Ngày 27-05-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa Ba Ngôi - Thiên Chúa của tương quan
Lm. Jude Siciliano, OP
03:24 27/05/2010
LỄ CHÚA BA NGÔI - C

Cn 8: 22-31; Rm 5: 1-5; Ga 16: 12-15

Thoạt đầu học thuyết về Chúa Ba Ngôi ra đời là để chống lại các lạc thuyết trong thế kỷ thứ IV và V. Ngày nay, nhìn bề ngoài có vẻ như chúng ta cũng đang cử hành một tín điều đức tin. Nhưng chúng ta không đến nhà thờ để cử hành những tín điều đức tin. Hôm nay chúng ta đến đây là để cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và ngẫm xem Ba Ngôi đã ảnh hưởng và vẫn mãi ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta thế nào. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Thánh Hoá – chúng ta vẫn gọi là Cha, Con và Thánh Thần. Và mỗi người chúng ta được mời gọi bước vào mầu nhiệm này của Thiên Chúa trong việc tôn thờ và cầu nguyện của chúng ta.

Thiên Chúa siêu vượt mọi khả năng nhận biết của con người. Dẫu vậy, trước khi chúng ta có thể vươn lên tới Ngài, Thiên Chúa đã quyết định cứu chuộc thế giới rồi. Thiên Chúa đã đi bước trước, trao tặng chúng ta ân sủng trong Đức Giêsu Kitô và qua Thánh Thần trợ giúp chúng ta bước vào tương quan với Ngài.

Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã bước vào lịch sử nhân loại; Ngài đã cùng đồng hành chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và nên một với chúng ta trong mọi sự, trừ tội lỗi. Nơi Đức Giêsu có trọn vẹn sự sung mãn bản tính Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chia sẻ cái chết của chúng ta và mặc khải cho chúng ta về sự chiến thắng của Thiên Chúa đối với tội và sự chết – Quyền năng của Thiên Chúa chữa lành những gì tan vỡ và hiệp nhất những gì bị phân rẽ. Đức Giêsu đã quay về với Đấng Ngài gọi là “Cha”, nhưng vẫn không để chúng ta mồ côi; Ngài trao cho chúng ta sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trong Thánh Thần tình yêu và sự sống. Chính qua Thánh Thần chúng ta nhận ra sự hiện diện sinh động của Đức Kitô Phục Sinh. Trong Thánh Thần, chúng ta có được sự sống mới mà Đức Giêsu đã hứa và hiện thực hoá bằng đời sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Niềm khao khát và lòng mong muốn lôi kéo chúng ta đến thờ lạy hôm nay đã được chính Thiên Chúa cấy vào trong lòng chúng ta, Ngài là Đấng những mong chúng ta ngày càng lớn lên trong sự nhận thức và tình yêu của Ngài. Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa của tương quan.

Không gì, thậm chí ngay cả Thiên Chúa, có thể tồn tại một mình và tách biệt. Tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa gợi cho chúng ta biết rằng chúng ta chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa qua tương quan của chúng ta – không chỉ trong tương quan Thiên Chúa với chúng ta, mà trong tương quan với toàn thể thế giới thụ tạo. Thiên Chúa Ba Ngôi chính là nguồn mạch và là nền tảng cho toàn bộ tương quan ngôi vị của chúng ta. Một cách hiểu việc chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài là chúng ta cũng được tạo ra trong tương – tương quan với Thiên Chúa, với nhau và với thế giới thụ tạo chúng ta đang sống.

Trong bài đọc một, Đức Khôn Ngoan được nhân hoá là tác phẩm đầu tay của Thiên Chúa, là người tham dự vào việc tạo dựng muôn loài. Hãy chú ý đến khía cạnh vui đùa của Đức Khôn Ngoan, không chỉ gợi nên hình ảnh một vị Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng mà còn gợi nên hình ảnh một vị Thiên Chúa đang vui cười với những thành quả của công trình do tay Người tạo dựng. “Ngày ngày”, Đức Khôn Ngoan vui thích với những gì Thiên Chúa làm nên, đặc biệt với “loài người”.

Sự dấn thân của Thiên Chúa với tạo vật đã không chấm dứt sau hành vi tạo dựng thuở ban đầu, mà vẫn tiếp diễn theo dòng lịch sử. Đặc biệt, chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước dòng lịch sử của việc làm thế nào mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, lại liên tục hiện diện với loài người Ngài đã dựng nên: giải thoát họ, tập hợp họ làm thành một dân tộc; và sau đó củng cố, khuyến khích, thử thách, quở trách rồi lại tha thứ cho họ.

Việc để ý đến bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp chúng ta đào sâu nhận thức về Một Chúa Ba Ngôi của chúng ta. Sách Châm Ngôn nhắc chúng ta về năng lực sáng tạo “thực hành” của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa “định vị bầu trời phía trên…cố định nền cho trái đất…đặt ranh giới cho biển cả…” Ngày nay, nếu chúng ta muốn đáp trả Đấng Tạo Dựng, như được gợi hứng từ bài đọc một, chúng ta phải cầu xin cho có được một đôi mắt rộng mở để có thể thấy công trình sáng tạo khéo léo của Thiên Chúa nơi vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Vì tạo vật sẽ giúp ta mở lòng trước mầu nhiệm Thiên Chúa chung quanh ta, chúng ta đáp trả những thúc giục trong Thánh Kinh bằng việc tôn trọng và quan tâm đến môi trường sống của chúng ta. Trong Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi này, một thái độ đáp trả thích hợp đối với Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng là tôn trọng và quan tâm tới các tác phẩm tự nhiên do Ngài tạo nên.

Đức Giêsu đã hứa gửi “Thánh Thần Chân Lý” đến với chúng ta. Thánh Thân Chân Lý sẽ giúp chúng ta gạt bỏ những điều giả trá và những vị thần giả tạo thế giới này tôn thờ: thần quyền lực và thống trị, thần ưu tiên và loại trừ, thần tiền tài và phồn thịnh, thần khoa học kỹ nghệ…

Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta và qua lời nói cũng như hành động của Người, công bố sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa cho thế giới này. Chúng ta học theo đời sống của Giêsu, lắng nghe lời Người, để cho hành động và thái độ của Người dẫn dắt, chia sẻ cái chết của Người và rồi cảm nghiệm sự sống mới trong sự phục sinh của Người. Qua Người chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta ngay lúc này đây và Ngài sẽ còn ở với chúng ta luôn mãi tới thời cùng tận.

Thánh Thần là sự sống thần linh của Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người chúng ta, giúp chúng ta chia sẻ tình yêu mật thiết giữa Cha và Con. Quà tặng tình yêu đó của Thánh Thần giúp ta thoát khỏi nô lệ cho những luật lệ và khuôn phép tôn giáo, ngõ hầu có thể đáp trả sự sống Thiên Chúa nơi chúng ta bằng một thực hành đức tin sáng tạo, tự do và tự nguyện, thực hành bằng việc biết yêu bản thân, yêu tha nhân và yêu thế giới thụ tạo quanh ta.

Vì thế, khi chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta không chỉ cử hành một tương quan riêng tư giữa các Ngôi vị Thiên Chúa. Chúng ta không phải là những khán giả chỉ biết nhìn vào một mầu nhiệm siêu việt nào đó trên trời mà mình tuyên xưng, mà không thực sự nhận ra mối liên hệ hàng ngày của nó với đời sống chúng ta. Nếu bỏ đi học thuyết về Chúa Ba Ngôi, liệu điều đó có tạo ra khác biệt gì trong việc thực hành đức tin, việc giáo dục tôn giáo, các bài giảng…? Dĩ nhiên là có! Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ là mầu nhiệm chúng ta hướng đến mỗi ngày Chủ nhật, khi chúng ta tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính. Ngược lại, mầu nhiệm này tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa liên hệ thế nào với chúng ta và chúng ta liên hệ thế nào với Thiên Chúa, với bản thân và với thế giới xung quanh.

Anh Em HV Đaminh chuyển ngữ
 
Một Chúa
Lm Vũđình Tường
06:45 27/05/2010
Chúng ta tin một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, Ngài có Ba Ngôi: Ngôi Cha, ngôi Con và Thánh Thần. Cả ba Ngôi chung một bản tính, cùng đồng tâm, nhất trí trong một tình yêu. Cả ba chung lòng mến và chung hàng động. Cách diễn tả công việc mỗi Ngôi khác nhau. Thiên Chúa Cha là Đấng sáng tạo; Thiên Chúa Con Ngôi Hai là Đấng cứu chuộc và Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá.

Huyền bí mầu nhiệm

Tương tự như người thám hiểu vũ trụ. Càng học càng biết nhiều về vũ trụ nhưng không bao giờ biết hết. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi lớn hơn vũ trụ, vượt khỏi trí tưởng. Muốn học hỏi mầu nhiệm phải dùng đến đức tin để tìm hiểu. Đức kitô dậy

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ hướng dẫn anh em tới sự thật Gn 16,12

Đức tin có chiều sâu, mãnh liệt và hoạt động, giúp người Kitô hữu tiến trên đàng nhân đức. Sống thực thi đức ái, yêu thương, khiêm nhường và thứ tha là con đường dẫn vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

Nghịch lí cuộc đời

Thiếu nhân đức bác ái, tha thứ và khiêm nhường sẽ không thể nào hiểu được mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Càng cố gắng tìm hiểu bằng sự khôn ngoan của khối óc, dựa vào khoa học. Càng cố lí luận, càng đi vào bế tắc. Lí do đơn giản là mầu nhiệm trong đạo vượt khỏi trí hiểu loài người. Mầu nhiệm Thiên Chúa phát xuất từ tình yêu. Đường tình yêu Chúa cao siêu vô ngần, huyền nhiệm vô song. Điều chắc chắn và rõ ràng là kiêu ngạo, tự cao, tự đại không phải là con đường tình yêu. Tình yêu Chúa đòi ta khiêm nhường, phục vụ tha nhân. Tình yêu Chúa đòi ta tôn kính, phụng thờ và vâng phục Thiên Chúa. Sống đơn giản dễ nhận biết tình yêu Chúa.

Người có đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa không muốn lần mò tìm hiểu về Ngài. Họ dành hết thời giờ để kính tin và thờ lậy. Họ không ham muốn tìm hiểu lí thuyết, thần học niềm tin. Trái lại đức tin non dại, yếu kém thích mò mẫm tìm hiểu lí thuyết về Thiên Chúa. Đức tin nông cạn, đêm ngày luẩn quẩn, lạc trong rào cản lí luận khối óc. Mầu nhiệm trong đạo là để tin, không phải để hiểu. Từ chối chấp nhận sự thật này là người không có đức tin. Nếu có, ngay cả chút đức tin nông cạn, chưa bám rễ kia cũng sẽ bị tính kiêu ngạo trong người nổi dậy che lấp mất.

Đức Kitô mặc khải

Đức Kitô mặc khải mầu nhiệm Một Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa duy nhất và chân thật Gn 17,3

Nhận biết Chúa Cha qua nhận biết Đức Kitô, bởi vì

Tôi và Chúa Cha là một Gn 10,30

Cha ở trong Con và Con ở trong Cha 17,21

Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi Gn 12,45


Thiên Chúa liên kết trong hành động và ngôn từ. Tôi không phải tự mình nói ra, nhưng chính là Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì Gn 12,49

Kitô hữu liên kết với Đức Kitô nhờ lời Ngài cầu xin. Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của enh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em Gn 20, 17

Liên kết trong lòng mến

Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy Gn 14,23

Cha yêu mến Thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy Gn 15,9

Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy Gn 14,24


Liên kết trong Thánh Thần

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha. Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha Gn 15,26

Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha. Gn 16,28


Mặc khải

Giáo Hội Chúa Kitô đặt trọn niềm tin vào mặc khải Thánh Thần Chúa. Nhờ Thánh Thần hướng dẫn mà Giáo Hội tin vào các giáo huấn, hướng dẫn, chỉ bảo của Giáo Hội là đúng và chính đáng. Điều này cho thấy Giáo Hội không cậy sức riêng, tài trí riêng nhưng dựa vào mặc khải, hướng dẫn của Thánh Thần Chúa qua cầu nguyện, chia sẻ và lắng nghe.

Giáo hội dựa vào hướng dẫn của Thánh Thần để bổ nhiệm người lãnh trọng trách việc coi sóc Giáo Hội địa phương. Thế quyền có thể ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm chức này, nhiệm sở nọ, nhưng không ai có thể ảnh hưởng được Thánh Thần. Cuộc đời thánh Phaolô là bằng chứng hùng hồn. Người được sai đi làm hại Giáo Hội, giết các Kitô hữu, lại trở thành kẻ bênh vực Giáo Hội, trở thành Kitô hữu lừng danh.

Không mâu thuẫn nào lớn hơn mâu thuẫn nghiên cứu về mặc khải mà từ chối tin điều được linh ứng, mặc khải. Thiên Chúa ban cho kẻ chết sống lại, ban sự sống trường sinh mà không đủ khả năng thay đổi tâm tính con người. Phải chăng là điều đang lo ngại hơi quá đáng?
 
Sống màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:18 27/05/2010
SỐNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

Thiên Chúa Ba Ngôi là môt trong ba mầu nhiệm chính trong Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng. Chỉ có một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi Vị riêng biệt: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi cùng đồng bản thể, vinh quang, danh dự, uy quyền nên chỉ là một Thiên Chúa mà thôi. Trên đây là nội dung chính của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Phận người chúng ta sẽ mãi không khi nào luận suy nỗi với câu hỏi tại sao. Không nguyên chỉ câu chuyện thánh Augustinô nhắc nhớ ta sự thật này, nhưng ngay cả những sự đời này ta cũng đành bó tay với hai chữ tại sao. Tại sao ta làm người da vàng mũi tẹt trong thế kỷ này mà không là người Tây, người Tàu hay sinh ra ở thời điểm khác, trong một gia đình khác? tại sao ta có hai mắt mà không là ba hay bốn? Phải đón nhận hiện thực mà thôi. Nếu không thì ta dễ than trời trách phận kiểu sinh bất phùng thời hoặc sinh nhằm ngôi sao xấu.

Dù không thể thoả mãn với câu hỏi tại sao nhưng ta có thể hài lòng phần nào với câu hỏi “như thế nào”. Tìm hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào không nguyên chỉ để thoả mãn trí khôn, nhưng trên hết còn là đáp ứng khát vọng của “hiện hữu biết suy tư”. Đã là người thì ai ai cũng muốn truy nguyên nguồn gốc của mình. Thao thức của những trẻ mồ côi muốn biết về cha mẹ ruột là một trong những hình thức của khát vọng này. Biết rõ nguồn gốc xuất xứ của một sản phẩm ta sẽ dễ dàng sử dụng nó cách hữu hiệu và lâu bền.

Thay vì tiên thiên dùng lý trí để suy luận theo lối diễn dịch, thần học ngày nay đã ưu tiên trở về nguồn Thánh Kinh, đặc biệt trong Tin Mừng và Tân ước để trình bày cho chúng ta chân dung mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì Chân lý này, Chúa Giêsu đã chấp nhận trả một giá rất đắt, bị người “đồng đạo” của mình (Do Thái giáo) cho là rối đạo, là phạm thượng. Qua lời mạc khải, đặc biệt lời của Chúa Kitô chúng ta sẽ nhận ra nguồn gốc và cứu cánh của mọi vật mọi loài, cách riêng nhân loại chúng ta, loài được dựng nên giống hình và hoạ ảnh của Thiên Chúa.

-Thiên Chúa ta thờ là một cộng đoàn Ba Ngôi Vị riêng biệt và cả khác biệt nhưng hiệp nhất trọn vẹn nên chỉ có một Thiên Chúa. Sự hiệp nhất giả thiết có sự khác biệt và cả riêng biệt, nếu không thì chỉ là sự đơn nhất. Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, điều căn bản là ta phải chân nhận tha nhân là người khác. Chính cái khác này làm nên mối tương quan giữa ta và tha nhân. Và mối tương quan này lại là yếu tố xác định sự hiện hữu của bản thân ta. Chúa Cha là Cha trong tương quan với chúa Con. Chúa Con là Con trong tương quan với Chúa Cha. Và Chúa Thánh Thần là chính Người trong tương quan với hai Ngôi Cha - Con.

Khi nhìn nhận sự hiện hữu của người khác thì ta sẽ nhận biết mình. Nếu không có kẻ khác thì ta cũng chẳng biết mình là ai. Linh mục Thiện Cẩm đã hình tượng hoá theo ngôn ngữ tiếng Việt: trong cõi người ta này, có người thì mới có ta. Khi có Eva, Adam đã nhận ra xương thịt của chính mình (x.St 2,22-23). Như thế, con người là một hữu thể trong các tương quan. Các triết gia đã nhận ra sự thật này khi không chỉ định nghĩa con người là sinh vật có lý trí (cây sậy biết suy tư)… mà còn nhìn nhận con người là một tổng hoà các mối tương quan. Không ai là một hòn đảo. Chính khi không nhìn nhận sự hiện hữu “một ai đó khác ta” cùng với những cái khác biệt như văn hoá, ngôn ngữ, tính tình, chính kiến… thì ta vô tình đồng hoá tha nhân với mình và khi ấy ta không còn là ta. Đúng hơn, như các tâm lý gia trình bày, khi ấy ta như đang còn là bào thai trong dạ mẹ, ở trong một tình trạng “hỗn mang” chưa phân biệt hay không phân biệt.

-Ba Ngôi Thiên Chúa tuy khác biệt và riêng biệt trong hiện hữu nhưng vẫn là một nhờ hiệp nhất trong cùng một tình yêu, một bản thể và một ý hướng hoạt động. “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy” (Ga 8,28). “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và sẽ loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngươi sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”(Ga 16,13-15).

Để có sự hiệp nhất trong gia đình, trong các tập thể lớn nhỏ ngoài xã hội hay trong hội Thánh chúng ta cần phải có tấm lòng, có tình yêu với nhau cách thực sự. Phải biết yêu thương nhau cách thật lòng. Và như văn hào Saint Exupéry: “yêu nhau không phải ngồi nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng”. Cuộc sống thực tiễn chứng minh điều này: vì ích chung, trong các nghi lễ xã hội, hay các cử hành Phụng vụ, cần có sự thống nhất một cách nào đó, tuy nhiên không phải hễ giống nhau theo kiểu cách bên ngoài là nên một, là hiệp nhất. Sự hiệp nhất hệ tại ở tình yêu, ở mục đích, ý hướng tốt đẹp mà ta nhắm tới.

-Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có những hoạt động đặc trưng khác nhau nhưng luôn liên đới mật thiết với nhau. Chúa Cha sáng tạo vũ trụ bằng Lời quyền năng trong Thánh Thần là nguồn tình yêu, nguồn sự sống. Chúa Con thực thi công trình cứu độ theo ý Chúa Cha và bằng sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đến hoàn thành công trình cứu độ của Ngôi Con và làm viên mãn công trình sáng tạo của Chúa Cha nơi các tạo vật. Bất cứ một hoạt động đặc trưng nào của một Ngôi luôn có sự hiện diện liên đới của cả Ba Ngôi.

Xã hội con người càng phát triển thì sự phân công hoá, chuyên biệt hoá ngày càng phát triển. Tuy nhiên bên cạnh sự phát triển của sự chuyên biệt, phân công phân nhiệm thì sự liên đới trách nhiệm cũng cần được phát triển tương xứng, tương hợp. Việc xã hội hoá hay toàn cầu hoá là một trong những nhu cầu có tính cấp thiết khi nền khoa học công nghệ của nhân loại tiến dần đến mức hiện đại. Mẹ Hội Thánh khẳng định: để phục vụ ích chung, bên cạnh nguyên tắc bổ trợ cần phải tuân giữ nguyên tắc liên đới. (x. toát yếu học thuyết xã hội Công giáo. Ch. IV-2004 – Hội Đồng giáo hoàng Công lý và Hoà Bình).

Khi nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi để làm cho muôn dân thành môn đệ Chúa Kitô theo lệnh truyền của Thầy Chí Thánh, Hội Thánh ý thức rằng mọi vật mọi loài, đặc biệt cuộc đời con người chỉ thành toàn khi quy chiếu với cội nguồn của mình là Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi cũng là lúc nhân danh hạnh phúc nhân loại, nhân danh ý nghĩa đời người và muôn vật, muôn loài. Theo lời một Thánh Giáo phụ thì Thiên Chúa đã chọn sự sống, hạnh phúc của nhân loại làm vinh quang của Người, vì thế không thể nào nhân danh Cha và Con và Thánh Thần mà không nhân danh sự phát triển con người toàn diện. Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định rằng với thời đại hôm nay, “phát triển” là một cách thế rao giảng Tin Mừng thiết thực và hữu hiệu. Nhưng cần lưu ý rằng phát triển ở đây phải là một sự phát triển toàn diện trong tinh thần hiệp thông và liên đới trách nhiệm.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa- Thuận Hiếu- BMT
 
Trò Chuyện Với Chúa Mỗi Ngày Như Một Người Bạn # 8
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
15:02 27/05/2010
Trò chuyện với Chúa mỗi ngày như Người Bạn # 8

“TÂM SỰ VỚI CHÚA LUÔN NHƯ HƠI THỞ”

Thầy Giêsu nói với tôi hôm nay: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ, Lời Cha là Sự Thật”. (Gioan 17, 17)

1- Thưa Thầy Giêsu, Thầy đã tách con khỏi lãnh vực trần tục, để đi vào thế giới Thần Linh của Thiên Chúa, dành riêng cho Chúa, làm cho con thuộc trọn về Chúa qua các Bí tích, giao cho con một sứ mạng với nhiều ân sủng và phương tiện để con dễ dàng thi hành.

2- Thưa Thầy, trái tim con đã bị chai cứng, không còn giống trái tim của Thầy nữa, không còn biết sự thật là gì nữa, trái tim con đã mù loà, vì không còn nhìn thấy Lời của Thầy là Sự Thật. Từ nay con quyết bỏ bớt những dục vọng để mang Lời Chúa đến cho tha nhân.

3- Nhờ Thầy, con quyết trở nên giống hình ảnh của Thầy, có một trái tim hiến dâng như lúc ban đầu, mở rộng thật lớn để chất chứa mọi tâm hồn, không trừ ai, vì mọi người và từng người như Thầy. Nhất là những người cô đơn, nghèo khó, đang thiếu tình yêu Thầy.

4- Con quyết tâm là những Kitô hữu đã nhận nhiều ân huệ của Chúa, biết đêm ngày nghiên cứu Lời Chúa và sống quên mình như Chúa trong Thánh Thể, để con là của lễ sống động chia sẻ cho mọi người trong gia đình, giáo hội và xã hội, mà con có trách nhiệm.

5- Nhờ Thần Khí của Thầy, con quyết tâm sống cho Chúa thật nhiều với tha nhân bằng cách giúp họ biết ăn, nhai và nuốt Lời Thầy là Sự Thật, và Thầy trong Thánh Thể là Sự Sống mới cho con mọi ngày, mọi lúc. Để con luôn là tấm bánh bẻ ra cho tha nhân như Thầy.

6- Là những Giáo dân, Giáo sĩ, Tu sĩ đã thuộc trọn về Thầy, con quyết tâm mở rộng trái tim tình yêu của Chúa, quên mạng sống mình vì mọi người, để bảo vệ đoàn chiên Thầy đã trao phó trong một thế giới nhiều cạm bẫy này. Ứớc mong thật chu toàn sứ mạng Thầy trao.

Có làm như trên, con mới xứng đáng là Môn đệ trung tín của Thầy.

Phó tế: GB. Maria Nguyễn văn Định
 
Tin nhận mầu nhiệm cao cả
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
19:37 27/05/2010
LỄ CHÚA BA NGÔI C

+++

A. DẪN NHẬP

Trong các nghi lễ Phụng vụ chúng ta mừng một mầu nhiệm, nhưng trong Thánh lễ hôm nay chúng ta mừng kính một mầu nhiệm cao cả và thâm sâu nhất trong đạo, đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là một mầu nhiệm không là điều nghịch lý nhưng chỉ nghịch thường hay siêu lý. Với lý trí con người, không ai có thể hiểu thấu được, nhưng vì là mầu nhiệm do Đức Giêsu đã mạc khải cho loài người, nên chúng ta chỉ biết cúi đầu tin nhận với lòng tôn kính và mến yêu.

Trong Thánh kinh Cựu ước, loài người chỉ được mạc khải về Một Thiên Chúa duy nhất. Còn trong Thánh kinh Tân ước, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực ra, Đức Giêsu không nói rõ về Chúa Ba Ngôi, Ngài chỉ nói lên tương quan mật thiết của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhưng nhờ Chúa Thánh Thần Đấng mà Đức Giêsu sai đến cho chúng tqa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa những lời Đức Giêsu dạy và những việc Ngài làm. Cho đến muôn đời không ai hiểu thấu được mầu nhiệm này dù là những bậc thông minh thượng trí. Tuy nhiên, Chúa sẽ mở trí mở lòng cho những kẻ bé mọn, tức là cho những ai khiêm tốn cầu xin và đón nhận, để có thể cảm nghiệm được mầu nhiệm này trong cuộc sống.

Nhân ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy tăng cường lòng tôn sùng và yêu mến Chúa Ba Ngôi trong đời sống cá nhân, trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Dấu Thánh giá cũng là dấu hiệu nhắc nhở cho chúng ta về sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong đời sống hằng ngày. Hãy thành kính tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi khi làm dấu Thánh giá.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 8,22-31

Bài đọc này ca ngợi Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa, có thể được xem là một sự mò mẫm hướng về sự mạc khải của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta có thể coi Đức Khôn ngoan trong trích đoạn này ám chỉ Ngôi Hai Thiên Chúa.

- Ngài hiện hữu từ muôn đời.

- Ngài đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo dựng.

- Ngài vừa ở bên cạnh Thiên Chúa, vừa gần gũi với loài người.

+ Bài đọc 2: Rm 5,1-5

Thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma về vai trò của Ba Ngôi trong cuộc sống người tín hữu.

Đức Kitô làm cho mối quan hệ yêu thương giữa chúng ta với Thiên Chúa trở nên hiện thực.

Quan hệ này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và nâng đỡ chúng ta trong lúc gian khổ. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Từ nay, nhờ đức tin, chúng ta có thể “được bình an với Thiên Chúa” và nhờ đức ái, sống bởi tình yêu của Ngài.

+ Bài Tin mừng: Ga 16,12-15

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu có ý tỏ bày cho các môn đệ mối liên hệ của Ngài đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng đặc biệt về vai trò của Chúa Thánh Thần:

- Những gì Chúa Con mạc khải đều nhận lãnh từ nơi Chúa Cha.

- Sẽ không còn mạc khải nào mới nữa.

- Chính Chúa Thánh Thần giúp các ông tiếp thu trọn vẹn ý nghĩa mọi điều Đức Giêsu nói, đặc biệt về Chúa Cha.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Chúa Ba Ngôi trong đời sống ta

I. MẠC KHẢI VỀ CHÚA BA NGÔI

1. Về bài Tin mừng hôm nay

Bài Tin mừng hôm nay là một đoạn trích trong bài tường thuật về cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu và các môn đệ trước khi Thầy trò sắp biệt ly (x. Ga 13,17). Trong đoạn này, Đức Giêsu không hề nói về Chúa Ba Ngôi vì chưa bao giờ Ngài nói tới từ ngữ đó. Ngài chỉ có ý tỏ bầy cho các môn đệ thấy rõ mối tương quan của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

2. Mạc khải của Cựu ước

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi không được mạc khải trong Kinh thánh Cựu ước, bởi vì dân riêng của Chúa trong Cựu ước chưa sẵn sàng đón nhận mầu nhiệm này. Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất. Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất trong Cựu ước (Đnl 6, 4-5). Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần ở Trung đông thời bấy giờ.

Thế nên, Thánh kinh Cựu ước không nói gì về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đôi khi Thánh kinh Cựu ước ám chỉ – ám chỉ chứ không nói rõ – về Ba Ngôi Thiên Chúa mà thôi. Chẳng hạn như trong sách Sáng thế, Thiên Chúa dùng số nhiều để nói về mình: ”Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta”(St 1,26). Đại danh từ Ngôi Thứ Nhất số nhiều ở đây là “chúng ta” ám chỉ rằng có hơn một Ngôi vị trong Thiên Chúa.

3. Mạc khải của Tân ước

Chỉ khi Đức Giêsu xuống thế làm người chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa và hứa sai Thánh Thần xuống để hướng dẫn thì tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa mới được tỏ hiện.

Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan: Chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán: ”Con là Con Ta yêu dấu”(Mt 1,11). Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu còn bầy tỏ cho các môn đệ về Chúa Thánh Thần: ”Thầy ra đi thì có lợi cho các con hơn. Nếu Thầy không đi, Đấng Phù trợ sẽ không đến với các con”(Ga 16,7) Tiếng nói, chim câu, Đức Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi.

Trong Tin mừng thánh Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi: ”Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28,19).

Thánh Phaolô luôn cầu chúc cho các tín hữu: “An sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.

II. TÌM HIỂU VỀ CHÚA BA NGÔI

1. Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả

Nếu ai đọc kinh cầu chữ của Giáo phận Bùi chu do ông cử Thiện dịch thì khi nói tới Chúa Ba Ngôi chúng ta có câu: ”Tam vị nhất thể Thiên Chúa gia” nghĩa là Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Theo giáo lý Công giáo, chúng ta biết chỉ có một Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Mỗi Ngôi Vị đều bằng nhau về thần tính và uy quyền, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Mỗi Ngôi Vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất. Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi yêu thương nhau hướng về nhau.

2. Sinh họat của Ba Ngôi

Vì Ba Ngôi là một Thiên Chúa, nên mọi hành động trong Ba Ngôi đều chung với nhau. Nhưng theo thần học thì những hành động trong Ba Ngôi chia ra thành hai loại:

- Opus ad intra: hành động hướng nội.

- Opus ad extra: hành động xuất ngoại.

Hành động hướng nội của Ba Ngôi như sự sống và tình yêu… thì Ba Ngôi như nhau, nghĩa là Ngôi nào cũng sống động và cũng yêu thương, không những thương yêu mình mà còn thương yêu nhau để phát sinh mọi tạo vật, để mọi tạo vật yêu lại mình. Vì thế, thánh Gioan Tông đồ đã gọi: ”Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,16).

Hành động xuất ngoại cũng là hành động chung cho cả Ba Ngôi Vị, nhưng thần học thường chỉ riêng cho Ngôi Vị này ngôi khác hành động này hành động nọ, với mục tiêu làm sáng tỏ của từng Ngôi Vị. Ví dụ: việc tác thành vũ trụ thì chỉ cho Chúa Cha – việc cứu chuộc thì chỉ cho Chúa Con – và việc thánh hóa thì chỉ cho Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần, mặc dầu tác thành cũng là Thiên Chúa tác thanh – cứu chuộc cũng là Thiên Chúa cứu chuộc – và thánh hóa cũng là Thiên Chúa thánh hóa, tại vì Ba Ngôi cũng là một Thiên Chúa mà thôi.

Ở đây nghe có vẻ lủng củng, nhưng học thần học thì phải nói như thế. Nói như thế nhưng cũng chẳng hiểu gì !!! Tuy thế, chúng ta vẫn phải tìm hiểu theo khả năng của chúng ta, còn bao nhiêu Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn và bổ túc cho như lời Đức Hồng y Henri de Lubac đã nói:

“Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương. Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng. Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến. Nhưng Thiên Chúa vừa là bên bờ vừa là đại dương. Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa. Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa. Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn đau khổ. Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần”.

3. Mấy hình ảnh diễn tả Chúa Ba Ngôi

Trong cuộc đời trần thế này, nơi chúng ta còn bước đi trong đức tin, chúng ta không thể hiểu được hết được nhiều về một mầu nhiệm nào cả và thâm sâu như vậy. Chúng ta chỉ hiểu phần nào trong giới hạn chật hẹp của trí tuệ con người và qua những hình ảnh tương đối, bất toàn, mượn nơi thế giới loài người Ví dụ: hình tam giác đều có ba cạnh ba góc bằng nhau; thời gian có ba giai đoạn: quá khứ, hiện tại, tương lai; nước ở thể hơi, thể lỏng, thể đặc; điện có sức làm chuyển động, đốt nóng và soi sáng… Chúng ta dùng kiểu nói nào hay hình ảnh nào để diễn tả cũng chỉ là tương đối, chứ không thể nào diễn tả hết được.

III. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI CHÚA BA NGÔI

1. Sự hiểu biết còn rất hạn hẹp

Đức Giêsu sắp sửa về trời, nơi mà từ đó Ngài được sai đến trần gian, Ngài đến trần gian để bầy tỏ cho loài người biết Thiên Chúa. Sứ mạng của Ngài đã hoàn thành, nhưng sự hiểu biết về Thiên Chúa của loài người mới chỉ bắt đầu: ”Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không có sức chịu nổi”(Ga 16,12).

Cũng như các Tông đồ, chúng ta mới chỉ ở bước đầu của một cuộc khám phá, một cuộc mạo hiểm. Có nhiều điều chúng ta chưa chịu nổi, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn cho chúng ta sau này. Chớ gì đừng bao giờ chúng ta tự mãn, coi mình là hiểu biết tất cả, vênh vang trước những mảnh vụn đức tin tầm thường mà chúng ta đang sống.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin. Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý. Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói lòa rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dầy đặc mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Truyện: Augustinô và mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

Thánh Augustinô một hôm đi bách bộ trên bãi biển và tâm trí thì luôn suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: Làm sao chỉ có một Thiên Chúa và Ngài lại có Ba Ngôi khác nhau: Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con và Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Như vậy lẽ ra phải có Ba thay vì chỉ có Một Thiên Chúa mới hợp lý ? Augustinô không sao lý giải được mầu nhiệm này: Một mà lại là Ba, và Ba chỉ ở trong Một ?

Bấy giờ Augustinô trông thấy em bé trai đang ngồi trên bãi biển, tay cầm một cái vỏ sò múc nước biển rồi đổ vào một cái lỗ nhỏ hang còng ở trên bãi cát. Vị Giám mục hỏi cậu bé:

- Này em, em đang làm gì vậy ?

Cậu bé trả lời:

- Cháu đang cố gắng múc tất cả nước của đại dương này để đổ vào lỗ hang của con còng này

Vị Giám mục nói:

- Sao em lại làm một điều vô lý như thế ? Em hãy nhìn xem: nước biển bao la như vậy thì làm sao cái lỗ hang còng nhỏ bé kia có thể chứa hết nước của nó được ?

Nhưng Augustinô thật bất ngờ, khi nghe cậu bé đáp:

- Việc cháu làm đây cũng không vô lý bằng việc Ngài đang làm: làm sao ngài có thể dùng trí khôn nhỏ bé của ngài mà hiểu thấu được mầu nhiệm lớn lao vô cùng của Thiên Chúa ?

Nói xong cậu bé biến mất.

Bấy giờ Giám mục Augustinô hiểu rằng Chúa đã sai thiên thần đến để giúp mình ý thức về sự giới hạn và bất lực khi phải đối diện với những mầu nhiệm cao cả vô cùng của Thiên Chúa.

2. Phải khiêm nhường tin nhận

Chúa Ba Ngôi không phải là một thứ ẩn ngữ, một thứ siêu phương trình toán học dành cho những nhà trí thứ ưu hạng… Đó chỉ là một thực tại hoàn toàn đơn giản “bị che giấu đối với các bậc khôn ngoan thông thái”, nhưng lại được mạc khải cho những người bé mọn”(Mt 11,25).

Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài sẽ giãi bầy những điều thuộc về Đức Giêsu, về ý nghĩa lời giáo huấn cũng như những việc Ngài làm cho chúng ta. Không ai lãnh hội được tất cả những gì Đức Giêsu đã phán, không ai nắm được hết mọi giá trị những lời giáo huấn của Ngài cho cuộc sống, cho đức tin từng cá nhân, cho xã hội, cho thế giới. Chúa Thánh Thần soi sáng liên tục để khai mở ý nghĩa về Đức Giêsu.

Theo lời Đức Giêsu dạy, chúng ta hãy khiêm tốn xin Chúa Thánh Thần đến soi dẫn chúng ta để tiếp tục hiểu thêm lời Chúa. Về vấn đề này, Linh muc X. Léon-Dufour giải thích thêm:

“Nếu Đức Giêsu ngừng nói bên tai, thì việc Ngài nói trong tim (đồng nghĩa với “mạc khải”) vẫn còn tiếp tục nhờ trung gian của Chúa Thánh Thần. Quả vậy, Thánh Thần không nói nhân danh quyền năng của mình, cũng giống như Đức Giêsu đã không nói tự ý mình; Thánh Thần sẽ nhận từ Đức Giêsu cũng giống như Đức Giêsu nhận từ Chúa Cha (8, 26). Tiếng nói của Thánh Thần chắc chắn không đập vào lỗ tai, nhưng thấm sâu tự tâm hồn. Như vậy, Chúa Con tiếp tục mạc khải của mình bằng cách thế khác trước, cách thế “thần linh”… Chúa Thánh Thần sẽ là người biểu lộ Đức Giêsu vậy”.

3. Hãy yêu mến và tôn sùng Chúa Ba Ngôi

* Trong đời sống cá nhân

Mừng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng nhau nhắc lại lời thánh Phaolô: ”Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống như chính lời Chúa phán: ”Ta sẽ cư ngụ và đi lại giữa họ, sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ta”(2Cr 6,15). Dựa vào lời Chúa hứa như thế, nên thánh Tông đồ khuyên nhủ mọi người chúng ta: ”Anh chị em yêu dấu, hãy thanh tẩy chính mình cho sạch những điều ô uế về phần thân thể lẫn tâm linh, hãy hoàn thành sự thánh hóa trong niềm kính sợ Thiên Chúa”(2Cr 7,1).

Sống thánh thiện để lòng mỗi người chúng ta xứng đáng là đền thờ của Chúa. Đàng khác, vì biết Thiên Chúa đang ngự nơi lòng mình, hãy tập thưa chuyện với Ngài. Chân phước Elizabeth Chúa Ba Ngôi là một nữ tu dòng kín ở Dijon, được tôn phong ngày 24/02/1984, đã sống mầu nhiệm tôn thờ Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn. Chị viết: ”Chớ gì tôi được sống mãi trong căn phòng nhỏ bé mà Chúa đã xây dựng từ lâu trong đáy hồn tôi. Ở đó tôi được nhìn thấy Chúa, được cảm nghiệm có Chúa ở bên”. Chị đã cầu nguyện:

“Lạy Chúa Ba Ngôi lòng con thờ phượng

Xin cho con quên mãi chính mình đi

Để chìm trong Chúa, rồi không biệt ly

Bất động và êm như đi vào vĩnh viễn…

Cho hồn con an bình, nơi lưu luyến

Thành thiên đàng chỗ an nghỉ tình yêu…”

Cũng hơi lạ, nhưng cũng tâm tình tương tự của sĩ quan trẻ tên Charles de Foucauld, chàng đã từng sống một cuộc đời bê bối, sau này được cải hóa, chàng trở thành một nhà khổ tu tại sa mạc Sahara, Phi châu, và trong một lá thư gửi về cho bà chị, chàng viết: ”Thiên Chúa ở trong chúng ta, tận cung lòng chúng ta. Ngài luôn luôn ở đó, nghe chúng ta và yêu cầu chúng ta nói chuyện với vị Thượng khách tối cao của tâm hồn của chị. Yếu hèn như em, đời em như chị đã biết, em còn có thể làm được, thì chị cũng thế. Việc này không làm chị bận rộn đến quên lãng việc khác của chị đâu. Chỉ một phút thôi, thay vì chỉ nhìn mình, thì nay chị thành hai người chu toàn các bổn phận của chị. Dần dà, chị tập được thói quen và sau này chị không ngớt cảm thấy Đấng ngự nơi tâm hồn thật ngọt ngào biết bao”.

* Trong đời sống gia đình

Mẫu gương đầu tiên, các gia đình chúng ta học được nơi mầu nhiệm Ba Ngôi là mẫu gương về hiệp nhất. Đây là sự hiệp nhất trong tình yêu, khiến cho Ba Ngôi nên một. Nếu mỗi thành viên trong gia đình chúng ta cũng biết yêu thương nhau theo mẫu gương của Ba Ngôi, nghĩa là người này luôn nghĩ đến ý muốn, hạnh phúc của người kia, và luôn làm vui lòng người kia, thì gia đình chúng ta cho dù có nhiều người cũng sẽ trở nên một.

Mẫu gương thứ hai là tuy chỉ có một Chúa nhưng lại là Ba Ngôi riêng biệt. Sự riêng biệt này nhắc nhở chúng ta: trong gia đình, mỗi người có một chỗ đứng và một bổn phận riêng. Do đó, mỗi người cần chu toàn bổn phận của mình trong gia đình cách chu đáo. Mỗi người phải sống theo câu châm ngôn “Chính danh”, nghĩa là sống đúng với địa vị và vai trò của mình. Vợ chồng biết tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ sống đúng với vai trò của cha mẹ, luôn làm gương sáng cho con cái bằng chính đời sống tiết độ, công chính của mình. Con cái phải biết vâng phục cha mẹ trong tâm tình yêu mến và thảo hiếu, như Đức Giêsu luôn vâng phục Chúa Cha (x. Ga 4,34; Dt 5,8-9).

Nếu mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta biết sống “Chinh danh”, nghĩa là, từng người trong gia đình luôn sống đúng vai trò của mình và chu toàn nhiệm vụ của mình trong tình yêu, gia đình chúng ta dù đông cũng trở nên một. Chúng ta trở nên một, nhưng mỗi người vẫn còn là chính mình. Nhờ đó, gia đình của chúng ta sẽ không tẻ nhạt, nhưng ngày càng trở nên sung mãn, phong phú và thật sự hạnh phúc (Internet).

* Trong đời sống hằng ngày.

Một trong những điều Giáo hội muốn nhắc nhở cho chúng ta về Chúa Ba Ngôi là dấu Thánh giá. Dấu thánh giá nhắc nhở cho ta về lòng tin vào hai mầu nhiệm quan trọng trong đức tin Công giáo là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Cứu chuộc..

Ta thấy Linh mục rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi như lời Chúa dạy: ”Các con hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28,20). Các bí tích khác cũng được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi. Linh mục kêu cầu Chúa Ba Ngôi khi cử hành bí tích Giải tội. Linh mục xức dầu bệnh nhân, nhân danh Ba Ngôi. Đức Giám mục cử hành bí tích Thêm sức trong dấu Chúa Ba Ngôi. Ta bắt đầu và kết thúc kinh đọc bằng dấu thánh giá tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Trước khi ăn ta cũng làm dấu thánh giá tạ ơn Chúa Ba Ngôi cho ta của ăn hằng ngày. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời và trong cuộc sống hằng ngày.
 
Sống đức tin vào Màu Nhiệm Chúa Ba Ngôi khác việc hiểu biết về Màu Nhiệm
Lm. Trần Bình Trọng
20:31 27/05/2010
Sống đức tin vào Màu Nhiệm Chúa Ba Ngôi khác việc hiểu biết về Màu Nhiệm

Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm C

Cn 8:22-31; Rm 5:1-5; Ga 16:12-15

Một trong những đặc tính của loài người là tính tò mò muốn biết sự thật. Có những tính tò mò đã đưa đến những phát minh về khoa học, kỹ thuật, vật lý, có lợi ích cho nhân loại. Có những tính tò mò lại gây thiệt hại đến danh dự tiếng tốt của người khác. Nhiều nhà thần học cũng như triết gia Kitô giáo cũng vì tính tò mò đã tốn nhiều thời giờ suy nghĩ để giải thích tín điều Một Chúa Ba ngôi. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Trong khi nhận thức rằng có Ba Ngôi Vị trong một Chúa, bởi vì chính Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người đã bầy tỏ cho nhân loại biết như vậy, người ta vẫn không hiểu làm sao có thực thể đó. Không có nhà thần học nào đã hiểu hay sẽ hiểu được làm sao có thể có Ba Ngôi Vị trong một Chúa. Người ta chỉ có thể dùng hình tam giác cân và đều để giải thích về mầu nhiệm Ba ngôi một Chúa. Trong hình tam giác cân và đều, thì ba cạnh và ba góc đều bằng nhau, tượng trưng cho Ba Ngôi Một Chúa. Nếu trí khôn loàì người có thể hiểu được những mầu nhiệm trong đạo thì cái gọi là đạo, không còn phải là đạo nữa, mà chỉ là một triết thuyết hay hệ thống khoa học.

Vấn đề ở đây là tại sao người ta không hiểu mà lại tin? Tin là dựa trên thế giá của người khác và tin là cảm nghiệm được bằng con tim điều mình tin. Trong trường hợp này, tin là dựa trên thế giá của Ðức Kitô. Người đến để bầy tỏ cho nhân loại mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.

Ðôi khi những bậc làm cha mẹ, thầy cô, linh mục, tu sĩ nóng lòng, không biết phải dạy kinh bổn hay giáo lí cho con cháu, cho học sinh và cho giáo dân như thế nào? Dĩ nhiên có nhìều lẽ đạo phải dạy bảo, cắt nghĩa và giải thích. Tuy nhiên đức tin và hiểu biết thuộc hai lãnh vực khác nhau. Người ta có thể biết nhiều về đạo giáo và Thánh kinh, nhưng không nhất thiết họ phải là những người tin tưởng. Vì vậy điều quan trọng là đức tin cần được truyền đạt và cảm nghiệm. Ðiều cần thiết là sống niềm tin tôn giáo thế nào để chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo và cảm nghiệm sống đạo cho người khác.

Trong khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại La mã 1998, Ðức Hồng Y Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà nội, có đề cập đến kinh nghiệm tôn giáo. Trong bài phát biểu, Hồng Y Tụng nêu lên lý do tại sao việc truyền giáo tại Á châu không mang lại kết quả khả quan? Lí do theo vị Hồng Y là vì người Kitô giáo nói chung và công giáo nói riêng, ít có cảm nghiệm về tôn giáo. Họ chỉ biết về đạo mà không có kinh nghiệm tôn giáo và không có cảm nghiệm sống đạo - một kinh nghiệm khiến cho con tim vui mừng và rung động(1) khi sống niềm tin tôn giáo. Theo Hồng Y Tụng, làm sao người công giáo trả lời câu hỏi của người ngoài công giáo: Ðâu là kinh nghiệm tôn giáo của quí vị ?(2). Rồi vị Hồng Y phát biểu tiếp là những lễ nghi phụng tự của người công giáo dù có được hội nhập văn hóa cũng chỉ xuất hiện như những: bắt chước méo mó, nếu người ta không chạm đến được sự hiện diện đầy sức tác động của Thiên Chúa tình thương, của Thánh Thần ban sự sống (3).

Như vậy cách thế làm việc đạo (modus quo) của người làm việc đạo (ex opere operantis) và tâm tình biểu lộ trong khi làm việc đạo là quan trọng đối với người ngoài nhìn vào: công giáo cũng như ngoài công giáo. Còn việc đạo được thực hiện (id quod hay nói cách khác ex opere operato) mà làm một cách máy móc cho có hình thức thì người ngoài trông vào: công giáo cũng như ngoài công giáo cũng chỉ thấy và biết vậy thôi, không gây được ấn tượng thiêng liêng nào đối với họ.

Thiết tưởng lời phát biểu của Hồng Y Tụng có thể được diễn tả bằng một giả dụ như sau. Dù hàng giáo sĩ Việt Nam có bận áo thụng, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia để cử hành lễ nghi chẳng hạn, nhưng nếu lời cầu nguyện và việc phụng thờ chỉ nằm khơi khơi trên bề mặt thì cũng không gây được ấn tượng thiêng liêng nào nơi người ngoài công giáo. Nói cho cùng thì việc bận áo thụng, đội mũ cánh chuồn, chân đi hia cũng chỉ là lai căng, chứ không phải Việt Nam. Quá quan tâm đến vấn đề hội nhập văn hoá vào đạo, chẳng qua có thể là phản ứng của kẻ tự ti măc cảm về phương diện nào đó. Lễ nghi công giáo là lễ nghi công giáo. Ðó là căn tính của lễ nghi công giáo. Phẩm phục của lễ nghi Công giáo là căn tính của phẩm phục lễ nghi Công giáo; cũng như phẩm phục của lễ nghi Phật giáo là phẩm phục của lễ nghi Phật giáo. Ðem phẩm phục không phải là công giáo vào lễ nghi công giáo mà không qua một nghi thức ‘rửa tội’ nào đó cho phẩm phục đó thì giống như là ‘đem râu ông cắm cằm bà’ vậy.

Văn hoá chẳng qua là vấn đề tiếp nối, được đến trước hay đến sau mà thôi. Có những sắc thái văn hoá mà người ta bảo đó là của dân tộc, thì cũng đã hội nhập từ ngoài vào từ lâu đời, làm thành văn hoá bản xứ. Những nét văn hoá đến sau mà được thanh lọc, đào thải và thích ứng, thì lâu ngày cũng sẽ trở thành văn hoá bản xứ. Tôn giáo cũng là việc hội nhập vào một quốc gia theo thời gian: đến trước hay vào sau. Cổ võ việc hội nhập văn hoá bản xứ vào đạo Kitô giáo, thì cũng cần tìm cách giới thiệu văn hoá Kitô giáo vào lòng dân bản xứ nữa, để lâu ngày văn hoá Kitô giáo cũng sẽ thấm nhập vào lòng dân bản xứ. Đại thi hào Nguyễn Du đã phải nghe biết hay đọc giáo lí công giáo nên mới viết trong truyện Kiều rằng: Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu?

Vào thập niên cuối cùng của thế kỉ hai mươi, người ta thấy có những xóm đạo ở miền Nam Việt Nam cho đặt tượng hoặc bàn thờ Mẹ Maria hay ông thánh nọ, bà thánh kia ngay ngoài trời ở góc khu phố, xóm chợ. Bên đèo Bảo lộc cũng thấy có đặt tượng Mẹ Maria lớn ở nơi nghỉ chân. Tại Bãi Dâu ở Vũng Tàu còn thấy tượng Ðức Mẹ ở ngoài trời. Ai đi đường qua lại cũng có thể trông thấy dễ dàng. Trên núi Tao Phùng ở Bãi Sau Vũng Tàu, xe cộ hay tầu bè qua lại phải thấy một pho tượng Chúa Kitô vua, khổng lồ, bao quát cả vùng trời núi, giang tay hướng về biển Ðông Việt như là vua biển cả, khiến sóng gió, bão táp phải yên lặng (Mt 8:26; Mc 4:39; Lc 8:24). Nói đến việc giới thiệu văn hoá Kitô giáo vào lòng dân tộc, thì không thể không nhắc đến chữ quốc ngữ, bầu khí dịp lễ Giáng sinh và nhạc giáng sinh. Chữ quốc ngữ là một món quà vô giá của đạo công giáo vào lòng dân tộc Việt Nam.

Người ngoài công giáo vào nhà thờ, họ có thể ngại ngùng vì cảm thấy lạc lõng. Tuy nhiên cầu nguyện trước tượng Chúa, Mẹ Maria hay ông thánh nọ, bà thánh kia ở góc phố hay lộ thiên ngoài trời, hay nghe nhạc đạo một mình, người ta có thể thấy thoải mái hơn. Sau năm 1975, cũng đã có nhóm người Việt ở Mĩ phổ nhạc ca vọng cổ vào những câu chuyện Thánh kinh như Phêrô chối Chúa hay Giuđa bán Thày. Ca lên, nghe cũng rất là mùi mẫm, khiến thính giả vỗ tay nhiệt liệt (4). Ðó là những cách thế đem văn hoá và giáo lí Kitô giáo vào đời. Nói cho cùng thì tôn giáo thuộc lãnh vực phi văn hoá. Khi người ta đã có niềm tin tôn giáo rồi, thì việc bầy tỏ niềm tin đó bằng bất cứ văn hoá nào cũng có thể đánh động tâm hồn của người thuộc văn hoá khác. Nói đúng hơn, cảm nghiệm tôn giáo là vấn đề siêu văn hoá.

Ðôi khi ta tự hỏi: ta phải cầu xin với Ngôi vị nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa? Câu trả lời là: mối liên hệ của ta đối với mỗi Ngôi Vị có thể khác nhau. Nếu cảm thấy gần gũi với người cha ruột thịt của mình, ta nên cầu xin với Thiên Chúa Cha. Những người mồ côi cha từ tuổi thơ ấu thường không có kinh nghiệm về tình phụ tử. Trường hợp đó khi lớn lên phải cố gắng tìm cách làm tăng triển tình con thảo với Chúa như là cha. Nếu có kinh nghiệm gần gũi với Chúa Giêsu như là người bạn Thầy chí thánh (Ga 15:14,15) như những anh chị em trong Phong Trào Học Hội Kitô Học (Cursillo), ta nên cầu nguyện nhiều với Ngôi Hai Thiên Chúa. Nếu có cảm nghiệm về sức tác động tâm hồn và quyền năng biến đổi đời sống của ơn Chúa Thánh Thần, ta nên cầu xin nhiều với Ngôi Ba Thiên Chúa như những anh chị em trong Phong Trào Canh Tân Thánh Linh. Dầu sao đi nữa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một Chúa trong Ba Ngôi. Khi cầu nguyện với một Ngôi vị, là ta cầu nguyện với Ngôi vị kia như Chúa Giêsu xác quyết: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy (Ga 14:11).. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14:15). Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy (Ga 16:15). Sau khi cầu nguyện với từng ngôi vị, ta có thể chuyển hướng cầu nguyện với cả Ba Ngôi Vị cùng lúc cho chắc ăn, chẳng hạn như: Lạy Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, con thờ lạy, cảm tạ và ca tụng Chúa. Xin Ba Ðấng ban cho con được thế này, thế nọ, thế kia.

Ði vào thực tế, ta đã dạy con cháu sống niềm tin tôn giáo thế nào trong việc làm dấu thánh giá, kêu cầu đến Chúa Ba Ngôi? Ta có ý thức được ý nghĩa khi làm dấu thánh giá, hay chỉ làm theo hình thức hời hợt cho qua lần chiếu lệ? Có khi còn tạo thêm một ngôi vị nữa một cách vô ý thức như khi đọc nhân danh Cha và Con và Thánh, và thần thay vì và Thánh Thần. Làm dấu thánh giá là cách thế bầy tỏ niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Làm dấu thánh giá là cách thế kêu cầu Ba ngôi Thiên Chúa giúp ta làm việc nọ việc kia theo đường lối của Chúa. Làm dấu thánh giá còn nhắc nhở cho người tín hữu về mầu nhiệm cứu rỗi: Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá vì tội lỗi loài người. Còn làm dấu thánh giá một cách máy móc cho qua lần chiếu lệ thì không thể giúp ghi nhận được những cảm nghiệm tôn giáo và những ấn tượng thiêng liêng.

Ngoài ra ta có tạo hoàn cảnh và điều kiện để giúp con cháu biết tự cầu nguyện một mình bao giờ không? Khi con cháu Rước Lễ lần đầu hay chịu phép Thêm Sức hoặc cưới hỏi, ta có khuyến khích con cháu cầu nguyện, sửa soạn tâm hồn bên trong hay chỉ để ý sắm quần áo, mua bông hoa để tạo ra hiện tượng pháo bông cho việc ăn mừng và chụp thật nhiều hình kỉ niệm? Đốt pháo bông trông thì đẹp nhưng lại rất mau tàn. Do đó mà con cháu không ghi được ấn tượng thiêng liêng nào vì không cảm nghiệm được niềm tin tôn giáo khi lãnh nhận bí tích. Không có kinh nghiệm tôn giáo khi lãnh nhận phép bí tích, thì xem hình chụp cũng chỉ biết vậy thôi, nghĩa là có thấy hình chụp mà không ghi nhớ được ấn tượng thiêng liêng nào. Hình chụp chỉ giúp hồi tưởng lại kỉ niệm ngày lãnh nhận một bí tích. Còn kinh nghiệm tôn giáo và ấn tượng thiêng liêng mới kéo dài và giúp cho con tim được vui mừng và hứng khởi trong việc sống đức tin.

Lời cầu nguyện: xin cho được ơn cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi:

Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi con thờ!
Sao con làm việc đạo
mà lòng con cảm thấy khô khan như gỗ đá?
Xin cho con biết tìm ra ý nghĩa và mục đích
khi phụng thờ Chúa: dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện,
và phục vụ tha nhân là hình ảnh Chúa.
Quyền năng và ân sủng Chúa ở đâu?
Xin cho con được cảm nghiệm
để con được vui sống đức tin. Amen.
 
Thiên Chúa là tình yêu suối nguồn
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
20:34 27/05/2010
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU SUỐI NGUỒN.

LỄ CHÚA BA NGÔI (Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)

Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772).Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

1.Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.

Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.

Ngài cho biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.

Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.

2.Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu.

Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.

Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất.

3.Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo. Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.

Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.

Dấu thánh giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà các con đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh. Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu thánh giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Đi sâu hơn chút nữa, chúng ta càng thấy mầu nhiệm Ba Ngôi thật gần gũi và thật là cao cả. Thánh Augustinô đã nói: nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi. Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào?

Yêu thương là ban tặng trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” ( Ga 3, 16 ). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “ Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” ( Ga 15, 13 ). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.

Yêu thương còn là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.

Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.

Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐGM Bùi Văn Đọc).

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho chúng con ngày càng trở nên giống hình ảnh của Chúa. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:40 27/05/2010
LÀM MƯA LÀM GIÓ

N2T


“Làm thu” đáng lẽ là “làm gió” mới đúng, ý của nó là tài sản của nhà người khác rất phong phú, từ trong phong phú ấy anh rút ra một vài cái. Về sau, do tự âm biến đổi mới viết thành “làm gió” hoặc “làm thu”. Từ ngữ này bắt đầu câu “làm mưa làm gió” có từ thời ngũ đại:

Thời ngũ đại có người tên Lý Kính, ông ta là người đầy tớ của nhà hạ hầu Tiều Công, mỗi lần Tiều Công đi thi thì đứng sau Tôn Sơn (1), do đó mà cuộc sống của Lý Kính rất là nghèo khi phục dịch cho Tiều Cống, thế là có người khuyên Lý Kính nên đi về phương bắc tìm chủ nhân là người làm quan để phục dịch, bởi vì các quan viên phương bắc “làm mưa làm gió” ở địa phương mình, cuộc sống qua ngày thì tốt hơn, và khuyên ông ta không nên cố chết nơi ông chủ nghèo khó.

(Đường chích ngôn, hiền bộc phu)

Suy tư:

Người xưa nói “miệng nhà quan có gan có thép”, là ý nói các ông quan có chức có quyền nói ra thì ai cũng sợ, cho nên chuyện “làm mưa làm gió” ở địa phương thì cũng đúng, cho nên lại mới có câu “phép vua thua lệ làng”, mà lệ làng ờ đây có khi là do mấy ông quan địa phương hô phong hoán vũ làm mưa làm gió mà ra.

Theo cách nhìn của loài người thì làm linh mục cũng là một cách làm quan, bởi vì họ thấy các linh mục cũng có chức có quyền và có tiền chẳng khác chi mọi người.

Theo cách suy nghĩ của một vài linh mục thì mình chỉ vâng lời đức giám mục của mình là được rồi (nhưng thực tế có nhiều linh mục không vâng lời đức giám mục của mình), cho nên các ngài tiền bạc xài không hết, và sống như một...ông quan địa phương trong giáo xứ của mình, thích “làm mưa làm gió” cho ai làm việc gì thì tùy ý, mà không tổ chức ban hành giáo và các ban bệ để xây dựng giáo xứ ngày các tốt đẹp hơn, cho nên mới có những chia rẽ xích mích trong giáo xứ của mình, mà nguyên nhân là bắt đầu từ cha sở thiên vị và không làm việc.

Linh mục không phải là một chức quan để làm mưa làm gió, cũng không phải là một nghề sinh sống để vun bòn cho bản thân mình, nhưng linh mục là một thiên chức bởi trời, là một sứ mệnh mà Chúa Giê-su đã ủy thác cho những người mà Ngài chọn –qua Giáo Hội- để tiếp tục công việc truyền giáo của Ngài.

Coi linh mục là một nghề để tiến thân là một sỉ nhục lớn cho Giáo Hội của Chúa.

(1) Tôn Sơn người thời Tống, đi thi đậu cuối bảng, ý nói là thi trượt.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:42 27/05/2010
N2T


14. Thiên Chúa dùng những khó khăn đau khổ của thế gian để rửa sạch tội lỗi của chúng ta.

(Thánh John Chrysostom)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:44 27/05/2010
N2T


451. Người giữa người với nhau không nhất định là một cộng một là hai.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Gốc rễ ấu dâm và Giáo Hội Công Giáo
Vũ Văn An
00:46 27/05/2010
Nếu ấu dâm lan tràn trong xã hội, thì đâu là nguyên nhân làm nó lan tràn và nó đã xâm nhập vào Giáo Hội như thế nào, đó là chủ đề của cuốn “Indagine sulla pedofilia nella Chiesa” (Điều Tra Về Ấu Dâm Trong Giáo Hội) của các tác giả Francesco Agnoli, Massimo Introvigne, Giuliano Guzzo, Luca Volonté và Lorenzo Bertocchi. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Hãng Tin Zenit, Lorenzo Bertocchi cho biết rõ gốc rễ của hiện tượng ấu dâm, các kết luận của sách và những người Công Giáo đang chao đảo có thể làm gì để phục hồi niềm tin vào Giáo Hội.

Theo ông, dù chỉ là một trường hợp ấu dâm xẩy ra trong Giáo Hội, thì đó cũng đã là quá nhiều rồi. Về phương diện này, trong Giáo Hội, người tỏ ta hiểu vấn đề hơn cả không ai hết mà là chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Nói như thế, nhưng Bertocchi vẫn nghĩ là ta cần hiểu mọi chiều kích của hiện tượng này. Ông cho hay: trong phần đầu của Sách, Massimo Introvigne đã giúp ta hình dung ra vấn đề. Tại Mỹ, theo các nghiên cứu bác học, từ năm 1950 tới năm 2002, có 958 linh mục bị tố cáo phạm tội ấu dâm trong tổng số 109,000 linh mục, nhưng bị kết án thì ít hơn nhiều, chỉ dưới 100.

Trong một tuyên bố vào ngày 10 tháng 3 vừa qua, Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh, thông báo trường hợp của nước Áo. Tại đó, cùng thời gian trên, các kết án người của Giáo Hội chỉ là 17, trong khi ở bên ngoài, con số lên tới 510. Các con số đó có thể nói lên nhiều điều mà cũng có thể chả nói lên điều gì; tuy nhiên, chúng rõ ràng cho thấy khuynh hướng người ta hay thổi phồng và tổng quát hóa những vụ liên quan tới Giáo Hội. Ông nêu trường hợp Cha Giorgio Covoni và hai nữ tu ở Bergamo, Cha Kinsella và Dì Nora Walls ở Ái Nhĩ Lan, thẩy đều bị tố cáo là lạm dụng tình dục nhưng thực ra sau đó được trắng án. Những sự kiện này khá quan trọng vì chúng cho thấy rõ những nguyên động lực không phải lúc nào cũng rõ ràng trong việc hình thành các lời tố cáo.

Còn ở bên ngoài xã hội, chỉ cần đọc những sự kiện trên cũng đủ thấy cơn dịch ấu dâm thực sự sâu rộng và làm người ta lo âu. Bản phúc trình của Cơ Quan Y Tế Thế Giới tựa là “Các Ước Lượng Hoàn Cầu Về Hậu Quả Y Tế Do Bạo Hành Trẻ Em Gây Ra” (Geneva, 2006) cho thấy trong năm 2002, ước lượng có gần150 triệu trẻ nữ và 73 triệu trẻ nam trên thế giới là nạn nhân của các hình thức bạo hành tính dục khác nhau.

Một phúc trình khác của LHQ, được trình cho Đại Hội Đồng ngày 21 tháng 7 năm 2009, chú tâm tới tình trạng trên Web: trên phạm vi thế giới, con số các trang mạng có bản chất ấu dâm đã gia tăng một cách chóng mặt; thí dụ, nếu năm 2001 con số là 261,653, thì năm 2004 con số ấy lên tới 480,000, một chiều hướng cũng đã được phúc trình hàng năm của tổ chức Meter Associaton của Cha Di Noto xác nhận. Theo Bertocchi, sự kiện trên Internet này quả có tính mô hình, nếu ta để ý tới vai trò của Web trong đời sống xã hội ngày nay. Như thế, rõ ràng điều đó giúp ta hiểu rõ hơn cái thiên kiến của truyền thông trong chiến dịch chống lại Giáo Hội, nó cố tình tô vẽ Giáo Hội như là nơi trổi vượt về ấu dâm.

Còn về nền văn hóa cổ vũ ấu dâm, Bertocchi nói rằng ở tâm điểm vấn đề ta thấy có “nền văn hóa tình dục”, một nền văn hóa, từ năm 1968, luôn cổ vũ một cuộc cách mạng thực sự nhằm “phá bỏ mọi cấm kị”. Việc lan tràn văn hóa khiêu dâm, được coi như ngọn cờ đầu của cuộc cách mạng này, ai cũng có thể thấy được. Ngày nay, não trạng trổi vượt nhất là não trạng sẵn sàng biện minh cho việc kết hợp tính dục thuộc bất cứ loại nào, và là kết quả của thứ tư duy bắt rễ từ những người như De Sade, Freud, Fromm, Reich, Marcuse v.v…, nghĩa là những người ta có thể mô tả như các tiên tri của việc tôn vinh khoái ngất. Theo Bertocchi, trong tác phẩm của nhóm ông, Francesco Agnoli trình bày nhiều thí dụ cho thấy nền văn hóa ấy vẫn còn sống đến ngày nay như thế nào. Đại biểu của nó là trường hợp chính đảng Phò Ấu Dâm của Hòa Lan, gần đây bị giải tán vì thiếu chữ ký, chứ không hẳn vì cấm đoán của luật pháp. Tận gốc rễ của nó, cuộc cách mạng tình dục của thời đó có mục tiêu tấn công mọi thứ thẩm quyền, bắt đầu là thẩm quyền của Thiên Chúa, và cuộc tấn công đó, buồn thay, đã để lại dấu vết ngay bên trong Giáo Hội.

Nhưng làm thế nào nền văn hóa cổ vũ ấu dâm đã len lỏi vào được các chủng viện và Giáo Hội? Bertocchi cho rằng ta có thể hiểu được phần nào vấn đề này từ lá thư của Đức GH Bênêđíctô XVI gửi người Công Giáo Ái Nhĩ Lan, trong đó, ngoài việc đề cập tới các trường hợp ấu dâm nơi hàng giáo sĩ Ái Nhĩ Lan, Đức Thánh Cha có xem sét gốc rễ của hiện tượng ấy. Khi biện luận, ngài nhắc tới sự kiện này là “chương trình canh tân do Công Đồng Vatican II đưa ra đã bị giải thích sai lạc”. Hiển nhiên, ngài có ý nói tới thời kỳ hai thập niên 1960 và 1970 của thế kỷ trước trong đó việc mở cửa ra thế giới đã dẫn tới việc suy yếu đức tin và từ từ bị thế tục hóa.

Cuộc tấn công của xã hội vào nguyên tắc thẩm quyền qua khẩu hiệu nổi tiếng “Cấm không được ngăn cấm” đã len lỏi vào cả Giáo Hội nữa. Do đó, trong các chủng viện, việc giải thích như thế kết cục khiến người ta lẫn lộn kỷ luật với đối thoại. Kết quả là một phương thức rộng rãi hơn trong việc tuyển chọn ứng viên cho chức linh mục.

Trong phạm vi này, Đức Hồng Y Carlo Caffarra khẳng định “việc Giáo Hội tự đưa ra các tiêu chuẩn để biện phân ai được nhận ai không được nhận vào chức linh mục là một quyền mà không ai có thể bác bỏ một cách hợp lý” (La Verita chiede di essere rivelata -- Rizzoli 2009). Theo Bertocchi, hơn bao giờ hết, quyền ấy phải được thực thi. Bất cứ ai nghĩ rằng vấn đề hệ ở việc độc thân của linh mục, thì họ phải giải thích tại sao trong hàng giáo sĩ Thệ Phản, là những người được phép cưới vợ, vẫn có những trường hợp lạm dụng không thua gì hàng giáo sĩ Công Giáo.

Được hỏi tại sao các nhóm ấu dâm có tổ chức tự do phát triển ngành du lịch tình dục thì không thấy ai đụng tới họ, tại sao không ai cấm cản họ? Bertocchi cho rằng các nghiên cứu của nhóm ECPAT (Chấm Dứt Việc Mãi Dâm Trẻ Em, Khiêu Dâm Trẻ Em và Việc Buôn Bán Trẻ Em Cho Các Mục Tiêu Tình Dục) tiết lộ: hiện nay trên thế giới, mỗi năm có tới gần 80 triệu du khách đi tìm mua dâm. Theo cơ quan Intervita của Ý, hiện có khoảng 10 triệu vị thành niên tham gia thị trường này, với lợi tức ước lượng vào khoảng 12 tỷ dollars Mỹ.

Cuộc nghiên cứu của Đại Học Parma, do ECPAT thực hiện, đã đưa ra hình tượng loại hình du khách này: trong 90% trường hợp, anh ta tuổi từ 20 tới 40, có giáo dục trung tới đại học, có thu nhập tốt, thường là đã kết hôn. Ngược lại, nạn nhân thường ở tuổi 11 và 15 nếu là con gái, và từ 13 tới 18 nếu là con trai.

Loại hình du lịch trên bị nhiều quốc gia coi là tội phạm, nhưng dù như thế, nó vẫn là một ngành kỹ nghệ phồn thịnh và chính vì là một kỹ nghệ, nên khó bị chặn đứng. Tuy nhiên, hiện cũng đang có những nhóm áp lực nhằm điều tra nền văn hóa tình dục này.

Nói về biên giới giữa thực tại và chủ nghĩa đạo đức giả, Bertocchi cho rằng phần lớn các xã hội hậu hiện đại chấp nhận hay biện minh cho việc phá hủy các phôi thai vì coi chúng không phải là những hữu thể nhân bản. Họ trao đổi buôn bán trứng và tinh trùng như thể buôn bán trao đổi pháo nổ. Họ luận thuyết về nam tính và nữ tính đơn thuần như những nhãn hiệu văn hóa, loan truyền khiêu dâm như một hình thức giải khuây và thích biến trợ tử thành một chọn lựa cao đẹp. Qua cái phong cách hủ hóa sự thật như thế, người thời nay lâm vào tình thế mơ hồ về đạo đức đến nỗi thực tại bị chìm lỉm trong chủ nghĩa chủ quan. Bởi thế, ta mới thấy việc người tôn giáo lên án các hành vi vô luân cũng phát xuất từ cùng một môi trường văn hóa luôn sẵn sàng chấp nhận mọi thứ tùy tiện của cá nhân. Các lý do thuộc loại hình ý thức hệ cũng có, mà thuộc loại hình kinh tế cũng có, như trường hợp các luật sư Mỹ kiếm hàng tỷ dollars nhờ việc người ta tự do và dễ dãi tố cáo ấu dâm.

Nói đến chính sách hoàn toàn không khoan dung (zero tolerance) của Đức Bênêđictô XVI đối với tệ nạn ấu dâm, Bertocchi cho rằng quyết tâm của ngài thật đáng nêu gương; ngài đã nhấn mạnh một đường lối trong sáng không chỉ có giá trị đối với Giáo Hội, mà còn có giá trị đối với mọi thành phần của xã hội đang có vấn đề hay đang phải đương đầu với hiện tượng đáng buồn này. Trong các suy niệm đi đàng Thánh Giá năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger lúc ấy cho người ta thấy rõ nhu cầu phải thanh lọc bên trong Giáo Hội, một ước muốn không phải để trả thù nhưng để mang công lý thực sự lại cho Nàng Dâu của Chúa Kitô được rạng rỡ hơn nữa trong tư cách “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Phong cách này tìm thấy trong mọi giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI, vì công thức thanh tẩy của ngài nhằm đủ mọi hướng: hướng giải thích tính liên tục, hướng nới rộng tính hợp lý, hướng gương sáng Thánh Gioan Vianey cho Năm Linh Mục, hướng chú tâm phụng vụ, hướng hoàn toàn không khoan dung đối với gương mù ấu dâm v.v… Chỉ có vấn đề là đôi khi người ta chỉ tìm đọc trong các giáo huấn của ngài những điều hợp với quan điểm riêng của họ, chứ không chịu đọc giáo huấn ấy trong toàn bộ tính của chúng.

Như thế, phải làm gì để vượt qua lo âu, mất tin tưởng hết sức phổ biến ngày nay? Theo Bertocchi, mọi người Công Giáo chúng ta phải trở về với các nền tảng của đức tin, để thực sự làm chứng nhân cho Chúa Phục Sinh, hay nói như Luca Volonté, phải ý thức rõ rệt tình đồng hành với Chúa Kitô, Đấng cùng đi với ta hằng ngày. Trong cuộc tông du gần đây tới Fatima, Đức Thánh Cha nói rằng: Giáo Hội đang chịu đau khổ vì các nguyên nhân “nội tại”. Chắc chắn, ngài muốn nói tới các thương tích do các vụ lạm dụng tình dục gây ra, nhưng Bertocchi cũng tin rằng ta cần có sự trong sáng về học lý để trở về với các nền tảng. Buồn thay, ngày nay, sự trong sáng này không phải là điều hiển nhiên và điều ấy làm nhiều người bối rối. Bởi thế, Bertocchi đồng ý với các kết luận của Agnoli trong tác phẩm này khi nhấn mạnh tới việc cầu nguyện, tới việc tái khám phá cảm thức về siêu nhiên, tới sự phục vụ hữu hiệu trong việc cai quản Giáo Hội, và nhất là tới việc tái khám phá một cách sâu sắc cảm thức về tội lỗi. “Kẻ thù thực sự mà ta cần phải sợ và chống lại chính là tội lỗi, cái ác thiêng liêng mà buồn thay, đôi lúc, lây nhiễm cả các chi thể của Giáo Hội”. Đó là lời Đức Bênêđíctô nói sau khi đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng ngày 16 tháng 5 vừa qua.

Bất hạnh thay, trong rất nhiều bài giáo lý, chủ đề “tội lỗi” mỗi ngày mỗi bị coi là lỗi thời, bị tâm lý học và xã hội học cho ra rìa. Thật ra, nhận mình là tội nhân là cách tốt nhất để tiếp nhận lòng xót thương của Chúa. Và không có con đường nào khác đem hy vọng lại cho con người thời nay bằng đức ái trong sự thật.
 
ĐTC Biển Đức XVI được mời viếng thăm mục vụ Ukraine vào năm 2012
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
03:58 27/05/2010
ĐTC Biển Đức XVI được mời viếng thăm mục vụ Ukraine vào năm 2012

Thông báo của đức TGM Công Giáo của Lviv

Roma, ngày 25.5.2010 (Zenit.org) – Theo thông báo của Giáo Hội Công Giáo tại Ukraine, ĐTC Biển Đức đã được mời đến viếng thăm mục vụ nước Ukraine vào năm 2012, nhưng chưa biết đích xác vào ngày tháng nào.

Chính Đức Cha Mieczyslaw Mokrzycki, Tổng Giám Mục Lviv đã thông báo tin này trong một phiên họp Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo ở Ukraine. Lý do việc mời Đức Giáo Hoàng là lễ mừng 600 năm thuyên chuyển tòa Tổng Giám Mục từ Galich về Lviv.

Đức TGM Mieczyslaw Mokrzycki là một trong các thư ký riêng của Đức cố GH Gioan-Phaolô II (1996-2005) và sau đó tiếp tục đảm trách chức vụ thư ký của ĐGH Biển Đức XVI (2005-2007) đã giải thích thêm rằng trước khi Tòa Thánh chính thức công bố đích xác thời gian của chuyến viếng thăm, còn cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về các thời điểm có thể của chuyến viếng thăm này.

Có thể đây là cuộc thăm viếng lần thứ hai của mội vị Giáo Hoàng đến quốc gia này, kể từ khi nước này được độc lập, sau chuyến tông du của ĐGH Gioan-Phaolô II.

Cuộc thăm viếng này chắc chắn sẽ là một bước quyết định quan trọng nhằm thăng tiến cuộc đối thoại với Giáo Hội Chính Thống, là giáo hội đa số trong nước này. Đó cũng chính là một trong nhữưng mối quan tâm hàng đầu trong triều Giáo Hoàng của ĐTC Biển Đức XVI.
 
Tòa thánh đang xem xét vấn đề luân lý của “sự sống nhân tạo (synthetic life)”
Phụng Nghi
07:13 27/05/2010
VATICAN CITY (Zenit.org).- Các nhà khoa học đang xôn xao về một khám phá mới đây cho thấy cách thức dùng sự sống hiện hữu để tạo ra một hình thức mới về sự sống. Còn Tòa thánh Vatican thì đang chờ đợi thêm dữ kiện trước khi đưa ra những hướng dẫn về luân lý, đạo đức.

Tuần qua, một nhóm 24 nhà khoa học, đứng đầu là Craig Venter, một trong những người cha đẻ của dự án hệ di truyền con người (human genome), đã công bố trên tạp chí Khoa học một khám phá mới, giải thích cách thức họ khởi đầu dùng một tế bào sống, cộng thêm một nhiễm sắc thể nhân tạo (synthetic chromosome), để hoàn toàn biến đổi tế bào sống đó thành một tế bào nhân tạo mới.

Đáp ứng lại nguồn tin đó, Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh, kêu gọi “hãy chờ đợi để biết thêm chi tiết về trường hợp này.”

Tổng giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Đời sống, và vị tiền nhiệm của ngài là Giám mục Elio Sgreccia, cũng đã ra những tuyên bố phản ảnh lập trường của cha Lombardi.

Hồng y Angelo Bagnasco, chủ tịch hội đồng giám mục Ý, nhấn mạnh đến một yếu tố khác trong cuộc khám phá này. Ngài nói: “Đây là một dấu hiệu thêm nữa về óc thông minh vĩ đại của con người.” Tuy nhiên, ngài minh xác rằng, các thành tựu khoa học chỉ có giá trị khi phù hợp với những nhu cầu về luân lý, đạo đức, “là những điều, từ căn bản, duy trì phẩm giá của mỗi con người.”

Can đảm và cảnh giác

Ấn bản bằng tiếng Ý của báo L'Osservatore Romano ra ngày thứ Bẩy vừa qua đã đăng một bài của Tiến sĩ Carlo Bellieni, giám đốc Phân bộ Trị liệu trẻ Sơ sinh thuộc trường Đại học Đa khoa Siena ở nước Ý, và cũng là thành viên Học viện Giáo hoàng về Đời sống. Trong bài báo này ông kêu gọi “kết hợp can đảm và cảnh giác.”

Bellieni ca tụng khám phá nói trên của Venter như là điểm mốc cho khoa sinh vật di truyền học (bio-genetics), tuy nhiên, ông minh xác thêm rằng ở đây “sự sống đã không được tạo dựng ra; mà một trong những động cơ đã được thay thế.”

Trưng dẫn lời của nhà di truyền học David Baltimore thuộc Viện Kỹ thuật California, ông giải thích rằng ở đây sự sống đã được sao chép lại chứ không phải được tạo dựng.

Ông Bellieni, cũng là người thường xuyên viết bài cho thông tấn xã Zenit chúng tôi, giải thích như sau: “Với những lời tuyên bố và tin tức hàng đầu trên báo chí, ta thấy một thành tựu đáng kể đã thực hiện được. Thành đạt này sẽ có thể có những áp dụng và phải có những quy luật, cũng giống như mọi chuyện có liên quan đến trọng tâm của đời sống. Công nghệ gen (genetic engineering) có thể làm được những điều tốt: chỉ cần nghĩ đến khả năng chữa lành các tật bệnh về nhiễm sắc thể.

“Người ta hy vọng rằng những tác động vào hệ di truyền (genome) có thể đưa đến việc chữa lành bệnh tật, nhưng chúng liên quan đến một lãnh vực cực kỳ mỏng manh, ở đó không thể coi thường vai trò của môi trường và cách thao tác.”

Chính ông Venter cũng tuyên bố với tờ báo Independent rằng ông đề nghị phải có những quy luật mới trong lãnh vực “kỹ thuật mạnh mẽ” này, vì ông nghĩ là những quy lệ hiện hành còn thiếu sót.
 
Số các linh mục, tu sĩ bị giết cao nhất trong 10 năm qua
Paul Minh Nhật
11:58 27/05/2010
SỐ CÁC LINH MỤC, TU SĨ BỊ GIẾT CAO NHẤT TRONG VÒNG MƯỜI NĂM QUA

Tổng cộng con số các linh mục Công Giáo, nam nữ tu sĩ và các chủng sinh bị giết trong năm 2009 là 37, con số cao nhất trong vòng 10 năm qua và gần gấp đôi con số được báo cáo năm 2008, thông tấn xã Fides nói.

Trong số đó có 30 linh mục, 2 nữ tu, 2 chủng sinh, 3 thiện nguyện viên.

Trong phân tích bảng danh sách của mỗi châu lục, năm nay, châu lục có số lượng cao nhất là Châu Mĩ, với 23 người làm công tác mục vụ bị giết chết (18 linh mục, 2 chủng sinh, 1 nữ tu, và 2 giáo dân), tiếp theo là Châu Phi nơi 9 linh mục, 1 tu sĩ, 1 giáo dân đã bị thiệt mạng. Tại Châu Á, 2 linh mục đã bị sát hại. Và tại Châu Âu có 1 linh mục đã bị giết chết.

Danh sách của chúng tôi không chỉ bao gồm tên của các nhà truyền giáo theo một nghĩa hẹp, mà còn bao gồm tất cả các vị làm công tác mục vụ bị chết vì bạo động

Chúng tôi không gọi những người này là "các vị tử đạo", vì vấn đề phải được Giáo Hội xem xét đánh giá công đức của họ, và cũng bởi vì sự thiếu thông tin có giá trị trong phần lớn các trường hợp, liên quan đến cuộc sống của họ và ngay cả các tình huống chi tiết về cái chết của họ.
 
Đồng Euro trong cơn bão tố tài chánh
Hà Minh Thảo
12:01 27/05/2010
ÐỒNG EURO TRONG CƠN BÃO TỐ TÀI CHÁNH

Trong khi người dân Hoa kỳ tin tưởng nền kinh tế liên bang đang hồi phục thì, ngày 06.05.2010, tại thị trường chứng khoán New York (Hoa kỳ), chỉ số Dow Jones đã kinh hoàng sụt giảm hơn 8% trong khoảng 30 phút giao dịch vì những tin tức kinh tài đến từ Hy lạp và do lỗi đặt sai lệnh bán của một nhà đầu tư chứng khoán. Lập tức, người ta tự đặt câu hỏi: « Khủng hoảng tài chính toàn cầu lại tái diễn? ». Lúc đóng cửa cuối ngày, chỉ số này giảm 3,27% và chỉ số Nasdaq giảm 3,43% so với ngày trước.

I. HAI CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÁNH.

Chỉ trong vòng 4 năm, thế giới ’tân tiến’ đang gánh chịu hai cuộc khủng hoảng tài chánh mà nguyên nhân chính đều do việc không thể thanh toán các khoản tín dụng đáo hạn. Trách nhiệm tình trạng vỡ nợ đến từ hai phía: chủ nợ và con nợ.

- Các cơ quan tín dụng, ngân hàng (chủ nợ) ham thu lời nhiều với lãi suất cao nên cho vay dễ dàng. Đôi khi, các chủ nợ còn khuyến khích những con nợ vay thêm để chi tiêu, nhất là các khoản tín dụng để tiêu dùng.

- Các con nợ vay tiền dễ dàng, thường chi tiêu hoang phí vì có cảm tưởng tiêu tiền của người khác, chứ không do mồ hôi nước mắt mình làm ra.

Đôi bên, chủ nợ và con nợ, đều hả hê. Chánh phủ cũng vui thích vì bách phân tăng trưởng kinh tế lên cao, nhất là khi tăng trưởng đạt được hai con số.

Tuy nhiên, có điểm khác biệt:

- Cuộc khủng hỏang năm 2007-2008, gọi là ‘Nợ Thứ cấp’ (Subprime Mortgage Credits) từ Hoa kỳ. Các cơ quan tín dụng và ngân hàng đã cho tư nhân vay dễ dàng để xây cất, mua nhà cửa. Khi nợ nần của tư nhân chồng chất và không hòan trả được, thì các chủ nợ mất mát nặng vốn đến nỗi phá sản.

- Cuộc khủng hỏang hiện nay, được mệnh danh là ‘Công Nợ’ do chánh phủ các quốc gia khu vực euro đi vay, phung phí và không thanh toán nổi bắt đầu từ Hy lạp.

II. KHỦNG HOẢNG TÀI CHÁNH TỪ HY LẠP.

Từ tháng 10.2009, Hy lạp rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy. Lúc đó, chính phủ xã hội George Papandreou, vừa chấp quyền, công bố các số liệu về tài chính công. Theo đó, dưới sự điều hành của chính phủ trước, thâm hụt ngân sách năm 2009 không phải là 6%, nhưng là 12,7% và 9,40% tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ) thường được gọi là GDP (Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp, năm 2010. Để điền khuyết vào chổ thâm hụt ngân sách, chánh phủ phải đi vay bằng cách phát hành công trái. Do đó, công nợ cao tới 113,40% (300 tỷ euro hay 390 tỷ mỹ kim), năm 2009, và 120,80% TSLNĐ, năm 2010.

A. Tại sao có sự thâm hụt ngân sách như vậy?

1. Ngụy tạo số liệu kế toán. Chính quyền Hy lạp đã che dấu những con số thật sự về tài chính công để hội đủ những điều kiện gia nhập khu vực đồng euro năm 2001. Sau đó, sự kiểm soát được nới lỏng, các con số lại bị ngụy tạo, không đúng với thực tế.

2. Một đất nước với hai nền kinh tế song hành. Đây là điểm khởi đầu của sự mất lòng tin vào thị trường tài chính Hy lạp, là nguyên nhân của thảm họa quốc gia hiện tại. Nền kinh tế Hy lạp đã gặp những khó khăn từ lâu, trước cuộc khủng hoảng năm 2008, và đã gia tăng từ đó. Trong công quyền hay nơi tư nhân, tham nhũng đã lan tràn. Theo số liệu Minh bạch Quốc tế (Transparency international) trong năm 2009, người Hy Lạp đã trả 790 triệu euros trong các vụ hối lộ và lại quả.

Nền kinh tế ngầm được ước tính khoảng 20% TSLNĐ, gây thất thu thuế trầm trọng. Điều đặc biệt là kinh tế ngầm được che chở bởi giới chính trị, tham nhũng và quản lý tồi. Nhà nước sử dụng số lượng lớn nhất công chức (25% lực lượng lao động hiện có trong khu vực công, trong khi 20% ở Pháp vào năm 2008) với lương bổng được thanh toán đặc biệt 14 tháng/năm với khoảng trung bình 1.350 euro, sau khi đóng các quỹ An ninh xã hội, trong khi lương trung bình chỉ là 750 euro/tháng.

Công dân Hy lạp không nghèo vì lợi tức trung bình (tính bằng TSLNĐ) đầu người là 21.300 euro năm 2008, tức khoảng 3/4 so với lợi tức trung bình của một người Đức. Dựa vào số này, các cơ quan tín dụng và ngân hàng ngoại quốc lầm tưởng Hy lạp là một quốc gia giàu có, khả năng dồi dào để thanh toán những số nợ ngày càng lớn. Nhưng, sự thật, người Hy lạp không có ‘thói quen’ đóng thuế và những người giàu say mê chơi trò trốn thuế.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính Hy lạp đã công bố danh sách 57 bác sĩ hành nghề tại Athens bị nghi ngờ vi phạm luật thuế vụ. Các chuyên gia ước tính chính phủ Hy lạp đã thất thu mỗi năm lối 30 tỷ euro vì trốn thuế. Đó là nguyên nhân của sự thâm hụt ngân sách và công nợ chồng chất.

3. Sự kiểm soát không nghiêm túc của giới thẩm quyền khu euro.

Khi Hy lạp quyết định từ bỏ đồng “drachma” để nhập đồng euro hầu có thể được hưởng lợi qua các chính sách vay nợ dễ dàng. Từ đó, họ đã chi tiêu rộng rãi do những món tiền vay nợ với nhiều dự án to lớn, như khi tổ chức Thế vận hội mùa Hè Athens năm 2004 làm ngân sách quốc gia bị thâm thủng nặng. Nhất là phải chi tiêu nhiều nhằm bảo vệ an ninh sau vụ khủng bố tại Hoa kỳ ngày 21.09.2001.

Khi kinh tế suy thoái trên toàn cầu xảy ra, chính quyền càng phải chi tiêu nhiều hơn để cứu trợ cho người dân bị thất nghiệp. Mặt khác, mức thu ngân sách bị giảm vì tình hình kinh tế khó khăn, khiến càng đào sâu khiếm hụt ngân sách. Đến lúc này, giới thẩm quyền khu euro mới phát giác chính quyền Hy lạp đã ngụy tạo những hồ sơ để che đậy tình trạng tài chánh tàn tệ.

B. Trừng phạt.

1. Tăng lãi suất đi vay tín dụng.

Giống như cá nhân chúng ta hay các doanh nghiệp khi khả năng trả nợ xuống thấp, có nghĩa là có nhiều rủi ro cho người cho vay, thì họ vẫn tiếp tục cho vay nhưng phải trả lãi suất cao hơn, Hy lạp cũng vậy. Do đó, Hy lạp luôn phải trả một lãi suất 2%/năm cao hơn khi Đức quốc đi vay. Có lúc, những lãi suất cho Hy lạp vay đã tăng vọt: 10% cho công trái phiếu 10 năm và 18% cho loại 2 năm.

2. Phải hành động để cứu Hy lạp hay không ?

Chiều ngày 25.03.2010, Hội đồng Âu châu (Tổng thống và Thủ tướng Liên hiệp Châu âu) họp hội nghị thượng đỉnh tại Bruxelles (Vương quốc Bỉ). Mục đích hai ngày họp thượng đỉnh là tìm ra đồng thuận trên kế hoạch hỗ trợ tài chính Hy lạp vì Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hứa trợ giúp khoảng từ 20 đến 30 tỷ euro. Các quốc gia thành viên Liên hiệp Châu âu thấy ‘mất mặt’ nếu chỉ để Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiếp cứu Hy lạp.

Trong thời gian qua, các nước thành viên khu euro cũng đã có những cuộc tranh luận về việc nên hay không hỗ trợ Hy lạp. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, không ủng hộ giải pháp cùng chia sẻ gánh nặng nợ chồng chất, thâm hụt ngân sách nhà nước tăng vọt Hy lạp vì đa số dân Đức muốn vậy, nhất là khi sắp đến cuộc bầu cử ngày 09.05.2010. Tuy nhiên, cuối cùng, bà cũng đồng ý trợ giúp Athens và yêu cầu các đối tác trong khối euro có thái độ cứng rắn hơn đối với những thành viên không tuân thủ những qui luật chung, để tránh đơn vị tiền tệ chung của châu Âu khỏi bị suy yếu. Ngoài ra, sự can thiệp từ bên ngoài còn chứng tỏ là khối này không có sự tương trợ lẫn nhau, bất lực trong việc giải quyết một vấn đề nội bộ.

Ngày 28.04.2010, tiếp sau thông báo của chính phủ Hy lạp, cơ quan đánh giá tín dụng Standard and Poor's đã hạ thấp hạng khả năng của nước này để thanh toán các khoản nợ từ cấp BBB+ bị xuống cấp BB+.

3. Hy lạp và gánh nặng công trái.

Nếu không được sự giúp đở bằng những khoản tín dụng với lãi suất trung bình 5% thì Hy lạp sẽ không đủ khả năng thanh toán những công khố phiếu sẽ đáo hạn trong tháng 04 và 05.2010, trị giá gần 17 tỷ euros (23 tỷ mỹ kim). Nếu Hy lạp không trả nợ thì có thể bị rơi vào tình trạng khánh tận. Các cơ quan tín dụng và ngân hàng tại Âu châu rất lo sợ bị mất tiền vì đã cho Hy lạp vay. Các ngân hàng Pháp, Đức, Anh và Hòa lan đang cho Hy lạp vay lần lượt là 80 tỷ, 45, 15 tỷ và 12 tỷ mỹ kim.

Do đó, Hy lạp không thể đi vay tiếp tại các ngân hàng tư nhân mà phải cầu cứu các định chế tài chính công như các quốc gia khu vực euro hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngân khoản 45 tỷ euros. Trái lại, Hy lạp phải có chương trình kinh tế khả dĩ hoàn nợ dần dần.

Ngày 12.04.2010, các quốc gia thành viên khối euro đồng thuận về thể thức trợ giúp tài chính Hy lạp 30 tỷ euro với lãi suất 5%/năm (tức thấp hơn vay ngân hàng tư 2,5%), trong thời hạn 3 năm, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tài trợ 15 tỷ euro.

Đến ngày 22.04.2010, cơ quan thống kê Âu châu Eurostat tiết lộ là thâm thủng ngân sách Hy lạp năm 2009 không chỉ là 12,7% mà là 13,6%) và công ty Moody’s một lần nữa hạ điểm tín nhiệm về nợ dài hạn của Hy lạp. Do đó, thủ tướng Đức Angela Merkel ngay lập tức đã đặt các điều kiện cho việc cấp khoản tín dụng 30 tỷ euro của các quốc gia khu euro cho Hy lạp bắng yêu cầu là kế hoạch trợ giúp chỉ được tiến hành khi 'sự ổn định của đồng euro không bị đe doạ’ và chính phủ Athens hình thành một kế hoạch tiết kiệm ngân sách 'đáng tin cậy’. Người Đức đặc biệt bảo vệ đồng euro vì, để gia nhập đồng tiền chung Âu châu, nước Đức đã phải hy sinh đồng đức mã (deutsche mark), có trị giá mạnh sau mỹ kim và ngang hàng với đồng yen Nhật. Bởi vậy, kế hoạch trợ giúp Hy lạp dù được chấp thuận bởi các lãnh đạo quốc gia khối đồng euro, nhưng còn cần phải được sự phê chuẩn bởi Quốc hội ở một số quốc gia như Đức.

Phần Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn đã cam kết nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của Hy lạp. Một phái đoàn chuyên gia của Quỹ đã thảo luận những biện pháp mà chính phủ Athhens cần thi hành trong hai năm tới để cắt giảm mức thâm thủng ngân sách khổng lồ của quốc gia này.

Tuy nhiên, khoản tín dụng khẩn cấp 45 tỷ euro nói trên chỉ đủ để Hy lạp trả nợ đến cuối năm 2010, để tránh cho quốc gia này bị tuyên bố khánh tận. Do đó, trong phiên họp hai ngày 01 và 02.05.2010, Tổng trưởng các Bộ Tài chính những nước khu vực euro đã thảo luận và chấp thuận một khoản tín dụng tháo khoán trong vòng 3 năm trị giá 110 tỷ euro (80 tỷ euro đến từ các quốc gia khu vực euro và 30 từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế), tương đương 140 tỷ mỹ kim.

4. Kế hoạch khắc khổ kinh tế.

Ngày 06.05.2010, Quốc hội Hy lạp đã thảo luận và thông qua kế hoạch khắc khổ do Hành pháp đề ra để có được sự tài trợ của Liên hiệp Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế với:

a. Hạn chế chi tiêu 7,6 tỷ euro trong ngân sách gồm:

- bỏ lương tháng 13 và tháng 14 của các công chức;

- bỏ phụ cấp tháng 13 và tháng 14 cho những hưu viên;

- giảm đầu tư công;

- giảm các khoản chi tiêu công quỹ.

b. Tăng thu ngân sách 7,8 tỷ euro trong 2 năm gồm:

- Tăng thuế Trị giá gia tăng (TVA) từ 21% lên 23%;

- Thiết lập thuế mới cho những xây cất bất hợp pháp;

- Lập thuế mới cho những tiêu thụ đặc biệt như rượu, thuốc lá, xăng dầu;

- Tái lập thuế cho những trò chơi tiền bạc và lợi nhuận từ đó.

Thực thi kế hoạch khắc khổ kinh tế này, chính phủ Georges Papandreou hứa giảm công nợ từ gần 14% xuống mức 3% TSLNĐ vào năm 2014, phù hợp điều kiện qui định trong Hiệp ước Maastricht để tham gia khu vực đồng Euro và 'Thỏa ước ổn định và tăng trưởng’ (Pacte de stabilté et de croissance, tiếng Pháp, và Stability and Growth Pact, tiếng Anh) có hiệu lực hiện hành.

III. KHỦNG HOẢNG LAN RỘNG KHẮP KHU VỰC EURO.

Ngay từ ngày 28.04.2010, các Thị trường Chứng khóan Âu châu đã ghi nhận những sự giảm giá mạnh vì lo sợ sự khủng hỏang từ Hy lạp lan sang các quốc gia thành viên khác thuộc khối euro như Bồ đào nha và Tây ban nha: Thị trường Madrid đã giảm 4.19%, Lisbonne giảm 5.36% và Athenes giảm 6%.

Cùng ngày, cơ quan Standard and Poor's thẩm định khả năng trả nợ của Bồ đào nha từ cấp A xuống A- và Tây ban nha từ AA+ xuống AA. Giới đầu tư không phải chỉ lo sợ tình trạng khánh tận từ Hy lạp sẽ truyền sang hai quốc gia này. Trong năm 2009, mức thâm hụt ngân sách của Tây ban nha là 11,4% TSLNĐ (dự đoán năm 2010: 9,8%) và công nợ năm 2009 là 55,2% (dự đoán năm 2010: 65,9%). Mức thâm hụt ngân sách của Bồ đào nha năm 2009 là 9,30% TSLNĐ (dự đoán năm 2010: 8,30%) và công nợ năm 2009 là 76,60% (dự đoán năm 2010: 84,6%). 'Thỏa ước ổn định và tăng trưởng’ đồng tiền chung Âu châu giới hạn mức công nợ phải thấp hơn 60% TSLNĐ.

Do đó, biện pháp cứu giúp khẩn cấp 110 tỷ euro không đủ đem lại an tâm cho giới đầu tư vì, sau Hy lạp, bây giờ tới phiên Bồ đào nha và Tây ban nha cũng cần trợ giúp để khỏi rơi vào tình trạng vỡ nợ và quịt nợ. Theo số liệu của cơ quan tín dụng Natixis, người ta tìm thấy những khoản nợ 'chóng mặt’ mà hai quốc gia nầy phải thanh toán từ nay đến 2012: Bồ đào nha sẽ cần 65 tỷ euro và Tây ban nha sẽ cần 410 tỷ. Các ngân hàng Pháp tồn giữ 170 tỷ euro công trái của Tây ban nha. Các ngân hàng Đức còn nhiều hơn thế.

Mọi người không muốn thấy một cơn khủng hoảng tài chánh mới có thể bùng lên nữa, có nguy cơ dập tắt triển vọng phục hồi kinh tế đang mới chớm dậy sau cơn khủng hoảng từ năm 2008.

Ngày 06.05.2010, các chỉ số thị trường chứng khoán thế giới đã giảm sụt mạnh. Tại Wall Street (New York, Hoa kỳ), các chỉ số Dow Jones và Nasdaq đã giảm 3,27% và 3,43% so với ngày trước. Tại Âu châu, những chỉ số chứng khoán đều giảm: Paris (-2,20%), Londres (-1,52%), Francfort (-0,84%), Milan (-4,26%), Madrid (-2,93%) và Dublin (-2,08%). Tại Á châu, những chỉ số chứng khoán đều có cùng chiều hướng: Tokyo (-3,27%), Hong Kong (-0,96%) và Shanghai (-4,11%). Trên thị trường tiền tệ Paris, một euro có giá tương đương với 1,27 mỹ kim, mức thấp nhất từ tháng 03.2009.

1. Quỹ Bình ổn Khẩn cấp.

Để đối phó với những sự giảm giá chứng khoán và đồng euro, các Tổng trưởng các Bộ Tài chính 27 quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu đã có phiên họp tại Bruxelles trong ngày 09.05.2010 để thảo luận về việc thiết lập một 'cơ chế ổn định’ nhằm ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng nợ nần tại các nước trong Liên hiệp. Giới hữu trách Liên hiệp nhất quyết phải đi đến kết quả trước khi các thị trường tài chính mở cửa sáng thứ hai ngày 10.05.2010, nhằm gây sự tin tưởng nơi những thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới.

Cơ chế này sẽ được điều hành tương tự như một Quỹ Tiền tệ Quốc tế dành cho các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu khi hữu sự, cần tiền để thanh toán nợ.

Kết quả: Quỹ Bình ổn hình thành với sự đảm bảo quyền đề nghị vay 440 tỷ euro từ 16 quốc gia thành viên khu euro, khoản tài trợ khẩn cấp 60 tỷ euro của Ủy ban Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế góp 250 tỷ euro. Tổng cộng: 750 tỷ euro. Ngày 10.05.2010, các thị trường chứng khoán khắp thế giới phản ứng theo chiều tăng và đồng euro tăng được 0,03 mỹ kim tức tương đương với 1,27 mỹ kim.

Ngày 21.05.2010, Hạ viện Đức đã phê chuẩn phần đóng góp 148 tỷ euro của nước này vào quỹ 750 tỷ euro nhằm cứu vãn đồng euro và ngăn chặn khủng hoảng nợ lan rộng.

2. Quỹ đề phòng khủng hoảng ngân hàng.

Ngày 24.05.2010, Ủy ban Âu châu, do ông Michel Barnier, Ủy viên phụ trách dịch vụ tài chính đã trình bày dự án trước 27 quốc gia thành viên qui định các ngân hàng phải đóng góp các quỹ quốc gia đề phòng khủng hoảng tài chính. Tiền của quỹ này sẽ không dùng để cứu các ngân hàng bị phá sản, mà chỉ xài để cứu những ngân hàng được đánh giá là có khả năng tồn tại.

Qui chế pháp lý các quỹ xử lý khủng hoảng ngân hàng sẽ được thông qua vào đầu năm 2011 và cần được chính phủ 27 quốc gia ký kết và Nghị viện Âu châu phê chuẩn trước khi được áp dụng. Theo đề nghị của Ủy ban Âu châu, khoản đóng góp sẽ tương đương từ 2% đến 4% tổng sản phẩm quốc dân của một nước, để có thể bảo lãnh một cách đáng tin cậy.

Hiệp hội các ngân hàng Anh quốc đã lên tiếng bác bỏ đề nghị này.

Ngày 26.05.2010, Bộ trưởng tài chính Hoa kỳ Timothy Geithner, khi thảo luận với Bộ trưởng Tài chính của Anh George Osborne, tại Londres, đã yêu cầu các Tổng trưởng tài chính Âu châu hãy nhanh chóng có hành động mạnh để trấn an các thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới để cho cuộc khủng hoảng tài chính Âu châu không lan rộng. Trong khi đó, giới thẩm quyền kinh tế và tài chính Đức nói rằng cần phải có thay đổi trong Hiệp ước châu Âu để cho phép thực hiện những trừng phạt gắt gao hơn nhắm vào các quốc gia nào để cho ngân sách thâm thủng quá mức có thể gây bất ổn cho đồng euro.
 
Cuối cùng Copernic đã được vinh danh như một anh hùng
Paul Minh Nhật
12:11 27/05/2010
CÔ-PEC-NÍCH CUỐI CÙNG ĐÃ ĐƯỢC VINH DANH NHƯ MỘT ANH HÙNG

Cathnews/ABC News/AP: Ni-cô-lát Cô-péc-ních (Nicolaus Copernicus), nhà thiên văn học thế kỷ thứ 16 người đặt giả thiết rằng Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời và đã bị lên án như một kẻ dị giáo, đã được cải táng thể hiện sự kính trọng trong một một thánh đường ở Ba Lan.

Ông đã được chôn cất trong một ngôi mộ tại thánh đường nơi trước kia ông đã một lần phục vụ như là một giáo sĩ luật và một bác sĩ, nói trong một bản của Liên Hiệp Báo Chí trên trang mạng Hoa Kỳ ABC News.

Cô-péc-ních, người đã sống từ 1473 đến 1543, đã chết như một nhà thiên văn học ít ai biết đến làm việc trong một vùng xa xôi phía bắc của Ba Lan, cách xa với các trung tâm học vấn của Âu Châu. Ông đã dành nhiều năm lao động trong những thời gian rảnh rỗi để phát triển học thuyết của mình, cái mà sau này bị chỉ trích lên án như là một kẻ dị giáo bởi vì nó loại bỏ Trái Đất và con người ra khỏi vị trí trung tâm của vũ trụ.

Hình mẫu ban đầu của ông dựa trên những tính toán toán học phức tạp và sự quan sát bằng mắt thường bầu trời bởi vì lúc này kính thiên văn vẫn chưa được phát minh.

Sau khi ông chết, phần còn lại của ông ấy đã được đặt vào một ngôi mộ không đánh dấu rõ ràng dưới sàn nhà của của một nhà thờ lớn ở Frombork, trên bờ biển Ban-tích (Baltic) Ba Lan, vị trí chính xác không ai được biết.

Vào hôm thứ bảy, phần còn lại của ông đã được ban phép lành và rảy nước thánh bởi các giáo sĩ cao cấp nhất của Ba Lan trước khi một lính danh dự mang áo quan của ông một cách trọng thể qua bậc gạch đỏ hùng vĩ của vương cung thánh đường và dần hạ thấp trở lại đúng vị trí nơi phần đầu sọ và các xương của ông được tìm thấy vào năm 2005.

Tại thời điểm lời thúc dục của vị giám mục địa phương, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm kiếm các phần còn lại của nhà thiên văn học và cuối cùng đã phát hiện ra một đầu sọ và các khúc xương của một ông già 70 tuổi - tuổi Cô-péc-ních khi chết.

ABC cho biết vụ tái tạo hình dạng trên máy vi tính do các chuyên gia pháp lý thực hiện dựa trên xương sọ cho thấy cái mũi gẫy và các đặc điểm khác giống hệt bức tự họa của Cô-péc-ních.
 
Để cai quản dân Chúa Linh Mục phải để cho Chúa Kitô dẫn dắt mình
Linh Tiến Khải
19:59 27/05/2010
Để là Chủ Chăn theo con tim của Thiên Chúa (x. Gr 3,15) linh mục cần phải đâm rễ sâu trong tình bạn sinh động với Chúa Kitô, không phải chỉ với trí thông minh mà cả sự tự do và ý chí nữa, có một ý thức rõ ràng về căn tính đã nhận lãnh trong Lễ Truyền Chức Linh Mục, một sự sẵn sàng vô điều kiện trong việc dẫn dắt đoàn chiên được trao phó, ở nơi nào Chúa muốn chứ không phải trong chiều hướng xem ra thích hợp hay dễ dãi nhất với mình.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trước hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 26-5-2010 tại quảng trường thánh Phêrô.

Chỉ còn hai tuần nữa là Năm Linh Mục sẽ kết thúc với đại hội các Linh Mục toàn thế giới triệu tập tại Roma trong các ngày từ mùng 9 tới 11 tháng 6. Vì thế trong trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua Đức Thánh Cha đã trình bầy nhiệm vụ thứ ba của Linh Mục là cai quản, hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa được trao phó cho các vị, với quyền của Chúa Kitô. Con người thời nay dị ứng với ý niệm về quyền bính nên khó mà hiểu nó theo tinh thần kitô. Đức Thánh Cha nêu bật các lý do của sự dị ứng này như sau:

Các kinh nghiệm văn hóa, chính trị và lịch sử của qúa khứ mới đây, đặc biệt là các chế độ độc tài tại Đông âu và Tây âu trong thế kỷ XX, đã khiến cho con người thời nay nghi ngờ đối với ý niệm này. Sự nghi ngờ này thường được diễn tả ra qua chủ trương cần phải hủy bỏ mọi quyền bính không bắt nguồn từ con người, hay không nằm dưới quyền con người hoặc do con người kiểm soát. Nhưng chính khi nhìn vào các chế độ trong thế kỷ vừa qua đã gieo kinh hoáng và chết chóc nhắc nhớ cho biết rằng quyền bính trong mọi lãnh vực mà không được thi hành với quy chiếu về Đấng Siêu Việt, tách rời khỏi Quyền Bính Tối Cao là Thiên Chúa, thì rốt cuộc chống lại con người một cách không thể tránh né được. Vì thế thật là điều quan trọng khi thừa nhận rằng quyền bính nhận loại không bao giờ là một mục đích, mà chỉ luôn luôn là một phương tiện, và mục đích trong mọi thời đại luôn luôn là con người, được Thiên Chúa tạo dựng nên với phẩm giá bất khả xâm phạm và được mời gọi bước vào trong tương quan với Đấng Tạo Hóa trên con đường cuộc sống trần gian và trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Nó là một quyền bính được thi hành với tinh thần trách nhiệm trước Thiên Chúa và Đấng Tạo Hóa. Một quyền bính được hiểu như thế chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ thiện ích đích thật của con người và là sự trong sáng của Sự Thiện Tối Cao là Thiên Chúa; nó không xa lạ với con người, mà trái lại là sự trợ giúp qúy báu trên con đường tiến tới sự hiện thực tràn đầy nơi Chúa Kitô, tiến tới ơn cứu rỗi.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Giáo Hội được mời gọi dấn thân thi hành loại quyến bính phục vụ đó, không nhân danh mình, nhưng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã nhận được từ Thiên Chúa Cha mọi quyền bính trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Thật thế, qua các Chủ Chăn của Giáo Hội Chúa Kitô chăn dắt đoàn chiện của Ngài: chính Chúa hướng dẫn, che chở, khích lệ, vì Ngài yệu thương đoàn chiên một cách sâu thẳm. Nhưng Chúa Giêsu là Mục Tử tối cao của linh hồn chúng ta, đã muốn Đoàn Tnog Đồ, ngày nay là các Giám Mục, trong niềm hiệp thông với Người Kế Vị Thánh Phêrô, và các linh mục là các cộng sự viên qúy báu của các vị, tham dự vào sứ mệnh lo lắng cho Dân Chúa, là những người giáo dục trong đức tin, hướng dẫn, linh hoạt và nâng đỡ cộng đoàn kitô... Như thế mỗi một Chủ Chăn là vị trung gian, qua đó chính Chúa Kitô yêu thương con người: chính qua chức thừa tác của chúng ta Chúa đến với các linh hồn, dậy dỗ họ, giữ gìn họ và hướng dẫn họ. Trong sách Chú giải Phú Âm thánh Gioan thánh Agostino nói: ”Ước chi việc chăn dắt đoàn chiến đó là sự dấn thân của tình yêu” (123,5). Đây là điều luật tối thượng cho cung cách sống của các vị thừa tác viên của Thiên Chúa, một tình yêu vô điều kiện, như tình yêu của Mục Tử Nhân Lành, tràn đầy niềm vui, rộng mở cho tất cả mọi người, chú ý tới kẻ ở gần cũng như lưu tâm tới người ở xa (S. Agostino, Discorso 340,1: Discorso 46,15), tế nhị đối với các người yếu đuối, bé nhỏ, đơn sơ, kẻ tội lỗi, để biểu lộ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, với các lời trấn an trao ban hy vọng (x. Id., Lettera 95,1). Rồi Đức Thánh Cha nêu bật các điều kiện để là Chủ Chăn theo lòng Chúa muốn như sau:

Để là Chủ Chăn theo con tim của Thiên Chúa (x. Gr 3,15) Linh Mục cần phải đâm rễ sâu trong tình bạn sinh động với Chúa Kitô, không phải chỉ với trí thông minh mà cả với sự tự do và ý chí nữa, và có một ý thức rõ ràng về căn tính đã nhận lãnh trong Lễ Truyền Chức Linh Mục, một sự sẵn sàng vô điều kiện trong việc dẫn dắt đoàn chiên được trao phó, ở nơi Chúa muốn chứ không phải trong chiều hướng xem ra thích hợp hay dễ dãi nhất đối với mình. Điều này trước hết đòi hỏi phải sẵn sàng liên tục để cho chính Chúa Kitô cai quản cuộc sống linh mục. Thật vậy không ai có khả năng chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, nếu không sống sâu thẳm và đích thực sự vâng lời Chúa Kitô và Giáo Hội. Và sự ngoan ngoan của Dân Chúa đối với các linh mục tùy thuộc sự ngoan ngoãn của các linh mục đối với Chúa Kitô. Vì thế ở nền tảng của thừa tác muc vụ luôn luôn có sự gặp gỡ cá nhân và liên lỉ với Chúa, hiểu biết Chúa sâu đậm và đồng hình dạng với ý muốn của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ rằng trong các thập niêm cuối cùng này người ta thường dùng tính từ ”mục vụ” hầu như đối chọi với tính từ phẩm trật, ám chỉ truyền thống cấu trúc quyền bính trong Giáo Hội gồm ba bậc của Bí Tích Truyền Chức là giám mục, linh mục và phó tế. Dư luận công cộng thường hiểu thực tại phẩm trật như là sự vâng phục và pháp lý, trái nghịch với sự mềm dẻo, sinh động của mục vụ và lòng khiêm nhường theo tinh thần tin mừng. Sự hiểu lầm này về phẩm trật cũng do các lạm dụng quyền bính và óc ham hố chức tước gây ra trong lich sử, nhưng chúng xa lạ với nguồn gốc ý niệm về phẩm trật. ”Gerarchia” phẩm trật có nghĩa là ”lãnh vực thánh thiêng”, nhưng nghĩa thật của nó là ”nguồn gốc thánh thiêng”; nghĩa là quyền bính này không đến từ con người, mà có nguồn gốc nơi sự thánh thiêng, nơi Bí Tích. Nó đặt để con người dưới ơn kêu gọi, dưới mầu nhiệm của Chúa Kitô, và biến cá nhân trở thành đầy tở của Chúa Kitô, và chỉ như là đầy tờ của Chúa Kitô người đó mới có thể cai quản và hướng dẫn cho Chúa Kitô và vời Chúa Kitô. Vì thế ai bước vào trong Chức Thánh của Bí Tích, bước vào ”nguồn gốc thánh” thì không phải là một người chuyên chế, mà là người bước vào trong một mối dây tương quan mới của sự vâng lời Chúa Kitô: họ bị cột buộc vào Chúa Kitô trong sự hiệp thông với các chi thể khác của Chức Thánh, của Chức Linh Mục. Cả Đức Giáo Hoàng - là điểm tham chiếu của tất ưả mọi Chủ Chăn khác và của sự hiệp thông của Giáo Hội - cũng không thể làm điều mình muốn; trái lại Giáo Hoàng là người giữ gìn sự vâng phục Chúa Kitô, vâng phục lời của Chúa được tóm tắt trong ”luật đức tin”, trong Kinh Tin Kính của Giáo Hội; và Giáo Hoàng phải đi trước làm gương trong việc vâng phục Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài. Từ Phẩm trật như thế bao gồm một mối dây có ba chiều kích: trước hết là nối kết với Chúa Kitô và trật tự mà Chúa ban cho Giáo Hội Ngài; thứ hai, nối kết với các Chủ Chăn khác trong sự hiệp thông duy nhất của Giáo Hội; và thứ ba, nối kết với các tín hữu được giao phó cho từng vị trong trật tự của Giáo Hội.

Như thế sự hiệp thông và phẩm trật không trái nghịch nhau mà điều kiện hóa nhau. Cả hai chỉ là một sự hiệp thông phẩm trật. Chủ Chăn là người hướng dẫn và giữ gìn đoàn chiên và ngăn ngừa để nó khỏi tản lạc. Ngoài quan niệm siêu nhiên rõ ràng sáng tỏ đó, không thể nào hiểu được nhiệm vụ cai quản riêng của các linh mục. Trái lại được nâng đỡ bởi tình yêu thương đối với ơn cứu rỗi của từng tín hữu, nhiệm vụ đó đặc biệt qúy báu và cần thiết cả trong thời đại của chúng ta nữa. Nếu mục đích là đem lời loan báo Chúa Kitô tới với con người và dẫn đưa con người đến chỗ gặp gỡ Chúa để họ được ơn cứu độ, được sự sống, thì nhiệm vụ hướng dẫn là việc phục vụ được sống với sự tận hiến hoàn toàn cho việc xây dựng đoàn chiên trong chân lý và sự thánh thiện, thường phải đi ngược dòng và nhắc nhớ cho biết rằng ai lớn nhất phải làm như người nhỏ nhất, ai cai trị phải sống như người phục vụ (x. LG 27).

Chỉ nơi Chúa Kitô linh mục mới có thể kín múc được sức mạnh để thực thi chức phục vụ của mình trong sự trung thành với Chúa Kitô và với Giáo Hội, noi gương các thánh trong đó có Cha Thánh Gioan Vianney, thi hành chức vụ linh mục của mình với tình yêu thương tận tụy, chỉ nhắm một mục đích duy nhất là mưu ích cho các linh hồn, dám trả giá mắc mỏ cho tới chỗ tử đạo để trung thành với chân lý và công lý của Tin Mừng. Đức Thánh Cha đã khích lệ các linh mục đừng sợ hãi hướng dẫn từng tín hữu đến với Chúa Kitô, đào tao Chúa Kitô nơi trái tim từng người, và để cho Chúa Kitô sống trong từng tín hữu.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho ngài cũng như cho các Giám Mục và linh mục toàn thế giới để các vị biết săn sóc đoàn chiên Chúa trao phó, kể cả các con chiên lạc. Ngài mời gọi các linh mục tham dự đại hội kết thúc Năm Linh Mục trong các ngày từ mùng 9 đến 11 tạ Roma.

Sau khi chào tín hữu và du khách bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Vinh long trọng đón Đức Tân Giám Mục
Anthony Hoàng
06:57 27/05/2010
Vào lúc 12 giờ, ngày 27.05.2010, đông đảo linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, cùng với Đức cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên long trọng đón Đức tân Giám mục giáo phận Vinh - Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp.

Ngay sau khi được thông báo của Tòa Thánh chấp nhận đơn xin nghỉ hưu của Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên và bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, tu sĩ dòng Đa Minh, làm Giám mục giáo phận Vinh, vào ngày 13.10.2010, Tòa giám mục Xã Đoài đã cử ngay một phái đoàn vào gặp Đức tân giám mục Phaolô để xin được đón ngài về giáo phận. Sau khi trao đổi với nhau, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho biết ngày 27.05.2010 ngài sẽ về giáo phận nơi mà ngài vừa được Tòa Thánh bổ nhiệm coi sóc.

Ngày hôm qua, 26.05.2010, Tòa giám mục Xã Đoài lại cử một phái đoàn khác vào Sàigòn để tháp đón Đức tân giám mục về Vinh. Cùng đi với Đức tân giám mục, còn có cha Giuse Ngô Sĩ Đình, Giám tỉnh Dòng Đa Minh, và cha Giuse Phạm Hưng Thịnh, Bề trên tu viện Mai Khôi.

Mặc dù được biết máy bay sẽ đáp phi trường Vinh vào lúc 12 giờ, nhưng từ 10 giờ đã có cả hàng trăm người hiện diện. Cha Phêrô Trần Phúc Chính, Phó Chủ tịch Hội Đồng Linh Mục giáo phận Vinh, cùng một số linh mục, tu sĩ vào tận phía trong phi trường để đón chào Đức cha Phaolô. Ngay tại cầu thang máy bay, cha Phêrô có những lời bày tỏ nói lên sự trông mong chờ đón của 493.000 tín hữu trong giáo phận, cùng dâng lên Đức tân giám mục đóa hoa của niềm hân hoan chào đón.



Ngoài đông đảo tín hữu đi đón tại sân bay, thì tại nhà thờ Chính tòa Xã Đoài cũng có rất đông linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, trong đó có hầu như đầy đủ Hội Đồng mục vụ của 172 giáo xứ và hơn 700 giáo họ trong giáo phận, cùng với Đức cha già Phaolô Maria đang nghiêm trang hàng ngũ, với cờ trống, kèn nhạc linh đình chào đón Đức Cha mới. Đức tân giám mục vừa bước ra khỏi xe hơi, thì Đức cha già Phaolô Maria đã tiến đến hôn chào vị kế nhiệm của mình, và hai Đức cha đã trao tặng cho nhau vòng hoa thân ái tình huynh đệ. Tiếp sau đó, Đức tân giám mục đã cúi hôn Thánh Giá nói lên lòng yêu mến và gắn kết cuộc đời mình với Chúa Kitô, Đấng đã yêu và hiến mình cho nhân loại trên thập giá.

Giữa mùa hè nóng như đốt, vậy mà ngôi nhà thờ Chính tòa không còn một khe hở. Hai Đức cha bước tới đâu là tiếng vỗ tay giòn giã vang lên tới đó. Sau ít phút cầu nguyện, cha Antôn Phạm Đình Phùng, Thư ký Tòa giám mục Xã Đoài đã giới thiệu Đức tân giám mục, Đức cha gia và phái đoàn Dòng Đa Minh tháp tùng Đức tân giám mục với cộng đoàn.



Cha Phanxicô Võ Thanh Tâm, nguyên Tổng Đại diện giáo phận, đã thay lời cho toàn giáo phận dâng lên Đức tân giám mục lời chào mừng và tỏ bày tâm tình. Trong bài chào mừng có đoạn nói: "Kính thưa Đức tân giám mục quý mến, chúng con xin bày tỏ niềm vui dạt dào khi được đón Đức cha về nhận giáo phận[...] Đức cha là người gốc Vinh nay lại trở về phục vụ giáo phận Vinh. Chúng con cảm thấy đó là một việc rất tự nhiên, giống như một giọt máu xuất phát từ tim nay lại trở về quả tim thân yêu của quê hương mình."

Bên cạnh đó, cha Phanxicô cũng nói lên lời tri ân Đức cha già đã cố gắng tìm nguời kế nhiệm để giáo phận không bao giờ bị khuyết vị, nhất là sự hiện diện của Đức cha già như tiếp thêm khả năng hy sinh, kinh nghiệm cho đoàn chiên trong giáo phận.

Như bao cuộc tiếp đón những nhân vật quan trọng, người ta trông chờ những lời đầu tiên của những vị đó. Mọi con mắt dồn về phía Đức tân giám mục khi ngài bước tới bàn thờ để ngỏ lời với cộng đoàn. Sau tâm tình tri ân Thiên Chúa, Đức cha Phaolô nói: "Thay vì đón một tân giám mục, Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và quý anh chị em đang mở rộng vòng tay để đón nhận một người con của quê hương đã xa quê 56 năm nay được trở về để sống chết nơi miền đất Mẹ. Suốt năm tháng vừa qua, mặc dù thể xác phải ở xa quê hương, nhưng tâm hồn tôi vẫn canh cánh nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn".

Ngài còn bày tỏ lòng biết ơn cách sâu sắc tới Đức cha già Phaolô Maria, người đã tận tình, vất vả lo cho giáo phận trong nhiều năm trời và đặt nền tương lai cho ngài. Ngài nhắc lại bài giảng của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh trong ngày mừng Kim Khánh linh mục của Đức cha già: Đức cha già được xem như là người "trên từng cây số", từng lấy xe làm nhà và lấy Tòa giám mục làm nơi tạm trú, và Đức tân giám mục lấy đó làm mẫu gương phục vụ không biết mệt mỏi vì đoàn chiên. Thật dí dỏm nhưng cũng nói lên sự khiêm tốn và sự cộng tác trong công việc phục vụ đoàn chiên, Đức tân giám mục nói: "Suốt những năm dài Đức Cha đã chọn xe hơi làm nhà, làm nơi thuờng trú, trong khi Toà giám mục lại là nơi tạm trú. Theo các nhà tâm lý, không nên thay đổi những tập quán tốt. Thành thử ra xin Đức Cha cứ tiếp tục chọn xe hơi làm nhà, tiếp tục ban phép lành, tiếp tục ban phép thêm sức cho tất cả những nơi đang cần đến Đức Cha, và Đức Cha cứ tiếp tục lãnh đạo giáo hội, giáo phận mình như đã lãnh đạo xưa nay. Bần đệ sẽ xin đuợc phép đi học nghề với Đức Cha trong một thời gian."



Đức tân giám mục còn lấy tâm tình của thánh Augustinô để nói lên niềm vui được làm người tín hữu, sự sẵn sàng nhưng cũng đầy âu lo khi làm giám mục của cộng đoàn gần 500 ngàn tín hữu. Nhưng ngài cho biết ngài an tâm vì tinh thần của người tín hữu Vinh lâu nay, và mong ước, kêu mời mọi người tiếp tục cộng tác với ngài và cộng tác với nhau trong việc xây dựng giáo phận và quê hương theo tinh thần vốn có đó.

Bên cạnh việc chờ đón những lời đầu tiên của Đức tân giám mục, cộng đoàn cũng thiết tha chờ mong được nghe tâm tình của Đức cha già. Đức cha già vốn khiêm nhường, dịu hiền, mà như trong lời phát biểu, cha Phanxicô Võ Thanh Tâm ví ngài như một bà mẹ hiền, nói rằng: Thực ra, soi mình lại trong quãng thời gian làm giám mục, những gì ngài có thể làm được là nhờ ơn Chúa, nhờ tình thương và sự cộng tác của mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, và vì thế ngài cảm động kêu gọi mọi người tiếp tục tạ ơn Chúa cho ngài, cho giáo phận, nhất là trong việc Chúa đã quan phòng cho một vị tân giám mục mà toàn giáo phận đang hy vọng và trông đợi nơi tài đức của ngài.



Cuộc đón tiếp kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Mọi người ra về trong niềm hân hoan, và chờ đợi ngày vui tròn đầy hơn khi lễ tấn phong giám mục của Đức cha mới diễn ra trong thời gian sớm nhất sắp tới, cũng như khi Đức tân giám mục chính thức nhận sứ vụ quản nhiệm giáo phận.

Bài phát biểu của Tân GM Nguyễn Thái Hợp

Trọng kính Đức cha già Phaolô
Cha Giám tỉnh Dòng Đa Minh, Quý cha quản hạt, Quý cha, Quý Thầy
Quý tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em,

Truớc hết, xin đuợc dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn sâu xa vì tất cả những gì Ngài đã thực hiện và đã xe duyên để có buổi hội ngộ thân tình hôm nay.

Thay vì đón tiếp một Tân Giám mục, Đức Cha, quý cha, quý thầy, quý tu sĩ và anh chị em đang mở rộng vòng tay để đón nhận một người con của xứ Nghệ đã xa quê hương 56 năm, nay được trở về để sống chết nơi miền đất Mẹ.

Suốt những năm tháng dài xa quê, mặc dù thể xác phải ở xa quê hương, nhưng tâm hồn tôi vẫn canh cánh nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Như ai đó đã đã diễn tả rất đúng tâm trạng của người tha hương mà chính tôi đã cảm nghiệm:

“Ai có biết làm sao mà nói đuợc
Lòng tha hương trằn trọc nhớ quê hương
Mắt có ngủ nhưng lòng ta vẫn thức
Tình non sông da diết máu xương”.


Có lẽ tôi là một trong những người con xứ Nghệ đã phải đi xa quê hương nhất và nhiều lần đã phải chọn quê nguời làm quê hương thứ hai của mình. Có những lúc tưởng chừng như không còn cơ hội trở về với quê cha đất tổ. Nào ngờ, bỗng dưng được trở về sống và phục vụ tại quê hương vào gia đoạn cuối cuộc đời.

Xin cảm tạ Thiên Chúa, cảm ơn Toà Thánh, cảm ơn giáo phận cũng như chính quyền đã tạo cơ hội thuận tiện.
Chính trong tâm tình tạ ơn đó, xin cảm ơn Đức Cha già Phaolô Maria vì những đóng góp quá tận tình cho giáo phận trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, xin cảm ơn Đức Cha đã vất vả tìm những nguời kế nhiệm Đức Cha để giáo phận của chúng ta không bao giờ thiếu chủ chăn. Hôm nay một trong những người được Đức cha đề bạt và tiến cử, đã thành giám mục. Xin Đức cha tiếp tục cầu nguyện cho con và giáo phận nhà.

Suốt những năm dài Đức Cha đã luôn có mặt trên từng cây số, đã chọn xe hơi làm nhà, làm nơi thường trú, trong khi Toà giám mục chỉ là nơi tạm trú. Các nhà tâm lý khuyên không nên thay đổi những tập quán tốt vào lúc tuổi già. Chính vì vậy, xin Đức Cha cứ tiếp tục chọn xe hơi làm nhà, tiếp tục ban phép lành, tiếp tục ban phép thêm sức cho tất cả những nơi đang cần đến Đức Cha. Cũng xin Đức Cha cứ tiếp tục lãnh đạo giáo phận mình như từng lãnh đạo xưa nay. Bần đệ sẽ xin đuợc phép đi học nghề với Đức Cha trong một thời gian.

Thưa quý cha, quý thầy, quý tu sĩ nam nữ, quý Hội Đồng giáo xứ và tất cả giáo dân đang hiện diện ở đây cũng như rất xa trong giáo phận chúng ta. Tôi chân thành cảm ơn tất cả về cuộc tiếp đón đặc biêt tại phi trường vừa qua cũng như tại nhà thờ Chính tòa này.

Xin phép trích dẫn một câu nói sâu sắc của thánh Augustinô rất thích hợp với hoàn cảnh và tâm trạng hiện tại của tôi: Cùng với anh em tôi là Kitô hữu, vì anh chị em tôi là một giám mục. Tư cách Kitô hữu là một niềm vui và là nguồn ơn cứu độ. Trong khi vai trò giám mục là thách đố, âu lo và mối nguy.

Thật vậy, với tư cách là Kitô hữu, chúng ta đuợc làm con Chúa và đuợc hứa hẹn hạnh phúc đời sau. Chúng ta gặp gỡ nhau trong trong niềm tin. Trong khi đó, chức vụ giám mục mang trách nhiệm phục vụ Tin Mừng, củng cố niềm tin và sự hiệp nhất của tất cả giáo dân trong giáo phận, và phục vụ văn hóa trên quê hương.

Cho đến nay tôi dấn thân hoạt động trong lãnh vực văn hóa, giáo dục xã hội. Chưa bao giờ theo học môn đào tạo làm giám mục. Cũng chưa có ngày nào thực tập làm giám mục, nên chắc chắn sẽ có nhiều dò dẫm.

Theo yêu cầu của Tòa Thánh, tôi chấp nhận về đây như một nguời con của quê hương trở về nơi cội nguồn của mình, như máu chảy về tim. Nhưng làm sao đáp ứng nhu cầu mục vụ đa diện của giáo phận Vinh? Nhất là làm sao kết hợp hài hòa đòi hỏi mục vụ với công tác nghiên cứu mà tôi vẫn theo đuổi cho đến nay? Chính vì vậy, nếu không có sự cộng tác của quý cha, quý thầy, quý tu sĩ, quý Ban chấp hành Hội Đồng giáo xứ và tất cả anh chị em, chắc chắn công tác mục vụ của giáo phận sẽ khó hoàn thành.

Đó là mối lo của tôi. Nhưng tin tưởng ở tinh thần cộng tác và nhiệt thành giáo dân Vinh, tôi xin nhận chức vụ này để đồng hành với anh chị em và để tiếp nối con đuờng Đức cha già đã vạch ra, đang đi và chúng ta sẽ đi.

Cổ nhân ta thường nói: “Quan nhất thời dân chi vạn đại”. Các giám mục chúng tôi kẻ trước nguời sau sẽ từ từ ra đi. Trên nguyên tắc tôi cũng chỉ đồng hành với anh chị em trong 10 năm. Nhưng giáo phận vẫn còn đó, anh chị em và con cháu anh chị em vẫn hiện diện! Chính vì thế, vì lòng mến Chúa, vì tình yêu giáo phận, xin quý cha, quý thầy, quý tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em cộng tác với tôi để giáo phận chúng ta mỗi ngày một thăng tiến hơn. Đặc biệt, chúng ta có khả năng phục vụ giáo phận cũng như quê hương đất nước nhiều hơn nữa.

Cuối cùng, xin cho tôi được thực hiện ước nguyện thâm sâu, là được đồng sinh đồng tử với anh chị em trên mảnh đất quê hương này. Đó là một ước nguyện thâm sâu và cũng là lời nguyện xin. Chắc chắn Đức cha gia già, quý cha, quý thầy, quý tu sĩ nam nữ, quý Hội Đồng giáo xứ và anh chị em sẽ không từ chối tôi ân huệ này.

Xin đa tạ.
 
Lợi hại của truyền thông hiện đại
Linh mục Nguyễn Hồng Giáo OFM.
07:11 27/05/2010
Các phương tiện truyền thông xã hội là một quyền lực thực sự trong thế giới hôm nay. Chúng tạo ra dư luận, chi phối dư luận, kiểm soát cuộc chuyện trò trao đổi công cọng. Điều đó cũng có nghĩa là một cách nào đó chúng cũng chi phối cách suy nghĩ, chọn lựa và hành động của mỗi người chúng ta. Ta bị “thống trị” nhưng thường là một cách êm ái dễ chịu vì chúng biết sử dụng những kỹ thuật khéo léo đến nỗi ta không còn ý thức về điều đó nữa. Chúng là “một thứ chủ nghĩa đế quốc mềm” (soft imperialism). Chính “vì thế mà người công giáo cần phải biết tin tức được loan đi như thế nào và ai làm việc đàng sau hậu trường”. Đó là ý kiến của Đức cha Charles Chaput, Tổng Giám mục giáo phận Denver (Hoa-kỳ) phát biểu với một tổ chức phục vụ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp công giáo hồi tháng 7 năm 2009.

Phải cảnh giác

Khai triển tư tưởng trên, vị Giám mục nói: “Phần lớn những gì chúng ta biết về thế giới đều đến từ những con người mà chúng ta không bao giờ gặp và không thực sự là hiểu biết. Ta không nghĩ tới họ như những cá nhân, trái lại ta thường nói về họ một cách chung là ‘giới truyền thông’ hay ‘báo chí’. Chúng ta thường biết rất ít về ai đó viết một bài xã luận không ký tên hay về những kẻ biên tập những bản tin hằng đêm. Đó là điều đáng nói tới (…) Vì các phương tiện truyền thông có quyền lực khuôn đúc tư tưởng dân chúng, nên đối với chúng ta, việc hiểu được yếu tố con người của chúng là điều vô cùng quan trọng. Nếu không nhận ra các quan niệm văn hoá và chính trị, những áp lực kinh tế, những tham vọng xã hội của những người mang tin tức của chúng ta (our news) đến cho ta, chúng ta làm cho giới truyền thông thất vọng vì đặt họ ở một chuẩn mực quá thấp; và quan trọng hơn nữa, chúng ta đánh giá thấp chính bản thân chúng ta vì lười biếng suy nghĩ và hành động như những công dân thông minh.”

Truyền thông hiện đại: ít tư duy hơn

Đức TGM nói về Internet và mạng lưới thông tin 24 trên 24 giờ (ở Mỹ). Không những chúng đã thay đổi chu kỳ phát tin truyền thống –nghĩa là sáng và chiều-, mà hơn nữa còn thay đổi cả cách thức xã hội “tiêu thụ” các tin tức. Trong 50 năm qua, nền văn hoá Mỹ đã chuyển từ chữ in qua phương tiện thông tin bằng hình ảnh. Các phương tiện này thiên về cảm xúc và tiêu thụ thụ động. Khi một nền văn hoá in ấn tàn lụi thì các tư tưởng, cơ chế và ngay cả thói quen cư xử của quần chúng xây dựng trên nền văn hoá đó bắt đầu suy giảm. Các phương tiện liên quan tới thị giác và điện tử, vốn đang thống trị ngày nay, chủ trương ngắn gọn, tốc độ, thay đổi, khẩn trương, đa dạng và tinh cảm. Thế nhưng tư duy đòi hỏi ngược lại. Tư duy phải có thời gian. Tư duy cần đến thinh lặng và những kỹ năng về lý luận và phương pháp. Được tiếp cận nhiều thông tin hơn là điều hữu ích, nhưng đáng tiếc là công nghệ đã phá hoại dần kỷ luật suy tư mà chúng ta có trước kia khi những phương tiện liên lạc chính của ta là sách hoặc ấn phẩm. Đó không phải là một sự phát triển tốt. Nói đúng ra, đó là một điều rất nguy hiểm trong một nền dân chủ vốn là một hình thức cai trị đòi hỏi sự trưởng thành trí thức và luân lý nơi các công dân để tồn tại.

Không phải là cần vất bỏ vi tính, điện thoại di động hay những thiết bị khác gắn liền với công nghệ hiện đại, nhưng chúng ta cần nhớ rằng “tiến bộ vật chất không bao giờ là một may mắn không pha trộn. Nó cho rồi nó lấy đi. Và nó luôn luôn có những hậu quả không tính trước. Vậy ta cần phải cảnh giác hơn về cách thức các phương tiện truyền thông huấn luyện chúng ta, cũng như cách thức mà ảnh hưởng của chúng khuôn đúc nội dung của đời sống công cộng của ta.”

Mục đích của tự do báo chí

Cuối cùng Đức TGM Chaput nhắc lại lời Tổng Thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson về lợi ích to lớn của báo chí tự do, đại ý rằng con người có thể được điều khiển bởi lý trí và sự thật và rằng mục đích của tự do báo chí chính là lý trí và chân lý mà người ta cần đến để tự điều khiển mình. Rồi ngài nhận xét:

“Thế nhưng trong thời đại chúng ta, ngay cả khi thảo luận về những đề tài quan trọng, xem ra giới thông tin ít quan tâm đến lý trí và sự thật hơn là chú ý vào cái mà Christopher Lasch gọi là ‘những cử chỉ ý thức hệ’ (ideological gestures), nói cách khác, họ dùng những khẩu hiệu phe nhóm cốt để khuôn đúc tư tưởng chúng ta thay vì khuyến khích nó (…) Dù các phương tiện truyền thông tuyên bố mình trung lập, dù chúng thường làm được việc tốt không chối cãi nhưng cũng như bất cứ ngành nghề nào khác, chúng vẫn nghiêng về thành kiến, thiếu tri thức, kém chuyên nghiệp và óc phe nhóm hẹp hòi. Song so với các nghề khác, báo chí được hiến pháp bảo vệ; nó lại có khả năng thực sự định hướng cách chúng ta nghĩ, điều chúng ta nghĩ và cái chúng ta thích, không thích và không biết.” (Nguồn: Internet)

Vài kết luận cho chúng ta

Có thể rút ra điều gì bổ ích cho hoàn cảnh chúng ta hiện nay?

Công nghệ thông tin ở nước ta còn kém xa ở Hoa Kỳ và những nước tiên tiến khác, không thể so sánh được, nhưng trong chừng mực nào đó, chúng ta vẫn thấy nó cũng có đầy đủ những nét tiêu biểu cả tích cực lẫn tiêu cực của truyền thông hiện đại như Đức cha Chaput đã trình bày trên. Nhưng tôi tự hỏi phải chăng vì ta còn kém phát triển về mặt trưởng thành đạo đức và trí thức và vì tình hình đặc biệt của Việt Nam, nên những mặt tích cực của truyền thông, nếu không bị lấn át thì cũng bị hạn chế rất nhiều bởi những mặt tiêu cực? Hai điểm nên lưu lý.

- Về câu hỏi ai đứng đàng sau các thông tin. Ở nước ta truyền thanh và truyền hình nằm trong tay nhà nước. Ai cũng biết, các phương tiện truyền thông thuộc chính quyền là cộng cụ tuyên truyền giáo dục của chế độ. Báo chí tư nhân đúng nghĩa chưa có. Ít nhất cũng phải là một tổ chức, một ngành nghề được chính thức nhìn nhận mới được phép ra báo. Không có chế độ kiểm duyệt nhưng người làm báo phải biết tự kiểm duyệt và tránh những vấn đề hay lãnh vực “tế nhị”. Phía Giáo Hội công giáo, Hội đồng Giám mục chỉ có một trang Web và một tờ báo in định kỳ (Hiệp Thông), phổ biến còn hạn chế, ít mang tính quần chúng, ảnh hưởng chưa nhiều. Nhất là trong tình hình phức tạp mấy tháng qua, các cơ quan ngôn luận đó đã chứng tỏ là chưa làm hết vai trò soi sáng hướng dẫn và giáo dục dư luận của mình, như phải và có thể làm.

Trước những vấn đề nóng bỏng mà dư luận quan tâm, thực tế nói trên của Việt Nam dường như càng khuyến khích người ta sử dụng Internet để thu tin và tung tin. Tính vô danh vô ngã của các phương tiện truyền thông mà Đức Tổng Giám mục Denver nói tới được phát huy tối đa ở đây. Ngoài một thiểu số có ý thức, số đông những người tham gia lên tiếng trên mạng thời gian qua đều lợi dụng cái dù che của Internet để tha hồ phát ngôn, không phải để thông tin nhưng để tung tin thất thiệt hay nửa vời nhằm gây rối hoặc chia rẽ; không phải để chia sẻ tri thức hay quan điểm và tìm kiếm sự thật nhưng để áp đặt lập trường tư tưởng của mình như thể đó là những chân lý không thể bàn cãi, thậm chí còn để “đánh” những ai không đứng về phía mình. Quá xa với cái mục đích lý tưởng: lý tính và sự thật!

-Về cách “tiêu thụ” các thông tin. Đức cha Chaput khuyên chúng ta hãy là những người sử dụng truyền thông có chọn lọc và tiêu thụ thông tin có phê phán.

Nhờ các phương tiện truyền thông ngày nay, đặc biệt nhất là Internet, chúng ta có thể tiếp cận một khối lượng thông tin khổng lồ, hầu như vô tận (thông tin ở đây hiểu theo nghĩa rộng) bao gồm hết mọi lãnh vực của tri thức và đời sống, nhưng trong đó vàng thau, tốt xấu, đúng sai, thật ảo lẫn lộn. Nếu không có những chọn lựa rõ ràng theo những định hướng hữu ích cho bản thân, ta sẽ bị lạc lối và phung phí thời giờ vô ích, -không phải chỉ vô ích mà còn rất có hại nữa. Điều này đòi hỏi một sự rèn luyện kỷ luật bản thân kiên quyết và kiên trì (ở đây tôi nhấn mạnh việc sử dụng Internet).

Muốn “tiêu thụ” thông tin cách hữu ích, còn phải có tinh thần phê phán nữa. Tôi đã đọc một số bài làm của sinh viên và thấy rõ ràng họ chỉ chép lại từ sách tài liệu hay tải trên mạng xuống mà không có chút nhận định phán đoán nào cho dù có những cái sai khá lộ liễu trong đó, chứng tỏ họ không hiểu gì điều mình “sưu tầm”. Lối giáo dục nhồi nhét của nhà trường đã hầu như triệt tiêu khả năng tư duy độc lập của số đông học sinh sinh viên.

Muốn cho thông tin trở nên bổ ích, ta phải coi nó không như của ăn sẵn mà là vật liệu để chế biến món ăn theo nhu cầu của mình; ý tôi muốn nói phải coi nó như dữ liệu (data) làm “đầu vào” cho cái máy vi tính là đầu óc ta, từ đó nó sẽ trở thành tri thức cho ta. Có như vậy thông tin (information) mới trở thành phương thế huấn luyện (formation) được.

Sau cùng, đọc lại chia sẻ của ĐTGM giáo phận Denver trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam hiện nay, tôi thiển nghĩ các Giám mục ta nên quan tâm đúng mức hơn tới các phương tiện truyền thông, và tôi tự hỏi: phải chăng đã đến lúc HĐGM cần có một người phát ngôn chính thức? Mấy bài giảng hay trả lời phỏng vấn của Đức cha Phó Chủ tịch HĐGM thời gian qua đã chứng tỏ điều đó rất hữu ích và có thể làm được.

25-5-2010.
 
Lễ tổng kết niên học 2009-2010 của trường khuyết tật Thanh Tâm
Anmai. CSsR
08:16 27/05/2010
LỄ TỔNG KẾT NĂM HỌC 2009 – 2010 CỦA TRƯỜNG KHUYẾT TẬT THANH TÂM

Vẫn trao phó mái trường thân yêu dưới sự bảo trợ hết sức đặc biệt của Thánh Cả Giuse nên trường khuyết Tật Thanh Tâm đã chọn ngày thứ Tư, 26 tháng 5 năm 2010 cho buổi lễ tổng kết năm học của trường. Buổi Lễ tổng kết diễn ra hết sức giản đơn nhưng thắm đượm tình người.

Xem hình tổng kết niên học

Đúng 8 giờ, buổi lễ được bắt đầu ngay tại khu nhà chơi của các trẻ khuyết tật.

Sau khi nghe tổng kết sơ lược của giáo viên đại diện trường về năm học vừa qua thì linh mục đặc trách giáo điểm truyền giáo An Thới Đông - Phanxicô Atxidi Hoàng Minh Đức, Dòng Chúa Cứu Thế - có đôi lời phát biểu. Cha đặc trách đã ghi nhận cũng như thông báo cho quý phụ huynh biết những biến chuyển mới của trường từ việc trang bị tốt hơn về cơ sở vật chất cũng như nghiệp vụ. Cha cho biết từ giữa năm học vừa qua, Nhà Trường đã hỗ trợ cho các giáo viên của Trường nâng cao về chuyên môn để phục vụ một cách tốt nhất cho các em kém may mắn. Trước khi kết thúc, Cha đặc trách mời gọi sự cộng tác, sự quan tâm hơn nữa từ phía phụ huynh nhằm đào tạo các em một cách tốt hơn nữa …

Sau phần phát biểu của Cha đặc trách là lời cảm ơn của đại diện phụ huynh học sinh. Phụ huynh cảm ơn Nhà Trường đã cưu mang những mảnh đời kém may mắn. Phụ huynh cũng nói lên hoàn cảnh hết sức khó khăn của họ vì đã nghèo mà còn lại cưu mang những trẻ khiếm khuyết như thế này. ..

Buổi Lễ tổng kết hôm nay được trọn vẹn, được vui hơn đó chính là những tiếc mục như múa Đội kèn tí hon, Áo dài thướt tha … do chính các cô giáo cũng như các em học sinh khuyết tật biểu diễn. Trong khi thưởng thức văn nghệ thì phụ huynh cũng như các em thưởng thức những ly trà đá, những ly nước tắc và những chiếc bánh ngọt đượm thắm tình người nơi vùng đất nghèo biển mặn mang tên Cần Giờ. Thầy, trò và Ban Giám Hiệu trường Thanh Tâm cảm thấy hài lòng với những nỗ lực của tập thể giáo viên nhân viên của trường dẫu rằng còn một vài hạn chế. Ở vùng nghèo biển mặn mà được chăm sóc như thế cũng là niềm an ủi cho công việc truyền giáo, cho công việc chăm sóc những mảnh đời bất hạnh rồi.

Trước lúc chia tay, Cha Đặc trách giáo điểm An Thới Đông đã tận tay gửi đến từng em một một món quà hết sức dễ thương đó là những chiếc gấu bông xanh xanh đỏ đỏ và những phần đồ chơi. Những chiếc gấu bông, những phần đồ chơi được góp nhặt từ nhiều tấm lòng thơm thảo.

Tiếng chuông vào lớp của trường Thanh Tâm hôm nay tạm nghỉ một thời gian để chào mừng năm học mới.

Thầy, trò và đặc biệt Ban Giám Hiệu Trường đứng đầu là linh mục Đặc trách P.A. Hoàng Minh Đức không quên tạ ơn Chúa, Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và Thánh Giêrađô - bổn mạng trường - cùng tất cả, tất cả quý vị ân nhân xa gần đã nâng đỡ cho những mảnh đời may mắn suốt thời gian qua. Trường Thanh Tâm lại tiếp tục mở bàn tay ra đón nhận những tấm lòng thơm thảo để có một chút gì đó để bù đắp lại cho những mảnh đời kém may mắn ở vùng đất nghèo An Thới Đông này.
 
Hội Ngộ Linh Mục Giáo Tỉnh Sài Gòn
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
08:33 27/05/2010
Hội Ngộ Linh Mục Giáo Tỉnh Sài Gòn Tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse
Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn
Ngày 26.27.28/05/2010

Trong tinh thần Năm Thánh 2010 và Năm Linh Mục, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Quý Đức Cha trong giáo tỉnh Sài Gòn đã quyết định tổ chức cuộc “Hội ngộ Linh mục giáo tỉnh Sài Gòn” dành cho tất cả các Linh mục Giáo phận và các Linh mục Dòng, Tu Hội thuộc giáo tỉnh Sài Gòn từ ngày 26 đến sáng ngày 28 tháng 05 năm 2010.

Hội ngộ Linh mục giáo tỉnh Sài Gòn được chia làm 2 khu vực: Khu vực 1 (gồm các Giáo phận: Sài Gòn, Cần Thơ, Long Xuyên, Mỹ Tho và Vĩnh Long) tổ chức tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse và Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Khu vực 2 (gồm các Giáo phận: Xuân Lộc, Bà Rịa, Đà Lạt, Phan Thiết và Phú Cường) tổ chức tại Tòa Giám mục Xuân Lộc và Đại Chủng Viện Thánh Giuse cơ sở 2, Xuân Lộc.

Xem hình hội ngộ Linh Mục

Chương trình chi tiết tại khu vực 1 như sau:

Thứ tư, ngày 26.05.2010.
14h00: Gặp gỡ chung (Giới thiệu, sinh hoạt).
14h30: Thảo luận – chia sẻ
Đề tài
Linh mục và nhiệm vụ rao giảng lời Chúa.
16h00: Giải lao.
17h00: Sám hối cộng đồng và Thánh Lễ.
18h30: Hội chợ Ẩm thực.

Thứ năm, ngày 27.05.2010
06h00: Kinh sáng
07h30: Gặp gỡ các Giám mục giáo tỉnh.
Các Giám mục chia sẻ kinh nghiệm, nhận xét, ước mong về hàng
Linh mục.
09h00: Giải lao – Chụp hình lưu niệm.
09h30: Tiếp tục gặp gỡ.
Các Linh mục chia sẻ.
10h30: Thánh Lễ.
14h00: Đề tài: Mục vụ truyền thông.
Đề tài: của ĐTC Bênêđictô XVI.
14h20: Chia sẻ nhóm.
16h00: Đúc kết chung.
19h00: Văn nghệ.

Thứ sáu, ngày 28.05.2010
06h00: Thánh Lễ.

Điểm nhấn trong ngày hội ngộ Linh mục là cùng dâng Thánh Lễ chung, để tạ ơn Thiên Chúa vào lúc 10h30 ngày 27.0502010.

Trong Thánh Lễ có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu Giám mục Giáo Phận Long Xuyên chủ tế Thánh Lễ, cùng đồng tế còn có sự hiện diện Đức Cha Phụ Tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm Giám mục Giáo Phận Sài Gòn, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc Giám mục Giáo Phận Mỹ Tho, Đức Cha Phụ Tá Stêphanô Tri Bửu Thiên Giám mục Giáo Phận Cần Thơ, cùng những Linh mục các Giáo Phận như: Long Xuyên, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Giuse Giám mục Long Xuyên đã nói trong cuộc hội ngộ Linh mục lần này, các Linh mục của năm Giáo Phận miền Tây, chúng ta tụ họp nơi đây để cùng nhau học hỏi và trao đổi kinh ngiệm về đời sống mục vụ của Linh mục, và giờ đây là lúc chúng ta gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể trong Thánh Lễ, chúng ta nhớ đến biết bao nhiêu các Giám mục, các Linh mục trong các Giáo Phận chúng ta, đã hy sinh, đã vất vả, đặc biệt trong cánh đồng truyền giáo và đã qua đời, trong đó có Cha Cố Giuse là Giáo sư của Đại Chủng Viện Giuse Sài Gòn nhiều năm, và Ngài mới qua đời hôm qua. Hôm nay, chúng ta cũng nhớ đến tất cả các Linh mục trên khắp thế giới và đặc biệt trong năm Giáo Phận chúng ta, đang vất vả trong cánh đồng truyền giáo, để làm sao cho nước Chúa được mở rộng đem các linh hồn đến với Chúa, chúng ta xin Chúa nâng đỡ cho những anh em Linh mục chúng ta, luôn luôn sống theo gương mẫu của Chúa Giêsu Linh mục Thượng Phẩm đời đời, để nhiệt tình lo lắng cho nước Chúa, cho các con chiên mà Chúa đã trao phó cho chúng ta, giờ đây chúng ta nhớ lại những ân huệ Chúa ban cho chúng ta, đồng thời chúng ta cũng nhớ đến biết bao nhiêu những thiếu xót, những tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Chúa, đến anh em.

Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã nói lại lời Chúa Gịêsu “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. Thưa anh em, Chúa Giêsu đã nói những lời đầy yêu thương này với từng người chúng ta, ngày chúng ta đã chịu chức Linh mục và hôm nay Chúa Giêsu cũng nhắc lại lời đó với từng người trong anh em chúng ta. Như vậy, thì chính ý Chúa đã định mức trước và trong chức Linh mục thừa tác chiều kích thần linh, là chiều kích căn bản làm nên canh tịnh độc đáo và riêng biệt của Linh mục. Ý thức chiều kích thần linh này, thúc đẩy người Linh mục không sống đời Linh mục như một nghề nghiệp và thật sự như một ơn gọi. Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh chiều kích này.

Cuối Thánh Lễ, Quý Đức Cha, Quý Cha dùng bữa cơm trưa trong khuôn viên Đại Chủng Viện Thánh Giuse.


 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam phải chấm dứt tức khắc việc tấn công nhắm vào những người bất đồng ý kiến trên mạng lưới điện toán toàn cầu
Human Rights Watch
06:26 27/05/2010
Chính phủ đàn áp blogger và các trang mạng

(New York, ngày 26 tháng Năm, 2010) – Chính quyền Việt Nam phát động một đợt tấn công tinh vi và kéo dài, gồm hai mũi giáp công nhằm vào những người bất đồng chính kiến trên mạng, theo thông cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa ra hôm nay. Chính quyền bắt giữ và đe dọa các blogger độc lập ở Việt Nam, đồng thời bật đèn xanh cho các đợt tấn công vi tính từ Việt Nam để đánh sập các trang mạng có xu hướng phê bình chính quyền Việt Nam.

Trong hai tháng vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất bảy blogger độc lập, khiến họ phải chịu các đợt thẩm vấn kéo dài, và trong một số trường hợp, bị bạo hành. Sự gia tăng sách nhiễu này diễn ra đồng thời với các đợt tấn công vi tính có hệ thống nhằm vào các trang mạng do một số blogger và các nhà hoạt động vận hành từ Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Các đợt tấn công gây nguy hại nhất là thả bọ “botnet” – phần mềm xấu giả dạng công cụ hỗ trợ bàn phím tiếng Việt – để do thám máy tính cá nhân người sử dụng và tiến hành các đợt tấn công từ chối dịch vụ làm tê liệt trang mạng. Những đợt tấn công này đã được cả Google và McAfee, một tập đoàn nổi tiếng về an ninh mạng xác nhận.

“Chính quyền nhằm vào những người viết bài trên mạng internet chỉ vì họ phát biểu ý kiến độc lập, phê bình các chính sách và công bố những việc làm sai trái của chính phủ”, ông Phil Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Hiển nhiên chính phủ quan ngại rằng các blogger sẽ tiết lộ những chuyện nội bộ về tham nhũng và lạm quyền, cũng như đăng tải các tin tức và sự việc mà chính quyền không cho công bố trên các phương tiện thông tin do nhà nước quản lý”.

Bắt giữ các Blogger

Dưới đây là một vài sự kiện mới nhất về các vụ bắt giữ blogger.

Ngày 8 tháng Năm năm 2010, chính quyền tỉnh cắt dịch vụ điện thoại và internet của ông Hà Sĩ Phu, một trong những blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Dịch vụ điện thoại của ông Hà Sĩ Phu bị cắt theo văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông, căn cứ trên hồ sơ điều tra của công an cho rằng ông sử dụng đường điện thoại để truyền tải thông tin “chống chính quyền”. Kể từ đầu năm 2010, trang web của ông Hà Sĩ Phu thường xuyên bị cản trở bởi các đợt tấn công vi tính.

Ngày 1 tháng Năm năm 2010, công an tạm giữ hai blogger Vũ Quốc Tú (bút danh Uyên Vũ) và Hồ Điệp (bút danh Trăng Đêm) tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh khi hai vợ chồng họ chuẩn bị lên máy bay đi Băng Cốc hưởng tuần trăng mật. Công an thẩm vấn hai người trong nhiều tiếng đồng hồ và cấm họ xuất cảnh, tuyên bố là vì lý do an ninh quốc gia.

Vào sáng ngày 28 tháng Tư, bà Lư Thị Thu Trang, một nhà hoạt động trên mạng có liên quan đến Khối ủng hộ dân chủ 8406, bị nhân viên an ninh đánh ngay trước mặt con trai mới lên 5 tuổi. Công an giam giữ bà trong suốt bảy tiếng để thẩm vấn và đánh bà nhiều lần vào mặt và cổ.

Một blogger khác, bà Tạ Phong Tần, bị tạm giữ ít nhất ba lần trong tháng trước, lần gần đây nhất là vào ngày 9 tháng Năm. Ngày 20 tháng Tư, công an dùng vũ lực xông vào nhà riêng của bà ở Thành phố Hồ Chí Minh, áp giải bà về đồn để thẩm vấn, sau đó thả bà về. Bà Tạ Phong Tần là cựu sĩ quan công an, viết blog về tham nhũng và bất công trong hệ thống pháp luật Việt Nam. “Cũng như lần trước [ngày 13 tháng Tư]”, bà viết trên blog của mình, “tôi chưa rửa mặt, đánh răng, đang mặc bộ đồ ngủ, không giày dép.”

Ngày 17 tháng Tư, công an bắt giữ và thẩm vấn ông Phan Thanh Hải – blogger với bút danh AnhBaSG, người thường xuyên đưa tin về các vụ thu đất trái pháp luật, và ông Lê Trần Luật – luật sư biện hộ cho giáo dân Thái Hà ở Hà Nội trong vụ chính quyền thu giữ đất đai của nhà thờ. Cả hai người đều được thả sau vài tiếng bị thẩm vấn.

Tấn công các trang mạng

Đồng thời điểm này, cả Google và McAfee phát hiện ra các cuộc tấn công nhằm vào các trang mạng bất đồng chính kiến bằng bọ botnet xuất phát chủ yếu từ Việt Nam. McAfee, hãng đã phát hiện con bọ botnet này trong khi đang điều tra vụ tấn công vi tính “Operation Aurora” khởi phát từ Trung Quốc vào đầu năm nay, cho rằng các cuộc tấn công vào các trang mạng tiếng Việt và tiếng Trung không có liên hệ gì với nhau.

Trong bài viết trên blog ngày 30 tháng Ba, giám đốc kỹ thuật của McAfee, ông George Kurtz viết: “Bộ soạn thảo bàn phím nguy hiểm này… kết nối máy bị nhiễm với một mạng lưới các máy tính đã bị xâm nhập. Trong quá trình điều tra về con bọ botnet, chúng tôi phát hiện khoảng trên một chục lệnh và hệ thống điều khiển mạng lưới các máy tính bị xâm nhập nói trên. Các lệnh và máy chủ điều hành chủ yếu được truy cập từ các địa chỉ IP từ Việt Nam.”

“Chúng tôi tin rằng thủ phạm có thể có động cơ chính trị và trong một chừng mực nào đó, có liên quan đến chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Vụ việc này nhấn mạnh rằng không phải tất cả các cuộc tấn công đều nhằm động cơ ăn cắp dữ liệu hoặc tiền bạc. Đây có thể là bằng chứng mới nhất của tin tặc chính trị và tấn công vi tính với động cơ chính trị”.

Neel Mehta, kỹ thuật viên an ninh mạng của Google viết trên blog của mình: “Phần mềm xấu đó chủ yếu nhằm vào những người sử dụng máy tính bằng tiếng Việt trên toàn cầu. Nó có thể xâm nhập máy tính cá nhân của hàng chục ngàn người sử dụng đã tải về phần mềm hỗ trợ bàn phím tiếng Việt. Những máy tính bị nhiễm này bị sử dụng vừa để vừa do thám chủ máy, vừa tham gia tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhằm vào các blog có thông điệp mang nội dung bất đồng chính kiến. Đặc biệt, những đợt tấn công này muốn dập tắt những ý kiến phản đối khai thác bô-xít, một vấn đề quan trọng và gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.”

Phát ngôn viên của chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc của Google và McAfee là “không có cơ sở”.

Nhưng theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, có những bằng chứng ngược lại với tuyên bố trên của chính quyền Việt Nam. Những trang web bị hàng trăm đợt tấn công trong thời gian ngắn gần đây – trong đó có trang bình luận chính trị Thông luận (www.thongluan.org) và một trang của Công giáo, Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam (www.dcctvn.net) đã truy nguyên được IP của các đợt tấn công xuất phát từ địa chỉ của Viettel, một doanh nghiệp viễn thông của nhà nước, thuộc Bộ Quốc phòng.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố, vì tất cả các địa chỉ IP ở Việt Nam đều thuộc sở hữu và quản lý của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) là doanh nghiệp nhà nước, chính quyền Việt Nam và các ISP phải có trách nhiệm ngăn chặn các cuộc tấn công vi tính xuất phát từ các địa chỉ IP ở nội địa Việt Nam.

“Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt sự dung túng hiện nay đối với các đợt tấn công vi tính khởi phát từ các địa chỉ IP từ Việt Nam, kể cả việc áp dụng biện pháp hủy bỏ các địa chỉ có thể đã bị bọ botnet xâm nhập và bị kẻ xấu điều khiển” ông Robertson nói.

Kể từ tháng Chín năm 2009, các đợt tấn công gia tăng nhằm vào trên hai chục trang web và blog tiếng Việt, từ các trang web Công giáo chỉ trích chính quyền tịch thu đất đai của nhà thờ, đến các diễn đàn chính trị và trang mạng của các đảng đối lập, cho tới các trang mạng hoạt động vì môi trường, phản đối khai thác bô-xít.

Các quan chức Việt Nam đã công khai thừa nhận việc chính quyền đóng cửa các trang mạng. Tại hội nghị báo chí toàn quốc ngày 5 tháng Năm, Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 2 Bộ Công an, tự hào tuyên bố trước hàng trăm đại diện báo chí Việt Nam rằng Tổng cục đã “phá hủy được 300 trang web và blog cá nhân có nội dung xấu”.

Các trang mạng hiện đang là mục tiêu tấn công vi tính gồm có boxitvn.info, blogosin.org, caotraonhanban.com, danchimviet.com, danluan.org, doi-thoai.com, dangvidan.org, dcctvn.net, hasiphu.com, minhbien.org, talawas.org, thongluan.org, viettan.org, ykien.net, vietbaosaigon.com, và x-cafevn.org. Dù một số trang bắt đầu hoạt động của mình từ trong nước, nhưng các đợt tấn công vi tính buộc phần lớn trong số đó phải chuyển máy chủ của mình ra nước ngoài.

“Đợt tấn công trên diện rộng khởi phát từ Việt Nam này là chỉ dấu cho thấy việc chính quyền Việt Nam không chấp nhận các ý kiến chỉ trích một cách ôn hòa từ trong nước cũng như nước ngoài như thế nào,” ông Robertson phát biểu. “Thay vì cho phép việc sử dụng mạng internet để tiến hành các đợt tấn công vi tính, do thám các blogger và triệt tiêu các trang mạng phê bình chính quyền, chính phủ Việt Nam cần bảo đảm rằng mạng internet luôn là phương tiện để mọi người bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa, giao lưu và học hỏi.”

Các biện pháp đàn áp khác

Dù tấn công DDoS là một công cụ đàn áp mới, từ lâu nay chính quyền Việt Nam đã sử dụng tường lửa để ngăn chặn các trang web tin tức và nhân quyền quốc tế như trang của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Đài Tiếng nói Hoa kỳ, Đài Á châu Tự do. Trong sáu tháng qua, tường lửa đã được nối dài để ngăn trang tiếng Việt của Đài BBC và trang mạng xã hội nổi tiếng Facebook.

Thêm vào đó, chính quyền Việt Nam còn giám sát và quản lý ý kiến trên internet thông qua bộ phận theo dõi mạng thuộc Bộ Công an, cũng như áp dụng các quy định chặt chẽ và cài đặt phần mềm theo dõi truy cập internet. Chủ các quán cà phê internet bị yêu cầu phải kiểm tra chứng minh thư của khách hàng sử dụng internet, giám sát và lưu giữ các thông tin về hoạt động truy cập internet của khách hàng, và ngăn chặn kết nối với các trang web trong danh sách cấm. Trong tháng Tư, chính quyền ban hành quy định mới yêu cầu các quán cà phê internet ở Hà Nội phải cài đặt phần mềm theo dõi do Đại học Quốc gia Việt Nam soạn thảo vào tất cả các máy tính trong quán trước cuối năm 2011.

Thông tư Số 7 của Bộ Thông tin, ban hành tháng Mười hai năm 2008, quy định blogger chỉ được viết bài có nội dung thuộc phạm vi cá nhân và cấm đăng các bài liên quan đến chính trị hay các vấn đề mà chính quyền cho rằng liên quan tới bí mật nhà nước, có nội dung xấu hoặc gây hại tới an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

“Những nỗ lực ngang nhiên của chính quyền Việt Nam nhằm ngăn chặn việc trao đổi ý kiến tự do và công khai trên mạng internet là một ví dụ đáng buồn nữa về thái độ thù nghịch của chính quyền đối với tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác của con người” ông Robertson nói.

Xem thêm về các báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Việt Nam:

http://www.hrw.org/en/asia/vietnam

Liên hệ:

Ở New York: Phil Robertson (tiếng Anh): + 1-917-378-4097 (di động);

Ở Washington DC: Sophie Richardson (tiếng Anh, tiếng Trung): + 1-202-612-4341; hoặc + 1-917-721-7473 (di động);

Ở Brussels: Reed Brody (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha): +32-498-625786 (di động);

Ở London: Tom Porteous (tiếng Anh): +44-20-7713-2766; hoặc +44-79-8398-4982 (di động);

Phụ lục:

Chuỗi vụ việc các nhà hoạt động trên mạng internet bị sách nhiễu, bắt giữ và giam cầm trong sáu tháng qua bao gồm:

Ngày 9 tháng Năm: Công an bắt giữ blogger Tạ Phong Tần khi bà đang đi lễ ngày Chủ Nhật về cùng với một người bạn, và tạm giữ suốt chín tiếng đồng hồ. Công an cũng tạm giữ và đe dọa người bạn đi cùng vì “quan hệ với thành phần nguy hiểm”.

Ngày 8 tháng Năm: Chính quyền tỉnh cắt dịch vụ điện thoại và internet của nhà ông Hà Sĩ Phu, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Đà Lạt.

Ngày 1 tháng Năm: Công an tạm giữ hai blogger Vũ Quốc Tú (bút danh Uyên Vũ) và Hồ Điệp (Trăng Đêm) tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và cấm hai người xuất cảnh.

Ngày 28 tháng Tư: Công an bắt giữ và thẩm vấn các nhà hoạt động của Khối 8406, ông Đỗ Nam Hải và Lư Thị Thu Trang cùng với bà Dương Thị Tân, vợ của blogger Nguyễn Hoàng Hải (bút danh Điếu Cày) hiện đang bị cầm tù.

Ngày 20 tháng Tư: Công an thẩm vấn bà Tạ Phong Tần hơn chín tiếng đồng hồ. Người đứng đầu một văn phòng luật mới mở nhận được lời cảnh cáo và ép buộc không được tuyển dụng ông Lê Trần Luật, một luật sư ủng hộ nhóm Công giáo, vào làm trợ lý cho công ty luật mới được thành lập này.

Ngày 17 tháng Tư: Công an thẩm vấn ông Phan Thanh Hải (blogger AnhBaSG) suốt ba tiếng đồng hồ.

Ngày 15 tháng Tư: Chính quyền gây sức ép buộc chủ nhà ông Lê Trần Luật chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà.

Ngày 5 tháng Tư: Công an triệu tập nhà Địa chất Nguyễn Thanh Giang để chất vấn về vai trò cố vấn cho tạp chí “Tổ quốc” phát hành trên mạng. Hacker đột nhập và ăn trộm địa chỉ email của ban biên tập trang web: www.doithoai.org.

Ngày 3 tháng Tư: Hacker xâm nhập tài khoản internet (kể cả tài khoản Skype và Yahoo Messenger) của blogger Bùi Thanh Hiếu (blogger Người Buôn Gió). Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt giữ và thẩm vấn ông suốt một tuần vào đầu tháng Ba và khoảng mười ngày trong tháng Tám năm 2009, sau khi ông đăng bài trên blog chỉ trích chính sách của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc, cho khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và tranh chấp tài sản với nhà thờ Công giáo.

Ngày 23 tháng Ba: Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ và thẩm vấn bà Tạ Phong Tần suốt bốn ngày và ông Phan Thanh Hải (AnhBaSG) trong hơn hai ngày.

Ngày 23 tháng Ba: Một đám tự xưng là “cựu chiến binh” tới sách nhiễu ông Phạm Hồng Sơn, một bác sĩ từng chịu án tù vì viết bài trên mạng internet, ngay tại nhà riêng của ông ở Hà Nội. Một người trong đám này đe dọa bác sĩ Sơn và tuyên bố “sẽ không để cho gia đình” ông yên “nếu còn viết trên mạng như thế.”

Từ ngày 17 đến 19 tháng Ba: Công an thẩm vấn các thành viên ban biên tập tạp chí mạng Tổ Quốc, bao gồm nhà địa chất Nguyễn Thanh Giang, kỹ sư Nguyễn Phương Anh, cựu đại tá Phạm Quế Dương và thầy giáo Nguyễn Thượng Long về vai trò của họ đối với tờ tạp chí.

Ngày 4 tháng Ba: Công an từ chối cấp hộ chiếu cho một blogger, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người viết với bút danh Mẹ Nấm. Trước đó, cô cũng bị tạm giữ suốt một tuần vào tháng Tám năm 2009 vì đăng bài chỉ trích chính sách của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc. Công an địa phương tiếp tục gây sức ép buộc cô phải đóng blog của mình.

Ngày 5 tháng Hai: Bà Trần Khải Thanh Thủy, nhà văn và thành viên ban biên tập tạp chí Tổ Quốc, bị xử ba năm rưỡi tù giam. Vào ngày xử án, ba trang blog nổi tiếng – Blog Ô-sin (blogosin.org), Đàn Chim Việt (www.danchimviet.com) và Minh Biện (www.minhbien.org) bị hacker phá sập. Ngoài ra, tài khoản email của bà Phạm Thị Hoài, tổng biên tập trang blog talawas, và của nhà báo-blogger Huy Đức (Osin) cũng bị hack.

Ngày 29 tháng Giêng: Một nhà văn, nhà hoạt động dân chủ, cô Phạm Thanh Nghiên, bị xử bốn năm tù giam.

Ngày 27 tháng Giêng: Các nhà vận động đa nguyên, ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức bị xử án từ 5 đến 16 năm tù vì các bài viết đăng trên mạng internet và các hoạt động ôn hòa khác.

Ngày 19 tháng Giêng: Một diễn đàn chính trị, X-cafe, bị tấn công từ chối dịch vụ và tê liệt trong suốt nhiều ngày.

Ngày 13 tháng Giêng: Công an khám nhà ông Nguyễn Huệ Chi, đồng sáng lập viên trang mạng Bauxite Việt Nam, thu giữ máy tính và thẩm vấn ông hàng ngày cho đến tận 30 tháng Giêng.

Ngày 31 tháng Mười hai, 2009: Tài khoản email của ông Nguyễn Huệ Chi và Phùng Liên Đoàn, một ủng hộ viên tích cực của trang mạng Bauxite Việt Nam, bị hack và nhiều bức thư giả danh được gửi từ hai địa chỉ này tới hàng loạt các địa chỉ thư tín của người Việt trong danh bạ thư tín của họ.

Ngày 27 tháng Mười hai, 2009: Tin tặc ngụy tạo một địa chỉ email rất giống với địa chỉ của ông Phạm Toàn, người đồng sáng lập trang Bauxite Việt Nam, và gửi đi những tin giả tới rất nhiều địa chỉ thư tín có liên hệ, “tiết lộ” những bất đồng nội bộ ban biên tập trang mạng này.

Ngày 21 tháng Mười hai, 2009: Các trang mạng talawas.org và boxitevn.info bị hack. Độc giả vào thăm hai trang này đều đọc được tin nhắn giống hệt nhau do các hacker tạo ra (Vì lý do kỹ thuật, talawas [Bauxite Vietnam] ngừng hoạt động vĩnh viễn).

English version follows, below.

_______________

For Immediate Release

Vietnam: Stop Cyber Attacks Against Online Critics

Government Crackdown on Bloggers and Websites

(New York, May 27, 2010) – Vietnam has launched a sophisticated and sustained two-pronged attack against online dissent, Human Rights Watch said today. The government is detaining and intimidating independent Vietnamese bloggers while also permitting cyber attacks from Vietnam to disable websites critical of the government.

In the past two months, Vietnamese authorities detained at least seven independent bloggers, subjecting them to extended interrogations and, in some instances, physical abuse. This intensified harassment has coincided with systematic cyber attacks targeting websites operated by some of these bloggers and other activists in Vietnam and abroad. The most damaging attacks are deploying “botnets” – malware disguised as software to support a Vietnamese-language keyboard – to spy on individual users and to carry out crippling denial-of-service attacks against websites. The attacks were confirmed by Google as well as McAfee, a major internet security firm.

“The government targets these internet writers simply because they voice independent opinions, criticize government policies, and expose wrongdoing,” said Phil Robertson, deputy Asia director at Human Rights Watch. “Evidently the government is worried that these bloggers will reveal the inside story of government abuse and corruption, and report on incidents and issues it prevents from appearing in the state controlled media.”

Detention of Bloggers

The following are some of the recent incidents in which bloggers were detained:

On May 8, 2010, provincial authorities terminated the telephone and internet service at the home of Ha Si Phu, one of Vietnam’s best known dissident bloggers. Ha Si Phu’s telephone service was disconnected at the written instructions of the Bureau of Information and Media, based on a police investigation alleging that he had used his telephone lines to transmit “anti-government” information. Since the beginning of 2010, Ha Si Phu’s blog and website have been plagued by periodic cyber attacks.

On May 1, police detained two bloggers, Vu Quoc Tu (also known as Uyen Vu) and Ho Diep (also known as Trang Dem), at Tan Son Nhat airport in Ho Chi Minh City as the couple was boarding a plane to Bangkok for their honeymoon. The police held and interrogated them for hours and forbade them from traveling abroad, contending the restriction was based on reasons of national security.

On the morning of April 28, Lu Thi Thu Trang, an internet activist associated with the pro-democracy group Block 8406, was beaten by police officers in front of her 5-year-old son. The police then took her to the police station and detained her for seven hours, interrogating her and repeatedly hitting her on her neck and face.

Another blogger, Ta Phong Tan, has been detained at least three times during the last month, the last time on May 9. On April 20, police forced their way into her home in Ho Chi Minh City, took her to the police station for interrogation, and later released her. Ta Phong Tan is a former policewoman who blogs about corruption and injustice in the Vietnamese legal system. “Just like the last time [April 13],” she reported on her blog, “I was not allowed to wash my face or brush my teeth. I was barefoot and in my pajamas when I was taken into custody.”

On April 17, police detained and interrogated Phan Thanh Hai – a blogger known as AnhBaSG who frequently reports on illegal land seizures – and Le Tran Luat, the defense lawyer for Catholics at Hanoi’s Thai Ha Church protesting government confiscation of church properties. They were released after several hours of interrogation.

Attacks on Websites

Meanwhile, both Google and McAfee found that the attacks on dissident websites facilitated by botnets are primarily coming from Vietnam. McAfee, which discovered the botnet when it was investigating the “Operation Aurora” cyber attacks originating from China earlier this year, stated it believes the attacks on Chinese and Vietnamese sites are unrelated.

In a blog on March 30, the McAfee chief technical officer, George Kurtz, wrote: “The rogue keyboard driver … connected the infected machines to a network of compromised computers. During our investigation into the botnet we found about a dozen command and control systems for the network of hijacked PCs. The command and control servers were predominantly being accessed from IP [Internet Protocol] addresses in Vietnam.”

Kurtz continued that “we believe that the perpetrators may have political motivations and may have some allegiance to the government of the Socialist Republic of Vietnam … This incident underscores that not every attack is motivated by data theft or money. This is likely the latest example of hacktivism and politically motivated cyber attacks.”

Neel Mehta from Google’s security team wrote in his security blog: “This particular malware broadly targeted Vietnamese computer users around the world. The malware infected the computers of potentially tens of thousands of users who downloaded Vietnamese keyboard language software. These infected machines have been used both to spy on their owners as well as participate in distributed denial-of-service (DDoS) attacks against blogs containing messages of political dissent. Specifically, these attacks have tried to squelch opposition to bauxite mining efforts in Vietnam, an important and emotionally charged issue in the country.”

A Vietnamese government spokesperson dismissed Google and McAfee’s allegations as “groundless.”

But there is evidence that challenges the government’s claims, Human Rights Watch said. Websites that have been bombarded by hundreds of attacks recently – including the political commentary website Thong Luan (www.thongluan.org) and a Catholic website, Dong Chua Cuu The Viet Nam (www.dcctvn.net) – traced some of the attacks to the IP address for Viettel, a state-owned telecommunication company operated by Vietnam’s Defense Ministry.

Since all IP addresses in Vietnam are owned and controlled by state-owned Internet Service Providers (ISP), it is the responsibility of the Vietnamese government and its ISPs to put an end to cyber attacks sourced to IP addresses in Vietnam, Human Rights Watch said.

“The Vietnamese government needs to end the ongoing barrage of cyber attacks originating from IP addresses in Vietnam, even if it means shutting down addresses that may have been hijacked by botnets and are being used fraudulently,” Robertson said.

Since September 2009, attacks are known to have been mounted on more than two dozen Vietnamese websites and blogs, ranging from sites operated by Catholics criticizing government confiscation of church properties, to political discussion forums and opposition party sites, to an environmentalist site opposed to bauxite mining.

Vietnamese officials have openly admitted that the government is shutting down websites. At a national news conference on May 5, Lt. Gen. Vu Hai Trieu, deputy director of General Department 2 of the Public Security Ministry, proudly announced to several hundred Vietnamese media representatives that the department had “destroyed 300 bad internet web pages and individual blogs.”

Sites that are subject to ongoing cyber attacks include boxitvn.info, blogosin.org, caotraonhanban.com, danchimviet.com, danluan.org, doi-thoai.com, dangvidan.org, dcctvn.net, hasiphu.com, minhbien.org, talawas.org, thongluan.org, viettan.org, ykien.net, vietbaosaigon.com, and x-cafevn.org.. While some of these sites began operating inside Vietnam, the cyber attacks have forced most to relocate to servers outside of the country.

“This extensive attack originating in Vietnam shows just how intolerant the Vietnamese government is to peaceful criticism at home and from abroad,” Robertson said. “Rather than allowing the internet to be used to carry out cyber attacks, spy on bloggers, and cripple the websites of online critics, the Vietnamese government should ensure that the internet remains a vehicle for peaceful expression, communication, and learning.”

Other Repressive Measures

While the DDoS attacks represent a new instrument of repression, the Vietnamese government has long deployed firewalls against international news and human rights websites such as Human Rights Watch, Voice of America, and Radio Free Asia. In the last six months, firewalls have been extended to the Vietnamese service of the BBC and to the popular social networking site Facebook.

In addition, the Vietnamese government monitors and controls internet expression through an internet surveillance unit in the Ministry of Public Security, and with internet surveillance software and strict regulations. Internet cafe owners are required to obtain photo identification from internet users, monitor and store information about their online activities, and block access to banned websites. In April, the government issued new regulations requiring installation of internet monitoring software developed by the National University of Vietnam in computers in all internet cafes in Hanoi by the end of 2011.

Ministry of Information Circular No. 7, issued in December 2008, requires bloggers to restrict their postings to personal content, and bans posting articles about politics or issues the government considers state secrets, subversive, or threats to national security and social order.

“These blatant efforts by the Vietnamese government to suppress free and open debate on the internet is yet another sad example of the government’s hostility toward free speech and other basic human rights,” Robertson said.

For more Human Rights Watch reporting on Vietnam, please visit:

http://www.hrw.org/en/asia/vietnam

For more information, please contact:

In New York, Phil Robertson (English): +1-917-378-4097 (mobile)

In Washington, DC, Sophie Richardson (English, Mandarin): +1-202-612-4341; or +1-917-721-7473 (mobile)

In Brussels, Reed Brody (English, French, Portuguese, Spanish): +32-498-625786 (mobile)

In London, Tom Porteous (English): +44-20-7713-2766; or +44-79-8398-4982 (mobile)

Annex:

Incidents in which internet activists have been harassed, detained, and jailed during the past six months include:

May 9: Police arrest blogger Ta Phong Tan as she leaves a Sunday mass with a friend and detain her for nine hours. Police also detain and threaten the friend for “being in touch with a dangerous figure.”

May 8: Provincial authorities terminate the telephone and internet service at the home of Ha Si Phu, a prominent dissident in Da Lat.

May 1: Police detain bloggers Vu Quoc Tu (Uyen Vu) and Ho Diep (Trang Dem) at Tan Son Nhat airport in Ho Chi Minh City and forbid them to leave the country.

April 28: Police detain and interrogate Block 8406 activists Do Nam Hai and Lu Thi Thu Trang, as well as Duong Thi Tan, wife of the jailed blogger Nguyen Hoang Hai (Dieu Cay).

April 20: Police interrogate Ta Phong Tan for more than nine hours. The head of a newly opened law firm receives warnings and is pressured not to hire Le Tran Luat, the lawyer for the Catholic group, as an assistant in a newly opened law firm.

April 17: Police interrogate Phan Thanh Hai (who blogs as AnhBaSG) for three hours.

April 15: Officials pressure Le Tran Luat’s landlord to terminate his rental contract.

April 5: Officials summon a geophysicist, Nguyen Thanh Giang, for questioning by the police about his advisory role in the online magazine To Quoc (Fatherland). Hackers hack and steal the email address of the editorial board of the website www.doithoai.org..

April 3: Hackers break into the internet accounts (including Skype and Yahoo Messenger) of the blogger Bui Thanh Hieu (who blogs as Nguoi Buon Gio, or “Wind Merchant”). Ho Chi Minh city police also detained and interrogated him for a week in early March and for 10 days in August 2009, after he posted blogs criticizing the government’s policies toward China, bauxite mining in the Central Highlands, and disputes with Catholics over church properties.

March 23: Ho Chi Minh City police detain and interrogate Ta Phong Tan for four days and Phan Thanh Hai (AnhBaSG) for more than two days.

March 23: A mob identifying themselves as “army veterans” harass Pham Hong Son, a physician formerly imprisoned for his internet writings, at his home in Hanoi. A member of the mob threatens him, saying, “Stop writing what you write or we won’t leave you alone.”

March 17-19: Police interrogate editorial members of the online magazine To Quoc, including Nguyen Thanh Giang; Nguyen Phuong begin_of_the_skype_highlighting end_of_the_skype_highlighting Anh, an engineer; Pham Que Duong, a retired army officer; and Nguyen Thuong Long, a teacher, about their roles in the magazine.

March 4: Police refuse to grant a passport to a blogger, Nguyen Ngoc Nhu Quynh, who writes under the name of Me Nam (Mother Mushroom). She was previously detained for a week in August 2009 for her online postings criticizing the government’s policies toward China. Local police continue to pressure her to shut down her blog.

February 5: Tran Khai Thanh Thuy, a writer and member of the editorial board of To Quoc, is sentenced to three and a half years in prison. The day of her trial, three popular blogs – Blog Osin (blogosin.org), Đan Chim Viet (danchimviet.com), and Minh Bien (www.minhbien.org) – crash after being hacked. In addition, the email accounts of Pham Thi Hoai, editor in chief of Talawas blog, and a blogger-journalist, Huy Duc (Osin), are hacked.

January 29: An activist writer, Pham Thanh Nghien, is sentenced to four years in prison.

January 27: Multi-party activists Le Cong Dinh, Nguyen Tien Trung, Le Thang Long, and Tran Huynh Duy Thuc are sentenced to prison sentences ranging from 5 to 16 years for their writings published on the internet and other peaceful activities.

January 19: A political discussion forum, X-café, suffers denial-of-service attacks and is unable to operate for several days.

January 13: Police search the house of the co-founder of the Bauxite Vietnam website, Nguyen Hue Chi, confiscate his computer, and then interrogate him daily until January 30.

December 31, 2009: The Gmail accounts of Nguyen Hue Chi and of Phung Lien Doan, an important contributor to the Bauxite Vietnam website, are hacked and fake letters are sent from both accounts to a large Vietnamese email list.

December 27, 2009: A hacker invents an email very similar to the one used by Bauxite Vietnam’s co-founder Pham Toan and sends out a fake message to a large email list, alleging internal conflicts among the board of editors of Bauxite Vietnam.

December 21, 2009: The websites talawas.org and boxitevn.info are hacked. Readers who visit these two websites find identical messages left behind by the hacker (“Due to technical reasons, Talawas [Bauxite Vietnam] is closed forever.
 
Văn Hóa
Với người trẻ thời @
Mic. Cao Danh Viện
08:10 27/05/2010
Với người trẻ thời @

Em người trẻ thời toàn cầu chuyển hóa
Thế giới văn minh! cuộc sống văn minh!
Tinh yêu văn minh, thì làm mới chính mình
Vì tình Chúa thời @ vẫn mới

Khó khăn lắm giữa bộn bề xã hội
Chúa hồn nhiên thông cảm tuổi thanh niên
Em cứ yêu, và xin cứ vững bền
Trong tình Chúa, sống trong tình yêu Chúa

Nhiệt huyết trẻ trái tim em cần lửa
Cứ mỡ lòng cho Thần Khí nhen lên
Bằng tự do từ chối những yếu hèn
Bằng ý chí thực hành Lời Chân Lý

Tuổi trẻ em có Chúa làm tri kỷ
(bởi vì Ngài đã sống tuổi thanh xuân)
Nối tay Chúa gây sức mạnh hợp quần
Xây thế giới trong lớp người trẻ mới

Rộn rả lên ! những bàn chân bước tới
Nền văn minh sự sống của Thần Linh
Làm chuyển hóa toàn cầu bằng Thập hình
Trong tin tưởng sống Tin Mừng Cứu Độ

Đường trần gian hôm nay nhiều cửa ngõ
Em bước theo Thần Khí vững niềm tin
Giữ lấy Chúa cuộc sống sẽ đẹp xinh
Vì Chúa nói “có Thầy đây ! đừng sợ!’’

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tìm Bóng Mình
Trầm Tĩnh Nguyện
22:21 27/05/2010

TÌM BÓNG MÌNH



Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện, Việt Nam

Là rơi, bèo nổi, mây trôi,

Cuộc trần hư ảo, phận người mong manh.

Nhìn lên: trời ngát màu xanh!

(Trầm Tĩnh Nguyện)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền