Ngày 08-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lục Bát Cho Mẹ
Minh Thiên Le
01:05 08/05/2009
Mẹ ơi con biết ở đời,
Hễ ai có Mẹ là là trời nở hoa!
Sữa thơm từ Mẹ ban ra,
Nuôi con khôn lớn ngọc ngà tuổi thơ,

Bàn tay Mẹ ấm như mơ,
Ru con tiếng hát ầu ơ ban chiều,
Ánh mắt Mẹ nói đủ điều,
Một trời yêu dấu, rất nhiều niềm thương!

Khi con đau, Mẹ bên giường,
Xót xa, an ủi, tỏ tường hỏi han!
Miếng cơm, chén cháo - Mẹ ban …
Tim con sung sướng vô vàn Mẹ ơi!

Rồi mai một sớm hoa rơi …
Con đành bỏ Mẹ, đường đời con đi!
Lớn khôn một cuộc chia ly,
Đường con, con bước - Mẹ thì héo hon!

Một đời vất vả cho con,
Con tằm nhả kén mõi mòn Mẹ ơi!
Chiều nay nhớ tiếng ru hời. .
Nhớ lưng Mẹ ấm, nhớ hơi Mẹ hiền!

Con cầu Mẹ sống muôn niên,
Để con thấy Mẹ, muộn phiền sẽ vơi!
Hôm nay nhớ Mẹ một trời …
Ca câu lục bát, cho vơi nỗi niềm!

Chỉ vì tình Mẹ vô biên
Lớn hơn vũ trụ, xóa miền biển khơi!
Một cành hoa thắm Mẹ ơi!
Con xin dâng tiến vạn lời “Mẹ yêu!”

Ngày Lễ Mẹ 2009
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:26 08/05/2009
THỊ TRƯỞNG DANH DỰ

N2T


Ký giả đi phỏng vấn nhiều cư dân ở thành phố, nghe họ nói về cách nhìn của họ đối với vị thị trưởng của họ:

- “Ông ta là kẻ nói dối, xảo trá.” Một nhân viên của trạm đổ xăng đã nói như thế.

- “Ông ta là một kẻ ngu đần tự ái rất lớn.” Một giáo sư nói như thế.

Người bán tạp hóa nói: “Từ trước đến nay tôi chưa hề bỏ phiếu cho ông ta.”

Người thợ hớt tóc nói: “Chưa hề thấy chính trị gia nào làm biếng như thế.”

Cuối cùng ký giả đi tìm ngài thị trường, hỏi ông ta lãnh lương tháng bao nhiêu, thị trưởng nói:

- “Trời ạ, tôi không có lãnh lương.”

- “Vậy thì ngài làm sao đắc cử thị trưởng ?”

- “Danh dự.”


(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Thị trưởng danh dự thì khác với thị trưởng thực thụ, cũng giống như tiến sĩ danh dự khác với tiến sĩ học hành nghiên cứu trong một trường học, họ không có tiền lương cũng chẳng có quyền hạn, chỉ có cái danh dự mà thôi, danh dự này không quy về tiền bạc, cũng không quy về chuyên muôn, nhưng là vì những đóng góp to lớn và có ích của họ cho xã hội hoặc là quốc gia...

Có một vài người tuy không phài là người Ki-tô hữu, nhưng họ luôn quan tâm đến đời sống xã hội, quan tâm đến Giáo Hội và thường ủng hộ hết mình những việc làm của Giáo Hội cho xã hội, họ xứng đáng mang tên “Ki-tô hữu danh dự”, và chắc chắn là họ sống rất gần Chúa và không sớm thì muộn họ cũng sẽ trở thành người Ki-tô hữu nhiệt thành của Chúa và của Giáo Hội.

Tất cả những ai chưa là Ki-tô hữu thì đều là những Ki-tô hữu vô danh, và tất cả những ai chưa là Ki-tô hữu, nhưng yêu mến công bằng, bác ái và sống theo lương tâm của mình, thì đều là những “Ki-tô hữu danh dự” vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:27 08/05/2009
N2T


8. Người gò mình sống khổ chân chính, nhất định nên thánh.

(Thánh Publia)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:28 08/05/2009
N2T


109. Nên biết học vấn rất khó, để ý chút xíu chính là giọt siêng năng.

 
Đức Mẹ Fatima và vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II
LM. Nguyễn Hữu Thy
03:51 08/05/2009
Đức Mẹ Fatima và vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II

Vào ngày 13.5.1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã cố ý giết chết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.

Mãi cho đến hôm nay nguyên nhân vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II của Ali Agca vẫn chưa được hoàn toàn giải thích một cách rõ ràng, mặc dù người ta đã biết được rằng Agca thừa hành lệnh của mật vụ Bảo Gia Lợi (Bulgarie). Sự nghi ngờ cho rằng vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là được Breschnew, Chủ tịch nhà nước và đảng trưởng Đảng cộng sản Liên Sô, sắp xếp và được cơ quan mật vụ Liên Sô KGB ở Mạc Tự Khoa trao cho mật vụ Bảo Gia Lợi thi hành, đã lan rộng ra liền ngay sau vụ ám sát. Riêng Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, hiện là TGM của Krakau/Ba Lan, và là vị thư ký lâu năm của Đức Gioan Phaolô II - kể từ khi ngài còn là Tổng Giám Mục Kraukau mãi cho tới hết 26 năm làm Giáo Hoàng -, thì hoàn toàn xác tín rằng: «Nói một cách khách quan thì hoàn toàn không thể tin được là Ali Agca chỉ là kẻ hành động lẻ loi một mình và tất cả mọi sự đều chỉ do một mình y thực hiện mà thôi». Trong các hồ sơ vụ việc người ta thấy có ghi nhận là bộ An nich Quốc gia của Đông Đức đã nhận lãnh sứ mệnh tìm cách làm giảm thiểu bớt trách nhiệm cho «cơ quan tuyên truyền của người anh em» Bảo Gia Lợi về việc ám sát Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, trên thực tế các sự thú nhận hay các bằng cứ chắc chắn và rõ ràng về vụ ám sát thì mãi cho tới nay người ta vẫn chưa nắm hết được.

Đúng vậy, cho tới nay những lý do thầm kín phía sau vụ ám sát vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Chỉ một điều chắc chắn là Bộ chính trị trung ương Liên Sô đã nhiều lần bàn luận về việc «làm sao có thể giải quyết dứt điểm vấn đề Ba Lan». Ông John O. Koehler, một ký giả người Hoa Kỳ, thì khẳng định là ông đã đọc một hồ sơ được viết vào tháng 11 năm 1979, có ghi các chữ ký của các thành phần thuộc Bộ chính trị trung ương của Liên Sô cũ, trong số đó có cả chữ ký của ông Michail Gorbatschow.

Quả vậy, vào tháng 11.1979 chính là lúc ông Gorbatschow đang đảm nhận chức Tổng bí thư của trung ương Đảng cộng sản Liên Sô, nhưng ông lại chưa phải là thành viên của Bộ chính trị trung ương. Những quyết định về các phương thức hành động của cơ quan mật vụ KGB chỉ được một số rất ít các đảng viên cao cấp quyết định mà thôi. Trong một hồ sơ hiện đang được lưu trữ ở Văn khố quốc gia tại Mạc Tư Khoa có ghi: «Cần phải tận dụng tất cả mọi phương tiện khả dĩ để dẹp tan một khuynh hướng chính trị mới do vị Giáo Hoàng người Ba Lan khởi xướng đang chớm nở, và nếu cần thì phải sử dụng cả những phương tiện thông tin ngụy tạo và làm mất tín nhiệm.»

Còn riêng Đức Gioan Phaolô II chỉ bị trọng thương qua vụ ám sát. Và việc ngài sống sót là cà một phép lạ. Dĩ nhiên, sức khỏe vốn cường tráng trước kia của ngài đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi vụ ám sát, khiến ngài phải chịu đau đớn thường xuyên, kéo dài mãi cho tới lúc ngài băng hà năm 2005. Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Đức Gioan Phaolô II đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là ngài đã tha thứ cho y. ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với Đức Thánh Cha một câu hỏi duy nhất: «Tại sao Ngài lại không chết? – Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không bị tử thương?»

Về phần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì hoàn toàn xác tín rằng chính nhờ bàn tay hiền mẫu của Đức Mẹ Fatima che chở nên ngài mới có thể thoát chết một cách lạ lùng như thế. Bởi vì, ngày ngài bị ám sát tại Rôma - ngày 13 tháng 5 (1981) - cũng chính là ngày Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên năm xưa tại Fatima, ngày 13 tháng 5 (1917). Hơn nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, thì vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài. Do đó, đúng một năm sau vụ ám sát (1982), Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn cứu sống của Đức Mẹ và trong dịp này ngài cũng mang theo một trong các đầu đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn vào ngài để dâng kính Đức Mẹ. Và kìa một sự lạ lùng đã làm chính Đức Gioan Phaolô II và tất những người chứng kiến không khỏi sửng sốt và kinh ngạc, là đầu viên đạn mà ngài mang theo kia khi được gắn vào một lỗ hổng duy nhất còn sót lại ở mão triều thiên trên đầu tượng Đức Mẹ Fatima, mà các đoàn thể phụ nữ Bồ Đào Nha đã dâng cúng cho Đức Mẹ vào năm 1946, thì hoàn toàn vừa vặn như thể người ta đã cốt ý làm cái lỗ hổng đó sẵn cho viên đạn vậy.

Lạy Đức Mẹ Fatima, xin thương xót chúng con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử! Amen.

(Suy niệm Tháng Hoa 2009)
 
Bạn thấy gì trong đêm
LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm
04:45 08/05/2009
BẠN THẤY GÌ TRONG ĐÊM?
(Tác giả: Jean-Claude Esclin
trong Aujaurd’hui la Bible số 164 (xem Cahiers Evangile 11)
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm phiên dịch
Ngày 28-06-1986)


Này người canh thức, bạn thấy gì trong đêm ?
Tôi chẳng thấy gì
Ngoài những gì các bạn không muốn thấy.
Tôi được nhìn thấy rõ
Trong thế giới không ánh sáng hôm nay.

I. Tôi thấy một thế giới chia hai:
Bắc bán cầu giàu xụ,
Nam bán cầu nghèo xơ.
Ai giàu, giàu mãi đi nào !
Ai nghèo, nghèo nữa đi thôi !
Tôi thấy hố sâu giữa hai phần thế giới
Nhưng nào có ai muốn lấp cho đầy !
Tôi thấy thành phố chia ra từng khu:
Khu tây giàu có, khu đông nghèo nàn.
Tôi thấy thủ đô Xăng-chi-a-gô
Bị đám quân phiệt làm mồi cho lửa:
Lửa đốt sách vở, theo sau lửa xe tăng.
Tôi thấy thành Li-ma với bao chướng ngại vật ngang ngửa.
Tôi thấy một dân tộc ngủ say sưa:
Đó là dân tộc giàu có, dư thừa,
Nhưng những khối óc minh mẫn nhất
Đã chết khô tự bao giờ.


II. Tôi thấy một người phụ nữ rất ư cổ kính
Vừa được kính nể, vừa bị khinh chê.
Bà được mọi người dân trong thành biết đến.
Chỉ mình bà nắm giữ chìa khoá của mầu nhiệm.
Tôi thấy bà vừa run vừa sợ đi vào đền của bà.
Bà sợ phải uống máu Con Chiên,
Nên đã cầu hoà với Xê-da,
Đã bịt mắt bưng tai khi bom rơi, máu đổ,
Nên đã bị nhiều người từ bỏ,
Và tình yêu của phần đông trở nên lạnh giá.

III. Tôi thấy vinh quang Thiên Chúa đã rời thành.
Danh thánh Người, không một kẻ tuyên xưng,
Nơi rao giảng lời Người thì hoang vắng,
Cỏ mọc um tùm tại chính nơi thờ phượng.
Tôi thấy bao người lang thang mò mẫm,
Họ thiếu nước uống, thiếu bánh ăn
Mà không sao có được.
Và để tìm cho đời mình một ý nghĩa,
Họ lần mò trên khắp nẻo đường Ấn-độ
Hay bên xứ Mặt Trời.
Đây là khi cơn đói khát ý nghĩa của muôn việc muôn loài
Khủng khiếp như chưa bao giờ thấy.


IV. Tôi thấy Đức Giê-su, chẳng có ai nhận biết.
Ngài đứng nơi cổng thành.
Ngài gõ nơi cổng thành.
Ngài chết nơi cổng thành.
Ngài lau nước mắt cho một em nhỏ.
Ngài nói tiếng người công nhân An-giê-ri.
Bấy giờ tôi thấy vinh quang Thiên Chúa
Mới vào lại trong thành.
Những Đức Giê-su quyết không vào đó
Trước khi vào đó
Người anh em sau chót của Ngài.

V. Tôi thấy các bạn của Con Chiên
Từng theo Con Chiên khắp hang cùng ngõ hẻm.
Những người từ bao năm chết đớn đau thê thảm,
Những người chiến đấu cho công lý,
Cho nhân phẩm của dân mình.
Tên họ được ghi trong Sổ trường sinh,
Được hát trong ký ức của dân tộc họ.
Một ký giả hỏi tôi:
“Phải chờ bao lâu nữa ?”
Này đây câu trả lời:
Cho đến khi dân dân thức tỉnh và hết ngủ vùi
Và khi chén lôi đình tràn tới miệng.


VI. Tôi thấy người Phụ Nữ tay ẵm đứa con thơ
đi vào trong sa mạc
Để sống với lòng mình và để cho mình trẻ lại
Một thời gian và một nửa thời gian.
Để tìm lại mối tình đầu của tuổi xuân,
Để nhịn chay, nhịn những giấc mơ quyền thế
Với những mưu đồ đạt tới vinh quang.
Vì sa mạc là nơi bà lại cảm thấy
Nắm cơm chấm muối với ngụm nước trong
Quả là thứ cao lương mĩ vị,
Nơi bà làm quen với dân vùng hoang địa
Là dân bị đoạ đầy.
Tôi thấy đứng lên một số ít người:
Cả trái đất phải tựa nương vào họ.
Đó là những người công chính, nền móng của vũ trụ,
Những nghệ sĩ đã cứu vẻ đẹp cho khỏi tiêu vong,
Những người sống nơi âm thầm hoang vắng
Để van xin Chúa cho anh em mình.

VII. Tôi thấy xuất hiện một thành mới, một đất mới
Hết thảy từng ước mơ, mong đợi.
Thành mở ngỏ cho mọi người có thể ra vào.
Thành mở ngỏ cho mọi người có thể ăn và nói.
Đền thờ, tôi không còn thấy nữa,
Vì Con Chiên, chính là đền thờ.
Ánh sáng, tôi không còn thấy nữa,
Vì Con Chiên, chính là ánh sáng, và đang ở trong thành.
Các dân tộc được hoà giải với nhau.
Và một em bé gái mở đầu điệu vũ.
Và Thần Khí cùng Tân Nương lên tiếng:
“Xin Ngài mau ngự đến, lạy Chúa Giê-su !”
 
Như cành nho gắn liền với cây mới sinh hoa trái
LM. Trần Bình Trọng
17:00 08/05/2009
NHƯ CÀNH NHO GẮN LIỀN VỚI CÂY MỚI SINH HOA TRÁI

Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Năm B
Cv 9:26-31; 1Ga 3:18-24; Ga 15:1-8


Ðể giúp người môn đệ hiểu mối liên hệ giữa Thầy và trò, Ðức Giêsu dùng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày để diễn giải giáo lí Phúc âm và dậy họ bài học đạo giáo. Phúc âm Chúa nhật tuần trước, Ðức Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc là con chiên và người chăn chiên để nói lên mối liên hệ giữa Thiên Chúa với loài người. Trong Phúc âm hôm nay, Ðức Giêsu dùng ví dụ cây nho và ngành để nói lên sự hiệp nhất, nói cách xác thực hơn, sự thông hiệp giữa người môn đệ với Thầy. Ðức Giêsu ví Người như cây nho, Chúa Cha là người trồng nho, còn người tín hữu là ngành nho. Nho là loại cây được trồng khá nhiều tại đất Pa-lét-tin. Trước khi đưa dân vào đất hứa, ông Môsê đã cho người đi do thám miền đất Ca-na-an (Ds 13:2) và hai người đã chặt được và khiêng về một ngành nho và một chùm nho nặng trĩu (Ds 13:23). Dân Chúa là nhà Ít-ra-en được ví như vườn nho mà Chúa trồng (Is 5:7).

Vậy làm sao để được hiệp nhất với Chúa? Người tín hữu hiệp nhất với Chúa Kitô không phải là kết hợp bên ngoài như gia nhập tổ chức nọ hay hội đoàn kia. Người tín hữu hiệp nhất với Chúa Kitô bằng ơn thánh. Vì thế tội lỗi làm cản trở ơn thánh, cho nên làm giảm sự hiệp nhất với Chúa. Ðể được hiệp nhất với Chúa, người tín hữu cần ở lại trong Chúa. Ở lại trong Chúa là tuân giữ giới răn Chúa như được viết trong thư thứ nhất của thánh Gioan: Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa, thì ở lại trong Thiên Chúa (1Ga 3:24). Ðức Giêsu hứa cho những ai ở lại trong Người, mà họ xin điều gì thì sẽ được ban cho (Ga 15:7).

Hiệp nhất trong Chúa còn có nghĩa là thần trí của Chúa phải thấm nhập vào mỗi lãnh vực của đời sống người tín hữu: tư tưởng, cảm tình, ước muốn và hành động. Ðể được như vậy, người tín hữu phải luyện lọc, thanh tẩy và thanh luyện cho tư tưởng và hành động của mình được hoà hợp và ăn nhịp với những giá trị của Phúc âm: những tư tưởng vị tha, bác ái. Hiệp nhất với Chúa Giêsu là chia sẻ những đau khổ, hi sinh, tử nạn và phục sinh của Người và cả những cảnh người đời tẩy chay và chống đối..

Trong Phúc âm hôm nay, Chúa còn phán: Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thi người ấy sinh nhiều hoa trái (Ga 15:5). Ðể cắt nghĩa sự hiệp nhất này, thánh Phaolô nại đến ví dụ cụ thể của thân thể loài người. Mặc dù được làm thành bởi nhiều phần chi thể, thân thể tạo thành một đơn vị duy nhất. Thánh Phaolô nhìn thấy sự hiệp nhất trong một thân thể tương tự như sự hiệp nhất trong nhiệm thể mầu nhiệm của Chúa Kitô là Giáo hội. Trong Nhiệm Thể Mầu Nhiệm là Giáo Hội thì Chúa Kitô là đầu, còn người tín hữu là những phần chi thể. Thánh Phaolô là người - hơn ai hết - hiểu được ý niệm thần học về Nhiệm Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô vì đã có kinh nghiệm bản thân. Trên đường đi Ða-mas-cô để bách hại người Kitô giáo, Phaolô bị một luồng sáng chiếu toả xuống, làm ông choáng váng, ngã xuống đất, rồi nghe tiếng phán bảo: Saolô, Saolô, tại sao nhà ngươi bách hại Ta (Cv 9:4). Thực ra thì Phaolô chỉ bách hại người Kitô giáo, chứ không bách hại Người phán ra tiếng đó. Sau này nhờ cầu nguyện, suy niệm và được ơn thánh linh soi sáng, thánh Phaolô hiểu được tại sao bách hại người Kitô giáo, là bách hại chính Ðức Kitô vì người Kitô hữu là những chi thể trong Nhiệm Thể Màu Nhiệm của Ðức Kitô. Nói theo từ ngữ của Phúc âm hôm nay, người tín hữu là những ngành nho trong cây nho là Ðức Kitô.

Cây nho gồm nhiều ngành được hợp nhất với nhau, tạo thành một đơn vị, vì cành cây chia sẻ nhựa sống với thân cây, rồi gốc rễ. Vậy nếu không gắn liền với thân cây, cành cây sẽ không có nhựa sống. Cũng như ngành nho cần phải được gắn liền với thân cây thì mới sinh hoa kết quả, người tín hữu cũng cần được hiệp nhất với Chúa Kitô bằng ơn thánh để có thể sinh hoa kết quả thiêng liêng trong đời sống.

Ngành nho gắn liền với thân cây mà không sinh hoa trái là trường hợp người ta chỉ mang danh là người công giáo, chỉ giữ đạo một cách hình thức cho qua lần chiếu lệ mà đời sống lại đầy dẫy tội lỗi, bất công và bất chính, thì làm sao có thể mang lại hoa trái thiêng liêng trong đời sống? Ta có thể được rửa tội từ nhỏ, được gọi là theo đạo gốc. Tuy nhiên nếu đời sống đức tin của mình vẫn nguội lạnh thì làm sao hi vọng mang hoa trái thiêng liêng? Ta cũng có thể gia nhập hội đoàn công giáo tiến hành này, phong trào canh tân kia, nhưng nếu chỉ có tên mà không dấn thân hoạt động, thì làm sao đời sống ta trổ bông tráí thiêng liêng được?

Ðể cho cây được sinh nhiều hoa trái, người trồng nho còn phải cắt tiả những cành cây cằn cỗi để khỏi phí nhựa, cho nhựa cây có thể chảy vào những cành có trái. Họ còn dùng cọc có nạng để chống đỡ những ngành nho có trái cho chùm nho được hưởng khí trời và ánh sáng mặt trời và như vậy trái nho mới thêm tươi mọng. Cũng vậy để được sinh thêm hoa trái thiêng liêng, người tín hữu cần cắt bỏ tội lỗi và các tính mê nết xấu trong đời sống để ơn thánh có thể thấm nhập vào mọi phương diện trong đời sống và như vậy mới mang lại được nhiều hoa quả thiêng liêng.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn hiệp nhất với Chúa:

Lậy Chúa Chúa Giêsu!
Cũng như cành nho hợp nhất với thân cây,
Chúa muốn người tín hữu được kết hợp với Chúa.
Xin cho con được hiệp nhất với Chúa
bằng cách xa tránh tội lỗi và tuân giữ giới răn Chúa
để được ở lại trong ơn nghĩa với Chúa
hầu có thể sinh hoa trái thiêng liêng trong đời sống. Amen.


Lm Trần Bình Trọng
trongtb@yahoo.com
 
Tình yêu phải là con đường của chúng ta
Jos. Tú Nạc, NMS
18:32 08/05/2009
Chúa Nhật 5 Phục Sinh B (Acts 9: 26-31; Psalm 22; 1 John 3: 18-24, John 15: 1-8)

Ai có thể qui lỗi cộng đồng Jerusalem vì bản chất nghi ngờ của Saul? Thât ra chính ông không có cảm tình với phong trào Ki-tô giáo. Bởi sự thú nhận của chính mình, ông là người ngược đãi hăng hái nhất, quẳng nhiều tín đồ vào tù thậm chí đem cái chết đến với nhiều trường hợp. Ông là người đứng đầu ngược đãi và hành hạ họ - và giờ đây ông có cơ hội xuất hiện tại những cuộc hội họp của họ và mong muốn được chấp nhận!

Nhưng xét về nhiều phương diện người mà hiện đang đứng trước họ là nột Saul khác. Sau lần gặp bất ngờ trước việc Chúa Phục sinh trên đường tới Damascus ông đã đi đến nhân thức rõ rằng ông đã bị sai lầm về Jesus Nazareth. Chúa Jesus không bị Thiên Chúa nguyền rủa và không phải là tội nhân như nhiều người lầm tưởng. Thiên Chúa đã chứng minh điều đó bằng việc phục sinh Người từ cõi chết. Những ngày tận cùng của thế giới xa xưa đã bắt đầu với cuộc phục sinh của Người và một thế giới mới đang bước vào sự sống.

Sự hoán cải của Saul không phải là từ tôn giáo này sang một tôn giáo khác mà vì ông tự suy xét một người Do Thái trung thành và tin tưởng suốt cuộc đời của mình. Sự hoán cải của ông có phần nào về một trong những khía cạnh của thề giới quan. Đặc biệt sự hiểu biết của ông về những hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người và những thay đổi của chúng ta trong mối quan hệ đối với bản thân chúng ta. Trong thời gian trước khi ông hoán cải, ông chân thành và vững một niềm tin rằng ông đã thẳng thắn và con đường của ông duy chỉ một niềm tin son sắt. Trong những cảm giác đó, ông rất giống nhiều người trong chúng ta. Ngay cả lúc này, là một tín đồ tin vào Chúa Jesus có dấu hiệu phong phú rằng Saul vẫn giống loài người: đa cảm, nghị lực và hăng hái, nhiệt tình cùng một xu hướng cố chấp, hẹp hòi và cuồng tín. Và ông vẫn một mực cho rằng chỉ mình là đúng.

John đã có cái nhìn sâu sắc tuyệt vời về khái niệm của tình yêu. Thứ tình yêu được biểu hiện bởi Chúa Jesus không chỉ cốt ở lời nói, cách nói và ý tưởng mà phải thể hiện bằng hành động. tình yêu chỉ là tình yêu khi hành động – và nó luôn phải được quan tâm mưu cầu hạnh phúc, phúc lợi và bình an cho tha nhân – thậm chí cho cả những ai mà chúng ta không ưa thích. Phán đoán hoặc lên án người khác không có vai trò ở đây. Đó là một nghịch lý mà khi tình yêu vắng mặt một cách hiển nhiên trước quá nhiều những tranh luận về tôn giáo và chính trị của chúng ta.

“Cửa quyền” tuyệt đối được xem như một sự ngang nhiên dẫn đến cái ác, bất lương và bạo lực.Chúng ta trải qua bên trong của sự bình yên đích thực và bình yên cùng Thiên Chúa khi và chỉ khi tình yêu trở thành con đường trong đời sống của chúng ta.

Trong Tin Mừng của John Chúa jesus thường đựa ra những hình ảnh ẩn dụ để miêu tả tính đồng nhất, bản chất và sứ mệnh của Người. Hình ảnh ẩn dụ của cây nho là hình ảnh tràn đầy ý nghĩa đối với việc vun trồng mà trong những cánh đồng nho là nền tảng của sự màu mỡ và dinh dưỡng.Ý nghĩa này là một điều gì đó đã mất đối với một thành phố hiện đại đông người cư ngụ. Ẩn dụ này mô tả mạch sống và nghị lực của chúng ta. Đối với các tín hữu đó là nguồn lực từ Chúa Jesus. Cũng như cây nho kia gửi gắm chất dinh dưỡng vào những cành nho để nó có thể sinh hoa kết trái. Nên Chúa jesus đã gửi gắm sức sống tinh thần mãnh liệt cho những ai tin tưởng nơi Người.

Nhưng có một đón nhận: để được nuôi dưỡng tâm hồn bằng cách này, người ta phải “tuân theo” hoặc mãi mãi lưu lại trong Người. tuân theo nghĩa là ở và sống trong chúa Jesus – sẵn sàng đón nhận tinh thần và tình cảm như sở hữu riêng cùa con người. Những kết quả này ở bên trong sự thay đổi bằng phương tiện của tâm hồn, những tín hữu người mà theo Chúa Jesus cũng được trao quyền trong những đường hướng mà họ không bao giờ tưởng đến.

Sớm hơn trong Tin Mừng của John, Chúa jesus đã hứa với những người theo Người rằng họ sẽ có thể thực hiện thậm chí những việc cao cả hơn Người đã thực hiện.

Sự úa tàn của những chi nhánh và thiếu thốn sinh khí mà Ki-tô giáo đã trải qua có thể dẫn đến thiếu kiên quyết hoặc bất lực để tuân theo Chúa Jesus. Chúng ta không thể ôm ấp nhưng mô thức hủ lâu của cuộc sống, nghĩ suy và tính đồng nhất bản ngã của chúng ta và mãi hy vọng trải qua một cuộc sống mới trong tinh thần được húa hẹn bởi Chúa Jesus.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Tâm tư dâng kính Mẹ
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
18:41 08/05/2009
Tháng năm đã đến Mẹ ơi
Cánh hoa tô thắm đất trời Nước Nam
Muôn màu muôn sắc ngập tràn
Hương thơm ngào ngạt tỏa lan mọi miền.

Bắc -Trung -Nam nối liền một dải
Tấm thảm hoa đàn trải sắc màu
Từ đồng quê - đến vùng sâu
Trăm hoa đua nở muôn màu tươi xinh.

Thiên nhiên phong cảnh hữu tình
Gọi mời vun đắp công trình Chúa Cha.
Tiếng Ngài khởi thủy tạo ra
Núi rừng, biển cả, cỏ hoa, muôn loài.

Mênh mông rộng lớn nước và trời
Ầm ầm gió rít mãi không ngơi
Sóng ơi! Ai đuổi sao chạy mãi?
Ngã rồi lại gượng cứ liên hồi.

Con cái Mẹ mong hoài sớm tối:
Nước Việt Nam bước tới phồn vinh,
Khắp nơi chung hưởng thái bình,
Người trong một nước đượm tình keo sơn.

Hoa tươi, sắc nước, hương nồng
Lời ca điệu vũ tiếng lòng khát khao
Bay lên tận cõi trời cao
Mẹ ơi! Thương đoái Đồng Bào Việt Nam.
 
Cành nho cuộc đời
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
18:42 08/05/2009
Chúa Nhật V Phục Sinh

Một hình ảnh rất đẹp khác mà Chúa Giêsu đã sử dụng để nói lên tương quan sống còn và tương quan triển nở giữa các môn đệ của Ngài với Ngài là hình ảnh cành nho với thân nho. Cành nho muốn sống được và muốn đơm hoa kết trái dồi dào, cần có 2 yếu tố:

- Yếu tố thứ nhất: phải gắn liền với thân nho.

Tách lìa khỏi thân nho, cành nho sẽ bị khô héo và lụi tàn vì mất nhựa sống. Nói cách khác, cành nho tự thân nó không thể sống được, càng không thể tự sinh hoa kết trái được. Gắn liền với thân nho thì mới có nhựa sống, có dưỡng chất và mới trở nên xanh tươi.

Báo Tuổi trẻ số ra ngày 10.04.2009 đưa tin rằng có trên 30% học sinh Việt Nam lứa tuổi 6-18 suy dinh dưỡng dạng thấp còi vì khẩu phần ăn hằng ngày chỉ đáp ứng được 60% năng lượng cần thiết. Bài báo còn ghi nhận: “Chiều cao thanh niên nước ta đang ở mức gần thấp nhất so với thanh niên các nước khác”. Sự sống thể lý luôn cần dinh dưỡng để tăng trưởng. Sự sống siêu nhiên cũng thế. Nhưng muốn có sự sống siêu nhiên cần phải gắn kết với Đức Kitô, nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho sức sống tâm linh của ta.

- Yếu tố thứ 2: phải được chăm sóc cắt tỉa. Ngồi trên xe đi từ Phan thiết ra Nha Trang, đi ngang qua nhiều vườn nho xanh um mà không thấy trái, hoặc trái rất ít. Nhiều người ngạc nhiên không hiểu tại sao lạ thế. Đúng ra càng tốt tươi thì càng sai trái mới phải. Kỳ thực theo kinh nghiệm của những người chuyên môn trồng nho, sở dĩ cây nho xanh tốt mà ít trái hoặc không có trái là do không được cắt tỉa, hay cắt tỉa không đúng cách.

Không được cắt tỉa, cành nho chỉ có thể sinh chồi lá um tùm làm choáng đất mà thôi, chứ không thể sinh hoa trái dồi dào được.

Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, muốn sinh nhiều hoa trái thiêng liêng, người Kitô hữu cần phải kết hợp mật thiết với Chúa Kitô là nguồn sống, tức là phải ở lại trong tình yêu của Ngài. Ở lại qua việc tuân giữ lời Ngài. Đồng thời phải chấp nhận để cho Thiên Chúa cắt tỉa, thanh luyện, nghĩa là phải chấp nhận hy sinh thử thách và gian khổ. Dĩ nhiên cắt tỉa là phải đau đớn. Có khi bị rướm máu.

Nhìn lại thực trạng sống đạo hôm nay, chúng ta dễ dàng thấy có 3 hạng Kitô hữu:

- Hữu danh vô thần:

Họ là những người mang danh là Kitô hữu, xưng mình là đạo gốc đạo dòng, là “cành nho” chính thống. Nhưng đã tách lìa Đức Kitô và xa lìa Giáo hội. Họ sống như những người vô thần nặc danh, không giữ đạo và cũng không sống đạo.

Đây là hạng người đáng sợ nhất vì họ rất dễ rơi vào nguy cơ tháp nối với cây tiền tài, cây danh vọng, cây quyền lực, cây sắc dục…. Và chắc chắn cành nho đời họ sẽ sinh trái nho hoang nho dại, thậm chí là nho độc nho hại nữa.

- Hữu danh vô thực:

Là những người mang danh có đạo, nhưng không sống đạo hay sống đạo kiểu cầm chừng, đủ rỗi linh hồn là được. Có đạo nhưng không thực hành đạo vì ngại bị cắt tỉa, ngại dấn thân, sợ thua thiệt.

Số phận của những người hữu danh vô thực thì sao ? Có thể nói được rằng số phận của họ thật đáng buồn vì họ như những “cành nho vô tích sự” không sinh được hoa trái thiêng liêng nào, nên chỉ còn có việc chặt làm củi.

- Hữu danh hữu thực:

Đây là những Kitô hữu sống đạo thực sự. Họ sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh sinh, mọi cắt tỉa mỗi ngày để hoa trái được phong nhiêu: “Hạt 30, hạt 60, hạt 100”. Đối với họ, Lời Chúa luôn là nhựa sống đem lại sự sống cho cành nho đời họ. Lời Chúa còn là phương thế cắt tỉa, thanh luyện để họ có thể sinh hoa trái dồi dào hơn: hoa trái bác ái yêu thương, hoa trái công bình chính trực, hoa trái hiệp nhất bình an….

Tôi đang thuộc hạng người nào trên đây ? Phúc cho tôi nếu tôi có tên trong danh sách những người thuộc hạng thứ 3, hữu danh hữu thực. Ngược lại, thật bất hạnh cho tôi nếu tôi bị liệt vào hàng ngũ những người thuộc diện “hữu danh vô thực”, hay “hữu danh vô thần”, là những hạng Kitô hữu sẽ bị phán xét công thẳng trước toà phán xét của Thiên Chúa sau này.
 
Tôi van xin một lần cuối...
Pm. Cao Huy Hoàng
18:43 08/05/2009
Chúa Nhật 5 Phục Sinh

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 4-5).

Lời Chúa thật tha thiết nồng nàn. Như một lời van xin! Vì thiết tưởng câu nói nầy không hiểu ở thể sai khiến, mà là câu yêu cầu. Một yêu cầu phát xuất từ lòng yêu thương.

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Một cách hiểu khác, là Thầy vẫn có đó, Thầy vẫn ở đó trong anh em, nhưng thầy van xin anh em ở lại trong Thầy. Một tương quan song phương không cân đối nếu chỉ có một bên thấu đạt được vấn đề. Biết thế, nhưng ước muốn của Chúa Giêsu vẫn để cho tôi, cho bạn một sự tự do chọn lựa đồng ý hay không đồng ý, kết hiệp hay không kết hiệp. Ước muốn ấy còn khẩn thiết hơn bằng một lời hứa quyết liệt: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”, và một cảnh tỉnh: “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.

Đọc đi đọc lại lời nầy, tôi bỗng nhớ có lần anh bạn bại liệt của tôi từng nói sau phút xuất thần trước ảnh Chúa Thương Xót: “ H ơi, mỗi lần anh đọc đoạn Tin Mừng nầy, anh nghe như Chúa Giêsu đang hát cho anh nghe với tất cả tấm lòng, diễn cảm qua đôi tay run lên đưa trước mặt anh, giọng kêu gào tha thiết: “Tôi van em, tôi van em một lần cuối... Hãy ở lại trong tôi... để tôi làm cho em được hạnh phúc tràn đầy.”

Chúa Giêsu muốn chúng ta kết hiệp với Ngài để chúng ta được hạnh phúc thật. Hoa trái mà Chúa Giêsu muốn cho tôi, cho bạn trổ sinh, không chỉ là hoa trái hạnh phúc thật của một cuộc sống viên mãn đời sau, mà còn là một hạnh phúc thật ngay trong cuộc sống đời nầy khi ngộ ra được rằng tất cả những gì mình đang có đều nhờ bởi ơn Chúa. Và khi nhận ra chân giá trị hữu hạn của những gì thuộc về cõi đời tạm này, thì tự chúng ta sẽ cởi trói cho mình để được tự do mà kết hiệp với những gì là vĩnh cửu.

Chúa Giêsu muốn chúng ta kết hiệp với Ngài bằng một tâm tình đơn sơ phó thác. Ngài muốn chúng ta cùng Ngài đi hết hành trình đời người, và đi theo con đường Ngài đã đi. Có thể chúng ta rất kinh hoàng và không dám kết hiệp với Ngài, vì kết hiệp với Ngài là kết hiệp với những khổ đau bất hạnh. Nhưng, khi đã bằng lòng kết hiệp với Ngài, thì những khổ đau bất hạnh trong đời trở thành niềm vui, niềm vinh dự và hạnh phúc. Một điều ngược đời là, khi chúng ta không kết hiệp với Ngài, ta cứ tưởng là ta sẽ tìm được thoải mái hạnh phúc, nào ngờ, ta còn gặp đau khổ hơn, thất vọng hơn và không có lối thoát hiểm.

Chúa Giêsu muốn chúng ta kết hiệp liên lỉ với Ngài, như cành nho không ngừng kết hiệp với thân nho. Nhựa sống thân nho làm cho cành nho tươi tốt thế nào, thì nguồn ơn của Thiên Chúa tuôn trào cho chúng ta qua Chúa Giêsu cũng dồi dào thế ấy. Sự kết hiệp liên lỉ với Chúa Giêsu đòi hỏi thể hiện cùng một lúc cả ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến cách tuyệt đối. Một đức tin lưng chừng, một đức cậy trục lợi, hay một đức mến mơ hồ, không thể đưa ta đến sự kết hiệp toàn bích và lâu bền. Đó cũng là lời giải thích cho chúng ta hiểu lý do sự kết hiệp giữa tâm hồn ta và Chúa Giêsu sao cứ lình xình mãi, lúc thế nầy, lúc ra thế nọ! Tất cả lý do nằm về phía chúng ta, những con người hay thay lòng đổi dạ, hay nghiêng về cái thực tại hấp dẫn trước mắt mà quên rằng, cành nho không thể lìa cành nho trong giây lát!

Đem những suy niệm vào đời sống thực tế hôm nay, có thể thấy, Lời Chúa vẫn thiết thực, vẫn mới keng như ngày nào Chúa nói với các môn đệ, nếu không nói là càng lúc càng khẩn thiết hơn. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”

Đến bao giờ con người mới thấy cần có Chúa?! Những con người không tin có Thiên Chúa vẫn đang loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống mình, đã đành, mà cả những con cái Chúa, vẫn mù mờ mơ hồ giữa cái cần có và cái thích có. Thích có một cuộc sống hạnh phúc mà không cần có sự can thiệp của Thiên Chúa quả là một ý tưởng điên rồ.

Vậy mà, ý tưởng điên rồ ấy lại được viết thành cả kho sách giáo dục cho một thế hệ không cần có Thiên Chúa, cắt đứt mọi quan hệ với Thiên Chúa và khẳng định với hậu duệ rằng tự sức chúng ta làm ra tất cả!

Thiết tưởng, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho mọi gia đình công giáo về việc đặt lại một nền tảng đức tin, cậy, mến đối với chính các bậc làm cha mẹ và nhất là người trẻ, cho xứng với danh xưng con cái của Thiên Chúa. Người trẻ được giáo dục tại các nhà trường từ bé đến lớn đều không mảy may đề cập đến Thiên Chúa theo chiều hướng hữu thần, mà ngược lại, theo chiều từ chối sự can thiệp của Ngài vào trong tất cả mọi lãnh vực. Đối với họ, không chỗ nào có Thiên Chúa. Tòa án không Thiên Chúa. Bệnh viện không Thiên Chúa. Nhà trường không Thiên Chúa.... Và nhất là lòng người cũng không có Thiên Chúa! Thế rồi, người trẻ của Thiên Chúa bước vào cuộc đời giữa cái mơ hồ hỗn độn, lao đầu vào cuộc kinh tế chính trị xã hội không cần có sự can thiệp nào của Thiên Chúa, của lề luật Thiên Chúa... Và họ đang lao đầu vào chỗ diệt vong mà không hay không biết! Vì, “cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho”.

Một bà mẹ dặn con trước khi đi học: “Con nhớ thinh lặng một phút đầu giờ học nhé”. - “Chi thế Mẹ?” - “Nhớ đến Chúa, xin Chúa giúp con”. Một cuộc điện thoại của Bố gọi cho con: “Bằng cấp chưa đủ! Vốn liếng chưa đủ! Con nhớ cầu nguyện thì công việc của con mới thành đạt được”. Tôi vẫn nhớ ông bà, cha mẹ ngày xưa hay dặn dò và tập cho anh em chúng tôi ý thức cần đến Chúa, nhớ đến Chúa bằng cách dâng những lời nguyện tắt liên lỉ trong mỗi công việc. Và ngày nay, nhiều anh em vẫn hỏi ý kiến Chúa trước khi thực hiện việc gì, để đẹp ý Chúa. Giờ kinh tối sáng tại các gia đình vẫn là một truyền thống tốt đẹp để gợi lên trong gia đình một chương trình kết hiệp cành nho với thân nho. Truyền thống ấy nay đâu? Không phải vì người trẻ lười biếng, mà có khi lại do người lớn không có chương trình!

Chúa Giêsu đang van xin một lần cuối: Hãy ở lại trong Ngài...

Lạy Chúa, chúng con cần có Chúa, chúng con cần sự can thiệp của Chúa trong hành trình đời người chúng con. A men.
 
Những Tháng Hoa Kỷ Niệm
Đinh văn Tiến Hùng
19:11 08/05/2009
Vâng thưa Mẹ làm sao con quên được,
Những tháng Năm thơ ấu tại quê nhà,
Chuông giáo đường vang vọng gọi thiết tha,
Đoàn mục tử lại cùng nhau qui tụ.

Dưới chân mẹ trăm bông hoa rực rỡ,
Hai hàng đèn nến toả sáng lung linh,
Ôi muôn người cất cao tiếng cầu kinh,
Thật đầm ấm vây quanh hang Lộ Đức,
Lòng trải rộng vì cuộc đời đơn thật,
Các bé thơ niềm mơ ước bao la,
Mắt tròn xoe với gưong mặt hiền hoà,
Tim nhộn nhịp đời tuổi thơ là thế.
Những thôn nữ má hồng lên e lệ,
Tà áo dài che khuất bước chân đi,
Hồn lâng lâng dạo khúc nhạc xuân thì
Rước kiệu Mẹ vòng quanh khu xóm nhỏ.
Hoa muôn màu với hào quang rực rỡ,
Trống chiêng rền theo những cánh hoa rơi.
Đoàn con chiêm bái Đức Mẹ Chúa Trời,
Tim rạo rực cùng ca vang khúc hát.
Những cụ già miệng lâm râm lần hạt,
Mắt mơ màng nhưng nhìn rõ tưong lai,
Bỗng nuối tiếc sao năm tháng không dài,
Để tiếp tục dâng lời kinh sám hối.
Riêng chúng con tâm hồn thật vô tội,
Chỉ thấy vui quên mất cả thời gian,
Đâu biết đời như mây gió hợp tan,
Nhìn cuộc sống đầy hoa thơm cỏ lạ.
Bóng Mẹ Hiền trùm lên con tất cả,
Ôm ấp vỗ về dịu ngọt tuổi thơ!

Vâng thưa Mẹ con nhớ mãi tới giờ,
Thời gian đó chỉ còn trong kỷ niệm,
Nhưng dư âm không bao giờ tan biến,
Con lớn lên theo năm tháng dòng đời,
Dù nơi đây cuối góc biển chân trời,
Con vẫn mơ về Những Tháng Hoa Kỷ Niệm.
 
Sự phát trỉển của Giáo Hội
LM. Nguyễn Hữu Thy
22:42 08/05/2009
Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh/B:

Sự phát triển của Giáo Hội!



(Cv 9,26-31)

Bài đọc hôm nay được trích trong Sách Công Vụ Tông Ðồ đã dẫn chúng ta trở về những buổi ban đầu của Kitô Giáo. Tất cả mọi khởi đầu đều ẩn chứa trong mình tính cách năng động, hăng hái và bộc phát. Vâng, bài trích Sách Công Vụ ngắn ngủi này đã làm nổi bật điều đó và tất cả đều xoay quanh con người thánh Phaolô, tên thật là Saolô. Từ An-ti-ô-ki-en ông trẩy đi Giê-ru-sa-lem là nơi ai cũng đều biết ông vốn là một người từng điên cuồng bắt bớ các Kitô hữu và đã có mặt trong vụ ném đá Stê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi của Kitô Giáo.

Vì thế, phải chăng là một điều ngạc nhiên khi các Tông Ðồ và cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã tỏ ra dè dặt trước tin ông cải giáo và tin nhận Ðức Kitô? Nhưng cùng đi với Phaolô còn có Tông đồ Bar-na-bê, người đã đứng ra biện hộ cho ông và nhất là qua việc ông công khai hùng hồn biện hộ cho niềm tin Kitô Giáo đến nỗi đã đưa tới cuộc tranh cãi sôi nổi giữa ông và nhóm người Do-thái Hy lạp, chứng minh cho thấy con người ông Phaolô đã thực sự biến đổi hoàn toàn: Từ Saolô đã biến cải thành Phaolô, từ một người hung hăng bắt bớ các Kitô hữu đã biến cải thành một vị Tông đồ can trường rao giảng Tin Mừng của Ðức Kitô.

Xét về bản tính tự nhiên, một đàng ông Phaolô là con người cởi mở và chân thành nên đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người, đàng khác ông không phải là một người dễ dàng chịu khuất phục và chịu im lặng trước các bất công hay trước các đối phương. Vì thế ông đã hăng hái và can trường rao giảng Ðức Kitô nay đây mai đó, bất chấp mọi gian lao thử thách và tù tội. Khắp mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu ai cũng mong chờ sự can thiệp và giúp đỡ không mỏi mệt của thánh nhân. Nhất là nhờ sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, Phúc Âm đã được loan truyền đi khắp mọi nơi, đến tận cùng biên cương các vùng lãnh thổ của thế giới được biết đến vào lúc bấy giờ. Trong văn bản Sách Tông Ðồ Công Vụ, người ta cảm nghiệm được sức sống đức tin mãnh liệt và sự thâm tín sâu xa trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Chính sức sống đức tin mãnh liệt và lòng thâm tín sâu xa đó đã giúp cho các Kitô hữu can đảm chấp nhận mọi thử thách đau khổ, mọi bắt bớ tù đày.

Và ngày nay? Tình trạng các xứ đạo cũng như các Giáo Hội Kitô giáo chúng ta như thế nào? Bản văn tường trình về tinh thần sống đạo sốt sắng và đức tin mạnh mẽ của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã giúp cho chúng ta tự kiểm điểm lại tình trạng thực hành đức tin và sự sống đạo của chúng ta ngày nay. Vâng, sức sống mãnh liệt của Giáo Hội tiên khởi là gương sáng, là động lực cho đời sống đức tin của chúng ta. Vì thế, người ta phải tự hỏi:

· Trong cộng đoàn giáo xứ của chúng ta hôm nay cũng có những người giáo dân luôn biết can đảm sống đức tin của mình một cách công khai, chứ không hề sợ hãi lùi bước? Hay những người giáo dân luôn biết can đảm làm chứng nhân cho niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô và Giáo Hội giữa một môi trường sống ngoại giáo xa lạ, và dù cho họ phải hứng chịu những thiệt thòi trong cuộc sống xã hội?

· Cộng đoàn giáo xứ chúng ta có luôn sẵn sàng mở rộng cửa đón tiếp những người anh chị em giáo dân đã biết can đảm trở lại cuộc sống bình thường sau bao lầm lỗi ngã sa, và tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể tiếp tục vui vẻ hòa nhập vào cuộc sống giáo xứ không? Phải chăng chúng ta cũng là những Kitô hữu như Bar-na-bê, biết nâng đỡ những người tìm đến với giáo xứ chúng ta, biết xóa bỏ những thành kiến tiêu cực và giúp cho những người khách lạ hòa nhập vào các sinh hoạt của giáo xứ chúng ta? Cộng đoàn giáo xứ chúng ta có sẵn sàng đón tiếp những người mới đến nhập cư vào trong các đoàn thể của chúng ta hay không? Chính mỗi người chúng ta đều biết rằng không phải là một điều dễ dàng đối với một người khi phải hội nhập vào một môi trường sống còn mới mẻ và xa lạ. Và trong một hoàn cảnh tế nhị như thế, một cái mỉm cười, một ánh mắt nhìn đầy thiện cảm và một lời nói động viên, v.v… có thể tạo ra một hiệu quả tích cực không ngờ trước được. Chúng ta có thực sự cởi mở và khoan dung với những người ngoại kiều, những người khác màu da và chủng tộc với chúng ta, mà qua họ Ðức Kitô muốn gặp gỡ chúng ta không?

· Và sau cùng, liệu người ta còn có thể nói về chúng ta, những Kitô hữu ngày nay, như người ta xưa kia đã nói về các Kitô hữu tiên khởi: «Họ sống trong sự kính sợ Thiên Chúa»? Nghĩa là: Chúng ta có thực sự lấy Ðức Giêsu Kitô làm trọng tâm cho mọi hành động và mọi lo lắng của chúng ta hay không?


Ðó là những vấn nạn mà chúng ta muốn tự đặt ra cho chính mình, những Kitô hữu hôm nay, khi chúng ta hướng nhìn và suy niệm về đời sống đức tin mãnh liệt và thâm tín sâu xa của các Kitô hữu tiên khởi. Trong Tông Ðồ Công Vụ, thánh sử Lu-ca đã giới thiệu cho các độc giả hình ảnh lý tưởng của cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, đúng với ý muốn của Ðấng sáng lập là Ðức Kitô. Hình ảnh lý tưởng gương mẫu đó là chuẩn mực, là thước đo cho các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta ngày nay. Dĩ nhiên, trong thực tế không ai có thể đạt tới được cái lý tưởng một cách trọn vẹn. Bằng chứng là chính bản văn của Tông Ðồ Công Vụ cũng cho chúng ta thấy là trong chính cộng đoàn của các Kitô hữu tiên khởi cũng không tránh khỏi được những tính chất nhân loại đang tồn đọng giữa họ, như: Lười biếng, chống đối, tranh chấp, hiểu lầm nhau,v.v…Cũng chính vì thế thánh sử Lu-ca đã tường trình cho các cộng đoàn biết tin tức, cốt để động viên và ủy lạo họ.

Sự hiện diện và sự tác động của Ðức Giêsu trong các cộng đoàn các Kitô hữu không kết thúc cùng với sự phục sinh và lên trời của Người. Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động và tiếp tục các công trình của Ðức Giêsu trong Giáo Hội tiên khởi. Vì thế, các tín hữu luôn được ban cho sức mạnh để có thể lấy ơn báo ác, lấy lành thắng dữ. Nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có đầy đủ khả năng để vượt qua được tội lỗi và sự yếu đuối sa ngã. Nhờ Chúa Thánh Thần, các kẻ thù biết bắt tay làm hòa với nhau, người tội lỗi có đủ can đảm để thống hối ăn năn và bắt đầu một cuộc sống mới. Sự trợ lực của Thánh Thần Thiên Chúa ban cho ta có đủ sức mạnh để trở nên chứng nhân cho niềm tin vào Ðức Kitô, để lướt thắng được lo âu sợ hãi và xây dựng một cuộc sống đầy nhân bản trong Ðức Giêsu Kitô.

Nhưng bình thường người ta rất khó cảm nghiệm được Thánh Thần Thiên Chúa ở những nơi mọi người đều tìm kiếm và chờ đợi ở các cuộc họp đông đảo rầm rộ. Thánh Thần của sự dũng cảm và lòng can trường Kitô giáo gặp gỡ chúng ta qua những Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày đã biết can đảm lên tiếng bênh vực khi niềm tin Kitô giáo của mình và Giáo Hội bị khinh khi nhạo báng. Thánh Thần Thiên Chúa là chính Ðấng linh ứng cho các tín hữu đó biết bình tĩnh và thẳng thắn đối chất với kẻ thù của Chúa và của Giáo Hội, đồng thời tạo ra được một bầu không khí rõ ràng minh bạch và khoan dung cởi mở trong một môi trường thiếu thuận lợi cho Kitô giáo. Chính Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy cộng đoàn Kitô hữu biết quan tâm tới người tân tòng và giúp họ hội nhập vào đời sống của cộng đoàn. Vì trong vấn đề giúp cho những thành viên mới của Giáo Hội biết từ từ hòa mình vào cuộc sống của cộng đoàn, Người không muốn hành động một cách ồn ào hay can thiệp một cách mạnh mẽ, nhưng bằng những lời nói thân tình, một sự động viên thành tâm. Sau cùng, Thánh Thần Thiên Chúa soi sáng cho người tín hữu biết múc lấy cho mình sức mạnh trong các kinh nguyện và qua sự thông hảo chân tình với các tín hữu khác, hầu có thể vượt thắng được những thách đố và những khó khăn trong cuộc sống đức tin.

Nói tóm lại, Thánh Thần Thiên Chúa đã hoạt động một cách mạnh mẽ và rõ ràng trong Giáo Hội tiên khởi. Nhưng nếu chúng ta thành tâm quan sát với cặp mắt đức tin, chúng ta cũng nhận diện được những hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội ngày nay, qua các hiệu quả cụ thể trong các cộng đồng các tín hữu của chúng ta. Cái cảm nghiệm sâu xa về đức tin có thể khích lệ và thôi thúc chúng ta biết cầu xin Chúa Thánh Thần lại tác động trong Giáo Hội, đặc biệt trong khoảng thời gian giữa Lễ Phục Sinh và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Vì chỉ nhờ sự phù trợ và đỡ nâng của Thánh Thần Thiên Chúa, những nỗ lực phát triển Giáo Hội Chúa trong xã hội và trong tâm hồn con người mới mang lại nhiều hoa trái.
 
Người mẹ trong công trình sáng tạo
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
22:45 08/05/2009

Người mẹ trong công trình sáng tạo



Sau khi đã hoàn tất sáng tạo mọi công trình trong vũ trụ trời đất, vào ngày cuối cùng, ngày thứ sáu công trình sáng tạo, Thiên Chúa tạo dựng con người có nam cùng có nữ, giống hình ảnh mình. Ngài trao cho họ được làm chủ các tạo vật do Ngài đã dựng nên, làm của ăn nuôi sống, và chúc lành cho họ (St 1,26-31).

Nơi khác, sách thuật lại chi tiết việc Thiên Chúa tạo dựng nên mọi loài có sự sống trong vũ trụ từ bụi đất. Nhưng tạo dựng bà Evà, người phụ nữ đầu tiên làm mẹ chúng sinh, lại khác: Thiên Chúa rút một rẻ xương từ xương sườn của ông Adong, người đàn ông đầu tiên, làm thành thân thể người phụ nữ đầu tiên. (St 2,21-25).

Sách Sáng Thế chỉ thuật lại chi tiết đơn giản như thế. Nhưng trong đời sống, khi quan sát khả năng nơi người phụ nữ, đúng hơn của một người mẹ, chúng ta thấy có sức năng động linh hoạt đầy tràn sáng tạo.

Vậy phải chăng Thiên Chúa, lúc tạo dựng nên người phụ nữ để làm mẹ chúng sinh, đã vẽ ấn định một công thức có bài bản cho công trình này rồi?

Điều này chắc chắn là có rồi. Chả thế mà từ nghìn triệu năm nay, thân thể cùng khả năng trí tuệ, tầng thần kinh, cảm giác, cung lòng khả năng sinh sản nuôi dậy con cái…nơi bất cứ người phụ nữ nào cũng đều có căn bản như vậy.

Và công trình sáng tạo này vẫn luôn luôn là bản chính (original) nơi mỗi người phụ nữ. Không ai giống ai, cho dù họ có cùng một căn bản thể loại khung sườn nữ tính như nhau.

Đó là nét đẹp đặc trưng cao qúy tuyệt vời của công trình sáng tạo, mà không ai là con người xưa nay có thể bắt chước đúc nặn làm nên được.

Dựng nên người đàn ông với bắp thịt gân guốc tay chân rắn chắc, nước da nâu ngăm đen hay đỏ, tâm tính hướng về suy nghĩ nhiều hơn, Thiên Chúa đơn giản dùng đất nặn nên hình hài, rồi thổi hà hơi vào, thế là ông thành người có sức sống hoạt động.

Nhưng tạo dựng nên người phụ nữ với những chi tiết như Thiên Chúa đã dự định phác họa, chắc chắn là lâu hơn, chi tiết tỉ mỉ tinh tế hơn.

Thiên Thần là loài Thiên Chúa dựng nên sống trực tiếp cùng là sứ gỉa luôn ở ngay bên cạnh Ngài, họ quan sát ngắm nhìn thấy Thiên Chúa lúc tạo dựng người phụ nữ, như mải miết loay hoay tô điểm thêm nhiều chi tiết đặc biệt khác lạ.

Đánh bạo một Thiên Thần nhỏ tươi cười đến hỏi Thiên Chúa: “ Sao Chúa mất nhiều thời giờ công lao để tạo thành người phụ nữ vậy?”

Nghe thế Thiên Chúa mỉm cười, nhưng mắt luôn chăm chú vào tác phẩm công trình sáng tạo còn đang dang dở, giải thích: “ Này con, Ta muốn tạo nên người phụ nữ không chỉ có chân tay, da dẻ mềm mại, mái tóc óng mượt dài thôi đâu.

Chị ta cần phải có trực gía bén nhậy cùng tâm tính mềm dẻo thích nghi, nhưng không co giãn như đồ nhựa plastic hay cao su.

Thân thể cơ quan người chị ta phải có mầm mống khả năng sinh sản. Cung lòng chị ta phải như một dòng sông chuyên chở nước cho thai nhi bơi lội lúc đang thành hình trong cung lòng chị. Rồi khi người con mở mắt chào đời, chị phải có dòng nước sữa mẹ trong lành bổ dưỡng nuôi sống con mình.

Khi nuôi dậy con, chị phải có khả năng kiên nhẫn yêu thương bao bọc, uốn nắn con mình, cùng không ngại sợ dơ bẩn thu dọn tắm rửa cho con cái. Chị phải can đảm nếm đồ ăn nước uống biết độ nóng lạnh, trước khi cho con ăn. Chị cũng phải sẵn sàng ăn chén cơm thừa, miếng bánh dư của con cái để lại. Phần Chân người phụ nữ là chiếc ghế ngồi cho con

Tiếng cười nụ hôn của chị trên gò má, trên tay chân con cái mình có sức chữa lành xóa tan sự buồn phiền sợ hãi của người con. Nói tắt chị phải có trực giác nhậy cảm với con mình khi chúng đau chân nhức đầu, đau bụng và cả khi chúng kêu khóc vì cảm thấy buồn bực bị bỏ rơi. Đời sống thiên nhiên của người phụ nữ là như thế.

Lẽ dĩ nhiên, Ta tạo dựng nên người phụ nữ cũng như người đàn ông đều có hai tay hai chân. Nhưng nơi người mẹ Ta ước sao chị có sáu bàn tay!”

Thiên Thần nhỏ trừng đôi mắt ngây ngô hỏi chen vào: “ Làm sao chị ta lại cần tới sáu tay vậy?”

Thiên Chúa vẫn chăm chú vào công trình tạo thành người phụ nữ giải thích tiếp: “ Một người mẹ mà cần có sáu đôi tay, Ta không ngạc nhiên cùng cho đó là khó đâu. Nhưng làm sao tạo thành cho chị sáu con mắt mới là vấn đề Ta đang suy nghĩ. Vì chị cần như thế và cũng khó tạo thành!”

Thiên Thần nhỏ càng thắc mắc hơn nữa: “ Như thế có phải Thiên Chúa lấy đó làm kiểu mẫu căn bẳn cho người phụ nữ chăng?”

Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, lộ nét tươi cười trên khuôn mặt và đồng ý gật đầu với câu hổi tò mò của Thiên Thần. Sau một phút thinh lặng, Thiên Chúa giải thích tiếp: “ Một người mẹ cần ba đôi con mắt. Một đôi con mắt để nhìn quan sát xuyên qua cánh cửa phòng con mình xem sự gì đang xảy ra trong đó, dù chị biết chúng đang học bài hay chơi đùa với nhau. Chị để tâm nói vọng vào: các con đang làm gì vậy?

Đó là tình yêu lòng quan tâm của người mẹ hằng hướng về con cái mình.

Một đôi con mắt hướng ra phía đàng sau, để nhìn quan sát những gì có thể xảy ra mà chị không nhìn thấy, nhưng chị cần phải biết.

Đó là trực gíac linh tính bén nhậy của chị, hay nói theo kiểu phân tích tâm lý là giác quan thứ sáu.

Và tất nhiên một đôi con mắt phía trước để nhìn cho rõ tận tường con cái chị đang làm gì, đang nói gì. Khi thấy con mình nói hay làm gì không đúng, chị nghiêm nghị đưa đôi mắt nhìn chúng, khiến chúng bẽn lẽn xấu hổ nói với chị: “ Con biết rồi, mẹ không thích chúng con như vậy. Mặc dù mẹ không nói lời gì, nhưng ánh mắt mẹ tỏa ra đã đủ để chúng con hiểu mẹ muốn nói gì rồi!”

Đó là sự giáo dục đào tạo mà người mẹ muốn uốn nắn con cái mình từ khi chúng còn thơ bé.

Thiên Thần nhỏ càng trố mắt rụt rè hai bàn tay xoa vào nhau nói nhỏ nhẹ: “Ôi Thiên Chúa, qủa là công trình tuyệt diệu, chi tiết tỉ mỉ không ai là loài Thiên Thần chúng con có thể tưởng tượng ra nổi! Nhưng con nghĩ, chiều đang dần tàn, bây giờ đi ngủ. Ngày mai thức dậy làm tiếp công trình cũng còn kịp!”

Thiên Chúa tình yêu nói ngay: “ Không được đâu con. Công trình tạo dựng Ta đang thực hiện còn dở dang.Ta muốn hoàn thành công trình tạo thành nơi người phụ nữ một vài điều nữa, mà Ta đã phác họa ra. Ta muốn sao người mẹ, khi bị đau bệnh cũng có khả năng tự chữa lấy mình được. Vì gia đình con cái đang trông chờ người mẹ khoẻ mạnh trở lại còn nấu ăn, dù chỉ với một ít gạo, nước mắm, muối và vài mớ rau hay cùng lắm nửa kí thịt heo. Và người mẹ phải có sức để thúc giục các con học bài, làm bài cùng tắm rửa sạch sẽ, đi ngủ sớm để sáng hôm sau thức dậy đúng giờ đi học. “

Thiên Thần nhỏ mạnh dạn tiến đến gần lấy bàn tay vuốt ve sờ vào công trình người phụ nữ, mà Thiên Chúa tạo thành đang đứng trước mặt, kêu lên: “ Sao mềm mại qúa vậy!”

Thiên Chúa trả lời ngay: “ Nhưng có sức dẻo dai chịu đựng lắm đấy! Con không biết rằng một người mẹ có thể làm được mọi sự cùng nhẫn nại chịu đựng dẻo dai được sao! ”

Thiên Thần tò mò hỏi tiếp: “ Thế chị ta có thể suy nghĩ được không?”

Đấng Tạo Hóa: “ Không chỉ suy nghĩ. Nhưng còn có khả năng bình luận xét đoán bằng trực gíac nhạy bén, cùng đề nghị giải pháp dung hòa êm đẹp nữa đấy, nhất là trong việc mua bán nấu nướng làm bếp, việc nuôi dưỡng dậy bảo con cái!”

Sau cùng Thiên Thần nhỏ cúi mình bái phục bức tượng công trình người phụ nữ vừa được Thiên Chúa hoàn thành sáng tạo nên, cùng đưa ngón tay quệt lên má chị ta nói: “ Sao vệt này giống như một vết đốm lõm vậy!”

Thiên Chúa nói: “ Ta đã bảo, chúng con tò mò qúa, cùng thích quay quyện đụng chạm sờ mó vào bức công trình này qúa vậy! Đó không phải là vết đốm lõm in hằn sâu trên má chị ta đâu. Đó là dòng nước mắt lăn chảy trên gò má chị ta đấy!”

Thiên Thần nhỏ tò mò hơn: “Để làm gì vậy?”

Đấng Tạo Hóa: “ Dòng nước mắt niềm vui mừng hạnh phúc; dòng nước mắt đau khổ buồn phiền; dòng nước mắt niềm thất vọng tủi hổ; dòng nước mắt đau đớn quằn quại; dòng nước mắt bị bỏ rơi và dòng nước mắt niềm tự hào hãnh diện”

Thiên Thần nhỏ cúi đầu nói nhỏ nhẹ: “ Ngài thật là đấng quyền năng tuyệt hảo diệu vợi!”

Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, quay đi lộ nét suy tư buồn bã nói như vào không gian: “ Dòng nước mắt ư! Nhưng không phải do Ta làm ra!”

Tháng Hoa kính Đức Mẹ Maria, 10.05.2009

Tặng các người Mẹ trần gian- ngày nhớ ơn Mẹ.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc tông du tới Đất Thánh (4)
Vũ Văn An
04:45 08/05/2009
Đất Thánh chuẩn bị nghênh đón Đức Giáo Hoàng

Từ tháng Tư, các thợ sơn, nhân công và các nhà khảo cổ đã cùng nhiều người khác thực hiện những chuẩn bị sau cùng cho cuộc nghênh đón Đức Giáo Hoàng tới Đất Thánh.

Theo hãng tin EFE, các công nhân bận bịu sơn các khung cửa và rà xét các bức tường tại Phòng Tiệc Ly. Nhà thờ Mộ Thánh cũng được tạm đóng cửa trong một thời gian để chuẩn bị. Tại Đồi Vực Thẳm (Mount Precipice), các công nhân đã xây dựng một khán đài để Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với hàng ngàn người bên ngoài Nadarét.

Theo Cha Ricardo Bustos thuộc Đền Thánh Truyền Tin, sẽ có ba ca đoàn địa phương, một của người Maronite, một của người Melchite và một ca đoàn Latinh, và ít nhất sẽ có một bài đọc hát theo Nghi Lễ Đông Phương trong Thánh Lễ tại Đồi Vực Thẳm.

John Seligman, một nhà khảo cổ làm việc tại Cơ Quan Khảo Cổ Do Thái, có nhiệm vụ tân trang Phòng Tiệc Ly, cho biết: việc Đức GH tới thăm là “một cơ hội lớn để trưng bày các địa điểm quan trọng nhất của Kitô Giáo. Chúng tôi đã làm sạch các tường, sửa lại gạch và chữa các bức tường hư, để địa điểm này coi cho được đối với cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng”.

Cha Pierbattista Pizzaballa, Quản Thủ Đất Thánh, nói rằng cuộc viếng thăm của Đức GH cho thấy: bất chấp các hiểu lầm, mối liên hệ với thế giới Do Thái Giáo và Hồi Giáo là mối liên hệ rất quan trọng đối với cả Giáo Hội Công Giáo nói chung và cho bản thân Đức GH nói riêng. Do Thái đầu tư hơn 9 triệu mỹ kim để canh tân các địa điểm được Đức Giáo Hoàng viếng thăm.

Lực lượng an ninh khổng lồ bảo vệ chuyến tông du

Theo hãng tin AP, Do Thái sẽ triển khai 80,000 nhân viên an ninh trong “Chiến Dịch Áo Trắng” (Operation White Cloak) để bảo vệ Đức GH Bênêđíctô XVI trong thời gian ngài tới thăm nước này.

Tổng úy trưởng Cảnh sát Do thái là Dudi Cohen gọi cuộc tới thăm này là “một biến cố lịch sử, xét về phương diện an ninh, thì rất phức tạp”. Ông cho hay: 80,000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai để giữ an ninh cho chuyến viếng thăm này, trong đó có 60,000 cảnh sát. Số còn lại là cảnh sát chìm và binh sĩ.

Đức GH Bênêđíctô XVI sẽ là vị giáo hoàng thứ hai chính thức viếng thăm Do Thái. Vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan Phaolô II tới đây vào năm 2000 để thực hiện cuộc tông du thiên niên kỷ. Năm 1964, Đức GH Phaolô VI cũng tới Do Thái, nhưng cuộc viếng thăm đó là một cuộc viếng thăm không chính thức và chỉ kéo dài mấy tiếng đồng hồ.

Các viên chức Do Thái và Palestine đang lên cơn sốt trong việc hoàn tất các sắp xếp sau cùng cho chuyến viếng thăm. Tại Giêrusalem, Đức GH sẽ viếng thăm nơi thánh thiêng nhất, nơi người Do Thái Giáo thường tới cầu nguyện, đó là Bức Tường Phía Tây của Cổ Thành Giêrusalem; Đền Thờ Đá (the Dome of the Rock), tức đền thờ chính của Hồi Giáo, và Nhà Thờ Mộ Thánh, nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và được chôn cất.

Đức GH sẽ cử hành thánh lễ ngoài trời tại Giêrusalem, Bêlem và Nadarét. Cohen cho hay nguyên tại Giêrusalem, chính phủ Do Thái sẽ huy động 30,000 nhân viên an ninh. Trình bày với báo chí về kế hoạch an ninh, Cohen cho hay: hiện không có dấu hiệu tình báo nào về một cuộc tấn công nhắm vào Đức GH, nhưng ông cho rằng “khủng bố là một thực tại mà Do Thái phải đương đầu suốt cả năm”. Ông cũng cho biết: lực lượng an ninh trong “Chiến Dịch Áo Trắng” đã được huấn luyện trong nhiều tháng nay và sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật mới, nhưng ông từ chối không cho biết thêm chi tiết”.

Cảnh sát nói rằng họ sẽ chặn nhiều đường phố, không cho xe cộ lưu thông, và sẽ cho kéo đi những chiếc xe đậu dọc lộ trình của Đức GH. Vì lý do an ninh, Đức GH sẽ sử dụng giáo hoàng xa của ngài trong hành trình ngắn tại Nadarét đến chỗ cử hành Thánh Lễ tại đấy.

Dân số Kitô Giáo tại Đất Thánh là 160,000 người gồm khoảng 110,000 người sống bên trong Do Thái, 50,000 người tại West Bank và 3,800 tại Gaza. Cảnh sát cho biết: hơn 10,000 Kitô hữu tại West Bank sẽ được cấp giấy phép đặc biệt để tham dự các buổi chào đón Đức GH. Đối với các Kitô hữu từ Gaza, cảnh sát cho hay họ còn đang do dự không biết có nên cho họ tới tham dự hay không vì sợ những người cầm quyền thuộc phong trào Hamas quá khích tại đó dám lợi dụng giấy phép để cài người vào Do Thái.

Hãng Alitalia chở Đức GH và đoàn tùy tùng tới Đất Thánh

Theo tin WAPA, Đức Thánh Cha sẽ sử dụng máy bay A-320 của hãng hàng không Alitalia để tới Đất Thánh. Hãng này cho biết họ rất vinh dự được chuyên chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng tới Amman, chặng đầu trong chuyến tông du của ngài. Airbus A-320 “Dante Alighieri” là một trong các phi cơ mới được du nhập vào đoàn phi cơ của hãng này.

Ngoài Đức GH và phái đoàn của ngài, đại diện truyền thông khắp thế giới cũng sẽ có mặt trên chiếc phi cơ này. Chuyến bay đặc biệt tên là AZ-4000 sẽ cất cánh khỏi phi trường quốc tế Leonard da Vinci ở Rôma vào lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Sáu và sẽ đáp xuống phi trường Queen Alia ở Amman lúc 2 giờ 30 chiều, giờ địa phương.

Phi hành đoàn gồm 3 phi công và 6 tiếp viên phi hành, được chọn trong số những nhân viên kỳ cựu trong nghề và tha thiết dấn thân trong nhiệm vụ. Chỉ huy trưởng chuyến bay là Roberto Germano, giám đốc điều hành các chuyến bay của Alitalia. Phi công chính là Giacomo Belloni, người đã có tới 10,500 giờ bay.

Đức Thánh Cha gửi thông điệp cho Đất Thánh trước ngày lên đường

Đài Phát Thanh Vatican, ngày 6 tháng Năm, đưa tin: trong buổi triều kiến chung vào hôm Thứ Tư vừa qua, Đức Thánh Cha đã nói về chuyến đi sắp đến của ngài tới Đất Thánh với 40,000 người tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Nhân cơ hội này, ngài cũng đã gửi tới nhân dân Đất Thánh thông điệp đặc biệt sau đây:

“Các bạn thân mến, Thứ Sáu này, tôi sẽ rời Rôma để tông du Giođăng, Do Thái và các Lãnh Thổ Palestine. Sáng nay, tôi muốn dùng dịp may để qua buổi phát tuyến truyền thanh và truyền hình này chào mừng mọi người thuộc các vùng đất trên. Tôi rất náo nức mong tới lúc được ở bên các bạn và chia sẻ với các bạn mọi hoài mong và hy vọng cũng như mọi đau thương và đấu tranh của các bạn. Tôi sẽ đến với các bạn như một người hành hương hòa bình. Chủ đích của tôi là trước nhất thăm viếng những nơi đã trở nên thánh thiêng nhờ cuộc đời của Chúa Giêsu, và, cầu nguyện tại các nơi ấy cho hồng phúc hòa bình và hợp nhất cho gia đình các bạn, và mọi người vốn nhận Đất Thánh và Trung Đông là quê hương. Trong nhiều cuộc gặp gỡ có tính tôn giáo và dân chính diễn ra trong suốt tuần tới, sẽ có cuộc gặp mặt với đại diện các cộng đồng Hồi Giáo và Do Thái Giáo mà với họ nhiều tiến bộ lớn lao đã thực hiện được trong đối thoại và trao đổi văn hóa. Một cách đặc biệt, Cha xin nồng nhiệt chào mừng người Công Giáo trong vùng và xin chúng con cùng cha cầu nguyện cho cuộc viếng thăm này mang lại nhiều hoa trái cho cuộc sống thiêng liêng và dân chính của mọi người đang sinh sống tại Đất Thánh. Mọi người chúng ta hãy ngợi khen Chúa đã ban cho sự tốt lành này. Ước chi mọi người chúng ta trở thành người của hòa bình. Cầu chúc mọi người chúng ta kiên vững trong ước vọng và cố gắng hòa bình”.

Muốn hiểu chuyến tông du của Đức GH, phải quay về với Thánh Kinh

George Weigel, trên Newsweek số ngày 6 tháng Năm, cho rằng dù Tòa Thánh muốn nói sao thì nói về chuyến tông du sắp tới của Đức Giáo Hoàng, các nhà lãnh đạo chính trị trong vùng ngài sắp viếng thăm không thể nào không nhằm mục tiêu chính trị. Nhà lãnh đoạ chính trị nào thì cũng thế thôi. Họ có thể bất cần Ban Ki-moon (Tổng thư ký LHQ) nghĩ về họ ra sao, nhưng ngay những lãnh tụ như Kim Jong Il (Bắc Hàn) và Mahmoud Ahmadinejad (Iran) cũng hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ xếp họ vào hàng ngũ thiên thần.

Bởi thế mà trong mấy ngày qua, đủ mọi chính kiến đã được nêu ra, đến quên cả sự kiện hết sức bản thân của cuộc viếng thăm này: nó là cuộc hành hương của một con người Thánh Kinh tới lãnh thổ Thánh Kinh. Muốn hiểu cuộc hành hương này phải khởi đi từ gốc ngọn thực sự trong tư duy của Đức Bênêđíctô XVI, tức Thánh Kinh.

Dù nhiều người ngày nay hay khoác cho tư duy thần học của ngài nhãn hiệu “bảo thủ”, nhưng lúc còn là một đại chủng sinh và là sinh viên tiến sĩ thời Tây Đức hậu chiến, Joseph Ratzinger đã là một nhà canh tân thần học rồi. Bởi từ lúc ấy, người sinh viên này đã biết nhấn mạnh tới việc thần học phải bắt đầu với Thánh Kinh và phải trở về với Thánh Kinh như điểm tham chiếu chủ chốt. Nhận ra thứ luận lý lạnh lùng của nền thần học lúc ấy đầy buồn tẻ và phi nhân, Ratzinger bị lôi cuốn vào phương thức thần học của những con người sống vào thiên niên kỷ đầu hết mà người ta thường gọi là “Giáo Phụ”: những nhà trí thức và mục tử vĩ đại như Ambrose, Augustine, John Chrysostom, Basil, Gregory Nazianzen, Gregory thành Nyssa và Ephrem người Syrian. Đối với các vị này, thần học chẳng là gì khác ngoài việc giải thích Thánh Kinh. Người sinh viên trẻ tuổi Joseph Ratzinger nghĩ rằng trở về với Thánh Kinh và Giáo Phụ là tái năng lực hóa thần học sau những thảm họa của nửa phần đầu thế kỷ 20. Ngài đã hiến hơn nửa thế kỷ cuộc đời học giả của mình cho dự án tái sinh lực hóa ấy.

Thích thú một điều: phương thức căn bản của Đức Bênêđíctô đối với Thánh Kinh gần như có thể mô tả là Thệ Phản: bởi vì đối với nhà thần học Joseph Ratzinger, Thánh Kinh “trước hết và đầu hết là lời Thiên Chúa nói với Giáo Hội”, như Cha Thomas Rausch thuộc trường Đại Học Loyola ở Marymount đã viết trong một cuốn sách mới về cái nhìn thần học của Đức Bênêđíctô. Nói cách khác, đối với Đức Bênêđíctô, Thánh Kinh không phải đơn giản chỉ là một bản văn. Thánh Kinh là một phần yếu tính trong việc Thiên Chúa đi tìm chúng ta… Điểm dị biệt giữa ngài và Thệ Phản là: ngài không giải thích Thánh Kinh một cách chiểu tự (literalist). Ngài cũng khác với những nhà thần học lớn tuổi hơn thuộc các thế hệ 1940 và 1950, vì ngài không coi Thánh Kinh như một thư viện để người ta lục lọi mà lôi ra các điểm thần học trừu tượng. Đúng hơn, như Cha Rausch viết, các chú giải Thánh Kinh của Đức Bênêđíctô dựa trên “một nhậy cảm hết sức đồng điệu với các chủ đề và hình ảnh Thánh Kinh, một nhậy cảm mà ngài khám phá dễ dàng trong cả hai giao ước”.

Theo chân Thánh Bonaventure, vị thánh mà ngài dành luận án tiến sĩ thứ hai để viết về, Đức Bênêđíctô nhấn mạnh rằng Thánh Kinh có cả tính bản thân lẫn tính chữ nghĩa. Hiểu một cách đúng đắn, Thánh Kinh là một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa hằng sống và dân tộc mà Người muốn đem tới sự sống viên mãn, dân tộc từng sống mấy thiên niên kỷ qua và dân tộc đang sống bây giờ. Như thế, rút gọn “Thánh Kinh” hay Lời Chúa vào duy chữ nghĩa mà thôi là làm nó mất hết chiều kích bản thân mà tự thân vốn mang tính nhân và thần.

Xác tín về chiều kích bản thân của Thánh Kinh ấy là trọng điểm trong cái hiểu của Ratzinger về phương pháp nghiên cứu Thánh Kinh hiện đại thường gọi là “phương pháp phê bình sử học” (historical-critical method). Đức Bênêđíctô không cực đoan hay duy chiểu tự. Ngài sẵn sàng để cho những điều các học giả tìm tòi được liên quan tới nguồn gốc và sự biến hóa của bản văn Thánh Kinh lên khuôn cho cách đọc Thánh Kinh của ngài. Điều ngài không chấp nhận là rút gọn Thánh Kinh vào các mẫu mực khảo cổ. Theo Đức Bênêđíctô, khoa phê bình lịch sử về Thánh Kinh có thể cho ta biết nhiều điều, nhưng nó không thể cho ta biết bản văn ấy có nghĩa gì đối với chúng ta hiện nay.

Cuộc gặp gỡ thâm hậu của nhà thần học Ratzinger với Thánh Kinh Hybálai và Tân Ước Kitô Giáo trong hơn nửa thế kỷ qua giúp ngài vừa hết sức tôn kính Thánh Kinh vừa hết dạ tôn kính Do Thái Giáo sống động, một dạ tôn kính có cơ sở thần học. Lòng tôn kính này là căn bản chắc chắc nhất cho tình thân hữu chân chính và lòng tôn trọng lẫn nhau. Đức Bênêđíctô biết rằng Thánh Kinh Hybálai hết sức yếu tính đối với Kitô Giáo. Như có lần ngài viết: “Tân Ước không phải là một sách khác của một tôn giáo khác, một sách mà vì lý do này hay lý do nọ đã nhận vơ Sách Thánh của người Do Thái làm một thứ cấu trúc mào đầu của mình. Tân Ước không là gì khác hơn là lời giải thích ‘Lề Luật, các Tiên Tri và Lời Dạy’ tìm thấy hay chứa đựng trong truyện kể về Chúa Giêsu”

Sau cùng, cũng có thể gọi Đức Bênêđíctô là một nhà dân túy về Thánh Kinh (biblical populist). Vốn là người từng góp phần soạn ra Hiến Chế Mạc Khải của Công Đồng Vatican II, nhà thần học Joseph Ratzinger muốn phục hồi Thánh Kinh cho dân Giáo Hội, để Thánh Kinh ấy, một lần nữa, trở thành nguồn suối cho lời kinh và cái hiểu của Kitô hữu. Một trong những điểm ngài hết sức chỉ trích những người quá thổi phồng phương thức phê bình lịch sử là họ đã lấy Thánh Kinh ra khỏi dân Giáo Hội, bằng cách dạy các tín hữu bình thường rằng cái bản văn cổ xưa hết sức phức tạp này chỉ dành cho các chuyên viên thành thạo đọc mà thôi.

Weigel cho rằng trong chuyến tông du tới Đất Thánh lần này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ nói và làm nhiều chuyện. Những chuyện ấy sẽ được sàng sẩy qua cái lọc của truyền thông và được mô sẻ qua mọi sắc thái chính trị. Nhưng bên dưới những chuyện ngài nói và làm ấy, sẽ là lòng tôn kính sâu xa của ngài đối với Thánh Kinh. Ngài hoàn toàn xác tín rằng những sách cổ xưa ấy nói lên các lời chân lý và ánh sáng cho thời đại ta. Ngài sẽ nói điều ấy, dưới nhiều hình thức khác nhau của cùng một chủ đề vĩ đại. Hãy chờ xem ai là người biết lắng nghe.
 
cùng du hành với Đức Thánh Cha Beneđictô XVI trên Twitter.com
Peter Nguyễn Minh Trung
20:17 08/05/2009
CNA - Những ngày này ai ai cũng biết sự lên ngôi của dịch vụ tiểu blog - mạng xã hội Twitter.com. Thông tấn xã Công giáo CNA nay cũng đã có mặt trên mạng Twitter.com, site dịch vụ tiểu blog nổi tiếng đã đem hàng triệu người khắp thế giới xích lại gần nhau qua một vài con chữ.

Twitter.com là một mạng xã hội trong đó cho phép người dùng gửi những thông điệp ngắn (thường được gọi là "tweets") không vượt quá 140 ký tự.

Kênh CNA trên Twitter.com có thể được truy cập bằng cách chép những đoạn mã HTML vào trang web của bạn.

Ở đó bạn có thể theo dõi những thông tin hằng ngày liên tục được cập nhật sớm nhất về những chuyến tông du Giáo hoàng của Đức Thánh Cha, cũng như về những tin tức Công giáo mới nhất trong ngày.

Người sử dụng có thể "theo bước chúng tôi" tại Twitter.com và trang chủ của nó còn cung cấp những tiện ích miễn phí giúp chúng ta chèn chúng vào các website và mời các vị khách viếng thăm những site đó theo dõi tin tức mới nhất về Đức Giáo Hoàng và các vấn đề Công giáo khác. Tất cả đều được liên tục cập nhật.

Bạn không cần phải có tài khoản người dùng ở Twitter mới có thể sử dụng những tính năng đó. Việc cần làm chỉ là vào link sau đây và copy những dòng code về website của bạn để cho cả thế giới cùng theo dõi những bước chân của Đấng Kế vị Thánh Phêrô Tông đồ: http://www.catholicnewsagency.com/twitter.php
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các giáo hội Romania hợp tác
Bùi Hữu Thư
20:59 08/05/2009

Đức Thánh Cha kêu gọi các giáo hội Romania hợp tác



Ngài lập lại lời cầu nguyện của ĐTC Gioan Phaolô II cho Đại Kết Kitô giáo

VATICAN CITY, ngày 8 tháng 5, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đang bầy tỏ hy vọng là các tín hữu nếu nghe theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, sẽ liên kết để tăng cường các giá trị Kitô giáo trong xã hội tân tiến.

Đức Thánh Cha tuyên bố như vậy trong một điệp văn gửi Tổng Giám Mục Ioan Robu ở Bucharest, Romania, nhân dịp kỷ niệm Đệ Thập Chu Niên lần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm quốc gia này từ ngày 7 đến ngày 9, tháng 5.

Điện văn này được Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, khâm sứ Tòa Thánh đặc trách bang giao với các quốc gia và là đại diện của Đức Thánh Cha tham dự lễ kỷ niệm do Giáo Hội Công Giáo Romania, Giáo Hội Chính Thống Romania, và chính phủ Romania tổ chức.

Đức Thánh Cha nói là biến cố này “tụ tập được các tín hữu Công Giáo và Chính Thống Giáo của quốc gia này, với vị trí điạ dư, và một lịch sử lâu dài, với văn hóa và truyền thống của họ, có một ơn gọi đại kết độc đáo được ghi dấu trong gốc rễ của họ."

Ngài bầy tỏ hy vọng là “Các tín hữu của Chúa Kitô sẽ không những chỉ trân qúy ký ức không thể quên lãng về những ngày được kỷ nhiệm, mà khi rút tiả từ giáo huấn của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II đáng kính của tôi, sẽ cam kết để tìm những phương cách can đảm để cùng nhau đối phó với các thách đố của thời đại chúng ta."

Ngài tiếp, "Tôi đang đặc biệt nghĩ đến việc bảo vệ đời sống con người tại tất cả mọi giai đoạn, việc bảo vệ gia đình, kính trọng tạo vật và cổ võ cho ích lợi chung.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định, "hơn nữa, dùng ước nguyện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đáng yêu mến làm chính ước nguyện của cá nhân tôi, tôi mời gọi mọi người cầu nguyện để chúng ta có thể mau chóng đạt được sự hiệp thông huynh đệ toàn vẹn của tất cả mọi Kitô hữu, cả Tây Phương lẫn Đông Phương."
 
ĐTC Benedictô XVI đến Jordan, Ngài nhấn mạnh rằng Hòa bình là điều có thể
Nguyễn Minh Trung
22:27 08/05/2009
AMMAN, JORDAN (CNA) - Sau hơn 4 giờ bay, chuyên cơ Shepherd One chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng gồm 30 giáo chức cao cấp của Giáo Triều Rôma cùng hơn 60 ký giả đã hạ cánh xuống phi trường quốc tế Queen Alia vào lúc 03:00 giờ chiều thứ sáu 08-05 giờ địa phương. Đây là chuyến tông du đầu tiên của Đức Thánh Cha Benedict XVI tới Thánh Địa. Ngài nhấn mạnh rằng ngài đến như một người hành hương và sự leo thang bạo lực không phải là điều không thể tránh được cho khu vực.

Vua và Hoàng hậu nước Jordan tiếp ĐTC tại phi trường
Amman là một thành phố cổ có 1 triệu rưỡi dân cư, điều này có nghĩa là hơn 1/4 dân cư của Jordan sinh sống tại đây. Ở quốc gia này, 96% là tín hữu Hồi giáo Sunnit, và người Công giáo chỉ chiếm con số 109.000. Các tín hữu Công Giáo Latin thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Công giáo Latin ở Jerusalem với Đức Thượng Phụ Fouad Twal, người Jordan. Ngoài ra, còn có các tín hữu Công giáo Hy Lạp Melkite.

Quốc vương Abdullah II và vợ là Hoàng hậu Rania đã phá lệ nghi thức ngoại giao ra tận chân cầu thang máy bay chào đón Đức Giáo Hoàng, theo cùng nhà vua và nữ hoàng còn có đội lính danh dự và quân đội. Giáo quyền và chính quyền nước sở tại cũng có mặt đón Đức Thánh Cha. 21 phát đại bác nổ vang trước khi quốc kỳ Vatican và Jordan được cất lên, đoàn quân danh dự diễu hành trước Đức Giáo Hoàng và Quốc vương.

Sau nghi thức đón tiếp Giáo Hoàng, ĐTC và Nhà vua vào trong một hội trường tại Phi trường đã có đông đảo các quan khách và đại diện ngoại giao đoàn cùng với các vị thượng phụ và Giám mục cũng như một số tín hữu. Vua Abdulla II đã đọc diễn văn nói rằng lịch sử đã cho thấy sự chung sống hòa bình giữa người Kitô hữu và người Hồi giáo tại Jordan, nhà vua cũng hoan nghênh những cam kết của Đức Giáo Hoàng nhằm "xua tan đi những nhận thức sai lạc và bất hòa của một số ý thức hệ có thể gây tổn hại cho mối quan hệ Kitô giáo - Hồi giáo."

Quốc vương Abdulla cũng nhắc đến xung đột giữa Israel và Palestine, ông nói: "Những giá trị chung chúng ta chia sẻ là làm thế nào để kiến tạo một đóng góp quan trọng cho miền Thánh Địa...nơi mà cùng nhau, chúng ta phải can đảm xua tan đi mây mờ của xung đột bằng những con đường đối thoại, hòa giải ngõ hầu đong đầy quyền lợi của người Palestine trở thành một quốc gia tự do, cũng như quyền lợi của Israel để đảm bảo an ninh."

Trong bài đáp từ, ĐTC Benedict XVI nói: "Tôi đến Jordan như một người lữ hành, để tôn kính các nơi thánh đã giữ một phần rất quan trọng trong một số biến cố chủ yếu của lịch sử Kinh Thánh. Trên núi Nebo, Ông Môisê đã hướng dẫn dân hướng nhìn về phần đất sẽ trở thành nhà của họ, ông đã qua đời và được an táng trên núi này. Tại Betania, bên kia sông Jordan, Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng và làm chứng về Chúa Giêsu, Người mà thánh nhân đã làm phép rửa cho trong nước sông nơi đất nước này mang tên. Trong những ngày tới đây, tôi sẽ viếng thăm cả hai nơi Thánh và vui mừng làm phép viên đá đầu tiên xây cất Thánh đường tại nơi mà theo tương truyền Chúa Giêsu đã chịu phép rửa. Sự kiện cộng đoàn Công giáo tại Jordan này được xây cất các nơi thờ phượng công cộng là một dấu chỉ tôn trọng đối với tôn giáo tại đất nước này, và nhân danh họ tôi đánh giá cao sự cởi mở này. Tự do tôn giáo chắc chắn là một quyền căn bản của loài người và tôi tha thiết hy vọng, cầu nguyện để sự tôn trọng các quyền bất khả nhượng, cũng như tôn trọng phẩm giá của mỗi người nam nữ ngày càng được củng cố và bảo vệ kiên vững hơn, không những tại Trung Đông nhưng tại mọi nơi trên thế giới nữa."

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng chuyến tông du của ngài mà trong đó điểm dừng đầu tiên dừng lại viếng thăm Jordan là cơ hội để ngài bày tỏ lòng tôn trọng sâu xa đối với cộng đoàn Hồi giáo và vai trò lãnh đạo của quốc vương Abdulla II. Ngài không quên nhắc đến việc công bố "Sứ điệp Liên tôn Amman" vào năm 2004 và ý nghĩa của Sứ điệp này trong việc cổ võ liên minh giữa các nền văn hóa của thế giới Tây phương và Hồi giáo, bác bỏ những lời tiên đoán của những người coi bạo lực và xung đột là điều không thể tránh được.

Đức Benedict XVI kết luận: "Tôi hy vọng chuyến tông du và tất cả những khởi đầu của ánh sáng đối thoại sẽ được thúc đẩy để nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp giữa người Kitô hữu và người Hồi giáo. Chính điều này sẽ giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu dành cho Thiên Chúa Toàn Nặng và là Chúa của Lòng Thương Xót cũng như tình yêu mọi người dành cho nhau."

Phát biểu trước khi Đức Giáo Hoàng viếng thăm, Đức cha Selim Sayegh - Thượng phụ Giáo chủ nghi lễ Latin ở Jordan nói với CNA rằng Jordan mang lại "một bài học cho toàn thế giới Ảrập", từ nơi đây, "Người Kitô hữu và người Hồi giáo đã chung sống hòa bình với nhau trong suốt hơn bảy thế kỷ."

Cũng trước khi Đức Giáo Hoàng đến Jordan, một số người Hồi giáo nói chuyến thăm của ĐTC sẽ chẳng mang lại lợi ích gì lớn lao, thế nhưng Đức cha Sayegh giải thích rằng ngài tin tưởng "từ sâu thẳm trong thâm tâm, họ vẫn có niềm tin tưởng, kính trọng với chuyến tông du Giáo Hoàng."

Sau nghi thức đón tiếp tại phi trường, ĐTC đã về Trung Tâm Nữ Vương Hòa Bình (Regina Pacis) cách đó 22km để gặp gỡ các bạn trẻ và các nhân viên hoạt động tại đây, một trung tâm phục hồi cho những người khuyết tật và giúp họ tái hội nhập vào đời sống xã hội. Tại đây cũng có một thánh đường có sức chứa 600 người. Trước khi lên đường, ĐTC chúc Quốc vương và Hoàng hậu sống lâu trị vì và ngài nói: "Chúa ban phước lành cho Jordan !".

Khi tới Trung Tâm Nữ Vương Hòa Bình, hàng ngàn người đứng sẵn ở bên ngoài trung tâm, tay cầm cờ Tòa Thánh và cờ Jordan nồng nhiệt chào mừng ĐTC khi ngài đến đó vào lúc hơn 03:30 chiều. Bất chấp các vấn đề an ninh, ngài tiến lại bắt tay chào thăm đông đảo tín hữu đứng chờ trước khi tiến vào bên trong thánh đường.

Sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Fouad Twal, ĐTC đã tặng cho nhà thờ của Trung Tâm Nữ Vương Hòa Bình một Nhà Tạm đựng Mình Thánh Chúa đúc bằng đồng thau nặng 30kg được trang trí nghệ thuật tinh xảo: cửa Nhà Tạm có hình Con Chiên, Ngọn Núi và Cuốn Sách 7 ấn tích. Bên ngoài Nhà Tạm được làm bằng bạc, và bên trong thì mạ vàng.

Tiếp đó ĐTC đọc bài huấn dụ. Sau bài huấn dụ của ĐTC, một số bạn trẻ tàn tật đã lên mang tặng ĐTC những sản phẩm thủ công họ tự tay làm ra...Một vài người ngồi trên xe lăn. Ngài ân cần hỏi han họ. Bầu không khí vô cùng cảm động giữa tiếng vỗ tay lớn của các tín hữu.

Cuộc gặp gỡ kết thúc lúc 04:00 chiều giờ địa phương với Kinh Lạy Cha và Phép lành của ĐTC. Liền đó ngài đã về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách Trung Tâm Regina Pacis 19km để nghỉ ngơi ít phút. Hơn một giờ sau đó, ngài đến hoàng cung lúc gần 06:00 chiều cho cuộc viếng thăm xã giao Quốc vương và Hoàng hậu Jordan.
 
Hình ảnh ĐTC Benedictô XVI đến thăm Jordan và được tiếp đón nồng hậu
Nguyễn Minh Trung
22:32 08/05/2009
















 
Top Stories
Pope expresses respect for Islam in Jordan
Victor L. Simpson, AP
19:41 08/05/2009
AMMAN, Jordan – Pope Benedict XVI expressed deep respect for Islam Friday and said he hopes the Catholic Church can play a role in Mideast peace as he began his first trip to the region, where he hopes to improve frayed ties with Muslims.

Pope meets with Jordan's King Abdullah and his family in Amman
The pope was met at the airport by Jordan's King Abdullah and praised the moderate Arab country as a leader in efforts to promote peace in the region and dialogue between Christians and Muslims.

The pope rankled many in the Muslim world with a 2006 speech in which he quoted a Medieval text that characterized some of the Prophet Muhammad's teachings as "evil and inhuman," particularly "his command to spread by the sword the faith."

The pope has already said he was "deeply sorry" over the reaction to his speech and that the passage he quoted did not reflect his own opinion.

"My visit to Jordan gives me a welcome opportunity to speak of my deep respect for the Muslim community, and to pay tribute to the leadership shown by his majesty the king in promoting a better understanding of the virtues proclaimed by Islam," Benedict said shortly after landing in Amman.

But his past comments continue to fuel criticism by some Muslims.

Jordan's hard-line Muslim Brotherhood said Friday before the pope arrived that its members would boycott his visit because he did not issue a public apology ahead of time as they demanded.

Brotherhood spokesman Jamil Abu-Bakr said the absence of a public apology meant "obstacles and boundaries will remain and will overshadow any possible understanding between the pope and the Muslim world."

The Brotherhood is Jordan's largest opposition group. Although it commands a small bloc in parliament, it wields considerable sway, especially among poor Jordanians.

Vatican spokesman Federico Lombardi said the Vatican has made all possible clarifications, telling Associated Press Television News that "we cannot continue until the end of the world to repeat the same clarifications."

Despite the controversy, Benedict expressed hope his visit and the power of the Catholic church could help further peace efforts between Israelis and Palestinians.

"We are not a political power but a spiritual power that can contribute," Benedict told reporters on the plane before he landed in Amman.

The pope will also visit Israel and the Palestinian territories during his weeklong tour.

Jordan's king praised the pope and said the world must reject "ambitious ideologies of division."

"We welcome your commitment to dispel the misconceptions and divisions that have harmed relations between Christians and Muslims," said Abdullah.

The pope was also met at the airport by diplomats and Muslim and Christian leaders. A Jordanian army band equipped with bagpipes and drums played the Vatican and Jordanian national anthems before the pope and the king inspected the honor guard.

Abdullah Abdul-Qader, a cleric at Amman's oldest mosque, told worshippers during Friday prayers to welcome the pope's visit.

"I urge you to show respect for your fellow Christians as they receive their church leader," said Abdul-Qader at the Al-Husseini mosque.

Christians make up 3 percent of Jordan's 5.8 million people.

Benedict's three-day stay in Jordan is his first visit to an Arab country as pope. During his time in the country, Benedict is scheduled to meet with Muslim religious leaders at Amman's largest mosque — his second visit to a Muslim place of worship since becoming pope in 2005. He prayed in Istanbul's famed Blue Mosque, a gesture that helped calm the outcry over his remarks.

The pope is also expected to meet Iraqi Christians driven from their homeland by violence. About 40 young Iraqi refugees crowded into a tiny Catholic church in Amman on Friday, nervously practicing their last lesson before Benedict administers their first communion on Sunday.

"I really want to meet the pope," said Cecile Adam, an 11-year-old whose family fled Baghdad. "I think he can do something to help Iraq because Jesus gave him a good position and Jesus wants us to be happy."

(Source: http://news.yahoo.com/s/ap/20090508/ap_on_re_mi_ea/pope_mideast)
 
Au Vietnam, les moines de Thien-An se battent toujours pour récupérer leurs terres
Yves Kerihuel
21:02 08/05/2009
Malgré l’échec commercial du petit centre de loisirs établi depuis 2002 sur la propriété monastique de Thien-An, le gouvernement de Hué poursuit son projet

Hué, sa citadelle, ses tombeaux royaux… son complexe hôtelier et son parc de loisirs… C’était de cela que rêvait le gouvernement communiste de l’ancienne capitale de l’Annam, au centre du Vietnam. Mais c’était sans compter sur la détermination des moines de Thien-An… et sur la crise économique.

Car si un centre de loisirs a bien été ouvert depuis 2002, à 400 m du monastère bénédictin de Thien-An (mot qui signifie « la paix du ciel » en vietnamien), celui-ci n’attire pas autant de touristes que prévu et s’avère peu rentable. « Les autorités veulent désormais le revendre à un groupe hôtelier international et récupérer ainsi de l’argent », explique le P. Stéphane, prieur de Thien-An depuis 1984 et abbé depuis 1998.

Dès 1998, lorsque les moines ont appris les projets des autorités locales par des affichettes collées en ville, ils ont légitimement protesté. Fondé en 1940 par quelques bénédictins français de la Pierre-qui-Vire (Yonne), ce monastère possédait, jusqu’en 1975, 107 ha à 5 km de Hué comprenant des bois, un potager, une orangeraie et un lac créé par les moines pour alimenter en eau les villages alentour et irriguer leurs terres. Car si ces collines, qui n’étaient que friches, se sont couvertes de forêts ombragées et sont devenues un lieu d’excursion touristique, c’est bien grâce aux moines.

« En 1975 déjà, le gouvernement nous a pris notre école et notre ferme », raconte Frère Jean de la Croix qui suit le dossier avec le P. Stéphane. À cette époque, le gouvernement avait élevé de trois mètres le niveau du lac avec, pour conséquence, l’ensevelissement sous les eaux d’une vaste partie de leurs terres.

"Le Parti est au-dessus des lois"

En 2000, quand le gouvernement local a commencé les travaux en vue d’y installer ce parc de loisirs, les moines ont été encore plus prompts à protester parce que, entre 1993 et 1997, ils avaient construit un haut clocher en style oriental, une vaste église (qui accueille plus de 500 fidèles lors des fêtes) et une hôtellerie.

À ce moment-là, le gouvernement se montrait bien plus gourmand qu’en 1975 puisque c’était la totalité des terres monastiques qu’il souhaitait accaparer, ne laissant à la disposition des bénédictins que 2 ha pour le monastère et 3 ha pour l’orangeraie (lire La Croix du 11 juillet 2002). « Nous avons fermement refusé car il était complètement impossible de maintenir notre vie monastique dans de telles conditions », poursuit le P. Stéphane, qui ne cache pas le climat de « tension permanente » qui règne entre le monastère et les autorités de Hué. Notamment à propos de la route d’accès au monastère, qui appartient aux moines, mais que les autorités veulent prendre: « Ils nous interdisent de la réparer; ça ne peut pas continuer comme ça ! », lance Frère Jean de la Croix.

Ici comme dans tous les conflits à propos de restitution de terrains ou de bâtiments, le gouvernement vietnamien ne veut pas reconnaître la validité des actes de propriété des religieux, prétextant que, depuis 1975, tout le site de Thien-An appartient à l’État.

Pour autant, le P. Stéphane n’imagine pas prendre un avocat: « C’est impossible ici car le Parti est au-dessus des lois et on craint toujours des représailles. » À Hué, où est basé le centre national de la police du Vietnam, la surveillance policière est encore plus prégnante qu’ailleurs. Il ne veut pas non plus envisager l’autre solution qui consisterait à exiger un autre site en échange de celui qui leur a été confisqué.

Avec 80 moines vietnamiens, dont deux tiers de jeunes en formation, le monastère a besoin d’espace. D’autant que Thien-An a fondé trois autres monastères au Vietnam, dont les moines reviennent souvent dans leur abbaye-mère pour des retraites. « Nous savons que nous ne pourrons pas récupérer nos 49 ha à proximité du lac, mais nous continuerons de nous battre pour garder au moins 50 ha, indispensables pour maintenir le silence et la paix nécessaires à la vie monastique », insiste le P. Stéphane. Même si ses nombreux courriers sont restés sans réponse, l’abbé continuera patiemment à défendre sa cause.

(Nguồn: La Croix, 30/04/2009, http://www.la-croix.com/article/index.jsp?docId=2372367&rubId=4078)
 
China urges UN commission not to review joint Malaysia-Vietnam submission on outer limits of continental shelf
Xinhua
22:37 08/05/2009
UNITED NATIONS, May 7 (Xinhua) -- The Chinese Permanent Mission to the United Nations presented a note to UN Secretary-General Ban Ki-moon on Thursday, urging the Commissio n on the Limits of the Continental Shelf (CLCS) not to review the joint submission of information by Malaysia and Vietnam on the outer limits of the continental shelf beyond 200 nautical miles, a Chinese mission spokesman told Xinhua.

Malaysia and Vietnam presented the joint submission to the United Nations on Wednesday, infringing upon China's sovereignty, sovereign rights and jurisdiction in the South China Sea, the Chinese mission said in the note.

The Chinese government, therefore, solemnly urged in the note that the CLCS not to consider the joint submission of information in accordance with the United Nations Convention on the Law of the Sea and the Rules of Procedure20of CLCS, the spokesman said.

The joint submission came about one week before the May 13 deadline set by the United Nations for countries to submit claims over extended continental shelves.

According to the CLCS Rules of Procedure, "in cases where a land or maritime dispute exists, the commission shall not consider and qualify a submission made by any of the states concerned in the dispute."

With the opposition from China, the CLCS will not consider the joint submission in line with the Rules of Procedure, the spokesman added.

UNITED NATIONS, May 7 (Xinhua) -- The Chinese Permanent Mission to the United Nations presented a note to UN Secretary-General Ban Ki-moon on Thursday, urging the Commissio n on the Limits of the Continental Shelf (CLCS) not to review the joint submission of information by Malaysia and Vietnam on the outer limits of the continental shelf beyond 200 nautical miles, a Chinese mission spokesman told Xinhua.

Malaysia and Vietnam presented the joint submission to the United Nations on Wednesday, infringing upon China's sovereignty, sovereign rights and jurisdiction in the South China Sea, the Chinese mission said in the note.

The Chinese government, therefore, solemnly urged in the note that the CLCS not to consider the joint submission of information in accordance with the United Nations Convention on the Law of the Sea and the Rules of Procedure20of CLCS, the spokesman said.

The joint submission came about one week before the May 13 deadline set by the United Nations for countries to submit claims over extended continental shelves.

According to the CLCS Rules of Procedure, "in cases where a land or maritime dispute exists, the commission shall not consider and qualify a submission made by any of the states concerned in the dispute."

With the opposition from China, the CLCS will not consider the joint submission in line with the Rules of Procedure, the spokesman added.
 
Pray for a nation on path to a 'culture of death'
Chaz Muth, CNS
23:17 08/05/2009
WASHINGTON -- The prefect of the Supreme Court of the Apostolic Signature at the Vatican told about 1,300 Catholics May 8 that they must pray for the U.S. political leadership to change course from policies leading the nation into an "anti-life" and "anti-family" culture.

During the sixth annual National Catholic Prayer Breakfast in Washington, U.S. Archbishop Raymond L. Burke also called the prospect of the University of Notre Dame granting President Barack Obama an honorary degree "the source of the greatest scandal," and questioned the Indiana institution's Catholic identity for honoring a politician who supports legal abortion.

Burke, former archbishop of St. Louis, expressed his disapproval that a majority of U.S. Catholic voters cast their ballot for Obama in last November's election and said they should reflect on the direction the country has taken since he has been in office. He mentioned a policy that allows funding for overseas family planning groups that provide abortions and moves by several states to make same-sex marriage legal.

He called on U.S. Catholics to have "open eyes to the gravity of the situation in our nation" and to be "clear and uncompromising" in a mission of ridding the country of the "great evils of contraception. .. and so-called same-sex marriage."

As the keynote speaker of the prayer breakfast that drew Catholics from around the nation -- as well as politicians and ambassadors from several countries -- the archbishop spent most of his speech denouncing Obama's support for legal abortion and embryonic stem-cell research and Catholic politicians who vote for "anti-family" legislation, such as same-sex marriage.

In another apparent reference to Notre Dame, Burke said Catholic schools and universities must not honor those who push an agenda that goes against moral law, adding that a university that would give Obama an honorary degree is "not worthy of the name Catholic."

The archbishop -- who is the first American to lead the Vatican supreme court -- also said it is patriotic to vote based on Catholic values and said nothing could justify casting a ballot for a candidate who supports "anti-life" and "anti-family" legislation, which he deemed "cooperation in evil."

He called on members of the audience to pray the rosary and not to get discouraged in their fight to reverse the nation's "culture of death."

Judith Kimmerling of Portland, Ore., was among the hundreds of Catholics who gave Burke a standing ovation as he concluded his keynote address.

"This is the first time I've come to this breakfast, and I felt that it was important for me to get here this year with all of the troubling things happening in our country," said Kimmerling, a 59-year-old parishioner of Holy Trinity Catholic Church in Portland. "This just highlights so many blessings we have during these very difficult times. I need this kind of thing to fill me up."

Other featured speakers at the prayer breakfast included Latin-rite Archbishop Jean Sleiman of Baghdad, Iraq, and Supreme Court Justice Antonin Scalia, whose son -- Fr. Paul Scalia of St. John the Beloved Parish in McLean, Va. -- gave the invocation at the event.

The Catholic justice urged members of the audience to have the courage to practice their faith proudly, even when others suggest the virgin birth of Jesus and his resurrection are anything but miracles.

Scalia said he has heard people in "educated circles" say that traditional Catholics "are poorly educated and easily led," but told the audience to hold on to their faith and "have the courage to suffer the contempt of the sophisticated world."

On a lighter note, Raymond Arroyo of the Eternal Word Television Network cracked a few jokes about the U.S. Catholic bishops.

"There are 12 bishops in that kitchen," Arroyo told the crowd just before breakfast was served. "You should see (Archbishop Timothy M.) Dolan (of New York) flip those pancakes."

He also honored the Franciscan Sisters of the Eucharist, and paid tribute to three high-profile Catholic leaders who died in the past year -- Cardinal Avery Dulles, a renowned theologian; Father Richard John Neuhaus, an author, lecturer and the founder of First Things, a journal published by the Institute on Religion and Public Life; and Thomas Dillon, the president of Thomas Aquinas College in Santa Paula, Calif., who died in an April car accident in Ireland.

(Source: http://ncronline.org/news/pray-nation-path-culture-death)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo họ Lãm Khê và Trữ Khê Gp Phận Hải Phòng cung nghinh Đức Mẹ Fatima
Đức Tuy
18:55 08/05/2009
HẢI PHÒNG - Những ngày vừa qua tại Giáo họ Lãm Khê- Trữ Khê thuộc Giáo xứ Lãm Hà, Giáo Phận Hải Phòng đã tổ chức cuộc cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Phatima.

Cha quản nhiệm Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện đã mời các em dâng hoa cùng với một số hội đoàn trong các giáo xứ lân cận đến để dâng hoa cung nghinh Đức Mẹ.

Trước khi khởi kiệu Đức Mẹ phatima các em thiếu nhi trong các Giáo xứ đã dâng hoa Kính Đức Mẹ, cho dù trang phục có, làn điệu dâng hoa có khác nhưng cùng chung một tâm tình đó là tôn vinh Người Phụ Nữ Tuyệt vời Đó là Đức Maria

Sau khi dâng hoa xong bắt đầu cuộc cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ Phatima từ Giáo xứ Lãm Hà về Giáo họ Lãm khê - Trữ Khê với lộ trình là hai cây số. Trong đoàn rước kiệu gồm Đội trống, trắc, Kim nhạc, năm sắc hoa được đặt trên năm kiệu được các em dâng hoa khiêng đó là hoa đỏ, trắng, vàng, tím, xanh và bảy loại hoa truyền thống của người Việt Nam như hoa quỳ ( Hoa hướng dương), hoa sen, hoa mai, hoa cúc, hoa lê, hoa mẫu đơn và hoa lan, sau cùng Thánh tượng Đức Mẹ Phatima được đặt trên một chiếc kiệu toà bát cống sơn son thiếp vàng đi sau là giúp lễ và Cha quản nhiệm

Đoàn rước được di chuyển trên đường quốc lộ 10, đoàn rước đi đến đâu mọi người hai bên đường đổ xô ra để chiêm ngắm cuộc rước kiệu. họ trầm trồ và khen ngợi vì chưa bao giờ có cuộc rước của người Công Giáo lại đông và trang nghiêm đến như vậy, nhịp trống, nhịp trắc hoà tiếng kèn đồng vang lên cùng với những lời bài hát thánh ca ca ngợi Mẹ Maria đã làm cho tâm hồn mọi người tham dự cuộc rước niềm vui, sự bình an và thánh thiện.

Sau khi cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Phatima về đến giáo họ Lãm Khê – Trữ khê là nghi thức tiến năm sắc hoa và bảy loại hoa truyền thống. Cung điệu hát dâng hoa mang nét đặc trưng riêng của Giáo Phận Hải Phòng, như tăng thêm lòng yêu mến của những người con cái đói với Đức Mẹ, cùng với các em dâng tiến những đoá hoa, mỗi người cũng dâng cho Mẹ những bông hoa của tâm hồn, bông hoa của sự hy sinh, bông hoa của tình đoàn kết, bông hoa của sự bác ái, bông hoa của sự tha thứ……được kết thành Triều thiên dâng kính cho Mẹ.

Thánh lễ tạ ơn do Cha Quản hạt Hải Phòng An Tôn Nguyễn Văn Uy chủ sự, mở đầu thánh lễ Ngài đã kêu gọi mọi người cùng tạ ơn Thiên chúa và cám ơn Đức Mẹ đã thương cách riêng tới những Giáo họ Mẹ đến thăm, chắc Mẹ cũng thấu hiểu và chúc lành cho mỗi người con của Mẹ khi chạy đến với Mẹ.

Trong bài giảng Cha quản nhiệm đã nói sự mong đợi của người nhà nông khi gặp hạn hán rất cần mưa để gieo trồng, nhờ mưa mà cây cối được xanh tươi, nhờ mưa mà mùa màng được bội thu. Hôm nay những giọt mưa hồng ân của Chúa đã gửi đến cho cộng đoàn nhỏ bé này, những giọt nước mưa cũng là giọt nước mắt của Mẹ Maria. Mẹ khóc vì Mẹ thương đoàn con của Mẹ, Mẹ khóc vì Mẹ thương những người con của Mẹ sống xa lìa tình yêu Thiên Chúa, Mẹ khóc vì tội lỗi của con người ngày hôm nay đang xúc phạm đến sự sống của Thiên Chúa, đang huỷ hoại thân xác là đền thờ của Thiên Chúa……Ngài mời gọi mỗi người hãy dâng cho Mẹ những đoá hoa cuộc đời, hãy đến học nơi Mẹ mười hai nhân Đức của Mẹ để Mẹ dẫn dắt chúng ta tới gặp Chúa Giêsu là nguồn An Phúc cho mỗi người.

Cuối thánh lễ Cha quản nhiệm, quý Cha cùng cộng đoàn cùng hướng về Thánh Tượng Đức Mẹ Phatima để cầu nguyện và viếng Tượng Thánh để lãnh ơn Toàn xá.

Đúng là hồng ân của Thiên Chúa đã ban cho Giáo họ Lãm Khê - Trữ Khê qua sự bầu cử của Mẹ, hy vọng sau những ngày Đức Mẹ Phatima hiện diện nơi hai Giáo họ nhỏ bé này mọi ân phúc của Thiên chúa được đến với mọi người Công Giáo cũng như những người không Công Giáo Chắc sẽ có nhiều người chạy đến với Mẹ hơn và nhất là có nhiều người bỏ đường tội lỗi để trở về với Chúa.







 
Lễ khánh thành nhà thờ Ba Bầu thuộc giáo phận Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:08 08/05/2009
PHAN THIẾT - Sau 20 năm, một giáo xứ mới hình thành và phát triển trên miền đất núi rừng thuộc vùng kinh tế mới Ba bàu, Hàm thuận nam. Như một phép lạ diệu huyền. Như hạt cải bé nhỏ vùi sâu vào lòng đất, nảy mầm lớn mạnh. Hạt giống đức tin gieo vào lòng đất Ba bàu ngày nào, giờ đây đã phát triển thành cây lớn cho đàn chim đến nương náu. Cộng đoàn tín hữu bé nhỏ ngày nào nay đã chính thức trở thành một giáo xứ. Cơ sở vật chất khang trang, nhà thờ mới, nhà xứ, nhà giáo lý mới. Một xứ đạo mới tràn đầy sức sống. Quả đúng như lời Thánh Phaolô “Tôi trồng, Appôlô tưới nhưng Chúa là Đấng cho mọc lên”.

Xem hình ảnh

Ngày 7.5.2009, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Ông JB Lê Xuân Hoa,Tổng đại diện và khoảng 40 linh mục đến hiệp dâng thánh lễ Cung hiến Nhà Thờ Ba bàu. Cảm thương một xứ đạo mới vùng kinh tế mới, đường sá xa xôi nên đông đảo tu sĩ nam nữ và khoảng 1.500 khách mời đến hiệp thông chia sẽ.

Từ quốc lộ I đi theo hướng Ngã Hai, xe chạy quanh co hơn 20km trên con đường nhỏ hẹp và uốn lượn ghập ghềnh. Phải qua nhiều lần quẹo trái rẽ phải mới đến nơi. Chúng tôi đi qua địa danh Mường Mán, nơi trồng Thanh Long nổi tiếng của Phan thiết. Những vườn Thanh Long trải dài ngút mắt. Nhiều vườn Thanh Long đỏ rực trái chín. Tiếp nối những vườn cây đang ra hoa trắng xoá tuyệt đẹp một góc trời. Mường Mán là “miền Đất hứa” của đồng bào di dân từ thập niên 60 của bà con giáo dân gốc Vinh. Miền đất khô cằn cháy bỏng chỉ có cây xương rồng sinh trưởng, nay ngút ngàn Thanh Long. Nhà nhà làm vườn nên cuộc sống sung túc, nhà cửa khang trang hiện đại. Bình thuận có 11.000 mẫu đất trồngThanh long, nhưng miền đất Mường Mán cho trái ngọt và có giá trị xuất khẩu cao.

Nhà thờ Thọ Tràng bề thế giữa khu thị tứ sầm uất. Người ta gọi Thọ tràng là xứ đạo Thanh Long.

Qua Thọ Tràng đi thêm 14km, mênh mông Thanh long, đôi khi thấy xen lẫn những cánh rừng xà cừ, cao su. Giữa vườn tược bao la xanh ngát, Nhà thờ Ba bàu như một nhà rong to lớn giữa đại ngàn.

Lịch sử Giáo xứ chỉ mới 20 năm. Dân nghèo di dân tìm đất tốt lập nghiệp. Điểm qua vài mốc thời gian để thấy xứ đạo mới Ba bàu phát triển thật nhanh.

Năm 1978, nhà nước lập vùng kinh tế mới Ba bàu. Dân nghèo từ Phú hội, Phú lâm và nhiều nơi hkác đến đây định cứ khai khẩn điền địa. Ban đầu có 45 gia đình với khoảng 232 giáo dân. Hàng tuần bà con đi bộ về nhà thờ Thọ Tràng dự lễ, đón nhận các bí tích.

Năm 1994, số giáo dân từ miền Bắc di dân hơn 20 gia đình. Lúc này cộng đoàn có 67 nhà với 343 giáo dân. Sinh hoạt phụng vụ chủ yếu luân phiên trong các nhà giáo dân do cha Phêrô Phan Ngọc Cẩm phụ trách. Năm 1999, cha Phanxicô Lê Quang Diễn tổ chức lễ Giáng sinh đầu tiên ở nhà ông Châu. Từ đó, nơi này trở thành nhà nguyện tạm cho đến năm 2008. Ngày 06.6. 2007, Cha Giuse Nguyễn Đức Khẩn tổ chức thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ giáo họ Ba bàu. Giáo họ khi ấy có khoảng 127 gia đình với 587 giáo dân. Ngày 20. 9.2008, Cha Augustinô Nguyễn Đức Lợi về nhận giáo xứ Thọ Tràng. Một linh mục trẻ năng động nên sau một tháng hội nhập với xứ mới ngài bắt đầu chuẩn bị các thủ tục giấy tờ để xây dựng. Ngài cũng xây dựng cơ sở và mời cộng đoàn Nữ tu Mến Thánh Giá Phan thiết đến phục vụ.

Ngày 01.3.2009, công trình khởi công. Sau 13 tháng nhà thờ, nhà giáo lý, nhà xứ đã hoàn thành. Tất cả đều mới toanh trên vùng đất sình lầy ngày nào.

Người Công giáo sống giữa anh em Dân tộc Raglai nên Nhà thờ mang nét văn hoá hội nhập để truyền giáo.

Nhà thờ có hình dáng của một nhà rông cách điệu với những hoa văn dân tộc với mong muốn gặp gỡ với anh em dân tộc Raglai nơi miền núi rừng. Nhìn từ trên cao, nhà thờ có hình thánh giá Chúa Kitô, trung gian ơn cứu độ, trung gian giữa đất và trời, giữa người anh em dân tộc với Thiên Chúa. Trên mình thánh giá mang nhiều hoa văn dân tộc như muốn nói rằng: Thiên Chúa trong Đức Kitô vẫn mang lấy người dân tộc trong tình thương cứu độ của Ngài và Ngài khát khao chờ đợi họ đến với Ngài để được sống và sống dồi dào. Mặt tiền nhà thờ cũng với những hoa văn dân tộc hướng về trời biểu trưng cho khát vọng hướng thượng của mọi con người trong đó có anh em dân tộc Raglai. Trên những lối đi vào nhà thờ, những hoa văn làm thành điểm nhấn vừa muốn nói với anh em dân tộc rằng, khát vọng ấy chỉ nên thành toàn viên mãn khi ta đến với Chúa Kitô và Thánh Thể của Ngài. Hy vọng một ngày không xa, người dân tộc Raglai sẽ nô nức tiến về Nhà Chúa ca tụng lòng nhân hậu vô biên của Ngài. Cung thánh được thiết kế như một nhà thờ thu nhỏ. Ngoài thánh giá, chữ Alpha, Omêga quen thuộc của truyền thống Công Giáo, nhà tạm được đặt trong hoa văn chủ điểm kích thước lớn nhất. Điều này muốn diễn tả Thánh Thể hội nhập vào tận bên trong của mọi nền văn hoá nhân loại và chỉ với Thánh Thể, nhờ Thánh Thể và trong Thánh Thể, mọi nền văn hoá mới thực sự sống bởi “ chỉ trong Chúa, ta mới sống, hiện hữu và chuyển động “.

Đức Giám Mục Giáo Phận đã nâng giáo họ Ba bàu lên thành giáo xứ trong ngày khánh thành Nhà thờ. Một dấu ấn lịch sử. Một kỷ niệm đậm nét trong tâm hồn khoảng 800 anh chị em giáo dân nơi đây. Đức Cha già Nicolas đã khai sinh và bảo bọc cộng đoàn tín hữu trong những ngày đầu. Mảnh đất thiêng thánh ghi dấu những hy sinh, những tranh đấu kiên trì của Ngài trong gần 10 năm dài. Đặc biệt trong những tháng qua, dù sức khoẻ yếu kém Ngài đã hai lần lên viếng thăm, động viên anh em mau hoàn thành công trình. Trong ngày hân hoan niềm vui, Ngài đang hướng về Ba bàu với trọn trái tim người cha nhân hậu.

Mong ước ngôi nhà thờ luôn nhắc nhớ người tín hữu Ba bàu quan tâm tới công cuộc loan báo tin mừng cứu độ cho anh em dân tộc Raglai, để họ cũng được biết “ dưới gầm trời này, không một Danh nào được ban cho con người ngoài Danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng Cứu Độ trần gian “.

Kính dâng lên Thiên Chúa, lên Mẹ Hội Thánh ngôi nhà thờ mới và xin phúc lành Thiên Chúa qua bàn tay của Đức Giám Mục cùng lời nguyện cầu của Dân Chúa trong ngày lễ cung hiến, làm cho ngôi nhà này chan chứa hương thơm của Đức Kitô hầu lan toả đến mọi người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Xã hội Việt Nam be bét đến thế sao?
Đaminh Phan Văn Dũng
04:03 08/05/2009
Đọc xong một bài báo trên BBC, tôi nghĩ đêm nay mình khó có thể ngủ được vì những trăn trở thao thức dấy lên trong tôi. Do đó, tôi cố gắng viết những dòng này gửi lên trang web để chia sẻ với mọi người những trăn trở và thao thức của tôi.

Gần 2 năm nay, tôi quan tâm nhiều đến đề tài bảo vệ sự sống, những con số thống kê thật kinh khủng, hàng triệu ca phá thai mỗi năm. Người ta đã tính toán ra rằng, mỗi người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ sanh nở nếu tính bình quân thì đã từng phá thai ít nhất một lần trong đời. Điều này cho thấy tình trạng băng hoại đạo đức ngày nay đã nguy hiểm đến mức nào. Rồi từ khi bùng nổ sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ, sự thật về tình cảnh thê thảm oan trái của người dân nghèo, của những con người yêu công lý và sự thật càng lộ rõ. Những con người đó đã chịu biết bao cảnh bất công, đau khổ vì sự tham nhũng của những con người có quyền có chức ngang nhiên lộng hành khắp nơi biến Việt Nam trở thành một điển hình về bất công đau khổ. Những ngày vừa qua, xã hội lại nóng lên chuyện chính phủ cố quyết làm cho kỳ được cái dự án tai hại trên Tây Nguyên mà hậu quả của nó là vấn đề sống còn của cả dân tộc. Sự chai đá lì lợm đến kỳ lạ của những kẻ đang tâm bán rẻ dân tộc nói lên phần nào thực trạng tan hoang của cả một hệ thống pháp lý vốn đã chẳng ra gì. Đạo lý và nhân quyền chỉ còn xem như là một thứ rác rưởi người ta thích chà đạp lên lúc nào cũng được.

Bằng chứng một xã hội nát tan be bét là đây. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090506_vn_millions_arrests.shtml. Nhưng thực sự tôi cũng không thể ngờ xã hội Việt nam lại be bét đến vậy. Thật khủng khiếp. Để ca ngợi sự vất vả của công an nhân dân Việt nam, ca ngợi về một hệ thống nhà tù và các phương pháp quản lý tù nhân hữu hiệu, trong một hội nghị tổng kết của ngành công an, ngành này không biết ngượng miệng đã cho mọi người biết rằng: có hàng triệu lượt người đã bị giam cầm trong mười năm qua. Một chiến công lẫy lừng của công an nhân dân Việt Nam ư. Mới đọc sơ qua, có thể chúng ta sẽ không thấy được vấn đề. Nhưng thử tính lại xem. Cứ cho là cách đây 10 năm, dân số của Việt nam cũng là 80 triệu như bây giờ. Với tuổi thọ trung bình của mỗi công dân là 60 tuổi, trừ đi đám trẻ nít khoảng 20% thì số người còn lại xấp xỉ trên dưới 60 triệu. Vậy mà trong 10 năm qua có hàng triệu người đã nếm mùi trại giam. Vậy tính theo đời người bình quân thì mỗi người dân Việt đã từng vào tù ra khám ít nhất 1 lần. Trong khi Việt nam vẫn rêu rao rằng không có tù nhân chính trị (Thật ra là có nhưng so với tỷ lệ trên thì không đáng là bao). Vậy thì toàn là tù nhân hình sự. Có một thực tế mà chắc quý độc giả sẽ đồng ý với tôi rằng nếu Việt Nam chỉ cần nhốt tù thêm hai tội danh như trốn thuế và lái xe trong tình trạng say xỉn như ở Mỹ thì chắc chắn con số hàng triệu lượt người ấy vẫn còn là khiêm tốn. Còn nếu nhốt thêm tội tham nhũng thì có lẽ cái siêu máy tính thời hiện đại chắc không tính nổi. Trời ơi, thế mà người ca còn ca ngợi cứ như là một chiến công hiển hách lắm vậy.

Người ta cũng không quên ca ngợi về đầu tư cho các nhà tù, đầu tư các công nghệ hiện đại, đầu tư cho hệ thống nhà tù để đáp ứng được số lượng tù nhân khổng lồ ấy. Dĩ nhiên là đã đầu tư như thế thì đầu tư phần lớn vào cho các cai ngục cũng như các tù nhân “Loại VIP” như Nguyễn Việt Tiến, Lương Quốc Dũng…Quả là hết ý, còn thực tế chất lượng cuộc sống của các tù nhân khác thế nào trong nhà tù Việt Nam chắc ai cũng đã rõ. Người ta cũng không quên ca ngợi chính sách bao dung khoan hồng của Đảng và Nhà nước qua những con số giảm án, đặc xá lên tới hàng trăm ngàn. Đáng quý, đáng quý thay vì của đáng tội, tình trạng quá tải tù nhân y như các bệnh viện hay tắc nghẽn giao thông cũng như văn hóa phong bì nở rộ làm nên tính khoan hồng đáng quý ấy.

Một xã hội mà tính bình quân ai ai cũng đều ở tù thì là một xã hội kiểu gì đây. Đất nước toàn là tội phạm thì có còn là đất nước nữa không hả trời. Chẳng lẽ dân Việt Nam bây giờ trở thành trộm cướp hết rồi sao? Hay đây là một đặc trưng điển hình cho cái thiên đường xã hội chủ nghĩa thì tôi cũng không hiểu nổi. Ai là người chịu trách nhiệm làm cho xã hội be bét đến như vậy? Hay lại là Đảng lấp liếm đi rằng dưới sự cai trị của Đảng nên số lượng tù nhân phạm pháp mới ít như thế! Có nhiều khi, tôi tìm hiểu qua vấn đề bảo vệ sự sống chống phá thai với các hậu quả kinh khủng của nó, các nguyên nhân mà trong đó có nguyên nhân xã hội. Tôi đã phải thảng thốt kinh hoàng kêu Trời về thực trạng đạo đức đã xuống cấp trầm trọng của xã hội Việt nam ngày nay. Ấy vậy khi đọc những thông tin trên trên đài BBC. Thú thật tôi chẳng kêu lên được tiếng nào nữa vì quá kinh hoàng. Kinh hoàng cho cái nát tan be bét của xã hội dưới sự lãnh đạo sáng suốt của ông này ông kia. Kinh hoàng thay khi được biết ông, bà, cha, mẹ hay bạn bè, hàng xóm… và cả chính tôi nữa từng là tội phạm đã nếm mùi tù ngục! Mà cũng thực vậy đấy, nếu bạn không phải Đảng viên, nếu bạn không phải là người có ô dù, nếu bạn không phải là kẻ trong mối liên hệ nhằng nhịt tham ô, thì hơn 70 triệu người dân Việt Nam này đang sống có khác gì đang sống trong một nhà tù kín bít như bưng mang tên Xã hội chủ nghĩa mà vẫn chưa thoát ra được.

Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt nam

Tù đầy ai oán mỗi con một lần

Mẹ hãy giang tay xin cứu đoàn con

Cho Việt nam thoát ách nguy nan


(Xin mạn phép thay lời của tác giả bài hát)

23h30 ngày 7/5/2009
 
Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn với tướng Giáp về dự án bauxite Tây Nguyên
Người Việt
04:10 08/05/2009
HÀ NỘI 07-05 (NV)- "Chính phủ tiếp thu và nghiên cứu những ý kiến của Đại tướng về dự án bô-xít Tây Nguyên. Bộ Chính trị cũng rất quan tâm đến vấn đề này." - Đó là lời Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN, nói với tướng Giáp tại nhà riêng, vào ngày 7 tháng 5, 2009, được tờ báo mạng Vietnamnet ghi lại, khi ông Dũng cùng các thành viên chính phủ đến thăm tướng Giáp nhân kỷ niệm 55 năm “chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Hình bên: Trong khi Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn “tiếp thu ý kiến” của tướng Giáp thì các công trình khai thác bauxite vẫn đang tiếp tục được xây dựng ở Tân Rai, Lâm Đồng. Hình: Dương Trần Diên Khoa (BBC).

Bản tin của Vietnamnet còn cho hay, cùng đi với Nguyễn Tấn Dũng còn có Nguyễn Sinh Hùng (Phó Thủ tướng), Hoàng Trung Hải (Phó Thủ tướng) và Nguyễn Xuân Phúc (Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ).

Vietnamnet dẫn lời của tướng Giáp nói: 'Rất mong các đồng chí lưu tâm đến chuyện khai thác bô-xít Tây Nguyên. Đây là địa điểm chiến lược quan trọng của đất nước, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng an ninh không chỉ với Việt Nam mà cả với Đông Dương'.

Vẫn theo Vietnamnet, “Đại tướng cũng bày tỏ quan ngại về việc lao động nước ngoài vào theo các dự án này.”

Và “ Ân cần nắm tay Đại tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: 'Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của Đại tướng.”

Đây có thể nói là lần đầu tiên, người đứng đầu chính phủ CSVN, công khai hứa hẹn với tướng Võ Nguyên Giáp về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, dự án vốn gặp sự phản đối của dư luận trong và ngoài nước trong nhiều tháng qua.

Tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số những người, bao gồm các cựu tướng lãnh quân đội cộng sản, các trí thức, nhà văn hóa, nhà khoa học,… quyết liệt phản đối việc nhà cầm quyền Việt Nam cho khai thác quặng bauxite Tây Nguyên, đồng thời cho các nhà thầu Trung Quốc đưa nhân công vào các địa điểm khai thác bauxite.

Ngày 5 tháng Một, 2009, tướng Võ Nguyễn Giáp đã gởi bức thư đến đích danh Nguyễn Tấn Dũng phản đối kế hoạch khai thác bauxite Tây Nguyên, nhưng bức thư đã không được hồi đáp.

Bốn tháng sau, tướng Giáp gởi bức thư phản đối thứ hai đến cuộc hội thảo về bauxite do chính phủ CSVN tổ chức tại khách sạn Melia Hà Nội hôm 9 tháng 4, nhằm lắng nghe ý kiến phản biện của các, trí thức, các nhà khoa học và việc giải trình của các nhà thầu… Trong bức thư này, tướng Giáp cũng nhắc đến bức thư ông gởi đi ngày 5 tháng 1 nhưng không được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời.

Bình luận về lời hứa hẹn của Nguyễn Tấn Dũng, một nhà báo tại Việt Nam, xin giấu tên, nói với Người Việt: “Ông Nguyễn Tấn Dũng đã tìm cách trả lời tướng Giáp trực tiếp chứ không qua văn thư. Tuy nhiên, người ta không thể biết chắc là có dừng dự án hay không. Vì ông Dũng chỉ nói là “tiếp thu ý kiến” chứ không nói gì cụ thể cả. Mà các lãnh đạo Việt Nam thì vốn nổi tiếng là hứa nhưng không làm, hoặc là làm ngược lại”.

Đến nay vẫn chưa có dấu hiện nào cho thấy việc nhà cầm quyền Việt Nam “cân nhắc” việc dừng dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Mới đây nhất, hôm 4 tháng 5 khi gặp gỡ với các cử tri ở Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội, thành viên Bộ chính trị, khẳng định dự án này nằm ngoài vòng kiểm soát của quốc hội: “quy mô mỗi dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn600 triệu đôla'.

Vẫn theo lời ông Trọng, được báo chí trích lời, khi nói với cử tri rằng: “(Chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên) đã được thống nhất trong các nghị quyết 9, 10 của đảng, nhưng phải làm từng bước và vững chắc”. (Th.)

(Nguồn: Người Việt, Thursday, May 07, 2009)
 
“Tường lửa”, liệu có còn lửa?
Alfonso Hoàng Gia Bảo
15:52 08/05/2009
Gần đây trước tình hình nóng bỏng của giáo xứ Thái Hà có lẽ vì lo ngại các trang mạng bị nhà cầm quyền ngăn chận, nên trên website Dòng Chúa Cứu Thế thấy mới xuất hiện thêm một tiêu đề “Đã đến lúc chỉ cho nhau cách vượt tường lửa” . Vâng, đúng là đã đến lúc mọi người sử dụng máy tính cần phải biết cách vượt qua mấy cái hàng rào bờ giậu điện tử do nhà cầm quyền VN dựng lên, vì có làm như thế thì chúng ta mới thoát khỏi những thông tin một chiều trong nước để biết được đâu là sự thật và khi ‘vượt rào’ như vậy, chúng ta cũng chẳng vi phạm bất cứ điều luật nào cả. Tuy nhiên, như Chúa Jésus từng nguyền rủa cái xấu xa tệ bạc nơi con người Juda hai ngàn năm trước “chẳng thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mc 14, 21) chúng ta cũng ao ước, phải chi nhà nước đừng ‘bày trò’ tường lửa ra làm chi bởi giả dối vẫn mãi chỉ là giả dối. “Một lần mất tín vạn sự mất tin”, CSVN đã không biết bao phen ‘lừa dân dối Chúa’, ai cũng biết rành mặt họ rồi thì còn gì nữa đâu mà mà che với đậy?

Có tật giật mình!

Sự ra đời của máy tính cá nhân và sau đó là mạng internet như chúng ta đang chứng kiến đã mở toang mọi kho tri thức nhân loại, đồng thời còn cho phép kết nối hàng triệu người lại với nhau chỉ trong tích tắc, điều mà các phương tiện truyền thông cũ trước đây đã không tài nào làm nổi, vì ưu điểm vượt trội này internet đã khiến cho các chế độ độc tài sống nhờ bưng bít thông tin với bao huyền thoại dối trá tỏ ra rất khiếp sợ!

Ở VN, lẽ ra internet đã có từ cuối thập niên 80 cùng lúc với sự ra đời của luật đầu tư nước ngoài vào năm 1987, bởi đó là nhu cầu không thể thiếu đối với bất kỳ nhà đầu tư ngoại quốc nào khi họ vào VN làm ăn. Nhưng ai theo dõi tin tức hồi ấy chắc vẫn chưa thể quên, đảng CSVN vì lường trước cái ‘tai họa’ khôn lường của internet nên nhiều kẻ thủ cựu trong đảng đã cố tình làm khó bằng một câu nói rất ‘nổi tiếng’ của một ông tướng “chấp thuận cho kết nối internet là… bán nước!” mà nay khi nghe lại chúng ta không khỏi phì cười vì sự ấu trĩ và cực kỳ “phản động” của nó.

Mặc dù vậy Hà Nội cũng chỉ có thể chần chừ thêm đến năm 1995 đủ để thấy rằng, thiếu internet việc kêu gọi đầu tư nước ngoài sẽ bị phá sản. Hiệu lệnh “mở cửa hay là chết” đã buộc đảng CSVN phải miễn cưỡng mở cổng như chính ông cựu bộ trưởng Đỗ Trung Tá thổ lộ sau này trong bài “Chuyện Người mở đường cho Internet Việt Nam” (http://vietnamnet.vn/cntt/2007/02/665501/) nhân kỷ niệm 10 năm VN kết nối internet: “Chúng ta đưa Internet vào tuy chậm nhưng là phù hợp với tình hình của đất nước và cũng đã gặt hái được những thành quả nhất định thông qua quyết định đúng đắn của Trung ương lúc đó” (có để ý câu chữ các quan chức VN phát biểu mới thấy họ rất sợ làm mất lòng đảng. Có lỡ chê thì phải lo ‘vuốt đuôi’ liền tức thì. Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống chậm chân hơn thiên hạ mà lại bảo là “phù hợp’ với ‘đúng đắn’ !?).

Bởi vậy nói chẳng sợ sai. Nếu không vì mãnh lực của những đồng dollars, không vì sợ dân đói sẽ nổi loạn, CSVN bụng chưa đói để đầu gối chưa phải bò thì còn lâu dân VN mình mới có internet mà xài.

Hoàn cảnh ra đời của internet ở VN ‘éo le’ như vậy thì sự ra đời những bức tường lửa (firewall) đi kèm để hạn chế người dùng internet tiếp cận với những trang “độc hại” của thế giới tự do là lẽ đương nhiên. Cho nên những ai muốn đọc được những tin tức trung thực họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự mình mày mò học lấy cách leo trèo, luồn lách vượt qua những firewall tường lửa “khốn kiếp” này.

Những hành vi, mà nếu có dịp len lén quan sát ai đó đang thực hiện ở những nơi như công sở hay café, chắc trông cũng chẳng khác những thằng ăn trộm là mấy, bởi cũng phải thậm thà thậm thụt, bật cái này tắt cái kia, nhìn trước ngó sau vì biết đó là kiểu truy cập chẳng còn bình thường. Nhưng nếu không thực hiện nhuần nhuyễn những thao tác xa lạ với cái “nhân chi sơ tính bản thiện” ấy thì đừng có mà mong đột nhập vào được nhà các bác hàng xóm hải ngoại ‘ăn mày’ thông tin để khỏi bị đói.

Mặc dù vẫn biết điều chúng ta làm là hoàn toàn chính đáng, nhưng (đời sao mà lắm chữ “nhưng”?) đôi khi nó cũng khiến chúng ta phải tự hỏi vì sao phải sợ và ai đã buộc chúng ta phải rước những hành vi trông có vẻ mờ ám như vậy vào người?

“Tội lỗi” đều do bạo quyền !

Khỏi cần viện dẫn quyền tự do thông tin ngôn luận kẻo nhà cầm quyền lại bảo quan niệm tự do mỗi quốc gia mỗi khác, chúng ta chỉ dựa vào nguyên tắc ‘làm lành tránh dữ’ rất căn bản đạo lý mà tường lửa đang đi ngược lại cũng đã đủ để kết tội họ. Bởi từ ngày có sự hiện diện của tường lửa, nó đã buộc tất cả những công dân lương thiện vì khát khao sự thật phải mày mò, tập tành làm quen với những trò ‘ma mãnh’ leo trèo, giấu diếm IP, xóa tung tích v.v… những việc làm chẳng ai dám bảo là của con nhà đàng hoàng tử tế cả. Nếu là tốt đẹp, ắt các nhà sản xuất ra các trình duyệt Internet Explorer, Firefox, Opera, Safari đã phải tích hợp sẵn chức năng vượt tường lửa vào chúng rồi.

Do vậy vấn đề băn khoăn của chúng ta chẳng phải là sự lo lắng không vượt qua được tường lửa, bởi ‘vỏ quýt dày luôn có những móng tay nhọn’ mà là ở chỗ, mặc dù các phương tiện được cung cấp và hỗ trợ bởi các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền như Ultrasurf của UltraReach Internet Corp. (U.S.A) hay ‘Tor’ của The Tor Project, Inc v.v… nhưng rốt cuộc cái gọi ‘lợi ích’ và ‘hiệu quả’ do chúng đem lại thực ra chỉ là dạy cho con người ta ‘mánh khóe’ chứ chẳng phải ‘kiến thức’ (xin đừng hiểu lầm đây là những lời vô ơn với các tổ chức ân nhân trên).

Thay vì được thoải mái lướt web trên những xa lộ chúng ta phải chui vào những con hẻm ngoằn ngèo tối tăm, phải mắt trước mắt sau nhất là khi dùng ở công sở hoặc chỗ công cộng v.v... những sự phiền toái mà người dùng internet ở các quốc gia dân chủ chăng bao giờ phải mất công vô ích một cách ‘lãng xẹt’ như chúng ta.

Mà cũng chưa hết, chúng ta thử nghĩ xem các nhà giáo, nhà đạo đức, nhà văn nhà thơ và kể cả các vị chủ chăn như các vị Giám mục của đạo chúng ta, toàn là những con người đáng kính cả, nhưng trước những thực tế đáng buồn của đất nước như chuyện hải đảo bị TQ đe dọa, rồi hiểm họa của dự án khai thác nhôm trên cao nguyên v.v…muốn biết sự thật về những gì đang diễn ra trên đất nước mình, họ có cách nào khác hay cũng phải luồn lách leo trèo để mà xem, mà đọc như chúng ta, tội cho họ quá đi chứ?.

Mà nghĩ cũng lạ! từ ngày có firewall đến giờ cả hơn chục năm, già trẻ lớn bé ai dùng internet cũng biết rõ ràng về sự hiện hữu của chúng, ấy vậy mà bấy nhiêu năm chẳng hề thấy có vị đáng kính nào lên tiếng hỏi nhà cầm quyền sao phải làm khổ dân như thế? Chúng ta có quyền mà tại sao không ai lên tiếng? Thấp cổ bé họng, dân đen như chúng tôi nói họ chẳng chịu nghe luồn lách thôi thì cũng đành, nhưng nghĩ đến thân bao nhân sĩ tri thức cũng phải luồn lách để mà thấy mà đau thay! Cứ lấy vụ Bauxite Tây Nguyên ra mà rọi thì rõ ngay, khi có hàng trăm nhân sĩ trí thức cùng phản đối CSVN ắt sẽ phải co vòi ngay.

Chính những điều tưởng rằng bình thường mà thật ra ít nhiều gì cũng đã góp ‘công trạng’ làm nên cái bể giả dối mà người người đang phải cùng nhau lặn hụp hôm nay để rồi lại than trách vì sao đạo lý xã hội VN hôm nay suy đồi.

Trước đây tôi vẫn nghĩ chắc không có nhiều người biết cách luồn lách leo trèo qua những bức tường lửa của nhà cầm quyền, vì thấy có những chuyện động trời xảy ra đã lâu như vụ ‘Sáu Sứ - Tổng Cục II’ nhưng khi hỏi bạn bè cũng thường hay lang thang xem tin tức trên mạng thấy cũng chẳng có mấy người hay biết. Cho đến hôm dự buổi hiệp thông thắp nến cầu nguyện cho xứ Thái Hà tại dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn giữa những ngày căng thẳng tháng 9/2008 vừa qua tôi mới bị bất ngờ. Trong lúc các cha chiếu những slides kèm theo thuyết minh, một chị ngồi cạnh tôi buột miệng khoe đã xem qua tất cả những thông tin này trên mạng vài ngày trước đó. Quá ngưỡng mộ, tôi bèn làm bộ ‘giả nai’ hỏi tới chị bảo phải ‘leo qua tường lửa mới xem được và còn nhiệt tình chỉ tôi vài chiêu căn bản như dò proxy, search bằng google để đọc các file cache v.v...

Vậng, ‘leo trèo’ rành rọt cỡ như chị này quả là tài thật chứ chẳng đùa! Nếu có tổ chức nào đó đứng ra làm một cuộc thống kê về “đẳng cấp” vượt tường lửa ở các quốc gia, tôi chẳc dân VN mình nếu không đạt giải quán quân chắc cũng hạng nhì, ba trên thế giới, chỉ tiếc rằng đó lại là những loại kỷ lục “trông chẳng giống ai”!

Điều duy nhất giúp cho những ‘kỷ lục gia’ chúng ta không bị ray rức, đó là khác với những sự hí hửng bởi tiền tham nhũng của lũ bất lương cầm quyền chủ nhân của firewall này, những gì chúng ta ‘ăn trộm’ được sau tường lửa chỉ khiến thêm khổ tâm.

Làm sao hí hửng nổi khi ‘khui hàng’ chỉ toàn thấy những tin tức không mấy tốt lành về đất nước và dân tộc mình. Nào là buôn lậu ngà voi của nhân viên sứ quán VN bên Nam Phi, hàng ăn trộm của anh phi công tên Hợp ăn cắp bên Nhật, cần sa ma túy của người Việt ở Ba Lan, Séc (Tiệp Khắc), vụ ODA Nhật đang nóng lên từng ngày khắp nơi nhưng 700 tờ báo mình vẫn cứ im ỉm là tiền đi vay nước ngoài nhân danh 80 triệu người dân nhưng lại bị một nhóm thiểu số các đảng viên CSVN “móc ruột” không thương tiếc? Rồi đến vụ Bauxite Tây Nguyên trong khi ông thủ tướng bảo là “chủ trương lớn của đảng” nhưng thế giới bên ngoài lên án nặng nề vì hậu quả độc hại của nó mà các thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ phải lãnh đủ v.v… những ‘món hàng’ ấy làm sao khiến chúng ta hí hửng?

“Tường lửa” CSVN đang sắp… hết lửa !

Tường lửa bây giờ chẳng còn có thể làm khó dễ chúng ta như nhiều năm trước, khi ấy người sử dụng nếu không ai cho hoặc tìm thấy đâu thì phải tự như phải tự dò tìm proxy tức một server trung gian nào đó (thí dụ như với cụm từ ‘/dmirror/http/www’) sau đó tự mình gán thêm vào để làm nên một link đầy đủ như “https://tong.ziyoulonglive.com/dmirror/http/www.doi-thoai.com” . Kiểu vượt rào thủ công này rất vất vả những cũng chỉ được một thời gian, khi số người dùng tăng lên nhiều gây chú ý cho nhà cầm quyền là bị chặn lại liền.

Hiện nay phần mềm hỗ trợ vượt tường lửa tiện lợi nhất có lẽ là Ultrasurf của UltraReach Internet Corp. (U.S.A) có sẵn chức năng tự động dò tìm proxy giúp cho nguời dùng rất đỡ vất vả, vì vậy mà nó đã khiến cho cả hệ thống tường lửa của CSVN trở nên rệu rạo hơn bao giờ hết. Trên thực tế họ chỉ còn có thể ngăn được mấy em nhỏ mới làm quen với internet, nhưng oái oăm ở chỗ ở tuổi này cái cần ngăn chận là những web sex thì họ lại gần như thả cửa. (thế mới là cộng sản!)

Cũng vì thấy trước không còn có thể trông cậy kỹ thuật tường lửa hiện nay đang sắp… cạn lửa, nên cuối năm 2008 vừa qua, cùng lúc với chiến dịch chấn chỉnh báo chí, CSVN đã ban hành nghị định 97/2008/NĐ – CP "cấm xử dụng internet vào mục đích chống nhà nước và gây phương hại an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội" và tìm cách kiểm soát các blogger bằng gây áp lực (thậm chí cả mua chuộc) đối với các công ty Yahoo, Google ở VN nhưng nhiều nguồn tin cho hay yêu cầu vô lối của CSVN đã gặp phải thất bại, vì hai công ty này đều của Mỹ, sau vụ Yahoo TQ ‘bán đứng’ thân chủ của họ cho Bắc Kinh, đã buộc chính quyền Mỹ đã ‘để mắt’ đến mọi hoạt động của họ tại các quốc gia như TQ, VN, Miến Điện v.v… nhiều hơn.

Nhưng CSVN cũng đâu có dễ dàng chịu thua như vậy. Nếu ai quan tâm đến vụ việc hẳn cũng đã biết về sự xuất hiện của chuyên gia “tường lửa” Gil Shwed tại Hà Nội đến từ Tập đoàn An Ninh Mạng Check Point (Israel) hồi cuối tháng 11/2008 vừa qua. Gil Shwed là cha đẻ của "kiệt tác tin học" FireWall-1 và được mệnh danh là “vua tường lửa” trên thế giới, tất nhiên phải là người rất giỏi về lĩnh vực này.

Mặc dù mục đích chuyến đi của Gil Shweb trên danh nghĩa là để “tham gia một số hoạt động: Đào tạo về an toàn thông tin, Hội thảo – Triển lãm An toàn thông tin; giao lưu, gặp gỡ báo giới và các hội viên của Hiệp hội An toàn thông tin...” nhưng với người am hiểu ruột gan công sản và thấy hết sự lo lắng của họ về việc bất lực trước thông tin trên mạng internet, chắc chắn chẳng ai ngây thơ tin rằng chuyến đi chỉ để xã giao.

Công việc kinh doanh của Tập đoàn An Ninh Mạng Check Point chắc chắn không thể sống ra đời để đi làm mấy chuyện ‘vớ vẩn’ dựng firewall giúp các chính thể độc tài, nhưng vì có dính dáng đến lĩnh vực tường lửa, nên sau khi mua được kỹ thuật và phương tiện dụng cụ của họ rồi CSVN muốn dùng nó vào mục đích gì nào ai biết được? Hơn nữa Check Point cũng không phải là công ty trên đất Mỹ để bị ràng buộc trách nhiệm như Microsoft, Yahoo hay Google.

Việc này có thể ví như như khi ta bỏ tiền sắm chiếc xe hơi, khi có rồi thì dùng nó để chở cái gì là quyền của chủ nhân mà nhà cung cấp đâu có quyền ngăn cản.

Nhưng bất chấp việc họ sẽ chi ra vài chục đến hàng trăm tỷ đồng ra để mua sắm (và cả mua chuộc) các phương tiện lẫn chuyên gia hàng đầu thế giới để giúp họ truy lùng những ai dám vượt ra khỏi cái “lề phải”, chúng ta vẫn sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro như luôn biết cái ác luôn hiện diện cùng điều thiện, xấu đi kèm với tốt, có internet ắt phải có firewall tường lửa, có bắt bớ, xách nhiễu v.v…. chỉ có điều kẻ sợ hãi nhất lại chính là họ chứ chẳng phải chúng ta. Vì bản chất của chế độ là dối trá nên họ luôn lo sợ một khi tường lửa không ngăn được dối trá, sự thật được phơi bày sẽ khiến chẳng còn ai dám tin vào chế độ nữa và khi ấy, đổi thay là điều tất yếu phải diễn ra.

Nhưng ngày ấy là ngày nào, nó đến sớm hay muộn là còn tùy thuộc rất nhiều vào việc sẽ có thêm bao nhiêu nhân sĩ trí thức, sinh viên, công chức cùng hàng triệu người dùng internet trong nước quan tâm đến thời cuộc, vận mạng dân tộc hay chỉ dùng máy tính vào những trò giải trí vô bổ, rẻ tiền? Cũng như sẽ có thêm bao nhiêu người trong họ biết cách vượt qua sự sợ hãi của bản thân, thách đố của tường lửa để sớm nhận ra chân tướng của chế độ, việc mà các Cha DCCT, VietCatholic cùng nhiều website khác đang tích cực phổ biến hiện nay.

Sàigòn, Một chiều mưa tháng 5/2009
 
Ý Kiến Thêm Về Tây Nguyên
Đỗ Hữu Nghiêm
15:57 08/05/2009
1/.Vâng, Tây Nguyên là một vị trí chiến lược trọng điểm của Việt Nam về nhiều mặt. Trước hết đó là quê hương lịch sử văn hóa thời nguyên sơ của Việt Nam mà các dân tộc ít người hiện nay là những đại biểu sống động và rất cần trân trọng. Sang Phi Luật Tân hay Mã Lai, Nam Dương, hay Tân Gia Ba, các dân tộc ít người cùng Khối Indonêsien giống như ở Việt Nam được tạo điều kiện bình đẳng và họ phát triển rất tốt, khởi sắc không thua gì cộng đồng người Kinh ở đồng bằng.

2/. Tây Nguyên là vùng cao ở ngã ba biên giới gần phía Bắc Kampuchia, và Nam Lảo. Nơi đó có vị trí trung điểm cho các dân tộc ở vùng Đông Nam Á lục địa không phải chỉ ở Đông Dương gồm ba quốc gia Việt Miên Lào theo truyền thống từ xưa. Khai thác Tây Nguyên là phá hủy tận gốc rễ các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, họ không còn môi trường ngàn đời sinh cư trên nền đất basan màu mỡ do sự phân hủy tự nhiên của đất bauxite. Đồng thời cũng tàn phá nguồn thảm thực động vật và các lâm khoáng sản trọng yếu khác bảo vệ môi sinh văn hóa tự nhiên và xã hội của vùng Đồng Bằng miền Trung và Nam Bộ Việt Nam.

3/. Việc hiện diện của hàng Alcoa Mỹ chỉ là một bình phong che đậy sự hiện diện bá chủ của Trung Quốc, một nước láng giềng vốn có mộng thống trị đối với các nước nhỏ chung quanh ở tứ phía: Mông Cổ Tây Tạng, Mãn Châu, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, với Phù Nam, Chiêm Thành thuở xưa, Xiêm La, Miền Điện, Tây Tạng, Nêpal, Bhutan, Ấn Độ. Những tiền đề về vùng Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa là những sự kiện không thể cảnh giác cao độ những người có long yêu nước thực tình. Dù sao về địa chính trị, Mỹ vẫn là một nước xa vời so với Trung Quốc ở sát Bắc Việt Nam, dù khoa học kỹ thuật có tiến bộ bao nhiêu!

4/. Quá trình lịch sử địa chính trị đó của Trung Quốc đối với Việt Nam khiến cộng đồng người Việt không thể cảnh giác. Nếu Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam làm ngơ trước những cơ hội để người Trung Hoa có mặt trên đất Việt Nam mượn bất kỳ danh nghĩa nào thì ta vẫn nghĩ đến các phương diện khác mà người Trung Quốc có thể lạm dụng. Biết đâu trong thám sát khoa học, trong vùng khai thác bauxite còn có thể có uranium, hay nhiều khoáng loại khác mà kỹ thuật chưa cho phép Việt Nam nắm được hết. Ngay như vùng tạm nhượng hợp đồng với Tân Gia Ba ở Bình Dương, người Tân Gia Ba có thể đã ngấm ngầm khoáng chất nằm sâu trong các vùng họ đang cư ngụ và khai thác công nghiệp?

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của cựu Trung Tướng Đồng Sĩ Nguyên là Tây Nguyên phải do chính người Việt Nam khai thác theo một kế hoạch tiệm tiếm khôn ngoan, dè chừng các mặt mà chúng ta có thể nhận thức.
 
Tôn giáo phải có vai trò trong xã hội thế tục
Jos. Tú Nạc, NMS
16:01 08/05/2009
Mọi tôn giáo và những người theo bất kỳ tôn giáo nào đều có quyền đòi hỏi quyền lợi của họ để đóng góp, xây dựng đối với xã hội bằng cả hai: tiếng nói và hành động, bởi họ là công dân trong một quốc gia. Vì thế đất nước phải thuộc quyền sở hữu của họ, không chỉ là sở hữu của một cá nhân, một nhóm người hay một đảng phái duy nhất độc đoán, chuyên quyền quyết định. TGM Thomas Collins đã nói: “Chúng ta là những công dân và có quyền đóng góp nhiều hơn trước những cuộc đối thoại dân chủ,” trước đám đông cử tọa Do Thái giáo và Ki-tô giáo vào ngày 23 tháng Tư trong bữa tiệc lần thứ 23 hàng năm của nhóm Neighborhood Interfaith.

Chúng ta, những người Công giáo không chấp nhận vai trò dửng dưng, ngoài cuộc trong xã hội thế tục, “quốc gia hư vong, thất phu hữu trách”.

Để xác định xã hội thế tục như một thế giới không phải lo âu về vấn đề tôn giáo không chú ý đến những căn nguyên cùa thuât ngữ. Trong một xã hội thế tục thực sự tất cả các tôn giáo đề được tự do như nhau để đóng góp với xã hội những công việc từ thiện cũng như diễn đàn dân chủ.

Con người của đức tin tạo ra những đóng góp cho xã hội thế tục,” TGM Collins đã phát biểu.

Đạo đức học Cựu Ước, một cách đặc biệt trong tiếng gọi công lý xã hội đã thấy trong Thánh Vịnh 37, là ngữ cảnh mà Chúa Giêsu rao giảng và hình thành những nền tảng cho người Ki-tô giáo và người Do Thái giáo để hôm nay cùng nhau hành động. Một số người không am hiểu tôn giáo đã phát biểu một cách chủ quan, phiến diện trước những đấu tranh của những người Công giáo vì công lý, vì ích quốc lợi dân đã cho rằng “đi ra ngoài phạm vi tôn giáo”. Quả là những nhận xét “cóc ngồi đáy giếng”, “tri kỳ nhất bất tri kỳ nhị”. Những người đó dù là những kẻ vô thần, nhưng hãy nhớ một điều hãy giữ đạo Làm Người, đừng bán rẻ thanh danh của mình.Và cũng đừng vì miếng cơm manh áo, đồng tiền bát gạo mà “lẹo lưỡi”, và “bẻ cong ngòi bút”. Hãy coi vật chất là một tên đầy tớ tốt, đừng để nó trở thành ông chủ xấu, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.

Có mối nguy cơ với những người thuộc những thành phần tôn giáo đang quay lưng lại trước những vai trò chung và tố cáo để tự bảo toàn và những vấn đề nội bộ, TGM Collins đã nói: “Đó là sự thiếu khôn ngoan đối với những tín hữu rút lui vào pháo đài riêng của mình. Con người của đức tin trở nên nhu nhược, đớn hèn.”

Vì một lý do nào đó, bản thân họ không đủ can đảm đấu tranh cho công lý, cho quyền được làm người, họ không dám gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh trước những ngưy cơ của dân tộc thi họ đừng nên lên tiếng đánh giá, phê phán. Có một số tu sĩ vì họ “sống trong lòng dân tộc”và “đồng hành cùng dân tộc”, họ đã can đảm đấu tranh trước những bất công, trước những sai lầm, hành động của họ đáng khâm phục, ngưỡng mộ thì lại gán cho họ danh hiệu là “tu sĩ cấp tiến”. thế nào là “cấp tiến”? Nếu người có chút ít hiểu biết về Hán học thì từ “cấp tiến” không mang sắc thái biểu cảm âm tính, mà ngược lai – dương tính. Hãy thận trong khi sử dụng từ, nó cũng như con dao hai lưỡi, đặc biệt là từ Hán Việt. Chữ nghĩa mà có chân, có tay khối kẻ không còn “cái mà nhai cháo”.

Học thuyết xã hội của giáo hội từ Rerum Novarum của DGH Leo XIII qua đến Pastoral Constitution Công Đồng Vatican II về Hội Thánh trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et Spes, kêu gọi những người Công giáo tranh luận tích cực để được tham gia cùng xã hội, chính trị và thảo luận chung, nhưng đó là sự chia sẻ, hiệp thông của những Ki-tô hữu với mọi tôn giáo, TGM Collins đã phát biểu: “Chúng ta có thể cùng nhau phát triển những lợi ích chung.”
 
''Món quà bauxite cho Trung Quốc''
BBC/Financial Times
16:56 08/05/2009
Sau hàng loạt bài trên các báo quốc tế về vụ khai thác bauxite gây điều tiếng ở Việt Nam, nay tờ Financial Times của Anh nói hẳn rằng đây chính là "món quà của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng" cho phía Trung Quốc.

Bài của David Pilling hôm 06/05/2009 nhìn vào cách thức một "nước Trung Hoa đang vươn lên" tìm cách làm lu mờ Nhật Bản và tăng sức ép lên các nước láng giềng.

Nhưng trong hoàn cảnh của Việt Nam, tác giả nói vụ khai thác bauxite là vấn đề nổi bật, cho thấy thực chất mối quan hệ với Trung Quốc.

Lần đầu tiên, một báo lớn ở Phương Tây dùng từ "quốc gia phụ thuộc" (client states) để nói về cách mối quan hệ này đang hướng tới.

Theo tác giả, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có vòng công du một tuần thời gian gần đây để "được tiếp kiến" các lãnh đạo Trung Quốc.

Hiển nhiên, điều này không nói lên gì về cá nhân Thủ tướng Dũng vì ông cũng chỉ làm như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy "tự đến khách sạn để được gặp ông Hồ Cẩm Đào" trong dịp Hội nghị G20 ở London vừa qua.

Nhưng điểm quan trọng là, theo bài báo, thủ tướng Việt Nam "đã mang theo các món quà bauxite của Việt Nam, thứ tài nguyên tạo ra nhôm" (nguyên văn: He brought with him gifts of Vietnamese bauxite, the main raw material for aluminium).

Tác giả David Pilling gọi đây là cách "triều kiến Trung Quốc" (pay tribute to China) và nói về tương quan thế lực hai bên.

Việt Nam đã hoàn toàn bất lực khi Trung Quốc đuổi ExxonMobil ra khỏi dự án với PetroVietnam

Bình luận của Financial Times


Thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc cũng là vấn đề được hàng loạt báo chí quốc tế như trên Wall Street Journal, New York Times, The Economist hay Asia Times nêu ra như một lý do vì sao chính quyền Việt Nam cứ quyết tâm thúc đẩy vụ bauxite.

Nhưng David Pilling nói Việt Nam "đã hoàn toàn bất lực khi Trung Quốc đuổi ExxonMobil ra khỏi dự án với PetroVietnam" năm ngoái.

Trong khi không có ai ở Việt Nam, nước từng bị Trung Quốc "chiếm đóng 1000 năm" muốn vội vã trải thảm đón đầu tư của Trung Quốc Financial Times viết rằng chính quyền Việt Nam đã cấm một tờ báo nêu ra vấn đề gai góc về lãnh thổ với Trung Quốc.

Nhắc đến những phản đối vì lý do môi trường tại Việt Nam khi nhà nước đưa ra dự án bauxite, bài báo nói "Chính quyền cũng chỉ nói cho qua chuyện những lo ngại về môi sinh".

So sánh với khu vực

Một điểm đáng chú ý khác là sự so sánh vị thế và cách hành xử của Hàn Quốc và Việt Nam trong quan hệ với Bắc Kinh.

Bài báo nói Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc và ngược lại, các công ty Nam Hàn đã đầu tư tới 40 tỷ đô vào Trung Quốc.

Trung Quốc nắm trong tay lá bài Bắc Hàn khiến Nam Hàn phải e ngại

Mặt khác, Trung Quốc cũng nắm con bài Bắc Hàn vốn là yếu tổ an ninh chủ đạo cho sự sống còn của nhà nước Nam Hàn.

Hàn Quốc cũng có lúc công khai tỏ thái độ khi định nghĩa các quyền lợi chiến lược và ngoại giao của họ đối với Trung Quốc.

Financial Times, bản trên mạng đưa tin rằng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc giữa tháng Tư đã công bố một bản phúc trình nói rằng "ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc có thể khiến nỗ lực ngoại giao của Seoul nhằm đảm bảo an ninh về tài nguyên bị nguy hại".

Sự việc đã gây ra một cú chao đảo nhỏ trong quan hệ hai bên, nhất là vì báo cáo cũng đề nghị Seoul phải "có biện pháp chống đỡ đối với Trung Quốc", nhưng rút cuộc các quan chức ngoại giao Hàn Quốc đã phải tìm cách giải tỏa căng thẳng vì quan hệ song phương quá quan trọng.

Còn đối với Đài Loan, đây là ví dụ thứ ba cho thấy sức hút của Trung Quốc.

Tuy Đài Bắc vẫn mua 6,5 tỷ đôla vũ khí từ Hoa Kỳ để phòng thủ trước Trung Quốc, có vẻ như bên cạnh chiến lược cải thiện quan hệ kinh tế, ngoại giao với Bắc Kinh vẫn được xúc tiến.

Vẫn Financial Times nói chính phủ Mã Anh Cửu gần đây cũng cho các công ty Trung Quốc vào đầu tư và rất có thể sẽ chuẩn thuận vụ công ty China Mobile mua 12% cổ phần trị giá 533 triệu đô trong công ty Far EasTone chuyên về điện thoại di động ở Đài Loan.

Không biết có phải tình cờ hay không mà cùng lúc Trung Quốc đã đồng ý Đài Loan hưởng quy chế quan sát viên tại Tổ chức Y tế Thế giới.

Bài báo kết luận rằng với thế lực của Nhật Bản ngày càng giảm sút vì kinh tế trì trệ, Trung Quốc đang tìm cách gây sức ép lên các nước láng giềng, trong đó Việt Nam là nước bị ép nhiều nhất.
 
Cánh én báo hiệu Mùa Xuân?
LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
17:42 08/05/2009
CÁNH ÉN BÁO HIỆU MÙA XUÂN?

Tên cháu là Gio-an

Sáng thứ Tư ngày 06-05-2009, vào trang mạng VietCatholic tôi thấy những tựa đề như So sánh báo cáo về nhân quyền tại Việt Nam giữa bộ ngoại giao Việt Nam và Mỹ của Đinh Từ Thức, hay Uỷ ban Tự do Tôn giáo: 13 nước vi phạm tự do tôn giáo trong đó có Việt Nam của đài VOA, hay Bức màn bauxite, âm mưu Tây Nguyên!!! Của tờ “Tự do ngôn luận”… Nhưng tất cả đều bị chìm bên cạnh tấm hình thánh giá rất nổi của một nhà thờ, ở phía dưới là tựa đề của bài viết: Quan điểm Công giáo về trách nhiệm của Giáo Hội trước các vấn đề xã hội, tác giả là đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm. Tôi cũng để ý đến ngôi sao vàng 5 cánh (có 1/4 bị che khuất) trên nền đỏ, ở phía trên bóng cây thánh giá. Đây là cách lôi kéo sự chú ý của người đọc.

Chỉ mới nhìn tựa đề của bài viết thôi, tôi đã thầm nghĩ: bây giờ là Mùa Phục Sinh, nhưng trong bối cảnh xã hội ngày càng nóng như có thể nổ tung bất cứ giờ nào, thì sau một thời gian dài chờ đợi, đặc biệt của các tín hữu Công Giáo, bài viết của một vị giám mục Việt Nam như đưa ta trở lại Mùa Vọng, sau khi ông Da-ca-ri-a bị câm một thời gian. Đến ngày vợ ông là bà Ê-li-sa-bét sinh hạ, rồi phải đặt tên cho con, và khi họ hàng tính lấy tên cha mà đặt cho đứa bé thì bà mẹ nhất quyết đặt tên cho con là Gio-an. Cuối cùng thì phải nại đến uy quyền của cha đứa bé để giải quyết vấn đề. Ông Da-ca-ri-a ra hiệu xin mang đến cho ông một tấm bảng, rồi ông viết lên đó: “Tên cháu là Gio-an”. Cùng lúc, ông hết câm, ông nói được. Nay sau một thời gian dài chờ đợi một tiếng nói từ phía các giám mục, chợt thấy có bài viết của đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, tôi có cảm tưởng như đang ngược dòng thời gian, trở về hơn 2000 năm trước, để cùng với bà con chòm xóm vị tư tế Da-ca-ri-a, nghe ông cất tiếng nói: “Tên cháu là Gio-an!”.

Hai ví dụ cụ thể

Bài viết của đức cha Khảm bắt đầu bằng hai ví dụ cụ thể. Ví dụ thứ nhất là việc Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ lên tiếng thúc đẩy việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ví dụ thứ hai là việc Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ đừng tấn công I-rắc. Cả hai ví dụ cụ thể trong phần mở đầu cho thấy Giáo Hội Công Giáo không ở ngoài đời sống chính trị và khi cần thì lên tiếng công khai bày tỏ lập trường.

Tư cách của người viết

Cũng như bất cứ ai có điều gì muốn chia sẻ với người khác, đức cha Khảm viết bài này với tư cách riêng. Tuy nhiên, vì đã từ lâu, các độc giả Công Giáo chờ đợi một tiếng nói có thẩm quyền, nên bài viết của một giám mục lôi kéo sự chú ý của người đọc là chuyện không có gì khó hiểu.

Mục đích của bài viết

Đã được minh định ngay trong phần mở đâu: Đó là nhằm trả lời câu hỏi: Tại sao Giáo Hội lại lên tiếng về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị? Để trả lời câu hỏi này, tác giả dựa vào mệnh lệnh của Chúa Giê-su (Mt 28,19-20), vào học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo (và học thuyết này được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, Truyền thống của Giáo Hội, đặc biệt là Công Đồng Va-ti-ca-nô II, cũng như giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng) để đưa ra những NGUYÊN TẮC hành động.

Đối tượng của bài viết

Vậy thì bài viết nhắm đến ai? Dĩ nhiên đã đưa lên mạng rồi, ai muốn xem thì xem. Thật ra, những ai muốn biết học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo thì đã biết rồi: Sau cuộc hội thảo tại Đồ Sơn cách đây chưa lâu lắm, các bài tham luận đã được in thành sách, chắc chắn đã được gửi đến nhà cầm quyền. Nhưng cứ xem những gì đã diễn ra trên đất nước này, thì có vẻ như cuộc hội thảo khá tốn kém kia đã chẳng có ảnh hưởng gì nhiều đến cách hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam. Còn đối với các tín hữu Công Giáo, ít là những ai quan tâm đến vấn đề, thì điều chờ đợi, chẳng phải là lý thuyết trừu tượng, chẳng phải là nguyên tắc phổ quát, nhưng là những hành động cụ thể dựa trên lý thuyết, trên các nguyên tắc đó. Và đây chẳng phải là những chuyện muốn làm thì làm, không làm thì thôi, nhưng là những chuyện bắt buộc phải làm nếu muốn trung thành với giáo huấn của Chúa Giê-su và Hội Thánh của Người. Tác giả đã trích dẫn học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo như sau: Các vấn đề chính trị và xã hội liên quan đến khía cạnh đạo đức là trách nhiệm đặc thù của Giáo Hội, chẳng hạn chiến tranh, tham nhũng, phá thai, gian dối…

Chính quyền nào?

Trong phần II, đề cập đến tương quan giữa Giáo Hội và chính quyền, tác giả đã trích dẫn Hiến chế của Công Đồng Va-ti-ca-nô II về Giáo Hội trong thế giới ngày nay để nhắc lại: Giáo Hội tôn trọng quyền bính hợp pháp và chính đáng của Nhà Nước. Điều không thể nghi ngờ là các nghị phụ của Công Đồng Va-ti-ca-nô II khi khẳng định như thế, đã nghĩ đến các chính quyền của các nước tự do, trong đó những người cầm quyền là những người được dân lựa chọn qua các cuộc bầu cử tự do, nên quyền bính của họ là quyền bính hợp pháp. Còn tại Việt Nam, chế độ hiện nay dựa trên việc “Việt Minh cướp chính quyền” hồi năm 1945, rồi sau đó từ từ triệt hạ tất cả các đảng phái khác cùng đứng chung liên minh với mình, và khư khư giữ cái quyền ăn cướp đó đến hôm nay. Và suốt hơn 60 năm qua (trừ quãng thời gian từ 1955 đến 1975 tại miền Nam) mọi cuộc bầu cử chỉ là những màn trình diễn ngoạn mục để đảng Công Sản Việt Nam tiếp tục giữ cái quyền ăn cướp đó.

Đối thoại

Bài viết của đức cha Khảm ở phần cuối có nói đến đối thoại. Đây là nguyên tắc không người bình thường nào mà không chấp nhận. Có điều muốn đối thoại với nhau, phải chấp nhận nhau, kính trọng nhau, thành thực với nhau. Và trong việc đối thoại với chính quyền cộng sản ở mọi cấp, chúng ta đều có ít nhiều kinh nghiệm. Người miền Nam hay nhắc lại lời cố tổng thống Thiệu ngày xưa: “Đừng nghe những gì cộng sản nói”. Đức cha Khảm mới làm giám mục được mấy tháng nên chưa có kinh nghiệm. Nhưng chỉ cần hỏi các bậc cao niên trong hàng giám mục xem suốt 30 năm nay, bao nhiêu kiến nghị được trân trọng gửi đến chính quyền các cấp, được tiếp nhận cách lịch sự rồi cất kỹ trong ngăn kéo, liệu có bao nhiêu phần trăm kiến nghị đã được giải quyết? Sáng nay ngày 08-05-2009 trước khi viết tiếp bài này, đọc tin tức liên quan đến cuộc hành hương của giáo phận Thái Bình đến trung tâm hành hương Đức Mẹ Công Lý ở Thái Hà, rồi nhất là đọc lá thư ngỏ của đức cha Nguyễn Văn Sang, tôi thầm nghĩ: Giờ này ông cụ mới nhận ra khuôn mặt của cộng sản, kể cũng là khá trễ.

Kết luận

Trở lại với bài viết của đức cha Khảm, tôi tự hỏi: Đây là một “terminus a quo” (khởi đầu) hay là một “terminus ad quem” (kết thúc)? Nếu sau bao nhiêu trăn trở, bao lời trách móc, bao nhiêu ước mơ của người tín hữu Công Giáo Việt Nam trước những vấn đề thời sự nóng bỏng như tham nhũng, bất công, bán đất, bán biển, và gần đây nhất là vụ bauxite Tây Nguyên, chẳng khác chi những đám lửa khổng lồ đang đốt cháy tâm can của những ai quan tâm đến sự tồn vong của Dân tộc, và trước những vấn đề nhức nhối đó, bài viết của đức cha Khảm được xem như là câu trả lời dứt khoát, thì cứ tiếp tục trăn trở, cứ việc trách móc, cứ việc ước mơ, vì “gia tài của mẹ” chỉ có bấy nhiêu thôi. Còn nếu bài viết của đức cha Khảm là một khởi đầu cho một giai đoạn mới, là lời tựa cho một cuốn sách dày sắp mở ra, là những nguyên tắc chỉ đạo cho những hành động cụ thể trong những ngày tháng tới như tác giả đã đưa ra ngay đầu bài viết, thì ta có quyền hy vọng: cánh én Nguyễn Văn Khảm đang báo hiệu một mùa xuân trong lòng Giáo Hội, trên đất nước Việt Nam thân yêu.

Sài-gòn, ngày 08 tháng 05 năm 2009

pascaltinh@gmail.com
 
Chân dung chính quyền tốt
Anmai, CSsR
18:34 08/05/2009
Một chính quyền như thế nào gọi là tốt chắc có lẽ chẳng cần phải tra từ điển hay cần phải suy tư dài rộng cao sâu. Một chính quyền tốt là chính quyền biết lo cho dân và sống vì dân thật sự chứ không phải chỉ ở trên môi miệng hay ở trên bề mặt của lý thuyết.

Không phân biệt giàu nghèo, phát triển hay chậm phát triển, người dân luôn ưu tư về những người lãnh đạo, về chính quyền của đất nước mình. Không phải ngày hôm nay người ta mới bận tâm về một chính quyền tốt nhưng tự ngàn xưa người ta vẫn khắc khoải về vấn đề này.

Thời Khổng Tử, không biết chính quyền như thế nào nhưng có một môn sinh hỏi Thầy Khổng Tử rằng:

- Thưa Thầy, thế nào là nguyên tắc căn bản của một chính quyền tốt ?

Thầy Khổng Tử trả lời:

- Thức ăn, vũ khí và lòng tin của dân.

- Nhưng, nếu trong hoàn cảnh bắt buộc, phải bỏ một trong ba, ngài sẽ bỏ điều nào ?

- Vũ khí.

- Và nếu ngài phải bỏ một trong hai còn lại ?

- Thức ăn.

- Nhưng không có thức ăn, dân sẽ chết.

- Nhưng tự bao giờ, cái chết là số phận của con người. Và nếu cả dân tộc không có lòng tin vào người chỉ huy thì dân tộc đó coi như chết.

Lời của bậc thánh hiền Khổng Tử quả là chẳng sai chút nào cả khi Ngài nhận định về chính quyền, về người chỉ huy của dân tộc.

Người lãnh đạo, người chỉ huy của một dân tộc một đất nước ắt hẳn phải là người có tài. Những người có tài mà lãnh đạo đất nước thì dân chỉ khẩu phục nhưng tâm chưa phục. Muốn tâm phục thì phải tạo ra lòng tin cho dân. Mà muốn tạo lòng tin cho dân thì người lãnh đạo phải có đức. Nếu không có đức thì đừng mơ lấy được lòng tin nơi dân. Những người không có đức mà lãnh đạo thì bề ngoài dân bảo là dân tin chứ trong lòng làm sao tin được ? Không tin nhưng cũng phải hô hào là tin chứ không thì sẽ bị “tai bay vạ gió”.

Với vấn nạn nước thải của Vedan làm cho bao gia đình lao đao vất vả thì người dân sẽ cảm nhận gì ?

Với vấn nạn hầm Thủ Thiêm chưa kịp dìm xuống nước mà đã bị nứt như vậy thì người dân có tin tưởng để chui vào hầm để qua bờ bên kia hay không ?

Với vấn nạn khai thác Bauxite với nhiều cái lợi trước mắt mang lại tiềm năng kinh tế cho đất nước nhưng cái bất lợi lại nhiều hơn cái lợi trước mắt thì người dân sẽ nghĩ gì ? Người dân nghèo Tây Nguyên vốn đã nghèo nay lại phải đối diện với ô nhiễm môi trường trong thời gian sắp tới khi dự án khai thác Bauxite đi vào hoạt động.

Với người dân vùng biển mặn Cần Giờ, họ sẽ cảm nhận như thế nào về con đường Duyên Hải mang tên họ Hứa thi công gần chục năm trời chưa xong ? Cuộc sống của họ vốn dĩ khốn đốn nay càng khốn đốn hơn khi phải đi lại trên con đường mang tên nhà họ Hứa ấy. Họ còn tin vào lời hứa nữa chăng ? Thôi thì ngày nào xong thì biết chứ hiện giờ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vậy.

Với người dân sống ở Hiệp Phước - Nhà Bè, họ cảm nhận như thế nào về con đường Nguyễn Văn Tạo mà họ ngày ngày hai buổi sáng tối đi về. Nắng thì bụi mù trời không thấy đường chạy, mưa thì ổ voi làm cho họ ngã lên té xuống. Cuộc sống đã nghèo nay nghèo hơn với con đường đẹp nhất Việt Nam này ? Nếu dự thi, con đường mang tên Nguyễn Văn Tạo này sẽ đạt rất nhiều giải nhất. Dân nghèo nghĩ sao về con đường này ? Nhà lãnh đạo cảm nhận ra sao về những điều mà dân nghèo phải gánh chịu.

Chừng nào con đường Nguyễn Văn Tạo cũng như nhiều con đường ngày đêm gây hiểm họa cho con người được hoàn chỉnh ? Điều này vẫn mãi là lời hứa thật ngọt ngào khi dân chúng thở than.

Đành biết là con người không ai hoàn hảo nhưng quá nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Lẽ nào cứ “vô ý gây thiệt hại” cho dân hoài chăng ? Dẫu rằng bề ngoài vẫn là “vô ý gây thiệt hại” nhưng làm sao né tránh được tiếng nói của lương tâm ? Làm sao lương tâm có thể thanh thản khi đám dân nghèo ngày phải đối diện với dòng sông chết Thị Vải, miền đất ô nhiễm ở Tây Nguyên, con đường đau khổ Nguyễn Văn Tạo, con đường “Hứa Duyên Hải” ?

Những người đang phải gánh chịu những thiệt hại về môi trường ở những vùng đất, ở những con đường đau khổ này ắt hẳn sẽ ai oán biết chừng nào. Không chỉ họ ai oán mà con cháu của họ sẽ còn ai oán vì lẽ con cháu của họ là hậu duệ trả giá thật đắc cho môi trường đang bị huỷ hoại.

Ông bà ta đã nói: “Một lần thất tín vạn lần bất tin”, những vấn nạn này đã dành cho người dân có lòng tin hay không thì tự đáy lòng người dân sẽ nói. Nếu người dân nghèo nói ra thì không khéo sẽ thiệt hại cho họ vì lẽ muôn muôn đời “sự thật thì mất lòng”.

Lòng tin nó là điều gì quý báu không phải chỉ dành cho người lãnh đạo nhưng là người với nhau sống phải có lòng tin. Và ai nào đó khi được cất nhắc làm người lãnh đạo thì cái đức, cái lòng tin vào người dân lại khẩn thiết hơn là dường nào. Vì vậy, Khổng Tử không ngần ngại quả quyết là nếu cả dân tộc mà không có lòng tin vào người chỉ huy thì dân tộc đó coi như đã chết !

Thời Khổng Tử cũng thế và thời nào cũng vậy, ai ai cũng ước ao những người lãnh đạo đất nước, những nhà cầm quyền sống sao tạo lòng tin nơi dân chúng. Giữa cuộc đời, giằng co giữa cái tốt và cái xấu, giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa vô luân và hợp luân luôn đặt ra trước mặt con người. Với những người lãnh đạo, sự giằng co ấy mang tính quyết liệt hơn vì lẽ sự lựa chọn, cách hành xử của những người lãnh đạo không phải ảnh hưởng trên họ, trên gia đình họ mà còn ảnh hưởng trên một đất nước, trên một quốc gia.

Ước gì những nhà lãnh đạo các quốc gia lắng đọng lòng mình để nghe được tiếng nói lương tâm để mình sống làm sao tạo lòng tin cho dân. Nếu không tạo lòng tin cho dân thì dù bề ngoài dân tộc ấy vẫn lu loa rằng mình thế này thế kia nhưng thật sự bên dưới thì dân tộc ấy đã chết như lời Khổng Tử.
 
Non Sông
Nghinh Nguyên
18:35 08/05/2009
Ôi non ! Ôi Sông của ta ơi !
Từ thuở ấu thơ bước vào đời
Bài học vỡ lòng là Đất Nước
Từ Ải Nam Quan đến Cà Mau

Bao nhiêu máu xương đã đổ ra
Công đức nghìn đời tổ tiên ta
Nghìn năm Bắc thuộc còn bờ cõi
Ngày nay một thoáng đã xóa nhòa

Biển đảo thênh thang, một vùng trời
Ngày xưa thuyền lọng gió ngàn khơi
Bây giờ một vùng cho “thúng rải”
Hoàng, Trường giờ đã đến tay người !

Bao nỗi xót xa một Tây Nguyên
Một vùng cương thổ thật thiêng liêng
Bờ-xít bớ xa dân đâu đâu biết
Ai đem trao đổi vì lợi riêng

Ơi ! những dòng sông….những dòng sông
Thưở xưa trong xanh dưới nắng hồng
Ký ức vẫn còn bao thế hệ
Bây giờ ngầu đục với hợp đồng.

Bao lời tâm huyết của bao người
Chỉ vì vận mệnh nước non thôi
Nhưng rồi chỉ là cơn gió thoảng
Họ có mất đâu – chỉ lãi lời!!!
 
Báo La Croix: Các cha dòng Thiên An (ở Huế) vẫn đấu tranh đòi đất của Nhà Dòng
Yves Kerihuel
21:01 08/05/2009
HUẾ - Mặc dù thất bại về mặt thương mại tại khu giải trí nhỏ bé được xây cất từ năm 2002 trên đất của Nhà Dòng Thiên An, chính quyền Huế vẫn tiếp tục dự án Huế với cổ thành, lăng vua…, quần thể khách sạn và khu giải trí… Đây chính là giấc mơ của chính quyền cộng sản của cố đô miền Trung Việt Nam. Nhưng đó là không kể đến quyết tâm của các tu sĩ dòng Thiên An… và đến cuộc khủng hoảng kinh tế.

Bởi chưng, nếu một khu giải trí đã được mở ra từ năm 2002, cách dòng tu Biển Đức Thiên An (có nghĩa là "Bình an từ Trời") Có 400 mét, khu giải trí này đã không thu hút được du khách như dự kiến và có vẻ là không có lợi nhuận. Theo cha Stêphan, Bề Trên nhà dòng từ năm 1984 và tổng quản từ năm 1998, thì "Chính quyền đang muốn bán lại cho một tập đoàn khách sạn quốc tế để thu tiền về".

Từ năm 1998, khi các tu sĩ biết được những dự án của chính quyền địa phương nhờ đọc những tấm áp phích dán trong thành phố, họ đã phản đối một cách chính đáng.

Được thiết lập từ năm 1940 bởi vài tu sĩ dòng Biển Đức người Pháp tới từ la Pierre-qui-Vire (Yonne), đan viện này, cho đến năm 1975 có tới 107 hec-ta, cách Huế 5 km bao gồm rừng cây, vườn rau, vườn cam và một cái hồ do các tu sĩ tạo ra để cung cấp nước cho những làng mạc xung quanh và để tưới cho đất đai nhà dòng. Nếu ở đây trước kia chỉ là những ngọn đồi khô cằn, mà nay đã có cây cao bóng mát và trở thành một nơi du ngoạn có tiếng, thì đó chính là nhờ bàn tay của các tu sĩ.

"Ngay từ năm 1975, chính quyền đã tịch thu của chúng tôi trường học và khu trang trại" Thày Gioan Thánh Giá, người theo dõi hồ sơ của cha Stêphan kể lại. Hồi đó, chính quyền đã nâng cao mực nước trong hồ lên 3m, hậu quả là đã làm ngập một diện tích lớn đất đai của nhà dòng.

"Đảng ở trên luật pháp"

Năm 2000, khi chính quyền địa phương khởi công nhằm xây dựng tại đây một khu giải trí, các tu sĩ đã lại phản đối ngay lập tức vì từ năm 1993 đến năm 1997, họ đã xây dựng một ngọn tháp chuông theo kiểu Á Đông và một ngôi thánh đường rộng lớn, (có sức chứa được hơn 500 tín hữu những dịp lễ trọng) và một khu nhà tạm trú.

Lúc đó, chính quyền đã tỏ ra tham lam hơn thời 1975, vì họ muốn vơ vét toàn bộ đất đai của nhà dòng, chỉ để lại cho các tu sĩ 2 hec-ta dành cho đan viện và 3 hec-ta vườn cam (xin đọc báo La Croix số ra ngày 11 tháng 7 năm 2002). "Chúng tôi đã cương quyết từ chối vì trong điều kiện như thế, nhà dòng chúng tôi hoàn toàn không thể sinh hoạt được", Cha Stêphan kể tiếp. Ngài cũng để lộ cho thấy có một sự căng thẳng thường xuyên trong mối quan hệ giữa nhà dòng và chính quyền Huế. Nhất là chuyện liên quan đến con đường dẫn vào nhà dòng, vốn thuộc quyền sở hữu của các tu sĩ, nhưng chính quyền muốn cướp lấy: "Họ cấm chúng tôi sửa đường; không thế tiếp tục như thế được", Thày Gioan Thánh Giá nói. Tại đây cũng như trong mọi tranh chấp đòi hỏi hoàn trả lại đất đai hay các công trình xây cất, chính quyền Việt Nam không muốn thừa nhận giá trị những văn tự tài sản của các tôn giáo, với lý do rằng, từ năm 1975, toàn bộ khu Thiên An đã thuộc quyền sở hữu của Nhà Nước.

Cũng vì vậy mà cha Stêphan không nghĩ tới nhờ luật sư. Ngài nói: "Chuyện này không thể được vì Đảng ở trên luật pháp và người ta rất sợ trả thù".

Ở Huế là nơi đặt trung tâm cả nước của công an Việt Nam, sự kiểm soát của công an còn dễ sợ hơn các nơi khác. Ngài cũng không muốn chọn giải pháp đòi được cấp một khu đất khác đổi lấy khu đất mà họ tịch thu của nhà dòng.

Với 80 tu sĩ Việt Nam mà 2/3 là những tập sinh trẻ, đan viện cần mặt bằng. Thêm vào đó, đan viện Thiên An đã lập thêm 3 tu viện nữa ở Việt Nam. Các tu sĩ thường hay phải trở về đan viện mẹ để tĩnh tâm. Cha Stêphan nhấn mạnh: "Chúng tôi biết không thể thu hồi 49 hec-ta bên cạnh hồ, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để giữ được ít nhất 50 hec-ta, rất cần thiết để duy trì sự yên lặng và bình an cho đời sống tu trì của chúng tôi".

Mặc dù không biết bao nhiêu thư từ của ngài không được (Nhà Nước) trả lời, Cha tổng quản vẫn kiên trì bảo vệ chính nghĩa.

(Nguồn: La Croix, 30/04/2009, http://www.la-croix.com/article/index.jsp?docId=2372367&rubId=4078)

Au Vietnam, les moines de Thien-An se battent toujours pour récupérer leurs terres

Malgré l’échec commercial du petit centre de loisirs établi depuis 2002 sur la propriété monastique de Thien-An, le gouvernement de Hué poursuit son projet

Hué, sa citadelle, ses tombeaux royaux… son complexe hôtelier et son parc de loisirs… C’était de cela que rêvait le gouvernement communiste de l’ancienne capitale de l’Annam, au centre du Vietnam. Mais c’était sans compter sur la détermination des moines de Thien-An… et sur la crise économique.

Car si un centre de loisirs a bien été ouvert depuis 2002, à 400 m du monastère bénédictin de Thien-An (mot qui signifie « la paix du ciel » en vietnamien), celui-ci n’attire pas autant de touristes que prévu et s’avère peu rentable. « Les autorités veulent désormais le revendre à un groupe hôtelier international et récupérer ainsi de l’argent », explique le P. Stéphane, prieur de Thien-An depuis 1984 et abbé depuis 1998.

Dès 1998, lorsque les moines ont appris les projets des autorités locales par des affichettes collées en ville, ils ont légitimement protesté. Fondé en 1940 par quelques bénédictins français de la Pierre-qui-Vire (Yonne), ce monastère possédait, jusqu’en 1975, 107 ha à 5 km de Hué comprenant des bois, un potager, une orangeraie et un lac créé par les moines pour alimenter en eau les villages alentour et irriguer leurs terres. Car si ces collines, qui n’étaient que friches, se sont couvertes de forêts ombragées et sont devenues un lieu d’excursion touristique, c’est bien grâce aux moines.

« En 1975 déjà, le gouvernement nous a pris notre école et notre ferme », raconte Frère Jean de la Croix qui suit le dossier avec le P. Stéphane. À cette époque, le gouvernement avait élevé de trois mètres le niveau du lac avec, pour conséquence, l’ensevelissement sous les eaux d’une vaste partie de leurs terres.

"Le Parti est au-dessus des lois"

En 2000, quand le gouvernement local a commencé les travaux en vue d’y installer ce parc de loisirs, les moines ont été encore plus prompts à protester parce que, entre 1993 et 1997, ils avaient construit un haut clocher en style oriental, une vaste église (qui accueille plus de 500 fidèles lors des fêtes) et une hôtellerie.

À ce moment-là, le gouvernement se montrait bien plus gourmand qu’en 1975 puisque c’était la totalité des terres monastiques qu’il souhaitait accaparer, ne laissant à la disposition des bénédictins que 2 ha pour le monastère et 3 ha pour l’orangeraie (lire La Croix du 11 juillet 2002). « Nous avons fermement refusé car il était complètement impossible de maintenir notre vie monastique dans de telles conditions », poursuit le P. Stéphane, qui ne cache pas le climat de « tension permanente » qui règne entre le monastère et les autorités de Hué. Notamment à propos de la route d’accès au monastère, qui appartient aux moines, mais que les autorités veulent prendre: « Ils nous interdisent de la réparer; ça ne peut pas continuer comme ça ! », lance Frère Jean de la Croix.

Ici comme dans tous les conflits à propos de restitution de terrains ou de bâtiments, le gouvernement vietnamien ne veut pas reconnaître la validité des actes de propriété des religieux, prétextant que, depuis 1975, tout le site de Thien-An appartient à l’État.

Pour autant, le P. Stéphane n’imagine pas prendre un avocat: « C’est impossible ici car le Parti est au-dessus des lois et on craint toujours des représailles. » À Hué, où est basé le centre national de la police du Vietnam, la surveillance policière est encore plus prégnante qu’ailleurs. Il ne veut pas non plus envisager l’autre solution qui consisterait à exiger un autre site en échange de celui qui leur a été confisqué.

Avec 80 moines vietnamiens, dont deux tiers de jeunes en formation, le monastère a besoin d’espace. D’autant que Thien-An a fondé trois autres monastères au Vietnam, dont les moines reviennent souvent dans leur abbaye-mère pour des retraites. « Nous savons que nous ne pourrons pas récupérer nos 49 ha à proximité du lac, mais nous continuerons de nous battre pour garder au moins 50 ha, indispensables pour maintenir le silence et la paix nécessaires à la vie monastique », insiste le P. Stéphane. Même si ses nombreux courriers sont restés sans réponse, l’abbé continuera patiemment à défendre sa cause.
 
Tin Đáng Chú Ý
Thế kỳ này của Châu Á?
BBC
02:33 08/05/2009
Goldman Sachs tin rằng vào năm 2015 bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.

Trong số bốn nước được dự đoán là cường quốc kinh tế hàng đầu có đến ba quốc gia châu Á, cho phép suy luận là trật tự thế giới đang sắp xếp lại, theo nhận định của TS Kishore Mahbuani từ Khoa chính sách công mang tên Lý Quang Diệu, đại học quốc gia Singapore.

"Từ năm đầu tiên của công nguyên đến năm 1820, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục là Trung Quốc và Ấn Độ", ông nói.

"Trong thế kỷ 19 và 20, đầu tiên là châu Âu rồi đến Bắc Mỹ chiếm vị trí đó", ông nói. "Nhưng hai trăm năm gần đây là giai đoạn bất thường của lịch sử".

Ngày xưa Thành Cát Tư Hãn từng thiết lập một đế chế bao phủ một phần năm bề mặt trái đất, kéo dài từ Nhật Bản sang đến Đông Âu, nay nhiều người có cảm giác là Trung Quốc và Ấn Độ lại đang một lần nữa thiết lập các quyền lực châu Á.

TS Mahbuani cho rằng các nước châu Á đang ngày càng thêm tự tin về tương lai và rằng "Thế kỷ châu Á" đang đến.

"Cuộc khủng khoảng hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của người châu Á", ông nói. "Phương Tây từng nói với chúng tôi rằng họ biết cách vận hành thế giới, nói với chúng tôi làm cách nào để tạo ra nền kinh tế tốt nhất trên thế giới. Làm sao chúng ta có thể tiếp tục tin họ được nữa?"

Thế kỷ châu Á

Mô hình Hoa Kỳ về tư bản đã tạo ra những lợi ích, nhưng chưa phải là tất cả cho nền kinh tế Á châu.

Khi Trung Quốc và Nam Hàn sao chép mô hình suy nghĩ và tiếp thị theo kiểu phương Tây thì nền kinh tế của họ cất cánh.

TS Mahbuani tin rằng một trong số những vấn đề cơ bản mà người châu Á học được từ phương Tây là tinh thần của nền kinh tế thị trường tự do.

"Đó là câu hỏi về tính thực tế", ông nói. "Các nước châu Á đang đi lên vì họ cuối cùng đã hiểu được, tiếp thu được và ứng dụng một cách tốt nhất."

Về cơ bản đã có chuyển đổi, và nhóm G8 gồm 8 nước công nghiệp hóa hàng đầu nay trở thành nhóm G20 với Ấn Độ và Trung Quốc tham gia.

Trật tự thế giới mới có thêm các công ty như Embraer - tập đoàn máy bay Brazil, và Tata - tập đoàn công nghiệp của Ấn Đ̣ô, sản xuất đủ mọi thứ từ sắt thép đến khách sạn và tài chính.

"Bắt đầu có một số chuyển dịch trong các nền kinh tế mới đó", chuyên gia Arindam Bhattacharya từ Boston Consulting Group nhận định.

Ông phân tích rằng các công từ những nước lớn và nghèo, nhờ nghèo mà có được chất cạnh tranh rất mãnh liệt, khác với thị trường phương Tây.

Ông Bhattacharya tin rằng các công ty từ các nước kinh tế đang phát triển cởi mở hơn với các đối tác, cởi mở đối với các vụ thu mua, và cởi mở trong chuyện học nhanh chóng.

"Một trong số các chiến lược phòng ngự của các công ty phương Tây là thu mua các đối thủ đó", ông nhận định.

Hơn vậy, ông cho rằng các công ty châu Á có thể thay đổi cuộc chơi, không bắt chước theo các công ty phương Tây.

'Thay đổi cuộc chơi'

"Tata cho ra xe Nano", ông Bhattacharya nói. "Tất cả các công ty xe hơi trên thế giới nói điều đó không thể làm được nhưng họ đã thực hiện điều đó".

Tương tự vậy, Embraer cũng theo đuổi dự án máy bay phản lực mà sau này đã giúp công ty trở thành người dẫn đầu trong khu vực.

"Các công ty đang sáng tạo rất khéo léo", ông nói. "Họ không phải đi theo hệ thống đăng ký bản quyền, cũng không cần phải đầu tư cả tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển công nghệ."

"Nhưng họ cũng rất giỏi trong việc đem các sản phẩm mới vào thị trường."

Quan điểm ngược lại thì cho rằng các nước châu Á như Nam Hàn và Trung Quốc đã giàu lên nhờ sản xuất hàng với giá rẻ và xuất khẩu lao động sau Hoa Kỳ và Âu châu.

Nhưng phương Tây bây giờ không tiêu thụ hàng hóa nhiều như trước nên các thị trường của họ bị thu hẹp.

Cũng có ý kiến cho rằng các nền kinh tế Á châu vì vậy bị ảnh hưởng nhiều trong cơn suy thoái hiện tại họ chủ yếu là nhà sản xuấ, không phải tiêu dùng.

"Các nước Á châu đã tìm cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước," Ajay Chibber, phụ tá Tổng thứ ký Liên Hiệp Quốc nói.

"Các chính phủ được khuyến khích tiêu dùng trong chính phủ, gia tăng cơ sở hạ tầng, và chi tiêu xã hội, trong ngắn hạn".

Ông Chibber nói kế hoạch cải tổ y tế qui mô ở Trung Quốc là một phần của chủ trương này.

"Một trong những lý do người Á châu không tiêu dùng quá nhiều là vì họ không có hệ thống an sinh xã hội," ông Chibber giải thích.

Ông Chibber tin rằ̉ng nếu các nhà̉ lãnh đạo Á châu tái cân bằng được cơ cấu kinh tế của họ thì châu Á sẽ trở thành trung tâm quyền lực thế giới, như họ đã từng là cách đây 400 hay 500 năm.

Khi vượt qua được cơn khủng hoảng này, người dân Mỹ sẽ không tiêu dùng nhiều như cách đây bốn năm năm trước.

Vì vậy việc tái cân bằng phải xảy ra ở Á châu, và nếu họ làm đúng, lịch sử sẽ lập lại.

"Trong các cuộc khủng hoảng trước Á châu phải theo các giải pháp của phương Tây, nhưng bây giờ họ phải tìm ra giải pháp cho chính mình," ông Chibber nói.

(Nguồn: BBC, ngày 7.5.2009, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2009/05/090506_genghiskhan.shtml)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ru Con
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
06:06 08/05/2009

RU CON



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch CMC, Carthage, MO.

Ru con nhớ mấy lời quê,

Thấy ai đói rách chớ chê, đừng cười.

Thứ nhất, kể sự làm người,

Dầu no, dầu đói cho tươi mặt mày…

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền