiện nguyện Hà Nội và Nhà Dòng Thánh Phaolô Hà Nội. Lúc còn đang di chuyển trên xe buýt cha Tuấn cũng đã gọi điện thoại từ bên Đức hỏi thăm và động viên chúng tôi.

Lối vào trại Phong Phú Bình thuộc tỉnh Thái Nguyên cách đường quốc lộ khá xa, đường lại khó đi. Tôi đặt mình vào tâm trạng của những con người đã bỏ cuộc sống đầy yêu thương với người thân, gia đình để vào đây sống với nhau và tựa vào nhau để vượt qua những khó khăn mà họ chẳng muốn đón nhận chút nào. Có thể dùng từ nào nhỉ. “Cô lập!”. Đúng có lẽ đúng là cô lập… Thấy thương cho những mảnh đời bất hạnh, tôi càng hy vọng mình có thể làm được gì đấy, nhỏ bé thôi, một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một lời an ủi, một chút đụng chạm, một chút đỡ nâng…

Chiếc xe buýt to chứa tất cả 47 người và 4 Sơ dòng Thánh Phaolô đang di chuyển chậm dần vào phía trong trại Phú Bình và dừng lại. Sơ Liên từ trại phong Quả Cảm Bắc Ninh cũng đi xe máy cả 50 cây số đến giúp sức cho chúng tôi. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy ở đây một âm điệu, một hơi hướng rất gần gũi, thân quen, mới lần đầu mà tôi cứ ngỡ mình thuộc về nơi ấy. Ra đón đoàn chúng tôi là rất nhiều ông bà, cô bác, anh chị…, và cả các em nhỏ nữa, tất cả mọi người đều dành cho chúng tôi những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt trìu mến vô cùng. Tôi thay đổi cái nhìn và cách nhìn: Tôi đến đây để nhận chứ chẳng phải để cho. Và thế là tôi say sưa để đón nhận. Và tôi đã không sai lầm.

Tôi được biết nơi đây có tất cả 105 bệnh nhân, trong đó có khoảng 30 giáo dân Công Giáo nhưng đa phần là người Tân Tòng. Đức cha Giáo Phận Bắc Ninh, Cosma Hoàng Văn Đạt vẫn thường đến đây an ủi bệnh nhân và dâng thánh lễ cho họ.

Sau những lời chào hỏi thân tình giữa đoàn chúng tôi và Gia đình Phong Phú Bình. Chúng tôi hân hoan bước vào Thánh Lễ do cha Vicentê Mai Văn Mạnh, chánh xứ La Tú, Tân Khánh - Phú Bình (Trại Phong thuộc Giáo Xứ của Cha) cử hành. Sở dĩ chúng tôi chọn điều ấy vì chỉ có Đấng Phục Sinh mới có thể mới có thể lấp đầy những đau thương những lắng lo, muộn phiền của con người mà thôi. Lời Chúa trong ngày Thứ Bảy Tuần Bát Nhật cũng thật là trùng hợp: Phêrô và Gioan chữa người què nhờ Danh Đức Giêsu Kitô. Vâng, và bàn tay Ngài cũng đang chữa lành từng người những tật nguyền, những chai đá. Ngài chữa lành từng người bằng những cách khác nhau. Tôi nhận biết điều ấy nơi ánh mắt và khuôn mặt những tâm hồn rước Ngài vào tâm hồn mình. Có cả những con người thuộc về Ngài từ lâu rồi nhưng cái nhìn bên ngoài chỉ còn là thời gian….

Trong tình mến thương, chị em trong cộng đoàn chúng tôi chia sẻ cho mọi người trong Gia đình Phong Phú Bình những giai điệu dân gian từ các nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, đàn bầu, đàn tam thập lục, sáo, Organ do chúng tôi mang theo và cả sự chuẩn bị từ tuần lễ nay. Và chúng tôi như được trả lại cho nhiều hơn những gì đã cố gắng bằng những cái nhìn rất yêu thương, những nụ cười rạng rỡ. Tôi cảm nhận niềm vui từ sâu thẳm tâm hồn những con người bệnh tật ở đây.

Thời gian còn lại trước giờ cơm trưa, chúng tôi đi thăm hỏi từng người trong Gia đình Phong Phú Bình. Dọn dẹp một chút hoặc khâu vá lại những chiếc áo quần đã rách hoặc quét sạch đường đi lối lại, lau rửa thân thể cho các bệnh nhân…, lúc này chúng tôi có thời gian ở gần hơn với các ông các bà. Vâng, có lẽ chỉ để lắng nghe, vì chẳng mấy khi các ông bà ở đây có người vào thăm, nên có nỗi buồn, niềm vui nào đọng lại sâu nhất, các ông bà cũng chia sẻ cho chúng tôi. Thế là chúng tôi lại có thêm những kinh nghiệm về hạnh phúc và bất hạnh; về niềm vui và nỗi buồn. Các ông bà đón nhận bệnh tật cùng những đau đớn là hậu quả của nó để lại không nặng nề như chúng tôi nghĩ, điều quan trọng hơn là họ mất đi những gì là thiêng liêng: Gia đình, tình yêu và… sự giao tiếp. Nhưng những ngày tháng ấy cũng đã đang lùi xa khỏi họ, khi những tâm hồn ấy được Đức Giêsu Kitô đụng chạm đến và họ trở nên những người loan báo Tin Mừng của Ngài, là chứng nhân của sự chữa lành. Tôi thấy họ có gì đó giống với người mù ở miền Thập Tỉnh…

Nhưng những dòng tâm sự bị ngắt quãng rồi. Nồi cháo gà với bao cố gắng từ Cha, sự chuẩn bị của anh Hòa và các chị từ hôm trước và nãy giờ quý Sơ cùng các chị “bỏ hết hồn vào nhóm bếp nấu tại chỗ” đã xong. Từng tô cháo gà nóng hổi được đưa đến phòng cho mọi người trong tiếng cười và ánh mắt đầy quý mến của các chị được đáp lại bằng niềm vui của những người đón nhận. Không phải vui vì vật chất họ nhận được nhưng là sự cảm nhận tình yêu thương của những người trong gia đình của Cha trên trời… Thế là các bệnh nhân cùng nhau thưởng thức món cháo gà yêu thương ấy. Trong lúc trở lại phòng hội trường để ăn trưa, xuất xôi đã chuẩn bị từ 3 giờ sáng cho từng tham dự viên vào hộp xốp, tôi nghe vọng lại những tiếng nói chuyện của vài bệnh nhân: “Ăn bát cháo này chắc cả tuần chẳng cần ăn gì nữa” - “Em để cho bác mấy cái kẹo vừa được cho, bác ăn thì cũng như em ăn thôi mà, cùng là con Chúa cả…”. Tôi thấy lòng nao nao, chợt nhớ đến Cộng Đoàn các tín hữu Kitô tiên khởi.

Ngồi ăn trưa, tôi có cơ hội được nói chuyện với bác Hải – giám đốc quản trị ở đây. Tôi có cơ hội được giải đáp những thắc mắc từ lúc vào đây. Ở nơi đây mọi sự đều được chu đáo hơn so với những gì tôi đã thấy nơi các trại phong khác. Cả về phần tâm linh, như bác đã chia sẻ sau Thánh Lễ: Ai cũng có phần thiêng liêng cần thỏa mãn, và đôi lúc những cảm nghiệm thiêng liêng giúp người ta chống trọi với những “cuộc chiến trường kỳ” như bác và những người ở đây, thì tại sao lại không làm cho những ước mơ nhỏ bé ấy được toại nguyện. Bất ngờ là ở chỗ bác không phải là người Công giáo mà đã xin linh mục và các tu sĩ về dâng lễ, phục vụ ở đó; mà chính bác lại là người đi đón cha về dâng lễ. Còn nhiều điều để nói về bác nhưng tôi xin giữ lại để cầu nguyện cho ước mơ của bác thành hiện thực và mong muốn một ngày gần đây đón bác vào Gia Đình Giáo Hội cách chính thức… Tôi lại nhớ đến bà Yến, một bổn đạo mới 10 năm mà đã kéo hơn 40 người trở về với Chúa, chẳng phải bằng lời rao giảng hùng hồn nhưng là cách sống chứng nhân ở Gia đình Phú Bình này. Năm nay đã hơn 80 tuổi rồi, nhưng bà là niềm vui của bao người. Chúng tôi cũng thấy tâm hồn mình bình an và vui tươi hơn khi trò chuyện với bà…

Trở lại với các khu nhà với chổi, rễ, khăn lau trong tay, chúng tôi tiếp tục dọn dẹp cho các cụ ở từng căn phòng. Nhờ đó chúng tôi đi sâu hơn vào những sinh hoạt hằng ngày của các cụ. Với mức sống mỗi ngày 15.000 VNĐ cho mỗi bệnh nhân, chỉ vừa đủ cho các cụ sống qua ngày là cùng. Tôi thấy có lỗi cho những lần ăn uống hay vui chơi quá xa xỉ của mình. Nhìn những vết thương của các cụ cứ loét dần… rồi tiến đến một cái chân giả, ngón tay co quắp, là một sinh viên y khoa, tôi thấy có phần trách nhiệm!

Trước chuyến đi này theo lời khuyên của Sơ Lai, mỗi người tự đóng góp tiền túi rồi mua quà, quà gồm 105 túi trong đó gồm có: đường, khăn mặt, bàn chải đánh răng, khăn mùi xoa, xà bông giặt, xà bông tắm, lược chải đầu… Ngoài ra có 10 túi quà lớn để chơi trò chơi, trong đó là kẹo bánh, khi sinh hoạt xong thì bóc quà này ra và phát cho tất cả các bệnh nhân. Và cuối cùng mỗi bệnh nhân nhận thêm một thùng mì tôm.

Khi từ giã, bước chân lên xe mà lòng tôi vẫn còn vương vấn ở lại. Tôi nhớ từng ánh mắt và nụ cười của từng người, ánh mắt yêu thương và có phần níu giữ lấy tôi. “Nếu có cơ hội con sẽ quay trở lại trong một ngày gần nhất”, “Khi nào có điều kiện con về thăm mọi người ở đây nhé, “mọi người sẽ nhớ các con nhiều lắm”… Và một kế hoạch được vạch ra cho tôi…

Trên đường về đoàn chúng tôi tạt qua nhà một chị ở Cộng đoàn thăm gia đình ở gần Phú Bình. Nơi đây, tôi thấy được tấm lòng quảng đại của cha mẹ khi cho những người con của mình thực hiện ước mơ dâng mình cho Chúa - một ước mơ mà người đời thường cho là viển vông. Thương và biết ơn cha mẹ thật nhiều.

Cả quãng đường trở về Hà Nội không khí trầm hơn bởi hình như ai cũng muốn giữ lại cho mình một cảm nghiệm. Mỗi thành viên trong chuyến đi có một cảm nghiệm riêng và tìm cho mình một điểm dừng lại để cố gắng và sống có ý nghĩa hơn. Tuy mệt, nhưng là một ngày rất đẹp cho tất cả chúng tôi.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Ngày Nắng Xuân – A Spring Day.
Richard Drysdale
21:49 03/05/2011
MỘT NGÀY NẮNG XUÂN – A Spring Day.
Ảnh của Richard Drysdale
Một ngày hoa thắm trần gian
Muôn năm thương bóng trăng vàng mảnh mai
Bao la vũ trụ rộng dài
Ngàn hoa tươi nắng ban mai dịu dàng.
(Trích thơ của Minh Tuấn)
Upon a nice mid-spring day,
Let's take a look at Nature's way,
Breathe the scent of nice fresh air,
Feel the breeze within your hair.
The grass will poke between your toes,
Smell the flowers with your nose,
(Heidi Campbell)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền