Ngày 19-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 20/05: Anh em hãy yêu như Chúa đã yêu – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến
Giáo Hội Năm Châu
02:33 19/05/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

Đó là lời Chúa
 
Suy niệm và cầu nguyện CN 6 PS C
Lm. Thái Nguyên
04:27 19/05/2022

SUY NIEM VA CAU NGUYEN CN 6 PS C



 
Thánh Thần Và Chúng Tôi
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:43 19/05/2022
Thánh Thần Và Chúng Tôi

(Chúa Nhật VI PS C)

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Hạnh phúc thiên đàng là đây. Có Thiên Chúa ở cùng là điều mà Kitô hữu hằng khát khao. Trong Thánh lễ, điệp khúc: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha” được cất lên những bốn lần: trước nghi thức khởi đầu Thánh lễ, trước khi đọc Tin Mừng, trước Kinh Tiền Tụng và trước khi chúc lành kết lễ. Có thể khẳng định rằng việc tuân giữ lời Chúa Kitô chính là chìa khóa để có hạnh phúc đích thực. Nội hàm của lời mà Chúa Kitô muốn nói ở đây chính là “tin vào Thiên Chúa và tin vào Người”, đồng thời thực hành “giới răn mới” mà Người long trọng truyền dạy (x.Ga 13,34-35; 14,1).

Cần thú nhận rằng nhiều lúc chúng ta thật khó phân biệt ý lời của Chúa Kitô với ý lời của người phàm. Ngay thánh Phaolô tông đồ cũng đã từng thú nhận rằng “hiện nay chúng ta thấy lờ mờ như thấy qua tấm gương” (x.1Cr 13,12). Chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Đấng mà Chúa Kitô ban tặng, sẽ giúp chúng ta hiểu đúng ý lời của Chúa Kitô để thực thi. “Thánh Thần và chúng tôi quyết định: Không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm” (Cv 15,28-29). Đây là lời công bố chính thức của Công đồng Giêrusalem, Công đồng đầu tiên của Hội Thánh thời các Tông đồ. Câu tuyên bố của các Tông đồ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” một cách nào đó cho ta thấy trong quyết định ấy có phần của Thánh Thần và có phần của các ngài. Phần của Thánh Thần dĩ nhiên là chân lý tuyệt đối, còn phần của các tông đồ ít nhiều bị điều kiện hóa và khó tránh khỏi sự bất cập hoặc hạn chế mặt này, mặt kia. Vấn đề là chúng ta cần phân biệt đâu là phần của Thánh Thần và đâu là phần của các Tông đồ.

Tính bất cập, tương đối và bị điều kiện hóa của quyết định do phía các tông đồ có thể nói là đã lộ rõ khi các ngài dạy: “Kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết”. Chưa nói gì đến niềm tin còn bất cập về máu huyết của Do Thái giáo xưa, ở đây, chúng ta thấy các Tông đồ đã đưa ra một giải pháp mang tính thỏa hiệp, giải quyết tình thế. Để xây dựng sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu gốc lương dân và gốc Do Thái giáo, đặc biệt qua các bữa ăn, các Tông đồ đã truyền giữ tập tục kiêng cử về huyết cũng như thịt thú chết ngạt. Nhiều người dân Việt vốn thích món “tiết canh” chắc là phải bỏ mình lắm lắm! Còn về việc ăn thịt cúng thì chắc hẳn các Tông đồ không quên lời dạy của Thầy năm xưa: “Những gì bên ngoài vào trong con người thì không làm cho họ ra ô uế?” (x.Mc 7,14-23). Sau này chính Thánh Phaolô cũng đã từng minh định với tín hữu Côrintô rằng ăn thịt cúng hay không thì chẳng sao cả, miễn là đừng gây cớ vấp phạm cho những người đang còn non kém về lòng tin (x.1Cr 8,1-13).

Chúng ta cùng xem xét phần Thánh Thần chỉ dạy.

- Không đặt gánh nặng lên vai người anh em: Một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến thế gian là giải thoát con người khỏi vòng nô lệ thần dữ. Tiếp tục và hoàn thành sứ mạng của Chúa Kitô, Thánh Thần đã giải thoát chúng ta khỏi ách nặng nề của “chế độ lề luật”, khỏi “tinh thần nô lệ” mà việc bãi bỏ luật cắt bì của Cựu Ước là một điển hình. Từ đây, người Kitô hữu được mời gọi đến với Thiên Chúa trong tư cách những người con. Nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa “Abba” - “Cha ơi” (x.Rm 8,14-17).

Nhiều người đã xem Công đồng Vaticanô II như là một Lễ Hiện Xuống mới. Sở dĩ có cái nhìn này vì người ta không chỉ thấy Giáo Hội đã để cho Thánh Thần thúc đẩy mình ra khỏi tháp ngà cố thủ, để đến với thế giới mà còn thấy Giáo Hội đã gỡ bỏ nhiều ách nặng nề bấy lâu nay đang đè trên vai, trên cổ mình, khiến đoàn dân Chúa khó có thể sống tinh thần nghĩa tử với Thiên Chúa và khó sống tinh thần huynh đệ với nhau cách thực sự. Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động cho đến ngày Chúa Kitô lại đến (x.Kh 22,17). Như thế, chắc hẳn vẫn còn đó nhiều gánh nặng đang kìm giữ chúng ta trong tinh thần nô lệ mà chúng ta cần phải gỡ bỏ cho nhau. Để được vậy, chúng ta, đoàn tín hữu, từ con chiên đến các mục tử, hãy tích cực mở rộng tâm hồn để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần, và dĩ nhiên, trên hết, trước hết cần phải biết nhạy bén với lời chỉ dạy của Thánh Thần qua các dấu chỉ thời đại.

- Tinh tuyền hóa niềm tin vào Thiên Chúa và lành mạnh hóa tương quan với nhau: Ẩn sâu dưới quyết định rằng phải kiêng ăn thịt đã cúng cho ngẫu tượng thì chúng ta nhận ra chân lý là “phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (x.Mt 4,10; Lc 4,8). Và qua lời truyền dạy rằng “tránh gian dâm” hay như một vài bản dịch khác là “không được kết hôn bất hợp luật”, thì chúng ta không chỉ thấy đó là một chỉ dẫn luân lý thuần túy trong đời hôn nhân, mà còn nhận ra một chân lý trong tương quan đồng loại, đó là tôn trọng quyền lợi của nhau trong sự hài hòa và trật tự khách quan. Cần phải tôn trọng, tuân giữ trật tự khách quan này ngay từ trong cái tế bào của xã hội, cái nền tảng của đời sống nhân loại đó là “hôn nhân – gia đình”.

Mạc khải đã nên trọn vẹn và hoàn hảo nơi cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô. Một trong những sứ mạng của Chúa Thánh Thần là giúp chúng ta hiểu đúng lời mạc khải. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu lời Chúa Kitô đã long trọng tuyên bố năm xưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” (Mt 22,37-40).

Đã là người ai cũng mong đạt được hạnh phúc. Nhiều người có niềm tin và Kitô hữu chúng ta lại còn khát khao hạnh phúc vĩnh cửu. Và điều kiện như tất yếu để có hạnh phúc vĩnh tồn đó là thực thi lời của Chúa Kitô. Để thực thi lời của Chúa Kitô thì cần phải hiểu đúng lời của Người. Thực tế vẫn có đó sự lẫn lộn giữa lời của người phàm và lời của Đức Kitô. Không gì hơn hãy khẩn xin Chúa Thánh Thần ngự đến. Thánh Thần đã được ban tặng. Vấn đề còn lại là xin cho chúng ta có thái độ thức tỉnh và khiêm nhu để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần mà thôi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:03 19/05/2022

15. Tôn sùng phép lần chuỗi Mân Côi của Mẹ là dấu chỉ chắc chắn sẽ được về thiên đàng.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:06 19/05/2022
83. TRÁNH NGỒI GHẾ ĐẦU

Ngạn ngữ nói: “Thường thường ngồi ghế đầu, dần dần nhập từ đường”, ý của lời nói này là tuổi càng lớn thì càng mau chết, cho nên người ngồi ghế chủ tọa đều phải nhún nhường.

Có người mắc bệnh phong nhờ bác sĩ trị liệu, bác sĩ nói:

- “Bệnh phong, lao, mập phì, bụng trướng, bệnh cơ hoành, thì diêm vương mời xuống làm khách, chuẩn bị đến mời ông rồi đó, không cần uống thuốc”.

Bệnh nhân hỏi:

- “Tôi không có thiệp mời, sao lại có thể làm khách của diêm vương được?”

Bác sĩ đáp:

- “Không lâu nữa đâu, ông sẽ gặp diêm vương đấy”.

Bệnh nhân thở dài nói:

- “Làm khách của diêm vương thì không sợ, tôi sợ nhất là ngồi ghế đầu, xin ngài đem thuốc bổ khí cho bệnh phong này của tôi, đổi thành bành, trướng ngồi hai bên, đem vị trí dời qua thứ ba thứ bốn, kẻo đến lúc đó mọi người cùng nhau nhún nhường, khiến cho chủ nhân hao sức phí lực”.

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 83:

Ở trần gian đi ăn tiệc ngồi bàn đầu thì có oai chút xíu, ít nữa là cũng được người khác thấy mình; xuống hỏa ngục mà ngồi bàn đầu thì cũng chẳng hân hạnh gì, vì trong hỏa ngục ai cũng giống nhau cả, từ quỷ to cho đến quỷ nhỏ, bởi vì ai cũng là quỷ như nhau.

Vì hậu quả của nguyên tội nên con người ta ai cũng thấy mình là nhân vật quan trọng, đi ăn tiệc thì thích ngồi bàn trên, xếp hàng mua vé cũng muốn đứng trước, ra giữa công chúng thì thích mọi người biết mình là ông này bà nọ.v.v...nhưng khi thấy người ăn xin thì tránh mặt, nghe nói làm việc thiện thì tình nguyện đứng...hàng sau cùng, họp hành để lên kế hoạch giúp người bị nạn thì ngồi trong bóng tối để không ai thấy...

Diêm vương mời thì không sợ nhưng lại sợ ngồi bàn đầu, đó là kinh nghiệm của người từng trãi. Người Ki-tô hữu không sợ chết, nhưng lại sợ sống mà mất ơn nghĩa với Chúa nên không được tham dự bàn tiệc Thánh Thể, đó là kinh nghiệm của các thánh nam nữ trên trời.

Ngồi bàn đầu hay bàn cuối khi dự tiệc thì có gì phải sợ, chỉ sợ là mình đi dự tiệc mà không đem niềm vui đến cho người khác mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa trong lòng con
Lm. Thái Nguyên
20:52 19/05/2022

CHÚA TRONG LÒNG CON
Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm C : Ga 14, 23-29

Suy niệm

Người xưa có câu:“Xa mặt cách lòng”, nói lên một sự thật chua chát về tình nghĩa con người. Bao nhiêu đôi vợ chồng đỗ vỡ vì sống xa nhau. Bao nhiêu con cái xa cha mẹ đã thành hư thân, bất hiếu, bụi đời. Bao nhiêu người giúp việc khi chủ vắng nhà đã lộng hành như gà mọc đuôi tôm, điển hình là dụ ngôn đầy tớ bất trung (Mt 24, 48-51).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu không để các môn đệ cảm thấy sống trong tình trạng xa cách, đơn côi. Ngài cho họ biết tuy Ngài vắng mặt nhưng vẫn hiện diện, vẫn ở với các ông, nhưng các ông phải có lòng yêu mến qua việc vâng giữ lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”. Lời đó còn chính là lời của Chúa Cha, nên“Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Không những thế mà Chúa còn sai Chúa Thánh Thần đến ở trong họ và dạy dỗ họ nhiều điều…. Cả Ba ngôi Thiên Chúa đều đến ở trong họ, quả là một điều nhiệm lạ và ân ban cao cả. Chúa Giêsu còn hứa để lại bình an của Ngài cho họ, để lòng họ không phải xao xuyến hay sợ hãi. Ngài nói về sự bình an này ngay trong bữa tiệc ly, lúc mà cuộc thương khó đã gần kề, nhưng tâm hồn Ngài vẫn an nhiên và thanh thoát.

Những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ xưa kia cũng là nói với chính chúng ta là những môn đệ hôm nay. Đã là môn đệ thì chỉ có một điều quan trọng duy nhất là nghe lời Thầy, giữ lời Thầy và tìm cách loan báo lời Thầy trong mọi môi trường sống của mình, để Lời đó được lan rộng khắp nơi. Phúc âm hóa là như thế, để lời Chúa cải đổi bản thân và và canh tân đời sống nhân loại. Đó cũng chính là sứ mạng đời Kitô hữu.

Ai tuân giữ lời Chúa chính là xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên nền đá vững chắc, chẳng còn phải lo sợ bão táp hay nước lũ dâng tràn (x. Mt 7, 24). Đó mới là sự bình an đích thực: bình an giữa những xáo trộn và rắc rối hằng ngày; bình an trước cả tai ương và sự chết. Bao vị tử đạo đã minh chứng điều đó. Đó là sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Thế gian có thể ban cho ta sự yên ổn và an toàn một lúc nào đó, nhưng ta vẫn bị chao đảo không ngừng trước mọi biến động. Đó là thứ bình an do sự dựa dẫm vào người khác hay sự vật bên ngoài, là những thứ nay còn mai mất, chứ không phải là sự bình an bên trong của một tâm thế vững vàng nhờ sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa.

Chúng ta thường nghĩ Chúa chỉ hiện diện trong nhà thờ, nhà Tạm, ít khi nghĩ đến Chúa đang hiện diện ngay trong lòng ta, ngay trong con người yếu đuối của ta. Thánh Augustinô cũng đã cho ta biết: Chúa ở trong sâu thẳm của cõi lòng ta, Ngài gần ta hơn chính bản thân ta. Trước khi rước Chúa, Chúa Giêsu đã ở trong ta rồi. Sau khi rước Chúa, Ngài lại càng thấm nhập vào toàn thể tâm hồn và thân xác ta, để làm cho ta nên một với Ngài trong tình yêu. Cũng từ đó mà thiên đàng đã chớm nở ngay trong lòng ta. Vì Chúa ở đâu thì thiên đàng ở đó. Thiên đàng ấm áp ở nơi nghèo hèn, bé nhỏ, nơi tâm hồn biết yêu mến Ðức Kitô và tuân giữ lời Ngài. Ta có thật sự cảm nhận được sự hiện diện và bình an của Chúa trong tâm hồn mình không, hay đang sống bâng quơ, mơ hồ, và đang giữ đạo một cách sơ xài theo thói quen và hình thức bên ngoài?

Chúa đang sống trong mỗi người chúng ta, nhưng nếu chúng ta không sống trong Chúa, thì cuộc đời ta vẫn trống vắng, trơ trọi, bất an và sẽ chới với giữa cuộc đời đầy sóng gió. Và như vậy thuyền đời ta có nguy cơ bị đắm chìm giữa biển khơi, không thể về tới bến bờ vinh quang. Chúa làm hết mọi cách để giữ gìn ta trong tình yêu Ngài, qua Lời Chúa, qua các các bí, nhất là bí tích Thánh Thể, để qua đó chính Chúa cư ngụ trong ta và biến đổi cuộc đời ta theo dự định tình yêu của Ngài.

Hãy xác tín một cách thâm sâu về Lời Chúa và biết nương theo tác động của Thánh Thần, để Ngài làm mới lại cuộc sống của chúng ta từng ngày. Hãy đưa Lời Chúa vào giờ kinh tối của gia đình để Lời Chúa hướng dẫn, thánh hóa và hợp nhất mọi người trong tình yêu Ngài, làm nên an vui và hạnh phúc cho nhau. Dù có yếu đuối, vấp phạm, hay sa cơ lỡ bước, chúng ta cứ bắt đầu lại với tất cả niềm tin yêu và hy vọng. Chúa vẫn ở trong ta và chờ đợi ta cho tới ngày cuối cùng, để ta đạt tới niềm tin tất thắng, tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa trong cuộc sống hạnh phúc muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!
Chúa vẫn bên con mà con nào có biết,
vì con chưa tha thiết ở bên Ngài,
Chúa ở trong con mà con đâu có hay,
vì con thường loay hoay đầy toan tính.
Chúa vẫn ngỏ lời mà con đâu có nghe,
vì con thích nghe theo lời thiên hạ.
Chúa vẫn gìn giữ con đêm như ngày,
nhưng con nghĩ việc này là tự nhiên.
Chúa hiện diện trong hết mọi hiện hữu,
và luôn làm chủ trong mọi hiện diện,
xin cho con đừng hiện diện một mình,
đừng vô tình dại dột sống đơn côi,
nhưng luôn sống với Chúa ở trong lòng,
trong suy nghĩ ước muốn và hành động.
Xin cho con tập trung mọi năng lực,
để hiện diện với toàn tâm toàn ý,
bằng con tim và thần trí anh minh,
để tâm con luôn thanh thoát an bình,
trong tương quan với mọi người mọi việc,
luôn bên Chúa trong mọi lúc mọi nơi.
Xin cho sự hiện diện của đời con,
luôn phản ánh sự hiện diện của Chúa,
sống dấn thân và phục vụ mọi người,
để làm cho cuộc sống mãi đẹp tươi.
Xin cho con luôn hiện diện với Chúa,
để làm mới sự hiện diện của con,
sự hiện diện linh thiêng rất diệu huyền,
là chính Chúa Đấng vô cùng thánh thiện. Amen.

 
Không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát
Lm. Minh Anh
20:57 19/05/2022

KHÔNG CẦN ĐO LƯỜNG, KHÔNG CẦN PHÂN BIỆT, KHÔNG SỢ MẤT MÁT
“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con!”.

John Wesley nói, “Hãy cho tôi 100 người yêu mến Thiên Chúa hết lòng và không sợ hãi gì, ngoài tội; tôi sẽ đem cả thế giới về cho Chúa Kitô!”. Đó là những con người yêu thương, phục vụ cho đến chết mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu đem ý tưởng của J. Wesley áp dụng vào lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thì một câu hỏi rất bất ngờ có thể được đặt ra, “Như vậy, tình yêu có thể bị điều khiển?”. Đức Bênêđictô XVI trả lời, “Không!”. Ngài giải thích, tình yêu không đơn thuần là một tình cảm; nó là một hành động của ý chí. Khi ý chí con người ‘hành động trùng khớp’ với ý chí của Chúa Kitô, nó có thể yêu như Ngài yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.

Trong thông điệp Deus Caritas Est, Bênêđictô viết, “Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta một cảm giác mà bản thân chúng ta không có khả năng tạo ra!”. Chúng ta không thể được ra lệnh “phải thích” ai đó, hoặc “phải lòng” ai đó; nhưng chúng ta có thể “chọn yêu” kẻ thù của mình! Quan trọng hơn, một khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thì chính niềm vui “được yêu” đó sẽ cởi trói con tim mỗi người, khiến chúng ta muốn đáp lại tình yêu Ngài. Vậy mà, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước! Một khi cảm nghiệm tình yêu của Ngài dành cho chúng ta như một thực tại liên lỉ mỗi khi lãnh nhận các Bí Tích; hay mỗi lần suy gẫm về một sự thật rằng, Ngài “đang giữ” cho chúng ta tồn tại, thì những trải nghiệm cá nhân này cho phép chúng ta hiểu được tình yêu và muốn chia sẻ nó, bằng cách yêu như Chúa yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.

Đức Thánh Cha nói thêm, tình yêu thương dẫn đến “một cộng đồng ý chí và suy nghĩ”. Tôi muốn biết bạn tôi đang nghĩ gì và mong muốn gì để tôi có thể chia sẻ những suy nghĩ đó và thậm chí, thoả mãn những mong muốn đó! “Câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và con người bao gồm một thực tế là, sự hiệp thông ý chí càng tăng lên thì sự hiệp thông về tư tưởng và tình cảm cũng tăng lên; do đó, ý chí của con người và ý muốn của Thiên Chúa sẽ ‘ngày càng trùng khớp!’. Từ đó, ý muốn của Thiên Chúa đối với tôi, không còn là một ý chí xa lạ; không còn là một cái gì đó áp đặt lên tôi như một mệnh lệnh hoặc giới răn. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, nó đã là ý muốn của tôi; vì tôi nhận biết rằng, Thiên Chúa thực sự hiện diện với tôi, sâu sắc hơn tôi đối với chính tôi”.

Tình yêu thương dẫn đến “một cộng đồng ý chí và suy nghĩ” đó đã thể hiện trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay. Các tông đồ đã đồng tâm nhất trí, “không đặt thêm một gánh nặng nào khác” cho người trở lại, nghĩa là họ không cần phải “cắt bì”, ngoài “mấy điều cần kíp” phải giữ. Nhờ đó, các tín hữu sơ khai hớn hở thưa lên, “Lạy Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ” như Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ; và như thế, với sự dẫn dắt của Thánh Thần, các tông đồ đã cư xử cách yêu thương mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.

Anh Chị em,

“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con!”. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu, mới nghe qua, xem ra cũng khá dễ dàng; nhưng, trong thực tế, rất khó! Bởi lẽ, phải yêu như Chúa Giêsu yêu, chúng ta mới có thể sống được điều Ngài dạy. Ngài yêu thương từng người chúng ta trước bằng một tình yêu ‘không thể đo lường’; Ngài yêu mỗi người mà ‘không cần phân biệt’ tốt xấu; Ngài yêu chúng ta đến nỗi hiến trao cả thân mình mà ‘không sợ mất mát!’. Như thế, chỉ khi nên một với Chúa Kitô, sống trong Lời Ngài, ý chí chúng ta hành động ‘trùng khớp với ý chí’ của Ngài, con tim của chúng ta cùng nhịp với con tim Ngài, lúc đó chúng ta mới có thể yêu như Ngài yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đánh thức sự hiểu biết của con về tình yêu Chúa đang bao phủ đời con. Hãy để sự thật này truyền cảm hứng cho con, hầu con có thể yêu như Chúa yêu, mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sống Bình An Là Sống Hiệp Hành
Linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương
21:49 19/05/2022
Sống Bình An Là Sống Hiệp Hành

(Suy niệm Chúa nhật VI Phục Sinh)

Xưa có một ông vua tổ chức một cuộc thi tìm ra người nào vẽ được bức tranh yên bình nhất. Nhiều họa sĩ đã tham gia và nộp bài. Nhà vua xem xét tất cả các bức tranh và ông chọn ra hai bức ông thích nhất. Nhưng ông vẫn phải chọn ra một bức tranh đạt giải.

Bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước tĩnh lặng đến mức có thể thấy những ngọn núi cao vút xung quanh soi bóng dưới hồ. Bên trên là bầu trời trong xanh, mây trắng. Đó là một bức tranh mà ai nhìn vào cũng phải mê mẩn.

Bức tranh thứ hai cũng vẽ cảnh núi, nhưng nó mấp mô và trần trụi. Bên trên là bầu trời u ám, vần vũ như sắp có mưa bão, sấm chớp. Phía dưới một ngọn núi là thác nước đổ xuống ào ào. Nhưng khi nhà vua nhìn kỹ, ông thấy bên cạnh thác nước là một bụi cây nhỏ nằm trong một kẽ đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang làm tổ. Giữa thác nước đang gào thét, chim mẹ ngồi yên bình trong tổ.

Bạn sẽ chọn bức tranh nào?

Nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai và giải thích: “Bởi vì yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống giữa tất cả những thứ đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tim. Đó mới là yên bình thực sự”.

Kính thưa,

Hôm nay ngang qua các bài đọc, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm sự bình an của Đức Giê-su Phục Sinh, một sự bình an đích thực chứ không phải sự bình an theo kiểu thế gian, là tạm bợ, là mau qua. Giữa những xao động của xã hội, của công việc, của âu lo, của chán chường, của thất vọng, của những hiểu lầm, của những vất vả, của những bệnh tật, của những thiếu thốn, của những thao thức, của những ê chề thất vọng, thì sự bình an từ tiền bạc, từ các thú vui trần thế sẽ không bao giờ giải toả được những xao xuyến trên đối với mỗi chúng ta, tuy nhiên, chỉ có Đức Giê-su, nơi Đức Giê-su và ngang qua Đức Giê-su, chúng ta mới đón nhận được sự bình an đích thực và êm ái. Hôm nay, chính Đức Giê-su cũng khẳng quyết: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”. Quả thật, kính thưa, nhờ sự hiệp hành bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, nhờ sự nối kết một là ba, ba là một, chúng ta, nhân loại được đón nhận được sự thánh thiện, sự hiệp nhất và yêu thương từ Ba Ngôi. Sự hiệp hành không dừng lại ở tại Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta cũng nhận được sự hiệp hành của Ngôi Lời Thiên Chúa, là Đức Giê-su, khi Ngài chấp nhận mang lấy bản tính nhân loại để trở nên giống con người chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi để hiệp hành và cứu độ con người chúng ta. Trong 3 năm công khai loan báo Tin mừng cho nhân loại, tính hiệp hành nơi Đức Giê-su được hiện thực hoá ngang qua cung cách sống, thái độ yêu thương, tha thứ, lối sống thân thiện, gần gũi, bao dung và phục vụ hi sinh hết tất cả mọi người, nhất là những hoàn cảnh bị loại trừ. Quả thật, để đón nhận được sự bình an, nguồn sống từ nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa làm người, con người chúng ta được mời gọi hãy tin vào Ngài, hãy yêu mến Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài, hãy ở lại với Ngài để Ngài ở lại với chúng ta,…

Tuy nhiên, kính thưa, làm sao chúng ta sống hiệp hành vói nhau: hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ được nếu trước hết và trên hết chúng ta không hiệp hành với Chúa, cụ thể với Đức Giê-su Ki-tô ngang qua đời sống cầu nguyện, kinh hạt lễ lạy. Vì thế, để có lối sống hiệp hành trong đời thường đối với anh chị em đồng loại, mỗi chúng ta cần có sự nối kết và gắn bó chặt chẽ với Đức Giê-su, với Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi sự thánh thiện và bình an. Chính nơi Chúa, nơi Đức Giê-su, chúng ta mới đón nhận được sự bình an chân thật và bền vững. Nhờ có sự bình an đó và ngang qua sự bình an đó, chúng ta dễ dàng ra đi lan toả bình an và nối kết với tha nhân ngõ hầu Tin Mừng Bình an được toả sáng. Quả thật, làm sao chúng ta sống bình an, và lan toả sự bình an cho anh chị em chúng ta, nếu trước đó, chúng ta không đón nhận sự bình an từ Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su, cụ thể nơi Lời Ngài và Mình Máu Ngài. Lối sống hiệp hành là bản chất của giáo hội. Làm sao hiệp hành với anh chị em được nếu không có sự hiệp hành từ Thiên Chúa. Hay nói cách khác, làm sao ở lại được với anh chị em đồng loại, nếu không ở lại với Thiên Chúa. Nói rõ hơn là, một khi đã ở lại, hiệp thông với Chúa, thì không thể không ở lại, hiệp thông với anh chị em. Hơn nữa, lối sống hiệp hành còn đòi buộc chúng ta phải biết lắng nghe: lắng nghe Chúa để lắng nghe nhau. Không lắng nghe Chúa ngang qua đời sống chuyên chăm cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tham dự Thánh Lễ, thì làm sao chúng ta lắng nghe anh chị em nơi gia đình, nơi trường học, nơi chợ búa, nơi đồng ruộng, nơi mọi công việc hằng ngày,…Quả thật, sống bình an là sống hiệp hành.

Tóm lại, ai trong chúng ta cũng rất cần sự bình an. Tuy nhiên, để có sự bình an đích thực, chúng ta buộc phải từ bỏ con người cũ, con người của tội lỗi, con người của sự lười biếng, để can đảm bước theo Đức Giê-su, nguồn bình an đích thật. Thật vậy, chỉ nơi Đức Giê-su và trong Đức Giê-su, chúng ta mới có được bình an, bình an vĩnh cửu, thứ bình an mà không ai có thể cướp đi mất được. Và một khi đã tràn trề bình an đó, chúng ta cũng không ngần ngại bước lên đường để sống hiệp hành với tha nhân, nhất là đối với những ai đang sống trong hoàn cảnh thất vọng, chán chường, âu lo, đói khổ, bệnh tật,…Đây là việc chúng ta đang thực thi sứ vụ Loan báo Tin Vui, tin bình an cho tha nhân. Đó là cách thức thiết thực chúng ta đang thi hành lệnh truyền của Thầy Giê-su: Như Cha đã sai Thầy và Thầy cũng sai anh em. Cầu Chúa chúc lành và ban bình an cho anh chị em. Amen.

Linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ về các vụ xả súng ở Buffalo và Orange County
Đặng Tự Do
17:01 19/05/2022


Trước các vụ xả súng ở Buffalo, New York và Laguna Woods, California vào cuối tuần qua, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây:

“Các giám mục Hoa Kỳ tham gia với những người khác trên khắp đất nước để cầu nguyện cho sự hỗ trợ và chữa lành của gia đình, bạn bè và cộng đồng của những người bị ảnh hưởng bởi những vụ bạo lực này. Chúng tôi cầu nguyện đặc biệt cho những người bị thương và đặc biệt cho những người đã mất mạng. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho những người ở tuyến đầu, những người liều mạng đáp lại những lời kêu gọi giúp đỡ, và những người trong lĩnh vực y tế, những người giúp đỡ những người bị hại.

Các giám mục một lần nữa kêu gọi một cuộc đối thoại trung thực bắt nguồn từ Chúa Kitô để giải quyết tệ nạn phân biệt chủng tộc dai dẳng ở đất nước chúng ta. Giáo Hội Công Giáo đã là một tiếng nói nhất quán cho các quy định hợp lý và hiệu quả đối với vũ khí nguy hiểm, và USCCB tiếp tục vận động để chấm dứt bạo lực vì sự tôn trọng và phẩm giá của tất cả mọi người.

Chúng tôi cầu nguyện và hỗ trợ việc chữa lành các cộng đồng bị ảnh hưởng và cho tất cả các nạn nhân của bạo lực và hòa bình của Chúa Kitô sẽ ngự trị trên tất cả những người bị ảnh hưởng.”

Tưởng cũng nên nhắc lại 10 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương khi một thanh niên mới 18 tuổi nổ súng tại một siêu thị ở Buffalo, New York. Cảnh sát cho biết kẻ xả súng, hiện đang bị giam giữ, đã bị buộc tội giết người mà các viên chức gọi là tội ác thù hận và là một trường hợp thực hiện chủ nghĩa cực đoan bạo lực với động cơ chủng tộc.

Sáng Chúa Nhật 15 tháng 5, Đức Cha Michael Fisher, Giám Mục giáo phận Buffalo, New York đã ra tuyên bố, toàn văn như sau:

Điều không may đã trở thành chuyện quá phổ biến ở đất nước này giờ lại thể hiện bộ mặt xấu xa ghê tởm của nó ở Buffalo khi chúng ta biết được rằng 10 linh hồn vô tội đã mất mạng tại đây.

Thay mặt cho Giáo phận Buffalo, tôi, với lời lẽ mạnh mẽ nhất, lên án hành động hoàn toàn vô nghĩa này và cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành động hèn nhát này.

Cầu xin Chúa nhân lành hướng dẫn chúng ta khi chúng ta cầu nguyện để xã hội của chúng ta lấy lại sự tôn trọng đối với sự sống và chấm dứt hành động bi thảm và hèn hạ này trong thành phố xinh đẹp này của chúng ta. Tôi khuyến khích tất cả những người Công Giáo và tất cả những người có đức tin hãy cùng nhau cầu nguyện cho các nạn nhân và cho hòa bình.

Tai họa của bạo lực súng đạn vô nghĩa đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trên khắp đất nước chúng ta, và thay đổi cuộc sống của vô số những người nam nữ và trẻ em vô tội, phải đến hồi kết thúc.
Source:USCCB
 
Cảnh sát Orange County cho biết nghi phạm 68 tuổi trong vụ xả súng ở nhà thờ được thúc đẩy bởi sự thù hận
Đặng Tự Do
17:02 19/05/2022


Trong khi nước Mỹ vẫn còn đang bị rung chuyển bởi bạo lực súng đạn chết người vào cuối tuần qua, một vụ xả súng tại một nhà thờ ở quận Cam hôm Chúa Nhật đã khiến miền nam California quay cuồng khi một tay súng có động cơ căm thù người Đài Loan xả súng vào những người đang tìm cách ngăn chặn việc đổ máu.

Các nhà chức trách hôm thứ Hai đã xác định được nghi phạm là David Chou ở Las Vegas, Anh ta bị buộc tội giết một người và làm bị thương 5 người khác tại nhà thờ Tin lành Trưởng lão Geneva. Sở cảnh sát quận Cam đã kết tội người đàn ông 68 tuổi này với tội danh giết người và 5 trọng tội về tội cố ý giết người và đang được bảo lãnh tại ngoại với số tiền ký thác là 1 triệu đô la.

Bạo lực ở Irvine, cách Los Angeles khoảng 50 dặm về phía đông nam, đã diễn ra trong bối cảnh bạo lực súng đạn kinh hoàng ở Buffalo, nơi một thanh niên 18 tuổi theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng giết 10 người tại một cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư chủ yếu là người Da đen. Ở Los Angeles, một người đàn ông đã chết trong một vụ xả súng tại Chợ Trung tâm Grand hôm thứ Bảy. Một số khách hàng đang thảo luận về vụ nổ súng ở New York thì tiếng súng vang lên buộc họ phải chạy trốn để ẩn nấp.

Nhiều người có thể đã chết trong vụ nổ súng ở nhà thờ Laguna Woods hôm thứ Bảy nếu không có sự can thiệp dũng cảm của những người đi lễ. Kẻ xả súng đã nổ súng trong bữa tiệc trưa tại nhà thờ Trưởng lão Đài Loan Irvine, nhưng bị chặn lại khi một mục sư dùng ghế đập vào đầu hung thủ và giáo dân dùng dây điện khống chế hắn cho đến khi cảnh sát đến.

John Cheng, 52 tuổi, đã thiệt mạng trong vụ xả súng, nhà chức trách cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai.

Don Barnes, cảnh sát trưởng quận Cam, cho biết động cơ của vụ xả súng là do bất bình giữa Chou và cộng đồng người Đài Loan. Một cuộc điều tra tội phạm vì thù hận do cảnh sát liên bang phụ trách cũng đang diễn ra.

Luật sư quận Cam, Todd Spitzer, cho biết gia đình của Chou nằm trong số nhiều người dường như đã bị cưỡng chế rời khỏi Trung Quốc đến Đài Loan vào khoảng sau năm 1948. Sự căm ghét của Chou đối với hòn đảo, được cho là đã được ghi lại trong các ghi chú viết tay mà nhà chức trách tìm thấy, có vẻ như nó bắt đầu khi anh ta cảm thấy mình không được đối xử tốt khi sống ở đó.

Barnes cho biết Chou có quốc tịch Mỹ và đã ở Mỹ nhiều năm. Không rõ Chou trước đây đã sống ở Đài Loan bao lâu.

Barnes cho biết Chou đã lái xe đến nhà thờ Quận Cam, nơi anh ta không phải là người thường xuyên đến dự, khóa cửa lại và bắt đầu nổ súng. Hắn cũng đã đặt bốn thiết bị giống như các quả lựu đạn tự chế bên trong nhà thờ. Cảnh sát Los Angeles, cho biết hắn đã mua một cách hợp pháp hai khẩu súng lục 9mm được sử dụng trong vụ xả súng.

Cảnh sát cho biết anh Cheng, đến nhà thờ cùng một người vợ và hai đứa con, đã dũng cảm lao vào kẻ xả súng và cố gắng tước vũ khí của anh ta, cho phép những người khác can thiệp. Một mục sư dùng ghế đập vào đầu hung thủ và giáo dân dùng dây điện trói anh ta lại. Nhưng không may anh Cheng bị trúng đạn.

Một người hàng xóm trước đây cho biết cuộc sống của Chou đã trở nên có nhiều vấn đề sau khi vợ anh ta bỏ anh ta ra đi. Chou là một người đàn ông dễ chịu, từng sở hữu tòa nhà 4 phòng ở Las Vegas nơi anh ta sống cho đến tháng Hai.

Hồ sơ cho thấy tài sản này đã được bán vào tháng 10 năm ngoái với giá hơn 500.000 đô la một chút. Vợ của Chou đã sử dụng số tiền bán được để quay về sống ở Đài Loan.
Source:The Guardian
 
Tòa Thánh bổ nhiệm Tổng Giám Mục Praha nhưng chỉ là tạm thời
Đặng Tự Do
17:03 19/05/2022


Sau bốn năm tìm kiếm một tổng giám mục mới của Praha, Vatican thông báo việc bổ nhiệm Đức Cha Jan Graubner, tổng giám mục hiện tại của Olomouc. Nhưng với thực tế là Đức Cha Graubner sẽ bước sang tuổi 75 vào năm tới, là độ tuổi nghỉ hưu, thì đó rất có thể chỉ là một giải pháp tạm thời.

Kết quả của cuộc bổ nhiệm này chắc chắn là một bất ngờ, đặc biệt là vì sự lựa chọn đã kéo dài quá lâu. Tổng giáo phận Praha đã chờ đợi trong nhiều năm và mọi người đều hy vọng rằng sẽ có một vị trẻ hơn, phục vụ trong một thời gian dài hơn để ổn định Giáo hội Tiệp, điều này rõ ràng không phải như vậy.

Petr Kratochvíl, một chuyên gia về các vấn đề Giáo Hội tại Tiệp nói:

“Đây là một Tổng Giám mục chuyển tiếp và tôi chắc chắn rằng việc tìm kiếm người thay thế ngài đã bắt đầu. Vì vậy, đây thực sự chỉ là một thời gian chuyển tiếp và chúng ta một lần nữa chờ đợi người kế nhiệm cho ngài”.

Tại sao Giáo Hội Công Giáo lại mất quá nhiều thời gian để tìm được người kế vị thích hợp, chứ không phải chỉ là tạm thời? Ông Petr Kratochvíl cho rằng:

“Đối với Giáo Hội Công Giáo toàn cầu và đối với Giáo hoàng Phanxicô, Giáo hội Tiệp không đặc biệt quan trọng. Mối quan tâm và trọng tâm của Đức Phanxicô là ở những nơi khác, đó là trên toàn cầu, đặc biệt là Giáo hội ở miền Nam”.

“Sứ thần trước đó, Đức Cha Balvo, đã đưa ra một đề nghị nhưng bị từ chối, vì vậy chúng ta phải đi một vòng khác và điều đó đã kéo dài tiến trình thậm chí vượt quá những gì chúng ta mong đợi.”
Source:Radio Czech
 
Đức Phanxicô: Noi gương Thánh Charles de Foucauld, hãy quay trở lại những điều cốt yếu của Chúa Giêsu và lòng bác ái
Vũ Văn An
19:27 19/05/2022

Theo hãng tin CWN, nhấn mạnh đến “tính thiết yếu” và “tính phổ quát”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với các thành viên của Hiệp hội Gia đình Tâm linh Charles de Foucauld vào ngày 18 tháng 5, ba ngày sau lễ phong thánh cho Thánh Charles de Foucauld (1854-1916).



Theo trang mạng của Hiệp hội này (https://www.charlesdefoucauld.org/en/presentation.php), thì Hiệp hội gồm nhiều nhóm khác nhau. Kể từ năm 1955, Hiệp hội bắt đầu qui tụ một số nhóm từng nhắc đến Charles de Foucauld như vị sáng lập, hay như người trực tiếp gợi hứng cho đời sống hay cộng đồng họ.

Tính đến năm 1955, Hiệp hội có 8 nhóm sau đây:

• Liên hiệp Liên đới (Union-Sodalité)
• Nhóm Charles de Foucauld
• Tiểu muội Thánh Tâm (Petites Sœurs du Sacré Coeur)
Tiểu đệ Chúa Giêsu (Petits Frères de Jésus)
Tiểu muội Chúa Giêsu (Petites Sœurs de Jésus)
• Huynh đệ Linh mục (Fraternité Sacerdotale)
• Huynh đệ Chúa Giêsu-Bác ái (Fraternité Jesus-Caritas)
• Huynh đệ Thế tục Charles de Foucauld ( Fraternité Séculière Charles de Foucauld)

Ngoài ra từ năm 1968 tới năm 2007, còn có thêm ít nhất 12 nhóm nữa tham gia Hiệp hội. Thành thử theo trang mạng này, hiện nay, Hiệp hội có tới 20 nhóm khác nhau gồm 13,000 hội viên rải rác khắp thế giới.

Tưởng cũng nên biết thêm, trong 8 Nhóm tiên khởi, giáo dân Viêt Nam quen thuộc với hai nhóm là Tiểu đệ Chúa Giêsu và Tiểu muội Chúa Giêsu. Riêng Tiểu đệ Chúa Giêsu, nhiều người, như Phó Tế Phạm Bá Nha, trong bài viết về Đức Tổng Giám Mục Philíphê Nguyễn Kim Điền (https://vietcatholic.net/News/Html/276013.htm), cho rằng do Thánh de Foucauld sáng lập. Nhưng thực ra không phải như vậy, Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu chỉ chính thức được thành lập trong Thánh lễ trọng thể tại Nhà thờ Sacré-Coeur, Monmartre, Paris, năm 1933 lúc Cha de Foucauld qua đời đã lâu (1916) với sự tham dự của đại triết gia Jacques Maritain và sau này chính ông, sau khi vợ qua đời, đã xin gia nhập. Dòng do 5 sáng lập viên ban đầu thành lập mà nổi nhất là cha René Voillaume (1905-2003), lấy hứng từ linh đạo của Cha Charles de Foucauld.

Tính đến năm 2021, dòng có 155 tu sĩ, trong đó 38 vị là linh mục, thuộc 30 quốc tịch sống rải rác trong 70 cộng đoàn khắp thế giới.

Về Hiệp hội, như trên đã nói, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến họ ngày 18 tháng 5 tại Đại sảnh Phaolô VI. Dịp này ngài đã đọc một diễn từ ngắn, nội dung, theo bản tiếng Anh, như sau:

Anh chị em thân mến,

Chào mừng anh chị em! Tôi rất vui được gặp gỡ anh chị em và chia sẻ với anh chị em niềm vui của anh chị em về việc phong thánh cho Anh Charles. Nơi ngài, chúng ta có thể thấy một nhà tiên tri của thời đại chúng ta, người đã biết cách đưa ra ánh sáng tính yếu tính tính phổ quát của đức tin.

Tính yếu tính cô đọng ý nghĩa của việc tin vào hai chữ đơn giản, trong đó có tất cả mọi điều: “Chúa Giêsu – Đức Bác ái”; và trên hết, trở về với tinh thần cội nguồn, tinh thần Nadarét. Tôi hy vọng rằng anh chị em cũng như Anh Charles, sẽ tiếp tục hình dung Chúa Giêsu đi giữa dân chúng, người kiên nhẫn thực hiện công việc lao động, người sống cuộc sống hàng ngày của một gia đình và của một thành phố. Chúa vui sướng biết bao khi thấy Người được mô phỏng theo lối sống nhỏ mọn, khiêm nhường, chia sẻ với người nghèo! Charles de Foucauld, trong cảnh thinh lặng của cuộc sống ẩn sĩ, trong việc thờ phượng và phục vụ anh em mình, đã viết rằng trong khi “chúng ta có khuynh hướng ủng hộ những công việc có tác dụng hữu hình và rờ mó được, nhưng Thiên Chúa đã dành vị trí đầu tiên cho tình yêu và sau đó là sự hy sinh được gợi hứng bởi tình yêu và sự vâng phục bắt nguồn từ tình yêu ”(Thư gửi Marie de Bondy, ngày 20 tháng 5 năm 1915). Như một Giáo hội, chúng ta cần quay trở lại với điều yếu tính - trở về điều yếu tính! - không để bị lạc vào quá nhiều vấn đề thứ yếu, có nguy cơ đánh mất sự tinh ròng đơn sơ của Tin Mừng.

Và rồi tính phổ quát. Vị Thánh mới đã sống cuộc sống Kitô hữu của mình như một người anh em với tất cả mọi người, bắt đầu từ những người nhỏ bé nhất. ngài không có mục đích cải đạo người khác, nhưng sống tình yêu được Thiên Chúa ban cho một cách nhưng không, đem hiệu quả đến cho “việc tông đồ của lòng tốt”. Ngài viết: “Tôi muốn làm quen với mọi Kitô hữu, người Hồi giáo, người Do Thái giáo và những người sùng bái ngẫu tượng, tôi muốn coi mình như người anh em của họ, người anh em phổ quát” (Thư gửi Maria de Bondy, ngày 7 tháng 1 năm 1902). Và để làm điều này, ngài đã mở cửa nhà mình để nó có thể là “một bến cảng” cho tất cả mọi người, “nơi trú ẩn của Người Chăn chiên Tốt Lành”. Tôi cảm ơn anh chị em đã làm nhân chứng cho điều này, việc này tạo ra nhiều điều rất tốt, nhất là vào thời điểm có nguy cơ người ta khép kín mình trong chủ nghĩa duy đặc thù, ngày càng xa cách nhau, không nhìn thấy anh chị em của mình. Thật không may, chúng ta thấy điều này trong tin tức hàng ngày.

Anh Charles, trong những khó khăn và nghèo đói của sa mạc, từng nhận xét: “Linh hồn tôi luôn vui tươi” (Thư gửi Cha Huvelin, ngày 1 tháng Hai năm 1898). Anh chị em thân mến, xin Đức Mẹ ban cho anh chị em được trân quí và nuôi dưỡng cùng một niềm vui như vậy, vì niềm vui là chứng từ rõ ràng nhất mà chúng ta có thể dâng lên Chúa Giêsu ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Và tôi cũng muốn cảm ơn Thánh Charles de Foucauld vì linh đạo của ngài đã giúp tôi rất nhiều điều tốt lành khi tôi học thần học, một thời kỳ trưởng thành và cũng khủng hoảng, và điều này đã đến với tôi qua Cha Paòli và qua các cuốn sách của Boignot (*) mà tôi đã đọc không ngừng, và đã giúp tôi rất nhiều để vượt qua những khủng hoảng và tìm ra một lối sống Kitô giáo đơn giản hơn, ít Pêlagianô hơn, gần gũi với Chúa hơn. Tôi cảm ơn vị Thánh và xin làm chứng cho điều này, vì nó đã giúp tôi rất nhiều điều tốt lành.

Chúc anh chị em một sứ mệnh vui vẻ! Tôi chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
___________________________________________________________________________________________________________

Ghi chú

(*) Hãng tin CWN, khi đưa tin về diễn từ trên, đã cho rằng có một điều không chính xác trong bản dịch tiếng Anh. Đức Giáo Hoàng nói rằng hồi còn học thần học, ngài hay đọc các sách của (Cha René) Voillaume, một linh mục chịu ảnh hưởng sâu xa của Cha de Foucauld. Bản tiếng Anh, đổi Voillaume thành “Boignot”.

 
VietCatholic TV
Hậu quả bi đát khi Nga xua tân binh ra gặp lính Dù Ukraine. Người bị lính Nga chôn sống trở về
VietCatholic Media
03:12 19/05/2022


1. Hậu quả bi thảm khi tân binh Nga gặp gỡ lính Dù Ukraine có 8 năm kinh nghiệm chiến trường.

Trong bản tin sáng 19 tháng 5, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lữ đoàn Dù số 25 hay còn gọi là Lữ đoàn Dù Sicheslavska đã mở cuộc tấn công vào một tiểu đoàn chiến thuật Nga trong vùng Sievierodonetsk.

Tuyên bố cho biết: “Lữ đoàn Dù Sicheslavska số 25 đã tiêu diệt quân chiếm đóng Nga cùng với các thiết bị quân sự. Phương tiện chiến đấu bộ binh của đối phương và những người chiếm đóng đã đi theo lộ trình của các tàu chiến Nga.”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết lính dù Ukraine đã bắn hạ máy bay không người lái siêu nhỏ ZALA 421-08 của Nga được thiết kế để tiến hành trinh sát và điều chỉnh hỏa lực.

Nga được tin là đã tung vào Sievierodonetsk một số Tiểu đoàn Chiến thuật gồm đa số là tân binh. Họ thường gặp phải số phận không may khi đụng độ với một đội quân Ukraine có đến 8 năm kinh nghiệm chiến đấu, lại có tinh thần cao, chiến đấu ngay trên quê hương mình.

Trong ngày 18 tháng 5, quân đội Ukraine đã đẩy lùi bảy cuộc tấn công của quân Nga ở vùng Donbas, loại khỏi vòng chiến 220 quân Nga.

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine “Lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục kìm chân kẻ xâm lược trong khu vực Donbas. Vào ngày 18 tháng 5 năm 2022, quân đội của chúng tôi đã đẩy lùi bảy cuộc tấn công của quân đội phát xít Nga”.

Kết quả là quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 220 lính Nga, 2 xe tăng, 2 xe chiến đấu bộ binh và 1 máy bay không người lái.

2. Câu chuyện trên CNN về một người đàn ông Ukraine đã bị lính Nga chôn sống

CNN có bài tường trình về một người đàn ông Ukraine đã bị binh lính Nga tra tấn, bắn vào mặt và chôn sống. Đây là câu chuyện sống sót của anh ta.

Mykola Kulichenko đã cố hết sức để kể lại một câu chuyện mà anh ta có thể không còn sống để kể cho mọi người. Nhưng người đàn ông Ukraine này tin rằng anh ta nhận được phép đánh lạ, thoát được cái chết để anh ta có thể nói thay cho tất cả những người không thể.

Bên cạnh một con đường hẻo lánh ở vùng Chernihiv phía bắc Ukraine, Mykola cho thấy ngôi mộ nơi anh và hai người anh em của mình được chôn cất ba tuần rưỡi sau khi chiến tranh bắt đầu, trên vùng đất bị quân Nga chiếm giữ. Cả ba đều đã bị bắn; anh ấy là người duy nhất sống sót.

Mykola, 33 tuổi, nói với CNN: “Nó giống như được sống lại vậy”.

Cho đến ngày 18 tháng 3, cuộc sống của gia đình Kulichenko đã thay đổi rất ít mặc dù người Nga đã chiếm đóng làng Dovzhyk của họ kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Sau đó, khi một đoàn xe của Nga bị đánh bom, những người lính Nga đã chạy ra ngoài tìm kiếm những người chịu trách nhiệm. Họ đến ngôi nhà bằng ván gỗ nơi Mykola sống cùng hai anh em của mình, Yevhen và Dmytro cùng với em gái của họ, Iryna - người may mắn không có mặt ở nhà ngày hôm đó.

Ba binh sĩ Nga bảo ba anh em họ quỳ ở sân trước khi họ lục soát ngôi nhà để tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể liên kết họ với biến cố đoàn xe bị đánh bom,. Khi họ tìm thấy những huy chương quân sự được trao cho người ông của họ và một chiếc túi quân dụng của Yevhen, 30 tuổi, từng là một lính dù, những người lính tin rằng họ có thứ gì đó đang che giấu.

Ba anh em Mykola, Yevhen và Dmytro bị đưa đến một tầng hầm, nơi họ bị thẩm vấn trong ba ngày. Mykola tiếp tục hy vọng người Nga sẽ thả họ, nhưng vào ngày thứ tư, tâm trạng của họ đã thay đổi.

“Họ dùng một thanh kim loại đánh tới tấp vào toàn bộ cơ thể tôi, và họ nhét nòng súng vào miệng tôi”.

Cùng với những người anh em của mình, Mykola bị tra tấn cho đến khi bất tỉnh. Anh ta nói rằng họ đã bị bịt mắt, bị trói tay và chân bằng băng keo và được 5 binh sĩ Nga lái trên một chiếc xe quân sự đến một khu đất hoang vắng. Mykola cho biết ba anh em phải quỳ gối, bịt mắt trong khi một cái hố được đào.

Đầu tiên, anh ta nghe thấy một tiếng súng ở phía sau, và Dmytro, 36 tuổi, anh cả trong ba người, ngã xuống đất. Tiếp theo, anh cảm thấy Yevhen, người nhỏ tuổi nhất, ngã xuống bên cạnh anh.

“Tôi nghĩ rằng mình là người tiếp theo, và thầm thì cầu nguyện”. Viên đạn đã đi vào má Mykola và thoát ra bên cạnh tai phải của anh ta. Anh biết hy vọng sống sót duy nhất của mình là giả bộ chết.

Những người lính Nga đá thi thể ba anh em xuống hố, phủ đất lên và bỏ đi. Anh ta không thể nói mình đã bị chôn sống bao lâu, chỉ biết rằng với tay và chân vẫn bị trói, bằng cách nào đó anh ta đã tìm cách thoát ra khỏi cái chết và trở lại vùng đất của người sống.

“Tôi cảm thấy khó thở vì anh Dmytro đang nằm đè lên người tôi, nhưng bằng tay và đầu gối, tôi đã có thể đẩy anh trai mình sang một bên, và sau đó tôi leo lên khỏi miệng hố.”

Trong bóng tối, anh loạng choạng băng qua cánh đồng để đến ngôi nhà gần nhất, nơi một người phụ nữ đã đưa anh vào và chăm sóc anh qua đêm, trước khi anh có thể quay lại với em gái, là người đã hồi hộp chờ đợi nhiều ngày ở nhà của cha họ.

Iryna kể lại, nức nở khóc “Khi tôi về nhà, anh Mykola đã về tới. Tôi nhìn vào mắt anh ta và hỏi những người khác đâu? Anh ấy nói không còn nữa”.

Mykola nói rằng đó là một phép lạ khi anh ấy sống sót. Các vết sẹo trên má và sau tai của anh ấy vẫn còn nhìn thấy cho đến ngày nay.

“Tôi đã may mắn... và bây giờ tôi phải tiếp tục sống,” anh nói. “Câu chuyện này cần phải được lắng nghe bởi tất cả mọi người, không chỉ ở Ukraine, mà trên toàn thế giới bởi vì những điều này đang xảy ra, và đây chỉ là một trong muôn vàn những đau khổ mà người Ukraine phải chịu dưới tay người Nga”.

Một cuộc điều tra tội ác chiến tranh hiện đã được mở bởi văn phòng công tố vùng Chernihiv. Các nhà điều tra xác nhận với CNN rằng tay và chân của hai anh em của Mykola đã bị trói và họ đã bị bịt mắt. Trên khắp Ukraine, hơn 11.600 bị cáo buộc tội ác chiến tranh đã được ghi nhận cho đến nay, theo chính quyền địa phương. CNN cũng đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga nhưng không nhận được phản hồi.

Cũng như rất nhiều tội ác chiến tranh bị cáo buộc khác của lực lượng Nga, câu chuyện của Mykola và những người anh em của anh ta chỉ có thể được kể lại sau khi cuộc rút lui của Nga khỏi vùng Chernihiv bắt đầu vào đầu tháng 4.

Cũng chỉ sau đó Mykola mới có thể bắt đầu tìm kiếm cái hố mà từ đó anh ta đã trốn thoát để về với cuộc sống của mình. Anh biết mình phải tìm những người anh em của mình để chôn cất họ tử tế theo các nghi thức họ xứng đáng nhận được.

Vào ngày 21 tháng 4, một tháng sau khi Mykola nói rằng anh em của mình bị hành quyết, Dmytro và Yevhen cuối cùng đã được an nghỉ bên dưới những tấm bia mộ công phu trong những ngôi mộ được chăm sóc cẩn thận, trên mảnh đất một lần nữa thuộc về tay người Ukraine.

3. Vương quốc Anh hỗ trợ tòa án hình sự quốc tế xét xử Vladimir Putin

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết Vương quốc Anh ủng hộ ý tưởng về một tòa án tội phạm quốc tế xét xử Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Nga khác về cuộc chiến ở Ukraine.

Ngoại trưởng Anh nói: “Chúng tôi rất rõ ràng rằng Putin và tất cả những kẻ đứng sau tội ác chiến tranh kinh hoàng đang được thực hiện ở Ukraine cần phải có trách nhiệm giải trình và chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với tòa án hình sự quốc tế.”

“Chúng tôi đã gửi hỗ trợ tới Ukraine để giúp thu thập bằng chứng, từ lời khai của các nhân chứng đến các bằng chứng video.”

“Tôi đã nói chuyện với chính phủ Ukraine về ý tưởng hình thành một tòa án. Chúng tôi ủng hộ ý tưởng về một tòa án quốc tế, chúng tôi hiện đang xem xét cẩn thận các yếu tố, nhưng những gì chúng tôi muốn là một phương thế hiệu quả nhất để truy tố những người đã phạm những tội ác chiến tranh kinh hoàng này bao gồm hãm hiếp, bạo lực tình dục, tấn công bừa bãi vào dân thường.”

“Vương quốc Anh chắc chắn ủng hộ một tòa án như thế.”

4. Tổng thống Biden nói: Hoa Kỳ sẽ sát cánh với Phần Lan và Thụy Điển trong trường hợp Nga gây hấn

Mỹ sẽ sát cánh với Phần Lan và Thụy Điển trong trường hợp có 'mối đe dọa xâm lược' trong khi tư cách thành viên NATO của hai nước đang được xem xét, tổng thống Joe Biden đã tuyên bố như trên sau khi có các báo cáo cho thấy Putin đã di chuyển các hỏa tiễn với đầu đạn hạt nhân đến sát biên giới với Phần Lan.

Tổng thống Mỹ cho biết ông “ủng hộ mạnh mẽ” các cố gắng gia nhập NATO giữa hai nước và cho biết việc gia nhập của họ sẽ “mang lại lợi ích” cho toàn bộ liên minh quân sự.

Biden nói trong một tuyên bố: “Phần Lan và Thụy Điển là những đối tác lâu năm và bền chặt của Hoa Kỳ. Bằng cách gia nhập Nato, họ sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng của chúng ta và mang lại lợi ích cho toàn bộ Liên minh Xuyên Đại Tây Dương.”

Ông nhấn mạnh rằng: “Trong khi các đơn gia nhập NATO của họ đang được xem xét, Hoa Kỳ sẽ sát cánh với Phần Lan và Thụy Điển để duy trì cảnh giác trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh chung của chúng ta, đồng thời ngăn chặn và đối đầu với hành động xâm lược hoặc đe dọa xâm lược”.

Biden dự kiến sẽ chào đón tổng thống Phần Lan, Sauli Niinistö và thủ tướng Thụy Điển, Magdalena Andersson, đến Tòa Bạch Ốc vào thứ Năm.

5. Tại sao Erdoğan lại đe dọa phủ quyết nỗ lực gia nhập Nato của Bắc Âu?

Sau khi do dự lúc đầu về mức độ nghiêm trọng trong sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, đã nhấn mạnh thêm sự đe dọa phủ quyết đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, và nói rằng cả hai nước không nên cử phái đoàn đến Ankara để thuyết phục ông.

Hôm thứ Tư, ông ta cũng mở rộng yêu cầu của mình từ hai yêu cầu mà ông ta đã nêu ra vào hôm thứ Hai lên 10 yêu cầu, dẫn đến những lời phàn nàn rằng ông ta đang tống tiền.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai, ông đưa ra hai yêu cầu chính: rằng Phần Lan và Thụy Điển phải chấm dứt sự ủng hộ đối với đảng Công nhân người Kurd, gọi tắt là PKK, mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố và họ phải dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí áp đặt vào Tháng 10 năm 2019 sau cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria.

Không ai nghi ngờ rằng sự can thiệp của Erdoğan có thể khiến Nato bối rối trong nhiều tháng. Giờ đây, các nhà ngoại giao liên minh có nhiệm vụ xác định sự nghiêm túc của Erdoğan và cái giá phải trả để khiến anh ta lùi bước, và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn diện của Nato.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, Ann Linde, ban đầu hy vọng rằng có điều gì đó đã bị mất trong bản dịch sau khi bà được báo chí Thổ Nhĩ Kỳ trích dẫn rằng người Thổ Nhĩ Kỳ coi tất cả người Kurd là những kẻ khủng bố. Linde cho biết hôm Chúa Nhật rằng cô chưa bao giờ đưa ra những nhận xét này, chưa bao giờ gặp PKK và sẽ không làm như vậy.

Cô ấy lạc quan một cách thận trọng rằng mọi hiểu lầm có thể được giải tỏa, nhưng vào thứ Tư, rõ ràng là sự bảo đảm của cô ấy đã không đáp ứng được những gì Erdoğan yêu cầu.

Tầng lớp chính trị Bắc Âu ban đầu tỏ ra nghi ngờ về sự nghiêm túc của Erdoğan. Tổng thống Phần Lan, Sauli Niinistö, cho biết ông đã nói chuyện với Erdoğan một tháng trước và không có mối quan tâm nào hiện tại của Erdoğan đã được nêu ra. Người ta cũng nói rằng không có cảnh báo sớm nào được đại sứ Nato của Thổ Nhĩ Kỳ, Basat Öztürk, đưa ra.

Nhưng đánh giá đó đang thay đổi. Jonathan Eyal, phó giám đốc của Rusi thinktank, cho biết Erdoğan “sống bấp bênh và hoạt động nhờ sự khéo léo”.

Eyal nói thêm: “Nhiều yêu cầu của ông ta về PKK là một phần của giai điệu Thổ Nhĩ Kỳ quen thuộc. Nhưng ông ta có lý do trong nước để đứng lên chống lại Mỹ. Nền kinh tế đang trở nên tồi tệ và sự nổi tiếng của anh ấy ở mức thấp nhất từ trước đến nay”.

Với lạm phát ở mức 66,9% và đối mặt với cuộc bầu cử vào mùa hè tới, việc kích động cuộc bỏ phiếu theo chủ nghĩa dân tộc không có hại gì, nhưng điều đó không có nghĩa là những lời phàn nàn của Erdoğan là hoàn toàn giả tạo.
 
Quyết định bất ngờ của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. Nghị sĩ Ukraine xin cầu cho các binh sĩ
VietCatholic Media
06:47 19/05/2022


1. Quan hệ Hương Cảng và Tòa Thánh trong vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Hương Cảng đóng một vai trò quan trọng đối với Tòa Thánh, nơi đã thiết lập “cơ sở” ngoại giao của mình ở đó để thảo luận kín đáo với Bắc Kinh. Điều đáng chú ý là thông qua chiếc ăng-ten kín đáo này, tin tặc Trung Quốc đã thành công trong việc thực hiện một cuộc tấn công mạng vào hệ thống nội bộ của Vatican trong mùa hè năm 2020, một sự thật đã được một nhà ngoại giao Vatican xác nhận với I.MEDIA.

Việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân đặt ra một vấn đề lớn đối với Tòa Thánh. Tòa Thánh có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền lợi của vị giáo phẩm cấp cao, một thành viên của Hồng Y Đoàn. Hơn nữa, Đức Hồng Y Quân có nhiều người ủng hộ ở Hoa Kỳ, nơi vấn đề tự do tôn giáo là một trong những trục lịch sử giữa các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa nhằm phản đối sự trỗi dậy của đối thủ Trung Quốc. Mối quan hệ của ngài với Hoa Kỳ đã được những người ủng hộ chế độ cộng sản chỉ ra như một bằng chứng cho cáo buộc “cấu kết với thế lực nước ngoài”.

Đồng thời, Tòa Thánh lại không muốn mất đi một số tiến bộ đã đạt được trong bốn năm qua - đã cho phép bổ nhiệm 13 giám mục, chỉ sáu trong số 13 vị này được bổ nhiệm sau khi thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết. Điều này càng quan trọng hơn vì thỏa thuận phải được hai bên gia hạn vào tháng 10 tới, và Tòa Thánh đã thông báo rằng các ngài muốn ký một thỏa thuận “dứt khoát”.

Không giống như tình hình ở Ukraine?

Được I.MEDIA liên hệ, hai nhà ngoại giao của Tòa Thánh đã so sánh tình hình ở Trung Quốc với tình hình mà Tòa Thánh ở Ukraine phải đối mặt, khi Tòa Thánh bị mắc kẹt giữa những người Công Giáo Ukraine và mong muốn tăng cường quan hệ với Chính thống giáo Nga. Đức Hồng Y Quân dường như cũng có mối liên hệ này: Trong những tuần gần đây, ngài đã đăng nhiều bài báo về tin tức Ukraine, trong đó đặt câu hỏi về chính sách không lên án Nga của Tòa Thánh.

Phản ứng về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nhà nghiên cứu người Ý Francesco Cisci cho rằng đó là một sai lầm lớn của Bắc Kinh: “Có lẽ không phải là điều khôn ngoan nhất khi bắt một người đàn ông 90 tuổi, người, bất kể tình trạng của người ấy thế nào đi chăng nữa, cũng không thể quá nguy hiểm và thực sự chỉ trở nên nguy hiểm sau vụ bắt giữ này.” Theo quan điểm của ông, chính phủ Trung Quốc đang liều lĩnh làm căng thẳng thêm tình hình ở Hương Cảng sau vụ bắt giữ, nhằm đặt Tòa Thánh - thực thể duy nhất có thể kiên trì đối thoại trong mọi hoàn cảnh - vào một vị trí nhượng bộ khi nối lại các cuộc đàm phán.

Một dấu hiệu, xảy ra vài giờ sau vụ bắt giữ, có thể hỗ trợ phân tích này: chính quyền Hương Cảng khăng khăng rằng việc bắt giữ Hồng Y Quân “hoàn toàn không liên quan đến nghề nghiệp hoặc nguồn gốc tôn giáo của những người bị bắt.”

Khi rời đồn cảnh sát Sài Loan(Chai Wan, 柴灣) của Hương Cảng vào cuối ngày 11 tháng 4, Đức Hồng Y Quân không nói một lời nào trước đám đông nhà báo. Giờ đây, những lời của ngài, tại Công Nghị Tấn Phong Hồng Y năm 2006, thúc giục đổ “máu đào để phát triển đức tin Kitô” có thể có tác động thực sự trong những tuần tới, vượt xa cả Vịnh Hương Cảng.
Source:Aleteia

2. Trong một động thái bất ngờ, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô công nhận Giáo Hội Chính Thống Giáo Macedonia

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople đã nói rằng Tòa Thượng Phụ của ngài hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội ly khai Macedonia, cho đến nay được coi như một kẻ lạc loài, hay nói văn hoa hơn là một pariah, trong thế giới Chính thống.

Tòa Thượng phụ Đại kết đã gây ngạc nhiên cho thế giới Chính thống giáo - và thêm vào mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng với Giáo Hội Chính thống Nga - khi tuyên bố rằng Tòa này hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Chính thống Macedonia ly khai và không được công nhận.

Hôm thứ Hai, Tòa Thượng Phụ có trụ sở tại Istanbul cho biết họ “hoan nghênh sự hiệp thông Thánh Thể đối với hệ thống phẩm trật, giáo sĩ và giáo dân dưới quyền Tổng Giám mục Stefan của Giáo hội này, do đó chữa lành vết thương ly giáo và đổ 'dầu và rượu' chữa lành lên những thử thách của các anh em Chính thống giáo của chúng tôi tại quốc gia đó”.

Người dân Bắc Macedonia không biết điều gì vừa xảy ra. “Đây là một bất ngờ lớn đối với công chúng ở đây,” nhà báo Sinisa Marusic nói với The Tablet. “Điều đó rất quan trọng - Giáo Hội Chính thống Macedonia là một phần quan trọng trong bản sắc của chúng tôi.”

Darijan Sotirovski, người đứng đầu ủy ban đối thoại tôn giáo của chính phủ, đồng ý. “Đây là một quyết định sẽ mang lại cho chúng tôi tầm quan trọng hơn với tư cách là một quốc gia và một nhà nước. Chúng tôi đã đạt được điều mà các thế hệ trước không đạt được. Đó là một sự xác nhận rằng con đường chúng tôi đang đi là con đường đúng đắn,” ông nói với cơ quan truyền thông địa phương Slobodne Pecat hôm thứ Tư.

Giáo Hội Chính thống Macedonia đơn phương ly khai khỏi Giáo Hội Chính thống Serbia vào năm 1967, khi Macedonia là một phần của Nam Tư cũ. Nó trở thành một quốc gia độc lập vào những năm 1990. Động thái này của Giáo hội Macedonia chưa bao giờ được công nhận bởi phần còn lại của các Giáo hội Chính thống giáo, những người đã coi nó như một thực thể ly giáo và một pariah.

Tuy nhiên, khi cuộc tranh giành quyền lực giữa Tòa Thượng Phụ Constatinope và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa ngày càng gia tăng – trong đó Giáo hội Nga yêu cầu Chính Thống Giáo thế giới phải thừa nhận vai trò hàng đầu của họ vì sự giàu có và quyền lực của mình - Constantinople ngày càng đối đầu với các quan điểm của Nga liên quan đến đại kết, quan hệ với phương Tây.

Việc công nhận Giáo Hội Chính Thống Giáo Macedonia của Tòa Thượng Phụ Connstatinope cũng giống như việc công nhận Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine tách khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, có một khác biệt hết sức cơ bản. Việc công nhận Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine chỉ diễn ra sau khi các chức sắc trong Giáo Hội này, và tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là Ông Petro Poroshenko, vị tiền nhiệm của Ông Zelenskiy, phải nộp đơn xin Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. Lần này Giáo Hội Chính Thống Giáo Macedonia nhận được tin vui hoàn toàn bất ngờ. Bất thình lình, họ nhận được một tin quá sức tưởng tượng.
Source:The Tablet

3. Nghị sĩ Ukraine nói rằng tình hình trên chiến trường “tồi tệ hơn nhiều” so với lúc bắt đầu chiến tranh

Một nhà lập pháp Ukraine đã kêu gọi Hoa Kỳ cung cấp hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu cho Ukraine, nói rằng tình hình trên chiến trường “tồi tệ hơn nhiều” so với lúc bắt đầu chiến tranh.

Oleksandra Ustinova nói với các phóng viên tại hội nghị bàn tròn của Quỹ Marshall ở Đức ở Washington hôm thứ Sáu rằng “Đó là địa ngục”. “Chúng tôi tiếp tục mất nhiều người hơn so với lúc bắt đầu chiến tranh.”

Cô giải thích “chúng tôi không thể chiến thắng cuộc chiến này với vũ khí của Liên Xô vì thứ nhất là Nga có nhiều vũ khí của Liên Xô hơn, thứ hai, chúng tôi không có nơi nào để lấy đạn dược cho những vũ khí này, và thứ ba, Nga chỉ có nhiều người hơn và nhiều quân hơn”.

Ustinova cho biết Ukraine không còn tìm kiếm các máy bay chiến đấu MiG từ thời Liên Xô vì “chiến tranh đã thay đổi”.

Thay vào đó, cô cho biết Ukraine cần Hệ thống hỏa tiễn phóng nhiều lần (MLRS), pháo tự hành Paladin và máy bay chiến đấu như F-16 để đối phó hiệu quả với Nga, đồng thời kêu gọi Mỹ bắt đầu đào tạo các phi công Ukraine sử dụng các loại máy bay phản lực như vậy..

Cô cho biết gần đây cô đã gặp các quan chức quốc phòng Ukraine ở Kyiv, lưu ý rằng Ukraine có “các phi công giàu kinh nghiệm chiến đấu, sẵn sàng đi đào tạo ngay bây giờ. Họ sẵn sàng đi tập huấn ngày hôm qua. Nhưng không có quyết định chấp nhận họ và cung cấp huấn luyện vì không có quyết định cung cấp máy bay chiến đấu “.

Mỹ đã bắt đầu gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine, nhưng vẫn chưa cung cấp cho họ máy bay chiến đấu hoặc MLRS.

Ustinova đã có mặt ở Washington trong tuần này để họp, nói rằng họ tin rằng nhiều chính phủ thiếu “ý chí chính trị cần thiết” để quyết định nhanh chóng gửi những loại vũ khí hạng nặng như vậy - và cảm giác rằng vẫn có những lo sợ về việc khiêu khích Mạc Tư Khoa.

Ustinova nói, “nếu chúng tôi có Howitzers hai tháng trước, Mariupol sẽ không ra nông nỗi này vì họ sẽ không thể bao vây như họ đã làm, bao vây thành phố và phá hủy nó theo đúng nghĩa đen.”

“Đối với chúng tôi thời gian có nghĩa là mạng sống, hàng ngàn mạng sống. Chúng tôi nghe nói rằng mọi thứ đang diễn ra nhanh chưa từng có và các quyết định được đưa ra nhanh đến mức nào. Nhưng chưa bao giờ có một cuộc chiến tranh nào kể từ sau Thế chiến thứ Hai như thế. Và thật không may, chúng tôi tiếp tục yêu cầu việc đưa ra quyết định nhanh hơn.”
Source:CNN
 
Đảo chính Putin gần kề: Quân đội đưa ra tín hiệu, Đại tá công khai chỉ trích Putin trên truyền hình
VietCatholic Media
16:57 19/05/2022


1. Đảo chính Putin gần kề: Đại tá công khai chỉ trích Putin trên truyền hình Nga.

Steve Rosenberg của BBC vừa đưa ra một nhận định liên quan đến một biến cố rất ngoại thường trên chương trình 60 Minutes của đài truyền hình Russia 1.

Các phương tiện truyền thông chính thống của Nga đưa ra một cái nhìn về cuộc chiến Ukraine không giống với bất kỳ cái nhìn nào từ bên ngoài của quốc gia này. Lúc khởi đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, họ thậm chí không gọi đó là một cuộc chiến. Nhưng biên tập viên nước Nga của chúng tôi vừa phản ánh về một cuộc trao đổi hiếm hoi được phát sóng trên truyền hình nhà nước.

Đó là một tác phẩm truyền hình phi thường.

Chương trình kéo dài 60 phút, là chương trình trò chuyện hàng đầu diễn ra hai lần mỗi ngày trên kênh truyền hình nhà nước Nga: cuộc thảo luận tại studio này nhằm thúc đẩy đường lối của Điện Cẩm Linh về mọi thứ, kể cả về cái gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” của Tổng thống Putin ở Ukraine.

Cho đến nay, Điện Cẩm Linh vẫn cho rằng cuộc tấn công của Nga đang diễn ra theo đúng kế hoạch.

Nhưng vào tối thứ Hai, khách mời của studio là ông Mikhail Khodarenok, một nhà phân tích quân sự và đại tá đã nghỉ hưu, đã vẽ một bức tranh rất khác.

Ông cảnh báo rằng “tình hình đối với Nga rõ ràng sẽ trở nên tồi tệ hơn” khi Ukraine nhận được hỗ trợ quân sự bổ sung từ phương Tây và “quân đội Ukraine có thể trang bị vũ khí cho một triệu người”.

Đề cập đến những người lính Ukraine, ông lưu ý: “Mong muốn bảo vệ tổ quốc của họ là rất thực. Chiến thắng cuối cùng trên chiến trường được xác định bởi tinh thần cao của quân đội, những người đang đổ máu cho những ý tưởng mà họ sẵn sàng chiến đấu”.

Ông nói tiếp rằng: “Vấn đề lớn nhất đối với tình hình quân sự và chính trị của Nga là chúng ta đang bị cô lập hoàn toàn về chính trị và cả thế giới đang chống lại chúng ta, ngay cả khi chúng ta không muốn thừa nhận điều đó. Chúng ta cần giải quyết tình trạng này”.

“Tình hình không thể được coi là bình thường khi chống lại chúng ta là một liên minh của 42 quốc gia và khi các nguồn lực của chúng ta, quân sự-chính trị và quân sự-kỹ thuật, bị hạn chế.”

Những vị khách khác trong trường quay đều im lặng. Ngay cả người dẫn chương trình, Olga Skabeyeva, bình thường rất dữ tợn và hăng say lên tiếng bảo vệ Điện Cẩm Linh, cũng tỏ ra bị khuất phục một cách kỳ lạ.

Theo nhiều cách, đó là trường hợp “Tôi đã nói với các bạn như vậy rồi” từ ông Khodarenok. Viết trên Tạp chí Quân sự Độc lập của Nga vào tháng 2, trước khi Mạc Tư Khoa tấn công Ukraine, nhà phân tích quốc phòng này đã chỉ trích “những con diều hầu và những con chim cu nhanh nhẩu đoảng” vì cho rằng Nga sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Kết luận của ông khi đó: “Một cuộc xung đột vũ trang với Ukraine không đem lại lợi ích quốc gia cho Nga.”

Phê bình trên báo in là một chuyện. Nhưng trên TV – trước hàng triệu khán giả - hoàn toàn là một cấp độ khác. Điện Cẩm Linh đã tung toàn lực để khống chế cho được toàn cảnh thông tin ở Nga: họ đã đóng cửa các nguồn tin tức độc lập của Nga và bảo đảm rằng truyền hình - công cụ chính ở Nga để định hình dư luận – phải đưa ra các thông điệp của họ.

Thật hiếm khi được nghe những phân tích về các sự kiện một cách thực tế như vậy trên TV của Nga.

Hiếm. Nhưng không phải là duy nhất. Trong những tuần gần đây, các quan điểm chỉ trích đã xuất hiện trên truyền hình ở Nga. Vào tháng 3, trên một chương trình trò chuyện truyền hình nổi tiếng khác, một nhà làm phim người Nga nói với người dẫn chương trình: “Cuộc chiến ở Ukraine vẽ nên một bức tranh đáng sợ, nó có ảnh hưởng rất áp bức đối với xã hội của chúng ta.”

Vậy thì điều gì đã xảy ra trong chương trình 60 phút này? Đây có phải là một lời cảnh tỉnh tự phát, thiếu thận trọng và bất ngờ về Ukraine đã vô tình lọt qua lưới kiểm duyệt?

Hay đó là một sự bùng nổ thực tế được lên kế hoạch trước nhằm chuẩn bị cho công chúng Nga phản ứng trước những tin tức tiêu cực về tiến độ của “cuộc hành quân đặc biệt”?

Thật khó để nói. Nhưng như họ nói trên TV, hãy theo dõi TV Nga để có thêm những tín hiệu.

2. Nhận định về biến cố Đại Tá Mikhail Khodarenok

Các quan sát viên cho rằng biến cố Đại Tá Mikhail Khodarenok không thể là một sự tình cờ, nhưng đã được hoạch định trước.

Quan điểm chống chiến tranh của Đại Tá Mikhail Khodarenok đã được biết rõ qua các bài viết của ông.

Hơn thế nữa, hôm 5 tháng Ba, Putin đã ký một dự luật đưa ra án phạt tù lên đến 15 năm đối với những người đưa ra những tin bất lợi liên quan đến quân đội Nga khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.

Dự luật, được các nhà lập pháp thông qua trước đó vào hôm thứ Sáu 4 tháng Ba, đặt ra các điều khoản tù có thời hạn và tiền phạt khác nhau đối với những người công bố “thông tin sai lệch cố ý” về quân đội, với các hình phạt khắc nghiệt hơn nếu việc phổ biến được coi là gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Putin cũng đã ký một dự luật cho phép phạt tiền hoặc án tù lên đến ba năm vì kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga khi Mạc Tư Khoa phải đối mặt với các hình phạt kinh tế khắc nghiệt từ các thủ đô phương Tây vì cuộc xâm lược.

Năm qua đã chứng kiến một cuộc đàn áp chưa từng có đối với những tiếng nói độc lập và phê phán ở Nga, gia tăng đặc biệt sau khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Truyền thông Nga đã được chỉ thị chỉ đơn thuần công bố thông tin do các nguồn chính thức cung cấp, trong đó mô tả cuộc xâm lược là một hoạt động quân sự.

Trong khi đó, các đài truyền hình do nhà nước kiểm soát đã thi nhau tung ra các câu chuyện của chính phủ về chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine và những tuyên bố của Mạc Tư Khoa rằng binh lính Ukraine đang sử dụng dân thường làm lá chắn con người.

Biến cố Đại Tá Mikhail Khodarenok cũng xảy ra trong bối cảnh đề nghị ngưng bắn tức khắc của người đứng đầu Ngũ Giác Đài, Tướng Lloyd Austin.

Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 13 tháng 5 rằng:

“Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng ngày, trong đó ông kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.”

Trong cuộc gọi, Austin cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc”. Đây là lần đầu tiên Austin nói chuyện với Shoigu kể từ ngày 18 tháng 2, sáu ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Tướng Kirby cho biết đây là lần đầu tiên phía Nga chấp thuận đối thoại với Hoa Kỳ qua đường dây nói. Ông nói: “Điều gì đã thúc đẩy họ thay đổi suy nghĩ, và cởi mở với đối thoại, tôi không nghĩ rằng chúng tôi biết chắc chắn. Cuộc trò chuyện kéo dài một giờ là rất chuyên nghiệp”

Tướng Kirby nói thêm rằng không có vấn đề nào được vượt qua.

“Bản thân cuộc gọi không giải quyết cụ thể bất kỳ vấn đề cấp bách nào hoặc dẫn đến sự thay đổi trực tiếp trong những gì người Nga đang làm hoặc đang nói”. Tuy nhiên, Tướng Kirby cho biết Austin hy vọng cuộc gọi sẽ “đóng vai trò là bàn đạp cho các cuộc trò chuyện trong tương lai”.

Nga thường xuyên tố cáo Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đang tiến hành một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, tức là, mượn tay Ukraine để tấn công họ. Tuy nhiên, sự thật là khi Hoa Kỳ đề nghị ngưng bắn tức khắc, họ đã không chấp nhận.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cũng chỉ ra sự sai trái trong luận điệu của Nga: “Putin có thể kết thúc chiến tranh ngay ngày mai, ngay hôm nay, ngay bây giờ nếu ông ta muốn.”

Sergei Shoigu chưa chính thức đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, biến cố Đại Tá Mikhail Khodarenok cho thấy có lẽ các tướng Nga đã bắt đầu suy tư về khả năng đón lấy cơ hội do Hoa Kỳ đưa ra; và nếu Putin không đồng ý, khả năng của một cuộc đảo chính là khó tránh.

3. Nga đang đóng cửa văn phòng Mạc Tư Khoa của đài truyền hình Canada, CBC

Nga đang đóng cửa văn phòng Mạc Tư Khoa của đài truyền hình Canada, CBC, đồng thời thu hồi thị thực và giấy chứng nhận các nhà báo của họ tại Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên rằng quyết định này được đưa ra nhằm như “các biện pháp trả đũa liên quan đến các hành động của Canada” sau khi Ottawa cấm đài truyền hình nhà nước Nga RT”.

Bà Zakharova nói: “Rất tiếc, chúng tôi tiếp tục nhận thấy các cuộc tấn công công khai nhắm vào các phương tiện truyền thông Nga từ các quốc gia của cái gọi là phương Tây tập thể, những người tự gọi mình là văn minh.”

Cô cáo buộc Canada đã đi theo con đường “bài Nga” bao gồm cả việc kiểm duyệt các phương tiện truyền thông.

Hôm thứ Ba, Thượng viện Canada đã đưa ra một dự luật cấm Tổng thống Nga, Vladimir Putin, và khoảng 1.000 thành viên chính phủ và quân đội của ông ta nhập cảnh vào Canada.

Phản ứng trước quyết định của Nga về việc đóng cửa văn phòng ở Mạc Tư Khoa của đài truyền hình Canada CBC và thu hồi thị thực và giấy chứng nhận các nhà báo của họ tại Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Mélanie Joly, cho biết Canada sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do báo chí trên toàn thế giới. Bà nói: “Vladimir Putin 'không thể tưởng tượng một thực tế trong đó báo chí được phép hoạt động mà không cần nhận lệnh từ chính phủ'.”

4. Chi tiêu quốc phòng của Nga tăng gần 40%

Theo dữ liệu sơ bộ của Bộ Tài chính Nga, chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng gần 40% trong 4 tháng đầu năm.

Theo Reuters, Nga đã chi 1,7 triệu rúp, hay 21 tỷ bảng Anh, cho quốc phòng từ tháng Giêng đến tháng 4, gần một nửa tổng ngân sách của nước này cho toàn bộ năm 2022.

Chỉ trong tháng 4, Nga đã chi 628 tỷ rúp, hay 7,9 tỷ bảng Anh, cho quân đội, tăng 128% so với cùng tháng này năm ngoái.

Ban đầu, Bộ Tài chính Nga dự báo thặng dư ngân sách là 1% GDP, tương đương 1,3 tỷ rúp cho năm 2022. Hiện nay Bộ Tài chính Nga dự kiến thâm hụt ít nhất 1,6 tỷ rúp để có thể hỗ trợ các khoản thanh toán nhằm chống lại ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

5. Phần Lan và Thụy Điển sẽ cùng nhau mua vũ khí chống tăng

Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết Phần Lan và Thụy Điển sẽ cùng nhau mua vũ khí cầm tay và vũ khí chống tăng khi hai nước chính thức nộp đơn gia nhập NATO.

Bộ cho biết Phần Lan sẽ tham gia một thỏa thuận mua vũ khí chống tăng từ nhà sản xuất vũ khí Thụy Điển Saab Dynamics, một công ty con của Saab.

Các công tác chuẩn bị cũng đang được tiến hành cho việc mua chung các loại vũ khí hỏa lực nhỏ bao gồm súng trường tấn công, súng ngắn và vũ khí để bảo vệ cá nhân.

Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết thỏa thuận về vũ khí chống tăng cho phép mua hỏa tiễn, súng trường không giật, đạn dược và các thiết bị liên quan khác.

6. Chính quyền Nga đã thu giữ tài khoản ngân hàng của Google ở Nga

Người phát ngôn của Google cho biết nhà chức trách Nga đã thu giữ tài khoản ngân hàng của Google ở Nga, khiến văn phòng tại Nga của Google không thể hoạt động.

Theo Reuters, công ty con của gã khổng lồ công nghệ Mỹ tại Nga đã tuyên bố ý định nộp đơn phá sản. Điều này diễn ra sau nhiều tháng áp lực từ các nhà chức trách vì không thể xóa nội dung mà Mạc Tư Khoa cho là bất hợp pháp và hạn chế quyền truy cập vào một số phương tiện truyền thông Nga trên YouTube.

Người phát ngôn của Google cho biết:

Việc chính quyền Nga thu giữ tài khoản ngân hàng của Google tại Nga khiến văn phòng tại Nga của chúng tôi không có thể hoạt động, bao gồm việc tuyển dụng và trả lương cho nhân viên tại Nga, trả tiền cho nhà cung cấp và đại lý cũng như đáp ứng các nghĩa vụ tài chính khác.

Google Nga đã công bố một thông báo về ý định nộp đơn phá sản.

7. Không có chuyển động trong các cuộc đàm phán hòa bình

Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng không có chuyển động nào trong các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng Kyiv hoàn toàn không muốn tiếp tục các cuộc đàm phán đó.

Ông Peskov cho biết: “Các cuộc đàm phán đang không tiến triển và chúng tôi ghi nhận sự không muốn tiếp tục của các nhà đàm phán Ukraine trong quá trình này”.

Trước đây, Peskov từng nói rằng các báo cáo cho rằng Nga có ý định xâm lược Ukraine là một sự thêu dệt “rỗng tuếch và vô căn cứ” của các phương tiện truyền thông phương Tây, và vào tháng Hai, ông nói rằng quân đội Nga sẽ được “kéo về căn cứ thường trực” sau khi kết thúc hợp đồng tập trận quân sự với Belarus.

Hôm qua, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói rằng Nga và Ukraine không tổ chức các cuộc đàm phán “dưới bất kỳ hình thức nào” và Kyiv “thực tế đã rút khỏi quá trình đàm phán”.
 
Orange County: Vợ bỏ, trang bị hùng hậu, đến nhà thờ, tấn công. Tuyên bố của HĐGM Hoa Kỳ
VietCatholic Media
17:00 19/05/2022


1. Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ về các vụ xả súng ở Buffalo và Laguna

Trước các vụ xả súng ở Buffalo, New York và Laguna Woods, California vào cuối tuần qua, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây:

“Các giám mục Hoa Kỳ tham gia với những người khác trên khắp đất nước để cầu nguyện cho sự hỗ trợ và chữa lành của gia đình, bạn bè và cộng đồng của những người bị ảnh hưởng bởi những vụ bạo lực này. Chúng tôi cầu nguyện đặc biệt cho những người bị thương và đặc biệt cho những người đã mất mạng. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho những người ở tuyến đầu, những người liều mạng đáp lại những lời kêu gọi giúp đỡ, và những người trong lĩnh vực y tế, những người giúp đỡ những người bị hại.

Các giám mục một lần nữa kêu gọi một cuộc đối thoại trung thực bắt nguồn từ Chúa Kitô để giải quyết tệ nạn phân biệt chủng tộc dai dẳng ở đất nước chúng ta. Giáo Hội Công Giáo đã là một tiếng nói nhất quán cho các quy định hợp lý và hiệu quả đối với vũ khí nguy hiểm, và USCCB tiếp tục vận động để chấm dứt bạo lực vì sự tôn trọng và phẩm giá của tất cả mọi người.

Chúng tôi cầu nguyện và hỗ trợ việc chữa lành các cộng đồng bị ảnh hưởng và cho tất cả các nạn nhân của bạo lực và hòa bình của Chúa Kitô sẽ ngự trị trên tất cả những người bị ảnh hưởng.”

Tưởng cũng nên nhắc lại 10 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương khi một thanh niên mới 18 tuổi nổ súng tại một siêu thị ở Buffalo, New York. Cảnh sát cho biết kẻ xả súng, hiện đang bị giam giữ, đã bị buộc tội giết người mà các viên chức gọi là tội ác thù hận và là một trường hợp thực hiện chủ nghĩa cực đoan bạo lực với động cơ chủng tộc.

Sáng Chúa Nhật 15 tháng 5, Đức Cha Michael Fisher, Giám Mục giáo phận Buffalo, New York đã ra tuyên bố, toàn văn như sau:

Điều không may đã trở thành chuyện quá phổ biến ở đất nước này giờ lại thể hiện bộ mặt xấu xa ghê tởm của nó ở Buffalo khi chúng ta biết được rằng 10 linh hồn vô tội đã mất mạng tại đây.

Thay mặt cho Giáo phận Buffalo, tôi, với lời lẽ mạnh mẽ nhất, lên án hành động hoàn toàn vô nghĩa này và cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành động hèn nhát này.

Cầu xin Chúa nhân lành hướng dẫn chúng ta khi chúng ta cầu nguyện để xã hội của chúng ta lấy lại sự tôn trọng đối với sự sống và chấm dứt hành động bi thảm và hèn hạ này trong thành phố xinh đẹp này của chúng ta. Tôi khuyến khích tất cả những người Công Giáo và tất cả những người có đức tin hãy cùng nhau cầu nguyện cho các nạn nhân và cho hòa bình.

Tai họa của bạo lực súng đạn vô nghĩa đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trên khắp đất nước chúng ta, và thay đổi cuộc sống của vô số những người nam nữ và trẻ em vô tội, phải đến hồi kết thúc.
Source:USCCB

2. Cảnh sát California cho biết nghi phạm 68 tuổi trong vụ xả súng ở nhà thờ được thúc đẩy bởi sự thù hận

Trong khi nước Mỹ vẫn còn đang bị rung chuyển bởi bạo lực súng đạn chết người vào cuối tuần qua, một vụ xả súng tại một nhà thờ ở quận Cam hôm Chúa Nhật đã khiến miền nam California quay cuồng khi một tay súng có động cơ căm thù người Đài Loan xả súng vào những người đang tìm cách ngăn chặn việc đổ máu.

Các nhà chức trách hôm thứ Hai đã xác định được nghi phạm là David Chou ở Las Vegas, Anh ta bị buộc tội giết một người và làm bị thương 5 người khác tại nhà thờ Tin lành Trưởng lão Geneva. Sở cảnh sát quận Cam đã kết tội người đàn ông 68 tuổi này với tội danh giết người và 5 trọng tội về tội cố ý giết người và đang được bảo lãnh tại ngoại với số tiền ký thác là 1 triệu đô la.

Bạo lực ở Irvine, cách Los Angeles khoảng 50 dặm về phía đông nam, đã diễn ra trong bối cảnh bạo lực súng đạn kinh hoàng ở Buffalo, nơi một thanh niên 18 tuổi theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng giết 10 người tại một cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư chủ yếu là người Da đen. Ở Los Angeles, một người đàn ông đã chết trong một vụ xả súng tại Chợ Trung tâm Grand hôm thứ Bảy. Một số khách hàng đang thảo luận về vụ nổ súng ở New York thì tiếng súng vang lên buộc họ phải chạy trốn để ẩn nấp.

Nhiều người có thể đã chết trong vụ nổ súng ở nhà thờ Laguna Woods hôm thứ Bảy nếu không có sự can thiệp dũng cảm của những người đi lễ. Kẻ xả súng đã nổ súng trong bữa tiệc trưa tại nhà thờ Trưởng lão Đài Loan Irvine, nhưng bị chặn lại khi một mục sư dùng ghế đập vào đầu hung thủ và giáo dân dùng dây điện khống chế hắn cho đến khi cảnh sát đến.

John Cheng, 52 tuổi, đã thiệt mạng trong vụ xả súng, nhà chức trách cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai.

Don Barnes, cảnh sát trưởng quận Cam, cho biết động cơ của vụ xả súng là do bất bình giữa Chou và cộng đồng người Đài Loan. Một cuộc điều tra tội phạm vì thù hận do cảnh sát liên bang phụ trách cũng đang diễn ra.

Luật sư quận Cam, Todd Spitzer, cho biết gia đình của Chou nằm trong số nhiều người dường như đã bị cưỡng chế rời khỏi Trung Quốc đến Đài Loan vào khoảng sau năm 1948. Sự căm ghét của Chou đối với hòn đảo, được cho là đã được ghi lại trong các ghi chú viết tay mà nhà chức trách tìm thấy, có vẻ như nó bắt đầu khi anh ta cảm thấy mình không được đối xử tốt khi sống ở đó.

Barnes cho biết Chou có quốc tịch Mỹ và đã ở Mỹ nhiều năm. Không rõ Chou trước đây đã sống ở Đài Loan bao lâu.

Barnes cho biết Chou đã lái xe đến nhà thờ Quận Cam, nơi anh ta không phải là người thường xuyên đến dự, khóa cửa lại và bắt đầu nổ súng. Hắn cũng đã đặt bốn thiết bị giống như các quả lựu đạn tự chế bên trong nhà thờ. Cảnh sát Los Angeles, cho biết hắn đã mua một cách hợp pháp hai khẩu súng lục 9mm được sử dụng trong vụ xả súng.

Cảnh sát cho biết anh Cheng, đến nhà thờ cùng một người vợ và hai đứa con, đã dũng cảm lao vào kẻ xả súng và cố gắng tước vũ khí của anh ta, cho phép những người khác can thiệp. Một mục sư dùng ghế đập vào đầu hung thủ và giáo dân dùng dây điện trói anh ta lại. Nhưng không may anh Cheng bị trúng đạn.

Một người hàng xóm trước đây cho biết cuộc sống của Chou đã trở nên có nhiều vấn đề sau khi vợ anh ta bỏ anh ta ra đi. Chou là một người đàn ông dễ chịu, từng sở hữu tòa nhà 4 phòng ở Las Vegas nơi anh ta sống cho đến tháng Hai.

Hồ sơ cho thấy tài sản này đã được bán vào tháng 10 năm ngoái với giá hơn 500.000 đô la một chút. Vợ của Chou đã sử dụng số tiền bán được để quay về sống ở Đài Loan.
Source:The Guardian

3. Tòa Thánh bổ nhiệm Tổng Giám Mục Praha nhưng chỉ là tạm thời

Sau bốn năm tìm kiếm một tổng giám mục mới của Praha, Vatican thông báo việc bổ nhiệm Đức Cha Jan Graubner, tổng giám mục hiện tại của Olomouc. Nhưng với thực tế là Đức Cha Graubner sẽ bước sang tuổi 75 vào năm tới, là độ tuổi nghỉ hưu, thì đó rất có thể chỉ là một giải pháp tạm thời.

Kết quả của cuộc bổ nhiệm này chắc chắn là một bất ngờ, đặc biệt là vì sự lựa chọn đã kéo dài quá lâu. Tổng giáo phận Praha đã chờ đợi trong nhiều năm và mọi người đều hy vọng rằng sẽ có một vị trẻ hơn, phục vụ trong một thời gian dài hơn để ổn định Giáo hội Tiệp, điều này rõ ràng không phải như vậy.

Petr Kratochvíl, một chuyên gia về các vấn đề Giáo Hội tại Tiệp nói:

“Đây là một Tổng Giám mục chuyển tiếp và tôi chắc chắn rằng việc tìm kiếm người thay thế ngài đã bắt đầu. Vì vậy, đây thực sự chỉ là một thời gian chuyển tiếp và chúng ta một lần nữa chờ đợi người kế nhiệm cho ngài”.

Tại sao Giáo Hội Công Giáo lại mất quá nhiều thời gian để tìm được người kế vị thích hợp, chứ không phải chỉ là tạm thời? Ông Petr Kratochvíl cho rằng:

“Đối với Giáo Hội Công Giáo toàn cầu và đối với Giáo hoàng Phanxicô, Giáo hội Tiệp không đặc biệt quan trọng. Mối quan tâm và trọng tâm của Đức Phanxicô là ở những nơi khác, đó là trên toàn cầu, đặc biệt là Giáo hội ở miền Nam”.

“Sứ thần trước đó, Đức Cha Balvo, đã đưa ra một đề nghị nhưng bị từ chối, vì vậy chúng ta phải đi một vòng khác và điều đó đã kéo dài tiến trình thậm chí vượt quá những gì chúng ta mong đợi.”
Source:Radio Czech
 
Người phụ nữ Ukraine bị Putin ném bom, Đại Sứ Nga lăng mạ, mật vụ Nga hăm dọa và truy sát
VietCatholic Media
18:32 19/05/2022


Bức ảnh chụp một người phụ nữ mang thai sắp sinh chạy trốn khỏi bệnh viện phụ sản bị đánh bom đã trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất về cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng người phụ nữ trong bức ảnh đó đã bị tấn công bởi một chiến dịch thông tin sai lệch bất thường của Nga và cô ấy đã nhận được nhiều lời đe dọa lấy mạng.

Được bọc trong một chiếc chăn bông với trán đầy máu, hình ảnh của Marianna Vyshemirsky đã được nhìn thấy trên khắp thế giới.

Bức ảnh được chụp sau một cuộc không kích của Nga ở Mariupol. Nó được lan truyền trực tuyến, trên các trang nhất của tờ báo, và đã được tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nhưng, sau khi sống sót sau một cuộc tấn công, Marianna phải đối mặt với một cuộc tấn công dữ dội khác - thông tin sai lệch và sự căm ghét nhắm vào cô và gia đình cô.

Khi Nga cố gắng gieo rắc sự giả dối về vụ tấn công, Marianna, 29 tuổi, đã bị Nga cáo buộc tội gian dối và “đóng phim”. Các nhà ngoại giao Nga thậm chí còn tuyên bố rằng cô ta đã “đóng phim” không phải là trong vai một phụ nữ mà là hai phụ nữ khác nhau.

Marianna cho biết: “Tôi nhận được những lời đe dọa rằng họ sẽ đến và tìm tôi, rằng tôi sẽ bị giết, con tôi sẽ bị băm ra thành nhiều mảnh”.

Cô cho biết cảm giác như thế nào khi thấy mình trong một trận chiến thông tin khi hạ sinh con gái Veronika của cô trong một vùng chiến sự.

Cuộc sống ở Mariupol rất khác trước chiến tranh. Trước đó, Marianna quảng cáo các sản phẩm làm đẹp trên mạng xã hội, trong khi anh cHồng Yuri làm việc tại nhà máy thép Azovstal.

“Chúng tôi có một cuộc sống bình lặng và đơn giản,nhưng sau đó, mọi thứ bị đảo lộn”.

Tài khoản Instagram của cô ấy cho thấy sự phấn khích của cô ấy trước viễn cảnh trở thành một người mẹ.

Marianna đã đăng bức ảnh trên Instagram vào cuối tháng 2, và yêu cầu những người theo dõi cô đoán xem con cô sẽ là trai hay gái

Nhưng vào thời điểm Marianna nhập viện, Mariupol đã trở thành thành phố bị đánh bom nhiều nhất ở Ukraine.

Vào ngày 9 tháng 3, cô đang trò chuyện với những phụ nữ khác thì một vụ nổ làm rung chuyển bệnh viện.

Cô kéo một tấm chăn lên đầu. Sau đó, một vụ nổ thứ hai ập đến.

Cô nói: “Bạn có thể nghe thấy mọi thứ bay xung quanh, mảnh đạn và nhiều thứ khác. Âm thanh đã văng vẳng bên tai tôi trong một thời gian rất dài.”

Những người phụ nữ trú ẩn trong tầng hầm cùng với những thường dân khác. Marianna bị một vết cắt ở trán và các mảnh thủy tinh găm vào da, nhưng một bác sĩ nói với cô rằng cô không cần phải khâu.

Những gì cô ấy cần, là lấy lại tài sản của mình từ đống đổ nát của bệnh viện. Cô đã nhờ một sĩ quan cảnh sát giúp cô vào lại bên trong.

Cô nói: “Mọi thứ tôi đã chuẩn bị cho đứa con của mình đều nằm trong khu hộ sinh đó.

Trong khi cô ấy đứng bên ngoài bệnh viện, chờ thu hồi đồ đạc của mình, cô ấy đã được các phóng viên của hãng thông tấn AP chụp ảnh. Họ chụp cô một lần nữa khi cô đi xuống cầu thang ra khỏi tòa nhà.

Những hình ảnh đó nhanh chóng được lan truyền mạnh mẽ. Và đó là khi những cáo buộc sai sự thật rằng những bức ảnh đó được “dàn dựng”. Những lời chửi bới lần đầu tiên xuất hiện trên một kênh Telegram ủng hộ Điện Cẩm Linh. Việc viết blog để quảng cáo sản phẩm làm đẹp của Marianna được sử dụng để gợi ý rằng cô ấy là một “diễn viên” đã sử dụng lớp trang điểm để giả bị thương.

Những sự giả dối này đã được lặp lại và khuếch đại bởi các quan chức cấp cao của Nga và các phương tiện truyền thông nhà nước.

Họ thậm chí còn khẳng định rằng bức ảnh chụp một người phụ nữ mang thai khác trên cáng cũng là Marianna, mặc dù rõ ràng những bức ảnh đó là của những người khác nhau. Người phụ nữ trên cáng và đứa con trong bụng sau đó đã tử vong do vết thương quá nặng.

Andrey Kelin, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nga tại Anh, đi xa đến mức cáo buộc thông tấn xã AP hợp tác với chuyên gia hoá trang Marianna để dàn cảnh chụp hình. Dòng tweet này từ Đại sứ quán Nga tại London đã bị Twitter gỡ xuống vì chứa thông tin sai lệch.

Marianna đã được đưa sang một bệnh viện khác và hạ sinh cháu bé.

Marianna đã không nhìn thấy những hình ảnh đó cho đến nhiều ngày sau đó. Đến thời điểm đó, Instagram của cô tràn ngập những tin nhắn buộc tội và đe dọa.

“Thật sự rất xúc phạm khi nghe điều đó, bởi vì tôi đã thực sự trải qua tất cả,” cô nói. Nhưng cô ấy kiềm chế và không chỉ trích trực tiếp các quan chức Nga đã lan truyền thông tin sai lệch về cô ấy.

Thay vào đó, cô chỉ trích Associated Press.

“Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi các nhà báo đăng ảnh của tôi lên mạng xã hội đã không phỏng vấn những phụ nữ mang thai khác, những người có thể xác nhận rằng cuộc tấn công này đã thực sự xảy ra.”

Cô ấy gợi ý rằng điều này có thể giúp giải thích tại sao một số người “có ấn tượng rằng tất cả đều được dàn dựng”. Nhưng theo lời kể của Marianna, cô ấy là một trong những bệnh nhân cuối cùng được di tản, và đó là lúc các nhà báo của AP đến.

Giống như hàng ngàn người khác, Marianna và Yuri cố gắng thoát khỏi Mariupol một cách tuyệt vọng. Nhưng họ phải ra đi, Mariupol đã bị chiếm và nếu người Nga tìm được họ, “tôi sẽ bị giết, con tôi sẽ bị băm ra thành nhiều mảnh,” cô nói.