Ngày 30-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm – B
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:53 30/05/2018
Này là Mình Ta. Này là Máu Ta

( Mc 14, 12-16. 22-26)

Ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ của Chúa, kính Mình Máu Thánh Chúa. Tiếp liền sau lễ là cuộc kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài : « Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê » (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới. Lễ này có thừ thế kỷ thứ XIII do Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy, với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.

Cử hành Thánh Thể

Giáo hội công khai cách long trọng Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mầu nhiệm được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho hết mọi người, bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội.

Trên bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta : Làm sao Bánh lại có thể là Mình Chúa Kitô và Rượu lại là Máu Chúa Kitô được ?

Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, dẫn chúng ta trên đường về về với Chúa!

Giáo hội quả quyết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải tôn thờ. Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.

Theo thánh Tôma Aquinô : Con độc nhất của Thiên Chúa muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã làm người. Để cứu chuộc con người, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.

Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là Máu Châu Báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và rượu trở nên Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Người đối với chúng ta : « Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: « Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta » Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người » (Mc 14, 22-24).

Thánh Gioan Kim Khẩu nói : « Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy ». (Thánh Gioan Kim Khẩu)

Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta : « Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Người đã sinh ra thì Người nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Người làm cho ta vững tin rằng Người đã mang lấy chính xác thân của ta ». Người tan biến trong chúng ta, « làm một với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài » (Thánh Gioan Kim Khẩu).

Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Rước kiệu Mình Thánh Chúa

Sau lễ này, Giáo hội kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.

Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là « Mặt Trời » : Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ « mặt nhật »)

Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.

Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.

Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bánh rượu Menkixêđê –Rượu Bánh Giêsu

Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm – C

( Mc 14, 12-16. 22-26)

Hôm nay, Giáo hội cử hành trọng thể Mầu nhiệm đã được thiết lập trong bữa Tiệc Ly. Nếu hằng năm được nhớ đến vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, thì hôm nay được biểu lộ cho tất cả, được bao bọc bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội bằng việc cử hành lễ của Chúa, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu với cao điểm là Rước Kiệu Mình Thánh.

Bánh rượu Menkixêđê dâng tiến

Nói đến Mình Thánh Chúa Giêsu là nói đến bánh dưới dạng « lương thực ». Từ « bánh thánh » có nghĩa là « hy sinh » : từ này được dùng để chỉ các lễ hy sinh Cựu Ước như : lễ vật của Aben tôi trung của Chúa, hy lễ của Abraham, và lễ vật tinh tuyền của Menkixêđê, thượng tế của Chúa.

Bài đọc I trích sáng Sáng Thế (14,18-20) đề cập đến bánh và rượu của Menkixêđê vua thành Salem mang đến xin Chúa chúc phúc. Menkixêđê là ai vậy ? Ông là một nhân vật hơi huyền bí, không cha, không mẹ; đột nhiên xuất hiện rồi lại biến mất, những người bà con họ hàng cũng không hay biết về nguồn gốc, ông khác biệt bởi nhân đức cao vời nên người ta gọi ông là « Menkixêđê » vua Công Chính.

Một ngày kia ông xuất hiện trên núi sau này là núi Sion (Giêrusalem) và vạch ra những danh giới cho một thành gọi là « Salem », thành hòa bình. Ông sống ở đó trong thinh lặng và an bình, phụng sự Thiên Chúa, Đấng sáng tạo trời đất và dạy người ta ca tụng Danh Thánh Chúa. Ông không chỉ là người tôn thờ vị Thượng Tế Tối Cao, mà còn dâng bánh và rượu, lễ vật hy sinh và những hoa quả đầu mùa lên Chúa.

Thánh lễ này, chúng ta dâng lên Chúa bánh rượu "là hoa màu ruộng đất và lao công vất vả của con người" để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Và như vậy, Thánh lễ đã bắt nguồn từ xa xưa và kiện toàn mọi lễ dâng từ thời Abel qua Melkisedek cho tới nay. Menkixêđê là hình ảnh báo trước về Chúa Kitô sau này.

Bánh rượu của Chúa Giêsu

Cựu Ước có rất nhiều dấu chỉ và biểu tượng về Bí tích Thánh Thể được hoàn tất trong Tân Ước. Các hình ảnh tiên trưng về Bích tích Thánh Thể như : lễ vật của Abraham, Menkixêđê, Manna trong sa mạc, bánh trưng hiến trong Đền Thờ Giêrusalem, đặc biệt là chiên Vượt Qua.

Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu làm dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Người nơi trần gian. Bánh và rượu do vị thượng thế Menkixêđê dâng tiến (Ga 14, 18) báo trước về bánh và rượu do Chúa Giêsu, Thượng Tế Tối Cao, Vua muôn thủa dâng tiến ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Vì Chúa Giêsu « đã trở thành Thượng tế cho đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê » (Dt 6,20).

Tối hôm trước ngày chịu khổ hình, sau bữa Tiệc Ly Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói : « Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta ». Đoạn, cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn, trao cho họ và họ uống cạn chén ấy. Và nói : « Chén này là Tân Ước trong Máu Ta » (1 Cr 11, 23-26). Chỉ trong mấy câu vắn tắt, Phaolô đã thuật lại toàn bộ lịch sử tình yêu cứu độ của Thiên Chúa với con người. Không chỉ là quá khứ mà còn được dự đoán trong tương lai.

Dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu đã tự trao ban chính mình cách hoàn toàn, chứ không phải chỉ một phần. Chúa Giêsu hiện diện thực sự ở đó trót Mình và Máu Người, để dâng lên Chúa Cha một hiến lễ không đổ máu và trở nên lương thực cho linh hồn tín hữu. Bánh rượu của Chúa Giêsu mang thêm ý nghĩa lịch sử và giao ước cũ. Ðây không chỉ là hoa màu ruộng đất nhưng còn là công lao của con người. Thiên nhiên và con người đều phải trở nên tạo vật mới nhờ mầu nhiệm Chúa Giêsu nơi Bí Tích Bánh Rượu mà chúng ta tiếp tục dâng trên bàn thờ để cho thế gian được sống (Ga 6,51).

Bước theo Bánh Giêsu

Ở mọi nơi mọi thời, Chúa Giêsu muốn gặp gỡ con người và mang đến cho họ sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng bánh và rượu, một thứ lương thực đơn giản gồm một ít nước và bột, giống như thức ăn của người nghèo. Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa, một cử chỉ đầy ý nghĩa.

Khi đi kiệu và thờ lạy, chúng ta hướng nhìn vào Bánh Thánh đã được truyền phép là chính Chúa Giêsu và bước theo Bánh ấy, đưa Bánh Thiêng từ Trời xuống vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta; với ước muốn xin Chúa Giêsu cùng đi với chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi, và sống bất cứ nơi nào chúng ta sống.

Trong lễ của Chúa, chúng ta tuyên xưng rằng Bí Tích Thánh Thể thuộc trọn về mình, là chính sự sống của mình, là nguồn mạch tình yêu chiến thắng sự chết. Từ sự hiệp thông với Chúa Kitô Thánh Thể, phát sinh tình bác ái có sức biến đổi cuộc đời chúng ta và nâng đỡ cuộc hành trình của tất cả chúng ta đang tiến về quê trời vinh phúc.

Khi rước kiệu, chúng ta bước theo Bánh Giêsu và cầu xin Bánh chỉ cho chúng ta đường phải đi đến với Giáo hội. Nhìn vào nhân loại đau khổ, lang thang bấp bênh giữa ba đào, đang bị cái đói về thể lý và tâm lý hành hạ. Xin Chúa ban cho nhân loại bánh để nuôi dưỡng xác hồn. Xin cho họ có công ăn việc làm. Xin tẩy rửa và thánh hóa chúng ta trong mọi sự, giúp chúng ta hiểu rằng phải qua Khổ Nạn, qua lời "xin vâng" trên cây Thập Giá, với sự từ bỏ mới đạt tới vinh quang. Xin Chúa qui tụ những ai tản mác khắp nơi về một mối. Xin Chúa hiệp nhất chúng ta với Giáo hội, đoàn kết chúng ta với anh em bị chia rẽ. Và nhất là xin Chúa ban cho chúng ta ơn cứa độ đời đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bánh Rượu Giêsu

Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm – B

(Mc 14, 12-16. 22-26)

Tối hôm trước ngày chịu hhổ hình, sau bữa Tiệc Ly Vượt Qua , Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói : "Hãy cầm lấy, này là mình Ta. Đoạn, cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn, trao cho họ và họ uống cạn chén ấy. Và Người nói : "Này là máu Ta, máu giao ước, đổ ra cho nhiều người" (Mc 14: 22-24). Toàn bộ lịch sử của Thiên Chúa với con người được tóm gọn trong những lời trên. Không chỉ là quá khứ mà đã gộp lại và giải thích, nhưng nói chung cũng được dự đoán trong tương lai : Nước Thiên Chúa đến trong thế gian này. Điều Chúa Giêsu nói đây, không đơn giản chỉ là những là lời nói. Điều Chúa Giêsu nói là một sự kiện, sự kiện trung tâm trong lịch sử thế giới và của đời sống riêng mỗi người chúng ta.

Những lời này là vô tận. Chúng ta cùng nhau suy niệm một khía cạnh duy nhất. Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu, như một dấu chỉ cho sự hiện diện của mình. Qua một trong hai dấu chỉ này, Người hoàn toàn tự hiến chính mình cách trọn vẹn, chứ không phải chỉ một phần. Đấng Phục Sinh không bị phân chia. Người là một, qua các dấu chỉ, Người đến gần chúng ta và liên kết với chúng ta. Nhưng những dấu chỉ, theo cách riêng của mình mà biểu lộ khía cạnh đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô của Người và qua biểu hiện đăch biệt ấy, Người muốn nói với chúng ta, để chúng ta học hiểu thêm một chút về mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. Trong khi kiệu và thờ lạy, chúng ta hướng nhìn vào Bánh Thánh đã được truyền phép, một thứ lương thực đơn giản nhất, gồm ít bột và nước. Giống như thức ăn của người nghèo, mà Thiên Chúa thích ban cho dân Chúa lần đầu tiên trong sa mạc, và Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa nhiều để nuôi dân chúng. Lời cầu nguyện trong phụng vụ Thánh lễ, phần dâng bánh cho Chúa, Giáo hội xác định bánh là sản phẩm của hoa màu ruộng đất và lao công của con người. Có được bánh này con người phải khó nhọc một nắng hai sương, bới đất, gieo hạt và thu hoạch, cuối cùng làm thành bánh.

Tất nhiên, bánh không chỉ là sản phẩm của chúng ta, dù là một thứ chúng ta làm ra; bánh còn là sản phẩm của hoa màu ruộng đất và do đó, bánh là một hồng ân. Vì thực tế đất trổ sinh hoa trái, có công lao của con người; nhưng chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có thể trao ban khả năng sinh sản. Bánh là hoa trái của đất trời. Hàm chứa sức mạnh tổng hợp của đất và hồng ân từ trời cao là nắng mưa. Và nước cũng thế, để làm được bánh, chúng ta không thể tạo ra nước. Vào lúc người ta nói đến sa mạc là nơi cảnh tỉnh con người và súc vất có nguy cơ chết khát. Trong giai đoạn này, chúng ta thuật lại hồng ân vĩ đại là nước, chúng ta không chỉ múc nước cho chính mình, nhưng còn kín múc cho đồng loại, cỏ cây và súc vật nữa.

Chúng ta hãy để ý đến tấm bánh trắng nhỏ, bánh của người nghèo này, là một tổng hợp của sự sáng tạo giữa trời và đất, sự cộng tác giữa hoạt động thần linh và tinh thần của con người. Mầu nhiệm về sự sống và hiện hữu của con người hiện diện trước mặt chúng ta trong một vũ trụ bao la hùng vĩ. Như thế, chúng ta có thể hiểu tại sao Thiên Chúa chọn tấm bánh nhỏ, tròn, trắng này làm dấu chỉ.

Dấu chỉ của rượu cũng một cách thế tương tự. Nếu tấm bánh đưa chúng ta về với bánh đời sống thuần túy hàng ngày, thì rượu thể hiện sự tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa. Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay là lễ của niềm vui mà Thiên Chúa muốn chúng ta tham dự vào. Rượu cũng nói về Cuộc Khổ Nạn : vườn nho phải lớn lên để được thanh tấy ; dưới nắng mưa nho phải chín và được ép rượu : thông qua sự gian truân này mà thành rượu quí.

Trong lễ Mình Máu Chúa, chúng ta nhìn tất cả các dấu chỉ về bánh. Điều này nhắc nhở chúng ta về cuộc hành hương của Israel trong sa mạc suốt bốn mươi năm. Thiên Chúa đã dưỡng nuôi dân Chúa xưa bằng manna, nay Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng bánh bởi trời đích thực là Bánh Giêsu.

Trong khi rước kiệu, chúng ta bước theo dấu chỉ này, và vì vậy chúng ta theo chính Chúa Giêsu, vàà cầu xin Chúa hướng dẫn chúng ta trên đường đời ! Chỉ cho chúng ta đường phải đi đến với Giáo hội và các mục tử ! Nhìn vào nhân loại đau khổ, lang thang bấp bênh giữa bao nhiêu vấn nạn với cái đói về thể lý và tâm lý hành hạ ! Xin Chúa ban cho nhân loại bánh để nuôi dưỡng xác hồn ! Xin cho họ có công ăn việc làm ! Xin Chúa ban chính Chúa cho họ ! Xin tẩy rửa chúng con và thánh hóa chúng con trong mọi sự ! Xin Chúa giúp chúng con hiểu rằng phải qua Khổ Nạn, qua lời "xin vâng" trên cây thập giá, với sự từ bỏ, thanh tẩy, chúng ta mới có thể trưởng thành và đạt được nhận thức đầy đủ. Xin qui tụ chúng con tản mác khắp nơi về cùng một mối. Xin hiệp nhất chúng con với Giáo hội của Chúa, đoàn kết chúng con với anh em bị chia rẽ ! Xin ban cho chúng con ơn cứa độ của Chúa! Amen!

LM. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Kính Mình Màu Thánh Chúa B 3. 6..2018
Lm Francis Lý văn Ca
17:39 30/05/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng lễ kính Mình Máu Chúa Kitô. Lễ nầy cũng như lễ Chúa Ba Ngôi là những lễ kéo dài của Mùa Phục Sinh. Lễ kính Mình Máu Chúa Kitô là lễ diễn tả giao ước của Chúa đối với nhân loại qua việc Chúa hiện diện trong phép Thánh Thể.
Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta nhắc nhở lại mầu nhiệm Chúa cứu chuộc. Qua giao ước của thời xưa, Môisen đã đại diện nhân loại nhận lệnh truyền của Chúa khắc trên hai bia đá. Đức Kitô, đã trao ban cho chúng ta, giao ước mới khắc trên tình yêu Chúa và tha nhân.
Hôm nay, cũng là ngày bổn mạng Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam trên toàn thế giới. Chúng ta cầu xin Chúa chúc lành cho phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, được tràn đầy ơn thiêng lãnh nhận nơi nguồn sống Thánh Thể Nhiệm Mầu.
Ngày lễ hôm nay cũng là bổn mạng của Quý Thứa Tác Viên Giúp Lễ và Đặc Biệt của Bí Tích Tháh Thể trong các Cộng Đoàn dân Chúa. Họ đang phục vụ Bàn Thánh, trao ban Mình Thánh Chúa cho Cộng Đoàn dân Chúa, đem Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân, những người ốm đau liệt lào...
Chúng ta cầu xin Chúa chúc lành cho những thừa tác viên nầy. Với ơn Chúa ban, họ sẽ tiếp tục chu toàn trách vụ mà họ đã nhận lãnh từ Giáo Hội Mẹ Thánh.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Sau khi dân Dothái xác nhận niềm tin của họ vào Thiên Chúa một lần nữa, Môisen đã dâng lên Thiên Chúa máu bò tơ làm hy lễ giao hòa. Hình ảnh nầy được Chúa Giêsu dùng lại thời tân ước. Nhưng không phải là máu dê hay bò tơ, mà là Máu Thánh Người sẽ đổ ra làm của lễ giao hòa nhân loại với Thiên Chúa Cha.

TRƯỚC BÀI II: Thánh Phaolô nhắc lại điển tích Môisen làm lễ thanh tẩy, sám hối sau mỗi lần dân Dothái bất trung với Thiên Chúa Giavê. Đến thời Chúa Giêsu, Ngài chết một lần thay cho tất cả.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Trước khi vào cuộc khổ nạn, Chúa Kitô đã ăn bữa tối với các tông đồ. Ngài đã lập bí tích Thánh Thể. Qua hình ảnh bữa tiệc, nhắc nhở các tông đồ: quá khứ, Chúa cứu dân Dothái, hiện tại, Chúa thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Mình Máu Người để dưỡng nuôi trần gian.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.
Linh mục: Anh Chị em thân mến, Lề luật Chúa ban trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh, ”Các con hãy yêu thương nhau, như chính Thầy đã yêu thương các con”. Chúng ta cầu xin Chúa trợ giúp để tình yêu đó được triển nở nơi mỗi người trong chúng ta:

1. Xin Chúa cho chúng ta mỗi lần ăn bánh và uống rượu thánh, chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em vì hoàn cảnh cá nhân không nhận lãnh bánh Thánh Thể thường xuyên hay bị những ngăn trở cá nhân. Xin cho họ luôn nhớ rằng Chúa vẫn có thể hiện diện nơi họ qua việc rước lễ cách thiêng liêng. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta xin Chúa chúc lành cho Quý Thừa Tác Viên Giúp Lễ cũng như Các Thừa Tác Viên Đặc Biệt của Bí Tích Thánh Thể nhân ngày bổn mạng hôm nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể luôn là nguồn trợ lực cho Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam trong cuộc lữ hành trên đường tiến về Nhà Cha. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, những linh hồn mồ côi. Xin cho thần linh Thánh Thể mà họ đã nhận lãnh trong cuộc lữ hành trần thế được đầy sức mạnh tiến vào tham dự bàn tiệc nước trời. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa đã dưỡng nuôi chúng con bằng Mình Máu Chúa. Xin giúp chúng con luôn canh tân cuộc sống, mỗi ngày gần Chúa hơn, kết hợp mật thiết với Chúa qua việc năng rước Mình Máu Thánh Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông Điệp “Sự Sống Con Người” không cần cập nhật
Vũ Văn An
00:03 30/05/2018
Theo tin của Andrea Gagliarducci thuộc CNA/EWNT News, Giáo Sư Gilfredo Marengo nói rằng “Chúng ta được kêu gọi chào đón Thông Điệp Sự Sống Con Người như nó hiện là và áp dụng nó bằng một kế hoạch mục vụ thông minh”.



Vị giáo sư trên vốn đứng đầu một nhóm nghiên cứu của Tòa Thánh về thông điệp “Sự Sống Con Người” của Chân Phúc Phaolô VI. Ông nhấn mạnh rằng thông điệp này “không cần bất cứ cập nhật nào”.

Giáo Sư Gilfredo Marengo, thuộc Giáo Hoàng Thần Học Viện Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Đình, nói với CNA tại buổi ra mắt cuốn sách mới nhất của ông tựa là Chiesa Senza Storia, Storia Senza Chiesa (Giáo Hội Không Có Lịch Sử, Lịch Sử Không Có Giáo Hội), một cuốn sách nhằm thăm dò các hệ quả và hậu quả của Gaudium et Spes, tức hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay của Công Đồng Vatican II.

Ông nói với CNA rằng theo các nghiên cứu của ông, “một trong các nút thắt lớn lao nhất trong việc soạn thảo thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) thực sự là nút thắt vượt quá sự phân cực giữa các vấn đề tín lý và mục vụ”.

Giáo Sư Marengo nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI “chú trọng tới sự hiểu biết này và đã cố gắng rất nhiều để lái thông điệp ra khỏi sự phân cực ấy”.

Theo ông, điều chẳng may là sự phân cực trên đã gia tăng trong mấy năm qua, nhưng ông nói thêm rằng “Không thể giải quyết vấn đề bằng cách tưởng tượng ra một tín lý mới hay một hoạt động mục vụ mới, nhưng là vượt quá sự phân cực”.

Giáo Sư Marengo nhấn mạnh rằng “Humanae Vitae là một văn kiện có thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo, và là một thành phần của Thánh Truyền. Chúng ta được kêu gọi chào đón nó như nó hiện là và áp dụng nó bằng một kế hoạch mục vụ thông minh”.

Dù là “thông điệp được thảo luận nhiều nhất trong 50 năm qua”, nhưng theo Giáo Sư Marengo, nó “không hề cần được cập nhật”.
Cuối cùng, theo Giáo Sư, mọi cuộc thảo luận có thể được lồng vào cuộc tranh luận tổng quát diễn ra sau Công Đồng Vatican II.

Giáo Sư Marengo đứng đầu một nhóm nghiên cứu nhằm điều tra theo phương pháp phê phán sử học việc soạn thảo thông điệp này. Mục đích để tái dựng, bao nhiêu có thể, toàn bộ diễn trình soạn thảo văn kiện.

Như đã được nhiều người biết đến, việc soạn thảo Humanae Vitae chịu nhiều áp lực trước khi được công bố, thậm chí cả sau đó nữa.

Ngoài Giáo Sư Marengo ra, nhóm nghiên cứu này còn bao gồm Đức Ông Pierangelo Sequeri, Viện Trưởng Học Viên Gioan Phaolô II, Philippe Chenaux, Giáo Sư Giáo Sử tại Giáo Hoàng Đại Học Lateran University, và Đức Ông Angelo Maffeis, đứng đầu Học Viện Phaolô VI ở Brescia.

Năm 2017, Giáo Sư Marengo nói với các phóng viên rằng Nhóm được phép sử dụng các Văn Khố Mật của Tòa Thánh giữa thập niên 1960, tức thời gian đang soạn thảo Humanae Vitae.

Giáo Sư cho CNA hay: “Công Đồng Vatican II đã làm dễ việc giải quyết sự phân cực hóa giữa các vấn đề tín lý và mục vụ”.

Ông cho biết thêm: Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đầu tư khá nhiều vào việc giải quyết này”; ông nói rằng “một trong các khía cạnh có ý nghĩa nhất trong tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ngài là vị giáo hoàng hậu công đồng đầu tiên: mọi vị giáo hoàng gần đây đều tham dự Công Đồng, nhưng vị giáo hoàng này thì không, nên ngài có thể nhìn Công Đồng bằng một quan điểm ít xúc cảm hơn”.
 
Ấn phẩm mới của Vatican về Lịch sử và Văn hóa của Thổ dân Úc
Thanh Quảng sdb
01:15 30/05/2018
Ấn phẩm mới của Vatican về Lịch sử và Văn hóa của Thổ dân Úc (Australian Indigenous peoples)

Thứ ba ngày 29/5 tại Viện bảo tàng Vatican, Tòa thánh đã ra mắt quyển thứ ba trong bộ sưu tập chứa nhiều bản văn sưu tập về các dân tộc của nhiều nơi trên thế giới mà Viện bảo tàng Giáo Hoàng có bằng tiếng Ý và tiếng Anh, và được nhà xuất bản Edizioni Musei Vaticani và Aboriginal Studies Press phát hành.
Sáu năm sau dịp khánh thành triển lãm dành riêng về lãnh thổ Úc Châu trong danh mục Loài người trên Thế giới (Anima Mundi) của Viện Bảo tàng Vatican, như là một sự kiện quan trọng được diễn ra vào thứ Ba vừa qua của Bảo tàng với mục tiêu xây dựng những cầu nối giữa các dân tộc.
Sự kiện đáng được lưu ý là sự ra mắt của “Danh mục sưu tầm về nguồn gốc dân bản địa tại châu lục Úc của Viện bảo tàng Vatican đã được hai nhà xuất bản là tờ báo nghiên cứu về thổ dân và nhà xuất bản của Viện bảo tàng Vatican đồng xuất bản.
Tác phẩm bắt đầu với lịch sử hình thành ra Bộ sưu tập hiện nay có khoảng 300 tác phẩm bắt nguồn từ những góp nhặt đầu tiên từ thời Đức Pius XI tới nay.
Như ông Craig Ritchie, Phó giám đốc điều hành Học viện vụ về Thổ dân Úc và những thổ dân vùng Đảo Torres Strait giải thích trong Linda Bordoni, là “gom lại” mọi sự là điểm chính của ấn phẩm độc đáo này.
Tất nhiên, “Bảo tàng Dân tộc học” dành cho truyền thống văn hóa, nghệ thuật và tinh thần của tất cả mọi người là một phần không thể thiếu của Bảo tàng Vatican và phần về những dân tộc trên thế giới “Anima Mundi” mà Thổ dân Úc đại diện cho một thành phần trong bức tranh phức tạp của nhân loại, nhưng như Ritchie cho hay lần đầu tiên vấn để Thổ dân Úc được xuất bản và điều này cho thấy họ có một đối tượng rộng lớn hơn nhiều.
Lịch sử của Bảo tàng về các dân tộc trên thế giới 'Anima Mundi'
Ông giải thích rằng Đức Giáo Hoàng Piô XI, trong những năm giữa hai cuộc Thế Chiến, đã yêu cầu thu tập các vật phẩm từ các nền văn minh khác nhau trên khắp thế giới, nơi Giáo Hội đang phục vụ nên tập trung về Rome.
“Bởi vì khi đối diện với chủ nghĩa phát xít ở châu Âu, giữa những thập niên 20 và 30, và đặc biệt với yếu tố phân biệt chủng tộc và ý tưởng cho chỉ có nền văn minh châu Âu là quan trọng! thì việc sưu tập này thật là quan trọng. Ông Ritchie nhận xét trên thực tế ở Úc, Thổ dân và người đảo Torres Strait đã hiện diện cả 65.000 năm, "đó không phải là một thời gian ngắn" nên nền văn hóa, giá trị và tư tưởng của họ phải là cái gì sâu sắc và đa diện lắm.
Một thông điệp quan trọng hôm nay
Ông Ritchie cho rằng việc phổ biến thông điệp này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, vì tất cả mọi nền văn hóa và mọi người đều có giá trị thực sự quan trọng ”.
Ông nói đó là một gia sản tinh thần và cuộc sống thay đổi kinh nghiệm cần phải được truy cập thành các sưu tập hầu lưu truyền những kinh nghiệm sức mạnh của lịch sử và di sản cho tương lai nhân loại. Đây là điều tuyệt vời khi chúng làm cho mọi người xích gần lại với nhau và hiểu thế giới rộng lớn hơn thì không nơi nào tốt để tập trung qui tụ mọi sự về là Vatican Roma"
 
Phóng sự và hình ảnh đi thăm tượng Đức Bà khóc ở Hobbs, New Mexico.
Trần Mạnh Trác
11:57 30/05/2018
Xem hình ảnh

10 ngày sau khi sự lạ xảy ra, những người gốc Mễ từ những nơi xa xôi như San Antonio, TX hay từ Nam California, vẫn đua nhau đổ xô đến Hobbs để cố gắng đem về một chiếc khăn ướt, (hay dù không ướt nhưng) đã được lau vào mình một bức tượng màu đen lớn trong nhà thờ The Lady of Guadalupe (Đức Bà Guadalupe) ở Hobbs, New Mexico.

Ở đâu? Hobbs, New Mexico?

Phải, đó là một thành phố nhỏ, nằm ở góc Đông Nam cuả tiểu bang New Mexico, cạnh bên và cùng chung thổ nhưỡng với vùng dầu hoả Midland-Odessa mênh mông cuả Texas. Nghiã là nó nằm gọn trong cái thung lũng ‘phẳng lì’ cuả một thế giới đất đỏ mà ‘cây không cao quá đầu ngọn cỏ’!

Để đến Hobbs, tuỳ theo vị trí từ Đông hay Tây, người ta cứ lao đầu chiếc xe mà chạy miệt mài theo hướng ngược lại, Tây hay Đông, và cứ như thế gần nửa ngày trời, đi trong cái vùng ‘cỏ khô vô tận,’ mà vòng tròn chân trời bao quanh thì thẳng tắp không hề có đến một mô đất, ngoại trừ thỉnh thoảng những chiếc giếng dầu đang gật gù bơm dầu hoả, cho tới khi…cho tới khi người ta nhìn thấy những đàn hươu đàn nai ‘vô tư’ gặm cỏ bên cạnh những đàn trâu đàn bò, thì biết rằng sắp tới Hobbs rồi đấy!

Có cả trâu ư? Phải đó, người ta nuôi trâu Buffalo ở đây.

Và người ta sẽ bất ngờ tìm thấy những khu phố ô vuông cuả thành phố Hobbs sau khi lượn qua một khúc quanh. Thành phố không có nhà cao và có lẽ cái cổng hình chữ M cuả tiệm Mc Donald là cái cao điểm cao nhất ờ đây, các gác chuông giáo đường cũng không làm cao hơn. Mà cao để làm gì nhỉ? suốt năm gió lộng rung trời thì càng ở dưới thấp càng tốt! Lối kiến trúc ở đây là những căn nhà đất đỏ không thấy mái, tường thì dầy như những bức tường thành.

Và như thế đoàn hành hương cuả chúng tôi đã tới được Hobbs sau nhiều giờ đố vui với nhau để xem ai có thể ‘chỉ điểm’ những chú nai trên đồng cỏ.

Thực ra chúng tôi không đự tính đi qua Hobbs làm gì, tuy nhiên sau khi đọc thấy trên mạng những tin đồn về sự lạ mới xảy ra, chúng tôi rủ nhau, sau khi đi tham quan nhà thờ Loretto để coi chiếc ‘cầu thang thánh’ cuả thánh Giuse ở Santa Fe xong, thì bỏ thêm giờ để ‘nhân tiện’ đi Hobbs cho biết. Số giờ bỏ thêm vào đó, té ra cũng không ít đâu, thêm tới 12 giờ lái xe.

Dù đã xế chiều nhưng căn hội trường sát bên nhà thờ vẫn mở cửa và xe cộ vẫn cứ thong thả đi vào đi ra cái parking rộng. Người đi vào thì vội vã, kẻ đi ra thì đăm chiêu…

“Sự lạ đã diễn ra trong cái hội trường này. Mỗi Chuá Nhật chúng tôi có 3 thánh lễ, 2 lễ đầu thì làm trong nhà thờ chính, còn lễ 12g trưa thì làm ở đây cho rộng hơn,” theo lời bà Judy Ronquillo, business manager (bà Từ) cuả giáo xứ.

Đang lúc thánh lễ 12g ngày 20 tháng 5, thì một vài giáo dân để ý thấy gương mặt cuả bức tượng to lớn Đức Bà (Lady) Guadalupe đặt trước sân khấu (lúc đó là cung thánh) bắt đầu loang loáng như có nước, cho nên sau thánh lễ, trong khi linh mục quản xứ (Administrator) Cha Jose “Pepe” Segura đang chào tạm biệt giáo dân, thì số người tò mò rối rít gọi ngài mau tới xem.

“Ai đổ nước lên tượng ĐM vậy?” là lời Cha Pepe thốt lên, ngài cho biết vì bức tượng xoay lưng vào bàn thờ cho nên ngài không hề biết có sự lạ xẩy ra trong lúc thánh lễ.

“Không thưa Cha, ĐM đang khóc đấy!” Các giáo dân nhao nhao nói với ngài như thế.

Theo lời cha Pepe nói với tờ báo địa phương là Hobbs News số ngày 22 tháng 5, 2018, thì ngài đã ra lệnh lấy khăn lau cho sạch tới 2 lần, nhưng nước vẫn cứ tuôn ra.

"Đó là lúc mà tôi nhận ra là bức tượng thực sự đang khóc", cha Pepe nói. “Tôi nghĩ rằng đó là một lời nhắc nhở để cho tất cả chúng ta đến gần Thượng Đế hơn và chấm dứt những bạo lực và thôi thúc chúng ta phải đoàn kết với nhau. Chúng ta cần phải bảo vệ cho niềm tin cuả chúng ta trong cuộc tranh đua ở đời này, cho ngôn ngữ của chúng ta và phải luôn nhớ rằng vẫn có những điều gì đó vượt trội hơn (những việc trên trần thế. ) ”

Bà Judy Ronquillo nói rẳng Cha Pepe đã ra lệnh đọc kinh Mân Côi và sau đó lấy một chiếc khăn và lau khu vực trên sàn trước bức tượng, nơi nhiều giọt nước mắt đã đổ xuống.

Lúc đó người ta quan sát trong nước có chất dầu.

"Nó không giống như nước", bà Ronquillo nói. "Nó có nhiều dầu và có mùi như hoa hồng. Tôi vẫn còn giữ một chiếc khăn và 2 tuần rồi mà mùi thơm hoa hồng vẫn còn phảng phất bay ra"

Cũng the tờ báo Hobbs News thì Đức Giám Mục Oscar Cantú cuả Giáo phận Las Cruces, là giáo phận cai quản miền nam New Mexico, đã ra lệnh thành lập một nhóm điều tra. Vào chiều thứ hai, Thày Sáu Jim Winder của giáo phận cho biết cuộc điều tra đã bắt đầu rồi.

"Chúng tôi đang xem xét nó và đã bắt đầu một cuộc điều tra," Thày Winder nói. “Chúng tôi cố gắng để có một sự hoài nghi lành mạnh cho những thứ như thế này. Trong Giáo hội thường xảy ra nhiều loại gọi là 'phép lạ', vì vậy chúng tôi không chấp nhận nó theo giá trị bề mặt. Chúng tôi sẽ điều tra để loại trừ bất kỳ âm mưu nhân tạo nào và loại trừ những nguyên nhân có thể giải thích theo luật tự nhiên. Chúng tôi không muốn hấp tấp đi đến bất kỳ một kết luận nào. ”

Và nếu cuộc điều tra dẫn đến kết luận rằng đây là một phép lạ?

"Nếu điều đó đến từ Thượng đế, thì dù bạn cố gắng ngăn chặn thế nào đi nưã cũng không thể xoá được những sự tốt lành mà nó mang lại", Thày Winder nói. “Cho nên dù chúng ta tiếp cận một cách tỉ mỉ, cẩn thận với điều này, thì vẫn không lấy đi những hành động của Đức Chúa Trời. Nếu đó là một phước lành từ Đức Chúa Trời, chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn được. Sự thật sẽ được phơi bày. ”

Nhưng trong khi chờ đợi phán quyết từ thẩm quyền cuả Giáo Hội, thì người dân đã coi đây là một phép lạ tỏ tường.

Bà Judy Ronquillo tâm sự với tôi: ”trong phố Hobbs này chỉ có 2 nhà thờ Công Giáo mà thôi, vậy mà chúng tôi đã không hề hoà thuận với nhau lắm, bây giờ thì chúng tôi lại rất đoàn kết.”

“Thế còn các nhà thờ Tin Lành (đa số) thì sao? Họ có chống việc này không?” tôi hỏi.

“Ồ không đâu, các nhà thờ lân cận đã tới giúp đỡ chúng tôi để tổ chức canh thức và giao tiếp đón khách hành hương.”

“Chúng tôi không thể đóng cửa được từ đó cho đến nay. Chúng tôi mở cửa 24/24”.

“Là business manager trông coi một công việc bất ngờ như thế này thì chắc là bà bận rộn lắm phải không?” Tôi hỏi.

“Vui chứ,” bà Judy trả lời, “mới có hai tuần thôi mà số giáo dân đã tăng lên được 8%.”

Để biết thêm xin xem:

Guadalupehobbs.com

Điạ chỉ: Our Lady of Guadalupe

Mailing: 914 S. Selman

Physical: 915 S. Morris, Hobbs, NM 88240

Office: 575-393-4991

Fax: 575-397-1480

Email: ourladyparish@yahoo.com
 
Âm mưu cuả Ma Quỉ gây chia rẽ tình huynh đệ Kitô Giaó? Nhà thờ Baptist ở Mỹ tháo bỏ tượng Chuá bởi vì…nó trông có vẻ Công Giáo.
Kateri Diễm Châu
16:43 30/05/2018
Một tượng Chuá Giêsu và nhiều hình ảnh trong một quần thể nghệ thuật trang điểm cho bề mặt cuả một ngôi nhà thờ Baptist có tên là Red Bank Baptist Church ở North Carolina sẽ bị tháo bỏ đi bởi vì, “Chúng tôi khám phá ra rằng có người coi các tác phẩm đó có vẻ Công Giáo. Chúng tôi hiểu rằng đây không phải là những thánh tượng cuả Công Giáo, nhưng mà có người đã nghĩ như thế” ("We have discovered that there are people that view the art as Catholic in nature. We understand that this is not a Catholic icon, however, people perceive it in these terms,") là lời cuả lá thư có ký tên Dr. Jeff Wright, niên trưởng mục sư cuả Red Bank's, và Mike Dennis, chủ tịch đoàn cuả các Phó tế.

Lá thư được gửi cho ông Bert Baker Jr., là người nghệ sĩ đã tạc tượng vào năm 2007. Ông từng là một giáo dân cuả ngôi nhà thờ này, nay dời cư qua Midlands, SC.

“Tôi không muốn quấy bùn lên nước, nhưng nói rằng người ta không thích nó bởi vì nó có vẻ Công Giáo thì thật là điên rồ. Nó đã ở đó 11 năm rồi,” theo lời ông Baker nói với tờ báo The State.” Tôi không đồng ý với lá thư, nó làm cho tôi cảm thấy khó chịu.”

Một số giáo dân Baptist cũng cảm thấy bất mãn về luận điệu cuả lá thư trên, như bà Davis đã đưa vấn đề lên mạng Facebook và đang được rất nhiều người theo dõi, bà viết :” Việc tháo gỡ thì đáng buồn và đáng trách vì nó “vừa xúc phạm vừa đầy thành kiến đối với một giáo phái khác, đó là một hành động không xứng đáng cho những ai tự nhận mình là đại diện cho Chuá Kitô.”

“Nó đáng lo âu (disturbing) và đáng buồn trong một thời điểm mà tất cả chúng ta đang cần phải sáp lại gần nhau hơn như là những anh chị em trong Chuá Kitô, để phản ánh Tình Yêu cuả Người trong cái thế giới đang bị lạc lõng và giẫy chết này, thì nhà thờ Red Bank đã quyết định điểm mặt một giáo phái khác là phải phải tránh né, chỉ vì một sự sợ hãi do trí tưởng tượng mà ra.” Bà Davis viết.

Trong bức thư cuả nhà thờ, họ cho ông baker cơ hội để tháo gở tác phẩm cuả ông nếu ông muốn, nói thêm rằng “tác phẩm phải được tháo đi trong ngày 31 thang 5, 2018”

Ông Baker hy vọng tác phẩm sẽ không bị phá hủy, nhưng có thể tặng cho một nhà thờ khác hay được bán đi để lấy tiền cho một quĩ truyền giáo.

“Tôi được thuê để khắc tượng, và như vậy thì là quyền cuả họ muốn làm gì tuỳ ý” Theo lời ông Baker nói với báo The State. “Tôi không muốn thấy nó bị đập phá đi. Tôi cũng không nỡ ra tay tháo gỡ chúng xuống, nhưng tôi hy vọng có một chỗ nào đó cho chúng.”

Ông cho biết có nghe tin nhiều nhà thờ khác đang xin các bức tượng đó, nhưng không rõ là ai.

Sau khi sự việc được loan truyền ra ngoài, thì trên mạng truyền thông, người ta bắt đầu phê bình và thậm chí chế riễu cộng đồng Baptist ở đó.

“Chuá Giêsu Kitô sẽ bị loại ra ngoài khỏi một nhà thờ Baptist ở South Carolina” là một trong những tít trên báo.

“Tôi vẫn thấy nhà thờ Baptist ở Orangeburg, SC có một tượng ông thánh Phanxicô Assissi trong vườn cuả họ mà, vậy tại sao lại có sự khó khăn hẹp hòi này vậy? Thật là đáng miả mai khi cái đầu óc hẹp hòi cuả ông mục sư này cho rằng Chuá Giêsu chỉ có ở trong các nhà thờ Công Giáo mà thôi.” Theo ý kiến cuả một người có tên là William Gabrielson.

Hiên nay thì nhà thờ Red Bank Baptist Church đang ‘bế quan toả cảng,’ từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào.
 
Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định Giáo Hội không thể phong chức linh mục cho phụ nữ. Đó là chung cuộc, miễn bàn cãi.
Đặng Tự Do
18:43 30/05/2018
Chỉ có người nam mới có thể được lãnh nhận chức tư tế là một sự thật, và là một phần của đức tin Công Giáo và điều này sẽ không bao giờ có thể thay đổi được, Đức Hồng Y tân cử Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã khẳng định như trên.

“Ngày càng có những mối lo nghiêm trọng khi chứng kiến ở một số nước vẫn có những tiếng nói nghi ngờ bản chất chung cuộc của giáo huấn này”, Đức Hồng Y viết như trên hôm 29 tháng 5 trên tờ Quan Sát Viên Rôma.

Thánh Gioan Phaolô II, khi xác nhận giáo huấn và thực hành liên tục của Giáo Hội, đã chính thức tuyên bố vào năm 1994 rằng “Giáo Hội không có thẩm quyền để phong chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này được tất cả tín hữu của Giáo Hội tuân giữ một cách chung cuộc.”

Đức Hồng Y Ladaria cho biết một số người tiếp tục đặt vấn đề về tính bất khả ngộ trong lời tuyên bố của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được nêu trong tài liệu “Ordatio Sacerdotalis” vì “văn kiện này không được xác định là ‘ex cathedra ” nghĩa là chưa chính thức, và long trọng tuyên bố là không thể sai lầm được. Lập luận này nói rằng “một quyết định sau đó của một giáo hoàng hoặc một công đồng trong tương lai có thể phủ nhận văn kiện đó.”

Nhưng, Đức Hồng Y tân cử cảnh cáo rằng: “gieo những nghi ngờ này là tạo ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa các tín hữu không chỉ về bí tích truyền chức thánh như một phần của hiến chế thánh thiện của Giáo Hội, nhưng còn làm cho người ta hoang mang về cách thức mà các thẩm quyền huấn giáo có thể dạy các giáo huấn Công Giáo một cách không thể sai lầm được.”

Giáo huấn của Giáo Hội không thể sai lầm khi được tuyên bố long trọng bởi một công đồng hay bởi một giáo hoàng khi tuyên bố “ex cathedra”. Đó là trường hợp của các học thuyết mới. Một giáo huấn cũng được công nhận là không thể sai lầm khi đã từng được “thẩm quyền giáo huấn địa phương và hoàn vũ của các giám mục loan truyền khắp thế giới, trong sự hiệp thông giữa các ngài với nhau và với Đức Giáo Hoàng, các giáo huấn Công Giáo được công bố như thế được tuân giữ một cách chung cuộc.”

Đó là những gì Thánh Giáo Hoàng đã làm, Đức Hồng Y Ladaria viết. “Ngài không tuyên bố giáo điều mới, nhưng với thẩm quyền ban cho ngài trong tư cách là người kế nhiệm của Thánh Phêrô, ngài chính thức xác nhận và xác quyết rõ ràng - để đánh tan bất kỳ nghi ngờ nào – về điều mà thẩm quyền giáo huấn địa phương và hoàn vũ của các giám mục đã coi là thuộc về kho tàng đức tin trong suốt lịch sử của Giáo Hội.”

“Chúa Kitô đã có ý ban bí tích này cho 12 Tông Đồ - tất cả đều là nam giới – là những vị đến lượt mình truyền lại cho những người nam khác. Giáo hội luôn thấy mình phải ràng buộc với quyết định này của Chúa, trong đó loại trừ khả năng chức tư tế có thể được ban một cách hợp lệ cho phụ nữ.”

Đức Hồng Y Ladaria nhấn mạnh rằng để đáp lại những câu hỏi liên quan đến chủ đề này Bộ Giáo Lý Đức Tin “đã liên tục lặp lại rằng đây là một sự thật thuộc về kho tàng đức tin.”

Ứng viên cho chức tư tế phải là một người nam. Điều này thuộc về “bản chất của bí tích này” và không thể thay đổi vì bí tích truyền chức thánh được thiết định bởi chính Chúa Kitô.

Sự kiện phụ nữ không thể được thụ phong linh mục, không ngụ ý “tùng phục, nhưng nên hiểu là một sự phong phú hóa lẫn nhau.”

Vai trò cao quý của Đức Maria trong Giáo Hội, mặc dù Mẹ không phải là một trong 12 tông đồ, cho thấy tầm quan trọng của cả nữ tính lẫn nam tính trong Giáo Hội. Một thách thức đối với văn hóa hiện đại là phải “cố gắng hiểu được ý nghĩa và sự tốt lành trong sự khác biệt giữa nam và nữ.”

Đức Hồng Y Ladaria ghi nhận rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tái khẳng định giáo huấn theo đó chức tư tế chỉ dành cho người nam.

Trong tông huấn “Niềm vui của Phúc Âm” được công bố vào năm 2013, Đức Thánh Cha viết: “Việc dành riêng chức tư tế cho nam giới, như một dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến trong bí tích Thánh Thể, không phải là một vấn đề mở ngỏ cho các cuộc thảo luận.”

Và, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên trong chuyến đi Thụy Điển vào năm 2016, Đức Thánh Cha đã nói: “Về khả thể phong chức cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, lời cuối cùng, rõ ràng đã được đưa ra bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và điều này vẫn còn hiệu lực.”
Source: Catholic Herald - Teaching on all-male priesthood is definitive, says Prefect of CDF
 
Thánh lễ tại Santa Marta 28/5: Niềm vui là không khí Kitô hữu hít thở
Lệ Hằng, F.M.A.
19:14 30/05/2018
Đề cập đến một đoạn trích từ Tin Mừng theo thánh Máccô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại một chủ đề thường xuyên của ngài theo đó các tín hữu phải là những người nam nữ mang niềm vui trong lòng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 28 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Đề cập đến người thanh niên giàu có, là người đã buồn bã giã biệt Chúa Giêsu vì anh không thể từ bỏ tài sản của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các Kitô hữu không thể hành xử như vậy.

Niềm vui là hơi thở của Kitô hữu

Đức Thánh Cha nói: "Niềm vui phải là không khí các Kitô hữu hít thở". Kitô hữu phải thể hiện nơi mình niềm vui. Niềm vui không thể được mua bán hay bị bắt buộc. “Không, đó là một thành quả của Thánh Linh Thiên Chúa. Đấng gieo niềm vui trong lòng chúng ta là Chúa Thánh Thần”.

Niềm vui, được nuôi dưỡng bởi trí nhớ, tạo ra hy vọng và hòa bình

Ký ức là tảng đá vững chắc mà các Kitô hữu tìm thấy niềm vui. Khi chúng ta nhớ lại “những gì Chúa đã làm cho chúng ta… đã tái sinh chúng ta” thì ký ức đó tạo ra hy vọng cho những gì sẽ đến trong tương lai khi chúng ta gặp gỡ Con Thiên Chúa. Trí nhớ và hy vọng cho phép các Kitô hữu sống an vui; và hòa bình đạt được khi niềm vui được sống một cách hoàn hảo nhất:

Niềm vui không có nghĩa là sống với những tiếng cười. Không, nó không phải như thế đâu. Niềm vui không phải là hoan lạc. Không, nó không phải như thế đâu. Nó là cái gì khác. Niềm vui của người Kitô hữu là hòa bình, là bình an được bắt rễ sâu, bình an trong lòng, sự bình an mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta. Đây là niềm vui của Kitô hữu. Không dễ dàng để nuôi dưỡng niềm vui này.

Niềm vui kéo dài

Đức Giáo Hoàng Phanxicô than vãn một thực tế ngày nay là văn hóa đương đại hài lòng với những mảnh vụn của niềm vui không bao giờ mang đến sự thỏa mãn hoàn toàn. Vì niềm vui là một ân sủng của Thánh Linh, nó rung động ngay cả "trong những khoảnh khắc hỗn loạn và trong thời điểm thử thách".

Có một sự bồn chồn lành mạnh, và có cả sự bồn chồn không lành mạnh – đó là sự lo toan tìm kiếm sự an toàn, và hoan lạc trên tất cả mọi sự. Người đàn ông trẻ trong bài Tin Mừng sợ rằng nếu anh ta từ bỏ sự giàu có của mình, anh ta sẽ không hạnh phúc. Niềm vui đích thật, sự ủi an: là hơi thở của các Kitô hữu chúng ta.
 
Đức Thánh Cha mời gọi khách hành hương: ‘Hãy để lòng mình được uốn nắn bởi Chúa Thánh Linh”
Thanh Quảng sdb
23:55 30/05/2018
Đức Thánh Cha mời gọi khách hành hương: ‘Hãy để lòng mình được uốn nắn bởi Chúa Thánh Linh”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các tín hữu về “Bí Tích Thêm Xức” là một “món quà hiển nhiên” nếu nó không được đón nhận với lòng biết ơn, được gìn giữ cẩn thận và thể hiện trong cuộc sống với tâm lòng ngoan hiền, mở tâm lòng mình để được uốn nắn bởi Chúa Thánh Thần hầu chúng ta trở nên hình ảnh và phản ảnh ánh sáng của Chúa Kitô cho thế giới ngày nay.
Huấn từ cho khách hành hương qui tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào trưa thứ Tư, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý của Ngài về Bí Tích Thêm Xức
Hồng ân Chúa Thánh Thần
Bí Tích Thên Xức, Bí tích Chúa Thánh Thần

Bí tích Thêm xức là một món quà
Tập trung vào 'các ân ban' như những hồng ân Chúa ban cho chúng ta khi nhận Bí Tích Thêm Xức, ĐTC sánh ví giống như Chúa Giêsu đã nhận được hồng ân của Thánh Linh khi Ngài nhận phép rửa của Thánh Giao Tẩy Giả trước khi Chúa ra đi rao giảng Tin Mừng , thì khi ta nhận Bí tích Thêm Xức, Giáo Hội cũng cầu nguyện cho chúng ta cũng có thể nhận được hồng ân các ơn của Chúa Thánh Linh tuôn ban qua Bí tích Thêm Xức.
ĐTC nhấn mạnh về thực tại là những người lãnh nhận Bí tích Thêm xức sẽ tự đảm trách các trách nhiệm “khi canh tân lại những lời hứa đã được tuyên xưng bởi cha mẹ và người đỡ đầu” khi ta lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy hồi thơ bé.
ĐTC nói: Hồng ân của Chúa Thánh Linh thông ban xuống chúng ta qua việc đặt tay và xức Thánh của Đức Giám Mục.
Chúa Thánh Thần: Người phân phát hồng ân đa dạng nhưng cũng là Người kiến tạo sự hiệp nhất
ĐTC nói Chúa Thánh Linh ban phát bảy Hồng ân của chúa Thánh Thần là: Ơn Khôn Ngoan, Ơn Hiểu Biết, Ơn Biết Lo Liệu, Ơn Sức Mạnh, Ơn Thông Minh, Ơn Đạo đức và Ơn Kính sợ Thiên Chúa; đồng thời Ngài cũng là Người kết hợp lại mọi sự trong tình hợp nhất”.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người tín Kitô chúng ta lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần để trở thành những chứng nhân cho Chúa Kito6 giữa đời. Vậy ĐTC nói mỗi người chúng ta hãy cảm tạ Chúa về món quà mà chúng ta đã nhận được qua Bí tích Thêm Xúc và hãy mở rộng tâm lòng chúng ta cho Chúa Thánh Thần hầu Người đổi mới chúng ta thành tạo vật mới...
Thông điệp hòa bình của các võ sĩ trẻ Hàn Quốc
Võ sĩ trẻ Đại Hàn thả chim Bò Câu biểu tượng Hòa Bình
Võ sĩ trẻ Đại Hàn trong trang phục trắng và đen đấu với nhau
Dù thắng hay bại họ đã ôn lấy nhau như dấu chỉ yêu thương hợp nhất

Tiếp theo buổi triều yết là buổi trình diễn võ thuật của nhóm võ sĩ trẻ từ Liên đoàn Taekwondo Đại Hàn.
Trong trang phục quần áo màu đen và mầu trắng, tượng trưng cho hai phe hay hai vế… Các võ sĩ từ Hàn Quốc khai mạc cuộc biểu diễn với một băng rôn: “Hòa bình quý giá hơn chiến thắng” và thả chim bồ câu như khát vọng hòa bình để tri ân Đức Thánh Cha Phanxicô về những nỗ lực của Ngài hầu đem lại hòa bình cho bán đảo này.
Trước tâm tình đó ĐTC nói: Cha cám ơn chúng con, các võ sĩ Hàn Quốc về cuộc biểu diễn tuyệt diệu của chúng con, nó nói lên một nỗi niềm mong ước hòa bình… Đây thật là một sứ điệp hòa bình cho tất cả nhân loại! Cha xin cám ơn chúng con!"
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Truyền hình trực tuyến: Ngày họp mặt Thiếu Nhi lần VI GP Phát Diệm
GP Phát Diệm
12:48 30/05/2018
Hôm nay, tại Nhà thờ Chính Tòa Phát Diệm sẽ diễn ra sự kiện Gặp mặt Thiếu nhi toàn Giáo phận lần thứ VI. Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm mỗi dịp hè về và mừng lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa, để các thiếu nhi cùng gặp gỡ nhau và mừng lễ quan thày.

Để chuẩn bị cho ngày gặp mặt diễn ra được tốt đẹp và mang dấu ấn, trong những ngày qua, tại khuôn viên Nhà thờ Chính Tòa, mọi công tác chuẩn bị cho ngày đại lễ đang được xúc tiến và gấp rút hoàn thành. Trực tiếp hướng dẫn công tác chuẩn bị là Cha Phaolô Nguyễn Tất Ứng – Trưởng ban giáo lý Giáo Phận. Cùng cộng tác chuẩn bị cho đại hội có quý cha, quý thày trong Ban Giáo lý, và sự góp mặt của Ban chấp hành và các hội đoàn Giáo xứ Chính Tòa, quí Gia trưởng và huynh trưởng giáo xứ Cồn Thoi, quý Ban chấp hành và huynh trưởng giáo xứ Tân Mỹ, quý Ban chấp hành giáo xứ Hoài Lai, quý Cha, quý thầy, quý nữ tu và các anh chị em cộng tác viên trong các ban khác nhau.

Đến 16g00 ngày 30-5-2018, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày gặp mặt. Có thể nói, mọi người tham gia đều làm với tất cả nhiệt tâm của mình, vì lòng yêu mến mầm non tương lai của giáo phận, Giáo Hội và xã hội.
 
Phỏng vấn Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo về chương trình cung nghinh tượng Đức Mẹ Thánh Du tại giáo phận Xuân Lộc
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du
16:52 30/05/2018
Nhân dịp tháng 5, tháng hoa, tháng kính Đức Mẹ của người Công Giáo sắp kết thúc; cũng nhân dịp giáo phận Xuân Lộc đang cung nghinh tượng Mẹ Fatima thánh du. VietCatholic được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo dành cho cuộc phỏng vấn về chương trình Mẹ thánh du tại giáo phận của ngài.

VietCatholic: Con kính chào Đức cha. Thưa Đức cha trong những ngày vừa qua các giáo xứ trong giáo phận Xuân Lộc nô nức đón tiếp Đức Mẹ Thánh Du. Cơ duyên nào đã thúc bách Đức cha cung nghinh tượng Mẹ Fatima về giáo phận ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Tôi xin kính chào độc giả của VietCatholic. Việc cung nghinh tượng thánh du Đức Mẹ Fatima quy tụ nhiều nhu cầu và tâm tình thiêng liêng của Giáo phận Xuân Lộc, được diễn tả trong chương trình mục vụ 2017 – 2018 của Giáo phận: canh tân đời sống Đức Tin và sự hiệp nhất trong các gia đình, để gia đình trở thành dấu chỉ của lòng thương xót của Chúa. Nhờ vậy, Giáo phận Xuân Lộc sẽ trở thành “thánh địa của lòng thương xót”, nơi đó mọi anh chị em đau khổ, lương dân và di dân đều được đón nhận và thương yêu, trợ giúp với lòng thương xót của Chúa.

Ở mọi nơi, nhất là tại Việt Nam, Đức Mẹ luôn là điểm quy tụ và ủi an. Các ngày lễ, các cuộc cung nghinh Đức Mẹ luôn lôi kéo được nhiều tín hữu và khơi lên niềm hứng khởi đạo đức trong lòng họ, kể cả những giáo hữu “khô khan”.

Việc cung nghinh tượng thánh du Đức Mẹ Fatima còn nói lên một nhu cầu, một thao thức âm thầm, nhưng rất mãnh liệt trong lòng mọi người: ơn an bình cho các gia đình và các giáo xứ, cho Quê hương Việt Nam và cho toàn thế giới. Đứng trước thực trạng bi đát của thế giới: chiến tranh tàn khốc và làn song vô thần phỉ báng Chúa, Đức Mẹ hiện ra tại Fatima đã kêu gọi Giáo Hội thực hiện mệnh lệnh Fatima để xin cho chiến tranh được chấm dứt và xin cho thế giới trở về với Chúa. Chính vì thế, việc đón tiếp tượng thánh du Đức Mẹ Fatima không chỉ giới hạn trong các nghi lễ cung nghinh, nhưng đoàn dân Chúa còn được kêu gọi, thúc đẩy thực hiện ba mệnh lệnh Fatima.

VietCatholic: Xin Đức Cha cho độc giả chúng con biết một chút lịch sử của bức tượng Mẹ thánh Du này ạ.

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Tượng thánh du Đức Mẹ Fatima có nguồn gốc từ Fatima, đưa về Roma và sau cùng được rước về Việt Nam (Giáo phận Xuân Lộc). Lúc đầu, có ý định xin Đức Thánh Cha làm phép bức tượng này, nhưng sau cùng, Ban Tư Vấn đề nghị để Giám Mục Giáo phận làm phép Bức Tượng trong chính Thánh Lễ khai mạc Năm Mục vụ 2017 – 2018 và khởi đầu cung nghinh tượng thánh du Đức Mẹ, được cử hành tại Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi của Giáo phận, ngày 02 tháng 12 năm 2017.

VietCatholic: Chương trình Mẹ Thánh du bắt đầu và kết thúc khi nào? Tượng Mẹ sẽ đến một số giáo xứ hay tất cả các giáo xứ trong giáo phận ạ? Hiện nay Mẹ đã đi được bao nhiêu giáo xứ rồi ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Mẹ Thánh Du được bắt đầu cung nghi từ ngày 02 tháng 12 năm 2017, sau Thánh Lễ khai mạc Năm Mục vụ 2017 – 2018 và sẽ kết thúc trước ngày 24 tháng 11 năm 2018 là ngày khai mạc Năm Mục vụ mới 2018 – 2019 và cũng là ngày kết thúc Năm Thánh mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Tượng Thánh du Đức Mẹ được rước đi tất cả các Giáo xứ và các Dòng Tu trong Giáo phận, mỗi nơi một ngày hoặc hai ngày nếu là Giáo xứ lớn. Giáo phận Xuân Lộc có 12 Giáo hạt. Tượng thánh du Đức Mẹ đã đến viếng thăm các Giáo xứ và cộng đoàn Dòng tu của 6 Giáo hạt và đã sang tới Giáo hạt thứ 7 là giáo hạt Long Thành.

VietCatholic: Những tâm tình của quý cha, tu sĩ và anh chị em giáo dân tại các nơi Mẹ đã đến như thế nào ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Nếu muốn gọi ghém các tâm tình và bầu khí việc cung nghinh Đức Mẹ Thánh Du đã khơi lên trong Giáo phận, tôi xin dùng vài từ ngữ sau đây: ngóng chờ, đạo đức, sốt sắng, hứng khởi, bình an, bác ái yêu thương. Khi tượng Đức Mẹ Thánh Du chưa tới thì người ta ngóng chờ; khi Đức Mẹ Thánh Du tới, cả giáo xứ như bừng lên một bầu khí sốt sắng, phấn khởi, đạo đức yêu thương. Khi Đức Mẹ Thánh Du ra đi, mọi người cảm thấy nhớ nhung và hình ảnh Đức Mẹ vẫn còn đó, tiếp tục nâng đỡ đoàn con trong nỗ lực sống Đức Tin hằng ngày.

Các linh mục, tu sĩ, nhất là các linh mục chánh xứ thì vui mừng và hài lòng. Tuy có vất vả tổ chức, nhưng lại được hưởng niềm an ủi lớn lao vì thấy giáo xứ sốt sắng hơn, thương yêu nhau hơn; các gia đình đầm ấm hơn.

VietCatholic: Sau khi Tượng Mẹ thánh du hết giáo phận thì tượng Mẹ được đưa đi đâu tiếp ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Kết thúc chương trình cung nghinh Đức Mẹ Thánh Du, tượng Đức Mẹ sẽ được đưa đến Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi để dân Chúa có thể tiếp tục kính viếng.

VietCatholic: Những ơn ích thiêng liêng mà chúng ta nhận được quá lớn vậy tại sao mãi cho đến bây giờ chúng ta mới có được diễm phúc cung nghinh Mẹ Thánh Du ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Đời sống Đức Tin của mỗi cá nhân và của cộng đoàn là một hành trình. Mỗi thời điểm có những ơn riêng và những dấu chứng riêng và chuẩn bị cho thời điểm tiếp theo. Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô mở Năm Thánh Lòng Thương Xót cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, Giáo phận mở Tuần Đại Phúc “Lòng Thương Xót” để mời gọi dân Chúa mở lòng đón nhận lòng thương xót của Chúa và thông truyền lòng thương cho nhau. Trong Năm Mục vụ 2016 – 2017, Giáo phận cung nghinh Thánh Giá Chúa để quy tụ và canh tân tâm hồn Giới Trẻ. Năm nay, chương trình Mục vụ nhắm đến mọi thành phần của Giáo phận, đặc biệt các gia đình và tiếp tục tinh thần lòng thương xót, với viễn tượng tiến đến những người ở vùng ngoại biên là những anh chị em đau khổ, anh chị em lương dân và anh chị em di dân. Tâm hồn được thấm nhuần lòng Chúa thương xót không thể bị đóng kín trong các nhu cầu của Giáo phận, mà phải mở ra mọi người trên Quê hương Việt Nam và trên toàn thể thế giới. Đức Mẹ Fatima với các sứ điệp của Ngài là câu trả lời tự nhiên cho tất cả các nhu cầu trên.

VietCatholic: Xin Đức cha chia sẻ tâm tình về những ơn lành Đức cha nhận được từ Đức Mẹ.

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Cuộc đời của tôi là một chuỗi dài liên tục các kinh nghiệm về sự hiện diện gần gũi của Đức Mẹ và sự che chở bao bọc hiền mẫu của Ngài. Tôi còn nhớ, năm 1994, trước khi về viếng thăm quê hương Việt Nam, tôi tham dự giảng huấn khóa học truyền giáo tại Mexico, tổ chức cho tất cả Châu Mỹ Latinh. Ngôi nhà nơi tổ chức Khóa học tọa lạc gần Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe. Dưới tấm ảnh Đức Mẹ có ghi câu Đức Mẹ nói với Juan Diego khi ông sợ sệt: “Mẹ không ở đây và là mẹ của con sao?” Mặc dù đã quyết định về Việt Nam, nhưng lòng vẫn còn ngần ngại với chút lo sợ. Nhưng câu Đức Mẹ nói với Juan Diego đã chấn an tôi và đã theo tôi trong suốt cuộc hành trình thăm viếng Quê hương năm 1994. Năm 2009, khi quyết định bỏ Roma về Việt Nam phục vụ. Một lần nữa, tôi lại cảm thấy cần phải chạy đến Đức Mẹ. Lần này tôi đến kính viếng Đức Mẹ tại Trung tâm “Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành” ở Genazzano (Italia), nơi Đức Thánh Cha Pio IX đã đến kính viếng trước khi công bố triệu tập Công đồng Vaticanô I và Thánh Gioan Bosco đã kính viếng trước khi lập Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ. Đức Mẹ vẫn dõi theo và hướng dẫn bước đường tôi đi. Dưới tà áo hiền mẫu của Đức Mẹ, cả những sai sót, những vụng về cũng biến thành nguồn ơn phúc.

Thay cho Anh Chị Em khán thính giả VietCatholic, chúng con xin cám ơn Đức Cha đã dành thời gian chia sẻ với chúng con. Ước chi Mẹ Thánh du qua từng giáo xứ cũng thánh du đến từng tâm hồn và ở lại với từng người. Chúng con xin cám ơn sáng kiến của Đức cha. Sáng kiến đưa Mẹ về gần với chính con và khơi dậy hơn nữa nơi chúng con con lòng sùng kính Mẹ đặc biệt hơn.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria chúc lành cho sức khỏe và sứ vụ của Đức cha.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du
Dòng Đa Minh Rosa Lima
 
Thăm Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Nà Phặc
Triết Giang
18:24 30/05/2018
Tôi quen biết linh mục Giuse Nguyễn Văn Thật, dòng Chúa Cứu thế cả chục năm nhưng rồi cha đi truyền giáo ở Bắc Kạn sau đó làm Bề trên đền ĐMHCG Nà Phặc nên ít có dịp gặp lại. Ngày Chúa Nhật lễ Chúa Ba ngôi, hơn 60 anh chị em ở Tông đoàn Gioan Phaolo 2 và nhóm Tông đồ giáo dân Thái Hà do linh mục Giuse Đỗ Đình Tư dẫn dầu đã đi thăm đền ĐMHCG Nà Phặc. Quãng đường chỉ có hơn 200km, đường mới làm khá tốt nhưng đoạn từ Bắc Kạn đến Nà Phặc cũng dốc đèo rất khó đi nhanh được nên phải mất gần 5 tiếng chúng tôi mới đến nơi. Đền ĐMHCG Nà Phặc nằm ngay trên quốc lộ 3 ở ngay thị trấn. Vừa xuống xe đã thấy cha Giuse Nguyễn Văn Tĩnh – Bề trên đền ĐMHCG Nà Phặc và chính xứ Bắc Kạn ra tận cửa đón và mời vào phòng khách. Điều ấn tượng với chúng tôi chính là đền ĐMHCG mái lá đơn sơ. Cha Nguyễn Văn Thật phụ trách đền nói: Ngôi nhà lá mấy chục mét vuông này dựng từ năm 2011, nhưng chính quyền đã cưỡng chế phá dỡ 3 lần. Năm 2014, họ cho dựng nhà tạm tức là không được lợp mái ngói, tường không được xây, kèo, cột không được làm mộng mà phải đóng đinh. Cũng không được dựng Thánh giá nhưng được viết chữ “đền ĐMHCG Nà Phặc” (ảnh trên).

Trong đền có chừng 100 người H’Mong đang học hát bằng tiếng H’Mong. Cũng có màn hình điện tử để mọi người theo dõi. Cha Tĩnh cho biết, cả tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.200 giáo dân chủ yếu là người 5 dân tộc thiểu số, đông nhất là người H’Mong. Người H’Mong có thánh lễ riêng vào sáng Chúa Nhật tại Nà Phặc. Có người cách nhà thờ 80 km. Thứ bảy có lễ cho người Dao tại đền. Còn 4 giáo điểm nữa thì hai cha chia nhau đi phục vụ. Cha Tĩnh nói, Chúa Nhật cha phải đi tới 170km để làm lễ. Phải đi đường rừng, trong đêm tối khá nguy hiểm. Nhưng cứ có thêm người gia nhập đạo là bao nhiêu mệt nhọc bay đi mất cả. Cha Tĩnh giới thiệu đoàn chúng tôi với cộng đoàn rồi vội đi làm lễ ở nơi khác. Hôm nay, thánh lễ cho người H’Mong do cha Thật chủ tế, cha Tư giảng và cha Thật dịch ra tiếng H’Mong. Cha Tư nói, tất cả anh chị em ở đây là anh em với chúng tôi vì cùng là con của Chúa Ba ngôi trên trời. Cha vừa đi thăm Đất thánh và có ghé qua Biển Chết. Sở dĩ nó là Biển Chết, không sinh vật nào sống được trong lòng nó vì nó chỉ biết nhận các nguồn nước đổ vào nhưng không biết cho đi nên độ mặn của nước quá cao. Chúng tôi từ Hà Nội, được Chúa ban cho nhiều phúc lộc về sức khỏe, trí tuệ và cả của cải nữa. Nếu chúng tôi không biết chia sẻ cho anh chị em thì chúng tôi không phải là con cái Chúa và sẽ trở thành Biển Chết.

Lúc lên nhận phép lành, chúng tôi thấy có nhiều người lớn tuổi. Cha Thật cho biết hiện đang có chừng 70 người học đạo và nếu tiến triển tốt thì 1-8 sắp tới sẽ rửa tội cho khoảng 50 người. Cũng là món quà mừng 10 năm Giám mục của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Bắc Ninh. Ở đây có 2 cha hè sắp tới phải lo dạy giáo lý cho học sinh các cấp. Khóa đầu từ 1-6 cho cấp 2-3 tại Bắc Kan. Khóa tiếp cho học sinh cấp 1 ở Nà Phặc. Lo chỗ ăn, học, nghỉ cho cả trăm đứa trẻ cũng vất vả lắm.

Sau lễ, chúng tôi trao 100 suất quà cho bà con dự lễ. Cũng có đủ gạo, thực phẩm và cả chiếc màn trắng mới. Rồi bà con lại cùng chia sẻ bữa trưa với chúng tôi do mấy chị giáo dân chuẩn bị. Cũng là những thực phẩm núi rừng nhưng rất ngon và sạch. Được biết, thứ bảy có khoảng 100 người ăn nhưng Chúa Nhật phải 300 người dùng bữa.

Tôi tặng cha Thật cuốn sách nghiên cứu văn hóa Công Giáo của tôi. Cha bảo, ở đây có 5 dân tộc mà mới có lễ tiếng H’Mong vì họ có chữ viết. Các dân tộc khác mình rất cần người nghiên cứu về văn hóa và tiếng của họ để dịch kinh, Thánh kinh, bài hát. Bây giờ trẻ em đi học chỉ học tiếng Kinh, quên mất tiếng mẹ đẻ nhưng Giáo hội phải giúp họ duy trì ngôn ngữ và văn hóa của họ. Triển vọng truyền giáo ở đây rất lớn. Hiện còn khoảng 300 gia đình muốn trở lại đạo. Có nhà đông tới 24 nhân khẩu nhưng cũng có cản trở vì một ông hai bà.

Bây giờ cần giúp khoảng 100 bàn thờ Chúa, mỗi chiếc khoảng 1-2 triệu. Tông đoàn chúng tôi nhận lời giúp cha khoản này. Về mảnh đất của nhà thờ, cha Thật nói, hồi trước không có tiền chỉ mua được 800m2, khi làm nhà thờ lại có người gọi bán cho thêm hơn 1000m2 nữa. Rồi mua thêm được 2ha bên kia suối. Năm 2016, địa phương lại gợi ý cho xây nhà thờ. Mình không có nhiều tiền, lúc đầu chỉ định xây 1 tầng thôi nhưng khi đóng cọc, nền cứ lở xuống suối rồi nước dâng lên ngập cả nền. Vậy là chính quyền lại cho làm 2 tầng. Nhà thờ xây trên mặt bằng 400m2, tường cao 11m và tháp chuông cao 35m. Tất cả bản vẽ, rồi đôn đốc thi công đều do cha Thật làm cả. Có điều giá cả vật liệu đắt đỏ gấp đôi ở dưới xuôi vì công chuyên chở. Nên cứ có tiền đến đâu làm đến đấy. Bây giờ đã xong tầng 1 rồi, đang lên tường tầng 2. Ngày đặt móng nhà thờ,lãnh đạo tỉnh về chúc mừng và coi đó là công trình nhà thờ lớn nhất ở tỉnh này.

Cha Thật dẫn chúng tôi xuống thăm tầng hầm. Vật liệu cho ngôi nhà sàn đang được chuẩn bị. Cha nói, sau này Tông đoàn muốn lên đây tĩnh tâm cũng có nơi ăn nghỉ. Trong tầng hầm có hai cha con người thợ mộc đang bào gỗ. Hỏi thăm ra là anh Giuse Dương Văn Đình. Anh được rửa tội dịp Giáng sinh năm 2014 cùng 13 người H’Mong nữa. Dịp đó cha Giuse Nguyễn Văn Phượng đưa hơn chục giáo dân Thái Hà lên đỡ đầu cho các tân tòng. Anh Đình được ông Anton Nguyễn Tiến Toàn đỡ đầu. Ông Toàn luôn quan tâm đến gia đình anh Đình. Khi thì giúp cho cái máy bơm nước, vừa rồi lại giúp cho cái máy bào. Bây giờ bố con anh Đình đang dùng máy bào đó phục vụ nhà thờ. Thấy anh Đình nhập đạo được quan tâm, nhiều người H’Mong cũng muốn học đạo Công Giáo.

Vì đường xa và sợ về Hà Nội tắc đường, chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm với các cha rồi chia tay Nà Phặc để lên đường. Cha Thật ra tận cửa vẫy tay tiễn chúng tôi. Đi một đoạn, lại thấy cha gọi điện thoại là ngô luộc chín rồi, dừng xe chút có người đem cho, coi như quà của đền ĐMHCG Nà Phặc. Người đi xe máy chở cả bao ngô nóng thơm phức đến. Ai cũng khen ngô ngọt và ngon.

Triết Giang
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ecce panis angelorum - Này đây bánh của các thiên thần,
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:29 30/05/2018
Ecce panis angelorum - Này đây bánh của các thiên thần,

Hằng năm có hai lễ mừng kỷ niệm Bí tích Thánh Thể Mình Máu Thánh Chúa Kitô: Thứ năm tuần Thánh và ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô.

Lễ trọng mừng kính Mình Máu thánh Chúa Giêsu Kitô vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ hai sau lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Nhưng nhiều nơi trên thế giới mừng ngày này vào Chúa Nhật.

Ngày lễ trọng được mừng kính từ 1246 ở Giáo Phận Liege bên Bỉ. Nguồn gốc lễ mừng này bắt nguồn từ thị kiến của Thánh nữ Juliana thành Liege , thuộc Dòng Augustino. Năm 1209 Thánh nữ Juliana thuật lại khi cầu nguyện ngây ngất trong một thị kiến đã xem thấy mặt trăng có một điểm đốm tối. Chúa Giêsu Kitô đã cắt nghĩ cho chị biết rằng, mặt trăng mang hình ảnh biểu tượng chu kỳ phụng vụ của Hội Thánh, và điểm đốm tối nơi đó biểu hiện sự còn thiếu ngày lễ mừng kính Bí tích bàn tiệc thánh thể.

Từ thị kiến tường thuật đó của Thánh nữ Juliana, Đức Giám Mục thành Liege đã thiết lập ngày lễ mừng Mình Máu Thánh Chúa trong giáo phận của ngài.

Năm 1264 Đức Giáo Hoàng Urban IV. đã ban hành tông hiến „Transiturus de hoc mundo“ thành lập ngày lễ mừng này trong toàn thể Hội Thánh Công Giáo.

Năm 1215 Công đồng Latarano IV. đã đưa ra tín lý về Bí Tích Thánh Thể. Hội Thánh Công Giáo tin nhận rằng, trong thánh lễ Bánh và Rượu sau lời truyền phép trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, và Chúa Giêsu Kitô luôn hiện diện thât sự nơi Bí Tích Thánh Thể trong hình dạng Bánh và Rượu

Thánh Thomas Aquino đã trước tác lời cầu nguyện ca tụng riêng cho lễ mừng kính này: Panis angelicus, Pange lingua, Adoro te devote, Verbum supernum prodiens và bài ca tiếp liên Lauda Sion.

Bài ca tiếp liên ngày lễ trọng mừng kính có câu: Ecce panis angelorum, factus cibus viatrorum, vere panis filiorum - Đây là bánh các thiên thần biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái.

Phải, qua nhờ ơn Chúa, chúng ta trở nên con cái Chúa. Bí tích Thánh thể là lương thực nuôi dưỡng con người. Lịch sử dân Israel ngày xưa đi trong sa mạc trở về quê hương đất Chúa hứa, đã được Chúa ban cho họ Manna làm lương thực nuôi dưỡng họ không bị đói khát.

Cũng vậy, Bí tích Thánh Thể mình máu Chúa Giêsu Kitô là lương thưc không thể thiếu cho đức tin tâm hồn mọi thế hệ tín hữu Chúa Kitô.

Lương thực thần linh này mang đến sức sống cho tâm hồn đức tin người tín hữu trên con đường sa mạc trần gian thế giới.

Trong một thế giới vì hệ thống kinh tế, ý thức hệ chính trị đưa đến những yêu cầu thách thức đòi hỏi qúa mức làm cho đời sống bị khô héo mệt mỏi hao mòn.

Trong một thế giới lý luận của sức mạnh uy quyền chiếm ưu thế thống trị, nơi mà sự phục vụ và tình yêu thương bác ái mất chỗ đứng.

Trong một thế giới nền văn hóa sức mạnh và sự tàn bạo phá hủy đưa đến sự chết chiếm lĩnh trên tay chiếm ưu thế không phải là họa hiếm, làm cho đời sống thành ra âu lo hoài nghi.

Dẫu vậy, Chúa Giêsu Kitô không bỏ rơi con người chúng ta. Nhưng Ngài đến, và trao tặng chúng ta sự an ủi tin tưởng: Ngài chính là „Bánh hằng sống“, như Ngài nói trong phúc âm: Thầy là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ có sự sống đời đời.

Thánh sử Marco thuật lại Chúa Giêsu làm phép lạ „ hai chiếc bánh và năm con cá“ hóa ra nhiều làm lương thực cho hằng năm ngàn người ăn no đủ dư thừa, đang lúc họ đói dọc đường ở nơi hoang vắng. ( Mc 6,30-44). Đây là hình ảnh lời tiên báo về Bí Tích Thánh Thể Chúa Giêsu thiết lập ngày thứ năm tuần thánh trước khi hy sinh chịu chết.

Ước muốn của Chúa Giêsu Kitô lập Bí Tích Thánh Thể là lương thực cho tâm hồn con người. Và Hội Thánh Công Giáo theo ý muốn đó, xưa nay luôn hằng với lòng tôn kính cao độ duy trì nếp sống Bí Tích Thánh Thể là trung tâm đời sống đức tin, như trái tim là trung tâm luân chuyển sự sống của con người. Vì thế, Thánh lễ Misa được cử hành liên tục hằng ngày khắp nơi trên thế giới.

Trong nếp sống đạo Công Giáo nhiều nơi, nhất là bên các xứ đạo Âu Châu có tập tục kiệu rước Mình Thánh Chúa ngang qua đường phố trong xứ đạo ngày lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa muốn nói lên sự tôn kính, và đồng thời cũng muốn nói lên lời cầu xin chúc phúc lành Mình Thánh Chúa cho con người đang sinh sống nơi đây được ân đức bình an, niềm vui và tình yêu thương cho đời sống.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương: Công Giáo Với Văn Hóa Việt Nam
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
18:58 30/05/2018

Phần đóng góp bao la:



Nằm trong cái ‘gói văn hóa’ của một dân tộc, người ta luôn phải nói tới tổ chức xã hội, truyền thống gia đình, phong tục xóm làng, nghệ thuật dân gian, hệ thống giáo dục, đời sống tâm linh tôn giáo, ngôn ngữ và chữ viết…Mà mấy quốc gia láng giềng của nước ta tại vùng Đông Nam Á, hễ nhắc tới dân Việt là tức khắc họ ‘ghen tỵ’ với ta vì cái ‘báu vật’ CHỮ QUỐC NGỮ. Cái thứ chữ viết này bà con trăm họ đều biết rõ là do công lao của các vì thừa sai Công Giáo, từ Âu Châu qua góp công thành hình ra nó (nhất là với tài khéo và cố gắng của cha Đắc Lộ). Cái báu vật ấy nó sẽ nằm sâu trong tâm tưởng mọi con dân nước Việt cho đến dài lâu. Nó cũng đánh dấu một bước ngoặc trọng đại trong công cuộc phát triển nền văn minh của con cháu Lạc Hồng.

Từ đầu, ở cái thời lệ thuộc nước Tầu, dân ta dĩ nhiên chỉ biết chữ NHO (Hán tự); và rồi ráng tìm ra một thứ gì riêng tư của dân Việt, chúng ta đã tìm ra chữ NÔM (đời nhà Trần). Nhưng cả 2 thứ đều khó khăn phức tạp khôn tả.

Dĩ nhiên khi tìm sáng chế ra chữ quốc ngữ, các nhà truyền giáo nhằm tiên khởi giúp cho việc ‘dạy đạo’ được dễ dàng, nhưng rồi vô hình chung đã đem một món quà to lớn cho cả dân tộc chúng ta. Theo sử liệu, 2 nhân vật người Việt đầu tiên để lại bút tích chữ quốc ngữ là thày giảng Văn Tín viết một thơ dài gửi qua bề trên tại Roma năm 1659. Kế đó cũng là một thày giảng tên Thiện, cùng năm đó, viết thơ dài 2 trang gửi một linh mục thừa sai tên là Marino.

Kế tiếp là sự góp phần bổ xung của Giám mục Bá đa Lộc (Pigneau de Behaine=cha cả, từng có lăng tại Saigon), giáo sĩ dòng Tên Philippe Bỉnh (vừa là văn sĩ, thi sĩ, sử gia), và giáo sĩ ‘tử đạo’Phan văn Minh rất giỏi cả văn lẫn thơ.

Vào chi tiết Văn Học:



Nói về những ‘văn hữu’ cỡ lớn của Công Giáo vào thời đầu chữ quốc ngữ, thì ta phải kể tới 2 ông Petrus Trương vĩnh Ký và Paulus Huỳnh tịnh Của.

Trương vĩnh Ký rất thông minh, giỏi chữ Hán, chữ Nôm, quốc ngữ, Pháp và La tinh cùng vài ngôn ngữ Á châu khác. Ông dịch thuật và sáng tác thơ văn hầu như không biết mệt mỏi. Suốt 35 năm liền, ông để lại một di sản văn học vĩ đại, khiến dân gọi ông là một nhà bác học.

Còn Huỳnh tịnh Của nổi tiếng với tờ báo ‘tiền phong’ Gia Định Báo. Ngoài nhiều văn phẩm, ông còn cho ra cuốn tự điển có cả chữ Nôm và Quốc ngữ, mang tên ‘Đại Nam quốc âm tự vị’. Văn hữu Phạm thế Ngũ gọi ông là một ân nhân, đã làm một việc phi thường cho nước nhà.

Nối gót 2 vị tiên phong này, ta còn ghi nhận công lao của văn sĩ Phan-xi-cô, gốc gác là một nhà sư Phật giáo. Ông viết rất nhiều, nay còn lại bài văn tế ‘Cầu hồn’ nổi tiếng; rồi tới Linh mục Lữ Y Đoan, có nhiều tác phẩm thơ giá trị, nhất là tập ‘Sấm truyền ca’. Sau đó là danh nhân Nguyễn trường Tộ, nổi tiếng với những sớ (điều trần) dâng vua Tự Đức đề nghị canh tân nước nhà.

Những áng văn này đề cập mọi lãnh vực sinh hoạt quốc gia. Rồi tới Linh mục Đặng đức Tuấn, viết nhiều tác phẩm thơ văn, cùng với mấy bản điều trần giá trị lên vua Tự Đức. Rồi ‘cụ cử’ Thiện sáng tác nhiều ‘ca vãn’ tôn giáo rất hay. Kế là ông Mai lão Bạng, viết nhiều thơ nổi tiếng. Giáo sĩ Trần Lục nổi tiếng với việc xây dựng thánh đường đá Phát Diệm, nhưng cũng được biết qua những áng thơ như ‘Hiếu tự ca’, ‘Ca vè cụ Sáu’…

Nói về các văn hữu Công Giáo cựu trào, người ta kể tên các vị này: ‘Phước môn’ Nguyễn hữu Bài, ‘Tiểu cao’ Nguyễn văn Mại, ‘Đại thần’ Ngô đình Khả, ‘Giám mục’ Hồ ngọc Cẩn và ‘Linh mục’ Nguyễn văn Thích. Riêng về thơ thì chả ai quên được tên tuổi của Hàn mạc Tử.

Mới hơn thì danh sách các văn hữu Công Giáo đóng góp cho nền văn học Việt Nam sẽ rất dài: Ngoài một số rất lớn các Linh mục Tu sĩ từng xuất bản sách hay viết báo như Hồng Phúc, Phạm châu Diên, Nguyễn trọng Tước…còn có tên của các vị như Trần đình Ngọc, Nguyễn ngọc Ngạn, Cao thế Dung, Lê bá Kông, Trần phong Vũ, Quyên Di, Triều Khê v.v…

Công tác giáo dục:



(cổng trường ĐH Công Giáo Dalat trước 1975)

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam luôn coi trọng việc đóng góp vào việc giáo dục cho giới trẻ: Bao trường trung và tiểu học nhan nhản khắp nơi. Tại miền Nam vào năm 1969, tính ra có tới 1030 trường tiểu học của các giáo xứ, với gần nửa triệu học sinh. Các trường trung học nổi tiếng thì phải kể tới Tabert và Nguyễn bá Tòng Saigon, Dũng Lạc Hà Nội, Thiên Hựu Huế, Adran Dalat… Riêng về bậc đại học thì năm 1962 có Đại học Công Giáo tại Đà lạt rất thành công. Viện trưởng tiên khởi đại học Huế là Linh mục Cao văn Luận. Đại học Văn khoa Saigon có tới 6 viện trường người Công Giáo. Tên các giáo sư đại học danh tiếng một thời như LM Lương kim Định, LM Trần văn hiến Minh, LM Bửu Dưỡng, LM Hoàng quốc Trương, SH Trần văn Nghiêm, SH Nguyễn văn Kế, rồi GS Nguyễn văn Trung, GS Lê hữu Mục, GS Phạm việt Tuyền, GS Nguyễn văn Thọ…

Cũng nổi tiếng và giảng dạy về Mỹ Thuật thì có những tên tuổi như KTS Ngô viết Thụ, KTS Trần quang Đôn, KTS Đinh xuân Bình, rồi Họa sĩ Lê văn Đệ, HS Vi Vi, HS Nam Phong, HS Cao Uy…Tất cả đều rất nổi danh tại miền Nam VN.

Cũng kể vào mục Giáo dục, ta nên nhắc tới phần Báo chí Truyền thông: Đương nhiên các giáo phận thường có tờ báo riêng, rồi toàn quốc cũng có báo lớn như Thẳng Tiến, Sacerdos, Tinh Thần, Hòa Bình, Hiệp Nhất, Sống Đạo… (phong phú về cả nguyệt san, tuần báo hay nhật báo).

Tất cả các đan cử trên đây chỉ là con số tượng trưng nhỏ bé. Thật sự còn danh sách thật dài những chứng minh cụ thể nói lên sự góp phần to lớn và lâu dài của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Thật ra, những đóng góp giáo dục về mặt trí thức thì coi như ‘hữu hình’, có thể nói tới những con số và tên tuổi, nhưng về mặt ‘vô hình’, tâm linh, thì phải nghĩ tới những hậu quả cao quý của những giáo huấn tôn giáo nơi đạo Công Giáo: Theo đạo Chúa là đón nhận niềm tin linh thiêng, là cố gắng sống những giới luật tuyệt vời của Chúa và Giáo hội (qua các giới răn căn bản). Những thứ này hun đúc huấn luyện nên những con người cao đẹp về tinh thần, sống vị tha bác ái, làm gương tốt cho tha nhân, tuân giữ mọi kỷ cương thể chế của xã hội. Người ta gọi họ là những ‘con chiên ngoan đạo’, xây dựng cộng đồng xã hội vô cùng tuyệt hảo…

Nghĩa là với ngàn vạn người Công Giáo tốt, dân tộc Việt Nam đã và đang làm vang danh giống nòi, tổ tiên Lạc Hồng.

Qua phần đóng góp nghệ thuật:



Bây giờ nói tới công tác của các ca nhạc sĩ Công Giáo: Thật ra từ các ca đoàn nhà thờ, bao ca nhạc sĩ đã vươn lên và thành công lớn, góp phần không nhỏ vào chuyện nghệ thuật trình diễn trong đại chúng.

Bắt đầu với thời tiền chiến, nhạc sĩ tài hoa Hùng Lân đã viết bài ‘Hè về’ và ‘Khỏe vì nước’ được cả nước cùng hát. Kế đó là bản ‘Việt Nam minh châu trời đông’ xém được chọn làm quốc ca. Thêm vào đó là ca khúc ‘Rạng đông’ khá thịnh hành, rồi tập nhạc ‘Vui ca lên’ dành cho các thiếu nhi. Riêng về thánh ca thì bản dịch ‘Đêm thánh vô cùng’ đang được xử dụng rộng rãi trong nước cũng như hải ngọai ở mỗi mùa Giáng sinh. Hùng Lân sáng lập và làm đoàn trưởng nhạc đoàn ‘Lê bảo Tịnh’ vang danh một thời. Ông cũng là giáo sư âm nhạc trường Chu văn An, và cho in tập lý thuyết âm nhạc tiên khởi ‘Cây đàn sống’ năm 1949, và sau đó là bộ sách ‘Giáo khoa âm nhạc’. Dân chúng nhớ ơn ông như một trong các nhạc sĩ tiên phong khai phóng nền âm nhạc và ca hát bằng Việt ngữ, với gia tài hàng trăm ca khúc đủ các thể loại.

Vào Nam năm 1954, ông tiếp tục dạy nhạc tại trường ‘Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ’ tại Sai Gon. Chính phủ cũng mời ông làm chủ sự phòng phát thanh học đường thuộc bộ giáo dục. Và rồi tổ chức chương trình ‘Đó vui để học’ trên đài truyền hình quốc gia từ năm 1969. Sau cùng, ông được mời dạy môn ‘sư phạm âm nhạc’ tại viện đại học Đà Lạt. Ông cũng để lại những tác phẩm như ‘Nhạc lý toàn thư (1960); ‘Dân ca Việt Nam’(1972); ‘Thuật sáng tác & Âm nhạc thực hành’ (1974)… Ông qua đời năm 1986 trong khi đang còn dạy nhạc tại tư gia.

Nối tiếp Hùng Lân, người ta thấy có nhạc sư Hải Linh, nổi tiếng nhất với những bài hát đạo như ‘Hang Be Lem’, Tán tụng hồng ân’, ‘Tiếng nhạc oai hùng’ và Nữ vương hòa bình’. Ông cũng viết nhiều bản hợp xướng như ‘Đà Lạt trăng mờ’, ‘Hương quê’, ‘Lòng mẹ’, ‘Chinh phụ ngâm’…rất phổ thông. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp nhạc tại Pháp, ông dạy môn hợp ca tại viện quốc gia âm nhạc, rồi Đại học Đa Lạt. Di tản qua Mỹ, ông cũng sinh hoạt âm nhạc rất thành công cho tới ngày qua đời (1988).

Linh mục Tiến Dũng cũng được nhắc tới nhiều về kiến thức âm nhạc: Học nhạc tại Roma xong, ngài về liên tục dạy nhạc nhiều nơi, kể cả trường quốc gia âm nhạc, rồi làm khoa trưởng nhân văn nghệ thuật tại đại học Minh Đức. Ngài lập trường ‘Suối nhạc’ năm 1968 dạy mọi thứ về âm nhạc. Ngài qua đời năm 2005.

Bây giờ ta nói tới một số ca nhạc sĩ Công Giáo khác đã và đang nổi danh (không kể các vị chỉ sinh hoạt về thánh ca): Trần thiện Thanh (Nhật Trường), Hoàng Oanh, Hoài Bắc, Trúc Giang, Thu Hồ, Đức Huy, Ngọc Huệ, Vũ Khanh, Khánh Ly, Như Mai, Từ công Phụng, Châu đình An, Anh Bằng,Việt Dũng, Tuấn Vũ, Ngọc Lan, Trúc Hồ, Anh Dũng, Kim Anh, Vũ thành An, Tuấn Đức, Trúc Sinh…Và còn nhiều nữa.

Tất cả đã tỏ ra yêu nghệ thuật trình diễn, muốn góp phần vào nền văn hóa Việt Nam, nhất là vẽ lên và giữ lại những sắc thái và hình ảnh Việt Nam qua âm nhạc, kể cả phần ca múa đi kèm.

Mong sao những ước mơ cao đẹp của các nghệ sĩ Công Giáo còn tiếp tục khởi sắc, chung tay đẩy mạnh và bảo tồn những thứ cao quý nhất của dân Việt.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trẻ Thơ
Dominic Đức Nguyễn
07:48 30/05/2018
TRẺ THƠ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Giữa cuộc đời với bao điều tạm bợ,
Cát bụi mịt mù vẩn đục ô nhơ,
Xin hãy trở về, xin hãy chọn làm trẻ thơ,
Để thế giới hôm nay
tìm thấy những mùa xuân,
và để mai sau, ta có được thiên đàng vĩnh cửu !
(Trích thơ của Sơn Ca Linh)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/05/2018: Âm mưu của Bắc Hàn lừa gạt Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:43 30/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ơn Toàn Xá cho những ai tham dự hay hiệp thông trong lời cầu nguyện với Đại Hội Gia đình Thế giới tại Dublin

Những người Công Giáo tham dự Đại Hội Gia đình Thế giới tại Dublin vào tháng Tám này và cả những ai không thể tham dự được nhưng cầu nguyện chung với gia đình trong thời gian từ 21 đến 26 tháng Tám có thể nhận được ơn Toàn Xá. Tòa Thánh đã cho biết như trên.

Ơn Toàn Xá là ân xá Giáo hội ban cho các tín hữu nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và các Thánh, nhằm tha tất cả mọi hình phạt gây ra bởi tội lỗi cần phải đền, dù các tội lỗi ấy đã được thứ tha trong Bí Tích Hòa Giải.

Chủ đề của Đại Hội Gia đình Thế giới tại Dublin, mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự, là “Tin Mừng của Gia Đình: Niềm Vui cho Thế Giới.”

Trong thông cáo đưa ra hôm 22 tháng Năm, Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống cho biết:

“Để các tín hữu chuẩn bị tinh thần sốt sắng tham gia vào sự kiện này một cách tốt nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô vui lòng ban ơn Toàn Xá này”.

Nghị định ban ơn Toàn Xá, được ký bởi Đức Hồng Y Mauro Piacenza, là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, cho biết ơn Toàn Xá lần này được ban phát cho tất cả những người Công Giáo, bất kể họ ở đâu, nếu họ cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha cho gia đình.

Một cách cụ thể, những người vì hoàn cảnh không thể đến Dublin để tham dự Đại Hội Gia đình Thế giới vào tháng 8 vẫn có thể nhận được ơn Toàn Xá, “nếu kết hiệp trong tinh thần với các tín hữu hiện diện ở Dublin, cầu nguyện chung trong gia đình và đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và những lời cầu nguyện đạo đức khác” cho sự thánh hóa các gia đình thế giới.

Để nhận được ơn Toàn Xá này các tín hữu còn phải tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha “cho sự thánh hóa của các gia đình, theo gương thánh gia của Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse” và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Khi công bố nghị định này Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống cho biết thêm “Hiện nay, đã có khoảng 22,000 người ghi danh tham gia Đại Hội Gia đình Thế giới. Họ đến từ 103 quốc gia và một nửa trong số những người ghi danh đến từ bên ngoài Ái Nhĩ Lan. Trong số những người đã ghi danh có 28% dưới 18 tuổi. Không kể Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là biến cố chuyên biệt cho người trẻ, Đại Hội Gia đình Thế giới là một trong các biến cố có tỷ lệ thanh niên cao nhất.

2. Đức Hồng Y Robert Sarah sẽ là người công bố danh tính vị Tân Giáo Hoàng

Đức Hồng Y Robert Sarah đã trở thành Hồng Y “trưởng đẳng phó tế” – “proto-deacon”: nghĩa là trong trường hợp mật nghị bầu Giáo Hoàng, ngài sẽ chịu trách nhiệm công bố tên của vị Tân Giáo Hoàng, với lời công bố “Habemus papam” nổi tiếng từ ban công Đền Thờ Thánh Phêrô. Tờ La Croix, số ra ngày 21 tháng 5 năm 2018, đã cho biết như trên.

Điều đó, tất nhiên, chỉ xảy ra nếu mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng xảy ra trước khi nhiệm kỳ trưởng đẳng phó tế của ngài kết thúc ... và trong mật nghị này bản thân ngài không được bầu làm giáo hoàng!

Đức Hồng Y Sarah, 72 tuổi, đã trở thành trưởng đẳng phó tế, sau khi Đức Hồng Y Raffaele Martino không còn là Hồng Y cử tri nữa vì quá 80 tuổi. Hôm 19 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi thứ bậc của các Hồng Y, một số vị từ Hồng Y đẳng phó tế đã trở thành Hồng Y đẳng linh mục.

Trong quá khứ, vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế cũng là người đội vương miện cho vị Tân Giáo Hoàng - biểu tượng của quyền năng ba cấp của Đức Giáo Hoàng là giám mục của Rôma, người đứng đầu nhà nước Vatican, và là huấn quyền phổ quát toàn thể Hội Thánh.

Kể từ khi Đức Phaolô VI bãi bỏ lễ đăng quang Giáo Hoàng, vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế thay vì đội vương miện sẽ đeo dây pallium, biểu tượng của quyền bính mục vụ, trên vai của vị Tân Giáo Hoàng trong buổi lễ khai mạc sứ vụ chủ chăn toàn thể Hội Thánh.

Đức Hồng Y Sarah hiện nay là Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Ngài là người gốc Conakry, Guinea, và đã được thụ phong linh mục tại tổng giáo phận này vào năm 1969. Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm tổng giám mục Conakry vào năm 1979. Từ năm 2001 ngài đã phục vụ trong giáo triều Rôma.

3. Bắc Hàn từng mời Đức Gioan Phaolô II sang thăm, và làm nhà thờ giả để gạt Tòa Thánh

Một cuốn hồi ký của Thae Yong-ho, nhân vật số 2 tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở London và bây giờ là một nhà tranh đấu chống chế độ, đã bán được 50,000 bản chỉ trong 10 ngày.

Cuốn sách phơi bày những khía cạnh của chế độ mà Thae chứng kiến tận mắt, rất phong phú với những sự kiện bất ngờ về một chế độ kín như bưng mà người ta chỉ có thể đoán mò qua các giai thoại, tin đồn và những hình thái suy luận có lý.

Một khía cạnh thú vị là mối quan hệ của Bắc Triều Tiên với tôn giáo. Trong số những đề tài được Thae thuật lại, là câu chuyện Bắc Triều Tiên đã xây dựng một nhà thờ giả ở Bình Nhưỡng.

Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu, Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế đến mức nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Trong một cố gắng thoát khỏi sự cô lập quốc tế, Bắc Triều Tiên muốn mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã từng thăm Nam Hàn đến 2 lần vào tháng 5, 1984 và tháng 10, 1989.

Khi Vatican yêu cầu Bắc Triều Tiên trưng ra bằng chứng về sự hiện của người Công Giáo, chế độ cộng sản này xây dựng cấp tốc một nhà thờ giả gọi là nhà thờ “chánh tòa Bình Nhưỡng”. Các hàng ghế trong nhà thờ đầy chật những người cộng sản cực đoan.

Thae thuật lại rằng theo thời gian, một số người đóng giả để quay phim đã thực sự bắt đầu tìm hiểu Kitô giáo.

Thae cho biết thêm: “Bắc Triều Tiên rất quyết liệt với tôn giáo. Ở các nước cộng sản châu Âu, nhà nước thắt chặt quyền tự do tôn giáo, nhưng họ không phá hủy các nhà thờ. Thậm chí có những nơi thờ phượng vẫn còn được hoạt động ít nhiều. Nhưng tại Bắc Triều Tiên, cộng sản đã phá hủy tất cả các nơi thờ phượng và đổ thừa cho máy bay ném bom của Mỹ. Các nhà lãnh đạo từ Kim Nhật Thành trở xuống đều muốn người ta đừng tôn thờ thần nào khác ngoài những vị thần là Kim Nhật Thành và con cháu của hắn. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng Đảng Công nhân nói rằng chỉ có giáo lý của các lãnh tụ nhà họ Kim mới là những lời hướng dẫn thực sự.”

Chính vì thế, khi muốn chứng minh với Tòa Thánh sự hiện hữu của người Công Giáo, họ phải cấp tốc làm nhà thờ giả.

Tuy nhiên, có lẽ các thủ thuật này không qua mặt được vị Giáo Hoàng Ba Lan là người đã từng phải sống trong một chế độ cộng sản. Một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã không xảy ra.

Các quan sát viên quốc tế cho rằng cái khó khăn lớn nhất của Kim Jong Un hiện nay là tình trạng kinh tế kiệt quệ vì bị cô lập, và nỗi lo sợ bị Trung Quốc lật đổ nhằm có một ảnh hưởng sâu đậm hơn tại Bắc Triều Tiên. Chính vì thế, trong năm 2017, Kim Jong Un lời qua tiếng lại với tổng thống Mỹ Donald Trump, kể cả với những đe dọa chiến tranh hạt nhân. Tất cả các động thái này đều nhằm kích thích mong muốn thương thảo của đối phương, và tối hậu là thoát ra được tình trạng cô lập như hiện nay.

4. Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Triều Tiên hy vọng vào tiến trình hòa giải, và thống nhất của Hàn Quốc

Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Triều Tiên và Mông Cổ đã cử hành Thánh Lễ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng Thứ Năm 24 tháng 5, trước khi ngài bay đến Hán Thành vào ngày Chúa Nhật để bắt đầu sứ mệnh ngoại giao của mình.

Đức Cha Xuereb hy vọng tiến trình cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên sẽ được thuận lợi bất chấp nhiều trở ngại cần phải vượt qua.

“Tiến trình hòa bình giữa hai miền Triều Tiên, bắt đầu với cuộc họp lịch sử giữa hai lãnh đạo Hàn Quốc hôm 27 tháng 4, mang lại nhiều hy vọng to lớn”, Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, nói với Vatican News trong một cuộc phỏng vấn.

Ngài lưu ý rằng “con đường vẫn còn ở giai đoạn đầu và chắc chắn sẽ là một con đường dài với nhiều trở ngại cần vượt qua”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời toàn thể Giáo hội cầu nguyện để hỗ trợ các bên liên quan xây dựng hòa bình và mang đến cho các thế hệ tương lai một viễn tượng hài hòa và thịnh vượng.

Vị Tổng giám mục người Malta nhận nhiệm vụ ngoại giao trong bối cảnh có những cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-53, kết thúc bằng một cuộc đình chiến, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình, hai miền vẫn được xem là còn trong tình trạng chiến tranh với nhau.

Dưới chế độ độc tài cực đoan, Bắc Triều Tiên đã làm trầm trọng thêm sự cô lập chặt chẽ của mình với phần còn lại của thế giới qua tham vọng hạt nhân của nó. Washington và Bình Nhưỡng đã có những căng thẳng rất cao trong nhiều tháng qua vì các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn. Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un không ngớt tung ra những lời lăng mạ và đe dọa chiến tranh.

Tuy nhiên, kể từ tháng 11 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã không thực hiện bất kỳ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa nào, và một số phát triển tích cực đầy ấn tượng đã diễn ra giữa hai miền Nam Bắc. Trump và Kim được dự trù sẽ tham dự một cuộc họp lịch sử vào ngày 12 tháng 6 tại Singapore.

Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Tổng Giám Mục Xuereb lưu ý rằng trong 23 năm qua, Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc đã tập trung vào mỗi thứ Ba dưới chân Đức Trinh Nữ Maria tại Nhà thờ Chính Tòa Mân Đông của Hán Thành để cầu xin ân sủng thống nhất. “Tôi chắc chắn rằng từ thiên đàng Đức Mẹ đã và đang nhìn với một ánh mắt từ ái đối với con cái mình ở Hàn Quốc,” vị tổng giám mục 59 tuổi nói.

Việc phân chia bán đảo Triều Tiên đã diễn ra vào cuối thời cai trị thuộc địa trong suốt 35 năm của Nhật Bản vào năm 1945 sau khi Nhật Bản đầu hàng vào cuối Thế chiến II. Quân đội Liên Xô chiếm khu vực phía bắc vĩ tuyến 38, và quân đội Mỹ ở phía nam, với miền bắc theo chủ nghĩa cộng sản và miền nam hướng tới dân chủ.

Ủy ban quản trị lâm thời do Mỹ và Liên Xô thành lập phải sắp xếp các cuộc bầu cử toàn quốc để tái thống nhất Hàn Quốc vào năm 1948, nhưng không bên nào tin tưởng đối phương và mơ ước tái thống nhất đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

5. Hội Đồng Giám Mục Nicaragua giải thích lý do đứng ra làm trung gian hoà giải đất nước

“Hòa bình mà chúng tôi đang tìm kiếm không phải là hòa bình của nghĩa trang, cũng không phải của tình trạng sống không khác gì nô lệ, đó là hòa bình được phát sinh từ những người có tinh thần hòa giải. Chúng tôi đã chấp nhận làm những người hòa giải cho cuộc Đối thoại Quốc gia để đất nước này không cần phải nhờ đến sự can thiệp của nước ngoài hoặc quốc tế. Chúng tôi, với tư cách là Giám mục, đã có khả năng gặp gỡ các nhóm khác nhau, để thể hiện mối quan tâm của chúng tôi và sự thiếu niềm tin của chúng tôi đối với các thỏa thuận không minh bạch và bí mật trước đây” Đức Cha José Silvio Baez, Giám Mục Phụ Tá của Managua, được Hội Đồng Giám Mục Nicaragua ủy nhiệm để thông báo cho báo chí về tiến trình đối thoại đang diễn ra tại Đại Chủng viện Managua.

Trong cuộc họp báo, được quay video và gởi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Cha Baez nhấn mạnh rằng “trò chơi bẩn thỉu ở Nicaragua phải kết thúc! Chúng tôi, là Giám mục, không chấp nhận điều đó trong cuộc đối thoại này!”

Ngài kêu gọi dân chúng Nicaragua “Đồng bào hãy tin tưởng vào các Giám mục, chúng tôi không muốn làm bất cứ ai thất vọng! Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể cho tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và cho tình yêu của đất nước Nicaragua chúng ta!”

Các Giám Mục đã nhận lời làm trung gian hòa giải sau khi đã có hơn 70 người bị các lực lượng an ninh trung thành với tổng thống Ortega bắn chết trong các cuộc biểu tình.

Các sinh viên và những người biểu tình đã yêu cầu Tổng thống Ortega từ chức ngay lập tức trước tình trạng nền kinh tế của quốc gia này đang trong bờ vực phá sản trong khi chính phủ đàn áp dã man đối lập. Đại diện sinh viên, Lesther Aleman, nói với Đức Cha José Silvio Baez rằng điều kiện duy nhất họ có thể chấp nhận được là Daniel Ortega cút đi. Anh nói “Chúng tôi chỉ có vài người trong bàn thương thảo này, nhưng có hàng ngàn người ủng hộ chúng tôi bên ngoài, thực sự là hàng triệu người”.

Các Giám Mục có lẽ sẽ áp lực Daniel Ortega ra đi một cách hòa bình.

Nicaragua có 5.8 triệu dân trong đó gần 60% dân số là người Công Giáo.

Daniel Ortega, là một lãnh tụ cộng sản trong phong trào Mác Sandinista đã lật đổ chế độ độc tài của tướng Anastasio Somoza Debayle, và đã cai trị Nicaragua từ năm 1979 cho đến năm 1990 khi trào lưu cộng sản bị lật nhào trên quy mô toàn thế giới.

Trong những năm sau đó, Daniel Ortega đã diễn nhiều vở kịch hay: tuyên bố sám hối vì tội lỗi với Giáo Hội Công Giáo, đi nhà thờ, tham dự các nghi lễ tưởng niệm. Nhờ khả năng diễn xuất quá thành công, nhờ những khó khăn trong buổi đầu chuyển từ thời cộng sản sang kinh tế thị trường tự do, Ortega lại dần dần lấy lại được uy tín và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và 2011.

Ngồi vững trở lại trên quyền lực, Daniel Ortega lại bắt đầu những chiến dịch đàn áp Giáo Hội một cách tinh vi và nham hiểm hơn.

Vì thế, tất cả các Giám Mục nước này cùng với Đức Tổng Giám Mục Fortunatus Nwachukwu là sứ thần Tòa Thánh tại đây đã yêu cầu được gặp và chất vấn Daniel Ortega vào ngày 21 tháng 5, 2014.

Trước cuộc gặp gỡ này, Hội Đồng Giám Mục Nicaragua đưa ra một tuyên bố nảy lửa kêu gọi “những ai từng bỏ phiếu cho con người này cần phải sám hối”.

Các giám mục đã tuyên bố ba ngày cầu nguyện và sám hối để chuẩn bị cho cuộc họp: ngày 15 tháng 5 chầu Thánh Thể và dâng Thánh Lễ; Ngày 17, cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria; ngày 18 Thánh Lễ cầu cho sự thành công của cuộc đối thoại.

Năm 2014, dân chúng vẫn chưa sáng mắt ra nên các Giám Mục rất cô đơn trong cuộc đấu tranh với trùm cộng sản Daniel Ortega. Kỳ này, trước sự hậu thuẫn mạnh mẽ của sinh viên và đông đảo dân chúng thất vọng với những chính sách kinh tế của Ortega, có thể các Giám Mục sẽ thành công trong việc chấm dứt “những trò chơi bẩn thỉu” như Đức Cha José Silvio Baez đã hy vọng.

6. Venezuela trục xuất hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ

Venezuela đã ra lệnh trục xuất hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở nước này hôm thứ Ba 22 tháng 5, buộc tội họ tham gia vào các hoạt động gián điệp và âm mưu lật đổ chính quyền. Diễn biến này xảy ra sau khi Washington thắt chặt các lệnh trừng phạt kinh tế vì cho rằng Nicolas Maduro gian lận bầu cử để tái đắc cử.

Cuộc bỏ phiếu đã bị tẩy chay bởi các đảng đối lập chính và bị kết án rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ.

Tổng thống Venezuela tuyên bố hai nhà ngoại giao Mỹ là Todd Robinson và Brian Naranjo “phải rời khỏi đất nước này trong 48 giờ”. Ông ta nói rằng quyết định này được đưa ra để “phản đối Hoa Kỳ và bảo vệ phẩm giá của quê hương Venezuela”.

Một quan chức Bộ Ngoại giao nói với AFP rằng Washington đã “không nhận được thông báo từ chính phủ Venezuela thông qua các kênh ngoại giao”, nhưng nếu việc trục xuất được xác nhận, “Hoa Kỳ có thể có những hành động đáp lại thích hợp.”

Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Caracas, khiến chế độ Maduro khó bán tài sản nhà nước.

Maduro nói trong bài phát biểu: “Tôi chống lại tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Venezuela, bởi vì những biện pháp như thế gây hại cho quốc gia, và tạo ra đau khổ cho người dân Venezuela.”

Ông ta hứa sẽ trưng ra các “bằng chứng” rằng cả hai nhà ngoại giao đã tham gia vào một “âm mưu chính trị, quân sự và kinh tế”.

Washington và Caracas đã không trao đổi đại sứ kể từ năm 2010, và quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng kể từ khi Tổng thống cánh tả Hugo Chavez, là người tiền nhiệm của Maduro, nắm quyền lực vào năm 1999.

Maduro đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu với 68 phần trăm số phiếu bầu, nhưng đa số dân chúng đã không đi bỏ phiếu trong một cuộc tuyển cử mà họ cho rằng chỉ là một trò hề.

7. Gương sáng Ủy ban Công Lý và Hoà Bình Hội Đồng Giám Mục Venezuela: 11 giờ đêm đi đòi công lý cho các tù nhân

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm 24 tháng 5, Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã lên tiếng đòi công lý cho các tù nhân chính trị bị tra tấn dã man tại nhà tù Heliocide ở Caracas.

Thông báo cho biết “Lúc 11h tối thứ Tư, Ủy ban Công Lý và Hoà Bình của Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã đến trụ sở của cơ quan tình báo quốc gia Venezuela để xác minh tình trạng của những người bị giam giữ trong nhà tù Helicoide theo yêu cầu từ thân nhân của các tù nhân là những người đã biểu tình phản đối chế độ lao tù và tình trạng hành hạ các tù nhân chính trị vào buổi sáng cùng ngày”.

Các Giám Mục Venezuela kêu gọi các nhà chức trách Venezuela phải “tôn trọng mạng sống của những người bị giam giữ trong các cơ quan của nhà nước Venezuela, và tôn trọng nhân quyền của mọi người để đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề.”

Nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị Venezuela bị giam tại tại nhà tù Heliocide được tường thuật tham gia vào các cuộc biểu tình, trong đó có cựu thị trưởng Daniel Ceballos của San Cristóbal, lãnh tụ đối lập sinh viên Lorent Saleh, và Tướng Ángel Vivas, người bị bắt vì bất tuân lệnh đàn áp người biểu tình của cựu tổng thống Hugo Chávez.

Một bức ảnh của một trong những tù nhân, là nhà bất đồng chính kiến Gregory Sanabria, được đưa lên các phương tiện truyền thông xã hội hôm thứ Năm, cho thấy những thương tích nghiêm trọng trên mặt ông sau một vụ đánh đập. Các tù nhân cho rằng các lính canh trả tiền cho các tù thường phạm để thực hiện các vụ tấn công nhắm vào các tù nhân chính trị.

8. Đức Hồng Y Brandmüller nói những ai kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ là “lạc giáo” và “tuyệt thông” với Giáo Hội

Những người thúc đẩy việc phong chức linh mục cho phụ nữ “có đủ các yếu tố của tội lạc giáo” và đương nhiên tuyệt thông với Giáo Hội, Đức Hồng Y Walter Brandmüller đã nói như trên khi bình luận về những nhận xét gần đây của một chính trị gia người Đức.

Đức Hồng Y Brandmüller, một trong bốn vị Hồng Y “dubia”, đã chỉ trích mạnh mẽ Annegret Kramp-Karrenbauer, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức, sau khi bà này kêu gọi Giáo Hội Công Giáo phong chức linh mục cho phụ nữ.

Kramp-Karrenbauer, là người được coi là dẫn đầu trong danh sách các ứng viên thay thế cho thủ tướng Angela Merkel, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Die Zeit rằng: “Điều rất rõ ràng: phụ nữ phải nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội.”

Bà nói thêm rằng bà muốn thấy có các nữ linh mục, nhưng hiện tại Giáo hội nên tập trung vào “mục tiêu thực tế hơn, là phong chức phó tế cho phụ nữ”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết ý tưởng phong chức thánh cho nữ giới đã bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II loại trừ một cách dứt khoát, và vì thế bất cứ ai khăng khăng thúc đẩy ý tưởng này đã “rời bỏ nền tảng của đức tin Công Giáo” và “có đủ các yếu tố lạc giáo, và hệ quả là, tuyệt thông với Giáo Hội”

Đức Hồng Y nói thêm rằng Giáo hội không phải là một “tổ chức trần thế”, nhưng sống theo “các hình thức, cấu trúc và luật lệ được trao ban cho mình bởi người Sáng lập Chí thánh mà không ai có quyền lực để thay đổi – cả các giáo hoàng lẫn các công đồng cũng không thể thay đổi.”

Đức Hồng Y nhận xét rằng thật “đáng kinh ngạc” khi thấy tại Đức người ta vẫn cứ nằng nặc tranh cãi về các chủ đề nhất định “luôn luôn giống nhau: nữ linh mục, tình trạng độc thân cuả các linh mục, cho người Tin Lành được rước lễ, cho người ly dị và tái hôn được rước lễ. Mới gần đây lại có thêm chuyện ‘đồng ý’ với cái gọi là hôn nhân đồng tính”

Mới đây, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng tham gia vào cuộc tranh luận về giáo lý, kêu gọi Giáo Hội Công Giáo “chia sẻ” việc rước lễ với người Tin Lành.

9. Quân Syria giải phóng được toàn bộ thủ đô Damascus

Các lực lượng chính phủ Syria đã giương cao quốc kỳ trên trại tị nạn Yarmouk của người Palestine ở Damascus hôm thứ Ba 22 tháng 5. Các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết đây là phần cuối cùng của thủ đô được giải phóng khỏi bọn khủng bố IS và các nhóm dân quân Hồi giáo.

Xe cảnh sát gắn những lá cờ lớn gầm rú khi tiến vào các khu phố đổ nát trong một phóng sự truyền hình của truyền thông nhà nước, trong khi một nhóm binh sĩ chính phủ hò reo từ các mái nhà của một tòa nhà đổ nát.

Các nghi lễ, được phát sóng trên đài truyền hình al-Ikhbariya của nhà nước, cho biết những cư dân của Damascus đã được an toàn lần đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Bashar Assad nổ ra vào năm 2011. Chính quyền đã đàn áp các cuộc biểu tình, làm nổ ra cuộc nội chiến kéo dài cho đến nay.

Quân đội Syria tuyên bố đã chiếm lại trại tị nạn của người Palestine và các vùng lân cận từ các nhóm dân quân Hồi giáo vào ngày thứ Hai, đưa toàn bộ thủ đô và vùng phụ cận nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính phủ lần đầu tiên kể từ năm 2011.

10. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho dân tộc Trung Hoa

Trong buổi triều yết ngày thứ Tư 23 tháng 5 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin mọi người cầu nguyện cho anh chị em Công Giáo tại Trung Quốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả các Kitô hữu hiệp thông với những tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc, cầu nguyện cho họ sống đức tin trong sự hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh.

Phát biểu trong buổi triều yết chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở mọi người rằng ngày thứ Năm 24/5, là Ngày Lễ “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Lễ này được mừng kính rất đặc biệt và long trọng tại linh địa Xà Sơn ở Thượng Hải..

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ rằng: “Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta chẳng là gì cả”. Ngài nói thêm: “Cùng với các môn đệ của Chúa tại Trung Quốc, Giáo Hội Toàn Cầu đang hướng về anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em, để dù phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách, anh chị em luôn tín thác vào bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận Đức Mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi anh chị em, Mẹ sẽ chở che anh chị em trong tình yêu hiền mẫu của Mẹ.

Sáng thứ Năm 24 tháng 5, ngày thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ kính Đức Mẹ Xà Sơn với những ý chỉ hướng về ‘dân tộc Trung Hoa cao thượng’.

Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cũng đặc biệt cảnh giác các tín hữu hãy cẩn thận với những của cải thế gian vì chúng có khả năng lôi cuốn và nô lệ hóa con người.

11. Giám Mục Trung Quốc bị vạ tuyệt thông xây nhà thờ và nhà xứ trị giá 11 triệu Mỹ Kim

Một khu phức hợp trị giá 11 triệu Mỹ Kim bao gồm nhà thờ, nhà xứ và có thể có cả một tu viện đang được hoạch định xây dựng bởi một Giám Mục bất hợp lệ của Trung Quốc.

Mặc dù chưa được Tòa Thánh công nhận, và thậm chí còn bị vạ tuyệt thông, “giám mục” Giuse Quách Kim Tài của giáo phận Thường Đức cho biết đang tiến hành xây dựng ngôi nhà thờ được cho rằng lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc.

Tỉnh Hà Bắc có một triệu người Công Giáo, trong đó có 30,000 người thuộc giáo phận Thừa Đức. Cha Lombardi, khi còn là Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết, giáo phận Thừa Đức là giáo phận ma. “Giáo Hội Công Giáo không có giáo phận nào là giáo phận Thừa Đức,” ngài nói hôm 18 tháng 11, 2010.

Việc xây dựng khu phức hợp rộng 15,000 mét vuông này trị giá đến 70 triệu nhân dân tệ. Nhà cầm quyền tỉnh Hà Bắc nói một phần trong số tiền này được Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc ở tỉnh Hà Bắc và Ủy ban Quản lý Công Giáo Hà Bắc tài trợ. Gần một nửa là do chính “giám mục” Giuse Quách Kim Tài quyên góp.

Nếu thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican được ký kết, bảy giám mục bất hợp lệ và bị vạ tuyệt thông của Trung Quốc trong đó có Quách Kim Tài sẽ được Tòa Thánh công nhận.

Thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ đã được tổ chức vào ngày 15 tháng 5 bởi “giám mục” Giuse Quách Kim Tài và chín giám mục khác thuộc Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, người Công Giáo ở Thừa Đức chủ yếu là nông dân sống rất khó khăn. Một nguồn tin cho UCANews biết thu nhập của họ không có cách nào để tài trợ cho một dự án lớn như vậy. Dự án này có lẽ chỉ là một dự án ma để vơ vét tiền của dân.

12. Đức Hồng Y Arinze: Chúng ta không thể chia sẻ Thánh Thể với người không Công Giáo như bia hay bánh ngọt

Thánh Thể được dành riêng cho người Công Giáo trong trạng thái có ơn nghĩa với Chúa và không phải là một thứ gì đó có thể được chia sẻ giữa bạn bè như bia hay bánh ngọt, một cựu cố vấn cao cấp của hai triều giáo hoàng đã nói như trên.

Đức Hồng Y Francis Arinze cho biết bất kỳ động thái nào nhằm cho phép tiếp cận đại trà với Thánh Thể như cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ hay cho những người phối ngẫu của người Công Giáo được rước lễ là những thách thức “nghiêm trọng” đối với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về Thánh Thể.

Trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Service, ngài phản đối việc cho phép những người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ trong những hoàn cảnh nhất định.

Đức Hồng Y Arinze nói thêm rằng: “Nếu một người ly hôn rồi tái hôn trong khi mối hôn nhân đầu tiên chưa bị tiêu hôn thì có vấn đề ở đây”. Chúa Giêsu dạy rằng kết hiệp mới này của họ cấu thành tội ngoại tình.

“Không phải chúng ta là những người đã giảng dạy điều đó”. Vị Hồng Y, 85 tuổi, đã phục vụ với tư cách là Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nhấn mạnh rằng “Chính Chúa Kitô đã nói điều đó.”

“Chúng ta không thể cho rằng mình có lòng thương xót hơn Chúa Kitô. Nếu bất kỳ ai trong chúng ta nói rằng người ấy được sự cho phép của Chúa Kitô để thay đổi một trong những điểm chính mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta trong Tin Mừng, chúng tôi muốn thấy giấy phép đó và cả chữ ký nữa.”

“Đó là điều không thể. Ngay cả khi tất cả các giám mục trên thế giới này đồng ý đi chăng nữa, cũng không thể thay đổi được. Điều này khá nghiêm trọng, bởi vì nó chạm vào đức tin về Thánh Thể, Hơn nữa kết hiệp hôn nhân đã thành sự là bất khả phân ly và không có quyền lực con người nào có thể giải trừ.”

Trong phỏng vấn tại tu viện Buckfast, một tu viện dòng Biển Đức đang kỷ niệm 1000 năm, Đức Hồng Y Arinze cũng nói rằng việc chia sẻ Thánh Thể dành cho người phối ngẫu Tin Lành không phải là vấn đề hiếu khách.

Ngài nói rằng trong khi mong muốn những điều tốt lành cho các Kitô hữu không Công Giáo, ngài cũng mong họ hiểu rằng “Thánh Thể không phải là sở hữu riêng của chúng tôi mà chúng tôi có thể chia sẻ với bạn bè của mình.”

“Tách trà, chai bia là những thứ chúng tôi có thể chia sẻ được với bạn bè” Đức Hồng Y Arinze nói.

“Không phải đơn thuần là chuyện hiếu khách hay không. Sau thánh lễ, bạn có thể đến nhà ăn và uống một tách trà, thậm chí là một ly bia và một chút bánh ngọt. Như thế là được. Nhưng thánh lễ không giống như vậy,”.

“Điều rất quan trọng là chúng ta phải nhìn vào giáo lý. Cử hành Thánh Thể không phải là một dịch vụ đại kết. Nó không phải là một cuộc tập hợp của những người tin vào Chúa Kitô, nhưng là việc kính nhớ những mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta trên thập tự giá và bảo các tông đồ hãy 'làm điều này để nhớ đến Thầy.'“

“Cử hành Thánh Thể là sự cử hành của cộng đồng đức tin - những người tin vào Chúa Kitô, họ đang giao tiếp trong đức tin, và trong các bí tích, và trong sự hiệp thông giáo hội… hiệp nhất với mục tử của họ, giám mục của họ và Đức Giáo Hoàng. Đó là cộng đồng tưởng niệm Thánh Thể. Bất cứ ai không phải là thành viên của cộng đồng đó đều không phù hợp chút nào”.

Đức Hồng Y nói thêm nếu người Tin Lành muốn nhận được Thánh Thể trong các nhà thờ Công Giáo thì họ nên trở thành người Công Giáo.

“Hãy đến, bạn sẽ được nhận vào Giáo Hội, và sau đó bạn có thể nhận Mình Thánh Chúa bảy lần một tuần. Nếu không thì thôi vậy” Đức Hồng Y Arinze nói.

Đức Hồng Y đã bay từ Rôma đến Anh vào ngày 22 tháng 5 để tham dự Thánh Lễ hôm 24 tháng 5 để kỷ niệm 1000 năm thành lập tu viện Buckfast vào năm 1018. Tu viện bị Vua Henry VIII giải thể trong thời bách hại Công Giáo vào thế kỷ 16, nhưng đã được xây dựng lại một thế kỷ trước trên chính xác cùng địa điểm.

13. Đức Thánh Cha gặp gỡ với các Giám Mục Ý tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục

Tối thứ Hai 21 tháng 5, trong phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các Giám mục Ý, nhân dịp các vị tập trung tại Vatican tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục Ý (Conferenza Episcopale Italiana, “CEI”).

Trong bài phát biểu của mình với các Giám mục, Đức Thánh Cha đã nói về một số vấn đề mà ngài quan tâm, nhấn mạnh rằng không phải là ngài muốn “đánh phủ đầu” các vị, nhưng thực tâm là muốn chia sẻ mối quan tâm của ngài để các vị có thể thảo luận về nhiệm thể Giáo Hội. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng những suy tư của ngài là một phần của cuộc thảo luận, trong đó các Giám mục đáp trả với những câu hỏi, lo lắng, cảm hứng của riêng của các ngài, và thậm chí cả những lời chỉ trích. Đức Thánh Cha nói: “Chỉ trích Đức Giáo Hoàng ở đây không có tội đâu! Điều đó không phải là một tội lỗi, có thể làm điều đó.”

Đức Thánh Cha, sau đó, đã nêu bật ba mối quan tâm chính: cuộc khủng hoảng trong ơn gọi; nhân đức thanh bần trong Giáo Hội và tính minh bạch; việc tinh giảm và củng cố các giáo phận.

Liên quan đến ơn gọi, Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám mục Ý quảng đại trong việc chia sẻ các ơn gọi, mà ngài mô tả như một món quà của đức tin. Nói về nhu cầu phải minh bạch và nhân đức thanh bần, Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám Mục rằng hành vi của các ngài đối với thiện ích của Giáo Hội phải là những gương mẫu, vì một ngày nào đó các ngài sẽ phải trả lời về việc quản trị của mình. Liên quan đến việc tinh giảm và củng cố các giáo phận, ngài nói rằng điều này có thể và phải được thực hiện, với những xem xét mục vụ của tất cả những người có liên quan, đặc biệt là với những nơi mà mọi người cảm thấy bị bỏ rơi.

Ý hiện có đến 225 giáo phận và tổng giáo phận, với 25,694 giáo xứ, 44,906 linh mục dòng và triều, 25,694 nữ tu và 23,719 nam tu sĩ không có chức linh mục. Giáo Hội tại Italia có đến 517 Giám Mục trong đó có 41 vị Hồng Y (20 vị là Hồng Y cử tri).

“Đây là ba mối bận tâm của tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói,” điều mà tôi muốn chia sẻ với các hiền huynh là những gợi ý để suy tư.”

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục xem xét những nhận xét của ngài, cảm ơn các ngài vì sự thẳng thắn, sẵn sàng nói chuyện cởi mở và tự do.

14. Đức Hồng Y tân cử Giovanni Angelo Becciu được bổ nhiệm tân Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh

Trong thông cáo báo chí ngày 26 tháng 5, 2018, Tòa Thánh cho biết:

“Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Cha Giovanni Angelo Becciu vào chức vụ Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh. Ngài sẽ nhậm chức vào cuối tháng Tám. Trong khi chờ đợi, ngài vẫn giữ chức vụ hiện nay là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho đến ngày 29 tháng 6, và tiếp tục là Đặc Sứ của Đức Thánh Cha tại dòng Malta”.

Vị Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh hiện nay là Đức Hồng Y Angelo Amato, sẽ qua tuổi 80 vào ngày 8 tháng Sáu tới đây. Ngài đã giữ chức vụ này từ ngày 9 tháng 7 năm 2008 đến nay.

Đức Hồng Y tân cử Giovanni Angelo Becciu sinh năm 1948 tại Pattada, Sardinia, Italia. Sau khi hoàn thành các chương trình thần học và triết học, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 27 tháng 8 năm 1972. Sau đó, ngài theo học tại Học viện Giáo Hoàng về Giáo Hội, nơi ngài đạt được bằng tiến sĩ về giáo luật.

Ngày 1 tháng 5 năm 1984, ngài gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh. Ngài đã làm việc tại các tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan, New Zealand, Liberia, Anh, Pháp và Hoa Kỳ.

Ngoài tiếng Ý là tiếng mẹ đẻ, Đức Hồng Y tân cử Giovanni Angelo Becciu thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha.

Ngày 15 tháng 10 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài là Sứ Thần Tòa Thánh tại Angola, đồng thời nâng ngài lên hàng Tổng Giám Mục hiệu tòa Rusellae.

Ngày 15 tháng 11 cùng năm, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại São Tomé và Principe.

Gần 8 năm sau đó, ngày 23 tháng 7 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba.

Hai năm sau đó, ngày 10 tháng 5 năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thay thế cho Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni được cử vào chức vụ mới là Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và được vinh thăng Hồng Y vào ngày 18 tháng Hai 2012 .

Ngày 2 tháng 2 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử ngài làm Đặc Sứ tại dòng Malta

Hôm 20 tháng 5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo ngài sẽ thăng Đức Tổng Giám Mục lên hàng Hồng Y vào ngày 29 tháng 6.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 31/5/2018: Các Giám Mục Ái Nhĩ Lan kinh hoàng trước “sự bội giáo của cả một quốc gia”
VietCatholic Network
21:45 30/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha ngày 30 tháng 5.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô: Niềm vui không phải là tiếng cười, nhưng là bình an trong tâm hồn.

3- Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn bác sĩ Công Giáo quốc tế

4- Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên nhủ: Cầu nguyện là bước đầu tiên của công việc truyền giáo.

5- Sau phiên tòa, Đức Cha Philip Wilson, Tổng Giám Mục Giáo phận Adelaide, miền Nam nước Úc đã tự nguyện từ chức.

6- Các Giám Mục Ái Nhĩ Lan kinh hoàng trước “sự bội giáo của cả một quốc gia”.

7- Ủy ban Công Lý và Hoà Bình Hội Đồng Giám Mục Venezuela đòi công lý cho các tù nhân.

8- Các vị chức trách trong Giáo hội cho biết: “Không có gì đáng lo ngại tại các khu vực hành hương”.

9- Hội nghị quốc tế đầu tiên của Học Viện Nghiên Cứu Thần Học Á Châu FIATS về Linh đạo của Bậc Đáng Kính Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Xin Dâng Mẹ.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết