Ngày 17-05-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/05: Thấy và không Thấy – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:52 17/05/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”

Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” Vậy các ông nói: “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:09 17/05/2023

65. Nếu nói lời cầu nguyện của người tội lỗi không đạt được ân điển thì rất đúng, nhưng họ khẩn cầu công đức của Đức Mẹ Ma-ri-a thì họ có thể được đáp ứng.

(Thánh Anselm of Canterbury)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:11 17/05/2023
52. CANH

- “Bát canh này một chút hương vị cũng không có, tuyệt nhiên không thể ăn.”

Tiểu Chân Lộ chu miệng nói như thế, và lấy cái muỗng quăng trên bàn ăn. Mẹ nó nói:

- “Được rồi, buổi tối mẹ làm tốt hơn.”

Buổi chiều, mẹ dắt Tiểu Chân Lộ ra vườn đào khoai tây, Tiểu Chân Lộ đào rất mạnh mẽ, nó toát mổ hôi đem khoai tây bưng tới bưng lui, lại còn bỏ vào trong cái bao lớn nữa, cho đến khi mặt trời lặn thì mới nghỉ việc, Tiểu Chân Lộ mệt đừ người.

Khi ăn tối, mẫu thân múc một bát canh đưa cho Chân Lộ, Chân Lộ nếm thử một chút, nói:

- “Khà, canh này ngon hơn canh hồi trưa ăn.”

Nó bưng chén lên húp một hơi hết sạch. Mẹ nó nói với nó:

- “Mẹ rất vui khi con thích món canh này, nhưng mẹ nói thật với con, đây là bát canh mà hồi trưa con không muốn ăn đó. Bây giờ con cảm thấy nó ngon là vì con cả ngày làm việc từ sáng đến chiều, bụng đói, cho nên con cũng không cần nghĩ đến chuyện hương vị của nó rốt2 cuộc là như thế nào nữa.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 52:

Cuộc sống của con người là vì công việc, giống như loài chim biết bay vậy.

活 (húo) là hoạt, là sống, 動 (dòng) là động, hai chữ ghép lại là “活動” nghĩa là hoạt động. Sống là phải động, động để mà sống, không ai sống mà nằm yên một chỗ, cũng không ai sống mà không làm gì. Nhưng cái chính yếu của con người khi sống đó chính là làm việc, bởi vì lao động thì tạo ra của cải, của cải đem lại cho con người những thành tựu và phồn vinh.

Đức Chúa Giê-su vẫn khẳng định: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17), và thánh Phao-lô tông đồ nói: “Ai không làm thì đừng có ăn.”(2 Tx 3, 11).

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Suy niệm Chúa Nhật VII Phục Sinh năm - A
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:16 17/05/2023
Suy niệm Chúa Nhật VII Phục Sinh năm - A

(Ga 17, 1-11a)

Chúng ta vừa cử hành Lễ Chúa Giêsu đã lên Trời với đầy niềm vui và hy vọng. Nay chúng ta hướng lòng về Lễ Ngũ Tuần, chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống như lời hứa Chúa Giêsu đã hứa. Sách Tông đồ Công vụ thuật lại : “Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Các Tông đồ xuống khỏi núi gọi là Núi Ôliu mà trở về Giêrusalem… các ông lên lầu gác… Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện “(Cv 1, 12-14).

Khi đến giờ Ðức Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha, Người phán cùng các môn đệ nhiều điều. Người nói với họ về niềm tin, tình yên và lòng mến (Ga 12, 44-50; 14, 1-6). Người trấn an các ông bằng cách để lại bình an cho họ, truyền dạy họ mến thương nhau, đồng thời kết hợp với Người như cành nho với thân nho, ở lại trong tình yêu của Chúa Cha (Ga 14; 15). Người xin Chúa Cha ban cho các môn đệ “Đấng Phù Trợ khác ” (Ga 14, 16) để ở với các ông luôn mãi.

Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là một bằng chứng về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Sau một loạt diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (Ga 17, 1-5). Thứ đến là xin "Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1). Và sau cùng là lời cầu xin cho các môn đệ. “Môn đệ” ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Người, cụ thể là nhóm 12 và nhóm 72.

Chúa Giêsu cầu nguyện rằng : “ Lạy Cha, giờ đã đến! Xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha! ” (Ga 17, 1). Chúa Cha đã tôn vinh Chúa Con trên Thánh Giá và đưa về Trời, nay Chúa Giêsu xin Cha : ” Con đã tôn vinh Cha. Và bây giờ xin Cha tôn vinh Con nơi Cha, trong vinh quang Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian ” (Ga 17, 4-5). Sự tôn vinh đánh dấu giờ của Chúa Giêsu đã đến, giờ đi đến cùng của sứ mạng đã được Cha trao phó là tôn vinh Cha. Nếu Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vinh mình, thì đến lượt mình lại tôn vinh Chúa Cha.

Tiếp theo là những lời nguyện xin của Chúa Giêsu cho những người mà Chúa Cha ban cho, Người phó thác họ cho Chúa Cha, xin Chúa Cha gìn giữ họ luôn mãi, vì họ ” còn ở trong thế gian “, nơi có nhiều khó khăn, thử thách và gian truân, họ có thể bị bách hại vì lẽ công chính, chết vì đức tin vào Chúa Giêsu, dễ dàng bị lôi cuốn vào những trào lưu chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ ánh sáng chân lý và sự sống. Chính vì thế, Chúa Giêsu xin Cha gìn giữ họ, để khi gặp bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn kiên trung, hiệp nhất nên một trong tình yêu như Chúa Giêsu nên một với Cha của Người để làm nhân chứng cho Thiên Chúa ở trần gian này.

Chúa Giêsu biết các môn đệ của mình ở trong một hoàn cảnh hết sứ đặc biệt và tế nhị: Họ phải sống giữa thế gian. Thế gian này đã ghét Chúa Giêsu nên cũng ghét các môn đệ của Người, thế gian này còn rất xảo quyệt, luôn tìm cách quyến rũ để các môn đệ đi lệch khỏi đường của Chúa Giêsu mà ngả sang phía thế gian.

Ở trong một thế gian như thế, người môn đệ luôn phải đứng trước hai cám dỗ: Một là cám dỗ trốn tránh, xa lánh thế gian; hai là cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nhưng xa lánh thì làm sao cho chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian, còn thoả hiệp với thế gian thì đánh mất căn tính của mình và cũng đánh mất sứ mạng của mình.

Chúa Giêsu cũng cầu xin cho các môn đệ hai điều: một là sự hiệp nhất, hai là sự thánh hiến. Đây chính là 2 điều quan trọng để con cái Chúa tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Điều thứ nhất là hiệp nhất: Kinh nghiệm cho thấy người môn đệ nào không thân thiết với anh chị em cùng lý tưởng của mình, không gắn bó với Giáo Hội và với cộng đoàn thì dễ sa ngã hơn.

Điều thứ hai là thánh hiến: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thánh hiến ai là làm cho người đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha lấy Lời Chúa mà làm cho các môn đệ thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Ai đã trọn vẹn thuộc về Chúa thì cho dù người đó có sống trong nguy hiểm quyến rũ của thế gian thì cũng không hề hấn gì. Người ấy như sen giữa bùn, như ánh sáng chiếu trong đêm tối, như men vùi trong thúng bột. Người ấy vừa luôn trung thành với Chúa của mình, vừa chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian.

“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.” Noi gương Chúa Giêsu, Giáo hội mời gọi chúng ta tha thiết cầu xin, để Chúa Con tôn vinh Chúa Cha trong đời sống mỗi người chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Sao cho tất cả đều qui hướng về Cha, tôn vinh Chúa Con trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Chúa Con đến lượt mình, tôn vinh Giáo hội bằng việc tuôn đổ trên Giáo hội cũng một Thánh Thần của Cha và Con.

Như các Tông đồ đồng tâm nhất trí trong nhà Tiệc Ly, cùng với mấy người phụ nữ, và Bà Maria mẹ Chúa Giêsu, kiên trì cầu nguyện (x. Cv 1, 12-14), chúng ta tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta. Ước mong sao danh Cha được thánh hóa nơi mỗi người chúng ta, ” để ta được nên thánh và vô tì tích trước mặt Người, trong tình yêu” (x. Ep 1, 4). Cầu nguyện là điều cần thiết để đón nhận Chúa Thánh Thần vì khi cầu nguyện, chúng ta chứng tỏ mình sẵn sàng đón nhận ơn của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tôn vinh Chúa Cha và cầu cùng Chúa Cha cho chúng con. Xin ban ơn can đảm cho chúng con, để chúng con không hổ thẹn vì chỉ vì là Kitô, nhưng luôn ca tụng Chúa. Chúa sẽ không bỏ chúng con mồ côi. Cùng với Mẹ Maria, các thánh nam nữ ở trên Trời xin Chúa Cha ban Thánh Thần cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Chúa là nguồn vui
Lm Minh Anh
14:51 17/05/2023

CHÚA LÀ NGUỒN VUI
“Các con sẽ lại thấy Thầy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến buồn vui lẫn lộn đan xen nơi người môn đệ Giêsu; nhưng rồi, ‘Chúa là nguồn vui’ vẫn chiếm ưu thế một cách tất yếu. Vì lẽ, “Một ít nữa các con sẽ lại thấy Thầy!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến nỗi buồn vì sự ra đi của Ngài; nhưng ngay sau đó, Ngài nói đến niềm vui, “Các con sẽ lại thấy Thầy”. Câu chuyện bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ. Lần đầu tiên đến Côrintô, Phaolô được đôi vợ chồng Do Thái Aquila và Priscilla tiếp đón. Họ dành cho ngài một chỗ ở, một việc làm. Về sau, qua các thư, Phaolô tiết lộ, họ đã dọn một phòng nguyện ngay trong nhà mình ở Êphêsô, ở Rôma, nơi các tín hữu họp nhau để chia sẻ Lời Chúa, cử hành Thánh Thể và dạy giáo lý. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhớ rằng, lễ “hai thánh dệt lều Aquilla và Priscilla” được mừng vào ngày 8/7 hàng năm! Đức Bênêđictô XVI gọi họ là “các giáo dân đã hiến tặng “đất tốt” cho việc phát triển đức tin”. Nhờ họ, “Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca. Phaolô hẳn đã trải nghiệm nỗi mừng ‘Chúa là nguồn vui’ nơi những con người này!

Ở đây, chúng ta có một hình ảnh tuyệt vời về những gì mà Giáo Hội được kêu gọi để trở thành. Đó là một cộng đồng các kẻ tin, sẵn sàng nâng đỡ nhau, đặc biệt những lúc khó khăn; một sứ vụ mà tất cả chúng ta, trong mọi đấng bậc cùng chia sẻ, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, độc thân hay đã lập gia đình. Đó là một sứ vụ mà Chúa Thánh Thần sẽ luôn thúc đẩy, truyền cảm hứng, để mỗi người trở nên ‘sự hiện diện và ủi an’ của Đấng Phục Sinh. Nhờ đó, ai ai cũng có thể trải nghiệm ‘Chúa là nguồn vui’ qua các thành viên trong cộng đồng đức tin của mình.

Trong cuốn “Niềm Vui Của Các Thánh”, cha Jean Pierre de Caussade chỉ cho chúng ta một bí quyết để xua tan nỗi buồn và lắng lo. Ngài viết, “Hãy ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài; và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi bằng việc trung thành với ân sủng mỗi ngày. Và như thế, nhất định, bạn sẽ trải nghiệm ‘Chúa là nguồn vui’ như các thánh đã trải nghiệm!”.

Anh Chị em,

“Các con sẽ lại thấy Thầy!”. Chúa Giêsu luôn nhịp bước bên chúng ta, Ngài là nguồn vui! Ngài không cất đi những khốn khổ chúng ta gặp trên đường, nhưng ban ơn trợ lực để bạn và tôi đi trọn lối Ngài đã đi. Vấn đề là, chúng ta có nhận ra Ngài trong các biến cố, trong những con người; điều này tuỳ vào đức tin của mỗi người. Nhận ra Chúa Phục Sinh cùng đồng hành, bạn và tôi không thể để cho mình đánh mất niềm vui vì bất cứ lý do gì. Đó là trải nghiệm của Phaolô, của các tín hữu sơ khai, của các thánh; đó còn là trải nghiệm của mỗi người chúng ta. Nếu Chúa Phục Sinh vẫn ‘chiếm chỗ’ ở trung tâm cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ ‘lại thấy Ngài’. Thấy Ngài trong kinh nguyện; thấy Ngài trong Thánh Thể; thấy Ngài trong Lời. Và nhất là thấy Ngài trong những con người mà chúng ta phục vụ; đó là những thành viên của Hội Thánh hay chưa gia nhập Hội Thánh. Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con nhận ra ‘sự hiện diện và ủi an’ của Chúa qua anh chị em con, qua các biến cố; nhờ đó, con có thể chia sẻ ‘Giêsu nguồn vui’ cho những ai vui ít, buồn nhiều!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mừng Chúa Lên Trời.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:27 17/05/2023
Mừng Chúa Lên Trời.

Cùng với Hội Thánh toàn cầu chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Mầu nhiệm Chúa lên trời dường như rất có ý nghĩa với anh em Chính Thống giáo qua các cử hành Phụng Vụ. Theo niên lịch Phụng vụ đoàn tín hữu Công Giáo được nghe dẫn giải về mầu nhiệm này hình như cũng chỉ một lần trong thánh lễ mừng Chúa về trời.

Chúa Giêsu lên trời là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, không ai giữ mãi quan niệm Chúa lên trời là Chúa bay lên một nơi nào đó trên cao, trên chốn bồng lai, tiên cảnh đầy mây. Trời ở đây không phải chỉ nơi chốn nào đó theo nghĩa không gian mà là một tình trạng. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một vị Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì Người đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Chúa tự nguyện bỏ đi vinh quang danh dự của Người để rồi lấy lại thì có liên quan gì đến chúng ta? Vậy chúng cần đào sâu ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời.

Một vài ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời:

1. Chúa lên trời nghĩa là Người đã từ trời xuống: “ Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Đấng chúng ta tôn thờ không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh. Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời Và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).

2. Chúa lên trời nghĩa là Người đã hoàn tất công cuộc cứu độ: “Đức Kitô đã lên cao dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người. Người lên trời nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4,8-10). Con người và mọi sự mọi loài từ đây có được con đường hoàn thiện, nên viên mãn, chính nhờ Người, với Người và trong Người là Giêsu Kitô.

3. Chúa lên trời nghĩa là từ đây các thực tại trần thế có thể đi vào vinh quang bất diệt cùng với Đức Kitô. Khi trở về với vinh quang của một Thiên Chúa thì Đức Kitô đã làm cho các thực tại trần thế mà Người đã nhận lấy qua mầu nhiệm nhập thể, được nên hằng hữu với Người. Từ đây mọi sự, mọi loài đều có thể đi vào cõi bất diệt. Từ nay những sự bình thường và cả tầm thường ở đời này đều có thể trở nên phi thường nhờ nhân tính của Đức Kitô. “Vậy thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,19-20).

4. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta. “Thưa anh em, Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Giờ đây chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả trên trời, một vị Thượng Tế đã kinh qua cảnh sống của loài người chúng ta. Người hiểu và cảm thông với chúng ta trong mọi nỗi niềm của kiếp nhân sinh. Nghĩa là chúng ta đang có một đồng minh đầy uy quyền và rất đáng tin cậy.

Với những ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời như trên, hẳn lòng Mẹ Hội Thánh khao khát đoàn con luôn có thái độ vững tin và hy vọng trong niềm hân hoan phấn khởi. Sao lại không vững tin khi mà Đấng chúng ta tôn thờ và tiếp bước chính là Thiên Chúa thật, là căn nguyên và cùng đích của mọi vật, mọi loài. Sao lại không hy vọng khi mà cửa trời đã mở ra với chúng ta, với tất cả mọi loài thụ tạo. Sao lại không phấn khởi hân hoan khi mà ta luôn có đó Đấng hiểu ta, cảm thông với ta và đang bầu chữa cho ta trước ngai tòa Thiên Chúa?

Để cho niềm tin, niềm hân hoan và hy vọng ấy được hiện thực thì không gì hơn chúng ta hãy nỗ lực làm cho các thực tại trần thế này, từ chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con chuyện cái, chuyện nhà cửa đến xã hội quốc gia, chuyện Hội Thánh…được đi vào vĩnh cửu, bằng chính con tim của ta, một con tim đồng hình đồng dạng với Thầy chí Thánh, Giêsu Kitô. Nước Trời đã ở giữa chúng ta. Đừng có mãi mê nhìn trời nhưng hãy làm cho trái đất này và những chuyện của trần thế này mang giá trị đời đời. Và cách thế tuyệt vời là hãy sống và hoạt động, nghĩa là làm mọi sự đều nhân danh Giêsu, cứu nhân độ thế.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phim mới của EWTN về linh mục Công Giáo ẩn náu nhận phép lành từ Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
05:10 17/05/2023


Một bộ phim mới của EWTN Ái Nhĩ Lan đã được trình chiếu tại Vatican vào đầu tháng này. Bộ phim có nhan đề: “Faith of our Fathers” kể về câu chuyện của một linh mục Công Giáo phải lẩn trốn trong thế kỷ 16 và 17. Bộ phim mô tả những nỗ lực của cộng đồng để bảo vệ ngài khi ngài phục vụ các tín hữu và cử hành Thánh lễ ngoài trời trong thời gian bách hại Công Giáo tại Ái Nhĩ Lan.

Aidan Gallagher, giám đốc của EWTN Ái Nhĩ Lan, gần đây đã nói chuyện với EWTN News Nightly về việc phát hành bộ phim.

Gallagher giải thích rằng trong thời kỳ cấm cách, giáo dục và giáo lý Công Giáo bị cấm, cử hành Thánh lễ bị cấm, và tiếng Ái Nhĩ Lan hay Gaelic bị đặt r1 ngoài vòng pháp luật. Ngoài ra, người Công Giáo đã bị cấm khỏi các chức vụ công cộng. Mặc dù điều này đã diễn ra hàng trăm năm trước, nhưng Gallagher cho biết ông nhìn thấy nhiều sự so sánh với thời hiện đại.

Ông nói trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi quyết định tạo ra tác phẩm đặc biệt này vì nó có rất nhiều mối tương quan và mối quan hệ đương đại với thời hiện đại”.

Bộ phim được chiếu tại Đại học Giáo hoàng Thánh Giá ở Rôma vào ngày 2 tháng 5. Những người tham gia — những người đến từ nhiều nơi trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Pakistan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất — đã đưa ra phản hồi và đưa ra lời chứng về những trải nghiệm tương tự ở quốc gia của họ.

“Nó gần giống như một bằng chứng về tình trạng bách hại đương đại, bởi vì rất nhiều người đã bước tới và nói, 'Bộ phim này có thể lấy bối cảnh là thời kỳ hình phạt cách đây hàng trăm năm ở Ái Nhĩ Lan nhưng chúng tôi vẫn đang trải nghiệm điều này ở đất nước mình ngày nay.”

Ông nói thêm rằng bộ phim đã truyền cảm hứng cho khán giả vì nó cho thấy rằng “mặc dù cái ác cố gắng loại bỏ những cách thức biểu lộ Chúa Kitô, trong Giáo hội của Người, qua bí tích thánh lễ, như Chúa đã nói, 'Phêrô, con là đá tảng. và trên tảng đá này, ta sẽ xây dựng Giáo hội của ta và các cửa hỏa ngục không thể chống lại được.'“

“Và đó là những gì đã xảy ra ở Ái Nhĩ Lan và đó là lý do tại sao tôi cho rằng có rất nhiều người đã đến với chúng tôi, đặc biệt là từ những quốc gia đó, và nói lên những tình cảm rất tích cực đó.”

Một tháng trước khi bộ phim được chiếu ở Rome, Gallagher đã gửi cho Đức Thánh Cha một lá thư trong đó ngài xin Đức Thánh Cha chúc lành cho bộ phim. Bức thư của anh ấy giải thích sự liên quan của bộ phim với tình trạng bách hại ngày nay, khi các Kitô hữu trên khắp thế giới vẫn tiếp tục bị đàn áp vì đức tin của họ. Bức thư cũng bày tỏ rằng lời chúc lành của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp bộ phim thành công và truyền bá đức tin trên toàn thế giới.

Gallagher đã nhận được phép lành từ Đức Thánh Cha Phanxicô sau buổi tiếp kiến chung vào ngày 3 tháng Năm.

“Đó là một cơ hội rất may mắn đối với cá nhân tôi và đối với toàn bộ sứ mệnh của EWTN Ái Nhĩ Lan,” anh nói.

“ Chúa Thánh Thần là điều chúng ta cần để truyền bá thông điệp chân lý này, truyền bá thông điệp cam kết với đức tin Công Giáo này, đặc biệt là trong thời hiện đại này, vì vậy đó là một điều rất rất mạnh mẽ đối với chúng tôi và tạ ơn Chúa vì điều đó,” Gallagher kết luận.


Source:Catholic News Agency
 
Nhật Ký Trừ Tà số 240: Ma Quỷ Gây Mê Man Buồn Ngủ
Đặng Tự Do
05:13 17/05/2023


Có nhiều người bị mất ngủ. Họ chữa chứng bệnh này thành công bằng một phương thế đơn giản, không cần thuốc men gì cả. Khi không thể ngủ được, họ lần chuỗi và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Một Nhà Trừ Tà đã khẳng định điều đó là đúng.

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #240: Demons of Lethargy”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 240: Ma Quỷ Gây Mê Man Buồn Ngủ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chúng tôi vừa hoàn thành một phiên trừ tà trực tuyến hàng tháng khác. Chúng tôi đã có 4.500 lượt phát trực tiếp và hơn 10.000 lượt xem. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời và mạnh mẽ với rất nhiều tín hữu từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau cầu nguyện. Họ đến từ Á Căn Đình, Tây Ban Nha, Phần Lan, Phi Luật Tân, Ý, Venezuela, Mã Lai Á, Ái Nhĩ Lan, Uruguay, Croatia, Slovenia, Indonesia, Vương quốc Anh, Úc, Đức, Canada, v.v.*

Sau buổi trừ tà cuối cùng, một người tham gia đã viết: “Tôi vô cùng buồn ngủ và bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Tôi đã cố gắng chống lại nó nhưng nó quá mạnh và sau đó tôi nghe Đức ông Rossetti đuổi quỷ Satan đang cố đưa chúng tôi vào giấc ngủ và tôi ngay lập tức tỉnh dậy với đôi mắt mở to! Tôi không nhớ chính xác những lời ngài nói nhưng mọi thứ trở nên mờ nhạt khi tôi chìm vào giấc ngủ nhưng ngay khi ngài nói điều gì đó, cơn buồn ngủ lập tức rời bỏ tôi. Cảm ơn Chúa Giêsu.”

Điều tôi nói đã đánh thức anh ấy là: “Nhân danh Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho lũ quỷ mê man phải rời đi!”

Những người tham gia có kinh nghiệm chung là họ trở nên buồn ngủ ngay khi những lời cầu nguyện giải thoát bắt đầu. Họ khó có thể làm theo những lời cầu nguyện. Một người tham gia khác đã viết: “Tôi ngủ thiếp đi... Tôi đã theo dõi được đến chỗ làm sao thoát được bè tam điểm, thì đùng một cái, tôi bất tỉnh.” Có phải những người này đơn giản là thiếu ngủ và cần ngủ nhiều hơn không?

Tuần này, trong một buổi gặp mặt trực tiếp, một người đau khổ cũng phàn nàn về điều tương tự. Cô ấy nói: “Mỗi khi chúng tôi bắt đầu cầu nguyện, tôi lại cảm thấy uể oải”. Vì vậy, tôi đã ra lệnh cho những con quỷ uể oải rời đi và sự uể oải của cô ấy cũng biến mất.

Điều này không chỉ xảy ra trong các buổi trừ tà giải thoát mà còn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, đặc biệt là trong các thừa tác vụ mà ma quỷ căm ghét. Một người phụ nữ có trách nhiệm đọc sách Thánh, và ngay khi bắt đầu thực hiện điều đó, cô ấy gần như không thể mở mắt ra được. Sau một số phiên trừ tà, vấn đề đã biến mất.

Điều này đã xảy ra quá nhiều lần để trở thành một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ma quỷ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn mọi người tham gia vào những lời cầu nguyện giải thoát. Họ cố gắng ngăn chặn liên lạc và gây rối với thiết bị điện tử. Họ sẽ dựng hàng rào này đến hàng rào khác để ngăn mọi người tham dự. Và nếu họ đến được một phiên, ma quỷ sẽ cố gắng đưa họ vào giấc ngủ. Thành ra, chúng tôi phải liên tục cầu xin Chúa Thánh Thần giúp những người này tỉnh táo tham dự; chúng tôi sử dụng những lời cầu nguyện bảo vệ cho công nghệ của chúng tôi; và chúng tôi cầu nguyện để đuổi quỷ hôn mê.

Đây là tất cả những điều khó chịu của Satan. Nhưng Chúa Giêsu là Chúa! Chúng ta bị quấy rối theo nhiều cách khác nhau nhưng không bao giờ bị cản trở. Tin Mừng sẽ được rao giảng và sẽ đến tận cùng trái đất.


Source:Catholic Exorcism
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Niềm đam mê truyền giáo: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. Nhân chứng: Thánh Phanxicô Xaviê
Vũ Văn An
05:50 17/05/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày17 tháng 5 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của Thánh Phanxicô Xaviê. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Pháp do Tòa Thánh công bố



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tiếp tục hành trình Giáo Lý của chúng ta với một số gương mẫu về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta nhớ lại, chúng ta đang nói về việc loan báo Tin Mừng, về lòng nhiệt thành tông đồ, về việc mang danh Chúa Giêsu. Và có rất nhiều người đàn bà và đàn ông trong lịch sử đã làm điều này một cách gương mẫu. Chẳng hạn, hôm nay chúng ta chọn Thánh Phanxicô Xaviê làm gương mẫu, vị thánh mà một số người nói được coi như nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại. Nhưng ta không thể nói ai vĩ đại nhất, ai nhỏ nhoi nhất. Có rất nhiều nhà truyền giáo ẩn mình, mà thậm chí ngày nay, còn làm nhiều hơn Thánh Phanxicô Xaviê. Và Thánh Phanxicô Xaviê là bổn mạng của các xứ truyền giáo, như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Và một nhà truyền giáo là vĩ đại khi họ ra đi. Và có rất nhiều, rất nhiều linh mục, giáo dân, nữ tu đi đến các xứ truyền giáo…thậm chí từ Ý, và nhiều người trong số anh chị em nữa. Chẳng hạn, tôi thấy có câu chuyện về một linh mục là ứng viên để trở thành giám mục, người đã dành mười năm làm nhà truyền giáo ở nơi đó. Điều này thật lạ thường – rời khỏi đất nước của mình để rao giảng Tin Mừng. Đây là lòng nhiệt thành tông đồ. Đây là điều mà chúng ta thực sự cần trau dồi. Và chúng ta học hỏi được nhiều khi nhìn vào những người đàn ông và đàn bà này.

Còn Thánh Phanxicô Xaviê, ngài sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng trở nên nghèo khó ở Navarre, miền bắc Tây Ban Nha, vào năm 1506. Ngài đi du học ở Paris – ngài là một thanh niên trần tục, thông minh, tuyệt vời, trần tục. Ở đó, ngài gặp thánh Inhaxiô thành Loyola. Ngài đã thực hành Linh Thao và thay đổi cuộc đời mình. Rồi ngài đã bỏ mọi sự, sự nghiệp thế gian để trở thành một nhà truyền giáo. Ngài trở thành một tu sĩ Dòng Tên, đã tuyên khấn. Rồi, ngài trở thành một linh mục, và đi truyền giáo, được gửi đến Phương Đông. Vào thời điểm đó, hành trình của các nhà truyền giáo đến Phương Đông có nghĩa là họ được gửi đến những thế giới chưa ai biết. Và ngài ra đi, vì lòng tràn đầy nhiệt huyết tông đồ.

Ngài là người đầu tiên trong số rất nhiều nhà truyền giáo đam mê khởi hành, những nhà truyền giáo nhiệt thành của thời cận đại, sẵn sàng chịu đựng những khó khăn và nguy hiểm to lớn, để đến những vùng đất và gặp gỡ những người từ những nền văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, chỉ được thúc đẩy bởi mong ước mạnh mẽ muốn làm cho Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người được biết đến.

Chỉ trong vòng chưa đầy mười một năm, ngài đã hoàn thành một nhiệm vụ phi thường. Ngài đã là một nhà truyền giáo trong hơn mười một năm. Những chuyến đi vào thời điểm đó rất khắc nghiệt và nguy hiểm. Nhiều người đã chết trên đường đi, do đắm tàu hoặc bệnh tật. Ngày nay không may, họ chết vì bị người ta để họ chết ở Địa Trung Hải. Thánh Phanxicô Xaviê đã trải qua hơn ba năm rưỡi trên các con tàu, chiếm một phần ba toàn bộ thời gian truyền giáo của ngài. Để đến Ấn Độ, ngài đã dành ba năm rưỡi trên tàu; rồi từ Ấn Độ sang Nhật Bản. Thật cảm động.

Ngài đến Goa, Ấn Độ, thủ đô của Đông Bồ Đào Nha, thủ đô văn hóa và thương mại. Và Thánh Phanxicô Xaviê đã thiết lập cơ sở của mình, nhưng không dừng lại ở đó. Ngài tiếp tục truyền giáo cho những ngư dân nghèo ở bờ biển phía nam Ấn Độ, dạy giáo lý và cầu nguyện cho trẻ em, rửa tội và chăm sóc người bệnh. Sau đó, khi đang cầu nguyện vào một đêm tại ngôi mộ của thánh tông đồ Barthôlômêô, ngài cảm thấy cần phải đi quá Ấn Độ. Ngài đã để lại công việc mà ngài đã khởi xướng cho những người giỏi giang - điều này thật tốt, có tổ chức - và dũng cảm lên đường đến Moluccas, hòn đảo xa xôi nhất của quần đảo Indonesia. Không có chân trời nào cho những người đó, họ đã đi xa hơn… Những nhà truyền giáo thánh thiện này đã can đảm biết bao! Và những người truyền giáo ngày nay cũng vậy. Tất nhiên, họ không ở ba tháng trên tàu thủy, mà đi máy bay trong hai mươi bốn giờ. Nhưng vẫn là điều tương tự ở đó. Họ cần định cư ở đó, di chuyển nhiều cây số và đi sâu vào trong rừng. Đây là những gì giống như thế... Và vì vậy, ở Moluccas, ngài đã dịch sách giáo lý sang ngôn ngữ địa phương của họ và dạy họ cách hát giáo lý, ngài đã nhập cuộc qua bài hát. Chúng ta hiểu cảm xúc của ngài từ những lá thư của ngài. Ngài viết: “Những nguy hiểm và đau khổ, được chấp nhận một cách tự nguyện và duy nhất vì tình yêu và việc phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là kho tàng chứa đựng nhiều niềm an ủi thiêng liêng. Ở đây, trong một vài năm, ai đó có thể mất đi đôi mắt vì quá nhiều nước mắt của niềm vui” (20 tháng 1 năm 1548). Ngài đã khóc vì sung sướng khi nhìn thấy công việc của Thiên Chúa.

Một ngày nọ, ở Ấn Độ, ngài gặp một người đến từ Nhật Bản, người này đã kể cho ngài nghe về đất nước xa xôi của anh, nơi mà chưa một nhà truyền giáo châu Âu nào từng đặt chân đến. Thánh Phanxicô Xaviê cảm thấy thao thức muốn làm việc tông đồ, muốn đi nơi khác, xa hơn, và ngài quyết định khởi hành càng sớm càng tốt, và đến đó sau một cuộc hành trình phiêu lưu trên một chiếc thuyền chở rác của một người Trung Quốc. Ba năm của ngài ở Nhật Bản khá khó khăn do khí hậu, sự đối lập và sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ của ngài. Tuy nhiên, ở đây cũng vậy, những hạt giống được gieo trồng sẽ đơm hoa kết trái.

Là một người mơ mộng lớn, ở Nhật Bản, ngài hiểu rằng quốc gia quyết định cho sứ mệnh của mình ở châu Á là một quốc gia khác: Trung Quốc. Với nền văn hóa, lịch sử, quy mô của nó, nó đã thực hiện sự thống trị trên thực tế đối với phần đó của thế giới. Thậm chí ngày nay, Trung Quốc là một trung tâm văn hóa với bề dày lịch sử, một lịch sử đẹp đẽ…. Vì vậy, ngài quay trở lại Goa, và ngay sau đó lại lên đường với hy vọng vào được Trung Quốc. Nhưng kế hoạch của ngài đã thất bại – ngài chết ở cửa ngõ của Trung Quốc, trên một hòn đảo, đảo nhỏ Sancian, trước bờ biển Trung Quốc, chờ đợi trong vô vọng để đổ bộ vào đất liền gần Quảng đông. Vào ngày 3 tháng 12 năm 1552, ngài qua đời trong tình trạng hoàn toàn bị bỏ rơi, chỉ có một người đàn ông Trung Quốc đứng bên cạnh trông chừng ngài. Như vậy là đã kết thúc cuộc hành trình trần thế của Thánh Phanxicô Xaviê. Ngài đã dành cả cuộc đời của mình một cách nhiệt thành tại các xứ truyền giáo. Ngài rời Tây Ban Nha, một quốc gia phát triển cao, đến quốc gia phát triển nhất lúc bấy giờ – Trung Quốc – và qua đời trước ngưỡng cửa của Trung Quốc vĩ đại, cùng với một người đàn ông Trung Quốc. Nó mang tính biểu tượng, tính biểu tượng cao.

Hoạt động mãnh liệt của ngài luôn được kết hợp với cầu nguyện, kết hợp với Thiên Chúa, huyền nhiệm và chiêm niệm. Ngài không bao giờ bỏ cầu nguyện vì ngài biết đó là nơi ngài hút được sức mạnh cho mình. Đi đến đâu ngài cũng tận tình chăm sóc người bệnh, người nghèo và trẻ em. Ngài không phải là một nhà truyền giáo “quý tộc”. Ngài luôn đồng hành với những người thiếu thốn nhất, những trẻ em cần được dạy dỗ, dạy giáo lý nhất. Người nghèo, người bệnh… Ngài đặc biệt tìm đến “các biên cương” khi chúng cần sự quan tâm. Và ở đó, ngài đã lớn lên trong sự vĩ đại. Và tình yêu của Chúa Kitô là sức mạnh đưa ngài đến những biên cương xa nhất, với sự gian khổ và nguy hiểm liên tục, vượt qua những thất bại, thất vọng và ngã lòng; thực vậy, việc đi theo và phục vụ Người cho đến cùng đem lại cho ngài niềm an ủi và niềm vui.

Chính Thánh Phanxicô Xaviê, người đã làm tất cả những điều vĩ đại này, trong sự nghèo khó như vậy, với lòng can đảm như thế, có thể ban cho chúng ta một chút lòng nhiệt thành này, lòng nhiệt thành này để sống cho Tin Mừng, loan báo Tin Mừng. Rất nhiều người trẻ, rất nhiều người trẻ ngày nay có một điều gì đó…bồn chồn…và họ không biết phải làm gì với sự bồn chồn đó. Hãy nhìn Thánh Phanxicô Xaviê, hãy nhìn những chân trời của thế giới, hãy nhìn những người đang túng thiếu như thế, hãy nhìn biết bao nhiêu người đang đau khổ, biết bao nhiêu người cần đến Chúa Giêsu. Và hãy có can đảm để ra đi. Ngày nay cũng vậy, có những người trẻ can đảm. Tôi đang nghĩ đến nhiều nhà truyền giáo, chẳng hạn như ở Papua New Guinea, đến những người bạn trẻ của tôi ở giáo phận Vanimo, và nhiều người khác đã ra đi – những người trẻ – để truyền giáo theo bước chân của thánh Phanxicô Xaviê. Xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui loan báo Tin Mừng, niềm vui mang sứ điệp này, một sứ điệp thật đẹp đẽ, làm cho chúng ta và mọi người hạnh phúc. Cảm ơn anh chị em!
 
Tình yêu Chúa Kitô đã đưa Thánh Phanxicô Xaviê đến những biên giới xa xôi nhất
Thanh Quảng sdb
18:13 17/05/2023
Tình yêu Chúa Kitô đã đưa Thánh Phanxicô Xaviê đến những biên giới xa xôi nhất

(Tin Vatican)

Trong buổi triều yết hôm thứ Tư ngày 17/5/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tình yêu của Chúa Kitô đã thúc đẩy thánh Phanxicô Xaviê đến những nơi xa xôi nhất trên thế giới để truyền bá Tin Mừng.

ĐTC ca ngợi 'nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời đại', Thánh Phanxicô Xaviê, là hiện thân của lòng nhiệt thành tông đồ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 17/5 mà ký giả Deborah Castellano Lubov đã ghi lại.

“Tình yêu Chúa Kitô là sức mạnh đưa ngài đến những biên cương xa xôi, với những vất vả và nguy hiểm, phải vượt qua những thất bại, thất vọng và ngã lòng, nhưng tìm được niềm an ủi và niềm vui khi theo đuổi và phục vụ Chúa Kitô cho đến cùng.”

Qua những lời trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Thánh Phanxicô Xaviê, “được coi là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại” trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào sáng thứ Tư tại Quảng trường Thánh Phêrô, khi ngài tiếp tục suy tư về những nhân vật tiêu biểu cho lòng nhiệt thành tông đồ.

Suy tư về vị thánh bảo trợ cho các các vùng Truyền giáo tại Quảng trường, Đức Thánh Cha ca ngợi sự chăm sóc tận tụy của thánh nhân dành cho các bệnh nhân, những người nghèo và trẻ em, bất cứ nơi nào ngài đến.

“Hoạt động mãnh liệt của thánh nhân luôn kết hợp với tâm tình cầu nguyện, và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.”

Tri ân các nhà truyền giáo hôm nay

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta có thể học hỏi nơi Thánh Phanxicô Xaviê, đồng thời ca ngợi ngài như một mẫu gương cho các nhà truyền giáo cũng như cho những người trẻ tuổi! Thánh nhân đã đạt được những thành quả hết sức hiển hách.

Trong khi ca ngợi những thành quả của Thánh Phanxicô Xaviê, Đức Thánh Cha chúc mừng tất cả các nhà truyền giáo, những người nối tiếp, cống hiến đời mình cho tha nhân, làm khơi dậy đức tin và tình yêu với Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha mời mọi người hãy vỗ tay chúc mừng các vị truyền giáo “Chúng ta thấy sự can đảm nơi các nhà truyền giáo ngày nay, những người không đi bằng tàu thuyền mà đi bằng máy bay, đặc biệt họ có sức mạnh để ra đi”.

“Có rất nhiều nhà truyền giáo ẩn mình, âm thầm nhưng làm được nhiều điều hơn cả Thánh Phanxicô Xaviê ngày xưa.”

Đức Thánh Cha ca ngợi “rất nhiều linh mục, giáo dân, nữ tu, những người đi truyền giáo,” ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần học hỏi nơi họ.

Tận hiến vô điều kiện cho Chúa

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới sự kết hợp mật thiết của Thánh Phanxicô Xaviê với Chúa Kitô, ngay cả trong lúc nguy nan, Chúa luôn là sức mạnh cho ngài.

“Thánh nhân không bao giờ bỏ cầu nguyện, bởi vì ngài biết sức mạnh ở đó.”

Đức Thánh Cha nhắc nhớ Thánh Phanxicô Xaviê sinh trưởng trong một gia đình quý tộc nhưng sống nghèo khó ở Navarre, miền bắc Tây Ban Nha, vào năm 1506, ngài theo học tại Đại học Paris "để có được một vị trí với lương cao bảo đảm cho một tương lai tươi sáng." Đức Thánh Cha kể lại danh tiếng của thánh nhân như là một thanh niên dễ thương dễ mến và thông minh, xuất sắc trong thể thao và học tập.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Ở đại học ngài đã gặp một người bạn đồng hành lớn tuổi hơn "và hơi đặc biệt", Thánh Ignatius của thành Loyola. “Họ trở thành những người bạn tuyệt vời, và Inhaxiô giúp thánh Phanxicô sống kinh nghiệm thiêng liêng mới mẻ và sâu sắc”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng Phanxicô Xaviê sẽ là một trong số các tu sĩ Dòng Tên thời đó được gửi đến Đông Ấn để truyền bá đức tin.

Làm cho Chúa Giêsu Kitô được biết đến

ĐTC nói, tại đây nhóm đầu tiên trong số rất nhiều nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết đã bắt đầu, sẵn sàng chịu đựng những gian khổ và nguy hiểm to lớn, để đến những vùng đất và gặp gỡ những người có nền văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ.

Đức Thánh Cha chia sẻ điểm chung của họ là một thao thức, một ước muốn mạnh mẽ là làm cho Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài được loan tỏa.

Sau đó, Xaviê được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa thánh, đại diện của Đức Giáo Hoàng Phaolô III cho cai quản Ấn Độ, và trong vòng chưa đầy mười một năm, ngài đã hoàn thành được một công việc phi thường.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, ngay cả khi các chuyến đi bằng tàu vào thời điểm đó rất khó khăn và nguy hiểm, với nhiều người chết trên đường vì đắm tàu hoặc bệnh tật, Xaviê đã dành hơn ba năm rưỡi trên tàu, một phần ba toàn bộ thời gian thực hiện sứ mệnh của mình.

Tất cả vì tình yêu Chúa

Khi đến Goa, Ấn Độ, thủ đô của thuộc địa Bồ Đào Nha, Xaviê đã thiết lập cơ sở ở đó, nhưng không dừng lại ở đó... Thay vào đó, Ngài đi loan truyền Tin mừng cho những ngư dân nghèo ở ven biển phía nam Ấn Độ, dạy giáo lý và cầu nguyện cho trẻ em, rửa tội và chữa lành những người đau ốm.

Trong một buổi cầu nguyện ban đêm tại ngôi mộ của Thánh Tông đồ Bartholomêô, ngài cảm thấy mình phải vượt ra ngoài Ấn Độ, do đó, ngài đã đi Moluccas, hòn đảo xa nhất của quần đảo Indonesia, và thành lập một số cộng đồng Kitô hữu trong hai năm. Thánh nhân đã viết những bài Giáo lý bằng tiếng địa phương và dạy dân chúng hát thánh ca…

Đức Thánh Cha mời các tín hữu hãy đọc những bức thư của thánh nhân, để hiểu rõ hơn những cảm nghĩ của thánh nhân.

“Thánh Xaviê viết: 'Những nguy hiểm và đau khổ, được chấp nhận một cách tự nguyện và duy nhất vì tình yêu và vì phục vụ Thiên Chúa, đã trở thành những kho báu chan chứa niềm an ủi tinh thần to lớn. Ở đây trong vài năm nữa, chúng ta có thể bị mù mắt vì khóc quá nhiều, những giọt nước mắt vì mừng vui!” (20 tháng 1 năm 1548).”

Hoa trái tuyệt vời ở châu Á

Đức Thánh Cha nói tiếp: Một ngày nọ, ở Ấn Độ, Phanxicô Xaviê gặp một người đàn ông Nhật Bản, người này kể cho ngài nghe về đất nước xa xôi của ông, nơi chưa có nhà truyền giáo châu Âu nào đặt chân tới, và ngài quyết định đến đó sau khi trải qua một hành trình phiêu lưu đầy mạo hiểm. “Ba năm ở Nhật Bản với nhiều khó khăn, do khí hậu, sự đối kháng và sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ,” Đức Thánh Cha nói, “nhưng ngay cả ở đây hạt giống được gieo trồng cũng đơm hoa kết trái.”

Tại Nhật Bản, Đức Thánh Cha kể: "Thánh Xaviê khám phá ra rằng quốc gia quyết định cho sứ mệnh truyền giáo ở Châu Á phải là một quốc gia khác: Trung Quốc."

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Với nền văn hóa, lịch sử, sự vĩ đại của nó, người Hoa đã thực hiện được sự thống trị phần lớn các quốc gia Á châu này.”

Đối diện với thất bại

Vì lý do này, thánh Xaviê quay trở về Goa, và ngay sau đó lại lên đường với hy vọng vào Trung Quốc, mặc dù Trung quốc đã đóng cửa đối với người nước ngoài; cho nên thánh nhân đã không thành công.

Xaviê qua đời ở tuổi 46 vào năm 1552, hoàn toàn phó thác cho Chúa, trên hòn đảo nhỏ Sancian, chờ đợi trong vô vọng để được vào đất liền gần Canton. “Như vậy là kết thúc cuộc hành trình trần thế của Thánh Phanxicô Xaviê.”

Niềm vui truyền giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng ca ngợi đời sống cầu nguyện, gương mẫu của Thánh Phanxicô Xaviê và sự kết hợp với Chúa Kitô cho đến giờ phút cuối cùng cuộc đời.

“Hãy nhìn lên thánh Phanxicô Xaviê, hãy nhìn vào chân trời thế giới, hãy nhìn tới những dân tộc đang gặp khó khăn, hãy nhìn vào biết bao người đau khổ, đang cần đến Chúa Giêsu. Và hãy ra đi, hãy can đảm lên. Cha nghĩ đến rất nhiều nhà truyền giáo đang lam lũ ở Papua New Guinea, đến những người bạn của cha, những người trẻ, cha nhớ đến tất cả những người đã và đang dấn thân truyền giáo theo gót chân của thánh Phanxicô Xaviê. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm vui truyền giáo, một niềm vui lớn lao!"
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video Thánh Lễ Truyền chức Giám Mục cho Linh Mục Lê Tấn Lợi
Gp Cần Thơ
21:31 17/05/2023
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, Phần hai, chương bẩy: Bằng chứng danh tính
Vũ Văn An
23:52 17/05/2023

Phần 2: Phân tích Chúa Giêsu



Chương bẩy: Bằng chứng danh tính


Chúa Giêsu có thực sự xác tín rằng Người là Con Thiên Chúa không?

John Douglas có một khả năng phi thường biết nhìn vào tâm trí những người ông chưa bao giờ gặp.

Là “chuyên viên phác họa hình dạng tâm lý” độc đáo của Văn phòng Điều tra Liên bang [FBI], Douglas có nhiệm vụ thu thập tin tức tại hiện cảnh xẩy ra tội ác và rồi sử dụng các tầm nhìn thông sáng của ông để nhìn tận bên trong nhân cách của kẻ phạm tội còn tại đào.

Xin đơn cử một thí dụ: Douglas từng tiên đoán rằng “Kẻ Sát nhân Bên đường mòn”, một kẻ giết người hàng loạt chuyên rình mò các khu rừng rậm gần San Francisco từ năm 1979 tới năm 1981, hẳn là một người có trở ngại trong nói năng cũng như các xu hướng tàn ác đối với thú vật, đái dầm, và đốt phá. Những tiên đoán ấy đúng đến nỗi, người sau đó bị bắt và kết tội hội đủ các mô tả này (1).

Với một bằng tiến sĩ tâm lý, kinh nghiệm lâu năm trong tư cách thám tử, và tài năng tự nhiên trong việc hiểu biết tác phong của con người, Douglas đã trở thành nổi tiếng tinh thông trong việc phác họa hình dạng. Ông từng là đồng tác giả một số tác phẩm bán chạy nhất về chủ đề này, và khi Jodie Foster thắng giải Oscar nhờ thủ vai trong phim Silence of the Lambs, cô đã công khai cám ơn Douglas vì đã là nhân vật đời thực đàng sau nhân vật hư cấu nhà dìu dắt FBI của cô.

Làm thế nào Douglas lại có khả năng hiểu diễn trình suy nghĩ của các cá nhân ông chưa bao giờ nói chuyện với? Douglas giải thích với tạp chí Biography, “tác phong biểu lộ nhân cách” (2).

Nói cách khác, Douglas khảo sát tường tận bằng chứng đàng sau hiện trường tội ác và, khi có thể, phỏng vấn các nạn nhân để tìm ra một cách chính xác điều phạm nhân nói và làm. Từ những manh mối này, những sản phẩm của hành vi phạm nhân để lại, ông diễn dịch cấu trúc tâm lý của cá nhân.

Áp dụng vào Chúa Giêsu: tuy không đối thoại với Người, làm thế nào ta có thể đi sâu vào tâm trí Người để xác định ra đâu là các động lực, các ý hướng, và việc hiểu về chính Người của Người? Làm thế nào ta biết Người nghĩ Người là ai và đâu là sứ mệnh của Người?

Douglas dám nói, nhờ nhìn vào tác phong của Người. Nếu chúng ta muốn hình dung ra liệu Chúa Giêsu có nghĩ Người là Đấng Mêxia hay Con Thiên Chúa hay không, hay chỉ coi Người là một thầy rabbi hay tiên tri, chúng ta cần nhìn vào việc Người đã làm gì, đã nói gì và Người liên hệ với người khác ra sao.

Vấn đề Chúa Giêsu nghĩ gì về Người là một vấn đề hết sức chủ yếu. Một số giáo sư chủ trương rằng huyền thoại về thiên tính của Chúa Giêsu đã được chồng lên truyền thống Chúa Giêsu bởi những người ủng hộ quá nhiệt thành mãi nhiều năm sau khi Người qua đời. Các giáo sư này tin rằng: Chúa Giêsu đích thực sẽ không cựa mình trong mồ nếu Người biết người ta thờ phượng Người. Nếu ông tước bỏ các dã sử và đi lùi trở lại các tư liệu sớm nhất về Người, họ nói ông sẽ thấy Người không bao giờ khát mong là bất cứ điều gì ngoài là một thầy dậy đó đây và thỉnh thoảng khích động đám dân hèn.

Nhưng liệu bằng chứng lịch sử có đứng về phía họ hay không? Để tìm ra, tôi đã bay tới Lexington, Kentucky, và lái xe qua các con đường ngoằn ngoèo băng qua hàng loạt các nông trại nuôi ngựa đầy hình ảnh để tìm gặp học giả mà cuốn sách được ca ngợi của ông, The Christology of Jesus [Kitô học về Chúa Giêsu] đã đương đầu với chính chủ đề này.



Cuộc phỏng vấn thứ sáu: Ben Witherington III, Ph.D.



Không có nhiều điều lắm ở thị trấn tí hon Wilmore, Kentucky, ngoại trừ Chủng viện Thần học Asbury, nơi tôi tìm được văn phòng của Ben Witherington ở lầu bốn của một tòa nhà kiểu thời lập cư cách đường phố chính của cộng đồng mộc mạc. Với lối hiếu khách duyên dáng của một nhà qúy phái Miền Nam, người sinh trưởng của Bắc Carolina mời tôi ngồi vào chiếc ghế êm ái và một tách càphê khi chúng tôi cùng ngồi xuống để thảo luận việc Chúa Giêsu thành Nadarét nghĩ Người là ai.

Chủ đề trên vốn là lãnh vực quen thuộc của Witherington, tác giả của những cuốn sách như Jesus the Sage [Chúa Giêsu nhà hiền triết], The Many Faces of the Christ [Nhiều khuôn mặc của Chúa Kitô]; The Jesus Quest [Đi tìm Chúa Giêsu]; Jesus, Paul, and the End of the World [Chúa Giêsu, Thánh Phaolô và ngày Tận thế]; và Women in the Ministry of Jesus [Phụ nữ trong Thừa tác vụ của Chúa Giêsu]. Ông cũng là tác giả nhiều bài viết về Chúa Giêsu xuất hiện trên các từ điển chuyên môn và các tập san học thuật.

Được giáo dụ tại Chủng viện Thần học Gordon-Conwell (thạc sĩ thần học, tối ưu) và Đại Học Durham, Anh (tiến sĩ thần học tập trung vào Tân Ước), Witherington vốn dạy tại Asbury, Chủng viện Thần học Ashland, Trường Thần học của Đại Học Duke, và Gordon-Conwell. Ông là hội viên của Hội Nghiên cứu Tân ước, Hội Văn chương Kinh thánh và Viện Nghiên cứu Kinh thánh.

Nói một cách rành rẽ và cân nhắc, cẩn thận đắn đo lời nói, Witherington dứt khoát nghe như một học giả; thế nhưng giọng nói của ông cho thấy một luồng hứng khởi sâu thẳm, thậm chí thán phục không thể lầm được, đối với chủ đề của ông. Thái độ này còn đi xa hơn khi ông đưa tôi đi thăm một vòng phòng thâu thanh thâu hình sử dụng kỹ thuật thật cao nơi ông hòa lẫn các hình ảnh của Chúa Giêsu với các bài hát mà lời ca sáng rực lòng cảm thương, sự hy sinh, nhân tính, và vẻ uy nghi của đời sống và thừa tác vụ của Người.

Đối với một học giả trước tác với lối văn xuôi thật nhiều ghi chú, cẩn thận lên sắc thái, và chính xác về phương diện học thuật trong các vấn đề kỹ thuật liên quan tới Chúa Giêsu, việc kết hợp đầy nghệ thuật giữa video và âm nhạc này là một phương thế đầy thi ca để khám phá chiều kích của Chúa Giêsu mà chỉ nghệ thuật sáng tạo mới tiến gần đến chỗ nắm bắt được.

Trở lại văn phòng của ông, tôi quyết định bắt đầu khảo sát việc Chúa Giêsu tự hiểu về chính Người bằng một câu hỏi thường xuất hiện trong tâm trí độc giả khi họ tiếp xúc lần đầu với các sách Tin Mừng.

Tôi hỏi khi Witherington kéo chiếc ghế qua mặt tôi, “sự thật là Chúa Giêsu hơi mầu nhiệm về căn tính của Người, phải không? Người có khuynh hướng phớt qua việc tự công bố thẳng thừng Người là Đấng Mêxia hay Con Thiên Chúa. Có phải điều đó vì Người không nghĩ về Người theo những hạn từ này hay vì Người có những lý do khác?”

Witherington trả lời khi ngồi thoải mái trong ghế và bắt chéo chân, “Không, không phải vì Người không nghĩ về người theo các hạn từ đó. Nếu Người đơn giản công bố, ‘Này, các ông, tôi là Thiên Chúa’ điều ấy nghe như thể ‘tôi là Giavê’ vì người Do Thái thời Người không có ý niệm gì về Ba Ngôi. Họ chỉ biết Thiên Chúa Cha, Đấng họ gọi là Giavê, chứ không biết Thiên Chúa Con hay Thiên Chúa Thánh Thần.

“Nên nếu có ai nói mình là Thiên Chúa, điều này không có nghĩa gì cả đối với họ và sẽ bị coi là phạm thượng rõ ràng. Và điều đó chỉ có hại cho Chúa Giêsu trong các cố gắng của Người làm cho người ta lắng nghe sứ điệp của Người.

“Vả lại, đã có hàng loạt các chờ mong về việc Đấng Mêxia sẽ như thế nào, nên Chúa Giêsu không muốn bị đóng khung trong các phạm trù của một ai khác. Thành thử, Người rất thận trọng về điều Người nói trước công chúng. Lúc ở riêng với các môn đệ, thì khác, nhưng các sách Tin Mừng chủ yếu nói với chúng ta về những điều Người nói trước công chúng.

Thăm dò các truyền thống sớm nhất

Chính cuốn sách năm 1977 của thần học gia người Anh John Hick và nửa tá các đồng nghiệp cùng một đầu óc như ông đã gây ra trận cuồng phong tranh cãi bằng cách nói rằng Chúa Giêsu chưa bao giờ tự nghĩ về mình như Thiên Chúa nhập thể hay Đấng Mêxia. Họ viết rằng các ý niệm này, khai triển sau này rồi được viết vào các sách Tin Mừng để coi như chính Chúa Giêsu nói như thế về chính Người.

Để thăm dò lời tố cáo này, Witherington đi trở lui tới tận các truyền thống sớm nhất nói về Chúa Giêsu, các tư liệu sơ khai nhất, chắc chắn an toàn thoát khỏi mọi khai triển của dã sử, và khám phá ra những manh mối thuyết phục nhất liên quan đến việc Chúa Giêsu thực sự coi Người ra sao.

Tôi muốn đào sâu vào cuộc tìm tòi ấy, bắt đầu với câu hỏi này: “Chúng ta có thể tìm thấy manh mối nào về việc Chúa Giêsu tự hiểu chính Người từ cách Người liên hệ với người khác?”

Witherington suy nghĩ một lúc, rồi trả lời, “ông hãy nhìn vào mối liên hệ của Người với các môn đệ của Người. Chúa Giêsu có 12 môn đệ, thế nhưng ông hãy lưu ý: Người không phải là một trong Nhóm Mười Hai”.

Dù điều ấy nghe như một chi tiết không có chi khác biệt, Witherington nói nó rất có ý nghĩa.

Ông hỏi, “Nếu Nhóm Mười Hai tượng trưng cho một Israel đổi mới, thì Chúa Giêsu đứng ở chỗ nào? Người không phải là thành phần của Israel, không chỉ là thành phần của nhóm được cứu chuộc, Người tạo lập một nhóm, y như Thiên Chúa trong Cựu Ước tạo lập một dân riêng và thiết lập mười hai chi tộc Israel. Đó là manh mối về điều Chúa Giêsu nghĩ về chính Người”.

Witherington tiếp tục mô tả manh mối có thể tìm thấy trong mối liên hệ của Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả. “Chúa Giêsu nói, ‘Gioan là người vĩ đại nhất trên thế giới giữa những người do người đàn bà sinh ra’. Sau khi đã nói thế, Người còn đi xa trong thừa tác vụ của Người hơn Gioan, như làm phép lạ chẳng hạn. Điều ấy nói gì về việc Người nghĩ gì về chính Người?

“Và mối liên hệ của Người với các nhà lãnh đạo tôn giáo có lẽ là mối liên hệ có tính mạc khải hơn hết. Chúa Giêsu đưa ra tuyên bố hết sức triệt để rằng không phải những gì đi vào con người làm họ ra ô uế mà là những gì từ tâm hồn họ đi ra. Thành thật mà nói, điều này để qua một bên những phần rất lớn trong sách Cựu Ước Lêvi, với những qui định hết sức tỉ mỉ về sự trong sạch.

“Nhưng người Biệt phái không thích thông điệp này. Họ muốn duy trì sự việc như chúng là trước đây, nhưng Chúa Giêsu nói, ‘không, Thiên Chúa có các kế hoạch xa hơn. Người làm một điều mới’. Chúng ta phải hỏi, loại người nào nghĩ họ có thẩm quyền để qua một bên các sách thánh Do thái vốn được Thiên Chúa linh hứng và thay thế chúng bằng bằng giáo huấn của chính Người?

“Và phải nói gì về mối liên hệ của Người, nếu có thể gọi đây là một mối liên hệ, với các nhà cầm quyền La Mã? Chúng ta phải hỏi tại sao họ đóng đinh Người. Nếu Người đơn thuần chỉ là một hiền giả vô thưởng vô phạt chuyên kể những câu dụ ngôn đôi chút dễ nghe, làm thế nào Người lại phải kết cục bị đóng đinh, nhất là trong mùa Vượt Qua, khi không người Do Thái nào muốn người Do Thái bị hành quyết? Chắc chắn phải có lý do tại sao tấm bảng trên đầu Người viết, ‘Đây là Vua Dân Do Thái’”.

Witherington để nhận định cuối cùng lơ lửng trong không khí, trước khi cung cấp lời giải thích; ông nói, “một là chính Chúa Giêsu đưa ra câu ấy, hai là một ai đó rõ ràng nghĩ Người đã đưa ra”.

Do ngón tay Thiên Chúa

Dù các mối liên hệ của Chúa Giêsu cung cấp cho ta cửa sổ nhìn vào cái hiểu của Người về chính Người, Witherington nói rằng các việc làm của Người, nhất là các phép lạ của Người, cung cấp cho ta nhiều cái nhìn thấu suốt. Tuy nhiên, tôi giơ tay cản ông.

Tôi nói, “Chắc chắn ông không thể nói rằng các phép lạ của Chúa Giêsu xác minh việc Người nghĩ Người là Thiên Chúa, vì sau đó, các môn đệ của Người ra đi và cũng làm phép lạ y hệt như thế nhưng họ đâu có nói họ là thần minh”.

Witherington trả lời, “Không, không phải sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ soi sáng cái hiểu của Người về chính Người. Điều quan trọng là Người giải thích các phép lạ của Người ra sao”.

Tôi hỏi, “Ông muốn nói gì?”

“Chúa Giêsu nói, ‘nếu tôi, do ngón tay Thiên Chúa, mà trừ qủy, thì các ông biết rằng nước Thiên Chúa đã đến trên các ông’. Người không giống như các người làm phép lạ khác: họ làm các điều lạ lùng và rồi cuộc sống lại diễn tiến như trước. Không, đối với Chúa Giêsu, các phép lạ của Người là các dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến. Chúng là những tiền vị của Nước Thiên Chúa. Và điều này làm Chúa Giêsu ra khác”.

Tôi lại nói chen vào. Tôi nói, “Xin ông nói rõ thêm một chút. Nó làm Người ra khác như thế nào?”

Witherington trả lời, “Chúa Giêsu coi các phép lạ của Người như đem lại một điều gì đó chưa hề có: sự xuất hiện quyền thống trị của Thiên Chúa. Người không chỉ coi mình như một người làm phép lạ; Người coi Người như một người trong đó và qua đó các lời hứa của Thiên Chúa đang ứng nghiệm. Và điều đó rõ ràng là một khẳng định tính siêu việt”.

Tôi gật đầu. Quả tình giờ đây, trọng điểm của ông có nghĩa đối với tôi. Nên tôi quay qua các lời Chúa Giêsu nói, mong tìm được nhiều manh mối liên quan đến cái hiểu của Người về chính Người.

Tôi nói, “Người được xưng hô là Rabbouni hay ‘Rabbi’ bởi các môn đệ. Há điều này không hàm ý Người chỉ giảng dậy như các rabbis khác thời Người hay sao?”

Witherington cười, ông nói, “Thực sự, Chúa Giêsu giảng dậy một cách mới triệt để. Người bắt đầu giáo huấn của Người bằng câu này ‘Quả thật, tôi nói cho các ông hay’ nghĩa là, ‘tôi thề trước về sự thật của điều tôi sắp sửa nói’. Điều này hoàn toàn có tính cách mạng”.

Tôi hỏi, “Thế sao?”

Ông trả lời, “Trong Do Thái Giáo, ông cần chứng từ của hai nhân chứng, để nhân chứng A có thể làm chứng cho sự thật của nhân chứng B và ngược lại. Nhưng Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật của điều Người nói. Thay vì dựa giáo huấn của Người trên thế giá người khác, Người nói bằng chính thế giá của Người.

“Nên đây là một người tự coi mình có thế giá trên và vượt quá điều các tiên tri Cựu Ước vốn có. Người tin Người sở hữu không những sự linh hứng của Thiên Chúa, như Vua Đavít, mà còn cả thẩm quyền Thiên Chúa và quyền lực của lời Thiên Chúa nữa”.

Ngoài việc dùng chữ “Amen” trong lời dạy của Người, Chúa Giêsu còn dùng chữ “Abba” khi gọi Thiên Chúa. Tôi hỏi, “Điều này nói cho ta hay điều gì về điều Người nghĩ về chính Người?”

Witherington giải thích, “’Abba’ nói lên tình thân mật trong mối liên hệ giữa đứa trẻ và cha của em. Điều đáng chú ý là nó cũng là chữ các môn đệ dùng để chỉ thầy dậy thân yêu của họ trong Do thái giáo tiên khởi. Nhưng Chúa Giêsu dùng nó chỉ Thiên Chúa, và tôi dám nói với ông, Người và các môn đệ của Người là những người duy nhất cầu nguyện với Thiên Chúa cách này”.

Khi tôi yêu cầu khai triển thêm về tầm quan trọng của điều này, ông nói, “Trong bối cảnh Chúa Giêsu hoạt động, người Do Thái có thói quen đi vòng vòng khi nói đến tên Thiên Chúa. Tên Thiên Chúa là tên thánh thiêng nhất, nên họ rất sợ đọc sai nó. Nếu họ buộc phải thưa với Thiên Chúa, có lẽ họ sẽ thưa, ‘Đấng Thánh Thiện, xin chúc tụng Người’ chứ không dám dùng tên riêng của Người”.

Tôi nói, “và ‘Abba’ là một chữ rất bản vị tư riêng”. Ông trả lời, “Rất bản vị riêng tư. Nó là chữ rất thân thương qua đó, đứa trẻ muốn nói với cha em, ‘Bố yêu qúy, bố muốn con làm chi?”

Tuy nhiên, tôi nhận ra một bất nhất biểu kiến. Tôi xen vào, “Khoan đã. Cầu nguyện mà nói ‘Abba’ đâu có ngụ ý Chúa Giêsu nghĩ Người là Thiên Chúa, vì Người dậy các môn đệ cũng dùng y hệt chữ này trong lúc cầu nguyện nhưng họ đâu có phải là Thiên Chúa”.

Witherington trả lời, “Thực sự, ý nghĩa chữ ‘Abba’hệ ở chỗ Chúa Giêsu là người khởi xướng một mối liên hệ thân mật mà trước đó chưa hề có. Vấn đề là loại người nào mới có thể thay đổi các điều kiện liên hệ với Thiên Chúa? Loại người nào mới có thể khởi xướng mối liên hệ giao ước mới với Thiên Chúa?”

Việc phân biệt của ông có nghĩa đối với tôi. Tôi hỏi, “Vậy ông coi việc Chúa Giêsu dùng chữ ‘Abba’có ý nghĩa ra sao?”

Ông trả lời, “Rất có ý nghĩa. Nó ngụ ý rằng Chúa Giêsu có một mức độ thân mật với Thiên Chúa không giống bất cứ điều gì trong Do thái giáo thời Người. Và xin ông lắng nghe cho, đây là điều bất ngờ: Chúa Giêsu nói rằng chỉ qua việc có liên hệ với Người, loại ngôn ngữ cầu nguyện này, loại liên hệ ‘Abba’ với Thiên Chúa này, mới trở thành khả hữu. Điều này nói với ta rất nhiều điều về việc Người coi Người ra sao”.

Witherington bắt đầu nói thêm một manh mối quan trọng nữa, Chúa Giêsu không ngừng nói về Người như “Con Người”, nhưng tôi để ông biết rằng một chuyên gia trước, Craig Blomberg, đã giải thích rằng điều này tham chiếu Đanien chương 7. Withering nhìn nhận hạn từ này cực kỳ quan trọng trong việc tự hiểu có tính thiên sai hay siêu việt của Chúa Giêsu.

Đến đây, tôi tạm dừng để kiểm lại những điều Witherington đã nói. Khi tôi tổng hợp các manh mối từ các mối liên hệ, phép lạ, và lời nói của Chúa Giêsu, thì tri nhận của Người và căn tính của Người trở nên sắc nét hơn.

Dựa vào các bằng chứng sớm nhất, ta thấy ít có nghi ngờ gì việc Chúa Giêsu coi Người hơn một người làm những chuyện lạ lùng, hơn một thầy dậy, hơn một tiên tri. Có dư bằng chứng để kết luận rằng Người nghĩ về Người bằng những hạn từ độc đáo và cao cả, nhưng một cách chính xác thì việc tư hiểu này sâu rộng ra sao?

Bức chân dung của Gioan về Chúa Giêsu

Trong lời mở đầu, Tin Mừng Gioan sử dụng ngôn từ uy nghi và không hàm hồ để quả quyết một cách mạnh dạn về thiên tính của Chúa Giêsu.

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người đã ở với Thiên Chúa. Nhờ Người, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành... Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Gioan 1:1-3, 14)

Tôi nhớ đã đọc lời dẫn nhập huy hoàng đó khi tôi lược qua Tin Mừng Gioan lần đầu tiên. Tôi nhớ đã tự hỏi mình, thắc mắc không biết Chúa Giêsu sẽ phản ứng ra sao nếu Người đọc các lời lẽ Gioan nói về Người? Liệu Người có lùi lại và nói, “Chà, Gioan hoàn toàn hiểu sai về mình! Anh ta đã đánh phấn và huyền thoại hóa mình đến độ mình không nhận ra chính mình nữa”? Hay Người gật đầu chấp thuận và nói, “Đúng, tôi là tất cả những điều đó, và còn hơn thế nữa”?

Sau này tôi gặp được lời lẽ của học giả Raymond Brown, người đã đi tới kết luận cho rằng “Tôi không gặp khó khăn nào đối với chủ đề này là nếu Chúa Giêsu... đọc được Gioan, Người sẽ thấy Tin Mừng này phát biểu thích đáng căn tính của Người” (3).

Bây giờ, đây là cơ hội để tôi trực tiếp nghe Witherington, người đã giành cả đời để phân tích các chi tiết chính xác theo lối bác học liên quan tới việc Chúa Giêsu tự tri nhận chính Người, về việc liệu ông có đồng ý với đánh giá của Brown hay không.

Không một do dự hay hàm hồ nào, ông nói, “Có, tôi đồng ý. Tôi không có bất cứ nghi vấn nào cả. Khi ông đương đầu với Tin Mừng Gioan, ông đương đầu với một hình ảnh phần nào giải thích về Chúa Giêsu, nhưng tôi cũng tin nó là một bức tranh hợp luận lý phát xuất từ những gì vốn ngụ hàm trong Chúa Giêsu lịch sử.

“Và tôi xin thêm điều này: cho dù ông loại bỏ Tin Mừng Gioan, thì vẫn không có một Chúa Giêsu không phải là Đấng được xức dầu phát sinh từ các tư liệu trong ba Tin Mừng kia. Đơn giản là không có”.

Lập tức tôi nghĩ đến cuộc trao đổi thời danh, được Tin Mừng Mátthêu ghi lại, trong đó, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ trong một buổi gặp gỡ riêng, “Các con nói Thầy là ai?” Phêrô trả lời rõ ràng, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thay vì tré nánh vấn đề, Chúa Giêsu xác nhận Phêrô trong nhận định của ông, Người nói, “Phúc cho con, vì không phải người phàm mạc khải cho con điều này, nhưng là Cha Thầy trên thiên đàng” (xem Mt 16:15-17).

Dù thế, một số mô tả phổ thông về Chúa Giêsu, như trong cuốn phim The Last Temptation of Christ[Cơn Cám dỗ Cuối cùng của Chúa Kitô], cho thấy Người không biết chắn về căn tính và sứ mệnh của Người. Người đầy các hàm hồ và lo lắng.

Tôi hỏi Witherington, “Có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Chúa Giêsu gặp khủng hoảng về căn tính hay không?"

Ông trả lời, “Không có cuộc khủng hoảng về căn tính nào cả, mặc dù tôi tin Người đã có những điểm xác nhận căn tính của Người. Tại phép rửa của Người, lúc Người bị cám dỗ, lúc Người biến hình trên núi, tại Vườn Diệtsimani, có những khoảnh khắc khủng hoảng, trong đó, Thiên Chúa xác nhận với Người Người là ai và đâu là sứ mệnh của Người.

“Chẳng hạn, tôi không nghĩ là chuyện ngẫu nhiên khi thừa tác vụ của Người không bắt đầu cho tới tận sau phép rửa của Người khi Người nghe tiếng nói, “Con là Con yêu quí của Ta, Ta rất hài lòng vì Con”.

“Người nghĩ đâu là sứ mệnh của Người?”

“Người coi công việc của Người là đến để giải thoát dân Thiên Chúa, nên sứ mệnh của Người là hướng tới người Do Thái”.

Tôi nhấn mạnh, “Chuyên biệt hướng tới Israel”.

Witherington nói, “Đúng, điều đó đúng. Rất ít bằng chứng cho thấy Người tìm kiếm dân ngoại trong thừa tác vụ của Người, đó là một sứ mệnh cho Giáo Hội sau này. Ông thấy đấy, các lời hứa của các tiên tri đã đến với Israel, nên Người phải đến với Israel”.

“Tôi và Chúa Cha là một”

Trong cuốn Reasonable Faith[Đức tin Hợp lý], William Lane Craig cho thấy một lượng bằng chứng đáng kể chứng minh rằng trong vòng 20 năm sau ngày Đóng Đinh, đã có cả một nền Kitô học đầy đủ công bố Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể.

Sử gia Giáo Hội Jaroslav Pelikan vốn nhấn mạnh rằng bài giảng Kitô giáo cổ nhất, trình thuật tử đạo Kitô giáo xưa nhất, tường trình ngoại giáo xưa nhất về Giáo Hội, và lời cầu nguyện phụng cụ cổ xưa nhất (1 Cr 16:22) thẩy đều nhắc đến Chúa Giêsu như Chúa và Thiên Chúa. Pelikan nói, “rõ ràng, đó là thông điệp về điều Giáo Hội tin và dạy rằng ‘Thiên Chúa’ là tên thích đáng dành cho Chúa Giêsu Kitô” (4).

Dưới góc độ này, tôi hỏi Witherington, “ông có thấy bất cứ cách khả hữu nào điều này đã được khai triển, nhất là rất sớm, nếu Chúa Giêsu trước đó chưa bao giờ khẳng định bất cứ điều gì siêu việt và thiên sai về chính Người không?”

Witherington cương quyết nói, “Không, ngoại trừ ông sẵn sàng lập luận rằng các môn đệ hoàn toàn quên khuấy Chúa Giêsu lịch sử ra sao và họ không có điều gì liên quan tới các truyền thống bắt đầu xuất hiện 20 năm sau cái chết của Người. Nói một cách thành thực, trong tư cách một sử gia, điều này không hề có nghĩa”.

Ông nói thêm, khi xử lý với lịch sử, mọi loại sự việc đều khả hữu nhưng không phải mọi điều khả hữu đều hẳn xảy ra [probable] như nhau.

Ông hỏi, “liệu có hẳn xẩy ra việc tất cả những chuyện này được gợi lên từ không khí hai mươi năm sau ngày Chúa Giêsu qua đời, khi vẫn còn các nhân chứng sống chứng kiến những điều Chúa Giêsu lịch sử từng là hay không? Tôi thấy điều ấy đơn giản chỉ là một giả thuyết lịch sử khó lòng xẩy ra.

“Vấn đề thực sự là điều gì đã xẩy ra sau ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh làm thay đổi tâm trí các môn đệ, những người bác bỏ, bất tuân và đào ngũ Chúa Giêsu? Một cách hết sức đơn giản, điều xẩy ra cho họ tương tự như điều Chúa Giêsu cảm nghiệm lúc Người chịu phép rửa, điều các ông được xác nhận là điều các ông hy vọng Người là, Người quả như thế”.

Và một cách chính xác, Người ra sao? Khi tôi sắp sửa kết thúc cuộc đàm luận với Witherington, tôi muốn ông tóm lược điều ấy cho tôi. Xem xét mọi nghiên cứu tìm tòi của ông, đâu là kết luận bản thân của ông về việc Chúa Giêsu coi Người là ai? Tôi đặt câu hỏi, ngồi xuống và để ông trình bầy mọi sự, ông đã làm như thế một cách hùng biện và xác tín.

“Chúa Giêsu nghĩ Người là người được Thiên Chúa cử nhiệm đem hành vi cứu rỗi tột đỉnh của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại. Người tin rằng Người là tác nhân của Thiên Chúa trong việc thi hành điều ấy, Người được Thiên Chúa trao thẩm quyền và quyền lực, Người nói thay Thiên Chúa, và Người được Thiên Chúa điều hướng để thi hành nhiệm vụ này. Nên điều Chúa Giêsu nói là điều Thiên Chúa nói. Điều Chúa Giêsu làm là việc làm của Thiên Chúa.

“Theo ý niệm Do Thái về tác động (agency), tác nhân của ‘một người là như chính người này’. Ông nên nhớ Chúa Giêsu đã sai các môn đệ ra sao, Người nói, ‘bất cứ điều gì người ta làm cho các con là họ làm cho Thầy’. Có một liên kết mạnh mẽ giữa một người và tác nhân mà người này phái đi thi hành một sứ vụ.

“Vậy thì, Chúa Giêsu tin rằng Người thi hành một sứ vụ của Thiên Chúa, và sứ vụ này là cứu chuộc dân Thiên Chúa. Hệ luận là dân Thiên Chúa đã sa ngã và Thiên Chúa phải làm một điều gì đó, như Người luôn luôn làm, để can thiệp và đặt họ trở lại đường ngay. Nhưng có sự khác nhau về thời gian. Đây là thời sau cùng. Đây là cơ hội chót.

“Chúa Giêsu có tin Người là Con Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa xức dầu hay không? Câu trả lời là có. Người có coi Người là Con Người hay không? Câu trả lời là có. Người có coi Người là Đấng Mêxia cuối cùng hay không? Có, đó là cácc Người coi Người. Người có tin rằng một ai đó kém hơn Thiên Chúa có thể cứu rỗi thế giới không? Không, tôi không tin Người tin như vậy.

“Và đây là chỗ nghịch lý mang dáng dấp hơi trêu chọc: cách Thiên Chúa cứu thế giới bằng việc Con của Người phải chết. Hành vi nhân bản nhất của mọi hành vi nhân bản, chết.

“Nhưng, Thiên Chúa, trong bản tính Thiên Chúa của Người, không chết. Vậy làm thế nào Thiên Chúa có thể thực hiện việc này? Làm thế nào Thiên Chúa trở thành Đấng Cứu vớt nhân loại? Người phải đến như một con người để hoàn tất nhiệm vụ ấy. Và Chúa Giêsu tin rằng Người là người làm điều đó.

“Chúa Giêsu nói ở Mc 10:45, ‘Tôi không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người’. Đây quả một là hình thức hoang tưởng tự đại hai là điển hình của một người thực sự tin, khi nói, ‘Tôi với Chúa Cha là một’. Nói cách khác, ‘tôi có thẩm quyền nói thay cho Chúa Cha; tôi có quyền lực hành động thay cho Chúa Cha; nếu các ông bác bỏ tôi, là các ông bác bỏ Chúa Cha’.

“Dù cho ông bác bỏ Tin Mừng thứ tư và chỉ đọc các Tin Mừng nhất lãm, đây vẫn là kết luận ông sẽ đạt tới. Và đó là câu kết luận Chúa Giêsu sẽ dẫn chúng ta tới nếu chúng ta dự một buổi học hỏi Kinh thánh và tự hỏi Người câu hỏi này.

“Chúng ta phải hỏi, tại sao không có một người Do Thái thế kỷ thứ nhất nào có hàng triệu người theo chân ngày nay? Tại sao không hề có phong trào Gioan Tẩy giả nào? Tại sao, trong số mọi nhân vật thế kỷ thứ nhất, kể cả các hoàng đế La Mã, Chúa Giêsu vẫn được thờ phượng hiện nay, trong khi những người khác trở thành tro bụi của lịch sử?

“Chính bởi vì Chúa Giêsu này, Chúa Giêsu lịch sử, cũng là Chúa hằng sống. Đó là lý do tại sao. Chính bởi vì Người vẫn còn quanh quẩn đâu đây, trong khi những người khác đã khuất bóng hẳn”.

Thế chỗ cho Thiên Chúa

Giống như Witherington, nhiều học giả khác cũng đã khổ công phân tích bằng chứng sớm nhất về Chúa Giêsu và cũng đã đạt tới cùng các kết luận như vậy.

Craig viết, “Đây là một con người tự nghĩ về mình như Con Thiên Chúa theo nghĩa độc đáo, Đấng khẳng định mình hành động và nói năng bằng thẩm quyền Thiên Chúa, Đấng coi mình như người làm nhiều phép lạ, và là Đấng tin rằng số phận đời đời của người ta hệ ở việc tin hay không tin Người” (5).

Rồi ông viết thêm một nhận xét đặc biệt gây kinh ngạc: “Các manh mối đầy đủ cho một việc tự hiểu có tính Kitô học của Chúa Giêsu vốn đã có ngay trong tỷ lệ giảm thiểu 20 phần trăm các câu nói của Chúa Giêsu được các thành viên của cuộc Hội Thảo về Chúa Giêsu thừa nhận là chân chính” (6).

Bằng chứng để kết luận Chúa Giêsu có ý định thế chỗ cho Thiên Chúa “tuyệt đối có tính thuyết phục” như thần học gia Royce Gordon Gruenler từng đồng thuận (7).

Craig thì cho rằng các khẳng định của Chúa Giêsu phi thường đến nỗi vấn đề lành mạnh tinh thần của Chúa Giêsu không tránh được nêu ra. Ông lưu ý rằng sau khi James Dunn hoàn tất cuộc nghiên cứu có tính sử thi vấn đề này, Dunn buộc phải nhận xét, “câu hỏi cuối cùng không thể bỏ qua: Chúa Giêsu có điên hay không? (8)

Tại phi trường Lexington, chờ chuyến bay trở về Chicago, tôi bỏ đồng tiền vào điện thoại trả tiền và gọi xin gặp để phỏng vấn các chuyên gia hàng đầu của đất nước về tâm lý học.

Đã đến lúc phải tìm cho ra.

Tài liệu đọc thêm

Craig, William Lane. “The self-understanding of Jesus” [Việc Chúa Giêsu tự hiểu về chính Người] trong Reasonable Faith [Đức tin Hợp lý] by William Laen Craig, 233-54.Westchester, Ill.: Crossway, 1994.

Marshall, I. Howard. The Origins of the New Testament Christology [Các Nguồn gốc của Kitô học Tân Ước], Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1976.

Moule, C.F.D. The Origins of Christology[Các Nguồn gốc của Kitô học]. Cambridge: Cambridge Univ. Press, 1977.

Witherington, Ben. The Christology of Jesus [Kitô học của Chúa Giêsu]. Minneapolis: Fortress, 1990.

Ghi chú

1. Marjorie Rosen, “Getting Inside the Mind of a serial Killer” [Đi vào Tâm trí Kẻ Sát nhân Hàng loạt], Biography (October 1997), 62-65.

2. Ibid., 64.

3. R.E. Brown, “Did Jesus know He Was God?” [Chúc Giêsu Có biết Người là Thiên Chúa không], Biblical Theology Bulletin 15 (1985), 78, trích dẫn trong Ben Witherington III, The Christology of Jesus (Minneapolis: Fortress, 1990) 277.

4. Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine [Tuyền thống Kitô giáo: Lịch sử Phát triển Tín lý] vol. I, The Emergence of Catholic Tradition [Việc Xuất hiện Truyền thống Công Giáo](100-600) (Chicago: Univ. of Chicago Press, 1971) 173, trích dẫn trong William Lane Craig, Reasonable Faith (Westchester, Ill.: Crossway, 1994) 243.

5. Craig, Reasonable Faith, 252.

6. Ibid., 244.

7. Royce Gordon Gruenler, New Approaches to Jesus and the Gospels [Các Cách Tiếp cận mới với Chúa Giêsu và Các Sách Tin mừng] (Grand Rapids: Baker, 1982), 74.

8. James D.G. Dunn, Jesus and the Spirit [Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần] (London SCM Press, 1975), 60, trích dẫn trong Craig, Reasonable Faith, 252.
 
VietCatholic TV
Anh, Hà Lan sẽ tặng F16 cho Ukraine. Kyiv tái chiếm một nửa Bakhmut. Liz Truss cảnh báo mối nguy TQ
VietCatholic Media
02:56 17/05/2023

1. Ukraine tuyên bố đã chiếm lại 20km2 đất xung quanh Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 17 tháng Năm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các lực lượng Ukraine đã giành lại khoảng 20 km vuông lãnh thổ xung quanh thành phố Bakhmut miền đông nước này trong những ngày gần đây.

Cô cho biết các lực lượng Nga vẫn tiến vào chính thành phố Bakhmut và giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục.

Cô nói: “Đối phương vẫn đang tiến được một chút vào chính Bakhmut, phá hủy hoàn toàn thành phố bằng pháo binh. Ngoài ra quân xâm lược còn đưa thêm các đơn vị lính nhảy dù chuyên nghiệp”.

“Những trận chiến nặng ký tiếp tục với những kết quả khác nhau. Trong tình hình hiện nay, quân ta đang nỗ lực hết mình và còn hơn thế nữa.”

“Việc phòng thủ Bakhmut kéo dài nhiều tháng và có những tiến bộ trong một số lĩnh vực nhất định là sức mạnh của các chiến binh của chúng ta và mức độ chuyên nghiệp cao của bộ chỉ huy quốc phòng.

“Tôi sẽ nhắc các bạn rằng đối phương có lợi thế về số lượng người và vũ khí. Đồng thời, nhờ các hành động của quân đội chúng ta, quân xâm lược đã không thể thực hiện kế hoạch của mình theo hướng Bakhmut kể từ mùa hè năm ngoái.”

2. Tình báo quốc phòng Ukraine cho biết tiềm năng tấn công của Nga “cạn kiệt”

Tiềm năng hành động tấn công của Nga đã hoàn toàn cạn kiệt, trong khi khả năng phòng thủ vẫn mạnh mẽ.

Giám đốc Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, đã đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn với chương trình 'Rizni Liudy'.

“Tiềm năng tấn công của Nga đã hoàn toàn cạn kiệt, nhưng giờ đây họ vẫn có tiềm năng phòng thủ đáng kể. Đúng vậy. Họ đã xây dựng được một hàng phòng thủ quy mô, chính xác và mạnh mẽ. Nhưng đây không còn là quân đội Nga có thể thực hiện các chiến dịch tấn công nghiêm trọng nữa,” Budanov nói.

Ông lưu ý rằng Nga trực tiếp tham gia vào các hành động thù địch trên lãnh thổ Ukraine với lực lượng quân sự gần 370.000 người cũng như khoảng 20.000 Vệ binh Quốc gia và khoảng 7.000 thành viên của các đơn vị bán quân sự khác nhau.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, phát ngôn viên tình báo quân sự Andriy Yusov tuyên bố rằng Nga đang chuyển sang thế phòng thủ dọc theo toàn bộ chiến tuyến, đồng thời nói thêm rằng đối phương hiện không có khả năng thực hiện các nỗ lực tấn công quy mô lớn.

3. Nga sử dụng nhiều đạn dược hơn để áp đảo và gây nhầm lẫn cho lực lượng phòng không Ukraine

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết Nga đang sử dụng nhiều vũ khí hơn bình thường nhằm áp đảo và gây nhầm lẫn cho lực lượng phòng không của Ukraine.

Tướng Pat Ryder cho biết Nga đã phát động các cuộc không kích lớn hơn từ nhiều hướng cùng một lúc, nhắm vào các trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở Kyiv và các địa điểm có giá trị cao khác.

Ông nhận định Nga có thể đã bắt đầu các cuộc tấn công mở rộng nhằm buộc Ukraine phải trì hoãn cuộc phản công rất được mong đợi của họ. Nhưng Ukraine đã có thể chống lại các cuộc tấn công, đánh chặn với một tỷ lệ cao các hỏa tiễn và máy bay không người lái đang bay tới bằng hệ thống phòng không nhiều lớp do các quốc gia phương Tây cung cấp.

Theo Tướng Pat Ryder, các cuộc tấn công mở rộng thậm chí có thể mang lại lợi ích cho Ukraine, khi Nga ngày càng thâm hụt nguồn cung cấp hạn chế các vũ khí chính xác.

Hôm thứ Ba, Nga đã tấn công bằng hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal /kin giồ/ phóng từ máy bay chiến đấu, hỏa tiễn hành trình Kalibr bắn từ Hắc Hải và hỏa tiễn Iskander trên đất liền, người đứng đầu quân đội Ukraine cho biết. Cuộc tấn công đến từ phía bắc, phía nam và phía đông. Một quan chức khác nói với CNN rằng cuộc tấn công có thể đã làm hư hại - nhưng không phá hủy được - một hệ thống Patriot. Mỹ được đánh giá mức độ thiệt hại.

Đầu tháng này, Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn Patriot mới được chuyển giao để đánh chặn hỏa tiễn Kinzhal /kin giồ/ siêu thanh, đánh dấu lần đầu tiên hỏa tiễn do Mỹ sản xuất đánh chặn một loại vũ khí mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố là không thể ngăn chặn.

Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodmyr Zelenskiy cho biết Ukraine cần “thêm một chút thời gian” trước khi bắt đầu phản công.

4. Anh và Hà Lan hợp tác xây dựng liên minh quốc tế giúp Ukraine mua máy bay chiến đấu F-16

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đang làm việc để xây dựng một “liên minh quốc tế” để giúp Ukraine mua máy bay chiến đấu F-16 “vào thời điểm then chốt này trong cuộc kháng chiến chống lại cuộc xâm lược của Putin,” theo bản tin của phủ thủ tướng về cuộc họp của các nhà lãnh đạo vào thứ hôm ba.

“Thủ tướng Sunak và Thủ tướng Rutte đã đồng ý rằng họ sẽ làm việc để xây dựng liên minh quốc tế nhằm cung cấp cho Ukraine khả năng chiến đấu trên không, hỗ trợ mọi thứ từ đào tạo đến mua máy bay phản lực F16,” một phát ngôn viên của phủ thủ tướng cho biết sau cuộc họp của Sunak và Rutte tại Hội đồng Hội nghị thượng đỉnh Âu Châu tại Iceland.

Sunak cũng “nhắc lại niềm tin của ông rằng vị trí xứng đáng của Ukraine là trong NATO và các nhà lãnh đạo đã nhất trí về tầm quan trọng của việc các đồng minh cung cấp hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine để bảo đảm họ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai”

Ukraine nhanh chóng hoan nghênh tin tức về các cuộc đàm phán liên minh quốc tế.

“Chúng tôi cần những chiếc F-16 và tôi rất biết ơn các đồng minh của chúng tôi vì quyết định làm việc theo hướng này, bao gồm cả việc đào tạo phi công của chúng tôi. Đặc biệt, Bỉ đã xác nhận sẵn sàng huấn luyện”, Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết như trên.

Phát biểu tại Vương quốc Anh hôm thứ Hai, Zelenskiy hoan nghênh những lời hứa viện trợ quân sự mới từ các nhà lãnh đạo Âu Châu - và lặp lại yêu cầu được cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại. Ukraine đang khao khát những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất để giúp bảo vệ bầu trời của họ, nhưng một số đồng minh của họ đã miễn cưỡng cung cấp vũ khí cho phép Kyiv tiếp cận lãnh thổ Nga.

Sau chuyến thăm với thủ tướng Anh hôm thứ Hai, Zelenskiy ám chỉ rằng Ukraine sắp nhận được F-16, nói rằng Ukraine và Anh “tiếp tục làm việc trong liên minh máy bay chiến đấu” và “chúng tôi đang tích cực tiến về phía trước”.

Zelenskiy cũng cảm ơn Vương quốc Anh vì đã đồng ý đào tạo phi công Ukraine.

5. Bộ trưởng Quốc phòng Nga phủ nhận Ukraine bắn hạ 6 hỏa tiễn Kinzhal

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phủ nhận việc Ukraine bắn hạ tới 6 hỏa tiễn Kinzhal siêu thanh vào đầu giờ ngày thứ Ba.

“Liên bang Nga đã không phóng nhiều 'Kinzhal' như đã được báo cáo” Shoigu nói với hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti.

Ông cho biết số vụ đánh chặn mà Ukraine tuyên bố là “nhiều gấp ba lần số hỏa tiễn mà chúng tôi đang phóng”.

Shoigu tuyên bố: “Và họ luôn nhầm loại hỏa tiễn. Đó là lý do tại sao họ không đánh trúng.”

Ukraine cho biết họ đã đánh chặn tất cả 18 hỏa tiễn của Nga phóng vào nước này vào đầu giờ sáng thứ Ba, trong đó có 6 hỏa tiễn Kinzhal.

Đáp lại các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Kyiv đã triển lãm các hỏa tiễn Kizhal mà họ đã bắn trúng. Các quan sát viên cho rằng Nga đang phải đối mặt với sự sỉ nhục mới sau khi Ukraine tuyên bố tất cả sáu hỏa tiễn Kinzhal “không thể ngăn cản” của Putin đã bị bắn hạ ở Kyiv.

6. Phó chánh văn phòng Tổng thống Zelenskiyy cho biết Ukraine không có đủ thiết bị quân sự để tiến hành một cuộc phản công chống lại Nga.

Ihor Zhovkva cho biết đất nước của ông cần xe bọc thép và xe tăng nếu muốn “giải phóng” các khu vực bị Mạc Tư Khoa xâm lược.

Ông nói thêm rằng “mục đích chính” trong các chuyến thăm của Zelenskiyy tới các nước láng giềng Âu Châu bao gồm Anh, Đức và Ý trong những ngày gần đây là để yêu cầu “các gói quân sự bổ sung”.

Zhovkva nói với Sky News: “Thật không may, trình độ thiết bị chúng tôi có vẫn chưa đủ để bắt đầu phản công.

“Để bắt đầu một cuộc phản công, với kết quả là giải phóng các lãnh thổ Ukraine, bạn cần có đủ hệ thống pháo và đạn dược. Bạn cần xe bọc thép và xe tăng.”

“Chúng tôi muốn cuộc phản công này thành công nhất có thể.

“Thành công sẽ là giải phóng tất cả các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine.”

7. Một dự luật cấm nhập khẩu uranium của Nga vào Hoa Kỳ đã đạt được động lực vào hôm thứ Ba khi được thông qua bởi một ủy ban tại Hạ viện Hoa Kỳ.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga và cùng với các nước phương Tây khác, đã áp đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ được Nga xuất khẩu bằng đường biển, nhưng Mỹ không cấm nhập khẩu uranium.

Jeff Duncan, đại diện của ủy ban, cho biết: “Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy rõ ràng rằng chúng ta không thể phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga”.

“Đó phải là một mục tiêu an ninh quốc gia, lưỡng đảng để loại bỏ ngành công nghiệp Hoa Kỳ khỏi việc nhập khẩu uranium của Nga.”

Một dự luật tương tự đã được chuyển đến ủy ban năng lượng tại Thượng viện Hoa Kỳ. Trước khi trở thành luật, luật này sẽ phải được cả hai viện của Quốc hội thông qua và được tổng thống Joe Biden ký.

8. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, sẽ tăng cường kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử Nga về tội xâm lược.

Phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Âu Châu tại Reykjavik vào hôm thứ Ba, Von der Leyen cho biết “trách nhiệm của Nga đối với tội ác xâm lược” sẽ là một chủ đề lớn. Đầu tuần này, bà hứa sẽ “ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập một tòa án chuyên trách để đưa tội ác xâm lược của Nga ra xét xử”.

Các nhà lãnh đạo từ khắp lục địa đang nhóm họp tại thủ đô Iceland, hay còn gọi là Băng Đảo, để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Âu Châu, đây mới là lần thứ tư trong lịch sử 74 năm của cơ quan này. Volodymyr Zelenskiy, Olaf Scholz, Emmanuel Macron, Rishi Sunak và Von der Leyen đã có bài phát biểu sau đó vào thứ Ba.

Nga đã bị trục xuất khỏi Hội đồng Âu Châu vào tháng 3 năm ngoái sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Mạc Tư Khoa đã tuyên bố ý định rút khỏi cơ quan nhân quyền hàng đầu của châu lục một ngày trước khi cơ quan này bị trục xuất, sau khi hội đồng nghị viện của Hội đồng Âu Châu kêu gọi Nga rút khỏi cơ quan này.

9. Ủy ban Cứu trợ Quốc tế đã kêu gọi Nga và Ukraine gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải, với quyền tiếp cận rộng rãi hơn tới nhiều cảng của Ukraine.

Tổ chức bác ái viện trợ nhân đạo, gọi tắt là IRC, cho biết áp lực đang gia tăng lên giá lương thực, trước tình hình đặc biệt ảnh hưởng đến phía đông Phi Châu.

IRC cho biết việc gia hạn thỏa thuận là “quan trọng” đối với nông dân Ukraine. IRC cho biết người nông dân Ukraine vẫn đang gặp khó khăn trong việc bán ngũ cốc do sự gián đoạn trong chuỗi hậu cần và tắc nghẽn cảng biển.

Shaswat Saraf giám đốc Ủy ban khẩn cấp phía đông Phi Châu tại IRC cho biết

Tình trạng thiếu lương thực trong hệ thống và thiếu phân bón giá cả phải chăng tiếp tục đẩy giá cả lên cao, khiến các gia đình ở các quốc gia như Somalia khó dự đoán liệu họ có đủ khả năng chi trả cho một bữa ăn vào ngày hôm sau hay không.

Sản xuất nông nghiệp đang suy giảm – nông dân ở Ukraine đang phải vật lộn để duy trì mùa màng của họ trong bối cảnh bị pháo kích dữ dội, trong khi biến đổi khí hậu đang giết chết mùa màng ở những nơi khác trên thế giới.

Bất kỳ cú sốc nào đối với thị trường đều có thể gây ra tác hại lớn với những tác động lan tỏa thảm khốc ở các quốc gia đang cân bằng trên bờ vực của nạn đói. Việc hết hạn Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải có khả năng gây ra mức độ đói và suy dinh dưỡng gia tăng, gây ra thảm họa hơn nữa cho Đông Phi.

10. Chánh văn phòng Tổng thống Zelenskiy phê bình quyết định nối lại đường bay đến Nga của Georgia

Andriy Yermak, chánh văn phòng của Volodymyr Zelenskiy, đã công khai chỉ trích việc bình thường hóa một số quan hệ giữa Nga và Georgia. Ông nói:

Georgia cho phép thêm một hãng hàng không khai thác các chuyến bay thẳng đến Nga. Người dân Georgia không ngừng thể hiện tình đoàn kết với Ukraine. Chúng ta có một đối phương chung đã giết những người Georgia từ những năm 90 và sau đó là năm 2008, và kể từ năm 2014, nó đã giết người Ukraine. Đối với các dân tộc của chúng ta, đối phương này vẫn đang hiện hữu và tiếp tục gieo rắc những đau thương.

Nhưng một số dường như đang cố phớt lờ các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Kyiv, Marinka bị phá hủy, những người thiệt mạng ở Buch, Irpen, Izium, những vụ bắt cóc trẻ em Ukraine. Một số dường như đã quên thảm kịch ở Gori, Georgia.

Có lẽ đối với một số người, điều đó dường như không liên quan đến họ. Và tương tác với những kẻ khủng bố và giết người là bình thường. Quan điểm này là sai, lịch sử sẽ đặt lại mọi thứ vào vị trí của nó, con người chắc chắn cũng sẽ làm điều đó.

11. Chiến lược hạt nhân của Nga đã bị xé thành từng mảnh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Nuclear Strategy Has Been Torn to Pieces”, nghĩa là “Chiến lược hạt nhân của Nga đã bị xé thành từng mảnh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 6 hỏa tiễn Kinzhal do Nga bắn ở Kyiv, cho thấy tính hiệu quả của hệ thống phòng không phương Tây và có khả năng thay đổi những tính toán về loại rủi ro hạt nhân mà Mạc Tư Khoa có thể gây ra trong cuộc chiến do Putin khởi xướng.

Sáu hỏa tiễn Kinzhal Kh-47 được phóng từ máy bay MiG-31K nằm trong số 18 hỏa tiễn mà Nga bắn vào Ukraine trong đêm. Ba hỏa tiễn hành trình được phóng từ đất liền và 9 hỏa tiễn hành trình Kalibr nữa được phóng từ Hắc Hải.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Valeriy Zaluzhnyi, cho biết tất cả đã bị chặn thành công. Mạc Tư Khoa đã khoe khoang rằng không ai có thể ngăn cản các hỏa tiễn Kinzhal, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và di chuyển với tốc độ gấp 10 lần âm thanh.

Sergej Sumlenny, người sáng lập Trung tâm Sáng kiến Khả năng phục hồi Âu Châu, một nhóm chuyên gia cố vấn của Đức, cho biết: “Đây không phải là vũ khí đầu tiên của Nga được người Nga gọi là không thể ngăn cản và Ukraine đã chứng minh rằng có thể ngăn chặn hàng loạt.

“Điều này có những hậu quả nghiêm trọng đối với uy tín của quân đội Nga và công nghệ của Nga. Thông thường, lẽ ra lực lượng phòng không sẽ bão hòa trong các cuộc tấn công này.”

“Bây giờ chúng ta biết rằng người Ukraine, với sự trợ giúp của thiết bị phương Tây, có khả năng chống lại cuộc tấn công nghiêm trọng nhất của Nga trước các vũ khí Nga hiện đại nhất mà người Nga từng sử dụng để chống lại Ukraine”.

“Ở phương Tây, nỗi lo sợ về khả năng leo thang hạt nhân vẫn còn rất cao,” Sullenny nói, “nhưng chúng ta cần nghiêm túc tái cân bằng trọng số của mình đối với tất cả các rủi ro.”

Ông Sumlenny nói thêm rằng thành công được tường trình của Kyiv trong việc đánh chặn các hỏa tiễn của Nga có nghĩa là khả năng Nga tấn công hạt nhân thành công “nên được đánh giá thấp hơn đáng kể so với những gì chúng ta đã tin tưởng”.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, truyền hình nhà nước Nga thường xuyên nhắc đến năng lực hạt nhân của Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã bóng gió về sự leo thang hạt nhân trong khi các thông điệp hỗn hợp từ Mạc Tư Khoa, lại phủ nhận khả năng những vũ khí như vậy sẽ được sử dụng, khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải đoán già đoán non.

Fabian Hoffman, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Oslo, nói với Newsweek rằng khả năng đánh chặn hỏa tiễn của Kyiv trong một cuộc tấn công đa chiều, phối hợp theo thời gian và dữ dội như vậy cho thấy “ngay cả khi bạn trang bị cho các phương tiện vận chuyển này đầu đạn hạt nhân chiến thuật, vẫn có một cơ hội tốt là chúng sẽ không hạ cánh xuống mục tiêu được chỉ định.

Ông nói: “Tôi nghĩ điều này sẽ khiến những người ra quyết định của Nga đặt ra một số câu hỏi khó và họ có thể cảm thấy kém an toàn hơn về khả năng tồn tại và khả năng cung cấp kho vũ khí hạt nhân của họ”.

Mặc dù điều này không nên khuyến khích phương Tây sẵn sàng mạo hiểm leo thang hạt nhân hơn, nhưng “tôi cũng không nghĩ rằng một cuộc đối đầu hạt nhân sẽ có lợi cho Nga”.

Ukraine cho biết hồi đầu tháng 5, lần đầu tiên họ đã bắn hạ một hỏa tiễn Kinzhal trên bầu trời Kyiv, sử dụng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ cung cấp.

Patriot là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến mà các nước NATO đã cung cấp cho Kyiv. Iris-T của Đức đến vào tháng 10 và kể từ đó đã bắn hạ hơn 60 mục tiêu. SAMPT của Pháp-Ý gần đây cũng đã đến.

Không rõ liệu hệ thống Patriot có đánh chặn được tất cả các hỏa tiễn được bắn đi trong đêm 15 rạng sáng 16 Tháng Năm hay không nhưng thành công của quân đội Ukraine cho thấy họ có một mạng lưới phòng thủ đáng tin cậy có thể chịu được một loạt đạn được. Serhiy Popko, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự của Kyiv, mô tả Patriot là “đặc biệt về mặt kỹ thuật”.

Putin coi Kinzhal, từ tiếng Nga có nghĩa là “dao găm”, là vũ khí thế hệ tiếp theo của Nga, mặc dù những tuyên bố của Mạc Tư Khoa về khả năng của nó, bao gồm cả việc nó có thể tránh được các hệ thống phòng không tinh vi, đã bị các chuyên gia nghi ngờ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã bắn một hỏa tiễn Kinzhal vào một kho vũ khí xung quanh Deliatyn, tây nam Ukraine, vào ngày 19 tháng 3 năm 2022, trong lần đầu tiên sử dụng loại vũ khí này trong chiến đấu. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

12. Cựu thủ tướng Anh nói Trung Quốc là hiểm họa lớn nhất của thế giới và Nga đã trở thành 'đối tác cấp dưới' của Trung Quốc.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has Become China's 'Junior Partner,' Says Britain's Former PM”, nghĩa là “Cựu thủ tướng Anh nói Nga đã trở thành 'đối tác cấp dưới' của Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo cựu Thủ tướng Anh Liz Truss, Trung Quốc đang tạo điều kiện cho Nga xâm lược Ukraine bất chấp những nỗ lực đóng vai người hòa giải của Bắc Kinh.

Cuộc chiến ở Ukraine đang làm sâu sắc thêm sự liên kết giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, điều mà một số nhà quan sát cho rằng đang tạo tiền đề cho một liên minh “Rồng-Gấu” đầy đủ - mặc dù vẫn còn nhiều điểm khác biệt giữa Nga và Trung Quốc.

“Tôi nghĩ nó rất thực tế,” Truss nói với Newsweek về liên minh nêu trên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen ở thủ đô Đan Mạch hôm thứ Hai. “Tôi nghĩ chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã mô tả đó là 'tình bạn không giới hạn'. Và ngày càng rõ ràng rằng Nga hiện là đối tác cấp dưới của Trung Quốc. Và theo quan điểm của tôi, Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt.”

Nga có rất ít người ủng hộ cuộc xâm lược toàn diện thảm khốc của họ vào Ukraine, bản thân cuộc xâm lược này chỉ là giai đoạn mới nhất của một cuộc xung đột vũ trang đã bắt đầu bằng việc Mạc Tư Khoa chiếm giữ Crimea và một phần của Donbas vào năm 2014.

Trung Quốc đã thể hiện mình là một bên trung lập và là nhà hòa giải tiềm năng, nhưng luận điệu của Bắc Kinh lại có thiện cảm với các động cơ của Nga. Việc Bắc Kinh từ chối nói chuyện với Kyiv trong một thời gian dài trong khi vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với Điện Cẩm Linh đã nhấn mạnh điều mà một số người đã mô tả là “sự trung lập thân Nga”.

Trong bối cảnh Nga bị phương Tây cô lập về kinh tế, Trung Quốc đã mở rộng nhập khẩu năng lượng của Nga và xuất khẩu sang Nga công nghệ lưỡng dụng—quan trọng đối với cỗ máy quân sự của Mạc Tư Khoa—hiện không có sẵn cho Nga từ các nguồn phương Tây.

Cho đến nay, Bắc Kinh được cho là đã kiềm chế hỗ trợ quân sự quy mô lớn cho Nga, mặc dù các báo cáo cho thấy đã có nhiều cuộc họp quân sự kín trong và sau chuyến thăm gần đây của ông Tập Cận Bình tới Mạc Tư Khoa.

Truss nói với Newsweek: “Tôi tin rằng họ đang giúp Nga đối phó với các biện pháp trừng phạt mà Moscow phải đối mặt. “Và không phải ngẫu nhiên mà cuộc chiến ở Ukraine lại nổ ra ngay sau khi Thế vận hội Mùa đông kết thúc.”

Truss nói thêm: “Chúng là một phần rất quan trọng của cùng một vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt, đó là cuộc đấu tranh rộng lớn hơn của các nền dân chủ tự do chống lại chủ nghĩa độc đoán đang leo thang. Bạn không thể tách rời hai mối đe dọa đó.”

“Nếu Putin thành công ở Ukraine, điều mà tôi không nghĩ là ông ấy sẽ thành công, thì điều đó sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực của Tập ở Đài Loan. Và một lần nữa, nếu Trung Quốc thành công trong tham vọng của họ, thì điều đó sẽ giúp ích cho Nga. Những điều này là không thể tách rời.”

Truss cho biết cô “rất nghi ngờ” rằng Trung Quốc đang phòng ngừa rủi ro cho các vụ cá cược của mình đối với Ukraine bằng cách từ chối các yêu cầu viện trợ quân sự đáng kể của Nga.

“Tôi cũng nghi ngờ về khả năng giúp khôi phục tự do và dân chủ ở Ukraine của Trung Quốc – những người mà chúng ta đã chứng kiến những gì đã xảy ra ở Hương Cảng, chúng ta thấy cách mà thỏa thuận năm 1984 đã bị xé toạc một cách hiệu quả, và quyền tự do và dân chủ ở Hương Cảng đã bị Trung Quốc hủy hoại hoàn toàn.”

“Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận,” Truss nói. “Tất nhiên, cuối cùng, quyết định phải làm gì nên là quyết định của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Cuối cùng là một quyết định cho người dân Ukraine. Nhưng chúng ta phải rất cẩn thận để cuối cùng chúng ta không tạo cho Trung Quốc đòn bẩy đối với an ninh Âu Châu, hay quả thực là đòn bẩy đối với Đài Loan.”

Vương quốc Anh từ lâu đã là điểm đến ưa thích của những đồng tiền bẩn của Nga và là sân chơi cho các gia đình của các nhân vật hàng đầu của Điện Cẩm Linh. Thủ đô có biệt danh là “Londongrad” nhờ sự nhiệt tình chia sẻ tài sản bất chính của tầng lớp đầu sỏ Nga nổi lên từ các khu vực hậu Xô Viết.

Ảnh hưởng của Nga đã đạt đến đỉnh cao của các cơ sở kinh doanh và chính trị của Anh. Đặc biệt, Đảng Bảo thủ đã bị cáo buộc nhận các khoản quyên góp lớn từ các nhân vật có liên hệ với Điện Cẩm Linh. Chẳng hạn, cựu Thủ tướng Boris Johnson đã gặp khó khăn vì những liên hệ của chính ông với những người Nga có ảnh hưởng và cáo buộc ông ngăn chặn một báo cáo mang tính bước ngoặt về sự can thiệp của Nga vào chính trường Anh.

Cuộc chiến của Nga với Ukraine đã khiến London đóng băng khoảng 60 tỷ đô la tài sản của Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, mặc dù các nhà phê bình cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Truss thừa nhận rằng các chính phủ kế tiếp của Anh đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề. “Sự chỉ trích của tôi về những gì mà chúng ta với tư cách là phương Tây đã làm sai, đó là trong quá nhiều năm, chúng ta về cơ bản đã tạo điều kiện cho những gì Putin đang làm và cung cấp kinh phí—dù là bằng cách mua xăng hay các phương tiện khác—để ông ta thực hiện các hoạt động kinh khủng này, ở Ukraine và cả ở những nơi khác,” cô nói.

“Đó là điều tôi nghĩ chúng ta cần phải cẩn thận, rằng bất kể điều gì xảy ra trong tương lai ở Nga, chúng ta không bao giờ nên cho phép loại chế độ đó nữa.” Điều này bao gồm tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga - của nhà nước và của các đầu sỏ chính trị - và sử dụng các nguồn lực để giúp đỡ Ukraine.

Truss nói thêm, London không nên phạm sai lầm tương tự với Trung Quốc, quốc gia trong thập kỷ qua đã sở hữu khoảng 180 tỷ đô la tài sản của Anh, bao gồm cả các nhà máy điện hạt nhân.

Truss nói: “Điều tôi muốn chúng ta làm là rút ra những bài học từ những gì chúng ta đã không làm đủ sớm với Nga, với Trung Quốc. “Tôi e rằng vẫn còn khả năng tạo điều kiện cho những gì đang xảy ra ở Trung Quốc theo cách mà chúng ta hiện đã dừng lại ở Nga.”

Truss, với tư cách là bộ trưởng ngoại giao và trong 44 ngày với tư cách là thủ tướng, đã áp dụng một lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

Trong chiến lược quốc phòng cập nhật của Vương quốc Anh được công bố vào tháng 3, Sunak đã mô tả Trung Quốc là một “thách thức mang tính thời đại” nhưng không coi Bắc Kinh là “mối đe dọa”.

Khi được hỏi liệu cô ấy có lo lắng về đường lối của Sunak không, Truss trả lời: “Tôi lo ngại rằng chúng tôi cần bảo đảm rằng chúng tôi sẽ mạnh mẽ nhất có thể trong việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều đó rất quan trọng.”

“Luôn có áp lực—và điều này không chỉ xảy ra ở Vương quốc Anh mà ngay cả phương Tây, điều này đang xảy ra ở Âu Châu và cả ở Hoa Kỳ—từ các doanh nghiệp đang kinh doanh ở Trung Quốc, các tổ chức đang tìm kiếm đầu tư của Trung Quốc vào Vương quốc Anh hoặc các quốc gia khác. Và tôi nghĩ chúng ta cần phải chống lại áp lực đó.”

Truss cho biết chính quyền Anh và các nước đồng minh nên cảnh giác từ các “đồn cảnh sát” bí mật đến xâm nhập chính trị. “Tôi nghĩ Trung Quốc có đủ mọi cách để lan truyền ảnh hưởng”.

“Những chiến dịch thông tin sai lệch liên tục này, việc sử dụng nghiên cứu vô tình, chẳng hạn như các hoạt động của Viện Khổng Tử; Tôi nghĩ rằng có tất cả các loại vấn đề mà chúng ta cần phải giải quyết.”

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao Trung Quốc và Nga qua email để yêu cầu bình luận.
 
Nhà trừ tà: Ma quỷ gây mê man buồn ngủ. Vị Tử đạo Coptic thứ 21 nay được Vatican công nhận là ai?
VietCatholic Media
05:09 17/05/2023


1. Phim mới của EWTN về linh mục Công Giáo ẩn náu nhận phép lành từ Đức Thánh Cha Phanxicô

Một bộ phim mới của EWTN Ái Nhĩ Lan đã được trình chiếu tại Vatican vào đầu tháng này. Bộ phim có nhan đề: “Faith of our Fathers” kể về câu chuyện của một linh mục Công Giáo phải lẩn trốn trong thế kỷ 16 và 17. Bộ phim mô tả những nỗ lực của cộng đồng để bảo vệ ngài khi ngài phục vụ các tín hữu và cử hành Thánh lễ ngoài trời trong thời gian bách hại Công Giáo tại Ái Nhĩ Lan.

Aidan Gallagher, giám đốc của EWTN Ái Nhĩ Lan, gần đây đã nói chuyện với EWTN News Nightly về việc phát hành bộ phim.

Gallagher giải thích rằng trong thời kỳ cấm cách, giáo dục và giáo lý Công Giáo bị cấm, cử hành Thánh lễ bị cấm, và tiếng Ái Nhĩ Lan hay Gaelic bị đặt r1 ngoài vòng pháp luật. Ngoài ra, người Công Giáo đã bị cấm khỏi các chức vụ công cộng. Mặc dù điều này đã diễn ra hàng trăm năm trước, nhưng Gallagher cho biết ông nhìn thấy nhiều sự so sánh với thời hiện đại.

Ông nói trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi quyết định tạo ra tác phẩm đặc biệt này vì nó có rất nhiều mối tương quan và mối quan hệ đương đại với thời hiện đại”.

Bộ phim được chiếu tại Đại học Giáo hoàng Thánh Giá ở Rôma vào ngày 2 tháng 5. Những người tham gia — những người đến từ nhiều nơi trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Pakistan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất — đã đưa ra phản hồi và đưa ra lời chứng về những trải nghiệm tương tự ở quốc gia của họ.

“Nó gần giống như một bằng chứng về tình trạng bách hại đương đại, bởi vì rất nhiều người đã bước tới và nói, 'Bộ phim này có thể lấy bối cảnh là thời kỳ hình phạt cách đây hàng trăm năm ở Ái Nhĩ Lan nhưng chúng tôi vẫn đang trải nghiệm điều này ở đất nước mình ngày nay.”

Ông nói thêm rằng bộ phim đã truyền cảm hứng cho khán giả vì nó cho thấy rằng “mặc dù cái ác cố gắng loại bỏ những cách thức biểu lộ Chúa Kitô, trong Giáo hội của Người, qua bí tích thánh lễ, như Chúa đã nói, 'Phêrô, con là đá tảng. và trên tảng đá này, ta sẽ xây dựng Giáo hội của ta và các cửa hỏa ngục không thể chống lại được.'“

“Và đó là những gì đã xảy ra ở Ái Nhĩ Lan và đó là lý do tại sao tôi cho rằng có rất nhiều người đã đến với chúng tôi, đặc biệt là từ những quốc gia đó, và nói lên những tình cảm rất tích cực đó.”

Một tháng trước khi bộ phim được chiếu ở Rome, Gallagher đã gửi cho Đức Thánh Cha một lá thư trong đó ngài xin Đức Thánh Cha chúc lành cho bộ phim. Bức thư của anh ấy giải thích sự liên quan của bộ phim với tình trạng bách hại ngày nay, khi các Kitô hữu trên khắp thế giới vẫn tiếp tục bị đàn áp vì đức tin của họ. Bức thư cũng bày tỏ rằng lời chúc lành của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp bộ phim thành công và truyền bá đức tin trên toàn thế giới.

Gallagher đã nhận được phép lành từ Đức Thánh Cha Phanxicô sau buổi tiếp kiến chung vào ngày 3 tháng Năm.

“Đó là một cơ hội rất may mắn đối với cá nhân tôi và đối với toàn bộ sứ mệnh của EWTN Ái Nhĩ Lan,” anh nói.

“ Chúa Thánh Thần là điều chúng ta cần để truyền bá thông điệp chân lý này, truyền bá thông điệp cam kết với đức tin Công Giáo này, đặc biệt là trong thời hiện đại này, vì vậy đó là một điều rất rất mạnh mẽ đối với chúng tôi và tạ ơn Chúa vì điều đó,” Gallagher kết luận.


Source:Catholic News Agency

2. Nhật Ký Trừ Tà số 240: Ma Quỷ Gây Mê Man Buồn Ngủ

Có nhiều người bị mất ngủ. Họ chữa chứng bệnh này thành công bằng một phương thế đơn giản, không cần thuốc men gì cả. Khi không thể ngủ được, họ lần chuỗi và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Một Nhà Trừ Tà đã khẳng định điều đó là đúng.

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #240: Demons of Lethargy”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 240: Ma Quỷ Gây Mê Man Buồn Ngủ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chúng tôi vừa hoàn thành một phiên trừ tà trực tuyến hàng tháng khác. Chúng tôi đã có 4.500 lượt phát trực tiếp và hơn 10.000 lượt xem. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời và mạnh mẽ với rất nhiều tín hữu từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau cầu nguyện. Họ đến từ Á Căn Đình, Tây Ban Nha, Phần Lan, Phi Luật Tân, Ý, Venezuela, Mã Lai Á, Ái Nhĩ Lan, Uruguay, Croatia, Slovenia, Indonesia, Vương quốc Anh, Úc, Đức, Canada, v.v.*

Sau buổi trừ tà cuối cùng, một người tham gia đã viết: “Tôi vô cùng buồn ngủ và bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Tôi đã cố gắng chống lại nó nhưng nó quá mạnh và sau đó tôi nghe Đức ông Rossetti đuổi quỷ Satan đang cố đưa chúng tôi vào giấc ngủ và tôi ngay lập tức tỉnh dậy với đôi mắt mở to! Tôi không nhớ chính xác những lời ngài nói nhưng mọi thứ trở nên mờ nhạt khi tôi chìm vào giấc ngủ nhưng ngay khi ngài nói điều gì đó, cơn buồn ngủ lập tức rời bỏ tôi. Cảm ơn Chúa Giêsu.”

Điều tôi nói đã đánh thức anh ấy là: “Nhân danh Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho lũ quỷ mê man phải rời đi!”

Những người tham gia có kinh nghiệm chung là họ trở nên buồn ngủ ngay khi những lời cầu nguyện giải thoát bắt đầu. Họ khó có thể làm theo những lời cầu nguyện. Một người tham gia khác đã viết: “Tôi ngủ thiếp đi... Tôi đã theo dõi được đến chỗ làm sao thoát được bè tam điểm, thì đùng một cái, tôi bất tỉnh.” Có phải những người này đơn giản là thiếu ngủ và cần ngủ nhiều hơn không?

Tuần này, trong một buổi gặp mặt trực tiếp, một người đau khổ cũng phàn nàn về điều tương tự. Cô ấy nói: “Mỗi khi chúng tôi bắt đầu cầu nguyện, tôi lại cảm thấy uể oải”. Vì vậy, tôi đã ra lệnh cho những con quỷ uể oải rời đi và sự uể oải của cô ấy cũng biến mất.

Điều này không chỉ xảy ra trong các buổi trừ tà giải thoát mà còn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, đặc biệt là trong các thừa tác vụ mà ma quỷ căm ghét. Một người phụ nữ có trách nhiệm đọc sách Thánh, và ngay khi bắt đầu thực hiện điều đó, cô ấy gần như không thể mở mắt ra được. Sau một số phiên trừ tà, vấn đề đã biến mất.

Điều này đã xảy ra quá nhiều lần để trở thành một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ma quỷ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn mọi người tham gia vào những lời cầu nguyện giải thoát. Họ cố gắng ngăn chặn liên lạc và gây rối với thiết bị điện tử. Họ sẽ dựng hàng rào này đến hàng rào khác để ngăn mọi người tham dự. Và nếu họ đến được một phiên, ma quỷ sẽ cố gắng đưa họ vào giấc ngủ. Thành ra, chúng tôi phải liên tục cầu xin Chúa Thánh Thần giúp những người này tỉnh táo tham dự; chúng tôi sử dụng những lời cầu nguyện bảo vệ cho công nghệ của chúng tôi; và chúng tôi cầu nguyện để đuổi quỷ hôn mê.

Đây là tất cả những điều khó chịu của Satan. Nhưng Chúa Giêsu là Chúa! Chúng ta bị quấy rối theo nhiều cách khác nhau nhưng không bao giờ bị cản trở. Tin Mừng sẽ được rao giảng và sẽ đến tận cùng trái đất.


Source:Catholic Exorcism

3. Vị thánh bí ẩn: Vị Tử đạo Coptic thứ 21 nay được Vatican công nhận là ai?

Theo tạp chí mạng The Pillar, Tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng 21 người đàn ông bị Nhà nước Hồi giáo chặt đầu trên một bãi biển ở Libya vào năm 2015 sẽ được đưa vào Sách Tử đạo Rôma, sau khi đã chết vì đức tin Kitô giáo.

Những người đàn ông đã được Giáo Hội Chính thống giáo Ai Cập (Coptic) công nhận là thánh kể từ thời điểm họ bị giết và sự khác biệt của họ là sự khác biệt bất thường khi được cả hai Giáo Hội công nhận là những người tử vì đạo.

Một trong số họ, Matthew Ayariga, thậm chí còn có một sự khác biệt ấn tượng hơn: ông được các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống giáo Copitc công nhận là một người tử vì đạo, mặc dù theo như chúng tôi biết, ông không phải là người Công Giáo cũng không phải là người Chính thống giáo Ai Cập.

Vậy ông là ai, và ông đến từ đâu? Luke Coppen đã tìm hiểu như sau:

Một nhà lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo giữ cổ áo của Matthew Ayariga, bên trái, của bộ áo liền quần màu cam trước khi hành quyết vào ngày 15 tháng 2 năm 2015. Ảnh chụp màn hình từ video.

Ayariga đã bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo chặt đầu cùng với 20 đồng nghiệp công nhân xây dựng trên một bãi biển ở Libya vào tháng 2 năm 2015. Họ được Giáo hoàng Chính thống Coptic Tawadros II phong thánh cùng với nhau vài ngày sau đó.

Thứ Năm tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng, với sự đồng ý của Tawadros II, 21 vị tử đạo sẽ “được đưa vào Danh sách Tử đạo Rôma như một dấu chỉ của sự hiệp thông thiêng liêng hợp nhất hai Giáo hội của chúng ta”.

Nhưng trong khi cái chết của Ayariga với tư cách là một vị tử đạo sẽ được các tín đồ Công Giáo và Chính thống giáo Coptic tưởng nhớ trong nhiều thế kỷ, thì chúng ta thực sự biết gì về cuộc đời của người đàn ông này?

Các mầu nhiệm của thánh tử đạo Mátthêu

Matthew Ayariga sinh năm nào? Quê hương của ngài ở đâu? Ngài thuộc cộng đồng tôn giáo nào? Những câu hỏi đơn giản như vậy dường như không có câu trả lời rõ ràng.

Hầu hết các nguồn đều đồng ý rằng Ayariga đến từ Ghana, mặc dù ngay sau khi ngài qua đời, đã có suy đoán rằng ngài có thể đến từ Chad, nơi giáp ranh với Libya.

Trái ngược với 20 vị tử đạo khác, không có ngày sinh hoặc nơi sinh nào được liệt kê cho Ayariga. Có lẽ ngài sinh vào những năm 1980 hoặc đầu 1990, giống như phần lớn các đồng nghiệp của ngài. Điều đó có nghĩa là ngài ở độ tuổi 20 hoặc 30 khi bị giết.

Nhiều trình thuật cho rằng ngài lớn lên như một Kitô hữu. Điều đó có lẽ không ngạc nhiên nếu ngài phát xuất từ Ghana, nơi có khoảng 71% dân số theo Kitô giáo, chủ yếu thuộc các Giáo Hội Ngũ Tuần và các cộng đồng Thệ phản khác. Một số người tin rằng Ayariga là người Công Giáo, điều này có thể xảy ra, mặc dù người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 13% dân số Ghana.

Nhưng dường như không có gì được biết về những năm đầu của Ayariga. Khi đến tuổi lao động, có lẽ ngài đã quyết định rời quê hương và kiếm sống bằng nghề lao động nhập cư.

Vào đầu năm 2015, ngài đã tìm được đường đến thị trấn cảng Sirte của Libya, tại một thời điểm nào đó, ngài đã tình cờ gia nhập một nhóm công nhân xây dựng Chính thống giáo Coptic từ nhiều ngôi làng khác nhau ở Ai Cập.

Một video tuyên truyền khủng khiếp do Nhà nước Hồi giáo phát hành vào tháng 2 năm 2015 cho thấy Ayariga và các đồng nghiệp của ngài mặc bộ áo liền quần màu cam giống hệt nhau khi họ được dẫn dọc theo một bãi biển bởi những nhân vật mặc đồ đen cao lớn.

21 người xếp hàng quay lưng về phía những con sóng, mỗi người có một thành viên Nhà nước Hồi giáo phía sau. Khi họ bị buộc phải quỳ xuống, máy quay lia qua họ, cho thấy Ayariga đang quỳ gối thanh thản trước thủ lĩnh, kẻ duy nhất trong số những kẻ khủng bố không mặc đồ đen.

Các công nhân - nhiều người trong số họ rõ ràng đang cầu nguyện trong những giây phút cuối cùng - sau đó đồng loạt bị chặt đầu.

Đoạn video dài 5 phút mô tả vụ giết người của họ mô tả 21 người là “những người thập tự giá, những người theo giáo hội Ai Cập thù địch.”

Người ta nói rằng các chiến binh đã hỏi Ayariga về đức tin của ngài trước khi ngài chết, chắc chắn tự hỏi điều gì đã liên kết ngài với một nhóm Kitô hữu Ai Cập. Ayariga được cho là đã nói với họ một cách đơn giản rằng “Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa của tôi.”

Một hành trình dài đến Ai Cập

Sau khi Nhà nước Hồi giáo bị đánh đuổi khỏi Sirte, chính quyền địa phương cho biết họ đã tìm thấy thi thể của các công nhân xây dựng. Các xét nghiệm DNA xác nhận rằng hài cốt thực sự là của các vị tử đạo.

Hai mươi trong số các thi thể đã được đưa lên máy bay vào ngày 15 tháng 5 năm 2018 tới Ai Cập, nơi họ được chào đón bằng tiếng chuông nhà thờ trên toàn quốc. Họ được yên nghỉ trong một ngôi đền dành riêng để tưởng niệm các ngài.

Nhưng thi thể của Ayariga vẫn ở lại Libya.

Vào năm 2019, một phái đoàn đã yêu cầu Ayariga “được cùng với những người anh em Coptic của ông về nơi an nghỉ cuối cùng”. Chính phủ Libya đã đồng ý và hài cốt của ngài đã được chuyển đến Ai Cập vào tháng 9 năm 2020. Gia đình các vị tử đạo được trích dẫn như đã nói: “Niềm vui của chúng tôi đã trọn vẹn.”

Máu và phép rửa

Trong một bài báo tháng 3 năm 2019 do First Things xuất bản, tác giả người Đức Martin Mosebach đã suy niệm về hành trình thiêng liêng của Ayariga.

Mosebach, tác giả cuốn sách “The 21: A Journey into the Land of Coptic Martyrs [Người thứ 21: Hành trình vào Xứ Các Tử Đạo Coptic],” lưu ý rằng Sách Tử Đạo Rôma bao gồm lễ kính hai thánh Felix và Adauctus, được cử hành vào ngày 30 tháng 8. Khi Felix bị đem đi hành quyết vào năm 303 sau Công nguyên, Adauctus đã nhìn thấy ngài và xúc động tuyên bố đức tin Kitô giáo của chính mình. Hai người đàn ông sau đó bị xử tử cùng với nhau. Mosebach cho rằng Ayariga là Adauctus trong số 21 vị tử đạo ở Libya.

Mosebach cho hay: Nhà nước Hồi giáo ban đầu tin rằng ngài không phải là Kitô hữu và lên kế hoạch thả ngài ra. Nhưng Ayariga khăng khăng cho rằng ngài là Kitô hữu.

Mosebach viết: “Nếu Matthew sống sót và bày tỏ mong muốn được chấp nhận làm tín hữu Coptic, ngài sẽ phải trải qua lễ rửa tội một lần nữa. Giống như nhiều Giáo Hội Chính thống giáo, Giáo Hội Coptic không công nhận lễ rửa tội do các Giáo Hội khác thực hiện.”

“Vậy có phải Matthew chỉ đơn giản là một người chưa được rửa tội nhưng bằng cách nào đó đã trở thành một vị thánh? Không hề như vậy. Bằng việc sẵn sàng chết cùng với những người bạn đồng hành Coptic của mình, ngài đã nhận được phép rửa bên bờ biển Libya. Máu của chính ngài đã thay thế cả nước thánh lẫn việc rửa tội của linh mục trong bí tích.”

Mosebach quả đang đề cập đến giáo huấn Kitô giáo cổ xưa về phép rửa tội bằng máu. Như Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo giải thích, “Giáo hội luôn xác tín chắc chắn rằng những người chịu chết vì đức tin mà không lãnh nhận Bí tích Rửa tội đều được rửa tội bằng cái chết của họ vì và với Chúa Kitô”. Nó nói thêm rằng “Bí tích Rửa tội bằng máu này, giống như mong muốn lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mang lại hoa trái của Bí tích Rửa tội mà không phải là một bí tích.”

Mosebach nói với The Pillar vào ngày 12 tháng 5 rằng việc các vị tử đạo được đưa vào Sách Tử đạo Rôma là “tin tốt nhất từ Rome trong một thời gian dài.”

Ông viết qua email: “Cuối cùng, cốt lõi của thông điệp Kitô giáo một lần nữa được đặt ở trung tâm: bước theo Chúa Kitô qua việc chấp nhận Thập giá cứu chuộc thế giới của Người”.

Mosebach, một người ủng hộ Thánh lễ Latinh truyền thống, nói thêm: “Đồng thời, điều này cũng liên quan đến việc phải hướng sang Giáo Hội Coptic, vốn tự gọi họ là 'Giáo hội của các vị tử đạo' và là tấm gương tốt cho Kitô giáo Công Giáo phương Tây: Sự cam kết không giới hạn của người Copt đối với truyền thống Kitô giáo và nghi lễ truyền thống nhắc nhở Giáo hội Rôma, hiện đang đặt cả hai điều vừa kể dưới 'sự nghi ngờ ý thức hệ', phải xem xét lại mối quan hệ của chính mình với truyền thống”.

“Nỗi nghi ngờ vô căn cứ từ lâu rằng Giáo hội Alexandria tuyên bố một hình ảnh sai lầm về Chúa Kitô dưới hình thức ‘Thuyết độc tính’ có lẽ cũng đã bị dập tắt.”

Ông nói thêm: “Đặc biệt cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã chỉ ra học thuyết cổ xưa về ‘phép rửa tội bằng máu’, đặc biệt là đối với thánh Mátthêu, người đến từ Ghana và không phải là người Copt. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tạo ra khái niệm về một ‘phong trào đại kết của các vị tử đạo’ – giờ đây nó đã được lấp đầy bằng thực tế.”

Các vị thánh ngoài Công Giáo

Với việc được ghi vào Sách Tử đạo Rôma, Matthew Ayariga sẽ được liệt kê trong số các vị thánh và chân phước được Giáo Hội Công Giáo công nhận. Lễ kính 21 vị tử đạo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 2, ngày các ngài được Giáo hội Chính thống giáo Coptic tưởng nhớ.

Hãng thông tấn Pháp I.Media trích dẫn một nguồn tin giấu tên của Vatican cho biết 21 người sẽ được Giáo Hội Công Giáo công nhận là thánh. Nguồn tin cho biết điều này “chỉ có thể xảy ra vì những người đã được rửa tội này đã được Giáo Hội Coptic công nhận là thánh.”

Vatican News lưu ý rằng những người không Công Giáo khác trước đây cũng đã được thêm vào Sách Tử đạo Rôma, bao gồm, vào năm 2001, các vị thánh thế kỷ 11 Theodosius và Anthony thành Pečerska, và các vị thánh thế kỷ 14 Stephen thành Perm và Sergius thành Radonezh.

21 vị tử đạo đã truyền cảm hứng cho một số biểu tượng nổi bật đương thời. Có thể dễ dàng nhận ra Ayariga trong hàng những nhân vật mặc trang phục giống hệt nhau: Người châu Phi cận Sahara đơn độc, được miêu tả trong bộ áo liền quần màu cam có vầng hào quang và đôi khi đội vương miện.

Đặt bên cạnh những người thuộc nhóm Kitô hữu phi thường này, câu chuyện của ngài cũng rất nổi bật.
 
Không chiến biên giới: Nhiều miền ở Nga bị tấn công. Thực hư chuyện Patriot bị Kinzal Nga đánh trúng
VietCatholic Media
17:20 17/05/2023


1. Máy bay không người lái tấn công lãnh thổ Nga sau khi Ukraine bị tấn công qua đêm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Drone Attacks Target Russian Territory After Ukraine Hit Overnight”, nghĩa là “Máy bay không người lái tấn công lãnh thổ Nga sau khi Ukraine bị tấn công qua đêm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Nga đã phải hứng chịu làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái chỉ sau một đêm, khi các nhà chức trách ở thủ đô Kyiv của Ukraine cho biết họ là mục tiêu của một cuộc tấn công “có mật độ chưa từng có”.

Các cuộc tấn công đã được báo cáo trên khắp nước Nga, bao gồm cả các khu vực Kursk và Bryansk, nằm gần biên giới với Ukraine và Smolensk, ở phía tây nước Nga.

Các sự việc máy bay không người lái bên trong lãnh thổ Nga đã gia tăng cường độ trong những tuần gần đây. Vào ngày 3 tháng 5, cơ quan báo chí của chính phủ Nga cáo buộc Ukraine đã đâm hai máy bay không người lái vào dinh thự Cẩm Linh của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Mạc Tư Khoa, mô tả vụ tấn công bị cáo buộc là “một hành động khủng bố có kế hoạch” và một âm mưu nhằm vào tính mạng của Putin. Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan đến các cuộc tấn công bên trong Nga.

Alexander Bogomaz, người đứng đầu khu vực Bryansk, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng một máy bay không người lái của Ukraine đã bị hệ thống phòng không ở thị trấn Klintsy bắn hạ.

“Không có thương vong. Ban công của một tòa nhà chung cư bị hư hại. Các dịch vụ khẩn cấp đang hoạt động ngay tại chỗ,” Bogomaz viết.

Trước đó, ngày 13/5, Bogomaz cho biết một máy bay không người lái đã tấn công lãnh thổ này, thả đạn xuống mái một tòa nhà ở thị trấn Starodub. Ông cho biết không có thương vong trong sự việc đó. Và vào ngày 14 tháng 5, các sĩ quan cảnh sát ở làng Khoromnoye được cho là đã bị tấn công bởi một máy bay không người lái đã thả một thiết bị nổ vào xe hơi của họ.

Hôm thứ Ba, Roman Starovoyt của vùng Kursk cho biết một máy bay không người lái của Ukraine đã thả một thiết bị nổ xuống một máy xúc ở quận Sudzhansky, khiến một người bị thương.

Starovoyt viết: “Người lái thiết bị xây dựng bị thương nhẹ ở vai.”

Và tại khu vực Smolensk, một máy bay không người lái có hai camera đã rơi xuống lãnh thổ của một cơ sở y tế thuộc Bộ Nội vụ Nga, kênh Telegram SHOT đưa tin hôm thứ Ba.

Theo kênh Telegram, chiếc máy bay không người lái được tìm thấy bởi một y tá và người này đã gọi cảnh sát. Không có chất nổ nào được tìm thấy và nó đã được gửi đi để kiểm tra thêm.

Trong khi đó, tại Ukraine, Nga đã phóng 18 hỏa tiễn trong đêm hôm thứ Ba - tất cả đều bị hệ thống phòng không của nước này phá hủy, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhnyi cho biết như trên.

Người đứng đầu chính quyền quân sự của Kyiv, Sergei Popko, cho biết trên Telegram rằng thành phố đã phải hứng chịu một cuộc tấn công với mật độ “chưa tùng có” xét về số lượng hỏa tiễn tấn công tối đa trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Popko cho biết nó đánh dấu cuộc tấn công thứ tám vào Kyiv trong tháng này.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận qua email.

2. Ukraine chính thức phủ nhận tuyên bố của Nga rằng hỏa tiễn siêu thanh đã phá hủy hệ thống phòng thủ Patriot

Một cơ quan truyền thông Nga tên là Zvezda cho biết một hệ thống Patriot của Ukraine đã bị một hỏa tiễn Kinzhal của Nga phá hủy. Chiều thứ Ba 16 Tháng Năm, khi được hỏi về tin này, Đại Tá Yurii Ihnat đã bác bỏ và khẳng định lại một lần nữa rằng cả 18 hỏa tiễn trong đó có 6 hỏa tiễn Kinzhal đã bị phá hủy trước khi tiếp cận được mục tiêu.

Vì các tin đồn tiếp tục lặp lại cáo buộc của cơ quan truyền thông Nga Zvezda, cho nên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 17 tháng Năm, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, chính thức phủ nhận một lần nữa rằng không có hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot do Mỹ sản xuất nào bị phá hủy hay hư hại trong một cuộc không kích vào Kyiv.

Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra khẳng định này hôm thứ Ba sau một cuộc không kích trong đêm vào thủ đô Ukraine. Hai quan chức Mỹ sau đó cho biết hệ thống Patriot có thể đã bị hư hại nhưng dường như nó không bị phá hủy vì họ vẫn tiếp tục nhận được tín hiệu.

“Tôi muốn nói rằng: đừng lo lắng về số phận của Patriot”, phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat nói.

Ông thẳng thừng loại trừ khả năng hỏa tiễn “Kinzhal” của Nga hạ gục hệ thống Patriot.

“Phá hủy hệ thống bằng một số loại ‘Kinzhal’, điều đó là không thể. Tất cả những gì họ nói ở đó, nó vẫn còn trong kho lưu trữ tuyên truyền của họ, quên chuyện đó đi”.

Đại Tá Yurii Ihnat cho biết quân Nga đang tiếp cứu cho thành phố Bakhmut qua ngã Mariupol. Một đoàn xe Nga dài như bất tận đã được cư dân địa phương nhìn thấy và báo cáo cho quân Ukraine. Trong 24 giờ qua, các lực lượng không quân đã tung ra 56 cuộc không kích nhắm chủ yếu vào tất cả các cố gắng tiếp cứu cho chiến trường thành phố Bakhmut.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tổn thất nhân sự của quân xâm lược đã vượt qua mức 200.000. Cụ thể, lực lượng phòng vệ của Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 200.590 quân xâm lược Nga trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 17 tháng 5.

Trong 24 giờ qua, 610 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 9 xe tăng, 17 xe thiết giáp, 16 hệ thống pháo, 2 hệ thống phòng không, và 19 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 17 Tháng Năm, tổng thiệt hại trong chiến đấu của Nga còn bao gồm 3.771 xe tăng, 7.365 xe thiết giáp, 3.166 hệ thống pháo, 562 bệ phóng hỏa tiễn, 318 hệ thống phòng không, 308 máy bay chiến đấu, 294 máy bay trực thăng, 2.748 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 982 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.067 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 417 thiết bị chuyên dụng.

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Kinzhal, tiếng Nga có nghĩa là Dao găm, là loại hỏa tiễn siêu thanh tiên tiến của Nga đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2017 và là một trong năm loại vũ khí chiến lược mới của Nga được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố vào tháng 3 năm 2018. Trong khi người Nga gọi là hỏa tiễn Kinzhal, NATO gọi là hỏa tiễn KILLJOY.

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Trong tuần qua, không chiến ở biên giới Nga-Ukraine đã gia tăng. Chỉ riêng vào ngày 13 tháng 5, bốn máy bay của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga bao gồm hai máy bay chiến đấu tiên tiến và hai máy bay trực thăng đã bị rơi, dường như bị bắn hạ trên vùng Bryansk của Nga.

Vào ngày 03 tháng 5, Ukraine lần đầu tiên bắn hạ một hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không KILLJOY. Sau đó, Nga đã ưu tiên cố gắng vô hiệu hóa khả năng phòng không đã được cải thiện của Ukraine, nhưng trong quá trình này, có thể đã mất thêm một số KILLJOY.

Mối đe dọa trên không gia tăng đối với khu vực biên giới của Nga sẽ là mối quan tâm đặc biệt đối với Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga vì họ sử dụng khu vực này để phát động sức mạnh không quân hỗ trợ chiến tranh.

Lỗ hổng rõ ràng của KILLJOY có thể là một bất ngờ và bối rối đối với Nga: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi hệ thống này là bất khả chiến bại.

4. Sỉ nhục mới đối với Putin khi mọi hỏa tiễn được quảng cáo là ‘không thể ngăn cản’ đã bị bắn hạ ở Kyiv.

Hai ký giả Olivia Burke và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “LIMP VLAD Humiliation for Putin after six ‘unstoppable’ 7,000mph Kinzhal missiles are ALL shot down over Kyiv, Ukraine claims”, nghĩa là “Putin run rẩy. Sỉ nhục mới đối với Putin khi Ukraine báo cáo tất cả sáu hỏa tiễn ‘không thể ngăn cản’ đã bị bắn hạ ở Kyiv.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

VLADIMIR Putin đang phải đối mặt với sự sỉ nhục mới sau khi Ukraine tuyên bố tất cả sáu hỏa tiễn Kinzhal “không thể ngăn cản” của ông đã bị bắn hạ ở Kyiv.

Cuộc tấn công vào thủ đô Kyiv lớn chưa từng có của Tổng thống Nga đã phần nào phản tác dụng sau khi dàn pháo đáng sợ nhất của ông bị khuất phục vào đêm 15 rạng sáng 16 Tháng Năm.

Ukraine tuyên bố đã bắn hạ tất cả 18 hỏa tiễn được bắn vào thành phố trong đêm trong cuộc tấn công được mô tả là “có mật độ đặc biệt cao”.

Bầu trời Kyiv sáng lên một cách kinh hoàng khi hỏa tiễn Nga trút xuống từ bầu trời, và còi báo động không kích vang lên khắp khu vực.

Valerii Zaluzhny, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Ukraine, cho biết Nga đã tấn công từ ba góc độ bằng cách sử dụng hỏa tiễn trên không, trên biển và trên đất liền.

Điều này bao gồm chín hỏa tiễn hành trình Kalibr, có thể di chuyển với tốc độ gấp năm lần âm thanh, được phóng từ các tàu ở Hắc Hải.

Ba hỏa tiễn trên đất liền cũng được bắn vào Kyiv, cùng với nửa tá hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal - mà Ukraine tuyên bố đã bắn hạ.

KH-47, còn được gọi là Dao găm của Nga, được cho là có khả năng di chuyển gấp 12 lần tốc độ âm thanh - khiến nó gần như không thể bị phát hiện và vô hiệu hóa từ vị trí phòng thủ.

Các hỏa tiễn, có thể đạt tốc độ hơn 7.000 dặm một giờ và thường xuyên được Putin phóng trong cuộc chiến Ukraine, có thể được nạp tới 1.000 pound chất nổ hoặc thậm chí là đầu đạn hạt nhân.

Bản thân Putin đã quảng cáo Kinzhal như một lực lượng không thể ngăn cản, thậm chí có thể được dùng để đối đầu với NATO - nhưng hiện ông chỉ còn 73 chiếc để sử dụng.

Ukraine dường như đang tận dụng tối đa các hệ thống phòng thủ của phương Tây và tuyên bố cả 6 chiếc đã bị bắn hạ.

Quốc gia bị chiến tranh tàn phá này cho biết họ đã ngăn chặn toàn bộ một loạt hỏa tiễn siêu thanh bằng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

Đầu tháng này, Ukraine tuyên bố lần đầu tiên bắn hạ một chiếc Kinzhal trên bầu trời Kyiv.

Thống Đốc Kyiv, Tướng Serhiy Popko cho biết: “Số lượng hỏa tiễn tối đa đã được bắn vào thành phố trong khoảng thời gian ngắn nhất.”

“Lần này, đối phương đã thực hiện một cuộc tấn công phức hợp theo nhiều hướng khác nhau đồng thời sử dụng máy bay không người lái, hỏa tiễn hành trình và có thể là cả hỏa tiễn đạn đạo.”

“Theo thông tin sơ bộ, phần lớn các mục tiêu của đối phương trên không phận Kyiv đã bị phát hiện và tiêu diệt”.

5. Bỉ tuyên bố sẵn sàng huấn luyện phi công Ukraine lái F-16

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã thảo luận vấn đề F-16 với Thủ tướng Bỉ Alexander De Kroo và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

“Trong hội nghị thượng đỉnh ở The Hague hồi đầu tháng, vấn đề F-16 cũng đã được thảo luận trong cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng. Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi chưa thể cung cấp máy bay, nhưng chúng tôi có thể đào tạo phi công”, một tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Bỉ cho biết như trên.

Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak cho biết Thủ tướng Vương quốc Anh và Hà Lan Rishi Sunak và Mark Rutte sẽ làm việc để thành lập một liên minh máy bay chiến đấu quốc tế cho Ukraine.

6. Zelenskiy hoan nghênh 'khởi đầu tốt đẹp' cho liên minh máy bay chiến đấu F-16 do Anh và Hà Lan công bố

Zelenskiy đã hoan nghênh cam kết của Anh và Hà Lan về việc xây dựng một “liên minh quốc tế” để cung cấp máy bay chiến đấu hỗ trợ cho Ukraine và sự hỗ trợ của Pháp đối với liên minh, như một “khởi đầu tốt”.

Phản ứng với cam kết trong bài phát biểu hàng đêm của mình, Zelenskiy gọi đó là “một khởi đầu tốt cho liên minh”, đồng thời nói thêm: “Cảm ơn tất cả các bạn”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm thứ Ba cam kết xây dựng một “liên minh quốc tế” để cung cấp máy bay chiến đấu hỗ trợ cho Ukraine.

Các quốc gia phương Tây cho đến nay vẫn chưa cung cấp máy bay phản lực tiên tiến để giúp Ukraine kiểm soát bầu trời trước không quân Nga.

Tuy nhiên, Sunak cho biết hôm thứ Hai rằng Vương quốc Anh đang chuẩn bị mở một trường dạy bay để đào tạo phi công cho Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đề nghị đào tạo phi công chiến đấu cho Ukraine nhưng chưa đề cập đến việc gửi máy bay chiến đấu tới Kyiv.

7. Thành viên NATO cảnh báo rằng khung thời gian phản công của Ukraine đang 'thu hẹp'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Counteroffensive Window 'Shrinking'—NATO Member”, nghĩa là “Thành viên NATO cảnh báo rằng khung thời gian phản công của Ukraine đang 'thu hẹp'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Tiệp Petr Pavel đã cảnh báo rằng cơ hội cho Ukraine thực hiện các chiến dịch tấn công lớn chống lại quân đội Nga đang xâm lược sẽ lại đóng lại vào mùa thu, đồng thời kêu gọi các quốc gia NATO cung cấp cho Ukraine “tất cả các thiết bị và đạn dược cần thiết” trước khi mùa xuân chuyển sang mùa hè.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen ở thủ đô Đan Mạch hôm thứ Hai, Pavel - người trước đây từng là Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO và là Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Tiệp - cho biết các đồng minh không được chờ đợi trong việc gửi vũ khí mạnh tới Ukraine.

“Ukraine có cơ hội thực hiện một cuộc phản công quan trọng vào mùa hè này, và cơ hội đó hiện đang thu hẹp lại,” tổng thống Tiệp phát biểu tại Copenhagen. “Các khoản đóng góp đến càng muộn, chúng sẽ càng ít hữu ích hơn, bởi vì vào mùa thu, các hoạt động quân sự lớn sẽ lại phải dừng lại do điều kiện thời tiết và điều kiện mặt đất.”

“Để sử dụng hợp lý khoảng thời gian có sẵn, chúng ta lẽ ra phải cung cấp cho Ukraine tất cả các thiết bị và đạn dược cần thiết muộn nhất là vào mùa xuân,” ông Pavel nói thêm.

Kyiv đã và đang chuẩn bị cho cuộc phản công tiếp theo của mình trong vài tháng. Xe thiết giáp hạng nặng của phương Tây, các phương tiện khác, hỏa tiễn tầm xa, máy bay không người lái và một lượng lớn đạn dược đã được chuyển đến để hỗ trợ quân đội của Kyiv, hàng nghìn người đang được huấn luyện tại các căn cứ của NATO trải khắp các quốc gia liên minh.

Cái gọi là “các hoạt động định hình”— tức là các hoạt động tạo ra một môi trường có lợi cho sự thúc đẩy cuối cùng của cuộc tấn công—dường như đã được tiến hành, với các cuộc tấn công sâu của Ukraine nhắm vào các trung tâm chỉ huy và hậu cần của Nga nhằm làm xói mòn các khả năng của Mạc Tư Khoa.

Trong khi đó, quân đội Ukraine cũng đang tấn công xung quanh thành phố Bakhmut phía đông bị phá hủy, hiện đồng nghĩa với sự tàn bạo tiêu hao được báo cáo rộng rãi, đặc trưng cho hầu hết các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Các chỉ huy Nga được cho là đã giao nhiệm vụ cho lực lượng dù tinh nhuệ hạn chế bước tiến của quân Ukraine. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận.

Vẫn còn phải xem lực đẩy chính của Ukraine - có thể được hỗ trợ bởi các phương tiện phương Tây như xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất - sẽ diễn ra ở đâu.

Các nhà quan sát đã suy đoán rằng một cuộc hành quân về phía nam qua mặt trận Zaporizhzhia hướng tới Melitopol đang bị tạm chiếm có thể cắt đứt cây cầu trên bộ của Mạc Tư Khoa tới Crimea, trong khi những người khác cho rằng Kyiv có thể chọn tiến sâu hơn vào khu vực Luhansk phía đông bắc.

Các nhà lãnh đạo Ukraine đã cố gắng giảm bớt kỳ vọng trong khi gửi đi những thông điệp lẫn lộn về sự sẵn sàng của họ, có lẽ là một phần của chiến dịch tung thông tin sai lệch nhằm gây nhầm lẫn cho các lực lượng Nga. Ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết vào cuối tháng 4 rằng các lực lượng tấn công đã sẵn sàng. Nhưng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy gần đây nói rằng Kyiv cần thêm thời gian.

Các đối tác nước ngoài của Ukraine cũng đã cảnh báo không nên đầu tư quá nhiều vào hoạt động sắp tới. Pavel trước đây đã cảnh báo chống lại “sự cám dỗ thúc ép họ” để “chứng minh một số kết quả”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc phản công.

“ Sẽ cực kỳ có hại cho Ukraine nếu cuộc phản công này thất bại, bởi vì họ sẽ không có cơ hội nào khác, ít nhất là trong năm nay”. Tổng thống Pavel nói rằng Kyiv có thể sẽ phải nhận “những tổn thất khủng khiếp” khi nóng vội tấn công.

“Đó là yêu cầu cực kỳ khắt khe về việc tập hợp các thiết bị nhân sự, hậu cần đạn dược, tài chính, nhiên liệu. Nó chỉ đơn giản là một cơ hội trong năm nay, vì vậy nó phải thành công.”

Nhưng Pavel cũng nói rằng Kyiv có nhiều cơ hội thành công. “Chắc chắn có nhiều hy vọng rằng cuộc phản công của Ukraine sẽ thành công, bởi vì Ukraine có động lực, chuẩn bị tốt, quân đội của họ có kinh nghiệm và chắc chắn không khuất phục trước những thiếu sót như quân đội Nga,” tổng thống Tiệp cho biết như trên.

“Mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra theo mong muốn và kế hoạch nhưng tôi nghĩ rằng cơ hội giành được thành công đáng kể của Ukraine là rất cao.”

8. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cuộc chiến ở Ukraine có thể kết thúc do Mỹ bỏ rơi các đồng minh của mình, như Mỹ từng làm trước đây ở Afghanistan.

Người Nga đang cảm thấy lúng túng trước các thành công của quân Ukraine tại thành phố Bakhmut. Cho nên, trong những ngày này họ tìm những cách thức khác nhau để lên giây cót tinh thần cho người Nga.

Thông tấn xã Tass của nhà nước Nga báo cáo rằng trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Tsargrad, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đã nhắc lại việc Hoa Kỳ “đã từ bỏ ban lãnh đạo Afghanistan mà họ đã dựa vào trong suốt 20 năm Hoa Kỳ xâm lược đất nước đó”.

“Tôi hy vọng rằng các chính trị gia hiện đại chú ý đến lịch sử”, ông Lavrov nói. “Các nhà khoa học chính trị viết rất nhiều về điều này. Họ dự đoán rằng tất cả những điều này sẽ tiếp tục chừng nào người Mỹ còn cần. Chính phủ Kyiv sẽ nắm quyền chừng nào Mỹ cần họ,” Ngoại trưởng Nga nói.

Bình luận của Ngoại trưởng Nga Lavrov được nhiều người tán thưởng. Tuy nhiên, cựu chỉ huy Nga Igor Girkin cảnh giác rằng luận điệu của Lavrov có thể khiến người Ukraine tăng tốc cuộc chiến là điều có lẽ không có lợi cho quân đội Nga vào lúc đang cần một thời gian nghỉ ngơi và tái phối trí.

9. Giá lương thực được dự đoán sẽ tăng lên khi Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải

Reuters có giải thích hữu ích sau đây về những gì nằm trong thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải, đang bị đe dọa sau khi Nga cho biết họ sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Theo thỏa thuận này, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã thành lập Trung tâm điều phối chung, gọi tắt là JCC, tại Istanbul, do các quan chức của mỗi bên phụ trách.

Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón và những thứ liên quan một cách an toàn, bao gồm cả amoniac, từ các cảng Odesa, Chernomorsk và Yuzhny.

Mọi hoạt động trong lãnh hải Ukraine đều thuộc quyền và trách nhiệm của Ukraine.

Các bên đồng ý không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại các tàu buôn và các tàu dân sự khác cũng như các cơ sở trong các cảng thuộc phạm vi của thỏa thuận.

Để ngăn chặn các hành động khiêu khích và sự việc, hoạt động của tàu thuyền đi qua hành lang nhân đạo trên biển được giám sát từ xa. Không có tàu quân sự, máy bay hoặc máy bay không người lái nào có thể tiếp cận trong phạm vi 10 hải lý của hành lang mà không có sự cho phép của JCC.

Tất cả các tàu buôn đều phải chịu sự kiểm tra trong và ngoài Ukraine bởi một nhóm JCC tại các cảng Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận đã được đồng ý duy trì hiệu lực trong 120 ngày và được tự động gia hạn khi đáo hạn, trừ khi một trong các bên thông báo cho bên kia về ý định chấm dứt dự luật tiên khởi hoặc sửa đổi nó.

Thỏa thuận đã được gia hạn vào tháng 11 trong 120 ngày và sau đó vào tháng 3 trong ít nhất 60 ngày.

Bây giờ, tình hình hiện nay là: Trong một bức thư gửi các quan chức Liên Hiệp Quốc vào ngày 16 tháng 3, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassily Nebenzia, cho biết Mạc Tư Khoa sẽ chỉ xem xét gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải của Ukraine sau ngày 18 tháng 5 nếu “các vấn đề mang tính hệ thống” sau đây được giải quyết:

Thứ nhất, đưa Ngân hàng Nông nghiệp Nga hay Rosselkhozbank, trở lại hệ thống thanh toán Swift.

Thứ hai, tiếp tục cung cấp cho Nga máy móc nông nghiệp và phụ tùng thay thế.

Thứ ba, dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tiếp cận các cảng đối với tàu và hàng hóa của Nga.

Thứ tư, nối lại đường ống dẫn khí amoniac từ Togliatti của Nga đến Odesa ở Ukraine.

Thứ năm, mở khóa tài khoản và hoạt động tài chính của các công ty phân bón Nga.

10. Liên Hiệp Âu Châu nên ngăn chặn Ấn Độ bán lại dầu của Nga vào Âu Châu, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu nói

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu Josep Borrell đã nói rằng Liên Hiệp Âu Châu nên trừng phạt việc Ấn Độ bán lại dầu của Nga vào Âu Châu dưới dạng nhiên liệu tinh chế.

Ông Borrell nói “chúng ta phải hành động” để ngăn chặn dòng dầu từ Nga sang Ấn Độ, quốc gia đã trở thành một trong những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc xâm lược Ukraine..

“Nếu dầu diesel hoặc xăng đang vào Âu Châu... đến từ Ấn Độ và được sản xuất bằng dầu của Nga, thì đó chắc chắn là một sự lách luật trừng phạt và các quốc gia thành viên phải có biện pháp”.

“Nếu họ bán, đó là vì ai đó đang mua. Và chúng ta phải xem ai đang mua,” Borrell nói thêm.

Liên hiệp Âu Châu chưa có động thái trừng phạt Ấn Độ bán lại dầu của Nga vào Âu Châu. Tuy nhiên, Borrell nói với các phóng viên báo chí rằng ông đã nêu vấn đề này với bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, là người mà ông đã gặp vào hôm thứ Ba.

Theo ông Borrell, Nga đã tìm được những người mua mới. Trước chiến tranh - và các lệnh trừng phạt kéo theo sau đó - Âu Châu từ lâu đã là khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga. Liên Hiệp Âu Châu đã hy vọng rằng lệnh cấm vận từ một nhà nhập khẩu khổng lồ như họ sẽ gây áp lực lên nền kinh tế Nga, nhưng Mạc Tư Khoa đã tìm được những người mua khác ở Á Châu.

Ấn Độ, nước nhập khẩu 80% lượng dầu mỏ, trước chiến tranh chỉ mua khoảng 2% đến 3% từ Nga. Nhưng khi giá dầu tăng vọt vào năm ngoái, chính phủ đã tăng đều đặn lượng dầu nhập khẩu từ Mạc Tư Khoa, tận dụng các khoản giảm giá mạnh.

Một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy xuất khẩu dầu của Nga “đạt mức cao sau chiến tranh” vào tháng 4 năm nay.

Báo cáo cho biết thêm: “Nga dường như chỉ gặp một số vấn đề nhỏ trong việc tìm kiếm người sẵn sàng mua các sản phẩm từ dầu thô và dầu mỏ của mình”.

11. Nga gia tăng pháo kích vào thường dân vô tội

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 17 tháng Năm, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư 17 Tháng Năm, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Mykolaiv: một người bị thương. Một trung tâm mua sắm, phòng trưng bày xe hơi và một cơ sở công nghiệp đã bị phá hủy một phần; các tòa nhà dân cư và cửa hàng đã bị hư hại.

Vào buổi sáng, Liên bang Nga pháo kích một bệnh viện ở Beryslav, vùng Kherson. Có thiệt hại, không ai bị thương. Hôm qua, quân đội Nga đã bắn hơn 400 quả đạn vào khu vực Kherson – bảy người bị thương.

Vào ngày 16 tháng 5, do hậu quả của cuộc pháo kích của Nga vào khu vực Donetsk, một người chết và bảy người bị thương. Ba người bị thương ở vùng Zaporizhzhia ngày hôm qua.

Cũng trong cuộc họp báo này, Thống Đốc Donetsk là ông Pavlo Kyrylenko cho biết trong ngày qua, quân đội Nga đã tiến hành hai cuộc không kích và 34 cuộc tấn công bằng pháo vào Vuhledar.

“Người Nga đã tiến hành hai cuộc không kích và 34 cuộc tấn công bằng pháo vào Vuhledar ở hướng Volnovakha. Prechystivka cũng bị pháo kích, Novoukrayinka bị tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt”

Ở hướng Donetsk, một người thiệt mạng và một người khác bị thương ở Kurakhove. Ba khu chung cư và bốn ngôi nhà riêng trong thị trấn bị hư hại. Ba ngôi nhà nữa bị hư hại ở Kurakhivka.

Theo Kyrylenko, một người bị thương và hai cơ sở hạ tầng bị hư hại ở Kostiantynivka. Trong cộng đồng Toretsk, năm ngôi nhà bị hư hại ở Toretsk và ba ngôi nhà khác – ở New York.

“Tại cộng đồng Chasiv Yar, một người bị thương, 10 ngôi nhà và một cửa hàng bị hư hại. Ba ngôi nhà bị hư hại ở Vasiukivka, cộng đồng Soledar. Ở hướng Lysychansk, quân Nga đã pháo kích 17 lần vào vùng ngoại ô của cộng đồng Lyman. Đã có thương vong”