“Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Ngài là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Ngài sẽ làm chứng về Thầy”.
Chỉ trong vòng một tuần lễ, Việt Nam của chúng ta có đến 376 ca nhiễm Corona; như vậy, trung bình một ngày có hơn 50 ca; cao nhất, 90 ca. Người dân khắp nước hoang mang, mọi sinh hoạt bị xáo trộn. Thế nhưng, các nhà chuyên môn dịch tễ nói, những con số hôm nay ‘mới chỉ là khởi sự’.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Mới chỉ là khởi sự’, đó cũng là điều mà các môn đệ Chúa Giêsu khám phá qua Tin Mừng hôm nay khi lần đầu tiên, Thầy của họ nói cho họ về một “Đấng Phù Trợ” nào đó được sai đến từ Chúa Cha! Với họ, đây là một mặc khải hoàn toàn mới mẻ, một điều gì đó lạ lẫm như từ trên trời rơi xuống mà họ chưa thể hiểu nổi. Thế nhưng, mọi sự sẽ sáng tỏ dần, và một cách tiệm tiến, họ nhận ra rằng, với Chúa Giêsu, tất cả ‘mới chỉ là khởi sự’; chính “Đấng Phù Trợ” mới là Đấng hoàn thành mọi sự.
Sau khi Chúa Giêsu chết, và cả sau khi Ngài về trời, có lẽ một số môn đệ của Ngài đã lập tức kết luận rằng, ‘phong trào mới’ mà Thầy mình đã khởi xướng, nay kết thúc. Không bao giờ họ có thể hình thành trong tâm trí một ý tưởng rằng, tất cả ‘mới chỉ là khởi sự’; không bao giờ họ có thể hình dung một sự thật rằng, họ sẽ sớm chia sẻ sự khởi đầu của Giáo Hội, loan báo Tin Mừng với lòng can đảm và quyền năng, mục kích sự hoán cải của vô số cuộc sống, chứng kiến sự tha thứ tội lỗi liên tục, và cuối cùng, là hiến mạng sống của họ theo gương Thầy Chí Thánh. Những môn đệ này không biết điều gì đang chờ đợi họ với sự xuất hiện của Đấng Bênh Vực, Thần Chân Lý mà Thầy họ đã xa gần nói đến. Và họ cũng không bao giờ có thể nghĩ rằng, điều đang chờ đợi họ là khả năng ‘làm chứng’ cho Thầy mình bằng quyền năng của Thánh Thần; để sau đó, họ sẽ sớm nhận ra rằng, Chúa Giêsu, Thầy của họ, thực sự đang sống hơn bao giờ hết và rằng, Ngài đang hoạt động để hoán cải các linh hồn bằng quyền năng của Thánh Linh, qua họ, như những công cụ cứu rỗi.
Vậy điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là gì? Đọc lại sách Công Vụ Tông Đồ và các hoạt động của Hội Thánh sơ khai, rõ ràng, đã có một điều gì đó vô cùng biến đổi đã xảy ra sau khi Chúa Giêsu lên trời. Cho đến thời điểm đó, cứ cho là các tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu đã có đức tin, nhưng họ rất sợ hãi vì tất cả như ‘mới chỉ là khởi sự’. Họ tụ họp với nhau, nhưng tất cả đều làm trong bí mật và lo sợ. Thế nhưng, sau biến cố Ngũ Tuần, một khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ, thì họ bắt đầu mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng mà không hề sợ hãi và kết quả là những gì trước đó chưa từng xảy ra. Phép lạ phi thường dành cho anh què bên Cửa Đẹp đền thờ; sau bài giảng của Phêrô, có đến ba ngàn người trở lại. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời của những con người đầy Thánh Thần, Đấng mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “Nhân Vật Chính” của Công Vụ Tông Đồ.
Anh Chị em,
Thiên Chúa luôn làm những điều vĩ đại nhưng khởi sự lại rất bé nhỏ và âm thầm; Ngài đang hoạt động và mời gọi sự cộng tác của con người. Ngài đang thấy, đang biết dịch bệnh hoành hành các nước, các miền. Là những người con Chúa, chúng ta tin rằng, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục công cuộc tạo dựng của Ngài và Ngài đang ra sức chữa lành vết thương của nhân loại; Ngài đang xoa dịu những lở loét do con người gây ra cho nhau. Chúng ta hãy ra sức cầu xin Ngài và biết rằng, Ngài đang chờ mong chúng ta cộng tác với Ngài cách cụ thể. Có lẽ chúng ta được coi là ‘đạo đức’ nhưng thật sự, chúng ta chưa sống triệt để Tin Mừng; dường như tất cả ‘mới chỉ là khởi sự’, chưa có một biến đổi. Vậy, trong những ngày dịch bệnh này, chúng ta phải làm gì? Dĩ nhiên, không chỉ cầu nguyện, chúng ta còn phải cảm thông, chia sẻ chén cơm manh áo một cách thiết thực cho những anh chị em đang thiếu thốn chung quanh chúng ta.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Thánh Thần, con dâng chính mình con cho Ngài. Xin hãy sử dụng con, chạm đến con và qua con, chạm đến cuộc sống của anh chị em con. Xin hãy biến đổi con và hoàn thành tất cả những gì ‘mới chỉ là khởi sự’ nơi con”, Amen.
(Tgp. Huế)
PHÚC ÂM: Ga 16, 5b-11
“Nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến,Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.
Đó là lời Chúa.
25. Mọi thứ trên thiên đàng như thế nào thì như thế ấy, trên thiên đàng được bình an mãi mãi, được vui vẻ mãi mãi.
(Thánh Francis of Assisi)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một tội phạm sắp bị xử tử, nghe nói ở nơi nọ có một anh chàng ngu ngốc, bèn kêu nó lại, lấy ra trăm lượng bạc và nói:
- “Chút tiền này tặng cho mày tha hồ mua sắm, tha hồ ăn mặc, vợ con, người nhà đều được thơm lây rất nhiều. Đến lúc nào đó, quan phủ phái sai dịch đến kiểm tra người, cảm phiền mày thay tao để họ trói lại, bắt đi vài ngày rồi thả mày về lại nhà.”
Anh chàng ngu ngốc thấy lấp loáng ánh bạc trên bàn thì gật đầu liền liền, đem bạc về nhà.
Trong xóm có một người già biết chuyện, vội vàng đến khuyên:
- “Mau đem bạc trả lại cho ông ta, nếu tính mạng mà mất đi, thì dù có cả ngàn nén bạc cũng không làm gì được?”
Anh ngu ngốc trả lời:
- “Đã có bạc mà đem trả lại, thì tự mình lại phải qua những ngày gian nan, đúng thật là ngốc”.
Lão già thở dài bỏ đi.
Anh ngu ngốc bèn đem số bạc ấy đi dùng, cả nhà đều rất vui vẻ.
Không bao lâu, công văn của quan phủ gởi đến, điểm danh đổi thành tên của anh ngu ngốc, sai dịch trói anh chàng ngu ngốc đem ra pháp trường xử chém, ngốc tử bấy giờ mới khóc, nói:
- “Thật hối hận vì không nghe lời khuyên bảo của mọi người, nên mới có ngày hôm nay ! Nhưng hôm nay tôi bắt đầu học khôn rồi, chịu thiệt thì cũng chỉ có lần này thôi !”
(Tiếu Đắc Hảo)
Suy tư 41:
Hối hận là bày tỏ lòng thống hối ăn năn của mình, cho nên có người khi hối hận thì đã muộn, vì bị tử hình; có người hối hận nhưng chưa muộn vì có nhiều cơ hội làm lại cuộc đời.
Ở đời ai cũng có những lúc lầm lỗi, nhưng có người thì vững vàng tiến lên phía trước vì biết hối hận và có quyết tâm làm lại cuộc đời; có người hối hận nhưng không quyết tâm làm lại cuộc đời của mình, nên sự hối hận của họ chỉ che mắt được người đời, chứ không thể nào che giấu được Thiên Chúa. Hối hận là hành vi chê ghét tội lỗi và những ham muốn bất chính mình của người Ki-tô hữu, nó là một trong những điều kiện để được Thiên Chúa tha tội, cho nên không thể vào tòa xưng tội nếu chưa có lòng hối hận ăn năn.
Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài vẫn luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài; Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con chiên trong chuồng để di tìm kiếm con chiên thất lạc…
Hối hận là hành vi khiêm tốn để được thứ tha, đó là bài học khôn ngoan mà Chúa Thánh Thần đã dạy cho những ai sống hiền lành với tha nhân.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
1/ Chúa lên Trời, niềm hy vọng chắc chắn?
Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 665 “Chúa Giê-su Ki-tô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người”. Quả thật, việc Đức Giê-su lên trời không phải hôm nay mới lên, mà khi Ngài sống lại đã lên ngự bên hữu Chúa Cha rồi. Nhưng tại sao hôm nay, chúng ta mới mừng biến cố vô cùng quan trọng này? Phải chăng Chúa có phương cách của Ngài là muốn hiện ra và đồng hành với các môn đệ sau khi Ngài chết. Đức Giê-su Phục Sinh đã đến và cùng đi với các Tông Đồ để củng cố đức tin yếu kém của các ông. Việc chưa tin và còn cứng lòng của các Tông Đồ sau biến cổ khổ nạn của Ngài, Đức Giê-su biết rõ hơn ai hết. Vì thế, sau khi Chúa Cha cho Đức Giê-su sống lại để giúp các ông hiểu rõ về chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giê-su.“Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.” (Cv 1, 2-3)
Tuy nhiên, mặc dù sự hiện diện của Đức Giê-su sau khi sống lại cũng chưa đủ để thuyết phục cho các Tông đồ và mọi người tin một cách chắc chắn. Cho nên, sau 40 ngày, Đức Giê-su đã thực hiện một điều kỳ lạ trước mặt các Tông Đồ: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (Cv 1,9). Đức Giê-su lên Trời là Ngài được ngự bên hữu Chúa Cha. Ngài trở về nơi Ngài đã xuất phát. Ngài lên Trời để chỉ đường cho chúng ta đi theo. Ngài lên Trời để khẳng định và xác tín với mỗi chúng ta rằng: ‘Quê hương thiên đàng’ là có thật, nơi hưởng vui vẻ đời đời với Chúa là có thật. Ngài lên Trời để nhắn gửi với mọi người rằng là Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta.“Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,2-3).
Quả thật, để chiếm được “chỗ ở” hay thiên đàng mà Đức Giê-su đã chuẩn bị cho chúng ta không phải không có khó khăn và gian nan, nghĩa là chúng ta phải chiến đấu để qua cửa hẹp, là phải biết từ bỏ tính mê nết xấu, là biết làm lành lánh dữ, là yêu thương tha thứ, là công bằng vị tha, là vui tươi dẫu có đau khổ và thử thách,…Do đó, nói như nhạc sĩ Hoàng Vân trong bài ca Hát về Cây Lúa hôm nay: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.” Thật vậy, cuộc sống Thiên đàng mai sau sẽ được quyết định tuỳ thuộc vào cuộc sống hiện tại của mỗi chúng ta. Do đó, chúng ta cố sao để sống cho tốt, cho xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi nơi và mọi lúc. Khi chúng ta sống tốt và yêu thương là chúng ta đang hưởng phúc thiên đàng nơi trần gian rồi. Câu chuyện sau đây phần nào giúp chúng ta hiểu rõ thế nào là hoả ngục, thế nào là thiên đàng.
Có một hiệp sĩ Samurai kia rất hung bạo. Ông tìm đến một thiền sư hỏi: Xin cho tôi biết thiên đàng, hỏa ngục là gì. Vị thiền sư nhìn thấy con người thô bạo của anh thì nói: Ta không thể dạy cho ngươi biết thiên đàng hỏa ngục là gì, vì ngươi hung bạo quá. Ngươi làm nhục cho hàng ngũ hiệp sĩ của ngươi. Nghe vị thiền sư nói thế, chàng hiệp sĩ bừng bừng sát khí, rút gươm định chém vị thiền sư. Nhưng vị thiền sư đưa tay cản lại mà nói: “Hỏa ngục là đó”. Nhận được bài học thực tế của vị thiền sư, chàng hiệp sĩ dừng tay lại. Sự hối hận và thương cảm trào dâng trong tâm hồn y. Y hiểu rằng vị thiền sư đã dám hy sinh cả mạng sống để dạy cho y bài học về hỏa ngục. Y từ từ xỏ gươm vào vỏ, rồi quỳ gối trước mặt vị thiền sư với tất cả tấm lòng thành và tỏ ý sám hối. Vị thiền sư đưa tay đỡ y dậy, nhìn sâu vào đôi mắt y mà bảo: “Thiên đàng là thế đó”.
2/ Mệnh lệnh hay ‘chúc thư’ của Chúa Giê-su trước khi Ngài lên trời?
Trước khi về Trời, Đức Giê-su đã để lại một “chúc thư” hay sứ vụ quan trọng cho các Tông Đồ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”(Mt 28,18-20). Sứ vụ này chính Đức Giê-su đã thực hiện, Ngài đã nêu gương. Nay trước khi Ngài lìa khỏi các Tông đồ, Ngài cũng muốn truyền lại sứ vụ đặc biệt này cho tất cả mọi người nhằm mở mang Tin Mừng của Nước Trời đến tất mọi hang cùng ngõ hẻm để hết thảy mọi người tin và được hưởng ơn cứu độ. Đây là ý muốn của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô Tông Đồ dân ngoại đã nói: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (Tm 2,4). Thật vậy, sứ vụ Loan Báo Tin Mừng cho muôn dân là trách nhiệm của mỗi ki-tô hữu. Không ai có quyền chối từ sứ vụ đó khi trên mình mang danh là ki-tô hữu. Nói rõ hơn như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng là những ai đã chịu Bí tích Thánh Tẩy đều có trách nhiệm Loan Báo Tin Mừng hay truyền giáo. Chính Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng: “Hành trình lữ thứ của Giáo Hội tự bản chất là một cuộc truyền giáo” (AG 2)
Là ki-tô hữu, chúng được mời gọi dấn thân đi đến với tha nhân, vì đó là sứ mạng. Chính Thánh Phaolô đã cảm nhận: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14); hay “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Đúng là khốn, là buồn nếu mỗi ki-tô hữu không chịu Loan Báo Tin Mừng. Tuy nhiên, để sống sứ vụ truyền giáo hay loan báo niềm vui Tin Mừng, mỗi ki-tô hữu tiên vàn là người vui và bình an, là người có Chúa. Mà đã có Chúa thì phải có niềm vui. Nếu không có niềm vui thì sứ vụ loan báo Tin Mừng xem ra phản tác dụng. Đức Thánh Cha đã cảm nhận được điều đó hết sức thực tế như sau: Có những kitô hữu sống như chỉ có Mùa Chay mà không có Phục Sinh. (NVTM, số 6). Ngài nói tiếp: Cho nên, một nhà truyền giáo không thể lúc nào cũng giống như một người vừa đi đưa đám về. Chúng ta hãy phục hồi và gia tăng lòng nhiệt thành,“niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt […] Chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, là thế giới đang tìm kiếm, có khi trong lo âu, có khi trong hy vọng, nhận được Tin Mừng không phải từ nhà truyền giáo buồn rầu và chán nản, thiếu kiên nhẫn hoặc lo âu, nhưng từ thừa tác viên của Tin Mừng mà cuộc sống của người ấy tỏa sáng lòng nhiệt thành, là người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô trong mình trước”.(NVTM, số 10)
3/ Đức Giê-su lên Trời nhưng Ngài vẫn ở với nhân loại cho đến tận thế, nghĩa là làm sao?
Đức Giê-su lên Trời, nhưng Ngài không bao giờ bỏ rơi các môn đệ nói riêng, và chúng ta nói chung. Điều đó được chứng thực qua lời nói của Ngài: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Nghĩa là làm sao?
Vì là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giê-su đã không nỡ lòng nào bỏ bê các Tông đồ và nhân loại lầm than. Dấu chỉ đó được cụ thể hoá qua những lời nói của Ngài đối với các môn đệ trước khi rời xa họ. Trước tiên, Đức Giê-su gửi Thánh Thần đến cho các Tông đồ. “Song, Thầy nói thật với anh em : Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,7) Điều đặc biệt là Đức Giê-su muốn ban Thịt Máu của Ngài cho các môn đệ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung. Chính câu nói “Thầy sẽ ở cùng anh em mỗi ngày cho đến tận thế” là ý muốn nói từ nay Ngài không thể hiện diện bằng xương bằng thịt như anh em đang thấy, nhưng Thầy sẽ hiện diện bằng cách thức khác, đó là Ngài trở nên Bí Tích Thánh Thể để nuôi sống mỗi người. Từ nay tấm bánh trắng và chén rượu nho, sau khi được truyền phép, tấm bánh trở nên Mình của Đức Giê-su, chén rượu trở nên Máu của Đức Giê-su. Từ nay, Ngài ở cùng nhân loại nơi các nhà tạm nơi các nhà thờ được thánh hiến. Nói cách thâm sâu hơn, khi chúng ta rước Mình Máu Người, chúng ta có Người hiện diện trong nhà tạm tâm hồn của chúng ta. Từ nay, chúng ta không còn cô đơn hay mồ côi nữa vì có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng ta, đặc biệt, có Đức Giê-su là Bí Tích Thánh Thể ở bên cạnh ta nơi nhà chầu và nhất là ở trong cung lòng của mỗi chúng ta khi chúng ta rước Ngài. Bên cạnh đó, Đức Giê-su còn hiện diện nơi Lời Chúa, nơi những người nghèo, nơi những dấu chỉ yêu thương với anh em đồng loại.
Mầu nhiệm Đức Giê-su lên Trời không chỉ là niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh cửu cho những ai có niềm tin vững chắc, mà mầu nhiệm này còn nhắc nhở chúng ta về bổn phận và trách nhiệm tiếp nối sứ vụ Loan báo Tin Mừng của những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, giúp người khác đi trên con đường Đức Giê-su đã đi. Đó là con đường về Trời. Đặc biệt, mầu nhiệm Chúa lên Trời không làm cho chúng ta mất Chúa, xa lìa đời đời, nhưng lời hứa của Chúa là “Thầy ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế” đã làm cho chúng ta vui mừng hơn, có hy vọng tràn trề hơn và nhờ đó, chúng ta có sức mạnh và lòng nhiệt huyết để ra đi loan báo Tin Mừng cho mỗi anh chị em để chỉ đường cho nhiều người cùng về Trời với chúng ta. Amen.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
Trong một bài báo trên trang web El Pueblo Católico, thuộc tổng giáo phận Denver, vị phó tế trẻ tuổi nói về câu chuyện của gia đình anh:
Khi tôi chào đời, họ đã là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi biết rằng mẹ tôi muốn trở thành một nữ tu khi bà ở Mễ Tây Cơ, nhưng bà ngoại tôi không đồng ý. Sau đó ít lâu, họ từ bỏ đức tin Công Giáo và tìm đến với giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va.
Miguel biết ơn vì mẹ anh đã truyền cho anh “tình yêu thương chân thật của Thiên Chúa”, mặc dù anh nhận xét rằng “Các Nhân chứng Giê-hô-va có ý tưởng khác với người Công Giáo”. Về vấn đề này, vị tân phó tế giải thích:
Các nhân chứng Giê-hô-va hiểu không đúng về đức tin Công Giáo. Họ không đồng ý với các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và gần như có sự căm thù đối với Giáo Hội. Và tôi lớn lên cùng với suy nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo không phải là một điều tốt.
Miguel quyết định tìm hiểu thêm về Công Giáo khi 16 tuổi. “Tôi muốn biết tại sao chúng tôi chống lại Giáo Hội Công Giáo, tại sao các nhân chứng Giê-hô-va cho rằng Giáo Hội Công Giáo 'dạy những điều sai trái', như 'tôn thờ' Đức Mẹ Đồng trinh hoặc 'tôn thờ' giáo hoàng, và những điều được coi là sai trái khác nữa”.
Chính trong quá trình nghiên cứu, anh đã tìm hiểu sâu về các câu hỏi về chức tư tế từ bức ảnh của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang cử hành Thánh lễ. Miguel muốn biết thêm về lễ phục phụng vụ, về bàn thờ và về những người quỳ gối trước “mảnh bánh mỳ.” Và càng nghiên cứu, tìm hiểu, anh càng thấy hứng thú.
“Tôi cảm nhận được ơn gọi,” anh nói với El Pueblo Católico. “Chúa đã kêu gọi tôi làm điều gì đó đẹp đẽ như cử hành thánh lễ và đưa Chúa Kitô lên bàn thờ. Tôi quyết định xin được rửa tội. Và hai năm sau tôi vào chủng viện”.
Đó chỉ là sự khởi đầu của điều kỳ diệu của niềm tin. Không chỉ Miguel trở lại với Giáo Hội, mà anh trai của anh cũng trở về, và sau đó là mẹ và cha của anh.
Hôm nay, toàn thể gia đình của linh mục tương lai Miguel Mendoza cử hành đức tin Công Giáo. Họ mong chờ vị phó tế trẻ tuổi đã bị mê hoặc bởi chân lý của Giáo hội được sớm truyền chức linh mục.
Source:Aleteia
Các nhà tổ chức đã tổ chức một ngày phản kháng vào ngày thứ Hai 10 tháng 5 để đáp lại tuyên bố gần đây của Vatican rằng Giáo hội không có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.
Các buổi lễ, được gọi là “Segnungsgottesdienste für Liebende”, hoặc “cử hành chúc phúc cho các cặp tình nhân”, được quảng bá bằng hashtag “#liebegewinnt” ( “tình yêu chiến thắng” ). Các nhà tổ chức nói rằng các cử hành này là dành cho tất cả các cặp yêu nhau, bao gồm - và đặc biệt - là những cặp cùng giới tính.
CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng các buổi lễ đã diễn ra tại khoảng 80 thành phố ở Đức cũng như ở Zürich, thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ.
Nhưng rất khó để biết số lượng chính xác các cử hành chúc lành như thế.
Tại thành phố Würzburg trong miền Bavaria - cũng như ở các địa điểm khác như Aachen, Berlin, Frankfurt, Mainz và Cologne - một số buổi lễ như thế đã được tổ chức cùng lúc.
Gần 130 người tham gia tập trung tại Nhà thờ Thánh Augustinô, không xa Nhà thờ Würzburg, trong khi gần 40 người tham dự một buổi lễ tương tự trong một nhà thờ dành cho giới trẻ.
Các nhà quan sát ở Köln, Munich và Würzburg đã báo cáo với CNA Deutsch rằng ở nhiều nơi, chỉ có “một số lượng khiêm tốn” đã tham gia vào chiến dịch.
Một báo cáo từ Köln cho biết có tổng cộng sáu cặp đồng tính đã được chúc lành trong nhà nguyện của cộng đồng đại học Công Giáo địa phương và tổng cộng chỉ có 23 người có mặt.
Ở nhiều nơi, một phép lành chung được ban vào cuối buổi lễ, tuy nhiên, lời chúc này minh nhiên nhắc đến các cặp đồng tính luyến ái và các mối quan hệ của họ. Đôi khi những lời chúc phúc riêng lẻ được đưa ra sau buổi lễ.
Theo những người tổ chức một buổi lễ tại Liebfrauenkirche ở Frankfurt, “Vào cuối thánh lễ các tu sĩ dòng Capuchin đứng sẵn đó để chúc phúc cho các cặp”.
Một buổi lễ do Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, cử hành đã diễn ra tại nhà thờ Đức Bà của Giáo phận Limburg.
Trong Nhà thờ Thánh Augustinô ở Würzburg, tất cả các cặp - rõ ràng là bao gồm cả các cặp đồng tính - được mời “đến và nhận” lời chúc phúc cá nhân trong phòng phía sau, sau buổi lễ.
Trình tự của buổi lễ thay đổi tùy theo từng nơi. Một người tham dự buổi lễ chúc lành ở Köln nói với CNA Deutsch rằng buổi lễ giống như một “sự kiện chính trị”. Buổi lễ được dẫn dắt bởi một nữ cố vấn mục vụ mặc áo choàng phụng vụ, người này giải thích rằng cô ta đã bỏ tham dự các thánh lễ từ lâu, bây giờ mới trở lại.
Sau một số tuyên bố chính trị, Tin Mừng được đọc to, tiếp theo là một bài phát biểu. Cuối cùng là bài hát “Imagine” của John Lennon.
Tại nhà thờ thanh niên Würzburg, một nhà tổ chức đã nói về “sự tức giận và buồn bã” bao trùm lên xã hội Đức sau khi có sự can thiệp của Vatican trong đó khẳng định Giáo Hội không thể chúc lành cho tội lỗi. Một “bức tường” tạm thời được dựng lên trong cung thánh và những người tham gia buổi lễ được mời gọi viết ra “tất cả những gì khiến bạn tức giận” vào bức tường đó.
Source:Catholic News Agency
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hương Cảng, cũng vừa đưa ra một lời kêu gọi, từ Bồ Đào Nha, nơi ngài đang tham dự các sự kiện ở Fatima, để yêu cầu Rôma phải hành động nhằm ngăn chặn một “cuộc ly giáo” ở Đức.
Ngay tại Đức, nhiều người Công Giáo cũng đã chỉ trích ngày lễ chúc lành cho các cặp đồng tính. Nhóm “Maria 1.0” kêu gọi các giám mục của đất nước phải hiệp nhất với Rôma trước các cuộc biểu tình chống Tòa Thánh của các giáo dân cực đoan.
Helmut Hoping, giáo sư thần học tín lý tại Đại học Freiburg, nói với CNA Deutsch rằng một số linh mục tiến hành các buổi lễ chúc lành “cũng công khai ủng hộ việc ban bí tích hôn nhân cho các cặp đồng tính trong thời gian không xa”.
Nhà thần học cũng nói về “khuynh hướng ly giáo” trong Giáo hội ở Đức.
Ông cho biết “trong một số lĩnh vực giáo lý và kỷ luật của Giáo hội, sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng đang bị cắt đứt, ví dụ như khi các linh mục vi phạm điều ‘cấm’ rất rõ ràng của Bộ Giáo lý Đức tin đối với việc chúc phúc cho các cặp đồng tính, bất kể lệnh cấm này được công bố với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, trong khi các giám mục lại tuyên bố trước rằng họ chấp nhận việc chúc lành như thế hay thậm chí còn tuyên bố rằng việc chúc lành như thế là khả thi về mặt thần học và cần thiết về mặt mục vụ”.
Cha Gero Weishaupt, linh mục chưởng lý của Tổng giáo phận Köln và là học giả về giáo luật, đã lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với CNA Deutsch rằng Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, và các nhà thần học khác đã cảnh báo về một số khả năng có thể xảy ra ly giáo ở Đức.
“Và người ta có thể hỏi chính mình liệu việc ly giáo ấy đã ngấm ngầm trở thành hiện thực”, Cha Weishaupt nhận xét.
Một số giám mục Đức đã công khai lên tiếng ủng hộ việc chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính luyến ái, bao gồm Georg Bätzing (Limburg), Franz-Josef Overbeck (Essen), Helmut Dieser (Aachen), Reinhard Marx (Munich và Freising), Franz-Josef Bode (Osnabrück), Peter Kohlgraf (Mainz), và Heinrich Timmerevers (Dresden-Meissen).
CNA Deutsch báo cáo rằng giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng ngài sẽ “không đình chỉ một linh mục trong giáo phận của mình hoặc áp đặt các hình phạt khác của Giáo hội đối với linh mục ấy” nếu vị linh mục công khai chống lại chỉ thị của Tòa Thánh về việc không được chúc lành cho các cặp đồng tính.
Giáo phận Essen gần đây đã tổ chức một sự kiện tuyên bố rằng việc chúc lành cho các kết hiệp đồng giới không phải là một vấn đề có nên tiến hành hay không mà là vấn đề tiến hành như thế nào.
Nhưng các giám mục Đức khác đã hoan nghênh sự can thiệp của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trong số đó có Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki (Cologne), các Đức Cha Stephan Burger (Freiburg), Ulrich Neymeyr (Erfurt), Gregor Maria Hanke (Eichstätt), Wolfgang Ipolt (Görlitz), Stefan Oster (Passau), và Rudolf Voderholzer (Regensburg).
Source:Catholic News Agency
Mark Pattison ngày 10 tháng 5 năm 2021 cho hay hai diễn viên Công Giáo Mark Wahlberg và Mel Gibson bắt đầu cùng đóng bộ phim về cuộc đời của một linh mục.
Mel Gibson, Mark Wahlberg, Owen Wilder Vaccaro và Will Ferrell là các diễn viên nổi tiếng đã từng thủ các vai chính trong các bộ phim “Bố ở nhà 2” "Daddy's Home 2". Hai diễn viên Công Giáo Mark Wahlberg và Mel Gibson sẽ thủ các vai chính trong bộ phim sắp tới mang tên "Stu", đã bắt đầu quay, kể về câu chuyện của Cha Stuart Long, một võ sĩ Quyền Anh vang bóng một thời đã trở thành linh mục và qua đời vào năm 2014.
Các diễn viên Công Giáo nổi tiếng: Mark Wahlberg trong vai linh mục và Gibson trong vai cha của anh. Theo tờ Variety, một tạp chí kinh doanh cho hay Wahlberg đã phải ăn uống để lên cân hầu có thể thủ vai cho Long cho xứng.
Rosalind Ross, vợ của Gibson, mẹ của một cậu con 4 tuổi, đã viết kịch bản – tác giả này đã viết hai bộ phim khác trong thập niên trước - và đang đạo diễn bộ phim đầu tiên của mình. Wahlberg được biết là một trong những nhà sản xuất phim mà không ấn định ngày trình chiếu...
Bộ phim “Stu” còn có sự góp mặt của nữ diễn viên người Mexico tên là Teresa Ruiz, được biết đến trong vai Isabella của cuốn phim “Narcos: Mexico” và nữ diễn viên kỳ cựu người Úc Jacki Weaver, được biết đến với vai mẹ của Bradley Cooper và vợ của Robert De Niro trong bộ phim “Silver Linings Playbook” trình chiếu vào năm 2012.
Đây không phải là lần đầu tiên Wahlberg và Gibson cùng nhau xuất hiện trong cùng bộ phim. Trong bộ phim hài "Daddy’s Home 2" năm 2017, Wahlberg đã thủ vai vai Dusty và Gibson trong vai cha của anh - mối quan hệ tương tự này được tái diễn trong phim "Stu".
Cha Long ngày xưa theo học tại các trường Công Giáo, nhưng không gần gũi các thầy cô và anh ta cũng không sống mà còn chống lại niềm tin Kitô giáo của mình. Trong thời gian theo học tại một Học viện Công Giáo, anh đã khám phá tài khiếu Quyền Anh nơi anh. Và khi anh thành công trong lãnh vực này, anh đã tìm đến Hollywood để tìm cách len lỏi vào lĩnh vực điện ảnh. Điều đó dẫn đến một ngày, xe motor của anh bị tai nạn với một chiếc ô tô và anh ta đạ bị một xe thứ hai cán lên...
Trong thời gian nằm trong bệnh viện, anh đã tìm lại được đức tin và bắt đầu theo đuổi thiên chức linh mục. Anh đã tìm đến Tu viện Mount Angel thuộc Dòng Biển Đức ở Oregon. Anh sớm được chẩn đoán bị thoái hóa cơ nghiêm trọng. Lúc xuất viện, thầy Long phải đi nạng. Cuối cùng, khi làm linh mục cha Long đã phục vụ ở Montana trên một chiếc xe lăn có động cơ.
Diễn viên Wahlberg, ban đầu là trưởng của ban nhạc Marky Mark và Funky Bunch, đã trở thành một diễn viên nổi tiếng trong các vai diễn nổi bật trong thập niên qua trong các phim “The Fighter”, “Ted” và “Ted 2,” “Deepwater Horizon,” “Ngày của những người yêu nước”, “Transformers: The Last Knight” và tự đóng vai chính mình trong loạt phim truyền hình “Entourage.”
Còn Gibson, một ngôi sao Hollywood đã tự bỏ tiền túi ra để thực hiện bộ phim "The Passion of the Christ" năm 2004, ông đã nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt, nhưng những lời ca ngợi của các nhà phê bình, đã bị hoen ố tên tuổi của ông, khi ông bị bắt vì một vụ lái xe say rượu năm 2006, trong đó cảnh sát cũng trưng dẫn một video về một câu nói bài Do Thái của ông...
Nguồn triết học của phương pháp
Tại thời điểm này, câu hỏi được đặt ra, là làm thế nào các phạm trù chủ yếu của Dibelius và Bultmann để phán đoán — tức là, hình thức thuần túy, sự đối lập giữa khải huyền và cánh chung, v.v. — đưa ra được bằng chứng cho chúng để họ có thể tin rằng họ có dụng cụ hoàn hảo tùy ý sử dụng để đạt được nhận thức về lịch sử? Tại sao hệ thống tư tưởng này được sử dụng không cần thắc mắc và cả ngày nay vẫn được áp dụng phần lớn? Phần lớn, nó đã trở thành một chuyện thông thường của học thuật, đi trước phân tích cá nhân và dường như được hợp pháp hóa gần như tự động khi ứng dụng. Nhưng những người sáng lập phương pháp thì sao? Chắc chắn, Dibelius và Bultmann đã đứng trong một truyền thống. Người ta đã đề cập đến sự lệ thuộc của họ vào Gunkel và Bousset. Nhưng ý tưởng chủ đạo của họ là gì? Với câu hỏi này, việc tự phê bình của phương pháp lịch sử chuyển qua việc tự phê bình về lý trí lịch sử, nếu không có sự phân tích này, việc phân tích của chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong những điều hời hợt.
Trước hết, người ta có thể lưu ý rằng trong trường phái lịch sử tôn giáo, mô hình biến hóa đã được áp dụng vào việc phân tích các bản văn Kinh thánh. Đây là một nỗ lực nhằm đem các phương pháp và mô hình của các khoa học tự nhiên vào việc nghiên cứu lịch sử.
Bultmann đã nắm bắt khái niệm này một cách tổng quát hơn và do đó gán cho điều gọi là thế giới quan khoa học một loại tính cách giáo điều. Vì vậy, thí dụ, đối với ông, tính phi lịch sử của những câu chuyện phép lạ không hề còn là một vấn đề gì nữa. Điều duy nhất người ta cần làm là giải thích những câu chuyện phép lạ này ra đời như thế nào. Một mặt, sự ra đời của thế giới quan khoa học là mập mờ và không được suy nghĩ thấu đáo. Mặt khác, nó đưa ra một quy tắc tuyệt đối để phân biệt giữa điều có thể là và điều chỉ phải được giải thích bằng phát triển. Thuộc phạm trù thứ hai này là mọi điều không bắt gặp trong kinh nghiệm thông thường hàng ngày. Chỉ có thể có điều bây giờ có. Do đó, đối với mọi điều khác, các diễn trình lịch sử được phát minh, mà việc tái tạo chúng lại đã trở thành thách thức đặc thù cho khoa chú giải.
Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải tiến thêm một bước nữa để đánh giá quyết định căn bản của hệ thống đã phát sinh ra những phạm trù đặc thù này để phán đoán. Đối với tôi, giả định triết học thực sự của toàn bộ hệ thống dường như nằm trong bước ngoặt triết học do Immanuel Kant đề xuất. Theo ông, các hữu thể nhân bản không thể nghe thấy tiếng nói của hữu thể-trong chính nó (being-in-itself). Con người chỉ có thể nghe thấy nó một cách gián tiếp trong những định đề của lý trí thực tế, vốn dĩ, có thể nói, chỉ là một cánh cửa nhỏ qua đó họ có thể tiếp xúc với thực tại, tức là định mệnh vĩnh cửu của họ. Còn những điều khác, họ có thể tiến xa đến chỗ tiếp xúc với điều có thực (positive), với điều thực nghiệm, với khoa học “chính xác”, điều mà theo định nghĩa loại trừ vẻ bề ngoài của điều “hoàn toàn khác” hoặc chính điều hoàn toàn khác, hoặc một sáng kiến mới từ một bình diện khác.
Theo thuật ngữ thần học, điều này có nghĩa mặc khải phải rút vào hình thái thuần túy của một lập trường cánh chung, tương ứng với Sự Tách biệt (Split) của Kant. Đối với mọi sự khác có liên quan, tất cả đều cần được “giải thích”. Những gì khác có vẻ giống như một công bố trực tiếp về thần linh chỉ có thể là thần thoại, mà ta có thể khám phá ra các quy luật phát triển của nó. Chính với niềm xác tín căn bản này mà Bultmann, cùng với phần lớn các nhà chú giải hiện đại, đã đọc Kinh thánh. Ông ta chắc chắn rằng đó không thể là cách nó được mô tả trong Kinh thánh, và ông tìm các phương pháp để chứng minh cách nó thực sự phải là. Tới mức đó, nền chú giải hiện đại đã rút gọn lịch sử thành triết học, xét lại lịch sử bằng phương tiện triết học.
Câu hỏi thực sự trước mắt chúng ta là, liệu người ta có thể đọc Kinh thánh theo cách nào khác không? Hoặc có lẽ tốt hơn, liệu người ta có phải đồng ý với triết lý vốn đòi hỏi kiểu đọc này không? Trong cốt lõi, cuộc tranh luận về nền chú giải hiện đại không phải là cuộc tranh luận giữa các sử gia: đúng hơn, nó là một cuộc tranh luận triết học. Chỉ bằng cách này, nó mới có thể được thực hiện một cách chính xác. Nếu không, nó sẽ giống như một trận chiến trong sương mù. Đúng ra, vấn đề chú giải giống hệt cuộc đấu tranh cho các nền tảng của thời đại chúng ta. Một cuộc đấu tranh như vậy không thể được tiến hành một cách tùy tiện, cũng như không thể giành được thắng lợi với một vài gợi ý. Như tôi đã nói, nó đòi hỏi sự cam kết đầy quan tâm và quan yếu của cả một thế hệ. Nó không thể đơn giản rút lui trở lại Thời Trung Cổ hoặc thời các Giáo phụ và đặt chúng vào sự đối lập mù quáng với tinh thần của thời đại hiện nay. Nhưng nó cũng không thể bác bỏ những hiểu biết thông sáng của những tín hữu vĩ đại trong quá khứ và giả dụ cho rằng lịch sử tư tưởng nghiêm túc chỉ bắt đầu với Kant.
Theo ý kiến của tôi, cuộc tranh luận gần đây hơn về tkhoa diễn giải Kinh thánh đang chịu đựng việc thu hẹp chân trời của chúng ta như vậy. Người ta khó có thể bác bỏ nền chú giải của các Giáo phụ bằng cách gọi nó chỉ là “ẩn dụ” hoặc gạt bỏ triết học của thời Trung cổ bằng cách gán nhãn cho nó là “tiền phê phán”.
Các yếu tố căn bản của một tổng hợp mới
Sau những nhận xét trên về thách thức của việc tự phê bình phương pháp lịch sử, giờ đây chúng ta thấy mình phải đối đầu với mặt tích cực của vấn đề, làm thế nào để kết hợp các công cụ của nó với một triết lý tốt hơn, một triết lý sẽ dẫn đến ít nhược điểm xa lạ hơn với bản văn, bớt tùy tiện hơn, và mang lại nhiều khả thể lớn lao hơn cho việc thực sự lắng nghe chính bản văn. Không nghi ngờ gì nữa, nhiệm vụ tích cực thậm chí còn khó khăn hơn nhiệm vụ phê phán. Tôi chỉ có thể cố gắng kết luận những nhận xét này bằng cách cố gắng khai hoang một vài lối đi nhỏ hẹp trong bụi cây, hy vọng có lẽ sẽ chỉ ra được con đường chính nằm ở đâu và phải tìm thấy nó bằng cách nào.
Giữa cuộc tranh luận về thần học, về phương pháp luận vào thời của ngài, Thánh Grêgôriô thành Nyssa kêu gọi nhà duy lý Eunomiô đừng nhầm lẫn thần học với khoa học tự nhiên. (Theologein không phải là physiologein). Ngài nói, “Mầu nhiệm của thần học là một chuyện, việc điều tra khoa học về tự nhiên là một chuyện hoàn toàn khác”. Như thế, người ta không thể “nắm gọn bản chất không thể hiểu của Thiên Chúa trong lòng bàn tay của một đứa trẻ”. Ở đây, Thánh Grêgôriô ám chỉ một trong những câu nói nổi tiếng của Zeno: “Bàn tay mở là tri giác [perception], bàn tay vỗ là sự đồng tình của trí hiểu, bàn tay hoàn toàn khép lại đối với một điều gì đó là ghi nhận phán đoán, bàn tay được bàn tay khác nắm chặt là khoa học có hệ thống”.
Như chúng ta đã thấy, khoa chú giải hiện đại đã hoàn toàn xếp Thiên Chúa vào thể không thể hiểu nổi, thuộc thế giới khác và không thể diễn đạt được để có thể xử lý chính bản văn Kinh thánh như một thực tại hoàn toàn thuộc thế gian theo các phương pháp khoa học-tự nhiên.
Trái ngược với chính bản văn, Physiologein được thực hành. Như một "khoa học có phê phán", nó cho rằng mình có một độ chính xác và chắc chắn tương tự như khoa học tự nhiên. Đây là một đòi hỏi sai lầm vì dựa vào việc hiểu sai độ sâu sắc và tính năng động của lời nói. Chỉ khi nào người ta lấy từ lời nói đặc tính riêng của nó và sau đó đưa nó lên màn hình của một giả thuyết căn bản nào đó thì người ta mới có thể khiến nó tuân theo những quy tắc chính xác như vậy. Trong phương diện này, Romano Guardini đã bình luận về tính chắc chắn lầm lẫn của các nhà chú giải hiện đại, điều, theo ngài, "đã tạo ra những kết quả cá thể rất quan trọng, nhưng đã bỏ quên đối tượng đặc thù của chính nó và nói chung đã không còn là thần học nữa". Tư tưởng cao siêu của Thánh Grêgôriô thành Nyssa vẫn còn là một kim chỉ nam đích thực cho đến ngày nay: “những ánh sáng lướt qua và lấp lánh của lời Chúa hằng ngời sáng trước đôi mắt linh hồn... nhưng nay hãy để những gì chúng ta nghe được từ tiên tri Êlia vang lên trong linh hồn chúng ta và các suy nghĩ của chúng ta cũng có thể được cuốn vào cỗ xe rực lửa... vì vậy chúng ta sẽ không phải từ bỏ hy vọng được đến gần những vì sao này, ý tôi muốn nói các ý nghĩ của Thiên Chúa...”
Vì vậy, lời nói không nên phục tùng bất cứ loại nhiệt tình nào. Đúng hơn, cần có sự chuẩn bị để mở cửa đưa chúng ta vào tính năng động bên trong của nó. Điều này chỉ có thể có được khi có một “sự đồng cảm” nào đó để hiểu, một sự sẵn sàng muốn học hỏi điều mới nào đó, giúp ta tiến trên một con đường mới mẻ. Không đòi bàn tay nắm lại mà là con mắt mở to....
Vì vậy, nhà chú giải không nên tiếp cận bản văn với một triết lý đã được làm sẵn, cũng như không theo các mệnh lệnh của cái gọi là thế giới quan hiện đại hoặc “khoa học”, vốn xác định trước điều gì có thể có điều gì không thể có. Ông không nên tiên thiên (a priori) loại trừ điều này là Thiên Chúa (toàn năng) có thể nói bằng lời nói của con người trong thế giới. Ông không nên không loại trừ điều này là chính Thiên Chúa có thể bước vào và hoạt động trong lịch sử loài người, bất kể một điều như thế thoạt đầu xem ra bất cái nhiên đến đâu.
Ông phải sẵn sàng học hỏi từ những điều phi thường. Ông phải sẵn sàng chấp nhận điều này là thể thực sự nguyên ủy có thể xảy ra trong lịch sử, một điều gì đó vốn không thể diễn khởi từ các tiền lệ nhưng vẫn tự mở mình ra. Ông không nên phủ nhận nơi nhân loại khả năng đáp ứng vượt trên các phạm trù của lý trí thuần túy và vươn quá chính chúng ta để hướng tới chân lý rộng mở và vô tận của hữu thể.
Chúng ta cũng phải xem xét lại mối liên hệ giữa biến cố và lời nói. Đối với Dibelius, Bultmann, và chính dòng chú giải hiện đại, biến cố là yếu tố phi lý. Nó nằm trong lĩnh vực sự kiện tính (facticity), nghĩa là sự pha trộn giữa ngẫu phát (accident) và tất yếu. Vì vậy, sự kiện tự nó không thể mang một ý nghĩa. Ý nghĩa chỉ nằm trong lời nói, và nơi nào các biến cố dường như mang một ý nghĩa, chúng phải được coi như các minh họa của lời nói mà chúng phải qui chiếu. Các phán đoán diễn khởi từ một quan điểm như vậy chắc chắn có sức thuyết phục đối với con người ngày nay, vì chúng rất ăn khớp với các khuôn mẫu kỳ vọng của chính họ. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào trên thực tế hỗ trợ chúng. Bằng chứng như vậy chỉ có thể được thừa nhận khi giả định rằng nguyên tắc của phương pháp khoa học, tức nguyên tắc cho rằng mọi hiệu quả xảy ra đều có thể được giải thích theo các mối liên hệ thuần túy nội tại trong chính hoạt động, không những có giá trị về mặt phương pháp mà còn đúng trong và từ chính nó. Như thế, trong thực tế sẽ chỉ có “ngẫu phát và tất yếu”, không có gì khác, và người ta chỉ nên coi những yếu tố này như những sự kiện trần trụi (brute facts).
Nhưng điều hữu ích như một nguyên tắc phương pháp luận cho các khoa học tự nhiên là một điều tầm thường đã bị vứt bỏ như một nguyên tắc triết học; và như một nguyên tắc thần học, nó là một mâu thuẫn. (Làm thế nào bất cứ hoặc tất cả hoạt động của Thiên Chúa có thể bị coi là ngẫu phát hoặc tất yếu?) Ở đây, cũng vì lợi ích của óc tò mò khoa học, chúng ta phải thử nghiệm chính điều trái ngược với nguyên tắc này, tức là mọi sự quả có thể khác thế.
Nói một cách khác: chính biến cố tự nó có thể là một “lời nói”, phù hợp với từ vựng Kinh thánh. Từ điều này, ta có hai quy tắc quan trọng cho việc giải thích.
(a)Trước tiên, cả lời nói lẫn biến cố phải được coi có tính nguyên ủy như nhau, nếu người ta muốn chân thực với quan điểm của Kinh thánh. Thuyết nhị nguyên, một thuyết vốn đẩy biến cố vào tính không lời, tức là vô nghĩa, cũng sẽ tước đoạt sức mạnh truyền đạt ý nghĩa của lời nói, vì khi đó nó sẽ đứng trong một thế giới không có ý nghĩa.
Nó cũng dẫn đến một Kitô học ảo thân (docetic), trong đó thực tại, tức là sự hiện hữu cụ thể về mặt thân xác của Chúa Kitô và nhất là của con người, bị loại ra khỏi lãnh vực ý nghĩa. Như thế, bản chất của việc làm chứng trong Kinh thánh không còn mục đích của nó nữa.
(b) Thứ hai, một thuyết nhị nguyên như vậy tách lời nói của Kinh thánh ra khỏi sự sáng tạo và thay thế tính liên tục hữu cơ của ý nghĩa vốn hiện hữu giữa Cựu ước và Tân ước bằng nguyên tắc gián đoạn. Khi tính liên tục giữa lời nói và biến cố bị để cho mất đi, sẽ không còn bất cứ sự thống nhất nào trong chính Kinh thánh nữa. Một Tân ước bị cắt đứt khỏi Cựu ước tự động bị xóa bỏ vì nó hiện hữu, như chính tiêu đề của nó cho thấy, là vì sự thống nhất của cả hai. Do đó, nguyên tắc gián đoạn phải được cân bằng trở lại bằng tuyên bố nội tại của chính bản văn Kinh thánh, theo nguyên tắc analogia scripturae (loại suy kinh thánh): nguyên tắc cơ học phải được cân bằng bằng nguyên tắc cứu cánh.
Chắc chắn các bản văn trước hết phải được truy ngược về nguồn gốc lịch sử của chúng và được giải thích trong bối cảnh lịch sử riêng của chúng. Nhưng sau đó, trong một hoạt động chú giải thứ hai, người ta cũng phải nhìn chúng dưới góc độ chuyển dịch toàn bộ của lịch sử và dưới góc độ của biến cố trung tâm của lịch sử, tức Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có sự kết hợp của cả hai phương pháp này mới phát sinh sự hiểu biết về Kinh Thánh. Nếu hoạt động chú giải đầu tiên của các Giáo phụ và trong thời Trung cổ bị coi là thiếu sót, thì hoạt động thứ hai cũng vậy, vì nó dễ rơi vào sự tùy tiện. Như thế, điều đầu tiên không có kết quả, nhưng việc bác bỏ bất cứ tính nhất quán (coherence) nào về ý nghĩa cũng dẫn đến một phương pháp luận có tính cố chấp.
Nhận ra tính tự siêu việt bên trong của lời nói lịch sử, và do đó tính đúng đắn bên trong của những lần đọc lại sau đó, trong đó biến cố và ý nghĩa dần dần được đan xen với nhau, là nhiệm vụ của việc giải thích được gọi đúng đắn, mà vì đó các phương pháp thích đáng có thể và phải tìm ra. Trong mối liên hệ này, châm ngôn chú giải của Tôma Aquinô khá chính xác: “Nhiệm vụ của mọi nhà giải thích giỏi là không phải suy niệm, cũng không phải các lời nói, mà là ý nghĩa của lời nói”.
Trong một trăm năm qua, ngành chú giải đã có nhiều thành tựu to lớn, nhưng nó cũng gây ra những sai sót lớn. Hơn nữa, những sai sót vừa nhắc đã phát triển đến một mức nào đó thành tầm cỡ các giáo điều học thuật. Chỉ cần chỉ trích chúng cũng sẽ bị nhiều người coi gần như phạm thánh, nhất là khi nó được thực hiện bởi một người không phải là nhà chú giải. Tuy nhiên, một nhà chú giải rất nổi bật như Heinrich Schlier trước đây từng cảnh cáo các đồng nghiệp của mình: "Đừng lãng phí thời gian của bạn vào những điều tầm phào". Johann Gnilka đã phát biểu lời cảnh cáo này cách cụ thể khi ông phản ứng chống lại sự nhấn mạnh quá mức của trường phái lịch sử truyền thống.
Cùng một đường hướng này, tôi xin bày tỏ những hy vọng sau đây:
(a) Dường như đã đến lúc cần phải có một suy tư mới và thấu đáo về phương pháp chú giải. Các nhà chú giải khoa học phải thừa nhận yếu tố triết học hiện diện trong phần lớn các quy tắc căn bản của nó, và sau đó phải xem xét lại các kết quả dựa trên các quy tắc này.
(b) Việc chú giải không còn được nghiên cứu theo kiểu đơn tuyến, đồng đại, như trường hợp của các phát hiện khoa học không phụ thuộc vào lịch sử của chúng mà chỉ dựa trên độ chính xác của các dữ kiện. Khoa chú giải phải tự nhận mình như một khoa lịch sử. Lịch sử của nó thuộc về chính nó. Trong một sự sắp xếp có phê phán các chủ trương tương ứng của nó trong tính tổng thể của lịch sử của riêng nó, một mặt, nó có thể nhận ra tính tương đối trong các phán đoán riêng của nó (thí dụ, khi các sai sót có thể len lỏi vào). Mặt khác, nó sẽ ở một vị trí tốt hơn để đạt được cái nhìn sâu sắc về việc chúng ta thấu hiểu thực sự, dù luôn không hoàn hảo, về lời lẽ Kinh thánh.
(c) Các phương pháp ngữ học và khoa học đang và sẽ vẫn cực kỳ quan trọng đối với một nền chú giải thích đáng. Nhưng để ứng dụng chúng thực sự vào công việc phê bình - cũng như để kiểm tra các tuyên bố của chúng - cần phải có sự hiểu biết về các hệ luận triết học của diễn trình diễn giải. Cuộc nghiên cứu tự phê bình về lịch sử của chính nó cũng phải bao hàm việc khảo sát các giải đáp triết học thay thế chủ yếu khác đối với tư tưởng con người. Như thế, chỉ khảo sát một trăm năm mươi năm qua là không đủ. Những phác thảo vĩ đại của tư duy giáo phụ và trung cổ cũng phải được đưa vào cuộc thảo luận. Cũng không thể thiếu việc suy tư về các phán đoán nền tảng do các Nhà Cải cách đưa ra và tầm quan trọng phê phán mà họ đã có trong lịch sử chú giải.
(d) Điều chúng ta cần bây giờ không phải là các giả thuyết mới về Sitz im Leben [hậu cảnh đời thực], về các nguồn khả hữu hoặc về diễn trình chuyển giao tài liệu tiếp theo đó. Điều chúng ta cần là một cái nhìn phê phán đối với bối cảnh chú giải mà chúng ta hiện có, để chúng ta có thể trở lại bản văn và phân biệt được giữa các giả thuyết này cái nào hữu ích và cái nào không. Chỉ trong những điều kiện này, mới có thể bắt đầu có sự cộng tác mới và hữu hiệu giữa khoa chú giải và thần học hệ thống. Và chỉ bằng cách này, khoa chú giải mới thực sự giúp ích cho việc hiểu Kinh Thánh.
(e) Cuối cùng, nhà chú giải phải nhận ra rằng mình không đứng trong một khu vực trung lập nào đó, bên trên hoặc bên ngoài lịch sử và Giáo Hội. Cái tính cho là mình bất cần trung gian đó liên quan đến lịch sử thuần túy chỉ có thể dẫn đến ngõ cụt. Giả thiết đầu tiên của tất cả khoa chú giải là nó chấp nhận Kinh thánh như một cuốn sách. Khi làm như vậy, nó đã chọn cho mình một vị trí không chỉ đơn giản bước chân theo việc nghiên cứu văn chương. Nó đã nhận diện nền văn chương đặc thù này là sản phẩm của một lịch sử nhất quán, và lịch sử này như không gian thích hợp để đi đến sự hiểu biết. Nếu nó muốn trở thành thần học, nó phải tiến thêm một bước nữa. Cần phải nhìn nhận rằng đức tin của Giáo Hội là hình thức “thiện cảm” đó mà nếu không có nó, thì Kinh thánh vẫn là một cuốn sách đóng kín. Phải tiến đến chỗ thừa nhận đức tin này như một khoa diễn giải, một không gian để hiểu biết, không mang tính giáo điều bạo lực đối với Kinh thánh, nhưng dành khả thể duy nhất để Kinh thánh tự là chính nó.
XEM VIDEO – SEE VIDEO
Nhà thờ Thánh Maximilian Kolbe được trang trí lộng lẫy khác thường, nhiều mầu sắc hài hòa chen lẫn, trông rất đẹp mắt cả bên trong và ngoài nhà thờ với nhiều bông hoa đủ màu sắc. Từ xa, đã nhìn thấy tấm biểu ngữ lớn, dài với dòng chữ nổi bật “Thánh Lễ Tạ Ơn Hồng ân 20 Linh Mục của Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ" và một biểu ngữ chào mừng Đức cha, quý cha và qúy khách được treo trước cổng nhà thờ chào đón mọi người.
Đúng 11 giờ 00 sáng thứ Bảy 8 tháng 5, đoàn rước được khởi đi từ căn lều tạm nơi car park phía đầu nhà thờ, lần lượt dẫn đầu thánh gía nến cao dẫn đầu đoàn rước trong khung cảnh thánh thiêng hòa lẫn với những hồi chiêng trống, rước đoàn đông tế hân hoan tiến vào thánh đường. Tiếng hát cất cao của ca đoàn Saint Patrick hòa trong tiếng nhạc vang dội hòa chung niềm vui của cộng đoàn hiện diện gồm những người thân của gia đình Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ, những ân nhân, thân nhân, bạn hữu, những tín hữu thuộc nhiều giáo xứ, cộng đoàn nơi Cha Phêrô đã từng phục vụ, đã nói lên lòng quý mến của mọi người đối với Cha Phêrô.
Mở đầu thánh lễ là lời chào mừng và dẫn nhập về ý cầu nguyện của thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 20 năm linh mục của cha Phêrô, mời gọi cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho cha Phêrô luôn được bền đỗ trong ơn gọi:
20 năm, một cuộc hành trình đời linh mục, với biết bao cung bậc cảm xúc: Niềm vui - hạnh phúc, thử thách, khó nhọc, đồng thời đây cũng là hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã thương ban cho cha Phêrô.
Thánh Lễ hôm nay cũng là dịp để cha Phêrô dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, thân nhân, cùng cộng đoàn dân Chúa đã cầu nguyện nâng đỡ cha cách này hay cách khác trong chặng đường Linh Mục của Ngài.
Trong ngày kỷ niệm đăïc biệt hôm nay cha Phêrô đã chủ tế thánh lễ tạ ơn. Ngài bắt đầu với đôi lời chào mừng, cảm ơn Đức cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, cộng đoàn và giới thiệu quý Đức Cha Gregory O Kelly Sj. Cha Tổng Đại Diện Philip Marshall, quý Cha đồng tế đến từ các giáo xứ trong toàn TGP, 2 thầy phó tế đến từ nhà thờ chánh toà Adelaide, nơi cha Mỹ đang phục vụ trong vai trò phụ tá. Trong dịp này cha chủ tế chuyển lời cáo lỗi về sự vắng mặt của Đức TGM Adelaide Patrick O’Regan vì Ngài đang trong những ngày bận rộn với các cuộc họp hội đồng giám mục Úc châu. Cha chủ tế cũng đặc biệt cảm ơn sự có mặt của ông bà cố thân sinh, đã cố gắng đến tham dự thánh lễ, vì tuổi cao, sức khỏe yếu, tưởng chừng không thể đến được.
Trong phần phụng vụ Lời Chúa, sau bài Phúc Âm, là phần chia sẻ của Cha Tổng Đại Diện Philip Marshall. Cha đã thay mặt TGP Adelaide chúc mừng cha Phêrô đồng thời cũng nói lên tâm tình tri ơn ông bà cố thân sinh của Cha Phêrô Mỹ Trần đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và đã dâng hiến người con yêu thương của mình cho Thiên Chúa và Giáo hội. Trong bài chia sẻ Cha Tổng Đại Diện TGP Adelaide cũng đã nói lên ý nghĩa của thiên chức linh mục, là mục tử của Chúa để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Kỷ niệm hồng ân Linh mục hôm nay của cha Mỹ Trần là thời điểm dừng chân mà cảm tạ Thiên Chúa đã vì tình thương, tuyển chọn Cha vào thánh chức cao quý nầy. Xuyên suốt chiều dài hơn 20 năm qua trong ơn gọi hiến dâng, đời Cha đã gieo trong lệ sầu thử thách, để ngày hôm nay gặt hái trong hân hoan. Cha cũng đã mời gọi cộng đoàn thêm lời cầu nguyện cho Cha Mỹ Trần bền đỗ trọng ơn gọi theo Chúa đến cùng.
Thánh lễ được tiếp nối với những lời nguyện giáo dân cầu cho các Đấng bậc trong Hội Thánh được trở nên thánh thiện, đạo đức, đặc biệt cầu nguyện cho Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ được nhiều ơn lành hồn xác để tiếp tục con đường tận hiến, bền đỗ trong ơn gọi.
Các nghi thức phụng vụ thánh lễ được tiến hành nhịp nhàng bằng 2 ngôn ngữ Anh-Việt. Trong suốt thánh lễ những bài thánh ca do ca đoàn Saint Patrick phụ trách đã góp phần cho thánh lễ thêm long trọng, trang nghiêm và sốt sắng.
Sau lời nguyện hiệp lễ là những giây phút chia sẻ tâm tình của cha Phêrô bằng hai ngôn ngữ Anh Viêt, tiếng nói chân thành được bộc bạch trong tâm tình của một linh mục trẻ trong gia đình TGP và chặng đường phục vụ xuyên suốt 20 năm của đời tận hiến.
Trước khi thánh lễ kết thúc, Cha Trần Trọng Mỹ đã xin được cảm ơn một lần nữa quý Cha đồng tế, cộng đoàn, ca đoàn, Hội Ái mộ cha Diệp, ban ẩm thực là những gia đình và những thành viên trong nhóm thân hữu của cha, đã nâng đỡ đồng hành với cha trong suốt nhiều năm qua.... và sau cùng là lời mời chân thành của cha Mỹ và gia đình, mời đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và mọi người bớt chút thì giờ ở lại tham dự bữa ăn trưa thân mật bên hội trường và căn lều tạm phía sau nhà thờ.
Sau khi nhận phép lành cuối lễ, mọi người có dịp chụp hình lưu niệm với quý Đức Cha, quý Cha cũng như với Cha Mỹ và cùng tiến sang hội trường để tham dự tiệc mừng nhân ngày kỷ niệm 20 năm linh mục của cha Phêrô.
Trời đã qúa trưa thời tiết mát dịu, một chút hơi lạnh cuối thu đổ về, đoàn người đông đảo đã lần lượt an vị trong những dãy bàn phủ khăn trắng, khang trang dành cho thực khách. Những phần ăn được đóng gói sẵn trong hộp, mọi người được phục vụ phần ăn trưa riêng biệt theo quy định trong mùa dịch bệnh, với nhiều món ngon miệng. Mọi người hân hoan mừng vui trong bữa tiệc mừng cha Phêrô và cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, hàn huyên, chúc mừng
Trong buổi tiệc mừng, ca đoàn Saint Patrick cũng đã có những tiết mục giúp vui qua những bài ca thật ý nghĩa về ơn gọi để phục vụ quý khách, những lời chúc mừng và tặng qùa lưu niệm của quý đoàn thể. đã nói lên tinh thần liên kết mọi người trong tình yêu giữa những người cùng chung một niềm tin.
Sau cùng là phần cắt bánh mừng lễ tạ ơn 20 năm hồng ân linh mục để mọi người cùng thưởng thức. Cha Mỹ đã cắt chiếc bánh lớn, trang trí đẹp mắt với hàng chữ Chúc mừng 20 năn Hồng ân linh mục, để đánh dấu một ngày vui lớn mang nhiều ý nghĩa đối với Phêrô Trần Trọng Mỹ.
Chương trình lễ tạ ơn 20 năm hồng ân linh mục của Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ đã diễn ra thật long trọng và vui tươi trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và đã kết thúc vào lúc 2.30 Pm cùng ngày.
Xin Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn gìn giữ Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ, ban nhiều ơn lành cho Cha để Cha luôn là ánh sáng, mang Tin mừng đến cho mọi người.
Truyền thông cha Diệp Nam Úc
tường thuật
1. Đức Hồng Y Parolin chủ sự thánh lễ cho các tân vệ binh Thụy Sĩ
Sáng ngày 6 tháng 5, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh đã chủ sự thánh lễ cho 34 tân vệ binh Thụy Sĩ và ngài kêu gọi họ hãy sống gắn bó với Chúa để có thể phục vụ như những môn đệ thừa sai của Chúa trong cuộc sống thường nhật.
Hiện diện trong thánh lễ, cũng có ban chỉ huy, các vệ binh khác, cũng như quí khách.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y bày tỏ lòng biết ơn của Tòa thánh đối với đoàn Vệ binh Thụy Sĩ, trong ngày kỷ niệm 147 vệ binh đã hy sinh tính mạng, ngày 6 tháng 5 năm 1527, trong vụ loạn quân cướp phá thành Roma, để cứu mạng Đức Giáo Hoàng Clemente VII.
Đức Hồng Y Quốc vụ khanh nhắc đến lời tuyên thệ của các tân vệ binh bày tỏ quyết tâm hết sức tận tụy, kể cả hy sinh mạng sống nếu cần để phục vụ Đức Giáo Hoàng, vì lòng yêu mến Chúa. Lời tuyên thệ này, đòi phải có đức tin và sức mạnh tâm hồn, vì cùng với kỷ luật bên ngoài không thể thiếu được, còn cần phải có kỷ luật nội tâm thiết yếu.
Trong chiều hướng đó, Đức Hồng Y Parolin nhắn nhủ các tân vệ binh hết sức cố gắng sống gắn bó với Chúa, “ở lại trong Chúa”: Đây không phải chỉ là trở thành Kitô hữu xác tín, hay đồng hóa với cách suy nghĩ và hành động với Chúa Giêsu, không phải chỉ dành cho Chúa những không gian giới hạn, thời giờ cầu nguyện và dự lễ hằng ngày, nhưng còn cần làm sao để sự hiện diện của Chúa lan tỏa trong các tương quan, trong các hoàn cảnh, tư tưởng, quan tâm, hy vọng và cảm xúc của chúng ta, tóm lại là trọn cuộc sống và con người của chúng ta.
Tiếp theo chiều kích hướng tâm đó là chiều kích ly tâm, đi ra ngoài. Tiêu chuẩn hành động ở đây là những đòi hỏi do sứ mạng của Giáo hội, sứ mạng truyền giáo. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh nói: “Khi phục vụ cạnh Người Kế vị thánh Phêrô, chúng ta hãy cầu xin ơn đón nhận lời mời gọi thi hành sứ mạng truyền giáo, không phải đi tới những nước xa xăm, nhưng là làm chứng về Chúa Giêsu tại nơi chúng ta đang sống và phục vụ, để phổ biến sự hiện diện của Chúa cho những người chúng ta gặp, qua sự dịu dàng, đơn sơ và nhất là qua tấm gương. Tóm lại, ở lại trong Chúa Giêsu và loan báo Chúa Giêsu, đó là căn tính của môn đệ. Chúng ta có thể tóm tắt trong hai từ: hiệp thông và sứ vụ.
Source:Vatican News
2. 34 tân vệ binh Thụy Sĩ tuyên thệ trung thành với Đức Thánh Cha và Tòa thánh
Trưa ngày 6 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp 34 tân vệ binh Thụy Sĩ. Hiện diện trong buổi tiếp kiến, cũng có các thân nhân của các tân vệ binh và các sĩ quan trong đoàn quân này.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Các chức năng của đoàn vệ binh Thụy Sĩ, tuy có tính chất quân sự, nhưng là một việc phục vụ đặc biệt dành cho Người Kế vị thánh Phêrô và Tòa thánh, để mưu ích cho toàn thể Giáo hội. Vì thế thật là điều đáng đánh giá cao những người trẻ quyết định dành vài năm trong cuộc sống để quảng đại phục vụ Đức Giáo Hoàng và cộng đoàn Giáo hội... Nhân dịp này, tôi công khai cám ơn tất cả các thành viên đoàn vệ binh Thụy Sĩ, vì lòng chuyên cần chu toàn việc phục vụ. Tôi đánh giá rất cao khả năng của anh em liên kết các khía cạnh chuyên nghiệp với khía cạnh tâm linh, qua đó biểu lộ lòng quí mến và trung thành của anh em với Tòa thánh. Các tín hữu hành hương và du khách đến Roma cũng có thể cảm nghiệm những thái độ lịch sự và sẵn sàng của các vệ binh tại các lối vào thành Vatican. Anh em đừng bao giờ quên những đức tính đó, đó là một chứng tá thật đẹp và là dấu chỉ tinh thần tiếp đón của Giáo hội”.
Lúc 5 giờ chiều cùng ngày, 34 tân vệ binh Thụy Sĩ đã làm lễ tuyên thệ tại sân Damaso của dinh Tông tòa, do Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá quốc vụ khanh Tòa thánh, chủ tọa. Trong số các quan khách hiện diện, cũng có ông bà tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin. Ông bà đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến riêng vào ban sáng.
Source:Vatican News
3. Mới nhậm chức chưa được 2 tháng, Tổng thư ký Liên Hội Đồng Giám Mục Nam Phi Châu chết vì virus Tầu độc địa
Liên Hội Đồng Giám Mục Nam Phi Châu, gọi tắt là Imbisa, bao gồm chín nước là Angola, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, São Tomé và Príncipe São Tomé và Príncipe, Nam Phi, và Zimbabwe.
Tháng Ba năm nay, cha Linus Ngenomesho, Tổng thư ký Imbisa, thuộc dòng Hiến Sinh Đức Mẹ Vô nhiễm, gọi tắt là OMI, được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa giáo phận Rundu ở Namibia. Liên Hội Đồng Giám Mục Nam Phi Châu đã chọn nữ tu Helena, 63 tuổi, người Namibia, thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu (MSC), thay thế cha Linus.
Sơ Helena từng làm Bề trên Giám tỉnh và tổng cố vấn của dòng, đã bắt đầu nhiệm vụ Tổng thư ký Imbisa từ tháng Ba năm nay,
Liên Hội Đồng Giám Mục Nam Phi Châu đau buồn thông báo rằng Sơ Helena đã chết vì Covid-19, hôm Chúa nhật 2 tháng 5 vừa qua, tại nhà thương Công Giáo ở Windhoek, thủ đô của Namibia.
Hội đồng Giám mục Imbisa kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho linh hồn nữ tu Helena.
Namibia có gần 2.6 triệu dân, trong đó gần 50,000 người bị nhiễm Coronavirus và 670 người đã chết.
Source:ACI Africa
4. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 9 tháng 5
Chúa Nhật 9 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 6 Mùa Phục sinh, Bài Phúc Âm của ngày lễ có chủ đề: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật này (Ga 15: 9-17) sau khi so sánh chính Người với cây nho và chúng ta với cành, Chúa Giêsu giải thích những ai ở lại với Người sẽ sinh hoa kết trái như thế nào: hoa trái ấy là tình yêu. Ngài lại lặp lại một động từ quan trọng: đó là ở lại. Ngài mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu thương của Ngài để niềm vui của Ngài ở trong chúng ta và niềm vui của chúng ta được tràn đầy (câu 9-11). Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy tự hỏi: tình yêu này là gì mà Chúa Giêsu bảo chúng ta phải ở lại để có được niềm vui của Người? Tình yêu này là gì? Thưa: Đó là tình yêu bắt nguồn từ Chúa Cha, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8). Tình yêu này của Thiên Chúa, của Chúa Cha, tuôn chảy như dòng sông trong Con của Người là Chúa Giêsu và nhờ Người đến với chúng ta, là những tạo vật của Người. Thật vậy, Người nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15: 9). Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta cũng giống như tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Ngài: đó là tình yêu thuần khiết, tình yêu được ban cho một cách nhưng không, vô điều kiện. Tình yêu ấy không thể mua bán, tình yêu ấy là nhưng không. Khi trao cho chúng ta tình yêu ấy, Chúa Giêsu đối xử với chúng ta như những người bạn - và với tình yêu thương này, Người khiến chúng ta nhận biết Chúa Cha, và Người đưa chúng ta vào cùng sứ mệnh của Người đối với sự sống của thế giới.
Chúng ta có thể tự hỏi, làm thế nào để chúng ta sống trong tình yêu này? Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (câu 10). Chúa Giêsu đã tóm tắt các điều răn của Ngài trong một điều duy nhất, đó là điều này: “Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu mến anh em” (câu 12). Yêu như Chúa Giêsu có nghĩa là hiến thân phục vụ anh chị em mình, như Ngài đã rửa chân cho các môn đệ. Điều đó cũng có nghĩa là đi ra ngoài chính chúng ta, tách mình ra khỏi sự chắc chắn của con người chúng ta, khỏi những tiện nghi trần thế, để mở lòng mình ra với những người khác, đặc biệt là những người đang quẫn bách. Nó có nghĩa là làm cho bản thân luôn sẵn sàng, trong tình trạng hiện nay của chúng ta và với những gì chúng ta có. Điều này có nghĩa là yêu không phải bằng lời nói mà bằng hành động.
Yêu như Chúa Kitô có nghĩa là nói 'không' với những thứ 'yêu' khác mà thế gian dành cho chúng ta: yêu tiền, chẳng hạn, những người yêu tiền không yêu như Chúa Giêsu yêu, yêu thành công, phù phiếm, yêu quyền lực…. Những con đường lừa dối của “tình yêu” này khiến chúng ta xa rời tình yêu của Chúa và khiến chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ, tự ái, hống hách. Và hống hách dẫn đến suy thoái tình yêu thương, lạm dụng người khác, làm cho những người thân yêu của chúng ta đau khổ. Tôi đang nghĩ đến tình yêu không lành mạnh biến thành bạo lực – và có biết bao những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực ngày nay. Đây không phải là tình yêu. Yêu như Chúa yêu chúng ta có nghĩa là đánh giá cao những người bên cạnh chúng ta, tôn trọng tự do của họ, yêu họ như họ vốn có, không phải như chúng ta muốn một cách vô cớ. Cuối cùng, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta ở lại trong tình yêu của Người, ở trong tình yêu của Người, chứ không ở lại trong các ý tưởng của chúng ta, không ở lại trong sự tự tôn thờ chính chúng ta. Những người sống trong sự tôn thờ bản thân thì sống như đang đứng trước gương: luôn nhìn vào chính mình. Trái lại, những người đang sống trong tình yêu Chúa thì vượt qua được tham vọng muốn kiểm soát và quản lý người khác. Anh chị em đừng kiểm soát, những hãy phục vụ tha nhân. Hãy mở lòng với người khác, đây chính là yêu thương, là trao ban chính mình cho người khác.
Anh chị em thân mến, việc ở lại trong tình yêu của Chúa sẽ dẫn chúng ta đến đâu?Thưa: Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (câu 11). Chúa Giêsu hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha nên Ngài có được niềm vui, đó là niềm vui Ngài muốn chúng ta cũng được hưởng khi chúng ta được kết hợp với Ngài. Niềm vui khi biết mình được Chúa yêu thương, cho dù chúng ta không chung thủy, giúp chúng ta có thể tự tin đối mặt với những thử thách của cuộc sống, khiến chúng ta sống qua những cơn khủng hoảng để vươn lên khỏi chúng tốt hơn. Việc chúng ta trở thành nhân chứng đích thực bao gồm việc sống niềm vui này, bởi vì niềm vui là dấu chỉ đặc biệt của một Kitô hữu chân chính. Kitô hữu chân chính không buồn; họ luôn có niềm vui đó bên trong tâm hồn, ngay cả trong những thời khắc khó khăn.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta luôn ở trong tình yêu của Chúa Giêsu và lớn lên trong tình yêu đối với mọi người, để làm chứng cho niềm vui của Chúa Phục Sinh.
Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm:
Anh chị em thân mến!Với mối quan tâm đặc biệt, tôi đang theo dõi các sự kiện đang xảy ra ở Giêrusalem. Tôi cầu nguyện rằng Thánh Địa có thể là một nơi gặp gỡ và không xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực, một nơi cầu nguyện và hòa bình. Tôi mời mọi người tìm kiếm các giải pháp được tán đồng ngõ hầu bản sắc đa tôn giáo và đa văn hóa của Thành phố Thánh được tôn trọng và tình anh em được đề cao. Bạo lực sinh ra bạo lực. Những cuộc đụng độ đã quá đủ.
Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày hôm qua ở Kabul: một hành động vô nhân đạo đã nhắm vào rất nhiều nữ sinh khi họ đang rời trường học. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người trong số họ và cho gia đình của họ. Và cầu xin Chúa ban hòa bình cho Afghanistan.
Ngoài ra, tôi cũng muốn bày tỏ sự lo lắng của mình đối với những căng thẳng và các cuộc đụng độ bạo lực ở Colombia, đã khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Có rất nhiều người Colombia ở đây; chúng ta hãy cầu nguyện cho quê hương của anh chị em đó.
Hôm nay, tại Agrigento, Rosario Angelo Livatino, một vị tử đạo vì công lý và đức tin, đã được phong chân phước. Khi phục vụ cộng đồng với tư cách là một thẩm phán xuất sắc, vị tân Chân Phước không bao giờ cho phép mình băng hoại, ngài đã cố gắng đưa ra các phán quyết không phải để kết án nhưng là để cải huấn. Ngài luôn đặt công việc của mình “dưới sự che chở của Chúa”; vì lý do này, ngài đã trở thành nhân chứng cho Tin Mừng cho đến cái chết anh hùng của mình. Cầu mong tấm gương của ngài là động lực cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với các thẩm phán, để trở thành những người bảo vệ trung thành cho luật pháp và tự do. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước!
Tôi xin gửi lời chào chân thành đến tất cả anh chị em, người dân thành phố Rôma và những người hành hương. Cảm ơn anh chị em đã ở đây! Đặc biệt, tôi chào những người bị chứng cơ xơ hóa: Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với họ và tôi hy vọng rằng sự chú ý đến căn bệnh đôi khi bị bỏ qua này có thể được tăng lên.
Và chúng ta không thể quên những người mẹ! Chúa Nhật này, ở nhiều quốc gia, là Ngày Hiền Mẫu. Chúng ta hãy gửi lời chào đến tất cả những người mẹ trên thế giới, kể cả những người không còn ở bên chúng ta nữa. Xin anh chị em một tràng pháo tay dành cho các bà mẹ!
Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon miệng!
Source:Holy See Press Office
1. Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục sau khi hai phụ nữ Á Châu bị đâm.
Ðức Cha Salvatore Cordileone, Tổng Giám Mục San Francisco, đã kêu gọi người Công Giáo địa phương “tham gia cầu nguyện, chầu Thánh Thể và ăn chay để chấm dứt bạo lực và hận thù”, sau khi hai phụ nữ Á châu bị đâm tại một trạm xe buýt ở trung tâm thành phố San Francisco chiều ngày thứ Ba 4 tháng 5.
Cả hai nạn nhân được đưa đến các bệnh viện gần đó, trong đó có một cụ bà 85 tuổi phải tiến hành phẫu thuật.
Trong một tuyên bố, Ðức Tổng Giám Mục Cordileone viết: “Bạo lực đã xảy ra một lần nữa. Lần này, hai phụ nữ Á châu bị đâm trên đường phố San Francisco giữa ban ngày. Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Thành phố thân yêu của chúng ta đang trở nên tồi tệ hơn. Tenderloin là trung tâm của tình trạng vô gia cư và nghèo đói. Các giải pháp đòi hỏi có những ý tưởng mới và sáng tạo, cũng như một cái nhìn cứng rắn và trung thực về một số thực tế rất đau đớn.”
Đức Tổng Giám Mục San Francisco nói rằng nếu mọi người hiệp nhất với nhau trong tình yêu sâu sắc đối với thành phố và người dân thì điều tồi tệ sẽ không xảy ra.
Ngài kêu gọi: “Chúng ta phải ngừng thù ghét nhau. Chúng ta phải nhận ra tha nhân không phải là đối tượng của bạo lực hoặc thù hận, mà là anh chị em được dựng nên theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Ðây là một thách đố lớn đối với tất cả chúng ta. Tôi xin các tín hữu Công Giáo San Francisco tham gia cầu nguyện, chầu Thánh Thể và ăn chay để chấm dứt bạo lực và hận thù.” Đức Tổng Giám Mục đã kết thúc lá thư với lời nguyện: “Lạy thánh Phanxicô, Ðấng bảo trợ của San Francisco, xin cầu cho chúng con.”
Theo một nhân chứng, người đàn ông đã tấn công các phụ nữ và bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra.
Hai tiếng sau đó, cảnh sát San Francisco đã bắt tên Patrick Thompson, 54 tuổi.
Source:Catholic News Agency
2. Từ nhân chứng Giê-hô-va trở thành linh mục Công Giáo
Miguel Mendoza, 25 tuổi, người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ, được tấn phong phó tế ngày 13 tháng 2 vừa qua, cùng với 8 chủng sinh khác của tổng giáo phận Denver, Colorado, nơi anh sinh ra. Từng là Nhân Chứng Giê-hô-va, anh sẽ được phong chức linh mục Công Giáo trong những tháng tới.
Trong một bài báo trên trang web El Pueblo Católico, thuộc tổng giáo phận Denver, vị phó tế trẻ tuổi nói về câu chuyện của gia đình anh:
Khi tôi chào đời, họ đã là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi biết rằng mẹ tôi muốn trở thành một nữ tu khi bà ở Mễ Tây Cơ, nhưng bà ngoại tôi không đồng ý. Sau đó ít lâu, họ từ bỏ đức tin Công Giáo và tìm đến với giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va.
Miguel biết ơn vì mẹ anh đã truyền cho anh “tình yêu thương chân thật của Thiên Chúa”, mặc dù anh nhận xét rằng “Các Nhân chứng Giê-hô-va có ý tưởng khác với người Công Giáo”. Về vấn đề này, vị tân phó tế giải thích:
Các nhân chứng Giê-hô-va hiểu không đúng về đức tin Công Giáo. Họ không đồng ý với các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và gần như có sự căm thù đối với Giáo Hội. Và tôi lớn lên cùng với suy nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo không phải là một điều tốt.
Miguel quyết định tìm hiểu thêm về Công Giáo khi 16 tuổi. “Tôi muốn biết tại sao chúng tôi chống lại Giáo Hội Công Giáo, tại sao các nhân chứng Giê-hô-va cho rằng Giáo Hội Công Giáo 'dạy những điều sai trái', như 'tôn thờ' Đức Mẹ Đồng trinh hoặc 'tôn thờ' giáo hoàng, và những điều được coi là sai trái khác nữa”.
Chính trong quá trình nghiên cứu, anh đã tìm hiểu sâu về các câu hỏi về chức tư tế từ bức ảnh của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang cử hành Thánh lễ. Miguel muốn biết thêm về lễ phục phụng vụ, về bàn thờ và về những người quỳ gối trước “mảnh bánh mỳ.” Và càng nghiên cứu, tìm hiểu, anh càng thấy hứng thú.
“Tôi cảm nhận được ơn gọi,” anh nói với El Pueblo Católico. “Chúa đã kêu gọi tôi làm điều gì đó đẹp đẽ như cử hành thánh lễ và đưa Chúa Kitô lên bàn thờ. Tôi quyết định xin được rửa tội. Và hai năm sau tôi vào chủng viện”.
Đó chỉ là sự khởi đầu của điều kỳ diệu của niềm tin. Không chỉ Miguel trở lại với Giáo Hội, mà anh trai của anh cũng trở về, và sau đó là mẹ và cha của anh.
Hôm nay, toàn thể gia đình của linh mục tương lai Miguel Mendoza cử hành đức tin Công Giáo. Họ mong chờ vị phó tế trẻ tuổi đã bị mê hoặc bởi chân lý của Giáo hội được sớm truyền chức linh mục.
Source:Aleteia
3. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan lên tiếng về cuộc khủng hoảng luân lý tại Âu châu.
Ðức Tổng giám mục Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, tố giác rằng Âu châu đang bị suy tàn vì một cuộc khủng hoảng luân lý: dân chúng hiểu lầm tự do là được sống đồi trụy. Nhưng đại lục này có thể được cứu thoát, nếu dân chúng vâng phục Chúa Giêsu và hiểu rằng tự do là phục vụ và hy sinh.
Đức Cha Gadecki cũng là Tổng giám mục giáo phận Poznan. Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong bài giảng thánh lễ ngày 3 tháng 5 năm 2021, lễ kính Ðức Mẹ Nữ Vương Ba Lan, cùng với các giám mục thuộc ban Thường vụ Hội đồng Giám mục, tại Ðền thánh Ðức Mẹ Jasna Góra, ở thành phố Czestochowa.
Ðức Tổng giám mục trình bày một suy tư về bản chất tự do trong thế giới ngày nay và nhận định rằng: “Các cá nhân và quốc gia yêu mến tự do và tìm kiếm tự do, đó là một dấu chỉ tích cực trong thời đại chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, có nhiều người nghĩ rằng có một thứ tự do tuyệt đối và cho rằng tự do đòi phải độc lập đối với mọi nguyên tắc luân lý... Sự mê tín này đặc biệt thường thấy trong thế giới khoa học và nghệ thuật. Người ta cho rằng nhà khoa học phải được sự tiến bộ của kiến thức hướng dẫn, và nghệ nhân biểu lộ các ý tưởng của mình, bất chấp mọi nguyên tắc luân lý. Nếu đúng như vậy, thì có nghĩa là các bác sĩ Ðức đã thí nghiệm trên các tù nhân ở các trại tập trung có toàn quyền được hành động như thế và họ hoàn toàn vô tội”.
Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan cũng nhận xét rằng: “Dân chúng thường dễ nhận ra các cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa, và đẩy lùi các cuộc khủng hoảng tâm trí, tinh thần và luân lý vào hậu trường, mặc dù những cuộc khủng hoảng thuộc loại này là nguy hiểm nhất: nay các cuộc khủng hoảng này đang bao phủ Âu châu và đang làm hư hỏng Ba Lan. Tuy nhiên, mặc dù nhiều người thường hiểu tự do như là tự do sống đồi trụy, tôi xác tín rằng vâng phục Chúa Giêsu, nhờ Mẹ Maria vẫn còn là điều có thể và có sức thu hút... Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, nhưng là tự do làm điều thiện. Con người trở nên tự do theo mức độ họ nhận biết sự thật, theo mức độ sự thiện hướng dẫn ý chí của họ, chứ không phải là sức mạnh nào khác. Tự do của Chúa Giêsu là để phục vụ. Tự do theo tinh thần Kitô là noi gương Chúa Kitô, Ðấng đã hiến mình, hy sinh trên thập giá... Chúng ta cần nhau để hăng say theo mẫu gương phục vụ vô song mà Mẹ Maria và là Mẹ Nữ Vương để lại cho chúng ta”.
90% dân Ba Lan là tín hữu Công Giáo, nhưng trong những năm gần đây có sự sa sút về tôn giáo: số người dự lễ giảm sút và số người bỏ đạo gia tăng. Tiến trình này càng được đẩy mạnh với những việc tiết lộ những vụ lạm dụng tính dục và có những giám mục che đậy các vụ đó. Vụ tòa án tối cao Ba Lan cấm phá thai càng làm cho một số thành phần trong dân Ba Lan phẫn nộ và quy trách cho Giáo hội.
Source:Deon
4. Cuộc hành hương quốc tế ngày 13 tháng 5 tại Đền thánh Fatima
Thông cáo của Ban giám đốc Đền thánh, được công bố ngày 5 tháng 5 vừa qua cho biết: “Cộng tác với nhà chức trách y tế, một lần nữa Đền thánh sẽ đón tiếp các tín hữu hành hương, với các biện pháp an ninh tối đa, theo các qui luật hiện hành trong tình trạng đại dịch đối với tất cả các buổi lễ. Chẳng hạn, các tín hữu phải mang khẩu trang, giữ giãn cách xã hội, và khử trùng tay.
Trong cuộc hành hương quốc tế ngày 13 tháng 5 năm ngoái, các buổi lễ kỷ niệm Đức Mẹ bắt đầu hiện ra tại Fatima được cử hành nhưng không có các tín hữu hành hương, ngoại trừ một đoàn đại diện tượng trưng. Tiếp đến ngày 13 tháng 10 năm ngoái, kỷ niệm lần hiện ra cuối cùng Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, đã có 6,000 tín hữu hành hương được tham dự.
Cuộc hành hương ngày 13 tháng 5 tới đây có chủ đề là “Hãy chúc tụng Chúa, Đấng nâng người yếu đuối trỗi dậy”. Chủ sự cuộc hành hương là Đức Hồng Y José Tolentino Mendoxa, người Bồ Đào Nha, Thư viện trưởng của Tòa thánh.
Tại Quảng trường có vẽ những vòng tròn nhỏ để các tín hữu đứng tại đó, giữ sự giãn cách đối với nhau.
Chương trình hành hương bắt đầu từ tối ngày 12 tháng 5, với buổi đọc kinh Mân côi lúc 9 giờ 30, và theo đó là cuộc rước nến, và cử hành Phụng vụ Lời Chúa.
Ngày 13 tháng 5, lúc 9 giờ sáng có kinh Mân côi và sau đó là thánh lễ quốc tế lúc 10 giờ. Ban chiều lúc 5 giờ, có cuộc đọc kinh Mân côi marathon để cầu cho đại dịch chấm dứt, do Đức Thánh Cha đề xướng, và ý chỉ cầu nguyện là cầu cho tất cả các tù nhân.
Source:Agencia