Ngày 02-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
06:55 02/05/2019
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh

5. Không thể kết tội người khác, thậm chí cũng không được dùng mắt để kết tội, bởi vì chúng nó thường bị che khuất. (Thánh Clemens I)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
07:00 02/05/2019
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

3. HUYỆN PHỦ XUỐNG HUYỆN

Huyện phủ đi xuống huyện để thị sát, tối lại vào trú trong viện của cái chùa ở trong núi, nhìn thấy một thư sinh đang tập trung học bài, bèn ra một câu đối cho thư sinh:

- “Đạo xa vẫn sáng tỏ”

Thư sinh đối lại:

- “Huyện phủ đi xuống làng”.

Huyện phủ nói:

- “Câu đối trên của ta cả năm chữ đều là “tránh người”, mày đối không đúng”.

Thư sinh nói:

- “Thế nào là không đúng, “huyện phủ đi xuống làng”, không biết có phải là quá “quấy rối” dân chúng không ?

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 3:

Thượng cấp đi thị sát trong vùng mình trách nhiệm là chuyện thường, đó là một thượng cấp biết trách nhiệm với bổn phận của mình.

Có những thượng cấp khi đi thị sát thì sách nhiễu dân chúng và thuộc cấp, họ là những người chỉ biết quyền lợi của mình; có những thượng cấp khi đi thị sát thì hống hách với mọi người, họ là những người kiêu ngạo coi ai không ra gì; có những thượng cấp khi đi thị sát thị có tiền hô hậu ủng, họ muốn khoa trương cái quyền uy và vinh dự của mình cho mọi người sợ; có những thượng cấp khi đi thị sát thì âm thầm tiếp xúc với người dân để biết tình hình của dân chúng, đó là những thượng cấp biết lo cho dân...

Thời nay, Hội Thánh không còn ngồi chờ người ta đến với mình nữa, nhưng Hội Thánh chủ động đi đến với con người với tư cách là đàn chiên duy nhất của Chúa Giê-su, để làm chứng cho Tin Mừng mà Hội Thánh đang kế thừa từ nơi Đức Ki-tô –Đấng đã đi ra khỏi chính mình- để đến với nhân loại tội lỗi...

Nếu các cha sở hy sinh một vài giờ cá nhân để đi đến thăm nom con chiên (giáo dân) trong đàn chiên (giáo xứ) của mình, thì đến nay đàn chiên của ngài sẽ có nhiều khuôn mặt mới; nếu mỗi giáo dân biết đi ra khỏi chính mình (thoát ra khỏi cái giữ đạo hình thức) để đi đến với người láng giềng bên cạnh không phải là Ki-tô hữu, thì đến nay sẽ có thêm người biết Chúa qua cuộc sống đạo đức lành thánh của họ.

Đi thị sát là đi xem xét tình hình, nhưng đi truyền giáo là đi chia sẻ vui buồn với tha nhân để nói cho họ biết rằng: chúng ta có một Cha trên trời luôn quan tâm và yêu thương chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Phải Vâng Lời Thiên Chúa Hơn Là Vâng Lời Người Phàm
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:09 02/05/2019
Chúa Nhật III PS C

Bị điệu ra giữa Thượng Hội Đồng, bị chất vấn rằng vì sao không chấp hành lệnh nghiêm cấm không được giảng dạy nhân danh Giêsu nữa, Phêrô và các Tông đồ đã khẳng khái trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cvtđ 5,32). Câu trả lời thật tuyệt vời. Hầu như tất cả những ai đã tin vào Thiên Chúa đều phải “tâm phục, khẩu phục” trước câu nói này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để phân biệt đâu là lời của Thiên Chúa và đâu là lời của người phàm? Kitô hữu chúng ta vốn nhìn nhận tiếng Chúa phán qua thiên nhiên vũ trụ, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng lương tâm. Nhưng cần thú nhận rằng các phương thức phán dạy ấy của Thiên Chúa dường như không minh nhiên rõ ràng với nhiều người. Chúng ta vốn tin nhận Lời Chúa qua Thánh Kinh, đặc biệt qua lời của Con Một Thiên Chúa nhập thể, Giêsu Kitô. Tuy nhiên cũng không dễ phân biệt đâu là cách thế trình bày của tác giả nhân loại và đâu là ý lời Thiên Chúa muốn truyền. Ngay đến các tông đồ là những người trực tiếp tai nghe lời Đấng Cứu Thế mà vẫn còn nhiều điều các ngài chưa thể hiểu (x.Ga 16,12-13). Trong lịch sử đã không thiếu nhiều trường hợp lời của Thiên Chúa đã bị cắt xén hoặc bị đưa khỏi ngữ cảnh, để phục vụ cho ý, lời của phàm nhân. Ngoài ra còn cần phải kể đến nhiều lời giảng dạy của Đấng Cứu độ mà không được ghi chép trong Kinh Thánh (x.Ga 20,30-31;21,25). Đó là một trong những nội hàm mà Giáo Hội Công Giáo gọi là Thánh Truyền.

Căn cứ bài Tin Mừng thánh Gioan (Ga 21,1-19) mà Giáo Hội cho trích đọc trong Chúa Nhật III mùa Phục Sinh năm C, xin cùng nghe và có đôi suy nghĩ về những lời từ miệng của Đấng Phục Sinh. Xin được ghép những lời của Chúa Kitô trong lần tỏ mình ra trên biển hồ Tibêria thành bốn cặp lời hữu quan, mang tính biện chứng như sau:

1. “Này các anh, có gì ăn không?” – “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.

Các anh có gì ăn không? Một lời cầu xin ư? Đúng vậy. Rất nhiều nhu cầu của tha nhân đang vọng vang bên tai chúng ta. Đó không chỉ là nhu cầu lương thực vật chất mà còn nhiều nhu cầu thiết yếu khác về tinh thần, tâm linh. Người ta không chỉ sống đúng nhân phẩm bằng cơm bánh mà còn bằng nhu cầu học hành, đi lại, nói năng, suy nghĩ, kết hội… Chắc hẳn thế nào các môn đệ cũng nhớ lại lời Thầy Chí Thánh trước đây: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Có người thầm thỉ, nói đúng hơn là than thở: “Chúa ơi, Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, thế mà sao còn quá nhiều người đói khổ như ở Sômali, ở Haiti…còn quá nhiều người bị áp bức, chịu cảnh bất công nơi này nơi kia trên thế giới và ngay cả chung quanh con?” Chắc hẳn Chúa sẽ trả lời rằng: “Con ơi, Ta đã làm rồi đó. Ta đã dựng nên con. Đó là điều rất tốt đẹp” (x.St 1,31).

Chúng ta cũng đã từng phân trần: “Tài mọn, sức yếu như con làm sao kham nỗi? Hoàn cảnh thế sự lại quá khó khăn, Chúa biết đấy “một con én không làm nên mùa xuân”. Thế nhưng Chúa vẫn cứ gợi ý, ra lệnh hay mời gọi: “Cứ thả lưới!” Các ngư phủ lành nghề ngày xưa đã làm điều nghịch thường: thả lưới giữa ban ngày! Trước đây trên dưới ba năm Simon đã được một mẻ cá lạ lùng chất đầy hai thuyền nặng gần chìm và hôm nay ngài cùng với các bạn lại được một mẻ cá không kém: 153 con cá lớn, nghĩa là bắt gần hết cá dưới biển vì theo quan niệm thời bấy giờ thì dưới biển chỉ có 153 loại cá. Ngạn ngữ Tây: “Les paresseurs sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose”(Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó). Xin đừng mộng mơ! Xin chớ ngồi mà ước muốn suông hoặc chỉ biết chấp tay cầu nguyện! Hãy thả lưới dù trời đã sáng, nghĩa là cả lúc thế thời xem ra không thuận lợi.

2. “Anh em hãy đến mà ăn!” – “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

“Hãy đến mà ăn!” Lời mời gọi của Chúa Cứu Thế nhắc nhớ chúng ta rằng mọi người đều cần đến lương thực bởi trời. Mọi hiện hữu ở đời đều do bởi Thiên Chúa. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Đến với Chúa để kín múc nguồn sống, để nhận lấy năng lực yêu thương, phục vụ, trao ban. Đấng Cứu Độ không muốn chúng ta đến với Người với đôi bàn tay trắng. Dù có thể làm được mọi sự, nhưng Người cũng đã từng muốn cần đến năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ (x.Mt 14,17). Hằng ngày đến với Người qua bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta đã mang gì để dâng cho Người?

3. “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” – “Hãy chăn dắt chiên (chiên con và chiên mẹ) của Thầy!”

Vì yêu Chúa Kitô nên chúng ta sẵn sàng đảm nhận phần việc của Người. Nhờ yêu Chúa Kitô nên chúng ta mới có khả năng chăn dắt các chiên lớn bé của Người. Không ai dại dột giao trứng cho ác. Người ta chỉ ký thác người thân yêu cho kẻ đáng tin cậy. Và người đáng tin, đáng cậy nhất đó là người yêu mến mình hết sức, hết lòng. Biết chăn dắt đàn chiên với cả tấm lòng yêu mến thì mới xứng là mục tử. Không có tình yêu thì không thể chuyên chăm dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Không có tình yêu thì không thế can đảm chống trả sói dữ và liều mạng sống vì đàn chiên. Không có tình yêu thì chẳng thể quan tâm chăm sóc chiên gầy, chiên bệnh tật hoặc vất vả đi tìm con lạc và cả những chiên đang ở ngoài đàn.

4. “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” – “Hãy theo Thầy!”

Dưới đóa hoa hồng thường lấp ló những cành gai. Thập giá là hệ quả như tất yếu của tình yêu. Đường tình yêu là đường thập giá. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”(Lc 9,23). Vấn đề đặt ra là bạn, tôi, chúng ta muốn theo ai? Đã quyết đinh theo Chúa Kitô thì không có con đường nào khác, ngoài con đường Người đã đi. Xin đừng quá chăm chú đến khúc gỗ sần sù. Đường Chúa đi là đường yêu thương. Khi đã lao mình vào biển tình yêu, hết lòng vì người mình yêu, hết tình vì người yêu mình, thì những khúc gỗ sần sù kia dù có ê vai nhưng rồi sẽ trở thành ách êm ái, gánh nhẹ nhàng. (x.Mt 11,29-30)

Có ai yêu thương chúng ta như Đấng đã phó ban Người Con Một, vì hạnh phúc chúng ta? Có ai đầy quyền uy cao cả cho bằng Đấng đã dựng nên cả đất trời và đưa chúng ta từ chốn hư vô đến hiện hữu ở đời này? Vì thế, thái độ vừa chính đáng vừa khôn ngoan và phải đạo là: “Phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời người ta.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Attachments area
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sét đánh ngang tai: Điện tặc ẵm trọn 1.75 triệu Mỹ Kim của giáo xứ nghèo tại Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ.
Lan Vy
12:36 02/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một diễn biến rất đáng buồn, một giáo xứ tại Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ đã bị đánh cắp đến 1.75 triệu Mỹ Kim sau một kế hoạch được sắp xếp cẩn thận của bọn điện tặc.

Anh chị em giáo dân giáo xứ Thánh Ambrose ở vùng ngoại ô Brunswick đã nhận được tin sét đánh ngang tai này trong các thánh lễ cuối tuần qua khi Cha Bob Stec, là cha sở của họ thông báo cho họ trong một lá thư đề ngày 27 tháng Tư rằng vụ trộm đã được phát hiện 10 ngày trước đó, cụ thể là vào ngày 17 tháng Tư, khi một công ty xây dựng đang trùng tu nhà thờ hỏi tại sao công ty này đã hai lần không nhận được các thanh toán hàng tháng của giáo xứ.

Sau khi liên lạc với cảnh sát địa phương, ngân hàng và các quan chức giáo phận, người ta phát hiện ra rằng địa chỉ email của hai nhân viên giáo xứ đã bị hack và “các thủ phạm đã có thể lừa dối chúng ta bằng cách nói rằng công ty Marous Brothers Construction đã thay đổi ngân hàng và hướng dẫn chúng ta chuyển tiền vào một trương mục khác.”

“Kết quả là các khoản thanh toán của chúng ta đã được gửi đến một tài khoản ngân hàng lừa đảo và các thủ phạm đã gom sạch tiền trước khi bất cứ ai biết chuyện gì đã xảy ra.”

Cha Stec không cho biết làm sao bọn điện tặc có thể truy cập vào tài khoản email và lưu ý rằng không có hệ thống máy tính nào khác tại giáo xứ đã bị xâm nhập.

“Một cuộc điều tra của giáo phận, công ty bảo hiểm và FBI vẫn còn đang tiếp tục,” ngài nói thêm.

Cha Stec xin lỗi anh chị em giáo dân vì biến cố này. Ngài giải thích thêm: “Nếu tôi hay chúng tôi có bất kỳ ý tưởng nào, bất kỳ manh mối, bất kỳ thông tin nào cho thấy tiền không được gửi đến đúng tài khoản, chúng tôi đã hành động ngay lập tức”.

Cha Stec cũng cho biết hệ thống máy tính và bảo mật internet của giáo xứ đang được xem xét.

Giáo xứ Thánh Ambrose đang ở giữa một chiến dịch trị giá 4 triệu đô la để trùng tu nhà thờ.


Source:Crux

Quý vị và anh chị em có thể đăng lại các bản tin của VietCatholic trên Web site của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều đó và xin đa tạ. Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo phận, các dòng tu, và các cơ quan trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, quý vị và anh chị em không được dùng các bản tin để làm thành videos riêng của mình.
 
Các tai tiếng lạm dụng không làm nản lòng các linh mục tương lai của Mỹ
Vũ Văn An
22:43 02/05/2019


Nói gì thì nói, các linh mục vẫn là rường cột của Giáo Hội Công Giáo. Mỗi lần thấy sự hiện diện đông đảo của các ngài, người tín hữu Công Giáo vô cùng biết ơn và tin tưởng vào tương lai của Giáo Hội. Một số báo chí Công Giáo dường như quên hẳn sự thật đơn giản này, về hùa với các hệ thống truyền thông thế tục để chế giễu, tìm cách hạ thấp phẩm giá vô cùng cao qúy của chức linh mục. Điều này thấy rõ trong thời gian qua khi nạn lạm dụng tình dục trở thành điểm nóng của mọi tin tức thời sự, một điểm nóng đã bị kẻ thù của Giáo Hội nắm lấy để hãm hại Giáo Hội một cách trơ trẽn, trắng trợn, hợm hĩnh, phản cả lương tri.

