Ngày 30-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con mơ thấy Chúa
Sa Mạc Hồng
01:35 30/05/2009
Trong giấc ngủ êm đềm
Con mơ Ngài đến thăm
Hồn con ngàn đắm đuối
Du dương tiếng nguyệt cầm

Ngài dẫn con kề bên
Đi qua đồng cỏ xanh
Đầy hương thơm hoa trái
Con nằm nghỉ an bình

Tới bờ suối nước tuôn
Ngài ẵm con trong lòng
Lội qua giòng nước mát
Con sung sướng vô cùng

Ngài đưa tới Thiên đình
Con chào Đức Nữ Trinh
Mẹ mỉm cười âu yếm
Ôm con hôn thắm tình

Quanh con các Thiên Thần
Đàn hát khúc vinh danh
Âm vang đầy dũng lực
Chúa tụng Chúa Chí Tôn

Các Thánh chung nhịp đàn
Hoà ca lời yêu thương
Cùng triều thần Thiên quốc
Khung cảnh thật huy hoàng

Con chợt tỉnh cơn mơ
Lòng tiếc nuối vô bờ
Trong Chúa đầy hoan lạc
Đầy huyền nhiệm kinh thơ!
 
Chúa Thánh Thần đang lên tiếng
Pm. Cao Huy Hoàng
01:37 30/05/2009
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Đức Giêsu đã về trời. Công cuộc cứu rỗi nhân loại được chuyển giao cho Hội Thánh của Chúa Giêsu nhờ nguồn trợ lực của Chúa Thánh Thần.

Giờ đây, chính Chúa Thánh Thần khơi dậy trong mỗi chúng ta, trong cộng đoàn, trong Giáo hội mọi Lời Đức Kitô đã dạy, và làm cho Lời ấy sống động trong mỗi chúng ta và trên toàn thế giới.

Điều ấy đã hiển thị trước mắt chúng ta, trong lịch sử Giáo Hội và cả trong lịch sử nhân loại. Hội Thánh tiếp chỉ những huấn lệnh của Đức Giêsu với lòng nhiệt thành. Và các Tông đồ đã hăng say loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Niềm hăng say phát xuất một phần từ niềm tin của chính các Ngài, nhưng phần chính yếu, là vì: họ được Chúa Thánh Thần biến đổi tận căn thành những con người mới - những con người dũng cảm lên tiếng bênh vực cho người bị áp bức thay cho bản chất nhát hèn im lặng đồng lõa trước kia, những con người dám công khai đem đuốc thiêng của ánh sáng tình yêu chân lý xông vào nơi cửa đóng then cài, những con người biết cảm thương cho thân phận đồng loại thay cho óc hưởng thụ ích kỷ xưa kia người bức trị người …., những con người quyết một lòng vì hạnh phúc thật của nhân loại, hạnh phúc đời nầy và hạnh phúc đời sau. Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục đồng hành và hướng dẫn Giáo hội của Chúa Giêsu chu toàn sứ mệnh cứu rỗi nhân loại. Quả thật, trải qua bao thế kỷ, tinh thần của Đức Kitô, của Tin Mừng vẫn hiên ngang xâm nhập mọi bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội, không chỉ vì lòng nhiệt thành của Giáo Hội mà còn vì một sức đẩy vĩ đại hơn: sức đẩy của Chúa Thánh Thần, sức đẩy của lòng Thiên Chúa yêu thương con người, không muốn cho con người phải hư mất.

Với mỗi cá nhân, Chúa Thánh Thần đã cấy vào lòng con người những ưu tư khắc khoải về thân phận con người, về hạnh phúc, về hạnh phúc thật. Vì thế, dẫu có sức mạnh nào của thế lực chống lại Thiên Chúa mặc cho con người nào đó một số quyền năng nhất thời, thì con người ấy cũng dễ sớm nhận ra rằng không có gì tồn tại ngoài Thiên Chúa, khi chính mình nhận ra bóng chiều của cuộc tàn tận rất riêng tư đang chờ ở phía trước! Không có lịch sử nào tồn tại nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa. Không có chân lý nào đáng tôn thờ, nếu không phải là chân lý tôn thờ Thiên Chúa. Có những con người cao ngạo lầm tưởng rằng mình có thể làm nên một lịch sử mà không cần đến Thiên Chúa, nhưng họ đã thất bại, vì chính lịch sử của cuộc đời họ đã chấm dứt trước khi họ hoàn thành những ảo vọng điên rồ. Cũng thế, sự xuất hiện của bao thần thánh mà con người tự tạo cho mình trong các giai đoạn lịch sử nhân loại đều đã bị đại bại trước ngọn cuồng phong chân lý của Chúa Thánh Thần, để chỉ còn duy nhất một Thần Thánh đáng tôn thờ là Thiên Chúa.

Với mỗi cá nhân các tín hữu, Chúa Thánh Thần đang tác động nơi mọi ý nghĩ, lời nói việc làm, để tín hữu ấy hiển thị chính đời sống Đức Kitô trước mắt mọi người. Bằng cách nầy hay cách khác, công khai hay không công khai, mỗi tín hữu đang làm chứng cho sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa cách riêng trong cuộc đời họ và cách chung trong toàn thể nhân loại. Đời sống các tín hữu càng liên kết với nguồn trợ lực của Chúa Thánh Thần, càng múc ấy được muôn vàn ơn thánh sung mãn để không chỉ hoàn thành cuộc hành trình về nhà Thiên Chúa, mà còn chu toàn sứ mạng tiên tri của mình là làm cho nhiều người cùng được cứu sống. Trong cùng một Thánh Thần, các tín hữu có một tiếng nói chung: tiếng nói của tình hiệp nhất, bác ái, tiếng nói của công bằng, sự thật, tiếng nói của hòa bình tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. Ngược lại, người không yêu chuộng sự hiệp nhất, bác ái, không hiểu được tiếng la hét khẩn khoản của Chúa Thánh Thần đang kêu gọi một thế giới đại đồng; người đang sống trong sự giả dối lố bịch và bất công ngu muội, không nhận ra tiếng mời gọi sống trong tinh thần tôn trọng sự thật và công bằng, lẽ phải và công ích. Chỉ khi nào bàn tay Chúa Thánh Thần chạm vào tư tưởng, vào cõi lòng họ thì họ mới được đổi mới. Các tín hữu vẫn tha thiết nài xin Chúa Thần đến trong tâm hồn mình và mọi người để Chúa Thánh Thần thức tỉnh lương tâm nhân loại và canh tân bộ mặt trái đất.

Đáp lại lời van nài Chúa Thánh Thần nguồn trợ lực, Chúa Thánh Thần đang lên tiếng khắp nơi, và khi nhận ra tiếng Chúa Thánh Thần thì cũng nhận ra phép lạ của Ngài: Từ tấm lòng mỗi tín hữu đến gia đình làng xóm xứ đạo, đến địa phương đất nước, đâu đâu cũng đổi mới theo chiều hướng thăng hoa vươn tới những giá trị tuyệt đối, giá trị siêu nhiên.

Chúa Thánh Thần đổi mới mặt địa cầu. Nhưng Ngài không là nhà cách mạng theo cách của thế gian, nhưng là nhà cách mạng theo cách của Thiên Chúa, của chính Ngài.

Còn có quá nhiều chuyện trên thế gian nầy chưa thực sự hoàn thiện., đồng nghĩa với việc còn cần đến sức mạnh và hướng của Chúa Thánh Thần.

Nơi đây, nơi kia, đang sống ngược lại với tinh thần của Tin Mừng. Một số chính phủ đang thao túng quyền lực của mình trên chính trường quốc tế. Một số khác đang dùng quyền lực của mình để dày vò lương tâm của những con người yêu nước chân chính.

Thiết tưởng, nếu theo cách của thế gian, chắc chắn mặt ngoài phải là xuống đường, đã đảo, mặt trong phải là xách động âm mưu cấu kết rồi công khai lật đổ chính quyền tham nhũng thối nát…để dựng lên một chính phủ mới. Nhưng theo cách của Thánh Thần thì không phải như vậy. Cách của Chúa Thánh Thần là càng phải khẩn khoản nài xin Thiên Chúa cách tha thiết hơn, cách liên lỉ hơn.., càng phải sống tinh thần Thương Khó của Chúa Giêsu tích cực hơn, là càng phải công khai nói với Chúa những nguyện vọng chính đáng của bần dân cơ cực, bị áp bức, để người gian ác nhận biết Thiên Chúa và cánh tay uy lực của Ngài.

Quả thật, Chúa Thánh Thần đang lên tiếng nơi những con người bênh vực cho công lý, nơi những người dám nhân danh sự thật, nhân danh nền hòa bình cộng đồng và nhiều quyền lợi chính đáng khác của nhiều người, mà thuyết phục kẻ gian ác bỏ ngay những toan tính thủ đoạn trục lợi, bỏ ngay con đường gian ác.

Trong thông cáo V/v cầu nguyện cho công lý và sự thật và cầu nguyện cho các đại biểu Quốc hội của Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải CSSR, Phát ngôn viên GX Thái Hà-DCCT Hà Nội có viết:

“ Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội Khoá XII của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã khai mạc ngày 20/5/2009 và sẽ kéo dài đến 20/6/2009.

Trong tư cách là những người đại diện nhân dân, nắm quyền lập pháp và giám sát các hoạt động của Nhà nước, các đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng đối với vận mệnh quốc gia và dân tộc, đối với cuộc sống của mọi người dân, trong đó có chúng ta.

Vì thế, Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội sẽ tổ chức cầu nguyện cho các đại biểu Quốc hội trong các thánh lễ 5h30, 8h, 10h, 16h, 18h và 20h, ngày 31/5/2009, tức là ngày chủ nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sau hai thánh lễ 18 h và 20 h có thêm nghi thức thắp nến cầu nguyện:

-Để xin Chúa Thánh Thần ban cho các đại biểu được khôn ngoan, sáng suốt bàn thảo và biểu quyết đúng đắn những vấn đề cấp thiết và quan trọng nhất của đất nước, phục vụ hữu hiệu đời sống của nhân dân trong hiện tại và tương lai.

-Để xin Chúa Thánh Thần ban cho các đại biểu được có đủ can đảm và điều kiện thực thi vai trò giám sát các hoạt động của Nhà nước, bảo vệ công lý và sự thật, bệnh vực quyền lợi người dân và của đất nước.

-Để xin Chúa Thánh Thần ban cho các đại biểu nhận thức được thấu đáo các mối nguy hại về môi sinh, kinh tế, văn hoá, tôn giáo và an ninh quốc phòng nảy sinh từ việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, từ đó can đảm dùng quyền của mình, yêu cầu Chính phủ ngưng các dự án này”

Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong những ngày mọi người Việt Nam đang mong tìm cho ra nguyên lý tồn vong của đất nước, mỗi người con của Chúa, con của tổ quốc Việt Nam thân yêu chắc chắn không ai dám giơ tay xin tránh trút trách nhiệm, hoặc đứng ngoài cuộc lắng lo chung về việc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên. Nhưng, mỗi người ít là một lời nguyện hiệp thông, để Chúa Thánh Thần khẩn trương tác động nơi những con người mang trọng trách Đất Nước giao phó và xin cho họ biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần mà dừng lại cuộc chơi phiêu lưu tán gia bại sản.

Lạy Chúa, xin đừng phạt thế gian cách nhãn tiền, nhưng xin lấy lòng từ ái của Thánh Thần Thiên Chúa, mà đẩy chúng vào ánh sáng chân lý, để chúng cũng được cứu rối nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. A men.
 
Giải đáp Phụng Vụ: Tại sao nhiều điệu bộ trong Thánh Lễ
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
11:26 30/05/2009
Nói thêm về các Thánh Lễ Gregorian

ROMA (Zenit.org).-Giải dáp của Cha Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, Cha Edward McNamara, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum.

Con là một giáo lý viên và con giải thích Thánh Lễ cho giới trẻ. Một câu hỏi con luôn luôn gặp và không bao giờ có được thông tin về sự này: Trong Thánh Lễ có nhiểu điệu bộ cộng đồng chấp nhận, và những điệu bộ này được thích nghi theo những kinh đang đọc. Nhiều người hỏi lý do tại sao điệu bộ này được xử dụng tại lúc đặt biệt này. Một số những điệu bộ này thì hiển nhiên: Lúc bắt đầu Thánh Lễ, cử chỉ đứng có nghĩa là đón tiếp linh mục đại diện Chúa Giêsu. Nhưng có nhiều điệu bộ không hiển nhiên như vậy. Nên con gởi một danh sách những điệu bộ chúng con xử dụng trong giáo phận chúng con, hầu cha có thể trả lời cho những câu hỏi khác nhau mà nhiều thanh niên và trẻ em hỏi. Con cũng liệt kê những cử điệu hiển nhiên để chắc rằng con không lầm. T.B., Malta.

Độc giả chúng tôi cung cấp một danh sách những cử điệu được chấp nhận trong giáo phận của anh. Vì trả lời mỗi vấn đề riêng rẽ sẽ đí quá những khả năng của cột này, tôi hy vọng anh sẽ tha cho tôi sử dụng một phương pháp khác mà tôi hy vọng phục vụ cũng một mục đích.

Theo Qui Chế Tổng Quát của Sách Lễ Roma, số 43, những cử điệu được dân chúng chấp nhận trong Thánh lễ là như sau:

“Các tín hữu sẽ đứng từ đầu ca Nhập Lễ, hay là khi linh mục tiến gần bàn thờ, cho tới cuối bài ca Dâng Lễ; lúc hát kinh Alleluia trước bài Tin Mừng; khi công bố bài Tin Mừng; trong kinh Tin Kính và Kinh nguyện Chung; từ kinh mời, Orate, fratres (Anh em hãy cầu nuyện), trước lời nguyện tiến lễ cho đến hết lễ, trừ những gì nói sau đây.

Tuy nhiên, họ có thể ngồi khi đọc các bài đọc và thánh vịnh đáp ca trước Tin Mừng, khi nghe diễn giảng và kinh sửa soạn lễ phẩm cho phần dâng lễ; và tùy nghi có thể ngồi hay quì khi giữ thinh lặng thánh sau Hiệp Lễ.

“[Họ sẽ qùi khi truyền phép Mình và Máu Thánh từ kinh Khẩn Nguyện (Epiclesis) cho tới mầu nhiệm đức tin]. Trong những giáo phận tại Hoa Kỳ, ho sẽ qùi bắt đầu sau khi hát hay đọc kinh Thánh Thánh Thánh cho tới sau tiếng Amen của Kinh nguyện Thánh Thể, trừ khi vì lý do sức khoẻ, và vì nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng nào khác, không thể qùi được. Những người không qùi khi truyền phép thì phải cúi mình sâu khi vị tư tế qùi gối sau truyền phép. Những tín hữu qùi sau kinh Chiên Thiên Chúa, trừ khi Giám Mục Giáo Phận định cách khác.

“Để có sự đồng nhất về những cử chỉ và những điệu bộ trong cùng một cử hành, các tín hữu phải tuân theo lời hướng dẫn cuả phó tế hay thừa tác viên giáo dân, hay vị tư tế theo như các sách phụng vụ qui định.”

Sư qui định riêng biệt đã được nhắc tới cho các giáo phận Hoa Kỳ là qùi trong lúc đọc Kinh Thánh Thể và sau kinh Chiên Thiên Chúa có thể nên giữ lại trong những nơi khác đã có thói quen của dân chúng. Hội đồng giám mục quốc gia có nhiệm vụ đưa ra những thích nghi đặc biệt cho những nhu cầu địa phương tùy theo sự phê chuẩn đứt khoát của Toà Thánh.

Do đó, như có thể thấy, điệu bộ cơ bản trong phụng vụ là đứng. Đứng là một cử điệu tự nhiên tỏ lòng cung kính với uy quyền. Đó là lý do tại sao cộng đồng đứng lúc chủ tế đi vào và đi ra, và trong lúc công bố Tin Mừng, đứng như người Do Thái đứng thẳng khi họ nghe lời Chúa. Trên thực tế, sự đứng là vị trí bình thường khi người Do Thái cầu nguyện và tập quán này đã chuyển qua Kitô Giáo như được chứng minh bởi những bức tranh trong các hang toại đạo.

Ngày nay các tín hữu hầu như đứng bất cứ lúc nào họ kết hợp với kinh nguyện trọng thể của chủ tế. Vị trí đứng thẳng là là vị trí của những người được tuyển chọn trên trời như thấy trong Sách Khải Huyền 7:9 và 15:2. Các Giáo Phụ đã xem vị trí này như là diễn tả sự tự do thánh của các con cái Chúa. Thánh Basil trong luận án của ngài về Chúa Thánh Thần nói rằng “Chúng ta đứng mà cầu ngiuện, trong ngày thứ nhất trong tuần, nhưng chúng ta tất cả không biết lý do.

Trong ngày phục sinh (hay là ’lại đứng’; tiếng Hy Lạp anastasis) chúng ta nhắc chúng ta về ân sủng ban cho chúng ta bởi đứng khi cầu nguyện, không những vì chúng ta trổi dậy với Chúa Kitô, và bị bắt buộc “tìm kiếm những sự ở trên,’ nhưng cũng vì ngày đó xem ra cho chúng ta cách nào đó là một hình ảnh của thời gian chúng ta chờ đợi…” (Chương 27).

Vì tương quan này với việc Phục Sinh, phụng vụ truyền đọc một số kinh, như kinh cầu các thánh, phải đứng mà đọc và không phải quì trong các ngày Chúa Nhật và trong mùa Phục Sinh.

Ngồi là điệu bộ của thầy dạy học, của kẻ chủ toạ, và như vậy giám mục có thể giảng đang khi ngồi tại tòa của ngài. Đàng khác, đó là điệu bộ của những kẻ nghe cách chăm chú. Những tín hữu do đó được mời ngồi trong những lúc như các bài đọc, trừ bài Tin Mừng; bài diễn giảng; trong lúc chuẩn bị lễ phẩm; và còn, nếu họ muốn, sau khi rước lễ. Hầu hết các nhà thờ ngày xưa và thời trung cổ không có bàn qùi, nhưng các tín hữu thường được mời ngồi dưới đất nghe các bài đọc và bài diễn giảng và đó có lẽ là một tập quán từ những thời các tông đồ như được minh chứng bởi sách Công Vụ Tông Đồ 20:9 và 1 Côrintô 14:30

Sự qùi nguyên thủy được dành, trước hết là cho sự cầu nguyện cá nhân một cách mãnh liệt, như chúng ta thấy Thánh Stêphanô làm trước khi chịu tử đạo. Chúng ta cũng thấy các thánh Phêrô và Phaolô sử dụng điệu bộ này cho sự cầu nguyện và suy gẫm thường ngày (Cv 9:24, 20:36, Eph 3:14).

Tuy nhiên, phụng vụ lúc đầu không chấp nhận điệu bộ này trừ khi đó là một hành vi sám hối. Công Đồng Nikcaea (A.D. 325) cấm các hối nhân qùi trong những ngày Chúa Nhật, và thánh Basil nói rằng chúng ta qùi để chứng tỏ rằng với những hành vi tội lỗi của chúng ta đã xô chúng ta sát mặt đất. Lần hồi cử chỉ mất hàm ý sám hối và, cách riêng trong những thời đại trung cổ, sự đó có thêm một ý nghĩa cung kính sâu xa và sự thờ lạy phổ biến ngày nay. Như vậy hành vi qùi trong thánh Lễ tăng cường những tình cảm và những thái độ được bày tỏ bởi vị trí thẳng đứng.

Một cử điệu khác là bái đầu, cũng có nghĩa là sự cung kính và tôn trọng và, trong một số văn hoá, sự thờ lạy. Sự mời bái đầu đi trước một số chúc lành và những kinh nguyện cho dân chúng. Trong Thánh Lễ toàn thể cộng đồng bái đầu khi nhắc đến tên Chúa Giêsu trong kinh Vinh Danh và khi nhắc nhớ mầu nhiệm Nhập Thể trong kinh tin kính. Như vậy cử chỉ này nhấn mạnh tầm quan trọng của mầu nhiệm nhắc tới trong bản văn phụng vụ.

Những Thánh Lễ Gregorian.

Sau lần giải thích về những Thánh Lễ Gregorian,” một độc giả tại bang New Jersey hỏi: “Tương quan nào của một ‘Thánh Lễ Gregorian’ với ‘bài hát Gregorian’? Trên thực tế, những Thánh Lễ Gregorian này có sử dụng bài hát Gregorian không? Nếu có, 30 trong những Thánh Lễ như thế xem ra không thực trong khung cảnh giáo xứ, và nẩy lên một câu hỏi khác: Những Thánh lễ này có ý thay thế Thánh Lễ hăng ngày trong một giáo xứ chăng?”

Hiện nay tương quan duy nhất giữa bài hát Gregorian và những Thánh Lễ Gregorian là cả hai đều liên kết về mặt lịch sử với Thánh Giáo Hoàng Cả.

Tự mình, những Thánh Lễ Gregorian không cần thiết ảnh hưởng phụng vụ bất cứ cách nào và các Thánh lễ chỉ liên quan tới ý của linh mục khi dâng Thánh Lễ. Không có những nghi lễ hay những công thức riêng biệt gắn liền với các Thánh Lễ Gregorian.

Tuy nhiên, độc giả chúng tôi có một thắc mắt là Những Thánh Lễ Gregorians hoạ hiếm mới được cử hành trong những khung cảnh giáo xứ. Điều này không phải do những nghi lễ riêng biệt nhưng vì một linh mục giáo xứ thấy rất khó dành 30 ngày Thánh Lễ cho một ý duy nhất, cách riêng khi nhiều người giáo xứ xin Thánh Lễ.

Do đó những Thánh Lễ Gregorians thường thường được cử hành trong các đan viện, chủng viện, những học viện linh mục, và những nơi tương tự khác có các linh mục tại chỗ với lại tương đối ít những cam kết mục vụ. Thông thường chỉ những linh mục này có thể nhận cam kết cử hành 30 Thánh Lễ liên tục cho cùng một người qua đời.
 
Giải đáp Phụng Vụ: Phụng vụ sao khô khan như thế!
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
11:48 30/05/2009
Nói thêm về các Linh Mục và Giám Mục

ROMA (Zenit.org).-Giải đáp của Cha Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, Cha Edward McNamara, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum.

Ngày nay xem ra có một sự thay đổi từ tinh thần phụng vụ tới sự thực hiện máy móc và nghi thức. Bởi vì phụng vụ chúng ta quá khô khan, nhiều người Công Giáo trong nhiều nơi tại Ấn Độ đi tới các nhà thờ Tin Lành nơi việc thờ phượng là tự phát, có ý nghĩa và ban cho họ một cảm giác liên quan và thoả mãn. Một số những câu hỏi đặt ra cho cha và những câu giải đáp của cha xem ra không kêu tới linh hồn. Chúng ta không thể nghĩ đến việc cổ võ phụng vụ có ý nghĩa trong ánh sáng của văn hóa địa phương và các nhu cầu của nó, hay sao?—P.J., Dindigul, India

Thỉnh thoảng chúng tôi nhận những câu hỏi theo kiểu này đụng chạm những vấn đề cơ bản liên quan mục đích và bản tính phụng vụ.

Trên nhiều năm, cột báo này đã đề cập nhiều điểm phụng vụ, một số điểm phải thừa nhận là có tính kỹ thuật và có thể loãng đi nữa. Nhưng tôi luôn luôn ra sức cho các độc giả chúng tôi cái lợi thế nghi nan và giả thiết rằng những câu hỏi của họ phát xuất từ một lòng muốn chân tình cử hành phụng vụ theo con tim và thần trí của Giáo Hội.

Tôi không tin rằng một cử hành phụng vụ chính xác và đúng lại là một nghi thức vô hồn và máy móc. Hay là một thái độ thân mật đối với những chữ đỏ không phải là một bằng chứng không thể tránh của Kitô Giáo đích thực. Có thể có thiện ý và sự giả hình sau hai thái độ này, nhưng đó là những sai lầm của những cá nhân không động tới trung tâm vấn đề.

Tôi mãnh liệt bênh vực sự trung thành với các qui tằc phụng vụ bởi vì tôi tin rằng các người tín hữu có quyền được tham gia trong phụng vụ có thể nhận biết được là Công giáo, một phụng vụ phát xuất từ chính Chúa Kitô và là thành phần giòng suối lớn của sự hiệp thông các thánh.

Tuy không nghi ngờ tính chân thật của độc giả của tôi, tôi phải phản đối cách anh mô tả sự thờ phượng Tin Lành đối với phụng vụ Công Giáo. Tôi tưởng chúng ta đứng trước một vấn đề đi sâu nhiều hơn là những hình thức bên ngoài. Điểm then chốt của vấn đề không phải những anh em ly khai của chúng ta có những sự thực hiện hứng thú hơn, nhưng là chúng ta thiếu sót trong việc dạy các tín hữu chúng ta giáo lý Công Giáo cơ bản về Thánh Lễ và Thánh Thể.

Bất cứ người Công Giáo nào mà có ý niệm nhỏ nhất về ý nghĩa của sự tham dự Thánh Lễ; của sự hiện diện trong sự Thương Khó, sự chết và phục sinh của Chúa; của khả năng kết hợp sự cầu nguyện của mình dâng lên Cha đời đời liên kết với hy lễ cao cả của Chúa Kitô; của khả năng chia sẻ Bánh xuống từ trời—thì làm sao một người Công Giáo như thế lại so sánh đặc ân này với với bất cứ lễ nghi Tin lành nào, cho dầu phải công nhận lễ nghi đó có âm nhạc tốt hơn và khả năng giảng hay hơn?

Đồng thời, phụng vụ của Giáo Hội đã được ban cho tính linh động và phẩm chất phong phú đã có thể đáp ứng với những đặc tính địa phương như các hội đồng giám mục quốc gia đã quyết định. Ngoài vấn đề thiết yếu thiếu sự đào tạo phụng vụ, có vấn đề bỏ qua hay là sự thiếu sử dụng nhiều kho tàng, cả cũ cả mới, có thể biến đổi những phụng vụ chúng ta thành những cảm nghiệm tốt đẹp và thiêng liêng sâu rộng.

Khi những khả năng đầy đủ của phụng vụ Công Giáo đích thực được sử dụng, thì việc cử hành không phải là một chút ít được tham gia, ít tự phát và ít đầy ý nghĩa hơn bất cứ lễ nghi phi-Công giáo nào. Sự khác biệt là trong phụng vụ, như trong các môn thể thao, sự tự phát, sự tham gia và sự sáng tạo đích thực được gặp trong những luật và không ngoài luật.

Ngoài phụng vụ, Đạo Công Giáo có thừa những hình thức cầu nguyện và những hội đoàn, từ những tình đồng đội và những tình đoàn kết lịch sử cho tới những nhóm cầu nguyện đặc sủng hiện tại và những phong trào giáo hội. Tôi tưởng những sự diễn tả phong phú này có thể làm thoả mãn mọi hình thức nhạy cảm thiêng liêng và sự ước muốn dấn thân hơn bất cứ nhóm cá nhân Tin Lành nào.

Do đó nếu một số những tín hữu Công Giáo di chuyển theo các nhóm Tin lành, tôi không nghĩ là chúng ta có thể đỗ lỗi cho Phụng vụ, nhưng đúng hơn chúng ta phải nhân đôi những cố gắng chúng ta để cử hành phụng vụ cách thích hợp và công bố chân lý của mầu nhiệm lớn đức tin.

Những Tân linh mục ban phép lành cho các Giám mục

Liên quan tới giải đáp lần trước của các linh mục ban phép lành cho các giám mục, một độc giả từ Kampala, Uganda hỏi: “Một giám mục trong một trường hợp khẩn cấp, có thể ủy quyền cho một linh mục phong chức một linh mục khác không? Chính giám mục là người có sự đầy đủ chức linh mục của Chúa Kitô. Nhưng những linh mục cũng đồng hình đồng dạng với chức linh mục của Chúa Kitô khi thụ phong: là một Kitô khác! Sự viên mãn chức linh mục của Chúa Kitô trong một giám mục được đầy đủ thế nào sánh với sự viên mãn chức linh mục của Chúa Kitô trong một linh mục được phong?”

Câu hỏi này thật sự đòi hỏi một luận án thần học mang sắc thái cao, và một câu giải đáp vắn tắt có nguy cơ giản dị hóa.

Với sự giữ kẽ này trong trí, tôi muốn nói điều sau đây. Các Giám mục có sự viên mãn bí tích truyền chức. Các linh mục có một sự tham gia ít hơn và các phó tế có một sự tham gia khác biệt không có sự kế thừa chức linh mục nhưng đúng hơn việc phục vụ tại bàn thờ, tại bàn Lời, và đối với những kẻ túng thiếu.

Cho dầu khó tránh được những từ như “hơn” và “ít hơn” khi nói về cấp bậc các chức thánh, phải nói rằng một thừa tác vụ không thiếu điều gì cần thiết để thực hiện sứ vụ chính xác của nó trong Giáo Hội. Sự kiện một số nhiệm vụ dành cho những thừa tác viên đặc biệt không có nghĩa là những thừa tác viên khác bị loại khỏi những phận sự này, nhưng họ không bị đòi buộc làm sứ vụ riêng biệt.

Theo nghĩa này thừa tác vụ của giám mục, vì được sự viên mãn chức linh mục, đi quá quyền năng sự phong chức và trực tiếp đòi hỏi nhiệm vụ của ngài như là vị mục tử và là nguyên lý sự hiệp nhất của giáo hội địa phương, nhờ ngài mà sự hiệp nhất được thiết lập với Giáo Hội phổ quát. Các linh mục và các phó tế trong những thừa tác vụ riêng biệt của mình cọng tác với giám mục, và tính hiệu năng giáo hội của thừa tác vụ các ngài đòi buộc sự hiệp thông với giám mục.

Về vấn đề đang nói đây, trong trường hợp cần thiết, các giám mục nghi lễ Latinh có thể ủy quyền cho các linh mục việc cử hành bí tích thêm sức. Phép này chỉ có thể được sử dụng cách thành sự trong những biên giới của chính giáo phận. Các linh mục Công Giáo phương Đông thường ban bí tích thêm sức cho các em bé liền theo sau bí tích rửa tội.

Tuy nhiên, việc phong chức linh mục, không thể được ủy quyền (C.1012 Bộ Giáo Luật). Chỉ có giám mục có quyền phong các phó tế và linh mục. Các linh mục không có quyền này vì quyến này không được đòi hỏi cho sứ vụ các ngài.

Có một sự bàn cãi về việc một giáo hoàng có thể ban phép các linh mục làm như vậy. Lý do duy nhất mà khả năng này được bộc lộ là do sự hiện hữu của một số văn kiện thời trung cổ, theo những văn kiện này ba giáo hoàng, giữa những năm 1400 và 1489, đã ban đặc ân cho một số đan viện phụ phong chức các phó tế và các linh mục.

Những văn kiện đang nói đây có giá trị thần học khả nghi, những hoàn cảnh lịch sự hồi đó thật mờ ám, và các đặc ân nói trên sau này được thu hồi tất cả. Tuy nhiên, những việc phong chức thời đó không bị tuyên bố là vô hiệu, và như vậy vẫn còn là một vấn đề giả thuyết nếu một sự nhân nhượng giáo hoàng chính xác có thể ban phép một luật trừ cho luật chung hay không.
 
Cửa sổ Đức Chúa Thánh Thần
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
17:53 30/05/2009
Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống

Suốt từ hai ngàn năm nay các nhà thờ thường được xây cất quay mặt về hướng Đông, hướng mặt trời mọc với ba cửa sổ kính mầu.

Cấu trúc như vậy muốn nói lên: mặt trời mọc chiếu tỏa có một tia ánh sáng xuyên qua ba cửa sổ vào tận trong lòng nhà thờ.

Cũng vậy Một Chúa có ba ngôi đi vào trần gian như thế: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Thánh Thần.

Qua cửa sổ Chúa Giêsu có nhiều biến cố xảy ra, nhiều khuôn mặt nổi hiện lên. Ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta lấy cửa sổ thứ hai làm biểu hiệu cho Ngài. Lẽ dĩ nhiên cửa sổ Đức Chúa Thánh Thần cũng liên quan mật thiết với cửa sổ Chúa Giêsu. Nhưng dẫu vậy cũng có khác biệt sâu rộng.

Lửa, nước không khí và đất là những biểu hiệu nhìn thấy trong và qua cửa sổ Đức Chúa Thánh Thần.

Kinh Thánh thuật lại, lúc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ „ Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước“. Rồi khi tạo dựng nên con người từ bụi đất, Thiên Chúa hà hơi vào họ, con người hít thở được và liền có sự sống. Đức ChúaThánh Thần là hơi thở sự sống của con người.

Trong không gian vũ trụ khi làn gió nhẹ thổi đến ngang qua liền có chuyển động trong không khí cùng nơi cây cỏ đồ vật, mang đến sự tươi mát làm dịu bớt hơi nóng. Nhưng khi gío thổi mạnh liền nảy sinh sức cuốn hút mãnh liệt làm đảo lộn trật tự, cây cối cột trụ nhà cửa có thể bị đổ ngả nghiêng trốc bật gốc rễ. Cũng thế, Đức Chúa Thánh Thần được diễn tả như sức tươi mát, sức mạnh của gío, sự linh hoạt chuyển động.

Trong Kinh Thánh, những Tiên tri ngày xưa khi được Thánh Thần Chúa xâm nhập vào tâm hồn, họ hăng hái tựa như có ngọn lửa bùng cháy tỏa hơi nóng, ra đi say mê rao giảng làm chứng nói về Thiên Chúa cho mọi người, như Tiên tri Maisen, Tiên Tri Isaia, Tiên Jeremia…Đức Mẹ Maria cũng cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn cùng làn da thớ thịt nên đã chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa và còn dệt nên bài ca ngợi kinh Mangificat- Kinh Tạ ơn.

Chúa Giêsu sau khi được rửa tội đã cảm nhận ra sức mạnh Thánh Thần Chúa ngự xuống đồng hành với mình trong suốt đời sống trên trần gian. Và sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa là động lực cùng sức thu hút cho lời cũng như việc làm của Chúa Giêsu. Đến nỗi những người đồng hương Do Thái cùng thời với ngài đều phải qúa đỗi ngạc nhiên về ngài: Đúng là một người có Charisma-đặc sủng- lạ thường xưa nay chưa ai từng có!

Các Môn đệ Chúa Giêsu, sau khi Thầy Giêsu chết, họ sống trong lo âu sợ hãi không còn nhuệ khí gì nữa. Nhưng khi Thánh Thần Thiên Chúa như ngọn lửa, làn gió thổi đến, họ bừng tỉnh khỏi cơn mê sảng, được sống lại. Và lòng hăng hái thúc đẩy họ can đảm ra trước công chúng nói về Chúa Giêsu. Không những thế, lời họ nói rao giảng vào ngày lễ Ngũ tuần được mọi người nghe hiểu như tiếng mẹ đẻ của mình, mặc dù các Ông chỉ nói tiếng Do Thái của mình thôi.

Sức mạnh Thánh Thần Thiên Chúa từ trên cao biến đổi tâm hồn các Môn đệ và tâm hồn người nghe các Ông nói.

Chúa Giêsu nói cùng các Môn đệ sau khi ngài sống lại từ cõi chết: „Anh em hãy tiếp nhận Thánh Thần Thiên Chúa! Lời đó có gía trị cho cả mọi con người cùng đời sống của họ.

Đời sống con người chúng ta, cả thân xác lẫn trí tuệ tâm hồn, là món qùa tặng cao qúy vô gía. Không khí chúng ta hít thở hằng giây phút không là sản phẩm biến chế do hãng xưởng nào làm ra. Nhưng là món qùa tặng của châu báu Trời ban cho mọi loài trong vũ trụ.

Những suy nghĩ, tưởng tượng, mơ ước lòng ham muốn, những dự định cùng cả những qúa trình phát triển trong đời sống của con người chúng ta cũng là một món qùa to lớn. Những món qùa to lớn châu báu này giúp xây dựng đời sống mỗi con người trong công trình sáng tạo thiên nhiên của Thiên Chúa. Không có món qùa tặng châu báu này, đời sống làm gì có được phát triển và dần rơi vào suy nhược tàn lụi.

Thánh Phaolo đã ca tụng gọi thân thể con người là đền thờ Thiên Chúa do ngài tạo dựng. Thân thể tứ chi, cơ quan bộ máy cùng khả năng trí khôn, tầng thần kinh, tình cảm của con người sống động linh hoạt có sáng tạo biến đổi là bằng chứng dấu chỉ của Chúa Thánh Thần.

Ngày người Công giáo tiếp nhận làn Nước Bí tích Rửa tội, ánh sáng Thánh Thần Thiên Chúa dọi chiếu khắc ghi trong tâm hồn, đồng thời chúng ta chiếu tỏa ánh sáng đó qua cửa sổ Chúa Thánh Thần trong đời sống mình.

Kính trọng sự sống, gìn giữ thân thể mình cũng như của người khác trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là tôn kính Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sự sống của mọi loài luôn có mặt trong đời sống.

„ Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống“ ( Kinh Tin Kính)
 
Sự Thúc đẩy của ơn Chúa Thánh Thần
Tuyết Mai
17:54 30/05/2009
Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống

Ai trong chúng ta nhận biết mình được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, đều được Ngài tỏ dấu cho biết, tìm cơ hội báo cho chúng ta biết, việc Ngài muốn chúng ta làm, theo Thánh Ý Thiên Chúa. Những dấu chỉ sơ khai mà chúng ta rất dễ nhận biết là trong con người của chúng ta có sự thay đổi, có thêm sức mạnh hay được gọi là thần khí, sức chịu đựng và nhịn nhục nhiều hơn trước, làm được những việc phi thường mà trước kia chúng ta không thể nào tự mình làm được. Tình yêu đối với Thiên Chúa được tỏ ra thắm thiết hơn, trò chuyện tâm tình với Ngài nhiều hơn, đúng đắn và có chiều sâu hơn, biết sợ phạm tội mất lòng Chúa, khiêm nhường hơn, cảm thấy tiền của thế trần không phải là cứu cánh và cho ta hạnh phúc đích thật, không bon chen tranh dành, sống mật thiết và liên kết với tình Ngài nhiều hơn, dù cuộc đời ngày qua ngày có cho ta nhiều muộn phiền nhưng biết phó dâng và tìm bình an trong tình yêu của Ngài là thiết yếu.

Tình yêu đối với tha nhân, cũng thay đổi rất nhiều trong con mắt, môi miệng, sự va chạm, và trái tim biết chạnh lòng thương khi thấy anh chị em đói khổ. Cuộc sống được thay đổi theo chiều hướng tốt lành, không thích bon chen, không thích phô trương, luôn hạnh phúc dù hoàn cảnh có đen tối như thế nào!? Biết tin tưởng vào Chúa nhiều hơn. Quyết tâm tìm Nước Thiên Đàng. Đem bình an của Chúa đến khắp mọi nơi. Đem khả năng Chúa ban đến cho người khác để tìm lợi ích cho linh hồn hơn là tấm thân hay chết này được sung sướng. Hãm mình để chuộc tội lỗi nhiều hơn theo rất nhiều hình thức. Biết so sánh và bắt chước gương nhân đức tốt lành của các Thánh. Biết hy sinh cho người khác ở rất nhiều hình thức, từ nhịn lời ăn tiếng nói, cho đến nhịn và chịu đựng những lời nói cay đắng có ý nhục mạ, sỉ vả, hạ nhục, trước mặt người khác. Biết dâng mọi sự để cầu nguyện cho tất cả những ai còn sống hay đã qua đời những lợi ích mà chính họ không làm được, như gương nhân đức của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu vậy! Nhưng trọng yếu nhất vẫn là sự cầu nguyện. Có rất nhiều hình thức để chúng ta cầu nguyện. Chúng ta có thể đọc kinh Mân Côi. Nếu không có thể đọc kinh được như những người bệnh nằm trong nhà thương hay tại gia thì chúng ta mở máy cho họ nghe. Cảm ơn thời buổi văn minh, tất cả các loại kinh, Phúc Âm Lời Chúa, Thánh Ca, 14 chặng đàng Thánh Giá. ... đều có thể thâu âm và đem vào phòng cho họ nghe được mà không làm phiền những ai nằm hay ở gần. Giúp họ luôn luôn nghĩ đến Chúa mà không để thời gian trống trải không có âm thanh, dễ làm cho họ cảm thấy sợ và trống vắng Chúa. Đây cũng là hình thức giúp cho những ai làm biếng đọc kinh. Cầu nguyện cách hữu hiệu khác nữa nếu chúng ta làm biếng, là nghe Thánh Ca, nhờ nhạc mà chúng ta dễ hướng lòng lên với Chúa. Cầu nguyện bất kể nơi nào là nói chuyện hay tâm tình cùng Chúa, y như chúng ta thấy những người bây giờ miệng lúc nào cũng lẩm bẩm nói chuyện một mình trên phôn di động. Nếu quen và siêng năng cầu nguyện nếu chúng ta có phòng riêng thì rất tốt, giúp cho chúng ta như nói chuyện thẳng với Chúa hay Đức Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa.

Sau cùng hình thức cầu nguyện nào cũng giúp cho chúng ta đến với Thiên Chúa, nhưng quan trọng không kém với sự cầu nguyện là làm việc bác ái. Bởi nếu chúng ta yêu anh chị em mình qua môi miệng thì chẳng ích gì cho linh hồn của chúng ta cả! Bởi có phải hầu hết những điều chúng ta cầu nguyện như là những lời xin xỏ và đợi lâu không thấy có kết quả, chúng ta sẽ rất dễ nản lòng!? Sự hướng lên Trời của chúng ta cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần. Rất quan trọng là chúng ta phải để ý đến ơn của Ngài và sự thúc dục của Ngài, đôi khi chúng ta yêu Chúa trên môi trên miệng, lại để cho mọi thứ vật chất thế gian quyến rũ, bận lòng, đeo đuổi, thì rốt cuộc ơn Chúa Thánh Thần đã bị những thứ chóng qua mau tàn, ngăn cản con đường Lên Trời của chúng ta.

Ai có được ơn Chúa Thánh Thần dễ nhận biết lắm! Con người cũ của họ như đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa, gội rửa, nên không còn lòng tham lam như con người cũ nữa! Những gì gian manh lừa dối, hoàn toàn không còn nữa! Khi xưa chúng ta làm gì cũng gian xảo, lừa đảo, ăn gian nói dối, thì luôn tìm cớ để tránh tội, để lương tâm chúng ta bớt ra nặng nề. Nào là lậy Chúa, chung quanh chúng con ai sao thì con vậy! Ngay thẳng quá thì chúng con chẳng có miếng cơm mà ăn. Rồi thì ngay thẳng quá tốt lành quá thì họ bảo chúng con là làm ăn khờ dại thì lấy gì mà ăn mà trả nợ nần??. Cân lượng buôn bán thì không bao giờ và không ai làm ăn cho đúng mức, đúng lượng, và đúng với lương tâm. Đồ giả thì bảo khách hàng là đồ thật. Rượu thì pha nước cho thật nhiều. Đại khái là chúng ta buôn bán một cách không trung thực, để chủ đích là làm giầu nhanh chóng, làm hại anh chị em mà không cần biết tác hại có thể dẫn đến sự chết, nhưng miễn sao vơ tiền vào túi cho thật nhiều là được. Làm chứng gian, và mọi hình thức gian dối.

Điển hình nhất chúng ta thấy Thánh Phaolô của chúng ta khi được ơn Chúa Thánh Thần biến đổi, thì ngài từ con người năng nổ và dữ dằn, đã trở thành một môn đệ thật tốt lành của Thiên Chúa. Ngài đã từ bỏ mọi sự xấu xa ngài làm trước đây là bắt bớ, đánh đập, hành hạ, xử trảm những ai đi theo Chúa Giêsu, để sống một đời còn lại thật thánh thiện thật an lành. Thân xác và linh hồn của ngài từ đó đã hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa và xin được theo thánh Ý của Chúa cho đến hơi thở tàn của ngài. Ngay cả ngài biết cái chết của ngài ra sao, nhưng vẫn cương quyết một lòng chấp nhận mà đi theo con đường thập giá của Chúa Giêsu là con đường đau khổ và đầy gian truân, để đến được với Ba Ngôi Thiên Chúa trong vinh quang trên Nước Thiên Đàng hạnh phúc muôn đời.

Có nhiều khi chúng ta cứ tưởng rằng Chúa xa tránh chúng ta, nhưng thực sự là ơn của Chúa luôn dồi dào ban phát, nhưng vì chúng ta không đón nhận đấy mà thôi! Chúng ta đã quá bận rộn với công ăn việc làm, với những bổn phận cơm áo, mà quên dành thời giờ cho Chúa, chỉ khi nào sức của chúng ta ra kiệt quệ, ra tàn tạ, ra vô dụng, chỉ khi ấy! Chúng ta mới chạy đến Chúa mà thôi! Thưa có phải không anh chị em??? Vâng, đến phút chót ấy tình Ngài vẫn luôn ban phát, nhưng đôi khi chúng ta cũng chưa mở cửa để đón nhận hồng ân của Ngài, bởi chúng ta vẫn chưa muốn đi theo Chúa về đến cõi hạnh phúc muôn đời. Vì lý do gì đó mà chúng ta vẫn muốn níu kéo, muốn được sống nữa, sống hoài trên cõi đời trần tục này!???? Nên cho đến ở giây phút chót, chúng ta đã quá trễ để dọn lòng, dọn tư tưởng, dọn linh hồn để đón Chúa trong tâm hồn và cõi lòng của chúng ta, ấy là vì tất cả chúng ta tham lam, chứ không phải tình Ngài không hằng ban phát, nhưng tại vì chúng ta từ chối Ngài, ngay cả trong giờ lâm tử. Amen.
 
Để niềm vui thăm viếng nên trọn vẹn
Anmai, CSsR
19:17 30/05/2009
Thăm viếng ! Một nhu cầu hết sức tự nhiên, hết sức bình thường của con người và chuyện bình thường như thế thì có gì đâu để mà nhớ, để mà mừng. Mỗi một cuộc thăm viếng mang ý nghĩa, mang niềm vui, mang ý nghĩa khác nhau nhưng cuộc thăm viếng của Đức Trinh Nữ Maria hết sức đặc biệt để rồi ngày hôm nay Giáo Hội mừng kính cuộc thăm viếng của Mẹ. Cuộc thăm viếng của Mẹ được trọn vẹn niềm vui bởi vì Mẹ đã lên đường một cách vô vị lợi và Mẹ đã mang Chúa đến cho người khác.

Thánh Sử Luca ghi lại rất ngắn gọn: “Khi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1, 39). Đơn giản thế thôi: đi đến miền núi. Ngày hôm nay đi lên miền núi cũng là một điều khó khăn huống hồ gì thời của Đức Mẹ. Nếu như tính toán về phương tiện đi lại, điều kiện vật chất thì chẳng ai dại gì mà đi đến cái vùng núi xa xôi hẻo lánh như vậy. Vượt trên cách trở của địa lý và vượt trên sự tính toán thường tình của con người, Mẹ Maria đã ra đi và ra đi một cách “vội vã”. Thánh Sử thêm chữ “vội vã” như muốn nói về lòng hăng say, nhiệt tình của Mẹ dù là lên núi khó khăn cách trở. Nếu lên núi với cái bộ mặt ũ rũ, với cái thái độ lề mề chậm chạp chắc có lẽ là chán lắm, đàng này Đức Mẹ đã “vội vã” !

Một cách diễn tả đơn sơ, vài ba hàng ngắn gọn, chúng ta nhận ra Đức Maria đã đi thăm bà chị họ mình với một tâm tình hết sức là dễ thương, nhiệt tình, chịu thương, chịu khó. ..

Đặc biệt hơn các cuộc thăm viếng khác ở chỗ là vừa vào nhà, bà Êlisabét nghe tiếng Bà Maria chào thì bỗng dưng đứa con trong bụng nhảy lên. Không chỉ đứa con trong bụng nhảy lên mà mẹ nó được “đầy Thánh Thần”. Đến đây thì quá rõ, chẳng còn gì phải bàn cãi nữa, cuộc thăm viếng của Đức Mẹ quả thật là hết sức đặc biệt và đầy ý nghĩa.

Cuộc thăm viếng của Mẹ vốn đã có ý nghĩa nhưng với xã hội ngày hôm nay, ý nghĩa ấy lại càng được nhân lên gấp bội vì lẽ ngày hôm nay, người ta tính toán với nhau nhiều quá, người ta đã khép lòng lại với anh chị em đồng loại nhiều quá ! Và có đi thăm đi chăng nữa cũng chỉ với cái hình thức của con người, của cuộc đời là “có qua có lại mới toại lòng nhau” chứ không còn mang ý nghĩa vô vị lợi như Mẹ nữa. Hơn nữa, khi Mẹ thăm viếng, Mẹ đã không chỉ tung hô Chúa, giới thiệu Chúa mà còn mang Chúa lại cho người khác. Và trong cuộc đời, nếu nhìn kỹ một chút, nếu chìm lắng một chút: có Chúa là có tất cả.

Và thử dừng lại một chút để nhìn lại cuộc đời của Mẹ. Đâu phải bỗng dưng hay vô tình mà Mẹ có Chúa và Mẹ mang Chúa cho người khác. Nếu như Mẹ không có Chúa thì làm gì Mẹ có thể mang Chúa cho người khác, Mẹ chia sẻ niềm vui có Chúa trong đời Mẹ cho người khác được.

Điểm này trong cuộc thăm viếng của Mẹ hết sức quan trọng: muốn mang Chúa, muốn giới thiệu Chúa cho người khác thì trong mình, trước tiên phải có Chúa. Và muốn có Chúa như Mẹ, cần và cần lắm đời sống chiêm niệm, đời sống đơn sơ hoàn toàn tín thác cho Chúa.

Nếu như Đức Maria ồn ào náo động như nhiều người Do Thái cùng thời với Mẹ thì làm sao mà Mẹ có Chúa được ? Nếu như Đức Maria trông chờ vào Đấng Mêsia như nhiều người Do Thái thời ấy trông chờ thì làm sao mà Mẹ cưu mang Đấng Cứu Độ trần gian thật được ? Và nếu như Đức Maria là người sống bề ngoài, sống cái bề nổi của cuộc đời thì làm sao mà Mẹ khiêm tốn sống trong sự quan phòng của Chúa được.

Nơi Mẹ Maria, có một dấu ấn hết sức đặc biệt đó là Mẹ hết sức quảng đại. Chúng ta, ngày hôm nay, nhiều khi cứ vun vén cho bản thân mình với lối sống đậm chất của ích kỷ, của vun vén nên hình ảnh quảng đại của Mẹ ngày hôm nay cũng là một bài học hết sức to lớn của mỗi người chúng ta. Khi Mẹ cho đi niềm vui thì niềm vui của Mẹ không chỉ nhân hai, nhân bốn mà nhân đến vô cùng.

Thế nên, cuộc thăm viếng của Mẹ hôm nay không chỉ mang niềm vui cho gia đình Êlisabét mà còn mang lại niềm vui cho những ai tự xưng mình là con của Chúa, là con của Mẹ.

Nếu là con của Mẹ thật thì mỗi một cuộc thăm viếng của ta cũng phải giống như Mẹ, nghĩa là cuộc thăm viếng ấy hoàn toàn vô vị lợi và cuộc thăm viếng ấy mang Chúa cho người khác. Có quá đáng chăng khi nói rằng thăm viếng vô vị lợi và có Chúa thì cuộc thăm viếng ấy mới có ý nghĩa và mang niềm vui trọn vẹn. Nếu thăm viếng mà ẩn ý dưới một nguồn lợi nào đó hay là cuộc thăm viếng ấy mình chỉ đi tìm mình thì cũng vui lắm nhưng nó chưa tròn vẹn và chưa mang ý nghĩa cao đẹp như Mẹ.

Thi thoảng có dịp nhìn lại cuộc thăm viếng của Mẹ để ta soi chiếu những cuộc thăm viếng của ta. Xin Mẹ nâng những cuộc thăm viếng của chúng ta thêm tầm cao lên một chút, thêm ý nghĩa lên một chút. Xin Mẹ soi sáng, giúp đỡ chúng ta có những cuộc thăm viếng tròn vẹn ý nghĩa như cuộc thăm viếng của Mẹ với gia đình Êlisabét xưa vậy.
 
5 Phút một tuần với Thánh Phaolô: Bài 8 – Thánh Phaolô và Những Chống Đối
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
23:08 30/05/2009
Chúng ta có thể lầm tưởng rằng không có những xung đột và tranh chấp giữa những người theo Chúa Giêsu thời sơ khai. Nhưng Tân Ước kể cho chúng ta một câu chuyện hoàn toàn khác. Mặc dù các cha ông của chúng ta trong Đức Tin Kitô giáo có nhiệt thành thế nào đi nữa thì các ngài vẫn là người như chúng ta. Và vì thế mà có rất nhiều tranh chấp!

Thánh Tông Đồ Phaolô thường hay phải ở giữa những tranh chấp ấy! Đó có thể phản ảnh tính hăng say của ngài, nhưng cũng là hậu quả của sự kiện là Thánh Phaolô là một con đường mới nổi bật trong kinh nghiệm Kitô giáo.

Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại rằng ngay cả “tổ truyền giáo” đầu tiên gồm có Thánh Phaolô, Barnaba và Gioan Marcô đã phải tan rã vì sự bất đồng ý kiến (CV 15:36-41). Trong khi Thánh Barnaba muốn đem Thánh Gioan Marcô theo để thăm viếng các giáo đoàn mà Thánh Phaolô và Barnaba đã thành lập, thì Thánh Phaolô phản đối vì ngài tin rằng Gioan Marcô trước kia đã bỏ các ngài. Cho nên Thánh Barnaba và Marcô đã đi một đường, còn Thánh Phaolô và người bạn đồng hành mới là Xila đã đi đường khác!

Những chống đối mà Thánh Phaolô phải đương đầu với vì sự hiểu biết căn bản của ngài về việc truyền giáo cho Dân Ngoại còn trầm trọng hơn nhiều. Đối với Thánh Phaolô, Dân Ngoại tòng giáo không cần phải giữ Luật Do Thái như cắt bì hay thực phẩm hoặc những việc thực hành khác để trở thành những Kitô hữu đích thực. Thánh Phaolô xác tín rằng qua Đức Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho Dân Ngoại cách hoàn toàn và trực tiếp như Ngài đã làm cho Dân Do Thái của Ngài. Thánh Phaolô nói rất thẳng thừng trong Thư gửi tín hữu Rôma rằng, “Có phải Thiên Chúa chỉ là của người Do Thái không? Ngài cũng không phải là Thiên Chúa của các Dân Ngoại sao? Vâng! Ngài cũng là Thiên Chúa của các Dân Ngoại” (Rom 3:29-30).

Lập trường vững chắc của Thánh Phaolô làm cho ngài bị đụng chạm với các Kitô hữu khác, kể cả một số lãnh tụ có ảnh hưởng trong Hội Thánh thời sơ khai. Những Kitô hữu gốc Do Thái này, chắc chắn cũng chân thành như Thánh Phaolô, sợ rằng Tin Mừng của ngài là một sự nhượng bộ nguy hiểm có thể làm Đức Tin Kitô giáo bị yếu đi. Một trong những nơi mà Thánh Phaolô tham gia vào cuộc tranh luận này cách hăng say là trong Thư gửi tín hữu Galatê. Rõ ràng là sau khi Thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng cho cộng đồng Dân Ngoại này, một số Kitô hữu gốc Do Thái khác đã đến và bắt đầu nói ngược lại với sứ điệp của ngài. Họ quả quyết rằng những người Dân Ngoại này chỉ có thể tham dự vào Đức Tin nơi Đức Kitô bằng cách chấp nhận những phong tục và cách hành đạo của Do Thái giáo. Thánh Phaolô không còn kiên nhẫn được với cộng đồng của ngài, đến nỗi ngài gọi họ là, “Hỡi những người Galatia khờ dại!” (Gal 3:1), một cách thế chắc chắn không giúp Thánh Phaolô thắng được giải thưởng nhà ngoại giao xuất sắc trong năm. Trong cùng một thư ngài cũng nhắc lại rằng ngài “đã chống đối Phêrô thẳng mặt” bởi vì Thánh Phêrô lúc đầu không thấy gì là trở ngại khi ngồi ăn với Dân Ngoại, nhưng sau đó đã rút lui vì bị những Kitô hữu gốc Do Thái chỉ trích (Gal 2:11-14).

Việc Thánh Phaolô bị chống đối không những chỉ giới hạn trong cộng đồng Galata mà hiển nhiên là theo ngài suốt đời. Giới lãnh đạo Hội Thánh tại Giêrusalem có vẻ cũng e dè về ngài. Chính Thánh Phaolô cũng đã mỉa mai gọi một số những người chống đối ngài là “những tông đồ thượng hạng” (2 Cor 11:5; 12:11)! Và vào cuối đời có lẽ Thánh Phaolô đã thắc mắc rằng viễn tượng của ngài về một Hội Thánh mà trong đó người Do Thái và Dân Ngoại đoàn kết cùng bình đẳng với nhau dưới một tình yêu duy nhất của Thiên Chúa bao giờ mới được thể hiện. Chúng ta không ngạc nhiên khi nghe Thánh Phaolô nói về “nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!" (2 Cor 11:29).

Bất chấp những điều ấy, Thánh Phaolô đã bền tâm và làm việc không biết mệt vì sự hiệp nhất của Hội Thánh. Ngài giữ vững lập trường nhưng cũng mở rộng tay trong tinh thần hoà giải cho những kẻ chống đối ngài trong những cộng đồng mà ngài nói với. Ở một trong những dòng nhẫn nại nhất của ngài, ngài đã khuyên các tín hữu Côrinthô rằng tình yêu “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cor 13: (6)7).

CÁCH THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm thảo luận. Chúng ta không nên ngạc nhiên vì có những bất đồng và chai rẽ trong Hội Thánh ngày nay, nhất là ở một thời điểm mà tất cả chúng ta đều phải phấn đấu để thành những Kitô hữu chân chính trong một thế giới càng ngày càng thêm đa dạng và tục hoá. Chúng ta có thể nhớ sự khẳng khái của Thánh Phaolô trong việc chấp nhận những người khác chúng ta như là con cái Thiên Chúa theo cách của họ và coi đức ái và tôn trọng người khác là những giá trị hàng đầu trong cộng đồng Kitô hữu. Giáo xứ của chúng ta đã trả lời những thách đố về đa nguyên và đa dạng ra sao? Tôi phải đương đầu với những thách đố nào trong việc cố gắng trở thành một Kitô hữu chân chính?

LM Donald Senior, C.P.

từ: http://webelieveweb.com/catechist_development.cfm?cd_view=175

-------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thời cũng là Giáo Sư Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha: khủng hoảng có thể biến thành “đại họa”
Bùi Hữu Thư
05:14 30/05/2009

Đức Thánh Cha: khủng hoảng có thể biến thành “đại họa”



Khuyến cáo các quốc gia phồn thịnh gia tăng viện trợ cho các nước kém mở mang

Rôma, ngày 29, tháng 5, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói tình trạng khủng hoảng hiện thời về kinh tế và xã hội có thể đưa tới một “đại họa” nếu các quốc gia giầu có hơn không giúp đỡ các nước nghèo.

Đức Thánh Cha nói như vậy hôm nay khi ngài tiếp nhận thỉnh nguyện thư của tám đại sứ Tòa Thánh. Các đại sứ hiện diện đến từ Mông Cổ, Ấn Độ, Tân Tây Lan, Nam Phi, Burkina Faso, Namibia and Na Uy.

Ngài lưu ý họ là hiểm nguy của sự bất bình đẳng, và các cuộc đấu tranh sẽ xẩy ra vì hậu quả của điều này.

Nói với 8 đại sứ bằng tiếng Pháp, Đức Thánh Cha ghi nhận là “giữa một cơn khủng hoảng về xã hội và kinh tế hoàn vũ, cần phải tái thiết lập một ý thức về nhu cầu tranh đấu một cách hữu hiệu hơn để thiết lập hòa bình chân chính, với mục đích là xây dựng một thế giới công chính và phồn thịnh hơn."

Ngài nói những bất công “biểu hiệu cho những sự tấn công chống lại hòa bình và tạo nên hiểm nguy cuả một trận chiến,” và hòa bình “không thể xây dựng được trừ khi có sự can thiệp mạnh mẽ để giải trừ sự bất bình đẳng gây nên bởi một hệ thống bất công, và nhờ đó giúp cho tất cả mọi người có một mức sống khiến cho họ có một đời sống có nhân phẩm và đầy đủ."

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói tình trạng khủng hoảng hiện thời đã có ảnh hưởng đặc biệt đến các quốc gia nghèo. Ngài ghi nhận là những ảnh hưởng tai hại gồm có “sự giảm thiểu của các đầu tư quốc tế, giảm sút về việc nhập cảng nguyên liệu chế tạo và thuyên giảm về viện trợ quốc tế,” cũng như “giảm bớt về việc tiếp nhận các người di cư, cũng như các nạn nhân của khủng hoảng kinh tế, và điều này cũng ảnh hưởng đến các quốc gia thâu nhận họ.."

Đức Thánh Cha lưu ý là cuộc khủng hoảng hiện thời có thể trở thành “một đại họa,” nhất là cho các quốc gia nghèo hơn, vì “sự tuyệt vọng” thúc đẩy người dân có “những hành động bạo tàn với tính cách cá nhân hay tập thể, và điều này có thể làm cho các xã hội đã bị suy yếu càng lung lay thêm."

Một đề nghị của Đức Thánh Cha là các quốc gia giầu hơn gia tăng viện trợ cho các nước nghèo, thay vì cắt bớt, “để cho các quốc gia thiều thốn nhất có thể duy trì nền kinh tế và củng cố các biện pháp xã hội được đề ra để bảo vệ những phần tử nghèo nàn nhất của họ."

Ngài cũng kêu gọi “tình huynh đệ và hợp quần vững mạnh hơn, và lòng quảng đại hoàn vũ chân thật hơn,” và “cho các quốc gia kém mở mang tái khám phá được ý thức về sự thăng bằng và tiết độ trong nền kinh tế và lối sống của họ."
 
Đức Giáo Hoàng: Yêu lao động là một dấu chỉ tốt
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
08:03 30/05/2009
Đức Thánh Cha ghi nhận Giáo Huấn Thánh Theodore: Sự siêng năng liên kết với lòng sốt sắng.

VATICAN(Zenit.org)._ Yêu LAO ĐỘNG và sự siêng năng trong những nhiệm vụ của mình là những dấu chỉ lòng sốt sắng trong sự sống thiêng liêng, theo đấng thánh mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói hôm Thứ Tư 27/5 trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần.

Khi ngõ lời với lối 15.000 người qui tụ trong Quảng trường Thánh Phêrô, Đúc Giáo Hoàng tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về những tác giả và những gương mặt từ Giáo Hội thời Trung Cổ, hôm nay Ngài tập trung vào thánh Theodore the Studite (759-826).

Những đóng góp chính của Theodore cho lịch sử Giáo Hội, Đức Thánh Cha gợi ý, là những cố gắng của ngài chống lại cuộc bắt bớ bài ảnh tượng lần thứ hai và việc ngài cải tổ chế độ đan viện.

Liên quan với chủ đề thứ nhất, ngài ghi nhận Thánh Theodore “đã hiểu rằng vấn đề tôn kính ảnh tượng hàm ý chính chân lý Nhập Thể.”

Theodore so sánh những tương quan nội tại đời đời của Ba Ngôi, trong đó sự hiện hữu của mỗi Ngôi Thiên Chúa không phá hủy sự hiệp nhất, với tương quan giữa hai bản tính của Chúa Kitô, không làm hại trong Người Ngôi duy nhất của Lolgos,” Đức Thánh Cha giải thích. Và ngài lập luận: Bỏ sự sùng kính các ảnh tượng Chúa Kitô tức là xoá bỏ chính công trình cứu chuộc của Người, bởi vì khi mặc lấy tính con người, Ngôi Lời vô hình đã xuất hiện trong xác thịt hữu hình con người, và bằng cách này Người đã thánh hoá toàn thể vũ trụ hữu hình.

“Những hình ảnh, được thánh hóa bởi phép lành phụng vụ và sự cầu nguyện của các tín hữu, kết hợp chúng ta với Ngôi vị Chúa Kitô, với các thánh của Ngườii, và qua các thánh, với Cha trên trời, và các ảnh tượng minh chứng cho một lối vào trong thực tại thần linh của vũ trụ hữu hình và vật chất của chúng ta.”

Chỉ đường

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI xem xét những huấn giáo của Theodore về đức khó nghèo, đức khiết tịnh và đức vâng lời và giá trị của các đan sĩ sống các nhân đức này một cách triệt để như là một lời mời giáo dân cũng sống các nhân đức ấy theo chân Chúa Kitô.

Sau đó ngài tập trung về “một nhân đức quan trọng khác” đối với vị thánh: “’philergia,’ nghĩa là, yêu lao động.”

Đức Thánh Cha đã giải thích Theodore coi sự yêu lao động như “một tiêu chí để chứng minh phẩm chất của sự sốt sắng cá nhân.”

Đức Thánh Cha nói “Một con người sốt sắng trong những cam kết vật chất, làm việc siêng năng, [Theodore] chủ trương, thì cũng là như vậy trong lãnh vực thiêng liêng. Về phương diện này, ngài không đồng ý rằng lấy cớ cầu nguyện và chiêm ngắm, người đan sĩ không cần lao động, kể cả lao động chân tay, điều này trên thực tế là, theo ngài và theo truyền thống đan sĩ, là những phương tiện để gặp gỡ Thiên Chúa.”

Đức Giám Mục thành Roma ghi nhận rằng Thánh Theodore đi xa tới chỗ nói lao động như là một kiểu “’ phụng vụ,’ kể như một kiểu Thánh Lễ qua đó đời sống đan sĩ biến thành đời sống thiên thần.”

Ngài nói thêm: “Và chính xác trong kiểu này thế giới lao động được nhân tính hóa và con người, qua lao động, trở nên hơn chính mình, gần với Thiên Chúa hơn. Một hậu quả của quan niệm đặc biệt này đáng được xem xét: Chính xác vì đó là hoa quả của một hình thức ‘phụng vụ’, những của cải do lao động bình thường sẽ không phục vụ sự’ hạnh phúc các đan sĩ, nhưng sẽ dành để giúp đỡ kẻ nghèo. Trong sự này, tất cả chúng ta có thể thấy nhu cầu cho hoa quả lao động phải là một sự lành cho mọi người.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI kết thúc bài huấn đức của ngài với một sự xem xét lại những yếu tố chính của giáo lý thiêng liêng của Theodore, gòm có “tình yêu đối với Chúa nhập thể […].Sự trung thành với bí tích rửa tội và sự cam kết sống trong sự hiệp thông của Thânh Thể Chúa Kitô, cũng được hiểu như sự hiệp thông của các Kitô hữu với nhau. Tinh thần khó nghèo, nghiêm trang, bỏ mình; đức khiết tịnh, sự tự quản, đức khiêm nhượng và vâng lời chống lại tính ưu việt của ý muốn mình, điều này phá hủy khung xã hội và sự bằng an linh hồn. Tình yêu lao động vật chất và thiêng liêng. Tình bạn thiêng liêng sinh ra trong sự thanh luyện lương tâm mình, linh hồn mình, sự sống mình.”

“Chúng ta hãy ra sức theo những huấn giáo này, những huấn giáo thật sự chỉ cho chúng ta con đường sự sống thật,” ngài kết luận
 
Giáo Hội hãnh diện với các linh mục.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
08:08 30/05/2009
Đức Hồng Y kêu gọi các Giáo Phận cử hành năm các Thừa Tác Viên được truyền chức

VATICAN(Zenit.org).-Chủ tịch Bộ Giáo Sĩ khuyến khích các giáo hội địa phương lên chương trình những biến cố phải cử hành và chứng tỏ sự đánh giá các linh mục.

Đức Hồng Y Claudio Hummes đã khẳng định điều này trong một bức thư phát hành hôm nay cho Năm các Linh Mục, sẽ được khai mạc ngày 19/6/2009, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Ngày Thế Giới Cầu nguyện cho sự Thánh Hoá các Linh Mục.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã công bố năm nay là một năm cử hành ngày giổ thứ 150 của Thành Gioan Maria Vianney, Cha Sở họ Ars.

Đức Hồng Y đã ghi nhận rằng năm nay sẽ là “năm tích cực và hướng về tương lai,” một thời gian để Giáo Hội nói với các linh mục của mình, “nhưng cũng với tất cả các tín hữu và với xã hội mở rộng hơn bằng những phương tiện đại chúng, rằng Giáo Hội hãnh diện về các linh mục của mình, yêu mến họ, tôn vinh họ. khâm phục họ và công nhận với lòng biết ơn công trình mục vụ của họ và bằng chứng sự sống của họ.”

Ngài khẳng định rằng các linh mục là cần thiết “không phải vì điều họ làm mà còn vì họ là ai nữa.”

“Buồn thay,” hồng y chủ tịch nói,” thật thì lúc này một số linh mục đã cho thấy họ dính líu trong những tình huống có vấn đề nặng nề và bất lợi, ”

Tuy nhiên, ngài ghi chú, điều quan trọng là phải ghi nhớ những người như thế thuộc vào một “phần rất nhỏ hàng giáo sĩ.”

Thừa tác vụ thánh

Hồng Y nói tiếp: “Đa số áp đảo các linh mục là những người có sự toàn vẹn cá nhân cao, tận tụy với thừa tác vụ thánh; là những người cầu nguyện và giàu bác ái mục vụ, những kẻ đầu tư sự sống của mình trong sự hoàn thành ơn gọi và sứ vụ của mình, thường bằng hy sinh cá nhân lớn, nhưng luôn luôn với một tình yêu chân chính đối với Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội và dân chúng, trong sự liên đới với kẻ nghèo và đau khổ.

“Chính vì lẽ này mà Giáo Hội hãnh diện về các linh mục của mình bất cứ nơi nào họ được gặp.”

Hồng Y tỏ bày hy vọng năm nay sẽ là một thời gian để ‘’đánh giá cao căn tính linh mục” và “ý nghĩa lạ lùng về ơn gọi và sứ vụ các linh mục trong Giáo Hội và trong xã hội.”

Để đạt mục đích này, ngài kêu gọi suy tư về chức linh mục qua những cơ hội học hỏi, những ngày tỉnh tâm, những buổi linh thao, những buổi thuyết trình và hội thảo, sự nghiên cứu và những phổ biến.

Hồng Y chủ tịch khẳng định năm nay phải là “một năm cầu nguyện bởi các linh mục, với các linh mục và cho các linh mục, một năm để đổi mới linh đạo của hàng linh mục và của mỗi linh mục.”

Trung tâm linh đạo linh mục này, ngài nói, là Thánh Thể.

Hồng Y Hummes kêu gọi chú ý tới sự nuôi sống vật chất hàng giáo sĩ ”bởi vì họ sống, đôi khi, trong những tình huống rất nghèo và cực khổ trong nhiều phần thế giới.”

Sự cử hành

Ngài cũng khuyến khích cộng đồng Công Giáo “cấu nguyện, suy tư, cử hành, và tôn vinh các linh mục mình cho xứng đáng.”

Mong đó là một cơ hội, ngài nói, “phát triển sự hiệp thông và tình bạn giữa các linh mục và các cộng đồng được giáo phó cho sự chăm sóc của các ngài.”

Hồng y chủ tịch khích lệ các giáo hội và các giáo phận địa phương thiết lập một chương trình cho năm “tại một cơ hội sớm nhất” và lên chương trình một “biến cố đáng chú ý” cho việc khai mạc năm này.

Ngài mời các giáo hội kết hợp với Đức Giáo Hoàng ngày 19/6” hầu tham gia trong việc mở năm này, lý tưởng là bằng một hành vi phụng vụ đặc biệt và lễ hội.”

Hồng Y đã thêm một lời mời cho “những ai có khả năng” tới Roma để dự khai mạc, “hầu bày tỏ sự tham gia của mình trong sáng kiến hạnh phúc này của Đức Giáo Hoàng.”
 
Đức Giáo Hoàng kêu gọi các Linh Mục phải nên Thánh
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
08:12 30/05/2009
Đức Thánh Cha khẳng định sức mạnh thiêng liêng trong cuộc đối thoại với thế giới hiện đại.

VATICAN, MAY 25, 2009 (Zenit,org).- Các nhà ngoại giao Vatican phải có sức mạnh thiêng liêng hầu đối thoại với thế giới hiện đại đang khi bảo tồn căn tính Kitô hữu và linh mục của mình. Đưc Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói với các thành viên Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng nói điều này hôm thứ Bảy 23/5 trong một buổi tiếp kiến các sinh viên hàn lâm, do vị chủ tịch là Tổng Giám Mục Beniamino Stella hướng dẫn. Hàn lâm có nhiệm vụ đào tạo các ứng viên cho việc phục vụ ngọai giao Toà Thánh.

Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng việc phục vụ đầy hứa hẹn của các sinh viên tại những tòa đại sứ tông toà khác nhau có thể “được xem như là một ơn gọi linh mục đặc biệt, một thừa tác vụ mục vụ bao hàm một sự tiếp xúc đặc biệt với thế giới và với các vấn đề xã hội và kinh tế thường phức tạp cao.”

Ngài nói tiêp, “Việc đối thoại với thế giới hiện đại được đòi hỏi về phía các anh, cũng như sự tiếp xúc của các anh với những người và những thể chế họ đại diện, đòi hỏi một sức mạnh nội tại và một sự vững vàng thiêng liêng Kitô hữu và linh mục của các anh.”

Đức Thánh Cha đã giải thích rằng điều này là cần thiết để tránh “những hậu quả tiêu cực của tâm lý thế tục” và giữ khỏi bị “lôi cuốn hay là bị ô nhiễm bởi một logic hoàn toàn thế gian.”

“Trong những lúc đen tối và khó khăn nội tại,” ngài nói, “hãy ngước nhìn lên Chúa Kitô.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói thêm, “Luôn luôn phải nhớ rằng điều quan trọng và cơ bản cho thừa tác vụ linh mục, mặc dầu đã thực thi, là duy trì một sự ràn buộc cá nhân với chúa Kitô; Người muốn chúng ta làm ‘bạn hữu của Người,” những bạn hữu tìm kiếm sự thân mật với Người, theo huấn giáo của Người và đảm nhận làm cho Người được mọi người biết và yêu.”

”Chúa muốn chúng ta nên những vị thánh,” ngài khẳng định,” nói cách khác, không quan tâm với sự xây dựng một nghề sinh lợi và tiện nghi nói theo ngôn ngữ nhân loại, không tìm kiếm sự thành công và được kẻ khác khen lao, nhưng hoàn toàn tận tụy lo cho lợi ích các linh hồn, sẵn sàng thi hành bổn phận chúng ta cho đến cùng, ý thức về việc nên ‘những đầy tớ hữu dụng’ và sung sướng với việc cống hiến sự đóng góp nghèo nàn của chúngn ta cho việc lan tràn Tin Mừng!”

Cầu nguyện

Đức Giáo Hoàng khích lệ các linh mục nên “những con người cầu nguyện liên lỉ, là những kẻ trau dồi một sự hiệp thông tình yêu và sự sống với Chúa.”

Ngài nói tiếp: ” Không có nền tảng vững chắc này, làm sao có thể tiếp tục thừa tác vụ chúng ta? Những kẻ làm việc trong vườn nho của Chúa bằng cách này thì biết rằng điều gì đã hoàn thành với sự tận tụy, với hy sinh và vì tình uyêu, không bao giờ mất.”

Đức Thánh Cha đã nói về Năm Linh Mục, sẽ bắt đầu ngày 19/6, như là một dịp đáng giá hầu đổi mới và tăng cường sự đáp trả quảng đại của các anh cho tiếng Chúa gọi, hầu tăng cường tương quan của các anh với Người.”

“Hãy sử dụng cơ hội này cho tận cùng,” ngài nói,” để nên những linh mục theo những mệnh lệnh con tim của Chúa Kitô, như Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars,” mà chúng ta đang chuẩn bị cử hành ngày gỉỗ thứ 150 của ngài.

Các nhà ngoại giao thực thi những vai trò khác nhau cho Tòa Thánh, bao gồm sự nuôi dưỡng những tương quan với các thủ lãnh quốc gia.

Họ cũng giúp trong thủ tục đặt các giám mục, bằng cách tham gia trong sự lựa chọn những ứng viên được đề nghị lên Đức Thánh Cha.
 
Đức Giáo Hoàng nhắc tới những người Công Giáo Trung Hoa trong sự cầu nguyện
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
08:17 30/05/2009
Tại Nghĩa Trang Balan trong thế chiến thứ II, Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình

CASSINO, ITALY (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định sự ủng hộ của ngài cho những người Công Giáo tại Trung Hoa và kêu gọi họ đổi mới lòng trung với chúa Kitô và sự hiệp thông với người Kế Vị Thánh Phêrô.Đức Giáo Hoàng đã nói điều này hôm nay trong một bài huấn từ trước khi đọc kinh Regina Caeli vào Chúa Nhật 24/5 với đoàn người qui tụ tại Miranda Plaza--được đổi tên là Biển Đức XVI Plaza--tại Cassino, thành phố phía đông Đan viện Monte Cassino

Đức Giáo Hoàng trải qua ngày thăm viếng đan viện thiết lập do thánh quan thầy của ngài, Thánh Giáo Hoàng Biển Đức, cái nôi của Dòng Biển Đức. Ngài đã nói về gương thánh nhân trong sự sống hòa bình, “ân huệ phục sinh tuyệt hảo.”Đức Thánh Cha nói tiếp, “Như anh chị em biết trong cuộc tông du mới đây của tôi tại Đất Thánh, tôi đi như một kẻ hành hương cầu hoà bình, và hôm nay—trong đất này đánh dấu bởi đặc sủng Thánh Biển Đức —tôi có cơ hội nhấn mạnh, một lần nữa, hoà bình hơn hết là một ân huệ của Chúa, và do đó quyền phép của nó là ở trong sự cầu nguyện.”

Ngài đã khẳng định rằng chỉ nhờ học hỏi, “với ân sủng Chúa Kitô, giao chiến và đánh bại sự dữ trong chính chúng ta và trong những tương quan với những kẻ khác, chúng ta có thể trở nên những kẻ xây dựng đích thực hoà bình và sự phát triển dân sự.”

“Xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hoà Bình, giúp tất cả những Kitô hữu, trong những ân gọi và những tình huống sống khác nhau của họ, nên những chứng nhân hoà bình này mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta và đã để lại cho chúng ta như là một sứ vụ đòi hỏi phải thực hiện mọi nơi,” Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói.

Sự hiệp nhất và hoà bình

Ngài đã nhăc tới Đức Trinh Nữ Maria Chí thánh, Đấng Phù Hộ các Kitô Hữu, được cử hành trong phụng vụ trùng ngày, 24/3, và được sùng kính “với sự sốt sắng cả thể tại đền thánh Xà Sơn ở Thượng Hải”

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Chúng ta cử hành Ngày Cầu Nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa. Tôi liên tưởng tới dân Trung Hoa.

“Cách riêng tôi chào những người Công Giáo Trung Hoa với tình âu yếm nhiều và tôi khuyên họ đổi mới trong ngày ừay sự hiệp thông đức tin của họ với Chúa Kitô và lòng trung với người Kế Vị thánh Phêrô.

“Mong sao sự cầu nguyện chung của chúng ta đạt được một sự tuôn xuống các ân huệ của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu sự hiệp nhất của mọi Kitô hữu, tính công giáo và tính phổ quát của Giáo Hội luôn luôn sẽ sâu sắc hơn và sẽ khả kiến hơn.”

Đức Thánh Cha chào dân Balan, và nói về chương trình của ngài sẽ viếng thăm nghĩa trang Balan tại Monte Cassino, kỷ niệm Thế Chiến II sau đó trong buổi xế chiều cùng ngày.

“Tại chỗ này,” ngài nói,” nơi nhiều người đã bỏ mạng sống mình trong những trận đánh trong Thế Chiến II, chúng ta cầu nguyện cách riêng cho linh hồn những kẻ đã ngã xuống, giao phó họ cho lòng thương xót vô cùng của Chúa, và chúng ta cầu nguyện cho việc chấm dứt các chiến tranh đang tiếp tục làm khổ thế giới chúng ta.”

“Nhờ lời cầu bàu của Thánh Biển Đức,” Đức Thánh Cha khẳng định, “ chúng ta xin Chúa ban cho, trong sự cầu nguyện và lao động, chúng ta sẽ khám phá những chiều kích mới tự do, và cho hoà bình bền vững tại châu Âu và trên toàn thế giới.

Sau khi đọc kinh Regina Caeli, Đức Giáo hoàng đi tới thăm tu viện Monte Cassino, đọc đàng dừng chân thăm viếng “Nhà bác Ái” cho những di dân không nhà cửa.

Tại tu viện, ngài gặp gỡ các đan viện phụ nam và nữ thuộc dòng Biển Đức khắp thế giới, cũng như một số nhiều các đan sĩ nam và nữ. Ngài cử hành Kinh Chiều với cộng đồng, và ngõ lời với những kẻ hiện diện.

Sau đó Đức Thánh Cha từ biệt đan viện, và viếng riêng nghĩa trang quân sự Balan. Ngài đọc một kinh câu cho những kẻ đã chết thuộc tất cả các chiến tranh và các quốc gia, sau đó ngài trở về Roma bằng trực thăng.
 
Không dễ dàng để chận đứng việc buôn người.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
10:51 30/05/2009
Đức Tổng giám Mục Agostino Marchetto suy xét đến những nguồn gốc của vấn đề.

ROMA (Zenit.org).- Mặc dầu việc buôn người là một sự xúc phạm ghê tởm tới phẩm giá,” không có giải pháp dễ dàng cho vấn đề muôn mặt và quốc tế này, một viên chức Vatican nói.

Tổng Giám Mục Agostino Marchetto, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Dân và Du Mục, đã suy xét tính trầm trọng việc buôn người trong một bài phát biếu ngày thứ Tư tại một hội nghị được tổ chức do Hiệp Hội Cộng Đòan Đức Giáo Hoảng Gioan XXIII.

Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Dân và Du Mục Vatican gọi việc buôn này là “một hiện tượng xấu hổ nhất thời đại chúng ta.” Ngài thừa nhận “cảnh nghèo khổ và sự thiếu những cơ hội và sự gắn bó xã hội” là nguồn gốc của thảm kịch này, bởi vì những nguyên nhân này đưa dân chúng tới chỗ tìm kiếm một tương lai tốt hơn mặc cho những rủi ro.”

Tổng Giám Mục Marchetto khẳng định rằngviệc buôn người tiếp tục lan tràn, một phần do “sự vắng bóng những qui tắc đặc biệt trong một số xứ, do sự không hiểu biết về những quyền lợi của mình, do cấu trúc văn hóa xã hội và những xung đột vũ trang.”

Ngài cũng nhắc đến “những hạn chế hiện nay mà những di dân gặp phải trong việc ra đi cách hợp pháp tới những nước phát triển.”

Phải làm gì

Tổng Giám Mục Marchetto than phiền rằng “không có những giải pháp dễ dàng,” và đã khẳng định rằng một “phương pháp mạch lạc và nguyên tuyền” là cần thiết để chấm dứt hình thức đặc biệt lạm dụng này.

“Không những nhu cầu của các nạn nhân [phải được xem xét],” ngài nói, “nhưng cũng phải có hình phạt đúng cho những kẻ hưởng lợi từ sinh hoạt này, và sự thực hiện những biện pháp phòng ngừa, trước hết phải gia tăng ý thức và sự nhạy cảm, vã cũng đảm nhiệm những nguyên nhân của hiện tượng này.”

Vị giám chức đã khẳng định rằng sự cố gắng này cũng sẽ cổ võ sự hội nhập các nạn nhân vào trong những xã hội mới của họ, “cách riêng những kẻ cọng tác với những thẩm quyền chống lại những con buôn.”

Đồng thời, viên chức Vatican đã gợi ý một sự có thể trở về những quốc gia gốc sẽ được cứu xét, một sự trở về “có thể được kèm theo đề nghị một tín dụng nho nhỏ hay là những món tiền cho mượn, nhó đó mà bảo đảm cho những nạn nhân không trở về trong cũng môi trường nguy hiểm vì không có tài nguyên.”

Ngài cũng đề nghi một hệ thống bồi hoàn phải được tài trọ với số tiền tịch thu từ những con buôn i.

Muôn mặt

Tổng Gám Mục Marchetto đã nói, việc buôn người là một “vấn đề muôn mặt, thường liên kết với sụ di dân, đi quá sự kinh doanh tình dục và cũng bao gòm sự cưỡng bách lao công đối với những người nam, những người nữ và các trẻ em trong những khu vực công nghiệp, xây dựng, sửa chữa và du lịch, nông nghiệp và những dịch vụ gia thất.”

Đức Tổng giải thích cho dầu một phần lao động cưỡng bách liên kết với sự kỳ thị và cảnh nghèo, những tập quan địa phương, sự thiếu nhà ở và sự mù chữ của các nạn nhân, một phần liên hệ với lao động linh động và rẻ tiền, thường dễ dàng hóa những giá thấp đối với kẻ hưởng thụ, điều đó thành hấp dẫn đối với những ông chủ”.

Và vị giám chức than phiền rằng những nạn nhân chỉ thường được bảo vệ trong những cuộc điều tra chống lại những con buôn; lúc đó họ được hồi hương, với hay không một “số tiền “ nâng đỡ giúp họ bắt đầu lại cuộc sống của mìnmh.

“Chỉ trong một số it quốc gia đã có những biện pháp bảo đảm sự hỗ trợ cho các nạn nhân này,” ngài nói, “bằng cách cho họ khả năng lưu lại trong xã hội đã tiếp nhận họ, và bằng cách hội nhập họ, ít ra với một số điều kiện,”
 
Đức Giáo Hoàng khuyến khích những nguồn gốc Kitô Hữu
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
10:59 30/05/2009
Tổng Thống Bulgary và Macedonia viếng thăm Tòa Thánh.

VATICAN, MAY 22, 2009 (Zemit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khích lệ châu Âu giữ lòng trung với những nguồn gốc Kitô Hữu của mình, ngài đã nói tới các vị Thánh Cyril và Methodius là những nguồn mạch “Ánh sáng và hy vọng” trong cố gắng này.

Đức Giáo hoàng đã khẳng định điều này hôm Thứ Sáu 22/5 khi ngài tiếp kiến riêng các tổng thống Bulgaria và Nguyên Cộng Hoà Yugoslav của Macedonia, cùng với những phái đoàn của họ. Việc các tổng thống thăm viếng Đức Thánh Cha đã trở nên một truyền thống cử hành các thánh đồng quan thầy châu Âu, Cyrill và Methodius

Nói bằng tiếng Pháp với Tổng thống Bulgarian Georgi Parvanov, Đức Thánh Cha đã bày tỏ ý muốn của ngài cho Bulgaria sẽ “góp phần hiệu nghiệm xây dựng một châu Âu vẫn sống trung thành với những nguồn gốc Kitô hữu của mình.”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng mong sao “những giá trị của tình liên đới và công lý, của tựdo và hoà bình, ngài đã tái khẳng định liên tục hôm nay, thực tế gặp sức mạnh và tình liên đới càng nhiều hơn trong những huấn giáo đời đời của Chúa Kitô, được chuyển dịch qua sự sống các môn đệ của Người trong mọi thời đại”.

Các Thánh Cyril và Methodius là “những nguồn gốc ánh sáng và hy vọng,” Đức Thánh Cha nói tiếp, và ngài nhấn mạnh rằng “di sản thiêng liêng của hai thánh đã đánh dấu sự sống của các dân tộc Slave.”

“Gương của các ngài đã nâng đỡ bằng chứng và lòng trung của vô số kitô hữu những kẻ, qua bao thế kỷ, đã hiến dâng mạng sống mình để rao giảng sứ điệp cứu độ, đồng thời ra sức xây dựng một xã hội công bằng và đoàn kết”.

Sau đó, trong cuộc họp mặt của ngài với Tổng Thống Macedonian Gjeorge Ivanov, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói bằng tiếng Anh: ‘Cuộc cử hành hằng năm lễ các Thánh Cyril và Methodius, những thầy dạy đức tin và là các tông đồ những dân tộc Slavonic, mời tất cả chúng ta là những kẻ hiệp nhất bằng một đúc tin trong Chúa Giêsu Kitô, chiêm ngắm chứng từ tin mừng anh hùng của các ngài.

“Đồng thờ chúng ta bị thách đố gìn giữ di sản các lý tưởng và các giá trị mà các ngài đã truyền sang bằng lời và bằng những việc làm. Trên thực tế đó là sự đóng góp quí nhất mà các Kitô hữu có thể cống hiến để xây dựng một châu Âu của ngàn năm thứ ba, ao ước có một tương lai phát triển, công lý và hoà bình cho mọi người.”
 
Một cơn đói chân lý: Hoa Kỳ lắng nghe đến Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
11:38 30/05/2009
NEW HAVEN, Connecticut (ZENIT,Org). Sau khi chấm dứt nơi gặp gỡ trong cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI năm 2008 người Mỹ đã chứng tỏ một sự hăm hở và nhiệt tình để nghe sứ điệp Tin Mừng cùa ngài mà nhiều người không chờ đợi. Họ đã bày tỏ một sự đói--về chân lý và sự lãnh đạo luân lý.

Và--mặc dầu một xu hướng trong các phương tiện có tính cách rất phê phán khi đưa tin về Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI—hơn một năm sau, bằng những khoảng cách xa, những người Mỹ nói chuing—và những người Công Giáo Mỹ nói riêng—có một quan niệm tích cực về Đức Giáo Hoàng và một sự ước muốn mãnh liệt nghe ngài nói về những vấn đề thúc bách nhất trong ngày.

Một sự nghiên cứu của các Hiệp sĩ thuộc đoàn Columbus –Marist, được chỉ đạo trong tháng Ba vừa qua, đã thấy những người Mỹ có một quan niệm tích cực về Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI gần 3:1 khoảng cách (59% tới 20%). Giữa những người Công giáo, ngài được tín nhiệm lối 7:1 khoảng cách (76% tới 11%).

Được gần 3:1 khoảng cách (4:1 giữa những người Công Giáo), ngài được xem như là “tốt cho Giáo Hội.”

Sự kiện Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI vẫn được những người Mỹ kính trọng như thế--dầu một chu kỳ tin tức 24 giờ thường nghịch với ngài và sứ điệp của ngài—là một bằng chứng lớn về khả năng của Đức Giáo Hoàng truyên thông trực tiếp Tin Mừng cho dân chúng. Điều đó cũng nói một cái gì có ý nghĩa về sự ao ước của người Mỹ đối với sứ điệp hy vọng và tình yêu mà Đưc Giáo Hoàng Biển Đức VI giảng khi kêu gọi chúng ta nói “vâng” cho Chúa Giêsu Kitô.

Và sứ điệp này không bị mất trong một số lớn người Mỹ, những người muốn nghe ngài tranh cãi về những vấn đề có khả năng gây bầt hoà nhất của ngày. Điều này nhấn mạnh một sự đói thầm kín đối vơi chân lý sứ điệp của Giáo Hội, sứ điệp được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trình bày rõ ràng.

Khi nhà nước này sau nhà nước khác tái định nghĩa hôn nhân, những người Mỹ muốn nghe những quan điểm của Đức Giáo Hoàng về hôn nhân và gia đình với tỷ lệ hơn 2:1 (57% tới 22%). Giữa những người Công giáo tỷ lệ đó gần 5:1 (68% tới 14%).

Trong một quốc gia mà những luật liên quan sự phá thai và sự nghiên cứu tế bào gốc càng ngày càng được mở rộng tự do, một số lớn ngừoi Mỹ thích nghe điều Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói về những vấn đề sự sống này (50% tới 29% và 60% tới 21% giữa những người Công Giáo).

Nói cách khác, mặc dầu một nền văn hóa theo pháp luật và các phương tiện càng ngày càng thể hiện sự dung thứ “thuyết tương đối luân lý,” thì những người Mỹ--theo những khoảng cách rộng rải--thấy sự cam kết của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đối với nền luân lý Công Giáo là có giá trị, và theo sự lãnh đạo Công Giáo trong những vấn đề cốt lõi.

Những người Mỹ cũng muốn nghe những điều Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói về sự xem Thiên Chúa là một phần trong những sự sống hằng ngày chúng ta, về sự chia sẻ thời gian và tài năng với những kẻ túng thiếu, về sự thiển cận của tính tham lam, và về sự xây dựng một xã hội nơi những giá trị thiêng liêng đóng một vai trò quan trọng.

Giữa một sự suy thoái kinh tế trầm trọng do một loạt những thất bại luân lý, những người Mỹ muốn có viễn ảnh của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI để xây dựng một xã hội dựa trên những giá trị--không trên tính tham lam.

Khi đã thấy thuyết tương đối luân lý dẫn tới đâu về mặt kinh tế, những người Mỹ tìm kiếm thay cho một la bàn luân lý không nao núng, và mong đợi con người mà họ biết có một.

Dầu trên sân khấu quốc tế, những người Mỹ thấy Đức Giáo Hoàng là rất quan trọng.Bảy mươi tư phần trăm người Mỹ--và 84% người Công Giáo Mỹ--diễn tả Đưc Giáo Hoàng như “một nhà lãnh đạo tôn giáo quan trọng trong thế giới.” Và theo hơn 2:1 khoảng cách người Mỹ và những người Công Giáo Mỹ thấy ngài như hoạt động và rõ ràng.”

Trong ngày áp cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đến Trung Đông, những người Mỹ--bằng 2:1 khoảng cách (46% tới 23%)—đã tin ngài nhạy cảm đối với người Hồi Giáo, và cũng bằng một khoảng cách tương tự (48% tới 20%), nói ngài cũng nhạy cảm đối với người Do thái. Giữa những người Công Giáo tỷ lệ là 3:1--lối 60% tin ngài nhạy cảm với những người cả hai tôn giáo, chi lối 20% không đồng ý.

Được phản chiếu trong những thái độ này là một cái gì rất thâm sâu. Mặc dầu sự gièm pha thỉnh thoảng Đưc Thánh Cha lãnh nhận trong chuyến tông du của ngài tới Đất Thánh, sự kiện ngài sẵn sàng đặt mạng sống của ngài trong nguy hiểm tại một vùng không bền vững và thường có bạo lực hầu tìm kiếm một nền hoà bình bền bỉ, nhấn mạnh những độ nhạy cảm của ngài cho cả hai phía xung đột Trung Đông.

Và mặc dầu sự chỉ trích xảy ra thỉnh một giải pháp hoà bình cho nạn bạo lực thường thấy tại Đất Thánh.

Những kẻ không đồng ý với những phương diện thuộc chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng nên dừng lại để suy nghĩ điều này, và hơn nữa, có thể suy nghĩ rằng đang khi những sự bất bình quá khứ là phần của trí nhớ và không thể bỏ qua, những bất bình đó không nên biến thành những rào cản cho một cơ hội thật vì hoà bình đang ở trong tay bây giờ.

Và những kẻ muốn không nghĩ đến Đức Thương tế chúng ta—hay là một phần nào đó thuộc sứ điệp của ngài-- phải lấy một bài học từ những thái độ được liệt kê trong sự nghiên cứu này và phải thừa nhận rằng tâm hồn con người không nghỉ yên cho tới khi nghỉ trong Chúa. Đó là một sự kiện không mất trong những nhà tư tưởng Công Giáo từ thời Augustinô cho tới chính Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, những vị đã ra sức đem những tâm hồn con người tới Chúa một dấu hiệu phân biệt triều đại giáo hoàng của ngài.

Đó là một sự dấn thân kiên định cho chân lý—và khả năng nhờ sự chuyên cầu nguyện của ngài hầu đem dân chúng tới gần Chúa Giêsu Kitô—đã biến Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI thành một hải đăng của sự can đảm luân lý mà những người Mỹ và những người khắp thế giới tôn trọng và muốn nghe sứ điệp. Chúng ta có thể gọi đó là một chiến thắng của chân lý trên truyền hình.
 
ĐTC: Một xã hội không biết lo lắng cho công ích không thể tiến triển
Linh Tiến Khải
19:06 30/05/2009
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 27-5-2009.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Teodoro Studita, sống vào thời trung cổ bisantin là thời đại có nhiều giao động trên bình diện chính trị cũng như tôn giáo. Thánh nhân sinh năm 759 trong một gia đình quyền qúy và đạo hạnh: thân mẫu là bà Teoctista và một người bác là Platone, viện phụ đan viện Sakkudion bên Bittinia, cũng được tôn kính như hai vị thánh. Chính ông bác đã hướng Teodoro tới cuộc đời viện tu năm Teodoro lên 22 tuổi. Thầy được Đức Thượng Phụ Tarasio truyền chức linh mục, nhưng sau đó bẻ gẫy sự hiệp thông với người, vì Đức Thượng Phụ tỏ ra qúa nhu nhược đối với vụ hôn nhân ngoại tình của hoàng đế Costantino VI. Năm 796 linh mục Teodoro bị hoàng đế đầy sang Texalonica, nhưng năm sau dưới thời hoàng hậu Irene cha hòa giải với triều đình. Cha cùng với viện phụ Platone và đa số các đan sĩ bỏ tu viện Sakkudion di chuyển về sống trong tu viện Studios, để tránh các vụ tấn kích của người hồi Saraceni.

Linh mục Teodoro trở thành người lãmh đạo những người chống lại khuynh hướng bài các ảnh tượng của vua Leone V người Armeni. Vụ các đan sĩ tổ chức rước kiệu các ảnh tượng đã khiến cho cảnh sát phản ứng. Giữa các năm 815-821 cha Teodoro bị đánh đòn, tống ngục và đầy sang nhiều vùng khác nhau bên Tiểu Á. Sau cùng khi được trở về Constantinopoli nhưng không được sống trong đan viện cũ, Teodoro và một số các đan sĩ khác tới định cư tại Bosforo, và người qua đời tại Prinkipo ngày 11 tháng 11 năm 826. Đức Thánh Cha đã ca ngợi công đức của thánh Teodoro như sau:

Teodoro và các tu sĩ của cha là các chứng nhân can đảm trong các thời xảy ra các cuộc bách hại các ảnh tượng. Tên tuổi các vị được gắn liền với việc cải cách cuộc đời đan tu trong thế giới Bisantin. Tầm quan trọng của các vị được biểu lộ ra ngay trong sự kiện bề ngoài là con số các đan sĩ: bình thường các đan viện thời đó chỉ có khoảng 30-40 đan sĩ, nhưng sách ”Cuộc đời của Teodoro” cho chúng ta biết có tới một ngàn đan sĩ studiti. Chính thánh Teodoro cho chúng ta biết đan viện của ngài có khoảng 300 đan sĩ. Nhưng hơn là con số, ảnh hưởng lớn là tinh thần mà thánh Teodoro đã để lại cho cuộc đời đan tu. Trong các bút tích của mình thánh nhân nhấn mạnh việc cấp thiết trở về với giáo huấn của các Giáo Phụ, nhất là các giáo huấn của thánh Basileo, nhà làm luật đầu tiên của đời đan tu và thánh Doroteo thành Gaza, người cha linh hướng nổi tiếng của sa mạc Palestine. Phần đóng góp đặc thù của thánh Teodoro là sự cần thiết của trật tự và sự vâng phục của các đan sĩ. Trong thời bách hại các đan sĩ bị phân tán và quen sống theo ý riêng của mình. Nhưng giờ đây được sống đoàn tụ với nhau, thì mọi người phải dấn thân để cho cuộc sống đan viện trở thành cuộc sống của một gia đình đích thật, một ”Thân Mình đích thật của Chúa Kitô” như thánh Teosoro quen nói, trong đó thực tại của Giáo Hội được hiện thực.

Thánh Teodoro còn có một xác tín khác nữa: đó là các đan sĩ phải dấn thân tuân giữ các bổn phận kitô với sự nhặt nhiệm và cường độ lớn hơn là tín hữu sống ngoài đời. Vì thế các đan sĩ phải có lời tuyên khấn đặc biệt giống như một bí tích ”rửa tội mới”, với nghi thức mặc áo dòng và mang biểu hiệu. Việc sống ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời cũng khiến cho các đan sĩ khác với giáo dân. Chỉ có các đan sĩ mới noi gương Chúa Kitô từ chối chiếm hữu của cải vật chất, chọn sống thái độ tự do, thanh bần và đơn sơ trong hình thái triệt để. Nhưng tinh thần từ bỏ là tinh thần sống của mọi kitô hữu. Thật thế, chúng ta tất cả không được tùy thuộc của cải vật chất, trái lại phải tập sống từ bỏ, đơn sơ, khổ hạnh và thanh bần. Chỉ như thế một xã hội liên đới mới có thể lớn lên và mới có thể vượt thắng được vấn đề nghèo đói của thế giới này. Do đó cuộc sống từ bỏ tuyệt đối của các đan sĩ cũng là một con đường cho tất cả chúng ta ngày nay. Khi trình bầy các cám dỗ chống lại đức khiết tịnh, thánh Teodoro không dấu diếm các kinh nghiệm riêng của mình, và chứng minh cho thấy con đường chiến đấu nội tâm giúp chế ngự chính mình và tôn trọng thân xác của riêng mình cũng như của người khác là đền thờ của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói về đức vâng lời của các đan sĩ trong đời sống cộng đoàn, mà thánh Teodoro gọi là ”cuộc tử đạo của sự vâng phục”. Gương sống của các đan sĩ cho chúng ta thấy sau tội nguyên tổ, con người có khuynh hướng làm theo ý riêng mình. Nhưng nếu mỗi người chỉ theo ý riêng mình thì xã hội không hoạt động được. Chỉ khi nào người ta tập hội nhập vào sự tự do chung, chia sẻ và tùng phục nó, tập sống hợp pháp, nghĩa là tuân hành các luật lệ của thiện ích và cuộc sống chung, mới có thể chữa lành xã hội và cái ”tôi” khỏi tính kiêu căng coi mình là trung tâm thế giới. Các đan sĩ giúp chúng ta hiểu cuộc sống đích thật, chống lại cám dỗ coi ý muốn của mình là luật lệ tối cao và duy trì căn tính bản vị đích thật (luôn là một căn tính cùng với tha nhân) và sự an bình của con tim.

Đề cập tới tầm quan trọng của tình yêu đối với lao động tay chân Đức Thánh Cha nói: Đối với Teodoro Studita có một nhân đức quan trọng ngang hàng với đức vâng lời và đức khiêm nhường: đó là ”philergia” tình yêu đối với công việc làm, qua đó thánh nhân trông thấy một tiêu chuẩn giúp lượng định phẩm chất của lòng đạo đức cá nhân: ai sốt sắng trong các dấn thân vật chất, kiên trì làm việc thì cũng sốt sắng trong các công việc thiêng liêng. Do đó thánh nhân không chấp nhận viện cớ cầu nguyện, chiệm niệm vị đan sĩ tự miễn cho mình công việc tay chân, mà theo ngài và truyền thống đan tu nó là phương thế tìm gặp Chúa. Thánh Teodoro không sợ phải nói đến việc làm tay chân như là ”hiến lễ của đan sĩ”, ”phụng vụ của đan sĩ”, còn hơn thế nữa là một loại Thánh Lễ, qua đó đời đan tu trở thành cuộc sống thiên thần. Chính nhờ thế mà thế giới lao động được nhân bản hóa, và qua công việc làm con người trở thành chính mình hơn, và gần Thiên Chúa hơn. Chính vì là hoa trái của ”phụng vụ” nên các giàu có phát xuất từ công việc chung không được phục vụ cuộc sống tiện nghi của các đan sĩ, mà phải được dùng để trợ giúp người nghèo. Nghĩa là nó là một thiện ích cho tất cả mọi người. Các đan sĩ Studiti cũng góp phần phát triển tôn giáo văn hóa của nền văn minh bisantin nữa qua việc sao chép các văn bản, hội họa, sáng tác thơ văn, giáo dục người trẻ, dậy dỗ trong các trường học và coi các thư viện.

Thánh nhân cũng làm linh hướng cho các đan sĩ và lắng nghe họ mỗi chiều. Ngài cũng cố vấn cho nhiều người ngoài tu viện. Di chúc tinh thần và các Thư của thánh nhân cho thấy ngài là người có con tim hiền phụ và có nhiều bạn bè tinh thần. Luật Lệ gọi là “Hypotyposis”, được thu thập sau khi thánh nhân qua đời, được các đan sĩ trên núi Athos lấy lại, khi thánh Atanasio Athonita xây đan viện Grande Lavra ở đây. Nó cũng được du nhập vào vùng Rus ở Kiev, khi thánh Todosio áp dụng cho đan viện Lavra delle Grotte vào ngàn năm thứ hai.

Trong giáo lý tinh thần của thánh Teodoro có tình yêu đối với Chúa Kitô nhập thể, đối với sự hữu hình của Ngài trong Phụng Vụ và trong các ảnh tượng thánh. Cùng với thánh Niceforo Thượng Phụ thành Constantinopoli, thánh Teodoro là một trong các vị cải cách đời đan tu nổi tiếng nhất thời bisantin, và là người mạnh mẽ bảo vệ các ảnh tượng thánh. Trong ba cuốn sách ”Antirretikoi”, Teodoro khẳng định rằng bỏ lòng sùng kính ảnh tượng Chúa Kitô thì cũng có nghĩa là xóa bỏ chính công trình cứu chuộc của Người. Vì khi nhận lấy bản tính nhân loại, Ngôi Lời vô hình đã trở thành thịt xác hữu hình và đã thánh hóa toàn vũ trụ hữu hình. Các ảnh tượng, được thánh hóa bởi phép lành phụng vụ và lời cầu nguyện của giáo dân, kết hiệp chúng ta với Con Người của Chúa Kitộ, cùng với các thánh và qua đó với Thiên Chúa Cha trên trời và làm chứng cho thấy thực tại thiên linh đã bước vào vũ trụ vật chất hữu hình.

Trong giáo lý của thánh Teodoro còn có lòng trung thành với bí tích Rửa Tội và việc dấn thân sống trong sự hiệp thông của Thân Mình Chúa Kitô, cũng được hiểu là sự hiệp thông của các kitô hữu với nhau. Thế rồi còn có tinh thần khó nghèo, từ bỏ, chế ngự chính mình, khiêm nhường, vâng lời chống lại sự thống trị của ý muốn riêng tàn phá xã hội và niềm an bình của linh hồn. Ngoài ra còn có tình yêu đối với công việc làm vật chất và tinh thần và tình bạn thiêng liêng.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau trước khi cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi gia tăng tình liên đới và sống thanh đạm để vượt thắng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh
Linh Tiến Khải
19:09 30/05/2009
VATICAN - Trong buổi tiếp kiến tân đại sứ của 8 nước đến trình thư ủy nhiệm sáng ngày 29-5-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kêu gọi mọi người gia tăng tình liên đới và sống thanh đạm để có thể thắng vượt cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế trên thế giới hiện nay.

Tám tân đại sứ cạnh Tòa Thánh thuộc các nước: Mông Cổ, Ấn Độ, Benin, Niu Dilen, Nam Phi, Burkina Faso, Namibia và Na Uy.

Trong diễn văn chào mừng các tân đại sứ Đức Thánh Cha đã nói nhiều về cuộc khủng hoảng kinh tế và các đường lối cần áp dụng giúp vượt thắng cuộc khủng hoảng này. Đức Thánh Cha khẳng định rằng nạn nghèo đói là một đe dọa trầm trọng đối với nền hòa bình thế giới, vì thế cần phải có dấn thân chung giúp thắng vượt cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay đòi hỏi một ý thức cao độ để xây dựng một nền hoa bình đích thật giúp hiện thực một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người. Thật vậy, vì các bất công làm nảy sinh ra các chia rẽ giữa các dân tộc và gạt bỏ các dân tộc yếu kém ra bên lề, và như thế có nguy cơ giết chết hòa bình. Nhưng hòa bình chỉ có thể được xây dựng bằng cách can đảm dấn thân loại bỏ các bất bình đẳng nảy sinh từ các chế độ bất công, để bảo đảm cho tất cả mọi người có được mức sống xứng đáng với nhân phẩm. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay khiến cho các bất bình đẳng này lại càng trở thành nghiêm trọng hơn. Nó khiến nảy sinh ra tình trạng giảm việc đầu tư của các nước ngoài, sự suy sụp của nhu cầu mua chất liệu, việc giảm thiểu các trợ giúp quốc tế, và trả người di cư về quê quán của họ. Chính vì thế cuộc khủng hoảng này có thể biến thành môt thảm họa cho người dân nhiều nước yếu kém. Sư suy thoái kinh tế có thể có các hậu qủa trầm trọng đe dọa chính sự sống của nhiều người, trước hết là các trẻ em. Mặt khác cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh khiến cho nhiều người cảm thấy tuyệt vọng và tìm kiếm các giải pháp bạo lực để sống còn. Và điều này có nguy cơ làm nảy sinh ra các xung khắc nội bộ có thể khuynh đảo thế quân bình của các xã hội vốn đã mong manh.

Trong diễn văn chào mừng các tân đại sứ Đức Thánh Cha cũng ca ngợi lòng quảng đại của các quốc gia kỹ nghệ giầu vẫn tiếp tục trợ giúp các dân tộc các nước đang trên đường phát triển gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay, đặc biệt là các quốc gia phi châu. Ngài kêu gọi gia tăng tinh thần huynh đệ liên đới và lòng quảng đại toàn cầu. Việc chia sẻ này đòi hỏi các nước kỹ nghệ giầu tái tìm ra ý thức quân bình và sự thanh đạm trong nền kinh tế và kiểu sống thường ngày. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vai trò của các tôn giáo trong việc thăng tiến hòa bình, nhưng các tôn giáo lại thường bị tấn kích và bêu xấu. Và rất tiếc là trong các năm qua người ta lại nhân danh Thiên Chúa để biện minh cho các hành động bạo lực. Do đó các giới lãnh đạo tôn giáo phải giúp các tín hữu tiến triển trong sự thánh thiện và giải thích các lời của Thiên Chúa trong sự thật. Đức Thánh Cha khẳng định rằng cần phải làm nảy sinh ra một thế giới, trong đó các tôn giáo và xã hội rộng mở cho nhau, và có chỗ cho sự đối thoại tích cực cần thiết. Về phần mình Giáo Hội Công Giáo ước mong đóng góp một cái nhìn tích cực đối với tương lai nhân loại (SD RG 29-5-2009)
 
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cao vai trò người giáo dân
Theo CNS
19:12 30/05/2009
VATICAN (28.05.2009) – Người giáo dân được kêu gọi không chỉ đơn thuần để giúp đỡ các linh mục trong việc điều hành giáo xứ, nhưng còn chia sẻ trọn vẹn trách nhiệm xây dựng Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh điều này khi ban huấn từ tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô. Ngài đã đọc diễn văn khai mạc hội nghị kéo dài 3 ngày - từ ngày 26-05, quy tụ các vị đại diện các thành phần Dân Chúa trong giáo phận Roma, để đánh giá về các công tác mục vụ và thúc đẩy sự tham gia của người giáo dân vào đời sống các giáo xứ cũng như giáo phận.

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói: “Điều này đòi hỏi phải thay đổi não trạng, đặc biệt là đối với người giáo dân. Thay đổi từ chỗ xem người giáo dân như những người cộng tác của hàng giáo sĩ đến chỗ nhìn nhận họ như những người thực sự chia sẻ trách nhiệm đối với hiện hữu và hoạt động của Giáo Hội.” Để đạt mục đích này, bước đầu tiên là phải gia tăng nỗ lực giáo dục để giúp người giáo dân hiểu Công đồng Vaticanô II muốn nói gì khi mô tả Giáo Hội là Dân Thiên Chúa và Thân Mình Chúa Kitô. Dân Thiên Chúa là khái niệm trong Cựu Ước, nói đến việc Thiên Chúa đã thiết lập tương quan đặc biệt với một dân là dân Israel, để qua dân đó, Thiên Chúa bước vào lịch sử nhân loại và gặp gỡ mọi người, yêu thương và cứu độ họ.

Mục đích này đã đạt được nơi cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu: “Chúa Kitô đã phá đổ bức tường ngăn cách và liên kết tất cả chúng ta trong một thân thể. Trong thân mình Chúa Kitô, chúng ta trở nên một dân, dân của Thiên Chúa… Người đã phá đổ bức tường phân biệt các dân, chủng tộc và văn hoá; tất cả chúng ta được nên một trong Chúa Kitô.”

Đức Thánh Cha cho rằng dù đã có Công đồng Vaticanô II, nhưng rất nhiều người vẫn đồng hoá Giáo Hội với hàng giáo phẩm. Ngài nhấn mạnh, nói Giáo Hội là Dân Thiên Chúa có nghĩa là “tất cả chúng ta, từ giáo hoàng cho đến đứa trẻ vừa được rửa tội.” Một số người khác xem đời sống đức tin là chuyện cá nhân hoặc chỉ xem Giáo Hội đơn thuần là một tập thể xã hội. Thực ra, “Giáo Hội vốn bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, là mầu nhiệm hiệp thông. Xét như là hiệp thông, Giáo Hội không chỉ là một thực tại thiêng liêng nhưng Giáo Hội còn sống trong lịch sử đến nỗi có thể nói là bằng xương bằng thịt.” Một đàng, đức tin đòi hỏi mối tương quan cá vị với Thiên Chúa; đàng khác, tương quan này lại được thể hiện trong một cộng đoàn mà ở đó, mỗi người có quyền và trách nhiệm đối với toàn thể. Do đó, phải giúp cho người giáo dân hiểu rằng họ thuộc về một cộng đoàn, và giáo xứ không chỉ đơn thuần là chỗ họ ghé qua để lãnh nhận các bí tích khi cần thiết.

Cuối cùng, Kitô hữu là người chia sẻ Tin Mừng cho người khác, đặc biệt qua những hành vi bác ái: “Đừng quên chứng tá của đức ái, chứng tá hiệp nhất các tâm hồn và mở lòng họ ra với Giáo Hội… Sống đức ái là hình thức truyền giáo hàng đầu. Lời được công bố chỉ trở nên hữu hình khi nhập thể trong những hành vi liên đới và chia sẻ, trong những cử chỉ bày tỏ cách cụ thể khuôn mặt Chúa Kitô, người bạn đích thực của nhân loại.”

(Theo CNS)
 
Đức Thánh Cha lo ngại về việc các Kitô hữu bị tấn công
Bùi Hữu Thư
22:13 30/05/2009

Đức Thánh Cha lo ngại về việc các Kitô hữu bị tấn công



Ghi nhận ưu tư của ngài khi tiếp kiến Đại sứ Ấn Độ

Rôma ngày 29, tháng 5, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI bầy tỏ ước muốn là tất cả mọi người phải được hưởng quyền tự do tín ngưỡng trong một điệp văn gửi cho tân đại sứ Ấn Độ, nơi các Kitô hữu đang là mục tiêu của một đợt tấn công mới khởi sự năm ngoái tại tiểu bang phía đông Orissa.

Đức Thánh Cha nói như vậy hôm nay trong một lá thư gửi cho ông Chitra Narayanan. Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ông cùng với bẩy đại sứ khác từ Mông Cổ, Benin, Tân Tây Lan, Nam Phi, Burkina Faso, Namibia và Na Uy. Ngài tiếp cả 8 vị như một nhóm, rồi trao cho mỗi người một lá thư đề cập đến các ưu tư riêng biệt của ngài cho mỗi quốc gia.

Trong lá thư gửi ông Narayanan, Đức Thánh Cha nói “là Chủ Chăn tối cao của Giáo Hội Công Giáo, tôi hiệp thông với các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền trên toàn thế giới để chia sẻ một ước vọng chung là tất cả mọi thành phần của gia đình nhân loại phải được hưởng quyền tự do thực hành tôn giáo của họ, và sống đời sống xã hội không sợ bị đàn áp vì tín nguỡng của họ."

Ngài nói, "Vì thế, tôi không thể không bầy tỏ mối ưu tư sâu xa của tôi đối với các Kitô hữu đã chịu đựng những cuộc tấn công tàn bạo tại một vài vùng bên trong ranh giới của quốc gia ông.”

Các mối căng thẳng tiếp diễn giữa người Ấn giáo và Kitô giáo bùng lên thành một cơn lốc bạo tàn năm ngoái sau khi nhóm quá khích tại Orissa kết tội người Kitô giáo là đã sát hại một lãnh tụ Ấn giáo. Hàng chục Kitô hữu và kể cả một linh mục bị giết, và hơn 54.000 người phải bỏ nhà chạy trốn. Hàng ngàn người vẫn còn phải sống trong các trại di cư.

Làn sóng bạo tàn tràn qua trên 392 thành phố, khoảng 5.000 căn nhà, 149 nhà thờ, và 40 trường học bị phá hủy hay thiêu đốt sạch trụi.

Đức Thánh Cha Benedict XVI công nhận các nỗ lực của chính phủ để “cung cấp nơi tạm trú và trợ giúp cho họ, cũng như các biện pháp điều tra tội phạm và các thủ tục pháp lý để giải quyết vấn đề."

Ngài tiếp, "Tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy bầy tỏ sự tôn trọng phẩm giá con người bằng cách từ bỏ lòng thù hận và chối bỏ sự bạo tàn trên mọi hình thức.”

Đức Thánh Cha kết luận: "Về phần Giáo Hội, tại Ấn Độ giáo hội sẽ tiếp tục đóng một vai trò trong việc cổ võ cho hòa bình, hòa điệu và hòa giải giữa các tín đồ của mọi tôn giáo, nhất là qua việc giáo dục và đào tạo các nhân đức công chính, tự kiểm và bác ái.

"Thực vậy, đây là mục tiêu tự nhiên của tất cả mọi hình thức giáo dục chân chính, vì – phù hợp với phẩm giá con người và ơn gọi cho tất cả mọi người nam và nữ đang sống trong cộng đồng – nhắm vun trồng các nhân đức luân lý và ôm ấp các trách nhiệm xã hội với một sự nhậy cảm về những gì là tốt lành, công chính và cao cả."
 
Top Stories
Archbishop of Ho Chi Minh City: Protecting environment is a Christian’s duty
Asia-News
20:02 30/05/2009
Card. Pham Minh Man against extraction of bauxite in the central high planes promoted by government. The prelate denounces all who “damage the environment in the name of development” and invites all to “preserve nature for future generations”.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – “The natural environment is a gift from the Creator that all of us can share”; it is “a gift for everyone, not for a particular individual or minority group” and must be preserved for “for generations to come”. This is the message at the heart of the pastoral letter published by Card. Jean Baptiste Pham Minh Man, of Ho Chi Minh City, on May 28th. The prelate reminds the faithful that “Protecting environment is a Christian’s duty”.

The letter is his response to a decision from Vietnam congress to back industrial projects in the name of progress despite the risk of widespread environmental damage. The prelate recalls two particular cases: the pollution of the River Thi Vai, in Ho Chi Minh City, caused by factory waste from the Vedan Vietnam industries specialised in glutamine, starch and sodium; and the a decision from Vietnam congress to back bauxite mining projects in the Central Highlands region.

Critics include Vo Nguyen Giap, general Vo Nguyen Giap, the legendary communist wartime hero. General Giap’s battle is characterised by a nationalist stamp; he claims the environmental and social damage from the mines would far outweigh any economic benefit, and pointed to security concerns due to the long term presence of hundreds of thousands of Chinese workers in bauxite mines.

In his letter, card. Pham Minh Man echoes the concern of scientists and intellectuals that: “Since natural environment is for everyone, no one has permission to damage or control it even in the name of economic development”. The prelate argues that industrialists only think “to gain profits for a small group of privileged people” without any thought for the “collateral effects caused” by their factories. “These strategies of economic development can only lead to chaos– concludes the archbishop of former Saigon – They are neither for the common good of society, nor the future of the nation”.

The criticism of bauxite projects has come from various directions of Vietnamese civil society, but the communist party has singled out the Catholic community for punishment: Last month, Fr. Peter Nguyen Van Khai, the spokesman of Hanoi Redemptorist Monastery, and another Redemptorist, Fr. Joseph Le Quang Uy were victimized by the government for their opposition against bauxite projects. They were accused by state media of "stupidity" and "ignorance," of causing serious damage to national unity and to the process of development, and of plotting to overthrow the communist regime.
 
Arcivescovo di Ho Chi Minh City: proteggere l’ambiente è compito dei cristiani
Asia-News
20:04 30/05/2009
Il card. Pham Minh Man contrario ai progetti di estrazione di bauxite negli altipiani centrali promossi dal governo. Il porporato denuncia quanti “danneggiano l’ambiente in nome dello sviluppo economico” e invita a preservare la natura “per le generazioni future”.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – “L’ambiente naturale è un dono del Creatore che tutti noi possiamo condividere”; esso appartiene “a tutti, non a un gruppo particolare o a una minoranza” e va preservato “per le generazioni future”. È quanto afferma il card. Jean Baptiste Pham Minh Man, arcivescovo di Ho Chi Minh City, nella lettera pastorale pubblicata il 28 maggio scorso. Il porporato ricorda anche ai fedeli che “proteggere l’ambiente è compito di ogni cristiano”.

La letterale pastorale incentrata sui temi ecologici è una risposta alle recenti decisioni governative che, in nome dello sviluppo economico, rischiano di causare danni ingenti all’ambiente. Il porporato ricorda due casi in particolare: l’inquinamento del fiume Thi Vai, a Ho Chi Minh City, provocato da una fabbrica del gruppo Vedan Vietnam specializzata nella produzione di glutammato, amido e soda; la decisione del parlamento vietnamita di promuovere l’estrazione di bauxite nelle miniere degli altipiani centrali del Paese.

La vicenda legata alle miniere degli altipiani centrali ha generato diffuse proteste fra i vietnamiti. A difesa dell’ambiente e dell’identità nazionale si è schierato anche il generale Vo Nguyen Giap, il leggendario eroe di guerra, che si è opposto con vigore alle estrazioni di bauxite. La battaglia del generale Giap è caratterizzata da una impronta nazionalista: egli, infatti, non vede con favore la presenza di centinaia di migliaia di lavoratori cinesi nelle miniere, i quali potrebbero beneficiare più della popolazione locale dei proventi ricavati dalle estrazioni.

Nella lettera pastorale, il card. Pham Minh Man ricorda le preoccupazioni della popolazione, degli intellettuali e degli ambientalisti e spiega che “nessuno si può arrogare il diritto di danneggiare o controllare [l’ambiente] nemmeno in nome dello sviluppo economico”. Il porporato denuncia gli imprenditori che pensano solo “al proprio tornaconto” senza prendere in considerazione “gli effetti collaterali causati” dalle loro fabbriche e industrie. “Queste strategie di sviluppo economico – conclude l’arcivescovo della ex-Saigon – possono solo condurre al caos. Non sono utili né al bene comune della società, né al futuro della nazione”.

Critiche alla scelta governativa di promuovere l’estrazione di bauxite negli altipiani centrali sono state sollevate da diversi settori della società vietnamita. Il partito comunista ha preso di mira però solo la comunità cattolica: il mese scorso due redentoristi – p. Peter Nguyen Van Khai e p. Joseph Le Quang Uy – sono stati attaccati per la loro opposizione al progetto. I media ufficiali li hanno definiti “stupidi” e “ignoranti” perché danneggiano l’unità nazionale, il processo di sviluppo e mirano a rovesciare il regime comunista al potere. Accusa, quest'ultima, punibile con la pena di morte.
 
胡志明市总主教:保护环境是基督徒的责任
Asia-News
20:04 30/05/2009
范明敏枢机主教反对政府在中部高原地带推动的开采铝矿计划。枢机还谴责那些“以经济发展为名而破坏环境”的人们,同时也呼吁大家要“为了后代子孙的利益”保护大自然。

胡志明市(亚洲新闻) -“自然环境是造物主赐给人类的礼物,我们大家都有权力分享这份礼物”;它是属于“全人类的,而非某一特定群体或少数人”,应该“为了后代子孙的利益”而得到保护。这是胡志明市总主教若翰范明敏枢机在五月二十八日所发表的牧函中所谈到的内容。枢机在牧函中提醒信友们说:“保护环境是每一个基督徒的责任”。

这份牧函的重点是有关环境的问题,是对政府最近所做决定的一个回应,因为政府以经济发展为名,很有可能造成对自然环境的破坏。枢机提到了两起特殊案件:胡志明市市威河的污染是由专们生产味精,淀粉和苏打的Vedan Vietnam集团所导致的;另外一件是越南议会决定在该国中部高原地区推动开采铝矿。

这件事与导致越南人提出抗议的中部高地矿区有直接的关系。战争中的民族英雄,武元甲将军也列阵保卫国家的环境和形象,他强烈反对开采铝矿。武元甲将军的挑战是受他民族主义思想的影响:事实上,他不赞成千上万的中国工人来这里的矿区工作,因为他们所得到的益处远远超过当地居民所获得的利益。

在牧函中,范明敏枢机主教还谈到了他对本国人民,对知识分子和环境保护主义者的担心,他解释说:“任何人都不能僭取破坏或操控自然环境的权利,即使是以经济发展为名也不可以”。枢机指控企业家们只顾“自己的利益”,从来不考虑他们的工厂和企业“造成的副作用”。这位前西贡的总主教最后结束说:“这些经济发展战略只能导致更大的混乱。既不利于社会公益,对国家的未来也没有任何好处”。

越南社会各阶层都在评论政府所做出的在中部高原地区开采铝矿的决定。但共产党的目标只是天主教团体:上个月,两名赎世主会会士:阮文海伯多禄神父和李全维若瑟神父,由于反对该项计划而遭到了攻击。官方媒体把他们说成是“愚蠢”和“无知”的人,因为他们伤害了民族的团结,发展的进程,并企图推翻共产党政权。仅这最后一项指控就足以够判处死刑的条件。
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khánh thành nhà thờ giáo họ Tây Tựu thuộc giáo xứ Cổ Nhuế, TGP Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
15:20 30/05/2009
HÀ NỘI - Đức Tổng Giám Mục Giuse đã cắt băng khánh thành và làm phép ngôi nhà thờ giáo họ Tây Tựu thuộc giáo xứ Cổ Nhuế, nằm trên địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Sau hơn 3 năm xây dựng, ngôi nhà thờ bé nhỏ thuộc giáo họ Tây Tựu hôm nay đã được khánh thành và làm phép bởi chính Đức Tổng Giám Mục.

Xem hình ảnh lễ khánh thành



Đây là một hồng ân lớn cho giáo họ mà bao đời trong giáo họ mong ước.

Giáo họ hiện tại chỉ có 20 giáo dân thuộc về một gia đình ông bà Giuse Hoàng Nghĩa Dần. Ông Dần vừa là trưởng gia đình, vừa là ông trùm. Giáo dân trong họ là các con và cháu của ông bà. thế nhưng trong ngày hồng phúc này, số giáo dân về chung vui với giáo họ có tới trên 300 người khiến cho khuôn viên nhà thờ trở nên nhộn nhịp lạ thường.

Hôm nay là ngày lễ Đức Mẹ đi thăm viếng bà Elisabeth, cũng là ngày lễ quan thầy của giáo họ. Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã quảng diễn những ân huệ mà Mẹ Maria đã không ngừng mang đến cho nhân loại kể từ ngày mẹ mang Chúa đến cho bà Elisabeth. Và hôm nay Mẹ đã đem Chúa đến cho giáo họ Tây Tựu để Chúa ban ơn phước cho giáo họ.

Mảnh đất ngôi nhà thờ tọa lạc là do ông cụ của ông Dần dâng tặng cho Giáo Hội để xây nhà thờ. Nhưng trải qua bao thập niên, niềm mơ ước của các cụ vẫn chưa được toại nguyện. Năm tháng trôi qua, chỉ còn lại có gia đình ông giữ đạo, xung quanh toàn người không cùng tôn giáo.

Mặc dù khó khăn, ông Dần cũng gồng gắng, thúc giục con cháu quyết tâm xây dựng nhà Chúa trên mảnh đất của cha ông.

Ông kể lại, trước năm 1954 ở trong thôn này có 2 giáo họ nhưng một giáo họ đã mất hẳn, nay chỉ còn giáo họ Tây Tựu với một gia đình ông giữ đạo.

Được biết, các giáo họ trong vùng lân cận cũng đã mai một khá nhiều sau những năm tháng đầy khó khăn. Có những giáo họ có tới gần 300 nhân danh, nay chỉ còn mấy cụ già với ngôi nhà thờ rách nát. Mấy năm qua, các giáo họ trong vùng này mới dần dần được khôi phục lại nhờ việc các cha dễ dàng tiếp cận hơn.

Thêm vào đó, công nhân và sinh viên thuộc các trường đại học trong vùng đã tới vùng này ở trọ sinh sống tạo nên một môi trường sinh hoạt khá mới.

Công việc mục vụ cho giáo họ giờ đây cộng thêm cả một khối đông những người ngụ cư. Chính vì thế, ngôi nhà thờ của giáo họ không chỉ là nơi cho giáo dân trong họ cầu nguyện, nhưng còn là điểm đến cho những anh chị em ngụ cư khắp nơi đỏ về.

Trong bữa cơm thân mật, ông Dần hồn nhiên thưa chuyện: “Hôm nay giáo họ chúng con còn vui mừng vì một việc nữa: Đức Tổng về với chúng con cũng là dịp để bà con trong thôn xóm được nhìn thấy Đức Tổng. Họ muốn nhìn thấy tận mắt Đức Tổng, nhất là sau những ngày báo đài lên án Đức Tổng. Đó là điều mà mọi người dân ở đây mong mỏi. Con thấy họ đều nghĩ tốt về Đức Tổng”.

Quả thật, ngôi nhà thờ chỉ là cát đá si măng, nhưng khi nơi đó cưu mang những tâm hồn cao thượng, khi nơi đó là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ thì nó có thể thức tỉnh và soi sáng cho xung quanh.
 
Lễ Tạ Ơn trong ngày bế giảng niên khóa 2008-2009 Đại Chủng Viện Hà Nội
TGP Hà Nội
18:10 30/05/2009
HÀ NỘI - Niên học 2008-2009 với khẩu hiệu “Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadazet và hằng vâng phục các ngài”(Lc 2,51) đã chính thức khép lại. Hôm nay, ngày 29/5/2009 tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, lễ bế giảng đã được diễn ra trong bầu khí phấn khởi, vui tươi và đầy tràn tâm tình tạ ơn.

Xem hình ảnh

Tham dự lễ bế giảng năm nay có Đức Tổng Giuse, Đức cha Giám đốc Lôrensô Chu Văn Minh, quý cha trong ban giám đốc và ban giáo sư, quý phụ huynh và toàn thể chủng sinh sáu khoá đang theo học tại hai cơ sở của ĐCV.

Đúng 8 giờ Đức Cha Lorensô- Giám đốc ĐCV long trọng tuyên bố lễ bế giảng niên học 2008-2009, ngài nói: “Thật là ý nghĩa vì chúng ta đã khởi sự năm học qua bằng việc hiệp dâng thánh lễ; và hôm nay chúng ta cũng quy tụ nhau nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa đã gìn giữ chúng ta trong năm học qua bằng việc kết hiệp với nhau trong thánh lễ tạ ơn này…”

Kế đến là những lời tri ân của thầy đại diện chủng sinh và một ông cố đại diện cho phụ huynh dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cảm tạ Đức Tổng Giuse và tất cả mọi người.

Sau phần cảm ơn là bài huấn dụ của Đức Tổng. Trong tâm tình cha chung, người thầy đức tin ngài nói: Chúng ta cùng tụ họp nhau nơi nay để tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những ơn lành Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta trong suốt năm học qua. Đặc biệt, năm học này gia đình ĐCV có một lớp mãn khóa, 46 thầy thuộc 6 giáo phận đã được lãnh nhận chức phó tế vào ngày lễ Truyền Tin (25/3) vừa qua. Để có được thành quả khích lệ như ngày hôm nay, chúng ta cũng tri ân các đấng bản quyền, quý cha giáo ĐCV, cha mẹ sinh thành và ân nhân, những cá nhân cũng như tập thể đã bảo trợ và giúp đỡ ĐCV trong suốt thời gian qua.

Đây cũng là dịp tốt để giúp chúng ta nhìn lại, những gì còn chưa làm được trong năm học qua thì các con cũng đừng lấy đó làm buồn. Điều quan trọng là biết khuyết điểm để sửa chữa, nghĩa là sau khi đã thất bại thì mình luôn ý thức đứng lên và vươn tới. Dù có những vấp váp, thất bại và thương tích nhưng nhờ những kinh nghiệm đó mỗi người có khả năng kháng bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất để giúp dần hoàn thiện bản thân.

Đức Tổng đã kết thúc bài nói chuyện của mình bằng những lời rất thân thương: “Vì tình yêu trưởng thành và mong muốn những người con của mình lớn mạnh, các đấng Bề Trên đã gởi anh em ra đi. Cha cũng không quên chúc những anh em ra trường càng được trưởng thành hơn nữa, những anh em sẽ trở về trường tích luỹ được những kinh nghiệm quý báu để giúp tiến trình tự đạo luyện mình ngày càng ích lợi và hiệu quả hơn”.

Vào hồi 10 giờ cũng ngày, Đức Tổng Giuse đã chủ sự thánh lễ tạ ơn cùng quý cộng đoàn tại nhà thờ Chính Tòa. Dưới đây là toàn văn bài giảng của ngài:

BÀI THI CUỐI CÙNG Ga 21, 15-19

Trước khi trao quyền Giáo hoàng cho thánh Phêrô, Chúa Giêsu phỏng vấn thánh nhân. Đây là bài thi cuối cùng mà thánh nhân phải trải qua. Bài thi chỉ có một đề tài: “Phêrô con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Một đề tài được hỏi ba lần vì đây là vấn đề quan trọng. Cả ba lần chỉ hỏi một đề tài vì đây là vấn đề cốt lõi.

Đây là một câu hỏi có tính chất tổng hợp nhằm tổng kết quá trình cuộc đời. Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô câu hỏi này trước khi về trời. Với tất cả những gì Chúa đã trải qua như sống nghèo khổ, bị tố cáo oan ức, bị hành hạ, bị giết chết, thánh Phêrô còn dám yêu Chúa nữa không? Với tất cả những gì thánh Phêrô đã sống, như đã đi theo Chúa, đã yếu đuối bị chìm xuống nước, nhất là đã cả gan chối Chúa, ngài còn có thể yêu Chúa nữa không? Chắc chắn khi nghe Chúa hỏi 3 lần, thánh Phêrô đã phải nghĩ tới tất cả những điều đó. Và khi trả lời ngài cũng hiểu phải đúc kết cả cuộc đời mình trong đó.

Đây không phải là một câu hỏi thuần lý thuyết nhưng có kèm theo việc thực hành. Việc thực hành thứ nhất là phục vụ. Sau khi thánh Phêrô trả lời “có yêu mến Thầy”, Chúa Giêsu đã trao nhiệm vụ cho ngài: “Con hãy chăn dắt chiên con của Thầy”. Tình yêu đối với Chúa không phải là vấn đề cảm tính, nhưng phải biến thành hành động. Hành động đó là phục vụ. Yêu Chúa thì phải phục vụ anh em.

Việc thực hành thứ hai đi xa hơn vì đòi từ bỏ chính mình. “Khi con già, con sẽ phải dang tay ra để cho người ta thắt lưng và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Yêu mến Chúa là từ bỏ mình. Để Chúa muốn dẫn ta đi đâu tùy ý Chúa. Để Chúa muốn sử dụng cuộc đời ta cách nào tùy ý Chúa. Và nhất là sẵn sàng dâng hiến mạng sống vì Chúa. Đó chính là tình yêu thực sự, tình yêu cao cả nhất.

Sau khi hiểu rõ tất cả đòi hỏi của tình yêu, thánh Phêrô sẵn sàng chấp nhận. Bấy giờ Chúa mới nói: “Hãy theo Thầy”. Cuộc phỏng vấn kết thúc. Thánh Phêrô hoàn thành xuất sắc và được chấp nhận làm môn đệ của Chúa. Nhưng để thực hành bài học cuối cùng này, thánh nhân còn phải suốt đời tận tâm phục vụ anh em. Và sau cùng ngài đã dâng hiến mạng sống chịu chết để làm chứng cho Chúa.

Hôm nay Đại chủng viện dâng lễ tạ ơn Chúa vì một năm học đã kết thúc tốt đẹp. Đây cũng là một lễ tổng kết. Hôm nay Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Với tất cả những gì Chúa dành cho mỗi người chúng ta từ khi bắt đầu tìm hiểu ơn gọi cho đến nay, với biết bao tình thương yêu qua Giáo hội, qua Giáo phận, qua Chủng viện, qua các cha giáo, qua các ân nhân, các người phục vụ, qua gia đình, ta có dám trả lời là yêu mến Chúa không? Nhất là qua những yếu đuối lỗi lầm, sai sót vấp ngã, những lười biếng, những ích kỷ, ta có còn dám trả lời: “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy không?”.

Đã hiểu rằng tình yêu đối với Chúa và Giáo hội không phải là cảm tính bồng bột, nhưng phải thể hiện qua việc làm phục vụ, ta có còn sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho Chúa không? Nhất là nhìn thấy trước những khó khăn, có thể phải chịu đau đớn, khổ nhục, chịu kết án oan ức, chịu lăng mạ khinh khi, kể cả chịu chết vì Chúa, ta còn dám theo Chúa nữa không?

Anh em chủng sinh đã hoàn tất năm học. Riêng anh em khóa K02 đã hoàn tất chương trình đào tạo của chủng viện. Nhưng vẫn còn đó bài thi cuối cùng. Vẫn còn đó bài thi tổng kết của một đời: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Chắc chắn anh em sẽ noi gương thánh Phêrô trả lời Chúa bằng câu trả lời đúc kết một đời: “Lạy Thầy, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy”. Nghe câu trả lời đầy nhiệt tình ấy, Chúa sẽ mời gọi anh em: “Hãy theo Thầy”.

Trong thánh lễ này chúng tôi cầu nguyện cho anh em biết noi gương thánh Phêrô, hoàn thành tốt đẹp bài thi cuối cùng, bài thi tổng kết một đời, trong chuyên cần thực tập yêu thương phục vụ và nhất là trong hi sinh quên mình, dám sống cho Chúa và dám chết cho Chúa.
 
Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh, Thanh Hóa, bế giảng niên học 2008-2009
TT Thanh Hóa
19:22 30/05/2009
THANH HOÁ - Hoà cùng tiếng ve râm ran báo hiệu hè về, sáng nay, ngày 30.5.2009, TCV Lê Bảo Tịnh tổ chức lễ bế giảng niên khoá 2008-2009. Từ trong những khó khăn của Giáo phận, mái trường TCV đã hình thành và phát triển nhờ những nổ lực của Đức Cha Giuse cùng mọi thành phần dân Chúa. Qua bao nhiêu cố gắng, ngôi nhà 4 tầng khang trang, sạch sẽ, vừa mới hoàn thành vào cuối năm 2008, với sự giúp đỡ tận tình của quý ân nhân, là “khu vườn ươm ơn gọi” của Giáo phận Thanh Hoá. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2005, TCV đã đóng góp cho Giáo phận rất nhiều mầm non ưu tú.

Trước buổi lễ bế giảng, vào lúc 8g30’, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám đốc TCV- đã chủ toạ buổi mạn đàm tổng kết cuối năm cùng với Ban Giảng huấn. Nội dung buổi họp mặt là việc nhìn lại công tác giảng dạy và học tập trong 1 năm qua với những mặt mạnh - yếu, các phương thế để chỉnh đốn hầu đạt kết quả khả quan hơn. Ngài thay mặt Giáo phận cám ơn sự nhiệt tình của các cha, các thầy cô trong Ban Giảng huấn đã hăng hái đóng góp cho công việc đào tạo những linh mục tương lai.

SỨ ĐIỆP NGÀY CUỐI KHÓA

Vũ điệu vui nhộn của gần 20 chú Ứng sinh trong vũ khúc “Về đây yêu thương” đã mở đầu cho buổi lễ tổng kết niên học vào lúc 9g45’. Trong dịp này, có sự hiện diện rất phong phú của mọi thành phần trong cũng như ngoài Giáo phận. Gồm Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, cha TĐD Phêrô Vũ Tiến Phúc, Ban Thường vụ TCV, quý cha đại diện Linh mục đoàn, Ban Giảng huấn, quý thầy, quý Soeurs Dòng MTG Thanh Hoá; bên cạnh đó là sự góp mặt của gần 60 ứng sinh thuộc giáo phận và một số quí khách đến từ bên kia bờ đại dương.

Để khai mạc, Cha Giuse Nguyễn Thanh Long - Trưởng Ban Thường vụ TCV đã báo cáo sơ lược về niên học vừa qua với những thành công cũng như những mặt hạn chế. Đồng thời cho biết kết quả học tập của các chú rất khả quan, với 30% loại giỏi,50% khá và 20% trung bình, không có loại kém.

Cha TĐD Phêrô Vũ Tiến Phúc đã chia sẻ về chuyến tham dự lễ mãn khoá của các thầy Thanh Hoá theo học tại ĐCV Sao Biển – Nha Trang. Trong dịp này, ngài đã nghe được những lời khích lệ, chia vui của hàng ngũ linh mục Nha Trang về công việc đào tạo cũng như tương lai đầy hy vọng của Giáo phận Thanh Hoá với đội ngũ nhân sự khá đông đảo. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải là số lượng mà là chất lượng, nên các ứng sinh cần phải ý thức và quyết liệt hơn trong ơn gọi của mình.

Cha Raphael Đỗ Văn Tuấn - thầy dạy Tu Đức, đại diện Ban Giảng huấn bày tỏ lòng tri ân Đức Cha Giuse đã thành lập TCV, song song với việc qui tụ Ban Giảng huấn “cây nhà lá vườn”, để mọi người có cơ hội chung tay với giáo phận bằng tất cả nhiệt huyết và khả năng của mình. Cha Tuấn cũng chân tình chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống linh mục và nhắc nhở các ứng sinh hãy luôn sống trong tâm tình tri ân và vâng phục Thiên ý.

Đức Cha Giám đốc cũng đã tuyên bố bế giảng năm học trong sự vui mừng nhìn về tương lai, với đội ngũ sắp được gởi đi du học trong năm tới. Ngài nhấn mạnh, TCV chính là “con tim”, là chiếc nôi của Giáo phận, nơi mà từ đây, các người trẻ sẽ ra đi gom góp, chắt lọc những tinh hoa để làm hành trang dựng xây tương lai của giáo phận.

Đan xen chương trình là các tiết mục hát và hoạt vũ do các chú ứng sinh phụ trách. Cũng trong dịp này, những nhạc công “kế thừa” nhóm đàn anh của ban nhạc U.S.U.T.H, đã ra mắt Giáo phận bằng Bản giao hưởng thứ 40 của thiên tài âm nhạc Mozart.

Cuối cùng là lời cám ơn của một đại diện ứng sinh. Tiếng nói của “năm mươi tám con tim cùng chung nhịp đập tri ân”, trong tâm tình buồn vui lẫn lộn trước giờ phút chia tay với Đức Cha, Ban Thường vụ và Ban Giảng huấn. Nỗi niềm bâng khuâng trước những kỷ niệm, những ưu tư cho bước đường tương lai khi “kẻ ở, người đi”….

Ước mong trong tâm tình cầu nguyện mỗi ngày của mọi ân thân nhân đã góp công, góp của cho công việc đào tạo của Giáo phận, sẽ có một lời nguyện đơn sơ dành cho những mầm non tương lai. Để mỗi thành viên của TCV Lê Bảo Tịnh hôm nay, sẽ là niềm hy vọng và niềm tự hào cho Giáo phận Thanh Hoá ngày mai…
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Diễn biến hòa bình
Roger Cohen - Phạm Minh Ngọc (dịch)
00:16 30/05/2009
Diễn biến hoà bình

Nhà báo Roger Cohen
Viết từ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc anh em, đã xác định được kẻ thù số một của họ. Đấy là “diễn biến hoà bình”.

Điều này mới nghe thật chẳng khác nào nhân viên dự báo thời tiết cảnh báo vể mối đe doạ của trời quang, mây tạnh. Nhưng những kiến trúc sư của chủ nghĩa Lenin định hướng thị trường, những người đã đưa chủ nghĩa tư bản phát triển như vũ bão vào các nước độc đảng ở Á châu, không nói đùa. Cơn ác mộng của họ không phải là sự trỗi dậy của cách mạng mà là lún sâu, lún sâu mãi vào thể chế dân chủ tự do.

Hai mươi năm trước, sau vụ tắm máu ở quảng trường Thiên An Môn, phản kháng đi vào thoái trào, sinh viên từ Bắc Kinh đến Hà Nội đều trở nên dễ bảo. Họ hưởng lợi từ quá trình phát triển mà bỏ qua dân chủ trong một tương lai có thể nhìn thấy được. Có thể là họ muốn có nhiều tự do hơn, nhưng không đến mức phải đối đầu với hệ thống như thế hệ Thiên An Môn đã làm.

“Nhiệm vụ chủ yếu của Trung Quốc bây giờ là phát triển”, Song Chao, sinh viên khoa sinh thái học của trường Đại học Bắc Kinh đã nói với Sharon LaFraniere, một đồng nghiệp của tôi như thế. Đấy cũng là tâm trạng ở Việt Nam hiện nay, tại đây, chuyển từ xe máy lên xe hơi có lẽ được giới trẻ quan tâm hơn là thúc đẩy chế độ dân chủ đa đảng.

Ở Trung Quốc thái độ thực dụng như thế được cho là do chấn thương tâm lí. Nửa sau thế kỉ XX nội chiến xảy ra ở cả hai nước, gây ra rất nhiều thiệt hại. Cho nên ổn định được coi trọng, đặc biệt là khi nó đem lại một mức sống cao hơn.

Nhưng bóng ma của “diễn biến hoà bình” đã tạo ra nhiểu thay đổi làm cho Bộ Chính trị ở nước Á châu này phải giật mình tỉnh giấc giữa đêm đen.

Công nghệ đã tước mất của chế độ toàn trị chữ “toàn”. Đêm trường tư tưởng của chế độ Stalinist hay Maoist đã bị các xã hội nối mạng vất vào đống rác của lịch sử. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không phải là những nước tự do. Đồng thời cả hai nước đều không mất tự do đến mức nhân dân phải đứng lên đòi tự do.

Shi Guoliang, người đang nghiên cứu qua điểm của giới trẻ ở Trường Chính trị học Thanh niên Bắc Kinh, nói với tờ Financial Times rằng: “Sinh viên không biểu tình ngồi nữa, họ viết blog và sử dụng Twitter.”

Dĩ nhiên là chính quyền Trung Quốc có ngăn chặn một số Web sites thù nghịch. Internet không được hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam, mọi thứ nói chung là lỏng lẻo hơn phương Bắc, cho nên cũng được tự do nhiều hơn. (Sự kình địch giữa Việt Nam và Trung Quốc bao giờ cũng được che đậy bởi tình hữu nghị anh em theo đúng thể thức.)

Ở cả hai nước, thông tin liên lạc và thế giới mạng đã trở thành những chiếc van an toàn cho chế độ độc đảng, nơi chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là cái mác để người ta nắm giữ quyền lực mà thôi.

Về đại thể, tôi có thể nói rằng thời đại cách mạng đã qua rồi. Google đã ăn tươi nuốt sống tinh thần bạo loạn. Đấy là khác biệt chủ yếu giữa thế hệ Thiên An Môn và “Thế hệ toàn cầu” đang nổi lên ở châu Á. Sức nóng chỉ gia tăng trong không gian chật hẹp. Khi các bức tường và những đường biên giới đã bị thủng lỗ chỗ thì nó sẽ tiêu tán đi.

Bộ máy của Đảng, đã học thuộc bài của Bác Mao và Bác Hồ, còn phải lo gì nếu không có “diễn biến hoà bình”?

Sự sụp đổ của hệ thống Xô-viết mà hầu như không gây ra một tiếng động nào và những cuộc cách mạng nhung ở Trung Âu đã cho những kiến trúc sư chế độ đàn áp tinh vi của thế kỉ XXI ấn tượng không thể phai mờ. Họ dỏng tai nghe không phải những tiếng nổ lớn mà là những lời chửi thầm.

Hệ thống của họ không ồn ào. Họ không dựa vào khủng bố hay quần đảo ngục tù (GULAG) mà dựa vào việc thiết lập các lằn ranh giới hạn tự do, khi tự do có nghĩa là quyền phủ nhận hoặc quyền tổ chức chống lại chính quyền.

Cho nên điều những người bảo vệ chủ nghĩa cộng sản bạo ngược đã hoá đá sợ không phải là các đơn vị cách mạng với súng AK-47 lăm lăm trong tay mà là các tổ chức phi chính phủ (NGO) có vẻ vô hại. Họ luôn cảnh giác với những người phương Tây đầy lí tưởng, có học, mặt búng ra sữa, những người mà đằng sau câu chuyện về nhân quyền và chế độ pháp quyền, có thể xoá nhoà làn ranh không thể vượt qua nói trên và làm lung lạc tinh thần của cán bộ Đảng.

“Công ty thì anh có thể đăng kí trong vòng một ngày, nhưng xin hãy quên NGO và các hội từ thiện đi”, Jonathan Pincus, người đang lãnh đạo chi nhánh mang tên Kennedy của Đại học Harvard ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nói với tôi như thế. Một đoàn đại biểu Nga mới tới thăm Việt Nam gần đây đã chỉ cho họ cách đối phó với những mối đe doạ của NGO.

Đấy là điều đáng tiếc nhưng không phải là tai hoạ. Cái tốt nhất không nhất thiết phải là kẻ thù của điều lành. Việc phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và Việt Nam, chiếm khoảng 20% dân số thế giới, đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo kể từ ngày chế độ cộng sản toàn trị sụp đổ. Phương Tây không thể nói rằng họ giỏi hơn được nữa.

Xin nói thêm một chút về cái học thuyết đã dẫn dắt nhân loại vào con đường sai lầm. Trong một giai đoạn ngắn ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, thị trường tự do và chế độ tự do đa đảng tưởng như sẽ quét sạch mọi thứ trên bước đường vinh quang của nó. Nhưng từ Moskva đến Bắc Kinh và Hà Nội, phản động đã quay trở lại. Thị trường và chủ nghĩa dân tộc đã chà đạp tự do và lá phiếu của người dân, tinh thần cao quí của Thiên An Môn và Berlin phai nhạt dần.

Nước Mĩ, vốn được sinh ra từ tư tưởng tự do, phải trung thành với những giá trị của tư tưởng này. Nhưng tỉnh táo và đang trong tình trạng nghèo túng, Mĩ phải biết kiên nhẫn. Khi giới trung lưu đang lên của Việt Nam và Trung Quốc trở thành khó tính hơn đối với hàng hoá họ dùng hàng ngày thì họ cũng sẽ trở thành những khách hàng khó tính hơn của chính phủ.

Họ sẽ đòi hỏi minh bạch hơn, luật pháp ổn định hơn, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, ít tham nhũng hơn, giáo dục mở rộng hơn, nhiều tự do ngôn luận hơn và ít giới hạn không thể vượt qua hơn.

Chế độ độc đảng khó mà làm được chuyện đó. Tôi xin đánh cược rằng trong một phần tư thế kỉ nữa, thông qua diễn biến hoà bình, ở cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều sẽ có nhiều dân chủ và tự do hơn, chứ không ít hơn.

Nguồn: http://www.nytimes.com/2009/05/25/opinion/25iht-edcohen.html?_r=2
 
Sao lại cúi đầu trước Trung Quốc?
Christian Caryl và Mary Hennock
01:12 30/05/2009
«Nhiều lãnh đạo trên thế giới tỏ ra sẵn sàng nhường vị thế thống trị châu Á cho Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc chưa thể đủ khả năng cho vai trò này.»

Ngày càng có nhiều học giả châu Á và phương Tây tuyên bố rằng thời điểm của Trung Quốc cuối cùng cũng đã tới. Ai có thể phản bác được họ? Khi Hoa Kỳ đang phải gắng vật lộn với sự suy giảm nghiêm trọng về kinh tế và phải khôi phục lại hình ảnh đã bị hoen ố do hai cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục như vô tận, Trung Quốc đang lớn lên và khuếch trương ảnh hưởng ra thế giới. Sự tự tin có thể sờ được ở mọi chỗ trên khắp «Vương quốc Trung nguyên » (Middle Kingdom). Tháng trước, tại Diễn đàn Bác-Ngao (câu trả lời của Bắc Kinh đối với Diễn đàn Davos), một loạt các diễn giả Trung Quốc đã không còn lên tiếng với vẻ khiêm nhường thường có nữa và còn chế nhạo Washington về chuyện yếu kém trong quản lý tài chính. Những diễn giả này kêu gọi thiết lập một loại tiền dự trữ mới thay cho Đô-La và đòi hỏi có nhiều ảnh hưởng hơn trong hệ thống kinh tế thế giới. Vài ngày sau đó, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh, lần đầu tiên, đã phô cho thế giới thấy hai tầu ngầm hạt nhân và tuyên bố lực lượng hải quân của họ sẽ sớm phóng sức mạnh ra Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Nhưng điều gây ngạc nhiên đặc biệt về sự trỗi dậy của Trung Quốc là việc mọi người rất ít xem lại thực lực của nó có phù hợp với vị thế quốc gia đứng đầu châu Á không. Thực trạng này cũng diễn ra ngay cả ở Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế gấp 10 lần Trung Quốc. Hoạt cảnh Bắc Kinh đang giữ một vai trò đứng đầu tại các cuộc gặp thượng đỉnh, nơi mà Tokyo nhìn chung không nổi bật, cũng dường như đang được chào đón ở khắp nơi như một sự tưởng thưởng gấp gáp. Ngày càng có thêm các lãnh đạo ở khắp thế giới âm thầm cúi đầu trước Trung Quốc như một siêu cường với hết thảy động lực cho kinh tế. Đó cũng là thông điệp không nói ra khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, ngay tháng trước, đã xin lỗi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về việc đã tiếp kiến Đức Dalai Lama, hoặc khi Hoa Kỳ lặng lẽ dừng việc lên án Trung Quốc thao túng đồng tiền nội địa. Các báo phát hành từ London cho tới Seoul đều đang chạy các tin về sự nổi lên của Trung Quốc như một quốc gia điều khiển thế giới, và nhà báo Martin Jacques gần đây còn dự báo trong tờ The Guardian là Thượng Hải sẽ sớm thay New York làm «trung tâm tài chính thế giới ». Ông ta còn không nhắc đến những đối thủ khác trong vùng như Tokyo, Singapore hay Seoul.

Các học giả như David Kang của UCLA (Đại học California, Los Angeles) thậm chí còn cho rằng sự nổi dậy của một trật tự thế giới xoay quanh Trung Quốc có thể là một tiến triển tích cực và mang lại sự ổn định. Trong phần lớn của hai nghìn năm qua, ông ta ghi nhận, rằng người châu Á đã coi sự thống trị của Trung Quốc như một phần của cuộc sống. Và sự thống trị đó thường là hiền lành: trong khi đế chế Trung Quốc muốn các nước láng giềng thừa nhận sự thống lĩnh của nó và phục dịch nó thì ngược lại nó cũng thường để cho các nước đó được yên thân. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc đã chứng tỏ rõ ràng tính ổn định và mềm dẻo. Kang còn nói « Nếu nhìn vào lịch sử, bạn sẽ không thể kết luận ngay được là Trung Quốc càng lớn thì càng nguy hiểm. »

Có thể thực tế đã đúng như những nhận định vừa nêu. Nhưng sẽ đích đáng để xem xem Trung Quốc đã thực sự sẵn sàng làm thủ lĩnh, ngay ở mức độ trong khu vực, hay chưa. Trong khi châu Á hiện tại vẫn còn hỗn độn, đa cực về sức mạnh, nó chưa thể tự gò mình vào một thứ tôn ti nào. Trung Quốc đúng là lớn hơn rất nhiều các nước láng giềng về qui mô kinh tế, nhưng với các thước đo khác như công nghệ, GDP/đầu người hoặc sức mạnh của các định chế trong xã hội, Trung Quốc còn xa mới tới được vị trí số 1. Nhà quan sát châu Á Bill Emmott đã viết trong cuốn « Rivals » (các đối thủ) mới ra gần đây, rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc đang bị mắc kẹt vào các loại đầu tư hoang phí, các xuất khẩu vốn qui mô lớn (massive capital export), dự trữ ngoại hối kiểu phô trương và nạn ô nhiễm trầm trọng. Chính thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, gần đây đã nói rằng các sai lầm về cấu trúc đang gây ra tình trạng « phát triển bất ổn định, bất cân bằng, bất đồng điệu và bất bền vững. »

Mô hình Trung Quốc hiện tại khó có thể giúp Trung Quốc vượt qua được các đối thủ để lãnh đạo châu Á. Nhật Bản hiện tại kém xa Trung Quốc về tham nhũng và được quản lý tốt hơn, và vẫn đang giữ một vị trí vững chắc đứng đầu về công nghệ. Trong khi nền kinh tế Nhật Bản hướng về xuất khẩu đang phải chịu một suy giảm lớn từ suy sụp tài chính toàn cầu, các công ty giàu vốn của Nhật vẫn đang tiếp tục dồn tiền vào Nghiên cứu-Phát triển (R&D) cho đủ loại sản phẩm, từ điện tử cho tới sắt thép. Chính vì thế mà Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới về công nghệ xe hơi «xanh », và Trung Quốc không thể theo kịp. Charles Gassenheimer, Tổng giám đốc của hãng xe hơi-« xanh » Ener1 của Hoa Kỳ, cho rằng tổng đầu tư của Nhật Bản vào việc phát triển loại ắc-qui tối tân nhất đã luôn gấp 10 lần Hoa Kỳ suốt một thập niên qua (từ năm 1998). Trong khi Trung Quốc chỉ mới bước vào cuộc chơi (dù với một tốc độ cao).

Ngay cả Nam Hàn – một nước khó chịu với thân phận bị gọi là «hạng tôm tép giữa đám cá voi » - cũng đã và đang nổi lên như một sức mạnh, đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất, có tính sáng tạo nhất và có công nghệ cao nhất thế giới. Theo Chỉ số Đổi mới Quốc tế (International Innovation Index) gần nhất, Nam Hàn đứng thứ nhì thế giới, còn Trung Quốc thứ 27. Nam Hàn là một ví dụ cho thấy châu Á ngày nay có rất nhiều thủ lĩnh tùy theo lĩnh vực: Trung Quốc xuất chúng trong việc tạo ra các sản phẩm giá thấp, nhưng Nhật Bản và Nam Hàn lại đứng đầu về đổi mới và sản phẩm công nghệ cao.

Do vậy, dưới nhiều phương diện, ý nghĩa trọn vẹn của Số 1 đã trở nên lỗi thời. Một số chuyên gia cho rằng người châu Á vẫn bị đóng chặt vào ý nghĩa đó của Số 1 là do ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử-nhấn mạnh phải tôn trọng hệ thống thứ bậc có tôn ti, trật tự. Nhưng, hãy nhìn cách Singapore đang khai thác giá trị gia tăng của công nghệ thông tin để chiếm một vị thế trên thế giới khác với mức nhỏ bé về lãnh thổ. Hoặc hãy xem cách tác động của hoạt động thương mại thế giới và mạng Internet làm cho Bắc Kinh ngày càng thấy gay go trong việc duy trì trật tự ở trong nước. Rõ ràng thời đại toàn cầu hóa không chấp nhận quan điểm thứ bậc tôn ty của Khổng Tử.

Những chiến lược gia về ngoại giao theo quan điểm duy thực vẫn thích chỉ ra thực tế của khu vực chưa bao giờ thấy cả hai (Trung Quốc và Nhật Bản) cùng mạnh một lúc. Những chuyên gia này lo ngại sự tiến triển đó có thể dẫn đến xung đột và sợ rằng sức mạnh hải quân Trung Quốc, có thể bị các đảo của Nhật Bản vây hãm khi có xung đột, đã được điều đi thăm dò hệ thống phòng vệ của Nhật Bản rồi. Trong khi đó Tokyo đang tăng cường Lực lượng Bảo vệ Bờ biển quanh các đảo có tranh chấp và đưa máy bay tới kiểm soát các dàn khoan dầu của Trung Quốc. Aaron Friedberg, nhà nghiên cứu chính trị tại Princeton, đã so sánh châu Á hiện đại với châu Âu trong thế kỷ 19 khi các nước lớn vẫn còn dùng mánh «diễu võ giương oai» để giành quyền kiểm soát.

Điều này nhấn mạnh vào việc phải xem còn bao xa Trung Quốc mới đạt được vị thế thống trị trong khu vực. Vào thế kỷ 19, không có một dân tộc đơn lẻ nào tại châu Âu có khả năng khống chế cả châu Âu. Tương tự, không có gì chắc chắn cho thấy Trung Quốc có thể thắng Nhật ngay cả trong một cuộc xung đột nhỏ, và khả năng càng ít hơn đối với một xung đột lớn-sẽ làm người đồng minh lớn nhất của Nhật phải tham dự. Hơn nữa: dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có tăng liên tục trên 10% hàng năm thì cũng cần phải ít nhất một thập niên nữa Trung Quốc mới có thể hạ thủy được tàu sân bay đầu tiên – dấu chỉ của hải quân đủ khả năng áp đặt được sức mạnh (trong khi Hoa Kỳ hiện đã có 11 chiếc).

Dĩ nhiên Trung Quốc không tuyên bố bất kỳ khát vọng nào về thống trị quân sự hay bá chủ kinh tế, và cũng có thể Trung Quốc đang cần giữ gìn về lời ăn tiếng nói. Vấn đề quan trọng hiện nay là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có một ràng buộc lớn theo kiểu chủ nợ-con nợ và kẻ mua-người bán. Điều tương tự cũng đang xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ để trở thành bạn hàng số 1 của Nhật Bản vào năm 2007. Một nước Nhật già cỗi đang tận dụng nhân công giá rẻ của Trung Quốc, trong khi các nhà máy tại Đồng bằng Sông Ngọc (đông nam Trung Quốc-ND) thường dùng các máy móc và công nghệ made in Japan. Hợp tác cấp thế giới và vùng đang có ý nghĩa rất lớn cho lợi ích của cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có lý do để các nước láng giềng phải chuẩn bị cho một Trung Quốc hung hãn hơn. Vẫn có các nỗ lực nhằm xây dựng một tổ chức tự vệ khu vực chung, nhưng đang gặp trở ngại do những khác biệt về nguồn lực và ý thức hệ và do cả nỗi e ngại có thể làm Bắc Kinh tức giận. Nhưng vẫn có nhiều cách khác để thúc đẩy một châu Á tiến theo chiều đa cực. Chính quyền Obama dường như đang đi theo hướng này: khi tới thăm châu Á tháng Hai vừa qua, Hillary Clinton đã tới Nhật Bản trước tiên, sau đó là Seoul, nhằm thúc giục hai bên hợp tác với nhau. Sau đó Hillary Clinton tới Indonesia, một chế độ dân chủ lớn và mới hình thành. Chỉ sau đó, Hillary Clinton mới dừng ở Bắc Kinh và kêu gọi Trung Quốc, Nhật Bản hợp tác với nhau trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đó chính là một dạng vấn đề liên quốc gia cần đến sự hợp tác, chứ không cần kiểu « giễu võ, dương oai » - một mánh lới đang trở nên phổ biến, nhưng chỉ là kiểu «múa rìu qua mắt thợ».

Phạm Hồng Sơn dịch, 27/05/2009 (Nguồn: Why Bow to China? Newsweek No21, May 25, 2009, http://www.newsweek.com/id/197899)
 
Cựu bộ trưởng thúc giục dân chủ
Nguyễn Hùng/BBC
05:19 30/05/2009
Cựu bộ trưởng thúc giục dân chủ

Cựu bộ trưởng Nguyễn Xuân Giá
Một cựu bộ trưởng có tiếng ở Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi xây dựng xã hội dân chủ và đẩy mạnh vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan hiện bị một số nhà chỉ trích gán cho vai trò ''bình phong cây cảnh''.

Trong bài phỏng vấn đăng trên trang web của báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Xuân Giá, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB nói:

''Để đất nước phát triển bền vững phải xây dựng cho được nền dân chủ.

''Phát huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh hết sức quan trọng.''

Vị cựu bộ trưởng có nhiều ảnh hưởng hồi cuối những năm 1990 đầu những năm 2000 nói phản biện xã hội cũng phải được thực hiện theo đúng cách chứ ''kết luận đúng - sai thôi chưa đủ''.

''Thực sự phản biện và cơ quan phản biện cần những nhà chuyên môn, chứ không cần người nói suông, nói theo cảm tính, cảm giác.''

'Đánh trống bỏ dùi'

Trong phần trả lời phỏng vấn xoay quanh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ông Giá nói:

''Vai trò của mặt trận là giúp Quốc hội tập hợp các ý kiến kiến nghị lên Quốc hội, lên Chính phủ và các cơ quan hành pháp.

''Sau khi các ý kiến được gửi tới các cơ quan hữu trách phải bám theo nó, truy cho tới cùng xem nó đi về đâu, nó được giải quyết thế nào.''

Trên thực tế báo chí Việt Nam đã nói về tình trạng khiếu kiện kéo dài và thiếu kênh khiếu kiện hiệu quả ở Việt Nam.

Ông Giá thúc giục Mặt trận Tổ quốc có vai trò hữu hiệu hơn:

''...Người làm công tác mặt trận phải có tâm để ''không quên'' những kiến nghị của người dân. Yêu cầu các tổ chức... phải trả lời: Làm có kết quả không?

''Không thể để xảy ra tình trạng 'đánh trống bỏ dùi''.

'Con dao hai lưỡi'

Nếu ngược lại thì chẳng những không đạt được mục tiêu đề ra, mà còn để lại hậu quả xấu, lạm phát cao không chỉ trước mắt mà lâu dài.

Ông Trần Xuân Giá

Ở phần đầu bài phỏng vấn với báo Đại Đoàn Kết, ông Giá đã dành nhiều thời gian để nói về việc điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế và chi tiểu khoản kích cầu nhiều tỷ đô la.

Ông Giá, người ngay từ cuối năm 2008 đã nhận định tăng trưởng khó đạt trên 6%, nay nói rằng không nên điều chỉnh tăng trưởng xuống 5% từ mức 6,5% vì đây chỉ là chỉ tiêu ''định hướng'' nên có thể giữ để làm mục tiêu ''phấn đấu''.

Ông cũng nói tình hình kinh tế thế giới đang còn biến động nên có nguy cơ nếu điều chỉnh vào thời điểm hiện tại có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh.

Liên quan tới khoản kích cầu khoảng tám tỷ đô la, ông Giá nói với Đại Đoàn Kết rằng đây là khoản tiền lớn so với GDP ước tính 100 tỷ đô la của năm 2009 và là 'con dao hai lưỡi'

''Nếu sử dụng các nguồn vốn một cách đúng đắn...thì sẽ mang lại được kết quả như mong muốn, kiềm chế được đà suy giảm kinh tế mà giá phải trả thấp.

''Còn nếu ngược lại thì chẳng những không đạt được mục tiêu đề ra, mà còn để lại hậu quả xấu, lạm phát cao không chỉ trước mắt mà lâu dài.''

Ông Giá đã từng nói rằng nên đầu tư vào những ngành 'có đầu ra' thay vì đổ tiền vào những nơi dẫn tới ùn tắc về sản phẩm.

Vị cựu bộ trưởng được đào tạo ở Liên Xô cũ và từng là trưởng khoa ở Đại học Kinh tế được xem là người tương đối cấp tiến.

Ông trở thành Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đầu tiên sau khi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước do ông phụ trách sát nhập với Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư hối cuối những năm 1990.

Hiện ông lãnh đạo hội đồng quản trị 11 người của ngân hàng ACB bao gồm cả người Việt và người nước ngoài.
 
Cựu Tổng Bí thư kêu gọi chống tham nhũng
BBC
05:29 30/05/2009
Cựu Tổng Bí thư kêu gọi chống tham nhũng

Lê Khả Phiêu
Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu vừa lên tiếng kêu gọi tăng cường nỗ lực chống tham nhũng trong một thông điệp mà hãng thông tấn Pháp Agence France-Presse coi là lời chỉ trích thuộc loại hiếm hoi đối với chính phủ hiện tại.

Ông Phiêu, người giữ chức Tổng Bí thư từ năm 1997 tới năm 2001, vài năm trước đã gây xôn xao dư luận khi ông cho hay đã từng được đề nghị hối lộ hàng chục nghìn đôla khi còn đương chức.

Ông nói với AFP: " Tôi luôn mong mỏi các kết quả tốt đẹp hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng".

"Hiện giờ còn chưa có tiến bộ như mong muốn."

Tuy nhiên người từng lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng tham nhũng là "căn bệnh không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác nữa".

Ông Lê Khả Phiêu cho rằng vấn đề lớn nhất mà Việt Nam đang đối diện là làm sao để thiết lập được bộ máy "chính quyền lành mạnh".

"Cán bộ viên chức phải được dạy cho hiểu rằng trước hết họ là nô bộc của dân."

Cán bộ viên chức phải được dạy cho hiểu rằng trước hết họ là nô bộc của dân.

Cựu TBT Lê Khả Phiêu

Tuy chính quyền Hà Nội luôn luôn khẳng định chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, nhưng các nhà tài trợ quốc tế cho rằng các nỗ lực chưa đủ mạnh để giải quyết vấn đề.

Hồi tháng 12, Nhật Bản đã tạm thời ngừng cấp viện ODA sau khi một công ty Nhật tham gia dự án hạ tầng ở Việt Nam thừa nhận đã hối lộ quan chức sở tại để thắng thầu.

Hà Nội đã cam kết sẽ có biện pháp để các trường hợp tương tự không lặp lại.

Một số chính phủ phương Tây còn chỉ trích Việt Nam quá nặng tay với báo chí trong việc chống tham nhũng.

Hồi tháng 10 năm ngoái, một nhà báo đã bị án tù trong vụ bê bối PMU 18 mà báo chí phát giác từ 2006, tuy sau đó đã được ân xá, ra tù trước thời hạn vào dịp Tết.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Công dân Liên Hiệp Âu Châu bầu nghị viện
Hà Minh Thảo
01:34 30/05/2009
CÔNG DÂN LIÊN HIỆP ÂU CHÂU BẦU NGHỊ VIỆN

375 triệu cử tri 27 quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu sẽ tham gia bầu 736 dân biểu họp thành Nghị viện Âu châu mới cho nhiệm kỳ 2009-2014, trong 27 cuộc tuyển cử riêng biệt và khác nhau từ ngày 4 đến 7 tháng sáu 2009.

I. QUYỀN LẬP PHÁP LIÊN HIỆP ÂU CHÂU.

- Liên hiệp Âu châu trao quyền Lập Pháp cho hai cơ quan:

A. Hội đồng Tổng trưởng (hay Hội đồng Liên hiệp Âu châu)

Hội đồng bao gồm 27 tổng trưởng các quốc gia thành viên, theo từng lãnh vực chuyên biệt. Nhưng, số lượng các tổng trưởng có thể tăng lên khi Hội đồng thảo luận các vấn đề liên quan đến nhiều Bộ. Từ tháng 06.2002, Hội đồng bao gồm 9 lãnh vực chuyên biệt: Nông nghiệp và Ngư nghiệp – Cạnh tranh ‘kinh tế’ (Compétitivité) – Hợp tác trong lãnh vực tư pháp và nội vụ - Việc làm, chính sách xã hội, y tế và tiêu thụ – Vận tải, viễn thông và năng lượỉng – Sự vụ tổng quát và liên hệ đối ngoại – Sự vụ kinh tế và tài chính – Giáo dục, thanh niên và văn hóa.

Chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng được trao luân phiên giữa các quốc gia thành viên 6 tháng một lần, khi nước đó giữ vai trò Chủ tịch Liên hiệp Âu châu. Vị Tổng trưởng được bầu phải lập chương trình nghị sự cho Hội đồng.

B. Nghị viện Âu châu.

Đây là một nghị viện đa quốc gia lớn nhất thế giới, đại diện 492 triệu người dân Liên hiệp Âu châu, với nhiệm kỳ 5 năm, hoạt động theo phương châm ‘Hợp nhất từ những khác biệt’. Nghị viện Âu châu là định chế duy nhất bao gồm các dân biểu được công dân các nước Liên hiệp Âu châu trực tiếp bầu vào. Tuy nhiên, Nghị viện không hành sử trọn quyền làm luật như Quốc hội tại các quốc gia dân chủ.

Nghị viện Âu châu được tổ chức như sau:

- Chủ tịch trách nhiệm về các mối quan hệ đối ngoại, chủ trì các kỳ họp của Nghị viện...

- Viện Điều hành Hoạt động Nghị viện và các cơ quan trực thuộc, gồm một Viện trưởng, 14 Viện phó và 5 Cố vấn phụ trách công tác điều hành và tài chính liên quan đến các dân biểu.

- Các ủy ban chuyên môn khác nhau nhưng trách nhiệm chung là chuẩn bị nội dung cần thiết cho các buổi họp Nghị viện.

- Ban thư ký có trách nhiệm điều hành công việc Nghị viện, gồm một Tổng thư ký và 3.500 viên chức mà 1/3 trong số đó làm công tác dịch thuật.

¶ Liên hiệp Âu châu hoàn thành luật theo thủ tục như sau:

1. Ủy ban Âu châu (Commission Européenne) giữ vai trò Chánh Phủ (Hành pháp) Liên hiệp Âu châu, có nhiệm viết Dự Luật và gởi đến Hội đồng Tổng trưởng.

2. Hội đồng Tổng trưởng thảo luận Dự Luật và tìm sự đồng thuận giữa Tổng trưởng và, khi đó, Dự Luật được chuyển đến Nghị viện.

3. Nghị viện Âu châu có nhiệm vụ phê chuẩn hay không một đạo luật của Liên hiệp Âu châu.

Bộ luật của Liên hiệp Âu châu có thẩm quyền cao hơn luật quốc gia thành viên.

Tóm lại, Nghị viện Âu châu có các thẩm quyền:

1. Quyền ‘đồng quyết’ với Hội đồng Tổng trưởng, tức một dự luật chỉ được trở thành luật khi cả hai bên cùng đồng thuận thông qua. Nguyên tắc được áp áp dụng trong hầu hết các lãnh vực, trừ chính sách đối ngoại hay nông nghiệp.

2. Quyền kiểm soát ngân sách Liên hiệp Âu châu và, vào tháng 12 hằng năm, Nghị viện biểu quyết ngân sách cho tài khoá năm sau. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu có trách nhiệm báo cáo các hoạt động tài chính của Ngân hàng cho Nghị viện trong phiên họp khoáng đại.

3. Quyền quản lý ngân sách Liên hiệp Âu châu được chia với Hội đồng Tổng trưởng, giám sát các định chế của Liên hiệp Âu châu cùng xét duyệt các tân ủy viên Âu châu (ngang hàng với các Tổng trưởng trong Ủy ban Âu châu) và có thể bải nhiệm toàn bộ thành viên Ủy ban Âu châu.

¶ Một nghị quyết đáng chú ý.

Ngày 07.05.2009, tại phiên họp khoáng đại tại Strasbourg, đa số các dân biểu Nghị viện Âu châu đã bác bỏ nghị quyết lên án Đức Bênêđictô XVI vì những lời phát biểu của ngài về bao cao su. Với 253 phiếu chống, 199 ủng hộ và 61 phiếu trắng, các vị này đã quyết định không đưa vào trong bản báo cáo thường niên của Nghị viện về Nhân Quyền trên thế giới, một đoạn văn muốn kết án ‘mãnh mẽ‘ những tuyên bố gần đây của Đức Thánh Cha. Đối với các nghị sĩ, những lời tuyên bố này không gây cản trở cho cuộc đấu tranh chống lại bệnh sida.

¶ Lương dân biểu.

Cho đến nay, dân biểu Nghị viện Âu châu được trả lương ngang với mức lương của dân biểu Quốc hội tại nước mà vị đó đại diện. Do đó, lương tháng của một dân biểu đến từ Ý (11 ngàn euro/tháng) cao gấp 4 lần so với Tây Ban Nha và gấp 14 lần so với thành viên của một số nước Đông Âu (Hung-gia-lợi khoảng 800 euro/tháng, Slovaquie khoảng 900 euro)... Tuy nhiên, những dân biểu có mức lương thấp được nhận thêm một khoản phụ cấp trích từ chi phí điều hành văn phòng (lối 150 ngàn euro/năm) và chi phí công tác bằng phi cơ đều được hoàn trả.

Trong thời gian qua, có những đề nghị thống nhất lương của các dân biểu Âu châu ở mức 8600 euro/tháng. Nhưng chánh phủ Đức không đồng ý vì mức lương đó sẽ gây thêm chi tiêu ngân sách Liên hiệp Âu châu.

Trong nhiệm kỳ 2009 – 2014, một dân biểu Âu châu nhận lương tháng là 7008 euro, 4202 euro trợ cấp phụ phí và 298 euros cho mỗi ngày họp.

¶ Nghị viện Âu châu có hai trụ sở đặt tại Espace Léopold/Leopoldwijk ở Brussels (Bỉ) và tại tòa nhà Louise Weiss Strasbourg (Pháp) cùng bộ phận hành chính ở Luxembourg. Trong một tháng, các dân biểu làm việc ba tuần tại Brussels với hầu hết các cuộc họp của ủy ban và các nhóm chính trị. Tuần còn lại, các vị này họp khoáng đại ở Strasbourg.

II. BẦU CỬ DÂN BIỂU ÂU CHÂU NĂM 2009.

Trong phiên họp thượng đỉnh tại Paris ngày 9 và 10.12.1974, lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu nhấn mạnh đến việc cần có một Nghị viện Âu châu do người dân trực tiếp bầu vào. Tháng 01.1975, Nghị viện Âu châu, lúc đó, các dân biểu đã được bầu bởi Quốc hội các quốc gia thành viên, thông qua một dự án để người dân trực tiếp bầu các dân biểu Âu châu. Lãnh đạo các quốc gia Liên hiệp Âu châu ký thành Đạo luật ngày 20.09.1976. Sau khi được các quốc gia thành viên Liên hiệp phê chuẩn, Đạo luật có hiệu lực từ ngày 01.01.1978 và được áp dụng lần đầu trong cuộc bầu cử từ 07 đến 10.06.1979. Ba mươi năm đã trôi qua… Cuộc bầu cử năm 2009 là lần thứ bảy.

Những cuộc bầu cử trải dài tại 27 quốc gia có những điểm giống và những điều khác nhau:

1. Ngày bầu cử.

Cử tri Anh-quốc và Hòa-lan sử dụng lá phiếu vào ngày 04.06.2009. Tiếp theo, Ái-nhỉ-lan tuyển cử ngày 05.06.2009, trong khi Cộng-hòa Séc (Tchèque) khởi sự ngày 05.06.2009 và chấm dứt ngày 06.06.2009. Lettonie bầu cử vào ngày 06.06.2009. Ý-đại-lợi trong hai ngày 06 và 07.06.2009. Các nước còn lại đều tổ chức đầu phiếu vào ngày 07.06.2009.

Theo Quyết định của Hội đồng Âu châu (định chế bao gồm Tổng thống và Thủ tướng các quốc gia Liên hiệp Âu châu) ngày 23.09.2002 thì tuy bầu cử trong những ngày khác nhau nhưng các tuyên đoán kết quả chỉ được công bố sau khi đóng cửa phòng phiếu ở quốc gia cuối cùng của Liên hiệp. Áp dụng cho kỳ tuyển cử năm nay, giờ được phép công bố đó là lúc 20 giờ (giờ Paris) ngày 07.06.2009. Kết quả chính thức chỉ được biết lúc 12 giờ ngày 08.06.2009.

2. Số dân biểu phải cử tại mỗi quốc gia.

Số dân biểu đại diện cho mỗi quốc gia được ấn định theo dân số như sau: Đức (99); Pháp, Ý-đại-lợi và Anh-quốc (72); Tây-ban-nha và Ba-lan (50); Lỗ–ma-ni (33); Hòa-lan (25); Bỉ, Hy-lạp, Hung-gia-lợi, Bồ-đào-nha và Cộng-hòa Séc (Tchèque) (22); Thụy-điển (18); Áo-quốc và Bảo-gia-lợi (17); Đan-mạch, Phần-lan và Cộng-hòa Tiệp (Slovaquie) (13); Lituanie và Ái-nhỉ-lan (12); Lettonie (8); Slovénie (7); Chypre, Lục-xâm-bảo và Estonie (6) và Malte (5).

Tại các quốc gia nhỏ (Lục-xâm-bảo, Malte), một dân biểu đại diện khoảng 80000 dân cư. Tại các quốc gia ‘trung bình’, một dân biểu đại diện lối 500000 dân cư. Tại các quốc gia lớn (Đức, Pháp, Ý-đại-lợi, Anh-quốc, Tây-ban-nha), số dân cư này tăng đến 800000.

Trong nhiệm kỳ lập pháp 2009-2014, nếu Thỏa hiệp Lisbonne được phê chuẩn và có hiệu lực, thì tổng số dân biểu sẽ được gia tăng thành 754.

3. Quyền bầu cử.

Mọi công dân Liên hiệp Âu châu, trọn 18 tuổi và hội đủ điều kiện bầu cử trong nước mình, có quyền bầu cử tại quốc gia mình đang cư ngụ.

Việc bầu phiếu bắt buộc tại Bỉ, Hy-lạp, Lục-xâm-bảo và Malte. Tại Ý-đại-lợi, tuy việc bầu phiếu không bắt buộc, những được xem như một ‘bổn phận công dân.

4. Quyền ứng cử.

Mọi công dân Liên hiệp Âu châu hội đủ điều kiện ứng cử trong nước mình đều có quyền ứng cử tại quốc gia mình đang cư ngụ.

Tuổi tối thiểu để được ứng cử thay đổi theo từng nước:

- 18 tuổi tại Đức, Đan-mạch, Tây-ban-nha, Phần-lan, Hung-gia-lợi, Hòa-lan, Bồ-đào-nha, Thụy-điển, Slovénie và Malte;

- 19 tuổi tại Áo-quốc;

- 21 tuổi tại Bỉ, Ái-nhỉ-lan, Lục-xâm-bảo, Anh-quốc, Cộng-hòa Tiệp, Lituanie, Estonie, Lettonie, Ba-lan, Cộng-hòa Séc và Bảo-gia-lợi;

- 23 tuổi tại Pháp và Lỗ–ma-ni;

- 23 tuổi tại Chypre, Hy-lạp và Ý-đại-lợi.

Trong 6 quốc gia (Đức, Đan-mạch, Hy-lạp, Hòa-lan, Thụy-điển và Cộng-hòa Séc), chỉ các đảng và các tổ chức đồng hóa mới được đưa người ra ứng cử. Tại các quốc gia khác, mọi người có thể trở thành ứng cử viên nếu hội đủ một số chữ ký cần thiết luật định cử tri.

Tại Anh-quốc, Hy-lạp, Hòa-lan, Ái-nhỉ-lan và Cộng-hòa Tiệp, ứng cử viên phải đóng một số tiền ký quỹ.

5. Sự Phân chia Đơn vị bầu cử.

Mười sáu nước (Áo-quốc, Chypre, Đan-mạch, Phần-lan, Tây-ban-nha, Lituanie, Estonie, Lettonie, Hung-gia-lợi, Bồ-đào-nha, Cộng-hòa Séc, Lục-xâm-bảo, Hòa-lan, Thụy-điển, Malte và Cộng-hòa Tiệp) chỉ có một Đơn vị bầu cử trên toàn thể quốc gia.

Bỉ chia quốc gia thành 4 Đơn vị bầu cử; Ba-lan 13; Ái-nhỉ-lan 4; Anh-quốc 11; Ý-đại-lợi 5 và Hy-lạp 56. Pháp 8. Tại Đức, các chính đảng có thể giới thiệu ứng cử viên theo cấp Land, hoặc nhiều Lảnder hay cấp quốc gia.

6. Thể thức Bầu cử và Chia Ghế.

Tất cả các quốc gia dều áp dụng thể thức đại diện theo tỉ lệ tại Nghị viện Âu châu. Có những quốc gia cho phép thay đổi vị trí các ứng cử viên trong liên danh, nhưng có những quốc gia khác như Đức, Tây-ban-nha, Pháp, Hy-lạp… thì cấm ghi gì vào lá phiếu để không bị coi là bất hợp lệ.
 
Thông Báo
Chúc mừng các tân chức Dòng Đồng Công tại Missouri Hoa Kỳ
LM Giuse Nguyễn Thanh Liêm
01:33 30/05/2009

CHÚC MỪNG


Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ hợp cùng Tỉnh dòng Đức Mẹ Lên Trời, Missouri, USA
Tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Đồng Công
chúc mừng các tu sĩ khấn dòng ngày 30 tháng 5 Năm 2009:

Khấn Lần đầu
Br. Phanxico Assisi Maria Trần Thanh Duy, CMC
Br. Mattheu Maria Lê Tuấn Frank, CMC
Br. Anrê Maria Nguyễn Quốc Việt, CMC

Khấn 1 Năm
Br. Giosaphat Maria Đỗ Cường Phong, CMC
Br. Sylveste Maria Lư Thượng Điền, CMC
Br. Gieronimo Maria Nguyễn Đức Tuệ, CMC
Br. Phaolo Miki Maria Trần An Định, CMC

Khấn 3 Năm
Br. Stanislao Maria Nguyễn Ân Phúc, CMC
Br. Barnabe Maria Nguyễn Khải Hiệp, CMC

Chúc mừng các Thầy thuộc Tỉnh dòng Đức Mẹ Lên Trời, Missouri, USA
được thụ phong Linh mục do tay Đức Cha James Vann Johnston, ngày 6 tháng 6 năm 2009:

Thầy Dominico M. Trần Trung Chánh, CMC
Thầy Marco M. Lê Tiến Hóa, CMC
Thầy Phillipe M. Đỗ Thanh Cao, CMC

Thay mặt Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ
Chủ tịch Liên Đoàn
 
Hội Thảo Về ''Nhân Quyền Việt Nam Ngày Nay'' với Đại sứ HK Michael Michalak
SBTN
19:30 30/05/2009
BUỔI HỘI THẢO VỚI SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐẠI SỨ HOA KỲ TẠI VIỆT NAM

Buổi thảo luận về tình hình nhân quyền hiện nay tại Việt Nam



Với sự bảo trợ của đài truyền hình SBTN. Dân biểu Liên Bang Loretta Sanchez ( Garden Grove ) cùng các vị dân cử địa phương tổ chức buổi “Hội Thảo” để đón chào Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak trở lại quận Cam. Buổi họp mặt đánh lần tứ ba của Đại sứ Michalak viếng thăm quận Cam. Trong buổi hội thảo này, ông Đại sứ sẽ tường trình các tin tức cập nhật về mối quan hệ đôi bên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội tốt cho các vị lãnh đạo và tổ chức trong cộng đồng tiếp tục trình bày mối quan tâm của mình về các vi phạm nhân quyền như sự hạn chế tự do tôn giáo, tự do bày tỏ chính kiến, v..v... Quý vị cũng có thể phát biểu vế bản nhận định chính thức về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam từ Buổi Họp Cứu Xét Ðịnh Kỳ UPR (Universial Periodic Review) vừa được trình bày trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva cách đây hai tuần.



Chương trình sẽ được TRỰC TIẾP thu hình trên đài SBTN-TV và trang nhà của SBTN: www.sbtn.net vào đúng 7 chiều ĐẾN 9 giờ tối (giờ miền Tây Hoa Kỳ) 5 tháng 6 năm 2009.



Xin quý vị truyền thông và báo chí vui lòng có mặt tại đài SBTN, 10501 Garden Grove Blvd., Garden Grove, CA 92843 trước 4 giờ 30 chiều. Vì số ghế ngồi giới hạn, xin quý vị ghi danh trước (RSVP) với Lilly Ngọc Hiếu Nguyễn ở số (714) 621 – 0102 trước thứ năm ngày 4 tháng 6 năm 2009. Chúng tôi sẽ không nhận ghi danh sau thời gian ấn định.



Ngay từ hôm nay, quí khán thính giả của đài truyền hình SBTN có thể đặt câu hỏi cho buổi hội luận NHÂN QUYỀN VIỆT NAM NGÀY NAY (viết bằng tiếng ANH hoặc tiếng Việt) gởi về địa chỉ email: nhanquyenvn@sbtn.tv chúng tôi sẽ chuyển những câu hỏi đó đến ông Đại sứ Michal Michalak.



Ngoài ra, quí khán thính giả có thể tham gia buổi hội luận trực tiếp bằng cách đặt câu hỏi qua điện thoại: 714- 638-8890 – từ 7 chiều ĐẾN 9 giờ tối (giờ miền Tây Hoa Kỳ) ngày 5 tháng 6 năm 2009.



DIỄN GIẢ:

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Michal Michalak

Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez ( Garden Grove )

Dân Biểu Liên Bang Ed Royce ( Fullerton )

Dân Biểu Liên Bang Dana Rohrabacher ( Huntington Beach )

Đại diện Thượng Nghị Sĩ Liên Bang Barbara Boxer



ĐỊA ĐIỂM:

Studio của đài Truyền Hình SBTN

10501 Garden Grove Blvd.,

Garden Grove, CA 92843

TRÂN TRỌNG

SBTN
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trời Chiều - At Dusk
Nguyễn Đức Cung
06:05 30/05/2009

TRỜI CHIỀU - At Dusk !



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Em ngó mãi những chiều về trở lại

Mang những gì về trong cõi trăm năm.

(Trích thơ của Bùi Giáng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền