Ngày 05-05-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 06/05: Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:03 05/05/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”

Đó là lời Chúa
 
Đường về Nhà Chúa
Lm Nguyễn Xuân Trường
04:59 05/05/2023

ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHÚA

Các nước đã và đang làm rất nhiều loại đường giao thông như đường bê tông, đường nhựa, đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không… Rồi trong thời hiện đại còn có đường điện, đường dây dẫn, đường cáp quang tạo thành hệ thống mạng Internet. Đủ mọi loại đường khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm là để kết nối các nơi chốn và con người với nhau. Thế nên, khi Đức Giêsu công bố: Ngài là đường, thì Ngài cũng kết nối Trời với đất, con người với Thiên Chúa và con người với nhau.

1. Đường Giêsu. Đường để kết nối. Đường Giêsu kết nối con người với Thiên Chúa. Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người. Nơi Ngài, Thiên Chúa và con người kết nối gắn bó nên một với nhau. Các con đường giao thông thường được phủ lớp bê tông nhựa, thì con đường Giêsu được phủ kín bằng tin yêu. Đi đường Giêsu là đi Đạo, là đi theo Chúa trên con đường yêu thương cứu độ Chúa đã đi, để dẫn đến đích cuối cùng của phận người là Nhà Chúa chan chứa yêu thương.

2. Nhà Chúa. Cái gì làm nên sự khác biệt giữa nhà trọ và nhà mình, giữa nhà tù và nhà ta? Cái gì làm cho nhà mình thành tổ ấm? Đó chính là tin yêu. Sự tin tưởng và tình yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong gia đình dành cho nhau sẽ làm cho mái nhà thành tổ ấm, trở nên hình ảnh của Nhà Chúa. Nhà Chúa là nơi Chúa Cha Chúa Con yêu thương, gắn bó quấn quýt với nhau như Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.” Nhà Chúa là chính Chúa.

Chúa Giêsu là đường. Ngài là đường từ Trời xuống thế đến với con người, yêu thương cứu độ loài người, để rồi lại dẫn loài người từ trần thế về Nhà Chúa trên trời. Chúa muốn loài người làm những con đường tin yêu để đến với Chúa và đến với nhau. Sống trong tin yêu thì cả nhân loại này sẽ trở nên anh em cùng chung một mái nhà có Chúa là Cha. Nhà Chúa chan chứa tin yêu, thật nhiều hạnh phúc. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:50 05/05/2023

55. Người không được Đức Mẹ Ma-ri-a thương xót, không những không thể được cứu, thậm chí, ngay cả hy vọng cũng không có.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:52 05/05/2023
42. CON CỪU

Có một người chăn dê già rất có kiến thức mà lại thông minh, ông có nhiều con cái.

Một hôm, các con đều muốn vào trong thành phố tham gia vũ hội.

Phụ thân nói:

- “Nhảy múa đối với các con mà nói nó không phải là chuyện hay, ta đã cố gắng tìm phương pháp để cho các con khỏi bị lạc hậu. Trong thành phố chỗ nào cũng nguy hiểm, có lẽ các con không chống trả nổi với cám dỗ của tội ác.”

Các con trả lời:

- “Nhưng những người khác đều đi, tại sao các con lại ngoại lệ chứ?”

Người cha tốt lành nói:

- “Không sai, rất nhiều thanh niên đều đi đến trong thành phố, nhưng họ giống như mất đi toàn bộ sức khỏe, danh dự và thuần khiết. Các con cũng hy vọng như thế sao? Chúng ta không nên giống như một con cừu, các con biết con cừu chứ, sau khi có một con cừu nhảy vào trong mương nước, thì những con khác đều nhảy theo, cho nên chúng ta nói cừu là một động vật ngu xuẩn, bởi vì chúng nó không biết suy nghĩ. Con người cũng như vậy, khi người khác đi đến nơi nguy hiểm, nếu mà họ cũng đi theo, thì họ so với con cừu cũng chẳng thông minh gì mấy.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 42:

Khi người khác mắc phải sai lầm thì chúng ta nên lấy họ làm gương soi, như thế mới gọi là kiên cường.

Cuộc sống quanh ta có nhiều cái tốt và cái xấu, có nhiều điều đúng và nhiều thứ sai. Người khôn ngoan là người biết chọn lựa những điều hay trong những cái xấu, những việc đúng trong những việc sai lầm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Việc lớn hơn
Lm. Minh Anh
14:47 05/05/2023
VIỆC LỚN HƠN

“Ai tin vào Thầy, người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa!”.

Whittiers nói, “Những bước đi của niềm tin dường như rơi vào khoảng không, và tìm thấy tảng đá bên dưới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay dễ khiến chúng ta bối rối, “Làm sao các môn đệ của Chúa Giêsu có thể làm những ‘việc lớn hơn’ Thầy họ đã làm?”. Nhưng đó là sự thật! Bởi lẽ, họ đã chẳng bước vào những khoảng không vô định nhưng trong niềm tin, họ bước trên nền đá là chính Ngài!

Chính trong bữa ăn cuối cùng, Chúa Giêsu muốn tiết lộ cho các môn đệ của Ngài rằng, việc Ngài ra đi vào chiều hôm sau, cái chết của Ngài, không phải là một thảm hoạ. Việc Ngài “đi về cùng Cha” không chỉ bao hàm cái chết mà còn cả sự phục sinh vinh hiển; và nó sẽ dẫn đến việc Ngài sẽ gửi Thánh Thần xuống. Việc Chúa Thánh Thần được ban sẽ giúp Chúa Phục Sinh tiếp tục công việc của Ngài trong họ và qua họ. Với tư cách Đấng Phục Sinh, Ngài sẽ thực hiện những công việc vĩ đại hơn nữa trong quyền năng của Thánh Thần.

33 năm thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu gặp phải giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định; nhưng với tư cách Đấng Phục Sinh, Ngài sẽ tiếp tục công việc của mình cho mọi thế hệ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Ngài chỉ có thể làm những ‘việc lớn hơn’ đó qua những kẻ tin và bước đi trên đá tảng là chính Ngài. Ngài nói, “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa!”.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một bằng chứng. Dân ngoại nô nức đón nhận Tin Mừng, “Hầu hết cả thành đến nghe lời Thiên Chúa!”. Thánh Vịnh đáp ca biểu lộ cùng một niềm vui, “Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!”. Và điều đó đã khiến những người Do Thái ghen tức, đến nỗi họ đi tới chỗ cực đoan là trục xuất Phaolô và Barnaba.

Bạn có muốn tạo nên một sự khác biệt như các tông đồ? Trẻ em thường có những ước vọng lớn, đó là một ước vọng bẩm sinh. Phải! Chúng ta muốn trở nên vĩ đại; nhưng thường hay bối rối về chính sự vĩ đại thực. Chúng ta tìm cách thực hiện những ước vọng đó thông qua các hành động vĩ đại của thế gian vốn chóng qua. Chúng ta tìm sự công nhận, sự giàu có và những phần thưởng phù hoa khác vốn khởi đi từ những tham vọng ích kỷ. Cuối cùng thì không điều nào trong số này thoả mãn chúng ta, ngay cả khi chúng ta đạt được chúng ở mức độ lớn nhất.

Anh Chị em,

“Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa!”. Đây là ơn gọi của chúng ta! Trong số những ‘việc lớn hơn’ Chúa Giêsu nói đến, trước hết và quan trọng hơn hết, là việc loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Sự thật này khiến chúng ta đầy lòng biết ơn vì đã được Chúa sử dụng một cách mạnh mẽ. Tất cả chúng ta đều được mời gọi dự phần vào công việc vĩ đại của Chúa Kitô mà không thế lực trần gian nào có thể ngăn cản được. Là những người tin Chúa, chúng ta có thể bị cám dỗ để nản lòng vào những lúc không thuận lợi vì tưởng rằng mình bước vào những khoảng không. Tin Mừng hôm nay bảo đảm với chúng ta rằng, với niềm tin, công việc tốt lành của Chúa Phục Sinh vẫn tiếp tục; vì lẽ, chúng ta đang bước đi trên đá tảng Kitô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con bước vào khoảng không vô định; cho con tin yêu để biết rằng, con đang bước đi trên chính Chúa; và cùng Chúa, làm những ‘việc lớn hơn’ cho thế giới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Nhìn Giêsu Hữu biết Đức Giêsu - John 14:1-12
Nguyễn Trung Tây
18:53 05/05/2023
Nguyễn Trung Tây
Nhìn Giêsu Hữu biết Đức Giêsu - John 14:1-12


Hắn,
thiên hạ hay nói thật giống Mẹ, như một khuôn đúc!
Nhân gian cứ bảo sao giống Bố, như hai giọt nước!
Con giống Mẹ giống Bố,
chuyện đương nhiên, chuyện bình thường, không nghi ngờ.
1 nửa Bố, 1 nửa Mẹ, 2 cộng lại hóa ra Con.
Không cần Bố đứng đó,
Người đi ngang qua đều biết đó là Con, phiên bản Bố,
Bố hiện thân rõ ràng, sắc nét trên khuôn mặt và cá tính Con.
Cả hai, Bố và Con đều là Bố.
Nhìn Con biết Bố,
Bố sao Con vậy!

Đức Giêsu,
Ngài nói với các môn đệ,
“Nếu các con biết Thầy, các con cũng biết Bố Thầy” (John 14:7).
Ngài vừa nói xong, thật nhanh, thật sốt sắng, môn đệ Philip giơ cao tay thắc mắc, một thắc mắc lạc đề, “Xin Thầy cho chúng con biết Bố Thầy” (14:8).
Ngài lấm lem nhắc nhở Philip ngây ngô bằng một câu nhè nhẹ,
“Thầy ở với các con bao lâu nay, mà con, Philip, con vẫn không biết Thầy hay sao?” (14:9).
Môn đệ đòi biết Bố của Thầy. Nhưng Thầy không nhắc chi về Bố, mà mang người đòi biết Bố quay về lại chính mình. Câu 14:9 tạm phiên dịch,
“Từ bao lâu nay, con ở với Thầy, con nghe Thầy rao giảng, con ăn ngày ba bữa bánh mì với Thầy, con uống chén rượu đỏ với Thầy, nhưng con vẫn không hề biết Thầy!”

Sao Đức Giêsu lại nói như vậy?

Đơn giản thôi, bởi Con chính là Bố.
Bố vô hình, nhưng Bố yêu trần gian, Bố sai Con xuống trần gian. Con trở nên hữu hình, Đức Giêsu người Do Thái!
Bố yêu. Con yêu!
Con trai đẹp, bởi Bố, nguồn của Đẹp.
Từ Bố phát sinh ra Con!
Thấy Con là thấy chính Bố.
Biết Con là biết chính Bố.
Biết Thầy là biết chính Bố Thầy!

Tôi,
Môn đệ của Đức Giêsu, một Giêsu hữu,
Đức Giêsu vác thánh giá, Giêsu hữu cũng vác thánh giá.
Đức Giêsu tranh đấu cho người không có tiếng nói trong xã hội,
Giêsu hữu cũng trở thành tiếng nói cho người mất tiếng nói.
Đức Giêsu lấm lem cho trần thế bớt lấm lem,
Giêsu hữu quyết không ngồi trong bốn bức tường, khu vực an toàn, nhưng đi ra ngoài, chia sẻ thật thà, chia sẻ rộn ràng với những cuộc đời lấm lem.

Từ Đức Giêsu phát sinh ra Giêsu hữu!
Thấy Giêsu hữu là thấy chính Đức Giêsu.
Biết Giêsu hữu là biết chính Đức Giêsu.
Đức Giêsu sao, Giêsu hữu như vậy!

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Qua Ngài, xin cho con nhận ra Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, Đấng Yêu Thương tuyệt đối!
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 5 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 05/05/2023
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 14, 1-12.

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.”


Bạn thân mến,

Dù bạn đi đâu, xa hay gần, thì cuối cùng bạn cũng sẽ trở về nhà trên con đường mà bạn đã ra đi, đó có thể là con đường nhỏ trong hẽm ít xe cộ, hoặc con đường lớn lắm người qua kẻ lại, bởi vì nếu không có con đường ấy thì bạn không thể dễ dàng đi ra với thế giới bên ngoài.

Đức Chúa Giê-su không những là người dẫn đường, mà còn là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, con đường này có được là do sáng kiến yêu thương của Chúa Cha, sự vâng phục của Đức Chúa Giê-su và sự cộng tác của Đức Mẹ Ma-ri-a, cho nên nó trở thành con đường duy nhất để đi vào ràn chiên là Hội Thánh và sẽ viên mãn hạnh phúc trong Nước Trời, nơi Đức Chúa Giê-su –lúc này- không còn là con đường nữa, nhưng là Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết, là nguồn an ủi và hạnh phúc của những người thiện tâm, trung thành và tuân giữ giáo huấn của Ngài.

- Bạn và tôi đang đi trên con đường mang danh là Giê-su này với hành trang là đức tin, đức cậy và đức ái, trên con đường này bạn và tôi gặp rất nhiều thử thách về đức tin khi mà cuộc sống hưởng thụ vật chất xem ra đã đánh bại cuộc sống tâm linh.

- Trên con đường này bạn và tôi –có lúc- cảm thấy thất vọng vì niềm tin của mình, khi mà có những mục tử không chu toàn bổn phận và trở thành gương mù cho người khác; khi mà có những người Ki-tô hữu trở thành những người sống như không có đức tin giữa một xã hội dối trá và mất phương hướng...

- Trên con đường này bạn và tôi cũng gặp thử thách lớn về vấn nạn yêu tha nhân như chính mình, khi mà ai cũng bo bo lo cho bản thân mình được sung sướng thoải mái, mà không màng đến người bên cạnh đang đói ăn...

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su là con đường -con đường sự thật và chân lý- dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cha. Nếu đi trên con đường này mà bạn và tôi không gặp thử thách thì sẽ không thể có hy sinh, mà không có hy sinh thì sẽ không có thánh giá của Chúa, không có thánh giá thì sẽ không có sự chết, và đương nhiên là cũng sẽ không có sự phục sinh với Đức Chúa Giê-su. Bởi vì không có con đường nào mà không có chông gai, không có đá sỏi, không có ổ gà và những cỏ dại ven đường !

Đi trên con đường Giê-su bạn và tôi phải có tin, yêu và hy vọng thì mới bền đỗ đến cùng, bởi vì con đường này sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Cha và cùng chung hưởng hạnh phúc trong Nước Trời với Thiên Chúa Ba Ngôi và các thánh.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
LHQ: Nỗi khổ cuộc chiến: Hơn 100.000 người chạy khỏi Sudan
Thanh Quảng sdb
00:17 05/05/2023
LHQ: Nỗi khổ cuộc chiến: Hơn 100.000 người chạy khỏi Sudan

Liên Hợp Quốc cho biết hơn 100.000 người đã trốn thoát khỏi Sudan kể từ khi giao tranh nổ ra giữa các lực lượng đối địch từ ngày 15 tháng 4.

Các số liệu từ Liên Hợp Quốc làm chúng ta ngỡ ngày: Tổng số 334.000 người đã phải di cư trong nước và các quan chức đang cảnh báo về thảm họa nếu giao tranh không dừng lại.

Kể từ thứ Tư, các nỗ lực ngoại giao để cố gắng đưa các bên tham chiến vào bàn đàm phán đã được đáp ứng.

Đàm phán đình chiến tiếp tục

Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Nam Sudan cho biết quân đội và Nhóm Phiến Quân (RSF) đã đồng thuận "về nguyên tắc" với một thỏa thuận ngừng bắn mới kéo dài 7 ngày kể từ ngày 4 tháng Năm.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Sudan, Volker Perthes, cho biết hai bên đã đồng ý đàm phán về một lệnh ngừng bắn lâu dài và đáng tin cậy.

Giao tranh nổ ra vào tháng 4 giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng dân vệ (RSF) khi họ giành được quyền kiểm soát đất nước – và đặt tỉnh Khartoum làm thủ đô cho vùng đất giải phóng!

Trong khi đó, các chuyến bay cứu hộ cuối cùng của Anh dự kiến cất cánh từ Sudan vào thứ Tư.

Ngoại trưởng James Cleverly cho biết sẽ "không có thêm chuyến bay sơ tán nào cho người Anh nữa" từ thành phố.

Cho đến nay, khoảng 2.341 người đã được đưa đến nơi an toàn trên 28 chuyến bay của Vương quốc Anh.
 
Tại sao Charles III sẽ được xức dầu khi đăng quang
Vũ Văn An
18:04 05/05/2023
Luke Coppen, trên tờ The Pillar, Ngày 5 tháng 5 năm 2023, cho hay: Hàng triệu người sẽ theo dõi lễ đăng quang của Vua Charles III khi nó được truyền hình trực tiếp trên khắp thế giới vào thứ Bảy tuần này.



Nhưng họ sẽ không được chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng nhất của buổi lễ Anh giáo được tổ chức vào ngày 6 tháng 5 tại Tu viện Westminster.

Các máy quay sẽ không quay cảnh xức dầu cho quốc vương Anh, người đã kế vị Nữ hoàng Elizabeth II phục vụ lâu dài sau khi bà qua đời vào ngày 8 tháng 9.

Chính xác thì điều gì sẽ xảy ra ngoài tầm mắt của thế giới đang theo dõi? Và điều đó có nghĩa là gì? The Pillar xin trình bầy qua.

Nguồn gốc của nghi thức đăng quang

Lễ đăng quang vào thứ Bảy không chỉ bắt nguồn từ quá khứ Công Giáo của nước Anh, mà còn xa hơn nữa, từ thời Kinh thánh.

Theo hướng dẫn trên trang web của Hiệp hội Sách Cầu nguyện, “Lễ đăng quang là một loạt các nghi lễ cổ xưa, một số trong đó có liên quan trực tiếp đến việc xức dầu cho Vua Salômôn” của tư tế Xađốc và tiên tri Nathan, như được mô tả trong Sách các vua của Kinh thánh Do Thái.

Hầu hết các nghi lễ khác có từ trước Cuộc chinh phạt của người Norman ở Anh vào thế kỷ 11. Vào thế kỷ thứ 10, giám mục người Anh, Thánh Dunstan, đã tạo ra một nghi thức, với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, bắt nguồn từ Đế quốc Byzantine.

Trong những thế kỷ tiếp theo, lễ đăng quang của các vị vua Anh đã phát triển nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc ba phần, ngay cả sau Cải cách Anh.

Buổi lễ bao gồm:

• Lời tuyên hứa của nhà vua và sự tung hô của nhân dân;

• Lễ thánh hiến và xức dầu nhà vua;

• Lễ mặc áo, đăng quang và lên ngôi của nhà vua, sau đó là nghi thức tôn kính và rước lễ.

Mục sư Marcus Walker, Cha sở nhà thờ Thánh Bartholomew Cả, một nhà thờ Anh giáo ở Thành phố Luân Đôn, nói với The Pillar trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Thật đáng lưu ý khi [lễ xức dầu] đã được giữ lại — và giữ lại một cách có ý thức — và thậm chí các vị quân chủ theo Thệ phản hơn, chẳng hạn như Elizabeth I, không có tra vấn gì về việc xức dầu”.

Theo sách hướng dẫn, “chỉ có các Hoàng đế La Mã Thần thánh, Vua Pháp và Vua Anh mới được vinh dự xức dầu và đội vương miện. Và Nghi thức Đăng quang của Anh là nghi thức duy nhất thuộc loại này còn tồn tại trong thế giới Kitô giáo.”

Cho đến ngày nay, quốc vương Anh có cả bản sắc chính trị lẫn tôn giáo. Nhà vua không chỉ là nguyên thủ quốc gia, mà còn là nhà cai quản tối cao của Giáo Hội Anh, Giáo Hội lâu đời của đất nước và là Giáo Hội mẹ của Hiệp thông Anh giáo, hiệp thông Kitô giáo lớn thứ ba sau Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương.

Chuyện gì sẽ xảy ra

Lễ đăng quang của Charles III sẽ bắt đầu bằng một đám rước vào Tu viện Westminster. Dẫn đầu đoàn rước là Thánh giá Wales mới được làm, có chứa thánh tích Thánh giá thật do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tặng.

Việc xức dầu sẽ tiếp theo lời tuyên thệ của nhà vua (bao gồm lời tuyên hứa duy trì “Tôn giáo Cải cách Thệ phản được thành lập theo luật”), một bài đọc Tin Mừng và một bài giảng của Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury, giám mục cao cấp nhất của Giáo hội Anh và là lãnh đạo tinh thần của Cộng đồng Anh giáo.

Lễ xức dầu sẽ được bắt đầu bằng bài thánh ca Veni, Creator Spritus [Hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần Tạo dựng].

Welby sẽ được trình dầu đăng quang, được thu hoạch từ những lùm cây trên Núi Ôliu, nơi Chúa Giêsu đã trải qua một phần cuộc đời trần thế của Người và bà của Charles III, Công chúa Alice của Battenberg, được chôn cất.

Ô liu được ép bên ngoài Bêlem, và dầu được nêm với vừng, hoa hồng, hoa nhài, quế, dầu hoa cam, benzoin, hổ phách và hoa cam. (Và không như trong quá khứ, với các sản phẩm động vật cầy hương và long diên hương.)

Dầu đã được thánh hiến trong Nhà thờ Mộ Thánh của Giêrusalem bởi tổng giám mục Anh giáo của thành phố và Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp.

Walker nhận định, “Đây có lẽ là lễ đăng quang đại kết duy nhất trong lịch sử, với thánh tích Thánh Giá Thật do Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban tặng để dẫn nhà vua vào, và dầu được Thượng phụ Giêrusalem xức dầu để xức cho nhà vua.”

Dầu cũng sẽ được dùng để xức dầu cho Camilla, hoàng hậu Anh. Khi được hỏi tại sao bà ấy sẽ được xức dầu khi chồng của Nữ hoàng Elizabeth II, Hoàng tử Philip, thì không, Walker nói: “Bởi vì ông ấy không phải là vua còn bà ấy thì là nữ hoàng. Nó đơn giản như vậy."

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, lễ xức dầu của hoàng hậu sẽ diễn ra trước công chúng, trái ngược với lễ xức dầu của nhà vua.

Để chuẩn bị cho việc xức dầu của mình, nhà vua sẽ cởi bỏ quốc phục, để mặc quần áo đơn giản.

Khi dàn hợp xướng hát bài “Xađốc Tư tế” của Handel, gợi lại việc xức dầu của Vua Salômôn, bốn bức vách sẽ được dựng lên xung quanh quốc vương, người sẽ ngồi trên chiếc ghế đăng quang, được sử dụng trong các buổi lễ đăng quang trong tu viện từ năm 1399.

Một bài chú giải chính thức mô tả điều này như “thời điểm riêng tư duy nhất của nhà vua trong buổi lễ, khi ông suy gẫm về việc ông được Thiên Chúa kêu gọi ra sao”.

Bài chú giải nói: “Những tán dù như thế này có thể được truy nguyên từ Cựu Ước. Vào thời Trung cổ, theo phong tục, các vị vua thường du hành dưới tán dù như vậy. Trong bối cảnh này, nó biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa trên giao ước xức dầu này.”

Dầu sẽ được rót từ một chiếc bình nhỏ - một chiếc bình bằng vàng nguyên khối có hình con đại bàng - vào một chiếc thìa đăng quang bằng bạc mạ vàng.

Sau đó, Tổng giám mục Canterbury sẽ nhúng hai ngón tay vào dầu và xức dầu lên tay, ngực và đầu của nhà vua, đồng thời nói với giọng nhỏ nhẹ:

“Các bàn tay của ngài hãy được xức bằng dầu thánh.

Ngực của ngài hãy được xức bằng dầu thánh.

Đầu của ngài hãy được xức bằng dầu thánh, như các vị vua, tư tế và tiên tri đã được xức dầu.



Và cũng như Salômôn được tư tế Xađốc và tiên tri Nathan xức dầu làm vua, thì cầu mong ngài được xức dầu, ban phước và được thánh hiến làm Vua trên các dân tộc mà Chúa, Thiên Chúa của ngài, đã ban cho ngài để cai trị và cai quản; nhân Danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.”

Bài chú giải chính thức nói rằng việc xức dầu khiến nhà vua “được đặt riêng ra để hoàn thành thiên chức và bắt đầu một cuộc sống mới với tư cách là Vua, tận tụy phục vụ mọi người”.

Walker giải thích rằng việc xức dầu sẽ diễn ra ngoài máy quay phim không hẳn chỉ vì tính thực tế của việc xức dầu lên đầu, tay và ngực của quốc vương.

Ngài nói, “Tôi nghĩ còn có ý niệm cho rằng đây là phần thiêng liêng nhất. Vì vậy, Elizabeth II cũng yêu cầu điều đó. Và, mặc dù nó không được quay trực tiếp, nhưng George VI cũng yêu cầu việc xức dầu không được trình chiếu. Và điều đó thậm chí còn xảy ra sớm hơn khi một tán dù - và thực sự là thế - được hạ xuống, để tránh những con mắt tò mò khỏi khoảnh khắc thân mật giữa Thiên Chúa và quốc vương".

Nó có nghĩa gì?

Giáo hội Anh công nhận hai "bí tích chính": Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể, được gọi là bí tích "của Chúa" vì liên kết với Chúa Giêsu.

Trang web chính thức của Giáo Hội cho biết có “năm thừa tác vụ ân sủng bí tích khác cũng được coi là kênh thể hiện sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa”: Thêm sức, hòa giải, xức dầu cho bệnh nhân, hôn nhân và truyền chức.

Walker nói với The Pillar rằng Hiệp thông Anh giáo đã chứng kiến sự hồi sinh của việc thực hành xức dầu trong 50 năm qua, trong cả bối cảnh bí tích và phi bí tích.

Ngài nói, “Có lẽ bây giờ nó có nhiều mối liên hệ đặc biệt hơn, trong đó việc xức dầu đã quay trở lại với hầu hết Giáo hội Anh, tại lễ Rửa tội và lễ Thêm sức, và việc sử dụng dầu thánh khi chúng ta bắt đầu trở thành Kitô hữu, và việc nhà vua bắt đầu trở thành quốc vương thì điều đó rõ ràng hơn nhiều.”

Ngài lưu ý rằng sự đánh giá cao mới đối với việc xức dầu đến từ “hai đầu” của mọi thống thuộc Anh giáo.

Ngài nói “Bạn đã khám phá lại việc xức dầu với phong trào Anh-Công Giáo và tái tập chú vào đời sống bí tích của Giáo hội. Nhưng trong phong trào đặc sủng, xức dầu cũng là một điều lớn lao. Đó là điều mà họ sẽ thường xuyên nói đến vì tất nhiên nó hợp với kinh thánh”.

Walker mô tả lễ đăng quang là “một cơ hội tuyệt vời để dạy người ta về ý nghĩa của việc xức dầu.”

Ngài nói: “Hầu hết cùng những lời dùng trong Bí tích Thêm sức sẽ được sử dụng tại lúc xức dầu. Việc cầu xin bảy ơn Chúa Thánh Thần, qua bài hát 'Hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần, linh hứng linh hồn chúng con'... quả là mối liên hệ trực tiếp giữa điều chúng ta hy vọng sẽ xảy ra với tất cả chúng ta trong phép thêm sức và điều chúng ta hy vọng sẽ xảy ra với nhà vua khi được xức dầu.”

Walker cho rằng việc xức dầu cũng là một biểu hiện hùng hồn cho thấy thẩm quyền thực sự nằm ở đâu.

Ngài nói: “Việc xức dầu gần như thực sự là biểu tượng cuối cùng cho thấy thẩm quyền của nhà vua bắt nguồn từ một điều sâu xa hơn, mạnh mẽ hơn rất nhiều so với ngài, hơn cả nhân dân hay bất cứ điều gì khác. Đây là một sự thừa nhận thực sự rằng nơi phát xuất quyền lực là thể thần linh, là Thiên Chúa.”

Ngài nói thêm: “Tôi nghĩ rằng đây là lời tuyên xưng Kitô giáo công khai nhất bởi bất cứ nhân vật công cộng nào, ở bất cứ quốc gia nào trên thực tế không đồng thời là giám mục như giáo hoàng trên khắp thế giới ngày nay. Đó là một sự khẳng định khá táo bạo một cách đáng kinh ngạc của Kitô giáo.”
 
Các đổi mới trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, thêm các chuyên gia bỏ các dự thính viên
Vũ Văn An
19:43 05/05/2023

Catholic World News [Tin Công Giáo Thế giới], ngày 04 Tháng Năm, 2023, trích dẫn nhật báo của Vatican, loan tin: Phiên họp Toàn thể của Thượng Hội đồng, được triệu tập vào tháng 10, sẽ lần đầu tiên có sự tham gia của các chuyên gia [facilitators].



Đức Hồng Y Mario Grech, tổng thư ký của Văn Phòng Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng, và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, SJ, tổng tường trình viên của Phiên họp Tàn thể, đã thảo luận về sự đổi mới tại một cuộc họp báo gần đây, trong đó các ngài thông báo rằng 70 người không phải là giám mục cũng sẽ có quyền bỏ phiếu tại Phiên họp.

Tờ L’Osservatore Romano cho hay, Đức Hồng Y Grech giải thích như sau: giải pháp này [có các chuyên gia] được nảy sinh từ kinh nghiệm của các nhóm nghiên cứu Thượng Hội đồng, “điều này cho chúng ta thấy sự hiện diện của các chuyên gia có thể tạo ra một động lực hữu hiệu”.

Đức Hồng Y Hollerich giải thích, “Có những giám mục chưa bao giờ tham gia Thượng hội đồng, vì vậy chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho chiều kích thiêng liêng”.

Văn phòng Tổng thư ký đã công bố Câu hỏi thường gặp để giải thích:

Những người khác không phải là thành viên của phiên họp cũng sẽ tham gia vào phiên họp. Bởi vì họ không phải là thành viên chính thức, họ không có quyền bỏ phiếu. Đây là những chuyên gia (những người có năng lực ở nhiều lãnh vực khác nhau về chủ đề đang thảo luận), lần đầu tiên có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc vào những thời điểm khác nhau của Phiên họp. Các đại biểu anh em, thành viên của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác cũng sẽ tham gia.

Sự hiện diện của các chuyên gia cho thấy mong muốn về phần các viên chức lãnh đạo của Thượng Hội đồng muốn có một phiên họp Thượng Hội đồng ít bàn lan man hơn—và được kiểm soát hoặc theo kịch bản hơn.

Theo nhật báo của Vatican, trong một sự đổi mới khác, “Phiên họp Thượng Hội đồng cũng sẽ không còn bao gồm ‘các dự thính viên [auditors]’”.

Các dự thính viên—những người tham gia tích cực không bỏ phiếu—đã được du nhập tại Công đồng Vatican II và đã có mặt tại các Thượng Hội đồng Giám mục trong vài thập niên qua. Tông hiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Thượng Hội đồng Giám mục (Episcopalis Communio, 2018) quy định:

Ngoài các thành viên, một số khách được mời không có quyền biểu quyết có thể tham dự Phiên họp Thượng Hội đồng. Những người này bao gồm các Chuyên gia (Periti), người giúp soạn thảo các tài liệu; dự thính viên (auditores), những người có năng lực đặc biệt liên quan đến các vấn đề đang được thảo luận; Các đại biểu anh em của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Ngoài ra, có thể có thêm những vị khách đặc biệt khác (Invitati Speciales), được chọn vì thế giá được công nhận của họ.

Các câu hỏi thường gặp giải thích rằng hạng mục mới gồm các thành viên bỏ phiếu không phải giám mục đang thay thế hạng mục dự thính viên—và nâng cao khả thể Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ bổ nhiệm thêm các thành viên bỏ phiếu không phải giám mục ngoài những người được chọn theo khu vực:

Thêm 70 thành viên không phải là giám mục đã được bổ sung, đại diện cho các nhóm tín hữu khác nhau của dân Chúa (linh mục, nữ tu sĩ, phó tế, giáo dân) và những người đến từ các Giáo hội địa phương. Họ sẽ được Đức Giáo Hoàng chọn trong danh sách 140 người được chọn (chứ không được bầu) bởi năm tập hợp quốc tế của các Hội đồng Giám mục (Liên hội đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh, Liên hội đồng Giám Mục châu Âu, Liên hội đồng Giám Mục châu Phi và Madagascar, Liên hội đồng Giám Mục châu Á, Liên hội đồng Giám Mục châu Đại dương), Hội đồng Thượng phụ của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và, Liên Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ và Gia Nã Đại (20 cho mỗi thực thể giáo hội này). Việc phân chia lãnh thổ, được chấp thuận cho việc cử hành các phiên họp Thượng Hội Đồng của Giai đoạn Lục địa, đã được tuân theo.

Có yêu cầu 50% trong số họ là phụ nữ và sự hiện diện của những người trẻ tuổi cũng được nhấn mạnh. Khi lựa chọn họ, không chỉ xem xét đến văn hóa chung và sự thận trọng khôn ngoan của họ, mà còn về kiến thức của họ, cả lý thuyết và thực tiễn, cũng như sự tham gia của họ với các khả năng khác nhau trong tiến trình thượng hội đồng. Là thành viên, họ có quyền bỏ phiếu.

Hơn nữa, ngoài 70 thành viên không phải là giám mục được đề cập ở trên, điều đáng nói là cũng có thể có các thành viên không phải là giám mục trong số các thành viên được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm.

Trong một sửa đổi khác, mười giáo sĩ từ các dòng tu sẽ được thay thế bằng năm nam tu sĩ và năm nữ tu:

Mười giáo sĩ thuộc các Tu hội Đời sống Thánh hiến, được bầu chọn bởi các tổ chức tương ứng đại diện cho Bề trên Tổng quyền, không còn hiện diện. Họ đã được thay thế bằng năm nữ tu và năm nam tu sĩ thuộc các Tu hội Đời sống Thánh hiến, được bầu chọn bởi các tổ chức tương ứng đại diện cho Bề trên Tổng quyền. Là thành viên họ có quyền biểu quyết.

Câu hỏi thường gặp liệt kê hai thay đổi bổ sung:

• “ngay cả (tổng) giáo phận không thuộc Hội đồng Giám mục cũng có thể bầu một giám mục” vào Phiên họp toàn thể tháng Mười. Đức Hồng Y Hollerich nói rằng “Tổng giáo phận Luxembourg của ngài là một trong số đó, cùng với Estonia và Moldova”

• “các đại diện của các Bộ [của Giáo triều Rôma] sẽ tham gia như những người được Đức Thánh Cha chỉ định” Trong báo cáo của mình về những thay đổi, tờ báo của Vatican nhấn mạnh rằng “bản chất cũng như tên gọi đều không thay đổi—vẫn là Thượng Hội đồng Giám mục”. Ngoài ra, theo Nhật báo của Vatican, Đức Hồng Y Grech bày tỏ hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ không cần bỏ phiếu tại các phiên họp chung của Thượng Hội đồng: “Ngài hy vọng một ngày nào đó 'chúng ta sẽ có thể làm mà không cần bỏ phiếu, vì Thượng Hội đồng là một sự phân định, một lời cầu nguyện'”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cuộc phỏng vấn trước Đại Hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ Tư
Giáo Hội Năm Châu
02:29 05/05/2023
 
Video giáo phận Phát Diệm chào đón đức tân GM tân cử Kiều Công Tùng
Truyền Thông Phát Diệm
08:50 05/05/2023
 
Đại Hội Lavang ngày thứ nhất: Làm Thế Nào Sống Ơn Cứu Độ Ngày Hôm Nay
Giáo Hội Năm Châu
19:51 05/05/2023
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh bông hoa ngọn nến kính mừng Đức Mẹ Maria
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:56 05/05/2023
Hình ảnh bông hoa ngọn nến kính mừng Đức Mẹ Maria

Trong kinh cầu Đức Mẹ Maria được ca ngợi tôn vinh là Nữ vương các Thiên Thần, nữ vương các Thánh Tổ Tông, Nữ vương các Thánh Tiên Tri, nữ vương các Thánh Tông đồ, nữ vương các Thánh Tử vì đạo…

Ngoài ra người giáo hữu Chúa Kito còn xưng tụng Đức Mẹ Maria là „ nữ vương tháng năm“. Tháng Năm, tháng hoa nở rộ đẹp nhất trong năm. Và qua đấy muốn liên kết nối liền mối tương quan sự đẹp tươi thắm cây cối bông hoa là sự sống thiên nhiên với cuộc đời Đức Mẹ Maria, là mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa cho trần gian.

„Theo nếp sống Phụng vụ của Hội Thánh, tháng Năm còn trong mùa phục sinh mừng kỷ niệm mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại, và cũng là thời gian chờ đợi mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hai khía cạnh này ăn với khớp truyền thống của Hội Thánh dành tháng Năm mừng kính Đức Mẹ Maria.

Đức Mẹ Maria là bông hoa tươi đẹp nhất trong khu vườn sáng tạo thiên nhiên. Đức Mẹ là bông hoa „ Rosa - hoa hồng“ bung nở rộ khi Đức Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu, như món qùa tặng mùa xuân mới cho trần gian. Và đồng thời Đức Mẹ Maria là người có trái tim tâm hồn chan chứa lòng khiêm nhường đã đón nhận Chúa Giêsu vào trong cung lòng mình, và là người mở lòng mình ra sẵn sàng đón nhận ân đức Chúa Thánh Thần ban xuống cho mình.“ ( Đức cố Giáo hoàng Benedicto XVI.)

Trong nếp sống đạo đức vào tháng Năm nơi tòa kính Đức Mẹ trong thánh đường đều trưng bày bông hoa tươi thắm mọi mầu sắc cùng những đèn nến sáng rực. Đây là tâm tình dấu hiệu bày tỏ tấm lòng vui mừng, lòng kính mến Đức Mẹ, cùng những lời cầu khấn xin Đức Mẹ chuyển đến cùng Chúa giúp cho con người.

1. Khi Thiên Thần Gabriel xuất hiện mang tin vui từ trời cao của Thiên Chúa cho Đức Mẹ Maria. Dĩ nhiên trong ánh sáng chói rực của thần thánh, mẹ Maria đã trải qua tâm trạng ngạc nhiên bỡ ngỡ đến mức độ hốt hoảng sợ hãi… Nhưng sau khi nhận ra sứ gỉa của Thiên Chúa và sứ điệp tin mừng của Ngài. Đức Mẹ vui mừng chấp nhận chương trình Thiên Chúa muốn thực hiện nơi mình: Hài nhi, ngôi hai Thiên Chúa làm người xuống trong cung lòng mình.

Chúng con mang cành bông hoa và thắp sáng cây nến kính chào Mẹ đầy ân phúc, Đức Chúa trời ở cùng Mẹ. Xưa kia Mẹ đã âu yếm chấp nhận trẻ Giêsu xuống làm người trong lòng mẹ. Xin mẹ giúp các bậc cha mẹ hân hoan đón nhận hình hài thân xác, sự sống con mình. Mỗi con người là hoa qủa ân đức Thiên Chúa ban tặng cho gia đình, cho tương lai của xã hội và Hội thánh.

2. Nghe Thiên Thần báo tin vui của người chị họ Elisabeth. Đức Mẹ liền vội vã đến thăm chúc mừng chị mình. Chị em gặp nhau tay bắt mặt mừng, chan chứa niềm vui, người chị Elisabeth nói ngay: Maria, em và con em trong cung lòng được Thiên Chúa chúc phúc. Em đã chấp nhận sứ điệp tin vui của Thiên Chúa do Thiên thần mang đến.

Maria mừng rỡ cảm động noi lên tâm tình: Vâng, em cám ơn Thiên Chúa đã ban cho em ân phúc cao cả này. Thiên Chúa là Đấng sinh thành, săn sóc gìn giữ đời em. Xin hết lòng ca ngợi Ngài.

Chúng con mang bông hoa, và thắp sáng cây nến mừng kính Mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa trời ở cùng Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con, những ngưòi tin yêu Chúa, luôn giữ tâm hồn vui tươi với niềm tin vào Ngài, và biết qúi trọng đón nhận sự sống Chúa ban cho.

3. Như bao người mẹ vui mừng sung sướng sau khi sinh con: mẹ tròn con vuông. Em bé sơ sinh là nụ hoa luôn tươi thắm sống động và ngày càng phát triển tươi tốt. Hài nhi Giêsu tuy mở mắt chào đời trong chuồng thú vật ngoài cánh đồng, thiếu thốn mọi mặt. Nhưng trẻ Giêsu là tất cả. Các mục đồng, các vị đạo sĩ hân hoan đến thăm viếng bái phục chúc mừng. Niềm vui vì trẻ Giêsu và do các mục đồng đạo sĩ họ mang đến, đã xóa tan sự đau buồn túng thiếu bơ vơ của gia đình Đức Mẹ lúc sinh con.

Chúng con mang bông hoa và thắp sáng cây nến mừng kính Mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa trời ở cùng Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con nhận ra qùa tặng tình yêu Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và hân hoan đón nhận món qùa tặng đó cho đời mình. Con cái là hoa qủa phúc lộc từ Trời cao ban tặng cho đời sống gia đình, cho xã hội và Giáo hội.

4. Trong cuộc sống gia đình ở Nadaréth, Đức Mẹ cùng với Thánh cả Giuse thương yêu săn sóc nuôi dưỡng Chúa Giêsu nên người khôn lớn. Hoàn cảnh gia đình nào cũng đều trải qua giai đoạn lên xuống, nhiều khi lâm vào hoàn cảnh túng quẫn lo âu, bệnh tật và nhất là khi con cái phát triển lớn dần, việc giáo dục hướng dẫn chúng là một gánh nặng lo âu cho cha mẹ.

Chúng con mang bông hoa và thắp sáng cây nến mừng kính Mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Me. Xin Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay cho các bậc cha mẹ giữ vững lòng tin tưởng vào Chúa trong những khi gặp hoàn cảnh khó khăn phức tạp trong đời sống cũng như việc giáo dục con cái, theo phương châm trong dân gian: Mình lo Chúa liệu!

5. Sau cơn nghi nan hốt hoảng Mẹ Maria đã nói lời xin vâng như ý Thiên Chúa. Sự xin vâng của mẹ Maria cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nói lên tình thương xót của Thiên Chúa luôn hiện diện giữa con người.

Chúng con mang bông hoa và thắp sáng cây nến mừng kính Mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Me. Xin Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay cho chúng con còn đang trên đường đời sống nơi trần gian có nhiều nước mắt đau khổ, hằng luôn vướng mắc vào cơn nghi nan hoang mang sợ hãi, đời sống mất bình an, vì chiến tranh đe doạ…sống đặt niềm tin tưởng hy vọng vào Thiên Chúa là nguồn sự quan phòng cho đời sống con người trong mọi hoàn cảnh.

6. Trong tiệc cưới ở thành Cana, Đức Mẹ đã căn dặn các người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, xin làm theo như vậy!”. Lời căn dặn của Đức Mẹ ngắn gọn, nhưng nói lên tất cả những gì cần thiết cho đời sống cần phải thực hành.

Chúng con mang bông hoa và thắp sáng cây nến mừng kính Mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Me. Xin Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay cho con người chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa nói trong thiên nhiên, trong kinh thánh, trong mỗi hoàn cảnh đời sống, qua lời chỉ dẫn của Hội Thánh, mà thực hành trong đời sống có được hướng đi đúng đường.

7. Trong kinh cầu có lời ca ngợi cầu xin: „ Salus infimorum- Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn“.

Bên trung tâm đền thánh Đức Mẹ Fatima chúc lành cho các bệnh nhân vào chiều ngày 12. khai mạc hành hương, và vào sáng ngày 13. sau Thánh Lễ hành hương hằng tháng.

Cung cách chúc lành này nhắc nhớ đến xưa kia Chúa Giêsu Kitô khi còn sống trên trần gian đã đi xuyên qua các làng mạc tỉnh thành vùng miền nước Do Thái, đồng thời chúc lành chữa cho lành mạnh trở lại những người bị bệnh nạn đến với Ngài, như trong phúc âm viết thuật lại.

Những người được „ơn phép lạ“ chữa lành bệnh không chỉ nơi phần thân thể, mà quan trọng hơn vết thương trong tâm hồn. Vì lâu nay sống trong lo âu chán nản hoài nghi trầm cảm. Đời sống họ nhờ thế được phục hồi trở lại có niềm vui.

Chúng con mang bông hoa và thắp sáng cây nến mừng kính Mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Me. Xin Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay, cùng Chúa Giêsu, Con mẹ, cho chúng con đang trên đường lữ hành trần gian với nhiều yếu đuối bệnh tật phần thân xác cũng như tâm hồn tinh thần. Xin Đức Mẹ phù hộ bầu cử cùng Chúa ban ơn an ủi chữa lành khỏi đau bệnh tật phần thân xác cũng như tinh thần, để có bình an cho đời sống.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Putin hết thời: Hàng loạt vụ nổ ở Nga. Đến Hà Lan, Zelenskiy kêu gọi bắt Putin. CIA: Nga đã kiệt lực
VietCatholic Media
03:16 05/05/2023


1. Tổng thống Zelenskiy kêu gọi bắt giữ Putin đưa ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế

Vladimir Putin phải bị đưa ra trước công lý vì cuộc chiến của ông ta ở Ukraine, Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Năm trong chuyến thăm The Hague /đờ Hây/, nơi đặt trụ sở của tòa án hình sự quốc tế, gọi tắt là ICC.

“Tất cả chúng ta đều muốn thấy một Vladimir khác tại Hague, người xứng đáng bị trừng phạt vì hành động tội ác của mình ở đây, thủ đô của luật pháp quốc tế,” Zelenskiy nói trong một bài phát biểu.

“Tôi chắc rằng chúng ta sẽ thấy điều đó xảy ra khi chúng ta giành chiến thắng,” ông nói và nói thêm: “Bất cứ ai gây chiến đều phải nhận sự phán xét.”

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Hà Lan, tổng thống Ukraine đã đến thăm ICC.

Nga không phải là thành viên của ICC và từ chối quyền tài phán của cơ quan này. Điện Cẩm Linh đã phủ nhận việc thực hiện các hành động tàn bạo trong cuộc xung đột với Ukraine, mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Tại Hà Lan, Zelenskiy cũng kêu gọi thành lập một tòa án tội phạm chiến tranh tách biệt với tòa án hình sự quốc tế, vì tội gây chiến tranh không thuộc thẩm quyền tài phán của ICC.

Kẻ xâm lược phải cảm nhận được toàn bộ sức mạnh của công lý. Đây là trách nhiệm lịch sử của chúng ta. Chỉ có một tổ chức có khả năng đáp trả tội ác nguyên thủy, tội ác xâm lược: đó là một tòa án, một tòa án chính thức, thực sự đúng nghĩa, đầy đủ.

Một hành động xâm lược được Liên Hiệp Quốc định nghĩa là “sự xâm lược hoặc tấn công của các lực lượng vũ trang của một quốc gia trên lãnh thổ của một quốc gia khác, hoặc bất kỳ sự xâm lược quân sự nào”. ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, đã ban hành lệnh bắt giữ Putin vì tội bắt cóc trẻ em khỏi Ukraine.

Nhưng ICC không có thẩm quyền đối với tội ác xâm lược quân sự. Và Ủy ban Âu Châu, trong số những người khác, đã ủng hộ việc thành lập một trung tâm quốc tế riêng biệt để truy tố tội xâm lược Ukraine, sẽ được thành lập ở The Hague.

Các câu hỏi thực tế và pháp lý lớn vẫn xoay quanh việc làm thế nào để một tòa án như vậy được hợp pháp hóa, bởi một nhóm các quốc gia ủng hộ tòa án đó hoặc với sự chấp thuận của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nga không phải là thành viên của ICC và đã từ chối quyền tài phán của ICC.

2. Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Washington về vụ máy bay không người lái tấn công Điện Cẩm Linh. Ukraine muốn bắt sống Putin đưa ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.

Trong khi tổng thống Ukraine ở The Hague, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã có cuộc họp báo hàng ngày tại Mạc Tư Khoa.

Peskov cho biết phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự việc máy bay không người lái tại Điện Cẩm Linh là “bình tĩnh”. Tass dẫn lời Peskov nói “Bạn biết rằng tổng thống luôn giữ được sự bình tĩnh, điềm tĩnh, sáng suốt trong các đánh giá và mệnh lệnh mà ông ấy đưa ra trong những tình huống khó khăn, khắc nghiệt. Không có gì mới đã xảy ra trong vấn đề này. Môi trường làm việc bình thường. Mọi người đều đang làm việc, mọi người đều ở vị trí của mình.”

Ông nói thêm rằng một cuộc họp của hội đồng an ninh vào thứ Sáu đã được lên kế hoạch và theo dự kiến ban đầu không phải là để phản ứng đối với những gì có vẻ là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Ông nói rằng “Theo kế hoạch, tổng thống có một cuộc họp với các thành viên thường trực của Hội đồng an ninh quốc gia vào ngày mai, thứ Sáu. Nó đã được lên kế hoạch, nó sẽ diễn ra. Tất nhiên, chúng ta có thể giả định với mức độ tin cậy cao rằng chủ đề này sẽ được đề cập đến.”

Peskov không đưa ra bình luận nào khi được giới truyền thông hỏi liệu Nga có coi Volodymyr Zelenskiy là mục tiêu quân sự hợp pháp hay không.

Ông Peskov nói thêm rằng Nga biết rằng “các quyết định về các cuộc tấn công khủng bố như vậy được đưa ra ở Washington” và Kyiv “chỉ thực hiện các quyết định này”. Ông ta nói “Washington chắc chắn đứng sau cuộc tấn công này, chúng tôi biết điều này.”

Trong khi đó, một cựu nghị sĩ Nga có liên hệ với các nhóm chiến binh ở Nga tuyên bố vụ tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào Điện Cẩm Linh là công việc của những nhóm mà ông gọi là đảng phái Nga, không phải quân đội Ukraine. Ông nhận định rằng, theo những phát biểu của Tổng thống Zelenskiy đang có chuyến viếng thăm Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, người Ukraine có lẽ muốn bắt sống Putin đưa ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế hơn là ném bom tiêu diệt ông ta.

Ponomarev, hiện đang sống lưu vong ở Ukraine và Ba Lan, là nghị sĩ Nga duy nhất bỏ phiếu chống lại việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và kể từ đó ông đã bị đưa vào danh sách nghi phạm khủng bố, theo chính quyền Nga.

3. Hoa Kỳ phủ nhận liên quan đến vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh

Tòa Bạch Ốc phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia nói với các phóng viên báo chí:

“Chúng tôi không có gì để làm với điều này.”

Trước đó, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, đã đưa ra tuyên bố vô căn cứ rằng Hoa Kỳ đứng sau vụ việc. Ông nói rằng Nga biết “các quyết định về các cuộc tấn công khủng bố như vậy được đưa ra ở Washington” và rằng Kyiv “chỉ thực hiện các quyết định này”.

Peskov nói thêm rằng “Washington chắc chắn đứng sau vụ tấn công này, chúng tôi biết điều này,” mặc dù ông ta không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố của mình.

Tướng Kirby nói:

“Peskov nói láo, hoàn toàn trắng trợn.”

Ông nhắc lại rằng Washington không ủng hộ hay khuyến khích các cuộc tấn công của Ukraine bên ngoài biên giới của họ.

Chúng tôi đã rõ ràng với họ một cách công khai và riêng tư rằng chúng tôi không khuyến khích cũng như không tạo điều kiện cho họ tấn công bên ngoài Ukraine.

Các quan chức tình báo Hoa Kỳ vẫn đang cố gắng xác định ai đứng sau sự việc máy bay không người lái ở Điện Cẩm Linh và đang khám phá nhiều khả năng khác nhau - bao gồm cả một hoạt động cờ giả của Nga hoặc là hành động của một nhóm người Nga có thiện cảm với Ukraine, hay có thể muốn sớm chấm dứt một cuộc chiến vô vọng.

Cho đến nay các quan chức tình báo vẫn chưa có bất kỳ câu trả lời dứt khoát nào.

Cố vấn hàng đầu của Zelenskiy, Mykhailo Podolyak, đã tuyên bố Nga đã “dàn dựng” vụ tấn công bằng máy bay không người lái. Ông trích dẫn sự chậm trễ trong việc đưa tin của các phương tiện truyền thông nhà nước Nga và “video đồng thời từ các góc độ khác nhau” dường như cho thấy hậu quả của vụ tấn công bị cáo buộc.

Một quan chức của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nói với Tamara Cohen, phóng viên chính trị của Sky News, rằng:

“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng Ukraine làm việc đó chẳng có lợi gì, không có lợi thế quân sự, mọi người đều biết Putin không ở lại Điện Cẩm Linh và tất cả các hậu quả của một vụ tấn công như thế đều thực sự chỉ có lợi cho Putin – công chúng nga tập hợp lại; bào chữa cho các cuộc oanh tạc ngẫu nhiên và liều lĩnh hơn; và trên trường quốc tế người Nga giành được thiện cảm so với Ukraine, thế giới không thích những kẻ khủng bố.”

4. Nga bị tấn công bằng làn sóng các vụ phá hoại khi chuyến tàu thứ hai trật đường ray

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Hit With Wave of Sabotage Attacks as Second Train Derailed”, nghĩa là “Nga bị tấn công bằng làn sóng các vụ phá hoại khi chuyến tàu thứ hai trật đường ray”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một đoàn tàu chở hàng đã bị trật đường ray hôm thứ Ba sau một vụ nổ ở vùng Bryansk của Nga, nằm gần biên giới Ukraine, đánh dấu sự việc mới nhất trong một loạt các vụ tấn công phá hoại ở nước này trong những ngày gần đây.

“Một thiết bị nổ không xác định đã phát nổ gần nhà ga Snezhetskaya. Không có thương vong”, Alexander Bogomaz, thống đốc vùng Bryansk, cho biết như trên. “Hậu quả của vụ việc là một đầu máy và một số toa của một đoàn tàu chở hàng đã bị trật đường ray.”

Trước đó một ngày, một chuyến tàu chở hàng khác của Nga cũng bị trật đường ray ở Bryansk sau khi va phải một thiết bị nổ. Biến cố này là vụ tấn công phá hoại rõ ràng mới nhất xảy ra ở Nga. Các cuộc tấn công như vậy đã gia tăng cường độ kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Đường sắt Nga cho biết trong một tuyên bố rằng vụ trật đường ray hôm thứ Ba, giống như sự việc hôm thứ Hai, là kết quả của “sự can thiệp bất hợp pháp vào công việc vận tải đường sắt”.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin rằng các công tố viên địa phương đã mở một cuộc điều tra về vụ trật đường ray.

Chỉ vài tuần sau cuộc chiến ở Ukraine, bốn sinh viên phản đối cuộc xung đột đã phá hoại đường sắt ở nước này. Bốn sinh viên Nga và nước ngoài, trong độ tuổi từ 17 đến 18, đã bị bắt tại thành phố Ufa vào tháng 3 năm 2022 và bị buộc tội tổ chức một hành động khủng bố.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào thời điểm đó đã ủng hộ án tử hình được khôi phục ở Nga để đáp lại. Viết trên kênh Telegram, ông ta gọi các bị cáo là “quái vật” và nói rằng trong Thế chiến II, “những kẻ phá hoại” đã bị bắn.

“Chỉ có một bản án dành cho những kẻ vô lại như vậy - hành quyết mà không cần xét xử hay điều tra. Ngay tại hiện trường vụ án,” ông ta nói.

Các cuộc tấn công dường như đang gia tăng ở Nga trong những ngày gần đây khi Kyiv chuẩn bị cho một cuộc phản công để giành lại các vùng lãnh thổ hiện đang bị xâm lược.

Hôm thứ Tư, Nga cho biết một máy bay không người lái đã gây ra vụ cháy kho chứa dầu ở làng Volna, gần cây cầu quan trọng chiến lược eo biển Kerch, nối Nga với Crimea. Các quan chức Ukraine chưa nhận trách nhiệm về vụ hỏa hoạn.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine và Nga qua email để bình luận.

Trước đó một ngày, Nga đổ lỗi cho Ukraine về vụ hỏa hoạn khác tại một kho chứa dầu ở cảng Sevastopol của Crimea.

Tại khu vực Belgorod của Nga, nằm gần biên giới Ukraine, một máy bay không người lái đã thả chất nổ xuống công trường xây dựng gần làng Priles hôm thứ Ba, kênh Telegram Baza đưa tin.

5. Giám đốc tình báo Mỹ cho biết các lực lượng của Mạc Tư Khoa thiếu sức mạnh để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn

Người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ cho biết, các lực lượng Nga ở Ukraine đã xuống cấp đến mức không thể thực hiện bất kỳ động thái tấn công quan trọng nào và hiện đang tập trung vào việc củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ bị xâm lược.

Trong phiên điều trần của ủy ban dịch vụ vũ trang của Thượng viện hôm thứ Năm 4 Tháng Năm, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Avril Haines cho biết chiến lược của Putin có nhiều khả năng là tìm cách kéo dài cuộc xung đột cho đến khi sự ủng hộ của phương Tây đối với Kyiv suy yếu.

Cô nói: “Putin có lẽ đã thu hẹp tham vọng trước mắt của mình trong việc củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ bị xâm lược ở miền đông và miền nam Ukraine, đồng thời bảo đảm rằng Ukraine sẽ không bao giờ trở thành đồng minh của NATO.”

Tuy nhiên, cô nói rằng, bất kể kết quả của cuộc tấn công của Ukraine là gì, Putin khó có thể đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

“Thách thức là, ngay cả khi Putin có thể thu hẹp tham vọng ngắn hạn của mình, triển vọng nhượng bộ của Nga để thúc đẩy các cuộc đàm phán trong năm nay sẽ rất thấp trừ khi có những lỗ hổng chính trị trong nước làm thay đổi suy nghĩ của ông.”

Trong khi các đồng minh phương Tây hỗ trợ Kyiv bằng vũ khí, đạn dược và huấn luyện trước cuộc tấn công theo kế hoạch, Haines lưu ý rằng các lực lượng Nga có sự thiếu hụt “đáng kể” về đạn dược và nhân sự.

“Ngay cả khi cuộc phản công của Ukraine không hoàn toàn thành công, người Nga cũng khó có thể tiến hành một chiến dịch tấn công quan trọng trong năm nay.

Chúng tôi tiếp tục đánh giá rằng Putin rất có thể tính toán rằng thời gian có lợi cho mình và việc kéo dài chiến tranh có thể là con đường tốt nhất còn lại của ông để cuối cùng bảo đảm lợi ích chiến lược của Nga ở Ukraine.”

6. Máy bay không người lái tấn công một kho dầu khác gần cầu Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Drone Attack Hits Another Oil Depot Near Putin's Crimea Bridge”, nghĩa là “Máy bay không người lái tấn công một kho dầu khác gần cầu Crimea của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một kho chứa dầu nằm gần cầu Kerch có ý nghĩa chiến lược, nối Nga với Crimea, đã bốc cháy vào sáng sớm thứ Tư, một quan chức Nga cho biết.

Veniamin Kondratyev, thống đốc vùng Krasnodar phía nam của Nga, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng một bể chứa dầu đã bốc cháy ở làng Volna, gần cảng Taman, và ngọn lửa “đã được xếp vào mức độ khó khăn cao nhất.”

Volna nằm gần Cầu Eo biển Kerch, là tuyến đường bộ duy nhất của Nga với bán đảo Crimea bị sáp nhập trái phép và là tuyến đường cung cấp chính cho các lực lượng của Nga trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Vụ hỏa hoạn mới nhất xảy ra vài ngày sau khi Nga đổ lỗi cho Ukraine về một vụ hỏa hoạn khác tại một kho chứa dầu ở cảng Sevastopol của Crimean.

Ngọn lửa bắt đầu vào khoảng 2:30 sáng giờ Mạc Tư Khoa.

Kondratyev cho biết: “Một bể chứa các sản phẩm xăng dầu đã bốc cháy ở làng Volna, quận Temryuksky. Theo thông tin sơ bộ, không có người chết hay bị thương.”

Ông nói thêm: “Mọi thứ có thể đang được thực hiện để ngọn lửa không lan rộng hơn nữa.”

Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga trích dẫn các dịch vụ khẩn cấp cho biết đám cháy là kết quả của “một máy bay không người lái”. Các quan chức Ukraine chưa nhận trách nhiệm về vụ hỏa hoạn. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine để bình luận qua email.

Các video về vụ hỏa hoạn đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Nga và Ukraine hôm thứ Tư, cho thấy ngọn lửa bùng lên dữ dội và những cột khói đen lớn bốc lên bầu trời. Kênh tin tức địa phương CHP Sevastopol cho biết trên Telegram rằng ngọn lửa có thể được nhìn thấy từ Cầu Eo biển Kerch.

“ Một đoạn video về một nhà ga Tamanneftegaz đang bốc cháy ở vùng Krasnodar - nó được cho là đã bị một máy bay không người lái tấn công. Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, đã chia sẻ một đoạn video dài 28 giây về vụ cháy.

Gerashchenko cho rằng vụ hỏa hoạn có thể là một phần trong quá trình chuẩn bị của Ukraine cho cuộc tấn công sắp tới.

Gerashchenko viết: “lý thuyết quân sự cho thấy làm suy yếu hậu cần của đối phương là một phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho các hoạt động phản công. Như chúng ta có thể thấy, cường độ các cuộc tấn công vào kho dầu và hậu cần đường sắt đang gia tăng. Sự suy yếu tài nguyên của các lực lượng vũ trang Nga đang diễn ra”.

Gerashchenko nói thêm: “Người dân Nga nhìn thấy máy bay không người lái của Ukraine ngay cả trong các ngôi sao và chim bồ câu. Biệt kích trốn trong mọi khu rừng.”

Đầu tuần này, Oleksiy Arestovych, người từng là cố vấn của tổng thống Ukraine cho đến Tháng Giêng vừa qua, cho biết cuộc phản công của Kyiv sẽ nhắm vào cầu Kerch.

Arestovych nói với kênh YouTube Feygin Live, do luật sư và cựu chính trị gia đối lập người Nga Mark Feygin tổ chức, rằng một trong những mục tiêu phản công của Ukraine có thể là một chiến dịch ở miền nam đất nước nhằm tìm cách cắt đứt người Nga khỏi hành lang trên bộ tới Crimea, mở đường cho Ukraine tái chiếm bán đảo Hắc Hải bị Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập trái phép vào năm 2014.

“Chúng tôi sẽ phá hủy cầu Crimean. Tất cả điều này có thể thực hiện được trong một số điều kiện nhất định, chúng tôi hiện đang sắp xếp các điều kiện,” Arestovych nói.

Putin đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công vào cây cầu vào tháng 10 năm 2022. Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận qua email.

7. Khả năng Hà Lan là nước đầu tiên tặng máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là rất cao

Reuters dẫn lời Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết các cuộc thảo luận về khả năng tặng máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine đang được tiến hành. Mặc dù, như Guardian đã đưa tin trước đó, vị Thủ tướng khẳng định rằng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Trả lời một câu hỏi tại cuộc họp báo cùng với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Rutte cho biết “Về F-16, đối với chúng tôi, không có điều cấm kỵ nào.”

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình là Bỉ, các nước khác, Vương quốc Anh, Đan Mạch để đưa cuộc tranh luận đó đi đến hồi kết. Chúng tôi vẫn chưa ở đó.”

Đầu tuần này, tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, Zelenskiy đã nhắc lại yêu cầu phương Tây cung cấp cho Kyiv các máy bay chiến đấu hiện đại và nói thêm rằng ông “chắc chắn chúng tôi sẽ sớm có máy bay”.

Thủ tướng Rutte trước đó cho biết Hà Lan sẽ xem xét bất kỳ hình thức hỗ trợ quân sự nào cho Ukraine miễn là điều đó không gây ra xung đột công khai giữa NATO và Nga. Ông cho biết hôm thứ Năm rằng các cuộc thảo luận về F-16 sẽ “mất thời gian” – cũng như các cuộc thảo luận trước đây về việc tặng xe tăng Leopard 2 và pháo bọc thép.

“Nhưng tại thời điểm này, pháo tăng đang ở Ukraine, và những chiếc Leopard 2 đang được chuyển đến Ukraine. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ về vấn đề này, trên những chiếc F-16, và rõ ràng là có sự ủng hộ từ quốc hội để chính phủ làm việc về vấn đề đó.”

8. Phân tích của CNN cho thấy không có bằng chứng về sự tham gia của Ukraine trong vụ tấn công Điện Cẩm Linh

Điện Cẩm Linh vẫn chưa đưa ra bằng chứng cụ thể hỗ trợ cho tuyên bố của chính phủ Nga hôm thứ Tư rằng họ đã ngăn chặn một nỗ lực của Ukraine nhằm vào cuộc sống của Tổng thống Vladimir Putin bằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, mặc dù các video đã xuất hiện nhằm mục đích cho thấy cuộc tấn công - bao gồm cả những gì dường như là vụ bắn hạ của một máy bay không người lái - và hậu quả của nó.

Phân tích video, CNN có thể xác nhận tuyên bố của Điện Cẩm Linh rằng hai máy bay không người lái đã bay phía trên Điện Cẩm Linh vào đầu ngày thứ Tư, nhưng CNN không tìm thấy bằng chứng nào về sự liên quan của Ukraine.

Đây là những gì CNN biết cho đến nay về cách các sự kiện diễn ra: Một video dường như cho thấy khói bốc lên từ Điện Cẩm Linh, được CNN định vị địa lý, xuất hiện trên kênh Telegram của khu phố địa phương lúc 2:37 sáng thứ Tư theo giờ địa phương. Các báo cáo đầu tiên về vụ việc trích dẫn Điện Cẩm Linh đến từ các phương tiện truyền thông nhà nước Nga TASS và RIA vào khoảng 2h33 chiều giờ địa phương – tức là khoảng 12 giờ sau đó.

Ngay sau khi các phương tiện truyền thông đầu tiên đưa tin, một video khác xuất hiện cho thấy khoảnh khắc một máy bay không người lái phát nổ phía trên Điện Cẩm Linh bắt đầu lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Trong video, chiếc máy bay không người lái dường như bay về phía mái vòm của tòa nhà, sau đó là một vụ nổ nhỏ. Trong video này, có thể thấy hai người đang trèo lên mái vòm cầm đèn pin và cúi xuống ngay trước thời điểm vụ nổ xảy ra. Những người leo lên tìm chiếc máy bay không người lái không có mặt trong video đầu tiên nhưng xuất hiện trong video thứ hai, cho thấy họ đang ứng phó với đám cháy do máy bay không người lái đầu tiên gây ra vào thời điểm máy bay không người lái tiếp theo xuất hiện.

CNN đã phân tích các video do kênh TVC của nhà nước Nga chia sẻ cho thấy có hai máy bay không người lái riêng biệt từ các hướng khác nhau bay cách nhau vài phút, dựa trên thời gian hiển thị trên đồng hồ tháp Spasskaya gần đó. Máy bay không người lái đầu tiên được phát hiện trên Điện Cẩm Linh lúc 2:27 sáng giờ địa phương. Nó phát nổ trên Cung điện Thượng viện, sau đó một đám cháy bùng phát trên mái nhà của cung điện này. Máy bay không người lái thứ hai được ghi lại vào lúc 2:43 sáng và các mảnh vỡ của nó rơi xuống lãnh thổ của Điện Cẩm Linh. Trong khi chiếc máy bay không người lái đầu tiên gây ra đám cháy ở đỉnh mái vòm, chiếc thứ hai thì không, thay vào đó dường như nó phát nổ trong không trung.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã không đề cập đến vụ việc hôm thứ Tư trong cuộc họp báo thông thường vào các ngày trong tuần với các phóng viên vào khoảng 12:30 chiều giờ địa phương, khoảng hai giờ trước khi các phương tiện truyền thông đưa tin.

Ukraine đã phủ nhận mọi trách nhiệm về vụ tấn công bị cáo buộc, với cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nói với CNN rằng Ukraine “không liên quan gì đến các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh.”

9. Ngoại trưởng Blinken nói với Ngoại trưởng Ukraine rằng Mỹ “rất tiếc” bị rò rỉ tài liệu mật

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết ông đã nói với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba rằng Hoa Kỳ “rất tiếc” về vụ rò rỉ tài liệu mật khổng lồ của Hoa Kỳ xảy ra vào tháng trước.

Blinken cho biết Hoa Kỳ “rất lấy làm tiếc về việc tiết lộ trái phép các tài liệu này, rằng chúng tôi rất coi trọng nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ thông tin của mình”.

Phát biểu tại một sự kiện của Washington Post hôm thứ Tư, Blinken cho biết ông đã nhắc lại sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Ukraine.

“Tôi nghĩ công bằng mà nói rằng người dân Ukraine, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã được hưởng lợi từ thông tin phi thường mà Hoa Kỳ có thể phát triển và cung cấp để giúp hỗ trợ, phòng thủ, bảo vệ an ninh của họ, cũng như của chúng ta.”

Blinken đã không đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng ông đã biết về vụ rò rỉ thông tin từ báo chí chứ không phải từ các quan chức Mỹ.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết các vụ rò rỉ “hầu như không xuất hiện” trong các chuyến công du và các cuộc họp của ông.

“Trên thực tế, tôi đã nêu ra vấn đề này ở mức độ nào đó, chỉ để làm rõ mức độ nghiêm túc của chúng tôi đối với vấn đề này,” Blinken nói.

Thông tin thêm về vụ rò rỉ: Jack Teixeira, nghi phạm 21 tuổi trong vụ rò rỉ tài liệu mật của Hoa Kỳ đăng trên mạng xã hội, bị buộc tội theo Đạo luật Gián điệp với tội lưu giữ và truyền trái phép thông tin quốc phòng cũng như xóa trái phép thông tin mật và phòng thủ nguyên vật liệu.

Theo các tài liệu buộc tội, binh nhất Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts bị cáo buộc đã bắt đầu đăng thông tin về các tài liệu trực tuyến vào khoảng tháng 12 năm 2022 và chúng bao gồm nhiều loại thông tin được phân loại cao - bao gồm cả việc nghe lén các đồng minh và đối phương quan trọng cũng như những đánh giá thẳng thắn về tình trạng của cuộc chiến Ukraine.

10. Nga đưa ra mối đe dọa quân sự mới đối với NATO

Nga cho biết hôm thứ Tư rằng họ có thể trả đũa bằng các biện pháp quân sự nếu NATO sử dụng lãnh thổ của Phần Lan.

Cảnh báo đến từ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, người đang bình luận về một báo cáo rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đưa quân vào các căn cứ của Phần Lan.

Hôm thứ Hai, tờ báo Phần Lan Helsingin Sanomat, nghĩa là Tin tức Helsinki, đưa tin quan chức Bộ Ngoại giao Phần Lan Mikael Antell cho biết các cuộc thảo luận về thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới giữa Helsinki và Washington có thể cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự mới trên đất Phần Lan.

Antell nói với tờ báo rằng thỏa thuận này sẽ không chỉ tăng cường tư cách thành viên NATO gần đây của Phần Lan mà còn có thể dẫn đến việc binh lính Mỹ được triển khai tới các căn cứ gần biên giới của Nga với Phần Lan.

“Chúng tôi đang theo sát các kế hoạch của NATO liên quan đến Phần Lan,” Zakharova nói trong một cuộc họp báo, theo Tass, hãng thông tấn của chính phủ Nga. “Chúng tôi xác nhận rằng Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa cả về quân sự-kỹ thuật và các tính chất khác để hạn chế các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chúng tôi xuất hiện trong mối liên hệ này”.

Bà Zakharova nói thêm rằng Mạc Tư Khoa coi bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến quân đội Mỹ ở Phần Lan là hành vi đánh mất chủ quyền của Helsinki.

Bà nói: “Tuy nhiên, cả Phần Lan và NATO phải nhận ra rằng việc tăng quân cho Bắc Âu sẽ chỉ góp phần làm gia tăng căng thẳng quân sự và chính trị ở khu vực này”.

Phần Lan chính thức trở thành thành viên của NATO vào đầu tháng Tư. Việc quốc gia này gia nhập liên minh được nhiều nhà quan sát coi là một bước lùi lớn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nhiều lần nói rằng một trong những mục tiêu của ông trong cuộc chiến ở Ukraine là ngăn chặn sự mở rộng của NATO trên biên giới Nga.

Trước khi Phần Lan gia nhập NATO, năm quốc gia NATO có chung biên giới với Nga hoặc vùng đất Kaliningrad của Nga. Những quốc gia chiếm khoảng 754 dặm biên giới chung với Nga.

Phần Lan, trong khi đó, chia sẻ 830 dặm biên giới dọc theo tây bắc nước Nga. Với việc Phần Lan trở thành thành viên của liên minh, NATO chính thức tăng tổng số đường biên giới chung với Nga lên 1.584 dặm.

Ngay cả trước khi bà Zakharova bình luận hôm thứ Tư về việc áp dụng các biện pháp “quân sự-kỹ thuật” để đáp trả các kế hoạch của NATO đối với Phần Lan, Nga đã tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới với Phần Lan.

Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti do Điện Cẩm Linh điều hành ngay sau khi có thông báo rằng Phần Lan được kết nạp vào NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng kết quả là “rất nhiều biện pháp đã được công bố”.

“Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng quân sự của mình ở hướng tây và tây bắc. Nếu lực lượng và phương tiện của các thành viên NATO khác được triển khai trên lãnh thổ Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước bổ sung để bảo đảm an ninh quân sự của Nga”, ông Grushko nói.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Nga và Phần Lan qua email để bình luận.
 
Nga nhẹ giọng hơn với sứ mệnh hòa bình của ĐTC. Nhà Trừ Tà cảnh báo: Satan kích động nỗi sợ hãi
VietCatholic Media
04:31 05/05/2023


1. Liên Hiệp Quốc cảnh báo hơn 800.000 người có thể rời khỏi Sudan

Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai cảnh báo rằng 800.000 người có thể phải chạy trốn khỏi Sudan trong bối cảnh giao tranh dữ dội giữa các phe phái quân sự đối địch.

Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương kể từ khi xung đột giữa quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự RSF nổ ra vào ngày 15/4.

Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc,, gọi tắt là UNHCR, cho biết: “UNHCR, cùng với các chính phủ và đối tác, đang chuẩn bị cho khả năng hơn 800.000 người có thể chạy trốn chiến sự ở Sudan sang các nước láng giềng,” giám đốc cơ quan Filippo Grandi cho biết trong một tweet.

“Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra, nhưng nếu bạo lực không dừng lại, chúng ta sẽ thấy nhiều người buộc phải chạy trốn khỏi Sudan để tìm kiếm sự an toàn.”

Dòng tweet của Grandi được đưa ra khi các cuộc đấu súng và các vụ nổ một lần nữa làm rung chuyển thủ đô của Sudan hôm thứ Hai bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được chính thức đồng ý giữa các bên tham chiến và trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo đã đưa đất nước đến gần “điểm phá vỡ”.

Sự hỗn loạn, hiện đã bước sang tuần thứ ba, đã gây ra làn sóng di cư ồ ạt sang các nước láng giềng, bao gồm Nam Sudan, Ai Cập, Ethiopia và Chad.

Sudan đã tiếp nhận 1,13 triệu người tị nạn trước khi xung đột bắt đầu, trong đó có khoảng 800.000 người từ Nam Sudan.

Cuộc chiến cũng đã gây ra một cuộc di cư hàng loạt của người nước ngoài và nhân viên quốc tế.


Source:radiotamazuj.org

2. Thông tấn xã Nga cho rằng 'Sứ mệnh hòa bình' của Vatican liên quan đến các nỗ lực hòa giải giữa Nga và Ukraine

Trong bản tin đánh đi hôm 2 Tháng Năm, trích dẫn một quan chức Vatican không được nêu tên, thông tấn xã TASS của Nga nói rằng “Sứ mệnh hòa bình của Vatican” được Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trước đó là một phần trong nỗ lực hòa giải của Tòa thánh nhằm giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, và các đại diện của Đức Thánh Cha có thể được cử đến cả Mạc Tư Khoa và Kyiv vì mục đích này.

“Đây có thể là đại diện của Giáo triều Vatican hoặc các nhà ngoại giao,” quan chức này nói. Ông nhắc lại rằng Đức Thánh Cha đã nói với các phóng viên khi đi từ Budapest về Rôma vào ngày 30 tháng 4 rằng sáng kiến này “chưa được công khai”. Theo quan chức này, Tòa thánh và Đức Phanxicô luôn bày tỏ thiện chí hòa giải hòa bình, và Đức Thánh Cha cho biết ngài sẵn sàng viếng thăm cả hai thủ đô.

Trong Thánh lễ cuối cùng khi kết thúc chuyến viếng thăm Budapest vào Chúa Nhật, Đức Thánh Cha kêu gọi người dân Hung Gia Lợi cầu nguyện cho các dân tộc Nga và Ukraine. Sau đó, Đức Phanxicô xác nhận rằng ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được một giải pháp hòa bình. Ngài cũng đề cập đến cuộc gặp “bị hoãn” với Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, và nói rằng cuộc gặp này phải được tổ chức.

Các nguồn tin trong Giáo hội Chính thống Nga cho biết không có ai tích cực làm việc để cuộc họp này diễn ra.


Source:Tass

3. Ý cầu nguyện tháng 5 của Đức Thánh Cha: Cầu cho các phong trào và hội đoàn trong Giáo hội

Đức Thánh Cha Phanxicô xin cầu nguyện cho các phong trào và hội đoàn trong Giáo hội, vì đây là những “món quà” và “kho báu” trong Giáo hội.

Trong thông điệp video của mình, được phát hành hàng tháng bởi Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Những phong trào và hội đoàn làm đổi mới Giáo hội với khả năng đối thoại để phục vụ sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội.” Ngài cũng lưu ý rằng mỗi nhóm có đặc sủng riêng, cho phép họ thể hiện cả vẻ đẹp và sự mới lạ của việc loan báo Tin Mừng.

Đức Thánh Cha giải thích, mỗi đặc sủng đều khác nhau nhờ tính sáng tạo là đặc điểm của các nhóm và phong trào khác nhau. Họ dường như đang nói các ngôn ngữ khác nhau, nhưng chúng ta có thể hiểu họ.

Đồng thời, Đức Thánh Cha cảnh báo họ tránh cám dỗ thu mình lại, bằng cách mời gọi họ tiếp tục làm việc “để phục vụ các Giám mục và các giáo xứ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích họ “luôn luôn đổi mới, đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Thánh Thần trước những thách thức trong thế giới ngày nay,” trong khi vẫn “kết hợp với Giáo hội, vì sự hợp nhất là quà tặng của Chúa Thánh Thần.”

Đức Thánh Cha kết thúc thông điệp của mình bằng lời cầu nguyện “xin cho các phong trào và hội đoàn trong Giáo hội mỗi ngày mỗi khám phá lại sứ mệnh của mình, sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, để họ dùng các đoàn sủng của mình mà phục vụ các nhu cầu của thế giới.”

Trong thông cáo báo chí quảng bá ý cầu nguyện của tháng này, Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu nêu bật một số phong trào giáo hội và hiệp hội giáo dân truyền bá Tin Mừng khắp thế giới, bao gồm Shalom, Rước lễ và Giải phóng, Chân trời mới, Cộng đồng Sant'Egidio và Focolare : “Nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng một sứ mạng duy nhất: loan báo Tin Mừng cho những nơi khác nhau và bằng những cách thức khác nhau.”

Thông cáo báo chí giải thích rằng “Các phong trào trong Giáo hội là những nhóm người cam kết hoạt động tông đồ với đặc sủng riêng của mình, mà Chúa Thánh Thần ban cho vì lợi ích chung của Giáo hội. Bao gồm chủ yếu là các thành viên giáo dân, việc tìm kiếm một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô liên kết họ. Đồng thời, để phục vụ Tin Mừng, họ đối thoại với những người khác ngày nay, bất kể họ ở đâu.”

Video Giáo hoàng là một sáng kiến toàn cầu chính thức với mục đích phổ biến ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha. Nó được thực hiện bởi Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Giáo hoàng (Tông đồ Cầu nguyện). Kể từ năm 2016, Video về Giáo hoàng đã có hơn 196 triệu lượt người vào xem trên các mạng xã hội của Vatican và được dịch ra hơn 23 ngôn ngữ, được báo chí đưa tin ở 114 quốc gia. Các video được dàn dựng và phát hành do nhóm Mạng lưới Cầu nguyện Video Giáo hoàng, điều phối bởi Andrea Sarubbi, và được phân phối bởi La Machi Communication. Dự án được tài trợ bởi Vatican Media.
 
Binh biến: Trùm Wagner tuyên bố rút khỏi Bakhmut trước 10/5. Xuống tinh thần, lính Dù Nga tháo chạy
VietCatholic Media
17:27 05/05/2023


1. Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đứng giữa hàng dài các tử sĩ chửi thề ỏm tỏi, tuyên bố rút quân

Thông tấn xã Reuters có bài tường trình nhan đề “Surrounded by corpses, Wagner's Prigozhin blasts Russian defence minister in expletive-laden video”, nghĩa là “Bao quanh bởi các xác chết, Prigozhin của Wagner đã tấn công bộ trưởng quốc phòng Nga trong một video đầy tục tĩu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Đứng trên cánh đồng đầy xác chết, ông trùm lính đánh thuê người Nga Yevgeny Prigozhin hôm thứ Sáu đã công bố một đoạn video đầy những lời chửi thề tục tĩu đổ lỗi đích danh cho các chỉ huy quốc phòng hàng đầu về những tổn thất mà các chiến binh Nhóm Wagner của ông ta phải chịu ở Ukraine.

Prigozhin đã châm ngòi lại và leo thang mối thù truyền kiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, người mà ông ta đã nhiều lần cáo buộc đã bỏ đói lực lượng của mình.

Prigozhin xuất hiện bên cạnh hàng chục xác chết đẫm máu mà anh ta nói là của các chiến binh Wagner. Những lời tục tĩu của anh ta đã được phát ra trong video do dịch vụ báo chí của anh ta xuất bản.

“Chúng tôi thiếu 70% đạn dược. Shoigu! Gerasimov! Đạn dược ở đâu?” anh ta hét vào máy quay, kèm theo một tràng những tiếng chửi thề tục tĩu không thể lặp lại được.

Những kẻ chịu trách nhiệm sẽ xuống địa ngục, Prigozhin hét lên, trước khi nói rằng tổn thất của Wagner sẽ nhỏ hơn năm lần nếu nó được cung cấp đầy đủ.

“Đây là những chàng trai Wagner đã chết hôm nay. Máu vẫn còn tươi,” Prigozhin nói, chỉ vào những xác chết xung quanh mình. Họ đến đây với tư cách là tình nguyện viên và họ đang chết dần chết mòn để hai đứa chúng mày có thể béo tốt lên trong văn phòng của mình.”

Prigozhin, người sở hữu Tập đoàn Wagner dẫn đầu cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng của Nga vào thành phố Bakhmut phía đông Ukraine, bắt đầu thù hận công khai với các chỉ huy quốc phòng vào năm ngoái, cáo buộc họ kém cỏi và cố tình tước đoạt đạn dược của Wagner vì thù hằn cá nhân với ông.

Trong những tuần gần đây, Prigozhin đã kiềm chế các cuộc tấn công công khai vào Shoigu, ngay cả khi ông tiếp tục gợi ý rằng tình trạng thiếu đạn dược một cách có chủ ý đã làm trầm trọng thêm con số thương vong của Wagner.

Sau tiết mục chửi bới, Prigozhin cho biết lực lượng Wagner sẽ rời Bakhmut vào tuần tới. Lãnh đạo lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga, cho biết trong một thông báo đột ngột và đầy kịch tính hôm thứ Sáu rằng lực lượng của ông ta sẽ rời khỏi thành phố Bakhmut của Ukraine mà họ đã cố gắng chiếm giữ từ mùa hè năm ngoái.

Prigozhin cho biết quân Wagner sẽ rút quân vào ngày 10 tháng 5 - chấm dứt sự tham gia vào trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong các cuộc chiến - vì tổn thất nặng nề và nguồn cung cấp đạn dược không đủ. Ông yêu cầu các chỉ huy quốc phòng đưa quân đội chính quy vào thay cho các vị trí của họ.

“Tôi thay mặt các chiến binh Wagner, thay mặt bộ chỉ huy Wagner, tuyên bố rằng vào ngày 10 tháng 5 năm 2023, chúng tôi có nghĩa vụ chuyển các vị trí ở khu định cư Bakhmut cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng và rút những gì còn lại của Wagner về các trại hậu cần để liếm vết thương của chúng tôi,” Prigozhin nói trong một tuyên bố đi kèm với một tràng dài những tiếng chửi thề tục tĩu.

“Tôi đang kéo các đơn vị Wagner ra khỏi Bakhmut vì nếu không có đạn dược, họ sẽ chết một cách vô nghĩa,” ông ta kết luận.

Wagner đã đi đầu trong nỗ lực lâu dài và tốn kém của Nga nhằm chiếm Bakhmut và Prigozhin cho biết ba tuần trước rằng người của ông đã kiểm soát hơn 80% thành phố.

Nhưng quân phòng thủ Ukraine đã cầm cự được, và Prigozhin đã trút giận ngày càng nhiều về điều mà ông mô tả là thiếu sự hỗ trợ từ Bộ Quốc Phòng Nga.

Cựu chỉ huy quân đội Nga nhận định rằng cuộc chiến tại thành phố Bakhmut là một sự sỉ nhục cho quân đội Nga vì thành phố này quá nhỏ mà quân Wagner và quân chính quy Nga mất cả 9 tháng trời vẫn không chiếm được. Toàn bộ diện tích của thành phố Bakhmut và khu vực ngoại ô là 41,6 km vuông, Để quý vị và anh chị em dễ hình chung, chúng tôi xin nêu chi tiết này: Diện tích của Thủ Đức là 48 km vuông. Như thế, thành phố Bakhmut chưa bằng được Thủ Đức.

Theo Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ tính từ tháng 12 đến hết tháng Tư vừa qua, phía Nga đã phải chịu 100.000 thương vong, chủ yếu là tại thành phố Bakhmut; trong đó quá một nửa là quân Wagner.

2. Ý nghĩa của chuyến thăm Hà Lan của Volodymyr Zelenskiy đối với tham vọng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine

Trong chuyến thăm Hà Lan, Zelenskiy cũng đã gặp Vera Bergkamp, phát ngôn nhân của Hạ viện Hà Lan và Jan Anthonie Bruijn, chủ tịch Thượng viện. Nhà lãnh đạo Ukraine ca ngợi Hà Lan là “một trong những đồng minh quan trọng của chúng tôi trong việc bảo vệ các giá trị của tự do”, theo một bản ghi trên trang web của tổng thống.

Zelenskiy bày tỏ “sự biết ơn đặc biệt” tới quốc hội Hà Lan vì đã ủng hộ tư cách ứng cử viên của Ukraine trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập vào cuối năm nay, theo bản ghi.

Hà Lan ban đầu hoài nghi về nỗ lực trở thành một quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine, được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc xâm lược của Nga. Nhưng một khi Pháp, Đức và Ý ủng hộ tư cách ứng cử viên cho Ukraine vào mùa hè năm ngoái, chính phủ của Mark Rutte đã nhanh chóng ủng hộ ý tưởng này.

Ủy ban Âu Châu dự kiến sẽ thông báo cho 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 10 về tiến độ của Ukraine trong việc thực hiện cải cách, bao gồm cả cuộc chiến chống tham nhũng. Một báo cáo tích cực có thể mở đường cho việc mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên, mặc dù thời gian và kết quả cuối cùng vẫn chưa chắc chắn.

3. Quân Nga đang chịu thiệt hại rất nặng ở thành phố Bakhmut. Triển vọng tái chiếm hoàn toàn thành phố này rất sáng sủa.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv vào chiều thứ Sáu mùng năm tháng Năm, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine cho biết qua cầu truyền hình rằng quân Nga đang gánh chịu những thương vong hết sức nặng nề.

Khi được hỏi về tuyên bố của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin sẽ rút quân khỏi Bakhmut trước ngày 10 tháng 5, ông nói rằng Prigozhin thường đưa ra các tuyên bố không đúng sự thật. Ví dụ gần đây nhất là tuyên bố cho rằng quân Wagner đã giết được Thiếu tướng Ihor Tantsyura, chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của Ukraine, trong khi Tướng Tantsyura vẫn sống khoẻ mạnh.

Hơn thế nữa, tham gia vào một cuộc chiến khác xa với việc tham gia vào một công tác xã hội. Anh không thể bỏ ngang. Bỏ ngang là làm binh biến, là một tội nghiêm trọng.

Thành ra, Đại Tá Serhiy Cherevatyi cho biết quân phòng thủ Ukraine rất tỉnh táo trước các tuyên bố của Prigozhin. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, tuyên bố của Prigozhin, dù thật hay giả, đang làm quân Nga xuống tinh thần và tăng thêm sĩ khí cho quân ta.

Ông cho biết theo các số liệu vào đầu tháng này, “tại chiến trường Bakhmut, Nga triển khai 25.600 binh sĩ, 65 xe tăng, 450 xe thiết giáp, 154 trọng pháo, 56 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt để chống lại chúng ta. Mấy ngày qua đã chứng kiến một số lớn xe tăng, xe thiết giáp và các hệ thống pháo của quân xâm lược bị tịch thu tại mặt trận khi lính Dù Nga bỏ chạy trước sức tấn công mạnh mẽ của quân phòng thủ Ukraine.”

Cũng trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua, 620 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3 xe tăng, 7 xe thiết giáp, 16 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và 30 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến mùng năm Tháng Năm, lực lượng phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 193.210 quân xâm lược Nga. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy hay tịch thu 3.710 xe tăng Nga, 7.224 xe thiết giáp, 2.978 hệ thống pháo, 550 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 304 hệ thống phòng không, 308 máy bay chiến đấu, 294 máy bay trực thăng, 2.540 máy bay không người lái tác chiến và chiến thuật, 947 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.916 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 373 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

4. Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu cảnh báo Nga không được lợi dụng cái gọi là vụ mưu sát Putin để leo thang tấn công dân lành Ukraine

Hôm thứ Năm, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, đã cảnh báo Mạc Tư Khoa không được sử dụng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà họ cho là nhắm vào Điện Cẩm Linh để leo thang chiến tranh ở Ukraine.

“Chúng tôi kêu gọi Nga không sử dụng vụ tấn công bị cáo buộc này như một cái cớ để tiếp tục leo thang chiến tranh,” Borrell nói với các nhà báo khi ông tới tham dự một cuộc họp của các bộ trưởng Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels.

“Đây là điều khiến chúng tôi lo lắng: điều này có thể được sử dụng để biện minh cho việc bắt buộc nhiều người hơn, nhiều binh lính hơn tham gia vào cuộc chiến, và nhiều cuộc tấn công hơn vào Ukraine.”

Borrell nói: “Tôi đã lắng nghe Tổng thống Zelenskiy; Tổng thống Zelenskiy nói rõ ràng rằng Ukraine không tham gia vào các cuộc tấn công, rằng họ đang bảo vệ đất nước của họ, nhưng họ đang chiến đấu trên đất của họ, rằng họ không tấn công đất Nga”.

Đối với Liên bang Nga, gần như toàn bộ trận chiến bên trong Ukraine đang diễn ra ở nơi mà Nga coi là đất của Nga, sau khi nước này tuyên bố sáp nhập 4 khu vực xâm lược một phần của Ukraine vào năm ngoái. Đầu tuần này, Điện Cẩm Linh đã cáo buộc Đức cho phép vũ khí mà nước này cung cấp được sử dụng trên đất Nga vì chúng đang được sử dụng ở vùng Donbas của Ukraine.

5. Nữ sinh xuất sắc thiệt mạng vì hỏa tiễn của Nga gây đau lòng cho cả thi trấn

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu mùng năm tháng Năm, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết: một cô gái 16 tuổi đã chết trong bệnh viện sau khi bị thương nặng trong vụ pháo kích qua đêm vào thị trấn Kramatorsk ở Donetsk vào ngày 29 tháng Tư. Nevara Yelyzaveta Jonivna đã chết vài tháng trước sinh nhật thứ 17 của mình.

“Lisa là một cô gái nhỏ nhắn, ít nói và rất khiêm tốn. Cô ấy không chỉ là một học sinh xuất sắc mà còn là một người có tâm hồn thân thiện và tốt bụng, người luôn có thể cổ vũ bạn bè và giáo viên của mình”, Đại Úy Alyona nói.

Cô nói thêm là các tin tức vào giờ chót ngày hôm nay cũng ghi nhận 2 người cao niên đã thiệt mạng vì đạn pháo kích của quân Nga trong cùng thị trấn Kramatorsk ở Donetsk.

6. Cảnh sát Berlin mở cuộc điều tra vụ rò rỉ tin tức Tổng thống Zelenskiy đến thăm Berlin

Cảnh sát Berlin cho biết hôm thứ Năm rằng họ sẽ mở một cuộc điều tra sau khi thông tin chi tiết về chuyến đi có thể xảy ra của tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, tới Đức xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

AFP đưa tin cảnh sát cho biết trong một tuyên bố rằng các nhà điều tra đã tiến hành một cuộc điều tra “về một vụ nghi ngờ làm lộ bí mật liên quan đến chuyến thăm có thể có của một tổng thống “.

Nhật báo địa phương BZ hôm thứ Tư đưa tin rằng cơ quan thực thi pháp luật ở Berlin đã sẵn sàng cho chuyến thăm của Zelenskiy tới thủ đô nước Đức vào giữa tháng Năm.

Cảnh sát xác nhận cuộc điều tra liên quan đến một bài báo trên tờ BZ. Báo cáo công bố những “chi tiết bí mật” trong kế hoạch bảo vệ của cảnh sát. “Cảnh sát Berlin không chính thức cung cấp bất kỳ thông tin nào gây nguy hiểm cho chuyến thăm cấp nhà nước”.

“Tôi thấy không thể chịu nổi khi… một nhân viên duy nhất đang làm tổn hại danh tiếng của toàn bộ cảnh sát Berlin theo cách đáng xấu hổ như vậy trên toàn quốc và quốc tế”.

7. Putin hầu như chắc chắn không dám động đến vũ khí hạt nhân

Reuters dẫn lời quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ cho biết Nga “rất khó có thể” sử dụng vũ khí hạt nhân của mình, đồng thời đề nghị Mạc Tư Khoa kiềm chế ngay cả khi nước này chịu thương vong nặng nề trong cuộc chiến ở Ukraine.

Giám đốc tình báo quốc gia Avril Haines nói với ủy ban quân vụ của Thượng viện: “Điều đó rất khó xảy ra, theo đánh giá hiện tại của chúng tôi.”

Trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo phương Tây cho biết họ đang chuẩn bị cho việc Putin sử dụng “bất kỳ công cụ nào mà ông ấy còn lại” – bao gồm cả các mối đe dọa hạt nhân – khi một cuộc tấn công của Nga chậm lại và một cuộc phản công dự kiến của Ukraine xuất hiện.

Các quan chức Anh tại hội nghị ngoại trưởng G7 ở Nhật Bản cho biết họ tiên liệu việc Nga sẽ trả đũa và “phải chuẩn bị” cho các chiến thuật cực đoan khi nước này cố gắng giữ lãnh thổ Ukraine.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev theo đường lối cứng rắn trước đây từng tuyên bố Mạc Tư Khoa sẵn sàng để đáp trả Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng nước ông sẽ sử dụng “hoàn toàn bất kỳ loại vũ khí nào” nếu Kyiv cố gắng chiếm lại Crimea, nơi đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014.

8. Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng 'các quốc gia tự trọng ' cần phải từ chối nói chuyện với Zelenskiy sau sự việc máy bay không người lái ở Điện Cẩm Linh

Ngoại trưởng Nga cho biết “mọi quốc gia tự trọng” đều không nên nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh.

Ông Sergei Lavrov nhận định rằng: “Đối với vụ tấn công khủng bố vào điện Cẩm Linh và nơi ở của lãnh đạo nhà nước, chúng tôi đã nói rõ thái độ của mình. Tôi nghĩ chúng tôi không muốn thấy bất kỳ sự việc khiêu khích nào nữa.”

“Zelenskiy và nhóm của ông đang làm mọi thứ trong không gian truyền thông và trong các bước thực tế của họ, để bảo đảm rằng mọi quốc gia sẽ tiếp tục nói chuyện hoặc giao tiếp với họ. Đây là sự thật.”

“Chúng tôi luôn sẵn sàng giải quyết hậu quả của việc Mỹ cố gắng bơm vũ khí cho Ukraine. Chúng tôi thấy ngày càng có nhiều người hiểu rằng những vấn đề như vậy không thể giải quyết trên các giới tuyến ở Donbas.”

“Tôi nghĩ mọi người đều hiểu rằng những gì đang diễn ra là vấn đề địa chính trị. Cần phải giải quyết được vấn đề địa chính trị then chốt, đó là mong muốn duy trì quyền bá chủ của phương Tây và áp đặt ý chí của mình đối với mọi người, nếu không giải quyết được vấn đề đó, sẽ không có cuộc khủng hoảng nào được giải quyết ở bất cứ đâu.”

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, vụ mưu sát Putin bằng máy bay không người lái là do chính Nga dàn dựng ra.

Thứ nhất: Kyiv cách Mạc Tư Khoa khoảng 862 km theo đường chim bay. Hai máy bay không người lái của Ukraine có thể vượt qua được khoảng cách đó mà không bị các hệ thống phòng không của Nga bắn hạ là chuyện lạ bốn phương. Hơn thế nữa, gần đây Thủ đô Mạc Tư Khoa đã được tăng cường hệ thống phòng không.

Thứ hai: Cú tấn công thứ nhất được cho là diễn ra vào lúc 2:27 sáng, và cú thứ hai lúc 2:43 sáng. Vào lúc khuya lơ khuya lắc như thế, lại có thể có các tấm hình và các video từ nhiều góc cạnh khác nhau. Đó cũng là một chuyện lạ.

Thứ ba: Nếu đây là một vụ tấn công bất ngờ thực sự, phản ứng của Điện Cẩm Linh đối với vụ ám sát sẽ bối rối và “vô tổ chức hơn nhiều”; chứ không mạch lạc như những gì đã được tường thuật.

Thứ tư: Trong suốt lịch sử của mình, Nga - và Liên Xô trước đó - đã sử dụng các hoạt động “cờ giả”. Năm 1999, chỉ vài tháng trước khi Putin đắc cử tổng thống lần đầu tiên, Nga hứng chịu làn sóng đánh bom chung cư khiến hơn 300 người thiệt mạng. Thủ tướng Putin khi đó viện dẫn các vụ đánh bom để biện minh cho việc phát động Chiến tranh Chechnya lần thứ hai.

Đường lối cứng rắn của ông đã giúp ông giành được chức tổng thống, nhưng sự nghi ngờ vẫn còn tồn tại về kẻ thực sự đứng sau các vụ đánh bom này.

9. Bill Clinton nói rằng vào năm 2011, ông ấy đã nhận ra rằng việc Putin tấn công Ukraine 'chỉ là vấn đề thời gian'

Bill Clinton vừa cho biết rằng vào năm 2011 ông đã nhận ra rằng việc Vladimir Putin tấn công Ukraine chỉ là “vấn đề thời gian”. Ông nhận ra điều này sau một cuộc thảo luận lạnh nhạt với tổng thống Nga ở Davos, Thụy Sĩ.

Trong cuộc gặp đó, Clinton nói, ông Putin đã bác bỏ một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian với người tiền nhiệm của ông, là ông Vladimir Yeltsin, đồng ý tôn trọng lãnh thổ của Ukraine để đổi lấy việc Kyiv từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thời Liên Xô.

“Vladimir Putin đã nói với tôi vào năm 2011 - ba năm trước khi ông ấy chiếm Crimea - rằng ông ấy không đồng ý với thỏa thuận mà tôi đã đạt được với Boris Yeltsin,” cựu tổng thống Mỹ nói. “Ông ta nói 'Tôi không đồng ý với nó. Và tôi không ủng hộ nó. Và tôi không bị ràng buộc bởi nó.’” Sau khi nghe ông ta nói như thế, tôi biết từ ngày đó trở đi, đó chỉ là vấn đề thời gian.”

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Sự tăng vọt gần đây các vụ tai nạn đường sắt của Nga ở các khu vực giáp biên giới với Ukraine, được cho là do hành vi phá hoại của những tác nhân chưa được xác định, gần như chắc chắn đã gây ra sự gián đoạn cục bộ trong thời gian ngắn đối với các hoạt động di chuyển trên đường sắt quân sự của Nga.

Mặc dù các Lữ đoàn Đường sắt của họ có khả năng khôi phục các tuyến đường nhanh chóng, nhưng những sự việc này sẽ làm tăng áp lực lên lực lượng an ninh nội bộ của Nga, những người rất có thể sẽ không thể bảo vệ hoàn toàn mạng lưới đường sắt rộng lớn và dễ bị tổn thương của Nga khỏi bị tấn công.

11. Truyền hình Nhà nước Nga phản ứng về 'Cuộc tấn công' vào Điện Cẩm Linh: 'Đồng hồ đếm ngược đã bắt đầu'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Responds to 'Attack' on Kremlin: 'Countdown Has Started'“, nghĩa là “Truyền hình Nhà nước Nga phản ứng về 'Cuộc tấn công' vào Điện Cẩm Linh: 'Đồng hồ đếm ngược đã bắt đầu'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những lời nói tục tĩu và những lời lăng mạ khác đã nhắm vào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khi các nhà tuyên truyền Nga đe dọa trả đũa ông về những gì Mạc Tư Khoa nói là một cuộc tấn công vào Điện Cẩm Linh do Kyiv lãnh đạo.

Zelenskiy đã bác bỏ tuyên bố của Mạc Tư Khoa rằng Ukraine đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào trung tâm quyền lực của Nga diễn ra vào thứ Tư, nhưng ngay cả cách ông phủ nhận tại một cuộc họp báo ở Helsinki cũng là chủ đề bị người dẫn chương trình trên kênh Russia 1, Vladimir Solovyov chế nhạo..

“Ông ấy rất quyến rũ, ông ta thậm chí còn có phong cách LGBTQ,” Solovyov nói trong chương trình hàng đêm của mình trong một đoạn clip do nhà báo và nhà quan sát Nga Julia Davis đăng trên Twitter. “Anh ta bĩu môi như vịt khi cố gắng nói điều gì đó về đất nước mà anh ta đang ở.”

Solovyov cũng nói trong đoạn độc thoại của mình rằng sự hiện diện của Zelenskiy ở Phần Lan trong chuyến thăm là vì ông ấy biết trước về vụ tấn công bị cáo buộc và để bảo đảm “sẽ không có một cuộc tấn công trả đũa ngay lập tức”.

“Anh ấy rất sợ hãi, anh ấy là một kẻ hèn nhát thảm hại nên đã quyết định ở lại đó lâu hơn,” Solovyov nói, đề cập đến đồn đoán của giới truyền thông rằng Tổng thống Zelenskiy cũng sẽ đến thăm Đức, nơi “ông ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không dám đánh ông ta”. Người dẫn chương trình cũng đưa ra lời đe dọa về một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Đức, là điều mà anh ta thường làm. Vào hôm thứ Năm, nhà lãnh đạo Ukraine đã có bài phát biểu tại The Hague trong khuôn khổ chuyến thăm Hà Lan.

Solovyov tiếp tục chê bai Zelenskiy, cáo buộc ông ta sợ quay trở lại Ukraine, và gọi ông ta là “con thú dối trá hèn nhát, xấu xa”. Bắt chước lời phủ nhận trong cuộc họp báo của Zelenskiy về việc Ukraine có liên quan đến vụ tấn công có chủ đích ở Điện Cẩm Linh, Solovyov nói “Tại sao bạn lại nói dối?”

“Những kẻ vô lại của bạn đã xác nhận đó là bạn,” anh ta nói, “Chính là Zelenskiy, đang sợ hãi ở khắp mọi nơi, quá trình đếm ngược đã bắt đầu.”

Các câu hỏi vẫn còn về tuyên bố của Mạc Tư Khoa được đưa ra 12 giờ sau vụ việc.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết hôm thứ Tư rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có thể đã được tiến hành và dàn dựng nội bộ bởi chính Nga “nhằm đưa chiến tranh về nhà cho khán giả trong nước Nga và tạo điều kiện cho việc huy động xã hội rộng lớn hơn”.

Nhóm chuyên gia cố vấn cho biết “rất khó có khả năng” các phương tiện bay không người lái có thể xuyên thủng nhiều lớp phòng không và phát nổ, và sự xấu hổ của một thất bại an ninh như vậy lớn hơn nhiều so với các tác động chính trị dự kiến của nó.

David Silbey, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell, nói rằng cuộc tấn công có mục đích “có thể là một hoạt động cờ giả của Nga được thiết kế để sử dụng như một cái cớ để biện minh cho một số kiểu leo thang.”

“Họ đã cố gắng ám sát Zelenskiy. Logic răn đe tương tự bằng vũ khí hạt nhân vẫn được áp dụng,” ông nói trong một bình luận gửi qua email cho Newsweek.

“Việc ném bom chiến lược hàng loạt vào các thành phố của Ukraine có khả năng hợp lý hơn. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn cho đến nay rất tồi tệ nhưng không ở mức độ của một chiến dịch ném bom kéo dài”, ông nói thêm.

12. Video lan nhanh đến chóng mặt về biến cố đáng tiếc ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Ukrainian Punch Russian Diplomat in the Face”, nghĩa là “Video cho thấy người Ukraine đấm vào mặt nhà ngoại giao Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một đoạn video được đăng lên Twitter hôm thứ Năm cho thấy một nghị sĩ Ukraine đấm vào một đại diện của Nga, là người đã giật lá cờ Ukraine khỏi tay anh ta trong một hội nghị ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency đưa tin rằng: “Vụ việc xảy ra vào hôm thứ Năm trong Đại hội đồng lần thứ 61 của Hội đồng Nghị viện về Hợp tác Kinh tế Hắc Hải, gọi tắt là PABSEC, được tổ chức tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các quốc gia của khu vực Hắc Hải tập trung để thảo luận về cách phát triển quan hệ đa phương và song phương về kinh tế, công nghệ, và các mặt trận xã hội.”

Jason Jay Smart, phóng viên đặc biệt của Kyiv Post và là cố vấn chính trị, đã đăng video lên Twitter, video này đã thu hút hơn 700.000 lượt xem chỉ trong một giờ vào chiều thứ Năm. Đoạn clip cho thấy một đại diện của Nga, người không được nêu tên, tiếp cận nghị sĩ Ukraine Oleksandr Marikovskyi, là người đang cầm lá cờ của đất nước mình. Sau đó, đại biểu Nga đã dùng vũ lực giật lấy lá cờ khỏi tay người nghị sĩ Ukraine và thản nhiên quay đi. Marikovskyi chạy theo đẩy mạnh sau lưng ông ta và đấm vào mặt ông ta để giật lại lá cờ.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng tại hội nghị thượng đỉnh trong bối cảnh cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở quốc gia Đông Âu này đã mở rộng ra các thành phố lớn như Kyiv, Kherson, Odesa và Bakhmut kể từ khi nó bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái.

Marikovskyi cũng đăng đoạn clip lên tài khoản Facebook của mình và viết những gì được dịch từ tiếng Ukraine, “Bỏ cờ của chúng tôi ra, bỏ Ukraine ra, đồ Nga bẩn thỉu!” Daily Beast cũng đưa tin về vụ việc, trích dẫn bài đăng của Marikovskyi.

Anadolu Agency cũng đưa tin rằng: “Một cuộc ẩu đả tương tự đã xảy ra trong hội nghị thượng đỉnh khi Ola Timofeeva, một thành viên của Duma Quốc gia từ đảng Nước Nga Thống nhất đang có bài phát biểu. Tranh chấp đã xảy ra giữa các đại diện của Nga và các đại biểu của Ukraine sau khi các đại biểu của Kyiv cố gắng giương cờ sau lưng cô ta”.

Trong khi đó, hãng tin Pravda của Ukraine đưa tin rằng Timofeeva đã khiêu khích bằng các biểu tượng cho sự xâm lược của Nga, trên áo khoác của cô.

Ukraine hiện đang chuẩn bị cho một cuộc phản công mùa xuân dự kiến, mà phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá này sẵn sàng bằng cách cung cấp thiết bị quân sự tiên tiến, pháo và xe tăng, cùng các nguồn lực quốc phòng khác.

Quốc gia Đông Âu có kế hoạch lấy lại các vùng lãnh thổ đã bị lực lượng Nga xâm lược, những người đã xây dựng hàng ngàn vị trí phòng thủ mới trong các khu vực chiến lược khi họ lường trước các cuộc tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuần trước cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc phản công đang ở giai đoạn cuối, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội Ukraine đang được huấn luyện để sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự do các đồng minh phương Tây gửi đến.

“Việc chuẩn bị sắp kết thúc, vì ngoài vũ khí và thiết bị quân sự, quân nhân của chúng ta còn phải được huấn luyện cách sử dụng chúng. Chúng tôi đã nhận được các hệ thống tối tân”, Bộ trưởng Quốc phòng nói với các phóng viên.

Newsweek đã liên hệ qua email tới các bộ ngoại giao Nga và Ukraine.