Ngày 24-05-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những giờ sau cùng của Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero
Đặng Tự Do
06:50 24/05/2015
“Trước lệnh giết người do ai đó ban ra, luật pháp của Thiên Chúa theo đó ‘Ngươi chớ giết người!’ phải thắng thế. Không một người lính nào có nghĩa vụ phải tuân theo một lệnh lạc chống lại luật pháp của Thiên Chúa... nhân danh dân tộc đau khổ này, dân tộc mà tiếng kêu than của họ bay tới trời cao càng ngày càng thống thiết hơn, tôi van xin anh em, tôi khẩn cầu anh em, và tôi ra lệnh cho anh em nhân danh Thiên Chúa, ngưng ngay tức khắc sự đàn áp này”.

Những lời này, được phát trực tiếp trên đài phát thanh riêng của ngài trên toàn thể lãnh thổ có lẽ là những lời nổi tiếng nhất của Đức Tổng Giám mục Oscar Romero. Những lời ấy đã được thốt ra từ bục giảng của nhà thờ chính tòa Thánh Tâm ở thủ đô San Salvador vào ngày Chúa Nhật 23 tháng 3 năm 1980. Đó là một lời cầu xin chân thành gửi đến các thành viên của lực lượng an ninh chính phủ và biệt đội tử thần là những kẻ đã bắn giết và tàn sát những người nghèo và những người bị tước đoạt ruộng đất ở El Salvador - những người nam nữ chỉ có một tội duy nhất là dám đòi hỏi một sự chia sẻ công bằng hơn về đất đai và tài nguyên của đất nước.

Nhưng, những lời ấy cũng là bản án tử hình cho Đức Tổng Giám Mục Romero. Thật vậy, chưa đầy 24 giờ sau khi thốt ra những lời này ngài đã phải chết.

Đức Cha Romero thừa biết lập trường kiên quyết bảo vệ người nghèo sẽ chỉ có một kết quả là cái chết. Trong một chuyến thăm Rôma vào cuối tháng Giêng năm 1980, ngài đã nói với cha Lucas Moreira Neves, tổng thư ký của Bộ Giám Mục, rằng chẳng bao lâu nữa ngài sẽ bị ám sát. Tòa Thánh đề nghị một chức vụ trong giáo triều Rôma để ngài tạm xa những căng thẳng gần như không thể chịu nổi đang ngày một gia tăng trong một đất nước Trung Mỹ nhỏ bé. Ngài đã từ chối.

Hôm thứ Hai ngày 24 tháng 3, ngài trở về sau một chuyến đi trưa tại La Libertad trên bờ biển với một nhóm nhỏ các sinh viên Opus Dei, và đi thẳng vào một tu viện Dòng Tên tại Santa Tecla, để tìm cha Segundo Azcue, là cha giải tội của ngài để xưng tội.

Ngài nói với cha Segundo Azcue:

“Tôi muốn được sạch mọi tội lỗi khi tôi ra trình diện trước mặt Thiên Chúa”.

Bí tích Hoà Giải ngắn ngủi đã kết thúc lúc 5 giờ chiều. Lúc 5:30, ngài đã có mặt tại nhà mình, trong cộng đoàn các nữ tu dòng Camêlô ở Bệnh viện Divine Providence ở San Salvador, để chuẩn bị cử hành thánh lễ cầu nguyện cho Doña Sarita, là mẹ của anh Jorge Pinto, một người bạn và là chủ biên của nhật báo El Independiente. Tòa soạn của anh Jorge Pinto vừa bị đặt bom nổ tung chỉ một vài tuần trước đó.

Bạn bè và các cố vấn thân cận nhất của Đức Cha Romero đã rất lo lắng. Các chi tiết của buổi cử hành phụng vụ đã xuất hiện trên báo chí quốc gia. Họ đã khuyên ngài giấu đi đừng ghi tên ai cử hành thánh lễ, nhưng ngài đã khăng khăng yêu cầu tên của ngài phải được viết công khai trên thông cáo báo chí.

Thánh lễ bắt đầu ngay lúc 6h chiều tại nhà nguyện của bệnh viện, với sự tham dự của các nữ tu, gia đình và bạn bè của Doña Sarita. Sau này, nghĩ lại mọi người đều thấy tính chất tiên tri của những bài đọc trong ngày. Chẳng hạn như bài Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 12: 23-26)

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh... Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Áp dụng Lời Chúa vào tình cảnh khốn cùng mà dân nước El Salvador phải chịu, ngài chia sẻ với cộng đoàn: “Điều quan trọng là đừng yêu mình đến nỗi không dám dính líu vào những việc liều lĩnh mà lịch sử đòi hỏi nơi chúng ta... Bất cứ ai vì lòng yêu mến Chúa Kitô hiến thân phục vụ tha nhân, người ấy sẽ được sống giống như hạt lúa mì dù chết đi, nhưng thật ra chỉ chết về mặt bề ngoài”.

Cũng trong bài chia sẻ cuối cùng ấy, ngài cũng xác tín: “Tôi tin trong sự chết có sự sống lại. Nếu người ta giết tôi, tôi sẽ được sống lại trong lòng người dân Salvador của tôi”. Kết thúc bài chia sẻ, ngài tới giữa bàn thờ chuẩn bị dâng bánh rượu, đồng hồ chỉ 6 giờ 24 phút. Lúc đó, ngài nhận thấy một chiếc Volkswagen màu đỏ áp sát cửa nhà nguyện. Khi Đức Cha chồm tới chiếc đĩa thánh trên bàn thờ thì một phát súng duy nhất vang lên. Ngài quỵ xuống sàn phía sau bàn thờ ngay dưới chân một cây thánh giá lớn, bất tỉnh, máu chảy ra từ miệng, mũi và tai ngài.

Bên trong nhà nguyện nhỏ xảy ra hỗn loạn. Một nhiếp ảnh gia người đã được ký hợp đồng để chụp những hình ảnh của buổi lễ lặng lẽ biến mất.

Đức Tổng Giám Mục đã được nhanh chóng khiêng lên một chiếc xe tải gần đó và đưa vội vã đến bệnh viện Policlínica. Lễ phục của ngài đẫm máu. Trong vòng vài phút sau khi đến đó, ngài thở hơi cuối cùng. Dường như điều này chính xác là những điều Đức Tổng Giám mục Romero đã tiên liệu.

Cái chết của ngài khi đang chuẩn bị đọc những lời truyền phép rất long trọng trong thánh lễ đã đưa ra một ví dụ hùng hồn về một vị thánh nhân, một mục tử thánh thiện đã đưa ra một chứng tá sống động cho những lời của Chúa Giêsu “Này là Mình Ta sẽ bị nộp vì anh em”.
 
Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Lm. Trần Đức Anh OP
11:28 24/05/2015
VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu cởi mở đón nhận các hồng ân của Chúa Thánh Linh, và để cho các hồng ân ấy triển nở qua các hoa trái trong cuộc sống bác ái cụ thể, chống lại tội lỗi, thực thi các công trình công lý và hòa bình.

Trên đây là nội dung bài giảng thánh lễ ngài cử hành lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 24-5-2015 tại Đền thờ Thánh Phêrô, nhân lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trước sự tham dự của 9 ngàn tín hữu.

Đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y và 50 GM tại Tòa Thánh cùng với 250 linh mục. 17 đại chủng sinh thuộc Học Viện Anh quốc đảm trách phần giúp lễ, trong đó có thày người Việt là Phó tế Nguyễn Quốc Tạo, thuộc giáo phận Oslo, bên Na Uy. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn được ca đoàn ”Mater Ecclesiae”, Mẹ Giáo Hội, gồm 80 ca viên, và Ca đoàn Ionica đông phương gồm 100 người, phụ trách.

Đầu thánh lễ, ĐTC đã làm phép nước và rảy trên các tín hữu, nhắc nhớ bí tích rửa tội, đồng thời cầu xin Chúa canh tân nội tâm để có thể luôn trung thành với Chúa Thánh Linh, Đấng được ban cho chúng ta như hồng ân:

Bài giảng của Đức Thánh Cha

”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.. Các con hãy nhận lấy Thánh Linh” (Ga 20,21.22). Việc phú Thánh Linh đã diễn ra vào chiều ngày Phục Sinh, lại được tái diễn trong ngày lễ Ngũ Tuần, được củng cố bằng những biểu hiện ngoại thường bên ngoài. Chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các Tông Đồ và thở Thần Khí Ngài trên các vị (Xc Ga 20,22); trong buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần, việc phú Thánh Linh diễn ra một cách vang dội, như gió ập mạnh vào nhà và tràn vào trong tâm trí các Tông Đồ. Qua đó, các vị nhận được năng lực đến độ thúc đẩy các vị loan báo trong các thổ âm biến cố Chúa Kitô Phục Sinh: “Tất cả được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu nói các thứ tiếng khác” (Cv 2,4). Cùng với các vị, có Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Nữ Môn đệ đầu tiên, Mẹ của Giáo Hội đang khai sinh. Cùng với niềm an bình, và với nụ cười, Mẹ tháp tùng niềm vui của vị Hôn Thê trẻ trung, Giáo Hội của Chúa Giêsu.

Lời Chúa, đặc biệt là trong ngày hôm nay, nói với chúng ta rằng Thánh Thần hoạt động trong con người và trong các cộng đoàn được tràn đầy Thánh Linh: Ngài hướng dẫn đến trọn vẹn chân lý (Ga 16,13), canh tân trái đất (Tv 103), và ban các hoa trái của Ngài (Gl 5,22-23).

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu hứa với các môn đệ rằng khi Ngài trở về cùng Chúa Cha, thì Thánh Linh sẽ đến, Người sẽ hướng dẫn họ ”đến chân lý trọn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Giêsu gọi Thánh Linh là “Thần chân lý” và giải thích cho họ rằng hoạt động của Thánh Linh là dẫn đưa họ ngày càng vào sâu hơn trong sự hiểu biết những gì mà chính Ngài, Đức Messia, đã nói và đã làm, đặc biệt là cái chết và sự sống lại của Ngài. Với các Tông Đồ là những người không có khả năng chịu đựng biến cố gây vấp phạm là cuộc khổ nạn của Thầy mình, Thánh Linh ban cho họ một chìa khóa mới để đọc biến cố, hầu dẫn đưa họ đến sự thật và vẻ đẹp của biến cố cứu độ. Các môn đệ, thoạt đầu là những người nhát sợ và bị khớp, ẩn kín trong nhà Tiệc Ly để tránh những âm hưởng của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nay họ không còn hổ thẹn vì là môn đệ của Chúa Kitô nữa, không run rẩy trước các tòa án loài người. Nhờ Chúa Thánh Linh mà họ được ban tràn đầy, họ hiểu ”trọn vẹn chân lý”, nghĩa là hiểu rằng cái chết của Chúa Giêsu không phải là một sự thất bại, nhưng là biểu hiện tột đỉnh Tình Yêu của Thiên Chúa, Tình Yêu chiến thắng sự chết trong cuộc Phục Sinh của Ngài, và tôn vinh Chúa Giêsu như Đấng Hằng Sống, là Chúa, là Đấng Cứu Chuộc loài người, cứu chuộc lịch sử và thế giới. Và thực tại này mà họ là nhân chứng, trở thành Tin Mừng cần được loan báo cho mọi người.

ĐTC nói tiếp:

”Hồng ân của Thánh Linh canh tân trái đất. Thánh vịnh nói: ”Xin sai Thần Trí Ngài .. và canh tân trái đất” (Tv 103,30). Trình thuật của Tông Đồ công vụ về sự khai sinh Giáo Hội tìm được sự tương ứng đầy ý nghĩa trong thánh vịnh này, là một bài ca lớn chúc tụng Thiên Chúa Tạo Hóa. Thánh Linh mà Chúa Kitô sai đến từ Chúa Cha, và Thánh Thần sáng tạo ban sự sống cho mọi sự, cùng là một. Vì thế, sự tôn trọng thiên nhiên, công trình sáng tạo, là một đòi hỏi do đức tin của chúng ta: mảnh vườn nơi chúng ta sống không được ủy thác cho chúng ta để chúng ta khai thác bóc lột nó, nhưng để chúng ta vun trồng và bảo tồn trong niềm tôn trọng (Xc St 2,15). Nhưng điều này chỉ có thể nếu Adam - con người được nặn bằng đất sét - để cho mình được Thánh Thần đổi mới, để cho Chúa Cha tái nhào nặn theo kiểu mẫu Chúa Kitô là Adam mới. Vì vậy, nếu được Thánh Thần Chúa canh tân, chúng ta có thể sống tự do của con cái, hòa hợp với toàn thể thụ tạo, và trong mỗi thụ tạo, chúng ta có thể nhận ra phản ánh vinh quang của Đấng Tạo Hóa, như một thánh vịnh khác đã quả quyết: ”Lạy Chúa, là Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa trên toàn trái đất!” (8,2.10).

Trong thư gửi tín hữu Galat, Thánh Phaolô muốn chứng tỏ đâu là hoa trái được biểu lộ trong cuộc sống của những người tiến bước theo Thánh Linh (Xc 5,22). Một đàng có ”xác thịt” với các tính mê tật xấu mà Thánh Tông Đồ liệt kê, và đó là những công việc của con người ích kỷ, khép kín đối với hoạt động của ơn thánh Chúa. Trái lại nơi con người, trong niềm tin, để cho Thần Trí Chúa tràn vào, thì các thiên ân được triển nở, được tóm tắt trong 9 nhân đức vui mừng mà thánh Phaolô gọi là ”hoa quả của Thánh Linh”. Từ đó có lời kêu gọi được lập lại trong phần mở đầu và kết luận, như một chương trình sống: ”Anh em hãy tiến bước theo Thánh Linh” (Gl 5,16.25).

ĐTC nhận xét rằng:

”Thế giới đang cần những người nam nữ không khép kín, nhưng tràn đầy Thánh Linh. Sự khép kín đối với Thánh Linh không những là một sự thiếu tự do, nhưng còn là tội lỗi. Có bao nhiêu cách thức khép kín đối với Chúa Thánh Linh trong sự ích kỷ, tìm kiếm tư lợi, trong thái độ vụ luật cứng nhắc - như thái độ của các nhà thông luật mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ giả hình -, trong sự quên lãng những điều Chúa Giêsu đã dạy, trong cách sống cuộc sống Kitô không phải như một sự phục vụ, nhưng như một sự tìm kiến tư lợi riêng, v.v. Thế giới đang cần lòng can đảm, hy vọng, đức tin, lòng kiên trì của các môn đệ Chúa Kitô. Thế giới đang cần hoa trái của Thánh Linh: ”yêu thương, vui mừng, an bình, quảng đại, từ nhân, tốt lành, trung thành, dịu dàng, tự chủ” (Gl 5,22). Hồng ân Thánh Linh đã được ban dồi dào cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể sống với niềm tin chân chính và lòng bác ái cụ thể, để chúng ta có thể gieo vãi những hạt giống hòa giải và an bình. Được Thánh Linh và nhiều hồng ân của Chúa củng cố, chúng ta có thể chiến đấu không nhân nhượng chống lại tội lỗi và sự hư hỏng, kiên nhẫn tận tụy thi hành những công việc công lý và hòa bình”

Lời nguyện giáo dân

Trong phần lời nguyện giáo dân, bằng các thứ tiếng Arập, Pháp, Hoa, Malayalam Ấn độ, và Croát, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Giáo Hội ngày càng được hiểu biết sinh động hơn về Chúa Giêsu vị Hôn Phu, cầu cho những người thánh hiến, xin Chúa Thánh Linh biến họ thành lá thư gửi đến con người ngày nay và canh tân nơi họ niềm vui ơn gọi; cầu cho các chính quyền, xin Thần Trí chỉ bảo hướng dẫn các quyết định của họ và củng cố các dự án công lý và hòa bình, cầu cho các tội nhân và những người không tin, xin Thánh Thần từ bi chiếu sáng họ trong nơi tối tăm tội lỗi chết chóc, biến cuộc sống của họ thành những bầu rượu mới, đầy sự hiện diện của Chúa. Sau cùng, mọi người đã cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại, xin Thánh Thần sức mạnh biểu lộ nơi họ vẻ đẹp được thuộc về Chúa Giêsu và thánh hóa những đau khổ của họ..

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Sau thánh lễ, lúc 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ Giáo Hoàng trong dinh tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC cũng nhắc đến sự kiện trong Ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ nhận được ơn Chúa Thánh Linh và được hoàn toàn biến đổi: từ nhát sợ đến can đảm, sự khép kín nhường chỗ cho sự loan báo và mọi nghi ngờ bị xua đuổi bằng niềm tin đầy tình thương yêu. Đó là ”phép rửa của Giáo Hội, khởi đầu hành trình của Hội Thánh trong lịch sử, được sức mạnh của Thánh Linh hướng dẫn”.

Biến cố ấy thay đổi con tim và đời sống của các Tông Đồ và các môn đệ, âm vang ngay ở bên ngoài nhà Tiệc Ly. Thực vậy cánh cửa nhà ấy bị đóng kín trong 50 ngày, nay được mở toang và cộng đoàn Kitô đầu tiên không còn co cụm vào mình, nhưng bắt đầu nói với đám đông dân chúng xuất xứ khác nhau, về những công trình vĩ đại Thiên Chúa đã làm (Xc v.11), nghĩa là sự sống lại của Chúa Giêsu, Đấng đã bị đóng đanh. Và mỗi người hiện diện đều nghe các môn đệ nói trong tiếng của mình. Hồng ân Thánh Linh tái lập sự hòa hợp ngôn ngữ đã bị mất tại tháp Babel và báo trước chiều kích đại đồng sứ vụ của các Tông Đồ. Giáo Hội sinh ra có đặc tính hoàn vũ, duy nhất và Công Giáo, với một căn tính rõ rệt, nhưng cởi mở, bao gồm toàn thế giới, không loại trừ một ai.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: Thánh Thần được phú ban trong Ngày Lễ Ngũ Tuần vào tâm hồn các môn đệ là khởi đầu một mùa mới: mùa làm chứng tá và huynh đệ. Đó là một mùa đến từ trên cao, từ Thiên Chúa, như những lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi môn đệ. Đó là ngọn lửa tình thương đốt cháy mọi cứng cỏi; đó là ngôn ngữ của Tin Mừng vượt qua mọi biên cương do con người đặt ra và đánh động tâm hồn nhiều người, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc hoặc quốc tịch. Như trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh cũng liên tục được ban xuống cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta, để chúng ta ra khỏi tình trạng tầm thường và thái độ khép kín của mình, và thông truyền tho toàn thế giới tình yêu thương xót của Chúa. Đó là sứ mạng của chúng ta! Cả chúng ta cũng được ơn ”ngôn ngữ” của Tin Mừng và lửa của Thánh Linh, để trong khi chúng ta loan báo Chúa Giêsu Phục Sinh, hằng sống và hiện diện giữa chúng ta, chúng ta sưởi ấm con tim các dân tộc, dẫn đưa họ đến gần Chúa, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Kêu gọi

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC cho biết: Ngài tiếp tục rất lo âu theo dõi những vụ nhiều người tị nạn tại Vịnh Bengala và biển Andamane, đồng thời nói rằng: ”Tôi đánh giá cao những cố gắng của những nước sẵn sàng đón nhận những người tị nạn ấy đang gặp bao nhiêu đau khổ và nguy hiểm trầm trọng. Tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế cung cấp cho họ trợ giúp nhân đạo cần thiết”.

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy vừa qua 23-5, tại Salvador cho Đức Cha Oscar Romero, TGM San Salvador, bị giết do lòng oán ghét đức tin trong khi Người cử hành thánh lễ. Vị Mục Tử nhiệt thành này, theo gương Chúa Giêsu, đã chọn ở giữa dân của mình, nhất là những người nghèo và bị áp bức, dù phải trả giá bằng mạng sống của mình. Và tiếp đến là lễ phong chân phước tại Kenya cho Nữ tu Irene Stefani người Italia, thuộc dòng Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi, đã phục vụ dân chúng tại Kenya trong hân hoan, từ bi và dịu dàng thương xót. ĐTC nói: ”Ước gì tấm gương của các vị Chân phước này khơi dậy nơi mỗi người chúng ta ước muốn nồng nhiệt can đảm làm chứng chứng cho Tin Mừng với tinh thần từ bỏ.”
 
Đức Hồng Y Kurt Koch: Triển vọng đối thoại tay ba Công Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo vẫn còn xa vời
Đặng Tự Do
22:04 24/05/2015
Hội nghị kéo dài 3 ngày “Nostra Aetate - Kỷ niệm 50 năm đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo với Do Thái giáo và Hồi giáo” đã kết thúc hôm thứ Năm 21 tháng 05 năm 2015 tại Ðại học Công Giáo Hoa Kỳ ở thủ đô Washington. Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Các Tín Hữu Kitô, cũng là người đặc trách về đối thoại với người Do Thái, là Ðức Hồng Y Kurt Koch- đã tham dự Hội nghị này. Ngài nói rằng Tuyên ngôn Nostra Aetate là một mốc quan trọng trong quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo khác.

Tuyên ngôn Nostra Aetate, nghĩa là “Trong Thời Đại Chúng Ta”, bàn về quan hệ Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo không phải là Kitô đã được Công Đồng Chung Vatican II thông qua với 2221 phiếu thuận và 88 phiếu chống và đã được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 28 tháng 10 năm 1965.

Trong diễn từ của ngài, Ðức Hồng Y Kurt Koch lưu ý rằng mặc dù Giáo Hội tiến hành các cuộc đối thoại song phương với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và Hồi giáo, hiện nay vẫn còn là quá sớm để tham gia vào một cuộc đối thoại “tay ba” giữa ba tôn giáo độc thần.

“Chúng ta hiện không có đối thoại tay ba và đối với chúng tôi vẫn còn quá sớm để thực hiện điều này vì đôi khi chúng ta đề cập đến một Abraham đại kết - điều này rất rõ ràng - là một vấn đề hay đấy. Nhưng mặt khác, chúng ta có một lối giải thích rất khác nhau về Abraham và chúng ta không thể phủ nhận vấn nạn đó. Và trong cuộc thảo luận liên tôn, điều rất quan trọng là chúng ta cũng phải giải quyết sự khác biệt trong giải thích về Abraham”.

Khi được hỏi là liệu các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Do Thái giáo có cởi mở để tham gia một cuộc đối thoại như thế hay không và liệu điều đó có thể mở đường cho việc cải thiện quan hệ giữa ba tôn giáo hay không, Ðức Hồng Y Koch trả lời như sau:

“Chúng tôi hy vọng có thể đi theo đường hướng này trong tương lai, nhưng trong mỗi tôn giáo đều có sự chống đối. Chúng ta có các nhà lãnh đạo Hồi giáo cởi mở và các nhà lãnh đạo Kitô giáo cởi mở, nhưng chúng ta cũng có sự chống đối trong cả ba tôn giáo. Ngay cả trong Giáo Hội Công Giáo vẫn có sự chống đối Tuyên ngôn Nostra Aetate. Đây cũng là những nhóm chống đại kết, chống đối thoại liên tôn, chống tuyên ngôn tự do tôn giáo. Và tôi nghĩ rằng họ chỉ là thiểu số. Chúng ta phải tiến bước trên nền tảng của Công đồng Vatican II với thẩm quyền cấp cao của Giáo Hội Công Giáo và chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng rất quan trọng này”.
 
Văn Hóa
Hoa xương rồng
Trầm Thiên Thu
13:26 24/05/2015
Có những mùa nước nổi
Lũ trắng xóa mênh mông
Có những mùa hạn hán
Nứt nẻ khô cánh đồng

Có những người may mắn
Quanh năm sống thảnh thơi
Giữa cuộc đời mưa nắng
Có bóng người chơi vơi

Có thân cây gai góc
Còm cõi vẫn xanh nồng
Không cười mà không khóc
Tươi một đóa xương rồng

Sống chính là nghị lực
Cho ý chí vươn cao
Tháng năm dài khắc nghiệt
Vẫn mượt mà ca dao.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tôi Là Ai
Tấn Đạt
21:23 24/05/2015
TÔI LÀ AI

Ảnh của Tấn Đạt

“Ta là Chính Đấng Ta là” *

Thế nên tôi cũng phải là chính tôi.

Là tôi đơn giản thế thôi.

(Trầm Tĩnh Nguyện)

*Lời Chúa (Xuất hành 3, 14)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 19/05 –25/05/2015: Tương lai mịt mờ của các tín hữu Kitô Trung Đông
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:12 24/05/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Giáo Hoàng danh dự phá vỡ sự im lặng với lời tựa trong cuốn sách mới của Đức Hồng Y Bertone

Công việc của một mục tử “không thể bị giới hạn trong Giáo Hội mà thôi”. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã viết như trên trong một lá thư được dùng làm lời tựa cuốn sách mới có tựa đề là “La Fede e il Bene Comune” của Đức Hồng Y Tarciso Bertone. Đây là một diễn biến hiếm hoi kể từ Đức Bênêđíctô thứ 16 thoái vị hôm 11 tháng 2 năm 2013.

Thư của Đức Giáo Hoàng danh dự gởi cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone cũng được tóm tắt trong số ra ngày 10 tháng 5 của tờ Quan Sát Viên Rôma.

Trình bày một số suy tư về những công việc chung với Đức Hồng Y Bertone, nguyên là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong triều Giáo Hoàng của ngài, Đức Bênêđíctô thứ 16 nói rằng hai vị đều hiểu rằng công việc của các ngài dành cho Giáo Hội “không thể bị giới hạn đơn thuần trong các hành vi quản trị cụ thể.” Công việc quan trọng hơn của các ngài, là “phục vụ, ngày hôm nay, một cách đúng đắn, Lời của Thiên Chúa: Logos”.

Ngài viết thêm:

“Việc chăm sóc mục vụ không chỉ giới hạn trong việc ban bố các phép Bí Tích và công bố Tin Mừng”. Giáo Hội phải chịu trách nhiệm không chỉ cho những ai xưng mình là người Công Giáo nhưng còn là đối với “thế giới trong tổng thể của nó.”

Đức Giáo Hoàng danh dự cho biết cuốn sách của Đức Hồng Y Bertone đưa ra “những ý tưởng đáng suy nghĩ cho cả những độc giả không phải là một thành viên của Giáo Hội.” Cuốn sách được phát hành bởi nhà xuất bản Vatican.

Kể từ khi thoái vị vào năm 2013, Đức Giáo Hoàng danh dự đã tránh đưa ra các tuyên bố công khai. Ngài là một tác giả rất sung mãn trước cuộc bầu cử Giáo Hoàng năm 2005, nhưng khi về hưu, ngài đã hầu như chấm dứt việc sáng tác.

2. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ nói: Chỉ trong một giáo phận của Nigeria mà thôi đã có 5,000 người Công Giáo bị giết

Trước sự thờ ơ của thế giới, chỉ tại một giáo phận Nigeria mà thôi đã có hơn 5,000 người Công Giáo đã bị giết trong vòng một năm qua bởi bọn khủng bố Boko Haram.

Tại giáo phận Maiduguri, ở đông bắc Nigeria, ít nhất 100,000 người đã phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo để tránh bạo lực khủng bố, và hơn 350 nhà thờ bị phá hủy. Trong một số trường hợp, nhà thờ bị phá hủy được xây dựng lại, và lại bị phá hủy một lần nữa.

Trái với những tin tức lạc quan do nhiều cơ quan truyền thông đưa ra, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết Boko Haram hiện kiểm soát hầu hết các lãnh thổ thuộc giáo phận Maiduguri. Trong số 40 giáo xứ và cứ điểm truyền giáo của toàn giáo phận, 22 nơi nằm trong tay bọn khủng bố và phải đóng cửa. Giáo phận có 40 trường tiểu học thì có đến 32 trường nằm trong tay giặc. Có 5 tu viện thì 4 tu viện bị bọn Boko Haram chiếm đóng.

Giáo phận Maiduguri hiện nay có tới 7,000 góa phụ và 10,000 trẻ em mồ côi. Cha Gideon Obasogie, một phát ngôn viên của giáo phận, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng “mọi người đang rất sợ hãi và những ai có trở về nhà mình thì đều thấy là chẳng còn gì sót lại.”

3. Quân khủng bố Hồi Giáo IS nhận trách nhiệm vụ thảm sát tại Karachi, Pakistan

Trong một tuyên bố được đưa ra tại Beirut hôm thứ Sáu 15 tháng 5 và được đăng tải trên báo chí địa phương và trên Twitter, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ thảm sát dã man tại Karachi, là thành phố lớn nhất của Pakistan hai ngày trước đó.

Abid Hussain, một nhân chứng tại chỗ cho AFP biết như sau:

“Có sáu người trên ba xe gắn máy, ba tên nhảy lên xe buýt và bắn loạn xạ trong khi ba tên kia vẫn cho xe nổ máy đợi chúng và tẩu thoát. Khi chúng tôi tới gần chiếc xe buýt, chúng tôi thấy nhiều người đã chết “.

Ghulam Haider Jamali, cảnh sát trưởng quận Quetta, nơi xảy ra vụ tấn công cho biết: “43 người bị giết trên xe buýt và 13 người khác bị thương. Chúng tôi kêu gọi bất cứ ai có tin tức gì về vụ thảm sát này hãy báo cáo ngay cho cảnh sát”.

Người Hồi Giáo Shiite chiếm 20% dân số trong cả nước Pakistan nhưng họ sống tập trung tại Quetta và vùng lân cận trong thành phố Karachi để tránh bị người Hồi Giáo Sunni bách hại.

Thông báo do quân khủng bố Hồi Giáo IS đưa ra có đoạn viết:

“Tạ ơn Allah, 43 tên bội giáo đã thiệt mạng và khoảng 30 tên khác bị thương trong một cuộc tấn công được thực hiện bởi những người lính của nhà nước Hồi giáo trên một chiếc xe buýt chở những kẻ vô đạo Hồi Giáo Shiite ở thành phố Karachi”

Đó là tuyên bố chính thức đầu tiên về trách nhiệm của bọn lãnh đạo IS về một cuộc tấn công trong khu vực Afghanistan-Pakistan.

IS, nay đã chiếm quyền kiểm soát phần lớn Syria và Iraq, công bố vào tháng Giêng năm nay việc thành lập một chi nhánh của chúng tại cái mà chúng gọi là “tỉnh Khorasan”, bao gồm Afghanistan, Pakistan và nhiều vùng của các nước xung quanh.

4. Khủng hoảng nhân đạo tại Burundi theo sau vụ đảo chánh hụt

Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, Hội Đồng Giám Mục Burundi đã lên tiếng kêu gọi tổng thống nước này đừng sửa đổi hiến pháp để tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Lời cảnh báo của các Giám Mục đã trở thành hiện thực. Bạo loạn dữ dội đã xảy ra khiến hàng trăm ngàn người đã phải bỏ nước lánh nạn tại các quốc gia lân bang và phải sống trong những điều kiện tồi tệ. Một cuộc đảo chính cũng đã diễn ra hôm thứ Tư 13 tháng 5 nhưng bất thành.

Rupert Colville, phát ngôn viên của OHCHR tức là Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu 15 tháng 5 cho biết:

“Chúng tôi đang rất quan tâm tới những diễn biến tại Burundi trong hai ngày qua, và chúng tôi kêu gọi các lực lượng vũ trang và các tổ chức phi chính phủ kiềm chế những hành động có thể gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân và để bảo đảm cho họ tráng khỏi những nguy hiểm của cuộc xung đột hiện nay. Có một nguy cơ rõ ràng rằng sự bất ổn có thể kéo dài hoặc trầm trọng hơn nếu có sự trả thù bạo lực để đáp lại những gì đã xảy ra trong hai ngày qua.”

Ông nói thêm:

“Chúng tôi cũng rất lo ngại rằng sự bất ổn chính trị có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát”

Karin de Gruijl, phát ngôn viên của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR, cho biết thêm

“Đặc biệt, tại Tanzania, con số người tị nạn đã tăng lên rất mạnh trong vài ngày qua. Cơ quan di trú địa phương báo cáo rằng hơn 50,000 người Burundi đang sống màn trời chiếu đất trong những tình cảnh rất khó khăn và thiếu thốn tại Kangunga trên bờ hồ Tanganyika”.

Burundi ở Trung Phi về phía Đông của Cộng Hoà Dân Chủ Congo, có 10.3 triệu dân trong đó người Hutu chiếm 85% dân số và người Tutsi chiếm 14%. Tháng 10 năm 1993, vị tổng thống đầu tiên được bầu theo thể thức dân chủ đã bị ám sát sau khi cầm quyền được mới có 100 ngày. Biến cố này gây ra bạo động chém giết giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi trong một cuộc nội chiến kéo dài cho đến năm 2003 khi quốc tế can thiệp. Hai năm sau đó, tức là năm 2005, tổng thống Pierre Nukurunziza được bầu lên theo một thể thức tự do và dân chủ. Ông Pierre Nukurunziza tái đắc cử tổng thống vào năm 2010.

Theo hiến pháp hiện hành của Burundi, nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm và mỗi vị tổng thống chỉ được giữ tối đa là hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tổng thống Pierre Nukurunziza đã muốn thay đổi hiến pháp để tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba. Bạo động đã nổ ra ngày 26 tháng Tư khi cảnh sát đàn áp dã man những người biểu tình và bắn chết ít nhất 25 người. Hơn 105,000 người đã di tản khỏi đất nước.

Hôm thứ Tư tướng Godefroid Niyombare lãnh đạo một cuộc đảo chính nhưng bất thành. Đến ngày thứ Sáu, quân đội và cảnh sát trung thành với tổng thống Pierre Nukurunziza đã kiểm soát được tình hình. Tướng Godefroid Niyombare bỏ trốn nhưng 18 tướng lãnh và sĩ quan cao cấp quân đội và cảnh sát đã bị bắt.

Thông tấn xã Fides trong bản tin ngày 16 tháng 5 cho biết ít nhất 6 đài truyền thanh tại Burundi đã bị phe nổi dậy cũng như phe trung thành với tổng thống Pierre Nukurunziza làm im tiếng.

Người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số trong tổng số 10.3 triệu dân.

5. Di sản phong phú của các vị tân thánh Palestine

Ở góc của một nhà thờ cổ kính tại Giêrusalem là ngôi mộ của Thánh Marie Alphonsine Ghattas, người vưà được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh hôm 17 tháng 5.

Trong những ngày này, ngôi nhà thờ tấp nập các tín hữu đến cầu nguyện trước một hộp nhỏ đựng thánh tích của chị. Ngay trước ngày vị Chân Phước này được tuyên thánh, trong sổ những lời xin ơn, người ta đã thấy những dòng chữ bằng tiếng Ả rập “Thánh Marie Alphonsine”.

Trong khi Thánh Maria Baouardy của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh được nhớ đến như một nhà thần bí với những dấu đanh của Chúa Giêsu, Ghattas được nhớ đến như một nữ tu tận tụy với việc giáo dục và với các phụ nữ Ả rập. Ghattas đã để lại cho Thánh Địa một di sản phong phú gồm một mạng lưới các tu viện, trường học và các trung tâm tôn giáo.

Nữ tu Hortance Nakhleh, đang chưng dọn trong nguyện đường tu viện Mamillah để chuẩn bị cho lễ mừng lễ tuyên thánh cho biết:

“Chị Thánh Ghattas đối với chúng tôi rất quan trọng bởi vì chị ấy là một vị thánh, chị ấy là một thiếu nữ Giêrusalem và là một người Ả Rập. Đức Trinh Nữ Maria đã muốn chị khởi đầu một tu viện cho các cô gái của đất nước này.”

Nữ tu Hortance Nakhleh nói tiếp:

“Thông điệp của chị là phải chú ý đến việc giáo dục các cô gái Ả Rập và phụ nữ. Về mặt lịch sử mà nói thời điểm chị trở thành một nữ tu là một thời kỳ khó khăn cho các em gái và phụ nữ Ả Rập. Họ không được giáo dục và bị kiểm soát ngặt nghèo. Cuộc sống không phải là dễ dàng gì cho các cô gái Ả Rập.”

Một phép lạ đã dẫn đến việc phong thánh cho Chân Phước Ghattas là sự phục hồi của một kỹ sư người Palestine vào năm 2009. Anh ta bị điện giật và lên cơn đau tim, nhưng tỉnh lại hai ngày sau đó sau khi người nhà cầu nguyện trước ảnh Chân Phước Ghattas.

6. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran nói: Đối thoại với Hồi Giáo là vấn đề sinh tử vào lúc này

Trong tuần qua, Hội đồng Hội đồng Giám mục châu Âu đã mở một cuộc họp ba ngày tại Tu viện Thánh Maurice ở Thụy Sĩ về vấn đề người Hồi giáo tại châu Âu.

Sau khi nhắc đến cuộc bách hại kinh hoàng mà các Kitô hữu đã và đang phải gánh chịu tại Trung Đông, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, nói rằng “đối thoại với Hồi Giáo là vấn đề sinh tử hơn bao giờ hết. Thứ nhất, vì đại đa số người Hồi giáo không chấp nhận ra những đường lối man rợ. Thứ hai, là vì việc theo đuổi con đường đối thoại, thậm chí trong bối cảnh bị bách hại, trở thành một dấu chỉ của hy vọng.”

Ngài nói thêm rằng các cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu phải “thẳng thắn nói về những kẻ cực đoan và khủng bố là những kẻ đang tìm kiếm tôn giáo như là sự biện minh cho những hành động tàn bạo của họ. Trong mọi trường hợp, câu hỏi phải tự đặt ra là: làm sao tôi có thể vưà là một người Hồi giáo vừa là một người châu Âu?”

7. Tổ chức Ân xá Quốc tế tố cáo tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô tị nạn ở Libya.

Trong báo cáo đưa ra hôm 10 tháng 5, tổ chức Ân xá Quốc tế đã đưa ra một bản phúc trình tố cáo tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô tị nạn ở Libya.

Báo cáo cho biết:

“Tại Libya nơi chiến tranh tàn phá ác liệt, hàng ngàn người nước ngoài, bao gồm cả những người phải lánh nạn và người tị nạn, đã bị bắt cóc để đòi tiền chuộc, bị tra tấn và gánh chịu bạo lực tình dục của bọn buôn người, các tổ chức buôn lậu và các nhóm tội phạm có tổ chức đủ loại”

“Những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là người di cư và tị nạn Kitô Giáo, bị bách hại nặng nề nhất và có nhiều nguy cơ bị lạm dụng nhất bởi các nhóm vũ trang tìm cách thực thi những giải thích chuyên biệt của họ về luật Hồi giáo.”

8. Đức Hồng Y Peter Turkson kêu gọi một sự thay đổi cơ bản về bảo vệ môi sinh

Đức Hồng Y Peter Turkson đã lên tiếng kêu gọi “một sự thay đổi cơ bản” trong thái độ và các chính sách công cộng nhằm bảo vệ môi sinh và giúp đỡ người nghèo. Ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên trong một diễn văn hôm 14 tháng Năm tại Đại Hội Đồng Caritas quốc tế kỳ thứ 20.

Đức Hồng Y Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, nói rằng những phát triển kinh tế trong những năm gần đây đã nghiêng hẳn về những “mặt trái của nó với những giá phải trả không thể chấp nhận được.” Ngài chỉ trích sự tồn tại của nạn đói trong một thời đại sung túc, và sự kiện là có “một thế lực đặc quyền” đang kiểm soát hầu hết của cải trên thế giới.

Một thái độ lành mạnh đối với phát triển kinh tế nên bắt đầu với một sự công nhận rằng mọi loài thụ tạo là ân sủng của Thiên Chúa, và “đáp trả đúng đắn khi nhận được ân sủng tuyệt vời như thế phải là lòng biết ơn, tình yêu và sự tôn trọng.” Ngài giải thích rằng con đường này sẽ dẫn đến tình đoàn kết và một sự quản lý kinh tế trong đó kết hợp sự tăng trưởng có trách nhiệm với việc chăm sóc cho môi trường và mối quan tâm đối với người nghèo.

Đức Hồng Y Turkson nhấn mạnh rằng những thay đổi mà ngài thấy là cần thiết không thể đạt được thông qua các chính sách công cộng mà thôi. “Nếu không có sự hoán cải về luân lý và sự thay đổi của con tim thì các quy định, chính sách và các mục tiêu trên thế giới dù tốt đến đâu cũng chẳng có hiệu quả.”

9. Thủ tướng Lục Xâm Bảo “kết hôn” đồng tính

Thủ tướng Lục Xâm Bảo Bettel Xavier đã chính thức “kết hôn” đồng tính trong một buổi lễ diễn ra tại tòa thị chính của thủ đô Luxembourg vào tuần qua với đối tác đồng tính của ông, là ông Gauthier Bestenay.

Bettel đã trở thành thủ tướng vào tháng Mười Hai năm 2013. Ông là nhà lãnh đạo chính phủ châu Âu thứ 2 “kết hôn” đồng tính, sau bà Johanna Sigurdardottir, từng là thủ tướng Iceland vào năm 2010.

Các quan sát viên ủng hộ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ tỏ ra quan ngại đặc biệt trước diễn biến này vì Lục Xâm Bảo là quốc gia gần như toàn tòng với hơn 90% dân số là người Công Giáo. Hơn thế nữa, vào ngày 01 tháng 7 tới đây Bettel sẽ đến lượt làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu.

10. Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta có lẽ sẽ được phong thánh vào tháng Chín năm 2016, trong Năm Thánh Từ Bi (File Lombardi01.mp4)

I Media, trích thuật nguồn tin của chính quyền dân sự Italia, cho biết Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, đã gặp gỡ các quan chức chính phủ Ý để phác thảo kế hoạch cho lễ tuyên thánh Chân Phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta vào ngày 04 Tháng Chín năm 2016.

Tại Ấn Độ, một phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar nói với Reuters rằng việc phong thánh sẽ được tổ chức vào tháng Chín năm tới để việc tuyên thánh người sáng lập dòng Thừa Sai Bác Ái, người đã cống hiến cả cuộc đời cho người nghèo, được diễn ra trong Năm Thánh Từ Bi.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 19 tháng 5, khi được hỏi về những tin tức này, Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, đã trả lời dè dặt là ngài không biết ngày giờ cụ thể của lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa. Nhưng ngài nhận định rằng ngày 04 tháng 9, 2016 có thể được coi là một “giả thuyết khả thi”.

11. Lễ tuyên phong Chân Phước cho cha Luigi Caburlotto

Sáng ngày thứ Bẩy 16 tháng Tư tại tiền đình nhà thờ thánh Máccô là nhà thờ chánh tòa thành phố Venice, Đức Hồng Y Angelo Amato đã chủ sự lễ tuyên phong Chân Phước cho cha Luigi Carburlotto.

Đồng tế trong thánh lễ có Đức Thượng Phụ Francesco Moraglia của tổng giáo phận Venice, 6 vị Giám Mục khác trong vùng và hàng trăm linh mục thuộc tổng giáo phận Venice.

Sau kinh thương xót, cộng đoàn đã lắng nghe tiểu sử cha Luigi Carburlotto, đấng sáng lập dòng Nữ Tử Thánh Giuse.

Cha Luigi Carburlotto sinh ngày 7 tháng Sáu năm 1817 tại Venice, Italia. Ngài là con trai một người chèo thuyền trên sông Venice. Sau khi được thụ phong linh mục vào ngày 24 tháng 9 năm 1842, ngài dấn thân lo cho những trẻ em nghèo, những trẻ em mồ côi và những trẻ bị cha mẹ bỏ rơi.

Ngày 30 Tháng Tư năm 1850, ngài thành lập một trường học cho các trẻ em gái nghèo và mồ côi với sự cộng tác của hai giáo lý viên với ý hướng mời gọi các em này sống đời thánh hiến trong một cộng đoàn do ngài hình thành nên sau này là cộng đoàn Figlie di San Giuseppe hay Nữ Tử Thánh Giuse.

Năm 1857, ngài thành lập một nhà dành cho các cô gái nghèo, và hai năm sau đó vào năm 1859 ngài hình thành một ký túc xá cho người nghèo, và sau đó là một trường miễn phí.

Năm 1869, ngài được giao nhiệm vụ tổ chức lại và làm sống lại trường Manin, là một trường dạy về thương mại và thủ công cho nam giới. Năm 1881, ngài được giao thêm hai trường dành cho người nghèo và đã thành công trong việc đem lại sức sống cho những trường này và bổ sung với đội ngũ giảng dạy là các nữ tu nhiệt thành trong việc giảng dạy.

Sau nhiều năm bôn ba trong việc giáo dục cho người nghèo, sức khỏe của ngài bắt đầu suy giảm, và ngài phải hạn chế đi lại. Không thể đi lại được, ngài dồn sức vào công việc của giáo xứ, nơi ngài đã dành rất nhiều thời gian cho những buổi tĩnh tâm dành cho giáo sĩ và giáo dân.

Trong những năm cuối đời, cha Luigi Carburlotto sống như một ẩn sĩ cầu nguyện trong khi theo dõi các tổ chức do mình thành lập đang mang lại những thành quả to lớn cho Giáo Hội, không chỉ trong tổng giáo phận Venice mà vươn ra tòan cõi Italia và đến những miền đất xa xăm của thế giới như Úc Đại Lợi, Brazil, Kenya và Phi Luật Tân.

Ngài được Chúa gọi về ngày 9 tháng 7 năm 1897, thọ 80 tuổi.

Án phong chân phước cho cha Caburlotto đã bắt đầu ở cấp giáo phận vào ngày 14 tháng 9 năm 1963 và hoàn thành vào ngày 28 tháng 6 năm 1969. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công nhận cuộc sống và những nhân đức anh hùng và được tôn lên Bậc Đáng Kính vào 02 tháng 7 năm 1994.

Một phép lạ nhờ lời cầu bầu cử của ngài đã được điều tra từ ngày 22 tháng 12 năm 2009 tới ngày 28 Tháng 9 năm 2010. Ngày 9 tháng 5 năm ngoái 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y việc công nhận phép lạ này.

Sau khi cộng đoàn nghe xong tiểu sử của Chân Phước Luigi Carburlotto, Đức Hồng Y Angelo Amato đã tuyên đọc sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bức màn che chân dung ngài đã được kéo lên trong khi dân chúng vỗ tay reo mừng.

Thánh tích của ngài cũng đã được rước lên cho Đức Hồng Y, Đức Thượng Phụ và các Giám Mục tôn kính và được đặt trên một bàn thờ nhỏ bên cạnh bàn thờ chính.