Ngày 01-06-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Học của Dòng Tên tại thủ đô Managua của Nicaragua bị côn đồ của chính quyền tấn công
Đặng Tự Do
00:30 01/06/2018
Kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ Nicaragua bắt đầu vào tháng Tư vừa qua, Đại học Dòng Tên của Trung Mỹ tại thủ đô Managua đã là một trung tâm hoạt động sinh viên.

Sáng sớm ngày Chúa Nhật 27 tháng 5 vào lúc 12:45 sáng, một nhóm người đeo mặt nạ đi trên một chiếc xe tải đã tấn công vào nhà trường. Những kẻ tấn công đã bắn tới tấp vào hai sinh viên đang canh gác trước cửa trường.

Hai sinh viên chạy thoát và không bị thương, có thể là vì bọn người tấn công chỉ có ý dọa nạt chứ không cố ý gây chết người hay làm bị thương.

Cha Jose Alberto Idiaquez, linh mục Dòng Tên, Hiệu trưởng nhà trường, lên án cuộc tấn công vào trường đại học của mình là “hèn nhát” và quả quyết rằng trò này do chính phủ tài trợ.

Ngài nói, bất kể các trò dọa nạt, nhà trường “trung thành với các nguyên tắc Kitô giáo của mình, sẽ tiếp tục đòi hỏi những gì nhân dân chúng ta đang đòi hỏi: đó là công lý cho hàng chục người bị giết chết và một nền dân chủ bảo đảm sự thăng tiến cho toàn bộ người dân của đất nước chúng ta và sự phát triển của đất nước.”

Làn sóng bất bình trong dân chúng Nicaragua đã bắt đầu vào giữa tháng Tư sau khi chính phủ tuyên bố cắt giảm hệ thống an sinh xã hội. Mặc dù những thay đổi vừa được đề xuất này đã nhanh chóng bị hủy bỏ, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, một phần do người dân bất mãn trước những cuộc đàn áp tàn bạo của chính phủ. Ít nhất 76 người đã thiệt mạng tại Nicaragua kể từ khi tình trạng bất ổn bắt đầu. Hơn 900 người đã bị thương.

Trong số những người chết có em Álvaro Manuel Conrado Davila, 15 tuổi, là một học sinh trường trung học dòng Tên, đã qua đời vào ngày 20 tháng Tư sau khi bị cảnh sát bắn vào cổ họng bằng đạn cao su ở cự ly gần.
Source: America Magazine - Masked men attack Jesuit University in Nicaragua
 
Côn đồ của chính quyền Venezuela chiếm một giáo xứ
Đặng Tự Do
01:00 01/06/2018
Một nhóm người đã chiếm đoạt các cơ sở của một giáo xứ ở bang Mérida, Venezuela vào chiều thứ Hai 28 tháng 5. Đám này nói chúng hành động thay mặt cho chính quyền nhân dân tại địa phương.

“Những kẻ này đã chiếm giáo xứ Đức Mẹ Núi Camêlô của chúng tôi tại Ejido, về phía tây nam Mérida, cách thủ phủ này chưa tới 10 dặm,” Đức Cha Luis Enrique Rojas Ruiz, Giám Mục Phụ Tá của Mérida, đã cho biết như trên.

Ngài nói thêm nhóm này đã xông vào bẻ khóa, và chiếm sân đá banh và các hội trường giáo xứ.

Cha chánh xứ José Juan Flores ngăn họ không cho vào nhà thờ và hỏi họ là ai mà hành động ngang ngược như thế. Họ trả lời rằng họ đến từ hội đồng thành phố và họ đại diện cho thị trưởng Ejido, là ông Simón Pablo Figueroa.

Những kẻ này tước đoạt tư trang của cha Flores và buộc ngài ra khỏi cánh cửa dẫn vào sân đá banh.

Đức Cha Rojas đòi gặp thị trưởng nhưng ông này nói đang ở Caracas.

Cha Flores nói rằng một chuyện như thế này đã được ngài tiên đoán thế nào cũng xảy ra. Với lập trường đứng về phía người dân, Giáo Hội đã nhiều lần lên tiếng chống lại tổng thống Nicolas Maduro.

Đáp lại, như cha Flores cho biết, chính quyền đã sai côn đồ đến phá phách nhà thờ của ngài nhiều lần.

Đức Giám Mục Rojas nói thêm: “Họ sỉ nhục đức tin chúng tôi, vẽ bậy những bức tranh xúc phạm trên các tòa nhà giáo xứ. Họ muốn hủy hoại hình ảnh của các linh mục và giáo phận. Họ phá hủy những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ với những chữ viết và những hình vẽ lăng mạ”.
Source: Catholic News Agency - Church building in Venezuela seized by local government group
 
Công Giáo Bồ Đào Nha thở phào nhẹ nhõm: Quốc Hội bác bỏ tất cả 4 dự luật đòi hợp pháp hoá trợ tử
Đặng Tự Do
01:54 01/06/2018
Quốc Hội Bồ Đào Nha đã bác bỏ việc hợp pháp hoá trợ tử trong một cuộc bỏ phiếu căng thẳng vào tối thứ Ba 29 tháng 5.

Bốn dự luật đã được đề xuất nhằm hợp pháp hoá an tử và trợ tử, do Đảng Con người -Súc vật -Thiên nhiên, Đảng Xanh, Khối Tả phái và Đảng Xã hội đang cầm quyền đưa ra.

Một tuần trước khi cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội diễn ra, các nhà vận động ủng hộ việc hợp pháp hoá trợ tử xem ra thắng thế, nhưng đảng Cộng sản đã gây ngạc nhiên cho nhiều người khi tuyên bố sẽ biểu quyết chống lại các dự luật này.

Bốn dự luật đã bị bác bỏ khi đảng Bình dân, đảng Cộng sản, và đa số các thành viên trong đảng Dân chủ xã hội cùng bỏ phiếu chống. Một số thành viên trong đảng Xã hội đang cầm quyền cũng bỏ phiếu chống, hoặc bỏ phiếu trắng.

Đức Hồng Y Manuel Clemente, Thượng Phụ Lisbon, hoan nghênh quyết định này và nói rằng việc bác bỏ việc hợp pháp hoá trợ tử này nên được tiến xa hơn với các đầu tư lớn hơn trong việc chăm sóc y tế cuối đời. Trong hai năm qua, dịch vụ y tế quốc gia chỉ mở ra 14 giường cho bệnh nhân cần chăm sóc về cuối đời, và mạng lưới quốc gia chăm sóc cho người già còn quá nghèo nàn.

Theo Đức Thượng Phụ, “dự án vĩ đại trước mắt chúng ta là hoạt động cho phẩm giá con người trong suốt các giai đoạn tồn tại của cuộc sống, nhất là cho những người đang ở trong một tình huống bấp bênh hơn, hoặc cần đến sự đồng hành của chúng ta, như một xã hội và như một nhà nước” .

Đức Hồng Y tân cử António Marto, Giám mục của giáo phận Leiria-Fátimanói “Quốc hội đã thể hiện lẽ phải và quyết định theo niềm tin của đa số dân chúng về một vấn đề ‘quá tinh tế và phức tạp đến mức vượt xa ý thức hệ đảng phái’”.

Các giám mục và nhiều nhân vật trong Giáo Hội đã không ngừng lên tiếng về chủ đề này trong nhiều tuần và vài tháng trước cuộc bỏ phiếu. Các ngài cũng được nhiều người trong xã hội tham gia, bao gồm cả chủ tịch hiện nay của hiệp hội bác sĩ cũng như tất cả những người tiền nhiệm còn sống của ông. Hội đồng Đạo đức Quốc gia cũng đã lên tiếng chống lại việc hợp pháp hoá trợ tử.
Source: Catholic Herald Portuguese parliament rejects euthanasia
 
Các “giám mục” Hoa Lục thông qua kế hoạch 5 năm “Trung Quốc hoá” Giáo Hội Công Giáo
Đặng Tự Do
02:34 01/06/2018
Hiệp hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc và cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc đã phát động “Kế hoạch ngũ niên Trung Quốc hoá Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa”. Kế hoạch đã được chấp thuận thông qua một cuộc biểu quyết giơ tay trong cuộc họp phối hợp lần thứ tư của hai tổ chức này, được tổ chức vào tuần trước. Cho đến nay, cả hai tổ chức này đều không được Toà Thánh công nhận.

Trong bài phát biểu của mình, Yu Bo, vụ phó tôn giáo vụ nhà nước Trung Quốc, giải thích rằng “Cuộc họp chung lần thứ 4 này là nhằm thực hiện sâu xa hơn tinh thần của Đại hội Đảng Cộng sản Toàn quốc lần thứ 19 diễn ra hồi tháng 10/2017 và tinh thần của Hội nghị toàn quốc về công tác tôn giáo vào tháng 4 năm 2016, trong đó tập trung vào việc hình thành một kế hoạch ngũ niên nhằm Trung Quốc hoá Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa”.

Trung Quốc hoá các tôn giáo và đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa là một chủ đề liên tục kể từ năm 2015, khi Đại đế Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc (tức là cơ quan giám sát tất cả các thực thể không trực tiếp mang danh cộng sản của Trung Quốc).

Các mục tiêu cụ thể trong kế hoạch Trung Quốc hoá các tôn giáo bao gồm ba điểm sau, gọi là ba tự cường:

a) Thứ nhất là tăng cường đồng hóa văn hóa Trung Quốc vào các biểu hiện tôn giáo, loại bỏ các “ảnh hưởng từ nước ngoài”.

b) Thứ hai là “sự độc lập khỏi ảnh hưởng của nước ngoài”. Đối với Công Giáo điều này có nghĩa là tiến đến việc tấn phong Giám Mục mà không cần sự chuẩn y của Tòa Thánh.

c) Thứ ba là trung thành và tuân theo các chỉ dẫn của Đảng bởi vì Đảng có chức trách “hướng dẫn” các tôn giáo và phải “giữ vững vai trò lãnh đạo trong tất cả các hoạt động tôn giáo”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post vào ngày 18 tháng Năm, Đức Tổng Giám Mục Gioan Hùng Sơn Xuyên, Tổng Giám mục Đài Bắc, nói rằng trong một cuộc gặp gỡ với ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô cả quyết với ngài rằng Tòa Thánh sẽ không thỏa hiệp đối với các nguyên tắc Công Giáo trong các cuộc đàm phán và rằng quyền bổ nhiệm các giám mục chắc chắn vẫn phải còn trong tay của Đức Giáo Hoàng.

Kế hoạch “Trung Quốc hóa” cũng liên quan đến các hệ phái Tin Lành và đã được thông qua vào tháng Tư năm ngoái. Nhiều tin đồn lan truyền rằng Đảng Cộng sản đang muốn “viết lại Kinh Thánh”.

Theo các học giả Tin Lành, ý tưởng này là tào lao, nhưng các Kitô hữu nên chú ý đến những nỗ lực của Trung Quốc nhằm diễn dịch lại Kinh Thánh, như đã từng xảy ra trong quá khứ khi cán bộ cộng sản, và cả các chức sắc tôn giáo bị cộng sản mua chuộc cố gắng diễn dịch lại thông điệp Tin Mừng qua lăng kính của các tư tưởng cộng sản.
Source: Asia News - Ahead of China-Vatican dialogue, a five-year plan to Sinicize the Church under the Party
 
Lực lượng an ninh Nam Dương bắt giữ 41 kẻ bị tình nghi khủng bố các nhà thờ
Đặng Tự Do
02:56 01/06/2018
Lực lượng an ninh Jakarta đã bắt giữ 41 kẻ bị nghi ngờ có dính líu với một loạt các vụ đánh bom ở Surabaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java. Ngoài 41 người bị bắt, bốn người khác đã bị bắn chết trong các cuộc bố ráp của cảnh sát.

Tướng Tito Karnavian, tư lệnh cảnh sát quốc gia cho biết như trên trong cuộc họp báo chiều ngày 31 tháng 5 với các phương tiện truyền thông của Nam Dương. Ông cho biết 4 người bị bắn chết đã nổ súng chống lại cảnh sát nên mới bị giết.

Vị tư lệnh cảnh sát quốc gia Nam Dương nói: “Sau vụ đánh bom tự sát ở Surabaya và Sidoarjo vào ngày 13 và 14 tháng 5, chúng tôi đã nhanh chóng xác định các thủ phạm và đường dây của chúng. Một kẻ bị tình nghi khủng bố tại Probolinggo (Đông Java) đã ra đầu hàng cảnh sát địa phương vì ông ta không thể sống mãi trong âu lo khi phải luôn chạy trốn cả cảnh sát lẫn đồng bọn của y”.

Tướng Tito Karnavian cho biết chính các số điện thoại cuối cùng của các thủ phạm trong các vụ tấn công được thực hiện tại Surabaya đã giúp các cơ quan an ninh lần ra một nhóm khủng bố địa phương có liên kết chặt chẽ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Các cuộc tấn công vào ba nhà thờ Kitô Giáo và vào trụ sở cảnh sát địa phương đã giết chết 14 thường dân và 13 kẻ khủng bố cũng bị thiệt mạng. Hơn 40 người khác bị thương.

Hôm 25 tháng 5, quốc hội Jakarta đã thông qua một đạo luật mới cho phép cảnh sát có thêm nhiều quyền để thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống lại những kẻ bị tình nghi khủng bố. Dự luật đã bị chặn lại trong gần hai năm qua, nhưng làn sóng các vụ đánh bom tự sát chết người đã gây áp lực lên các nhà lập pháp phải phê chuẩn nó.
Source: Asia News - 41 terrorists arrested over Surabaya church attacks
 
Thánh lễ tại Santa Marta 01/6: Ma Quỷ đứng đằng sau mọi cuộc bách hại
Lệ Hằng, F.M.A.
06:43 01/06/2018
Ma quỷ là căn nguyên của mọi hình thức bách hại: từ thực dân văn hóa cho đến chiến tranh, nạn đói, và nạn nô lệ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng Một tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngày nay chúng ta không chỉ chứng kiến những cuộc bách hại các Kitô hữu mà thôi nhưng bên cạnh đó còn có sự áp bức mọi người nam nữ, “từ thực dân văn hóa, chiến tranh, đói khát, và nạn nô lệ”. Nhưng Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chống lại và phục hồi hình ảnh của Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa nơi chúng ta.

Bách hại là một phần của đời sống Kitô hữu

Trong Bài Đọc Một, Thánh Phêrô đã đề cập cụ thể đến cách cuộc bách hại các Kitô hữu “nổ ra ... như lửa”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích tại sao những cuộc bách hại như thế là “một phần của đời sống người Kitô hữu”

Ngài nói:

“Các cuộc bách hại nhiều như ‘không khí’ mà các tín hữu Kitô hít thở ngay cả ngày nay. Bởi vì ngay cả ngày nay cũng có quá nhiều các vị tử đạo, quá nhiều người bị bách hại vì tình yêu dành cho Chúa Kitô. Có rất nhiều quốc gia nơi các tín hữu Kitô chẳng có chút quyền nào. Nếu anh chị em đeo trên cổ một cây thánh giá, anh chị em phải đi tù. Và có đông người phải vào tù như thế. Ngày nay, có những người bị kết án tử hình đơn giản chỉ vì họ là Kitô hữu. Số người mất mạng vì đức tin cao hơn con số các vị tử đạo thời tiên khởi. Cao hơn nhiều lắm! Nhưng điều này không được cho là tin tức. Các bản tin trên báo chí và truyền hình không bao gồm những chuyện này. Trong khi đó các Kitô hữu vẫn đang bị bách hại”.

Cuộc bách hại nhân loại vì họ giống hình ảnh Chúa

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng còn có một loại khủng bố khác trên thế giới ngày nay: đó là cuộc bách hại những người nam nữ vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa.

“Quỷ dữ ở đằng sau mọi cuộc đàn áp, cả cuộc bách hại các tín hữu Kitô, lẫn các cuộc bách hại tất cả mọi người. Ma quỷ cố gắng phá hủy sự hiện diện của Chúa Kitô trong các Kitô hữu, và cả hình ảnh của Thiên Chúa nơi những người nam nữ. Nó đã cố gắng làm điều này ngay từ đầu, như chúng ta đã đọc trong Sách Sáng thế ký: nó cố gắng phá hủy sự hài hòa mà Chúa tạo ra giữa người nam và người nữ, đó là sự hài hòa xuất phát từ việc được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Và nó đã thành công. Nó đã làm được điều đó bằng cách sử dụng sự dối trá, và quyến rũ ... là những vũ khí nó sử dụng. Nó luôn làm điều đó. Nhưng ngày nay có một sự tàn bạo quyết liệt hơn chống lại những người nam nữ: nếu không thì chúng ta làm sao có thể giải thích được làn sóng ngày càng tăng những huỷ diệt chống lại con người, và tất cả những điều đó lại do con người gây ra”.

Ma Quỷ là cha của bách hại

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả nạn đói là một “bất công” đang “hủy diệt những người nam nữ bởi vì họ không có gì để ăn”, dù rằng có biết bao thực phẩm dư thừa trên thế giới. Đức Thánh Cha cũng nói về sự khai thác con người, các hình thức nô lệ khác nhau, và nhớ lại gần đây ngài mới xem một bộ phim được quay trong một nhà tù nơi những người di cư bị nhốt và tra tấn để buộc họ làm nô lệ. Đức Thánh Cha nhận xét cay đắng rằng điều này vẫn đang xảy ra, “70 năm sau Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”. Ngài cũng trình bày các suy tư về thực dân văn hóa. Đây chính xác là điều ma quỷ mong muốn, đó là “muốn tiêu diệt phẩm giá con người” - và đó là lý do tại sao chúng ta nói ma quỷ đứng đằng sau mọi hình thức khủng bố.

“Những cuộc chiến có thể được coi là một loại khí cụ để tiêu diệt nhân loại được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng chúng cũng huỷ diệt cả những con người gây ra chiến tranh, những con người hoạch định chiến tranh để thu tóm quyền lực trên những người khác. Có những người thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí để hủy diệt nhân loại, phá hủy hình ảnh những người nam nữ, cả về mặt đạo đức lẫn văn hóa ... Ngay cả khi họ không phải là Kitô hữu, ma quỷ cũng bách hại họ bởi vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta đừng dại dột. Trên thế giới ngày nay, tất cả mọi người, chứ không chỉ các Kitô hữu đang bị bách hại, bởi vì cha của tất cả các cuộc bách hại không thể chừa ra những ai là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, nó tấn công và phá hủy những hình ảnh đó. Không dễ để hiểu điều này đâu. Chúng ta phải cầu nguyện rất nhiều nếu chúng ta muốn hiểu được điều đó”
Source: Vatican News - Pope Francis at Mass: the Devil is behind every persecution
 
Thư Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho người Công Giáo Chí Lợi
Lệ Hằng, F.M.A.
13:31 01/06/2018
Trong một lá thư do đích thân ngài viết cho Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Chí Lợi, gửi đến tất cả dân Chúa, như ngài đã hứa với các Giám mục nước này, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự xấu hổ vì sự thất bại của Giáo hội trong việc lắng nghe và bảo vệ những nạn nhân bị lạm dụng tình dục dưới bàn tay của các giáo sĩ.

Trong bức thư đã được Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi công bố vào ngày 31 tháng 5, dài 8 trang A4, viết bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha nói rằng thời gian “sửa đổi và thanh lọc” trong Giáo Hội đã có thể thực hiện được là nhờ những nỗ lực của các nạn nhân, là “những người dù tuyệt vọng hay bị bôi lọ như những kẻ không đáng tin tưởng, đã không mệt mỏi tìm kiếm sự thật.”

Họ là “nạn nhân mà tiếng kêu thấu tới trời cao. Tôi muốn một lần nữa công khai cảm ơn tất cả họ vì sự can đảm và kiên trì”.

Sau tuyên bố của Tòa Thánh về lá thư này, và về việc Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna và Đức Ông Jordi Bertomeu sẽ trở lại Chí Lợi như một phần trong nhiệm vụ vẫn còn đang tiếp diễn của các ngài để gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng bởi linh mục Fernando Karadima, Đức Cha Juan Ignacio Gonzalez Errazuriz của San Bernardo, chủ tịch ủy ban phòng chống lạm dụng của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi, và Đức Cha Fernando Ramos Perez là Giám Mục Phụ Tá của Santiago, tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi, đã tổ chức một cuộc họp báo tại Santiago để công bố lá thư dài tám trang này.

Trong lá thư, Đức Thánh Cha nói đây là “thời gian lắng nghe và phân định” để Giáo Hội có thể tìm ra gốc rễ của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Chí Lợi và tìm các giải pháp cụ thể giải quyết tận căn chứ không phải “chỉ đơn thuần là các chiến lược ngăn chặn”.

Ngài cũng thừa nhận những thiếu sót của Giáo hội khi không lắng nghe những nạn nhân bị ngược đãi.

“Ở đây, tôi tin là một sai lầm chủ yếu và là một thiếu sót của chúng ta: đó là không biết cách lắng nghe các nạn nhân. Vì vậy, một số kết luận phiến diện đã được hình thành trong đó thiếu những yếu tố quan trọng cho một sự phân định lành mạnh và rõ ràng. Tôi phải nói với sự xấu hổ rằng chúng ta không biết cách lắng nghe và phản ứng kịp thời,” Đức Giáo Hoàng viết.

Đức Thánh Cha đã gửi Đức Tổng Giám Mục Scicluna và Đức Ông Bertomeu đến Chí Lợi để lắng nghe những người cáo buộc Đức Cha Juan Barros của Osorno đã từng chứng kiến sự lạm dụng của cha Fernando Karadima, là thầy mình, mà không báo cáo.

Đức Thánh Cha nói rằng chuyến viếng thăm của các vị đã được thực hiện sau khi “xác minh sự tồn tại của các tình huống mà chúng ta không biết cách nhìn và lắng nghe.”

“Là một Giáo Hội, chúng ta không thể tiếp tục tiến bước trong khi phớt lờ nỗi đau của các anh chị em của chúng ta,” ngài nhấn mạnh.

Đức Thánh Cha viết tiếp rằng Giáo Hội phải nói “không bao giờ lại xảy ra một lần nữa” với một nền văn hóa không chỉ cho phép các hành vi lạm dụng tình dục xảy ra mà còn xem “thái độ phê phán và chất vấn mình như một sự phản bội.”

“Văn hóa lạm dụng và che đậy không tương thích với logic của Tin Mừng theo đó ơn cứu rỗi do Chúa Kitô ban cho chúng ta luôn luôn là một ân sủng, một món quà mang lại tự do cho những ai tự do đón nhận”.

Liên quan đến lòng đạo đức bình dân được thể hiện nơi nhiều cộng đồng ở Chí Lợi, mà Đức Thánh Cha gọi là “kho báu vô giá và trường học đích thực của trái tim dân Chúa,” ngài nói rằng theo kinh nghiệm của mình, các biểu hiện của lòng sùng mộ bình dân là “một trong vài lãnh vực mà dân Chúa” không bị khống chế bởi ảnh hưởng của một chủ nghĩa giáo sĩ trị cố gắng kiểm soát và hạn chế người giáo dân.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha viết rằng:

“Như Đức Kitô, Đấng đã không che giấu vết thương sau khi sống lại mà còn chỉ cho các môn đệ mình thấy những vết thương này, Giáo Hội cũng phải sẵn sàng cho thấy các vết thương của mình để có thể hiểu và xúc động trước những vết thương của thế giới hôm nay”.

“Một Giáo Hội với những thương tích không tự đặt mình ở vị trí trung tâm, Giáo Hội ấy không nghĩ mình hoàn hảo, không che đậy và giấu đi cái ác của mình, nhưng thay vào đó đặt những vết thương ấy trước mắt Đấng duy nhất có thể chữa lành các vết thương và Đấng ấy có tên là Chúa Giêsu Kitô”
Source: Catholic Herald Pope Francis ‘ashamed’ of culture of abuse and cover-up in Chilean Church
 
Những người bịt mặt tấn công Đại Học dòng Tên ở Nicaragua.
Giuse Thẩm Nguyễn
13:43 01/06/2018
Từ khi bùng nổ cuộc phản đối chính quyền Sandinista ở Nicaragua bắt đầu vào tháng Tư, Đại học Dòng Tên ở Trung Mỹ (U.C.A) đã trở thành trung tâm hoạt động sinh viên và kết quả là trở thành mục tiêu của bạo lực. Vào hôm Chúa Nhật, Cha Jose Alberto Idiaquez, dòng Tên, hiệu trưởng của trường đai học U.C.A, đã lên án cuộc tấn công mới đây vào đại học của ngài là do những kẻ tấn công được chính quyền bảo trợ.

Trong một công bố gởi cho nhân dân Nicaragua, cha Idiaquez đã tuyên bố rằng khu Đại Học U.C.A tại thủ đô Managua ở Nicaragua đã bị tấn công vào ngày 27 tháng Năm lúc 12:45 sáng bởi một nhóm người bịt mặt trên những chiếc xe tải. Bọn tấn công đã bắn pháo cối vào hai người gác trường.

Cha Idiaquez nói rằng “Dù rằng họ không cố ý làm bị thương hay giết người canh gác, đây là ý định của họ vì căn cứ vào số thuốc súng và cận cảnh của cuộc tấn công.”

Cha Idiaquez mô tả cuộc tấn công vào đại học U.C.A là “hèn nhát” và rằng những kẻ tấn công được trang bị với sự bảo đảm không bị xử phạt bởi chính quyền hiện tại.

Ngài nói rằng “Đại học U.C.A. trung thành với nguyên tắc Kitô giáo, sẽ tiếp tục thúc đẩy những gì nó đã thúc đẩy nhân dân của chúng ta: Công lý cho hàng chục vụ giết người [bởi nhà nước] và một nền dân chủ bảo đảm cho tất cả người dân của đất nước chúng ta nền hòa bình thực sự và phát triển.”

Sự giận dữ và bất ổn ở Nicaragua đã bắt đầu vào trung tuần tháng Tư sau khi chính quyền tuyên bố cắt bỏ hệ thống an ninh xã hội quốc gia. Mặc dầu những thay đổi đề xuất ấy đã nhanh chóng được bãi bỏ, những chống đối vẫn tiếp tục, động lực một phần do việc chính quyền thẳng tay đàn áp họ. Ủy Ban Nhân Quyền Liên Mỹ đã bày tỏ những quan ngại về nhân quyền và đã tố cáo chính quyền Sandinistas kích động những người ủng hộ chính quyền có những hành vi bạo lực chống lại những người chống đối. Ít nhất đã có 76 người đã bị giết và hơn 900 người đã bị thương ở Nicaragua từ khi cuộc bất ổn bắt đầu.

Trong số những người chết là Alvora Manuel Conrado Davila, 15 tuổi, một học sinh trung học dòng Tên. Em đã bị chết vào ngày 20 tháng Tư sau khi bị bắn vào cổ với một viên đạn bằng cao su ở khoảng cách gần bởi cảnh sát.

Cuộc giận dữ đã lan rộng nhắm thẳng vào chính quyền của nhóm du kích Sandinista trước đây với thủ lãnh là Daniel Ortega. Các nhà phê bình đã tố cáo chính quyền Ortega gian lận bầu cử, tham nhũng và phá hoại tính độc lập của hệ thống tư pháp và hành pháp.

Giáo Hội Công Giáo đã cố gắng là trung gian cuộc khủng hoảng này bằng cách mang các đại diện của nhóm học sinh chống đối và chính quyền lại với nhau. Tuy nhiên vào ngày 23 tháng Năm, ĐHY Leopoldo Brenes đã tuyên bố đình chỉ cuộc đàm phán được giáo hối bảo trợ với lý do không có tiến bộ nào.


Source: Catholic Herald Masked men attack Jesuit University in Nacaragua
 
Thăm dò mới nhất của Pew về tâm thức Kitô hữu tại Tây Âu, kỳ 3
Vũ Văn An
18:10 01/06/2018
Căn tính Kitô giáo và việc nhập cư Hồi Giáo có liên quan không? Cuộc tranh luận rộng lớn hơn ở châu Âu

Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew về Tây Âu được tiến hành vào mùa xuân và mùa hè năm 2017, sau hai năm cao nhất các đơn xin tạm trú được ghi nhận. Một số học giả và nhà bình luận đã khẳng định rằng làn sóng người tị nạn, bao gồm nhiều người từ các quốc gia đa số theo Hồi giáo, đang thúc đẩy một sự hồi sinh của căn tính Kitô giáo. Rogers Brubaker, một giáo sư xã hội học ở UCLA (Đại Học California ở Los Angeles), gọi đây là một Kitô giáo phản ứng (reactive), trong đó người châu Âu có tinh thần thế tục cao đang nhìn vào những người mới nhập cư mà nói đại khái rằng: “Nếu 'họ' là người Hồi giáo, thì theo một nghĩa nào đó 'chúng ta' phải là người Kitô giáo.”

Cuộc thăm dò - một loại hình ảnh chụp nhanh đúng lúc - không thể chứng minh rằng căn tính Kitô giáo hiện đang lớn lên ở Tây Âu sau nhiều thập niên bị thế tục hóa. Cũng không thể chứng minh (hoặc bác bỏ) lời quả quyết rằng nếu căn tính Kitô giáo đang lớn lên, thì lý do chính là việc nhập cư của những người không phải Kitô hữu.

Nhưng cuộc thăm dò có thể giúp trả lời câu hỏi: đâu là bản chất của căn tính Kitô giáo ở Tây Âu ngày nay, nhất là ở nơi phần lớn dân số tự nhận mình là Kitô hữu nhưng không thường xuyên đi nhà thờ? Như đã được giải thích chi tiết hơn suốt trong tường trình này, các phát hiện gợi ý điều này: câu trả lời một phần là vấn đề niềm tin tôn giáo, một phần là thái độ đối với vai trò của tôn giáo trong xã hội và một phần là quan điểm về căn tính quốc gia, người nhập cư và các nhóm tôn giáo thiểu số.

Sự hội tụ của các nhân tố này có thể không gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát gần gũi với nền chính trị châu Âu. Olivier Roy, một nhà khoa học chính trị người Pháp nghiên cứu cả Hồi giáo lẫn vấn đề thế tục hóa, viết rằng, “Nếu căn tính Kitô giáo của châu Âu đã trở thành một vấn đề, thì chính vì Kitô giáo như một đức tin và các thực hành đã phai nhạt dần nhường chỗ một dấu mốc văn hóa càng ngày càng trở thành dấu mốc tân sắc tộc (châu Âu ‘đích thực’ chọi lại 'di dân')”.

Một số nhà bình luận đã bày tỏ nhiều nghi ngại mạnh mẽ đối với việc quảng bá căn tính "văn hóa" Kitô giáo ở châu Âu, coi nó phần lớn bị lèo lái bởi sợ hãi và hiểu lầm. Trong “bối cảnh hiện tại của mức độ sợ hãi và thù địch cao đối với người Hồi giáo”, Tariq Modood, giáo sư xã hội học, chính trị và chính sách công tại Đại học Bristol ở Anh, cho biết các nỗ lực phát triển Kitô giáo văn hóa như một “ý thức hệ chống Hồi giáo” vừa là một thách thức đối với tính đa nguyên và bình đẳng, vừa là "một nguy cơ đối với nền dân chủ".

Những người khác coi tiềm năng hồi sinh của Kitô giáo ở Tây Âu như một thành lũy chống chủ nghĩa cực đoan. Trong khi tự gọi mình là "một người vô thần hết thuốc chữa", nhà sử học người Anh Niall Ferguson nói, trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, rằng "Kitô giáo có tổ chức, cả về phương diện tuân giữ lẫn về phương diện đức tin, đã xuống dốc thê thảm ở châu Âu vào các thập niên 1970, 1980," để lại các xã hội châu Âu không có "đề kháng tôn giáo" đối với các ý tưởng cực đoan. Ferguson nói rằng "Trong một xã hội thế tục, nơi không ai tin vào bất cứ điều gì nhiều lắm ngoại trừ việc mua sắm tiếp theo, quả thực khá dễ tuyển được người cho các chủ trương cực đoan, độc thần".

Nhưng không phải ai cũng đồng ý về tác động của di dân. Tác giả và giảng viên người Anh Ronan McCrea cho rằng di dân Hồi giáo đang làm cho châu Âu trở nên thế tục hơn, chứ không kém. Ông viết "Trước đây, nhiều người tuy không đặc biệt tôn giáo đã bằng lòng tự mô tả mình là Kitô hữu trên các cơ sở văn hóa. Nhưng khi tôn giáo và căn tính quốc gia bắt đầu dần dần tách biệt nhau, thì căn tính tôn giáo trở thành một vấn đề về ý thức hệ và niềm tin hơn là về thành viên của một cộng đồng quốc gia. Điều này đã khuyến khích những người không phải là tín hữu thực sự ra khỏi căn tính Kitô giáo chiểu danh (nominal) để bước sang một căn tính rõ ràng phi tôn giáo hơn”.

Ở Tây Âu, tôn giáo được liên kết chặt chẽ với tình cảm duy quốc gia

Trình độ duy quốc gia nói chung thay đổi rất nhiều tại Tây Âu (3). Thí dụ, có những khối đa số ở một số nước (như Ý và Bồ Đào Nha) và ít hơn một nửa ở các nước khác (như Thụy Điển và Đan Mạch) nói rằng điều quan trọng là phải có các tổ tiên phát xuất từ đất nước họ mới thực sự chia sẻ được căn tính quốc gia (ví dụ, phải có tổ tiên người Đan Mạch mới thực sự là người Đan Mạch).

Bên trong các quốc gia, các Kitô hữu không thực hành đạo ít có xác suất hơn các Kitô hữu đi nhà thờ trong việc nói rằng tổ tiên là chìa khóa đối với căn tính quốc gia. Và những người không thống thuộc tôn giáo thì ít có xác suất bằng các Kitô hữu cả thực hành lẫn không thực hành đạo trong việc nói điều này.

Thí dụ, ở Pháp, gần ba phần tư số Kitô hữu đi nhà thờ (72%) nói rằng điều quan trọng là phải có tổ tiên người Pháp mới “thực sự là người Pháp”. Trong số các Kitô hữu không thực hành đạo, 52% có chủ trương này, nhưng vẫn còn cao hơn 43% người Pháp trưởng thành không thống thuộc tôn giáo vốn nói rằng có bối cảnh gia đình Pháp là điều quan trọng để thực sự là người Pháp.



Cả các Kitô hữu không thực hành lẫn thực hành đạo đều có xác suất hơn người “nones” trong việc đồng ý với lời tuyên bố: “Nhân dân của chúng tôi không hoàn hảo, nhưng văn hóa của chúng tôi vượt trội hơn những nền văn hóa khác.” Và cuộc phân tích thống kê bổ sung cho thấy điều này đúng cả sau khi đã kiểm soát tuổi tác, giới tính, giáo dục, tư tưởng chính trị và các yếu tố khác.



Nói cách khác, các Kitô hữu nói chung ở Tây Âu có khuynh hướng thể hiện mức độ cao hơn về tình cảm quốc gia. Khuôn mẫu tổng thể này không bị thúc đẩy bởi các cảm quan duy quốc gia nơi các Kitô hữu có lòng đạo cao mà thôi hay nơi các Kitô hữu không thực hành đạo mà thôi. Đúng hơn, ở tất cả các cấp độ tuân giữ tôn giáo, những quan điểm này phổ biến hơn là nơi các Kitô hữu không thống thuộc tôn giáo ở châu Âu.

Nói chung, cuộc thăm dò đã hỏi hơn 20 câu hỏi về các yếu tố có thể có của chủ nghĩa duy quốc gia, các cảm quan tự tôn về văn hóa, các thái độ đối với người Do Thái giáo và người Hồi giáo, các quan điểm về người nhập cư từ các vùng khác nhau trên thế giới và mức độ nhập cư tổng thể. Nhiều quan điểm trong số này có tương quan cao với nhau. (Thí dụ, những người bày tỏ các thái độ tiêu cực đối với người Hồi giáo và người Do thái giáo cũng có nhiều xác suất thể hiện thái độ tiêu cực đối với người nhập cư, và ngược lại). Kết quả là, các nhà nghiên cứu có thể kết hợp 22 câu hỏi riêng lẻ thành một thước đo đo sự thịnh hành của tình cảm chống nhập cư và chống thiểu số ở mỗi quốc gia và tiến hành cuộc phân tích thống kê bổ sung các nhân tố liên quan đến các tình cảm này ở Tây Âu ngày nay. Để biết các chi tiết của cuộc phân tích này, xin xem Chương 1.

Hôn nhân đồng tính, phá thai được các Kitô hữu không thực hành đạo chấp nhận rộng rãi

Đại đa số các Kitô hữu không thực hành đạo và những người lớn không thống thuộc tôn giáo khắp Tây Âu ủng hộ việc phá thai hợp pháp và hôn nhân đồng tính. Ở một số nước, không có nhiều khác biệt về những vấn đề này giữa thái độ của các Kitô hữu hiếm khi đi nhà thờ và những người lớn không thống thuộc bất cứ tôn giáo nào.

Mặt khác, ở mọi nước được thăm dò, các Kitô hữu đi nhà thờ bảo thủ cách đáng kể hơn cả các Kitô hữu không thực hành đạo và những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo về các vấn đề phá thai và hôn nhân đồng tính.

Giáo dục gây ảnh hưởng mạnh trên các thái độ đối với cả hai vấn đề: Những người trả lời có giáo dục đại học thường có xác suất cao hơn những người ít học vấn hơn trong việc ủng hộ phá thai hợp pháp và hôn nhân đồng tính. Nói chung, phụ nữ có nhiều xác suất hơn nam giới trong việc ủng hộ hôn nhân đồng tính hợp pháp, nhưng thái độ của họ phần lớn tương tự về việc phá thai.



Tóm lại: Các Kitô hữu không thực hành đạo giống những người ‘nones’ về những vấn đề gì? Và ho tương tự các Kitô hữu đi nhà thờ về các biện pháp nào?

Trong khi các quan điểm tôn giáo, chính trị và văn hóa của các Kitô hữu không thực hành ở Tây Âu thường khác biệt với những quan điểm của các Kitô hữu đi nhà thờ và những người không thống thuộc tôn giáo (“nones”), về một số vấn đề, các Kitô hữu không thực hành đạo giống các Kitô hữu đi nhà thờ, nhưng trong một số vấn đề khác, họ phần lớn đứng chung hàng với những người "nones".

Các niềm tin và thái độ tôn giáo đối với các định chế tôn giáo là hai lĩnh vực tương đồng rộng rãi giữa các Kitô hữu không thực hành và các Kitô hữu thực hành đạo. Hầu hết các Kitô hữu không thực hành đạo nói rằng họ tin vào Thiên Chúa hoặc một quyền năng cao hơn, và nhiều người nghĩ rằng các giáo hội và các tổ chức tôn giáo khác đóng góp tích cực cho xã hội. Trong những khía cạnh này, quan điểm của họ tương tự như quan điểm của các Kitô hữu đi nhà thờ.

Mặt khác, phá thai, hôn nhân đồng tính và vai trò của tôn giáo trong chính phủ là ba lĩnh vực mà thái độ của các Kitô hữu không thực hành khá giống với những người không thống thuộc tôn giáo (“nones”). Nhiều nhóm rõ ràng đa số trong cả các Kitô hữu không thực hành lẫn những người “nones” nói; họ nghĩ rằng phá thai nên được hợp pháp trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp và những người đồng tính nam và đồng tính nữ nên được phép kết hôn hợp pháp. Ngoài ra, hầu hết các Kitô hữu không thực hành, cùng với đại đa số người “nones", nói tôn giáo nên đứng ngoài các chính sách của chính phủ.

Khi được hỏi liệu điều quan trọng có phải là được sinh ra ở đất nước của họ, hoặc có bối cảnh gia đình ở đó, để thực sự chia sẻ căn tính quốc gia (như, phải có tổ tiên Tây Ban Nha, mới thực sự là người Tây Ban Nha), các Kitô hữu không thực hành thường ở đâu đó giữa những người không thống thuộc tôn giáo và các Kitô hữu đi nhà thờ, những người có khuynh hướng liên kết nơi sinh và tổ tiên với căn tính quốc gia.

Nhiều người trong cả ba nhóm bác bỏ những câu phát biểu tiêu cực về người nhập cư và các nhóm thiểu số tôn giáo. Nhưng các Kitô hữu không thực hành và các Kitô hữu đi nhà thờ, nói chung, thường có nhiều xác suất hơn những người “nones” trong việc ủng hộ mức nhập cư thấp hơn, phát biểu các quan điểm tiêu cực đối với người nhập cư từ Trung Đông và châu Phi hậu Sahara, và đồng ý với những phát biểu tiêu cực về người Hồi giáo và Người Do Thái giáo như, "Trong lòng họ, người Hồi giáo muốn áp đặt luật tôn giáo của họ lên mọi người khác" hoặc "người Do thái giáo luôn theo đuổi lợi ích riêng của họ chứ không phải lợi ích của đất nước họ sống." (Muốn có sự phân tích sâu hơn về những vấn đề này, xin xem Chương 1.)

Nhìn chung, cuộc thăm dò cho thấy một liên kết mạnh mẽ giữa căn tính Kitô giáo và các thái độ duy quốc gia (nationalist), cũng như các quan điểm về các nhóm thiểu số tôn giáo và vấn đề nhập cư, và một liên kết yếu hơn giữa cam kết tôn giáo và các quan điểm này. Phát hiện này có giá trị bất kể cam kết tôn giáo nơi các Kitô hữu được đo lường bằng việc tham dự vào nhà thờ mà thôi hay sử dụng một thang điểm (scale) biết kết hợp việc tham dự này với ba yếu tố khác: niềm tin vào Thiên Chúa, việc năng cầu nguyện và sự quan trọng của tôn giáo trong đời sống một người (đọc Chương 3 để xem cuộc phân tích chi tiết về thang đo cam kết tôn giáo.)

Kỳ sau: Việc giữ đạo và các thái độ đối với các nhóm thiểu số nơi người Công Giáo và Thệ Phản ở Tây Âu
 
Ngày Lễ Corpus Christi trên thế giới
Đặng Tự Do
18:35 01/06/2018
Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới đã cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay còn được gọi là Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 31 tháng Năm vừa qua. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Tại nhiều nước Âu Châu, các tín hữu tham gia trong đoàn rước trong những trang phục truyền thống rất đẹp khi họ rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, theo nhu cầu của từng địa phương lễ Corpus Christi có thể được mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.

Tại Köln, thánh lễ Corpus Christi đã được Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln cử hành tại Kölner Dom, tức là Nhà thờ Chánh Tòa Köln của tổng giáo phận.

Xét về mặt dân số Công Giáo tổng giáo phận Köln là giáo phận lớn nhất Châu Âu với số người Công Giáo lên đến hơn 2 triệu người.

Thánh lễ đã được diễn ra trước tiền đình nhà thờ vì ngôi nhà thờ lớn này không đủ sức chứa hàng chục ngàn những người tham dự. Cùng đồng tế với ngài còn có 5 Giám Mục trong đó có 3 Giám Mục Phụ Tá và hai Giám Mục đã về hưu.

Sau thánh lễ, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki kính cẩn cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các đường phố cùng với các Giám Mục, linh mục và đông đảo anh chị em giáo dân trong một đoàn rước đầy mầu sắc.

Martin Luther là một người quyết liệt chống lễ Mình Máu Thánh Chúa. Ông ta chống lại mọi chuyện rước sách. Đặc biệt, việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố bị ông ta cho là một việc phạm thánh trầm trọng. Từ đó, người Tin Lành chống đối rất mạnh ngày lễ Corpus Christi. Năm 1548, Anh Giáo ngả theo Tin Lành và cấm chỉ việc cử hành ngày lễ này. Tuy nhiên, sau đó họ đã dần dần tái lập ngày lễ này.

Bàn về việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài giảng của ngài hôm 4 tháng 6 năm 2015 rằng:

“Hôm nay, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta không chỉ có niềm vui cử hành mầu nhiệm này, nhưng còn có dịp ca ngợi Ngài và ca hát trên các đường phố của thành phố chúng ta. Xin cho cuộc rước chúng ta sẽ thực hiện vào cuối thánh lễ này thể hiện lòng biết ơn của chúng ta đối với tất cả các hành trình Chúa đã cho chúng ta thực hiện ngang qua các sa mạc của nghèo đói, để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ, qua việc nuôi dưỡng chúng ta với tình yêu của Ngài qua Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa.

Chút nữa đây, chúng ta sẽ đi bộ dọc theo những con đường, chúng ta cảm nhận được chính mình trong sự hiệp thông với nhiều anh chị em không có quyền tự do bày tỏ đức tin của họ nơi Chúa Giêsu. Chúng ta hãy kết hiệp với họ, chúng ta hãy hát với họ, khen ngợi với họ, yêu mến với họ. Và chúng ta tôn vinh trong tâm hồn chúng ta những anh chị em đã phải hy sinh mạng sống mình vì sự trung tín với Chúa Kitô. Xin cho máu các vị khi kết hợp với máu Chúa sẽ là một bảo chứng cho hòa bình và hòa giải cho toàn thế giới.”

Ngày nay, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại Áo, Brazil, Bolivia, Bosnia và Herzegovina, Colombia, Croatia, Cộng hòa Dominican, Haiti, Đông Timor, Liechtenstein, Monaco, Panama, Peru, Ba Lan, San Marino, Thụy Sĩ, Grenada, Saint Lucia, Trinidad và Tobago và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một trong 5 lễ trọng trong năm mà một giám mục giáo phận không được rời khỏi giáo phận của mình, ngoại trừ những lý do khẩn cấp.

Corpus Christi là một ngày lễ nghỉ tại sáu bang của Đức, trong đó có bang Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, nơi hầu hết các thành phố và thị trấn vẫn tổ chức các cuộc rước kiệu truyền thống. Các ông cưỡi ngựa giơ cao thánh giá trong khi các cô gái trẻ, ăn mặc như các cô phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng.

Thành phố Appenzell của Thụy Sĩ là một trong những nơi thu hút khách du lịch rất mạnh trong dịp lễ Corpus Christi. Trong đoàn rước rất dài, đầy mầu sắc, qua các phố xá người ta thấy các thiếu nữ cũng như các bà mẹ Công Giáo mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ long trọng rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố.

Người Ba Lan gọi lễ Corpus Christi là Święto Bożego Ciała. Đó là một dịp lễ tưng bừng tại tất cả các thành phố, thị trấn và làng mạc. Sau thánh lễ tại nhà thờ, các đoàn rước tiến qua các đường phố với các thiếu nhi rước tượng Đức Mẹ đi đầu, tiếp theo là các linh mục kính cẩn cung nghinh Mặt Nhật theo sau, cùng với đông đảo anh chị em giáo dân, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể suốt cả ngày đến chiều tối.

Lịch sử ngày lễ Corpus Christi

Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.

Vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về động lực thúc đẩy lời thỉnh cầu này. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo Hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài.

Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này:

Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;

Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;

Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.

Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh).

Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo Hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo Hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.

Tập quán trên đã được tuân giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi có thể được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi theo nhu cầu của địa phương. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu 2018
Toma Trương Văn Ân
08:42 01/06/2018
Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu 2018

Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu kỷ niệm 133 năm Đức Mẹ hiện ra ( 1885 – 2018), với chủ đề : Đức Maria, Nữ Vương Các Gia Đình.

Thánh lễ khai mạc Đại Hội lúc 17 giờ ngày 30 / 5 / 2018 , do Cha Bonaventura Mai Thái – Tổng Đại diện Giáo phận Đà Nẵng chủ sự tại Lễ đài chính Trung tâm hành hương Trà Kiệu . Cùng đồng tế có Cha Phao-lô Maria Trần Quốc Việt - Đại Diện Giám mục – Quản xứ và Hạt Trưởng hạt Tam Kỳ , Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng – Quản xứ và Hạt Trưởng hạt Trà Kiệu – Giám đốc Trung tâm hành hương Thánh mẫu Trà Kiệu , và các Cha đến hành hương.

Xem Hình

Ngay trước Thánh lễ , các em thiếu nhi Giáo xứ Trà Kiệu dâng muôn màu hoa sắc áo, cùng với Cộng đoàn hành hương dâng Mẹ tất cả tâm tình yêu mến tri ân , dâng Mẹ cả lo âu ước muốn , cả tương lai của gia đình mỗi người , vào bàn tay từ ái của Đức Mẹ, và mỗi người cố gắng là những đóa hoa trong vườn hoa gia đình , đem hương thơm và nét đẹp tình yêu đến mỗi thành viên trong gia đình , làm cho gia đình hạnh phúc.

Thánh lễ khai mạc có sự hiện diện của các Đoàn hành hương đến từ các Giáo phận trong cả Nước và rất nhiều Tín hữu trong Giáo xứ Trà Kiệu.

Trong bài chia sẻ , Qua mẫu gương Đức Maria đi thăm viếng Chị họ là Bà Elisabet, Cha Tổng Đại diện nhấn mạnh đến các điều cần thiết để có gia đình hạnh phúc , mỗi người cần có đức tính : biết ơn , ghi ơn , tạ ơn , biết trao ban tình yêu, nhất là Tình yêu của Thiên Chúa cho các thành viên trong gia đình; Đức tính khiêm nhường…. sẻ chia , nâng đỡ, trao ban cả tấm lòng làm phát sinh hiệu quả tình yêu nơi mỗi thành viên trong gia đình.

Sau Thánh lễ , lúc 17 giờ 30 , Cha Phao-lô Maria Trần Quốc Việt chủ sự đoàn rước Kiệu Mình Thánh Chúa dọc theo con đường 14 Chăng Thánh Giá Chúa xung quanh chân đồi Trung tâm hành hương . sau đó Mình Thánh Chúa được đặt trên Nhà thờ đỉnh đồi để Khách hành hương thờ kính.

Hôm sau , 31 / 5 / 2018 .

Sau Thánh lễ sáng, Các Giáo Hạt luân phiên chầu Mình Thánh Chúa đến 12giờ 30. Khắp các nơi trong sân Trung tâm hành hương , trong khu vưc nhà thờ Giáo xứ , Hối nhân được nhận lãnh nhận ơn Bí Tích Hòa Giải.

Cùng trong thời gian buổi sáng này , từ 9 đến 11 giờ , tại hội trường ( tầng hầm của nhà thờ), Cha Phao-lô Nguyễn Hữu Trường Sơn- Đặc trách mục vụ gia đình đã gặp gỡ các gia đình trẻ , Cha đã mời gọi Tham dự viên quan tâm tới gia đình của Mình “ hơi ấm gia đình và sự cần thiết phải sưởi ấm gia đình “ và đó cũng là đề tài Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế ( Dòng Đa Minh) ( Sr Hồng Quế) đã thuyết trình chuyên sâu và chia sẻ với gia đình trẻ đến hành hương các chuyên đề về gia đình trẻ.

Sr Hồng Quế trao cho Người tham dự những kiến thức , tâm tình và nhiệt huyết về ” kỹ năng thắp lửa và giữ lửa gia đình” , kỷ năng đó cần có : 1. Đời sống cầu nguyện kết nối với Thiên Chúa và Mẹ Maria, mời Chúa và Đức Mẹ đến trong gia đình, sự tinh tế của Đức Mẹ khi biết gia đình vơi đi rượu về tương quan vợ chồng , về giáo dục con cái , về sự hiểu lầm , vơi đi rượu tình yêu …. Qua lời chuyển cầu của Mẹ , Thiên Chúa làm cho gia đình dư tràn rượu hạnh phúc ; 2. Lời thề hôn nhân trong ngày lãnh nhận Bí tích Hôn phối, hãy sống lời thề đó mỗi ngày ; 3. đối thoại quan tâm đến nhau, nghĩ tốt về nhau , nói tốt về nhau và làm tốt cho nhau ; 4. bài ca đức mến ( 1 Cr 13, 4-7 ) “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Sau giờ thuyết giảng của Sr Hồng Quế , Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đã huấn giáo các gia đình trẻ về sự cao đẹp của vợ chồng ( xương bởi xương tôi , thịt bởi thịt tôi) , cần có sự đồng cảm, gia đình là vườn ươm hạnh phúc , vườn ươm sự thánh thiện, vẻ đẹp của thân xác , của tâm hồn làm nên dấu ấn cuộc đời, nên giá trị cao đẹp nhất dành cho nhau. Hạnh phúc trong nhẫn nại , trong sẻ chia , trong yêu thương , trong nâng đỡ phục vụ …

Buổi chiều , 14 giờ khai mạc Dâng hoa tôn vinh Mẹ tại sân nhà thờ Giáo xứ Trà Kiệu.

Sau lời khai mạc buổi cung nghinh Tôn Vinh Mẹ của Đức Cha Giuse – Giám mục giáo phận. Đội trống của Giáo xứ Phú Thượng vang dội những tiếng trống hùng tráng, mời gọi những tiếng trống lòng mỗi người vang lên âm thanh tình yêu Thiên Chúa , Tình yêu Đức Mẹ , tình yêu vợ chồng và những người thân cận trong gia đình. Khi vừa dứt tiếng trống, Đoàn dâng hoa tung muôn hoa trùng trùng lời ca khen tôn vinh Mẹ. Nữ Vương các gia đình , xin Mẹ hiện diện trong mỗi gia đình , để mổi thành viên gia đình như những bông hoa đầy hương sắc trong vườn hoa gia đình và lan tỏa hương thơm tình yêu cho anh chị em xung quanh.

Sau dâng hoa khai mạc, cộng đoàn kiệu Mẹ về Trung tâm hành hương, mỗi Giáo xứ cử 5 nam và 5 nữ mặc Quốc phục và một lẵng hoa, có cờ và bảng hiệu của Giáo xứ. Trong đoàn kiệu còn có Đoàn dâng hoa , đoàn của Tu sĩ , Linh mục và Đức Giám Mục… mỗi người dâng niềm hân hoan cảm mến và trang nghiêm dâng lời kinh tiếng hát tôn vinh Mẹ.

Mở đầu Thánh lễ bế mạc Đại Hội, Đức Cha Chủ tế mời gọi cộng đoàn phụng vụ cảm nhận tình mến và hy vọng , lời Mẹ vẫn vang vọng “ các con chớ lo, đừng sợ , có Mẹ đây”

Trong bài giảng , Đức Cha nhấn mạnh gia đình vui trong Đức tin , vui trong mến yêu và vui trong phục vụ, phục vụ trong niềm vui của đức tin và mến yêu. Đức Cha sơ lược lại bối cảnh lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu vào tháng 9 . 1885 và bàn tay từ ái của Mẹ đã che chở đoàn con Trà Kiệu cách lạ lùng.

Cuối Thánh lễ , Cha Tổng Đại diện có lời cám ơn Đức Cha , Quý cha , Cha Quản xứ và Cộng Đoàn Giáo xứ Trà Kiệu, Chính Quyền, các đoàn thể: Hùng Tâm Dũng Chí , Thiếu Nhi Thánh Thể , Hướng Đạo ; các Y Bác Sĩ , đội kèn tây của Giáo xứ Trà Kiệu , Ca đoàn Giáo xứ Tam Tòa – Giáo phận Đà Nẵng phụ trách Phụng vụ Thánh nhạc trong Thánh lễ , đoàn dâng hoa giáo xứ Phú Thương , quý Nữ T u Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Phao Lô tại Trà Kiệu….. xin cám ơn tất cả mọi người, xin Đức Mẹ Trà Kiệu chuyển cầu cùng Chúa ban muôn ơn lành cho gia đình Ông bà anh chị.

Tiếp đó, Ca múa hoạt cảnh của Dòng Phao lô Đà Nẵng , thuật lại Đức Mẹ vội vã lên đường thăm Bà Elisabets , Mẹ ra đi , lên đường , gặp gỡ chia sẻ đem Chúa đến cho anh chị em trong yêu thương phục vụ…. và hoạt cảnh : ảnh hưởng tiêu cực và việc lạm dụng các phương tiện truyền thông ( điện thoại , máy tính , phương tiện nghe nhìn.. ) làm cho con người đam mê thực tại ảo , thiếu quan tâm đến nhau , đó là một trong những lý do làm gia đình tổn thương mất hạnh phúc.

Trong dịp này , Đức Cha thông báo cho Cộng đoàn mừng 30 năm Giáo Hội nâng lên hàng Hiển Thánh của 117 Thánh Tử Đạo tại Việt Nam ( 19 / 6 / 1988 – 2018) , về việc Hội đồng Giám mục Việc Nam xin và được Tòa Thánh chấp thuận mở Năm Thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ 19 / 6 / 2018 ( kỷ niệm ngày Phong Thánh) đến 24 / 11 / 2018 ( ngày Giáo Hội mừng Lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam) . Riêng tại Giáo phận Đà Nẵng , Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh vào sáng 19 / 6 / 2018 tại tiền đường nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng , Thánh lễ Kính Á Thánh An-rê Phú Yên 26 / 7 / 2018 tại Đền Thánh An-rê Phú Yên Phước Kiều và Thánh lễ Bế mạc Năm Thánh vào chiều 24 / 11 / 2018 tại Linh địa Trà Kiệu.

Một lần nữa , Đức Cha có lời khích lệ đến : Cha Quản xứ , Cha Phó xứ và các Ban ngành đoàn thể Trà Kiệu đã tổ chức một kỳ Đại hội rất tốt đẹp và thành công; đội vũ của Giáo xứ Phú Thượng ; Đội ca hoạt vũ của Dòng Thánh Phao Lô tại Đà Nẵng; Các gia đình diễn viên của Giáo xứ Chính Tòa; Ca đoàn giáo xứ Tam Tòa và Ban Truyền Thông có nhiều cố gắng hy sinh để truyền tải thông tin trực tuyến , viết bài và hình ảnh trên các trang mạng , giúp cho người tham dự khắp mọi nơi hiệp thông cách dễ dàng.

Trước khi Đức Cha Ban Phép Lành Tòa Thánh cách trọng thể kết thúc Đại Hội , Đức Cha đã làm phép nước Đức Mẹ và ảnh tượng.

Toma Trương Văn Ân

Trong các chiều Thứ Bảy trong Tháng Hoa ( tháng 5) vừa qua , tại nhà thờ Trung tâm hành hương các Giáo xứ trong Giáo hạt Trà Kiệu luân phiên dâng hoa kính Mẹ ( mỗi tuần 2 Giáo xứ)

Đại Hội có sự đóng tâm lực , tài lực và trí lực của rất nhiều Ân nhân ;
 
Chút cảm nhận về ngày lễ Thêm Sức tại giáo họ ba Tơ, Quảng Ngãi
Lm Giuse Trương Đình Hiền
09:40 01/06/2018
THÌ RA HỘI THÁNH CHÍNH LÀ ĐÂY !

Mặc cho ai nói :

- Hội Thánh là Đức Giáo Hoàng với các Vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục… đạo mạo ở Rôma trong một cuộc Đại Hội Công Đồng !

- Hội Thánh là Thánh lễ đại trào mà vị chủ tế là Đức Hồng Y Giáo Chủ, hay Tổng Gám Mục với mũ gậy oai nghi, với dàn đồng tế Giám Mục, linh mục lủ khủ…

- Hội Thánh là cuộc rước kiệu với cả triệu người với triệu ánh nến trên tay ở quảng trường Đức Mẹ Fatima bên Bồ Đào Nha, hay Đức Mẹ Lộ Đức bên Pháp.

- Hội Thánh là những cuộc đại hội giới trẻ thế giới mà cuộc tập họp của các bạn trẻ chung quanh vị Đại Diện Chúa Kitô có khi lên tới mấy triệu người…

Túm lại. Mặc cho ai nói : Hội Thánh là sang trọng vĩ đại, là hoành tráng oai nghi, là đông đảo bạt ngàn, là…cái gì cũng nhất.

Còn tôi, tôi vẫn tin rằng :

Xem Hình

- Hội Thánh là gia đình của anh Quyên và một số gia đình khác bồng bế nhau bỏ quê hương bổn kiểng tận miền Bắc Nam Định, Thái Bình…lên cắm dùi sinh sống nơi đèo heo hút gió miền sơn cước Ba Tơ, vẫn sớm tối kinh nguyện, giữ ngày Chúa Nhật, gáo dục con cái làm người và làm con Chúa đàng hoàng, và thao thức miệt mài xây cho được một ngôi nhà cho Chúa ngự.

- Hội Thánh là ông cha phó lùn tịt, mới chịu chức, không quản dặm dài sương gió, vất vả nhọc mệt, luôn đồng hành và hiện diện với một đám dân di cư thiếu trước hụt sau, miệt mài “cày xới”, miễn là cha con có nơi họp dâng Thánh lễ, kinh nguyện, giáo lý và Thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần!

- Và cụ thể hơn, Hội Thánh là hôm nay, là tại nơi một “cái nhà” mà chính danh chưa được gọi là nhà nguyện hay nhà thờ, được xây dựng với chỉ một bên chái (!), nhưng chật ních bên trong lẫn bên ngoài, chung quanh vị chủ chăn vừa trải qua đoạn đường 180 cây số, có đông đảo mọi thành phần : linh mục có, Thầy Phó tế có, tu sĩ có, giáo dân kinh có, anh em dân tộc có, giáo dân các giáo họ bạn có (Bình Hải, Bình Thạnh, Châu Ỗ, Quảng Ngãi, Vĩnh Phú, Châu Me, Trà Câu, Đức Phổ, Phú Hoà….), người lương có, cán bộ có…, tất cả đã làm nên một Hội Thánh tuyệt vời, đúng nghĩa !

- Và cũng trong “Hội Thánh Ba Tơ” đó, hôm nay có 14 em thiếu nhi được nhận lãnh Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức. Lại là một hình ảnh sống động của ngày lễ Ngũ Tuần, ngày khai sinh Hội Thánh, khi Thiên Chúa Ngôi Ba tuôn xuống dạt dào trên các Tông Đồ để làm nên một Dân tộc Mới, Một Hội Thánh mang danh Kitô.

- Cho dù ca đoàn không vang lên giai điệu ngọt ngào cao vút như ca đoàn Sistina ở đền Thánh Phêrô tại Rôma, cho dù đoàn dâng lễ vật không trang phục lộng lẫy như nhà thờ Phú Cam Huế, cho dù đội trống không đông đảo hoành tráng như các đoàn trống ở Thái Bình…nhưng Thánh Lễ vẫn diễn ra trong toàn vẽ thánh thiện, hiệp nhất, của huyền nhiệm Hội Thánh, Thân Mình của chính Đức Kitô mà mỗi người không có ai cảm thấy là thừa dư đơn lẻ !

Vâng. Ngày 1/6/2018, trên con đường quốc lộ 24 nối liền Thạch Trụ, Mộ Đức lên tới Ba Tơ để xuyên qua đèo Violak lên tận Kontum tây nguyên, nếu có ai chưa bao giờ mường tượng được Hội Thánh Công Giáo là như thế nào, thì chắc hẵn, khi quan chiêm khung cảnh của buổi lễ Thêm Sức của giáo họ Ba Tơ, sẽ sửng sốt kêu lên : Ô kìa Công Giáo !

Riêng, đối với những người cùng có chung một cảm nhận về đức tin, về sự hiệp nhất, về mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội, chắc chắn sau khi tham dự cuộc lễ nầy, sẽ tự nói trong lòng : THÌ RA HỘI THÁNH CHÍNH LÀ ĐÂY !

Giuse Trương Đình Hiền
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học Thuyết Xã Hội Công Giáo Và Cộng Đoàn Tu Trì
Nt. Maria Lê Thị Kim
08:30 01/06/2018
Học Thuyết Xã Hội Công Giáo Và Cộng Đoàn Tu Trì[1]

Nhập đề:

Đời sống thánh hiến là một lối sống của người tu sĩ được “Thiên Chúa yêu thương, tuyển lựa và thánh hiến” (Cl3,12), họ “lội ngược dòng đời” để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, làm chứng tình yêu Ngài cho con người trong thế giới. Do đó, khi nói về bản tính và tầm quan trọng của bậc tu trì, Công đồng Vaticanô II viết: “Dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nhưng đi tìm một thành trì mai sau, nên bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần tục, tỏ lộ một cách hoàn hảo hơn cho người tín hữu thấy Nước Trời ngay dưới trần gian này và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới vĩnh cửu”[2].

Như thế, theo minh định của công đồng, đời sống tu trì mang tính thiêng liêng giải thoát người tu sĩ khỏi những lo lắng trần thế và họ là dấu chỉ của Nước Trời, có khả năng “đánh thức thế giới” [3].

Trong khi đó, với sứ mạng đem Tin Mừng vào thế giới, Giáo Hội đã đưa ra học thuyết xã hội bằng các nguyên tắc và giá trị nền tảng để khuyến khích người Kitô hữu tham gia, dấn thân hoạt động xã hội trần thế qua các lãnh vực như: Kinh tế, chính trị, văn hóa…một cách hữu hiệu.

Như một quy luật tất yếu, trần thế và thiêng liêng, cộng đồng xã hội và cộng đoàn tu trì thuộc hai lãnh vực khác nhau, cho nên khó có thể dung hòa khi áp dụng những nguyên tắc và các giá trị hướng dẫn của đời sống này vào đời sống sống kia. Tuy nhiên, học thuyết về xã hội của Giáo Hội Công Giáo đã được rút ra từ nền tảng luân lý tự nhiên và luân lý Tin Mừng để đưa ra các nền tảng và các giá trị như: nhân phẩm, công bằng, liên đới, bổ trợ, sự thật, tự do, tình yêu...rất phù hợp với từng cá nhân trong mối tương quan với cơ cấu xã hội con người, hay với các cộng đồng xã hội con người trong bất cứ hoàn cảnh hoặc thể chế nào trên thế giới.

Vậy chúng ta có thể áp dụng bốn nguyên tắc và bốn giá trị chính yếu học thuyết xã hội của Giáo Hội vào đời sống cộng đoàn tu trì như thế nào?

Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung, chúng ta thử lược qua một vài hạn từ khái quát liên quan đến chủ đề.

I. Một Vài Khái niệm

1. Học thuyết xã hội Công Giáo

Học thuyết xã hội của Giáo Hội được triển khai nhiều trong thế kỷ XIX khi xuất hiện xã hội công nghiệp với những hậu quả mang tính xã hội của nó: di tản ra khỏi các vùng quê, đời sống cùng khổ của công nhân, khai thác phụ nữ và trẻ em… Lúc đó người ta đã nói đến vấn đề xã hội. Từ đó có cái tên này. Nhưng thực chất học thuyết xã hội của Giáo Hội liên quan đến toàn bộ trật tự trần thế, cho dù mang ý nghĩa rộng rãi của một chủ thuyết, nhưng cốt yếu, nó đề nghị những nguyên tắc tổ chức các xã hội và các quốc gia phù hợp với Phúc Âm.[4] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói thêm :“Về mặt luân lý, Hội Thánh có sứ mạng khác với chính quyền: Hội Thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì chúng qui hướng về Sự Thiện tối thượng, là cứu cánh tối hậu của chúng ta. Hội Thánh cố gắng phổ biến những lập trường đúng đắn đối với của cải trần thế và với các quan hệ kinh tế xã hội”.[5]

2. Đời sống tu trì

Đời sống tu trì là cuộc đời tận hiến do việc khấn giữ các Lời Khuyên Phúc Âm là hình thức sống vững chắc. Nhờ đó, các tín hữu theo Chúa Kitô sát hơn và dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, hoàn toàn dâng mình cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự; để với một danh hiệu mới và đặc biệt tự hiến thân làm vinh danh Thiên Chúa, xây dựng Giáo Hội và cứu rỗi thế giới, ngõ hầu đạt tới mức trọn hảo của đức ái trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội, họ tiên báo ngay bây giờ vinh quang trên trời.[6] Mặc dù cộng đoàn thánh hiến mang chiều kích thánh thiêng, nhưng vẫn là tập thể xã hội bao gồm những con người với muôn vàn khác biệt nhau. Người tu sĩ trong căn tính và sứ vụ căn bản, được mời gọi làm hiển hiện những kỳ công Thiên Chúa thực hiện nơi nhân tính mỏng dòn của mình. Làm chứng không bằng lời nói nhưng bằng chính ngôn ngữ hùng hồn là cuộc sống “đã được biến hình đổi dạng”, có khả năng làm thế giới kinh ngạc[7] bằng tình yêu trao ban vô vị lợi. Bởi đó, cộng đoàn thánh hiến cũng cần phải có cơ chế, nguyên tắc áp dụng để giúp mỗi người phát triển mình cho phù hợp với phẩm giá cũng như ơn gọi tu trì trong xã hội đầy biến động.

3. Lý do áp dụng

Với một vài giải trình khái lược về học thuyết xã hội Công Giáo và đời sống cộng đoàn tu trì như thế, cho dù chưa chuyên sâu cặn kẽ, vẫn có thể giúp chúng ta nhận thấy sự cần thiết của việc áp dụng những nguyên tắc và giá trị của học thuyết xã hội vào đời sống tu trì. Thật vậy, Cộng đoàn đời sống tu trong chiều kích “nhân vị tại thế”, luôn gắn kết với đặc tính xã hội. Do đó, những giá trị luân lý căn bản tự nhiên và mặc khải thật cần thiết để hoàn thành mục đích ơn gọi. Trong khi, những giá trị từ luân lý tự nhiên căn bản của con người cũng như giá trị luân lý mặc khải đã được học thuyết Xã hội Công Giáo đưa ra và áp dụng cho cộng người Kitô hữu như tôn trọng nhân vị, công ích, bổ trợ, liên đới, sự thật, tự do, công bằng và bác ái. Mặt khác, dẫu học thuyết xã hội Công Giáo được viết cho các Kitô hữu nhắm đến tham gia hoạt động xã hội trần thế, nhưng nếu được áp dụng trong cộng đoàn tu, chúng ta nhận thấy vẫn có thể đem lại được nhiều lợi ích cho sứ mạng ơn gọi của người thánh hiến, xét về tương quan cộng đoàn và các thành viên, để thực hiện hữu hiệu sứ mạng của đời tu.

II. Áp dụng các nguyên tắc và giá trị của học thuyết xã hội Công Giáo

Với những lý do trên, chúng ta áp dụng học thuyết Xã hội Công Giáo vào đời sống cộng đoàn tu theo các nguyên tắc và các giá trị chính yếu sau.

1. Áp dụng các nguyên tắc

Các nguyên tắc (Nhân Vị, Công ích, Bổ trợ và Liên đới) của Giáo huấn học thuyết xã hội Công Giáo được rút ra từ ánh sáng của luật tự nhiên và ánh sáng của Tin Mừng cho nên tự nó có giá trị nền tảng mang tính định hướng đối với cơ cấu xã hội và ngay cả cộng đoàn tu trì.[8]

a) Nguyên tắc Nhân Vị

Theo nguyên tắc Nhân Vị thì con người được Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ đã mang một phẩm giá rất cao trọng trong vũ trụ vạn vật, trước mặt Chúa và trước mặt nhau: Con người là “hình ảnh sống động của Thiên Chúa”[9], là con cái của Thiên Chúa là Cha. Toàn bộ đời sống xã hội phải chăng chính là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. Con người phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội. Nguồn gốc của đời sống xã hội là chính con người, xã hội luôn phải nhìn nhận con người là chủ thể tích cực và hữu trách của mình, mọi biểu hiện của xã hội luôn phải quy hướng về con người.[10] Điều này cũng được đề cập tới trong tác phẩm “Một cái nhìn về Giáo Huấn xã hội Công Giáo” đó là: “Con người luôn luôn phải là chủ thể, chứ không bao giờ có thể bị giản lược vào hạng phương tiện hay dụng cụ sản xuất…”[11].

Là một cộng đồng “nhân vị” hiện diện giữa xã hội loài người, cộng đoàn tu cũng cần nhìn nhận, tôn trọng phẩm giá con người đích thực của các thành viên như mặc khải của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo hội trình bày. Chỉ trong xác tín nền tảng đó, mọi cơ cấu, tổ chức, bề trên, hội đồng, những người đặc trách và mỗi một thành viên… mới có thể trân quý nhân phẩm cũng như ơn gọi của các thành viên trong cộng đoàn. Một khi mọi người thánh hiến đều nhận ra phẩm giá cao quý của bản thân trong đời tu, chắc chắn sẽ làm nảy nở phát triển phẩm giá ấy, để nhờ đó họ cũng biết tôn trọng anh chị em.

Như vậy, nguyên tắc tôn trọng phẩm giá và quyền con người đi theo phẩm giá ấy là nguyên tắc quan trọng có thể áp dụng trong mọi quan hệ cộng đoàn cũng như việc điều hành cộng đoàn. Cộng đoàn tu trì áp dụng vào lắng nghe, tôn trọng phẩm giá từng người, xem mỗi người trong cộng đoàn đều là đo Chúa gửi đến, cần được đón nhận như nhau, không thiên lệch, không quá chú trọng người này mà xem thường người khác.

Tránh sự tồn tại một nhóm, một cộng đoàn, hay những công việc tạo nên sự bất bình đẳng, làm giảm đi sự tôn trọng hoặc tệ hại hơn, xúc phạm đến phẩm giá của mỗi thành viên. Việc áp dụng nguyên tắc Nhân Vị vào đời sống tu trì cần được ưu tiên hàng đầu.

Kinh nghiệm lịch sử các Dòng tu và các môi trường sống ơn gọi đã cho thấy có nhiều sự thất bại và đổ vỡ đáng tiếc của nhiều cuộc đời bởi nguyên tắc Nhân Vị nầy chưa được chú trọng và áp dụng đến nơi đến chốn.

Nói cách khác, có một tiêu cực lớn thường vẫn còn tồn tại trong nhiều cộng đoàn tu trì đó là người ta thường chú trọng đến tổ chức, cái đẹp của bề mặt bên ngoài của tập thể, sự ngăn nắp hoàn bị của đơn vị… mà quên đi việc thăng tiến, chăm sóc mỗi thành viên, trân trọng phẩm giá, nhân vị của từng người; nhất là những người kém may mắn, ít ỏi, không có gì nổi trội. Áp dụng nguyên tắc Nhân Vị trong đời tu cũng có nghĩa là không để ai cảm thấy mình bị lạc lõng, bị cô lập, bị coi thường…để phải dẫn đến cái kết cục ơn gọi bị đổ vỡ !

b) Nguyên tắc công ích

Có lẽ lối sống vị kỷ, thực dụng của con người trong xã hội cũng dễ len lỏi vào trong đời sống tu, thế nên tinh thần cộng đoàn luôn là thách đố với người dâng hiến.Trái lại với thái độ tiêu cực đó, Học thuyết xã hội Công Giáo cho rằng: “Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người”[12]. Theo Công đồng Vaticanô II giải thích công ích là “toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể, và các phần tử riêng rẽ của tập thể, có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (GS 26).

Như thế, theo nguyên tắc công ích, thì mỗi một con người đều mang một phẩm giá cao trọng như nhau, cho nên, khi mọi người chung sống với nhau hình thành nên xã hội thì xã hội ấy phải bảo đảm cho mọi người, tập thể hay cá nhân có được những điều kiện đạt tới sự phát triển cách đầy đủ, dễ dàng xứng hợp với nhân phẩm của mình. Các điều kiện ấy chính là công ích. Đó là ích lợi chung, không chỉ đơn giản là tổng số các thiện ích riêng của mỗi người trong xã hội cộng lại. Công ích không thể phân chia nhưng tất cả mọi người đều được thừa hưởng nó với sự đóng góp chính đáng của mọi người.

Do đó, một cộng đoàn mong muốn và có ý định tiếp tục phục vụ con người ở mọi cấp độ là một cộng đoàn phải lấy công ích, tức là lợi ích của hết mọi người và của con người toàn diện làm mục tiêu tiên quyết. Con người không thể sống một mình vì tự bản chất con người là một hữu thể có tương quan, con người luôn phải sống với người khác, vì thế, luôn cần phải biết sống cho, sống vì và sống nhờ người khác. Công ích có liên quan đến mọi thành phần trong xã hội, cũng như cộng đoàn. Công ích được áp dụng qua việc tôn trọng lợi ích cá nhân cũng như lợi ích chung ở trong cộng đoàn.

Với cộng đoàn tu trì, quyền lợi này phải được bề trên và chị em lưu tâm trong đời sống chung. Không ai được miễn trừ cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tùy theo khả năng của mỗi người. Mỗi người cũng có quyền hưởng những điều kiện của đời sống cộng đoàn do việc tìm kiếm công ích mang lại. Vì vậy, theo nguyên tắc công ích, cũng đòi buộc và lên án con người hay xã hội, ngay cả cộng đoàn đời tu, khi chủ trương tìm kiếm ích lợi riêng cho cá nhân hay cho một nhóm đặc quyền, đặc lợi. Hơn hết, khi áp dụng công ích vào đời sống cộng đoàn tu trì phải giúp mỗi thành viên hướng tới mục đích tối hậu của công ích là chính Thiên Chúa, “Thiên Chúa mới là mục đích cuối cùng của tất cả thụ tạo và chẳng bao giờ người ta có thể tước đoạt khỏi công ích chiều kích siêu việt, một chiều kích vừa vượt lên trên, vừa hoàn thành chiều kích lịch sử”[13]. Cộng đoàn sẽ đi vào nề nếp, khuôn khổ, sẽ biết hy sinh để xây dựng cộng đoàn ngày một lớn mạnh nếu được áp dụng nguyên tắc một cách có ý thức cùng với ý thức của mỗi thành viên trong việc thực hiện. Áp dụng triệt để nguyên tắc Công Ích nầy, sẽ tránh tình trạng mỗi người chỉ biết lo vun vén cho bản thân quá, dẫn tới cộng đoàn cũng không thể phát triển; hay chỉ biết lo vun vén cho cộng đoàn mà quên đi các thành viên thì đời sống của mỗi thành viên sẽ không được triển nở.

c) Nguyên tắc bổ trợ

“Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công Giáo, và đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên” [14].

Theo nguyên tắc Bổ Trợ thì mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho có những khả năng, ơn huệ như là những nén bạc không ai giống ai, nhưng không loại trừ nhau mà để chia sẻ, phục vụ lẫn nhau. Chân lý này đã được thánh Phaolô minh định: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, có nhiều việc phục vụ khác nhau, có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì lợi ích chung” (x. 1Cr 12, 4-11). Do đó, trong đời sống cộng đoàn người ta luôn cần đến nhau, sống cho nhau, vì nhau và bổ túc cho nhau. Trên bình diện xã hội, các tổ chức cấp thấp cần được nhìn nhận và bổ trợ từ cấp cao hơn[15]. Đấy chính là nền tảng của nguyên tắc Bổ trợ. Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Giáo huấn Xã hội Công Giáo. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới những cộng đồng, những tổ chức, những hiệp hội trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội dân sự do chính dân chúng tự động tạo ra nhằm cùng nhau thực hiện việc tăng trưởng xã hội cách hiệu quả.

Nguyên tắc này cũng đòi buộc mỗi người biết tương trợ lẫn nhau, phải có gì đó đóng góp cho cộng đoàn. Do vậy, nếu xét về đời sống cộng đoàn tu, nguyên tắc này được áp dụng vào đời sống cộng đoàn bằng cách mỗi thành viên cùng tham gia vào đời sống chung; cùng có trách nhiệm với cộng đồng mà mình là thành viên. Người tu sĩ, nhờ ánh sáng Lời Chúa soi sáng cần phải thấy rằng mình có bổn phận trách nhiệm chung tay, chung sức với mọi thành phần trong cộng đoàn[16]. Nâng đỡ lẫn nhau, giúp nhau thăng tiến, nâng đỡ nhưng không thay thế. Vã lại, nếp áp dụng nguyên tắc Bổ trợ thì cần được thay đổi một số hình thức cơ cấu trung ương tập quyền, cũng như sự can thiệp vô lý và thái quá của người lãnh đạo cộng đoàn, hay hội đồng vào đời sống cá nhân. Thay vào đó, nên có hình thức tản quyền, hay lãnh đạo ủy quyền để thu hút được sự tham gia của mọi người trong tiến trình ra quyết định, kể từ lúc lên kế hoạch, thực hiện cho đến lượng giá công việc phải làm. Lãnh đạo không hề can thiệp vào tiến trình ra quyết định này, trong chừng mực tiến trình được thực hiện tốt và không có vấn đề trầm trọng xảy ra. Trước khi áp dụng nguyên tắc này, cần phải chuẩn bị nhân sự, đào tạo nhân sự có khả năng lãnh đạo, cùng nhau góp phần thực hiện nguyên tắc bổ trợ giúp thăng tiến cộng đoàn và mở ra với mọi người mình gặp gỡ. Khi áp dụng nguyên tắc này cần chú ý đến những thành viên hay dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Nếu Bổ Trợ thái quá họ sẽ thiếu sáng kiến trong cách làm việc. Hoặc có khi sử dụng quyền một cách bừa bãi, gây ảnh hưởng đến đời sống chung.

d) Nguyên tắc liên đới

Giáo huấn của Hội Thánh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn” [17]. Theo nguyên tắc Liên đới đó là “có một quyết tâm vừa chắc chắn vừa kiên định muốn dấn thân cho công ích”[18] . Như thế, liên đới không chỉ dừng lại ở sự công bằng giao hoán, có qua có lại, con người cần nhau thì có trách nhiệm với nhau mà đi xa hơn để đạt tới tình yêu đích thực. Theo Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI: “Liên đới được năng động hóa bởi tình yêu thì vượt qua công bằng, bởi vì yêu thương là trao tặng dâng hiến ‘điều thuộc về tôi’ cho người khác. Liên đới chẳng có thể hiện hữu khi vắng bóng công bằng. Chính công bằng thúc đẩy người ta trả lại cho người khác ‘điều thuộc về họ”[19]. Liên đới là nguyên tắc đòi người tín hữu, cũng như người sống đời dâng hiến phải biết sống có trách nhiệm với tha nhân cách vô vị lợi, ngay cả đó là kẻ thù thì cũng phải yêu thương họ bằng chính tình yêu mà Chúa đã yêu thương mình, sẵn sàng hy sinh cho họ ngay cả thí mạng sống vì anh em mình.

Áp dụng nguyên tắc liên đới qua việc thúc đẩy sự tham gia của các thành phần trong cơ cấu tổ của cộng đoàn, cũng như Hội dòng. Xây dựng tình liên đới qua tương quan với nhau, hổ trợ nhau, trò chuyện, trao đổi để nâng đỡ nhau, giúp nhau cũng thăng tiến trong đời sống tu đức, trí thức cũng như nhân bản. Cùng nhau chung tay xây dựng cộng đoàn mình đang là thành viên ngày một lớn mạnh. Để sống tình liên đới, cần tập sống hy sinh xả kỷ vì người khác. Yêu là chấp nhận hy sinh, chấp nhận mất mạng vì người mình yêu như Đức Kitô. Trong đời sống tu trì, việc liên đới còn được áp dụng trong đời sống phụng vụ, nguyện cầu nơi nguyện đường. Sống mỗi tương quan với tha nhân để lắng nghe, để cảm thông và đặc biệt tình liên đới này được biểu hiện khi ta biết đem những thao thức, trăn trở của tha nhân đến với Chúa. Nếu mỗi thành viên đều nỗ lực tham gia, đóng góp công sức của mình vào cùng mục tiêu chung và vào công ích, thì nhờ đó, tất cả cùng được hưởng lợi và phát triển. Liên đới giúp cho các thành viên và các cộng đoàn cộng tác với nhau, với bề trên, với những người có trách nhiệm…để Hội dòng đạt được mục tiêu chung và cùng nhau thăng tiến.

2. Áp dụng Các giá trị

Việc áp dụng các giá trị như sự thật, tự do, công bằng và yêu thương tạo điều kiện cho con người được phát triển thực sự. Bởi mọi giá trị xã hội đều nằm sẵn trong phẩm giá con người.

a) Giá trị Sự Thật

Mọi người có ba nghĩa vụ đối với sự thật: “Hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm...”[20]. Sống trong sự thật là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội, trong cuộc sống chúng ta. Giúp sống bình an dù có gặp gian nan khốn khó vì “sự thật sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32).

Sự thật ở đây cũng được hiểu “chính là thành thật”[21]. Việc tìm kiếm sự thật liên quan đến thế giới truyền thông và thế giới kinh tế; vấn đề được đặt ra trong giá trị sự thật đó là việc sử dụng “tiền bạc”.

Áp dụng giá trị này vào đời sống tu trì ta thấy: Mỗi người cần phải học biết và thực hành một cách triệt để giá trị này. Vì là chứng nhân của Tin Mừng mà không tạo được sự tin tưởng nơi người khác thì ta không thể nào làm chứng tá được : “chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa…bằng một tình yêu không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ” (2Cr 6,4.7). Lời khấn khó nghèo giúp người tu sĩ thanh thoát với của cái. Không những thành thật về việc sử dụng tiền bạc, nhưng còn trong hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi áp dụng giá trị này vào cộng đoàn tu trì, người tu sĩ cần phải tôn trọng sự thật, làm chứng cho sự thật một cách có trách nhiệm, dù có khi sự thật đó làm cho cộng đoàn, cho cá nhân bị thương tổn, hy sinh. Thiếu tôn trọng sự thật trong đời sống sẽ dẫn đến bất an, mọi người khó tin tưởng, tạo nên sự đề phòng lẫn nhau. Bởi đó, cần áp dụng một cách triệt để, tuy nhiên cũng cần đến sự tế nhị (trong việc đánh giá hay sửa dạy ai về giá trị này). Điều này sẽ làm cho đời sống chung của các thành viên trong cộng đoàn trở nên chân thành, tin tưởng nhau hơn.

b) Giá trị Tự Do

Học Thuyết Xã Hội đã khẳng định: “Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người, cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”[22]. Và như vậy, tự do là dấu chỉ phẩm giá con người. Như thế, theo giáo huấn của Giáo hội về học thuyết xã hội thì tự do cần được cổ võ để cho con người có được phẩm giá xứng đáng. Tuy nhiên, lắm lúc họ cổ võ tự do một cách lệch lạc, như có thể làm bất cứ điều gì mình thích, kể cả điều xấu. Nhưng tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa muốn để cho con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Người, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc.

Áp dụng giá trị tự do vào đời sống cộng đoàn, trước tiên đó là mỗi thành viên phải ý thức và hiểu rõ thể nào là tự do đích thực cũng như tự do là dấu chỉ tuyệt vời của phẩm giá con người. Tự do đích thực được xây dựng trên sự thật và công lý, trong mối tương quan hổ tương giữa người với người và là khả năng chọn điều thiện hảo và có thể lãnh trách nhiệm[23].

Tự do trong đời sống cộng đoàn không phải là “muốn làm gì thì làm”, không cần để ý tới ai, không lưu tâm tới điều gì khác. Nhưng tự do gắn liền với trách nhiệm mà mỗi thành viên cộng đoàn phải thực hiện với Thiên Chúa, với cộng đoàn Hội dòng và ngay cả với chính bản thân. Muốn thực hành đúng đắn “tự do cá nhân”, đòi hỏi phải có những điều kiện đặc thù liên quan tới trật đời sống của cộng đoàn đời tu như quyền riêng tư, phân chia công việc, cơ cấu tổ chức…

Thực thi tự do, con người làm những hành vi tốt về mặt luân lý, có giá trị xây dựng con người và xã hội, nếu con người biết tuân theo sự thật. Người ta nhận ra sự thật liên quan đến điều tốt xấu một cách hết sức cụ thể, dựa vào phán đoán của lương tâm, khiến con người sẵn sàng chịu trách nhiệm về điều tốt và điều xấu đã làm. Tự do cũng đòi hỏi đặc biệt sự giáo dục lương tâm, để mỗi thành viên có thể gắn liền hành động với lương tâm và trách nhiệm.

Ngoài ra, tự do cũng đòi hỏi mở ra sự đối thoại để cùng tiến tới, đồng trách nhiệm giữa người lãnh đạo với các thành viên thực thi sứ mạng của cộng đoàn. Đối thoại phải thực hiện trong khiêm tốn, với thái độ sẵn sàng, tôn trọng, cảm thông với nhau, cùng nhau hướng tới một điều tốt đẹp hơn. Với Lời khấn vâng phục là phương thế giúp người tu sĩ định hướng tự do của mình: Tôi tự do chọn sống đời tu trì, và tôi tự do đón nhận tất cả những sự ràng buộc trong lối sống này, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Cộng đoàn tu trì cần biết khuyến thích, tiến tới giá trị này một cách tích cực, để các thành viên có cơ hội thể hiện khả năng riêng mà Thiên Chúa trao ban, có sáng kiến trong việc xây dựng cộng đoàn cũng như việc phục vụ tha nhân.

c) Giá trị Công Lý (Công Bằng)

Theo học thuyết Công Giáo, Công lý chính là “có ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân”[24]. Một cách nào đó, công bằng, hay công lý được định nghĩa là việc được đối xử một cách bình đẳng như nhau. Còn theo cách hiểu cổ điển, công bằng là việc phân phát cho mỗi cá nhân đúng với quyền lợi của họ. Nền tảng của khái niệm bình đẳng là một nguyên tắc đơn giản của sự công bằng; một trong những cảm thức luân lý đầu tiên được nhận thấy trong sự phát triển Nhân Vị là cảm thức về những gì là “công bằng” và những gì là bất công. Học thuyết giáo huấn của Giáo hội về xã hội cho biết phẩm giá của mỗi người trước mặt Thiên Chúa chính là nền tảng đem lại phẩm giá của con người trước mặt người khác. Và đó cũng là nền tảng tối hậu đưa tới sự bình đẳng và tình huynh đệ căn bản giữa mọi người, bất kể chủng tộc, giới tính, nguồn gốc, văn hoá hay giai cấp.

Do đó, khi áp dụng giá trị công bằng trong đời sống cộng đoàn, thì chỉ khi nào phẩm giá con người được nhìn nhận mới có thể có sự phát triển riêng và chung của mọi người (Gc 2, 1-9). Bởi đó, cộng đoàn cần nhất điều nầy là các vị có trách nhiệm luôn biết đối xử công bằng với từng thành viên, không phân biệt trình độ văn hóa, hay độ tuổi. Công minh trong mọi ứng xử, công việc, khen thưởng... và trong mối tương quan với hết mọi người.

Như thế, để khuyến khích sự phát triển này, cần đặc biệt giúp đỡ những người kém nhất, bảo đảm cho mọi người trong cộng đoàn có những điều kiện phát triển đồng đều, cũng như sự bình đẳng khách quan giữa các thành viên trước hiến pháp hiện hành của dòng tu. Thế nên, các vị bề trên cũng như các thành viên cần tránh những thiên vị lệnh lạc “thương riêng”, theo cảm tính, phân biệt xuất xứ, vùng miền, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, kỷ năng… giữa các thành viên trong cộng đoàn. Có thể có những người mình sẽ thấy dễ gần gũi hơn, dễ mến hơn những người khác, nhưng không vì thể mà mình chỉ biết đến với những người này mà loại trừ những người mình không thiện cảm…

d) Giá trị Tình Yêu

Giáo Hội trung thành với giới răn trọng nhất mà Đức Giêsu đã truyền dạy, nhấn mạnh rằng công lý mà không có tình yêu thì “công lý có thể phản bội chính mình”, nghĩa là nỗ lực thực thi công lý lại có nguy cơ làm phương hại đến công lý. Vì vậy, Giáo Hội dạy “Giữa các đức tính nói chung, và đặc biệt giữa các đức tính, các giá trị xã hội và tình yêu, có một mối liên kết rất sâu xa mà chúng ta cần phải nhận thức càng ngày càng đầy đủ hơn”[25]. Tình yêu là tiêu chuẩn và phổ quát cho mọi đạo đức xã hội; là nền tảng để khai sinh và phát triển các giá trị cao cả: “Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển”[26]. Như vậy việc áp dụng giá trị tình yêu vào cuộc sống là điều rất cần thiết giúp thực hành các nguyên tắc cũng như các giá trị khác với “nhãn quan” mới mẻ hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn đối với bản thân cũng như với tha nhân.

Thật vậy, tình yêu tha nhân giúp cho con người khám phá các nhu cầu, các quyền lợi của tha nhân để có thể tôn trọng. Về phương diện này, phải công nhận tính xúc tác của bác ái Kitô giáo đối với những khám phá mới mẻ và đúng đắn về công bằng. Giáo huấn học thuyết xã hội hướng dẫn người tín hữu giáo dân nói chung, cũng như người tu sĩ sống đúng tinh thần phục vụ của Đức Kitô, Đấng vì yêu nhân loại đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

Do đó, áp dụng giáo huấn này vào đời sống tu trì đòi hỏi trong bất cứ trường hợp nào, mọi lựa chọn dấn thân của người tu sĩ được thực hiện phải bắt nguồn từ lòng bác ái và hướng tới việc đạt được công ích. Nhờ tinh thần phục vụ trong tình yêu của Đức Kitô, người ta mới có thể đạt được điều đó cách tốt nhất và đúng đắn nhất với lương tâm Kitô hữu. Cuộc sống của người môn đệ Đức Kitô dù ở bất cứ bậc sống nào giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân trong mọi hoàn cảnh, môi trường sống và làm việc của mình; cho dù là một cuộc vật lộn giữa đời để mưu sinh cho bản thân và gia đình thì dứt khoát luôn luôn phải mặc lấy tâm tình yêu thương phục vụ của Đức Kitô.

Nối kết, thực thi qua hiến pháp của hội dòng, cùng với giá trị tình yêu trong của học thuyết xã hội Công Giáo, với Lời Khấn Khiết Tịnh, người tu sĩ không còn giữ chặt khả năng yêu thương dành riêng cho cá nhân, hay những người chị em trong cộng đoàn “dễ thương” hơn; nhưng là một tình yêu quảng đại dâng hiến cho Đưc Kitô Chịu Đóng Đinh, lan tỏa đến tất cả các chị em và người đồng loại. Ở đây, giá trị tình yêu chân thực cho chúng ta “đôi mắt sáng” để nhận ra đòi hỏi của phẩm giá con người, nhất là nơi những người nghèo, hay ngay cả giữa đời sống cọng đoàn với anh chị em. Tuy nhiên, bác ái cũng phải đi đôi với công bằng và sự thật. Việc làm yêu thương cũng hướng dẫn, quan tâm đến sự công bằng với các thành viên khác, để cộng đoàn được bình an, mỗi thành viên thêm nhiệt thành mà không phân bì, chia rẻ.

III. Nhận Định

Như vậy, đời sống tu trì nếu áp dụng các nguyên tắc cũng như các giá trị một cách có ý thức và định hướng cụ thể sẽ đem lại hiệu quả tốt cho đời sống cộng đoàn nói chung, cho cá nhân nói riêng. Việc áp dụng các nguyên tắc và giá trị cần phải chú ý đến Đức Ái, phát xuất từ chính con tim của người được thánh hiến. Đồng thời giúp làm “chứng tá cho Tin Mừng” giữa cuộc sống hôm nay.

1. Tính khả thi

Với việc áp dụng các nguyên tắc, các giá trị của học thuyết xã hội Công Giáo vào đời sống cộng đoàn, người dâng hiến biết rằng họ có thể tìm thấy các nguyên tắc để suy tư (nhân vị, công ích, bổ trợ và liên đới), những giá trị (sự thật, công bằng, tự do và tình yêu) để phán đoán và các chỉ dẫn, kết hợp với linh đạo, hiến chương của hội dòng để hoạt động hữu hiệu trong sứ vụ. Đó là bước đầu xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới mà mỗi thành viên có được. Nhờ vậy, các thành viên mới có nền móng vững chắc để xây dựng sự trưởng thành Ki tô giáo và trưởng thành đời tu. Bỡi lẽ, “sẽ thất bại khi gán ép sự thánh thiện Kitô giáo cho một một người chưa đạt tới trưởng thành nhân bản”[27]. Một khi đạt tới tiến trình ấy, mỗi thành viên sẽ ý thức, trách nhiệm cùng chung tay dựng cộng đoàn.

Đồng thời việc áp dụng ấy, như là công cụ giúp cộng đoàn cũng như các thành viên phân định về mặt luân lý và mục vụ các các biến cố phức tạp đang ghi dấu thời đại hôm nay; hay như một kim chỉ nam giúp cá nhân cũng như cộng đoàn có những thái độ và lựa chọn để mọi người có thể nhìn về tương lai một cách tin tưởng và hy vọng nhiều hơn.

Thật thế, “Là một chuyên viên về các vân đề nhân bản, qua học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội cống hiến những nguyên tắc để suy tư, những mẫu mực phán đoán và những hướng dẫn hành động, hầu giải quyết tình trạng nghèo đói, bất công hiện hữu, theo một chiều hướng thật sự có lợi cho nhân loại…”[28]. Trong cái nhìn tin tưởng và hy vọng của giáo huấn Giáo Hội như thế, chúng ta có thể nói rằng ở bất cứ hoàn cảnh nào, người tu sĩ, cũng như cộng đoàn tu trì vẫn có thể tự do chọn lựa, hành động ý thức, xuất phát từ lòng bác ái và hướng tới thực hiện sứ mạng của hội dòng, cũng như dấn thân trong xã hội bằng tinh thần phục vụ của Chúa Kitô.

Nếu Giáo Hội sống trong thế gian và dù không thuộc về thế gian (x. Ga 17, 14-16), Giáo Hội cũng được mời gọi phục vụ thế giới theo ơn gọi sâu xa của mình, thì cộng đoàn sống đời tu trì cũng sẽ trở nên dấu hiệu của liên đới, tôn trọng và yêu thương với con người hôm nay. Do đó, khi khi đón nhận, áp dụng một nền nhân bản phù hợp với tiêu chuẩn trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trong lịch sử, một nền nhân bản toàn diện và liên đới có thể tạo ra một “trật tự xã hội, kinh tế, chính trị mới”, đặt nền tảng trên phẩm giá và tự do của con người. Trật tự ấy được khai sinh trong hòa bình, công lý và liên đới. Nền nhân bản này có thể trở thành sự thật nếu mỗi thành viên và mỗi cộng đoàn dâng hiến biết vun trồng các nhân đức luân lý (công bằng, bác ái…) và xã hội nơi bản thân mình và phổ biến trong xã hội. Như vậy, “nhờ ơn Chúa giúp, một thế hệ mới gồm những con người mới sẽ khai sinh, làm khuôn mẫu cho một nhân loại mới”[29].

2.Những hạn chế

Mặc dầu việc áp dụng học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo đem lại nhiều lợi ích như thế cho công đoàn tu trì, tuy nhiên chúng ta nhận thấy, việc áp dụng này cũng có một số hạn chế.

Thách đố đầu tiên chính là sự thật về hữu thể được gọi là con người. Ranh giới và tương quan giữa thiên nhiên, vũ trụ, công nghệ và luân lý là những vấn đề buộc mỗi thành viên và cộng đoàn phải chịu trách nhiệm về thái độ của mình đối với câu trả lời: Con người là gì? Con người được làm những gì và phải làm như thế nào? Đó luôn là vấn nạn khó khăn đòi hỏi về tính tự giác, trách nhiệm lương tâm mà mỗi người luôn phải đối diện.

Thứ đến làm sao để hiểu được, xử lý, áp dụng các nguyên tắc và các giá trị giáo huấn học thuyết xã hội Công Giáo vào trong cộng đoàn một cách sáng suốt, ý thức và đầy trách nhiệm với sự đa nguyên và khác biệt trong văn hóa, suy nghĩ, chọn lựa luân lý với mức “trưởng thành” có thể của mỗi thành viên?

Cuối cùng dẫu là môn đệ Chúa Giê su Kitô, người dâng hiến cũng dễ bị cuốn hút vào các vấn đề thách đố của toàn cầu hóa. Một kỷ nguyên mới khai mớ có liên quan đến vận mệnh con người. Trong khi họ cũng cưu mang những vấn nạn ấy trong tâm hồn và muốn mọi người tìm kiếm sự thật, ý nghĩa cuộc đời, để sống cuộc đời ấy như những thành viên trong cộng đoàn và cũng tham gia liên đới như một thành phần của xã hội. Đó là một quá trình dài, không dễ dàng, không có đường tắt, khi hội nhập, thích nghi với xã hội, nhưng làm sao vẫn giữ được đặc sủng riêng của sứ vụ mà cộng đoàn lãnh nhận từ Đấng sáng lập.

Kết luận

Học thuyết về xã hội của Giáo Hội được đúc kết từ kinh nghiệm ngàn đời xuyên suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, đó là kinh nghiệm của người môn đệ khi thực thi sứ vụ phục vụ Tin Mừng, phục vụ con người. Do đó, Giáo huấn này bảo đảm đưa ra cho người tín hữu nói chung, cách riêng trong cộng đoàn đời sống tu trì những hướng dẫn có giá trị tốt nhất, chắc chắn nhất và căn bản nhất giúp họ dấn thân phục vụ theo ơn gọi giữa lòng đời hôm nay.

Dẫu biết rằng đời sống cộng đoàn tu trì thuộc về ơn gọi thánh thiêng của những người được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, nhưng với thân phận con người tại thế, con người sống trong cộng đoàn ấy vẫn còn bước đi giữa lòng nhân loại. Thế nên, những chân giá trị về luân lý tự nhiên và mặc khải vẫn luôn có giá trị khi áp dụng các mối tương quan cơ bản, đặc thù của cộng đoàn tu.

Xét trên nguyên tắc của giáo huấn về xã hội, chúng ta nhận thấy, khi phẩm giá các thành viên được tôn trọng đúng giá trị, lúc ấy công đoàn mới có thể trân quý ơn gọi thánh thiêng của anh chị em. Cộng đoàn sẽ phát triển, thăng tiến khi công ích được tôn trọng, cũng như sự liên đới đồng trách nhiệm, bỗ trợ cho nhau trong mỗi sứ vụ. Mặt khác, để thăng tiến cộng đoàn trong bền vững và đường lối của Thiên Chúa và Giáo Hội, thì tinh thần Kitô giáo cần được ăn sâu vào đời sống, khi đó các nền tảng là sự thật, công bằng, tự do và bác ái các thành viên như cộng đoàn tu áp dụng vào các sứ vụ, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Ơn thiêng cộng đoàn thánh hiến lãnh nhận không chỉ dành riêng, nhưng là khơi dòng chảy đến với anh chị em đồng loại, bởi “ưu sầu và hy vọng của con người, cũng là ưu sầu và hy vọng của người muôn đệ Chúa Kitô”, “cùng nhận ra dấu chỉ thời đại”[30]. Do đó, người nữ tu Hội dòng Mến Thánh Giá cũng sẽ ôm ấp đưa những trạng huống con người thế giới, đặc biệt con người trong xã hội Việt Nam hôm nay như: nghèo khổ, bất công, áp bức…vào trong lời cầu nguyện liên lỉ và sự dấn thân. Người nữ tu tin rằng với ơn Chúa, trong ánh sáng đức tin, nối kết trong lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim đồng cảm, và sự dấn thân, có thể sẻ chia, nâng đỡ anh chị em đồng loại một cách hữu hiệu[31] và đem lại biến đổi xã hội theo giá trị Tin Mừng: như nhân vị, sự thật, bác ái, công bình …liên đới ngự trị. Những chân giá trị mà người nữ tu Mến Thánh Giá đã, đang và sẽ áp dụng theo giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về học thuyết xã hội đã được rút ra từ nền tảng luân lý tự niên và tinh túy của Tin Mưng: “Lời Chúa sẽ là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105) trong cuộc đời dâng hiến

Nt. Maria Lê Thị Kim
Học viện Têrêsa Avila Dòng MTG.QN


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công Đồng Vatica nô II, Hiến chế Tín Lý Về Giáo Hội, bản dịch Giáo hoàng học viện Pi ô X Đà Lạt, năm 1972.

2. Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, Nxb. Tôn giáo, 2012.

3. HĐGMVN Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb. Tôn giáo, 2012.

4. HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Tóm Lược Học Thuyết Sã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, 2004.

5. GM. Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, Nxb. Đông Phương, 2013.

6. HĐGMVN, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, DOCAT, Nxb. Tôn Giáo, 2017.

7. Các Trang Mạng:

· http://dcvxuanloc.net/nhan-ban/tu-cong-bang-xa-hoi-den-tinh-thuong.html,ngàytruycập 28.3.2018.

· X. Michael Tâm, SJ Hai nguyện tắc bổ trợ và lien đới, tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt, nhân ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Caritas Đà Lạt, 20.09.2013). dongten.net

· X. Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng Tầm quan trọng của GHXHCG trong đời sống Kitô hữu giáo dân, (http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=1890, truy cập lúc 9h, ngày 21.3.2018).

· http://giaodantanthaison.com/tai-lieu/tong-thu-nam-doi-song-thanh-hien-cua-dtc-phanxico.html, ngày truy cập 19/01/2018.

· http://ghxhcg.com/article.aspx?id=1702, truy cập ngày 21.3. 2018

Chú Thích

[1] Đề tài được chọn lại từ một đề tài của bài luận văn kết thúc khoá học môn HỌC THUYẾT XÃ HỘI Công Giáo tại Học Viện Têrêsa Avila Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, nk 2017-2018 : Nếu áp dụng bốn nguyên tắc và bốn giá trị trong Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội vào Cộng đoàn tu trì thì sẽ áp dụng như thế nào?

[2] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 44, bản dịch Giáo hoàng học viện Pi ô X Đà Lạt, năm 1972.

[3] http://giaodantanthaison.com/tai-lieu/tong-thu-nam-doi-song-thanh-hien-cua-dtc-phanxico.html, ngày truy cập 19/01/2018.

[4] X. Học thuyết xã hội Công Giáo, Viết Cho ai, để làm gi? http://ghxhcg.com/article.aspx?id=1702, truy cập ngày 21.3. 2018

[5] GLHTCG, số 2420.

[6] Bộ giáo luật 1983, số 573, 1

[7] Ibid, số 21.

[8] x. Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng Tầm quan trọng của GHXHCG trong đời sống Kitô hữu giáo dân, (http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=1890, truy cập lúc 9h, ngày 21.3.2018).

[9] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Tóm Lược Học Thuyết Sã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 105, tr. 99-100.

[10] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 106, tr. 99-100.

[11] GM. Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, Nxb. Đông Phương, 2013, tr. 119-137.

[12] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 164, tr. 133.

[13] GM. Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Sđd, Nxb. Đông Phương, 2013, tr. 149.

[14] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 185, tr.146.

[15] DOCAT, câu hỏi 95, tr. 98.

[16] X. Michael Tâm, SJ Hai nguyện tắc bổ trợ và lien đới, tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt, nhân ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Caritas Đà Lạt, 20.09.2013). dongten.net

[17] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 192, tr. 150.

[18] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 193, tr.151.

[19] http://dcvxuanloc.net/nhan-ban/tu-cong-bang-xa-hoi-den-tinh-thuong.html, ngày truy cập 28.3.2018.

[20] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 198, tr.155.

[21] DOCAT, câu hỏi 107, tr. 106.

[22] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 199, tr.156.

[23] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 200, tr.156.

[24] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 201, tr.157.

[25] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 204, tr.158.

[26] HĐGMVN, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Sđd, Nxb. Tôn Giáo, 2004, số 205, tr. 158.

[27] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh đào tạo Linh mục, số 11.

[28] Đức Phau lô VI, Tông thư Năm Tám Mươi, gửi Hồng Y Roy chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, ban hành ngày 14.5.1971, kỷ niệm 80 năm thông điệp “Tân Sự”.

[29] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục Vụ Của Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay, số 30

[30] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục Vụ Của Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay, số 2

[31] Công đông Vati canô II, Sđd, số 2