Ngày 17-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
01:16 17/05/2019
10. Thánh đức của người Ki-tô hữu, chính là vì yêu mến Đức Chúa Giê-su mà chịu đau khổ. (Thánh Philip Neri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
01:48 17/05/2019
ĐỊA NGỤC TRỊ TỘI

Có một người chết rồi sống lại nói:

- “Lúc vào âm phủ tận mắt thấy diêm la vương đang xét hỏi Lý thị: Năm nọ có nhiều người bị khốn, mày chỉ sai vạn người tiếp ứng, quả bất địch chúng đến nổi hại cả sinh mạng con người; lại có năm nọ đói khát, mày không mở kho lương thực, người chết đói vô số; mày lại không điều tra kỷ càng nên nạn lụt nạn hán do đó mà phát sinh, dân chúng bị hại, nên bị phạt trong hỏa ngục là chính đáng”.

Lý thị cúi đầu nhận tội, diêm la vương lập tức sai tiểu quỷ áp váo trong ngục a tỳ.

Ông Hão Huyền sau khi nghe được thì thở dài nói:

- "Giả như mà có kiểu xét tội như thế, thì trong âm phủ vẫn còn phải làm nhiều thêm vài địa ngục nữa !?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 13:

“Giả như mà có kiểu xét tội như thế, thì trong âm phủ vẫn còn phải làm nhiều thêm vài địa ngục nữa !?”

Đúng là phải thêm vài tầng địa ngục nữa, mới có thể chứa hết những người mắc tội lỗi đức bác ái với anh em chị em của mình, bởi vì trên thế gian này vẫn có rất nhiều người sống như loài thú giữa anh em chị em mình đồng loại của mình, họ sống mà như không biết người lân cận bên cạnh mình là những ai, nghĩa là họ dửng dưng với hết mọi người...

Làm thêm vài tầng địa ngục nữa thì cũng không thể chứa hết người tội lỗi đức bác ái với tha nhân, bởi vì giữa một xã hội văn minh này, người ta chỉ biết có hưởng thụ và có khi hưởng thụ trên xương máu của tha nhân.

Làm thêm vài tầng địa ngục nữa, thì cũng không thể chứa hết những người coi thường tình yêu của Thiên Chúa mà lỗi đức bác ái với tha nhân, bởi vì với phương tiện truyền thông hiện đại của ngày hôm nay, mà vẫn còn có rất nhiều người giả điếc làm ngơ trước những đau khổ của tha nhân...

Không có diêm la vương phán xét, cũng chẳng có quỷ phán xét, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng quyền uy xét xử nhân loại về luật yêu thương mà Ngài đã dạy cho họ qua Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô mà thôi.

Đúng là “kính mến Thiên Chúa và yêu thương người như chính mình” là hai điều răn trọng nhất vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Yêu như Chúa yêu
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:19 17/05/2019
Chúa Nhật V Phục Sinh năm C

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).

Điều quang trọng nhất trong lệnh truyền của Chúa Giêsu không phải là “yêu thương nhau”. Tuy tình yêu đã là cần thiết, tình yêu thương nhau đã là điều không thể thiếu trong đời sống con người.
Nhưng vượt lên trên tất cả mọi tình cảm, tình yêu mà con người phải có khi sống với nhau, trở thành điều quang trọng nhất, trở thành mệnh lệnh của trời cao trao cho người trần thế, trở thành giới răn quang trọng nhất của ơn cứu độ mà Chúa đòi hỏi, trở thành dấu chỉ giúp mọi người có thể nhận ra người môn đệ của Chúa Giêsu, đó là: “Hãy yêu như Thầy đã yêu”.

Bằng mệnh lệnh YÊU NHƯ THẦY, Chúa muốn chúng ta yêu nhau bằng chính tình yêu của Chúa. Điều này khó. Nó như một thách thức lớn cho sự phấn đấu của bản tính nhân loại.

Nhưng khó không có nghĩa là không thể thực hiện. Nhiều anh chị em của chúng ta đã sống bằng chính tình yêu của Chúa cách hết sức anh dũng. Họ đã làm được. Chúng ta tin rằng, một khi thấm nhuần lời Chúa dạy, chúng ta cũng sẽ làm được, cũng sẽ anh dũng như họ.

Câu chuyện về thánh Maximilien Kolbe mà nhiều người biết đến sẽ như một minh chứng cụ thể cho lối sống “yêu như Thầy” của mỗi người chúng ta.

Nhắc lại cái chết của linh mục Maximilien Kolbe, người Balan, được vị giáo hoàng đồng hương của Cha, Đức Gioan Phaolô II phong thánh năm 1982, là nhắc tới thời gian kinh hoàng nhất của lịch sử loài người.

Đó chính là giai đoạn diễn ra chiến tranh thế giới lần thứ II, trong đó sự man rợ và diệt chủng của Đức quốc xã gây ra, muôn muôn đời thế giới khó có thể quên được.

Thánh Maximilien Kolbe thụ phong linh mục năm 1918. Cha đã hai lần bị Đức quốc xã bắt. Lần đầu bị bắt năm 1940, bị giam tại trại Oranienburg. Lần thứ hai Cha bị bắt ngày 17.2.1941 và bị giam tại trại tập trung Auschwitz.

Đây là một nhà tù hãi hùng nhất bao gồm mọi hình phạt và kỷ luật sắt ghê gớm, độc ác dành cho các tù nhân. Mỗi tù nhân không còn được mang tên mình, thay vào đó là những con số. Cha Maximilien Kolbe mang số tù binh là 16.670.

Tại nhà tù này, Đức quốc xã đưa ra một quy định hết sức oan nghiệt: Nếu có một tù nhân trốn trại, thì mười người khác phải chết thay. Rất nhiều tù nhân là nạn nhân của thứ luật lệ hãi hùng này. Cha Maximilien Kolbe cũng trở thành một trong những nạn nhân ấy.

Đó là một buổi chiều tháng 8.1941, một người tù đã vượt ngục thành công. Thế là mười người khác bị chỉ định chết thay cho anh. Trong số mười người này có anh lính Gajowniczek. Anh kêu khóc thảm thiết vì anh còn mẹ già, còn vợ, còn con thơ không ai nuôi dưỡng.

Trước thảm cảnh đó, vì lòng yêu mến Chúa, yêu thương con người, Cha Maximilien Kolbe đứng ra xin được chết thế cho anh lính tội nghiệp kia. Được chấp nhận, Cha cùng đoàn tử tù bước vào phòng hơi ngạt số 14.

Hôm sau, người ta mở cửa phòng để lôi xác ra ngoài, nhưng Cha Maximilien Kolbe còn thoi thóp, người ta chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.

Tấm gương chết thay cho người bạn tù và người bạn tù vượt ngục của cha Maximilien Kolbe dạy ta can đảm sống điều răn mới của Chúa. Từ nay, người Kitô hữu có sống là sống cho Chúa, cho anh chị em của họ. Họ có chết cũng là chết cho Chúa và cho anh chị em.

Cách chung, trong đời sống hằng ngày, ta có thể thể hiện lối sống “yêu như Thầy” bằng tất cả những nghĩa cử yêu thương, đón nhận như: làm hòa với kẻ ghét mình; cầu nguyện cho những ai thù nghịch mình; luôn sống mối phúc thứ bảy là gây bầu khí hòa thuận chứ không xung khắc bất hòa; hay bằng những việc hy sinh, phục vụ nhằm xây dựng và kiến tạo đời sống…

Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu. Nhận lãnh điều răn mới hãy “yêu như Thầy”, người Kitô hữu có nhiệm vụ mang tình yêu ra đi biến sa mạc thành đồng xanh màu mỡ.
 
Suy niệm Chúa nhật V Phục Sinh năm – C : Yêu Như Chúa Yêu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:05 17/05/2019
( Ga 13, 31-35 )

Chúa Nhật thứ V Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta đọc và gẫm suy về những lời chăng chối của Chúa Chúa Giêsu Kitô ban truyền trước khi Người đi về Trời. Quả thật, nếu chúng ta muốn về Trời với Chúa, chúng ta phải thực hành điều Chúa truyền dạy trong đời sống : “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

Chúa dạy : “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Chúng ta tự hỏi, phải chăng chúng ta dùng những tình cảm tự nhiên để yêu thương như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ, đồng lớp đồng niên yêu nhau, nam nữ yêu nhau là khác với tình yêu Đức Kitô đã yêu chúng ta sao mà Đức Giêsu còn dạy chúng ta phải : Yêu như Thầy đã yêu anh em ?

Xem và nghe video bài giảng

Vậy, “yêu như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào, có gì mới mẻ chăng ? Xem ra chữ “như” có chất chứa hy sinh khi yêu, có nét mới mẻ và đáng sợ, vì chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Thánh Augustinô viết : khi nói “Yêu như Thầy đã yêu anh em” là Đức Giêsu nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ với hy sinh và tha thiết : “Không có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,9). Chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Đức Giêsu đã yêu các môn đệ nói riêng, và con người nói chung bằng tình yêu hiến mạng. Nay Người đòi buộc các môn đệ, cụ thể là chúng ta phải yêu nhau đến mức đó. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta phát xuất từ Chúa Cha : “Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy” (Ga 15,9). Như vậy là có một nguồn suối tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, và tiếp tục chảy tràn xuống các môn đệ, dòng suối ấy không ngững chảy trên chúng ta, nếu chúng ta giữ lại, tình yêu đó sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp, nên chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta, yêu mến Thiên Chúa hết lòng để đáp lại tình yêu Chúa, “Thầy ban cho các con một điều răn mới” là thế đấy.

Thánh Augustinô nói tiếp : “Yêu như Thầy đã yêu anh em”, khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Bởi : “Các bộ phận vì ích chung mà đùm bọc lấy nhau. Cho nên một bộ phận phải đau, thì hết các bộ phận đau chung; một bộ phận được vinh, thì hết các bộ phận vinh chung!” (1Cr 12,25-26). Thật vậy, ai nghe điều răn này, hay đúng hơn là ai tuân giữ lời này, họ sẽ được biến đổi trở nên đồng thừa tự với Chúa Giêsu. Họ yêu thương nhau không đơn giản với bản tính tự nhiêu, nhưng vì họ là “thần” (Jn 10,35) nên tất cả họ yêu nhau và “họ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35). Họ yêu thương nhau là vì họ được Đức Kitô yêu thương. (Trích bài giảng Tin Mừng Gioan, số 65). Tình yêu vì Chúa.

Chúng ta thấy, cuộc sống cần tình yêu, nhân loại cần tình yêu, mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người không trừ ai. Nên có bao nhiêu tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiều phim truyện, tiểu phẩm, bài hát là bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực : thơ ca, hò vè, quảng cáo.v.v...

Sống ở trên đời có trăm bẩy loại tình yêu, tôi xin tạm liệt kê. Chúng ta tự hỏi, tại sao cha mẹ lại yêu con cái và con cái lại yêu cha mẹ. Thưa là vì ông bà ấy là người sinh ra chúng, chúng là con của ông bà đó. Đây là tình yêu huyết tộc. Ngày nay phú quí sinh lễ nghĩa, đay đó chúng ta gặp những buổi hội ngộ đồng niên, đồng lớp, đồng ngũ, đó là thứ tình đồng niên, bạn bè cùng lớp cùng tuổi mến thương nhau. Một loại tình yêu lấn át mọi thứ tình yêu, khi nói đến người ta nghĩ ngay đến nó, nhất là những người trẻ, đó là tình yêu nam nữ. Đây là tình yêu đơn phương, vì con người yêu nhau. Tình yêu đôi lứa, tình yêu bạn bè, tình yêu đồng đội, tình yêu của anh chị em một nhà... tình yêu của cha mẹ với con cái. Tất cả những tình yêu đó đều cao đẹp, đều phù hợp ý Chúa.

Một thứ tình yêu cao thượng mà Chúa dạy chúng ta là tình yêu vì Chúa. Kinh Kính Mến chúng ta vẫn đọc : “...vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy”. Như thế, tình yêu của chúng ta không còn giới hạn bởi huyết tộc, bạn bè quen biết, mà mở rộng tới hết mọi người, tôi yêu họ vì Chúa yêu tôi và truyền dạy tôi .

Yêu thương là điều Chúa dạy, hơn nữa đó là lệnh truyền của Chúa : “Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau” (Ga 13,34). Vì thế không ai có quyền từ chối yêu thương, càng không có quyền thù nghịch anh chị em mình. Có yêu nhau thật lòng, người ta mới có thể sống cho nhau, chết vì nhau. Thử tưởng tượng, một thế giới không có tình yêu, không ai yêu ai, thì thế giới sẽ kinh khủng biết chừng nào. Bởi đi tới đâu, ta cũng chỉ thấy thù hận, bạo động, diệt chủng... Hãy yêu thương, hãy trao tặng cho nhau tình yêu thật lòng để cuộc đời đáng yêu và đáng sống. Tình yêu sẽ làm cho cả người đang yêu lẫn người được yêu bình an và hạnh phúc. Hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Như Thầy Đã Yêu Thương
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:13 17/05/2019

Có thể nói rằng Kitô hữu chúng ta vốn không xa lạ gì với giới răn mới mà Chúa Kitô truyền lại: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Nói đến Kitô giáo, cách riêng Công Giáo, người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu ông bà tiên tổ truyền dạy là “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta.

Trong thực tế, cách thế yêu thương cũng có năm bảy đường. Có người chủ trương yêu là cho roi cho vọt, lại có kẻ nghiêng chiều việc thương là cho ngọt cho ngào. Trong đời con cái Chúa cũng không thiếu người sống và hành xử cách khác nhau và nhiều khi như nghịch nhau mà vẫn cho rằng mình đã và đang yêu thương “như Chúa Kitô yêu thương”. Chính vì thế, việc lật mở và lần theo các trang Tin Mừng để xét xem Chúa Kitô đã yêu thương như thế nào là điều mà Kitô hữu cần thực hiện liên lỉ.

Có thể còn nhiều bất cập, nhưng xin mạo muội có một cái nhìn về tình yêu Chúa Kitô đã dành cho nhân loại chúng ta theo tiêu chí “toàn diện và lưỡng diện” như sau:

1. Chúa Kitô yêu thương con người cả phần hồn lẫn phần xác. Khi yêu thương, Chúa Kitô không chỉ chữa lành bệnh tật phần xác như cho kẻ què được đi, người câm nói được, người mù sáng mắt, người phung hủi được sạch… mà Người còn xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi… Chúa Kitô không chỉ ban lời hằng sống mà còn dùng quyền năng để nuôi đám đông dân chúng mà Tin Mừng tường thuật là có lần đến những năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ và có lần khác thì bốn ngàn người đàn ông (x. Lc 7,22; Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).

2. Chúa Kitô quan tâm săn sóc con người cả đời này lẫn đời sau. Khi thi ân giáng phúc cho đám đông dân chúng no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá xong, thì sau đó Người mời gọi họ hãy lo tìm kiếm lương thực đem lại sự sống trường sinh, đó là tin vào Người là Đấng mà Chúa Cha sai đến (x.Ga 6,26-29). Mặc dù biết rằng con người không thể sống mãi ở đời này, Chúa Kitô vẫn thương bà góa nghèo thành Naim, nghĩ đến cảnh côi cút của bà, để rồi ra tay uy quyền cho người con trai duy nhất của bà được sống lại để phụng dưỡng mẹ già (x.Lc 7,11-17).

3. Chúa Kitô vừa khoan dung tha thứ cho người có tội nhưng vừa kiên quyết diệt trừ tội lỗi và lên án các gương mù, gương xấu, đặc biệt khi chúng gây dịp tội cho những người bé mọn. Khi cứu sống người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang, Chúa Kitô đã không kết án chị ấy nhưng lại nghiêm nghị dạy rằng: Hãy về và đừng phạm tội nữa! Trên thập giá, dù khẩn xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại mình vì họ lầm chẳng biết, nhưng trước đó Chúa Kitô vẫn đã từng nhiều lần kết án những người làm gương mù gương xấu, gây cớ vấp phạm cho những người bé mọn, thậm chí Người đã từng dùng những lời gay gắt như kiểu nguyền rủa: “Khốn cho các ngươi…!” (x.Mt 18,5-9; Ga 8,11; Mt 23,1-36; Lc 11,37-54). Và Người cũng đã từng bện dây thừng thành roi để đánh đuổi những người vô tình hay hữu ý biến Đền thờ thành hang trộm cướp, thành nơi buôn bán (x.Ga 2,13-17; Lc 19,45-46; Mc 11,15-17; Mt 21,12-13). Như thế, cần khẳng định rằng Chúa Kitô vừa giáng phúc thi ân không ngơi nghỉ, nghĩa là làm điều tích cực, nhưng Người cũng vừa hết mình chiến đấu với sự dữ, nghĩa là khử trừ những hiện tượng tiêu cực, xấu xa.

4. Khi yêu thương, Chúa Kitô sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn, đau khổ xảy đến cho mình, nhưng Người luôn tìm cách bảo vệ, gìn giữ những kẻ Chúa Cha đã ban cho Người khỏi những sự dữ (x.Ga 10,28; 17,11-12; 18,8-9). Người sẵn sàng đón nhận lời vu cáo, nhưng vẫn công bố lời chân lý trước cả thần quyền lẫn thế quyền (x.Mt 26,59-66; Ga 18,33-38).

Yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta quả là không dễ. Chúng ta đã nghe rằng một nửa sự thật chưa hẳn là sự thật thế mà nhiều khi chính ma quỷ cám dỗ chúng ta trình bày một nửa sự thật hầu để che đậy hoặc hợp pháp hóa một sự giả dối. Một cách tương tự theo nghĩa loại suy thì khi yêu thương nhau “như Chúa Kitô yêu thương” mà chỉ một vế hay một phần thì có thể chúng ta chưa thực sự yêu thương và cũng có thể chúng ta đang bị ma quỷ cám dỗ che đậy “sự vị kỷ” cách tinh tế mà nhiều khi bản thân chẳng biết, chẳng hay.

“Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pharisiêu! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ” (Lc 11,42). Tình trạng “gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà” vẫn có đó nơi nhiều người tưởng rằng mình đang thực thi giới răn mới của Chúa Kitô, trong khi chỉ sống yêu thương cách phiến diện (x.Mt 23,24). Mong sao không một ai trong chúng ta phải hứng chịu lời khiển trách của Chúa Kitô ngày xưa: “Khốn cho các ngươi, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản”(Lc 11,52), vì chúng ta không chỉ sống mà còn giảng dạy giới răn mới của Chúa Kitô một cách không toàn vẹn.

Để kết thúc những dòng chia sẻ trên, xin được bổ sung một tiêu chí để kiểm chứng xem chúng ta đã thực sự giữ giới răn mới của Chúa Kitô như thế nào, vì rất có thể chúng ta đang yêu thương theo kiểu cách của mình mà không như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Đó là khi yêu thương nhau, chúng ta đã cúi xuống trong sự hạ mình và bỏ mình chưa? (x.Ga 13,1-17; Pl 2,5-11).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
09:27 17/05/2019
11. Nếu tôi không nên thánh thì tôi không làm được gì cả. (Thánh Dominic Savio)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
09:33 17/05/2019
CHIM COI ĐỊA LÝ

Có ông thầy địa lý nọ coi mồ mả đất cát cho người ta, khi đi ngang qua một chỗ cây cối rậm rạp thì đột nhiên nghe tiếng chim hót, tiếng chim kêu tựa như nói “hợp bát quái, hợp bát quái”. Ông thầy địa lý tay chân cuống cuồng cả lên, vội vàng nói với tên đầy tớ:

- “Chúng ta chỉ có cách là trở về, gần đây trong giang hồ chim rừng mà cũng biết coi địa lý. !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 14:

Người ta nói có tật giật mình quả không sai, ông thầy địa lý đã giật mình vì tiếng chim kêu giống với điều dị đoan mà ông đang làm: coi mồ mả phong thổ.

Có những cái giật mình làm chúng ta đề phòng như nghe tin nhà hàng xóm bị trộm lấy sạch; có những cái giật mình làm chúng ta phải hối hận chẳng hạn như chúng ta bỏ qua cơ hội giúp đỡ người anh chị em; có những cái giật mình làm chúng ta phải xét mình thống hối như khi nghe tin thằng bạn thân mới qua đời...

Hằng ngày có rất nhiều sự việc làm cho chúng ta phải giật mình vì nó đến cách đột ngột, nhưng chỉ có những ai biết coi tất cả sự việc xảy ra là do thánh ý của Thiên Chúa mới không giật mình mà thôi, họ là ai vậy ?

Họ chính là những người Ki-tô hữu luôn sống Lời Chúa giữa xã hội hôm nay vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

----------------/-

http://www.vietcatholicnews.net

Https://www.facebook.com/jmtaiby

Http://nhantai.info

 
CN 5C Phục Sinh : Giới răn mới : “mới” ở đâu ?
LM Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
22:35 17/05/2019
Từ khi có con người xuất hiện trên địa cầu, thì đã có yêu thương. Yêu thương hạn hẹp nhất là giữa người nam và người nữ, để làm phát sinh ra những con người mới. Yêu thương mở rộng thì coi mọi người là anh em. Khổng Tử với thuyết “tứ hải giai huynh đệ,” Mạnh Tử thì nói rõ hơn bổn phận với những anh em (huynh đệ) đó, bằng thuyết "Kiêm Ái" : Yêu tất cả. Đức Phật với chủ trương từ bi cũng chẳng muốn loại trừ ai ra khỏi quĩ đạo yêu thương. Và trong Cựu Ước, sách Luật Lêvi 19,18 đã ghi rõ lệnh của ĐỨC CHÚA: “Hãy yêu thương người khác như chính mình.” Tức là đâu đâu, thời nào cũng có yêu thương. Vậy tại sao khi nói với các môn đệ trong bữa ăn ly biệt, Đức Giêsu lại nói : Thầy ban cho anh em một điều răn mới, mà chẳng thấy mới ở chỗ nào, vì cũng là nội dung : hãy yêu thương nhau.

Chuyện yêu thương đã xưa như trái đất, cũ như con người mà Chúa Giêsu lại cứ gọi là mới. Vậy vì Chúa cố ý gọi là mới – mới đến nỗi Ngài gọi đó là luật của riêng Ngài : Đây là điều răn của Thầy (Ga 15,12), nên ta thử tìm hiểu xem, giới luật mới, mới ở điểm nào ?

Người ta đã tìm ra được ba, bốn điểm “mới”. Thánh u-cu-tinh cũng có một bài phân tích rất hay về cái mới này : những con người mới hát bài ca mới. Hôm nay chỉ nói 2 điểm. Gọi là Luật mới, vì nó mới trong tư cách và mới trong thế cách.

1) Mới trong tư cách

Khi một quốc gia được tuyên bố độc lập, hoặc khi có cuộc đảo chánh hay thay ngôi đổi chủ, người ta viết một Hiến pháp mới. Hiến Pháp là luật căn bản của một Nước. Nhiều khi cùng một thể chế, nhưng có sự đổi ngôi, thay vị, người ta cũng viết Hiến pháp mới, như Hiến Pháp đệ II Cộng hoà của Việt Nam thời TT Thiệu so với Đệ I Cộng Hoà thời TT Diệm. Ở Pháp có Hiến pháp đệ ngũ cộng hoà thời TT De Gaulle... Những Hiến pháp đó cũng lấy lại những chất liệu trong hiến pháp cũ hay Hiến pháp của những quốc gia tiên tiến… nhưng vẫn mang tên là Hiến pháp mới, Hiến pháp của riêng Nước mình, vì đây là Hiến Pháp của một nước, một dân tộc trong tư cách mới, trong vị thế mới.

Năm 1250 trước Công nguyên tại núi Si-nai, bán đảo Ai cập, Đức Chúa đã ký một giao ước với Mô-sê để thành lập một Dân tộc: Dân Israel – Dân của Chúa. Hiến Pháp của Dân Israel là thập giới ghi trên bia đá. Máu để ký giao ước là máu chiên bò được rảy trên bàn thờ và trên Dân.

1283 năm sau tức năm 33 sau Công nguyên (tạm xem như Chúa Giêsu chết năm 33), Đức Giêsu đã ký một giao ước mới – dĩ nhiên là sẽ có lề luật mới. Luật không ghi trên bia đá nữa, mà ghi trong trái tim bằng Thần khí (Ed 31, 25-28 ) và máu để ký giao ước mới là Máu Chúa : “Này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới.” Tuy Giao ước mà Đức Giêsu ký vẫn còn dây mơ rễ má với giao ước cũ, dân mà Đức Kitô thiết lập vẫn liên tục với dân cũ, nhưng đã được gọi là Dân mới rồi. Dân tộc mới, Giao ước mới, thì lề luật phải mới và người dân sống trong tư cách mới. Công đồng Vatican II mô tả Nước mới, Dân mới này như sau: (x. GH số 9):

Có Thủ lãnh (Tổng thống, Chủ tịch, Vua) là Đức Kitô.

Có biên giới là vô biên (không chỉ gói gọn trong nước Israel)

Có cùng đích là Nước Trời.

Có Hiến Pháp là “điều răn mới”

Có Qui chế – quốc tịch, là chức vị và sự tự do của con cái Chúa.

Vậy ta có thể tóm điểm mới thứ nhất như thế này : Đây là luật mới, vì ở trong một Dân mới là Giáo Hội, một Nước mới là Nước Trời. Và người dân trong nước này có quốc tịch mới, vị thế mới, tư cách mới là con cái Chúa.

Yêu người khác trong tư cách mình là con Chúa, chứ không phải trong tư cách người nô lệ, như nô tì Isaura nữa !

2) Mới trong thế cách

Tức là mới trong cách thế. Nói nôm na hơn, mới nơi chữ “như.”

Khi chúng ta nói đẹp : đẹp như tiên giáng trần, đẹp như Tây Thi, đẹp như Điêu Thuyền… thì khác, mà “đẹp” như Chung vô Diệm thì lại khác xa ! Nó khác, nó mới là ở chữ như.

Khi chúng ta nói về mầu sắc, thí dụ trắng, thì có thể trắng như vôi, trắng như tuyết, trắng như trứng gà bóc… mỗi cái như là một cái khác…

Cũng như căn nhà trước đây ta quét vôi trắng : trắng như vôi. Nay ta cạo vôi ra, xịt sơn nước Thái Lan, ta có căn nhà mới, trắng tinh !

Cũng là yêu thương, nhưng yêu thương trong luật cũ thì “yêu tha nhân như chính mình.” Còn yêu thương trong Luật mới là yêu thương như Chúa yêu ta. “Thầy ban cho anh em giới luật mới là : hãy yêu nhau ‘như’ chính Thầy đã yêu anh em”. Mà Chúa yêu ta với cách thế nào, ta đã rõ : yêu đến cùng. Yêu đến hi sinh mạng sống vì người mình yêu.

Hai người tình, yêu nhau sẵn sàng chết cho nhau ; người mẹ kia bị ung thư đã không hoá trị, xạ trị, để cho bào thai được sống. Khi con đỏ hít hơi chào đời, mẹ trút hơi lìa đời. Con vuông mà mẹ không tròn. Người mẹ đó là nữ thánh Gioanna.

Và xa hơn tình vợ chồng, tình mẹ con, tình bạn, ta có tình đồng loại : người tù số 16670 tại trại tập trung Auschwitz tức linh mục phan sinh Maximilianô Kolbe, người Ba Lan đã chết thay cho người tù khác Francois Ga-jo-nic-zek. Đó là những gương mẫu về chữ như : Yêu người như Chúa yêu ta. Yêu người như Thầy yêu thương.

Có một bà đạo đức kia bệnh nặng. Bạn bè đến thăm an ủi, và cầu nguyện : Lạy Chúa, Chúa biết người này yêu Chúa biết bao! Bà bệnh liền chen vào : Các bạn đừng thưa với Chúa như thế. Các bà có biết khi Maria và Matta đến với Chúa để nói về Lazaro, em họ đang bệnh nặng, các bà ấy nói gì không ? Các bà không thưa với Chúa: thưa Thầy, kẻ yêu Thầy đang bệnh, mà là kẻ Thầy yêu mến đang bệnh. Bà bệnh nói tiếp, không phải tình yêu tôi đối với Chúa làm tôi lành bệnh, mà là tình Chúa yêu tôi làm tôi mạnh sức. Tức là không phải yêu như tôi đây yêu Chúa, mà là như Chúa yêu tôi đây. Tôi yêu Chúa thì có hạn, nhưng Chúa yêu tôi thì vô cùng.

Thánh Phaolo đã nói đến chiều cao, chiều sâu, chiều dài, chiều rộng của tình Chúa yêu con người (x. Ep 3, 18). Và cũng có người đã tìm ra chiều cao, sâu, rộng dài của tình yêu Chúa như thế này :

Yêu người như người yêu người là bậc thấp, là luật cũ của Cựu Ước.

Yêu người như Chúa yêu người là bậc cao, là luật mới của Tân Ước.

Nhưng chúng ta còn được kêu gọi đạt tới cái mới tinh, cái cao chót vót của luật yêu thương nữa. Yêu người như Chúa yêu Chúa : Xin cho họ nên một. Như Cha và Con là một. (Vợ cHồng Yêu nhau nên một, tuy hai là một, nhưng vẫn còn ranh giới vì còn trong thân xác, nên tuy một mà hai. Còn yêu như Chúa Cha yêu Chúa Con trong Chúa Thánh Thần thì nên một trọn vẹn).

Chúng ta phải làm sao, trong Vương Quốc mới, giấy căn cước của ta ghi dấu vết riêng không phải là nốt ruồi trên mép, vết sẹo nơi môi… mà là yêu thương. “Kìa họ yêu nhau đến chừng nào.” (x. Cv 1-2). “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các các yêu thương nhau, … như Thầy yêu các con.”

Trong bản báo cáo dài 98 trang khổ lớn của cha Gaspar d'Amaral viết bằng tiếng Bồ Đào Nha từ kinh đô Thăng Long ngày 31-12-1632 gửi cha bề trên André Palmeiro ở Macao, cha Gaspar chẳng những thuật lại những kết quả truyền giáo lớn lao, mà còn ghi nhận rằng "người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạu yêu nhău". Thật là tuyệt vời! Người lương không biết đặt tên cho nhóm người theo đạo mới này là đạo gì, đã nghĩ ngay đến cách họ sống mà đặt tên : Đạu yêu nhău. Mặc dầu đây là bản văn tiếng Bồ Đào Nha, nhưng tác giả có chêm một số chữ Quốc ngữ thời đó, như đạu, yêu nhău (ley de se amar), đàng ngoày, đàng tlão, đàng tlên ..., là thứ chữ Palmeiro chẳng hiểu gì, cả đến người Việt cũng chưa biết.

Hãy giữ luật mới là "yêu nhau như Chúa yêu," để nhiều người được hưởng lòng Thương Xót của Chúa và gia nhập vào “Đạu Yêu Nhău”.

LM Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
12,000 binh sĩ quốc tế tham dự cuộc hành hương Lộ Đức năm 2019
Vũ Văn An
19:06 17/05/2019


Theo tin CNA, ngày 17 tháng 5, nhân tháng Mân Côi kính Đức Mẹ, 12,000 binh sĩ thuộc hơn 40 quốc gia đã tụ nhau về Lộ Đức, hành hương kính Mẹ Chúa Trời và là Mẹ thân yêu của họ và gia đình họ. Chuyến hành hương này là một phần của Cuộc Hành Hương Quân Sự Quốc Tế Hàng Năm lần thứ 61 và sẽ kéo dài tới Chúa Nhật này.

Cuộc Hành Hương Quân Sự Quốc Tế, viết tắt là PMI [Pèlerinage Militaire International] bắt đầu được tổ chức năm 1958, kỷ niệm 1 trăm năm ngày Đức Mẹ hiện ra với người con gái nghèo hèn của đất nước được mệnh danh là trưởng nữ của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Chủ đề cuộc hành hương năm nay là Cherche la Paix et poursuis-la (Hãy tìm kiếm hòa bình và theo đuổi nó).

Chương trình chuyến hành hương bao gồm các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhiều chương trình thể thao cho các thành viên quân sự và buổi rước kiệu dưới ánh nến. Các người hành hương cũng sẽ viếng các giếng tắm gần Hang Đá Lộ Đức.

Suốt cuối tuần này, các ban quân nhạc sẽ diễn hành qua các phố xá Lộ Đức và các binh sĩ thuộc nhiều quốc gia được khuyến khích tương tác và tìm hiểu nhau.



Phái đoàn quân sự Hoa Kỳ gồm 220 người hành hương, trong đó, có 51 binh sĩ và cựu binh sĩ bị thương trong chiến đấu, và 72 “chiến sĩ hành hương” (warrior pilgrims); họ được sự hỗ trợ của Hội Hiệp Sĩ Columbus và tổng giáo phận quân đội. Đây là năm thứ sáu Hội Hiệp Sĩ Columbus tiến hành chương trình “Chiến Sĩ Hành Hương Lộ Đức”.

Cha Jeff Laible, tuyên úy Không Quân Hoa Kỳ, đã tham gia chương trình hành hương của Hội Hiệp Sĩ Columbus trong 5 năm nay. Năm nay, ngài phục vụ trong tư cách linh hướng của nhóm.

Cha nhận định “Chuyến hành hương thực sự là một dịp để các chiến binh bị thương của chúng ta nhận lãnh ơn chữa lành, và việc chữa lành quả thực diễn ra nhiều cách khác nhau”.

Cha cho biết chuyến hành hương đem lại cho ngài cơ hội chia sẻ “trải nghiệm bình an và ơn chữa lành phát sinh tại đây, ở Lộ Đức” bên cạnh các người phục vụ nam nữ.

Ngài nói “Đây là một nơi đặc biệt đối với tôi. Giống các chiến binh hôm nay đến đây, tôi từng phục vụ tại nhiều cuộc triển khai. Nên tôi đã cảm nghiệm được ơn thánh và sự bình an của việc chữa lành, không những đích thân mà còn nhờ làm việc với các chiến binh bị thương trong 4 năm qua, và chắc chắn cả năm nay”.

Đức cha Joseph L. Coffey, Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận quân đội cũng tham dự chuyến hành hương Lộ Đức năm nay của Các Chiến Sĩ.

Đức Cha Coffey nói với CNA rằng dù đã đến Lộ Đức 2 lần trước đây, nhưng các lần ấy quá vội vã, không phải là một chuyến hành hương kéo dài. Ngài mong có dịp “thực sự sống được cảm nghiệm hành hương tại đây”.

Một phần của chuyến hành hương là việc chữa lành xét dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Dù Lộ Đức nổi tiếng về các vụ chữa lành phần xác rất lạ lùng, Đức Cha Coffey giải thích với CNA rằng điều quan trọng hơn là sức khỏe thiêng liêng của các người hành hương, nhất là các người hành hương quân đội, những người mà một số khá đông phải trải nghiệm nhiều thương tích tâm thần hoặc đạo đức trong thời gian phục vụ.



Ngài nói: “Lẽ dĩ nhiên, một số [người hành hương] từng bị thương tích, thương tật, và đây là nơi tuyệt vời để tìm ơn chữa lành, không phải chỉ chữa lành phần xác, điều mà có lẽ người ta luôn nghĩ tới đầu tiên, nhưng điều còn quan trọng hơn chính là ơn chữa lành phần hồn. Vì một ngày kia, tất chúng ta đều sẽ già đi, bệnh hoạn và chết, trong khi linh hồn chúng ta sống mãi. Nên chúng tôi muốn bảo đảm có được ơn chữa lành tốt về phần hồn, điều mà mình thật cần”.

Đức Cha Coffey tự mô tả ngài là “một giám mục bé thơ” vì mới chỉ được tấn phong hồi tháng 3. Ngay sau khi được tấn phong, Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của tổng giáo phận quân đội yêu cầu Đức Cha đi Lộ Đức thay chỗ cho ngài. Đức Cha Coffey cho hay ngài quá hân hoan khi được bắt đầu thừa tác vụ giám mục bằng chuyến hành hương này. “Tôi hoàn toàn hân hoan và lấy làm vinh dự ngài đã yêu cầu tôi làm việc ấy”.

Là 1 tuyên úy Hải Quân phục vụ chiến đấu trong 18 năm rưỡi nay, Đức Cha Coffey nói với CNA rằng ngài từng hy vọng được tham dự chuyến hành hương này trong các năm trước, nhưng không thực hiện được vì ngài đóng quân ở ngoại quốc. Ngài nghĩ PMI là dịp để tìm các ơn thánh cần thiết cho việc phục vụ đoàn chiên quân đội.

Ngài nói: “Đây thực sự là một cách tuyệt diệu để tôi bắt đầu giai đoạn mới trong đời mình, cách mới để phục vụ Chúa như một Giám Mục. Tôi không thể nào xin được một thời điểm tốt hơn, để được đến đây khi bắt đầu làm giám mục, để cho tôi sức mạnh và sự can đảm làm một giám mục tốt lành”.
 
Chủ đề Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới 2021: Tình yêu gia đình: ơn gọi và một con đường dẫn đến sự thánh thiện
Đặng Tự Do
21:56 17/05/2019
Hôm 17 tháng Năm, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chủ đề cho Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần tới diễn ra tại Rôma vào năm 2021.

Toàn văn thông báo viết như sau:

Tình yêu gia đình: ơn gọi và một con đường dẫn đến sự thánh thiện

Đây là chủ đề được Đức Thánh Cha chọn cho Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới tiếp theo sẽ diễn ra tại Rôma từ ngày 23 đến 27 tháng 6 năm 2021. Nhân kỷ niệm lần thứ Năm công bố Tông huấn Amoris Laetitia, và ba năm sau khi ban hành Tông huấn Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan), chủ đề này được chọn là để nhấn mạnh tình yêu gia đình như một ơn gọi và một cách để nên thánh, và một phương thế để hiểu và chia sẻ ý nghĩa sâu sắc và cứu chuộc của các mối quan hệ gia đình trong cuộc sống hàng ngày. Hướng đến những mục đích này, chúng tôi mời gọi anh chị em tín hữu đọc lại Tông huấn Amoris Laetitia dưới ánh sáng của lời kêu gọi nên thánh được Tông huấn Gaudete et Exsultate đưa ra.

Tình yêu phu phụ và tình yêu gia đình cho chúng ta thấy món quà quý giá của cuộc sống cùng nhau khi sự hiệp thông được nuôi dưỡng và nền văn hóa duy cá nhân, tiêu thụ và hoang phí bị lật ngược. “Trải nghiệm thẩm mỹ của tình yêu được thể hiện trong ‘ánh mắt’ xem tha nhân như những cùng đích trong chính họ” (Tông huấn Amoris Laetitia, 128), đồng thời nhận ra nơi những người khác căn tính gia đình thánh thiêng của họ như là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con, hay những bậc ông bà.

Khi hôn nhân và gia đình định hình một kinh nghiệm cụ thể về tình yêu, chúng thể hiện ý nghĩa cao cả của mối quan hệ nhân bản; và những vất vả của cuộc sống được chia sẻ trước những bất trắc của đường đời; và con người được dẫn dắt hướng tới một cuộc gặp gỡ với Chúa. Hành trình này, khi được sống với lòng chung thủy và sự bền đỗ, sẽ củng cố tình yêu và tạo điều kiện cho ơn gọi nên thánh của mỗi cá nhân được thể hiện trong mối quan hệ vợ chồng và gia đình. Theo nghĩa này, đời sống gia đình Kitô là một ơn gọi và một cách để nên thánh, một biểu hiện của “khuôn mặt hấp dẫn nhất của Giáo hội” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 9)


Source:Holy See Press Office
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục Joseph Nguyễn Ngọc Bích, Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam trả lời BBC Tiếng Việt về những chỉ trích ‎''phân tán, cô lập'' các linh mục giúp thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa
BBC
08:54 17/05/2019
CHA BỀ TRÊN GIÁM TỈNH GIUSE NGUYỄN NGỌC BÍCH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI BBC

Thưa ông Ben Ngô,

Thông thường, tôi rất ít trả lời phỏng vấn, nhưng khi đọc các câu hỏi của ông từ đài BBC tiếng Việt, tôi thấy các câu hỏi rất đúng đắn và có sự tôn trọng nên tôi sẵn sàng trả lời. Sau đây là các câu trả lời những câu hỏi của ông.

Một số blogger đang bày tỏ sự băn khoăn về sự thay đổi chủ trương hoạt động, đổi tên Phòng Công Lý Hòa Bình và việc giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại đây sẽ không còn tiếp tục. Linh mục có thể cho biết phản hồi?

– Tôi không biết có ai đó muốn thay đổi chủ trương hoạt động của DCCT. Còn tôi, với tư cách Giám Tỉnh cùng với Ban Quản Trị, chúng tôi chưa hề ra văn thư hoặc tuyên bố nào thay đổi chủ trương hoạt động. Vì vậy, một số blogger bày tỏ sự băn khoăn là không cần thiết.

Phòng Công Lý Hòa Bình ở Saigon trực thuộc Tu Viện Saigon chứ không thuộc Tỉnh Dòng nên tôi không trực tiếp điều hành. Tuy nhiên, tôi chưa thấy ai đổi tên Phòng này với tên gọi khác. Tôi cũng vừa trao đổi với cha Tân Bề Trên Tu Viện Saigon. Ngài khẳng định vẫn tiếp tục việc giúp các thương phế binh VNCH. Như vậy, những thông tin nêu trên là không đúng sự thật.

Thời gian qua, một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn được thấy đồng hành cùng người dân Vườn rau Lộc Hưng trong các hoạt động. Linh mục có thể cho biết bình luận về việc này?

– Có một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn trong thời gian qua đã đồng hành cùng người dân Vườn rau Lộc Hưng trong các hoạt động. Đối với tôi, tu sĩ nào thấy và biết rõ những nỗi oan ức hay khốn khó của dân thì cứ biểu lộ sự liên đới với họ và giúp họ tìm công lý bằng những phương tiện hữu hiệu và phù hợp với Tin Mừng.

Liệu việc thay đổi chủ trương của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn có liên quan gì đến chuyện một số vị linh mục chủ trì chương trình giúp thương phế binh lần lượt bị thuyên chuyển nhiệm sở thời gian qua, thưa linh mục?

– Như tôi đã nói ở trên không có việc thay đổi chủ trương nên chẳng có gì liên quan đến vấn đề thuyên chuyển. Từ khi tôi làm Giám Tỉnh đến nay đã có hơn 280 văn thư bổ nhiệm và thuyên chuyển. Việc thuyên chuyển không chỉ có vài người mà rất nhiều người. Việc này vẫn sẽ còn tiếp tục. Vì vậy, việc quan tâm đến một vài sự thuyên chuyển so với con số hơn 280 không biết có phải là sự thiếu cân đối quá lớn không?

Nhiều người đang giữ những chức vụ như Bề Trên, Linh Mục Chính Xứ, Giám Đốc các Trung Tâm, Giáo Sư Đại Chủng Viện, Giáo Sư các Học Viện với bằng cấp Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, … cũng đã được thuyên chuyển mà không có gì ồn ào.

Sự bổ nhiệm và thuyên chuyển là việc rất bình thường của tất cả các Dòng Tu. Đó là công việc nội bộ mà người ngoài, thậm chí cả các Đức Giám Mục, chẳng có lý do gì để xen vào hay thắc mắc vì họ không thể biết được những gì liên quan đến phẩm chất, đến tư cách và đến hoàn cảnh của từng tu sĩ và vì họ cũng không có trách nhiệm phải trả lời trước mặt Chúa về những gì liên quan đến sứ mạng và sự phát triển của Dòng.

Có ý kiến cho rằng các cha của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đang thực thi rất tốt sứ vụ mà Thiên Chúa trao ban thì nay bị ‎”phân tán, cô lập”, linh mục nghĩ gì về‎ý kiến này?

Chúng tôi là Hội Dòng chứ không phải cơ quan hay xí nghiệp để phải giữ lại nhân sự làm việc tốt tại một nơi. Nếu đang làm tốt ở nơi này thì vẫn có thể làm tốt ở nơi các cộng đoàn khác và như vậy những nơi có nhu cầu khẩn thiết hơn cần được quan tâm và phục vụ nhiều hơn. Hơn nữa, sẽ không ai nghĩ rằng mình là người không thể thay thế.

Khi một người được bổ nhiệm hay thuyên chuyển là đưa về một cộng đoàn vì sứ vụ chứ không để “cô lập” hay “phân tán” như cách hành xử thế tục. Khi bổ nhiệm, Bề Trên phải hướng về Thiên Chúa và nhắm lợi ích của hội dòng, phải bổ nhiệm những người mà trước mặt Chúa họ xét là xứng đáng và có khả năng, tránh mọi lạm dụng và thiên vị. Nếu không làm đúng, họ phải trả lẽ với Chúa và với Hội Dòng.

Những gì linh mục muốn nói thêm?

Tôi nghĩ rằng truyền thông cần có đạo đức. Phải tìm kiếm sự thật. Chỉ nói điều gì mình biết đúng sự thật. Không phổ biến những điều gian dối. Chúng ta biết rằng mình không thể chuộc lại những tai hại đã gây ra khi nói sai, nói xấu, khi suy diễn bừa bãi và tệ hơn nữa vu khống và bịa đặt. Nếu có một lương tâm ngay chính, biết yêu chuộng chân lý, chúng ta có thể đem lại những điều tốt đẹp khi sử dụng truyền thông.

Chúa Giêsu đã dậy rằng: “Có thì nói có, không thì nói không.Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”( Mt 5, 37). Khi tôn trong sự thật chúng ta giúp làm sáng tỏ chân lý hơn là tiếp tay cho những điều xấu thuộc về thế giới tối tăm.

Xin cám ơn ông Ben Ngô của Đài BBC.

Linh Mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích

Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam


(Nguon: http://dcctvn.org/2019/05/16/cha-giuse-nguyen-ngoc-bich-giam-tinh-dcct-viet-nam-tra-loi-phong-van-dai-bbc/)
 
Chương Trình Hòa Nhạc Hát Lên Mừng Chúa Của Các Đoàn Hợp Xướng Quốc Tế tại Giáo Xứ Hội An
Tôma Trương Văn Ân
15:55 17/05/2019
Trong khuôn khổ Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ VI diễn ra tại Hội An từ 14 đến 19 / 5 / 2019, do hiệp hội INTERKULTUR (CHLB Đức) phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hội An, Tỉnh Quảng nam tổ chức. Có 22 đoàn hợp xướng, với gần 1000 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Estonia, Indonesia, Hàn Quốc,, Hà Lan, Philippines, Macau ( Trung Quốc), Singapore, Hoa Kỳ, Malaysia.... và đội Chủ nhà: Đoàn Hợp xướng Giáo xứ Hội An- Hoi An Parish Choir.

Xem Hình

Lúc 19 giờ 30 ngày 17 / 5 / 2019, nhận lời mời của Cha Marcello Đoàn Minh, Quản xứ và Giáo xứ Hội An, có 3 Dàn Hợp xướng quốc tế đã đến cùng hòa chung Chương trình Hòa nhạc: Hát Lên Mừng Chúa, với dàn hợp xướng giới trẻ Hà Nội và Dàn hợp xướng của Giáo xứ Hội An, tại nhà thờ Giáo xứ Hội An – Giáo phận Đà Nẵng.

Quý danh các Dàn hợp xướng:

Sct-JHS Glee Club - Philippin

Paduan Suara Mahasiswa Cantus Firmus Sanata Dharma - Indonesia

Rejoice Chamber Choir - Macau ( Trung Quốc )

Ha Noi Catholic Youth Choir - Hợp xướng Ca đoàn trẻ hà Nội

Hoi An Parish Choir - Hợp xướng Ca đoàn Giáo xứ Hội An.

Mỗi dàn hợp xướng trình bày 3 tác phẩmc, các tác phẩm bất hủ của Hội Thánh bằng tiếng La Tinh, tiếng Anh hay tiếng Thổ ngữ của các Nghệ sĩ. Và tiết mục cuối cùng, tất cả các nghệ sĩ của cả 5 dàn hợp xướng cùng hòa ca bài Tôn vinh Thiên Chúa bằng tiếng Anh, làm cho buổi tiệc m nhạc đỉnh cao. Loại hình nghệ thuật Hợp xướng là nghệ thuật đặc thù, xuất xứ từ việc phụng vụ trong các Nghi lễ Tôn Giáo của nhà thờ, là nguồn âm nhạc của Giáo Hội Công Giáo, đã – đang và sẽ đi vào lòng xã hội đông tây kim cổ.

Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Thảo, dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM) –Nhạc sĩ, Ủy viên Ủy Ban Thánh nhạc / Hội đồng Giám mục Việt Nam, Nhạc sĩ chỉ huy Dàn hợp xướng Quê Hương, Tổng Giáo phận Sài Gòn, đã đến tham dự và chia sẻ niềm vui vì một Chương trình phong phú đa dạng về: thể loại, ngôn ngữ, màu da, trang phục, phong cách biễu diễn…. nhưng là dịp, là cơ hội làm quen, thông cảm, hiểu nhau và chia sẻ cho nhau. Có rất nhiều sự hy sinh, nhưng chung một mục đích là Ca Tụng Tôn Vinh Thiên Chúa Tình Yêu. Cha cũng nêu cảm tưởng mà khán thính giả hiện diện cùng đồng cảm là: sự chìm đắm trong âm thanh trầm bổng, du dương và thanh thoát, lúc vút cao lúc lại đột ngột dừng….

Trong dịp này, các Trưởng và Đại diện các Dàn Hợp xướng đã trao nhau những kỷ vật lưu niệm quý giá, như những bảo chứng tình liên đới anh em con một Thiên Chúa tình yêu.

Cầu mong Cộng đoàn các Giáo Hội địa phương quan tâm hơn nữa các Ca Đoàn, để chấp cánh cho Ca đoàn và các Ca viên với sự nổ lực rèn luyện bản thân, bay cao trong bầu trời nghệ thuật Thánh, và là nhân tố giúp Cộng đoàn sốt sắng hơn trong Phụng vụ, vì “ Hát là 2 lần cầu nguyện” ( Thánh Augustino).

Tôma Trương Văn An
 
Tiệc gây quỹ xây dựng Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang Melbourne
Trân Văn Minh
19:32 17/05/2019
Melbourne, vào lúc 8 giờ 38 phút tối Thứ Sáu, Ngày 17/5/2019. Tại Nhà hàng L’amour Reception vùng Saint Albans. Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Melbourne, cùng với ban tổ chức xây dựng Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang đã khai mạc bữa tiệc gây quỹ xây dựng Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang. Do số khách quá đông, lại từ các vùng xa xôi đến, nên buổi khai mạc đã bị trễ.

Xem hình

Buổi tiệc gây quỹ có sự hiên diện của Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục Giáo Phận Parramatta, Sydney. Quý Linh mục trong Tuyên Úy đoàn, quý linh mục tu sỹ nam nữ Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Melbourne và theo ban tổ chức cho biết có hơn 900 quý khách đã về dự bữa tiệc gây quỹ đêm nay. Trong Reception rộng lớn các bàn đều có người ngồi đầy đủ hơn 90 bàn.

Trong khi chờ đợi khách đến, Ban tổ chức buổi gây quỹ đã cho trình chiếu lại bộ film tài liệu lịch sử về Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang. Khởi thủy, vào đầu thập niên 1980, đây là một vùng đất dùng cho nông trại. Dưới sự lãnh đạo của Linh mục Bart Huỳnh San, đã cùng giáo dân quyết tâm cùng nhau mua khu đất này để xây dựng nên một nơi thờ phựơng, và nay trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang để dâng kính Đức Mẹ.

Qua nhiều giai đoạn xin phép và xây dựng. Theo tài liệu của ban tổ chức phát ra cho mọi người. Năm 1988, Tòa Tổng Giám Mục (TGM) Melbourne đã cho phép hai cộng đoàn được mua khu đất 38.890 m2 tại Keysborough để xây dựng trung tâm và lấy tên là Trung Tâm Hoan Thiện.

Ngày 18/06/1989. Đức Tổng Giám Mục Frank Little chủ sự thánh lễ kỷ niệm một năm ngày tuyên phong hiển thánh 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và đặt bia đá khởi công xây dựng các công trình tại trung tâm

Ngày 24/04/1994, Thánh lễ khánh thành Nhà Nguyện được long trọng cử hành do Đức Tổng Giám Mục Frank Little chủ sự cùng với Đức Tổng Giám Mục Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận.

Và qua nhiều thời gian và sự kiện, nơi đây đã vinh dự tổ chức ba kỳ Đại hội Thánh Mẫu La Vang rất thành công. Ngày 7/12/2015 Đức Tổng Giám Mục Denis Hart cấp phép xây dựng thánh đường và các công trình phụ thuộc trung tâm.

Ngày 10/04/2018 Đức TGM Denis Hart chính thức cho phép đổi tên Trung Tâm Hoan Thiện thành “Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.” (Our Lady of La Vang Shrine.)

Ngày 5-6/05/2018, Đại Hội Thánh Mẫu La Vang III với chủ đề: “Về bên Mẹ La Vang, trở về cội nguồn Việt.” Trong dịp này, Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục Giáo phận Parramatta, công bố danh xưng mới của trung tâm và làm phép viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.

Ngày 6/8/2018 khởi công xây dựng thánh đường với diện tích 1,524 m2, có sức chứa 1,000 chỗ ngồi. Và dự kiến khánh thành thánh đường vào ngày 22/2/2020 để dâng kính Thánh Mẫu La Vang.

Buổi gây quỹ còn có sự góp mặt của các đội vũ như: Ca đoàn Vô Nhiễm thuộc Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, Các bà Mẹ Công Giáo Melbourne, Ca đoàn Don Bosco Ban hợp ca Cộng đoàn Gioan Hoan vv. Với nhiều sinh hoạt khác, rất sôi nổi và gặt hát dược sự thành công tốt đẹp.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trời mới đất mới.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:16 17/05/2019
Trời mới đất mới.

Theo tường thuật trong Kinh Thánh: Thiên Chúa sáng tạo nên trời đất từ hư vô.

Từ hư vô do ý muốn của Thiên Chúa vũ trụ trời đất, núi đồi, biển cả sông nước, cây cối các thú vật sống trên mặt đất cùng dưới nước đủ mọi chủng loại và sau cùng là con người, được tạo dựng nên.

Không chỉ dừng lại nơi sáng tạo một lần. Nhưng Thiên Chúa còn luôn sáng tạo nữa là phú bẩm cấy vào mỗi công trình sáng tạo mầm sự sống khả năng truyền nòi giống sinh sôi nẩy nở tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ đó, vũ trụ không ngừng từ thời đại này sang tới thời đại kế tiếp vẫn luôn tồn tại cùng được đổi mới. ( St 1, 1-31).

Và như thế vũ trụ trời đất đã có cùng luôn có đó. Nhưng tại sao Thánh Gioan tông đồ của Chúa Giêsu Kitô lại viết trong sách Khải huyền vào quãng năm 100 sau Chúa Giáng sinh: „Tôi đã thấy trời mới, đất mới.“ ? ( KH 21,1-5 ).

Ở thời đại thiên niên kỷ nào trong dòng sông lịch sử đời sống nhân loại xưa nay cũng thường hay xảy ra chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch, bị bách hại, chết chóc,hạn hán, lụt lội, công trình thiên nhiên bị tàn phá… những hoàn cảnh như thế mang lại sự lo âu sự hãi, nỗi thất vọng cho con người. Và vì thế đã có những suy luận đồn đoán về ngày tận thế! Và những bị người bị lâm vào hoàn cảnh như thế, họ cần sự giúp đỡ lời an ủi phấn chấn tinh thần mang lại chút ánh sáng niềm hy vọng cho đời sống.

Có lẽ sống hay nhìn ra hoàn cảnh như thế, Thánh Gioan với nhiệm vụ là người đứng đầu giáo đòan đức tin lo việc săn sóc mục vụ tinh thần cho con người đã viết cho mọi người những lời an ủi mang niềm hy vọng sức sống vươn lên.

Những lời đầy hình ảnh chất chứa niềm hy vọng vào một đời sống mới đó không chỉ hướng đến đời sống hoàn cảnh khó khăn nơi đây trên trần gian, nhưng còn hướng tâm hồn tinh thần con người đến sự sống đời sau trên nước Thiên Chúa.

Những lời đó Thánh Gioan đã được nhìn thấy bằng con mắt tâm hồn đức tin của mình trong thị kiến Ông được Thiên Chúa cho thấy. Và những lời đó của Thánh Gioan trong sách Khải huyền không chỉ có giá trị cho những người đã đang cùng sống trong thời đại lúc đó với ngài. Nhưng vẫn luôn hằng có giá trị cho tất cả mọi người trước Ông và sau Ông nữa.

Những lời đó của Thánh Gioan ẩn chứa mầu sắc nét vẽ những hình ảnh bình an tuyệt đẹp . Ông nói đến ngôi nhà của Thiên Chúa, chiếc lều của Thiên Chúa ở giữa con người, ngay sát cạnh kề bên đời sống con người: “Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi". Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: "Này đây, Ta đổi mới mọi sự“. ( KH 21, 3-5a).

Những lời của Thánh Gioan an ủi phấn khích niềm hy vọng con người đó nói về trời mới đất mới không phải là những lời nói lên rằng con người không có trách nhiệm gì với công trình thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng.

Trái lại con người tuy được Thiên Chúa tin tưởng trao phó cho sống cùng hưởng dùng công trình thiên nhiên, nhưng họ phải có trách nhiệm bảo vệ gìn giữ công trình đó không chỉ cho riêng mình, mà còn cho các thế hệ nối tiếp nữa..

Thiên Chúa tạo dựng nên công trình thiên nhiên và phú bẩm cho con người khả năng trí óc sáng tạo để phát triển gìn giữ. Có thế công trình không bị phá hủy. Nhưng luôn được bảo vệ gìn giữ và đổi mới.

Đời sống trên thế giới càng ngày càng văn minh có nhiều tiến bộ khoa học, nhất là khía cạnh kinh tế. Nhưng song song đó cũng có nguy cơ chiến tranh, nguy cơ môi trường sinh sống của công trình thiên nhiên bị phá hủy.

Hơn lúc nào hết, ý thức nhìn nhận ra những nguy cơ đó, nên bây giờ có những hội nghị nói đến không khí thiên nhiên đang bị làm cho nóng lên gây ra những hệ lụy thảm khốc nguy hiểm cho môi trường sinh sống tồn tại của mọi loài sống trong đó.

Cô bé trẻ tuổi học sinh Kreta Thurberg ,người Thụy điển, đã dấy lên phong trào FridaysForFuture, kêu gọi các học sinh trên thế giới vào ngày thứ sáu hằng tuần cùng nhau biểu tình nói lên tâm tư tiếng nói hãy cứu nguy bảo vệ môi trường thiên nhiên cho thế hệ con cháu tương lai.

Và các nhà khoa học, các chính quyền đang nghiên cứu đưa ra những chương trình biện pháp nhằm cứu nguy không khí, bầu trời trái đất, sông nước và sinh động vật sống trong đó, để đạt tới có không khí trong lành cho môi trường thiên nhiên không bị ô nhiễm , không bị phá hủy.

Bên Phi châu có ngạn ngữ: „ Nhiều người bé nhỏ, nơi nhiều địa điểm nhỏ, mà cùng thực hiện những bước nhỏ bé, họ có thể cùng nhau biến đổi cả thế giới!“

Thiên Chúa yêu thương vũ trụ thế giới và tất cả những gì người đã tạo dựng nên. Thiên Chúa luôn ở bên cạnh con người, khi con người sống trong tương quan tốt lành hòa bình với thiên nhiên, với mọi loại thụ tạo.

Thiên Chúa trao tặng con người trời đất tốt đẹp hơn, nhưng con người phải cùng nhau thực hành những bước nhỏ bảo vệ gìn giữ công trình thiên nhiên cho hôm nay cùng ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Hạnh Phúc Làng Tôi
Trà Lũ
08:20 17/05/2019
Tôi may mắn ở căn nhà gần trung tâm thành phố, mặt truớc là con đường náo nhiệt, mặt sau là mảnh vườn nhỏ rất yên tĩnh. Tháng Năm đầu mùa xuân là tháng sung sướng nhất của tôi. Từ chỗ tôi ngồi làm việc, tôi có thể chiêm ngắm mùa xuân đang tới từng ngày. Bụi mai vàng đã nở hoa, mai có hoa trước khi có lá. Cả khu vưòn nhà tôi đang nở lá, màu xanh mạ non mới đẹp làm sao. Đúng là mùa xuân đang từng bước đi tới. Cỏ cây đang gọi nhau thức dậy sau mấy tháng ngủ đông dưới tuyết. Tiếp giáp với căn vườn thân yêu này, là công viên High Park, một công viên lớn nhất và đẹp nhất Toronto. Thượng tuần đầu xuân, mấy khu hoa anh đào nở rộ. Công viên này có 3 khu anh đào khác nhau, mỗi khu là một loại hoa. Theo sử của thành phố thì những cây hoa này do Người Nhât tặng vào 3 thời khác biệt. Người Nhật mang ơn người Canada trong thời Thế Chiến Thứ Hai. Mỗi ngày biết bao nhiêu người đến ngắm hoa và quay phim chụp hình. Anh John làng tôi đã phát biểu: hoa anh đào đúng là hoa biểu trưng người Nhât: nhìn từng cái hoa thì thấy nó chẳng đẹp gì cả, thế nhưng một cành chi chit hoa thì ta thấy nó đẹp hết sức. Người Nhật cũng y chang, một anh Nhật riêng lẻ thì chả thấy gì đặc sắc, thế nhưng một đám người Nhât tụ lại thì họ làm ra nhiều sự kỳ lạ tuyêt vời. Ông bồ chữ ODP cười hì hì rồi nói: Người VN mình thì trái lại, một ông VN riêng lẻ thì là một ngôi sao sáng, nhưng một đám ông này họp lại thì tự nhiên đánh nhau, chụp mũ, và chia rẽ.

Đó là chuyện hoa anh đào. Bây giờ bàn chuyện thời sự. Tin nổi bật là Canada đã cho phép buôn bán và trồng cần sa. Các dược sĩ sẽ phải theo học một khóa về cần sa. Nhiều viện bào chế đang phát triển thuốc có cần sa. Nhiều trang trại bắt đầu trồng cần sa quy mô. Các cụ phương xa đã thấy Canada là nước văn minh câp tiến chưa?

Về mặt đối ngoại thì Canada hiện tỏ ra quan ngại việc ông Tàu đang nhòm ngó miền bắc cực của Canada. Miền bắc cực này theo các nhà khoa học thì chứa tới 30% dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên. Hải đạo từ xưa tới nay phải đi mất hai tuần giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương qua ngả kênh Suez hay Panama, nay mùa hè tan băng thì chỉ đi mất một tuần. Ông Tàu đang tìm cách xây một hai căn cứ bên miền giáp bắc cực của Canada. Xưa nay Canada chỉ tự bảo vệ mình bằng luật pháp quốc tế chứ không bằng sức mạnh vũ khí. Quân dôi Canada hiện nay chỉ có 100.000 quân nhân và 100 phi cơ lỗi thời. Xưa nay ai cũng biết Hoa Kỳ phải bảo vệ mặt bắc của Canada. Thời chiến tranh lạnh, Nga Xô đã có ý định băng qua bắc cực tràn xuống qua Canada và đánh chiếm mạn bắc Hoa Kỳ.

Tiếp theo là tin thế giới mới có 2 vua mới: Đó là vua Naruhito lên ngôi hoàng đế Nhật thế vị vua cha thoái vị vì tuổi già, và vua Vajiralongkom, tân vương của Thái lan. Riêng VN thì vua Nguyễn Phú Trọng xém chết trong tai nạn khí thở, nay vua Trọng đã hồi phục và xuất hiện trở lại. Ai cũng biết hiện trong triều vua Trọng đang có nhiều đấm đá nặng nề.

Tin thời sự quốc tế nổi bật nhất là Nhà Thờ Notre Dame de Paris 850 tuổi đã bốc cháy vào 15 tháng Tư vừa qua, may mà hai ngọn tháp và khung sườn được bảo vệ kịp. Dân Pháp coi ngôi nhà thờ này là một phần thân thể của họ. Khi ngọn lửa bốc cao, người ta thấy hai bên lề đường nhiều đoàn người đã qùy xuống giơ tay cầu nguyện, nét mặt ai cũng đăm chiêu như đang lo sợ cho di sản tuyền thống quý báu này. Tổng thống Pháp tuyên bố sẽ bỏ ra 180 triệu để trùng tu. Chỉ ít lâu sau thì con số dân góp tiền vào quỹ này đã lên rất cao. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng vừa lên tiếng, ông hứa sẽ sát cánh với Pháp trong việc tái thiết này.

Riêng làng tôi, tin thời sự quan trọng nhất trong tháng này là buổi ăn mừng Lễ Các Bà Mẹ. Theo thông lệ thì phe liền ông sẽ nấu ăn thết phe các bà vào lễ này và phe các bà sẽ nấu ăn vào lễ Kính Các Người Cha. Năm nay, tiệc mừng các bà mẹ diễn ra tại nhà cụ Chánh tiên chỉ làng. Đầu bếp là ông bồ chữ ODP. Khi dân làng tới thì bàn tiệc đã bày xong. Các bà hết sức ngạc nhiên. Chủ bếp bèn thưa: Phe liền ông chúng tôi đa số đã già nên nấu ăn lạng quạng và dở lắm. Chúng tôi đã đi tham quan các nhà hàng VN, hiện nay dưới phố Toronto có nhiều nhà hàng nấu ăn rất ngon. Phe chúng tôi đã đặt mấy phần ăn nổi tiếng, đó là món Canh Chua Cá Kho Tộ. Món canh cá nấu với cà chua, đậu bắp, bạc hà, ngon đậm đà đầy mùi vị quê huơng. Cụ B.95 nhìn thấy rau ‘bạc hà’ thì kêu lên: Ối giời ơi, sao tôi được sung sướng thế này! Tôi đi nửa vòng trái đất, từ cọng rau mọc ở bờ ao Bắc Kỳ, nay ở đất Canada thần tiên tôi lại đưọc thấy nó và ăn nó. Tên Bắc Kỳ của nó là ‘rọc mùng’. Cụ Chánh và ông ODP cùng gốc Bắc kỳ, nghe lời sung sướng của Cụ B.95 thì đều gật đầu tán thưởng.

Mà quả thật tô canh chua ngon thiệt. những lát cá trắng mềm mại chen lẫn với những màu xanh đỏ vàng của các thứ rau sao mà nó ngon thần sầu thế này. Đó mới là tô canh chua, còn đĩa cá kho tộ trông mới hấp dẫn làm sao. Nó được kho trong cái tộ đất, màu cá vàng vàng nâu nâu mang hương vị gừng tiêu hành nước mắm, hương thơm bay ra khắp phòng. Chao ơi là ngon. Anh John vừa ăn vừa xít xa: quả là ngon thấn sầu. Món Canada chỉ trông đẹp mắt chứ không có mùi và có vị như thế này. Làng tôi đã ăn hai món này với cơm nóng và bún nóng. Dân làng đã ăn rất đắm say, loáng một cái là bàn cỗ đã sạch bong. Ai nấy đều hả hê sung sướng.

Rồi sang phần kể chuyện vui. Các bà xin anh John mở đầu và lấy đề tài là ‘ Mẹ’. Anh John nói ngay: Ngày xưa thời lập quốc, VN đã theo chế độ mẫu hệ rõ ràng. Ngôn ngữ là một bằng chứng giá trị nhất. Này nha, tiếng mạo từ đi trước các danh từ là hai tiếng CON chỉ giống nam, và CÁI chỉ giống nữ. Tôi thấy tiếng Việt đa phần có chữ CÁI đi đầu, như cái nhà cái bàn cái ghế cái giường, cái bát cái chén, cái gì cũng thuộc phe nữ hết. Rồi anh cười hà hà, vừa xin lỗi vừa nói: ngay cả cây súng của phe liền ông là ‘con chim’, cũng thuộc quyền phe nữ, vì ta thưòng không nói con chim suông, mà là ‘cái con chim’. Ta chửi một anh con trai ‘ cái thằng chết tiệt kia‘ chứ không nói ‘con thằng chết tiệt kia’. Các bác đã thấy phái nữ ngày xưa uy quyền không, họ bao trùm lên hết ngôn ngữ ! Ngay tên nước cũng có chữ cái: Bố Cái Đại Vương...

Đến đây thì Cụ Chánh lên tiếng: Anh nói về CON và CÁI như vậy đủ rồi, xin anh chuyển sang đề tài khác. Anh hỏi lại cụ: Ngôn ngữ VN là một đề tài bao la, cháu biết nói về điều gì bây giờ ? Mấy cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân xin anh nói về đề tài văn chương: Anh đã đọc nhiều sách về văn chương VN, vậy Anh bái phục nhà văn VN nào nhất ?

Anh John bóp trán suy nghĩ rồi kể: Tôi thích nhất, ngưỡng mộ nhất, bái phục nhất là nhà văn Mạc Đĩnh Chi đời Trần đi sứ sang Tàu. Ông sang tới nơi thì có đám tang: một bà phi của vua Nguyên vừa chết. Người Tàu có ý thử tài của sư giả VN nên đã sắp xếp mời ông tới viếng xác. Khi ông đứng trước thi hài, nguời Tàu mới trao cho ông một tờ điếu văn. Sứ giả VN mở tờ điếu văn ra thì chỉ thấy một trang giấy trắng với 4 chữ NHẤT. Ai cũng lo cho sự bẽ bàng của sứ giả VN. Nhưng Cụ Mạc Đĩnh Chi đã ung dung cao giọng nhìn vào 4 chữ nhất rồi đọc:

Thanh thiên nhất đóa vân

Hồng lô nhất điểm tuyết

Thượng uyển nhất chi hoa

Dao trì nhất phiến nguyệt

Y ! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết !

nghiã:

Nàng là Một đám mây giữa trời xanh

Một bông tuyết trong lò lửa

Một bông hoa giữa vườn thượng uyển

Một vầng trăng trên mặt nưóc ao

Than ôi! Nay mây tàn, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết !

Tôi chưa thấy có một nhà văn nước nào mà có thể đột hứng từ một trang giấy trắng với 4 chữ nhất mà làm ra bài thơ hay như vậy. Cả triều đình bên Tàu bái phục sứ giả VN và đã tặng ông bằng tiến sĩ ngay lập tức. Mạc đĩnh Chi có danh hiệu ‘Lưỡng Quốc Trạng Nguyên’ từ đó.

Bài diễn thuyết của Anh John coi như chấm dứt bữa tiệc mừng các bà mẹ. Phe các bà liền gọi nhau ra ngồi trước cái TV bự của nhà cụ Chánh. Chủ nhà liền hỏi các bà định xem chương trình gì, các bà thưa là xem các buổi rước kiệu ở VN. Cô Cao Xuân lên tiếng: Cụ ơi, cụ có bao giờ xem chương trình mừng các lễ trọng ở VN chưa? Cụ ơi, cụ nên xem, linh đình, trọng thể và vĩ đại lắm. Cụ Chánh giơ tay không đồng ý ngay: Có, lão có xem. Ôi bây giờ ở VN các giáo xứ và các địa phận thi đua khoe khoang sự giàu có và muốn tạo kỷ lục. Nào là đội trống mấy trăm cái, nào là đội kèn cũng mấy trăm cái. Nào là kiệu cao ba tầng, sơn son thiếp vàng những 30 người khiêng. Nào là các hội đoàn bận lễ phục xanh đỏ rất đắt tiền. Vào nhà thờ thì thánh lễ có các ca đoàn rất đông, họ hát từ đầu lễ đến cuối lễ, giáo dân đến dự lễ thì tự nhiên biến thành khán giả thụ động. Theo cụ thì đây là những biểu hiện mà cụ nghĩ chỉ mang tính cách trình diễn, khoe khoang, cụ kết luận: Lão rất ghét những buổi lễ lạc này. Con cháu của cụ từ VN viết thư sang xin cụ cho tiền mua trống mua kèn, cụ liền trả lời KHÔNG ngay lập tức. Hiện nay ngày nào lão cũng xem các sinh hoạt của Giáo điểm Tin Mừng ở Nhà Bè, ngoại ô Saigon, của Ông Cha Trần Đức Long. Giáo điểm này hiện dang thu hút biết bao nhiêu giáo dân và người khác đạo từ khắp nơi đổ về. Nhà thờ lợp tôn lợp vải, các lễ lớn giáo dân đông tới mấy chục ngàn ngồi dưới mưa dưới nắng. Ông cha Long quản nhiệm, tuy bằng cấp đầy mình nhưng cuộc sống rât đơn sơ và khó nghèo, lời giảng rất bình dân dễ hiểu. Nhiều người thấy ông sống đạo như vậy thì biếu ông rất nhiều tiền, tiền vào tay ông rồi ông chuyển qua cho những ngưòi nghèo, bệnh hoạn, khuyết tật, đang cai xì ke ma túy. Lão hằng mong chớ gì VN có thêm mấy ông Cha Long nữa, ông số 2 cho Miền Trung, ông số 3 cho miền Bắc. Bây giờ là giai đoạn sống đạo, sống bằng việc làm, chứ không bằng khoe khoang trình diễn rước xách, kèn trống lọng loa. Cụ nào chưa biết về ông ‘Cha Long Nhà Bè’ này xin mở Youtube ‘ GĐTM, Giáo điểm Tin Mừng /Lòng thương xót Chúa’.

Cụ Chánh đã nói một hơi dài, ai cũng hiểu đây là tâm sự hằng ấp ủ trong lòng cụ lâu nay. Rồi cụ xin lỗi cả làng vì đã nói qúa dài. Cụ quay vào anh John xin tiếp sức. Cụ bảo hôm nay lễ các bà mẹ, xin anh nói về đề tài các bà mẹ hay các bà vợ. Anh John nói ngay. Theo tôi thì một bà mẹ một bà vợ gương mẫu hiện nay chính là bà Melinda, vợ của tỷ phú Bill Gates. Chính bà đã hướng dẫn chồng trong việc dùng tiền làm việc bác ái. Người ta đã hỏi ông quyết định thông minh và đúng nhất trong đời ông là gì thì ông đáp ngay: Tôi đã lấy được đúng vợ. Bạn lấy được phụ nữ tốt và thông minh thì bạn sẽ thịnh vượng 3 đời. Rồi anh John tủm tỉm nhìn Chị Ba Biên Hòa vợ anh và nói: Mà chỉ một vợ thôi nha. Phe các bà vỗ tay rất lâu về lời tuyên bố này.

Anh John hỏi tiếp: Các bạn còn nhớ chuyện mất rìu không? Thấy dân làng tỏ ra không biết, anh liền kể: Rằng có anh tiều phu kia ngày ngày vào rừng đốn củi. Bữa đó trên đường về nhà, anh mệt quá nên đã ngồi xuống nghỉ bên bờ một cái giếng lớn. Chẳng may anh làm rớt cái rìu xuống giếng, giếng sâu vô phương tìm được. Mà mất rìu rồi thì làm sao chặt được củi để anh đem bán lấy tiền nuôi vợ con. Nghĩ tới đây thì anh khóc nức nở vì tuyệt vọng. Bỗng có bà tiên hiện ra. Vì biết anh là người luơng thiện nên bà tiên đã cúi xuống giếng lấy lên một cái rìu bằng vàng và hỏi: Phải cái này không, anh liền lắc đầu, bà lại cúi xuống đưa lên một cái rìu bằng bạc, anh vẫn lắc đầu. Cuối cùng thì bà đưa lên chính cái rìu bằng sắt của anh. Anh nhận liền. Bà tiên liền nói: vì con là người thực thà, ta cho con cả cái riù vàng và rìu bạc. Nói xong bà tiên biến mất. Anh đem cả 3 cá rìu về nhà, vợ con anh vui mừng hết cỡ. Ngày hôm sau cô vợ đòi chồng dẫn ra cái giếng thần. Nàng sung sưóng hạnh phúc quá nhưng chẳng may nàng sẩy chân rơi xuống giếng. Anh chồng biết mình vô phương vớt được vợ lên nên lại lăn ra khóc như hôm qua. Bà tiên lại hiện ra và giúp anh như hôm qua. Bà đem lên một cô gái đẹp hết sức và hỏi anh đây có phải là vợ không, anh liền gật đầu nhận liền. Bà tiên ngạc nhiên về việc này, bà hỏi anh tại sao nói láo. Anh tiều phu trả lời: Thưa con sợ sự việc sẽ giống như hôm qua, bà sẽ cho con thêm 2 cô nữa, tức là bà sẽ cho con cả 3 cô đem về làm vợ thì việc này quá sức con. Hiện con chỉ có 1 vợ mà đã chới với !

Cả làng nghe xong liền vỗ tay râm ran. Cô Tôn Nử chỉ anh John rồi hỏi Chị Ba: Có phải anh John là chàng tiều phu của Chị không ? Chị Ba đỏ mặt, chớp chớp mắt mà không nói gì.

Anh John xin hết và xin ông ODP nói tiếp. Ông bảo ông vừa nói chuyện với một ông bạn già bên Mỹ. Ông này ngang tuổi ông nhưng còn rất khoẻ. Ông luôn cổ võ các cụ cao niên theo gương ông: tập thể dục và đi bộ nhiều. Ông ta đã đọc cho ông một đoạn thơ nghe rất tếu:

Tập nhuều thì khoẻ nhiều

Tập ít thì khoẻ ít

Không tập thì hết đường nhúc nhích.

Kính chúc các cụ một mùa xuân hạnh phúc. Nói tới hạnh phúc, xin tặng các cụ lời rất hay và ý nghĩa của một triết gia:

Happiness is not tomorrow, it is now.

Happiness is what you are, not what you have.

Trà Lũ
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 16/5/2019: Vatican chúc mừng lễ Phật Đản
VietCatholic Network
07:40 17/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1. Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 15 tháng 5, 2019.

2. ĐTC tiếp kiến các GM Argentina.

3. ĐTC cho phép hành hương chính thức tại Mễ Du.

4. ĐTC mời các nhà kinh tế và doanh nhân trẻ đến Assisi.

5. ĐTC khai mạc triển lãm ảnh Talitha Kum chống nạn buôn người.

6. Lớp Linh mục Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ năm 2019.

7. Thư Hội đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn chúc mừng lễ Phật Đản.

8. Diễn đàn vì hòa bình ở Myanmar do kết quả chuyến tông du của ĐTC.

9. Hội nghị quốc tế về hy vọng hoà bình giữa Đông và Tây.

10. Nhìn từ vụ việc Nhà Thờ Bùi Chu: những cơ hội cho Giáo hội Việt Nam.

11. Đại Hội Linh Mục Việt Nam năm 2019 sẽ được tổ chức tại Nam Cali.

12. Giới thiệu Thánh Ca: Tràng hạt Mân Côi.

Sau đây là phần tin chi tiết.