Ngày 08-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Các Con Tha Tội Cho Ai Thì Người Ấy Được Tha
Phaolô Phạm Xuân Khôi, TP61
10:42 08/05/2008
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2008

Các Con Tha Tội Cho Ai Thì Người Ấy Được Tha

Tại sao tôi phải xưng tội với một linh mục mà không xưng tội trực tiếp với Chúa?

Trong Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, bài Tin Mừng nhắc lại cách rõ ràng việc Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần cùng ban quyền cho các Tông Đồ để các Ngài thay Người mà tha tội. Tuy vậy vẫn có nhiều người thắc mắc rằng tại sao chúng ta phải xưng tội với các linh mục? Các ngài cũng là người như chúng ta mà làm sao có quyền tha tội? Mục đích của bài này không phải là để viết về Bí Tích Hoà Giải mà chỉ để trả lời những câu hỏi này, đặc biệt là cho các bạn trẻ và các Giáo Lý viên.

Đây là một trong những thắc mắc chính mà nhiều người Tin Lành đặt ra cho người Công Giáo làm cho chúng ta đôi khi cũng nghi ngờ sự cần thiết của việc xưng tội và hiệu quả của Bí Tích Hòa Giải.

Hơn bốn thế kỷ qua, người Tin Lành đả phá việc xưng tội như một cách các linh mục dùng để điều tra giáo dân cho "biết tẩy" họ để rồi các ngài tha hồ thao túng họ. Nhưng sau nhiều năm không chấp nhận Bí Tích Hòa Giải, một số người ngoài Công Giáo, nhất là các mục sư Tin Lành, đã nhận ra quyền năng của xưng tội trong việc giải thoát con người khỏi mặc cảm tội lỗi. Chúng ta sẽ lần lượt phân tích xem ích lợi thực sự của việc xưng tội ra sao không những cho linh hồn mà cả cho thể xác chúng ta.

1. Thú tội là một cách chữa bệnh tâm thần

Ngày nay người ta dùng việc thú tội như một cách chữa các bệnh tâm thần hoặc nghiện ngập. Y học dùng tập trung tư tưởng hoặc thôi miên để giúp bệnh nhân nhớ lại những việc họ đã làm trong quá khứ. Nhận biết lỗi lầm của mình và nói ra những lỗi lầm ấy trước mặt người khác là bước đầu trong việc chữa lành các bệnh tâm thần. Cách này được dùng rất nhiều trong việc chữa các bệnh nghiện ngập như nghiện rượu, ma túy, và các phim ảnh dâm dật, cùng trong việc cố vấn hôn nhân.

2. Một số các mục sư Tin Lành nổi tiếng đang cổ võ việc xưng tội

Sau nhiều năm chối bỏ Bí Tích Hòa Giải, một số mục sư Tin Lành thời nay đã nhận ra quyền năng chữa lành của việc xưng tội và đang dùng nó dưới hình thức cố vấn hoặc chữa bệnh tâm thần.

Mục sư Norman Vincent Peale viết trong tập san Guidepost (Tháng 4, 1989) rằng: Việc thú nhận lỗi lầm của mình trước mặt người khác là điều rất quan trọng bởi vì nó đưa những tội lỗi thầm kín ra ánh sáng để chúng ta có thể đương đầu với chúng.

Mục sư Robert Schuler viết trong sách "The be Happy-Attitude" (trang 127) rằng: nếu chúng ta không bao giờ chia sẻ với bất cứ người nào khác về điều gì bất hợp pháp hoặc vô luân mà mình đã làm hay toan tính làm trong bí mật, chúng ta không được giải thoát khỏi những cảm giác tiêu cực. Những cảm giác tiêu cực như thế sẽ làm cho chúng ta mất niềm tin vào Thiên Chúa.

Mục sư Quaker Richard Foster dành nguyên một chương cho việc thú tội trong sách "The celebration of Discipline: The Paths to Spiritual Growth" của ông. Ông quả quyết rằng tất cả mọi Kitô hữu cần phải thú tội và phải cảm nghiệm được ơn tha tội của Đức Kitô.

3. Đó là lý do tại sao Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết

Ngay trên bình diện thuần nhân loại, xưng tội hay thú tội giải thoát và giúp chúng ta dễ dàng hòa giải với anh em. Qua việc thú tội, con người nhận mình là tội nhân, nhận trách nhiệm về tội lỗi đã phạm, nhờ đó lại sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa và hiệp thông với Hội Thánh để có một tương lai mới (x. GLCG 1455).

4. Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Hòa Giải để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi

Đức Chúa Giêsu Kitô, vì là Thiên Chúa, nên biết rõ hơn ai hết sự cần thiết của việc "phải nói với người khác bí mật của bạn" cho nên Người đã thiết lập bí tích Hòa Giải để chúng ta trực tiếp đến với Người và nói cho Người biết những bí mật của chúng ta. Để đảm bảo cho chúng ta rằng Người có QUYỀN tha tội và có thể trao quyền này cho các Tông Đồ, Thánh Kinh viết:

“Nhưng để các ông biết rằng Con Người có quyền tha tội ở dưới đất này...” (Mc 2:10).

"Và Thầy cũng bảo con rằng con là Phêrô, (nghĩa là Ðá,) và trên chính đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cổng âm phủ sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời, và bất cứ sự gì con cầm buộc dưới đất, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, bất cứ sự gì con tháo mở dưới đất, cũng sẽ được tháo mở trên trời" (Mt 16:18-19).

Vào buổi chiều hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, khi các cửa nơi các môn đệ ở đều đóng kín vì sợ người Do Thái. Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói, “Bình an cho các con!” Khi nói xong, Người chỉ cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Các môn đệ vui mừng khi các ông thấy Chúa. Chúa Giêsu lại bảo các ông, “Bình an cho các con! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con.” Nói rồi, Người thổi hơi vào các ông và bảo các ông, “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc” (Ga 20:19-23)

5. Những giải thích căn bản theo Giáo Lý Công Giáo

Tội trước hết là xúc phạm đến Thiên Chúa và làm tổn thương sự hiệp thông với Hội Thánh. Vì thế, khi hoán cải chúng ta được Thiên Chúa tha thứ đồng thời được hòa giải với Hội Thánh (x. GLCG 1440).

Tuy chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội, nhưng vì là Con Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu có quyền tha tội, và Người đã ban quyền này cho một số người để họ nhân danh Người mà tha tội (x. GLCG 1441-1442).

Trong đời sống công khai, chẳng những Chúa Giêsu tha tội, Người còn cho thấy hiệu quả của việc tha tội: Người đã đưa những người được tha tội trở lại cộng đồng dân Chúa vì tội đã tách lìa họ khỏi cộng đồng. Khi cho các Tông Đồ chia sẻ quyền tha tội, Chúa cũng cho các ngài quyền giao hòa tội nhân với Hội Thánh. Ai bị các Tông Đồ loại trừ khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh, cũng không được hiệp thông với Thiên Chúa; ai được hiệp thông trở lại, cũng được thông hiệp lại với Thiên Chúa (x. GLCG 1443-1445).

Bí tích này được gọi là bí tích Hoán Cải, bí tích Thống Hối, bí tích Xưng Tội vì việc xưng tội với linh mục là một yếu tố cần thiết của bí tích này; bí tích Tha Tội, bí tích Hòa Giải, vì ban cho tội nhân ơn giao hòa của Thiên Chúa. (x. GLCG 1423-1424)..

Thống hối nội tâm của Kitô hữu có thể được diễn tả bằng nhiều cách. Quan trọng nhất là giữ chay, cầu nguyện và bố thí. Trong đời sống hằng ngày, việc hoán cải được thể hiện qua việc giao hoà, lo lắng cho người nghèo, thực thi cũng như bảo vệ công lý và hòa bình, bằng việc nhận lỗi, sửa lỗi cho nhau, xét lại cách sống, xét mình, linh hướng, chấp nhận đau khổ, kiên trì khi bị bách hại vì sự công chính. (x. GLCG 1434).

Bình thường xưng tội cá nhân và trọn vẹn, sau đó giải tội, là hình thức duy nhất để tín hữu giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Ðức Kitô hành động trong mỗi bí tích. Người đích thân nói với từng tội nhân: "Này con, tội con đã được tha". Người nâng dậy và dẫn họ về hiệp thông lại với anh em. Như thế việc xưng tội riêng là hình thức có ý nghĩa nhất trong việc giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. (x. GLCG 1484).

Tội nhân muốn giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh, phải xưng cùng linh mục tất cả những tội trọng chưa xưng thú và nhớ được sau khi đã xét mình kỹ lưỡng. Hội Thánh tha thiết khuyên xưng các tội nhẹ, mặc dù điều đó không buộc (GLCG 1493).

Công thức giải tội trong Giáo Hội Latinh diễn tả những yếu tố cốt yếu của bí tích: Chúa Cha từ ái là nguồn mọi ơn tha thứ. Người thực hiện việc giao hòa tội nhân nhờ cuộc vượt qua của Chúa Con và hồng ân Thánh Thần, qua lời nguyện và thừa tác vụ của Hội Thánh:

Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa, mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội; xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh, mà ban cho anh (chị) ơn tha thứ và bình an. Vậy, tôi tha tội cho anh (chị) nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần (x. OP 46: Công thức giải tội) (GLCG 1449).

6. Ích lợi của Xưng Tội

Bí tích Hoà Giải là một món quà vô giá mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Nếu chúng ta quý trọng và sử dụng bí tích này cách thường xuyên, chúng ta sẽ thấy mình nhận được rất nhiều ơn ích.

a) Bí tích này giúp chúng ta cảm thấy chắc chắn rằng mình được Thiên Chúa tha tội - Thiên Chúa có thể cứu độ chúng ta bằng những cách khác, nhưng Người đã chọn làm người để ở cùng chúng ta. Người biết rằng chúng ta là con người có hồn và xác. Người hiểu rằng chúng ta cần phải bày tỏ sự ăn năn của mình và cần phải biết chắc rằng tội mình được tha. Người đến thế gian như một con người để chúng ta được gặp Người và nghe lời Người tha tội cho chúng ta. Trong bí tích Hòa Giải, Người cho chúng ta gặp riêng Người qua vị linh mục và nghe rõ ràng từ miệng Người: "Tội con đã được tha" như Người đã làm khi Người còn rao giảng nơi dương thế. Người hứa rõ ràng trong Tin Mừng rằng Người đã ban cho các môn đệ của Người quyền tha tội (x. Ga 20:19-23). Vì sự bảo đảm này, chúng ta ra về bình an.

b) Bí tích này giúp chúng ta đương đầu với vấn đề tội trọng - Bằng cách nhìn nhận các tội của mình và xưng chúng ra, chúng ta nhận thức rằng mình đã làm những điều dữ, nhưng chúng ta không phải là người dữ. Sau khi xưng tội và nhận được ân sủng của Chúa, chúng ta có thể xa lánh tội lỗi cách dễ dàng hơn là dựa vào sức mình mà tránh tội.

c) Bí tích này giúp chúng ta đương đầu với tội nhẹ - Nếu không xưng tội chúng ta không biết rằng mình xa Thiên Chúa thế nào khi mình chỉ phạm tội nhẹ. Nhiều người trong chúng ta vì lâu ngày không xưng tội cảm thấy là mình chẳng có tội gì để xưng. Nhưng sau khi xét mình cẩn thận, chúng ta mới biết rằng mình đã từ từ xa cách Thiên Chúa vì những ích kỷ nhỏ nhặt, nuông chiều xác thịt, tự hào, lười biếng, nói hành nói xấu, thiếu kiên nhẫn, bất công đối với người khác.... Những tội nhẹ nho nhỏ này sẽ từ đẩy ân sủng của Thiên Chúa ra khỏi lòng chúng ta, làm cho chúng ta ra yếu đuối, và đưa chúng ta đến tội trọng.

d) Bí tích này nhắc cho chúng ta đừng coi nhẹ tội lỗi - Tội của chúng ta, nếu tội nhẹ, là hành động từ chối tình yêu của Chúa Giêsu, là vả vào mặt Chúa hay đâm một cái gai nhọn vào đầu Chúa, hoặc đánh một roi đòn vào lưng Chúa. Nếu là tội trọng, thì chúng ta đóng đanh Chúa. Mỗi khi chúng ta đi xưng tội, là chúng ta ý thức rằng mình đã hành hạ Chúa Giêsu như thế nào, và cố gắng hàn gắn những sứt mẻ trong mối liên hệ của mình với Thiên Chúa do tội mình gây ra.

e) Nhờ lãnh nhận bí tích Hòa Giải, chúng ta lại thấy mình xứng đáng làm phần tử của cộng đoàn Đức Tin - Khi chúng ta phạm tội, chúng ta không chỉ phạm đến Chúa Giêsu, mà cũng làm tổn thương Hội Thánh, là Nhiệm Thể của Người. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Hòa Giải, chúng ta cũng hòa giải với Nhiệm Thể của Người và trở thành phần tử tốt của Hội Thánh.

7. Kết Luận

Mục đích và hiệu quả của bí tích Hòa Giải là giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Bí tích này cũng giao hòa chúng ta với Hội Thánh. Việc giao hòa với Thiên Chúa còn dẫn tới những sự giao hòa khác là chữa lành các vết thương do tội gây ra: chúng ta được giao hòa với chính mình, nhờ đó tìm lại được chính mình; được giao hòa với anh em là những người chúng ta đã xúc phạm và gây thương tổn. Khi thống hối và tin tưởng quay về với Đức Kitô, chúng ta "sẽ từ cõi chết bước vào cõi sống và khỏi bị xét xử" (x. GLCG 1468-1470).

8. Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

1) Tại sao y học dùng việc thú tội để chữa bệnh tâm thần?
2) Tội là gì và gây ra hậu quả nào trên tội nhân và người khác? Hãy kể ra ba tội trọng và hậu quả của chúng.
3) Phải có những điều kiện nào để một tội thành tội trọng?
4) Tại sao Hội Thánh lại có quyền tha tội? Tìm những dẫn chứng trong Thánh Kinh để chứng minh cho câu trả lời của bạn.
5) Hãy chia sẻ với người khác về cảm giác của bạn sau khi xưng tội.

(Bài này được viết dựa theo sách "I Believe!" và "The Privilege of Being Catholic" của Cha Oscar Lukerfahr, C.M. và sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.)
 
Thánh Hoa, đọc kinh cầu Đức Bà
Pm. Cao Huy Hoàng
10:44 08/05/2008
THÁNG HOA, ĐỌC KINH CẦU ĐỨC BÀ

Mỗi năm Giáo Hội dành hai tháng kính Đức Mẹ Maria: Tháng 5 và tháng 10 với hai tên thường gọi: Tháng Hoa và Tháng Mân Côi. Các tín hữu được mời gọi đặc biệt sống tinh thần Tin Mừng là cải thiện đời sống, qua việc tôn sùng Mẫu Tâm, năng lần chuỗi Mân Côi trong tháng 10; và sống tâm tình Tôn Vinh Mẹ Maria qua Kinh Cầu Đức Bà trong tháng Hoa, tháng năm.

Việc tổ chức kiệu Đức Mẹ đến từng nhà, dâng hoa Đức Mẹ tại các Đài Đức Mẹ ở các giáo khu, giáo họ hay tại chính đài Đức Mẹ ở Giáo xứ, và việc lần chuỗi Mân Côi trong suốt Tháng Hoa ở khắp nơi trong nước vẫn luôn là một truyền thống tốt đẹp của tín hữu Việt Nam. Nhưng thiết nghĩ, cần phải đặc biệt tôn vinh Đức Mẹ với Kinh cầu Đức Bà riêng trong tháng năm tại các gia đình. Đây là cơ hội tốt để mỗi người, mỗi gia đình học hỏi về vai trò của Mẹ Maria trong nhiệm cuộc cứu rỗi, để sống với hồng phúc của Mẹ Maria và để nhờ Mẹ cầu thay nguyện giúp.

Sốt sắng và tin tưởng đọc Kinh cầu Đức Bà, để tôn vinh: Vì tôn vinh Mẹ là bổn phận của chữ Hiếu đối với ơn Cứu Chuộc, là niềm vui, niềm hãnh diện của con cái về Mẹ Rất Thánh của mình; và để cầu xin: vì ta có thể xác tín lời cầu bầu của Đức Mẹ có một giá trị đặc biệt trước tòa Thiên Chúa. “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Đức Maria được tôn vinh, sau Con mình, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Người là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô, do đó Người đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 66).

-Đức Mẹ Maria được chính Thiên Chúa tôn vinh, qua lời sứ thần: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). “Đức Chúa ở cùng” Bà, “Thiên Chúa ở cùng” Mẹ, hay có thể nói được là Mẹ đang sống sức sống của Thiên Chúa. Ở điểm nầy cho thấy, Đức Mẹ đã được Thiên Chúa để mắt tới từ ngàn đời cho chương trình của Ngài: một cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa cần có một E va mới, tái sinh nhân loại trong cuộc sống mới: Cuộc sống ân sủng và nghĩa tình với Thiên Chúa.

-Đức Mẹ Maria được nhân loại tôn vinh qua lời tôn vinh đầu tiên của Elizabeth:

“ Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con em cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:42-43). Và bắt đầu từ lời tôn vinh của Elizabeth này, Hiến chế tín lý về giáo hội Lumen Gentium xác nhận“từ những thời rất xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khổ”(số 66).

-Kinh Cầu Đức bà là lời kinh Tôn Vinh Đức Maria theo truyền thống lâu đời của Giáo Hội. Mở đầu kinh cầu Đức Bà với lời tôn vinh Rất Thánh: Rất Thánh Đức Bà Maria, Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, Rất Thánh Nữ Đồng Trinh, rồi đến các tước hiệu quan trọng nhất có tương quan với chương trình cứu rỗi:

Tôn Vinh Đức Maria là Mẹ: Đức Mẹ Chúa Kitô, Đức Mẹ Giáo Hội vì chính Đức Mẹ trung gian các ơn giữa Thiên Chúa và Giáo Hội qua Đức Giêsu, gọi là Mẹ thông ơn Thiên Chúa. Sau đó là tôn vinh Mẹ với các đặc sủng: “cực thanh, cực tịnh, cực tinh, cực sạch, tuyền vẹn mọi đàng, chẳng nhuốm bợn nhơ, rất đấng yêu mến, cực mầu cực nhiệm, chỉ bảo đàng lành” xứng đáng với lời ca tụng “Đức Mẹ sinh Chúa tạo Thiên lập địa” vì “Đức Mẹ Sinh Chúa Cứu Thế”. Lời tôn vinh chí lý chí tình vì Ngôi Lời sáng thế ngày tạo thiên lập địa đã trở thành người phàm trong lòng trinh nữ (xem Ga 1,1-14), “Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga1,14). Khi tôn vinh Đức Maria là Mẹ, cùng với lời khẩn xin “cầu cho chúng con”, chúng ta chắc chắn rằng lời cầu thay nguyện giúp của Mẹ Maria với vai trò là Mẹ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa không thể ngoảnh mặt mà không đáp lời.

Tôn Vinh Đức Maria là Đức Nữ. Sau những lời tôn vinh Đức Maria là Mẹ, là Hiền Mẫu của Thiên Chúa, tôi muốn hiểu từ Đức Nữ ở đây chính là Ái Nữ của Thiên Chúa Cha. Vì lẽ, cho dù được chọn giữa muôn loài thu tạo để làm Mẹ Thiên Chúa, thì chính Đức Maria cũng là một thụ tạo, một thụ tạo được Thiên Chúa Cha yêu thương từ ngàn đời. Ái Nữ ấy trở nên tuyệt vời trước mắt Cha và được tôn vinh là Đức Nữ vì đã biết dùng những ơn huệ thiêng liêng Chúa Cha ban cho mà luyện tập, phát huy các nhân đức trong đời thụ tạo của mình: khôn ngoan, đáng mến, đáng khen, tài năng, thương người, thật thà trung tín. Và tất cả những nhân đức mà Mẹ Maria đã đạt được để đoạt lấy vương miện Ái Nữ của Thiên Chúa Cha đều bắt nguồn từ lòng khiêm nhượng sâu thẳm: “... Vâng, tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói.. ..” (Lc 1:37). và “Phận nữ tì hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1:48). và “Chúa truất phế những người quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhượng” (Lc 1:52). Cũng vậy, khi tôn vinh Mẹ Maria bằng tước phẩm “Đức Nữ” với những nhân đức siêu phàm, cùng với lời tha thiết xin Mẹ cầu thay nguyện giúp, ta có thể tin rằng Chúa sẽ ban sức thiêng cho ta để có thể thắng vượt tính kiêu ngạo bẩm sinh trong lòng, và tập sống khiêm nhường như Mẹ, mà đạt tới những nhân đức đẹp ý Thiên Chúa Cha.

Tôn vinh Đức Maria là Đức Bà. Tôi không muốn hiểu tước hiệu Đức Bà ở đây đồng nghĩa với Bà Hoàng, Bà Chúa uy quyền, nhưng muốn hiểu về sự cao trọng và phẩm chất đạo đức của Đức Mẹ Maria khi Mẹ thực hiện vai trò “thông ơn Thiên Chúa” của mình cho nhân loại. Một phụ nữ được xem là “bà sang trọng” “bà quí phái” không phải do sắc đẹp hay sự giàu sang mà là do các công việc đạo đức, từ thiện của người ấy thực hiện. Quả thật sự cao trọng của Đức Mẹ được diễn tả ở đoạn kinh cầu nầy thật thâm sâu “Đức bà là gương nhân đức, là tòa Đấng Khôn Ngoan, là Đấng trọng thiêng, là Đấng sốt mến lạ lùng, Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm, như lâu đài Da vit, như tháp ngà, như đền vàng, như hòm bia Thiên Chúa, như sao mai, là cửa Thiên đàng.” Sự cao trọng ấy còn thể hiện nơi tình thương của Bà trải ra cho nhân loại: “Đức Bà làm cho chúng con vui mừng, Đức bà cứu kẻ liệt kẻ khốn, bàu chữa kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo, phù hộ các giáo hữu”. Đức Bà thật cao trọng, nhưng không chỉ cao trọng vì phẩm chức Thiên Chúa ban làm ngai tòa Đấng Khôn Ngoan: là cung ngà điện ngọc của Chúa Thánh Thần, như “hòm bia Thiên Chúa” chứa đựng cả kho tàng Lề Luật của Thiên Chúa….mà còn cao trọng vì Mẹ không ngồi trên ngai tòa cao trọng ấy, mà lại cúi xuống đưa tay cứu giúp kẻ liệt lào khốn đốn, xin miễn giảm phần phạt cho kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo và phù hộ những tín hữu trên đường lữ hành. Sự cao trọng của Đức Bà không làm cho chúng ta khiếp sợ, lại làm cho chúng ta an tâm chạy đến với Bà xin cứu giúp.

Tôn vinh Đức Maria là Nữ Vương. Phần cuối kinh cầu chúng ta tôn vinh Mẹ Maria là Nữ Vương. Nếu Vương Quyền của Chúa Giêsu Kitô, Đấng toàn thắng thế gian, được hứa chia sẻ cho các tông đồ: "Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Israel" (Lc 22:28-30), thì việc Đức Maria được Tôn Vinh là Nữ Vương Thiên Quốc phải là việc hẳn nhiên, không nghi ngờ hay chối cải. Hiến chế Lumen Gentium số 59, cũng xác quyết: “Vì Thiên Chúa không muốn bày tỏ mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn đầy Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông Đồ trước ngày lễ Ngũ Tuần ‘đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và với anh em của Ngài’ (CvSđ 1:14), Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, Đấng đã bao phủ Người trong ngày Truyền Tin. Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội lỗi nguyên tổ và sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ để nên giống Con của Người trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (KhH 19:16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết”. Khi tôn vinh Đức Maria là Nữ Vương của các Thánh Thiên Thần, các thánh tổ tông, tiên tri, tông đồ, tử vì đạo, hiển tu, đồng trinh, các thánh được Giáo Hội tôn phong và các thánh nam nữ … cách nào đó, chúng ta đã tôn vinh Vua Giêsu, tôn vinh Thiên Chúa Công Bình, đã trọng thưởng Mẹ Maria xứng đáng với đóng góp của Mẹ cho Công Trình Tạo Dựng Mới của Thiên Chúa. Nhờ uy quyền của Nữ Vương Thiên Quốc, Nữ Vương Vũ Trụ, Mẹ Maria có quyền phép đánh gục những mưu toan của ma quỷ qua việc truyền phép rất thánh Mân Côi, dành lại chiến thắng cho Con của Mẹ, đem lại bình an cho Giáo hội, cho các gia đình và cho mỗi tâm hồn tín hữu.

Tháng Hoa, đọc Kinh cầu Đức Bà

Điều đáng vui mừng là hầu như các Praesidia của Legio Mariae đều chia nhau kinh cầu Đức Bà để mỗi Praesidium noi gương một nhân đức, tôn vinh một tước phẩm của Đức Mẹ, hoặc khấn cầu một ơn nơi Mẹ. Có những hội viên đã thấm nhập tinh thần của kinh cầu Đức Bà trong suốt quá trình công tác tông đồ của mình, và trở nên những chứng từ sống động về ơn ích mà Mẹ ban cho. Đã có những gia đình giữ được truyền thống đọc kinh cầu Đức Bà trong suốt tháng Hoa và kết quả là đời sống gia đình thật bình an hạnh phúc. Đã có những người gắn liền với một lời tôn vinh trong kinh cầu suốt cuộc đời mình, như một lời nguyện tắt bất cứ nơi nào và giờ nào cũng có thể đọc được. “Nữ vương ban sự bình an. Cầu cho chúng con”, hoặc “Đức bà phù hộ các Giáo Hữu, cầu cho chúng con”, chẳng hạn. Tôi có một người em rất mến Mẹ, mỗi sáng, thường gửi cho các người thân một tin nhắn với nội dung: “Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con” thay cho lời chào đầu ngày. Ông Toma Lượng, cựu chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ của tôi thời 1975-1990, cuối giờ kinh chung, riêng, bất cứ ở đâu cũng đều đọc câu: “Đức Bà phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con”. Ông Toma đã qua đời, nhưng nhìn lại những phát triển của Giáo xứ, chúng tôi tin rằng: “Đức Bà phù hộ các Giáo Hữu” đã phù hộ giáo xứ chúng tôi vượt qua biết bao khó khăn thăng trầm.

Nhưng, cũng có một thực tế đáng buồn: thói quen đọc kinh tối sáng ở các gia đình – kể cả trong tháng Hoa, gần như đang mất dần mất dần ở Việt Nam. Thay vào đó là những sinh hoạt vô bổ trước giờ đi ngủ: xem ti vi, xem phim, hát karaoke, nhậu lai rai… làm cho người lớn quên kinh, thanh niên và thiếu nhi thì hầu như chẳng thuộc kinh thường ngày, thì nói gì đến một kinh dài như Kinh Cầu Đức Bà! Ngày xưa không xa, chỉ là trước 1975 thôi, đời sống đạo của cha ông có khác với đời sống đạo của con cháu thời nay: buổi sáng sớm, cha ông sốt sắng tham dự thánh lễ, buổi tối, cả nhà kinh nguyện. Đời sống đạo cá nhân và gia đình thật ý nghĩa. Bây giờ, hình thức sống đạo cá nhân, gia đình phai nhạt đi, nhường cho những sinh hoạt đạo đức có tính cộng đoàn hơn, mang hình thức bên ngoài nhiều hơn. Từ đó, việc sống đạo gần như mất cái gốc quan trọng: chính mình đối diện với Thiên Chúa, chỉ còn cái ngọn lêu bêu: phong trào quần chúng. Để xem nhận xét như thế có quá đáng không, có thể kiểm chứng qua vốn liếng giáo lý, vốn liếng kinh hạt và nhất là vốn liếng yêu mến Chúa và giáo hội nơi những người trẻ.

Trước hiện trạng nầy, thiết nghĩ việc tổ chức lần chuỗi Mân Côi và đọc kinh cầu Đức Bà trong tháng Hoa tại các gia đình sẽ có sức tái lập một nền đạo đức cá nhân và gia đình. Nếu khi lần chuỗi Mân Côi, cả nhà cùng Mẹ suy gẫm cả cuộc đời Chúa Cứu Thế, cùng Mẹ sống Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu để đời mình cũng vượt qua, và về đến cùng đích là Thiên Chúa, thì khi đọc kinh cầu Đức Bà, ta cùng Triều thần Thiên Quốc, cùng Giáo Hội tôn vinh Mẹ Maria niềm vui, niềm tự hào thánh thiện, cùng với lời cầu xin sốt sắng và tin tưởng Đức Mẹ, Đức Nữ, Đức Bà và Nữ Vương sẽ nhậm lời mà cầu thay nguyện giúp cho chúng ta những ơn cần thiết.

Tháng Hoa 2008
 
Ngọn lửa Chúa Thánh Thần
LM. Nguyễn Ngọc Long
11:03 08/05/2008

Ngọn lửa Chúa Thánh Thần



Một Chúa mà có ba ngôi. Chúa Giêsu, ngôi thứ hai làm người có hình hài thân xác, chung sống giữa mọi người. Nhưng ngôi thứ ba, đức Chúa Thánh Thần, không có hình hài thân xác. Ngài là ngọn gió và cũng là ngọn lửa.

Gío thì cảm nhận được và nghe âm vang được, nhưng không thấy được. Còn lửa thì không nghe được, nhưng cảm nhận được và nhìn thấy được:„ Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.“ (Cv 2,3).

Ðức Chúa Thánh Thần ẩn dấu, nhưng lại có thể nhận ra được qua hình ngọn lửa!

Lửa là hình ảnh linh thiêng trong nhiều nền văn hóa. Nước vọt lên từ lòng đất. Nhưng lửa tỏa chiếu xuống từ trời cao. Lửa là cái gì thần thiêng thánh đức. Và trong nhiều nền văn hóa lửa còn là một vị Thần.

Lửa tẩy sạch những dơ bẩn và làm mới lại

Khi hàn xì sắt thép, người thợ không chỉ rửa sạch chỗ sắp hàn bằng nước cho sạch, nhưng còn dùng lửa đốt hơ nóng chỗ đó cho sạch những hết những rỉ xét hay chất sơn keo cũ còn đóng ăn sâu cho sạch và sau đó mới đem chì, thép hàn gắn lại.

Người thợ kim loại luyện thép, đúc vàng làm nữ trang cũng trôi luyện qúy kim bằng lửa nóng cháy cao độ tách những gì không là vàng, là kim loại ra khỏi, để chỉ còn lại vàng, kim loại tinh ròng. Trong lò đốt rác chất độc, lửa cháy nóng cực độ làm tan biến rác chất độc, sau cùng chỉ còn lại tro bụi.

Lửa thiêu đốt cái gì cũ dơ bẩn và mang đến sự sống mới tinh ròng.

Chúng ta cầu xin lửa Ðức Chúa Thánh Thần đến cháy sáng trong ta. Thiêu đốt những gì làm cản trở đời sống như sự lo âu buồn phiền, sự sợ hãi, đắng cay, thất vọng, ý nghĩ điều xấu xa tội lỗi, ý nghĩ tự ty mặc cảm yếu hèn. Khi những cản trở này tan biến, đời sống trở nên sáng sủa, trái tim trở nên trong sạch chân thành vui tươi.

Lửa là hình ảnh sức sống vươn lên

Nhìn vào một em bé bạn trẻ ta bắt gặp ánh mắt trong sáng như lửa chiếu tỏa ánh sáng. Ai đang lúc giận dữ cũng có ánh mắt đỏ ngầu bừng nóng như lửa cháy. Khi đức cố Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị xuất hiện đến với con người, nhất là với Bạn Trẻ, một làn sóng tưng bừng nổi lên lan tỏa như ánh lửa từ ngài phát tỏa ra. Làn sóng ánh lửa linh thiêng đó, như đốt cháy bừng sáng tâm hồn các Bạn trẻ đang có mặt ở đó lúc ngài xuất hiện.

Chúng ta cầu xin lửa Ðức Chúa Thánh Thần xuống đánh thức khơi lên sức sống, đốt cháy khơi dậy lòng phấn khởi vui tươi. Nhất là những khi tâm hồn đời sống như „ trống rỗng hết pin, hết sức lực“.

Nhiều người trong đời sống chỉ lo biết mở cửa lòng, mở sức lực ra bên ngoài, làm tiêu hao lửa nhiệt huyết đời sống, đến nỗi than hồng cũng dịu tắt lịm luôn, chỉ còn lại tro tàn sự thất vọng chán chường buông xuông. Họ đã quên gìn giữ bảo vệ lửa tâm hồn đời sống mình.

Lễ Ðức Chúa Thánh Thần muốn nhắn nhủ, trong tận thâm sâu của trái tim tâm hồn đốm than hồng sự sống còn đó. Từ đốm than hồng đó ngọn lửa sức sống được thổi vươn lên cho thể xác lẫn tinh thần.

Lửa Ðức Chúa Thánh Thần khơi bừng dậy đốm than hồng nằm tận sâu thẳm trong tâm hồn, mà ta tưởng như đã tàn lụi tắt lịm rồi. Lửa Chúa Thánh Thần mang đến sự nồng ấm và niềm vui cho sức sống tâm hồn vươn lên cao.

Lửa nối kết

Buổi tối ngày cắm trại Bạn Trẻ thường hay tự tập bên đống lửa vừa sưởi ấm, vừa ca hát kể chuyện và cũng tìm thời giờ thư giãn sau một ngày sinh hoạt mệt nhọc. Ánh lửa bập bùng chiếu tỏa ánh sáng hơi nóng từ những thanh củi cháy bốc cao một vùng trời. Tâm hồn Bạn Trẻ cũng nóng bừng niềm vui phấn khởi dâng cao theo. Giờ phút bên ánh lửa trại họ cảm thấy gần gũi nhau. Lửa phát tỏa ánh sáng thu hút và liên kết họ lại bên nhau.

Vào những ngày chuẩn bị đón mừng lễ Ðức Chúa Thánh Thần hiện xuống mọi tín hữu xin lửa Chúa Thánh Thần chiếu sáng tập họp mọi người vào trong Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô, Giáo hội tình yêu và cầu nguyện.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thay đổi bộ mặt trái đất chúng con!
 
Dành chỗ cho Thần Khí Đức Giêsu Kitô!
Lm Nguyễn Hữu Thy
13:36 08/05/2008
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Dành chỗ cho Thần Khí Ðức Giêsu Kitô!


(Ga 20,19-23)

Qua các bài tường thuật của các bản Phúc Âm, chúng ta đã biết được rằng ngay trong buổi chiều Phục Sinh, Ðức Giêsu đã vội đến với các môn đệ của Người. Vì tất cả họ đều vô cùng hoảng hốt khiếp sợ. Họ đã gài then, đóng chặt cửa nhà lại để không một ai từ bên ngoài có thể vào nhà họ được. Họ hoàn toàn tự cô lập khỏi thế giới đồng loại. Và chính trong hoàn cảnh và tâm trạng đó, họ đã gặp được Ðức Giêsu, Ðấng đã mở ra cho tương lai đời họ, những con người khép kín và nhát sợ, những triển vọng hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ.

Tôi nghĩ rằng sự hiện ra của Ðức Giêsu là hoàn toàn do sáng kiến tự nguyện của Người. Vì về phía các môn đệ, xem ra họ không còn mong đợi chuyện đó nữa, mặc dù bà Maria Ma-đa-lê-na đã tường trình cho họ nghe là bà đã gặp lại được Ðấng Phục Sinh rồi. Vâng, họ đã đóng chặt cửa nhà lại, để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”! Qua đó thánh sử đã muốn nói lên rằng: Không có bất cứ một hệ thống an ninh nhân loại nào có thể ngăn cản được sự hiện diện của Ðức Giêsu giữa các môn đệ của Người.

Những hình ảnh đánh dấu tình trạng các môn đệ lúc bấy giờ thật đáng ghi nhận: Sợ hãi, nhà cửa đóng kín, một bầu không khí đầy vẻ tang tóc ảm đạm, v.v…mà ngày nay người ta sẽ gọi là tình trạng tâm lý suy sụp, đổ vỡ! Vâng, sau biến cố Ngày Thứ Sáu Khổ Nạn, các môn đệ trở nên sợ hãi và sống khép kín, tâm lý các ngài trở nên bất ổn suy sụp, không chỉ vì sợ người Do-thái, nhưng còn vì quá thất vọng cho suốt ba năm theo chân Thầy, vì bị bạn bè làng xóm mỉa mai chê cười là nhẹ dạ nông nổi và nhất là lo cho tương lai rồi đây không biết sẽ đi về đâu!

Đức Maria và các Tông Đồ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống
Khi tôi đọc và suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, nẩy sinh trong tôi ý tưởng là sự thể về các môn đệ được trình thuật trong bài Tin Mừng có lẽ cũng trùng hợp với tình trạng ngày nay trong Giáo Hội. Người ta có thể so sánh tâm trạng lo sợ, khép kín và suy sụp của các môn đệ xưa với sự lo sợ phải sống đức tin vào Ðức Giêsu một cách triệt để của một số kitô hữu ngày nay; nói cách khác, người ta đâm ra ngại ngùng và cả đến sợ hãi nữa, khi phải bày tỏ công khai niềm tin đầy xác tín của mình. Chẳng hạn, họ cho rằng nếu sống đạo “một cách tuyệt đối quá, nghĩa là thực hành đúng đắn và sít sao tất cả những gì Ðức Giêsu đòi hỏi, có lẽ sẽ gây ra đụng chạm và bất bình nơi nhiều người. Họ sợ bị coi là quá khích hay bất khoan dung, và từ đó sẽ sinh ra bất an trong giáo xứ. Họ sợ có thể đưa tới sự bất cộng tác, và cả thái độ lơ là đối với đời sống đạo nơi một số người trong giáo xứ, hoặc những sự khó khăn rắc rối tương tự khác có thể xảy ra, v.v… Nhưng những suy tư lo lắng như thế là vô căn cứ, nếu không nói là một sự ngụy biện, vì ngược lại, đời sống sinh hoạt của một xứ đạo có đầm ấm, có sống động, nhất là có còn là kitô giáo nữa hay không, là hoàn toàn tùy thuộc đức tin của chúng ta vào Ðức Kitô, nghĩa là thực thi tất cả những giới răn của Người, và tùy thuộc sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ðó chính là trọng điểm của đại lễ Hiện Xuống mà chúng ta đang cử hành hôm nay: Ðức Giêsu Phục Sinh bỗng nhiên hiện diện giữa các môn đệ của Người, khi cửa đóng then cài; vì Thần Khí Thiên Chúa tác động thế nào, ở đâu và khi nào là tùy Người muốn, chứ không hề bị bất cứ quyền lực thế gian nào ngăn cản.

Một thí dụ điển hình về điều đó là ngày Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII khi bỗng nhiên được linh ứng – theo chính lời ngài nói – đã loan báo triệu tập Công Ðồng chung Vatican II, mà ngài coi là một lễ Hiện Xuống mới! Tôi nghĩ rằng Ðức Giáo Hoàng có lý! Vì từ lúc bấy giờ mọi cửa ra vào và mọi cửa sổ của tòa nhà Giáo Hội đều được mở tung. Mỗi người đều có thể nghe được sứ điệp Kitô giáo bằng ngôn ngữ riêng của mình, đều hiểu được biến cố Hiện Xuống được trình thuật trong Công Vụ Tông Ðồ. Mặc dù phải đối mặt với nhiều chống đối, sau cùng Công Ðồng cũng đã được triệu tập, các vị Giám Mục từng dè dặt cũng đã tham gia, các vị giáo chủ từng nghi ngờ do dự cũng đã cộng tác, và đời sống Giáo Hội đã được cặn kẽ kiểm tra và xem xét lại, một luồng gió mới và mát mẻ đã được thổi vào lòng Giáo Hội, đến nỗi người ta đã nhận ra được ranh giới rõ ràng phân biệt hai giai đoạn trong lịch sử Giáo Hội: Thời tiền Công Ðồng và thời hậu Công Ðồng!

Tinh thần canh tân đã làm cho Công Ðồng mang đầy ý nghĩa. Nhiều đổi mới của Công Ðồng mà mấy thập niên về trước còn được coi là “phá rào” hay “cách mạng”, thì ngày nay đã trở thành những điều đương nhiên. Trong nhiều cách và dưới nhiều hình thức, các thành viên của giáo xứ ngày nay đã cùng cộng tác vào việc tổ chức đời sống giáo xứ, cả trong những lãnh vực, mà trước kia hoàn toàn chỉ dành cho một mình cha quản xứ. Cách đây khoảng 30, 40 năm về trước, thật là một điều không thể tưởng tượng được, là các bậc phụ huynh tự đảm nhiệm - hay cùng với cha xứ và các giáo lý viên - công việc giúp các con em và thanh thiếu niên trong xứ dọn mình xưng tội rước lễ lần đầu hay chịu phép thêm sức, hoặc những người giáo dân giúp cho rước lễ, v.v… Và còn biết bao nhiêu thí dụ khác trong đời sống Giáo Hội. Tất cả cho phép chúng ta đưa ra được một kết luận chung: Người kitô hữu hôm nay đã ý thức được rằng mình là Giáo Hội, là thành phần Dân Chúa và góp phần xây dựng cộng đồng giáo xứ theo khả năng và cách thức của mình. Cũng như xưa kia, trước hết tất cả mọi người – đàn ông, đàn bà, trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành, ông già bà cả và tầng lớp trung niên, v.v…- đều được kêu mời hãy dấn thân vào cuộc sống của cộng đồng giáo xứ với tất cả lòng nhiệt thành và hăng hái của mình, hầu cho qua đó Thần Khí Ðức Giêsu có thể tự do hoạt động trong giáo xứ!

Dĩ nhiên, đó là một điều dễ nói nhưng không dễ thực hiện. Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng là Thần Khí của Ðức Giêsu xuất hiện như một niềm vui mừng trọng đại và hoàn toàn bất ngờ cho con người, nhưng cũng có thể những tác động của Người không được đón nhận hay bị phản đối. Ông Wilhelm Stählin đã nói về điều đó như sau: “Chúng ta không nên cầu xin Ðức Chúa Thánh Thần đến ngự giữa chúng ta như một điều tất nhiên, bởi vì Ðức Chúa Thánh Thần ngự ở đâu và chọn nơi nào làm chốn Người ngự, thì không những Người mang đến “ơn sủng”, nhưng đồng thời Người cũng là Thần Khí của những đòi hỏi gắt gao, vâng, Thần Khí làm đảo lộn … Chính Chúa Thánh Thần, Ðấng mà chúng ta hằng sốt sắng kêu cầu và đồng thời cũng là sức mạnh làm đảo lộn tất cả những sự tự tín quá khích vào khả năng riêng mình nơi từng cá nhân hay nơi các cộng đoàn tôn giáo; Người là sự công kích của Thiên Chúa vào tất cả tính ù lì bất động và sự tự mãn của chúng ta; Người không hề kiêng nể trước bất cứ định chế sẵn có nào, trước bất cứ trật tự nào, nếu như định chế hay trật tự đó đã trở thành mục đích, chứ không còn là phương tiện nữa… Ai tin vào Chúa Thánh Thần như là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa và trong niềm tin đó cầu xin Người ngự đến, người đó phải biết rằng anh đã kêu xin sức mạnh làm đảo lộn của Thiên Chúa và hãy sẵn sàng chấp nhận để cho Thiên Chúa đảo lộn nơi con người anh tính tham chức quyền của cải, những thói quen và cả trong những cách thức tư duy của anh, nếu như tất cả chúng không xứng đáng làm chiếc bình chứa đựng sự xáo động có tính cách cải tiến và sự thật đầy năng động. Vậy, ai cầu xin:“Nguyện Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”, thì cũng phải cầu xin: Nguyện xin Ngài hãy đến và làm đảo lộn nơi con những chỗ nào con cần phải được đảo lộn!“

Dành chỗ cho Thần Khí Ðức Giêsu trong tâm hồn mỗi người chúng ta và trong cộng đồng giáo xứ là một điều minh nhiên! Nhưng nhiều người đã lập tức nêu lên câu hỏi: Dựa vào đâu để tôi có thể biết được rằng tôi - với tư cách là cá nhân hay cộng đồng - thực sự sống và hành động bởi Thần Khí Ðức Giêsu? Thánh Phaolô đã mau mắn trả lời thay cho chúng ta: Thánh Thần luôn hiện diện ở đâu có bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ, v.v… như là hoa quả cũng những hành động của chúng ta (x. Gl 5,22).

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến. Lạy Ðấng ban sự sống, xin tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa!” Amen
 
Tâm tình lòng biết ơn
LM. Nguyễn Ngọc Long
16:34 08/05/2008

Tâm tình lòng biết ơn



Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Thần Linh Đấng Tạo Hóa, luôn làm chủ cùng biến đổi sự hỗn loạn mất trật trự trong vũ trụ cho có lớp lang thứ tự trở lại, Đấng hằng để tâm đến tinh thần con người và ban ân đức cho trái tim tâm hồn chúng con.

Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Thần Linh Đấng tạo Hóa, Đấng là nguồn an ủi, là mạch nước tươi mát trong lành, là ngọn lửa bừng cháy tình yêu của tâm hồn chúng con.

Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Thần Linh Đấng Tạo Hóa, Đấng là cánh tay của Thiên Chúa hằng tuôn đổ ân đức cùng những đặc sủng (Charisma) cho con người.

Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Lời như ngọn lửa phát tỏa ánh sáng cùng hơi nóng ấm mãi cháy liên lỉ, nơi môi miệng các Tiên Tri, nơi các vị Tư Tế trong Giáo Hội, nơi các Thừa Sai, nơi những người thành tín cầu nguyện.

Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Ánh Sáng Chúa Giêsu Kitô, luôn chiếu soi vào tâm trí con người, làm bừng cháy sống động tình yêu trong trái tim, mang đến hiệu qủa chữa lành cùng sự an ủi cho thân xác bệnh tật yếu đuối của con người.

Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Đấng đã luôn hằng bên cạnh giúp đỡ trong cuộc chiến đấu chống sự dữ, sự tội lỗi; Đấng luôn vực dậy đứng lên, mỗi khi gặp thất bại sa ngã phạm tội.

Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Đấng hằng dẫn dắt tinh thần con người trong đời sống, nhất là khi gặp những khó khăn biết phân biệt phải trái, lành dữ.

Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Thần Linh Thiên Chúa đã soi sáng cho con người chúng con biết Thiên Chúa là Cha của mọi người.

Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Thần Linh Thiên Chúa đã giúp tâm trí con người nhận biết: Chúa Giêsu Kitô là đấng cứu độ trần gian.

Xin nói lên tâm tình lòng biết ơn Thần Linh Đấng Tạo Hóa là tình yêu, là hơi thở sự sống của con người, của cây cối thảo mộc của xúc vật trong vũ trụ, hôm qua hôm nay và ngày mai.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
17:17 08/05/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (34)

331. Đức Chúa Thánh Thần mang Ơn Cứu Chuộc đến cho loài người

Đức Chúa Cha đã ấn định chương trình cứu chuộc.

Đức Chúa Con đã thực hiện chương trình cứu chuộc.

Đức Chúa Thánh Thần lấy Ơn Cứu Chuộc và ban cho chúng ta.

Có một cái giếng đầy nước ở giữa một vườn hoa cỏ, nhưng không có ai đến để lấy nước tưới cho hoa cỏ, nên hoa cỏ quanh chiếc giếng nầy, vì thế, phải héo khô.

Ngày kia, một người bộ hành đến, cất nắp giếng và đem nước ra tưới hoa cỏ. Hoa cỏ liền trở nên tươi thắm rực rỡ.

Chúa Giêsu chết Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Giếng Ơn Cứu Chuộc đã đầy, nhưng vẫn còn đậy lại. Chính Đức Chúa Thánh Thần cất nắp và đem Nước Ơn Cứu Chuộc ra để tưới cho loài người.

332. Thiên đàng và hỏa ngục

Chúng ta hãy tưởng tượng một đoàn người đi lên thiên đàng và đi xuống hỏa ngục để tìm hiểu.

Phỏng vấn các thánh trên thiên đàng: “Tại sao các ngài được Chúa thưởng trên thiên đàng?”

Trả lời: “Tại vì chúng tôi đã vâng nghe lời của Đức Chúa Thánh Thần.”

Phỏng vấn các kẻ bị phạt trong hoả ngục: “Tại sao các người bị Chúa phạt trong hoả ngục?”

Trả lời: “Tại vì chúng tôi đã chống lại Đức Chúa Thánh Thần.”

333. Hát kinh Đức Chúa Thánh Thần trước khi chịu tử hình

Năm 1793, tại Compiègne, nước Pháp, 17 nữ tu bị bắt vì đạo và bị đem đi giết.

Đoàn nữ tu nầy bị quân nghịch đạo chở đến pháp trường bằng xe bò.

Khi đến nơi xử tử, các nữ tu vây quanh bà bề trên, khấn lại ba lời hứa và thề dâng toàn thân cho Chúa. Sau đó, họ vừa bước lên đoạn đầu đài vừa hát kinh Đức Chúa Thánh Thần. Bà bề trên đi sau cùng.

Từng nữ tu bị chặt đầu. Và cuối cùng là phiên bà bề trên.

334. Ơn Khôn Ngoan

Thánh Têrêxa Avila, lúc mới bảy tuổi, đã bàn luận với em mình về những sự cao cả của Thiên Chúa. Bé Têrêxa lúc đó quy tất cả mọi sự về Chúa và nói: “Đời đời! Đời đời! Đời đời!”

335. Ơn Hiểu Biết

Thánh nữ Jeanne de Chantal bác bẻ lý lẻ của một người Tin Lành khi nói về Phép Thánh Thể. Thánh nữ nói rất chí lý. Mà lúc đó, thánh nữ mới năm tuổi.

336. Ơn Dạy Bảo

Trước khi để cho đứa con út của mình chịu tử đạo, bà mẹ của bảy anh em Macabê, nhờ Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, khuyên bảo con mình như sau: “Con đừng hèn nhát mà làm cho mẹ trở nên mẹ của một đứa bỏ đạo.”

337. Ơn Mạnh Mẽ

Thánh Anê được phước tử đạo lúc 13 tuổi.

Anê cử tỏ ra vui vẻ giữa những cơn đau đớn.

Anê còn trách khéo tên lý hình sao lại thi hành lệnh của quan một cách quá chậm.

338. Ơn Thông Minh

Thánh nữ Germaine Cousin làm nghề chăn chiên. Thánh nữ nhận biết Chúa khi nhìn những bông hoa hoặc khi nghe tiếng chim hót.

339. Ơn Kính Sợ

Sợ nhuốm tội lỗi, thánh Bênađô đã từ bỏ kinh thành Rôma, vào tu trong một hang sâu ở trên núi Subiacô để cầu nguyện và hãm mình đền tội

340. Trong cô gái 19 tuổi, Chúa Thánh Thần đã tác động một cách lạ lùng

Chị Jeanne d' Arc, người Pháp, l9 tuổi, vì lòng yêu tổ quốc, đứng ra chỉ huy quân đội trong vòng 15 tháng để cứu tổ quốc. Sau đó, chị bị bắt, bị giam tù 12 tháng, đôi tay luôn bị xiềng lại.

Trong tù, chị phải chịu rất nhiều nổi cực khổ vì đói khát, vì lạnh lẽo.

Chị tìm cách vượt ngục hai lần, nhưng lần nào cũng bị bắt lại. Lần vượt ngục thứ hai, chị bị bổ, bể thận.

Không những chị cực về phần xác, chị còn cực về phần hồn: chị bị coi như kẻ lạc đạo, rối đạo, nên không được dự lễ, không được rước Chúa.

Cuộc xử chị nơi tòa án, kéo dài ba tháng: ngày, bị dẫn ra tòa; tối, bị dẫn về ngục lại. Ba tháng nầy cũng hết sức đau đớn cơ cực đối với chị.

Khi ra trước tòa án để bị xét xử, chị không được trạng sư nào bênh vực.

Chị không biết đọc, không biết viết.

Tại tòa án, chị một mình, trong khi đó, có 62 quan tòa tìm cách lên án chị. Một số là quan tòa của Chính Quyền, cố khép án chị vào tộåi phản quốc; một số quan tòa khác, là những nhà thần học có ác ý, cố khép chị vào tội lạc đạo, rối đạo để lên án xử tử chị. Nhưng đầy ơn Chúa Thánh Thần, chị vẫn đứng vững được trước tòa án hiểm hóc nầy.

Chúa Thánh Thần hướng dẫn chị suốt cuộc đời.

Chị nghe tiếng Chúa Thánh Thần thúc đẩy: "Ớ người con gái của Thiên Chúa, hãy ra đi cứu nước và cứu Giáo Hội." Và Chúa Thánh Thần đặc biệt hướng dẫn chị trong cuộc xử án nầy.

Chính chị đã nói rõ cho các quan tòa biết vai trò hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: "Các ông đã bàn với ban chỉ đạo của các ông trong việc xử án tôi; về phần tôi, tôi cũng bàn với ban lãnh đạo của chúng tôi." Ý chị muốn nói: "Tôi cũng bàn với Chúa."

Khi tòa án bắt chị thề nói sự thật, chị không thề vì chị nói chị là người ngay thẳng, không bao giờ nói gì hoặc làm điều gì mất lòng Chúa.

Khi các quan tòa gài bẫy chị, đưa chị vào tội phạm chính trị, phản động, chị luôn đưa lại về mặt thiêng liêng: "Các việc tôi đã làm, tôi đã làm vì Chúa. Tôi chỉ mong được phần thưởng cuối cùng, là được rỗi linh hồn."

Khi các quan tòa nói cho chị biết chị phản bội Giáo Hội, chị liền nói lên câu châm ngôn của đời mình: "Tôi phụng sự Chúa trên hết!" Và chị tuyên bố trung thành với Giáo Hội vì theo chị: "Chúa Giêsu với Giáo Hội là một."

Khi các quan tòa hỏi câu hiểm hóc lắt léo: "Cô có ơn thánh sủng trong mình không?" Chị trả lời: "Nếu tôi đang có, thì Chúa gìn giữ tôi trong ơn nghĩa Chúa; nếu tôi không có, thì Chúa sẽ ban ơn đó cho tôi."

Khi các quan tòa đọc cho chị nghe những tài liệu mà chị có ký vào, chị lắng nghe, và mặc dầu không biết đọc, nhưng chỗ nào các quan tòa cố ý đọc sái, chị liền sửa lại được ngay.

Khi tòa án dọa giết chị, chị vẫn bình tĩnh nói: " Dẫu bị cắt cổ, tôi vẫn giữ lập trường của mình."

Chị vẫn giữ lập trường kiên cố của mình cho đến chết, đó là lập trường đức tin: "Việc gì tôi làm, cũng là do Chúa truyền cho tôi làm"

Cuối cùng, vì không thắng nổi được người con gái của Chúa Thánh Thần, nên tòa án đã bất công lên án xử tử hỏa thiêu chị.

Trước khi tắt thở trên giàn hỏa thiêu, đầy ơn Chúa Thánh Thần, chị thốt ra, một lần cuối cùng, tiếng mà chị hết sức yêu mến: "Giêsu!"

Về sau, một số quan tòa hối hận và tuyên bố mình đã xét xử bất công. Còn Giáo Hội thì tuyên phong chị là một vị thánh: Thánh nữ Jeanne d’ Arc.

Trong cô gái 19 tuổi, Jeanne d'Arc, Chúa Thánh Thần đã tác động một cách lạ lùng !
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:00 08/05/2008
VỊT MẸ HAM CHƠI

N2T


Ngày xưa, ở trong rừng sâu có một con gà mẹ và một con vịt mẹ, chúng nó đẻ rất nhiều trứng, nhưng đều không biết ấp để nở ra con, làm sao đây ? Chúng nó rất nôn nóng. Sau đó, chúng nó nghe nói chim Khổng tước biết ấp trứng, thế là chúng kết bạn cùng nhau đến thỉnh giáo với Khổng tước.

Khổng tước rất kiên nhẫn dạy chúng nó.

Gà mẹ và vịt mẹ sau khi về nhà bèn làm theo cách dạy của Khổng tước: trước tiên làm một cái tổ (ổ), rồi đẻ một vài cái trứng, sau đó nhè nhè nằm sấp lên trên, bắt đầu ấp trứng.

Sau khi gà mẹ và vịt mẹ ấp được mấy ngày thì đều cảm thấy đau lưng mỏi eo khó mà chịu được. Gà mẹ trong bụng nghĩ rằng: “Thật quá mệt, nhưng mình đã ấp được mấy ngày rồi, chỉ cần kiên trì thêm hai mươi ngày nữa thì sẽ có gà con thật dễ thương, đến lúc ấy tinh thần của mình sẽ rất vui vẻ. Bây giờ chịu khổ chịu mệt thì mình cũng phải kiên trì chút xíu.”

Nhưng vịt mẹ thì không cho là như thế, nó nghĩ rằng: “Thật quá mệt, nếu biết trước ấp trứng phí nhiều sức như thế này thì mình không học. Hôm nay trời xanh xanh, nước trong vắt, mình phải đi bơi lội, chút xíu nữa thì trở lại ấp trứng cũng được.”

Khổng tước thấy vịt mẹ đang bơi lội thì khuyên nó: “Vịt mẹ, cô làm như thế thì không thể ấp trứng nở ra vịt con được, cô nhìn gà mẹ đấy, nó nằm sấp trên trứng gà không một chút động đậy, đem toàn bộ sức nóng truyền qua cho trứng gà, như thế trứng mới nở ra gà con được. Mau trở về, từ nay đừng có ham chơi nữa nhé.”

Vịt mẹ nghe xong thì trở về nằm sấp trên trứng vịt, nhưng không được bao lâu, thì nó lại chịu không được bèn nhảy xuống đi chơi.

Hai mươi mấy ngày qua đi, từ trong ổ gà nhảy ra một bầy gà con rất dễ thương, gà mẹ rất vui vẻ cười toe toét; nhưng trong ổ vịt thì im thin thít, không một chút động tĩnh. Vịt mẹ chỉ có cách là nhờ gà mẹ ấp trứng dùm cho nó mà thôi.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Các em có biết tại sao Chúa Giê-su giỏi Thánh Kinh không, đó là vì Chúa Giê-su khi còn nhỏ đã được Đức Mẹ Maria dạy cho biết Thánh Kinh đó, nhờ vậy mà khi lên mười hai tuổi, Chúa Giê-su đã ngồi giữa các thầy thông thái trong đền thờ để đối đáp Thánh Kinh với họ đó (Lc 2, 41-50). Các em có biết vị tiên tri nào khi còn nhỏ mà đã yêu mến Lời Chúa không, đó là tiên tri Sa-mu-en đó, ông ta đã được ở trong đền thánh khi còn nhỏ và được Thiên Chúa kêu gọi làm tiên tri của dân Do Thái: “Sa-mu-en lớn lên, Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.” (1Sm 3, 19)

Học giáo lý, đôi lúc buồn chán vì không hứng thú, nhưng các em phải cố gắng, và nhất là phải cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, vì Lời Chúa là lời ban sự sống đời đời, vì Lời Chúa làm cho cuộc sống của các em thêm phong phú, học hành thêm hứng thú, và nhất là làm cho các em trở nên những người con rất dễ thương của Chúa.

Làm việc thì phải giống như gà mẹ vậy, dù cho có khó khăn, dù cho rất gian khổ thì cũng phải kiên trì không buông lỏng, không nản lòng bỏ cuộc. Tiên vàn không nên học vịt mẹ bỏ dở giữa chừng, không được việc gì mà lại còn mất thởi gian đi học, nhất là làm cho cha mẹ và thầy cô giáo thất vọng...

Các em thực hành:

- Dù học giáo lý đôi lúc không thích, nhưng phải cố gắng đến nhà thờ học, bởi vì học để biết Chúa Giê-su của mình mà.

- Đôi lúc không muốn giúp cha mẹ rửa chén lau nhà, nhưng cố gắng giúp cha mẹ, vì đó là cách để được Chúa Giê-su yêu nhất: vâng lời.

- Đừng bắt chước những bạn xấu không thích học hành, vì như thế chỉ làm buồn Chúa Giê-su và cha mẹ mình mà thôi.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:02 08/05/2008
N2T


17. Các bạn hãy chú ý: ân sủng trên trời là ban cho những người đi trong hoang dã tìm kiếm Chúa Giê-su Ki-tô.

(Thánh Ambrosius)
 
Sống tha thứ và hòa giải trong Chúa Thánh Linh
Lm Thomas Trần Ngọc Túy, OP
19:05 08/05/2008
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG (A)

Tđcv 2: 1-11; Tv 104; I Cor 12: 3b--7, 12-13; Gioan 20: 19-23

Thưa quý vị,

Nói về quan hệ với miền Trung Đông, đặc biệt với thế giới Hồi Giáo, một nhà báo, bình luận gia của một tờ báo lớn phương Tây đã viết: “Làm thế nào chúng ta có thể nói chuyện với các dân tộc nhận mình có quan hệ trực tiếp với Thượng Đế?”. Nhà báo vô tình nhận xét về hiện trạng của các tín hữu Kitô. Chúng ta cũng có quan hệ ấy. Đó là Đức Thánh Linh mà hôm nay là lễ của Ngài. Lễ của Thiên Chúa tình yêu đích thực và duy nhất.

Nhưng xin hãy tưởng tượng: tình yêu sẽ như thế nào khi thể hiện hữu hình cho người ta thấy? Tông đồ công vụ kể: “Khi đến ngày lễ ngũ tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho ”. Như vậy hình dáng của Tình Yêu là cái lưỡi, lưỡi bày tỏ trái tim ra bên ngoài. Trước hết chỉ có một lưỡi, sau đó phân tán thành nhiều và cư ngụ trên mỗi người. Phải chăng đó là thần khí của sự thật mà Đức Kitô đã hứa? Như vậy tình yêu là sự thật trong hành động mà chúng ta đã suy niệm ở CN V Phục Sinh vừa qua về bổn phận của các tín hữu phải chuyển tải cho thiên hạ qua dây siêu dẫn (superconductor). Dây siêu dẫn không làm hao hụt năng lượng khi phân phối điện năng (tức hiệu suất điện trở bằng zero từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ). Người tín hữu chuyển tải sự thật và tìnhh yêu Thiên Chúa cho thế giới cũng phải trong trạng thái tuyệt đối như vậy.

Cho nên Thánh Thần ngự xuống bằng tiếng gió mạnh và xuất hiện như hình lưỡi lửa. Gió mạnh là năng lượng không trông thấy được, nhưng thổi đến đâu là hiệu quả đến đó. Lưỡi lửa tượng trưng cho tình yêu nồng cháy diễn tả cảm tình yêu mến của con tim. Liệu người tín hữu nào lại không khao khát hiện diện trong ngày lễ ngũ tuần? Năm 1987, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xuất hiện trên truyền hình toàn cầu buổi chiều hôm trước ngày lễ ngũ tuần và khắp mọi ngôn ngữ đều có thể nghe Ngài cầu nguyện. Một hình ảnh tuyệt đẹp diễn tả lại lễ hiện xuống ngày khởi đầu giáo hội.

Cả ba bài đọc Chúa Nhật hôm nay đều diễn tả hành động của Chúa Thánh Linh trong vai trò hướng dẫn sự thật và tình yêu. Bài công vụ tiếp tục viết: “Nào là những người Roma đến đây, nào là người Do Thái cũng như người đạo theo, là người đảo Creta hay người Ả Rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa”. Kỳ công nào nếu không phải là việc làm của tình yêu và sự thật về Thiên Chúa, và thân phận con người nơi Đức Giêsu Kitô? Nghĩa là Thánh Thần ngự xuống trên họ, làm thay đổi, kiện cường và sai họ đi khắp thế gian thu nhận môn đệ về cho Thiên Chúa. Đức Thánh Linh cư ngụ trong linh hồn mỗi tín hữu tiên khởi, như trong chúng ta hôm nay, chia sẻ cho họ đoàn sủng, sứ vụ và phục vụ. Biến họ thành các dây điện siêu dẫn, tức không điện trở. Chẳng lạ gì họ thâu lượm được nhiều kết quả.

Hãy để thánh thần tỏ rõ Đức Giêsu trong mỗi người rao giảng, linh mục cũng như tu sĩ, giáo dân để thiên hạ trông thấy những kỳ công của Thiên Chúa và khâm phục, cảm tạ Ngài. Vì thế, bài Phúc Âm thuật lại Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ để họ nhận lấy thần khí, mạnh dạn rao giảng cho thế gian: “Đến đây chúng ta thấy rõ câu trả lời cho nghi vấn trên: tình yêu khả thị sẽ như thế nào?”. Chúa Cha tỏ tình yêu và sự thật và tình yêu của Ngài cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô hứa sai Thánh Thần để hướng dẫn chúng ta sống sự thật và tình yêu ấy. Thánh Thần linh hứng cho Hội Thánh viết Phúc Âm, dạy dỗ chân lý mạc khải. Hôm nay Thánh Thần hiện hình để cho biết Ngài có mặt trong Giáo Hội, trong từng linh hồn tín hữu tin kính Đức Kitô, biến toàn bộ thành dây siêu dẫn của Thiên Chúa.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta nghĩ sao đây? Vấn đề đúng là như vậy. Vì khi sống gió nổi lên trong lòng hội thánh về đức tin. Các tông đồ đã cho hay sự hướng dẫn của Thần Khí Đức Kitô trong công nghị đầu tiên ở Giêrusalem: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định rằng: không nên đặt thêm gánh nặng ngoài những chi cần thiết trên vai họ, gánh nặng mà cha ông chúng ta cũng không mang nổi”. Rõ ràng các tông đồ đã khẳng định Thánh Thần đang dẫn dắt Hội Thánh Chúa, chúng ta dám xác tín như vậy không? Thánh Thần là thần khí của sự thật và tình yêu, luôn âm thầm hướng dẫn hội thánh trong suy nghĩ, học thuyết một cách không sai lầm, chứ không nông nổi tuyên bố lung tung như các diễn giả thời nay. Thánh Irênêo viết về Hội Thánh tiên khởi: “Ở đâu có Hội Thánh, ở đấy có Thánh Thần, ở đâu có Thánh Thần, ở đấy có Giáo Hội”. Chúng ta nên suy nghĩ câu nói ấy để hành xử cho tốt, kẻo gây nhiều thiệt hại cho Giáo Hội.

Ở miền nam Hoa Kỳ, giáo dân có câu châm ngôn: “God has no grandchildren” (Thiên Chúa không có cháu chắt). Ý nói đức tin không phải là của gia bảo, hay đơn thuốc gia truyền, đời nọ thừa kế đời kia, từ đời ông cho đến đời cha, rồi con cái cháu chắt. Dĩ nhiên chúng ta phải giáo dục đức tin cho các thế hệ kế tiếp. Nhưng các tín hữu thời nay không phải là các hậu duệ của các tín hữu tiên khởi, của thế hệ Hội Thánh trực tiếp lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Không phải vậy. Hội Thánh bây giờ vẫn là Giáo Hội “tiên khởi” được Chúa Thánh Thần sinh ra qua bí tích rửa tội và được sai đi rao giảng tin mừng cho thế hệ mình. Chỉ khác nhau về thời gian. Chúng ta không được phép nuối tiếc: giả như tôi có mặt lúc bấy giờ. Phép thanh tẩy, các bí tích mà tín hữu lãnh nhận, Chúa Thánh Linh ngự xuống trong ngày hôm nay vẫn y nguyên như thời các tông đồ, mới mẻ và tinh tuyền, đầy sức sống và ơn thánh. Thiên Chúa không có cháu chắt, toàn bộ là con, là thế hệ tiên khởi, sinh ra trong thần khí Chúa.

Điều rõ nét là phúc âm hôm nay, Gioan cho chúng ta hay: “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đế, đứng giữa các ông và nói: bình an cho anh em … Nói xong Người thổi hơi vào các ông và nói: anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Cả một sự tạo dựng mới. Nhân loại lại trở về ân huệ cũ: hình ảnh và hoạ ảnh của Thiên Chúa. Lần này thì không ai làm hư hỏng được nữa, vì Adam chính là Con Thiên Chúa, đức Giêsu Kitô. Các tông đồ, mặc dù được trao sứ mệnh ra đi rao giảng tin mừng cho nhân loại, nhưng vẫn sợ sệt, phần vì lãnh đạo Do Thái đe doạ, phần vì xấu hổ đã phản bội thầy. Vì thế Chúa làm hoà trước: bình an cho anh em. Ngài nói tới hai lần trong một đoạn văn ngắn, để đảm bảo với các ông sự tha thứ của Ngài. Sau đó Ngài sai các ông đi rao giảng cho thế gian. Nhưng chẳng thể tha thứ được nếu không có tình yêu. Ở đây là vai trò của Thánh Linh. Và hơn thở của Thiên Chúa chính là Thánh Linh: “Chúng con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Thánh Linh không loại trừ ai, ngoài những kẻ từ chối tình yêu của Thiên Chúa.

Ngày nay chúng ta cũng cần Chúa tha thứ: bình an cho anh em. Vì chúng ta cũng đã phản bội. Lòng chúng ta cũng đầy xao xuyến lo âu vì tội lỗi cũ, những tội còn ghê gớm hơn là các tội của các tông đồ, vì dầu sao các ông hèn nhát là do không đủ kiến thức. Còn chúng ta, được học hỏi, biết rõ Chúa, nhưng vẫn chối bỏ tình yêu của Ngài vì dục tình, vì chạy theo thế gian, rồi biện minh bằng những lý lẽ ngô nghê. Bình an cho anh em. Chúng ta cũng cần Chúa tha thứ và đảm bảo như vậy. Ngõ hầu cảm thấy được làm hoà với Thượng Đế, được tạo dựng lại. Làm những thụ tạo mới qua lời Chúa như các tông đồ. Con người đầy tội lỗi, hèn nhát, mù tối, nguội lạnh, thoả hiệp với thế gian, bây giờ được tha thứ và can đảm để bắt đầu một cuộc sống mới trong “ngày thứ nhất” như các môn đệ xưa mà nhận lãnh Thánh Thần qua hơi thở của Đức Kitô.

Xin lưu ý, Chúa bao giờ cũng làm gương trước rồi mới dạy dỗ sau: Ngài rửa chân cho các môn đệ rồi mới nói: anh em cũng phải rửa chân cho nhau, phải thương yêu và phục vụ lẫn nhau. Phúc Âm hôm nay cũng vậy. Ngài tha thứ và làm hoà với các ông: bình an cho anh em, rồi mới sai các ông đi rao giảng thứ tha. Các tông đồ y hệt chúng ta: yếu đuối và hèn nhát, nhưng có thể tha thứ và rao giảng thứ tha vì họ được hơi thở của Đức Giêsu tạo dựng mới: Thiên Chúa không có cháu chắt, chúng ta không thuộc hàng cháu chắt của đức tin. Chúng ta là con trực tiếp. Vậy thì cũng phải làm như vậy: tha thứ và rao giảng hoà giải cho thế giới đầy những bất ổn, tranh chấp, chia rẽ, đánh nhau, chém giết.

Lưu ý thứ hai là theo như Gioan trong Phúc Âm hôm nay, Chúa không trì hoãn việc tha thứ và hoà giải với các môn đệ. Ngài thực hiện ngay chiều ngày thứ nhất trong tuần, khi vừa trỗi dậy từ cõi chết. Ngài ban cho họ thần khí tha thứ để họ tiếp tục ngay công việc của Ngài: anh em hãy đi rao giảng và thu thập môn đệ cho thầy. Chúng ta nghĩ thế nào về thái độ của mình; tẩy rửa và làm dây siêu dẫn cho Ngài hay chìm sâu trong nết xấu và đam mê tiện nghi thế gian?

Lưu ý thứ ba là Chúa cho các ông xem các vết thương chân tay và cạnh sườn Ngài. Rao giảng không đơn giản đâu. Nó cũng gây nên các vết thương cho người xây dựng hoà bình. Dĩ nhiên việc xem thấy Chúa phục sinh mang đến cho các tông đồ niềm vui khôn tả, nhưng đi rao giảng, thi hành sứ vụ Ngài trao cũng có nghĩa chịu thương tích. Xin đừng trốn tránh, hoặc lựa chọn những dễ dãi, mà phải cắm mắt nhìn vào các vết thương nơi chân tay và cạnh sườn Chúa. Chúng ta phải trả giá cho việc rao giảng tha thứ và hoà giải. Thực tế đã có nhiều môn đệ trả giá bằng cái chết của mình như xưa nay vẫn thường xảy ra. Chúng ta phải noi gương các vị, ít là từ bỏ những phù phiếm hàng ngày để làm gương.

Dĩ nhiên có những người từ chối tha thứ và hoà giải, và nhiều nữa là khác. Thậm chí cả một quốc gia, một dân tộc. Nhưng chính những quốc gia, dân tộc ấy sẽ lãnh nhận bản án cho mình vì quay mặt đi khỏi tha thứ hoà giải của Chúa. Phần mình, chúng ta phải cố gắng trở nên những dây siêu dẫn (super conductors) không làm hư hao năng lượng thứ tha và hoà giải, tình yêu và sự thật của Thiên Chúa qua tính mê nết xấu của mình. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Amen.

Tổng hợp theo: Smith & Jude Sicilianô
 
Thánh Thần Khấn Xin Ngài Đến
Nam Giao
19:43 08/05/2008
Thánh Thần Khấn Xin Ngài Đến

Thánh Thần khấn xin ngài đến,
Hồn con đang mong chờ ngài.


Lạy Ngôi Ba tình yêu Thiên Chúa, thật là may mắn cho con cảm nhận được thời đại con đang sống là thời đại của Ngài, thời đại của “Hồng ân suối nguồn”.
Đời sống đạo con, bấy lâu nay, thật là ơ hờ và khiếm khuyết:

-Muốn yêu Thiên Chúa, nhưng không biết ý thức nguồn cấp phát năng lực tình yêu không ai ngoài Thánh Linh Tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể!

-Ao ước tìm hiểu sâu xa Lời Chúa để yêu, để mến, để sống xứng đáng tước vị nghĩa tử của Chúa Cha, được trao ban ban qua bí tích Rửa tội, mà lại quên nguyệân xin Thần Chân lý để có ánh sáng soi chiếu và hướùng dẫn!

-Muốn được củng cố trong đời chứng nhân Tin mừng Kitô mà lại quên tìm hiểu Bí tích của Hiện xuống, là Thêm Sức, để biết tựa nương vào năng lực của Thần khí Chúa Kitô để mỗi giây mỗi phút được trưởng thành trong ơn nghĩa Chúa và phục vụ tha nhân, như Đức “Giêsu Nadarét” đã hăng say ra đi rao giảng Nước Trời “dưới sự thúc giục của Thánh Linh, điểu mà Phúc âm ghi nhận rất minh bạch: (Lc 4:14-15) Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê... Người giảng dạy trong các hội đường... (Lc 4:17-18-19). .. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Mãi đến chiều tà bóng ngã mới nghe được lời giảng thấm thía của một vị linh mục trên Internet: "Thiên Chúa là Tình yêu thần linh và siêu việt. Còn ta là tạo vật được sáng tạo bởi lòng thương xót của Ngài; vậy làm sao ta có thể tự lực yêu Ngài hoặc mon men đến gần Ngài được! Làm sao tự sức con người ta có thể nhảy vào lảnh vực thần linh! Cho nên cần phải có Thần Khí dẫn dắt và nâng cao. Thần Khí đó là Thần Khí của Thiên-Chúa-Làm-Người, Chúa Giêsu Thánh Thể: Chúa Thánh Thần đã bao phủ trên Mẹ Maria và nâng nhân tính lên cao để mật thiết kết hợp với thần tính của Chúa Con; nhờ vậy, và chỉ nhờ vậy, mà chúng ta có được vị Cứu thế, Thiên-Chúa-Làm-Người và Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta!

Giờ đây ngồi suy niệm, tôi bàng hoàng luyến tiếc: sao không được hướng dẫn sớm hơn để biết chân lý nền tảng này, nhờ đó đời sống thiêng liêng của mình được xây dựng trên nên tảng vững chắc và duy nhất phải có này!

Ôi! Những Danh hiệu kỳ diệu của Chúa Thánh Thần đã được cuốn Giáo lý rút ra từ Kinh Thánh và tóm gọn: Thần Nghĩa Tử, Thần Chân Lý, Thần Vinh Quang, Đấng Phù Trợ, Đấng Bảo Trợ,ï vị Trạng Sư, Đấng An Uỉ, Đấng Bênh Vực...

Với chừøng ấy nét mô tả vai trò không thể thiếu vắng của Chúa Thánh Thần trong đời kitô-hữu, tôi mới thấm thía khi nhớ lại tâm sự của Chúa Giêsu trước khi rời các môn đệ một cách hữu hình:

"Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy" (Ga 15,26). "Thầy bảo thật với anh em: Thầy đi thì có lợi cho anh em: Thật vậy, Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em" (Ga 16,7).

Ba năm giảng dạy của Chúa Giêsu, đó là cả một chương trinh và môn học; muốn học đến nơi đến chốn thì phải có Thầy giỏi. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Không thầy, đố mầy làm nên".

Hồng phúc cho người Kitô hữu là được giáo dục và hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, là Thầy dạy “ở bên trong”. Lời Chúa Giêsu: "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chiu nổi." (Ga 16,12).

Vì thế cuốn Giáo lý lưu ý một cách thú vị:

GLGHCG #1697:. .. Huấn giáo về "đời sống mới" (x. Rm 6,4) trong Đức Ki-tô phải là: Một huấn giáo về Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm về đời sống mô phỏng theo Đức Ki-tô, người khách trọ dịu hiền và người bạn soi sáng, hướng dẫn, sữa chữa và củng cố đời sống mới này...

GLGHCG #2672: Khi chúng ta được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thấm nhập toàn thể con người ta để trở thánh vị Thầy nội tâm dạy cho ta biết cầu nguyện. Người là tác giả của truyền thống kinh nguyện sống động của Hội Thánh...

Thậy vậy, tôi bây giờ thâm tín Chúa Thánh thần là giáo sư tâm hồn của mỗi người chúng ta. Ngài huấn luyện chúng ta thích hợp cho mỗi một môi trường sống.

Từ nay, tôi quyết tâm lưu ý đến sự soi sáng, thúc đẩy và nâng đỡ của Chúa Thánh thần.

Loài người luôn khao khát được yêu; đó là bảo chứng con người muốn hướng về Trời. Muốn đạt được mục tiêu này, chúng ta phải biết múc lấy thần lực nơi Thánh thần Suối nguồn Tình yêu.

Xin Chúa Thánh thần dạy con xử dựng ba nhân đức đối thần Tin, Cậy, Mến để con được “nhảy vào” và đắm đuối trong lảnh vực thần linh; xin cho con biết cảm nhận tác động của Ngài, nhờ biết lắng nghe trong nguyện cầu và trong thinh lặng. Có thế con mới tiếp nhận được lời dạy bảo của Ngài là vị Thầy Nội tâm.

Đời mỗi người Kitô hữu phải trổ sinh hoa trái Thánh Linh trong cuộc sống hàng ngày: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, tiết độ, khiêm tốn, khiết tịnh.

Đường con theo Chúa có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhưng đây là cuộc sống mang tính chất được thần linh hóa, nên phải sai trái suốt cả bôn mùa, bất chấp thời tiết: “Hăng say hành thiện không ngừng”, như thánh Phaolô (Gal 6,9) đã dựa vào lời dạy của Chúa Giêsu về cành nho phải sai trái vì được gắn liền với Cây Nho đầy nhựïa sống Thánh linh.

Lạy Thiên Chúa của con, con quyết tâm yêu mến và bước theo Ngài.

Đường đi của đời con là Chúa Giêsu Kitô mà đích điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi trong hạnh phúc trường cữu. Lý tưởng của con là Chúa Kitô, một chân lý rõ ràng làm sao con quên hoặc chối từ được. “Bỏ Ngài con biết theo ai, vì Ngài có lời ban sự sống”. Thiên Chúa đã ban cho con tự do để con chọn lựa: một là Thiên Chúa, hai là Satan, chứ không có sự chọn lựa nào khác. Vậy hễ theo Chúa thì phải chống Satan; bãi chiến trường cũng tại chính tâm hồn ta. VớiThánh Linh Tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể hỗ trợ, phần thắng nằm chắc trong tay chúng ta.

Lạy Chúa, càng cố gắng, lắm khi con càng cảm thấy yếu đuối. Nhưng nhìn lại quá khứ, con cảm nhận được đời con luôn là cả một khối hồng ân Chúa trìu mến thương ban; xin cho con biết đáp đền phần nào.

Làm sao con có thể yêu mến Chúa được, nếu Chúa Thánh Thần không dẫn lối con theo. Lời Chúa Kitô: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết, những điều ấy sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16,13,14).

Lời Thầy rõ nét chi li. Từ lâu con đã ơ hờ. Từ này quyết chí trung thành lắng nghe.
Lạy Thánh Linh tình yêu, xin uốn lòng chúng con nên giống Chúa Kitô luôn.

Xin Chúa Thánh Thần thương tình thánh hoá bản thân chúng con, ngỏ hầu mọi cử chỉ và hành vi của chúng con đều đẹp lòng Chúa Cha, nhờ quyền năng Thánh Thể mà chúng con được diễm phúc rước hằng ngày, để qua tác động thánh hóa của Chúa, chúng con được cùng Chúa Giêsu Thánh thể trở thành hy lễ tình yêu đẹp lòng Chúa Cha trong mọi giây phút của cuộc đời dương thế.

Xin Chúa Ngôi Ba Đoái Thương

Đời con năm tháng ơ hờ,
Đi tìm Chân lý thẩn thờ vu vơ.
Ngôi Ba Thiên Chúa bất ngờ,
Giúp con hết có dại khờ lững lơ.

Ngài theo con mãi không sờn,
Sợ con cất bước chập chờn đêm đen.
Biển đời sóng gió lênh đênh,
Aâm thầm tay nắm bồng bềnh không buông.

Ngũ tuần Ơn Thánh suối nguồn,
Tình yêu Thiên Chúa đổ tuôn tràn đầy,
Mở đường cho chính hồn nầy,
Biết tìm về Chúa đêm ngày ước mơ.

Xin luôn thấm nét hồn thơ,
An vui biết được Chúa Trời cưng yêu.
Thánh Thần lửa mến đốt thiêu,
Cầm tay sánh bước dập dìu hoan ca.

Tình thương Thiên Chúa bao la,
Tình con bé nhỏ thế mà được yêu.
Thánh Thần chỉ dạy bao điều.
Lắng nghe hợp tác mến yêu tâm thành.

Thánh Thần là Đấng ủi an,
Giúp con cảm nhận Chủ Chăn bên mình.
Để con luôn sống an bình,
Vì con vốn đã đồng hình Ki-tô.

Để đời xinh đẹp thắm tô,
Khiến người ca hát tung hô danh Ngài.
Từ nay quyết chí thuộc bài:
Trạng Sư bào chữa, với Ngài vươn lên.

Thánh Thần khấn xin Ngài đến,
Tưới nhuần ơn thánh khắp miền tươi xanh.
Tình thương của Chúa thực hành,
Từ nay sai trái xứng cành Cây Nho.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hoàng Đại Học Salêdiêng: Trao bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Thượng Phụ Karekin II, Giáo Chủ Giáo Hội chính thống Armenia
Hồng Ân
00:31 08/05/2008
(UPS-Roma): 07.05.2008, Giáo Hoàng Đại Học Salêdiêng (UPS) đa trao bằng tiến sĩ danh dự về thần học mục vụ giới trẻ cho Đức Thượng Phụ Karekin II, giáo chủ giáo hội chính thống Armenia. Hiện diện trong buổi lễ có ĐHY Tarcisio Bertone SDB, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh; ĐHY Walter Kasper, chủ tịch hội đồng Toà Thánh về hiệp nhất Kitô và ĐHY Farina SDB.

Giáo Hội chính thống Armenia được hai thánh tông đồ Tađêo và Batôlômêô thành lập vào thế kỷ I, nhưng sau đó phải trải qua thời gian bách hại nặng nề. Đến năm 301 được công bố là quốc giáo của toàn đất nước Armenia và từ đó nền giáo dục kitô giáo mang đến cho đất nước và người dân những hoa quả ngọt ngào: các trường học, trung tâm giáo dục, các cơ sở giáo hội, các đan viện phát triển không ngừng. Thế kỷ V – VI trở nên thời kỳ vàng son của giáo hội chính thống Armenia. Tuy nhiên, chiến tranh và đặc biệt dưới thời Xô Viết, giáo hội đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề: trường học công giáo đóng cửa, các chủ chăn bị cầm tù (chỉ tính từ năm 1915 đến 1921 có khoảng 4000 linh mục bị giết hại, hàng trăm cơ sở của giáo hội bị phá huỷ). Tuy nhiên, từ năm 1990, giáo hội chính thống Armenia mặc một khuôn mặt mới, đặc biệt nhờ sự lãnh đạo của Karekin II, giáo hội có một sức sống mới.

Đức Thượng Phụ Karekin II sinh tại Volskehat, Armenia năm 1951; ngài được bầu là giáo chủ thứ 132 của giáo hội chính thống Armenia vào năm 1999 (21 tháng 10). Ngay từ khi lãnh đạo giáo hội chính thống Armenia, ngài thiết lập tương quan với chính phủ Armenia; không ngừng xây dựng giáo hội Armenia qua việc thiết lập các chủng viện, các cơ sở công giáo và các trường học; đẩy mạnh việc đào tạo linh mục; thành lập các trung tâm giáo dục và cổ võ hoạt động phục vụ giới trẻ, cách đặc biệt “Trung Tâm Giới Trẻ Armenia” nơi qui tụ hơn 3000 bạn trẻ đang hấp thụ nền giáo dục Kitô giáo. Ngài cũng đóng góp tích cực cho việc cổ võ tiến đến hiệp nhất kitô giáo: thăm viếng Vatican và cử hành phụng vụ Lời Chúa cùng với ĐTC Gioan Phaolô II (10.11.2000) và trong những ngày ngày viếng thăm và gặp gỡ ĐTC Benedetto XVI tại Vatican.

Việc Đại Học Giáo Hoàng Salêdiêng (UPS) trao bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Thượng Phụ Karekin II không chỉ là một “niềm vinh hạnh cho ngài và cho toàn thể giáo hội chính thống Armenia”, như lời ĐHY Bertone, “mà còn là một dấu chỉ của sự hiệp thông và hiệp nhất trong sứ mệnh giáo dục giới trẻ và thăng tiến phẩm giá người trẻ theo giá trị kitô giáo”.

Kết thúc buổi lễ, trước khi nói lên lời tri ân đến tất cả, cách đặc biệt Đại Học UPS, Đức Thượng Phụ Karekin II đã chia sẻ vắn tắt về lịch sử giáo hội chính thống Armenia, việc xây dựng và mục vụ trong thế giới ngày nay. Ngài nhấn mạnh: “thế giới ngày nay thay đổi nhanh chóng, khiến cho những thao thức của giáo hội cũng đổi thay. Nhưng lòng trung thành vẫn phải tìm thấy trong các linh mục, điều này thể hiện qua đức tin, sự thánh thiện, tình yêu phục vụ, tri thức và lòng mến”.

Ước chi cử chỉ trao bằng tiến sĩ danh dự về thần học mục vụ giới trẻ cho Đức Thượng Phụ Karekin II sẽ mang lại nhiều ý nghĩa trong cổ võ sự hiệp nhất các giáo hội Kitô.
 
Đồng Công Cứu Chuộc (2)
Vũ Văn An
04:05 08/05/2008
Đồng Công Cứu Chuộc (2)

Phần trước có nhắc đến việc làm của Giáo Sư Mark Miravalle và chiến dịch xin chữ ký của ông cho một thỉnh nguyện thư để Đức Giáo Hoàng công bố tín điều Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Không những thế, ông còn thành lập ra phong trào gọi là Vox Populi Mariae Mediatrici (Tiếng Dân Của Đức Maria Trung Gian) để cổ vũ cho công việc trên.

Năm 2001, ông cho công bố một tài liệu nhằm trả lời bẩy phản chứng người ta thường nêu ra để chống lại tín điều này. Các phản chứng này được tạp chí New York Times tổng hợp từ các báo chí khác, nhân dịp họ đề cập đến phong trào của Giáo Sư Mark Miravalle vào ngày 23 tháng Mười Hai năm 2000.

Ngang Hàng Với Chúa Giêsu

Phản chứng đầu tiên là nếu xưng tụng Đức Maria là đấng đồng công cứu chuộc, chả hóa ra người ngang hàng với Chúa Giêsu, đấng trung gian duy nhất hay sao?

Theo giáo sư Miravalle, suy nghĩ như trên không đúng. Chữ “đồng” trong “đồng công” không có nghĩa là “bằng nhau”, “ngang nhau”, “cùng một hàng” mà chỉ có nghĩa là “cùng với”, “với”. Thành ra, đấng đồng công cứu chuộc” chỉ có nghĩa là “đấng cùng cứu chuộc với”. Quả thật tiền từ “co” trong “co-redemptrix” là do tiếng Latinh “cum” có nghĩa là “cùng với”. Nên “co-redemptrix” khi áp dụng vào Đức Mẹ có ý chỉ sự cộng tác hết sức đặc biệt của Người với và dưới quyền Con thần thánh của Người là Chúa Giêsu Kitô, trong việc cứu chuộc gia đình nhân loại, như đã tỏ hiện trong Thánh Kinh Kitô Giáo.

Với lời “xin vâng” tự ý và tích cực của Đức Maria khi đáp lại lời của thiên thần Gabriel mời Người làm mẹ Chúa Giêsu (Lc 1:38), Người đã hợp tác một cách đặc biệt vào công trình cứu chuộc bằng việc mang lại cho Đấng Cứu Chuộc thần thánh thân xác phàm trần, vốn là dụng cụ để thực hiện công cuộc cứu chuộc loài người. Thánh Phaolô trong thư Do Thái từng khẳng nhận: “Ta đã được thánh hóa nhờ việc dâng hiến mình Chúa Giêsu Kitô một lần vĩnh viễn” (Dt 10:10). Nhưng thân xác ấy chỉ có là nhờ sự hợp tác tự ý, tích cực và độc đáo của Đức Maria. Nhờ việc trao ban xác phàm cho “Ngôi Lời thành xác phàm” (Ga 1:14), Đấng sau đó đã cứu chuộc nhân loại, nên Trinh Nữ Nadarét hết sức xứng đáng tước hiệu đồng công cứu chuộc. Đúng như lời Chân Phúc Têrêxa thành Calcutta từng nói: “Dĩ nhiên, Đức Maria là Đấng Đồng Công chuộc tội, vì Người trao ban thân xác cho Chúa Giêsu, và chính thân xác Chúa Giêsu đã cứu chuộc ta” (1).

Lời tiên tri trong Tân Ước của Simeon tại đền thờ cũng cho thấy sứ mệnh đầy đau khổ, có tính đồng cứu chuộc của Đức Maria trong sự hiệp nhất trực tiếp với người Con Cứu Chuộc để cứu chuộc nhân loại: “Simeon chúc phúc cho các ngài và nói với Đức Maria, Mẹ Người rằng: ‘Này đây, hài nhi này sẽ làm cớ cho nhiều người ở Israel ngã xuống và trỗi dậy, và sẽ trở nên dấu chỉ mâu thuẫn, và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng bà” (Lc 2:34-35).

Nhưng đỉnh cao vai trò đồng công cứu chuộc của Đức Maria dưới quyền Người Con Thần Thánh của mình diễn ra dưới chân Thánh Giá, nơi cuộc thống khổ toàn diện của trái tim người mẹ đang kết hiệp một cách đầy vâng phục với cuộc thống khổ của trái tim Chúa Con để làm trọn kế hoạch cứu chuộc của Chúa Cha (xem thư Gl 4:4). Như một quà phúc từ cuộc thống khổ đầy cứu chuộc này, Đấng Cứu Thế bị đóng đinh đã trao Đức Maria làm mẹ thiêng liêng của mọi người: “Này bà, đây là con bà!’ Rồi Người nói với môn đệ, ‘này con, đây là mẹ con!” (Ga 19:27). Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng mô tả, Đức Maria đã chịu “đóng đinh một cách thiêng liêng với người Con chịu đóng đinh của mình” (2). Cả sau cuộc hoàn tất việc thủ đắc các ơn phúc cứu chuộc tại đồi Calvary, vai trò đồng công cứu chuộc của Đức Maria vẫn tiếp diễn trong việc phân phối các ơn cứu rỗi ấy cho tâm hồn nhân loại.

Các nhà trước tác Kitô giáo và các Giáo Phụ đầu hết của Giáo Hội từng giải thích việc đồng công cứu chuộc của Đức Maria một cách hết sức sâu sắc nhưng cũng rất đơn giản qua khuôn mẫu thần học đầu tiên dưới tước hiệu “Evà Mới”. Trong yếu tính, các vị muốn nói rằng như Evà, “bà mẹ mọi sinh linh” đầu tiên (St 3:20), từng trực tiếp hợp tác với Ađam, người cha nhân loại, tạo ra việc mất ơn sủng cho toàn thể nhân loại thế nào, thì Đức Maria, “Evà Mới”, cũng trực tiếp hợp tác với Chúa Giêsu Kitô, Đấng từng được Thánh Phaolô xưng là “Ađam Mới” (xem 1Cor 15:45-48), tái tạo lại ơn phúc cho toàn thể nhân loại như vậy. Như lời Thánh Irênê, một giáo phụ thuộc thế kỷ thứ hai, “y như Evà, vợ của Ađam, lúc ấy còn đồng trinh, đã vì bất tuân mà trở thành nguyên cớ gây chết chóc cho chính mình và toàn thể nhân loại thế nào, thì Đức Maria, tuy đã kết hôn mà vẫn còn đồng trinh, đã nhờ tuân phục mà trở thành nguyên cớ đem lại ơn cứu rỗi cho chính mình và cho toàn thể nhân loại như vậy” (3).

Dưới ánh sáng việc Người hợp tác một cách độc đáo và trực tiếp với Đấng Cứu Chuộc trong việc lập lại ơn thánh cho toàn bộ nhân loại (xem St 3:15), Đức Maria được toàn thể Giáo Hội sơ khai biết đến dưới danh hiệu “Mẹ Mới Của Mọi Sinh Linh” và việc đồng công cứu chuộc trong tư cách dụng cụ của Người đã được tóm tắt một cách tuyệt diệu trong biểu thức ngắn gọn của Thánh Giêrôm, một giáo phụ thuộc thế kỷ thứ tư: “Chết qua Evà, sống nhờ Maria” (4).

Nhiều trích dẫn minh nhiên khác trong suốt Truyền Thống Công Giáo cũng đã coi sự hợp tác độc đáo của Đức Maria trong việc cứu chuộc hay “mua lại” nhân loại khỏi ách nô lệ của Satan và tội lỗi cùng với và dưới quyền của Chúa Giêsu Kitô là đồng công cứu chuộc. Thí dụ, Modestus thành Giêrusalem, một văn sĩ của Giáo Hội thế kỷ thứ 7, viết rằng nhờ Đức Maria, ta “được cứu chuộc khỏi ách bạo quyền của ma qủy” (5). Thánh Gioan Đamátxênô, thế kỷ thứ 8, chào kính Người: “Kính chào Mẹ, nhờ Mẹ, chúng con được cứu chuộc khỏi cơn nguyền rủa” (6). Thánh Bernard thành Clairvaux, thế kỷ 12, dạy rằng: “nhờ Đức Mẹ, con người được cứu chuộc” (7). Vị Tiến sĩ vĩ đại của dòng Phanxicô, Thánh Bonaventura, thế kỷ 13, đã khéo léo tóm lược Truyền Thống Kitô Giáo trong giáo huấn sau đây: “Người phụ nữ kia (tức Evà) đã đưa chúng ta ra khỏi Địa Đàng và bán đứng chúng ta; nhưng người phụ nữ này (tức Maria) đã đưa chúng ta trở lại và đã mua lại chúng ta” (8).

Dù trong tâm trí các giáo phụ và các vị tiến sĩ của Giáo hội, không bao giờ có ý nghĩ là công trình và công phúc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô lại hoàn toàn và trong căn để tùy thuộc sự hợp tác của Đức Maria, nhưng Truyền thống Kitô giáo tiên khởi không ngần ngại gì mà không giảng dạy rằng việc hợp tác thân mật vô tiền khoáng hậu của người phụ nữ này, tức Đức Maria, trong việc “mua lại” hay cứu chuộc toàn bộ nhân loại khỏi ách nô lệ của Satan. Như nhân loại đã bị một người đàn ông và một người đàn bà bán đứng thế nào, thì Ý Thiên Chúa cũng muốn cho nhân loại được một Người Đàn Ông và một người đàn bà mua lại thể ấy.

Chính vì dựa vào cái nền tảng Kitô giáo phong phú ấy, mà các vị giáo hoàng và các vị thánh của thế kỷ 20 đã dùng tước hiệu Đồng công cứu chuộc để chỉ vai trò độc đáo của Đức Maria trong công trình cứu chuộc con người, điển hình là việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng tước hiệu đồng công cứu chuộc mà gọi Đức Maria đến năm lần trong triều giáo hoàng của ngài (9). Các đức giáo hoàng dùng tước hiệu “Đồng công cứu chuộc” không hề với nghĩa coi Đức Maria là một nữ thần ngang hàng với Chúa Giêsu Kitô cho bằng như cách Thánh Phaolô coi mọi Kitô hữu là “những người cùng làm việc với Thiên Chúa” (1Cor 3:9). Thánh nhân đâu có coi họ là những vị thần ngang hàng với Thiên Chúa duy nhất.

Mọi Kitô hữu đều được gọi cách thích đáng là cộng sự viên hay “đồng công cứu chuộc” với Chúa Giêsu Kitô (xem thư Cl 1:24) trong việc tiếp nhận và hợp tác với ơn thánh cần thiết cho sự cứu chuộc riêng của ta và sự cứu chuộc của người khác, một sự cứu chuộc bản thân có tính chủ quan được công trình cứu chuộc lịch sử có tính khách quan hay việc “mua lại”của Chúa Giêsu Kitô, “Ađam Mới”, Đấng Cứu Chuộc, và Đức Maria, “Evà Mới”, Đấng Đồng Công Cứu Chuộc mang lại.

Đại Kết Kitô Giáo

Phản chứng thứ hai cho rằng xưng tụng Đức Maria là đấng đồng công cứu chuộc là đi ngược lại phong trào Đại Kết, dẫn đến chia rẽ trầm trọng giữa Công Gaío và các hệ phái Kitô giáo khác.

Giáo sư Mark Miravalle cho rằng đây có lẽ là phản chứng thông thường nhất chống lại việc dùng tước hiệu đồng công cứu chuộc, chứ đừng nói đến việc công bố một tín điều về tước hiệu ấy. Tưởng nên sét xem thế nào là đại kết chân chính.

Trong thông điệp “Ut Unum Sint” (xin cho chúng nên một) (Ga 17:21), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa phong trào đại kết Kitô giáo đích thực bằng các hạn từ cầu nguyện như “là linh hồn” và đối thoại như là “thân xác” cùng làm việc hướng tới mục tiêu tối hậu là hiệp nhất Kitô giáo một cách chân thực và bền bỉ (10). Đồng thời, sự thúc bách Công Giáo đòi ta làm việc và cố gắng đạt hiệp nhất Kitô giáo không hề cho phép ta giảm thiểu hay phá hoại bất cứ giáo huấn học lý nào của Công Giáo, bởi những việc như thế vừa thiếu tính toàn vẹn Công Giáo mà đồng thời còn dẫn cuộc đối thoại với các Kitô hữu không Công Giáo ra ngoài các điều Giáo Hội Công Giáo thực sự tin.

Như Công Đồng Vatican II đã dạy một cách rõ rệt về cuộc đối thoại đại kết, “dĩ nhiên, điều thiết yếu là học lý phải được trình bày rõ ràng trong tính toàn bộ của nó. Không gì xa lạ với tinh thần đại kết bằng phương thức giảng hòa giả tạo, một phương thức phá hoại sự tinh ròng của học lý Công Giáo và che khuất ý nghĩa chân thực chắc chắn của nó” (11).

Đức Gioan Phaolô II còn giải thích thêm: “Nói về việc nghiên cứu các phạm vi bất đồng, Công Đồng đòi hỏi toàn bộ học lý phải được trình bày một cách rõ ràng. Đồng thời, Công Đồng cũng yêu cầu rằng cách thế và phương pháp trình bày đức tin Công Giáo không được cản trở cuộc đối thoại với các anh chị em của chúng ta… Dĩ nhiên, việc hiệp thông trọn vẹn phải xẩy ra qua sự chấp nhận toàn bộ chân lý qua đó Chúa Thánh Thần hướng dẫn các môn đệ của Chúa Kitô. Do đó, mọi hình thức của chủ nghĩa giảm thiểu hay ‘nhất trí’ giả tạo cần được tuyệt đối xa lánh” (12).

Như thế cái hiểu chính xác về đại kết theo quan điểm Công Giáo là lệnh truyền chủ yếu đòi Giáo Hội phải cầu nguyện, phải đối thoại, và cùng làm việc trong bác ái và trong chân lý để kiếm tìm sự hiệp nhất Kitô giáo đích thực giữa mọi anh chị em trong Chúa Kitô, mà không thỏa hiệp khi phải trình bày các giáo huấn học lý đầy đủ của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người tha thiết với sự hiệp nhất Kitô giáo chân thực, cũng đã khẳng định rằng:

“Sự hiệp nhất được Thiên Chúa ước muốn chỉ có thể đạt được bằng cách gắn bó với mọi nội dung của đức tin mạc khải trong tính toàn vẹn của nó. Trong các vấn đề đức tin, thỏa hiệp là mâu thuẫn với Thiên Chúa, Đấng vốn là chân lý. Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6), ai dám coi là hợp pháp việc hòa giải mà lại làm hại đến chân lý cho được?” (13).

Giờ đây, ta hãy áp dụng cái hiểu về đại kết nói trên vào vấn đề Đức Maria là đấng đồng công cứu chuộc. Tước hiệu đồng công cứu chuộc dành cho Đức Maria này đã được giáo huấn giáo hoàng nhiều lần nhắc đến, và học lý về việc đồng công cứu chuộc của Đức Maria hiểu như sự hợp tác độc đáo của Người với Chúa Giêsu Kitô và dưới quyền của Chúa Giêsu Kitô trong công trình cứu chuộc nhân loại đã góp phần tạo nên giáo huấn học lý được lặp đi lặp lại nhiều lần của Công Đồng Vatican II:

… Trong tư cách nữ tỳ Thiên Chúa, Người hoàn toàn hiến mình cho con người và công việc của Con mình, dưới quyền và cùng với người Con ấy, Người phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc, nhờ ơn thánh của Thiên Chúa Toàn Năng. Do đó, các giáo phụ đã chính xác coi Đức Mẹ không chỉ được Thiên Chúa đính kết cách thụ động, mà như người tự ý hợp tác vào công trình cứu chuộc con người bằng đức tin và đức vâng lời (14).

Xa hơn chút nữa, Công Đồng cho hay:

… Như thế, Đức Trinh Nữ Diễm Phúc tiến triển trên hành trình đức tin của Người, và trung thành kiên vững trong hiệp nhất với Con của Người cho đến tận thập giá, nơi, theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa, Người đứng cùng chịu với người Con duy nhất do mình sinh ra cái cường độ trong cơn thống khổ của người Con, tự liên kết mình với hy lễ của người Con ấy bằng trái tim của một người mẹ, và âu yếm chấp nhận sự dâng hiến hy lễ vốn từ Người sinh ra” (15).

Công Đồng còn thêm:

“Người thụ thai, sinh hạ và dưỡng nuôi Chúa Kitô, Người dâng Con cho Chúa Cha trong đền thờ, cùng chia sẻ sự thống khổ của Con mình khi người Con ấy chết trên thập giá. Như thế, một cách hết sức độc đáo, bằng đức vâng lời, đức tin, đức cậy và đức mến bừng cháy, Người đã hợp tác vào công trình của Chúa Cứu Thế trong việc tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Vì lý do đó, Người là mẹ của chúng ta trong trật tự ơn thánh” (16).

Bởi thế, rõ ràng việc đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ đã làm nên giáo huấn học lý của Giáo Hội Công Giáo và trong tư cách ấy đã được trình bày trong bất cứ tuyên bố chân thực nào về giáo huấn Công Giáo, kể cả trong lãnh vực đối thoại đại kết chân chính.

Cho nên, chủ trương rằng việc đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ cả trong tước hiệu lẫn trong học lý đi ngược lại sứ mệnh đại kết của Giáo Hội, trong căn bản, quả đã hiểu lầm chính sứ mệnh đại kết ấy của Giáo Hội vậy. Trọn vẹn học lý Công Giáo, trong đó có học lý về sự đồng công cứu chuộc của Đức Maria, phải được lồng trong bất cứ cuộc đối thoại chân chính nào nhằm tìm kiếm hiệp nhất Kitô giáo. Mặt khác, việc cố ý vắng bóng Đức Maria đồng công cứu chuộc trong cuộc đối thoại đại kết trọn vẹn và trong sứ mệnh đại kết xét chung của Giáo Hội sẽ thiếu tính toàn vẹn và tính công bằng đối với các nhà chủ trương đại kết của Công Giáo so với các Kitô hữu không Công Giáo là những người được quyền mang tới bàn đối thoại trọn bộ học lý đặc thù của họ. Ở đây, ta nên nhớ lại câu hỏi của Đức Gioan Phaolô II đã trích trên kia: “Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6), ai dám coi là hợp pháp việc hòa giải mà lại làm hại đến chân lý cho được?” (17).

Bởi thế, gọi Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria là đấng đồng công cứu chuộc dưới ánh sáng Thánh Kinh và Thánh Truyền Kitô giáo không hề đi ngược lại việc đại kết, mà đúng hơn, sẽ tạo nên một thành tố yếu tính cho tính toàn vẹn Kitô giáo do việc đại kết chân thực kia đòi hỏi, vì việc đồng công cứu chuộc của Đức Maria làm nên giáo huấn học lý của Giáo Hội Công Giáo.

Thực ra, nếu học lý đồng công cứu chuộc hiện đang làm một số Kitô hữu khó hiểu, vì đối với họ, nó phảng phất hình ảnh một nữ thần hay đưa ra những quan điểm thái quá về Đức Maria, thì xem ra lại càng thích hợp để phát biểu rõ ràng học lý Thánh Mẫu này cho các anh chị em Kitô hữu của chúng ta trong cuộc đối thoại đại kết. Cũng có thể có ích lợi nữa khi đức giáo hoàng chính thức xác định học lý này, như vậy sẽ cung cấp được sự soi sáng lớn lao nhất từ thẩm quyền cao nhất của Công Giáo. Như lời đức nguyên hồng y New York là John O’Connor từng nói: “Rõ ràng, một xác định chính thức của Đức Giáo Hoàng bằng một ngôn từ chính xác sẽ giúp các Kitô hữu khác hết lo lắng là chúng ta k hông chịu phân biệt một cách đầy đủ giữa việc Đức Maria liên kết độc đáo với Chúa Kitô và quyền lực cứu chuộc chỉ một mình Chúa Kitô có được” (18).

Một cái nhìn đại kết hợp lý khác về việc Đức Maria đồng công cứu chuộc và sau đó vai trò làm mẹ thiêng liêng của Người là trong tư cách mẹ thiêng liêng của mọi người, Đức Maria có thể là phương thế chính tạo sự hiệp nhất giữa anh chị em Kitô hữu đang phân rẽ nhau, chứ không hẳn là trở ngại cho việc hiệp nhất ấy. Mục sư Giáo hội Luthêrô là Tiến sĩ Charles Dickson từng kêu gọi các giáo hội Thệ phản hãy xét lại việc bênh vực tích cực Đức Maria có đầy đủ tài liệu và lòng sùng kính Người nơi nhiều vị sáng lập, như Martin Luther chẳng hạn, trong bài bình luận Kinh Magnificat của ông, đã viết: “Xin Mẹ dịu hiền của Thiên Chúa ban cho con tinh thần khôn ngoan hữu ích và trọn vẹn để con trình bầy bài ca này của Người…Xin Chúa Kitô ban cho chúng ta cái hiểu đúng đắn… nhờ lời cầu bầu và nhân danh Mẹ Maria yêu qúy của Người…” (19). Luther sau đó xưng tụng Đức Maria là “xưởng thợ của Thiên Chúa”, là “Nữ Vương thiên đàng” và tuyên bố: “Đức Nữ Trinh Maria muốn nói đơn giản rằng bài chúc tụng của Người sẽ được ca hát từ đời này qua đời nọ để không bao giờ có lúc nào Người lại không được ca ngợi” (20).

Về vai trò làm mẹ thiêng liêng phổ quát của Đức Maria như dụng cụ tạo hiệp nhất Kitô giáo, Tiến Sĩ Dickson viết tiếp:

“Thời ta, ta vẫn còn đương đầu với sự phân rẽ đáng buồn giữa các Kitô hữu hoàn cầu. Ấy thế nhưng, trước thềm một kỷ nguyên đại kết đầy sáng lạng, Đức Maria như mẫu mực cho công giáo tính, cho phổ quát tính, lại càng trở nên quan trọng. Trong suốt nhiều thế kỷ từ lúc khởi đầu Giáo Hội, chức phận làm mẹ Giáo Hội là một vấn đề. Chức phận làm mẹ này không thể biến mất dù cho có phân rẽ. Đức Maria, nhờ chức phận làm mẹ, đã duy trì được tính phổ quát cho đoàn chiên của Chúa Kitô. Nếu toàn bộ cộng đồng Kitô giáo hướng lên Người, thì khả thể một hạ sinh mới, một hoà giải, sẽ gia tăng. Như thế, Đức Maria, mẹ Giáo Hội, cũng là nguồn suối hòa giải giữa các con cái tan tác và đang phân rẽ của Người” (21)
 
Đức Thánh Cha làm phép bức tượng Thánh Bổn Mạng của các Dược Sĩ
Anthony Lê
09:01 08/05/2008
Đức Thánh Cha làm phép Bức Tượng Thánh Bổn Mạng của các Dược Sĩ

Thánh Gioan Leonardi
VATICAN CITY (Zenit.org).- Vị Thánh Bổn Mạng của các Dược Sĩ đã tìm được một chổ thích hợp trong Vaticăn, khi vừa mới được Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 làm phép.

Đức Thánh Cha làm phép bức tưởng của Thánh Gioan Leonardi, nặng 27 tấn và cao 5.4 mét (hay 17.7 feet), vốn được đặt ngay bên ngoài Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Bức tương chính là công trình nghệ thuật của họa sĩ Paolo Cavallo, người Ý.

Thánh Gioan Leonardi (1541-1609) người Ý, đã thành lập ra Nhóm Tu Sĩ Hèn Mọn của Mẹ Thiên Chúa (Clerks Regular of the Mother of God). Đức Cố Giáo Hoàng Piô XI đã phong Hiển Thánh cho Ngài vào năm 1938. Vào năm 2006, Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích đã chọn vị Thánh chính là bổn mạng cho tất cả những ai là Dược Sĩ.

Chính bản thân của Thánh Gioan Leonardi cũng chính là một Dược Sĩ. Trong lúc giúp đỡ những người nghèo trong thành phố Lucca, vị Thánh khám phá ra ơn gọi Linh Mục của mình. Cộng Đồng Tu Sĩ mà Ngài thành lập ra có nhiệm vụ giảng dạy Giáo Lý cho những người trẻ và giúp giới tu sĩ phải luôn trong tình trạng hoán cải. Ngài đã trở nên một trong những người chủ đạo trong Phong Trào Tự Đổi Mới bản thân.

Vị Thánh đã cộng tác trong việc thành lập ra cơ sở mà sau này trở thành trường Đại Học Urbanian ở Rôma chuyên đặc trách việc Truyền Bá Đức Tin - một trung tâm chuyên đào tạo các chủng sinh trở thành các nhà truyền giáo.
 
Đức giáo hoàng sẽ dùng kỹ thuật số để nối kết với giới trẻ tại Sydney
Phụng Nghi
09:16 08/05/2008
Sydney (Reuters) – Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ “text message” (gửi lời nhắn) tới điện thoại di động của hàng ngàn thanh thiếu niên Công giáo trong Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Sydney vào tháng 7 sắp tới, với hy vọng rằng kỹ thuật số sẽ giúp ngài tiếp xúc với lớp khán thính giả trẻ trung một cách tốt đẹp hơn.

Đức giáo hoàng sẽ gửi các thông điệp gây nguồn cảm hứng và hy vọng trong suốt sáu ngày lễ hội tại Sydney, các bức tường cầu nguyện bằng kỹ thuật số sẽ được dựng lên tại các địa điểm hành lễ, và giáo hội sẽ lập một trang Web trên mạng internet xã hội Công giáo tương tự như mạng Catholic Facebook.

Giáo hội Công giáo cho biết đã quyết định dùng kỹ thuật mới để kết nối với khoảng 250 ngàn thanh thiếu niên Công giáo dự trù sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới khai mạc ngày 15 tháng 7 này.
ZOMG HAVE U SEEN MY NEW HAT? Text messages của ĐGH


Trong một tuyên bố phổ biến ngày thứ Tư hôm qua, Đức giám mục Anthony Fisher nói rằng: “Chúng tôi muốn biến Ngày Giới Trẻ Thế Giới thành một cảm nghiệm độc đáo bằng cách sử dụng những phương thức mới để nối kết với giới trẻ ngày nay quá rành rẽ về kỹ thuật.”

Công ty viễn thông Úc Telstra sẽ cung cấp các dịch vụ truyền tiếng nói, dữ kiện, mạch broadband cho dịp này, cũng như dựng các bức tường cầu nguyện kỹ thuật số tại các điểm hội họp và hành lễ.

Telstra tuyên bố có kế hoạch nối kết 8000 người thiện nguyện, 2000 giáo sĩ, 3000 phóng viên truyền thông, và khoảng 225 ngàn tham dự viên Ngày Giới Trẻ với hơn 700 địa điểm chung quanh Sydney.

Các nữ tu Công giáo đã cầu nguyện để có được thời tiết tốt đẹp trong thời gian thăm viếng của Đức giáo hoàng.

Trong tổng số dân 21 triệu người của nước Úc, Công giáo là đạo lớn nhất, có khoảng 5 triệu giáo dân, so với Anh giáo có chừng 4 triệu tín đồ.
 
Ban Nhạc Trung Quốc hòa nhạc mừng Đức Thánh Cha
LM Trần Đức Anh, OP
09:33 08/05/2008
VATICAN - Lúc 6 giờ chiều ngày 7-5-2008, Ban nhạc Bắc Kinh thuộc hàng nổi tiếng nhất của Trung Quốc với sự cộng tác của Ca đoàn Nhà Hát Thượng Hải đã trình diễn trường ca Requiem của nhạc sư Mozart mừng ĐTC tại Đại Thính Đường Phaolô 6 ở Nội Thành Vatican.

Ban nhạc thật hùng hậu này được thành lập năm 2000 và đến Âu Châu để lưu diễn. Họ đề nghị đến Vatican trình diễn để mừng ĐTC.

Mở đầu, Nhạc Trưởng Dư Long đã ngỏ lời chào mừng ĐTC và mọi người. Ông gọi đây thật là ”một giờ phút lịch sử sẽ ở lại dâu dài trong ký ức của chúng tôi. Trường ca được trình diễn tại thành của ĐGH phản ánh giá trị của mỗi người nam nữ trên thế giới, trong tinh thần học bình và yêu thương.”

Khi ban nhạc và ca đoàn kết thúc sau gần 1 tiếng đồng hồ trình diễn, lối 5 ngàn người hiện diện, trong đó có ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng thật lâu.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC đã ca ngợi tài ba và cám ơn ban nhạc Bắc Kinh và Ca đoàn. Ngài nói: ”Trong một đoàn với nhiều nghệ sĩ tài ba như vậy, chúng ta có thể thấy đây là đại diện của đại truyền thống văn hóa và âm nhạc của Trung Quốc, và cuộc trình diễn này giúp chúng ta hiểu rõ hơn lịch sử của một dân tộc, với những giá trị và những khát vọng rất cao thượng. Tôi thành tâm cám ơn vì món quà này!”

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Ban nhạc và ca đoàn của các bạn quan tâm tới âm nhạc tôn giáo của Âu Châu. Điều này chứng tỏ có thể thưởng thức và quí chuộng những biểu lộ tinh thần cao quí như bài Requiem của Mozart mà chúng ta vừa nghe, chính vì âm nhạc biểu lộ tâm tình phổ quát của con người, kể cả tâm tình tôn giáo, vượt lên trên những biên giới văn hóa của mỗi người.”

ĐTC gửi lời chào toàn thể nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là các tín hữu của Chúa Kitô có liên hệ tinh thần với Người Kế Vị Thánh Phêrô. ”Bài Requiem nảy sinh từ niềm tin ấy, như một kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa vị thẩm phán công chính và từ bi, và chính vì thế mà bản này đánh động tâm hồn mọi người, và được coi như biểu lộ một thuyết nhân bản phổ quát. Sau cùng, qua quí vị, tôi gửi lời chào toàn thể nhân dân Trung Quốc, với thế vận hội Olympic sắp tới, đang chuẩn bị sống một biến cố rất có giá trị đối với toàn thể nhân loại”.

Ban nhạc và ca đoàn còn trình diễn một bài dân ca truyền thống của Trung Quốc trước khi một số đại diện của họ được ĐTC bắt tay chào thăm. (SD 7-5-2008)
 
ĐGH mang đến cho Mỹ quốc các nhãn quan mới và những tư tưởng đầy thử thách
Phụng Nghi
11:52 08/05/2008
Washington DC (CNA) – Giữa lúc sự hiện diện và những lời nói của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI còn đậm nét và vang vọng nơi tâm trí người Mỹ, ông George Weigel - một tác gia và học giả Công giáo - đã cống hiến một bản phân tích về chuyến tông du của ngài trong một bài báo đăng trong tạp chí Newsweek. Theo lời ông, Đức giáo hoàng không chỉ cố thay đổi một cách khéo léo sự nhận thức sai lạc của nhiều người mà còn chuyển cho người Mỹ những lời nói minh triết đầy thách đố.

“Ngay từ lúc đầu tiên có mặt tại Căn cứ Không lực Andrews, ta thấy rõ rằng đây không phải là một viên chức đến áp đặt lý thuyết thần học cứng ngắc. Xuất hiện trước mắt nước Mỹ không phải là một Ratzinger trong các bức biếm họa, mà là một con người giản dị, thân thiện, một nhân vật gốc gác Bavarian có dáng dấp ông nội ông ngoại với phong cách tao nhã và mái tóc bạc không giữ nếp, đầy lòng mến yêu và thán phục Mỹ quốc.”

Sự thay đổi nhận thức về Bênêđictô XVI như thế cũng còn kèm theo sự sụp đổ tất cả các thiên kiến bài Công giáo về phía chính quyền Mỹ.

“Bây giờ thì một người xuất thân từ Texas theo đạo Tin lành Methodist lại kéo ra đủ thứ lễ lạc để chào đón vị giám mục thành Rome ở sân cỏ phía nam tòa Bạch ốc – và người ta thấy vị giám mục thành Rome này, một cựu tù nhân chiến tranh của Mỹ, lại đang hát, cùng với ban nhạc của Quân đội Hoa kỳ, phần điệp khúc “Bài ca Chiến đấu của Nước Cộng Hòa’”.

Sự thay đổi nhận thức về Đức giáo hoàng Bênêđictô cũng đổi thay ngay cả trong phạm vi Giáo hội nữa. “Hình ảnh của vị giáo hoàng đã hoàn toàn biến đổi khi Bênêđictô XVI làm sửng sốt mọi người (gồm cả nhiều vị chức sắc cao cấp trong giáo hội) khi gặp riêng để trò chuyện và cầu nguyện với 5 nạn nhân vùng Boston đã bị giáo sĩ lạm dụng tình dục.”

Chương sách đổi thay này bắt đầu ngay cả trước lúc Đức giáo hoàng đặt chân lên phần đất của Mỹ. “Trên đường bay tới Hoa kỳ, Đức giáo hoàng đã nắm vững vấn đề, đề cập tới ‘nỗi tủi hổ’ của chính mình vì cách hành xử của các linh mục đã lạm dụng thanh thiếu niên; một thời gian sau đó ngài công nhận cung cách tồi tệ tương ứng và liên hệ của các giám mục đã thiếu bổn phận bảo vệ đoàn chiên.”

“Thế mà, phải đợi đến lúc gặp gỡ với những kẻ đã chịu đau khổ trong bàn tay của ai đó cả họ và ngài đều yêu mến – đó là Giáo hội Công giáo – mới làm cho mọi người thấu hiểu rằng Bênêđictô XVI không phải chỉ đơn thuần là một học giả thân thiện. Bằng gặp gỡ, cầu nguyện, và, bằng mọi cách, cả khóc với những người đã bị xúc phạm nặng nề, Bênêđictô tỏ rõ cho mọi người một cách hiển nhiên không thể nhầm lẫn, điều ai biết về ngài đều đã biết: đó là một con người mang trái tim của một mục tử và lòng nhân hậu của một linh mục chân chính.”

Phong cách mục tử của Bênêđictô XVI cũng còn được tỏ lộ khi ngài thuyết giảng tại Nhà thờ chính tòa St. Patrick ở New York. Những thách đố thẳng thừng ngài đặt ra cho thính giả, dù già dù trẻ, được dùng như là “lời nhắc nhở các mục tử thuộc mọi tông phái rằng ‘nhìn lên khi truyền giảng’, chứ không phải ‘rao truyền nhìn xuống’, là phương cách gây hứng khởi và nuôi dưỡng.”

Tất cả những điều này đi kèm theo với vẻ huy hoàng và lễ lạc bao quanh cuộc viếng thăm của một vị giáo hoàng, nhưng nếu chỉ nhìn vào vẻ hào nhoáng bên ngoài thôi sẽ bỏ mất các ý tưởng trọng yếu được Đức thánh cha nêu ra.

Đáng chú ý nhất là các “tư tưởng về đường lối mà thế giới vận hành, tư tưởng về cuộc đối thoại liên tôn giáo, và tư tưởng về hợp nhất Kitô giáo.” Cả ba loại hình tư tưởng này được kết hợp bởi một mạch chung: “dự án của Bênêđictô nhằm làm sôi động lại cuộc đàm thoại qua việc khôi phục lý trí đạo đức.”

Nhân quyền: Từ vựng Luân lý của Thế giới

Chú ý trước nhất đến “mục đích chính yếu của chuyến du hành xuyên Đại tây dương của Bênêđictô là đọc diễn từ trước đại hội đồng LHQ”, ông Weigel nói rằng mục tiêu của Đức giáo hoàng tại LHQ là trình bày cho cơ cấu thế giới một phương tiện để bắt đầu tiến trình cải cách.

Loại hình cải cách này chỉ có thể thực hiện được nếu đề cập đúng vào khó khăn của phương Tây, đó là mất “niềm tin vào lý trí”. Tây phương có “một niềm xác tín rất lung lay (niềm tin làm cơ bản cho nền văn minh Tây phương từ thời Socrate đến cuộc cách mạng khoa học) rằng con người có thể biết được chân lý của các sự việc, gồm cả chân lý đạo đức của các sự việc.”

Weigel viết: Cuộc khủng hoảng niềm tin vào lý trí “dường như đối với Bênêđictô không phải tự thân là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng là một vấn đề chính trị nghiêm trọng: vì làm sao cuộc đàm thoại, tranh luận, và biện bác – đó là dòng máu cần thiết cho sự sống còn của các nền chính trị nhân văn – có thể xảy ra được khi mỗi người nói một ngôn ngữ khác nhau, không cùng đồng ý lời nói của một người thông dịch, và chính nhu cầu “dịch thuật” lại được nhóm người tiên phong hậu hiện đại coi là chuyện không tưởng cũ rích?”

Giải pháp mà Đức giáo hoàng chỉ ra, đó là ngôn ngữ của các quyền con người, được “xây trên nền tảng luật tự nhiên ghi trong tâm khảm con người và hiện hữu nơi các nền văn hóa và văn minh khác biệt.”

Trong khi lý luận về điểm này, Đức thánh cha đưa ra một “đòi hỏi cần sự tham gia của những người không có tín ngưỡng cũng như người có niềm tin thuộc mọi truyền thống tôn giáo coi trọng lý trí.”

Đối thoại đặt trọng tâm vào Sự Thật

“Đức giáo hoàng cũng có một số điều quan trọng và thách đố để nói lên, về chuyện biến đổi tiếng dức lác ồn ào thành cuộc đàm thoại, trong phạm vi các tôn giáo, và trong căn nhà Thiên Chúa giáo đã bị rạn nứt.”

Đức giáo hoàng, ngoài những vấn đề khác ra, đã minh định tại cuộc họp với các tôn giáo khác rằng “trong tâm trí ngài, lòng bao dung không có nghĩa là trốn tránh các dị biệt để đổi lấy những lời xã giao và những điều tầm thường vô vị; trái lại, ngài từ tốn đề nghị, đối thoại chân chính có nghĩa là coi trọng các điều dị biệt, và xem xét chúng, trong mối dây văn hóa tạo nên do sự tương kính khi kiếm tìm chân lý.”

Ông Weigel giải thích rằng đối với Bênêđictô XVI “cuộc đối thoại liên tôn giáo đích thực” không tránh né các câu hỏi khó; nó bắt đầu bằng các vấn nạn khó trả lời.”

“Thật chẳng khó khi tưởng tượng rằng, ở đây Bênêđictô XVI nghĩ đến cuộc đối thoại với Hồi giáo ngài đã chậm rãi nuôi dưỡng từ lâu: một đối thoại nhắm vào tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa thần quyền và thế quyền trong một quốc gia. Không giống những người tham dự các cuộc đối thoại Công giáo-Hồi giáo trước kia, thường từ lâu muốn tránh né các câu hỏi đó, Bênêđictô nhấn mạnh, lặng lẽ nhưng quyết liệt, về chuyện phải bắt đầu bằng những vấn nạn này. Tiến trình của ngài có giúp hỗ trợ các nhà cải cách Hồi giáo đang làm việc để xây dựng một đạo Hồi có khả năng sống với chủ nghĩa đa nguyên và tính hiện đại về chính trị được hay không, đó là một trong những câu hỏi lớn, ở đó phần lớn lịch sử thế kỷ 21 sẽ tùy thuộc.”

Weigel sau đó đề cập đến bài diễn từ Đức giáo hoàng Bênêđictô chuyển đạt đến những người Kitô giáo hội họp trong khung cảnh đại kết, một nhóm thường có vẻ rạn nứt vì chia rẽ.

Ông Weigel chủ trương rằng, trong bài diễn văn khích động này “Bênêđictô đã nâng thách đố đại kết lên, với lời yêu cầu các nhà lãnh đạo Kitô giáo bằng hữu hãy xem xét coi những sự chia rẽ đó có đúng là đã không phản ảnh một ‘cách tiếp cận theo chủ thuyết tương đối’ với tín lý Kitô giáo và giáo huấn đạo đức chăng.”

Đức giáo hoàng chỉ rõ ra rằng cách tiếp cận theo chủ nghĩa tương đối này, thật lạ thay, lại đi song hành với các chỉ trích Thiên Chúa giáo do phía thế tục: một “chủ nghĩa tương đối” về chân lý của đức tin Kitô giáo, được hình thành bởi giả định rằng “chỉ khoa học mới là ‘khách quan”, một giả định hạ thấp tất cả các niềm tin tôn giáo đến chỗ chỉ còn là “cảm thức cá nhân trong lãnh vực chủ quan.”

Theo ông Weigel, “câu trả lời cá nhân của Bênêđictô cho vấn nạn đó, dĩ nhiên là: có.”

“Điều đó gợi ý rằng con người này – đã có thời giữ ghế giáo sư tại Tubigen - chính xác là để tiến hành sâu xa hơn cuộc đối thoại về thần học của riêng mình với các đồng nghiệp theo đạo Lutheran – nay nhận thức rằng tương lai thực của một cuộc đối thoại đại kết nghiêm chỉnh nằm ở cuộc gặp gỡ của Giáo hội Công giáo với các cộng đồng Thiên Chúa giáo (đặc biệt là, nhưng không chỉ riêng với, phái evangelical), còn tin tưởng rằng Tin mừng và kinh Tin kính vẫn đứng vững để thẩm định sự suy đoán thần học của chúng ta, chứ không phải ngược lại. Tin Mừng và kinh Tin kính, theo gợi ý của Đức giáo hoàng, là những biên giới trong đó việc đàm thoại chân thực có thể từ tiếng ồn ào đại kết mà lớn mạnh lên.”

Một trong những điều quan sát được đã kích động George Weigel về cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng đó là: “thật thú vị trước sự có mặt của một con người trưởng thành – một người trưởng thành đối xử với chủ nhà như những người trưởng thành, bằng cách khen ngợi họ đã biện luận nghiêm chỉnh và tự chế.”

Ông viết tiếp: Thêm vào đó, “đa số người Mỹ được xác tín rằng sự biện luận luân lý đậm nét tôn giáo có chỗ đứng trong cuộc sống công cộng; thiểu số người không có niềm tin cảm nghiệm được một nhà lãnh đạo tôn giáo biết cố gắng nói bằng một ngôn ngữ mà người không có đức tin cũng có thể hiểu được.”

Quả vậy, “bằng cách tỏ bày ra tấm lòng của người mục tử, con người là một trong những nhà trí thức nhất thế giới, hiện thân một chân lý mà cả ngài và Gioan Phaolô II đã xác tín: đức tin và lý trí cùng đi đôi với nhau.”
 
Đạo Đức Internet – Khái Niệm Căn Bản
LM FX Nguyễn Văn Tuyết
12:14 08/05/2008
Đạo Đức Internet – Khái Niệm Căn Bản

Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới đang phát triển rất nhanh. Khả thể để một người tiếp cận với những người khác tại những phần đất nhau trên thế giới qua phương tiện truyền thông hiện đại đã khiến cho thế giới hình như càng lúc càng bị thu nhỏ lại, trở thành một thực thể mà người ngày nay gọi là – “Làng Toàn Cầu” (Global Village).[1] Thực vậy, Internet - một trong những kỷ thuật vừa bắt đầu phát triển vào cuối thể kỷ 20 và đang phát triển rất nhanh trong thế kỷ 21 - đang làm cho thực thể Toàn Cầu này trở thành hiện thực. [2] Giữa những phát triển của môi trường toàn cầu hoá và kỷ thuật cao cấp, chúng ta không thể phủ nhận một ý thức mảnh liệt của chủ nghĩa thế tục đang ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của con người, đặc biệt tại Á châu, như Đức thánh Cha Gioan Phao lô II, trong thông điệp Hội Thánh tại Á châu phát biểu:

Chiều kích của nền văn hoá toàn cầu, được hiện thực hoá bởi kỷ thuật truyền thông hiện đại, có lẽ là chiều kích quan trọng đang nhanh chóng lôi kéo các cơ cấu xã hội Á châu vào nền văn hoá tiêu thụ toàn cầu phát xuất từ chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất mà hậu quả là sự xói mòn truyền thống gia đình và những giá trị xã hội vốn là sợi dây nối kết con người và xã hội. [3]

Lời cảnh giác này là tiếng chuông báo động của việc giảm sút những giá trị vốn không chỉ phát sinh do sự biến đổi từ phía con người nhưng cũng phát xuất từ sự canh tân vẫn còn đang tiếp tục xảy ra trong đời sống Hội Thánh.

Cho đến nay, Hội Thánh đã đưa ra nhiều tài liệu đề cập đến vấn đề đạo đức trong truyền thông nhằm giúp con người một khả thể để họ có thể phán đoán các kỷ thuật truyền thông. Đức Thánh Cha Pio XI trong thông điệp Vigilanti Cura (VC) nói:

Mọi người đều biết sự nguy hại của những phim ảnh xấu đối với linh hồn. Chúng là những cơ hội của tội lỗi: chúng quyến rủ những người trẻ bước vào con đường của sự xấu bằng cách vinh danh những đam mê; chúng trình bày cuộc sống dưới cái nhìn sai lạc; làm vẫn đục tư tưởng, huỷ diệt tình yêu trong trắng, không tôn trọng đời sống hôn nhân, gây ảnh hưởng xấu đến gia đình. Chúng có khả năng tạo ra định kiến giữa cá nhân và sự hiểu lầm giữa các quốc gia, các tầng lớp trong xã hội, cũng như các chủng tộc. [4]

Nhưng mặt khác,

Phim ảnh tốt lại là một khả thể cho việc thực tập một nền luân lý uyên thâm ảnh hưởng đến khán giả. Song song với việc giải trí, chúng có thể gợi lên lý tưởng cao quí của cuộc sống, truyền đạt những khái niệm quí giá, phổ biến kiến thức về lịch sử, vẻ đẹp của quê cha đất tổ cũng như của các quốc gia khác một cách hiệu quả hơn. Chúng cũng giúp cho con người có thể trình bày sự thật và đức hạnh theo một hình thức hấp dẫn, sáng tạo hoặc ít ra là dẫn đến sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, tầng lớp trong xã hội, chủng tộc, dẹp tan những bất công, để đem đến làn sống mới cho các đòi hỏi về đạo đức, và cống hiến một cách tích cực cho căn nguyên của một xã hội công bằng trật tự trên thế giới. [5]

Vì thế, “một trong những điều cần thiết tối hậu của thời đại chúng ta là quan sát và tranh đấu cho đến cùng, để phim ảnh tự nó không thể biến thành một dụng cụ của sự suy đồi nhưng là dụng cụ có ích cho giáo dục và nâng cao giá trị con người.” [6]

Để đối phó với phim ảnh, truyền hình và truyền thanh, ngày 8 tháng 9 năm 1957, ĐTC Pio 12 đã đưa ra tông thư Miranda Prorsus (MP) về truyền thông trong thế kỷ 20. Tông thư này điểm ra vai trò song đôi của truyền thông: Chia sẻ trong quyền năng sáng tạo và trong tiến trình tự-mặc khải (self-communication) của Thiên Chúa. Bản tính tự nhiên của những vai trò này được tông thư nhìn nhận như là “quà tặng từ Thiên Chúa;” và là “sự chia sẻ trong cách diễn đạt của Thiên chúa” để giúp chúng ta hiểu rõ ràng hơn về cách thức khi phải xử dụng chúng.

Năm 1963, thánh công đồng Vatican thứ 2 đã đưa ra sắc lệnh về truyền thông xã hội, Inter Mirifica (IM). Sắc lệnh này đưa ra nhiều hướng dẫn luân lý căn bản cho những ai sử dùng phương tiện truyền thông, đồng thời cũng đề nghị nhiều phương pháp cụ thể nhằm bảo đảm rằng Hội Thánh “không được chậm trễ để đưa phương tiện truyền thông vào việc phục vụ trong nhưng hình thức đa dạng phù hợp cho việc mục vụ tông đồ.” [7]

Đây cũng là lần đầu tiên mà Hội Thánh dùng cụm từ phương tiện truyền thông theo nghĩa phương tiện truyền thông xã hội mà chúng ta đang xử dụng hiện nay. Với đòi hỏi của sắc lệnh này, Hướng Dẫn Mục Vụ đầu tiên, Communio et Progressio (C&P), đã ra đời vào năm 1971. Hướng Dẫn Mục Vụ (C&P) dạy rằng Chúa Giêsu là Nhà Truyền Thông Cứu Độ và là Người Thầy của Truyền Thông. [8] Người là Ngôi lời của Chúa Cha, trong Người mọi sự được tạo thành, là quà tặng tối cao của Chúa Cha và là sứ điệp cho toàn thể nhân loại. Trong Chúa Giêsu, Chúa Cha tự hiệp thông với chương trình sáng tạo, sự khôn ngoan và tình yêu của chính Mình (See Lk. 10:22; Jn. 1:18; 15:15). Người là Ngôi lời ở trong Chúa Cha từ nguyên thủy, và qua Người tất cả mọi tạo vật được hiệp thông trong hình ảnh của Thiên Chúa (See 2 Cor. 4:4; Col 1:15; Heb. 1:3).

Chúa Giêsu, Ngôi lời nhập thể, mạc khải cuộc sống Thiên chúa như là sự truyền đạt, chia sẻ (Jn. 1:10). Người chia sẻ chính Người và của tất cả sự thật phát xuất từ sự chia sẻ giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần (Jn. 16:13-15). Truyền thông theo nghĩa này, là điểm then chốt trong mầu nhiệm của Chúa Ba ngôi. Chính vì thế, sáng tạo, cứu chuộc, và truyền thông phát xuất từ mầu nhiệm này và có cùng mục đích tối hậu là đưa nhân loại, với phương tiện truyền thông, hiệp thông với Thiên Chúa.[9]

Hướng Dẫn Mục Vụ (C&P) cũng nhấn mạnh rằng con người có quyền để truyền đạt; vì thế, con người phải được cung cấp đầy đủ cho cả phương tiện cũng như dữ kiện để truyền đạt, và mệnh đề này đã đưa đến khía cạnh khác của truyền thông: dân chủ hoá truyền thông. Hướng Dẫn Mục Vụ (C&P) cũng nhấn mạnh đến quyền để truyền đạt bên trong Hội Thánh và bên ngoài Hội Thánh tức là trong xã hội dân sự.

Hội Thánh không chỉ nói và lắng nghe cộng đồng dân chúa; Hội Thánh đối thoại với cả thế giới. Do của lệnh truyền của Thiên Chúa và do quyền sở hữu kiến thức của con người cùng nhau chia sẻ trên trần thế, mà Hội Thánh có bổn phận truyền đạt điều mà Hội Thánh tin và cách mà Hội Thánh sống một cách công khai.

Do đó, Hội Thánh không phải là một thực thể được thành lập bởi hai thành phần: một phần có nhiệm vụ để dạy và phần khác chỉ để học hỏi. Thực sự, toàn thể Hội thánh là một Hội Thánh học hỏi, một cộng đoàn của các kẻ tin, mà trong đó mọi người phải lắng nghe nhau, học hỏi nhau từ bên trong cũng như bên ngoài Hội Thánh. Vì thế, truyền thông trong Hội Thánh và qua Hội Thánh là vì quyền lợi của cộng đoàn, và sự hiệp nhất con người. Vì thế, nhu cầu cho việc đối thoại, trao đổi và sống với và cho mọi người là một điều cần thiết đối với Hội Thánh.

Đối diện với sự phát triển quá nhanh của nền kỷ thuật hiện nay, năm 1992, Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội (The Pontifical Council for Social Communication - PCSC) đưa ra Hướng Dẫn Mục Vụ thứ hai, Aetatis Novae (AN), nối tiếp hướng dẫn thứ nhất - C&P, đã khởi đầu bằng những dòng chữ như sau:

Tại thời điểm của một kỷ nguyên mới, một sự lan tràn sâu rộng của truyền thông con người, các nền văn hoá ở nhiều nơi trên thế giới đang tạo ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống con người. Sự thay đổi của cuộc cách mạng văn hoá chỉ là một phần của những gì đang xảy ra. Hiện nay không nơi nào trên thế giới mà thái độ con người không bị nền truyền thông gây ảnh hưởng trong những phạm vi tôn giáo hoặc luân lý, chính trị và hệ thống xã hội và giáo dục. [10]

Những lời đầu tiên này của Hướng Dẫn Mục Vụ (AN) nhấn mạnh tính cách quan trọng của truyền thông xã hội trong thời đại hôm nay. Kỷ nguyên mới mà Aetatis Novae ám chỉ có nhiều khía cạnh. Bên cạnh những khía cạnh khác, Hướng Dẫn Mục Vụ (AN) còn bao gồm sự thay đổi bản chất của truyền thông và gia tăng nhanh chóng việc xử dụng phương tiện truyền thông trong đó có Internet.

Cuộc cách mạng truyền thông xã hội ngày nay bao hàm việc tái định hướng nền tảng của những yếu tố mà con người nhận thức về thế giới chung quanh họ, xác minh và diển đạt những gì mà họ nhận thức. Sự có sẵn đều đặn của những hình ảnh và tư tưởng, cùng với sự truyền tải nhanh chóng từ lục địa này đến lục địa khác, đang có những hậu quả sâu xa, cả tích cực lẫn tiêu cực,…cuộc cách mạng truyền thông có ảnh hưởng đến nhiều quan niệm ngay cả quan niệm về Hội Thánh, về phương điện cấu trúc và phương thức hoạt động của Hội Thánh. [11]

Do bởi tính cách quan trọng về bản chất của tuyền thông hiện đại, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II, trong tông thư Redemtoris Missio, nói rằng:

Thật là chưa đủ khi chỉ dùng truyền thông để loan truyền sứ điệp Chúa Kitô và giáo huấn của Hội Thánh. Nhưng còn phải hoà nhập sứ điệp đó vào “nền văn hoá mới” phát xuất từ truyền thông hiện đại…bằng một ngôn ngữ mới, phương pháp kỷ thuật mới với một tinh thần mới. [12]

Tuy nhiên, ngôn ngữ mới, phương pháp kỷ thuật mới và tinh thần mới đòi hỏi một sự hiểu biết xâu sắc về truyền thông để có thể truyền giáo trong một kỷ nguyên truyền thông mới. Vì thế, chúng ta cần một lăng kính mới để nhìn những gì đang xảy ra trong thế giới chung quanh chúng ta. Theo Angela A. Zukowski, thì đây là một hành động căn bản của việc nhận thức, một khả năng phân tích và xử dùng dữ liệu mà chúng ta có được từ nhiều nguồn khác nhau qua Internet. [13] Để qua đó, con người có thể bước vào nền truyền thông mới và thế giới ảo của Internet hầu trực diện những thách đố có thể có đang bao phủ chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Do đó nếu chúng ta chấp nhận những thách đố này một cách nghiêm chỉnh trong vai trò của một ngôn sứ, chúng ta cần phải thay đổi cách thức mà chúng ta chuẩn bị và tham gia trong sứ vụ truyền giáo trong thế kỷ 21.

Sự phức tạp của thế giới hôm nay phát sinh nhiều vấn đề luân lý mà cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời dễ dàng và tức thì khi sự việc xảy ra. Mặc dầu, Hội Thánh qua nhiều tài liệu về truyền thông xã hội luôn khuyến khích con người tiếp nhận nền khoa học và kỷ thuật tiên tiến hiện đại. Tuy nhiên về phương diện trách nhiệm luân lý thì Hội thánh cảnh giác rằng không phải tất cả những kỷ thuật hiện đại có thể được dùng, hoặc phải dùng. Do đó, suy nghĩ chính chắn là điều cần thiết cho một sự định giá luân lý đối với những kỷ thuật tiên tiến này để từ đó có thể quyết định giới hạn của việc xử dụng chúng như kỷ thuật nào nên dùng và kỷ thuật nào không nên tiếp tục dùng do bởi chúng có thể huỷ hoại giá trị nền tảng con người. Các tài liệu Hội Thánh đã nhận ra những vấn đề này. Do đó, qua các tài liệu này, Hội Thánh nhắc chúng ta rằng truyền thông là một hành động luân lý, vì vậy nó trói buộc con người vào sự toàn vẹn (integrity) của hành động. [14] Với viễn ảnh luân lý này, truyền thông con người là một hành trình từ tháp Babel, nơi mà truyền thông bị phá huỷ cho đến lễ Ngũ tuần với quà tặng của ngôn ngữ. [15] Thái độ của người Công giáo, theo Paul Soukup, thì “theo thánh Phao-lô: nơi nào tội lỗi hiện hữu, nơi đó có ân sủng. Và vì thế, đạo đức truyền thông là một khả thể, nếu con người hiểu bản chất của truyền thông và cách thức sai lầm mà nó vấp phạm.” [16]

Gọi Internet là “cơ hội và thách đố chứ không phải sự đe doạ,” Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, hôm 22 tháng 2 năm 2002, đã đưa ra hai tài liệu: Hội Thánh và Internet – định giá của cơ hội mục vụ trực tuyến; và Đạo Đức trong Internet – phản ảnh về những vấn đề đạo đức trong Internet. Hai tài liệu này đặc biệt ám chỉ rằng đặc tính hổ tương của Internet có thể giúp Hội Thánh đạt được viễn ảnh mà Công đồng Vatican II nhắm tới về sự thông hiệp giữa các thành viên trong Hội Thánh. Cả hai tài liệu, Hội Thánh và Internet và Đạo Đức trong Internet, đưa ra một số hướng dẫn cũng như một số cân nhắc.

Đạo Đức trong Internet, nhấn mạnh đến sức mạnh của kỷ thuật và cơ hội mà Internet đem lại, cho rằng nó có thể giúp đem mọi người trên hành tinh này vào một thế giới được điều hành bởi công bằng, hoà bình và yêu thương. Vì thế, vì sự thánh thiện của Hội Thánh cũng như của tất cả những ai đang tham gia vào một thế giới như thế, nên nhiều nguyên tắc căn bản cho việc định giá đạo đức cần phải được đưa ra, dựa trên sự phát triển đích thực nhân loại và trên sự trợ giúp của cá nhân, những người được tạo dựng “giống hình ảnh Thiên chúa” (St 1:24), để “phương tiện mới của truyền thông là dùng để phục vụ cho quyền lợi và sự hiệp nhất con người và các cộng đồng nhân loại.” [17]

Bên cạnh khía cạnh tích cực của Internet - dụng cụ cần thiết cho việc giáo dục và làm phong phú cho nền văn hoá cũng như tôn giáo, [18] nó còn có khía cạnh tiêu cực khác đó là nó cũng có thể được dùng “trong những mục đích khai thác, bóp méo, thống trị, và đồi bại,” [19] hay để truyền đạt những tư tưởng mang tính “thù hận, bôi nhọ, lường gạt,” hoặc chuyển tải những “hình ảnh khiêu dâm nói chung, đặc biệt những hình ảnh khiêu dâm trẻ em, cùng với những xúc phạm khác,” [20] như những vấn đề phân chia giai cấp về kỷ thuật số (digital divide), [21] “tự do ngôn luận,” [22] v.v… Với những thao thức này, Hội Thánh cần phải chú ý nhiều hơn nữa đối với những vấn đề liên quan đến truyền thông đặc biệt là Internet.

Hội Thánh và Internet lưu ý rằng “Hội Thánh trong mọi cấp bậc phải xử dụng thông thạo Internet để liên lạc với mọi người một cách hiệu quả – đặc biệt giới trẻ, những người đang có những kinh nghiệm phong phú về nền kỷ thuật mới này - và dùng chúng cách tốt nhất.” [23] Để xử dụng tốt cần phải biết chọn lựa một cách đúng đắn và khi chọn, chúng ta cần phải “biết những nguyên tắc luân lý và áp dụng chúng một cách trung tín,” [24] bởi vì tất cả những chọn lựa đều có giá trị luân lý và là chủ thể cho việc định giá đạo đức.” [25] Với những lý do này, cơ hội cho việc huấn luyện và đào tạo, đặc biệt cho giởi trẻ trong việc xử dụng “nền truyền thông mới,” đối với Hội Thánh cần phải được chú ý cách đặc biệt.

Đào tạo, theo quan điểm của triết gia Plato, là tiến trình của việc hiện thực hoá tất cả tiềm năng của con người: thể lý, tri thức và luân lý. Một sự đào tạo tốt phải bao gồm thể lý, tâm linh và tất cả những gì đẹp đẽ nhất mà chúng có thể, bởi vì đào tạo không có gì khác hơn là phát triển tất cả tài năng và tiềm lực của con người qua việc thực tập thích hợp và có chủ đích, để chuẩn bị con người trong suốt cuộc sống, để nhờ đó, con người thể đạt tới mức độ hạnh phúc mà họ có thể đạt được. [26] Cách đào tạo này cũng được Đức thánh Cha Pi-ô XII nhắc đến trong Tông thư về Phim ảnh, Truyền Thanh và Truyền Hình (Miranda Prorsus, Encyclical on Motion Pictures, Radio and Television,Pius XII Sept. 8, 1957) khi viết rằng: “Thật là quan trọng để tâm trí và khuynh hướng của khán giả được huấn luyện và giáo dục đúng đắn, để nhờ đó họ không phải chỉ hiểu về hình thức và nội dung thích hợp đối với mỗi nghệ thuật nhưng cũng được hướng dẫn bởi một lương tâm đúng đắn. [27] Ngài tin rằng huấn luyện và giáo dục con người theo chiều hướng này là đào tạo lương tâm bởi vì việc huấn luyện này sẽ bảo đảm, một mặt, làm giảm đi những nguy cơ có thể làm tổn thương đến luân lý, và mặt khác, cho phép các Kitô hữu, qua kiến thức mới mà họ nhận được, nâng cao trí tuệ để chiêm ngắm những sự thật thiên đàng.” [28]

Về vấn đề đào tạo này, ĐTC Benedicto XVI, trong thông điệp cho ngày truyền thông thế giới năm 2006, nói như sau:

Đào tạo trong việc xử dụng truyền thông một cách trách nhiệm và nghiêm chỉnh giúp con người dùng chúng một cách khôn ngoan và thích hợp. Ảnh hưởng xâu xa của từ ngữ cũng như hình ảnh mà truyền thông tin học đưa vào xã hội một cách quá dễ dàng, không thể nào được đánh giá quá cao. Nói một cách chính xác bởi vì nền truyền thông đương thời định hướng nền văn hoá phổ thông, do chính chúng phải vượt qua mọi cám dỗ nào có tính cách thao tác, đặc biệt đối với giới trẻ, và thay vào đó chúng phải theo đuổi mục tiêu giáo dục và phục vụ. Trong cách thức này, nhiệm vụ của truyền thông là bảo vệ hơn là làm xói mòn cơ cấu xã hội dân sự cao quí của con người. [29]

Theo cái nhìn này của truyền thông, thì đây là điều mà chúng ta gọi là “giáo dục truyền thông.” Giáo dục truyền thông, theo Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã hội, thì ‘không chỉ dạy bảo về cách thức,” nhưng còn “giúp con người hình thành những tiêu chuẩn của việc phán đoán luân lý một cách trung thực và tốt lành - một khía cạnh của “đào tạo lương tâm.” [30] Việc đào tạo này được áp dụng cho mọi người, đặc biệt giới trẻ, bởi vì chúng “cần học hỏi cách thức hành động tốt trong thế giới ảo, để có một phán đoán sâu sắc dựa theo những tiêu chí luân lý lành mạnh về những gì chúng tìm thấy ở đó, và dùng kỷ thuật mới này để phát triển nhân bản của chúng và cho quyền lợi của người khác.” [31]

Nền giáo dục này này sẽ giúp người trẻ có được “kiến thức lành mạnh cũng như kinh nghiệm về những việc chúng làm.” [32] Tuy nhiên, bởi vì vấn đề luân lý là một vấn đề nhạy cảm: ”Truyền thông đang được dùng cho mục đích tốt hay xấu?” [33] Do đó, để cho tiến trình giáo dục được thành công đòi hỏi một sự đáp trả tích cực từ giới trẻ, như Charles M. Shelton, một nhà luân lý nhắc nhở:“Chúng ta không thể bảo vệ chúng, nhưng chính những người trẻ, phải bảo vệ chúng bằng cách học hỏi, tự mở rộng tâm hồn để được huấn luyện. ” [34]

Với nền tảng này, việc tìm kiếm một phương thức khả thể để đối phó với vấn để luân lý trên Internet một cách thần học, luân lý và hành chánh là một điều cần thiết và cấp bách cho tất cả chúng ta. Và đây là điểm chính mà tập sách này tập trung để đưa ra một số hướng dẫn cụ thể trong việc xử dụng Internet với những điểm liên quan đến giới trẻ, với những chủ đề như: Internet là gì? Làm thể nào để xử dụng nó như là một phương tiện truyền thông? Đâu là năng lực và thách đố của nó đối với giới trẻ? Đâu là nền tảng thần học và đạo đức nào đã được đề cập đến trong các tài liệu về truyền thông xã hội của Hội Thánh? Đâu là những ám chỉ luân lý trong việc sử dụng Internet? Và đâu là những hướng dẫn khả thể trong việc sử dụng Internet mà giới trẻ cần phải được huấn luyện?

Chú thích:
[1] “Làng Toàn Cầu” được P. Wyndham Lewis dùng trong quyển sách tựa đề America and Cosmic Man (1948) của ông ta. Tuy nhiên, từ này cũng đựợc Herbert Marshall dùng trong sách có tựa đề The Gutenberg Galaxy: the Making of Typographic Man (1962) của ông. Trong sách này, ông đã diễn tả cách thức mà truyền thông điện tử làm phân rã biên giới không gian và thời gian trong truyền thông con người, nhờ đó con người có thể tác động lẫn nhau và sống trong cán cân toàn cầu. Theo nghĩa này, điạ cầu trở thành một ngôi làng bởi truyền thông điện tử. Ngày nay, “Làng Toàn Cầu” được dùng như một ẩn dụ (metaphor) để miêu tả Internet và World Wide Web (www). Internet toàn cầu hoá truyền thông bằng cách cho phép người xử dụng trên toàn thế giới có thể tiếp cận với nhau. Tương tự như vậy, máy vi tính được nối qua web (web-connected) cho phép con người nối lại những trang web của họ. Thực thể mới này là một khả thể cho việc tạo ra những cấu trúc xã hội mới trong bối cảnh của văn hóa. Đức thánh cha Gioan Phaolô II, trong Redemtoris Missio, 37c, cũng dùng từ này (global village) để diễn tả “một nền văn hoá mới” tạo ra bởi truyền thông hiện đại. Xem http://en.wikipedia.org/wiki/Global_village.
[2] Xem JP II, “The Rapid Development,” Vatican, Jan 24, 2005, 5.
[3] JP II, Ecclesia in Asia, EA, 39.
[4] Pius XI, VC, 24.
[5] Ibid., 25.
[6] Ibid., 30.
[7] Vat II, IM, 13.
[8] Xem PCSC, C&P, 11.
[9] Xem Haring Bernard, Free and Faithful in Christ, vol.2 (Quezon: Claretian Publication, 1985), 155.
[10] PCSC, AN, 1.
[11] Ibid., 4.
[12] JP II, RM, 37c.
[13] Xem Angela Zukowski, ”Enriching Priestly Ministry Formation,” in Franz-Josef Eilers, S.V.D., ed., Social Communication Formation in Priestly Ministry (Manila: Logos [Divine Word] Publications, Inc, 2002), 84.
[14] See PCSC, Ethics in Communication, 32.
[15] Ibid., 3.
[16] Soukup A. Paul, “Communication Theology as a Basis for Social Communication Formation,” in Franz-Josef. Eilers, S.V.D., ed., Social Communication Formation in Priestly Ministry (Manila: Logos (Divine Word) Publications, Inc, 2002), 57.
[17] PCSC, Ethics in Internet, 3 & 5.
[18] Xem PCSC, The Church and Internet, 7.
[19] PCSC, Ethics in Internet, 1.
[20] PCSC, Church and Internet, 16.
[21] PCSC, Ethics in Internet, 10.
[22] Ibid., 12.
[23] PCSC, Church and Internet, 5.
[24] Vat II, IM, 4.
[25] PCSC, Ethics in Communication, 4.
[26] Xem Plato, Laws, trans. and ed. Jowet J. Benjamin, Dialogues of Plato, Bk. II (Oxford: Clarendon Press, 1954), 654.
[27] Pius XII, MP, 57.
[28] Ibid., 61.
[29] Benedict XVI, “Message for the 40th World Communications Day 2006,” The Media: A Network for Communication, Communion and Cooperation, 4.
[30] PCSC, Church and Internet, 7.
[31] PCSC, Church and Internet, 7.
[32] Pius XII, MP, 71.
[33] PCSC, Ethics in Communication, 1.
[34] Charles M. Shelton, Morality and the Adolescent: A Pastoral Psychology Approach (New York: Cross Road, 1989), 75.
 
Đức Thánh Cha chào mừng Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II
LM Trần Đức Anh, OP
20:17 08/05/2008
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 chào mừng Đức Tổng thượng phụ Kerekin II của Giáo Hội Arméni Tông Truyền, và cầu xin Chúa giúp các tín hữu Công Giáo và Arméni tăng trưởng trong sự hiệp nhất, trong mối liên hệ thánh thiêng: tin cậy mến.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây sáng 7-5-2008, trong buổi chào đón Đức Tổng Thượng Phụ và phái đoàn 18 GM tháp tùng, đến viếng thăm chính thức tại Tòa Thánh.

Tại thềm đền thờ Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung, khi Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II được ĐHY Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, hướng dẫn tiến ra Quảng trường, ĐTC đã bước xuống chào đón vị thượng khách và nói rằng: ”Tôi cầu nguyện để Ánh sáng của Chúa Thánh Linh soi sáng cuộc hành hương của Đức Tổng Thượng Phụ tại mộ Thánh Phêrô và Phaolô, cũng như cuộc gặp gỡ quan trọng mà ngài sẽ thực hiện tại đây, và cuộc hội kiến riêng của chúng ta. Tôi cũng xin tất cả những người hiện diện ở đây cầu xin Chúa chúc lành cho cuộc viếng thăm của Đức Tổng Thượng Phụ”.

ĐTC không quên cám ơn Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II vì sự dấn thân đại kết giữa Giáo Hội Arméni và Giáo Hội Công Giáo.

Đức Karekin II năm nay 57 tuổi (1951). Khi còn là một LM trẻ, ngài du học tại Đức và Nga, thụ phong GM năm 1992, và được bầu làm vi Tổng thượng phụ thứ 132 của Giáo Hội Arméni Tông truyền hồi tháng 11 năm 1999, sau khi Đức Tổng Thượng Phụ Karekin I qua đời.

Đức Tổng Thượng Phụ cám ơn ĐTC vì sự tiếp đón nồng nhiệt và ngài nói đến sự dấn thân chung cho hòa bình. Ngài cũng tái lên án cuộc diệt chủng mà dân tộc Arméni đã phải chịu do Nhà Nước Thổ Nhĩ kỳ gây ra hồi năm 1915 đồng thời nói rằng trong tình thế hiện nay của thế giới bị nạn khủng bố đe dọa, sự dấn thân xây dựng hiệp nhất và thực thi liên đới là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

Sáng thứ sáu 9-5-2008, ĐTC sẽ tiếp và hội kiến với Đức Karekin II và hai vị sẽ chủ sự buổi Phụng vụ Lời Chúa trước sự hiện diện của các GM và 75 tín hữu thuộc đoàn tùy tùng. (SD 7-5-2008)
 
Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất
Linh Tiến Khải
20:18 08/05/2008
Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất

Sáng thứ tư 7-5-2008 đã có hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ cũng có các đoàn hành hương Đông Âu như Hungari và Croat. Từ Á châu có các nhóm hành hương Ấn Độ, Indonesia và Đại Hàn.

Trong các khách cấp cao hiện diện đặc biệt có Đức thượng Phụ Karekin II Giáo Chủ Giáo Hội Armeni Tông Truyền toàn thế giới đang hướng dẫn phái đoàn viếng thăm Tòa Thánh. Buổi tiếp kiến đã bắt đầu bằng lời chào mừng Đức Thượng Phụ và phái đoàn.

Vì đang trong tuần cửu nhật chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về Chúa Thánh Thần như là tình bác ái vĩnh cửu và mối dây hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và mọi người trong cộng đoàn Giáo Hội khắp thế giới. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, như anh chị em thấy, hiện diện giữa chúng ta hôm nay có Đức Katholicos Karekin II Thượng Phụ Giáo Chủ mọi tín hữu Armeni và phái đoàn đặc biệt. Tôi xin lần nữa bầy tỏ niềm vui được tiếp đón Người sáng nay: sự hiện diện của Người hôm nay làm sống dậy niềm hy vọng vào sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các tín hữu Kitô. Tôi cũng xin nhân dịp này cám ơn Người về sự tiếp đón dễ thương đã dành cho Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mới đây tại Armeni. Tôi cũng vui sướng nhắc lại chuyến viếng thăm không thể quên được của Đức Thượng Phụ tại Roma hồi năm 2000, sau khi Người được bầu làm Thượng Phụ. Vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Gioan Phaolo II đã trao tặng Người một thánh tích của thánh Gregorio Vị Sáng Soi và sau đó đi thăm đáp lễ Người bên Armenia.

Giáo Hội Armeni Tông Truyền nổi tiếng dấn thân cho cuộc đối thoại đại kết và tôi chắc chắn rằng cả chuyến viếng thăm lần này của Đức Thượng Phụ cũng góp phần củng cố các tương quan thân hữu huynh đệ nối kết các Giáo Hội của chúng ta. Các ngày chuẩn bị mừng lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống khích lệ chúng ta làm sống dậy niềm tin cậy vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để tiến tới trên con đường đại kết. Chúng ta xác tín rằng Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong việc kiếm tìm sự hiệp nhất, vì Thần Khí của Người hoạt động không mệt mỏi để nâng đỡ các cố gắng của chúng ta hướng tới việc thắng vượt mọi chia rẽ và khâu lại mọi vết rách trong cơ phận sống động của Giáo Hội.

Đó chính là điều Chúa Giêsu hứa với các môn đệ những ngày cuối cùng trong sứ mệnh trần gian của Ngài, như chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin Mừng: Ngài bảo đảm với các vị sự trợ giúp của Thánh Thần, Ngài sẽ gửi đến để tiếp tục làm cho các vị cảm nhận được sự hiện diện của Ngài (x. Ga 14,16-17). Lời hứa ấy trở thành sự thật khi Chúa Giêsu vào trong Nhà Tiệc Ly sau khi sống lại, và chào các môn đệ với các lời sau đây: ”Bằng an cho các con, và Ngài thổi hơi trên các ông và nói: ”Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Ngài cho các ông quyền tha tội. Như thế ở đây Thánh Thần hiện ra như là sức mạnh của việc tha tội, của việc canh tân con tim và cuộc sống của chúng ta, và như thế Người canh tân trái đất và tạo dựng sự hiệp nhất ở nơi đâu có chia rẽ.

Rồi trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thánh Thần tỏ lộ ra qua các dấu chỉ khác: qua dấu chỉ của gió mạnh, của các lưỡi lửa và các Tông Đồ nói tất cả mọi thứ tiếng. Đây là một dấu chỉ mà sự phân tán bên Babilonia, hậu qủa của sự kiêu căng phân rẽ con người, đã được thắng vượt trong Thánh Thần, là tình bác ái trao ban hiệp nhất trong sự khác biệt. Ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống của mình Giáo Hội nói mọi thứ tiếng - nhờ sức mạnh của Thánh Thần và nhờ các lưỡi lửa - và Giáo Hội sống trong tất cả mọi nền văn hóa, không phá hủy gì trong các ơn và các đặc sủng khác nhau, nhưng thâu tóm tất cả vào trong một sự hiệp nhất mới mẻ và lớn lao hòa giải: hiệp nhất trong đa dạng.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thánh Thần là tình bác ái yêu thương, là mối dây sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, kết hiệp các người tản mác với sức mạnh của mình trong tình bác ái của Thiên Chúa, và như thế tạo ra cộng đoàn Giáo Hội to lớn và đa dạng trên toàn thế giới này.

Trong những ngày sau lễ Chúa lên trời cho đến Chúa Nhật Ngũ Tuần, các môn đệ đã cùng với Mẹ Maria tụ họp trong Nhà Tiệc Ly để cầu nguyện. Các vị biết là không thể tạo ra tổ chức Giáo Hội: Giáo Hội phải sinh ra và được tổ chức do sáng kiến của Thiên Chúa. Nó không phải là một thụ tạo mới, mà là một ơn của Thiên Chúa. Và chỉ như thế Giáo Hội mới tạo ra cả sự hiệp nhất, một sự hiệp nhất phải lớn lên. Giáo Hội trong mọi thời, đặc biệt là trong 9 ngày giữa lễ Thăng Thiên và lễ Hiện Xuống, hiệp nhất tinh thần trong Nhà Tiệc Ly với các Tông Đồ và Đức Maria để liên lỉ khẩn nài Thánh Thần xuống. Được làn gió mạnh của Người thổi Giáo Hội sẽ có khả năng loan báo Tin Mừng cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Từ đó Đức Thánh Cha đưa ra lời khích lệ như sau:

Vì đó tại sao trước các khó khăn và chia rẽ, các tín hữu Kitô không thể chịu trận cũng không thể nhượng bộ sự ngã lòng. Điều Chúa xin chúng ta đó là kiên trì trong cầu nguyện để duy trì sống động ngọn lửa lòng tin, lòng cậy, lòng mến, dưỡng nuôi ước mong hiệp nhất trọn vẹn. Ước chi chúng ta nên một như Chúa nói. Lời mời gọi đó của Chúa Kitô luôn vang vọng trong tim chúng ta. lời mời gọi mà tôi đã có dịp gióng lên trong chuyến tông du Hoa Kỳ, trong đó tôi đã nói lời cầu nguyện là trung tâm của phong trào đại kết.

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Trong thời đại toàn cầu hiện nay, cùng với sự phân hóa, nếu không có lời cầu nguyện thì các cơ cấu, các tổ chức và chương trình đại kết sẽ không có con tim và linh hồn của chúng. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì các kết qủa đã đạt được trong cuộc đối thoại đại kết nhờ hoạt động của Thánh Thần: chúng ta hãy ngoan ngoãn lắng nghe tiếng nói của Ngài, để cho con tim của chúng ta được tràn đầy hy vọng, không ngừng rong ruổi trên con đường dẫn tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả mọi môn đệ Chúa Kitô.

Trong thư gửi tín hữu Galat thánh Phaolô nhắc lại rằng ”hoa trái của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Đó là các ơn của Chúa mà hôm nay chúng ta cũng khẩn nài cho mọi Kitô hữu, để trong việc phục vụ chung và quảng đại đối với Tin Mừng trên thế giới họ có thể là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chúng ta hãy tin tưởng hướng nhìn lên Đức Maria, Đền thánh của Thánh Thần và qua Mẹ chúng ta cầu xin: lậy Thánh Thần xin hãy đến tràn đầy con tim của tín hữu và đốt lên ngọn lửa tình yêu của Chúa. Amen.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Craot và Ý trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phèp lành tòa thánh cho mọi người.
 
Top Stories
Many new U.S. priests are in their 30s and foreign-born, study says
Catholic News Service
13:21 08/05/2008
WASHINGTON (CNS) -- The age and nationality of many of the new priests to be ordained in the United States this year continues a trend of recent years as more foreign-born men in their mid-30s are entering the priesthood.

The average age for this year's ordinands is 36 for diocesan priests and 39 for priests joining religious orders. About 30 percent of new priests are between 25 and 29 years of age and about 39 percent are in their 30s, according to a national study.

The annual survey of new priests is conducted by the Center for Applied Research in the Apostolate at Georgetown University. The survey was initially developed in 1998 by the U.S. bishops' Secretariat for Vocations and Priestly Formation. Two years ago, CARA began conducting the survey for the U.S. bishops.

The study of the ordination class of 2008 shows that one-third of this year's new priests were born outside the United States. The largest numbers are from Mexico, Vietnam, Poland and the Philippines. The percentage of foreign-born ordinands is nearly the same this year as last year (32 percent compared to 31 percent), but is a significant increase from the 22 percent in 1999.

Of this year's 401 ordinands, 335 responded to the CARA survey; they included 242 ordinands to the diocesan priesthood and 77 ordinands to religious orders. Another 16 ordinands did not specify whether they were being ordained diocesan or religious-order priests.

The report found that most ordinands have been Catholic since birth, although close to one in 10 became Catholic later in life. Fifty-one percent of the respondents attended a Catholic elementary school, similar to 49 percent of U.S. Catholic adults. Ordinands are somewhat more likely to have attended a Catholic high school and they are much more likely to have attended a Catholic college. They were also predominantly active in parish ministries before entering the seminary.

The youngest ordinand in this year's class is 25 and the oldest is 76. Five ordinands are 65 or older.

Among those who became Catholic later in life, the average age at their conversion was 20. Ordinands who came from another faith tradition or denomination are about evenly divided among mainline Protestant traditions, evangelical or conservative Protestant traditions and those raised without a faith tradition. Three ordinands converted to Catholicism from Judaism.

Deacon Brandon Jones, a transitional deacon for the Diocese of Charlotte, N.C., who will be ordained a priest in June, grew up as a Southern Baptist with his twin brother, Chandler. The Rev. Chandler Jones is now an Anglican minister.

The ordination class of 2008 reflects a wide variety of ages and experiences. Among the ordinands are a widower who is a former dean of the University of Notre Dame Law School; a former U.S. Marine officer and engineer for Texaco; and a former Walt Disney programmer, project manager and systems analyst.

The Archdiocese of Chicago will ordain 11 men, each 38 or younger.

This year the Diocese of Rockford, Ill., will ordain seven men ranging in age from 27 to 42. The Diocese of Saginaw, Mich., will ordain four men, the most since 1982. In the Archdiocese of Philadelphia, the three men being ordained are all in their 20s.

"We are blessed with the enthusiasm the newly ordained will bring to the mission of the church," said Boston Cardinal Sean P. O'Malley, chairman of the bishops' Committee on Clergy, Consecrated Life and Vocations. "We pray that through their good work and example more men will generously respond to the Lord's call to serve as priests."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thanh Hóa khai sinh hội Thầy Thuốc Samaritanô
Nhật Vy
10:53 08/05/2008
THANH HOÁ KHAI SINH HỘI THẦY THUỐC SAMARITANÔ

ĐỘNG LÒNG TRẮC ẨN

Tại Nazareth, Chúa Giêsu đã làm nghề thợ mộc cùng vớ?i thánh Giuse, cha nuôi Ngài. Điều đó có nghĩa Ngài đã thánh hoá cuộc sống bằng một nghề nghiệp cụ thể. Đây cũng là đường hướng mục vụ của Giáo Hội: các phong trào, đoàn thể được sáng lập để giúp Kitô hữu sống đạo bằng chính cuộc đời cá biệt của mình.

Theo tinh thần đó, hội THẦY THUỐC SAMARITANÔ đã được Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh chính thức thành lập ngày 07.05.2008, với mục đích tạo điều kiện cho giới Y Bác sĩ sống đạo trong nghành nghề chuyên môn của mình. Ngoài ra, với tư cách đoàn thể của Giáo phận, họ có sứ mệnh cứu giúp bệnh nhân v à người đau khổ, khuyết tật như một cánh tay nhân ái của Mục tử Giáo phận. Ý tưởng đặt tên Hội là Samaritanô được rút ra từ Tin Mừng Luca 10,19-27. Xuyên qua đó, thành viên của Hội đựơc mời gọi hun đúc con tim biết trắc ẩn như người Samari nhân lành trong câu chuyện. Một cách cụ thể, hoạt động của Hội sẽ là khám, chữa bệnh cho người nghèo trong điều kiện cho phép.

MỘT CÔNG TRÌNH HỢP TÁC VÌ NGƯỜI NGHÈO

Từ 9h sáng, hơn 30 hội viên, gồm các Thạc sĩ, Bác sĩi, Y sĩ, Y tá đã tề tựu về Toà Giám mục để tham dự lễ ra mắt của Hội. Thành phần chủ lực là giáo dân, ngoài ra còn có cả các Y Bác sĩ nữ tu, Ứng sinh và cả những lương dân. Anh Lê Xuân Khôi- mộ?t y sĩ đa khoa, không cùng tôn giáo đã cho biết: “Tôi muốn đem chút thiện ý của mình để đóng góp với Hội, để có điều kiện đi đến và giúp đỡ những người nghèo. Ngoài ra, tôi còn muốn giao lưu với các thành viên để học hỏi thêm những kinh nghiệm cho sự nghiệp và y đức của mình”. Và y tá Vũ Thị Xinh- giáo xứ Bạch Câu đã tâm sự: “Tuy mới ngày đầu thành lập, nhưng em đã ước mơ sau này Hội sẽ sản sinh những nhóm cấp giáo hạt, để khám chữa bệnh thường xuyên tại các giáo xứ, nhất là thành lập được những tủ thuố?c từ thiện, để cấp phát thuốc đúng đối tượng. Có những giáo xứ đã có tủ thuốc, nhưng nhữ?ng thứ thuốc cần thiết như: cảm cúm, sốt phát ban, thuỷ đậu, ho viêm họng và tiêu chảy…vẫn còn thiếu nhiều. Dù cảm thấy khả năng mình chưa phù hợp với công tác của Hội, nhưng em rất muốn tham gia để làm một chút gì đó cho các bệnh nhân nghèo, em muốn bắt chước gương của Chúa Kitô trong đời phục vụ”.

Thành phần khách mời gồm linh mục đoàn của Giáo phận vừa bế mạc tuần tĩnh tâm tháng 05.2008, các đại chủng sinh đang giúp xứ, đại diện Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá. Tất cả đều phấn khở?i chào mừng sự ra đời của một đoàn thể mới trong Giáo phận.

TIẾNG GỌI CỦA LÒNG NHÂN ÁI

Đức Cha Giuse đã ân cần giải thích việc dấn thân của Hội: “Đạo Chúa Giêsu là đạo 'nhập thể'. Đức Giêsu đã xuống thế, đi vào lòng đời, đi vào lòng người để phục vụ. Chúng ta theo Ngài vào đời với hành trang sẵn có trong tay, sẵn sàng phục vụ với nén bạc Chúa trao không so đo tính toán, để thánh hoá cuộc đời mọi người và của chính chúng ta, với tôn chỉ chính yếu là 'sống đức tin bằng nghề nghiệp', để giúp đỡ các đối tưuợng ưu tiên của Tin Mừng là người nghèo và khuyết tật”.

Ngài cũng bày tỏ mối lo âu về những hoạt động ban đầu của Hội, do tính cách còn mới mẻ, nên thành viên trong Hội chưa hề có kinh nghiệm hoạt động. Ngài kêu gọi mọi người hãy đem hết tâm lực xây dựng Hội và can đảm vượt qua giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”. Ngài nói: “Dù bận rộn đến đâu đi nữa, chúng ta cũng hãy cố dành cho hoạt động nhân ái của chúng ta mộ?t phần thời giờ quý báu của chúng ta”.

Phương thức hoạt động của Hội: Hoàn toàn từ thiện và miễn phí. Đối tượng phục vụ: Tất cả mọi người, không phân biệt lương, giáo. Ưu tiên cho người nghèo, tàn tật và nạn nhân của các thảm hoạ.

Lễ ra mắt tuy đơn giản nhưng đầy đủ các tiết mục: Bá cáo quá trình thành lập, giới thiệu khách mời và hội viên, quyết tâm của đại diện hội viên. Chương trình được chia đôi bằng bữa tiệc liên hoan do quý hội chiêu đãi. Buổi chiều, Hội đã dành thời giờ để thảo luận về những đợt xuất quân sắp tới. Ngày ra mắt được kết thúc bằng những phút cầu nguyện và phép lành của Vị cha chung Giáo phận.

THÊM MỘT BÔNG HOA

Hội thầy thuốc ra đời, vườn hoa Giáo phận điểm thêm một màu sắc mới. Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho Hội được luôn bền vững và phát triển trong tinh thần Phúc Âm, làm thế nào để, như lời của Đức Cha Giuse, chúng ta có “một đội quân áo trắng với cây thập giá đỏ, luôn hiện diện trên mọi nẻo đường của xứ Thanh, làm cho bộ mặt của Thanh Hoá ngày càng nhân ái hơn, dạt dào tình người hơn”.

Hội cũng rất hân hạnh được đón nhận mọi sự hợp tác, tài trợ của ân nhân xa gần, của tất cả những ai muốn dùng bàn tay của Hội để tặng quà, thuốc men, dụng cụ y tế cho người nghèo và khuyết tật. Mọi liên lạc xin gởi về linh mục đồng hành của Hội:

Linh mục Tôma Lê Xuân Khấn

Nhà thờ Đa Minh

Quảng Long, Quảng Xương, Thanh Hoá, Việt Nam

Tel: (0)373.676.808. Cell: (0)913.269.203.

Email: khanthvn@yahoo.com
 
Đức TGM Hà Nội khuyên chủng sinh can đảm sống trong Thần Chân Lí
Nguyễn Xuân Trường
10:55 08/05/2008
HÀ NỘI -- "Các con hãy sống gắn bó với Chúa Kitô - Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúa Giêsu Kitô đã sẵn hi sinh mạng sống để làm chứng cho Chân Lí. Vì thế, noi gương Ngài, các con cũng hãy can đảm sống và bảo vệ Chân Lí". Đó là nội dung bài huấn dụ của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt dành cho chủng sinh đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội chiều ngày 5.5.2008.

Phần đầu buổi huấn dụ, Đức Tổng Giám mục kêu mời chủng sinh học tập đức tính can đảm của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI qua các chuyến viếng thăm của Ngài. Trong chuyến thăm Hoa Kì vừa qua, Đức Thánh cha đã can đảm nhìn nhận những lỗi lầm trong Giáo hội khi ngài thẳng thắn đề cập tới vấn đề nóng bỏng và nhức nhối: vấn đề giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em; trong chuyến viếng thăm Đức, Đức Thánh cha đã can đảm đề cập đến vấn đề cấm kị không ai dám công khai nhắc đến, đó là nạn bạo lực nơi Hồi giáo, để rồi mở ra tiến trình đối thoại giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Sau đó, Đức Thánh cha cũng đã can đảm vượt qua những lời đe dọa ám sát để tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ để đề cập thẳng thắn quyền tự do tôn giáo và lương tâm ngay tại một đất nước Hồi giáo.

Qua các chuyến viếng thăm, Đức Thánh cha đã cho mọi người thấy Ngài là một nhân cách lớn. Ngài luôn can đảm không sợ hãi, thẳng thắn nói và bênh vực sự thật. Ngài là con người tự do. Có những chế độ và những con người không dám nói lên sự thật vì họ sợ, sợ mất quyền chức, danh lợi, uy tín… sợ mất lòng người khác và nhất là sợ mất mạng sống. Khi sự thật được tỏ lộ thì sẽ mở ra những chân trời mới. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Bao lâu còn sống trong gian dối, con người còn bị trói buộc miệng lưỡi, trói buộc tâm hồn. Vì bị trói buộc, con người đánh mất khả năng sáng tạo, tâm trí họ chỉ còn chăm chú tìm cách che giấu sự thật.

Qua hình ảnh của Đức Thánh cha, Đức Tổng thúc giục chủng sinh can đảm sống làm chứng cho sự thật. Và để thực hiện được lí tưởng đó, cách tốt nhất là chủng sinh cần sống gắn bó với Chúa Giêsu- Đấng là Sự Thật. Chủng sinh cần sống dưới ánh mắt của Thiên Chúa, sống với niềm xác tín mãnh liệt trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa biết mọi sự, chúng ta không thể che giấu Thiên Chúa bất cứ điều gì.

Sáng ngày 6.5.2008, tại nguyện đường Đại chủng viện, Đức Tổng Giám mục đã chủ sự thánh lễ cho các chủng sinh. Cha giám đốc Laurensô Chu Văn Minh, cha phó giám đốc, cha linh hướng, cha đặc trách sinh hoạt và một số cha giáo cùng đồng tế với ngài.

Trong bài giảng, Đức Tổng đã nhấn mạnh đến việc sống theo Thần Khí, bởi vì "Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an" (Rm 8,6). Sống theo Thần Khí là hoàn thành những sứ mệnh Thiên Chúa trao ban. Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh cứu độ nhân loại bằng cái chết cứu chuộc của Ngài. Qua cái chết ấy, Đức Giêsu đã tỏ lộ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: một Thiên Chúa là Cha yêu thương đến cùng. Chúa Giêsu cũng tha thiết ước mong các môn đệ của Ngài yêu thương nhau như Ngài đã yêu họ, nghĩa là yêu thương trong chân lí, trong sự thật. Chính Chúa Giêsu và Lời của Ngài là nền tảng vững chắc nhất và là tiêu chuẩn để chúng ta dựa vào mà khám phá ra sự thật và sống theo sự thật đó.

Đang trong tuần cửu nhật kính Chúa Thánh Thần, Đức Tổng nhắc nhở chủng sinh ý thức đời sống thiêng liêng là đời sống thuộc về Chúa Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi hoạt động và làm biến đổi mỗi chủng sinh. Người ta không nhìn thấy Chúa Thánh Thần, nhưng người ta dễ dàng nhận ra hoa trái của Thần Khí Thiên Chúa trổ sinh trong cuộc đời mỗi người, đó là hoa trái của vui mừng, bình an, tiết độ, tự chủ... và hoa trái lớn nhất là yêu thương.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn can đảm và khôn ngoan cho mỗi người để chúng ta có thể làm bừng cháy lên ngọn lửa tin yêu trong cuộc đời mình. Nhờ ngọn lửa ấy, chúng ta mới có đủ nghị lực sống làm chứng cho chân lí.
 
Tổng kết niên học 2007-2008 tại ĐCV Hà Nội
Đinh Sơn
11:27 08/05/2008
HÀ NỘI - Hồi 9 giờ sáng 07/05/2008 buổi họp tổng kết niên học 2007- 2008 của Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội đã diễn ra tại hội trường chính của nhà trường.

Tham dự buổi họp có Đức Tổng Giam Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Quí cha Tổng Đại Diện Giáo Phận Hưng Hóa, Phát Diệm cùng Quí cha trong ban Giám Đốc và Giáo Sư của Đại Chủng Viện.

Sau lời chào mừng của cha Giám Đốc Laurensô Chu Văn Minh, Đức Tổng Giám Mục Giuse đã long trọng khai mạc phiên họp. Ngài nói: "Trong những năm qua, Bề trên các giáo phận đã dành những gì tốt đẹp nhất cho ĐCV. ĐCV cũng đã được những cha giáo có khả năng và uy tín trên khắp nước giúp đỡ trong việc dậy dỗ, tuy nhiên nhân sự thường trực tại ĐCV vẫn còn thiếu thốn, các cha đồng hành với chủng sinh còn quá ít. Chính vì thế qua buổi họp hôm nay, chúng ta sẽ có dịp nhìn lại sinh hoạt tại ĐCV trong một năm qua để phát huy thêm những thành quả đồng thởi khắc phục những thiếu sót hầu công việc đào tạo chủng sinh ngày một tốt đẹp hơn nhằm đóng góp cho Giáo hội những con người xứng đáng hơn…"

Phần một của buổi tổng kết xoay quanh bốn phương diện đào tạo linh mục theo Tông huấn Pastores Dabo Vobis: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, do các cha chuyên trách trình bày.

Phần hai thảo luận về cơ sở và nhân sự cho năm học mới 2008-2009. Theo tin cho biết thì niên học mới, khu nhà cải tạo tại Cổ Nhuế sẽ chính thức đưa vào sử dụng và đón nhận 150 thầy thuộc 2 lớp Triết- học và năm Tu đức.

Sau hơn 1giờ thảo luận sôi nổi về những vấn đề nổi cộm trong việc đào tạo, Đức Tổng Giám Mục Giuse đã đúc kết và bổ nhiệm cha Phêrô Đặng Xuân Thành vào chức vụ Giám học, cha Giuse Dương Hữu Tình làm khoa trưởng phân khoa triết tại cơ sở Cổ Nhuế...

Buổi họp đã kết thúc vào lúc 12g cùng ngày.
 
Các em lớp 11 Giáo lý giáo xứ La Vang Portland, Oregon lãnh bí tích Thêm Sức
Phan Hoàng Phú Quý
11:41 08/05/2008
PORTLAND, Oregon - Chúa Nhật 04-5-08, lúc 4 giờ chiều, Đức Giám Mục Kenneth Steiner phụ tá Tổng Giám Mục Portland đã chủ sự Thánh lễ Ban Bí Tích Thêm Sức cho 75 em lóp 11 giáo lý, tại Nhà Thờ Đức Mẹ La Vang. Có trên 500 giáo dân tham dự thánh lễ để cầu nguyện và chào đón các em nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức, Quý Cha Mẹ Đở Đầu, Quý Linh Muc và Đức Cha Chủ Tế tiến vào Cung Thánh.

Bài đọc thứ nhất: Khi đến ngày lể Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bổng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đày cà căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Ròi họ thấy xuất hiên những hình lưỡi going như lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người một, và ai nấy đều được tràn đày ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

Bài đọc thứ hai:, Không ai có thể nói rằng: Đức Giê Su là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.

Trong bài Tin Mừng có đoạn chép rằng: Vào chiều ngaỳ ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kính, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Chúa Giê Su đến đứng giữa các ông mà nói: ‘ Bình An Cho anh Em’ Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được nhìn thấy Chúa. Người lại nói: ‘Bình An cho Anh Em’! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘ Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. ’

Trong phần giảng huấn Đức Giám Mục đã gợi ý để các em nêu lên những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, một trong những ân huệ quan trọng nhất đó là Hồng Ân Cứu Độ. Chính Chúa đã hạ sanh nơi nghèo khó, chịu cực hình và chết trên Thập Giá, để cho chúng ta được sống lại với Ngài.

Để chuẩn bị tâm hòn đón Chúa Thánh Thần tất cả cùng hát kinh Càu Xin Chúa Ngôi Ba:

Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm, soi lòng con đây u mê tối tăm.
Hộ giúp con cầm trí cầu xin nên, mỡ miệng cao rao thánh danh Người luôn
Thêm sức cho con phá tan chước ma,xua đàn Satan quân ra rất xa.
Nhờ Chúa bênh vực dẫn đàng chỉ huy.
Để con được yên trí không sợ nguy. A-men.


Tiếp theo đó Đức Giám Mục đã lần lượt đặt tay và xức dầu lên đàu các em để ban Bí Tích Thêm Sức, Ngài nói: My dear friends, in baptism God our Father gave the new birth of internal life to his chosen sons and daughters.Let us pray to our Father that he will pour out the Holy Spirit to strengthen his sons and daughters with his gifts and anoint them to be more like Christ the Son of God."

Một em đại diện lớp 11 giáo lý đã dâng lời càu nguyện với tâm tình như sau: Lạy Chúa,qua Bí Tích Thêm Sức chúng con vừa lãnh nhận,xin cho chúng con được tràn đày sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để chúng con biết hăng hái và can đãm sống đức tin và làm chứng nhân cho thời đại chúng con.

Sau cùng đại diện phụ huynh và đại diện các em đã ngỏ lời cảm ơn Đức Giám Mục,Quý cha đồng tế đã hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện và ban Bí Tích Thêm Sức cho các em. Phụ huynh và học sinh củng xin ghi ơn quý cha,quý thầy cô đã cộng tác trong việc giãng dạy con em trong suốt 11 năm qua, để giờ đây các em được trưởng thành trong đức tin, sẳn sàng dấn thân phục vụ cộng đoàn Dân Chúa.

Khi con nghe tiếng kêu mời gọi con đi gieo niềm tin mới.
Con nay như thấy ngỡ ngàng vì Chúa đã đoái thương chọn con.
Rồi một ngày Thánh Thần Chúa đã đến thánh hiến con cho Ngài
Sai con đi khắp mọi nơi,rắc gieo tin vui cho muôn người
.

Thánh lễ được kết thúc sau phép lành của Đức Giám Mục, mọi người được mời ở lại chụp hình lưu niệm và dự tiệc trà chung vui với các em và gia đình tại Hội Trường Giáo Xứ.
 
Truyền giáo và hội nhập văn hóa tại Paraguay
Lm Trần Xuân Sang, SVD
11:57 08/05/2008
Truyền giáo và hội nhập văn hóa tại Paraguay

Sau những ngày Hội Thảo quốc tế về hội nhập văn hóa, các nhà truyền giáo trẻ chúng tôi đã trở về nhiệm sở để tiếp tục công việc của mình. Mỗi người đều có những trăn trăn trở và thao thức riêng cho hành trình sắp tới.

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến giáo xứ mới tại vùng đất truyền giáo này, biết bao câu hỏi “tại sao” cứ lẩn quẩn trong đầu và nhiều lúc làm tôi khó chịu. Tại sao các nhà truyền giáo ở đây không xây một nhà thờ cho xứng đáng để cử hành thánh lễ? Tại sao không có được một nhà xứ để sau những giờ làm việc mệt nhọc có chổ nghỉ cho linh mục? Tại sao các linh mục lại ăn uống chung với những người thổ dân với những đồ ăn thức uống có vẻ hơi mất vệ sinh? Tại sao và tại sao…? Những câu hỏi “tại sao” đó nhiều lúc đã làm tôi nhục chí và bất mãn với cách làm việc của những bậc đàn anh. Tôi chưa tìm được câu trả lời thích đáng cho đến mãi hôm nay. Những vị thuyết trình viên đầy kinh nghiệm đã giúp tôi giải mã được những thách đố và những vấn đề khúc mắc làm cho tôi am hiểu lí do và an tâm hơn. Có lẽ vì tôi là một nhà truyền giáo quá non nớt và quá năng động nên cứ mong làm chuyện gì cho nhanh, cho hoành tráng để gây một tiếng vang mà không biết nghĩ đến chuyện lâu dài!

Những ngày ở Việt Nam, có dịp tôi ghé thăm các cơ sở truyền giáo của các anh em Dòng Chúa Cứu Thế đang làm việc tại Tây Nguyên, tôi cũng không bằng lòng lắm khi thấy họ dựng Nhà Tạm trong một căn chòi nhỏ rồi mọi người quây quần đọc kinh, chiêm ngắm Thánh Thể. Lúc đó, tôi cũng tự hỏi tại sao các anh em Dòng Chúa Cứu Thế lại để Chúa Giêsu Thánh Thể nghèo nàn và tội nghiệp như vậy! Giờ thì tôi đã hiểu. Chúa không cần ở trong những cung điện nguy nga do con người làm ra mà Chúa cần ở ngay trong tâm hồn của mỗi người.

Có những lúc tôi thật sự ngỡ ngàng và hơi thẹn thùng một tý khi đang dâng thánh lễ và nhìn xuống thấy những bà mẹ trẻ cũng như những bà mẹ già rất tự nhiên vạch ngực cho con bú khi con trẻ khóc dù đó là lúc linh thiêng nhất - linh mục dâng Mình và Máu Thánh Chúa. Hoặc khi linh mục xướng kinh Vinh Danh, kinh Hosana (Thánh, Thánh, Thánh) hay kinh Lạy Cha thì từ già đến trẻ đều nhảy múa và hát vang rất tự nhiên. Tôi được đào tạo khá chính thống và thực hành đạo khá nghiêm túc ngay từ nhỏ nên lúc đầu tôi thấy những biểu hiện như thế này có vẻ “lạc đạo” và “không nghiêm túc” trong thánh lễ. Nhưng đây là nét văn hóa truyền thống của họ mà tôi cần phải chấp nhận và sự chấp nhận ấy đòi hỏi tôi cần có sự tôn trọng với tất cả niềm vui.

Những người ở đây nói với tôi rằng sao thánh lễ của người Công giáo mình đơn điệu và buồn quá, chỉ một mình linh mục làm tất cả còn người tham dự chỉ biết khoanh tay đứng nhìn và thỉnh thoảng đối đáp vài câu, trong khi các nghi lễ của các tôn giáo khác lại rất sinh động và mọi người cùng đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu! Một vài cha xứ cứng nhắc và quá truyền thống, không biết mềm dẻo trong các nhu cầu mục vụ đã tự đánh mất đoàn chiên thân yêu của mình. Tôi cũng đang cố gắng phân định đâu là bản chất chính thống của giáo hội và đâu là nét hội nhập văn hóa trong truyền giáo để làm sao vừa giữ được niềm tin tinh tuyền vừa hợp văn hóa vừa giúp mọi người cảm nhận được Chúa luôn gần gũi, đồng hành và hiện diện với họ thật sự. Điều này không dễ dàng tý nào nếu tôi chưa thật sự đổi mới con người của mình để sống đúng với sứ mạng truyền giáo.

Hậu bầu cử tại Paraguay

Gần một tháng sau ngày bầu cử tổng thống, bầu khí ở Paraguay thay đổi lạ thường. Xung quanh xứ tôi không còn những kẻ say xỉn. Những cuộc thanh toán lẫn nhau cũng giảm bớt. Vị tổng thống đắc cử Fernando Lugo từng là Giám mục của Giáo phận San Pedro đã ngỏ lời xin lỗi Giáo hội về tình trạng giáo luật của mình: “Nếu thái độ và sự bất tuân giáo luật của tôi đã gây ra đau khổ, tôi thành thật xin lỗi Giáo hội, đặc biệt là Đức Thánh Cha Benedicto XVI”. Giáo hội đang tìm các phương thế tốt nhất để giải quyết trường hợp đầu tiên này. Có lẽ đối với người Á châu nói chung, và cách riêng người Việt Nam chúng ta sẽ rất khó chấp nhận việc các giáo sĩ tham gia vào đời sống chính trị. Nhưng quả thực hầu hết người dân ở đây, kể cả hàng giáo sĩ, một cách nào đó họ rất thích bàn đến chuyện chính trị.

Tân Tổng thống Fernando Lugo
Những người hay tò mò đặt ra câu hỏi ai sẽ là đệ nhất phu nhân trong ngày đăng quan tổng thống của Fernando Lugo vào ngày 15/8 sắp tới. Dĩ nhiên vị cựu giám mục này vẫn còn độc thân và ông đã giành cái danh dự Đệ Nhất Phu Nhân (La Primera Dama hay The First Lady) cho người chị ruột của mình đã ngoài 60 và cũng sống độc thân như ông. Với người dân ở giáo phận San Pedro mà vị tân tổng thống từng coi sóc, họ đã gọi vị ông là Monseñor Presidente (Đức Cha tổng thống) một cách trìu mến. Công bình mà nói vị cựu giám mục sống rất tốt từ lúc là một chủng sinh cho đến khi nhận chức giám mục năm 1994. Trước những ngày bầu cử, biết bao điều vu khống, trù dập, thậm chí họ còn trương những tấm áp-phích rất lớn với hình của ông đang cầm súng AK và chú thích rằng ông chính là tên khủng bố trong nhóm FARC có trụ sở tại Columbia. Những trò chính trị bỉ ổi của phe đối lập khi đưa một lúc 3 phụ nữ bồng con đến và nói là con của ông. Tuy nhiên, đến nay mọi người đều đã biết đó là những trò lừa bịp và những người từng vu khống, chỉ trích đã xin lỗi ông. Với tư cách là một vị tổng thống đắc cử, ông đã tha thứ tất cả và kêu gọi mọi người, mọi đảng phái cùng nhau xây dựng đất nước. Trong thời gian chuẩn bị nội các cho chính phủ mới, ông cũng đã giải quyết nhiều vấn đề hóc búa cách khôn ngoan mà các vị tổng thống tiền nhiệm của ông không làm được. Đặc biệt, ông đã thi hành đầy đủ nghĩa vụ của một Kitô hữu và rất thiết tha với giáo hội dù ông không còn thi hành thánh chức như một giám mục thuở nào. Người ta nhìn vào vị tân tổng thổng với bộ râu quai nón, với nụ cuời thân thiện, dễ gần gũi, và với đôi xăng-đan mà ông đã từng mang từ thời chủng sinh thì đủ biết ông đã sống giản dị biết chừng nào. Ông từng được mệnh danh là “giám mục của người nghèo” và người ta cũng hy vọng ông cũng sẽ là “tổng thống của người nghèo”.

Trong những ngày vừa qua ông cũng đã về lại thăm cộng đoàn nhà Dòng, nơi ông từng làm việc như là một vị Bề trên dù công việc của một tân tổng thống rất bề bộn. Ông đã chào thăm từng anh em và xin anh em trong Dòng cầu nguyện cho đất nước Paraguay, cho chính phủ mới mà ông sẽ đảm nhận trong những ngày tới. Có thể nhiều người sẽ còn lên án ông là người ham chức, ham quyền mà bỏ đàn chiên để làm chính trị. Có lẽ chuyện đó để Chúa phán xét vì cho đến hiện giờ mọi người ở đây đều coi ông như là một người được Chúa gởi đến để thay đổi đất nước.

Nhiều người nói rằng có lẽ từ đây người Công giáo, đặc biệt là những tu sĩ truyền giáo sẽ được ưu tiên hơn vì tân tổng thống từng là một tu sĩ truyền giáo, đã làm việc ở Uruguay và nhiều nơi khác trên hế giới nên sẽ hiểu tâm trạng và nỗi khổ của sứ vụ truyền giáo. Tuy nhiên, các nhà truyền giáo chúng tôi chẳng mong muốn một đặc ân nào cho chính mình ngoại trừ việc việc thăng tiến con người, và khi quyền và phẩm giá con người được tôn trọng thì công việc truyền giáo coi như đã thành công.

Nghĩ lại những ngày tập tu ở Nhatrang phải trốn chui chốn nhủi khi công an đến khám nhà Dòng vào ban đêm. Có anh em trốn trong vườn chuối bị công an rọi đèn pin và dẫm lên người. Chúng tôi chẳng biết mình phạm tội gì và mãi đến giờ mới hiểu mình phạm “tội đi tu”. 28 anh em chủng sinh chen chúc nhau trong một ngôi nhà ẩm thấp để tập tu. Rồi những năm học Triết, Thần ở Sài Gòn, các anh em chúng tôi với thân phận ở trọ hết nhà này đến nhà khác như nhũng người phiêu bạt. 20 anh em đã nói lời chia tay với nhà Dòng để về lại thế gian và chỉ còn lại 8 anh em hiện đang làm việc ở các nước. Đến giờ này tôi mới nghiệm ra một điều là tất cả những khó khăn, bách hại đó chính Chúa đã chuẩn bị cho hành trình truyền giáo của tôi. Xin tạ ơn Chúa. Có lẽ thời gian tới với vị tổng thống mới từng là tu sĩ truyền giáo sẽ thấu hiểu đời sống của công việc truyền giáo và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để giúp mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Paraguay 8/5/2008
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thiên Chúa: Chân lý tối thượng!
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:09 08/05/2008
Thiên Chúa: Chân lý tối thượng!

(Johannes Duns Scotus: Tractatus de primo principio)


Johannes Duns Scotus, nhà triết học và thần học thời danh thuộc Dòng Thánh Phan-xi-cô, sinh vào khoảng năm 1265 hoặc 1266 tại xứ Tô-cách-lan (Scotland). Từ năm 1300, ông dạy tại đại học Paris và Oxford mãi cho tới năm 1308, tức năm ông qua đời một cách đột ngột và quá sớm tại Köln/Đức quốc. Tuy tuổi đời chưa được cao khi ông phải ra đi vào cõi vĩnh cửu, nhưng Duns Scotus đã để lại cho nhân loại một kho tàng triết học đồ sộ và quý giá. Ngoài hai tác phẩm vĩ đại «Bình luận sách tổng luận về các vấn đề thần học của Lombardus»«Bình luận các tác phẩm của Aristote (Metaphysica, De anima)», còn có các tác phẩm thần học như «Opus Oxoniense», «Reportata Parisiensia»«Quodlibetum», nhưng đặc biệt nhất là tác phẩm sau cùng thuộc siêu hình học «Tractatus de primo principio» (Khảo luận về nguyên lý đệ nhất). Đây là một tác phẩm tóm tắt tất cả những sắp xếp lại các phần chính của giáo trình bình giải của ông về các vấn đề thần học thành một học thuyết về Thiên Chúa thuộc lãnh vực siêu hình học.

Triết và thần học gia thời danh: Johannes Duns Scotus
Vì những công trình khảo cứu và những luận lý sâu sắc uyên bác trong lãnh vực triết học, nhất là giáo trình thần học thời danh của ông về đặc sủng Vô Nhiễm Thai của Đức Maria, nên ngay khi còn sinh thời, Duns Scotus đã được ban tặng tước hiệu «Doctor subtilissimus et marianus» (Vị Tiến sĩ sâu sắc tột bực, vị Tiến sĩ của Mẹ Maria). Án phong chân phước cho ông đã được khởi sự từ năm 1706 và năm 1905. Trong những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các trường phái thần học thuộc Dòng Phan-xi-cô và trường phái Tôma Aquinô, Duns Scotus đã đóng một vai trò rất quan trọng và có một ảnh hưởng mang tầm quyết định, đến nỗi các dư âm của những cuộc tranh luận đó vẫn âm ỉ kéo dài trong bao thế kỷ, mãi cho đến ngay nay.

Sự xác tín của Duns Scotus trong những điểm được đưa ra tranh luận về siêu hình học đáng ghi nhận nhất, người ta có thể nêu ra đây như sau:

• Tất cả mọi hữu thể (kể cả các Thiên thần) đều do chất thể (materia) và mô thể (forma) hợp thành;

• mô thể được coi như là nguyên lý của cá thể hóa, điều mà Duns Scotus gọi là «haecceitas» (cái-đang-thực-hữu);

• sự hiện hữu (Existentia) và hiện hữu tính (Entitas) không tách biệt khỏi nhau một cách thực tiễn;

• đồng nhất tính (Identitas) của yếu tính linh hồn với các khả năng của nó;

• vai trò ưu tiên của ý chí trên trí năng (Voluntarismus);

• thần học là môn khoa học thực hành.

Dĩ nhiên, ở đây người ta cũng có thể nhận thấy rằng điểm bất đồng – mà chính Duns Scotus cũng không nhấn mạnh – với học phái Tôma Aquinô (Thomismus) xem ra không quá to lớn, nếu người ta ghi nhận rằng, chất thể nơi học thuyết phái Tôma cũng có thể mang một ý nghĩa khả tri; hơn nữa ở đây, nguyên lý cá biệt (principe de l’individuation) được áp dụng cho một chất thể không phải chất thể theo đúng nghĩa, nhưng cho «chất thể được chỉ định» (materia signata), tức một chất thể do mô thể cấu thành. Ngoài ra, có sự phân biệt giữa sự hiện hữu của chính hữu thể tính hay yếu tính - tức nguyên nhân chất thể và nguyên nhân mô thể cấu tạo nên sự vật cụ thể - và sự hiện hữu của sự vật cụ thế đó. Tiếp đến, ba khả năng của linh hồn (khả năng sinh trưởng, khả năng cảm giác và khả năng tri thức) có thể mang hai ý nghĩa:

• như là khả năng trong những chức năng nhất định, tức những chức năng đạt tới tác động hữu thể của linh hồn;

• như là những nguyên lý của chính hữu thể hiện thể của con người, chủ thể của mọi chức năng.

Ở đây, tác động sinh trưởng và tác động thuộc cảm tính của hữu thể con người thâm nhập vào trong tác động hữu thể tri thức của con người (tác động tri thức chỉ duy con người mới có) như là một tác động tiềm thể. Hơn nữa, cả đối với Tôma Aquinô, trong phạm vi thực hành, tức khuynh hướng hướng về sự thiện hảo (theo nghĩa tổng quát), ý chí đóng vai trò ưu tiên hơn trí năng. Trong trường hợp này trí năng đóng vai trò trợ giúp ý chí, khi nó giới thiệu cho ý chí sự thiện hảo phải thực hiện bằng hành động. Chỉ trong phạm vi lý thuyết, trí năng mới nắm vai trò chủ động, bởi vì ở đây ý chí trợ giúp cho trí năng, tức khi ý chí mong muốn nhận thức. Nói cách khác, không phải tự bản chất sự thiện hảo, nhưng sự thiện hảo nằm trong sự nhận thức, được hiện thực bởi trí năng.

Trong khoa thần học thực hành, một khoa học nhằm tới Thiên Chúa như là sự thiện hảo tối thượng, ý chí vươn tới sự thiện hảo hay là tình yêu đối với Thiên Chúa, nắm vai trò ưu tiên trước trí năng. Nhưng ngược lại, trong khoa thần học suy lý, tức thần học lý thuyết, và khoa siêu hình học, thì mục đích nhằm tới là Thiên Chúa như là chân lý tối thượng (verum esse, totum esse), do đó trong trường hợp này trí năng nắm vai trò chủ động. Dĩ nhiên, như đã nói, trí năng cũng được động viên bởi tình yêu Thiên Chúa. Trong thực tế, Duns Scotus thực hiện tất cả sự nhận thức do tình yêu sâu đậm đối với Thiên Chúa. Nhưng nơi ông người ta có thể khẳng định được rằng, trong khoa thần bí học, nơi mà sự nhận thức đổi thành sự chiêm ngắm Thiên Chúa trong chân lý và trong sự thiện hảo của Người - và sự nhận thức đó trở nên hình thức cao nhất của «sự thực hành» - trí năng và ý chí cùng đồng hành với nhau như chúng là một trên nền tảng chung của chúng là linh hồn, đến nỗi người ta không thể nói được khả năng nào trổi vượt hơn và có ưu tiên hơn khả năng còn lại.

Một điều không ai phủ nhận được rằng tác phẩm «Khảo luận về nguyên lý đệ nhất» đã chứng minh cho thấy Duns Scotus có một lối suy tư riêng biệt hết sức độc đáo, sâu sắc và tinh tế. Tác phẩm được chia làm bốn chương:

• Trong chương 1-2: trình bày về trật tự của hiện hữu tính. Đây là trật tự tác động trong tất cả mọi hữu thể và tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, nguyên lý đệ nhất; nói cách khác, đó là trật tự theo đẳng cấp: trước và sau, nguyên nhân và hậu quả, cũng như sự ưu tiên hay thứ bậc cao hơn hoặc thấp hơn.

• Trong chương 3-4: từ trật tự hiện hữu tính được trình bày trong chương 1-2, Duns Scotus tìm cách chứng minh trong chương 3-4 về sự hiện hữu, sự duy nhất tính, sự tuyệt hảo và sự vô biên của Thiên Chúa.

Từ quan điểm về nguyên nhân người ta nêu ra nguyên nhân tác động và nguyên nhân mục đích để chứng minh rằng hai nguyên nhân đó thực sự tuỳ thuộc vào nguyên lý đệ nhất và đồng thời cũng chứng minh rằng trong sự vô tận của những nguyên nhân đó thì không hề có sự đi thụt lùi lại từ hậu quả trở về nguyên nhân được, vì đã có sẵn một «trật tự của các nguyên nhân» (ordo causarum). Luận cứ tuyệt vời này mở đầu cho song quan luận, điều mà sau này học thuyết của triết gia Kant sẽ đạt tới, khi ông chấp nhận một chuỗi vô tận các nguyên nhân (các điều kiện đặt ra các điều kiện) trong lãnh vực duy nghiệm. Tuy nhiên, nếu người ta quan sát kỹ thì sẽ thấy rằng chúng chỉ là những sự vật đang chuyển động thông qua nhau (tương tự như những hòn bi của trò chơi Billard), chứ không phải là chuỗi các nguyên nhân của các nguyên nhân, tức chuỗi sẽ rất mau chóng đi đến kết thúc, nghĩa là từ nguyên nhân đệ nhị tiến tới nguyên nhân đệ nhất, như nơi Duns Scotus. Còn nơi Kant, sự vô hạn chỉ thuộc về phạm vi những ý tưởng mà thôi.

Tính cách đặc thù của tác phẩm «Khảo luận về nguyên lý đệ nhất» của Duns Scotus là ở chỗ nó đã được viết ra trong một tâm tình tôn giáo đầy tình yêu mến đối với Thiên Chúa đang hiện diện sống động. Vì thế mỗi chương trong bốn chương đều được bắt đầu bằng một lời cầu nguyện. Chương thứ nhất có liên quan đến một chỗ trong sách Xuất Hành (33,14), nơi Thiên Chúa tự mặc khải tên của Người: «sum qui sum» (Ta là Ta, hay: Ta là Đấng Hiện Hữu). Chương này đã gây ra tranh luận sôi nổi, mặc dù tác phẩm là siêu hình học suy lý, hay đúng hơn là thần học huyền nhiệm (Theologia mystica). Tuy nhiên, đây là một khoa thần bí học được trình bày không quá 50 lập luận minh chứng, vì thế phải gọi là khoa siêu hình học mới đúng; nhưng như đã nói trên, đây là một siêu hình học được thấm đậm tâm tình tôn giáo sâu sắc, tức tình yêu thắm thiết đối với Thiên Chúa. Đàng khác, trong thời trung cồ, người ta đã hiểu câu trong sách Xuất Hành nói trên không có tính cách siêu hình học, hay nói cách khác, Thiên Chúa đã được hiểu như là chính Hữu Thể vậy (Duns Scotus: Tu es verum esse, tu es totum esse).

Tuy vậy, điều đó đã cho thấy một khoa siêu hình học theo kiểu mới; bởi vì cũng giống như đối với tâm tình tôn giáo, Thiên Chúa là đối tượng trực tiếp mà mọi kinh nguyện và sự tôn thờ phải qui hướng về. Do đó, siêu hình học đậm màu sắc tôn giáo của Scotus coi Thiên Chúa là đối tượng xuất phát trực tiếp, chứ không phải là hữu thể như là hữu thể như nơi Tôma Aquinô. Đó cũng là quan điểm của Hồng Y triết gia Nikolaus von Kues, tên thật là Nikolaus Chryffs hay Krebs, (1401-1464). Như thế, không chỉ sự hiện hữu của Thiên Chúa được minh chứng, nhưng còn trình bày việc chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa như một điều nhất thiết do bản thể của Người. Duns Scotus chọn lựa sự chứng minh về Thiên Chúa theo cách diễn dịch của Anselm và vượt lên trên sự phê bình của Tôma chống lại ông. Hơn nữa, bản thể Thiên Chúa, đơn thuần tính, sự trọn hảo tuyệt đối và vô biên tính của Người, được trình bày diễn dịch từ «tính chất đệ nhất» của Người trong trật tự bản thể của tất cả mọi hữu thể qua những dẫn chứng. Mặc dầu, xét về mặt nội dung thì có nhiều điểm hoàn toàn trùng hợp với tác phẩm «Tổng luận thần học» của Tôma Aquinô (phần I, Quaestio 3-14), nhưng sự trình bày lại rất khác biệt trong cách thức hành động như đã ghi nhận. Nơi trường phái Thomisten, việc trình bày lại áp dụng phương pháp qui nạp, nghĩa là đi từ những kinh nghiệm về các sự vật và từ trí năng con người để tiến lên cùng Thiên Chúa, nguyên lý đệ nhất, qua những loại suy, với sự loại suy (tương tự) về hữu thể như là nền tảng. Một phản hưởng khác còn tìm gặp nơi Duns Scotus trong ý niệm về «ưu việt tính» (eminentia). Ý niệm này thuộc về lý thuyết loại suy, nhưng Scotus đã loại bỏ lý thuyết loại suy, do đó cả ý niệm về hữu thể cũng mất ý nghĩa tương tự của nó, để nhường chỗ cho một ý nghĩa đồng nghĩa, với những hậu quả tiếp theo cho môn siêu hình học trong thời đại mới.

__________________

Sách tham khảo:

Johannes Duns Scotus: Abhandlung über das erste Princip (Tratatus de primo principio) Herausgegeben und übersetzt von Wolfgang Kluxen. Wissenschaftliche Buchgesellschaft, Damstadt 1974, 261 Seiten.
 
Những thách đố cho các gia đình Việt Nam trong xã hội Pháp hiện nay
Trần Văn Cảnh
10:49 08/05/2008
NHỮNG THÁCH ÐỐ CHO CÁC GIA ÐÌNH VIỆT NAM TRONG XÃ HỘI PHÁP HIỆN NAY

(Bài gợi ý, nói trong Khóa Hội Thảo thứ 12 của Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành Các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, họp từ 01 đến 04/05/2008, taị La Puye, Poitiers, Pháp)

Người Việt ta, ai cũng xưng mình là dòng dõi Âu Lạc. Âu Lạc là tên của một cặp hôn nhân thủy tổ của dòng giống Việt Nam. Gia đình bởi vậy giữ một vai trò quan trọng trong tiềm thức suy lý, trong sinh hoạt tổ chức và trong sáng tạo ứng xử của mỗi cá nhân và của xã hội Việt Nam. Tinh thần gia đình này được biểu lộ một cách rõ rệt qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ Việt Nam là một ngôn ngữ gia đình. Những thứ bậc, vị trí gia đình, từ cố cụ, ông bà, bác chú, cô dì, cậu mợ, anh chị em, con cháu,...đều đã được xử dụng để gọi thưa, xưng hỏi trong ngôn ngữ thông thường hàng ngày với tất cả mọi người, thân quen hay xa lạ. Văn hóa việt nam là văn hóa gia đình. Nếu Văn hóa việt nam, gốc Âu Lạc, ăn rễ sâu vào Khổng Lão Phật và đặt nặng đời sống tập thể gia đình và tâm linh, thì văn hóa Âu Châu, gốc Hy Lạp, Rô Ma và Kytô lại chú tâm đến cá nhân và vật chất.

Từ những năm 1970, số người việt nam hồi hương hay tỵ nạn ở Pháp càng ngày càng đông. Sau hơn bốn chục năm sống tại Pháp, người việt nam có hội nhập xã hội cao. Ðại đa số có công ăn việc làm. Ða số có nhà cửa. Ða số có con cái học hành tốt. Về vấn đề vật chất có thể nói rằng người việt nam thành công trong xã hội Pháp. Nhưng dưới khía cạnh văn hóa và tâm linh, từ những năm 2000, nhiều vấn đề đã được các cộng đoàn nêu lên, mà vấn đề căn bản là những thách đố. Thách đố xã hội, thách đố văn hóa, thách đố đức tin, thách đố giáo dục, thách đố gia đình…

Cha Tổng Ðại Diện các tuyên úy việt nam bên cạnh Hội Ðồng Giám Mục Pháp HÀ QUANG MINH đã chỉ định tôi gợi ý với Quí Cha và Quí Ông Bà Ðại Diện các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp thảo luận về đề tài: « Những thách đố cho các gia đình việt nam trong xã hội Pháp hiện nay ». Nói khác đi, Ban Tuyên Úy muốn chúng ta chia sẻ và trao đổi với nhau xem: Các gia đình việt nam đang sống tại Pháp hiện nay có gặp những thách đố về gia đình không ? Nếu có, những thách đố đó là những thách đố nào ? Từ đâu mà đến ? Nguyên nhân tại đâu ? căng cương ra sao ? Có thể giải đáp được không ? Giải đáp thế nào ? Trong bài gợi ý này, tôi xin trình bày một số thách đố hiện nay trong xã hội pháp cho các gia đình việt nam và nêu ra một vài giải đáp.

1. Bảy chức năng gia đình theo quan niệm Việt Nam

Tư tưởng việt nam về gia đình đã được cha ông ta tóm tắt và truyền lại cho con cháu qua câu ca dao rằng:

« Vợ chồng là nghĩa tào khang
Chồng hòa vợ thuận, nhà thường yên vui
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no »

Gia đình là một định chế xã hội căn bản, được chuẩn bị bằng nhiều giai đoạn và nghi lễ khác nhau mà nghi lễ quan trọng nhất là lễ cưới, có sự công khai ưng thuận và ký kết trước sự chứng giám của làng xã, giáo xứ, bà con bốn họ. Ðịnh chế gia đình này có nhiều chức năng, mà chính yếu là bảy chức năng đã được gói ghém trong câu ca dao trên.

1a). Tình yêu và tính dục: Gái trai, dẫu có là « gái sắc trai tài » thì cũng vẫn là gái trai. Nhưng nếu được kết hôn, thì sẽ được gọi là vợ chồng. Tên vợ chồng đã được dùng thay cho từ ngữ gái trai. Vợ chồng là sự nối kết giữa hai người nữ nam bằng tình dục và tình yêu, qua hôn nhân, để cùng chung sống với nhau. Vợ chồng, định chế xã hội, cũng gọi là hôn nhân, đã công khai chấp nhận nhu cầu tình yêu và tình dục của một người nam, con trai và một người nữ, con gái. Ðó là chức năng thứ nhất của hôn nhân.

1b). Tương trợ xã hội và chung thủy yêu thương: Vợ chồng là một trong năm đẳng cấp xã hội cổ truyền. Nếu đạo quân thần trọng ở chữ trung, đạo phụ tử nặng ở chữ hiếu, cũng như đạo huynh đệ quí ở chữ đễ và đạo bằng hữu nặng ở chữ tín, thì đạo vợ chồng sâu ở chữ nghĩa. Đó là ý nghĩa của thành ngữ ‘Nghĩa tào khang’. Trong mạch văn ‘Vợ chồng là nghĩa tào khang’, mà vợ chồng là một định chế, chữ ‘nghĩa’ là đức tính căn bản của vợ chồng, đã được dùng để định nghĩa cho hôn nhân. Nó là một tương quan trong năm tương quan: Trung, Hiếu, Nghĩa, Đễ, Tín. Nó là một định chế trong năm định chế: Quân-Thần, Phụ-Tử, Phu-Phụ, Huynh-Đệ, Bằng-Hữu. Chữ ‘nghĩa’ ở đây bao hàm ý nghĩa của một định chế tốt, phải đạo, được xã hội công nhận. « Tào khang » là một từ ngữ rút ra từ câu trả lời của Tống Hoàn Công cho vua Quang Võ. Số là vua Quang Võ có ngưới em gái goá chồng, tên là Hồ Dương công chúa. Bà này đem lòng yêu thương quan Tống Hoàn Công và nhờ anh là vua Quang Võ dạm hỏi, mối mai. Vua Quang Võ bèn kiếm dịp gạ hỏi xem ý Tống Hoàn Công thế nào. Ngày kia, vua hỏi Tống Hoàn Công rằng: ‘Trẫm nghe thiên hạ nói giầu đổi bạn, sang đổi vợ. Vậy ý khanh thế nào? Tống hoàn Công là người có nghĩa, có đức độ và đã có vợ, lấy nhau từ thuở hàn vi, bèn trả lời rằng: ‘Tào khang chi thê bât khả hạ đường, bần tiện chi giao mạc khả vong’, nghĩa là vợ chồng lấy nhau từ lúc khổ cực chẳng nên bỏ, bạn bè kêt giao từ thuở nghèo hèn chẳng nên mất. Tào khang dịch là khổ cực là dịch theo nghĩa bóng. Nghĩa đen ‘tào’ là cái máng, cái chậu cho súc vật ăn, ‘khang’ là cám gạo. ‘Nghĩa tào khang’, như vậy, là môt định chế phải đạo, lấy sự hy sinh, trung tín, chung thuỷ làm đầu. « Nghĩa tào khang » là chức năng thứ hai của hôn nhân, chức năng tương trợ xã hội và chung thủy yêu thương.

1c). Ðiều hòa tình cảm: Gia đình là nơi mà mỗi thành phần có thể chia sẻ tình cảm cho nhau, trút bỏ những căng thẳng nghề nghiệp, những đụng độ xã hội, những cam go cuộc sống, khuyến khích và tăng cường lòng tự tin, đức nhẫn nhục, chí phấn đấu,…để tạo nên cái cảnh: ‘Chồng hoà vợ thuận nhà thường yên vui’: chồng hoà, vợ thuận và gia đình có đạo đức ngũ thường là chức năng thứ ba của gia đình, chức năng điều hòa tình cảm.

1d). Truyền sinh: Gia đình là dụng cụ truyền sinh, là định chế duy nhất trong xã hội được công nhận, để chính thức « Sinh con » nối dõi tông đường. Theo sinh học thì sinh con là việc tự nhiên. Theo tâm lý xã hội học thì sinh con là một nhu cầu truyền sinh để bảo vệ dòng giống. Theo đạo lý Việt Nam thì sinh con là một điều quí, mà ai cũng mong muốn có và có nhiều. Bởi vậy, mới có lời chúc ‘tam đa’, ‘ngũ phúc’ vào dịp cưới hỏi và được lặp lại hằng năm vào dịp tết nhất. Ba cái nhiều ta hằng chúc nhau là ‘đa tử, đa tôn, đa phú quí’, nhiều con, nhiều cháu, nhiều giầu sang. Năm cái phúc ta vẫn mong là ‘phú, quí, thọ, khang, ninh’, giầu có, sang trọng, sống lâu, khoẻ mạnh và bình an. Sinh con là chức năng thứ tư của gia đình, chức năng truyền sinh

1e). Giáo dục và xã hội hóa: Có con là điều tốt, có nhiều con là điều tốt hơn. Nhưng có con thành thân thành người mới là chính yếu quan trọng. Muốn được thế, cha mẹ phải làm sao cho chúng ‘ra’. Chữ ‘ra’ nghĩa thứ nhất là ‘ra khỏi’ như ‘ra khỏi nhà’. Nghĩa thứ hai là ‘trở nên, trở thành, hoá ra’. Chữ ‘ra’ này không gì khác hơn là chữ ‘giáo dục’ mà ta dùng hiện nay. Giáo dục, như chữ ‘ra’, đầu tiên có nghĩa là việc làm cho ta ra khỏi sự tối tăm, dốt nát, non dại, và sau đó đưa ta trở thành thông bác, khôn ngoan, đạo đức. Sinh con là một phúc đức của vợ chồng và giáo dục con thành thân thành người là bổn phận của cha mẹ. Mục tiêu giáo dục con cái mà cha mẹ ở gia đình phải đạt đến là thành thân thành người. « Ra thân ngừời » rõ rệt ám chỉ chức năng thứ năm của gia đình.

1f). Lao động và kinh tế: Nói ‘làm ăn’ là để phân biêt với ‘làm’. Nếu chỉ có ‘làm’ không, thì chữ làm là làm việc, mà đức tính cần cù là căn bản. ‘Làm ăn’ đây, nói theo kiểu ngày nay là hành nghề. Và việc hành nghề phải có lời để kiếm ăn. Chúng ta lưu ý tính cách thiết thực và mục đích cận kề của nó: làm để ăn, hoặc ăn để làm. ‘Làm ăn’ bởi vậy bao hàm tư cách hành nghề, như ‘làm chủ, làm thợ, làm công, làm mướn, làm thuê, làm khoán,...’. ‘Làm ăn’ cũng bao hàm cái nghề mình làm, như ‘làm nông, làm thày, làm thợ, làm quan, làm buôn, làm bán,...’ Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, có bốn ngành kinh tế để cho người ta làm ăn. Đó là làm hành chánh (sĩ), làm canh nông (nông), làm công kỹ nghệ (công), làm thương mại (thương). Trong tổ chức kinh tế tân tiến hiện đại, ngàn vạn nghề khác nhau, cũng qui về bốn ngành nghề căn bản này. Trước nhất là ba lãnh vực kinh tế có tính cách thị trường: nông nghiệp, công nghiệp kỹ nghệ và thương mãi dịch vụ. Thêm một lãnh vực không có tính cách thị trường, đó là công chức hành chánh. Làm ăn ở đây không nhất thiết phải làm nghề gì, nhưng quan trọng là phải đạt được hai chỉ tiêu sau dây: thịnh vượng và ấm no. Chúng ta lưu ý quan niệm quản lý làm ăn rất hiện đại của Việt Nam. Đó là quan niệm quản lý theo mục tiêu. Chỉ tiêu thứ nhất là cho công việc mình làm, xí nghiệp mình điều khiển được thịnh vượng. Chỉ tiêu thứ hai là cho gia đình mình, đời mình đến đời con, có chỗ chi tiêu, có ăn no mặc ấm. Sự phân chia lợi tức cũng đã được phác họa. Tại sao thịnh vượng ấm no lại là một sứ mệnh của gia đình ? Tại vì, nếu không có ăn no mặc ấm, là những nhu cầu tối thiểu để sinh tồn, và nếu không có thịnh vượng để thỏa mãn những đòi hỏi cần thiết khác, thì làm sao có thể có phương tiện để dậy con thành người ? Làm sao có điều kiện thuận lợi để làm cho gia đình được yên vui hạnh phúc ? Thiếu ấm no thịnh vượng, thì định chế gia đình có nhiều nguy hiểm bị suy nhược và tan rã. « Làm ăn thịnh vượng » chỉ rõ chức năng thứ sáu, chức năng lao động kinh tế của gia đình.

1g). Quốc gia dân tộc: Thiếu ấm no thịnh vượng, thì ở mức độ cao hơn, là mức thôn xóm, xã làng, quốc gia, xã hội, thì xã hội nào có nhiều gia đình nghèo đói là xã hội có nhiều nguy hiểm, mà nguy hiểm lớn nhất là bất công, tham nhũng và độc tài. Rồi từ bất công, tham nhũng, độc tài, sinh ra loạn lạc, chiến tranh. Từ bất công, tham nhũng, độc tài, loạn lạc, chiến tranh sinh ra nghèo đói, ngu dân. Phải hiểu cái vòng luẩn quẩn này, thi mới hiểu được tư tưởng khôn ngoan của Việt Nam, đưa ‘(Làm ăn thịnh vượng) đời đời ấm no’ làm chức năng thứ bảy của hôn nhân, chức năng bảo vệ và phát triển quốc gia dân tộc.

Như vậy, qua một câu ca dao vắn gọn, ông bà ta đã truyền lại cho con cháu một quan niệm phong phú về gia đình với bảy chức năng rõ rệt: tình yêu tính dục, tương trợ xã hội trong chung thủy yêu thương, điều hòa tình cảm, truyền sinh, xã hội hóa và giáo dục, lao động kinh tế, quốc gia dân tộc. Quan niệm đời sống gia đình việt nam này có thích hợp trong xã hội Pháp không ?

2. Ba nét độc đáo của đời sống gia đình ở Pháp

Ðời sống gia đình ở Pháp có những dữ kiện chính sau đây:

2a). Về cấu trúc gia đình, bảng thống kê làm vào năm 2005 nêu ra năm cấu trúc: độc thân, một phụ huynh, không con, có con, phức tạp và cho biết chiều tăng giảm, từ 1968 đ ến 1999.

Số gia đình độc thân, đàn ông hay đàn bà, càng ngày càng đông, nhất là đàn bà.: trên 100 đơn vị gia đình, từ 20,2% là độc thân vào năm 1968 đã tăng lên 31, 0% vào năm 1999

Số gia đình một phụ huynh cùng theo một chiều tăng: từ 2,9% (1968) lên 7.4% (1999).
Số gia đình không con cũng tăng, t ừ 21.1% (1968) l ên 24.8% (1999)
Số gia đình có con, ngược lại, lại giảm, từ 36% (1968) trụt xuống 31.5% (1999)
Số các gia đình phức tạp, trong đó có các gia đình tam đại hay tứ đại đồng đường thì lùi rõ rệt, từ 19.8% (1968) tụt xuống còn 5.3% (1999).

2b). Về việc lập gia đình và ly dị, bảng thống kê làm vào tháng giêng 2008 cho biết về số gia đình được lập và số gia đình ly dị, từ năm 1994 đến năm 2007.

Số gia đình được hỏi cưới, từ 261037 vào năm 1994 tăng lên 305385 vào năm 2000 để tụt xuống 274084 vào năm 2006
Số gia đình ly dị, từ 121946 vào năm 1995, cứ từ từ tăng dần hằng năm, lên tới 139147 vào năm 2006.

2c). Về luật pháp và chính sách gia đình. Nước Pháp có một kho luật rất dồi dào về gia đình, từ luật hôn nhân, ly dị, đến quyền cha mẹ, con cái, ăn ở không hỏi cưới,…. đặt căn bản trên công lý và bình đẳng. Thêm vào đó một chính sách gia đình rất nhân bản, đặt nền tảng trên tình huynh đệ, đã lập ra những phụ cấp gia đình, giúp nhiều gia đình thoát cảnh khốn cực.

Tổ chức gia đình ở Pháp, trên căn bản về các chức năng gia đình, không khác lắm đối với quan niệm gia đình việt nam. Bảy chức năng mà người việt nam gắn cho định chế gia đình xem ra được xã hội Pháp công nhận. Sự khác biệt không ở phạm vi chức năng gia đình, nhưng ở cách thực hiện. Vì quan niêm « cá nhân chủ nghĩa », xã hội Pháp dành cho mỗi cá nhân một sụ tự do rất lớn, có thể vượt trên những ràng buộc của tập tục xã hội gia đình. Xã hội Pháp cho phép thanh niên nam nữ tự do tính dục ngoài hôn nhân, cho phép dùng những phương pháp khoa học để điều hòa sinh sản, cho phép rút lại lời giao ước hôn nhân chung thủy bằng ly thân, ly dị, cho phép khế ước sống chung cùng phái tính.

Ngoài ra, nước Pháp, vì là một nước kỹ nghệ và là một nước đã tiếp nhận nhiều sắc tộc ngoại kiều, nhất là những ngoại kiều gốc thuộc địa á phi cũ, thấy giãi bày ra trước mắt một số sự kiện khác về hôn nhân, như hôn nhân dị giáo và dị chủng. Một số vấn đề gia đình cũng gặp những khó khăn, như Uy quyền, uy tín cha mẹ, Giáo dục con cái, Liên lạc, thân tình họ hàng, Hiếu thảo với cha mẹ, Tôn kính ông bà tổ tiên.

Những khác biệt và khó khăn vừa nêu trên có đặt vấn đề và trở thành thách đố cho gia đình việt nam ở Pháp không ? Nhiều người, không chỉ việt nam, xác nhận và bảo rằng đó là những thách đố:

• 1- Tự do tính dục ngoài hôn nhân,
• 2- Dùng thuốc điều hòa sinh sản,
• 3- Ly thân, ly dị,
• 4- Khế ước sống chung cùng phái tính,
• 5- Hôn nhân dị giáo, dị chủng,
• 6- Uy quyền, uy tín cha mẹ bị giảm,
• 7- Giáo dục con cái bị khó khăn,
• 8- Liên lạc, thân tình họ hàng thành lỏng lẻo,
• 9- Hiếu thảo với cha mẹ bị lơ là,
• 10- Tôn kính ông bà tổ tiên bị biếng trễ.

Nguyên nhân khiến chúng trở thành thách đố là vì cái ngôn ngữ rất gia đình là tiếng việt đã bị lơ là. Từ đó, cái cốt lõi của văn hóa việt nam là chữ « HIẾU » cũng lu mờ. Chữ Hiếu không chỉ là cốt lõi của văn hóa gia đình việt nam mà còn là cốt lõi của văn hóa việt nam. Ta có thể bảo: « Người có hiếu chưa hẳn đã là việt nam ». Nhưng « không thể là việt nam, nếu không có hiếu ».

3. Mười thách đố cho các gia đình công giáo việt nam tại Pháp

3a. Ðức Thánh Cha Gioan Phao lô, trong Tông Huấn gia đình, viết vào năm 1981, khi nêu ra những khía cạnh tích cực và tiêu cực của đời sống gia đình hiện nay, đã nhắc đến những sự thoái hóa đáng lo ngại: 1- một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, 2- những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, 3- những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, 4- con số các vụ ly dị gia tăng, 6- vết thương về sự phá thai, 7- việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, 8- việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai. 9- trong các nước thuộc thế giới thứ ba, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản để sống còn, như thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất. 10- Tại các nước giàu có hơn thì ngược lại, người ta quá thoải mái và nặng óc hưởng thụ, nhưng trớ trêu thay sự thoải mái và óc hưởng thụ ấy lại gắn liền với một thứ âu lo nào đó, cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để làm phát sinh thêm những sự sống mới: người ta không còn coi sự sống như là một lời chúc phúc, nhưng lại coi như một sự nguy hiểm phải tránh né.

Ngài vạch ra nguyên nhân của những khía cạnh tiêu cực trên. Theo ngài, « Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ của mình ».

Và ngài đã đưa ra một giải đáp: « Như thế, chỉ có việc giáo dục tình yêu ăn rễ trong đức tin mới có thể đưa người ta đến chỗ có khả năng đọc được những dấu chỉ thời đại nơi việc diễn tả cụ thể của tình yêu hai mặt ấy ». Ngài viết:

Hoàn cảnh trong đó các gia đình đang sống hiện có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực: một số khía cạnh là dấu cho thấy ơn cứu độ của Đức Ki-tô đang tác động trong thế gian, một số khía cạnh khác là dấu cho thấy sự chối từ của con người đang chống lại tình thương của Thiên Chúa.

Một đàng, người ta thấy có một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và một sự chú ý nhiều hơn đến phẩm chất của các tương quan liên vị trong hôn nhân, đến sự nâng cao phẩm giá phụ nữ, đến sự sinh sản có trách nhiệm, đến việc giáo dục trẻ em; thêm vào đó là ý thức về nhu cầu phải phát triển những liên hệ giữa các gia đình để giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần và vật chất, cũng như khám phá lại sứ mạng Hội Thánh riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn. Nhưng đàng khác, cũng không thiếu những dấu hiệu cho thấy một sự thoái hoá đáng lo ngại về một số giá trị căn bản: một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.

Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ của mình.

Một sự kiện khác cũng đáng cho chúng ta chú ý: trong các nước thuộc thế giới thứ ba, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản để sống còn, như thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất. Tại các nước giàu có hơn thì ngược lại, người ta quá thoải mái và nặng óc hưởng thụ, nhưng trớ trêu thay sự thoải mái và óc hưởng thụ ấy lại gắn liền với một thứ âu lo nào đó, cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để làm phát sinh thêm những sự sống mới: người ta không còn coi sự sống như là một lời chúc phúc, nhưng lại coi như một sự nguy hiểm phải tránh né.

Như thế, tình cảnh cụ thể trong đó gia đình đang sống quả là một sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng.

Sự pha trộn ấy cho thấy lịch sử không đơn thuần là một sự tiến bộ nhất thiết tiến về cái hay hơn, tốt hơn, nhưng là một diễn biến của tự do, và hơn thế nữa còn là một cuộc chiến giữa những mối tự do đối nghịch nhau, nghĩa là, nói theo thánh Augustinô, một cuộc xung đột giữa hai tình yêu: một bên là lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ coi rẻ chính mình và một bên là lòng yêu mình đến độ coi rẻ Thiên Chúa. Như thế, chỉ có việc giáo dục tình yêu ăn rễ trong đức tin mới có thể đưa người ta đến chỗ có khả năng đọc được những dấu chỉ thời đại nơi việc diễn tả cụ thể của tình yêu hai mặt ấy.

3b. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, mới đây, trong thơ mục vụ 2002, cũng đã nêu ra những nguy cơ của gia đình việt nam: 1- hưởng thụ ích kỷ, 2- lối sống buông thả sa đà, 3- những trường hợp ly dị, 4- suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống, 5- một số cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; 6- một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lạ, nên dễ bị bóc lột sức lao động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma tuý hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; 7- một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang, 8- sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, 9- sống chung không cưới xin, 10- dễ dàng sử dụng bạo lực...

Các ngài đã phân tích rõ ba nguyên nhân của những nguy cơ trên. Ðó là: 1- Nguyên do dễ thấy nhất là tiến trình "công nghiệp hoá, đô thị hoá"; 2- hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm và 3- sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội.

Và các ngài đã đưa ra hai giải đáp: 1 Trước hiện tình nêu trên, là người Công giáo, chúng ta hãy nhìn đời sống hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng Mạc khải nơi Tình Yêu tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa, 2- tất cả mọi người hữu trách và mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình. Các ngài viết:

Anh chị em thân mến, Nói đến gia đình Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới một nề nếp gia phong rất gần gũi với giáo lý đức tin. Gia đình ấy coi chữ Hiếu làm đầu nên rất sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc Âm, trong đó điều răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn quy định việc thờ phượng Thiên Chúa. Gia đình ấy xem chữ Tín làm trọng nên dễ dàng gặp thấy nơi điều răn thứ sáu và thứ chín tiếng nói chung nhằm bảo vệ đời sống hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly. Gia đình ấy gồm có ông bà cha mẹ con cháu trên thuận dưới hoà trong một mái nhà đầm ấm, được xem như một môi trường tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển đức tin, nhất là cho việc xưng tụng Thiên Chúa là Cha và coi mọi người như anh chị em. Gia đình ấy sống liên đới với các gia đình khác trong tình làng nghĩa xóm hiệp thông cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, dần dà tạo nên một hình ảnh đẹp và cụ thể để diễn tả tình huynh đệ Kitô giáo. Chính vì thế, Hội Thánh dù được định nghĩa như là "Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Ðền Thờ Chúa Thánh Thần" thường được người Việt Nam hình dung như một gia đình.

Tuy nhiên, hình ảnh đẹp về gia đình Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ mờ nhạt dần đi. Nguyên do dễ thấy nhất là tiến trình "công nghiệp hoá, đô thị hoá". Tiến trình này tự nó đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đà, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.

Cùng với tiến trình này là hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm. Hậu quả là một số cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lạ, nên dễ bị bóc lột sức lao động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma tuý hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực...

Trước hiện tình nêu trên, là người Công giáo, chúng ta hãy nhìn đời sống hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng Mạc khải nơi Tình Yêu tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.

… "Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình" (ÐSGÐ số 86). Vì thế, tất cả mọi người hữu trách và mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình.

Kính thưa quí cha,
Kính thưa quí ông bà đại diện,

Phải gọi những thách đố gia đình là gì ? là khó khăn, là đòi hỏi, là nguy cơ, là thoái hóa ? Tại sao chúng là những thách đố ? Những thách đố ấy là những cái nào ? Nguyên nhân từ đâu ? Sẽ phải được giải quyết ra sao ?

Chúng ta hôm nay gọi chúng là thách đố vì thấy chúng đưa ra những cư xử dễ dàng, như muốn thách thức ta, muốn thử sức với ta, xem ta có đủ can đảm vượt khó, có đủ trì chí đến cùng, có đủ mưu trí giải trừ. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi chúng là những sự thoái hóa đáng lo ngại. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam gọi chúng là những nguy cơ của gia đình việt nam.

Chúng là những trách đố, vì chúng muốn lôi ta ra khỏi đường đi của tổ tiên, « văn hóa gia đình Âu Lạc » ta. Vì chúng muốn tách ta ra khỏi « văn hoá tình yêu Kitô ». Ví chúng muốn kéo ta xa với « ánh sáng Mạc Khải nơi Tình Yêu cứu độ của Thiên Chúa ».

Nguyên nhân đưa ra những thách đố ấy là do một quan niệm suy đồi về tự do trong những nước kỹ nghệ giầu có và sự cùng cực khó nghèo trong những nước chậm tiến, do tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, do sự di dân ồ ạt về thành phố, do sự phát triển nhanh chóng và thiếu trách nhiệm của các phương tiện truyền thông.

Và cách giải quyết những thách đố này, theo văn hóa việt nam, hay nhất là trở về với chữ hiếu, cập nhật cách sống theo chữ hiếu. Chữ « HIẾU » càng dễ dàng hơn cho người việt nam công giáo, vì văn hóa tình yêu Tin Mừng Kytô xây đắp và củng cố chữ hiếu để đi lên chữ « TIN ». Ðức Thánh Cha Phao lô II và Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khuyến cáo giải quyết những thoái hóa và nguy cơ gia đình bằng con đường « giáo dục tình yêu trong đức tin, theo ánh sáng Mạc Khải, để quan tâm bảo vệ và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình ».

Xin cám ơn quí cha và quí ông bà đại diện đã chú ý theo dõi lời gợi ý. Xin kính chúc quí cha và quí ông bà thảo luận tích cực và tìm ra những giải đáp cụ thể cho những thách đố gia đình mà chúng ta gặp phải trong đời sống hiện nay tại Pháp.

Tài liệu tham khảo:
• ÐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn gia đình, 1981
• Hội Ðồng Giám Mục Việt nam, Thư Mục Vụ « Thánh hóa Gia đình, 2002
• INSEE, Population/ Famille /Situation matrimoniale trong http://www.insee.fr/fr/ffc/chifcle_liste.asp?theme=2&soustheme=3&souspop=
• Trần Văn Cảnh, Một tư tưởng bình dân việt nam về hôn nhân và gia đình, trong Ðường vào tình yêu; Paris, Giáo Xứ Việt Nam, 2000, tr. 205-217.
• Trần Văn Cảnh, Dẫn nhập vào văn hóa gia đình việt nam, trong Văn hóa gia đình; Paris: Giáo xứ Việt nam, 2006, tr. 13-70.
• Trần Văn Cảnh, Mục vụ gia đình Giáo Xứ Việt Nam Paris, 2007, 74 trang, http://www.conggiaovietnam.net/tacgia/Gs.Canh/MucVuXaHoi/chuong10.htm
 
Thông Báo
Về cuốn “Kỷ Yếu Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt”
Giuse Nguyễn Đăng Khoa
19:48 08/05/2008
Tập “Kỷ Yếu Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt”

Kính thưa quí Đức Cha, các Linh Mục và các anh em Cựu Học Viên Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt,

Mấy năm nay nhiều sáng kiến đề nghị làm tập “Kỷ Yếu Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt”, nhưng cho đến nay chưa thực hiện được. Có lẽ ai cũng quá bận rộn với công việc.
Việc tổ chức kỷ niệm 50 thành lập Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt cũng gặp nhiều khó khăn.

Nay con xin táo bạo đề nghị làm “TẬP KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP GHHV” điện tử (Electronic). Khoa xin tình nguyện cùng một số anh em (đề nghị Nguyễn Đức Khang,Chương Văn Tuyến) điều hợp thu thập tài liệu và soạn Tập Kỷ Niệm 50. Xin anh em nào thích thú cộng tác, xin liên lạc với Khoa.

• Kể từ hôm nay xin đề nghị các anh em cho biết những anh em nào thiếu tên tuổi trong danh sách các lớp xin email gởi về cho Nguyễn Đức Khang hay Nguyễn Đăng Khoa để cập nhật.
• Những quí vị nào có những hình ảnh mà trên trang Web chưa có xin gởi về cho Khoa
• Những anh em có những bài gì cũ hoặc viết thêm những bài mới liên quan đến trường, các vị ân sư, các bạn trong lớp, sinh hoạt tại trường, tại môi trường làm việc hiện tại, tại gia đình, những ưu tư, hình ảnh gia đình (vợ, con cháu) hay trong suốt 50 năm qua, muốn đóng góp trong cho “Tập Kỷ Niệm 50 Năm” xin gởi về cho ban biên tập.

Hy vọng từ nay cho đến Lễ Thánh Piô X hoặc trễ là trước Lễ Giáng Sinh sẽ hoàn thành.

Xin kính chúc các Đức Cha, các anh em Linh Mục và các anh em cựu học viên khác luôn an khang và nhiệt tình hăng say phục vụ dân Chúa hay trong môi trường sống.

Thân kính,

Giuse Nguyễn Đăng Khoa (1968), trantien@hcm.vnn.vn
 
Văn Hóa
Mẹ & Tình Yêu
Nguyễn Duy An
08:47 08/05/2008

Mẹ & Tình Yêu



Nguyễn Duy-An

Tôi mơ mơ màng màng nheo mắt nhìn chiếc đồng hồ bên cạnh giường ngủ, và vội vàng ngồi bật lên vì đã gần 12 giờ trưa. Đầu óc tôi vẫn còn choáng váng và khó chịu lắm, nhưng nghĩ tới mảnh giấy mẹ để trên gối, tôi chạy vội ra nhà bếp không kịp đánh răng rửa mặt. Tối hôm qua, phải nói là sáng nay mới đúng (!), tôi về nhà lúc gần 2 giờ sáng... Khi trông thấy chiếc xe của Xuân đậu trước nhà, tôi biết chắc nàng sẽ giận và trách móc vì "anh lại bê tha rượu chè, anh không thương dì, anh không giữ lời hứa với em" như nàng vẫn cằn nhằn than thở từ những ngày đầu mới quen nhau. Tôi vào nhà với tâm trạng bất an vô vàn...

Đã gần 2 giờ sáng Thứ Bảy! Có lẽ Xuân đã ở lại ngủ chung với mẹ.

Tôi rón rén về phòng, không bật đèn, ngã vật xuống giường và giật mình vì tiếng sột soạt khi đầu tôi đè lên một mảnh giấy. Tôi vội vàng bật đèn.

"Thái con, Mẹ gọi Xuân tới và chờ đến nửa đêm nhưng con vẫn chưa về! Mẹ biết con khổ tâm và bị dằn vặt cả tuần nay. Con là lẽ sống của mẹ! Mẹ xin con hãy bình tĩnh ngồi lại nghe mẹ giải thích những uẩn khúc trong lòng mẹ và con. Mẹ không cam lòng nhìn con tự hành hạ mình. Xuân cũng đã khóc thật nhiều, Thái ạ!"

Tôi bật khóc nức nở. Tôi vò nát mảnh giấy trong nỗi oán hận, thù hằn và xót xa cho hoàn cảnh của mẹ và tôi. Tại sao? Tại sao thế? Tôi thiếp đi trong nỗi tủi nhục ê chề... cho tới giờ này!

Nhà cửa vắng hoe. Tôi không tìm thấy mẹ cũng chẳng thấy Xuân. Xe của Xuân cũng không còn đậu trước nhà nữa. Lại một mảnh giấy gắn trên cửa tủ lạnh:

"Thái con, Mẹ nhờ Xuân chở đi công chuyện. Mẹ đã nấu sẵn phở trên bếp, con hâm nóng lại ăn rồi nghỉ cho khỏe."

Xuân cũng viết mấy chữ trên đó:

"Anh thương, Em không giận và cằn nhằn anh nữa đâu! Anh nghỉ cho khỏe. Thương anh nhiều."

Tôi pha vội một ly cà phê thật lớn, cầm gói thuốc lá lững thững bước ra vườn sau như một kẻ mất hồn. Tôi nghi ngờ mẹ đã nhờ Xuân chở đi thăm "ông ấy", nhưng suy đi nghĩ lại tôi tự thấy mình vô lý.

Không thể được!

Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời vì tôi! Mẹ đã âm thầm ngậm đắng nuốt cay để chọn tôi và chấp nhận tủi nhục để "ông ấy" tự do! Tôi chính là "món nợ đời" của mẹ!

Từ ngày có trí khôn tôi vẫn mang nặng cái mặc cảm "tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu" (Giông Tố, Vũ Trọng Phụng), nhưng nếu đem so sánh với mẹ thì chẳng thấm vào đâu, và chính tôi là nguyên nhân đã xô đẩy mẹ xuống tận cùng vực thẳm của cuộc đời!

Đã 25 năm qua rồi kể từ ngày tôi cất tiếng khóc chào đời trong tủi nhục và nước mắt của mẹ ở trại tỵ nạn Phanat Nikhom, Thái Lan với một tờ giấy khai sinh mang tên cha "Vô Danh"! Đó là lý do mẹ đặt tên cho tôi là Thái. Tôi chính là thành quả từ những cuộc hãm hiếp tàn khốc của đám hải tặc Thái Lan suốt cuộc hành trình vượt biển của mẹ.

Mẹ đã gạt nước mắt chấp nhận sự dèm pha của mọi người và sự chối bỏ của người chồng ở Mỹ để cho tôi sự sống. Ông ấy đã huỷ bỏ giấy tờ bảo lãnh và ép buộc mẹ ký giấy ly dị để ông ấy làm lại cuộc đời. Ông ấy sẵn sàng chấp nhận mẹ với điều kiện phải giết chết bào thai mang giòng máu hải tặc trong lòng mẹ, nhưng mẹ đã quyết định chọn tôi. Những người đi chung ghe đều chê cười và hất hủi mẹ vì quyết định "điên rồ và ngu xuẩn" của bà, nhưng mẹ đã ngồi xổm trên dư luận, cam chịu nỗi oan nghiệt vì tôi. Mẹ đã xa lánh mọi người, chọn kiếp sống cô đơn nơi xứ lạ quê người để nuôi dạy tôi nên người.

Mẹ vẫn tâm sự với dì Hoa, mẹ của Xuân rằng từ bao nhiêu năm nay tôi chính là lẽ sống, là niềm vui của mẹ. Mẹ đã dạy tôi đọc và viết tiếng Việt, đã dạy tôi biết nhẫn nhục chịu đựng và tha thứ khi những đứa bạn người Việt cùng trang lứa nhạo cười tôi là đứa con không cha, là hậu duệ và nỗi nhục hải tặc trong lịch sử "thuyền nhân Việt Nam!"

Tôi trải qua những năm trung học và đại học như một chiếc bóng lặng lẽ bên đường đầy sóng gió gian truân. Tôi không thể nhập bọn với đám bạn người Mỹ hay Mễ, và cũng không thể tham gia những sinh hoạt của hội Sinh Viên Việt Nam vì nguồn gốc "hải tặc" của mình.

Tôi thu mình vào vỏ ốc, quyết chí học thành tài để kiếm tiền nuôi mẹ, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục đầy tủi nhục và nước mắt của mẹ.

Đã hơn một lần mẹ khóc thâu đêm khi biết tôi bị bạn bè người Việt nhạo cười phỉ báng. Mẹ chỉ mới "vui" được vài năm nay, từ khi gặp lại người bạn học ngày xưa là dì Hoa, khi Xuân nhận được học bổng của trường American University ở Hoa Thịnh Đốn. Từ Texas, Xuân dọn vào cư xá sinh viên ở Washington với lời gởi gắm của gia đình để mẹ tôi làm giám hộ lúc nàng đi học xa nhà. Chúng tôi quen nhau từ đó.

Mẹ còn vui mừng hơn nữa khi biết Xuân và gia đình dì Hoa đã chấp nhận tôi như chính tôi, bất kể tôi là đứa con không cha hay con của hải tặc Thái Lan. Xuân chính là thiên thần mang "mùa xuân" đến thay đổi tâm hồn băng giá của mẹ con chúng tôi. Từng bước, từng bước Xuân đã biến đổi con người tôi. Chính Xuân đã lôi kéo tôi theo nàng tham gia những công tác thiện nguyện, giúp đỡ những người không nhà không cửa hoặc thăm viếng các viện dưỡng lão...

Và cũng chính Xuân đã làm tâm hồn tôi bấn loạn, và mẹ tôi đã thức trắng nhiều đêm vì nước mắt tuôn chảy không ngừng!

Chuyện xảy ra từ hôm Thứ Bảy tuần trước...

*****

Tôi nhận lời lái xe đưa Xuân đi thăm một người Việt Nam bị bán thân bất toại từ hơn 3 năm nay do các dì phước dòng Nữ Tử Bác Ái trông nom ở Winchester, Virginia.

Theo lời Xuân kể, nàng tình cờ quen ông ta từ năm ngoái khi theo sinh viên đi làm công tác xã hội ở đó. Với trái tim của một "thiên thần", tháng nào Xuân cũng tìm cách đến thăm để giúp ông ta vơi bớt phần nào nỗi cô đơn trong hoàn cảnh bệnh hoạn tật nguyền không một người thân bên cạnh. Biết được hôm nay là ngày sinh nhật tròn 60 tuổi của ông, tôi đồng ý theo Xuân để cùng ông chuyện vãn trong lúc nàng chuẩn bị một vài món Việt Nam để mừng "happy birthday" cho ông ta.

Từ bãi đậu xe, tôi đã nhìn thấy một ông già gầy gò ốm yếu ngồi trên xe lăn, nét mặt rạng rỡ, miệng cười "mếu máo" dơ tay vẫy gọi. Nhìn ánh mắt của ông, tôi mường tượng ra cảnh đứa bé đang trông mẹ về chợ. Xuân dồn dập bước chân chim, kéo tay tôi tiến nhanh về phía ông ta, miệng hớn hở:

- Chúc mừng sinh nhật bác. Đây là anh Thái, bạn cháu. Còn đây là bác Tuấn em đã kể với anh đó.

- Chào bác ạ.

- Ừ, chào cậu. Tôi biết hôm nay cô Xuân sẽ tới nên ra đây ngồi chờ từ sáng sớm. Cô đúng là nàng tiên của tôi...

Tôi đẩy xe lăn định đưa ông về phòng nhưng Xuân đã lên tiếng:

- Anh đưa bác Tuấn ra bờ hồ chơi và làm quen nói chuyện với bác nhé. Em cần một tiếng để nấu nướng chuẩn bị.

Tôi quay xe đẩy bác Tuấn vòng ra phía sau. Tôi không có cảm tình với người đàn ông này! Hoàn cảnh ông ấy thật tội nghiệp và đáng thương nhưng không hiểu sao tôi không thể thương cảm với ông ấy được. Tôi đẩy xe lăn đưa ông đi dạo chỉ vì lời yêu cầu của Xuân. Tôi hậm hực đưa chân, vừa đi vừa nghe ông ấy tâm sự:

- Cô ấy đúng là một nàng tiên cậu Thái ạ. Cậu thật tốt số, nhớ đừng để vuột mất nhé.

- Dạ.

- Chính cô Xuân đã vực tôi sống lại, chính cô ấy đã mang lại niềm tin cho tôi. Tôi chấp nhận hoàn cảnh hiện tại để đền bù tội lỗi tôi đã gây ra cho người vợ trước của tôi. Cuộc đời! Đúng là oan khiên cuộc đời! Đây chính là hậu quả tôi phải gánh chịu vì tôi đã "giết chết" người vợ trẻ lúc nào cũng yêu thương chiều chuộng tôi...

- Bác nói gì thế ạ?

- Ừ, tôi đã "giết chết" người vợ dịu hiền của mình từ 25 năm trước nên bây giờ tôi mới ra nông nỗi thế này! Tôi đã mất tất cả, kể cả chính tôi, nhưng rồi cô Xuân đã mang lại niềm tin cho tôi can đảm sống tiếp phần đời còn lại để thống hối ăn năn. Cô ấy đúng là một nàng tiên, một thiên thần phải không cậu Thái?

- Dạ.

- Cậu Thái này.

- Dạ.

- Tôi mới gặp cậu lần đầu nhưng khi nhìn cậu, tôi vừa thấy quen quen vừa thấy xa lạ.

- Dạ.

- Sao cậu cứ dạ mãi như con gái thế? Giọng nói và ánh mắt của cậu chứa đựng một cái gì đó làm tôi lo sợ. Khi nhìn vào mắt cô Xuân hay khi nghe cô ấy nói chuyện, tôi cảm thấy bình an hạnh phúc; còn với cậu thì ngược lại. Tôi nói thế cậu đừng buồn nhé.

- Dạ.

- Cậu Thái không thích nói chuyện với tôi à?

- Cháu đâu biết nói gì.

- Kể chuyện gia đình cậu chẳng hạn, hay những chuyện vui buồn giữa cậu và cô Xuân.

- Gia đình cháu chẳng có chuyện gì ngoài một bà mẹ khóc nhiều hơn ngủ.

- Tội nghiệp quá! Thế cha mẹ cậu người gốc ở đâu?

- Cháu không có cha. Xin bác đừng hỏi nữa. Cháu sẵn sàng nghe chuyện của bác nhưng cháu không muốn nói gì về gia đình của cháu.

- Xin lỗi, xin lỗi cậu Thái. Nếu thế chắc mẹ cậu cũng khổ chẳng kém gì tôi. Đã từ lâu lắm rồi, tôi cố nén lòng chịu đựng, nhưng hôm nay tôi muốn tâm sự với cậu... được không?

- Dạ.

- Cậu đẩy tôi tới gần cái bàn đàng góc kia, ngồi xuống nghỉ cho khỏe, rồi bác cháu mình tâm sự.

- Dạ.

- Cách đây 4 năm, tôi bị tai biến mạch máu não và hậu quả là nửa người bên phải của tôi bị tê liệt từ cần cổ trở xuống. Ngày tôi xuất viện cũng là ngày gia đình tôi tan vỡ. Bà ấy buộc tôi phải ký giấy tờ ly dị vì đã mất hết khả năng làm chồng cũng như làm tiền. Từ California, tôi liên lạc xin chuyển đến vùng này. Nhờ sự giúp đỡ của nhà dòng Nữ Tử Bác Ái, tôi lặng lẽ sống qua ngày trong tủi nhục và tuyệt vọng. Đã hơn một lần tôi nuôi ý định tự tử, nhưng lương tâm tôi còn đủ mạnh để thắng vượt ý tưởng điên rồ đó. Ngày từng ngày tôi ăn năn vì một lỗi lầm tôi đã gây ra từ hơn 25 năm về trước... Hồi đó, sau hơn 3 năm đi cải tạo, tôi trở về với tấm thân tàn tạ, bệnh hoạn và bị quản chế tại địa phương. Vợ tôi lúc đó vừa dạy học vừa buôn bán lăng nhăng để kiếm sống qua ngày, rồi vay mượn tìm đường gởi tôi ra đi. Tôi đến Mỹ được 2 năm thì nhà tôi cũng vượt biển, nhưng chúng tôi không bao giờ đoàn tụ! Chuyến đi của vợ tôi bị hải tặc đánh cướp và hãm hiếp tơi bời. Tôi không phải là kẻ cố chấp, nhưng đã từ chối làm giấy bảo lãnh nàng (!) vì oan nghiệt thay, nàng đã mang thai với một tên hải tặc nào đó. Tôi muốn nàng phá đi cái bào thai oan nghiệt để cùng tôi làm lại từ đầu, nhưng nàng cương quyết phản đối để giữ lại một thai nhi vô tội. Tôi đã xé nát giấy tờ bảo lãnh và ép nàng ký giấy ly dị. Tôi coi như nàng đã chết và ung dung làm lại cuộc đời với một người đàn bà khác. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra người vợ sau này chỉ lấy tôi vì tiền nên tôi hối hận nhiều lắm. Tôi mất ngủ nhiều đêm và ăn uống thất thường nên tình trạng sức khỏe càng ngày càng đi xuống, và hậu quả là bây giờ tôi phải ngồi trên xe lăn. Tôi chỉ cầu xin được một lần gặp lại người vợ xấu số của tôi để cầu xin một lời tha thứ cho tôi được thư thái tâm hồn đón chờ cái chết, nhưng tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng vì không ai biết nàng sống chết ra sao. Tinh thần của tôi sa sút đến tột cùng cho tới khi gặp được cô Xuân. Chính cô ấy đã mang lại niềm tin và giúp tôi sống trong hy vọng và đợi chờ...

Ông ta bật khóc nức nở và nước mắt của tôi cũng lưng tròng. Tôi nắm chặt hai tay cố tình nén tiếng nấc, nuốt vào lòng nỗi tủi nhục và hận thù trang trào dâng trong tim tôi. Tôi có thể đoán chắc chắn ông già này chính là người chồng phụ bạc của mẹ tôi! Tôi chỉ muốn đẩy mạnh chiếc xe lăn rớt xuống hồ cho hả giận. Tôi muốn trả thù cho mẹ.

- Anh Thái à, anh đẩy bác Tuấn vào nhà đi, em lo xong mọi sự rồi.

Tiếng gọi của Xuân từ sau lưng vọng tới đã thức tỉnh lương tâm của tôi. Tôi đứng lên, thấm nhẹ nước mắt, cố tình lê chân tránh xa chiếc xe lăn. Xuân đã nhận ra ông ấy đang khóc nên nàng thỏ thẻ:

- Bác phải vui lên chứ. Hôm nay là ngày vui của bác mà. Bác đâu còn cô đơn như những năm trước vì bác có cháu và anh Thái cùng đến chung vui mà... Anh giúp em đẩy bác Tuấn vào nhà kẻo thức ăn nguội hết.

Tôi quay lại, với tay đẩy chiếc xe lăn trong khi Xuân vừa đi vừa lau nuớc mắt cho ông ấy, vừa thỏ thẻ khoe với ông những món ăn nàng đã chuẩn bị để mừng sinh nhật ông ấy. Tôi cảm thấy tâm hồn mình dịu lại và tự hỏi không biết có mấy người cha già được con gái yêu thương chăm sóc như Xuân đối với ông ấy.

Ôi! Trớ trêu thay cuộc đời!

*****

Tôi đã cố nén lòng để cùng Xuân giúp ông ấy tận hưởng những giây phút hạnh phúc thật hiếm hoi như lời ông nói. Lúc chia tay, ông ta xiết chặt tay tôi và Xuân nức nở:

- Cám ơn. Cám ơn cô cậu nhiều lắm. Cám ơn cậu Thái đã lắng nghe nỗi niềm tâm sự của tôi. Nói được với cậu đã làm tôi an lòng nhiều lắm. Tôi như cảm nhận được sự tha thứ của nhà tôi vậy đó, cậu có hiểu không?

Tôi chỉ biết cúi đầu "dạ" nhỏ rồi vội vã bước ra xe vì tâm hồn tôi đang rối loạn không bút mực nào diễn tả được. Tôi khó chịu và bực tức vô vàn khi thấy Xuân cứ quấn quít bên chiếc xe lăn. Hai đứa vô xe rồi ông ấy vẫn ngồi yên trên xe lăn giơ tay vẫy theo. Xuân mệt nhoài sau một ngày vất vả nên đã thiếp ngủ ngay khi tôi lái xe vào xa lộ, và chỉ tỉnh giấc khi đã về gần tới nhà. Xuân mỉm cười thỏ thẻ:

- Xin lỗi anh nhé. Em mệt quá!

- Em ngủ tiếp đi cho khỏe, về tới nhà anh gọi.

- Xí... cái mặt anh đang giận mà còn làm bộ nữa. Em xin lỗi rồi mà. Cười lên tý cho em vui nào.

Tôi bật cười thực sự vì câu nói của Xuân. Từ mấy năm nay, mỗi lần gặp Xuân là tôi quên hết những buồn chán, hận thù hay tủi nhục... của cuộc đời. Tôi nắm nhẹ tay nàng:

- Em quả thật là một thiên thần.

- Anh cứ ngạo em hoài à. Mà bác Tuấn tâm sự gì với anh vậy?

- Chuyện đời của bác ấy, chẳng có gì quan trọng.

- Anh không dấu được em đâu. Em thấy anh gượng gạo, nói năng ấp úng suốt buổi chiều. Chắc chắn là hai người đã nói chuyện gì đó.

- Chuyện đàn ông với nhau ấy mà, em đừng bận tâm.

- Anh dấu em ha? Anh nói cho em nghe đi mà.

- Đâu có gì... Chuyện ông ấy hơi lạ.

- Em thương mà! Chúng mình đã hứa sẽ chia sẻ với nhau mọi chuyện mà.

- Thật tình! Anh nói, nhưng em không được nói lại với mẹ anh nhé.

- Sao vậy?

- Thì hứa đi rồi anh nói.

- Hứa thì hứa, hôm nay anh dị quá hà.

- Có thể ông ấy là chồng cũ của mẹ anh.

- Hả? Anh nói gì lạ vậy? Vợ bác ấy mới ly di mấy năm nay thôi mà!

- Đấy là vợ sau. Ông ấy đã bỏ người vợ cũ bên trại tỵ nạn vì bà ấy mang thai hồi đi vượt biên bị hải tặc hãm hiếp. Đúng y hệt chuyện mẹ và anh. Em quên rằng anh là...

Xuân vội vàng dơ tay che miệng không cho tôi nói vì đã từ lâu lắm rồi, nàng không muốn tôi mang mặc cảm về người cha "Vô Danh", và kết quả đau thương của chuyến hải hành mang đầy máu và nước mắt của mẹ.

- Anh chỉ đoán bậy thôi. Tội chết!

- Hy vọng anh đoán sai, nhưng anh sẽ tìm cách kiểm chứng lại. Anh thù ông ấy đến tận xương tuỷ.

- Anh! Đừng làm vậy mà...

Hai chúng tôi cùng im lặng, mỗi người mang một nỗi niềm tâm sự riêng tư. Có lẽ mọi sự rồi cũng qua đi nếu như lúc vào nhà tôi không bắt gặp mẹ đang ngồi thờ thẫn như kẻ mất hồn, nước mắt lưng tròng đăm chiêu ngắm nhìn một cái gì đó trong cõi vô định. Xuân nhào tới ôm mẹ vào lòng thỏ thẻ:

- Xin lỗi dì! Chúng con về trễ quá làm dì phải lo lắng.

Tôi để mặc Xuân ngồi nói chuyện với mẹ, vội vàng đi tắm cho "hạ hỏa". Tôi đã nguôi ngoai trên đường về, nhưng khi nhìn thấy mẹ lòng tôi lại sục sôi lửa hận thù!

****

Suốt tuần liền tôi "trốn" mẹ. Tan sở, tôi không về nhà mà đi thẳng ra tiệm rượu ngồi tới khuya. Mãi tới ngày Thứ Năm, Xuân gọi điện thoại lên sở hẹn cùng tôi đi ăn trưa và năn nỉ tôi "trở về vì dì đã khóc ròng rã mấy đêm liền", và xác định ông ấy chính là chồng cũ của mẹ vì trùng tên, trùng ngày sinh tháng đẻ. Xuân đã van xin tôi nếu không tha thứ được thì hãy quên đi "ông ấy"; và vì tôi, nàng cũng hứa sẽ không bao giờ trở lại thăm ông ta nữa. Tôi cảm động vì nước mắt của người yêu nên hứa sẽ cố gắng.

Tôi không bao giờ muốn gặp lại ông ta nhưng hứa sẽ không buồn nếu Xuân vẫn tiếp tục giúp đỡ ông ấy vì tình người.

Tối hôm ấy tôi đã về nhà đúng giờ để tình cờ chứng kiến hình ảnh mẹ tôi ôm điện thoại khóc nức nở, tiếng mất tiếng còn: "Em sẽ săn sóc cho anh. Em không bao giờ oán hận anh cả. Anh Tuấn, em vẫn yêu anh như ngày nào!"

Tôi xô cánh cửa đánh sầm một tiếng rồi vọt ra xe phóng như lao vào bóng đêm.

Sáng Thứ Sáu tôi gọi lên sở xin nghỉ làm và tìm quên trong men rượu. Tôi trở về lúc gần sáng hôm sau!

Tôi đang hoang mang đến tột cùng vì những mảnh giấy nhắn tin của mẹ và của Xuân. Tôi không thể thù ghét mẹ tôi. Tôi không thể trách Xuân. Tất cả chỉ vì "ông ấy". Không đúng! Chỉ tại hoàn cảnh trái ngang... Chỉ tại bọn hải tặc Thái Lan! Không được! Một trong những tên hải tặc đó là cha tôi!

Đầu tôi điên đảo quay cuồng. Lòng tôi bừng bừng lửa hận nhưng không biết hận ai!

Tôi vào nhà tắm sơ qua cho đầu óc tỉnh táo rồi ra xe đề máy. Tôi chẳng biết đi đâu giờ này. Tìm đến quán rượu rồi trở về đọa đày thân tôi để làm khổ mẹ và Xuân. Tôi không thể làm thế được vì tôi rất thương mẹ và yêu Xuân. Tôi đã hứa với nàng. Tôi phải giữ lời hứa để nàng không phải sầu khổ vì tôi. Tôi muốn gặp Xuân nhưng không biết tìm nàng ở đâu. Xuân đã chở mẹ tôi đi đâu đó! Tôi lái xe ra xa lộ và một động lực vô hình đã khiến tôi chạy về hướng Winchester.

Sau khi đậu xe, tôi rón rén bước tới phòng "ông ấy". Tôi đã nhìn quanh nhưng không thấy xe của Xuân ngoài bãi đậu xe.

Cửa mở. Đứng sát vào tường, tôi nín thở nghe lén:

- Em đừng vì anh mà làm Thái khổ. Được em tha lỗi là anh mãn nguyện lắm rồi. Em và Xuân hãy trở về chăm sóc cho Thái. Anh cam lòng chấp nhận số phận... vì tất cả là lỗi lầm của anh.

- Anh! Em xin anh hãy để em lo. Thái là đứa con hiếu thảo và lúc nào cũng nghe lời em...

Một vòng tay ôm nhẹ. Một bàn tay che kín miệng tôi. Tôi quay lại. Xuân kéo nhẹ tôi ra bãi đậu xe:

- Anh Thái! Em biết anh sẽ tới. Anh còn mệt không?

- Xuân. Anh xin lỗi em. Anh đã không giữ lời hứa. Anh vẫn giữ lòng thù hận và đã bê tha rượu chè.

- Anh Thái, em hiểu lòng anh. Người khác gặp hoàn cảnh này chắc sẽ tệ hơn anh bây giờ.

- Anh biết làm sao bây giờ hở Xuân?

- Anh có giận em vì đã nói hết cho dì biết không?

- Anh không bao giờ giận em cả. Em chỉ nói lên một thực tế phũ phàng. Anh chỉ hận "ông ấy".

- Đừng làm thế dì buồn, anh Thái ạ.

- Anh không hiểu tại sao mẹ anh vẫn còn yêu ông ấy?

- Anh đã bớt giận chưa? Chúng mình vào nhà nhé?

- Để làm gì?

- Khi em nhìn thấy ánh mắt rưng rưng của dì và bác Tuấn em mới hiểu thế nào là tình yêu chân thật anh Thái ạ. Chưa bao giờ em nhìn thấy nét mặt của dì rạng rỡ và hạnh phúc như lúc đó. Anh có hiểu không?

Tôi lặng lẽ theo Xuân vào phòng ông ấy. Mẹ đang quỳ bên xe lăn xoa bóp cánh tay phải gầy gò bất động của ông ấy. Nước mắt mẹ lưng tròng nhưng nét mặt rạng rỡ lạ thường. Ông ấy vòng tay trái ôm ngang vai mẹ vỗ về. Nét mặt ông ấy hốt hoảng khi thấy tôi xuất hiện. Xuân nhẹ nhàng nắm tay tôi giật nhẹ, mẹ ngước mắt nhìn rồi vội vàng chắp tay gục đầu nghẹn nào trong tiếng nấc: "Thái, mẹ xin con."

Tôi quỳ gối bên cạnh mẹ, và ôm mẹ vào lòng. Chính giây phút đó, nỗi hận thù trong lòng tôi đã biến mất. Tôi dìu mẹ đứng lên, với tay kéo chiếc xe lăn lại gần. Một tay ôm mẹ, một tay tôi run run kéo tay ông ấy nhẹ nhàng trao vào vòng tay của mẹ. Cặp mắt ông ấy ngấn lệ khi nhận ra nét mặt của tôi đã không còn hừng hực lửa hận thù như mấy phút trước... Mẹ ngước nhìn tôi mỉm cười trong nước mắt. Ông ấy thì thào trong tiếng nấc: "Cám ơn con, Thái." Mẹ nức nở khóc oà.

Một vòng tay bé bỏng ôm nhẹ vào vai tôi. Một làn hơi nhẹ thoáng bên tai "Thái... Em yêu anh."

Xuân kéo tôi lùi lại và tôi vòng tay ôm Xuân vào lòng mình. Lẫn trong lời yêu thương Xuân dành cho tôi, có tiếng khóc của mẹ. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi hiểu thế nào là khóc mà hạnh phúc. Và hiểu thêm tình yêu của chính mình, trong nước mắt và tình yêu "ba mẹ".

Nguyễn Duy-An
 
Mẹ & Bà Nội
Nguyễn Duy An
08:48 08/05/2008

Mẹ & Bà Nội



Nguyễn Duy-An

(Viết theo lời kể của bé Út)

Bà nội từ Việt Nam qua Mỹ du lịch 6 tháng…

Ngoại trừ hai tuần nghỉ hè, ngày nào bố cũng phải đi làm từ sáng đến tối, nhiều khi còn đi công tác xa nhà cả tuần lễ mới về. Thường ngày mẹ chở bà nội đi nhà thờ, đi chợ, và ngay cả lúc chở chúng con tới trường mẹ cũng chở bà nội theo vì không dám để bà nội ở nhà một mình.

Mấy tháng sau, bà nội quen biết nhiều bạn già trên nhà thờ và ngoài chợ Việt Nam. Một lần đi chợ, một cụ già, bạn mới quen của bà nội chạy theo ra bãi đậu xe nhờ mẹ giúp chở về “Nhà Già” vì bà ra trễ nên xe “bus” đã đi mất rồi. Bà nội thắc mắc:

- Sao bà không nhờ con cháu chở đi mà lại đi xe “Nhà Già”?

- Dâu con bên này chán lắm bà ơi! Chẳng những chúng nó không muốn mình ở chung… mà sau khi đẩy mình vô “Nhà Già” rồi, thích thì chúng nó cho các cháu vào thăm, không thích thì cả năm cũng không thấy mặt một đứa cháu nội! Chúng nó bây giờ không giống như thời tui với bà làm dâu ngày xưa đâu! May mà bà còn có con gái.

Bà cụ lầm (!) nhưng bà nội cũng không đính chính. Bà nội dơ tay vuốt tóc mẹ rồi nói lớn trong niềm vui sướng: “Ừ… Con gái ruột của tôi đây bà ạ!”

Mẹ vòng tay ôm bà nội vào lòng. Con nghe có tiếng sụt sịt… Một vài giọt nước mắt nhỏ giọt xuống bãi đậu xe.

Nguyễn Duy-An
 
Nhân ngày Hiền Mẫu, hãy cùng hướng đến Thánh Nữ Giana Beretta Molla
Anthony Lê
09:38 08/05/2008
Nhân ngày Hiền Mẫu, hãy cùng hướng đến Thánh Nữ Giana Beretta Molla

St. Gianna Beretta Molla
Thánh Nữ Gianna Beretta Molla, được Giáo Hội tôn phong lên bậc Hiển Thánh qua bàn tay của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị vào ngày 16 tháng 5 năm 2004, tức vào ngày Hiền Mẫu - Chủ Nhật thứ hai của Tháng 5 Năm 2004.

Ngài chính là một vị Thánh trong thời đương đại. Mặc dầu là một vị nữ Bác Sĩ trẻ tuổi, nhưng vị Thánh vừa tiếp tục công việc của mình trong vai trò là một nữ Bác Sĩ, vừa tiếp tục chu toàn trách nhiệm làm Mẹ trong việc nuôi dưỡng và dạy dổ con cái nên người, và vừa lại là một người vợ thủy chung, đảm đang, và biết quán xuyến tất cả mọi việc trong gia đình.

Thánh Nữ đã chọn cách để hy sinh mạng sống của riêng mình, hòng cứu vớt lấy mạng sống của đứa con đang phải mang nặng đẻ đau, xứng đáng là một mẫu gương cho những người phò sinh. Tư lúc Ngài chết đi, rất nhiều phụ nữ trên khắp thế giới đã chạy đến để cầu xin vị Thánh giúp chuyển lời nguyện cầu của họ, để họ có thể thụ thai được cũng như giúp cho họ biết cân bằng những đòi hỏi và gánh nặng trong trách nhiệm làm mẹ thời nay.

Vị Thánh chính là một Nữ Bác Sĩ Công Giáo đầu tiên được Giáo Hội phong lên bậc Hiển Thánh. Hội Thánh Ginna (Society of St. Gianna) vẫn còn lưu giữ Đền Kính Thánh Gianna (St. Gianna Shrine) ở thành phố Warminster, Pennsylvania.

Nhân Ngày Hiền Mẫu (11 tháng 5 năm 2008) sắp tới, chẳng có gì là đẹp đẽ và cao vời hơn là cầu nguyện cùng với Vị Thánh và Đức Trinh Nữ Maria, để kính nhờ Thiên Chúa tuôn đổ thật nhiều hồng ân và phúc lộc xuống cho những Bà Mẹ trên khắp cả thế giới, và đặc biệt là người Mẹ kính yêu trong mỗi gia đình của chúng ta!

Prayer to St. Gianna Beretta Molla

Jesus, I promise You to submit myself to all that You permit to befall me,

make me only know Your will.

My most sweet Jesus, infinitely merciful God, most tender Father of souls,

and in a particular way of the most weak, most miserable, most infirm

which You carry with special tenderness between Your divine arms,

I come to You to ask You, through the love and merits of Your Sacred Heart,

the grace to comprehend and to do always Your holy will,

the grace to confide in You,

the grace to rest securely through time and eternity in Your loving divine arms.

Để tìm hiểu thêm nhiều chi tiết về Thánh Nữ Gianna Beretta Molla, xin mời Quý Vị hãy vào thăm trang Web tại địa chỉ: http://saintgianna.org/main.htm
 
Ngày Hiền Mẫu: Bài tường thuật về sự sáng tạo cuộc sống người con
LM. Nguyễn Ngọc Long
16:31 08/05/2008

Bài tường thuật về sự sáng tạo cuộc sống người con



1. Ngay từ khởi đầu lúc lọt lòng mẹ, thế giới em bé sơ sinh còn hoang vu tối tăm. Chưa có trật tự, chưa có gì liên kết lại với nhau. Sự ấm cúng bao bọc trong cung lòng mẹ giờ đây như không còn nữa. Bóng tối như bao phủ người con. Em còn trần truồng, nhắm mắt kêu la khóc thét đòi mẹ giữa cảnh hoang vu!

Người mẹ ôm con vào lòng, lấy khăn bọc ủ con cho, rồi đặt nụ hôn đầu đời trên vầng trán, trên đôi gò má, trên môi miệng còn tinh tuyền, như giọt sương buổi sáng sớm còn đọng trên ngọn cỏ, của con mình.

Thế là bóng tối biến tan. Ánh sáng tràn vào tận khắp cùng thân thể và tâm hồn em.

Người con gọi ánh sáng là sự tin tưởng, bóng tối là sự sợ hãi.

Một tạo vật, một công trình tác phẩm, một con người do Thượng Ðế tác tạo ra đã bước vào trong trần gian!

Ðó là một buổi chiều và một buổi sáng: ngày thứ nhất

Người mẹ nhìn em bé nói: con của mẹ đói bụng rồi, mẹ cho con ăn nhé! Mọi sự xảy ra như mẹ mong muốn.

2. Mẹ ôm con vào lòng áp sát vào lồng ngực cho con bú giòng sữa nuôi dưỡng bình yên từ thân thể mẹ chảy ra. Em bé gục đầu vào lòng mẹ, nhắm mắt hút dòng nước thức ăn bình thản thỏa mãn. Cơn đói khát dần biến tan mất. Em bé ngủ yên mơ màng miệng nở nụ cười khoan khoái nhẹ nhàng trên cánh tay nơi lòng mẹ mình.

Em gọi lòng mẹ mình là hạnh phúc và cơn đói khát là sự bất hạnh.

Sức sống tươi trẻ non yếu đang dần phát triển vươn lớn lên bằng dòng sữa thức ăn tình yêu huyền nhiệm nơi người mẹ, mà Ðấng Tạo Hóa trao tặng cho con người.

Ðó là một buổi chiều và một buổi sáng: ngày thứ hai.

Người mẹ mang chăn mền quần áo lại mặc quấn cho con nói: mẹ đắp chăn, mặc quần áo cho con, để con được ấm áp! Mọi sự xảy ra như mẹ mong muốn.

3. Mẹ ẵm con mình trên đôi tay, đặt em nằm trên giường trải khăn, thay tã, thay quần áo mới khô cho em, ru em nín đi đừng khóc nữa. Em bé cảm thấy ấm áp. Lớp quần áo khô mới cùng chăn bông êm ấm đã cản ngăn cơn gió lạnh không xâm nhập vào thân thể non yếu của em được nữa. Mẹ cầm bàn tay non nhỏ của em vẽ hình Thánh Giá trên thân thể em, xin Chúa Giêsu và Ðức Mẹ chúc lành cho em khoẻ mạnh mau lớn.

Em gọi sự ấm áp của mẹ em là nơi trú ẩn. Em nhắm mắt ngủ yên trong sự tin tưởng.

Xa lạ từ lúc đi ra khỏi cung lòng mẹ sống giữa thế giới bao la. Nhưng người con không phải lang thang mất hướng đi trong vùng sa mạc hoang vu. Bến bờ bình an cho tâm hồn thân xác đã dọn sẵn cho em.

Ðó là một buổi chiều và một buổi sáng: ngày thứ ba.

Thấy con nằm trong nôi một mình, mẹ nói: con là niềm vui hạnh phúc của mẹ! Và mọi sự xảy ra như mẹ mong muốn!

4. Người mẹ đặt bàn tay trên đầu con, xoa trán vuốt tóc con, rồi lại xoa trên đôi gò má non nhẵn mịn đỏ ửng, nắn bóp xoa tay chân và khắp thân thể của em.

Bế em lên, mẹ vỗ vào thân thể em, đang khi nói những lời ngọt ngào nựng nịu em: con chó con, con ngoan của mẹ! Em bé cảm thấy được âu yếm thương yêu trong vòng tay mẹ mình.

Và em gọi sự âu yếm của mẹ là niềm an ủi.

Không ai là một hòn đảo. Ai cũng cần sự liên đới tương quan, nhất là được đụng chạm ve vuốt âu yếm. Những liên đới đó mang lại niềm an ủi. Vâng, cảm giác được chấp nhận mang lại sự an tòan cho đời người thêm hạnh phúc.

Ðó là một buổi chiều và một buổi sáng: ngày thứ tư.

Em bé nằm kêu bâng quơ. Như trực giác linh tính hiểu ra, mẹ em nói vọng vào: con hãy nói nữa đi, mẹ nghe con đây! Và mọi sự xảy ra như mẹ mong muốn.

5. Người mẹ chạy lại cúi mình sát xuống con, nói chuyện và cười với em bé bằng ngôn ngữ thật đơn giản. Em bé quơ tay chân dãy dụa cũng ê a nói lại với mẹ mình. Mẹ em nhìn thẳng vào khuôn mặt non dại ngây thơ trong trắng của em, lắng nghe em ê a. Mẹ hiểu con mình muốn nói gì. Mẹ con liú lo nói chuyện với nhau, và nghe nhau trong niềm hạnh phúc sung sướng. Em học tiếng mẹ đẻ từ ngày đó. Em không còn là người câm nữa.

Em gọi tiếng mẹ mình là niềm hy vọng.

Nhu cầu thông tin liên lạc không chỉ giới hạn trong sự đụng chạm bằng tay chân thân xác, nhưng còn bằng trí tuệ tâm hồn trái tim qua ngôn ngữ tiếng nói phát ra bên ngoài nữa. Nhu cầu trí tuệ tâm linh này rất căn bản. Nó giúp phát triển cuộc sống riêng tư mỗi người, và cuộc sống chung trong xã hội con người. Niềm hy vọng đang vươn lên.

Ðó là một buổi chiều và một buổi sáng: ngày thứ năm

Nghe tiếng kêu la thất thanh của con, mẹ vội chạy lại nói: con đừng sợ, có mẹ đây con! Mọi sự xảy ra như mẹ mong muốn!

6. Tiếng la hét sợ hãi nghi nan của đứa con như sắp bị ngã trợt khỏi bậc cầu thang hay ngưỡng cửa chắn bước em đi, người mẹ chạy đến cầm tay em vực em dậy.

Cúi mặt xuống xoa thổi hơi bôi chút nước miếng trên chỗ đau của con, bàn tay lau chùi những giọt nước mắt ngây thơ tinh tuyền như dòng nước nơi khe suối trong sáng, còn đang đọng trên đôi mắt, trên gò má của con. Người con cảm nhận ra sự trung thành của mẹ mình.

Người con gọi sự trung thành đó là tình yêu.

Tình yêu là điều gì linh thiêng cao qúy không sao diễn tả được. Nhưng sự trung thành với tình yêu giúp cho tình yêu, tựa như một khóm cây, bén rễ sâu bền chặt vào tận thâm tâm con người.

Ðó là một buổi chiều và một buổi sáng: ngày thứ sáu.

**********************

Khi người con đã khôn lớn, người mẹ chúc lành cho con mình và nói: bây giờ con đã lớn khôn. Hãy chịu khó học hành tìm hiểu, chịu khó làm việc, nhớ đến lời kinh Kính mừng Maria và kinh Lạy Cha, đi vào đời kiến tạo đời sống tự lập! Mọi sự xảy ra như mẹ mong muốn!

Ðời sống của một người trẻ lớn lên đi vào đời với những bước chập chững bỡ ngỡ. Theo gương cha mẹ, người con tìm cho mình một hướng đi xây dựng cuộc sống, hay một mái ấm gia đình riêng, mà người con cùng với người bạn đường xây dựng nên.

Trong tổ ấm đó họ cũng có con như ngày xưa cha mẹ họ đã sinh thành nuôi dưỡng họ. Theo lời căn dặn của mẹ mình, họ yêu thương con cái như họ đã được mẹ yêu thương.

Ðời sống tự lập giữa dòng đời xã hội xảy ra với nhiều thay đổi chao đảo, có hoang vu lộn xộn mất trật tự nữa!

Người con cảm thấy nhiều hoang mang lo âu sợ hãi. Những lúc như thế, người con nhớ đến mẹ mình, và gọi kêu cầu mẹ mình, người đã trao tặng nuôi dạy mình lòng tin, niềm hy vọng và tình yêu mến.

Ba bông hoa Tin Cậy và Mến là ba đức tính căn bản cột trụ kiến tạo đời sống:

- cho tòa nhà đức tin làm con Chúa, Ðấng tạo dựng nên sự sống con người. Nâng đỡ đời sống không trở nên như chiếc xe không phanh thắng dọc đường gió bụi, như con thuyền không bánh lái giữa dòng sông đời sống.

- cho dãy nhà xã hội, nơi cùng chung sống. Nâng cao nhân phẩm con người để không bị chà đạp và để bác ái tình người được thăng hoa triển nở.

- và cho cả ngôi nhà cùng khu vườn đời sống riêng mỗi người nữa. Nâng vươn tâm trí con người nhận ra gía trị đóng góp đời sống mình vào trong khu vườn bông hoa sáng tạo của Thượng Ðế: Tất cả đều được hân hoan đón nhận!

Xin tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn Mẹ của con!

Tháng hoa nhớ về Mẹ - Tặng các người Mẹ.

Lm. Nguyễn ngọc Long phóng tác lấy hứng từ bài tường thuật Sáng tạo trong Sáng Thế ký 1,1-31
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Sen Hồng
Nguyễn Ngọc Danh
11:47 08/05/2008

Sen hồng



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Sáng nay có nụ sen hồng

Vô vi khai nở giữa giòng hư không.

(ND)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền