Ngày 09-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:26 09/05/2020
18. Con người ta nhờ Thánh Giá mà trong yếu đuối được dũng mạnh, trong nhục nhã được quang vinh, trong sự chết được sự sống. (Thánh Lê-ô I giáo hoàng)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:29 09/05/2020
14. VẪN LÀ BÁNH

Có một người nghèo, mỗi ngày chỉ có ăn hai cái bánh rượu nướng để đi làm, bởi vì tính ông ta không chịu được rượu nên hai cái bánh vừa xuống bụng thì có chút chóng mặt.

Một hôm đi trên đường thì gặp bạn bè, bạn bè hỏi:

- “Mới sáng sớm mà anh đã uống rượu rồi sao?”

Anh ta bèn nói thực.

Sau khi về nhà thì nói cho vợ biết, vợ hỏi:

- “Ông không biết giả vờ sao, lần sau nếu lại có người hỏi thì ông nói là uống rượu nhé.”

Người ấy gật đầu liên tục.

Qua mấy ngày sau, khi đi ra khỏi nhà thì cũng gặp người bạn ấy, người bạn cũng hỏi một câu như lần trước, ông ta liền nói lại như lời vợ đã dạy.

Người bạn hỏi lại:

- “Phải nấu nóng mới uống hay là không nấu?”

Người ấy trả lời:

- “Nướng nóng mà ăn.”

Người bạn cười nói:

- “Anh còn ăn bánh nữa à?”.

Bà vợ biết chuyện này thì bắt đầu dạy ông ta nói cách khác.

Sau đó, ông ta lại ra đi và cũng gặp lại người bạn ấy, không đợi bạn hỏi, người ấy bèn khoe:

- “Rượu hôm nay tôi nấu nóng mới uống !”

Người bạn hỏi ông ta:

- “Uống bao nhiêu?”

Ông ta đưa ra hai ngón tay ra và nói:

- “Hai cái.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 14:

Không ai nói uống hai “cái” rượu, nhưng là nói uống hai ly rượu vì rượu là thể lỏng cho nên không thể là “cái” được.

Trước đây người Ki-tô hữu thường nói “giữ đạo” để bày tỏ đức tin của mình, nhưng ngày nay thì người Ki-tô hữu nói “sống đạo” để bày tỏ đức tin và truyền bá đức tin của mình, bởi vì “giữ” và “sống” thì không giống nhau: “giữ” là đem cất mà “sống” là phơi bày; “giữ” là cầm mà “sống” là đưa, cầm là ích kỷ mà đưa là quảng đại, cho nên người Ki-tô hữu trong thời đại ngày nay không “giữ đạo” mà là “sống đạo”.

Mỗi ngày chỉ ăn hai cái bánh để đi làm, thì cũng sướng hơn so với những người không có gì ăn để đi làm, thì hà cớ gì phải mắc cở mà nói láo là uống hai cái rượu chứ !

Người Ki-tô hữu sống đạo tốt lành mỗi ngày thì đều có tham dự thánh lễ và ăn Bánh trường sinh bởi trời, họ giàu và hạnh phúc hơn tất cả mọi người ăn uống bánh thịt của trần gian này, do đó mà họ sống đạo phải linh động đầy sức sống hơn mọi người khác.

“Giữ đạo” và “sống đạo” khác nhau là ở đó vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 5 PS))
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:32 09/05/2020
Chúa Nhật 5 PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 14, 1-12.

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”.


Anh chị em thân mến,

Có câu chuyện ngụ ngôn như sau:

“Có con cáo bị mù lạc đường, đang lúc sốt ruột lo âu thì đột nhiên nghe tiếng bước xa xa đến gần, con cáo trong lòng vui sướng vội vàng hỏi:

- “Chào anh bạn, xin hỏi đi đến đường XY...ấy, thì làm sao mà đi?”

- “Anh không thấy đường sao?”

- “Thấy thì còn hỏi anh làm gì”.

Người ấy lần chần một chút rồi trả lời:

- “Được, đi với tôi”.

Con cáo đi sau lưng người ấy, bảo sao nghe vậy.

Đi không bao lâu, hai người tập tễnh tiến vào ngõ cụt, loay hoay hết ngày hết buổi mới ra khỏi đó; tiếp tục đi thì lại lọt vào cái chuồng lợn, khắp nguời đầy mùi hôi thối; lại đi tiếp, cả hai lại rơi vào trong hồ nước, thật lúng túng và không dễ bám vào bờ, cuối cùng con cáo chịu không nổi kêu thét lên:

- “Anh dẫn đường, nhưng rốt cuộc dẫn như thế nào đây?”

Thinh lặng rất lâu, mới nghe người dẫn đường ấy nói: “Tôi cũng là một người mù ạ!” ]
(1)

Có nhiều người tuyên bố mình là người lãnh đạo giỏi, nhưng đường đi của tâm hồn thì bị lệch hướng, thế là họ đi trên con đường đầy tối tăm với nhiều âm mưu, để đạt cho được con đường danh vọng là đường đưa đến sự chết. Phi-la-tô đã hỏi Đức Chúa Giê-su chân lý là gì, sự thật là gì, rồi sau đó ông ta đã đem Đấng là sự thật, là chân lý ấy trao cho kẻ ác và những kẻ gian xảo dử tợn hành hình đóng đinh vào thập giá.

Ngày hôm nay cũng có những người mắt rất sáng, nhìn rất rõ những vết nứt của những viên gạch hình con sâu nứt nẻ lót trên đường đi, để chỉ trích người này làm việc cẩu thả, người nọ làm ăn không có lương tâm, nhưng họ lại mù mắt trước những sai sót nguy hiểm đến lạc đường của mình, và đang dẫn người khác cùng đi trên sự lầm lạc ấy.

Chúa Giê-su đã tuyên bố Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.

Đức Chúa Giê-su là đường để đi đến sự thật, có sự thật thì mới có hòa bình, có hòa bình thì yêu thương mới triễn nở trong tâm hồn của mọi người; Đức Chúa Giê-su là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, và chỉ có Ngài mới đủ tư cách để kiến tạo trong tâm hồn của chúng ta một con đường sự thật, yêu thương, để chúng ta đi đến với tha nhân cũng bằng chính con đường ấy, tức là con đường phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã phục vụ.

Anh chị em thân mến,

Có nhiều người trong chúng ta cũng yêu thích sự thật nhưng có lúc lại là người nói dối không gượng miệng; cũng có nhiều người trong chúng ta cũng mến chuộng chân lý, nhưng có những lúc coi lời nói chân thật của bạn bè, của tha nhân là những lời chói tai, vì họ nói ra những việc làm không đúng của chúng ta.

Trên đường đời nếu mù dắt mù thì cả hai sẽ rơi xuống hố như thế nào, thì trên con đường thiêng liêng cũng như thế mà thôi, bởi vì một khi không nhìn thấy những khuyết điểm của bản thân mình, thì cũng có nghĩa là con mắt tâm hồn của mình đã bị mù rồi, thì đừng nên nghĩ đến chuyện sẽ dẫn dắt người khác đi theo mình, vì như thế cả hai cũng sẽ rơi xuống vực thẳm của địa ngục.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Bước Đi Trong Sự Hiện Diện Của Ngài
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:57 09/05/2020

Chia sẻ sứ điệp Lời Chúa CN 5 PS (A) 2020

Hơn lúc nào hết, Mùa Phục Sinh chính là thời điểm mà dân Kitô giáo được Lời Chúa khơi lại những “ký ức sống động” của “một thuở ban đầu”, một “thời trăng mật” giữa một “Hiền Thê thanh xuân”, một “Hội Thánh non trẻ” với chính Đấng Phu Quân là Đức Kitô Phục Sinh.

Vâng, “Hiền thê thanh xuân” đó, “Hội Thánh non trẻ” đó chính là cộng đoàn Kitô hữu ban sơ qui tụ chung quanh các Tông Đồ để sống và chia sẻ niềm tin qua những dấu chỉ cụ thể: phục vụ người nghèo, cầu nguyện và rao giảng, như trích đoạn sách Công vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật: Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng,... Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người …, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”.

Đó chính là ba thừa tác vụ mà Hội Thánh nói chung và mỗi thành viên trong Giáo Hội qua nhiệm tích Thánh Tẩy nói riêng, muôn nơi, muôn thuở, luôn phải trung thành thực hiện như sứ mệnh căn bản, như căn tính của “Ơn Gọi Kitô hữu”: Vương Đế (phục vụ bác ái), Tư Tế (cầu nguyện tế tự), Ngôn sứ (rao giảng Lời Chúa).

Trong viễn tượng đức tin, quả thật, “ba tác vụ” trên đã làm nên tính ưu việt của phẩm giá Kitô hữu, một phẩm giá được xây dựng không phải trên nền tảng là những giá trị của trần gian như quyền lực, sự giàu sang…, mà như Thánh Phêrô quả quyết: trên chính Đức Kitô, “tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường”; hay trên chính Đấng đã tự mình tuyên bố: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Và cũng trên “nền tảng thánh thiêng và cao cả tuyệt vời đó”, Giáo Hội của Chúa Kitô, Đoàn Dân Mới của Thiên Chúa hoàn toàn khác với mọi tổ chức, đoàn thể, quốc gia, dân tộc của con người và do con người. Đây chính là cộng đoàn, là Giáo Hội được chính vị Giáo Hoàng đầu tiên – Thánh Phêrô, dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã định nghĩa một cách chính xác: “Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.”.

Tuy nhiên, cũng chính bởi cái “căn tính đặc biệt” nầy, cái “dáng đứng một mình một cõi” chẳng giống ai, mà ngay từ đầu, chính Đấng sáng lập là Đức Kitô đã thấy trước những mỏng dòn, yếu đuối, bấp bênh… của các môn đồ, những “viên đá sống động” mà Ngài đã thiết đặt để dựng xây Hội Thánh của Ngài; và Ngài đã trấn an họ trong những phút giây thâm tình trước khi Ngài chia biệt họ, lìa khỏi thế gian: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… Thầy là đường, là sự thật và là sự sống….”.

Vâng, làm sao không bất an, xao xuyến, khi những con người vốn chỉ nhìn hiện tại và tương lai với viễn tượng của những nẻo đường được xây bằng sự vinh quang của chức quyền, sự ổn định của giàu sang, sự phước hạnh của vật chất… mà những thực tại ấy gần như đang bị che khuất bởi thấp thoáng đâu đó áng mây của thập giá và khổ nạn, và sự vắng bóng của một chỗ dựa xưa nay ! Câu hỏi của tông đồ Tôma đã bộc lộ cho niềm xao xuyến, bất an đó: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?”. Đức Kitô đã trấn an nỗi xuyến xao đó qua lời đáp trả dành cho Tô-ma: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Một tác giả tu sĩ đã nhận xét về câu trả lời đó như sau:

Chúa không trả lời cho Tô-ma phải “đi đâu”, nhưng là “đi như thế nào”, nghĩa là đi trong Ngài và nhờ Ngài, vì Ngài là “đường đi” dẫn đến Chúa Cha. Làm người môn đệ Chúa chẳng phải là đi theo một học thuyết, nhưng là đi theo một NGÔI VỊ. Nỗi bận tâm của người môn đệ chẳng phải là “tôi sẽ đi đâu” nhưng là “tôi có ở trong Chúa Giê-su không?” vì Ngài “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta hiểu rằng đích điểm mà Chúa Giê-su muốn dẫn các ông đến chẳng phải là một không gian địa lý mà là một NGÔI VỊ, là chính CHÚA CHA “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Con đường để đến với Chúa Cha cũng không thể đo được bằng kilômet, vì con đường ấy cũng chính là một NGÔI VỊ, là chính Chúa Giê-su.

Bắt đầu từ Chúa Nhật hôm nay, gần như mọi cộng đoàn tín hữu, mọi nhà thờ trên toàn cõi Việt nam bắt đầu trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau một thời gian dài “giản cách” vì đại dịch Covid-19. Một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng: thời gian “trở về im lặng, cách ly” vừa qua, trong hướng nhìn tích cực của niềm tin, chính là “thời gian tĩnh tâm dài hạn”, thời gian “vào sa mạc”… của cộng đoàn Dân Chúa, để hôm nay bắt đầu “đi lại con đường của Đức Kitô”, bắt đầu sống thực sự chân lý nền tảng “Đức Kitô là Đường, Chân lý, Sự Sống”.

Nếu Đức Kitô là Đường, Sự Thật, Sự Sống, thì thánh lễ hằng ngày phải được cử hành như là một “bữa tiệc hấp dẫn tôi đến dự thường xuyên với con tim trân trọng sốt mến”, chứ không như trước đây, chỉ là “một cử hành nhàm chán bất đắc dĩ phải tới tham quan?”. Tòa Giải tội phải là nơi để tôi nhận được chiếc áo mới của lòng Cha tha thứ mặc cho chứ không như trước đây chỉ là một “của nợ”, một hành vi “kéo gai qua trổ” cho khỏi bị mang tiếng là vô đạo?...

Cũng vậy, mọi nhịp sinh hoạt Phụng vụ và đạo đức khác từ hôm nay cần phải được canh tân triệt để trong cung cách cũng như thái độ bên trong lẫn bên ngoài, với lòng khao khát cũng như tâm tình trân trọng sốt mến đang đi tìm một “kho tàng”, “viên ngọc quý”.

Quả thật, trên con Đường của Đức Kitô hôm nay, chúng ta lại phải bắt đầu. Bởi vì, như lời Đức thánh Giáo Hoàng G.P.II nói với giới trẻ năm 1988: “Khám phá Đức Kitô là một cuộc phiêu lưu đẹp nhất đời chúng con. Nhưng khám phá ra Ngài một lần mà thôi thì không đủ. Mỗi khám phá người ta có về Người lại trở thành một lời mời gọi kiếm tìm Người hơn nữa…”.

Chính thái độ khao khát của Tôma, của Philipphê trong Tin Mừng hôm nay thật là thích hợp cho mùa “hậu Covid-19” nầy để nhắc bảo chúng ta hãy lên đường khám phá Đức Kitô, đến gần Đức Kitô, học biết và yêu mến Đức Kitô nhiều hơn nữa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường?”…”Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, thì chúng con mãn nguyện”.

Và chúng ta đừng quên: sự khám phá Đức Kitô để tiếp tục tiến bước trên con đường của Ngài không phải được tính bằng những chuyện “chọc trời khuấy nước”, những công trình vĩ đại lớn lao, những hy sinh hãm mình của những bậc tu trì đạt đạo, những suy niệm thần bí cao siêu… mà cốt yếu là những hy sinh thầm lặng, những việc phục vụ âm thầm, những chiến đấu và chiến thắng tính hư tật xấu với cái tôi, những tràng hạt Mân côi, những Thánh lễ…Đó chính là những”mũi chỉ đuờng kim dệt nên tấm thảm thêu hình Đức Kitô” mà trong lúc nhất thời, nhìn từ mặt trái, chúng ta sẽ không nhận ra cái nét đẹp tuyệt vời của “bức tranh tổng thể”.

Nếu Đức Kitô là “hạt Lúa Mì rơi xuống mảnh đất trần gian và đã mục nát đi qua cuộc tử nạn của Ngài” thì hôm nay, nhờ cuộc phục sinh vinh hiển, Ngài đã trở thành “Mùa Lúa Mới” mà Hội Thánh chính là hiện thực. Và rồi để có được một Hội Thánh như hôm nay, một Đền thờ vĩ đại, một “Cây Tùng Vạn cổ tỏa bóng khắp địa cầu, một “Dân thánh, Dân Tư Tế và Vương đế”…, đã có bao nhiêu máu xương và nước mắt, hy sinh và nguyện cầu của những anh chị em Kitô hữu đã chọn và đã đi trên con đường của Đức Kitô. Quả thật họ là “những viên đá sống trong Ngôi Đền thờ thiêng liêng”. Hội Thánh đó, Ngôi Đền thờ thiêng liêng đó đang mời tôi, mời chị, mời anh tiếp tục đóng góp phần mình để mỗi ngày mỗi tráng lệ hơn, khang trang hơn, vững chắc hơn…như lời mời thuở nào của Thánh Phêrô (trong Bài đọc 2 hôm nay): “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng người nhờ Đức Giêsu Ki-tô”.

Và cho dẫu không tránh khỏi những xao xuyến lo âu khi chấp nhận tiến bước trên “con đường Kitô”, vốn là “Con đường hẹp”, Con đường Thập Giá”…, thì chúng ta hãy vững lòng trông cậy và xác tín vào chính lời của Đấng Phục Sinh đang hiện diện: ““Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

Và để đáp lại sự trấn an đầy ưu ái của Đấng “là Đường là sự thật và là sự sống”, chúng ta có thể mượn những lời sau đây để thân thưa cùng Ngài:

Lạy Chúa, đôi lần con sợ

Nhưng xin Chúa cứ huấn luyện con

Để tiếng thưa vâng của con

mỗi ngày mỗi mới

mỗi ngày mỗi thắm đượm tình yêu.

Vì con biết, chỉ qua Ngài

Con mới gặp được Cha của con.

Lạy Chúa, đôi lần con sợ

Nhưng Chúa là “Đường” đi

Khi thực sự theo Ngài con sẽ không còn âu lo mình phải “đi đâu?”

Vì con sẽ luôn được ở trong SỰ HIỆN DIỆN của Ngài.

Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 09/05/2020

19. Vác Thánh Giá lâu ngày so với việc dùng sự phấn đấu cực lớn để đánh kẻ thù, thì càng khó khăn và cũng càng có công đức.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:43 09/05/2020
15. ĐO SƯ TỬ BIỂN

Có một người hỏi người bán sư tử biển (hải sư):

- “Bao nhiêu tiền một con?”

Người bán sư tử biển trả lời:

- “Từ trước đến nay hải sư đều đo mà bán.”

Người ấy lớn tiếng nói:

- “Ai lại không biết chuyện ấy, tôi hỏi ông bao nhiêu đồng một tất !?”

(Tiếu lâm)

Suy tư 15:

Không ai cân thịt mà thấy thước để đo nhưng phải dùng cân để cân, cũng không ai đo chiều dài mà lấy cân để đo nhưng phải lấy thước để đo, đó là phép đo lường căn bản của toán học.

Không ai lấy cân để đo lường lòng thương người của người Ki-tô hữu, nhưng phải lấy việc làm cụ thể của họ coi có phù hợp với bác ái của tinh thần Phúc Âm hay không; không ai lấy thước để đo lường lòng mến Thiên Chúa nơi người Ki-tô hữu, nhưng phải lấy việc nghe và thực hành Lời Chúa của họ để “đo” lòng yêu mến ấy... Có nhiều người Ki-tô hữu thường lấy việc đi lễ đọc kinh để đo lòng đạo của người khác, nên họ thường hiểu sai người khác; có một vài người Ki-tô hữu thường đo lòng người khác bằng những việc bố thí của họ, nên thường hối tiếc vì đã lầm.

Sư tử biển vừa to vừa nặng ký nên phải lấy cân tạ mà cân, làm người Ki-tô hữu thì vinh dự vô cùng, nên phải lấy Lời Chúa và các bí tích để điều chỉnh cho phù hợp với danh phận Ki-tô hữu của mình, đó chính là “cân đo” tâm hồn vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Viện bảo tàng Vatican sửa soạn để mở cửa trở lại
Thanh Quảng sdb
21:25 09/05/2020
Viện Viện bảo tàng Vatican sửa soạn để mở cửa trở lại



Đức Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga, Tổng thư ký của Quốc Vụ Khanh Tòa Thành Vatican, cho hay Viện bảo tàng Vatican đang sửa soạn chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại...

(Tin Vatican)

Viện bảo tàng Vatican sẽ sớm được mở cửa trở lại cho công chúng, đương nhiên việc mở cửa này cần phải tuân thủ các hướng dẫn an toàn được quy định bởi các quan chức y tế của nước Ý và Vatican. Khách thăm viếng cần phải đặt vé trước.

Trước sự bùng phát Covid-19, Viện bảo tàng Vatican đã đóng cửa từ ngày 9 tháng 3. Viện bảo tàng có thể được truy cập bằng kỹ thuật số, miễn phí, thông qua các chuyến du lịch ảo được cung cấp trên trang mạng.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Vatican, Đức Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga, Tổng thư ký của Quốc vụ khanh Vatican giải thích dù các chuyến tham quan ảo được thực hiện, nhưng chắc chắn thực tế ảo đó không bao giờ có thể thay thế và sánh ví được so với những cảm nghiệm thực sự! Điều ấy cũng nhắc nhớ chúng ta đừng quên rằng những gì thực sự làm cho Viện bảo tàng sống động chính là con người. Chúng ta cần chiêm ngắm và thưởng thức các nghệ thuật đó bằng đôi mắt thật với những rung cảm của trái tim.

Mở lại kế hoạch

Đức Giám Mục Vérgez cho hay ngày tái mở cửa các Viện bảo tàng ở Ý đã gần, nên Viện bảo tàng Vatican đang thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo sức khỏe của khách du lịch.

Tất cả các khách vào thăm, phải được kiểm tra bằng máy đo nhiệt độ, nên việc thăm Viện bảo tàng phải được mua vé trước hầu biết được con số được phép thăm viếng… Ngoài ra, du khách đến Viện bảo tàng được yêu cầu đeo khẩu trang.

Để chuẩn bị mở cửa trở lại sau những gì Đức cha Vérgez gọi là tháng thầm lặng, Để duy trì các dịch vụ thiết yếu cho việc mở cửa, Viện Bảo tàng cần khoảng ba mươi nhân viên làm việc mỗi ngày.

Đức cha cũng cho hay một khi Viện bảo tàng Vatican hoạt động lại bình thường, tất cả nhiều dịch vụ bao gồm nhân viên, cộng tác viên tất cả lên tới cả nghìn người; bao gồm những nhân viên giám sát, sử gia, nghệ thuật, những nhân viên phục chế, hành chính và các nhân viên của nhiều dịch vụ khác nữa...

Trong thời gian chờ đợi

Trong thời gian chờ đợi, cho những người quan tâm, Đức Giám Mục cho biết Viện bảo tàng Vatican cung cấp nhiều chuyến du lịch ảo trên trang web của mình.

Viện bảo tàng cũng có một trang Instagram chính thức mang tên: @vaticanmuseums, nơi một số các tác phẩm nghệ thuật của các bộ sưu tập có tính thời sự, thì được trình bày hàng ngày trong những tháng qua.
 
Thánh lễ tại Santa Marta 9 tháng Năm: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các Nữ Tử Bác Ái
Đặng Tự Do
01:48 09/05/2020
Lúc 7 sáng thứ Bẩy 9 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Theo lịch Phụng Vụ, lễ Thánh Luisa de Marillac, đấng đồng sáng lập Dòng Nữ Tử Bác Ái cùng với Thánh Vinh Sơn Phaolồ được mừng vào ngày 15 tháng Ba. Tuy nhiên, vì ngày ấy rơi vào Mùa Chay nên được dời đến hôm nay.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái trong gần 100 năm qua đã giúp các vị Giáo Hoàng và những người sống trong nhà trọ Thánh Marta, cũng như điều hành một trạm xá cho trẻ em tại Vatican.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay là lễ kính Thánh Louise de Marillac, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Phaolồ đã điều hành phòng khám này, trạm xá này trong gần 100 năm và làm việc ở đây, tại Santa Marta này. Xin Chúa chúc phúc cho các nữ tu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 13: 44-52) trong đó người Do Thái tại Antiokia “lòng đầy ghen tị và với những lời lẽ xúc phạm” đã bài bác những lời khẳng định của Thánh Phaolô về Chúa Giêsu, là những lời đem lại xiết bao vui mừng dân ngoại. Họ kích động một cuộc đàn áp buộc hai Thánh Phaolô và Banaba phải rời khỏi lãnh thổ.

Bài Ðọc I: Cv, 13: 44-52

Trích sách Tông đồ Công vụ

Ngày sabát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do Thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Bấy giờ ông Phaolô và ông Banaba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.”

Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.

Nhưng người Do Thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do Thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Một mặt Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội phát triển nhưng mặt khác ma quỷ cố gắng phá hủy Giáo hội.

Sự đời luôn luôn diễn ra như thế - ta cố vươn tới trước nhưng kẻ thù kéo đến để phá hoại. Vì thế, bao nhiêu nỗ lực phải bỏ ra, bao nhiêu máu tử đạo phải đổ ra trong sự tăng trưởng này, trong cuộc đấu tranh này. Khi Lời Chúa làm cho Giáo hội phát triển, sự bắt bớ thường phát sinh.

Giáo hội phấn đấu tiến về trước trong sự an ủi của Thiên Chúa và các cuộc đàn áp của thế gian. Và khi Giáo hội không gặp khó khăn gì thì thiếu một thứ gì đó. Nếu quỷ dữ chịu ngồi yên, chắc là có gì đó không ổn rồi.

Công cụ mà ma quỷ sử dụng để phá hủy việc loan báo Tin Mừng là sự đố kị và lòng ghen ghét. Chính sự tức giận, do ma quỷ xúi giục trong lòng người, gây ra tàn phá.

Chứng kiến cuộc đấu tranh này, thật tốt cho chúng ta khi nhận thức được rằng Giáo hội tiến về phiá trước giữa sự an ủi của Thiên Chúa và cuộc bách hại của thế gian.

Luôn luôn có cuộc đấu tranh này - Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa trong Giáo hội và ma quỷ phá hoại, ngay cả ngày nay cũng vậy.

Quyền lực trần thế là một công cụ của sự đố kị này. Quyền lực trần thế có thể tốt, người nắm các thứ quyền lực ấy có thể tốt, nhưng như nó là, quyền lực thế gian luôn luôn là nguy hiểm.

Quyền lực thế gian luôn đối kháng với quyền năng của Thiên Chúa và đằng sau quyền lực thế gian là tiền bạc.

Kể từ buổi sáng Phục sinh, quyền lực thế gian và tiền bạc đã được sử dụng để bịt miệng sự thật.

Để kết luận Đức Thánh Cha nói rằng Kitô hữu phải đặt niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, chứ không phải quyền lực và tiền bạc là những thứ tạm bợ và chóng qua.


Source:Vatican News
 
Tuyên bố chung của 6 Tổng Giám Mục và Giám Mục Hoa Kỳ về các cuộc hiện ra tại Indiana
Đặng Tự Do
05:11 09/05/2020


Đức Cha Kevin Rhoades, Giám mục Fort Wayne-South Bend, Indiana và năm giám mục khác đã được Tòa Thánh trao trách nhiệm điều tra các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Indiana.

Cuộc điều tra này liên quan đến nhiều cuộc hiện ra được báo cáo bởi Nữ tu Mary Ephrem Neuzil, Nữ tu dòng Máu Thánh Châu Báu Chúa Giêsu ở Dayton, Ohio. Nữ tu Neuzil đã báo cáo Đức Mẹ đã hiện ra với chị dưới tước hiệu “Our Lady of America”, “Đức Mẹ của Hoa Kỳ”.

Các báo cáo của sơ Neuzil đã hình thành một phong trào sùng kính Đức Mẹ tại Indiana sau khi cha linh hướng của chị ủng hộ chị. Ngài sau này trở thành Đức Tổng Giám Mục Paul Leibold của tổng giáo phận Cincinnati. Ngài ủng hộ sơ Neuzil bằng nhiều cách khác nhau. Các cuộc hành hương, do đó, đã diễn ra đông đảo tại thành phố Rome, của tiểu bang Indiana.

Giải thích về nguồn gốc của ủy ban, Đức Cha Rhoades nói rằng trước các hoa trái thiêng liêng từ lòng mộ mến Đức Mẹ tại thành phố Rome, Indiana, các giám mục đã yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra để đánh giá và nếu chân thực thì chính thức công nhận các cuộc hiện ra này. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, đã yêu cầu Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có phải là thẩm quyền thích hợp trong vấn đề này không.

Bộ Giáo Lý Đức Tin phúc đáp rằng giám mục địa phương nơi các cuộc hiện ra được cho là đã xảy ra là thẩm quyền thích hợp hơn.

Sơ Neuzil báo cáo rằng Đức Mẹ không chỉ hiện ra với sơ tại thành phố Rome, Indiana, nhưng cả ở các nơi khác mà sơ đến phục vụ. Do đó, Hội Đồng này cũng bao gồm cả Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr ở Cincinnati, Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của Detroit, Đức Giám Mục Thomas Olmsted của Phoenix, Đức Giám Mục Timothy Doherty của Lafayette, Indiana và Đức Giám Mục Daniel Thomas của Toledo, Ohio.

Đức Cha Kevin Rhoades được bầu làm Giám Mục chính của Hội Đồng này vì các cuộc hiện ra được báo cáo đầu tiên tại Indiana.

Ngoài 6 Tổng Giám Mục và Giám Mục tham gia vào Hội Đồng này, còn có 6 nhà thần học và giáo luật. Do đó, Hội Đồng này được kể là lớn nhất từ trước đến nay trong việc điều tra các sự kiện được cho là Đức Mẹ hiện ra. Theo Đức Cha Kevin Rhoades đây là “một nhóm điều tra rất cân bằng, cởi mở với khả năng rằng các cuộc hiện ra là xác thực.”

Tài liệu nhan đề “Statement Regarding the Devotion to Our Lady of America” - “Tuyên Bố liên quan đến lòng sùng kính Đức Mẹ của Hoa Kỳ”, có chữ ký của tất cả sáu Tổng Giám Mục và Giám Mục cho biết như sau:

Sơ Neuzil, nhũ danh Mildred, sinh năm 1916 và trở thành thành viên của Dòng Máu Thánh Châu Báu Chúa Giêsu vào năm 1933. Năm 1938, sơ nói rằng sơ bắt đầu trải qua những sự kiện huyền bí.

Các cuộc hiện ra được cho là đã xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến 1959. Trong các cuộc hiện ra này, Sơ Neuzil tường trình Đức Mẹ xưng mình là “Đức Mẹ của Hoa Kỳ”.

Sơ Neuzil đã qua đời vào năm 2000.

Các nhà điều tra nhận xét rằng sơ Neuzil dường như đã rất “thành thật, có đạo đức ngay thẳng, tâm lý cân bằng, tận tụy với đời sống tu trì, không thủ đoạn”.

Hoa trái thiêng liêng từ lòng mộ mến Đức Mẹ trong vùng có thể thấy tỏ tường, mặc dù chưa có một phép lạ nào được công nhận.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate”– tính chất không siêu nhiên được chứng thực. Sau hơn một năm nghiên cứu một núi khổng lồ các tài liệu liên quan đến vấn đề này, tất cả các thành viên của ủy ban đã kết luận rằng các cuộc hiện ra được sơ Neuzil báo cáo là “non constat de supernaturalitate”: tính chất không siêu nhiên được chứng thực.

Theo Đức Cha Kevin Rhoades, các việc sùng kính với tư cách cá nhân có thể tiếp tục mà không gây tổn hại đến đức tin, nhưng không phù hợp với bất kỳ sự sùng kính công khai nào.

“Tôi phải đi đến kết luận rằng các thị kiến và mạc khải không thể được cho là có nguồn gốc siêu nhiên theo nghĩa của sự việc khách quan,” Đức Cha Rhoades nói.

Tuyên bố cho biết không có những sai lầm nghịch lại với đức tin Công Giáo trong các mặc khải được Sơ Neuzil công bố, mặc dù nói thêm rằng tuyên bố của Sơ Neuzil xem Thánh Giuse là một “Đấng đồng công cứu chuộc với Chúa Kitô” cần phải được xem là không hoàn toàn tương hợp với các tín lý của Giáo Hội.

Về những kinh nghiệm của Sơ Neuzil, các giám mục cho biết nghiên cứu của các ngài đã kết luận rằng những kinh nghiệm này nên được mô tả như “các kinh nghiệm tôn giáo chủ quan bên trong chứ không phải là các thị kiến khách quan bên ngoài và các mặc khải”.

Trong khi nói các kinh nghiệm như vậy có thể là “các thời khắc ân sủng đích thực” tài liệu nói thêm rằng các kinh nghiệm ấy liên quan đến “những ý kiến chủ quan, trí tưởng tượng và trí tuệ” của người nữ tu chứ không phải một “thị kiến khách quan và mặc khải như được nhìn thấy ở Guadalupe, Fatima, và Lộ Đức.”

Báo cáo cũng lưu ý rằng cha linh hướng của sơ Neuzil, sau này trở thành Đức Tổng Giám Mục Paul Leibold của Cincinnati, đã hỗ trợ Neuzil theo nhiều cách khác nhau trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong một lá thư viết hai năm trước khi ngài qua đời, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài không thể đưa ra đánh giá về bản chất siêu nhiên của vấn đề.

Trong khi nói rằng ngài chứng thực sự thánh thiện của chị Neuzil, Đức Tổng Giám Mục Tổng giám mục Paul Leibold viết: “ Tôi chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm thúc đẩy lòng sùng kính công khai trong vấn đề này.”


Source:Crux
 
Đức Tổng Giám Mục Coleridge được tái bầu lại chức Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Úc Châu.
Thanh Quảng sdb
06:12 09/05/2020
Đức Tổng Giám Mục Coleridge được tái bầu lại chức Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Úc Châu.

Sau khi được tái nhiệm lại, ĐTGM Coleridge đã đưa ra những cảm tưởng của ngài như sau: Trong hai năm qua, chúng tôi đã phải đối diện với một số thách thức to lớn như: chuẩn bị cho Hội đồng Toàn thể Giáo hội Úc Châu và tìm ra các đường hướng làm thế nào để dẫn đưa Dân Chúa cùng nhau tiến về tương lai, đặc biệt sau cơn đại dịch Covid-19.

Đức Tổng Giám Mục cũng lưu ý việc thực hiện các chính sách và cảm thức của Giáo hội, là làm sao đảm bảo được sự an toàn cho trẻ vị thành niên và đề ra một đường hướng thực tế và thương cảm dành cho các nạn nhân sống sót từ những vụ lạm dụng tình dục... Phần lớn các vấn đề này đã được thảo luận và các giám mục sẽ xem xét lại các bước kế tiếp trong các phiên họp Tổng Hội Toàn Giáo hội Úc Châu vào những ngày tới.

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher thì nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đà liên tục của Giáo hội Úc châu trên bước đường thăng tiến... Ngài nói chúng tôi có những sáng kiến trung kiên và bền bỉ dài hạn để thực hiện những quyết định của các vị lãnh đạo là các giám mục cùng nhau học hỏi về những nguyện vọng chung của Giáo hội...
 
Lễ tuyên thệ của các tân binh Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ bị hoãn lại
Đặng Tự Do
16:26 09/05/2020

Do đại dịch coronavirus COVID-19, việc tuyên thệ hàng năm của các tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã bị hoãn lại cho đến ngày 4 tháng Mười.

Năm nay, ngày 6 tháng Năm được đánh dấu bằng một Thánh lễ riêng và lễ đặt vòng hoa tưởng niệm 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã anh dũng hy sinh vào năm 1527 để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clementê Đệ Thất.

Thánh lễ - với các biện pháp cách ly thích hợp đã được cử hành tại nhà thờ Santa Maria della Pietà của Đức tại nghĩa trang Campo Santo Teutonico của Vatican bởi Đức ông Luigi Roberto Cona.

Trong bài giảng, Đức Ông Cona nói rằng buổi lễ tôn vinh các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã ngã xuống “rất đặc biệt trong năm nay tại thời điểm coronavirus,” và kêu gọi người tham dự cầu nguyện cho các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ.

Ông cũng kêu gọi cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá và những người tình nguyện làm việc để giúp đỡ các bệnh nhân; cầu nguyện cho những người đang hấp hối, và cho những “người than khóc cho sự mất mát người thân của họ.”

Đức Ông Cona đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cử hành Thánh lễ tại Nghĩa trang Teutonico của Vatican, nơi một số Kitô hữu đầu tiên, bao gồm cả Thánh Phêrô, đã bị Hoàng đế Nero giết chết.

Sự hy sinh của các vị tử đạo “là hạt giống của một cuộc sống mới, cũng giống như sự hy sinh của những người lính Thụy Sĩ quảng đại cống hiến đời mình cho Đức Giáo Hoàng, và Tòa Thánh”.

Thông thường vào ngày 6 tháng 5, các tân ngự lâm quân Thụy Sĩ làm lễ tuyên thệ trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây. Ngày 06 tháng 05, 1527, 147 ngự lâm quân đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong vụ “cướp phá Rôma”.

Để tưởng nhớ cái chết anh dũng của các ngự lâm quân, hàng năm việc tuyên thệ trọng thể của các tân binh được tổ chức đúng vào ngày này.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.


Source:Crux

 
Lần đầu tiên trong 117 năm qua, lễ hội Giglio tại New York bị hủy bỏ
Đặng Tự Do
16:27 09/05/2020


Tính đến ngày thứ Bẩy, 9 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến con số kinh hoàng là 275,914 người, trong số 4,009,472 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong toàn thế giới: 275,914 người, trong số 4,009,472 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, Tử vong đã lên đến 78,557 người, trong số 1,320,683 trường hợp nhiễm coronavirus. Tại New York, nơi được xem là tâm chấn của dịch bệnh hiện nay, đến nay đã có 26,585 người thiệt mạng, trong tổng số 340,442 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Chính vì thế, hai cuộc rước kiệu quan trọng hàng năm của người Công Giáo tại thành phố này đã bị hủy bỏ trong nỗi buồn của mọi người.

Cuộc rước kiệu thứ nhất diễn ra ngày 24 tháng Năm, lễ Đức Mẹ Xà Sơn của cộng đoàn Công Giáo người Hoa tại New York với các xe hoa trên đường phố Brooklyn để cầu nguyện xin Đức Mẹ sớm giải thoát đất nước khỏi ách cộng sản vô thần. Ngày 24 tháng Năm cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thiết định là ngày toàn thế giới cầu nguyện cho tự do tôn giáo tại Hoa Lục.

Cuộc rước kiệu thứ hai diễn ra vào tuần thứ hai của thánh Bẩy để kính Đức Mẹ Núi Cát Minh và Thánh Pauliniô. Theo lịch Phụng Vụ Công Giáo, lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh được cử hành vào ngày 16 tháng Bẩy, và lễ kính Thánh Pauliniô được cử hành vào ngày 22 tháng Sáu. Tuy nhiên, trong suốt 117 năm qua, cộng đoàn Công Giáo Ý tại New York mừng chung 2 ngày lễ này vào tuần thứ hai của thánh Bẩy, tại Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh tại Williamsburg, Brooklyn, gọi là lễ Giglio.

Trong 117 năm qua, hàng ngàn người đã mang theo truyền thống của Lễ Giglio trên vai, chứng kiến cha và ông của họ đi qua Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh với nhiệm vụ nâng lên cao tòa tháp bảy tầng, bốn tấn ở Williamsburg, Brooklyn.

Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Pauliniô mà ngài là bạn của các thánh Augutinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.

Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Pauliniô thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul, bên Pháp. Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Pauliniô được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.

Sau khi cha mất sớm, Pauliniô được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Pauliniô không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.

Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Pauliniô đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.

Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Pauliniô kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Pauliniô (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị Giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.

Vào thời bấy giờ, Pauliniô được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Pauliniô một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustinô, là động lực sau cùng thúc đẩy Pauliniô theo Kitô Giáo.

Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Pauliniô đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.

Chính vì thế, trong cuộc rước kiệu thánh Pauliniô luôn có một con thuyền, tượng trưng cho con thuyền đưa thánh Pauliniô và những người nô lệ trở về sau khi ngài chuộc được họ.

Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Pauliniô coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.

Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Pauliniô đến trước mặt vị Giám mục và yêu cầu tấn phong Pauliniô làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Pauliniô là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Pauliniô về nhiệm vụ linh mục.

Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Pauliniô và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Pauliniô và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.

Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Pauliniô làm Giám mục. Quả thật ngài là vị Giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Pauliniô tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.

Ðức Pauliniô là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.


Source:Net New York
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và những chuyển biến lớn trong tương lai gần
Lê Minh Huy
11:57 09/05/2020
HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM
VÀ NHỮNG CHUYỂN BIẾN LỚN TRONG TƯƠNG LAI GẦN


Đã hai năm trôi qua kể từ khi vị Giám mục người Việt cuối cùng được bổ nhiệm, ngày 25 tháng 4 năm 2018, linh mục Giuse Nguyễn Đức Cường, mục vụ tại Giáo phận Đà Lạt được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Thanh Hóa.

Đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm, trong khoảng thời gian trọn hai năm, không có tân giám mục người Việt được bổ nhiệm, kể khoảng thời gian giữa bổ nhiệm Đức Cha Louis Hà Kim Danh (năm 1982) và Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến (năm 1988).



Dựa vào giới hạn tuổi tác, một số thông tin đã được công bố, cùng nhận định các biến chuyển lớn trong hàng ngũ các giám mục tại Việt Nam:

1. Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Hải Phòng

Giáo phận Hải Phòng trống tòa kể từ tháng 11 năm 2018 khi Giám mục chính tòa Giuse Vũ Văn Thiên được thăng Tổng giám mục Hà Nội kiêm Giám quản Tông Tòa giáo phận Hải Phòng. Đã hơn 2 năm 6 tháng, giáo phận này vẫn đang trong tình cảnh thiếu vắng chủ chăn.

Đây là giáo phận hiện trống tòa lâu nhất, sau khi giáo phận Phan Thiết có giám mục chính tòa mới là Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng vào đầu tháng 12 năm 2019, chấm dứt khoảng thời gian trống tòa kể từ tháng 3 năm 2017, sau cái chết đột ngột của giám mục Giuse Vũ Duy Thống.

Hiện trên không gian mạng, đã có nhiều đồn đoán về vị tân giám mục chính tòa Hải Phòng, và các thông tin này đều chưa kiểm chứng.

2. Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm

Giáo phận Phát Diệm trống tòa kể từ tháng 10 năm 2019, khi Giám mục chính tòa Giuse Nguyễn Năng được thăng Tổng giám mục Sài Gòn. Với vỏn vẹn thời gian trống tòa chỉ mới 6 tháng, nếu xét đến thời gian trống tòa của các giáo phận trong những năm gần đây thì giáo phận Phát Diệm có lẽ sẽ còn phải chờ một khoảng thời gian khá dài để có một vị giám mục chính tòa.

(Tổng giáo phận Sài Gòn: 2 năm 7 tháng: tháng 3 năm 2018 đến tháng 10 năm 2020;
Giáo phận Phan Thiết: 3 năm 9 tháng: tháng 3 năm 2017 đến tháng 12 năm 2017;
Giáo phận Thanh Hóa: 1 năm 10 tháng: tháng 7 năm 2016 đến tháng 4 năm 2018;
Ggiáo phận Vĩnh Long: 2 năm 2 tháng: tháng 8 năm 2013 đến tháng 10 năm 2015)

3. Chia tách giáo phận Hưng Hóa và bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa.

Có nguồn tin của một tác giả viết, nêu trên BBC Tiếng Việt (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46672630) cho biết đề nghị chia tách giáo phận Hưng Hóa về phía Tòa Thánh đã hoàn thành xong, chỉ chờ chính quyền Việt Nam chấp thuận. Cả hai hồ sơ chia tách giáo phận Hưng Hóa và Vinh đều đã chuyển đến chính quyền Việt Nam và giáo phận Vinh đã được đồng thuận chia tách trước.

Với độ tuổi là 76 tuổi (sinh năm 1944), Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đã vượt quá độ tuổi hồi hưu của Giáo luật là 75 tuổi. Với những thông tin trên, cùng độ tuổi của Đức Cha Gioan Maria, có thể tin tưởng được việc chia tách giáo phận đã cận kề. Riêng giáo phận Hưng Hóa, nếu chưa chia tách tân giáo phận, độ tuổi của Đức Cha Gioan Maria cho thấy Tòa Thánh sẽ chọn một vị tân giám mục chính tòa cho giáo phận.

4. Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang.

Cùng độ tuổi với Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất là Đức Cha Giuse Võ Đức Minh của giáo phận Nha Trang. Đức Cha Giuse năm nay 76 tuổi, vượt quá độ tuổi hồi hưu của Giáo luật là 75 tuổi, đã đảm nhận vai trò giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang từ năm 2009.

Nhiều đồn đoán chưa kiểm chứng gần đây loan tin Tòa Thánh sẽ bổ nhiệm một giám mục phó với quyền kế vị cho Giáo phận Nha Trang.

5. Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh.

Sinh năm 1945, năm 2020, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đạt độ tuổi đệ nộp đơn xin hồi hưu là 75 tuổi. Vì vậy, trong tương lai gần, nhân sự điều hành giáo phận cũng sẽ có sự thay đổi. Hiện đã có những thông tin chưa kiểm chứng về Tòa Thánh sẽ bổ nhiệm một tân giám mục phó cho giáo phận.

6. Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc

Sinh năm 1945, Giám mục chính tòa của Giáo phận Xuân Lộc là Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo năm 2020 đạt độ tuổi hồi hưu theo giáo luật. Cũng giống như các giáo phận Hưng Hóa, Nha Trang và Hà Tĩnh, giáo phận này cũng sẽ thay đổi vị giám mục chính tòa giáo phận trong tương lai gần.

7. Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đạt đến tuổi 75 vào tháng 1 năm 2021. Trong tương lai gần, Tòa Thánh cũng cần bổ nhiệm một giám mục chính tòa cho Giáo phận này.

8. Bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Hà Nội

Tổng giáo phận Hà Nội vốn khuyết vị trí Giám Mục Phụ Tá, một vị trí vốn có lịch sử lâu dài tại Tổng giáo phận này, kể từ năm 1981 khi linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá, Tổng giáo phận đã lần lượt có các Giám Mục Phụ Tá sau:

+ Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (1981 – 1990)
+ Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng (1994 – 2006)
+ Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh (2008 – 2019).

Tính theo lịch sử, khi một Tân Tổng giám mục chính thức cai quản giáo phận, vị Giám Mục Phụ Tá thường được bổ nhiệm cho Ngài trong vòng hai đến bốn năm:

+ Đức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn (Tổng giám mục chính tòa: 1979) có Đức Cha phụ tá Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (1981)
+ Đức Tổng Giám Mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (Tổng giám mục chính tòa: 1994) có Đức Cha phú tá Phaolô Lê Đắc Trọng (1994).
+ Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt (Tổng giám mục chính tòa: 2005) có Đức Cha phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh (2008).

9. Một số giáo phận có thể có giám mục phó, phụ tá khác

+ Giám mục phó Giáo phận Bắc Ninh.
+ Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Sài Gòn.
+ Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Huế.

10. Tước vị Hồng Y

Theo truyền thống, Việt Nam chưa bao giờ thiếu vắng quá lâu một vị Hồng Y Cử tri (Hồng Y dưới 80 tuổi, có quyền tham dự Mật nghị Hồng Y để bầu chọn tân giáo hoàng). Thời gian Giáo hội Việt Nam không có Hồng Y cử tri lâu nhất là bốn năm, giai đoạn 1990 – 1994, còn lại từ khoảng thời gian 1976 đến nay, khoảng thời gian Giáo hội Việt Nam không có Hồng Y cử tri chỉ từ 1 đến 2 năm.

Hiện nay, hai Đức Hồng Y người Việt Nam còn sống là Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Tổng giáo phận Hà Nội (sinh năm 1938; 82 tuổi) và Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Tổng giáo phận Sài Gòn (sinh năm 1934; 86 tuổi) đều không còn quyền tham dự Mật nghị.

Cùng điểm qua các vị Hồng Y và số Hồng Y cử tri của Việt Nam qua từng giai đoạn:

+ Hồng Y Tiên khởi Giuse Maria Trịnh Như Khuê (Tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1898, thăng Hồng Y năm 1976, tức 78 tuổi. Đức Hồng Y Khuê đã tham dự hai mật nghị bầu chọn các tân giáo hoàng là Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II (cùng trong năm 1978). Đức Hồng Y Khuê qua đời tháng 11 năm 1978, Giáo hội Việt Nam không còn Hồng Cử tri. Đức Cố Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 1976 – 1978.

+ Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (Tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1921, thăng Hồng Y năm 1979, tức 58 tuổi. Đức Hồng Y qua đời năm 1990, thọ 69 tuổi. Sau cái chết của Đức Hồng Y, Giáo hội Việt Nam không còn Hồng Y Cử tri. Đức Cố Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 1979 – 1990.

+ Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (Tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1919, thăng Hồng Y năm 1994, tức năm 75 tuổi. Đức Hồng Y qua đời năm 2009, thọ 90 tuổi. Đức Cố Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 1994 – 1999.

+ Đấng Đáng Kính, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (Giáo triều Rôma), sinh năm 1928, thăng Hồng Y năm 2001, tức năm 73 tuổi. Đức Hồng Y qua đời năm 2002, thọ 74 tuổi. Đức Cố Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 2001 – 2002.

+ Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (Tổng giáo phận Sài Gòn), sinh năm 1934, thăng Hồng Y năm 2003, tức năm 69 tuổi. Đức Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 2003 – 2014.

+ Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1938, thăng Hồng Y năm 2015, tức năm 77 tuổi. Đức Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 2015 – 2018.

Các ứng viên sáng giá cho tước vị Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam:

- Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên (tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1960. Ngài từng đảm nhận vai trò Giám mục chính tòa Hải Phòng và hiện là vị giám mục có thâm niên nhất trong số các vị đang đương nhiệm tại Giáo tỉnh Hà Nội. Tòa Tổng giáo phận Hà Nội là tòa Hồng Y của Việt Nam, khi 4 trên 5 vị tiền nhiệm đều được vinh thăng Hồng Y.

- Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng (tổng giáo phận Sài Gòn), sinh năm 1953. Ngài từng đảm nhận vai trò Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm. Tòa Tổng giáo phận Sài Gòn trong suốt lịch sử chỉ có một vị Hồng Y, đó là Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.

- Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh (tổng giáo phận Huế), sinh năm 1949. Ngài từng đảm nhận vai trò Giám mục chính tòa Giáo phận Thanh Hóa. Tòa Tổng giáo phận Huế chưa từng có một vị Hồng Y cai quản trong suốt lịch sử. Tuy vậy, với cương vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh cũng là một trong các ứng viên sáng giá cho tước vị Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Lê Minh Huy
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tháng Hoa: Lạy Mẹ Xin Yên Ủi
LM.Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
08:40 09/05/2020
Mặc dù nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã tiến hành nới lỏng các biện pháp cách ly phong tỏa sau khi đã phần nào khống chế được sự lây lan của virút Corona, nhưng các sinh hoạt xã hội và giáo hội vẫn chưa thể hoàn toàn trở lại bình thường vì sự thận trọng cần thiết trong quá trình giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19. Tin vui mừng bắt đầu được loan đi vì Thánh lễ có sự tham dự của giáo dân bắt đầu được tái lập tại các giáo phận trong nước nhưng các lễ hội đông đúc vẫn tiếp tục nằm trong diện cần phải được hạn chế. Đang khi đó trên thế giới tại một số nơi khác với sự hiện diện đông đảo của bà con người Việt như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Úc thì lệnh nới lỏng các biện pháp khống chế sinh hoạt tôn giáo cộng đồng vẫn nằm trong sự cân nhắc dè dặt của chính quyền dân sự. Do đó mùa hoa năm nay cho đến thời điểm này có thể được xem là mùa hoa “chay”. “Chay” về hình thức, “chay” trong tinh thần và “chay” cả trong hệ quả đi kèm. Trước tình cảnh không mấy sáng sủa do dịch bệnh gây ra, chúng ta không quên chạy đến cầu khấn cùng Mẹ Maria bằng lời ca quen thuộc do Linh Mục Nguyễn Khắc Xuyên viết: “Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin xóa những nỗi u buồn.” Khi chạy đến cùng Mẹ trong đại dịch chúng ta không những được ơn an ủi mà còn được ơn soi sáng. Mùa hoa “chay” không hẳn là một thiệt thòi nhưng trái lại mùa hoa năm nay đích thực là một ân ban Mẹ ưu ái tặng ban cho những ai chạy đến cùng Mẹ.

“Chay” về Hình Thức

Sở dĩ gọi là mùa hoa “chay” là vì mùa hoa năm nay thiếu đi những cuộc rước long trọng và những điệu vũ tiến hoa công phu đặc sắc. Hằng năm, các xứ đạo thường chu đáo lên kế hoạch cho tháng hoa kính Đức Mẹ từ rất sớm. Các khâu chuẩn bị từ xây dựng kịch bản, chọn lựa con hoa, tập hát, tập múa, chọn ngày dâng hoa… thường được các cộng đoàn lên kế hoạch tỉ mỉ chi tiết. Tại một số nơi, nhất là các xứ đạo thuộc miền Bắc Việt Nam, bà con giáo dân hay nói đúng hơn mọi thành phần Dân Chúa đều hăng hái tham gia trong việc tổ chức dâng hoa Kính Đức Mẹ. Hơn một tháng rưỡi qua, việc tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các Bí Tích trong mùa Covid đã là điều vô cùng khó khăn huống chi là việc tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ. Cho dù lệnh nới lỏng các biện pháp đối phó dịch bệnh vừa được công bố và tình hình tương lai có phần khởi sắc nhưng chúng ta vẫn nhận thất rằng it nhất tuần lễ vừa rồi, tuần đầu tiên của tháng Năm đã lặng lẽ trôi qua không kèn không trống, không cờ không kiệu, không hoa năm sắc không nến sáng hương trầm. Xét về hình thức, rõ ràng tháng hoa năm nay yên ắng trầm lặng. Gọi là tháng hoa “chay” là vì lẽ ấy.

Đối với những tấm lòng mộ đạo của đông đảo bà con giáo hữu khắp cả nước Việt Nam thì những thiếu vắng này chắc chắn để lại một khoảng trống vô cùng lớn lao trong trái tim của họ. Nỗi nhớ nhung của những giáo dân coi trọng việc dâng hoa kính Đức Mẹ lớn đến độ họ phải tìm về với quá khứ, xem lại những thước phim lưu niệm tháng hoa của những năm về trước. Nhớ nhung tiếc nuối là điều có thật. Tuy nhiên, mùa hoa thiếu thốn những buổi dâng hoa cộng đồng không hẳn là điều gì đó tệ hại đáng khắc phục. Mùa hoa “chay” xét cho cùng lại là một cơ hội quý báu để các tín hữu biết tìm hiểu điều Chúa muốn hơn là điều bản thân họ muốn. Thiên Chúa có đường lối của Thiên Chúa. Cách thế Người bù đắp cho những ai trông cậy vào Người thì vượt sức chúng ta nghĩ đến: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: Hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người. Kính sợ Chúa đi đoàn dân thánh hỡi vì ai kính sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi…Ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì” (Tv 34, 9-11). Tìm kiếm thánh ý Chúa không những giúp chúng ta dễ dàng vượt qua nghịch cảnh trước mắt mà còn giúp chúng ta sớm đạt tới tầm cao trong đời sống đức tin.

“Chay” trong Ý Hướng

Chay tịnh và khổ chế không phải là thực hành tâm linh chỉ riêng người Công Giáo thực hiện. Thực tế cho thấy tín đồ nhiều tôn giáo khác cũng ăn chay và thực hành khổ chế. Tuy nhiên các Kitô hữu ăn chay không phải vì chúng ta có ý khinh miệt thể xác, lại càng không phải vì lý do muốn dứt bỏ thân xác vật chất mà Thiên Chúa dựng nên. Dựa vào giáo huấn Thánh Kinh và Thánh Truyền, các tín hữu Công Giáo nhận ra một sự thật căn bản nơi thể xác của con người. Con người chúng ta ai cũng muốn sống và để sống được chúng ta cần phải ăn. Sự đói khát của ăn vật chất khiến con người nhận ra một nỗi khát khao khác còn sâu xa hơn, đó chính là khát khao Đấng ban sự sống. Chúng ta còn nhớ Kinh thánh có lời dạy rằng: “Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Mt 4, 4). Quả vậy, một khi con người không còn biết khao khát Thiên Chúa và dại dột chối bỏ thân phận thụ tạo của bản thân thì ngay tức khắc con người rơi vào tình trạng lệch lạc và thái quá. Thực tế cho thấy những kẻ tự phụ đề cao sự thành công của bản thân đến độ “coi trời bằng vung” (biểu hiện của nếp sống thái quá) lại chính là những người dễ chè chén say sưa (biểu hiện của lối sống hưởng thụ lệch lạc). Một khi đã thẳng thừng chối bỏ vai trò của Thiên Chúa trong cuộc đời họ thì những người này cũng chẳng coi ai ra gì. Họ sẵn sàng phớt lờ sự đói khát cơ cực của anh chị em túng thiếu cơ bần ở cạnh ngay bên (x. Dụ Ngôn Ông Nhà Giàu và Anh La-da-rô nghèo khó, Lc 16, 19-31).

Chối bỏ sự lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa, con người cũng cắt bỏ tình liên đới với đồng loại bằng cung cách sống sa hoa lệch lạc. Chính vì hiểu như thế, nên người Công Giáo chúng ta dùng chay tịnh và khổ chế để nhắc nhớ thân phận thụ tạo của mình. Ăn chay hãm mình là phương thế giúp chúng ta trước hết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của phận người để luôn nhớ rằng lúc nào chúng ta cũng cần đến ơn Chúa sau là để nhắc nhớ bản thân cần lưu tâm đến anh chị em xung quanh. Ý nghĩa đích thực của chay tịnh đã được diễn tả cô đọng trong phụng vụ Thánh Lễ Mùa Chay: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn chúng con dùng việc hãm mình mà tạ ơn Chúa, để nhờ đó chúng con là những người tội lỗi giảm bớt được tính kiêu căng và khi giúp nuôi dưỡng những kẻ túng thiếu, chúng con trở nên những người biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa” (x. Lời Tiền Tụng Mùa Chay III trong sách Lễ Rôma). Theo ý nghĩa đó, mùa hoa “chay” không chỉ là vì một vài thiếu thốn nơi các hoạt động lễ nghi bên ngoài, nhưng chính là ý hướng tích cực bên trong. “Chay” để nhớ đến Chúa và quan tâm đến lợi ích của tha nhân. Những ngày còn lại của mùa hoa năm nay cho dù có những buổi dâng hoa hoành tráng hay không rồi thì cũng sẽ để lại dấu ấn đẹp đẽ nơi tâm hồn các tín hữu nếu ai ai cũng biết dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng tươi thắm: đó là những tấm lòng từ bi bác ái sùng kính Mẹ không chỉ trên môi miệng nhưng bằng hành động-thực thi lời Mẹ nhắn nhủ: “Người bảo gì các con hãy làm theo” (x. Ga 1, 5).

Hoa Trái của Mùa Hoa “Chay”

Mùa hoa về giữa lúc nhân loại còn hoang mang vì vẫn phải tiếp tục đương đầu với dịch bệnh hoặc ít là phải đối phó với hậu quả của nó. Từ đầu tháng Năm đến giờ, con cái Mẹ khắp nơi đã không thể tổ chức các cuộc dâng hoa long trọng trong ngày khai mạc tháng kính Đức Mẹ. Nhưng thay vào đó, lòng thảo hiếu đối với Mẹ như được nâng lên một bậc khi được diễn tả bằng những phương thế khác, những việc làm đặt nặng giá trị tinh thần hơn vật chất. Hướng về tháng Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư kêu gọi các Kitô hữu khắp nơi tái khám phá nét đẹp của Kinh Mân Côi, tái thiết lập việc đọc kinh chung nơi các gia đình và thắt chặt thêm tình liên đới với các nạn nhân của virút Corona bằng cách cầu nguyện cho họ nhiều hơn nữa. Tiếp nối lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, các Hội Đồng Giám Mục nhiều nơi trên thế giới lần lượt tuyên bố sẽ cử hành nghi thức dâng hiến đoàn chiên quốc gia họ cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria vào ngày đầu tháng Năm. Các vị chủ chăn có ý giúp chúng ta xác quyết hơn vào ơn bảo trợ đặc biệt của Mẹ và kêu gọi đoàn Dân Chúa sớm quay về đón nhận lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa. Những lời Mẹ nhắn nhủ khi xưa tại Fatima sau những tháng ngày bị lãng quên nay đã được nhiều người nhắc lại. Gần đây, có rất nhiều người kể cả các bạn trẻ cũng đã thành tâm thực hành lời Mẹ truyền dạy: Cải thiện bản thân, tôn sùng trái tim Mẹ và năng lần chuỗi Mân Côi. Đây quả là những hoa trái thiêng liêng tốt đẹp đang từng ngày trổ sinh từ những tâm hồn màu mỡ đượm thắm tinh thần chay tịnh đó là hy sinh và bác ái.

Tháng Hoa năm nay, giáo hữu Việt Nam khắp nơi có thể thay những tràng hoa ngũ sắc bằng tâm tình khiêm tốn cầu nguyện, liên đới hiệp thông và bác ái yêu thương. Đoàn con Việt Nam cũng có thể dâng lên Mẹ bầu khí linh thiêng của giờ kinh gia đình, hơi ấm chứa đựng trong những gói quà cứu trợ, những lời kinh Kính Mừng, những nén nhang cầu cho những người quá cố ra đi trong cô quạnh vì bị cách ly, tất cả những nghĩa cử này như kết thành một vũ khúc tiến hoa đặc sắc chúng ta thành tâm dâng lên Mẹ trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Mùa hoa “chay” chính là mùa hoa thấm đượm lòng mến Chúa yêu người. Và như thế tháng hoa “chay” sẽ rất ấn tượng vì đầy ắp những cử chỉ quan tâm, động viên, san sẻ. Chúng ta cũng không rằng tâm tình chay tịnh là bước quan trọng chuẩn bị cho niềm vui phục sinh. Vì vậy, hôm nay, với tin vui vì các sinh hoạt tôn giáo cộng động tại Việt Nam đã được khôi phục lại, chúng ta lại càng phải thực hiện nhiều hoa hy sinh hơn để tạ ơn Chúa và tri ân Mẹ. Chúng ta đã nhận được “niềm an ủi thật sự” từ Thiên Chúa qua bàn tay Mẹ Maria thì đến phiên mình, chúng ta cũng cần trao ban cho nhau niềm an ủi ấy.

Sau cùng, để củng cố lòng yêu mến của chúng ta đối với Mẹ Maria, chúng ta hãy thực hiện lời khuyên của các Đấng bản quyền là tiếp tục lần chuỗi thật nhiều để cầu nguyện cho toàn thế giới sớm thoát nạn Covid-19. Ngoài Kinh Mân Côi, Thánh Bê-na-đô còn chia sẻ một bí quyết khác khá đơn giản nhưng hiệu nghiệm, đó là năng kêu cầu thánh danh Mẹ Maria với trọn niềm tin tưởng cậy trông. “Lạy Đức Nữ Trinh Maria, hạnh phúc thay người mến mộ thánh danh Mẹ vì ơn phúc Mẹ sẽ yên ủi linh hồn kẻ ấy” (theo Thánh Bê-na-đô, Tuyển tập Thánh Thi Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Thi 1). Chúng ta cùng nhắc đến tên Mẹ vời lòng trìu mến thảo hiền để cảm nhận vòng tay âu yếm an ủi của Mẹ qua bài hát ÔI MARIA. (Đường link: https://www.youtube.com/watch?v=N8arrtGcMbk)

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.

Rôma, 09/05/2020
 
Một Suy Tư - Covid-19: Thiên Chúa Ở Đâu?
ĐHY Fernando Filoni / Phạm Văn Trung
09:07 09/05/2020
Suy niệm của Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Thủ Lãnh (Grand Master) Dòng Hiệp Sĩ Mộ Thánh Giêrusalem (Equestrian Order of the Holy Sepulchre of Jerusalem).

Đại dịch này (Covid-19) đã thay đổi kế hoạch sống của chúng ta và đã lay chuyển mọi điều chắc chắn được xây dựng một cách có hệ thống và khoa học của chúng ta, lay chuyển thế giới với những cảnh chết chóc, nhiễm bệnh, bị buộc cách ly, các mối tương quan đổ vỡ, làm việc trong khủng hoảng, và nó cho thấy những hạn chế của các thuật toán gần như không thể sai lầm của chúng ta, chúng ta tự hỏi: Làm thế nào mà nó có thể vượt khỏi tầm tay? Có chuyện gì thế? Chúng ta phải làm gì hay không làm gì? Việc này sẽ kéo dài bao lâu? Bao nhiêu người sẽ chết? Sợ hãi, thù oán, đau đớn, hy vọng đều được thể hiện; chúng ta thực hiện các nghi thức, nghĩa cử hào phóng; chúng ta bày tỏ nhu cầu của mình, chúng ta tiếp tục quan tâm, chúng ta chôn cất, chúng ta hỏa táng; Nhưng trong tất cả những điều này, Thiên Chúa ở đâu?

Dường như những lời cầu nguyện của chúng ta không có câu trả lời. Chúa có lắng nghe không? Và tại sao tất cả điều này lại xảy ra? Có phải chính sự kém cỏi của chúng ta đã không cho chúng ta tìm ra câu trả lời?

Chúng ta đang thiếu “viên đá gốc” giúp làm xong chế tác, làm xong mái vòm của tòa nhà, vòng cung của chiếc cầu, viên đá mà không nó mọi thứ sẽ sụp đổ và mọi thứ đều vô dụng. Thiên Chúa ở đâu? Cũng câu hỏi mật thiết và sâu xa này được đặt lại.

“Mea culpa” (ND: kinh cáo mình) của chúng ta có phải là một lễ nghi, một thực hành do hoàn cảnh không thể kiểm soát không? Đó là đáp số hay hệ quả do sai lầm của chúng ta? Câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu?” là thừa thãi hay vô dụng không? Và Thiên Chúa có liên quan gì đến đại dịch không?

Do đó, có ý nghĩa gì không khi chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta có câu trả lời nào rồi? Mà có câu trả lời không? Còn các thuật toán của chúng ta thì sao? Các thuật toán trì hoãn vấn đề này cho các thuật toán khác.

Tính hữu hạn làm chúng ta không trả lời được, cuộc sống tự nó là thế. Đây là trường hợp ông Job trong Kinh thánh. Chỉ có thể trả lời cho những câu hỏi cụ thể. Nếu đây là trường hợp ông Job, thì tất cả những gì còn lại cho chúng ta là một khoảng trống không có câu trả lời.

Trừ khi chúng ta ngước mắt lên, không phải chỉ để tìm câu trả lời cho một vấn nạn, nhưng là để biết rằng: Nếu không có Thiên Chúa hoặc nếu Ngài không có vai trò nào trong cuộc khủng hoảng này, thì phải chăng mọi thứ bị đóng lại trong dòng thời gian? Nếu có Chúa, thì tôi nhận ra rằng tôi không cần câu trả lời, mà cần phải quy phục.

Lời nói của Đức Ki-tô trên thập giá "Mọi sự đã hoàn tất!” là một “quy phục” (“Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí." [Gioan 19:30]) cho Đức Chúa Cha, Đấng mà Ngài chắc chắn khẩn khoản nài xin mysterium vitae (ND: mầu nhiệm sự sống), là điều đã đem Ngài đến trần gian như một phần sống động của nó.

Tình phụ tử này (của Thiên Chúa) không loại trừ những giới hạn mà chính Thiên Chúa áp đặt lên 'quyền làm cha' của Ngài.

Như thế, câu hỏi trả lại cho chúng ta. Không phải để chất vấn bản thân và cứ đi tìm ý nghĩa của một câu trả lời không đáng tin cậy, nhưng để có ý thức về một thái độ chống lại tất cả các cám dỗ phụ thêm: Hoặc sống như thể Thiên Chúa không tồn tại, hoặc coi mọi thứ như là hình phạt của Thiên Chúa để sám hối. Do đó, tất cả những gì còn lại là “quy phục” tất cả mọi sự lại cho Thiên Chúa, chấp nhận rằng ngày nay, trong "thời đại của con người" này, không nên loại bỏ sự quy phục tín thác: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Đây là nơi mọi sự kết thúc: “Nói xong, Người tắt thở" (Luca 23, 46).

Tái lập bình an cho linh hồn là trở về với sự yên tĩnh ban đầu nơi mọi thứ bắt đầu: cái “không có gì” hay “Thiên Chúa”. Nếu không có gì phát sinh từ hư không, thì chỉ mình Thiên Chúa còn lại đó. Có một nơi dành cho Thiên Chúa, nhưng nơi ấy được đựng trong mysterium vitae.

Tuy nhiên, những điều tốt đẹp đã được thực hiện thì vẫn còn đó. Giá trị của nó không thể tiêu tan. Điều tốt lành thuộc về chúng ta và điều này làm nên một ý nghĩa; giá trị ấy nằm trong bàn tay Thiên Chúa, bởi nó mang tính đạo đức và tâm linh. Điều tốt lành không thể bị dập tắt.

Trong ngôi mộ trống của Chúa Kitô, có sự trống không của những kỳ vọng của chúng ta, không phải là sự trống không của Thiên Chúa. Trong im lặng, có sự im lặng đang mong chờ câu trả lời, không phải sự im lặng của Thiên Chúa.

Mong chờ Phục sinh!

Chuyển ngữ: Phê-rô Phạm Văn Trung.
 
Thiên Chúa Sẽ Lau Đi Mọi Giọt Nước Mắt?
Regis Martin / Phạm Văn Trung
09:11 09/05/2020
“Trong sự vĩ đại của mình, Ngài để mình trở nên bé nhỏ. Thiên Chúa đã mang một khuôn mặt con người”. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI

Thiên Chúa có tồn tại không? Đó là một câu hỏi, giống như cái chết và các khoản thuế, không bao giờ biến mất. Thật vậy, như một ai đó đã từng châm biếm, Thiên Chúa chờ ở hành lang trong khi các học giả rút lên trên lầu để tranh luận về sự tồn tại của Ngài. Và, như mọi khi, điểm lóe sáng trong sự phản đối của họ là thần lý học, đó là nỗ lực tha bổng cho Thiên Chúa cái trách nhiệm rằng Ngài đồng lõa cách nào đó với sự tồn tại của một thế giới sa ngã.

Hình thức thông thường của lập luận được đóng khung như sau: Nếu Thiên Chúa toàn năng, thì Ngài sẽ có một tư thế để giải thoát thế giới khỏi cái ác; và nếu Ngài là toàn thiện, thì Ngài chắc chắn sẽ muốn làm như vậy. Nhưng sự gian ác vẫn tồn tại, vì vậy, hoặc Thiên Chúa không toàn năng, hoặc Người không toàn thiện. Nói cách khác, không có Thiên Chúa.

Hừm, thật ngắn gọn phải không nào? Người ta có thể bác bỏ lập luận này được không? Chà, cha William Lynch dòng Tên, đã qua đời, trong một tác phẩm sâu sắc và tinh túy về trí tưởng tượng văn học được viết hồi những năm 1960 tên là Đức Ki-tô và Apollo, đã đưa ra một câu trả lời cho lập luận đó khi nó xuất hiện trong các trước tác của Albert Camus, có lẽ là tiểu thuyết gia và triết gia nổi bật nhất của nước Pháp thời hậu chiến, tác phẩm đó cũng đánh động và sâu sắc như bất cứ tác phẩm nào tôi từng thấy.

Đối với Camus, bạn thấy đấy, đơn giản là không thể tin vào một Thiên Chúa dường như bất lực không thể ngăn chặn sự đau khổ của những trẻ nhỏ. Camus nói, chính Thiên Chúa phải cảm thấu một khối lượng mênh mông những tội lỗi, vì quá nhiều trẻ vô tội bị sát hại nhân danh Thiên Chúa. Thiên Chúa phải treo đầu mình trong sự xấu hổ, lẽ ra phải như vậy, vì đã chứng kiến quá nhiều việc độc ác, nhưng không làm gì để ngăn chặn nó.

Thế mà cha Lynch không phủ nhận cũng không gạt bỏ tính chính xác của lời buộc tội – nhưng lại nói rằng, vâng đúng thế, những đứa trẻ vô tội đã thực sự đớn đau và chết đi, và tiếng khóc của chúng chắc chắn được Chúa nghe thấy, ngay khi chúng vừa rơi vào một thế giới làm ngơ và thờ ơ, và điều này vẫn xẩy ra thường xuyên. Người ta hẳn là kẻ khá chậm trí nếu không thừa nhận cuộc tàn sát chống lại những trẻ em vô tội nhân danh tôn giáo.

Cha Lynch lập luận, nhưng những đứa trẻ ấy chịu khổ và chết đi như vậy là chịu khổ và chết đi “trong tiếng than khóc của Đức Ki-tô” (chữ in nghiêng được thêm vào), tiếng than khóc đó to lớn hơn nhiều, và như thế, nó có thể chứa đựng và bao gồm toàn bộ thế giới của những đứa trẻ đang than khóc. Cha Lynch giải thích, “Một người chỉ có thể gây ra nỗi đau cho một người nào đó bên ngoài mình. Nhưng tiếng khóc của Chúa Kitô rộng lớn hơn chúng ta nghĩ và trở nên hiện thực hơn qua chính thân thể của chúng ta”.

Thật là một câu nói gây ấn tượng sâu sắc! Thực sự hiện nay có thể có “những tiếng khóc to lớn hơn chúng ta nghĩ”, và khi tầm ảnh hưởng của những tiếng khóc đó mở rộng, chúng sẽ bao hàm tất cả những đau khổ của thế giới. Chuyện này như thế nào? Có thể xẩy ra được không? Nói cách khác, Thiên Chúa sẵn lòng gánh chịu nỗi khốn cùng theo cung cách nào và tận cùng như thế nào nếu không phải là để cho toàn bộ sức nặng của bao nỗi khốn cùng của thế giới ngập đầy Ngài? Một Thiên Chúa uy nghi đến độ sự khốn khổ của những trẻ nhỏ cũng khiến Ngài phải xót xa mà vẫn còn là Thiên Chúa sao? Một Thiên Chúa dũng lực đến độ Ngài có thể thay thế chính bản thân mình để trở thành người kém dũng lực nhất trong tất cả mọi người mà vẫn còn là Thiên Chúa sao?

Đức Bê-nê-đíc-tô XVI nhắc nhở chúng ta, “Trong sự vĩ đại của mình,Thiên Chúa đã để mình trở nên nhỏ bé. Thiên Chúa đã mang một khuôn mặt của con người”. Và khuôn mặt con người của Thiên Chúa có thể trở nên nhăn nheo bởi điều gì khác nữa nếu không phải bởi những nỗi phiền muộn của một thế giới tan vỡ và bất công? Vậy thì, tình yêu của Thiên Chúa sẽ vô hạn biết bao nếu tình yêu đó lại có thể bao gồm cả những tiếng khóc triền miên của những trẻ nhỏ, Người tập họp chúng lại để dâng lên Cha của Ngài trên trời cao, là Đấng đã hứa sẽ lau sạch từng giọt nước mắt!

Mỗi đau buồn thế giới đã biết;

Sự tan vỡ của mọi con tim.

Ngài biến tất cả thành của riêng mình,

Để chúng ta tìm được nghỉ yên trong Ngài.

Charles Williams viết, “Ngài không giống chúng ta, nhưng Ngài đã trở nên một người trong chúng ta... trong cái chết đang vươn tay ra lần cuối, giống hệt cái chết mà chúng ta dễ bị. Ngài đã thế chỗ chúng ta. Ngài đã gánh chịu thay cho chúng ta trọn vẹn các hậu quả của Lề Luật, mà Lề Luật đó lại chính là Ngài”.

Thế thì tại sao không để Thiên Chúa khóc than và chết thay cho chúng ta, vì ít ra sự sống đang tràn chảy trong Ngài không tách biệt khỏi sự sống chúng ta, dù nó có vẻ như đã bị tách biệt khỏi Ngài. Nếu Tiếng kêu bị Bỏ rơi trên Thập giá không có ý nghĩa gì cả, thì còn tiếng kêu khóc nào khác chắc chắn phải đến mức như thế không? “Lạy Chúa con, Lạy Chúa con, sao Chúa nỡ bỏ con?”

Đây là tâm điểm đức tin của chúng ta, được biểu hiện bằng sự có vẻ như mâu thuẫn của một Thiên Chúa sẵn sàng đao kiếm với chính mình; Một người Cha dường như không chỉ quay lưng lại với người Con, mà dường như còn tống cổ người Con thẳng xuống địa ngục, để duy trì ở nơi đó sự liên kết sâu sắc nhất với tất cả các linh hồn đã lạc mất của thế gian. Chesterton hớn hở nói, “Hãy để những người vô thần tự chọn một vị thần, họ sẽ chỉ tìm thấy một vị thần bao giờ cũng nói đến sự tách biệt của họ; chỉ có một tôn giáo mà Thiên Chúa dường như có một lúc nào đó đã trở thành một người vô thần”.

Không phải cơn thịnh nộ của người Cha đã đưa người Con xuống địa ngục, và chúng ta đừng nghe thêm lời nói vô lý theo kiểu Can-vin nào nữa về chỉ trích đó. Mà đúng ra, chính vì một tình yêu sâu thẳm không thể hiểu thấu được mà Đức Kitô, người Con, đã dám đến ngay cả địa ngục để giải cứu những người bé mọn nhất và những người đã lạc mất. Nếu không phải như vậy, thì sẽ không có bất cứ sự chấp nhận nào đối với câu Tin Mừng nói rằng, “Ngài đã yêu họ đến cùng”. Tất cả chỉ là một mớ dối trá. Và cũng không thể có sự tiến lên tương ứng nào, tiến vào niềm vui Phục sinh, vì toàn bộ nhịp bước chỗi dậy từ cõi chết của Đức Kitô đòi hỏi rằng trước đó phải có việc bước xuống, bước vào trong vực sâu, vào trong chính lòng âm phủ. Không có điều đó, chúng ta buộc phải cam chịu một tình trạng tuyệt vọng mà không có Thiên Chúa tình yêu nào muốn dựng nên chúng ta rồi lại để chúng ta phải cam chịu tình trạng đó.

Nguồn: https://www.ncregister.com

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.
 
Triết Lý Cho Người Mới Bắt Đầu: Thần Học Về Cái Chết
Cha Brian Mullady, OP / Phạm Văn Trung
09:13 09/05/2020
Vấn nạn quan trọng nhất trong bất kỳ nghiên cứu nào về bản chất của cái chết là vấn nạn này: cái chết có thể được coi là định mệnh của con người theo nghĩa nào? Điều này sẽ giúp chúng ta trả lời thêm các câu hỏi về tính chất tự nhiên của cái chết và giúp chúng ta hiểu về cái chết của Đức Kitô và của chính chúng ta.

Thánh Tôma Aquinô hiểu rất rõ bản chất của cái chết. Ngài nói: "Việc con người nhất thiết phải chết một phần là do bản tính tự nhiên và một phần là do tội lỗi. Cái chết do bản tính tự nhiên gây ra bởi các yếu tố trái ngược của thân xác. Mọi yếu tố vật chất trong thân xác được cấu thành bởi cả hai yếu tố hoạt động và thụ động, chúng được giữ lại với nhau bằng một kết nối mong manh. Từ góc nhìn các yếu tố này, cái chết là điều tự nhiên. Không có bất cứ năng lực nào trong chính các yếu tố vật chất cũng như trong linh hồn có thể giữ cho thân xác tôi hoặc bất kỳ thân xác nào khỏi chết. Do vậy, từ góc nhìn thân xác, con người là phàm nhân và phải chịu chết.

Tuy nhiên, con người không chỉ là một thân xác, mà còn là một linh hồn. Linh hồn là yếu tố thiêng liêng trong cấu thành của Con Người. Triết học và Huấn Giáo gọi nó là mô thể của thân xác, trong con người yếu tố đó làm cho chất thể thành hiện hữu và trở thành thực thể tức là Con người. Thân xác và linh hồn không phải là hai nguyên lý riêng biệt mà là những nguyên lý bổ sung, chúng phải tồn tại và kết hợp với nhau để con người hiện hữu một cách hoàn hảo. Linh hồn, hoặc mô thể, hiện hữu trong chất thể và tổ chức chất thể, bởi vì con người không phải là một thiên thần. Thân xác không thể tồn tại với tư cách một con người mà không có linh hồn. Như vậy, định mệnh của con người, trong bất cứ nghĩa nào, cũng không thể được xác định chỉ bởi một trong những yếu tố này. Cả hai đều cần thiết.

Mặc dù thân xác hướng đến cái chết vì các yếu tố trái ngược của nó, nhưng nó cũng hướng đến sự sống vì sự hiện diện của linh hồn.Thật ra, từ góc độ linh hồn, cái chết không phải là điều tự nhiên đối với con người. Thánh Thomas nói: "Một điều được cho là tự nhiên nếu nó khởi đi từ các nguyên lý tự nhiên. Mà các nguyên lý thiết yếu của tự nhiên lại là mô thể và chất thể. Mô thể của con người là linh hồn có lý trí của nó, bất tử, do đó cái chết không phải là lẽ tự nhiên đối với con người theo góc độ mô thể hoặc linh hồn này”. Theo lẽ tự nhiên mà nói, mặc dù đúng là cái chết là định mệnh của con người nếu người ta chỉ xét đến một phần của anh ta: tức là thân xác, thì cũng không gì có thể vượt xa hơn Chân lý đó nếu người ta xem xét anh ta từ góc nhìn hồn thiêng. Lý trí suy xét về định mệnh của linh hồn và nhận ra rằng có trí thông minh hoạt động trong con người, vượt xa khỏi thân xác chúng ta và không mở ngỏ cho cái chết. Một số triết gia cổ đại đã biết điều này. Theo Thánh Thomas, Aristotle đã biết điều này, và ông biết điều này chỉ nhờ vào lý trí. Thánh Thomas nói: "Kết luận này cũng được biết đến nhờ vào thẩm quyền uy tín của Aristotle, vì ông nói trong khảo luận về linh hồn của mình, “trí năng rõ ràng là một thứ có thật và không thể bị phá hủy” (tức là bất tử).

Khi thảo luận về cái chết, hàm ý đầu tiên của ý tưởng trên nên được hiểu là: ngay cả đứng ở góc độ lý trí, xác định rằng cái chết là định mệnh chung cuộc của con người và do đó xác định rằng sự sống là điều phi lý, thì điều này tuyệt đối là không thể. Cái chết là một thực tế, nhưng nó không thể là định mệnh của con người vì điều này giản lược con người chỉ còn là hạng vật chất mà thôi. Thực vậy, không có giải đáp nào cho vấn nạn cái chết cho đến khi nó được xem xét từ góc nhìn linh hồn.

Thánh Thomas nhiều lần giải thích rằng linh hồn, trong vai trò của mình, chỉ có thể hiểu được cách đầy đủ vì có trí thông minh và sự hiểu biết. Một khi trí năng biết được một mối quan hệ nhân quả, thì năng lực của tâm trí không thể ở yên cho đến khi nguyên nhân đầu tiên, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân tối thượng (trong trường hợp này, là Thiên Chúa) được cảm nghiệm trực tiếp.

Aristotle nói về năng lực trí tuệ hoặc tính năng động này trong cuốn sách siêu hình học đầu tiên của mình. Ông nói thế này: "Chính vì sự ham biết của mình mà con người xưa nay đều bắt đầu suy tư triết lý. Thoạt tiên họ tự thắc mắc về những khó khăn hiển nhiên, sau đó suy tư thêm từng chút một và phát biểu về những khó khăn của những vấn nạn lớn hơn. Vì chúng ta chỉ có thể biết từng sự vật khi chúng ta biết nguyên nhân tột cùng của nó". Thánh Thomas hiểu rõ chủ đề này khi Ngài bàn luận về vấn đề số phận con người. Ngài cũng lập lại chủ đề đó một cách chính xác khi Ngài cho rằng, ngay cả lý trí cũng phải đạt đến kết luận cần thiết rằng con người phải thấy được Thiên Chúa thì mới kiện toàn.

Điều này là do khao khát tự nhiên của trí năng. Nếu điều này là đúng, thì trí thông minh của chúng ta phải thấy được Thiên Chúa thì mới nên kiện toàn; đây là mục đích cuối cùng của chúng ta và con người phải có khả năng sống mãi.

Nếu việc nhìn thấy Thiên Chúa là sự kiện toàn của linh hồn và linh hồn là sự kiện toàn của sự sống thân xác, điều đó hàm ý rằng cái chết không thể là kết thúc của con người. Hơn nữa, thân xác thực sự không phải chết. Một người suy tư triết lý sẽ phải kết luận rằng, dù thân xác có phải chết, thì linh hồn vẫn sống mãi mãi và đây không phải là chuyện tự nhiên, bởi vì sự phân chia vĩnh viễn của xác chết và linh hồn, vốn sống bất tử, sẽ giống như sự tàn bạo. Trong chúng ta, thân xác và linh hồn đi cùng với nhau. Theo Aristotle, các điều kiện phản tự nhiên hoặc tàn bạo không thể tồn tại mãi mãi. Do đó, khi suy nghĩ như thế, các nhà triết học cổ đại bị đưa tới một hẻm núi không lối ra.

Giờ đây, khi được xem xét theo cách này, con người thực sự là một điều phi lý. Làm thế nào để giải thích sự thật rằng linh hồn có tính năng động đến với Thiên Chúa; chính linh hồn phải sống mãi mãi nhưng thân xác, thứ gắn chặt với linh hồn (hoàn toàn cần thiết cho sự hiện hữu của con người) lại phải chết vĩnh viễn? Không có năng lực nào trong linh hồn tôi cũng như trong thân xác tôi có thể làm cho tôi sống mãi mãi.

Giải đáp cho vấn đề này chỉ có thể là: sự sống lại của kẻ chết. Nhưng không có sức mạnh nào trên trái đất có thể mang lại sự phục sinh. Và điều phi lý sẽ là: thân xác nằm chết vĩnh viễn, trong khi linh hồn sống mãi mãi. Tuy nhiên, đây là điều phi lý mà các nhà triết học cổ đại đã gặp phải khi họ cố gắng giải quyết mâu thuẫn này chỉ bằng lý trí.

Thực vậy, không thể giải quyết bằng lý trí. Người ta phải có kinh nghiệm từ Kinh thánh, từ mặc khải và đặc biệt là từ sự kiện phục sinh để giải quyết vấn nạn đó. Các nhà triết học cổ đại không thể giải quyết vấn đề này bởi vì họ không biết rằng con người đã được mời gọi và có thể được mời gọi vào sự thân mật với Thiên Chúa. Họ không biết về ân sủng. Seneca, một triết gia La Mã cổ đại đã dạy rằng cái chết là điều tự nhiên đối với Con người, ông dạy điều này bởi vì ông không biết về Kinh thánh và ông không biết về thân phận con người trước khi sa ngã. (Adam và Eva không nhất thiết phải chết trước khi sa ngã). Thánh Thomas nói về họ, "Seneca và các triết gia khác cứu xét bản chất con người theo những nguyên tắc thuộc về nó (bản chất con người) và chỉ từ những nguyên lý tự nhiên. Họ không biết về tình trạng đầu tiên của sự vô tội ban đầu, vốn chỉ hiểu thấu được nhờ đức tin. Do đó, họ chỉ nói về cái chết như một khiếm khuyết tự nhiên, mặc dù khiếm khuyết tự nhiên này đối với chúng ta, một cách nào đó, là một hình phạt.

Thực ra, con người ban đầu đã được tạo dựng một cách đúng đắn. Họ đã hiệp thông và thân mật với Thiên Chúa. Họ không có tội, và do đó họ không nhất thiết phải chịu cảnh phải chết. Nói cách khác, điều kiện cho sự thống nhất và toàn vẹn của nhân tính chỉ là vĩnh viễn chừng nào con người vẫn sống trong tình trạng ân sủng. Thiên Chúa đã đưa con người vào một mối kết hiệp tình yêu đẹp đẽ, trong đó ân sủng và sự sống của Thiên Chúa thấm đẫm tất cả các năng lực của con người và ban cho con người khả năng bẩm sinh có thể điều khiển thân xác của chính mình. Năng lực này đã mất đi khi tội lỗi xâm nhập vào thế giới. Tội lỗi, đó là cái chết của linh hồn, dẫn đến sự nhất thiết phải chết của thân xác. Con người trong tình trạng tội lỗi nguyên tổ có hai cái chết: cái chết của linh hồn là nguyên nhân của cái chết tất nhiên của thân xác. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng linh hồn không chết trong bản thể của nó, nhưng nó giống như một cái gì đó đã chết, bởi vì giống như linh hồn đem lại sự sống cho thân xác thế nào, Thiên Chúa cũng đem lại sự sống cho linh hồn như vậy. Linh hồn nào không thể cảm nghiệm sự hiệp thông với Thiên Chúa thì coi như đã chết. Và đó là lý do tại sao chúng ta gọi tội lỗi mà vì nó chúng ta mất ân sủng là "tội phải chết" (ND: tội trọng). Nó làm cho linh hồn trở nên như một thứ gì đã chết.

Như một kết luận, rõ ràng cái chết của con người là một bi kịch gây ra bởi một bi kịch sâu sắc hơn nhiều: cái chết do tội lỗi mang lại. Cảm nhận cái chết mà không biết gì về ân sủng gây ra một sự căng thẳng tột độ trong mỗi con người bởi vì cái chết dường như quá phản tự nhiên và phi lý. Điều này xẩy ra không phải vì cuộc sống sau khi chết chỉ là một kiểu suy nghĩ mộng mơ. Sự cần thiết của sự sống đời sau là hoàn toàn hợp lý bởi vì chúng ta có khả năng hiểu biết. Con người sống trong tình trạng tội lỗi bị mắc kẹt trong hẻm núi không lối ra. Điều này xẩy ra là bởi vì con người có khả năng biết rằng linh hồn sống mãi mãi. Tuy nhiên, không để cho thân xác dự phần vào sự sống của linh hồn lại là một sự tàn bạo không giải thích được. Tất nhiên, nguồn gốc của bi kịch là tội lỗi. Nhà triết học, chỉ cậy dựa vào lý trí, có thể coi đây là một điều kiện quá quắt. Ông ta không thể biết tại sao tội lỗi tồn tại.

Do đó, vấn đề không phải là con người cảm thấy vô vọng và nhận thấy cuộc sống hoàn toàn phi lý, có gì đó trong cuộc sống mà con người không thể tìm được ý nghĩa của nó. Đúng ra, nguồn gốc của sự phi lý là con người biết rằng sự sống là vĩnh cửu. Trước hết, do cái chết của linh hồn mà con người không còn năng lực nào để đạt đến bất kỳ đối tượng nào là vĩnh cửu. Thứ đến, ngay cả khi con người có thể, thì thân xác họ cũng không thể theo đến nơi linh hồn dẫn đến. Nếu người ta là một người theo trường phái triết học Platon (Platon tin rằng thân xác là một nhà tù mà linh hồn ở trong đó cách phản tự nhiên) thì điều này sẽ ổn. Nhưng, đối với một người hiểu rằng có cả sự vĩnh cửu của linh hồn lẫn sự thống nhất giữa thể xác và linh hồn, thì cái chết của thân xác là một điều phi lý, chính là vì linh hồn bất tử.

Tuy nhiên chủ nghĩa hư vô, và nỗi thống khổ hiện sinh không được bàn đến ở đây. Nếu cái chết là định mệnh của con người, tội lỗi không phải là điều điên rồ. Tuy nhiên, sự điên rồ của tội lỗi lại tạo ra một thực tế là con người sẽ tồn tại, nhưng trong một tình trạng hoàn toàn không mãn nguyện. Con người không ân sủng không thể có sự kiện toàn tự nhiên. Và không thể có sự kiện toàn cho linh hồn, vốn tồn tại vĩnh cửu, bởi vì không có sự kết hợp với Thiên Chúa.

n sủng thay đổi tất cả điều này. Người nào hiểu được ân sủng thì hiểu ra rằng có một sự phục sinh sóng đôi, tương ứng với cái chết sóng đôi này. Đối với cái chết của linh hồn, chúng ta có sự phục sinh của linh hồn và ơn thánh hóa. Đối với cái chết của thân xác, chúng ta có sự phục sinh những người chết, đó là sự thành toàn hoàn hảo của sự phục sinh linh hồn.

Thế thì nỗi thống khổ hiện sinh thực sự của con người chỉ có thể là do sự hiện hữu của tội lỗi. Nỗi trăn trở mà con người trải qua cũng xẩy ra nơi những người ngoại giáo, họ là những người không biết rằng bản chất của họ không đúng như nó cần phải là. Cái chết của thân xác gây ra vấn nạn, và vấn nạn khó khăn thực sự xẩy ra bởi vì con người có thể biết rằng mình có thể sống mãi mãi, và biết rằng hành động của họ phải ảnh hưởng được đến vận mệnh của họ.

Điều này có ý nghĩa gì đối với cái chết của Đức Kitô? Cái chết của Đức Kitô, mặc dù tột cùng đau đớn, vẫn không phải là một cái chết nghiệm thấy được trong bất cứ thứ tăm tối hiện sinh nào mà sự hiểu biết của con người thấu được. Qua nhiều thế kỷ, học thuyết Công Giáo đã dạy rằng Đức Kitô có được cái nhìn thấu suốt tràn đầy ơn phúc ngay từ khi thụ thai... Đức Kitô không chỉ thấy được Thiên Chúa từ lúc thụ thai, mà còn thấy được tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều được cuốn hút vào trong mọi hành động của Ngài. Kể cả trong cái chết của Ngài.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nói điều này: "Đức Giêsu có cái nhìn rõ ràng về Thiên Chúa, và sự kết hiệp vững bền với Chúa Cha đã chi phối tâm trí của Ngài [trên thập giá]. Nhưng do ảnh hưởng của giác quan... linh hồn nhân tính của Đức Giêsu bị giảm trừ thành một vùng đất hoang”. Nói cách khác, từ góc độ cảm xúc và trí tưởng tượng của Ngài [tại thời điểm Ngài chết], linh hồn Đức Giêsu trở nên đen tối. Nhưng khả năng hiểu biết hoặc ý chí của Ngài thì lại không như thế. Khả năng và ý chí này luôn luôn hợp nhất với Chúa Cha cách trọn vẹn. Thật quan trọng phải nhận ra rằng cái chết của Đức Kitô không phải là sự lo lắng (sợ hãi) mang tính hiện sinh. Đức Kitô đã không khoác cho mình bộ mặt của một kẻ giấu mình, không biết đến những gì Thiên Chúa có thể giải quyết trong hoàn cảnh ấy.

Chúng ta nên có thái độ nào đối với cái chết? Nó phải giống như cái chết của Chúa. Đối với người Kitô hữu, cái chết không phải là một cảnh tăm tối, một điều phi lý, hay chìm ngập vào trong một ẩn số vô nghĩa. Người Kitô hữu biết rằng cái chết thì đau đớn và phiền não. Nó không phải là một kinh nghiệm dễ chịu. Đó là một hình phạt của tội nguyên tổ. Tuy nhiên, người Kitô không nên lo lắng về cái chết thân xác. Điều khiến cho cái chết trở nên độc địa không phải là thân xác chết đi và bị hủy hoại trong nấm mồ. Người nào sống một cuộc đời kết hiệp với Thiên Chúa nơi trần gian sẽ hiểu ra, với niềm xác tín vững chắc và lý lẽ nhất, rằng linh hồn sống mãi. Người ta cũng biết rằng, sau sự phục sinh của Chúa Kitô, với niềm tin chắc chắn nhất, mình sẽ có một phần trong sự phục sinh đó. Vấn nạn thực sự của cái chết là nó gây đau đớn. Nhưng đối với một người có đức tin, không nên hoang mang về những gì nằm bên kia cái chết, người ta cũng không cần phải đánh tan cái vẻ mâu thuẫn bề ngoài của sự tàn lụi linh hồn chỉ bằng cách dự đoán một điều gì đó tốt đẹp, tuyệt vời có thể có sau này.

Sự phi lý thực sự của cái chết nằm ở chỗ: một người, dù biết có những gì bên kia nấm mồ, nhưng vẫn đi tới nấm mồ ấy mà không chuẩn bị gì. Nọc độc của cái chết là tội lỗi.

Nguồn: https://ccgaction.org/spiritual_life/theologyofdeath

Phê-rô Phạm văn Trung dịch.
 
Thông Báo
Phân ưu: Anh Joseph Michael Minh Nguyễn đã được Chúa gọi và Nhà Cha trên Trời
VietCatholic
08:44 09/05/2020
PHÂN ƯU:
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng tôi được tin
Anh Joseph Michael Minh Nguyễn
được Chúa gọi về ngày 6 tháng 5 năm 2020 tại Fountain Valley Hospital, California, USA.
Hưởng dương 50 tuổi.

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
Thứ Tư ngày 13 tháng 05, 2020 tại Nhà Thờ Thánh Linh (Holy Spirit Church)
9:00 am - 10:00 am: Nghi Thức Phát Tang, Thăm Viếng và Cầu Nguyện
10:00 am: Thánh Lễ An Táng (Thánh lễ an táng sẽ được trực tuyến trên Youtube qua Saigon NewsTV)
Sau Thánh Lễ, linh cữu sẽ được hỏa thiêu tại Melrose Abbey Memorial Park,
2303 S. Manchester Ave. Anaheim, CA 92808.

Ban Giám đốc và Anh chị em công tác viên VietCatholic thành kính chia buồn cùng
Gia đình Anh chị Peter Tu Nguyễn và Anne Marie Lang Nguyễn đã mất đi người con thân yêu.
Xin Chúa ban sự sống trường sinh cho linh hồn Joseph Michael
và niềm tin vào Chúa Kitô là nguồn an ủi cho anh chị và tang gia trong lúc này.

LM John Trần Công Nghị
và Toàn Ban VietCatholic

 
Văn Hóa
Ngày Hiền Mẫu : Nụ cười ẩn dấu đàng su chiếc khẩu trang
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:02 09/05/2020
Nụ cười ẩn dấu đàng sau chiếc khẩu trang

Ngày Hiền mẫu, ngày nhớ ơn người mẹ, 10.05.2020, theo nếp sống văn hóa nơi một số quốc gia đất nước bên u Châu, diễn ra đúng vào thời gian mùa đại dịch Corona truyền nhiễm gây đe dọa sức khoẻ đời sống con người đang hoành hành trên khắp thế giới.

Vì thế nếp sống trong xã hội từ những ngày tháng qua bị giới hạn đình trệ, ưu tiên cho việc phòng chống vi trùng bệnh đại dịch Corona, ngăn cản không nó cho lây lan truyền nhiễm tiếp ra, nhằm gìn giữ bảo vệ sức khoẻ đời sống con người.

Và cũng vì thế, ngày văn hóa nhớ ơn những người mẹ trần gian năm nay tuy có vui mừng, nhưng vẫn có những lo âu dè dặt bất an lo cho sức khoẻ của mẹ và người con. Vì lúc này không còn được như những thời gian trong qúa khứ có đời sống thanh bình tự do mạnh khoẻ.

Bây giờ mẹ và con, ai cũng phải đeo chiếc khẩu trang, khi đi đến những nơi chung công cộng hay đi xe chung công cộng.

Xưa nay trong nếp văn hóa đời sống hằng ngày, người ta nhận diện một người theo hình dáng nơi khuôn mặt và đời sống cá nhân của người đó. Hai hình ảnh khía cạnh này đi đôi gắn liền với nhau.

Khuôn mặt một người biểu lộ về con người đó rõ nét, cùng không thể lẫn lộn với đặc điểm riêng của người đó với người khác, dù là song sinh. Khuôn mặt một người nói lên điều gì làm nên cá tính chân dung riêng biệt người đó.

Vì thế người nào đó bị cho là „mất mặt“, người đó không chỉ thua thiệt về dáng vẻ bên ngoài, nhưng còn bị thua mất cả sự kính trọng nhìn nhận là một con người, là một người có uy tín đức độ nữa.

Người nào tỏ ra có phong cách bản lĩnh riêng biệt, họ tỏa ra tư chất có sự gì đặc biệt riêng của họ nữa. Và như thế họ được chú ý để ý tới, cùng được trọng dụng.

Trên khuôn mặt một người đôi con mắt và môi miệng quan trọng hơn hết cùng lộ diện rõ hơn cả và là điểm tập trung kéo sự chú ý.

Trong khối đầu óc não của một người là nơi tập trung những cơ quan hệ trọng: Bộ phận của con mắt nhìn xem, bộ phận của đôi tai nghe, bộ phận của mũi ngửi, bộ phận của lưỡi nếm vị. Đôi vành môi bao che miệng lưỡi mở phát ra thành lời từ nơi miệng, và đàng sau vầng trán là khối bộ óc, từ nơi đó những tư tưởng ý nghĩ được đúc kết phát triển.

Theo luật lệ được Đấng Tạo Hóa sắp đặt tạo thành. Những cơ quan bộ phận này cùng chung hợp tạo thành nét riêng biệt của khuôn mặt, mà người ta có thể qua đó đọc nhận ra ý nghĩa thể hiện ra bên ngoài nơi khuôn mặt, như nếp nhăn nơi vầng trán, sự động đậy nơi hai bên sống mũi, hình thù tạo dáng di chuyển của môi miệng, vết mụn sưng hay chấm đỏ nơi vầng đôi má, cái nhìn vui vẻ thân thiện, hòa nhã bình an hay vội vàng hấp tấp lo lắng, bất an..

Những dấu hiệu thể hiện đó trên khuôn mặt của một người nói lên những gì họ suy nghĩ khi gặp cảnh ngộ, hay phản ứng của họ đối với người hoặc sự vật cùng quang cảnh đối diện.

Ngày nay vì bệnh đại dịch Corona lây lan truyền nhiễm gây đe dọa nguy hiểm sức khoẻ sự sống con người, nên bây giờ khi đi ra nơi công cộng vào cửa tiệm mua hàng hóa, đi xe công cộng, trong trường học…phải đeo khẩu trang để phòng chống ngăn ngừa vi trùng bệnh dịch Corona không cho truyền nhiễm bay qua đường hơi thở cùng nước bọt từ nơi miệng bắn ra thâm nhập vào thân thể người khác. Đây là cung cách giữ gìn sức khoẻ cho chính mình và cho người khác. Đó là việc bác ái rất tình người giữ vệ sinh y tế trong nếp sống chung xã hội.

Đeo khẩu trang bịt kín môi miệng xuống tới cằm cùng cả trên mũi gây khó chịu cùng không dễ dàng thở cho được thoải mái. Và như vậy cách liên lạc thông thương bằng lời nói bị hạn chế, vì môi miệng bị bịt kín. Môi miệng cùng hai cửa lỗ mũi bị bịt kín ẩn sau chiếc khẩu trang bằng vải.

Khẩu trang bịt kín như vậy gây ra tâm lý vừa không thoải mái, lại vừa lo sợ bất an nữa. Và cũng không thể nhìn đọc nghĩ suy đoán được nơi khuôn mặt người đối diện ta gặp có phản ứng ra sao nữa.

Dẫu vậy cũng còn đôi con mắt mở ra để nhìn và được nhìn thấy. Qua đôi con mắt không bị khẩu trang bịt kín, người ta còn nhận ra chút phản ứng tình cảm của người đối diện.

Chiếc khẩu trang mang trên mặt khiến người đeo nó trở thành một chút gì vô hình ẩn kín. Vì nụ cười trên môi miệng bị che dấu bịt kín. Nụ cười trước tiên phát tỏa ra từ cái nhìn của một cuộc gặp gỡ thân thiện giữa con người với nhau. Người ta có ví von nụ cười trao cho nhau khác gì chút ánh sáng mặt trời có sức ảo thuật mang đến sự ấm áp thân mật!

Con người chúng ta có suy nghĩ phản ứng như thế với nhau trong đời sống. Nhưng với Thiên Chúa thì thế nào?

Con người chúng ta ngày hôm nay trong mùa đại dịch Corona phải đeo khẩu trang bịt kín môi miệng và mũi làm nhớ tới lời Thiên Chúa chúc lành ghé mắt nhìn thẳng khuôn mặt con người:

"Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh em!
Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!
Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em! (DS 6, 24-26).

Như thế, con người luôn ở trước mặt Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, Đấng không ngoảnh mặt đi khỏi con người loài thụ tạo, không làm ngơ như không nhìn thấy tôi.

Con người tin rằng Thiên Chúa là Đấng hằng theo dõi để mắt nhìn cùng đồng hành với con người do Ngài sinh thành tạo dựng nên. Ngài chiếu sáng đường đời sống tôi như ánh nắng ấm từ nơi mặt trời tỏa xuống trên vũ trụ.

Và nhờ có ánh nắng hơi nồng ấm đó đời sống con người được phát triển sinh sống tươi tốt, mà những gì xem ra như héo tàn đang chết dần mòn.

Một đôi mắt nữa trong đời sống con người luôn nhìn thẳng đến con người. Đó là đôi mắt của người mẹ.

Ngay từ lúc người con mở mắt chào đời, và trong suốt dọc đời sống của người con, người mẹ luôn nhìn thẳng vào khuôn mặt con mình, dù sau này cả khi người con đã khôn lớn trưởng thành đi vào đời.

Ánh mắt người mẹ nhìn thẳng vào khuôn mặt người con mang lại cho người con tình tự yêu thương nồng ấm, sự an ủi vỗ về. Và nhờ đó người con có đời sống khoẻ mạnh, bình an và hạnh phúc. Ánh mắt chúc lành bình an.

Ánh mắt người mẹ nhìn thẳng vào khuôn mặt con mình, để mẹ hiểu nhận ra tín hiệu điều gì xảy ra nơi con mình, điều gì con mình cần, hay đang mong muốn trông chờ. Ánh mặt sự quan tâm lo lắng săn sóc.

Ánh mắt người mẹ không rời xa người con, dù người con ở xa hay đã qúa vãng. Vì trái tim tâm hồn người mẹ hằng nhớ nghĩ đến con mình. Ánh mắt tâm hồn tình mẫu tử.

Ánh mắt của người mẹ ẩn chứa điều bí ẩn huyền nhiệm. Nó tựa như tia nắng mặt trời chiếu tỏa mang đến hơi nồng ấm cho đời sống tâm hồn người con bừng lên niềm vui phấn khởi.

Ngày nhớ ơn mẹ mùa đại dịch Corona 10.05. 2020
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ngày Hiền Mẫu 10/5/20 : Nhớ Mẹ
Đinh Văn Tiến Hùng
16:20 09/05/2020
-Vũ trụ có rất nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan vĩ đại nhất là trái tim người mẹ.
-Tương lai của con là công trình của mẹ.
-Chỉ có người mẹ hiểu được ý nghĩ của đứa con không nói.
-Ôm con mẹ đếm sao trời, đếm hoài không hết một đời long đong.
-Trái tim người mẹ là vực sâu muôn trượng, mà ở dưới đáy bạn sẽ luôn tìm thấy sự thứ tha.
( Honore de Balzac )
-Trong tất cả các quyền của phụ nữ, quyền vĩ đại nhất là quyền được làm mẹ.
( Lâm Ngữ Đường )


*Bao năm rời bỏ quê hương,
Khi nhớ đến mẹ đau thương quặn lòng,
Chân trời góc biển mênh mông,
Lang thang phiêu bạt nào trông ngày về,
Xa xôi cách biệt sơn khê,
Đời con chữ hiếu nơi quê chưa tròn.

Có về mẹ cũng không còn,
Nhớ thương thân mẹ vì con hao gầy,
Gian nan lặn lội từng ngày,
Sớm hôm săn sóc nuôi bầy con thơ.
Mẹ đi in dấu đến giờ,
Trên sông sương lạnh xóa mờ không gian,
Mưa rời thay lệ khóc than,
Con đò đưa xác xuôi dòng trôi mau,
Mái đầu thơ quấn khăn tang,
Tiễn đưa mẹ đến nghĩa trang cuối làng,
Chúng con đau xót vô vàn,
Cánh đồng nước ngập áo quan bồng bềnh,
Mẹ sống vất vả lênh đênh,
Đến khi nằm xuống bấp bênh nấm mồ,
Mẹ nằm lạnh lẽo bơ vơ,
Chỉ còn cỏ dại phất phơ héo tàn !...

Kể từ ngày ấy gian nan,
Đàn con của mẹ tan hoang rẽ bày,
Riêng con từ đó đến nay,
Chỉ còn kỷ niệm đong đầy tuổi thơ.
Mừng ngày Từ Mẫu bây giờ,
Bông hồng cài áo thẫn thờ trao ai,
Qua bao năm tháng trải dài,
Lòng con nhớ mẹ chẳng phai nhạt mầu,
Hồn con theo ý nguyện cầu,
Mẹ nơi vĩnh phúc khổ sầu lìa xa.

(*) Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Hiền Mẫu ( Mother’s Day )

Ngày của mẹ được tổ chức mỗi năm vào Chúa Nhật thứ 2 tháng 5 trên khắp thế giới để tôn vinh và ghi nhớ công ơn người mẹ. Do bà Anna Marie Javis khởi xướng vào năm 1908 tại bang Virginia Hoa Kỳ.
Năm 1914 Quốc Hội lưỡng viện thông qua bản Nghị quyết và được TT Woodrow Wilson ký chính thức thành lập ngày Mother’s Day.
Hàng năm, người đi tham dự lễ kỷ niệm ngày này, cầm trên tay hoa cẩm chướng màu đỏ khi mẹ còn sống và hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã qua đời.
Tại Việt Nam, tục lệ này đã được thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong tác phẩm ‘ Bông Hồng cài áo ‘

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Video ca khúc: Mẹ của đời em -- Trình bày ca sĩ Thu Minh
Châu Đình An
17:52 09/05/2020
Mẹ của đời em -- Sáng tác Châu Đình An -- Trình bày Ca sĩ Thu Minh. Bài hát kể câu chuyện của một người Mẹ hy sinh nuôi con bằng cách bán máu của mình trong hoàn cảnh khốn khó để có tiền mua gạo...
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Cười Của Mẹ
Nguyễn Trung Tây Lm.
14:45 09/05/2020
NỤ CƯỜI CỦA MẸ
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Dù đường đời chông chênh ngàn vạn hướng!
Mẹ vẫn là nhà, in dấu quê hương!
(NTT)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Maria
Nguyễn Đức Cung
14:58 09/05/2020
MẸ MARIA

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Mừng Ngày của Mẹ !

Happy Mothers' Day !
 
VietCatholic TV
Thông báo: Hành Hương Fatima Trực Tuyến mỗi tối từ 20g từ Tối Chúa Nhật 10/5 đến Tối Thứ Tư 13/5
Giáo Hội Năm Châu
02:29 09/05/2020


Trong một thông báo vừa được Cha giám đốc Đền thánh Fatima đưa ra, ngài cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn trăm năm nay, đền thánh Đức Mẹ Fatima sẽ cử hành những ngày hành hương kỷ niệm 103 năm lần đầu tiên Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Cova da Ira, mà không có sự hiện diện của hàng trăm ngàn khách hành hương như mọi năm.

Quyết định này đã được đưa ra thể theo những quy định bảo vệ sức khỏe cho công chúng, tránh lây lan thời đại dịch Vũ Hán theo yêu cầu của chính quyền Bồ Đào Nha.

Đây là một khoảnh khắc thật đau lòng: Thánh địa tồn tại để chào đón khách hành hương mà “lực bất tòng tâm” chúng tôi không thể thực hiện được điều đó, càng thêm đau lòng xót dạ.

Tháng Hoa năm nay, chúng tôi khẩn khoản xin các bạn đừng kéo về hành hương Fatima theo truyền thống như mọi năm, nhưng chúng ta cùng hành hương bằng con tim và cùng hiệp thông hành hương qua các cử hành nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, qua các trang mạng và các đài phát thanh.

Thể theo yêu cầu của Cha giám đốc Đền thánh Fatima, chúng tôi sẽ thực hiện các chương trình trực tuyến gọi là hành hương thiêng liêng đến đền thánh Đức Mẹ quan trọng bậc nhất thế giới này vào lúc 8 giờ tối từ Chúa Nhật 10 đến ngày chính lễ là ngày thứ Tư 13 tháng Năm.

Trong các chương trình này chúng tôi sẽ gởi đến quý vị và anh chị em các sứ điệp mỗi ngày từ đền thánh Đức Mẹ Fatima đã được dịch ra Việt Ngữ, lần chuỗi Mân Côi và kết thúc bằng phép lành.

Xin nhớ đón xem và xin vui lòng báo cho bạn bè và thân quyến. Xin cám ơn quý vị và anh chị em.
 
Tuyên bố chung của 6 Tổng Giám Mục và Giám Mục Hoa Kỳ về các cuộc hiện ra tại Indiana
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:09 09/05/2020


1. Tuyên bố chung của 6 Tổng Giám Mục và Giám Mục Hoa Kỳ về các cuộc hiện ra tại Indiana

Đức Cha Kevin Rhoades, Giám mục Fort Wayne-South Bend, Indiana và năm giám mục khác đã được Tòa Thánh trao trách nhiệm điều tra các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Indiana.

Cuộc điều tra này liên quan đến nhiều cuộc hiện ra được báo cáo bởi Nữ tu Mary Ephrem Neuzil, Nữ tu dòng Máu Thánh Châu Báu Chúa Giêsu ở Dayton, Ohio. Nữ tu Neuzil đã báo cáo Đức Mẹ đã hiện ra với chị dưới tước hiệu “Our Lady of America”, “Đức Mẹ của Hoa Kỳ”.

Các báo cáo của sơ Neuzil đã hình thành một phong trào sùng kính Đức Mẹ tại Indiana sau khi cha linh hướng của chị ủng hộ chị. Ngài sau này trở thành Đức Tổng Giám Mục Paul Leibold của tổng giáo phận Cincinnati. Ngài ủng hộ sơ Neuzil bằng nhiều cách khác nhau. Các cuộc hành hương, do đó, đã diễn ra đông đảo tại thành phố Rome, của tiểu bang Indiana.

Giải thích về nguồn gốc của ủy ban, Đức Cha Rhoades nói rằng trước các hoa trái thiêng liêng từ lòng mộ mến Đức Mẹ tại thành phố Rome, Indiana, các giám mục đã yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra để đánh giá và nếu chân thực thì chính thức công nhận các cuộc hiện ra này. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, đã yêu cầu Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có phải là thẩm quyền thích hợp trong vấn đề này không.

Bộ Giáo Lý Đức Tin phúc đáp rằng giám mục địa phương nơi các cuộc hiện ra được cho là đã xảy ra là thẩm quyền thích hợp hơn.

Sơ Neuzil báo cáo rằng Đức Mẹ không chỉ hiện ra với sơ tại thành phố Rome, Indiana, nhưng cả ở các nơi khác mà sơ đến phục vụ. Do đó, Hội Đồng này cũng bao gồm cả Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr ở Cincinnati, Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của Detroit, Đức Giám Mục Thomas Olmsted của Phoenix, Đức Giám Mục Timothy Doherty của Lafayette, Indiana và Đức Giám Mục Daniel Thomas của Toledo, Ohio.

Đức Cha Kevin Rhoades được bầu làm Giám Mục chính của Hội Đồng này vì các cuộc hiện ra được báo cáo đầu tiên tại Indiana.

Ngoài 6 Tổng Giám Mục và Giám Mục tham gia vào Hội Đồng này, còn có 6 nhà thần học và giáo luật. Do đó, Hội Đồng này được kể là lớn nhất từ trước đến nay trong việc điều tra các sự kiện được cho là Đức Mẹ hiện ra. Theo Đức Cha Kevin Rhoades đây là “một nhóm điều tra rất cân bằng, cởi mở với khả năng rằng các cuộc hiện ra là xác thực.”

Tài liệu nhan đề “Statement Regarding the Devotion to Our Lady of America” - “Tuyên Bố liên quan đến lòng sùng kính Đức Mẹ của Hoa Kỳ”, có chữ ký của tất cả sáu Tổng Giám Mục và Giám Mục cho biết như sau:

Sơ Neuzil, nhũ danh Mildred, sinh năm 1916 và trở thành thành viên của Dòng Máu Thánh Châu Báu Chúa Giêsu vào năm 1933. Năm 1938, sơ nói rằng sơ bắt đầu trải qua những sự kiện huyền bí.

Các cuộc hiện ra được cho là đã xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến 1959. Trong các cuộc hiện ra này, Sơ Neuzil tường trình Đức Mẹ xưng mình là “Đức Mẹ của Hoa Kỳ”.

Sơ Neuzil đã qua đời vào năm 2000.

Các nhà điều tra nhận xét rằng sơ Neuzil dường như đã rất “thành thật, có đạo đức ngay thẳng, tâm lý cân bằng, tận tụy với đời sống tu trì, không thủ đoạn”.

Hoa trái thiêng liêng từ lòng mộ mến Đức Mẹ trong vùng có thể thấy tỏ tường, mặc dù chưa có một phép lạ nào được công nhận.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate”– tính chất không siêu nhiên được chứng thực. Sau hơn một năm nghiên cứu một núi khổng lồ các tài liệu liên quan đến vấn đề này, tất cả các thành viên của ủy ban đã kết luận rằng các cuộc hiện ra được sơ Neuzil báo cáo là “non constat de supernaturalitate”: tính chất không siêu nhiên được chứng thực.

Theo Đức Cha Kevin Rhoades, các việc sùng kính với tư cách cá nhân có thể tiếp tục mà không gây tổn hại đến đức tin, nhưng không phù hợp với bất kỳ sự sùng kính công khai nào.

“Tôi phải đi đến kết luận rằng các thị kiến và mạc khải không thể được cho là có nguồn gốc siêu nhiên theo nghĩa của sự việc khách quan,” Đức Cha Rhoades nói.

Tuyên bố cho biết không có những sai lầm nghịch lại với đức tin Công Giáo trong các mặc khải được Sơ Neuzil công bố, mặc dù nói thêm rằng tuyên bố của Sơ Neuzil xem Thánh Giuse là một “Đấng đồng công cứu chuộc với Chúa Kitô” cần phải được xem là không hoàn toàn tương hợp với các tín lý của Giáo Hội.

Về những kinh nghiệm của Sơ Neuzil, các giám mục cho biết nghiên cứu của các ngài đã kết luận rằng những kinh nghiệm này nên được mô tả như “các kinh nghiệm tôn giáo chủ quan bên trong chứ không phải là các thị kiến khách quan bên ngoài và các mặc khải”.

Trong khi nói các kinh nghiệm như vậy có thể là “các thời khắc ân sủng đích thực” tài liệu nói thêm rằng các kinh nghiệm ấy liên quan đến “những ý kiến chủ quan, trí tưởng tượng và trí tuệ” của người nữ tu chứ không phải một “thị kiến khách quan và mặc khải như được nhìn thấy ở Guadalupe, Fatima, và Lộ Đức.”

Báo cáo cũng lưu ý rằng cha linh hướng của sơ Neuzil, sau này trở thành Đức Tổng Giám Mục Paul Leibold của Cincinnati, đã hỗ trợ Neuzil theo nhiều cách khác nhau trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong một lá thư viết hai năm trước khi ngài qua đời, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài không thể đưa ra đánh giá về bản chất siêu nhiên của vấn đề.

Trong khi nói rằng ngài chứng thực sự thánh thiện của chị Neuzil, Đức Tổng Giám Mục Tổng giám mục Paul Leibold viết: “ Tôi chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm thúc đẩy lòng sùng kính công khai trong vấn đề này.”


Source:Crux

Thánh lễ tại Santa Marta 9 tháng Năm: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các Nữ Tử Bác Ái

Lúc 7 sáng thứ Bẩy 9 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Theo lịch Phụng Vụ, lễ Thánh Luisa de Marillac, đấng đồng sáng lập Dòng Nữ Tử Bác Ái cùng với Thánh Vinh Sơn Phaolồ được mừng vào ngày 15 tháng Ba. Tuy nhiên, vì ngày ấy rơi vào Mùa Chay nên được dời đến hôm nay.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái trong gần 100 năm qua đã giúp các vị Giáo Hoàng và những người sống trong nhà trọ Thánh Marta, cũng như điều hành một trạm xá cho trẻ em tại Vatican.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay là lễ kính Thánh Louise de Marillac, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Phaolồ đã điều hành phòng khám này, trạm xá này trong gần 100 năm và làm việc ở đây, tại Santa Marta này. Xin Chúa chúc phúc cho các nữ tu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 13: 44-52) trong đó người Do Thái tại Antiokia “lòng đầy ghen tị và với những lời lẽ xúc phạm” đã bài bác những lời khẳng định của Thánh Phaolô về Chúa Giêsu, là những lời đem lại xiết bao vui mừng dân ngoại. Họ kích động một cuộc đàn áp buộc hai Thánh Phaolô và Banaba phải rời khỏi lãnh thổ.

Bài Ðọc I: Cv, 13: 44-52

Trích sách Tông đồ Công vụ

Ngày sabát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do Thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Bấy giờ ông Phaolô và ông Banaba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.”

Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.

Nhưng người Do Thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do Thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Một mặt Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội phát triển nhưng mặt khác ma quỷ cố gắng phá hủy Giáo hội.

Sự đời luôn luôn diễn ra như thế - ta cố vươn tới trước nhưng kẻ thù kéo đến để phá hoại. Vì thế, bao nhiêu nỗ lực phải bỏ ra, bao nhiêu máu tử đạo phải đổ ra trong sự tăng trưởng này, trong cuộc đấu tranh này. Khi Lời Chúa làm cho Giáo hội phát triển, sự bắt bớ thường phát sinh.

Giáo hội phấn đấu tiến về trước trong sự an ủi của Thiên Chúa và các cuộc đàn áp của thế gian. Và khi Giáo hội không gặp khó khăn gì thì thiếu một thứ gì đó. Nếu quỷ dữ chịu ngồi yên, chắc là có gì đó không ổn rồi.

Công cụ mà ma quỷ sử dụng để phá hủy việc loan báo Tin Mừng là sự đố kị và lòng ghen ghét. Chính sự tức giận, do ma quỷ xúi giục trong lòng người, gây ra tàn phá.

Chứng kiến cuộc đấu tranh này, thật tốt cho chúng ta khi nhận thức được rằng Giáo hội tiến về phiá trước giữa sự an ủi của Thiên Chúa và cuộc bách hại của thế gian.

Luôn luôn có cuộc đấu tranh này - Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa trong Giáo hội và ma quỷ phá hoại, ngay cả ngày nay cũng vậy.

Quyền lực trần thế là một công cụ của sự đố kị này. Quyền lực trần thế có thể tốt, người nắm các thứ quyền lực ấy có thể tốt, nhưng như nó là, quyền lực thế gian luôn luôn là nguy hiểm.

Quyền lực thế gian luôn đối kháng với quyền năng của Thiên Chúa và đằng sau quyền lực thế gian là tiền bạc.

Kể từ buổi sáng Phục sinh, quyền lực thế gian và tiền bạc đã được sử dụng để bịt miệng sự thật.

Để kết luận Đức Thánh Cha nói rằng Kitô hữu phải đặt niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, chứ không phải quyền lực và tiền bạc là những thứ tạm bợ và chóng qua.


Source:Vatican News
 
Tổng Giáo Phận Krakow chính thức mở án tuyên thánh cho song thân Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:24 09/05/2020

1. Tổng Giáo Phận Krakow chính thức mở án tuyên thánh cho song thân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Hôm 7 tháng Năm, một buổi lễ chính thức mở án tuyên thánh cho Karol Wojtyla và Emilia, song thân của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Dâng Con Vào Đền Thánh của thành phố Wadowice, nơi sinh của Đức Gioan Phaolô 2.

Tại buổi lễ, Tổng Giáo Phận Krakow chính thức thành lập tòa án để tìm kiếm bằng chứng cho thấy cha mẹ vị Giáo Hoàng Ba Lan đã sống một cuộc sống với các nhân đức anh hùng, và có một danh tiếng về sự thánh thiện.

Sau phiên họp đầu tiên của tòa án Krakow, Đức Tổng Giám Mục Marek Jędraszewski đã chủ sự một Thánh Lễ, được phát sóng qua livestream vì tình trạng cô lập vì coronavirus tại Ba Lan.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, người từng là thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô 2, đã tham dự buổi lễ.

Ngài nói: “Tôi muốn làm chứng ở đây, vào thời điểm này, trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục và các linh mục, trong tư cách là thư ký riêng lâu năm của Đức Hồng Y Karol Wojtyla và sau đó là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, tôi đã nghe từ ngài nhiều lần rằng ngài có các bậc sinh thành thánh thiện”

Cha Paweł Rytel-Andrianik, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Ba Lan, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA: “Quá trình tuyên thánh cho Karol Wojtyla và Emilia trên hết chứng minh cho thấy ảnh hưởng của sự thánh thiện của gia đình và vai trò tuyệt vời của nó trong việc định hình các nhân đức vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan.”

Cha Sławomir Oder, cáo thỉnh viên, trong vụ án tuyên thánh này cũng từng là cáo thỉnh viên trong án tuyên thánh cho Đức Gioan Phaolô 2, nói với Vatican News rằng buổi lễ là dịp để vui mừng tại Ba Lan.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Dâng Con Vào Đền Thánh của thành phố Wadowice, nơi mà án tuyên thánh cho hai ông bà Wojtyia được mở chính là nơi Thánh Đức Gioan Phaolô 2 đã được rửa tội vào ngày 20 tháng Sáu, năm 1920. Nhà thờ nằm phía bên kia đường đối diện với căn nhà của gia đình Wojtyla, mà bây giờ là một bảo tàng viện của thành phố Wadowice.

Ông Karol là một trung úy quân đội Ba Lan, và bà Emilia là một giáo viên. Hai người đã kết hôn ở Krakow ngày 10 tháng 2 năm 1906. Cặp vợ chồng Công Giáo đã sinh hạ ba người con: Edmund năm 1906; Olga, người đã chết ngay sau khi sinh; và Karol Junior, tức là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào năm 1920.

Song thân ngài là những người Công Giáo trung thành và thẳng thừng bác bỏ chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng vào thời điểm đó.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhấn mạnh rằng:

“Hương thơm thánh thiện của song thân ngài đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm linh và trí tuệ của vị Giáo hoàng tương lai.”

Emilia đã nhận được một nền giáo dục tôn giáo nhiệt thành. Trước khi qua đời vì một cơn đau tim và suy gan vào năm 1929, bà là tấm gương sáng về đức tin Công Giáo trong gia đình. Bà qua đời khi Đức Karol Wojtyla chỉ mới mừng sinh nhật chín tuổi được một tháng.

Tuyên bố cho biết thêm: “Emilia Wojtyła tốt nghiệp từ một trường dòng do các Nữ tu Tình yêu Chúa giảng dạy và điều hành. Với tình yêu và sự cống hiến trọn vẹn, bà chăm sóc gia đình và hai con trai Edmund và Karol.”

Ông Karol đã một mình nuôi hai con trai cho đến khi ông qua đời 12 năm sau đó. Theo Catholic Online, ông Karol là một người chuyên chăm cầu nguyện và thúc đẩy Karol Jr. chăm chỉ làm việc, học hành và cầu nguyện. Người cha cũng đảm nhận những công việc gia đình như may vá quần áo cho hai con trai.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhận xét rằng:

“Ông Karol Wojtyła là một người cha là một người có đức tin sâu sắc, chăm chỉ và có lương tâm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần đề cập rằng ngài đã thấy cha mình quỳ gối và cầu nguyện nhiều giờ vào ban đêm. Chính cha ngài là người đã dạy ngài cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và đã đồng hành với ngài đến cuối đời”.

Gia đình Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sinh sống tại Wadowice, một thành phố cách Krakow chừng 50 km.

Người anh cả của ngài, Edmund Wojtyła, bác sĩ, qua đời năm 1932, khi mới được 26 tuổi, và thân sinh của ngài, qua đời vào năm 1941, khi ngài được 21 tuổi và đang làm việc trong một hầm mỏ và sau đó trong một nhà máy hóa chất.

Một năm sau khi cha qua đời, năm 1942, ngài cảm nhận được tiếng Chúa gọi làm linh mục, nên bắt đầu theo học tại Đại Chủng Viện Krakow dưới sự hướng dẫn của chính Đức Hồng Y Adam Stefan Sapieha lúc ấy là Tổng Giám Mục của tổng giáo phận này.

Tưởng cũng nên biết: Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.


Source:Catholic News Agency

2. Lễ tuyên thệ của các tân binh Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ bị hoãn lại

Do đại dịch coronavirus COVID-19, việc tuyên thệ hàng năm của các tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã bị hoãn lại cho đến ngày 4 tháng Mười.

Năm nay, ngày 6 tháng Năm được đánh dấu bằng một Thánh lễ riêng và lễ đặt vòng hoa tưởng niệm 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã anh dũng hy sinh vào năm 1527 để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clementê Đệ Thất.

Thánh lễ - với các biện pháp cách ly thích hợp đã được cử hành tại nhà thờ Santa Maria della Pietà của Đức tại nghĩa trang Campo Santo Teutonico của Vatican bởi Đức ông Luigi Roberto Cona.

Trong bài giảng, Đức Ông Cona nói rằng buổi lễ tôn vinh các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã ngã xuống “rất đặc biệt trong năm nay tại thời điểm coronavirus,” và kêu gọi người tham dự cầu nguyện cho các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ.

Ông cũng kêu gọi cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá và những người tình nguyện làm việc để giúp đỡ các bệnh nhân; cầu nguyện cho những người đang hấp hối, và cho những “người than khóc cho sự mất mát người thân của họ.”

Đức Ông Cona đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cử hành Thánh lễ tại Nghĩa trang Teutonico của Vatican, nơi một số Kitô hữu đầu tiên, bao gồm cả Thánh Phêrô, đã bị Hoàng đế Nero giết chết.

Sự hy sinh của các vị tử đạo “là hạt giống của một cuộc sống mới, cũng giống như sự hy sinh của những người lính Thụy Sĩ quảng đại cống hiến đời mình cho Đức Giáo Hoàng, và Tòa Thánh”.

Thông thường vào ngày 6 tháng 5, các tân ngự lâm quân Thụy Sĩ làm lễ tuyên thệ trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây. Ngày 06 tháng 05, 1527, 147 ngự lâm quân đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong vụ “cướp phá Rôma”.

Để tưởng nhớ cái chết anh dũng của các ngự lâm quân, hàng năm việc tuyên thệ trọng thể của các tân binh được tổ chức đúng vào ngày này.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.


Source:Crux

3. Lần đầu tiên trong 117 năm qua, lễ hội Giglio tại New York bị hủy bỏ

Tính đến ngày thứ Bẩy, 9 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến con số kinh hoàng là 275,914 người, trong số 4,009,472 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong toàn thế giới: 275,914 người, trong số 4,009,472 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, Tử vong đã lên đến 78,557 người, trong số 1,320,683 trường hợp nhiễm coronavirus. Tại New York, nơi được xem là tâm chấn của dịch bệnh hiện nay, đến nay đã có 26,585 người thiệt mạng, trong tổng số 340,442 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Chính vì thế, hai cuộc rước kiệu quan trọng hàng năm của người Công Giáo tại thành phố này đã bị hủy bỏ trong nỗi buồn của mọi người.

Cuộc rước kiệu thứ nhất diễn ra ngày 24 tháng Năm, lễ Đức Mẹ Xà Sơn của cộng đoàn Công Giáo người Hoa tại New York với các xe hoa trên đường phố Brooklyn để cầu nguyện xin Đức Mẹ sớm giải thoát đất nước khỏi ách cộng sản vô thần. Ngày 24 tháng Năm cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thiết định là ngày toàn thế giới cầu nguyện cho tự do tôn giáo tại Hoa Lục.

Cuộc rước kiệu thứ hai diễn ra vào tuần thứ hai của thánh Bẩy để kính Đức Mẹ Núi Cát Minh và Thánh Pauliniô. Theo lịch Phụng Vụ Công Giáo, lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh được cử hành vào ngày 16 tháng Bẩy, và lễ kính Thánh Pauliniô được cử hành vào ngày 22 tháng Sáu. Tuy nhiên, trong suốt 117 năm qua, cộng đoàn Công Giáo Ý tại New York mừng chung 2 ngày lễ này vào tuần thứ hai của thánh Bẩy, tại Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh tại Williamsburg, Brooklyn, gọi là lễ Giglio.

Trong 117 năm qua, hàng ngàn người đã mang theo truyền thống của Lễ Giglio trên vai, chứng kiến cha và ông của họ đi qua Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh với nhiệm vụ nâng lên cao tòa tháp bảy tầng, bốn tấn ở Williamsburg, Brooklyn.

Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Pauliniô mà ngài là bạn của các thánh Augutinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.

Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Pauliniô thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul, bên Pháp. Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Pauliniô được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.

Sau khi cha mất sớm, Pauliniô được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Pauliniô không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.

Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Pauliniô đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.

Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Pauliniô kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Pauliniô (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị Giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.

Vào thời bấy giờ, Pauliniô được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Pauliniô một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustinô, là động lực sau cùng thúc đẩy Pauliniô theo Kitô Giáo.

Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Pauliniô đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.

Chính vì thế, trong cuộc rước kiệu thánh Pauliniô luôn có một con thuyền, tượng trưng cho con thuyền đưa thánh Pauliniô và những người nô lệ trở về sau khi ngài chuộc được họ.

Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Pauliniô coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.

Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Pauliniô đến trước mặt vị Giám mục và yêu cầu tấn phong Pauliniô làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Pauliniô là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Pauliniô về nhiệm vụ linh mục.

Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Pauliniô và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Pauliniô và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.

Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Pauliniô làm Giám mục. Quả thật ngài là vị Giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Pauliniô tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.

Ðức Pauliniô là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.


Source:Net New York

4. Lợi dụng COVID-19 Tổng thống Á Căn Đình hợp pháp hóa việc phá thai

Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez cho biết ông vẫn “cam kết như trong giây phút đầu tiên” là sẽ hợp pháp hóa phá thai. Alberto tuyên bố như trên khi đất nước trải qua ngày thứ 50 bị cô lập vì coronavirus.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, Alberto cho biết dự luật đề nghị hợp pháp hóa phá thai tại quê hương Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã “sẵn sàng” nhưng ông vẫn chưa trình bày được tại trong Quốc hội vì có những công việc “khẩn cấp” khác phải giải quyết trong bối cảnh đại dịch.

Quốc hội Á Căn Đình - dẫn đầu bởi phó tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, từng là tổng thống nước này - đã ngừng hoạt động kể từ khi Alberto ban bố tình trạng khẩn cấp vì coronavirus vào giữa tháng ba. Một nỗ lực để có một phiên họp trực tuyến nhằm thông qua dự luật cho phép phá thai đã không thực hiện được vào thứ Hai 4 tháng 5.

Phản ứng trước diễn biến này Đức cha Alberto Bochatey, Giám Mục Phụ Tá của La Plata và là chủ tịch ủy ban y tế của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình nói:

“Nếu chúng ta bảo vệ cuộc sống hiện tại chống lại virus, chúng ta phải bảo vệ nó chống lại bất kỳ vấn đề nào khác. Nếu chúng ta đang nỗ lực rất lớn để người dân không bị ốm và do đó không phải mất mạng, thì tại sao chúng ta có thể tiếp tục với một dự án nhằm hợp pháp hóa phá thai hoặc chết êm dịu?”

Trong một cuộc tranh luận để hợp pháp hóa việc phá thai được tổ chức vào năm 2018, các giám mục kêu gọi giáo dân đi đầu trong trận chiến, và các tín hữu đã trả lời, với hàng triệu người xuất hiện trên đường phố để biểu tình chống lại việc thay đổi luật lệ của đất nước.

Cách thức đó hiện nay thất bại vì chính quyền cấm các cuộc tụ họp công cộng trên 3 người.

Các nguồn tin Giáo Hội tại Á Căn Đình nhận định rằng Alberto đang toan tính lợi dụng COVID-19 để hợp pháp hóa phá thai.

Trong một diễn biến có liên quan, 10 vị đã bị giam giữ ở miền bắc Á Căn Đình vào hôm Chúa Nhật vừa qua vì tham dự thánh lễ, vi phạm quy tắc cách ly bắt buộc trên toàn quốc được áp đặt để làm chậm sự lây lan của coronavirus. Vụ bắt giữ này được nhiều người xem là để dằn mặt bất cứ cuộc tụ họp nào của người Công Giáo.

Các vị bị bắt đã bị chuyển đến một đồn cảnh sát địa phương và có thể bị phạt từ sáu tháng đến hai năm tù. Người ta đi lễ thôi, có đáng để phạt nặng như thế không?

Do đại dịch COVD-19, quê hương của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị cách ly kể từ thứ Sáu, 21 tháng Ba. Các nhà thờ Công Giáo đã bị đóng cửa kể từ ngày đó.

Thánh lễ do Cha Jose Mendiano, 79 tuổi, cử hành đã diễn ra tại giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức. Tính luôn cả vị linh mục và những vị giúp lễ mới đến 10 người trong nhà thờ, bao gồm hai cựu sĩ quan cảnh sát, là hai ông Alejandro Sánchez và Enrique Miranda.

Ông Miranda hiện nay là một luật sư. Ông nói với các phóng viên sau khi bị bắt giữ: “Cần phải nói một lần cho tất cả: dẹp ngay cái trò xiếc này đi. Chẳng có đại dịch gì ở đây hết cả.” Trong tổng số 500,000 dân trong tiểu bang San Luis chỉ có 10 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

“Chúng tôi cầu nguyện cho những người đã chết vì coronavirus và cho sức khỏe của những người bị nhiễm bệnh,” vị luật sư nói khi ông bị đẩy lên một chiếc xe cảnh sát. Theo ông Miranda, việc cô lập toàn xã hội như thế này là một phản ứng thái quá: “Tất cả trò này là một lời nói dối kinh khủng, một trò hề. Đây là một nhà tù được chính quyền khu vực và chính quyền quốc gia áp đặt lên người dân San Luis.”

Ông cũng nói rằng “luật pháp có thể đưa ra bất cứ điều gì nó muốn, nhưng trong vấn đề đức tin thì đó hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Giáo Hội Công Giáo.”

Ông cảnh báo các cơ quan chức năng: “Chính phủ quốc gia này sai lầm nếu họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ quỳ xuống trước mặt họ.”


Source:Crux