Ngày 09-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm lễ thánh Mathia tông đồ
Lm. Antôn Trung Thành
09:56 09/05/2016
Suy Niệm LỄ KÍNH THÁNH MATHIA TÔNG ĐỒ

Ngày 14 tháng 05

Thánh Mathia là người con út trong số 12 Thánh Tông đồ. Ngài được chọn để thế chỗ cho Giuđa Iscariô, được 11 tông đồ và cộng đoàn sơ khai bầu chọn. Cuộc bầu chọn được sách công vụ ghi lại một cách cụ thể như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay (x. Cv 1,15-17.20-26).

1. Việc bầu chọn Thánh Mathia làm Tông đồ

Cuộc bầu chọn có những bước quan trọng sau đây:

Bước thứ nhất, Thánh Phêrô đưa ra điều kiện: Ngài nói: "Vậy phải làm thế này : có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh" (Cv 1, 21-22). Chúng ta thấy, điều kiện mà Thánh Phêrô đưa ra rất rõ ràng. Người được bầu chọn phải là người đã từng theo Đức Giêsu từ khi chịu phép rửa cho tới khi lên trời. Nghĩa là phải hiểu về Giáo huấn và chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu làm trong suốt ba năm cuộc đời công khai. Đặc biệt, phải chứng kiến cuộc khổ nạn, sự phục sinh và lên trời của Ngài. Bởi vì người Tông đồ cần làm chứng về những điều đó.

Bước thứ hai, cộng đoàn đề cử: Sau khi lĩnh hội được ý của Thánh Phêrô, cộng đoàn đề cử 2 người là ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mát-thi-a.

Bước thứ ba, cầu nguyện: Cộng đoàn cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng. Đây là bước hết sức quan trọng làm cho cuộc bầu chọn này khác với các cuộc bầu chọn thông thường khác. Cuộc bầu chọn này mang tính thần linh. Có Chúa Thánh Thần can thiệp. Chính Chúa Giêsu trước khi chọn các Tông đồ, Ngài cũng đã làm như vậy. Kinh Thánh kể, Ngài đã cầu nguyện suốt đêm (Mt 10, 1-4; Mc 3,13 -19; Lc 6,12-16).

Bước thứ tư cũng là bước cuối cùng để chọn ra người Tông đồ, đó là rút thăm. Trong thực tế hôm nay, có nhiều cách để bầu chọn người lãnh đạo. Cách đơn giản là giơ tay. Cách thông thường là bỏ phiếu. Nhưng dù sử dụng cách nào đi chăng nữa vẫn có yếu tố con người trong đó. Còn việc bầu chọn Thánh Mathia làm Tông đồ, mặc dầu bằng cách đơn giản nhất là rút thăm, nhưng luôn luôn vẫn có yếu tố thần linh, đó là việc của Chúa chứ không phải việc của con người. Chúng ta liên kết bước thứ tư với ba bước trên sẽ thấy rõ điều đó.

Bài học mà chúng ta rút ra hôm nay: Luôn làm mọi việc dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đặc biệt khi chọn lựa những người làm việc cho Chúa và Giáo Hội phải xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Những lúc đó phải nói được như các Tông đồ: “Thánh thần và chúng tôi quyết định” (x. Cv 15, 28).

2. Mọi người đều được Chúa mời gọi làm Tông Đồ

Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Không phải các con chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con”(Ga 9,16). Thật vậy, trong ba năm cuộc đời công khai, chính Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ. Có khi Ngài chọn cách trực tiếp: Như khi Ngài gặp ông Philipphê và mời gọi ông “Hãy theo Ta” (x. Ga 1,43); Hay khi Ngài gặp ông Lêvi và mời gọi ông “Anh hãy theo Ta” (x. Mc 2,14). Nhưng cũng có khi Ngài mời gọi các Tông đồ đi theo Ngài qua một trung gian nào đó: Ngài mời gọi Nathanael qua trung gian ông Philipphê (x. Ga 1, 45-51); Ngài mời gọi ông Anrê qua trung gian ông Gioan (Ga 1, 35-37); Ngài mời gọi ông Simon Phêrô qua trung gian ông Anrê (x. Ga 1, 40-42). Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mọi người làm việc tông đồ qua nhiều trung gian khác nhau, có thể qua gia đình, qua thầy cô giáo, qua bạn bè, đặc biệt là Ngài mời gọi chúng ta qua trung gian Giáo Hội.

Để đón nhận, Giáo Hội cũng đưa ra những điều kiện phù hợp với từng ơn gọi, nhất là ơn gọi làm linh mục và tu sĩ. Điều kiện chung của Giáo luật. Điều kiện riêng của các Giáo Phận hay của các dòng tu. Vì vậy, không phải ai cũng đủ điều kiện để làm tông đồ trong ơn gọi linh mục hay tu sĩ (con số này rất ít). Nhưng mọi người đều được mời gọi chu toàn bổn phận ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội. Đa số được mời gọi làm tông đồ trong ơn gọi hôn nhân: Có người được mời gọi làm tông đồ trong vai trò ban hành giáo, giáo lý viên; Có người được mời gọi làm tông đồ trong vai trò bác sỹ, nhà giáo, công nhân; Có khi chúng ta được mời gọi làm tông đồ ở gia đình, ở nhà thờ nhưng cũng có khi chúng ta được mời gọi làm tông đồ nơi chính mình là việc, nơi trường học, chợ búa…Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi nơi, hãy luôn cố gắng toả sáng việc tông đồ để “sinh hoá trái” cho phù hợp với ơn gọi của mình: Hoa trái của đức công bằng; hoa trái của đức yêu thương, bác ái; hoa trái của sự tha thứ…Để làm việc được những việc đó, đồi hỏi người tông đồ phải hy sinh, thậm chí có khi phải chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình để làm chứng cho Chúa thì cũng phải sẵn sàng.

Sau khi được bầu chọn làm Tông đồ, Kinh Thánh không nói gì về Thánh Mathia. Nhưng chắc chắn Ngài đã hết lòng chu toàn bổn phận mà Giáo Hội trao phó, đó là bổn phận loan báo Tin Mừng và đặc biệt Ngài đã hy sinh tính mạng mình để làm chứng cho sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Xin Ngài luôn đồng hành và hướng dẫn công việc tông đồ của mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa, Thánh Mathia dầu được chọn sau hết nhưng Ngài đã chu toàn bổn phận như mười một Tông đồ khác, đó là hăng say loan báo Tin mừng và làm chứng cho Chúa bằng cái chết. Mọi người chúng con cũng được kêu gọi tiếp tục sứ điệp của Thánh Mathia. Xin cho chúng con, dù trong hoàn cảnh và địa vị nào cũng biết chu toàn bổn phận tông đồ để làm sáng danh Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:11 09/05/2016
45. THÂN NGẮN ÁO DÀI.

Lý Thứ dù vóc dáng nhỏ con nhưng rất thích mặc áo dài, Lô Tuần Tổ thì thân mập eo thô, dây lưng quần liên tục tuột lên tuột xuống.
Lý Thứ cười Lô Tuần Tổ:
- “Anh Lô có cái eo thô, khó mà buộc dây.”
Lô ứng tiếng nói:
- “Thân ngắn, áo hóa dài.”
Lý Thứ lại nói:
- “Anh Lô thông minh tất không thọ.”
Lô Tuần Tổ nói:
- “Tuần Tổ hai mái tóc bạc phơ, đã đủ để an ủi mình rồi !”
(Hài Cự lục)

Suy tư 45:
Người xưa áo quần mặc dài luộm thuộm hay ngắn củn cởn là bị chê ngay, thời nay thanh niên nam nữ thích mô-đen áo dài người ngắn, người dài áo ngắn lửng ngang ngực, quần ngắn ngang bắp chân, như thế đủ biết, người thời xưa có óc quan sát và mỹ thuật hơn thời nay nhiều !
Có người, cái thân chữ nghĩa ngắn nhưng ưa mang một tấm áo choàng khoe khoang thật dài trước ngực, để hù thiên hạ là ta đây được học hành huấn luyện có trường có lớp; có người tự ái vì tài năng mình cũng có mà không ai dùng đến, nên trở thành kẻ hèn hạ đi tố cáo anh em với thượng cấp để được chú ý đề bạt, họ đem cái áo dài thiếu khôn ngoan và thiếu bác ái khoác lên con người kiêu ngạo của họ, làm cho tâm hồn của họ đã tối lại càng tối thêm.
Cái áo đẹp nhất của Người Ki-tô hữu chính là Bác Ái vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:16 09/05/2016

37. Đức trinh khiết xuất phát từ hôn phối giống như xuất phát từ cây, hạt lúa xuất phát từ một hạt mầm như nhau.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz: Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một cơ hội thánh đố tinh thần thế tục Âu Châu
Đặng Tự Do
23:06 09/05/2016
"Châu Âu có nguồn gốc Kitô giáo sâu sắc, nếu chúng ta cắt đi những cội rễ này, cây sẽ chết,” Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakow, BaLan cho biết như trên trong cuộc họp với các nhà báo đến từ nhiều quốc gia châu Âu trước Ngày Giới trẻ Thế giới, dự kiến vào tháng Bảy tới.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz nói: “Chúng ta đang chiến đấu để bảo vệ các giá trị đạo đức và rễ Kitô giáo, nền tảng của châu Âu. Chúng ta phải bảo vệ mình khỏi những khuynh hướng tiêu cực, thậm chí nếu châu Âu này cáo buộc chúng ta là những kẻ tiêu cực”.

Đề cập đến tình hình chính trị hiện nay ở Ba Lan, Dziwisz nhấn mạnh rằng ngay cả khi có những vấn đề, Giáo Hội Công Giáo không phải là đối mặt với một cuộc khủng hoảng.

Ngài nói:

“Có sự khác biệt giữa Bắc và Nam, ví dụ về khía cạnh số người tham dự thánh lễ. Chúng ta lo ngại về sự suy giảm dân số, không phải vì đói nghèo, nhưng vì cách suy nghĩ. Chính phủ hỗ trợ sự tăng trưởng dân số, ví dụ thông qua các chương trình trợ cấp cho các gia đình mang thai đứa con thứ hai.”

Theo Đức Hồng Y, “Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kích thích thanh niên về phương diện đạo đức và tôn giáo, cả ở Ba Lan lẫn châu Âu.”

Đối với lo ngại của người dân châu Âu về một số chính sách phát triển của chính phủ Ba Lan, Đức Hồng Y Dziwisz nhấn mạnh rằng “đây là một đất nước tự do, có chủ quyền nhằm bảo đảm tự do của nó cả về đạo đức lẫn chính trị”
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow: 1,000 tình nguyện viên và 2 tới 3 triệu bạn trẻ sẽ tham dự Krakow 2016
Đặng Tự Do
23:32 09/05/2016
Số bạn trẻ ghi danh tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow đã lên đến hơn 600,000 người. Bên cạnh đó còn có hơn 1,000 tình nguyện viên, bao gồm cả những người đã làm việc dài hài hơn một năm nay lẫn những tình nguyện viên vào “phút cuối”.

Các tình nguyện viên sẽ đảm trách việc hướng dẫn các đoàn đi thăm các giáo phận Ba Lan và tìm kiếc các gia đình tại Krakow cho các bạn trẻ tá túc. Mọi người đang làm việc cật lực trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Krakow, mà đỉnh cao là năm ngày từ 20 đến 25 tháng Bảy, với buổi chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô và Thánh Lễ tại ''Cánh Đồng Lòng Thương Xót''.

Trụ sở của các tổ chức chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được đặt tại trung tâm của Krakow trong khu phố dành để kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khoảng 54 tình nguyện viên quốc tế đã nhận nhiệm vụ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Krakow ngay sau lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio vào năm 2013. Tất cả đều rất trẻ, không quá 34-35 tuổi.

Ít nhất 600,000 bạn trẻ từ 180 quốc gia đã đăng ký tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Krakow 2016 trên trang web chính thức. Ba Lan là nhiều nhất, tiếp theo là Italia, nhưng có rất nhiều người thậm chí đến từ Hoa Kỳ. Có cả các nhóm Kitô hữu từ Iraq (250 người) và từ các nước châu Âu lân cận, như Ukraine.

Các hoạt động “Một chiếc vé cho người anh em của mình” đã được thiết lập để giúp đỡ những ai không đủ khả năng tham dự Krakow. Trong số các hoạt động khác, có thể kể đến các hoạt động thông tin liên lạc, thông qua trang web chính thức, bằng chín ngôn ngữ, các mạng xã hội và một kênh Youtube chuyên dụng với bản tin hàng tuần “WYD trong một phút”.

Trong một số thị trấn, nơi cuộc sống thường ngày dường như vẫn yên tĩnh, các buổi cầu nguyện và dạy giáo lý đã bắt đầu để chuẩn bị tinh thần trước khi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, với sự tham dự rất đông.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Thánh Mẫu tại Sydney, Úc Châu
Diệp Hải Dung
09:09 09/05/2016
Ngày Thánh Mẫu tại Sydney

Sáng Chúa Nhật 08/05/2016 (Mother’s Day) mặc dù thời tiết bị sương mù bao phủ và mưa nhưng có khoảng 4000 người trong Cộng Đồng và các nơi khác kể cả những người không Công Giáo đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự mừng kính ngày Thánh Mẫu với chủ đề Bên Mẹ Khoan Dung.

Xem Hình

Mọi người tập trung trước tượng Đài Đức Mẹ do sự điều hợp hướng dẫn của Cha Paul Văn Chi và dâng giờ đền tạ do Nguyễn Văn Tuyết chủ sự, mọi người cùng cầu nguyện cho quê hương Úc Châu, cho quê hương Việt Nam và Cộng Đồng, đặc biệt cầu cho các người mẹ. Sau khi chấm dứt giờ đền ta là 3 hồi chiêng trống cổ truyền và ban Tây Nhạc Cecilia với nhạc phẩm Kính Mừng Nữ Vương khai mạc cuộc rước kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Fatima về Lễ đài. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và long trọng với Thánh Giá nến cao, Cờ Hội Thánh, Cờ Úc Việt dẫn đầu và các hội đoàn đoàn thể phong trào trong Cộng Đồng.

Kiệu Thánh tượng Mẹ Fatima về đến Lễ đài và an vị trên bàn thờ. Cha Paul Văn Chi thay mặt Ban Tuyên Úy ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đồng thời Cha nói đặc biệt là Cha Tuyên Úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm dâng Thánh lễ đầu tiên trong ngày Thánh Mẫu hôm nay tại Trung Tâm Bringelly này và đồng thời Cha giới thiệu quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Trần Bạch Hổ, Cha Phan Quốc Trực, Cha Nguyễn Văn Bắc, Cha Nguyễn Hoàng Dương cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng, Cha Paul Văn Chi chia sẻ về chủ đề Bên Mẹ Khoan Dung hôm nay. Cha đã tường thuật lại những nơi Đức Mẹ hiện ra trên thế giới với lòng yêu thương con cái và tình khoan dung của Mẹ, Cha cũng nhắc lại lời ĐứcThánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II vào tháng 10/2002 “ Con thuộc về Mẹ - Totus Tuus” tâm tình sống bên Mẹ của Ngài kỷ niệm 24 năm trong chức vụ Giáo Hoàng như là một lời mời gọi mỗi người chúng ta đến với Mẹ

Đặc biệt trong Thánh lễ mừng kính Ngày Thánh Mẫu, các em Thiếu Nhi thuộc Giáo đoàn Georges Hall với nghi thức 5 sắc Hoa dâng Mẹ rất là ngoạn mục đồng thời cùng tiến dâng Lễ Vật lên Thiên Chúa.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ và chúc mừng ngày Mother’s Day đến với các người Mẹ trong Cộng Đồng và anh cũng thay mặt Cộng Đồng cám ơn quý Cha khách cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Ngày Thánh Mẫu hôm nay. Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm cũng ngỏ lời cám ơn quý Cha và tất cả mọi người đã về đây cùng tham dự ngày Thánh Mẫu và cũng là nhân dịp ngày Mother’s Day.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại Trung Tâm tham quan và viếng các gian hàng ẩm thực của các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng.

Diệp Hải Dung
 
Giáo xứ Bến Hải Sàigòn mừng lễ Chúa Thăng Thiên
Hà Tiến Đạt
10:07 09/05/2016
Bến Hải: Mừng kính Chúa Thăng thiên,

Bổn mạng của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX),

Ngày truyền thống của Ca đoàn Đaminh

Sài Gòn, Bến Hải: Hòa nhịp cùng với Giáo Hội, Chúa Nhật ngày 8/5/2016 mừng kính Chúa Thăng Thiên, HĐMVGX giáo xứ Bến Hải long trọng mừng kính Chúa Thăng Thiên, bổn mạng của HĐMVGX, trong bầu khí sống động vui mừng của tháng hoa kính Đức Mẹ vào lúc 17g30 thứ bảy 7/5/2016 với lời dặn dò của Chúa trước khi lên trời: "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28, 19 và 20).

Xem Hình

Trước đó lúc 8g00 ngày 6/05/2016, tại hội trường của Đan viện Biển Đức, trên 50 anh chị em của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tề tựu và thinh lặng tĩnh tâm với xác tín rằng Chúa Giêsu đang hiện diện giữa anh em, những môn đệ của Ngài đang cùng tâm tình với Chúa. Lời dặn dò của Chúa trước khi ra đi cũng là lời dặn dò và giảng huấn của cha xứ Giuse Phạm Công Trường chia sẻ, ôn lại đề tài Đối thoại với mọi người trong năm Thánh Lòng Chúa thương xót liên quan đến Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và trách nhiệm của mỗi thành viên trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ. Cha đã dặn dò: Thật là hồng ân Chúa ban tặng cho chúng ta: hôm nay dù Chúa về trời, Chúa vẫn căn dặn và trao phó cho mọi người phải loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Lời dặn dò sâu sắc của Chúa mà qua Quý Cha đã truyền đạt cho chúng con những bài học tưởng chừng như đơn giản về dung mạo của Lòng Chúa thương xót qua việc đối thoại với mỗi người trong gia đình, trong giáo xứ và ngoài xã hội. Hiểu theo nghia như vậy: Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX), theo thói quen gọi tắt là Hội đồng Giáo xứ, Hội đồng Mục vụ, là cơ chế gồm những giáo dân thuộc giáo xứ được mời gọi và tuyển chọn để hợp lực cộng tác với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ, xây đắp tình liên đới và sự hiệp thông, giải quyết những vấn đề, giải toả những bất đồng, nhằm góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn tư tế phụng thờ Thiên Chúa, sống, làm chứng và loan truyền Tin Mừng, yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người trong bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay (x. Giáo luật, điều 536, 537).”

Trong tâm tình yêu thương và tạ ơn, vào lúc 17g30 Thứ bảy ngày 07/05/2016, giáo xứ Bến Hải và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ hân hoan đón chào đoàn đồng tế với quý cha: Cha Giuse chính xứ, cha Félix- tu hội Bác Ái, Quý Cha (Ba Lan), Cha Thanh (Quy nhơn), Cha Thới (Thị nghè), Cha Phú và Thầy phó tế dòng Đaminh tiến vào cung thánh rộn ràng trong tiếng hát của ca đoàn Đaminh mừng bổn mạng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bến Hải.

Trong bài chia sẻ với tâm tình yêu thương, Cha xứ đã nhắc nhở mỗi người và cách riêng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bến Hải hãy nhớ lời căn dặn trong sách Tông đồ Công vụ: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Chúa Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11).

Cũng trong lời nghi thức tuyên hứa trước Cha Chủ tế và cộng đoàn, tất cả quý chức đều quỳ giơ cánh tay phải thề hứa cam kết làm tròn sứ vụ với phần thẩm vấn của Cha Chủ tế… Chúng con cần có Chúa bên cạnh an ủi khi gian nguy và khi gặp khó khăn. Chúng con cần có sự cộng tác và hiệp thông của mọi anh em trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, của các hội đoàn, các giới và cộng đoàn trong mỗi công việc.

Cuối Thánh lễ là phần nghi thức long trọng trao bằng Tưởng lệ cho các Quý chức hoàn thành nhiệm vụ và trao Ủy nhiệm thư cho Quý Tân Chức.

Sơ nét về Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bến Hải

Hiện nay tổng số giáo dân đã trên bốn ngàn giáo dân, và khoảng 2000 di dân xa quê đi làm ăn vẫn cùng sinh hoạt phụng vụ tại giáo xứ. Địa bàn của giáo xứ Bến Hải trải dài trên 3km2, được chia thành bốn giáo khu mang tên: Thánh An-tôn, Thánh Giuse Lao động, Thánh Louis, Mân côi.

Cơ cấu Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bến Hải với tổng số là 40 vị gồm có 5 vị trong Ban Thường vụ, và 26 vị trong Ban Điều hành các giáo khu (mỗi ban điều hành các giáo khu là 6-7 vị). Các Trưởng Ban chấp hành các đoàn thể như sau: Hội các Bà mẹ Công Giáo, Huynh đoàn Giáo dân Đaminh; Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm; Hội Legio Mariæ; Hội Kinh Mân Côi Cầu Nguyện, Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa, và bốn Ca đoàn & Giới Trẻ giáo xứ Đaminh, Hồng Ân (Cêcilia), Phaolô, Thiên Cung, ban Lễ sinh, Ban Caritas, Ban Truyền Thông, Ban Khánh Tiết….

Theo truyền thống, các sinh hoạt mục vụ của Bến Hải được phân công cho bốn giáo họ, mỗi giáo họ một tuần trong tháng. Trực nhà Chầu Thánh Thể, bốn hội đoàn cắt cử luân phiên. Trực hát lễ mỗi ngày và Chúa Nhật bốn ca đoàn phân công mỗi ngày theo thứ tự alpbabet…

Sơ nét về Ngày truyền thống của Ca đoàn Đaminh Bến Hải

Ngày Truyền thống của Ca đoàn Đaminh nhận Lễ Chúa Thăng Thiên là Tôn Chỉ và Sức Sống của nhóm trẻ Đaminh. Mục đích của nhóm là học hỏi Kinh Thánh, Chia sẻ Lời Chúa, đem lời ca tiếng hát của sức sống trẻ ca tụng Thiên Chúa và phục vụ Cộng đoàn dân Chúa Bến Hải. Ca đoàn sinh hoạt đều đặn vào các tối trong tuần từ 19g30 đến 21g00 tại nhà thờ giáo xứ.

