Ngày 16-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khúc gỗ
Lm Vũđình Tường
08:03 16/05/2008
Ông cố gắng cạy cựa hết sức mình vẫn không sao lôi được khúc gỗ lên sân từ bờ mương. Khúc gỗ không dài lắm độ non hai thước, đen mum, bao bọc bởi rong và bùn. Hồi xưởng cưa còn hoạt động máy móc làm thay người, Nay xưởng cưa đóng cửa máy bị dỡ đi, trên trần nhện giăng dưới sân cỏ mọc, sức sống như biến mất nhường chỗ cho hoang tàn. Thời còn thịnh các khúc gỗ cong queo, uốn khúc, rỗ, thẹo nhiều đầu mặt, lòi tói không thích hợp cho việc cưa xẻ đều bị loại. Bản tính cần kiệm, vất chúng đi thì tiếc, để lại chật chỗ nên ông bảo thợ dùng máy cầy ủi chúng xuống bờ mương. Bây giờ gỗ rừng khan hiếm, của lúc đó tưởng vất đi giờ biến thành của chìm. Đúng là loại vàng đen. Chúng đen đủi nhưng có giá lắm.Nhiều loại gỗ quí không bán theo thước như xưa mà cân kí. Gỗ càng quí càng nặng cân, càng bộn bạc.

Các khúc gỗ nằm lâu năm dưới mương thế mà hay. Nhờ nước và bùn gỗ vẫn tươi, sớ mềm không nứt nẻ, lại dễ cưa, xẻ, đục đẽo, hơn nữa nước bùn không biết chứa hoá chất gì, khi thấm vào gỗ mối tránh xơi loại gỗ ngâm bùn.

Trưa nay trời nắng đẹp, ông lội mương moi khúc gỗ tưởng có thời lãng quên để thực hiện việc ông toan tính trong đầu. Lúc này ông tương đối rảnh. Kể từ khi không còn làm xưởng cưa ông trở về nghề đục đẽo thuở xưa.

Không biết có bao nhiêu khúc gỗ ngâm bùn. Có thể hàng chục ngàn khúc dài ngắn khác nhau, tuỳ theo cong nhiều cong ít mà cắt bỏ. Gỗ dư bao nhiêu dùng máy cầy ủi đại xuống. khúc nọ đè khúc kia. Thời gian ủi khác nhau nên khúc nhiều năm, khúc ít. Xem chừng khúc gỗ hôm nay moi lên đã ngâm bùn khá lâu vì quanh nó đen sậm như đồng đen. Ông dùng chân mò gỗ, cứ để chân dưới bùn lần mò theo thế của gỗ nhắm khúc nào vừa ý moi lên.

Thấy ông già lội mương, tôi hơi ngạc nhiên, tính tò mò, hiếu kì khơi dậy, thắc mắc không hiểu làm gì mà ông bước thật chậm, lâu lâu lại thấy chân ông rà tới, rà lui dưới nước. Khi vỡ lẽ mới biết ông đang mò cây. Lâu lắm mới thấy khuôn mặt bớt đăm chiêu thì ra ông đã tìm được khúc gỗ vừa ý.

Dùng chân nhắm được khúc gỗ ông khom người tay nắm sợi giây thừng cuốn quanh, nhờ cần trục dựng kế bờ mương lôi nó khỏi mương. Cần trục này sót lại vì người ta chê nó cũ, không ai thấy cái lợi của nó nên nó trung thành với xưởng mộc và trung thành với chủ. Nó là nhân chứng lịch sử duy nhất còn sót lại của xưởng mộc, biết rất nhiều chuyện về xưởng mộc. Ngày nay ai dùng đến nó chỉ khẽ kêu lên tiếng ken két. Ai muốn hiểu nó muốn nói gì cũng được. Ông già cậy nhờ nó mà khúc gỗ ngoan ngoãn nằm bờ mương.

Bây giờ đến bước khó khăn, vất vả. Tìm đủ cách kéo khúc gỗ vào xưởng mộc. Vác thì quá nặng; đẩy cũng không xong, không thể lăn khúc gỗ cong vòng, làm sao lôi kéo nó vào xưởng mộc? Gọi là xưởng mộc cho sang, thực ra xưởng mộc không còn thuộc về ông. Bây giờ cả gia đình sống vào căn nhà nhỏ trước kia làm chỗ cho thợ ăn uống, nghỉ trưa. Nay chính chủ thay thế công việc của thợ. Đã thế lại không có ưu thế như thợ. Căn nhà nhỏ trước đây cất cạnh xưởng có một phòng rộng lớn từ trên xuống dưới chỗ nào cũng bằng gỗ. Giờ đây gia đình ông chia ra làm nhiều phòng nhỏ. Ông chọn chỗ thoải mái nhất biến thành phòng mộc vừa tiêu khiển thời giờ, đồng thời mượn cớ diễn tả tâm tình thầm kín của ông trên các tượng gỗ. Ông thợ mộc già nhiều kinh nghiệm, từng vang bóng một thời giờ chỉ khắc những hình thù kì dị, hay dữ dằn hay đau khổ, phản ảnh thực trạng cuộc sống. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Thắc mắc ông chỉ đáp gỏn lọn.

Loài súc sanh, hiền lành sao được.

Ông sắm đầy đủ dụng cụ cần cho tay nghề và tự chế thêm đồ nghề riêng.

Ông ướm thử nhấc khúc gỗ, định khệnh khạng ôm nó vào nhà. Khúc gỗ vừa trơn vừa nặng vì uống nước no. Cũng có thể vì ông đuối sức. Ông ướm nhấc thử đầu này lên đầu kia ghì xuống. Ông lắc đầu tự nói với mình

Không xong, nặng quá.

Đứng tần ngần một chút ông lấy thế đẩy khúc gỗ. Hai tay bám chặt một đầu khúc gỗ, lưng khom, mặt cúi gần khúc gỗ. Ngửi phải mùi bùn tanh, mũi nhăn lại, mặt hơi ngoảnh sang bên tránh cái mùi tanh tưởi của bùn. Lấy thế vào đôi chân đẩy mạnh, các bắp thịt tay nổi to. Hết sức đẩy khúc gỗ tiến về phía trước được vài tấc, mất đà, trượt thế, khúc gỗ cong lăn nhanh sang bên lại trượt xuống bờ mương. Biết không xong ông dùng một cây làm đòn bẩy khúc gỗ. Thấy có tiến triển nhưng càng lúc càng nặng vì trườn dốc bờ mương càng lên cào càng dốc gắt. Đẩy được vài bước ông hết sức ráng giữ thế lấy hơi, tay chùn, chân mỏi, khúc gỗ lại lăn về chỗ cũ. Ông chép miệng than.

Rõ hoài công.

Biết rõ một mình phải gắng sức lắm mới có thể kéo khúc gỗ vào xưởng. Cũng may nhờ trời nắng nên khúc gỗ bị rút nước dần, nhẹ hơn. Tuy thế ông không tin vào sức dẻo dai bắp thịt đôi tay. Dùng một sợi giây thừng dài, một đầu buộc vào ngang khúc cây, vòng quanh gốc gáo trên cao, đầu kia cầm trong tay. Dùng đòn bẩy, bẩy đến đâu tay kia nhanh nhẹn thu gọn sợi giây đến đó. Lúc mệt ông không phải cầm cự với khúc gỗ và đòn bẩy nhưng cầm chắc sợi giây giữ khúc gỗ khỏi lăn tụt xuống. Cứ kéo được vài ba thước ông lại cột chặt sợi giây vào khúc gỗ đi nghỉ cho bớt mệt, hoặc ăn điếu thuốc nghỉ xả hơi, uống li trà lấy sức. Công việc xem ra có tiến triển tuy lâu và chậm nhưng kết quả chắc chắn. Phải mất hơn tuần lễ ông mới kéo khúc gỗ vào xưởng mộc. Thời gian đối với người về hưu hình như không thành vấn đề. Khi nào cũng được miễn là đạt mục đích.

Khúc gỗ kéo lê hết bờ cỏ, lại lếch thếch trên đất và sềnh sệch trên nền sân gạch. Chính vì thế mà toàn thân gỗ bớt nhớt, sạch bùn, mất giảm mùi tanh rong rêu bám quanh. Hình như mùi tanh bùn và ánh nắng kị nhau. Cứ phơi mấy nắng cái mùi tanh mất sạch.

Khi còn ngoài sân khúc gỗ cứ lì ra, lăn tới lăn lui.Vào đến xưởng mộc khúc gỗ trở nên ngoan ngoãn hơn vì trong đó đủ dụng cụ hơn, kìm kẹp bắt khúc gỗ chiều theo ý ông. Dựng đứng cạnh bàn cưa ông lui xa ngắm trước ngắm sau, nhìn tới nhìn lui, trước sau. Hình như vẫn chưa hài lòng ông bác cái ghế gần đó tay bưng li trà ngắm khúc gỗ. Đầu ngảnh bên này, ngảnh bên kia, cái lưng gật gù ra chiều đắc ý. Bỏ li trà xuống bàn ông bước ra sân ngó trời, ngó mậy một lúc lại trở vào ngồi ghế ngắm khúc gỗ. tài nghệ như ông thì việc tạc tượng hay đục đẽo không phải là vấn đề lớn. Vấn đề lớn, quan trọng và khó khăn là làm thế nào phác họa trong đầu hình ảnh muốn tạc. Khi có được hình ảnh đắc ý việc tạc chỉ là thời gian.

Để khúc gỗ nằm cong trên nền đất hai ba ngày sau làm như không thèm đề ý đến nó. Thực ra đôi mắt già tinh anh kia thu hình khúc gỗ vào đầu, đi đâu ông cũng mang nó theo, tính toán, hình thù con gì, tạc, đục ra sao và ngay cả hình ảnh khúc gỗ theo ông leo giường ngủ chung. Rồi một buổi sáng sớm ông dựng khúc gỗ lại lấy các kẹp kẹp chặt khúc gỗ dùng bàn quay nâng nó lên ngang tầm người. Một tay cầm đục, tay kia cầm dùi đục gỗ thử gõ nhẹ vào khúc cây. Ông ướm đi ướm lại hai ba lần, nảy ra một miếng gỗ nhỏ đưa lên mũi ngửi, sau đó hai tay xoa vào nhau, rồi vấn điếu thuốc, một đếu hút ngay, điếu kia dắt bên kẽ tai. Sau đâu đó ông bắt đầu công việc. Đến chiều khúc gỗ đã thay hình đổi dạng, nó không còn là khúc gỗ cong giá trị theo trọng lượng. Dưới bàn tay ông mỗi nhát đục lại tăng thêm giá trị cho khúc gỗ, giá trị nằm ở đường nét.

Việc làm của ông già thợ mộc tương tự việc làm của Chúa Thánh Thần. Có lẽ Thánh Thần Chúa cũng vất vả như công việc của ông thợ mộc. Việc khó nhất là kéo lên khỏi chốn bùn lầy, vừa trơn vừa ướt vừa kéo lên dốc. Mùi tanh tưởi chốn ở không ngại bằng mùi tanh tưởi, dơ bẩn, dối trá, lừa gạt, hành động ngầm hại người nấp sâu trong tâm. Chất nhờn của rong, trọng lượng của nước đọng trong khúc gỗ và cái uốn khúc cong queo không nặng hơn tội chứa trong tâm và lối sống quanh co, dối trá, gạt trên lừa dưới, lừa thầy, phỉnh bạn và lừa cả chính mình. Ông già lo lắng không biết phải lựa thế nào cho ổn thoả để khi kéo không bị sức vật ngược có thề gây thương tích cho người kéo gỗ. Thánh Thần cũng lo lắng làm thế nào kéo người đó, dẫn, đưa, đẩy, khuyến dụ vào đường công chính mà không bị từ chối, trốn chạy, phá ngang hay phản ứng ngược lại. Thánh Thần làm công việc lôi, kéo, đòn bẩy giúp cho một người vượt thoát khỏi cuộc sống sình lầy, bụi của xã hội.Thánh Thần cũng dầy công, cũng suy nghĩ đắn đo tìm cách đưa người đó ra khỏi nơi tối tăm, ao tù nước đọng. Thánh Thần Chúa cũng mất nhiều ngày chờ đợi, nhiều tháng mong chờ hy vọng người đó tự nhận biết điều sai trái để quay về đường ngay nẻo chính. Thánh Thần Chúa cũng suy đi nghĩ lại, làm cách nào để cứu vớt và khi với được rồi làm cách nào để thay đổi con người đó thành con người có giá trị và ích lợi cho xã hội và Giáo Hội.

Khi kéo lên chỗ khô ráo rồi việc uốn nắm cũng là một trở ngại lớn, uốn nắn theo kiểu nào, phương thức nào, hình hài nào, dùng loại cưa đục nào thích hợp còn là một vấn đề lớn cần nhiều khói thuốc toả lan khắp gian phòng trước khi bắt tay vào việc uốn nắn.

Thánh Thần Đấng ban sự sống, canh tân, làm đổi bộ mặt bên ngoài, thay đổi trái tim bên trong là công việc ngoài Thánh Thần ra khó có ơn gì khác có thể hoán cải, canh tân.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Ba Một, Một Ba
Lm Vũđình Tường
08:27 16/05/2008
Ngày lễ Chúa Ba Ngôi, ngôi Cha, Con và Thánh Thần là một mầu nhiệm trong đạo.

Nói đến mầu nhiệm thì không thể hiểu thấu bởi vì mầu nhiệm vượt quá sự hiểu biết của trí óc con người. Hiện nay cuộc sống có nhiều điều chúng ta chưa hiểu, khoa học chưa giải thích được nhưng đó không phải là mầu nhiệm. Những bí ẩn này rất có thể trong tương lai khoa học sẽ có câu giải đáp.

MẦU NHIỆM

Tôn giáo có những điều huyền diệu. Con người bó tay không giải quyết được; khoa học chào thua không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ra sao. Vì thế không bao giờ có câu trả lời xác đáng. Mầu nhiệm gần nhất chính là sự hiện hữu của mỗi người chúng ta. Chúa ban cho mỗi người những tài năng đặc biệt. Ta chỉ biết nhận, bảo vệ, giúp phát triển. Ngoài tình yêu ra khó mà giải thích được mầu nhiệm đời người. Định nghĩa tình yêu chưa thông nói chi đến hiểu. Chúa ban tài năng, sức sống mà không hỏi ý kiến trước khi cho. Đấng nhân lành toàn quyền ban phát ơn thiêng do lòng yêu mến.

Về phương diện tâm linh Kitô hữu cùng tin chung một Chúa Ba Ngôi, cùng bản tính nhưng mức độ tin khác biệt. Mức độ tin khác biệt đưa đến thực hành đức tin khác biệt vừa làm giầu cho niềm tin vừa tạo mâu thuẫn trong việc sống đạo và hành đạo.

Kitô hữu siêng học hỏi tìm hiểu, thực hành sống đạo. Đức tin có chiều sâu, bám rễ trong Chúa, ngay cả khi gặp khó khăn họ vẫn có bình an, cảm nhận được tình yêu, đặt tin tưởng và phó thác vào Chúa. Trái lại đức tin nông cạn, hời hợt dễ bị lung lay theo xu hướng thời đại. Khi gặp chông gai, thử thách thường tự than là bị phạt.

Mỗi người là một mầu nhiệm nên ngoài Chúa ra không phàm mhân nào có câu giải đáp. Chính vì đời là một mầu nhiệm nên Đấng sáng tạo mầu nhiệm điều khiển cuộc đời. Ngoài Đấng đó ra không ai có thể đọc được ý định của Đấng sáng tạo mầu nhiệm. Như thế những tiên đoán tương lai là đoán mò, may nhiều trúng nhiều, may ít trúng ít.

VƯỢT TẦM HIỂU BIẾT

Mầu nhiệm trong đạo, trong đời đều không thể hiểu cặn kẽ, đến nơi đến chốn. Càng cố gắng tìm hiểu càng đi sâu vào mầu nhiệm. Đi sâu vào mầu nhiệm thấy mình quá bé nhỏ. Nhỏ hơn hạt sương mai. Nhẹ hơn bọt sóng. Tương tự con thuyền ra khơi, ra xa thấy đại dương hùng vĩ, thuyền bé nhỏ, mỏng manh. Người ta có thể vượt đại dương mà không cần hiểu thấu đáo đại dương vì chỉ đi một đường trên đại dương và đi trên mặt, chưa lặn sâu đáy đại dương. Tương tự như thế càng tìm hiểu lẽ đạo càng hiểu nhiều nhưng hiểu thấu đáo thì không thể vì mầu nhiệm vượt quá giới hạn con người. Mầu nhiệm bao la hùng vĩ như đại dương, sâu thẳm như bầu trời trong xanh, hùng vĩ như thái dương hệ nên cả đời đào sâu mầu nhiệm cũng chỉ là lướt qua như lằn chỉ của cánh diều vắt vưởng trước gió giữa đất trời. Cánh diều nào so với đám mây. Sợi chỉ sao dài bằng lằn chớp. Khối óc nào hiểu thấu mầu nhiệm.

BA MỘT, MỘT BA

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được chính Chúa Jêsu dậy. Ngài luôn nhắc đến mối giây liên kết chặt chẽ Cha Con không phải hai mà là một.

Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi (Gn 6,38)

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Gn14,9; 12,45)

Cuộc đời rao giảng công khai Ngài luôn liên kết với Chúa Cha qua cầu nguyện. Trước giờ chịu chết Ngài xin Chúa Cha cất chén đắng nhưng đừng theo ý Con một theo ý Cha. Trên thập tự Ngài cũng lớn tiếng kêu Lậy Cha sao Cha đành bỏ Con. Ngài không chối bỏ sự hiện hữu của Chúa Cha mà chính là xác nhận sự hiện hữu của Chúa Cha. Nếu biết rõ không có Chúa Cha tất nhiên Đức Kitô đã không lên tiếng trước giờ tử nạn. Ngài lên tiếng để tái xác định cùng mọi người Chúa Cha hiện hữu. Kêu lớn tiếng chính là xác nhận sự hiện hữu của Chúa Cha nhưng lúc này đây Đức Kitô không cảm thấy Chúa Cha gần bên.

Chính Đức Kitô dậy các môn đệ Kinh Lậy Cha và xin cho nước Cha trị đến để mọi người nhận biết Chúa Cha là Thiên Chúa. Trước khi về trời Đức Kitô trao chương trình cứu độ cho các môn đệ tiếp nối qua lệnh truyền. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Nói xong Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: Hãy nhận lấy Thánh Thần.

Đức Kitô làm tròn lời hứa ban Đấng Bảo Trợ đến an ủi, dậy dỗ các môn đệ. Chính lời hứa và điều Đức Kitô thực hiện cho chúng ta biết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi trong một Thiên Chúa duy nhất, đồng bản tính như nhau.

HỢP NHẤT

Ba Ngôi Thiên Chúa hợp nhất trong tình yêu. Mối tình gắn bó keo sơn này liên kết Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần trong một Thiên Chúa duy nhất, đồng bản tính. Liên kết đến độ cả ba là một. Chính Đức Kiô xác định: Ta và Cha Ta là một (Gn 10,30)

Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy (Gn 5,19).

Tình yêu chân chính phát sinh hành động yêu thương. Con người được sinh ra từ tình yêu đó. Con người được cứu độ nhờ tình yêu đó. Con người có chung một Cha cũng nhờ tình yêu đó và con người được yêu mến và ở cùng Thiên Chúa cũng nhờ tình yêu Chúa Ba Ngôi.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Làn nước đức tin
LM. Nguyễn Ngọc Long
09:38 16/05/2008

Làn nước đức tin



Ngày nhận lãnh làn nước Bí tích Rửa tội, lời tuyên xưng vào Thiên Chúa là Cha và Con ( Chúa Giêsu) và Chúa Thánh Thần được cùng nói lên, đang khi dòng nước rửa tội tưới gội trên đỉnh đầu em bé.

Làn nước thiên nhiên của Thánh Thần Thiên Chúa, nhưng lời tuyên xưng vào Thiên Chúa có ba ngôi vị mang ý nghĩa gì?

Trung tâm lời tuyên xưng đức tin

Phải chăng chỉ cần một tên Thiên Chúa Cha, Đấng là nguồn sự sống, là đủ rồi khi tưới gội làn nứơc rửa tội?

Tại sao lại phải nói cả tên Chúa Giêsu là Con ra nữa? Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa, và chúng ta tin Ngài là Con Thiên Chúa đã xuống trần gian làm người sống giữa gần gũi con người. Như thế khi lãnh nhận nước rửa tội, nếu chỉ nói tên Chúa Giêsu ra, có lẽ dễ hiểu và hài lòng con người chúng ta hơn?

Còn Chúa Thánh Thần. Có lẽ cũng có những người cảm nhận được sự tương quan liên kết với Ngài chặt chẽ. Như thế, nếu chỉ kể đến một mình Chúa Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội, phải chăng không hay chưa đầy đủ sao?

Lời nói kể tên cả Ba ngôi vị Thiên Chúa ra trong khi rửa tội là do chính Chúa Giêsu truyền lại phải làm như thế: Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân. Làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. ( Mt 28.16-20)

Vì thế Lời này là rất quan trọng với Giáo Hội của Chúa. Lời này là nhân tố cốt lõi chính yếu của lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa ba ngôi.

Một Thiên Chúa có ba ngôi vị

Người tín hữu Chúa Giêsu Kitô tin nhận có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Thiên Chúa đó tỏ hiện ra cho con người trong một hình ảnh có ba ngôi vị, hay đúng hơn có ba người.

Làm cách nào có thể suy tưởng cắt nghĩa một mà có ba – ba mà lại chỉ thành một?

Điều này vượt qúa tầm trí khôn suy tưởng của con người chúng ta. Kinh Thánh và Giáo Hội Chúa Giêsu chỉ dẫn cho đức tin cung cách cắt nghĩa để hiểu như sau:

-Thiên Chúa Cha là Đấng tạo thành trời đất vạn vật.

-Chúa Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, Đấng làm người cứu chuộc trần gian khỏi hình phạt tội lỗi.

-Chúa Thánh Thần, Đấng là sự sống và tình yêu của Thiên Chúa.

Một vài hình ảnh trong đời sống hằng ngày có thể giúp cắt nghĩa về điều này. Theo hình học, một hình tam giác có ba cạnh, có ba góc.

Có nhiều nơi xây dựng cổng cửa ba ngăn lối ra vào: một ở chính giữa và hai bên cạnh.

Từ một mặt trời to lớn phát xuất ba yếu tố: tia sáng, ánh sáng và hơi nóng.

Trong nghệ thuật biến chế pha trộn mầu, một hình mầu đều phát xuất hay pha trộn từ ba mầu căn bản: đỏ, xanh da trời, và vàng.

-Lấy đỏ và mầu xanh da trời pha trộn chung sẽ ra mầu tím;

-mầu đỏ và vàng cộng trộn chung nhau sẽ thành mầu da cam;

-mầu vàng với mầu xanh da trời sẽ ra mầu xanh lá cây.

Cùng tùy theo số lượng nhiều ít pha chế trộn chung nhau của một trong hai mầu căn bản sẽ có mầu thay đổi khác nhau. Nguyên tắc này cũng thấy nơi máy in mầu ngày hôm nay.

Lẽ tất nhiên Một Thiên Chúa bao gồm ba ngôi vị không phải là một hỗn hợp của ba yếu tố. Ngài không phải là một tập hợp có ba yếu tố hợp chung thành, như một hình mầu hợp thành do hai mầu pha trộn chung thành. Và không thể phân tích tháo rời Thiên Chúa thành ba, như phân rời ba mầu của một hình mầu ra riêng biệt nhau, hay tháo rời cạnh góc một hình tam gíac thành ba.

Không, Thiên Chúa là Một.

Lấy đức tin bù lại

Như thế khi suy nghĩ, gặp gỡ Chúa Giêsu trong Kinh Thánh Tân ước, trong tấm Bánh Bí tích Thánh Thể, trong cầu nguyện, Đấng là ngôi thứ hai Thiên Chúa, ta cũng gặp gỡ một Thiên Chúa trọn vẹn có ba ngôi, không thiếu điều gì của Thiên Chúa.

Khi đọc Kinh Thánh Cựu Ước nói về công trình sáng tạo trời đất cùng sự sống mọi loài, về việc Thiên Chúa Giavê, Đấng là Thiên Chúa Cha ngôi thứ nhất, đã cứu dân Do Thái ra khỏi vòng nô lệ bên xứ Ai cập, ta cũng gặp được chính trọn vẹn một Thiên Chúa có ba ngôi vị, như khi đọc những Lời Chúa Giêsu nói trong kinh thánh Tân ước.

Cùng khi trong yên lặng ngắm nhìn hay suy tưởng về Chúa Thánh Thần, Đấng là ngôi thứ ba Thiên Chúa, Đấng là sự sống cùng tình yêu của Thiên Chúa, ta cũng hướng cả tâm hồn đạt tới trọn vẹn một Thiên Chúa ba ngôi.

*****************

Văn hào Pascal đã có tâm tình suy tưởng về nền thần học hướng tới Thiên Chúa: Một hư không hướng về vô cùng tận; một tất cả hướng về hư không. Một trung tâm giữa hư không và tất cả, qúa xa vời không cùng tận. Thật là một điều qúa khó có thể hiểu nổi….Sự kết thúc cùng sự khởi đầu của mọi sự luôn ẩn dấu với tâm trì con người chúng ta trong một mầu nhiệm bí ẩn không thể nhìn thấu đáo cùng vượt qua được… Tất cả mọi sự phát xuất từ hư không và tiếp tục chảy trôi đi vào vô cùng tận. Ai có thể theo dõi được bước biến chuyển lạ lùng này?“.
 
Thiên Chúa Ba Ngôi: Mầu Nhiệm Tình Yêu
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:16 16/05/2008
THIÊN CHÚA BA NGÔI: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

“Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”(Xh 34,6)

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm nền tảng của Kitô giáo. Có thể nói rằng tất cả các văn kiện trình bày các chủ đề lớn của Đức tin đều khởi đầu bằng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và kết thúc cũng thường hướng đến việc tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. Những buổi kinh nguyện hay các buổi cử hành Phụng vụ không đi ra khỏi quỷ đạo này. Khởi đầu và kết thúc bằng Dấu Thánh Giá là một cách thức tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thế nhưng để trình bày mầu nhiệm nền tảng này cho đoàn tín hữu thì không mấy dễ dàng, nhất là với não trạng thiên duy lý của người hôm nay. Với người chưa có niềm tin hay người khác niềm tin thì vấn đề còn nan giải hơn nhiều.

Một sự thật của kiếp người: hữu hạn, đặc biệt trong lãnh vực siêu hình.

Làm sao để lý giải rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi Vị riêng biệt và khác biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ? Thật là ngô nghê khi quá ỷ lại vào những hình ảnh cụ thể để so sánh và diễn tả thực tại siêu linh. Một ngón tay có ba lóng; ngọn lửa tỏa ánh sáng và sức nóng; một dòng sông với đôi bờ…tất thảy đều bất cập và có khi làm biến dạng thực tại. Khôn khéo hơn như Kinh sĩ Vih khi thấy chuyện khó thuyết phục bởi công thức cộng 1 + 1 + 1 = 1 thì chuyển sang công thức nhân 1 x 1 x 1 = 1 cũng vẫn hoài công. Câu chuyện kể vè thánh Âugustinô gặp cậu bé muốn tát cạn nước biển bằng cái vỏ sò năm xưa là một minh họa cho sự bất lực của trí khôn con người trong việc tìm hiểu lý lẽ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là tại sao một Chúa mà là Ba Ngôi; tại sao có Ba Ngôi mà chỉ là một Chúa.

Trước mầu nhiệm cao cả khôn dò là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thiết tưởng không gì hơn thái độ của Môsê qua bài đọc thứ nhất ( Xh 34,4b-6.8-9 ) là phủ phục tôn thờ và dâng lời ngợi khen. Lời ngợi khen của Kitô hữu chúng ta lại ắp đầy tình cảm tạ vì Chúa Kitô Giêsu, Đấng làm người đã mạc khải cho chúng ta huyền nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tin vào tình yêu vô bờ của Đấng đã hiến thân vì chúng ta, tin vào quyền năng của Đấng làm chủ vũ trụ thiên nhiên, làm chủ cả sự sống lẫn sự chết là Đức Giêsu Kitô, chúng ta đón nhận lời mạc khải của Người về Chúa Ba Ngôi. Dựa vào lời mạc khải, đặc biệt lời mạc khải của Chúa Giêsu, chúng ta có thể biết và diễn tả phần nào nội hàm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và dĩ nhiên là bằng khái niệm và ngôn ngữ phàm nhân.

Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu năng động - hướng tha.

Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1Ga 4,8 ). Tình yêu giả thiết phải có thực tại ở số nhiều đồng thời bao hàm số một là sự hiệp thông, hiệp nhất nên một. Tình yêu không đơn thuần là một trạng thái của tình cảm mà là một động thái liên lỉ hướng về một đối tượng nào đó. Chúa Cha thực sự là Chúa Cha trong tương quan với Chúa Con. Chúa Cha sinh ra Chúa Con và trao ban mọi sự cho Chúa Con ( x. Ga 5,26 ). Chúa Con là mình khi không ngừng hướng về Chúa Cha để kín múc nguồn sống ( x.Ga 4,34 ), để biết cách hành động ( x.Ga 5,30; 10,37). Chúa Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Người luôn hướng về Chúa Cha và Chúa Con bằng việc làm vinh danh Hai Ngôi cực trọng ấy mãi đến muôn đời ( x. Ga 15,26-27;16,12-15).

Tình Yêu năng động – hướng tha là sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa đã tỏa lan cho các loài thọ tạo, cách riêng cho loài người là loài được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Chính vì thế, các loài thọ tạo, đặc biệt loài người chỉ có thể tồn tại và phát triển khi biết sống và hoạt động theo nguyên lý năng động – hướng tha của Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch và là cứu cánh của mọi hiện hữu. Thánh Phaolô tông đồ nói với tín hữu Côrintô: “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em…Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” ( 2Cor 13,11-13 ).

Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu kiên vững và tín trung:

Con số ba là con số tượng trưng cho sự tròn đầy và bền vững. Đã ba mặt một lời là như hiển nhiên và không thể chối cãi hay đổi thay. Tuy nhiên niềm tin của chúng ta không hệ tại ở việc loại suy từ ý nghĩa các con số. Lời mạc khải mới là nền tảng của đức tin chúng ta. Giavê đã tỏ bày cho Môsê danh tính của Người: “Đức Chúa ! Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” ( Xh 34,6 ). Tình yêu của Thiên Chúa vững bền như đá tảng. Dù cho có người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi loài người chúng ta. Dù ta phản bội, dù ta vong tình, thì Chúa mãi vẫn luôn thành tín.

Chính trên nền tảng kiên vững của tình yêu Thiên Chúa mà mọi sự mọi loài được tồn tại và phát triển. Thánh Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa bày tỏ sự công chính của Người bằng việc luôn tín trung với lời đã hứa (x. Rm 3,21-26 ). Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa của Người bằng nhập thể, nhập thế của Ngôi Hai để thực thi công trình cứu độ và bằng việc trao ban Thánh Thần để hoàn thành các kỳ công của Người. Thiên Chúa bày tỏ tình yêu kiên vững và tín trung của Người cho chúng ta bằng việc sai Con Một của Người đến thế gian chịu chết vì chúng ta vốn là những tội nhân, đồng thời đổ tràn tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta (x. Rm 5,5-8 ).

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn lực và là kim chỉ nam để ta tồn tại và phát triển cách hoàn hảo:

Tìm hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như thế nào dưới ánh sáng lời mạc khải không phải là để thỏa mãn một đặc tính của trí khôn là sự hữu lý, nhưng trên hết là để ta biết nguồn gốc và căn tính của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Biết được nguồn gốc của mình thì ta sẽ có thể biết cách thế hiện hữu, nghĩa là sống và hoạt động cách chính danh và chính hiệu. Kiên vững và tín trung trong tình yêu, một tình yêu năng động và hướng tha là động thái duy nhất hữu hiệu để con người tồn tại và phát triển cách hoàn hảo. “ Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em…Đây là điều răn của Thiên Chúa: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người và phải yêu thương nhau, theo điều răn của Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta” ( 1 Ga 3,16.23-24 ).

Hãy yêu đi rồi ta sẽ hiểu:

“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” ( Ga 17,3 ). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Vì không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “ Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi !” ( Gl 4,6 ). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.

Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu ? Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc ? Làm sao ta có thể biết được con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trãi rộng com tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân ? …

Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết. Một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi sầu buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.

Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tinh yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.

Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:

1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.
2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.
3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.
 
Các bài suy niệm về Chúa Ba Ngôi
GP Long Xuyên
11:21 16/05/2008
CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI (Năm A)

Lời Chúa: Xh. 34, 4b-6.8-9; 2Cr. 13, 11-13; Ga. 3, 16-18

MỤC LỤC

  • 1. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
  • 2. Chúa Ba Ngôi
  • 3. Thiên Chúa Ba Ngôi: tình yêu tuyệt hảo
  • 4. Thiên Chúa tình yêu – ĐTGM. Ngô quang Kiệt
  • 5. Chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô
  • 6. Mặc khải bất ngờ của Phúc Âm
  • 7. Thiên Chúa Ba Ngôi
  • 8. Thiên Chúa yêu thế gian
  • 9. Trí khôn và ý muốn
  • 10. Dấu Thánh Giá
  • 11. Ba Ngôi
  • 12. Ba Ngôi
  • 13. Tình yêu
  • 14. Dòng sông
  • 15. Sống hoà nhịp


1. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi. ..": Công trình cứu rỗi được nối kết với nguyên lý tối hậu của nó là tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian. Việc sai phái Chúa Con, như là dấu tích tình yêu của Thiên Chúa, đã được lựa 4,9-10.16.19 làm nổi bật. Tư tưởng này, tiềm tàng trong Tin Mừng thứ tư, đã được khai triển trong chương 13 và các chương kế tiếp.

“Vì Thiên Chúa không sai Con đến trong thế gian để xử án thế gian": Câu này xác định mục đích sứ mệnh của Chúa Con đối với thế gian: không phải để xét xử, nhưng để cứu rỗi thế gian (Ga 4,42; 1Ga 4,14). Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại quả quyết trong 9,39: “Chính để xét xử mà Ta đã đến trong thế gian”. Thưa điều Thiên Chúa muốn là cứu rỗi thế gian; tuy nhiên việc Chúa Con đến nhất thiết gây nên quyết định chọn lựa dứt khoát của con người, sự chọn lựa này làm nên việc xét xử. Quyết định chính yếu ấy của tất cả đời người, chính là việc gắn bó vào "Con Một của Thiên Chúa" (c.18) bằng đức tin, hay trái lại là sự chối từ không chịu tin. Câu 18 dịch sát chữ là "Kẻ tin vào Người thì không bị án xử (trong các câu 17-18, BJ cả 3 lần đều dịch "luận phạt", trong lúc bản Hy lạp là "án xử"); kẻ không tin thì đã bị “xét xử rồi". Án xử thành ra không tự Chúa Con mà đến, nhưng tự thế gian đã không chịu đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Kitô đem tới cho. Thế gian khép lòng trước tình yêu của Chúa Cha tỏ hiện trong việc sai phái Chúa Con, nó loại bỏ Đấng Trung gian duy nhất là Đấng có thể đưa nó đến sự sống. Thành ra, vì ích kỷ, thế gian đã chọn lựa ở lại trong sự chết. Một án quyết sẽ có thể long trọng công bố, xác nhận tình trạng này (x. cuộc phán xét cánh chung vào ngày Quang lâm trong các Tin Mừng Nhất lãm) nhưng sẽ không thay đổi tình trạng đó nữa.

KẾT LUẬN

Không được chần chừ lần lựa hoặc giả điếc làm ngơ trước mặc khải trực tiếp nhất, hồng ân cứu độ cao quý nhất và tình yêu tuyệt đối này của Thiên Chúa. Vì hãy nhớ rằng cái chết của Chúa Giêsu mặc cho mọi phản ứng của con người ý nghĩa cánh chung đích thực của nó.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi có được là nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mọi giáo huấn về Thiên Chúa đều được chứa đựng trong con người của Chúa. Từ đó việc tin vào Chúa Con đã hàm chứa việc tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế Tin Mừng đã nói: “Phàm ai tin vào Người thì không phải hư đi nhưng được sự sống đời đời”. Sự kiện trong ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội chọn một bản văn có chủ ý nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, cho thấy khởi điểm lộ trình và mục đích của niềm tin đã được bao hàm trong việc gắn bó sống động vào Chúa Kitô. Ai đến với Chúa Kitô thì cũng đến với Chúa Cha và được như thế là nhờ ơn Chúa Thánh Thần.

2) Nhưng đây còn một vấn nạn khác mà Tin Mừng muốn trả lời: Thiên Chúa cứu thế gian bằng cách nào? bằng cách sai Con của Ngài đến trong thế gian. Thế nhưng ngày nay Chúa Kitô đến trong thế gian bằng con đường đặc biệt nào? Bằng Giáo Hội. Do đó Giáo Hội có sứ mệnh làm cho Chúa Kitô hiện diện trong thế gian. Giáo Hội phải thông đạt một sự hiện diện đích thực chứ không chỉ giảng dạy, đưa ra học thuyết, giáo huấn mà thôi. Thiên Chúa Ba Ngôi đã tự trở nên gần gũi với nhân loại trong con người Chúa Giêsu Kitô, Đấng được mặc khải trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội.

3) Kẻ tin vào Chúa Giêsu đến nỗi sẵn sàng chia sẻ số phận tử nạn và phục sinh của Người, thì được vào trong mầu nhiệm sống động của Thiên Chúa. Điều này giải thích tại sao sứ điệp của các sứ đồ, ở thời đầu Giáo Hội, không phải là một bài giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng là lời loan báo về Chúa Giêsu Kitô. Suốt dòng lịch sử Giáo Hội, và nhất là qua các Công Đồng, Giáo Hội sẽ cố gắng công thức hoá cho mình một tư tưởng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng việc chính của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội (trong mỗi người chúng ta) là làm sao cho Giáo Hội trở thành và mãi mãi là kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô.

4) "Ai tin vào Con Người thì chẳng bị án xử; ai không tin thì đã bị án xử rồi vì đã chẳng tin". Đây là nghịch lý của một sự tự do chỉ có thể chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Không có nhiều cách sống, nên không thể có sự chọn lựa giữa nhiều giả thuyết khác nhau. Hoặc được tất cả hoặc mất tất cả. Tình yêu của Chúa Cha biểu lộ trong Chúa Con và kích động trong ta nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, xem ra bi thảm vì có tính cách quyết định. Tình yêu không phải là cái gì có thể chọn lựa tuỳ ý giữa bao cái khác. Nó là sự sống của con người. Sự tự do mà Thiên Chúa ban cho con người là tiếng mời gọi diệu kỳ nhất, mời gọi đi đến với tình yêu, đồng thời cũng là khả năng huỷ diệt nguy hiểm nhất. Nhiều kẻ đã sợ tự do; có lẽ họ thích đừng phải đương đầu với một chọn lựa như thế, vì họ coi sự chọn lựa đó dã man hơn là dịu dàng và tế nhị. Tuy nhiên, chính khi tự do yêu thương mà con người thực sự là người. Nếu không có sự chọn lựa ấy (với nhiều khía cạnh bi thảm của nó) thì con người chỉ còn là một người máy đã bị quy định trước. Nhưng đối với ai lựa chọn theo Chúa Giêsu, đối với ai nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, "đã tin vào Danh Con Một Thiên Chúa" thì thật hạnh phúc dường nào! Tất cả trở thành bình an và vui sướng trong sự hiệp thông mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện.

2. Chúa Ba Ngôi

Người Đông phương chúng ta thường thích giữ im lặng trước những mầu nhiệm của vũ trụ, của con người và nhất là của Thượng Đế.

Thực vậy, người Trung Hoa rất ít nói về trời, bởi vì họ cho rằng ngay cả những thực tại trần thế này, chúng ta còn chưa hiểu biết được cho thấu đáo, phương chi là những thực tại vô hình.

Người Ấn Độ thì có lẽ thích nói về Thượng Đế thật đấy, nhưng họ luôn tự nhắc nhở cho mình rằng những điều chúng ta biết được về Thượng Đế, thì cũng chỉ là như một chiếc lá giữa rừng cây bao la.

Trong khi đó, người Tây Phương, nhất là người Kitô hữu, có lẽ ít khiêm tốn hơn những người Ấn Độ và Trung Hoa, trong vấn đề này. Thực vậy, chúng ta có biết bao nhiêu sách vở viết về Thiên Chúa, biết bao nhiêu bài giảng bàn về Thiên Chúa và biết bao nhiêu định nghĩa về những tín điều.

Thế nhưng, phải thành thật mà nói: Kể từ thời thánh Augustino cho đến ngày hôm nay, chúng ta đã hiểu thêm được những gì về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi? Hay chúng ta cũng giống như những người lạc vào rừng, càng đi xa, càng vào sâu, thì lại càng cảm thấy mịt mù và tăm tối. Hoặc giống như người trong sa mạc, càng đi thì lại càng cảm thấy chỉ có cát và cát mà thôi.

Bởi thế hôm nay, khi mừng kính mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thái độ thích hợp nhất đối với mỗi người chúng ta, đó là im lặng, khiêm tốn và thờ lạy.

Từ thái độ khiêm tốn và thờ lạy này, chúng ta đưa ra một cách thế để cảm nghiện được mầu nhiệm này, đó là tình yêu. Thực vậy, chúng ta không thể biết rừng, nếu đã chẳng biết cây. Cũng vậy, chúng ta không thể nào biết Thiên Chúa, Đấng chúng ta hằng kính mến, nếu chúng ta không yêu thương anh em đồng loại.

Và thật may mắn cho chúng ta vì không cần biết hết mọi thứ cây, thì mới hiểu được rừng. Cũng vậy, không cần phải nếm hết tất cả nước biển mới biết nước biển mặn, nhưng chỉ cần nếm một vài giọt mà thôi cũng đã đủ.

Cũng vậy, chúng ta không cần phải yêu thương tất cả mọi người trên thế gian, mới hiểu được tình yêu là gì? Và hiểu được chân lý Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta: Thiên Chúa là tình yêu. Đã hẳn Đức Kitô mời gọi chúng ta yêu thương tất cả mọi người, nhưng tất cả ở đây không có nghĩa về số lượng, bởi vì điều đó không thể nào thực c hiện được đối với chúng ta, nhưng Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta yêu thương những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống của mình, không ghét bỏ một ai, cũng chẳng loại trừ một ai.

Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa. Có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là điều quá cao vời, quá rắc rối. Chuyện hiểu biết mầu nhiệm này nằm ở trong lãnh vực chuyên môn của các nhà thần học, của các giám mục, linh mục và tu sĩ…Còn mình làm sao có thời giờ để mà học hỏi, có trình độ đâu mà dám múa rìu qua mắt thợ.

Nhưng chúng ta đâu có ngờ rằng: Trong lãnh vực này, có khi nhà thần học, cũng như giám mục, linh mục hay tu sĩ vẫn còn thua xa một bà già nhà quê, nếu như bà ấy biết yêu thương hết thảy mọi người.

Bởi vì, chuyện yêu thương không nhất thiết đòi hỏi một trí rộng tài cao, mà chỉ đòi hỏi một sự nhiệt tâm và chân thành mà thôi.

3. Thiên Chúa Ba Ngôi: tình yêu tuyệt hảo

“Biết làm sao định nghĩa được tình yêu?”. Có lẽ đây không chỉ là câu hát đầy thi vị trong lãnh vực tình yêu, mà còn là khắc khoải của từng người trong chúng ta. Thật thế, ai trong chúng ta cũng yêu và muốn được yêu. Tuy nhiên, không gì khiến chúng ta phải lúng túng cho bằng định nghĩa thế nào là tình yêu. Tình yêu quả thật là một mầu nhiệm. Tại sao chỉ có con người mới biết yêu? Có lẽ chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi này bằng chính mầu nhiệm của Thiên Chúa mà thôi.

Vào cuối đời mình, khi suy niệm về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thánh Gioan Tông Đồ đã phát biểu như sau: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đây quả là công thức độc nhất vô nhị của Kitô giáo; trước và sau Kitô giáo, có lẽ không một tôn giáo hay một triết thuyết nào đã gọi Thiên Chúa là Tình Yêu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian”. Gọi Thiên Chúa là Tình Yêu, bởi vì Thiên Chúa vừa tỏ mình cho chúng ta một cách gần gũi, thân thiết, lại vừa là một mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ hiểu thấu được. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã tỏ mình qua người Con Một của Ngài, Người Con ấy đã sống kiếp sống của con người và đã chết một cách đau thương nhục nhã để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu nào cũng muốn được bộc lộ, người yêu nào cũng muốn tỏ tình. Bằng cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thực sự tỏ tình với con người: Ngài đã tỏ tình và yêu thương cho đến cùng. Chính vì thế, Ngài đã sai phái Thánh Thần đến để khai sinh Giáo Hội. Thánh Thần chính là Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa thông ban tình yêu của Ngài cho Giáo Hội, để Giáo Hội hiện diện như một dấu chứng tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Giáo Hội là tiếng tỏ tình của Thiên Chúa đối với con người.

Mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội muốn nhắc nhớ chúng ta chân lý ấy. Tỏ mình cho chúng ta, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng Ngài là Ba Ngôi Vị, Ngài là Tình Yêu. Đó là mầu nhiệm cơ bản nhất, từ đó Giáo Hội được xuất phát và xây dựng; Giáo Hội vừa là hình ảnh vừa là thể hiện Chúa Ba Ngôi. Nhưng mầu nhiệm Ba Ngôi không chỉ là nền tảng của Giáo Hội, mà còn là ánh sáng chiếu dọi vào bí ẩn của con người. Thật thế, chỉ trong Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta mới hiểu rõ được ơn gọi và định mệnh của con người. Nếu Thiên Chúa là tình yêu và nếu con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, thì một cách tất yếu, con người chỉ thực sự là người khi biết yêu thương. Phẩm giá của con người được xây dựng trên chính tình yêu. Ai chối bỏ tình yêu, ai gieo rắc hận thù, người đó cũng chối bỏ con người và chối bỏ chính Thiên Chúa; trái lại ai sống trong tình yêu, người đó cũng sống trong Thiên Chúa.

Lễ Chúa Ba Ngôi không chỉ là một lời ca tụng tình yêu Thiên Chúa, mà còn là một tuyên xưng về phẩm giá con người. Thiên Chúa phú bẩm cho con người khả năng yêu thương; Ngài tỏ mình cho con người để con người cũng nhận ra được phẩm giá cao cả của mình. Mỗi ngày, từ lúc khởi đầu một ngày mới cho đến lúc trở lại giường ngủ, chúng ta không ngừng tuyên xưng mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa và phẩm giá cao cả của con người. Mầu nhiệm ấy gắn liền với Thập Giá Chúa Giêsu mà chúng ta vẽ trên người. Qua cái chết trên Thập Giá, không những Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa, Ngài còn vạch ra cho chúng ta con đường đi vào mầu nhiệm ấy, đó là con đường của yêu thương. Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương cho đến giọt máu cuối cùng; Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy bộ mặt của Thiên Chúa; Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương.

4. Thiên Chúa tình yêu – ĐTGM. Ngô quang Kiệt

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Ga. 3, 16-18

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môït con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.

Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.

Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.

Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên Chúa là tình yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.

Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1) Thiên Chúa là tình yêu. Bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thế nào?

2) Bạn có là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa chưa?

3) Bạn làm gì để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

5. Chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô

Đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đi qua đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mọi giáo huấn về Thiên Chúa chất chứa nơi con người của Chúa. Do đó sự liên kết đức tin vào Chúa Con đã chứa đựng hành vi tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Bởi thế Phúc Âm có thể nói: “Mọi người tin vào Ngài không phải chết, nhưng có được sự sống đời đời”. Việc Giáo Hội chọn một đoạn có chủ ý nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chứng tỏ rằng khởi điểm, tiến trình và đích điểm của tác động tin toàn diện chứa đựng trong việc liên kết toàn diện với Đức Kitô. Ai đến cùng Đức Kitô là đến cùng Chúa Cha, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nhưng đây là một câu hỏi khác mà Phúc Âm mang lại câu trả lời: Thiên Chúa cứu độ thế gian bằng cách nào? Bằng cách sai Con Người đến. Thế ngày nay Đức Kitô đến trong thế gian bằng đường lối ưu tiên nào? Qua Giáo Hội. Do đó Giáo Hội có sứ mạng làm cho Đức Kitô hiện diện với thế gian. Giáo Hội phải thông truyền một sự hiện diện chứ không phải chỉ giảng dạy những lời nói, một giáo thuyết, một huấn giới. Thiên Chúa Ba Ngôi đã tự hạ xuống ngang tầm con người nơi ngôi vị Đức Giêsu Kitô, được tỏ lộ bởi và trong Giáo Hội. Người đặt lòng tin tưởng nơi Đức Giêsu cho đến mức chia sẻ định mệnh chết và sống lại với Ngài, được tham dự vào mầu nhiệm linh động của Thiên Chúa. Điều này giải thích tại sao lời giảng của các tông đồ lúc khai nguyên Giáo Hội không phải là một sách giáo lý về Ba Ngôi chí thánh nhưng là lời loan báo Đức Giêsu Kitô. Qua dòng lịch sử của mình, nhất là qua các Công Đồng, Giáo Hội cố gắng diễn tả gẫy gọn một sự suy tư về mầu nhiệm Tam Vị. Nhưng công trình chính yếu của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội (và trong mỗi người chúng ta) là làm sao cho Giáo Hội tin và tiếp tục tin vào Chúa Giêsu Kitô. Hai câu hỏi:

1) Đâu là trung tâm đức tin của chúng ta?

Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi ấy đối diện với một số người đương thời đang dấn thân vào những hy vọng nhân loại dựa trên những ý thức hệ. Phúc Âm có phải là một ý thức hệ như bao nhiêu cái khác và các Kitô hữu có phải là những người ủng hộ một phong trào nhằm tạo một nhân loại hạnh phúc hơn về mặt trần thế? Không có gì xa lạ với đức tin chân thật hơn điều đó. Trung tâm đức tin là con người Đức Giêsu Kitô. Ước vọng một thế giới tốt đẹp hơn nơi người Kitô hữu được gọi là lòng khao khát ơn cứu độ, khao khát được giải thoát khỏi sự dữ và sự chết, về mặt vật chất và tinh thần. Việc này chỉ có thể thực hiện được bằng sự liên kết hồn xác với Chúa Con, nhờ Ngài mà thế gian được cứu. Đức tin của chúng ta chỉ hữu hiệu cho việc cứu độ thế gian trong mức chúng ta thông hiệp với Chúa Giêsu, trung tâm đức tin của chúng ta.

2) Sứ điệp của chúng ta là gì?

Người ta chỉ truyền bá có giá trị những gì người ta sống. Để Chúa Giêsu trở thành nguyên cực ơn cứu độ, nghĩa là gặp gỡ Thiên Chúa trong tự do, chân lý, cuộc sống hằng cửu. Giáo Hội cần phải tỏ bày Ngài ra cho mọi người. Giáo Hội là chính mỗi người chúng ta. Mọi tín hữu đều mang trách nhiệm phần mình làm cho Đức Kitô hiện diện với người ta, bằng lời cầu nguyện hay bằng hành động, bằng việc dâng hiến một đau khổ hay bằng ảnh hưởng của hoạt động, bằng sự hy sinh thầm kín hay bằng việc loan báo lời Chúa. Mỗi tín hữu có sứ mạng làm sao cho Giáo Hội thông đạt tới thế giới sứ điệp ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.

6. Mặc khải bất ngờ của Phúc Âm

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Tình yêu của Chúa Cha trong Con,Đức Giêsu Kitô, được biểu lộ.

Trong năm A này, sách bài đọc đã mượn bài Phúc âm trong chương 3 của thánh Gioan, phần cuối của cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô. Dựa vào giai thoại "con rắn đồng" (Ds 21,4-9), Đức Giêsu đi đến cử hành tế lễ treo trên thập giá như là đỉnh cao của mặc khải về tình yêu, tiếng nói đầu tiên và cuối cùng của ý định của Thiên Chúa: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình: vì thế ai tin vào Ngài sẽ không chết nhưng được sống đời đời. Cụm từ "Con Một" gợi lên lễ hiến tế của Abraharn (Gen 22,2-12). Còn về việc "Nâng cao Con Người lên" (Ga 3,14) nơi thánh Gioan, bao gồm vừa là cái chết của Đức Kitô trên thập giá vừa là sự tôn vinh Người bên hữu Chúa Cha, và theo X.lon Dufour, "bao gồm rộng hơn nữa, cả hành trình của Ngài ở trần gian" (Đọc Tin Mừng thánh Gioan Tom I, Ed. du Seuil p.306-307). Thánh giá này là nguồn sống của tín hữu, không phải do khía cạnh hiến tế và đổ máu, nhưng theo A. Marchadour, là cách diễn tả cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa". Ông viết tiếp: "Không như một vài người nhìn thánh giá như là nơi diễn tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, khi Chúa Cha từ bỏ Chúa Con để chuộc tội loài người. Ở đây, Con và Cha hiệp thông với nhau trong cùng một tình yêu đối với thế gian (Tin Mừng Gioan, Centurion, p.69). Dự án tình yêu nhưng không của Thiên Chúa Cha mà Đức Giêsu mặc khải, mang tính phổ quát: "cho thế gian", chứ không chỉ dành riêng cho một ít người. X.lon Dufour nhận xét: "Ba câu này liên kết mật thiết với nhau, hai câu đầu nói lên động cơ (3,16) và mục đích (3,16-l7) của ơn Chúa hay việc Cha sai Con Một mình. Trong chương trình này, lần thứ nhất, hai lần Thiên Chúa là "chủ từ”. Thiên Chúa được coi là nguồn gốc của hành động cứu rỗi, vì tình yêu cao cả ngất ngây của Ngài. Ở trung tâm của tất cả, nhất là trung tâm vai trò của Con Người và con đường dẫn tới thập giá, người ta tìm thấy Thiên Chúa yêu thương thế gian. Sự khẳng định đó coi Thiên chúa và tình yêu của Ngài như là thực tại nền tảng và tuyệt đối. .. Tình yêu đi trước tất cả, như trong lời mở đầu của thánh Gioan ánh sáng thiên linh đã hiện hữu vì con người trước khi có tối tăm. Thiên Chúa tình thương chỉ có một mục đích là cứu rỗi và ban sự sống (O.C. p.305-306).

2. Kêu gọi câu trả lời tự do của chúng ta “bây giờ”

Nhưng không, vô điều kiện, phổ quát, tình yêu Chúa Cha tỏ hiện trong Con Một, đòi hỏi một câu trả lời tự do của con người. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải tình yêu Chúa Cha, đòi hỏi mọi người ‘bây giờ phải chọn lựa, một sự chọn lựa sẽ quyết định cho số phận của mình’.

Với kẻ kết hiệp trong đức tin, với Thiên Chúa tình yêu được bày tỏ trong Đức Giêsu Kitô, với kẻ tin "nhân danh Con Một", thì được hiệp thông với "sự sống đời đời”. Từ hôm nay họ được dẫn vào sự duy nhất vĩnh viễn và trong sự thân mật hoàn hảo của Chúa Cha và Chúa Con: “Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho chúng nên một với Ta” (Ga 17). Còn với "ai không muốn tin" thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào Con Thiên Chúa". X. lon Dufour nhấn mạnh: "sự sống đời đời và án phạt không dành cho ngày sau hết mà thôi (phán xét chung thẩm): cả hai được thể hiện trong hiện tại khi gặp gỡ Đức Kitô. Tin vào Ngài tức thì "có sự sống", trái lại, từ chối không tin là tự định đoạt cho mình phải chết" (O.C. p.308-309).

BÀI ĐỌC THÊM:

1. “Sống và yêu theo nhịp Chúa Ba Ngôi” (J.N. Bezencon, trong, "Babor p.131-132).

Mặc khải về Chúa Ba Ngôi không chỉ là sự bổ sung vào ý niệm chung về Thiên Chúa. Sẽ không đủ nếu chỉ thêm thắt vào ý niệm về Thiên Chúa của các tôn giáo khác. Mặc khải về Chúa Con và Chúa Thánh Thần để từ đó khám phá ra Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. So với tôn giáo độc thần của Do Thái mà một Chúa Ba Ngôi là sự hoàn thành, ý niệm Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu là cả một cuộc cách mạng trong sự hiểu biết về Thiên Chúa. Vì thế trong kinh Tin Kính của Kitô giáo, không có một đoạn đầu chung chung nói về Thiên Chúa trong những từ mà chúng ta có thể chia sẻ với anh em Do Thái giáo hay Hồi giáo. Chức làm Cha của Thiên Chúa, quyền năng vô biên của Ngài, hành động sáng tạo của Ngài, quyền làm Chúa của Ngài trên vũ trụ phải được đọc dưới ánh sáng của Đức Giêsu và thập giá của Ngài. Đức tin Kitô giáo, đức tin vào Chúa Ba Ngôi, không chỉ khác bởi nội dung của nó, như thể là trong danh mục các chân lý phải tin, chỉ cần thêm vào, cho là ở đâu đi nữa, một chương về Ba Ngôi là đủ. Chính đức tin đã khác biệt rồi, khác trong chính kết cấu, trong năng động. Đức tin cách nào đó, đảo ngược: khi tôi nói tôi xây dựng cuộc sống tôi trên Ngài, trước hết tôi muốn nói trong Ngài là nguồn suối, Ngài tin ở con người và phó thác cho tôi, ràng buộc mình với chúng ta, và tuỳ may rủi, Ngài chọn xây dựng tất cả dự tính tình yêu của Ngài, và chia sẻ, dựa trên sự đáp trả tự do và mong manh của chúng ta: Đức tin của chúng ta, tiếng Amen của chúng ta là câu trả lời như tiếng dội của lòng tin của Thiên Chúa. Nói Ngài là Cha là mẹ (đứa trẻ nói: Thiên Chúa là người Cha, thương yêu như người mẹ) điều đó muốn nói chính Ngài luôn luôn đi bước đầu. Huấn giáo (catécalèse) không có điểm xuất phát nào ngoài phát minh làm chóng mặt rằng một ai đó đã tin tôi đến nỗi làm cho tôi sống: "Con là con Ta, trong con Ta đặt tất cả tình yêu”. Bởi thế ngay lập tức, đức tin ấy là tin vào Chúa Ba Ngôi. Dựa vào huấn giáo là đặt mình ở điểm chính xác nơi mà Lời của Thiên Chúa có thể tìm thấy tiếng dội trong con người. Đó là đi vào kinh nghiệm làm con của Đức Giêsu. Cuối cùng huấn giáo là huấn giáo về Chúa Ba Ngôi vì đời sống Kitô giáo là tin vào Chúa Ba Ngôi: ở chỗ để Thánh Thần chiếm đoạt, đến nỗi nên một với Đức Giêsu mà Chúa Cha hằng sinh ra. Từ đó huấn giáo các bí tích mà người Kitô giáo học sống sự hiệp thông Ba Ngôi là rất quan trọng. Đó là dịp để quảng diễn các kinh trong sách nghi lễ, với điều kiện là đừng bắt đầu cách loại bỏ những gì mà tất cả những ai được giáo huấn (catéchisés) cho rằng không hiểu. Một nhóm nhỏ làm công tác giáo huấn làm ta nghĩ đến bức tượng thánh Icône của André Roublev, ba thiên thần được Abraham đón tiếp, truyền thống công nhận đó là hình ảnh tiên báo về Chúa Ba Ngôi. Tất cả Giáo Hội, tất cả mọi tế bào của Giáo Hội, là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi nếu như mỗi người đều hướng về kẻ khác trong sự chia sẻ và trong sự hiệp thông. Trong một êkip làm công tác huấn giáo, trong đó mỗi người đều biết đón nhận những gì mà người khác nói và làm ở đó, những lúc thinh lặng và cầu nguyện thật là những giây phút hiệp thông, một cái gì đó sống, đồng thời cũng có giá ăn mặc khải mầu nhiệm của Thiên Chúa như là cái nhìn nhau giữa các thiên thần của bức tượng thánh của Roublev. Sự tuần hoàn của tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa, được anh em Hy Lạp gọi là "Périchorèse" (một thứ vũ vòng quanh, cũng có gốc với từ chorégraphie). Thiên Chúa không bất động. Và vì Ngài luôn luôn là chuyển động và chia sẻ chính Ngài, Ngài là chuyển động hướng về chúng ta. Huấn giáo là nơi mà trẻ con, chúng biết chúng không bao giờ ở yên, được mời gọi đi vào chuyển động điệu múa Ba Ngôi, học sống và yêu với nhịp điệu của Cha, Con và Thánh Thần...".

2. “Giáo Hội nói những gì Giáo Hội làm" (Pour dire le Credo, Cerf).

Nhìn Giáo Hội trong những gì Giáo Hội là, không phải là chuyện dễ dàng đâu. Giáo Hội loan báo Phúc âm, Tin Mừng của Đức Kitô vì hạnh phúc con người, và Giáo Hội làm cho con người sống các bí tích mà Đức Kitô đã truyền lại, đặc biệt và ngay từ đầu, Giáo Hội làm cho con người sống bí tích Thanh Tẩy. Giáo Hội hiện hữu là thế đó, nghĩa là như một cộng đồng của những ai, nam cũng như nữ, chấp nhận tình yêu Chúa Cha và liều mình sống đời sống của Ngài. "Hãy đi khắp muôn dân thu tập các môn đệ, làm phép rửa cho họ" (Mt 28,19). Nhiều khi chúng ta cho lời nói của Giáo Hội có tầm quan trọng (sự can thiệp của Đức Thánh Cha, các tuyên bố của các giám mục) hơn là việc làm của Giáo Hội, và chúng ta có cảm tưởng Giáo Hội là một tổ chức để nói, một bà già rất đáng kính nói hơi nhiều. Phải rồi Giáo Hội nói, và Giáo hội phải làm thế để nói lại với loài người vẻ đẹp của lời dạy của Đức Giêsu, và giúp họ thay lòng đổi dạ. Nhưng trong chân lý sâu thẳm của mình, trước hết Giáo Hội hành động, và khi suy nghĩ đến hành động của mình, Giáo Hội nói và khám phá ra những gì Giáo Hội đã làm. Như thế Giáo Hội kiểm tra lại sự thật của hành động mình, và cắt nghĩa giá trị của hành động ấy. Giáo Hội làm phép rửa, một hành động huyền bí cho phép con người nhận ra mình được Cha yêu thương và được hợp nhất với Đức Giêsu, nhờ ơn sức mạnh của Thánh Thần của Đức Giêsu…,được trở nên chứng nhân của tình yêu phổ quát của Cha. Chúng ta luôn phải tái khám phá ra vẻ đẹp và sự quan trọng của phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Và trong dây liên kết chặt chẽ với hành động chịu phép rửa mà Giáo Hội đã đề ra kinh Tin Kính, để cho mọi người sẽ chịu phép rửa, cùng nhau nhận ra kho tàng họ được chia sẻ không do công lệnh gì của họ. Phải luôn lặp lại lời thánh Phaolô: "Nhờ ơn thánh mà anh em được cứu chuộc, anh em chẳng có công trạng gì trong đó cả, chỉ là một ơn huệ của Thiên Chúa" (Ep 2,8). Kinh Tin Kính là bản đồ đi đường chỉ cho chúng ta thấy vẻ đẹp của thế giới mới trên bờ bến mà bí tích rửa tội đã đưa chúng ta tới. Việc tuyên xưng đức tin bắt đầu trong ngây ngất (của tâm hồn) và trong lời kinh tạ ơn.

3. “Hội Thánh của Thiên Chúa Ba Ngôi”. (B.Franck, trong "La Croix", 12/2/1995, p.27).

Nếu Giáo Hội thật là một hiệp thông (koinonia), nếu từ cơ bản Giáo Hội là "dân Thiên Chúa”, "thân thể Đức Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần, nếu Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là nguồn gốc vừa là khuôn mẫu của sự sống của Giáo Hội, nếu những người chịu phép (giáo sĩ, giáo dân, tận hiến) phải được đào tạo theo mẫu những liên hệ nối kết Ba Ngôi Thiên Chúa, khi ấy Giáo Hội phải cố gắng phản ảnh lên trái đất, giữa các Kitô hữu, những mối liên hệ bình đẳng hỗ tương và bác ái, mối liên hệ giữa Cha, Con và Thánh Thần. Giữa Ba Ngôi, không có trên cũng không có dưới, không có Đấng quyết định và Đấng thi hành quyết định, Ba Ngôi với nhau, hoạt động với nhau sống với nhau mà vẫn giữ được căn tính của mình và Ngôi vị riêng biệt, tuy mỗi Đấng có một sứ mệnh đặc trưng có một không hai.

Giáo Hội tự mình muốn và tự nói mình là "bức tượng thánh của Ba Ngôi". Giáo Hội phải luôn cố gắng hướng tới để trở nên cái mà mình phải là, chứ không phải luôn làm biến dạng khuôn mặt Ba Ngôi mà Giáo Hội tự cho mình là hình ảnh.

7. Thiên Chúa Ba Ngôi

Phải mất ba thế kỷ, các Công đồng của Giáo Hội mới định nghĩa chính xác Ba Ngôi. Nhưng ngay từ lúc khởi đầu, mọi sự đã được đem đến trong Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng của Thánh Gioan. Cuộc đàm thoại với Nicôđêmô mà chúng ta đọc hôm nay là một đoạn trích ngắn, thật sự đã làm cho chúng ta khám phá một điều gì đó chủ yếu: “tranh luận" hẳn là không đi tới đâu, phải đi theo Đức Giêsu và dấn thân với Người. ông Nicôđêmô đại diện cho các môi trường trí thức Do Thái ông là bậc thầy trong dân Israel (Ga 3,10)... Tuy nhiên ông không hiểu! trước tiên Ba Ngôi không phải là một vấn đề hóc búa của trí tuệ mà một thực tại đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu! Và tình yêu này mang một khuôn mặt: Đức Giêsu trên thập giá. Gioan là tông đồ duy nhất đã dám đối mặt với cảnh tượng ấy của tình yêu điên rồ của Thiên Chúa, khi tham dự vào bi kịch trên đồi Golgotha, cả cuộc đời Ngài, thánh Gioan đã suy niệm trước Đức Giêsu “được gương cao” khỏi mặt đất trước mắt Ngài. Thánh Gioan đã nói với chúng ta sự suy niệm ấy. Đồng thời nó cũng là chân lý sâu xa nhất về căn tính của Đức Giêsu.

“Thiên Chúa yêu đến nỗi..."

Trước khi đi xa hơn trong câu này, tôi để cho những chữ ấy thấm vào người tôi.

Vậy ra đây là vấn đề tình yêu. Và một tình yêu sẽ làm những chuyện điên rồ người ta đã đoán ra điều đó trong trạng từ "đến nỗi"...

Israel biết rằng Thiên Chúa yêu thương. Toàn bộ Cựu ước là một chung cư về điều đó. Bài đọc đầu tiên cho chúng ta nghe lại mặc khải với Môsê trong sa mạc Sinai:"Ta là Đức Chúa Giavê, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín" (Xh 34,4-9). Vâng, toàn bộ Kinh Thánh đều biết tình yêu của Thiên Chúa nhưng không một ai có thể đoán được tình yêu ấy đi tới mức nào?

"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi..."

Từ thế gian mà trong tiếng Hy Lạp là “kosmos", trong Tin Mừng Thánh Gioan thường có nghĩa xấu, ở đây cần biết rằng thế gian, toàn vũ trụ được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu thương thế gian mà Người đã làm ra. Người ta thương yêu cái gì mình đã làm ra. Nhưng cần biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người. Thiên Chúa đã yêu thương một ‘anh nọ’ và một ‘chị kia’. Và tôi đặt những khuôn mặt cụ thể được yêu thương hoặc không... trên những từ ấy. Thiên Chúa đã yêu thương anh X. đến nỗi... Thiên Chúa yêu thương chị Y đến nỗi.

'Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban..."

Hai động từ này: ‘yêu’ ‘ban’ ở thì quá khứ bất định trong ngôn ngữ Hy lạp và dịch thì quá khứ trong tiếng Pháp (trong tiếng Việt là “đã yêu” và “đã ban”). Thiên Chúa đã yêu và đã ban. Đây là một hành động chính xác, có ngày giờ nơi chốn. Quả thật! Đức Giêsu Nagiaret con của Bà Maria, con người thật đã can thiệp vào lịch sử cách nay hai mươi thế kỷ trong một xã hội của Đế quốc La mã đồng thời đó cũng là một biến cố của hoàn vũ đã biến đổi triệt để lịch sử của nhân loại. Kinh Tin Kính của chúng ta không phải là một chuỗi các ý tưởng, nhưng là một chuỗi "sự kiện": Thiên Chúa đã sáng thế, Đức Giêsu đã được trinh thai bởi Chúa Thánh Thần; Người đã đau khổ, đã chết đã sống lại...

Phụng vụ của chúng ta không phải là những ngày lễ các ý tưởng: Chúng ta không mừng lễ công lý, tình huynh đệ và cả đức tin. Cách nói: "lễ đức tin tạo ra sự lẫn lộn. Tin Mừng không phải là sách bàn về học thuyết, là một "tường thuật kể lại các biến cố... mà tác giả là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là "chủ thể" của hành động: Người yêu... Người ban...

“ Người đã ban Con Một..”

Nếu đọc lướt qua nhanh câu này, người ta có thể chỉ nghĩ đến sự Nhập Thể: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con của Người! Nhưng có một tính từ nhỏ: Con "Một" tính từ ấy xem ra có thể tầm thường với bất cứ người nào không biết Kinh Thánh. Vả lại, đối với thính giả Do Thái, hai từ ấy (Con, Con Một) nhắc đến một đoạn văn của Cựu Ước trong trí nhớ của mọi người: vị đại tổ phụ sáng lập đức tin, Abraham đã chấp nhận hiến tế con trai, con duy nhất của ông (St 22,2-22,16). Đối với Gioan điều này ám chỉ đến sự “tận hiến” trên đồi Golgotha, chứng tá cao cả nhất của tình yêu. Trong một câu trước, Gioan đã nói với chúng ta rằng: “Con Người phải được giương lên như con rắn đồng trong sa mạc” (Ga 3,14). Thánh Phaolô cũng đã viết: ‘Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” ( Rm 8,32). Tình yêu ấy là vô cùng tận! sự điên rồ của tình yêu.

“Để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Thiên Chúa đã khởi xướng trước, Người đã “yêu thương đầu tiên”. Mọi sáng kiến đến từ phía Người. Nhưng như chúng ta biết rõ, để có tình yêu, nếu chỉ có lời tuyên bố, bày tỏ, trước những bước, dấu chỉ từ một trong hai phía chưa đủ … mà phải có sự tương ứng, đón nhận, đáp trả, … đức tin là lời đáp lại của con người đối với lời tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa: người ta trao đức tin cho người khác, người ta làm cho người ấy tin tưởng, tín thác cho nhau, người ta được “đính hôn”!

Cái được mất của đức tin ấy vô cùng quan trọng: vấn đề là chết hay sống: “ai tin thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Đó là một song luận khắc nghiệt: hoặc là …hoặc là.. đó là một chọn lựa quyết định: trong trường hợp này người ta không sống, trong trường hợp kia người ta được sống… không có con đường trung bình mà là sự phân đôi triệt để khốc liệt. Hoặc người ta chấp nhận “sự ban cho của Thiên Chúa” và đi đến sự sống muôn đời là đặc tính của Thiên Chúa hoặc người ta ở lại với nhân tính của mình và dĩ nhiên là phải chết. Không thể có thái độ nghiêng ngả quanh co. Phải nói “có” hoặc “không” trước sự ban cho của Thiên Chúa. Và theo nhà văn Bernanos, Xatan muốn làm chúng ta trở thành “Ông Ouinn”… là ông vừa nói “có” (oui) và không “ (nn.. non) ông nước đôi đó nói ‘có” khi bắt đầu nói “không”.

“Quả vậy Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ”.

Tư tưởng này của Đức Giêsu rất cách mạng. Trong đạo Do Thái cùng thời với Đức Giêsu, người ta thường loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đến tiêu diệt thế giới tội lỗi. Các thủ bản ở Qumran chứa đầy quan niệm ấy của phái Manikêu: con cái của ánh sáng sẽ tiêu diệt con cái của bóng tối trong một cuộc chiến đấu một mất một còn, không khoan nhượng. Gioan Tẩy Giả gần với tâm thức đó, cũng chờ đợi một Đấng Mêsia trả thù và xét xử (Mt 3,10-12).

Nhưng quan điểm của Kitô giáo về thế gian thì hoàn toàn quân bình hơn. Không phải là một quan điểm lạc quan, bịt mắt trước sự xấu ác và không nghe thấy khát vọng bao la về một “thế giới tốt đẹp hơn”… cũng không phải là quan điểm bi quan luôn luôn lặp lại rằng thế giới thì xấu xa… nhưng là một quan điểm “cứu độ” thừa nhận sự xấu ác của thế gian nhưng không phải lên án nó, nhưng để cứu nó! Đức Giêsu cứu thế thật tuyệt vời!

Còn chúng ta thì sao? có phải chúng ta là những môn đệ của Đức Giêsu ấy không? chúng ta có yêu thương thế gian như Thiên Chúa không? nghĩa là bằng sự đấu tranh chống lại điều ác và tội lỗi của thế gian để cứu độ nó. Tình yêu thương của chúng ta có tính “cứu chuộc” không? nghĩa là trước hết phải thực hiện và sáng suốt trên những khuyết điểm và tội lỗi của anh em chúng ta (cả chúng ta nữa) bị lệch lạc méo mó nhưng chúng ta cũng phải có đủ lòng nhân hậu để cứu giúp họ ra khỏi tình trạng ấy và ban cho họ cơ hội để đổi mới…

Tôi còn phải cầu nguyện nhiều về hai từ: ‘không nên đoán xét’ mà hãy ‘cứu’.

“Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án…”

Đối với Đức Giêsu, đức tin thoát khỏi sự phán xét. Như thể sự phán xét đã “hiện đại hoá” vào ngày hôm nay, và đặt vào đôi tay của con người: chính con người tự phán xét mình. Và Đức Giêsu nói rằng đức tin là sự phán xét ấy: “ai tin là người được cứu, còn ai không muốn tin đã bị lên án rồi…”

“Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi”.

Chúng ta thấy những lời này rất nghiêm khắc, bởi vì chúng ta nghĩ đến bao nhiêu người không tin, trong vòng bà con hoặc trong chính gia đình chúng ta, và trong thế giới bao la đó những nền văn minh lớn hoàn toàn không có được khả năng biết Đức Giêsu. Tuy nhiên chúng ta không thể loại trừ ra khỏi Tin Mừng các công thức căn bản ở đó con người bị thúc bách phải chọn lựa “theo” hoặc “chống”…”có” hoặc “không”…tuy nhiên phải có sự phân biệt chủ yếu:

1. Khi gởi đến các Kitô hữu đã thật sự tuyên xưng đức tin, thì lời cảnh báo nghiêm khắc ấy tức là không được chối bỏ đức tin mà mình đã tuyên xưng là một lời mời gọi không ngừng lặp lại sự tuyên xưng ấy bằng cách mỗi ngày canh tân sự chọn lựa sống theo Đức Giêsu Kitô của mình: nghĩa là "phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!".

2. Về phần mọi người khác, chưa bao giờ có cơ hội chọn lựa Đức Giêsu một cách thật sự có ý thức, cá nhân là trưởng thành... thì điều mà chúng ta biết về tình yêu Thiên Chúa (Đấng đã sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian mà để cứu độ nó), cho phép chúng ta hy vọng rằng nhiều người trong số những người thực tế 'không theo Đức Giêsu cũng đã theo Người dù họ không biết điều đó (và quả là thiệt thòi cho họ) bằng cách sống làm người của họ "theo Đức Giêsu Kitô" nghĩa là "phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!"

"Vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa"

Và một lần nữa chúng ta biết chọn lựa ấy khẩn thiết như thế nào... ngay từ bây giờ. Nhưng trong một đoạn văn song song khác, Đức Giêsu sẽ nói rằng một "kỳ hạn của ân sủng" sẽ được ban cho con người, bởi vì chỉ đến ngày sau hết mà "lời của Đức Giêsu sẽ xét xử những kẻ từ chối Người (Ga 12,47-50). Điều đó không loại bỏ sự khẩn thiết của ngày hôm nay... nhưng tất cả đời sống của chúng ta mỗi ngày là sự phán xét của chúng ta...

Để kết thúc sự suy niệm này, chúng ta biết rõ hơn tại sao trang Tin Mừng này được chọn cho ngày lễ Chúa Ba Ngôi. Trong Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề mà người ta đề cập như một sự trình bày lý thuyết và trừu tượng... đó là một thực tại của tình yêu người ta bước vào thực tại ấy để sống tình yêu ngay từ HÔM NAY bởi đức tin trong Đức Giêsu.

8. Thiên Chúa yêu thế gian

Suy Niệm

Có một điều thường khiến các bạn trẻ băn khoăn, đó là làm sao nhận ra một tình yêu chân thực, làm sao không bị choá mắt bởi những ảo ảnh, không bị lừa dối bởi những ngọt ngào, để rồi vỡ mộng.

Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta một số tiêu chuẩn, khi mời ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa.

Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người..."

Không phải chỉ là trao một quà tặng, hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu.

Điều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha là người Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô.

Khi trao cho chúng ta Đấng bị treo trên thập giá, Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân Ngài.

Ngài chấp nhận Con Ngài phải chết để nhân loại được sống.

Tình yêu chân thực chẳng hề biết giữ lại cho mình.

Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ, tình yêu mong hạnh phúc cho người mình yêu: "... để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời."

Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này.

Được sống là được đưa vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân. Nếu có ai hư mất hay bị luận phạt thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác, nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng tự do con người.

Con người có thể tin hay từ chối, mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban.

Thánh Gioan đã dám định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu.

Một Tình Yêu chia sẻ chan hoà giữa Ba Ngôi: Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha. Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con.

Một Tình Yêu tràn ngập cả vũ trụ: Thiên Chúa là Tình Yêu sáng tạo khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài; Ngài là Tình Yêu cứu độ khi Ngài muốn thứ tha cho ta qua Đức Giêsu; Ngài là Tình Yêu thánh hoá khi Ngài muốn ban cho ta sức sống mới trong Thánh Thần.

Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu.

"Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa" (1Ga 4,8). Ai không ở lại trong tình yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. 1Ga 4,16).

Ước gì đời ta được tưới gội bởi Tình yêu, để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu.

Ước gì chúng ta làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu bằng một đời sống hiến trao và chia sẻ.

Gợi Ý Chia Sẻ

Tình yêu là hai từ được sử dụng khắp nơi. Điều mà người ta thường gọi là tình yêu, thực ra chỉ là sự chiếm đoạt của bản năng ích kỷ. Theo bạn, thế nào là tình yêu thực sự đáng tin? Làm sao nhận ra tình yêu đó?

Có khi nào bạn cầu nguyện với từng Ngôi Cha, Con và Thánh Thần không? Bạn biết gì về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần?

Cầu Nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng.

Xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

Xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con và trong lòng từng con người bé nhỏ.

9. Trí khôn và ý muốn

Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:

- Thượng đế là gì?

Ông ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ.

Và khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta đến và giận dữ hỏi:

- Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta? Thượng đế là gì?

Bấy giờ ông ta mới ôn tồn trả lời:

- Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi.

Kể lại câu chuyện này, tôi cũng muốn nói lên sự bất lực của chúng ta khi phải trình bày về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù chúng ta đã học hỏi, đã tìm tòi, nhưng không bao giờ được quên rằng: Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta.

Tất cả những gì chúng ta biết về mầu nhiệm này được gồm tóm như sau: Nơi Thiên Chúa có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cực thánh này đều có chung một bản tính, nên bằng nhau về mọi phương diện và chỉ làm thành một Thiên Chúa duy nhất.

Trong giây phút này, tôi chỉ xin chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ, đó là đứng trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trí khôn chúng ta lại quá nhỏ bé đề mà hiểu thấu, nhưng con tim chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến.

Thực vậy, trí khôn chúng ta quá nhỏ bé để mà hiểu thấu. Tôi xin đưa ra một thí dụ: trước mặt chúng ta đây có ba cô, cô Quít, cô Mít, cô Cam. Đó là ba ngôi vị. Mỗi người có một bản tính khác nhau và làm thành ba con người riêng biệt. Đối với Chúa Ba Ngôi thì khác. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mặc dù là ba ngôi riêng biệt, những chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Đó là một mầu nhiệm không thể nào hiểu thấu, bởi vì trí khôn chúng ta quá nhỏ bé.

Hẳn rằng đã nhiều lần chúng ta được nghe mẩu chuyện về thánh Augustinô. Ngài là một vị thánh tiến sĩ trong Giáo Hội, đã viết nhiều cuốn sách có giá trị. Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi, ngài đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài dừng chân và hỏi:

- Em làm gì thế?

Em bé bèn trả lời:

- Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.

Thánh nhân mỉm cười và nói:

- Làm sao tát được?

Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói:

- Tôi làm việc này còn dễ hơn cái ảo vọng của ngài là muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.

Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này.

Thế nhưng, con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.

Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng ngài. Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Môi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng và thờ lạy Chúa Ba Ngôi.

Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ to lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Vậy Ngài đã làm gì cho chúng ta? Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta ngay khi chúng ta còn chưa cất tiếng khóc chào đời. Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.

Sau cùng, trái tim chúng ta cũng đủ to lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thiên Chúa không ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài sống trong chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta và chúng ta là đền thờ sống động của Ngài. Mỗi khi tâm hồn chúng ta sạch tội trọng, Chúa Ba Ngôi sẽ ngự trị và trao ban cho chúng ta sự sống thần linh, sự sống ân sủng, nhờ đó, chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa.

Hãy yêu mến Chúa Ba Ngôi, để rồi chúng ta sẽ được chiêm ngắm Ngài nhãn tiền, mắt đối mặt trong niềm hạnh phúc đời đời.

10. Dấu Thánh Giá

“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa là chúng ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để bắt đầu bài chia sẻ này. Không phải riêng tôi mà tất cả mọi Kitô hữu đích thực, khi làm một việc gì đều muốn làm trong ý nghĩa đó, tức là mỗi khi bắt đầu một công việc gì chúng ta luôn làm dấu thánh giá. Một nhà văn Kitô giáo ở thế kỷ thứ hai, Ông Tertulianô đã viết: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Lời khuyên đó cho thấy việc làm dấu thánh giá đã có ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Thánh Phaolô cũng thường mở đầu và kết thúc các thư của ngài một cách tương tự: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.

Người Kitô hữu biểu lộ thánh giá ra bên ngoài để tuyên xưng đức tin và tôn vinh Chúa. Cũng có trường hợp vì tôn trọng thái độ tôn giáo của người khác, chúng ta chỉ thầm nguyện ở trong lòng màø không làm dấu thánh giá bên ngoài. Nhưng cách này hay cách kia, chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đang làm mọi việc nhân danh Thiên Chúa để tôn vinh Ngài, như lời Kinh Thánh dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Đặc biệt hôm nay chúng ta đề cập đến dấu thánh giá để nói về Chúa Ba Ngôi, để nói lên lòng chúng ta tin nhận một Thiên Chúa độc nhất có Ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Trước hết, chúng ta phải nói ngay: Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng vĩ đại nhất của đạo Công giáo: một mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa mà con người không có quyền cũng như không có khả năng đạt tới, chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết mà thôi. Bởi vì mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm về đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, tức đời sống yêu mến của Thiên Chúa, cho nên chỉ được mặc khải trong thời Tân Ước, là thời yêu mến, và do chính Con Một Thiên Chúa là hình ảnh, là tình yêu của Đức Chúa Cha.

Đại khái mầu nhiệm ấy được diễn tả như sau: Chúa Cha chiêm ngưỡng chính mình thì có một hình ảnh, một ý nghĩ, một tâm tình, một lời về mình. Hình ảnh, ý nghĩa, hay kiến thức hoặc tâm tình ấy là Ngôi Hai hay Ngôi Lời. Thế rồi hai ngôi chiêm ngưỡng và yêu nhau làm phát xuất ra một mối tình hay một tình yêu. Tình yêu đó là chính Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần.

Khó hiểu quá phải không? Đúng vậy, mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu và mãi mãi vẫn là khó hiểu. Chúng ta biết được như thế là do chính Chúa Giêsu đã mặc khải, các tông đồ đã truyền dạy và cả Giáo Hội không ngừng tuyên xưng như vậy. Giáo Hội toàn cầu đã nhóm họp nhiều công đồng để xác định rõ đức tin của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi. Các Công Đồng quan trọng nhất đã định tín về chân lý này là công đồng Ni-xê-a năm 325, Công Đồng Constantinopoli năm 381, công đồng Latran IV năm 1215, công đồng Lion II năm 1274, công đồng Floren năm 1439.

Mầu nhiệm Ba Ngôi được coi như một công thức mà Giáo Hội sử dụng trong tất cả mọi sinh hoạt: từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến một lời thề long trọng hay một bí tích. Tất cả đều bắt nguồn ở công thức duy nhất Chúa Kitô đã dùng để ban truyền mệnh lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên trời. Trong đời sống một người tín hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến khi chết rồi, biết bao nhiêu lần công thức ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm với dấu thánh giá hay một nghi thức hoặc cử chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta không còn cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã được nhắc tới một cách máy móc, vô ý thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa lại điều không tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm một cách ý thức và tôn kính.

11. Ba Ngôi

Trong thánh lễ ban phép Bí tích Thêm sức, Đức Tổng Giám mục hỏi một ứng viên định nghĩa Ba Ngôi Thiên Chúa là gì. Một bé gái 14 tuổi nhỏ nhẹ trả lời: “Thưa Ba Ngôi Thiên Chúa là Ba Ngôi trong một Thiên Chúa”. Đức Tổng giám mục đã lớn tuổi, nặng tai, nghe không rõ, bèn hỏi lại: “Cha không hiểu con nói gì?” Vị linh mục giúp lễ cho ngài là một nhà thần học bèn trả lời: “Thưa Đức cha, Đức cha không cần phải hiểu. Ba Ngôi là một mầu nhiệm!”

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta biết rằng mình không thể hiểu được, vì đó là một mầu nhiệm. Nhưng cũng biết chắc rằng chúng ta đang sống mầu nhiệm đó. Ai cũng sống trong dòng đời, nhưng mấy ai đã hiểu được cuộc đời. Ai cũng cảm được dòng nhạc hay, nhưng lại không thể lấy được cái hay đó ra cho người khác xem!

Tách ra khỏi dòng sông, con cá sẽ chết. Biệt lập ra khỏi dòng đời, con người sẽ không tìm thấy hạnh phúc. Lẩy ra một nốt nhạc, nó chỉ là một âm thanh trơ trọi, không còn là một bài ca. Một vũ khúc được liên kết bởi các cử điệu trong sự liên tục trôi chảy và nhịp nhàng. Đó chính là những hình ảnh sống động giúp ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Có một cuốn sách tuyệt hay với tựa đề “Flow” – “Sự Trôi Chảy” của Mihaly Csikzentmihalyi, giáo sư tâm lý học trường Đại học Chicago. Tác giả đã trình bày những kết quả của việc nghiên cứu nhằm xác định một cách chính xác câu hỏi: “Điều gì làm cho con người hạnh phúc?” Sau khi thử nghiệm và phỏng vấn hàng trăm người trong nhiều năm, giáo sư đã đi đến kết luận rằng con người cảm thấy hạnh phúc nhất khi chúng ta sống “trong sự trôi chảy”.

Qua lời khẳng định này, tác giả muốn nói đến khả năng tự làm mất đi cái bản ngã của mình để hoà điệu vào cái khác hay người khác, hy sinh cuộc đời mình cho một người, một công trình, hay một hoạt động, nhẩy ra khỏi sự hạn hẹp của cái tôi chủ quan để hoà mình vào dòng suối cảm nghiệm của cuộc đời.

Sống “trong sự trôi chảy” có thể thực hiện dưới vô số những hình thức: leo núi, đánh cờ, nghe nhạc, hàn huyên trong câu chuyện gẫu, đắm chìm vào trong cuốn tiểu thuyết trinh thám, hay hăng say làm việc giúp đỡ người nghèo. Bất cứ cái gì thúc đẩy chúng ta ra khỏi bản thân mình, bất cứ cái gì làm cho chúng ta ngây ngất, hay tạo nên hoan lạc có thể được coi như “trong sự trôi chảy”. Đồng thời, khi chúng ta bị ngã bật ngửa ra, qua sự chán chường hay lo âu, khi chúng ta tê cóng lại thay vì chuyển động trôi chảy, chúng ta trở nên bất mãn, không hạnh phúc.

Đối với người Công giáo thì chẳng có gì ngạc nhiên, vì chúng ta ngầm khẳng định cái kinh nghiệm nội tâm này và biểu tỏ ra một cách sâu xa mỗi khi làm dấu thánh giá. Tôi tự hỏi chúng ta có thường ý thức rằng Thiên Chúa mà chúng ta thờ phượng không phải là một tĩnh vật bất động nhưng là một tập thể của những ngôi vị linh hoạt và năng động: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.

Từ nguyên thuỷ, Đức Chúa Cha, nguồn thần tính vô tận và phong phú, biểu tỏ qua Chúa Con, một cuộc hành trình đi ra khỏi chính mình trong kiến thức và tình yêu. Và Đức Chúa Con, từ nguyên thuỷ tự cho phép mình được phát biểu và rồi trở về với Đức Chúa Cha trong hoan lạc. Trong tình yêu hỗ tương, sự chia sẻ thân mật sâu xa của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là Đức Chúa Thánh Thần.

Diễn tả theo ngôn ngữ gợi cảm của thánh Bernard of Clairvaux: Đức Chúa Cha là người hôn, Đức Chúa Con là người được hôn, và Đức Chúa Thánh Thần chính là nụ hôn mà Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con chia sẻ với nhau. Thiên Chúa của chúng ta là một sự nhịp nhàng, một vũ khúc, một dòng sông, một dòng đời. Bản chất của Đức Chúa Cha là hướng về người khác, là đi ra khỏi chính Ngài. Bản tính của Đức Chúa Con là quên mình, trong khi bản tính của Đức Chúa Thánh Thần là yêu thương và được thương yêu.

12. Ba Ngôi

Thiên Chúa không phải là Đấng cực kỳ cao cả đến nỗi Ngài “cứ để” mình biệt lập trong sự cao cả. Nhà thần bí học Pseudo Dionysius đã nói rằng sự tốt lành có tính cách lan truyền ra khỏi nó. Sự tốt lành không có khuynh hướng tự nghỉ yên nơi chính mình, nhưng tuôn tràn ra với những cảm giác vui sướng. Khi một người nào đó đang hân hoan vui sướng, họ không rút vào phòng để chiêm niệm cho riêng mình. Trái lại, họ thường có khuynh hướng đi ra ngoài, nói cười nhẩy nhót và vui mừng hân hoan với người khác, để chia sẻ cái họ đã tìm thấy. Do đó, Thiên Chúa của chúng ta đầy đủ sự tốt lành, không thể chỉ giữ lại cho riêng Ngài.

Xưa kia thánh Tôma Aquino cũng đã được hỏi rằng Thiên Chúa làm gì suốt ngày, và vị tiến sĩ Hội Thánh đã trả lời: “Ngài vui thích với chính Ngài”. Dĩ nhiên, câu trả lời vắn tắt gọn gàng này hoàn toàn phù hợp với những kết quả tìm kiếm được của Csikzentmihalyi: “Thiên Chúa Ba Ngôi luôn luôn trong sự trôi chảy nhịp nhàng”.

Vũ khúc tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa quá mãnh liệt và tốt lành đến độ đã tuôn chảy tràn lan qua hành động sáng tạo vĩ đại của Ngài. Công đồng Vatican I đã diễn tả rằng Thiên Chúa đang làm chính mình trở nên khác để chia sẻ nguồn vui và sự hoàn thiện của Ngài. Vũ trụ lạ lùng là một bằng chứng cho thấy cái khuynh hướng về người khác của Đấng tạo Hoá, một khuynh hướng không thể nghỉ yên nơi Chính Mình. Thế nhưng, ngọn lửa hoan lạc của Ba Ngôi vẫn chưa được diễn tả một cách đầy đủ chỉ trong sự sáng tạo. Thay vào đó, một hình thức đẹp đẽ với vẻ rực rỡ vinh quang của nó đã được ban cho trong một hành động chưa từng nghe đến của Sự Nhập Thể, một bước nhảy vọt, qua đó Thiên Chúa trở nên một tạo vật. Trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy trước mắt một chuỗi những biến cố về sự tuôn tràn của Ba Ngôi Thiên Chúa được trình bày:

Đức Chúa Cha sai Đức Chúa Con đi vào hữu hạn, xác phàm, tội lỗi và sự chết, vào tất cả những cái đang đe doạ và làm chúng ta khinh khiếp, bằng cách mở trái tim của Thiên Chúa ra qua một sự vươn tới của tình yêu. Rồi, trong Đức Chúa Thánh Thần, Đức Chúa Con lại trở về với Đức Chúa Cha, mang theo với Người tất cả thụ tạo. Vũ khúc đã xảy ra từ nguyên thuỷ, trong niềm hoan lạc đó thế giới đã được tạo dựng, hình thành trong Đức Kitô, với thịt và máu của Người.

Đây là Thiên Chúa mà chúng ta biết. Đây là Thiên Chúa tạo dựng và duy trì chúng ta trong hiện hữu. Đây là Thiên Chúa chúng ta cử hành khi làm dấu thánh giá. Do đấy, chúng ta không ngạc nhiên rằng nguồn vui sâu xa nhất của chúng ta đến từ việc sống “trong sự trôi chảy nhịp nhàng”, vì trong tình yêu hoan lạc mà chúng ta trở nên giống với “Vũ Khúc của Ba Ngôi” nhất.

13. Tình yêu

Một người cha hứa cho đứa con gái 12 tuổi một số tiền nếu cô bé xén sạch đám cỏ trước nhà.

Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gàng – ngoại trừ một mảng cỏ tí tẹo còn sót trong góc sân.

Ông bố nói rằng ông không thể trả số tiền đã thoả thuận, bởi vì đám cỏ chưa được cắt xong. Cô bé cho biết cô sẵn sàng chịu mất số tiền đó và cô nhất định không cắt nốt mảng cỏ còn sót kia.

Tò mò muốn biết lý do tại sao, ông bố kiểm tra chỗ cỏ chừa lại. Hoá ra, ở giữa chòm cỏ ấy, một chú cóc đang ung dung ngồi ngắm cảnh hoàng hôn! Cô bé quá thương con cóc, đã không đành đưa lưỡi dao của máy cắt vào chòm cỏ ấy.

Thiên Chúa là tình yêu. Người đã dựng nên con người cao trọng hơn các loài thụ tạo. Nhưng con người lại bất trung phản bội. Vì yêu thương Thiên Chúa đã không nỡ huỷ diệt, lại sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế để cứu chuộc con người. Người lại gởi Thánh Thần đến để thánh hoá cho nên tạo vật mới, dẫn đưa họ về hưởng vinh quang Nước Trời. Đó là mầu nhiệm tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thương dành cho con người. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lễ của Tình Yêu.

Chỉ những ai sống yêu thương mới được ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chỉ những ai thực thi đức ái mới sống trọn ơn gọi làm con Thiên Chúa.

Chỉ những ai biết sống trao ban mới tìm được nguồn vui đích thực trong Thiên Chúa Tình Yêu.

Nếu Thiên Chúa đã hiến trao con Một của Người để người Con ấy phải chết và để nhân loại được sống, lẽ nào người tín hữu còn sống ích kỷ để giữ lại cho riêng mình những hạnh phúc nhỏ nhoi, tầm thường.

Nếu Thiên Chúa đã muốn chia sẻ hạnh phúc của Ba ngôi, là không muốn cho con người phải chết nhưng được sống hạnh phúc muôn đời, lẽ nào chúng ta đành khép lại con tim để chối từ chia sẻ trao ban.

Được dựng nên theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, nên ơn gọi đích thực của con người chính là ơn gọi sống yêu thương.

Được cứu độ bằng giá máu của Đức Kitô, nên lẽ sống của người Kitô hữu chính là tha thứ trong yêu thương.

Được thánh hoá bằng sức sống của Thánh Thần, nên cứu cánh của người tín hữu là phải nên thánh nhờ sống yêu thương.

Nhìn mầu nhiệm Ba Ngôi từ góc cạnh của đức mến, tức là nhìn từ lăng kính của tình yêu. Người tín hữu không biết đến yêu thương thì cũng hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Vì “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa”. Chỉ những ai dám sống và dám chết cho tình yêu, mới được ở lại trong Thiên Chúa. Chỉ những ai dám tự hiến và trao ban cho anh em mới là những chứng nhân của một Thiên Chúa Tình Yêu.

14. Dòng sông

Hôm nay toàn thể Hội thánh mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Không một ngày nào Hội thánh và mỗi người chúng ta lại không tuyên xưng mầu nhiệm ấy, bởi vì mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh thì đó là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ chẳng mấy khi ta quan tâm để tìm hiểu xem mầu nhiệm này có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời của chúng ta. Bởi vì nói tới các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta dễ có cảm tưởng đó là những chuyện xa vời và chẳng liên hệ gì tới đời sống của mình. Nhưng không phải thế. Mầu nhiệm nào cũng rất gần gũi và liên hệ mật thiết với đời sống của con người, bởi mầu nhiệm nào cũng là một luồng ánh sáng soi cho chúng ta hiểu rõ thân phận mình và dẫn lối để chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc.

Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình.

Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?

Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.

Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người. Lời Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay dạy ta như thế. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mà tin vào Chúa Kitô chính là thể hiện trong đời mình cuộc sống của Người, nghĩa là suy nghĩ, nói năng, hành động và cư xử như Người. Điều Chúa Kitô quan tâm nhiều nhất và đã sống triệt để nhất chính là tình yêu thương. Người yêu Chúa Cha nên thi hành mọi sự theo ý Cha. Người yêu con người nên chấp nhận chết để cho con người được sống.

Yêu Chúa và yêu người, đó chính là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy.

15. Sống hoà nhịp

Ngày kia, có một người nông dân đi lên thành phố. Khi đang đi bộ trên một con đường đông đúc, thì đột nhiên, anh ta nói với một người bạn cùng đi với mình: “Tôi có thể nghe được tiếng kêu rúc rích của một con dế”. Người bạn của anh ngạc nhiên và hỏi: “Làm sao mà anh lại có thể nghe được tiếng dế, giữa tất cả những tiếng động ồn ào này?”

Người nông dân đáp lại: “Bởi vì hai tai của tôi hoà nhịp được với tiếng dế”.

Thế rồi anh ta lại càng cố tình lắng nghe nhiều hơn, và dõi theo âm thanh đó, anh đã tìm ra được một con dế đang bò trên bờ cửa sổ. Người bạn của anh không thể nào làm được điều này. Nhưng người nông dân không hề tỏ ra ngạc nhiên. Thay vào đó, anh móc vài đồng xu từ trong túi áo ra, và ném chúng xuống lề đường. Khi nghe được tiếng leng keng của mấy đồng xu, những người qua đường liền ngừng lại nhìn theo dấu vết của chúng.

Người nông dân nói: “Bạn hiểu ý tôi chứ: Không có ai trong số những người này có thể nghe được tiếng dế, nhưng tất cả bọn họ đều có thể nghe được âm thanh của tiền bạc. Người ta nghe được cái gì hoà nhịp với hai tai của họ, và không thể nghe được tất cả những thứ còn lại”.

Điểm cần ghi chú ở đây khá rõ ràng: Nếu ít bị lo lắng phiền muộn, chúng ta có thể hoà nhịp với Thiên Chúa. Voltaire đã nói: “Ngay khi mở đôi mắt của mình ra, thì tự nhiên, người ta thừa nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Và Abraham Lincoln đã nói: “Tôi có thể nhận thấy con người có thể nhìn xuống mặt đất, và trở nên một người vô thần ra sao, nhưng tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào mà người ta có thể nhìn lên bầu trời, và nói rằng không hề có Thiên Chúa”.

Khi nhìn vào sự vật nào đó hoặc người khác, người ta sẽ nhận biết ngay rằng những sự vật này không tự hiện hữu được, mà chính là nhờ Thiên Chúa. Tương tự như một căn nhà phải có người xây dựng ra nó, một cái áo do người may, một cánh cửa do thợ mộc. Như vậy, thế giới chứng tỏ rằng phải có Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá.

Khi nhìn vào một công trình nghệ thuật, không thể nào bạn không nghĩ đến người nghệ sĩ. Nhìn vào thế giới tạo vật, mà không nhận thấy Đấng Tạo hoá, chính là mù quáng, không thấy được ý nghĩa của toàn thể công việc sáng tạo, và ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân mình. Tuy nhiên, thật đáng buồn là có nhiều người nhìn, mà vẫn không thấy gì. Họ lắng nghe, mà vẫn không nghe được gì. Đức Giêsu đã nói về Thiên Chúa, như là một người Cha đầy lòng xót thương và khoan dung. Người nói về chính mình, với tư cách là Con của Cha, và Người gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, để trợ giúp chúng ta sống tư cách người môn đệ và con cái của Thiên Chúa.

Chúng ta đang trực diện với một mầu nhiệm vĩ đại. Tuy nhiên, bất cứ người con nào cũng đều có thể thấu hiểu, bằng cách cầu nguyện và sống mầu nhiệm này. Chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như là một người Cha (và người Mẹ), một người Cha yêu thương chúng ta một cách sâu sắc. Chúng ta nghĩ đến Đức Giêsu như là một người Anh, Đấng hiến tặng cho chúng ta chính cuộc đời của Người. Và chúng ta nghĩ đến Chúa Thánh Thần như là một người Bạn. Đấng trợ giúp chúng ta sống theo Đức Giêsu, và liên kết chúng ta với nhau, như là anh chị em trong một cộng đoàn của lòng tin và tình yêu thương. Với tư cách là những người Kitô hữu, đây là bầu khí mà trong đó chúng ta sinh sống, di chuyển và hiện hữu.
 
Thiên Chúa cứu độ thế gian qua Đức Giêsu!
Lm Nguyễn Hữu Thy
11:39 16/05/2008
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa cứu độ thế gian qua Ðức Giêsu!


(Ga 3,16-18)

Trong một câu chuyện cổ tích của dân Da Ðỏ người ta kể: Khi một cậu học trò hỏi vị sư phụ: «Thưa sư phụ, con phải làm gì để có thể thấy được Thượng Ðế?» thì ông đã trả lời: «Nếu con muốn nhìn thấy các vì sao trên trời, con phải ra đứng ngoài trời ban đêm! Nếu con muốn nghe chim chóc ca hát, thì con phải ngồi dưới gốc cây trong rừng! Nếu con muốn nhìn thấy Thượng Ðế thì con phải ra ngoài đường và nhìn vào thiên hạ!»

Nói chung, sự lạc quan của vị đạo sĩ dân Da Ðỏ như thế, ngày nay khó lòng tìm gặp được. Trái lại, hằng ngày chúng ta phải chứng kiến quá nhiều những cảnh bất nhân nơi con người, khiến chúng ta không còn có thể nhận ra được thần thánh gì nữa trên khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, vị đạo sĩ người Da Ðỏ đã nói lên một điều quan trọng trên con đường đi tìm gặp Thiên Chúa của chúng ta, khi ông chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới con người! Chúng ta cần xác tín rằng «những con đường đi», cuộc sống và lịch sử của con người là những «điểm hẹn» của Thiên Chúa. Trong sự chung thủy của một người bạn, trong sự chân thành của một câu chuyện, trong tình yêu trao ban của những bậc vợ chồng, trong sự tha thứ bỏ qua của người mẹ, trong niềm hy vọng bất lay chuyển vào sự giải thoát của những đoàn người lớn bé, ở đó chắc chắn có sự hiện diện của Thiên Chúa, ở đó Thần Linh Thiên Chúa đang ngời sáng lên!

Trong con người Ðức Giêsu Na-da-rét chúng ta có thể nhận ra được Lời và Thánh Linh của Thiên Chúa một cách rõ ràng và chắc chắn đặc biệt. Là Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng không một ai có thể gần gũi được Thiên Chúa như Ðức Giêsu; đồng thời Người cũng đưa dẫn chúng ta tới gần Thiên Chúa. Qua cuộc sống và trong các giáo huấn của Người, Ðức Giêsu đã mở rộng ra trước mắt chúng ta con đường thẳng tắp dẫn tới cùng Thiên Chúa và đồng thời đó cũng là con đường đã được dọn sẵn, đưa dẫn từ Thiên Chúa đến với con người. Chỉ vì Thiên Chúa mà Ðức Giêsu luôn hiện diện bên chúng ta, và ngược lại, Người hằng hiện diện bên Thiên Chúa cũng vì chúng ta!

Trong câu chuyện vị đạo sĩ người Da Ðỏ, chúng ta thấy không hề đề cập gì đến ý nghĩa và mục đích sự tìm kiếm và sự gặp gỡ được Thiên Chúa. Ở đây, Thiên Chúa là một Ðấng Cao cả trung lập. Trong khi đó sự xác tín của người Kitô hữu lại khác hẳn.

Vâng, người Kitô hữu chúng ta tin chắc chắn rằng Thiên Chúa không hề trung lập. Thiên Chúa có thái độ và lập trường rõ rệt: Ðó chính là lập trường đứng về phía con người, trong và qua Ðức Giêsu Na-da-rét. Trong Ðức Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy Người là sự hạnh phúc bền vững của chúng ta trong hiện tại và là sự cứu rỗi cuối cùng trong tương lai.

Thiên Chúa mà người Kitô hữu chúng ta tôn thờ không phải là một Thiên Chúa trung lập, hay là một Thiên Chúa xa cách thế gian và ghét bỏ con người. Thiên Chúa luôn luôn là Thiên Chúa của lịch sử, Thiên Chúa của con người, Thiên Chúa của Áp-ra-ham và của I-sa-ác, Thiên Chúa của cuộc Xuất Hành và của Giao Ước! Qua một lịch sử đức tin lâu dài và đầy thử thách, dân Ít-ra-en đã khám phá được rằng Gia-vê không chỉ là Thiên Chúa của mười hai chi tộc Gia-cóp, nhưng là Thiên Chúa của mọi dân tộc và của mọi người. Cuối cùng, trong Ðức Giêsu, mọi sự đã trở nên quá rõ ràng và chắc chắn, đó là: Thiên Chúa thương yêu lo lắng cho tất cả mọi người và cho từng người. Chính vị Thiên Chúa đó của Ðức Giêsu Kitô luôn vui mừng khi có người chân thành tìm kiếm và gặp gỡ được Người (x. Lc 15,8-10). Chính vị Thiên Chúa đó luôn tìm cách lo lắng cho nhân loại, để không một ai bị hư mất, nhưng mọi người đều đạt tới một cuộc sống sung mãn.

Bài Tin Mừng hôm nay đã gợi lên những suy tư về sự lo lắng vất vả không thể hiểu được của một vị Thiên Chúa đối với con người hèn yếu, và nêu lên câu hỏi: Thiên Chúa là ai? Phải cắt nghĩa thái độ hành xử của Người thế nào? Ðức Giêsu giữ vai trò nào trong kế hoạch của Thiên Chúa?

Và chính Phúc Âm đã đưa ra lời giải đáp: Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa của con người; Người có một con tim đầy yêu thương đối với nhân loại; Người hằng lo lắng cho sự hạnh phúc hiện tại cũng như sự hạnh phúc viên mãn trong tương lai của họ, bởi vì Người thương yêu con người. Và Ðức Giêsu là tình yêu nhập thể của Thiên Chúa. Vì thế, là cả một hạnh phúc to lớn cho chúng ta được nhận biết Người, và nhờ Người, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Thiên Chúa đã đứng hẳn về phía chúng ta; Chúng ta không cần phải than van: «Lạy Chúa, sao Chúa im lặng mà chẳng lên tiếng?» (Gióp 1,13). Chúng ta cũng không còn cần phải kêu la: «Cớ sao Chúa lại che dấu thánh nhan?» (Tv 44,25). Chúng ta có thể nhìn thấy được Thiên Chúa, vì ai thấy Ðức Giêsu là «nhìn thấy Chúa Cha» (x. Ga 14,7).

Với những suy tư và những lời mà Phúc Âm đã mang đến cho chúng ta, chúng ta đã đụng chạm đến một lãnh vực mà chúng ta không thể nào tiếp cận được, nhưng phải giữ thái độ lặng thinh câm nín. Bởi vì chúng ta hoàn toàn bất khả chen chân len lỏi vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa được. Tuy nhiên chúng ta có thể nói lên được niềm xác tín của chúng ta rằng trong Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn nhân loại được cứu rỗi, và chính ngày Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay là một khẳng định cho chúng ta về điều đó. Ðó cũng chính là điều mà bài Tin Mừng hôm nay muốn làm sáng tỏ.

Dĩ nhiên, sự cứu rỗi của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô không phải như sự cần thiết vật chất tự nhiên hay một cái chi tự động vượt thời gian, nhưng là một dịp may, một lời mời gọi, một cánh tay đang được giơ ra! Qua Phúc Âm theo thánh Gioan, chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn cho chúng ta được sống, nhưng Người chỉ ban sự sống đó qua sự gặp gỡ đầy tin yêu của chúng ta với Ðức Giêsu Kitô: «…để ai tin vào Con Một của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời» (Ga 3,16).

Phải chăng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta thực sự bị ràng buộc vào một số điều kiện? Phải chăng chúng ta phải sống gắn bó với Ðức Giêsu Kitô để có thể bảo đảm cho sự hiện diện của chúng ta trước mặt Thiên Chúa và cho tương lai của chúng ta? Chắc chắn là không! Bởi vì Thiên Chúa không phải là một vị thần hờn ghen, cũng không phải là một thương gia đầy tính toán. Vì thế, đức tin vào Ðức Giêsu Kitô cũng không phải là điều kiện cho sự sống sót, nhưng là khởi đầu một sự sống mới. Ðó chính là điều xác tín của bản Tin Mừng theo thánh Gioan, như chính Ðức Giêsu đã quả quyết: «Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết!» (Ga 11,25-26; x. Ga 5,24; 8,51). Amen
 
Lời Đức Mẹ Maria hứa cho những ai năng lần Chuỗi Mân Côi
Lê Nghĩa
11:57 16/05/2008
15 LỜI HỨA ĐỨC MẸ MARIA
HỨA BAN CHO NHỮNG AI LẦN CHUỖI MÂN CÔI


(Mẹ đã hiện ra, trao cho Thánh Đominicô và Á Thánh Alan de la Roche)

1. Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách lần Chuỗi Mân Côi sẽ nhận được những ơn cao cả.
2. Mẹ hứa sẽ ban những ơn lớn lao và sự che chở đặc biệt cho những ai lần Chuỗi Mân Côi.
3. Kinh Mân Côi sẽ là vũ khí cực mạnh chống lại hỏa ngục, tiêu diệt thói xấu, giảm tẩy tội lỗi và chiến thắng ma quỷ.
4. Kinh Mân Côi sẽ khiến nhân đức và các việc lành phát triển; sẽ đem lại nhiều lòng thương xót của Chúa xuống trên các linh hồn; sẽ rút lòng họ khỏi sự yêu mến thế tục và sự hư ảo của nó, và sẽ dẫn đưa họ đến ước ao những sự vĩnh cửu. Ôi, những linh hồn ấy sẽ được thánh hóa biết bao bởi những ý nghĩa này!
5. Linh hồn đến với Mẹ bằng cách lần Chuỗi Mân Côi sẽ không phải hư mất.
6. Những ai lần Chuỗi Mân Côi sốt sắng và áp dụng các Mầu Nhiệm Mân Côi vào đời sống mình sẽ không bao giờ bị rủi ro. Chúa sẽ không trừng phạt họ trong cơn thịnh nộ của Ngài; họ sẽ không phải chết bất tử; nếu đã sống công chính, họ sẽ được bền vững mãi trong ơn nghĩa của Chúa và trở nên xứng đáng được hưởng sự sống đời đời.
7. Những ai thực lòng tôn sùng Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được ơn chịu các phép Bí tích trước giờ chết.
8. Những ai trung thành lần Chuỗi Mân Côi, khi sống và nhất là trong giờ chết sẽ được Ánh Sáng Chúa soi dẫn với đầy dẫy ân huệ của Ngài. Và khi lâm tử, họ sẽ được tham dự vào những công nghiệp của các Thánh trên Thiên Đàng.
9. Mẹ sẽ đưa ra khỏi Lửa luyện tội những ai đã trung thành lần Chuỗi Mân Côi.
10. Những con cái trung thành lần Chuỗi Mân Côi sẽ được thưởng vinh quanh cao cả trên Thiên Đàng.
11. Các con sẽ được hết những điều các con xin Mẹ nhờ sự lần Chuỗi Mân Côi.
12. Những ai truyền bá Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ khi cần thiết.
13. Mẹ đã xin cùng Con Chí Thánh Mẹ cho những ai truyền bá Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được nguyên cả Triều Đình Thiên Quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.
14. Những ai lần Chuỗi Mân Côi đều là con Mẹ và là anh em với Con Duy Nhất của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.
15. Tôn sùng Phép Lần Chuỗi Mân Côi của Mẹ là dấu chỉ chắc chắn sẽ được về Thiên Đàng.

Áo Đức Bà Carmelô (cũng là cách tỏ lòng yêu mến Mẹ)

Đức Mẹ phán với Thánh Dominicô rằng: “Một ngày nào đó nhờ Chuỗi Mân Côi và Áo Đức Bà Carmelô, Mẹ sẽ cứu thế giới.” Năm 1917, tại Fatima khi Mẹ hiện ra lần thứ 6 với 3 trẻ chăn cừu Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Mẹ có cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô mà Lucia nói lại rằng, “Đức Mẹ muốn tất cả mọi người mặc Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ và muốn lòng sùng kính Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ được truyền bá.” Tại Sao? Vào ngày 16 Tháng 7 năm 1251, tại Tây Ban Nha, Thánh Simon Stock là vị Thánh đã sáng lập ra Dòng Carmelô. Để đáp lại sự cầu nguyện sốt sắng của Thánh nhân, Mẹ đã hiện ra cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô và nói với Thánh nhân rằng, “hãy nhận lấy Bộ Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ. Bất cứ ai mặc Bộ Áo này khi chết sẽ không bị sa Hỏa ngục. Bộ Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ sẽ là một dấu chỉ phần rỗi linh hồn, một sự bảo vệ trong lúc nguy hiểm và một lời hứa bình an. Hãy mặc Áo Đức Bà Carmelô một cách sùng kính và kiên trì. Đó là Áo của Mẹ. Mặc Áo của Mẹ có nghĩa là các con liên tiếp nghĩ đến Mẹ, ngược lại Mẹ cũng sẽ luôn luôn nghĩ về các con và giúp các con chiếm được sự sống đời đời.”

5 Thứ Bảy Đầu Tháng (cũng là một cách nữa để tỏ lòng yêu mến Mẹ)

Khi Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ tại Fatima năm 1917, Mẹ có đưa ra một lời hứa vĩ đại mà Lucia nói: “Mẹ hứa sẽ phù giúp trong giờ sau hết với những ơn cần thiết cho phần rỗi linh hồn những ai trong 5 Thứ Bảy Đầu Tháng liên tiếp, xưng tội, rước lễ, đọc 50 kinh Mân Côi và suy ngẫm 15 Mầu Nhiệm Mân Côi trong 15 phút – tất cả có ý đền tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-tội Mẹ Maria.” (Về việc xưng tội thì Chúa Giêsu nói với Lucia rằng, “thời gian xưng tội là trong vòng 8 ngày hoặc lâu hơn nữa cũng được miễn là họ đón nhận Cha trong tình trạng ơn Thánh và có ý đền tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-tội Mẹ Maria, và khi xưng tội họ nhớ nói cho Cha giải tội ở ngay Tòa giải tội biết là họ đang giữ 5 Thứ Bảy Đầu Tháng có ý đền tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-tội Mẹ Maria”).

TẠI SAO PHẢI LẦN CHUỖI MÂN CÔI TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN?

Năm 1917 tại Fatima, khi Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ chăn cừu, Mẹ đã tuyên xưng: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi. Mẹ đến để cảnh báo loài người phải cải thiện đời sống và xin Chúa thứ tha các tội lỗi của họ. Người ta không nên xúc phạm đến Thiên Chúa chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm quá nhiều rồi. Người ta phải lần Chuỗi Mân Côi và phải lần chuỗi mỗi ngày.” Mẹ cũng nói thêm, “hãy tôn sùng Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-tội Mẹ và hãy hy sinh cầu cho các tội nhân, có nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì không có ai hy sinh cầu cho họ. Nên mỗi khi các con làm 1 việc “hy sinh” (như lần Chuỗi Mân Côi, hay làm một việc lành hoặc xin Linh mục dâng Thánh lễ cho người đang sống hoặc đã qua đời...) thì các con hãy thân thưa với Chúa Giêsu rằng, “Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng kính Chúa sự hy sinh này vì lòng con yêu mến Chúa để xin cho kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại và để đền bù các lỗi nghịch xúc phạm đến Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-tội Mẹ Maria.”

MÙA NÀO THÌ NGẮM VÀO NGÀY NÀO

Đức Giáo Hoàng Phaolô II đề xuất, “Mùa Vui” thì ngắm vào Thứ Hai và Thứ Bảy. “Mùa Sáng” thì ngắm vào ngày Thứ Năm. “Mùa Thương” thì ngắm vào Thứ Ba và Thứ Sáu. “Mùa Mừng” thì ngắm vào Thứ Tư và Chúa Nhật. (Mừng Chúa Giáng Sinh, ngày Chúa Nhật thì ngắm “Mùa Vui”, còn các ngày Chúa Nhật Mùa Chay thì ngắm “Mùa Thương”).

Cách lần hạt /Chuỗi Mân Côi
đặc biệt dành cho người chưa quen biết

1. Làm dấu Thánh Giá. “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.” Amen. -
Rồi hôn Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô với tâm hồn kính mến. - Rồi bắt đầu đọc 1 “Kinh Tin Kính”.
2. Đọc 1 “Kinh Lạy Cha”.
3. Đọc 3 “Kinh Kính Mừng”. (Xin thêm Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. ..).
4. Đọc 1 “Kinh Sáng Danh”. - Rồi tự chọn “Mùa” Vui, Sáng, Thương hay Mừng mà ngắm.
5. Đọc 1 “Kinh Lạy Cha”.
6. Đọc 10 “Kinh Kính Mừng”. (Khi đọc đến “Thánh Maria...” thì nên vừa đọc vừa suy ngẫm Mầu Nhiệm của ngắm ấy. Mầu Nhiệm vắn tắt các biến cố đã diễn ra trong cuộc đời Chúa Giêsu Kitô hay Đức Mẹ Maria khi còn ở trần gian).
7. Đọc 1 “Kinh Sáng Danh”. – Rồi đọc 1 Kinh nguyện mà Đức Mẹ đã dạy khi hiện ra tại Fatima, “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn”. – Rồi Thứ Hai thì ngắm:. ..
8. Đọc 1 “Kinh Lạy Cha” (như nói trên...) cho đến khi lần chuỗi xong 1 chuỗi Kinh Mân Côi (50 Kinh Kính Mừng. ..). – Rồi lần chuỗi thêm 1 “Mùa” nữa, hay cả 3 hoặc 4 Mùa nữa tùy lòng mình. Khi xong thì đọc, “Kinh Lạy Nữ Vương”. – Rồi đọc, cầu nguyện hay suy ngẫm thêm là tùy lòng mình. Và nhớ cảm tạ Chúa Giêsu Kitô, Đức Mẹ Maria hoặc các Thánh với, trong mọi sự... – Rồi làm dấu Thánh Giá, “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.” Amen.

CÁC NGẮM TẮT BỐN MÙA TRONG CHUỐI MÂN CÔI

Mùa Vui:

1. Năm Sự Vui, thứ nhất thì ngắm: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai – ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
2. Thứ hai thì ngắm: Đức bà đi viếng bà thánh Isave – ta hãy xin cho được lòng yêu người.
3. Thứ Ba thì ngắm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá – ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
4. Thứ Bốn thì ngắm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh – ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.
5. Thứ Năm thì ngắm: Đức bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh – ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

Mùa Sáng:

1. Năm Sự Sáng, thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Gio-đan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con Thiên Chúa.
2. Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.
3. Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận Phép Bí Tích Giải Tội.
4. Thứ Bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ ơn Đức Chúa Thánh Thần.
5. Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập Phép Bí Tích Thánh Thề. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa.

Mùa Thương:

1. Năm Sự Thương, thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu – ta hãy xin cho được ăn năng tội nên.
2. Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn – ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
3. Thứ Ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai – ta hãy xin cho được mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
4. Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu vác cây thánh giá – ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa.
5. Thứ Năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá – ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa.

Mùa Mừng:

1. Năm Sự Mừng, thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu sống lại – ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
2. Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời – ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
3. Thứ Ba thì ngắm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống – ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.
4. Thứ Bốn thì ngắm: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời – ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
5. Thứ Năm thì ngắm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời – ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên Đàng.

Bạn có thể sao thêm nhiều bản để truyền bá hay gởi tặng bàn bè nhằm sinh ích lợi cho họ. ..
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:16 16/05/2008
GIẤC MƠ CỦA MING-MING

N2T


Ming-Ming thích nằm trên giường đọc sách, mẹ nói với nó: “Này con, con làm như thế thì lâu ngày sẽ cận thị đó”, nhưng nó không nghe lời mẹ.

Một tối nọ, nó lại nằm trên giường đọc sách, đọc hoài đọc mãi cho đến khi nó ngủ. Giữa lúc mơ mơ màng màng nó cầm lên một quyển sách, đột nhiên phát hiện trước mắt một màn mờ mờ, những chữ trong sách nhìn không rõ ràng. Đi đến tiệm kính để kiểm tra thì mới biết là bị cận thị nhẹ, làm sao bây giờ ? Chỉ có cách là làm một cặp kính cận mà thôi.

Mang mắt kính vào thì quả nhiên nhìn thấy chữ rất rõ ràng, nó vui vẻ trở về nhà. Bấy giờ, nó nghe một lỗ tai của mình nói: “Anh mũi ơi, chúng ta không sử dụng mắt kính, nhưng chủ nhân lại đem gọng kính bỏ trên thân của chúng ta, khó chấp nhận quá !”

Mũi nói: “Mình có một cách này, chúng ta có thể...” nói đến đây thì Ming-Ming nghe không rõ ràng nội dung chúng nó nói cái gì.

Ming-Ming tiếp tục đi về nhà, nó cảm thấy dây giày bung ra nên khom lưng cúi xuống buộc lại, nhưng vừa mới khom lưng thì nó cảm thấy lỗ tai đau sái, một tiếng “pằng” mắt kính rơi xuống trong vũng bùn, mặt kính bể vụn.

Hết cách, Ming-Ming bèn đi làm lại cặp kính khác, nhưng vì nó nhìn không rõ, nên thoắt cái tông vào cột điện, mũi tóe máu; thoắt cái lại tông vào cây dương làm tổn thương lỗ tai.

Ming-Ming quá sợ hãi kêu lớn tiếng: “Mẹ ơi, mau đến cứu con !”

- “Đừng sợ, có mẹ đây, con nằm mơ thấy gì vậy ?”

Ming-Ming mở mắt nhìn nhìn, à, thì ra nó nằm mơ. Nó vội vàng ôm lấy mẹ và nói: “Mẹ, từ nay về sau con nhất định nghe lời của mẹ, để bảo vệ con mắt của mình.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, nó làm chúng ta nhìn thấy thế giới rất đẹp này, nó giúp chúng ta làm tốt rất nhiều công việc trong cuộc sống. Cho nên, chúng ta cần phải yêu quý nó, khi đọc sách thì để ý đến tư thế chính xác, và mỗi năm mươi phút thì phải để cho con mắt đang bận rộn nghĩ khoảng từ năm đến mười phút nhé, bằng không thì vì làm việc quá tải mà cặp mắt của chúng ta bị cận thị đấy.

Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, nên các em phải cho nó nhìn những gì là thánh thiện, có ích cho trí óc và nhìn cái đẹp của Thiên Chúa dựng nên, như: nhìn mặt trời hùng dũng chiếu sáng và nhìn mặt trăng đẹp đẽ để ngợi khen Thiên Chúa; nhìn ông bà cha mẹ, anh chị em và những người thân yêu của chúng ta để yêu thương và cám ơn họ; nhìn các bạn và những người bất hạnh để giúp đỡ và an ủi họ...

Con mắt là cửa sổ của tâm hồn như Chúa Giê-su đã nói: “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối” (Mt 6, 22-23), cho nên: muốn để con mắt luôn sáng, thì các em đừng coi những sách báo xấu, đừng coi những phim ảnh xấu, đừng nhìn những gì làm cho tâm hồn của các em ra u tối nhé, bởi vì Chúa Giê-su đã nhắc nhở chúng ta rồi đó: nếu mắt con xấu thì toàn thân con sẽ tối.

Các em thực hành:

- Không nhìn và không đọc những phim ảnh và sách truyện có nội dung xấu, không thích hợp với mình.

- Không nghe lời bạn xấu rủ đi coi phim một mình.

- Biết tạ ơn Chúa khi thấy một hình ảnh đẹp hay một cử chỉ đẹp của bạn bè hoặc của người khác.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:17 16/05/2008
CHỦ NHẬT

LỄ CHÚA BA NGÔI


Tin mừng: Ga 3, 16-18.

“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

Bạn thân mến,

Mở đầu một ngày bạn và tôi đều làm Dấu Thánh Giá nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, để cám ơn Thiên Chúa Ba Ngôi đã gìn giữ chúng ta qua một đêm ngủ bằng an, rồi sau đó là xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành cho chúng ta một ngày vui vẻ, hạnh phúc và tràn đầy ơn Chúa. Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá chính là lúc chúng ra tuyên xưng mầu nhiệm cao cả nhất của đạo Công Giáo là mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, ngôi thứ hai là Chúa Con –Giê-su Ki-tô- và ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần...

Như vậy, Chúa Ba Ngôi vẫn hằng luôn ở với chúng ta, vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày với chúng ta, mà biểu hiện cụ thể nhất là tình yêu.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta biết yêu thương nhau, bởi vì ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa hiện diện, mà gia đình không phải là nơi bạn và tôi thể hiện yêu thương sao ?

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta biết phục vụ nhau, mà nơi chúng ta phục vụ không phải là những anh chị em bất hạnh đó sao ? Bởi vì Chúa Giê-su đã đến trần gian là để phục vụ và hiến mạng sống mình cho nhân loại.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta biết chia sẻ cho nhau, mà nơi chúng ta chia sẻ không phải là tha nhân sao ? Họ là những người đang cần chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có mà họ không có, đó chính là hạnh phúc và sự thông cảm giữa người với nhau.

Bạn thân mến,

Chỉ cần bạn hồi tâm suy tư một chút thì bạn sẽ thấy chung quanh bạn, có rất nhiều dấu chỉ hiện diện của Chúa Ba Ngôi:

Khi bạn nhìn thấy hai người bạn đang vui vẻ trò chuyện, bạn thấy ngay tình yêu của Chúa ở nơi họ.

Khi bạn nhìn thấy một gia đình cha mẹ và con cái đi dạo mát trên đường phố hay trong công viên, thì bạn sẽ thấy tình yêu của Thiên Chúa đang ở giữa họ.

Khi bạn nhìn thấy một người cúi xuống bỏ một vài trăm đồng vào trong cái lon trước mặt của người ăn xin, thì bạn sẽ thấy tình yêu của Thiên Chúa đang hiện diện giữa trần gian.v.v...

Điều quan trọng nhất mà bạn và tôi cần phải biết và thực hành, đó là tâm hồn của chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị, và khi chúng ta phạm tội trọng là chúng ta đuổi Ngài ra khỏi đền thờ của Ngài -tâm hồn của chúng ta- và mời ma quỷ đến ngự.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

------------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 16/05/2008
N2T


25. Tình cảm con người nhìn bên ngoài, nhưng ân sủng của Thiên Chúa thì chú ý đến nội tâm.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Trao ban tất cả vì yêu thương
LM Inhaxiô Trần Ngà
21:37 16/05/2008
Lễ Chúa Ba Ngôi Gioan 3,16-18

Trao ban tất cả vì yêu thương

Kinh thánh (sáng thế 22, 1-18) cho biết: Sau nhiều tháng năm chờ đợi mỏi mòn, mãi cho đến trăm tuổi, Cụ Áp-ra-ham mới được diễm phúc sinh đứa con nối dõi tông đường. I-xa-ác chào đời đem lại niềm vui chan hoà cho Cụ Áp-ra-ham. I-xa-ác là lẽ sống, là cây gậy chống đỡ tuổi già, là tương lai cho giống nòi và là tất cả của Cụ già trăm tuổi.

Thế mà Thiên Chúa truyền cho Cụ phải sát tế đứa con yêu để tế lễ cho Ngài.

Trời đất như quay cuồng sụp đổ khi Cụ Áp-ra-ham nghe lệnh truyền của Thiên Chúa.

Phải ở trong hoàn cảnh của Cụ già trăm tuổi như Áp-ra-ham mới cảm nhận thấm thía nỗi đau thương và mất mát vô cùng lớn lao của một người cha phải sát tế đứa con một rất đỗi yêu quý của mình. Nếu không vì tình thương lớn lao đối với Thiên Chúa, Cụ Áp-ra-ham không thể nào thực hiện được sự hiến dâng đau lòng đó.

Cụ Aùp-ra-ham sẵn sàng hi sinh tất cả vì Thiên Chúa là Đấng mà Cụ thần phục và mến yêu.

Nhưng Thiên Chúa chỉ thử lòng Cụ Áp-ra-ham thôi. Ngài không nỡ để cho một người cha phải gánh chịu nỗi đau thương lớn lao đến thế.

Trích đoạn Tin Mừng trong ngày lễ hôm nay cũng đề cập đến một người Cha khác đã thực hiện một sự trao ban triệu lần cao cả hơn.

Vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm, vì không muốn cho muôn người phải lâm vào cảnh đau khổ trầm luân vì tội lỗi ngút ngàn của họ, Thiên Chúa Cha đã trao ban Con Một vô cùng yêu quý của Ngài, để Con của Ngài chết thay cho nhân loại, để cho những ai tin vào Con Ngài thì được cứu sống và được sống muôn đời:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. (Gioan 3, 16-17)

Xưa kia, Thiên Chúa không nỡ để cho I-xa-ác phải chết dưới lưỡi dao run rẩy của Cụ Áp-ra-ham, không để cho thân xác của I-xa-ác phải chịu thiêu đốt trên bàn thờ để làm hy lễ cho Ngài, nhưng đã đến một thời, Thiên Chúa Cha lại để cho Con Một Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh, chịu quằn quại đau thương và chịu chết trên thập giá để đền cho hết tội lỗi chúng ta và ban lại cho chúng ta sự sống đời đời.

Tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, dân đen cùng khốn chết cho hàng vua chúa cao sang hay con chó trung thành liều chết để cứu mạng chủ cũng còn là điều dễ hiểu. Đằng nầy Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể đất trời lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng tượng con người.

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15, 13) và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng.

Khi được Chúa Trời cao cả ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giê-su hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp công ơn cao dày đó?

Để đền đáp phần nào tình thương trời bể của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Con Một mình cho nhân loại, để đền đáp sinh mạng của Chúa Giê-su đã trao hiến cho bạn và cho tôi, chúng ta hãy dâng cho Ngài một hiến lễ tương tự, dù vạn lần nhỏ bé hơn. Đó là “hiến dâng thân mình chúng ta làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rôma 12, 1). Đó cũng là nguyện ước của chân phước An-rê Phú Yên hôm xưa: "đem cuộc sống báo đền cuộc sống; lấy tình yêu đáp trả tình yêu".
 
Vì yêu, mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi được bầy tỏ
LM Trần Bình Trọng
22:45 16/05/2008
Lễ Chúa Ba Ngôi: Xh 34:4b-6,8-9; 2Cr 13:11-13; Ga 3:16-18

VÌ YÊU, MÀU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI ÐƯỢC BÀY TỎ

Thánh kinh Cựu ước không nói gì rõ rệt về Chúa Ba Ngôi cho nên dân Do thái không biết Thiên Chúa có Ba Ngôi. Người Do Thái trong Cựu ước là dân tôn thờ độc thần. Vì thế nói về Ba Ngôi e rằng họ hiểu lầm về đa thần. Và như vậy sẽ làm suy yếu đức tin của họ vào Một Thiên Chúa duy nhất.

Chỉ khi Chúa Giêsu xuống thế làm người thì màu nhiệm Chúa Ba Ngôi mới được mạc khải cho nhân loại qua các tông đồ. Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho loài ngưởi về Thiên Chúa Cha: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3:16). Ở những nơi khác trong cả bốn phúc âm theo các thánh sử Mát-thêu, Mác-cô, Luca và Gioan, Thiên Chúa là Cha cũng được bày tỏ cho các tông đồ qua những lần Chúa Giêsu giáo huấn họ. Trước khi về trời, Chúa Giêsu hứa xin với Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống để thánh hoá, an ủi và ban sức mạnh cho các tông đồ: Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em, một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14:16).

Lãnh nhận sứ vụ Chúa trao ban, các tông đồ đi rao giảng Phúc âm khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Ba ngôi: Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Trong thư gửi giáo dân Corintô, thánh Phaolô cũng gửi lời chào họ nhân danh Chúa Ba Ngôi: Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen (2Cr 13:13). Chính lời Thánh kinh này còn được Giáo Hội dùng để cho linh mục chủ tế chào cộng đoàn dân Chúa trước khi cử hành thánh lễ. Như vậy thì người tín hữu Corintô đã quen với tín điều Ba Ngôi trong một Thiên Chúa. Từ hồi giáo hội sơ khai, các tông đồ không rao giảng có ba Thiên Chúa, nhưng là Ba Ngôi trong một Chúa, hiệp nhất với nhau theo một cách thế huyền diệu. Và người Kitô giáo thời giáo hội sơ khai chấp nhận màu nhiệm đức tin này một cách dễ dàng, không thắc mắc.

Bản thể Thiên Chúa là Ba Ngôi, một màu nhiệm giàu có nhất và sâu thẳm nhất trong các màu nhiệm Thiên Chúa giáo. Ðó là điểm tột đỉnh của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa Ba Ngôi làm thành một gia đình. Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu (Ga 13:23;21:7), nhờ có cảm nghiệm về tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho mình, nên mới có thể định nghĩa về Thiên Chúa một cách rất vắn tắt, không cần dài dòng văn tự, mà lại đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:8). Kết quả của tình yêu đó là Con Một Thiên Chúa (Ga 3:16) được sinh ra từ thuở đời đời (Ga 1:1) và còn được sinh ra trong thời gian để cứu chuộc nhân loại (Ga 1:14). Giữa Ngôi Cha và Ngôi Con có một sợi giây nối kết tình yêu là Chúa Thánh Thần, không phải được sinh ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con như người tín hữu tuyên xưng trong kinh Tin Kính.

Tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra cho loài người về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi? Việc bày tỏ cho loài người biết về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi thì cũng không thay đổi được gì nơi bản thể Thiên Chúa, nhất là khi loài người không hiểu. Người ta thường nói: Nói chuyện với người không hiểu biết, thì thà nói với đầu gối còn hơn. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã không làm như vậy, mà đã nói cho loài người về màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, mặc dù loài người không hiểu thấu. Vậy thì đâu là động lực khiến Ðức Giêsu bày tỏ cho loài người về bản tính Thiên Chúa? Kể cho ai những chuyện riêng tư, bí mật về đời mình là dấu hiệu người ta có cảm tình và tín nhiệm người đó và muốn gần gũi người đó. Kể những chuyện càng riêng tư, càng bí mật, thì tình bạn càng trở nên thân mật thắm thiết. Người ta kể những chuyện riêng tư, bí mật về đời mình không những là dấu hiệu của tình bạn mà còn là cách thế để làm tăng triển tình bạn nữa. Chính động lực tình yêu đã khiến Ðức Giêsu trong bữa Tiệc li bày tỏ cho các tông đồ điều bí mật về bản tính Thiên Chúa. Và đó là một ân huệ bao la mà Thiên Chúa đã dành cho loài người.

Và Thiên Chúa đã không tự đóng khung trong tình yêu của mình. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu chia sẻ và biến đổi. Thiên Chúa chia sẻ tình yêu cho loài người, bằng việc tạo dựng loài người theo hình ảnh Thiên Chúa, sai Con Một xuống thế cứu chuộc nhân loại, và sai Chúa Thánh Linh đến để thánh hoá, ban sức mạnh và yên ủi người tín hữu để biến đổi người tín hữu. Như vậy Thiên Chúa không còn xa lạ, cách biệt, nhưng rất gần gũi thân mật với loài người và còn đi vào đời sống con người nữa.

Lời nguyện xin cho được ở lại trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần!
Con xin tạ ơn Ba Ðấng đã bày tỏ cho loài người biết
về bản tính Thiên Chúa và còn đi vào đời sống loài người
để làm giàu cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu.
Xin cho con biết ý thức về màu nhiệm một Chúa Ba Ngôi
khi con nhân danh Ba Ðấng trong dấu thánh giá
để giúp con biết cầu nguyện, làm việc và chấp nhận vì tin yêu
Và xin cho con được ở lại trong tình yêu Ba Ngôi cực thánh.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình:Tập Chỉ Dẫn Chuẩn Bị Lãnh Nhận Bí Tích Hôn Phối (4), Vatican 1996
Vũ Văn An
03:52 16/05/2008
Tập Chỉ Dẫn Chuẩn Bị Lãnh Nhận Bí Tích Hôn Phối (4), Vatican 1996

B. Chuẩn bị gần

32. Chuẩn bị gần xẩy ra trong thời kỳ đính hôn. Nó gồm những giảng khóa chuyên biệt và phải được phân biệt với việc chuẩn bị kế cận thường được tập trung vào những buổi gặp gỡ cuối cùng giữa các cặp đính hôn với với các nhân viên mục vụ trước khi cử hành bí tích. Trong lúc chuẩn bị gần này, thật là hữu ích nếu có thể kiểm nghiệm được sự chín mùi trong các giá trị nhân bản liên quan đến mối liên hệ bằng hữu và đối thoại vốn phải là đặc điểm của việc đính hôn. Để chuẩn bị cho bậc sống mới trong tư cách lứa đôi, cần cho họ cơ hội đào sâu cuộc sống đức tin, đặc biệt là các kiến thức về tính bí tích của Giáo Hội. Đây là giai đoạn phúc âm hóa quan trọng trong đó đức tin phải bao hàm các chiều kích bản thân và cộng đoàn cả của các cá nhân đính hôn lẫn của gia đình họ. Trong diễn trình này, cũng có thể nhận dạng các khó khăn trong việc sống cuộc sống Kitô hữu chính danh.

33. Thời kỳ huấn luyện gần trùng hợp với tuổi thanh niên. Do đó, nó bao gồm mọi điều liên quan đến mục vụ giới trẻ đúng nghĩa là mục vụ quan tâm đến sự trưởng thành toàn bộ của người tín hữu. Mục vụ giới trẻ không thể tách biệt khỏi khung cảnh gia đình như thể giới trẻ dựng nên một loại "giai cấp xã hội" biệt lập và độc lập. Nó nên củng cố cảm thức xã hội của người trẻ, trước tiên đối với các thành viên của chính gia đình họ, và qui hướng các giá trị của họ về gia đình tương lai mà họ sẽ có. Người trẻ phải đã được giúp nhận ra ơn gọi của mình qua các cố gắng bản thân, với sự trợ giúp của cộng đoàn, và trên hết của các mục tử. Sự nhận ra ơn gọi này phải xẩy ra trước khi bất cứ cam kết nào được thực hiện để đính hôn. Khi ơn gọi bước vào hôn nhân đã rõ ràng, nó phải được chống đỡ trước nhất bởi ơn thánh và sau đó bởi việc chuẩn bị đầy đủ. Mục vụ giới trẻ phải ý thức rằng, vì những khó khăn đủ loại như tình trạng "tuổi thiếu niên kéo dài " chẳng hạn khiến họ phải ở lại lâu hơn trong gia đình (một hiện tượng tương đối mới và đáng ngại), người trẻ hôm nay có khuynh hướng hoãn lại cam kết kết hôn trong một thời gian quá lâu.

34. Việc chuẩn bị gần nên đặt căn bản trước hết trên một nền giáo lý xây dựng trên việc lắng nghe Lời Chúa, được giải thích với sự hướng dẫn của Huấn quyền Giáo Hội, nhằm hiểu biết đức tin ngày một hơn và làm chứng cho đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể. Việc giảng dạy phải được tiến hành trong bối cảnh một cộng đoàn đức tin giữa các gia đình, đặc biệt bên trong một giáo xứ, những người tham gia và làm việc trong việc đào luyện giới trẻ, theo các đặc sủng và vai trò riêng của họ, và mở rộng ảnh hưởng của mình tới các nhóm xã hội khác.

35. Những người đã đính hôn phải được giảng dạy về những đòi hỏi tự nhiên của mối liên hệ liên bản ngã giữa đàn ông và đàn bà trong kế hoạch của Chúa về hôn nhân và gia đình: ý thức về tự do ưng thuận như là nền tảng làm nên sự phối hiệp của họ, tính đơn nhất và bất khả tiêu của hôn nhân, quan niệm đúng về việc sinh sản có trách nhiệm (responsible parenthood), các khía cạnh nhân bản về tính dục phu phụ, hành vi phu phụ với những đòi hỏi và mục đích của nó, và việc giáo dục con cái thích đáng. Tất cả những điều ấy nhằm để hiểu biết sự thật luân lý và huấn luyện lương tâm bản thân. Việc chuẩn bị gần chắc chắn phải xác quyết xem liệu những người đính hôn đã có được những yếu tố căn bản về bản chất tâm lý, sư phạm, luật lệ và y khoa của hôn nhân và đời sống gia đình chưa. Tuy nhiên, liên quan đặc biệt tới việc hiến mình toàn diện và sinh sản có trách nhiệm, việc huấn luyện về thần học và luân lý phải được trình bày một cách đặc biệt. Thực vậy, tình yêu vợ chồng là một tình yêu toàn diện, độc hữu, trung thành và sinh hoa trái (xem Humanae Vitae, 9).

Ngày nay, căn bản khoa học (2) của các phương pháp tự nhiên để điều hoà sinh sãn đã được nhìn nhận. Việc hiểu biết các phương pháp này là điều hữu ích. Khi có lý do chính đáng, việc sử dụng chúng không những chỉ là kỹ thuật thuộc tác phong nhưng còn được đưa vào sư phạm và diễn trình trưởng thành của tình yêu (xem EV, 97). Rồi đức khiết tịnh sẽ dẫn đưa vợ chồng đến việc thực hành tiết dục định kỳ (xem Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, các số 2366-2371).

Việc chuẩn bị này cũng phải đảm bảo để các Kitô hữu đã đính hôn có được những ý niệm đúng và một thái độ "cảm nhận với Giáo Hội" (sentire cum Ecclesia) một cách thành thực về chính hôn nhân, về những vai trò hỗ tương của đàn ông và đàn bà trong đời sống lứa đôi, về gia đình và xã hội, về tính dục và việc cởi mở đối với người khác.

36. Cũng cần phải giúp người trẻ ý thức được bất cứ thiếu sót nào về tâm lý và hoặc xúc cảm họ có thể có, đặc biệt là việc thiếu khả năng cởi mở đối với người khác, và bất cứ hình thức vị kỷ nào cản trở không cho họ hoàn toàn cam kết hiến thân. Việc trợ giúp này cũng phải nhắm giúp họ khám phá ra tiềm năng và nhu cầu trưởng thành về nhân bản và Kitô Giáo trong đời họ. Để đạt mục tiêu này, những người có trách nhiệm chuẩn bị hôn nhân cũng phải lưu tâm đến việc đào tạo một cách chắc chắn lương tâm luân lý của những người đã đính hôn để họ sẵn sàng chọn lựa hôn nhân một cách tự do và cương quyết thể hiện qua việc ưng thuận trao đổi lẫn cho nhau trước mặt Hội Thánh trong giao ước hôn nhân.

37. Trong giai đoạn chuẩn bị này, các cuộc gặp gỡ thường xuyên cần phải có trong một bầu không khí đối thoại, thân ái và cầu nguyện với sự tham dự của các mục tử và các giảng viên giáo lý. Các cuộc gặp gỡ này phải nhấn mạnh sự kiện này là "gia đình cử hành Phúc âm sự sống qua việc cầu nguyện hàng ngày, cả cầu nguyện cá nhân lẫn cầu nguyện gia đình. Gia đình cầu nguyện để vinh danh và cảm tạ Chúa dã ban quà phúc sự sống và khẩn cầu Ngài ban ánh sáng và sức mạnh để đương đầu với những lúc khó khăn và đau khổ mà không mất hy vọng" (EV, 93). Hơn nữa, những cặp vợ chồng từng cam kết làm tông đồ, trong viễn tượng lạc quan Kitô Giáo lành mạnh, có thể đóng góp vào việc làm sáng tỏ hơn cuộc sống Kitô Giáo trong bối cảnh ơn gọi hôn nhân cũng như trong bổ xung tính của mọi ơn gọi. Do đó, giai đoạn này không nên chỉ dành cho việc học lý thuyết mà thôi, còn cho việc đào luyện trong đó các cặp đã đính hôn, với sự trợ giúp của ơn thánh và xa lánh tội lỗi, sẽ chuẩn bị để hiến mình cho Chúa Kitô trong tư cách vợ chồng để Ngài nâng đỡ, tẩy sạch và thăng hoa cuộc đính hôn cũng như cuộc sống lứa đôi của họ. Bằng cách đó, đức khiết tịnh tiền hôn nhân có được đầy đủ ý nghĩa của nó và loại bỏ hẳn được việc sống chung, những liên hệ tiền hôn nhân và những tập tục khác như tập tục hôn nhân bất thành văn trong diễn trình tăng trưởng tình yêu.

38. Theo các nguyên tắc lành mạnh của sư phạm liên quan đến sự tăng trưởng bản thân một cách tiệm tiến và toàn diện, việc chuẩn bị gần không được sao lãng việc huấn luyện để những người sẽ có gia đình mới do hôn nhân mà ra có thể đảm nhiệm các trách vụ xã hội và Giáo Hội thích hợp với họ. Sự thân mật gia đình không được quan niệm như đóng kín trên chính nó, đúng hơn phải là khả năng nội tâm hóa các phong phú nhân bản và Kitô Giáo vốn có trong chính cuộc sống hôn nhân với viễn tượng để cho đi cho người khác nhiều hơn. Do đó, trong một quan niệm cởi mở hơn về gia đình, cuộc sống hôn nhân và gia đình đòi các cặp vợ chồng phải nhìn nhận họ như những chủ thể có quyền lợi nhưng cũng có trách nhiệm với xã hội và Giáo Hội. Về phương diện này, điều rất hữu ích là khích lệ việc đọc và suy tư các văn kiện sau đây của Giáo Hội vốn là nguồn phong phú và đầy khích lệ cung cấp túi khôn nhân bản và Kitô Giáo: Familiaris Consortio, Thư Gửi Các Gia Đình Gratissimam Sane, Hiến Chương Quyền Gia Đình, Phúc Âm Sự Sống, và các văn kiện khác.

39. Việc chuẩn bị gần cho người trẻ cần làm họ hiểu rằng cam kết mà họ đang lãnh lấy qua việc trao đổi ưng thuận "trước mặt Giáo Hội" khiến họ phải bắt đầu một con đường trung thành hai chiều với nhau ngay trong thời kỳ đính hôn. Nếu cần, bất kỳ thói quen nào đi ngược với với nó cần phải được loại bỏ ngay. Sự cam kết nhân bản này sẽ được tăng cường bởi các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các cặp đính hôn nếu họ kêu cầu Ngài.

40. Vì tình yêu của Kitô hữu được tẩy sạch, được hoàn thiện và được nâng cao bởi tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội (xem GS, 49), nên các cặp đính hôn phải bắt chước mẫu mực này và khai triển ý thức của họ về việc hiến mình là điều luôn được nối kết với lòng kính trọng lẫn nhau cũng như từ bỏ mình đi, những đức tính giúp cho tình yêu kia lớn mạnh. Như thế, việc hiến mình cho nhau càng ngày càng hàm nghĩa phải trao đổi cho nhau những ơn phúc thiêng liêng và sự nâng đỡ tinh thần ngõ hầu làm cho tình yêu và trách nhiệm tăng trưởng lên. "Tính bất khả tiêu của hôn nhân phát sinh trước nhất từ chính yếu tính của sự trao tặng lẫn nhau ấy: sự trao tặng bản thân ngưòi này cho bản thân ngưòi kia. Sự hiến mình lẫn nhau này nói lên bản chất phu phụ của tình yêu" (Gratissimam Sane, 11).

41. Linh đạo phu phụ, khi bao gồm kinh nghiệm nhân bản là điều không bao giờ tách biệt khỏi đời sống tinh thần, có gốc rễ ngay trong Phép Rửa Tội và Phép Thêm Sức. Do đó, việc chuẩn bị cho các cặp đính hôn phải bao gồm việc lấy lại sinh lực từ các bí tích, nhất là vai trò đặc biệt của các bí tích Hoà Giải và Thánh Thể. Bí tích Hoà Giải vinh danh lòng từ bi của Chúa đối với sự đớn hèn của nhân loại và làm cho sức sống của Phép Rửa Tội và sinh lực của Phép Thêm Sức lớn mạnh. Nhờ đó, sư phạm của tình yêu cứu chuộc được củng cố để sự cao cả của lòng từ bi Chúa được khám phá ra trước thảm kịch con người, đã được Chúa dựng nên và cứu chuộc cách kỳ diệu. Khi cử hành việc tưởng niệm Chúa hiến mình cho Giáo Hội, Phép Thánh Thể khai triển tình yêu cảm tính là tình yêu đặc trưng của hôn nhân qua việc hàng ngày trao ban cho người bạn đời và con cái, mà không quên và không bỏ qua việc này là "việc cử hành đem lại ý nghĩa cho mọi hình thức cầu nguyện và phụng thờ khác tìm thấy ngay trong chính cuộc sống chung hàng ngày của gia đình, nếu đó là cuộc sống yêu đương và hiến mình" (EV, 93).

42. Đối với việc chuẩn bị nhiều mặt và hài hòa này, những người phụ trách cần được nhận dạng và huấn luyện đầy đủ. Điều hữu ích là thiết lập một nhóm, theo nhiều trình độ khác nhau, các nhân viên mục vụ có ý thức là mình được Giáo Hội sai đi. Nhóm này nên bao gồm cách riêng các cặp vợ chồng Kitô Giáo, và các chuyên viên có thể có trong các lãnh vực y khoa, luật pháp, tâm lý, với một linh mục đứng ra chuẩn bị họ cho các vai trò họ sẽ nắm giữ.

43. Các nhân viên mục vụ và các người phụ trách phải có được sự chuẩn bị vững chắc về học thuyết và một lòng trung thành tuyệt đối đối với Huấn Quyền của Giáo Hội ngõ hầu họ có thể chuyển giao các chân lý đức tin và các trách nhiệm liên hệ tới hôn nhân với sự hiểu biết sâu sắc đủ và chứng tá cuộc đời. Điều hiển nhiên là các nhân viên mục vụ này, trong tư cách là những nhà giáo dục, cũng phải có khả năng biết chào đón các cặp đính hôn bất kể nguồn gốc xã hội và văn hóa, vốn liếng tri thức và các khả năng cụ thể nào khác của họ. Đàng khác, việc làm chứng trung thành bằng đời sống và việc cho đi trong hân hoan là những điều kiện không thể miễn chước được trong việc chu toàn các trách vụ của họ. Căn cứ vào các kinh nghiệm sống trong đời cũng như các vấn đề nhân bản riêng của mình, họ có thể cung ứng nhiều khởi điểm để soi dẫn các cặp đính hôn tìm ra sự khôn ngoan Kitô Giáo.

44. Điều trên cho thấy nhu cầu phải có một chương trình huấn luyện đầy đủ dành cho các nhân viên mục vụ. Việc chuẩn bị huấn luyện các nhà lãnh đạo này phải giúp họ trình bày được những chỉ dẫn căn bản trong việc chuẩn bị hôn nhân mà chúng tôi đã nói trên đây với lòng gắn bó rõ ràng đối với Huấn Quyền của Giáo Hội, một phương pháp và một sự nhậy cảm mục vụ thích hợp, cũng như phải giúp họ có khả năng cung hiến những đóng góp chuyên biệt, tùy theo tài chuyên môn của họ, vào việc chuẩn bị cận kề (các số 50-59). Các nhân viên mục vụ cần được huấn luyện trong các Viện Mục Vụ đặc biệt và được Đức giám mục tuyển chọn cẩn thận.

45. Kết quả sau cùng của giai đoạn chuẩn bị gần này phải là việc ý thức rõ ràng các đặc điểm yếu tính của hôn nhân Kitô Giáo: tính đơn nhất, tính bất khả tiêu, tính mang hoa kết trái; ý thức đức tin liên quan đến sự ưu tiên của Ơn thánh nhiệm tích vốn liên kết hai vợ chồng, như là những chủ thể và thừa tác viên bí tích, vào tình yêu của Chúa Kitô, Chàng Rể của Giáo Hội; sẵn sàng thi hành sứ mệnh thích hợp của các gia đình trong các phạm vi giáo dục, xã hội và Giáo Hội.

46. Do đó, như Tông huấn Familiaris Consortio đã ghi nhận, hành trình đào luyện những người trẻ đã đính hôn phải bao gồm: việc đào sâu đức tin bản thân và việc khám phá lại giá trị của các bí tích và kinh nghiệm cầu nguyện. Việc chuẩn bị chuyên biệt cho cuộc sống lứa đôi "sẽ trình bày hôn nhân như là mối liên hệ bản thân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một mối liên hệ phải luôn luôn được triển khai, và việc chuẩn bị này sẽ khích lệ những ai liên hệ phải học hỏi về bản chất tính dục phu phụ và việc sinh sản con cái có trách nhiệm, với các kiến thức chủ yếu về y khoa và sinh học liên hệ. Nó cũng phải giúp những người liên hệ quen thuộc với các phương pháp giáo dục con cái đúng đắn, và giúp họ thủ đắc các đòi hỏi cuả một đời sống gia đình có xếp đặt tốt" (FC, 66); "chuẩn bị để làm việc tông đồ gia đình, cho tình liên đới và hợp tác với các gia đình khác, để trở thành đoàn viên tích cực của các nhóm, các hiệp hội, các phong trào và các cam kết khác được thiết lập vì phúc lợi nhân bản và Kitô Giáo của gia đình" (Ibid.). Đàng khác, cần tiên phong giúp các cặp đính hôn học cách gìn giữ và vun sới tình yêu phu phụ sau này, cách đối thoại liên bản ngã và giữa vợ chồng với nhau, các nhân đức và các khó khăn của cuộc sống vợ chồng, và làm cách nào vượt qua những "cơn khủng hoảng" phu phụ không thể nào tránh được.

47. Tuy nhiên, trọng tâm của việc chuẩn bị này phải là suy tư trong đức tin về bí tích Hôn phối xuyên qua Lời Chúa và sự hướng dẫn của Huấn quyền Giáo Hội. Phải làm cho những người đã đính hôn ý thức rằng trở nên "một thân xác" (una caro) (Mt 19:6) trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần trong hôn nhân Kitô Giáo, có nghĩa là đóng ấn hình thức mới của cuộc sống rửa tội trên cuộc hiện sinh của mình. Qua bí tích, tình yêu của họ sẽ trở nên biểu thức cụ thể của tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội của Người (xem LG, 11). Dưới ánh sáng của tính bí tích, chính các hành vi phu phụ, việc sinh sản có trách nhiệm, việc giáo dục, sự hiệp thông sự sống, và tinh thần tông đồ cũng như truyền giáo vốn liên hợp với đời sống của các cặp vợ chồng Kitô hữu phải được coi là những giờ phút trong kinh nghiệm Kitô Giáo. Dù chưa theo cách thế bí tích, Chúa Kitô cũng đã nâng đỡ và đi theo hành trình ơn thánh và trưởng thành của các cặp đính hôn để họ tham dự vào mầu nhiệm kết hiệp giữa Người với Giáo Hội.

48. Về việc soạn thảo Sách Hướng Dẫn trình bày đầy đủ các kinh nghiệm chuẩn bị hôn nhân tốt nhất, điều hữu ích là nhắc lại điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã tuyên bố trong bài diễn văn kết thúc Hội Nghị Khóang Đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình họp từ 30 Tháng 9 đến 5 Tháng 10 năm 1991 rằng: "Điều chính yếu là phải dành thời gian và sự quan tâm cần thiết cho việc chuẩn bị về học thuyết. Sự an toàn về nội dung phải là trọng tâm và mục tiêu yếu tính của các khóa học trong viễn tượng làm cho các cặp vợ chồng ý thức hơn về việc cử hành bí tích Hôn phối và tất cả những gì từ nó phát sinh liên quan đến trách nhiệm gia đình. Các vấn đề liên quan đến tính đơn nhất và bất khả tiêu của hôn nhân, và tất cả những gì liên hệ đến ý nghĩa của sự kết hợp và sinh sản trong đời sống vợ chồng và chính hành vi chồng vợ, phải được bàn đến một cách trung thành và chính xác, theo giáo huấn rõ ràng của Thông Điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae, xem các số 11-12). Điều này cũng đúng đối với những gì liên hệ đến quà phúc sự sống là điều bậc cha mẹ phải chấp nhận một cách có trách nhiệm và hân hoan trong tư cách cộng tác viên của Chúa. Các khóa học không nên chỉ nhấn mạnh những gì liên quan đến sự tự do chín chắn và tỉnh táo của những ai muốn kết ước hôn nhân mà thôi, mà còn phải nhấn mạnh đến sứ mệnh riêng của họ trong tư cách là cha mẹ nữa, vì họ là những nhà giáo dục và phúc âm hóa đầu hết của con cái họ". Hội Đồng Giáo Hoàng này hoàn toàn thỏa mãn khi nhận thấy đang có khuynh hướng ngày một có nhiều cam kết và ý thức hơn về tầm quan trọng và phẩm giá của thời kỳ đính hôn. Thành ra, Hội Đồng khẩn khoản yêu cầu các khóa học chuyên biệt đừng nên quá ngắn đến độ thu gọn chúng thành những công thức cho có lệ. Trái lại, các khóa học ấy nên cung ứng đầy đủ thì giờ để trình bày tốt và rõ ràng những đề tài căn bản đã chỉ ra trên đây (3).

Khóa học có thể được diễn ra trong từng giáo xứ, nếu có đủ con số các cặp đính hôn và những cộng tác viên đã được chuẩn bị kỹ càng, trong các phủ Đại Diện Giám Mục hay các Phủ Đại diện có thẩm quyền, hoặc trong các cơ cấu phối hợp giáo xứ. Đôi khi các khóa học cũng có thể được điều hành bởi các người hữu trách các phong trào gia đình, các hiệp hội hay các nhóm tông đồ dưới sự hướng dẫn của một linh mục có khả năng. Đây là phạm vi nên được phối trí bởi một cơ cấu cấp giáo phận làm việc nhân danh Giám mục. Nội dung nên tập trung vào học thuyết tự nhiên và Kitô Giáo về hôn nhân, trong khi không quên những khía cạnh khác nhau của tâm lý học, của y khoa và của những khoa học nhân bản khác.

49. Đặc biệt ngày nay, trong giai đoạn chuẩn bị gần, các cặp đính hôn phải được huấn luyện và được củng cố các giá trị liên quan đến việc bảo vệ sự sống con người. Một cách đặc biệt, vì sự kiện họ sẽ trở thành Giáo Hội tại gia và "cung thánh sự sống" (EV, 91,92), nên họ sẽ trở nên thành phần theo lối mới thuộc tập thể "những người của sự sống và phò sự sống" (EV, 6, 101). Não trạng chống thụ thai đang rất thịnh hành ngày nay ở quá nhiều nơi, và những luật lệ buông thả được phát triển rộng khắp với tất cả những gì chúng bao hàm trong việc khinh bỉ mạng sống từ lúc thụ thai đến lúc từ trần đã tạo ra hàng loạt những cuộc tấn công vô kể mà các gia đình đang phải chịu đựng và bị thương tích ở những phần trọng yếu nhất trong sứ mệnh của mình, khiến cho việc phát triển theo các đòi hỏi của diễn trình trưởng thành nhân bản chân chính bị cản trở (xem Centesimus Annus, 39). Do đó, ngày nay hơn bao giờ hết, cần có sự huấn luyện về trí và tâm cho những phần tử của các gia đình mới để họ không đi theo cái não trạng đang thịnh hành ấy. Bằng cách đó, qua cuộc sống gia đình mới của mình, một ngày kia họ sẽ có thể góp phần vào việc tạo ra và phát triển được nền văn hóa sự sống qua việc tôn trọng và chào đón những cuộc đời mới trong tình yêu của họ, như chứng tá và biểu thức công bố, cử hành và phục vụ mọi sự sống (xem EV, 83-84, 86, 93).
 
10 Lý Do chính khiến bạn không còn phải lo lắng mấy về phần ẩm thực tại WYD 2008
Anthony Lê
10:47 16/05/2008
10 Lý Do chính khiến bạn không còn phải lo lắng mấy về phần ẩm thực tại WYD 2008

Nếu các bạn đã từng tham dự các Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Toronto 2002, Canada và tại Cologne 2005, Đức Quốc thì có một điều mà ai nấy nhận thấy vẫn hãy còn thiếu xót trong công tác tổ chức có liên quan đến ẩm thực (food).

Tháng qua, Ban Mục Vụ đặt trách vấn đề Giới Trẻ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã bay sang Úc Châu cùng các Ban Mục Vụ Giới Trẻ khác trên khắp cả thế giới để họp bàn mọi công tác chuẩn bị và tổ chức, và sau khi trở về lại Hoa Kỳ, nhóm Mục Vụ đó đã nhờ tôi chia sẽ lại thông tin sau cho các bạn trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ - những người dự định sẽ tham dự Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 12 tại Sydney, Úc Châu.

Theo họ, 10 Lý Do Chính sau đây khiến các bạn không còn phải lo âu về việc mình ăn chưa đủ, hay phải mất thật nhiều thời gian để đi lấy thức ăn, vân vân.. .. tại kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này tại Úc Châu:

Lý do 1: Giá Cả Ẩm Thực

Các bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn bằng cách chọn mua khẩu phần thức ăn (meal plan) vì rằng việc tự đi mua ẩm thực cho riêng bạn sẽ là rất mắt mỏ ở Sydney.

Lý do 2: Bữa Điểm Tâm

Bữa điểm tâm lần này sẽ được tiện lợi phục vụ ngay tại những nơi cư trú của các bạn hành hương.

Lý do 3: Thức Ăn Rất Ngon

Lần này, Ban Tổ Chức tại Sydney sẽ có những món ăn rất ngon, hợp khẩu vị cho các bữa ăn, chứ không còn nhạt nhẽo như trong các lần Đại Hội trước kia.

Lý do 4: Dễ Dàng - Tiện Lợi

Thức ăn sẽ được đưa tới tận nơi diễn ra kỳ đại hội trong suốt cả tuần, nên các bạn không cần phải đi đâu xa hay phải xếp hàng thật dài đợi để nhận thức ăn.

Lý do 5: Các Phiếu Trả Tiền (Vouchers)

Các bạn sẽ nhận được các phiếu coupons để mua thật rẻ các loại snacks tại các gian hàng bán thức ăn nhanh.

Lý do 6: Bữa Ăn Trưa

Bữa ăn trưa sẽ được phục vụ ngay tại các nơi giảng dạy Giáo Lý, do đó, các bạn không cần phải ra bên ngoài thành phố để tìm mua thức ăn!

Lý do 7: Không Còn Đói Nữa

Nhóm của các bạn sẽ không còn phải lo sợ là vẫn còn đói nữa, vì sẽ có rất nhiều phần thức ăn được thêm vào cho các bạn tại các địa điểm nhằm đảm bảo các bạn sẽ được ăn uống no nê và đầy đủ!

Lý do 8: Bữa Ăn Tối

Những bữa ăn tối nóng hổi sẽ được phục vụ ngay tại các điểm chính trong thành phố.

Lý do 9: Thời Gian Rãnh Rổi

Việc mua trước phần thức ăn sẽ giúp cho các bạn có thêm thật nhiều thời giờ để tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí khác.

Lý do 10: Tính Cộng Đoàn

Các bạn sẽ gặp gỡ các bạn trẻ hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, và cùng nhau bẻ cùng chung chiếc bánh trong tinh thần của Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới!

Do đó, Ban Tổ Chức khuyến khích các bạn nên chuyển từ việc đặt phần ăn C sang A hoặc B nếu như các bạn chưa làm điều đó! Thêm vào đó, các bạn sẽ nhận được các bao quà lưu niệm! Do đó mọi việc thay đổi này cần phải được thực hiện ngay từ đây đến hạn chót là ngày 1 tháng 6 năm 2008!
 
ĐTC viết lời cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa
Đức Long
11:50 16/05/2008
VATICAN- Hôm tứ sáu, ngày 16/05/08, Toà Thánh công bố lời nguyện ĐTC Beneđictô viết cho tiểu Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa trong lời nguyện đó ngài nhắc đến « sự dấn thân của tẩt những anh chị em ở Trung Hoa không sợ khi nói về Chúa Giêsu » dù « những khó khăn thường ngày ».

ĐTC mong muốn lời nguyện được đọc khắp thế giới vào ngày 24 tháng 05, là « ngày cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa » mà ngài đã thông báo viết trong là thư gửi tín hữu công giáo Trung Hoa ngày 17 tháng 05 /2007.

Văn Bản lời nguyện đã được xuất bản bằng tiếng Hoa truyền thống, tiếng Hoa đơn giản hoá, tiếng Ý, Pháp, Anh Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Lời nguyện dành tôn kính Đức Trinh Nữ ở vương cung Sheshan, gần Shanghai, nơi đây rất đông khác hành hương có phong tục đến vào tháng 05.

Lời cầu nguyện của ĐTC: « Lạy Mẹ niềm hi vọng, xin Mẹ ban cho con cái Mẹ khả năng nhận định mọi tình huống, ngay cả tình huống tăm tối nhất, những dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa ».

« Xin Mẹ trợ giúp cho sự dân thân của tất cả những ai ở Trung Hoa, giữa những khó khăn hằng ngay, vẫn tiếp tục tin tưởng, hi vọng, yêu thương để không bao giờ sợ sệt khi nói về Chúa Giêsu cho thế giới và nói về thế giới cho Chúa Giêsu ».

ĐTC cũng cầu xin cho các tín hữu công giáo Trung Hoa, ước tính khoảng vài triệu người bị chia rẽ giữa Giáo Hội Yêu nước và Giáo Hội thầm lặng, trong mọi hoàn cảnh, phải là men cùng sống chung hai hoà với mọi công dân ».

Toà Thành tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc để tập hợp tất cả mọi con chiên công giáo vào cùng một Giáo Hội duy nhất dưới quyền của ĐGH.

Chiến lược có tính kiên nhận này làm cho Toà Thánh bớt chỉ trích Bắc Kinh, nhất là những bạo lực ở Tay Tạng.

Tuy nhiên ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, tiếng nói có ảnh hưởng nhất của Giáo Hội Trung Hoa, hôm thứ hai, nhận xét chẳng có gì thay đổi trong lĩnh vực tự do tôn giáo ở Trung Hoa.
 
Top Stories
Pope voices his opposition to gay unions, backs traditional marriage between a man and a woman
Associated Press
11:09 16/05/2008
VATICAN CITY (AP) - Pope Benedict XVI is pressing his opposition to gay unions.

He says traditional marriage is an irreplaceable good for the entire society, and calls the union between man and woman the "natural cradle" of life.

He told representatives of Catholic family organizations in Europe on Friday that traditional marriage should not be confused with other forms of union.

Several European countries have approved same-sex unions, and California's Supreme Court on Thursday said gay couples there can marry. Massachusetts is the only U.S. state to legalize gay marriage.

(Source: Associated Press - May 16, 2008)
 
Pope urges Thailand's bishops to work with Buddhists
New Kerela
11:12 16/05/2008
Vatican City, May 16: Pope Benedict XVI Friday urged Thailand's Roman Catholic bishops to continue working with Buddhists in combating secularism and other "disturbing" aspects of globalization.

"You have readily expressed to me your great respect for the Buddhist monasteries and the esteem you have for the contribution they make to the social and cultural life of the Thai people," Benedict told the visiting bishops in a meeting at the Vatican.

The pontiff noted how Thailand's "small and scattered" Catholic community coexisted with the Asian nation's Buddhist majority against a backdrop of globalisation which forces humanity between "two poles".

"On the one hand there is the growing multitude of economic and cultural bonds which usually enhance a sense of global solidarity and shared responsibility for the well-being of humanity.

"On the other there are disturbing signs of a fragmentation and a certain individualism in which secularism takes a hold, pushing the transcendent and the sense of the sacred to the margins and eclipsing the very source of harmony and unity within the universe," Benedict said.

The pontiff told the bishops that together with Buddhists, they should promote respect for traditions amongst Thailand's youth and teach ethical values linked to spirituality and prayer.

Benedict also highlighted the "remarkable contribution" by Catholic schools and colleges in Thailand and how Buddhist parents also turned to such institutions for their children.

He praised efforts by Thailand's tiny Catholic community - estimated to number 292,000 or 0.46 percent of the population - to combat prostitution and the trafficking of women and children.

While poverty was at the root of such human exploitation, Benedict also said another factor should be blamed.

"The trivialization of sexuality in the media and entertainment industries which fuels a decline in moral values and leads to the degradation of women, the weakening of fidelity in marriage and even the abuse of children," he said.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Lasan Huế mừng lễ bổn mạng Cha Thánh Gioan Lasan
Joseph Nguyễn Đông
10:02 16/05/2008
HUẾ - Thứ năm, ngày 15 tháng 5 năm 2008, tại nhà thờ chính toà Phủ Cam, các sư huynh Dòng Lasan đã long trọng mừng lễ Bổn mạng, Thánh Gioan Lasan, quan thầy các nhà giáo dục Kitô giáo.

Sư huynh Dòng Lasan dâng hương trước bàn thờ Tổ phụ
Dòng Lasan hay còn gọi là Dòng Sư huynh Lasan (tiếng Pháp là Frères des Ecoles Chretiennes) do Thánh Jean-Baptiste de La Salle (Gioan Lasan) thành lập năm 1680. Đây là một tu hội Công Giáo ra đời với nhiệm vụ giáo dục cho trẻ em nghèo.

Năm 1903, Ðức Giám mục Gaspar phái Linh mục Allys Lý vào mời các Sư huynh Lasan tại Sài Gòn đến thành lập một trường tư thục tại Huế. Đáp lại lời mời của Đức Giám mục Giáo Phận Huế, năm 1904 Dòng Lasan đã mở trường Pellerin (tiếng Việt gọi là trường Bình Linh). Từ đó trường Bình Linh đã đào tạo nhiều thế hệ trẻ lương, giáo về đức dục và trí dục. Cũng từ mái trường Bình Linh ngày ấy, nhiều người đã trở thành Linh mục, thành những nhà kinh doanh tài ba với cái tâm sâu sắc.

Trước Thánh lễ, Đệ tử Dòng Lasan, Gioan Baotixita Nguyễn Hiếu Đức đã trịnh trọng mời cộng đoàn ôn lại những bước đường mà Thánh nhân Gioan Lasan đến với giáo dục để cống hiến cho giáo dục. Chính vì lẽ đó, mà ngày 15 tháng 5 năm 1950, Đức Giáo Hoàng PIÔ XII đã tôn vinh ngài là quan thầy các nhà Giáo dục Kitô. Lời cuối cùng mà Thánh nhân gửi gắm lại đã nói lên sự vâng phục sứ vụ mà Thiên Chúa trao ban nơi ngài: “Tôi thờ lạy Thánh Ý Chúa trong mọi sự đến với tôi”. Vâng theo Thánh ý Chúa, xây dựng một nền giáo dục là tâm huyết mà Cha đã trọn một đời gắn bó để trao ban tình thương, tri thức cho các trẻ em nghèo.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, ngày nay dòng Lasan đã có mặt trên 84 quốc gia. Ở Việt Nam, sau biến cố năm 1975, hầu hết các cơ sở của Hội dòng đều bị nhà nước tịch thu. Riêng cơ sở Dòng Lasan tại Huế lúc này chỉ còn là “con số 0 ”, tưởng chừng như không thể phục hồi; nhưng với lòmg nhiệt thành vì sự nghiệp giáo dục, và nhờ ơn Chúa giúp sức, đến nay cộng đoàn đã bước đầu xây dựng lại cơ sở với 3 Sư huynh và 15 anh em đệ tử. Với con số khiêm tốn này cùng với những khó khăn gặp phải Hội dòng đang cần sự giúp đỡ đặc biệt là về tinh thần để biến ước mơ thành lập lại Hội Dòng Lasan Huế sớm trở thành hiện thực.

Sư huynh Victor Trần Văn Bửu phát biểu
Bước vào Thánh lễ, Cha Phaolô Trần Thắng Thế, một cựu học sinh Dòng Lasan, đã thay lời các học sinh dưới mái trường Bình Linh năm xưa dâng lời tri ân Thiên Chúa đã thông qua thánh Gioan Lasan cho các trẻ em nghèo dưới mái trường Bình Linh được đến với giáo dục để có cái chữ, cái nghề: ‘‘Thiên Chúa đã dùng Thánh Gioan Lasan như một công cụ để đem cái chữ, cái nghề đến với những trẻ em nghèo’’, cha nói. Đồng thời, vị Chủ Tế cũng dâng lời cầu nguyện: “Xin vì sự nghiệp của Thánh Lasan mà cầu xin cho các sư huynh luôn trung thành với tổ phụ của mình”. Bên cạnh đó cha Phaolô cũng nhắc nhở thêm những ai chịu ơn của nhà dòng, đã đi theo con đường của Thánh Tổ phụ hãy dốc hết sức để làm cho mọi trẻ em thấy được nhiệm vụ thừa tác viên trong công tác giáo dục của mình.

Thánh Lễ diễn ra sốt sắng với sự góp mặt của khoảng 2.000 người, cùng cất cao lời kinh, tiếng hát tán tụng, ngợi ca Thiên Chúa và kính tôn Thánh Gioan Lasan.

Trong bài giảng của mình, với tính chất giáo dục, cha Phaolô Trần Thắng Thế cũng nói tới lẽ sống của các bạn trẻ. Cha nhấn mạnh: “Lẽ sống của tuổi trẻ là tình yêu, mà điều quan trọng là phải hiểu đúng nghĩa của nó, có được điều đó cần nhờ đến sự hướng dẫn giáo dục của Kitô giáo. Để nhờ đó người Kitô hữu vượt lên trên những cái gì là dục vọng tầm thường, nhìn lên Thiên Chúa, Đấng chết treo trên thập giá vì tình yêu, để sống với tình yêu đích thực ”.

Cũng trong Thánh lễ, Sư huynh Victor Trần Văn Bửu đã có đôi lời cám ơn tới quý cha chủ tế, cha đồng tế Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thương (phó Giáo xứ Chính toà Phủ Cam), các cha, các thầy Dòng Thánh Tâm, đệ tử Dòng Chúa cứu thế, các sơ và các em thanh tuyển của các hội Dòng Phaolô, Mến Thánh Giá, Dòng Con Đức Mẹ đi viếng, Dòng Vô nhiễm, các cựu học sinh, ca đoàn Ave Maria giáo xứ Phủ Cam, các em thiếu nhi và toàn thể giáo dân có mặt trong Thánh lễ, tưởng nhớ tới tổ phụ Gioan Lasan và thêm lời cầu nguyện cho hội Dòng.

Đệ tử Dòng Lasan vui hoan ca
Kết thúc thánh lễ, ca đoàn Ave Maria đã cất cao lời ca ngợi Thánh La san ‘‘Chúa chọn Gioan Lasan truyền bá Tin Mừng cho bao người không bàn tay chăm sóc...’’

Sau thánh lễ, toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã cùng dòng Lasan dùng bữa cơm thâm mật, vui chung niềm vui với cộng đoàn trong chương trình hoan ca tạ ơn. Cũng trong chương trình này, cộng đoàn hiện diện cũng được nghe Cha Duy Ân Nguyễn Hữu Vịnh – Dòng Thánh Tâm-Huế, cựu học sinh trường Taberd - Lasan tâm sự về mái trường thân yêu năm xưa, trong đó cha nhấn mạnh đến nguồn tài liệu sách quý giá: ‘‘Sách của Dòng Lasan là sách hay, trình bày rõ ràng nhưng lại khiêm tốn vì sách không bao giờ đề tên tác giả, hoạ chăng chỉ in giáo sư, phó giáo sư’’.

Khi được hỏi về những dự định của Dòng Lasan trong những năm tới, Sư huynh Victor Trần văn Bửu cho biết: «Từ thiện là việc làm thường xuyên của Hội Dòng nhằm ủng hộ, tài trợ và nâng đỡ cho những trẻ em nghèo ». Sư huynh cũng cho biết thêm, hè năm nay Hội dòng có tổ chức trại hè cho 200 trẻ em nghèo trong vòng một tháng để các em được tiếp xúc với giáo dục, nhằm cung cấp cho các em những kiến thức giúp các em vượt qua cái nghèo.

Đêm hoan ca tạ ơn đã khép lại buổi lễ mừng bổn mạng của Hội dòng nhưng những lời của bài hát truyền thống ‘‘Lasan hành khúc’’ vẫn còn vang vọng mãi trong lòng các sư huynh, đệ tử Lasan và cộng đoàn tham dự: ‘‘Đây thiếu sinh trường Lasan … nguyện đem ánh sáng dìu dắt sinh linh vào hành khúc đi không ngừng’’.
 
Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Cao điểm của Đại Hội CGVN tại Đức kỳ thứ 32
Dân Chúa Âu Châu
11:47 16/05/2008
ĐỨC QUỐC - Mặc dù thức muộn vì sau Thánh Lễ khai mạc chiều thứ bẩy còn có các sinh hoạt dành cho giới trẻ và giờ đền tạ Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Mẹ, lại có dịp hàn huyên chuyện trò đến tậm đêm khuya, vì cả năm mới có dịp gặp lại nhau. Nhưng ngay từ 6 giờ sáng Chúa Nhật, nhiều bạn trẻ và giáo dân đã sốt sắng đọc kinh sáng do quý sơ MTG hướng dẫn.

Sau giờ điểm tâm đơn giản, các tham dự viên đã chia thành các nhóm tùy theo tuổi để sinh hoạt. Khí trời sáng sớm Chúa Nhật dịu mát và mặt trời lan tỏa khắp công viên… giúp cho buổi sinh hoạt của các em thiếu nhi do các huynh trưởng vùng cha Hạnh được thêm vui tươi sống động. Các em có dịp nhẩy múa ca hát với nhau và cùng tham dự nhiều trò chơi hứng thú. Riêng các bạn trẻ được cha Giuse Liêm và cha Lê Phan giúp suy tư và sinh hoạt theo chủ đề Đại Hội.

Tại hội trường chính vào khoảng 9g15 các tham dự viên đã bắt đầu giờ thuyết trình với bài hát Cầu xin Chúa Thánh Thần, và Thánh Vịnh 63 cùng cầu nguyện chung với nhau. Giờ thuyết trình do cha Stêphanô Lưu điều hợp. Sau lời giới thiệu và chào mừng ngắn gọn, Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương đã trình bầy đề tài 1 của Chủ đề Đại Hội năm nay: “Mẹ Maria, Nữ Vương các Thánh Tử Đạo”, nhân dịp mừng 210 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, 150 năm ở Lộ Đức và 20 năm phong thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Chiêm ngắm Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo. Nhìn ngắm Mẹ Maria qua cuộc đời của Mẹ. Chúng ta sẽ chiêm ngắm dung nhan Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, người Mẹ đẹp tuyệt vời mà Thiên Chúa trong chương trình cứu rỗi nhân loại đã tô điểm để Mẹ trở thành là Mẹ Đấng Cứu Thế. Chúng ta cũng sẽ đưa mắt nhìn gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những tổ tiên chúng ta trong đức tin đã được Mẹ huấn luyện, để học lòng trung thành với Thiên Chúa và chứng tá tình yêu của chúng ta đối với Người.

Sau đây là tóm lược những điểm chính yếu trong bài thuyết trình phần 1: (Xin mời quý vị xem toàn bài thuyết trình phần 1 trong Website http://danchua.eu/ đã đưa lên)

1) Mẹ Maria, Nữ vương các Thánh Tử đạo.

Trên đường thánh giá, Mẹ Maria đau khổ cùng cái đau khổ của Con Mẹ. Trên đồi Can-vê, Mẹ đã đau đớn tột cùng như bị lưỡi đòng đâm qua trái tim mình khi chứng kiến người lính cầm lưỡi gươm đâm thủng trái tim Chúa Giêsu chết treo trên thập giá. Mẹ Maria như cùng chết với Chúa Giêsu trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Mẹ Maria không đổ máu, nhưng tình yêu đối với Con Một, Mẹ đã dâng hiến hết toàn thân và tất cả tình yêu cho Thiên Chúa để làm hy tế cứu chuộc nhân loại: Mẹ Maria đã chết trong lòng cùng với Chúa Giêsu Con Mẹ, Mẹ cùng chết với Chúa để cứu chuộc thế gian: Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Từ lời “Xin vâng” khi Thiên Thần truyền tin…cho đến lúc đau đớn ôm con vào lòng để mai táng, Mẹ Maria đã ghi nhớ mọi biến cố trong lòng, đã suy gẫm, đã hiệp nhất hoàn toàn với cuộc đời và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Suốt cuộc đời Mẹ Maria là một cuộc tử đạo kéo dài, trong tình yêu và trong sự dâng hiến âm thầm.

Mẹ Maria là người Kitô hữu thứ nhất đã đã tin vào Lời Chúa, tin vào Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế, đã bằng lòng dâng con mình trên thập giá để chuộc tội nhân loại, như Abraham vâng lệnh Chúa sát tế con mình là Isaac. Không một tình yêu của vị tử đạo nào đối với Thiên Chúa hơn tình yêu của Mẹ Maria, từ thánh Têphanô, vị tử đạo đầu tiên, đến các tín hữu của Giáo hội sơ khai, đến các Tông đồ, đến các Thánh Tử đạo Việt Nam và cho đến vị tử đạo cuối cùng trước ngày tận thế. Mẹ là vị tử đạo trên hết trước hết và tuyệt đối vì sự tử đạo của Mẹ Maria có giá trị cứu chuộc nhân loại cùng với Con Mình là Đức Giêsu Kitô.

Đối với các vị Tử đạo, là con cái mà Mẹ đã nhận qua lời trối của Chúa Giêsu trên thập giá, chắc chắn Mẹ cũng đã hiện diện, ở gần bên để nâng đỡ, để ban sức mạnh và ơn can đảm, khi họ chịu đau đớn, bị hành hạ ở pháp trường để tuyên xưng đức tin và tình yêu của mình với Chúa Giêsu: Mẹ Maria là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.

2) Đức Maria, Mẹ đẹp tuyệt vời.

Đức Mẹ hiện ra cho em Bernadette Soubirous, bé gái 14 tuổi tại hang đá Lộ Đức. Từ ngày 11.2 đến ngày 16.7.1858 Đức Mẹ hiện ra tất cả 18 lần. Trong bức thư đề ngày 28.5.1861 gửi Cha Gondrand, Bernadette cho biết cô đã thấy một Bà hiện ra thật đẹp mà không thể nào tả được. Cái đẹp của Mẹ Maria mà Bernadette thấy là ánh quang sáng ngời của cái đẹp tuyệt vời mà Thiên Chúa Cha từ đời đời đã chọn Mẹ Maria trên hết mọi người nữ, hơn các thiên thần và các thánh, đã tô điểm cho Mẹ mọi ân phúc, đã cho Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội không bị tì ố của tội tổ tông, để xứng là hôn thê của Chúa Thánh Thần, để cung lòng tinh khiết của Mẹ là đền đài nguy nga đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể sinh ra làm người, để toàn thân và máu huyết đồng trinh của Mẹ nuôi dưỡng Đấng Cứu Thế. Thiên sứ Gabriel đã chào kính Mẹ và mừng Mẹ đầy ân phúc: “Kính mừng Maria, Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Lời chào mừng nầy ca tụng rằng Mẹ Maria tuyệt hảo, tuyệt vời, tuyệt mỹ, Thiên Chúa đã tô điểm Mẹ hết mức rồi không còn thiếu gì nữa để đáng làm Mẹ Thiên Chúa.

Qua mọi thế hệ, có biết bao nhiêu lời kinh, tiếng hát, ca ngợi sự đẹp đẽ của Mẹ Maria. Nói tắt một lời, Đức Mẹ là kỳ công tuyệt vời của Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các thánh nói rằng: “Thiên Chúa có thể làm ra một thế giới tốt hơn thế giới nầy, mà không thể làm nên một người Mẹ hoàn hảo hơn người Mẹ của mình”.

3) Đức Maria là Mẹ chúng ta

“Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử tọa như sau: “Ai trong chị em có thể nói cho tôi biết Đức Mẹ là ai”? Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Đức Maria, thánh nhân mỉm cười nói tiếp: “Đức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn biết thêm về Đức Maria...”.

Chờ mãi không thấy thêm câu trả lời nào, sau cùng thánh nhân mới nói: “Tôi xin được nói với anh chị em Đức Maria là ai: Đức Maria là Mẹ chúng ta”. Phải, Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian nầy, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế, trên thiên đàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria...” (Đài Chân Lý Á Châu, Lẽ Sống, tr. 206).

4) Mẹ Maria, Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc

Mẹ Maria đã được Thiên Chúa ban đầy ân phúc để trở thành Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Kitô. Tiếng “Xin vâng” của ngày truyền tin là khởi điểm tiến trình ý thức cộng tác hoàn toàn của Mẹ Maria vào công trình cứu chuộc của Chúa Cứu Thế. Phúc âm thánh Matthêu nói về Mẹ Maria: “Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Ở Cana Đức Mẹ kín đáo, tế nhị, quan sát và thấy thiếu rượu mà có lẽ không ai để ý thấy, Mẹ đã can thiệp vào một việc phần xác, một việc xã hội, thì chúng ta càng phải vững tin hơn nữa: Mẹ sẽ nhìn thấy những nhu cầu thiêng liêng của chúng ta, mà ngay chúng ta cũng thấy, không biết. Và như vậy chắc chắn Mẹ Maria sẽ can thiệp, để nâng đỡ, ủi an, ban ơn thiêng liêng cho chúng ta, nhất là khi thấy chúng ta đang đau khổ, đang trong cơn nguy biến phần hồn, đang đi con đường rơi xuống hỏa ngục đời đời. Trong cuốn sách khổ lớn, dày 1200 trang của Cha Attilio Galli với tựa đề là “Mẹ của Giáo Hội trong Năm Châu” (Madre della Chiesa nei cinque Continenti, ed. Segni 1997) tác giả đã cho thấy Mẹ Maria hiện diện trong khắp năm châu với loài người, cho thấy Mẹ Maria là vị Thừa Sai thứ nhất của Con mình nơi các dân tộc trên địa cầu nầy trong suốt 20 thế kỷ qua. Mẹ đã thi hành chức vụ làm mẹ ngay khi thành lập Giáo hội, Mẹ đã hiện diện giữa các Tông đồ để nâng đỡ các ngài chờ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sau khi lên trời cả hồn lần xác, Mẹ Maria không ngừng hoạt động trên cho cái loài người, trên mọi nẻo đường trần gian. Trên mọi lục địa, trên mỗi quốc gia đều có bóng dáng, sự hiện diện hiền mẫu, sự can thiệp ban ơn cứu giúp của Mẹ Maria.

5) Lòng ưu ái của Mẹ Maria đối với Giáo hội Việt Nam

Ngay từ đầu lịch sử truyền giáo tại quê hương Việt Nam chúng ta, các Cha thừa sai đã truyền lại cho tổ tiên chúng ta một nét đặc thù của lòng đạo đức chắc chắn nhất: đó là lòng tôn sùng Đức Mẹ. Thánh Phanxicô Xaviê, vị thừa sai tiên khởi miền Viễn Đông, khi giảng đạo, một tay cầm ảnh chuộc tội, một tay cầm ảnh Mẹ Maria. Lòng sùng kính Đức Mẹ là con đường tu đức hết sức lành mạnh, hợp với chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của người tín hữu. Chạy đến Đức Mẹ để xin ơn phù giúp để nhờ Mẹ đưa đến với Chúa Giêsu thì không gì phù hợp và bảo đảm bằng. Thánh Bênađô dạy: “Ad Iesum per Mariam”, nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa Giêsu. Thánh nhân nói: “Thiên Chúa muốn rằng không có gì mà chúng ta có mà không qua tay Đức Mẹ”.

Giáo lý nầy rất thích hợp với tâm tình người Việt chúng ta. Chúng ta thích qua trung gian người nầy người nọ, những người có uy tín thân cận với vua chúa để đến với vua chúa quan quyền. Để đến với Chúa Giêsu thì không gì công hiệu hơn nhờ chính Mẹ của Chúa giới thiệu. Một món quà bé nhỏ đơn sơ của chúng ta dâng lên Thiên Chúa sẽ có giá trị và đẹp lòng Chúa biết bao nếu nó được đưa đến do tay của Nữ Vương các Thiên Thần, của Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, của các Thánh Đồng Trinh, của Nữ Hoàng Vũ Trụ. Người tín hữu Việt Nam thường nói: “Nhờ ơn Đức Mẹ”. Điều nầy diễn tả mối quan hệ đơn sơ thân mật tự nhiên giữa chúng ta với Mẹ Maria, người Mẹ rất yêu thương dịu dàng. Ai trong chúng ta không cảm thấy êm dịu ngọt ngào khi gọi “Mẹ”. “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào”.

6) Mẹ Maria, Nữ Vương các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Nhìn gương các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy các ngài là những người đã có lòng yêu mến Đức Mẹ đặc biệt.

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, quen gọi là Năm Thuông, Trùm họ Gò Thị, rất có lòng kính mến Đức Mẹ, xây một đài kính Đức Mẹ trong vườn nhà, bị một đứa cháu hoang đàng tố giác, bị bắt và phát lưu vào miền Nam ở Mỹ Tho, bị chết rũ tù sau khi đọc bảy kinh Thánh vịnh thống hối và các kinh kính Đức Mẹ, miệng mấp máy thánh danh Mẹ Maria, “Người Mẹ quí yêu suốt đời”.

Thánh linh mục Phanxicô Bắc (tên thật là Néron, người Pháp) ăn chay các ngày lễ vọng kính Đức Mẹ, đã can đảm chịu chém đầu tại Sơn Tây.

Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ là một Lý trưởng, sống liêm khiết, mỗi tối tụ tập phu tuần đọc 50 kinh Kính mừng kính Đức Mẹ trước khi đi công tác. Bị xử trảm tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định.

Thánh Đa Minh Đinh Viết Dụ, khi bị bắt chỉ mang trên mình hành trang duy nhất là tràng chuỗi Mân Côi.

Thánh linh mục Phêrô Dumoulin Borie Cao ghi trong nhật ký: “Xin Mẹ giúp con theo con đường của ơn kêu gọi. Xin cho con được đau khổ vì Đức Kitô, được đón nhận ngành lá tử đạo và về đến bến vinh quang”.

Thánh Philipphê Phan Văn Minh trước khi bị chém đầu tại pháp trường Đình Khao ở Vĩnh Long, đã trao cho ông xã Phượng đang đứng bên cạnh chực thấm máu cỗ tràng hạt. Ngài đã cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con trong giờ lâm chung nguy hiểm nầy”. Thánh linh mục Phanxicô Federich Gilde Tế, thuộc Dòng Đa Minh, người Tây Ban Nha, nhận mình là đứa “con điên của Đức Mẹ”.

Thánh linh mục Gioan Charles Cornay Tân, thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê, dưới triều Minh Mạng phải sống cơ cực vì trốn tránh, bị bệnh nặng. Bề Trên gọi ngài về Pháp để chữa trị, nhưng ngài đã trả lời: “Con quí chuộng những khổ cực ở đây hơn là được sức khỏe tại Pháp”. Ngài bị bắt, bị giải về Sơn Tây. Ba tháng sau, ngài bị xử lăng trì, đầu bị bêu cao ba ngày rồi ném xuống sông. Ngài cầu nguyện trước khi chết: “Xin Mẹ chứng giám cho việc sám hối của con”.

Hai Thánh Jerônimô Hermosilla Liêm và Jacintô Castaneda Gia từ trại tù ra pháp trường cất cao tiếng hát kinh “Salve Regina” – Lạy Nữ Vương – “Lạy Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy... xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, con lòng Mẹ...”.

Ngày 7-1-1862 một nhóm Văn Thân đưa 306 người Công giáo gồm 200 đàn ông, 106 đàn bà và 50 trẻ em vào trong nhà thờ Bà Rịa rồi phóng lửa thiêu, trong khi tiếng lần hạt sang sảng, càng lâu càng lụi dần trong ánh lựa bập bùng với thân xác hiến dâng làm của lễ toàn thiêu.

Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan đeo ảnh Đức Mẹ. Lính buộc phải bỏ ảnh đeo. Ngài nói: “Không ai có quyền tháo ảnh nầy khỏi cổ tôi. Vì đó là ảnh của Mẹ Maria, Mẹ tôi”.

“Dưới con mắt của các vị anh hùng tuẫn tiết, cuộc Tử Đạo là một hiến tế dâng lên Thiên Chúa qua bàn tay Mẹ làm trung gian như Thánh Théophan Vénard Ven đã ghi trong thư gửi Đức Cha Theurel: “Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé nầy, như trái nho mọng chín được hái đi, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng lên bàn thờ Ave Maria” (Lm Hồng Phúc CSsR, Đức Mẹ La Vang và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản, 1997, tr.22).

Các Thánh Tử Đạo đã nhìn lên Mẹ, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, để vững tâm chiến đấu bảo vệ đức tin và dám chết làm chứng tình yêu của mình đối với Chúa và Đức Mẹ. Các ngài là gương anh dũng cho chúng. Các ngài cũng là người, cũng đau đớn, cũng sợ chết, nhưng tình yêu Chúa, lòng trung kiên với Chúa, lòng khiêm nhường kêu cầu Đức Mẹ, Mẹ đã giúp chiến thắng.

6) Đức Mẹ La Vang

Đức Mẹ La Vang hiện ra trong bối cảnh lịch sử đất nước ta đang ở vào thời kỳ phân tranh giữa ba phe phái là Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn. Ngày 17 tháng 8 năm 1798, Vua Cảnh Thịnh từ Phú Xuân, ra sắc dụ cấm đạo. Nội dung sắc dụ như sau: “Nhân dân trong nước phải giữ đạo Tam Cang Ngũ Thường: quân thần, phụ tử, phu phụ, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đạo Da-Tô (Bồ Đào Nha) có nhiều tà thuyết phải được cấm triệt để. Do đó, muốn ích quốc lợi dân, Hoàng Đế truyền tiêu diệt Đạo ấy vì là đạo đáng ghét. Phải phá tất cả các nhà thờ, nhà xứ và bắt tất cả các thừa sai và các linh mục Việt Nam”. (Linh mục Hồng Phúc, Sđd, tr. 25).

Lệnh vừa ban ra, quân lính đua nhau truy nã người Công giáo để bắt bớ, hành hạ và chém giết. Để tránh cơn bắt đạo ác liệt nầy, các giáo hữu thuộc tỉnh Quảng Trị tìm cách chạy trốn vào một nơi hẻo lánh, cách xa tỉnh chừng 6 cây số. Đây là rừng núi La Vang độc địa, hẻo lánh, nên giáo dân hy vọng quan quân không tìm đến. Dầu vậy đêm ngày họ vẫn hồi hộp lo sợ bị tầm nã bắt bớ, sợ thú dữ rừng hoang. Lại thêm lương thực không có, khí độc, nước độc, nên lâu ngày nhiều người lâm bệnh, tình cảnh thật trăm bề khổ cực. Trong con nguy khốn ấy, mọi người chỉ trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ, đêm ngày hội họp nhau nơi đám cỏ, dưới gốc cây cổ thụ, đọc kinh lần hạt than khóc kêu xin Đức Mẹ cứu giúp chở che.

Thấy con cái giữ lòng trung nghĩa cùng Chúa, nhất là đang lâm cảnh hoạn nạn cơ cực ấy, Mẹ nhân lành động lòng thương xót, một hôm, trong lúc họ đọc kinh cầu nguyện, thì Đức Mẹ hiện ra rực rỡ tươi đẹp vô ngần. Người mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần hầu cận. Đức Mẹ xuống đứng trên đám cỏ gần gốc cây đa nơi giáo hữu đang cầu nguyện.

Đức Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các giáo hữu vui lòng chịu khó, dạy hái lá quanh đó nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Đức Mẹ còn phán hứa rằng: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn nầy, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”.

Đức Mẹ hiện ra nhiều lần như vậy. Đó là điều các tiền nhân loan truyền lại cho đến ngày ngay. Cũng từ ngày đó, người lương giáo cũng như người giáo tuôn về La Vang hành hương cầu nguyện, và Đức Mẹ giữ lời hứa, ban nhiều ơn phúc phần hồn, phần xác cho họ (Trích từ Tòa Tổng Giám Mục Huế, Thánh Địa Đức Mẹ La Vang, 1988, tr. 7-8).

Tình mẫu tử nầy suốt 210 năm qua, dưới nhiều hình thức ơn lành Mẹ ban cho con cái Việt Nam chúng ta, không phân biệt tôn giáo, từ ơn được chết tử đạo của tổ tiên chúng ta đến các ơn phần hồn phần xác cho đủ mọi hạng người, mọi gia đình”
(Lm Hồng Phúc, sđd, tr. 2).

Cao điểm của Đại Hội CGVN tại Đức năm 2008 chính là Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống do Đức Ông Wolgang Miehler, giám đốc ngoại kiều vụ của HĐGM Đức chủ tế vào 11g sáng Chúa Nhật 11.5.2008. Cùng đồng tế với Đức Ông có Đức Ông Barnabê Phương, tân linh mục Gioan Baotixita Vũ Chí Thiện, các linh mục tuyên úy và quý cha khách, tổng cộng 24 linh mục. Cũng như mọi năm, đông đảo giáo dân từ khắp các cộng đoàn, nhất là các cộng đoàn trong các vùng ở gần địa điểm, đã tụ họp về tham dự thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cộng đoàn đã tích cực dâng lời ca tiếng hát thật sốt sắng. Cũng như năm ngoái, ban tổ chức đã cho in ấn cuốn cẩm nang của Đại Hội dầy 40 trang, gồm các bài hát và kinh nguyện được sử dụng trong các thánh lễ, trong giờ chầu Thánh Thể, giờ đền tạ Thánh Tâm và Mẫu Tâm và trong cuộc đi kiệu, giúp cho các tham dự viên tích cực góp lời kinh tiếng hát thêm phần sốt sắng.

Ca đoàn tổng hợp năm nay được tăng cường thêm nhiều ca viên từ các cộng đoàn đã hòa vang những bài thánh ca Việt Nam nhiều bè thật long trọng và sốt sắng như bài ca nhập lễ: “Thánh Thần hãy đến“; đáp ca: “Gieo vui“, dâng của lễ: “Thượng Tiến Giavê“; ca hiệp lễ: “Lạy Chúa Thánh Thần“ và bài ca kết lễ: “Mẹ đầy ân phúc“. Trong phần dâng của lễ, các thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam đã dâng lên Chúa các bó hoa muôn sắc và mâm ngũ quả, cùng bánh thánh và rượu thánh.

Trong bài giảng, Đức Ông chủ tế đã dựa vào bài Tin Mừng đại Lễ Chúa Thánh Thần để trình bầy về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong suốt lịch sử của Giáo Hội. Sau đây là tóm lược một vài ý chính của bài giảng do linh mục Huyỳnh Công Hạnh chuyển ngữ (Xin mời quý vị xem toàn bài giảng trong Website DAN CHUA.EU đã đưa lên):

“Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đầu tiên tại Giêrusalem – chúng ta nói như vậy – là giờ sinh nhật của giáo hội. Trong ý nghĩa đó: Tất cả chúng ta hôm nay có ngày sinh nhật. Tôi chân thành chúc mừng quý ông bà và anh chị em và chúc chúng ta đầy tràn ơn Thánh Thần cũng như hồng ân Thiên Chúa. Tôi nói đây không riêng gì cá nhân của tôi, mà còn thay mặt cho Uỷ Ban Di Dân của Hội Đồng Giám Mục Đức muốn chuyển những lời thăm hỏi và chúc lành tốt đẹp nhất đến quý ông bà và anh chị em.

Chúng ta cũng tin tưởng rằng Giáo Hội của chúng ta ngày nay vẫn trẻ trung và chứng tỏ sức sống động. Vì thế tôi vui mừng một cách đặc biệt có nhiều người trẻ tụ họp về đây để tham dự thánh lễ. Họ là hy vọng và tương lai của Giáo Hội. Đồng thời tôi cũng muốn ngỏ lời tới những người lớn tuổi giữa chúng ta. Quý ông bà và anh chị em đã tự cảm nghiệm rằng Thần Khí Chúa trao ban sức mạnh và lòng tin tưởng để có thể trải qua những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Quý ông bà và anh chị em đã tiếp tục trao những kinh nghiệm đời và đạo cho thế hệ trẻ hơn. Do đó tôi muốn nói lên lời chân thành cám ơn. Trong sự kết hợp giữa các thế hệ nâng đỡ lẫn nhau thì bản chất của Giáo Hội là gia đình của những người được kêu gọi và được sai đi bởi Thần Khí Chúa thì trở nên rõ ràng.

Giáo Hội của chúng ta ngày nay, qua cái nhìn toàn cầu hoá mọi lãnh vực cuộc sống,cần một ngôn ngữ chung không phân biệt tuổi tác, phái tính, quốc tịch, tiếng bản xứ hay nhân sinh quan mà mọi người có thể hiểu được. Đó là thông điệp tồn tại của Lễ Hiện Xuống.

Sách Tông Đồ Công Vụ gọi tên 12 dân tộc khác biệt thời đó là những người đại diện nhận lãnh Chúa Thánh Thần và trở nên sứ giả Tin Mừng được sai đi. Ngày nay trên toàn thế giới không có dân tộc nào hay nước nào mà không biết đến Tin Mừng của Chúa Kitô. Giáo Hội của chúng ta trở nên đa sắc và đa dạng, nó thể hiện ngay cả những làng mạc hẻo lánh (…) Quý ÔBACE là những tín hữu từ 11 vùng mục vụ Việt Nam và thuộc thành phần rất chính yếu. Quý ÔBACE là những người đại diện của Giáo Hội hoàn vũ ngày nay mà Chúa Kitô đã hướng dẫn thành một dân tộc của Chúa từ nhiều dân tộc và ngôn ngữ. Không có quý ÔBACE, Giáo Hội Đức thiếu đi phần quan trọng có tính cách quyết định: Sự từng trải phổ quát hằng ngày và tính Công Giáo của Giáo Hội chúng ta – ngoài ra tôi xin thêm - thỉnh thoảng cũng là phần lớn tính đa dạng tươi mát, sự sống động hăng say và sự trẻ trung đầy hy vọng. Giữa các nhóm sắc tộc khác nhau ở Đức Quốc thì chính khối người Việt Nam Công Giáo tôi đã biết từ thủa ban đầu một cách đặc biệt. Họ hăng say đồng hành đầy tín nhiệm trong các cộng đoàn giáo xứ Đức Việt. Nơi đây tôi muốn nói lên lời chân thành cám ơn quý ÔBACE.

Trong 4 phương diện Chúa Phục Sinh đã hướng dẫn các Tông Đồ tới bản chất của Giáo Hội và qua đó tới trung tâm điểm sứ mệnh của các ngài và cũng là của chúng ta:

1. Giáo Hội phải cởi mở và mời gọi

Các Tông Đồ lúc ấy vì sợ hãi và nản lòng đã lui lại sau những cánh cửa khoá chặt, đồng thời đóng kín. Chúa Phục Sinh không ngần ngại đến giữa họ, làm cho họ có khả năng mở tung những cánh cửa và đến với những người khác. Họ không còn thờ ơ với những gì xảy ra bên ngoài và họ không còn sợ hãi nữa. Nhiều người ngày nay đang tìm ý nghĩa cuộc sống, tìm sự an toàn và sự nhìn nhận. Là người Kitô hữu chúng ta có bổn phẩn chuyển giao tới họ tin vui cho cuộc sống thành công; từ niềm tin chúng ta có thể đưa cho họ cộng đoàn và sự quây quần, khi chúng ta coi trọng sự hướng dẫn trong hiến chế (của công đồng Vaticano II về) Vui Mừng và Hy Vọng thì niềm vui và hy vọng, buồn rầu và sợ hãi của con người ngày nay… cũng phải là niềm vui và hy vọng, buồn rầu và sợ hãi của các Tông Đồ khi xưa. Là Kitô hữu chúng ta phải mang trách nhiệm lo lắng cho tha nhân.

2. Giáo Hội mang những vết thương trong mình

Trong Tin Mừng của Thánh Gioan kể tiếp, Chúa Phục Sinh đã tỏ cho các Tông Đồ những vết thương biến dạng của Ngài... Và chính quý ÔBACE cũng biết được những kinh nghiệm tương tự trên quê hương đất nước của mình. Ngay cả trên nước Đức có những người vì yêu mến và sống đức tin, bị người khác cười chế diễu và coi rẻ mạt. Dẫu vậy chúng ta không nên để lẫn lộn. Ai muốn có khuôn diện nổi bật thì phải chịu đục đẽo; ai muốn sống là Kitô hữu, phải sẵn sàng đón nhận những thương tích.

3. Giáo Hội sống bằng tha thứ và tiếp tục trao ban tha thứ.

Trong Tin Mừng ngày hôm nay Chúa Phục Sinh đã nói nhiều lần với các Tông Đồ lời chúc bình an. Nó có giá trị nhiều hơn là một công thức lễ phép chào hỏi. Shalom: Bình an muốn nói tới là sự hài hoà bao la của con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Nó có nghĩa là tạo độ cuộc sống của con người phải đúng vị trí, và những mối tương quan tới Thiên Chúa và tha nhân phải nằm trong trật tự đúng đắn ấy. Vì thế bình an là món quà lớn của Chúa Phục Sinh trao tặng cho các Tông Đồ và qua các ngài món quà hoà giải được trao gửi tới Giáo Hội: Các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha.

4. Giáo Hội sống từ sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Nơi đây chúng ta gặp phải phần cốt yếu của thông điệp lễ Hiện Xuống, đồng thời phần chính yếu của bản chất Giáo Hội: Lễ Hiện Xuống kiện toàn công trình sáng tạo thủa ban đầu. Nó có giá trị cho Giáo Hội nói chung và cho mỗi người Kitô hữu nói riêng: Chúng ta chỉ có thể sống và hoạt động từ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ngài ở trong chúng ta và qua chúng ta hoạt động không ngừng. Chúng ta càng để cho Thần Khí Chúa được trao ban cho chúng ta qua phép Rửa Tội và phép Thêm Sức tác động, chúng ta càng hành động từ Thần Khí này, thì chứng ta niềm tin của chúng ta lại càng rõ ràng hơn và đáng tin cậy hơn, thì thế giới lại càng chú ý mạnh mẽ hơn.

Bổn phận của chúng ta là Kitô hữu trong thời đại này là giúp họ nhắm hướng trời cao, khám phá ra trong cuộc sống của họ những cánh cửa tới Nước Trời và như thế tìm thấy con đường đi tới Thiên Chúa. Cầu chúc cho mọi người chúng ta lại thành công mới trong công tác mục vụ này. Đó là lời chúc chân thành của tôi nhân dịp mừng lễ Hiện Xuống. Amen.“


Song song với Thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại hội trường chính của Đại Hội, khoảng hơn 400 em thiếu nhi được các phụ huynh và các anh chị huynh trưởng dìu dắt đã dâng thánh lễ với cha Phạm Văn Tuấn. Sau khi rước lễ, các em đã trở lại hội trường chính để cùng tham dự phần cuối đại lễ chung với cộng đoàn. Các em đã cùng đồng ca nhiều bài hát Việt Đức thật ý nghĩa để mến tặng các bà mẹ nhân ngày Hiền Mẫu Thế Giới (Muttertag). Mỗi em còn mến tặng mẹ yêu quý hình trái tim tượng trưng tình con thảo hiền. Hai ba em đã đại diện cho các em thiếu nhi để đọc những lời chúc mừng Mẹ hiền thật đơn sơ, nhưng cũng thật cảm động. Sau đó ca đoàn tổng hợp cũng hát tặng các bà mẹ bài ca “Cầu cho Cha Mẹ 3“ của tác giả Phanxicô Nguyễn Đình Diến. Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống kết thúc lúc gần 13g20, sau khi Đại hội ngỏ lời cám ơn hai Đức Ông Miehle và Barnabê Phương với món quà mọn lòng thành.

Sau cơm trưa, vào lúc 14g45, Đức Ông Phương tiếp tục thuyết trình về chủ đề “Mẹ Maria, Nữ Vương các Thánh Tử Đạo”, phần hai: Sau khi chiêm ngắm Mẹ Maria và gương các Thánh Tử đạo, và nghe Sứ điệp Mẹ Maria, chúng ta sẽ rút ra một vài đề nghị thực hành cho đời sống người Kitô hữu chúng ta.

Sau đây là tóm lược những điểm chính yếu trong bài thuyết trình phần 2: (Xin mời quý vị xem toàn bài thuyết trình phần 2 trong Website DAN CHUA.EU đã đưa lên)

1. Sứ điệp “Xin vâng”. Mẹ Maria đã hoàn toàn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa qua lời đáp trả: “Nầy tôi là nữ tỳ Chúa, xin vâng lời Thiên Sứ ”. Đức Mẹ xưng mình là “nữ tỳ” là “đầy tớ” là “người nô lệ” của Chúa.

Chúa Giêsu sống hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha. “Này con đến để làm trọn thánh ý Cha”. Nhiều lần Chúa Giêsu lập đi lập lại: “Ta đến không phải để làm theo ý của Ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ta”... Trên thập giá Người thốt lên lời cuối cùng: “Mọi sự đã tất”, rồi tắt thở. Sứ mệnh Chúa Cha sai đến thế gian Người đã hoàn tất.

Tổ phụ Abraham vâng lời Chúa không chút do dự đã rời quê hương mà không biết mình đi đâu, tương lai sẽ như thế nào, hướng về vùng đất Thiên Chúa hứa cho ông...“Dựa vào một mình Chúa, chọn lựa Thiên Chúa: đó chính là kinh nghiệm lớn lao của các Tổ phụ, các Ngôn sứ, các tín hữu tiên khởi, được gợi lại trong chương 11 của Thư gửi Tín hữu Do Thái trong đó có 18 lần dùng thành ngữ “nhờ đức tin” (per fede) và một lần nhờ thành ngữ “với đức tin” (con fede) (DHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, tr.65): “Chọn Chúa chứ không phải chọn những công việc của Chúa. Đó chính là nền tảng đời sống Kitô trong mọi thời đại. Và đồng thời đó là câu trả lời đích thực nhất cho thế giới ngày nay. Đó cũng là để thực hiện những dự định của Chúa Cha đối với chúng ta, đối với Giáo hội và nhân loại ngày nay” (sđd trg 65-66).

2. Sứ điệp Thánh giá. Chúa Giêsu chỉ phục sinh sau tuần thương khó thập giá và tử nạn. “Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta”. Mẹ Maria đã chứng kiến cuộc khổ nạn của Con một mình bị đánh đòn, bị lên án, vác thập giá và chết nhục nhã trên thập giá. Đó là thánh giá của cuộc đời của Đức Mẹ, và chúng ta, mỗi người đều có những thánh giá riêng, nhiều, ít, lớn, nhỏ trong cuộc đời của mình. Thánh giá hằng ngày là gì nếu không phải là những khó khăn cá nhân, gia đình, vợ chồng con cái, công ăn việc làm, trong sự học hành của con em? Thánh giá hằng ngày là gì nếu không phải là những sự rạn nứt trong gia đình, ngoài xã hội, trong mối tương giao cộng tác nghề nghiệp, nhiều lúc ngay cả trong những người làm công tác tông đồ mở mang nước Chúa? Sứ điệp của Đức Mẹ ở La Vang: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn nầy, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”.

3. Sứ điệp Sống Lời Chúa. Khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời rao giảng nước trời, Người tự nguyện đến để cho ông Gioan làm phép rửa thống hối mặc dù Người không có tội gì, sau khi bước ra khỏi nước, có tiếng của Chúa Cha phán từ trời: “Này là Con yêu dấu Ta và đẹp lòng Ta mọi đàng, hãy nghe lời Người”. “Hãy nghe lời Người”. Lời nầy của Chúa Cha không phải để khen tặng suông Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng là bí quyết là con đường, là đạo lý để được sống đời đời. Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh, đặc biệt trong bốn Phúc âm. Cần tập thói quen đọc Phúc âm hằng ngày để cầu nguyện và sống theo Lời Chúa. Đức Mẹ hằng ghi nhớ mọi Lời Chúa và chiêm ngắm trong lòng đã tin Lời Chúa, đã sống Lời Chúa.

ĐHY Nguyễn Văn Thuận thuật lại sự khao khát Lời Chúa của ngài khi ở trong tù như sau: “Khi ở trong tù, tôi không được mang theo sách Kinh Thánh; vì vậy tôi đã lượm các mảnh giấy vụn mà tôi gặp rồi đóng nó lại thành một cuốn sổ nhỏ, trong đó tôi ghi lại hơn 300 câu Phúc âm; cuốn Phúc âm kết nhặt nầy đã là sổ tóm tắt (vademecum) hằng ngày của tôi, sách gối đầu giường quí giá từ đó tôi múc lấy sinh lực và của ăn thiêng qua việc đọc Lời Chúa”. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân phải có cuốn Kinh Thánh để mỗi ngày một chút để sống Lời Chúa. 4. Sứ điệp Sống thánh giữa đời. Sách Công Vụ Tông Đồ (CV 9,13) và thánh Phaolô trong các thư của ngài đều gọi các tín hữu đầu tiên là “các thánh” vì họ sống thánh hiến mình cho Thiên Chúa, loại trừ mọi tội lỗi và do đó sống cuộc đời tinh tuyền tốt đẹp. Và tại Antiokia lần đầu tiên các môn đệ được gọi là “Kitô hữu”. Danh hiệu mới nầy phân biệt tín hữu Kitô với tín đồ Do Thái. Chúng ta là “Kitô hữu” là người mang trong mình Chúa Kitô Đấng Cứu Thế. Đấng Kitô là Thiên Chúa là Đấng Thánh được Chúa Cha xức dầu tấn phong. Địa vị làm con Chúa đòi hỏi người tín hữu chúng ta phải có nếp sống và cách hành xử xứng đáng với địa vị con Chúa của mình. “Con vua thì được làm vua, thì được làm vua. Con nhà kẻ khó bắt cua tối ngày”.

Làm sao để nên thánh? ĐHY Nguyễn Văn Thuận chỉ cho chúng ta một con đường nên thánh mà ngài đã sống Ngài viết như sau: “ “Trong những đêm dài trong tù ngục tôi ý thức được rằng sống giây phút hiện tại là con đường đơn sơ và chắc chắn nhất dẫn tôi tới sự thánh thiện. Niềm xác tín đó gây cảm hứng cho lời cầu nguyện sâu đây: “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi nữa. Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu. “Chấm nầy nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. “Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. “Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. “Đường Hy vọng, do mỗi chấm hy vọng. Đời Hy vọng do mỗi phút Hy vọng (ĐHV số 977). “Như Chúa, lạy Chúa Giêsu, Đấng đã luôn làm những gì đẹp lòng Thiên Chúa Cha. “Mỗi phút con muốn thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa, cuộc sống của con sẽ luôn là “một giao ước mới và giao ước vĩnh cửu” với Chúa. “Mỗi giây phút con muốn hát lên cùng với toàn thể Hội Thánh: “Vinh danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần...”(ĐHY Nguyễn Văn Thuận, sđd 73). Sống giây phút hiện tại, phó thác tất cả cho Chúa, để mình lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa, là con đường thơ ấu mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã áp dụng Lời Chúa Gêsu: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào nước trời” (Mt 8,2).

Thánh nữ Faustina, vị tông đồ được Chúa Giêsu trao cho sứ mệnh truyền bá Lòng Thương Xót Chúa nói: “Tình yêu lớn thì biến đổi những việc nhỏ thành những việc lớn và chỉ có tình yêu mới làm cho các việc làm của chúng ta có giá trị”.

“Người giáo dân có sứ mạng đặc biệt là làm cho Hội Thánh hiện diện và hành động trong những nơi và những hoàn cảnh mà nếu không có họ thì Hội thánh không thể là muối của trần gian” (LG 33). Đem chân lý Phúc âm vào môi trường sống của mình. Đem công bình bác ái, công lý và tình liên đới đến với mọi người, nhất là những người bé nhỏ bị bỏ rơi, những người bị áp bức hà hiếp, cần sự giúp đỡ và tình thương của chúng ta.

Nước Đức nầy, Giáo hội Đức nầy đã quảng đại tiếp rước đồng bạo Việt Nam tị nạn chúng ta cũng như những sắc dân tị nạn khác. Sự kiện nầy mời gọi chúng ta tỏ ra lòng biết ơn đối với Giáo hôi và đất nước nầy, đồng thời thúc đẩy chúng ta xây dựng xã hội và Giáo hội nơi chúng ta sống, nơi bảo đảm chúng ta một đời sống tự do, xứng nhân phẩm con người, nơi chúng ta được tự do tôn giáo, tổ chức lễ hội gây tình đoàn kết hiệp nhất để sống đức tin. Sống giữa xã hội Đức và trong Giáo hội Đức, chắc chắn chúng ta đã học được bài học bác ái, quảng đại, kỷ luật. Giáo hội Đức có nhiều tổ chức từ thiện bác ái và truyền giáo, là gương cho Công giáo Việt Nam tại Đức biết mở rộng tâm hồn lòng bác ái quảng đại đối với nhu cầu vật chất, tinh thần và truyền giáo của những Giáo hội đang đau khổ đang gặp khó khăn và những dân tộc thuộc các nước đang đương đầu với nạn nghèo đói, bệnh tật. Một hy sinh vật chất nhỏ của chúng ta có thể góp phần không ít đem lại lương thực nuôi sống nhiều người, đem hạnh phúc cho trẻ em, cho chúng cơ may học hành, được giáo dục, cho chúng niềm hy vọng mới cho tương lai. Gia đình. Sống giữa một xã hội vật chất tực hóa, giá trị luân lý nền tảng gia đình bị lung lay sụp đổ, người Công giáo chúng ta có bổn phận phải bảo tồn và phát huy giá trị luân lý của gia đình và xã hội; bảo vệ sự sống. Người tín hữu Công giáo phải làm chứng cho Chúa Kitô và Phúc âm của Người giữa một xã hội dần dần bị tục hóa đánh mất căn tính Kitô giáo của mình. Phải dám đi ngược dòng nước, hiên ngang sống đạo. Các thánh tử đạo đã can đảm làm chứng đức tin của mình trước sự bắt bớ hành hạ, giết chốc. Người tín hữu cần sống đức tin giữa đời như muối, như men, như ánh sáng. Công đồng khuyến khích những người giáo dân tham gia chính trị để với đức tin và phúc âm, có thể góp phần xây dựng xã hội trần thế nầy tốt hơn, lành mạnh hơn. 5. Sứ điệp Cầu nguyện. ĐHY Nguyễn Văn Thuận còn cho chúng ta một kinh nghiệm sống Lời Chúa như sau: “Con tin vào hiệu năng của lời cầu nguyện không? Hãy suy lời Chúa: “Ta bảo các con: Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Có công ty bảo hiểm nào bảo đảm cho các con chắc chắn hơn lời ấy không?” (ĐHV 121). “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản Hội thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu” (ĐHV 125). “Đừng xem thường việc đọc kinh, các Tông đồ đã thưa: “Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc11,1). Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy cầu nguyện thế nầy: Lạy Cha chúng con ở trên trời...” (Mt 6,9). Chính Chúa dạy đọc kinh” (ĐHV 126). “Muốn đánh giá công việc tông đồ của ai, con hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào” (ĐHV 132). “Nếu con không cầu nguyện, chẳng ai tin con làm việc vì Chúa đâu!” (ĐHV 133). “Sách thiêng liêng làm nhiều người nên thánh, đó là dầu nuôi lò lửa cầu nguyện” (ĐHV 145). 6. Sứ điệp Sám hối. Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng bằng việc kêu gọi sám hối: “Thời kỳ đã mãn, Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Sám hối là gì, nếu không phải là từ bỏ tội lỗi, từ bỏ xu hướng tội lỗi và tất cả những gì nghịch lại các giới răn và Phúc âm của Chúa? 7. Sứ điệp và gia của các Thánh Tử đạo. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận viết: “Trong tù, chính tôi cũng sống nỗi khổ đau của Giáo hội tử đạo. “Tôi tin rằng lòng trung thành của Giáo hội Việt Nam được giải thích bằng máu của các vị tử đạo đó. Các ơn gọi linh mục tu sĩ làm phong phú Giáo Hội Việt Nam được phát sinh từ ơn thử thách nầy. Các vị tử đạo dạy cho chúng ta biết nói hai tiếng “xin vâng”: xin vâng vô điều kiện và vô biên giới đối với tình yêu của Thiên Chúa... Gia sản của các vị tử đạo không phải là chí anh hùng mà lòng trung tín. Gia tài nầy đã được chín mùi bằng cách hướng nhìn lên Chúa Giêsu, mẫu gương của cuộc sống Kitô hữu, mẫu gương của mọi nhân chứng, mẫu gương của tất cả các vị Tử đạo”. “Chúng ta phải ôm lấy gia sản quý báo của các vị Tử đạo trong cuộc sống mỗi ngày, trong các khó khăn bé nhỏ cũng như lớn lao, trong sự lột bỏ mọi gây hấn, thù hận, và bạo lực. Gia sản của các vị Tử đạo phải được tiếp nhận mỗi ngày qua cuộc sống đầy yêu thương, hiền lành và trung tín. Tu sĩ Isac Siro đã viết: “Hãy để cho mình bị bách hại, nhưng đừng bách hại ai. Hãy để cho mình bị vu khống, nhưng đừng vu khống ai” (ĐHY Nguyễn Văn Thuận, sđd 138-148).

“Totus Tuus”, Tất cả cho Mẹ, là khẩu hiệu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cũng phải là khẩu hiệu của chúng ta. Chúng ta cần sống thân mật với Mẹ Maria, tin tưởng ở tình thương của Mẹ, thường xuyên nhớ đến Mẹ, giữ liên lạc tốt với Mẹ, kêu cầu Mẹ, tâm sự với Mẹ về tất cả những vui buồn của cuộc sống. Để kết thúc, xin gửi đến toàn thể Đại hội và từng người lời khuyên sau đây của Thánh Bernard: “Khi nguy hiểm, lo âu, hay hồ nghi, bạn hãy nghĩ đến Mẹ Maria và hãy gọi Người. Theo Mẹ, bạn sẽ không bao giờ lạc đường. Cầu nguyện với Mẹ, bạn chẳng bao giờ chìm trong tuyệt vọng. Nhìn ngắm Mẹ, bạn sẽ chẳng lầm lạc bao giờ (Mary day by day, Catholic Book Publishing Co, New York 1987, tr. 21).”

Sau bài thuyết trình, Đức Ông cũng đã dành khoảng nửa giờ để giải đáp một số thắc mắc về giáo lý và Kinh Thánh liên quan đến cuộc sống đạo hôm nay. Qua một số câu hỏi, tất cả đều ý thức sự cần thiết phải học hỏi và đào sâu thêm giáo lý căn bản của Giáo Hội để có thể sống đạo, hành đạo và làm chứng tá cho Đạo.

Vào lúc 16g30, tại hội trường chính đã có giờ chầu Thánh Thể do Cha Vinh sơn Trần Văn Bằng chủ tọa. Rất đông tín hữu, trong đó có nhiều bạn trẻ và các em thiếu nhi đến tham dự. Trong giờ chầu, có rất nhiều tín hữu đã lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, để lãnh nhận ơn tha thứ và quyết tâm hoán cải. Đó chính là hoa trái của Chúa Thánh Linh.

Sau cơm chiều, cả hội trường chật ních khán giả đến tham dự đêm trình diễn văn nghệ "cây nhà lá vườn" đầy tình tự mầu sắc dân tộc và quê hương, với sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi và các em thiếu nhi từ một vài cộng đoàn CGVN tại Đức, đã khuyến khích các mầm non văn nghệ trong các cộng đoàn: thí dụ nhạc cảnh Thằng Bờm, Bà Rằng Bà Rí… Nổi bật nhất là sự tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang đã được các em và các nghệ sĩ diễn xuất thật tuyệt vời và cảm động. Hội trường cũng được thưởng thức những bài ca đầy tình tự dân tộc do nữ ca sĩ Ngọc Huệ đến từ Hoa Kỳ đã mến tặng Đại Hội. Ca sĩ cũng đã giới thiệu sinh hoạt và mục đích của nhóm Xin Vâng với các dự án giúp cho các gia đình và các em thiếu nhi nghèo tại Quê Hương. Ông Nguyễn Hữu Huấn, trưởng ban thực hiện dự án xây tượng đài tỵ nạn tại cảng Hamburg cũng đã trình bầy ngắn gọn tiến trình và mục đích của dự án lịch sử này, cùng tha thiết kêu gọi sự đóng góp tài chính của cộng đoàn tỵ nạn, nhất là của mấy chục ngàn thuyền nhân Việt Nam tại Đức đã được con tầu Cap Anamur cứu vớt.

Vào khoảng 11 giờ đêm, đông đảo các bạn trẻ đã tích cực tham buổi văn nghệ “show your talent“ đến tận đêm khuya, hăng say tham gia các thi đua trình diễn cá nhân cũng như đồng đội. Đây là sáng kiến của Thanh Niên Công Giáo Việt Nam tại Đức nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn nghệ cho các bạn trẻ, giúp các bạn trẻ phát triển tài năng trình diễn về mọi bộ môn, đồng thời giúp các bạn xa lánh các hộp đêm, không thích hợp với tinh thần của Đại Hội.

Xin đón đọc tường trình Lễ Bế Mạc Đại Hội với cuộc cung nghinh rước kiệu Đức Mẹ với những câu chuyện bên lề Đại Hội.
 
30 vị giám đốc và giáo sư đại chủng viện Việt Nam chuẩn bị lên đường đến tham dự khóa đào tạo tại Học Viện Công Giáo Paris
Trần Văn Cảnh
18:48 16/05/2008
HÀ NỘI - Từ ít lâu nay, 6 đại chủng viện đã đảm nhiệm việc đào tạo linh mục ở Việt Nam. Mới đây, thêm một cơ sở thứ bảy. Ðó là Ðại Chủng Viện Xuân Lộc, một chi nhánh của Ðại Chủng Viện Thánh Giuse thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ số các linh mục trẻ việt nam được đào tạo trong các đại học công giáo Rôma và Âu châu về, đội ngũ giám đốc và giảng huấn của các đại chủng viện đã được hoàn toàn đổi mới từ ít lâu nay. Dẫu còn ít ỏi và bắt buộc phải dậy trong nhiều chủng viện, các vị này đã giúp các chủng sinh việt nam được tiếp thu một việc đào tạo có trình độ cao. Nhất nữa là khi ở Việt Nam Ủy Ban Giám Mục về Giáo sĩ và Chủng sinh đã tiên liệu một hệ thống đào tạo liên tục và tu nghiệp cho tất cả ban giảng huấn này. Năm nay khóa đào tạo liên tục sẽ được tổ chức ở Paris, từ ngày 25 tháng 07 sắp tới và sẽ qui tụ 30 vị đến từ khắp các chủng viện và gồm đủ các cấp, từ giám đốc, qua trưởng ban, đến giáo sư.

Từ ngày thay đổi chính thể vào năm 1975, đây là khóa thứ hai. Khóa thứ nhất đã được tổ chức tại Rôma vào tháng 07 năm 2006 và đã qui tụ 21 giáo sư các đại chủng viện việt nam. Cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng, giáo sư Ðại Chủng Viện Thánh Giuse và là thư ký Ủy Ban Giám Mục về Giáo sĩ và Chủng Sinh do Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục Ðịa Phận Hưng Hóa, làm chủ tịch, đã đặc biệt tích cực lo chuẩn bị khóa đào tạo này. Cha đã tiết lộ với Thông Tấn Xã Công Giáo Á Châu (UCANEWS) rằng chíng phủ đã bằng lòng cấp phát mọi thủ tục cho các tham dự viên của khóa đào tạo này. Phái đoàn sẽ do Ðức Cha CHƯƠNG dẫn dắt. Học Viện Công Giáo và Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris sẽ đảm trách tổ chức khóa học và lo liệu ăn ở cho các linh mục việt nam ở Paris. Cha Hùng nhấn mạnh rằng trước hết khóa học phải là dịp để các linh mục có trách nhiệm đào tạo chủng sinh chia sẻ với nhau và với các đồng nghiệp Pháp về những vấn đề và những kinh nghiệm của họ, vì trong năm học, với một thời khóa biểu quá tải, họ ít có dịp được gặp nhau.

Công việc thực tập và khóa trình giảng dậy của khóa đào tạo này sẽ nhằm mục tiêu thông báo cho các tham dự viên về những phát triển mới nhất của khoa chú giải và của khoa thần học luân lý. Ðiều này sẽ giúp cho việc giảng dậy trong các chủng viện việt nam được hòa hợp hơn với những chiều hướng suy tư công giáo hiện nay. Trong thời gian ở Paris, các linh mục việt nam sẽ tiếp xúc với một số nhân vật của tổng giáo phận Paris, cũng như với các vị hữu trách trong các xứ đạo và các hiệp hội công giáo. Họ cũng sẽ đi hành hương Lộ Ðức, Lisieux và Saint-Loup sur Thouet, quê hương của Thánh Théophane Vénard (Ven), tử đạo ở Việt Nam năm 1861 (đời vua Tự Đức ngày 2-2-1861 tại Ô Cầu Giấy). Trong chương trình khóa đào tạo cũng đã được tiên liệu một cuộc viếng Phòng Tử Ðạo và việc tham dự lễ nghi cử hành sinh nhật thứ 350 của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris.

Khóa tu nghiệp thần học dành cho các giáo sư đại chủng viện này đi song hàng với những công việc mà một ủy ban đặc biệt soạn thảo chương trình đào tạo linh mục đã thực hiện từ hơn một năm nay. Chương trình này bao gồm thời gian tiền huấn ở chủng viện và việc đào tạo liên tục sau chịu chức. Một dự thảo chương trình đang được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Ðức Cha Chương. Dự thảo này chắc sẽ hoàn tất vào tháng mười, để kịp đệ trình lên Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 03 năm 2009. Sau khi Tòa Thánh đã chấp thuận, bản dự thảo chương trình sẽ được ấn hành vào năm 2010, năm thánh kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm ở Việt Nam.

(Nguồn: Eglise d’Asie – 15 tháng 05 năm 2008)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tâm sự của em Trường Mẫu giáo Măng Non Nguyễn thị Diệu
Măng Non
12:00 16/05/2008
TÂM SỰ CỦA TRƯỜNG MẪU GIÁO MĂNG NON
32 BIS NGUYỄN THỊ DIỆU – 1


Thưa Quý vị, tôi đến từ thế giới bên kia, tên tôi là Măng Non, tên chính thức theo chứng minh nhân dân nhà nước cấp, nhưng tôi vẫn thích cái tên “Jardin d’enfant” có nghĩa là Vườn Trẻ, vốn là tên Mẹ tôi đặt khi tôi vừa sinh ra. Tôi sống ở số 32bis Trương Minh Ký, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, nay là 32bis Nguyễn Thị Diệu. Tôi sinh năm 1958 và qua đời năm 1997, như nạn nhân của một vụ thanh toán có tính toán trước sau.

Tôi hãnh diện về cái tên “Jardin d’enfant”, không phải vì tiếng Tây, nhưng vì Mẹ tôi là bà đầm thương trẻ em Việt. Mà nó đâu có gì “quý tộc”, chỉ là vườn cho trẻ em chơi thôi mà, đâu có đẹp như tên của các ngôi sao, như tên các trường to lớn, đạt tiêu chuẩn Quốc gia. Bởi tôi sinh ra và lớn lên trong một làng nghèo, chỗ của người dân lao động nên Mẹ tôi đặt cho tôi cái tên “cúng cơm” này cho phù hợp với số phận các trẻ nhỏ đến với tôi. Vâng, trẻ em nhà nghèo thì gần gũi với nơi có thể tung tăng chạy nhảy hơn là một Trường có cổng khang trang, có chỗ cho xe hơi ra vào. “Vườn trẻ”, nơi trẻ đến chơi mà học, học mà chơi. Đọc đến đây chắc quý vị cho là tôi xuyên tạc sự thật. Xin thưa, không sai tí nào, quý vị có thể kiểm chứng thông tin này qua những vị cao tuổi trước đây sống ở Quận 3 vào những năm 1975.

Tôi tâm niệm: mình sinh ra, sống là để cống hiến cho các mầm non của đất nước, đặc biệt của các trẻ em nghèo, xấu số. Thời gian, sức khỏe, khả năng của tôi là thuộc về các em. Tôi không có quyền hoang phí cơ hội và khả năng mà Mẹ tôi ban tặng cho tôi. Có thể nói, tuổi thơ và thời thanh thiếu niên là quãng thời gian đẹp nhất trong đời tôi. Đẹp không phải vì tôi có nhiều hoài bão và mộng mơ, nhưng vì đã sống gắn bó, cưu mang, che chở cho biết bao mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ.

Sáng sáng, tôi hân hoan chào đón các trẻ em đến với tôi. Dù em đen đủi, quần áo lem luốc, tôi luôn mở rộng vòng tay. Những ngày đầu đến trường, các em không ngần ngại hòa tấu cho tôi nghe tiếng gào thét, chen lẫn tiếng khóc rên rỉ, thút thít gần xa. Các bàn tay nhỏ xíu, có khi còn vướng thức ăn hay bụi bặm, cứ thế thản nhiên mân mê lấy mình tôi. Rồi cả những giọt nước mắt nóng hổi cũng rơi rớt trên bàn chân tôi. Những lúc ấy tôi thầm cầu mong cho ngày mau hết để bọn chúng gặp lại mẹ cha.

Thời gian trôi qua, trẻ nhỏ trở thành một phần không thể thiếu trong đời tôi. Ngày ngày, tôi nghe tiếng em hát, em cười. Tôi say sưa nhìn em múa, em nắn đất sét với đủ loại trái cây. Thú thật, có lần tôi không thể hiểu được em đang vẽ quả gì, nắn quả gì. Giống như quả cam. Nhưng màu tím, giống trái ớt nhưng lại màu nâu. Mù tịt ! Phải nghiêng đầu hỏi nhỏ vào tai em, khi ấy tôi mới thấy mình thật ngớ ngẫn. Trẻ em có lý lẽ riêng của nó. Tất cả là hồn nhiên và không thể xóa nhòa trong ký ức tôi, dầu hơn 40 năm trôi qua.

Mỗi kỳ hè là thời gian buồn bã nhất trong đời tôi. Đối với phụ huynh, 2 tuần, một tháng là quá xá. Họ không thể canh các chú em lâu hơn. Nghịch ngợm và chạy nhảy ! Nhưng với tôi, nó là cả thế kỷ. Các Nữ tu biết thế, nên không bỏ tôi một mình. Kỳ hè là lúc họ may đồ mới cho tôi, gắn lên áo tôi những bông hoa mới. Cắt lại mái tóc cho tôi. Chưa hết họ an ủi tôi rằng, phải có thời gian để trẻ chơi đùa, gắn bó với các anh em, cha mẹ. Rằng tôi cũng phải nghỉ ngơi, thư giản và bổ sức để tiếp tục sứ mạng cao quý của mình.

Thấm thoát biết bao năm đã trôi qua, tôi chứng kiến biết bao trẻ đã đến trong bộ mặt bánh bao chiều và ra trường trong bộ đồ xúng xính cử nhân bé xíu với khuôn mặt rạng rỡ. Thú thật tôi không thể cầm lòng mỗi lần tiễn các em đi. Dẫu biết rằng, em ra đi thì có lợi cho em và cũng có lợi cho tôi. Nhờ thế, tôi mới là nơi nương tựa và lớn lên trong của hàng trăm em, hàng ngàn em nhỏ. Em lớn lên không chỉ về tri thức, nhưng cả về tâm hồn. Em sẽ ghi khắc trong lòng hình ảnh các “người thầy” với chiếc khăn trắng che đầu. Khắc vào mãnh giấy trắng tâm hồn mình gương sáng về tình yêu, sự hy sinh quãng đại, lòng vị tha mà em đã “nuốt lấy” trong những năm đầu đời. Thế mà, có ai đó đã bảo rằng “tôi vô dụng và nguy hiểm” nếu tiếp tục nằm trong tay các ma soeur. Phải tẩy sạch bộ não của nó. Còn không thì giết nó đi ! Ôi, những ngày đen tối sắp đến. Tôi hồi hộp, lo âu chờ tin dữ…
 
UBNH tỉnh Vĩnh Long giải quyết phi lý vụ khiếu nại của Dòng Thánh Phaolô
Lý Hành Giả
12:05 16/05/2008
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG ĐÃ PHẠM PHÁP NHƯ THẾ NÀO
KHI BÁC ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA CÁC NỮ TU DÒNG THÁNH PHAOLÔ
(bài 2)

Giữa lúc đang đọc tài liệu chuẩn bị cho bài viết này, được một bạn đọc ở Vĩnh Long gọi điện báo tin khẩn cấp:

UBND TỈNH VĨNH LONG CHO PHÉP CÔNG TY DU LỊCH SÀI GÒN – VĨNH LONG KHỞI CÔNG XÂY DỰNG KHÁCH SẠN 4 SAO TẠI ĐẤT TU VIỆN DÒNG THÁNH PHAOLÔ VÀO NGÀY 19-05-2008 SẮP TỚI!!!

Như vậy càng rõ ràng minh chứng cho mọi người thấy sự thật về cách hành xử của UBND tỉnh Vĩnh Long trong việc giải quyết khiếu nại của các nữ tu dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long suốt 6 năm qua. Một cách hành xử vừa phi pháp lại vừa phi nhân, hơn nữa, lại còn chà đạp người dân thấp cổ bé miệng.

Cách hành xử của UBND tỉnh Vĩnh Long hoàn toàn đi ngược với những khẩu hiệu vốn được treo đầy đường: CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN.

Mọi người chỉ cần lấy sự việc Tu viện Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long bị UBND tỉnh Vĩnh Long chiếm, rồi cho Cty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Vĩnh Long xây làm khách sạn, thì đủ hiểu sự mỉa mai của khẩu hiệu vốn được không ít cán bộ thuộc lòng. Khẩu hiệu CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN.

Khi dân đòi lại của cải tài sản bị chiếm dụng, lãnh đạo tỉnh bảo: CỦA NHÀ NƯỚC.

Khi dân yêu cầu làm rõ vì sao lại xây khách sạn trên đất tu viện, lãnh đạo tỉnh trả lời: DO YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG.

Khi dân thắc mắc cơ sở tu hành có mặt tại Vĩnh Long hàng thế kỷ nay, sao lại phải nhường chỗ cho việc kinh doanh kiếm lời, lãnh đạo tỉnh đáp: VÌ SỰ NGHIỆP LÀM GIÀU CHO… TỈNH NHÀ!

Những chữ CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN vốn rất tốt đẹp, thì đang bị những người trong các cơ quan quyền lực của nhà nước, như UBND tỉnh Vĩnh Long, làm cho biến nghĩa, trở nên rỗng tuếch, mang tính hô khẩu hiệu, không còn đúng thực chất, hoặc đang mang nét nghĩa mới, đầy tính tiêu cực: sự làm giàu của một số kẻ đặc quyền đặc lợi.

Những từ ngữ sáo rỗng, thường xuyên xuất hiện trong các diễn văn, luôn luôn có mặt trong mọi huấn từ, chỉ thị của lãnh đạo với tần số rất cao, nghe đến nhàm tai nhân dân như phát triển, sự nghiệp, làm giàu, vì lợi ích của nhân dân, chăm lo cho đời sống nhân dân…

Trong khi đó, nhân dân dài cổ chờ đợi những quyết định cụ thể, thực tế, hữu hiệu, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của con người, thể hiện tinh thần trọng sự thật, kính lẽ phải, chuộng đạo, mộ đức… thì chờ mòn mỏi suốt gần 40 năm qua cũng vẫn chưa thấy.

Thực ra, nói cho công bằng, thảng hoặc cũng thấy đây đó vài gương sáng về đạo đức của kẻ làm đầu. Nhưng cái số người ít ỏi ấy lại chỉ làm cho lòng thêm đau về tính cách phi mực thước của những nguòi lẽ ra phải rất mẫu mực. Mẫu mực tuân thủ pháp luật, mẫu mực trọng kính nhân dân, mẫu mực làm đầy tớ nhân dân.

Những gì đang diễn ra trong những ngày này ở Vĩnh Long, khi mà Cty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Vĩnh Long đang hí hửng chuẩn bị cho việc khởi công xây tòa nhà KS bốn sao, thì mọi người chỉ còn biết lắc đầu, ngán ngẩm vì UBND tỉnh Vĩnh Long vẫn giữ thái độ thản nhiên, lạnh lùng, thờ ơ, dửng dưng trước sự thật tưởng chừng không thể chối bỏ, vậy mà đã bị UBND tỉnh Vĩnh Long phủ nhận một cách dễ dàng: ĐỊA CHỈ SỐ 3 TÔ THỊ HUỲNH LÀ CƠ SỞ CỦA TU VIỆN DÒNG THÁNH PHAOLÔ.

Sự thật đơn giản ấy đã bị UBND tỉnh Vĩnh Long cố tình bẻ cong, xuyên tạc trong những văn bản mệnh danh pháp lý nhưng thực sự chỉ là những hành vi phạm pháp, khi dàn dựng một kịch bản vụng về nhằm chiếm đọat một tu viện, rồi biến nó thành một khách sạn với mục đích kiếm chác.

Phạm pháp ngay trong những văn bản mang tính pháp lý!

Sự thật trớ trêu này đã tồn tại ở Vĩnh Long trong 31 năm qua, kể từ cái ngày lực lượng an ninh võ trang xông vào một nhà tu nữ (x. bài của Người Lục Tỉnh).

Đồng thời với tính chất phạm pháp, UBND tỉnh Vĩnh Long còn bộc lộ dấu hiệu vi phạm nhân quyền.

Vi phạm nhân quyền ngay trong những văn bản trả lời về quyền lợi hợp pháp của nhân dân!

UBND tỉnh Vĩnh Long đã vi phạm pháp luật như thế nào khi ban hành Quyết định 1761?

I. NỘI DUNG CHÍNH CỦA QUYẾT ĐỊNH 1761

Ngày 26 tháng 7 năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định số 1761 mang tiêu đề (trích nguyên văn):

QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Ánh, ngụ số 14, đường Hùng Vương, phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Đây là quyết định cấp tỉnh, giải quyết đơn khiếu nại của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long do nữ tu Nguyễn Thị Ánh (tỉnh dòng Mỹ Tho) đứng tên, yêu cầu tỉnh Vĩnh Long trả lại tu viện cho các nữ tu ở số 3 đường Tô Thị Huỳnh (thị xã Vĩnh Long).

Trả lời các nữ tu, UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định 1761.

Quyết định 1761 của UBND tỉnh Vĩnh Long dài ba trang A4 nhưng chỉ có một nội dung chính (trích nguyên văn):

“Không thừa nhận việc bà Nguyễn Thị Ánh, ngụ số 14, đường Hùng Vương, phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đại diện nữ tu khiếu nại đòi lại cơ sở tại số 3, đường Tô Thị Huỳnh, phường 1, thị xã Vĩnh Long (Khoa nhi bệnh viện đa khoa cũ) do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng theo chính sách từ năm 1975 đến nay”.

II. TÍNH PHẠM PHÁP CỦA QUYẾT ĐỊNH 1761

1. PHẠM PHÁP về những căn cứ

a/ Những căn cứ được UBND tỉnh Vĩnh Long nêu ra:

QĐ 1761 của UBND tỉnh Vĩnh Long dựa trên những căn cứ pháp lý sau:

- Luật khiếu nại – tố cáo 1998 và Bản sửa đổi 2004.

- Luật đất đai 2003.

- Tờ trình của Chánh Thanh tra Tỉnh ngày 29-3-2005.

b/ Sự phạm pháp của UBND tỉnh Vĩnh Long khi sử dụng căn cứ pháp lý:

- UBND tỉnh Vĩnh Long đã cố tình xuyên tạc, chà đạp và chống lại luật pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam khi vận dụng Luật đất đai 2003.

Luật đất đai 2003 được UBND tỉnh Vĩnh Long viện dẫn, tại khoản 2, điều 10 quy định (dẫn theo QĐ 1761):

“Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách của Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam”.

Rõ ràng UBND tỉnh Vĩnh Long đã ngang nhiên chống luật, vì:

• Tu viện dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long không thuộc diện “đất đã được giao theo quy định của nhà nước cho người khác sử dụng” chiếu theo Luật đất đai 2003 đã trích dẫn.

• Các nữ tu có quyền đòi lại cơ sở tu viện bị UBND tỉnh Cửu Long (cũ) chiếm đoạt, mặc dù họ cũng đồng thời có quyền kiện UBND tỉnh Cửu Long (cũ) ra tòa về hành vi phạm pháp này, nhưng lại chỉ sử dụng quyền công dân ở mức độ khiếu nại.

Như vậy việc UBND tỉnh Vĩnh Long bác bỏ quyền của công dân được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt phải bị kể là hành vi phạm pháp, hơn nữa còn phạm pháp ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, vì đây là hành vi của những người được nhân dân trao nhiệm vụ bảo đảm cho luật pháp được thực hiện (x. Luật tổ chức hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 2003).

- UBND tỉnh Vĩnh Long đã thông đồng, tạo sức ép, ngăn cản việc thực hiện chức năng thanh tra của Cơ quan Thanh tra nhà nước Tỉnh, bằng cách chỉ đạo cho Thanh tra kết luận theo hướng có lợi cho UBND tỉnh Vĩnh Long.

Trong QĐ 1761, nội dung kết luận của Thanh tra, được UBND tỉnh Vĩnh Long viện dẫn, rõ ràng là được viết ra theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Xin trích dẫn nguyên văn “nội dung kết luận của Thanh tra” để rộng đường dư luận:

“Nguồn gốc cơ sở tại số 03, Tô Thị Huỳnh, phường 1, thị xã Vinh Long trước năm 1975 là Cô nhi viện, do Dòng Thánh Phaolô quản lý, nơi nuôi dạy trẻ mồ côi. Đến sau giải phóng 30/4/1975, thực hiện quy định tại mục I, mục II, Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị và các tỉnh phía Nam, ngày 06/9/1977, UBND tỉnh Cửu long đã ban hành Quyết định số 1958 với nội dung: quản lý toàn bộ cơ sở (bất động sản và động sản) của Cô nhi viện tại số 3, đường Tô Thị Huỳnh, thị xã Vĩnh Long và sử dụng làm khoa Nhi, bệnh viện đa khoa tỉnh”.

Đọc kết luận được trích trên đây của Cơ quan Thanh tra, ai cũng thấy rõ sự phạm pháp của UBND tỉnh Vĩnh Long:

• UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo cho Cơ quan thanh tra viết kết luận theo ý mình.

• Như vậy Cơ quan Thanh tra không hề có động thái tác nghiệp, vì chỉ cần một thanh tra viên tập sự cũng có thể dễ dàng xác minh cơ sở số 3 Tô Thị Huỳnh không phải là cô nhi viện mà chính là một tu viện có hoạt động từ thiện nuôi trẻ mồ côi (có thể thấy rõ đặc điểm của một tu viện ngay trong biên bản được Công an tỉnh lập, khi khám xét nhà dòng năm 1977: có phòng làm việc của tu sĩ, có phòng ngủ của tu sĩ, có Nhà nguyện – đọc kinh, có bàn thờ, đồ lễ… Những vật dụng đặc trưng của một tu viện mà không thể tìm thấy ở bất kỳ cô nhi viện nào).

• Ngăn cản hoạt động độc lập của Thanh tra Nhà nước, UBND tỉnh Vĩnh Long phạm tội cản trở người thi hành công vụ.

• Gợi ý cho Thanh tra viết kết luận có lợi cho mình, UBND tỉnh Vĩnh Long phạm vào tội “lôi kéo người khác cùng phạm tội”.

• Chỉ đạo cho Thanh tra viết kết luận có lợi cho UBND tỉnh Cửu Long (cũ) nhằm biện bạch cho hành vi và quyết định sai trái của Ủy ban này, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phạm vào tội “cố tình che giấu tội phạm”.

2. TÍNH PHẠM PHÁP CỦA CHỦ THỂ VĂN BẢN trong lúc thi hành nhiệm vụ soạn thảo văn bản pháp lý

UBND tỉnh Vĩnh Long là chủ thể của văn bản pháp lý Quyết định 1761.

Là chủ thể của một văn bản pháp lý, UBND tỉnh Vĩnh Long phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung của văn bản.

Những phân tích trên đây cho thấy Quyết định 1761 đã được soạn thảo trong tình trạng phạm tội của chủ thể - được viết ra nhằm che đậy tội lỗi, lấp liếm những sai phạm.

Hơn nữa, qua những nội dung xuyên tạc sự thật, cố tình bóp méo thực tế, dàn dựng kịch bản để chuẩn bị cho một hành động trái pháp luật tiếp theo (xây dựng khách sạn), bôi nhọ danh dự của công dân là các nữ tu, chủ thể văn bản là UBND tỉnh Vĩnh Long không thể trốn tránh trách nhiệm phải trả lời trước pháp luật về việc đã không chu toàn bổn phận của người cán bộ nhà nước. mà chỉ chăm chăm đàn áp nhân dân và lừa dối cấp trên.

Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Long không thể không trả lời trước nhân dân vốn là người chủ thực sự của mình, còn mình chỉ là đầy tớ, công bộc, vậy mà trong ngần ấy năm, hết thế hệ Ủy ban này đến thế hệ Ủy ban khác, chỉ một con đường xa rời quần chúng, thoát ly hiện thực đời sống nhân dân, làm ngơ trước sự thật.

Tóm lại, việc soạn thảo QĐ 1761 là một hành vi phạm pháp của UBND tỉnh Vĩnh Long.

Hành vi phạm pháp này lại nhận được sự tán thưởng của Bộ Xây dựng.
Phạm pháp được tiếp nối bằng phi pháp.
Phạm pháp chồng lên phạm pháp.

Ngày 19-5-2008 sắp tới UBND tỉnh Vĩnh Long bật đèn xanh cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Vĩnh Long khởi công xây dựng khách sạn 4 sao tại đất tu viện Dòng Thánh Phaolô.

Quả thật kẻ phạm pháp lại tiếp tục bất chấp và thách thức dư luận.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mơ Một Cánh Chim
Đặng Đức Cương
00:19 16/05/2008

MƠ MỘT CÁNH CHIM



Ảnh của Đặng Đức Cương

Tôi muốn làm cánh chim trời

Bay về quê cũ thăm quê hương tôi

Nơi đó tôi có bạn bè

Có giòng sông cũ có lũy tre xanh..

(Trích ca khúc Cánh Chim Trời của Linh Giang)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền