Ngày 20-05-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Lên Trời 21/5 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:15 20/05/2023

BÀI ĐỌC 1  Cv 1:1-11

Bài trích sách Công vụ Tông đồ.

Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”

Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Ep 1:17-23

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Mt 28:19-20

Alleluia. Alleluia.
Chúa nói: Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Alleluia.


TIN MỪNG  Mt 28:16-20

Kết thúc Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Đó là Lời Chúa.
 
Chúa lên trời đời ta ra sao?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
16:00 20/05/2023

 
Không Là Chuyện Để Ngước Mắt Nhìn Trời
LM. Jos. Trương Đình Hiền
21:25 20/05/2023
Không Là Chuyện Để “Ngước Mắt Nhìn Trời”

(Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên 2023)

Có thể nói được rằng, hơn 40 ngày qua (kể từ sau Đại lễ Phục Sinh), cộng đoàn dân Chúa được lắng nghe thánh sử Luca với tác phẩm “Công Vụ Tông Đồ” từng bước giải trình “công cuộc cứu độ của Chúa Kitô được tiếp diễn qua “Cộng đoàn Hội Thánh” và dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần” trong lịch sử thế giới như thế nào. Và như thế, có thể nói chắc: “câu chuyện về Đức Giêsu-Kitô” đã không tắt lịm, đứt đoạn hay đóng lại kể từ buổi chiều thứ sáu trên đồi Sọ; nhưng kể từ đó, đặc biệt, từ buổi sáng “Ngày Thứ Nhất trong tuần” sau cái chết tủi nhục đó, “một câu chuyện mới”, một chương trình mới, một lộ trình mới chính thức khai mở.

“Một lộ trình mới trong Chương Trình Cứu Độ khai mở”, mà nếu đặt trong “ngữ cảnh về lời dạy “Nước Trời” của Chúa Giêsu, thì đây chính là “điểm đến”, là “kết quả” của một “Nước Trời đang đến”, của một “Nước Thiên Chúa đang hiện thực”; hay cũng có thể nói: đó là “cột mốc cuối cùng, kết thúc trong chuỗi hành trình nhập thể của Đấng Emmanuel”…

Và để trình bày cái nội dung giáo lý mang chiều kích “cánh chung” và một Tin mừng khá “siêu hình” này của Chúa Giêsu, các Thánh Sử đồng thanh chọn một hình ảnh dụ ngôn: “TRỜI” và một diễn ngữ cũng mang tính “dụ ngôn”: LÊN TRỜI: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18); “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19); “Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.” (Lc 24,51); “cho tới ngày Người được rước lên trời… Nói xong, Người lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông” (Cv 1,1-11)…

Đặc biệt, diễn ngữ “Trời” hay “Lên Trời” không chỉ dừng lại ở chiều kích “dụ ngôn rao giảng” mà đã trở thành một “huyền nhiệm đức tin” được Hội Thánh Chúa Kitô long trọng cử hành với phụng vụ đại lễ mang cùng tên như thế: LÊN TRỜI - THĂNG THIÊN. Và dĩ nhiên, điều gì Hội Thánh tôn vinh, chúc tụng, nguyện cầu... (Lex Orandi) thì đương nhiên trở thành chân lý đức tin nền tảng (Lex Credendi): “Người Lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha” (Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli).

Vâng, đại lễ “Thăng Thiên” hay “Chúa Lên Trời” là lời tuyên xưng về niềm hy vọng chắc chắn của Đoàn dân Chúa, đoàn Dân được cứu chuộc trong Đức Kitô “được về bên Chúa Cha”, được chung chia hạnh phúc vĩnh cửu với Đức Kitô phục sinh như chính Ngài đã long trọng đoan hứa: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3).

Vì thế, mầu nhiệm Thăng Thiên không bao giờ được hiểu như một ra đi, lìa xa, khuất bóng, vĩnh biệt ngàn thu… để đi tới một “địa chỉ”, một “không gian vật chất” nào đó; mà là một xác tín về một cuộc mở ra, khai diễn một lộ trình mới, một chương mới trong cuộc lữ hành cứu độ của Dân Mới. Thăng Thiên chính là tiêu đích, là điểm tựa, là quê hương… cho hàng hàng lớp lớp những con người, mà trong số đó, có đông đảo những anh chị em chúng ta “đến từ những đau khổ lớn lao”, chấp nhận “giặt áo đời mình trong máu Con Chiên” và nay đang “mặc áo trắng tinh, tay cầm cành vạn tuế” chung hưởng phúc vinh quang đời đời trong Nước Chúa. Chính trong niềm xác tín nầy mà hôm nay, trong Kinh Tiền Tụng, Hội Thánh đã hát lên: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”.

Cũng chính trong nội dung ý nghĩa nầy, toàn cảnh sứ điệp Thăng Thiên được ngòi bút của thánh sử Luca diễn đạt qua trình thuật của sách Công Vụ mang dáng dấp của một cuộc “Thần hiển” uy hùng, thường để diễn tả sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa trên những chặng đường cứu độ. Thật vậy, nếu “đám mây”, dấu chỉ của Thiên Chúa dẫn đường và đồng hành với Dân trong thời Xuất Hành về Đất Hứa, hay “đám mây”, dấu chỉ của “Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Đức Maria (Lc 1,35) để Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Emmanuel), thì hôm nay, cũng chính Thánh Thần như đám mây phủ quyện lấy Ngài (Cv 1,9) để Ngài lên trời về với Chúa Cha. Phải chăng, dấu chỉ trên đã chuyển tải chân lý nầy: Công cuộc cứu rỗi nhân loại luôn là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa và luôn siêu vượt, khác biệt với phạm trù trần tục, với tính toán hạ giới, với nhãn quan con người, mà chỉ với ân sủng mạc khải, sự tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có khả năng đón nhận, thấu hiểu, như cảm nhận của chính Thánh Tông Đồ Phaolô (BĐ 2): “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người (…)..Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời…” (Ep 1,15-23).

Thế nhưng, Thăng Thiên không là chuyện của riêng của “nhân vật Đức Kitô”. Thật vậy, sứ điệp Thăng Thiên còn nhấn mạnh vai trò và sứ vụ của “Nhóm Mười Một Tông Đồ”, những người được chính Đức Kitô “tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần”, được Ngài đích thân “hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa”, được căn dặn phải “chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” đó là: “sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”; nhất là được trao mệnh lệnh: “các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,1-11); “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.” (Mt 28,19).

Và những gì liên quan đến “Nhóm Mười Một” cũng là liên hệ đến cả Hội Thánh, đến mỗi người chúng ta, những người được chịu phép rửa trong Thánh Thần, để làm nên một “Dân Tộc Thánh, Dân Tư Tế” để loan truyền những kỳ công Chúa cho muôn dân. Vâng, Thăng Thiên đó chính là lên đường, ra khơi, loan báo Tin Mừng... Vì thế không lạ gì, Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật Thăng Thiên được Giáo Hội Công Giáo chọn làm ngày “Thế giới Truyền Thông”.

Sau cùng, mầu nhiệm Thăng Thiên muốn hướng đến sự hiện diện và hoạt động thường xuyên của Đức Kitô phục sinh qua sức tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên Hội Thánh mà cách nói “40 ngày”, “mọi ngày đến tận thế” là một diễn tả cụ thể. Thật vậy, những ngày “sau Thăng Thiên” là những ngày các môn đệ Chúa Kitô “bận bịu” thường xuyên trong nguyện cầu để đón nhận Chúa Thánh Thần và sau đó là tất bật “ra đi làm chứng” trên muôn nẻo trần gian đầy thách đố… với cả máu xương và nước mắt…

Và rất lạ ! Cho đến mãi hôm nay, công cuộc “làm chứng cho Đức Kitô” xem ra đầy hiểm nguy và thách đố đó, cứ “phát triển không ngừng”, cho dẫu có trải qua muôn vạn những bão tố cuồng phong, những thương đau bách hại... Phải chăng, chỉ nhờ một điểm tựa duy nhất: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ! Vì chưng, ở đâu có Thánh Thể, có Lời Chúa, có dân Chúa họp nhau cầu nguyện… thì lập tức Đức Kitô phục sinh đang có đó !

Vì thế, mừng lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay không phải là chuyện để “ngước mắt nhìn trời…”, mà là một quyết tâm “xuống núi”, “đi ra”, “tìm về”... bao nhiêu địa chỉ Giêrusalem, Giuđêa, Samaria… chưa được nghe sứ điệp tuyệt vời của Tin Mừng Cứu Độ. Hãy lên đường, hãy chèo ra chỗ nước sâu và đừng sợ… Vì Chúa đang ở với chúng ta !”. Amen.

Trương Đình Hiền

 
Di Ngôn Người Đi – Matt 28:16-20
Nguyễn Trung Tây
23:46 20/05/2023
Lm Nguyễn Trung Tây
Di Ngôn Người Đi – Matt 28:16-20


Bố Mẹ trước khi về cõi bồng lai,
Thường có những lời di ngôn để lại.
Dặn dò những đứa con một bào thai.
Yêu nhau thương nhau, đùm bọc tha thứ.

Con cái giây phút đó đều xuất hiện bên giường.
Có người nhớ lời di ngôn, khắc ghi đậm trong hồn,
Thực hiện, yêu thương, dẫn tới nhường nhịn, ôn tồn.
Bởi đó là vàng ngọc bậc sinh thành để lại, lời di ngôn.

Cũng có người nhớ,
Nhưng khi thời tới cơ,
Di ngôn đó quẳng bỏ, xếp xó!
Lời đó chưa bao giờ có!

Cũng có người con quên luôn.
Bây giờ vật lộn quay cuồng,
Ai rỗi hơi để ý di chúc di ngôn!
Những lời đó, giờ cũ hủ lậu.

Ngài, Đấng Trên Núi,
Trước khi đi xa, cũng thế.
Ngài để lại di ngôn tới những người môn đệ, 11 vị, Phêrô chối Thầy, Giacôbê và Gioan mê man quyền lực, Simon Đảng Nhiệt Thành, Tôma môn đệ trường phái nghi ngờ, và 6 người khác nữa.
Di ngôn Ngài để lại,
“Hãy đi rao giảng tới muôn dân.”
Động từ “đi” nằm ở dạng một lệnh truyền.
Di ngôn đó, ghi lại trong Mátthêu chương 28, câu 16 tới câu 20.
Di ngôn Người đi.

Con cái ở lại,
11 môn đệ đều đi,
trai cũng như gái, đi gần đi xa.
Con cái thời đó, nhớ lời di ngôn.
Họ đi, đi sang Ấn Độ như Tôma.
Đi tới Roma như Phêrô. Đi sang Anh, Ireland, đi lên Bắc Âu.
Trung Hoa nhà Đường, bia đá giờ còn để lại.
Đi vào Việt Nam, Inêkhu, thế kỷ 16.
Rộn ràng những bước đi.
Những người con nhớ lời,
Những người con trung thành với di ngôn Người Đi.

Con cái thế kỷ hôm nay,
Không hiểu sao? Một câu hỏi chưa có lời giải!
Bỗng nhiên dừng lại, không đi nữa, nhưng ngồi lại.
Ngồi trong bốn bức tường xây cao cao, che bóng mát.
Từ trong tòa tháp ngà, trên bục cao,
con cái hôm nay rao giảng,
không phải tới muôn dân như lời di ngôn căn dặn,
Nhưng tới con chiên của một đàn chiên không hề tăng
Dù đã trôi qua, một chặng đười dài, 400 năm.

Trần gian trước sau vẫn vậy!
Con cái nhớ, trân trọng, và thực hiện di ngôn!
Con cái cất trong tủ hoặc quên luôn di ngôn Người Đi!
Nhưng lạ lắm, họ vẫn hát vang vang bài ca, “Ta Đi Rao Giảng Tin Mừng!”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hành vi phá hoại trong nhà thờ St. Carol Lwanga
Đặng Tự Do
05:09 20/05/2023


Trong những ngày này, các giám mục của Tanzania dự kiến sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican để thảo luận các vấn đề đáng báo động như việc mạo phạm một số tòa nhà của Giáo hội Công giáo trong nước. Nhà thờ chính tòa Đức Trinh Nữ Maria, Nữ hoàng hòa bình ở giáo phận Geita đã bị mạo phạm vào ngày 26 tháng 2 năm 2023. Vào ngày 3 tháng 5, giáo xứ St Patrick ở Zanzibar cũng bị hư hại bởi những kẻ vô danh và các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục. Trong khi đó, các hành vi phá hoại chống lại các ngôi thánh đường vẫn tiếp tục. Ngoài những vụ việc này, vụ mạo phạm Nhà thờ Thánh Carol Lwanga, giáo phận Kahama, bởi một người đàn ông loạn trí đã được báo cáo trong những ngày gần đây. Linh mục nhà thờ Cha Innocent Villilo giải thích rằng chàng trai trẻ có vấn đề về tâm thần và được cho là đã trốn khỏi Bệnh viện quận Kahama, cách nhà thờ không xa. Theo cha Abraham Maziku, thư ký của Christopher Ndizeye Nkoronko, giám mục giáo phận Kahama, người đàn ông này đã bước vào cửa chính của nhà thờ và bắt đầu đập phá mọi thứ. Các nhân viên bảo vệ đã bắt được anh ta trước khi anh ta có thể gây thêm bất kỳ thiệt hại nào.

“Không rõ điều gì đã thực sự thúc đẩy người đàn ông hành động như vậy và cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra. Chúng tôi cảm ơn Chúa vì đã ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa và chúng tôi tiếp tục cầu nguyện rằng Chúa sẽ bảo vệ chúng tôi và tăng cường các biện pháp an ninh tại các giáo xứ của chúng tôi”, Cha Maziku nói. Giám mục của Kahama đã đến hiện trường vụ việc và ra lệnh thắt chặt an ninh suốt đêm và sau đó.


Source:Fides
 
Các vị đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem kỷ niệm 75 năm vụ “Nakba”, kêu gọi quyền tự quyết cho Palestine
Đặng Tự Do
05:11 20/05/2023


Các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi tất cả hãy cầu nguyện và làm việc “để Chúa ban cho sự khôn ngoan để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, để người dân Palestine có thể được trao quyền tự quyết, xây dựng nhà nước và thịnh vượng, và cho phép tất cả các dân tộc của vùng đất này được sống trong hòa bình, nhân phẩm và an cư lạc nghiệp”. Lời kêu gọi được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 75 năm biến cố Nakhba, là cuộc di cư bắt buộc của người Ả Rập Palestine trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948 sau khi thành lập Nhà nước Israel. Lễ kỷ niệm – nhấn mạnh một thông điệp được đưa ra bởi Hội đồng Thượng phụ và Thủ lĩnh các Giáo hội ở Giêrusalem “rằng con cái của các Giáo hội của chúng ta chia sẻ thân phận với phần còn lại của người dân Palestine”.

Trong tuyên bố, những người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem tái khẳng định cam kết của họ “nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài trên vùng đất Thánh địa của chúng ta”.

Hơn 700.000 người Palestine đã rời bỏ các thị trấn và làng mạc trong thời kỳ Nakba, một thành ngữ có nghĩa là “thảm họa” trong tiếng Ả Rập. Tranh cãi liên quan đến số phận của những người tị nạn Palestine là “quyền được hồi hương” của con cháu họ, vẫn là tâm điểm của cuộc xung đột Ả Rập-Israel.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội nhấn mạnh rằng “Đức tin của chúng ta dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em trong nhân loại và chúng ta phải đoàn kết và làm việc cùng nhau để đạt được hòa bình, lòng khoan dung và công lý. Kitô giáo đã dạy chúng ta rằng tình yêu thương, lòng thương xót và sự tôn trọng lẫn nhau là cách để đạt được hòa bình trên thế giới, và điều này đặc biệt đúng đối với Thánh Địa thân yêu của chúng ta”.

Các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem nhắc lại rằng “công lý và hòa bình” là “chìa khóa cho sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực”, đồng thời khẳng định rằng các ngài sẵn sàng “làm việc với tất cả các bên quan tâm để đạt được những mục tiêu cao cả này”. Tuyên bố cũng nhắc lại sự cần thiết phải “bảo tồn các Thánh địa và các quy tắc của 'thỏa ước nguyên trạng', đồng thời cố gắng đạt được hòa bình lâu dài và công bằng trong khu vực dựa trên tính hợp pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc”


Source:Fides
 
Báo cáo mới của Hoa Kỳ cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo ở Trung Quốc, Iran, Ấn Độ
Đặng Tự Do
05:12 20/05/2023


Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết hôm thứ Hai, cuộc khảo sát mới nhất của Bộ Ngoại giao về tự do tôn giáo trên toàn thế giới cho thấy các điều kiện ở một số quốc gia áp bức nhất trên thế giới đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn cũng như đã xuất hiện các xu hướng mới, đáng lo ngại.

Ông nói: “Các chính phủ ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục nhắm vào các nhóm thiểu số tôn giáo bằng nhiều biện pháp, bao gồm tra tấn, đánh đập, giám sát bất hợp pháp và cái gọi là trại cải tạo.

Blinken đã nhấn mạnh những hành vi lạm dụng đối với nhóm thiểu số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi chủ yếu ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, một quốc gia mà một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao đã mô tả là “một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới.”

Hoa Kỳ trước đây đã xác định rằng cách thức Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng và chống lại loài người, và báo cáo, bao gồm năm 2022, nói rằng cuộc đàn áp vẫn tiếp tục diễn ra đều đặn.

Mặc dù dữ liệu còn hạn chế, nhưng cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đàn áp tự do tôn giáo một cách đáng kể và trên diện rộng trong suốt cả năm, và số người bị bỏ tù vì tín ngưỡng tâm linh của họ được ước tính nằm trong khoảng từ hàng ngàn đến có lẽ hơn 10.000.

Các quan chức chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền và cố gắng biện minh cho các hành động chống lại người Duy Ngô Nhĩ là biện pháp chống khủng bố.

Blinken cũng đề cập đến nền thần quyền Hồi giáo của Iran, nơi áp đặt những hạn chế hà khắc đối với dân số và những hình phạt tàn bạo đối với những hành vi phạm tội, cũng như làn sóng biểu tình đang diễn ra sau cái chết của một thiếu nữ vào tháng 9 năm ngoái.

“Người dân trên khắp Iran, do các phụ nữ trẻ lãnh đạo, tiếp tục các cuộc biểu tình ôn hòa đòi hỏi nhân quyền của họ, bao gồm quyền tự do tôn giáo, được khích động bởi vụ sát hại Mahsa Amini, người đã bị cái gọi là cảnh sát đạo đức bắt giữ vì khăn trùm đầu của cô không che hết tóc.”

Báo cáo nhấn mạnh rằng phong trào đã đi kèm với tổn thất nặng nề. Tham khảo số liệu thống kê từ các nhóm nhân quyền hoạt động ở Iran, báo cáo cho biết trong năm 2022 sau cái chết của Amini, lực lượng an ninh của chính phủ đã giết 512 người biểu tình, trong đó có 69 trẻ em, bắt giữ 19.204 cá nhân và hành quyết ít nhất một người có liên quan đến các cuộc biểu tình với cáo buộc “thù nghịch với Allah.”

Cuộc khảo sát, theo quy định của pháp luật, được biên soạn và đệ trình lên Quốc hội hàng năm, cũng bày tỏ một số lo ngại về các điều kiện ở Ấn Độ - một quốc gia hiện chưa được Bộ Ngoại giao chỉ định là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” bất kể những vi phạm tôn giáo nghiêm trọng. Trong số các vấn đề được liệt kê là các quy định pháp luật cấm cải đạo ở nhiều bang, cáo buộc phân biệt đối xử có hệ thống đối với người Hồi giáo và tấn công các nhóm thiểu số tôn giáo - bao gồm cả biện pháp chống lại những người không theo Ấn Giáo dựa trên cáo buộc giết mổ bò hoặc buôn bán thịt bò.

“ Chúng tôi đang tiếp tục khuyến khích chính phủ lên án bạo lực và lên án tất cả các nhóm tham gia vào các luận điệu phi nhân tính đối với các nhóm thiểu số tôn giáo và tất cả các nhóm tham gia bạo lực chống lại các cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng khác ở Ấn Độ,” Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, nói với các phóng viên.

Ngoài ra, báo cáo vạch ra những vi phạm phổ biến đối với tự do tôn giáo do Mạc Tư Khoa gây ra, cả ở Nga và ở các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine.

“Các nhà chức trách tiếp tục điều tra, giam giữ, bỏ tù, tra tấn, lạm dụng thể xác và tịch thu tài sản của họ vì niềm tin tôn giáo hoặc liên kết họ với tư cách thành viên của các nhóm được coi là “cực đoan”, “khủng bố” hoặc “không mong muốn”, bao gồm cả các nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va, Tatars, Hizb ut-Tahrir, Tablighi Jamaat, các tín hữu của nhà thần học Hồi giáo người Thổ Nhĩ Kỳ Said Nursi, Pháp Luân Công và nhiều nhóm Tin lành”, đồng thời cho biết thêm rằng các cá nhân đã bị theo dõi trong thời gian dài, bị giam trong các trại lao động, tra tấn, lục soát nhà và các hình thức ngược đãi khác.

Báo cáo cũng nói rằng ngay cả các thành viên của Giáo Hội Chính thống Nga cũng không được bảo vệ hoàn toàn, và lưu ý rằng một số người đã bị “phạt tiền hoặc bị cấm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ tôn giáo của họ” sau khi chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Tại Crimea và các khu vực khác của Ukraine dưới sự cai trị của Nga, báo cáo cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền “đã vi phạm rộng rãi, liên tục và nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và lương tâm cũng như lạm dụng thể chất và tâm lý.

Blinken cũng cho biết trên toàn cầu, báo cáo đã ghi lại những ví dụ về sự tiến bộ, trích dẫn Bỉ chính thức công nhận thiểu số Phật giáo của mình, các nhà lập pháp ở Brazil hệ thống hóa các bảo đảm tự do tôn giáo cho các cộng đồng bản địa người Brazil gốc Phi và các quốc gia khác thành lập văn phòng để chống lại chủ nghĩa bài Hồi giáo và chủ nghĩa bài Do Thái.

Ông nói: “Nói rộng hơn, xã hội dân sự và các chính phủ có liên quan khác trên khắp thế giới đã bảo đảm thành công việc trả tự do cho nhiều người đã bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.
Source:ABCNews
 
Đức Giám mục Carlos Azevedo chỉ trích “hình ảnh dân tộc chủ nghĩa” của con tem kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới
Đặng Tự Do
18:51 20/05/2023


Vị giám mục người Bồ Đào Nha cho rằng việc lựa chọn con tem kỷ niệm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới như hiện nay là không phù hợp và “Chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô không đồng nhất với hình ảnh dân tộc chủ nghĩa này”. Con tem cũng đã bị chỉ trích nặng nề trên phương tiện truyền thông xã hội.

Đức Cha Carlos Moreira Azevedo, người Bồ Đào Nha, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, cho rằng hình ảnh con tem kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới do Vatican đưa ra là “rất tệ”.

Hôm thứ Hai, Vatican đã đưa ra một con tem kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, lấy cảm hứng từ một bức tranh của Padrão dos Descobrimentos, trong đó hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô ở vị trí của Infante Henrique và những người trẻ tuổi ở vị trí của các nhà hàng hải.

Sau khi hình ảnh con tem được công bố, đã có một số bình luận tiêu cực được đăng trên mạng xã hội, trong đó đề cập đến chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha.

Đối với vị giám mục người Bồ Đào Nha, “Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn không đồng nhất với hình ảnh dân tộc chủ nghĩa này”, mà theo quan điểm của ngài là “trái ngược với tình huynh đệ đại đồng”.

Theo Đức Cha Carlos Azevedo, đang làm việc tại Vatican, con tem “dựa trên một tác phẩm rất nổi tiếng” và “gợi lên một cách sử thi một thực tế mục vụ không tương ứng với tinh thần đó”.

Thiết kế của tem, được phát hành cùng với tem kỷ niệm, có logo WYD, được thiết kế bởi Stefano Morri.

“Giống như thuyền trưởng Henrique dẫn đầu thủy thủ đoàn trong việc khám phá tân thế giới, thì Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dẫn dắt giới trẻ và Giáo hội trong con thuyền của Thánh Phêrô”, một ghi chú được đăng trên trang web tin tức của Vatican News giải thích như trên.

Đức Cha Carlos Azevedo nhìn nhận rằng con tem có ý hướng “thúc đẩy” cuộc gặp gỡ của những người trẻ tuổi với Đức Giáo Hoàng, nhưng chẳng may lại lấy các hình ảnh tiêu biểu của chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha.

Rosa Pedroso Lima, phát ngôn viên của Tổ chức WYD Lisbon 2023, nói với cơ quan truyền thông Lusa rằng “sẽ luôn có nhiều cách đọc về bất cứ thứ gì trong một tác phẩm nghệ thuật, có thể là một con tem hay một bức tranh minh họa. Đây là cách đọc mà Vatican thực hiện và mục tiêu là cổ vũ Ngày Giới trẻ Thế giới”.

Ông nói thêm: “Các cách đọc khác và các mục tiêu khác là lạm dụng liên quan đến các ý định mà Vatican đã bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh rằng thế giới biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là một vị Giáo hoàng cam kết tôn trọng, phá bỏ các bức tường, mở rộng biên giới, giao tiếp với các dân tộc, các nền văn hóa. và các tôn giáo, và đây là thông điệp cơ bản của Đức Giáo Hoàng. Nó đã luôn như vậy, sẽ tiếp tục như vậy và sẽ có tại Ngày Giới trẻ Thế giới”.

Con tem được đề cập có mệnh giá 3,10 euro và số lượng in là 45.000 chiếc.

Con tem kỷ niệm, ở định dạng hình tròn, đại diện cho logo chính thức của WYD Lisbon, sẽ được bưu điện “Arco delle Campane” (ở Praça São Pedro) sử dụng từ ngày 16 Tháng Năm.

Lisbon là thành phố được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới lần tới, sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm nay, với các nghi lễ chính diễn ra tại Parque Tejo, phía bắc Parque das Nações, bên bờ sông Tagus.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được khai sinh theo sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau thành công của cuộc gặp gỡ đầu tiên vào năm 1985 tại Rôma.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên diễn ra vào năm 1986, tại Rôma, đã đi qua Buenos Aires (1987), Santiago de Compostela (1989), Czestochowa (1991), Denver (1993), Manila (1995), Paris (1997), Rome ( 2000 ), Toronto (2002), Cologne (2005), Sydney (2008), Madrid (2011), Rio de Janeiro (2013), Krakow (2016) và Panama (2019).

Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên ghi danh tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon 2023, vào ngày 23 tháng 10 năm 2022, tại Vatican, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. Cử chỉ này đánh dấu việc mở ghi danh trên toàn thế giới cho cuộc gặp gỡ thế giới của những người trẻ tuổi với Đức Giáo hoàng.

Cho đến nay, hơn 600.000 thanh niên đã ghi danh.


Source:cnnportugal.iol.pt
 
Putin bàn giao biểu tượng lịch sử cho Chính Thống Giáo Nga
Đặng Tự Do
18:53 20/05/2023


Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bàn giao biểu tượng nổi tiếng nhất của đất nước Nga - là Tượng Chúa Ba Ngôi của Andrei Rublev - cho Chính Thống Giáo, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho biết hôm thứ Hai.

Việc bàn giao công trình nổi tiếng nhất của Rublev cho Giáo Hội Chính thống Nga diễn ra sau khi người đứng đầu cực kỳ quyền lực của Giáo hội là Thượng phụ Kirill ủng hộ quyết định của Putin gửi quân tới Ukraine và kêu gọi các tín hữu ủng hộ cuộc xâm lược.

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho biết trong một tuyên bố rằng Putin đã đưa ra quyết định bàn giao biểu tượng “để đáp ứng nhiều yêu cầu từ các tín hữu Chính thống giáo”.

Người ta tin rằng kiệt tác này đã được vẽ cho khu vực ngày nay là Trinity Lavra của Thánh Sergius nằm ở thị trấn Sergiyev Posad bên ngoài Mạc Tư Khoa.

Sau cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917, biểu tượng được chuyển đến Phòng trưng bày Tretyakov vào năm 1929.

Nó chỉ rời khỏi bảo tàng vài lần kể cả trong Thế chiến thứ hai khi nó được di tản đến nơi an toàn.

Vào năm 2022, biểu tượng thời trung cổ đã quay trở lại Trinity Lavra của Thánh Sergius để tổ chức các lễ kỷ niệm tôn giáo.

Động thái này đã bị chỉ trích bởi các chuyên gia nghệ thuật, những người cho rằng tác phẩm nghệ thuật nên được lưu giữ tại Phòng trưng bày Tretyakov, nơi nó có thể được bảo quản đúng cách.

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho biết bức tượng sẽ được trưng bày trong một năm tại Nhà thờ Chính tòa Chúa Cứu thế ở Mạc Tư Khoa trước khi trở lại tu viện lịch sử ở Sergiyev Posad.

Hôm Chúa Nhật, Bảo tàng Hermitage cho biết một tu viện khác của Nga sẽ tiếp nhận khu phức hợp tưởng niệm lăng mộ của Alexander Nevsky, một hoàng tử và anh hùng dân tộc thời trung cổ.

Một thỏa thuận cho mượn lăng mộ trong 49 năm với khả năng gia hạn đã được ký kết giữa Bảo tàng Hermitage và Giáo Hội Chính Thống Nga, với sự chấp thuận của Bộ Văn hóa.

Bảo tàng cho biết trong một tuyên bố rằng việc bàn giao lăng mộ của hoàng tử cho Tu viện Alexander Nevsky của Holy Trinity sẽ là một dấu hiệu của “sự thống nhất xã hội và tinh thần đặc biệt”.

Sau những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine, chính quyền ở Mạc Tư Khoa đã tìm cách mô tả chiến dịch quân sự bằng thuật ngữ tôn giáo. Hàng chục linh mục Chính thống giáo đã được cử ra mặt trận để hỗ trợ quân đội Nga.

Trong một bài giảng vào tháng 9 năm ngoái, Thượng phụ Kirill nói rằng cái chết ở Ukraine “rửa sạch mọi tội lỗi”.


Source:Tthe Moscow Times
 
Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa trừng phạt một linh mục phản chiến
Đặng Tự Do
18:54 20/05/2023


Có tương đối ít người ở Mạc Tư Khoa biết Cha. John Koval trước tháng 2 năm 2023. Quê quán của ngài là ở Luhansk, Ukraine. Ngài chuyển đến Mạc Tư Khoa và tốt nghiệp Trường Âm nhạc Trung ương nổi tiếng của Nhạc viện Tchaikovsky Mạc Tư Khoa. Ngài được đào tạo thần học tại Đại học Nhân văn Chính thống St. Thikhon trước khi được thụ phong cách đây hai mươi năm và được bổ nhiệm làm việc tại các giáo xứ ở đông nam Mạc Tư Khoa.

Đầu tháng 2 năm 2023, cuộc đời vị linh mục đã thay đổi đến chóng mặt. Tên của Cha Koval xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông Nga, bao gồm cả Rossiyskaya Gazeta do chính phủ điều hành.

Tại sao họ lại quan tâm nhiều đến một linh mục giáo xứ tầm thường như vậy? Ngài thực sự đã làm gì? Biến cố kích hoạt trực tiếp sự quan tâm của các phương tiện truyền thông Nga là Cha Koval chính thức bị đình chỉ hoặc cấm thi hành chức vụ linh mục của mình. Tuy nhiên, có một lý do khác đằng sau biến cố này.

Vào ngày 2 tháng 2 năm 2023, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill Gundyayev, đã ban hành một sắc lệnh cho biết:

Linh mục John Koval của nhà thờ Thánh Anrê Tông đồ từ đây bị đình chỉ các thừa tác vụ trước khi Ủy ban Kỷ luật của Hội đồng Giáo phận Mạc Tư Khoa xét xử vụ việc của ông.

Sắc lệnh của Thượng Phụ Kirill không nói gì về lý do bị đình chỉ, điều này thật kỳ lạ, thậm chí kỳ quặc, vì chẳng bao lâu sau đó người ta đã biết chuyện gì xảy ra. Hành động của Kirill là phản ứng trước lời tố cáo từ một thành viên trong cộng đoàn của Cha Koval, theo đó vị linh mục liên tục thay thế từ chiến thắng bằng từ hòa bình trong những lời cầu nguyện tại nhà thờ.

Sau khi đội quân xâm lược của Nga liên tục vấp phải những thất bại, Thượng phụ Kirill đã soạn một Lời cầu nguyện đặc biệt cho Nước Nga thần thánh' để thường xuyên được đọc trong các nhà thờ ở Liên bang Nga. Lời cầu nguyện chứa đựng lời khẩn cầu trực tiếp về chiến thắng của “Nước Nga thần thánh”, đây là cách nói dân gian về nước Nga của Putin. Ngài cũng kêu cầu sự trợ giúp của Chúa dành cho “những chiến binh và người bảo vệ” của nước Nga.

Các ký giả phương Tây đã nhiều lần nghe các giáo sĩ ở Mạc Tư Khoa nói rằng người của giáo chủ theo dõi các nhà thờ để bảo đảm rằng lời cầu nguyện được đọc mọi lúc và không có sự thay đổi hay thêm bớt nào. Thượng phụ Kirill và cái được gọi là “nhà thờ chính thức” có lẽ coi đó là cách thể hiện lòng trung thành về ý thức hệ của họ với Putin và Điện Cẩm Linh.

Một số phương tiện truyền thông độc lập của Nga nhưng không nằm trên đất Nga đã vạch ra lý do Cha Koval bị đình chỉ. Họ cho biết lời cầu nguyện do chính Thượng Phụ Kirill viết có nội dung: “Lạy Chúa, xin mau đến trợ giúp dân tộc của Chúa và ban cho chúng con chiến thắng nhờ quyền năng của Chúa.”

Và tội lỗi nghiêm trọng của Cha Koval là đã dám sửa lại: “Lạy Chúa, xin mau đến trợ giúp dân tộc của Chúa và ban cho chúng con hòa bình nhờ quyền năng của Chúa.”

Khi các tin tức liên quan đến lý do Cha Koval bị đình chỉ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông độc lập, phó chủ tịch Ban Truyền thông Công cộng của Giáo Hội Chính thống Nga, Vakhtang Kipshidze, đã tái khẳng định tình trạng bất khả xâm phạm của cáctừ ngữ được sử dụng trong lời cầu nguyện:

“Tôi phải nói với các bạn một cách có thẩm quyền rằng nếu linh mục nào cũng có quyền thay đổi những lời cầu nguyện cho phù hợp với suy nghĩ, nguyện vọng hoặc sở thích chính trị của mình, thì sự hiệp nhất của giáo hội chúng ta sẽ bị thách thức.”


Source:publicorthodoxy.org
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, chương tám: Bằng chứng tâm lý
Vũ Văn An
23:19 20/05/2023

Chương tám: Bằng chứng tâm lý



Chúa Giêsu có điên không khi khẳng định mình là Con Thiên Chúa?

“Khi một nhà tâm lý hay phân tâm học làm chứng, ông ta nên đội chiếc mũ hình nón không cao hơn 2 bộ Anh. Bề mặt chiếc mũ sẽ in hình các ngôi sao và sấm sét. Thêm vào đó, ông ta nên được yêu cầu mang râu trắng không dài hơn 18 inches và nhấn mạnh các yếu tố chủ yếu trong chứng từ của mình bằng cách đánh không khí với chiếc gậy thần của mình. Bất cứ khi nào một nhà tâm lý hay phân tâm học cung cấp chứng từ, nhân viên chấp hành (bailiff) nên cùng một lúc để đèn tòa án mờ mờ và đánh hai hồi trống Trung quốc”.

Khi gợi ý tu chính án trên cho luật lệ tiểu bang vào năm 1997, Thượng nghị sĩ Tiểu bang New Mexico, Duncan Scott, chắc chắn tỏ thái độ của ông đối với các chuyên gia sẵn sàng làm chứng rằng các bị cáo là những người điên và do đó, về phương diện pháp luật, không chịu trách nhiệm về các tội ác của họ. Dường như thái độ khuyển nho của Scott được đa số đồng nghiệp của ông tán thành, họ bỏ phiếu chấp thuận đề nghị đùa cợt ấy! Trận đùa này tiến xa đến nỗi Hạ Viện cuối cùng phải bỏ phiếu ngăn nó trở thành luật (1).

Quả thực, có cả một luồng hoài nghi ngầm tại các tòa án đối với các nhà tâm lý và phân tâm học ra tòa làm chứng liên quan tới tình trạng tâm thần của các bị cáo, khả năng của họ trong việc hợp tác với các luật sư để chuẩn việc biện hộ cho họ, và liệu họ có điên loạn về phương diện luât lệ vào lúc họ phạm tội ác hay không. Dù thế, phần lớn luật sư thừa nhận rằng các nhà chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần cung cấp nhiều tầm nhìn thông sáng cho hệ thống công lý hình sự.

Tôi nhớ một vụ án trong đó một bà vợ có tác phong dịu dàng bị tố cáo giết chồng. Thoạt nhìn, bà ta không khác chi một bà mẹ của bất cứ ai khác, ăn vận đàng hoàng, dễ coi, tử tế, trông như thể bà vừa xuất hiện từ một cuộc nướng mẻ bánh qui xôcôla thơm ngon cho mấy đứa nhỏ của khu xóm. Tôi hết sức ngỡ ngàng khi một nhà tâm lý học làm chứng về phương diện tâm thần, bà không có khả năng chịu đựng một phiên xử.

Rồi luật sư của bà mời bà lên ghế nhân chứng. Thoạt đầu, chứng từ của bà rõ ràng, hợp lý, và minh bạch. Tuy nhiên, dần dần, nó trở thành kỳ dị khi bà mô tả, một cách bình thản và hết sức nghiêm nghị rằng bà liên tiếp bị tấn công bởi các cá nhân thời danh, trong đó có Dwight Eisenhower và cả hồn ma Napoléon. Khi bà kết thúc, không ai trong toà án hoài nghi bà hoàn toàn mất liên hệ với thực tại. Quan tòa phải gửi bà vào một viện tâm thần cho tới khi bà đủ lành mạnh để có thể đương đầu với các tố cáo chống lại bà.

Vẻ bề ngoài có thể lừa dối ta. Công việc của nhà tâm lý học là nhìn bên dưới mã bên ngoài của bị cáo và rút ra các kết luận liên quan tới tình trạng tâm thần của họ. Đó là khoa học không chính xác, nghĩa là sai lầm và thậm chí lạm dụng có thể xẩy ra, nhưng chứng từ tâm lý học nói chung cung cấp nhiều an toàn quan trọng cho các bị cáo.

Điều ấy liên quan gì tới Chúa Giêsu? Trong chương trước Tiến sĩ Ben Witherington III đã cung cấp bằng chứng đầy thuyết phục rằng các tư liệu sớm sủa nhất về Chúa Giêsu chứng tỏ Người quả có khẳng định rằng Người là Thiên Chúa nhập thể. Điều ấy tất nhiên nêu lên vấn đề liệu Chúa Giêsu có điên hay không khi đưa ra các khẳng định như thế.

Để tìm được một lượng định chuyên môn về tình trạng tâm thần của Chúa Giêsu, tôi đã lái xe tới tòa nhà văn phòng ở ngoại ô Chicago để lấy chứng từ của một trong các thế giá hàng đầu của cả nước về các vấn đề tâm lý.



Cuộc phỏng vấn thứ bẩy: Gary R. Collins, Ph.D.

Với bằng thạc sĩ Tâm lý học của Đại Học Toronto và bằng tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng của Đại Học Purdue, Collins từng nghiên cứu, giảng dạy và viết về tác phong con người 30 năm nay. Ông đã là giáo sư tâm lý học tại Trường Thần học Tin Lành Ba Ngôi trong hai thập niên, phần lớn thời gian này, là người chủ tọa phân khoa tâm lý học của trường.

Được phú bẩm một năng lực và hăng say vô bờ, Collins là một người viết rất nhiều. Ông viết gần 150 bài cho các tạp chí và báo định kỳ khác và hiện là chủ bút của tờ Christian Counseling Today và là chủ biên đóng góp của tờ Journal of Psychology and Theology.

Ông cũng đã xuất bản 45 cuốn sách về các chủ đề có liên hệ tới tâm lý học, trong đó có cuốn The Magnificent Mind[Tâm trí Tuyệt vời]; Family Shock {Gia đình Ngỡ ngàng]; Can You Trust Psychlogy? [Bạn Có thể Tin tưởng Tâm lý học hay không?) ; và cuốn giáo khoa cổ điển Christian Couseling: A Comprehensive Guide [Huấn đạo Kitô giáo: Sách Hướng dẫn Toàn diện]. Thêm vào đó, ông còn là tổng biên tập tuyển tập 30 cuốn tựa là Resources for Christian Counseling [Nguồn Tài liệu của Khoa Huấn đạo Kitô giáo], một loạt sách dành cho các nhà chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần.

Tôi thấy Collins trong văn phòng sáng sủa và thoáng khí tại Hiệp hội Hoa kỳ các Huấn đạo viên Kitô giáo, một hội với 15 ngàn hội viên mà ông là chủ tịch. Với mái tóc muối tiêu gọng kính viền bạc, ông trông bảnh bao trong chiếc áo len mầu nâu sẫm cổ cao, áo khoác thể thao may bằng vải chéo chữ chi, và chiếc quần mầu xám (nhưng xin lỗi, không có chiếc mũ nhọn hay bộ râu trắng dài thoòng).

Tôi khởi đầu cuộc phỏng vấn bằng cách chỉ ra ngoài cửa sổ, nơi tuyết đang nhẹ nhàng rơi xuống những hàng cây xanh. Tôi nói, “Mấy dặm về hướng ấy là viện tâm thần của tiểu bang. Nếu chúng ta tới đó, tôi chắc chắn mình sẽ tìm được một ai đó khẳng định họ là Thiên Chúa. Chúng ta nói họ điên. Chúa Giêsu từng nói Người là Thiên Chúa, phải chăng cả Người cũng điên sao?”

Collins tắc lưỡi nói, “Nếu ông muốn một câu trả lời ngắn gọn, thì không”.

Nhưng, tôi nhấn mạnh đây là một chủ đề chính đáng xứng đáng được phân tích xa hơn. Các chuyên gia nói rằng những người mắc chứng ảo giác tâm thần phần lớn tỏ ra hữu lý thế nhưng có thể có những niềm tin thổi phồng mình là các cá nhân tuyệt vời. Một số thậm chí còn có thể thu hút được nhiều môn đệ thực sự tin họ là thiên tài. Tôi gợi ý, điều này rất có thể đã xẩy ra với Chúa Giêsu.

Collins trả lời trong khi cài tay phía sau cổ, “Vâng, đúng là những người gặp khó khăn tâm lý thường cho họ là những người mà họ không hề là. Đôi lúc, họ cho họ là chính Chúa Giêsu hay là Tổng thống Hoa Kỳ hay một ai khác nổi tiếng, như Lee Strobel”, ông nói đùa.

Ông nói tiếp, “Tuy nhiên, các tâm lý gia không chỉ lưu ý điều người ấy nói. Họ đi sâu hơn thế. Họ quan sát súc cảm của người này vì các cá nhân bị nhiễu loạn thường bảy tỏ một sự trầm cảm không thích đáng, lúc thì họ có thể hết sức giận dữ lúc thì có lẽ lại rất âu lo xao xuyến. Nhưng ông hãy nhìn lên Chúa Giêsu: Người không bao giờ biểu lộ một xúc cảm không thích đáng. Chẳng hạn, Người khóc thương cái chết của bạn Người là Ladarô, điều ấy tự nhiên đối với một cá nhân lành mạnh về xúc cảm”.

Tôi khẳng định, “chắc chắn thỉnh thoảng Người có giận dữ”.

“Đúng, Người có giận dữ nhưng đó là loại giận dữ lành mạnh trước những người lạm dụng người bị chà đạp bằng cách hốt tiền bất chính ở đền thờ. Người không chỉ nổi khùng vô lý vì một ai đó làm Người khó chịu; đây là phản ứng chính đáng chống bất công và xử tệ rành rành với người khác.

Ông nói thêm, “những người bị ảo tưởng khác có những tri nhận lầm lẫn. Họ nghĩ người ta rình mò họ hay mưu toan bắt họ trong khi không có ai đang mưu toan như thế. Họ mất tiếp xúc với thực tại. Họ tri nhận làm lẫn hành động của người khác và tố cáo những người này các hành động họ không hề có ý định thực hiện. Một lần nữa, ta không thấy điều này nơi Chúa Giêsu. Hiển nhiên, Người luôn tiếp xúc với thực tại. Người không mắc chứng hoang tưởng mặc dù Người hiểu đúng đắn rằng có nhiều nguy hiểm thực sự ở xung quanh Người.

“Hay những người với các khó khăn tâm lý có thể có những bất ổn trong suy nghĩ, họ không thể đàm luận một cách hợp luận lý, họ nhẩy tới các kết luận lầm lẫn, họ vô lý. Chúng ta không thấy điều này nơi Chúa Giêsu.Người nói rõ ràng, mạnh mẽ, và hùng biện. Người sáng chói và có những tầm nhìn thấu suốt vào bản chất con người, tuyệt đối đáng khâm phục.

“Một dấu hiệu khác của bất ổn tâm thần là tác phong không thích đáng, như ăn vận kỳ cục hay không thể liên hệ về phương diện xã hội với người khác. Tác phong của Chúa Giêsu hoàn toàn phù hợp với điều người ta chờ mong, và Người có nhiều mối liên hệ sâu sắc và lâu bền với rất nhiều loại người thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội”.

Ông dừng lại một chút, mặc dù tôi cảm thấy ông chưa nói hết. Tôi thúc giục ông nói tiếp bằng cách nêu câu hỏi, “Ông nhận xét gì khác về Người?”

Collins nhìn chăm chăm cảnh tuyết trắng xóa yên bình ngoài cửa sổ. Khi ông tiếp tục nói, dường như ông nhắc nhớ về một người bạn cũ.

“Người rất yêu thương nhưng không để lòng cảm thương của Người làm Người bất động; Người không có một bản ngã vênh váo, mặc dù Người thường được các đám đông tôn thờ Người bao quanh; Người giữ được sự quân bình bất chấp lối sống thường đòi hỏi khắt khe; Người luôn biết điều Người đang làm và Người đi đâu; Người quan tâm sâu xa tới mọi người, kể cả phụ nữ và trẻ em, những người thời ấy ít được coi trọng; Người có khả năng chấp nhận người ta trong khi không nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của họ; Người đáp ứng các cá nhân dựa trên việc họ đang ở đâu và họ cần những gì”.

Tôi hỏi, “Vậy, thưa tiến sĩ, chẩn đoán của ông ra sao?”

Ông kết luận với một nụ cười, “Nói tóm lại, một cách đơn giản tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Chúa Giêsu mắc bất cứ chứng tâm thần nào hiện ta biết. Người lành mạnh hơn bất cứ ai tôi biết, kể cả tôi!”

“Điên sảng”

Cứ công nhận như thế đi, khi ta nhìn lại khắp lịch sử, ta không thấy bất cứ dấu hiệu hoang tưởng hiển nhiên nào nơi Chúa Giêsu. Nhưng những người trực tiếp tương tác với Người thì sao? Họ thấy gì từ vọng nhìn gần gũi hơn hẳn của họ?

Tôi nhấn mạnh với Collins, “Một số người ở hiện trường trong thế kỷ thứ nhất đã mạnh mẽ bất đồng với ông. Họ quả kết luận rằng Chúa Giêsu điên. Gioan 10:20 cho chúng ta hay nhiều người Do Thái nghĩ Người ‘bị qủy ám và điên sảng’. Quả là những lời mạnh mẽ!”

Collins phản cung, “Đúng, nhưng đó khó là chẩn đoán của một nhà chuyên nghiệp được huấn luyện về sức khỏe tâm thần. Ông hãy xét xem điều gì khiến người ta phát ra những lời đó: giáo huấn cảm động và sâu sắc của Chúa Giêsu về việc Người là Mục Tử Nhân Lành. Họ phản ứng vì lời quả quyết của Người về Người vượt quá cái hiểu của họ về điều thông thường, chứ đâu phải vì Người thực sự mất quân bình về tâm thần.

“Và ông nên lưu ý: các nhận định của họ lập tức bị người khác thách thức; những người này nói ở câu 21, “Người bị quỷ ám đâu có nói được như vậy ! Quỷ có thể mở mắt cho người mù được sao?”

Tôi hỏi, “tại sao điều đó lại quan trọng?”

“Vì Chúa Giêsu đâu có đưa ra các khẳng định thái quá về chính Người. Người bênh đỡ chúng bằng các hành vi lạ lùng đầy cảm thương, như chữa người mù.

“Ông thấy đấy, nếu tôi cho rằng tôi là tổng thống Hoa Kỳ, đó mới là điên sảng. Ông nhìn vào tôi và thấy đâu có những biểu hiện bề ngoài của chức vụ tổng thống. Tôi đâu có trông giống như một tổng thống. Người ta đếu có chấp nhận thẩm quyền của tôi như một tổng thống. Không một an ninh chìm nào bảo vệ tôi. Nhưng nếu một tổng thống đích thực cho rằng mình là tổng thống, thì việc này đâu có gì là điên sảng, bời vì ông thực sự là tổng thống và có rất nhiều bằng chứng xác nhận việc này.

“Một cách tương tự như thế, Chúa Giêsu không chỉ khẳng định Người là Thiên Chúa, Người bênh đỡ nó bằng các vụ chữa lành lạ lùng, bằng các chứng minh đầy ngạc nhiên về quyền lực trên thiên nhiên, bằng các giáo huấn siêu việt và vô tiền khoáng hậu, bằng những tầm nhìn thấu suốt đầy nét thần linh về con người, và cuối cùng bằng việc chính Người sống lại từ cõi chết, điều mà tuyệt đối không có ai khác có khả năng bắt chước. Như thế, khi Chúa Giêsu cho mình là Thiên Chúa, đó không phải là điên sảng. Đó là sự thật”.

Tuy nhiên, việc Collins nại đến các phép lạ của Chúa Giêsu đã mở cửa cho những phản bác khác. Tôi vừa nói vừa rút ra một cuốn sách từ chiếc cặp của tôi, “một số người đã bắn hạ các phép lạ vốn giả thiết có thể giúp chứng thực cho việc Chúa Giêsu coi mình là Con Thiên Chúa”. Tôi đọc cho ông nghe lời lẽ của kẻ hoài nghi là Charles Templeton.

“Nhiều chứng bệnh, thời ấy cũng như thời nay, chỉ là bệnh căng thẳng thần kinh, và có thể ‘chữa được’ khi tri nhận của nạn nhân thay đổi. Cũng như ngày nay, thuốc trấn an (placebo) do một y sĩ được bệnh nhân tín nhiệm kê đơn có thể mang lại hiệu quả khỏi bệnh biểu kiến, như thế, thời xưa, niềm tin vào người chữa bệnh có thể diệt trừ các triệu chứng có hại. Với mỗi thành công, danh tiếng của người chữa lên cao và do đó, quyền năng của họ càng trở nên hữu hiệu hơn”(2).

Tôi hỏi, “Liệu điều này có bác bỏ các phép lạ vốn giả thiết nâng đỡ các khẳng định của Chúa Giêsu rằng Người là Con Thiên Chúa không?”

Phản ứng của Collins làm tôi ngạc nhiên, ông trả lời, “Tôi sẽ không hoàn toàn bất đồng với những gì Templeton viết”.

“Ông không bất đồng sao?”

“Thực sự không. Có lẽ đôi khi Chúa Giêsu chữa bệnh do gợi ý chăng? Tôi không có vấn đề gì với điều này. Đôi khi người ta có những căn bệnh do tâm lý, và nếu họ có được một mục tiêu mới để sống, một hướng đi mới, thì họ không cần đến thứ bệnh ấy nữa.

“Còn hiệu quả của thuốc trấn an? Nếu ông nghĩ ông sẽ khá hơn, đôi khi ông khá hơn thật. Đây là một sự kiện y khoa lâu đời. Và khi người ta đến với Chúa Giêsu, họ tin Người sẽ chữa lành họ, và Người chữa lành họ thật. Nhưng sự kiện vẫn y nguyên: bất kể Người thực hiện cách nào, nhưng Người quả chữa lành họ.

Ông vội nói thêm, “Dĩ nhiên, điều ấy không giải thích mọi vụ chữa bệnh của Chúa Giêsu. Đôi khi một vụ chữa lành chứng tâm lý căng thẳng đã diễn ra; các vụ chữa bệnh của Chúa Giêsu không tự phát. Nhiều lần mấy ngày sau, người được chữa lành về tâm lý lại có các triệu chứng như cũ, nhưng chúng ta không có bằng chứng nào về việc này. Và Chúa Giêsu chữa các tình trạng như bệnh mù suốt đời và phong cùi, đối với các tình trạng này, lối giải thích thần kinh căng thẳng khó có thể áp dụng.

“Trên hết, Người làm cho người ta sống lại từ cõi chết, sự chết không thể là tình trạng do tâm lý gây ra! Ngoài ra ông còn thấy những phép lạ trên thiên nhiên của Người nữa: dẹp yên sóng biển, biến nước thành rượu. Chúng thách thức cách giải thích duy tự nhiên”.

À... có thể. Tuy nhiên, việc Collins nhắc đến phép lạ biến nước thành rượu đem tới một lối giải thích có thể có đối với việc làm lạ lùng của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu người thôi miên

Các bạn đã có bao giờ thấy một người thôi miên trình diễn chưa, họ đưa nước cho một người nào họ đã thôi miên và nói với người này là họ đang uống rượu? Người bị thôi miên chép môi, choáng váng, bắt đầu thấy say, y hệt như thể họ đã nốc thứ rượu Bordeaux rẻ tiền vậy.

Tác giả người Anh Ian Wilson từng nêu câu hỏi có phải đó cũng là cách Chúa Giêsu thuyết phục các khách dự tiệc cưới ở Cana rằng Người đã biến các bình nước thành thứ uống lên men ngon nhất không.

Quả thât, Wilson thảo luận khả thể Chúa Giêsu có lẽ là một nhà thôi miên bậc thầy, một điều có thể giải thích các khía cạnh được cho là siêu nhiên về cuộc đời của Người. Chẳng hạn, thôi miên có thể giải thích các vụ trừ quỷ của Người; việc Người hiển dung, trong đó, ba môn đệ thấy mặt Người sáng láng và áo sống Người trắng như ánh sáng, và cả các vụ chữa bệnh của Người. Để làm bằng chứng, Wilson trưng dẫn điển hình hiện đại về cậu bé 6 tuổi có chứng bệnh nghiêm trọng về da đã được chữa khỏi nhờ các gợi ý của khoa thôi miên.

Có lẽ Ladarô không thực sự được làm cho sống lại từ cõi chết. Há ông đã không ở trong trạng thái hôn mê như chết do thôi miên tạo ra đó sao? Còn đối với sự phục sinh, Wilson suy đoán rằng Chúa Giêsu “có thể đã huấn luyện cho các môn đệ quen có ảo giác các lần Người hiện ra để đáp ứng một số ám hiệu đã sắp đặt sẵn (bẻ bánh?) cho một thời gian đã định trước sau cái chết của Người” (3).

Điều này thậm chí có thể giải thích cả việc nhắc nhở kỳ lạ trong các sách Tin Mừng về việc Chúa Giêsu không thể làm các phép lạ tại quê hương Nadarét của Người. Wilson viết:

“Chúa Giêsu thất bại chính tại nơi, trong tư cách một người thôi miên, chúng ta biết chắc Người sẽ thất bại, giữa những người biết rõ Người nhất, những người thấy Người lớn lên như một đứa trẻ bình thường. Chịu trách nhiệm phần lớn cho tỷ lệ thành công của bất cứ người thôi miên nào là sự kính sợ (awe) và mầu nhiệm quanh con người của họ, và các nhân tố chủ yếu này hoàn toàn thiếu tại thị trấn quê hương của Chúa Giêsu” (4).

Tôi nói với Collins, “Ông phải nhìn nhận rằng đây là lối khá đáng lưu ý nhằm cố gắng bác bỏ các phép lạ của Chúa Giêsu”.

Tôi thấy nét khó tin hiện rõ trên khuôn mặt ông. Ông la lên, “Gã này có nhiều niềm tin vào thôi miên hơn tôi! Dù đây là một lập luận khéo léo, nhưng nó không hề đứng vững việc phân tích. Nó đầy những lỗ hổng”.

Lần lượt từng điểm một, Collins bắt đầu kể chúng ra. “Thứ nhất, có vấn đề toàn bộ cả nhóm người bị thôi miên. Không phải mọi người đều bị như nhau.

“Những nhà thôi miên trình diễn thường nói nhỏ nhẹ với cử tọa và tìm xem những ai xem ra đáp ứng để chỉ chọn những người này làm tình nguyện viên, vì họ sẵn sàng để chịu thôi miên. Trong một nhóm lớn, nhiều người không chịu được. Khi Chúa Giêsu hóa bánh và cá, có năm ngàn nhân chứng. Làm sao Người thôi miên được họ hết thẩy?

“Thứ hai, thôi miên nói chung không thành công với những người hoài nghi. Vậy làm thế nào Chúa Giêsu thôi miên được người anh em của Người là Giacôbê, người vốn hoài nghi Người nhưng sau đó chứng kiến Người sống lại? Làm thế nào Người thôi miên Saolô thành Tácsô, thù địch Kitô giáo, người chưa bao giờ gặp gỡ Chúa Giêsu cho tới khi thấy Người sau khi Người đã phục sinh? Làm thế nào Người thôi miên được Tôma, người hoài nghi đến nỗi không tin sự phục sinh cho tới khi đút được ngón tay vào các vết đinh trên bàn tay của Người?

“Thứ ba, liên quan đến sự Phục sinh, thôi miên không giải thích được ngôi mồ trống”.

Tôi ngắt lời, gợi ý, “Tôi giả thiết ai đó có thể cho rằng các môn đệ bị thôi miên nên tưởng tượng ra ngôi mồ trống”.

Collins trả lời, “dù cho có thể như thế, Chúa Giêsu không thể thôi miên các người Pharisiêu và các nhà cầm quyền La Mã, và hẳn họ đã vui lòng đưa xác của Người ra nếu nó còn ở trong mộ. Sự kiện là họ không nói với chúng ta ngôi mộ thực sự trống rỗng.

“Thứ tư, ông hãy xem phép lạ biến nước thành rượu. Chúa Giêsu không bao giờ nói chuyện với khách dự tiệc cưới. Thậm chí Người không gợi ý với các gia nhân là nước đã biến thành rượu. Người chỉ nói với họ mang một ít nước tới người chủ tiệc. Ông ta là người nếm nó và nói đó là rượu, mà trước đó, không ai gợi ý với ông ta cả.

“Thứ năm, vụ chữa da được Wilson nói đến không phải tức thời, phải không?”

Tôi nói, thực sự, tờ British Medical Journal nói phải 5 ngày sau cuộc thôi miên da rắn, gọi là chứng vẩy cá (ichthyosis), mới rơi khỏi cánh tay của cậu bé, và thêm vài ngày nữa da cậu mới trở lại bình thường. Tỷ lệ thành công của thôi miên so với các phần khác của cơ thể cậu trong khoảng vài tuần lễ là từ 50 tới 90 phần trăm (5).

Collins nói, “Ông hãy so sánh điều đó với việc Chúa Giêsu chữa 10 người phong cùi trong Luca 17. Họ được tức khắc lành bệnh và lành bệnh 100 phần trăm. Điều này không thể giải thích được duy bởi thôi miên. Cả việc Người chữa lành một người bị bại tay trong Máccô 3 cũng không. Cho dù người ta có bị thôi miên mà tưởng rằng bàn tay ông ta được chữa lành thì sau đó họ cũng tìm ra sự thật. Thôi miên đâu có kéo dài bao nhiêu.

“Và cuối cùng, các sách Tin Mừng ghi lại đủ loại chi tiết về những điều Chúa Giêsu nói và làm, nhưng chưa bao giờ có lần nào các sách này mô tả Người nói hay làm bất cứ điều gì gợi ý Người đang thôi miên người ta. Tôi có thể tiếp tục nói mãi”.

Tôi cười và nói, “tôi nói với ông nó là một giải thích đáng lưu ý; tôi không nói nó thuyết phục! Thế nhưng sách vở đang viết để cổ vũ những loại ý nghĩ này”.

Collins trả lời, “Điều làm tôi ngạc nhiên là làm thế nào người ta bám vào bất cứ điều gì để bác bỏ các phép lạ của Chúa Giêsu”.



Chúa Giêsu người trừ qủy

Trước khi chúng tôi kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi muốn bòn rút khả năng chuyên môn tâm lý học của Collins trong một lãnh vực nữa mà những người hoài nghi vốn thấy là gây bối rối.

Tôi nhận xét, “Chúa Giêsu là một người trừ qủy. Người nói với ma qủy và trục xuất chúng ra khỏi những người cho là bị qủy ám. Nhưng liệu có hữu lý không khi tin rằng thần xấu chịu trách nhiệm đối với một số thứ bệnh và tác phong kỳ lạ?

Collins không hề bối rối trước câu hỏi. Ông trả lời, “Do niềm tin thần học của tôi, tôi chấp nhận việc ma qủy hiện hữu. Chúng ta sống trong một xã hội trong đó, nhiều người tin có thiên thần. Họ biết có những sức mạnh thiêng liêng ở ngoài kia, và quả không khó để kết luận rằng một số sức mạnh ấy có ác tâm. Nơi ông thấy Thiên Chúa hành động, đôi khi những sức mạnh này còn hoạt mạnh hơn, và đó là điều đã xẩy ra vào thời Chúa Giêsu”.

Tôi để ý thấy Collins nhắc đến niềm tin thần học của ông chứ không phải kinh nghiệm lâm sàng của ông, nên hỏi, “như một tâm lý gia, có bao giờ ông thấy bằng chứng rõ ràng về việc bị qủy ám chưa?”

Ông nói, “Đích thân thì chưa, nhưng vì tôi chưa dành cả sự nghiệp của mình trong môi trường lâm sàng. Bạn bè của tôi trong công việc lâm sàng có nói rằng đôi khi họ đã nhìn thấy điều ấy, và đây không phải là những người có xu hướng đằng sau mọi vấn đề đều nhìn thấy một con quỷ. Họ có xu hướng hoài nghi. Nhà phân tâm học M. Scott Peck đã viết đôi chút về vấn đề này trong cuốn sách People of the Lie" (6).

Tôi đã vạch ra việc Ian Wilson, khi gợi ý rằng Chúa Giêsu có thể sử dụng thôi miên để chữa bệnh cho những người nằng nặc tin rằng họ bị qủy ám, đã bác bỏ cho rằng không có "cá nhân thực tế" nào giải thích tình trạng qủy ám " như việc làm của ma quỷ thực sự." (7)

Collins trả lời, "Ở một mức độ nào đó, ông quả tìm thấy những gì ông muốn tìm. Những người phủ nhận sự hiện hữu của siêu nhiên sẽ tìm ra một cách nào đó, cho dù có xa vời đến đâu, để giải thích một tình huống không phải của ma quỷ. Họ sẽ tiếp tục cho thuốc, tiếp tục cho người đó thuốc men, nhưng người đó không khá hơn. Có những trường hợp không đáp ứng với điều trị y tế hoặc điều trị tâm thần thông thường".

Tôi hỏi, “Có thể nào những cuộc trừ qủy của Chúa Giêsu thực sự là chữa bệnh tâm thần không?”

"Có, trong một số trường hợp, nhưng một lần nữa ông phải nhìn vào toàn bộ bối cảnh. Còn về người đàn ông bị quỷ ám và Chúa Giêsu sai quỷ vào bầy heo và bầy heo sa xuống vách đá thì sao? Chuyện gì đang xảy ra nếu đó là một tình huống tâm lý? Tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu thực sự đã xua đuổi ma quỷ, và tôi nghĩ rằng một số người cũng làm điều đó ngày hôm nay. Đồng thời, chúng ta không nên quá vội vàng nhẩy tới một kết luận ma quỷ khi đối đầu với một vấn đề khó giải quyết. Như S. Lewis đã nói, có hai sai lầm bằng nhau và trái ngược nhau mà chúng ta có thể rơi vào liên quan đến ma quỷ: 'Một là không tin chúng hiện hữu. Hai là tin, nhưng cảm thấy quan tâm thái quá và không lành mạnh đến chúng. Bản thân họ cũng hài lòng như nhau với cả hai lầm lỗi.'" (8)

Tôi hỏi, "Gary, ông biết đấy, ý tưởng đó có thể tung bay với Hiệp hội Huấn đạo viên Kitô giáo Hoa Kỳ, nhưng liệu các nhà tâm lý học thế tục có coi việc tin vào ma quỷ là hợp lý không?"

Tôi nghĩ Collins có thể bị xúc phạm bởi câu hỏi, vốn nghe như có vẻ trịch thượng hơn tôi dự định, nhưng ông không hề bị xúc phạm.

Ông trầm ngâm, "Thật đáng lưu ý khi mọi sự đang thay đổi. Xã hội của chúng ta ngày nay bị cuốn hút vào 'tính tâm linh'. Đó là một thuật ngữ hầu như có thể có bất ý nghĩa nào, nhưng nó quả có nhận ra siêu nhiên. Những điều được các nhà tâm lý học thời nay tin quả đáng lưu ý. Một số say mê những điều thần bí phương Đông; một số nói về sức mạnh của các pháp sư trong việc ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người.

“Trong khi hai mươi lăm năm trước, gợi ý về hoạt động của ma quỷ sẽ bị bác bỏ ngay lập tức, nhiều nhà tâm lý học đang bắt đầu nhận ra rằng có thể có nhiều điều ở trên thiên đường và trái đất hơn những triết lý của chúng ta có thể giải thích."

"Trí Tưởng tượng Lố bịch!"

Collins và tôi đã hơi chệch hướng so với mục tiêu ban đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Khi tôi nghĩ về cuộc nói chuyện của chúng tôi trong khi lái xe về nhà, tôi trở lại với vấn đề trọng tâm đã đưa tôi đến với ông: Chúa Giêsu tuyên bố Người là Thiên Chúa. Không ai cho rằng Người cố tình lừa gạt. Và bây giờ, dựa trên 35 năm kinh nghiệm tâm lý, Collins kết luận rằng Người không bị khiếm khuyết tâm thần.

Tuy nhiên, điều đó đặt ra cho tôi một câu hỏi mới: Chúa Giêsu có hội đủ các thuộc tính của Thiên Chúa không? Dù sao, cho rằng mình có thiên tính là một chuyện; mà hiện thân những đặc điểm làm Thiên Chúa thành Thiên Chúa lại là một chuyện khác.

Tại một đèn dừng giao thông, tôi rút một cuốn sổ tay ra khỏi cặp và viết nguệch ngoạc một ghi chú cho chính mình. Tìm cho được D. A. Carson. Tôi biết rằng tôi muốn nói chuyện với một trong những nhà thần học hàng đầu của đất nước về vấn đề tiếp theo này. Trong khi chờ đợi, cuộc nói chuyện của tôi với Gary Collins đã thôi thúc tôi dành thời gian tối hôm đó để đọc lại cẩn thận các phát ngôn của Chúa Giêsu. Tôi có thể phát hiện không có dấu hiệu nào của chứng mất trí, ảo tưởng, hoặc hoang tưởng. Trái lại, một lần nữa, tôi xúc động trước trí tuệ sâu sắc của Người, những hiểu biết kỳ lạ của Người, tài hùng biện đầy thi ca của Người, và lòng cảm thương sâu sắc của Người. Nhà sử học Philip Schaff nói điều đó tốt hơn tôi.

“Liệu trí hiểu trong như tầng trời, cường tráng như không khí miền núi, sắc bén và xuyên thấu như một thanh kiếm, hoàn toàn lành mạnh và mạnh mẽ, luôn sẵn sàng và luôn tự chủ- phải chịu trách nhiệm về một ảo tưởng triệt để và nghiêm trọng nhất liên quan đến chính tính cách của mình và sứ mệnh không? Trí tưởng tượng lố bịch!” (9)

Tài liệu Đọc thêm

Collins, Gary R. Can You Trust Psychology? [Bạn có thể tin tưởng Tâm lý học hay không?]Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1988.

Collins, Gary R. Christian Counseling: A Comprehensive Guide[Huấn đạo Kitô giáo: Hướng dẫn Toàn diện]. Waco, Tex.: Word, 1988.

Collins, Gary R. The Soul Search [Tìm Linh hồn]. Nashville: Nelson, 1998.

Lewis, C. S. The Screwtape Letters[Các Thư Gây rối]. London: Collins-Fontana, 1942

Ghi chú

1. Leland H. Gregory 111, "Top Ten Government Bloopers,"[Mười lâm lỗi gây bối rối hàng đầu của chính phủ] George (November 1997), 78.

2. Charles Templeton, Farewell to God [Giã từ Thiên Chúa],(Toronto: McClelland & Stewart, 1996),112.

3. Wilson, Jesus: The Evidence [Chúa Giêsu: Bằng chứng], 141.

4. Ibid., 109

5. "A Case of Congenital Ichthyosiform Erythrodermia of Brocq Treated by Hypnosis," [Vụ Bệnh vẩy cá bẩm sinh làm da đỏ của Brocq được thôi miên chữa lành] British Medical Journal 2 (1952), 996, trích dẫn trong Wilson, Jesus: The Evidence, 103.

6. M. Scott Peck, People of the Lie [Dân nói láo](New York: Touchstone, 1997).

7. Wilson, Jesus: The Evidence, 107.

8. C. S. Lewis, The Screwtape Letters (London: Collins-Fontana, 1942), 9.

9. Philip Schaff, The Person of Christ [Con người của Chúa Giêsu](New York: American Tract Society, 1918),97, trích dẫn McDowell, Evidence That Demands a Verdict[Bằng chứng đòi phán quyết], 107.
 
VietCatholic TV
Putin tê tái: Căn cứ hậu cần Mariupol nổ tung. Nga tuyệt vọng ở Bakhmut, thả bom nhầm vào Crimea
VietCatholic Media
03:18 20/05/2023


1. Căn cứ Nga ở Mariupol bị nổ tung trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Storm Shadow

Một cố vấn của thị trưởng Mariupol ở đông nam Ukraine tuyên bố rằng những tiếng nổ được nghe thấy ở thành phố do Nga xâm lược vào đêm thứ Sáu đã diễn ra tại một căn cứ của lực lượng Mạc Tư Khoa.

Petro Andriushchenko, người không ở Mariupol, cho biết trên Telegram rằng đây là căn cứ có khoảng 150 binh sĩ Nga và được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ phòng không.

Hội đồng thành phố Mariupol, hiện cũng có trụ sở bên ngoài lãnh thổ bị tạm chiếm, đã lặp lại tuyên bố của Andriushchenko.

“Cư dân Mariupol đã nghe thấy ba tiếng nổ lớn,” hội đồng Ukraine cho biết trên Telegram. Các báo cáo sơ bộ cho thấy các vụ nổ rất lớn đã diễn ra ở một căn cứ của Nga tại sân bay của thành phố.

“Đánh giá qua các video thu được, chúng tôi ghi nhận đối phương phải chịu những tổn thất đáng kể,” hội đồng cho biết.

Một nhóm địa phương tự nhận mình là “Kháng chiến Mariupol” cho biết vụ nổ đã làm rung chuyển một khu vực ở ngoại ô thành phố. Trên kênh Telegram của mình, họ cũng cho thấy những video được quay bởi cư dân địa phương.

Mariupol đã trở thành một điểm tập trung quan trọng của các lực lượng Nga ở miền nam Ukraine và các đoàn xe quân sự của Nga thường xuyên đi qua khu vực này. Vụ nổ mới nhất được cho là do hỏa tiễn Storm Shadow gây ra. Quân Ukraine đã từng dùng máy bay không người lái để tấn công thành phố Mariupol nhưng không gây ra các tổn thất lớn cho quân xâm lược.

Trong một tuần qua, Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Vương quốc Anh cung cấp để chống lại lực lượng Nga. Các hỏa tiễn Storm Shadow, là vũ khí tầm xa nhất trong kho vũ khí của Ukraine, vừa mới được chuyển giao cho Kyiv trước một cuộc phản công được dự đoán trước nhằm vào quân đội Nga. Hỏa tiễn hành trình tầm xa này có khả năng tàng hình và tầm bắn hơn 250km, tương đương 155 dặm.

Các căn cứ quân sự của Nga ở Mariupol trước đây nằm ngoài tầm bắn của pháo binh và không quân Ukraine. Ngày nay, không quân Ukraine có thể bay ở đâu đó trên không phận an toàn ở Zaporizhzhia và phóng các hỏa tiễn Storm Shadow vào thành phố Mariupol dễ dàng.

Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh cho biết:

“Tất cả những gì tôi có thể xác nhận là hỏa tiễn Storm Shadow đã được sử dụng thành công, đó là thông tin tôi nhận được từ người Ukraine, và tôi rất vui vì nó giúp họ bảo vệ đất nước của mình”

Các hỏa tiễn này có tầm tấn công sâu vào lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine. Một quan chức phương Tây nói với CNN rằng Vương quốc Anh đã nhận được sự bảo đảm từ chính phủ Ukraine rằng những hỏa tiễn này sẽ chỉ được sử dụng trong lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine chứ không phải bên trong Nga.

Ben Wallace gọi khoản đóng góp này của Vương Quốc Anh là “cơ hội tốt nhất để Ukraine tự bảo vệ mình trước sự tàn bạo liên tục của Nga.”

Chính quyền dân sự-quân sự do Nga dựng lên ở Cộng hòa Nhân Dân Luhansk và Cộng hòa Nhân Dân Donetsk tự xưng đã báo cáo về các vụ pháo kích của quân Ukraine vào các kho đạn pháo và hỏa tiễn trong gần một tuần qua. Những địa điểm này trước đây chưa bao giờ bị tấn công vì nằm ngoài tầm bắn của HIMARS.

2. Các đơn vị Ukraine vẫn đang bảo vệ các phần của Bakhmut khi các cuộc phản công tiếp tục

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 20 tháng Năm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tốc độ các cuộc phản công của Ukraine xung quanh Bakhmut đã chậm lại vào hôm thứ Sáu, nhưng “giao tranh rất ác liệt vẫn tiếp diễn” ở thành phố này.

Maliar cho biết người Nga đã “tăng sự hiện diện của quân đội ở khu vực Bakhmut lên vài nghìn người và đang cố gắng sử dụng lợi thế về pháo hạng nặng và số lượng đạn pháo”.

“Quân đội Nga tiếp tục tấn công với cái giá là tổn thất nặng nề, vượt xa tổn thất của chúng ta một cách không tương xứng,” cô nói. Trước đây, tỉ lệ được Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine xác nhận là 1 trên 7, nghĩa là khoảng 7 người Nga tử trận thì có 1 binh sĩ Ukraine hy sinh. Trong các cuộc tấn công trong tuần qua, tỉ lệ này là 1 trên 10.

Maliar nói thêm rằng việc Ukraine bảo vệ Bakhmut đang làm giảm tiềm năng tấn công của Nga và dành thời gian cho “các hành động đã được lên kế hoạch khác”.

Cô cho biết người Nga đang biến các tòa nhà trong thành phố thành tro bụi.”

Quân đội Ukraine vẫn đang giữ một khu vực gần tượng đài máy bay của thành phố và vẫn ở trong khu vực lân cận tượng đài ở góc xa về phía tây nam của Bakhmut.

Một chỉ huy Lữ đoàn Biệt Động Quân số 3 của quân đội Ukraine, Andriy Biletsky, cho biết trong hai ngày qua, hai đại đội của Lữ đoàn 72 Nga đã bị đánh bại và phải rút lui. Hôm thứ Năm, Lữ đoàn cho biết họ đã giành được một khu vực rộng hai km và sâu 700 mét.

3. Tuyên bố đầy đủ từ phía Hoa Kỳ khi họ xác nhận sẽ giúp đào tạo phi công Ukraine.

Hôm thứ Sáu 19 Tháng Năm, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết như sau:

Hôm nay, Tổng thống Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo G7 rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ nỗ lực chung với các đồng minh và đối tác của chúng tôi để đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm cả F-16, nhằm củng cố và cải thiện hơn nữa khả năng của Lực lượng Không quân Ukraine. Khi khóa đào tạo diễn ra trong những tháng tới, liên minh các quốc gia tham gia nỗ lực này của chúng tôi sẽ quyết định khi nào thực sự cung cấp máy bay phản lực, chúng tôi sẽ cung cấp bao nhiêu chiếc và ai sẽ cung cấp chúng.

Khóa đào tạo này sẽ diễn ra bên ngoài Ukraine tại các địa điểm ở Âu Châu và sẽ cần nhiều tháng để hoàn thành. Chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể bắt đầu khóa đào tạo này trong những tuần tới.

Cho đến nay, Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác của chúng tôi đã tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine phần lớn các hệ thống, vũ khí và huấn luyện mà nước này cần để tiến hành các chiến dịch tấn công vào mùa xuân và mùa hè này. Các cuộc thảo luận về việc cải thiện Lực lượng Không quân Ukraine phản ánh cam kết lâu dài của chúng tôi đối với khả năng tự vệ của Ukraine.

Cùng với các gói hỗ trợ an ninh ngắn hạn và trung hạn mà chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine, Tổng thống Biden đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về việc Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi đoàn kết hoàn toàn như thế nào trong việc bảo đảm Ukraine duy trì chủ quyền, độc lập và an toàn với khả năng phòng thủ và ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai.”

4. Zelenskiy cảm ơn Mỹ vì đã đồng ý đào tạo phi công Ukraine

Tổng thống Zelenskiy đã hoan nghênh thông báo của Hoa Kỳ rằng họ sẽ hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay F-16 ở Âu Châu.

Trong thông báo hôm thứ Sáu, Hoa Kỳ cho biết sẽ hỗ trợ các nước Âu Châu giúp các phi công Ukraine học cách sử dụng máy bay phản lực F-16 cùng với các máy bay chiến đấu phản lực hiện đại khác, trước khi chúng được cung cấp cho nước này để giúp tự vệ chống lại Nga.

Zelenskiy đã tweet: “Tôi hoan nghênh quyết định lịch sử của Hoa Kỳ và tổng thống Biden trong việc hỗ trợ một liên minh máy bay chiến đấu quốc tế. Điều này sẽ tăng cường đáng kể quân đội của chúng tôi trên bầu trời. Tôi tin tưởng vào việc thảo luận về việc triển khai thực tế quyết định này tại hội nghị thượng đỉnh #G7 ở Hiroshima.”

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak cũng cho biết ông ủng hộ thông báo này, đồng thời cho biết thêm rằng Vương quốc Anh sẽ hợp tác với Hoa Kỳ, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch để cung cấp khóa đào tạo

5. Éo le: Báo cáo cho thấy hỏa tiễn hành trình 'Kalibr' của Nga tấn công Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian 'Kalibr' Cruise Missile Hits Crimea–Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy hỏa tiễn hành trình 'Kalibr' của Nga tấn công Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Theo một báo cáo của Ukraine, một người chăn cừu đã phát hiện ra một hỏa tiễn gần một ngôi làng ở Crimea do quân đội Nga bắn ra. Bán đảo này đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014.

Các chuyên gia đến hiện trường kết luận rằng hỏa tiễn bị bắn hạ, được tìm thấy gần làng Vulkanivka ở phía nam bán đảo, là một hỏa tiễn Kalibr thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Hãng tin Astra, cho biết không có thương vong.

Không có thêm thông tin chi tiết về sự hiện diện của hỏa tiễn bị bắn rơi ở bán đảo do Nga xâm lược. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Các lực lượng của Nga thường xuyên sử dụng hỏa tiễn Kalibr để tấn công đất liền Ukraine, thường được phóng từ các tàu chiến đóng ở Hắc Hải. Vào tháng 3, Ukraine cho biết họ đã phá hủy “nhiều” hỏa tiễn hành trình của Nga đang được vận chuyển bằng đường sắt tới hạm đội Hắc Hải của Nga đóng tại Crimea.

Nga đã tăng tần suất tấn công hỏa tiễn vào Ukraine trong những tuần qua. Chúng bao gồm bốn lần tấn công hàng loạt trong tháng này, so với một lần vào tháng Tư và một lần vào tháng Ba, và hai lần vào tháng Hai. Ukraine, được hỗ trợ bởi các thiết bị do phương Tây cung cấp như hệ thống hỏa tiễn Patriot, dường như đang tự vệ thành công trước các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Ba, Ukraine cho biết họ đã đánh chặn một cuộc tấn công hỏa tiễn hàng loạt vào đầu giờ sáng, bao gồm 9 hỏa tiễn Kalibr được bắn vào Kyiv. Theo Kyiv, việc đánh chặn 6 hỏa tiễn Kinzhal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã củng cố niềm tin về khả năng phòng thủ hỏa tiễn của Ukraine.

Vào đầu giờ ngày thứ Năm, Ukraine cho biết lực lượng phòng không của họ đã đánh chặn 6 hỏa tiễn do Nga bắn.

Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết hôm thứ Năm rằng chỉ trong một đêm, 29 hỏa tiễn của Nga đã bị bắn hạ, cùng với hai máy bay không người lái kamikaze và hai máy bay không người lái trinh sát. Kyiv cho biết 6 hỏa tiễn hành trình Kalibr đã được phóng từ Hắc Hải cùng với 2 hỏa tiễn Iskander được bắn từ các hệ thống hỏa tiễn tác chiến-chiến thuật trên mặt đất.

Andriy Nebytov, người đứng đầu cảnh sát tỉnh Kyiv, cho biết không có thiệt hại đáng kể nào được ghi nhận do các mảnh vỡ hỏa tiễn rơi xuống và không có thương vong. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh miền Nam của Ukraine báo cáo rằng một người đã thiệt mạng và hai người khác bị thương sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở khu vực Odesa.

Cũng trong ngày thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp đã được Ukraine sử dụng nhưng không nói rõ thêm. Các hỏa tiễn phóng từ trên không có tầm bắn vượt quá 155 dặm, xa hơn tầm bắn của vũ khí do Mỹ cung cấp.

Trong một diễn biến khác, cũng tại Crimea, một đoàn tàu chở ngũ cốc giữa Simferopol và thành phố Sevastopol đã bị trật đường ray.Người đứng đầu quốc hội khu vực do Mạc Tư Khoa cài đặt, Vladimir Konstantinov, cho biết đó là kết quả của một vụ nổ do phá hoại.

6. NATO soạn thảo các kế hoạch bí mật chống lại Nga—'Chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu tối nay'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Forges Secret Plans Against Russia—'We Are Ready To Fight Tonight'“, nghĩa là “NATO soạn thảo các kế hoạch bí mật chống lại Nga—'Chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu tối nay'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các nhà lãnh đạo NATO chuẩn bị thông qua các kế hoạch phác thảo cách thức liên minh này có thể đáp trả một cuộc tấn công của Nga.

Động thái này được đưa ra khi một quan chức hàng đầu của NATO, Đô đốc Rob Bauer, cảnh báo rằng cần có sự chuẩn bị vì “một cuộc xung đột có thể xuất hiện bất cứ lúc nào”.

NATO, tổ chức đã tham gia vào các cuộc xung đột nhỏ hơn như Afghanistan trong những năm gần đây, đã không vạch ra các kế hoạch chi tiết như vậy để phòng thủ trước một cuộc tấn công của Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin đã dẫn đến việc suy nghĩ lại.

Các kế hoạch dài hàng nghìn trang cũng sẽ hướng dẫn 31 thành viên của nó về cách nâng cấp lực lượng và hậu cần.

Động thái này sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của liên minh ở Vilnius vào tháng 7, có thể mất vài năm để thực hiện đầy đủ, mặc dù các quan chức NATO nói rằng liên minh có thể lao vào cuộc chiến ngay lập tức.

“Chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu đêm nay”, Trung tướng Hubert Cottereau, phó tham mưu trưởng tại Trụ sở tối cao của NATO Lực lượng Đồng minh ở Âu Châu, gọi tắt là SHAPE, cho biết như trên.

Ông nói rằng liên minh không tin rằng cần phải tăng quân số ở phía đông, đó là điều mà các quốc gia vùng Baltics đã yêu cầu. “Nếu người Nga tập trung quân ở biên giới, chúng ta sẽ lo lắng. Cũng thế, nếu chúng ta tập trung quân ở biên giới, họ sẽ lo lắng.”

Năm ngoái, NATO đã đồng ý đặt 300.000 quân trong tình trạng báo động cao, tăng từ 40.000. Tuy nhiên, liên minh đã phải vật lộn để theo kịp nhu cầu của Ukraine về thiết bị quân sự và sẽ phải nâng cấp hậu cần để cho phép quân đội được triển khai nhanh chóng thông qua đường sắt hoặc đường bộ.

Nhà sử học tại SHAPE, Ian Hope, nói với cơ quan này rằng một cuộc xung đột có thể xảy ra với Mạc Tư Khoa sẽ khác với mối đe dọa gây ra trong Chiến tranh Lạnh, vì máy bay không người lái, vũ khí siêu thanh và internet “đặt ra những thách thức mới”.

Có những câu hỏi về sự sẵn sàng của NATO cho một cuộc xung đột với Nga. Vào tháng 9 năm 2022, một cựu chỉ huy cấp cao của NATO, Tướng Sir Richard Shirreff, nói với Newsweek rằng liên minh này chưa sẵn sàng tham chiến với Mạc Tư Khoa nếu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine biến thành một “trường hợp xấu nhất”.

Ông nói: “Sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất có nghĩa là huy động nguồn dự trữ. Điều đó có nghĩa là xây dựng lại những khả năng đã mất đi sau nhiều năm cắt giảm quốc phòng.”

Tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng tất cả các nước thành viên đã đồng ý rằng Ukraine sẽ tham gia liên minh, một khi chiến tranh kết thúc. Liên minh này đã tăng quy mô lên 31 thành viên sau khi Phần Lan gia nhập vào tháng trước, giúp tăng gấp đôi biên giới của NATO với Nga lên 1.600 dặm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO mặc dù các quan chức ở Kyiv muốn lộ trình trở thành thành viên của liên minh phải xảy ra trước hội nghị.

Newsweek đã liên hệ với NATO qua email để có thêm bình luận.

7. Ngoại trưởng Nga cho biết 2 tháng tới sẽ là “quyết định” về tương lai của thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hai tháng tới sẽ là “thời điểm quyết định” khi nói đến tương lai của thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải, cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng của Ukraine.

“Cân nhắc toàn bộ các tình huống và có tính đến lời kêu gọi của các đối tác, chúng tôi ủng hộ sáng kiến của Tổng thống Erdogan khi ông ấy đề xuất gia hạn thỏa thuận này thêm hai tháng, với sự hiểu biết rõ ràng rằng hai tháng này sẽ mang tính quyết định. Ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo ở Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov xác nhận hôm thứ Năm sau các cuộc đàm phán về việc nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu nông sản của Nga, Mạc Tư Khoa đã đồng ý gia hạn thêm hai tháng đối với thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng phía Nga cũng đã quyết định tiếp tục cái gọi là thỏa thuận Hắc Hải này trong thời hạn hai tháng,” ông Peskov nói với các phóng viên.

Ông mô tả nó là một “kết quả tương đối” đối với Nga, đồng thời nói thêm rằng số phận của hiệp ước “nằm trong tay những nhà đàm phán Liên Hiệp Quốc, là những người phải đồng ý đối với các yêu cầu của Nga.”

Nga trước đó đã đe dọa rút khỏi thỏa thuận, phàn nàn rằng một thỏa thuận riêng với Liên Hiệp Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga, được môi giới như một phần của các cuộc đàm phán về thỏa thuận vào tháng 7 năm ngoái, đã không được tuân thủ.

Thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải là gì? Thưa: Thỏa thuận này được thiết lập lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2022 để bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine an toàn trong bối cảnh Nga phong tỏa các cảng của Ukraine. Thỏa thuận – mà Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp môi giới – đã hết hạn vào thứ Tư trước khi nó được gia hạn.

Theo Ủy ban Âu Châu, Ukraine chiếm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% thị trường ngô và 13% thị trường lúa mạch. Ukraine cũng là một quốc gia đứng đầu toàn cầu trong thị trường dầu hướng dương.

Nếu thỏa thuận không được gia hạn, an ninh lương thực trên toàn thế giới sẽ bị đe dọa. Ủy ban Cấp cứu Quốc tế, gọi tắt là IRC, đã viết vào thứ Ba rằng có tới 90% hàng nhập khẩu vào các nước Đông Phi là các lô hàng được hỗ trợ bởi thỏa thuận ngũ cốc. IRC cho biết nếu những hoạt động nhập khẩu này dừng lại, sẽ có “sự gia tăng đột biến về số lượng người thiếu dinh dưỡng” lên gần 19 triệu người vào năm 2023.

8. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang làm suy yếu ảnh hưởng của nước này ở Trung Á. Trung Quốc đặt mục tiêu lấp đầy khoảng trống

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trải thảm đỏ cho các quốc gia Trung Á trong tuần này khi Bắc Kinh cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động sang một khu vực từ lâu được coi là vùng ảnh hưởng của Nga.

Các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đang tập trung tại thành phố Tây An miền trung Trung Quốc cho một hội nghị thượng đỉnh bắt đầu vào thứ Năm.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nguyên thủ quốc gia với Trung Quốc kể từ khi họ thiết lập quan hệ ngoại giao sau khi Liên Xô sụp đổ, điều này và diễn ra khi khu vực này đang vật lộn với các tác động kinh tế dây chuyền của nước láng giềng Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.

Trung Quốc đã quảng cáo cuộc họp là “hoạt động ngoại giao lớn đầu tiên” mà nước này tổ chức trong năm nay và là cơ hội để vạch ra một “kế hoạch chi tiết mới” với khối các quốc gia hậu Xô Viết rộng lớn nằm giữa biên giới phía tây của nước này, Âu Châu và Trung Đông.

Sự kiện kéo dài hai ngày này cũng là một vở kịch của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Á, nơi Nga, từ lâu đã là đối tác cường quốc thống trị, hiện đang bị phân tâm bởi cuộc xâm lược Ukraine đang suy yếu và không thành công.

“Bối cảnh quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh này là cuộc chiến Ukraine và sự không chắc chắn của khu vực với cam kết, ảnh hưởng và vai trò trong tương lai của Nga trong khu vực,” Vân Tôn (Yun Sun, 云孙) giám đốc Chương trình Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết.

Bà nói: “Trung Á luôn được coi là sân sau của Nga và Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực và có những nguyện vọng và hướng đi mới cho quan hệ Trung Quốc-Trung Á - những cơ hội không có trong quá khứ”.

9. Bộ trưởng Quốc phòng NATO cho rằng Crimea là 'lằn ranh đỏ' đối với Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Is a 'Red Line' for Putin, NATO Defense Minister Says”, nghĩa là “Bộ trưởng Quốc phòng NATO cho rằng Crimea là 'lằn ranh đỏ' đối với Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Mặc dù kêu gọi các quốc gia NATO không chùn bước trước một chiến dịch của Ukraine đối với bán đảo này bất kể lo ngại về kho vũ khí hạt nhân của Mạc Tư Khoa, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia cho biết, mất quyền kiểm soát đối với Crimea là một “lằn ranh đỏ” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin,

Trong một cuộc phỏng vấn tại Bộ Quốc phòng Estonia vào cuối tuần trước bên lề Hội nghị Lennart Meri, Hanno Pevkur nói với Newsweek rằng các đồng minh NATO có các kênh để cảnh báo Điện Cẩm Linh về việc sử dụng vũ khí hạt nhân và rằng việc Putin lặp đi lặp lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ không làm suy yếu sự ủng hộ Kyiv của phương Tây.

Pevkur nói: “Công việc của chúng tôi ở đây là giúp đỡ người Ukraine và lo làm sao để họ có thể thực hiện các động thái của mình, chứ không phải lo lắng về những gì Cẩm Linh sẽ làm.”

Crimea chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong huyền thoại quốc gia của Putin. Vụ chiếm giữ nhanh chóng và không gây đổ máu của quân đội Nga - lúc đó được gọi là “những người đàn ông màu xanh lá cây” do họ không có phù hiệu hoặc các dấu hiệu nhận dạng khác - vào năm 2014 đã được tôn vinh như một bằng chứng về sự tự tin và năng lực mới của Mạc Tư Khoa và sự đảo ngược của một sự sỉ nhục quốc gia được coi là đã chìm sâu trong lịch sử.

Nhưng quân đội Ukraine có thể đang hướng tới bán đảo cho cuộc phản công sắp tới của họ. Một cuộc tấn công thành công về phía nam từ Zaporizhzhia và phía đông từ Kherson để cắt đứt cây cầu trên đất liền nối Crimea với Nga có thể cô lập bán đảo và gây nguy hiểm cho hàng trăm nghìn binh sĩ và thường dân Nga ở đó.

Các quan chức nước ngoài đã bày tỏ lo ngại rằng tham vọng chiếm lại bán đảo của Kyiv có thể khiến Điện Cẩm Linh leo thang chiến tranh với Ukraine, mặc dù các quan chức phương Tây cũng cho biết không có dấu hiệu ngay lập tức cho thấy Putin đang xem xét vũ khí hạt nhân.

“Ukraine cần lấy lại tất cả các lãnh thổ,” Pevkur nói với Newsweek khi được hỏi về vấn đề Crimea. Ông nói thêm, số phận của bán đảo sẽ phụ thuộc một phần vào phản ứng của Nga đối với cuộc phản công sắp tới.

“Sẽ có tuyết lở chứ? Liệu họ có bắt đầu chạy không?...Rất khó nói. Vấn đề này có thể diễn ra trong một hoặc hai tháng, sau đó chúng ta sẽ có thêm thông tin,” ông nói. “Nhưng dựa trên thông tin công khai mà chúng tôi hiện có, thì chắc chắn Crimea là 'lằn ranh đỏ' đối với Putin. Nhưng chúng tôi không biết 'lằn ranh đỏ' đó có nghĩa là gì.

“Chúng tôi không biết, khi chúng ta ở trong giai đoạn Ukraine sẵn sàng chiếm Crimea, tình hình hoặc tình trạng hiện tại của Quân đội Nga sẽ ra sao. Có lẽ không có gì có thể chống lại. Có thể trận tuyết lở lớn, và sẽ mất vài tháng. Hoặc có thể ngược lại, và đó sẽ là một cuộc xung đột rất dài.”

Pevkur nói thêm, có lẽ Putin thậm chí có thể không còn là tổng tư lệnh nữa.

“Tôi tin rằng người Ukraine hy vọng như vậy,” ông nói. “Nhưng khi đó không phải là Putin, thì đó có thể là một người khác thậm chí còn hung dữ hơn đối với người Ukraine. Bạn không bao giờ biết người lãnh đạo mới sẽ như thế nào.”

NATO và Hoa Kỳ có các kênh thông qua đó họ có thể cảnh báo tổng thống Nga về việc sử dụng hạt nhân. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan trước đó đã cảnh báo sẽ có những hậu quả “thảm khốc” đối với Mạc Tư Khoa nếu nước này sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Ukraine.

Nhưng NATO đã kiềm chế không công khai chi tiết các bước tiếp theo mà tổ chức này có thể thực hiện, thay vào đó chọn “sự mơ hồ chiến lược”. Pevkur nói với Newsweek rằng đường lối này là một lời cảnh báo đủ cho Putin.

Ông nói: “Tôi tin rằng những gì NATO sẽ làm sẽ không bao giờ được công bố. “Và điều này là đúng bởi vì có những kênh để gửi thông điệp tới Nga về mối đe dọa hạt nhân, tấn công hạt nhân. Và chắc chắn, NATO và các đồng minh sẽ sử dụng các kênh này để gửi đúng thông điệp”.

Về việc liệu thông điệp này đã được gửi đi hay chưa, Pevkur nói: “Không cần phải suy đoán. Chúng ta đã thấy rằng Nga... đã hù dọa các đồng minh một chút. Chúng tôi thấy rằng mối đe dọa này vẫn là một mối đe dọa. Khi muốn đạt kết quả thực sự thì không nên làm công khai. Đặc biệt là khi nó không liên quan đến mối đe dọa hạt nhân.”

Pevkur nằm trong số những người kêu gọi thận trọng trước cuộc phản công sắp xảy ra—hoặc có lẽ đã diễn ra—của Ukraine.

“Điều đó rất quan trọng, tất cả chúng ta đều hiểu điều đó,” bộ trưởng quốc phòng nói. “Nhưng chúng ta đừng gây quá nhiều áp lực lên người Ukraine với điều đó. Vâng, đây là lý do tại sao chúng tôi cũng đã huấn luyện các binh sĩ Ukraine ở Âu Châu, cũng như ở đây, Estonia. Và đây là lý do tại sao chúng tôi gửi viện trợ quân sự cho Ukraine...Chúng tôi cần hy vọng rằng quốc gia này sẽ thành công nhất có thể.”

“Nhưng đặt mọi thứ vào bối cảnh, tiền tuyến là 800-900 km, giới tuyến đầy đủ hơn lên đến 1.000 km, đó là rất lớn. Rõ ràng, ngay cả khi bạn có 12, có thể là 13 lữ đoàn mới, bạn vẫn phải đối phó với hơn 300.000 người Nga.”

Ông nói: “Mọi quân đội đều hiểu rằng để có một cuộc phản công cực kỳ mạnh mẽ, bạn cần phải có tỷ lệ 1:3 hoặc 1:4 về phía mình. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng chúng ta phải bình tĩnh đón nhận và không gây quá nhiều áp lực lên người Ukraine. Hãy chờ xem việc này sẽ đi đến đâu.”

Ukraine sẽ hy vọng rằng các lực lượng bị tấn công của Nga không thể chịu được cuộc tấn công. Các nhà lãnh đạo ở Kyiv đã nói rõ rằng mục tiêu chính của các trận chiến phòng thủ tiêu hao trong mùa đông và mùa xuân ở phía đông là làm suy yếu sức mạnh của Nga.

“Chắc chắn là họ đã mất rất nhiều chiến binh giỏi, ngay cả trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến,” Pevkur nói về người Nga. “Tất cả chúng ta cũng hiểu rằng phòng thủ dễ hơn nhiều so với tấn công. Mặc dù Quân đội Nga đã bị cắt giảm quy mô, nhưng họ vẫn có hàng trăm ngàn người ở đó.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

“Bạn không thể dự đoán những gì có thể xảy ra,” bộ trưởng nói. “Cuộc phản công có thể giống như một trận tuyết lở. Nếu bạn có một quả cầu tuyết và bạn ném nó xuống núi, nó có thể biến thành tuyết lở. Nhưng nó cũng có thể chỉ là một quả cầu tuyết. Chúng ta phải hy vọng nó sẽ xuất hiện như một trận tuyết lở.

“Và đừng quên rằng, dù sao đi nữa, điều đó không thể ảnh hưởng đến sự giúp đỡ của chúng tôi đối với Ukraine, vì mục tiêu cuối cùng của Ukraine vẫn như cũ: giành chiến thắng trong cuộc chiến và giành lại lãnh thổ của họ.”

Trong khi chờ đợi, Pevkur nói, các quốc gia NATO nên cố gắng hơn để trang bị cho người Ukraine chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công.

Ông nói: “Viện trợ quân sự của Estonia dành cho Ukraine cho đến nay là khoảng 400 triệu đô la, mà theo thuật ngữ của Estonia là hơn 1% GDP một chút. Chúng tôi có tổng cộng 54 quốc gia trong Định dạng Ramstein của Nhóm Liên lạc Ukraine với tổng GDP khoảng 50 nghìn tỷ đô la.”

“Khi bạn lấy 1 phần trăm của 50 nghìn tỷ, nó xấp xỉ 500 tỷ đô la. Cho đến nay, viện trợ quân sự tập thể đã xấp xỉ 50 tỷ đô la. Nó cho thấy rằng chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa. Và chắc chắn, khi Ukraine cần, chúng tôi có thể giúp đỡ”.
 
Lái xe hết ga tông thẳng vào Tòa Thánh. Hiến binh Vatican nổ súng. Tình hình tự do tôn giáo thế giới
VietCatholic Media
05:06 20/05/2023


1. Lái xe tông thẳng vào Tòa thánh. Hiến binh Vatican nổ súng

Văn phòng báo chí Tòa thánh cho biết một người đàn ông không rõ danh tính đang bị giam giữ sau khi lái xe hơi với tốc độ cao vượt qua cổng vào Vatican hôm thứ Năm.

Một lính gác ở lối vào Santa Anna đã bắn về hướng lốp trước của chiếc xe, trúng vào tấm chắn bùn trước bên trái, nhưng chiếc xe vẫn tiếp tục lao vào khuôn viên Vatican cho đến khi người lái xe vào được Sân San Damaso, là sân chính của Điện Tông Tòa. Tại đó, người đàn ông đã bị Lực lượng hiến binh chặn lại và quản thúc, văn phòng báo chí cho biết.

Vụ việc xảy ra sau 8 giờ tối tại một trong những lối vào chính của Thành phố Vatican bằng xe hơi. Nó nằm ở phía bắc quảng trường Thánh Phêrô và bên cạnh doanh trại Vệ binh Thụy Sĩ. Văn phòng báo chí cho biết ban đầu người đàn ông đến gần lối vào, và vẫn ngồi trong xe của anh ta và bị từ chối vì anh ta không có giấy phép ra vào.

“Bất chấp những chỉ dẫn do Đội Vệ binh Thụy Sĩ của Đức Giáo Hoàng cung cấp cho anh ta, là anh ta không thể vào Vatican mà không có sự cho phép của giới hữu trách, anh ta tạm thời lùi ra khỏi lối vào và sau đó quay trở lại với tốc độ cao, tông thẳng vào hai cổng kiểm soát, của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ và Hiến binh của Quốc gia Thành phố Vatican.

“Người đàn ông, khoảng 40 tuổi, ngay lập tức được các bác sĩ của Tổng cục Y tế và Vệ sinh của Nhà nước Thành phố Vatican đến thăm khám, họ đã phát hiện ra tình trạng thay đổi tâm sinh lý nghiêm trọng,” tuyên bố cho biết.

“Hiện tại người này đang ở trong phòng giam trong cơ sở mới của Doanh trại Hiến binh, dưới quyền giải quyết của Cơ quan Tư pháp,” tuyên bố cho biết thêm.

2. Hành vi phá hoại trong nhà thờ St. Carol Lwanga

Trong những ngày này, các giám mục của Tanzania dự kiến sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican để thảo luận các vấn đề đáng báo động như việc mạo phạm một số tòa nhà của Giáo Hội Công Giáo trong nước. Nhà thờ chính tòa Đức Trinh Nữ Maria, Nữ hoàng hòa bình ở giáo phận Geita đã bị mạo phạm vào ngày 26 tháng 2 năm 2023. Vào ngày 3 tháng 5, giáo xứ St Patrick ở Zanzibar cũng bị hư hại bởi những kẻ vô danh và các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục. Trong khi đó, các hành vi phá hoại chống lại các ngôi thánh đường vẫn tiếp tục. Ngoài những vụ việc này, vụ mạo phạm Nhà thờ Thánh Carol Lwanga, giáo phận Kahama, bởi một người đàn ông loạn trí đã được báo cáo trong những ngày gần đây. Linh mục nhà thờ Cha Innocent Villilo giải thích rằng chàng trai trẻ có vấn đề về tâm thần và được cho là đã trốn khỏi Bệnh viện quận Kahama, cách nhà thờ không xa. Theo cha Abraham Maziku, thư ký của Christopher Ndizeye Nkoronko, giám mục giáo phận Kahama, người đàn ông này đã bước vào cửa chính của nhà thờ và bắt đầu đập phá mọi thứ. Các nhân viên bảo vệ đã bắt được anh ta trước khi anh ta có thể gây thêm bất kỳ thiệt hại nào.

“Không rõ điều gì đã thực sự thúc đẩy người đàn ông hành động như vậy và cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra. Chúng tôi cảm ơn Chúa vì đã ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa và chúng tôi tiếp tục cầu nguyện rằng Chúa sẽ bảo vệ chúng tôi và tăng cường các biện pháp an ninh tại các giáo xứ của chúng tôi”, Cha Maziku nói. Giám mục của Kahama đã đến hiện trường vụ việc và ra lệnh thắt chặt an ninh suốt đêm và sau đó.


Source:Fides

3. Các vị đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem kỷ niệm 75 năm vụ “Nakba”, kêu gọi quyền tự quyết cho Palestine

Các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi tất cả hãy cầu nguyện và làm việc “để Chúa ban cho sự khôn ngoan để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, để người dân Palestine có thể được trao quyền tự quyết, xây dựng nhà nước và thịnh vượng, và cho phép tất cả các dân tộc của vùng đất này được sống trong hòa bình, nhân phẩm và an cư lạc nghiệp”. Lời kêu gọi được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 75 năm biến cố Nakhba, là cuộc di cư bắt buộc của người Ả Rập Palestine trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948 sau khi thành lập Nhà nước Israel. Lễ kỷ niệm – nhấn mạnh một thông điệp được đưa ra bởi Hội đồng Thượng phụ và Thủ lĩnh các Giáo hội ở Giêrusalem “rằng con cái của các Giáo hội của chúng ta chia sẻ thân phận với phần còn lại của người dân Palestine”.

Trong tuyên bố, những người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem tái khẳng định cam kết của họ “nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài trên vùng đất Thánh địa của chúng ta”.

Hơn 700.000 người Palestine đã rời bỏ các thị trấn và làng mạc trong thời kỳ Nakba, một thành ngữ có nghĩa là “thảm họa” trong tiếng Ả Rập. Tranh cãi liên quan đến số phận của những người tị nạn Palestine là “quyền được hồi hương” của con cháu họ,vẫn là tâm điểm của cuộc xung đột Ả Rập-Israel.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội nhấn mạnh rằng “Đức tin của chúng ta dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em trong nhân loại và chúng ta phải đoàn kết và làm việc cùng nhau để đạt được hòa bình, lòng khoan dung và công lý. Kitô giáo đã dạy chúng ta rằng tình yêu thương, lòng thương xót và sự tôn trọng lẫn nhau là cách để đạt được hòa bình trên thế giới, và điều này đặc biệt đúng đối với Thánh Địa thân yêu của chúng ta”.

Các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem nhắc lại rằng “công lý và hòa bình” là “chìa khóa cho sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực”, đồng thời khẳng định rằng các ngài sẵn sàng “làm việc với tất cả các bên quan tâm để đạt được những mục tiêu cao cả này”. Tuyên bố cũng nhắc lại sự cần thiết phải “bảo tồn các Thánh địa và các quy tắc của 'thỏa ước nguyên trạng', đồng thời cố gắng đạt được hòa bình lâu dài và công bằng trong khu vực dựa trên tính hợp pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc”


Source:Fides

4. Báo cáo mới của Hoa Kỳ cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo ở Trung Quốc, Iran, Ấn Độ

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết hôm thứ Hai, cuộc khảo sát mới nhất của Bộ Ngoại giao về tự do tôn giáo trên toàn thế giới cho thấy các điều kiện ở một số quốc gia áp bức nhất trên thế giới đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn cũng như đã xuất hiện các xu hướng mới, đáng lo ngại.

Ông nói: “Các chính phủ ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục nhắm vào các nhóm thiểu số tôn giáo bằng nhiều biện pháp, bao gồm tra tấn, đánh đập, giám sát bất hợp pháp và cái gọi là trại cải tạo.

Blinken đã nhấn mạnh những hành vi lạm dụng đối với nhóm thiểu số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi chủ yếu ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, một quốc gia mà một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao đã mô tả là “một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới.”

Hoa Kỳ trước đây đã xác định rằng cách thức Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng và chống lại loài người, và báo cáo, bao gồm năm 2022, nói rằng cuộc đàn áp vẫn tiếp tục diễn ra đều đặn.

Mặc dù dữ liệu còn hạn chế, nhưng cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đàn áp tự do tôn giáo một cách đáng kể và trên diện rộng trong suốt cả năm, và số người bị bỏ tù vì tín ngưỡng tâm linh của họ được ước tính nằm trong khoảng từ hàng ngàn đến có lẽ hơn 10.000.

Các quan chức chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền và cố gắng biện minh cho các hành động chống lại người Duy Ngô Nhĩ là biện pháp chống khủng bố.

Blinken cũng đề cập đến nền thần quyền Hồi giáo của Iran, nơi áp đặt những hạn chế hà khắc đối với dân số và những hình phạt tàn bạo đối với những hành vi phạm tội, cũng như làn sóng biểu tình đang diễn ra sau cái chết của một thiếu nữ vào tháng 9 năm ngoái.

“Người dân trên khắp Iran, do các phụ nữ trẻ lãnh đạo, tiếp tục các cuộc biểu tình ôn hòa đòi hỏi nhân quyền của họ, bao gồm quyền tự do tôn giáo, được khích động bởi vụ sát hại Mahsa Amini, người đã bị cái gọi là cảnh sát đạo đức bắt giữ vì khăn trùm đầu của cô không che hết tóc.”

Báo cáo nhấn mạnh rằng phong trào đã đi kèm với tổn thất nặng nề. Tham khảo số liệu thống kê từ các nhóm nhân quyền hoạt động ở Iran, báo cáo cho biết trong năm 2022 sau cái chết của Amini, lực lượng an ninh của chính phủ đã giết 512 người biểu tình, trong đó có 69 trẻ em, bắt giữ 19.204 cá nhân và hành quyết ít nhất một người có liên quan đến các cuộc biểu tình với cáo buộc “thù nghịch với Allah.”

Cuộc khảo sát, theo quy định của pháp luật, được biên soạn và đệ trình lên Quốc hội hàng năm, cũng bày tỏ một số lo ngại về các điều kiện ở Ấn Độ - một quốc gia hiện chưa được Bộ Ngoại giao chỉ định là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” bất kể những vi phạm tôn giáo nghiêm trọng. Trong số các vấn đề được liệt kê là các quy định pháp luật cấm cải đạo ở nhiều bang, cáo buộc phân biệt đối xử có hệ thống đối với người Hồi giáo và tấn công các nhóm thiểu số tôn giáo - bao gồm cả biện pháp chống lại những người không theo Ấn Giáo dựa trên cáo buộc giết mổ bò hoặc buôn bán thịt bò.

“ Chúng tôi đang tiếp tục khuyến khích chính phủ lên án bạo lực và lên án tất cả các nhóm tham gia vào các luận điệu phi nhân tính đối với các nhóm thiểu số tôn giáo và tất cả các nhóm tham gia bạo lực chống lại các cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng khác ở Ấn Độ,” Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, nói với các phóng viên.

Ngoài ra, báo cáo vạch ra những vi phạm phổ biến đối với tự do tôn giáo do Mạc Tư Khoa gây ra, cả ở Nga và ở các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine.

“Các nhà chức trách tiếp tục điều tra, giam giữ, bỏ tù, tra tấn, lạm dụng thể xác và tịch thu tài sản của họ vì niềm tin tôn giáo hoặc liên kết họ với tư cách thành viên của các nhóm được coi là “cực đoan”, “khủng bố” hoặc “không mong muốn”, bao gồm cả các nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va, Tatars, Hizb ut-Tahrir, Tablighi Jamaat, các tín hữu của nhà thần học Hồi giáo người Thổ Nhĩ Kỳ Said Nursi, Pháp Luân Công và nhiều nhóm Tin lành”, đồng thời cho biết thêm rằng các cá nhân đã bị theo dõi trong thời gian dài, bị giam trong các trại lao động, tra tấn, lục soát nhà và các hình thức ngược đãi khác.

Báo cáo cũng nói rằng ngay cả các thành viên của Giáo Hội Chính thống Nga cũng không được bảo vệ hoàn toàn, và lưu ý rằng một số người đã bị “phạt tiền hoặc bị cấm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ tôn giáo của họ” sau khi chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Tại Crimea và các khu vực khác của Ukraine dưới sự cai trị của Nga, báo cáo cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền “đã vi phạm rộng rãi, liên tục và nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và lương tâm cũng như lạm dụng thể chất và tâm lý.

Blinken cũng cho biết trên toàn cầu, báo cáo đã ghi lại những ví dụ về sự tiến bộ, trích dẫn Bỉ chính thức công nhận thiểu số Phật giáo của mình, các nhà lập pháp ở Brazil hệ thống hóa các bảo đảm tự do tôn giáo cho các cộng đồng bản địa người Brazil gốc Phi và các quốc gia khác thành lập văn phòng để chống lại chủ nghĩa bài Hồi giáo và chủ nghĩa bài Do Thái.

Ông nói: “Nói rộng hơn, xã hội dân sự và các chính phủ có liên quan khác trên khắp thế giới đã bảo đảm thành công việc trả tự do cho nhiều người đã bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.
Source:ABCNews
 
Putin hạ lệnh chiếm Bakhmut trong 4 ngày. Zelenskiy, từng bị Nga ám sát 10 lần, đã đến Hiroshima
VietCatholic Media
16:48 20/05/2023


1. Putin hạ lệnh cho quân Nga trong 4 ngày phải giành lại các vị trí đã để mất ở thành phố Bakhmut.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Bẩy 20 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua, hơn 80 cuộc giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Ukraine và quân xâm lược Nga đã diễn ra ở các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiyivka, Maryinka và Shakhtarske. Đây là con số tăng vọt so với con số 29 cuộc giao tranh trong ngày hôm trước.

Cung từ của tiểu đoàn trưởng lính Dù Nga bị bắt tại mặt trận cho thấy chính Putin ra hạn cho quân Nga tối đa là 4 ngày phải tái chiếm lại các vị trí đã mất sau khi Lữ Đoàn 72 Súng Trường Cơ Giới của Nga đã tháo chạy khỏi vị trí của mình ở vùng ngoại ô phía tây nam của Bakhmut dẫn đến cáo buộc của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin rằng quân chính quy Nga bỏ chạy khiến 500 lính Wagner tử trận.

Hôm 10 Tháng Năm, Prigozhin nói: “Quân đội của chúng ta đang chạy trốn. Lữ đoàn 72 chết tiệt đã đánh mất ba km vuông sáng nay, khiến chúng tôi mất khoảng 500 người”.

Thời hạn 4 ngày đã trôi qua, và người ta vẫn không rõ là quân Nga sẽ đánh tiếp hay là rút lui hoàn toàn khỏi thành phố Bakhmut. Một số blogger quân sự Nga cho rằng Valery Gerasimov và Sergei Shoigu chủ trương rút. Cuộc chiến tại thành phố Bakhmut là do trùm Wagner khởi xướng, đã làm quân Nga tổn thất quá nặng; và khả năng chiến thắng mong manh hơn bao giờ. Tuy nhiên, vì tự ái, Putin muốn đánh bằng bất cứ giá nào.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết: “Đêm qua, những kẻ khủng bố Nga đã thực hiện một cuộc không kích khác bằng máy bay không người lái Shahed vào Ukraine. Thông tin về hậu quả của vụ tấn công khủng bố này hiện đang được làm rõ. Trong ngày qua, quân xâm lược đã tiến hành sáu cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, 62 cuộc không kích và 65 cuộc tấn công hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của quân phòng thủ chúng ta và các khu dân cư. Cơ sở hạ tầng dân sự đã bị phá hủy. Đặc biệt, do hậu quả của cuộc pháo kích vào Kryvyi Rih ở vùng Dnipropetrovsk, Stepnohirsk ở vùng Zaporizhzhia, và Beryslav và Zelenivka ở vùng Kherson, dân thường thiệt mạng và bị thương, một đứa trẻ thiệt mạng, nhà riêng, cơ sở y tế và các cơ sở dân sự khác đã bị phá hủy”.

Quân xâm lược tiếp tục tập trung lực lượng chính vào các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiyivka, Maryinka, Shakhtarske. Trong 24 giờ qua, hơn 80 trận giao tranh đã diễn ra trên các khu vực cụ thể của mặt trận, những trận chiến khốc liệt nhất đã diễn ra ở Bakhmut, Maryinka và ở các khu vực Avdiyivka, Stepove và Novomykhaylivka.

Trong 24 giờ qua, 670 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Ta hãy cầu nguyện cho họ phần lớn là những con em gia đình lao động nghèo chết oan vì tham vọng ngông cuồng của bọn độc tài. Bên cạnh đó, quân xâm lược còn mất 4 xe tăng, 5 xe thiết giáp, 19 hệ thống pháo, và 20 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 20 tháng 5 năm 2023, 202.430 quân nhân Nga bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.781 xe tăng, 7.382 xe thiết giáp, 3.229 hệ thống pháo, 564 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 325 hệ thống phòng không, 308 máy bay, 294 máy bay trực thăng, 2.801 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 1.011 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu/chiến, 6.103 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 423 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã thoát được 10 lần mưu sát do Nga thực hiện.

Cũng trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Bẩy 20 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong hai tuần qua, Bộ Quốc phòng Ukraine đã ghi nhận ba báo cáo giả được lưu hành bởi các nền tảng liên kết với lực lượng Nga, tuyên bố rằng các chỉ huy hàng đầu của đất nước đã bị giết. Do đó, vấn đề an ninh cá nhân của các nhà lãnh đạo chính trị-quân sự của Ukraine hiện có tầm quan trọng chiến lược.

Thứ trưởng Hanna Maliar nói: “Trong hai tuần qua, chúng tôi đã ghi nhận ba câu chuyện giả mạo của đối phương cáo buộc về 'cái chết' của các chỉ huy của chúng ta. Theo thứ tự thời gian, đầu tiên là Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ihor Tantsiura, rồi đến Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, và mới đây nhất là Đại Tướng Tổng tư lệnh Valeriy Zaluzhnyi.”

Cô nhấn mạnh rằng: “Một mặt, thật dễ dàng để kiểm tra và bác bỏ những báo cáo như vậy; và trên thực tế, đó là những gì các cơ quan truyền thông liêm chính đã thực hiện. Mặt khác, bạn phải hiểu rằng người Nga có xu hướng tung tin giả và thường lực lượng trên mặt trận thông tin của họ đưa ra các báo cáo mà không xác minh trực tiếp với những giới chức hữu quan”

Cô cũng lưu ý rằng thực tế khách quan là trong khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, đối phương sẽ quan tâm đến việc ám sát các nhà lãnh đạo chính trị - quân sự của ta nên vấn đề an ninh cá nhân của họ hiện có tầm quan trọng chiến lược.

Trước đó, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống, Mykhailo Podolyak, nói rằng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã sống sót sau hơn mười lần bị mưu sát.

3. Đan Mạch huấn luyện phi công F-16 Ukraine sau khi Mỹ thay đổi chính sách đối với F-16

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, Troels Lund Poulsen, cho biết “Đan Mạch sẽ đào tạo phi công F-16 cho Ukraine sau quyết định hỗ trợ đào tạo của Mỹ”.

“Đan Mạch đã làm việc vì điều này cùng với các đồng minh thân cận. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ điều này. Chúng tôi sẽ cùng với các đồng minh thân thiết làm việc với các chi tiết ưu tiên,”

4. Zelenskiy kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên đoàn Ả Rập đừng nhắm mắt làm ngơ trước chiến tranh ở Ukraine

Volodymyr Zelenskiy đã có bài phát biểu trước Liên đoàn Ả Rập ở Jeddah, thuộc Ả Rập Saudi. Zelenskiy đã mở đầu bằng cách vinh danh những “chiến binh” mà ông đang đại diện và người dân Ukraine.

Ông nói: “Người Ukraine chưa bao giờ chọn chiến tranh. Quân đội của chúng tôi đã không đi đến những vùng đất khác. Chúng tôi không tham gia vào việc thôn tính và cướp bóc tài nguyên của quốc gia khác. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ phục tùng bất kỳ người nước ngoài hay thực dân nào. Đó là lý do tại sao chúng tôi chiến đấu.

“Tôi chắc rằng các bạn sẽ hiểu cảm xúc chính của chúng tôi, lời kêu gọi chính mà tôi muốn để lại ở Jeddah, một lời kêu gọi cao quý gửi đến tất cả các bạn để giúp bảo vệ người dân của chúng tôi, bao gồm cả cộng đồng Hồi giáo Ukraine.”

Tổng thống Zelenskiy đã đi cùng với những người Tatar Ukraine sống ở Crimea, nơi có cộng đồng Hồi giáo.

Zelenskiy nói tiếp: “Crimea và Tatar phải là một phần không thể thiếu của cộng đồng Hồi giáo trên thế giới. Crimea là nơi đầu tiên phải chịu sự xâm lược của Nga. Trên hết, những người phải chịu đựng sự xâm lược là người Hồi giáo.

“Thật không may, có một số người trên thế giới nhắm mắt làm ngơ trước những trường hợp và sự thôn tính bất hợp pháp đó. Tôi ở đây để mọi người có cái nhìn trung thực, dù người Nga có cố gắng gây ảnh hưởng đến đâu”.

Ông cảm ơn Ả-rập Xê-út đã giúp đàm phán trao trả tù binh, đồng thời đề cập đến các sinh viên Ả-rập đã sang thăm và học tập tại Ukraine.

Trong bối cảnh các cuộc thảo luận đang diễn ra xung quanh thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải mà Nga hiện đang từ chối đồng ý, Zelenskiy đã nhắc họ về loại ngũ cốc được trồng ở Ukraine và bán cho Trung Đông.

Ông nói chắc chắn rằng không một nhà lãnh đạo nào lại để cho một quốc gia khác bắt cóc con cái của họ, như Nga đã từng cưỡng bức trẻ em từ miền đông Ukraine. Không thể nào mà không có một “cuộc chiến” chống lại điều này.

“Tôi chào tất cả những người sẵn sàng tham gia cùng chúng tôi trên con đường công lý. Ukraine đã đưa ra công thức hòa bình chấm dứt chiến tranh. Các bạn có thể thấy nó hoạt động như thế nào trên ví dụ về an ninh lương thực. Ngay cả khi chiến tranh ném bom vào nhà của chúng tôi, chúng tôi vẫn làm mọi thứ để nhà của những người khác tồn tại. Chúng tôi đã thành công trong việc đưa ra sáng kiến lương thực ở Hắc Hải và dỡ bỏ lệnh phong tỏa một phần của Nga đối với các cảng của chúng tôi. Điều này đã ổn định thị trường thực phẩm và giúp ích cho nhiều người, bao gồm cả các quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập.”

“Mỗi phái đoàn danh dự đã được trao một tài liệu bằng ngôn ngữ của các bạn liên quan đến công thức hòa bình của Ukraine.”

5. Các nhà lãnh đạo G7 lên án cuộc chiến 'tàn bạo' của Nga với Ukraine, kêu gọi kiến tạo 'hòa bình lâu dài'

G7 đã lên án cuộc chiến “tàn bạo” của Nga với nước láng giềng Ukraine “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể”, gọi đó là “sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, trong thông cáo cuối cùng từ hội nghị thượng đỉnh tuần này.

Là một phần của tuyên bố, các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi “hòa bình công bằng và lâu dài” và tái cam kết ý định cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ về quân sự, tài chính và nhân đạo.

Trong phần nói về cuộc chiến ở Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 nói: “Một lần nữa, chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể về cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”

“Cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Nga là mối đe dọa đối với toàn thế giới, vi phạm các chuẩn mực, quy tắc và nguyên tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi đối với Ukraine khi nào điều đó còn cần thiết để mang lại một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài.”

“Chúng tôi đã đưa ra tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 về Ukraine, và với ý định rõ ràng và hành động cụ thể được nêu trong đó, chúng tôi cam kết tăng cường hỗ trợ ngoại giao, tài chính, nhân đạo và quân sự cho Ukraine, nhằm tăng chi phí cho Nga và những bên ủng hộ cuộc chiến của nước này, và tiếp tục chống lại những tác động tiêu cực của chiến tranh đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất.”

6. Mạc Tư Khoa cảnh báo phương Tây không được gửi máy bay tới Ukraine

Hãng thông tấn Tass dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết các nước phương Tây sẽ gặp “rủi ro lớn” nếu cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, nói với các nhà lãnh đạo G7 hôm thứ Sáu rằng Washington hỗ trợ các chương trình đào tạo chung của đồng minh cho các phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã đến Nhật Bản, nơi ông sẽ thảo luận về sự hỗ trợ quân sự lớn hơn từ Mỹ và các nước G7 khác khi lực lượng của ông chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn trong cuộc chiến với Nga.

Zelenskiy đã đến Hiroshima, nơi đón tiếp các nhà lãnh đạo G7 vào cuối tuần này. Vào chiều thứ Bảy, người ta nhìn thấy ông bước ra khỏi máy bay của chính phủ Pháp, trong bối cảnh an ninh được thắt chặt, trước một ngày đàm phán song phương và họp với các nhà lãnh đạo G7 nhằm tăng cường hỗ trợ của phương Tây đối với Kyiv.

Zelenskiy đến Hiroshima một ngày sau khi Tòa Bạch Ốc tuyên bố sẽ cho phép các nước đồng minh cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo. Trước khi lên đường sang Nhật Bản, Zelenskiy đã mô tả quyết định này là “lịch sử”, đồng thời nói thêm rằng ông mong muốn “thảo luận về việc triển khai thực tế” với các nước G7.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Trong bốn ngày qua, rất có thể Nga đã triển khai lại một con số lên đến vài tiểu đoàn để củng cố khu vực Bakhmut.

Điều này diễn ra sau những lợi ích chiến thuật của Ukraine ở hai bên sườn của thị trấn trong vùng Donetsk đang tranh chấp cho đến giữa tháng 5; và những nghi ngờ được bày tỏ công khai về cam kết của các lực lượng thuộc Tập đoàn Wagner trong việc tiếp tục chiến đấu trong khu vực.

Với việc Nga có khả năng duy trì tương đối ít các đơn vị chiến đấu thường trực ở Ukraine, việc tái triển khai lực lượng này thể hiện một cam kết đáng chú ý của bộ chỉ huy Nga.

Giới lãnh đạo Nga có khả năng tiếp tục coi việc chiếm Bakhmut là mục tiêu chiến tranh quan trọng trước mắt, nhằm có thể tuyên bố giành được một mức độ thành công nào đó trong cuộc xung đột.

8. Mạc Tư Khoa cấm “500 người Mỹ” vào Nga, bao gồm cả người dẫn chương trình truyền hình đêm khuya và nhà báo CNN

Nga đang cấm “500 người Mỹ”, bao gồm nhiều nhân vật nổi bật trong quyền lực hành pháp của Hoa Kỳ, không cho nhập cảnh vào nước này “để đáp trả các biện pháp trừng phạt chống Nga thường xuyên do chính quyền Joe Biden áp đặt,” theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga vào hôm thứ Sáu.

Danh sách bao gồm cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Đại sứ Hoa Kỳ John Huntsman, một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.

Danh sách những cái tên lan man còn bao gồm những người dẫn chương trình truyền hình đêm khuya Jimmy Kimmel, Stephen Colbert và Seth Meyers.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói: “Đã đến lúc Washington phải biết rằng không một cuộc tấn công thù địch nào chống lại Nga sẽ diễn ra mà không có phản ứng mạnh mẽ.”

Chính quyền Biden hôm thứ Sáu đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với “22 cá nhân và 104 tổ chức”

9. Hoa Kỳ cho biết Tập đoàn Wagner đang cố gắng sử dụng các nước bên thứ ba để che giấu các chuyến hàng vũ khí đến Ukraine

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết rằng tổ chức lính đánh thuê Nga Wagner PMC đang nỗ lực che đậy nỗ lực mua thiết bị quân sự để sử dụng ở Ukraine, bao gồm cả việc cố gắng lấy nguồn nguyên liệu từ Mali, nơi nhóm này có chỗ đứng vững chắc.

Chuẩn tướng Pat Ryder, trích dẫn thông tin tình báo của Hoa Kỳ đã được giải mật trong tuần trước, cho biết chính quyền Biden đã được thông báo rằng Wagner đang cố gắng vận chuyển thiết bị để dùng trong chiến trường Ukraine thông qua Mali và làm giả giấy tờ cho các giao dịch.

Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Wagner đã mua thành công thiết bị, nhưng nhóm này vẫn tiếp tục làm việc để mua mìn, máy bay không người lái, radar và hệ thống phản pháo từ các đầu mối ở Mali để sử dụng ở Ukraine “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ việc này,” Tướng Ryder nói.

Wagner đã tìm cách mở rộng chỗ đứng của mình ở Phi Châu trong những năm gần đây và đã hoạt động cùng với các lực lượng vũ trang của Mali trong hơn một năm, chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết vào tháng 9 năm 2021 rằng chính phủ Mali sẽ thuê lính đánh thuê tư nhân của Nga để hỗ trợ bảo đảm an ninh.

Các quan chức tin rằng Mali không phải là quốc gia duy nhất mà Wagner tìm đến để được giúp đỡ ở Ukraine, khi nhóm lính đánh thuê phải đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược nghiêm trọng trong bối cảnh giao tranh ác liệt ở thành phố Bakhmut miền đông Ukraine.

Một tài liệu tình báo của Hoa Kỳ chứa trong một kho thông tin mật bị rò rỉ trực tuyến trong những tháng gần đây và được CNN thu được nói rằng nhân viên của Tập đoàn Wagner đã gặp “các đầu mối liên lạc của Thổ Nhĩ Kỳ” vào đầu tháng 2 với ý định “mua vũ khí và thiết bị từ Thổ Nhĩ Kỳ” để sau đó có thể được sử dụng ở Ukraine. Tài liệu đó cũng nói rằng Wagner có khả năng đang cố gắng sử dụng vũ khí mua từ Thổ Nhĩ Kỳ để sử dụng trong các hoạt động của mình ở Mali.

Tòa Bạch Ốc trước đây cũng cáo buộc Triều Tiên cung cấp hỏa tiễn và đạn súng cối cho Tập đoàn Wagner của Nga để sử dụng ở Ukraine.

“Wagner đang trực tiếp hỗ trợ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và chúng tôi phản đối nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào khác hỗ trợ Nga thông qua Vagner,” Tướng Ryder nói. “Hoa Kỳ đã trừng phạt nhiều thực thể và cá nhân, trên nhiều châu lục, hỗ trợ các hoạt động quân sự của Wagner. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác định, vạch trần và chống lại những nỗ lực này của Wagner nhằm mua thiết bị quân sự để sử dụng ở Ukraine.”

10. Nga cho biết Bộ trưởng Quốc phòng đã đến thăm vùng Zaporizhzhia của Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm một khu vực do Nga xâm lược trong tỉnh Zaporizhzhia của Ukraine mà Nga coi là đã sáp nhập, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết như trên.

“Trong quá trình làm việc tại khu vực hoạt động quân sự đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Đại tướng Lục quân Sergei Shoigu, đã thị sát sở chỉ huy tiền phương của một trong những đơn vị của tập đoàn quân Vostok ở Zaporizhzhia.

Không rõ chuyến đi được đề cập đến đã diễn ra khi nào. Bộ quốc phòng đã công bố một đoạn video Shoigu đi bộ trong boongke dưới lòng đất, nói chuyện với các chỉ huy và trao huy chương.

“Các giải thưởng là sự đánh giá cao công việc quân sự của các bạn,” Shoigu nói trong video. “Cảm ơn vì điều này. Tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục trung thành phục vụ đất nước của chúng ta, vì lợi ích của người dân. Xin chúc mừng, và hãy chăm sóc bản thân.”

Zaporizhzhia, một vùng ở đông nam Ukraine, là nơi có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu. Theo các báo cáo địa phương, vị trí của nhà máy gần tiền tuyến nên việc pháo kích vào các thị trấn xung quanh và gần cơ sở là điều thường xuyên xảy ra.

Hơn 12.000 người đã được di tản khỏi các khu vực tiền tuyến ở khu vực Zaporizhzhia, theo Vladimir Rogov, một thành viên của cái gọi là chính quyền quân sự-dân sự do Nga thành lập, hồi đầu tháng này.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, ông Rafael Grossi, cho biết các cuộc di tản đang diễn ra trong bối cảnh lo ngại xung quanh “những rủi ro an ninh và an toàn hạt nhân rất thực tế mà nhà máy phải đối mặt”.

11. Máy bay chiến đấu cho Ukraine nằm trong chương trình nghị sự của G7 và được thảo luận vào hôm thứ Sáu

Các thành viên của G7 đã thảo luận về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản vào hôm thứ Sáu, chủ tịch Hội đồng Âu Châu cho biết trong một cuộc họp báo.

“Về máy bay chiến đấu, bạn có thể thấy rằng một số quốc gia đã công bố liên minh để bắt đầu đào tạo phi công. Đây là một chủ đề hôm nay với Hoa Kỳ và với các đối tác khác,” Charles Michel cho biết hôm thứ Sáu.

Michel đang trả lời một phóng viên hỏi về việc chính quyền Biden báo hiệu cho các đồng minh Âu Châu rằng Hoa Kỳ sẽ cho phép các nước này xuất khẩu máy bay chiến đấu F-16 sang Ukraine, như CNN đưa tin hôm thứ Năm.

Một số quốc gia Âu Châu có nguồn cung cấp máy bay F-16 do Mỹ sản xuất, bao gồm Vương quốc Anh và Hà Lan, những nước đã báo hiệu sẵn sàng xuất khẩu một số máy bay phản lực sang Ukraine. Nhưng Mỹ sẽ phải chấp thuận việc chuyển giao của bên thứ ba vì công nghệ nhạy cảm của Mỹ đối với máy bay phản lực.

“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác, với các đồng minh của chúng tôi, để có một đường lối chung về hỗ trợ quân sự cho Ukraine,” ông Michel nói. “Hôm nay chúng ta có dịp thảo luận về chủ đề này.”

“Và chúng tôi sẽ đánh giá mức độ hỗ trợ bổ sung cần thiết. Rõ ràng là Ukraine cần nhiều thiết bị quân sự hơn. Đó là lý do tại sao về phía Liên Hiệp Âu Châu, chúng tôi đã quyết định đưa ra một hệ thống nhằm tăng mức độ cung cấp đạn dược. Và chúng ta cần tăng tốc những nỗ lực của mình.”

12. Việc Nga nắm giữ Crimea đang gặp nguy cơ sau vụ phá hoại vận chuyển vũ khí

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Hold on Crimea at Risk After Weapons Delivery Sabotage”, nghĩa là “Việc Nga nắm giữ Crimea đang gặp nguy cơ sau vụ phá hoại vận chuyển vũ khí.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Giao thông đường sắt giữa hai thành phố lớn của Crimea đã bị đình chỉ sau vụ trật đường ray hôm thứ Năm mà các quan chức đường sắt đổ lỗi cho “sự can thiệp của người ngoài”.

Hôm thứ Sáu, một bản cập nhật tình báo từ Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết hậu quả chính của việc đình chỉ đường sắt là nó làm gián đoạn “việc vận chuyển vật tư và có khả năng là cả vũ khí, chẳng hạn như hỏa tiễn hành trình Kalibr” cho Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Nga đã xâm lược và sáp nhập Crimea vào năm 2014, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng việc giành lại bán đảo này là một trong những mục tiêu của đất nước ông trong cuộc chiến do Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Crimea cũng là nơi xảy ra nhiều cuộc tấn công trong những tuần gần đây, bao gồm nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố lớn nhất của khu vực, Sevastopol.

Bản cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh về vụ trật đường ray lưu ý rằng vụ việc làm nổi bật mối lo ngại về an ninh đối với Putin khi ông cố gắng duy trì sự kiểm soát của mình trên bán đảo.

“Bất kỳ sự phá hoại nào trong khu vực nhạy cảm này sẽ làm tăng thêm mối lo ngại của Điện Cẩm Linh về khả năng bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở Crimea,” Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh viết.

Bản cập nhật của Bộ Quốc Phòng Anh, được đăng trên Twitter, nói thêm: “Bán đảo giữ vai trò tâm lý và hậu cần quan trọng trong việc tạo điều kiện cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

Nikolai Lukashenko, bộ trưởng giao thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn của Crimea, đã viết trên Telegram rằng 8 toa xe đã bị hất khỏi đường ray và một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng một vụ nổ đã gây ra vụ trật đường ray.

Không có ai bị thương trong vụ việc, nhưng vụ trật đường ray đã khiến giao thông đường sắt giữa Simferopol, thủ phủ của Crimea, và Sevastopol tạm thời bị đình chỉ.

Vụ trật đường ray xảy ra sau một sự việc nghiêm trọng khác gần đây ảnh hưởng đến Hạm đội Hắc Hải của Nga. Vào ngày 29 tháng 4, một đám cháy lớn đã bùng phát tại một kho chứa dầu gần Sevastopol sau khi những tiếng nổ rất lớn.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của tình báo quân đội Ukraine, cho biết vụ cháy kho dầu đã phá hủy hơn 10 bồn chứa sản phẩm xăng dầu có khả năng chứa tổng cộng 40.000 tấn nhiên liệu cho Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Ukraine chưa bao giờ nhận trách nhiệm về bất kỳ cuộc tấn công nào vào Crimea, cũng như không nói nước này đứng sau vụ trật đường ray hôm thứ Năm. Tuy nhiên, Yusov dường như hoan nghênh sự việc tàu hỏa trật đường ray này trong các bình luận mà ông đưa ra hôm thứ Năm trên truyền hình Ukraine.

“Đặc biệt, trên những con đường đó, vũ khí, đạn dược, xe bọc thép và các phương tiện khác được sử dụng cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine được vận chuyển,” Yusov nói, theo hãng tin Interfax-Ukraine. “Điều hoàn toàn tự nhiên là những bản nhạc này không theo kịp, mệt mỏi và hiện không hoạt động trong một thời gian.”

Tiến sĩ Scott Savitz, một kỹ sư cấp cao của RAND Corporation, nói với Newsweek rằng vụ trật đường ray “chính xác là kiểu gián đoạn có thể giúp làm suy yếu khả năng sử dụng Crimea của Nga để chống lại các phần khác của Ukraine.”

“Ukraine chưa có khả năng chiếm lại Crimea nhưng về cơ bản có thể bao vây bán đảo này. Bằng cách làm gián đoạn các tuyến giao thông bên trong và bên ngoài của Crimea, đồng thời tấn công vào các nút quan trọng của lực lượng Nga, Ukraine có thể biến Crimea từ bệ phóng cho sự xâm lược của Nga thành một địa điểm dễ bị tổn thương mà Nga phải sử dụng các nguồn lực để bảo vệ,” ông Savitz nói. “Các hoạt động bí mật không ngừng, phá hoại, tấn công bằng phương tiện không người lái, hỏa lực tầm xa và sử dụng mìn có thể cản trở việc triển khai sức mạnh của Nga và gây ra những tác động tâm lý rất lớn.”

Ông nói thêm: “Bước đầu tiên để giải phóng bán đảo là chứng minh rằng việc Nga nắm giữ nó là rất mong manh—để cho các lực lượng Nga thấy rằng họ đang hoạt động từ một khu vực xâm lược không an toàn, chứ không phải từ một nơi trú ẩn an toàn. Người dân địa phương cũng sẽ nhận thức được sự mong manh của sự thống trị của Nga.”
 
Tranh cãi quanh con tem Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Kirill treo chén một linh mục phản chiến
VietCatholic Media
18:48 20/05/2023


1. Đức Giám Mục Carlos Azevedo chỉ trích “hình ảnh dân tộc chủ nghĩa” của con tem kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới

Vị giám mục người Bồ Đào Nha cho rằng việc lựa chọn con tem kỷ niệm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới như hiện nay là không phù hợp và “Chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô không đồng nhất với hình ảnh dân tộc chủ nghĩa này”. Con tem cũng đã bị chỉ trích nặng nề trên phương tiện truyền thông xã hội.

Đức Cha Carlos Moreira Azevedo, người Bồ Đào Nha, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, cho rằng hình ảnh con tem kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới do Vatican đưa ra là “rất tệ”.

Hôm thứ Hai, Vatican đã đưa ra một con tem kỷ niệm Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, lấy cảm hứng từ một bức tranh của Padrão dos Descobrimentos, trong đó hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô ở vị trí của Infante Henrique và những người trẻ tuổi ở vị trí của các nhà hàng hải.

Sau khi hình ảnh con tem được công bố, đã có một số bình luận tiêu cực được đăng trên mạng xã hội, trong đó đề cập đến chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha.

Đối với vị giám mục người Bồ Đào Nha, “Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn không đồng nhất với hình ảnh dân tộc chủ nghĩa này”, mà theo quan điểm của ngài là “trái ngược với tình huynh đệ đại đồng”.

Theo Đức Cha Carlos Azevedo, đang làm việc tại Vatican, con tem “dựa trên một tác phẩm rất nổi tiếng” và “gợi lên một cách sử thi một thực tế mục vụ không tương ứng với tinh thần đó”.

Thiết kế của tem, được phát hành cùng với tem kỷ niệm, có logo WYD, được thiết kế bởi Stefano Morri.

“Giống như thuyền trưởng Henrique dẫn đầu thủy thủ đoàn trong việc khám phá tân thế giới, thì Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dẫn dắt giới trẻ và Giáo hội trong con thuyền của Thánh Phêrô”, một ghi chú được đăng trên trang web tin tức của Vatican News giải thích như trên.

Đức Cha Carlos Azevedo nhìn nhận rằng con tem có ý hướng “thúc đẩy” cuộc gặp gỡ của những người trẻ tuổi với Đức Giáo Hoàng, nhưng chẳng may lại lấy các hình ảnh tiêu biểu của chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha.

Rosa Pedroso Lima, phát ngôn viên của Tổ chức WYD Lisbon 2023, nói với cơ quan truyền thông Lusa rằng “sẽ luôn có nhiều cách đọc về bất cứ thứ gì trong một tác phẩm nghệ thuật, có thể là một con tem hay một bức tranh minh họa. Đây là cách đọc mà Vatican thực hiện và mục tiêu là cổ vũ Ngày Giới trẻ Thế giới”.

Ông nói thêm: “Các cách đọc khác và các mục tiêu khác là lạm dụng liên quan đến các ý định mà Vatican đã bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh rằng thế giới biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là một vị Giáo hoàng cam kết tôn trọng, phá bỏ các bức tường, mở rộng biên giới, giao tiếp với các dân tộc, các nền văn hóa. và các tôn giáo, và đây là thông điệp cơ bản của Đức Giáo Hoàng. Nó đã luôn như vậy, sẽ tiếp tục như vậy và sẽ có tại Ngày Giới trẻ Thế giới”.

Con tem được đề cập có mệnh giá 3,10 euro và số lượng in là 45.000 chiếc.

Con tem kỷ niệm, ở định dạng hình tròn, đại diện cho logo chính thức của WYD Lisbon, sẽ được bưu điện “Arco delle Campane” (ở Praça São Pedro) sử dụng từ ngày 16 Tháng Năm.

Lisbon là thành phố được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới lần tới, sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm nay, với các nghi lễ chính diễn ra tại Parque Tejo, phía bắc Parque das Nações, bên bờ sông Tagus.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được khai sinh theo sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau thành công của cuộc gặp gỡ đầu tiên vào năm 1985 tại Rôma.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên diễn ra vào năm 1986, tại Rôma, đã đi qua Buenos Aires (1987), Santiago de Compostela (1989), Czestochowa (1991), Denver (1993), Manila (1995), Paris (1997), Rome ( 2000 ), Toronto (2002), Cologne (2005), Sydney (2008), Madrid (2011), Rio de Janeiro (2013), Krakow (2016) và Panama (2019).

Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên ghi danh tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon 2023, vào ngày 23 tháng 10 năm 2022, tại Vatican, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. Cử chỉ này đánh dấu việc mở ghi danh trên toàn thế giới cho cuộc gặp gỡ thế giới của những người trẻ tuổi với Đức Giáo Hoàng.

Cho đến nay, hơn 600.000 thanh niên đã ghi danh.


Source:cnnportugal.iol.pt

2. Putin bàn giao biểu tượng lịch sử cho Chính Thống Giáo Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bàn giao biểu tượng nổi tiếng nhất của đất nước Nga - là Tượng Chúa Ba Ngôi của Andrei Rublev - cho Chính Thống Giáo, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho biết hôm thứ Hai.

Việc bàn giao công trình nổi tiếng nhất của Rublev cho Giáo Hội Chính thống Nga diễn ra sau khi người đứng đầu cực kỳ quyền lực của Giáo hội là Thượng phụ Kirill ủng hộ quyết định của Putin gửi quân tới Ukraine và kêu gọi các tín hữu ủng hộ cuộc xâm lược.

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho biết trong một tuyên bố rằng Putin đã đưa ra quyết định bàn giao biểu tượng “để đáp ứng nhiều yêu cầu từ các tín hữu Chính thống giáo”.

Người ta tin rằng kiệt tác này đã được vẽ cho khu vực ngày nay là Trinity Lavra của Thánh Sergius nằm ở thị trấn Sergiyev Posad bên ngoài Mạc Tư Khoa.

Sau cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917, biểu tượng được chuyển đến Phòng trưng bày Tretyakov vào năm 1929.

Nó chỉ rời khỏi bảo tàng vài lần kể cả trong Thế chiến thứ hai khi nó được di tản đến nơi an toàn.

Vào năm 2022, biểu tượng thời trung cổ đã quay trở lại Trinity Lavra của Thánh Sergius để tổ chức các lễ kỷ niệm tôn giáo.

Động thái này đã bị chỉ trích bởi các chuyên gia nghệ thuật, những người cho rằng tác phẩm nghệ thuật nên được lưu giữ tại Phòng trưng bày Tretyakov, nơi nó có thể được bảo quản đúng cách.

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cho biết bức tượng sẽ được trưng bày trong một năm tại Nhà thờ Chính tòa Chúa Cứu thế ở Mạc Tư Khoa trước khi trở lại tu viện lịch sử ở Sergiyev Posad.

Hôm Chúa Nhật, Bảo tàng Hermitage cho biết một tu viện khác của Nga sẽ tiếp nhận khu phức hợp tưởng niệm lăng mộ của Alexander Nevsky, một hoàng tử và anh hùng dân tộc thời trung cổ.

Một thỏa thuận cho mượn lăng mộ trong 49 năm với khả năng gia hạn đã được ký kết giữa Bảo tàng Hermitage và Giáo Hội Chính Thống Nga, với sự chấp thuận của Bộ Văn hóa.

Bảo tàng cho biết trong một tuyên bố rằng việc bàn giao lăng mộ của hoàng tử cho Tu viện Alexander Nevsky của Holy Trinity sẽ là một dấu hiệu của “sự thống nhất xã hội và tinh thần đặc biệt”.

Sau những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine, chính quyền ở Mạc Tư Khoa đã tìm cách mô tả chiến dịch quân sự bằng thuật ngữ tôn giáo. Hàng chục linh mục Chính thống giáo đã được cử ra mặt trận để hỗ trợ quân đội Nga.

Trong một bài giảng vào tháng 9 năm ngoái, Thượng phụ Kirill nói rằng cái chết ở Ukraine “rửa sạch mọi tội lỗi”.


Source:Tthe Moscow Times

3. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa trừng phạt một linh mục phản chiến

Có tương đối ít người ở Mạc Tư Khoa biết Cha. John Koval trước tháng 2 năm 2023. Quê quán của ngài là ở Luhansk, Ukraine. Ngài chuyển đến Mạc Tư Khoa và tốt nghiệp Trường Âm nhạc Trung ương nổi tiếng của Nhạc viện Tchaikovsky Mạc Tư Khoa. Ngài được đào tạo thần học tại Đại học Nhân văn Chính thống St. Thikhon trước khi được thụ phong cách đây hai mươi năm và được bổ nhiệm làm việc tại các giáo xứ ở đông nam Mạc Tư Khoa.

Đầu tháng 2 năm 2023, cuộc đời vị linh mục đã thay đổi đến chóng mặt. Tên của Cha Koval xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông Nga, bao gồm cả Rossiyskaya Gazeta do chính phủ điều hành.

Tại sao họ lại quan tâm nhiều đến một linh mục giáo xứ tầm thường như vậy? Ngài thực sự đã làm gì? Biến cố kích hoạt trực tiếp sự quan tâm của các phương tiện truyền thông Nga là Cha Koval chính thức bị đình chỉ hoặc cấm thi hành chức vụ linh mục của mình. Tuy nhiên, có một lý do khác đằng sau biến cố này.

Vào ngày 2 tháng 2 năm 2023, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill Gundyayev, đã ban hành một sắc lệnh cho biết:

Linh mục John Koval của nhà thờ Thánh Anrê Tông đồ từ đây bị đình chỉ các thừa tác vụ trước khi Ủy ban Kỷ luật của Hội đồng Giáo phận Mạc Tư Khoa xét xử vụ việc của ông.

Sắc lệnh của Thượng Phụ Kirill không nói gì về lý do bị đình chỉ, điều này thật kỳ lạ, thậm chí kỳ quặc, vì chẳng bao lâu sau đó người ta đã biết chuyện gì xảy ra. Hành động của Kirill là phản ứng trước lời tố cáo từ một thành viên trong cộng đoàn của Cha Koval, theo đó vị linh mục liên tục thay thế từ chiến thắng bằng từ hòa bình trong những lời cầu nguyện tại nhà thờ.

Sau khi đội quân xâm lược của Nga liên tục vấp phải những thất bại, Thượng phụ Kirill đã soạn một Lời cầu nguyện đặc biệt cho Nước Nga thần thánh' để thường xuyên được đọc trong các nhà thờ ở Liên bang Nga. Lời cầu nguyện chứa đựng lời khẩn cầu trực tiếp về chiến thắng của “Nước Nga thần thánh”, đây là cách nói dân gian về nước Nga của Putin. Ngài cũng kêu cầu sự trợ giúp của Chúa dành cho “những chiến binh và người bảo vệ” của nước Nga.

Các ký giả phương Tây đã nhiều lần nghe các giáo sĩ ở Mạc Tư Khoa nói rằng người của giáo chủ theo dõi các nhà thờ để bảo đảm rằng lời cầu nguyện được đọc mọi lúc và không có sự thay đổi hay thêm bớt nào. Thượng phụ Kirill và cái được gọi là “nhà thờ chính thức” có lẽ coi đó là cách thể hiện lòng trung thành về ý thức hệ của họ với Putin và Điện Cẩm Linh.

Một số phương tiện truyền thông độc lập của Nga nhưng không nằm trên đất Nga đã vạch ra lý do Cha Koval bị đình chỉ. Họ cho biết lời cầu nguyện do chính Thượng Phụ Kirill viết có nội dung: “Lạy Chúa, xin mau đến trợ giúp dân tộc của Chúa và ban cho chúng con chiến thắng nhờ quyền năng của Chúa.”

Và tội lỗi nghiêm trọng của Cha Koval là đã dám sửa lại: “Lạy Chúa, xin mau đến trợ giúp dân tộc của Chúa và ban cho chúng con hòa bình nhờ quyền năng của Chúa.”

Khi các tin tức liên quan đến lý do Cha Koval bị đình chỉ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông độc lập, phó chủ tịch Ban Truyền thông Công cộng của Giáo Hội Chính thống Nga, Vakhtang Kipshidze, đã tái khẳng định tình trạng bất khả xâm phạm của cáctừ ngữ được sử dụng trong lời cầu nguyện:

“Tôi phải nói với các bạn một cách có thẩm quyền rằng nếu linh mục nào cũng có quyền thay đổi những lời cầu nguyện cho phù hợp với suy nghĩ, nguyện vọng hoặc sở thích chính trị của mình, thì sự hiệp nhất của giáo hội chúng ta sẽ bị thách thức.”


Source:publicorthodoxy.org