Trong sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, ca đoàn hát lễ luân phiên vào Thánh lễ của giáo xứ. Hiện nay là thứ Hai hằng tuần; thứ Bảy và Chúa Nhật hát luân phiên với các ca đoàn khác. Hằng năm, ca đoàn vẫn tham gia các chương trình hợp xướng thánh ca, hoạt cảnh Giáng sinh khi giáo xứ tổ chức, dịp lễ truyền thống, bổn mạng ca đoàn mỗi năm. Thành viên của ca đoàn thường gặp gỡ trong các buổi sinh hoạt cộng đồng nhằm nối kết tình cảm thân thiết huynh đệ trong ca đoàn, gia đình, quý ân nhân và ngoài xã hội.

Hiện nay, Ban Điều hành của ca đoàn:

• Trưởng ca đoàn: Giuse Hoàng Kim Đoàn.

• Phó ca đoàn: Giuse Nguyễn Văn Trọng.

• Thư ký: Phêrô Đinh Đức Trung.

• Thủ quỹ: Têrêsa Trần Thị Phương Nga.
 
Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn Lucia Mẹ anh Đặng Minh An tại Trung tâm CGVN Nam Cali
Nguyên Thanh - Photos William Nguyễn
20:29 09/05/2016
NAM CALI - Sáng hôm nay VietCatholic tại vùng LittleSaigon Nam Cali đã tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho cho linh hồn bà cụ Lucia Mẹ của anh Đặng Minh An, phó giám đốc VietCatholic tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam giáo phận Orange.

Thánh lễ do Đức Cha Giuse giáo phận Phát Diệm chủ tế, đồng tế có Cha Trần Công Nghị, Cha Trần Văn Kiểm, Cha Nguyễn Văn Hiện, Cha Trần Quang Thiện và Cha Phan Ngọc Hùng.

Hiện diện trong thánh lễ có một số thành viên Ban Giám Đốc, các công tác viên VietCatholic như nhà văn Quyên Di, nhiếp ảnh gia Đức Cung và William Nguyễn Ngọc; ban truyền hình và video có anh Nguyễn Hóa và Lê Sự, xướng ngôn viên có anh Xuân Ngân và chị Hồng Thanh; nhạc sĩ Hồng Trang và một số các anh chị em cộng sự viên khác. Tham dự thánh lễ có chừng 300 người gồm các thân hữu và độc giả VietCatholic.

Cha Trần Văn Kiểm giám đốc Trung tâm Công Giáo chia sẻ về ý nghĩa ngày lễ Chúa lên trời mà chúng ta mới mừng hôm qua. Mọi người Kitô cũng hướng về trời vì đó mới là quê thực sự của chúng ta. Bà Lucia này cũng được tham sự vào sự sống mới của Chúa Kitô. Bà Cụ Lucia cả đời vất vả phụng sự Chúa và cũng như nhiều người chúng ta phải đối diện với biết bao nhiêu thử thách ngay chính trong nhiệm vụ làm Mẹ. Bà Lucia sinh ra 17 người con. Và cha Kiểm nói chính ngài cũng thuộc gia đình có 14 người con và cho đến năm Mẹ ngài 43 tuổi thì tất cả các con còn sống cả, nên Ngài hiểu được sự hy sinh và những thách đố của bậc làm cha mẹ như thế nào. Ngài đã đưa ra vài ví dụ rất sống động như cả đời Mẹ luôn phải lo cho con cái, có khi chịu cực nhọc nằm với con cái dầm dề nước … khai.

Vậy hôm nay chúng ta đến đây cầu nguyện cho cụ bà Lucia và ghi ơn công sinh thành của các bậc cha mẹ và hiểu được sự mất mát to lớn khi mất Mẹ mà không có cơ hội gặp lần cuối cùng như trường hợp anh An. Tuy nhiên chúng ta sẽ được an ủi vì biết rằng giờ đây linh hồn Lucia gần Chúa hơn và những công khó cả cuộc đời anh An đã hy sinh phục vụ Chúa và Giáo Hội được nhiều người mến chuộng và Bà Lucia chắc hẳn hành diện vì những đóng góp tinh thần và vất chất mà con mình đã thi hành cho Giáo Hội của Chúa.

Sau thánh lễ Cha giám đốc Trần Công Nghị và các cộng tác viên của VietCatholic thuộc miền Nam Cali đã có cơ hội chụp một tấm hình kỷ niệm chung với Đức Cha Giuse Nguyễn Năng của Phát Diệm.
 
Thành Lập Legio Mariae Praesidium Phong Niên, giáo xứ Phố Lu, GP Hưng Hóa
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành
16:39 09/05/2016
Thành Lập Legio Mariae Praesidium Phong Niên, giáo xứ Phố Lu

Thứ Năm, Lễ Chúa Thăng Thiên, 5/5/2016, Curia Lào Cai thành lập Praesidium Đức Mẹ là Cửa Thiên Đàng Phong Niên thuộc giáo xứ Phố Lu, giáo phận Hưng Hóa thuộc xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 33 cây số.

Xem Hình

Tham dự và điều hành cuộc họp có cha Linh giám Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai, Phố Lu và Bảo Yên; anh Phaolô Đinh Quang Thụy, trưởng Curia Lào Cai; chị Anna Nguyễn Thị Liên, trưởng Praesidium Đức Mẹ Vô Nhiễm Cốc Lếu; chị Đinh Thị The, trưởng Praesidium Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành Bắc Cường.

Trước khi bước vào chương trình, cha Linh giám quy tụ những người hiện diện trong nhà nguyện Phong Niên để giới thiệu tầm quan trọng của công việc truyền giáo, trong đó có sự cộng tác tích cực của giáo dân. Ngài cũng nói về việc hình thành giáo họ Phong Niên gắn liền với việc truyền giáo mà giáo dân phải là đội ngũ nòng cốt. Kể từ khi được thành lập giáo họ năm 2013 đến nay, giáo họ nhà đã và đang đi vào ổn định mặc dù cơ sở vật chất vẫn chưa kiên cố. Chúng ta cần phải thành lập các hội đoàn trong đó có Legio Mariae (Đạo Binh Đức Mẹ).

Cha giải thích Legio Mariae là một phong trào giáo dân tiến hành, có linh đạo và chủ đích rõ ràng. "Chủ đích của Legio Mariae là thánh hóa hội viên bằng việc cầu nguyện, và dưới sự lãnh đạo cảu Giáo quyền, tích cực cộng tác vào hành động của Đức Maria và của Hội Thánh, là đạp đầu con rắn và mở rộng Nước Chúa Kitô". Cha cũng chia sẻ về quyền lợi và bổn phận của thành viên tham gia hội Legio Mariae.

Tiếp theo, cha kêu gọi những thành viên đã đăng ký và những ai có mặt muốn sinh hoạt trong gia đình Legio Mariae Phong Niên. Có 23 thành viên đăng ký hoạt động và 8 thành viên tán trợ. Tất cả các thành viên đều nhất trí nhận thánh hiệu Đức Mẹ là Cửa Thiên Đàng.

Cha Linh giám bổ nhiệm 4 người làm ủy viên. Anh Phêrô Nguyễn Văn Mạnh làm trưởng; anh Phêrô Phạm văn Hùng làm phó; chị Maria Lục Thị Thủy làm thư ký và chị Maria Nguyễn Thị Thảo làm thủ quỹ.

Khi đã ổn định tổ chức, cha Linh giám tặng mỗi người tham dự một tràng chuỗi Mân Côi rất đẹp. Anh Trưởng Curia tặng mỗi người cuốn sánh kinh Mân Côi và tặng gia đình Đức Mẹ là Cửa Thiên Đàng 6 cuốn thủ bản, 1 Vexlium, 2 cây nến lớn, 1 khăn và mỗi ủy viên một cuốn sổ ghi chép.

Đúng 16g00, chương trình họp được bắt đầu. Anh trưởng Curia hướng dẫn trưởng Praesidium Phong Niên cách dễ hiểu nên anh đã làm cách sốt sáng. Theo thủ bản, buổi họp được chia làm 3 phần: Kinh khai mạc (Tessera), Kinh Catena và Kinh bế mạc.

Buổi họp đầu tiên của Praesidium Đức Mẹ là Cửa Thiên Đàng Phong Niên kết thúc lúc 17g30 trong sự vui mừng phấn khởi của mọi thành viên tham dự. Đúng như lời Chúa hôm nay dạy: "Anh em hãy đi khắp muôn phương loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo". Thay mặt cho các hội viên, ông Trùm giáo họ Phong Niên cám ơn cha Linh giám, các ủy viên Curia Lào Cai đã nhiệt thành giúp đỡ. Cha Linh giám đáp từ và ban phép lành cho những người hiện diện.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành
 
Trải nghiệm cuộc đời truyền giáo
Peter Lê Hồ Quốc Dũng SDB
18:40 09/05/2016
Trải nghiệm cuộc đời truyền giáo
Peter Lê Hồ Quốc Dũng SDB

Học viện Thần học Salesian tại thủ đô Nairobi nước Kenya: Thế là tôi đã đi truyền giáo được 5 năm nay rồi và ngày 21/5/2016 tới này tôi sẽ được mời gọi lãnh nhận Thừa tác Phó tế.

Lớp Thần học năm thứ tư tại Nairobi

Tôi đã theo học Thần học tại Học viện Thần Học Thánh Gioan Bosco ở Nairobi, Kenya từ năm 2013. Đây là một Học viện chuẩn bị ứng sinh linh mục cho cánh đồng truyền giáo ở Đông Phi. Học viện năm nay có 61 hội viên Salêdiêng gồm 6 giáo sư và 55 sinh viên Thần học. Sáu giáo sư đến từ các tỉnh dòng khác nhau: hai người từ Châu Phi (Kenya và Nigeria), bốn người, một từ Ý và 3 từ Ba Lan.

Năm mươi năm sinh viên thần học đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chẳng hạn như Zambia, Sudan, Nigeria, Kenya, Togo, Somalia, Uganda, Malawi, Zimbabwe và Việt Nam. Trong tổn số ấy có mười bốn thầy là những nhà truyền giáo - 8 từ Việt Nam và một người đến từ cá quốc gia như Malawi, Somalia, Togo, Madagascar và Ý.

Chúng tôi có các giờ lớp từ thứ Hai đến thứ Sáu, còn những ngày cuối tuần được dành làm việc tông đồ mục vụ tại các giáo xứ, các trung tâm thanh thiếu niên, nhà tù vị thành niên và các trường trung học.

Sau cuối tuần mục vụ, chúng tôi lại trở về với cộng đoàn học viện vào mỗi tối Chúa Nhật để chuẩn bị cho tuần mới.

Bằng cách này, chúng tôi không chỉ học thần học qua lý thuyết và còn qua việc thực hành mục vụ. Ở đây chúng tôi cũng may mắn làm việc cùng các hội viên Salêdiêng đến từ nhiều quốc gia khác nhau, các nền văn hóa và kinh nghiệm sống khác nhau. Tôi trải nghiệm đây là môi trường tốt đẹp giúp tôi học được nhiều bài học tốt cho sứ mệnh của tôi mai sau.

Tôi đã hiện diện là người truyền giáo ở Châu Phi này 6 năm qua, tôi cũng có nhiều kinh nghiệm và nhiều bài học tốt trong cuộc hành trình truyền giáo của tôi, những trải nghiệm tiêu cực có và tích cực có trong cuộc sống nơi đây. Trải qua nhiều khó khăn đã giúp tôi cảm nhận và xác tín rằng Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong cuộc sống của tôi. Ngài đã giúp tôi và ban cho tôi ân sủng của Ngài...

Với ân sủng của Thiên Chúa, tôi sẽ cố gắng học hỏi nhiều hơn từng ngày. Đặc biệt tôi cố gắng học hỏi ngôn ngữ bản xứ, mặc dù rất khó và hội nhập vào các nền văn hóa rất khác biệt đòi hỏi nhiều kiên tâm...

Tôi thâm tín rằng cuộc hành trình truyền giáo của tôi còn nhiều gian truân đang chờ đợi tôi, nhưng với niềm tin vào Thiên Chúa và tin rằng nếu tôi cố gắng làm tất cả mọi sự theo thánh ý Chúa, rộng mở tâm hồn cho Ngài xử dụng tôi như là một khí cụ nhỏ bé của Ngài để trao ban bình an và niềm vui cho tha nhân!

Tôi mơ ước sẽ có nhiều anh chị em từ Á châu sẽ gia nhập vào cánh đồng truyền giáo mênh mông và nghèo túng cả về vật chất lẫn tinh thần của vùng đất Phi Châu này.
 
Thánh lễ mừng kính thánh Giuse Ngô Duy Hiển, bổ̀n mạng huynh đoàn Dominiart
Đa Minh Nguyễn Ngọc Hiếu OP
22:23 09/05/2016
thánh lễ mừng kính thánh giuse ngô duy hiển, bồn mạng huynh đoàn dominiart

Vào lúc 17g30, Ngày thứ hai 09/05/2016

Lần đầu tiên tại Việt Nam nói chung và tại Thánh đường Đa Minh Ba chuông, đả có một Thánh lể đồng tế giới thiệu ra mắt Huynh Đoàn Mỹ Thuật Dominiart là một Huynh Đoàn Đối Nhân trực thuộc Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam.

Xem Hình

Được Cha bề trên giám tỉnh, tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam Giuse Nguyễn Đức Hòa. OP công bố văn thư thành lập số 19/2015 HĐ-TL ngày 9/12/2015

Đến hiệp dâng thánh lễ gồm có:

Cha tổng đặc trách Huynh Đoàn GIáo Dân Đa Minh VN, F.X Đào Trung Hiệu. OP

Cha linh hướng Huynh Đoàn Dominiart, Cha Vinh sơn Nguyễn Thành Tín OP

Cha sáng lập Domini Art, Giuse Phạm Hưng Thịnh. OP

Ban phục vụ Huynh Đoàn Tỉnh Dòng

Ban phục vụ Huynh Đoàn Sài Gòn

Ban phục vụ Huynh Đoàn Catarina gx Đa Minh

Cùng quý hội đồng mục vụ giáo xứ Đa Minh, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa

Trong bài chia sẻ, Cha F.X Đào Trung Hiệu. OP có nói

" Thập Giá là chữ Tình,

Giesu là chử Yêu

Xin cho con Thập giá

Chử Yêu và chử tình

Cho con yêu hết mình

Giống hai chử Tình Yêu.

Đúc kết lại Thập Giá Giêsu chính là Tình yêu"

Là một tu sĩ dòng thuyết giáo, cha Thánh Giuse Ngô Duy Hiển không quên sứ mạng truyền bá Tin Mừng. Ngay ở trong tù, cha vẫn dạy đạo và rửa tội cho một vài tân tòng, khuyến khích các tín hữu kiên trung xưng đạo ngay trước những cực hình tra tấn. Đặc biệt cha giúp thày Tôma Toán đã một lần đạp lên Thánh Giá, tìm lại được can đảm tuyên xưng niềm tin cho đến ngày lãnh triều thiên tử đạo. Những mẫu ảnh Thánh Giá cha phổ biến, đã gây được một phong trào tôn sùng Thánh Giá, giúp người nhút nhát thêm nghị lực, giúp tội nhân hoán cải, và nhiều người sắp chết tìm lại được an bình.

Hôm nay trong Thánh lễ Bổn mạng Mừng Kính Thánh Giuse Ngô Duy Hiển. OP, trong hành trình " Sống chiêm niệm, loan báo tin mừng yêu thương qua cái đẹp Chân – Thiện - Mỹ, anh chị em họa sĩ Huynh Đoàn DominiArt với sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng đường nét & màu sắc.

Đả cảm nhận và học hỏi, biết được lòng thương xót của Chúa qua hình ảnh thực tế và sự dấn thân quên mình của quý cha, đại diện cho Chúa ở trần gian. Đả ưu ái và yêu thương chúng con trong thánh lể và đặc biêt có sự hiện diện, ủng hộ và động viên của cha Chánh xứ Đa Minh Ba chuông. Cha linh hướng Huynh Đoàn Catarina, chị Liên Huynh Đoàn Tỉnh Dòng, chị Dung Huynh Đoàn giáo phận Sài Gòn, trong bửa tiệc yêu thương. Mặc dù chúng con không xứng đáng.

Tạ Ơn chúa, trong tâm tình kính nhớ và tri ân. Chúng con nguyện xin Thánh Giuse Ngô Duy Hiển OP, cầu bầu cùng Thiên Chúa chúc phúc và trả công bội hậu cho tất cả quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, quý cộng đoàn, tràn đầy hồng ân Thiên Chúa.

Đoàn Phó

Đa Minh Nguyễn Ngọc Hiếu OP
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (6)
Vũ Văn An
23:26 09/05/2016
II. Những Chủ Trương Xấp Xỉ

1. Cách tiếp cận triết học(tiếp theo)

d/ Các tiếp cận mới trong thế kỷ 20 và trong thế kỷ 21

Trong thế kỷ 20, cách tiếp cận tri thức có tính chủ quan của Kant gặp sự chống đối mạnh mẽ. Các đột phá phát xuất từ hướng hiện tượng luận mới mẻ được Edmund Husserl và Max Scheler đem tới cho triết học. Các triết gia này muốn vượt qua chủ thể như là khởi điểm tân Kantian. Do đó, họ quay trở lại với thực tại khách quan, kể cả thực tại khách quan liên ngã. Trong diễn trình này, họ biến tương cảm [Einfuhlungsvermogen, empathy] thành khởi điểm chính cho tư tưởng của họ. Học trò của Husserl là [Thánh Nữ] Edith Stein cho xuất bản một bản văn rất sớm tựa là Về Vấn Đề Tương Cảm (32).

Max Scheler cố gắng chỉnh hình các tư liệu đạo đức học dựa trên nền tảng hiện tượng luận. Trong Bản Chất Thiện Cảm, ông trình bầy một hiện tượng luận và một lý thuyết chi tiết liên quan tới các cảm quan thiện cảm. Theo ông, lòng cảm thương tượng trưng cho hiện tượng nhân bản nguyên khởi. Hai loại cảm thương cần được phân biệt: cảm quan “lây lan” và lòng cảm thương đích thực. Cảm quan sau, tức “đau khổ trong sự đau khổ của người khác như là người khác này”, nói lên một tương quan có bản vị (33). Với quan điểm này và nhiều quan điểm khác, Scheler gây một ảnh hưởng đáng kể đối với thần học lúc ông còn là người Công Giáo. Tuy nhiên, điều này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, và, trong hậu bán thế kỷ 20, được thay thế bằng đường hướng tư duy, vốn được mô tả một cách vụng về, không rõ ràng, như là hậu cận đại (postmodern).

Kiểu tư duy gọi là hậu cận đại này, khi phê phán quan điểm có tính chủ quan của thời cận đại, đã đi quá hiện tượng luận vốn lấy chủ thể làm qui chiếu của Edmund Husserl. Điều này đã xẩy ra nơi triết học đối thoại (Martin Buber, Franz Rosenzweig, Ferdinand Ebner), là triết học vốn tiếp thu các chủ trương siêu phê phán (metacritical) của Johann Georg Hamann và Johann Gottfried Herder. Triết học đối thoại coi hữu thể nhân bản không phải là các hữu thể độc bạch (monological), mà đúng hơn là các hữu thể đối bạch (dialogical), các hữu thể sống trong và nhờ các liên hệ.

Bên kia các tư tưởng gia vừa kể, chủ trương này gây được nhiều vang dội rộng rãi và dẫn ta tới một lượng giá mới mẻ về lòng cảm thương. Các đại diện của Trường Phái Frankfurt cũng thuộc trào lưu này, nhưng trên một căn bản hoàn toàn khác. Với họ, lòng cảm thương đã trở thành quan trọng theo viễn ảnh liên đới với sự đau khổ và với những người bị áp bức (34). Nhưng các tư tưởng gia thuộc một sắc thái hoàn toàn khác, như Walter Schulz, cũng nên được nhắc đến. Vì chủ trương cận đại về chủ quan tính đã bị vượt qua, nên ông này khởi đi từ một thế giới quan biện chứng. Với khởi điểm này, lòng cảm thương trở thành một thẩm quyền đạo đức rất có ý nghĩa; thực vậy, nó là thẩm quyền duy nhất và là phản lực chống bạo tàn, một bạo tàn vốn làm mất bản vị người khác và hạ thấp họ xuống hàng đối tượng đơn thuần của ham muốn tàn hại. “Lòng cảm thương là chính khả thể sau cùng để cứu con người nhân bản trong ‘hiện hữu trần truồng’ của họ trước việc họ bị trực tiếp bác bỏ sự hiện hữu” (35).

Emmanuel Levinas, người vốn bênh vực truyền thống Do Thái Giáo và thuộc hệ triết học của Husserl và Heidegger, đã gây một ảnh hưởng rất lớn. Ông phê phán việc đặt cái tôi thành một chủ thể có thể đưa ra các phán đoán đạo đức và có thể nắm bắt và xác định được các sự thật và giá trị luân lý. Ông thay thế vị trí trung tâm của cái tôi bằng một nghĩa vụ trước đó phải đáp ứng đòi hỏi tuyệt đối của người khác. Các hiện tượng nhân bản như yêu thương, cảm thương, và tha thứ, do đó, đã được xem xét như mới trở lại (36). Từ những tiền giả thiết này, Levinas suy nghĩ về mối tương quan giữa công lý và tình yêu. Nói cho ngay, ông đã không đạt được một sự quân bình thỏa đáng trong diễn trình này (37).

Triết học hậu cận đại chân chính (Michel Foucault, Jacques Derrida), theo chân Martin Heidegger, đã phá hủy truyền thống siêu hình (38). Họ phê phán điều họ coi như các cơ cấu độc tài và toàn trị trong tư tưởng cận đại liên quan tới chủ thể và lý trí; họ cũng phê phán việc phơi bầy các cơ cấu quyền lực ngấm ngầm. Điều này dẫn tới việc phê phán triết lý hành động xã hội hiện thời cũng như luận lý học của các diễn trình trao đổi kinh tế hiện nay, vốn được xây dựng trên ý niệm công lý trừu tượng. Trong quan niệm trừu tượng của nó về bình đẳng, một thứ bình đẳng đòi phải hỗ tương, thứ triết lý và luận lý hành động này không thể nào công bình đối với cá nhân được.

Đối với vấn đề của ta, các suy tư của Jacques Derrida về tha thứ có liên quan (39). Sau một thế kỷ tội ác không thể tưởng tượng được và nhiều bất công kinh hoàng mà ta vốn trải qua trong thế kỷ 20, vấn đề tha thứ không thể không được đặt ra liên quan đến vấn đề tiếp tục sống chung của nhân loại. Tuy nhiên, thực sự người ta chỉ có thể tha thứ một điều trên thực tế không thể bào chữa [unverzeihbar]. Sát nhân và mọi bất công kinh hoàng quả là không thể tha thứ [unverzeihlich]. Thành thử, câu hỏi về tha thứ [Vergebung] đối với ta dường như chỉ là vấn đề rút gọn từ ngữ không thể nào có được. Tha thứ [Verzeihen] mâu thuẫn với công lý thuần giao tác (pure transactional justice), một công lý muốn đòi thưởng phạt. Bởi thế, câu hỏi là: Làm thế nào một vị Thiên Chúa, vốn được quan niệm là hoàn toàn công chính, lại có thể hay thương xót và tha thứ cho kẻ phạm tội mà không trái ngược với các nạn nhân khi các nạn nhân này không đồng ý với hành động tha thứ của Người? Do đó, ý niệm công lý trừu tượng xem ra không phù hợp với các đòi hỏi luân lý khác mà Thiên Chúa giả thiết phải có.

Để có thể tiến tới một sự quân bình giữa công lý và tha thứ, Derrida suy nghĩ về mối tương quan giữa công lý và luật lệ. Ông nói tới tính siêu việt của công lý so với luật thực định (positive law). Vì công lý vượt xa luật thực định, nên ta không thể xác định, một cách trừu tượng và tiên thiên, công lý phải được áp dụng như thế nào trong thực tế, nghĩa là một cách thực định. Sự biện minh của luật vượt quá mọi phục hồi thuần lý. Đối diện với luật, công lý xuất hiện như một sức mạnh biểu hiện, được Derrida mô tả là huyền nhiệm.

Việc đòi hỏi công lý vô giới hạn hẳn sẽ dẫn tới việc phá hủy hệ thống pháp luật hiện thời và, cùng một lúc, có hiệu quả công bình hơn đối với cá nhân. Trong phân tích của Derrida, ý niệm sự thiện của Platông, một ý niệm nằm ở “phía khác của Hữu Thể”, được dùng để định chỗ cho việc không thể thực hiện được công lý hoàn hảo trong bất cứ hệ thống nào. Thành thử, công lý đúng nghĩa cũng nằm ở phía bên kia của luật và luôn luôn ở trong diễn trình hình thành. Do đó, di sản của tôn giáo được phác hoạ trong ý niệm tha thứ. Thần học có thể tiếp nhận các chỉ dẫn này của Derrida. Khởi từ Derrida, thần học có thể khai triển một ý niệm sơ khởi về Thiên Chúa, Đấng có thể tự mặc khải cùng một lúc như vừa công chính vừa có lòng thương xót (41).

Paul Ricoeur đi một bước xa hơn (42). Ông cũng phê phán các tư duy của thời cận đại về chủ thể. Nhưng, khác với Levinas, ông chấp nhận ý niệm công lý. Tương phản với công lý hỗ tương và phân phối, và vượt qua cả hai, tình yêu là liên đới với người khác và khẳng định họ cách vô điều kiện. Dù trong cuộc sống xã hội hàng ngày, luôn có vấn đề phải quân bình hóa các đòi hỏi cạnh tranh nhau, nhưng lý tưởng công lý mà ông quan niệm là tập chú vào việc chăm sóc người khác và quan tâm tới phúc lợi của họ.

Một quan niệm như thế về công lý vốn đã tiếp cận với ý niệm tình yêu, thậm chí gồm luôn cả tình yêu kẻ thù nữa. Tình yêu vượt quá bên kia luận lý trao đổi; nó nói lên một nền kinh tế trao ban (gift), hay luận lý dư dật (abundance), tương phản với luận lý tương đương (parity) và nền kinh tế trao đổi và tính toán. Nó không phá hủy Khuôn Vàng Thước Ngọc (cho người khác điều ta hy vọng họ sẽ cho ta), nhưng giải thích Luật này theo nghĩa hào hiệp. Người ta không thể biến tình yêu thành qui luật tổng quát trong xã hội. Một nền kinh tế trao ban sẽ tạo nguy cơ cho sự cố kết của xã hội; bởi thế, nó cần công lý điều chỉnh, về hướng nền kinh tế trao đổi. Cũng bởi thế, luôn có một căng thẳng không thể giải quyết giữa nền kinh tế trao đổi và luận lý học trao ban. Đối với Ricoeur, việc căng thẳng này chỉ có thể được giải quyết bằng dự án cánh chung. Bằng cách này, tư tưởng triết học chứng tỏ rằng nó cởi mở đối với suy tư thần học.

Bằng một cách khác hẳn, Jean-Luc Mario đi tìm một nền hiện tượng luận trao ban, cũng theo tư tưởng của Husserl, Heidegger và Jacques Derrida nhưng theo cách riêng của ông. Ông cố gắng hiểu thực tại như một điều không do ta tạo nên, mà đúng hơn như một điều tự nó xuất hiện với ta, tự ý ban cho ta, và tự ý biểu lộ với ta. Ông hiểu Hữu Thể như là Gebung (tặng phẩm) (43).

Cho đi và trao ban có một cơ cấu biện chứng: khi cho đi, ta không những trao tặng một điều gì; khi cho đi, người cho còn cho cả mình đi nữa. Trao ban là dấu hiệu của việc hiến thân. Đồng thời, trong hành vi cho đi, người trao ban cho đi một tặng phẩm không thể nào phục hồi được nữa. Tặng phẩm này không còn thuộc họ nữa, mà đúng hơn, đã thuộc người khác mất rồi, Do đó, trong hành vi cho đi, ta phân biệt ta với chính ta. Khi cho đi, ta cho chính ta mà vẫn còn là ta. Bởi thế, mọi điều được biểu lộ và được cho đi đều hơn hẳn điều được biểu lộ và được cho đi. Marion nói tới điểm giao nhau của thể hữu hình (la croisée du visible), tới việc cắt nhau và đi qua nhau của thể hữu hình. Người Đức thì dịch kiểu nói này một cách giảm nghĩa là “mở cửa thể hữu hình” (44).

Để tóm lược, ta có thể quả quyết rằng các phân tích hiện tượng luận vừa nhắc trên đây đã đạt tới chỗ nêu ra những câu hỏi tự vượt quá chúng. Ta có thể nói tới tiếng kêu Từ Vực Sâu [de profundis (*)]. Vì các phác thảo trên cho thấy một tình thế khó khăn không thể giải quyết được mà tư duy đã sa vào; và chúng đòi một câu trả lời mà tư duy, từ trong yếu tính, không thể trả lời được. Thực thế, lòng thương xót từ trong yếu tính vốn là một biến cố tự do, không rõ nguyên do (nonderivable), một biến cố cũng chỉ có thể được chấp nhận hoặc từ khước một cách tự do. Thành thử, về phương diện hoàn toàn ý niệm, ta có thể nhận thấy sự “thiếu vắng một điều gì đó” nếu người ta không còn nói tới lòng thương xót nữa. Trong một cố gắng suy tư cuối cùng, ta vẫn có thể đưa ra một định đề về lòng thương xót và qua đó chứng minh rằng ngôn từ Kitô Giáo về lòng thương xót, trong cái lõi nhân bản của nó, là một giải đáp hợp lý và hữu ích đối với tình huống của con người, hay ít nhất, cũng là một giải đáp đáng được thảo luận.

Trong các cố gắng trên, triết học đã có thể tiến tới ngưỡng cửa thần học và giúp thần học chứng minh được rằng sứ điệp của nó tương hợp với lý lẽ. Nhưng điều này không có nghĩa: mối tương quan giữa triết học và thần học không phải là mối tương quan hỏi thưa đơn giản, như thỉnh thoảng vẫn xẩy ra. Đối với thần học, triết học quả có một chức năng phê phán; và, ngược lại, mạc khải cũng có chức năng phê phán, thanh tẩy đối với tư duy. Mặt khác, mạc khải còn vươn tới chiều kích đức tin, một chiều kích vốn vượt quá tư duy đơn thuần. Bởi thế, các lời lẽ nói về thập giá vẫn là một trở ngại đối với lý lẽ tự nhiên (1Cor 1:23) (45).

Trong một tác phẩm viết rất sớm, nhưng vẫn còn đáng đọc, tựa là Những Người Lắng Nghe Ngôi Lời, Karl Rahner cố gắng tiến lại gần đức tin bằng lý trí (46). Hiện nay, Thomas Pröpper và các học trò của ông đã một lần nữa tiếp nối cố gắng này, nhưng một cách mới mẻ hơn và từ một viễn tượng khác. Khác với Karl Rahner, họ cố gắng nêu lại vấn đề Thiên Chúa dựa trên việc phân tích tự do con người (47), liên kết với và tiếp tục lối phê phán của triết học Johann Gottlieg Fichte về tự do và lối giải thích của Hermann Krings về nó. Ở đây, chúng tôi chỉ có thể nhắc tới các cố gắng này, chứ không thể thăm dò sâu hơn, dù chúng rất đáng được xem xét. Trong các dòng sau đây, chúng tôi sẽ cố gắng chứng tỏ rằng các suy tư như trên của nền triết học tôn giáo không phải chỉ là suy đoán. Tiếng kêu xin tha thứ và hòa giải và qua đó, xin thương xót, thực sự, đã nổi lên từ khắp nơi trên cái thế giới tôn giáo đã có tuổi cả hàng thế kỷ và hàng thiên niên kỷ nay. Tiếng kêu này vẽ lên một hiện tượng nhân bản hoàn vũ.

Kỳ Sau: 2. Thăm dò lịch sử các tôn giáo

___________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

(*) Một kiểu nói lấy từ Thánh Vịnh 130 mà tiếng La Tinh viết như sau: De profundis clamavi at te, Domine, có nghĩa: từ vực sâu con kêu lên Chúa, lạy Chúa.

(32) Edith Stein, Zum Problem der Einfuhlung (Freiburg i. B.: Herder, 2010).

(33) Max Scheler, Wesen und Formen der Sympathie (Bonn: Cohen, 1926).

(34) Max Horkheimer và Theodor W. Adorno, Dialectic of Enlightment, bản tiếng Anh của John Cumming (New York: Herder and Herder, 1972) 101-3, 119. Theodor W, Adorno, Negative Dialektik (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1966) 279f và 356.

(35) Walter Schulz, Philosophie in der veranderten Welt (pfuulingen: Neske, 1972), 749-51.

(36) Emmanuel Levinas, Die Spur des Anderen: Untersuchungen zur Phanomenologie und Sozialphilosophie, bản dịch của W. N. Krewani (Freiburg i. B.: Karl Alber, 1999); Bernard Casper, Angesichts des Anderen: Emmanuel Levinas-Elemente seines Denkens (Paderborn: Schoningh, 2009).

(37) Ansorge, Gerechtigkeit und Barmherzigkeit Gottes, 469-86

(38) Xem Martin Heidegger, Being and Time, bản tiếng Anh của Joan Stambaugh (Albany, NY: State University of New York, 1996), 17-23.

(39) Jacques Derrida và M. Wieviorka, “Jahrhundert der Vergebung” trong Lettre Internationale 48 (2000): 10-18, trích trong Jan-Heiner Tuck, “Versuch uber dieAuferstehung” Internationale Katholische Zeitschrift 31 (2002): 279 ghi chú 25.

(40) Plato, Republic, 509 b 9f.

(41) Ansorge, Gerechtigkeit und Barmherzigkeit Gottes, 486-504. Chủ trương của Jacques Derrida thường được phân tích một cách có phê phán. Việc phê phán là do triết học phân tích. Noam Chomsky phê phán Derrida là thiếu rõ ràng và có lời văn tự phụ và khó hiểu. Lời phê phán cũng phát xuất từ lý thuyết phê phán (critical theory) nhất là từ Jurgen Habermas. Xem cuốn “Die Moderne-ein Unvollendetes Projekt” trong Habermas, Kleine Politische Schriften (I-IV) (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1981), 444-64.

(42) Paul Ricoeur, Liebe und Gerechtigkeit, Amour et Justice (Tubingen: J.C.B. Mohr, 1990) Xem Ansorge, Gerechtigkeit und Barmherzigkeit Gottes, 504-24.

(43) Jean-Luc Marion, Being Given: Toward a Phenomenology of Givenness, bản dịch của Jeffrey L. Kosky (Standford University, 2002).

(44) Jean-Luc Marion, The Crossing of the Visible, bản dịch của K.A. Smith (Standford: Standford University, 2004).

(45) Xem Walter Kasper, Katholische Kirche: Wesen-Wirklichkeit-Sendung (Freiburg i.B.: Herder,2011) 91-93, 99-101, 156-59. Cũng nên đọc điều đã nói ở ghi chú 68 liên quan tới vấn đề xác định của Thánh Tôma Aquinô.

(46) Karl Rahner, Hearers of the Word, ấn bản sửa đổi, Johannes B. Metz (Montréal: Palm Publishers, 1969). Về bối cảnh và hậu cảnh, cũng như cuộc thảo luận về chủ trương của Rahner, xin xem cuốn 4 của bộ Gesamtausgabe der Werke von Karl Rahner (Freiburg i. Br.: Herder 1997).

(47) Trên hết, nên nhắc tới Thomas Propper, người có quan điểm được tóm tắt trong Theologische Anthropologie, 2 Bde. (Freiburg i. Br.: Herder, 20110; và Hans-Jurgen Verweyen, Gottes letztes Wort: Grundriss der Fundamentaltheologie, (Dusseldorf: Patmos Verlag, 1991). Tôi không thể thăm dò ở đây cuộc thảo luận đã được khai triển giữa hai đề xuất này.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cánh Cò Đơn
Đặng Đức Cương
18:42 09/05/2016
CÁNH CÒ ĐƠN
Ảnh của Đặng Đức Cương
Đồng sâu đơn độc cánh cò
Cảm thương thân Bậu chuyến đò lỡ duyên…
(Trích thơ của Phượng Tím)