Ngày 18-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
08:58 18/05/2017
Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm A

Vâng lời Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Sau khi sống cuộc đời ẩn dật ở Nazareth, Ngài bắt đầu cuộc sống công khai. Sứ mạng chính của Ngài là rao giảng Tin mừng. Nhưng Ngài biết thời giờ của Ngài ở thế gian không còn được bao lâu, nên cùng lúc rao giảng Tin Mừng, Ngài đã tuyển chọn một số người mà Kinh thánh gọi là Tông đồ để trao cho họ sứ mạng của Ngài. Ngài quan tâm số người này một cách đặc biệt. Trước khi chọn họ, Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa (x. Lc 6,12-16). Sau những giờ rao giảng cho dân chúng, Ngài thường gặp riêng họ để dặn dò, hoặc giải thích thêm những điều mà họ chưa hiểu. Ngài còn dành thời gian để dạy cho họ về những bài học cao quý của người lãnh đạo, nhất là bài học về tinh thần phục vụ. Ngài nói: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10,42-45).

Đặc biệt, trong bữa tiệc ly, Ngài không những “dạy” mà còn “làm gương” cho các ông bằng cử chỉ rửa chân. Sau khi thực hành điều đó, Ngài nói: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,13-15).

Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta biết, tuy Ngài sẽ về lại với Chúa Cha, nhưng “Ngài không để cho các ông mồ côi” (Ga 14,18). Thứ nhất, Ngài sẽ ban Đấng Phù Trợ đến. Đấng Phù Trợ đây là Thần Chân Lý, tức là Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa Ngôi Ba sẽ ở với các Tông đồ và Giáo Hội. Thứ hai, tuy Ngài sẽ về với Chúa Cha, không còn hiện diện thực sự như Ngài đã từng hiện diện với các ông trong suốt ba năm qua, nhưng Ngài sẽ ở với các ông, với Giáo Hội mỗi ngày cho đến tận thế bằng Lời của Ngài, bằng các Bí tích và bằng sự hiện diện một cách thiêng liêng. Điều này đã được chứng minh bằng những lần hiện ra sau khi Ngài phục sinh.

Nhưng Đức Giêsu đòi hỏi các Tông đồ là phải yêu mến Ngài. Cũng như trước khi trao sứ vụ Tông đồ trưởng cho Phêrô, Ngài đã muốn ông xác nhận về lòng yêu mến (x. Ga 21,15-19). Vì thế, lòng yêu mến hết sức quan trọng. Thánh Augustinô cũng đã từng nói: “cứ yêu rồi muốn làm gì thì làm”. Nhưng làm thế nào để chứng minh được lòng yêu mến? Đức Giêsu cho biết, lòng yêu mến được thể hiện qua việc thực hiện những lệnh truyền của Ngài, Ngài nói: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy”(Ga 14,15); “Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ yêu mến Thầy”(Ga 14,21).

Như vậy là đã rõ: Yêu mến Đức Giêsu là tuân giữ các luật của Ngài. Hay nói cách khác, kẻ giữ luật Đức Giêsu mới là kẻ yêu mến Ngài. Luật của Ngài là những giáo huấn được ghi lại trong Thánh Kinh và được lưu truyền qua Thánh truyền. Luật của Ngài được tóm lại trong mười điều răn là mến Chúa yêu người.

Các Tông đồ đã yêu mến Đức Giêsu một cách tuyệt đối và vô vị lợi. Bởi vì, các ông đã thực hiện trọn vẹn giới răn của Đức Giêsu. Vì lòng yêu mến Chúa vô vị lợi nên các Ngài đã phục vụ tha nhân hết mình và cuối cùng các Ngài đã lấy cái chết để làm chứng cho lòng yêu mến của các Ngài vào Đức Giêsu. Các bài đọc hôm nay chứng minh cho chúng ta phần nào.

Bài đọc 1, cho chúng ta thấy cách thức các Tông đồ và các thừa tác viên trong hội thánh sơ khai đã thực hiện giới răn của Đức Giêsu, đó là rao giảng, làm phép lạ, trừ quỷ, chữa lành bệnh tật. Sách Công Vụ tường thuật: “Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả”(Cv 8,5-8). Đồng thời, các Tông đồ còn ban Bí tích Thêm sức cho họ: “Khi các Tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần”(Cv 8,14-17).

Bài đọc II cũng cho chúng ta biết, sau khi thấm nhuần giáo huấn của Thầy Chí Thánh, Thánh Phêrô gửi thư dặn dò các kitô hữu hãy sống niềm tin của mình như thế nào? Đối với Thiên Chúa, Ngài dạy: “Anh em hãy tôn thờ Thiên Chúa trong lòng anh em” (x. 1Pr 3,15). Trước mặt những người lương dân: “hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Ðức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em”(1Pr 3, 15-16). Rồi, Ngài còn nhấn mạnh: “Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác”(1Pr 3, 17).

Đó là lòng yêu mến một cách vô vị lợi qua tinh thần giữ luật Chúa của các Tông đồ. Còn đối với mỗi người chúng ta thì sao?

Chúng ta có yêu mến Chúa và yêu tha nhân một cách vô vị lợi không? Hay nói cách khác, chúng ta có tuân giữ luật Chúa, một cách vô vị lợi không? Bởi vì, tình yêu vô vị lợi là tình yêu không so đo tính toán. Tình yêu vô vị lợi là tình yêu quảng đại, vị tha, cho đi, luôn muốn cho người mình yêu được hạnh phúc. Tình yêu vô vị lợi là tình yêu chỉ nghĩ đến Chúa đến tha nhân chứ không nghĩ đến mình. Tình yêu vô vị lợi là tình yêu đòi hỏi phải có sự hy sinh. Pierre l’Ermite đã nói: “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật.” Đó chính là tình yêu của Đức Giêsu dành cho nhân loại mà chóp đỉnh của tình yêu này là thí mạng sống cho nhân loại. Chính Ngài đã nói: “Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của người chết cho người yêu” (Ga 15,13). Đó là tình yêu của Cha Maximiliên Kôlbê, chấp nhận chết thay cho người bạn tù vì anh ta còn vợ trẻ con thơ.

Hay chúng ta đang yêu mến Chúa, yêu thương tha nhân bằng một tình yêu vị lợi? Tức là tình yêu ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, tìm hạnh phúc cho mình chứ không nghĩ đến Chúa, đến tha nhân. Thậm chí có khi coi Chúa, coi tha nhân như là phương tiện để phục vụ cho mình. Thực tế, có rất nhiều người đi đạo nhưng không giữ đạo. Họ chỉ chạy đến với Chúa với Giáo Hội khi họ cần cho họ, như khi lãnh nhận bí tích hôn phối, khi đưa xác người thân đến nhà thờ. Có nhiều người nói yêu tha nhân nhưng thực sự chỉ để lợi dụng tha nhân khi cần, vì chưa bao giờ họ muốn cho tha nhân được hạnh phúc.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, vì trước khi về trời Chúa đã không để chúng con mồ côi nhưng đã ở lại với chúng con bằng nhiều thể nhiều cách. Xin cho chúng con luôn biết yêu mến Chúa bằng việc tuân giữ giới răn và thực hành lời của Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha chống kỳ thị và cô lập các bệnh nhân Huntington
LM. Trần Đức Anh OP
10:29 18/05/2017
VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu noi gương Chúa Giêsu, phá đổ những bức tường kỳ thị và cô lập các bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh Huntington.

Ngài đưa ra lời kêu trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18-5-2017 dành cho 1500 người tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các chuyên gia, các thân nhân và bệnh nhân Huntington đến từ nhiều nước trên thế igới.

Huntington là bệnh thoái hóa tiến triển, có tính chất di truyền, nguyên nhân là do tế bào thần kinh trong não bị mất đi. Kết quả có thể là sự chuyển động của bệnh nhân không kiểm soát được, rối loạn cảm xúc và suy sụp tinh thần. Trên thế giới có khoảng 1 triệu người bị bệnh này. Nhiều bệnh nhân buộc lòng phải giấu kín bệnh của mình vì sợ dư luận quần chúng và thái độ kỳ thị từ đó mà ra. Bệnh Huntington thường xảy ra trong các gia đình ở Nam Mỹ với mức độ 500 hoặc 1 ngàn lần nhiều hơn so các vùng khác trên thế giới.

Cuộc gặp gỡ với ĐTC thuộc sáng kiến gọi là ”Không giấu kín nữa” - Hidden No More - liên kết những người ủng hộ và đại diện của các bệnh nhân bị Huntington.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhiệt liệt tuyên bố hỗ trợ sáng kiến ”không giấu kín nữa” và ngài nói:

”Đây không phải chỉ là một khẩu hiệu, nhưng là một sự quyết tâm trong đó mọi người phải giữ vai chính. ”Sức mạnh và xác tín khi chúng ta nói lên những lời này xuất phát từ những điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Trong sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu đã gặp bao nhiêu bệnh nhân, đảm trách những đau khổ của họ, Ngài đã phá đổ những bức tường lên án và gạt ra ngoài lề, căn cản bao nhiêu bệnh nhân không cho họ cảm thấy được tôn trọng và yêu mến. Đối với Chúa Giêsu, bệnh tật không bao giờ là chướng ngại cản trở gặp gỡ con người, trái lại là đàng khác. Chúa đã dạy chúng ta rằng nhân vị con người luôn luôn là điều quí giá, luôn có một phẩm giá mà không điều gì và không một ai có thể xóa bỏ, dù là bệnh tật.

ĐTC lần lượt khuyến khích các bác sĩ và nhân viên y tế, các người thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân Huntington, trong số này có các chuyên gia thuộc Bệnh Viện Nhà thoa dịu đau khổ ở miền nam Italia đã được cha thánh Piô thành lập và tặng cho Tòa Thánh.

ĐTC đặc biệt khích lệ các nhà di truyền học và khoa học gia từ lâu nay đã tận tụy nghiên cứu và tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh Huntingon. Ngài nói: hy vọng có thể tìm được con đường chữa chị hoàn toàn bệnh này tùy thuộc những cố gắng của anh chị em, cả việc cải tiến điều kiện sống của các anh chị em chúng ta bị bệnh này cũng vậy. Xin Chúa chúc lành cho dự dấn thân của anh chị em.” (SD 18-5-2017)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 6 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh
LM. Trần Đức Anh OP
10:31 18/05/2017
VATICAN. Sáng 18-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến 6 tân đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh và ngài kêu gọi loại trừ những nguyên nhân làm đen tối tình hình thế giới hiện nay.

Các vị đại sứ mới đến từ 6 nước là Kazakhstan, Mauritanie, Népal, Niger, Sudan, Trinidad và Togago. Đây là những vị không thường trú ở Roma nên được ĐTC tiếp kiến chung.

Trong lời chào mừng các tân đại sứ, ĐTC nhận xét rằng tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp và đang trải qua những đám mây dầy đặc, đòi phải ý thức hơn về những thái độ và những hoạt động cần thiết để giảm bớt căng thẳng.

Trong số các nhân tố làm cho các vấn đề trầm trọng hơn, có nền kinh tế tài chánh, thay vì phục vụ con người cụ thể, thì chỉ được bố trí để phục vụ bản thân và tránh sự kiểm soát của công quyền: các chính quyền này tuy có trách nhiệm về công ích, nhưng lại thiếu những đòn bẩy cần thiết để giảm bớt sự tham lam của một thiểu số người.

ĐTC cũng tố giác xu hướng dùng võ lực, không phải như phương thế cuối cùng, nhưng như một phương tiện như bất kỳ phương tiện nào khác, sẵn sàng sử dụng mà không thẩm định kỹ lưỡng các hậu quả.

Ngoài ra có nạn cực đoan, lạm dụng tôn giáo để biện minh cho sự khao khát quyền lực, lạm dụng thánh danh Thiên Chúa để đẩy mạnh mưu đồ bá quyền của mình bằng bất kỳ phương tiện nào.

ĐTC kêu gọi chống lại những nguy cơ trên đây đối với nền hòa bình thế giới bằng cách kiến tạo một nền kinh tế và tài chánh có trách nhiệm đối với số phận con người và cộng đoàn liên hệ. Con người chứ không phải tiền bạc là mục đích của kinh tế. .. Cần cô lập hóa bất kỳ người nào tìm cách biến sự thuộc về và căn tính tôn giáo thành lý do để oán ghét tất cả những người khác.

ĐTC nói thêm rằng ”cần hiệp sức chống lại kẻ làm hoen ố hình ảnh Thiên Chúa và chứng tỏ rằng ai tôn vinh Danh Thiên Chúa, thì cứu vớt sinh mạng con người chứ không giết hại, mang lại hòa giải và hòa bình chứ không phải tạo nên chia rẽ và chiến tranh, thực hiện lòng thương xót và cảm thương chứ không phải sự dửng dưng và tàn bạo”. (SD 18-5-2017)
 
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới ngày nay 17/5/2017
VietCatholic Network
15:26 18/05/2017
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:
1. Buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư với Đức Thánh ngày 17/5/2017.
2. Đức Thánh Cha khuyến khích các quân nhân hành hương tại Lộ Đức.
3. Khâm sứ Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc nói: “Sứ Vụ Thường Trực của Đức Maria như là một Đại Sứ Hòa Bình”.
4. 100 năm sau, sứ điệp Fatima còn quan trọng hơn bao giờ.
5. Đức Phanxicô dưới con mắt Cha Cựu Bề Trên Cả Dòng Tên.
6. Tư Tưởng Thần Học Và Đức Tin Của Tân Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron.
7. Đức Hồng Y Collins kêu gọi dân Canada chấm dứt phá thai.
8. Logo của Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Panama 2019.
9. Đức Cha Nguyễn thái Hợp đi vận động quốc tế và trao Thỉnh nguyện thư về thảm hoạ Formosa.
10. Công an đã bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình sáng 15/5 tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
11. ĐC Vincent Nguyễn văn Long chủ sự đại lễ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima tại Úc châu.
12. Cộng đoàn San Gabriel, California, và vũ khúc tiến hoa mừng kính Đức Mẹ.

Sau đây là phần trìnhbầy tin chi tiết.
 
ĐGH Phanxicô viếng thăm mục vụ Fatima , uớc vọng hòa bình
Phó Tế Phạm Bá Nha
17:26 18/05/2017
Đ­C PHANXICÔ VIẾNG THĂM MỤC VỤ FATIMA, ƯỚC VỌNG HÒA BÌNH

Năm nay, khắp nơi trong cũng như ngoài nước đâu có người Công GiáoVN, đều có tổ chức 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima (1917-2017). GXVN Paris tổ chức 2 đợt hành hương Fatima: Cursillo, 150 người đi 4-8.5.2017; Giáo Xứ, 100 người đi 24-28. 7.2017

Nhân kỷ niệm đặc biệt này, hai ngày 12 và 13.5. 2017, Đức GH Phanxicô viếng thăm Mục Vụ Fatima, Bồ Đào Nha, phong hiển thánh cho Hai Chân Phước Franciscô và Jacinta. Hai trong ba trẻ em được Đức Mẹ hiện ra vào 1917: Lucia, Pranciscô và Jacinta. Phép lạ được công nhận phong thánh của Hai Chân Phước, là em bé trai người Ba Tây tên Lucas Baptista, 1 tuổi, 4 năm trước, bị ngã từ lầu cao chấn thương nặng ở đầu, thập tử nhất sinh, được khỏi nhờ cầu bầu của Hai Thánh mục đồng.

Đây là lần thứ tư, có GH thăm Fatima: Phaolo VI (1967) Gioan Phaolo II (1982, 1991, 2000)

Benedicto XVI (2010) Phanxico (2017). Năm 2000, Đức Gioan Phaolo II đến Fatima, phong Chân Phước cho Francisco và Jacinta Marto.

Logo được đền thánh Fatima thông báo rất đơn giản:

- Phần trên: chuỗi tràng hạt hình trái tim bao bọc bằng hàng chữ PAPA FRANCISCO Fatima 2017

- Phần giữa có ghi: COM MARIA PEREGRINO NA ESPERANCA E NAPAZ

- Phần dưới: Tháp nhà thờ Fatima (1917-2017)

Dịp kỷ niệm này, Vatican phát hành tem thơ, gía 2,55 euros. Đã 3 lần Vatican phát hành tem ĐM Fatima: 1982, 1984 và 2000. Và năm nay, ngân hàng Vatican phát hành đồng 2 euros.

Nhân dịp này, nghệ nhân Ligia Rodriges người Bồ, 55 tuổi, tặng ĐGH tượng bằng đá Alêbát, trong sáng, mang tên ’Lời Hứa’’: Đức Mẹ giang tay, 3 em qùi, áo choàng lên 2 em bên trái, Lucia bên phải. Bốn lời hứa: 1) Tình yêu sẽ thắng điều ác. 2)Ba mục đồng dâng lên ĐM hy sinh cầu cho kẻ có tội. 3) Các em hứa cầu nguyện mỗi ngày. 4) Dân chúng hứa đến Fatima tin tưởng ĐM cứu giúp, Trái Tim Mẹ là nơi họ nương tựa.

Trước cuộc hành trình, 10.5.2017, ĐGH gửi thông điệp đến Fatima: Cha hy vọng gặp đông đảo anh chị em dưới chân Đức Mẹ đồng Trinh. Cha sẽ dâng các tín hữa Bồ Đào Nha cho Đức Mẹ. Khẩn cầu Đ.M nhắn nhủ vào tấm lòng mọi người và bảo đảm họ rằng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ là nơi nương tựa, là con đường dẫn tới Thiên Chúa. Với Đ.M, Cha đến với tư cách khách hành hương hy vọng của Tin Mừng và ước vọng hòa bình.

100 NĂM TRƯỚC

Nước Bồ Đào Nha, là nước nhỏ bé, diện tích 90.000 km2, dân số 10,8 triệu, bên Đại Tây Dương. Bồ Đào Nha từng là cường quốc hàng hải và có thời vàng son, từ thế kỷ XV-XVI, mở đường qua Hảo Vọng, tới Ấn Độ (1497) Brazil (1500). Các Thừa sai Dòng Tên từ thủ đô, đã qua VN truyền giáo. Tiếng Bồ Đào Nha là nền, cơ sở để các Thừa Sai sáng chế ra quốc ngữ.

Công Giáo chiếm 81%. Dân chúng sinh sống bằng làm thủ công và chăn nuôi. Đa số không biết chữ, ngay gia đình 3 Em. Công Giáo gồm 21giáo phận, 52 Giám Mục, 2.789 Linh Mục, 4.832 giáo xứ. Xã hội: 34 bệnh viện, 155 phòng phát thuốc, 599 nhà hưu dưỡng và cơ sở tàn tật, 663 trại mồ côi, 462 cơ sở tái giáo dục, 55 trung tâm tư vấn gia đình.

Năm 1917, thôn Fatima chỉ có 2.500 người, chia làm khoảng 40 thôn xóm

Nay là trung tâm hành hương nổi tiếng. Thánh đường 15 bàn thờ kính 15 Mầu Nhiệm Mân Côi, chứa 3.500 người. Một năm thu hút 4 triệu khách hành hương.

Ba em được diễm phúc:

Thánh Franciscô Marto, 1908-1919. Thánh Jacinta Marto, 1910-1920. Chị Lucia Dos Santos 1907- 2005, hồ sơ xin phong Thánh cấp giáo phận xong, gửi lên Bộ Phong Thánh. Linh đạo khác nhau. Franciscô: dốc lòng đền tội. Jacinta: cầu cho kẻ có tội trở lại. Lucia: chấp nhận chịu đau khổ. Cả ba được diễm phúc Đức Mẹ hiện ra, chứng kiến hoả ngục và được mạc khải biết trước thế chiến II bùng nổ, ĐTC bị trúng đạn (1981)

Đức Mẹ đã hiện ra từ 13.5 và liên tiếp 6 lần

- 13.5. 1917: tại đồi Cova da Iria, chỉ có 3 em thôi. Thiên Nữ đẹp tuyệt vời tới, xin các em: sốt sáng lần Chuỗi để hết chiến tranh. Thông báo gặp 3 Em vào ngày 13.5 và kế tiếp

- 13.6.1917: Vài chục người tò mò đi theo. Thiên Nữ loan báo 2 em nhỏ sẽ về Trời. Lucia còn ở lại. Xin 3 Em học chữ, ghi lại điều ĐM dạy

- 13.7.1917: 4.000 người có mặt. Thiên Nữ loan báo cho ba trẻ biết ba bí mật: nhìn thấy chốc lát hỏa ngục. Chiến tranh sẽ chấm dứt. Giám Mục áo trắng (ĐGH) bị bắn. Trinh Nữ dạy các em đọc lời kinh ngắn sau 10 kinh Kính Mừng.

- 13.8. 1917, 18.000 người chờ, tụ họp đọc kinh. Ngày 10.5, Ba em bị chính quyền giam giữ, sau 3 ngày thả ra. Trời u ám, Thiên Nữ hiện ra trong đám mây, dân chúng không nhìn thấy.

- 13.9. 1917: 30.000 người đến. Thiên Nữ hứa chữa lành một số bệnh nhân. ĐM xin xây nhà thờ tại đây, tôn kính Mẹ

-13.10. 1917: Đám đông đông tới 70.000, thêm báo chí. Thiên Nữ xưng mình là Nữ Vương Mân Côi. Phép lạ mặt trời quay. Trời đất sáng rực.

NGÀY ĐẦU CUỘC VIẾNG THĂM. 12.5.2017

Lúc 16g, từ sân bay Fumicico Roma, phi cơ quân sự ĐGH tới căn cứ không quân Monte Real. Tổng Thống Marcelo Rebelo de Sousa, Công Giáo, nghênh đón, hội kiến ngắn và tháp tùng ĐGH đến nguyện đường của căn cứ. Sau đó, ĐGH đáp trực thăng đến phi trường Fatima, cách 40cs. Từ phi trường đi xe ca đến nguyện đường ĐM hiện ra.

Lúc 18g, ĐGH cầu nguyện trong nguyện đường ĐM hiện ra, có tượng ĐM Fatima, giữa triều thiên có viên đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn Thánh GH Gioan Phaolo II, 15.5.1981. Chiều nay nhắc lại, lần đầu ĐM đã hiện ra, 13.5. 1917. Ca đoàn hát xen kẽ Lumen Chisti (Ánh sáng Chúa Kitô)

ĐTC đọc lời kinh cầu cho: hòa bình, hòa hợp, hiệp nhất…

Lạy Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc,

Con ngợi khen Chúa Kitô, bình an của chúng con và toàn thế giới

Con muốn là tiên tri và sứ giả để rửa chân cho tất cả mọi người, trên cùng bàn tiệc kết hợp chúng con.

Xin cho sự hòa hợp giữa các dân tộc…hiệp nhất cả mọi người trong một đại gia đình nhân loại.

Xin đoái nhìn đau thương của gia đình nhân loại.

Xin Mẹ h ãy củng cố niềm vui của Hội Th ánh, tăng cường hy vọng của con cái Thiên Chúa

Xin là con đường dẫn đ ưa Thiên Chúa, hiệp nhất anh em chúng con trong đức Tin, đức Cậy và đức Ái. Con xin ký thác cho Mẹ. Hiệp nhất với anh em của con, nhờ Mẹ, Con tận hiến cho Thiên Chúa. Xin được bao bọc trong Ánh Sáng đến từ bàn tay Mẹ, con sẽ vinh danh Chúa đời đời. Amen.

(Mai Khôi. Zénit. org. 12.5.2017)

Lúc 21g. Đêm canh thức. ĐGH chủ trì nghi thức thắp nến, lần Chuỗi Mân Côi, Năm Sự Vui và đi kiệu. Dẫn đầu đoàn kiệu là ĐHY Quốc Vụ khanh Pietro Parolin. Lần Chuỗi có: đoạn Kinh Thánh (1) Lc 1, 3-32. 2) Lc 1, 39-42. 3) Lc 2, 10-12. 4) Lc 2, 28-32. 5) Lc 2, 46-52. Bài suy gẫm, Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và Sáng Danh. Lời nguyện sau 10 kinh: Lạy Chúa Giêsu xin tha tội chúng tôi. Xin cứu chúng con cho khỏi lửa hỏa ngục. Xin đưa các linh hồn lên thiên đàng, nhất là các linh hồn cần nhờ đến lòng thương Chúa thương xót hơn.

NGÀY VIẾNG THĂM THỨ HAI. 13.5.2017

Lúc 9g, chuyến đi hoàn toàn mục vụ, không thăm thủ đô Lisbonne, gặp Thủ Tướng Antonio Costa.

Lúc 10g, ĐGH chủ sự lễ tuyên thánh cho Chân Phước Francisco và Jacinta Marto.

Trước lễ, ĐGH viếng mộ Hai Chân Phước mà Ngài sắp tôn lên Hiển Thánh. Đại Lễ phong thánh tại khán đài trước Vương Cung Thánh Đường Mân Côi Fatima. Biển người, khoảng gần triệu người tham dự và hoan nghêng việc Phong Thánh cho Hai Thánh Trẻ trong GH. Tham dự, chính quyền có 4 Tổng Thống của Bồ Đào Nha, Praguay, Sao Tomé, Principe bên Phi Châu, Thủ Tướng Bồ và 11 bộ trưởng. Đặc biệt có em Lucas Baptista, được chữa lành nhờ Hai Chân Phước. Cùng đồng tế có 8 HY, 135 Giám Mục và 2.000 linh mục.

Bốn bài Sách thánh trong lễ: Bđ1: Kh 11, 19a; 12, 1.6a-10ab. Đáp ca: TV 45, 11-12; 14-15; 16-17. Bđ 2: Rm 5, 12,12-19. Phúc Âm: Ga 19, 25-27.

Bài giảng, ĐGH nhắc đến

- ĐM đã cảnh báo: Có hỏa ngục. Vì cuộc sống vô thần không có Thiên Chúa, xúc phạm đến Thiên Chúa, nguy cơ dẫn con người đến diệt vong.

- Chúng ta hãy níu kéo áo bám chặt ĐM sống thánh thiện như Hai Thánh Trẻ mà GH vừa tuyên phong.

- Cầu nguyện cho người nghèo khó và ĐGH như hồi ký, III, số 6, của Chị Lucia đã ghi.

Cuối lễ phong thánh, như lễ trọng, người Bồ có thói quen rước tượng ĐM ra khỏi nhà thờ mà họ gọi là Procissao (rước) do Adeus (tạm biệt). Nghĩa là tạm biệt Đức Mẹ, tạm biệt nhau về đời sống bình thường. Người tham dự vẫy khăn trắng. Ai có mặt cũng có cảm giác lâng lâng. Người ta thấy ĐGH cảm động.

Sau lễ, ĐGH bệnh nhân

Lúc 12g, dùng cơm với Giám Mục Bồ Đào Nha. Sau đó, tạm biệt căn cứ Monte Real về Roma. Trên máy bay, ĐGH trả lời:

- ĐM hiện ra ở Medjugorge có hai đợt. Đợt đầu, cách nay 3 thập niên, tiếp tục nghiên cứu. Còn đợt sau đang tiếp diễn thì đáng hồ nghi.

- Trong thời gian qua người ta hay nhắc đến Giám mục áo trắng là sứ giả hòa bình, ngài nói không phải là ngài. Màu trắng khát vọng hoà bình.

- ĐGH sẽ gặp TT Mỹ Trump, ĐGH chưa phán đoán ai, khi chưa nghe người ấy nói. Hãy thành thật với mình là đúng hơn.

- Trùng hợp ngày 13.5 năm nay với 13.5.1917, 25 năm ĐGH được chọn làm giám mục. Ngài cho biết mình có nghĩ đến kỷ niệm này và đã xin tha lỗi lầm trước tượng Đức Mẹ.

- Giáo Hội và Huynh đoàn Pio X có liên hệ rất cởi mở: về hôn nhân, lạm dụng tình dục, linh mục hoàn tục. Không vội vàng gì.

- Phong trào cải cách đã có bước tiến chung, lớn. Như ở Thụy Điển,

LÃNH ƠN TOÀN XÁ

ĐGH đã ban ơn toàn xá, từ 21.11.2016 đến 26.11.2017, trong năm kỷ niệm 100 năm ĐM hiện ra tại Fatima. Theo giáo luật 1471, ân xá là tha hình phạt gây nên, dù tội được tha. Muốn được hưởng Ân Xá, tín hữu phải hội đủ điều kiện và thi hành những điều HT qui định: xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý ĐGH

Có ba hình thức:

1. Đích thân đến Fatima, tham dự thánh lễ hay giờ cầu nguyện và công khai tôn kính ĐM. Phải đọc kinh Tin kính và lời nguyện dâng lên Mẹ Thiên Chúa

2. Tham dự Thánh Lễ, giờ chầu hay buổi cầu nguyện công khai trước tượng ĐM Fatima, bất cứ nhà thờ nhà nguyện nào. Cũng phải đọc Tin kính và lời nguyện dâng lên Đức Mẹ Thiên Chúa

3. Vì già yếu, bệnh hay lý do bất khả kháng, không làm một trong hai trường hợp trên, thì trước Tượng hay Ảnh ĐM Fatima mà tỏ lòng tôn kính ĐM hợp ý thiêng liêng với các tín hữu khác.

XIN CỨU CHÚNG CON KHỎI LỬA HỎA NGỤC

Đón nhận sứ điệp Fatima nghiêm túc là lắng nghe Đức Mẹ. Ngày 13.7.1927, một trong ba bí mật ĐM loan báo cho Ba Trẻ xem chốc lát hỏa ngục. Sau này Sơ Lucia nói: Hỏa ngục chỉ xem chốc lát, nếu không thì tôi sẽ chết vì sợ.

Khi còn bình sinh, Thánh Jacinta xúc động nói: ôi hỏa ngục, hỏa ngục. Em thương các linh hồn phải sa hỏa ngục biết bao !Những người đó đang bị thiêu sống như khúc củi trong lò. Còn thánh Francisco muốn an ủi Chúa nhiều hơn: Em thích an ủi Chúa hơn. ĐM buồn khi nói người ta không được xúc phạm đến Chúa nữa. Em thích an ủi Chúa trước, sau mới cầu cho hối nhân đừng phạm đến Chúa.

Ngày nay người ta né tránh không nói về hỏa ngục theo cách thức mà Sơ viết trong hồi ký. Đức Mẹ chỉ đơn giản lặp lại việc Chúa Giêsu đã phác họa trong Thánh Kinh những lần sử dụng.

- Thà cụt một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. Thà chột một mắt mà vào Thiên Đàng, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. (Mc 9, 46-48)

- Con Người sẽ sai thiên thần tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ gian ác mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quẳng chúng vào lò lửa, ở đó, chúng phải khóc lóc nghiến răng. (Mt 13, 41-42)

- Các thiên thần xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quảng vào lò lửa. Ở đó, chúng phải khóc lóc nghiến răng. (Mt 13, 49-50)

- Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những kẻ bên trái: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho ác qủi (Mt 26, 41)

Thế giới tưởng là hết chiến tranh, nhưng nguy hiểm hơn do ly dị, phá thai, đồng tính, hủy hoại môi trường, diệt chủng, Hồi giáo quá khích…

Lối sống đồi trụy này khiến ba vị GH cảnh cáo: Tội lớn nhất thời đại là đánh mất ý thức tội lỗi (Thánh Gioan XXIII). Con người đang đi vào văn minh sự chết (Thánh Gioan Phaolo II). Con người đuổi theo triết lý tương đối (ĐGH BenedictoXVI)

Sơ Lucia nói với Cha Augustino, đến thăm: cha ơi, ĐM rất buồn, vì không còn ai quan tâm đến lời Mẹ dạy năm 1917. Người tốt đi vào đường hẹp. Người xấu đi vào con đường rộng diệt vong. Trừng phạt đến sớm, nhiều linh hồn hư mất, nhiều nước sẽ mất trên bản đồ. Nhưng, nếu loài người biết hồi tâm, thế giới sẽ được cứu vãn. (vietcatholique/net.13.5.2017)

Ngay ĐGH Phanxico đương kim, trong giảng lễ phong thánh cho Francisco và Jacinta, 13.5.2017, cảnh cáo hỏa ngục cho những ai đang sống trong tội lỗi, hãy sống theo sứ điệp Fatima: ăn năn đền tội sám hối, trở về trong ơn nghĩa Chúa, để ‘‘vào Nước Hằng Sống’’.
 
Mễ Du: từ Ủy Ban Giáo Hoàng tới Đặc Sứ Giáo Hoàng
Vũ Văn An
22:03 18/05/2017
Mấy ngày nay, tin tức và bình luận về Mễ Du bỗng sôi nổi hẳn lên, khiến nhiều người cho rằng sắp sửa có giải đáp về vấn đề này. Mặc dù cả Đức Hồng Y Muller, người đang lo khía cạnh tín lý, lẫn Đức Tổng Giám Mục Hoser, người đang lo khía cạnh mục vụ, đều yêu cầu mọi người nên nhẫn nại, vì vấn đề càng phức tạp, ta càng cần nhiều thì giờ hơn để xem xét.

Từ nhận định của đấng bản quyền...

Hiện tượng Mễ Du quả không đơn giản. Những vị như Đức Cha Ratko Peri, Giám Mục sở tại của Mễ Du, trong rất nhiều dịp, nhất là ngay trước khi Đức Tổng Giám Mục Hoser tới Mễ Du, nhất quán và thẳng thừng bác bỏ tính siêu nhiên của hiện tượng Mễ Du. Lời tuyên bố của ngài áp dụng cho các lần nói là Đức Mẹ hiện ra hiện nay mà cả những lần nói là ngài hiện ra trước đây nữa, “bất luận lúc nào”.

Ngài viết như sau trên trang mạng của giáo phận: “Xem xét mọi điều tòa này vốn tìm tòi và nghiên cứu lâu nay, kể cả bẩy ngày đầu tiên nói là hiện ra, ta có thể an lòng mà quả quyết rằng: Đức Mẹ không hề hiện ra ở Mễ Du!”

Theo ngài, những lần hiện ra ấy chỉ là những thao túng của các thị nhân và các linh mục làm việc ở Giáo Xứ Thánh Giacôbê, tức các tu sĩ Phanxicô.

Đến lập trường của Tòa Thánh, và thực tế...

Ai cũng biết, Tòa Thánh có lập trường khác thế. Vì lợi ích của các linh hồn bao giờ cũng là thiện ích tối thượng không thể cứ nhắm mắt bỏ qua! Mà lợi ích của các linh hồn thì phải mở mắt ra mới thấy, không thể chỉ suy nghĩ hợp luận lý, kể cả hợp tín lý.

Nữ ký giả Inés San Martín, dù đi khắp đó đây, nhưng chưa bao giờ tới Mễ Du, cho đến một ngày theo cha mẹ đến đó “cho biết”. Cô kể lại:
“Bản thân tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy những hàng nối đuôi dài để vào xưng tội, dù có tới 35 tòa giải tội nói 7 thứ tiếng khác nhau. Tôi cố gắng đếm. Có ít nhất 300 người đứng đợi!”

Cô gặp một linh mục đến từ Á Căn Đình đang đứng đợi để thay thế một cha giải tội khác. Vị này cho cô biết ngài vốn là người hoài nghi, đến đây là vì con chiên trong xứ “lôi” ngài đi. Ấy thế nhưng sau khi ngồi tòa một buổi chiều, ngài không thể nào không tin rằng một điều gì đó siêu nhiên đang diễn ra ở đây.

Ngài bảo: “cây xấu không sinh trái tốt được” và cho rằng làm linh mục suốt 30 năm qua, chưa bao giờ ngài nghe được những cuộc xưng tội sốt sắng như ở đây.

Martín nhận định: “Bất cứ bạn làm gì với khối lượng vô số các mạc khải nói là do Đức Maria tiết lộ suốt các năm qua, hay các căng thẳng trong Giáo Hội quanh địa điểm này, những điều tôi thấy nói với tôi rằng: thật khó mà lý luận chống lại các trải nghiệm thiêng liêng tích cực đang diễn ra trên mảnh đất này”.

Ủy Ban Giáo Hoàng

Nói cho ngay, sứ điệp Mễ Du không thua gì sứ điệp Lộ Đức hay sứ điệp Fatima, cả hai đã được Giáo Hội thừa nhận. Nó xoay quanh 5 chủ đề: hòa bình, đức tin, hoán cải, cầu nguyện và ăn chay.

Chỉ có điều: Giáo Hội thường chỉ phán quyết tính chân thực của các lần hiện ra khi chúng đã chấm dứt. Trường hợp Mễ Du khác hẳn: chúng vẫn liên tiếp diễn ra cho đến nay, không biết đến bao giờ mới kết thúc!

Có lẽ một phần vì thế, mà theo đức Phanxicô và tường trình mới đây của Báo Chí, Tòa Thánh buộc phải phân biệt các lần hiện ra trước 1981 và sau 1981 để “tạm” ra phán quyết, như nhận định mới đây của Linh Mục Salvatore Perrella, một thành viên của Ủy Ban, khi ngài nói với Cindy Wooden của Catholic World News rằng: “Dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về các lần nói là hiện ra này, nhưng ngài nghĩ đây là một ý tưởng tốt để làm tan đi một số sương mù”.

Việc phân biệt trên là thành quả của Ủy Ban Giáo Hoàng do Đức Bênêđíctô XVI thiết lập năm 2010 dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Ruini để khảo sát tường tận các biến cố ở Mễ Du.

Nhưng thực ra, hướng giải quyết biến cố Mễ Du đã có trong tâm trí Đức Bênêđíctô XVI từ lâu trước đó. Thực vậy, năm 1998, Đức Tổng Giám Mục Tarciso Bertone, lúc đó là viên chức thứ hai sau Đức Hồng Y Joseph Ratzinger tại Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã gửi một lá thư cho các giám mục Nam Tư cho biết rằng trong khi chờ phán quyết cuối cùng về vấn đề này, các cuộc hành hương tại Mễ Du được phép “với điều kiện chúng không được coi là để chứng thực cho các biến cố vẫn còn đang diễn ra”.

Chỉ thị trên phù hợp với văn kiện năm 1991 của Hội Đồng Giám Mục Nam Tư. Văn kiện này viết:

“Chúng tôi, các giám mục, sau 3 năm xem xét của một Ủy Ban, đã tuyên bố Mễ Du là một nơi cầu nguyện và là một đền thánh của Đức Mẹ… Còn về đặc tính siêu nhiên của các lần hiện ra, chúng tôi đã tuyên bố: cho tới thời điểm này, chúng tôi không thể xác quyết”.

Ủy Ban Giáo Hoàng về Mễ Du do Đức Hồng Y Ruini làm chủ tịch có sự tham dự của các vị Hồng Y Jozef Tomko, Vinko Puljić, Josip Bozanić, Julián Herranz và Angelo Amato; tâm lý gia Tony Anatrella, các nhà thần học Pierangelo Sequeri, Franjo Topić, Mihály Szentmártoni và Nela Gašpar, nhà thánh mẫu học Salvatore Perrella, nhà nhân học Achim Schütz, nhà giáo luật học David Jaeger, phát ngôn viên Bộ Phong Thánh Zdzisław Józef Kijas, tâm lý gia Mijo Nikić và viên chức Bộ Giáo Lý Đức Tin Krzysztof Nykiel.

Nhiệm vụ của Ủy Ban là “thu lượm và khảo sát mọi chất liệu” về Mễ Du và đệ trình “một phúc trình chi tiết” tiếp theo một cuộc bỏ phiếu về “bản chất siêu nhiên hay không” của các lần hiện ra cũng như “các giải pháp mục vụ” thích đáng nhất. Ủy Ban họp tất cả 17 lần, khảo sát mọi tài liệu lưu giữ tại Vatican, giáo xứ Mễ Du và các văn khố của sở mật vụ Nam Tư cũ. Ủy Ban nghe mọi thị nhân và nhân chứng có liên hệ, và tháng Tư năm 2012, thực hiện cuộc thanh tra tại Mễ Du.

Theo nhà báo kỳ cựu Andrea Tornielli, vốn chuyên về Vatican, thì Ủy Ban đệ trình bản tường trình của mình năm 2014. Mười ba phiếu của Ủy Ban ủng hộ việc thừa nhận bản chất siêu nhiên của 7 lần hiện ra đầu tiên (diễn ra cuối tháng Sáu đầu tháng Bẩy năm 1981), một phiếu chống và một phiếu tạm hõan, sẽ cho câu trả lời sau. Còn đối với hiện tượng hiện ra từ cuối năm 1981 cho tới nay, thì đa số phiếu xin tạm hõan và nhiều phiếu hoài nghi.

Đối với 7 lần hiện ra đầu tiên, Ủy Ban cho rằng các thị nhân lúc đó ổn định về tâm lý và bỗng thấy mình can dự vào việc hiện ra. Nghĩa là lúc ấy, chưa có gì chứng tỏ các em chịu ảnh hưởng của các Cha Dòng Phanxicô sở tại và các chủ thể khác. Các em còn chống lại việc phải nói lại những điều đã xẩy ra dù bị cảnh sát bắt giữ và đe dọa giết.

Còn đối với các lần hiện ra sau đó, thì Ủy Ban cho rằng có sự can thiệp nặng nề gây ra bởi sự tranh chấp giữa vị giám mục giáo phận và các cha Dòng Phanxicô của giáo xứ, cũng như có sự kiện này: các cuộc hiện ra, được thông báo trước và được lên chương trình riêng cho từng thị nhân, vẫn cứ tiếp tục với những sứ điệp lặp đi lặp lại. Dù chính các thị nhân cho biết các lần hiện ra sẽ chấm dứt, nhưng hình như sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Ngoài ra, còn vấn đề “các bí mật” có mùi vị khải huyền nữa cũng được các thị nhân cho là do Đức Mẹ tiết lộ.

Về các lần hiện ra thứ hai trên, Ủy Ban bỏ phiếu qua hai bước. Bước thứ nhất, căn cứ vào các hoa trái thiêng liêng của Mễ Du nhưng bỏ qua một bên tác phong của các thị nhân. Trong bước này, 3 thành viên và 3 chuyên viên cho biết: có những thành quả tích cực, 4 thành viên và 6 chuyên viên cho là có những thành quả lẫn lộn vừa tiêu cực vừa tích cực. Nhưng nếu xét cả tới tác phong của các thị nhân, thì 8 thành viên và 4 chuyên viên cho rằng không thể đưa ra ý kiến gì được, trong khi hai thành viên khác bỏ phiếu chống lại bản chất siêu nhiên của hiện tượng.

Ủy Ban cũng xem xét các giải pháp mục vụ cho hiện trạng Mễ Du và đã ủng hộ việc bãi bỏ lệnh cấm hành hương tại đây. Thêm vào đó, 13 thành viên và chuyên viên trong số 14 người hiện diện đã bỏ phiếu tán thành việc thiết lập “một thẩm quyền lệ thuộc Tòa Thánh” tại Mễ Du và biến giáo xứ thành một đền thánh giáo hoàng, để, nói như một thành viên trong đoàn là Cha Perella, nơi này có một mục tử chứ không phải một đại lý du lịch.

Các khuyến cáo trên dựa vào các lý do mục vụ: chăm sóc hàng triệu khách hành hương, tránh hiện tượng “hai Giáo Hội song hành”, minh bạch về các vấn đề kinh tế, chứ không hề ngụ ý thừa nhận bản chất siêu nhiên của các cuộc hiện ra.

Về sự tranh chấp giữa Dòng Phanxicô và Đức Giám Mục sở tại, trong cuộc phỏng vấn của Cindy Wooden ngày 18 tháng Năm vừa qua, Cha Perrella thừa nhận việc này và thêm: “trong một số nói là sứ điệp, Đức Maria về phe với các cha Phanxicô”.

Nhân dịp này cha nhận định rằng trong ủy ban, có cả các nhà chuyên môn về tâm lý học và phân tâm học, “một thành tố luôn được đề nghị trong bất cứ cuộc điều tra chính thức nào về những điều được coi là hiện ra”. Cha cho biết thêm: “Hàng loạt các nhân tố con người và áp lực bên ngoài, chưa kể bệnh tâm thần, có thể đóng một vai trò trong việc dẫn các người nói là thị nhân đến chỗ sai lạc. Chúa Giêsu đã chọn những con người tầm thường, chứ không phải các ông thánh, làm tông đồ của Người thế nào, thì Thiên Chúa cũng không chọn các người thánh thiện làm thị nhân như vậy”.

Cha Perrella cũng cho rằng: Giáo Hội Công Giáo đánh giá các cuộc nói là hiện ra như “ơn phúc của Thiên Chúa và là dấu chỉ sự hiện diện của Người vào một thời điểm nhất định, ở một nơi chốn nhất định và với các thị nhân nhất định”. Chứ “việc Mẹ Chúa Giêsu hiện ra, nếu đúng như thế, như Đức Giáo Hoàng nói, không thêm gì và cũng không thể thêm gì cho mạc khải của Chúa Kitô, nhưng ngài nhắc mọi người và mời gọi họ trở về với Tin Mừng”.

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin

Tất cả các khuyến cáo như trên của Ủy Ban Giáo Hoàng chỉ có tính tư vấn. Nên sau đó, bản tường trình của Ủy Ban đã được đệ trình lên Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin để khảo sát chính thức. Thánh Bộ này tỏ vẻ hoài nghi cả hiện tượng Mễ Du lẫn Bản Tường Trình Ruini. Năm 2016, một “feria” (Feria IV) tức cuộc họp hàng tháng của Thánh Bộ đã được triệu tập để thảo luận biến cố Mễ Du và bản tường trình Ruini. Mỗi vị Hồng Y và giám mục thành viên của Feria IV đều nhận được bản văn của Ủy Ban và nhiều tài liệu khác của chính Thánh Bộ. Trong phiên họp này, các thành viên được yêu cầu cho biết ý kiến. Nhưng, Đức Phanxicô không muốn thấy Bản Tường Trình Ruini, một bản tường trình ngài rất qúy, bị đem ra “đấu giá”, nên đã yêu cầu các ý kiến của Feria IV được gửi thẳng cho ngài.

Đặc Sứ Giáo Hoàng

Sau khi xem xét Bản Tường Trình Ruini và các ý kiến của Feria IV, Đức Phanxicô quyết định ủy thác cho Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, người Ba Lan, “sứ mệnh đặc biệt của Tòa Thánh thu lượm sâu xa hơn sự hiểu biết về tình trạng mục vụ” của Mễ Du, và “trên hết, các nhu cầu của tín hữu đến đó hành hương” nhằm “gợi ý bất cứ sáng kiến mục vụ nào trong tương lai”.

Đến mùa hè này, Đức Tổng Giám Mục Hoser sẽ đệ nạp các kết quả điều tra của ngài để Đức Giáo Hoàng quyết định. Ngài đã đích thân tới Mễ Du gặp Đức Cha Ratko Peric, các thị nhân, các mục tử và giáo dân của khu vực. Ngài ghi nhận ý kiến của các người đã nhận được ơn ích thiêng liêng nhờ tới Mễ Du hành hương, nhất là con số ơn gọi làm linh mục, tôn thờ Thánh Thể và lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

Ngày 15 tháng Ba năm nay, trước khi lên đường qua Mễ Du, Đức Tổng Giám Mục Hoser xin mọi người cầu nguyện cho sự thành công của sứ mệnh ngài. Nhân dịp này, ngài không ngại cho biết quan điểm của ngài về hiện tượng Mễ Du. Ngài nói với tờ Aleteia: “Nếu lòng sùng kính Đức Mẹ triển nở ở Mễ Du, nếu ngần ấy đám đông tới đó, thì nó là nơi lòng sùng kính sẽ tiếp tục, vì Đức Mẹ có thể được sùng kính ở mọi nơi, nhất là ở những nơi lòng sùng kính này đơm hoa kết trái đến thế, như ta nghe thấy từ vô số các chứng từ”.

Các chứng từ này hẳn không ít vì theo Đức Tổng Giám Mục, hàng năm có từ 2 tới 2 triệu rưỡi người khắp thế giới tới Mễ Du hành hương, một điều mà Đức Tổng Giám Mục khuyên không nên bỏ qua. Cũng theo ngài, có tới 50 tòa giải tội tại đây với các vị giải tội nói nhiều thứ tiếng khác nhau.

Một điều đáng chú ý là Đức Tổng Giám Mục Hoser vốn tốt nghiệp đại học y khoa, từng thiết lập Trung Tâm Y Khoa và Xã Hội tại Kigali, Rwanda. Ngài từng đảm nhiệm hai sứ mệnh quan trọng của Tòa Thánh, trong đó, sứ mệnh ở Rwanda kéo dài tới mấy năm trước khi nước này rơi vào họa diệt chủng.

Đức Phanxicô lưu ý tới lòng đạo bình dân

Nhân dịp có mặt tại Nhà Thờ Thánh Giacôbê ở Mễ Du cuối tháng Ba năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Hoser cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất lưu ý tới việc phát triển lòng đạo bình dân tại Mễ Du. Điều này dễ hiểu vì Đức Phanxicô nổi tiếng xưa nay là vị giáo phẩm biết đánh giá cao sự quan trọng của lòng đạo đức bình dân. Cha Juan Carlos Galli, một nhà thần học gần gũi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, có lần nói với tờ Crux rằng: từ sớm, đức Phanxicô đã biết đánh giá cao các phát biểu của lòng đạo như thế, coi chúng không phải là kỳ cục hay hào nhoáng, mà đúng hơn là viên đá góc của thần học và sinh hoạt mục vụ. Hồi còn ở quê hương Á Căn Đình, ngài năng lui tới các đền Đức Mẹ ở Luján và San Cayetano; không những thế, ngài còn đồng hành với hàng trăm ngàn người cuốc bộ 46 dặm Anh tới Luján nữa.

Cùng hiệp ý với người đã sai mình, ngày 6 tháng Tư năm 2017, sau khi kết thúc chuyến viếng thăm Mễ Du, Đức Tổng Giám Mục Hoser không ngần ngại ví Mễ Du với Lộ Đức và Fatima.

Ngài ca ngợi Mễ Du như là “mảnh đất rất mầu mỡ cho các ơn gọi tu trì”. Theo ngài, 610 vị linh mục đã cho Mễ Du là sức mạnh thúc đẩy các ngài dấn thân vào ơn gọi của mình; phần lớn các linh mục này xuất thân từ Hoa Kỳ, Ý và Đức. Điều này hết sức có ý nghĩa khi trên thế giới đang có cuộc khủng hoảng về ơn gọi.

Ở Mễ Du, người hành hương cũng tìm được những điều họ không thấy ở quê hương. Vì “tại nhiều nước theo Kitô Giáo lâu đời, việc xưng tội cá nhân không còn nữa. Tại nhiều nước, không còn việc thờ lạy Bí Tích Cực Trọng nữa. Tại nhiều nước, không còn có việc đi đàng thánh giá. Không còn lần hạt nữa… Những sự khô khan về thiêng liêng này lẽ dĩ nhiên dẫn tới cuộc khủng hoảng đức tin”.

Một đặc trưng khác của Mễ Du là tước hiệu “Nữ Vương Hòa Bình” nói là do Đức Mẹ tỏ cùng các thị nhân. Đức Tổng Giám Mục Hoser cho rằng tước hiệu này hết sức đáng lưu ý trong một thế giới mà Đức Phanxicô cho rằng đang lâm vào “Thế Chiến 3” dù chỉ từng mảng.
Thực vậy, trong bối cảnh các cuộc chiến tranh tàn khốc hiện nay, nhất là tại Syria, “kêu cầu Nữ Vương Hòa Bình, Mẹ Thiên Chúa, đây chính là vai trò chuyên biệt của Mễ Du. Vai trò này hết sức quan trọng”.

Ngài kêu gọi: “Các bạn thân mến, các bạn hãy loan các tin vui này đi. Và các bạn có thể nói với toàn thể thế giới rằng ở Mễ Du, có một ánh sáng… Chúng ta cần các đốm sáng này trong thế giới ngày nay, một thế giới đang sa xuống đêm đen”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Bế Mạc Thường Huấn Linh Mục Giáo Tỉnh Hà Nội
Thiềm Huyền
08:57 18/05/2017
Thánh Lễ Bế Mạc Thường Huấn Linh Mục Giáo Tỉnh Hà Nội, Đợt 1 Từ Ngày 09 -12/5/2017 Tại Giáo Phận Thái Bình

Vào hồi 10 giờ 15 phút, tại Thánh đường Giáo xứ Chính tòa Thái Bình, Đức Tổng Giám mục Leopondo Girelli -Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam- đã chủ sự Thánh lễ bế mạc Hội nghị Thường huấn Linh mục trong sự hiệp thông của Đức Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Các Đức Giám Mục và gần 700 Linh mục thuộc 10 Giáo phận trong Giáo tỉnh Hà Nội.

Xem Hình

Thánh lễ được bắt đầu bằng bài Ca nhập lễ “Chúa sống lại”, trong tâm tình hân hoan mừng Chúa Phục Sinh và những Hồng ân Chúa ban sau kì Thường huấn của các Linh mục.

“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền bạc được”. Đó là chủ đề bài giảng lễ của Đức TGM Leopondo.

“Chính kẻ ăn bánh cùng Ta sẽ giơ gót lên đạp ta” – Đức Tổng nói: Tôi muốn suy niệm bắt đầu từ những lời này. Là Linh mục, người kế nhiệm Đức Giê-su để chăn dắt đoàn chiên nhưng không phải ai cũng tiệm cận được với Thầy của mình. Chúng ta hãy tập trung vào Giu-đa để học hỏi kinh nghiệm từ ông.

Giu-đa không phải sinh ra đã là kẻ phản bội, nhưng trong hành trình theo Chúa Ki-tô, ông đã trở thành kẻ phản bội…Tiền không phải là Chúa, mà tiền là thế lực chống lại Chúa. “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền bạc”. Văn hào Shakespeare nói “Tiền là thế lực hữu hình chống lại Thiên Chúa vô hình”. Tiền của không tự nó là điều xấu. Lòng tham lam tiền bạc mới là xấu. Tham lam và tham nhũng đã trở thành tệ nạn trong xã hội hiện nay. Vì thứ tham lam này mà người ta sẵn sàng bỏ cả Công lý.

Sự phản bội của Giu-đa ngày nay vẫn được tiếp tục không chỉ ở những kẻ tham lam, tham nhũng có quyền hành mà còn ở ngay trong chính chúng ta, khi mà chúng ta không chịu loại trừ nó.

Là Linh mục, chúng ta cũng trải nghiệm sự tham lam về tiền bạc, khi giáo dân đóng góp xây dựng nhà thờ hay những công việc khác. Chúng ta phải cẩn thận trong việc sử dụng tiền của của giáo dân. Đôi khi chúng ta vẫn sử dụng cho những mục đích khác không chính đáng. Nhiều hay ít, tất cả chúng ta đều là kẻ phản bội Chúa Giê-su giống như Giu-đa. Chúng ta nên ăn năn, sám hối để thoát khỏi tình trạng đó, thoát khỏi sự rang buộc của tiền bạc và hãy sống đơn giản như đời sống đơn giản đến tận cùng của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su biết rõ tâm hồn của Giu-đa nhưng Ngài đã không vạch trần điều đó, mà Ngài đã ban cho ông một cơ hội cho đến khi kết thúc. Chúa Giê-su đã che chở cho Giu-đa giống như Ngài đã che chở cho Phê-rô. Nhưng trong khi Phê-rô ân hận, ăn năn vì Lòng Thương xót của Chúa thì Giu-đa không như vậy. Có thể tội lớn nhất của Giu-đa không phải là tội phản bội mà là sự nghi ngờ của ông về Thiên Chúa.

Chúng ta, những môn đệ của Chúa Giê-su cũng phải biết hối hận khi đã phản bội Thiên Chúa, đặc biệt trong việc quản lý tiền bạc. Và chúng ta hãy nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa qua Bí tích Hòa giải và hãy canh tân đời sống Ling mục của mình bằng sự khiêm nhường, thanh thoát, bằng một lối sống đơn giản.

Thánh lễ kết thúc sau bài cám ơn Đức TGM Leopondo, Đức Hồng Y, các Đức Giám Mục, các quý cha và nhất là sự đón tiếp nồng hậu mà Đức Cha Phê-rô và Giáo phận Thái Bình dành cho các quý đoàn – Bài cám ơn của Cha Đa-minh Nguyễn Công Khương, Tổng Giáo phận Hà Nội. Thánh lễ lúc 11 giờ 15 phút.

Ban Truyền Thông Giáo Phận Thái Bình
 
Thánh Lễ Tạ Ơn và Cung Hiến Nhà Thờ Cam Đường, giáo Xứ Lào Cai, giáo phận Hưng Hóa
Lm Nguyễn Văn Thành
15:16 18/05/2017
Thánh Lễ Tạ Ơn và Cung Hiến Nhà Thờ Cam Đường, giáo Xứ Lào Cai, giáo phận Hưng Hóa

WGPHH - Vào lúc 16g00 thứ Tư, ngày 17.05.2017, trong bầu khí tưng bừng rộn ràng và tâm tình tri ân của bà con Giáo xứ Lào Cai, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất - Giám mục Giáo phận Hưng Hóa long trọng cử hành Thánh lễ tạ ơn và cung hiến nhà thờ Cam Đường – tước hiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đồng tế với Đức Cha có Đức tổng Giám mục Leopoldo Girelli, quý cha trong và ngoài giáo phận. Tham dự Thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ, quý khách cùng đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo xứ.

Xem Hình

Mặc dù thời tiết mưa gió, nhưng toàn thể cộng đoàn Giáo họ Cam Đường và Giáo xứ Lào Cai, vẫn nhiệt tình và hân hoan vui mừng đón tiếp Đức tổng, Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ, quý chính quyền các cấp và quý ân nhân xa gần đến tham dự Thánh lễ và chung chia niềm vui với Giáo họ Cam Đường.

Đúng 16g00, rước đoàn đồng tế từ phòng khách tiến đến cửa chính nhà thờ, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đức Cha Gioan Maria và cha xứ Giuse Nguyễn Văn Thành cắt băng khánh thành nhà thờ mới. Sau đó, Đức Cha trao chìa khóa cho cha xứ. Tiếp đến, đoàn đồng tế và toàn thể cộng đoàn lần lượt theo thứ tự tiến vào trong thánh đường cử hành Thánh lễ. Sự hiện diện của quý cha và cộng đoàn nơi đây là để tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân lớn lao đối với Giáo họ Cam Đường nói riêng và Giáo xứ Lào Cai nói chung.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Gioan Maria chủ sự nghi thức làm phép nước, rẩy nước thánh thanh tẩy nhà thờ và tường nhà thờ mới. Kinh Vinh Danh được cả cộng đoàn cất vang đã tạo nên bầu khí vừa thánh thiêng vừa hân hoan trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.

Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli cho thấy ý nghĩa của việc rảy nước thánh, nhắc nhớ về Bí tích Thánh Tẩy mà Đức Giêsu đã đem lại sự sống mới cho chúng ta. Và chính sự sống mới này đã quy tụ cộng đoàn nơi đây hiệp dâng Thánh lễ thánh hiến nhà thờ để mở ra một cộng đoàn mới, một sức sống mới. Tuy nhiên, để có đươc sự sống mới thì mỗi người phải biết kết hợp chặt chẽ với Đức Giêsu, như cành nho gắn liền với cây nho. Hơn nữa, Đức tổng nhấn mạnh: để có được một ngôi nhà thờ khang trang đẹp đẽ thì phải có nền móng vững chắc. Cũng vậy, muốn có một ngôi nhà thiêng liêng vững chắc thì mỗi người cũng cần phải được xây dựng trên Đá tảng góc tường là chính Đức Giêsu. Đức tổng cũng cho thấy biểu tượng cuốn sách ở trên gian cung thánh nhà thờ Cam Đường được mở ra với hai trang trắng, là để mời gọi mỗi người hãy viết lên trang sử đức tin và đời sống bác ái của chúng ta.

Tiếp theo là nghi thức cung hiến nhà thờ và thánh hiến bàn thờ. Khởi đầu là kinh cầu các thánh. Sau đó, cha Trưởng nghi đặt hài cốt Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dưới bàn thờ. Kế đến, Đức Cha Gioan Maria long trọng đọc lời nguyện cung hiến, xin Chúa Thánh Thần thánh hóa nhà thờ và bàn thờ, xin Ngài ban muôn ân phúc dư tràn xuống trên tất cả những ai đến nơi đây tham dự nghi thức phụng vụ, tôn thờ Thiên Chúa.

Kế tiếp, Đức Cha Gioan Maria xức dầu bàn thờ. Cha xứ Giuse Nguyễn Văn Thành và cha Phêrô Phạm Thanh Bình xức dầu các cột nhà thờ. Sau đó là nghi thức xông hương và thắp sáng bàn thờ.

Kết thúc nghi thức cung hiến bàn thờ và nhà thờ. Thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể, khởi đầu là việc dâng của lễ.

Trước khi đón nhận phép lành cuối lễ, một vị đại diện Giáo họ Cam Đường dâng lời tri ân Đức Tổng, Đức Cha, quý cha, quý thầy, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, quý khách trong và ngoài giáo xứ đã tới hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và chung chia niềm vui với giáo họ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức tổng bày tỏ niềm vui khi được đến tham dự Thánh lễ tạ ơn và thánh hiến nhà thờ. Qua đó, ngài nói lên lời cảm ơn đối với Đức Cha Gioan Maria đã mời ngài, cũng như cảm ơn quý cha, quý ông bà anh chị em đã hiện diện trong Thánh lễ hôm nay. Đặc biệt, ngài cảm ơn cha xứ Giuse Nguyễn Văn Thành đã nỗ lực hết mình để xây dựng ngôi nhà thờ này, và tổ chức Thánh lễ hôm nay được trang trọng, sốt sáng; đồng thời ngài tặng cho cha một món quà để lưu giữ kỷ niệm đặc biệt này.

Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria, cùng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tuôn đổ muôn ơn lành trên bà con giáo dân nơi đây. Ước mong những người con của Giáo họ Cam Đường sẽ tiếp tục cầu nguyện, đồng lòng chung sức để giữ gìn, bảo vệ ngôi Thánh đường này, và nhất là mỗi ngày biết xây dựng đền thờ tâm hồn của mình trên nền tảng đức tin vững vàng. Thánh lễ kết thúc trong niềm vui ngập tràn, không chỉ riêng với Giáo họ Cam Đường mà còn đối với tất cả mọi người hiện diện trong Thánh Lễ cung hiến hôm nay.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phiêu lưu không lối thoát
Phạm Trần
08:48 18/05/2017
PHIÊU LƯU KHÔNG LỐI THOÁT

Việt Nam đã đút đầu vào rọ kinh tế-chính trị mệnh danh “Một Vòng Đai-Một Con đường” (MVĐMCĐ) của Trung Hoa mà không biết số phận sẽ ra sao.

Chuyện xẩy ra ngày 15/05/2017 ở Bắc Kinh, thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Cộng sản Trung Hoa có số dân 1.4 tỷ người đang cần đất sống.

Sáng kiến của Trung Hoa, được Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Tập Cận Bình trình bầy tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế có tên là “Vành đai và Con đường”, lấy hợp tác kinh tế và phát triển làm trọng tâm để giúp nhau thịnh vượng và cùng có lợi.

Tin của phía Trung Hoa cho biêt tham dự diễn đàn có 57 lãnh đạo cấp cao của 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nga, Việt Nam, Kazakhstan, Cộng hòa Czech, Thụy Sĩ, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức,Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Nhật, Úc, Tân Tây Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines, Lào, Myanmar, Thái Lan, Kenya, Chile, Argentina v.v....

Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự hội nghị.

Ân Độ, nền kinh tế lớn ở Nam Á Châu không tham dự Hội nghị 2 ngày ở Bắc Kinh, mặc dù được mời.

NGUỒN GỐC MVĐMCĐ

Nhưng MVĐMCĐ có từ bao giờ ? Tài liệu của Trung Hoa cho biết đây là sáng kiến của ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2013 nhằm kết nối Trung Hoa với 6 hành lang kinh tế qua đường bộ:

1) Chạy từ phía Tây Trung Hoa xuyên qua Tây Á đến vùng miền Tây của Nga.

2) Từ Trung Hoa qua Mông Cổ để nối liền vùng bắc Trung Hoa với đông bộ Nga

3) Dùng hành lang Trung Hoa-Trung Á-Tây Châu Á để nối miền Tây Trung Hoa với Thổ Nhĩ Kỳ.

4) Hành lang Trung Hoa-Bán đảo Đông Dương (Việt-Miên-Lào) để nối liền miền Nam Trung Hoa với Tân Gia Ba.

5) Hành lang Trung Hoa-Pakistan sẽ nối liền vùng Tây Nam Trung Hoa với Pakistan

6) Hành lang Bangladesh - China - India – Myanmar (Miến Điện) sẽ chạy từ Nam Trung Hoa tới Ân Độ.

Ngoài ra còn có hành lang thứ 7 gọi là “Tơ Lụa trên biển” chạy từ bờ biển Trung Hoa sang Tân Gia Ba và Ấn Độ, tới vùng biển Mediterranean để kết nối với Bắc Đại Tây Dương và bắc Châu Phi

Với tham vọng bành trướng kinh tế và chính trị rộng lớn như thế, tất nhiên không phải để Trung Hoa tiếp tục đứng sau kinh tế Mỹ mà sẽ có cơ hội lãnh đạo cả thế giới.

Đài phát thanh Quốc tế Trung Hoa ( China Radio International, CRI, ngày 10-09-2015) giải thích rằng:”Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" là tên gọi tắt của "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21", phương án quy hoạch liên quan đến 65 nước và 4,4 tỷ dân số trên dọc tuyến. Cơ chế hợp tác của "Một vành đai, một con đường" bao gồm tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển của các nước dọc tuyến với nhau.”

CRI viết:”Giáo sư Viện Khoa học-xã hội Trung Quốc Cốc Nguyên Dương cho biết, Trung Quốc đề xuất khái niệm "hợp tác kết nối" để thúc đẩy sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước trên dọc Con đường Tơ lụa.”

Ông nói:”Phương thức hợp tác kết nối không phải đơn nhất, mà là đa dạng, có thể hợp tác kết nối đa phương, cũng có thể hợp tác kết nối song phương. Các phương thức kết nối chủ yếu bao gồm: Một là, kết nối việc xây dựng 'Một vành đai, một con đường' với 'chiến lược phát triển' của các nước trên dọc tuyến. Ví dụ, Mông Cổ thực thi chiến lược phát triển 'Con đường Thảo nguyên', vì vậy, Trung Quốc và Mông Cổ kết nối Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa với chiến lược phát triển 'Con đường Thảo nguyên'; hai là, xây dựng 'Con đường Tơ lụa' có thể kết nối với 'cơ chế hợp tác' hiện nay của các nước trên dọc tuyến".

MỸ RA -TRUNG VÀO

Kế họach mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Hoa được xúc tiến ngay sau khi Tổng thống Mỹ Cộng hòa Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương ( Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, gọi tắt là TPP), với lý do TPP không đem lợi cho công nhân Mỹ.

Sau 7 năm vất vả thương thuyết để được ký kết ngày 4/02/2016 tại Tân Tây Lan (New Zealand) ,TPP là tổ chức quy tụ 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru, Mỹ và Việt Nam.

Khối kinh tế này, nếu hoạt động, sẽ có trị gía 28,000 Tỷ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối 40% tổng sản lượng của Thế giới và là một khối kinh tế hùng mạnh có khả năng cầm chân Trung Quốc.

Hành động của ông Trump không những đã giúp Bắc Kinh hóa giải được áp lực kinh tế của TPP mà còn giúp Trung Hoa rảnh tay hơn để thành hình khối kinh tế 16 nước được gọi là Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nga đã ngỏ ý hợp tác với Trung Hoa để loại ảnh hưởng Mỹ ra khỏi khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.

Đối với Việt Nam, dù có mất TPP nhưng Việt Nam vẫn có chân trong khối RCEP, cùng với 9 nước khác của AQSEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ.

Việt Nam còn có nhiều thoả hiệp hợp tác kinh tế song phương với Hoa Kỳ, Châu Âu, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác.

Giờ đây, sau Hội nghị ở Bắc Kinh ngày 15/05/2016 vị trí kinh tế của Việt Nam đã được tăng cường trong khối MVĐMCĐ do Trung Quốc đứng đầu. Nhưng sự hợp tác kinh tế trong tương lai với các quốc gia trong khối sẽ còn nhiều khó khăn vì Việt Nam là nên kình tế nhỏ và hạn chế kỹ huật tân tiến. Nếu phải nhở Trung Hoa đỡ đầu trang bị máy móc hiện đại thì Việt Nam sẽ mang nợ Trung Hoa đến cạn kiệt.

VIỆT NAM VÀO RỌ

Tuy nhiên, sự có mặt của Việt Nam tại Diễn đàn “Một Vòng Đai-Một Con Đường” không phải là một lựa chọn tình nguyện mà vì không cưỡng lại được. Theo các chuyên gia kinh tế thì nếu Việt Nam không tham gia MVĐMCĐ của Trung Hoa thì Việt Nam sẽ bị các nước bỏ lại sau lưng để tụt hậu không ngóc đầu lên được.

Vì vậy, tại diễn đàn Bắc Kinh, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã phát biểu:”Việt Nam chủ trương nỗ lực thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối giao thông với các quốc gia láng giềng. Nhiều bước đi, giải pháp cụ thể đã được triển khai, trong đó có việc hợp tác cùng các nước Tiểu vùng Mekong phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế phía Nam, Hành lang kinh tế Bắc - Nam, hướng tới xây dựng Tiểu vùng Mekong trở thành cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN; hợp tác với Trung Quốc nghiên cứu khả năng kết nối “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.”

Kế họach kinh tế“Hai hành lang, một vành đai” là dự án hợp tác giữa Việt Nam và Trung Hoa.

Chi tiết Việt Nam Cộng sản tự đặt mình trong vòng tay Trung Hoa được Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa (China Radio International, CRI) kể ngày 10/09/2015 rằng:”Ngày 20/5/2004, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam lúc đó Phan Văn Khải đã đề xuất sáng kiến cùng xây dựng "Một vành đai, một con đường" với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ngày 6 và ngày 7/10/2004, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm chính thức hữu nghị Việt Nam, trong thời gian ở thăm, Chính phủ hai nước đã ra "Thông cáo chung Trung – Việt". Thông cáo đã trọng điểm đề cập hai bên đồng ý thành lập nhóm chuyên gia trong khuôn khổ Ủy ban Hợp tác kinh tế-thương mại của Chính phủ hai nước, tích cực tìm kiếm và thảo luận tính khả thi của hành lang kinh tế "Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh", "Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh" và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Như vậy, "Hai hành lang, một vành đai" trở thành ý tưởng hợp tác của chính phủ hai nước. Thông qua việc xây dựng "Hai hành lang, một vành đai", Trung Quốc và Việt Nam sẽ bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác, thực hiện cùng thắng, chiến lược phát triển vùng miền Tây của Trung Quốc và chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi ở miền Bắc Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều. Tháng 7 năm nay (2015), Phó Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm Trương Cao Lệ khi thăm Việt Nam đã đề xuất kết nối "Một vành đai, một con đường" với "Hai hành lang, một vành đai".

TỪ TRỌNG ĐẾN QUANG

Áp lực Việt Nam của Tập Cận Bình đã được lập lại trong chuyến thăm Trung Hoa của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12-15/1/2017.

Thông cáo chung hồi ấy viết:”Tăng cường hơn nữa hợp tác thực chất về kinh tế thương mại. Làm tốt quy hoạch chiến lược tổng thể trong hợp tác song phương. Tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, bao gồm kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến"Một vành đai, một con đường”. Tăng cường trao đổi về hợp tác năng lực sản xuất giữa hai nước, triển khai thực hiện có hiệu quả “Bản ghi nhớ về danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công thương Việt Nam với Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc”. Tích cực bàn bạc thống nhất để sớm ký kết “Phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc”.

Bây giờ, 5 tháng sau, họ Tập lại nhắc Trần Đại Quang, sau chuyến thăm Trung Hoa của đòan Việt Nam từ ngày 11 đến 15/05/2017.

Thông cáo chung nhắc nhở phía Việt Nam cần:”Đẩy nhanh nghiên cứu, bàn bạc, ký kết “Thỏa thuận tổng thể chung về xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc” theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, phù hợp với quy định pháp luật của mỗi bên và thông lệ quốc tế.”

Trung Hoa cũng không quên thúc Việt Nam cần:”Khẩn trương bàn bạc, ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” và sáng kiến “Vành đai và Con đường” phù hợp với lợi ích, khả năng, điều kiện của mỗi nước; phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng trên bộ trong việc tăng cường kết nối giữa hai nước; tích cực thúc đẩy công tác nghiên cứu và xây dựng kế hoạch hợp tác 5 năm trong lĩnh vực giao thông và năng lượng trong hợp tác cơ sở hạ tầng trên bộ, thúc đẩy khánh thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 (Cát Linh - Hà Đông) theo kế hoạch, sớm hoàn thành lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chỉ đạo doanh nghiệp hai bên nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc của các dự án hợp tác.”

Bên cạnh những nhắc nhở và thúc đẩy của Tập Cận Bình với Trần Đại Quang, Đại sứ Trung Hoa tại Hà Nội, Hồng Tiến Dũng còn tát nước theo mưa nói với báo chí Việt Nam trước ngày Quang đi Tầu rằng:”Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới dài 1.500km. Việt Nam có 7 tỉnh giáp với Quảng Tây, Vân Nam, Trung Quốc. Nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển, hai bên cũng đang xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, đây cũng là một phần quan trọng của việc kết nối. Về mặt này, hai bên cần sớm bàn bạc về ký văn kiện liên quan, chỉ đạo các tỉnh và khu tự trị sớm tiến hành hợp tác kết nối.”

Nên nhớ, sau chuyến thăm Tầu của Trương Tấn Sang, khi ấy là Chủ tịch nhà nước Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6 năm 2013, Thông cáo chung hai nước cũng đã hứa:”Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế…; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển.”

Nhưng tại sao đến nay chưa có tiến bộ trong thương thuyết dối với dự án lập khu kinh tế Việt-Trung ở biên giới hai nước ? Không có bất cứ giải thích công khai nào của đôi bên, nhưng mọi người Việt Nam đều chưa quên những thảm họa mà Quân đội Trung Hoa đã gây ra cho người dân tại 6 Tỉnh biên giới trong 2 cuộc chiến từ 1979 đến 1990.

Các thống kê bán chính thức ghi tổng số thương vong của binh sỹ và người dân ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh đã lên đến khoảng 45,000 người. Những tổn thất về quân số của Việt Nam ở mặt trận Vỵ Xuyên (Hà Tuyên cũ) được ghi lại là “thảm khốc”.

Vậy mà ngày nay đảng và nhà nước CSVN đã “gục mặt bước dồn” để không cho phép dân và quân lính được tổ chức tưởng niệm hàng năm những người Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc đẫm máu này.

Bây giờ đảng và nhà nước CSVN lại xếp hàng chui vào rọ khống chế của Trung Hoa, qua hình thức hợp tác kinh tế như trao trứng cho ác qua hai đường “Một vành đai, một con đường" và "Hai hành lang, một vành đai" thì có khác nào họ đã kéo thêm một lá cờ trắng nữa, sau khi đã mở cửa rước giặc vào nhà ở Bauxite Tây Nguyên và Formosa Hà Tĩnh. -/-

Phạm Trần

(05/017)
 
Giáo xứ Cồn Dầu, Đông Yên và hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục được Bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ quan tâm trước đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt.
Joseph Nguyễn Văn Thống
08:47 18/05/2017
Giáo xứ Cồn Dầu, Đông Yên và hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục được Bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ quan tâm trước đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt.

Vào ngày 15 và 16 tháng 5 năm 2017, một phái đoàn đa tôn giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã họp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, bàn tròn đa tôn giáo của Hoa Kỳ, phái đoàn nghị sĩ quốc tế, và một số dân biểu Hoa Kỳ. Mục đích của các cuộc tiếp xúc này là nhằm vận động cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đồng thời, cuộc vận động này nhằm cung cấp thêm thông tin cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền cách trầm trọng tại Việt Nam trước khi có cuộc đối thoại về nhân quyền Mỹ-Việt tại Hà Nội và cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Donald Trump tại Hoa Kỳ. Phái đoàn bao gồm:

1. Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc kiêm chủ tịch tổ chức BPSOS.

2. Hòa thượng Thích Viên Lý và hai Thầy phụ tá, đại diện Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

3. Ông Dương Xuân Lương, đại diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài.

4. Mục sưmục sư Y Hin Nie và mục sư Vàng Chí Mình, và 4 tín đồ khác, đại diện một số giáo phái Tin Lành thuộc dân tộc thiểu số.

5. Chị Trúc Nương và chị Huỳnh Hạnh, đại diện Phật Giáo Hòa Hảo.

6. Ông Trần Thanh Tùng, đại diện hiệp hội giáo dân Cồn Dầu.

7. Anh Nguyễn Văn Thống, đại diện “chiến dịch cứu Đông Yên.”

Ngày thứ nhất: Làm việc với văn phòng dân biểu Alan Lowenthal, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ.

10 giờ sáng: Phái đoàn đã có buổi làm việc với phụ tá của dân biểu Lowenthal tại văn phòng của ông trong khuôn viên quốc hội Hoa Kỳ. Tất cả các đại diện các tôn giáo đã trình bày các trường hợp cụ thể về tôn giáo của mình và nộp hồ sơ cho dân biểu Lowenthal.

2 giờ chiều: Phái đoàn gặp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Đây là cao điểm của ngày làm việc. Tiếp đón phái đoàn có Ông Daniel Nadel, Giám đốc Văn phòng phụ trách Tự do tôn giáo Quốc tế, Ông Daniel Wright, phó Giám Đốc và là người sẽ tham gia buổi đối thoại nhân quyền, và Cô Victoria Thoman, chuyên viên về Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lắng nghe và thu thập tất cả hồ sơ và hứa sẽ cung cấp thông tin chobuổi đối thoại về nhân quyền tại Hà Nội và đề đạt khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp tổng thống Donald Trumptại Hoa Kỳ dự kiến vào cuối tháng 5 này.

4 giờ chiều: Phái đoàn gặp Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ. Tiếp đón phái đoàn tại trụ sở của Ủy hội có linh mục Thomas Reese, chủ tịch. Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ là tổ chức độc lập cố vấn cho bộ ngoại giao và quốc hộị liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo.

Liên quan đến xứ đạo Côn Dầu thuộc giáo phận Đà Nẵng, ông Trần Thanh Tùng cập nhật cho Bộ Ngoại Giao và Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo về những khó khăn mà giáo xứ Cồn Dầu phải chịu trong suốt 7 qua, kể từ lệnh cưỡng chế xứ đạo này từ năm 2010.“Thời gian vừa qua nhà cầm quyền thông báo trên báo chí của báo công an Đà Nẵng cho phép 100 hộ được tái định cư xung quanh nhà thờ. Nhưng khi gọi dân họp thì nhà cầm quyền lật lọng,” Ông Tùng nói thêm.

Liên quan đến giáo xứ Đông Yên tại Giáo Phận Vinh, anh Nguyễn Văn Thống trình bày: “Được thành lập vào năm 1930, giáo xứ Đông Yên phát triển một nền văn hóa đặc thù thích ứng với đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Người dân Đông Yên có nghề truyền thống làm biển từ bao đời nay. Vào năm 2012, nhà cầm quyền bắt di dời toàn bộ giáo xứ Đông Yên lên một vùng miền núi. Khoảng 4000 giáo dân đã miễn cưỡng phải di dời, riêng 158 hộ gia đình với khoảng 800 người quyết tâm ở lại bảo vệ cho sự trường tồn của xứ đạo trước nguy cơ xóa sổ. Vào năm 2015, nhà cầm quyền huy động lực lượng công an đến lấy đất, phá vỡ nhiều cở sở của giáo xứ bao gồm trường học giáo lý và nhà xứ. Khoảng 2 năm từ 2015-2016, 158 học sinh không được đến trường vì gia đình của các em từ chối việc di dời.”

Liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra và trường hợp hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đang gặp những khó khăn với nhà cầm quyền, anh Thống trình bày: “Vào tháng 4 năm 2016, công ty Formosa đã xả một lượng lớn chất thải độc hại vào biển trải dài khoảng 200 Km đường bờ biển. Nhiều tấn cá chết trôi dạt vào bờ. Thảm họa môi trường ảnh hướng đến đời sống người dân 4 tỉnh Miền Trung, trong đó có giáo xứ Song Ngọc và Phú Yên, nơi linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đang phục vụ. Hai linh mục đã giúp giáo dân trong việc yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại nhưng nhiều lần đến tòa án để nôp đơn đều bị từ chối và bị sách nhiễu. Hiện nay, nhà cầm quyền đang dùng các phương tiện truyền thông của nhà nước và tổ chức các cuộc biểu tình nhằm lăng mạ, đe dọa hai linh mục. Một cuộc biểu tình ngày mùng 6 tháng 5 năm 2017 được nhà nước tổ chức với mục đích kêu gọi tử hình hoặc bỏ tù nhiều năm đối với linh mục Đặng Hữu Nam.”

Trường hợp của Hoàng Đức Bình, một thanh niên đã giúp dân đòi công lý đối với Formosa, mới đây bị bắt cũng được anh Thống nêu lên.

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Ủy Hội Tự Do Quốc Tế Hoa Kỳ đã thu thập hồ sơ của Đông Yên và hai linh mục Đặng Hữu Nam và Lm Nguyễn Đình Thục và hứa sẽ làm những gì tốt nhất để bảo vệ Đông Yên và hai linh mục, cũng như nêu vấn đề anh Bình bị bắt chỉ vì bảo vệ công lý cho người dân.

Ngày thứ hai: Phái đoàn họp chung với Bàn Tròn Đa Tôn Giáo của Hoa Kỳ và gặp dân biểu Chris Smith.

10 giờ sáng: Phái đoàn đa tôn giáo đã có buổi họp chung với phái đoàn đa tôn giáo của Hoa Kỳ, với sự hiện diện của phái đoàn các nghị sỹ đến từ nhiều quốc gia. Trong buổi gặp gỡ này, anh Thống đã trao hồ sơ của giáo xứ Đông Yên và hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục cho bà Brones, thượng nghị sỹ đến từ Vương Quốc Anh và bà Virginia, đại diện Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Đón tiếp phái đoàn là dân biểu Chris Smith và hai phụ tá của ông là tiến sỹ Scott Flipse và ông Mark Kearney. Dân biểu Smith và các cộng sự ân cần lắng nghe về tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Liên quan đến tình trạng giáo xứ Đông Yên và hai linh mục tại giáo phận Vinh, ông hứa sẽ liên lạc với Tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội để theo dõi và tìm cách bảo vệ.

Trong buổi gặp gỡ, dân biểu Christ Smith nhắc đến những kỷ niệm khi gặp Đức Tổng Giuse Ngô Quanh Kiệt tại Hà Nội. Ông đưa cho phái đoàn xem những tấm hình gặp gỡ Đức Tổng Kiệt và cha Phan Văn Lợi trong dịp thăm Việt Nam trước đây. Anh Thống cũng cập nhật cho ngài Smith biết là Đức Tổng Kiệt hiện đang sống trong đan viện Châu Sơn tại Nho Quan, Ninh Bình.

Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, dân biểu Christ Smith đã cùng với phái đoàn dâng lời cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam.

Tường trình từ Washington DC,

Joseph Nguyễn Văn Thống
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đồi Vàng Poppy
Lê Trị
18:29 18/05/2017
ĐỒI VÀNG POPPY
Ảnh của Lê Trị
Tôi lại về tìm em trên cánh đồng hoa
Mùa xuân còn đây nhưng em đâu sao không thấy
Những đoá poppy vàng của chiều xuân năm ấy
Vẩn thật nồng nàn giữa vùng gió mênh mông
(Trích thơ của Khiếu Long Tiểu Vũ Vi)
 
VietCatholic TV
Thời sự tuần qua 19/05/2017: Ý nghĩa và lịch sử cành hoa hồng vàng Đức Thánh Cha dâng kính Đức Mẹ Fatima
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:00 18/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Biến cố nổi bật trong tuần qua và có thể nói là biến cố lớn nhất trong đời sống Giáo Hội Công Giáo năm 2017 này là lễ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima với hàng triệu tín hữu hành hương.

Như chúng tôi đã tường thuật, hôm thứ Sáu 12 tháng 5, sau khi đáp xuống sân bay Monte Real của Leiria, Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng trực thăng tới sân vận động Fatima. Đến nơi, lúc quá 6h chiều, việc đầu tiên là ngài viếng thăm và cầu nguyện tại nguyện đường nơi Đức Mẹ đã từng hiện ra với các trẻ mục đồng. Dịp này, ngài đã dâng tặng Đền Thánh Đức Mẹ Fatima một cành hoa hồng bằng vàng.

Cành hoa hồng bằng vàng là gì? Ý nghĩa lịch sử của nó như thế nào? Đó là nội dung mà Trúc Ly muốn trình bày với quý vị và anh chị em trong chương trình này.

Cành hoa hồng bằng vàng, tiếng Anh gọi là Golden Rose, được các thợ kim hoàn dùng vàng ròng để chế biến thành một cành hoa hồng. Bao nhiêu vàng được dùng để làm một cành hoa hồng như thế thay đổi tùy theo điều kiện tài chính cụ thể của Tòa Thánh.

Đức Giáo Hoàng thứ Chín đã gởi tặng Hoàng hậu nước Pháp một cành hoa hồng làm bằng 5.2 Kg vàng 24 Cara. Trong khi những cành hoa hồng của Đức Giáo Hoàng Alexander VII chỉ khoảng 1.8 Kg vàng.

Bên cạnh đó đôi khi các cành hoa hồng này còn được điểm những viên ngọc quý.

Truyền thống tặng hoa hồng vàng được cho là bắt đầu dưới thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Đệ Nhị vào năm 716. Cùng với cành hoa hồng vàng, người được tặng còn nhận được một chìa khóa tượng trưng cho quyền bính của Đức Giáo Hoàng.

Theo Đức Hồng Y Petra các cành hoa hồng vàng ban đầu không được Đức Giáo Hoàng làm phép trước khi trao tặng. Đức Giáo Hoàng Innocent Đệ Tứ cai quản Giáo Hội từ 1245 đến 1254 là vị Giáo Hoàng đầu tiên làm phép các cành hoa hồng vàng.

Hiện nay, các cành hoa hồng vàng được làm phép mỗi năm vào ngày Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay, thường được gọi là Chúa Nhật hồng vì áo lễ và các trang trí khác trên bàn thờ trong Chúa Nhật này là áo hồng thay cho áo tím thường thấy trong Mùa Chay. Các cành hoa hồng vàng được làm phép mỗi năm không nhất thiết là mới, có thể là cành hoa những năm trước còn lại, chưa được trao tặng.

Thoạt đầu cành hoa hồng vàng được tặng cho các thái tử sắp được đăng quang. Sau đó, từ thế kỷ thứ 17, các cành hoa hồng vàng chỉ được gởi tặng cho các hoàng hậu và công chúa. Các vị vua, thái tử được tặng nón hay một thanh kiếm.

Từ sau Công Đồng Vatican II, các cành hoa hồng vàng chỉ được các vị Giáo Hoàng dâng tặng cho Đức Mẹ.

Trước khi dâng tặng cành hoa hồng vàng cho Đức Mẹ tại Fatima, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng tặng 3 cành hoa hồng vàng cho các đền thánh Đức Mẹ tại Czestochowa vào tháng 7 năm 2016, đền thánh Đức Mẹ tại Guadalupe tháng Hai 2016 và đền thánh Đức Mẹ Mỏ Đồng tại Cuba vào tháng Chín Năm 2015.

Cành hoa hồng vàng đầu tiên được tặng cho đền thánh Đức Mẹ Fatima là của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vào ngày 21 tháng 11 năm 1964 khi kết thúc phiên họp thứ Ba của Công Đồng Chung Vatican II và được đặc sứ của ngài là Đức Hồng Y Fernando Cento mang sang Fatima ngày 13 tháng 5 năm 1965.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 là vị Giáo Hoàng đầu tiên đích thân mang một cành hoa hồng vàng dâng tặng Đức Mẹ tại Fatima vào ngày 12 tháng 5 năm 2010 để tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ Fatima.

Trong triều Giáo Hoàng của ngài Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tặng 10 cành hoa hồng vàng cho các đền thánh Đức Mẹ trên thế giới.