Điều rất an ủi là các linh mục tương lai của Giáo Hội vẫn bình thản tiếp tục hành trình ơn gọi của họ. Đây là điều ký giả John Allen xác nhận nhân chuyến viếng thăm Học Viện Bắc Mỹ tại Rôma, nơi tu học của khá nhiều linh mục tương lai của Hoa Kỳ.

Allen nhận định rằng trước đại nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục, thường có ba thái độ: sôi sục giận dữ thù hận, bối rối thất vọng, nhún vai, coi thường. Song song, có thái độ tha thiết muốn cải tổ, tập chú nhiều hơn vào những điều thiết yếu, muốn làm mọi điều đúng đắn trở lại.

Ông cho rằng đối với các vị phụ trách và các sinh viên tại Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ, thái độ sau cùng vừa kể là chung nhất một cách đáng ngạc nhiên.

Và nếu thế rất có thể có khả thể này: các khiếp đảm do đại nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục gây ra, bất chấp mọi rủi ro của nó, vẫn đang phát sinh ra một thế hệ linh mục ý thức rõ điều gì đang đem lại thách thức lớn lao cho ơn gọi của họ.

Cha Peter Harman, 1 linh mục thuộc giáo phận Springfield, Ill., và hiện là Viện Trưởng Học Viện từ năm 2016, cho hay “không ai trong chúng tôi yêu cầu vụ tai tiếng này cũng như vết thương do nó gây ra. Nhưng có lẽ, và tôi hoàn toàn tín thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, nếu nó khiến chúng tôi trở thành linh mục vì các lý do đúng đắn, thì xin được như thế”.

Cha Louis Masi, 1 linh mục sinh viên thuộc tổng giáo phận New York, 28 tuổi, nói rằng ngày nay, một phần của “các lý do đúng đắn này” là động cơ muốn trở thành một phần của giải pháp chứ không phải của vấn đề.

Cha Masi nói với Allen rằng ngài rất đỗi ngạc nhiên khi thấy giới trẻ ngày nay được lôi cuốn vào cuộc sống linh mục và tu sĩ “có ước nguyện trở thành thành phần của một thế hệ muốn làm dấu chỉ hy vọng, dấu chỉ thánh thiện và dấu chỉ ánh sáng trong Giáo Hội”.

Cha cho biết: “Dù mọi điều diễn ra trong Giáo Hội đang gây hiệu quả sâu xa đối với họ, nhưng, xét theo nhiều cách, chúng củng cố ơn gọi của họ một cách tích cực hơn vì họ hiểu ra rằng nếu họ có ước nguyện này trong trái tim ngay giữa cuộc khủng hoảng này, thì điều họ đáp ứng không hẳn chỉ là ý nghĩ chủ quan hay một điều được trình bầy cho họ, nhưng là một điều thực sự xuất phát từ Thiên Chúa”.

Cha Harman và 3 chủng sinh của Học Viện tiếp chuyện ký giả Allen hồi cuối tháng Tư vừa rồi, một phần trong bữa ăn trưa khi có hai vị vừa được phong phó tế, chuẩn bị bước kế tiếp lên chức linh mục, từ Hoa Kỳ trở về Học Viện và được cả nhà chào đón hân hoan. Cả nhà cơm rộn rã chào mừng hai vị trở lại cho thấy tinh thần hiệp thông hết sức cảm kích của Học Viện.

Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ hiện có sĩ số 212 sinh viên. Nhiều người đùa gọi Học Viện là “West Point của Giáo Hội Hoa Kỳ” nhưng thực ra Học Viện hết lòng cố gắng xua đuổi hình ảnh ưu tuyển ấy. Điều này càng quan trọng dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, một triều giáo hoàng minh nhiên tuyên chiến với chủ nghĩa giáo sĩ trị tức chủ trương cho rằng hàng giáo sĩ nên được hưởng đặc ân hay địa vị cao qúy.



Tuy nhiên, vẫn không tránh được sự kiện Học Viện này thu hút mọi thế hệ tốt đẹp nhất và sáng chói nhất các chủng sinh của Hoa Kỳ. Nơi, theo Allen, tốt nhất để đo lường xem các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội Hoa Kỳ nghĩ gì và cảm nhận những gì.

Joseph Ferme, 25 tuổi, chủng sinh năm thứ nhất từ tổng giáo phận Boston, nhưng lớn lên ở Long Island, cho hay không ai trong số những người thầy quen biết bác bỏ các tai hại do vụ tai tiếng này gây ra.

Thầy nói: “người của Học Viện không nấp mình sau tảng đá hay giả vờ cho rằng những điều đó không hề có, không hề có những cuộc đấu tranh trong Giáo Hội. Nhưng đồng thời, cũng có niềm vui lớn và hy vọng lớn đối với những người vẫn còn hoài mong chức linh mục. Họ hiểu thấu điều Giáo Hội thực sự đang cần vào thời điểm này trong lịch sử của chúng ta, đây là một điều tốt và các linh mục thánh thiện đang thực sự coi việc đào tạo một cách nghiêm túc”.

Cha Harman thừa nhận rằng vì nhiều sinh viên của ngài thuộc cỡ tuổi giữa và cuối đôi mươi, nên họ không bao giờ biết tới một Giáo Hội không bị thương tổn bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng, và ngài tin rằng họ buộc phải đi sâu vào vấn đề này.

Ngài nhớ lại “Lúc tới Học Viện năm 1995, tôi là một chủng sinh khá tốt lành. Tôi làm điều mình giả thiết phải làm, tôi có điểm học vấn cao, tôi năng nổ trong cộng đoàn và phần lớn có thành quả tốt”.

Cha nhận định “Tôi nghĩ các sinh viên này phải có một đời sống cầu nguyện sâu sắc hơn, có tính bản thân hơn bằng cách suy niệm về Chúa Giêsu và sách thánh hơn tôi. Tôi nghĩ họ thực sự dấn thân vào việc vun sới điều đó trong cuộc sống của họ. Họ hiểu rõ nó là một sự cần thiết tuyệt đối”.

Cha Harman nhấn mạnh rằng dù có tinh thần mạnh mẽ, các sinh viên của cha cũng cảm thấy bị thương tổn bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng. Cha nói “Những người thuộc tuổi họ, trong thế hệ này lúc thẩm quyền bị hoen ố, điều này thực sự bị lung lay không biết phải trông vào ai và nên tín thác ai”. Cha cho hay cha chỉ còn biết khuyên các chủng sinh bớt dành thì giờ cho các “blogs” và các phương tiện truyền thông xã hội và dành nhiều thì giờ hơn để xem xét chính đời sống và môi trường của họ, để biện phân ai và điều gì đáng để họ tín thác.

Một phần khác trong phương thức của Cha Harman là phải biết rõ mình chờ mong điều chi. Ngài bảo “Tôi nói với các sinh viên rằng nếu đây là nơi luật độc thân được nói tới nhưng không được yêu cầu, hay là nơi luật lệ của Giáo Hội không được tuân giữ, thì viện trưởng nên đi nơi khác. Nhưng tôi cũng đã nói: trách nhiệm của mọi người là phải sống điều đó, và nếu anh em không coi trọng cam kết đó, thì chúng ta nên chia sẻ tiền taxi ra phi trường Fiumicino cho rồi”.

Cha Harman ước tính rằng cho tới lúc 1 tân linh mục rời khỏi Học Viện, ngài đã tiếp thu gần 100 giờ huấn luyện về luật độc thân và khiết tịnh, các biên giới và sự thân mật, và phát triển tâm lý cũng như làm quen với các thủ tục chống lạm dụng của các giám mục Hoa Kỳ.

Ngài nói “Tôi có thể nói thay cho mọi người tôi biết rằng họ coi trọng việc đó. Họ ý thức rõ điều gì đang có nguy cơ”. Cha Harman tỏ ra thất vọng khi thấy các chủng viện và nền văn hóa chủng viện thường được viện dẫn trong cuộc thảo luận quanh các tai tiếng lạm dụng như là một nhân tố gây ra nó, mà, theo ngài, không nhìn nhận rằng bất cứ trong quá khứ đã xẩy ra như thế nào, nhưng điều xẩy ra ngày hôm nay khác rất nhiều. Được hỏi về tin đồn liên quan tới các “phường đồng tính” hay “ban vận động đồng tính”, cha cho biết phần lớn vô giá trị.

Cha nói “Có rất nhiều người tốt lành trong nhà này và trong các chủng viện, và nếu quả có những chuyện như thế, những người này không dung tha đâu. Họ sẽ nói đây không phải là điều chúng tôi muốn. Họ khá bộc trực đối với điều họ nhận thấy gây rắc rối cho họ, nên tôi không thấy người ta cứ để những điều như thế không bị phát hiện hay báo cáo”.

Cha Colin Jones, một linh mục sinh viên 27 tuổi thuộc tổng giáo phận Minneapolis-St. Paul, nơi đặc biệt bị tai tiếng vì lạm dụng, thừa nhận nó có gây đau đớn. Ngài bảo: “Quả hết sức đau đớn khi những nhà dìu dắt đó, những khuôn mặt người cha đó bị hạ thấp cách đó”. Nhưng ngài nhấn mạnh vẫn có những câu hỏi phải được trả lời trước khi đóng lại vấn đề.

Cha nhấn mạnh tới việc phải trở về nguồn cội. Cha nói “Cha linh hướng của tôi giúp đỡ tôi rất nhiều. Ngài buộc tôi phải đặt câu hỏi: ‘chức linh mục là gì? Nó tập chú vào những ai?’ Tôi không nhìn lên vị thầy này hay Đức Tổng Giám Mục hoặc các linh mục này nọ, mà là nhìn lên Chúa Giêsu”.

Phần mình, khi nhìn tổng thể, thầy Ferme cho hay dưới đống tro tàn tai tiếng, thầy thấy có ánh lửa. Thầy nói: “xét trong tình huống Giáo Hội hiện nay, người ta thực sự cần thấy một ai đó hiến dâng mọi sự cho Giáo Hội, chính cuộc đời họ, vì người ta tin điều đó và họ sẵng lòng làm điều đó, không chỉ cho Giáo Hội mà thôi mà cho mọi chi thể của Giáo Hội. Theo nghĩa này, đây là thời gian tuyệt vời để ở trong Giáo Hội”.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng tân Nhật hoàng
Đặng Tự Do
23:04 02/05/2019
Lần đầu tiên trong 202 năm qua, một vị Nhật hoàng đã thoái vị. Cựu Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã thoái vị vào hôm thứ Ba sau ba thập kỷ tại vị trong một buổi lễ ngắn gọn và đơn sơ, trong đó Nhật hoàng Akihito cảm ơn người dân Nhật Bản và nói rằng ông cầu nguyện cho hòa bình.

Tân Nhật hoàng Naruhito, 59 tuổi, đã chính thức lên ngôi vào hôm thứ Tư mùng 01 tháng Năm. Ông là Hoàng đế thứ 126 của nước Nhật, với niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa).

Việc chuyển giao ngôi báu đã diễn ra theo các nghi thức của Thần Đạo, là tôn giáo chính thống của người Nhật. Tân Nhật hoàng nguyện tuân theo Hiến Pháp, cam kết luôn “đứng về người dân”. Các quan sát viên cho rằng thách thức lớn nhất của tân Nhật hoàng là không để bị các thế lực chính trị thao túng.

Theo thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh hôm 2 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện chúc mừng tới Nhật hoàng Naruhito, bảo đảm với vị tân nguyên thủ quốc gia Nhật Bản những cầu nguyện của ngài và xin Thiên Chúa ban phép lành cho gia đình hoàng gia và Nhật Bản.

Toàn văn bức điện như sau:

Kính gởi Quốc Vương

Naruhito

Hoàng đế của Nhật Bản

Tôi xin gửi đến ngài Hoàng đế lời chào thân ái và những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp ngài long trọng lên ngôi, và tôi bảo đảm với ngài những lời cầu nguyện của tôi để ngài luôn nhận được những ơn sủng khôn ngoan và sức mạnh trong sứ vụ cống hiến cho dân tộc. Tôi cầu xin phúc lành bình an và thịnh vượng của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên các thành viên của Hoàng gia và toàn thể người dân Nhật Bản.

PHANXICÔ, Giáo Hoàng


Source:Holy See Press Office
 
Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bảo Gia Lợi và Cộng hòa Bắc Macedonia 5-7/5
Đặng Tự Do
23:41 02/05/2019
Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Bảo Gia Lợi (hay còn gọi là Bungari) và Cộng hòa Bắc Macedonia từ Chúa Nhật mùng 5 đến hết ngày thứ Ba 7 tháng Năm. Đây là chuyến tông du thứ 29 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 4 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, và Rabat.

Chúa Nhật 5 tháng 5

Sáng Chúa Nhật 5 tháng 5, lúc 7 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế của thủ đô Sofia vào lúc 10 giờ, theo giờ địa phương. Thủ tướng Boiko Borissov sẽ đón ngài tại phi trường và sau đó lễ nghi chính thức đón tiếp sẽ diễn ra lúc 10g40 tại quảng trường bên ngoài phủ tổng thống.

Lúc 11 giờ, Đức Thánh Cha sẽ hội kiến với Tổng thống Roumen Radev trong dinh tổng thống.

Sau đó, lúc 11g30, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Quảng trường Atanas Burov.

Lúc 12g trưa, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm xã giao Ðức Thượng Phụ Neophyte, là Giáo chủ Chính Thống Bảo Gia Lợi, cùng với Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này trước khi đến cầu nguyện riêng trước ngai của hai thánh Cirillo và Metodio vào lúc 12g50 tại Nhà thờ chính tòa thánh Alexander Nevsky của Tòa Thượng Phụ. Hai vị thánh này là bổn mạng các dân tộc Slave.

Lúc 13g, Đức Thánh Cha sẽ đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Nevsky.

Ban chiều, lúc 16g45, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Quảng trường Knyaz Alexandar I.

Thứ Hai 6 tháng 5

Sáng thứ Hai, 6 tháng 5 năm 2019, lúc 8g30 sáng, Ðức Thánh Cha sẽ đến thăm một trại dành cho người di cư và tị nạn.

Lúc 9g30, ngài sẽ đáp máy bay đến Rakovsky, là thị trấn có 17 ngàn dân cư ở mạn đông nam thủ đô Sofia, là vùng có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Bảo Gia Lợi.

Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Thánh Tâm vào lúc 11g15, và cho hàng trăm trẻ em được rước lễ lần đầu. Sau lễ, vào lúc 13g, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục Bảo Gia Lợi tại tu viện Thánh Tâm của các nữ tu dòng Phan Sinh.

Buổi chiều, lúc 15g30, Ðức Thánh Cha sẽ gặp cộng đoàn Công Giáo tại Nhà Thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Rakovsky, trước khi đáp máy bay trở về thủ đô Sofia vào lúc 17g15 để chủ sự buổi cầu nguyện cho hòa bình cùng với các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo tại Bảo Gia Lợi ở Quảng trường Nezavisimost vào lúc 18g15.

Trong tuyên bố hôm 3 tháng Tư Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi bác bỏ khả năng họ sẽ đến tham dự buổi cầu nguyện đại kết này.

Thứ Ba 7 tháng 5

Sáng thứ Ba, 7 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha sẽ giã từ phi trường thủ đô Sofia lúc 8 giờ 20 để bay đến phi trường quốc tế Skopje của Cộng hòa Bắc Macedonia.

Skopje cách Sofia 174 km theo đường chim bay, và trễ hơn Sofia một giờ nên Đức Thánh Cha sẽ đến nơi vào lúc 8g15 giờ địa phương.

Lễ nghi đón tiếp chính thức Đức Thánh Cha sẽ diễn ra tại dinh tổng thống vào lúc 9g. Sau đó, Đức Thánh Cha và Tổng thống Gjorge Ivanov sẽ hội kiến riêng tại dinh tổng thống. Kế đó, vào lúc 9g30, Đức Thánh Cha sẽ gặp Thủ tướng Zoran Zaev.

Lúc 9g45, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự, cùng với ngoại giao đoàn tại hội trường Mosaic của Phủ Tổng thống.

Lúc 10g20, Ðức Thánh Cha sẽ viếng đài kỷ niệm Mẹ Têrêsa Calcutta cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo địa phương, và gặp gỡ những người nghèo.

Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Macedonia cho các tín hữu Công Giáo vào lúc 11g30, trước khi dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng.

Ban chiều lúc 16g, Ðức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn với giới trẻ tại Trung Tâm Mục Vụ, trước khi có cuộc gặp gỡ các Linh Mục, các gia đình và nam nữ tu sĩ tại Nhà thờ Chính tòa Skopje vào lúc 17g.

Ðức Thánh Cha sẽ rời phi trường quốc tế thủ đô Bắc Macedonia lúc 18g15 để trở về Roma. Máy bay sẽ cất cánh lúc 18g30. Theo dự kiến, ngài sẽ về đến phi trường Ciampino vào lúc 20g30.


Source:Crux
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân việt khai mạc tháng hoa.
Vinh sơn Trần văn Đẩu
08:11 02/05/2019
“ Chúng ta thấy, cuộc đời niên thiếu của Thiên Chúa cũng là cuộc đời lao động, Ngài sinh ra trong gia đình có Cha Ngài là Thánh Giuse làm nghề thợ mộc làm để kiếm tiền nuôi sống gia đình … “ Đó là lời chia sẻ của Cha chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ khi Ngài chủ tế thánh lễ kính Thánh Giuse thợ khai mạc tháng hoa diễn ra lúc 17g30 thứ tư 1/5/2019 tại giáo xứ Tân việt cùng với sự hiện diện của các đoàn hoa các giáo họ và đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

Lúc 16g30 các đoàn hoa các giáo họ cùng với cha chủ tế kiệu Đức Mẹ chung quanh nhà thờ một cách sốt sáng. Trong khi đi kiệu, cộng đoàn cùng hòa chung trong tiếng hát và lời kinh Mân côi để tôn vinh Mẹ Maria.

Xem Hình

17g đoàn hoa giáo họ Ki Tô khai mac buổi dâng hoa kính Đức Mẹ. Lời ca tiếng hát những điệu múa nhịp nhàng giúp cộng đoàn hướng tâm hồn lên Mẹ xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa ban cho giáo xứ luôn được bình an.

Trong bài giảng cha chủ tề chia sẻ: “ Chúng ta thấy, cuộc đời niên thiếu của Thiên Chúa cũng là cuộc đời lao động, Ngài sinh ra trong một gia đình có Cha Ngài là Thánh Giuse làm nghề thợ mộc làm để nuôi sống gia đình. Chính vì thế khi Chúa Giê su đi rao giảng Tin Mừng, danh tiếng Chúa được đồn khắp nơi, đến cả làng Nazaret quê hương của mình, họ thắc mắc truy tìm lý lịch và biết đây là con bác thợ mộc nghèo khó, ít học mặc dầu Chúa đã làm nhiều phép lạ nhưng họ vẫn không tin để rồi chính những con người ấy đã tố cáo và dẫn đến cái chết của Ngài trên thập giá.

Ngài kết luận: Ước mong sao mỗi người chúng ta, cùng cộng tác với Chúa, học theo gương Thánh Giuse luôn kết hợp với Chúa trong mọi công việc để làm sáng danh Chúa cho những người chưa biết Chúa.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g 30, mọi người ra về trong niếm vui của ngày khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ Maria. Xin Mẹ luôn đồng hành và chuyển cầu cùng Chúa ban nhiều ơn lành cho giáo xứ chúng ta.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Macau Mừng Lễ “Thánh Giusethợ” - Bổn Mạng Cộng Đoàn
Ban Mục Vụ Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Macau
11:25 02/05/2019
Macau- Thứ 4 ngày 01 tháng 05 năm 2019, tại nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ Fatima (Giáo phận Macau), Cộng đoàn Công Giáo người Việt tại Macau đã tổ chức mừng lễ Thánh Giuse Thợ - bổn mạng cộng đoàn. Thánh lễ do Cha Phêrô Lâm Minh (Giáo phận Hongkong) chủ tế, cùng đồng tế có quý linh mục đang mục vụ tại Hongkong và Macau cùng sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ và đông đủ các tín hữu Công Giáo đang sinh sống và làm việc tại Macau.

Xem Hình

Thánh lễ bắt đầu với việc rước kiệu Thánh Giuse từ dưới sân nhà thờ đi lên. Vì là ngày Quốc tế Lao động (1/5) nên hầu hết các tín hữu được nghỉ làm và có dịp tề tựu đông đủ để mừng lễ bổn mạng. Với khoảng ba trăm người, các tín hữu đã tạo nên một đoàn rước dài với bầu khí vô cùng long trọng.

Trong bài giảng lễ, cha chủ tế đã nói lên hình ảnh về người lao công thầm lặng của Chúa là Thánh Giuse. “Thánh Giuse là một mẫu gương sáng về sự hi sinh chịu khó, suốt cuộc đời Ngài đã lao động cần mẫn, nhiệt thành. Thánh Giuse đã lao động trong âm thầm để cùng với Đức Maria dưỡng nuôi Đức Giêsu Kitô - Con Thiên Chúa. Đặc biệt nhất, Thánh Giuse luôn làm việc trong âm thầm và đầy tình yêu mến. Chính vì thế, những người làm cha cũng hãy biết noi gương Thánh Giuse để chuyên cần lao động để có khả năng chăm lo cho gia đình.”

Cũng trong bài giảng, cha Phêrô đã diễn tả niềm vui của mình khi ngài chứng kiến sự lớn mạnh và ổn định của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Macau sau 12 năm thành lập. Cha nhấn mạnh rằng: “Cộng đoàn tại Macau lớn mạnh là nhờ lời bầu cử của Thánh Giuse, vì thế, anh chị em hãy chạy đến với Thánh Giuse nhiều hơn nữa để cầu nguyện cho cộng đoàn, cho gia đình và cho chính bản thân của anh chị em. Thánh Giuse, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, chính là người chuyển cầu đắc lực nhất cho anh chị em trước ngai toà Chúa. Vì thế anh chị em hãy đến cùng Thánh Giuse và kêu cầu Ngài!”

Bên cạnh niềm vui về sự lớn mạnh của một cộng đoàn Công Giáo người Việt tại Macau, cha Phêrô cũng đã bày tỏ sự lo lắng của ngài về một bộ phận người tín hữu Công Giáo Việt Nam tại Macau đang dần dần rời xa nhà Chúa vì quá đam mê vào các thú vui chơi, tệ nạn. Cuối bài giảng, cha Phêrô đã hướng về Thánh Giuse cầu nguyện cho cộng đoàn. Ngày 1/5 cũng là ngày đầu của tháng Hoa, vì thế cha Phêrô cũng nhắc nhở mọi người hãy cầu xin sự đồng hành của Mẹ Maria trong mỗi ngày của cuộc sống.

Thánh lễ kết thúc trong niềm hân hoan của những người con xa xứ. Ai cũng thể hiện nét vui tươi, mãn nguyện vì đã hưởng trọn niềm vui trong ngày mừng lễ bổn mạng của cộng đoàn. Sau thánh lễ, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng mọi người đã quây quần bên nhau, vui liên hoan, chúc mừng nhau nhân ngày lễ bổn mạng và thưởng thức những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” tại hội trường giáo xứ.

Nguyện xin Thánh Giuse luôn đồng hành, nâng đỡ và bầu cử cho cộng đoàn người Việt tại Macau.

Ban Mục Vụ Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Macau
 
Thánh Lễ Tạ Ơn 50 Năm Hồng Ân Thành Lập Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Nice, Pháp
Phêrô - Lê Thành Khánh.
17:13 02/05/2019
Để kỷ niệm mừng lễ Kim Khánh, 50 năm thành lập cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Nice, Pháp. Chúng ta có dịp nhìn lại một chặng đường dài lịch sử của nửa thế kỷ trôi qua (1969-2019). Con số vừa tròn 50 năm hồng phúc. Trong bầu không khí hân hoan chất chứa nhiều cảm xúc, theo dòng thời gian đã có biết bao là thăng trầm. Từ những ngày thành lập cộng đoàn và mãi cho đến hôm nay, thăng ít mà trầm nhiều. Tuy vậy, cũng đủ cho chúng ta chứng minh một hành trình đức tin. Sự hiện diện con cháu các thánh từ đạo, hòa nhập cùng với các cộng đoàn ngoại kiều khác trên đất khách quê người, trong địa phận Nice.

Xem Hình

Đúng 15g00, Chúa Nhật ngày (28.04.2019) thánh giá dâng cao đi trước, đoàn đồng tế tiến vào ngôi Thánh Đường cỗ kính và rộng lớn của dòng Don Bosco Nice, Pháp. Bài ca nhập lễ vang lên nghe thật cảm động. Vì đó là tâm trạng của dân Chúa bị đi lưu đày ở Babylone khát khao ngày trở về quê hương, Đất thánh. “Đi về nhà Chúa, đi về nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi! Đi về nhà Chúa, đi về nhà Chúa, như dân xưa đi về Thánh đô. Đi về nhà Chúa, đi về nhà Chúa, tâm tư con đã bao đợi chờ” (Hương Trầm).

Chủ sự thánh lễ Tạ Ơn Kim Khánh 50 năm thành lập cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nice, Pháp, do Đức Giám Mục André MARCEAU, Giám mục Giáo phận Nice, cùng đồng tế với các Ngài trong thánh lễ có Đức cha BONFILS, giám mục Danh dự, hưu trí. Phó tế Philippe COLLET, trưởng ban mục vụ ngọai kiều địa phận Nice. Cha Gilbert Nguyễn Văn Sang, trưởng ban tuyên úy đoàn Việt Nam, đến từ Paris. Cha Phaolô-Maria Phạm Hoàng Trí Dũng, tuyên úy cộng đoàn Nice. Cha Phaolô Lý Bảo Định, tuyên úy tiền nhiệm của cộng đoàn đến từ Grasse. Cha Phêrô Nguyễn Công Lương, Sdb, cha Vinh Sơn Liêm Trần Ngọc Minh Tuấn, Sdb, đến từ Lyon và có rất đông quý cha khách trong và ngoài địa phận. Cùng hiệp dâng thánh lễ có sự hiện diện của Sơ Maria Hoa thuộc Dòng Đa-Minh, đảm trách nhạc trưởng ca đoàn, tập các bài múa dâng lễ, kết lễ và cấm hoa. Sơ Maria Thành thuộc Hội Dòng Xavières, đảm trách về âm nhạc, Sơ Maria-Matta Bính Ngọc, phụ trách phần dâng hoa và có rất đông quý sơ đến từ những cộng đoàn ngọai kiều khác. Cộng đoàn dân Chúa đến từ khắp nơi có khoảng chừng 300 giáo dân.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, cha Phaolô-Maria Trí Dũng, tuyên uý cộng đoàn có đôi lời chào mừng và đọc đôi nét về tiểu sử của cộng đoàn cho Đức Giám Mục André MARCEAU, vị chủ chăn của Giáo Phận. Đức Giám Mục Jean BONFILS, quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, thân nhân và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã nhận lời mời đến tham dự thánh lễ Tạ ơn.

Đôi nét sơ lược điểm dấu thời gian 50 năm, cho chúng ta có tầm nhìn lạc quan, cơ hội để mừng lễ tạ ơn. Mốc thời gian của ba giai đoạn chính: sau trận chiến cuối cùng ở Điện Biên Phủ 1954, người Pháp rút trở về nước, trong số đó có những người có đạo, gốc Việt lai Pháp. Có các cha người Pháp biết nói tiếng Việt, và cũng có các cha sinh viên Việt năm du học còn bị kẹt lại ở hải ngoại. Buổi ban đầu, họ thành lập từng nhóm nhỏ khác nhau, hội đoàn, dần dần thành cộng đoàn. Tiếp theo là sau tháng tư 1975, làn sóng người Việt bỏ nước ra đi xin tỵ nạn khắp nơi trên thế giới. Sau cùng là dưới hình thức di dân, kẻ đi trước rước người đi sau.

Năm 1964, Đức cha Jean MOUISSET bổ nhiệm cha Giuse Phạm Phúc Khánh, làm tuyên úy cho CĐCGVN vùng Nice, Côte d’Azur. Nhưng mãi cho đến ngày (19.12.1969) mới chính thức đăng sắc lệnh bổ nhiệm trong trang báo của địa phận số 45 “Nouvelles Religieuses”. Trùng hợp vào ngày lễ tạ ơn đúng 16 năm cha Giuse thụ phong linh mục tại Rôma. Từ đây, cộng đoàn chính thức có cha tuyên úy Việt Nam, chuyên cần chăm sóc mục vụ cho mọi sinh hoạt chính yếu như: thánh lễ, giáo lý, rửa tội, hôn phối, thăm viếng... Được biết, kể từ năm 1961 cha Giuse Khánh đã có mặt và làm việc giúp Giáo xứ người Pháp “Notre Dame de Bon Voyage”, thuộc Giáo phận Nice.

Giáo phận Nice, cộng đoàn dân Chúa, giáo dân Việt Nam rất hân hạnh có sự hiện diện và gặp gỡ hai Đức Giám Mục nghỉ hưu tại địa phận: Đức cha Antôn Nguyễn văn Thiện, khẩu hiệu “Thực hành và chân lý” (13.03.1906) - (13.05.2012) nguyên Giám mục Giáo phận Vĩnh Long, 7 năm. Giám mục Việt Nam duy nhất cùng đồng tế với Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, dịp tuyên phong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam. Ngài qua đời tại nhà hưu dưỡng Jean-Déhon, Mougins, Nice, hưởng thọ 106 tuổi.

Đức cha Giacôbê Huỳnh Văn Của, Khẩu Hiệu ‘Trong bình an” (01.11.1915) - (09.01.1995) nguyên Giám mục phó, Giáo phận Phú Cường, 6 năm. Năm 1978, tình trạng sức khỏe Đức cha suy yếu vì bệnh tim. Ngài sang Pháp để điều trị thời gian 17 năm và an nghỉ tại Laghet (Trung Tâm Hành Hương) của địa phận Nice, hưởng thọ 80 tuổi.

Tháng 10 năm 2003, vì lý do thiếu ơn gọi tận hiến của Giáo hội Pháp, cũng như của Giáo hội địa phương. Đức Cha Jean BONFILS, nguyên giám mục địa phận, xin hai ơn gọi chủng sinh cho địa phận Nice, đến từ Chủng viện Simon Hòa, thuộc GP Đà Lạt, Giáo hội Việt nam. Thầy Phaolô-Maria Phạm Hoàng Trí Dũng và Thầy Phaolô Lý Bảo Định, được gửi sang và gia nhập vào Chủng viện Notre Dame de Laghet, thuộc GP Nice.

Năm 2005, cha Giuse Phạm Phúc Khánh, tổ chức mừng lễ tạ ơn 40 năm thành lập cộng đoàn. Rồi vài tháng sau, một ngày không ai mong đợi. Đột ngột quá! Chúa đã đến gọi cha cố Giuse về nhà Chúa bất ngờ, thế là cha đã thi hành xong một đời công tác mục vụ “Mọi sự đã hoàn tất” tròn 40 năm tuyên úy chăn dẫn đoàn chiên Chúa, với 52 năm mục tử (1953 - 2005) và 82 năm làm con Chúa (1923 - 2005).

Từ năm (2005-2011) cộng đoàn “mồ côi cha” không còn cha tuyên úy trong suốt thời gian này. Ông Gioan-Bosco Hoàng Trung Thượng là người đứng ra đại diện cho cộng đoàn, tiếp nối mọi sinh hoạt vẫn giữ nguyên truyền thống như thời của cha cố Giuse. Mỗi Chúa Nhật đầu tháng, Ông mời linh mục người Pháp đến dâng thánh lễ cho cộng đoàn bằng song ngữ Pháp - Việt. Những dịp lễ trọng như Giáng Sinh và Phục Sinh, mời linh mục sinh viên Việt nam từ nhà MEP (Hội Các Cha Thừa Sai Paris) đến dâng thánh lễ và giải tội cho giáo dân.

Tháng 9 năm (2011-2016), 5 năm tuyên úy. Hồng ân Chúa như cơn mưa đầu mùa trở lại. Đức cha Louis SANKALÉ chính thức bổ nhiệm cha Phaolô Lý Bảo Định, làm tuyên úy cho cộng đoàn công giáo Việt Nam. Một niềm vui thật lớn lao vì đã hơn 6 năm không có cha tuyên úy. Cha thành lập thêm Ca Đoàn Mân Côi, ca hát ngợi khen trong thánh lễ Chúa thật sốt sắng.

Mùa hè năm 2013, cộng đoàn công giáo Việt nam Nice, cùng với các cộng đoàn công giáo Việt nam trên khắp nước Pháp hành hương về Đức Mẹ Lộ Đức, mừng kỷ niệm 25 năm tuyên phong 117 vị thánh tử đạo Việt nam. Tháng 11 năm 2014, cha tổ chức cho cộng đoàn một chuyến đi thăm viếng và hành hương về thành Rôma.

Tháng 9 năm 2016, Đức cha André MARCEAU, Ngài tuyên chuyển cha P.M Trí Dũng về vùng Giáo xứ Tende. Đồng thời, Đức cha đề cử cha P.M Trí Dũng làm tuyên úy cho cộng đoàn thay thế cha P. Bảo Định.

Tháng 5 năm 2017 cha tổ chức cho anh chị em giáo dân trong cộng đoàn và không cùng tôn giáo một chuyến hành hương dịp kỷ niệm mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-2017). Khởi hành từ miềnTây nam nước Pháp, tới Lộ Đức nghỉ đêm và kính viếng Đức Mẹ, hôm sau tiếp tục lên đường tới Tây Ban Nha viếng mộ thánh Giacôbê Tông đồ, và điểm cuối cùng tiến tới làng Fatima.

Đức cha MARCEAU, Ngài có đôi lời tâm tình và nhắn nhủ với cộng đoàn như sau: " Anh chị em như những viên đá sống động, tạo nên chi thể và nét mặt tươi sáng cho Giáo Hội này. Làm cho Giáo hội địa phương thêm phong phú, cũng chính vì thế mà hôm nay chúng ta cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam của anh chị em thật sống động như những viên đá mới. Nói lên được cảm xúc trang sử đau thương, bằng hành động và sự hiện diện mà cha Phaolô-Maria vừa nhắc đến. Vâng, chúng ta hãy tạ ơn Chúa cho những năm tháng trôi qua, cho những gì anh chị em đã dầy công xây dựng một cách tốt đẹp, điều đó mới là quan trọng.

Chúng ta nhận ra được sức mạnh Chúa Kitô Phục sinh là sức mạnh lớn lao nhất trong đời sống của anh chị em. Có thế, anh chị em liên kết với các cộng đoàn ngọai kiều khác, để vững vàng tiến bước trên con đường hy vọng.

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Nhật thứ II Phục sinh, cũng là ngày lễ kính lòng thương xót Chúa. Chúng ta cũng nên nhớ rằng: Tình yêu của Thiên Chúa, không giới hạn ranh giới".

Cộng đoàn Việt nam biết rõ điều đó, bởi cộng đoàn của anh chị em thuộc vào nhóm các cộng đoàn ngọai kiều trong địa phận. Đó là nơi mà chúng ta cùng nhau trở thành chứng nhân bởi những khác biệt về văn hóa và lịch sử cội nguồn. Xin kính lòng Chúa xót thương anh chị em trong địa phận này.

Chúng ta sẽ cùng nhau nghe trong bài đọc II thật sống động. Danh người sống động, còn chúng ta là những kẻ sống không ngừng nghỉ được mời gọi trở nên thánh. Chúng ta mang Tin Mừng của Chúa, Thánh tâm Chúa kitô Phục sinh đi khắp mọi nơi.

Giờ đây, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để bước vào Thánh lễ sốt sắng với niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh. Cùng đồng tế với tôi đây có Đức cha BONFILS, chính Ngài đã có lần dâng Thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Tôi hy vọng hôm nay đây, lễ kim khánh 50 năm thành lập cộng đoàn Việt Nam, cũng là dịp khơi lại cho Ngài nhiều kỷ niệm đẹp".

Bài đọc I "Số người tin vào Chúa ngày càng gia tăng". Cv 5, 12-16

Đáp ca: "Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 135, 1)

Bài đọc II "Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời". Kh 1, 9-11a, 12-13. 17-19

Kế tiếp là phần công bố Tin mừng của Thánh Gioan. Ga 20, 19-31

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến". do cha Gibert Nguyễn Văn Sang chia sẻ lời Chúa bằng song ngữ Pháp-Việt.

“Câu chuyện của Tôma có thể nói là người cứng lòng tin, khi nghe các môn đệ khác kể lại cho Tôma biết đã gặp Chúa Giêsu Phục sinh. Tôma tiếc nếu tôi không đặt bàn tay của tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin. Khi tám ngày sau Chúa hiện đến và bảo Tôma hãy đặt bàn tay con vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng tin. Lúc ấy Tôma không còn cần sờ vào cạnh sườn Thầy nữa, vì đã thấy nên ông tin. Câu chuyện Tôma cũng là câu chuyện của cộng đoàn chúng ta. Hãy là cộng đoàn chiêm niệm, cầu nguyện, truyền giáo khi chúng ta không cùng một chí hướng, một đức tin...”

Phần dâng của lễ truyền thông như bánh với rượu hương, hoa, quả đầu mùa. Diễn tả qua bài múa gồm 3 nữ áo dài và 3 nam áo dài khăn đống.

"Của lễ góp về dâng Chúa. Là bao sướng vui đau buồn. Dâng ước vọng mai sau. Dâng tháng ngày đã qua. Nguyện dâng lên cả cuộc đời còn đang rong ruổi gian trần. Nguyện Chúa thương nhận lễ con dâng. Nguyện Chúa ban nhiều thánh ân". Hiến Lễ Tình yêu.

(Tác giả: Nhạc Thế Thông - Lời: Miên Ly)

Phần hiệp lễ với bài hát “Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền hồng ân Chúa cao vời Chúa đã làm cho con. Chân đi đạp đồi non biển đời bao sóng gió. Ngài đỡ nâng con dù nguy biến vẫn ở cùng con. Yêu thương làm hành trang ngọn đèn tim thắp sáng. Môt đời vui như đàn chim hót suối reo đầu ngàn. (Lm. nhạc sĩ Oanh Sông Lam)

Và sau cùng phần kết lễ bằng một bài múa tâm tình và cảm động. Chúa chờ đợi lời thưa “Xin Vâng” của chúng ta như Người đã chờ đợi lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria ngày xưa. "Từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, trời với đất rất đỗi vui mừng,

ngọt ngào như dòng suối mát giữa nơi sa mạc, huyền nhiệm quá muôn đời tiếng “xin vâng”.

Mẹ thưa xin vâng, xin vâng trọn Thánh ý Chúa Cha, Mẹ thưa xin vâng với Tin Mừng của con trí Thánh. Mẹ thưa xin vâng với tác động của Chúa Thánh Linh, con muốn theo Mẹ sống xin vâng với trái tim thảo hiền". (Hương Trầm)

Sau Thánh lễ, cộng đoàn trân trọng kính mời tất cả quý khách chuyển sang phòng hội, xem phim trình thuận về lịch sử cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Nice, lịch sử và đời sống đức tin của Giáo hội Việt nam. Tiếp theo là vỡ kịch do anh Khánh biên kịch và đạo diễn về cuộc tử đạo của cha thánh Philipphê Phan Văn Minh bị bắt tại nhà ông Giuse trùm Lựu, họ đạo Mặc Bắc, thuộc địa phận Vĩnh Long. Cha thánh Philippê Minh bị xử trảm tại Đình-Khao ngày 03.07.1853. Còn thánh Giuse trùm Lựu bị chết rũ tù ngày 02.05.1854.

Tiếp theo, cộng đoàn mời quý khách thưởng thức các tiết mục văn nghệ gồm các bài múa nón, múa 3 miền, múa dân tộc, múa võ thuật và bài đơn ca sau cùng “Xin chào Việt Nam”.

Sau các tiết mục văn nghệ cộng đoàn chiêu đãi cho tất cả quý khách các món ăn thuần tuý của dân tộc.

Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Nice, được tồn tại để có ngày hôm nay, mừng đại lễ 50 năm hồng ân, cũng là phép lạ. “Tạ ơn, vì những lúc buồn vui, Chúa luôn kề bên cùng sớt chia vui buồn”. Tất cả những biến cố đặt biệt được gởi đến hầu để mời gọi con cái đặt niềm tin vào tình thương của Chúa ban. Ơn phù trợ của Đức Mẹ La Vang ở mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta không thể quên đi các Đấng bậc trong và ngoài Địa Phận Nice. Các vị chủ chăn, quý ân nhân trong âm thầm, còn sống cũng như đã qua đời. Công ơn của biết bao đôi bàn tay đã dầy công thành lập và xây dựng. Tin rằng luôn luôn có bàn tay Chúa hiện diện dẫn đưa và gìn giữ cộng đoàn. Chúng ta đã tín thác điều đó trong sự quan phòng của Chúa. Cộng đoàn hoàn thành một món quà thật cao quí, kết thành những bó hoa thiêng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân. Tạ ơn vì những chuỗi ngày dài quá khứ luôn có Chúa an bày, đồng hành, nâng đỡ, dắt dìu. Sau cùng, chúng con xin phó dâng lên Chúa những hy sinh, mất mát, buồn vui, lo toan, công việc, sức khỏe, bệnh tật, yếu đuối, tuổi già, và tương lai cộng đoàn những ngày còn lại. Trong đó, gói ghém hết tất cả những tâm tình khi no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi, hay khi đang phải gánh chịu thêm nhiều thử thách… 50 năm tất cả là hồng ân.

Phêrô - Lê Thành Khánh.
 
Họ đạo Chợ Đũi, nhà thờ Huyện Sĩ: 160 năm hồng ân
Nguồn: Họ đạo Chợ Đũi
20:16 02/05/2019
CHỢ ĐŨI: 160 NĂM HỒNG ÂN

“Lời tạ ơn con dâng lên Chúa khi nắng hồng vừa mới lên, khi hoàng hôn đang xuống dần, xuống dần. Vì ngàn hồng ân như muôn lớp sóng, Chúa thương đổ xuống trên con, tháng năm hoài mãi miên man.. .” có lẽ đó chính là tâm tình của họ đạo Chợ Đũi. Đơn giản vì tháng này qua tháng kia, năm này qua năm nọ và với biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và có lúc tưởng chừng bom đạn phá tan ngôi Nhà Thờ nhưng rồi nhà thờ vẫn còn đó, đời sống đức tin vẫn có đó để rồi lời tạ ơn cứ mãi miên man.

Từ Cha Sở đến bà con giáo hữu trong họ đạo Chợ Đũi ý thức và nghĩ rằng mình tạ ơn không đủ hay còn thiếu sót nên mời Vị Cha Chung của Tổng Giáo Phận, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa ngoài họ đạo về cùng hiệp ý tạ ơn Chúa cho trọn vẹn vì quá nhiều hồng ân Chúa ban cho họ đạo. Với tâm tình và tất cả tâm tình để rồi Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Sài Gòn cùng với nhiều Cha và cộng đoàn dân Chúa nhiều nơi khác nữa đã về với Chợ Đũi trong Thánh Lễ tạ ơn chiều nay, Thứ Năm, 2 tháng 5 năm 2019.

17 g 15, Đức Cha Giuse hiện diện với họ đạo. Sau lời chào mừng, Đức Cha Giuse làm phép bộ xông hương được một số giáo dân trong và ngoài nước dâng tặng họ đạo gửi về từ nơi xa.

17 g 30, cộng đoàn cùng nhau hướng về cuối Nhà Thờ để đón đoàn đồng tế sau khi nghe một chút về Huyện Sỹ.

Khi cộng đoàn an vị trong Nhà Thờ, Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng - Cha Sở Chợ Đũi - ngỏ lời chào Đức Cha Giuse và xin Đức Cha chủ sự Thánh Lễ tạ ơn.

Và, cùng với tâm tình tạ ơn, Đức Cha mời cộng đoàn cùng lắng đọng tâm hồn để dâng Thánh Lễ thật sốt sắng.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Giuse mời cộng đoàn qua bài Phúc Âm nghe điểm quan trọng trong đức tin: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha như thế là đủ cho chúng con.. . Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”.

Từ điểm nhấn này, Đức Cha mời cộng đoàn “phải gặp được Chúa Giêsu và xem thấy Chúa Giêsu”.

Đức Cha nói với cộng đoàn rằng Chúa Giêsu ở trong Giáo Hội: Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Kế đến, Đức Cha gợi đến với cộng đoàn 2 hình ảnh sống động là ngôi nhà thờ vật chất và ngôi nhà đời sống đức tin của Họ đạo Chợ Đũi. Qua hy tế Thánh Thể, trong Thánh Lễ, cộng đoàn nhận biết bao nhiêu ơn lành.

Và rồi Đức Cha lược lại một chút về lịch sử thành lập họ đạo trong 160 năm qua cũng như về hình ảnh đức tin của họ đạo. Đặc biệt có Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm là người con của họ đạo (1813-1847). Đức Cha gợi lại cho cộng đoàn hình ảnh về sự tử đạo của vị thánh tiên khởi Stephano: Chúng ta tưởng tượng mình đau đớn như thế nào khi bị ném đá cho đến chết.Với ơn Chúa thì đau khổ chẳng là gì. Đặc biệt cuộc khổ nạn của thánh Stephano phác họa cái chết của Chúa Giêsu với 2 nét là phó thác và tin tưởng vào Chúa Cha là thứ tha cho người làm khổ mình.

Đức Cha nói rằng 160 năm qua, bà con đóng góp tài chính cũng như đức tin để có Chợ Đũi như ngày hôm nay. Sự phát triển của Chợ Đũi đóng góp cho sự phát triển của Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Hình ảnh có các thầy Chủng Sinh dự bị hiện diện ở đây, một nét, Giáo Xứ Chợ Đũi lớn mạnh, Giáo Xứ Chợ Đũi nhận trách nhiệm lo cho Lớp Chủng Sinh Dự Bị chuẩn bị học ở Đại Chủng Viện. Đó chính là sự lớn mạnh của Giáo Xứ Chợ Đũi của chúng ta trong 160 năm qua.

Để kết, Đức Cha nói: “Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa 160 năm qua, đồng thời chúng ta cũng dâng lên Chúa những khó khăn, giới hạn trong cộng đoàn, trong gia đình, trong giáo xứ của chúng ta. Xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của Thánh Philipphê bổn mạng nâng đỡ và đồng hành với gia đình, với mỗi người chúng ta trong những tháng ngày sắp tới”.

Trước khi ban phép lành cuối Lễ với ơn đặc biệt trong ngày mừng bổn mạng Họ Đạo, Cha Sở Ernest Nguyễn Văn Hưởng ngỏ lời cảm ơn chân thành đến Đức Giám Quản Giuse, quý Cha và từng người trong cộng đoàn dân Chúa và cả ngoài họ đạo. Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng rất cảm kích trước tấm lòng của Đức Cha vì dù bận việc mục vụ Đức Cha đã dời lại 1 ngày mừng Lễ và cộng đoàn rất vui mừng trước sự hiện diện của Đức Cha.

Và rồi cộng đoàn dâng lên Đức Cha đóa hoa tươi bày tỏ tấm lòng của cộng đoàn.

Đáp lời Cha Sở, Đức Cha nói rằng Chợ Đũi nằm trong số 6/10 giáo xứ lâu đời nhất của Giáo Phận. Đức Cha thấy sự đoàn kết trong các hội đoàn của Giáo Xứ và Đức Cha thấy biểu hiện cộng đoàn đức tin sống động để rồi Đức Cha chúc mừng Cha Sở và cộng đoàn họ đạo. Đức Cha đại diện cho Giáo Phận cảm ơn Cha Sở và Giáo Xứ qua sự cố gắng xây dựng Giáo Xứ và Giáo Phận cảm thấy Giáo Xứ Chợ Đũi lớn mạnh thì Giáo Phận lớn mạnh. Đức Cha nguyện chúc cho Chợ Đũi ngày càng phát triển và xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người: Một lần nữa xin chúc mừng, cám ơn và cầu chúc.

Thánh Lễ cũng như bữa ăn đầy tình huynh đệ khép lại nhưng rồi tâm tình tạ ơn và tri ân Chúa còn vang mãi nơi mỗi tâm hồn của cộng đoàn dân Chúa Huyện Sỹ. Và rồi từ Cha Sở đến mọi thành phần dân Chúa xin hát mãi khúc tri ân: “Xin tri ân Ngài bằng khúc hoan ca trong không gian theo thời gian vang mãi. Bao nhiêu tâm tình dệt khúc hoan ca, xin dâng lên Ngài, xin tri ân Ngài”.

Như Chúa đã thương suốt 160 năm qua thì xin Chúa tiếp tục thương như thế để Huyện Sỹ bước tới tương lai trong sự quan phòng và che chở của Chúa. Cũng xin Thánh Philipphê tông đồ là bổn mạng họ đạo chuyển lời nguyện xin để cộng đoàn ngày mỗi ngày sống trở nên chứng nhân Tin Mừng của Chúa giữa lòng Giáo Hội và Xã Hội.

Được biết vào Thứ Bảy tới đây, 4.5.2019 như thông báo của Cha Sở Ernest, chương trình Thánh Ca với chủ đề TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN sẽ được ca đoàn của Giáo Xứ, ca đoàn Mai Tâm, nhóm Một chút, nhóm Angelo và các ca sĩ Công Giáo sẽ diễn ra lúc 19 g 00. Chương trình Thánh Ca này hoàn toàn phục vụ với tất cả tấm lòng và “vào cửa” tự do vì trình bày các ca khúc Thánh Ca cầu nguyện trong Thánh Đường Huyện Sỹ.

Nguồn: Họ Đạo Chợ Đũi, Nhà Thờ Huyện Sĩ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thân Phận Nghiệp Đoàn Độc Lập Ở Việt Nam
Phạm Trần
07:57 02/05/2019
Dự luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội Cộng sản Việt Nam thảo luận để thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong khoảng thời gian từ 20/0/5 đến 14/06/2019, cho phép công nhân thành lập tổ chức đại diện người lao động độc lập với Công đoàn của nhà nước, nhưng liệu có hy vọng thành công ?

Sau đây là những lý do rất khó:

Trước hết, theo Luật Công đoàn (số 12/2012/QH13) ngày 01/01/2013 thì : “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Đó là chức năng và nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), một trong 6 Tổ chức tổ chức chính trị-xã hội của đảng duy nhất cầm quyền và được Ngân sách nhà nước nuôi ăn.

Các Tổ chức này còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, và Hội Cựu chiến binh.

Ngoài ra ngân sách nhà nước còn đài thọ kinh phí cho ngót 40 Tổ chức Hội đoàn, trong đó có Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Sinh viên, Hội người cao tuổi v.v…

Theo Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Vietnam Institute for Economic and Policy Research, VEPR) thì tổng số người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công (có biên chế và không có biên chế), ước tính vào khoảng 338.000 người. Nhưng kết qủa đem lại vẫn còn là dấu hỏi lớn không ai ở Việt Nam có câu trả lời minh bạch

Theo tin của báo nhà nước, trong năm 2017, Tổ chức TLĐLĐVN đã được cấp khoảng 184,110 tỉ đồng. Trước đó, năm 2016 cũng được chi 273,770 tỉ đồng, đấy là chưa kể khoản tiền đóng hàng tháng của đoàn viên, tài sản khác gồm bất động sản, xe cộ, phương tiện làm việc và các phương pháp gây qũy khác.

Với một ngân sách lấy từ tiền thuế của dân chi cho Tổ chức công đoàn của đảng để khuynh đảo lực lượng công nhân, công và tư, nhằm phục vụ quyền lợi đảng thì có tổ chức lao động độc lập nào ngoài đảng có cơ may sống còn ?

Thứ hai, mặc dù Điều 149 của Dự thảo viết rằng “Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn; và tổ chức khác của người lao động (hay nghiệp đoàn độc lập)”, trên cơ sở tự nguyện, nhưng thực tế không dễ dàng chút nào, theo như tình trạng lao động và hoàn cảnh chính trị của người lao động hiện nay.
Lý do vì Tổ chức TLĐLĐVN, như từ xưa đến nay, được coi như đương nhiên nắm vai chủ chốt kiểm soát công nhân tại mỗi cơ sở lao động, đặc biệt tại các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và Công ty lớn có đầu tư của nước ngoài.

Do đó, sự hình thành “một tổ chức khác của người lao động” tại cơ sở lao động để cạnh tranh với Công đoàn nhà nước là điều rất khó khăn, như “lấy trứng chọi với đá” !

Hãy đọc vài tỷ dụ:

Theo Điều 150 “dự thảo” thì chuyện “thành lập,gia nhập và hoạt động” sẽ dễ như ăn kẹo nếu đồng ý chui vào “lồng quyền lực” của TLĐLĐVN.

Nguyên văn:

1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp.

2. Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nếu vào Tổ chức lao động nhà nước thì Khoản (a) viết rằng:” Trường hợp gia nhập vào hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì sau khi hoàn thành việc gia nhập, công đoàn có thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc công nhận gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh quyết định thành lập, quyết định công nhận, số lượng đoàn viên, danh sách Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.”

Rõ ràng giản dị vì không phải chui bò qua các cửa ải. Ngược lại, nếu muốn đăng ký để đứng độc lập thì sẽ phài làm một trong hai phương án, tùy theo quyết định của Quốc hội :

Phương án 1 :”Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập; thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Hay: Phương án 2 :”Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thực hiện theo quy định tại các điều: Điều 151, 152, 153, 154, 155, và 156 của Bộ luật này.

TRĂM MƯU NGÀN KẾ

Nếu có ai can đảm dám gồng mình tổ chức Nghiệp đòan bên ngoài Tổ chức lao động của đảng thì phải làm những việc sau:

Điều 151. Hồ sơ đăng ký nghiệp đoàn
1. Văn bản đề nghị đăng ký nghiệp đoàn do người đại diện của nghiệp đoàn ký và phải bao gồm các thông tin tối thiểu sau:
a) Tên nghiệp đoàn;
b) Địa chỉ nghiệp đoàn;
c) Họ, tên và địa chỉ của người đứng đầu nghiệp đoàn.
2. Điều lệ của nghiệp đoàn theo quy định tại Điều 153 của Bộ luật này.
3. Biên bản bầu cử và danh sách họ tên, địa chỉ của ban lãnh đạo được bầu của nghiệp đoàn.
4. Danh sách có chữ ký của những thành viên sáng lập và những người tự nguyện tham nghiệp đoàn theo quy định tại Khoản 1
Điều 152 của Bộ luật này.
5. Bản sao có chứng thực thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện và các thành viên ban lãnh đạo nghiệp đoàn.
Điều 152. Điều kiện về số lượng đoàn viên tối thiểu, ban lãnh đạo và người đứng đầu của nghiệp đoàn để được đăng ký

1. Tại thời điểm đăng ký, nghiệp đoàn phải có tối thiểu 20 đoàn viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
2. Thành viên Ban lãnh đạo được bầu của nghiệp đoàn là người lao động Việt Nam.
3. Thành viên Ban lãnh đạo được bầu của nghiệp đoàn không phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Điều 153. Điều lệ của nghiệp đoàn

Điều lệ của nghiệp đoàn phải các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên, địa chỉ của nghiệp đoàn.
2. Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của nghiệp đoàn.
Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của nghiệp đoàn phải đáp ứng những yêu cầu sau:
a) Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của nghiệp đoàn là nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền và lợi ích của đoàn viên trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

b) Nghiệp đoàn đăng ký theo quy định của Bộ luật này không được là tổ chức có mục đích chính trị hoặc chỉ thuần túy là tổ chức nhằm thực hiện các hoạt động xã hội hoặc các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên.

3. Điều kiện, thủ tục gia nhập và ra khỏi nghiệp đoàn của người lao động.
Nghiệp đoàn không được đồng thời bao gồm đoàn viên là người lao động thông thường và người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động. Người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động là người có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến việc tuyển dụng, kỷ luật lao động, thuyên chuyển, chấm dứt hợp đồng lao động và điều kiện lao động của người lao động.
4. Cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ, người đại diện của nghiệp đoàn.
Người đại diện của nghiệp đoàn là người đứng đầu nghiệp đoàn hoặc người khác được bầu theo quy định của điều lệ của nghiệp đoàn.
5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động và thể thức thông qua quyết định của nghiệp đoàn.

Tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ;
b) Tự nguyện, tự quản;
c) Dân chủ, minh bạch.
6. Những nội dung sau đây phải do đoàn viên quyết định theo đa số.
a) Thông qua, sửa đổi, bổ sung điều lệ của nghiệp đoàn;
b) Bầu cử, miễn nhiệm người đứng đầu và ban lãnh đạo của nghiệp đoàn;
c) Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể nghiệp đoàn.
7. Đoàn phí, nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của nghiệp đoàn.
Việc thu, chi tài chính của nghiệp đoàn phải được theo dõi, lưu trữ và định kỳ hàng năm công khai cho đoàn viên nghiệp đoàn.
8. Kiến nghị và giải quyết kiến nghị của đoàn viên trong nội bộ nghiệp đoàn.
9. Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
Điều 154. Trình tự, thủ tục đăng ký nghiệp đoàn
1. Người đại diện của nghiệp đoàn gửi hồ sơ đăng ký theo quy định tại Bộ luật này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký nghiệp đoàn. Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký nghiệp đoàn phải được lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập đến ngày nộp hồ sơ đăng ký.
2. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký thiếu các thông tin, tài liệu theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật này thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký thông báo cho người nộp hồ sơ đăng ký trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký phải cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký từ chối đăng ký trong các trường hợp sau:
a) Tài liệu và nội dung hồ sơ đăng ký không theo quy định tại các Điều 151, 152, 153 của Bộ luật này.
b) Có căn cứ cho rằng tổ chức của người lao động có hành vi gian dối trong quá trình thành lập tổ chức.
c) Tổ chức có nguồn tài chính không phù hợp với quy định của pháp luật.

Với những khó khăn và ràng buộc nêu trên, liệu có “người công nhân anh hùng” nào có gan làm Phù Đổng Thiên vương trong thời đại hễ mở mồm ra là “thù địch, phản động” dưới thời Cộng sản hay không ?

PHAI NHẠT CHÍNH TRỊ

Đó cũng là lý do giải thích tại sao hồi năm 2018, khi chưa được Quốc hội trao chức Chủ tịch nước, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ta thán rằng:” “Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân...; một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”

Ông Trọng đã hờn dỗi như thế trong bài phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, nhiệm kỳ 2018- 2023, tổ chức tại Hà Nội ngày 25/09/2018.


Ông còn chỉ trích:”Chất lượng đội ngũ công nhân nước ta đang có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập. Xu hướng phân hoá trong đội ngũ công nhân làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn thể xã hội trở nên khó khăn.”

Trước tình trạng xuống cấp này,Tổng Bí thư đảng CSVN đã chỉ thị Công đoàn phải:

1.-”Chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp công nhân, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc hơn nữa về giai cấp, về Đảng, về tổ chức công đoàn…”

2.-“Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn công tác. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp tổ chức cho cán bộ, đoàn viên học tập, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị.

3.-“Đặc biệt, phải kiên trì, sáng tạo và thực chất trong việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm trước của cán bộ công đoàn các cấp, đồng thời coi trọng việc xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến…”

4.-“ Chú trọng giáo dục giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.”

5.-“Các cấp công đoàn phải tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; góp ý với đảng viên, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ với hình thức phù hợp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng.”

Nói hăng như thế khi ông chưa bị “đột quỵ” ở Kiên Giang ngày 14/04/2019 là điều dễ hiểu. Nhưng liệu Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động đã chận đứng được trận cuồng phong chán đảng, rã đoàn của các thế hệ đảng viên chưa, hay họ sẽ nát bét thêm khi có Luật Lao động mới ? -/-

Phạm Trần
(05/019)




 
Đừng Bức Xúc, Xin Hãy Bình Tâm! Nhân vụ giáo phận Bùi Chu chuẩn bị gỡ bỏ Nhà thờ Chính toà 134 tuổi để xây dựng nhà thờ Chính toà mới
Anthony Minh Vũ
17:40 02/05/2019
LTS: Vietcatholic đăng ý kiến dưới đây của một độc giả chỉ nhằm mục đích rộng đường dư luận và không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Vietcatholic

Mấy hôm nay cư dân mạng rầm rộ ý kiến liên quan đến việc giáo phận Bùi Chu chuẩn bị gỡ bỏ Nhà thờ Chính toà 134 tuổi để xây dựng nhà thờ Chính toà mới theo nhu cầu sử dụng hiện tại và lâu dài của giáo phận, với tư cách là một người Công Giáo, xin có một vài ý kiến gửi những người không đồng đạo, nhất là những người đang cảm thấy thất vọng, thâm chí phẫn nộ về chuyện này.

Trước hết, nếu như nhiều người tỏ ra đặc biệt quan tâm đến giá trị kiến trúc, văn hoá, lịch sử của ngôi thánh đường này thì xin thưa với quý vị, Đức cha Tômô Aquinô Vũ Đình Hiệu, linh mục đoàn và các thành phần giáo dân giáo phận Bùi Chu là những người quan tâm đến nó hơn ai cả. Vì sao? Thưa, vì họ là chủ nhân kế truyền những gì cha ông họ đã xây nên bằng mồ hôi và nước mắt. Họ xây nên nó, họ sử dụng nó, lẽ nào họ không hiểu về giá trị của nó. Đối với quý vị chỉ đơn giản là các giá trị kiến trúc, văn hoá trên phương diện nghiên cứu, du lịch, còn với họ, nó là thịt, là da, thậm chí là ruột gan của họ. Gỡ bỏ một ngôi nhà thờ như thế thì trước và trên hết, họ là những người đau thắt ruột. Những tiếc nuối của quý vị, của chúng ta là những người ngoài cuộc, mặc dù rất đáng trân trọng, nhưng chưa thấm gì so với nỗi đau của họ.

Thứ đến, đối với người Công Giáo, nhà thờ là nơi đặc biệt thiêng liêng. Nói cho quý vị dễ hiểu, người Công Giáo gọi đó là nhà của Chúa, là nơi Chúa ngự, là "Thánh Đường". Với giáo phận Bùi Chu, nơi được coi là cái nôi của đạo Công Giáo Việt Nam thì ý nghĩa thiêng liêng này chắc chắn được hiểu và tin rất vững. Tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu về lịch sử của ngôi thánh đường 134 năm tuổi này, nhưng tôi tin rằng, đây đã là nơi mà đoàn con cái Giáo phận này, trải qua nhiều thế hệ, đã tìm thấy sự che chở, quan phòng kỳ diệu của Đấng mà họ cung hiến ngôi thánh đường. Nếu quý vị biết người Công Giáo Việt Nam đã bị bách hại qua các thời kỳ như thế nào, và thánh đường là nơi mà họ đã tìm được sức mạnh, sự đỡ nâng để sống và làm chứng cho niềm tin của mình như thế nào, thì tin chắc quý vị sẽ thấy việc phải gỡ bỏ một ngôi thánh đường 134 tuổi như nhà thờ Chính toà Bùi Chu thật sự là một nỗi đau khôn tả. Những tiếc nuối của quý vị, của chúng ta là những người ngoài cuộc, mặc dù rất đáng trân trọng, nhưng chưa thấm gì so với nỗi đau của họ.

Và cuối cùng, thưa quý vị, suốt bao nhiêu năm nay, việc xây dựng nhà thờ đối với người Công Giáo Việt Nam là việc không hề dễ dàng. Lý do đơn giản vì nó công trình hoàn toàn tự sức giáo dân xây nên, ngoài ra không có một tài trợ nào của nhà nước. Nói thẳng ra, nơi nào xây nhà thờ mà không bị chính quyền địa phương gây khó dễ đã là may lắm rồi. Việc phá bỏ một ngôi nhà thờ và xây dựng một ngôi nhà thờ mới dĩ nhiên là việc Đức Giám Mục và linh mục đoàn giáo phận Bùi Chu phải cân não rất nhiều. Nếu như là chuyện phá bỏ để các ngài chia chác đất đai, hoặc xây mới để các ngài kiếm cơ hội rút ruột công trình thì còn có lý do. Đàng này, phá bỏ là cắt ruột, xây mới là lao tâm tổn thọ, quý vị thử nghĩ xem, nếu các ngài không vì một lợi ích lớn hơn thì có dại dột để tự làm khổ mình như vậy không? Những tiếc nuối của quý vị, của chúng ta là những người ngoài cuộc, mặc dù rất đáng trân trọng, nhưng chưa thấm gì so với nỗi đau của họ.

Một vài chia sẻ như vậy với mong muốn quý vị có thể bình tâm hơn mà suy xét. Kính chúc quý vị bình an.

Trân trọng:

Anthony Minh Vũ
 
Văn Hóa
Lễ Của Mẹ, Tưởng Nhớ Mẹ Bằng Đọc Lại Ca Dao
Trần Văn Cảnh
08:06 02/05/2019
Nhân Ngày Lễ Của Mẹ sắp đến vào Chúa Nhật 26 tháng 05 năm 2019, xin dâng Mẹ đôi lời tưởng nhớ.
Trần Văn Cảnh


Trong các hình ảnh về gia đình mà mỗi người chúng ta còn giữ lại, có lẽ hình ảnh về mẹ là sâu dậm và rõ rệt hơn cả. Nó rõ rệt đến nỗi không chỉ được gợi lại qua các kỷ niệm của cuộc sống thường ngày, mà còn được viết ra cả trong thơ văn. Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần mở bất cứ một cuốn tục ngữ ca dao nào ra, thì ta cũng đọc được nhan nhản những câu ca phác họa hình ảnh mẹ.

1. Bức tranh thứ nhất mà ca dao Việt Nam vẽ về mẹ là bức tranh bà mẹ nghĩa đức dầy công lao sinh đẻ, nuôi nấng và vun trồng gầy dựng cho con cái. Công lao này có thể được tóm gồm qua chữ ‘nghĩa‘ :

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Có khi công lao ấy lại được tổng hợp trong chữ ‘đức‘ :
Công cha Đức Mẹ cao dầy,

Cưu mang trứng nước những ngày thơ ngây.

Có một điều đặc biệt là hình ảnh về mẹ thường gắn liền với hình ảnh cha. Hầu như không bao giờ ca dao nói về mẹ mà không nói về cha. Ngay cả khi dùng những hình ảnh đối chọi nhau, như núi với nước, ca dao luôn luôn nghĩ rằng cha mẹ là hai người, dẫu khác nhau, nhưng luôn bổ túc cho nhau và không thể chia lià nhau được. Gia đình ấm cúng yên vui, bởi vậy, luôn luôn là cái viễn ảnh, là cái khung trời trong đó mẹ được vẽ.

Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hoà vợ thuận nhà trường yên vui;
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

Là vợ hiền, là mẹ tốt, tất nhiên bà là yếu tố căn bản gây nên cái đức của gia đình, làm cho cuộc sống được vuông tròn, trong đó, chồng vinh hiển, con sang giầu. Và hình ảnh ấy không người chồng nào, không người con nào quên được.

Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Mừng cây rồi lại mừng cành,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha vinh hiển, đời con sang giầu.

Đó là lý do khiến bất cứ một ai thành thân thành người, cũng đều nghĩ rằng công ơn đầu tiên là của cha mẹ. Nét vẽ thứ ba trong bức tranh về bà mẹ nghĩa đức dầy công lao nuôi nấng và gầy dựng cho con cái là công ơn chăm sóc vun trồng của bà.

Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Có cha sinh mới ra ta,
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng.

Nét vẽ vun trồng khó nhọc cho con cái thường được vẽ đậm và biểu tượng bằng hình ảnh sương tuyết.

Cây khô chưa dễ mọc chồi,
Bởi mẹ chưa dễ ở đời với ta,
Non xanh bao tuổi mà già,
Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đàu.


2. Bức tranh mẹ nghĩa đức dầy công lao sinh đẻ, nuôi nấng và vun trồng gầy dựng cho con cái là bức tranh tổng quát thường được xếp hàng đầu và thường dễ thấy nhất trong ca dao. Nhưng không chỉ có bức tranh ấy. Bên cạnh bức tranh nghĩa và đức của mẹ, người ta còn thấy bức tranh thứ hai, có lẽ chi tiết hơn, nhưng không kém vẻ kiều diễm. Đó là bức tranh người mẹ, bà giáo hiền dậy con. Trong cái khung cảnh thái bình và hạnh phúc của nền kinh tế và văn hoá nông nghiệp, lý tưởng giáo dục của các bà mẹ không vượt ngoài khuôn khổ lý tưởng giáo dục chung của xã hội, trong đó, trai thì phải xuất xử, gái thì phải cửi canh :

Trên trời có cái cầu vồng,
Kẻ chợ cầu Muống, cửa đông cầu Rền
Vua trên đền, cầu vàng cầu bạc,
Các lái buôn cầu nước cầu non
Đôi ta cầu của cầu con,
Con đẹp giống mẹ, con dòn giống cha.
Con gái dệt cửi trong nhà,
Con trai đi học đỗ ba khoa liền.
Con lớn thì đỗ trạng nguyên,
Hai con tiến sĩ đỗ liền cả ba.
Vinh qui bái tổ về nhà,
Bõ công đèn sách mẹ cha nuôi thầy.

Có một ước vọng rõ rệt như vậy về cuộc đời cho con cái, bà không ngần ngại đem ra áp dụng bằng cách khuyên dậy, răn bảo con cái :

Con ơi, muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.
Trai thì đọc sách ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.

Trong việc dậy bảo, bên cạnh việc giáo dục gia đình, việc giáo dục quốc gia, xưa là khoa bảng nho học, nay là thạc sĩ và tiến sĩ đại học giữ một vai trò rất quan trọng.

Mừng nay nho sĩ có tài,
Bút nghiên dóng dả giùi mài nghiệp Nho.
Rõ ràng nên đấng học trò,
Công danh hai chữ trời cho dần dần.
Tình cờ chiếm được bảng xuân,
Ấy là phú quí đầy xuân quế hoè.
Một mai chân bước Cống, Nghè,
Vinh qui bái tổ, ngựa xe đưa mình.
Bốn phương nức tiếng vang lừng,
Ngao du Bể Thánh, vẫy vùng Rừng Nho.
Quyền cao chức trọng Trời cho,
Bõ công học tập, bốn mùa chúc minh.
Vui đâu bằng Hội đề danh,
Nghề đâu bằng nghiệp học hành là hơn.
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy xuôi.
Phu nhân thời có công nuôi,
Toàn gia hưởng phúc lộc trời ban cho.

Vì vậy, bà cố sức :

Dậy con từ thủa tiểu sinh,
Gần thầy, gần bạn tập tành lễ nghi.
Học cho cách vật trí tri,
Văn chương chữ nghĩa, nghề gì cũng thông.

Và không quên nhắc nhở con cái về cái gia nghiệp, về đức cần kiệm, về cách làm ăn:

Trăm năm như cõi trời chung,
Trăm nghề cũng phải có công mới thành.
Cứ trong gia nghiệp nhà mình,
Ngày đêm xem sóc giữ gìn làm ăn.
Chữ rằng ‘Tiểu phú do cấn’,
Còn như ‘Đại phú‘ là phần ‘do thiên’.
Đừng trễ nải, chớ ghét ghen,
Còn như lộc nước, có phen dồi dào.

Bà cũng không quên rằng xã hội không chỉ có ‘sĩ‘, mà còn có ‘nông’, ‘công’ và ‘thương’. Và chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Khổng nho, bà vẫn tâm niệm rằng :

Trời thu vừa gặp tiết lành,
Muôn dân yên khỏe thái bình âu ca.
Muốn cho yên nước, yên nhà,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Trong bốn nghiệp ra công gắng sức,
Đường nghĩa phương ta phải khuyên con.


3. Cạnh kề hai bức tranh trên, còn một bức tranh thứ ba rất linh hoạt về mẹ. Đó là bức tranh người mẹ đảm đang. Dĩ nhiên cũng như hai bức tranh trước, trong bức tranh này, người mẹ tốt và người vợ hiền như chồng lên nhau thành một.
Sự đảm đang của bà trước nhất là ở sự quán xuyến công việc cửa nhà.

Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Lo cho chồng học hành
Canh tư bước sang canh năm,
Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi.
Nữa mai Chúa mở khoa thi,
Bảng vàng choi chói kìa đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.
Lo lắng săn sóc nuôi nấng con cái
Miệng ru mắt nhỏ đôi hàng
Thương con càng lớn mẹ càng thêm lo

Nết đảm đang thứ hai của bà là ở sự thông thạo công việc đồng áng.

Khó thay công việc nhà quê,
Cùng năm khó nhọc dám hề khoan thai.
Tháng chạp thời mắc trồng khoai,
Tháng giêng trồng đău, tháng hai trồng cà.
Tháng ba cầy vỡ ruộng ra,
Tháng tư bắt mạ thuận hòa mọi nơi.
Tháng năm gặt hái vừa rồi,
Bước sanh tháng sáu nước trôi đầy đồng.
Nhà nhà, vợ vợ, chồng chồng,
Đi làm ngoài đồng, sá kể sớm trưa.
Tháng sáu, tháng bảy khi vừa,
Vun trồng giống lúa, bỏ chừa cỏ tranh.
Tháng tám lúa giỗ đã đành,
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người.
Khó khăn làm mấy tháng trời,
Lại còn mưa nắng bất thời khổ trông.
Cắt rồi nộp thuế nhà công,
Từ rầy mới được yên lòng ấm no.

Và nét đảm đang thứ ba của bà được thấy rõ ở việc thành thạo công thương.

Một năm chia mười hai kỳ,
Thiếp ngồi thiếp tính khó gì chẳng ra.
Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm.
Tháng ba đi bán vải thâm,
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về,
Tháng sáu em đi buôn bè,
Tháng bảy, tháng tám trở về đong ngô...


4. Trong ba bức tranh trên, hình ảnh đảm đang của bà mẹ đã được họa trong khung cảnh của một gia đình đầy đủ. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo như thế. Có những lúc người cha đi vắng. Sự can đảm của người mẹ thực là cao cả. Bức tranh thành ra chứa chất những nét đớn đau, vừa hào hùng, vừa bi thảm. Bức tranh thứ tư về mẹ phải là bức tranh ‘Mẹ can đảm sầu bi ‘

Anh đi, em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi, anh liệu chen đua với đới.

Hoặc thì nét nhớ nhung, nét cô đơn phảng phất khắp bức tranh.

Bác mẹ già lơ phơ đầu bạc,
Con chàng còn trứng nước thơ ngây.
Có hay chàng ở đâu đây,
Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.

Bức tranh này thành ra thống thiết, nếu sự vắng bóng của người cha là vĩnh viễn. Hình ảnh mẹ góa nuôi con côi thực là chơi vơi.

Thiệt hại thay cho thằng bé nên ba,
Nó lăn, nó khóc giữa nhà năm gian,
Khóc than giữa chốn linh sàng,
Ba vuông nhiễu tím đôi hàng chữ vôi.
Chớ thiệt hại thay, người khác thì đã yên rồi,
Để cho người sống ở đời trơ vơ.
Ba bốn năm nhang khói thiếp tôi phụng thờ,
Đầu đội chữ hiếu, tay xe chữ tình.
Chữ Hiếu Trung, tôi gánh vác một mình,
Chẳng hay chàng có thấu tình thiếp hăng ?
Đường đi Khuất nẻo khói chùng.

Dĩ nhiên về người mẹ, ca dao Việt Nam không chỉ họa có bốn bức tranh trên, mà còn họa biết bao bức tranh khác nữa, trong đó nhiều hình ảnh khác được ghi nhận, nhiều nét vẽ khác được phác họa, nhiều sắc mầu khác được tô điểm. Nhưng đó là bốn bức độc đáo hơn cả.

Trong những bức khác, nét vẽ có vẻ tượng trưng, trừu tượng hơn, mà thoạt nhìn chẳng thấy nét nào về mẹ, như những bức tranh sơn thủy, tứ thời, đồng áng. Nhưng nếu biết mẹ là biểu tượng của sự khôn ngoan, được diễn tả bằng hình ảnh nước, mẹ là nguồn gốc và là kết quả của việc đồng áng,...thì những bức tranh về mẹ đếm sao cho hết.

Có những bức khác, hình ảnh mẹ lại ẩn hiện trong những cảnh khác của cuộc sống : cảnh cưới hỏi, cảnh đình đám, cảnh chợ búa,... Đâu đâu, nếu biết nhìn, và muốn nhìn, thì người ta cũng thấy những hình ảnh mẹ.

Vì hình ảnh mẹ được vẽ nhiều và khắp nơi như vậy, thành ra nhiều lúc và nhiều người không thấy mẹ, nhất là những lúc còn mẹ, có mẹ. Nhưng khi nào mẹ mất, lúc đó người ta mới thấy mẹ ; đúng hơn là thấy thiếu mẹ./.

Paris, ngày 01.05.2019
Trần Văn Cảnh
 
Tháng Hoa Dâng Mẹ
Đinh Văn Tiến Hùng
17:41 02/05/2019

“ Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân dâng kính cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến người Công Giáo khắp nơi trên thế giới đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng. “ ( Thông điệp Tháng Năm của ĐGH Phao-lô Đệ Lục )

*Ngàn Hoa năm sắc cầu vồng,
Thơ vương ý nhạc sóng lòng dâng cao,
Hương thơm lan tỏa ngọt ngào,
Lòng con tràn ngập biết bao ân tình.

Ngàn hoa khoe sắc tươi xinh,
Lời thơ, điệu nhạc, câu kinh diệu huyền,
Bụi trần lọc suối tinh tuyền,
Bao nhiêu khắc khoải ưu phiền xua tan.

Bao nhiêu bài Thi- Vũ- Nhạc chúng ta thương nghe vang lên trong tháng 5- Tháng Hoa- nơi các giáo đường Việt Nam suốt Trung- Nam- Bắc. Tín đồ Công Giáo có nhiều lễ hội trong năm như Mùa Giáng sinh, Mùa Chay hay Mùa Phục Sinh, nhưng có lẽ tưng bừng nhất là Lễ Hội Tháng Hoa kính Đức Bà. Đây không phải lễ hội phố phường trần tục như trong truyện Kiều ‘Dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nêm’. Nhưng là lễ hội thanh thoát vườn quê nâng tâm hồn lên cao vút với những thôn nữ xuân thì rước kiệu Mẹ vòng quanh xóm nhỏ, với những em bé xinh tươi dâng tiến hoa muôn mầu trong khúc nhạc dìu dặt, với chiêng trống vang rền cùng tiếng chuông giáo đường ngân nga mời gọi, bàn thờ Đức Mẹ hoa đèn lung linh rực rỡ muôn màu, cờ Nữ Vương và cờ Hội Thánh tung bay khắp xóm làng…

Nhưng tập tục trên không phải chỉ có nơi quê hương Việt Nam thân yêu, mà đã bắt nguồn từ xa xưa nơi nhiều nươc Công Giáo trên thế giới.
Sau giấc ngủ dài mùa đông, thiên nhiên bừng tỉnh khi độ Xuân về tháng năm, trăm hoa đua nở, khoe sắc xinh tươi, biểu tượng cho Nữ Thần Mùa Xuân đến, khiến lòng người rạo rực đón chờ. Chính vì thế tháng năm được chọn để Kính Mừng Nữ Thần Mùa Xuân Đất Trời là Đức Trinh Nữ Maria Vương Mẫu Ngôi Hai
Thiên Chúa.

Vào đầu Thế kỷ 13, vua Castittle Alfonso X đã so sánh vẻ đẹp Mẹ Maria với muôn loài hoa khoe sắc trong nhạc phẩm ‘Khúc ca tháng Năm’.
Trước Thế Kỷ 14, Linh Mục Henri Suzo, dòng Đa- Minh đã cổ võ dâng kính Đức Mẹ vào tháng 5.
Giữa Thế kỷ 15, tu sĩ Seidi dòng Biển Đức xuất bản sách ‘Tháng Năm thiêng liêng’ phổ biến rộng rãi.
Thánh Philip Neri thúc dục thanh thiếu niên bày tỏ lòng tôn sùng đặc biệt Đức Mẹ trong suốt tháng 5.
Rồi đến Thế Kỷ 17, các nữ tu dòng Phanxicô phát động phong trào hát kinh Phụng vụ kính Đức Mẹ tháng 5. Dòng cũng sốt sáng thu thập 30 bài thơ tôn kính Mẹ Tháng Hoa. Qua thế Kỷ 19 phong trào dâng kính Tháng Hoa cho Mẹ lan rộng khắp hoàn cầu.
Nhiều vị Giáo Hoàng đã ban Thông Điệp, Tông Huân…lòng sùng kính Đức Mẹ Tháng Hoa :
-Giáo Hoàng Piô IX ban ơn toàn xá cho những ai tham dự các nghi lễ kính Đức Mẹ Tháng 5.
-Giáo Hoàng Piô XII gởi Thông điệp Tháng Hoa ‘ Đấng trung gian Thiên Chúa ‘.
-Giáo Hoàng Phaolô VI cũng gởi Tông huấn Tháng Hoa.
-Giáo Hoàng Gioan Phaolô II , nhân dịp kỷ niệm 25 năm lên ngôi Giáo Hoàng, tháng 10/2002 đã ra Thông điệp ‘Kính Rất Thánh Mân Côi’.

Chúng ta hãy suy gẫm những chuyện trùng hợp sau đây, phải chăng có bàn tay nhiệm mầu can thiệp của Đức Mẹ trong tháng 5- Tháng Hoa :
-Ngày 13/5/17, Đức Mẹ hiện ra ở Fatima với 3 em Lucia, Phanxicô và Giaxinta.
-Ngày 13/5/17, Linh mục Eugeniô Pacelli được tấn phong Giám Mục tại Roma và sau được bầu làm Giáo
Hoàng Piô XII.
-Ngày 13/5/81, tại Roma tên khủng bố Thổ nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca ám sát Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
tại quảng trường Thánh Phêrô, nhưng Đức Mẹ đã cứu Ngài thoát chết.
-Ngày 13/5/82, tại Fatima ĐTC Gioan Phao-lô II quì trước tượng Đức Mẹ cảm tạ đã cứu sống và dâng Thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.
-Ngày 13/5/2000, tại Fatima, 2 trong 3 em là Phanxicô và Giaxinta được phong Chân Phước.
Còn biết bao sự kiện và phép lạ đã xảy ra trong Tháng Hoa Kính Đức Mẹ, do lòng mộ mến của con cái Mẹ
và lòng từ bi nhân hậu Mẹ ban xuống cho loài người.

Đức Trinh Nữ Maria là Người Nữ tuyệt vời cả thân xác và tâm hồn. Nhân Đức Mẹ tỏa hương thơm ngào ngạt của muôn loài hoa. Sắc đẹp Mẹ lộng lẫy không hoa nào sánh bằng. Hoa trắng chỉ sự trong sạch như tâm hồn Mẹ. Hoa đỏ biểu dương sự hy sinh hãm mình của Mẹ. Hoa tím biểu tượng lòng tuân phục hoàn toàn vào Thiên Chúa qua lời ‘Xin vâng’ khi nghe Thiên Thần truyền tin. Hoa vàng là lòng mến yêu và hoa xanh chỉ tâm hồn trọn lành thánh thiện. Có nhiều loại hoa được so sánh với Đức Trinh Nữ Maria, nhưng hoa hồng và hoa huệ là biểu tượng được dùng nhiều nhất cho Đức Mẹ vì hoa hồng chỉ lòng yêu mến nồng cháy dâng hiến toàn vẹn Mẹ dâng cho Chúa – Hoa huệ với tâm hồn vô nhiễm cùng thân xác tinh khiết của Mẹ.
-“Ta là hoa huệ ngát hương thung lũng, là bông huệ ngát đồng Sharon” ( Diễm ca 2 : 1 )
-“Đức Bà như hoa hường màu nhiệm vậy” ( Kinh cầu Đức Bà )

Bởi vậy Mẹ chính là Bông Hoa Độc Nhất Vô Nhị đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Hoa là loài đẹp nhất Thiên Chúa tạo dựng mà sự sang giàu của vua Salomon cũng không sánh bằng : “Chúng con hãy xem hoa huệ ngoài đồng. Chúng không canh cửi, không se dệt, thế mà Thày bảo cho các con biết, ngay cả vua Salomon dù vinh hoa tột đỉnh, cũng không thể mặc đẹp bằng một bông hoa’. Như vậy Đức Trinh Nữ Maria còn cao trọng và huy hoàng hơn muôn loài hoa nhiều.
Nhưng có một loại hoa mà Mẹ yêu thích nhất đó là Hoa Lòng. Mỗi Kinh Kính Mừng là một Bông Hoa. Mỗi Tràng Hạt Mân Côi là một Vòng Hoa kết nối muôn màu. Trong những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Lộ Đức, La Vang, Mễ Du, La Salette, Guadalupe…Mẹ thường nhắc nhở hãy dâng lên Mẹ những Chuỗi Hoa Mân Côi. Đó là điều mà Mẹ yêu thích nhất và cũng chính nhờ Hoa Mân Côi qua tay Mẹ khẩn cầu sẽ cứu vớt được nhiều linh hồn, cùng ngăn cơn thịnh nộ Thiên Chúa giáng phạt loài người.

-Dòng đời trôi nổi bao Tháng Hoa,
Tình Mẹ trong con vẫn đậm đà,
Xưa mái đầu xanh, nay tuyết phủ,
Lòng con yêu Mẹ vẫn thiết tha.

Hương lòng dâng Mẹ Tháng Hoa,
Cúi mình khiêm hạ trước tòa Nữ Vương,
Lời thơ ý nhạc yêu thương,
Thay cho kinh nguyện thêm hương Hoa Lòng.

Truyện sau đây trích trong ‘100 truyện tích Mân Côi’ chứng minh chỉ một bông hồng dâng kính Đức Mẹ đã cứu một linh hồn khỏi sa hỏa ngục :
Pháp là nước có truyền thống theo Công Giáo hầu như toàn tòng, nên ngày xưa có câu nói bất hủ : “Nươc Pháp là con gái Hội Thánh”. Điều đó rất đúng vì Pháp xuất hiện nhiều Vị Thánh nổi tiếng hoàn cầu. Tuy vậy ngày nay Giáo Hội Pháp có phần sa sút hơn trước. Hàng năm cứ đến tháng 5 thì giáo dân tổ chức dâng hoa rước kiệu kính Đức Mẹ. Tại tư gia người ta trưng bày bàn thờ, tối đến vợ chồng con cái họp nhau lần chuỗi Mân Côi, nên Tháng Hoa đối với người Pháp là tháng rất quan trọng. Tôi còn nhớ câu hát “C’est le mois de Marie, c’est le mois le plus beau. À La Vierge Marie, disons un chant nouveau” (Đây là tháng Đức Mẹ Maria, tháng đẹp nhất. Bởi Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hát một bài ca mới.)

Do đó có tích truyện tại tỉnh Nancy Pháp, có một gia đình trung lưu. Bà vợ rất ngoan đạo, nhưng người chồng khô khan bê bối, chẳng bao giờ đọc kinh chung với vợ con, cứ tìm cách đi đây đi đó cho hết thì giờ. Bà vợ luôn cầu nguyện cho chồng ăn năn trở lại. Năm ấy, tháng Đức Mẹ bà vợ mua hoa nến trưng bàn thờ, mẹ con lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, nhưng người chồng chẳng ngó ngàng gì đến. Một hôm Chúa Nhật ông đi chơi cả ngày. Tối về đi qua tiệm bán hoa hồng. Ông nghĩ những bông hồng này chắc vợ mình thích lắm, ông ghé mua mấy bông cho bà trưng bày bàn thờ Đức Mẹ. Bà vợ lấy làm lạ hỏi : ‘Anh mua hoa ở đâu đẹp thế ? Ông trả lời đi qua chợ thấy về chiều mà còn bán hoa, mua mấy bông cho em trưng bày bàn thờ, vì mấy hôm nay anh thấy em ra vườn hái hoa dại thấy tôi nghiệp. Bà vợ cảm động vì cử chỉ ưu ái của chồng vốn rất khô khan nguội lạnh. Bà cám tạ Chúa và Mẹ đã nghe lời mẹ con bà cầu xin
cho chồng hồi tâm.’
Tuy nhiên vào ngày 15/5 ông bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử, không kịp gặp Linh Mục để chịu các phép bí tích trước khi chết. Bà rất lo âu buồn phiền vì sợ ông mất linh hồn. Bà lo quá sinh bệnh, nên đi xa cho khuây khỏa. Khi bà đi ngang qua xứ Ars nơi cha Gioan Vianney đang làm chính xứ. Bà vào xin khấn cho chồng được ơn cứu rỗi. Bà gặp Cha vừa khóc vừa nói : ‘Xin Cha cầu nguyện cho chồng con, vì anh ấy chết không đươc xưng tội rước lễ’. Cha Gioan điềm nhiên bảo bà : “Thôi bà cứ về đi ! Ông ấy đã được cứu rỗi rồi. Bà còn nhớ cách đây mấy tuần, ông đã có thiện chí mua mấy bông hồng dâng kính Đức Mẹ không ? Cử chỉ ấy đẹp lòng Đức Mẹ, cho nên trong lúc gặp tai nạn, ông đã được Đức Mẹ giúp ăn năn tội cách trọn. Giờ ông ấy đang trong luyện ngục. Vậy bà và các con dâng lời cầu nguyện cho ông sớm về Thiên đàng hưởng Nhan Thánh Chúa.”
Tại sao cha Gioan Vianney biết trước sự kiện này ? Chính vì cha rất mộ mến Chuỗi Mân Côi, cho nên Mẹ đã cho cha biết trước sự việc để giảng dạy cho mọi người thêm lòng sùng kính Đức Mẹ, nhất là trong tháng 5- Tháng Hoa và tháng 10- Tháng Mân Côi.

Giờ đây, tóc đã phủ tuyết sương qua bao năm tháng dòng đời. Mỗi lần Tháng Hoa về lại nhớ đến kỷ niệm êm đềm thời tuổi thơ nơi Quê nhà. Mong rằng nơi đất khách quê người, những tập tục thánh thiện tốt đẹp sẽ không bị nhạt nhòa theo năm tháng.

*Những Tháng Hoa Kỷ Niệm.

Vâng thưa Mẹ làm sao con quên được,
Những Tháng Năm thơ ấu nơi quê nhà,
Chuông giáo đường vang vọng gọi thiết tha,
Đoàn con Mẹ lại cùng nhau qui tụ.


Dưới chân Mẹ trăm bông hoa rực rỡ,
Hai hàng đèn nến tỏa sáng lung linh.
Ôi muôn lòng cất cao tiếng cầu kinh,
Thật đầm ấm vây quanh hang Lộ Đức.
Lòng trải rộng vì cuộc đời đơn thật,
Các bé thơ niềm mơ ước bao la,
Mắt tròn xoe với gương mặt hiền hòa,
Tim nhộn nhịp đời tuổi thơ là thế.
Những thôn nữ má hồng lên e lệ,
Tà áo dài che khuất bước chân đi,
Hồn lâng lâng dạo khúc nhạc xuân thì,
Rước kiệu Mẹ vòng quanh khu xóm nhỏ.
Hoa muôn màu cùng hào quang rực rỡ,
Trống chiêng rền theo những cánh hoa rơi,
Đoàn con chiêm bái Đức Mẹ Chúa Trời,
Tim rạo rực miệng ca vang khúc hát.
Những cụ già miệng lâm râm lần hạt,
Mắt mơ màng nhưng nhìn rõ tương lai,
Bỗng nuối tiếc sao năm tháng không dài,
Để tiếp tục dâng lời kinh xám hối.
Riêng chúng con tâm hồn thật vô tội,
Chỉ thấy vui quên mất cả thời gian,
Đâu hiểu đời như mây gió hợp tan,
Nhìn cuộc sống đầy hoa thơm cỏ lạ,
Bóng Mẹ Hiền trùm lên con tất cả,
Ôm ấp vỗ về dịu ngọt tuổi thơ.

Vâng thưa Mẹ con nhớ mãi tới giờ,
Thời gian đó chỉ còn trong kỷ niệm,
Nhưng dư âm không bao giờ tan biến,
Con lớn lên theo năm tháng dòng đời,
Dù nơi đây cuối góc bể chân trời,
Con vẫn mơ về Những Tháng Hoa Kỷ Niệm.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đồng Hoa Trên Ngàn
Dominic Đức Nguyễn
10:11 02/05/2019
ĐỒNG HOA TRÊN NGÀN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Nhớ mình thân phận vô thường cỏ hoa
Một làn gió nhẹ thoảng qua
Sớm lung linh sắc chiều hoang hoải tàn
(Trích thơ của Lm Phêrô Nguyễn Đức Thắng)
 
VietCatholic TV
Cố đấm ăn xôi: 23 bang đồng loạt nổi dậy. Maduro định trốn sang Cuba, Nga ép ở lại
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:13 02/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cuộc tổng nổi dậy tại Venezuela và phản ứng của các Giám Mục nước này

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Các cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy đã diễn ra ở tất cả 23 bang của Venezuela cũng như ở thủ đô Caracas, các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông địa phương cho biết như trên.

Các Giám Mục Venezuela đang nhóm phiên khoáng đại từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 1 tháng Năm. Các ngài dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố trong ngày cuối cùng của cuộc họp. Tuy nhiên, trước cuộc nổi dậy hôm thứ Ba, các ngài đang có những sửa đổi quan trọng trong tuyên bố cuối cuộc họp thường niên này.

Trong quá khứ, các Giám Mục Venezuela đã rất mạnh mẽ chống lại Maduro.

Đức Hồng Y Jorge Urosa, Tổng Giám mục Hiệu Tòa thủ đô Caracas, nói với tờ La Croix của Pháp rằng các giám mục “chấn động mạnh” trước các diễn biến này.

Hôm thứ Tư 1 tháng Năm, Đức Tổng Giám Mục Hiệu tòa của Maracaibo đã yêu cầu chế độ Nicholas Maduro phải trả tự do cho những người biểu tình ôn hòa đã bị bắt giữ một ngày trước trong biến cố mà Nicolas Maduro gọi là “một cuộc tấn công đảo chính” nhằm cướp chính quyền.

Đức Tổng Giám Mục Ubaldo Ramon Santana Sequera kêu gọi qua Twitter rằng: “Tôi rất đau buồn về việc giam giữ những người biểu tình ôn hòa hôm qua tại Maracaibo. Trong số đó có Cesar Perozo, một bác sĩ tim mạch danh tiếng quốc tế và các bác sĩ khác trong đội của ông. Họ phải được trả tự do tức khắc.”

Đường phố Venezuela tràn ngập người biểu tình vào ngày 30 tháng 4 sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó kêu gọi các cuộc biểu tình chống lại Maduro. Một đoạn video cho thấy vị tổng thống lâm thời được tháp tùng cùng với các binh lính đã về phe với những người biểu tình, và đặc biệt bên cạnh ông còn có ông Leopoldo López, một thủ lĩnh phe đối lập và cũng là một tù nhân chính trị. Ông Juan Guaidó giải thích rằng cảnh sát và binh lính về phe với những người biểu tình đã quyết định phá ngục trả tự do cho ông Leopoldo López.

Chính phủ Tây Ban Nha sau đó đã xác nhận rằng ông López và gia đình ông đã chạy vào đại sứ quán của họ, nhưng cho biết nhân vật đối lập này đã không xin tị nạn chính trị.

Ngoại trưởng Chí Lợi, ông Roberto Ampuero, xác nhận trên Twitter rằng ban đầu ông López chạy đến đại sứ quán của họ nhưng sau đó được chuyển sang Tây Ban Nha.

Ông Guaidó đã tuyên bố mình là tổng thống lâm thời vào tháng Giêng năm nay và đã được một số lớn các chính phủ phương Tây công nhận, nhưng cho đến nay tên độc tài Maduro vẫn còn được sự hậu thuẫn đáng kể của quân đội và cảnh sát.

Những người phản đối Maduro và cả những người ủng hộ tên độc tài này đã có mặt trên đường phố ở các thành phố của Venezuela. Ngày 1 tháng Năm vốn là một ngày lễ quan trọng của cộng sản nên có lẽ các thành phần ủng hộ tên độc tài Maduro xuất hiện theo một chương trình đã được hoạch định trước, chứ không phải là để bảo vệ Maduro.

Quân đội và cảnh sát trung thành với Maduro đã tỏ ra thẳng tay trong các cuộc đụng độ dữ dội. Họ bắn hơi cay và bắt giữ những người biểu tình ôn hòa.

Trong một chương trình truyền hình Maduro nói rằng hắn ta đã ngăn chặn được một cuộc đảo chính.

Trong khi đó, tổng thống lâm thời Guaidó đã kêu gọi tiếp tục biểu tình, và tuyên bố một loạt các cuộc đình công bắt đầu từ ngày 2 tháng Năm.

Dưới thời chính quyền xã hội chủ nghĩa của Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực và biến động xã hội, với sự thiếu hụt trầm trọng và siêu lạm phát dẫn đến 3 triệu người di cư.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết họ đang rất lo lắng trước các báo cáo cho biết các lực lượng an ninh trung thành với độc tài Maduro đã sử dụng bạo lực quá mức chống lại người biểu tình.

Phát ngôn viên Nhân quyền Liên Hợp Quốc Marta Hurtado nói:

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế tối đa và chính quyền phải tôn trọng quyền tự do hội họp trong hòa bình.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi cả hai bên tránh bạo lực, trong khi Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi kiềm chế tối đa để tránh thiệt hại nhân mạng và gây thêm các căng thẳng.

Về phần mình, Hoa Kỳ đã nhắc lại sự hỗ trợ hoàn toàn cho ông Guaidó.

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã cáo buộc Nga và Cuba can thiệp vào chính trị Venezuela. Ông tuyên bố rằng Maduro đã có kế hoạch bỏ trốn sang Cuba nhưng bị Mạc Tư Khoa thuyết phục ở lại.

Cả Nga và cá nhân Maduro đều bác bỏ tuyên bố này của ông John Bolton. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Hoa Kỳ đang tiến hành “một cuộc chiến tranh thông tin.”

Ông Lavrov đã nói chuyện với ông Pompeo qua điện thoại hôm thứ Tư, cảnh báo ông về những hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ cứ tiếp tục các hoạt động “hung hăng” chống lại Venezuela, và nói rằng “sự can thiệp” của Hoa Kỳ vào nước này đã vi phạm luật quốc tế.

Các chính phủ vẫn ủng hộ ông Maduro - bao gồm cả Bôlivia và Cuba - đã lên án những nỗ lực của ông Guaidó cho đó là một mưu toan đảo chính.

Chính phủ Mễ Tây Cơ bày tỏ lo ngại về sự gia tăng bạo lực có thể xảy ra, trong khi Tổng thống Colombia Ivan Duque kêu gọi quân đội Venezuela nên đứng về phía đúng đắn của lịch sử và chống lại Maduro.

Một cuộc họp khẩn cấp của Nhóm Lima của các nước Mỹ Latinh đã được dự trùng vào ngày thứ Sáu.


Source:BBC

Quý vị và anh chị em có thể đăng lại các bản tin của VietCatholic trên Web site của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều đó và xin đa tạ. Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo phận, các dòng tu, và các cơ quan trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, quý vị và anh chị em không được dùng các bản tin để làm thành videos riêng của mình.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, ngày 2/5/2019: Kỷ niệm 5 năm phong thánh ĐGH GP II và Gioan XXIII.
VietCatholic Network
02:33 02/05/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 1 tháng 5, 2019.

2- Đức Thánh Cha nói: Không để Thánh Thần dẫn lối, chúng ta là những người ngoại đội lốt Kitô hữu.

3- Đức Thánh Cha góp 500 nghìn đô la Mỹ, giúp người di dân Trung Mỹ đang bị chặn lại ở Mexico.

4- Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tấn công ở Burkina Faso, Tây Phi.

5- Thánh lễ phong Chân Phước cho bốn vị tử đạo thời đại hy sinh vì đức tin ở Argentina.

6- Kỷ niệm 5 năm phong thánh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Gioan XXIII.

7- Ngôi nhà thờ độc đáo ở Rôma.



8- Dự luật 360 ở California buộc linh mục tiết lộ bí mật tòa giải tội.

9- Cuốn Kinh Thánh 400 tuổi bị trộm ở Mỹ được tìm thấy ở Hà Lan.

10- Tổng Giáo Phận New York công bố danh sách 120 cựu tu sĩ đã bị tố cáo xâm phạm trẻ em.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Gọi Lời Yêu Thương.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết: