Ngày 04-05-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bánh Sự Sống 57 - Tôi Cứ Thiếu Thốn Hoài
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
00:35 04/05/2010
Bánh Sự Sống # 57

TÔI QUAN NIỆM ĐI ĐẠO LÀ XIN ƠN

“ TÔI CỨ THIẾU THỐN HOÀI”

* Tôi nhai và nuốt Lời Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” ( Tv 23, 1)

* Chuyện kể: Người Tín hữu hôm nay hay đọc kinh to và hát lớn: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi còn là thiếu thốn chi?...”, thế nhưng rất hay than thở, kêu ca về hoàn cảnh của mình. Có một bà kia đi lễ, lần hạt hàng ngày; nhưng lại hay trách móc Chúa và Đức Mẹ khi những điều bà xin chưa được đáp ngay. Vì bà quan niệm đi đạo chỉ để xin ơn, chứ không lo thực hành Lời Chúa và những điều Giáo hội dạy.

Một hôm bà vào thăm cha xứ, ngài rất siêng năng đọc Lời Chúa, thấy bà, ngài vội quay lưng đi, đọc lớn tiếng: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi cứ thiếu thốn hoài”. Bà liền nói: “Con vẫn hát là Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi cơ mà !. Cha xứ liền quay lưng lại nói với bà: Người ta cũng một cái miệng lúc hát thì Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, nhưng khi đi lễ hay rước kiệu thì rất nặng về xin ơn, chứ không lo xin thực hành Lời Chúa và noi gương Đức Mẹ, nên sau đó trở về cuộc sống, đời sống tâm linh họ rât nghèo nàn!!.

* Một phút suy tư: Biết, hát, đọc Lời Chúa vẫn chưa đủ, cần phải thực hành Lời Chúa nữa ! Kinh Thánh sẽ mãi là bản văn chết khô, nếu bạn không đem áp dụng thực hành, bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh tác động, thúc đẩy vào đời sống cá nhân của mình.

Nhiều người có quan niệm lợi nhuận, nghĩ đi đạo chỉ để xin ơn, trong các lễ lạy, rước sách,..., mà quên thờ lạy, cảm tạ, sám hối và nói chuyện, tâm sự với Chúa như một người bạn, để thực hành điều Chúa dạy. Đức tin cần phải biểu hiện bằng hành động chứ không bằng lý thuyết. Học, hiểu vá áp dụng Lời Chúa vào những thử thách thường nhật, đó là cách hiểu biết chính xác, và đúng mức nhất.

Nếu tôi là người có trách nhiệm huấn giáo tinh thần cho Tín hữu, tôi cần đầu tư hết lòng và tôi đa thì giờ cho việc nghiên cứu, học tập và chia sẻ cho họ cách sống đạo trưởng thành, đừng để họ “không biết gì, dễ bảo, dễ dạy.” Rồi họ giữ đạo một cách vụ lợi, ấu trĩ, phàn nàn, lẩm bẩm, kêu trách Chúa, thì thật là đáng tiếc biết bao!!!

Phó tế: GB. Maria Định Nguyễn * johndvn@yahoo.com
 
Mục Vụ Truyền Thông trong Thế Giới Kỹ Thuật Số
Lm. Trần Đình Long, Dòng Thánh Thể
08:04 04/05/2010
Mục Vụ Truyền Thông trong Thế Giới Kỹ Thuật Số

Đề tài của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 16-05-2010 đã được Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI chọn là: "Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: những phương tiện truyền thông mới phục vụ Lời Chúa". Vị chủ chăn của GHCG chọn đề tài này thật là thích hợp vì được lồng trong hành trình của Năm Linh Mục, hơn nữa đà phát triển của truyền thông và của thế giới kỹ thuật số đang tăng tốc đến chóng mặt, và ảnh hưởng rất mạnh của những phương tiện này làm cho việc sử dụng chúng trong việc thực thi thừa tác vụ phục vụ Lời Chúa của linh mục trở nên quan trọng và hữu ích hơn.

Thuật ngữ “truyền thông xã hội” đã được uỷ ban chuẩn bị cho sắc lệnh Inter Mirifica của Vaticanô II đề nghị, vì thuật ngữ này diễn tả được điều mà Hội Thánh quan tâm. Đó là việc “chia sẻ các thông điệp tinh thần với những con người như là những thành viên của xã hội”. Vì vậy uỷ ban đã đề nghị sử dụng thuật ngữ mới là “truyền thông xã hội”.

Truyền thông xã hội có nghĩa là việc truyền thông trong và của xã hội loài người. Như vậy truyền thông xã hội không chỉ liên quan tới các phương tiện đại chúng như sách báo, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh... mà còn bao gồm mọi cách thức và mọi phương tiện truyền thông khác như thi ca, kịch nghệ, khiêu vũ, và việc truyền thông giữa các nhóm và giữa các cá nhân với nhau nữa.

Hiến Luật của Tu hội Thừa Sai Lời Chúa (SVD) đã mô tả truyền thông như là “sự hiến mình trong tình yêu”:

“Truyền thông ở mức độ sâu xa nhất là sự hiến mình trong tình yêu, vì thế là một thái độ cơ bản cần thiết đối với các Thừa Sai Lời Chúa.”

Huấn thị Communio et Progressio gắn liền thái độ “hiến mình trong tình yêu” này với thái độ “hạ mình đến cùng” (kenosis) của Đức Giêsu, Đấng tự mặc khải như là “người truyền thông hoàn hảo”:

“Qua việc nhập thể, Đức Giêsu tự đồng hoá mình với những người đón nhận sự truyền thông của Người. Người ban thông điệp của mình không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng tất cả cuộc sống của Người. Người nói tự trong lòng mình, nghĩa là không chịu sự tác động của người khác. Người giảng thông điệp của Thiên Chúa mà không sợ hãi hay thoả hiệp. Người thích nghi với cách nói năng và suy nghĩ của dân chúng. Và Người nói lên tình trạng khó xử của thời đại họ.”

Như vậy chúng ta thấy rõ “truyền thông không chỉ là diễn tả các ý tưởng và bộc lộ cảm xúc. Ở bình diện sâu xa nhất của nó, truyền thông là hiến mình trong tình yêu. Thực vậy, việc truyền thông của Đức Kitô chính là Thần Khí và sự sống...” (Communio et Progressio, số 11).

Franz-Josef Eilers đưa ra những nét nổi bật trong cách thức và phương pháp truyền thông của Đức Giêsu:

- Đức Giêsu là nhà rao giảng lưu động. Người giảng trong các hội đường và nhà riêng, ngoài đường và nơi phố chợ, trên biển và trên núi... Bất cứ đi đâu, Người luôn nhắm phục vụ sứ mạng là trên hết thay vì “cỡi ngựa xem hoa” hay “du lịch giải trí”.

- Toàn thể việc truyền thông của Đức Giêsu đặt nền tảng căn bản trên việc kết hợp chia sẻ với Cha trong kinh nguyện, đặc biệt vào ban đêm.

- Lời giảng của Đức Giêsu với người dân thường mở đầu bằng các kinh nghiệm hằng ngày và các mối quan tâm của họ. Người liên kết mọi sự với thánh ý Cha. Đức Giêsu không bao giờ nói về bản thân mình nhưng nói về Đấng đã sai mình. Người dùng các câu chuyện rút ra từ cuộc sống hằng ngày của bà con giáo dân, như công việc của người đánh cá, người gieo giống, kinh nghiệm của bà goá đi tìm đồng bạc bị mất, kinh nghiệm của người làm bánh...

- Lời rao giảng của Đức Giêsu dựa trên Kinh Thánh Cựu Ước, nhưng cũng dùng các dụ ngôn, các câu chuyện đời thường, thậm chí cả các ‘tin tức’ thời sự đang “hot’ như vụ những người bị tháp Silôê đè chết…

- Điều cần ghi nhớ là việc truyền thông của Đức Giêsu không chỉ là truyền đi các thông tin và thông điệp nhưng đó là một sự cam kết sâu xa của chính Đức Giêsu với Cha và với thông điệp mà Người loan truyền. Đức Giêsu truyền thông không chỉ bằng lời nói nhưng bằng toàn thể con người của Ngài cho tới cái chết trên thập giá.

Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông 16-05-2010, Đức Giáo Hoàng Benedicto nhấn mạnh: “Bổn phận hàng đầu của các linh mục là phải loan báo Chúa Kitô và thông truyền ân sủng cứu độ của Thiên Chúa qua các bí tích. Được triệu tập bởi Lời Chúa, Giáo Hội thừa nhận mình như là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp thông mà Thiên Chúa thực hiện với con người, và mỗi linh mục được kêu gọi để xây dựng sự hiệp thông đó trong Ngài và với Ngài. Đó là phẩm giá và vẻ đẹp rất cao trọng của sứ vụ linh mục thể hiện cách đặc biệt lời khẳng định của Thánh Phaolô: "Quả thế, Kinh Thánh nói: Bất kỳ ai tin vào Người sẽ không phải hối tiếc… Thật vậy, tất cả những ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu thoát. Thế nhưng, làm sao họ kêu cầu vị Chúa mà trước tiên không tin vào Ngài? Làm sao tin Đấng họ không được nghe? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?" (Rm 10, 11,13-15).

Loan báo và thông truyền Lời Chúa là “phẩm giá và vẻ đẹp rất cao trọng của sứ vụ linh mục”, như vậy các linh mục phải được giả thiết là những “nhà truyền thông tuyệt vời”. Tuyệt vời không phải là vì các linh mục có được các phương tiện truyền thông tối ưu (nếu thế thì những linh mục ở vùng sâu vùng xa không làm được gì sao?) nhưng chính yếu là đời sống của họ đi đôi với việc rao giảng, và họ biết phát triển các đức tính và thái độ của việc truyền thông của Thiên Chúa với giáo dân và cho giáo dân.

Điều đó có nghĩa là linh mục được mời gọi sống theo gương Chúa Giêsu-Người Mục Tử Nhân Hậu. Phẩm chất truyền thông của một linh mục là chính Lời Đức Giêsu khẳng định: “Tôi là người mục tử tốt lành. Tôi biết các chiên tôi và các chiên tôi biết tôi, và tôi thí mạng sống mình vì đàn chiên...” (Ga 10,14).

§ “Tôi biết các chiên tôi.” Muốn truyền thông điều gì cho ai, phải biết rõ người ấy là ai. Những mục tử hôm nay có thực sự biết “các con chiên của mình” hay chỉ biết “một số con chiên béo tốt” mà thôi ? Có thâm nhập vào những khu ổ chuột, vùng kinh nước đen để hiểu được từng hoàn cảnh, từng mảnh đời của những “con chiên gầy yếu xác xơ” hay chỉ chăm chút thăm nom những “con chiên béo tốt đại gia” với yến tiệc linh đình ? Người mục tử phải biết chiên của mình thực sự chứ không chỉ phớt qua bên ngoài. Biết họ đang chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi những gì họ thấy và nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Các phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quá quan trọng. Đối với nhiều người, chúng trở thành những phương tiện chính để thông tin và giáo dục, hướng dẫn và soi sáng các hành vi của họ trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội nói chung. Cách riêng, thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị các phương tiện đại chúng chi phối...” (Redemptoris Missio số 37c).

Để biết các chiên của mình, mục tử cần phải có hiểu biết cơ bản về hoạt động và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trên lối suy nghĩ và hành động của những người tiếp nhận. Khi bước chân vào nhà thờ, các ‘show’ diễn hay các phim nhiều tập trên truyền hình mà giáo dân vừa xem có thể vẫn còn lởn vởn trong đầu óc họ. Linh mục phải có khả năng đặt “thông điệp” của mình vào trong não trạng này của dân và nhờ đó đưa sự hiện diện của Thiên Chúa vào trong bối cảnh này. Sứ Điệp Ngày Truyền Thông 2010 nhấn mạnh: “…bởi vì các công nghệ kỹ thuật hiện đại càng tạo nên những mối quan hệ mật thiết, và thế giới kỹ thuật số càng mở rộng các biên cương của nó, thì người linh mục sẽ càng được mời gọi lưu tâm đến chúng về mặt mục vụ, gia tăng sự dấn thân của mình, để dùng các phương tiện truyền thông phục vụ Lời Chúa…Hơn cả bàn tay của người điều khiển truyền thông, người linh mục, trong sự va chạm với thế giới kỹ thuật số, phải làm lộ ra tâm hồn thánh hiến của mình, để mang lại "linh hồn" không chỉ cho việc dấn thân mục vụ, nhưng còn cho dòng truyền thông liên tục của mạng lưới”. Vị Cha Chung của giáo Hội nhắn nhủ các linh mục “hãy nắm bắt cách khôn ngoan những cơ hội đặc biệt mà truyền thông hiện đại mang lại”. Và Ngài tha thiết xin Chúa biến anh em linh mục “thành những người loan báo say mê Tin Mừng ngay cả trong "công trường" do các phương tiện truyền thông hiện nay tạo nên.”

§ “Và chiên tôi biết tôi.” Mục tử phải làm sao để con chiên “biết” mình, trông thấy mình. Muốn vậy phải ở gần dân, gần gũi với dân, sống chan hoà với dân. Những phương tiện sinh sống của mục tử quá cao sang sẽ làm cho khoảng cách với con chiên xa dần. Những toà nhà kín cổng cao tường, những chiếc xe hơi bóng lộn sẽ làm chiên ngại ngần mặc cảm không dám đến gấn mục tử rồi đâm ra ngờ vực. Một lối sống đơn giản, trong sáng và đáng tin sẽ làm cho dân “biết” rõ mục tử của mình và xoá tan mọi nghi ngại.

Franz-Josef Eilers chia sẻ một kinh nghiệm. Vào ngày Đầu Năm 2002, một nhóm giáo dân đứng đợi dự thánh lễ lúc 8 giờ sáng tại giáo xứ Manila, nhưng đợi mãi mà không thấy linh mục xuất hiện. Cuối cùng, giáo dân được thông báo linh mục đã dời giờ lễ tới 9 giờ 45 mà không thông báo trước. Vị linh mục này là một linh mục trẻ và mới. Hành xử kiểu này, linh mục ấy không những làm đổ vỡ truyền thông mà còn làm xói mòn lòng tin. Làm sao giáo dân có thể tin cậy một mục tử không tôn trọng họ, người mà họ thực sự không biết người ấy muốn gì và cứ thay đổi quyết định luôn xoành xoạch?

Năm 1994, Thánh Bộ “Các Tu Hội Sống Đời Thánh Hiến và các Tu Hội Sống Đời Tông Đồ” đã ra văn kiện Congregavit nos in unum Christi amor (Tình yêu Đức Kitô đã qui tụ chúng ta nên một) nói về truyền thông và sự cởi mở với nhau trong đời sống cộng đoàn. Trong thực tế việc truyền thông kém cũng xảy ra thường xuyên giữa chính các linh mục với nhau cũng như trong các cộng đoàn. Truyền thông kém nên dễ bị “tam sao thất bản”. Trong những buổi hội họp, có những thông tin “một chiều” phiến diện đi kèm với thành kiến, bóp méo sự thật, gây ra mất đoàn kết, phá vỡ tình hiệp nhất. Lúc đó không phải là “tình yêu Đức Kitô quy tụ chúng ta nên một” mà chính sự ganh tỵ ghen ghét bè phái làm chúng ta chia năm xẻ bảy! Truyền thông thiếu trung thực tai hại đến thế!

Truyền thông được nhìn nhận là “một trong các yếu tố nhân văn đang ngày càng có tầm quan trọng lớn đối với đời sống của một cộng đoàn tu trì. Nhu cầu bức thiết phải cải thiện đời sống huynh đệ trong cộng đoàn được kèm theo một nhu cầu truyền thông, vừa tràn đầy vừa sâu đậm hơn” (Số 29).

Sự truyền thông này “tạo nên sự nhậy cảm sâu sắc hơn” và “làm cho các tu sĩ gắn bó với nhau hơn xung quanh sứ mạng chung của họ” (Số 30). “Thiếu truyền thông hay truyền thông yếu thường làm suy yếu tình huynh đệ.” “Sự hiệp thông bắt nguồn từ chính việc chia sẻ các ân huệ của Thánh Thần...” và có “nhiều cách giúp cho các ân thiêng được chia sẻ và truyền thông...” (Số 32).

Điều mà Thánh Bộ nói về cộng đoàn linh mục tu sĩ cũng đúng đối với mọi giáo xứ. Trong cộng đoàn giáo xứ tương quan giữa mục tử và con chiên cũng phải nằm trong giòng chảy truyền thông này. Linh mục phải là người mà giáo dân biết và cảm thấy gần gũi, có thể đến bất cứ lúc nào và là người cởi mở trước các nhu cầu và mong đợi của họ.

Đó là những thách thức đối với người linh mục khi noi gương Người Mục Nhân Hậu “biết chiên của mình” và “để chiên biết mình”. Nếu không làm như thế, họ sẽ giống như những mục tử xấu của Israel được mô tả trong sách ngôn sứ Êdêkien, chương 34. Họ chỉ “chăm sóc bản thân họ, chứ không chăm sóc đàn chiên. Họ không tăng sức cho người mỏi mệt, không chữa lành người yếu đau, không băng bó cho người bị thương. Họ không đưa con chiên lạc về, không đi tìm con chiên bị mất. Họ cai quản chúng cộc cằn và thô bạo. Đàn chiên tản mát trên khắp mặt đất mà chẳng có ai đi kiếm chúng về…”

§ “Tôi thí mạng sống vì chiên tôi” Truyền thông bằng lời nói và việc làm mà thôi cũng chưa đủ. Truyền thông cần phải có sự hiến mình hoàn toàn chứ không chỉ là việc học biết và áp dụng các kỹ thuật. Truyền thông đích thực phải bắt nguồn từ một sự dấn mình hoàn toàn cho tới mức hiến mạng sống mình vì người khác.

Theo cách nói của truyền thông, điều đó có nghĩa là linh mục phải là người dễ đến gần, phải luôn luôn ở tư thế sẵn sàng phục vụ. Không giống các mục tử của Israel, linh mục là người ‘trực ca’ và tất cả mối quan tâm và cuộc sống của họ được hướng tới việc phục vụ truyền thông và chia sẻ với dân. Việc truyền thông Kitô giáo nói chung, nhưng đặc biệt người linh mục truyền thông cần phải có một ‘con tim biết lắng nghe’ (xem 1V 3:9) trong tâm tình cởi mở đối với Thiên Chúa và người khác.

Như vậy, chính chứng tá đời sống của những mục tử dám “thí mạng sống vì chiên” là cách thức truyền thông hữu hiệu nhất cho dân chúng. Một nhà xứ, nhà dòng nguy nga nổi lên giữa khu dân cư nghèo đói bần cùng sẽ là một phản chứng cho đức tin chúng ta.

Đức Phaolô VI trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi đã nhấn mạnh về nhu cầu làm chứng tá. Chứng tá được đặt lên hàng đầu trong các phương tiện rao giảng Tin Mừng.

“Lời nói bay đi, gương lành lôi cuốn”. Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, thì đó là vì những người này là những chứng nhân. Nhờ sống nghèo khó và từ bỏ, tự do trước các quyền lực của thế gian này mà Hội Thánh sẽ có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới (Số 41).

Xin được kết thúc bài chia sẻ này với lời nhắn nhủ của Đức Benedicto: “Những phương tiện truyền thông hiện đại mang lại cho các linh mục những viễn ảnh luôn luôn mới mẻ và bao la về mặt mục vụ, và thúc đẩy các ngài làm nổi bật chiều kích phổ quát của Giáo Hội, vì một sự hiệp thông rộng lớn và cụ thể, trở nên những chứng tá trong thế giới hôm nay, cho đời sống luôn luôn mới mẻ nảy sinh từ việc lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu…Tuy nhiên, không được quên rằng sự phong nhiêu của thừa tác vụ linh mục, trước hết, phát xuất từ Chúa Kitô được gặp gỡ và lắng nghe qua đời sống cầu nguyện, được loan báo qua việc rao giảng và chứng tá bằng cuộc sống, được biết và yêu mến trong các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải…”

Tháng Hoa 2010

(Viết theo Franz-Josef Eilers, svd)
 
Trong thương yêu mọi sự đều có thể
T. Hương
08:08 04/05/2010
TRONG THƯƠNG YÊU MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ

Đau Khổ Nảy Chồi Thương Yêu

Chị đẹp, cái đẹp khỏe khoắn của phụ nữ xứ Hà Đông. Người ta thường nói “dữ như sư tử Hà Đông”! Ấy vậy mà chị hiền. Có lẽ hiền nên chị mới khổ chăng?

Hai mươi năm trước, chị là một y sỹ, có một mái gia đình với một đứa con ngoan. Một chuyến xa nhà vô tình khiến chị mất chồng bởi chính tay cô bạn mà chị thương yêu như em gái.

Không oán hận, không thét gào như sư tử Hà đông, không muốn gây khó cho chồng, chị lặng lẽ dắt con đi. Với hai bàn tay trắng, chị trôi giạt vào miền Nam, nơi hoàn toàn lạ xa với chị.

Nơi xứ lạ quê người, chị phải bươn chải, làm đủ nghề để sống và nuôi con, từ làm thuê, tới làm hợp đồng cho một công ty. Công ty giải thể, không còn đất sống nơi thành phố, người đàn bà bất hạnh trôi giạt mãi về vùng Bảo Lộc - Lâm Đồng hoang vắng.

Dựng chòi bên sườn dốc, đi cuốc đất nhặt cỏ nuôi con. Cái vốn y sĩ đủ để chị giúp đỡ bọn trẻ thò lò mũi xanh quanh xóm giềng nghèo khó, và giúp chị nhận được lòng yêu thương chân tình từ những người dân quê chân chất, trong đó có một số bà con đạo Công Giáo ở xã Đại Lào, Bảo Lộc heo hút.

Vậy mà hơn hai mươi năm cũng đã trôi qua. Đứa con nhỏ năm nào đã học xong đại học. Chị vẫn vò võ một mình. Có nhiều điều bất ngờ về người đàn bà đơn thân ấy.

- Yêu Thương Trở Thành Sức Mạnh

Tiễn con vào đại học, chị xin được một chân bảo mẫu cho một cơ sở từ thiện ở Lâm Đồng. Mái ấm này nuôi dưỡng những đứa trẻ con khốn khổ của cõi đời: bại não, mồ côi, bệnh đao, khuyết tật. Đã từng làm mẹ, nhìn những trẻ thơ vô tội mồ côi khuyết tật, lòng người mẹ thấy xót xa. Mỗi khi thấy chúng đau, chúng khóc, người đàn bà ấy thường ngước mắt hướng lên đỉnh núi mờ sương, cầu xin ông trời hãy xót thương lũ trẻ. Chị không biết về Thiên Chúa, cho tới khi ở cái xóm nhỏ hút heo ấy có vài ba gia đình Công Giáo tới định cư. Chị bỗng lơ mơ hiểu rằng ông trời ấy, hình như là Thiên Chúa của người Công Giáo.

Trở lại cơ sở từ thiện nọ, chị thấy có nhiều điều…không được bình thường. Đó chưa hẳn là mái ấm nuôi dưỡng chăm sóc những em cô nhi khuyết tật mà động cơ duy nhất chỉ vì tình yêu thương nhân loại. Dường như có một “bóng ma” nào đó núp dưới danh nghĩa từ thiện ? Họ lụm nhặt, tìm kiếm những đứa trẻ thống khổ về, không hẳn vì thương xót. Có những đứa trẻ bị mang đi bán lấy mấy chục triệu đồng, và trẻ bị mang đi biệt tích biệt tăm, như chưa từng hiện hữu.

Có những em ngắc ngoải vì đói khát và bệnh tật, thương chúng, chị lặn lội vào trại cùi xin thuốc các bà sơ. Chị bòn nhặt từng ngọn rau dền lo cho đám nhỏ.

Ban đầu, chị thầm nghĩ mình xa xứ lạc loài, thấp cổ bé họng chỉ biết yêu thương âm thầm phục vụ thôi, chứ chẳng mong làm được cuộc “cách mạng” nào giúp cải thiện đời sống cho những trẻ em thống khổ trong mái ấm đó.

Nhưng cái ác lấn tới quá. Nhìn những trẻ thiếu áo thiếu cơm, lạnh lẽo nằm ngay sát cửa nhà vệ sinh không có chăn đắp cho êm ấm, người đàn bà bỗng “nổi giận”! Sự nổi giận của trái tim người mẹ. Có lẽ nhờ ánh sáng Thánh Linh soi đường dẫn lối cho chị, nhờ sức mạnh của Đấng Phục Sinh thúc đẩy chị, nên một ngày kia, chị bỗng dũng mãnh ngẩng đầu lên, đòi quyền sống tối thiểu cho hơn ba mươi đứa trẻ.

Ông trời nhân hậu và bao dung. Trời cao có mắt! Từ đầu mối người đàn bà nghèo hèn ấy, người ta phanh phui ra những tội ác tày trời: bán trẻ con, ăn hớt tiền mà những tấm lòng vàng dành cho trẻ nhỏ, buôn bán quân trang trái phép. Ôi toàn những chuyện động trời, quá sức hình dung của người đàn bà xóm núi. Những kẻ làm ác phải nhận những hình phạt tương xứng với những gì họ đã gây ra. Chị cảm thấy thanh thản. Nhưng cũng tứ đó chị trở thành tâm điểm cho sự báo thù của những kẻ là điều xấu. Những đòn đe dọa được tung ra, nhưng cái xóm núi lơ thơ với vài ba nóc nhà bà con giáo dân lại thành tường lũy chở che cho chị.

Ngày những tình nguyện viên của nhóm cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa nhà thờ Chí Hòa tới thăm chị, chúng tôi gặp một hình ảnh đẹp vô cùng. Nhà chị thành nơi cưu mang những em xa quê miền Quảng Ngãi tới làm thuê làm mướn. Biết công việc chúng tôi làm là đi tìm tư liệu viết về vấn đề bảo vệ sự sống ở Lâm Đồng, chị dắt chúng tôi đi quanh xóm gặp những bà con Công Giáo. Người cho mượn xe, kẻ cho mượn áo, người lại tận tụy chỉ đường. Loạt bài về vấn đề thai nhi và Nghĩa Trang Tín Thác, một điểm son của tấm lòng xót thương con người mà nhóm cầu nguyện nhà thờ Chí Hòa, đứng đầu là cha lãng tử, góp công góp của những ngày đầu thành lập, được công khai 4 kỳ trên báo Người Lao Động, có phần góp sức âm thầm của chị... Hỏi chị về những hiểm nguy, chị cười: “Ở hiền gặp lành thôi. Tôi tin ông trời không phụ người…” Nụ cười của chị thật khả ái. Cách sống của chị đúng danh là Kitô hữu!

-Phúc Cho Người Biết Xót Thương

Cuộc đời luôn có những bất ngờ. Xóm núi nhỏ hôm xưa bỗng đâu mọc lên một cái xí nghiệp. Căn nhà nhỏ của chị buộc phải di dời. Chị vẫn thi thoảng chịu những đe dọa từ bọn người dấu mặt.

Lo lắng bối rối, chị chưa biết tính sao. Chúa không bỏ rơi chị trong nỗi cô đơn sợ hãi. Quyền năng và lòng thương xót Chúa thật lạ lùng. Chúa để chị gặp gỡ gia đình cậu thanh niên Xương Thuỷ Tinh, một thành viên của nhóm cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa nhà thờ Chí Hòa, một chứng nhân sống động của Lòng Thương Xót Chúa.

Gia đình Xương Thủy Tinh hớn hở đón chị. Có sao đâu? Chúa yêu thương mọi phận con người, không có sự ngăn cách.

Họ đưa chị đi dự thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, gặp cha Lãng tử và nhóm áo xanh, cha động viên và truyền lửa tin yêu cho bầy con cái. Họ thu xếp để chị thành cư dân xóm bãi rác với gia đình Xương Thuỷ Tinh. Họ nhờ bạn bè kiếm việc làm giúp chị.

Đang lúc sự việc tiến triển như thế, mẹ chị ngoài Bắc qua đời. Gia đình Xương Thủy Tinh lại lo toan để chị về quê làm tròn chữ hiếu.

Trong yêu thương, mọi sự đều có thể. Thời gian tới trở lại Sài Gòn, chị sẽ nhận được yêu thương chở che trong vòng tay của những anh chị em cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa. Cuộc đời và cách sống của chị minh chứng cho Lời Chúa dạy “Phúc cho ai biết thương xót, thì sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Chị đã biết xót thương những em cô nhi khuyết tật. Lòng xót thương thúc đẩy chị đi đến cùng để tìm sự công bằng cho những mảnh đời thống khổ này, cho dù chị bị trù dập đe dọa tư bề. Chúa đã xót thương và cứu giúp chị. Mặc dù trên danh nghĩa chị chưa là người có đạo, nhưng cách sống của chị đúng thật là Sống Đạo. “Chất Đạo” đó còn đậm đặc hơn cả những người vốn luôn tự hào và xưng mình là người có đạo, là chiến sĩ của lòng xót thương, nhưng thực tế cách sống, cách ứng xử với tha nhân, với bà con giáo dân còn xa với Đạo, chẳng thấy bóng dáng lòng thương xót Chúa đâu cả! Chỉ trong yêu thương thì mọi sự mới có thể, còn trong tranh giành, ganh tỵ, bè phái, tranh chấp, tranh hơn tranh thua, loại trừ nhau, mưu lợi, mua danh thì làm gì có lòng xót thương. Mà không có lòng xót thương thì lấy gì để loan truyền lòng thương xót ?

Bãi Rác Đông Thạnh, Mùa Phục Sinh 2010
 
Maria: Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của chúng ta
Jos. Tú Nạc, NMS
08:11 04/05/2010
MARIA: MẸ THIÊN CHÚA VÀ MẸ CỦA CHÚNG TA

Có không biết bao nhiêu những rối rắm, thất vọng và chán nản không ngờ mà chúng ta phải gánh chịu trong “cuộc sống thực tế” này. Chúng ta cần một ai đó để được giúp đỡ, nhìn vào cuộc sống của chúng ta, chỉ cho chúng ta biết chúng ta là ai, phù trợ chúng ta tự thân thích hợp để sống một cách trọn vẹn. Trong việc Cập nhật hóa Công giáo, chúng ta quay về với sự trung kiên trước “đời sống thực tế” của Mẹ Thiên Chúa để, trong việc tìm hiểu Mẹ đã sống đức tin như thế nào, chúng ta có thể tìm thấy sự can đảm và chấp nhận để thực hiện tương tự, hiệp nhất với Mẹ.

Maria, Mẹ của Thiên Chúa, cũng là Mẹ của chúng ta. Vì khi Mẹ Maria cho chúng ta Chúa Giê-su qua hồng ân của Thiên Chúa, nên thứ tự Chúa Giê- su cho Mẹ Maria đến Giáo hội khi Người nói với tông đồ được ưu ái, “Hãy nhìn, Mẹ của ngươi.” (Jn 19: 27).

THIÊN CHỨC LÀM MẸ CỦA MARIA VÀ TÌNH YÊU CỦA ĐỨC CHÚA CHA

Trong lịch sử duy nhất Adam là người không có mẹ. Thiên Chúa đã nhìn thấy tình trạng hỗn độn đó là gì mà nó đã đem đến cho Người một bài học và quả quyết nó không bao giờ xẩy ra một lần nữa. Vì hậu quả tội lỗi của Adam, Thiên Chúa đã cứu vớt nhân loại, và sự cứu rỗi sẽ có một người mẹ.

Thánh Phao-lô diễn tả sức hấp dẫn tột cùng của mình với sự kiện mà Con Một thiên Chúa đã có một người mẹ: “Nhưng khi thời điểm đã đến tràn trề, Thiên Chúa đã gửi Con Một của người từ giờ trở đi, ra đời bởi một phụ nữ … để chúng ta có thể lãnh nhận sự nuôi nấng như con cái” (Gal 4: 4-5). Nó không phải là cách này; Chúa Giê-su có thể vừa xuất hiện trên trần thế như hoàng đế-tư tế Melchizedek thời Cựu Ước, người mà đã không có cha, không có mẹ hay dòng dõi. Và cũng chẳng có thời gian khời đầu và kết thúc cuộc đời” (Heb 7: 3). Nhưng Thiên Chúa Đức Chúa Cha đã cho Con Một của Người có chủ tâm và mục đích tới một phụ nữ trong việc tạo hình hài. Tại sao?

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, trong tông huấn của Ngài về Mẹ Maria (Theotokos: Mary, Mother of God), nói rằng Mẹ Maria “đã được ban cho một chân dung đặc biệt hoàn toàn giữa thiên chức làm mẹ và cương vị người cha thánh thiện của mình.” Món quà của Đức Chúa Cha về thiên chức làm mẹ của Maria có thể, trong một chừng mực nào đó, được liên kết với Phép Thánh Thể. Bổn phận làm mẹ của Maria trở nên một ý nghĩa duy nhất bằng cách mà chúng ta có thể lãnh nhận Bản Thể của Chúa Giê-su Ki-tô một cách hoàn hảo hơn.

Thiên Chúa đã cho người mẹ Con Một của Người vì chúng ta. Bất cứ điều gì mà Thiên Chúa tạo thành có vẻ như trừu tượng, xa xôi, cách biệt, khó đoán, không thể nắm bắt hoặc hăm dọa đều được vượt qua trong mẹ. Mặc dù thần học về tư cách làm mẹ của Maria phong phú và phức tạp, ý nghĩa của nó trở nên trong sáng khi chúng ta suy tư những trải nghiệm của chính bản thân. Chẳng hạn, khi gặp những điều sai trái, lỗi lầm, chúng ta biết quay về đâu nếu không có mẹ?

Những người lính chết trên sa trường, được kể rằng, họ tự động kêu khóc đến mẹ của mình. Hầu hết như vậy, họ không mong chờ những người mẹ của mình “hiện ra”. Nhưng một điều gì đó hằn sâu trong sự từng trải về sự hiện hữu của mẹ đến để phù trợ họ trong giờ phút lâm chung. Vì lý do chính đáng, chúng ta kết luận lời nguyện, “Cầu cho chúng con. . . trong giờ lâm tử.”

Thiên Chúa Đức Chúa Cha quy định rằng mọi ủi an đối với nhân loại thuộc vế cái chết của Con Một Người. Có thể khóc than với mẹ mình đã làm cho sự đau đớn nhục hình về cái chết của Đức Ki-tô dễ dàng hơn khi sinh ra. Sự hiện diện của Mẹ maria dưới chân thập giá đã mang đến cho chúa Giê-su sự can đảm mạnh mẽ hơn để ghì chặt thân mình đóng đinh trên thập giá. Và Chúa của chúng ta đã cảm thông bao la bằng sự kiện mà người đã dành mẹ của Người là mẹ của chúng ta. “Khi Chúa Giê-su nhìn mẹ và người môn đệ của mình, những người mà được người yêu thương, người đã nói với mẹ, “Này Bà, hãy nhìn, con trai của Bà.” Rồi người quay sang người môn đệ, “hãy nhìn, mẹ của ngươi.” Và từ giờ phút đó, người môn đệ ấy đưa bà trở về nhà của mình (Jn 19: 26-27).

Nếu Chúa Giê-su không cho chúng ta mẹ của Người, chúng ta sẽ không khao khát một mối quan hệ như vậy phải không? Trong lời thuật về cuộc đời của mình, Thánh Teresa Avila đã viết, “Tôi nhớ mãi khi mẹ tôi qua đời tôi mới 12 tuổi hay ít hơn. Khi tôi bắt đầu đầu để hiểu những gì mà tôi đã mất, đã đi qua, đã khổ đau, trước hình ảnh của Mẹ Maria và tha thiết nài xin Bà với những giọt nước mắt dành cho mẹ tôi. Đối với tôi nó là thế mặc dù tôi đã thực hiện điều này một cách mộc mạc, chân thành và nó đã giúp tôi. Vì tôi đã tìm thấy thiện ý với Mẹ Maria tối thượng trong mọi điều mà tôi cầu xin Mẹ. Và cuối cùng Bà đã kéo tôi đến với Bà.” (Collected works).

Thậm chí chúng ta có những người mẹ tuyệt vời chảy vào chúng ta trong cuộc sống trưởng thành của mình, chúng ta vẫn tìm kiếm hình ảnh trung thực về mẹ sau cùng mà chúng ta có thể tự mình khám phá ở tận cùng sâu thẳm của chúng ta. Maria, Mẹ Thiên Chúa, là dung nhan thỉnh cầu phù hộ.

(Tháng Hoa nhớ Mẹ)
 
Hãy Tin Vào Thầy!
Tuyết Mai
08:39 04/05/2010
Hãy Tin Vào Thầy!

Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho". (Ga 14, 6-14).

Quả thật trên đời cái hạnh phúc thật sự nhất cho một con người là có niềm Tin vào Thầy Giêsu của mình. Niềm tin này quả thực không dễ cho một người bình thường để có niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Nhất là chúng ta xem của cải trần gian thật to lớn và thật cần thiết cho cuộc sống ngày lại ngày này! Mà quên đi Thiên Chúa mới là Đấng ban cho chúng ta sự sống cần thiết nhất và thiết thực nhất! Sáng sớm khi chúng ta được còn thức dậy, chúng ta liền phải cảm tạ ơn Ngài vì chúng ta vẫn bình an trong một giấc ngủ bình an. Ôi cảm tạ Ngài biết bao khi chúng ta còn đang thở đây trong một thân thể còn rất bình thường, tuy dù nội tạng chúng ta không được biết rõ chúng có bình thường hay không!? Chúng ta còn được sống đây là vì Chúa ban cho chúng ta dưỡng khí thở thật nhưng không. Chúng ta thử tưởng tượng xem nhé! Nếu mỗi một buổi sáng mà chúng ta phải cần đứng xếp hàng mà mua bình dưỡng khí để sống đủ trong một ngày thì tôi nghĩ dù chúng ta là ông bà gì đi chăng nữa cũng cần phải mua bình dưỡng khí để mà được sống còn!?? Hay Luật Chúa bắt chúng ta là phải một ngày dự 10 lần Thánh Lễ thì mới được phát bình dưỡng khí, thì chắc hẳn ai ai cũng phải đi dự Thánh Lễ để được sống!!!! Chỉ có chuyện cần dưỡng khí để thở và để sống, chúng ta đã thấy rằng hơi thở của chúng ta quan trọng đến dường bao!? Thế mà có mấy ai biết cảm tạ Thiên Chúa cho chúng ta một bầu dưỡng khí để thở ra hít vô trong suốt một cuộc đời dài đăng đẵng của chúng ta!?.

Có phải sống trên đời ai ai cũng phải mua bán? Ấy thế mà hình như tất cả chúng ta đều quên đi hơi thở mới đem cho chúng ta sự sống, nếu thiếu hơi thở chỉ cần mấy phút là chúng ta tắt thở ngay!? Chúng ta chỉ nghĩ đến chúng khi trái gió trở trời? Ban đêm nằm ngủ không được vì thở không được. Khi chúng ta bị cảm, mệt nhất là vì chúng ta bị nghẹt mũi không thở được, liền phải mua thuốc để uống, rồi đi mua miếng gián mũi để nông đường thở cho chúng ta thở được dễ dàng hơn. Nội cái cảm trong suốt 4 mùa, cũng cho chúng ta tốn bộn tiền, thưa có phải không? Nào là thuốc dị ứng, thuốc nhức đầu, miếng gián mũi, thuốc xịt mũi, thuốc nhỏ mắt cho khỏi đỏ, chưa kể chúng ta cảm nặng cần phải có trụ sinh để diệt những con vi trùng đang hành hạ thân xác của chúng ta.

Ấy vậy! Chỉ để nhắc nhở anh chị em là Tình Yêu Thiên Chúa bao la vô cùng. Thiên Chúa thương yêu chúng ta vì Ngài đã tác tạo mọi loài từ những loài cá biển cho đến thú vật và mọi loài trên mặt đất là để nuôi thân xác của chúng ta. Nhìn trời đất bao la muôn vạn vật, là chúng ta phải tin có một Đấng vô cùng quyền năng và hằng hữu là Ba Ngôi Thiên Chúa của chúng ta đó! Vua chúa trần gian mà còn cần những thứ Thiên Chúa ban, thì hà huống chi một Đấng thật cao cả từ trên Trời mà chúng ta lại không Tin sao!? Khi chúng ta nói chuyện với những con người mà cho chúng ta đầy lý lẽ trong một khối óc thật nhỏ bé để chống lại niềm tin của Đấng Tạo Hóa khi mà Ngài, chính Ngài đã tạo dựng nên con người của chúng ta, thì thật là một con người không biết nhận định và cố tình từ chối Đấng đã muôn đời hiện hữu và đầy quyền năng là Thiên Chúa của chúng ta.

Cho nên là một Kitô hữu, tôi thiết nghĩ chẳng ai cần phải thắc mắc nữa về quyền năng của Ngài, và không ai mà không tin vào Ngài thật tuyệt đối, chỉ có trong trường hợp rất hy hữu là vì người đó muốn chọn Chủ của họ là vật chất, là tiền bạc, và mọi sự do con người làm ra, và họ biết họ đang sống trong tội, nên mọi thứ mọi điều họ đang làm là đi sai với con đường chân chính mà Chúa đã dậy, nên họ đang sống xa Chúa, và tìm mọi lý lẽ của khối óc rất hạn hẹp, để sống một cuộc sống mà họ nghĩ rằng họ không cần có Chúa, vì của cải của họ đời con còn ăn không hết, thì họ thiết gì đến giữ Luật của Chúa!? Thành phần này chỉ khi nào mà họ sa cơ thất thế, gặp một trận cuồng phong, cháy nhà, di tản như năm 54 và năm 75!? Khi mà họ phải chạy bỏ của để lấy người, sống trên một đất nước thật xa lạ, không biết ngôn ngữ của người ta, phải làm một công việc thật hèn hạ để đổi lấy miếng ăn hằng ngày, thì chỉ có những lúc này họ mới cảm thấy họ cần đến Chúa thật sự!?? Và chỉ có lúc này họ mới van xin Chúa thật sự!?? Họ xin Chúa cho đủ mọi điều. Nào là xin cho chỗ ở, công ăn việc làm ổn định lương bổng đủ dùng!? Sức khoẻ!? Con cái ngoan ngoãn!? Có tiền mua xe!? Và mọi điều như xin cho được trúng số vậy!??

Vâng, con người chúng ta đôi khi nghĩ mà cảm thấy thật buồn cười!? Chúng ta thường hay ăn xin với Chúa bằng những lời cầu xin thật hời hợt và thật vô ơn bội nghĩa; có nghĩa là khi điều mà chúng ta xin không thấy có thì chúng ta liền bỉu môi mà than trách rằng Chúa của mình chẳng có linh, nên quay qua đi tìm cái linh thiêng khác là đi tìm mấy ông bà thầy bói xem họ nói chừng nào thì mình làm ăn nên? Hay khi nào thì mình sẽ khá ra đây? v.v.v.... Phải như chúng ta biết nhìn những gì thật gần trước mắt chúng ta hay ngay bên cạnh những người sống chung quanh chúng ta mà xem. Ông A bên cạnh nhà đang nằm liệt giường không ăn được mà chỉ có ăn bằng thức ăn lỏng chuyền qua ống nhựa mà thôi! Ông B gần đây cũng vừa mới bị đứt mạch máu não giờ nằm đó chẳng còn biết gì! Cô C ngay cạnh nhà thờ không hiều sao mà tự nhiên bị khùng khùng điên điên tự nhiên cởi bỏ hết mà chạy nhông ra ngoài đường làm con cái sợ hãi quá!? Và còn những chuyện rất thương tâm của con người mà chúng ta chứng kiến tận mắt, mới ngẫm nghĩ ra cuộc đời thật phức tạp, thật may mắn cho những gì chúng ta đang có, đang sở hữu, và đang là.

Niềm tin vào Thiên Chúa thật dễ dàng và thật là dễ hiểu như chúng ta đây ai mà chẳng có bố có mẹ!? Nếu chúng ta hoàn toàn tín thác vào cha mẹ của mình và luôn ở cạnh bên các ngài, thì chúng ta chẳng bận tâm cho những điều mà không cần thiết của rất nhiều người đang kiếm tìm, và những điều thật tình chúng ta không cần dính bén, bởi chúng chỉ cho chúng ta sự phiền phức vì phải luôn gìn giữ chúng!? Hỏi của trần gian mà chúng ta lại mệt mỏi khi phải đi tìm cho được, rồi thì mất công giữ gìn??? Quả con người phức tạp không thể nào hiểu được!?? Tôi chỉ cảm thấy tội nghiệp cho những con người chỉ biết sống cho vật chất là điều tối cần cho họ, mà họ không nghĩ rằng linh hồn của họ mới thật quý giá biết bao, mới thật cần giữ gìn biết bao, mới thật là hạnh phúc thật khi có Tình Yêu Thiên Chúa luôn ở cùng.

Thưa thật phải, khi chúng ta biết tin yêu vào Thiên Chúa của chúng ta, bởi cha mẹ trần gian còn cho chúng ta bao điều dậy dỗ, nuôi nấng, lo lắng, và cho con mình mọi thứ tốt lành, thì huống chi Cha chúng ta trên Trời còn ban cho chúng ta vạn lần như thế nữa! Bởi của ban trên Trời thì là vĩnh cửu và là mãi mãi, còn của thế gian nếu theo chúng thì linh hồn ấy cũng sẽ phải theo chúng vào hỏa ngục muôn đời, nơi ấy sẽ muôn đời khóc lóc, kinh sợ, và đời đời kiếp kiếp không có ngày ra.

Tình yêu Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi khen danh Ngài. .... Amen.

Tuyết Mai
 
Suy niệm tĩnh tâm Linh Mục tháng 5 năm 2010: Trong Thử Thách, Chúng Ta cầu Nguyện
LM. JB. Nguyễn Minh Hùng
11:48 04/05/2010
SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC THÁNG 5.2010

TRONG THỬ THÁCH, CHÚNG TA CẦU NGUYỆN


Chúng ta vừa kỷ niệm năm năm ngày Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được chọn kế vị thánh Phêrô ngày 19.4.2010. Dịp kỷ niệm biến cố trọng đại này lại rơi vào đúng lúc cao trào chống phá Đức Thánh Cha của mạng lưới truyền thông thế giới a tòng thực hiện. Nhưng không phải một mình Đức Thánh Cha, qua Đức Thánh Cha, điều mà những kẻ xấu, những kẻ đầu cơ sự dữ muốn nhắm đến là Hội Thánh Chúa Kitô. Họ muốn trình bày một cách méo mó khuôn mặt thánh thiện của Hội Thánh. Họ muốn đánh sập uy tín, ảnh hưởng và tiếng nói không chỉ của Đức Thánh Cha mà chính là uy tín, ảnh hưởng và tiếng nói của Hội Thánh. Họ muốn lôi kéo sự chú ý của mọi người vào một vài cá nhân lầm lỗi trong Hội Thánh, thậm chí lỗi phạm ấy đã xảy ra từ nhiều chục năm trước, có khi những cá nhân ấy đã qua đời từ lâu để vu vạ, để mạ lỵ Hội Thánh. Họ muốn làm cho mọi người phải nghĩ rằng, Hội Thánh Chúa Kitô là một tập đoàn trong đó bao gồm những con người tội lỗi, xấu xa, bao che cho nhau, dựa dẫm uy tín của nhau. Họ đã cố tình làm điều mà ai biết suy nghĩ khó có thể chấp nhận, đó là: đem cái riêng để tạo một khuôn mặt chung; đem cái cụ thể để phác họa thành cái phổ quát; đem khuyết điểm cá nhân để vẽ khuôn mặt cả Hội Thánh…

Chúng ta tự hỏi, mưu đồ của mạng lưới truyền thông sự dữ khi nỗ lực vu khống Đức Thánh Cha, và Hội Thánh của Chúa Kitô nhắm mục đích gì? Chắc không vô cớ mà họ đã làm những điều ấy. Bởi Hội Thánh Công giáo, mà Đức Thánh Cha là người đại diện, từ xưa đến nay luôn can đảm đối đầu với thói sống vô luân lý, vô lương tâm của con người; luôn mạnh mẽ lên án bất công, bạo lực; luôn bênh vực quyền con người; luôn thẳng thắn tố cáo sự suy đồi đạo đức của thế giới… Vì thế, những công cụ của thứ truyền thông bất chính và tội lỗi đã không thể chịu nổi, đã từ lâu muốn trả thù Đức Thánh Cha và Hội Thánh. Nay cơ hội đã đến. Họ toa rập trả cho Hội Thánh những gì mà Hội Thánh công khai rao giảng. Đứng trước những thử thách mới này, chúng ta, các linh mục của Chúa cần phải suy nghĩ và cầu nguyện. Xin gợi một vài suy nghĩ giúp chúng ta cầu nguyện:

I. CON ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI?

Thế giới có muôn nẻo đường để phụ vụ giao thông như: thủy, bộ, hàng không. Đời người có nhiều chọn lựa phục vụ chính sự sống của mình, của đồng loại. Những quyết định cho chọn lựa ấy cũng được gọi là đường: đường đời. Còn chúng ta, những Kitô hữu linh mục, con đường chúng ta chọn để bước theo là đường nào? Giữa bối cảnh của một xã hội tục hóa, một xã hội giải thiêng, một xã hội mà trong đó nhiều người thích thù hận, thậm chí chửi bới niềm tin tôn giáo, thì xác định con đường chúng ta đi chính là xác định lập trường chúng ta sống. Chọn lựa cho đời thánh hiến, ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào ơn gọi, chắc chắn mỗi linh mục đã chọn Chúa Giêsu làm lý tưởng của mình. Vì thế, con đường mỗi linh mục phải đi, lập trường mỗi linh mục phải sống chính là con đường và lập trường mang tên Tình yêu Giêsu.

Con đường Tình yêu Giêsu là chính con đường mà Chúa Giêsu đã đi: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20) và: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9, 22). Nhưng con đường Chúa đi không phải chỉ bấy nhiêu. Nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, đó không đơn giản là con đường, mà là cả một lập trường Người đã chọn để thi hành ý Chúa Cha và cứu độ trần thế. Từ khi nhập thể để làm người trong lòng Đức Trinh Nữ, sinh ra nơi hang Bêlem nghèo, cuộc xuất hành sang Aicập, 30 năm lam lũ chìm khuất giữa vùng quê Nazareth, 3 năm lang thang rày đây mai đó trên khắp đất nước Palestine, rất nhiều lần bị chống đối, bị khước từ, bị coi là quỷ nhập, là điên dại… Sau cùng bị lên án tử, bị đánh đập, bị sỉ vả, bị đóng đinh thập giá trên Núi Sọ trong cô đơn và ô nhục. Tất cả để minh chứng cho ta một con đường tình yêu rộng mở, con đường tình yêu mang chính tên của Người: Tình yêu Giêsu.

Theo Chúa Giêsu trên con đường Tình yêu Giêsu, chúng ta, những linh mục của Chúa cũng tiếp bước như chính Người đã hoạch định: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24). Người linh mục không có con đường nào khác ngoài con đường Giêsu. Là linh mục của Chúa mà không đi trên con đường của Chúa, người linh mục đi trật đường, sai lý tưởng, thậm chí phản chứng, phản tình yêu Chúa dành cho mình, phản lại thánh chức mà mình lãnh nhận. Chúa đã không nói Chúa là sự thật, là sự sống trước khi nói “Thầy là đường”, mà lạ nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Lời Chúa dạy mang nhiều ý nghĩa. Nhưng khi khẳng định mình “là đường” trước hết, phải chăng trong lời ấy có hàm chứa ý nghĩa rằng, chỉ có sống như Chúa, đi trên chính con đường của Chúa, chúng ta mới có thể đạt tới chân lý tuyệt đối, đạt tới sự sống viên mãn của Chúa!

Để cụ thể hóa con đường Tình yêu Giêsu trong hoàn cảnh Đức Thánh Cha và cả Hội Thánh đang bị bôi nhọ như hiện nay, chúng ta hãy mau chóng thực hành chính lời Chúa Giêsu đã dạy: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Hoặc ra sức thực hành đức mến như thánh Phaolô hướng dẫn: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả…” (1Cr 13, 4-7).

II. KHÔNG MẤT NHƯNG VẪN ĐƯỢC.

Kinh nghiệm cho thấy, ngay trong sự mất mát đớn đau nhất của đời mình, không biết bao nhiêu lần ta khám phá ra cái được. Có khi cái được trong mất mát còn lớn hơn cái đã mất. Được và mất là hai phạm trù đối nghịch nhau hoàn toàn, nhưng lắm lúc lại lồng trong nhau. Bởi có khi được mà lại mất. Hoặc chính lúc mất lại là lúc được. Nghe và thấy những kẻ say trong việc giẫm đạp danh dự Hội Thánh, hơn ai hết, là linh mục của Chúa, chúng ta đau xót và cảm nhận những trái ngang người đời dành cho Hội Thánh hình như cũng đang cắt xé lòng mình. Nhưng nếu biết để cho cơn bão lòng lắng lại và nội tâm thật bình tĩnh, nhất là biết suy niệm và thiêng liêng hóa những gì đang diễn ra, chúng ta nhận thấy, những thử thách mà Hội Thánh đang phải chịu đựng hình như không mất, mà có rất nhiều cái được, và được lớn. Ta thử nêu một vài điểm được ấy để giúp mình sống tốt hơn, đẹp lòng Chúa hơn:

1. Trong thử thánh, ta biết khiêm tốn và ý thức phận mình.

Phận người mong manh yếu đuối, ai ai cũng biết thế. Nhưng cuộc sống thường nhật với tất cả những bộn bề của nó, dễ làm ta quên. Có khi ta để cho niềm ý thức về sự bất tất của kiếp người ngủ quên bằng một giấc ngủ rất sâu, rất dài trong một góc tâm hồn. Chỉ khi đối diện những mất mát, ta mới có dịp đánh thức niềm ý thức trên chính thân phận và cuộc đời mình. Nỗi mất mát sẽ giúp ta nhận ra thân phận mình mong manh, yếu ớt hơn là cuộc sống bình lặng ngày ngày êm ả trôi. Vì thế, chính lúc này đây, liên đới cùng Đức Thánh Cha và Hội Thánh hoàn vũ, ta thấy thử thách hôm nay dễ đưa ta về với nội tâm để ý thức thân phận mỏng dòn của mình. Từ đó, ta càng thêm khiêm tốn. Ta không hằn học với kẻ có ý hại mình, không thù hận kẻ đã rắp tâm gieo sự dữ, không quá chua xót hay cay cú với thủ đoạn của kẻ đã từ lâu nuôi trong lòng nỗi oán ghét đức tin Công giáo.

2. Trong thử thách, ta được thêm ơn đức tin và ơn biết cầu nguyện.

Chúng ta chắc chắn rằng, từ ngày xảy ra việc truyền thông a tòng muốn làm sụp đổ uy tín của Hội Thánh Công giáo, nhiều người đã cầu nguyện. Ngay trong thái độ cầu nguyện đã biểu lộ một lòng tin mạnh. Không chỉ cá nhân cầu nguyện. Thời gian qua, các giám mục và nhiều linh mục đã liên tiếp mời gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho hàng giáo phẩm và phẩm trật Hội Thánh. Mời gọi nhau cầu nguyện cũng có nghĩa là hun đúc trong nhau lòng tin và niềm cậy trông vào Chúa. Tin rằng Chúa không bỏ rơi Hội Thánh là tác phẩm vô giá của Người. Cậy trông quyền năng và tình yêu của Chúa lớn hơn tội lỗi, lớn hơn mọi sự dữ, lớn hơn mọi mưu toan của lòng người. Bởi có tin mới cầu nguyện. Có cậy trông mới đặt mình, đặt mọi khó khăn của mình vào tay Chúa.

3. Trong thử thách, ta biết ăn năn tội và ăn năn tội thật lòng.

Người ta có cớ nặng lời xúc phạm Hội Thánh vì tội lỗi của chúng ta, của mỗi người con của Hội Thánh. Nhất là với các linh mục, hơn ai hết, vì trách vụ của mình, các linh mục luôn luôn mời gọi mọi người ăn năn tội. Vì thế, hôm nay nghe đây đó lỗi lầm của anh em mình bị phơi bày, bị chỉ trích, các linh mục càng phải thấm thía hơn những đổ vỡ, những mất mát do tội gây ra. Hãy nhớ rằng, tội mà xuất phát từ các linh mục, thì đó là gương mù nặng. Dù chưa đến mức phạm tội như anh em mình, nhưng cũng đã nhiều lần chúng ta phạm tội. Hoặc chưa bị tố giác như anh em mình, thì tội mà chúng ta phạm vẫn là tội không hơn không kém. Vì thế, càng đối diện với thử thách mà Hội Thánh phải gánh chịu vì tội lỗi của chúng ta, chúng ta càng phải ăn năn tội và ăn năn tội thật lòng.

4. Trong thử thách, chúng ta thực sự trưởng thành.

Thử thách nào cũng gây đau khổ. Nhưng thử thách nào cũng tạo nên sự trưởng thành. Nếu không có ngày thứ Sáu Thánh thê lương ảm đạm, chắc sẽ khó có ngày những người thuyền chày kém cỏi, nhu nhược dám mở bung cửa nhà tiệc ly tung mình trên mọi nẻo đường làm thay đổi cả thế giới. Càng đổ vỡ, mất mát nhiều bao nhiêu, ta càng lớn lên, càng mạnh mẽ, càng chững chạc bấy nhiêu. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Qua những kinh nghiệm thương đau của thử thách. Hội Thánh và từng người con của Hội Thánh, đặc biệt hàng linh mục là những nhà lãnh đạo trong Hội Thánh, chắc chắn từ nay sẽ được trui rèn hơn, sẽ quyết tâm sống đúng bậc, đúng vị trí của thánh chức mà Chúa ban cho mình hơn.

Đó là chưa kể đến ơn Chúa. Trong thử thách, Chúa sẽ gìn giữ Hội Thánh, gìn giữ phẩm trật Hội Thánh và gìn giữ từng người chúng ta. Ơn Chúa gìn giữ chúng ta còn lớn hơn cả những gì chúng ta đang phải đối mặt. Ơn Chúa sẽ làm cho chúng ta kiên vững. Với các linh mục, ơn Chúa sẽ giúp các ngài can đảm sống đến cùng ba lời thề Phúc Âm: Khiết tịnh, Nghèo khó, Vâng phục. Sống trọn ba lời thề Phúc Âm, các linh mục sẽ là gương sáng, chứ không gây gương mù, không gây cớ cho sự dữ a tòng bôi nhọ Hội Thánh.

5. Trong thử thách, tình yêu Thiên Chúa vẫn sáng ngời.

Thánh Gioan đã từng viết: “Tình yêu cốt ở điểm này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội chúng ta” (1Ga 4, 1). Khẳng định của thánh Gioan cho ta biết, Chúa đã yêu ta trước. Tình yêu của Người bao trùm chúng ta từ muôn thuở, từ trước khi ta có thể đáp trả tình yêu ấy. Khi ta chưa là ta, ta đã được ghi khắc trong lòng yêu thương của Chúa. Khi ta làm người, tự thưở nào, ta đã sống trong chiếc nôi tình yêu ấy. Bởi thế, hôm nay, giữa những phong ba bão tố, ta vẫn thấy Chúa không rời xa ta. Mãi mãi Hội Thánh vẫn là Hội Thánh của Chúa. Mãi mãi Hội Thánh vẫn là phương tiện duy nhất để Chúa ban ơn cứu độ của Người. Chúa không loại trừ Hội Thánh của Chúa. Làm sao Hội Thánh mà Người đã phải “sai Con của Người đến làm của lễ đền tội”, làm sao Hội Thánh mà Chúa đã phải cứu chuộc bằng giá máu Con của Người, lại có thể bị Người rời xa! Vì thế, giữa cơn thử thách này, chúng ta vẫn thấy tình yêu Thiên Chúa sáng ngời. Tình yêu ấy là sức mạnh để chúng ta đặt niềm cậy trông, để chúng ta ăn năn tội, để chúng ta tin tưởng mà bước tới.

III CỬA ĐỊA NGỤC KHÔNG THẮNG NỔI (Mt 16, 18).

Thánh Matthêu cho biết, một lần Chúa hỏi thẳng các tông đồ: “Anh em bảo Thầy là ai?”. Thánh Phêrô đã đại diện tông đồ đoàn tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thánh Phêrô không ngờ rằng, sau lời tuyên tín ấy, Chúa nâng ông lên đến mức không thể tưởng tượng, ông trở thành nền tảng của Hội Thánh: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và CỬA ĐỊA NGỤC KHÔNG THẮNG NỔI” (x.Mt 16, 13-20).

Với lời khẳng định “CỬA ĐỊA NGỤC KHÔNG THẮNG NỔI” của Chúa Giêsu cho chúng ta an lòng. Bởi Hội Thánh này là tác phẩm tuyệt vời, một tác phẩm có một không hai của Thiên Chúa. Dù trao quyền cho Phêrô, nhưng Chúa vẫn khẳng định: “Thầy xây Hội Thánh của Thầy”. Hội Thánh là Hội Thánh do “Thầy xây”; Hội Thánh là “Hội Thánh của Thầy”, chứ không phải của Phêrô hay của bất cứ ai khác. Người ta đã không thể hủy diệt Thầy, thì người ta cũng không thể làm gì nổi Hội Thánh. Thầy bất diệt. Hội Thánh của Thầy cũng sẽ là Hội Thánh bất diệt, sẽ đi đến cùng trong ơn Phục Sinh, trong sự sống đời đời mà chỉ một mình Thầy nắm giữ và trao ban.

Với lời khẳng định “CỬA ĐỊA NGỤC KHÔNG THẮNG NỔI”, chúng ta thấy những thử thách hôm nay chỉ là một chặng đường thập giá mới mà Hội Thánh vác đi theo Chúa của mình, như bao nhiêu chặng đường thập giá của hơn hai mươi thế kỷ qua mà Hội Thánh đã trung kiên vác lấy. Bất chấp bao nhiêu gian truân, bất chấp bao nhiêu nghiệt ngã của lòng người độc ác, Hội Thánh không gục ngã. Đúng hơn, qua tất cả những sóng gió ấy, Hội Thánh càng có dịp canh tân chính mình, càng là cơ hội để Hội Thánh bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối của mình với Thiên Chúa. Trên chặng đường thập giá mới này, chúng ta cùng xác tín như thánh Phaolô: “Chúng tôi mang sứ vụ tông đồ nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngươc đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4, 6-10).

Nghe trong lời đầy sức mạnh, đầy uy quyền của Chúa Giêsu: “Cửa địa ngục không thắng nổi”, một mặt tôi thấy bình an vì Hội Thánh vẫn đứng vững, vẫn vượt qua, vẫn vươn lên và trường tồn.

Nhưng mặt khác, vì vững tin vào lời quyền năng của Chúa mà tôi lại cảm thấy lo sợ thay cho những kẻ điên cuồng chống phá Hội Thánh. Ngày xưa những kẻ giết chết Chúa Giêsu cũng đã từng hả hê cho rằng mình chiến thắng, nhưng họ lầm. Họ đã chết. Giêsu mà họ giết chết đã sống và vẫn sống; Dọc dài lịch sử Hội Thánh, nhiều kẻ cũng đã tấn công Hội Thánh, nhiều thế lực, nhiều chánh quyền không những bách hại mà còn bách hại Hội Thánh cách có hệ thống, chẳng những không thể làm suy giảm đức tin của Hội Thánh, mà nhiều kẻ trong số ấy đã qua đi, còn Hội Thánh vẫn hiên ngang giương cao ngọn cờ phục sinh, ngọn cờ của chiến thắng.

Tôi càng sợ hãi hơn cho những kẻ say trong việc chống phá Hội Thánh khi đọc lại ơn gọi của thánh Phaolô. Ngày ấy, Phaolô cũng say trong việc bách hại Hội Thánh. Ông đâu ngờ rằng, Chúa đồng hóa chính bản thân Chúa với Hội Thánh của Chúa: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ ta?”(Cv 26, 14b). Cùng với việc cảnh cáo Phaolô nặng lời: “Giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26, 14c), ngày ấy, Chúa đã đốn ngã Phaolô, Chúa đánh cho đôi mắt ông phải đui mù. Chính khi ông mù đôi mắt thân xác, ông mới sáng đôi mắt tâm hồn.

Lo sợ thay cho những kẻ “giơ chân đạp mũi nhọn” hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều để cơn thịnh nộ của Chúa không đè bẹp họ. Chúng ta cầu nguyện cho lòng thống hối mau đến với họ. Xin Chúa hãy giáo dục họ bằng cách thức mà Chúa đã giáo dục thánh Phaolô, để cũng như thánh Phaolô: “Ta biến nó thành lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel” (Cv 9,15) thế nào, thì họ cũng trở thành “lợi khí” của Chúa trong thế giới hôm nay như vậy. Chúng ta cầu nguyện để họ hiểu rằng, họ sẽ chẳng làm gì nổi đối với Hội Thánh của Chúa. Sức mạnh và quyền lực của địa ngục sẽ không thắng nổi. Vì thế họ đừng dại dột “giơ chân đạp mũi nhọn”, đừng tham vọng đánh gục Hội Thánh kẻo khốn thân!

VẤN TÂM

1. Tất cả những tố cáo từ phía mạng lưới truyền thông trên thế giới đều nhắm vào đức khiết tịnh của đời sống linh mục. Trong giờ tĩnh tâm này, chúng ta thành tâm ăn năn tội về những lần, bằng cách này cách khác, dù nhẹ hay nặng, chúng ta đã xúc phạm đến đức khiết tịnh. Hãy quyết tâm chừa tội. Hãy tìm dịp thuận tiện để đền tội mình.

2. Trong khi cầu nguyện và đền tội bản thân, Chúng ta không quên hướng tới những linh mục nào đã trót sai phạm. Họ là những anh em trong thánh chức linh mục với chúng ta. Chúng ta liên đới với nhau trong sự thánh thiện và liên đới với họ trong tội lỗi, để trong khi đền tội bản thân, chúng ta cũng đền tội thay cho nhau, nhờ đó sự thánh thiện của người này sẽ giúp người khác nhận được ơn Chúa.

3. Thánh Công đồng nói: “Sự tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời đã được Chúa Kitô khuyến khích, mà qua các thời đại và ngay cả ngày nay vẫn được một số đông Kitô hữu sẵn lòng chấp nhận và tuân giữ một cách đáng khâm phục, thì hiện thời vẫn luôn được Giáo Hội hết sức quý trọng trong đời sống linh mục… Nhờ đức trinh khiết hay bậc độc thân vì Nước Trời, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo được kết hợp cách dễ dàng hơn với Người bằng một trái tim không chia sẻ, tận hiến cách tự do hơn trong Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người…” (Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống các linh mục, số 16).

Như vậy:

- Đức Khiết tịnh được Chúa Kitô khuyến khích.

- Đức Khiết tịnh được số đông Kitô hữu sẵn lòng chấp nhận.

- Đức Khiết tịnh được Giáo Hội hết sức quý trọng.

- Nhờ đức Khiết tịnh, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô.

- Nhờ đức Khiết tịnh, các linh mục được kết hợp cách dễ dàng hơn với Chúa Kitô bằng một trái tim không chia sẻ.

- Nhờ đức Khiết tịnh, các linh mục được tận hiến cách tự do hơn trong Chúa Kitô để phục vụ Thiên Chúa và loài người.

Qua đoạn văn ngắn, ta thấy tầm quan trọng hết sức của đức Khiết tịnh. Vì thế, anh em linh mục chúng ta, từ nay, hãy quyết tâm bảo vệ bằng được đức khiết tịnh trong suốt đời linh mục của mình.

4. Chúng ta hãy nghe lại một đoạn văn rất ngắn liên quan đến ơn gọi linh mục trong “Lời trần tình với những người Công giáo” của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, để thấm thía hơn việc cấp bách phải ăn năn tội và đền tội của hàng linh mục chúng ta: “…Các giáo sĩ, trong ‘Năm Linh Mục’ này hãy cố gắng tối đa để canh tân bản thân và đời sống, tránh làm cớ cho thế gian to tiếng sỉ nhục Giáo Hội và cả Chúa Giêsu nữa” (trang web của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: hdgmvietnam.org).

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

Trên đường tiến về vĩnh cửu, ta hãy ký thác mình cho Đức Mẹ, xin Đức Mẹ giúp ta chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị hành trang của mình thật chu đáo, thật đầy đủ bằng nhân đức, bằng những hy sinh trong đời dâng hiến.

Nơi Đức Mẹ, chỉ một lần thưa “xin vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38), thay cho cả một đời sống “xin vâng”. Các linh mục cũng vậy, ngày lãnh nhận thánh chức, chúng ta cũng thưa “xin vâng”. Hãy ký thác cho Đức Mẹ, để chúng ta cũng được cùng Đức Mẹ sống một đời “xin vâng”.

“Xin vâng” là khởi điểm của mọi từ bỏ trong cuộc đời Đức Mẹ. Chúng ta ký thác đời mình cho Đức Mẹ, để được Đức Mẹ dạy chúng ta “xin vâng” trọn vẹn và từ bỏ đến cùng, không bao giờ hối tiếc.

Chúng ta “xin vâng” để không sống ý riêng mình, nhưng sống theo ý Chúa.

Chúng ta “xin vâng” để can đảm khước từ mọi cám dỗ, nhất là những cám dỗ làm mất căn tính linh mục của mình.

Chúng ta “xin vâng” để liên lỉ cầu nguyện, xin ơn Chúa trợ giúp thoát khỏi mọi thù nghịch, mọi nguy hiểm của linh hồn bất ngờ ập đến khiến ta đánh mất ơn Chúa.

Chúng ta “xin vâng” để luôn sống trong tinh thần khiêm hạ, nhờ đó nhận ra bản tính mỏng dòn của bản thân mà xa tránh dịp tội.

Chúng ta “xin vâng” để dễ dàng trở thành nhịp cầu cho anh chị em đến với Chúa.

Chúng ta “xin vâng” để luôn ý thức mình phải làm gương lành, gương sáng, chứ không làm gương mù, gương tối.

Chúng ta “xin vâng” để chấp nhận cái chết bất cứ lúc nào cũng có thể bất ngờ ập đến. Có như thế, chúng ta mới luôn luôn trong tư thế sẵn sàng cho ngày giờ Chúa định. Có như thế, chúng ta mới cố gắng sống trong sạch. Có như thế, chúng ta mới hoàn thành đời mình trong ơn nghĩa của Chúa.

Xin ký thác tất cả trong tay Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta.
 
Trong thử thách chúng ta cầu nguyện
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
11:48 04/05/2010
Suy niệm tĩnh tâm Linh Mục tháng 5, 2010

Chúng ta vừa kỷ niệm năm năm ngày Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được chọn kế vị thánh Phêrô ngày 19.4.2010. Dịp kỷ niệm biến cố trọng đại này lại rơi vào đúng lúc cao trào chống phá Đức Thánh Cha của mạng lưới truyền thông thế giới a tòng thực hiện. Nhưng không phải một mình Đức Thánh Cha, qua Đức Thánh Cha, điều mà những kẻ xấu, những kẻ đầu cơ sự dữ muốn nhắm đến là Hội Thánh Chúa Kitô. Họ muốn trình bày một cách méo mó khuôn mặt thánh thiện của Hội Thánh. Họ muốn đánh sập uy tín, ảnh hưởng và tiếng nói không chỉ của Đức Thánh Cha mà chính là uy tín, ảnh hưởng và tiếng nói của Hội Thánh. Họ muốn lôi kéo sự chú ý của mọi người vào một vài cá nhân lầm lỗi trong Hội Thánh, thậm chí lỗi phạm ấy đã xảy ra từ nhiều chục năm trước, có khi những cá nhân ấy đã qua đời từ lâu để vu vạ, để mạ lỵ Hội Thánh. Họ muốn làm cho mọi người phải nghĩ rằng, Hội Thánh Chúa Kitô là một tập đoàn trong đó bao gồm những con người tội lỗi, xấu xa, bao che cho nhau, dựa dẫm uy tín của nhau. Họ đã cố tình làm điều mà ai biết suy nghĩ khó có thể chấp nhận, đó là: đem cái riêng để tạo một khuôn mặt chung; đem cái cụ thể để phác họa thành cái phổ quát; đem khuyết điểm cá nhân để vẽ khuôn mặt cả Hội Thánh…

Chúng ta tự hỏi, mưu đồ của mạng lưới truyền thông sự dữ khi nỗ lực vu khống Đức Thánh Cha, và Hội Thánh của Chúa Kitô nhắm mục đích gì? Chắc không vô cớ mà họ đã làm những điều ấy. Bởi Hội Thánh Công giáo, mà Đức Thánh Cha là người đại diện, từ xưa đến nay luôn can đảm đối đầu với thói sống vô luân lý, vô lương tâm của con người; luôn mạnh mẽ lên án bất công, bạo lực; luôn bênh vực quyền con người; luôn thẳng thắn tố cáo sự suy đồi đạo đức của thế giới… Vì thế, những công cụ của thứ truyền thông bất chính và tội lỗi đã không thể chịu nổi, đã từ lâu muốn trả thù Đức Thánh Cha và Hội Thánh. Nay cơ hội đã đến. Họ toa rập trả cho Hội Thánh những gì mà Hội Thánh công khai rao giảng. Đứng trước những thử thách mới này, chúng ta, các linh mục của Chúa cần phải suy nghĩ và cầu nguyện. Xin gợi một vài suy nghĩ giúp chúng ta cầu nguyện:

I. CON ĐƯỜNG NÀO TA ĐANG ĐI?

Thế giới có muôn nẻo đường để phụ vụ giao thông như: thủy, bộ, hàng không. Đời người có nhiều chọn lựa phục vụ chính sự sống của mình, của đồng loại. Những quyết định cho chọn lựa ấy cũng được gọi là đường: đường đời. Còn chúng ta, những Kitô hữu linh mục, con đường chúng ta chọn để bước theo là đường nào? Giữa bối cảnh của một xã hội tục hóa, một xã hội giải thiêng, một xã hội mà trong đó nhiều người thích thù hận, thậm chí chửi bới niềm tin tôn giáo, thì xác định con đường chúng ta đi chính là xác định lập trường chúng ta sống. Chọn lựa cho đời thánh hiến, ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào ơn gọi, chắc chắn mỗi linh mục đã chọn Chúa Giêsu làm lý tưởng của mình. Vì thế, con đường mỗi linh mục phải đi, lập trường mỗi linh mục phải sống chính là con đường và lập trường mang tên Tình yêu Giêsu.

Con đường Tình yêu Giêsu là chính con đường mà Chúa Giêsu đã đi: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20) và: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9, 22). Nhưng con đường Chúa đi không phải chỉ bấy nhiêu. Nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, đó không đơn giản là con đường, mà là cả một lập trường Người đã chọn để thi hành ý Chúa Cha và cứu độ trần thế. Từ khi nhập thể để làm người trong lòng Đức Trinh Nữ, sinh ra nơi hang Bêlem nghèo, cuộc xuất hành sang Aicập, 30 năm lam lũ chìm khuất giữa vùng quê Nazareth, 3 năm lang thang rày đây mai đó trên khắp đất nước Palestine, rất nhiều lần bị chống đối, bị khước từ, bị coi là quỷ nhập, là điên dại… Sau cùng bị lên án tử, bị đánh đập, bị sỉ vả, bị đóng đinh thập giá trên Núi Sọ trong cô đơn và ô nhục. Tất cả để minh chứng cho ta một con đường tình yêu rộng mở, con đường tình yêu mang chính tên của Người: Tình yêu Giêsu.

Theo Chúa Giêsu trên con đường Tình yêu Giêsu, chúng ta, những linh mục của Chúa cũng tiếp bước như chính Người đã hoạch định: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24). Người linh mục không có con đường nào khác ngoài con đường Giêsu. Là linh mục của Chúa mà không đi trên con đường của Chúa, người linh mục đi trật đường, sai lý tưởng, thậm chí phản chứng, phản tình yêu Chúa dành cho mình, phản lại thánh chức mà mình lãnh nhận. Chúa đã không nói Chúa là sự thật, là sự sống trước khi nói “Thầy là đường”, mà lạ nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Lời Chúa dạy mang nhiều ý nghĩa. Nhưng khi khẳng định mình “là đường” trước hết, phải chăng trong lời ấy có hàm chứa ý nghĩa rằng, chỉ có sống như Chúa, đi trên chính con đường của Chúa, chúng ta mới có thể đạt tới chân lý tuyệt đối, đạt tới sự sống viên mãn của Chúa!

Để cụ thể hóa con đường Tình yêu Giêsu trong hoàn cảnh Đức Thánh Cha và cả Hội Thánh đang bị bôi nhọ như hiện nay, chúng ta hãy mau chóng thực hành chính lời Chúa Giêsu đã dạy: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Hoặc ra sức thực hành đức mến như thánh Phaolô hướng dẫn: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả…” (1Cr 13, 4-7).

II. KHÔNG MẤT NHƯNG VẪN ĐƯỢC.

Kinh nghiệm cho thấy, ngay trong sự mất mát đớn đau nhất của đời mình, không biết bao nhiêu lần ta khám phá ra cái được. Có khi cái được trong mất mát còn lớn hơn cái đã mất. Được và mất là hai phạm trù đối nghịch nhau hoàn toàn, nhưng lắm lúc lại lồng trong nhau. Bởi có khi được mà lại mất. Hoặc chính lúc mất lại là lúc được. Nghe và thấy những kẻ say trong việc giẫm đạp danh dự Hội Thánh, hơn ai hết, là linh mục của Chúa, chúng ta đau xót và cảm nhận những trái ngang người đời dành cho Hội Thánh hình như cũng đang cắt xé lòng mình. Nhưng nếu biết để cho cơn bão lòng lắng lại và nội tâm thật bình tĩnh, nhất là biết suy niệm và thiêng liêng hóa những gì đang diễn ra, chúng ta nhận thấy, những thử thách mà Hội Thánh đang phải chịu đựng hình như không mất, mà có rất nhiều cái được, và được lớn. Ta thử nêu một vài điểm được ấy để giúp mình sống tốt hơn, đẹp lòng Chúa hơn:

1. Trong thử thánh, ta biết khiêm tốn và ý thức phận mình.

Phận người mong manh yếu đuối, ai ai cũng biết thế. Nhưng cuộc sống thường nhật với tất cả những bộn bề của nó, dễ làm ta quên. Có khi ta để cho niềm ý thức về sự bất tất của kiếp người ngủ quên bằng một giấc ngủ rất sâu, rất dài trong một góc tâm hồn. Chỉ khi đối diện những mất mát, ta mới có dịp đánh thức niềm ý thức trên chính thân phận và cuộc đời mình. Nỗi mất mát sẽ giúp ta nhận ra thân phận mình mong manh, yếu ớt hơn là cuộc sống bình lặng ngày ngày êm ả trôi. Vì thế, chính lúc này đây, liên đới cùng Đức Thánh Cha và Hội Thánh hoàn vũ, ta thấy thử thách hôm nay dễ đưa ta về với nội tâm để ý thức thân phận mỏng dòn của mình. Từ đó, ta càng thêm khiêm tốn. Ta không hằn học với kẻ có ý hại mình, không thù hận kẻ đã rắp tâm gieo sự dữ, không quá chua xót hay cay cú với thủ đoạn của kẻ đã từ lâu nuôi trong lòng nỗi oán ghét đức tin Công giáo.

2. Trong thử thách, ta được thêm ơn đức tin và ơn biết cầu nguyện.

Chúng ta chắc chắn rằng, từ ngày xảy ra việc truyền thông a tòng muốn làm sụp đổ uy tín của Hội Thánh Công giáo, nhiều người đã cầu nguyện. Ngay trong thái độ cầu nguyện đã biểu lộ một lòng tin mạnh. Không chỉ cá nhân cầu nguyện. Thời gian qua, các giám mục và nhiều linh mục đã liên tiếp mời gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho hàng giáo phẩm và phẩm trật Hội Thánh. Mời gọi nhau cầu nguyện cũng có nghĩa là hun đúc trong nhau lòng tin và niềm cậy trông vào Chúa. Tin rằng Chúa không bỏ rơi Hội Thánh là tác phẩm vô giá của Người. Cậy trông quyền năng và tình yêu của Chúa lớn hơn tội lỗi, lớn hơn mọi sự dữ, lớn hơn mọi mưu toan của lòng người. Bởi có tin mới cầu nguyện. Có cậy trông mới đặt mình, đặt mọi khó khăn của mình vào tay Chúa.

3. Trong thử thách, ta biết ăn năn tội và ăn năn tội thật lòng.

Người ta có cớ nặng lời xúc phạm Hội Thánh vì tội lỗi của chúng ta, của mỗi người con của Hội Thánh. Nhất là với các linh mục, hơn ai hết, vì trách vụ của mình, các linh mục luôn luôn mời gọi mọi người ăn năn tội. Vì thế, hôm nay nghe đây đó lỗi lầm của anh em mình bị phơi bày, bị chỉ trích, các linh mục càng phải thấm thía hơn những đổ vỡ, những mất mát do tội gây ra. Hãy nhớ rằng, tội mà xuất phát từ các linh mục, thì đó là gương mù nặng. Dù chưa đến mức phạm tội như anh em mình, nhưng cũng đã nhiều lần chúng ta phạm tội. Hoặc chưa bị tố giác như anh em mình, thì tội mà chúng ta phạm vẫn là tội không hơn không kém. Vì thế, càng đối diện với thử thách mà Hội Thánh phải gánh chịu vì tội lỗi của chúng ta, chúng ta càng phải ăn năn tội và ăn năn tội thật lòng.

4. Trong thử thách, chúng ta thực sự trưởng thành.

Thử thách nào cũng gây đau khổ. Nhưng thử thách nào cũng tạo nên sự trưởng thành. Nếu không có ngày thứ Sáu Thánh thê lương ảm đạm, chắc sẽ khó có ngày những người thuyền chày kém cỏi, nhu nhược dám mở bung cửa nhà tiệc ly tung mình trên mọi nẻo đường làm thay đổi cả thế giới. Càng đổ vỡ, mất mát nhiều bao nhiêu, ta càng lớn lên, càng mạnh mẽ, càng chững chạc bấy nhiêu. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Qua những kinh nghiệm thương đau của thử thách. Hội Thánh và từng người con của Hội Thánh, đặc biệt hàng linh mục là những nhà lãnh đạo trong Hội Thánh, chắc chắn từ nay sẽ được trui rèn hơn, sẽ quyết tâm sống đúng bậc, đúng vị trí của thánh chức mà Chúa ban cho mình hơn.

Đó là chưa kể đến ơn Chúa. Trong thử thách, Chúa sẽ gìn giữ Hội Thánh, gìn giữ phẩm trật Hội Thánh và gìn giữ từng người chúng ta. Ơn Chúa gìn giữ chúng ta còn lớn hơn cả những gì chúng ta đang phải đối mặt. Ơn Chúa sẽ làm cho chúng ta kiên vững. Với các linh mục, ơn Chúa sẽ giúp các ngài can đảm sống đến cùng ba lời thề Phúc Âm: Khiết tịnh, Nghèo khó, Vâng phục. Sống trọn ba lời thề Phúc Âm, các linh mục sẽ là gương sáng, chứ không gây gương mù, không gây cớ cho sự dữ a tòng bôi nhọ Hội Thánh.

5. Trong thử thách, tình yêu Thiên Chúa vẫn sáng ngời.

Thánh Gioan đã từng viết: “Tình yêu cốt ở điểm này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội chúng ta” (1Ga 4, 1). Khẳng định của thánh Gioan cho ta biết, Chúa đã yêu ta trước. Tình yêu của Người bao trùm chúng ta từ muôn thuở, từ trước khi ta có thể đáp trả tình yêu ấy. Khi ta chưa là ta, ta đã được ghi khắc trong lòng yêu thương của Chúa. Khi ta làm người, tự thưở nào, ta đã sống trong chiếc nôi tình yêu ấy. Bởi thế, hôm nay, giữa những phong ba bão tố, ta vẫn thấy Chúa không rời xa ta. Mãi mãi Hội Thánh vẫn là Hội Thánh của Chúa. Mãi mãi Hội Thánh vẫn là phương tiện duy nhất để Chúa ban ơn cứu độ của Người. Chúa không loại trừ Hội Thánh của Chúa. Làm sao Hội Thánh mà Người đã phải “sai Con của Người đến làm của lễ đền tội”, làm sao Hội Thánh mà Chúa đã phải cứu chuộc bằng giá máu Con của Người, lại có thể bị Người rời xa! Vì thế, giữa cơn thử thách này, chúng ta vẫn thấy tình yêu Thiên Chúa sáng ngời. Tình yêu ấy là sức mạnh để chúng ta đặt niềm cậy trông, để chúng ta ăn năn tội, để chúng ta tin tưởng mà bước tới.

III CỬA ĐỊA NGỤC KHÔNG THẮNG NỔI (Mt 16, 18).

Thánh Matthêu cho biết, một lần Chúa hỏi thẳng các tông đồ: “Anh em bảo Thầy là ai?”. Thánh Phêrô đã đại diện tông đồ đoàn tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thánh Phêrô không ngờ rằng, sau lời tuyên tín ấy, Chúa nâng ông lên đến mức không thể tưởng tượng, ông trở thành nền tảng của Hội Thánh: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và CỬA ĐỊA NGỤC KHÔNG THẮNG NỔI” (x.Mt 16, 13-20).

Với lời khẳng định “CỬA ĐỊA NGỤC KHÔNG THẮNG NỔI” của Chúa Giêsu cho chúng ta an lòng. Bởi Hội Thánh này là tác phẩm tuyệt vời, một tác phẩm có một không hai của Thiên Chúa. Dù trao quyền cho Phêrô, nhưng Chúa vẫn khẳng định: “Thầy xây Hội Thánh của Thầy”. Hội Thánh là Hội Thánh do “Thầy xây”; Hội Thánh là “Hội Thánh của Thầy”, chứ không phải của Phêrô hay của bất cứ ai khác. Người ta đã không thể hủy diệt Thầy, thì người ta cũng không thể làm gì nổi Hội Thánh. Thầy bất diệt. Hội Thánh của Thầy cũng sẽ là Hội Thánh bất diệt, sẽ đi đến cùng trong ơn Phục Sinh, trong sự sống đời đời mà chỉ một mình Thầy nắm giữ và trao ban.

Với lời khẳng định “CỬA ĐỊA NGỤC KHÔNG THẮNG NỔI”, chúng ta thấy những thử thách hôm nay chỉ là một chặng đường thập giá mới mà Hội Thánh vác đi theo Chúa của mình, như bao nhiêu chặng đường thập giá của hơn hai mươi thế kỷ qua mà Hội Thánh đã trung kiên vác lấy. Bất chấp bao nhiêu gian truân, bất chấp bao nhiêu nghiệt ngã của lòng người độc ác, Hội Thánh không gục ngã. Đúng hơn, qua tất cả những sóng gió ấy, Hội Thánh càng có dịp canh tân chính mình, càng là cơ hội để Hội Thánh bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối của mình với Thiên Chúa. Trên chặng đường thập giá mới này, chúng ta cùng xác tín như thánh Phaolô: “Chúng tôi mang sứ vụ tông đồ nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngươc đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4, 6-10).

Nghe trong lời đầy sức mạnh, đầy uy quyền của Chúa Giêsu: “Cửa địa ngục không thắng nổi”, một mặt tôi thấy bình an vì Hội Thánh vẫn đứng vững, vẫn vượt qua, vẫn vươn lên và trường tồn.

Nhưng mặt khác, vì vững tin vào lời quyền năng của Chúa mà tôi lại cảm thấy lo sợ thay cho những kẻ điên cuồng chống phá Hội Thánh. Ngày xưa những kẻ giết chết Chúa Giêsu cũng đã từng hả hê cho rằng mình chiến thắng, nhưng họ lầm. Họ đã chết. Giêsu mà họ giết chết đã sống và vẫn sống; Dọc dài lịch sử Hội Thánh, nhiều kẻ cũng đã tấn công Hội Thánh, nhiều thế lực, nhiều chánh quyền không những bách hại mà còn bách hại Hội Thánh cách có hệ thống, chẳng những không thể làm suy giảm đức tin của Hội Thánh, mà nhiều kẻ trong số ấy đã qua đi, còn Hội Thánh vẫn hiên ngang giương cao ngọn cờ phục sinh, ngọn cờ của chiến thắng.

Tôi càng sợ hãi hơn cho những kẻ say trong việc chống phá Hội Thánh khi đọc lại ơn gọi của thánh Phaolô. Ngày ấy, Phaolô cũng say trong việc bách hại Hội Thánh. Ông đâu ngờ rằng, Chúa đồng hóa chính bản thân Chúa với Hội Thánh của Chúa: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ ta?”(Cv 26, 14b). Cùng với việc cảnh cáo Phaolô nặng lời: “Giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26, 14c), ngày ấy, Chúa đã đốn ngã Phaolô, Chúa đánh cho đôi mắt ông phải đui mù. Chính khi ông mù đôi mắt thân xác, ông mới sáng đôi mắt tâm hồn.

Lo sợ thay cho những kẻ “giơ chân đạp mũi nhọn” hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều để cơn thịnh nộ của Chúa không đè bẹp họ. Chúng ta cầu nguyện cho lòng thống hối mau đến với họ. Xin Chúa hãy giáo dục họ bằng cách thức mà Chúa đã giáo dục thánh Phaolô, để cũng như thánh Phaolô: “Ta biến nó thành lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel” (Cv 9,15) thế nào, thì họ cũng trở thành “lợi khí” của Chúa trong thế giới hôm nay như vậy. Chúng ta cầu nguyện để họ hiểu rằng, họ sẽ chẳng làm gì nổi đối với Hội Thánh của Chúa. Sức mạnh và quyền lực của địa ngục sẽ không thắng nổi. Vì thế họ đừng dại dột “giơ chân đạp mũi nhọn”, đừng tham vọng đánh gục Hội Thánh kẻo khốn thân!

VẤN TÂM

1. Tất cả những tố cáo từ phía mạng lưới truyền thông trên thế giới đều nhắm vào đức khiết tịnh của đời sống linh mục. Trong giờ tĩnh tâm này, chúng ta thành tâm ăn năn tội về những lần, bằng cách này cách khác, dù nhẹ hay nặng, chúng ta đã xúc phạm đến đức khiết tịnh. Hãy quyết tâm chừa tội. Hãy tìm dịp thuận tiện để đền tội mình.

2. Trong khi cầu nguyện và đền tội bản thân, Chúng ta không quên hướng tới những linh mục nào đã trót sai phạm. Họ là những anh em trong thánh chức linh mục với chúng ta. Chúng ta liên đới với nhau trong sự thánh thiện và liên đới với họ trong tội lỗi, để trong khi đền tội bản thân, chúng ta cũng đền tội thay cho nhau, nhờ đó sự thánh thiện của người này sẽ giúp người khác nhận được ơn Chúa.

3. Thánh Công đồng nói: “Sự tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời đã được Chúa Kitô khuyến khích, mà qua các thời đại và ngay cả ngày nay vẫn được một số đông Kitô hữu sẵn lòng chấp nhận và tuân giữ một cách đáng khâm phục, thì hiện thời vẫn luôn được Giáo Hội hết sức quý trọng trong đời sống linh mục… Nhờ đức trinh khiết hay bậc độc thân vì Nước Trời, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo được kết hợp cách dễ dàng hơn với Người bằng một trái tim không chia sẻ, tận hiến cách tự do hơn trong Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người…” (Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống các linh mục, số 16).

Như vậy:

- Đức Khiết tịnh được Chúa Kitô khuyến khích.

- Đức Khiết tịnh được số đông Kitô hữu sẵn lòng chấp nhận.

- Đức Khiết tịnh được Giáo Hội hết sức quý trọng.

- Nhờ đức Khiết tịnh, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô.

- Nhờ đức Khiết tịnh, các linh mục được kết hợp cách dễ dàng hơn với Chúa Kitô bằng một trái tim không chia sẻ.

- Nhờ đức Khiết tịnh, các linh mục được tận hiến cách tự do hơn trong Chúa Kitô để phục vụ Thiên Chúa và loài người.

Qua đoạn văn ngắn, ta thấy tầm quan trọng hết sức của đức Khiết tịnh. Vì thế, anh em linh mục chúng ta, từ nay, hãy quyết tâm bảo vệ bằng được đức khiết tịnh trong suốt đời linh mục của mình.

4. Chúng ta hãy nghe lại một đoạn văn rất ngắn liên quan đến ơn gọi linh mục trong “Lời trần tình với những người Công giáo” của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, để thấm thía hơn việc cấp bách phải ăn năn tội và đền tội của hàng linh mục chúng ta: “…Các giáo sĩ, trong ‘Năm Linh Mục’ này hãy cố gắng tối đa để canh tân bản thân và đời sống, tránh làm cớ cho thế gian to tiếng sỉ nhục Giáo Hội và cả Chúa Giêsu nữa” (trang web của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: hdgmvietnam.org).

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

Trên đường tiến về vĩnh cửu, ta hãy ký thác mình cho Đức Mẹ, xin Đức Mẹ giúp ta chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị hành trang của mình thật chu đáo, thật đầy đủ bằng nhân đức, bằng những hy sinh trong đời dâng hiến.

Nơi Đức Mẹ, chỉ một lần thưa “xin vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38), thay cho cả một đời sống “xin vâng”. Các linh mục cũng vậy, ngày lãnh nhận thánh chức, chúng ta cũng thưa “xin vâng”. Hãy ký thác cho Đức Mẹ, để chúng ta cũng được cùng Đức Mẹ sống một đời “xin vâng”.

“Xin vâng” là khởi điểm của mọi từ bỏ trong cuộc đời Đức Mẹ. Chúng ta ký thác đời mình cho Đức Mẹ, để được Đức Mẹ dạy chúng ta “xin vâng” trọn vẹn và từ bỏ đến cùng, không bao giờ hối tiếc.

Chúng ta “xin vâng” để không sống ý riêng mình, nhưng sống theo ý Chúa.

Chúng ta “xin vâng” để can đảm khước từ mọi cám dỗ, nhất là những cám dỗ làm mất căn tính linh mục của mình.

Chúng ta “xin vâng” để liên lỉ cầu nguyện, xin ơn Chúa trợ giúp thoát khỏi mọi thù nghịch, mọi nguy hiểm của linh hồn bất ngờ ập đến khiến ta đánh mất ơn Chúa.

Chúng ta “xin vâng” để luôn sống trong tinh thần khiêm hạ, nhờ đó nhận ra bản tính mỏng dòn của bản thân mà xa tránh dịp tội.

Chúng ta “xin vâng” để dễ dàng trở thành nhịp cầu cho anh chị em đến với Chúa.

Chúng ta “xin vâng” để luôn ý thức mình phải làm gương lành, gương sáng, chứ không làm gương mù, gương tối.

Chúng ta “xin vâng” để chấp nhận cái chết bất cứ lúc nào cũng có thể bất ngờ ập đến. Có như thế, chúng ta mới luôn luôn trong tư thế sẵn sàng cho ngày giờ Chúa định. Có như thế, chúng ta mới cố gắng sống trong sạch. Có như thế, chúng ta mới hoàn thành đời mình trong ơn nghĩa của Chúa.

Xin ký thác tất cả trong tay Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 04/05/2010
DIỆU THỦ KHÔNG KHÔNG

N2T


Thời Đường Đức Tôn, Ngụy Bác và Lưu Xương Duệ không hợp nhau, bèn mời kiếm hiệp Nhiếp Ổn Nương đi giết Lưu Xương Duệ.

Không ngờ, Nhiếp Ổn Nương lại được Lưu Xương Duệ nhiệt tình khoản đãi rất hậu mà ngấm ngầm bảo vệ Lưu Xương Duệ. Ngụy Bác lại sai một kiếm sĩ khác là Thanh Thanh Nhi đi hành thích, nhưng Thánh Thanh Nhi lại bị bại dưới tay của Nhiếp Ôn Nương, Ngụy Bác chỉ có cách là đi mời cao thủ đệ nhất võ lâm là diệu thủ Không Không Nhi thân hành ra quân, Nhiếp Ổn Nương biết mình không thể đánh lại Không Không Nhi, bèn lấy một chuổi ngọc quấn quanh cổ của Lưu Xương Duệ.

Khi diệu thủ Không Không Nhi hành thích, quả thật một nhát kiếm đâm ngay chuổi ngọc, ông ta từ trước đến nay không hề đâm trật thì cảm thấy mất mặt xấu hổ mà bỏ đi.

Do đó mà người đời sau mượn chiêu kiếm pháp cao siêu của Không Không Nhi mà ví cho kỷ thuật móc túi của những tên ăn cắp.

(Chuyện ngày xưa, suy tư ngày nay)

Suy tư:

Con người ta ai cũng có lòng tự trọng, lòng tự trọng càng cao thì cuộc sống của họ càng thêm phong phú, và do đó họ càng khó chấp nhận những sự sỉ nhục hoặc những sai lầm không đáng.

Cố chấp thì khác với tự trọng, cố chấp là cứng nhắc trong suy nghĩ mà tự trọng thì uyển chuyển trong suy tư, do đó mà người cố chấp thường thất bại và người tự trọng thì được nhiều người ủng hộ hơn.

Giáo dân cố chấp thì người ta không để ý cho lắm, nhưng một mục tử thường cố chấp thì chỉ trở thành kẻ độc tài độc đoán, và do đó mà ngài trở thành cô độc trong một nhà xứ to lớn, bởi vì ngài cố chấp trong những góp ý chân thành của giáo dân.

“Diệu thủ không không” là một chiêu thức kiếm pháp nhanh nhẹn, kiếm vung lên là đầu rơi máu chảy, nhưng đã trở thành câu thành ngữ dành cho những tên chuyên dùng hai ngón tay móc túi của người khác, tức là ăn cướp, ăn trộm.v.v...

Nguyên nhân cũng chỉ vì cố chấp mà thôi.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:24 04/05/2010
N2T


45. Vậy những người cự tuyệt không đón nhận Thánh Giá thì được lợi ích gì ? Sức nặng của Thánh Giá sẽ tăng thêm cho họ.

(Thánh Alphonsus Liguori)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 04/05/2010
N2T


436. Bất cứ lúc nào, bất cứ việc gì cũng phải bồi dưỡng tính cách vui vẻ của mình.

 
Tầm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần Thứ 6 Sau Phục Sinh
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
23:37 04/05/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 6 phục sinh

Ga 15,26-16,4a

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa là nguồn sống dưỡng nuôi linh hồn chúng con. Xin cho chúng con được ở trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con được lớn lên trong tình yêu bao dung, nhân hậu và từ bi của Chúa. Xin cho mỗi lần chúng con rước Chúa, là một lần chúng con được sống bằng chính sức sống của Chúa để có thể diễn tả tình yêu của Chúa cho thế gian.

Nhưng Chúa ơi, với bản tính yếu đuối, chúng con chưa dám sống như tình yêu của Chúa. Chúng con thường tự cao tự đại. Chúng con chưa dám sống bao dung với nhau. Chúng con thường dễ dàng kết án lẫn nhau. Chúng con thường khắc khe với nhau trong từng lời nói, việc làm. Chính lối sống thiếu bao dung đó đã khiến cho cuộc sống chung của chúng con luôn mang đầy những hiềm khích, thù hận. Xin Chúa thứ tha tội lỗi chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết sống khiêm tốn để gần gũi và hoà hợp với mọi người. Xin cho chúng con biết tôn trọng lẫn nhau và cảm thông trước những thiếu sót của nhau.

Lạy Chúa, là suối nguồn tình yêu. Chúa đã dùng tình yêu để chiến thắng sự dữ, xin giúp chúng con cũng biết dùng tình yêu để hoá giải những hiểu lầm, những đố kỵ và ghen tương. Xin ban cho chúng con một tấm lòng yêu mến như Chúa để chúng con sống chan hoà tình yêu với anh chị em của mình. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 6 phục sinh

Ga 16,5-11

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương chúng con. Chúa không bỏ chúng con đơn côi một mình. Chúa luôn ở với chúng con qua bí tích Thánh Thể. Chúa còn hiện diện với chúng con qua Ngôi Ba Thiên Chúa là Đấng an ủi tâm hồn. Sự hiện diện của Chúa luôn là dấu chỉ tình yêu mà Chúa dành cho chúng con.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con Chúa Thánh Thần, Ðấng làm cho chúng con được sống trong hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Nhờ Chúa Thánh Thần soi dẫn chúng con biết sống theo chân thiện mỹ. Nhờ Chúa Thánh Thần tác động chúng con được trở nên con của Chúa và được thừa hưởng gia nghiệp thiên quốc mai sau. Xin giúp chúng con biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Xin giúp chúng con biết mau mắn thực thi ý Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì lười biếng và u mê trong những đam mê lầm lạc mà lãng quên ân tình Chúa.

Lạy Chúa là Thần Chân Lý, xin dẫn dắt chúng con đi trong chân lý vẹn toàn để chúng con luôn sống ngay thật, sống công bình bác ái, sống xứng đáng là con cái của Chúa để mai này được phục sinh vinh hiển với Chúa. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 6 phục sinh

Ga 16,12-15

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã mạc khải tình yêu cứu độ của Chúa qua cái chết khổ hình thập giá. Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu tự hiến trên thập giá mỗi ngày qua thánh lễ. Chúng con xin cảm tạ và ngợi khen tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa, nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần mà các tông đồ mới hiểu rõ về những biến cố diễn ra trong cuộc đời Chúa dưới ánh sáng Phục Sinh. Nhờ sự hiểu biết đó đã thay đổi đời sống các ngài. Từ những con người kém lòng tin. Từ những con người đầy yếu đuối bất toàn. Chúa Thánh Thần đã đổi mới các ngài nên phi thường để có thể thay đổi cả thế giới. Chúa Thánh Thần đã soi lòng mở trí để các tông đồ hiểu và can đảm ra đi loan báo tin mừng. Và cho đến hôm nay văn hoá ky-tô giáo đã bao trùm khắp địa cầu. Dù rằng có những người tin, và cũng có những người không tin, nhưng dầu muốn dầu không tin mừng của Chúa đã tác động đến muôn tâm hồn.

Xin Chúa cũng ban Thánh Thần của Chúa đến đổi mới cuộc đời chúng con. Xin làm cho chúng con nên những tông đồ dám làm chứng cho sự thật và can đảm đầy lùi bóng tối của tội lỗi, sa đoạ và bất công. Xin giúp chúng con biết nói không với tội lỗi và bước đi trong ánh sáng của lề luật. Xin Chúa Thánh Thần thánh hoá chúng con trong tình yêu của Chúa, nhờ đó chúng con luôn tìm được niềm vui trong cuộc sống. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 6 Phục sinh

Ga 16,16-20

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là nguồn vui, là nguồn hạnh phúc cuộc đời chúng con. Có Chúa chúng con sẽ quên hết ưu sầu. Có Chúa chúng con sẽ không còn sợ những nguy nan của dòng đời. Có Chúa chúng con sẽ quên đi những nhọc nhằn, những khốn khó của cuộc đời nổi trôi. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa lưu lại trong chúng con. Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi để chúng con được sống trong tình yêu cùa Chúa.

Lạy Chúa, cuộc đời hợp tan là lẽ thường tình. Cuộc đời có xum họp nên cũng có chia ly. Cuộc đời có vui, có buồn. Có gặp gỡ, có chia ly. Xin giúp chúng con đừng đánh mất niềm hy vọng trước những khổ đau của dòng đời. Xin giúp chúng con biết xây dựng đời mình trên đức tin kiên vững để chúng không buông xuôi, không thất vọng, nhưng luôn vững lòng cậy trông vào Chúa. Xin cho chúng con luôn chạy đến với Chúa khi gặp gian nan. Xin giúp chúng con luôn bám vào Chúa trước những sóng gió tư bề. Xin cho chúng con được tín thác vào Chúa như con thơ an vui trong sự chăm sóc của cha mẹ.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin Chúa lưu lại trong chúng con để chia sẻ với chúng con trong những thăng trầm của dòng đời. Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi. Xin gìn giữ chúng con trong ân thánh của Chúa. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 6 phục sinh

Ga 16,20-23a

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Năm xưa, Chúa đã nuôi dân riêng trên đường về đất hứa bằng bánh Manna từ trời, ngày nay trên hành trình về quê trời, Chúa đã ban cho chúng con Thánh thể Chúa làm thần lương dưỡng nuôi linh hồn chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Chúng con nguyện xin Chúa ban cho chúng con sự sống dồi dào của Chúa, để chúng con có thể trung tín với Chúa trong suốt cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn con đường khổ giá và hy sinh để tôn vinh Thiên Chúa Cha và cứu độ trần gian. Chúa đã dạy chúng con rằng: “qua đau khổ mới tiến tới vinh quang”. Xin cho chúng con biết dâng cho Chúa những hy sinh trong cuộc đời bác ái yêu thương mọi người. Xin cho chúng con biết rèn luyện mình trở nên người con ngoan của Chúa trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày và yêu mến vâng lời cha mẹ. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết từ bỏ những thói hư tật xấu để chúng con xứng đáng là con của Chúa. Xin giúp chúng con sẵn lòng vác thập giá bổn phận hằng ngày với niềm yêu mến Chúa nồng nàn và yêu mến tha nhân như chính mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống yêu mến tha nhân vì lòng yêu mến Chúa, để nhờ đó chúng con tìm thấy ý nghĩa đích thực cho những hy sinh của chúng con. Amen

Thứ Bảy sau Chúa nhật 6 phục sinh

Ga 16,23b-28

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được nên một trong Chúa qua bí tích Thánh Thể. Chúa ở trong chúng con để những tư tưởng, ý muốn của chúng con được hợp nhất nên một trong Chúa. Chúa ở cùng chúng con để lời cầu nguyện của chúng con luôn đẹp lòng Chúa Cha và xứng đáng lãnh nhận nguồn ân phúc từ trời.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa hằng mong muốn chúng con luôn hợp nhất trong Chúa như cành liền cây để sinh hoa kết trái. Chúa muốn chia sẻ buồn vui với kiếp người chúng con. Chúa muốn là bạn đồng hành trong những tháng ngày lữ hành trần gian của chúng con. Xin giúp chúng con biết sống tâm tình tri ân cảm tạ ân tình mà Chúa luôn dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết tạ ơn Chúa khi chúng con gặp được những may mắn, những thành công, những niềm vui trong cuộc sống. Xin giúp chúng con biết tin tưởng phó thác vào Chúa khi dòng đời đong đầy những sóng gió nguy nan. Xin Chúa luôn nâng đỡ những yếu đuối của bản tính loài người chúng con. Xin Chúa thương che chở phù trì cho cuộc đời chúng con luôn được bình an trong Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cầu nguyện với Chúa để nhờ sự cầu nguyện chúng con lãnh nhận những ơn lành của Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Trò Chuyện Với Chúa Mỗi Ngày Như Một Người Bạn #1 - Tâm Sự Với Chúa Luôn Như Hơi Thở
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
23:41 04/05/2010
Trò chuyện với Chúa mỗi ngày như Người Bạn # 1

“ TÂM SỰ VỚI CHÚA LUÔN NHƯ HƠI THỞ”

Đức Giêsu đã nói: Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy (Ga 16, 14).

Con rất vui mừng vì được Chúa gọi con là bạn của Thầy, vì thế lúc nào, ngày nào con cũng gặp gỡ, chia sẻ, nói chuyện với Thầy, để thực hành những điều Thầy dạy.

1- Thưa Thầy, hôm nay Thầy đã ban cho con có thì giờ, sức khỏe và phương tiện xe cộ…để đi phục vụ gia đình và tha nhân, con sẽ thi hành trọn vẹn công việc Thầy đã trao.

2- Con cám ơn Thầy đã ban cho con đôi bàn tay khéo, đôi mắt trong sáng và trí óc minh mẫn để làm việc trong sở làm và giúp đỡ gia đình và xã hội thêm nhiều hạnh phúc hơn.

3- Con tạ ơn Thầy đã gởi cho con các bạn hữu trần gian, để con nói với nhau về Thầy và niềm vui trong cuộc sống được tăng thêm, giảm bớt được nhiều căng thẳng hiện tại.

4- Nhờ Thánh Linh của Thầy, hôm nay con biết sống vui vẻ với mọi người con gặp để họ và con được vui sống, dù người đó con không vừa ý lắm hay họ thờ ơ với con.

5- Nhờ sự trợ giúp của Thầy, hôm nay con thấy can đảm đến với những người đang bị thử thách, yên ủi họ, cho họ ánh mắt, nụ cười hy vọng, để họ vững bước tiến mỗi ngày.

Con làm các việc trên là nhờ ở lòng thương xót của Thầy.

Phó tế: GB. Maria Nguyễn văn Định / Huyền Đồng
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những khuynh hướng tôn giáo trong vùng Phi châu Hạ Sahara
Phụng Nghi
04:44 04/05/2010
ROME (Zenit.org) - Một bản tường trình mới được phổ biến do Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống Công cho thấy có sự thay đổi lớn lao trong việc theo đạo của dân chúng vùng châu Phi Hạ Sahara.

Châu Phi hạ Sahara là một thuật ngữ địa lý được dùng để miêu tả một vùng của lục địa Châu Phi nằm phía nam Sahara, hay các quốc gia Châu Phi nằm hoàn toàn hay một phần ở phía nam Sahara. Nó đối nghịch với Bắc Phi, vốn được coi là một phần của Thế giới Ả Rập.

Vùng hạ Sahara cũng được gọi là Châu Phi Đen, vì những người dân "da đen" sống ở đó.

Đây là danh sách các quốc gia thuộc châu Phi Hạ Sahara:

Angola, Benin, Botswana, Burkina Faso, Burundi, Cameroon, Cape Verde, Central African Republic (Cộng hòa Trung Phi), Chad, Comoros, Congo, Côte d'Ivoire, Democratic Republic of the Congo (Dân chủ Cộng hòa Congo), Equatorial Guinea, Eritrea, Ethiopia, Gabon, Gambia, Ghana, Guinea, Guinea-Bissau, Kenya, Lesotho, Liberia, Madagascar, Malawi, Mali, Mauritius, Mozambique, Namibia, Niger, Nigeria, Rwanda, Sao Tome and Principe, Senegal, Seychelles, Sierra, Leone, Somalia, South Africa (Nam Phi), Swaziland, Togo, Uganda, United Republic of Tanzania (Liên hiệp Cộng hòa Tanzania), Zambia, Zimbabwe.
Châu Phi Hạ Sahara


Vào đầu thế kỷ 20, người Hồi giáo và Kitô giáo tại đây chỉ là những thành phần thiểu số, cộng lại chưa bằng 25% tổng số dân trong vùng. Đại đa số dân lúc đó theo các tôn giáo cổ truyền châu Phi.

Trong thế kỷ vừa qua, chiều hướng đã đổi ngược: con số người theo Hồi giáo đã gia tăng gấp 20 lần, nay tính đến năm 2010 có tới 234 triệu tín đồ. Còn người Kitô giáo, sự biến chuyển còn lớn lao hơn: từ 7 triệu bùng nổ thành 470 triệu, tức là hơn gấp 70 lần.

Bản tường trình cũng cho biết ưu thế của người Kitô giáo trong vùng châu Phi Hạ Sahara làm cho khu vực nơi đây quân bình với vùng phía bắc của châu lục này là nơi người theo Hồi giáo chiếm đa số. Vì thế, nhìn toàn bộ châu Phi, ta thấy tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo xấp xỉ bằng nhau, mỗi tôn giáo có khoảng từ 400 đến 500 triệu tín đồ.

So với cả thế giới, số người theo Kitô giáo tại vùng Hạ Sahara chiếm ít nhất cũng tới 21% thế giới Kitô giáo, còn người Hồi giáo có khoảng 15% trong tổng số tín đồ đạo này trên hoàn cầu.

Bản thống kê của Diễn đàn Pew về sự tăng trưởng tôn giáo tại châu Phi cũng phù hợp với những dữ kiện trong ấn bản mới cuốn Niên giám Thống kê của Giáo hội do Tòa thánh Vatican mới phổ biến trước đây mấy ngày. Theo phổ biến cho báo chí của Văn phòng Thông tin thuộc Tòa thánh Vatican hôm 27 tháng 4 vừa qua, thì trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2008 số người Công giáo trên toàn thế giới tăng từ 1.045 tỉ năm 2000 lên 1.166 tỉ năm 2008, một sự gia tăng 11.54%.

Bên dưới những con số toàn cầu đó, có sự khác biệt lớn lao về phương diện địa lý: Gia tăng cực độ là tại châu Phi, có sự tăng trưởng lên tới 33%, trong khi đó tại châu Âu chỉ có 1.17%

Những giới hạn

Tuy nhiên, bản tường trình của Diễn đàn Pew cũng khẳng định rằng sự tăng trưởng nhanh chóng trong thế kỷ vừa qua sẽ không còn tiếp tục vào những năm tới nữa, và nếu có gia tăng cũng chỉ giới hạn ở kết quả của sự gia tăng tự nhiên về dân số.

Lý do là vì hầu hết những người dân trong vùng này đã theo Kitô giáo hoặc Hồi giáo rồi, ít còn khả năng cho những cuộc cải đạo. Ở hầu hết các nước trong vùng, có tới 90% hay hơn đã tự khai là tín đồ Hồi giáo hoặc Kitô giáo rồi.

Hơn nữa, ít có bằng chứng cho thấy cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo ở khu vực châu Phi Hạ Sahara sẽ có sự tăng trưởng nơi tôn giáo này mà lại làm cho tôn giáo kia phải trả giá; trừ ra ở Uganda mới chỉ thấy một tỷ lệ ít ỏi những người Hồi giáo cải đạo theo Kitô giáo, số người Kitô giáo bỏ đạo để chuyển theo Hồi giáo lại còn ít hơn nữa.

Ngoài những bản thống kê về niềm tin tôn giáo, một phần lớn bản tường trình của Diễn đàn Pew còn liệt kê kết quả cuộc thăm dò công luận liên quan đến 25 ngàn cuộc phỏng vấn trực tiếp mặt đối mặt, thực hiện bằng 60 ngôn ngữ hoặc thổ ngữ tại 19 quốc gia. Mục đích của công tác này là tìm hiểu xem dân chúng vùng Phi châu Hạ Sahara quan niệm thế nào về vai trò tôn giáo trong xã hội của họ.

Cuộc thăm dò cho thấy dân chúng trong vùng sùng đạo sâu xa như thế nào. Người được hỏi phải trả lời xem tôn giáo quan trọng ra sao trong cuộc sống: rất quan trọng, quan trọng phần nào, không quá quan trọng, không quan trọng chút nào.

Kết quả là trong nhiều quốc gia tại châu Phi Hạ Sahara, có tới không ít hơn 90% số người nói rằng tôn giáo là rất quan trọng trong cuộc sống.

Bản tường trình cũng so sánh kết quả này với những cuộc thăm dò thực hiện nơi các châu lục khác trong những năm vừa qua. Ngay cả những nước ít ngả theo khuynh hướng sùng đạo nhất trong vùng Hạ Sahara cũng có điểm cao hơn Hoa kỳ, là nơi chỉ có 57% số người cho rằng tôn giáo là rất quan trọng trong cuộc đời họ.

Nơi những quốc gia Tây phương khác, số tỷ lệ những người coi tôn giáo là rất quan trọng trong đời lại còn thấp hơn nhiều: 33% tại Ba lan, 25% tại Đức, 24% tại Ý và 19% tại Anh.

Điều đó trái ngược với châu Á và Trung Đông, nơi mà, giống như châu Phi, một số quốc gia có số điểm cao tới 90% hoặc hơn nữa những người nói rằng tôn giáo là rất quan trọng. Trong số này có Ấn độ, Bangladesh, Indonesia và Kuwait.

Chung sống

Tuy có sự gia tăng nhanh chóng của cả Kitô giáo lẫn Hồi giáo, các đạo truyền thống của châu Phi vẫn còn có sức mạnh lớn lao. Quả thực, những tôn giáo này sống chung với đạo Hồi và Kitô giáo trong một thứ đạo hổ lốn. Bất kể những mâu thuẫn về thần học do tình trạng này tạo ra, cuộc thăm dò cho thấy rằng sự pha trộn niềm tin tôn giáo như thế vẫn là một thực tế thường ngày trong cuộc sống của dân chúng.

Nhiều người châu Phi vẫn còn tin nơi phù thủy, tà ma, hiến lễ cho tổ tiên, và các thuật trị bệnh bằng đạo cổ truyền. Chẳng hạn, tại 4 quốc gia (Tanzania, Mali, Senegal và Nam Phi) hơn nửa số người được thăm dò tin rằng hiến lễ cho tổ tiên hoặc các thần linh có thể bảo vệ cho họ khỏi tai ương hoạn nạn. Và một tỷ lệ đáng kể nơi cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo – tới ¼ hay hơn thế trong nhiều nước – nói họ tin vào năng lực che chở của bùa ngải, phù thuật.

Thêm vào niềm tin nơi quyền năng che chở của hiến lễ hy sinh và các linh vật, lại còn có tới 1/5 số người trong mỗi nước nói rằng họ tin nơi thuật thôi miên hại người, hoặc khả năng của một số người có thể tác động bằng lời nguyền hiểm ác, thư ếm hoặc bùa mê.

Theo bản tường trình, không có mô thức rõ rệt nào nơi các tín đồ Hồi giáo hoặc Kitô giáo về mức độ tin tưởng vào các tôn giáo truyền thống Phi châu. Các thực hành truyền thống này là điều thường thấy cả nơi các nước phần lớn theo Hồi giáo, nơi các nước có số người Kitô giáo và Hồi giáo bằng nhau, và nơi những nước có phần lớn người theo Kitô giáo.

Bao dung

Về mối liên lạc giữa Kitô giáo và Hồi giáo, cuộc thăm dò cho thấy đối với nhiều người Kitô giáo và Hồi giáo trong vùng Phi châu Hạ Sahara, không có những vấn đề khó khăn đáng kể, và nói chung, có một sự bao dung lẫn nhau. Quả vậy, trong thực tế, thường thì người ta cho rằng thất nghiệp, tội ác và tham nhũng là những vấn đề lớn lao hơn những xung đột tôn giáo.

Những người châu Phi theo Kitô giáo nghi kỵ hơn về Hồi giáo: 40% hoặc nhiều hơn trong hàng chục quốc gia nói rằng họ coi những người Hồi giáo là những người hung bạo. Đáng kể là tại Nigeria và Rwanda, cứ 10 người thì có 6 nói rằng sự xung đột tôn giáo là vấn đề rất lớn trong nước họ.

Người theo đạo Hồi lại có khuynh hướng tích cực hơn đối với Kitô giáo: nhiều người Hồi giáo nói họ quan tâm nhiều đến chủ nghĩa cực đoan nơi Hồi giáo hơn chủ nghĩa cực đoan nơi Kitô giáo.

Tuy nhiên đối với vấn đề hôn nhân, cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo đều có nhiều người bày tỏ sự bất bình về những cuộc hôn nhân khác tôn giáo. Phân nửa hoặc nhiều hơn số người Kitô giáo trong 8 nước cũng như phân nửa số người Hồi giáo trong 12 quốc gia nói rằng họ sẽ cảm thấy không hài lòng nếu con cái của họ kết hôn với một người khác đạo.

Nói chung, đa số tín đồ đều nói rằng bạo hành chống lại thường dân để bảo vệ một tôn giáo là điều rất khó hoặc không bao giờ có thể biện minh được. Thế nhưng lại có một thiểu số đáng kể -- 20% hoặc nhiều hơn – trong nhiều nước cho rằng bạo động đối với thường dân để bảo vệ tôn giáo là điều đôi lúc hoặc thường khi có thể biện minh được

Về vấn đề tương tác giữa tôn giáo và xã hội, bản tường trình cho thấy rằng trong hầu hết các quốc gia được thăm dò, đại đa số đều tin rằng cần phải tin tưởng vào Thượng đế mới có thể sống hợp luân lý đạo đức và có các đức tính tốt. Trong hầu hết những nưiớc này, ít nhất cứ 4 người thì 3 tin có các tiêu chuẩn tuyệt đối về đúng, sai.

Cũng thế, đa số rõ rệt trong hầu hết các nước đều khẳng định rằng âm nhạc, phim ảnh vả truyền hình Tây phương đã làm tổn hại đến các tiêu chuẩn luân lý.

Về các vấn đề như phá thai, mãi dâm, tự sát hoặc đồng tính, người Kitô giáo cũng như Hồi giáo đều bày tỏ sự chống đối mãnh liệt: cứ 10 người thì có 9 trong nhiều nước gọi những hành vi đó là sai lạc về luân lý.

Một số lớn những người sinh sống trong khu vực này bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với thể chế dân chủ. Đồng thời, trong các tín hữu Hồi giáo và Kitô giáo cũng có sự ủng hộ việc đặt căn bản các luật lệ dân sự trên Thánh kinh hoặc trên các luật lệ Shariah của Hồi giáo.

Trong hầu hết các quốc gia được thăm dò, một đa số hoặc một thiểu số đáng kể người Kitô giáo muốn làm cho Kinh Thánh trở thành luật lệ chính thức của đất nước. Tương tự, một số lớn người Hồi giáo nói họ muốn tôn vinh luật lệ Shariah.

Nội dung phổ biến trong bản tường trình này cho thấy rõ rệt là châu Phi sẽ là nơi thích thú để quan sát trong những tháng năm sắp tới.
 
Đức Thánh Cha tiễn biệt vị Hồng y cao niên nhất: Augustin Mayer, OSB
G. Trần Đức Anh OP
06:46 04/05/2010
VATICAN. Sáng 3-5-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự nghi thức tiễn biệt vị cao niên nhất trong Hồng y đoàn, ĐHY Augustin Mayer, người Đức, qua đời sáng ngày 30-4-2010 hưởng thọ 99 tuổi.

ĐHY Mayer, thuộc dòng Biển Đức, nguyên là giáo sư thần học tín lý rồi làm Viện trưởng trong 17 năm trời tại Học viện Giáo Hoàng thánh Anselmo của dòng Biển Đức tại Roma. Sau đó ngài được bầu làm Đan Phụ Đan viện Metten miền hạ Bavière bên Đức từ năm 1966 đến 1971 là năm ngài được ĐTC Phaolô 6 bổ nhiệm làm TGM Tổng thư ký Bộ các dòng tu.

Năm 1985, Đức TGM Mayer được ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích và thăng Hồng Y. Năm 1988, ngài làm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, đặc trách các tín hữu Công Giáo thủ cựu, cho đến khi về hưu hồi năm 1991.

Sáng 3-5, ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự thánh lễ an táng ĐHY Mayer tại Đền thờ Thánh Phêrô. Đồng tế với ngài có 24 HY tại Roma, trước sự hiện diện của đông đảo các đan sĩ Biển Đức, các thân nhân và nhiều vị trong giáo triều Roma.

Cuối thánh lễ, ĐTC đến chủ sự nghi thức tiễn biệt. Lên tiếng trong dịp này ngài nhắc nhở mọi người rằng: ”Mỗi lễ an táng của chúng ta đều được đặt dưới dấu chỉ hy vọng: trong hơi thở cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá (Xc Lc 23,46; Ga 19,30), Thiên Chúa hoàn toàn tận hiến cho nhân loại, lấp đầy khoảng trống do tội lỗi tạo ra và tái lập chiến thắng của sự sống trên sự chết. Vì thế, mỗi người chết trong Chúa đều tham gia nhờ đức tin vào hành vi yêu thương vô biên, có thể nói là họ trút hơi thở cùng với Chúa Kitô, trong niềm hy vọng chắc chắn rằng bàn tay của Chúa Cha sẽ làm cho họ được sống lại từ cõi chết và dẫn đưa họ vào Nước Sự Sống”.

ĐTC cũng nhận xét rằng trong thời đại chúng ta, sự sợ hãi cái chết làm cho nhiều người lâm vào tình trạng tuyệt vọng, tín hữu Kitô nổi bật nhờ sự kiện họ đặt niềm tín thác chắc chắn nơi Thiên Chúa, nơi Đấng là Tình Yêu lớn lao đến độ có thể canh tân toàn thể thế giới. ”Này đây Ta đổi mới mọi sự”(Kh 21,5), Đấng ngự trên ngai tuyên bố như thế vào cuối sách Khải Huyền. Viễn tượng thành Jerusalem mới biểu lộ sự thể hiện ước muốn sâu thẳm nhất của nhân loại: ước muốn sống chung trong hòa bình, không còn bị sự chết đe dọa, nhưng được hưởng niềm hiệp thông trọn vẹn giữa Thiên Chúa với chúng ta”.

ĐTC cũng gợi lại những giai đoạn chính trong cuộc đời của Đức Cố Hồng Y Mayer.

Với sự qua đi của ĐHY Mayer, Hồng y đoàn còn 180 vị, trong đó có 108 vị dưới 80 tuổi. Vị cao niên nhất là ĐHY Ersilio Tonini, 95 tuổi, nguyên TGM giáo phận Ravenna-Cervia, đông bắc Italia (SD 3-5-2010)
 
Kỷ niệm 5 năm Đức Razinger làm Giáo Hoàng
Linh Tiến Khải
06:52 04/05/2010
Phỏng vấn giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên Cộng đồng thánh Egidio, về 5 năm triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Ngày 19-4-2010 là kỷ niệm đúng 5 năm Đức Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên là Biển Đức XVI, và ngày 24 tháng 4 Đức Tân Giáo Hoàng đã chủ sự thánh lễ khai mạc sứ vụ Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong 5 năm làm Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố 3 Thông Điệp: Deus caritas est năm 2005; Spe salvi năm 2007; Caritas in veritate năm 2009; và 1 Tông Huấn Sacramentum caritatis năm 2007. Đức Thánh Cha cũng đã chủ sự 7 lễ phong hiển thánh cho 28 chân phước và 2 Mật Nghị Hồng Y tấn phong 38 tân Hồng Y. Đức Thánh Cha cũng chủ sự 3 Thượng Hội Đồng Giám Mục về các đề tài: Thánh Thể như suối nguồn và tột đỉnh cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội năm 2005; Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội năm 2008; và Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II năm 2009. Đức Thánh Cha cũng đã thực hiện 31 chuyến tông du: 14 chuyến viếng thăm mục vụ tại nước ngoài và 17 chuyến trong nước Italia.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên Cộng đồng thánh Egidio, về 5 năm triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Hỏi: Thưa giáo sư Riccardi, dịp kỷ niệm 5 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI xem ra bị lu mờ vì các vụ giáo sĩ tu sĩ bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em. Giáo sư có cảm thấy như thế không?

Đáp: Cần phải tránh khiến cho ý thức về cuộc khủng hoảng này biến thành khuynh hướng yếm thế bi quan. Chúng ta phải làm hơn thế nữa. Cách đây mấy hôm Đức Thánh Cha đã kêu gọi chúng ta sám hối. Điều này sẽ không làm cho tình trạng khủng hoảng và các hiểu lầm qua đi. Nhưng đàng khác Giáo Hội luôn sống trong tình trạng khủng hoảng, còn hơn thế nữa Giáo Hội luôn sống trong tình trạng hấp hối, nghĩa là trong tình trạng chiến đấu.

Hỏi: Có lẽ chúng ta đã quen với các kỷ niệm các biến cố huy hoàng trong triều đại giáo hoàng trước của Đức Gioan Phaolô II chăng...

Đáp: Cả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã bị chỉ trích nhiều trong các năm đầu triều đại của người. Điều còn lại trong ký ức là đám táng của Đức Wojtila: chưa bao giờ một sự hiển thắng của một Giáo Hoàng đã hiệp nhất các nhân vật lớn của thế giới với dân chúng như vậy. Nhưng không phải tất cả triều đại của Đức Gioan Phaolô II đều đã là một hiển thắng. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện trong hơn 10 năm trời các Kitô hữu vẫn bị bách hại trong đại lục Âu châu thì đủ biết. Tại Albania tín hữu bị bỏ tù chỉ vì đọc một Kinh Lậy Cha.

Hỏi: Đâu là nét nổi bật nhất trong 5 năm đầu tiên triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thưa giáo sư?

Đáp: Sự lựa chọn lớn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là sự khiêm tốn của người. Nó là một lựa chọn vô cùng mạnh mẽ: đó là đề nghị nòng cốt của kinh nghiệm tinh thần Kitô. Đức Thánh Cha tin tưởng nơi Lời của Thiên Chúa, tin tưởng nơi sự thông truyền Tin Mừng, tin tưởng nơi phụng vụ. Và trong sự lựa chọn đề nghị trọng tâm đức tin của chúng ta một cách liên lỉ - theo cung cách của các Giáo Phụ lớn của Giáo Hội như thánh Gioan Kim Khẩu, trong lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện - tôi dám nói rằng có sự trong trắng của vị Giáo Hoàng này, nhất là sự trong trắng tin rằng Lời Chúa làm cho trái tim con người được tái sinh. Và có một sự khôn ngoan lớn lao trong đó. Nhất là ngày nay khi chúng ta đang sống một giai đoạn phức tạp, trong đó xem ra thiếu sự thành công, và chúng ta khám phá ra rằng sức mạnh của chúng ta không phải là sự thành công. Nghĩa là trong sự khiêm tốn của của người Đức Giáo Hoàng làm rung lên sức mạnh Kitô.

Hỏi: Ngoài sự khiêm tốn và trong trắng, có khía cạnh nào khác nữa trong con người của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đánh động giáo sư không?

Đáp: Có sự chân thành của người không muốn sống khác với chính mình: một người tin mạnh mẽ. Sự hiền dịu của Đức Thánh Cha, sự đơn sơ của người, tính cách không diễn kịch của người. Người không đóng kịch. Nhưng mà Đức Thánh Cha cũng là một người, mà đối với những ai không quen biết, đã biến đổi một cách sâu xa, nhất là người đã phối hợp được tuổi tác không còn trẻ lắm của người trong một nỗ lực rất lớn. Đức Thánh Cha đã viếng thăm mọi lục địa, và đã thực hiện nhiều chuyến công du hơn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Và đây không phải chỉ là các chuyến công du biểu tượng, mà thực sự, và là các chuyến viếng thăm gặp gỡ với tín hữu và dân chúng.

Hỏi: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là vị Giáo Hoàng đầu tiên được bầu trong đầu thiên niên kỷ thứ III, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, người là một vị Giáo Hoàng đem theo những vết thương của thế kỷ XX: đặc biệt là hai vết thương: vết thương của chiến tranh, vì thế người đã chọn tên là Benedicto, để tưởng nhớ vị tiền nhiệm đã định nghĩa chiến tranh là một tai ương vô ích. Và vết thương thứ hai là vết thương của sự tục hóa của tây phương, kiếm tìm tự do hay tương lai mà không có Thiên Chúa. Và từ đó là ước mơ lớn lao mà tôi dám gọi là sự ngây thơ thánh thiện, là làm cho Tây Phương lý luận. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI không chỉ đến để tái lập lý trí, mà còn khiến cho thế giới chúng ta lý luận để hiểu đâu là nền tảng sự tự do đích thật của nó.

Hỏi: Nhưng mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đâu có phải chỉ là vị Giáo Hoàng của Tây Phương không thôi thưa giáo sư...

Đáp: Đúng thế. Tôi đã có thể xác nhận về điều này khi Đức Thánh Cha đến thăm trung tâm cung cấp thực phẩm của cộng đồng thánh Egidio. Tôi đã giới thiệu với Đức Thánh Cha 25 người khách ngoại quốc đến từ nhiều nước khác nhau. Khi chào hỏi họ Đức Thánh Cha cho thấy người hiểu biết tình hình địa lý chính trị các quốc gia của họ. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chú ý tới các tình hình khác nhau trên thế giới. Nơi đó có trí thông minh của con người và phản ánh của Giáo Hội công giáo, sống sự toàn cầu hóa trong sự hiệp thông giữa các thế giới khác nhau. Tại trung tâm phân phát thực phẩm của cộng đồng thánh Egidio Đức Thánh Cha đã cho thấy sự nhân bản của người, khi chú ý tới người nghèo.

Hỏi: Có người cho rằng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chống lại Công Đồng Chung Vaticăng II. Riêng giáo sư thì giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã bị định nghĩa như vậy. Trái lại Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã là vị Giáo Hoàng của việc tiếp nhận Công Đồng. Tôi tức cười khi nghe nói rằng Đức Ratzinger chống lại Công Đồng Chung Vaticăng II, từ những người đọc được vài tài liệu vớ vẩn nào đó hay xem một phim nào đó trên đài truyền hình. Đức Ratzinger đã là một trong các người làm nên Công Đồng, đã là người chủ động và đã tin nơi Công Đồng Chung Vaticăng II.

Trong vị Giáo Hoàng này chúng ta có lịch sử của Giáo Hội đi ngang qua Công Đồng. Có việc tái chiếm lại những gì đã được nêu bật trong Công Đồng như Lời Chúa và truyền thống lớn của các Giáo Phụ.

Hỏi: Có lẽ người ta đã không tha thứ cho Đức Thánh Cha vì đã tha vạ tuyệt thông cho các Giám Mục theo phe Đức Tổng Giám Mục Lefèvre, và cho tự do cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh theo lễ nghi tiền Công Đồng Chung Vaticăng II... Có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Tôi không đặc biệt bị lôi cuốn bởi thế giới bảo thủ, nhưng đây cũng là một kiểu cho người ta cảm tưởng là có một sự đa nguyên nào đó. Nhưng mà Công Đông Chung Vaticăng II đã lại không nói nhiều về đa nguyên hay sao?

Hoi: Có một điểm đau đớn nữa là tương quan với Do thái giáo, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tương quan với các anh em Do thái là điều định đoạt. Họ vừa là những người có tương quan nội tại với đức tin của chúng ta vừa là những người đầu tiên đồng hành với chúng ta trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Đây là điều tôi đã chứng kiến trong nhiều trường hợp và đặc biệt là trong chuyến Đức Thánh Cha viếng thăm hội đường Do thái ở Roma.

Chuyến viếng thăm hội đường Do thái ở Roma đã là một sự kiện lớn. Đức Thánh Cha đã cho thấy sự nhân bản của người đối với nỗi khổ đau của dân tộc Israel, cũng như tinh thần sâu xa của người, là bảo đảm đích thật cho việc giúp nhìn vào thế giới do thái.

Hỏi: Với triều đại của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có thật là Giáo Hội đang trải qua mùa đông đại kết hay không thưa giáo sư?

Đáp: Một trong những người đầu tiên mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gặp gỡ sau khi được bầu làm Giáo Hoàng đó là Đức Tổng Giám Mục Kiril của Chính Thống Nga. Đây không phải là chuyên tình cờ. Và cũng không phải tình cờ mà ngày nay Đức Thượng Phụ Kiril là Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Nga cùng với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là một trong các nhận vật lớn của việc canh tân Kitô tại Âu châu. Vào tháng 6 tới này Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm đảo Chypre, một vùng đất đang sống trong một tình trạng địa lý chính trị khó khăn, nơi có bức tường cuối cùng của Âu châu, và cũng là lần đầu tiên Đức Thánh Cha viếng thăm một quốc gia chính thống. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phải đợi 20 năm, trước khi có thể viếng thăm Rumani. Tất cả phải là các tin quan trọng. Nhưng tôi không tin là nó sẽ như thế.

Hỏi: Người ta đọc thấy rằng Đức Thánh Cha ít được các cơ quan trung ương Tòa Thánh giúp đỡ, đã thế sứ mệnh của người lại còn bị ngăn cản nữa, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Đây là một chuyện cũ rồi. Nào là người ta nói tới chuyện Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã sống trong ”hang trộm cướp” của cơ quan trung ương Tòa Thánh, trong khi Đức Phaoô VI là vị Giáo Hoàng rất tốt lành thì ở trong tay của Hồng Y Benelli. Chuyện muốn cứu Đức Giáo Hoàng bằng cách đối chọi người với các cộng sự viên là chuyện cổ xưa. Nhưng Đức Đương Kim Giáo Hoàng đã xây dựng một kiểu hiện diện và cai quản riêng của người.

(Avvenire 18-4-2010)
 
Thánh lễ tại Torinô Chúa Nhật 2 tháng 5
Bình Hòa
07:01 04/05/2010
Cách đây 2 năm, vào ngày 2 tháng 6 năm 2008, Đức Bênêđictô XVI đã loan báo cho đoàn hành hương từ Torinô về Rôma rằng vào mùa xuân năm 2010, tấm khăn liệm Chúa Giêsu sẽ được trưng bày công khai, và ngài hứa sẽ đến kính viếng di tích ấy nếu Chúa thương còn cho sống và đủ sức khoẻ. Ngài đã giữ lời hứa, với việc dành trọn ngày hôm qua cho thành phố Torinô. Rời Vatican lúc 8 giờ sáng, đức thánh cha đã đến phi trường Torino Caselle lúc 9 giờ 15. Sau những nghi thức tiếp đón, ngài đã tiến về quảng trường thánh Carlô để dâng thánh lễ cho Dân Chúa, kết thúc với kinh kính Đức Mẹ. Kế đó, ngài về tòa giám mục dùng bữa trưa với các giám mục thuộc miền Piemonte. Vào buổi chiều ngài trở lại quảng trường thánh Carlô để gặp gỡ các bạn trẻ, rồi đến nhà thờ chánh toà để kính viếng khăn liệm của Chúa, và tiếp các nữ đan sĩ của giáo phận Torinô. Cuộc gặp gỡ cuối cùng được dành cho các bệnh nhân đang điều trị tại “căn nhà của Chúa Quan phòng” do thánh Giuseppe Cottolengo thiết lập năm 1827, hiện nay là một trung tâm bác ái vĩ đại, đón nhận nhiều bệnh nhân mà hầu như y khoa đã bó tay. Vì thời giờ eo hẹp, cuộc viếng thăm chỉ giới hạn vào vài địa điểm tượng trưng. Thực vậy, thành phố Torinô nổi tiếng về nhiều vị thánh, cách riêng trong thế kỷ XIX và XX, dấn thân vào hoạt động xã hội, chẳng hạn như thánh Giuse Cottolengo vừa kể (1786-1842), thánh Giuse Cafasso (1811-1860) tuyên uý các nhà tù và đã tháp tùng 68 tử tội lên đoạn đầu đài, thánh Gioan Bosco (1815-1888) tông đồ các bạn trẻ, chân phúc Francesco Faà di Bruno (1825-1888), một nhà khoa học mở trường huấn luyện cho các trẻ em di cư, thánh Leonardo Murialdo (1828-1900) tuyên uý các thanh lao công, và sau cùng chân phước Pier Giorgio Frassati (1901-1925) một sinh viên làm tông đồ giữa giới sinh viên. Trong bài tường thuật hôm nay, chúng tôi chỉ giới hạn vào Thánh lễ cử hành vào ban sáng, với sự tham dự của 50 ngàn tín hữu có vé để đi vào quảng trường. Trong buổi phát ngày mai, chúng tôi sẽ tường thuật những cuộc gặp gỡ diễn ra vào ban chiều, với cao điểm là bài suy niệm đọc trước tấm khăn liệm.

Bài giảng Thánh lễ dựa trên các bài đọc của Chúa Nhật Phục sinh thứ 5, đặc biệt là bài Tin mừng thánh Gioan nhấn mạnh đến điểu răn yêu thương. Trong lời chào trước khi mở đầu phụng vụ, đức hồng y Polettô ước mong rằng cuộc viếng thăm của đức thánh cha sẽ đánh dấu một cuộc đổi mới về lòng tin và nhiệt khí truyền giáo. Đáp lại, đức Bênêđictô XVI nói rằng cuộc canh tân cần được bắt nguồn từ giới răn mới mà Chúa Giêsu đã trao lại cho các môn đệ: “Thầy ban cho các con một điều răn mới: các con hãy yêu thương nhau. Cũng như Thầy đã yêu thương các con như thế nào, các con hãy thương yêu nhau như vậy” (câu 34). Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Chúa tiếp tục hiện diện ở giữa chúng ta. Tại sao mà giới răn yêu thương được gọi là mới? Thưa bởi vì Chúa Giêsu đã để lại một mẫu gương để quy chiếu. Chúa Giêsu đã trao hiến bản thân mình làm mẫu gương và nguồn mạch của tình yêu. Đó là một tình yêu không giới hạn, đại đồng, có khả năng biến đổi kể cả những hoàn cảnh tiêu cực và các chướng ngại trở thành những cơ hội để tiến triển trên tình yêu”.

Điểm qua vài vấn đề chính của thành phố Torino, ngài kể ra: “tôi nghĩ cách riêng đến nhiều người phải sống trong tình trạng tạm bợ, vì thiếu công ăn việc làm, vì tương lại bấp bênh, vì những bệnh tật đau khổ về thể lý hoặc tâm thần; tôi nghĩ đến các gia đình, các thanh niên, các người già cả thường phải sống trong cô đơn, các người di dân, các người sống bên lề xã hội”. Rồi ngài nói tiếp: “Khi trao cho chúng ta một điều răn mới, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta sống chính tình yêu của Người, là một dấu hiệu khả tín, hùng hồn và hữu hiệu để loan báo cho thế giới biết rằng Triều đại Thiên Chúa đã đến. Dĩ nhiên là nếu dựa vào sức mình thì chúng ta yếu đuối và hữu hạn. Trong con người chúng ta có sự kháng cự yêu thương, và trong cuộc sống chúng ta, có nhiều nỗi khó khăn gây ra chia rẽ, giận hờn và thù ghét. Nhưng Chúa đã hứa rằng Người sẽ hiện diện trong cuộc sống chúng ta, cấp cho chúng ta khả năng có thể yêu thương quảng đại, vượt qua những trở ngại. Nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô, chúng ta có thể yêu thương thực tình. Yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta chỉ có thể thực hiện được nhờ sức mạnh được thông ban cho chúng ta khi sống tưong quan với Người, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, nơi mà hiến lễ tình yêu của Người trở thành hiện thực, và phát sinh ra tình yêu.

Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở rằng những lời của Chúa Giêsu đã mang một tiếng vang đặc biệt tại giáo hội Torinô, một giáo hội quảng đại và năng động, bắt đầu từ các linh mục. Ngở lời với các linh mục và tu sĩ, ngài nói: “Nhiều khi đi làm trong vườn nho của Chúa thật là mệt nhọc. Công tác thì nhiều, các vấn đề chất đống. Xin các anh chị em hãy biết múc lấy hằng ngày sức mạnh để mang sứ điệp ngôn sứ nhờ cuộc tiếp xúc thân tình với Chúa trong sự cầu nguyện; hãy lấy Tin mừng làm chỉ nam cho cuộc sống; hãy vun trồng bầu khí hiệp thông và huynh đệ trong hàng giáo sĩ, trong các cộng đoàn, trong các mối tương quan với Dân Chúa; anh chị em hãy làm chứng cho mãnh lực của tình yêu phát xuất từ trên cao”.

Đức thánh cha đã khuyên các gia đinh hãy sống tình yêu Kitô giáo trong những cử chỉ đơn giản hằng ngày, trong các mối tương quan gia đình, vượt qua các mối chia rẽ và hiểu lầm. Còn những người hoạt động tại các đại học được khuyến khích hãy khiêm tốn đối thoại với Chân Lý, với niềm thâm tín rằng chính Chân Lý sẽ đến gặp gỡ chúng ta. Các nhân viên làm việc trong các cơ quan hành chánh được yêu cầu hãy hợp tác với mọi người trong việc phục vụ ích chung, ngò hầu cuộc sống của thành phố được nhân bản hơn,.

Trong phần kết luận bài giảng, đức Bênêđictô XVI mời gọi các bạn trẻ cũng như tất cả mọi người đừng mất niềm hy vọng. Niềm hy vọng của chúng ta dựa trên cuộc phục sinh của Chúa Kitô, khởi đầu cho một chuỗi những điều mới mẻ, mà chúng ta cũng được chia sẻ. Đó là thế giói đầy hoan lạc, trong đó không còn đau khổ, không còn hận thù oán ghét, nhưng chỉ còn tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và làm thay đổi mọi vật.

Trước khi ban phép lành kết thúc Thánh lễ, đức thánh cha đã dẫn nhập vào kinh kính Đức Mẹ, một người đã chiêm ngắm Thiên Chúa qua dung nhan của Chúa Giêsu, khi còn là một thơ nhi nằm trong máng cỏ, cho đến khi chết trên thập giá, được an táng trong khăn liệm. Dung nhan của con người chịu đau khổ đã in đậm trong tâm hồn của Mẹ, nhưng hình ảnh đó đã được thay đổi nhờ ánh sáng của cuộc Phục sinh. Nhờ thế, trái tim của Mẹ Maria đã lưu giữ hình ảnh của dung nhan của Đức Kitô đau khổ và vinh quang. Chúng ta hãy học nơi Mẹ cho biết chiêm ngưõng Chúa Giêsu với niềm tin và yêu mến. Đức Thánh Cha đã ký thác thành phố và nhân dân Torinô cho Đức Mẹ An ủi, bổn mạng thành phố với lời nguyện: “Lạy Mẹ Maria, xin hãy trông nom các gia đình và các giới lao động, xin hãy trông nom những người đã mất niềm tin và hy vọng; xin hãy an ủi những người đau ốm, những người bị giam tù, những người bị đau khổ. Xin Mẹ nâng đỡ những bạn trẻ, những người già, xin Mẹ giúp cho các mục tử và cộng đoàn tín hữu để cho họ được trở nên muối và ánh sáng giữa xã hội”.
 
Xét mình: Các nhà truyền thông Công Giáo với vụ tai tiếng lạm dụng tính dục
Phụng Nghi
07:05 04/05/2010
VATICAN CITY (CNS) – Với những cuộc hội thảo mang chủ đề như “Benedict XVI, lạm dụng tính dục và báo The New York Times” trên chương trình nghị luận, người ta không ngạc nhiên khi thấy một hội nghị các nhà làm truyền thông Công giáo tại Rome năm nay đã gây ra được nhiều chú ý hơn thường lệ mỗi năm.

Nhưng những người chờ đợi sẽ có một loạt những vụ phê bình chỉ trích giới truyền thông sẽ phải thất vọng. Hầu hết những cuộc thảo luận trong cuộc hội nghị tuần qua tập trung vào vấn đề làm cách nào để cho chính giáo hội trở thành trong sáng hơn, tác động tích cực hơn trong công tác truyền thông và thuận thảo hơn với giới ký giả nếu giáo hội muốn cho sứ điệp của mình về vụ tai tiếng tính dục do giáo sĩ gây ra được mọi người lắng nghe.

Cuộc hội nghị này được trường Đại học Thánh giá của Phủ Giáo hoàng do tổ chức Opus Dei điều hành, trải qua nhiều năm đã trở thành một cơ hội gặp gỡ thường xuyên đối với hàng trăm nhân viên truyền thông của giáo hội, trong đó có những người phát ngôn của các giáo phận.

Những loạt bài báo tiết lộ mới đây về vụ lạm dụng tính dục của giáo sĩ, như một cơn bão thổi tới Vatican, cũng đã ảnh hưởng đến những nhà chuyên môn về truyền thông Công giáo tại các địa phương, đa số là các giáo dân.

Người ta đã tưởng là cuộc hội thảo sẽ dùng báo The New York Times làm chủ đề chỉ trích. Được biết loạt bài về các vụ lạm dụng tính dục mới đây của báo này đã bị nhiều viên chức cao cấp trong giáo hội phê phán là bất công.

Thế nhưng, ông Diego Contreras, viện trưởng khoa truyền thông của trường Đại học Thánh giá, lại bắt đầu cuộc hội nghị bằng lời tuyên bố rằng, nói chung, báo chí đã giữ vai trò tích cực trong việc đem các vụ lạm dụng tính dục ra ngoài ánh sáng và giúp làm cho sự việc trở thành một vấn đề ưu tiên đối với giáo hội.

Sau đó ông trình bầy nội vụ “chỉ nguyên các sự kiện mà thôi”. Ông nói: Trong 7 tuần lễ vừa qua, báo The New York Times đã đăng 65 bản tường trình về giáo hội và vụ lạm dụng tính dục trong ấn bản in trên báo giấy, gồm có 10 bản tin trên trang nhất, cũng như 12 mục góp ý, một bài bình luận, một cuộc phỏng vấn và 29 lá thư của độc giả.

Ông phân tích theo thống kê thấy rằng hầu hết những “thông điệp” chung loan đi qua những bài vở và những nhan đề bài báo, cho thấy vụ tai tiếng này trực tiếp ảnh hưởng đến Đức giáo hoàng Benedict. Cảm tưởng cho thấy, tuy không phải lúc nào cũng được nói ra rõ rệt, là Đức giáo hoàng đã biết về các vụ lạm dụng tính dục vậy mà ngài không nói hoặc không làm gì cả.

Ông Contreras kết luận: báo The New York Times rõ rệt đã có một nỗ lực lớn khi cung cấp tin tức về vụ khủng hoảng này. Những khó khăn tạo ra, theo lời ông, là cách thức trình bầy và giải thích của báo, và điều mà ông gọi là những bài tường thuật này dựa quá nhiều vào những chuyện kể cung cấp bởi các luật sư liên quan đến các vụ kiện lạm dụng tính dục.

Bà Rachel Donadio, thông tín viên của báo The New York Times tại Rome, sau này có nói truyện với ông Contreras và bảo ông rằng tuy đôi lúc người ta phàn nàn là các luật sư đã lèo lái câu chuyện này, nhưng thật rất khó để có được lời tường thuật khác đi xuất phát từ Vatican.

Bà Donadio ngày hôm trước cũng đã nói truyện trước hội nghị, cho biết là loan tải tin tức về Vatican là công việc khó khăn nhất trong cuộc đời của bà. Bà nói: Vatican, dưới nhiều hình thức, vẫn duy trì “một nền văn hóa tu viện, không muốn được biết hay được giải thích.”

Loan tải tin tức về vụ tai tiếng lạm dụng tính dục đã là một công việc đặc biệt khó khăn, và đôi khi bà có cảm tưởng như mình là một thông dịch viên đứng giữa các nền văn hóa khác biệt nhau:

“Đã có lúc, tôi cảm thấy như mình đang cố gắng giải thích cho độc giả Mỹ hay rằng Đức giáo hoàng không phải như người đứng đầu hãng xe hơi Toyota. Ngài không đứng ra trước một cuộc họp báo và xin lỗi vì thắng xe vận hành sai lạc. Vatican không hoạt động như vậy.”

Bà nói: Đồng thời tôi cũng đã giải thích cho một số vị trong giáo triều Roma rằng “vụ lạm dụng tính dục trong giáo hội… không phải là vấn đề báo The New York Times hoặc bất cứ ai trong báo giới bịa đặt ra.”

“Đây là một vấn đề trong nội bộ Giáo hội Công giáo, không chỉ là việc báo chí chống lại giáo hội.”

Một số những lời bình luận thách đố nhất trong hội nghị đến từ các người làm công tác truyền thông trong chương trình.

Bà Pia de Solenni, một nhà thần học Công giáo Hoa kỳ và một nhà văn, cảm thấy bị phiền hà vì một số viên chức trong giáo hội dường như đã tỏ ra có “một thứ giọng điệu đui điếc” trong các bình luận chống đỡ về vụ lạm dụng tính dục. Bà nói sẽ chẳng giúp gì cho giáo hội khi tự mô tả mình đang bị bách hại, hay nói rằng vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ nhoi các linh mục phạm tội lạm dụng, “chúng tôi cũng như những người, những tổ chức khác.”

Bà nói sứ điệp của giáo hội nên nhắm vào một số yếu tố chính yếu: xin các nạn nhân tha thứ, quy nhận trách nhiệm cho những người đã phạm phải lầm lỗi, và trong sáng giải thích xem các vụ như thế đã được giải quyết ra sao. Đã có những mẫu mực tốt đối với việc này, chẳng hạn như ở Hoa kỳ, nhưng phải được thực thi ở mỗi giáo phận trên khắp thế giới.

Giáo hội cũng cần phổ biến những tin tức tốt, chẳng hạn như con số rất thấp những vụ lạm dụng tính dục mới đã được báo cáo. Trên hết cả, theo lời bà, giáo hội cần phải tích cực hoạt động, tiếp xúc với báo giới và đưa tin tức cho họ, đừng đợi cho chuyện nổ ra làm chúng ta lung túng.”

Điều làm hại đến các nỗ lực truyền thông về vụ lạm dụng tính dục là “những lời tuyên bố mâu thuẫn và không phối hợp với nhau”, đặc biệt là khi liên hệ đến các vấn đề dễ làm lạc hướng như đồng tính luyến ái, hay “những bãi mìn văn hóa” như vụ Holocaust chẳng hạn.

Tuy bà Solenni không nêu đích danh người nào, nhưng nhiều người trong hội nghị nghĩ tới một số lời tuyên bố mới đây và có vẻ như là không được chin chắn của các giới chức ở Vatican về những đề tài liên hệ, đã chỉ làm cho công việc trở thành khó khăn hơn.

Là những người tuân theo khít khao chính sách thông tin của Tòa thánh, họ có cảm tình với người phát ngôn của Vatican, linh mục Dòng Tên Federico Lombardi. Cha được họ tin là đã thắng được một số áp lực nội bộ trong nỗ lực công bố các tin tức với nhiều chi tiết và đúng thời gian hơn trong các vụ lạm dụng tính dục và các chính sách.

Trong ngày cuối của cuộc hội nghị, cha Lombardi đã gặp các tham dự viên tại Vatican và cho họ biết rằng chính sách toàn diện của ngài đặt trên một nguyên tắc giản dị: đó là Vatican nên cung cấp càng nhiều những thông tin có thể được, nhằm “giảm thiểu cảm tưởng tràn lan rằng chúng ta có một thứ văn hóa bí mật hoặc đang cố giấu diếm chuyện nào đó.”

Ngài cũng nói rằng, đáp ứng lại vụ tai tiếng lạm dụng tính dục phải đi xa hơn việc trả lời những cáo buộc của giới phê bình hoặc truyền thông. Một công tác căn bản – trong đó các người làm truyền thông Công giáo tại địa phương có thể nắm vai trò lãnh đạo – là đưa ra những tấm gương cụ thể minh họa giáo hội ngày nay là một môi trường gương mẫu đối với sự an toàn của trẻ thơ.

Người phát ngôn của Tòa thánh đã nhận được từ thính giả một điều mà ngài ít lâu nay chưa được nghe: một tràng pháo tay hoan hô rất lớn.
 
Cuộc viếng thăm thành Turin minh định giá trị của Khăn Liệm
Bùi Hữu Thư
20:20 04/05/2010
Khách hành hương tìm Thiên Chúa qua gương mặt Chúa Kitô

VATICAN, ngày 3 tháng 5, 2010 (Zenit.org).- Đức tin vào sự Phục Sinh chắc chắn không phải lệ thuộc vào Khăn Liệm thành Turin, tuy nhiên chuyến hành hương của Đức Thánh Cha Benedict XVI đến thăm tấm vải được cho là đã tẩm liệm thân xác Chúa Kitô có thể giúp các Kitô hữu hiểu giá trị của tấm ảnh.

Điều này được linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông khẳng định khi nói chuyện trong chương trình "Octava Dies" của đài truyền hình Vatican về chuyến viếng thăm Turin của Đức Thánh Cha ngày Chúa Nhật.

Phát ngôn viên Tòa Thánh ghi nhận sự kiện Đức Thánh Cha đã không đề cập đến Khăn Liệm như một “thánh tích”, và cũng không nhắc đến các khảo cứu khoa học về ngày tháng của tấm vải. Tuy nhiên, ngài gọi đó là một “ảnh tượng được vẽ bằng máu” và nói rằng những dấu vết trên tấm khăn trùng hợp với trình thuật trong Phúc Âm về những gì đã xẩy đến với Chúa Giêsu.

Dù sao chăng nữa, như Đức Hồng Y Severino Poletto, tổng giám mục Turin đã minh định vào ngày hôm trước khi Đức Thánh Cha viếng thăm, đức tin của Kitô hữu vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu không tùy thuộc vào tấm khăn này.

Cha Lombardi đã đề nghị tại sao Đức Thánh Cha lại trình bầy tấm khăn như một “ảnh tượng.”

Ngài nói, "Ngoài nguồn gốc mầu nhiệm của hình ảnh này, điều thu hút chúng ta là cách thức lạ lùng trong đó ảnh tượng trùng hợp, trong rất nhiều chi tiết, với trình thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong các Phúc Âm” vết thương, sự đổ máu, vết thương của vòng gai, vết thương của việc đánh đòn. Và tại trung tâm, gương mặt trọng thể của Đấng bị đóng đinh, một gương mặt phù hợp với các phác họa xưa cổ nhất của khoa ảnh tượng, cũng xác định và gợi hứng.”

Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Khăn Liệm năm 1998, ngài cũng không đề cập đến khăn như một “thánh tích.” Ngài nói về tấm khăn như một thách đố cho trí tuệ vì những câu hỏi được đặt ra cho các nhà khảo cứu. Ngài cũng đế cập đến khăn liệm như một “gương soi của Phúc Âm”, vì phản ảnh những dấu chỉ hữu hình của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô.

Những suy niệm của hai vị Giáo Hoàng dành cho hàng triệu khách hành hương đến thăm Khăn Liệm Thánh trong cuộc triển lãm (sẽ chấm dứt ngày 23 tháng 5), là một phản ảnh của giá trị của khăn, bất kể đến những nghiên cứu mà một số chuyên gia vẫn cho là tiếp tục cho là có những điều nghi ngờ.
 
Top Stories
Inde: Les attaques antichrétiennes se multiplient au Karnataka
Eglises d’Asie
08:21 04/05/2010
INDE: Les attaques antichrétiennes se multiplient au Karnataka

Eglises d’Asie, 4 mai 2010 – Selon le Global Council of Indian Christians (GCIC), une ONG d’obédience protestante, un groupe d’une centaine de chrétiens, dont des catholiques de la paroisse St-François-Xavier de Bangalore et plusieurs prêtres et religieuses, a été pris à partie, le 1er mai dernier, par une trentaine d’hindouistes, lors d’une étape de leur « circuit de découverte du Karnataka » dans le village de Hunsur, près de Mysore.

Sajan George, président du GCIC, a rapporté à l’agence Ucanews (1) que les chrétiens ont subi « avec calme » l’attaque des militants membres des partis (pro-hindou) du Vishwa Hindu Parishad (VHP) et du Bajrang Dal. Puis la police, avertie par les hindouistes, a ensuite accusé le groupe de s’être rendu coupable de prosélytisme sur le fondement l’article 295 A du Code pénal indien (« atteinte aux sentiments religieux »). Le responsable du groupe, le P. Robin Das Paul, ainsi que deux autres participants ont alors été écroués à Hunsur, tandis qu’une femme du groupe était envoyée en prison à Mysore.

Selon les forces de l’ordre, les chrétiens faisaient du ‘porte-à-porte’ auprès des habitant, distribuant des tracts, des livres ainsi que d’autres documents religieux. Le responsable de la police locale affirme avoir saisi du « matériel de propagande » consistant en prospectus, ouvrages et CDs, et a rapporté que les membres du groupe auraient proposé 100 000 roupies (1 700 euros) pour subvenir à l’éducation des enfants dont les parents se convertiraient.

Les chrétiens ont formellement nié toutes ces accusations et déclaré n’avoir fait que « diffuser pacifiquement le message de Jésus-Christ (…), [leurs] brochures ne parlant que de religion et ne contenant rien qui puisse porter atteinte à qui que ce soit » (2).

Ces nouvelles violences antichrétiennes suivent de peu l’agression des pèlerins d’Udupi et l’arrestation de douze chrétiens pour actes de « conversions forcées » (3) – incidents qui ont eu lieu dans le même Etat du Karnataka –, alors que l’Inde vient d’être une nouvelle fois montrée du doigt par une commission américaine pour violation du droit à la liberté religieuse.

Le 30 avril dernier, dans son rapport annuel (4), la Commission américaine pour la liberté religieuse dans le monde (US Commission on International Religious Freedom, USCIFR), a en effet réinscrit l’Inde pour la deuxième année consécutive sur sa liste des pays « sous surveillance » où la liberté de religion est considérée comme étant en danger (5). Le document de la commission, qui souligne que l’Inde est « lente » à rendre justice aux victimes de violences religieuses, constate qu’au cours de l’année qui vient de s’écouler, chrétiens et musulmans n’ont cessé d’être l’objet d’attaques répétées contre eux et leurs lieux de culte.

En 2009, lorsque la commission américaine avait placé l’Inde pour la première fois sur la liste des Etats sous surveillance, elle avait expliqué que le pays s’était montré incapable de stopper les violences envers les minorités religieuses, tout spécialement celles des chrétiens de l’Orissa en 2008 et des musulmans du Gujarat en 2002.

Ce rapport « reflète la réalité du terrain », estime le P. Babu Joseph, porte-parole de la Conférence des évêques catholiques de l’Inde (CBCI), ajoutant qu’il y a « un véritable manque de volonté politique dans la lutte contre la violence » envers les minorités religieuses.

La présence de l’Union indienne sur cette liste « n’est pas une surprise », a également commenté Joseph Diaz, fondateur et dirigeant du Catholic Secular Forum, qui se fait régulièrement l’écho des violences antichrétiennes en particulier au Karnataka et au Madhya Pradesh, deux Etats dont les gouvernement sont aux mains des hindouistes et qui ont vu les attaques contre les chrétiens se multiplier ces derniers mois (6).

L’imam de la grande mosquée de New Delhi, Ahmed Bukhari, a exprimé quant à lui le regret que ces affrontements communautaristes ternissent l’image de l’Inde. Il a toutefois tenu à préciser que ces discriminations religieuses étaient « [le] problème [de la nation indienne] et que [celle-ci] le résoudrait [elle-même] » (7).

(1) Ucanews, 3 mai 2010.

(2) Deccanchronicle.com, 1er mai 2010; Costaldigest.com, 2 mai 2010. Les quelques sources ecclésiastiques et les rares médias locaux ayant rapporté l’événement donnant des versions très différentes des faits, les détails de l’agression restent incertains; selon les sources, le nombre de personnes arrêtées varie de 2 à 70, et la nature même du groupe est mal définie (jeunes d’une école encadrés par leurs professeurs, paroissiens d’une église catholique, membres d’une communauté,. ..).

(3) Fides, 30 avril 2010. Voir EDA 528

(4) Voir dépêche EDA du 30 avril 2010

(5) Le rapport, après avoir désigné les treize pays où les violations de la liberté religieuse sont les plus graves (Birmanie, Chine, Erythrée, Iran, Corée du Nord, Arabie Saoudite, Soudan, Ouzbékistan, Irak, Nigéria, Pakistan, Turkménistan et Vietnam), a défini une autre liste de pays « sous surveillance » sur laquelle figure l’Inde parmi douze autres pays comme l’Afghanistan, la Somalie ou l’Indonésie.

(6) Voir EDA 528

(7) Ucanews, 30 avril 2010.
 
Inde: L’Eglise catholique s’inquiète de certaines dispositions de la récente Loi sur le droit à l’éducation
Eglises d’Asie
10:07 04/05/2010
INDE: L’Eglise catholique s’inquiète de certaines dispositions de la récente Loi sur le droit à l’éducation

Eglises d’Asie, 4 mai 2010 – Le 3 mai à New Delhi, Mgr Joshua Mar Ignathios, évêque de Mavelikara et président de la Commission pour l’éducation de la Conférence des évêques catholiques de l’Inde (CBCI), a convoqué une conférence de presse pour dire l’inquiétude de l’Eglise face à certaines dispositions inscrites dans la Loi sur le droit à l’éducation, entrée en vigueur le 1er avril dernier.

« Nous apprécions les efforts du gouvernement (fédéral) pour rendre véritablement universel le droit à l’éducation. Mais certains passages de la Loi sur le droit à l’éducation sont contraires aux droits constitutionnels des communautés minoritaires de ce pays », a expliqué l’évêque catholique.

Aboutissement d’un combat de près d’un siècle, la Loi sur le droit à l’éducation, promulguée le 1er avril par le Premier ministre Manmohan Singh, lui-même issu d’un milieu modeste (1), vise à permettre la scolarisation de tous les enfants, garçons et filles, âgés de 6 à 14 ans en Inde. Aujourd’hui, le nombre des enfants non scolarisés est officiellement de 12,6 millions, mais les ONG spécialisées estiment que le chiffre réel est bien supérieur et se situe entre 70 et 80 millions d’enfants. Désormais, le droit fondamental à l’éducation, qui est inscrit dans la Constitution fédérale depuis un amendement de 2002, devrait devenir une réalité, affirme le gouvernement, qui a débloqué pour cela un budget de trois milliards d’euros sur cinq ans (réparti entre l’Etat central – 55 % – et les Etats régionaux – 45 % –). Les autorités se félicitent de voir l’Inde rejoindre les rangs des 135 pays à travers le monde qui ont inscrit dans leur législation le droit à l’éducation pour tous.

Concrètement, la loi stipule qu’aucun enfant ne doit se voir refuser l’inscription dans une école, en être expulsé ou devoir réussir un examen de passage en classe supérieur avant d’être parvenu à la fin du cycle des études primaires, fixé à l’âge de 14 ans. Le texte législatif vise aussi à garantir un enseignement de qualité à tous les enfants. La question est sensible en Inde où les établissements publics sont souvent d’un niveau médiocre et l’absentéisme des enseignants important. Les écoles privées, souvent confessionnelles, notamment chrétiennes, ont, quant à elles, souvent un excellent niveau, mais sont parfois chères et extrêmement sélectives.

Pour Mgr Ignathios, les objectifs de la loi ne sont pas en question. Ce qui l’est en revanche est l’emprise que les autorités s’arrogent par cette loi sur les établissements privés. L’évêque explique que les articles 21 et 22 de la loi empêchent les groupes minoritaires de gérer comme ils l’entendent leurs propres institutions éducatives, une prérogative pourtant inscrite dans le droit constitutionnel indien. La Constitution de l’Union pose en effet le droit pour les minorités religieuses et linguistiques de fonder et de gérer les institutions éducatives de leur choix. Pourtant, les articles 21 et 22 imposent la mise en place dans toutes les écoles, privées et publiques, d’un comité nommé par l’administration indienne. Le rôle de ce comité, distinct de celui rempli par les comités de gestion propres à chaque école, sera de veiller à la bonne application du principe de l’éducation pour tous.

« Nous ne voyons pas l’intérêt qu’il y a à créer un comité supplémentaire, dans la mesure où les comités de gestion existants remplissent leurs obligations », a déclaré Mgr Ignathios. Si ces comités sont effectivement créés, la loi aboutira à transformer des institutions éducatives réputées en écoles publiques, sous-entendu de piètre notoriété, a ajouté l’évêque.

Afin de trouver une solution à ce problème, l’Eglise a pris contact avec le gouvernement fédéral. « Par la discussion directe et le lobbying, nous approchons les autorités. Nous devrions rencontrer le Premier ministre et les ministres concernés par ce problème », a encore déclaré Mgr Ignathios. Au cas où le gouvernement ne voudrait pas amender le texte de loi, l’Eglise choisira la voie judiciaire, arguant de l’inconstitutionnalité de celui-ci, a-t-il conclu.

Dès le 5 avril, la Haute Cour de Delhi s’est appuyée sur la nouvelle loi pour exiger la réintégration d’une fillette, Suman Bhati, dans l’établissement qui l’avait renvoyée, la prestigieuse St. Xavier’s School. L’institution jésuite de New Delhi avait renvoyé la fillette, son règlement intérieur exigeant qu’un élève ne puisse échouer à plus de deux reprises aux examens de fin d’année. Après un premier échec en classe de fourth grade, Suman Bhati avait à nouveau échoué en fin de classe de sixth grade (11-12 ans). Dans les attendus du jugement, on peut constater que les conséquences de son renvoi pour la fillette n’avaient pas été prises en considération; en citant la Loi sur le droit à l’éducation, les juges ont ordonné sa réintégration. Le principal de l’école a obéi aux juges, tout en précisant que son établissement n’avait fait que suivre son propre règlement, lequel avait été accepté par Suman Bhati et ses parents.

L’Eglise catholique en Inde, dont les fidèles représentent 1,6 % de la population du pays, est très présente dans le domaine éducatif. Du jardin d’enfants à l’université, elle gère 15 000 institutions d’éducation. Souvent réputées, celles-ci forment aussi bien une partie des élites de la nation qu’elles accueillent les plus pauvres, notamment ceux issus des populations dalit ou aborigènes. Une majorité d’établissements se trouve en milieu rural (60 %), même si les institutions les plus prestigieuses se situent dans les grandes villes. Au total, les établissements catholiques forment près de 7 millions d’élèves et d’étudiants. Le 23 mai 2007, la Conférence des évêques catholiques de l’Inde a rendu public un texte intitulé New Education Policy, réaffirmant l’engagement éducatif de l’Eglise auprès des populations les plus marginalisées (2).

(1) Voir EDA 522

(2) Voir EDA 465, 466
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Phan Thiết khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ
Tâm Phúc
08:18 04/05/2010
GIÁO PHẬN PHAN THIẾT KHAI MẠC THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ

Những ngày đầu tháng 5, rất nhiều Giáo xứ trong Giáo phận Phan Thiết tưng bừng khai mạc Tháng Hoa kính Đức Mẹ. Từng đoàn người trong tay cầm hoa theo đoàn rước kiệu để rồi dâng tiến hoa cho Mẹ, mỗi bông hoa là một tâm tình thiêng liêng mà người con muốn thân thưa với Mẹ của mình.

"Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa. Bài hát quen thuộc "Đây Tháng Hoa" của nhạc sĩ Duy Tân được cất lên khi sắc phượng cháy đỏ cả một góc trời báo hiệu tháng Năm đã về. Tháng Năm, tháng mà Giáo hội dành để kính cách đặc biệt Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của cả nhân loại. Các giáo xứ từ miền quê đến thành phố đều nô nức chuẩn bị những sinh hoạt để mừng kính Mẹ. Và truyền thống dâng hoa cho mẹ là cách bày tỏ tâm tình rất dễ thương của người giáo dân đối với Mẹ mà chúng ta có thể tìm gặp ở hầu hết các giáo xứ trong Giáo phận. Những đội dâng hoa của thiếu nhi và người lớn, những cuộc rước kiệu, những giờ lần chuỗi Mân Côi, lắng nghe Sách Tháng Đức Bà để tôn vinh Mẹ trên trời dường như đã đi vào tâm thức của người Công Giáo Việt Nam.

Xem hình dâng hoa tại GP Phan Thiết

Hòa trong tâm tình ca ngợi và cảm tạ Mẹ Maria, chúng ta cùng tìm hiểu gốc tích từ đâu có tháng Hoa Đức Mẹ.

GỐC TÍCH THÁNG HOA ĐỨC MẸ

Vào những thế kỉ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân. Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú. Có nơi người ta tổ chức các cuộc "Rước xanh". Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ. Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo. Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

Đức Giáo hoàng Piô XII, trong Thông điệp "Đấng Trung gian Thiên Chúa", cho "việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ".

Đức giáo hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết: "Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để " bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ" (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236)

Ý NGHĨA CỦA NĂM SẮC HOA DÂNG MẸ

- Hoa hồng là tương trưng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.

- Hoa vàng là niềm tin sắt đá, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác và tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.

- Hoa xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.

- Hoa trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, sạch tội.

- Và hoa tím của những đau thương, bệnh tật, tang tóc, cô đơn, xin Mẹ dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

“Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời". Xin Mẹ giúp mỗi người chúng con luôn giữ lòng yêu mến và noi gương Mẹ, để qua Mẹ chúng con đến với Chúa Giêsu con Mẹ và quyết trở nên người hoàn thiện như Lời Người mời gọi chúng con.
 
Đức Giám Mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi viếng thăm mục vụ các giáo xứ hạt Phú Yên, Quy Nhơn
Giáo Hạt Phú Yên
11:20 04/05/2010
ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI VIẾNG THĂM MỤC VỤ CÁC GIÁO XỨ THUỘC GIÁO HẠT PHÚ YÊN

Sau khi kết thúc tố đẹp chuyến viếng thăm mục vụ các giáo xứ tại giáo hạt Quảng Ngãi vào dịp Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Đức Cha phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã bắt đầu chuyến viếng thăm mục vụ các giáo xứ tại giáo hạt Phú Yên từ chiều thứ Bảy (1.5.2010) đến chiều thứ Hai (3.5.2010). Được biết giáo hạt Phú Yên hiện nay gồm có 12 giáo xứ, đó là: Gò Duối, Sông Cầu, Mằng Lăng, Đồng Tre, Đa Lộc, Tuy Hòa, Đông Mỹ, Hoa Châu, Tịnh Sơn, Trà Kê, Sơn Nguyên và Hóc Gáo. Chương trình viếng thăm mục vụ của Đức Cha khởi đầu tại giáo xứ Gò Duối lúc 14.30. Gò Duối là đơn vị giáo xứ mới được thành lập vào ngày 27.5.2009 dưới sự quản nhiệm của linh mục chánh xứ là cha Phêrô Nguyễn xuân Hòa, nguyên phó xứ Tuy Hòa. Tại đây, Đức Cha đã làm phép thánh hóa tượng đài Đức Mẹ vừa mới được thiết dựng trong khuôn viên nhà thờ.

Đơn vị giáo xứ kế tiếp đón mừng Đức Cha là giáo xứ Sông Cầu do cha Phêrô Lê Nho Phú quản nhiệm. Sau khi Đức Cha cầu nguyện trước Thánh Thể cùng với cộng đoàn giáo dân, Cha sở đã tường trình khái quát về bối cảnh mục vụ của giáo xứ Sông Cầu. Kế tiếp là diễn văn chào mừng Đức Cha của đại diện giáo dân. Đức Cha đã ân cần ban huấn từ và trước khi kết thúc chuyến viếng thăm mục vụ tại đây, đã ban Phép lành cho cộng đoàn đang hiện diện.

Đức Cha từ giã Sông Cầu để trực chỉ Mằng Lăng, giáo xứ của Á Thánh Anrê Phú Yên với hai cha đang chăm sóc mục vụ là chánh xứ là Phêrô Nguyễn Cấp và phó xứ là Philipphê Phạm Cảnh Hiển. Đức Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế tại đây và dùng cơm tối. Sau đó đã lên đường về nghỉ đêm tại nhà thờ Tuy Hòa, để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm 6 đơn vị giáo xứ trong ngày Chúa Nhật hôm sau.

Khi bình minh vừa ló dạng, cũng là lúc cộng đoàn Đông Mỹ hân hoan đón mừng Đức Cha đến viếng thăm mục vụ cùng với các linh mục tháp tùng. Trong đó có cha Giuse Trương Đình Hiền, hạt trưởng Phú Yên, người đã có mặt với Đức Cha ngay từ lúc Đức Cha vừa đặt chân đến Gò Duối; cha Phêrô Võ Tá Đề, tu sĩ Dòng Ngôi Lời, người bạn cùng lớp với Đức Cha, cha Thành Dòng Đồng Công và thầy Ngọc, chủng sinh mãn ĐCV đang giúp mục vụ tại Tuy Hòa. Đức Cha đã cùng với cha sở Phêrô Trương Minh Thái và quý cha hiệp dâng thánh lễ Chúa Nhật V PS trong bầu khí trang nghiêm sốt sắng của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa đang tụ họp. Đức Cha đã ân cần chia sẻ Lời Chúa mà trọng tâm chính là thực thi giới luật yêu thương như đề nghị của trích đoạn Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay. Được biết, Đông Mỹ đang nỗ lực xây dựng ngôi thánh đường mới trên một vị trí mới để việc sinh hoạt đức tin được thuận lợi và thích hợp hơn. Sau khi điểm tâm, Đức Cha đã lên đường đến với giáo xứ Hoa Châu.

Là giáo xứ nằm bên bờ phía Nam của sông Đà Rằng, trên trục lộ ĐT 645 nối liền Phú Yên với Đắc-lắc, thuộc địa bàn hành chánh xã Hòa Phú huyện Tây Hòa, Hoa Châu mang dáng dấp của của một cộng đoàn vừa thanh thản chân quê vừa tươi vui đổi mới. Linh mục đương nhiệm chánh xứ là cha Phêrô Võ Hồng Sinh, kế nhiệm cha cựu chánh xứ là F.X. Trần Hòa, đang nghỉ hưu tại Sài Gòn. Vì Chúa Nhật hôm nay là ngày Chầu Lượt của giáo xứ, nên anh chị em tập trung rất đông để đón mừng Đức Cha Phó Matthêô, lần đầu tiên viếng thăm nơi đây với tư cách là Giám Mục. Đức Cha đã chủ sự thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa. Trước khi từ giã, Đức Cha không quên ghé thăm cộng đoàn các nữ tu Phaolô thuộc tỉnh dòng Đà Nẵng hiện đang phục vụ nơi đây.

Theo con đường ĐT 645 ngược lên thị trấn Hairiêng, huyện lỵ của huyện Sông Hinh, phái đoàn Đức Cha phó Matthêô băng qua cầu mới Tịnh Sơn nối liền hai huyện Sơn Hòa-Sông Hinh để đến với giáo xứ Tịnh Sơn, một giáo xứ kỳ cựu thuộc miền Tây Phú Yên, hiện được cha Giuse Lê Thu Thâu quản nhiệm. Hôm nay, bầu khi của nhà thờ Tịnh Sơn tưng bừng rộn rã thay cho cái không khí trầm buồn trước đây một tuần về sự ra đi của Bà Cố Maria Mađalêna, thân mẫu của cha chánh xứ Giuse. Hôm nay cũng là dịp cha Giuse họp mừng tạ ơn Chúa vừa tròn 18 năm cuộc đời linh mục. Đức Cha đã chủ sự nghi thức làm phép thánh hóa ngôi nhà xứ mới, ban huấn từ và Phép lành cho cộng đoàn. Quây quần chung quanh Đức Cha trong bữa cơm trưa thân mật hôm nay có các nữ tu Dòng MTG.QN, các chức việc, các giáo lý viên trong giáo xứ.

Sau một lát nghỉ trưa ngắn ngủi, Đức Cha đã lên đường về thăm giáo xứ Trà Kê, một giáo xứ có đường cách biệt xa nhất của hạt Phú Yên với Tòa Giám Mục. Khoảng 180 cây số. Đây cũng là một giáo xứ mới vừa được tái lập vào ngày 27.5.2009 với linh mục chính xứ đương nhiệm là cha Phanxicô Assisi Phạm Đình Triều. Ngôi nhà thờ Trà Kê tọa lạc trên một vị trí khá cao, nên không khí nơi đây, cho dù đang giữa mùa nóng oi bức, nơi đây vẫn có được cái không khí mát dịu. Đức Cha thật xúc động khi thấy anh chị em giáo dân sắp hàng giữa nắng chói chang để đón mừng Đức Cha ngoài tận bên ngoài. Ngài đã cầu nguyện trước thánh thể, hát lời kinh tôn vinh Thánh Giuse, Bổn Mạng nhà thờ, và sau khi cha chánh xứ đọc lời nguyện cầu cho Đức Cha, Đức Cha đã ban huấn từ và Phép Lành cho cộng đoàn.

Rời Trà Kê trong tâm tình lưu luyến nơi đoàn chiên cũng như nơi vị Chủ chăn, phái đoàn Đức Cha đã quay trở lại quốc lộ 25 để xuôi xuống viếng thăm cộng đoàn giáo xứ Sơn Nguyên, một giáo xứ được thành lập nhờ chương trình di dân đi kinh tế mới của nhà nước. Quả thật, giáo dân Sơn Nguyên hầu hết là dân đi kinh tế mới đến nơi đây năm 1979. Trước đây là một đơn vị giáo họ thuộc giáo xứ Tịnh Sơn. Vào ngày 1.7.2003, Đức Cha Phêrô đã quyết định thành lập giáo xứ Sơn Nguyên với linh mục chánh xứ tiên khởi là F.X. Trần Đăng Đức. Hiện nay, Sơn Nguyên còn có cha phó Phêrô Nguyễn Xuân Bá cọng tác gúp việc mục vụ với cha chánh xứ. Điều trăn trở của cộng đoàn Dân Chúa và cũng là nổi khắc khoải thường xuyên của vị chủ chăn nơi đây đó chính là sớm có được ngôi nhà thờ mới khang trang hơn, ổn định hơn để cộng đoàn có thể sớm hôm họp nhau thờ phượng Chúa; vì ngôi nhà thờ cũa đã quá ọp ẹp, xuống cấp. Chính trong ngôi nhà thờ nầy, hôm nay, Đức Cha Matthêô đang hiện diện để ban huấn dụ và chúc lành cho toàn thể cộng đoàn giáo xứ Sơn Nguyên nhân dịp ngài viếng thăm mục vụ nơi đây.

Nắng chiều nhạt dần. Đoàn xe chở Đức Cha bỏ lại vùng cao để trở lại đồng bằng về thăm Hóc Gáo. Khi Đức Cha vừa đến cổng nhà thờ, tiếng chuông đổ vang hòa lẫn tiếng hoan hô, chúc mừng đã biến cái khung cảnh mờ nhạt của hoàng hôn trở nên nhộn nhịp và hân hoan lạ thường. Hóc Gáo, cũng lại là một giáo xứ tân lập cùng ngày với Trà Kê và Gò Duối (27.5.2009). Cha chánh xứ nơi đây xuất thân từ họ đạo vùng quê Hội Tín thuộc giáo xứ Mằng Lăng, cha Augustinô Nguyễn Văn Phú. Hóc gáo có được đặc điểm là gần như toàn tòng. Bà con giáo dân qui tụ xúm xít bao quanh nhà thờ. Đức Cha đã chủ tế và chia sẻ Lời Chúa. Đây là thánh lễ thứ ba trong ngày Chúa Nhật V PS; và cũng là sinh hoạt cuối cùng của Đức Cha trong ngày thứ 2 viếng thăm mục vụ tại giáo hạt Phú Yên. Trọng tâm bài chia sẻ cũng vẫn là qui chiếu về giới răn yêu thương như gợi ý của trích đoạn Tin Mừng. Sau bữa cơm tối, Đức Cha giã từ cộng đoàn Hóc Gáo để về nghỉ đêm tại Tuy Hòa, chuẩn bị cho chương trình ngày thứ ba viếng thăm mục vụ.

Tuy Hòa, vì là trung tâm mục vụ của cả giáo hạt, nên được may mắn đón tiếp Đức Cha về tạ ơn sau 5 ngày vừa mới được tấn phong (9.2.2009). Chính vì thế, trong lần viếng thăm mục vụ nầy, Tuy Hòa xin nhường để các giáo xứ bạn ưu tiên đón chào Đức Cha. Tuy nhiên, sáng hôm nay, 3.5, lễ kính hai thánh Philipphê và Giacôbê Tông Đồ, giáo xứ Tuy Hòa đón mừng Đức Cha cũng với tâm tình và lòng hiếu thảo của đoàn chiên dành cho vị Chủ Chăn về thăm viếng mục vụ. Chính vì thế, vào cuối thánh lễ, cha chánh xứ Giuse Trương Đình Hiền đã đọc diễn văn chào mừng Đức Cha và qua đó, tường trình lên Đức Cha đôi nét khái quát về hiện tình mục vụ của giáo xứ. Đức Cha đã ban huấn từ và Phép lành toàn xá cho toàn thể cộng đoàn đang hiện diện.

Sau bữa điểm tâm với quý cha và Ban Thường vụ HĐGX,Đức Cha đã dành chút thời gian ít ỏi đầu ngày để viếng thăm các cộng đoàn tu sĩ đang hiện diện phục vụ tại giáo hạt Phú Yên, thành phố Tuy Hòa. Trước hết Đức cha thăm viếng cộng đoàn MTG.QN; sau đó ngài lên thăm cộng đoàn nữ tu Phaolô Đà Nẳng. Sau cùng, trên đường ra khỏi Tuy Hòa để đi lên thăm giáo xứ Đồng Tre ngài đã ghé lại thăm cộng đoàn các anh em linh mục tu sĩ dòng Đồng Công. Nơi nào, Đức Cha cũng mang đến nụ cười, niềm hân hoan và sự bình an của vị mục tử nhân hiền.

Cộng đoàn Đồng Tre đã tập họp chờ đợi Đức Cha đến từ nửa buổi sáng. Và niềm mong đợi đã được đáp ứng. Đức Cha cùng đoàn tháp tùng đã đạp đất Đồng Tre, một giáo xứ mà địa bàn mục vụ ngày xưa đã là một chiến trường khốc liệt. Cha chánh xứ Antôn Nguyễn Huy Điệp và phó xứ J.B. Võ Tá Chân đã túc trực cùng với anh chị em giáo dân nô nức đón chào Đức Cha. Sau khi cầu nguyện tại nhà thờ, Đức Cha đã đến hội trường để giáo xứ chính thức đón mừng Đức Cha. Khai mạc cuộc đón chào đó là vũ khúc giai điệu xanh do các em thiếu nhi thể hiện. Sau đó ông CT/HĐGX đã đọc diễn văn chào đón Đức Cha. Trước khi Đức Cha ban huấn từ, một vũ khúc về Đức Mẹ được các em thiếu nhi trong trang phục thiên thần áo trắng thể hiện như một lời chúc và nguyện cầu thân thương dâng kính Đức Cha. Sau đó, Đức Cha đã ban huấn từ và phép lành cho cộng đoàn đang hiện diện và chuẩn bị lên đường tiến về Đa Lộc, địa điểm cuối cùng trong cuộc hành trình kinh lý mục vụ giáo hạt Phú Yên.

Sau hơn một tiếng đồng hồ vật lộn với con đường gập ghềnh ngập tràn bụi đất, phái đoàn Đức Cha đã đến Đa Lộc, một giáo xứ “kinh tế mới” cũng vừa được thành lập gần một năm (28.5.2009). Cha quản xứ Đa Lộc, Tôma Nguyễn Công Binh, trông cao to bệ vệ. Nhưng nghe đâu lại rất thường bị bệnh. Đức Cha không dấu nổi vẻ cảm động hiện ra trên gương mặt khi vừa chợt đến cổng nhà thờ, đi giữa đoàn giáo dân đông đảo sắp hàng chờ đón Đức Cha trong cái nắng chói chang giữa trưa hè. Và một thánh lễ đồng tế đã diễn ra thật ấm cúng và sốt sắng. Đức Cha đã chia sẻ về sứ mạng Tông Đồ và nẻo đường đến với Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống. Cuối thánh lễ, ông CT/HĐGX đã đọc diễn văn chào mừng Đức Cha cùng với bó hoa dâng lên biểu hiện tâm tình tri ân hiếu thảo của đoàn chiên với chủ chăn. Bữa cơm cuối cùng của chương trình kinh lý mục vụ thật là ngon và thật là vui.

Hy vọng, niềm vui của 3 ngày viếng thăm mục vụ sẽ đọng lại trong tâm hồn của Đức Cha Matthêô, để trên những nẻo đường mục vụ, cho dù phải đối diện với muôn nổi vất vả khó khăn, Đức Cha vẫn cảm thấy ấm lòng. Vì ở tận nơi xa xăm đâu đó, những địa danh như Hóc Gáo, Trà Kê, Hoa Châu, Đông mỹ…vẫn có những con người, những nụ cười, những ánh mắt hướng về Đức Cha trong tâm tình kính yêu, hiếu thảo.
 
Mùa hoa năm thánh 2010 tại giáo xứ Tam Hà Thủ Đức
Joseph Thanh
11:43 04/05/2010
MÙA HOA NĂM THÁNH 2010

Giáo xứ Tam Hà năm nay bước vào tháng hoa với những kiệu hoa thật lộng lẫy

Như một ngày hội của cả một công đồng gần 7000 người cộng với sự góp mặt của gần 1000 người dân nhập cư kinh tế trên địa bàn giáo xứ

Cũng như mọi năm, năm nay cũng có những kiệu hoa đại diện cho 6 khu của giáo xứ

Đi vào phần chính của chương trình khai mạc tháng hoa là phần dâng hoa của các em thiếu nhi các em với sự chuẩn bị tập dợt từ nhiều ngày trước thật kỹ lưỡng làm cho không khí buổi dâng hoa thật là trang nghiêm và nhuần nhuyễn từ những sự di chuyển xếp hình hoặc xếp thành chữ AVE MARIA tất cả đều dựa trên nền nhạc do ca đoàn THIẾU NHI của giáo xứ thể hiện mọi tiết tấu được ăn khớp với nhau

Sự hiệp thông trong công tác phục vụ, thành tâm và khổ luyện cộng với những nhành hoa, hòa quyện cùng làn trầm hương chúng con dâng về trước ngai Mẹ. Cùng với lời kinh tiếng hát những lời nguyện cầu xin với Mẹ. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ đến với BA NGÔI THIÊN CHÚA hằng ngày hằng giờ luôn bảo trợ và giúp đở cho nhưng khó khăn và ở cùng mọi người trong giáo xứ chúng con và toàn thể giáo hội VN chúng con trong tất cả những lúc vui, buồn giúp chúng con HIỆP NHẤT với nhau TRONG ĐỨC TIN, rộng lòng nơi ĐỨC ÁI, một lòng hy sinh cho SỨ VỤ

Giáo xứ chúng con, các giáo khu chúng con và từng người trong cộng đoàn chúng con luôn tin tưởng và phó thác mọi sự trong tay Mẹ CHỈ VÌ MẸ LÀ NGUỒN CẬY TRÔNG, VÀ NHỜ MẸ CHÚNG CON ĐẾN VỚI CHÚA nhất là trong năm Thánh của GIÁO HỘI VIỆT NAM
 
Sinh viên Công giáo Phát Diệm “Về Với Bản Mường” thành công tốt đẹp !
BTT SVCG Phát Diệm
12:52 04/05/2010
Sinh viên Công giáo Phát Diệm “VỀ VỚI BẢN MƯỜNG” thành công tốt đẹp !

Sinh viên Công giáo Phát Diệm - Như đã thông báo từ trước về chương trình thiện nguyện tại Giáo họ Hưng Thi, thuộc Giáo xứ Khoan Dụ - Gp Phát Diệm, hiện nay dưới sự quản nhiệm của Cha Vincent Ferrier Nguyễn Văn Phương - Chính xứ và Cha Phêrô Nguyễn Trung Kiên- Phó xứ. Chiều tối ngày 29/04/2010, các bạn sinh viên đã tập trung chủ yếu ở Nhà Thờ Thái Hà, ngủ qua đêm ở đó. Sáng hôm sau, 5h các bạn đã thức dậy, làm công tác vệ sinh cá nhân và chuẩn bị lên xe, khởi hành cho chuyến thiện nguyện. Cả nhóm chia thành hai ôtô, mỗi ôtô có khoảng 50 người. Tuy thức dậy sớm và còn hơi "ngáp ngủ" nhưng khuôn mặt các bạn không khỏi háo hức cho một chuyến đi đầy ý nghĩa.

Xem hình sinh viên CG Phát Diệm về với Bản Mường

Về tới giáo xứ Khoan Dụ lúc 8h15p sáng, nhập chung với một nhóm đã về từ tối hôm trước để chuẩn bị một số công việc cần thiết. Tất cả nhóm vào chào Cha xứ, Cha phó, ra mắt Ban hành giáo và thống nhất lại chương trình của chuyến đi. Nhóm được quý Cha đón tiếp nồng nhiệt và còn thiết đãi một bữa ăn sáng thật thú vị với món "ngô luộc" hương vị quê hương. Cha xứ cũng không quên cầu chúc cho nhóm có chuyến đi tốt đẹp, và dặn dò các bạn những điểm chú ý cho chuyến đi.

Công việc thiện nguyện lần này có địa điểm tại giáo họ Hưng Thi, một giáo họ lẻ của giáo xứ Khoan dụ và cách nhà thờ xứ khoảng 20km đường bộ. Giáo họ có 2 thung là thung Châm và thung Voi trong bán kính khoảng 3km. Khoảng 11h, các bạn đã đến địa điểm tập kết ở Hưng Thi với sự đồng hành của Cha xứ, ban hành giáo cùng một số vị đại diện chính quyền địa phương. Như đã chia tổ và phân chia công việc, các bạn mau chóng triển khai các công việc của mình. Ra quân lần này, nhóm có khoảng 140 người, được chia thành các ban như Ban Ẩm thực lo việc nấu ăn, Ban Mái ấm dựng lều trại nhà ở, Ban truyền thông làm công tác truyền thông, Ban y tế, Ban phụng tự; và còn được chia thành Tổ cắt tóc, Tổ phát quà và 5 Tổ để tiện cho việc triển khai chương trình. Sau khi đến Hưng Thi, thành viên trong các Ban và các Tổ đã nhanh chóng bắt tay vào các công việc của mình. Sau khi ăn trưa, các bạn nghỉ ngơi ít phút.

Chiều ngày 30/04, các Tổ đã được phân công, đi theo giáo dân bản địa đến các nhà để thăm hỏi, tặng phần quà là bao gạo 10kg. Các bạn đi trong niềm hăng say, chia sẻ của những người con công giáo. Đồng hành cùng với 5 Tổ đi phát quà là Ban Y tế sẵn sàng tiếp ứng khi có vấn đề về ốm đau, Ban truyền thông với những phó nháy, phỏng vấn viên giúp các bạn và cộng đồng có thông tin đầy đủ, chính xác cho chuyến đi. Cũng trong buổi chiều này, ở tại nơi đóng lều trại, Tổ cắt tóc và Tổ phát quà: quần áo, túi mũ và sách vở, bút thước cũng không kém phần vất vả. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, Nhóm đã có buổi giao lưu và cầu nguyện Taizé tại sân bóng Hưng Thi. Tham gia trong buổi giao lưu cùng các bạn sinh viên còn có đông đảo các bạn trẻ và bà con giáo dân Họ Hưng Thi.

Ngày 01/05, Nhóm lại tiếp tục chương trình của mình. Tổ phát quà và Tổ cắt tóc còn phải làm việc vất vả hơn chiều hôm trước. 5 Tổ chiều hôm trước đi phát quà, hôm nay sẽ giúp người dân làm đồi keo, làm cỏ ruộng và thậm chí là tham gia công việc xây nhà. Các bạn làm việc với tinh thần hăng say, những tiếng cười và sức trẻ thể hiện rõ trên khuôn mặt mỗi bạn sinh viên. Đến 11h, công việc của các nhóm cơ bản đã hoàn thành và đạt được mục tiêu đề ra, các bạn tập chung và có bữa cơm cuối cùng tại Hưng Thi đã được Ban ẩm thực chuẩn bị. Bữa cơm cũng có sự hiện diện của chính quyền địa phương, Ban hành giáo giáo họ Hưng Thi.

Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi ít phút, 13h30 Nhóm lên xe về giáo xứ Khoan Dụ. Tại đây, Nhóm đã được Cha xứ dâng lễ để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho công việc được mọi sự tốt đẹp. Sau thánh lễ là giờ giao lưu giữa các bạn trẻ giáo xứ Khoan Dụ và các bạn sinh viên. Cũng trong giờ giao lưu, anh Hiệu - Trưởng Nhóm phổ biến chương trình “Tiếp Sức Mùa Thi 2010” cho các em học lớp 12 tại đây, với hi vọng các em sẽ tham dự các kì thi Đại học, Cao Đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp.

Sau những giờ phút làm việc, cầu nguyện, giao lưu trong tinh thần yêu thương và chia sẻ, cùng với sự đón tiếp nồng nhiệt của quý Cha, quý Ban hành giáo, và bà con trong giáo xứ. Các bạn tạm chia tay bà con và khởi hành về Hà Nội, một số bạn “tranh thủ” về thăm “Thầy - U” vì sau đó cũng còn mấy ngày nghỉ. Rời Hưng Thi, các bạn không khỏi lưu luyến về một vùng đất đồi đầy úp cây và gió, trong xanh và thoáng đãng với những người giáo dân tuy đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng họ có đời sống thân thiện và một đức tin thật mạnh mẽ. Những ngày sống ở đây, giúp các bạn sinh viên hiểu thêm được rất nhiều điều! Quả là một chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa, mang đậm sắc thái sinh viên công giáo.

Xem thêm ảnh tại website: http://svphatdiem.com
 
Thăm viếng “Vùng đất thần tiên” thuộc các hải đảo ở Hawaii
LM. Trần Công Nghị
21:04 04/05/2010
Thăm viếng “Vùng đất thần tiên” thuộc các hải đảo ở Hawaii

Trong chương trình thăm viếng các hải đảo ở Thái Bình Dương, chúng tôi đã tới Hawaii, và thăm công đoàn CGVN ở Honolulu trên đảo Oahu. Vì trong tuần này Cha quản nhiệm giáo xứ Việt Nam là Cha Vincent Nguyễn Kiên cùng các linh mục trong giáo phận tham dự tuần tĩnh tâm, nên Cha Vincent Kiên đã cử Ban Đại Diện giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam gồm có Bà Chủ tịch Nguyễn Kim Tuyết, ông phó Chủ tịch Trần Đình Cảnh và ông bà cố vấn Nguyễn văn Hùng đón tiếp và đưa chúng tôi thăm viếng một số nơi như Tòa Giám mục Honolulu, nhà thờ chính tòa St Teresa, thăm Công đoàn Việt Nam, gặp gỡ một số bà con, và thăm viếng một số thắng cảnh ỡ Honolulu.

Vì đây là lần thứ 3 chúng tôi đến Hawaii do vậy trọng tâm của cuộc thăm viếng là muốn tìm hiểu sinh hoạt và sự thăng tiến của người Việt Nam và nhất là sinh hoạt của người Công giáo Việt Nam tại các hải đảo thuộc Hawaii. Chúng tôi đã có dịp nói chuyện với các vị đại điện trong giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại nhà thờ đồng chính tòa St Teresa, và dâng thánh lễ cho anh chị em giáo dân ở đây. Chúng tôi sẽ tường trình về những nét chính trong sinh hoạt của người Công giáo Việt Nam ơ Hawaii trong một bài sắp tới.

Để hiểu bối cảnh các sắc dân và những nét đặc thù của những người di dân tới lập nghiệp trong vùng đất nơi đây, trước tiên chúng tôi muốn trình bầy khái lược về lịch sử và những nét văn hóa, xã hội, và tôn giáo của người dân Hawaii.

Cái nhìn tổng quát về Hawaii:

Hawaii là tiểu bang thứ 50 và mới nhất của Hoa Kỳ được chấp nhận ngày 21.8.1959 và là tiểu bang gồm toàn có các hải đảo, nằm ở Trung phần của Thái Bình Dương.

Hawaii thuộc khí hậu nhiệt đới có phong cảnh thiên nhiên đẹp, các bãi biển trải dài, các thác ngàn cao vút và ngay cả các núi phun lửa còn hoạt động... Hawaii từ nửa thế kỷ nay đã trở thành nơi nghỉ Hè lý tưởng của khách thập phương. Có người ví đó là tiên cảnh trần gian!

Nằm ngay giữa Thái Bình Dương nên Hawaii chịu ảnh hưởng đậm nét Hoa Kỳ và các nền văn hóa Á châu, cùng với những nét đặc trưng sống động của dân bản xứ. Hiện tại dân số Hawaii chừng 1.5 triệu người và chừng 75% sống tại thủ đô Honolulu ở trên đảo O’ahu. Về địa hình, nguồn gốc nhân chủng và sắc tộc thì Hawaii là thành phần của văn hóa Polynesia và thuộc Châu Đại Dương của Thái Bình Dương.

Đất đai của Hawaii nằm trên thềm một giải núi lửa gồm cả trăm đảo nhỏ chiếm một diện tích trải rộng cả 1,500 dậm vuông (chừng 2,400 km vuông), nhưng chỉ có chừng 10 đảo lớn là có người cư ngụ. Có 8 hải đảo chính, kể từ Tây Bắc xuống Đông Nam như sau: Niihau, Kauai, Oahu, Molokai, Lanai, Kahoolawe, Maui và Hawaii. Hawaii là đảo lớn nhất và thường được gọi là “Big Island” để tránh trùng tên với tiều bang Hawaii.

• Hawaii (Đảo Lớn): đất rộng trên 10.432 cây số vuông, điểm cao nhất là Mauna Kea cao 4.200 mét, dân số chừng 150.000 người.

• Maui (Đảo Thung Lũng): rộng 1.880 km vuông, điểm cao là Haleakala 3.000 mét, dân số 120.000 người.

• Kahoolawe (Đảo Nhắm Đích): rộng 115 km vuông, điểm cao là Puu Moaulanui 420 mét, không có người ở.

• Lanai (Đảo Trồng Dứa): rộng 365 km vuông, điềm cao là Lanaihale 1.000 mét, dân số 3.200 người.

• Molokai (Đảo Thân Thiện): rộng 675 km vuông, điềm cao Kamakou 1.500 mét, dân số 7.500 người.

• Oahu (Đảo Hợp Quần): rộng 1.550 km vuông, điểm cao núi Kaala 1.200 mét, dân số 880.000 người.

• Kauai (Đảo Bách Thảo): rộng 1.500 km vuông, điềm cao Kawaikini 5.000 mét, dân số 60.000 người.

• Niihau (Đảo Cấm): rộng 180 km vuông, điềm cao núi Paniau 380 mét, dân số 160 người.

Sơ lược lịch sử

Hawaii là một trong 4 tiều quốc độc lập trước khi trở thành tiều bang của Hoa Kỳ, đó là Cộng hòa Vermont (1791), Cộng hòa Texas (1845), và Cộng hòa California (1846), vàVương quốc Hawaii đã độc lập từ 1810 tới 1898. Năm 1898 Hoa Kỳ sát nhập Hawaii thành đất của mình và tới năm 1959 ra đạo luật nhận Hawaii là tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ.

Một biến cố quan trọng đáng ghi nhớ là thời đại chiến thứ II, Hawaii trở thành mục tiêu tấn công bất ngờ của Nhật Hoàng vào cảng Pearl Habor ngày 7 tháng 12 năm 1941.

Hawaii thời xưa và trước khi người Âu châu tới (800-1778)

Khảo cổ chứng minh là Hawaii có dân cư ngụ vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, có lẽ là những người gốc Polynesia đến từ Marquesas. Rồi vào thế kỉ 11 thêm các đợt di dân từ Raiatea và Bora. Lịch sử cũng ghi nhận nhà thám hiểm Anh quốc tên là James Cook là người Âu châu tới đảo đầu tiên vào năm 1778.

Dân số Hawaii trong thời kì trước khi người Âu châu tới không tăng trưởng nhiều và họ thường được các trưởng các bộ lạc cai trị. Và các bộ lạc trưởng được gọi là ali’i, và thường họ luôn có chiến tranh để tranh giành ảnh hưởng và quyền lực và để bảo vệ và củng cố bộ lạc của mình.

James Cook tới và Vương quốc Hawaii (1778-1893)

Năm 1778 thuyền trưởng James Cook tới đây và ông đặt tên các đảo này là "Sandwich Islands" để nhớ ơn vị bảo trợ của mình là John Montagu, công tước đệ tứ thành Sandwich.

Lần thứ hai trở lại đảo vào năm 1779, Cook định bắt cóc Vua Kalaniopuu của Đảo Lớn Haiwaii, mục đích là muốn các tù trưởng khác đang chiếm giữ tầu và thủy thủ của ông sẽ chuộc lại (cách này Cook đã thực hiện thành công ở Tahiti và các đảo khác). Tuy nhiên Vua Hawaii và tùy tùng đã chiến đấu chống trả và Cook cùng 4 thủy thủ đã bị giết đang khi rút lui về bãi biển.

Sau khi Cook bị giết, những sách ông viết về các cuộc hành trình đã được xuất bản tại Anh quốc, điều này đã lôi cuốn nhiều người nhà thám hiểm Âu châu, lái buôn, và các nhà đánh cá voi tìm tới vùng đảo này.

Khi những người Âu châu đến đây cư ngụ họ cũng mang các bệnh tật đến hải đảo làm dân số người gốc Hawaii giảm dần vì lây nhiễm bệnh người Âu châu. Dân bản xứ không có kháng tố chống lại cảm sốt, smallpox, measles và các bệnh khác. Vào thập niên 1850 dịch mụn gà measles giết hại đến 1/5 tổng số dân Hawaii.

Triều đại Vua Kamehameha

Trong hai thập niên 1780 và 1790, các bộ lạc trưởng mở nhiều trận chiến tranh giành quyền lực cai trị, nhưng dần dần sau một chuỗi những cuộc chiến đấu, Vua Kamehameha Đại đế đã chiến thắng các tộc trưởng khác, và đến năm 1810 bắt tù trưởng và dân chúng đảo Kauai đầu hàng. Ông đã thống nhất dân chúng các đảo chung quanh dưới quyền của ông, mở ra kỷ nguyên mới, triều đại Nhà Vua Kamehameha I bắt đầu.

Sau khi Vua Kamehameha II lên ngôi vào năm 1819 thì các nhà truyền giáo Tây phương bắt đầu tới Hawaii truyền đạo cho người Hawaii. Nhiều người trờ thành Kitô hữu. Ảnh hưởng Kitô giáo đã từ từ thay thế một số những tục lệ bản xứ. Vua Kamehameha III là vị Vua Thiên Chúa giáo đầu tiên của đảo.

Sau khi Vua Kamehameha V băng hà vì Vua độc thân không có con và không chỉ định người thế ngôi, nên có cuộc bầu cử phổ thông. Kết quả là vua Lunalilo lên nắm quyền. Năm sau ông chết không có người nối ngôi. Cuộc bầu cử năm 1874 giữa Kalakaua và Emma có tranh giành, dẫn đến cuộc nổi loạn, rồi sau đó nhà Kalakaua lên nắm quyền.

Hiến pháp năm 1887

Năm 1887, vua Kalakaua bị ép ký nhận bản mới: Hiến Pháp Vương Quốc Hawaii, trong đó ông bị tước đi hầu hết quyền hành của Vua. Quyền được bầu cử dựa trên tài sản do vậy người bản xứ yêu thế, còn người gốc Á châu không được bầu cử, quyền nằm trong tay thiểu số người da trắng. Hiến pháp này được gọi là “Hiến pháp dao găm” vì bị đe dọa mà vua phải ký nhận. Vua Kalakaua trở thành nhà Vua hư vị. Vua chết năm 1891. Em gái Vua là Lilioukalani lên ngôi thay thế.

Năm 1893, tầu Hoa kỳ dùng quân lính tấn công và lật đổ triều đại Vua Hawaii.

Từ việc sát nhập Hawaii tiến tới việc biến thành Tiểu bang của Hoa Kỳ (1898-1959)

Sau khi William McKinley thắng cử Tổng thống Mỹ năm 1896, mở chiến dịch thảo luận việc sát nhập Hawaii vào Hoa Kỷ. Quốc hội Hoa Kỳ ra nghị quyết Newlands Resolution và sát nhật Đất Hawaii (Territory Hawaii) với số phiếu thuận 209 trên 91 phiếu chống vào ngày 15.6.1898.

Từ năm 1954 tình hình chính trị thay đổi, dân chúng bắt đầu hướn về Mỹ, và năm 1959, có tới 93% các đại biếu các quận ở Hawaii bỏ phiếu đồng ý đạo luật Admission Act of 1959 chấp nhận làm một tiểu bang của Hoa Kỳ.

Sau khi trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ, Hawaii nhanh chóng xây cất đường xá, cơ sở, dinh thự, các dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng ăn được xây cất tăng tốc và tân tiến, kỹ nghệ du lịch phát triển mạnh. Chính quyền Hawai mở chiến dịch cổ động văn hóa sắc thái Hawaii để lôi cuốn khách du lịch.

Các chủng tộc và người di dân sống tại Hawaii:

Theo thống kê năm 2008 của Hoa Kỳ thì dân số Hawaii được phân chia như sau:

Người gốc Á châu (38.5%)

Người da trắng (27.1%),

Người gốc Phi châu (2.3%)

Gốc Polynesia (9.0%)

Pha chủng tộc (21.4% )

Latinô (8.7%)

Người Hawaii có nguồn gốc Á châu được phân phối như sau:

Người gốc Phi luật tân: 175.000

Gốc Nhật: 161,000

Gốc Trung hoa: 53,000

Gốc Đại hàn: 40,000

Gốc Việt Nam: 8.000

Nguồn gốc dân chúng Hawaii được phân loại như sau:

Phi luật tân: 13.6%

Nhật: 12.6%

Polynesia (bản xứ): 9.0%

Đức: 7.4%

Ái nhĩ lan: 5.2%h

Anh: 4.6%

Bồ đào nhà: 4.3%

Trung hoa: 4.1%

Đại hàn: 3.1%

Nói tiếng Tây Ban nha: 2.9%

Puerto Rico: 2.8%

Ý đại lợi: 2.7%

Gốc Phi châu: 2.4%

Pháp: 1.7%

Tân cách lan: 1.2%

Việt nam: 0.6%

Người Việt Nam tới Hawaii: Biến cố 1975 đã đưa những người Việt Nam đầu tiên tới định cư tại những hải đảo ở Hawaii, và hiện nay số người Việt nam ước tính là chừng 8.000 người.

Tình hình tôn giáo ở Hawaii:

Những nhà truyền giáo đầu tiên đến Hawaii gồm có mục sư Hiram Bingham I thuộc Tin Lành và Joseph Smith thuộc Giáo hội Latter-day Saints. Phía Công giáo có Cha Damien, vị tông đồ thời dnah của những người cùi mới được phong thánh. Cha Damien sống với người cùi ở Kalaupapa tại đảo Molokai.

Tài liệu điều tra Gallup Poll năm 2009 cho biết như sau:

Tin Lành (37.8%)

Công giáo (22.8%)

Mormon (3.3%)

Do thái giáo (0.7)

Không tôn giáo, vô thần, ngộ đạo (21%)

Còn theo thống kê của Hawaii năm 2000 cho biết thì như sau:

Công giáo: 240.813 (16%)

Tin Lành: 150,000 (12%)

Phật giáo: 110,000 (9%)

Do thái giáo: 10.000 (0.8%)

Các tôn giáo khác: 100,000 (10%)

Không thuộc Giáo hội nào: 650,000 (51%)

Trường hợp niềm tin ”Ho’oponopono” lối thực hành Hawaii về hòa giải và tha thứ lồng trong kính nguyện là một niềm tin đặc thù. Nó vừa có tính cách triết lý vừa là lối sống. Truyền thống thì “hoʻoponopono” được các đạo trưởng chữa lành gọi là “kahuna lapaʻa” thực hiện khi có các người đau ốm trong gia đình hay làng xóm.

Một điều đặc biệt về Hawaii là đương kim Tổng thống Barack Obama có một thời gian đã sống ở Honolulu, vì vậy khi ông tranh cử tổng thống năm 2008, ông đã thắng cử ở Hawaii với số phiếu là 76% người Hawaii bỏ phiếu cho ông.

(còn tiếp)

LM Trần Công Nghị
 
Liên đới nghề nghiệp GX Việt Nam Paris mừng sinh nhật thứ X, mở tiệc gây quỹ giúp HĐGMVN tổ chức Năm Thánh 2010
Trần Văn Cảnh
21:14 04/05/2010
LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP GXVN PARIS MỪNG SINH NHẬT THỨ X, MỞ TIỆC LIÊN ĐỚI GÂY QUỸ GIÚP HĐGM-VN TỔ CHỨC NĂM THÁNH 2010

Paris. 010509, Lễ thánh Giuse thợ, trên 200 giáo dân việt Nam vùng Paris đã tụ tập về Giáo Xứ mừng sinh nhật thứ 10 của Phong Trào Lên Đới Nghề Nghiệp để dự tiệc vui Liên đới, gây quỹ giúp HĐGM Việt Nam tổ chức NĂM THÁNH 2010.

1. Học hỏi và trao đổi về « Sống Năm Thánh với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam”

Dựa trên một tập sách nhỏ đã được soạn sẵn, dài 48 trang, cha Trần Anh Dũng đã giới thiệu sơ qua 3 thời kỳ của Lịch sử Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam. Về Thời Kỳ chế độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha 1533-1659, cha đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cha Dòng Tên, nhất là cha Đắc Lộ. Theo cha, người nghiên cứu sáng giá nhất về thời này là Giáo Sư Nguyễn Khắc Xuyên. Sang chương hai, nói về « Hai giáo phận Đàng Trong – Đàng Ngoài và Giám mục Đại diện Tông tờa, 1659-1959 », cha nói về công lao của các Thừa Sai Hải Ngoại Paris và việc tuyên xưng Đức Tin của các vị ttử đạo. Cha thích thú mà tuyên bố rằng, các thánh tử đạo chỉ cần mang tên Việt Nam, và ta có thể nêu thêm chức nghiệp. Thí dụ Thánh Thị vệ Tống Viết Bường, Thánh Thợ dệt Trần Văn Trông, Thánh Thừa Sai Marchand Du,…Qua chương ba, về « Thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, 1960-2010 », cha kể những chuyện thực tế thú vị về các nữ tu Mến Thánh Giá, về các tài liệu Công Đồng Vatican II mà Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam gởi ra Hà Nội bị gởi trở về, về Đại Hội Thánh Mẫu năm 1959, về việc thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980,…

Sau phần trình bày, cha đã trả lời những câu hỏi liên hệ đến việc chậm trễ phong giám mục vào năm 1933, sau 400 năm gieo vãi Đức Tin ở Việt Nam,…

2. Tổng kết niên khóa 2009-2010 và dự kiến sinh hoạt liên đới cho niên khóa 2010-2011

Trước hết, nhân ngày sinh nhật thứ X của Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp, Ông Trần Văn Cảnh đã nhắc nhớ lại mười năm trước đây, ngày 01/05/2000, 150 người đẵ đến tham dự Đại Hội Thành Lập LĐNN. Ông cũng phác lại những công việc mà Phong Trào đã thực hiện được trong 10 năm qua.

Sau đó, ông đã đi thẳng vào công việc mà Năm Ngành LĐNN đã thực hiện trong niên khóa 2009-2010, chính yếu xoay quanh việc tổ chức Đại Hội 01/05/2009.

• Ðại hội 01/05/2009 về đề tài « Y khoa phòng ngừa » do bốn bác sĩ hướng dẫn. Bác sĩ Tạ Thanh Minh nói về cao áp huyết, Bác sĩ Bích Hiền nói về bệnh tiểu đường, Bác sĩ Lê Trung Tú nói về bệnh ung thư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa phụ trả lời chung.

• Bữa cơm thân hữu Liên đới Truyền Giáo mà LĐNN tổ chức hằng năm, năm 2009 có tên là « Tiệc Liên Đới Truyền Giáo Năm Thánh 2010 » vì LĐNN muốn « Đóng góp tài chánh vào việc tổ chức năm thánh 2010 ». Chắc hẳn vì mục đích cao đẹp này, nhờ sự mời gọi của các cha, do sự tận tình của các cán bộ của Phong trào Liên đới Nghề Nghiệp, mà hơn 300 giáo hữu và bạn bè đã đến tham dự. Kêt quả thâu được 8000€. Tất cả khoản tiền này đã được gởi về cho ĐHY Phạm Minh Mẫn, chủ tich UBGM-HĐGMVN đặc trách tổ chức Năm Thánh 2010.

• Ði theo hướng đi mà HĐGM VN đã phác ra cho GHVN, LĐNN đã đưa ra một chiêu hướng hoạt động ba tầng cho nìên khóa 2009/2010:

- Gắn bó với Giáo Hội Việt Nam, sẵn sàng tham dự và đóng góp vào các chương trình nghiên cứu lịch sử giáo hội, chuẩn bị và sinh hoạt năm thánh 2010.

- Tổ chức học hỏi về Giáo Hội Việt Nam và về năm thánh 2010 cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân, đặc biệt là giới trẻ tại Pháp.

- Đóng góp tài chánh vào việc tổ chức năm thánh 2010.

Tất cả ba tầng hoạt động này đã và đang được thực hiện.

Về dự kiến cho niên khóa 2010/2011, ông đề nghị tiếp tục những công việc mà Phong Trào đã và đang thực hiện từ 2009, để đi theo hướng đi mà Đức Ông Mai Đức Vinh đã vạch ra: Sống Liên Đới Nghề Nghiệp là sống hiệp thông.

• hiệp thông với cha ông chúng ta là những người ‘đã đoàn kết, nhất tâm, nhất trí sống và tuyên chứng đức tin đến độ dám hy sinh cả mạng sống của các Thanh Tử Đạo VN. Là hậu duệ của các thánh Tử Đạo tiền nhân, chúng ta có bổn phận noi gương các Ngài ‘sống liên đới với nhau trong nghề sống để hiệp thông và tuyên chứng niềm tin’.

• hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam hiện nay, trong Năm Thánh 2010 này. Trong phạm vi thiêng liêng, chúng ta cầu nguyện cho việc tổ chức Năm Thánh tại Việt Nam có kết quả tốt đẹp và kết quả lâu bền, - trong phạm vi học hỏi, chúng ta trao đổi với nhau về đề tài Cha Trần Anh Dũng sẽ trình bày và hướng dẫn chúng ta, - trong phạm vi tài chánh, chúng ta tổ chức Bữa Cơm Liên Đới (năm ngoái và năm nay) dành tiền giúp quỹ Tổ Chức Năm Thánh 2010. - Với tinh thần cộng đoàn, chúng ta sẽ tham gia tích cực vào Đại Hội các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp vào đầu tháng bảy.

• hiệp thông với nhau trong nghành nghề, trong khuôn khổ liên đới nghề nghiệp, trong tinh thần của những người chung một niềm tin, hay chung một mầu da, một văn hóa…với chúng ta, mà đặc biệt, phải hiệp thông với những người không cùng đức tin, hầu lấy tình người đem tình Chúa đến cho họ, bằng bác ái huynh đệ, chỉ cho họ thấy tình yêu của Thiên Chúa, bằng việc làm cụ thể nói lên với họ những giá trị của Tin Mừng.

Đại Hội đã được tiếp tục với việc cử hành thánh lễ đồng tế, có sự tham dự của các cha và các thầy trong Ban Giám Đốc và nhiều cha sinh viên. Đó là Thánh Lễ Tạ Ơn. TẠ ƠN vì bao ơn lành Chúa đã ban cho Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp và cho các thành viên của năm ngành liên đới trong 10 năm qua. Đó cũng là Thánh Lễ Thống Hối. THỐNG HỐI vì những lỗi lầm mà mỗi người đã lỗi phạm với Chúa và với anh em.

3. Tiệc Liên Đới gây quỹ giúp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức NĂM THÁNH 2010

Trong thư gửi Cộng Đồng Dân Chúa ngày 17.4.2009, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mời gọi mọi người tích cực tham gia vào việc cử hành Năm Thánh 2010. Các ngài viết: « Để tạo điều kiện cho mọi thành phần Dân Chúa có thể tham gia tích cực vào việc cử hành Năm Thánh, chúng tôi sẽ thường xuyên gửi thông tin đến anh chị em qua trang web và qua tập san Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cũng như qua những thông tin tại mỗi giáo xứ và cộng đoàn. Chúng tôi tha thiết xin anh chị em tích cực tham gia vào việc cử hành Năm Thánh 2010 bằng nhiều hình thứ:

• tham gia bằng cách cầu nguyện ngay từ bây giờ cho việc cử hành Năm Thánh đạt kết quả tốt đẹp;

• tham gia bằng cách xây dựng cộng đoàn và giáo xứ mà anh chị em đang hiện diện và phục vụ;

• tham gia bằng cách đóng góp ý kiến gửi về cho Ban Tổ Chức Năm Thánh.

• Chúng tôi cũng mong anh chị em tham gia bằng cách giúp Giáo Hội có ngân khoản cần thiết để lo chi phí tổ chức những sự kiện lớn trong Năm Thánh ».

Đáp lại lời mời gọi của HĐGM, theo lời khích lệ của Ban Giám Đốc Giáo Xứ, các giáo dân Việt Nam tại Giáo Xứ Paris đã cùng với năm nhóm Chuyên Ngành của Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp, Nhóm tầu 101, Nhóm Văn Nghệ thiện nguyên, Nhóm Trẻ,…mỗi người một tay, kẻ góp công, người góp của, kể làm bếp, người làm văn nghệ, kể hầu bàn, người giúp vui, cùng nhau tổ chức bữa tiệc liên đới. Mục tiêu là gây quỹ, « giúp Giáo Hội có ngân khoản cần thiết để lo chi phí tổ chức những sự kiện lớn trong NĂM THÁNH 2010 ».

Paris, ngày 04 tháng 05 năm 2010
 
Giáo xứ Tân Hội giáo phận Nha Trang tổ chức rước kiệu và dâng hoa tháng Đức Mẹ0
Antôn Minh Dũng
21:37 04/05/2010
Giáo xứ Tân Hội giáo phận Nha Trang tổ chức rước kiệu và dâng hoa tháng Đức Mẹ

Vào buổi chiều ngày 03/5/2010, nhân dịp đầu tháng Hoa, đông đảo bà con giáo dân giáo xứ Tân Hội đã tập trung về tại sân nhà thờ để tổ chức rước kiệu và dâng hoa cho Mẹ.

Xem hình rước kiệu dâng hoa tại Tân Hội

Sau khi long trọng rước kiệu Mẹ đi chung quanh nhà thờ, các em thiếu nhi đã đại diện giáo xứ hân hoan dâng hoa cho Mẹ; rồi từng người, từ các em nhỏ cho đến các cụ già, đã lần lượt lên dâng hoa cho Mẹ. Ai có ý nguyện gì muốn nhờ Mẹ chuyển cầu thì viết vào một tờ giấy bỏ vào thùng. Trước khi đọc lời nguyện dâng lễ, Cha Quản Xứ dâng lên Thiên Chúa mọi ước nguyện của bà con giáo dân, nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Thiên Chúa đoái thương chấp nhận.
 
Bế mạc giải bóng đá sinh viên Công giáo Vinh 2010: Trường Thi Fatima đăng quang ngôi vô địch.
Trần Gia
21:43 04/05/2010
Bế mạc giải bóng đá sinh viên Công giáo Vinh 2010: Trường Thi Fatima đăng quang ngôi vô địch.

Sau gần hai tháng tranh tài sôi động và đầy kịch tính, cống hiến cho khán giả những trận cầu hay với phong cách thi đấu và tổ chức chuyên nghiệp, chiều ngày 02 tháng 5 năm 2010 tại sân vận động Bến Thuỷ, phường Bến Thuỷ, thành phố Vinh (Nghệ An), giải bóng đá truyền thống sinh viên Công giáo (SVCG) Vinh lần thứ X đã chính thức khép lại.

Xem hình giải bóng đá SVCG GP.Vinh

Giải bóng đá SVCG Vinh năm nay gồm 14 đội bóng đến từ 14 nhóm sinh hoạt trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò tham gia tranh tài với thể thức thi đấu bóng đá 7 người, diễn ra từ ngày 14/3 đến hết ngày 02/5; mục đích tạo dựng một sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, phát huy tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa anh chị em sinh viên Công giáo đang theo học tại các trường ĐH, cao đẳng.

Trận chung kết của giải diễn ra rất kịch tính, sôi nổi giữa 2 đội Kỹ Thuật và Trường Thi Fatima. Với quyết tâm lật đổ đương kim vô địch Kỹ Thuật, các cầu thủ Trường Thi Fatima vào cuộc một cách hứng khởi và liên tiếp tạo nên những cơn lốc màu trắng về phía khung thành đối phương. Ngay phút thứ 4 của trận đấu, từ một pha triển khai tấn công từ hành lang cánh phải, khung thành của đội Kỹ Thuật đã phải rung lên bởi bàn mở tỉ số của tiền đạo Văn Tuyến: 1 - 0 cho Trường Thi Fatima. Chưa dừng lại ở đó, những phút tiếp theo các cầu thủ áo trắng tiếp tục tấn công với những pha lên bóng nhịp nhàng và thực hiện vô số cú sút nguy hiểm. Bị dẫn trước dù có một đội hình đồng đều và được đánh giá mạnh hơn hẳn, các cầu thủ Kỹ Thuật vùng lên tấn công tìm bàn gỡ, trong khi đó Trường Thi Fatima chấp nhận lùi sâu về phần sân nhà áp dụng chiến thuật phòng ngự phản công. Trước khi kết thúc hiệp 1, hai đội đã thực hiện được rất nhiều cú sút về phía khung thành của nhau nhưng không có thêm bàn thắng nào được ghi. Sang hiệp 2, với sự điều chỉnh chiến thuật hợp lý của Kỹ Thuật, đội bóng ĐKVĐ chơi có phần khởi sắc hơn. Thế trận diễn ra cân bằng và hai đội có nhiều pha ăn miếng trả miếng, khá nhiều cơ hội được tạo ra trước khung thành của cả hai bên. Một màn rượt đuổi tỉ số ngoạn mục với 5 bàn thắng được ghi. Những phút cuối cùng của trận đấu, hai đội tấn công dồn dập và đã nhiều lần bóng dội xà ngang, cột dọc của cả hai khung thành. Trận đấu kết thúc với tỉ số 4 - 2, Trường Thi Fatima lần đầu tiên trở thành nhà tân vô địch.

Ngoài các phần thưởng, cờ lưu niệm cho ngôi vị vô địch, nhì, ba và phong cách cho các đội tham gia thi đấu, năm nay Ban Tổ chức cũng sẽ trao các giải cá nhân cho cầu thủ xuất sắc nhất, thủ môn xuất sắc nhất và cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất. Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức trang trọng vào dịp tĩnh tâm bế mạc năm học 2009 - 2010 tại nhà thờ giáo xứ Cầu Rầm.

Trong những năm qua, giải bóng đá SVCG Vinh đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ phía Cha Đặc trách sinh viên - giới trẻ, nhiều tập thể và cá nhân trong giáo phận, đặc biệt giải đã thu hút được sự tham gia, cổ vũ rất nhiệt tình của các bạn sinh viên. Vòng chung kết của giải năm nay đã khép lại, nhưng sự thành công của giải sẽ là nền tảng cho sự thành công của các giải bóng đá các năm tiếp theo, thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao, nâng cao tinh thần đoàn kết trong các hoạt động văn hoá, thể thao của SVCG Vinh.

Những gì đọng lại trong lòng các vận động viên và những ai chứng kiến giải đấu đầy ý nghĩa này không chỉ là niềm vui, hạnh phúc hay thất bại mà còn là sự hiểu biết, học hỏi, tôn trọng lẫn nhau, là nơi tôn vinh tình bạn, sự gắn kết huynh đệ. Tạm biệt vòng chung kết 2010 với những khoảnh khắc, ấn tượng đáng nhớ, hẹn gặp lại ở những mùa giải mới hứa hẹn nhiều thành công mỹ mãn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giũ Bụi Trần Ai 1
+GM Nguyễn Văn Sang
08:37 04/05/2010
Giũ Bụi Trần Ai

Như tôi đã nhiều lần đề cập trên mạng hoặc trong vài cuộc hội họp, trong chỗ riêng tư, đặc biệt với một số người bạn thân thiết đồng chí hướng rằng: có nên xem xét việc tổ chức các cuộc hội thảo nhằm trình bày, đánh giá phần đóng góp tích cực của Đạo Công Giáo nói riêng tại đất Thăng Long nghìn thủa. Chúng ta đã thấy ồn ào, đa dạng trong nhiều lĩnh vực trước sự kiện 1000 năm Thăng Long thành lập. Tôi đã được nhiều nhân vật đạo đời ủng hộ và cậy trông vào Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, ngài rất sốt sắng ủng hộ và cho phép tích cực chuẩn bị, song thật đáng tiếc có nhiều biến cố xảy ra làm cho dự định nói trên hầu như tan biến: nào là sự kiện AFEC ở Hà Nội trùng vào dịp tổ chức hội thảo vai trò trí thức Công Giáo tại thủ đô, mà tôi có vinh dự được đọc tham luận khởi đầu…, nào là sự kiện khai mạc năm thánh 2010 tại Sở Kiện…, rồi đến Đức Tổng Giuse bị bệnh phải đi chữa trị tại Roma, rồi tin Đức Tổng Phó được điều từ toà giám mục Đà Lạt ra Hà Nội đã thành sự thật gây sáo trộn không ít trong dư luận. Dẫu vậy, một số anh em có thiện chí vẫn âm thầm chuẩn bị hoặc lên tiếng ủng hộ, hứa hẹn cộng tác viết bài khơi dậy ý thức, nhất là tiến sĩ ký giả Phạm Huy Thông, và một số tri thức, doanh nhân trong các cuộc hội họp vừa qua.

Ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới rồi, có lẽ chúng ta bỏ lỡ mất dịp để trước đó có những thiên khảo luận, đóng góp vào bộ mặt của Công Giáo tại thủ đô Hà Nội, ít ra cũng từ 500 năm nay, trong bối cảnh 1000 năm Thăng Long được thành lập. Sở dĩ tôi dám nói như vậy, vì thấy một số thiện cảm của nhiều độc giả trong Giáo hội cũng như các vị tri thức Công Giáo, ngoài đời đã manh nha đóng góp những bài viết đây đó trên mạng, báo chí hoặc bài giảng… phải kể đến hàng đầu là nhà văn, nhà thơ Lê Đình Bảng với tài liệu đồ sộ “ Ở Thượng Nguồn Thơ Ca Công Giáo Việt Nam” hoặc Tiến sĩ ký giả Phạm Huy Thông, như chúng ta đã trình bày ở trên với một số bài viết mới đây về sự đóng góp của văn chương Công Giáo, cách ứng sử đánh giá thiếu cơ sở gây chia rẽ trong cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, sự biến đổi cách nhìn về Đạo Công Giáo trong xã hội ngày nay...đặc biệt là trong luận văn tốt nghiệp Tiến sĩ của ông.

Trong khi chờ đợi có những hoạt động tích cực mọi mặt để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long về phía Công Giáo, nhằm nêu cao bộ mặt tươi sáng của Ông Cha cũng như chính chúng ta, đã góp phần vào việc nâng cao giá trị con người Việt Nam trong xã hội, cũng như nơi toàn thể thế giới. Tôi kêu gọi mọi người ở trong mỗi cương vị và khả năng có thể có đóng góp bằng nhiều thể, nhiều cách, tuỳ theo địa vị, khả năng, hoàn cảnh Việt Nam, có thể trao đổi ý kiến tổ chức với Tiến sĩ, ký giả Phạm Huy Thông trên Email: huythongjean@gmail.com hoặc gửi về Web. của giáo phận Thái Bình WWW.tgmtb.net để dựa vào đó chúng ta cùng nhau tìm cách thực hiện như lòng mong ước.

Sau đây tôi có thể xin đóng góp một số bài vở nhằm chuẩn bị cho những cố gắng kể trên.

Trước khi tìm được bộ mặt thật về việc đóng góp của Công Giáo trong việc hình thành Thăng Long 1000 năm một thủa, mọi phương diện cần phải “Giũ Bụi Trần Ai” lau đi những gì làm che lấp hoặc biến dạng khuôn mặt khả ái nói trên.

Cục Ung Bướu?

Cách đây hơn 2 năm, nhân vụ đất đai của Toà Khâm sứ và Thái Ha,ø tôi có được đài phát thanh RAF phỏng vấn nhiều điều, về Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, về kết quả cuộc viếng thăm của phái đoàn Toà Thánh tại Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng. Tôi không trả lời trực tiếp nhưng đã có bài viết trên mạng nhân kể lại câu chuyện của cha chính Gioan Baotixita Nguyễn Văn Vinh vào đêm Noel 1973, nói về việc thuyên chuyển ngài ra khỏi Hà Nội như ý muốn của chính quyền lúc đó. Về sự kiện Toà Thánh đến thăm Thái Bình đã có nhiều bài viết được tập trung in lại trong một tập nhỏ nhan đề: “Phái đoàn Toà Thánh viếng thăm Giáo phận Thái Bình” Nhưng có một câu hỏi tôi chưa muốn trả lời ngay lúc đó, vì nó nhằm bóc đi một lớp bụi phủ trên dung nhan của Giáo hội Công Giáo một cách đáng tiếc, đó là câu hỏi được đặt ra của một giáo sư đại học như sau:

“Đạo Công Giáo như một ung bướu trên thân thể Việt Nam do đế quốc Pháp và Mỹ để lại….?”

Đài phát thanh lúc đó hỏi tôi có ý kiến gì? Sau nhiều lần trao đổi với tiến sĩ linh mục Nguyễn Thái Hợp, vì không được sự nhất trí đồng thuận của ngài nên tôi tạm gác bỏ, nay tôi xin lấy lại và phát biểu ý kiến như sau: không rõ tác giả câu nói trên ám chỉ cục ung bướu này là bướu lành hay bướu độc. Dù như đã là bướu mà ngày nay vẫn còn xuất hiện trên thân thể Việt Nam là điều không ai có thể chấp nhận về mọi phương diện, thế nhưng cục bướu đó vẫn còn tồn tại sung sức với những hoạt động sôi nổi về tinh thần, vật chất trong xã hội ngày nay như mọi người đều biết rõ; và tôi tự hỏi: Hiến pháp của nước Việt Nam chả nhẽ bảo đảm cho cục bướu đó tồn tại và phát triển sao. Lại còn lập ra một uỷ ban được gọi là Ban Tôn Giáo của Chính Phủ với các hoạt động từ trên xuống dưới, những hệ thống lề luật, pháp lệnh, hướng dẫn, nội quy… để giúp cho cục bướu đó tồn tại, cũng như thành lập các uỷ ban, giúp nó sống “tốt đời đẹp đạo” và thường đem giới thiệu một cách hãnh diện trước dư luận trong và ngoài nước, thế thì, đối với một con người có điên chăng, để cho cục bướu đó tồn tại? và như vậy chúng ta cũng lý luận về các hoạt động nói trên.

Đàng khác như đã trình bầy thực tế rành rành, trước mắt đã chứng minh một cách hùng hồn lớp bụi bị phủ trên khuôn mặt kia và sai lầm đáng trách chúng ta không muốn đi vào chi tiết, sẽ có những nghiên cứu đi vào mọi lĩnh vực một cách tích cực hơn, còn nói tới do đế quốc Pháp và Mỹ để lại, thì không đúng chút nào. Theo lịch sử Đạo Công Giáo đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1533 và đã thành một tôn giáo vững mạnh, mặc dù bị bách hại khốc liệt lúc ban đầu, còn thực dân Pháp xâm lăng và có ảnh hưởng tới Việt Nam thì chỉ bắt đầu vào cuối thế kỷ XVIII, đế quốc Mỹ còn muộn hơn nhiều tất nhiên cũng như đế quốc Pháp có thể chăng một vài trường hợp, vài nhân vật lợi dụng tôn giáo trong ý đồ đen tối của mình, giống như trong các tôn giáo và các tổ chức khác có tiếng là trong sáng như Đạo Phật, Tin Lành, kể cả Đảng Cộng Sản Việt Nam. Còn đa số chúng ta là trung thành với tôn giáo, trong mọi hoạt động, đều có công đóng góp vào xã hội trong nhiều lĩnh vực như sau này chúng ta sẽ bàn tới, và đã được dư luận trong xã hội cũng như thế giới công nhận.

Vậy nên Đạo Công Giáo không thể là “Cục Ung Bướu” cũng không thể do đế quốc Pháp và Mỹ để lại có liên hệ, nên chăng việc đặt tượng cha Alexandre de Rhodes (A-l?c-x?ng ??-r?t) nhân dịp 1000 năm Thăng Long.Theo một vài tin tức thì chính Nguyên thủ tưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt, đã gợi ý cho nghệ sĩ Phạm Văn Hạng điêu khắc gia làm công việc này nhân dịp 1000 năm Thăng Long, vì nguyên thủ tưởng Võ Văn Kiệt rất kính phục Cha Alexandre de Rhodes, ngài đã có công sáng tác chữ Quốc Ngữ có ảnh hưởng lớn tới nền văn hoá Việt Nam và Thăng Long nói riêng.

Nghệ sĩ Huy đã hoàn thành tác phẩm và đề nghị Thủ đô Hà Nội, đặt vào nơi xứng đáng. Song việc này khó mà thực hiện được vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của từ nhiều phía, vì những lý do khác nhau, nhiều khi không đủ thuyết phục.

Ví dụ Cha Alexandre de Rhodes có tội là do “Rao giảng một Đức tin hoàn toàn khác biệt với tín ngưỡng truyền thống của người Việt, từ nhận định rằng người Việt vốn chỉ là một dân tộc mê tín...” “…ông dùng ngôn ngữ của ông tạo ra để phỉ báng đạo của người khác, khi ông gọi Phật Thích Ca là “mọi đen” và tuyên truyền Đạo Phật là Đạo Quỉ …”

Trả lời: Khi muốn đánh giá chính xác giá trị một người, không nên “lôi” họ ra khỏi môi trường, hoàn cảnh họ đang sống với những ý nghĩa, giá trị chủ quan mà lúc đó có khi rất khác với giá trị ngày nay. Trong một số bài viết của cha Alexandre de Rhodes có những đoạn xem ra không đánh giá đúng mức Tam giáo lúc đó, không phải nguyên Phật Giáo, thậm chí dùng những lý lẽ xúc phạm, là do nhận thức chủ quan, kém hiểu biết của một con người thời đại đó, nhất là người ngoại quốc.

Trong lịch sử quá khứ, cũng như trong thời đại ngày nay riêng Đạo Công Giáo, có biết bao nhiêu lần bị “chưởi bới” lên án còn tệ hại gấp nhiều lần, do sự thiếu hiểu biết nhiều hơn là ác ý trong Tam giáo (Phật, Lão, Nho) cũng có những kèn cựa, xúc phạm tới nhau mà lịch sử văn học, bác học và bình dân đều nói tới.

Từ lớp Sĩ Phu tới quần chúng bình dân đã có những ý kiến, mà chính nhà chép sử “Văn học Phật Giáo” có nhắc tới, trong các số báo gần đây, như một “điều tích cực” vì hiện trạng quần chúng lưu ý tới như một biến cố quan trọng dù tích cực hay tiêu cực.

Đôi khi tôi muốn trích ra đây những bản văn ca dao, ngạn ngữ nói đến vấn đề tiêu cực kể trên, nhưng vì không muốn làm mất bầu khí “đoàn kết tôn giáo” tốt đẹp của chúng ta ngày nay.

Đằng khác, ngoại trừ một vài câu nói do sự hiểu biết hạn chế trong các bản văn khác nhau của Cha Alexandre de Rhodes theo Linh mục Đỗ Quang Chính Dòng Tên có viết trong cuốn “ Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt”

“Khi thuyết giảng, Rhodes cố gắng tránh lối trình bày tiêu cực, không chê bai Tam giáo, giảng giải thế nào để ngay từ đầu, nhờ lý luận tự nhiên, hợp với văn hoá Việt Nam, người nghe hiểu được dễ dàng. Vì thế, bước đầu giảng về việc đấng Tạo hoá tác thành muôn vật, đặc biệt con người, nên con người phải có lòng hiếu thảo với Đấng tạo hoá … từ đó dần dần mới đi vào các mầu nhiệm trong đạo. Về phương pháp và thứ tự các bài giáo lý mà Rhodes giảng dạy, cũng như cuốn giáo lý bằng chữ Hán do một ông Từ (giữ từ đường Vương thái hậu của chúa Trịnh Tráng) đem tới hai cha. Ông Từ nói rằng, đó là cuốn sách của thân phụ khi theo Sứ bộ Việt Nam đi Bắc Kinh đã đem về (lúc đó ông Từ mới được 12 tuổi), ông đã giữ kỹ làm bảo vật từ gần 30 năm nay. Có thể đó là cuốn giáo do cha Michele Ruggieri, SJ.soạn: Thiên Chủ thực lục chính văn in tại Phúc Kiến năm 1584; cũng có thể là cuốn Thiên Chủ thực nghĩa do cha Matteo Ricci, SJ.soạn, in tại Bắc Kinh lần đầu năm 1603.”

“Và những bản văn Ngài khen tặng người Việt Nam, nói chung về lịch sử theo người Việt Nam riêng trong thời đại đó làm chứng Ngài không khinh thị rẻ rúng dân tộc Việt Nam. “Cả Phương Đông và tôi dám nói bất cứ phần đất nào ở Tân thế giới, cả ở miền Đông Ấn đã được các cha chúng ta truyền giảng, kể từ 120 năm nay, các con cái thánh Inhaxiô đã tận tuỵ làm việc, không thấy một giáo đoàn nào phồn thịnh hơn, không kết quả nào tốt đẹp hơn, không nền thánh thiện nào đâm rễ sâu hơn, không một dân tộc nào thánh hơn, không khó nhọc nào được trả công bội hậu hơn đem sánh với giáo đoàn mà chúng tôi đã đổ bao công lao ở Bắc kỳ. Ở đây chúng tôi đã gặp được những hoa quả phong phú hơn là bị mất ở Nhật” (trích Marini xứ truyền giáo, bản tiếng Ý)

Một linh mục soạn quốc vào thế kỷ XVI, trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc trước Công Đồng Vaticanô II hàng bốn thế kỷ, có một vài sai lệch về tôn giáo thì không lấy gì làm ngạc nhiên và đáng kết án. Ngay bản thân các tôn giáo ngoài đạo Công Giáo, ngay bản thân mỗi người chúng ta trước Công đồng chung Vaticanô II, không khỏi có những phán đoán lệch lạc, hoặc kỳ thị tôn giáo. Ngay bản thân tôi ở tuổi thiếu niên đang học trong các trường Công Giáo cũng bị các tư tưởng kỳ thị gieo vào đầu óc. Do đó, chúng tôi thường tới các chùa chiền gây rối, đi qua các cửa hàng Aán Độ bán vải ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, túm áo làm giả các tai heo để trêu chọc các vị đó (nghĩ họ là các tín đồ Hồi giáo kiêng ăn thịt heo).

Công đồng chung Vaticanô II đã soi sáng cho Giáo Hội Công Giáo, và có thể phần nào cho các tôn giáo khác, về sự tôn kính, hài hoà, đối thoại chân thành với các tôn giáo khác, làm cho chúng ta “đỡ bớt” các thành kiến, kỳ thị…song không phải không còn những hiểu lầm, đừng nên coi khinh những người tiền Công đồng vào thế kỷ XVI.

Vài vấn đề Đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam do cha Alexandre de Rhodes về Đức Tin “khác biết với tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam” đó đâu phải là một Tội. Đạo Công Giáo cũng như các đạo khác, nói chung ở Việt Nam đều có nguồn gốc, và là sản phẩm ngoại lại từ Dothái, Aán Độ, Trung Hoa, nên không thể nói được tôn giáo nào là có đức tin truyền thống của người Việt, hoặc giả cái mới do Đạo Công Giáo đem lại so sánh với đức tin truyền thống, cũng phải lấy Giáo lý ra mà so sánh cái đúng cai sai, chứ không thể dựa vào sự “khác biệt” mà đã kết án.

Hiện nay trên thế giới, ngay cả đất nước chúng ta, cũng tồn tại và chung sống các tôn giáo mà những đạo thuyết khác biệt lẫn, vẫn được người “rao giảng”, trong sự tôn trọng lẫn nhau mà có ai kết án? (trừ những ông chính quyền các xã huyện miền Lai Châu, Hoà Bình cho rằng các tôn giáo là trái lại phong tục, tập quán truyền thống dân tộc địa phương...nên không được rao giảng và theo đạo đó).

Vấn đề bài trừ mê tín dị đoan của dân tộc là trong thời gian dài, có bài viết của Tiến sĩ Huy Thông tuy chưa sâu sắc bao quát nhưng cũng đủ để rõ thái độ và cách sử lý của Đạo Công Giáo trước vấn đề mê tín.

Vả lại ai có thể dám chắc trong tôn giáo và đám quần chúng nào đó không có gì là mê tín dị đoan, mà đều tràn đầy trong đạo thuyết cũng như thực hành, theo các nhà sử học đều cho là mê tín. Kể cả lãnh đạo ngày hôm nay, lợi dụng sự đổi mới trong xã hội Việt Nam, sự mê tín dị đoan tràn ngập các đình chùa miếu mạo, kể cả số ít trong các nhà thờ, nhất là vào các dịp lễ hội Mùa Xuân, mà các báo chí “phanh phui” nó len lỏi như một quốc nạn trong xã hội chúng ta. Chúng tôi có dịp đề cập tới sau này.

a. Vấn đề “luận tội” cha Alexandre de Rhodes cũng như Đạo Công Giáo đã dùng chữ Quốc ngữ để truyền bá đạo đó cho đến ngày nay làm biến đi nền văn hoá chữ Hán và chữ Nôm. Tôi tán thành bài viết của tác giả nhất là Tiến sĩ Huy Thông, đã làm rõ hơn trên báo chí chẳng những là không có tội, mà còn có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển văn hoá Việt Nam.

b. Vấn đề Cha Alexandre de Rhodes với “vai trò xâm lược các nước đế quốc thời đó” đã được giải quyết trong các cuộc hội thảo về lịch sử mới đây, nhất là các bài viết của giáo sư Nguyễn Đình Đầu trong các báo chí, tham luận, cho rằng các bản văn đã được dịch ra là do hiểu lầm về ngôn ngữ “nhà đạo” nên dẫn tới cách đánh giá sai lệch oan ức cho Cha Alexandre de Rhodes và người Công Giáo. Ví du,ï hôm nay, trong đạo vẫn còn có những hiệp hội như: Nghĩa Binh Thánh Thể, Đạo Binh Đức Mẹ, Đạo Binh Xanh vv… là những hiệp hội đạo đức, chứ không phải luôn theo danh hiệu là các binh đoàn gây chiến tranh theo nghĩa quân sự.

Nói tóm lại việc đặt tượng cha Alexandre de Rhodes ở thủ đô Hà Nội nhân dịp Thăng Long ngàn năm là do quyết định sáng suốt của các vị trách nhiệm đất nước, sự thật và công ích cho toàn dân, không nên bị ảnh hưởng phe nhóm tôn giáo nào khác. Riêng tôi và có lẽ một số người Công Giáo, cũng có thể một số người khác cũng không quá quan tâm tha thiết vì tin rằng mọi sự đời này chóng qua mau hết, “Phù vân trên mọi Phù vân” như lời sách Thánh dạy “Mọi sự đều có thời gian của chúng…Có thời chiến tranh, có thời Hoà Bình, có thời yêu thương, có thời oán ghét, có thời xây dựng, có thời Đạp Bỏ vv…” xã hội này dựng tượng, xã hội sau có thể dỡ bỏ. Câu truyện hài ước đã xảy ra ở một nước Đông Âu khi Liên Xô sụp đổ. Một bức tượng đồ sộ vĩ đại nằm trong công viên ở Thủ đô, sau mấy ngày chính quyền mới muốn phá bỏ dựng một tượng mới của một nhân vật mới. Công trình cũ to lớn đồ sộ quá phải mất nhiều công sức và thời gian mới phá được hoàn toàn. Có người đề nghị một giải pháp xem ra rất ý nghĩa cho rằng: Các vị ấy cũng là con người thì từ vai tới chân đều giống nhau, chỉ có cái đầu trên cổ là khác nhau, vậy chỉ cần phá bỏ cái đầu cũ mà mang thay vào đó cái đầu (bộ mặt) mới, cho hợp lý, và vì “Phù vân trên mọi Phù vân” đến đời sau, có gì trái nghich, cũng chỉ cần thay Đầu là xong”.

Thực sự chỉ có thần tượng trong lòng người là có giá trị vĩnh cửu, tôi rất tâm đắc mấy bài thơ của Bạch Lạp.

Tạc Tượng

Ta không biết tạc Tượng

Nhưng muốn đúc Người vào lòng

Để khi nhớ, khi mong

Có tình yêu chung hưởng.

Ta không có thạch cao

Bạc vàng hay đá quí,

Cũng không búa không dao,

Để đào sâu, đục khoét.

Ta không biết lý thuyết

Cân xứng trên hình người

Cũng không mẫu xinh tươi

Để thuê trong cuộc sống

Nhưng hồn ta nóng bỏng

Bưng trái tim đỏ hồng

Dòng máu thắm tươi trong

Trộn thịt da làm vữa.

Lời nói sẽ là dao

Bàn tay ta là búa

Hình Người trong khoé mắt

Tạc tượng Ngươi vào lòng…

Quên… Nhớ

Muốn định nghĩa là Quên là Nhớ

Cần phải hiểu cái gì như hơi thở

Một cái gì như máu huyết sục sôi

Một cái gì như xương thịt trong tôi

Tạo nhiều đắng cay chảy ra nước mắt

Một cái gì lồng lên như bão giật

Trút vào lòng như những trận mưa sa

Tình yêu không cần hoa

Nên không Quên, chỉ Nhớ

Tình yêu chân chính là tình yêu hơi thở

Là máu chan hoà xương thịt kết tinh

Nước mắt long lanh là Kim cương chẳng vỡ

Dù bão về hùa, gió lạnh mưa sa

Tình trong ta mang muôn sắc muôn hoa

Nói làm chi câu nói: Hãy Quên đi!

Thương làm chi, Nhớ nữa làm chi

Nêu như ta biết tạc tượng…

Mong sao việc kỷ niệm Thăng Long ngàn năm cái quan trọng như lời Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt nói với tôi “ Sự đóng góp của giới Công Giáo, trong lễ kỷ niệm này, qua 500 năm hiện diện, là việc Đào tạo con người đạo đức”. Thần tượng trong lòng ta là Đức Kitô hay Đức Phật, với những đạo thuyết của các Ngài cần phải được tôn thờ trong lòng người và sẽ soi sáng cho chúng ta con đường Đạo Đức chân chính cho tới muôn đời.

Thái Bình, ngày 01 thánh 05 năm 2010

F.X. Nguyen Van Sang

Nguyên Giam muc Gp Thai Binh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cỏ Hoa
Thérésa Nguyễn
22:13 04/05/2010

CỎ HOA



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Tạ ơn Thượng đế muôn hoa nở

Mỗi đáo hoa là một tiếng kinh...

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền