Ngày 03-06-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:19 03/06/2024

25. Người không suy niệm thì không bực dọc chính mình, bởi vì họ không có cảm giác là mình không tốt, đó chính là không nhận ra được chính mình.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:22 03/06/2024
72. HOÀNG ĐẾ SỢ ĐÀN BÀ DỮ TỢN

Vợ của Phòng Huyền Linh tính hay ghen ghét và đanh đá, Huyền Linh rất sợ vợ nên không dám nói đến chuyện lấy vợ bé.

Thái Tôn ra lệnh cho hoàng hậu triệu vợ của Huyền Linh đến yết kiến, nói với bà ta:

- “Các đại thần đều có chế độ lấy vợ bé, hoàng đế sẽ đem người đẹp thưởng cho Phòng Huyền Linh.”

Vợ của Phòng Huyền Linh cương quyết không đồng ý, Thái Tôn bèn sai người rót đầy một ly rượu và dọa bà ta:

- “Như thế là nhà người vi phạm và kháng cự thánh chỉ, phải uống cho hết ly rượu độc này”.

Vợ của Huyền Linh cầm lấy ly rượu và uống một hơi không còn một giọt.

Thái Tôn thở dài nói:

- “Người đàn bà đanh đá quyết liệt như thế, trẩm đây cũng sợ huống hồ là Phòng Huyền Linh !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 72:

Không chỉ vua Thái Tôn và Phòng Huyền Linh sợ đàn bà dữ tợn mà thôi, nhưng trên đời này ai cũng sợ những người đàn bà dữ tợn, bởi đó mà người ta gọi người đàn bà dữ tợn là “quỷ cái”.

Có những người đàn bà dữ tợn đến độ ai cũng sợ không dám đến gần, ngay cả chồng và con của họ cũng không dám mở miệng hó hé, bởi vì họ thích làm bà chằn hơn là làm người mẹ hiền, người vợ ngoan.

Những người phụ nữ Ki-tô hữu không phải là “quỷ cái” khi chồng “lăm le” đòi vợ bé, nhưng họ là những thiên thần bảo vệ hạnh phúc gia đình, họ rất cương quyết nhưng không dữ tợn, đó là dứt khoát không để cho chồng lấy vợ bé, bởi vì như thế là lỗi luật Thiên Chúa và phá hoại hạnh phúc gia đình của mình, những người phụ nữ này chúng ta phải bênh vực họ để đem lại hạnh phúc cho mọi người...

Người ta sợ ma quỷ thì ít nhưng sợ “quỷ cái” thì nhiều, bởi vì ma quỷ thì vô hình vô dạng, nhưng “quỷ cái” thì không những có hình có dạng mà lại còn đẹp nữa mới chết chứ, mà vừa đẹp vừa “quỷ cái” thì người ta càng sợ hơn.

Khiếp thật !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 04/06: Hãy lớn lên trong ân sủng – Lm. Phêrô Trần Văn Tiến
Giáo Hội Năm Châu
01:38 03/06/2024

Bài trích thư thứ hai của thánh Phê-rô tông đồ,

Anh em thân mến, anh em mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng. Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.

Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an. Anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ.

Vậy, anh em thân mến, biết trước như thế, anh em hãy coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn, mà không còn đứng vững nữa chăng. Nhưng anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Xin kính dâng Người vinh quang, bây giờ và cho đến muôn đời. A-men.

Đó là lời Chúa
 
Trái Tim Chúa thổn thức vì yêu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
16:32 03/06/2024
SUY NIỆM LỄ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU
(Ga 19, 31-37)
Trái Tim Chúa thổn thức vì yêu

Ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu rất hay thương « dịu hiền và khiêm nhường » trong lòng để đáp đền tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa là Cha luôn thổn thức bồi hồi vì thương xót chúng ta.

Trái tim Cha thổi thức bồi hồi vì thương

Khi hiện ra với ông Mô-sê trên núi Si-nai, Thiên Chúa xưng danh mình và nói: “Chúa, Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6). Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa là “Cha”: “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mc 5, 45). Tình yêu của Chúa Cha thật “phong phú” và “lớn lao”. Ngôn sứ Hô-sê tỏ cho dân Chúa thấy tình thương vô biên của Chúa đối với loài người. Thiên Chúa tự ví mình như một người mẹ âu yếm con thơ (x.Hs 11,3-4).Trái Tim đó không đơn giản là trái tim bình thường mà là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim « yêu thương » dân, « Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa » (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Trái Tim ấy không chỉ đã tha thứ cho loài người, mà còn trao ban chính sự sống của con mình là Đức Giêsu làm giá chuộc loài người để thoả mãn tình yêu đối với con người. Quả tim ấy được cụ thể nơi Trái tim Chúa Giêsu vượt quá sự hiểu biết của con người (x. Ep 3,8-12.14-19).

Trái Tim bị đâm thủng vì yêu

Vì yêu loài người ta quá bội, Chúa Giêsu đã chịu lưỡi đòng đâm thâu trái tim, để cho nước và máu chảy ra (x. Ga 19, 34).

Trái tim là biểu tượng tự nhiên của tình yêu. Trái tim còn đập cho thấy mình còn sống. Thiên Chúa đã yêu con người bằng trái tim tình yêu. Chúa Giêsu nói với Philiphê : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Trái tim Chúa Giêsu chính là Trái tim Chúa Cha. Trái ấy được miêu tả có vết thương và mão gai quấn quanh. Mão gai nhắc nhớ chúng ta về tình yêu đích thực, chung thủy, hoàn toàn tận hiến cho tha nhân, quên cả đau khổ của chính mình, ngụ ý nói, Tình yêu thực sự không thể tách rời khỏi mão gai.

Trái tim Chúa Giêsu có Thánh Giá biểu tượng chính của Đức tin Kitô giáo, cắm ở phía trên, giúp chúng ta chiêm ngắm tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì chúng ta khi bị treo trên Thánh Giá. Chúa Giêsu, một con người vô tội bị thế gian kết án, đã lấy yêu thương tha thứ đáp trả hận thù khi thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ đã làm” (Lc 23. 24). Người cũng dạy chúng ta phải yêu như Chúa yêu và tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Trái tim Chúa Giêsu có ngọn lửa bao quanh. Đây là những ngọn lửa vinh quang, lửa tình yêu bừng sáng. Ngọn lửa ấy những ước mong chiếu sáng thế gian tội lỗi và tối tăm, sưởi ấm thế giới lạnh lùng. Đó cũng là ngọn lửa nhiệt thành, chiếu rọi trên các Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần.

Ngón tay Chúa Giêsu chỉ vào Trái tim Chúa, có ý mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28-29).

Tay kia dang rộng ra như tha thiết chào đón mọi người, vẫy mời chúng ta hãy uốn lòng nên giống Trái tim Chúa để làm như vậy đối với tha nhân. Trái tim Chúa Giêsu quả là một biểu tượng mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa chúng ta, những người được trao cho sứ mạng yêu thương trên mặt đất này. Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay ngạo mạn cứng đầu, vơi cạn tình yêu đang rất cần đến tình yêu kín múc từ Trái tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

Từ nguồn suối thẳm sâu của trái tim mình, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội các bí tích để có thể trao ban hồng ân sự sống… trở nên Bí tích cứu độ chúng ta, và dạy chúng ta yêu thương nhau. Đây là dấu chỉ tình yêu cao cả nhất Thiên Chúa dành cho nhân loại : “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa

Trái tim Chúa rung động vì cảm thương loài người đã bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta (x.Ga 19,36), đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Ấy vậy mà con người vẫn vô ơn bạc nghĩa trước sự hy sinh cao cả của Chúa, xúc phạm đến Trái tim nhân lành của Chúa.

Nhưng vì là Trái Tim Tình Yêu nên : « Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn » (Ca nhập lễ). Lời thánh Gioan Maria Vianey là bằng chứng : « Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loại người » (GLHTCG số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân linh mục. Hôm nay chúng ta đừng quên cầu cùng Thiên Chúa Ba Ngôi cho các linh mục nhân ngày thánh hóa, để Giáo hội có được những cái máng tốt như lòng Chúa mong ước, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian.

Thánh Phaolô xin Thiên Chúa mở lòng trí ta, giúp ta hiểu được phần nào tình yêu mênh mông vô tận của Chúa Kitô. Tình yêu đó vượt quá trí hiểu của chúng ta: Tình yêu vừa rộng vừa dài, vừa cao vừa sâu (x. Ep 3,8-12.14-19).

Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Amen.
 
Được in hình Chúa
Lm. Minh Anh
18:26 03/06/2024
ĐƯỢC IN HÌNH CHÚA
“Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa!”.

“Bạn nhất thiết phải trả cho Caesar đồng xu có hình ảnh của ông ấy; nhưng bạn sẵn sàng dâng hiến điều tốt nhất của mình cho Chúa, bởi chính hình ảnh của Ngài mới - ở trên bạn - chứ không phải hình Caesar. Bạn đã được in hình Chúa!” - Thánh Jêrôme.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn đã ‘được in hình Chúa!’”. Tin Mừng hôm nay - một lần nữa - khiến chúng ta ngạc nhiên trước sự thông minh lạ lùng của Chúa Giêsu. Với câu trả lời tuyệt vời, Ngài trực tiếp chỉ ra tính công bằng tự nó của các thực tại trần thế: “Của Caesar, trả về Caesar!”.

Tuy nhiên, Lời Chúa còn nói đến một điều gì đó hơn cả việc Chúa Giêsu thoát khỏi cuộc xung đột với những kẻ gài bẫy Ngài; một điều gì đó hoàn toàn phù hợp với mọi khía cạnh cuộc sống của bạn và tôi: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa!”. Việc đề cập đến hình ảnh Caesar khắc trên đồng xu nói rằng việc họ cảm thấy đầy đủ với các quyền và nghĩa vụ công dân của một quốc gia là đúng; nhưng về mặt biểu tượng, nó khiến họ phải nghĩ đến một hình ảnh khác được in dấu nơi mỗi người nam nữ: hình ảnh Thiên Chúa. Ngài là Chúa của mọi người, và chúng ta, những người được tạo dựng “theo hình ảnh Ngài” - ‘được in hình Chúa’ - trước hết thuộc về Ngài.

“Ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, việc xác quyết quyền chủ tể của Chúa Giêsu trên trần gian và trên lịch sử cũng có nghĩa là nhìn nhận rằng, con người không được để cho tự do cá nhân của mình suy phục một cách tuyệt đối bất cứ quyền bính trần thế nào, nhưng chỉ suy phục một mình Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô. Vì lẽ, Caesar không phải là Chúa!”. Trong suốt cuộc đời mình, Chúa Giêsu không ngừng đặt ra vấn đề lựa chọn. Cũng thế, chúng ta có quyền lựa chọn, và các lựa chọn rất rõ ràng: hoặc chúng ta chọn các giá trị trần thế để sống hoặc chúng ta quyết định sống theo các giá trị Tin Mừng.

Cuộc sống luôn luôn là thời gian để lựa chọn, thời gian để hoán cải, thời gian để “thay thế” chính cuộc sống - lần này và lần khác - cho phù hợp với động lực và ý muốn của Chúa, Đấng chúng ta thuộc về. Việc cầu nguyện sẽ dần dần giúp chúng ta khám phá ra những gì Ngài mong đợi. Ai chọn Thiên Chúa, thuộc về Ngài, sẽ trở thành ‘nơi ở’ của Ngài. Phêrô viết, “Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta!” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca trùng hợp một cách sâu sắc, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”.

Anh Chị em,

“Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa!”. Đức Phanxicô nói, “Tôi thuộc về ai? Thuộc về gia đình, thành phố, bạn bè, công việc, chính trị; thuộc về một đất nước? Vâng tất nhiên! Nhưng trước hết - Chúa Giêsu nhắc nhở - bạn và tôi thuộc về Thiên Chúa. Đây là sự thuộc về căn bản. Chính Ngài là Đấng đã ban cho bạn tất cả những gì bạn đang có, đã có. Do đó, ngày qua ngày, chúng ta phải sống cuộc sống mình trong sự nhận biết ‘sự thuộc về căn bản’ này với lòng biết ơn chân thành đối với Chúa Cha, Đấng tạo dựng mỗi người một cách riêng biệt, không thể lặp lại, và luôn rập theo hình ảnh Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Ngài. Bởi lẽ, bạn đã ‘được in hình Chúa’. Đó là một bí ẩn kỳ diệu!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để cuộc sống con hao hao mang ‘dáng dấp Caesar’. Xin cho nó luôn ngát ‘mùi Chúa’ vì con được in hình Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 05/06: Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
23:12 03/06/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ goá mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.” Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không có con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không có con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không có con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ.”

Đức Giê-su nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: ‘Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp’. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!”

Đó là lời Chúa
 
Chống đối tứ bề
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
23:18 03/06/2024
CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 3,20-25

20Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

22Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? 24Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

28Tôi bảo thật các ông : mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30Đó là vì họ đã nói : “Ông ấy bị thần ô uế ám.”

31Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. 32Lúc ấy đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !” 33Nhưng Người đáp lại : “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 34Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”



CHỐNG ĐỐI TỨ BỀ

Khi chưa tốt nghiệp đại học, thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-1274, tiến sĩ Hội thánh), có cha mẹ là bá tước, đã quyết định xin vào dòng Đô-mi-ni-cô. Lúc ấy dòng vừa mới thành lập. Gia đình người rúng động với ý tưởng một thành viên quý phái như vậy lại trở thành một tu sĩ dòng hành khất. Kể ra họ cũng đã mong mỏi rằng một ngày kia, Tô-ma sẽ làm điều gì đó để phục hồi vận mệnh dòng tộc, chẳng hạn lên làm tu viện trưởng Mon-tê Cas-si-nô (dòng Bê-nê-đíc-tô, rất to lớn và giàu có). Nghe được tin, các anh của người, đang là sĩ quan quân đội, đã hết sức giận dữ. Họ bắt người trên đường đi Rô-ma và giam người trong ngọn tháp của lâu đài gia đình. Nài nỉ, đe dọa và quyến rũ Tô-ma đổi ý cũng vô ích, thân nhân bèn nhờ tới một cô gái làng chơi để hãm hại chàng thanh niên trẻ tuổi. Nhưng Tô-ma, một lòng cương quyết, đã dùng cây củi cháy xua đuổi cô. Được hai năm, cảm động trước tính cương nghị và những khổ cực Tô-ma chịu, mấy chị em đã giúp người trốn đi. Các tu sĩ Đô-mi-ni-cô đưa người về dòng.

Trong môi trường đại học Cô-lô-ni-a, Tô-ma luôn giấu kín các bước tiến khác thường của mình cũng như đã che kín vinh dự dòng tộc. Ngày kia, tưởng người không hiểu, một bạn học đã giảng bài cho người. Dẫu đáng bậc thầy của anh ta, Tô-ma đã tiếp nhận bài học với lòng biết ơn khiêm tốn. Vì bình dị, ít nói, nên người bị coi là đần độn. Bạn bè gọi chàng trai to xác này là “con bò câm”. Nhưng thầy An-béc-tô (sau này cũng là thánh) đã coi người như một thiên tài và tuyên bố : “Con bò này sẽ rống lớn, đến nỗi những tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp thế gian.” Quả thật nó đã rống 9 thế kỷ rồi !

Đau khổ vì bà con bạn bè, bị cản ngăn bởi gia đình cũng như bị khinh khi tại trường học, thánh Tô-ma quả đã tiếp nối Thầy mình trên bước đường thực thi sứ vụ : “Tôi tớ không lớn hơn chủ. Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai phái mình.” (Ga 13,16).

1- Từ phía giới chức tôn giáo.

Đầu sứ vụ rao giảng, Đức Giê-su đã có nhiều thành công. “Đám đông”, nghĩa là hạng dân đen, chen lấn chung quanh Người để nghe Người. Mác-cô, kẻ ghi lại lời giảng của Phê-rô, nhận xét rằng ngày nọ, dân chúng tới nhà đông đến độ Đức Giê-su và môn đệ không thể ăn uống. Căn nhà này, mà Đức Giê-su đã coi như của mình, chắc hẳn là nhà của Si-môn-Phê-rô tại Ca-phác-na-um (x. Mc 1,29; 2,1; 3,20; 9,28.33; 10,10). Trong đống phế tích hiện thời của thành phố Ca-phác-na-um, các nhà khảo cổ đã tìm lại được nền của một ngôi nhà ngư dân khiêm tốn có từ thế kỷ I trước CN trên đó từng xây một thánh điện rất cổ. Các hình vẽ mộ đạo khắc trên thạch cao cho thấy người ta có lẽ đã tìm lại được “căn nhà” nơi Đức Giê-su vẫn thường lưu ngụ.

“Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người”. Họ nghĩ rằng Người đã lâm vào tình trạng cuồng nhiệt, hưng phấn, đến độ hóa điên. Tình trạng này làm cho Người mất cái cảm thức về cuộc sống cụ thể. Rồi có lẽ cũng vì thân nhân quá biết rõ Người bị các giới chức tôn giáo ác cảm, sợ gặp rắc rối lôi thôi vì Người, thành thử đã đến bắt Người về để đưa vào vòng trật tự. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận các ơn gọi hơi “điên khùng”, liều mạng, phi lý xét theo kiểu khôn ngoan phàm trần của chúng ta không? (như Phan-xi-cô A-xi-di-ô lúc khởi sự cuộc đời theo Chúa). Phải chăng có đôi khi, như Đức Giê-su, chúng ta bị coi người một người “tàng tàng”, “mát mát” vì không theo mọi chuẩn mực thông thường của thế gian trong các vụ việc, các vấn đề lương tâm, trong thái độ cá nhân hay tập thể? “Các thánh là những người điên vì Chúa. Khôn ngoan thế gian quá không làm thánh được” (Đường Hy Vọng số 8).

Một dư luận thứ hai, trầm trọng hơn, được loan truyền quanh Đức Giê-su. Chẳng những Người “đã hóa điên” mà còn “bị quỷ ám”. Những lời bóng gió thâm độc. Chẳng ai phủ nhận tính xác thực của các phép lạ Người làm. Nhưng Người đã lấy “quyền” từ Xa-tan tướng quỷ, mà dân Do-thái thời ấy gọi cách khinh bỉ là “Thần đống phân” (nghĩa của từ Bê-en-dê-bun là vậy). Mà chính các kinh sư, giới trí thức, đã tung ra mối nghi ngờ ấy.

Đức Giê-su đáp lại bằng một dụ ngôn và một tràng lý luận chặt chẽ. Đây là dụ ngôn ngắn đầu tiên được Mác-cô ghi lại : hình ảnh một cuộc chiến xáp lá cà, nhanh chóng và quyết định. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su cho thấy Xa-tan là kẻ mạnh, song Người cũng ý thức mình là “kẻ mạnh hơn” ! Ngày nay cũng vẫn đúng như thế. Cuộc chiến còn tiếp tục. Và Đức Giê-su ở với chúng ta, giúp chúng ta chống lại sự ác, thần dữ. Bi quan hay điềm tĩnh trước sức tấn công ồ ạt của các tà lực trong thế gian? “Với Đấng đã chiến thắng sự chết, thì còn có gì mà ta không thể làm được?” (Chiara Lubich).

Và như để cảnh cáo những cái mồm độc địa, Đức Giê-su nói đến một thứ tội “chẳng bao giờ được tha”, “tội phạm đến Thánh Thần.” Đây không bàn đến sự hạn chế của lòng thương xót Chúa, khiến một tội nào đó khó tha thứ được, nhưng chỉ nói tới thái độ cố chấp trong sự dữ. “Nói phạm đến Thánh Thần” ở đây là cố tình gán cho quỷ những việc chính Đức Giê-su đã làm nhờ quyền năng Thiên Chúa vô cùng thánh thiện đang hoạt động nơi con người và trong lịch sử. Thái độ ngoan cố chấp nệ này đi ngược với thái độ ăn năn sám hối. Vì cố tình không sám hối ăn năn và trở lại, con người không thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Cần phải lặp lại điều này với Đức Giê-su : Thiên Chúa chẳng kết án ai, nhưng tha hết mọi tội cho mọi người. Tuy nhiên, có thể có những kẻ cương quyết khép lòng trước ơn tha thứ đó : “phạm đến Thánh Thần” theo nghĩa rộng là vậy. Thiên Chúa có tha cũng vô ích, một số cự tuyệt ơn huệ này : hỏa ngục hẳn là thế. Đây là tình trạng và kết cục do con người tự chọn.

Thái độ khăng khăng từ chối đến cùng đó thường xảy ra chăng? Không ai có thể xét đoán anh em mình từ bên ngoài cả. Nhưng mỗi người hãy xem xét trường hợp của mình : trong lúc này, chớ nên tự đặt câu hỏi : “Phải chăng tôi là tội nhân?” Vì tất cả đều phạm tội (x. Rm 3,23; 1Ga 1,8.10). Nhưng chỉ nên hỏi : “Phải chăng tôi đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa? Phải chăng tôi phạm tới Thánh Thần? Phải chăng tôi chế nhạo tình yêu của Người, tình yêu công chính hóa các tội nhân cách nhưng không?” (x. Rm 3,24).

2- Từ phía thân thuộc bà con.

“Lúc đó, mẹ và anh em Đức Giê-su đến…” Mác-cô lồng vào nhau câu chuyện “các kinh sư từ khước” với câu chuyện “thân nhân Đức Giê-su toan tính bắt Người”. Phương pháp văn chương này rất quen thuộc với ông, để mời gọi chúng ta đi tìm các mối liên hệ giữa hai hoàn cảnh. Đức Giê-su bị từ chối, vô thừa nhận… trong chính gia đình mình. Từ “anh em” trong tiếng Hip-ri chỉ anh em ruột và họ hàng không phân biệt. Những kẻ này đã lôi dì của họ, mẹ Đức Giê-su, vào mưu toan thộp cổ Người về. Hãy ghi nhận sự táo bạo của thánh sử. Đây là lần đầu tiên ông nói với chúng ta về Ma-ri-a ! Mà để đề cập việc đó. Quả thật Tin Mừng chẳng tìm cách tô điểm. Đây là những chuyện không thể bịa đặt.

“Họ đứng ở ngoài, cho gọi Người ra”. Trong nhà, “đám đông ngồi chung quanh Người”. Một quang cảnh cần tưởng tượng : lắm kẻ ngồi dưới đất, chung quanh một diễn giả. Trong Tân Ước, đó là tư thế thường thấy của “các môn đệ” nghe “thầy” (x. Lc 10,39; Cv 22,3). Mác-cô hai lần ghi nhận : gia đình Đức Giê-su “ở ngoài”, tương phản với những kẻ “ở trong”. Thành ngữ “những kẻ ở ngoài” rất thường thấy trong Giáo hội sơ khai để chỉ hạng “phi-kitô hữu” (x. 1Tx 4,12; 1Cr 5,12-13; Cl 4,5; 1Tm 3,7). Mác-cô sẽ tái sử dụng ngôn ngữ này để tách loài người thành hai hạng, tùy như họ tin nghe Đức Giê-su hay vẫn cứ “ở ngoài” : “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn cả” (Mc 4,11).

Quang cảnh “Ma-ri-a và anh em họ Đức Giê-su đến tìm cách ngăn chận sứ mệnh của Người” khiến chúng ta phải suy niệm lâu dài về bản chất đức tin. Giống như đức tin chúng ta, đức tin của Ma-ri-a đâu “có sẵn”, xong xuôi một lần. Đức tin là một cái gì tiến triển. Không phải Ma-ri-a đã hiểu tường tận con mình là ai và sứ mệnh con mình là gì tự giây phút đầu của cuộc Truyền tin, cho dẫu bà đã có nhiều ánh sáng đặc biệt. Luca cũng đã ghi chú rằng Ma-ri-a, trong một vài hoàn cảnh, “đã không hiểu” Đức Giê-su (x. Lc 2,50).

“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Kẻ thi hành ý muốn của Thiên Chúa !” Ý muốn Chúa Cha, đó là nỗi ám ảnh của Đức Giê-su. Đức Giê-su là người si mê Thiên Chúa rất mực ! Những ai yêu mến Thiên Chúa, Người nói, đều thuộc gia đình Người, gia đình duy nhất đích thực của Người. Với danh nghĩa này, Đức Ma-ri-a hai lần là mẹ Người. Vì sự cao cả đích thực của Ma-ri-a chính là “thi hành ý muốn của Thiên Chúa.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu không chỉ nói về sự sống đời đời, mà Người trao ban nó cho chúng ta
Thanh Quảng sdb
03:51 03/06/2024
Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu không chỉ nói về sự sống đời đời, mà Người trao ban nó cho chúng ta

Thanh Quảng sdb (Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đề lời tựa cho cuốn sách “Hãy bước ra: Phục sinh Lazarô, Một phép lạ cả thể” (Come Forth: The Raising of Lazarus and the Promise of Giêsu’s Greatest Miracle), phiên bản tiếng Ý của Cha James Martin, một tu sĩ Dòng Tên người Mỹ (LEV 2020), trong đó ngài nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu không chỉ nói về sự sống đời đời; mà Người đã ban nó cho chúng ta.

Cha James Martin, tác giả của nhiều sách mà chúng ta được biết đến và đánh giá cao, đặc biệt cuốn sách mới nói về "phép lạ vĩ đại nhất của Chúa Giêsu": sự phục sinh của Lazarô. Có nhiều lý do để cảm ơn ngài, vì tác phẩm “Hãy tiến ra”, một tác phẩm rất hấp dẫn và không đoán được điều gì sẽ đến...

Trước hết, Cha James làm cho văn bản Kinh thánh trở nên sống động. Ngài phân tích nó với con mắt sắc sảo và sự uyên bác của nhóm các nhà văn đa dạng đã nghiên cứu sâu sắc đoạn văn này, triển khai nhiều khía cạnh, và nhấn mạnh và diễn giải theo cách của họ. Các cách diễn tả của ngài luôn tập chú vào hai chữ “yêu thương”, không bao giờ tách biệt hay lạnh lùng như khoa học. Cha James có góc nhìn của một người yêu thích Lời Chúa. Khi đọc những lập luận và chú giải của các học giả Kinh thánh mà ngài trích dẫn, cha tự hỏi chúng ta có thường tiếp cận Kinh thánh với khát vọng “đói khát” của một người xác tín rằng lời đó thực sự là Lời Chúa, có sức mạnh như thế nào không.

Thực sự là Lời Thiên Chúa “nói” khiến chúng ta xửng sốt hàng ngày. Kinh thánh thực sự là nguồn mà chúng ta phải kín múc hằng ngày cho những sự kiện xảy đến cho cuộc sống của chúng ta. Đó là “bức thư tình” mà Thiên Chúa đã viết - từ lâu trước - cho những con người nam và nữ sống vào mọi thời đại và mọi nơi.

Thái độ trân quí Lời Chúa, yêu thích Kinh thánh, cưu mang nó bên mình mỗi ngày, với một cuốn sách Phúc âm nhỏ bỏ túi, hoặc có thể đọc nó trên điện thoại di động mỗi khi chúng ta cần tới, trong những phiên họp quan trọng, hoặc trong một cuộc gặp gỡ đầy khó khăn, hoặc một khoảnh khắc đầy nghịch cảnh… những lúc đó chúng ta nhận ra tầm mức quan trọng của Kinh thánh, như là một cuốn sách sống, luôn rộng mở, nói cho chúng ta về một Thiên Chúa hằng sống, không bị chôn vùi và lãng quên trên những giá sách bụi bặm của thời gian. Thay vào đó, Kinh thánh luôn đồng hành cùng chúng ta, ngay cả ngày nay - và nó cũng đồng hành cùng bạn, những người hiện đang đọc nó, được hấp lực bởi câu chuyện nổi tiếng này với ý nghĩa sâu sắc, trọn vẹn của nó vẫn chưa được mọi người hiểu hết.

Hơn nữa, những trang này chứa đựng một trong những chân lý của Công Giáo một cách hữu hiệu. Phúc âm là Lời Chúa cụ thể và vĩnh hằng; nó liên quan nhiều đến bản thể nội tâm và đời sống thiêng liêng của chúng ta cũng như liên quan đến lịch sử và đời sống hàng ngày. Chúa Giê-su không chỉ nói về đến sự sống vĩnh cửu; Ngài đã ban sự sống đó cho chúng ta. Ngài không chỉ nói "Ta là sự phục sinh"; Ngài còn làm cho Lazarô sống lại, dù đã chết ba ngày!

Đức tin Công Giáo là sự hòa trộn luôn hiện hữu của sự vĩnh cửu và sự ngẫu nhiên, của trời và đất, của thần thánh và con người - không bao giờ có cái này mà không có cái kia. Nếu đức tin của chúng ta chỉ thuần túy là "trần thế", thì điều gì sẽ phân biệt nó với bất kỳ triết lý siêu thoát, hay hệ tư tưởng tuyệt hảo, hay phương thức tư duy được phát triển? Chỉ đơn giản như vậy- một lý thuyết tách biệt khỏi thời đại và lịch sử? Nếu Kitô giáo chỉ quan tâm đến “đời sau”, hoặc chỉ quan tâm đến sự vĩnh hằng, thì đây sẽ là sự nghịch lý vô nghĩa mà Thiên Chúa vô biên vĩnh cửu đã trao ban cho toàn thể nhân loại. Chúa không “giả vờ” nhập thể. Ngài đã chọn bước vào lịch sử loài người, để lịch sử của loài người có thể mang hình dạng của Vương quốc Thiên Chúa, thời điểm và địa điểm nơi hòa bình nảy nở, hy vọng trở nên thỏa đáng và tình yêu mang lại sự sống.

Cuối cùng, Lazarô là câu chuyện của tất cả chúng ta. Theo khía cạnh này, Cha Martin dùng đặc sủng của thánh Ignatiô, khiến chúng ta hòa nhập cảm tác với câu chuyện về người bạn này của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng là bạn của Người, đôi khi chúng ta cũng “chết” vì tội lỗi, những thiếu xót và sự không chung thủy, nản lòng làm chúng ta suy đồi và hủy hoại tâm hồn chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu không ngần ngại cúi xuống chúng ta, ngay cả khi chúng ta “đã thối rữa” như một người chết được chôn trong huyệt mộ ba ngày. Không, Chúa Giêsu không sợ cái chết hay tội lỗi của chúng ta. Ngài dừng lại trước cánh cửa đóng kín của trái tim chúng ta, cánh cửa chỉ được mở ra từ bên trong mà chúng ta khóa chặt khi nghĩ rằng Chúa không thể tha thứ cho chúng ta! Và thay vào đó, khi đọc tác phẩm phân tích chi tiết của cha James Martin, bạn có thể trực tiếp trải nghiệm được ý nghĩa sâu sắc trong cử chỉ của Chúa Giêsu trước một xác chết "đã tan rữa", bốc mùi hôi thối, một hình ảnh cho sự thối rữa bên trong mà tội lỗi tạo nên trong tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không sợ tiếp cận tội nhân, bất kỳ là tội nhân như thế nào, ngay cả những kẻ liều lĩnh và trơ tráo nhất. Ngài chỉ có một mối quan tâm: không ai bị mất, không ai bị mất cơ hội cảm nhận được vòng tay yêu thương của Cha Ngài. Một nhà văn người Mỹ, người chết năm 2023, đã để lại một trước tác trước ngưỡng cửa một ngôi mộ, "công trình của Chúa". Cuốn tiểu thuyết của Cormac McCarthy đã để lại một trong những nhân vật của ông đã phát biểu như thế này: "Ông ấy nói rằng ông ấy tin vào Chúa ngay cả khi ông ấy nghi ngờ rằng con người hiểu biết được những suy nghĩ của Chúa, một Thiên Chúa không có khả năng tha thứ và thậm chí không phải là Chúa!» Nhưng thật là vô nghĩa vì thực tại về Thiên Chúa và hoạt động của Thiên Chúa là tha thứ."

Cuối cùng, những trang sách của Cha James Martin viết, gợi nhớ cho tôi đến một câu nói của một học giả Kinh thánh người Ý, Alberto Maggi, khi nói về văn bản phép lạ của Lazarô, ông đã bình luận như sau: “Với phép lạ này, Chúa Giêsu dạy chúng ta không phải là người chết được sống lại, mà là người sống không chết!” Thật là một nhận định tuyệt vời nhưng đầy nghịch lý! Tất nhiên là người chết sẽ sống lại, nhưng một sự thật khi nhắc cho chúng ta hay chúng ta là những người sống, không chết! Cái chết chắc chắn sẽ đến, cái chết tấn công chúng ta, không chỉ riêng chúng ta, mà còn trên hết những người thân yêu và gia đình chúng ta, trên tất cả mọi người: chúng ta thấy bao nhiêu cái chết xung quanh mình, bất công và đau khổ, do chiến tranh, bạo lực và do hành vi bạo ngược của Cain đối với Abel… Vì con người được Thiên Chúa dựng nên cho cuộc sống vĩnh hằng.

Đó là vận mệnh của chúng ta. Chúng ta là một nửa đường thẳng, một hình ảnh hình học: chúng ta có một điểm khởi điểm, đó là sự ra đời của con người, nhưng cuộc sống của chúng ta được dựng nên cho vô biên. Vâng, thực sự là Vô biên. Đây là điều mà Kinh thánh gọi là "cuộc sống vĩnh cửu" là cuộc sống đang chờ đợi chúng ta sau khi chết. Chúng ta được tạo dựng cho sự vĩnh cửu. Lazarô qua những trang sách của Cha Martin, là bạn của chúng ta. Sự phục sinh của ông nhắc nhở cho chúng ta về thực tại này.

Vatican City, ngày 11 tháng 3 năm 2024
 
Vatican công bố lịch trình cho các chuyến tông du của ĐTC sắp tới
Thanh Quảng sdb
19:36 03/06/2024
Vatican công bố lịch trình cho các chuyến tông du của ĐTC sắp tới

Văn phòng Báo chí Tòa thánh xác nhận các chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới thành phố Trieste (Ý), tới Đông Nam Á và Châu Đại Dương, và cuối tháng 9 tới Luxembourg và Bỉ, cũng như phụng vụ cho Lễ trọng thể Thánh Phêrô và Phaolô, và một công nghị để thông qua một số tiến trình phong thánh.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thể hiện các chuyến tông du bận rộn sắp tới, bắt đầu từ chuyến thăm mục vụ tới thành phố Trieste của Ý vào đầu tháng 7 để tham dự Tuần lễ Xã hội Công Giáo Ý.

Trong chuyến thăm ngày 7 tháng 7, Đức Thánh Cha dự kiến sẽ gặp gỡ những người di cư và những người kém may lành khác.

Trong tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ thực hiện hai Chuyến tông du bên ngoài nước Ý. Chuyến đầu tiên, từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 sẽ đưa ngài đi nửa vòng trái đất, đến các nước Đông Nam Á và Châu Đại Dương, để thăm viếng Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore.

Và cuối tháng, từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng một ngày ở Luxembourg trước khi đến thăm ba thành phố của Bỉ, nơi ngài sẽ tham dự lễ kỷ niệm 600 năm thành lập các trường đại học Công Giáo Leuven và Louvain-la-Neuve.

Lịch phụng vụ được công bố vào thứ Hai cũng lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì Thánh lễ trọng mừng hai Thánh Phêrô và Phaolô, ngày 29 tháng 7, bao gồm cả nghi thức ban phép lành cho dây Pallia cho các Tổng giám mục mới.

Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nhóm họp một Công nghị thường kỳ để châu phê các nguyên nhân khác nhau của các tiến trình phong thánh.

Lễ trọng kính Thánh Phêrô và Phaolô, tông đồ

Tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 9:30 sáng ngày 29/6/2024 nhân ngày lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ĐTC sẽ chủ sự Thánh lễ và làm phép các giây Pallia cho các tân Tổng giám mục.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hỉnh ảnh Thánh Lễ Truyền chức Linh Mục_ Avondale Arizona
Phan Hoàng Phú Quý
23:13 03/06/2024
Phóng Sự Đặc Biệt của Phan Hoàng Phú Quý

Con Là Linh Mục Đời Đời Theo Dòng Melkisêđê

“Không phải các con chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn các con, và cắt đặt để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại.”

(Avondale-Arizona) Thứ Bảy ngày 1 tháng 6 năm 2024, lúc 10 giờ sáng, giáo dân thuộc giáo xứ Thánh Linh, giáo xứ St. Louis King, giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN. Giáo xứ St. Mary, giáo xứ St. Juan Diego, cùng với quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ thuộc giáo phận Phoenix đã quy tụ về Thánh Đường St.Thomas Aquinas thuộc thành phố Avondale để tham dự thánh lễ truyền chức linh mục cho 3 thấy Phó tế Br.Elijah Delello, Mr. Jesus Martinez Vargas, Mr. Huy (Joseph) Nguyễn, do Đức Giám Mục Phoenix John P. Dolan cử hành.

Trong không khí trang nghiêm và sốt sáng, cộng đoàn dân Chúa đã đứng lên cùng với ca đoàn cất cao lời ca nguyện để chào đón vị chủ tế, quý giám mục, quý linh mục cùng đồng tế tiến về cung thánh.

ĐK. Lạy Chúa này con xin đến để thực thi ý Chúa. Khi con nghe tiếng Chúa gọi con, lạy Chúa này con dâng hiến đây tình yêu mến thương, để đáp lại tình Chúa yêu con.

1. Khi con nghe có tiếng Chúa gọi con, con sẽ đáp con đây Chúa ơi. Khi con nghe như tiếng Chúa mời con, con sẽ đáp lạy Chúa con đây.

2. Trong tâm tư tiếng Chúa nói cùng con, con sẽ đáp xin vâng Chúa ơi. Trên dương gian trong thương mến gọi con, con xin đến lạy Chúa con đây.

3. Sai con đi trong ơn phúc tình thương, con xin đến tâm tư hiến dâng, con ra đi trong ấn dấu hồng ân, xin dâng hiến lạy Chúa con đây.

Trước khi nhận lãnh bí tích Thánh, quý thầy Phó Tế đã nằm phủ phục dưới đất để xin ơn tha thứ. Trong khi cộng đoàn dân Chúa hát kinh cầu các Thánh. Sau đó quý Thấy quỳ gối và được Đức Giám Mục, quý linh mục đặt 2 tay lên đầu để chúc lành và ban ơn bình an, và cuối cùng Đức Giám Mục đã xức dầu thánh lên 2 bàn tay của quý thầy để truyền chức Linh Mục cho quý thầy: “CON LÀ LINH MỤC ĐỜI ĐỜI THEO DÒNG MELKISÊĐÊ”.

Trong phần giảng huấn, Đức Giám Mục chủ tế đã đề cao giá trị cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ giáo hội và tha nhân, nhất là trong sứ mạng quảng bá Tin Mừng Ơn Cứu Độ. Ngài vui mừng và hãnh diện vì nhận thấy được đức tin của những người trẻ dành cho Thiên Chúa vẫn còn dồi dào và sung mãn, Ngài cũng ngợi khan và cám ơn những bậc cha mẹ đã hy sinh cống hiến những người con thân yêu của mình cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội.

Lễ Truyền Chức được kết thúc sau nghi thức ban phép lành đầu tay của các tân linh mục cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa, mọi người được mời ở lại để dự tiệc trà chia vui và chúc mừng cùng với quý Tân Linh Mục.

Được biết Tân linh mục Huy (Joseph) Nguyễn, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. đến Hoa Kỳ vào năm 2014 cùng với cả gia đình. Hành trình ơn gọi của cha là một hành trình vòng tròn trong đó Chúa luôn hướng cha đến ơn gọi mà Ngài thấy là tốt nhất cho cha. Ước muốn trở thành linh mục của vị trai trẻ bắt đầu từ rất sớm. Tuy nhiên, khi lớn lên, cha bị phân tâm và thích làm việc khác vì cha nghĩ mình sẽ không bao giờ xứng đáng với chức linh mục, một ơn gọi cao cả vượt quá tầm với của cha. Tuy nhiên, ngài lại khá tích cực tại giáo xứ quê hương mình ở Việt Nam: làm lãnh đạo giới trẻ, giáo lý viên và tình nguyện cho các hoạt động khác tại giáo xứ, và đã trải nghiệm một lời kêu gọi mạnh mẽ đến một cuộc sống phục vụ, cảm thấy tràn đầy năng lượng và nhiệt tình cống hiến hết mình cho bất kỳ công việc phục vụ nào tại giáo xứ của mình. Gần cuối cấp 3, một ngày nọ ngài đến nhà bạn cùng với một chàng trai khác. Sau đó, cha anh ấy nói rằng: “Có thông báo kỳ thi tuyển vào chủng viện của giáo phận. Tôi nghĩ bạn có thể là một linh mục tốt. Tại sao bạn không tham gia chủng viện?” Nghe xong lòng ngài như rạo rực, cảm động, dù đây không phải là lần đầu tiên được nghe lời khuyên này. Tuy nhiên, ngài tin rằng Chúa có thời điểm của Ngài, và vì vậy thời điểm đó là thời điểm thích hợp để ngài can đảm thực hiện. Sau khi cầu nguyện về điều đó, ngài quyết định làm bài kiểm tra. Nhờ ân sủng của Chúa, ngài đã vượt qua bài kiểm tra với số điểm cao nhất, đủ điều kiện để vào chủng viện. Cha đã theo học tại chủng viện hai năm tám tháng tại một giáo xứ, đó là khoảng thời gian đáng chú ý và đáng nhớ tràn ngập niềm vui, bình an và ân sủng. Ơn gọi làm linh mục và ước muốn phục vụ của thầy càng trở nên mạnh mẽ hơn sau những năm đó. Vào năm 2014, Cha đến Bang Washington cùng gia đình. Vì cha rất hạnh phúc với ơn gọi làm chủng sinh giáo phận của giáo phận quê hương ở Việt Nam, nên cha cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa vẫn muốn cha tiếp tục với giáo phận. Sau vài tháng, giáo phận của cha đã nhận được học bổng của Chủng viện Divine Word College ở Iowa để học Triết học. Sau ba năm rưỡi ở đó, cha cảm nghiệm được tiếng Chúa mời gọi ở lại Hoa Kỳ thay vì quay lại Việt Nam để phục vụ giáo phận của cha trong tương lai, đặc biệt qua lời khuyên của Đức Giám Mục, người nghĩ rằng việc cha trở lại Việt Nam có thể không phải là một điều tốt, vì cha đã hoàn thành phần lớn thời gian học tập và đào tạo ở Hoa Kỳ. Sau nhiều lần cầu nguyện và phân định, cha cảm thấy Chúa kêu gọi và cha thử sống đời tu trì vào lúc này. Vì vậy, cha gia nhập Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, nơi cha đang theo học và đào tạo tại trường này. Sau bốn năm tại Dòng Ngôi Lời, Chúa đã giúp cha nhận ra một số thách thức mà ơn gọi truyền giáo đòi hỏi, đặc biệt là việc sống xa nhà. Nhờ sự quan phòng của Chúa, gia đình cha chuyển đến Phoenix và cha về nhà vào kỳ nghỉ hè. Ngay khi đặt chân lên mảnh đất này, cha đã yêu nó một cách khó hiểu. Cha đã trải qua một lời kêu gọi rất mạnh mẽ để dấn thân phục vụ giáo phận này. Sau rất nhiều lời cầu nguyện và phân định cẩn thận, cuối cùng cha quyết định chuyển sang Giáo phận Phoenix. Cha cảm thấy rất bình an và Chúa tiếp tục khẳng định ơn gọi của cha qua nhiều dấu chỉ. Bây giờ cha rất vui được trở lại với ơn gọi đầu tiên của mình, ơn gọi giáo phận, và cha tin chắc rằng Thiên Chúa đang đồng hành và hướng dẫn cha trên hành trình vòng tròn này. Mặc dù cha phải di chuyển khắp nơi nhưng cha trân trọng tất cả những gì cha đã học được trong suốt chặng đường với niềm tin chắc rằng Chúa đã sử dụng những thay đổi đó để chuẩn bị cho tương lai của cha.

Một thánh lễ Mỡ Tay (Lễ đầu tiên) được tổ chức tại giáo xứ St. Louis The King, để tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ cũng như cám ơn Ông Bà, Cha Mẹ, Anh Em Bà Con và Bạn Hữu cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã thương yêu, chúc phúc, nâng đỡ, và khuyến khích Tân Linh Mục trong những ngày tháng thơ ấu đến lúc trưởng thành.

Biết lấy gì cảm mến

Biết lấy chi báo đền

Hồng ân Chúa cao vời

Chúa đã làm cho con.

Cộng Đoàn dân Chúa được Tân Linh Mục Ban Phép Toàn Xá nhân ngày lễ Mỡ Tay của Ngài.

Trong niềm vui chung của Giáo Hội Hoàn Vũ, của Giáo Phận Phoenix, của Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Arizona và của gia tộc họ Nguyễn.

Chúng tôi xin có lời chúc mừng đến Ông Bà Cố Nguyễn Hồng Hoàn, Nguyễn Thị Thành và Tân linh mục Giuse Nguyễn Huy.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc và trả công bội hậu cho ông bà Cố, và cầu chúc Tân Linh Mục gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp trên đường phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Hoa Quả Đầu Mùa Dâng Tiến Mẹ

Rao Giảng Tin Mừng Tạ Ơn Cha

Phan Hoàng Phú Quý

Hình Ảnh Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục tại Avondale Arizona.

Xem Hình
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương Bẩy: Nghiên cứu Kinh Thánh sau Vatican II, các vấn đề chú giải
Vũ Văn An
18:55 03/06/2024

Các vấn đề chú giải

Đức Hồng Y Ratzinger đã nói vào khoảng thời gian đó, và rất đúng, rằng sẽ cần cả một thế hệ để tìm ra “khoa phê bình về khoa phê bình” cần thiết từ bên trong chính truyền thống phê bình, bởi vì, ở mức độ triết học sâu sắc, “qui điển thần học” trước đây từng lên khuôn việc giải thích “thực sự chính là điều mà khoa chú giải hiện đại tìm cách vượt qua”. (28) Ủy ban giáo hoàng ý thức rõ ràng về khó khăn này vì đã dành toàn bộ nửa sau các suy tư của mình cho khoa chú giải.

Khoa chú giải [Hermeneutics] là khoa học về giải thích—của bất cứ bản văn nào—và mặc dù ngôn ngữ và giọng điệu có vẻ khó hiểu, nhưng nó giải thích một số điều. Các nhà lý thuyết học vĩ đại hiện đại trong lĩnh vực này chẳng hạn như Schleiermacher, Dilthey, và Heidegger thời kỳ đầu có ảnh hưởng lớn đã cung cấp nền tảng thế tục cho công sức của nhiều học giả Kinh thánh. Rudolf Bultmann đã tạo ra tiếng vang cho nhiều cách tiếp cận chú giải học tiếp theo bằng cách chỉ ra một cách đúng đắn rằng, như Heidegger đã lập luận, chúng ta chỉ có thể giải thích khi đã có một sự hiểu biết trước (Vorverständnis) về các vấn đề khác nhau và mối quan hệ cuộc sống (Lebensverhältnis) với điều đang được giải thích. Vấn đề nơi Bultmann và nhiều người khác là những mối quan hệ cần thiết này đã bị giản lược, như nơi Heidegger, vào điều mà “con người ngày nay” có thể tin tưởng. Đối với Bultmann, khoa học hiện đại đơn giản đã phá hủy một thế giới quan trước đó, hay, như ông đã nói một cách nổi tiếng trong Kerygma and Myth [sứ điệp sơ truyền và huyền thoại]: “Không thể sử dụng ánh sáng điện và truyền thanh cũng như tận dụng những khám phá y tế và phẫu thuật hiện đại, và đồng thời tin vào thế giới thần linh và phép lạ trong Tân Ước.” (29) Đối với Heidegger, điều này dẫn đến một sự hiểu biết hiện sinh về một mô hình phức tạp mà ông đã khai triển trong nhiều tác phẩm khó hiểu khác nhau. Tuy nhiên, không cần suy gẫm nhiều mới thấy rằng người đọc “hiện sinh” chuẩn mực là một cấu trúc thoáng qua của một thời điểm nào đó trong triết học từng đạt cao điểm từ khoảng thập niên 1930 đến thập niên 1960. Vào đầu thế kỷ 21, Heidegger vẫn được coi là một nhà tư tưởng rất mạnh mẽ, nhưng loại chủ nghĩa hiện sinh của ông vẫn có những người thách thức và cách tiếp cận của ông chỉ là một trong một số tập hợp các giả định triết học khả hữu.

Trong khi đó, các nhà tư tưởng khác, như Hans-Georg Gadamer và Paul Ricoeur, đã đưa ra các hệ thống chú giải phù hợp hơn với cách hiểu của Kinh thánh về chính nó. (30) Như Ủy ban từng nhận xét, dù các phương thức chú giải giúp đẩy cái hiểu của chúng ta khỏi lập trường “khách quan” độc quyền và phiến diện của các phương pháp phê phán:

“Chúng ta vẫn phải thẳng thắn chấp nhận rằng một số lý thuyết chú giải không thỏa đáng để giải thích Kinh thánh. Thí dụ, cách giải thích hiện sinh của Bultmann có xu hướng gói gọn thông điệp Kitô giáo trong những ràng buộc của một triết lý đặc thù. Hơn nữa, nhờ những tiền giả định được nhấn mạnh trong khoa chú giải này, thông điệp tôn giáo của Kinh thánh phần lớn bị làm trống rỗng hết thực tại khách quan của nó (bằng cách “phi thần thoại hóa” quá mức) và có xu hướng bị giản lược chỉ còn là một thông điệp nhân học. Triết học trở thành chuẩn mực của việc giải thích, hơn là một công cụ để hiểu đối tượng trung tâm của mọi cách giải thích: con người của Chúa Giêsu Kitô và các biến cố cứu độ đã hoàn thành trong lịch sử nhân loại. Do đó, việc giải thích Kinh thánh chân chính bao hàm trước hết việc đón nhận ý nghĩa được đưa ra trong các sự kiện và, một cách tối thượng, trong con người của Chúa Giêsu Kitô. (31)

Joseph Ratzinger diễn đạt điều này trong một công thức sắc nét hơn: những nỗ lực trước đó đã tạo ra một reductio historiae in philosophiam, “sự giản lược lịch sử thành và bởi triết học”, một sai lầm rõ ràng khó tin đã không được ghi nhận nhiều trong quá khứ. (32)

Chỉ riêng lý trí thôi thì không thể dự ứng đầy đủ những gì xuất hiện trong Kinh thánh, và điều đó được các nhà tư tưởng “tiền phê phán” như các thánh Grêgôriô thành Nyssa, Augustinô và Tôma Aquinô, tiếp theo là Newman và nhiều nhà chú giải Công Giáo thận trọng khác hiểu khá rõ. Nhưng một lý trí hợp lý có thể cho thấy tại sao không phải là vô lý khi nghĩ rằng Thiên Chúa Sáng Tạo có thể truyền đạt những sự thật khác thường cho chúng ta. Và các phương pháp chú giải được áp dụng cho Kinh thánh phải có khả năng giải thích cho những khả thể đó—và không chỉ trong kinh nghiệm chủ quan, mà còn trong các thuật ngữ chuẩn mực của bản văn, cộng đồng tín hữu viết và đọc các bản văn đó, và cuối cùng các thực tại tâm linh được tất cả điều này tuyên bố đã ý thức được.

Ủy ban khuyến nghị một sự tái chiếm hữu một cách tinh vi sự kiện này là đối với Kinh thánh, có những nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng cũng như nghĩa trọn vẹn hơn [sensus plenior]. Chẳng hạn, phải chăng ngay cả nghĩa đen cũng luôn có thể rút gọn thành một điều duy nhất? Nó không trích dẫn, nhưng từ lâu Thánh Tôma đã nhận ra một sự thật đáng lưu ý: “Vì nghĩa đen là ý định của tác giả, và vì tác giả của Kinh Thánh là Thiên Chúa, Đấng bằng một hành vi, đã hiểu biết mọi sự vật bằng trí tuệ của Người, nên không phải là không phù hợp, như Thánh Augustinô nói (Tự thú xii), nếu, ngay cả theo nghĩa đen, một chữ trong Kinh thánh nên có nhiều nghĩa” (ST I, q. 1, a. 10). (33) Ngay cả các bản văn văn học dường như cũng có khả năng phóng chiếu nhiều hơn một “nghĩa đen” mà không vì thế rơi vào tình trạng bất định, không đơn giản cho phép người đọc gán cho chúng một ý nghĩa nào. Và một nghĩa đen - chẳng hạn như mô tả về Chúa Kitô và Mầu nhiệm Vượt qua - có thể vừa theo nghĩa đen vừa theo nghĩa thiêng liêng, vì theo cách nhìn của Kinh thánh, mọi thứ đều có chiều kích thiêng liêng. Tương tự như vậy, “ý nghĩa trọn vẹn hơn” là điều mà tác giả có thể không có ý định, nhưng nhờ sự linh hứng của Thiên Chúa, có thể trở nên rõ ràng khi suy gẫm sâu hơn về toàn bộ Kinh thánh. Ủy ban trích dẫn “thiếu nữ” trong Isaia (7:14) trở thành “trinh nữ” cưu mang Đấng Cứu Thế trong Mátthêu (1:28).

Các đặc điểm Công Giáo

Người Công Giáo rõ ràng có thể sử dụng tất cả các phương thức có sẵn, nhưng có một số nguyên tắc giải thích chuyên biệt của Công Giáo đặt nó giữa tất cả những điều phức tạp này:

Đặc điểm của khoa chú giải Công Giáo là nó cố tình đặt mình vào trong truyền thống sống động của Giáo hội, mà mối quan tâm hàng đầu là trung thành với mặc khải được Kinh thánh chứng thực. Khoa chú giải hiện đại đã làm rõ, như chúng ta đã lưu ý, không thể diễn giải một bản văn mà không bắt đầu từ “sự hiểu biết trước” thuộc loại này hay loại khác.

Các nhà chú giải Công Giáo tiếp cận bản văn Kinh thánh với một sự hiểu biết trước vốn kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa khoa học hiện đại và truyền thống tôn giáo bắt nguồn từ Israel và từ cộng đồng Kitô giáo sơ khai. Do đó, cách giải thích của họ liên tục với một mô hình giải thích năng động được tìm thấy trong chính Kinh thánh và tiếp tục trong đời sống của Giáo Hội. Mô hình năng động này tương ứng với yêu cầu phải có một mối quan hệ sống động giữa người diễn giải và đối tượng, một mối quan hệ cấu thành, trên thực tế, một trong những điều kiện làm cho toàn bộ công việc chú giải có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, tất cả sự hiểu biết trước đều mang lại những nguy hiểm với nó. Đối với khoa chú giải Công Giáo, nguy cơ là gán cho các bản văn Kinh thánh một ý nghĩa mà chúng không chứa đựng nhưng là sản phẩm của một sự phát triển sau này trong truyền thống. Nhà chú giải phải đề phòng mối nguy hiểm như vậy. (34)

Cảnh cáo cuối cùng áp dụng cho những nỗ lực hữu ích khác nhằm phục hồi các cách hiểu của giáo phụ, của thời trung cổ, của học thuật, của truyền thống và bản thân trong Giáo hội. Và ủy ban kết thúc với những suy tư phong phú về cách thức thực hiện tất cả những điều này, đặc biệt chú ý đến phụng vụ, lectio divina [đọc suy gẫm], thừa tác mục vụ và phong trào đại kết, luôn ghi nhớ mục tiêu tối hậu:

“Nhờ trung thành với truyền thống vĩ đại, mà chính Kinh Thánh là chứng nhân, khoa chú giải Công Giáo nên tránh càng nhiều càng tốt loại thiên kiến nghề nghiệp này và duy trì căn tính của mình như một bộ môn thần học, với mục đích chính là đào sâu đức tin. Điều này không có nghĩa là giảm bớt sự tham gia vào nghiên cứu học thuật thuộc loại nghiêm ngặt nhất, cũng không phải là lý do bào chữa cho việc lạm dụng phương pháp luận vì quan tâm hộ giáo. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu (phê bình bản văn, nghiên cứu ngôn ngữ học, phân tích văn học, v.v.) đều có những quy định riêng và phải tuân theo một cách hoàn toàn tự chủ. Nhưng không có bất cứ chuyên ngành nào trong số này là một cùng đích trong chính nó. Trong việc tổ chức nhiệm vụ chú giải nói chung, định hướng hướng tới mục tiêu chính vẫn phải là ưu tiên hàng đầu và do đó giúp tránh lãng phí năng lực. Khoa chú giải Công Giáo không có quyền bị lạc vào bãi cát của một phân tích quá phê phán, giống như một dòng nước. Nhiệm vụ của nó là hoàn thành, trong Giáo Hội và trong thế giới, một chức năng quan trọng, đó là góp phần vào việc truyền tải nội dung của Kinh thánh linh hứng một cách ngày càng xác thực hơn. (35)

Đức Bênêđictô XVI

Cuốn Jesus of Nazareth [Chúa Giêsu Thành Nadarét] của Đức Bênêđictô XVI, tập 1 (2007), cố gắng giải quyết các vấn đề khác nhau do học thuật Kinh thánh hiện đại nêu ra và tích hợp chúng vào việc đọc các Tin mừng một cách trung thực, mà không muốn giảm bớt, chứ đừng nói đến việc loại bỏ phương pháp phê bình lịch sử. (36) Như một số độc giả của cuốn sách đã chỉ ra, nó thường giải quyết các tranh chấp có từ khá sớm so với ngày xuất bản, chủ yếu là giữa các học giả người Đức. Nhưng đối với các mục đích hiện tại của chúng ta, điều đó làm cho “việc đích thân tìm kiếm ‘diện mạo của Chúa’” (37) này càng trở nên hữu ích hơn ở chỗ nó thể hiện một kiểu đánh giá hồi cố về học thuật Kinh thánh Công Giáo trong thế kỷ XX. Đức Bênêđíctô bắt đầu bằng cách vạch ra một số vấn đề nghiêm trọng. Phương pháp được cho là đưa chúng ta trở lại phía sau những phần bồi đắp không nhất quán sau này vào chính câu chuyện căn bản đã tạo ra những cách giải thích khác nhau về Chúa Giêsu với tư cách là một nhà cách mạng chống La Mã hoặc một “người thầy dạy luân lý nhu mì đến... để đau buồn”. (38) Nhưng thậm chí còn tồi tệ hơn, sự bất lực rõ ràng của những phân tích được cho là khoa học trong việc đạt được một bức chân dung nhất quán là hiệu quả tích lũy của loại nghiên cứu bỏ lửng này: “Nếu bạn đọc lần lượt một số bản dựng lại này, bạn sẽ thấy ngay rằng thay vì phát hiện ra một hình tượng đã trở nên mờ nhạt theo thời gian, chúng giống như những bức ảnh của tác giả và những lý tưởng mà họ nắm giữ. Kể từ đó, ngày càng có nhiều hoài nghi về những chân dung này của Chúa Giêsu, nhưng hình ảnh của chính Chúa Giêsu vì lý do đó càng lùi xa hơn nữa.” (39)

Và hiệu quả thậm chí còn lan rộng hơn trong giới học giả cũng như những tín hữu bình thường:

Tất cả những nỗ lực này đều tạo ra một kết quả chung: ấn tượng cho rằng chúng ta biết rất ít về Chúa Giêsu và chỉ ở giai đoạn sau, niềm tin vào thần tính của Người mới hình thành hình ảnh mà chúng ta có về Người. Ấn tượng này cho đến nay đã ăn sâu vào tâm trí của những người Kitô hữu nói chung. Đây là một tình huống đầy bi thảm đối với đức tin, bởi vì điểm quy chiếu của nó đang bị nghi ngờ: Tình bạn mật thiết với Chúa Giêsu, điều mà mọi sự tùy thuộc vào, có nguy cơ tan thành mây khói. (40)

Đức Bênêđíctô nói: Hai điểm đặc biệt quan trọng trong sự hiểu biết của Kitô giáo: Thiên tính của Chúa Kitô trong mối quan hệ với Chúa Cha và sự hiện hữu lịch sử thực tế của Người. Rõ ràng, thần học Chúa Ba Ngôi và toàn bộ niềm tin của Do Thái giáo-Kitô giáo vào một Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử, đầu tiên là ở người Do Thái và sau đó là ở Giáo hội, không thể tránh khỏi bị trộn lẫn vào những xung đột và nhầm lẫn học thuật, cũng như những mầu nhiệm không thể thấu triệt về một hữu thể vừa là Thiên Chúa vừa là con người.

Đức Bênêđíctô trích dẫn Rudolf Schnackenburg, “có lẽ là nhà chú giải Công Giáo nổi bật nhất viết bằng tiếng Đức trong hậu bán thế kỷ XX”, (41) như người đã ý thức được hố sâu mở ra giữa nền học giả và đức tin, và đến cuối đời, ông tìm cách vượt qua nó trong một số tác phẩm tổng hợp. Đức Bênêđíctô tự đề xuất sẽ làm một điều tương tự, dựa phân tích của ngài trên cuốn Giải thích Kinh thánh trong Giáo Hội (1993) và Người Do Thái và Kinh thánh của họ trong Kinh thánh Kitô giáo (2001). Nhưng ngài nhấn mạnh rằng phương pháp phê bình-lịch sử, như đã hiện hữu hơn nửa thế kỷ qua, phải là một phần nghiêm túc của cuộc đàm luận trong Giáo hội bởi vì chính sự kiện Nhập thể đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo, không phải chuyện hoang đường hay chuyện kể hay “các chân lý siêu lịch sử có tính tượng trưng”, (42) mà là nền tảng nhân bản và lịch sử cụ thể của đức tin Kitô giáo: sự hiện hữu trần thế của Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và cũng là con người thật. Không có cam kết với lịch sử thực sự của một con người nhân bản có thực, chúng ta sẽ thực hành một đức tin khác.

Nhưng nói rằng phương pháp phê bình-lịch sử là không thể thiếu đối với tín ngưỡng truyền thống của Kitô giáo không có nghĩa là nó thấu đáo hoặc luôn luôn là một hướng dẫn đáng tin cậy. Theo công thức của Đức Bênêđíctô, việc nghiên cứu lịch sử, tự chính bản chất của nó, bị giới hạn vào việc điều tra những điều trong quá khứ hoặc các thái độ, chẳng hạn như thái độ của các tác giả Tân ước và ý định của họ trong việc tạo ra các sách Tin Mừng, Công vụ, các bức thư và các bản văn khác trong quy điển Tân ước của chúng ta. Ngay cả khi phương pháp phê bình-lịch sử tìm cách rút ra các song hành với hiện tại, nhưng, nếu nó trung thực với chính nó, nó cũng không can dự vào việc cố gắng xem những gì thuộc quá khứ đang sống trong hiện tại. Nói rằng phương pháp này có giới hạn không có nghĩa là nó sai; các giới hạn của nó, giống như các giới hạn của bất cứ ngành khoa học nào được thực hiện đúng cách, đều định ra một lĩnh vực trong đó nó có những đóng góp chính xác và giá trị nhất. Trong trường hợp đặc thù này, lịch sử sẽ không dấn thân vào khía cạnh tâm linh hay thần học. Đối tượng chuyên biệt của nó là “lời nói nhân bản như là nhân bản”. (43) Một quan điểm cao quý về phương pháp của Đức Bênêđictô, nhưng một sự cao quý được tôn trọng trong việc vi phạm hơn là trong việc tuân thủ.

Đối với Giáo hội, ngay một điều đơn giản như sự thống nhất của tất cả các sách trong Kinh thánh cũng là điều mà các nghiên cứu lịch sử hoặc không thể đạt được hoặc gặp khó khăn trong việc biện minh, mặc dù trên thực tế, những bản văn đó đã được liên kết trong nhiều năm. Nhưng trong chính sự thiếu hụt này, Đức Bênêđíctô nói, phương pháp cho thấy nó cần những phương pháp khác; nó tìm đến các nghiên cứu bổ sung để cố gắng trả lời những câu hỏi mà nó không thể. Giống như ủy ban, ngài trích dẫn Brevard Childs của Đại học Yale và cả một trường phái các nhà chú giải lớn lên xung quanh ông và hầu như đã phát minh ra bộ môn được gọi là phê bình qui điển, lấy điểm khởi đầu là các sách Kinh thánh đã được tập hợp và liên kết với nhau. Từ điểm xuất phát khá khác biệt này, có thể xem xét những cách hỗ tương trong đó các bản văn đóng góp vào việc hình thành hoặc đọc lẫn nhau, vì nhiều tác giả nhân bản hiểu mình đang viết chính trong các mối quan hệ như vậy với các bản văn khác. Đức Bênêđictô nói, tính thống nhất của Kinh thánh là một dữ kiện thần học, nhưng tuy thế nó không phải chỉ được áp đặt từ bên ngoài. Nó có một sự hiện hữu hữu cơ, sống động trong các phát triển lịch sử mà nhờ đó các bản văn được tiếp nhận lại, đọc lại, diễn giải lại dưới ánh sáng của những hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, có lý do, “lý do lịch sử”, trong diễn trình này.

Đức Giáo Hoàng cũng chỉ ra một thực tại phức tạp quen thuộc với nhiều học giả nghiên cứu văn học nhưng thường ít hơn đối với các học giả Kinh Thánh. Tất cả những lời phát biểu của con người đều chứa đựng những yếu tố vượt ra ngoài ý định của các tác giả con người. Mặc dù Đức Bênêđíctô không sử dụng thuật ngữ này, một số học giả văn học coi đó là một “ngụy biện có chủ ý”, như chúng tôi đã lưu ý trước đó, khi nghĩ rằng ý nghĩa của một tác phẩm chỉ là những gì tác giả nói rằng họ muốn nói hoặc một số nhà phê bình cho rằng tác giả muốn nói đến. Ngay cả những câu nói đơn thuần của con người cũng chứa đựng nhiều điều hơn là tác giả có thể ý thức được. Và khi tác giả dấn thân vào việc viết một điều gì đó được Thiên Chúa linh hứng—một điều mà lịch sử đúng nghĩa không thể xác nhận cũng không thể phủ nhận—vấn đề cũ trong các nghiên cứu kinh thánh về ý định của tác giả cho thấy chính nó là một lĩnh vực có thật nhưng rất hạn chế, và các đường nét của điều nguồn linh hứng muốn nói trở nên rõ nét hơn.

Khoa chú giải hiện đại giúp ích rất nhiều ở đây. Đức Bênêđíctô mô tả chính xác việc làm thế nào Kinh thánh không chỉ là những bản văn khác nhau được viết bởi những cá nhân cô lập. Chúng bao gồm các trước tác xuất phát từ “trái tim của một chủ thể sống động—dân lữ hành của Thiên Chúa”. (44) Như thế, có ba “chủ thể” tham gia vào diễn trình sản xuất ra chúng. Đầu tiên, một nhà văn con người, vốn là một phần của cộng đồng này, rút tỉa ý nghĩa sống động mới từ các bản văn trước đó; thứ hai, dân Chúa cung cấp một bối cảnh nào đó, đặc biệt bởi vì, thứ ba, họ là “của Thiên Chúa”. Nhưng “của Thiên Chúa” cũng bao hàm một sự tự siêu việt nào đó về căn tính trong một cộng đồng tự cho phép mình “được Người ra lệnh, hướng dẫn và lãnh đạo”. (45)

Đối với Đức Bênêđictô, điều này dẫn đến một niềm tin căn bản vào Chúa Giêsu như được mô tả trong các sách Tin Mừng. Tất cả những nỗ lực nhằm giản lược Người thành một điều duy tự nhiên hơn, dễ xoay xở hơn trong các phạm trù lịch sử thế tục hoặc bối cảnh học thuật đều không tính đến những hiệu quả đáng chú ý mà Người vốn có đối với những người theo chân Người trực tiếp và lịch sử sau đó. Những sự kiện đó cũng cần phải được ghi nhận trong một đánh giá khoa học, phê phán. Và Đức Bênêđíctô thấy không thuyết phục khi cho rằng Kitô học, một ngành từng có mặt chỉ hai mươi năm sau cái chết của Chúa Kitô, là sự sáng tạo của cộng đồng ẩn danh:

Làm thế nào những nhóm vô danh này có thể sáng tạo như vậy? Làm thế nào họ có sức thuyết phục như vậy và làm thế nào họ có thề xoay xở để chiếm ưu thế? Chẳng phải sẽ hợp lý hơn, kể cả khi nói về mặt lịch sử, khi cho rằng sự vĩ đại đã đến ngay từ đầu, và nhân vật Chúa Giêsu thực sự đã làm nổ tung mọi phạm trù hiện có và chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thiên Chúa?... Mặc dù các trước tác Tân Ước cho thấy một nỗ lực rất lớn gồm nhiều lớp lang để nắm được nhân vật Chúa Giêsu, nhưng chúng biểu lộ một sự hòa hợp sâu sắc bất chấp mọi khác biệt. (46)

Tất nhiên, đó là mấu chốt gây tranh cãi giữa một bên là các sử gia đúng nghĩa với những công trình tái tạo rời rạc của họ, và mặt khác là tất cả những người vẫn tìm thấy các bản văn Tân Ước như chúng ta hiện có—với sự nhất trí chung của họ về thừa tác vụ, Cuộc khổ nạn, việc đóng đinh và Sự phục sinh, cũng như tầm quan trọng của chúng đối với toàn thể nhân loại— phải là khuôn khổ đáng tin cậy nhất để hiểu Chúa Giêsu.

Kết luận: Ba thế hệ

Luke Timothy Johnson khéo léo so sánh các giai đoạn nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo trong thế kỷ XX với kinh nghiệm của những người nhập cư ở Mỹ. Ông nói, chúng ta có thể thấy rằng có ba giai đoạn trong nền học giả: (1) giai đoạn chủ yếu là tiền phê bình cho đến thông điệp Divino Afflante Spiritu; sau đó, (2) nhiệt thành chấp nhận các phương thức phê bình lịch sử, một khi chúng được cho phép, được thông qua Công đồng và tiếp tục trong một phần tư thế kỷ tiếp theo hoặc lâu hơn; và (3) cuối cùng, một bước ngoặt phê phán về chính phương pháp phê bình-lịch sử của các học giả Công Giáo hoàn toàn quen thuộc với các phương pháp luận mới nhưng ngày càng nhận thức được những hạn chế của chúng, đặc biệt là khoảng cách của chúng với nhu cầu của Giáo hội và đời sống đức tin. Johnson lập luận, những điều này tương tự như trải nghiệm của các gia đình nhập cư ở chỗ thế hệ cũ giống như một người đến Mỹ hoàn toàn có nguồn gốc châu Âu nhưng có thể sống trong bầu không khí xa lạ của một nền văn hóa mới với sự thích nghi tối thiểu; thế hệ thứ hai, con cái của những người nhập cư đó, thường không muốn làm gì với lối sống cũ và mong muốn trở thành người Mỹ hoàn toàn; và cuối cùng, thế hệ thứ ba coi Mỹ là điều hiển nhiên và muốn biết công thức làm món ossobuco [Món ăn của Ý với thịt bê non] của bà ngoại. (47)

Tuy nhiên, không chỉ là một hình ảnh khéo léo, sự so sánh này nắm bắt được một số câu hỏi thực sự cần được đặt ra để nghiên cứu Kinh thánh. Chẳng hạn, nghiên cứu “khoa học” về các bản văn có một giá trị hạn chế nhưng thực sự trong việc giúp chúng ta hiểu được bối cảnh lịch sử nơi Chúa Giêsu sống và lịch sử khả hữu của việc biên soạn các bản văn Kinh thánh như chúng ta hiện có. Nhưng bất cứ ai ở bất cứ mức độ tinh tường nào về lịch sử đều hiểu rằng những công trình tái tạo này về bản chất là suy đoán, không có tính khoa học. Vì chúng ta không có tài liệu Q, chẳng hạn, tài liệu mà nhiều học giả đã thừa nhận phần nào hợp lý như một nguồn những lời nói của Chúa Giêsu, nên chúng ta không biết liệu nó có thực sự hiện hữu hay không hay liệu một lý thuyết nào khác, chưa được đề xuất, có thể giải thích tốt hơn những điểm chung giữa các sách Tin Mừng hoặc thứ tự soạn tác của chúng. Vào thời điểm chúng tôi viết toàn bộ các tập sách - thực sự một “Dự án Q Quốc tế” đã được tạo ra trong thập niên 1980 – với việc bảo đảm chắc chắn về “ba lớp”, hẳn phải hiện hữu trong một tài liệu mà chúng ta thậm chí không chắc là có hiện hữu hay không, một điều gì đó đã trở thành sai lạc cách khủng khiếp dù đã có cuộc nghiên cứu các bản văn một cách khoa học. (48) Sẽ không hoàn toàn sai khi nói rằng phần lớn nền học giả thế kỷ 19, chủ yếu như được thực hiện ở Đức theo một số giả định nào đó, hiện đã bị bỏ rơi. Và phần lớn nền học giả trong thế kỷ 20, dựa trên những giả định đó - ngay cả khi nó đi trệch khỏi các kết luận trước đó - cũng ở trong tình trạng bấp bênh không kém khi các học giả bắt đầu đặt ra những câu hỏi khác nhau.

Một điểm khác mà Johnson và nhiều người khác có quan điểm khác với ông đã nhấn mạnh là nghiên cứu học thuật về Kinh thánh về cơ bản là tách rời khỏi cộng đồng Ki-tô giáo. Trên thực tế, giới học thuật người Đức đã định hình phần lớn các phương pháp phê bình hiện đại đã nghi ngờ về những gì họ coi là sự phát triển từ một Tiền Tin Mừng (Ur-Gospel)—những phần bổ sung mà một số người Thệ Phản cho là sự thêm thắt “Công Giáo” vào thông điệp thuần túy của Chúa Giê-su. Mặc dù bản thân các học giả không thể đồng ý về thông điệp trước đó là gì, nhưng bằng cách nào đó, họ coi bất cứ sự chấp nhận nào đối với truyền thống chung là nhất thiết phải bị vấy bẩn với việc thể chế hóa quyền lực và “sự thường xuyên hóa sức hút”. Nhưng một người Công Giáo, thậm chí là một người Công Giáo nhận thức sâu sắc về những phát triển như vậy, có thể lập luận rằng bất cứ sự bổ sung nào có thể xảy ra cũng có thể được coi là sự phong phú hoặc nỗ lực hợp pháp trong Giáo hội sơ khai để sàng lọc những gì được công nhận rộng rãi là xác thực với những gì không. Ví dụ, nhiều bằng chứng mà chúng ta có về sự đồng thuận cơ bản về các bản văn Tân ước có thẩm quyền có thể khiến một người quan sát không thiên vị kết luận rằng ngay cả giữa các giáo hội khác nhau quanh lưu vực Địa Trung Hải trong các thế kỷ Ki-tô giáo đầu tiên, đã có sự đồng ý rộng rãi về một số đường cơ bản.

Ngoài những khó khăn này trong nền học thuật kinh thánh hiện đại, còn có một vấn đề về địa điểm văn hóa của một nền học thuật như vậy bên ngoài các giáo hội. Vì qui ước học thuật coi thường các mối liên hệ với các cộng đồng tín hữu đặc thù, trong bản chất, như những thành kiến hơn là, giống như chính cộng đồng học thuật, một truyền thống hiểu biết và ứng dụng hữu ích, nên việc nghiên cứu Kinh thánh hiện đại, phần lớn diễn ra tại các tổ chức thế tục, thấy mình ở một vị trí không mấy vui vẻ để có thể đòi thẩm quyền đối với một bản văn có ít ý nghĩa bị tách khỏi tầm quan trọng của nó đối với các tín hữu Ki-tô giáo. Nếu Ki-tô giáo theo cách hiểu truyền thống trong đời sống của nhiều tín hữu đó thực sự là bất hợp pháp hoặc không có cơ sở hoặc thực sự bị phản đối, thì sẽ khó hiểu tại sao tiền nhà nước nên được chi cho việc nghiên cứu Kinh thánh hơn là các nghiên cứu về Ba-by-lôn hoặc Ai Cập.

Không có khả năng là ngay cả các học giả thế hệ thứ ba, Công Giáo hay Tin lành, sẽ đạt được nhiều tiến bộ trong việc chống lại hội hàn lâm này, vì quá trình thăng tiến và bổ nhiệm có xu hướng duy trì các thông lệ hiện có, giống như điều xảy ra trong việc thành lập các giám mục hoặc Hồng Y trong Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, trong trường hợp sau, có một lý do hợp lý tự ý thức đang hoạt động: Giáo hội tìm cách lưu truyền một truyền thống vừa trung thành với kinh nghiệm nguyên thủy vừa thích ứng với các điều kiện mới. Chính ở đây, một loại học thuật khác của thế hệ thứ ba có thể hữu ích nếu các học giả Kinh thánh được đào tạo đầy đủ, những người hiểu cả cách sử dụng lẫn các giới hạn của các phương pháp lịch sử, nhưng trung thành với truyền thống Công Giáo, cẩn thận thực hiện nỗ lực tái kết nối với các tổ tiên vĩ đại mà không làm mất đi những gì tốt đẹp trong học thuật hiện tại.

Tất nhiên, đây không phải là một công việc dễ dàng, và hiện tại rất khó mà nói làm thế nào sự tổng hợp mới giữa phê bình lịch sử và truyền thống này có thể trở nên khả hữu cả trong các định chế Công Giáo. Dường như vẫn còn hiện hữu một cảm giác, có từ thời kỳ công đồng, đôi khi bởi những người được đào tạo bởi những người chịu sự hẹp hòi trước công đồng, cho rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm tái nối kết với khoa chú giải Công Giáo tiền phê bình sẽ dẫn đến việc bác bỏ xưa, không muốn tham gia vào tư tưởng hiện đại. Trong các vụ việc của con người, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng nguy cơ ngược lại dường như có nhiều khả năng xảy ra hơn vào đầu thế kỷ 21 - đó là việc khoa phê bình lịch sử khi quá tự tin rằng nó đại diện cho một nền nghiên cứu các bản văn Kinh thánh có tính khoa học trung lập đã bác bỏ gần hai thiên niên kỷ việc Kitô giáo tự hiểu biết chính nó, việc này đơn giản sẽ dẫn đến một khoảng cách không thể lấp đầy giữa các học giả và các tín hữu bình thường. Đây không phải là một tình huống lành mạnh hay hạnh phúc, ngay cả đối với các học giả, những người cảm thấy chỉ có thể trả lời trước các đồng nghiệp của họ trong các phường hội khép kín, càng không phải đối với một Giáo hội cam kết coi mọi sự thật, từ bất cứ nguồn nào, cuối cùng, đều phát xuất từ chính Thiên Chúa.

Ghi Chú

1 John Dominic Crossan, The Birth of Christianity [Sự ra đời của Kitô giáo] (New York: HarperOne, 1999), 481-526. Crossan đã nói những điều như vậy ngay từ những năm 1970.

2 Garden City, N.Y.: Doubleday, 1976.

3 Xem Thomas Sheehan, “Revolution in the Church” [Cách mạng trong Giáo hội], New York Review of Books, 14/6/1984: 35-38.

4 Edward Schillebeeckx, Jesus: An Experiment in Christology [Chúa Giêsu: Một thí nghiệm về Kitô học], Hubert Hoskins dịch (New York: Nhà xuất bản Seabury, 1979).

5 Edward Schillebeeckx, Christ: The Experience of Jesus as Lord [Chúa Kitô: Kinh nghiệm Chúa Giêsu là Chúa], John Bowden dịch (New York: Seabury Press, 1980); Church: The Human Story of God [Giáo hội: Câu chuyện con người của Thiên Chúa], John Bowden dịch (New York: Ngã tư, 1990).

6 Tình tiết này được kể lại trong Edward Schillebeeckx, I Am a Happy Theology: Conversations with Francesco Strazzari [Tôi là một nền thần học hạnh phúc: Các cuộc đàm đạo với Francesco Strazzari] (New York: Crossroad, 1994), 32-34. Nói rộng hơn, xem. Ted Schoof, chủ biên, The Schillebeeckx Case: Official Exchange of Letters and Documents in the Investigation of Fr. Edward Schillebeeckx, O.P., by the Sacred Congregation for the Doctrine of the Faith, 1976—1980 [Vụ Schillebeeckx: Trao đổi thư từ và tài liệu chính thức trong cuộc điều tra Cha Edward Schillebeeckx, O.P., của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, 1976-1980] (New York: Paulist Press, 1984).

7 Raymond E. Brown, Biblical Exegesis and Church Doctrine [Giải thích Kinh thánh và Tín lý Giáo hội] (New York: Paulist Press, 1985), 38n29.

8 Brown đã biên tập hai tập sách chứng minh chính xác hai chủ đề này: Mary in the New Testament [Đức Maria trong Tân Ước] (Philadelphia: Fortress Press, 1978); và Peter in the New Testament [Thánh Phêrô trong Tân Ước] (Minneapolis: Augsburg, 1973), cả hai đều là kết quả của các hội nghị đại kết. Brown và những tác phẩm tương tự khác đã kêu gọi những lời đáp lại của phe bảo thủ. René Laurentin, một học giả Kinh Thánh người Pháp, đã viết rất nhiều tác phẩm về Đức Trinh Nữ. Và George Kelly, một nhà xã hội học người Mỹ được đào tạo bài bản, đã đưa ra một sự phản đối toàn diện và đầy nhiệt huyết đối với toàn bộ phương pháp phê bình lịch sử trong The New Biblical Theists: Raymond E. Brown and Beyond [Những Nhà Hữu thần Kinh thánh Mới: Raymond E. Brown và quá bên kia] (1983; San Francisco: Ignatius Press, 2000).

9 Tóm tắt từ Luke Timothy Johnson, The Real Jesus: The Misguided Quest for the Historical Jesus and the Truth of the traditional Gospels [Chúa Giêsu Thực Sự: Việc Tìm tòi Bị hướng dẫn sai về Chúa Giêsu Lịch sử và Sự thật của Các Tin mừng truyền thống] (New York: Harper Collins, 1997), 57-58.

10 “Thật vậy, có thể lập luận rằng Jerry Falwells và Đức Hồng Y Ratzingers của thời đại này có sự hiểu biết trí thức sắc bén hơn về những hậu quả văn hóa của việc đào tạo chủng viện như vậy so với những đối tác cấp tiến của họ, những người chỉ đơn giản kêu gọi lý tưởng tự do học thuật” (ibid., 62).

11 Karl Rahner, S.J., The Shape of the Church to Come [Hình dạng của Giáo hội Tương lai] (New York: Seabury, 1974), 54.

12 R. R. Reno, “Whither Historical Criticism?” [Đâu là Phê phán lịch sử?] First Things, ngày 2 tháng 3 năm 2009, trực tuyến tại www.firstthings.com/web-exclusives/2009/03/whither-histocal-criticism.

13 Robinson, Roman Catholic Exegesis [Khoa chú giải Công Giáo Rôma], 2 và 151.

14 Xem Joseph A. Fitzmyer, The Interpretation of Scripture: In Defence of the History-Critical Method [Việc Giải thích Kinh Thánh: Bênh vực Phương pháp Phê bình-Lịch sử] (New York: Paulist Press, 2008), 44.

15 Xem Joseph A. Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document “The Interpretation of the Bible in the Church”: Text and Commentary [Tài liệu của Ủy ban Kinh thánh “Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội”: Bản văn và Bình luận] (Rome: Pontificio Istituto Biblico, 1995), và Peter S. Williamson, Catholic Principles for Interpreting Scripture: A Study of the Pontifical Biblical Commission’s The Interpretation of the Bible in the Church [Các nguyên tắc Công Giáo để giải thích Kinh thánh: Nghiên cứu về Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội của Giáo hoàng Ủy ban Kinh thánh] (Rome: Pontificio Istituto Biblico, 2001).

16 Giáo hoàng Ủy ban Kinh thánh, The Interpretation of the Bible in the Church [Việc giải thích Kinh thánh trong Giáo hội], ngày 15 tháng 4 năm 1993, phần giới thiệu; Bản dịch tiếng Anh (18/03/1994) do EWTN cung cấp trực tuyến: www.EWTN.com/library/curia/pbcinter.htm.

17 Như trên, lời nói đầu.

18 Như trên.

19 Như trên, IA4.

20 Vào năm 2001, ngay sau nhiều năm được đề cập trong tác phẩm hiện tại, Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng đã ban hành một nghiên cứu có tựa đề Dân tộc Do Thái và Kinh thánh của họ trong Kinh thánh Kitô giáo, nhằm tìm cách thiết lập giá trị của Cựu Ước cả trong chính nó lẫn trong ý nghĩa của nó, mối liên hệ và sự ứng nghiệm trong Tân Ước.

21 Joseph Ratzinger có một quan điểm gay gắt hơn về sự nhiệt tình đối với những ví dụ “đọc Kinh thánh trái với ý định của nó” như “dấu hiệu bi thảm nhất về tình trạng khẩn cấp trong đó khoa chú giải và thần học tự tìm thấy chính mình”: “Biblical Interpretation in Conflict” [Giải thích Kinh thánh trong xung đột], 5.

22 Hai trong số những bản văn cổ điển của thần học giải phóng là Gustavo Gutiérrez, A Theology of Freedom: History, Politics, and Salvation [Thần học về Tự do: Lịch sử, chính trị và Ơn Cứu rỗi] Caridad Inda và John Eagleson dịch (Maryknoll, N.Y.: Orbis, 1973), và Jon Sobrino, Jesus the Liberator: A History-Theological Reading of Jesus of Nazareth [Chúa iêsu Đấng Giải phóng: Một cách đọc Thần học – Lịch sử về Chúa Giêsu thành Nadare1t], Paul Burns và Francis McDonagh dịch (Maryknoll, N.Y.: Orbis, 1993). Một tuyển tập bản văn hữu ích là Alfred T. Hennelly, Liberation Theology: A Documentary History [Thần học Giải phóng: Lịch sử Tài liệu] (Maryknoll, N.Y.: Orbis, 1990).

23 Giáo hoàng Ủy ban Kinh thánh, Interpretation of the Bible [Giải thích Kinh thánh], IE1.

24 Trong số rất nhiều công trình trong lĩnh vực này, xem Elisabeth Schüssler-Fiorenza, In Memory of Her: A Feminist Theological Reconstruction of Christian Origins [Tưởng nhớ bà: Tái thiết thần học nữ quyền về nguồn gốc Kitô giáo] (New York: Crossroad, 1983). Có khuynh hướng triệt để hơn là nhiều cuốn sách có ảnh hưởng của Mary Daly, đặc biệt là Beyond God the Father: Toward a Philosophy of Women’s Liberation [Bên kia Thiên Chúa Cha: Hướng tới một triết lý giải phóng phụ nữ] (Boston: Beacon Press, 1973), Gynecology: The Metaethics of Radical Feminism [Phục khoa:Siêu đạo đức học của Phong trào Duy nữ Cực đoan] (Boston: Beacon Press, 1978), và những cuốn khác.

25 Giáo hoàng Ủy ban Kinh thánh, Interpretation of the Bible [Giải thích Kinh thánh], IE2.

26 Như trên, IF.

27 Như trên.

28 Ratzinger, “Biblical Interpretation in Conflict” [Giải thích Kinh Thánh trong Xung đột], 6. Tiểu luận của Ratzinger quay trở lại một hội nghị ở New York được tổ chức vào năm 1988.

29 Hans Werner Bartsch và Rudolf Bultmann, Kerygma and Myth: A Theological Debate [Giáo lý Sơ truyền và Huyền thoại: Cuộc tranh luận thần học], tập 1, Reginald H. Fuller dịch (London: SPCK, 1953), 5. Tập sách hữu ích này bao gồm tiểu luận gốc năm 1941 của Bultmann và một số bình luận về nó.

30 Paul Ricoeur, Essays on Biblical Interpretation [Tiểu luận về Giải thích Kinh thánh], Lewis S. Mudge chủ biên (Philadelphia: Pháo đài, 1980); và Hans-Georg Gadamer, Truth and Method [Sự thật và Phương pháp] (New York: Continuum, 1975).

31 Giáo hoàng Ủy ban Kinh thánh, Interpretation of the Bible [Giải thích Kinh thánh], IIA2.

32 “Biblical Interpretation in Conflict” [Giải thích Kinh Thánh trong Xung đột], 19. Xem thêm Vincent A. McCarthy, Quest for a Philosophical Jesus: Christianity and Philosophy in Rousseau, Kant, Hegel, and Schelling [Truy tìm một Chúa Giêsu Triết học: Kitô giáo và Triết học ở Rousseau, Kant, Hegel, và Schelling] (Macon, Ga.: Nhà xuất bản Đại học Mercer, 1986).

33 Xin xem John F. Boyle, “St. Thomas Aquinas and Sacred Scripture” [Thánh Tôma Aquinô và Thánh Kinh], Pro Ecclesia 4 (1995): 92-104.

34 Giáo hoàng Ủy ban Kinh thánh, Interpretation of the Bible [Giải thích Kinh thánh], III.

35 Như trên, kết luận.

36 Chúa Giêsu Nazareth: Từ lễ rửa tội ở sông Giođan đến cuộc hiển dung, Adrian J. Walker dịch (New York và cộng sự: Doubleday, 2007).

37 Như trên, xxiii.

38 Như trên, xii.

39 Như trên.

40 Như trên.

41 Như trên, xii—xiii.

42 Như trên, xv.

43 Như trên, xvii.

44 Như trên, xx.

45 Như trên, xxi.

46 Như trên, xxii—xxiii.

47 Xem chương của ông, “Nền Học giả Kinh thánh Công Giáo là gì?” trong Luke Timothy Johnson và William S. Kurz, S.C., Tương lai của Nền học giả Kinh thánh Công Giáo: Một cuộc đối thoại mang tính xây dựng (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 2002), 3-34.

48 Xem Allen, The Human Christ [Chúa Kitô nhân bản], 269-71.
 
VietCatholic TV
Hình ảnh ngoạn mục: ĐGH tái tục truyền thống rước kiệu Mình Thánh Chúa trên đường phố Rôma
VietCatholic Media
03:06 03/06/2024


Bài giảng của Đức Thánh Cha lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu

Lúc 5g chiều Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, thường được gọi là Corpus Christi. Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã chủ tế Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô. Đức Giám Mục Baldassare Reina, phó Giám Quản giáo phận Rôma, đã rước Mình Thánh Chúa trong cuộc rước.

Lần cuối cùng Đức Thánh Cha dẫn đầu cuộc rước Mình Thánh Chúa Kitô dọc theo tuyến đường truyền thống của Rôma từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả là bảy năm trước vào năm 2017.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Người cầm lấy bánh và đọc lời chúc tụng (Mc 14,22). Đó là cử chỉ mở đầu câu chuyện thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Tin Mừng Thánh Marcô. Và chúng ta có thể bắt đầu từ cử chỉ này của Chúa Giêsu – chúc tụng – để suy ngẫm về ba chiều kích của Mầu Nhiệm mà chúng ta đang cử hành: tạ ơn, ký ức và hiện diện.

Đầu tiên: cảm ơn. Từ “Eucaristia” hay “Thánh Thể” thực sự có nghĩa là “cảm ơn”: “tạ ơn” Thiên Chúa vì những hồng ân của Ngài, và theo nghĩa này, Thánh Thể là quan trọng. Đó là thức ăn hàng ngày, nhờ đó chúng ta mang đến Bàn thờ tất cả những gì chúng ta đang có: cuộc sống, công việc, thành công và thậm chí cả thất bại, được tượng trưng bằng phong tục đẹp đẽ của một số nền văn hóa là nhặt và hôn bánh khi nó rơi xuống. Hãy nhớ rằng Bánh Thánh quá quý giá để có thể vứt đi, ngay cả khi Bánh Thánh đã rơi xuống. Do đó, Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta chúc lành, đón nhận và hôn, trong lời tạ ơn, những ân sủng của Thiên Chúa, và điều này không chỉ trong việc cử hành mà còn trong cuộc sống.

Chẳng hạn bằng cách không lãng phí những của cải và tài năng mà Chúa đã ban cho chúng ta. Nhưng cũng bằng cách tha thứ và nâng đỡ những người mắc sai lầm và sa ngã vì yếu đuối hoặc sai lầm: bởi vì mọi thứ đều là một món quà và không có gì có thể bị mất đi, bởi vì không ai có thể bị bỏ lại phía sau, và mọi người phải có cơ hội đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình. Và chúng ta cũng có thể làm điều này trong cuộc sống hàng ngày, thực hiện công việc của mình với tình yêu thương, với sự chính xác, cẩn thận, như một món quà và một sứ mệnh. Và hãy luôn giúp đỡ những người đã vấp ngã. Anh chị em không thể coi thường một người, nhưng hãy giúp họ đứng dậy. Và đây là sứ mệnh của chúng tôi.

Để tạ ơn, chắc chắn chúng ta có thể bổ sung thêm nhiều thứ khác. Đó là những thái độ “Thánh Thể” quan trọng, bởi vì chúng dạy chúng ta nắm bắt được giá trị của những gì chúng ta làm và những gì chúng ta cống hiến.

Đầu tiên, hãy cảm ơn. Thứ hai: “làm phép bánh” có nghĩa là tưởng nhớ. Về cái gì? Thưa: Đối với Israel cổ đại, đó là vấn đề tưởng nhớ sự giải phóng khỏi chế độ nô lệ ở Ai Cập và sự khởi đầu của cuộc di cư về miền đất hứa. Đối với chúng ta, đó là sống lại, là Lễ Phục Sinh của Chúa Kitô, Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người, qua đó Người đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Hãy nhớ đến cuộc đời, nhớ những thành công, nhớ những lỗi lầm, nhớ bàn tay dang rộng của Chúa luôn giúp chúng ta nâng mình lên, nhớ đến sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Có những người nói rằng những người chỉ nghĩ đến bản thân mình là những người tự do, những người tận hưởng cuộc sống; và trong cuộc sống không thiếu những người thờ ơ và có lẽ kiêu ngạo, làm mọi thứ họ muốn bất chấp người khác. Đây không phải là tự do: đây là một tình trạng nô lệ ngấm ngầm, một tình trạng nô lệ khiến chúng ta càng trở nên nô lệ hơn.

Tự do không được tìm thấy trong két sắt của những người tích lũy cho mình, cũng như trên ghế sofa của những người lười biếng sống buông thả và chủ nghĩa cá nhân: tự do được tìm thấy nơi bàn tiệc thánh, nơi mà không có lý do nào khác ngoài tình yêu, người ta cúi đầu trước anh em để dâng tặng họ sự phục vụ của mình, cuộc sống của họ, để nhận được “ơn cứu rỗi”.

Cuối cùng, bánh Thánh Thể là sự hiện diện thực sự. Và với điều này, Ngài nói với chúng ta về một Thiên Chúa không xa cách, không ghen tị nhưng gần gũi và liên đới với con người; Đấng không bỏ rơi chúng ta, nhưng tìm kiếm chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn đồng hành với chúng ta, đến mức đặt mình vào tay chúng ta, không có khả năng tự vệ.

Và sự hiện diện của Người cũng mời gọi chúng ta đến gần anh em nơi tình yêu mời gọi chúng ta.

Anh chị em thân mến, thế giới của chúng ta cần biết bao tấm bánh này, hương thơm và hương vị của nó, một hương thơm có vị của lòng biết ơn, có vị của tự do, có vị của sự gần gũi! Mỗi ngày chúng ta thấy quá nhiều đường phố, có lẽ từng sặc mùi bánh nướng, biến thành đống gạch vụn vì chiến tranh, sự ích kỷ và thờ ơ! Điều cấp bách là hãy mang lại cho thế giới hương thơm tươi mát của bánh tình yêu, tiếp tục hy vọng và xây dựng lại mà không bao giờ mệt mỏi những gì hận thù đã phá hủy.

Đây cũng là ý nghĩa của cử chỉ mà chúng ta sẽ thực hiện ngay sau đây, với cuộc Rước Thánh Thể: bắt đầu từ Bàn thờ, chúng ta sẽ đưa Chúa đến giữa các ngôi nhà trong thành phố của chúng ta. Chúng ta làm điều đó không phải để phô trương hay khoe khoang đức tin của mình, nhưng để mời gọi mọi người tham gia vào Bánh Thánh Thể, vào sự sống mới mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Chúng ta hãy thực hiện cuộc rước trong tinh thần này. Cảm ơn.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

2. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, Giáo Hội ở nhiều nước trên thế giới bao gồm Italia cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa hay còn gọi là Corpus Christi, trong khi ở nhiều nước khác, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật thứ 9 Mùa Quanh Năm vì đã cử hành lễ Corpus Christi vào ngày Thứ Năm 30 Tháng Năm.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Chúa Nhật vui vẻ!

Hôm nay, tại Ý và các quốc gia khác, chúng ta cử hành Lễ Trọng Mình Thánh Chúa. Tin Mừng phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta về Bữa Tiệc Ly (Mc 14:12-26), trong đó Chúa thực hiện cử chỉ thiết lập bí tích Thánh Thể: thật vậy, trong tấm bánh bẻ ra và trong chén thánh được trao cho các môn đệ, là Đấng hiến thân vì toàn thể nhân loại và hiến thân vì sự sống của thế giới.

Trong cử chỉ bẻ bánh của Chúa Giêsu, có một khía cạnh quan trọng được Tin Mừng nhấn mạnh bằng câu “Người đã trao bánh cho họ” (c. 22). Chúng ta hãy khắc ghi những lời này vào lòng: Người đã trao cho họ. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể trước hết nhắc lại chiều kích của hồng ân. Chúa Giêsu cầm lấy bánh không phải để một mình Ngài ăn nhưng để bẻ ra và trao cho các môn đệ, qua đó mạc khải căn tính và sứ mạng của Ngài. Ngài không giữ sự sống cho mình mà ban cho chúng ta; Ngài không coi hữu thể Thiên Chúa của Ngài là một kho báu đáng ghen tị, nhưng đã tự lột bỏ vinh quang của mình để chia sẻ nhân tính của chúng ta và để chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu (x. Phil 2:1-11). Chúa Giêsu đã trao tặng toàn bộ cuộc đời của Ngài. Chúng ta hãy nhớ điều này: Chúa Giêsu đã trao tặng toàn bộ cuộc đời của Người.

Vậy chúng ta hãy hiểu rằng việc cử hành Bí tích Thánh Thể và ăn Bánh này, như chúng ta làm đặc biệt vào các ngày Chúa Nhật, không phải là một hành vi thờ phượng tách rời khỏi cuộc sống hay chỉ là một giây phút an ủi cá nhân; chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho họ, và do đó, sự hiệp thông với Ngài khiến chúng ta có khả năng trở thành tấm bánh được bẻ ra cho người khác, có khả năng chia sẻ những gì chúng ta là và những gì chúng ta có. Thánh Leo Cả đã nói: 'Việc chúng ta tham gia vào Mình và Máu Chúa Kitô có xu hướng khiến chúng ta trở thành những gì chúng ta ăn' (Bài giảng XII về Cuộc Thương Khó, 7).

Thưa anh chị em, đây chính là điều chúng ta được mời gọi: trở thành những gì chúng ta ăn, trở thành “Thánh Thể”, nghĩa là trở thành những người không còn sống cho chính mình (x. Rm 14,7), không, theo logic của sở hữu, tiêu dùng, không, nhưng là những người biết biến cuộc sống của mình thành một món quà cho người khác, vâng. Bằng cách này, nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những ngôn sứ và những người xây dựng một thế giới mới: khi chúng ta vượt qua sự ích kỷ và mở lòng ra với tình yêu, khi chúng ta vun trồng những mối dây huynh đệ, khi chúng ta tham gia vào những đau khổ của anh chị em mình và chia sẻ. bánh mì và nguồn lực với những người đang cần, khi chúng ta sử dụng tất cả tài năng của mình, thì chúng ta đang bẻ bánh của cuộc đời mình giống như Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: tôi chỉ giữ mạng sống của mình cho riêng mình hay tôi sẽ cho đi như Chúa Giêsu? Tôi có dành chính mình cho người khác hay tôi khép kín trong cái tôi nhỏ bé của mình? Và trong những hoàn cảnh đời thường, tôi có biết chia sẻ hay tôi luôn tìm lợi ích cho riêng mình?

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đón nhận Chúa Giêsu, bánh từ trời xuống và hiến thân hoàn toàn cùng với Người, cũng giúp chúng ta trở thành món quà tình yêu, hiệp nhất với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho Sudan, nơi mà cuộc chiến đã kéo dài hơn một năm vẫn chưa tìm được giải pháp hòa bình. Cầu mong vũ khí sẽ im lặng và, với sự cam kết của chính quyền địa phương và cộng đồng quốc tế, giúp mang đến cho người dân và nhiều người phải di dời; cầu mong những người tị nạn Sudan tìm được sự chào đón và bảo vệ ở các nước láng giềng.

Và chúng ta đừng quên Ukraine, Palestine, Israel, Miến Điện đang bị dày vò. Tôi kêu gọi sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo để chấm dứt leo thang và nỗ lực hết sức để đối thoại và đàm phán.

Tôi chào những người hành hương đến từ Rôma và nhiều vùng khác nhau ở Ý và trên thế giới, đặc biệt là những người đến từ Croatia và Madrid. Tôi chào các tín hữu của Bellizzi và Iglesias, Trung tâm Văn hóa “Luigi Padovese” của Cucciago, các ứng sinh của Nữ tu Nguyện xá, và nhóm “Bàn đạp cho những người không thể”, những người đã đến Rôma bằng xe đạp từ Faenza.

Tôi chào các bạn trẻ của Immacolata.

Tôi chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Khí phách anh hùng: Tại Singapore, Zelenskiy tố cáo TQ trước thế giới. Nga làm nhục tù nhân Ukraine
VietCatholic Media
03:10 03/06/2024


1. Khí phách anh hùng: Zelenskiy tố cáo Trung Quốc ném đá dấu tay, trợ giúp quân sự cho Nga và giúp Nga phá hoại hội nghị thượng đỉnh hòa bình

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelenskyy accuses China of helping Russia sabotage peace summit”, nghĩa là “Zelenskyy tố cáo Trung Quốc giúp Nga phá hoại hội nghị thượng đỉnh hòa bình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc nước này giúp Nga làm hỏng hội nghị thượng đỉnh hòa bình trong tháng này tại Thụy Sĩ.

“Nga, sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, cũng như sử dụng các nhà ngoại giao Trung Quốc, làm mọi cách để phá vỡ hội nghị thượng đỉnh hòa bình”, Tổng thống Zelenskiy nói hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Sau nhiều năm nỗ lực cẩn thận để lôi kéo Bắc Kinh và tách nước này ra khỏi tình bạn “không giới hạn” với Nga, sự thất vọng của Zelenskiy dường như đã sôi sục ở Singapore trong một lời chỉ trích công khai hiếm hoi đối với Trung Quốc.

Ông nói Ukraine có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa, bất chấp thực tế là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với ông trong một cuộc điện đàm một năm trước rằng Bắc Kinh sẽ không can dự.

“Chúng tôi không mong đợi sự hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc cho Ukraine. Chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu họ điều đó. Nhưng chúng tôi không mong đợi Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho Nga”, Tổng thống Zelenskiy nói. “Đó là điều chúng tôi đã thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc qua điện thoại. Ông Tập Cận Bình hứa với tôi rằng Trung Quốc sẽ đứng sang một bên, sẽ không hỗ trợ vũ khí cho Nga. Ngày nay, có thông tin tình báo rằng bằng cách nào đó, bằng một số con đường nào đó, một số thứ đến được thị trường Nga thông qua Trung Quốc… các thành phần vũ khí của Nga đến từ Trung Quốc.”

Đầu ngày Chúa Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không thúc đẩy nỗ lực chiến tranh của Putin.

Trung Quốc “không cung cấp vũ khí cho bên nào và kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng”. “Chúng tôi đứng vững về phía hòa bình và đối thoại.”

Diễn biến này xảy ra sau khi nhân vật cao cấp thứ hai của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thứ trưởng Kurt Campbell, nói với các phương tiện truyền thông bao gồm POLITICO vào tuần trước: “Theo quan điểm của chúng tôi, công bằng mà nói thì mục tiêu chung của Trung Quốc không chỉ là hỗ trợ Nga đến tận cùng – nhưng còn cố hết sức để che giấu điều đó trong cố gắng duy trì mối quan hệ ngoại giao và thương mại bình thường với Âu Châu.”

Zelenskiy cũng cáo buộc Trung Quốc từ chối gặp Ukraine.

Ông nói: “Nhiều lần chúng tôi muốn gặp các đại diện Trung Quốc,” trong đó có ông Tập. “Thật không may, Ukraine không có bất kỳ mối liên hệ mạnh mẽ nào với Trung Quốc vì Trung Quốc không muốn điều đó”.

Ông khẳng định chưa gặp bất kỳ quan chức Trung Quốc nào khi ở Singapore.

Trên sân khấu chính Shangri-La, Tổng thống Zelenskiy cũng kêu gọi các nước Á Châu - Thái Bình Dương thể hiện cam kết vì hòa bình bằng việc tham dự hội nghị thượng đỉnh ngày 15-16 Tháng Sáu tại Thụy Sĩ.

“Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của các bạn tham gia,” Zelenskiy nói một cách đầy nhiệt huyết. “Bằng cách đoàn kết chống lại một cuộc chiến tranh, chúng ta tạo ra cho thế giới trải nghiệm thực sự về việc vượt qua bất kỳ cuộc chiến nào và về biện pháp ngoại giao hiệu quả.”

Zelenskiy cho biết cho đến nay, 106 quốc gia đã xác nhận họ sẽ cử đại diện tới hội nghị thượng đỉnh Thụy Sĩ, nhưng nói thêm rằng Điện Cẩm Linh và một số đồng minh – một trong số đó sau này ông xác định là Trung Quốc – đã gây áp lực buộc những nước khác không tham dự.

“Nga đang cố gắng phá vỡ hội nghị thượng đỉnh hòa bình,” Zelenskiy nói. “Đó là những gì Nga đang làm… họ hiện đang đi khắp nhiều nước trên thế giới và đe dọa các nước bằng việc phong tỏa hàng hóa nông nghiệp, thực phẩm, đe dọa tăng giá năng lượng và đang thúc đẩy các nước trên thế giới không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh.”

Ông nói thêm: “Và bây giờ có thông tin rằng một số quốc gia đang hỗ trợ các nỗ lực của Nga.”

Trung Quốc đã chọn không cử phái đoàn tới hội nghị thượng đỉnh Thụy Sĩ, nói rằng họ sẽ không tham dự vì Nga không được mời. Thay vào đó, Bắc Kinh đã đưa ra ý tưởng tổ chức hội nghị hòa bình của riêng mình với sự tham gia của cả Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuần trước cho biết Mạc Tư Khoa sẽ chấp nhận ý tưởng đó.

Khi được hỏi trong cuộc họp báo hôm Chúa Nhật rằng liệu Ukraine có tham dự hội nghị thượng đỉnh do Trung Quốc đề xuất hay không, ông Zelenskiy nói rằng đây không phải là nơi để Bắc Kinh triệu tập một cuộc họp như vậy.

“Ukraine là nạn nhân của chiến tranh. Chính chúng tôi là người phải bắt đầu mọi thứ… Không ai khác hoàn toàn nhận thức được những gì Nga đã mang đến cho đất nước chúng tôi qua cuộc chiến này qua cuộc chiến này,” ông nói. “Chính người Ukraine đã chết, người Nga đã cưỡng hiếp phụ nữ của chúng tôi, họ đã cướp đi hàng chục ngàn trẻ em của chúng tôi. Không ai khác có quyền ra lệnh cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào.”

Trước đó, trong bài phát biểu công khai của mình, ông Zelenskiy nói rằng điều quan trọng là càng nhiều nhà lãnh đạo thế giới tới Thụy Sĩ càng tốt để “đa số toàn cầu” có thể đồng ý “về những hiểu biết chung và các bước đi “ nhằm giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, bây giờ là năm thứ ba sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm 2022.

“Các bên liên quan sẽ chuyển điều này cho Nga, nhằm đạt được kết quả tương tự như sáng kiến ngũ cốc”, Zelenskiy nói thêm, đề cập đến Sáng kiến ngũ cốc Hắc Hải, được Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được lưu thông.

Zelenskiy, người đã đi khắp thế giới trong nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo tới Thụy Sĩ vào cuối tháng này, cho biết ông muốn thảo luận về ba chủ đề ở đó: an ninh hạt nhân, an ninh lương thực và thả tù nhân chiến tranh cũng như vấn đề những đứa trẻ Ukraine bị Nga bắt cóc

Zelenskiy cho biết ông “thất vọng vì một số nhà lãnh đạo thế giới vẫn chưa xác nhận tham gia” tại hội nghị thượng đỉnh Thụy Sĩ. Tổng thống Mỹ Joe Biden, người sắp tham gia cuộc bầu cử vào tháng 11, vẫn chưa xác nhận việc tham dự, mặc dù ông sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý diễn ra ngay trước cuộc họp ở Thụy Sĩ.

Zelenskiy đã tổ chức một loạt cuộc gặp ở Singapore, bao gồm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, các thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Tổng thống Timor-Leste José Ramos-Horta và Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto. Zelenskiy cho biết trong một tuyên bố vào đầu giờ Chúa Nhật rằng ông đã mời cả Ramos-Horta và Prabowo đến Thụy Sĩ và Ramos-Horta đã chấp nhận lời mời.

“Thời gian không còn nhiều, và những đứa trẻ lớn lên trên vùng đất Putin, nơi chúng được dạy phải căm ghét quê hương và bị lừa dối rằng chúng không có gia đình trong khi những người thân yêu của chúng đang đợi chúng ở quê nhà Ukraine, Tổng thống Ukraine phát biểu trên sân khấu ở Singapore, trước khán giả bằng tiếng Anh.

“Tôi ở đây để tuyên bố rằng chúng tôi đã tìm ra cách khôi phục ngoại giao,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu của mình. “Chúng ta có thể biến nó thành hiện thực. Cách đây không lâu, tưởng chừng như thế giới luôn bị chia cắt, nhưng chúng tôi đã chứng tỏ rằng các quốc gia có khả năng hợp tác với nhau.”

Lưu ý rằng gần 100 hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga đã tấn công Ukraine chỉ một đêm trước, ông Zelenskiy nói: “Không quốc gia nào có thể một mình giải quyết được những vấn đề này. Mọi người trên thế giới đã giúp đỡ chúng tôi về hệ thống phòng không… cảm ơn rất nhiều.” Ông đã nêu tên Hoa Kỳ, Hòa Lan và Đức.

“Putin tin rằng ông ấy được phép làm bất cứ điều gì. Vào giữa những năm 2010, Nga đã mang chiến tranh đến vùng đất của chúng tôi, một cuộc chiến mà Ukraine không bao giờ ngờ, không bao giờ muốn, không kích động”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Ngồi ở hàng ghế đầu trong bài phát biểu của Zelenskiy là Austin và nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell, cũng như nhiều bộ trưởng quốc phòng Âu Châu. Các bộ trưởng quốc phòng Singapore và Malaysia có mặt trên sân khấu khi Zelenskiy phát biểu.

2. Video cho thấy người Nga làm nhục tù nhân Ukraine

Ủy viên Nhân quyền của Quốc hội Ukraine, Dmytro Lubinets, đã cảnh báo cả Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự quốc tế, gọi tắt là ICRC, về những hành vi ngược đãi mới đối với tù nhân chiến tranh Ukraine, vi phạm Công ước Geneva.

Lubinets viết: “Đoạn video quay cảnh binh lính Nga lạm dụng tù nhân chiến tranh Ukraine đang lan truyền trên mạng và được chiếu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Nga”. “Các báo cáo ban đầu nói rằng vụ việc xảy ra ở mặt trận Kharkiv, nơi người Nga đang cố gắng thực hiện các hành động tấn công. Đoạn video cho thấy cảnh đánh đập, sỉ nhục, đe dọa và bắn súng đe dọa. Đáng buồn thay, cách đối xử như vậy với tù binh Ukraine không phải là ngoại lệ mà là chiến thuật thông thường của quân xâm lược”.

“Tôi đã gửi thư chính thức tới ICRC và Liên Hiệp Quốc để họ ghi lại sự thật về vụ lạm dụng. Điều này sẽ trở thành một sự bổ sung khác cho cơ sở bằng chứng cho tòa án chống tội phạm trong tương lai,” Lubinets nói thêm.

3. Các thành viên Quốc Hội Mỹ nói rằng quyết định của Tổng thống Biden đảo ngược các hạn chế vũ khí của Ukraine là 'nửa vời'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Biden's reversal on Ukraine's weapons restrictions is 'half-measure,' US congressmen say”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhóm thành viên Quốc Hội đảng Cộng hòa hôm 31 Tháng Năm công bố thư chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Joe Biden miễn cưỡng dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Nga.

Tòa Bạch Ốc xác nhận đã dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng một số vũ khí của Mỹ trên lãnh thổ Nga gần các tỉnh Kharkiv và Sumy. Tuy nhiên, Ukraine vẫn bị cấm sử dụng hỏa tiễn ATACMS tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga.

“Bằng cách tiết lộ với báo chí rằng việc đảo ngược chính sách chỉ áp dụng cho một số loại vũ khí do Mỹ cung cấp ở một khu vực hạn chế ở Nga, chính quyền Tổng thống Biden đã gửi điện báo cho Nga biết chính xác cách thích ứng hiệu quả với sự thay đổi chính sách này, từ đó làm giảm hiệu quả quân sự của quyết định,” lá thư viết.

“Để giành chiến thắng trong cuộc chiến tự vệ trước sự xâm lược của Nga, Ukraine phải được phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại bất kỳ mục tiêu quân sự hợp pháp nào ở Nga, không chỉ dọc theo biên giới gần Kharkiv.”

Bức thư, được ký bởi các thành viên Quốc Hội Michael McCaul, Mike Turner và Mike Rodgers, cũng nói rằng “quyết định lẽ ra phải được đưa ra trước cuộc tấn công gần đây của Nga ở Kharkiv chứ không phải sau đó”.

Mạc Tư Khoa phát động một cuộc tấn công mới vào ngày 10 tháng 5 tại Kharkiv. Trong khi quân đội Ukraine cho biết họ đã phần lớn ổn định được tình hình thì Nga vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv và khu vực xung quanh.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước ngoài cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga, đã có báo cáo trong những ngày gần đây rằng Mỹ đã thay đổi chính sách.

Tờ Wall Street Journal ngày 31 Tháng Năm đưa tin Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng bệ phóng hỏa tiễn đa nòng HIMARS, rocket GMLRS và pháo binh nhằm vào lãnh thổ Nga.

Serhii Nykyforov, phát ngôn nhân của Văn phòng Tổng thống Ukraine, hôm 31 Tháng Năm cho biết Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga nằm gần biên giới với Kharkiv, nhưng vẫn cấm sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác như từ trước đến nay.

Cuối ngày, Michael Carpenter, giám đốc cao cấp về Âu Châu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, nói rằng Hoa Kỳ sẽ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga qua biên giới từ cả hai tỉnh Kharkiv và Sumy bằng vũ khí do Mỹ cung cấp. Ông cũng cho biết lệnh cấm ATACMS vẫn còn hiệu lực.

4. Không quân: Ukraine bắn rơi 24 máy bay điều khiển từ xa do Nga phóng trong đêm

Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 24 trong số 25 máy bay điều khiển từ xa tấn công do Nga phóng qua đêm ngày 2 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Không quân Ukraine Đại Úy Ilya Yevlash, cho biết như trên.

Các máy bay điều khiển từ xa được cho là đã được phóng từ Mũi Chauda ở Crimea bị tạm chiếm, cũng như Yeysk ở Krasnodar Krai và thị trấn cảng Primorsko-Akhtarsk của Nga, nằm trên bờ Biển Azov. Thị trấn nằm cách Kerch khoảng 153 km, nằm trên Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Theo Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk, các đơn vị máy bay, hỏa tiễn và tác chiến điện tử cũng như các nhóm hỏa lực cơ động của Không quân Ukraine đã chặn các máy bay điều khiển từ xa trên bầu trời Mykolaiv, Kirovohrad, Odesa, Khreson, Kyiv, Khmelnytskyi, Dnipropetrovsk và Vinnytsia.

Không có thương vong nào được báo cáo tại thời điểm công bố.

Nga cũng tấn công vào tỉnh Kharkiv bằng hỏa tiễn Iskander-K phóng từ Crimea và bắn hỏa tiễn phòng không dẫn đường S-300 từ tỉnh Donetsk bị tạm chiếm. Hiện chưa rõ liệu những mục tiêu trên không đó có bị bắn hạ hay không.

Các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa xảy ra hàng ngày ở Ukraine, ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác nhau trên khắp đất nước. Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn quy mô lớn nhằm vào các cơ sở quan trọng.

Trong đêm 1 Tháng Sáu, quân đội Mạc Tư Khoa được tường trình đã tấn công Ukraine bằng 35 hỏa tiễn hành trình Kh-101/555 phóng từ máy bay ném bom Tu-95 trên Biển Caspian, cũng như 4 hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M và một hỏa tiễn hành trình Iskander-K từ Crimea bị tạm chiếm..

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko xác nhận rằng cơ sở hạ tầng năng lượng ở một số khu vực, bao gồm các tỉnh Zaporizhzhia, Dnipropetrovsk, Donetsk, Kirovohrad và Ivano-Frankivsk đã bị lực lượng Nga tấn công.

5. The Telegraph: Cục phản gián chuyển trọng tâm sang chống gián điệp trong bối cảnh các mối đe dọa từ Nga, Trung Quốc đang gia tăng

Cơ quan an ninh và phản gián nội địa của Vương quốc Anh thường được gọi là Mi5 (em ai five) đã được lệnh ưu tiên tấn công vào gián điệp khi các hoạt động khủng bố do Nga, Trung Quốc và Iran tài trợ và tuyển dụng đang gia tăng đáng kể.

The Telegraph đưa tin, trong khi cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, sự hiện diện ngày càng tăng của các điệp viên Trung Quốc ở Anh và việc Iran sử dụng tội phạm có tổ chức đã làm thay đổi đáng kể các mục tiêu chính của cơ quan an ninh.

Theo các nguồn tin chính phủ, mặc dù khủng bố trong nước và quốc tế vẫn là ưu tiên hàng đầu nhưng MI5 hiện đang phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt động chống gián điệp Nga, Trung Quốc và Iran. Theo một quan chức cao cấp của chính phủ, các bộ trưởng đã chỉ đạo Mi5 “tái tập trung phần lớn nỗ lực của họ vào mối đe dọa gián điệp, đặc biệt là từ Trung Quốc, Nga và gần đây là Iran”.

Nguồn tin nhấn mạnh rằng “việc chống khủng bố không bị giảm ưu tiên, nhưng việc này đã được ưu tiên cùng với nó”, và lưu ý rằng “khối lượng công việc của họ chắc chắn đã thay đổi theo hướng đó”.

Nguồn tin nhấn mạnh rằng sau vụ tấn công Novichok năm 2018 ở Salisbury, Nga “đã mất một số lượng đáng kể các sĩ quan tình báo chỉ sau một đêm” và đang cố gắng tuyển dụng những gián điệp mới để lấp đầy những khoảng trống này. Để đối phó với vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia, Anh đã trục xuất 23 điệp viên Nga như một phần trong “phản ứng đầy đủ và mạnh mẽ” của mình.

Nguồn tin giải thích thêm rằng việc Anh hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga đã dẫn đến sự gia tăng các hoạt động gián điệp. Họ nói: “Bạn càng bước ra ngoài, bạn càng thấy mình nằm trong tầm ngắm của họ”.

Vào tháng 5, có thông tin tiết lộ rằng Nga đang tuyển mộ những kẻ cực đoan cánh hữu bạo lực để thực hiện các cuộc tấn công phá hoại ở Âu Châu và Anh, làm dấy lên mối lo ngại trong giới lãnh đạo tình báo.

Telegraph cũng lưu ý rằng số lượng điệp viên Trung Quốc tham gia thu thập thông tin tình báo ở Anh hiện được coi là đông đến mức “không thể định lượng được”.

Các nguồn tin tình báo chỉ ra rằng các đặc vụ Trung Quốc đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả học viện, nơi cả sinh viên và giảng viên đều tham gia, cũng như trong kinh doanh và nghệ thuật. Trong một số trường hợp, các cá nhân thu thập thông tin có thể không biết rằng chúng đang được nhà nước Trung Quốc sử dụng cho mục đích tình báo.

6. Nga chế tạo rôbô điều khiển từ xa mặt đất góc nhìn thứ nhất Kamikaze để tiêu diệt 'Răng rồng'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Creates FPV Kamikaze Ground Drone to Destroy 'Dragon's Teeth'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một nhà sản xuất quốc phòng Nga, Nga đã tạo ra một loại robot hoạt động trên mặt đất góc nhìn thứ nhất và nó đã được truyền thông nhà nước ca ngợi là robot đầu tiên trên thế giới trong cuộc đua các thiết bị điều khiển từ xa tốc độ nhanh.

Mạc Tư Khoa đang thử nghiệm một rôbô điều khiển từ xa được theo dõi, được gọi là rôbô “Depesha”, được thiết kế để tiêu diệt nhân sự và thiết bị quân sự, cũng như các công sự “răng rồng”. Gã khổng lồ quốc phòng Rostec của Mạc Tư Khoa cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy.

Răng rồng là những khối bê tông dùng để ngăn chặn bước tiến của xe tăng và ngăn chặn bộ binh cơ giới chiếm lãnh thổ. Chúng đã được sử dụng ở Ukraine.

Theo Rostec, rôbô điều khiển từ xa hoạt động trên mặt đất “Depesha” được điều khiển bởi một người điều khiển bằng cần điều khiển, đội mũ bảo hiểm máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất. Công ty cho biết, một phương tiện điều khiển từ xa khác, được gọi là “Buggy”, là phiên bản có bánh xe cũng có thể hoạt động như một rôbô điều khiển từ xa kamikaze.

Rostec cho biết: “Hiện tại, robot mặt đất đang được thử nghiệm rộng rãi”, bao gồm cả ở Ukraine.

Máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất trên không bay trên bầu trời Ukraine, được cả hai bên vận hành cho nhiều mục đích khác nhau, như trinh sát, tấn công và mang chất nổ về phía xe thiết giáp của đối phương. Đoạn phim từ máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất, cho thấy các hoạt động chiến đấu dọc tiền tuyến từ góc nhìn của phi công, được lan truyền rộng rãi trên mạng.

Máy bay điều khiển từ xa trên mặt đất do cả hai nước phát triển, còn được gọi là phương tiện mặt đất điều khiển từ xa hay UGV, được thiết kế để giúp binh lính tránh xa các cuộc chiến và cứu mạng sống.

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga đã mô tả rôbô điều khiển từ xa “Depesha” là “rôbô cảm tử góc nhìn thứ nhất trên mặt đất đầu tiên trên thế giới”.

Truyền thông Ukraine và các báo cáo quân sự trong những tháng gần đây đã đưa tin rằng lực lượng Ukraine đang sử dụng rôbô điều khiển từ xa cảm tử trên mặt đất để tấn công quân đội Nga. Vào tháng 4, Lữ đoàn cơ giới số 63 của Ukraine đã chia sẻ đoạn phim cho thấy một rôbô điều khiển từ xa trên mặt đất tiếp cận mạng lưới chiến hào do binh sĩ Nga điều khiển trước khi phát nổ.

Đầu tháng đó, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine và là vua máy bay điều khiển từ xa, Mykhailo Fedorov, cho biết một rôbô kamikaze trên mặt đất của Ukraine đã giúp chiến binh của Kyiv phá hủy một cây cầu ở khu vực phía đông Donetsk mà lực lượng Nga sử dụng để hỗ trợ các hoạt động hậu cần của họ.

Vào giữa tháng 3, nền tảng United24 - do chính phủ Ukraine thành lập để gây quỹ - cho biết Kyiv đã bắt đầu sản xuất hàng loạt rôbô điều khiển từ xa hoạt động trên trên mặt đất, với kế hoạch sản xuất hàng trăm hệ thống trong những tháng tới.

Rostec của Nga cho biết rôbô “Depesha” có trọng tải nổ 150 kg và “Buggy” có thể mang 250 kg chất nổ.

Rostec cho biết: “Điều này làm cho những rôbô này trở thành trợ lý đáng tin cậy cho các chiến binh ở tiền tuyến”, đồng thời cho biết thêm rôbô điều khiển từ xa cũng có thể “nhanh chóng và lặng lẽ cung cấp lương thực, đạn dược, nhiên liệu cho tiền tuyến và thậm chí di tản binh lính bị thương”.

Samuel Bendett thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington DC, nói với Newsweek: “Chúng tôi đang chứng kiến một mô hình tương tự ở cả hai bên khi nói đến việc phát triển UGV”.

Nhiều loại rôbô điều khiển từ xa hoạt động trên mặt đất với các vai trò khác nhau đã xuất hiện, bao gồm các mẫu rôbô điều khiển từ xa hậu cần của Nga và các mẫu rôbô điều khiển từ xa của Ukraine có gắn súng máy.

7. Thủ tướng Rumani cho biết Rumani đang xem xét cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine

Rumani đang xem xét trang bị cho Ukraine hệ thống phòng thủ Patriot tiên tiến để chống lại các cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Klaus Iohannis làm rõ rằng quyết định như vậy cần phải có sự chấp thuận của cơ quan hành chính tự trị chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động quốc phòng và an ninh, là Hội đồng Quốc phòng Tối cao, gọi tắt là SCND.

Thủ tướng Rumani Marcel Ciolacu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút sự tham gia của các chuyên gia và đưa ra quyết định thông qua các kênh thể chế phù hợp, vì nó ảnh hưởng đến quốc phòng của Rumani và quan hệ với các đồng minh NATO.

“Đầu tiên, các chuyên gia phải lên tiếng,” Ciolacu nói trong một cuộc phỏng vấn với Euronews, “Điều này không có nghĩa là nếu một hệ thống bao phủ một phần Ukraine thì nó cũng không bao gồm Rumani. Ở đây là về các chuyên gia ngồi vào bàn và tìm ra giải pháp tốt nhất, sau đó SCND có thể đưa ra quyết định với tất cả thông tin có sẵn để đưa ra quyết định tốt nhất. Vì vậy, tại thời điểm này, đề xuất đang được phân tích.”

Rumani đã ký một thỏa thuận vào năm 2017 để mua 7 hệ thống phòng không Patriot từ Mỹ, trị giá 3,9 tỷ Mỹ Kim. Tính đến năm 2024, chỉ có một trong những hệ thống này hoạt động ở Rumani.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã khẩn trương yêu cầu 25 hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công trên không ngày càng gia tăng của Nga, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo và máy bay điều khiển từ xa do Iran sản xuất nhắm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Ông Zelenskiy cho biết tất cả các đối tác quốc tế đều nhận thức được nhu cầu của Ukraine về hệ thống phòng không và nói thêm rằng một số đồng minh thậm chí còn biết hệ thống phải được đặt ở đâu. Zelenskiy cho biết các thiết bị tương tự của Patriot cũng có thể có hiệu quả trước các cuộc tấn công của Nga.

8. Đồng minh của Putin đưa ra cảnh báo hạt nhân đối với F-16 mới của Ukraine

Nga đã đưa ra cảnh báo tới phương Tây về kế hoạch chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine từ Bỉ trong năm nay.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti hôm Thứ Bẩy, 01 Tháng Sáu, rằng Mạc Tư Khoa sẽ coi việc chuyển giao máy bay là một “hành động báo hiệu” của NATO “trong lĩnh vực hạt nhân”.

Nhận xét của ông được đưa ra sau khi Bỉ cam kết hôm thứ Ba sẽ giao lô F-16 đầu tiên cho Ukraine trong năm nay. Hai quốc gia đã ký một thỏa thuận an ninh trong tuần này, bao gồm việc cung cấp tổng cộng 30 chiến đấu cơ do Mỹ chế tạo cho Ukraine để tăng cường phòng thủ trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra do Nga phát động.

Ông Lavrov nói: “Họ đang cố gắng nói với chúng tôi rằng Hoa Kỳ và NATO sẽ không dừng lại ở Ukraine”. “Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng các cuộc tập trận Nga-Belarus về sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược đang diễn ra hiện nay sẽ khiến đối thủ của chúng ta cảm thấy chùn bước khi chúng ta nhắc nhở họ về hậu quả thảm khốc của việc leo thang hạt nhân hơn nữa.”

Ông Lavrov nói thêm: “Những máy bay này sẽ bị phá hủy, giống như các loại vũ khí khác do các nước NATO cung cấp cho Ukraine”.

Bỉ cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine tất cả 30 chiếc F-16 trước năm 2028. Năm ngoái, Bỉ cùng với Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine một số lượng máy bay không xác định.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết trong cuộc họp báo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba rằng nước ông sẽ cung cấp cho Ukraine máy bay phản lực F-16 “càng sớm càng tốt”.

Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi là có thể cung cấp những chiếc máy bay đầu tiên trước cuối năm nay, 2024”. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để giao một số máy bay trong năm nay.”

Tuy nhiên, De Croo cho biết các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất chỉ được sử dụng trong lãnh thổ Ukraine.

Ông nói: “Mọi thứ được đề cập trong thỏa thuận này đều rất rõ ràng: nó được sử dụng bởi lực lượng quốc phòng Ukraine trên lãnh thổ Ukraine”.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi yêu cầu cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong Nga, hơn hai năm sau cuộc chiến do Mạc Tư Khoa phát động vào tháng 2 năm 2022.

“Putin chỉ có một cơ chế tác động duy nhất, đó là hủy diệt sự sống. Ông ấy không có khả năng làm bất cứ điều gì khác”, Zelenskiy nói khi đặt chân đến Singapore hôm Thứ Bẩy, 01 Tháng Sáu. “Sức mạnh vũ khí đầy đủ là rất quan trọng để chúng ta có thể tự vệ trước sự khủng bố của Nga.”

9. Thống đốc cho biết Nhà máy thủy điện lớn nhất Ukraine trong tình trạng nguy kịch sau cuộc tấn công của Nga

Thống đốc tỉnh Zaporizhzhia Ivan Fedorov cho biết trên truyền hình quốc gia rằng Nhà máy thủy điện Dnipro của Zaporizhzhia, là nhà máy thủy điện lớn nhất Ukraine, đang trong tình trạng nguy kịch sau khi lực lượng Nga tấn công vào đêm 1 Tháng Sáu.

Ông cho biết nhà máy điện, được gọi là Đập Dnipro, đã ngừng sản xuất điện.

“Hiện tại, Trạm thủy điện Dnipro đang trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi thậm chí chưa nói đến việc sản xuất điện”, Fedorov nói.

Giao thông qua Đập Dnipro đã bị chặn sau cuộc tấn công của Nga, “vì vậy người dân bị hạn chế đi lại”.

“Hai cây cầu đang được sử dụng để đi đường vòng, có dịch vụ hậu cần cho cả hai hướng. Đây sẽ là trường hợp vào cuối tuần này,” Fedorov nói.

Ông không cung cấp chi tiết khác về thiệt hại gây ra.

Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn quy mô lớn vào Ukraine trong đêm 1 Tháng Sáu, làm hư hại cơ sở hạ tầng năng lượng ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp đất nước. Ít nhất 20 người, bao gồm cả trẻ em, bị thương trong vụ tấn công.

Nhà máy thủy điện Dnipro trước đó đã bị 8 hỏa tiễn của Nga tấn công vào ngày 22 tháng 3 trong một trong những cuộc tấn công lớn nhất vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước, được cho là đã dẫn đến mất 1 Tháng Ba công suất.

Theo Ihor Syrota, nhà lãnh đạo công ty năng lượng nhà nước Ukraine Ukrhydroenergo, nhà máy điện này đã bị hư hại nghiêm trọng ở một trong các trạm vào ngày 22 tháng 3.

Con đập nâng mực nước sông Dnipro lên 37 mét và điều hòa mực nước của Hồ chứa Dnipro, kéo dài 129 km về phía thượng nguồn đến thành phố lân cận Dnipro.

10. Nghị sĩ Đức kêu gọi quân đội triển khai 900.000 quân dự bị trước sự hiếu chiến của Nga

Chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội Đức, Marie-Agnes Strack-Zimmermann, đã kêu gọi lực lượng vũ trang nước này điều động 900.000 quân dự bị Đức trước các chính sách đe dọa của Nga, hãng tin DPA đưa tin hôm 1 Tháng Sáu.

Căng thẳng giữa phương Tây và Nga gia tăng kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022. Điện Cẩm Linh đã nhiều lần đưa ra những lời đe dọa đối với các đối tác của Kyiv vì sự hỗ trợ của họ cho đất nước đang bị bao vây.

“Putin đang huấn luyện người dân của mình cho chiến tranh và bố trí họ chống lại phương Tây. Do đó, chúng ta phải có khả năng phòng thủ nhanh nhất có thể”, Strack-Zimmermann, một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do đồng cầm quyền, cho biết trong một bình luận hôm ngày 1 Tháng Sáu.

Nhà lập pháp kêu gọi Bundeswehr, hay quân đội Đức, “kích hoạt khoảng 900.000 quân dự bị mà chúng tôi có”.

Ở Đức, quân dự bị bao gồm tất cả các cựu quân nhân và quân nhân đã phục vụ trong một thời gian dài, ngoại trừ các cựu quân nhân Đông Đức không gia nhập Bundeswehr sau khi thống nhất năm 1990.

Strack-Zimmermann nói: “Nếu chúng tôi có thể tuyển dụng chỉ một nửa trong số họ làm quân dự bị có chuyên môn phù hợp thì đó sẽ là một tài sản đáng kinh ngạc”.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Đức, dẫn đến việc Berlin tuyên bố đầu tư thêm 100 tỷ euro hay 109 tỷ Mỹ Kim vào chi tiêu quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hồi tháng 2 cho biết Đức sẽ đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP vào năm 2024, đây là lần đầu tiên nước này đạt được mốc này kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Berlin cũng đã trở thành nhà tài trợ viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ. Trong chuyến thăm Odesa hồi đầu tuần, Pistorius đã công bố gói viện trợ quốc phòng mới trị giá 500 triệu euro tức là khoảng 540 triệu Mỹ Kim, bao gồm cả đạn phòng không IRIS-T, máy bay điều khiển từ xa, xe tăng Leopard 1, v.v.
 
Cú HIMARS thứ 2: Quân Chechnya tan theo nhà máy. Nổ nhà máy lọc dầu Komi. TQ đe dọa TT Zelenskiy
VietCatholic Media
17:04 03/06/2024


1. Báo cáo: Cuộc tấn công HIMARS của Ukraine vào nhà máy của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian HIMARS Attack Strikes Russian Plant: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Theo các báo cáo mới, lực lượng Ukraine đã tấn công một nhà máy do Nga kiểm soát ở thị trấn bị chiếm gần thành phố phía đông Bakhmut bằng một trong những Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao của Kyiv, khi giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở tiền tuyến gần đó.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 03 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, đã xác nhận một báo cáo từ một kênh Telegram của Nga, thuộc cơ quan mật vụ Mạc Tư Khoa, cho biết một cuộc tấn công của HIMARS nhắm vào nhà máy sản xuất và khai thác mỏ Knauf vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương hôm thứ Bảy.

Cơ sở này nằm ở thị trấn Soledar của Ukraine, nằm ở phía đông bắc thành phố Bakhmut của Ukraine bị tạm chiếm. Ukraine rút khỏi Soledar vào Tháng Giêng năm 2023, khu định cư này từng xảy ra các cuộc đụng độ gay gắt trước đó trong chiến tranh. Bây giờ nó nằm phía sau chiến tuyến hiện tại vài dặm.

Bakhmut bị Nga chiếm giữ vào tháng 5 năm 2023 và Nga đã cố gắng tiến về phía tây khu định cư kể từ đó.

Ramzan Kadyrov, lãnh đạo vùng Chechnya của Nga và là đồng minh của Putin, cho biết vào tháng 8 năm 2022 rằng lực lượng đặc biệt Chechen và phe ly khai thân Nga đã tuyên bố kiểm soát nhà máy Knauf.

Theo kênh Telegram, một số sĩ quan và binh lính Nga đã thiệt mạng. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết hôm Chúa Nhật rằng các đoạn phim dường như cho thấy tác động của cuộc tấn công được báo cáo đã được chia sẻ trên mạng xã hội.

Theo Ngũ Giác Đài, cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 40 HIMARS cộng với đạn dược cho các hệ thống này.

Lực lượng Kyiv đã sử dụng HIMARS từ mùa hè năm 2022 và ca ngợi tác động của hệ thống này, có thể được sử dụng để bắn ATACMS tầm xa, cũng do Washington cung cấp.

Nga cho biết họ đã phá hủy một số HIMARS do Ukraine vận hành, nhưng không rõ có bao nhiêu chiếc bị hư hại hoặc vĩnh viễn ngừng hoạt động. Vào giữa tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là Sergei Shoigu cho biết Mạc Tư Khoa đã hạ gục 6 HIMARS của Ukraine kể từ đầu năm 2024. Các đoạn phim được lan truyền rộng rãi trên mạng dường như xác nhận việc mất ít nhất một HIMARS vào đầu năm nay.

Quân đội Ukraine liên tục báo cáo về các cuộc tấn công của Nga ở phía tây Bakhmut, nói rằng Mạc Tư Khoa từ lâu đã để mắt tới thị trấn Chasiv Yar, chỉ cách thành phố vài dặm về phía tây. Lực lượng vũ trang Kyiv cho biết trong một tuyên bố vào sáng thứ Hai rằng quân đội của họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Nga xung quanh Klishchiivka, phía tây nam Bakhmut và phía đông nam Chasiv Yar, với các trận chiến đang diễn ra xung quanh Ivanivske, một thị trấn ngay phía đông Chasiv Yar.

Các báo cáo cuối tuần qua cho thấy Ukraine có thể đã tiến hành một cuộc tấn công HIMARS vào khu vực Belgorod của Nga, giáp với khu vực Kharkiv của Ukraine.

2. Nhà máy lọc dầu của Nga ở Cộng hòa Komi bốc cháy, có báo cáo thương vong

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian oil refinery in Komi Republic catches fire, casualties reported”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ủy ban điều tra Cộng hòa Komi cho biết một nhà máy lọc dầu của Nga ở phía tây bắc Cộng hòa Komi đã bốc cháy hôm Chúa Nhật 2 Tháng Sáu, dẫn đến thương vong.

Ủy ban cho biết có cả người bị thương và thiệt mạng trong vụ việc nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.

Vụ việc này chỉ là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ cháy xảy ra tại cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga trong những tháng qua. Chúng được đưa tin trong bối cảnh chiến dịch tấn công bằng các phương tiện điều khiển từ xa của Ukraine nhắm vào các cơ sở dầu mỏ trên khắp nước Nga nhằm làm suy yếu nguồn tài trợ chính cho cỗ máy chiến tranh của Nga.

Nhà máy lọc dầu này thuộc sở hữu của công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Nga, Lukoil. Theo nhà lãnh đạo Cộng hòa Komi, Vladimir Uiba, nó nằm cách thành phố Ukhta bốn km.

Ủy ban điều tra Cộng hòa Komi cho biết họ đã mở một vụ án hình sự về vụ việc.

Chi nhánh khu vực của Bộ Tình trạng khẩn cấp cho biết 74 người và 22 thiết bị đã tham gia dập tắt đám cháy.

3. Đồng minh NATO xác nhận F-16 của Ukraine có thể tấn công lãnh thổ Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's F-16s Can Strike Inside Russia, NATO Ally Confirms”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Kajsa Ollongren cho biết Ukraine sẽ có thể sử dụng chiến đấu cơ F-16 do Hòa Lan tài trợ để tấn công các mục tiêu bên trong Nga, trong khi Kyiv đang chờ đợi 24 máy bay do Mỹ sản xuất từ đồng minh NATO này đến.

Ollongren nói với Politico bên lề Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu Á Châu, tại Singapore: “Không có hạn chế kiểu Bỉ trong việc tấn công các mục tiêu trong biên giới Nga”. Cô nói: “Chúng tôi đang áp dụng cùng một nguyên tắc mà chúng tôi đã áp dụng cho mọi hoạt động cung cấp năng lực khác, đó là một khi chúng tôi bàn giao nó cho Ukraine thì nó sẽ là của họ để họ sử dụng tùy ý”.

“Chúng tôi chỉ yêu cầu họ tuân thủ luật pháp quốc tế và quyền tự vệ như đã nêu trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nghĩa là họ sử dụng nó để nhắm vào các mục tiêu quân sự mà họ cần nhắm tới để tự vệ”.

Kyiv đã vận động các đối tác phương Tây nới lỏng các hạn chế đối với việc sử dụng công nghệ quân sự của họ trong biên giới Nga. Họ nói rằng việc lực lượng Ukraine không thể tấn công vượt ra ngoài biên giới của họ đã cho phép Mạc Tư Khoa huy động lực lượng đông đảo để thực hiện các cuộc tấn công mới trên khắp mặt trận.

“Chúng tôi có vũ khí, nhưng chúng tôi không thể sử dụng chúng để chống lại Nga cho đến khi họ vượt qua biên giới”, Yehor Cherniev – một thành viên của Quốc hội Ukraine và là phó chủ tịch ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia – nói với Newsweek vào tuần trước. “Chuyện này thật vớ vẩn.”

Một loạt quốc gia - hiện bao gồm cả Mỹ - đã nói rằng Kyiv có thể sử dụng vũ khí của họ để chống lại các mục tiêu trên đất Nga, mặc dù có sự khác biệt về mức độ hỗ trợ cho các hoạt động như vậy.

Nhiều quốc gia mạnh mẽ hơn như Ba Lan và các nước vùng Baltic đã nói rằng Kyiv nên được phép tấn công bất kỳ mục tiêu nào họ chọn; Mỹ chỉ cho phép tấn công các mục tiêu xuyên biên giới gần Kharkiv, nơi Mạc Tư Khoa đang tiến hành cuộc tấn công gần đây nhất. Ngay cả khi đó, Tòa Bạch Ốc vẫn cho biết họ chưa cho phép sử dụng một số loại vũ khí nhất định, chẳng hạn như ATACMS tầm xa.

Việc Ukraine sử dụng F-16 của NATO trong tương lai là một trường hợp đặc biệt nhạy cảm, do giá trị chiến lược và khả năng tiếp cận sâu bên trong lãnh thổ Nga của chúng. Kyiv dự kiến sẽ nhận được ít nhất 85 chiếc máy bay từ một số quốc gia NATO và việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa hè này.

Không phải tất cả các nhà cung cấp đều tỏ ra lạc quan về việc sử dụng vũ khí của họ. Ký thỏa thuận an ninh song phương với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vào tuần trước, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết: “Thỏa thuận an ninh quy định rằng thiết bị quân sự sẽ được sử dụng bởi lực lượng vũ trang Ukraine và trên lãnh thổ Ukraine”.

Trong khi đó, Điện Cẩm Linh đang tiếp tục nỗ lực ngăn chặn sự can dự sâu hơn của NATO vào Ukraine. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng các đối thủ phương Tây đã “bước vào một vòng căng thẳng leo thang mới và họ đang cố tình làm điều này bằng cách cho phép Ukraine sử dụng vũ khí trên lãnh thổ Nga”. Ông Peskov nói thêm: “Họ đang bằng mọi cách có thể để kích động Ukraine tiếp tục cuộc chiến vô nghĩa này”.

4. Zelenskiy nói về cuộc gặp 'rất tốt' với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ở Singapore

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã có cuộc gặp “rất tốt đẹp” với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bên lề diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2 Tháng Sáu.

Theo một bài đăng của Zelenskiy trên mạng xã hội, hai vị đã thảo luận về “nhu cầu quốc phòng của Ukraine, củng cố hệ thống phòng không của Ukraine, liên minh F-16 và soạn thảo một thỏa thuận an ninh song phương”.

Cuộc họp diễn ra sau khi Tòa Bạch Ốc xác nhận rằng họ đã dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng một số vũ khí của Mỹ chống lại lãnh thổ Nga gần các tỉnh Kharkiv và Sumy.

Ukraine vẫn bị cấm sử dụng hỏa tiễn ATACMS tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Zelenskiy đến Singapore vào ngày 1 tháng 6 để tham dự hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La và các cuộc gặp với các quan chức cao cấp nước ngoài, chỉ một ngày sau chuyến thăm Stockholm của ông để dự hội nghị thượng đỉnh Bắc Âu-Ukraine lần thứ ba.

Hỗ trợ an ninh cho Ukraine là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại hội nghị năm nay, được tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, gọi tắt là IISS, một tổ chức tư vấn độc lập.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân cũng tham gia sự kiện này.

Tờ Financial Times ngày 30 Tháng Năm đưa tin Mỹ sẽ sớm hoàn tất thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine.

Cho đến nay, hơn 30 quốc gia đã tham gia Tuyên bố chung về hỗ trợ Ukraine của Nhóm G7 (G7). Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Ý, Canada, Hòa Lan, Phần Lan, Latvia, Bỉ và Bồ Đào Nha đã ký các thỏa thuận song phương với Kyiv.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết hồi đầu tháng 5 rằng “tiến bộ rõ ràng” đã đạt được trong một thỏa thuận tương tự với Mỹ.

Trong hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La, Tổng thống Zelenskiy đã gây kinh ngạc khi ông có một diễn từ nảy lửa tố cáo Trung Quốc chơi trò ném đá dấu tay.

“Chúng tôi không mong đợi sự hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc cho Ukraine. Chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu họ điều đó. Nhưng chúng tôi không mong đợi Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho Nga”, Tổng thống Zelenskiy nói. “Đó là điều chúng tôi đã thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc qua điện thoại. Ông Tập Cận Bình hứa với tôi rằng Trung Quốc sẽ đứng sang một bên, sẽ không hỗ trợ vũ khí cho Nga. Ngày nay, có thông tin tình báo rằng bằng cách nào đó, bằng một số con đường nào đó, một số thứ đến được thị trường Nga thông qua Trung Quốc… các thành phần vũ khí của Nga đến từ Trung Quốc.”

Ông cũng cáo buộc Trung Quốc giúp Nga ngăn cản các quốc gia không được tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ.

5. Zelenskiy kêu gọi Mỹ cho phép Ukraine tấn công Nga bằng hỏa tiễn ATACMS

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 2 Tháng Sáu cho biết Mỹ nên cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng hỏa tiễn phóng từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, tầm xa để bảo vệ tính mạng quân phòng thủ Ukraine.

Tuyên bố của Zelenskiy được đưa ra ngay sau khi Tòa Bạch Ốc xác nhận rằng họ đã dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng một số vũ khí của Mỹ trên lãnh thổ Nga gần các tỉnh Kharkiv và Sumy.

Các quan chức Mỹ cho biết, Washington vẫn cấm Ukraine sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Phát biểu tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Zelenskiy cảm ơn sự cho phép của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng nhấn mạnh rằng các hạn chế - bao gồm lệnh cấm sử dụng ATACMS - cần được dỡ bỏ.

“Như vậy đã đủ chưa? Chưa. Tại sao? Bởi vì tôi đã cho các bạn ví dụ về các phi trường mà Nga thường xuyên bắn phá, trong sự bình tĩnh hoàn toàn, biết rằng Ukraine sẽ không bắn trả vì họ không có hệ thống tương ứng hay không có giấy phép”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Zelenskiy cho biết Kyiv đang chờ phê duyệt để tấn công các phi trường quân sự của Nga, nơi tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine. Ông nói thêm rằng Nga có khoảng 300 hệ thống vũ khí – chứa hàng chục ngàn hỏa tiễn – được triển khai ở phía biên giới để tấn công Ukraine.

“Họ có những vũ khí này ở đó và họ không di dời chúng vì họ biết rằng Ukraine không thể tấn công vào chúng bằng vũ khí phương Tây ngay cả khi họ bắn vào chúng tôi”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Chủ đề về việc các đồng minh phương Tây cấm Ukraine tấn công Nga bằng vũ khí của họ đã thu hút được sự chú ý rộng rãi sau khi Mạc Tư Khoa mở một mặt trận mới ở phía đông bắc tỉnh Kharkiv vào tháng 5, nơi họ có thể sẵn sàng cho một chiến dịch mà không có mối đe dọa tấn công xuyên biên giới đáng kể từ Ukraine.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước ngoài cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga, đã có báo cáo trong những ngày gần đây rằng Mỹ đã thay đổi chính sách.

Wall Street Journal ngày 31 Tháng Năm đưa tin Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng bệ phóng hỏa tiễn đa nòng HIMARS, rocket GMLRS và trọng pháo nhằm vào lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ám chỉ rằng Washington có thể cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu vượt quá giới hạn hiện tại trong tương lai”. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi đã và đang làm, tức là thích ứng và điều chỉnh khi cần thiết,” ông nói trong cuộc họp báo ở Praha vào ngày 31 tháng 5.

6. Tình nguyện viên gây quỹ cho Ukraine bị người nói tiếng Nga tấn công ở Praha

Các tình nguyện viên gây quỹ cho Ukraine đã bị người nước ngoài nói tiếng Nga tấn công ở trung tâm Praha, hãng tin Novinky.cz của Tiệp đưa tin hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu.

Hàng triệu người Ukraine đã tìm nơi ẩn náu ở nước ngoài kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, chạy trốn khỏi các thị trấn bị tạm chiếm và bị bắn phá. Đã có một số trường hợp người Ukraine trở thành mục tiêu của những người nói tiếng Nga ở Âu Châu.

Theo báo cáo phương tiện truyền thông, cuộc đụng độ giữa hai nhóm người nước ngoài diễn ra gần một khán đài trên Quảng trường Phố cổ vào ngày 1 Tháng Sáu. Các video xuất hiện trên mạng cho thấy những người nói tiếng Ukraine và những người nói tiếng Nga tranh cãi và tham gia vào một số cuộc đụng độ.

Cảnh sát xác nhận với hãng tin rằng họ đã đến Quảng trường Phố cổ để điều tra vụ xung đột ngày hôm đó.

“Các nhà điều tra hình sự đang điều tra tất cả các tình tiết của vụ việc này. Họ đang điều tra những gì đã xảy ra tại hiện trường. Không ai bị hạn chế quyền tự do cá nhân hoặc bị giam giữ”, một phát ngôn viên cảnh sát nói với Novinky.cz.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người liên quan đến vụ việc cũng như nạn nhân và thủ phạm là ai.

Praha là một trong những thành phố ở Âu Châu chào đón người Ukraine chạy trốn chiến tranh kể từ tháng 2 năm 2022. Hơn 300.000 người tị nạn Ukraine được cho là đang sống ở Tiệp, trong đó ước tính có khoảng 80.000 người sống ở Praha.

Đầu tháng 4, hai binh sĩ Ukraine đã bị đâm ở thị trấn Murnau am Staffelsee ở Đức vào ngày 27 Tháng Tư, trong đó một người đàn ông Nga là nghi phạm chính, cảnh sát địa phương Đức và Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết. Các chi tiết và động cơ của vụ giết người đang được điều tra.

Ngoài ra còn có một vụ án âm mưu giết người vào tháng 8 năm 2023 đối với một đứa trẻ Ukraine 10 tuổi ở Đức.

7. Quan chức địa phương cho biết phó quận trưởng Nga thiệt mạng khi đang kiểm tra quả bom chưa nổ

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian deputy district head killed while inspecting unexploded bomb, local official says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Một phó quận trưởng người Nga đã thiệt mạng và ba quan chức khác bị thương sau khi một quả bom mà họ đang kiểm tra ở tỉnh Belgorod của Nga phát nổ, thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết như trên trong tuyên bố hôm 2 Tháng Sáu.

Theo Gladkov, phó giám đốc chính quyền quận Korochan, Igor Viktorovych Nechiporenko, đã chết “do đạn phát nổ”.

Ông xếp của Nechiporenko, quận trưởng Nikolay Vasilyevich Nesterov bị thương cùng với hai nhà lãnh đạo khu định cư nông thôn.

Gladkov không nêu rõ loại thiết bị nổ nào họ đang kiểm tra vào thời điểm đó nhưng Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị bắn hạ trong đêm ở Belgorod và Kursk, và bốn chiếc khác bị bắn hạ ở Belgorod vào sáng ngày 2 tháng Sáu.

Ukraine thường không bình luận về các cuộc tấn công được báo cáo nhằm vào Belgorod. Tờ Kyiv Independent không thể xác minh những tuyên bố của các quan chức Nga.

Tỉnh Belgorod giáp các tỉnh Sumy, Kharkiv và Luhansk của Ukraine. Tuyên bố về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hoặc máy bay điều khiển từ xa nhằm vào khu vực đã trở nên phổ biến trong những tháng gần đây.

Nga được tường trình là thường sử dụng Belgorod làm nơi phát động các cuộc tấn công hỏa tiễn xuyên biên giới nhằm vào Ukraine.

8. Khí phách anh hùng: Zelenskiy vạch mặt Trung Quốc ở Singapore

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky Accuses China of Undermining Security Summit”, nghĩa là “Zelensky cáo buộc Trung Quốc phá hoại thượng đỉnh hòa bình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Từ trước cho đến gần đây, Ukraine đã theo đuổi một chính sách ngoại giao mềm dẻo với Trung Quốc để cố gắng ngăn chặn Tập Cận Bình tham gia với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine hiện nay. Tuy nhiên, trong hội nghị quốc phòng Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Tổng thống Zelenskiy đã từ bỏ chính sách đó và công khai tố cáo trước thế giới rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang chơi trò ném đá dấu tay khi bí mật cung cấp cho Nga các nguyên liệu và thiết bị để sản xuất khí tài chiến tranh; và đang nỗ lực giúp Nga phá hoại thượng đỉnh hòa bình sắp tới tại Thụy Sĩ.

Chuyện gì đã xảy ra?

Hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ Nga gây áp lực lên các nước không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới do Kyiv thúc đẩy.

“Nga đang cố gắng phá vỡ hội nghị thượng đỉnh hòa bình,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu tại hội nghị quốc phòng Đối thoại Shangri-La ở Singapore, và mô tả Bắc Kinh là “công cụ” cho Putin.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào giữa tháng 6 tại Thụy Sĩ. Zelenskiy cho biết hơn 100 quốc gia và tổ chức toàn cầu sẽ tham dự sự kiện này, trong đó tập trung vào an ninh hạt nhân và lương thực, thả tù nhân chiến tranh và trao trả trẻ em Ukraine đã bị bắt cóc đưa sang Nga.

“Nga, sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, cũng như sử dụng các nhà ngoại giao Trung Quốc, làm mọi cách để phá vỡ hội nghị thượng đỉnh hòa bình”, ông Zelenskiy nói trong lần xuất hiện nhằm tăng cường sự tham dự của các quốc gia Á Châu tại Thụy Sĩ.

Trung Quốc cho biết họ không ủng hộ bên nào trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Nga, một đồng minh chủ chốt. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, nói với các phóng viên hôm Thứ Bẩy, 1 Tháng Sáu, rằng Bắc Kinh có thể sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh vì Mạc Tư Khoa không được mời tham gia.

Zelenskiy cho biết Ukraine đã mời Trung Quốc tới hội nghị thượng đỉnh. Tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Kajsa Ollongren cho biết: “Tôi rất tiếc vì Trung Quốc đã không sử dụng vị thế là một trong những quốc gia có thể đối thoại thẳng thắn với Putin”.

Mao Ninh nói thêm: “Trung Quốc luôn cho rằng hội nghị hòa bình quốc tế cần đáp ứng ba yếu tố quan trọng được cả Nga và Ukraine công nhận, sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình”.

BBC đưa tin Mạc Tư Khoa không được mời chính thức vì Điện Cẩm Linh đã thông báo với Thụy Sĩ rằng nước này sẽ không tham dự.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói: “Với sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga, cuộc chiến sẽ kéo dài hơn”.

Bắc Kinh cho biết họ không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột và kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu hàng hóa có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì để khơi dậy ngọn lửa”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Những gì chúng tôi thấy từ Trung Quốc không phải là việc cung cấp vũ khí cho Nga mà là việc cung cấp các đầu vào quan trọng, đặc biệt là các thiết bị và nguyên liệu, đã cho phép Nga đẩy nhanh quá trình sản xuất xe tăng, hỏa tiễn và đạn pháo của riêng mình”. Ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ở thủ đô Praha của Tiệp vào thứ Sáu 31 Tháng Năm.

Ông nói thêm, khoảng 70% máy công cụ mà Nga nhập khẩu là từ Trung Quốc, cũng như khoảng 90% thiết bị vi điện tử.

“Trung Quốc đang hỗ trợ nền kinh tế chiến tranh của Nga”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với giới truyền thông hôm thứ Sáu 31 Tháng Năm. “Nga sẽ không thể tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc”.

Trong một diễn biến mới nhất, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh nói hôm Thứ Hai, 03 Tháng Sáu, rằng Trung Quốc thất vọng trước các tuyên bố của Zelenskiy mà cô ta nói là vô căn cứ, và dành quyền có các phản ứng thích hợp.

9. Nhà phân tích người Anh cho biết các cuộc tấn công thành công của Kyiv vào hệ thống phòng không Crimea có thể báo hiệu rằng các nhiệm vụ tiếp theo của F-16 sẽ diễn ra

Trong một bài báo đăng hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, có tựa đề “In Crimea, Ukraine Is Beating Russia”, nghĩa là “Ở Crimea, Ukraine đang đánh bại Nga”, tờ The Economist viết rằng bán đảo bị Nga sáp nhập vào năm 2014 đã trở thành “một cái bẫy chết chóc đối với lực lượng của Điện Cẩm Linh”.

“Ukraine đã chứng tỏ khả năng của hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và Scalp do Anh và Pháp cung cấp cũng như các thuyền điều khiển từ xa tự chế được thiết kế thông minh của mình để tấn công các tàu chiến Nga, đặc biệt là các tàu đổ bộ Ropucha lớn được sử dụng làm tàu vận tải quân sự, hầu hết đều đã bị phá hủy. Các máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Ukraine có thể đã khiến tới một nửa Hạm đội Hắc Hải đáng sợ trước đây phải ngừng hoạt động”, tuần báo Anh ước tính.

“Nhưng hiện tại, Ukraine đang sử dụng sự kết hợp chết người giữa ATACMS và máy bay điều khiển từ xa ngày càng tinh vi để làm suy yếu một cách có hệ thống các hệ thống phòng không của Nga ở Crimea, tấn công các căn cứ không quân nơi các máy bay đánh chặn của Nga bay đến và tấn công các mục tiêu kinh tế và hậu cần quan trọng. Chiến lược gia người Anh Sir Lawrence Freedman nói rằng việc tập trung vào việc làm tê liệt mạng lưới phòng không của Nga cũng có thể là một phần trong quá trình chuẩn bị cho lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên từ Âu Châu sắp xuất hiện.

Các tướng lĩnh được tạp chí này trích dẫn nói rằng các lực lượng và tài sản của Nga trên bán đảo “không có nơi nào để ẩn náu” khi lực lượng giám sát theo dõi mọi hành động của họ, và cầu Kerch sẽ “diệt vong” vì lực lượng Ukraine sẽ phá hủy nó khi đến một thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, tạp chí trực tuyến Business Insider của Mỹ đã đăng một câu chuyện video vào cuối tuần qua mô tả các cuộc tấn công thành công của Ukraine vào Hạm đội Hắc Hải đã “làm thay đổi chiến tranh hiện đại” như thế nào.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 01 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết các máy bay điều khiển từ xa do Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, vận hành đã phá hủy hệ thống radar tầm xa Nebo-SVU của Nga ở Crimea trong đêm ngày 30 Tháng Năm.

Ông cho biết hệ thống này trị giá khoảng 100 triệu Mỹ Kim, được đặt gần Armiansk, một thị trấn ở phía bắc bán đảo Crimea bị tạm chiếm.

Radar này đang giám sát một khu vực dài 380 km của mặt trận và giúp bảo vệ các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea.

Nguồn tin cho biết sau vụ tấn công, tình báo vệ tinh ghi nhận rằng radar đã ngừng hoạt động và không được đưa trở lại hoạt động kể từ đó.

Đại Úy Yusov cho biết: “Hoạt động này đã 'làm mù' hệ thống phòng không của Nga trên một phần lớn mặt trận.

Tuần trước, một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công radar cảnh báo sớm Voronezh M ở thành phố Orsk của Nga, thuộc tỉnh Orenburg, một nguồn tin từ cơ quan tình báo quân sự Ukraine nói với Kyiv Independent.

10. Đảng đối lập Georgia nói những người đeo mặt nạ đã tấn công văn phòng của họ ở Tbilisi

Trong một tuyên bố, đảng này cho biết một văn phòng ở Tbilisi của Phong trào Quốc gia Thống nhất, gọi tắt là UNM, một đảng đối lập ở Georgia, đã bị tới 100 người đàn ông đeo mặt nạ tấn công trong đêm 1 Tháng Sáu.

UNM, do cựu Tổng thống đang bị cầm tù Mikheil Saakashvili thành lập, hiện là đảng đối lập mạnh nhất trong quốc hội và sẽ tìm cách thách thức đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia trong cuộc bầu cử tháng 10.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Georgia sau khi Giấc mơ Georgia thông qua luật “đặc vụ nước ngoài” gây tranh cãi, gợi nhớ đến một đạo luật tương tự được Điện Cẩm Linh sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến.

“Cuộc tấn công kéo dài hơn nửa giờ. Có tới hàng trăm kẻ tấn công đã tham gia vào nó”, đảng này cho biết trên mạng xã hội.

“Mặt tiền văn phòng bị hư hỏng, kính bị vỡ, thiết bị hư hỏng.”

Chủ tịch UNM, Levan Khabeishvili, nói rằng những kẻ tấn công được trang bị gậy, đá và giáo gỗ.

Khabeishvili khai rằng những kẻ tấn công đã cố gắng vào bên trong tòa nhà, nhưng sau khi những người bên trong chống cự, những kẻ tấn công đã bỏ chạy. Không có thương tích nào được báo cáo.

UNM cáo buộc “chế độ Ivanishvili” về vụ tấn công, đề cập đến Bidzina Ivanishvili, một nhà tài phiệt người Georgia, người được coi là lãnh đạo trên thực tế của đảng Giấc mơ Georgia.

Đảng đối lập gọi những kẻ tấn công là “titushky”, thuật ngữ chỉ những tên côn đồ được thuê lần đầu tiên được sử dụng cho các băng nhóm bạo lực được chính quyền Viktor Yanukovych sử dụng trong Cách mạng EuroMaidan ở Ukraine năm 2013-2014.

Các nhà hoạt động và chính trị gia Georgia phản đối đảng cầm quyền và luật “đặc vụ nước ngoài” của đảng này phàn nàn về ngày càng nhiều mối đe dọa và các vụ bạo lực nhắm vào họ.

Ban lãnh đạo Giấc mơ Georgia đã nhiều lần phủ nhận mối liên hệ với những vụ việc này và thay vào đó cáo buộc những người đối lập của họ thực hiện một “chiến dịch thù hận” chống lại những người ủng hộ chính phủ. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp của đảng và các nhân vật ủng hộ chính phủ đã công khai ủng hộ các cuộc tấn công chống lại phe đối lập.

Các vụ bạo lực cũng được cho là đã lan rộng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gây ra bởi việc đưa luật này vào quốc hội, với việc cảnh sát bị cáo buộc sử dụng đạn cao su và vòi rồng chống lại người biểu tình.

11. Bloomberg đưa tin G7, Liên Hiệp Âu Châu muốn nhắm vào các ngân hàng giúp Nga trốn tránh lệnh trừng phạt

Bloomberg đưa tin hôm 1 Tháng Sáu, trích dẫn các nguồn tin giấu tên, cho biết Liên Hiệp Âu Châu và Nhóm bảy nước, gọi tắt là G7, đang xem xét các biện pháp nhắm vào những người cho vay bên thứ ba giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Đặc biệt, các đồng minh đang xem xét các bước đi chống lại các ngân hàng sử dụng SPFS, giải pháp thay thế hệ thống nhắn tin SWIFT của Nga, để lách các hạn chế thương mại, cơ quan này cho biết.

Ủy ban Âu Châu đã đề xuất trước đó vào tháng 5 bao gồm các bước chống lại các ngân hàng sử dụng SPFS trong gói trừng phạt thứ 14 sắp tới. G7 và Brussels hiện đang nghiên cứu các bước khả thi trước hội nghị thượng đỉnh ở Ý sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Sáu.

Trong hội nghị G7 ở Apulia của Ý, các chính phủ đồng thanh về các biện pháp tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt hiện có đối với Nga.

Các nước phương Tây và các đối tác của họ đã áp đặt các hạn chế kinh tế sâu rộng đối với Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, tìm cách hạn chế doanh thu nhà nước và ngăn cản nước này có được các công nghệ quan trọng cần thiết cho nỗ lực chiến tranh.

Nga đã tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt này thông qua nhiều bên thứ ba khác nhau ở Trung Quốc, Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hệ thống SPFS của ngân hàng trung ương Nga, được thành lập vào năm 2014, đã trở thành một công cụ quan trọng cho các giao dịch này sau khi Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT vào năm 2022.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, các đối tác của Kyiv gần đây đã tập trung nỗ lực vào các ngân hàng bị nghi ngờ tạo điều kiện cho các giao dịch này, dẫn đến việc một số người cho vay phải thắt chặt các biện pháp hạn chế và sau đó làm giảm nhập khẩu từ Nga.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo gần đây đã đến thăm Kyiv để hội đàm với các quan chức hàng đầu Ukraine về kế hoạch sắp tới nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
 
Thánh Ca
Is 12, 2-6
Lm. Thái Nguyên
00:32 03/06/2024
 
Tình Yêu Thánh Tâm Chúa
Lm. Thái Nguyên
00:33 03/06/2024
 
Lòng thương xót Chúa:
Lm. Thái Nguyên
00:34 03/06/2024
 
Trái Tim rực cháy
Lm. Thái Nguyên
00:34 03/06/2024
 
Tv 129
Lm. Thái Nguyên
00:35 03/06/2024
 
Gia nghiệp đời con
Lm. Thái Nguyên
00:39 03/06/2024
 
Thánh ý Chúa
Lm. Thái Nguyên
00:43 03/06/2024
 
Thánh Tâm Chúa Mời Gọi
Phạm Trung
23:15 03/06/2024
 
Maria Phó Thác Lòng Mẹ Xót Thương
Phạm Trung
23:16 03/06/2024