Ngày 04-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng nhân từ.
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
09:17 04/06/2008

Lòng nhân từ.



CHÚA NHẬT 10 A

Ca dao có câu:

Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.


Người Tây phương lấy hoa huệ làm biểu tượng cho sự trong trắng. Người Đông phương lại chọn bông sen,không phải hương sắc bên ngoài mà là ý nghĩa bên trong; hoa sen mọc trong bùn lầy nhưng vẫn sạch và thơm. Đối với Phật giáo,một tôn giáo xuất thế thì bông sen là biểu tượng của sự thoát tục “ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đối với người dân Trung Hoa và Việt Nam, bông sen là biểu tượng của sự trong sạch,không chỉ vì nó “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mà còn ở chổ nó vươn lên từ bùn lầy.Điều này phản ánh một thái độ lạc quan cho rằng con người có thể vươn lên từ vũng bùn lầy. Một cuộc đời như Thuý Kiều “Chút phận hoa rơi,nữa đời nếm trải mọi mùi đắng cay”, cũng có thể trở thành “Gương trong chẳng chút bụi trần” vì “hoa tàn mà lại thêm tươi,trăng tàn mà lại hơn mười năm xưa’. Đó cũng là niềm lạc quan Kitô giáo được chứng minh cụ thể qua bài Tin mừng hôm nay với sự kiện Chúa Giêsu gọi Matthêu, người thu thuế làm Tông Đồ. Sự kiện này đã gây nên một “scandale” trong dân Do thái và nơi nhóm người Pharisiêu. Chắc chắn việc chọn lựa của Chúa Giêsu không nhằm mục đích gây sốc cho họ. Sự chọn lựa này cho thấy việc Chúa làm không theo nếp suy nghĩ của con người. Qua sự chọn lựa này, Chúa muốn công bố sứ điệp về tình yêu và thương xót của Chúa. “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc nhưng là kẻ đau yếu.Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi”. Thiên Chúa không loại trừ một ai khỏi tình yêu của Ngài.

Bất kỳ xã hội nào cũng luôn luôn có người tốt và người xấu, người thánh thiện và kẻ tội lỗi. Người tốt và thánh thiện thường được kính nể, khâm phục, ưa thích và nhiều người lui tới. Kẻ xấu hay tội lỗi thường bị khinh thường, tẩy chay và xa tránh. Nhưng Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, không phân biệt đối xử như vậy, vì ai cũng là con cái Ngài, được Ngài yêu thương vô bờ bến. Vì thế, «Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính» (Mt 5,45). Cách đối xử không phân biệt của Thiên Chúa được thể hiện qua Chúa Giêsu, là hiện thân của Ngài ở trần gian. Chính những người tội lỗi, xấu ác, lại là những con người được Ngài quan tâm yêu thương đặc biệt. Ngài đến trần gian vì mọi người, nhưng trước tiên là vì những người tội lỗi: «Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9,13). Và Ngài sẵn sàng «để chín mươi chín con chiên trên núi mà đi tìm con chiên lạc» (Mt 12,18). Và bài Tin Mừng hôm nay (Mt 9,9-13) cho ta thấy cách đối xử nhân hậu, yêu thương, hòa nhập của Chúa Giêsu. Đó là cái nhìn lạc quan về khả năng của Ơn Cứu Độ, sự đổi mới tái sinh con người trong Ơn Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã nhập thể và nhập thế thực hiện công trình cứu độ nhằm biến đổi chính trần gian tội lỗi, cứu chữa,làm cho cái hư hỏng được lành lặn, tìm lại cái đã mất,đổi mới,làm cho sống lại những gì khô cằn, làm cho tươi xanh những gì héo úa.Hoa sen từ bùn lầy ao tù nước đọng nhưng vẫn vươn lên khỏi mặt nước để khoe sắc toả hương. Thánh Phaolô đã trình bày tư tưởng ấy trong thư Philipphê: Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang ( Pl 2, 6-7a). Đức Kitô đã nhập thể làm người giữa chúng ta( Ga 1,14),Người đã mặc lấy thân nô lệ,trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (Pl 2,7b), thậm chí trở nên bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8). Khi bị giương cao trên thập giá, Người sẽ kéo mọi người lên.Thánh Phêrô đã diễn tả sâu sắc: Tội lỗi của chúng ta,chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên thập giá để một khi đã chết đối với tội chúng ta được sống cuộc đời công chính ( 1Pr 2,24). Chúa Giêsu chính là bông sen,không chỉ vươn lên khỏi bùn lầy nước đọng của trần gian tội lỗi mà còn biến đổi nó thành thành hương hoa. “Ở đâu có tội lỗi tràn đầy,ở đó chứa chan ân sủng” (Rm 5,20).Ở đâu có nhiều bùn đất phù sa,ở đó cây lúa tươi tốt. Ở đâu có nhiều phân bón thì ở đó cây cỏ xanh tươi.Chỉ có điều,con người tội lỗi không thể tự nhiên biến đổi để thành người thánh thiện.Phân bón làm cho cây tươi tốt nhưng tội lỗi không làm cho con người nên tốt.Bởi vậy cần có Ân Sủng Thiên Chúa để biến đổi mọi tâm hồn. Chúa Giêsu dùng hình ảnh rất hữu lý để làm nền tảng. Người đau yếu mới cần đến thầy thuốc. Kẻ tội lỗi mới cần đến ơn cứu chuộc. Vì thế, Chúa đến để cứu chuộc tội nhân. Cái nhìn của Thiên Chúa vượt xa cái nhìn của nhân loại. Thế là ông Mátthêu, một nhân viên thu thế trong guồng máy thống trị của Rôma đã được Chúa Giêsu mời tham dự vào chương trình cứu chuộc của Người. Ông đã trở thành một Tông Đồ tâm huyết của Đức Kitô. Và ông đã để lại cho hậu thế một đóng góp vượt thời gian, đó là Phúc Âm do ông biên soạn: Phúc Âm Chúa Giêsu theo Thánh Mátthêu.

Cũng như Mađalêna, thiếu phụ Samaria, Simon tật phong, Giakêu, và như Phaolô; tất cả đã được Chúa Giêsu mời gọi, chinh phục trong khi họ vẫn còn là tội nhân, kẻ chống đối, bắt bớ Người. Chúa đã dùng tình thương, lòng nhân từ để hoán cải và chinh phục. Và tất cả đã bị lòng nhân từ của Chúa chinh phục và thu hút như chính Mátthêu đã ghi lại điều này để đánh dấu sự trở lại của ông. Ông đã ghi lại lời Thầy Chí Thánh trả lời cho những kẻ nghi ngờ lòng nhân từ, sự thánh thiện của Người, cũng như hoài nghi về tâm tình thống hối, hoán cải của ông như sau: “Các ông hãy đi và học biết điều này, Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn của lễ. Ta đến không để kêu gọi những người công chính, nhưng là những kẻ tội lỗi để họ thống hối” (Mt 9,13).

Tại sao lại là lòng nhân từ mà không phải là của lễ ? Một lý do rất dễ hiểu, chúng ta là những con người yếu đuối, tầm thường, và nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa. Ngay sự sống, hơi thở của mình cũng đều lãnh nhận từ Thiên Chúa và do Ngài ban tặng cho, vậy thì ta có gì để mà dâng Ngài? Nếu Ngài muốn của lễ, thì vũ trụ và toàn thể tạo vật trên trời, dưới đất không phải là của Ngài sao? Tội gì mà Ngài phải xin xỏ con người! Và vì thế, khi Ngài đề cập đến lòng nhân từ, tình thương là Ngài muốn nói với tất cả chúng ta rằng, Ngài chính là Thiên Chúa nhân từ, giầu lòng thương xót mà chúng ta được tạo nên là do chính lòng thương xót ấy. Cũng như Ngài muốn nhắc nhở chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn làm Ngài vui lòng, thì không gì hơn là cũng tỏ lòng hiền hậu, nhân từ mà đối xử với nhau như vậy.

Khi đề cập đến lòng nhân từ là nói về tình thương và từ tâm là nói đến lòng yêu thương của Thiên Chúa. Tình yêu ấy sẽ làm cho con người mở rộng lòng mình để chia sẻ và cảm nhận được với những người chung quanh mình. Do tình yêu thúc đẩy, con người mới có thể hoán cải được những chia rẽ, bất hòa và biến kẻ thù thành bạn hữu. Và đó là điều mà Thiên Chúa muốn nhìn thấy trong đời sống và qua lối cư xử của chúng ta đối với nhau, vì trước mắt Ngài, chúng ta tất cả đều là anh chị em với nhau. Đều là con Cha trên trời.

Tất cả những gì xấu xa, đổ vỡ, và hận thù đều đến từ sự cứng cỏi, kiêu căng, tự phụ, gian dối, và đam mê phát nguồn từ trạng thái thiếu vắng tình thương, thiếu vắng từ tâm.

Hơn bao giờ hết, nhân loại ngày nay đang đói khát tình thương và lòng nhân từ. Tình trạng khủng hoảng về tình yêu đã khiến nhân loại đi vào những thảm họa diệt vong. Chiến tranh và chém giết. Khủng bố và thù hận. Tù đầy và áp bức. Con người còn tàn bạo hơn khi giết chính mình, vợ con mình. Hằng triệu triệu thai nhi đã bị giết chết cách oan uổng ngay trong bụng mẹ. Trái tim con người đã trở thành sỏi đá và băng giá khi giết hại thai nhi.

Tình thương và lòng nhân từ Thiên Chúa tuôn đổ trên tất cả mọi người, không phân biệt bất cứ ai. Nếu tội lỗi làm con người chìm sâu vào hố diệt vong, vô vọng và sợ hãi, thì tình thương Thiên Chúa lại như ngọn triều lớn lấp đầy hố sâu sự dữ, và làm bao phủ yêu thương như biển rộng sóng vỗ dạt dào.

Tình yêu và lòng nhân từ mời gọi hoán cải. Chỉ có tình yêu và lòng nhân từ mới biến đổi phận người. Tình yêu và lòng nhân từ gọi mời: "Hãy theo Ta" và Matthêô bỏ bàn thu thuế tội lỗi để lên đường. Tình yêu và lòng nhân từ nhắn nhủ: "Hãy về bình an và đừng phạm tội nữa" và người đàn bà ngoại tình đã được cảm hóa. Tình yêu và lòng nhân từ khiêm tốn truyền dạy: "Hãy xuống mau" và Giakêu đã sung sướng chuyển hướng cuộc đời…

Ta muốn lòng nhân từ. Ta đến để kêu gọi những người tội lỗi. Tin Mừng đã nói rất rõ về cách thức biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Đỉnh cao của tình thương và lòng nhân từ chính là Bí tích Thánh Thể. Trong Thánh Thể và qua Thánh Thể, Chúa đã nối dài tình yêu và lòng nhân từ của Ngài với nhân loại cho đến tận thế. Trong Thánh Thể và qua Thánh Thể, Ngài đồng hành và sống trong mỗi Kitô hữu. Tình yêu và lòng nhân từ của Chúa là sức mạnh và sức sống cho mỗi Kitô hữu trên hành trình đức tin.
 
Mất cảm thức về tội
Anmai, CSsR
12:56 04/06/2008
Chúa nhật X TN

MẤT CẢM THỨC VỀ TỘI

Trang tin mừng chúng ta vừa nghe thuật lại gợi lên một bức tranh thật là đẹp. Bức tranh này vẽ nên một bữa tiệc mà khách mời phải nói là gồm nhiều thành phần trong xã hội: Matthêu – nhân viên thu thuế – chủ tiệc, nhiều người thu thuế – bạn chủ tiệc – và nhiều người tội lỗi, kéo đến cùng ăn; bữa tiệc ấy có cả sự hiện diện những người Phariêu; bữa tiệc ấy có cả sự hiện diện của thầy trò Giêsu nữa. Không hẹn mà gặp để rồi qua sự đối đáp của Chúa Giêsu với những người Pharisiêu Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta một sứ điệp hết sức quan trọng. Sứ điệp này phải nói là sứ điệp lớn nhất của Ngài, sứ điệp này là sứ điệp trọng tâm trong đời Ngài và cũng vì sứ điệp này mà Ngài xuất hiện trong trần gian. Sứ điệp ấy hôm nay lại đặt trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, hoàn cảnh hết sức đẹp đó là sứ điệp ấy công bố tại nhà của một người mà dưới con mắt của người đời đó là con người tội lỗi.

Ta đã biết, ai cũng ghét tội cả nhưng không ai ghét người có tội. Chúa Giêsu cũng thế, Ngài ghét tội vô cùng nhưng Ngài cũng thương người có tội vô cùng. Chính vì lẽ ấy mà Ngài đã sinh xuống làm người, sống cái thân phận của con người mỏng dòn non yếu, tội lỗi để mà cứu những con người hay phạm tội.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, thời nào cũng thế, chúng ta là những con người tội lỗi, chúng ta có nhận ra tình thương của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta hay không mà thôi.

Một hình ảnh rất quen thuộc với mỗi người chúng ta, đó là thánh Phaolô tông đồ. Ngài là người ngoại trở lại đạo. Không cần nói nhiều, chúng ta cũng biết được chút ít về quá khứ chẳng đẹp đẽ gì của Ngài. Thế nhưng, sau khi nhận ra con người lầm lỗi, con người tội lỗi của mình và quay về với Chúa. Ngài đã để lại cho chúng ta niềm xác tín, một sứ điệp hết sức quan trọng: “Đức Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương co những ai sẽ tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời (1Tm 1,15.16).

Niềm xác tín của thánh Phaolô nếu ai cảm nhận được sẽ rất vui và bình an, hân hoan bước đi trong cuộc đời đầy dang dở, đầy bể nát này.

Nhớ đến cảm nghiệm của thánh Phaolô, tôi nhớ ngay đến cha già đáng kính Michel Nguyễn Hữu Phú. Trước đây Ngài là cha giải tội của anh em chúng tôi thời chúng tôi ở Nhà Tập. Mỗi lần giải tội, mỗi lần khuyên bảo anh em, Ngài mời gọi anh em suy niệm và cùng với Ngài hát bài hát mà do cảm nhận được tình thương của Chúa từ thánh Phaolô đã truyền lại: “Đây là lời đáng tin đáng nhận, là Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi mà người thứ nhất là tôi !”. Không phải chỉ anh em tập sinh Ngài giải tội cho nhưng mà hầu hết anh em trong Dòng đều bị ảnh hưởng của Ngài qua tâm tình này. Người tội lỗi được cứu nhất đó chính là tôi vì xét cho cùng, tôi cảm thấy tôi tội lỗi hơn anh em.

Đó là tâm tình của Thánh Phaolô khi ngài nhìn thân phận của Ngài, ngài nhìn vào ơn cứu độ mà Thiên Chúa thương dành cho Ngài.

Trở lại với trang tin mừng, có thể nói rằng ngày hôm nay người vui nhất, mừng nhất đó chính là ông Matthêu. Hôm nay ông quá hạnh phúc, niềm hạnh phúc đấy làm ông cảm thấy ngây ngất và sướng cả người. Người ta vẫn thường nói là song hỷ, có nghĩa là có 2 niềm vui đến cùng một lúc. Hôm nay Matthêu cũng thế, ông cũng có được cái song hỷ mà nhiều người mơ ước đó là việc Chúa Giêsu đã đến dùng bữa tại nhà ông. Cái hỷ thứ hai đó là hôm nay Chúa công bố cho ông rằng Chúa đến để kêu gọi những người tội lỗi như ông. Và, không chỉ có ông có cái hỷ thôi nhưng mà bạn bè ông nữa, những người bạn mà từ lâu bị nhiều người trong đó có người Pharisiêu cho là tội lỗi đã được hỷ như ông đó là được cứu !

Thử hỏi mỗi người trong chúng ta, nếu như chúng ta sống trong tình trạng bệnh hoạn tật nguyền mà chúng ta được cứu chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc đến dường nào. Nếu chúng ta đang sống trong cái thân phận yếu đuối tội lỗi mà có ai dang tay ra cứu chúng ta thì còn gì hạnh phúc bằng.

May quá ! Hôm nay không chỉ Matthêu được cứu mà những người bạn của ông cũng được cứu. Bạn của ông là ai ? Bạn của ông phải chăng là những người như chúng ta, những người mang trong mình cái phận mỏng dòn, yếu đuối của con người xác thịt đầy dẫy nhưng cái tham sân si của cuộc đời.

Thế nhưng, chúng ta quay lại phần đầy của đoạn tin mừng, chúng ta thấy có một điều gì đó rất đơn giản nhưng quả là một thách thức lớn cho mỗi người chúng ta. Để ý một chút chúng ta sẽ thấy: Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi”. Ông đứng dậy đi theo Người.

Một chi tiết hết sức nhỏ nhưng cũng hết sức quan trọng: đứng dậy. Kinh Thánh không nói là ông chần chờ hay suy nghĩ tính toán dẫu rằng cái nghề thu thuế, cái nghề đụng đến tiền nong của Matthêu cần sự cân đo đong đếm hơn thua chứ không thì kẹt nhưng đàng này, hành động của ông cho chúng ta thấy ông đứng dậy.

Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, sau những lần sa ngã, sau những lần yếu đuối chúng ta có can đảm đứng dậy như Matthêu hay không ? Hay chúng ta cứ mãi chần chừ với Chúa, không dám quyết định như Matthêu quyết định.

Tại sao Matthêu lại quyết định nhanh như thế ? Xin thưa đó chính là nhờ vào lòng tin của Matthêu. Thật sự ra mà nói thì Matthêu giữa cái chức vị mà ông đang giữ đấy mang lại cho ông không biết bao nhiêu lợi lộc theo nghĩa trần gian nhưng có lẽ nhìn ra cái lợi lộc trần gian đó nó chẳng là gì, nó chẳng còn ý nghĩa gì trên cuộc đời ông khi ông nghe nhiều người đồn về con người Giêsu. Giêsu đã lang thang khắp nẻo đường để đi rao giảng Tin mừng, Matthêu cũng nghe ngóng, cũng tìm hiểu một thời gian đã lâu và cuối cùng đáp trả bằng chính lòng tin của mình.

Cũng lại nhắc đến thánh Phaolô. Thánh Phaolô trong thư của Ngài gửi cho cộng đoàn ở Rôma đã nói cho chúng ta rằng: Mặc dầu ông Abraham không còn gì để trông cậy, ông vẫn trong cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc … Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa, trái lại nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng để thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính … (Rm 4,18.20-22)

Ngài còn xác tín với chúng ta: Chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết (Rm 4,23).

Vấn đề còn lại của chúng ta quá rõ: Tin.

Đứng trước một xã hội mà người ta tôn thờ chủ nghĩa vật chất, giữa một xã hội thế tục như thế này, lòng tin của mỗi người chúng ta như thế nào ? Còn hay là mất, còn nhưng mà còn được bao nhiêu ?

Phải nói rằng, ngày hôm nay khoa học kỹ thuật phát triển tột bậc để rồi qua sự phát triển đó chính là thách thức của con người trước niềm tin vào Thiên Chúa. Ngày hôm nay con người bị xoáy vào vòng xoáy của của cải, vật chất và hưởng thụ. Thế nhưng xét cho cùng vật chất nó không bao giờ làm thỏa mãn được lòng tham của con người. Bình thường thôi khi con người muốn vươn lên. Nhưng phải biết điểm nào là điểm dừng mới quan trọng vì nếu không chúng ta sẽ đam mê vật chất, thờ vật chất đến độ chẳng còn tin vào sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này nữa. Vật chất rất cần cho cuộc sống lữ hành trần gian này nhưng nó không phải là cùng đích của con người, nó chỉ là phương tiện mà thôi.

Thái độ đứng lên của Matthêu hôm nay là bài học lớn cho mỗi người chúng ta khi đối diện với sứ điệp cứu những người tội lỗi như Matthêu, như chúng ta đây. Thái độ ấy là thái độ dứt khoát với tiền bạc, với vật chất. Còn chúng ta, trước thái độ của Matthêu chúng ta xử như thế nào với Chúa hay là chúng ta cứ mãi cắm cúi đi tìm tiền, tìm danh. Bi đát ở chỗ là tất cả những cái mà ngày hôm nay chúng ta cắm cúi đi tìm, chúng ta cắm cúi xây dựng để rồi cuối cùng chúng ta lại để dành cho người khác thôi. Chúng ta đâu có thể nào mang những cái mà chúng ta nhọc công tìm kiếm ở trần gian này về theo mộ phận. Tất cả, cuối cùng chỉ gói ghém trong ba tấc đất và cái bi đát của mỗi người chúng ta là chúng ta cứ tưởng ba tấc là cùng đích.

Thái độ thứ hai của Matthêu ngày hôm nay quả là bài học vô cùng lớn cho nhân loại. Bài học thứ hai mà chúng ta học nơi Matthêu đó là dám chấp nhận với con người giới hạn, con người tội lỗi, con người yếu đuối của mình.

Khi và chỉ khi chúng ta nhận ra chúng ta là bệnh nhân thì chúng ta mới đi tìm đến bác sĩ để bác sĩ chữa lành cho chúng ta.

Khi và chỉ khi chúng ta nhận ra mình là con người yếu đuối, tội lỗi chúng ta mới cần đến Chúa để Chúa chữa cho con người tật nguyền trong tâm hồn của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã nói rằng: Con người ngày hôm nay không còn cảm thức về tội nữa ! Cái bi đát của con người ngày hôm nay là không còn nhận ra tội nữa. Từ sự bi đát ấy nhìn vào cuộc sống chúng ta, chúng ta thấy rõ hơn ai hết.

Chẳng hiểu ảnh hưởng từ đâu và cũng chẳng dám trách ai. Trẻ nhỏ ngày hôm nay đánh mất chữ “cám ơn” sau khi nhận được quà và “xin lỗi” sau khi làm lỗi. Không chỉ trẻ con nhưng người lớn cũng thế. Dường như ngày hôm nay, con người cố thủ trong cái vỏ bọc của mình nhiều quá để rồi không nhận ra cái dở, cái yếu của mình để cân chỉnh. Nhìn vào thực trạng xã hội chúng ta thấy quá rõ, con người ngày hôm nay ai cũng muốn phủi trách nhiệm, phủi hậu quả do mình gây ra. Làm thiệt hại không biết bao nhiêu cho người khác để rồi cuối cùng nhận được bản án: thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho … Tội gì chứ tội ấy ngày hôm nay nhan nhản trong cuộc đời.

Đơn cử chỉ xét trong đời sống gia đình nhỏ bé của mỗi người chúng ta, chúng ta sẽ thấy ngay. Ngày hôm nay trong gia đình, lối hành xử với nhau thật là khác. Lẽ ra sau những lần hiểu lầm, sau những lần vấp váp, đụng chạm, vợ chồng con cái ngồi lại với nhau để đối thoại với nhau để nhìn ra vấn đề của nhau để hóa giải. Nhưng, thực tế thì chẳng ai chịu ngồi lại cả vì lẽ ai cũng cho mình là đúng, cho mình là tốt chứ chẳng ai nhận ra lỗi lầm của mình cả. Không nhận ra lỗi lầm thì làm sao mà cân chỉnh, sao mà sửa đổi được ?

Ngày hôm nay, cái chủ nghĩa cá nhân nó đã ăn sâu vào từng người từng người chúng ta. Mấy ai trong chúng ta dám can đảm đứng ra để nhận sự yếu đuối của mình. Ai trong chúng ta vẫn có cái xu hướng tìm đủ mọi cách để che đậy yếu điểm của mình. Điều này chúng ta cần phải học hỏi và phải sống.

Mới đây, tôi có hai người bạn đi ra nước ngoài tu học. Sau một thời gian, vị hữu trách bên nước bạn cho vị hữu trách ở Việt nam nhận xét về khả năng học của hai người bạn đấy là hai người ấy học chưa đạt đến mức yêu cầu bình thường. Sau khi vị hữu trách gợi ý cho hai người bạn ấy thì hai người bạn ấy bảo rằng vị hữu trách ở nước bạn ấy nhận xét chưa chính xác vì thật ra hai người bạn ấy thấy hai người bạn ấy đạt như thế là đủ !?

Cái bi đát nằm ở chỗ đó, người Việt chúng ta nói chung là không chịu nhìn ra cái dở của mình để mà sửa. Chuyện này chúng ta khác người phương Tây nhiều. Người Tây phương rất rõ ràng và thẳng thắn trong chuyện này. Họ cảm thấy họ dở, họ yếu thì họ nhận dở, yếu để mà thăng tiến.

Thực tế cuộc đời chúng ta cũng thế thôi ! Có nhiều người không có khả năng, không có trình độ nhưng khi nắm chức nắm quyền rồi chúng ta cứ cố vị, chúng ta không rời cái ghế đó dẫu rằng chúng ta không có đủ năng lực. Cứ mãi sống trong cái vỏ bọc ấy sẽ khó phát triển và không chỉ không phát triển mà còn gây thiệt hại cho biết bao nhiêu người xung quanh.

Nếu như ngày hôm nay, trong Tin mừng, Matthêu không nhận ra phận người yếu đuối của mình thì làm sao mà Chúa có thể đến với ông để mà chữa lành cho ông, để mà công bố cho ông sứ điệp hết sức quan trọng được.

Tưởng chừng cái cảm thức về tội của Matthêu hôm nay ít người bị nhưng khá nhiều người ngày hôm nay đánh mất đi cái cảm thức ấy. Ngày hôm nay người ta đánh mất cảm thức về tội cũng như cảm thấy mình không cần đến sự tha thứ, ơn hòa giải của Chúa qua vị linh mục để không còn đến với tòa giải tội nữa.

Bước đầu tiên là nhận biết tội mình. Đầu thư Rôma, Phaolô đã giúp ta thấy rõ: "Mọi người đều bị tội lỗi thống trị" (Rm 3,9). Rồi khi nói về cuộc Khổ nạn, Phaolô cũng nói là Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta.

Nhưng đây là lúc chúng ta phải nhận biết tội lỗi lúc này của chúng ta, trong tình huống riêng biệt của mỗi người, nghĩa là đi vào chính đời sống cụ thể hôm nay. Nhiều người đã mất ý thức về tội, hoặc coi tội như ba cái chuyện nhỏ, kông đáng kể, ngay cả tội nặng. Người ta sợ mọi thứ: sợ ô nhiễm môi sinh, sợ chiến tranh hạt nhân, sợ khủng bố, sợ thiên thạch va chạm địa cầu. , trừ ra sợ tội. Trong khi đó, Đức Giêsu dạy: "Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác. Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục" (Lc 12,4-5).

Một bầu khí như vậy, một não trạng như vậy tác hại không nhỏ đối với những ai muốn sống Tin Mừng. Nó làm cho lương tâm của họ có thể cùn nhụt, mất cảm giác về phương diện thiêng liêng, có thể ngủ vùi trong tội. Có thể họ còn không nhận ra kẻ thù thực sự, người đang bắt mình làm nô lệ.

Có người nói về tội mà không có một ý tưởng cân xứng về tội hoặc dường như tội không ở trong con người, mà ở chỗ đâu đâu. Chúa nói với người biệt phái: "Triều đại Thiên Chúa không phải ở chỗ này chỗ kia, mà ở chính trong các ngươi" (Lc 17,21). Cũng có thể nói tương tự về tội: tội không phải ở chỗ này chỗ nọ, nhưng ở chính trong lòng ta. Người nào nói mình không có tội, là người lừa dối mình (1Ga 1,8-10), phủ nhận công trình của Đức Kitô là "Đấng đã chết vì tội ta" (1Cr 15,3), làm cho ơn cứu độ của Ngài ra vô ích.

Thừa nhận mình có tội là một điều đúng vơi giáo lý, theo nghĩa: thừa nhận như thế là nhận giáo lý của Kinh Thánh và của Giáo Hội về tội. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Không chỉ thừa nhận trên lý thuyết và tổng quát, nhưng còn phải thừa nhận cụ thể trong chính đời sống riêng của từng người, tức là: ý thức tội ở ngay bên cạnh ta, nhất là ở chính trong lòng ta. Thừa nhận mà phải run sợ, như người đang ngủ đột nhiên thức giấc thấy có con rắn bên cạnh mình.

Vậy bước đầu tiên để giải thoát tội là nhận ra nó. Nhận biết tội là một vấn đề nghiêm trọng.

Một phụ nữ cũng đứng tuổi đến nói với tôi rằng bà khổ lắm vì chồng bà lâu năm không xưng tội vì với ông, ông nghĩ rằng ông không có làm gì nên tội hết !? Thử hỏi trong mỗi người chúng ta có ai là không vấp váp chuyện này chuyện kia từ lời ăn tiếng nói, cách hành xử của chúng ta với người thân cận.

Cách đây khoảng 3 tuần, đang lang thang đọc báo ké trong nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mới đọc được vài trang báo tôi gặp lại một người bạn học thời trung học. Sau vài lời thăm hỏi, anh ấy nhờ tôi tìm Cha giải tội giúp. Tôi nhờ Cha giải tội và trước khi giải tội tôi giúp anh ta xét mình. Hỏi ra anh ta đã bỏ xưng tội ngót 10 năm ! Hỏi tại sao thì anh ta nghĩ rằng mình phạm tội mình tự thú với bản thân là được rồi !

Cũng chẳng trách ai nhưng cảm thấy đáng tiếc rằng cả một con người mong manh, yếu đuối mà lại không nhận ra tội lỗi của mình thì thấy hơi bị lạ. Nếu nghĩ rằng mình vô tội thì ta có phải là quá phiêu lưu chăng ?

Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại chính bản thân mình, chúng ta có nhận ra chúng ta là những người yếu đuối tội lỗi để cần đến ơn cứu độ của Chúa hay không ? Nếu chúng ta nhận ra chúng ta tội lỗi thì chúng ta cứ chạy đến nép bên lòng Chúa để Chúa thứ tha cho chúng ta vì những yếu đuối, những vấp váp của chúng ta trong cuộc đời.

Nguyện xin Chúa Giêsu như Chúa Giêsu nói với Matthêu trong Tin mừng hôm nay là Chúa đến để kêu gọi những người tội lỗi hôm nay cũng đến kêu gọi những người tội lỗi như chúng ta đây.

Nguyện xin Chúa Giêsu cho chúng ta biết mở lòng ra để đáp lại tiếng Chúa mời gọi một cách dứt khoát như Matthêu hôm nay đã đáp lại với Chúa để chúng ta được Chúa chữa lành cho mọi tội lỗi, mọi yếu đuối thể xác cũng như tâm hồn.
 
Lề Luật, Ân Sủng, Đức Tin, Việc Làm và Ơn Công Chính Hóa
Phaolô Phạm Xuân Khôi
13:02 04/06/2008
Chúa Nhật X Thường Niên – Năm A

Lề Luật, Ân Sủng, Đức Tin, Việc Làm và Ơn Công Chính Hóa

Trong lịch sử Dân Thiên Chúa và Hội Thánh, năm từ ngữ Lề Luật, ân sủng, Đức Tin, việc làm và công chính đã là những đề tài gây ra nhiều tranh luận và tranh chấp sôi nổi giữa những người Biệt Phái và Chúa Giêsu, giữa những người Do Thái tòng giáo và Dân Ngoại tòng giáo thời các Thánh Tông Đồ, rồi giữa những người Tin Lành Cải và Công Giáo như trong nửa kỷ nguyên qua.

Trong Bài Phúc Âm tuần này, một số người Biệt Phái thấy Chúa Giêsu đồng bàn với những người thu thuế nên đã thắc mắc rằng tại sao Người lại ngồi ăn với những người tội lỗi. Sở dĩ họ thắc mắc như thế vì họ cho rằng chỉ có họ là những người công chính bởi họ lúc nào cũng mang theo Lề Luật trên mình như Thiên Chúa truyền cho ông Môsê trong Bài Đọc Thứ Nhất tuần trước (Đnl 11, 18. 26-28), và giữ Lề Luật ấy cách rất tỉ mỉ. Họ tin rằng nhờ làm theo Lề Luật mà họ đã được nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Rồi họ dùng chính mình làm thước đo sự công chính của người khác. Họ cho rằng tất cả những ai không làm giống như họ đều là người bất chính, kể cả Chúa Giêsu.

Còn người thu thuế Matthêu chắc chắn là trước khi được Chúa gọi đã biết ít nhiều về Chúa, và được ơn Chúa cảm hóa tận đáy lòng nên đã tin vào Chúa, nhưng vì thấy mình tội lỗi nên không dám đi theo. Chỉ cần Chúa gọi một tiếng là “Hãy theo Ta” thì ông sẽ lập tức bỏ tất cả mà theo Chúa. Và hôm nay ông đã được toại nguyện, vì Chúa không những đã gọi, mà còn đến nhà ông để đồng bàn với ông cùng bạn hữu ông, và từ nay ông được đồng hành và đồng bàn với Chúa mỗi ngày trong đời ông như một trong những người bạn nghĩa thiết nhất của Chúa. Ân sủng của Thiên Chúa đã giúp ông Tin, và nhờ Đức Tin mà ông đã được Chúa coi là công chính, và nhờ đồng hành cùng đồng bàn với Chúa mà ông đã thật sự trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa vì ông đã học cùng Chúa Giêsu để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn.

Trong bài Thánh Thư tuần trước, Thánh Phaolô nói rằng “con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật” (Rom 3:28). Trong bài đọc Chúa Nhật này Thánh Phaolô đưa lòng tin của ông Abraham ra làm gương mẫu cho chúng ta. Một lòng tin không nao núng… Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa, trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, ‘việc đó đã được kể cho ông là sự công chính’. Và Thánh nhân nhắn nhủ chúng ta rằng chúng ta cũng được nên công chính vì tin vào Đức Kitô, tin rằng Người đã “từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá” (x. Rom 4:18-25).

Trong thời các Thánh Tông Đồ, những người Do Thái tòng giáo đã cho rằng mình công chính hơn những Dân Ngoại tòng giáo nên đã bắt họ phải giữ Luật Môsê, đến nỗi các Thánh Tông Đồ phải triệu tập Công Đồng Giêrusalem và công bố rằng: “Quyết định của Chúa Thánh Thần và chúng tôi là không đặt trên anh em một gánh nặng nào khác hơn những điều cần thiết này; là anh em hãy kiêng ăn những gì đã cúng cho ngẫu tượng, tiết, và thịt loài vật bị chết ngạt, và tránh gian dâm. Nếu anh em tránh những điều này, là anh em làm điều tốt rồi.” (TĐCV 15:28-29). Lại có những người bóp méo các Thư Thánh Phaolô và cho rằng con người chỉ cần Đức Tin là được nên công chính, đến nỗi Thánh Giacôbê phải viết rằng: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (x. Gc 2:14-17), và Thánh Phêrô phải nhắc nhở các tín hữu rằng: “Trước hết, anh em phải hiểu điều này, không một lời tiên tri nào trong Sách Thánh được giải thích theo ý riêng” (2 Phr 1:19), và ngài nói về các Thư của Thánh Phaolô rằng: “Trong các thư đó, có vài điều khó hiểu, mà những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, cũng như với những câu Kinh Thánh khác, để đưa chúng đến chỗ diệt vong” (2 Phr 3:16).

Trong thời Cải Cách Tin Lành, Lutherô cũng cho rằng con người được công chính hóa nhờ Đức Tin mà thôi chứ không cần đến việc làm. Ông dạy rằng nhờ Đức Tin, Thiên Chúa lấy chính sự công chính của Đức Kitô mà che phủ lên con người tội lỗi, và từ đó người ấy “được kể là công chính trước mặt Thiên Chúa”, dù bên trong lòng vẫn đầy tội lỗi. Bao lâu người ấy còn Đức Tin là bấy lâu người ấy còn chắc chắn được cứu độ. Còn John Calvin thì cũng tin như Lutherô, nhưng ông còn dạy rằng, khi một người đã được công chính hóa nhờ Đức Tin thì người ấy chắc chắn được cứu độ, không thể mất linh hồn được nữa. Nhiều người Công Giáo lại cho rằng mình được nên công chính nhờ làm những việc lành, nên họ cũng như những người Biệt Phái, dựa theo việc làm bề ngoài mà phán đoán những người khác.

Theo giáo huấn của Hội Thánh từ thời các Giáo Phụ thì công chính hóa là một tiến trình. Thiên Chúa thật sự muốn chúng ta nên công chính, nên thánh, chứ không phải chỉ lấy sự công chính của Đức Kitô mà phủ lên trên chúng ta như Lutherô dạy. Hội Thánh dạy rằng không ai có thể nhờ sức riêng mình mà nên công chính trước mặt Thiên Chúa cả. Ơn công chính hóa là ơn chúng ta lãnh nhận cách nhưng không nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ nên Ngài ban ơn để những ai tin vào Lời Ngài mà chịu Phép Rửa thì được tha hết mọi tội lỗi và trở nên công chính trước mặt Ngài nhờ công nghiệp của Đức Kitô. Sau khi đã trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, Ngài tiếp tục ban ơn để thánh hóa chúng ta. Nhưng vì Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta và không bắt buộc chúng ta phải nên thánh, cho nên chỉ những ai hợp tác với ơn Chúa bằng cách cố gắng sống theo gương Đức Kitô thì sau cùng sẽ được thật sự trở nên công chính.

Để giúp quý bạn hiểu thêm về ơn công chính hóa, chúng tôi xin tóm tắt Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo như sau.

I. Đức Tin và Ơn Công Chính Hóa

Công chính hóa là ân sủng Chúa Thánh Thần làm cho ta nên công chính nhờ tin vào Ðức Kitô qua bí tích Thánh Tẩy, và nhờ kết hợp với cuộc Vượt Qua của Người bằng cách chết cho tội lỗi. Công trình đầu tiên Chúa Thánh Thần thực hiện nơi ta là sự hoán cải. Dưới tác động của ân sủng, ta từ bỏ tội lỗi mà quay về với Thiên Chúa, nhờ đó được ơn tha thứ và sự công chính. Khi được công chính hóa, ta được hòa giải với Thiên Chúa, được giải phóng khỏi tội lỗi và được chữa lành. Sự công chính ở đây chỉ sự công minh chính trực của tình yêu Thiên Chúa. Cùng với ơn này, Ngài ban cho ta đức tin, đức cậy, đức mến, và ơn biết vâng theo thánh ý Ngài. Ta được công chính hóa nhờ cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, Ðấng đã dâng mình trên Thánh Giá làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, và Máu Người trở nên phương tiện đền tội cho mọi người. Ơn này giúp ta sống phù hợp với sự công chính của Thiên Chúa.

Ơn công chính hóa mở đầu cho sự cộng tác giữa ân sủng Thiên Chúa và sự tự do của con người. Về phía con người, ơn này được biểu lộ qua sự bằng lòng tin theo lời Thiên Chúa mời gọi hoán cải, và cộng tác bằng đức ái với tác động của Chúa Thánh Thần. Con người phải hợp tác với Chúa Thánh Thần khi đón nhận tác động này mà họ có thể từ chối. Tuy nhiên, không có ân sủng Chúa, họ không thể nhờ ý chí tự do của mình đạt tới sự công chính trước mặt Ngài. Chúa Thánh Thần là vị thầy nội tâm. Ơn công chính hóa khai sinh "con người nội tâm" và đem lại ơn thánh hóa toàn thể con người. (x. GLCG 1987-1995)

II. Ân Sủng

Chúng ta được công chính hóa nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng là một ân huệ, một sự trợ giúp nhưng không mà Chúa ban để ta trở thành con cái Ngài. Ân sủng cho ta tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta thành chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô, và thành nghĩa tử Thiên Chúa, được gọi Ngài là "Cha". Chúng ta lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần. Ân sủng của Ðức Kitô là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho ta sự sống của Ngài. Ðó là ơn thánh hóa hay thần hóa ta nhận được trong bí tích Thánh Tẩy. Ơn này là một trạng thái siêu nhiên bền vững, hoàn thiện hóa linh hồn để chúng ta có thể sống với Thiên Chúa và hành động nhờ tình yêu của Ngài. Chúng ta phân biệt ơn thường sủng và ơn hiện sủng. Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên để sống và làm theo tiếng gọi của Thiên Chúa, còn ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa lúc khởi đầu cuộc hoán cải hoặc trong quá trình thánh hóa (x. GLCG 1996-2000).

Chuẩn bị con người đón nhận ân sủng cũng là một công trình của ân sủng. Việc chuẩn bị này cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, vào việc thánh hóa nhờ đức ái. Thiên Chúa tự do đi bước trước, và Ngài muốn con người tự do đáp trả. Chỉ khi tự nguyện, con người mới có thể bước vào hiệp thông tình yêu (x. GLCG 2001-2002).

Ngoài mục đích thánh hóa chúng ta, ân sủng cũng gồm các ơn giúp ta có khả năng cộng tác vào việc cứu độ tha nhân và phát triển Hội Thánh. Ðó là các ân sủng bí tích, mỗi bí tích ban ơn riêng. Ngoài ra, còn có đặc sủng qui hướng về ơn thánh hóa và có mục đích phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh. Trong các đặc sủng, có các ơn chức phận được ban cho người thi hành các nhiệm vụ của đời Kitô hữu và các thừa tác vụ trong lòng Hội Thánh. Vì ân sủng thuộc bình diện siêu nhiên, nên vượt tầm kinh nghiệm của ta, và chỉ nhận biết được bằng đức tin, nên ta không thể dựa vào tình cảm hay các việc làm để kết luận rằng ta đã được công chính hóa và được cứu rỗi. Tuy nhiên, việc suy niệm về các ơn Chúa trong đời ta và các thánh, cho ta một bảo đảm rằng ân sủng đang hoạt động trong ta, giúp cho đức tin của ta thêm lớn mạnh, và tín thác hơn vào Thiên Chúa (x. GLCG 2003-2005).

III. Công Phúc hay Việc Làm

Theo đúng nghĩa, chúng ta chẳng có công gì trước mặt Thiên Chúa. Nhưng vì Ngài đã tự do an bài cho ta cộng tác với ân sủng nên ta có thể lập công trước mặt Ngài. Công đầu tiên thuộc về ân sủng của Thiên Chúa. Khi nhận ta làm nghĩa tử, Ngài cho ta "đồng thừa tự" với Ðức Kitô. Công trạng của ta là hồng ân của Ngài. Trên bình diện ân sủng, không ai lập được công để đáng nhận ân sủng mở đầu cho các ơn hoán cải, tha thứ và công chính hóa, vì đó là sáng kiến của Thiên Chúa. Sau đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần và đức ái, ta mới có thể lập công để đáng lãnh nhận cho mình và tha nhân những ân sủng hữu ích cho việc thánh hóa, gia tăng ân sủng và tình yêu, cũng như đạt được sự sống đời đời. Theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể lập công để đáng lãnh nhận những lợi ích trần thế như sức khỏe, tình bạn…. Các Kitô hữu vẫn cầu xin Thiên Chúa ban cho mình các ân sủng và lợi ích này. Lời cầu nguyện có thể làm Thiên Chúa thương nghe và ban ân sủng cần thiết giúp chúng ta làm những việc đáng thưởng. Tình yêu Ðức Kitô trong ta là nguồn mọi công trạng của ta trước mặt Thiên Chúa. Ân sủng kết hợp ta với Người trong tình yêu, bảo đảm tính siêu nhiên của các việc ta làm, do đó bảo đảm công trạng trước mặt Thiên Chúa và người ta. Các thánh luôn ý thức rằng công trạng của các ngài hoàn toàn do ân sủng (x. GLCG 2006-2011).

IV. Sự thánh thiện của Kitô hữu

Tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh. Ðể nên thánh, chúng ta phải dùng các sức lực mà Đức Kitô đã ban để làm theo thánh ý Chúa Cha trong mọi sự. Chúng ta phát triển đời sống thiêng liêng để càng ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Ðức Kitô. Sự kết hợp này được gọi là "thần bí", vì nhờ các bí tích và các mầu nhiệm thánh, ta được tham dự vào mầu nhiệm Ðức Kitô, và trong Người, ta được tham dự vào mầu nhiệm của Ba Ngôi. Con đường tiến đến hoàn thiện phải qua Thập Giá. Không tài nào đạt được sự thánh thiện, nếu không từ bỏ chính mình và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải tu luyện và khổ chế. Là con cái của Mẹ Hội Thánh, chúng ta hy vọng Thiên Chúa là Cha sẽ ban ơn giúp chúng ta bền đỗ đến cùng và ban phần thưởng cho các việc, mà nhờ ân sủng của Ngài, chúng ta đã làm trong sự kết hợp với Ðức Kitô. Vì cùng sống theo một quy luật, ta được chia sẻ "niềm hy vọng hồng phúc" với những người mà Thiên Chúa đã quy tụ trong "thành thánh Giêrusalem mới từ trời" (x. GLCG 2012-2029).

Kết Luận

Ngày hôm nay, trong Hội Thánh, trong các giáo xứ và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam khắp nơi, cũng vẫn có những xung đột giữa những người tự cho mình là công chính và những người khác. Có những người tham gia công việc chung mà quên cả bổn phận của mình đối với gia đình, và cho rằng như thế là công chính. Có những người sống ở nước ngoài, nhưng đòi những người trong nước, kể cả Hội Đồng Giám Mục, phải can đảm đứng lên tranh đấu cho nhân quyền theo ý họ. Có những người chỉ mới đi dự được một “buổi tĩnh tâm” hay một khóa “Thánh Kinh” đã tự cho là chỉ có khóa tĩnh tâm mình đi là tốt nhất, chỉ có mình là được ơn Chúa, là phải học Thánh Kinh như mình mới đúng, rằng chỉ có mình là biết Thánh Kinh và chê bai cả các linh mục là đã giảng sai hết. Vì tự cho mình là công chính, họ dùng việc làm của họ, sự hiểu biết của họ và quan niệm của họ làm thước đo sự công chính của người khác. Nếu người khác không làm như họ thì là những người bất chính. Mà một khi đã nghĩ rằng mình công chính thì tự đặt mình về phía những người Biệt Phái, là những người đã lành bệnh rồi, không cần Thầy Thuốc Giêsu nữa.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn luôn ý thức rằng mình là người yếu đuối, không làm được việc gì công chính nếu không có ơn Chúa, để con luôn luôn biết đi theo Chúa và bám chặt lấy Chúa. Xin cho con có nhiều dịp đồng bàn với Chúa cùng các bạn bè con là những người mà Chúa trao cho con trong gia đình, ở sở làm và trong giáo xứ của con. Amen.
 
Linh mục với Sứ điệp của Bí tích Thánh Thể
LM Phêrô Hoàng-Xuân-Nghiêm
13:10 04/06/2008
LINH MỤC VỚI SỨ ĐIỆP CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ

(Bài giảng lễ tạ ơn cho Cha Đoàn Quốc Tuấn tại Prince Albert, Canada 25-5-2008, Mình Máu Thánh Chúa)

1. Kitô-hữu với sứ điệp từ Bí Tích Thánh Thể.

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội toàn cầu cử hành mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa. Sứ điệp rõ nét nhất của Bí tích Thánh Thể là lời mời gọi của Chúa cho mỗi chúng ta: “ANH EM HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN VÌ NẦY LÀ MÌNH THẦY, ANH EM HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG VÌ NẦY LÀ MÁU THẦY”(Mc.14,22&24). Bánh Thầy sẽ ban chính là thịt Thầy, rượu Thầy sẽ ban là chính máu Thầy để cho thế gian được sống. ... và được sống muôn đời” (Ga.6,54). Sứ điệp của Lễ Mình Máu Chúa chúng ta mừng kính hôm nay nhắc nhở mỗi Kitô-hữu hãy trở nên Thánh Thể cho nhau. Chồng trở thành Thánh Thể cho vợ và ngược lại, cha mẹ trở thành Thánh Thể cho con cái và ngược lại, bạn bè cũng trở nên Thánh Thể lẫn cho nhau. Từ sứ-điệp của Chúa: “ANH EM HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN VÌ NẦY LÀ MÌNH THẦY, ANH EM HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG VÌ NẦY LÀ MÁU THẦY”, xin người chồng lặp lại Lời Chúa trong chân tình để nói với vợ: “Em hãy nhận lấy mà ăn vì nầy là mình anh, Em hãy nhận lấy mà uống vì nầy là máu anh để cho em được sống. Mình và máu anh là chính cả cuộc đời anh cống hiến cho em, dâng tặng để em làm chủ, tạo điều kiện cho em vui sống hạnh phúc suốt cả cuộc đời nầy và cũng biến thành bàn đạp để cho em tiến vào cuộc sống mai sau trên trời nữa”. Một cách tương tự, anh chị em Chúa đang hiện diện trong thánh đường hôm nay có qúa thừa thông minh để suy luận ra sứ điệp vợ gởi cho chồng, bố mẹ gởi cho con cái, con cái gởi cho bố mẹ, anh chị em trong gia đình và bạn bè thân sơ gởi cho nhau.

2. Linh mục với sứ điệp từ Bí Tích Thánh Thể.

Hôm nay là thánh lễ tạ ơn đầu tiên mà cha mới thượng tiến Chúa trong dịp lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đầy thích thú, mang lại nhiều phúc lợi cho chính đương sự, như là một ghi dấu nặng ký về sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chính vì Bí Tích Thánh Thể mà Cha được Đức Giám Mục Bản Quyền truyền chức thánh Linh mục. Nói cách khác, thánh chức linh mục gắn liền với Bí Tích Thánh Thể. Sứ-điệp của Bí Tích Thánh Thể dành cho Linh mục vẫn được Chúa lặp lại y nguyên: “ANH EM HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN VÌ NẦY LÀ MÌNH THẦY, ANH EM HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG VÌ NẦY LÀ MÁU THẦY”. Đến lượt cha Đoàn Quốc Tuấn sẽ lặp lại câu nói nầy của Chúa trong mỗi thánh lễ Cha dâng trên bàn thờ và cũng sẽ lặp lại sứ điệp từ Bí Tích Thánh Thể nầy cho anh chị em Chúa mà Đức Giám Mục Giáo Phận sẽ gởi cha đến để phục vụ họ tại các giáo xứ lớn nhỏ trong Giáo phận. Cha Tuấn như muốn nói với từng anh chị em một của Chúa: “Xin anh chị em hãy nhận lấy mà ăn, mà uống vì nầy là thân xác của tôi, giòng máu đang chu-lưu trong huyết quản của tôi, bầu nhiệt huyết trong con người linh mục của tôi, nghiã là tất cả cuộc đời linh mục của tôi đây thuộc trọn về anh chị em, cống hiến hoàn toàn cho anh chị em Chúa của tôi”.

Trong mỗi thánh lễ chúng ta sẽ nghe lại trình thuật của một câu trong Phúc âm Marcô: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ...” (Mc. 14, 22). Ở đây chúng tôi xin được mạo muội đưa ra một vài gợi ý cho câu Phúc âm trích đoạn nầy. Đây là một câu có 4 phiên đoạn liên kết với nhau một cách nhịp nhàng, đong đầy ý nghĩa thần học:

a. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, rượu trong bữa Tiệc Ly xưa, đồng thời cũng kêu gọi các đồ đệ hãy cầm lấy mà ăn, mà uống và linh mục cũng cầm lấy bánh, rượu trong các thánh lễ ngày nay. Chúa Giêsu đã không cầm lấy cái “không-không”, cái vô hình, song Ngài cầm lấy bánh, rượu, là chất liệu vật chất có sẵn, cụ thể để làm cho nó “biến thể” nên thân mình, máu thánh của Ngài, trở nên của ăn, của uống cho thần dân của Ngài. Tân linh mục cũng sẽ biến thành của lễ dâng tiến Chúa. Chúa sẽ cầm lấy cuộc đời của Cha mới. Con người và cuộc đời của Cha, Cha đã rời bỏ quê hương đất nước, lìa bỏ cha mẹ và các em ở lại đàng sau, lên đường sang nước ngoài tu học để trở thành một linh mục truyền giáo... Đấy là tư liệu, là chất lượng Cha đặt trong bàn tay của Chúa. Chúa đã cầm lấy và tân linh mục cũng sẽ cầm lấy. Nhưng Cha mới sẽ cầm lấy cái gì? Ngài sẽ cầm lấy thân mình bằng xương bằng thịt, bằng chính cuộc sống cụ thể trong không gian và thời gian, với tất cả sự thánh thiện và yếu đuối trong con người linh mục của mình. Trong khiêm hạ, linh mục luôn cầm lấy sự thánh thiện, bầu nhiệt huyết, hồn tông đồ là những món qùa cao qúy Chúa ban và cũng cầm lấy cả sự yếu đuối, tội lỗi do mình chiếm hữu. Linh mục không chỉ dâng sự thánh thiện, nhưng đồng thời cũng dâng luôn cả sự yếu hèn của đời mình hòa trộn vào nhau, làm thành của lễ hiến dâng. Linh mục cũng sẽ mời gọi giáo dân đón nhận mình như một món qùa Ngài muốn trao ban tận tay cho mỗi người và cho mọi người. Không ai cho cái mình không có và cái trao tặng phải là một món qùa tuyệt hảo, người khác không có và không có khả năng. Giáo dân hẳn sẽ không ưng ý lắm khi đón nhận một con người linh mục đầy xương xẩu, ương ngạnh và khó tính.

b. Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng tạ ơn, Linh mục cũng dâng lời chúc tụng tạ ơn: Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng tạ ơn vì sự hiện diện của bánh-rượu là chất liệu từ “hoa màu ruộng đất, là tinh chất từ cây nho và lao công của con người” cùng chung sức mà làm nên bánh, nên rượu để Ngài dùng mà làm một phép lạ là biến thể thành mình máu thánh Ngài. Linh mục cũng được Chúa trao ban quyền làm phép lạ để biến bánh rượu trở nên mình máu thánh Chúa Kitô sau lời truyền phép trong mỗi thánh lễ. Có được hồng ân vĩ đại nầy qua Bí tích Truyền Chức Thánh, đó không phải là lý do chính đáng để linh mục lớn tiếng cảm tạ Chúa cho chính mình và cho dân thánh của Chúa sao? Linh mục sẽ dâng lời cám tạ Chúa mỗi ngày, cám tạ Chúa suốt đời về hồng ân cao cả nầy làm sao cho cân xứng đây?

c. Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly xưa đã bẻ bánh và chia rượu ra, Linh mục ngày nay cũng làm như thế. Chúa Giêsu bẻ những tấm bánh lớn thành nhiều mảnh nhỏ, rót rượu trong bình lớn vào nhiều ly nhỏ và phân phát đi cho nhiều người. Cuộc đời linh mục như một tấm bánh, một bình rượu được chia đều cho mỗi người và mọi người được hưởng nhờ, sử dụng. .. nhưng linh mục không được phép dừng lại hay dành riêng cho bất cứ một ai, một cá nhân nào. Linh mục là người của tập thể, thuộc về đám đông. Linh mục cần phải được bẻ ra, tuớc xé mình ra khỏi những cầu an, tầm thường để chung đúc nên bánh, nên rượu thánh để nuôi sống cộng đồng dân Chúa. Lời nói bay đi gương bày lôi cuốn, bởi đó gưong sáng cần được thấy, cần được phân chia đi. “Không ai thắp đèn lên rồi đặt vào chỗ khuất hay để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (Lc. 11, 34). Bài giảng hay nhất của một linh mục không bao giờ được giảng ra trên giảng đài mà sẽ quang tỏa ra trong cuộc sống. Đấy chính là ngọn đèn luôn cháy sáng, đó chính là bài giảng hay nhất.

d. Và Chúa Giêsu trao cho các môn đệ. Chúa Giêsu trao ban cái gì? Xin thưa, Ngài trao ban chính mình Ngài: “Bánh Tôi ban tặng sẽ là chính thịt Tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga. 6, 51b). Linh mục cũng sẽ nói một cách tương tự như thế với anh chị em Chúa: Bánh tôi sẽ ban, món qùa tôi sẽ trao tặng anh chị em là chính cuộc đời linh mục hiến tế của tôi đây. Đời chủng sinh kéo dài hơn 7 năm trời dùi mài kinh sử, đeo đuổi lý tưởng ơn gọi linh mục trong các phân khoa Triết hay Thần học hoặc các phân khoa chuyên biệt tại các đại chủng viện hay các đại học đời. Sự vất vả ấy đã viên thành và chung đúc nên trong con người linh mục, tương đối có đôi chút chất lượng và khả năng để phục vụ tốt anh chị em Chúa hôm nay.

Xuyên qua bốn phiên đoạn vừa mới nêu lên, sứ điệp của Bí Tích Thánh Thể được lặp lại y nguyên “ANH EM HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN VÌ NẦY LÀ MÌNH THẦY, ANH EM HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG VÌ NẦY LÀ MÁU THẦY”. Bây giờ thì anh chị em như nghe rõ mồn một lời cha mới đang mời gọi từng anh chị em một của Chúa: “Xin anh chị em hãy nhận lấy mà ăn, mà uống vì nầy là thân xác của tôi, giòng máu đang chu-lưu trong huyết quản của tôi, nghiã là tất cả cuộc đời linh mục của tôi đây thuộc trọn về anh chị em, cống hiến hoàn toàn cho anh chị em Chúa của tôi”.

3. Chia Sẻ Kinh Nghiệm Sống:

Đây là một mớ những kinh nghiệm của linh mục đàn anh gởi lại cho linh mục đàn em mới ra lò, hay đúng hơn là những tâm tình rút từ kinh nghiệm thực tiễn của Cha Bố gởi lại cho Cha Con. Tuổi đời của Cha mới là 27, tuổi linh mục của tôi là 36. Kinh nghiệm sẽ cho Cha thấy 5,7 năm đầu, khi mới trở thành linh mục, vì còn sung sức, kiến thức mới thu thập, lại đẹp trai nữa, cọng thêm lòng nhiệt tình và hồn tông đồ, Cha sẽ dễ dàng cuốn hút sự quan tâm của nhiều người khác. Thỉnh thoảng Cha sẽ nghe tiếng vọng lại từ sau lưng, tuy nhỏ nhẹ nhưng đủ để cha nghe được: “Trời ơi, đẹp trai vậy, thông minh vậy, tu chi cho uổng!!”. Nghe thì cứ nghe cho sướng tai, nhưng đừng vì thế mà tưởng bở, mà tiếc xót đời trai. Mật ngọt chết ruồi đấy, và xưa nay kinh nghiệm thường tình: “con cá trong lờ đỏ hoe con mắt, con cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô”.

Rồi đến tuổi 49-50 và gần một thập niên sau đó, có thể Cha đã thành công ít nhiều trong thánh vụ và đường xa làm chồn chân nhà truyền giáo, sức ngựa đường trường khiến cha mệt mỏi, cô đơn và có khi bị cám dỗ muốn dừng chân lại. Vào thời điểm ấy nếu cha không có đam mê đọc sách hay tham dự một vài sinh hoạt chuyên ngành, chuyên nghề để khỏa lấp khoảng trống cô đơn thì coi chừng có người sẽ bất ưng tìm tới, xin tình nguyện được làm người đồng cảnh để yên ủi, chia sẻ những đắng cay, ngọt bùi. Hạng người khác phái nầy thường cũng đang cô đơn kéo dài trong cuộc sống như cha. Có thể trong thực tế, những con người ấy cũng chẳng yêu thương gì cha, nhưng muốn lợi dụng cha để giằn mặt ông chồng rằng “tuy tui như vậy đó mà được một con người nổi tiếng như cha ấy qúy mến đấy, ông liệu hồn!!”. Những lúc như thế, cha cần có Chúa Giêsu Thánh Thể làm thầy, làm bạn thì mới mong lướt thắng được cơn khủng hoảng.

Cha Chevrier, thuôc tu hội Xuân Bích (?) ở Paris lúc còn sanh tiền đã nói một câu để đời: “Linh mục là người bị ăn”. Khi còn là chủng sinh, có lẽ tôi chỉ hiểu câu nói nầy một cách mù mờ. Nhưng sau 36 năm phục vụ anh chị em Chúa trong chức vụ linh mục hiến tế, tôi có nhiều kinh nghiệm để đào sâu thêm và để hiểu thế nào “Linh Mục Là người BỊ ĂN”. Linh mục bị gậm nhấm đi những tình cảm riêng tư, đáng ra được phép: Vừa mới nắm tay một người thân thương, trìu mến thì đã vội rút tay lại vì linh mục là người của đám đông, không phải là của riêng ai. Tôi đang chơi một ván cờ tướng đã đến hồi gay cấn: Con Tốt đã nhập cung, Con Pháo Đầu đang chiếu bí hay một bàn Domino đang đến hồi tính nước triệt hoặc mới bắt đầu một bữa cơm tại nhà một giáo dân quen thân, có khi ban đêm đang mơ màng giấc điệp thì bỗng nhận được điện thoại báo: Có Kẻ Liệt. .. “A-lê-hấp, CHẠY”. Không chạy, không vội vàng thì coi chừng bệnh nhân chết mà không gặp được linh mục trong giờ sau hết. Đấy, thưa qúy vị và anh chị em, linh mục đang bị ăn đi thời gian của cuộc sống, bị xói mòn đi những vui thú hợp lý riêng tư. Cuộc đời linh mục là trao ban, là cho đi mọi thứ trong tự nguyện.

Và còn gì nữa? Thưa còn nhiều lắm. Này nhá... Nếu cha làm việc cho giáo xứ Mỹ thì giáo dân chỉ quấy rầy cha trong giờ hành chánh từ 8:00Am đến 5:00Pm là chấm dứt. Có điện thoại reo sau thời gian đó, thường là những cú gọi emergency. Còn phục vụ một cộng đoàn hay giáo xứ Việt-Nam thì ngoài 40 giờ hành chánh như xứ Mỹ nói trên, cuối tuần Cha sẽ mất khoảng 20 tiếng nữa mới đủ, đó là chưa kể những giờ phụ trội Cha phải làm thêm mỗi đêm. Giáo dân Việt-Nam có thói quen đi làm về, ăn uống xong, họ mới thong thả gọi điện thoại hỏi thăm hay nhờ vả linh mục của họ trong khoảng từ 7:00 cho đến 11:00 giờ đêm. Cha đi ngủ trước 11:00 giờ đêm thì sẽ được bắn tiếng là Cha vào chuồng sớm như gà. Đúng là “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ” mà vẫn không làm hết việc, không đáp ứng đủ nhu cầu. Linh Mục Là Người Bị Ăn là vậy.

Cộng đoàn hay Giáo xứ nào VN cũng có Hội Đồng Giáo xứ, các Phong trào, các hội đoàn đạo đức, các Đoàn Thể Công giáo tiến hành. Mà Hội đồng, Phong Trào, Hội Đoàn nào cũng cần cha sở, cha tuyên uý hay cha linh hướng có mặt với họ trong các phiên họp cuối tuần, nên cuối tuần nào cha cũng phải thu xếp thì giờ để đến hiện diện với họ. Cha không có mặt thì sinh hoạt của Hội Đồng, các Phong Trào, Hội Đoàn ấy sẽ ngưng lại hay không phát triển. Người ta gọi đó là hiện tượng thiếu trưởng-thành-tính của người Việt-Nam Công giáo, nhưng tìm cách nào để giúp người tín hữu Việt-Nam mình trưởng thành hơn trong cách sống đạo và giữ đạo, hành đạo là trách nhiệm và là vinh dự của linh mục VN hướng dẫn họ.

Còn tiền lương của Cha thì sao? Cha sẽ trích ra 31% nộp thuế cho nhà nước Liên bang và Tiểu bang, đóng qũy an sinh xã hội. Số còn lại thuộc quyền cha sử dụng cho nhu-cầu riêng tư, nhưng Cha đừng quên biếu tặng mỗi lần một vài trăm cho các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể đi tham dự các khoá bồi dưỡng, các em Nghĩa Sĩ đi dự khoá huấn luyện, Phong Trào Cursillo tổ chức Khoá 3 Ngày, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đi cắm trại hằng năm, đóng niên liễm cho Hội Các Bà Mẹ, vv. rồi Cha vẫn đóng góp mỗi tuần một giờ lương cho qũy sinh hoạt hoặc xây cất của giáo xứ, trích 1% lương đóng góp cho qũy CSA của giáo phận như bao thành viên khác trong họ đạo. Linh mục là người bị ăn là thế. Đành rằng chăn chiên thì bú sữa chiên, nhưng túi của Cha phải thủng, phải bị bào mòn đi trong tự nguyện như thế cho giáo dân và với giáo dân thì túi của giáo xứ mới dầy lên được, sinh hoạt giáo xứ mới bền vững. Sự hy sinh tự nguyện trong quảng đại như thế của đời linh mục hiến tế sẽ là một bài giảng không cần giảng, nhưng sẽ là một lời mời gọi xuyên thấu tâm can nhiều anh chị em Chúa.

Nghe vậy chắc Cha sẽ tự hỏi “linh mục là người bị ăn” như thế mình làm sao mà kham nổi? Xin thưa rằng nếu Chúa Kitô là “master-key” giúp chúng ta mở vào các ngóc ngách để giải quyết những khó khăn, những khủng hoảng đức tin của Hội Thánh trần gian thì con tim và hồn tông đồ của đời linh mục triều sẽ là “passe-partout” thổi vào các sinh hoạt mục vụ “ngày đêm lo việc Chuá sống chết giữa đoàn chiên” sẽ giúp linh mục luôn sống lạc quan trên đường phục vụ.

Sau cùng, Cha đừng sợ mình không có tài lợi khẩu, sợ giảng không hay. Hãy cầu nguyện nhiều trước và trong khi dọn bài giảng và hãy biết sợ khán thính giả giáo dân của cha. Sợ giáo dân thì Cha sẽ dọn kỹ bài giảng, và như thế Cha đã thành công qúa một nửa rồi. Hãy suy nghĩ kỹ điều cha nói thì cha sẽ nói được điều cha suy nghĩ. Trước khi đem Chúa đến cho giáo dân thì hãy đem giáo dân đến cho Chúa. Xin Chúa mở lòng trí họ để họ hiều được ý Chúa muốn nói gì với họ qua bài giảng. Chìm sâu trước Chúa Giêsu Thánh Thể bên nhà tạm, Cha sẽ kín múc được ở đấy những tư tưởng có chiều sâu bất ngờ cho phần chia sẻ Lời Chúa trong các thánh lễ.

Kết Luận:

Chúng tôi rất tâm đắc với lời phát-biểu của Đức Tổng Giám-mục Giuse Ngô Quang Kiệt khi Ngài vâng lời Toà Thánh về nhậm chức giám-quản Tổng giáo phận Hà Nội. Lâu qúa tôi không còn nhớ nguyên văn câu nói của Ngài, nhưng đại để Ngài nó rằng “đường vào Lạng Sơn vì là con đường đất, có cây cối phủ kín lối đi, chỉ cần một con dao phay, dao mác, phát quang cây cối hai bên đường thì có thể tiến vào Lạng Sơn, nhưng đường vào Hà Nội thì không như thế, mà phải bước vào bằng con tim”.

Đường đi nào không sỏi đá, lối bước nào chẳng gai chông, nhất là con đường sứ vụ linh mục. Noi gương Đức Tổng Hà-nội để nhìn mọi sự bằng đôi mắt của con tim, hãy đi đến với nhau, với anh chị em Chúa và với anh em lương dân bằng đôi chân của con tim, hãy thoa dịu hay băng bó vết thương giáo dân bằng đôi tay của con tim, hãy suy nghĩ theo nhịp điệu của con tim, hãy nói bằng tiếng nói của con tim, nhưng phải là con tim rộng mở của Chúa Cứu Thế cơ. Nắm bắt được tư tưởng chủ lực nầy rồi thì với ơn thánh Chúa trợ lục, những nét chấm phá của ý tưởng “linh mục là người bị ăn” mà chúng tôi ghi lại trên đây qua kinh nghiệm mục vụ của 36 năm linh mục hiến tế cũng có thể kham nổi bằng con tim chia sẻ và hiến dâng. Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta đâu, thưa cha mới.

Chúng tôi đột ngột chấm dứt phần chia sẻ ở đây. Xin chân thành cám ơn liệt qúy vị và anh chị em hết thảy đã đến chúc mừng cha mới, tham dự thánh lễ tạ ơn với cha mới, đã lắng nghe chúng tôi chia sẻ một đôi tâm tình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả.
 
Thánh Phaolô bổ mạng Phong trào Cursillo
Lê Đình Thông
17:26 04/06/2008
THÁNH PHAOLÔ BỔN MẠNG PHONG TRÀO CURSILLO

Trong Đại hội Ultreya Âu châu từ ngày 11 đến 13-4-2008 tại Fatima (Bồ Đào Nha), ông Francis Napoli, Chủ tịch Nhóm Công tác Âu châu của Phong trào Cursillo Thế giới loan báo sẽ sang Paris dự Ultreya của Phong trào Cursillo Giáo Xứ Việt Nam. Trong Ultreya này, Cursillo Giáo Xứ Việt Nam sẽ mừng kính thánh Phaolô là bổn mạng của Phong trào. LS Đào Văn có nhã ý cho tôi đến chung vui với các anh chị trong Phong trào. Để đền đáp, tôi xin viết một bài ngắn thuật lại việc thánh nhân đã được tôn cử làm bổn mạng của Phong trào Cursillo.

Thánh Phaolô
Đức Cha Hervas là giám mục Majorque, một đảo của Tây Ban Nha nằm trong Địa Trung Hải, cái nôi đã khai sinh Phong trào Học hội Kitô giáo (Cursillo de Cristiandad) vào năm 1944. Đức Cha Hervas đã có công vận động Tòa Thánh tôn cử thánh Phaolô tông đồ làm bổn mạng Phong trào. Năm 1949, Đức Cha Hervas công bố Thư mục vụ dài 500 trang nhan đề: Các khóa học hội là phương tiên đào luyện người Kitô hữu mới (Les Cursillos, instrument de nouveau chrétien). Lá thư mục vụ của Đức Cha Hervas chủ yếu trả lời các luận điểm mà Đức Cha Enciso đưa ra để chống lại phong trào.

Trong diễn văn đọc tại Clausura, Đức Cha Hervas cho biết được nghe Đức Sứ thần Tòa thánh tại Tây Ban Nha cho rằng nếu Thánh Phaolô trở lại Tây Ban Nha, ngài sẽ là một Cursilista. Nhận định đem lại vinh dự cho phong trào, Đức Sứ thần bày tỏ tình yêu bao la của ngài. Tôi nói lòng đầy khiêm hạ rằng nếu thánh Phaolô viễn du trên mảnh đất Tây Ban Nha để rao giảng Tin Mừng, những kẻ nối bước ngài lòng tràn phấn khởi chính là những Cursillistas. Vì vậy, tôi thỉnh cầu Tòa thánh tôn cử thánh Phaolô làm bổn mạng Phong trào. Thỉnh cầu này đã được Đức Hồng Y De Arriba y Castro, tổng giám mục Tarragona đệ trình Tòa thánh. Trong một Ultreya, Đức Cha Hervas đã tặng ĐHY De Arriba y Castro danh hiệu ‘‘vị hồng y của thánh Phaolô và linh phụ của phong trào’’.

1963: Giáo hội Tây Ban Nha kỷ niệm 1900 năm thánh Phaolô đến nước này rao giảng Tin Mừng. Nhân dịp này, Đức Sứ thần Tòa thánh tại Tây Ban Nha đã tuyên bố nếu thánh Phaolô trở lại Tây Ban Nha, ngài cũng là một cursillista. Phong trào đã thỉnh cầu Đức Sứ thần dâng lên Đức Thánh Cha Phaolo VI thỉnh nguyện xin Tòa Thánh tôn cử thánh Phaolô làm bổn mạng của phong trào.

1968: Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ký tông sắc (décret pontifical) bằng tiếng la tinh gồm 27 hàng, nội dung như sau:

‘‘Tại Roma, cạnh đền thánh Phêrô, sau khi suy nghĩ chín chắn và với đầy đủ uy quyền giáo chủ, Ta chỉ định và tuyên bố Thánh Phaolô Tông đồ là đấng bổn mạng trên trời trước Thiên Chúa của Phong trào Cursillo’’ Phaolô VI, ngày 14 tháng 12 năm 1963

Trong tông sắc, Đức Thánh Cha Phaolô VI còn tán dương phong trào đã mang lại kết quả dồi dào khiến các chủ chăn rất bằng lòng.

Khi Đức Cha Riberi trao bằng sắc cho Đức Cha Hervas, ngài kết luận bằng lời khẩn cầu: Lạy thánh Phaolô là bổn mạng phong trào, xin cầu cho chúng con. Đức Cha Hervas mong mỏi các buổi họp phong trào đều kết thúc bằng lời khẩn cầu ngắn gọn này để nói lên sự cậy trông của phong trào vàoThiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Thánh Phaolô.

28-6-2008 – 29-6-2009: Năm Thánh (Toàn xá) kỷ niệm 2000 sinh nhật thánh Phaolô.

Mở đầu bài viết này là họa phẩm thánh Phaolô của nhà danh họa Rembrandt. Qua sơn dầu từ thế kỷ XVII, Rembrandt đã thể hiện được tinh thần Học hội Kitô giáo qua bức vẽ: không lý thuyết, cũng không phải là tĩnh tâm, nhưng là một kinh nghiệm về cuộc sống để tìm kiếm những điểm căn bản nhất của Kitô giáo: gặp gỡ bản thân, gặp gỡ Đức Kitô và gặp gỡ tha nhân. Rembrandt vẽ thánh Phaolô chít khăn, tay cầm kiếm và thánh thư. Các biểu tượng này nhắc lại hành trình tử đạo và nguồn gốc Đông phương của ngài, cũng giống như chúng ta đều là hậu duệ các thánh tử đạo Việt Nam. Tôi đặt bức danh họa này ở đầu bài là để cầu xin thánh nhân trong lễ bổn mạng 29-6-2008 của phong trào tại Giáo Xứ cầu bầu Thiên Chúa ban ơn cho Cursillo Việt Nam thực sự trở thành nơi gặp gỡ muôn sắc (De Colores),để mỗi người tạm quên đi bao nỗi truân chiên, nhọc nhằn của cuộc sống:

De colores, de colores se visten los campos en la primavera.
De colores, de colores son los pajaritos que vienen de fuera;
De colores, de colores son los pajaritos que vienen de fuera.
De colores, de colores es el arco iris que vemos lucir..."


Tạm dịch: De colores tuyệt vời,
Khắp nơi thắp sáng rạng ngời thế nhân.
De colores tình thân,
Thôn làng rộn rã mùa xuân sáng ngời.
De colores cuộc đời,
Chim muông ríu rít nụ cười thắm duyên.
De colores dịu hiền,
Cầu vòng bắc nhịp khắp miền thế nhân.
De colores ân cần,
Niềm vui rũ sạch bụi trần dửng dưng
. (LĐT)
 
Tôi yêu tình huynh đệ của Thánh Phaolô!
Lương huỳnh Ngân
17:31 04/06/2008
Tôi yêu tình huynh đệ của Thánh Phaolô!

Ngày tôi được nghe bác Chủ Tịch thông báo lần đầu quan thày của PT, cùng với Đức Kitô Vua, là thánh Phaolô, một ý nghĩ ích kỷ thoáng qua đầu: tôi nhắm mắt thầm cảm tạ Chúa như một ân huệ Chúa trao ban cho riêng tôi: PT là mái ấm tôi hằng gắn bó nhất, thánh Phao lô là vị thánh tôi ngưởng mộ, kính yêu trìu mến nhất, cảm tạ Chúa muôn vàn !.

Yêu thánh Phaolô không chỉ vì ngài làm cho tôi hiểu thâm sâu và yêu Đấng Cứu Độ hơn, không chỉ vì ngài cảnh tỉnh tôi để có những nhận định minh xác trong đời sống đức tin, mà tôi còn thấy nơi ngài những hoà đồng trước những hoàn cảnh tế nhị trong thực tại cuộc sống, nhất là trong cộng đồng đức tin. Rất nhiều lý do làm tôi yêu thánh Phaolô. Tiếp theo số báo trước tôi xin tiếp tục chia sẻ với quý anh chị tâm tình của tôi đối với thánh bổn mạng của PT chúng ta: Trong số báo trước tôi đẵ đề cập đến lòng nhiệt thành và ơn trở lại của thánh nhân

Hôm nay tôi xin chia sẻ với quý anh chị vì sao tôi yêu Tình Huynh Đệ của ngài ?

Tình huynh đệ của thánh Phaolô: có ba đặc điểm: Thương yêu, khiêm nhường và chân thật. ( Khác biệt giữa sự thành thật và chân thật, xin xem bài Cầu nguyện với Thánh vịnh báo tháng 10 Cursillo số 123 ).

Chữ « anh em » được lập đi lập lại hơn ngàn lần trong khắp Kinh Thánh. Tuy nhiên trước kia trong từ ngữ Do Thái, có nghĩa hẹp là anh em ruột thịt, và nghĩa rộng là người trong dân Do Thái với nhau.

Với Chúa Giêsu Kitô ý nghĩa của chữ này được bung ra tình huynh đệ trong sự hiệp nhất với Chúa.

Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." (Mc3: 34-35)

Thánh Phaolô dùng tất cả 132 lần chữ « anh em » trong hầu hết tất cả các Thư ( chỉ trừ Thư Roma chương 2 và 7) nhất là để chào mừng mở đầu các Thư và thăm hỏi cuối Thư.

Đối với thánh Phaolô người anh em, chính là người cùng kết hợp với Chúa Kitô.

Đó là người cùng một đức tin vào Chúa Kitô, và dức tin ấy thấm sâu vào con người của họ, đổi mới sự sống của họ.Thánh nhân dùng cụm từ này để gọi:

1/ Những cộng tác viên và những người được giao sứ vụ rao giảng, là những người tin vào Chúa Kitô và hiệp nhất với Chúa trong một cuộc sống mới.

Xin mời quý anh chị đọc trọn Rm 16: 1-23, vì bài có hạn chỉ xin trích đoạn sau đây, đọc đoạn Thư này qua lời ăn tiếng nói của thánh nhân tôi cảm nhận được sự ân cần, gần gủi nhưng kính trọng với tất cả « anh em » trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng:

Tôi xin giới thiệu với anh em chị Phê-bê, người chị em của chúng tôi,. ..Chị có việc gì cần đến anh em, xin anh em giúp đỡ, vì chính chị cũng đã bảo trợ cho nhiều người, kể cả tôi nữa.

Tôi xin gửi lời thăm chị Pơ-rít-ca và anh A-qui-la, những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Ki-tô Giê-su;4 hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi. Không chỉ mình tôi, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn anh chị.5

Xin gửi lời thăm chị Ma-ri-a, người đã vất vả nhiều vì anh em.7 Xin gửi lời thăm các anh An-rô-ni-cô và Giu-ni-a, bà con với tôi, và đã từng ngồi tù với tôi; các anh là những người xuất sắc trong các Tông Đồ,. ..

Anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Tất cả các Hội Thánh Đức Ki-tô gửi lời chào anh em.

2/ Ngài cũng gọi ngay cả những người sống không xứng đáng: ( 1Cr 5: 11)

Không, khi viết thế, tôi muốn nói với anh em là đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, tham lam, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượu chè hoặc trộm cắp; anh em cũng phải tránh đừng ăn uống với con người như thế:

A/- Nền tảng của tình huynh đệ là Tình Yêu của Chúa và để hướng về Chúa.

Tình huynh đệ xuất phát từ Chúa, là Cha nhân lành trên trời, Ngài dành tất cả Tình Yêu của Ngài cho cả nhân loại, là các con của Ngài. Chúa Con, Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài là Anh của tất cả và là Đường, dẫn lối cho những ai tin vào Ngài.

Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. (Rm 8: 29)

Nếu bởi phép Thanh Tẩy con người bước vào cộng đồng huynh đệ, thì bởi bí tích Thánh Thể con người xác định ý muốn kết hợp cùng mầu nhiệm Chúa Kitô Sống Lại cùng với anh em của Ngài.

Cho nên, thưa anh em khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau (1Co 11,33)

Tình huynh đệ được nuôi dưỡng bằng Tình Yêu của Chúa. Tình Yêu ấy biến thể trong cộng dồng đức tin thành tình huynh đệ. Tình huynh đệ thể hiện bằng một tâm tình đón nhận và không ngừng cho đi, trong suy tư cũng như mọi hành động, tạo ra môt bầu khí êm dịu, hài hoà, khôn ngoan, hầu phục vụ không ngừng Tin Mừng trong an vui.

Tuy nhiên sống chung,với nhau, làm sao tránh khỏi những bất đồng, nhất là trong một cộng đồng năng động, cùng sinh hoạt với tất cả nhiệt tình, hăng say, với những, khuyết điểm, yếu đuối, của mỗi người hẳn có ?

Hơn nữa, Satan nó có ưa gì những con cái của Chúa thuận hoà với nhau, phục vụ Chúa, loan báo Tin Mừng khắp nơi ?

Vì thế chính có những mối bất hoà không thể nào tránh khỏi trong cuộc sống cộng đồng mới đo được hoa trái của tình huynh đệ trong đức tin.

Làm thế nào để giải toả những bất hoà ấy: khi chúa Giêsu khuyên ta cầu nguyện rằng:
“Xin Cha tha nợ cho chúng con cũng như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con “

Vì Chúa và nhờ ơn Chúa !

Thánh Phao lô triển giải khái niệm độc đáo nhất của Chúa Kitô về sự HOÀ GIẢI.

Trong Tân Ước thánh nhân là người dùng chữ hoà giải, động từ hay tĩnh từ, nhiều nhất.

Khác biệt với truyền thống Do Thái hay Hy lạp sự hoà giải, của con người với Thiên Chúa không còn là một điều kiện tiên quyết để được tha thứ mà là hậu quả của ân sủng.

Trước khi Chúa Kitô đến thì:

Nếu Đức Chúa hằng sống đã giáng cơn thịnh nộ xuống chúng tôi trong chốc lát, để sửa phạt và giáo huấn, thì Người lại cho các tôi tớ được hoà giải với Người ( 2Mcb7,33)

Sau sự kiện Thánh Giá Chúa Kitô thì: Hoà giải là một ân huệ Chúa ban nhưng không:

Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải.20 (2Co:5,18-19)

Và như Chúa Giêsu dạy trong Kinh Lạy Cha, làm hoà với anh em, là làm hoà với Thiên Chúa

Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. ( 2Co: 5,...20)

Lắm khi rất khó cho con người.Tuy nhiên "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được." (Mc10,27)

B/-Khiêm nhường là đặc tính thứ hai của tình huynh đệ của thánh nhân

“Nô lệ” và “tôi tớ “của Chúa Kitô là hai danh từ được đồng nghĩa với nhau trong các thư của Thánh nhân, thể hiện tâm tình hiến dâng trọn vẹn cả sự sống và các tác vụ của mình ở trần thế.

19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người ( 1Co9,19)

Thật thế, người đang làm nô lệ mà được Chúa kêu gọi, thì là người được Chúa giải phóng. Cũng vậy, người đang tự do mà được kêu gọi, thì là nô lệ của Đức Ki-tô.23 Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Anh em đừng trở nên nô lệ cho người phàm. ( 1Co7:22-23)

C/-Chân thật là đặc tính thứ ba của tình huynh đệ của thánh Phao lô.

Vì “chân lý của Tin Mừng” có những lúc ngài có những lời không làm vui lòng lắm người anh em. Cũng như tôi còn nhớ lúc ngài tranh cải với Thánh Phêrô ở An-ti-ô-khi-a, về việc ăn đồ cúng của dân ngoại:

Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách.12 Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì.13 Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.

Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: "Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái?
(Ga2,11-14)

Và nhất là tôi được xác tín sự chân thật của tình huynh đệ của ngài qua Lời này:

...vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí.2 Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa ( 2Co4:1-2)

Tôi cảm nhận rằng tất cả những bức thư của thánh Phaolô là đoạn trường ca tuyệt mỹ về tình huynh đệ, xin ghi ra đây một vài lời vàng ngọc của Thánh bổn mạng của PT chúng ta

- Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi( 2Tx: 2,8)

- Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. (..1Ti:1,15)

Nếu ta cùng chết với Người,
ta sẽ cùng sống với Người.

Nếu ta kiên tâm chịu đựng,
ta sẽ cùng hiển trị với Người.
Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.

Nếu ta không trung tín,
Người vẫn một lòng trung tín,
vì Người không thể nào chối bỏ chính mình
.( 2Ti2:..11-13)

Lần sau nếu có dịp, tôi sẽ xin chia sẻ với quý anh chị vì sao tôi yêu sứ vụ « tông đồ các dân ngoại » của thánh Phaolô. De Colores.
 
Mối tương quan về ơn gọi tông đồ giữa thánh Phaolô và phong trào Cursillo
Đỗ Thục Hiền
17:33 04/06/2008
Mối tương quan về ơn gọi tông đồ giữa thánh Phaolô và phong trào Cursillo

Phong trào Cursillo, với đáp ứng một mục vụ thích hợp để đối diện với thực tại của một thế giới đánh mất đức tin, đã phác thảo ra những đường hướng hoạt động sau:

- Thực thi truyền bá Phúc Âm như một sứ mạng,

- Đánh thức niềm khao khát Thiên Chúa,

- Rao giảng để hoán cải, qua lối tuyên xưng linh động và hoan hỉ bằng cách sống chứng nhân,

- Nhìn Giáo Hội như một nhiệm tích cứu độ cho mọi người,

- Và từ đó, nhìn Kitô hữu như người tông đồ, với hậu quả tự nhiên của ơn gọi làm Kitô hữu là làm tông đồ,

- Nhìn thế giới như một cộng đồng những người Thiên Chúa muốn cứu chuộc.

Vì vậy, phong trào được thành lập với mục đích giúp con người trở nên những Kitô hữu đích thực, và cùng giúp nhau sống lý tưởng đó. Phong trào giúp con người khám phá và chu toàn ơn gọi của mình, và thúc đẩy việc hình thành những nhóm Kitô hữu cốt lõi để làm dậy men môi trường của họ bằng Phúc Âm.

Phong trào Cursillo nhấn mạnh đến lối sống Kitô giáo tích cực. Sống Kitô giáo tức là sống theo gương Đức Kitô. Vì vậy, phong trào đặt Chúa Kitô làm trung tâm điểm trong đời sống chứng tá của mỗi Kitô hữu và trong công cuộc làm tông đồ loan truyền Phúc Âm, mở rộng Nước Chúa.

Những hoạt động của phong trào được vạch ra đã theo đường lối phục vụ, dấn thân của một vị tông đồ nhiệt thành cho Thiên Chúa: đó là thánh Phaolô. Ngài đã hoàn toàn đồng hóa cuộc sống của ngài với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, để tôn vinh Thiên Chúa, chinh phục thêm nhiều tông đồ cho Thiên Chúa và mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Do đó, phong trào Cursillo đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI chọn thánh Phaolô làm thánh quan thầy của phong trào và để noi gương của ngài trong sứ mệnh hoạt đồng tông đồ của phong trào.

Để hiểu mối tương quan giữa ơn gọi tông đồ của Thánh Phaolô và hoạt động tông đồ của phong trào Cursillo, chúng ta cùng nhau phân tích những mục đích và hoạt động của phong trào song song với công cuộc tông đồ của thánh Phaolô.

Trở nên những Kitô hữu đích thực, và cùng giúp nhau sống lý tưởng đó « một tay nắm Chúa, một tay nắm anh em ». Kitô hữu đích thực, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, được mời gọi sống những đặc sủng sau:

- Đặt Chúa Kitô làm trung tâm cuộc sống chúng ta đến nỗi toàn bộ mục đích đời sống chỉ tôn kính, thờ phượng, phụng sự Thiên Chúa mà thôi. Và như thế, trong hiệp nhất, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa. Thánh Phaolô diễn tả đời sống của ngài như sau: « Đối với tôi, sống là Đức Kitô » (Pl 1,21). Và ngài đã hoàn toàn đồng hóa cuộc sống của ngài với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, đến nỗi ngài đã viết về mình: «Không phải tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20).

- Ân Sủng do Chúa Cha trao ban cho chúng ta món quà lớn nhất là Chúa Giêsu Kitô, đã xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta « Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? » (Rm 8, 32). Nhờ Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta lãnh nhận được những ân sủng của Thiên Chúa trong hoán cải, trong gặp gỡ với Thiên Chúa và trong hiệp thông toàn thể Giáo Hội.

- Đức Tin: Tin là sự đáp ứng của chúng ta đối với Thiên Chúa qua sự mạc khải của chính Người trong sự kiện Chúa Kitô nhập thể. Kitô hữu tin vào sự hiện hữu Thiên Chúa và công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu để được Ơn Cứu Độ. Thánh Phaolô trong ánh sáng gặp gỡ Thiên Chúa đã khẳng định khi tin là con người được cứu độ, được nên công chính do ân huệ Chúa ban không nhờ công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô (Rm 3,24; Gl 2,16). Thánh Phaolô đã suy diễn cường độ tăng trưởng của đức tin một khi con người đã tin vào Thiên Chúa: « Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin. Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống » (Rm 1,16-17). Kitô hữu được mời gọi ngày càng gia tăng lòng tin để hiểu thêm và sống với Mầu Nhiệm Thiên Chúa.

- Giáo Hội, theo kế hoạch của Chúa Kitô, là nơi duy nhất chúng ta có thể gặp Người, là « thân thể Chúa Kitô » (1Cr 12,27; Ep 4,12; Ep 5,30; Cl 1,24). Tất cả Kitô hữu được mời gọi hiệp thông trong Giáo Hội để hiệp nhất với Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã minh họa Giáo Hội trong bí tích Mình Chúa Kitô: « Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể » (1 Cr 10,17). « Tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Kitô » (Gl 3,28).

- Các phép bí tích: Thiên Chúa gặp gỡ nhân loại qua các phép bí tích. Mỗi bí tích đều mở ra hai chiều kích: sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp thông giữa con người với nhau. Liên hệ với Chúa Kitô tức là liên hệ với tha nhân và thế giới.

Giúp khám phá và chu toàn ơn gọi của mình: Mỗi cursillista cùng nhau khám phá ra ơn gọi của mình để chu toàn đời sống Kitô hữu. Giáo Hội tha thiết mời gọi các tín hữu nên thánh, trong ơn gọi riêng của mình. Hay nói cách khác nên thánh là để hiệp nhất với Thiên Chúa. Ý tưởng đó cũng đã được thánh Phaolô đề xuất từ gần 2000 năm rồi. Chúng ta cũng không xa lạ gì khi các ý tưởng đôi khi trùng nhau. Bởi vì, một khi cùng nhau hướng về Thiên Chúa, mỗi chúng ta đều được Thiên Chúa mạc khải ý muốn của Người và được thúc đẩy nên vẹn toàn giống Người. Từ đây, phát xuất ra lòng ao ước nên thánh.

«Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh » (1 Tx 4,3).

«Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người » (Ep 1,4).

Ơn gọi nên thánh này rất đa dạng đối với mọi Kitô hữu, và có nhiều cách để thực thi, tùy theo ơn đặc sủng hay ân huệ mà mỗi người lãnh nhận từ Chúa Thánh Linh, và cũng theo trách nhiệm mục vụ mà mỗi người phải thi hành trong Giáo hội. Thánh Phaolô đã trình bày sự đa dạng đặc sủng của mỗi Kitô hữu để tất cả đều nên một trong Đức Kitô như thân thể của Người.

« Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người. Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi » (1Cr 12, 4-14).

Phong trào Cursillo nhắm đến việc phối hợp việc thành lập các nhóm Kitô hữu nòng cốt để làm nhiều công tác tông đồ. Và chính trong các nhóm này, các thành viên luôn luôn gia tăng sự cảm thông và chấp nhận lẫn nhau, hiệp thông với đời sống và định mệnh, tham gia và hiệp nhất với nhau. Họ cùng nhau sống và nêu cao đức tin vào Chúa Kitô để làm gương và lôi kéo mọi người đến với Chúa.

Song song với công tác tông đồ của cursillista, chúng ta nhìn lại gương hy sinh cao cả của thánh Phaolô, từ một người tự do, không lệ thuộc vào ai, ngài đã trở nên nô lệ của mọi người để rao giảng Tin Mừng và là nhân chứng sống động của Thiên Chúa: « Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người » (1 Cr 9, 16-19). Trong sứ mạng tông đồ, thánh nhân khuyên nhủ chúng ta lấy đức mến, tình bác ái để phục vụ lẫn nhau vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất « Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình » (Gl 5, 12; 1 Tx 5, 12-15). Ngài tha thiết mời gọi duy trì sự hiệp nhất trong Đức Kitô để nêu cao đức tin và vươn tới Đức Kitô (Ep 4, 2-4).

Dậy men môi trường bằng Phúc Âm: Dậy men môi trường bằng Phúc Âm được thực thi qua hoạt động cá nhân của mỗi Kitô hữu, hoặc bằng cách tác động giữa cá nhân với cá nhân, hoặc bằng cách tác động vào những cơ sở sinh sống và hoạt động của con người. Một cách dậy men khác mà phong trào Cursillo áp dụng là qua công tác hoạt động của những nhóm cốt lõi, để từ đó, Phúc Âm trở thành men trong những môi trường nhờ hoạt động của nhóm người này.

Đem Phúc Âm đến cho mọi người là đem Chúa Giêsu Kitô đến cho mọi người. Là đem Tình Yêu Thiên Chúa, đem Nước Thiên Chúa và Sự Sống Đời Đời mà Chúa hứa ban cho mọi người. Như thánh Phaolô đã được Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệm của Người: “Không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mạc khải” (Gl 1,12), vì thế ngài hăng say đem Tin Mừng đó, là tất cả ý nghĩa cuộc sống của ngài, đến mọi người hầu ai cũng được cứu độ và hạnh phúc trong Đức Kitô như ngài. Để đáp trả lại Tình Yêu cao vời đó, ngài đã nhiệt huyết với Thiên Chúa và xả thân cho lý tưởng phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Đối với ngài, Thiên Chúa là tất cả, và ngài đã thờ phượng Thiên Chúa với lòng thành tuyệt đối. Thánh nhân đã đem Chúa đến cho mọi người để mọi người nhận biết Tình Yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người lớn nhường nào, để họ đáp trả lại và được cứu độ, rồi hoan hỉ hưởng sự sống đời đời trong Vinh Quang Thiên Chúa. Một khi tin vào Thiên Chúa, con người sẽ không bao giờ chết, mà trong một giây lát, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên, tất cả Kitô hữu sẽ được biến đổi nên bất tử trong Vương Quốc Thiên Chúa và chiêm ngưỡng không thôi Nhan Thánh Chúa (1Cr 15,51-58).

Ngoài ra, nhắc đến Phúc Âm hóa là nói đến sự thay đổi nội tâm hay hoán cải nơi mỗi người và nơi mọi người, bằng cách đặt Chúa Kitô làm nền tảng, làm gương mẫu, làm tiêu chuẩn đời sống. Nhờ cách này mà con người mới thấy mình có khả năng kết hợp với Thiên Chúa, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Phong trào đặt mục tiêu mỗi thành viên chúng ta đồng hóa với Chúa từng ngày một cho đến khi chúng ta có thể nói được rằng: « Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô đang sống ở trong tôi ».

Về sự hoán cải, thánh Phaolô đề xuất những phương pháp cũng như quy luật để trở thành con người mới, con người của Chúa qua Phép Rửa và sống theo Thần Khí để trở nên công chính và thánh thiện.

“Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 4).

“Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 23-24).

“Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Cl 3, 9-10).

Sự thật là nhân loại không thể đổi mới nếu con người không đổi mới trước đã trong Phép Rửa Tội và sống theo Phúc Âm.

Thật không ngẫu nhiên mà phong trào Cursillo có được thánh quan thầy là thánh Phaolô tông đồ nhiệt thành. Càng theo gót thánh nhân, phong trào chúng ta càng được khuyến khích thêm lòng hăng say nhiệt thành dấn thân phục vụ, xem nhẹ gian truân để đem Chúa đến cho mọi người và tôn vinh Tình Yêu và Quyền Năng Thiên Chúa. Chúng ta được vinh dự theo chân người thầy Phaolô của chúng ta để hoàn thành sứ mạng được Thiên Chúa giao phó cách chung cũng như cách riêng cho mỗi người cursillista chúng ta trong công cuộc mở rộng Nước Chúa và chiêu mộ thêm những tông đồ nhiệt thành khác nữa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 04/06/2008
NÔNG PHU VÀ CON GIANG

N2T


Mùa gieo hạt lại đến, bác nông phu ra đồng để xới tơi đất, dùng cái mai sắt đào từng cái lỗ nhỏ, sau đó lấy hạt giống bỏ vào trong lỗ và lấp đất lại, rồi tưới nước, sau khi tất cả đã hoàn thành thì bác nông phu chùi chùi mồ hôi trên trán.

Người nông phu trong lòng nghĩ:“Ta phải làm một cái lưới thật tốt để bẫy”, bởi vì kinh nghiệm cho ông ta biết, mỗi khi đến mùa này thì con hạc và con nhạn rất dễ dàng vào trong ruộng để ăn hạt giống. Sau khi đặt bẫy xong thì bác nông phu mới rời khỏi đó.

Một hôm, bác nông phu đến nơi chỗ đặt bẫy, thì thấy trong lưới có mấy con vật đang giãy giụa. Hóa ra là một con hạc, một con nhạn và một con giang bị mắc bẫy. Bác nông phu cười nói: “Ha ha ha, bị ta bắt được rồi hả ? Coi ta làm sao trị ba tên các ngươi nè !”

Hạc và nhạn cúi thấp đầu xuống giống như người sắp bị xử lý. Bởi vì chúng nó cảm thấy: ăn trộm đồ vốn là chuyện rất mạo hiểm, gặp phải những chuyện này cũng là đúng lắm rồi. Nhưng con Giang thì không cho là như thế, trong lòng nó cảm thấy rất sợ hãi, không muốn chết như thế này.

Con giang ôm một tâm tình bi thương rất lớn, tự biện luận cho mình: “Bác nông phu tôn kính, xin bác thả cháu ra, vì cháu không phải là hạc cũng không phải là nhạn, chỉ là một con giang vô hại. Chúng cháu có rất nhiều ưu điểm, ví dụ như: chúng cháu thảo kính cha mẹ, nuôi dưỡng các ngài cho đến chết, lúc cần thì có thể cỏng các ngài bay tới bay lui, hơn nữa cháu không ăn trộm hạt giống của bác, cháu là người vô tội, thả cháu ra nhé.”

- “Nhưng, ai có thể chứng minh mày không ăn cắp hạt giống của ta ? Mày cùng chúng nó đến trong ruộng của ta, đồng thời bị cái bẫy của ta bắt được, cho nên cũng phải chấp nhận sự trừng phạt như thế.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Khi chưa hiểu rõ một người, thì người ta thường căn cứ vào người bạn của họ để biết được con người của họ, bởi vì “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Cho nên, khi chọn bạn kết tâm giao thì phài thận trọng, bởi vì hành vi cử chỉ của họ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các em đấy.

Ngày hôm nay, vì phát triển khoa học, các em bị ảnh hưởng nhiều chuyện không hay trong khi kết bạn: có em kết bạn qua những lần “chát” trên vi tính, và sau đó thì trở thành kẻ hư thân; có em kết bạn cách vội vàng vì ham chơi nổi, thế là tuổi xuân qua đi trong tủi nhục đắng cay; lại có em kết bạn để cùng nhau học tập, nên cuộc sống của các em ấy thật phong phú vì có người bạn tốt.

Con giang biện luận cho mình là người tốt: nào là thảo kính cha mẹ, nào là biết chăm sóc cho cha mẹ già.v.v...nhưng ai tin được chứ, bởi vì nó đã nhập bọn với con nhạn và con hạc để đi ăn trộm lúa giống mà...

Các em thực hành:

- Không kết thân chơi đùa với bạn xấu.

- Khi có lỗi thì nhận lỗi, không biện minh.

- Điều mà cha mẹ lo lắng nhất nơi các em là: chơi với bạn xấu.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 04/06/2008
N2T


9. Phàm là người đi trên đường suy niệm thì sẽ không dừng lại, mặc dù có lúc đến chậm chút xíu, nhưng cuối cùng cũng sẽ đạt tới điểm cuối.

(Thánh Teresa of Avila)
 
Chia sẻ với các Nữ Tu Khấn Trọn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 04/06/2008
Chia Sẻ với các Nữ Tu

Mười Chín Sơ Nhỏ sắp khấn trọn thân mến,

“Hể giúp được cái gì thì giúp ngay, giúp không được thì nói không được”, đó là “chân lý” mà Bác Tài đã tìm được khi làm cha sở, bởi vì cuộc sống ở giáo xứ hoặc ở ngoài đời không như trong chủng viện hay dòng tu, nó phức tạp và đáng thương hơn mình nghĩ. Do đó, mà Bác Tài nhận thấy làm được việc khi các Sơ Nhỏ yêu cầu, là Bác Tài làm ngay đây, đó là viết bài chia sẻ với các Sơ Nhỏ nhân dịp Khấn Trọn của các Sơ.

Ngày 12.6.2008 các Sơ Nhỏ sẽ được chính thức trở thành những thành viên trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, trở thành con cái trong một đại gia đình MTG.DL, Bác Tài xin chúc mừng các Sơ Nhỏ và Hội Dòng cũng như gia đình của các Sơ Nhỏ nhé, và Bác Tài xin chia sẻ một vấn đề nhỏ duy nhất, nhưng rất đáng ghét trong đời sống tận hiến như sau, đó là sự Thỏa mãn.

Có một vài tân linh mục hoặc các tu sĩ vừa được khấn trọn, đều lấy làm mừng và thỏa mãn với những gì mình đã được hôm nay, đó là được chịu chức linh mục hoặc là đã được khấn trọn đời.

Vì có lẽ trong quá trình học hành tôi luyện để làm linh mục hoặc để trở thành một tu sĩ, các tân linh mục hoặc các tu sĩ ấy bị áp lực học hành nặng nề, bị áp lực kỷ luật của chủng viện hay của nhà dòng, hoặc sự khó tính của bề trên mà phải cắn răng chịu đựng cho qua, hoặc có âm mưu “nhịn cái đã” sau rồi sẽ hay, thế là họ đem tất cả những bất mãn, chịu đựng ấy dằn sâu trong lòng cho qua chuyện, để rồi khi đã vượt qua cầu (chịu chức linh mục hặc khấn trọn) thì bùng nổ mà không kiêng dè gì cả, bởi vì từ nay mình đã là một linh mục, một tu sĩ như mọi người, có gì phải sợ nữa !

Các Sơ Nhỏ là những người đã được đào luyện giáo dục trong môi trường thuận lợi của nhà dòng, được thấm nhuần tư tưởng và tinh thần của Hội Dòng mình, nhưng như thế không có nghĩa là đã đắc đạo, là đã trở thành một nữ tu chân chính, bởi vì làm một nữ tu thì dễ, nhưng làm một nữ tu biết khiêm tốn phục vụ và vâng lời thì không dễ dàng đâu.

Khi khấn trọn xong, các Sơ Nhỏ sẽ có tâm trạng nhẹ nhàng, và –có khi- thở ra nhẹ nhõm vì từ nay không còn phải sợ bị đuổi về nhà, không còn phải lo lắng sợ người này phê bình người kia góp ý, rồi nơm nớp lo sợ bị chị em bỏ phiếu loại bỏ.v.v... Đương nhiên là phải vui mừng vì cộng đoàn và bề trên, cũng như những người có trách nhiệm đã khẳng định mình là một thành viên của hội dòng, sự vui mừng này phát xuất từ tâm hồn thánh thiện biết vâng phục thánh ý của Chúa qua hoàn cảnh “được khấn trọn”.

Nếu không biết vâng phục ý Chúa qua việc khấn trọn, thì niềm vui của các Sơ Nhỏ sẽ biến thành kiêu ngạo, và do đó nảy sinh ra tư tưởng thỏa mãn với việc từ nay mình có đủ lông đủ cánh, bay cao và bay vượt ra khỏi khuôn khổ của luật dòng và mục đích tôn chỉ của hội dòng, tức là khi đến một thời gian nào đó (sau khi khấn trọn) thì ý chí của các Sơ Nhỏ không muốn thích nghe lời bề trên nữa, không mau mắn khi bề trên sai phái, và đôi lúc có những thái độ bất mãn với mệnh lệnh của bề trên, đó chính là vì cái thỏa mãn đáng ghét của chúng ta vậy. Bởi vì khi sự thỏa mãn đã đầy tràn thì sinh ra kiêu ngạo muốn vượt ra khỏi chính mình để: một là bất cộng tác hoặc cộng tác cách tiêu cực với cộng đoàn, hai là làm việc tích cực với âm mưu được trở thành người quan trọng trong cộng đoàn.

Thỏa mãn là con đẻ của sự thiếu vắng cầu nguyện, người đời thường tự mãn khi mình có công danh sự nghiệp, khi cờ đã tới tay rồi thì phất cách thỏa mãn cho bỏ ghét những năm tháng bị “đày đọa” dưới sự nghèo đói, làm tôi mọi, chịu đựng những đau khổ trong cuộc sống. Nhưng các Sơ Nhỏ thì không phải như thế, khấn trọn là bắt đầu đời tu của bậc cao hơn, là đi vào con đường tận hiến hoàn toàn, có nghĩa là các Sơ Nhỏ chính là một hội dòng thu hẹp, là luật dòng sống động và là một đại diện cho hội dòng của mình bất kỳ ở đâu. Cho nên, hể mà có tư tưởng thỏa mãn thì chắc chắn các Sơ Nhỏ sẽ trở thành công cụ của ma quỷ, tức là qua hành động và suy nghĩ của mình, mà ma quỷ lợi dụng xúi giục một số thành viên nổi loạn hoặc là ù lì bất cộng tác với hội dòng.

Thỏa mãn chính là cái tôi đáng ghét của người tu trì, là mầm mống của kiêu ngạo chia rẽ tranh chấp.

Dù cho các Sơ Nhỏ có làm được việc gì to tát cho hội dòng hay cộng đoàn, thì phải luôn nhìn nhận sự thành công đó là của Chúa, của hội dòng và của sự nhiệt thành tích cực của mỗi người, chứ không phải chỉ có một mình mình mà thôi. Bởi vì, nếu không có sự ủy thác của bề trên, nếu không có sự cộng tác của người này người nọ, nếu không có sự giúp đỡ của hội dòng thì chắc chắn các Sơ Nhỏ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.

Phẩm thần Lucifer đã thỏa mãn với ánh sáng chói lọi của mình, mà quên mất mình là kẻ thụ tạo bởi tình yêu của Thiên Chúa, nên muốn bằng Thiên Chúa, và đã bị phạt vào trong lửa hỏa ngục đời đời, tối tăm u ám, trở thành ma quỷ là kẻ không đội trời chung với Thiên Chúa và rất ghét những ai đi theo Chúa, đó chính là hậu quả của sự thỏa mãn với những gì mình có, mà không nhìn đến nguyên nhân những thành quả mà mình có hôm nay là bởi đâu và do ai ?

Chỉ có sự cầu nguyện, đơn sơ và khiêm tốn mới “trị” được tính thỏa mãn đáng ghét trong tâm hồn của chúng ta –những người tu trì- mà thôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các Sơ Nhỏ nhé, nhớ cầu nguyện cho Bác Tài luôn.

Thân mến

Bác Tài

Taiwan, ngày thánh hóa các linh mục.

30.5.2008

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Nữ bác sĩ của người nghèo
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
21:07 04/06/2008
NỮ BÁC SĨ CỦA NGƯỜI NGHÈO

Nữ bác sĩ trẻ Patricia Saraux hành nghề tại thành phố Brest, vùng Bretagne, miền Tây nước Pháp. Thoạt nhìn người phụ nữ nhanh nhẹn, duyên dáng trong y phục hợp thời trang, khó ai có thể đoán bà là bác sĩ của người nghèo, người thất nghiệp và những kẻ không nhà không cửa.

Nữ bác sĩ Saraux đã lập gia đình và có 3 cô con gái xinh xắn. Sau khi ra trường - cứ sự thường - bà dự định mở phòng mạch như phương kế sinh nhai. Tuy nhiên, sau sứ vụ nhân đạo tại Rwanda (Phi Châu) trong vòng một năm, cuộc đời sự nghiệp của nữ bác sĩ Patricia Saraux thay đổi hẳn chiều hướng. Bà không coi nghề bác sĩ như phương tiện làm giàu, nhưng như phương cách đi đến với người bất hạnh, kém may mắn.

THIÊN CHÚA Quan Phòng định liệu tất cả. Vào năm 1993, tình cờ bà Patricia khám phá ra ”Trung Tâm Săn Sóc Sức Khoẻ” dành cho người nghèo tại thành phố Brest, quê sinh của bà. Trung Tâm do các bác sĩ thiện nguyện trông coi. Thế nhưng Trung Tâm không hoạt động đều đặn vì các bác sĩ làm việc không tôn trọng giờ giấc. Khi hay tin vị phụ trách Trung Tâm - bác sĩ Ronan Le Reun - muốn điều chỉnh lại các hoạt động, nữ bác sĩ Patricia Saraux nắm ngay cơ hội. Bà sẵn sàng cộng tác với Trung Tâm nửa ngày. Nửa ngày còn lại bà dành cho việc chăm sóc cửa nhà và chồng con. Như thế, bà dung hòa được hai lý tưởng: làm mẹ làm vợ và làm bác sĩ!

Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Patricia thì có lẽ làm vợ và làm mẹ dễ hơn làm bác sĩ cho người lang thang không nhà không cửa! Bà tâm sự:

- Bệnh nhân thuộc nhóm người này không phải là chú bé giúp lễ ngoan đạo. . Họ thường là kẻ nghiện rượu hoặc nghiện ma túy và từng vào tù ra khám. Tiếp xúc ban đầu bao giờ cũng khó. Sau đó liên hệ giữa chúng tôi dần dần trở nên tin tưởng và dễ dàng hơn.

Nữ bác sĩ Patricia đặc biệt chăm sóc sức khoẻ cho những bệnh nhân ly thân ly dị, những cặp rối vợ rối chồng. Bà cũng săn sóc người cô đơn già yếu, không đồng lương cũng không tiền trợ cấp xã hội, những người không còn hưởng quy chế thất nghiệp hoặc người bị nợ phủ ngập đầu! Chưa hết, nữ bác sĩ Patricia dấn thân giúp đỡ những gia đình ở trong tình trạng bất hợp pháp. Bà kể:

- Tôi nhớ rõ một người đàn ông bị bệnh lao phổi ở thời kỳ trầm trọng. Ông phải chống nạng và thường đi men theo bờ tường. Không một ai muốn giúp đỡ ông. Cứ mỗi buổi tối, cảnh sát ”hốt” ông ngoài đường và mang ông vào nhà thương. Nhưng không nhà thương nào muốn giữ ông. Sau cùng, tôi tìm được cho ông một chỗ trong Viện Dưỡng Lão và ông bằng lòng ở lại nơi đó, cũng như nơi đó bằng lòng giữ ông lại!

Một đức tính nổi bật nơi nữ bác sĩ Patricia là lòng kính trọng con người. Bất cứ bệnh nhân nào, sang cũng như hèn, giàu cũng như nghèo, lớn cũng như nhỏ, đều được bà tiếp rước và chăm sóc với cùng cung cách và tâm tình như nhau.

Một thân chủ nghèo của nữ bác sĩ Patricia Saraux làm chứng:

- Điều chúng tôi ngưỡng mộ nhất, chính ở điểm bà trả lại trọn nhân phẩm cao quý của chúng tôi. Bà không coi chúng tôi như kẻ ăn bám xã hội, người quấy rầy, hay như ”con vật kỳ quái”! KHÔNG! Trái lại, bà kính trọng và yêu thương chúng tôi.

... ”Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo. Đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi. Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi. Đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm. Đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ. Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối. Gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi. Đừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con.. Ai cay đắng trong lòng mà nguyền rủa con, thì Đấng Tạo Thành ra nó, sẽ nghe lời nó thỉnh nguyện.. Hãy lắng nghe kẻ nghèo và nhã nhặn chào lại họ. Đối với trẻ mồ côi, con hãy xử như một người cha, và với mẹ của chúng, hãy xử như một người chồng. Được vậy, con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa” (Sách Huấn Ca 4,1-10).

(”Reader's Digest Sélection”, 7/1995, trang 76-79)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cha Lombardi và cuộc đối thoại tôn giáo và văn hóa
Vũ Văn An
00:15 04/06/2008
Cha Lombardi S.J. và cuộc đối thoại tôn giáo và văn hóa

Cha Federico Lombardi, Dòng Tên, hiện là giám đốc phòng báo chí, giám đốc trung tâm truyền thanh và truyền hình của Toà Thánh. Ngày Thứ Sáu vừa qua, ngài được mời nói truyện với các nhà lãnh đạo doanh thương Công Giáo của tổng giáo phận Toronto. Nhân dịp này ngài đã đưa ra một số nhận định bản thân về vấn đề truyền thông.

Liên hệ đại kết với các Kitô hữu khác

Một trong các công việc lớn lao mà các đức giáo hoàng gần đây theo đuổi liên quan tới việc hiệp nhất và đối thoại trong thế giới ngày nay chính là công trình đại kết và mối liên hệ với các tôn giáo và các nền văn hóa khác.

Chỉ cần đơn cử trường hợp đức đương kim giáo hoàng. Kể từ bài diễn văn đầu tiên tại nhà nguyện Sistine vào buổi sáng sau ngày được bầu làm giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI đã rõ ràng tuyên bố rằng đại kết, hay việc tìm kiếm hiệp nhất với các giáo phái Kitô giáo khác, là một trong các ưu tiên lớn nhất của triều đại giáo hoàng của ngài, một công trình ngài sẽ đảm nhiệm theo gót chân vị tiền nhiệm ngài.

Cuộc tông du qua Istambul, trong đó có việc ngài đến thăm đức thượng phụ Constantinople là Bartholomew, đã là dấu chỉ hiển nhiên nhất cho thấy cố gắng theo đuổi đại kết ấy. Trong tư cách trưởng ngành truyền thông, Cha Lombardi xác nhận rằng trong cuộc tông du này, Tòa Thánh đã nhận được những hợp tác tuyệt vời từ phía ngành truyền thông của toà thượng phụ Constantinople mà nhiều thành viên vốn xuất thân từ Mỹ.

Thí dụ, mọi cử hành, gồm cả cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ, đều đã được truyền đi khắp thế giới từ Centro Televisivo Vaticano (Trung Tâm Truyền Hình Vatican) với các lời bình luận sống bằng sáu ngôn ngữ. Các lời bình luận sống này chính là kết quả các cố gắng chung giữa các biên tập viên của Radio Vaticana, một số linh mục và một nhóm chuyên viên Chính Thống đến Rome từ nhiều miền khác nhau trên thế giới chỉ vì mục đích này. Các cộng đồng Chính Thống tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, kể cả Úc Châu, đã có thể theo dõi các biến cố trên nhờ rất nhiều hệ thống truyền hình Công Giáo khác nhau như EWTN ở Mỹ, Salt & Light Television (Truyền Hình Muối & Ánh Sáng) ở Canada v.v…Điều ấy cho thấy rõ ta đã thực sự sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để phục vụ phong trào đại kết đến thế nào.

Trong nhiều năm, Centro Televisivo Vaticano và Radio Vaticana đã thiết lập được sự hợp tác sâu sắc và liên tục với Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo. Rất nhiều buổi phát hình và phát thanh đã được thực hiện để tường trình các cuộc viếng thăm Rome của các vị thượng phụ cũng như các phái bộ quan trọng đến từ Hy lạp, Lỗ Ma Ni, Bun-ga-ri v.v…và đã được cung hiến miễn phí cho các hệ thống quốc gia liên hệ của họ.

Công trình đại kết về bản chất là do Đức Giáo Hoàng và các cộng sự viên của Ngài thực hiện còn ngành truyền thông chỉ đóng góp để người ta nhìn thấy, cảm nhận và nghe biết về nó. Trong số các điển hình về tiến bộ đại kết trong thời đại ta, Cha Lombardi nhắc tới cuộc viếng thăm Rome của đức tổng giám mục toàn cõi Hy lạp là Đức Christodoulos, nay đã qua đời, và của đức tổng giám mục Cyprus. Các cuộc viếng thăm ấy hết sức có ý nghĩa vì đó là lần đầu đối với các Giáo Hội Chính Thống này. Các cuộc viếng thăm khác, như cuộc viếng thăm mới đây nhân danh Người Công Giáo Armenia của Đức Karekin II đã củng cố các mối liên hệ tốt đẹp từng được triều giáo hoàng trước thiết lập.

Một liên hệ đại kết với Giáo Hội Đông Phương hiện vẫn còn vấn đề là mối liên hệ với thượng phụ Nga. Tuy nhiên, bất chấp các khó khăn, nhiều liên hệ đang nở rộ khiến ta có thể vun đắp niềm hy vọng một ngày kia không xa, ta sẽ đạt được cuộc gặp gỡ cấp cao nhất, dù cho trong tình thế hiện nay bất cứ dự đoán nào kiểu này cũng là quá sớm. Về phương diện này, ngành truyền thông xã hội cũng có nhiều điều để đóng góp.

Một dấu chỉ nhỏ nhoi cho thấy có tiến bộ về phía Nga mà Cha Lombardi trực tiếp can dự vào là việc Nga mới đây cho phát đi một tài liệu dài một giờ nói về Đức Bênêđíctô XVI trên một đài truyền hình quốc gia của họ. Tài liệu này là một sản phẩm chung của cả Chính Thống lẫn Công Giáo trong đó có thông điệp bằng tiếng Nga do chính Đức Giáo Hoàng đọc gửi nhân dân Nga. Thông điệp này được ghi âm trước trong phòng thu của cha Lombardi dành riêng cho cơ hội này. Lẽ dĩ nhiên, một sản phẩm như thế hẳn phải là một sản phẩm “tuyệt đối đầu tiên” và không thể xuất hiện mà không được thượng phụ Moscow đồng ý. Cho nên nó được coi là một dấu chỉ tích cực.

Mối liên hệ với các hệ phái Kitô giáo phát sinh từ phong trào Thệ Phản là những biến cố và gặp gỡ nhiều ý nghĩa, dù khoảng cách về quan điểm học thuyết và giáo hội có lớn lao hơn khoảng cách với các Giáo Hội Đông Phương Không Công Giáo. Vốn tiếp xúc gần gũi với các phát triển và các vấn đề của nền Văn Hóa Tây Phương hiện đại, các hệ phái này cảm nghiệm được hơn ai khác các thách đố và ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối và duy cá nhân, mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô từng coi như những nguy cơ sẽ đem đến các hậu quả tiêu cực cho cả phong trào đại kết nữa.

Chỉ cần nghĩ tới thái độ khác nhau đối với các vấn đề luân lý. Đức Bênêđíctô XVI không sợ sệt khi quả quyết rằng cam kết đại kết phải được chứng thực trên căn bản các nội dung yếu tính của đức tin Kitô giáo, một đức tin, như “các biểu tượng cổ xưa” hay “các công thức đức tin” chẳng hạn, phải tạo nền cho việc hiệp nhất Kitô Giáo. Trong chiều hướng ấy, bài diễn văn rất quan trọng và rất “Ratzinger” đọc trong cuộc tông du Mỹ vừa qua, có lẽ ít người lưu ý, chính là bài diễn văn trong cuộc gặp gỡ đại kết.

Đức Giáo Hoàng nói: “Ngay trong phong trào đại kết, các Kitô hữu cũng ngần ngại không dám quả quyết vai trò học lý vì sợ rằng nó chỉ làm tệ hơn chứ không chữa lành các vết thương chia rẽ. Ấy thế nhưng, một chứng tá rõ ràng, có tính thuyết phục đối với ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu Kitô đem lại cho chúng ta phải đặt căn bản trên quan niệm giáo huấn chuẩn mức tông truyền: một giáo huấn thực sự nhấn mạnh tới lời linh hứng của Thiên Chúa và duy trì sự sống bí tích của Kitô hữu ngày nay.”

Nếu không, ai cũng sẽ nghĩ mình có khả năng ít hay nhiều tuân theo lương tâm riêng của mình và tự chọn cho mình cộng đồng nào thoả mãn được các ý thích của mình hơn cả. Con đường đó thực ra là con đường ngược chiều của hiệp nhất: nó chỉ là con đường phân mảnh và tứ tán không cùng.

Liên hệ với các tôn giáo khác

Trong mối liên hệ với các tôn giáo khác, nhiều người đặt câu hỏi: sau tiến bộ vĩ đại của triều giáo hoàng Gioan Phaolô II (tức cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu tại Assisi), liệu triều giáo hoàng mới có đi theo hướng khác, một hướng có lẽ ít cởi mở hơn đối với đối thoại chăng. Cha Lombardi không nghĩ như thế. Vì Đức Bênêđíctô XVI thực sự mong muốn có được một cuộc đối thoại chân thành, một cuộc đối thoại nhất định không chịu dấu diếm các vấn đề có thực.

Liên quan tới mối liên hệ với Do Thái Giáo, Đức Bênêđíctô XVI, ngay từ đầu, đã thực hiện những hành động có ý nghĩa, không những qua việc tiếp đón các vị khách danh tiếng, mà trên hết, qua các cuộc thăm viếng Hội Đường Do Thái tại Cologne, trại diệt chủng tại Auschwitz, đài tưởng niệm các nạn nhân Do Thái của Đức Quốc Xã tại Vienna, và mới gần đây, đại Hội Đường tại New York.

Dưới ánh sáng các hành động công khai quan trọng ấy, các tranh luận liên quan đến việc lên công thức cho một lời cầu nguyện chuyên biệt trong một hình thức cử hành đặc thù của phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, mà hiện nay, ít người còn dùng đến, quả chỉ là ngoài lề, dù chúng có làm sống dậy một nhậy cảm vốn âm ỉ xưa nay trong tâm hồn nhiều anh chị em Do Thái Giáo, đòi ta phải luôn luôn tỉnh táo, chú ý và tỏ lòng kính trọng.

Cha Lombardi nhớ rằng sau 24 năm làm giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II chỉ viếng thăm một hội đường Do Thái, tức Hội Đường tại Rome, trong khi Đức Bênêđíctô XVI, mới trong ngôi giáo hoàng được ba năm, đã thăm viếng hai hội đường rồi: Cho nên, thực ra Ngài đang tạo tiến bộ trên con đường đã được vị tiền nhiệm của Ngài vạch ra. Đối với các đền thờ Hồi Giáo cũng thế: Đức Gioan Phaolô II viếng thăm một đền sau 20 năm trị vì; Đức Bênêđíctô, sau một năm rưỡi trị vì, cũng đã thăm một đền.

Tất nhiên, chẳng cần nói thì ai cũng thấy mối liên hệ với Hồi Giáo đã và đang gặp nhiều gập ghềnh sau diễn văn Regensburg và các tranh luận tiếp theo bài diễn văn ấy. Không muốn nhắc lại cuộc tranh luận liên quan đến trích đoạn nổi danh của hoàng đế Byzantine, điều hiển nhiên, Đức Giáo Hoàng có ý muốn phát biểu rõ ràng ý niệm này là mọi cái nhìn có tính tôn giáo thực sự phải bác bỏ bạo lực và sử dụng lý trí khi suy tư về Thiên Chúa và mối liên hệ của chúng ta với Người; chỉ bằng cách đó, lý trí mới giữ cho mình luôn biết kính trọng Thiên Chúa và phẩm giá nhân vị. Bài diễn văn trên tạo ra nhiều câu trả lời khác nhau của Hồi Giáo đối với quan điểm của Đức Giáo Hoàng cũng như phản ứng nóng bỏng bên trong thế giới Hồi Giáo.

Quốc vương Saudi Arabia đến Rome thăm Đức Giáo Hoàng và phát biểu ý muốn hiệp nhất trên con đường hòa bình giữa các tôn giáo lớn của thế giới; gồm cả Kitô Giáo lẫn Do Thái Giáo. Phản ứng đó phải được kể là tích cực và đầy hứa hẹn trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc đối thoại này, một cuộc đối thoại phải biết chạm trán với các vấn đề có thật, như các vấn đề liên quan đến việc tôn trọng quyền lợi và con người cả ở phía Kitô Giáo lẫn Hồi Giáo.

Hơn 100 hiền giả Hồi Giáo thuộc các quan điểm khác nhau đã thiết lập được các chủ trương chung làm cơ sở giáp mặt với các Kitô Hữu và các người Do Thái Giáo dưới ánh sáng trách nhiệm chung để mang lại hòa bình cho nhân loại. Chắc chắn, đó là điều mới lạ đầy hứa hẹn.

Theo nhận định của Cha Lombardi, mà cũng là nhận định của giới truyền thông, nhân dịp Quốc Vương của họ viếng Rome, một đài truyền hình Saudi Arabia đã phỏng vấn Cha Lombardi rất lâu với mục đích để giáo dục công chúng Arabia hiểu biết về Vatican. Cũng đài truyền hình chính thức đó mới đây đã trở lại để phỏng vấn Cha một lần nữa để thăm dò hơn nữa các chủ đề đối thoại và hợp tác của mọi tôn giáo ngõ hầu vẽ ra được con đường tiến tới hòa bình. Đó quả là các dấu chỉ đầy hy vọng.

Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng biết mình phải rõ ràng và cương quyết ra sao trong lập trường của Ngài. Thí dụ, nhân Lễ Vọng Phục Sinh tại Nhà Thờ Thánh Phêrô, chính Ngài đã ban bí tích rửa tội cho một nhà báo nổi tiếng của Ai Cập, ông Magdi Allam, vốn gốc Hồi Giáo. Đó quả là một hành động can đảm, một hành động khẳng định quyền tự do tôn giáo và quyền được theo Kitô Giáo.

Cho dù phải giải thích rằng cuộc rửa tội trên không có nghĩa Đức Giáo Hoàng chia sẻ mọi ý tưởng của Magdi Allam, cả các ý tưởng liên quan đến mối liên hệ với Hồi Giáo, mà một số hết sức gây tranh cãi, thì người ta vẫn không thể chối cãi rằng đó là một hành động quan trọng có tính công khai để ủng hộ quyền tự do tôn giáo của người ta. Điều ấy cho thấy rõ Đức Giáo Hoàng muốn cuộc đối thoại với Hồi Giáo được thăng tiến, nhưng không đến độ phải hy sinh các nguyên tắc yếu tính trong diễn trình này.

Đối thoại với thế giới

Cuối cùng, cần nói tới một khía cạnh quan trọng khác của đối thoại, một khía cạnh mà Giáo Hội, và cả thế giới nữa, đang theo dõi rất xát: đó là cuộc đối thoại với Trung Hoa. Qua bức “Thư Gửi Người Công Giáo Trung Hoa” của mình, Đức Thánh Cha chứng tỏ tư tưởng và lời cầu nguyện của Ngài đã hướng về Trung Hoa xiết bao suốt trong năm qua.

Trong tài liệu trên, Ngài minh nhiên tỏ ý muốn bình thường hóa các liên hệ với nhà cầm quyền Trung Hoa để đảm bảo cho Giáo Hội Trung Hoa một sinh hoạt thanh thản trong tự do, đồng thời ngỏ với Giáo Hội ấy tình bằng hữu của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và sự tận tụy của Giáo Hội đối với hòa bình và lợi ích toàn bộ của gia đình nhân loại. Mới Thứ Bẩy vừa qua, ngày 24 tháng Năm, thế giới cử hành ngày cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa được chính Đức Giáo Hoàng thiết lập qua lá thư cuả Ngài.

Cha Lombardi cho hay việc của ngài hay đúng hơn, ngài không có nhiệm vụ bàn tới ở đây các diễn biến giữa các thẩm quyền Tòa Thánh và các đại diện của Chính Phủ Trung Hoa. Nhưng ngài có thể nói đôi điều mới xẩy ra liên quan đến lãnh vực truyền thông, cho thấy các dấu chỉ tích cực và đáng khích lệ để ta hy vọng. Đó là cuộc trình diễn nhạc tại sảnh Đường Phaolô VI ở Vatican của Dàn Đại Hòa Tấu Bắc Kinh và Nhà Hát Thượng Hải.

Hiện diện có Đức Giáo Hoàng, nhiều vị thẩm quyền trong Giáo Triều Roma và nhiều nhân vật Trung Hoa, đặc biệt là Bà Deng Rong, con gái vị lãnh tụ thời danh Đặng Tiểu Bình, và nhiều đại diện chính phủ Bắc Kinh như Đại Sứ Trung Hoa tại Ý.

Người ta không quên rằng ngoài ý nghĩa văn hóa, biến cố trên còn nói lên một dấu chỉ quan trọng cho thấy mối liên hệ và tình thân hữu tốt đẹp. Dàn nhạc Trung Hoa chọn trình diễn một tác phẩm quan trọng, có tính Tây Phương và tôn giáo; tức Lễ An Táng (Requiem) của Mozart và một ca khúc Trung Hoa tuy ngắn nhưng hết sức đáng yêu và bình dân: Những Nhành Hoa Nhài.

Cho đến tận mấy năm trước đây, người ta hầu như vẫn không thể nghĩ rằng một dàn nhạc trung Hoa lại có thể trình diễn một tác phẩm Tây Phương và tôn giáo tại một điểm hội ngộ quốc tế. Đức Giáo Hoàng tham dự buổi hòa nhạc và đọc một diễn văn ngắn nhưng hết sức ý nghĩa ví nghệ thuật như con thuyền đối thoại giữa các dân tộc và các nền văn hóa, trong khi âu yếm nhớ đến mọi người Công Giáo Trung Hoa.

Tại Vatican, mọi người đều hưởng được sự hợp tác ngoại thường với tổ chức Trung Hoa này; ai cũng tỏ ta hứng khởi với sáng kiến trên và nhận thức được tầm quan trọng về lịch sử của nó. Nhờ cha Lombardi gửi đi trước được bản dịch bài diễn văn của Đức Thánh Cha, nên lần đầu tiên Ngài đã có thể trực tiếp nói truyện với rất nhiều người Trung Hoa.

Không may, thảm họa lớn do cuộc động đất ở Sichuan đã xẩy ra trong những ngày kế tiếp. Đức Giáo Hoàng công khai bầy tỏ cảm tình và nỗi buồn của Ngài, và Đại Sứ Trung Hoa tại Rome đã cho Cha Lombardi hay lời lẽ của Đức Giáo Hoàng có một tác động sâu rộng khắp quốc gia ông. Đức Giáo Hoàng không còn là người xa lạ đối với dân chúng Trung Hoa nữa, nhưng là một nhân vật vĩ đại được bao bọc bằng chú ý và kính trọng.

Đàng khác, các bước tiệm tiến của việc bình thường hóa các mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Việt-Nam đang diễn ra và đang được Trung Hoa quan tâm theo dõi. Dự cảm chung quanh biến cố Thế Vận Hội đang khuyến khích việc mở cửa Trung Hoa cho thế giới. Dù biết rằng sau những cởi mở như thế thường có thoái hóa và thất vọng, người ta vẫn không thể chối được rằng thời điểm này đang làm mức cho nhiều dấu hiệu cụ thể của hy vọng.

Kết luận

Trong các mối liên hệ rộng lớn và đa dạng của Tòa Thánh và của Giáo Hội hoàn vũ với các giáo phái Kitô giáo khác, với các niềm tin tôn giáo khác, với các dân tộc và các nền văn hóa, cuộc đối thoại xã hội đóng một vài trò quan trọng. Cha Lombardi hết sức xúc động được góp phần vào hai cuộc xuất hiện của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trên các hệ thống truyền hình Nga và Trung Hoa.

Trong tất cả các biến cố trên, các định chế truyền thông của Tòa Thánh đóng một vai trò quan trọng, nhưng sự hợp tác bên trong Giáo Hội hoàn vũ mới là điều chủ yếu để quảng bá tín liệu và tư tưởng. Không một ai trong cộng đồng Giáo Hội hiện hữu và hành động đơn độc. Tình thân hữu và sự khích lệ của các tín hữu là chủ yếu cho sự hữu hiệu của các định chế trên.

Theo bản tin Zenit ngày 2 tháng 6 năm 2008.
 
Tìm hiểu kỹ hơn về Tự Sắc của Đức Thánh Cha về Thánh Lễ La Tinh
Anthony Lê
10:24 04/06/2008
Tìm hiểu kỹ hơn về Tự Sắc của Đức Thánh Cha về Thánh Lễ La Tinh

Phần Chỉ Dẫn về Thánh Lễ La Tinh cho Giáo Sĩ và Giáo Dân
Vào ngày 7 tháng 7 năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã công bố ra một Tông Thư (Apostolic Letter) dưới dạng Tự Sắc (Motu Proprio) có nhan đề "Summorum Pontificum," qua đó mở rộng ra những tình huống mà Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh, tức Thánh Lễ được cử hành trước Công Đồng Chung Vaticăn II, có thể được cử hành.

Một Tự Sắc chính là một lá thư được Đức Thánh Cha ban/viết ra "dựa trên sáng kiến của riêng Ngài" vì lợi ích cho toàn thể Giáo Hội, và có tính hiệu lực cả về mặt giảng dạy lẫn về mặt pháp chế. Văn kiện này được xem là có một tầm quan trọng rất lớn trong đời sống của tất cả mọi người Công Giáo, không chỉ vì những điều khoản có liên quan đến việc cữ hành theo nghi thức Rôma cổ điển, mà còn vì sự hiểu biết về nghi thức phụng vụ của Giáo Hội mà văn kiện này muốn nhắm tới.

Nối tiếp bài viết lần trước có liên quan đến việc chúng ta - nhất là các bạn trẻ Công Giáo trên khắp thế giới - đã đến lúc cần phải hiểu ý nghĩa khi lần Chuổi Mân Côi bằng tiếng La Tinh, thì bài viết lần này được tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu Anh và Pháp Ngữ mà NV sưu tầm đến - nhưng chủ yếu vẫn là tài liệu tham khảo của Cha Robert Johansen (*) - để bàn đến một số điểm chính yếu của văn kiện cũng như giúp làm giải tỏa đi một số hiểu lầm không đáng có, và bài viết sẽ được trình bày dưới dạng HỏiTrả Lời như sau:

Hỏi 1: Tự Sắc trên trình bày điều gì?

Thưa: Trong văn kiện của Tự Sắc này, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 cho phép bất kỳ một Linh Mục nào cũng đều có quyền để cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh - nếu như vị Linh Mục đó biết tiếng La Tinh và cách thức cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh - mà không cần phải xin phép vị Giám Mục bản quyền của mình như vài năm trước đây.

Hơn thế nữa, nó cho phép bất kỳ tín hữu Công Giáo nào, nếu muốn có Thánh Lễ cữ hành bằng tiếng La Tinh, có thể trực tiếp yêu cầu điều này từ chính các Cha Sở của mình. Nếu yêu cầu đó không được Cha Sở đáp ứng, thì người tín hữu đó có quyền trình vấn đề này lên cho Đức Giám Mục địa phận của mình đúng như điều đã được quy định trong Tự Sắc.

Còn nếu cả Cha Sở và Đức Giám Mục địa phận không chấp thuận cho lời đề nghị cần phải có Thánh Lễ cử hành bằng tiếng La Tinh (hay Thánh Lễ theo Nghi Thức Cổ Điển), thì vấn đề có thể được trình đạt trực tiếp cho Ủy Ban Ecclesia Dei của Tòa Thánh.

Nói tóm lại, Tự Sắc "Summorum Pontificum" công nhận quyền của người tín hữu - qua việc yêu cầu có Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh truyền thống - và các Cha Sở và các Đức Giám Mục địa phận phải tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu chính đáng đó.

Hỏi 2: Có phải Tự Sắc này là nhằm "mang trở lại" Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh không?

Thưa: Theo một nghĩa nào đó thì không phải như vậy, vì suy cho cùng Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh chưa từng bao giờ bị Giáo Hội cấm hay hủy bỏ cả. Trong Tự Sắc, điều trước tiên mà Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh và làm rõ ra đó là hình thức của Thánh Lễ trước Công Đồng chưa bao giờ được Giáo Hội bãi bỏ (abrogated) hay bị cấm cản (suppressed) cả.

Cũng nên biết thêm rằng: Hiến Pháp của Công Đồng Chung Vaticăn II có liên quan đến Phụng Vụ Thánh được Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục ban hành vào ngày 4 tháng 12 năm 1963, Sacrosanctum Concilium, mặc dầu có kêu gọi sự cải cách trong phụng vụ, và trong một số trường hợp thì dùng đến ngôn ngữ địa phương, thế nhưng vẫn quyết định giữ lại việc dùng tiếng La Tinh trong phụng vụ, cụ thể là ở hai Mục:

Mục 36.1 viết rằng: Luật cụ thể vẫn có hiệu lực đó là việc dùng ngôn ngữ La Tinh phải được duy trì trong các lễ nghi La Tinh (Particular law remaining in force, the use of the Latin language is to be preserved in the Latin rites).

Mục 54 viết rằng:... Tuy nhiên các bước cần được lưu tâm tới để những người tín hữu có thể đọc hay hát cùng với nhau bằng tiếng La Tinh trong những phần của Thánh Lễ Thường Nhật vốn thích hợp với họ (....Nevertheless steps should be taken so that the faithful may also be able to say or to sing together in Latin those parts of the Ordinary of the Mass which pertain to them).

Nói tóm lại điều mà Tự Sắc muốn thiết lập nên chính là Thánh Lễ theo cách "củ" (old) chính là một dạng cử hành của Lễ Nghi Rôma, và Thánh Lễ theo cách "mới" (new), tuy là khác nhau, cũng đều là một dạng khác của Lễ Nghi Rôma.

Thực ra, nếu xét theo ngữ và nghĩa của tiếng Anh thì hai dạng trên giờ đây được biết đến như là "ordinary" [tức đề cập đến "new" ] và "extraordinary" [tức đề cập tới "old" ].

Hỏi 3: Có phải điều này có nghĩa là tất cả những Thánh Lễ của chúng ta sẽ được cử hành bằng tiếng La Tinh không?

Thưa: Không phải. Đó không phải là ý hướng của Đức Thánh Cha. Điều mà Đức Thánh Cha mong muốn chính là cơ hội để cho Truyền Thống được sinh động trở lại trong Phụng Vụ của chúng ta, để một lần nữa, Truyền Thống sống động đó sẽ trở thành một phần trong đời sống "bình thường" của Giáo Hội.

Hỏi 4: Thế nếu như tôi không muốn tham dự Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh thì sao?

Thưa: Để trả lời câu hỏi này, điều trước tiên mà tôi cảm thấy ngạc nhiên đó là: tại sao một người Công Giáo lại không mấy thích thú gì cả đến Truyền Thống sống động của Giáo Hội Công Giáo chúng ta, để từ đó tự điều chỉnh lại thái độ và cách suy nghĩ của riêng mình về Truyền Thống lâu đời này của Giáo Hội.

Biết bao nhiêu thế hệ người Công Giáo trên khắp cả thế giới, và đặc biệt là các Cụ Ông, Cụ Bà ngày xưa của chúng ta, đã nguyện cầu trong Thánh Lễ, đã đón nhận Thiên Chúa vào trong cung lòng của họ qua Bí Tích Thánh Thể, đã sống một đời sống đức tin kiên vững, đã được Thiên Chúa ban thêm sức mạnh và sự ủi an, và đã lớn lên trong sự nên thánh với Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh này từ đó cho đến giờ.

Hay nói vắn tắt, di sản và nền đạo đức luân lý Công Giáo đúng đắn mà cha-ông của chúng ta đã để lại cho chúng ta - những người trẻ của các thế hệ sau - kế thừa chính là từ chính nền tảng của Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh này, do đó chúng ta cần phải tỏ bày sự kính trọng của chúng ta dành cho họ để dồn tất cả mọi nổ lực của chúng ta hòng biết đề cao và trân quý những di sản quý báu này, vốn được trao lại cho chúng ta. Có như thế thì chúng ta mới xứng đáng để gầy dựng nên "cơ đồ" đó để rồi sau này lưu truyền lại cho các thế hệ con-cháu của chúng ta sau này.

Như chính Đức Thánh Cha đã viết trong lá thư giải thích về Tự Sắc mà Ngài ban hành rằng: ".... điều mà các thế hệ trước kia cung kính / gìn giữ như là thánh thiêng, vẫn còn là thánh thiên và vĩ đại cho cả chúng ta nữa ..."

Do đó, thật tình mà nói, nếu như bạn thật sự không muốn tham dự Thánh Lễ cử hành bằng tiếng La Tinh, thì cũng chẳng sao vì chẳng có ai sẽ bắt buộc bạn làm điều đó cả.

Thế nhưng, theo suy nghĩ của riêng tôi, nếu chúng ta không cố tham dự Thánh Lễ La Tinh ít nhất là vào 2 ngày Chủ Nhật trong 1 Tháng, thì có lẽ, chúng ta sẽ phải đánh mất đi rất nhiều cơ hội để hiểu thấu được vẽ đẹp Truyền Thống sống động của Giáo Hội, và phần nào đó lỗi nghịch với "lương tâm" trước những gì mà chúng ta thừa hưởng được từ các bậc tổ phụ của chúng ta.

Để giúp các bạn trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở hải ngoại nắm bắt được Câu Hỏi 4 và Câu Trả Lời này, NV tôi xin được dịch ra tiếng Anh, Pháp và Đức Ngữ để các bạn tham khảo sau đây...

Sách Lễ Rôma 1962
* Anh Ngữ:

Question 4: What if I do not want to go to a Latin Mass?

Answer: Well, firstly, I would wonder why a Catholic would be so uninterested in our Tradition as to adopt such an attitude.

Generations of Catholics, especially our ancestors, prayed the Mass, received Our Lord in Holy Communion, lived their faith devotedly and courageously, were given strength and comfort, and grew in holiness with the “old” Latin Mass.

Briefly speaking, our Catholic heritage and moral foundations handed down to us – members of many younger generations from our ancestors were firmly built on this cornerstone of the Latin Mass, and surely, it seems to me, at the very least out of respect for them we should make an effort to value, or even treasure, that which gave them so much.

Such noble acts are very much needed from each and every one of us today to enhance and build it up so that we have something decent to give back to our younger generations in centuries to come …

As the Holy Father wrote in his letter explaining the Motu Proprio: “ ….. what earlier generations held as sacred, remains sacred and great for us too …”

However, that being said, if you really do not want to go to a Latin Mass, you do not have to. No one will be forced to participate in one.

As for my own and sincere thought, if you do not want to go to a Latin Mass at least twice a month on Sunday, you would have probably missed a wonderful opportunity to understand the Live Tradition, to grow closer to God and to our Mother Church, and you will definitely feel regret with what you have been given.

* Pháp Ngữ:

Questionner 4 : Quel si je ne veux-il pas aller à une Masse latine ?

Réponse: Bien, premièrement, je me demanderais pourquoi un catholique serait s'indifférent dans notre Tradition comme adopter telle une attitude.

Les générations de Catholiques, surtout nos ancêtres, prié la Masse, reçu Notre Seigneur dans la Communion Sainte, habité leur foi et courageusement, ont été donné avec dévouement la force et le confort, et a grandi dans la sainteté avec la "vieille" Masse latine.

Brièvement parler, notre patrimoine catholique et les fondations morales nous a donné – les membres de beaucoup de générations plus jeunes de nos ancêtres ont été fermement construits sur cette pierre angulaire de la Masse latine, et sûrement, il me semble, tout au moins du respect pour eux nous devons faire un effort pour estimer, ou même chérir, que qui les a donné autant de.

Tels actes nobles sont beaucoup eu besoin de de chaque et chaque un de nous aujourd'hui améliorer et encourager il pour que nous avons quelque chose décent pour rendre à nos plus jeunes générations dans les siècles pour venir …

Comme le Père Saint a écrit dans sa lettre expliquant le Motu Proprio: " ….. que les générations précédentes ont tenu comme sacré, les restes sacrés et grands pour nous aussi …"

Cependant, cela est dit, si vous ne voulez pas aller vraiment à une Masse latine, vous ne devez pas. Personne sera forcé à participer dans l'un.

Quant à ma propre et sincère pensée, si vous ne voulez pas aller à une Masse latine au moins deux fois par mois le dimanche, vous auriez manqué probablement une occasion merveilleuse de comprendre la Tradition en vie, grandir plus près à Dieu et à notre Eglise de Mère, et vous sentirez sans aucun doute le regret avec ce que vous avez été donné.

* Đức Ngữ:

Bezweifeln Sie 4: Was ist, wenn ich zu einer lateinischen Messe nicht gehen will?

Antwort: Gut erst würde ich mich fragen, warum ein Katholik so nicht interessiert an unserer Tradition wäre, als so eine Einstellung anzunehmen.

Generationen von Katholiken, besonders unseren Vorfahren, haben die Messe gebetet, haben Unseren Herrn in heiligem Abendmahl empfangen, haben ihr Glaube hingebungsvoll gelebt und mutig, gegeben Kraft und Trost, und ist in Heiligkeit mit der "alten" lateinischen Messe gewachsen.

Kurz sprechen, unsere katholische Erbschaft und moralische Grundlagen, die zu uns heruntergereicht worden sind – Mitglieder vieler jüngerer generationen von unseren Vorfahren wurden streng auf diesem Eckstein von der lateinischen Messe gebaut, und sicherlich, es scheint zu mir, am sehr wenigst aus Rücksicht für sie wir sollten uns anstrengen, zu schätzen, oder sogar Schatz, dass, der sie gegeben hat, deshalb viel.

Solche adligen Taten sind sehr viel nötiges von jedem und jedem einem von uns heute zu erhöhen und es aufzubauen, damit wir etwas anständig haben, hinter zu unseren jüngeren Generationen in Jahrhunderten zu geben, zu kommen …

Als der Heilige Vater den den seinem Brief dem Motu Proprio erklärt: "….. was frühere Generationen gehalten haben, als heilig, Überreste heilig und groß für uns auch …"

Jedoch, der zu werden gesagt, wenn Sie wirklich nicht zu einer lateinischen Messe gehen wollen, müssen Sie zu nicht. Niemand wird gezwungen werden, sich an Ein zu beteiligen.

Als für meinen eigenen und aufrichtigen Gedanken, wenn Sie zu einer lateinischen Messe wenigstens zweimal pro dem Monat Sonntag nicht weitergehen wollen, hätten Sie wahrscheinlich eine wunderbare Gelegenheit verpasst, die Lebende Tradition zu verstehen, näher zu Gott und zu unserer Mutterkirche, und Ihnen zu wachsen, werden bestimmt Bedauern fühlen, mit was Sie gegeben worden sind.

Hỏi 5: Vậy tại sao đến bây giờ Đức Thánh Cha mới ban hành ra Tự Sắc này?

Thưa: Ít ra là có 2 lý do để giải thích tại sao Tự Sắc này đến bây giờ mời được Đức Thánh Cha ban hành ra:

Lý Do Thứ Nhất:

Sau khi giới thiệu ra Thánh Lễ theo nghi thức "mới" (tức Thánh Lễ được cữ hành bằng ngôn ngữ hay tiếng nói địa phương của mỗi quốc gia) vào năm 1970, rất nhiều người Công Giáo - bao gồm cả các Linh Mục và giáo dân - tiếp tục mong muốn Thánh Lễ theo nghi thức "củ" (tức Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh).

Tuy nhiên, trong những năm đầu sau khi có sự thay đổi về Thánh Lễ theo nghi thức "mới", tại hầu hết khắp nơi, Thánh Lễ theo nghi thức "củ" đã hoàn toàn bị bãi bỏ, và thậm chí rất nhiều người còn được bảo rằng hay có tin đồn rằng Thánh Lễ theo nghi thức "củ" đã bị Tòa Thánh bãi bỏ hoặc cấm hẳn ngay.

Đây là điều Không Đúng Sự Thật.

Và vì có rất nhiều người Công Giáo vẫn còn rất mong muốn Thánh Lễ theo hình thức cổ điển được cử hành, cho nên vào năm 1984 Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phải nới rộng ra một "sự cho phép đặc biệt" (hay "indult"), nhằm cho phép các Linh Mục được cử hành Thánh Lễ theo nghi thức Rôma cổ điển với sự cho phép của Đức Giám Mục.

Văn kiện nới rộng "sự cho phép đặc biệt" này thúc giục các vị Giám Mục rộng rãi cho phép điều này được xảy ra.

Rủi thay, có một số vị Giám Mục đã không tuân thủ theo đúng tinh thần của "sự cho phép đặc biệt" này, hoặc thậm chí thẳng từ chối những vị Linh Mục nào mong muốn được cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh cho các giáo dân, hoặc cố tình tạo ra nhiều điều kiện nhằm gây khó dễ, cản trở hay cố tình chối từ gánh nặng của việc yêu cầu có Thánh Lễ theo nghi thức cổ điển được cử hành, nếu không muốn nói là cấm hẳn hoàn toàn Thánh Lễ La Tinh.

Lý Do Thứ Hai:

Tự Sắc này được Đức Thánh Cha ban hành ra là vì Ngài có một sự quan tâm rất đặc biệt đến đời sống phụng vụ chung hết cho cả Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Trong rất nhiều thập niên theo sau Công Đồng Chung Vaticăn II và việc triển khai Thánh Lễ theo hình thức "mới," Đức Cựu Hồng Y Ratzinger lúc đó, cùng rất nhiều vị thần học gia lỗi lạc và các học giả khác của Giáo Hội nhận thức ra được rằng: ý hướng và mục đích của các Cha Tổ Phụ Công Đồng đã không được đáp ứng một cách trọn vẹn và triệt để, thậm chí còn tệ hại hơn nữa là tại một số nơi những ý hướng và mục đích nguyên thủy của các Cha Tổ Phụ Công Đồng đã không được đáp ứng một tí nào cả. Hay nói khác, đã thẳng thừng bị bỏ lơ bởi các vị điều hành Giáo Hội bản quyền.

Lấy ví dụ, một số điều khoản có liên quan đến việc giữ lại tiếng La Tinh trong các phần nào đó trong Thánh Lễ theo hình thức mới, phần lớn đã bị coi thường và bỏ qua.

Hơn thế nữa, điều đã trở nên quá rõ ràng, như Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã viết trong lá thư giải thích của Ngài rằng:

"..... tại rất nhiều nơi, việc cử hành phụng vụ đã không còn trung thành nữa so với những chỉ dẫn của Thánh Lễ theo hình thức 'mới', rủi thay Thánh Lễ theo hình thức 'mới' lại được hiểu nhầm rằng nó cho phép và thậm chí đòi hỏi cả sự sáng tạo của riêng cá nhân, hay của những tập thể, vốn thường dẫn đến việc làm cho méo mò đi hình thức đúng đắn nhất của phụng vụ."

[Điều này chúng ta - những người tín hữu có kiến thức vững vàng về phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo - dễ nhận thấy được khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ tại các nhà thờ ở Việt Nam hay thậm chí ngay cả tại nước Mỹ nữa mà NV tôi không tiện đề cập tại nơi đây].

Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 giải thích thêm rằng:

"Không có sự tương phản hay khác biệt nào giữa hai hình thức cử hành Thánh Lễ theo Lễ Nghi Rôma [tức Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng địa phương và Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh - NV] cả. Trong lịch sử của phụng vụ, có sự gia tăng và tiến bộ, chứ không hề có 'sự tuyệt giao' hay 'sự gián đoạn' (rupture) nào cả."

Như chính Đức Thánh Cha đã từng ám chỉ đến điều này trong Thông Điệp mà Ngài đã ban hành ra vào năm ngoái có tên "Sacramentum Caritatis" (tức về "Bí Tích của Lòng Bác Ái" hay "The Sacrament of Charity"), qua đó Ngài ước mong rằng:

"Chúng ta phải biết khôi phục và phục hồi lại một cách trọn vẹn về truyền thống đích thực của Công Giáo trong việc phụng tự của chúng ta, vì chỉ có làm như vậy thì Đức Tin của chúng ta mới có thể hoàn toàn được cắm rể sâu từ chính nguồn Đức Tin nguyên thủy được truyền lại cho chúng ta từ thời của các Vị Tông Đồ mà thôi."

Hỏi 6: Thế tôi phải nên làm gì sau khi hiểu biết về Tự Sắc này của Đức Thánh Cha?

Thưa: Trước tiên, nếu như Quý Vị chưa quen với hình thức "củ" của Thánh Lễ, hay chưa quen gì cả đến truyền thống La Tinh, thì Quý Vị hãy cố dành thời gian để tập làm quen dần.

Như đã đề cập trong bài viết có nhan đề "Lần Chuổi Mân Côi bằng tiếng La Tinh", Quý Vị trong 1 tháng nên dành ra ít nhất là 2 Chủ Nhật để đến tham dự Thánh Lễ La Tinh tại bất kỳ Giáo Xứ nào trong Giáo Phận của Quý Vị vốn có cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh.

Quý Vị nên đến Nhà Thờ đó sớm hơn giờ diễn ra Thánh Lễ, ít nhất là 45 hay 60 phút gì đó, để gặp các giáo dân Mỹ hay thậm chí các vị Linh Mục người Mỹ, để nhờ các Vị này chỉ vẽ cho Quý Vị về sách nào cần phải đọc qua, và phần nào cần phải lưu tâm tới, hay trang nào cần phải được dỡ ra để theo dõi trong Thánh Lễ, vân vân....

Không còn nghi ngờ gì nữa, dần dần sẽ có thêm rất nhiều các sách báo, các bài viết, các buổi hội thảo, và các kỳ đại hội nói về Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh, hay về Truyền Thống La Tinh sống động của Giáo Hội, mà Quý Vị nên nắm bắt ngay, hay nên ghi danh để tham dự ngay, vì suy cho cùng, Quý Vị càng hiểu biết nhiều về Đức Tin Công Giáo của mình bao nhiêu, thì Quý Vị càng có thể sống trọn một đời sống Kitô hữu đích thực hơn nhiều bấy nhiêu!

Hoặc Quý Vị cũng nhờ Cha Sở hay Đức Giám Mục địa phận, hay các Cha Giáo Sư Chủng Viện, hoặc các Soeurs, các Thầy thời xa xưa, đứng ra tổ chức các lớp huấn luyện về ngôn ngữ La Tinh, và về Truyền Thống La Tinh sống động của Giáo Hội.

Một điều mà tôi dễ dàng nhận thấy - ngay tại đất nước Hoa Kỳ này là: càng ngày càng có nhiều vị Linh Mục trẻ người Hoa Kỳ cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh rất hay, rất chuẩn, và rất sốt sắng - một điều mà tôi rất hiếm thấy nơi các vị Linh Mục trẻ gốc Việt Nam chịu chức tại Hoa Kỳ lẫn tại quê nhà.

Thêm vào đó, các giáo dân Mỹ, đặc biệt là các cô-cậu tí hon người Mỹ mới có 7, 8 hay 10 tuổi gì đó đọc tiếng La Tinh rất hay, và theo dõi Thánh Lễ La Tinh rất tập trung và rất sốt sắng - chứ không có đùa giỡn, hay la ó, hoặc khóc lóc, chạy nhảy, nói chuyện và đùa giỡn - như các trẻ em Việt Nam mà tôi vẫn thường thấy mỗi khi đi dự Thánh Lễ bằng tiếng Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Kế đến, Quý Vị hãy kiên nhẫn!

Sẽ mất thời gian để tìm ra cách làm sao để triển khai ý muốn của Đức Thánh Cha một cách có hiệu quả và tốt nhất, tại mỗi giáo phận lẫn giáo xứ trên khắp thế giới. Chúng ta - những người tín hữu Công Giáo - phải cần có thời gian để tự "điều chỉnh", và thậm chí phải chịu một chút thiệt thòi cá nhân, khi Giáo Hội đòi hỏi và yêu cầu chúng ta phải trưởng thành hơn, phải lớn mạnh hơn về mặt đức tin, và phải tìm mọi cách để đào sâu hơn nữa sự hiểu biết của chúng ta để chúng ta biết sống sao cho đúng với đức tin của chúng ta, trong tư cách là những người Công Giáo "đích thực."

Chúng ta không thể nào trưởng thành hay lớn lên nếu như chúng ta cứ mãi dậm chân tại chổ nơi "vũng lầy êm ái" hay nơi "thung lũng êm ái" hay "comfort zone" của riêng chúng ta!

Cuối cùng, chúng ta hãy luôn dâng lời nguyện cảm tạ chân thành và tri ân lên cho Thiên Chúa vì sự hiểu biết uyên thâm và vì tính khôn ngoan của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 trong việc mang lại món quà vĩ đại này cho cả Giáo Hội Công Giáo trên khắp hoàn vũ. Ngài đang cho phép Giáo Hội tái chiếm hữu lại (re-appropriate) Truyền Thống Sống Động (Living Tradition) vốn đã được lưu truyền xuống cho chúng ta từ chính các Tông Đồ và các Cha Tổ Phụ xưa kia của Giáo Hội.

Nói chung, Tự Sắc "Summorum Pontificum" chính là món quà, là hồng ân vĩ đại nhất mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã trao ban cho chúng ta - và mặc cho những ai chống đối hay cố tình gây chia rẽ, chúng ta phải biết trân quý món quà lớn lao này!

Hỏi 7: Thế tôi muốn đọc thêm nhiều tài liệu thì phải tra cứu vào đâu?

Thưa: Có một số nguồn tài liệu trên mạng Internet chuẩn (tức theo đúng đường lối của Giáo Hội và của Đức Thánh Cha) bằng Anh Ngữ mà chúng ta có thể tham khảo thêm đó là:

(a) Lá Thư Giải Thích của Đức Thánh Cha về Tự Sắc của Ngài tại địa chỉ: http://www.zenit.org/article-20071?l=english và tại địa chỉ: http://www.zenit.org/article-20070?l=english

(b) Trang Web Sancta Missa của Các Tu Sĩ Dòng Thánh Gioan Cantius có những phần chuyên về việc giảng dạy cho chúng ta hiểu biết thêm về Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống bằng Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Ý Ngữ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức Ngữ, La Ngữ, vân vân tại địa chỉ: http://www.sanctamissa.org/

(c) Bản dịch bằng Anh Ngữ về Tự Sắc Summorum Pontificum tại địa chỉ: http://www.zenit.org/article-20071?l=english

(d) Bản dịch Việt Ngữ về Tự Sắc Summorum Pontificum của Cha Trần Công Nghị và KS. JB. Đặng Minh An tại: http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=45439

(e) Bản chỉ dẫn về Tự Sắc của Cô Amy Welborn tại địa chỉ: http://amywelborn.typepad.com/motuproprio/

(f) Chỉ dẫn chi tiết về Thánh Lễ và Truyền Thống La Tinh của các Cha Dòng Thánh Phêrô - một Dòng đặc biệt chuyên về Truyền Thống La Tinh cổ điển bằng Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Ý Ngữ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức Ngữ, La Ngữ, vân vân tại địa chỉ: http://www.fssp.org

(g) Học Viện Chúa Kitô Vua về Thánh Lễ và các Truyền Thống La Tinh sống động tại địa chỉ: http://www.institute-christ-king.org

(h) Tổ Chức Una Voce (One Voice) tức Một Tiếng Nói Duy Nhất nhằm bảo tồn về việc sử dụng đúng với Sách Lễ Rôma 1962 tại địa chỉ: http://www.unavoce.org

(i) Tìm hiểu về Hội Âm Nhạc Thánh Cổ MusicaSacra chuyên về nhạc Thánh, Gregorian Chant và Âm Điệu Khải Hoàn tại địa chỉ: http://www.musicasacra.com/

(j) Tìm hiểu thêm về The 1984 Indult qua sự giải thích của Cô Amy Welborn tại địa chỉ: http://amywelborn.typepad.com/motuproprio/2007/03/the_1984_indult.html

(k) Tìm hiểu và tải xuống Sách Lễ Rôma 1962 trên mạng VietCatholic tại địa chỉ: http://vietcatholic.net/news/pdf/missaleRomanum.pdf

T.B.: Người Viết trong tương lai sẽ bổ sung thêm nhiều nguồn tài liệu quý giá khác trong các bài viết sắp tới!

(*) Fr. Robert Johansen chính là Cha Sở của St. Stanislaus Catholic Church, trong Giáo Phận Kalamazoo, thuộc tiểu bang Michigan. Cha được thụ phong Linh Mục vào tháng 8/2001 sau khi hoàn tất việc tu học tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm Chúa ở Detroit, thuộc tiểu bang Michigan. Cha học về hai môn giáo lý Hy Lạp và La Tinh cổ điển tại trường Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ. Các bài viết của Cha thường xuất hiện trong các tạp chí như: Crisis (Khủng Hoảng), Catholic World Report (Báo Cáo Công Giáo Thế Giới), National Review Online (Điểm Báo Quốc Gia Trực Tuyến).
 
Một diễn từ quan trọng tại Đại hội Truyền thông Công giáo Toronto
Phụng Nghi
12:24 04/06/2008
Toronto – Linh mục Dòng Tên Frederico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh Vatican và đài Radio Vatican, đã đọc diễn từ tại Đại hội Truyền thông Công giáo về đề tài “Khi Đức Giáo Hoàng Nói với Thế Giới: Hoạt Động cùng với Giới Truyền Thông Hiện Đại.” Đây là một bài diễn văn rất sâu sắc và được đón nhận nồng nhiệt. Nguyên văn như sau:

Kính thưa Đức Hồng y Foley, hai Đức Tổng giám mục Celli và Prendergast,

Thưa các bạn,

Tôi rất sung sướng được tới Toronto đây để tham dự Đại hội Truyền thông Công giáo và tôi thành thật cám ơn Hiệp hội Báo chí Công giáo Hoa kỳ và Canada, Học viện Công giáo về Nghệ thuật Thông tin Chuyên nghiệp, Hiệp hội các nhà Truyền thông Công giáo Canada, và ban tổ chức đã rất ân cần giới thiệu tôi. Tôi tri ân Cha Thomas Rosica, C.S.B., đồng chủ tọa Đại hội Truyền thông năm nay, đã dùng những lời lẽ tốt đẹp để giới thiệu tôi.
Lm Frederico Lombardi


Thật là một đặc ân được đứng trước hàng trăm vị nam nữ đang làm việc trong các lãnh vực truyền thông và báo chí Công giáo tại Bắc Mỹ. Quý vị là những sứ giả nối kết con người lại với nhau. Chúng ta tất cả đều tham gia vào công tác thông tin, dùng các từ ngữ để xây dựng, nối kết con người trên khắp mặt địa cầu, làm cho cuộc sống có ý nghĩa sâu xa hơn, và phục vụ chân lý.

Như các bạn biết, tôi giữ nhiều trách vụ trong Giáo hội và nơi Dòng Chúa Giêsu! Trong vai trò Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, tôi làm việc gần gũi với Đức thánh cha và Giáo triều. Tôi cũng trông coi hai bộ phận truyền thông quan trọng của Tòa thánh: đó là Đài Truyền hình Vatican và Đài Phát thanh Vatican.

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn một số cảm nghĩ riêng tư của tôi về những công việc tôi làm trong lãnh vực truyền thông ở Vatican. Trong những năm qua, một số bạn đã hỏi tôi về các vấn đề này, nơi riêng tư cũng như chốn công cộng. Khi lớn tiếng suy tư cùng các bạn hôm nay, tôi hy vọng sẽ khuyến khích các bạn trong công việc quan trọng chính các bạn đang làm để phục vụ Giáo hội và chân lý.

Những ý nghĩ về truyền thông: Suy tư và học hỏi từ kinh nghiệm

Bao giờ cũng vậy, cứ mấy ngày sau khi kết thúc một chuyến tông du, ba hoặc bốn người có trách nhiệm trong ngành truyền thông Vatican đã tháp tùng phái đoàn của Đức giáo hoàng, được mời tới vừa ăn trưa vừa làm việc với Đức thánh cha Gioan Phaolô II và Đức ông thuộc phủ Quốc vụ khanh phụ trách theo dõi các bài tường thuật in trên báo chí quốc tế về chuyến đi. Đức giáo hoàng muốn biết chuyến tông du được giới truyền thông tường thuật ra sao. Ngài muốn suy tư cùng với các cộng sự viên xem những thông điệp nào đã được “thẩm thấu”, thông điệp nào không. Ngài muốn biết sứ điệp của ngài có tới được quảng đại quần chúng hay không.

Lần nào ngài cũng làm như vậy, cho dù đó là sau chuyến du hành thứ một trăm, lúc mà ai cũng nghĩ là ngài đã biết rõ giới truyền thông phản ứng như thế nào rồi… Dĩ nhiên bao giờ đó cũng là một bữa ăn trưa thoải mái… nhưng rõ rệt là một buổi vừa ăn vừa làm việc. Đức giáo hoàng biết chính xác điều ngài muốn qua buổi họp kiểu như thế này và ngài không bao giờ để cho cuộc chuyện trò lạc đi quá xa đề tài chính.

Sau khi đắc cử, lúc ĐGH Bênêđictô XVI biết được truyền thống này của vị tiền nhiệm, ngài quyết định cũng làm như thế. Thế là sau mỗi chuyến tông du, chúng tôi có một cuộc đàm đạo không chính thức về cách thức giới truyền thông đã tường thuật về chuyến đi ra sao. Tiến trình này in sâu ấn tượng trong tôi. Nó nói nhiều về mối liên hệ của hai vị giáo hoàng với giới truyền thông, về sự chú tâm của các ngài coi truyền thông như là chiều kích cuộc sống mỗi một ngày, về ý thức của các ngài biết rằng truyền thông là căn bản và cần thiết khi muốn truyền rao bất cứ thông điệp nào. Đó là một ý thức an hòa và khiêm tốn, cố tìm hiểu và áp dụng động lực của thông tin trong thế giới ngày nay, không chút sợ hãi, không có điều kiện.

Đức giáo hoàng Bênêđictô biết, cũng như Gioan Phaolô II đã biết, điều nào ngài muốn nói, và điều nào ngài nên nói. Chẳng điều nào phải thay đổi cho phù hợp với sứ điệp của các ngài, do vì sợ hay vì yêu giới truyền thông. Và cả hai vị đều thực sự để ý xem thông điệp có được hiểu rõ hay không.

Một thái độ tích cực đối với người khác, với những người khác quan điểm của ta.

Dường như đối với tôi, một trong những lý do ĐGH Bênêđictô XVI có được sự đón tiếp tốt đẹp tại Hoa kỳ là do bước tiến thân ái và tích cực của ngài về phía nhân dân Mỹ. Ngài đã hiểu cách diễn tả các giá trị làm nền móng cho lịch sử của dân tộc Hoa kỳ từ lúc khởi đầu: đó là lòng yêu mến, tôn trọng tự do và cảm nghiệm tôn giáo, niềm ao ước xây dựng một xã hội thân thiện và kính trọng người khác cũng như tín ngưỡng của người khác.

Người ta tin tưởng rằng sự gặp gỡ và trao đổi những tặng vật này sẽ góp phần vào sự lớn mạnh của phẩm giá và trách nhiệm của mọi người liên hệ. Liên quan tới sự tán thưởng căn tính của dân tộc Mỹ là việc phẩm định hiện tại và lời khuyến khích dân chúng nhìn về tương lai để xây dựng tương lai đó theo cách thức phù hợp với sứ mạng của họ. Trong tiến trình này, Bênêđictô XVI hành động rất giống đường lối của Gioan Phaolô II.

Tôi được đi theo thật cận kề bên ĐGH Gioan Phaolô II, nên lúc nào cũng cảm động sâu xa về phong cách có thẩm quyền của ngài khi cất tiếng nói với nhân dân thế giới – như một “thày dạy các dân tộc”. Trong bài diễn từ quan trọng lần thứ hai đọc tại LHQ năm 1995, cũng như trong các dịp khác, Gioan Phaolô II nói về “gia đình các dân tộc”, về sự công nhận quyền của các dân tộc, về căn tính, nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống của họ. Ngài nói về quyền tự quyết của họ. Bài diễn văn này có tiếng vang vọng đặc biệt và cụ thể trong các chuyến tông du của ngài đến nhiều quốc gia khác nhau. Trong những chuyến đi này, Đức giáo hoàng thường tự mình nói chuyện, không phải với các chính phủ, mà với dân chúng, ngay từ đầu, coi họ như là những chủ thể lịch sử sống động.

Cá nhân tôi cảm thấy sức mạnh trong cách nói này, suốt thập niên 1990 khi Đức giáo hoàng công du tới những quốc gia vừa thoát khỏi sự thống trị của cộng sản hoặc chỉ mới giành được được độc lập. Bằng những nét phác họa mạnh và lớn, Gioan Phaolô II gợi lên lịch sử của từng dân tộc, vị trí địa dư, các nhân vật vĩ đại và hàng đầu của họ. Theo đường lối đó, ngài xác định sứ mạng đặc biệt của mỗi dân tộc như là một chủ thể lịch sử. Ngài thách đố họ đảm nhiệm các trách vụ tập thể nhằm đem tài năng và óc sáng tạo của họ ra phục vụ gia đình các dân tộc.

Làm như thế, ngài triển dương một tinh thần ái quốc lành mạnh – thật khác biệt với chủ nghĩa quốc gia – đem lồng chính tinh thần này một cách tích cực vào một chân trời rộng lớn hơn nhiều: đó là một viễn tượng thích thú làm phong phú các trao đổi và chung sống đặt căn bản trên sự tôn trọng và tình yêu thương, chứ không phải trên cách hành xử không kềm chế được do lợi thế của kẻ mạnh. Trong lá thư đánh dấu 50 năm ngày chấm dứt Thế chiến II, Gioan Phaolô II đặt công thức cho một điều răn mới: “Yêu các dân tộc khác như yêu chính dân tộc mình”.

Tôi tin rằng chưa hề có một nhân vật lịch sử nào khác có khả năng đảm nhiệm vai trò “người thày các dân tộc” có thế giá như Gioan Phaolô II, người được chấp nhận rộng rãi theo nhãn quan luân lý. Ngài được công nhận là nhân vật thẩm quyền ở mức độ cao hơn, một mức độ vượt lên trên các xung đột và quyền lợi phe phái. Đó là lý do tại sao ngài rất đáng tin cậy khi ngài đề cập đến các giá trị được thế giới công nhận, đến công ích phổ quát. Bằng diễn từ đọc trước LHQ và cuộc gặp gỡ Hoa kỳ, Bênêđictô XVI đi đúng vào con đường đó với thành quả càng ngày càng gia tăng.

Đối với tất cả những người trong ngành truyền thông Công giáo, không chỉ đối với riêng những ai làm việc rất kề cận Đức giáo hoàng, khoa sư phạm về các dân tộc này trở thành trường học tuyệt vời dạy dỗ sự cởi mở tâm hồn và trí tuệ cho mọi người, về tình bằng hữu và ao ước đối thoại cũng như gặp gỡ với những người khác biệt chúng ta. Nó chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia thiển cận. Cũng nên nhớ thêm, chẳng hạn, lời đề cập rõ rệt của Đức giáo hoàng Bênêđictô đến nhu cầu phải có một thái độ cởi mở, đón chào đối với các di dân và tôn trọng quyền làm người của họ.

Suốt 17 năm phục vụ tại Đài Phát thanh Vatican, làm việc với các cộng sự và đồng nghiệp thuộc 60 quốc tịch khác nhau, tôi hơn bao giờ càng nhận thức rõ rệt và xác quyết rằng chúng ta phải dùng sức mạnh của ngôn từ chỉ để đem các dân tộc xích lại gần nhau chứ đừng bao giờ đẩy họ ra xa, để đem lại hòa bình chứ không phải tạo ra xung đột, để giúp hiểu nhau, đối thoại, xây dựng một cộng đồng phong phú hơn, chính bởi vì đó là kết quả hợp lại của biết bao nhiêu là tài năng.

Nhấn mạnh trước nhất và cao nhất vẻ đẹp của đời sống Kitô

Trong cuộc trò chuyện với một nhóm ký giả Đức chẳng bao lâu sau chuyến du hành của Đức giáo hoàng Bênêđictô tới Valencia (Tây Ban nha) để dự Ngày Thế giới về Gia đình, một người trong đám hỏi ngài tại sao lại chọn không nói đến sự kiện là chính quyền Zapatero rất hung hăng đối với quan điểm của người Ktiô giáo về gia đình. Đức giáo hoàng đáp lại rằng ngài chỉ có 20 hoặc 30 phút để đọc hai bài diễn từ, nên ngài chọn dùng thời gian đó một cách tích cực để trình bày tư tưởng đẹp đẽ về Gia đình Kitô giáo. Khi có thời giờ dành cho các diễn văn phong phú và công phu hơn, thì chúng ta cũng cần nhắc đến các điểm tiêu cực nữa. Nhưng lúc nào cũng cần phài có một tiêu chuẩn, một thứ bậc khi trình bày luận điểm Kitô giáo. Hiển nhiên, điều gì quan trọng, tích cực phải chiếm hàng đầu. Không phải tình cờ mà Tông thư đầu tiên của Đức giáo hoàng là về Tình Yêu, tông thư thứ hai là về Hy vọng. Cũng không phải tình cờ mà cuốn sách thứ nhất của ngài là về Chúa Giêsu, Đấng trình bầy cho chúng ta khuôn mặt của Thiên Chúa.

Cả khi nói với giới trẻ nữa, ngay trong bài giảng hôm Thánh lễ mở đầu triều đại giáo hoàng của ngài, Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng đạo của chúng ta chẳng phải là một tôn giáo của những điều cấm đoán, của những “đừng thế này, thế nọ”, mà là dựa trên những từ vĩ đại “xin vâng” của tình yêu. Khoa sư phạm về thánh thiện, cách trình bày những mẫu mực cụ thể, hấp dẫn về sự thánh thiện, về cuộc đời các Kitô hữu trọn lành, mà Gioan Phaolô II đề cao một cách rất rõ rệt và Bênêđictô XVI tiếp tục đề cao bằng một hình thức ôn hòa hơn, cùng đi theo con đường này.

Là những người làm truyền thông, chúng ta đừng để cho mình rơi vào huyền thoại về một lối thông tin nghĩ mình phải dùng luận chiến mới có hiệu quả. Ngoài kia có nhiều tin tốt, có nhiều gương tốt có thể lôi kéo được sự chú ý. Mẹ Têrêxa đã biết cách lôi cuốn nhiều người bằng vẻ đẹp của đức bác ái và sự thánh thiện.

Dĩ nhiên chúng ta phải thực tế. Chúng ta phải biết cách nhận ra và tố cáo điều ác, các mối nguy cơ và mục tiêu gây chết chóc trong nền văn hóa đương đại. Về vấn đề này, ĐGH Bênêđictô XVI thật rõ ràng và quả quyết. Về vấn đề này, ngài từ chối thỏa hiệp. Ngài thường xuyên và thẳng thắn phê phán chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa vị kỉ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa khoái lạc, nhất là về các khuynh hướng hiện đại trong nền văn hóa châu Âu. Ngài tin chắc rằng các giá trị đang bị lâm nguy, những giá trị cực kỳ quan trọng cho nhân loại, cho xã hội và cho tương lai. Ngài tin chắc rằng cách điều khiển cuộc sống và việc làm sai lạc mối quan hệ đúng đắn giữa một người nam và một người nữ, đặt ra mối nguy cơ trầm trọng cho nhân loại. Ngài tin chắc rằng sự khép lại tầm nhận thức siêu việt gây cho chúng ta mất mát các điểm căn bản để giải quyết, và ngài chủ trương rằng nhiệm vụ của ngài phải rõ ràng nói lên như thế.

Tuy nhiên chúng ta phải cẩn thận, đừng để bị giam hãm trong một tầm nhìn tiêu cực, như nhiều người trong giới truyền thông đã có những cái nhìn thiếu tự tin và đầy thiên kiến về Giáo hội, đôi khi cố ý. Nếu người đương thời coi chúng ta chỉ như những kẻ thù địch với cái mới, chúng ta sẽ bị tách rời khỏi cuộc đối thoại là nền móng của tương lai.

Một lần nữa, tôi thiết nghĩ rắng những bài diễn từ của Bênêđictô XVI trong cuộc viếng thăm Hoa kỳ mới đây là một thí dụ đặc biệt có hiệu quả về sự quân bình giữa thông điệp tích cực và lời xác định rõ ràng cái xấu, chia rẽ, yếu kém và nguy hiểm. Cách tốt đẹp nhất là cách tránh các cạm bẫy của chủ nghĩa lạc quan ngây thơ và chủ nghĩa bi quan cấp tiến, của những người không tin vào sự hiện hữu và sức mạnh của ân phước.

Tin vào chân lý và kiên nhẫn khi rao truyền các sứ điệp quan trọng

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI không đọc diễn văn trước LHQ để “khoa trương”. Ngài đã không dùng thứ ngôn ngữ nhằm để thắp lên ngọn lửa tưởng tượng hoặc gây ra cảm thức. Ngài muốn thăm dò xuống những tầng sâu, muốn xác định các nguyên tắc căn bản, để cho Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền không dần dần mất đi sức mạnh làm điểm tham chiếu cho toàn thể nhân loại, và để cho cộng đồng các dân tộc có thể đặt mình trên các nguyên tắc khách quan. Ngài muốn thực hiện một sự đóng góp bền vững trên đó những người có trách nhiệm duy trì sự hài hòa và chung sống hoà bình giữa các dân tộc có thể suy nghĩ và hành động về lâu về dài.

Cả khi đề cập đến trào lưu đại kết, Bênêđictô XVI không chỉ đưa ra những tuyên bố có tính cách thiện chí. Ngài mời gọi mọi người tìm kiếm các điểm chung, ngay từ nguồn gốc và nền móng của đức tin và cộng đồng giáo hội. Trong bài giáo lý trong những buổi Triều yết Chung hàng tuần, Đức giáo hoàng thường trở lại đề tài về sự liên hệ giữa đức tin và lý trí, duyệt xét lại lịch sử tư tưởng Kitô giáo, trình bày các nhân vật trong hàng ngũ các Giáo Phụ.

Chúng ta có thể tự hỏi những lời giáo huấn này có “thấm” được không, có thâm nhập được vào tâm cảnh của các nhà lãnh đạo thế giới, có đem xích lại gần nhau các tông phái Kitô giáo có khuynh hướng tách rời xa nhau hơn khi đáp ứng với các thử thách của thời đại tân tiến, có thực sự đi vào suy nghĩ và văn hóa chung của các tín hữu hay không. Đó là một phương pháp giảng dạy bày tỏ sự tôn trọng cao nhất đối với tâm trí của con người, sự tin tưởng vô điều kiện vào lý trí con người và khả năng của lý trí trong việc hướng dẫn nhân loại đến chân lý và điều thiện, nếu như lý trí hợp tác với ánh sáng đến từ đức tin và lòng bác ái.

Đó là câu trả lời Đức giáo hoàng phát biểu hàng ngày đối với chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa vị kỷ. Về phần chúng ta, chúng ta cần xem xét coi chúng ta trong giới truyền thông có thể làm cách nào tốt nhất để biến sứ vụ này thành sứ vụ của chúng ta. Chúng ta phải hoan nghênh tất cả những gì chuyển về hướng chân lý và là mục tiêu của tin tức, theo đúng thứ bậc ưu tiên và giá trị, đừng đuổi theo tin nhặt được để đăng trước các báo khác, hoặc một mẩu tin gây xúc động. Tôi tin chắc rằng là người làm truyền thông chúng ta không thể làm nô lệ cho tốc độ và tính chất tức thời. Mà chúng ta phải tin tưởng hơn vào kết quả của công việc phân tích thường làm mất thời giờ.

Đừng né tránh các vấn đề khó khăn nhưng có can đảm nói lên sự thật

Như tất cả chúng ta đều biết, điểm quan trọng người ta trông đợi Đức giáo hoàng sẽ đề cập khi ngài viếng thăm Hoa kỳ là cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Trong nhiều tháng, người ta hỏi xem ngài sẽ nói gì không, ngài giải quyết vấn đề ra sao, ngài có tránh né câu hỏi hay không. Rõ ràng là ngài không thể lẩn tránh chủ đề này vì đó là nỗi khó khăn đã ghi bao nhiêu đớn đau lên đời sống của Giáo hội trong những năm qua. Dấu hiệu đầu tiên nơi công cộng cho biết Đức giáo hoàng sẽ nói về vấn đề này xuất hiện trong bài phỏng vấn Đức Hồng y Quốc vụ khánh Tòa thánh một tuần lễ trước ngày khởi hành của Đức thánh cha. Hai ngày trước chuyến đi, khi tôi thu thập những câu hỏi của các ký giả cùng đi trên chuyến bay của Đức giáo hoàng để đệ trình ngài, tôi không ngạc nhiên thấy những câu hỏi về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục thường được đặt ra nhiều nhất.

Những câu hỏi về vấn đề di dân đặt ra do các ký giả tiếng Spanish đứng hàng thứ hai. Quyết định của Đức giáo hoàng trả lời trên chuyến bay – nói bằng Anh ngữ và không chuẩn bị trước - làm chính tôi cũng phải ngạc nhiên. Những lời thành thực và can đảm của ngài được ngay sự kính trọng và lòng ưu ái của không biết bao nhiêu người. Chuyện kế tiếp xảy ra tất cả các bạn đều biết rồi. Các bạn đã nghe lời đề cập đến vấn đề này của Đức giáo hoàng nhiều lần. Các bạn cũng nhớ đến cuộc gặp gỡ của ngài với một số nạn nhân và quyết định giữ cuộc họp ở mức kín đáo và tôn trọng nhất. Mặc dầu có tính cách riêng tư, cử chỉ này bổ xung cho lời nói của Đức thánh cha và làm cho các lời nói đó xác tín hơn. Nguyên tắc chung là chúng ta phải nhớ khi xem xét tính hiệu quả của tin tức, một nguyên tắc theo đó Giáo hội hàng bao thế kỷ có kinh nghiệm trong phụng vụ của mình: đó là lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau, bổ túc cho nhau.

Điều quan trọng thiết yếu là phải nói đúng sự thật bằng vẻ trong sáng và giản dị. Mọi điều hàm hồ, tính dè dặt, và tệ hơn nữa, mọi cố ý che dấu sự thật kết cuộc sẽ đòi hỏi một giá đắt. Những nỗi thăng trầm liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã là chúng cớ nặng cân nhất về điều này. Đức giáo hoàng hiểu rõ rằng muốn hàn gắn các vết thương của quá khứ cần phải có một thứ thành thật tuyệt đối không do dự. Chúng ta biết ơn Đức giáo hoàng Bênêđictô về điều đó.

Hãy là chính mình

Đồng thời với tính chân thành trong ngôn từ, có tính chân thành trong cách xử thế: đó là cách thức con người sống cuộc đời mình. Mỗi người cần phải là chính mình và giao tiếp cách nào cho hợp với nhân cách của mình. Tôi thường tự hỏi Gioan Phaolô II xử sự ra sao để được sự tôn trọng và chú ý của giới truyền thông tốt trên thế giới, bằng cách nào ngài đạt được chỗ đứng của một người có uy thế về luân lý cao thượng, làm sao ngài trở thành một người đáng tín cẩn như thế về hòa bình. Đây là điều không tự dưng mà có, cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều kẻ làm trong ngành truyền thông, và nhiều người chỉ huy họ nữa, đã miệt mài trong một nền văn hóa tuyệt nhiên không muốn phục vụ cho Giáo hội và cho tính vững chắc đòi hỏi về luân lý của Gioan Phaolô II. Tuy vậy, theo với thời gian, nhiều người trong số những kẻ phê phán ngài bắt buộc phải nhìn nhận thẩm quyền độc đáo của ngài, người quán quân hoạt động cho Thiên Chúa và vì nhân loại.

Ngoài tài phú bẩm có thể biểu lộ về con người mình, lý do tại sao giới truyền thông bị thuyết phục trong mối liên hệ với Gioan Phaolô II theo tôi là như sau: Gioan Phaolô II luôn luôn mở tấm lòng ra với thế giới và luôn luôn chứng tỏ như thế. Ngài luôn thật thà và chân thành trong mối quan hệ với Thiên Chúa và với người khác, hoàn toàn “phù hợp” – có thể nói như thế - với lương tâm mình trong cương vị là một con người, một Kitô hữu, một mục tử. Đó là nơi ngài lấy được sự can trường và vẻ dễ dãi tự nhiên để xử sự, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, với lòng thanh thản và có lúc bày tỏ cả sự bất bình giận dữ với điều ác. Đó là lý do ngài có thể biểu lộ con người mình ra, mạnh mẽ cả trong lời nói và việc làm, không lướt qua chút ấn tượng nào cho thấy ngài cố tìm sự chấp nhận, cố khuất phục trước sức mạnh của truyền thông.

Giới truyền thông cuối cùng hiểu được rằng họ đang đương đầu với một người không khiếp sợ họ, một người không để họ thống trị. Họ nhận ra đang đối đầu với một người có điều gì (hoặc nhiều điều) quan trọng để nói cho thính giả của họ. Họ nhận ra họ đang đương đầu với một người giúp họ tái khám phá ra mục đích đích thực của công việc họ làm, người khuyến khích họ tránh chơi trò gian lận để được chấp nhận.

Bênêđictô XVI lại rất khác với Gioan Phaolô II. Nhưng với thời gian, giới truyền thông sẽ biết ngài nhiều hơn. Không phải chỉ các giáo huấn của ngài có tính sâu xa và mạch lạc, nhìn gần lại, ngài là một con người thân ái, hiền hậu, khiêm tốn. Đôi lúc điều này chứng tỏ đó là một sức mạnh có hiệu quả nhất. Khi ngài thăm đền Hồi giáo ở Istanbul, chẳng hạn, trong một cuộc du hành cực kỳ tinh tế để tìm cách đối thoại với thế giới Hồi giáo sau những cuộc thảo luận và hiểu lầm chung quanh bài diễn từ tại Regensburg của ngài, máy thu đài Truyền hình cho thấy một vị Giáo hoàng thành kính và khiêm tốn để cho vị Giáo trưởng hướng dẫn mình, đứng yên lặng cầu nguyện hướng về Mecca. Một hình ảnh như thế đáng giá hơn cả chục lời tuyên ngôn lý thuyết về sự tôn trọng Hồi giáo.

Tại New York, vào cuối buổi lễ cử hành tại Nhà thờ chính tòa và dọc theo Đại lộ số Năm, chúng ta thấy niềm vui của vị giáo hoàng khi ngài đáp ứng lại niềm hân hoan của các tín hữu và người dân thường. Điều này minh họa sự chân thành trong những lời ngài lặp đi lặp lại về chuyến đi của ngài: “Tôi đến đây để ủy lạo và khuyến khích các bạn. Nhưng cả các bạn nữa cũng đã khuyến khích lại tôi!”

Bênêđictô không chỉ còn là một vị giáo sư lớn nữa. Càng ngày ngài càng trở nên một vị mục tử dấn thân phục vụ con người. Điều tùy thuộc vào chúng ta trong giới truyền thông là có tìm ra cách thức tận dụng các đặc tính này ẩn giấu trong một hình ảnh trước đây chưa đầy đủ về cá tính của ngài còn khuất chìm trong bóng tối.

Những dấu chỉ hy vọng

Để kết luận, tôi muốn nhắc nhớ lại một ít câu chuyện đã nuôi dưỡng niềm hy vọng của tôi trong lúc phục vụ ngành truyền thông cho Đức giáo hoàng và Tòa thánh. Tôi tin tưởng những chuyện này cũng nuôi dưỡng niềm hy vọng của các bạn nữa khi đóng vai trò là những người làm truyền thông. Từ đáy sâu tâm hồn của nhiều người, vẫn có niềm hy vọng mong mỏi điều gì tốt đẹp. Sau vụ 11 tháng 9 năm 2001, vào ngày châu Âu quyết định cử hành một phút yên lặng mặc niệm các nạn nhân, ngay sáng sớm đã có điện thoại gọi tới Trung tâm Truyền hình Vatican. Đó là những cú điện thoại gọi từ các hãng Truyền hình yêu cầu có được các hình ảnh Đức giáo hoàng đang cầu nguyện. Tôi nói với thư ký của Đức giáo hoàng là Tổng giám mục Dziwisz, và buổi trưa hôm đó các nhân viên thu hình đài đã tới Castel Gandfolfo, quay cảnh Đức giáo hoàng đang tĩnh lặng cầu nguyện. Các bức hình này ngay mấy phút sau đã xuất hiện vòng quanh thế giới. Tôi xin minh xác: Tôi không phải là người đề nghị chuyện đó. Các hãng Truyền hình khác yêu cầu tôi làm thế, vì họ tiên đoán khán thính giả của họ ước muốn như thế. Con người đang chịu đau khổ và muốn thấy Đức giáo hoàng cầu nguyện. Giám đốc điều hành các đài Truyền hình hiểu được điều đó và yêu cầu những bức hình như thế. Theo đường hướng này họ giúp đáp ứng được nguyện vọng của dân chúng.

Đó là những hình ảnh đến trong tâm tưởng tôi khi tôi nhìn cảnh Đức giáo hoàng Bênêđictô cầu nguyện tại Ground Zero. Buổi cầu nguyện ở Ground Zero cũng là một trong những giây phút mạnh mẽ và xúc động nhất trong thời gian Đức giáo hoàng thăm viếng Hoa kỳ. Đôi lúc chỉ vì những hình ảnh này kém xuất hiện hoặc ít được nói đến, nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng người ta không có trông chờ và ao ước trong tâm linh đâu. Những điều đó luôn ở trong lòng họ, mặc dầu không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy.

Hơn nữa, cái chết của Gioan Phaolô II và sự tham dự của cả loài người, là biến cố truyền thông vĩ đại nhất trong lịch sử thông tin xã hội. Đó là biến cố lớn lao nhất và là một biến cố tích cực. Bất chấp mọi điều kinh khủng mà Truyền hình và Internet có khả năng làm được, điều vĩ đại nhất mà họ đã làm lại là một điều tốt! Như vậy, cuối cùng thì các sứ điệp tốt đẹp đã thực sự thẩm thấu được.

Giáo hội tiếp tục dâng hiến cho chúng ta một viễn ảnh về điều tốt mà giới thông tin xã hội có thể thực hiện để phục vụ xã hội và nhân loại. Tiêu đề các tài liệu của Giáo hội về các đề tài này tất cả đều có tính lạc quan: Miranda Prorsus, Inter Mirifica (Giữa Những Điều Tuyệt Vời), Communio et Progressio (Thông truyền và Tiến bộ), Aetatis Novae, The Rapid Development (Tiến bộ Nhanh)….

Một buổi tối, Gioan Phaolô II đang tham dự buổi cầu kinh với các sinh viên đại học Roma. Cùng với Trung tâm Truyền hình Vatican, chúng tôi đã tổ chức một phương thức nối kết phức tạp hai chiều với các đài Truyền hình của nhiều thành phố khác. Có một lúc Đức giáo hoàng lên tiếng phát biểu: “Truyền hình thật là điều kỳ diệu! Nhờ nó mà tôi nói được với các bạn trẻ của tôi ở Krakow ngay lúc tôi còn đang ở Roma đây…Phúc thay cho Truyền hình!” Tôi rất xúc động. Đức giáo hoàng dậy tôi có cái nhìn tích cực của người Kitô giáo đối với Truyền hình, mà thường thì tôi nghĩ nó là nguồn gốc nhiều vấn đề và tộc ác! Cái nhìn của ngài là một viễn kiến tiên tri, một cái nhìn thấy được bên kia các sự việc, và điều đó giúp ta biến chúng trở thành điều hữu ích: đó là phục vụ điều tốt và con người. Chúng ta đừng nên bao giờ nản chí khi chúng ta thực hiện công tác phục vụ của chúng ta!

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II viết trong tông thư cuối cùng của ngài về truyền thông “Tiến bộ Nhanh (Rapid Development)” như sau: “Người làm truyền thông không chỉ là người thực hiện công việc của mình mà là người “sống” công việc của mình. Là người thông tin, con người truyền đi một quan điểm và do đó trở thành một chứng nhân. Giới truyền thông phải là những chứng nhân của các giá trị tốt cho xã hội. Thông tin và truyền thông trở thành các dụng cụ phục vụ hòa bình, phục vụ sự phát triển của xã hội loài người.”

Chúng ta hãy tiếp tục cùng nhau phục vụ hòa bình, phục vụ sự phát triển của xã hội loài người.

Xin Chúa chúc phước lành cho tất cả các bạn!
 
Được phép cử hành lễ Thánh Phaolô vào ngày Chúa Nhật năm 2009
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:10 04/06/2008
Vatican (Zenit. Org).- Tòa Thánh Vatican cho phép cử hành Thánh lễ cho ngày lễ Trở Lại của thánh Phaolô vào ngày Chúa Nhật năm 2009, năm thánh kính Thánh Phaolô.

Bộ Phụng Tự và Bí Tích hôm Thứ Sáu 30/5 đã ra sắc lệnh cho phép cử hành Thánh Lễ ngày 25/1, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại nhằm ngày Chúa Nhật thứ Ba Mùa Thường Niên.

Một số lễ trùng một ngày Chúa Nhật được đời vào ngày trong tuần bởi vì phụng vụ Chúa Nhật bình thường được ưu tiên.

Sắc Lệnh, được ký bởi Đức Hồng Y Francis Arinze và Tổng Giám Mục Albert Malcolm Ranjith, theo thứ tự là chủ tịch và thư ký của Bộ, giải thích rằng sự ban phép là một phép riêng ban trong năm Thánh Phaolô.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã công bố năm thánh đánh dấu việc kỷ niệm thứ 2.000 năm sinh nhật Thánh Phaolô. Năm Thánh sẽ kéo dài từ ngày 28/6/2008, tới 29/6/2009.

Sắc lệnh công bố: “Tông Đồ Thánh Phaolô, người đã rao giảng chân lý Chúa Kitô cho toàn thế giới sau khi làm người bắt bớ Chúa Kitô, đã hiến mình trong việc sử dụng mọi phương tiện rao giảng Tin Mừng cho các nước, dấn thân với lòng sốt sắng cho sự hiệp nhấp và hoà thuận của mọi người Kitô hữu, đã luôn được và tiếp tục được sùng kính bởi các tín hữu, cách riêng trong năm đặc biệt này, kỷ niệm hai ngàn năm ngày sinh của ngài, năm mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI ao ước thiết lập như là một năm thánh đặc biệt.

“Như vậy, do những năng quyền Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI ban cho Bộ này, ban phép cách bất thường, trong ngày 25/1. ngày Chúa Nhật thứ Ba ‘quanh năm,’ một Thánh Lê theo công thức ‘Sự Trở Lại của thánh Phaolô,’ trong Sách lễ Roma, có thể được cử hành trong mỗi nhà thờ. Trong trường hợp như thế, bài đọc hai của Thánh Lễ lấy từ sách các bài đọc Roma Chúa nhật thứ Ba ‘quanh năm’ và phải đọc kinh Tin Kính.”

Ngày 28 June sẽ là ngày khai mạc trọng thể Năm Thánh Phaolô. Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự kinh chiều I tại Vương Cung Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Sau đó, trong ngày Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, ngay 29/6, ngài sẽ chủ sự Thánh Lễ 9.30 sáng, trong Thánh Lễ này có trao dây pallium cho những vị tân Tổng Giám Mục.
 
Đức Giáo Hoàng theo chương trình “chặt chẽ” tại Australia
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:16 04/06/2008
Tòa Thánh phổ biến cuộc hành trình cho chuyến tông du 12-21/7

VATICAN (Zenit.org).- Người điều phối ngày Thế Giới Giới Trẻ 2008 cho biết Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có “một chương trình nghị sư chặt chẽ” cho chuyến tông du của ngài đến Australia tháng tới.

Giám Mục Phụ tá Anthony Fisher Tổng giáo Phận Sydney đã nói như trên khi giải thích cho báo chí ngày thứ Sáu về công bố của Vatican đối với cuộc hành trình của Đức Giáo Hoàng cho Ngày Thế Giới Giới Trẻ lần thứ 23, sẽ được tổ chức từ ngày 15-20/7 tại Sydney, Australia.

Giám mục công nhận rằng Đức Giáo Hoàng “có một chương trình nghị sự rất chặt chẽ trong lần thăm viếng đầu tiên của ngài tại Australia,” và nói thêm rằng nhiều cuộc gặp mặt là những thỉnh cầu từ chính Đức Thánh Cha.

Giám Mục Fisher nói ”Ngài rất muốn một số họp mặt đặc biệt đã được dự kiến, hầu liên kết với toàn bộ phạm vi giới trẻ Australian và phần còn lại của thế giới”. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ bắt đầu cuộc hành trình của ngài tới Australia trong ngày Chúa Nhật, 13/7 tại Căn Cứ Không Quân Hoàng Gia Australian Richmond, toạ lạc tại vùng Đông Bắc Sydney.

Sau đó ngài sẽ qua vài ngãy nghỉ cho tới Thứ Năm.

Biến cố công khai thứ nhất giáo hoàng sẽ là một nghi lễ đón tiếp tại TòaNhà Chính Phủ Sydney, sau đó Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Nguyện Đường Kỷ Niệm Chân Phước Mary MacKillop.

Nữ Tu Mary MacKillop[ (1842- 1909), cùng với Cha J.T.Woods, đã sáng lập các Nữ Tu St. Joseph Thánh Tâm. Nữ Tu là người Australian duy nhất được phong Chân Phước.

Sau đó Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ thăm viếng Nhà Admiralty thành phố Sydney, nơi đây ngài sẽ gặp mặt vị toàn quyền Australia Michael Jeffery, và gặp mặt thủ tướng Kevin Rudd.

Sự tiếp đón

Trong buổi chiều, Đức Giáo Hoàng sẽ đi xe ca tới Sydney’s Rose Bay, nơi ngài sẽ được đón tiếp với những bài hát và những điệu múa truyền thống do một nhóm cư dân bản xứ.

Sau đó ngài sẽ lên tàu “Sydney 2000” và vượt biển tới Cảng Barangaroo East Darling, ở đây Đức Thánh Cha sẽ ban bài huấn đức đầu tiên của ngài cho những người hành hương trẻ.

Ngày thứ Sáu, 18/7, Đức Thánh Cha sẽ có ba cuộc tiếp kiến riêng: tiếp Thống Đốc Mane Bashir của bang New South Wales, Thủ hiến Morris Jemma, và Thị Trưởng Clover Moore thành phố Sydney.

Sau đó Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ tham gia một cuộc hợp đại kết trong hầm Nhà Thờ Chánh Toà St.Mary trước khi đi gặp 40 đại diện các tôn giáo khác—gồm có Do Thái Giáo, Hồi Giao, Phật Giáo và Anh Giáo.

Tới trưa, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa với 12 giới trẻ trong phòng khánh tiết Nhà thờ Chánh Toà St.Mary

Trong buổi xế chiều, Đức Giào Hoàng sẽ tham gia Mười Bốn Chặng Đàng Thánh Giá, sẽ bắt đầu trong quảng trường trước nhà thờ chánh Toà. Ngài sẽ đọc kinh sau chặng thứ nhất, và sau đó sẽ theo dõi những chặng đàng còn lại trên truyền hình từ hầm Nhà thờ Chánh Toà St.Mary tại Sydney.

Trong buổi chiều Đức Thánh Chasẽ gặp một nhóm thanh niên xấu số thuộc cộng đồng phục hồi chức năng của Đại Học Notre Dame. Cuộc hợp sẽ được diễn ra tại Nhà thờ Thánh Tâm của đại học tại Sydney.

Canh thức

Ngày thứ Bảy, 19/7, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chánh Toà St.Mary với các Giám Mục Australian, các chủng sinh và những tập viên tu sĩ nam và nữ, và hiến thánh một bàn thờ mới. Sau Thánh lễ là một bữa ăn với các giám chức và đoàn tùy tùng giáo hoàng tham dự.

Đức Giáo Hoàng sẽ rời St.Mary lúc 6:30 chiều xế, để tham dự buổi canh thức Ngày Thế Giới Giới Trẻ tại Randwick Racecourse. Ngài sẽ ban bài huấn đức thứ hai cho những người hành hương ngày giới trẻ, và sẽ suy tư về chủ đề của biến cố, “Anh em Sẽ Nhận Lãnh Quyền Phép Khi Chúa Thánh Thần Sẽ Ngự Xuống Trên Anh Em; và Anh em sẽ Nên Những Chứng Nhân của Thầy.”

Trước Thánh Lễ bế mạc sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha sẽ bay một vòng trực thăng trên South Cross Precinct—Centennial Park và Randwick Racecourse. Sau đó trên xe giáo hoàng, ngài đi một vòng tại khu vực đó.

Thánh Lễ cuối cùng sẽ bắt đầu lúc 10 giờ sáng, trong Thánh lễ này Đức Thánh Cha sẽ giảng một bài giảng. Sau Thánh Lễ ngài sẽ đọc kinh Truyền Tin trưa.

Trong buổi chiều, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ gặp các ân nhân và ban tổ chức biến cố giới trẻ tại nhà Thờ Chánh Toà St.Mary.

Trong ngày thứ Hai 21/7, Đức Giáo Hoàng sẽ cám ơn những người tình nguyện Ngày thế giới Giới Trẻ qui tụ tại Lãnh Địa Sydney, và sau đó ngài đi thẳng tới phi cảng quốc tế Sydney để tham dự một nghi thức từ biệt.

Chuyến bay của Đức Thánh Cha sẽ khởi sự lúc 10 sáng, và đáp xuống tại Darwin để tiếp nhiên liệu rồi đi thẳng tới phi cảng Ciampino tại Roma.
 
Đức Gregorio Cả ”đầy tớ của các đầy tớ”
Linh Tiến Khải
21:09 04/06/2008
Đức Gregorio Cả ”đầy tớ của các đầy tớ”

Sáng thứ tư 4-6-2008 đã có hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả. Danh sách bao gồm 800 bức thư và các tác phẩm chú giải kinh thánh, trong đó nổi tiếng nhất là Chú giải sách Giốp có tựa đề ”Luân lý trong sách ông Giốp”, các bài giảng về sách ngôn sứ Edekiel, các bài giảng về các Phúc Âm. Ngoài ra có một tác phẩm quan trọng có tính cách hạnh các thánh, là ”Các Cuộc Đối Thoại” Đức Gregorio viết để hướng dẫn tinh thần cho hoàng hậu Teodolinda. Nhưng tác phẩm quan trọng nhất có cấu trúc rõ ràng là ”Luật Mục Vụ” mà Đức Giáo Hoàng viết vào đầu triều đại của người. Đề cập đến đặc thái các tác phẩm của giáo phụ Gregorio Đức Thánh Cha nói:

Khi muốn duyệt qua các tác phẩm này, trước hết chúng ta phải ghi nhận rằng trong các bút tích của mình giáo phụ Gregorio không bao giờ cho thấy người lo lắng đề ra giáo lý của mình, sự độc đáo của mình, cho bằng cố ý phản ánh giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Người chỉ muốn là miệng của Chúa Kitô và của Giáo Hội Chúa trên con đường phải theo để đến với Thiên Chúa. Thí dụ điển hình là các chú giải kinh thánh của người. Giáo phụ là người say mê đọc Kinh Thánh, người không chỉ đọc với chủ ý lý thuyết. Theo giáo phụ Kitô hữu phải rút tỉa ra từ Kinh Thánh các sự hiểu biết lý thuyết, và nhất là lương thực hàng ngày cho linh hồn mình, cho cuộc sống làm người của mình trên trần gian này. Trong các bài giảng về sách ngôn sứ Edekiel giáo phụ nhấn mạnh trên nhiệm vụ này của Kinh Thánh: đến gần Kinh Thánh chỉ với ước muốn hiểu biết có nghĩa là nhượng bộ chước cám dỗ của kiêu căng và có nguy cơ rơi vào lạc giáo. Sự khiêm nhường trí thức là luật đầu tiên đối với những ai tìm đào sâu các thực tại siêu nhiên khời hành từ Sách Thánh. Dĩ nhiên sự khiêm nhường không loại bỏ việc học hỏi nghiêm chỉnh, nhưng để cho nó có lợi ích thiêng liêng và cho phép thực sự đào sâu văn bản thánh, cần phải có lòng khiêm nhường. Chỉ với thái độ nội tâm đó mới có thể thực sự lắng nghe được và nhận ra tiếng Chúa. Đàng khác, khi liên quan tới Lời Chúa, thì hiểu biết thôi không là gì cả, nếu nó không dẫn đưa tới hành động. Trong các bài giảng này về sách ngôn sứ Edekiel người ta cũng tìm thấy kiểu nói hay đẹp theo đó ”người giảng dậy phải thấm bút vào máu của con tim mình; như thế mới tới được tai của tha nhân”. Khi đọc các bài giảng này chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng Gregorio đã thực sự viết chúng với máu của con tim người, và vì thế người nói với chúng ta cả ngày nay nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói giáo phụ Gregorio cũng khai triển đề tài trong tác phẩm Chú giải luân lý sách ông Giốp. Theo truyền thống giáo phụ người duyệt xét ý nghĩa văn bản kinh thánh trong ba chiều kích của nó là nghĩa đen, nghĩa bóng và nghĩa luân lý. Nhưng người thích nghĩa luân lý hơn. Trong viễn tượng đó giáo phụ đề nghị tư tưởng của mình qua vài cặp ý niệm ý nghĩa như: biết và làm, nói và sống, hiểu biết và hành động, qua đó người gợi lại các khía cạnh của cuộc sống con người: chúng phải bổ túc cho nhau, nhưng rất thường khi lại kết thúc bằng cách đối kháng nhau.

Lý tưởng luân lý luôn luôn hệ tại chỗ thực hiện một sự hài hòa thấm nhập giữa lời nói và việc làm, tư tưởng và dấn thân, cầu nguyện và tận tụy với các bổn phận trong bậc sống của mình: đó là con đường giúp hiện thực sự tổng hợp và đó là sự thiên linh xuống trong con người và con người được nâng lên tới chỗ đồng hóa với Thiên Chúa. Như thế Đức Giáo Hoàng Gregporio vạch ra cho tín hữu một chương trình sống đích thực, vì thế trong thời Trung Cổ tác phẩm Chú Giải luân lý ông Giốp đã trở thành một loại Tổng luận luân lý Kitô.

Các bài giảng về Phúc Âm cũng rất hay đẹp. Bài giảng đầu tiên Đức Gregorio nói trong đền thờ thánh Phêrô Mùa Vọng năm 590, vài tháng sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, và bài giảng cuối cùng trong đền thờ thánh Lorenzo Chúa Nhật thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 593. Đức Giáo Hoàng giảng cho dân chúng trong các nhà thờ, nơi người cử hành các lễ nghi đặc biệt trong các mùa ”mạnh mẽ” của năm phụng vụ, hay trong lễ các vị tử đạo mà các nhà thờ được dâng kính. Nguyên lý linh hứng gắn liền các hoạt động đó được tóm gọn trong từ ”người giảng giải”: Không phải chỉ có vị thừa tác của Chúa, mà mỗi Kitô hữu đều có nhiệm vụ trở thành nhà giảng thuyết, về những gì đã kinh nghiệm trong thâm tâm, và noi gương Chúa Kitô loan báo tin vui cứu độ cho mọi người. Chân trời của dấn thân này là thời cánh chung: chờ đợi mọi sự được thành toàn trong Chúa Kitô là một tư tưởng thường hằng của Đức Gregorio, và kết cục trở thành lý do linh hứng mọi tư tưởng và hoạt đong của người. Từ đó nảy sinh ra lời nhắn nhủ liên tục tỉnh thức và dấn thân làm việc lành. Đề cập tới tác phẩm có kết cấu quan trọng nhất của giáo phụ Gregorio Cả Đức Thánh Cha nói:

Văn bản có cấu trúc nhất của Đức Gregrio Cả có lẽ là “Luật Mục Vụ” được biên soạn trong các năm đầu triều đại của người. Trong đó Đức Gregorio muốn đề cập tới gương mặt của vị Giám Muc lý tưởng, là thầy dậy và là người dẫn đắt đoàn chiên. Người minh giải nhiệm vụ nghiêm trọng của vị mục tử trong Giáo Hội và các bổn phận liên hệ; vì thế những người không được mời gọi không được kiếm tìm chức vụ này một cách hời hợt; trái lại những người đã lãnh nhận nhiệm vụ này mà không suy tư chín chắn, thì luôn cảm thấy lo sợ trong tâm hồn. Lấy lại đề tài người ưa thích giáo phụ Gregorio khẳng định rằng vị Giám Mục trước hết phải là ”người giảng giải” tuyệt diệu; và như thế phải nêu gương cho người khác và có cung cách hành xử trở thành điểm tham chiếu cho tất cả mọi người. Một hành động mục vụ hữu hiệu đòi buộc vị Giám Mục phải biết tín hữu và thích ứng các lời giảng dậy đối với hoàn cảnh của từng người. Tiếp đến Đức Gregorio minh giải các thành phần tín hữu khác nhau với các nhận xét bén nhọn, khiến cho có người coi tác phẩm này là một khảo luận tâm lý sâu sắc.

Tuy nhiên giáo phụ nhấn mạnh trên bổn phận của vị Chủ Chăn mỗi ngày phải thừa nhận sự bần cùng của mình, để tính kiêu ngạo không khiến cho việc lành đã chu toàn tan biến trước mắt Đấng Thẩm Phán tối cao. Vì thế chương cuối cùng của tác phẩm nói về sự khiêm nhường: ”Khi cảm thấy thỏa mãn vì đã đạt được nhiều nhân đức, thì phải nghĩ đến các thiếu sót của mình và hạ mình xuống. Thay vì nhìn điều thiện đã làm được, thì nền nhìn điều mình đã lơ là không làm”. Tất cả những chỉ dẫn qúy báu này cho thấy Đức Gregorio có ý niệm rất cao trong việc săn sóc các linh hồn, mà người định nghĩa là ”nghệ thuật của các nghệ thuật”. Cuốn ”Luật Mục Vụ” may mắn tới độ chẳng bao lâu sau đã được dịch ra tiếng Hy lạp và tiếng Anglosaxon.

Trong tác phẩm ”Các cuộc đối thoại” thầy sáu Phêrô bạn của Đức Gregorio xác tín rằng các thói tục đã bị băng hoại thối nát nên không còn có các thánh như trong qúa khứ nữa. Nhưng Đức Gregorio chứng minh cho thấy sự thánh thiện luôn là điều có thể, cả trong những thời đại khó khăn. Người trưng dẫn cuộc sống của các người đồng thời hay mới qua đời ít lâu được coi như thánh, dù chưa được tấn phong. Trình thuật có các suy tư thần học hay thần bí đi kèm, khiến cho tác phẩm trở thành hạnh các thánh, đặc biệt làm say mê các thế hệ độc giả. Chất liệu được kín múc từ các truyền thống sống động của dân chúng và có mục đích xây dựng giáo huấn, lôi cuốn sự chú ý trên các vấn đề như ý nghĩa phép lạ, việc giải thích Kinh Thánh, sự bất tử của linh hồn, sự hiện hữu của hỏa ngục, việc miêu tả cuộc sống đời sau. Cuốn thứ II hoàn toàn dành cho gương mặt của thánh Biển Đức thành Norcia và là chứng tích cổ xưa duy nhất liên quan tới thánh nhân.

Trong chủ ý thần học, giáo phụ tương đối hóa qúa khứ hiện tại và tương lai. Điều quan trọng duy nhất là toàn lịch sử cứu độ tiếp tục trải đài qua các khúc quanh đen tối của thời đại. Và các vị lãnh đạo cộng đoàn Kitô phải dấn thân đọc hiểu trở lại các biến cố dưới ánh sáng của Lời Chúa: các chủ chăn cũng như tín hữu phải đọc Kinh Thánh trong bối cảnh cuộc sống của mình.

Đức Giáo Hoàng Gregorio duy trì các tương quan với các thượng phụ Antiochia, Alessandira và Constantinopoli, thừa nhận và tôn trọng quyền của các vị, và không can thiệp vào chuyện nội bộ. Nếu trong bối cảnh lịch sử thời đó người có chống lại tước ”đại kết” của Đức Thượng Phụ Constantinopoli, thì chỉ vì lo lắng cho sư hiệp nhất của Giáo Hội hoàn vũ, chứ không phải để hạn chế hay phủ nhận quyền chính đáng của Đức Thượng Phụ. Đặc biệt vì người xác tín rằng sự khiêm nhường phải là nhân đức nền tảng của mọi Giám Mục, nhất là của một Thượng Phụ. Đức Giáo Hoàng Gregorio đã chỉ là một đan sĩ đơn sơ trong con tim, và vì thế người chống lại mọi tước hiệu lớn. Người chỉ muốn là ”đầy tớ của các đầy tớ”. Kiểu nói này do người sáng chế ra không chỉ là một kiểu nói đạo đức ngoái miệng, nhưng diễn tả kiểu sống và cung cách hành xử của người. Nếu Chúa Kitô Con Thiên Chúa hạ mình làm người và rửa chân cho các môn đệ, thì một Giám Mục phải phải noi gương khiêm nhường đó của Thiên Chúa và theo chân Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau trong đó có các phái đoàn nói tiếng Anh kể cả các nhóm đến từ Anh, Australia, Nhật Bản, Philippine, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ, cũng như nhóm tín hữu Episcopal đến từ Giêrusalem và nhiều sinh viên hiện diện.

Tiếp đến ngài cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành Tòa thánh cho mọi người.
 
Top Stories
Madhya Pradesh: chrétiens, musulmans et sikhs s’opposent à une proposition du BJP visant à supprimer le dimanche comme jour de repos hebdomadaire
Eglises d'Asie
11:45 04/06/2008
Madhya Pradesh: chrétiens, musulmans et sikhs s’opposent à une proposition du BJP visant à supprimer le dimanche comme jour de repos hebdomadaire

Au Madhya Pradesh, Etat situé au centre de l’Inde, l’Eglise catholique s’oppose à une proposition du gouvernement de l’Etat visant à faire du mardi, et non du dimanche comme c’est le cas actuellement, le jour de repos hebdomadaire. La proposition émane du Bharatiya Janata Party (BJP, Parti du peuple indien), le parti nationaliste au pouvoir dans l’Etat du Madhya Pradesh. Il justifie son choix en soulignant que l’Inde est « un pays hindou » et que le mardi est un jour « propice » pour les hindous. Le BJP appelle ses militants à défendre ce projet, rapporte, dans son édition du 24 mai dernier, le Dainik Bhaskar, journal de langue hindi.

La direction du BJP au Madhya Pradesh explique que ce sont les Anglais, maîtres de l’Inde jusqu’en 1947, qui ont imposé le dimanche comme jour de repos hebdomadaire afin de pouvoir se rendre à leurs offices religieux dominicaux; or, « l’Inde est un pays hindou », insistent les dirigeants du BJP. Selon les médias locaux, le ministre-président de l’Etat, Shivraj Singh Chauhan, a saisi l’administration du Madhya Pradesh de sa proposition. Il l’a également envoyée à Rajnath Singh, président du BJP au plan national, afin d’inviter les responsables des autres Etats aujourd’hui gouvernés par le parti nationaliste à s’inspirer de la proposition.

Du côté catholique, la manœuvre du BJP ne laisse pas indifférent. Cette proposition « est un stratagème qui vise directement les chrétiens », a déclaré Joshi Kurishingal, président du Madhya Pradesh Isai Mahasangh (Grand conseil des chrétiens du Madhya Pradesh). Les chrétiens ne doivent pas se laisser abuser par un ordre du jour dicté par des considérations électoralistes, a-t-il ajouté. Les prochaines élections législatives auront lieu en décembre prochain et le BJP cherche à mobiliser son électorat sur cette question symbolique, a-t-il encore souligné.

Pour le P. Anand Muttungal, porte-parole des évêques catholiques du Madhya Pradesh, dire que l’Inde est un pays hindou est « une affirmation en totale contradiction » avec la Constitution de l’Union indienne. La proposition du BJP n’est pas prise à la légère car il s’agit d’une question sensible, a-t-il ajouté. Si elle devait être réalisée, le risque est de voir chaque religion demander pour elle-même un jour chômé particulier, ce qui constituerait une entrave au développement du pays. « L’Eglise ici ne milite pas pour son propre intérêt. Nous aussi sommes des patriotes, attentifs au développement de notre pays, mais, au cas où la proposition se concrétise, nous étudierons avec les autres religions les moyens de s’y opposer », a-t-il ajouté.

Pour Quasi Amirullah Khan, un responsable musulman au Madhya Pradesh, la proposition du BJP n’est de l’intérêt de personne; chacun est depuis longtemps habitué au dimanche comme jour de repos hebdomadaire. Cependant, si ce changement intervenait, Quasi Amirullah Khan voit mal la communauté musulmane s’y opposer: « Que pouvons-nous faire si le gouvernement tient à déclarer le mardi comme jour de repos hebdomadaire à la place du dimanche ? »

Preetam Singh, un responsable de la communauté sikh, affirme pour sa part que le dimanche est un jour chômé dans la grande majorité des pays. L’Inde ne vit plus de manière isolée; elle est chaque jour plus intégrée dans les échanges économiques internationaux. « Ni la politique, ni la religion » ne peuvent aller contre ce fait. Il n’y aura plus aucun jour travaillé, ajoute-il, si le gouvernement décrète que le jour de repos hebdomadaire est désormais laissé au libre choix de chacune des religions.

(Source: Eglises d'Asie - 4 juin 2008)
 
Police use gang to repress protests
J.B. An Dang
18:35 04/06/2008
Huong Son, Ha Tinh – "How much more can we take it?" That is the question many parishioners of Ke Mui, Huong Son, Ha Tinh are raising in relation to the growing problem of violence that they have to suffer since they began to peacefully protest demanding the return of their parish land which the authorities illegally seized in 1950s.

Using gang to attack and threaten protestors is seen as an effective tactic that police in Vietnam has begun to employ to deal with the protest of parishioners of Ke Mui, a village in Ha Tinh province, central Vietnam.

Earlier this month, after a series of their petitions for the requisition of their parish land have gone unanswered, hundreds of parishioners gathered in front of the People’s Committee of Huong Son District asking to discuss the issue with the officials. During the meeting, parishioner leaders were told that local government owns the parish land in dispute and that the government would return their land only if they could pay a huge amount of money.

Parishioners refused to settle the issue that way and continued to protest. The next day, many groups of gang were carried to the site in police trucks to attack the protestors. Parishioners were beaten and chased away. Despite that, the protestors returned the following day to make a silent sit-in protest. Again, street gangs were called to smash the protest.

In the wave of harsh violence from the government, Catholic activists had to call off their protests. Even so, motorcycle gangs were sent to Ke Mui storming into the area surrounding the church in large numbers, verbally attacking the parishioners. And also physically attacked them. A parishioner, Mrs. Phung Thi Lieu, was hit by a motorcycle. One of her rib was wounded.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội Giới Trẻ giáo phận Phú Cường
Lê Vy
00:04 04/06/2008
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG 2008

Chủ đề: “Anh em là chứng nhân của Thầy
(
Cv 1. 8)

Để chào mừng Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng Bảy tại Sydney, Ban Mục Vụ giới trẻ giáo phận Phú Cường tổ chức Đại Hội Giới Trẻ giáo phận năm 2008 với chủ đề: “Anh em là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8).

Chiều Thứ Bảy 31/05/2008, các bạn trẻ từ khắp nơi trong giáo phận qui tụ về Nhà Chung giáo phận để tham dự Đại Hội. Ngoài các bạn trẻ từ bảy giáo hạt trong giáo phận, còn có các bạn trẻ là sinh viên và công nhân từ khắp mọi miền của đất nước đang học và làm việc tại giáo phận Phú Cường cũng đến tham dự Đại Hội.

Chương trình được bắt đầu bằng phần sinh hoạt khởi động với những bài hát cử điệu sôi động và trẻ trung đã làm cho các bạn trẻ liên kết với nhau và chính thức hòa nhập vào với chương trình của Đại Hội.

Nghi thức khai mạc được mở đầu bằng tiếng trống Khai Hội với những màn trình diễn trống đầy ấn tượng và đầy mầu sắc của hội trống liên xứ Hiền Quan – Bà Lụa.

Cha Giuse Phan Trọng Quang, đặc trách giới trẻ giáo phận chào mừng Cha Tổng Đại Diện, Quý Cha đặc trách giới trẻ các giáo hạt, Quý Tu sĩ nam nữ và tất cả các bạn trẻ đến tham dự Đại Hội.

Tiếp theo là việc cung nghinh Thánh Giá. Thánh Giá do các bạn trẻ đại diện bảy giáo hạt kiệu từ hội trường ra lễ đài và đây là biểu tượng trung tâm của Đại Hội giới trẻ Phú Cường 2008 cũng như của các kỳ Đại Hội giới trẻ nói chung. Khi Thánh Giá được dựng lên thì tất cả mọi người tham dự cùng hát vang bài hát: “Receive the Power” (Hãy lãnh nhận Thần Lực) là bài hát chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế năm 2008 tại Sydney.

Sau nghi thức cung nghinh Thánh Giá, Cha Tổng Đại Diện giáo phận Phú Cường Micae Lê Văn Khâm đã thay mặt Đức Giám Mục giáo phận chào mừng các bạn trẻ và bày tỏ sự quan tâm của giáo phận đối với giới trẻ qua những lời huấn dụ của ngài. Ngài đã đề cập tới những thực trạng của giới trẻ trong thời đại hôm nay với những thuận lợi và những khó khăn trong một xã hội đầy những biến động, với những cơ hội và thách thức cho người trẻ.

Chương trình được tiếp tục với phần thuyết trình của Thạc sĩ – Bác sĩ Lan Hải với nội dung: “Những thách đố của giới trẻ về nạn sống thử trước hôn nhân”. Với cách trình bày dí dỏm, thực tế, với những câu chuyện dẫn chứng cụ thể, bác sĩ Lan Hải đã giúp các bạn trẻ có những cái nhìn đúng đắn hơn về tình yêu và tình dục. Theo bác sĩ Lan Hải: “Có những bạn trẻ lầm tưởng kiến thức là sự khôn ngoan, nên không cần tìm kiếm sự dẫn dắt ở bất cứ đâu. Điều ấy dẫn đến một số ngộ nhận đáng tiếc”. Sau khi nghe thuyết trình, các bạn trẻ đã có dịp đối thoại với chuyên viên, đặt ra những câu hỏi liên quan đến tình yêu, tình dục và đặc biệt là liên quan đến nội dung sống thử trước hôn nhân mà bác sĩ Lan Hải vừa trình bày. Hàng trăm câu hỏi được gửi lên nhưng vì thời gian có hạn nên Bác sĩ Lan Hải chỉ trả lời một số câu có nội dung mà đa số các bạn trẻ quan tâm. Cuối cùng, để kết thúc phần chia sẻ của mình, bác sĩ Lan Hải đã nhắn nhủ các bạn trẻ: “Tình yêu là quà tặng. Hãy đón nhận và trao tặng cho người mình tin tưởng nhất, yêu thương nhất, hãy tôn trọng món quà quý giá, lành thánh, nguyên vẹn và đầy sức sống. Đừng biến món quà thành mối nguy hiểm và những hệ lụy”.

Sau phần thuyết trình của bác sĩ Lan Hải, chương trình được tiếp tục với các tiết mục giao lưu văn nghệ giữa các giáo hạt diễn ra trong bầu khí vui tươi, thân ái và trẻ trung.

Khoảng 23g00, mọi người tham dự giờ cầu nguyện Taizé trong bầu khí thật linh thánh. Đây là giờ phút các bạn trẻ chìm sâu vào sự lắng đọng của tâm hồn bằng tâm tình cầu nguyện thật sốt sắng. Với giờ cầu này đã kết thúc ngày thứ nhất của chương trình Đại Hội.

Sáng Chúa Nhật 01/06/2008, các bạn trẻ đã khởi đầu một ngày mới với giờ kinh sáng chung tại lễ đài. Điểm nhấn của Đại Hội giới trẻ lần này là các bạn trẻ tham dự Hội Thi Giáo Lý với chủ đề: “Giáo dục Gia Đình Kitô giáo” với sự tham dự của bảy đội đại diện cho bảy Giáo Hạt trong giáo phận. Trước khi bắt đầu hội thi, cha Antôn Hà Văn Minh, Thư ký Tòa Giám Mục, chủ tịch Ủy Ban Giáo Dân giáo phận Phú Cường chia sẻ với các bạn trẻ Tài liệu học hỏi năm mục vụ 2008 của giáo phận Phú Cường về Giáo dục Kitô giáo – chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình Công Giáo. Đây cũng chính là nội dung của hội thi. Sau khi trải qua phần thi vòng loại, hai đội Tây Ninh và Phước Thành đã vào chung kết. Với những chặng thi đầy kịch tính và sôi động, cuối cùng đội Tây Ninh đã đoạt giải nhất và đội Phước Thành đoạt giải nhì.

Đúng 10g00, các bạn trẻ đã hân hoan chào mừng Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám Mục giáo phận Phú Cường đã đến để gặp gỡ các bạn trẻ và chủ sự Thánh Lễ đồng tế bế mạc Đại Hội. Sự hiện diện của Đức Giám mục giáo phận đã làm cho các bạn trẻ thật sự xúc động vì ngay chiều hôm nay, Đức Cha sẽ lên đường sang Rôma để họp Hội Đồng về Đối Thoại Liên Tôn, ngài đã dành thời gian thật quý báu để đến với các bạn trẻ đang tham dự Đại Hội giới trẻ giáo phận. Đức Cha đã nhắn nhủ các bạn trẻ: “Chúng con hãy trở thành những chứng nhân trung kiên cho tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Chúng con hãy dùng những tài năng và sự hăng say của tuổi trẻ để phục vụ cho việc rao giảng Tin Mừng. Chúng con hãy cảm thấy mình có trách nhiệm rao giảng Phúc Âm cho những bạn đồng tuổi với chúng con. Và đặc biệt, các con phải là những chứng nhân sống động giữa cuộc sống đầy những thách đố và cạm bẫy của xã hội hôm nay”.

Hai ngày Đại Hội đã khép lại, mặc dù các bạn trẻ đã thấm mệt vì thời tiết rất nóng bức cộng với sự liên tục của chương trình, nhưng các bạn vẫn đầy ắp những tiếng cười và trên khuôn mặt của các bạn vẫn ngời sáng lên sự rạng rỡ của niềm vui cùng với tình thân ái. Ước mong trên bước đường tương lai các bạn trẻ sẽ luôn trở thành những chứng từ sống động gieo mầm tin yêu và hy vọng như chủ đề của Đại Hội đã mời gọi: “Anh em là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8).
 
Lễ phong chức cho 5 tân linh mục Việt Nam ở Canada
LM. Phêrô Trần Thế Tuyên
15:34 04/06/2008
Lễ phong chức cho 5 linh mục Việt Nam ở Canada

1. Tân linh mục Phaolô Nguyễn văn Duy

Thầy Sáu Phaolô Nguyễn văn Duy đã được Đức Cha Anthony Tonnos, Giám Mục Hamilton Ontario Canada đặt tay truyền chức lúc 11giờ 42 phút ngày 3.5.2008 trong thánh lễ truyền chức được bắt đầu lúc 11giờ tại nhà thờ Chánh Tòa Christ the King, Giáo Phận Hamilton, Canada.

Thánh Lễ truyền chức 3 linh mục, qui tụ hầu hết linh mục trong giáo Phận, có 3 Giám Mục, 72 linh mục bản xứ và 10 linh mục Việt Nam.

Nhà thớ Chánh Tòa có sức chứa 1000 người, nhưng đã không còn một chỗ trống. Nhiều giáo dân Việt Nam từ Hamilton, Kitchener-Waterloo, Toronto và vùng phụ cận đã góp mặt đông đảo trong Thánh Lễ truyền chức linh mục cho Thầy Phaolô Duy.

Cảm động biết bao khi thấy Ông Bà Cố Cha mới vừa xuống máy bay đêm trước, nhưng hiện diện thật tươi tỉnh trong Thánh Lễ truyền chức con mình. Ông Bà đến từ Phát Diệm, mệt nhoài, nhưng can đảm và chững chạc đọc bài đọc I trong Thánh Lễ phong chức.

Thánh Lễ mở tay được long trọng tổ chức lúc 2:30 chiều ngày Chúa Nhật 4.5.2008 tại nhà thờ Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang dưới sự yểm trợ chí tình và hào hùng của Cha Cố Phêrô Maria Phạm hoàng Bá và Cha anh Giuse Phạm hồng Chương.

Cha Mới đã lên máy bay về Bắc vinh qui bái tổ ngày 22.5.2008.

Chúng tôi xin chúc mừng Cha mới Phaolô Duy và cầu chúc cho Cha luôn sống trọn vẹn chức linh mục cao cả với tinh thần khiêm tốn, hy sinh và sẵn sàng phục vụ như Chúa Kitô linh mục thượng tế. Cám ơn Cha đã là linh mục. Cám ơn Cha đã cho chúng tôi niềm vui làm tang băng giá Canada.

2. 4 Tân linh mục: Phanxicô Xaviô Lương quang Cường; Giuse Nguyễn quang Mạnh; Giuse Lê công Trứ và Giuse Đoàn quốc Tuấn.

Bốn Thầy sáu: Cường, Mạnh, Trứ và Tuấn đã được Đức Cha Blaise Morand, Giám Mục Giáo Phận Prince Albert, Saskatchewan, Canada đặt tay phong chức linh mục lúc gần 8giờ tối ngày 23.5.2008 trong Thánh Lễ Phong chức linh mục được tổ chức 7giờ tối tại Nhà Thờ Chánh Tòa Prince Albert.

Nhà Thờ Chánh Tòa không lớn lắm, sức chứa chừng 600 người. Địa Phận Prince Albert không đông đảo, chỉ có 40 ngàn người Công Giáo, với 51 linh mục, trong số nầy có 15 vị đang hưu trí. Thêm bốn Tân linh mục làm tăng số linh mục Việt Nam trong địa lên đến 9., chiếm ¼ số linh mục trong địa phận. Đáng mừng!

Thánh Lễ phong chức qui tụ hầu hết linh mục địa phận, chúng tôi đếm được 38 vị. Linh mục Việt Nam cũng góp phần đông đảo, có tới 15 Cha tham dự lễ phong chức. Đáng kể nhất, có Cha Hoàng Xuân Nghiêm và hai Cha khác đến từ Mỹ, một từ Arizona và một từ Seatle, WA. Dù trong Canada, nhưng Cha Giuse Phạm quốc Thông OP. đến từ Ottawa; Cha Giuse Phạm ngọc Tuấn OMI. đến từ Mississauga; Cha GB. Đinh Thanh Sơn từ Montreal, cũng đã phải mất từ 4 tới 5 giờ bay mới tới được vùng sâu vùng xa nầy. Liên Giáo Sĩ, Tu Sĩ rất cảm kích và hết lòng tri ân quí Cha thay cho những tân linh mục.

Thật an ủi biết bao khi các tân chức đều có quí Ông Bà Cố, và nhiều thân bằng quyến thuộc đến từ Việt Nam và hiện diện ở những hàng ghế dành riêng với các tân chức. Thánh Lễ phong chức kéo dài đến 2 giờ 30 phút, nhưng thật thánh thiện và cảm động. Các em thiếu nhi Saskatoon đã múa dâng hoa, cống hiến cho Ta và Tây hương vị và màu sắc Việt Nam trong Thánh Lễ Phong Chức ở Prince Albert. Xin chân thành cám ơn Cha Giuse Phạm thuận Phong, quản nhiệm của Cộng Đoàn nhỏ bé, cộng đoàn Đức Mẹ La Vang Saskatoon không đầy 20 gia đình, nhưng đã làm những việc thật “ấn tượng” cho chúng tôi và người Canada.

Chúng tôi cũng thấy sự hiện diện của nhiều bà con giáo dân từ Regina, cách đó 5 giờ lái xe, và một ít bà con từ Vancouver. Thưa bà con đồng hương! Sự hiện diện của quí vị làm chúng tôi cảm nghiệm sâu xa và cụ thể sự nâng đỡ tinh thần vật chất của quí đồng hương và đồng đạo. Chúng tôi càng thấy rõ hơn “niềm vui làm tan băng giá Canada”. Chúng ta ít người, ở xa xôi và rãi rác trên đất nước băng giá, nhưng sẽ không để niềm vui và sự nâng đỡ bị đóng băng. Chúng tôi làm linh mục cho người Canada, nhưng chúng tôi luôn hiện diện và đồng hành với bà con đồng hương và đồng đạo.

Được biết sau Thánh Lễ phong chức, quí tân linh mục sẽ được gia đình tháp tùng để đi mở tay lai rai các nơi như Ottawa, Toronto, Montreal và sau đó cũng lần lượt về Việt Nam để vinh qui bái tổ. Được biết các Cha đều là những du học sinh được bảo lãnh từ Việt Nam trong mấy năm qua. Người xa Việt Nam lâu nhất là Cha Giuse Lê công Trứ, rời VN. năm 2001. Cha Fx. Lương quang Cường cũng chỉ mới rời Việt Nam hồi giữa năm của năm 2003.

Xin chúc mừng bốn tân linh mục Fx. Cường, Giuse Mạnh, Giuse Trứ và Giuse Tuấn. Quí Cha còn rất trẻ. Xin hãy trao ban sự trẻ trung của mình cho vinh quang Thiên chúa và cho phần rỗi các linh hồn. Xin cầu nguyện và cầu chúc.

Linh mục Phêrô Trần thế Tuyên

Chủ tịch
 
Thông báo tuyển sinh cho giáo phận Kontum
Lm. Tôma Nguyễn Văn Thượng
17:37 04/06/2008
Thông báo tuyển sinh cho giáo phận Kontum

Kontum, ngày 22 tháng 05 năm 2008

Kính gửi: Quý Cha, Quý Tu sĩ, cùng Cộng Đồng Dân Chúa Giáo phận Kontum.

Cộng Đồng Dân Chúa trong Giáo Phận, chúng tôi xin chính thức thông báo đợt tuyển sinh cho Chủng viện Thừa Sai Kontum năm nay sẽ được tổ chức như sau:

1. Thời gian: từ 15 giờ ngày 05.08.2008 đến sáng ngày 12.08.2008
2. Địa điểm: Toà Giám Mục Kontum, 56 Trần Hưng Đạo, Kontum.
3. Đối tượng tuyển sinh: Là những học sinh nam đã tốt nghiệp Trung học phổ thông (Lớp 12), tuổi từ 18 đến 25.
4. Nội dung: Đánh giá về các mặt đạo đức, văn hóa và trí thức.
5. Hồ sơ gồm có:
5.1. Đơn xin viết tay, có ý kiến và chữ ký của cha mẹ cùng với lời giới thiệu và chữ ký của cha sở.
5.2. Các chứng chỉ: Rửa tội, Thêm sức và Chứng Thư Hôn Phối của cha mẹ.
5.3. Học bạ và Bằng tốt nghiệp phổ thông (hoặc giấy chứng nhận Tốt Nghiệp).
5.4. Sơ Yếu Lý Lịch xác nhận của xã/phường.
5.5. Chứng minh nhân dân, có công chứng.
5.6. 3 tấm ảnh 4 x 6.
6. Thời hạn nộp hồ sơ: Văn phòng TGM sẽ nhận hồ sơ từ ngày ra thông báo đến hết ngày 15.07.2008.

Khi đến thi tuyển, các thí sinh đem theo đồ dùng cá nhân. Xin cám ơn sự hợp tác của Quý Cha và Quý Vị !
 
Nữ tu Dòng Chúa Quang Phòng hiến cuộc đời cho trẻ em dân tộc miền Kontum
GP Kontum
17:41 04/06/2008
Nữ tu Dòng Chúa Quang Phòng hiến cuộc đời cho trẻ em dân tộc miền Kontum

Nữ tu Marie Grégoire Đoàn thị Nhường, sinh năm 1942 tại Giáo Xứ Hoàngg Mai - Bắc Ninh –Miền Bắc. Năm 1954 theo Cha mẹ di cư vào Miền Nam. Năm 1958 gia nhập đệ tử viện Dòng Chúa Quan Phòng. Năm 1965 tuyên khấn trong Hội Dòng nữ tu Chúa Quan Phòng. Năm 1975 Soeur đã tình nguyện lên miền truyền giáo Kon Tum, phục vụ tại Giáo xứ Phương Quý và Kon Hngo Kơtu.

Với 43 năm sống đời dâng hiến Soeur đã dành một nữa cuộc đời, để phục vụ những người nghèo, các trẻ em dân tộc thất học miền cao nguyên. Lòng bác ái thương người khiến Soeur hăng say nhiệt thành không mệt mỏi trong việc xoá đói, giảm nghèo, tạo điều kiện học tập cho những anh em dân tộc cũng như người Kinh.

Ngoài ra, Soeur còn cộng tác với Hội Dòng và Giáo Hội, cách riêng Giáo xứ Phương Quí trong việc cổ võ ơn gọi linh mục, tu sĩ, tạo điều kiện hết sức có thể, để những mầm non được trưởng thành và lớn lên tiếp nối sứ mạng Chúa trao.

Hôm nay, Soeur Marie Grégoire đã thưa xin vâng và hoàn tất cuộc đời Dâng Hiến của mình cách tốt đẹp sau 43 năm phụng sự trong nhà Chúa. Ngày 16/4/2008 Sr được Chúa gọi về ân thưởng. Như lời Chúa phán: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẳn cho các con. Vì xưa Ta đói các con đã cho ăn, Ta khát các con đã cho uống.

Giờ đây, cộng đoàn chúng ta cùng với Soeur Marie Grégoire dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn. Cậy vì sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, xin Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót, rộng tay đón lấy người con thân yêu, người tôi tớ trung thành, vào hưởng niềm vui muôn đời trong nước hằng sống.
 
Đức giám mục Kontum ban Bí Tích Thêm Sức cho 196 em tại Nhà thờ Plei Jơdrâp
Nguyễn Thượng
18:05 04/06/2008
KONTUM - Vào ngày 18.5.2008, Đức giám mục giáo phận Kontum đã ban phép Thêm sức cho gần 200 em thuộc 2 giáo xứ sâu đây:

  • Nhà thờ Phú Bổn, Giáo hạt Pleiku. Giáo xứ Phú Bổn có 5.170 tín hữu - tính đến thời điểm 31.12.2007).
  • Giáo xứ Plei Jơdrâp cách Toà Giám mục Kontum khoảng 20km về hướng Tây-Nam. Dân số Công Giáo: 4.968 người (thời điểm 18/5/2008).


 
Học sinh người Hmong nghèo tỉnh Yên Bái được cấp học bổng
Joseph Nguyễn Tiến Hiệp
23:09 04/06/2008
YÊN BÁI, Việt Nam – Lần đầu tiên, 100 em học sinh dân tộc thiểu số Hmông vùng cao tỉnh Yên Bái, miền núi phía bắc Việt Nam được nhận tiền học bổng trợ cấp của hội Enfans du Mékong (EDM) trong năm học 2007-2008 nhằm giúp các em có điều kiện duy trì học tập không bỏ học và học tốt hơn, đặc biệt là các em học sinh nữ nghèo trong các gia đình đông con.

Trong số 100 em học sinh được nhận trợ cấp học bổng EDM, thì có 30 em được nhận học bổng chính mỗi em nhận 250.000 đồng một tháng, còn lại 70 em được nhận học bổng phụ mỗi em 60.000 đồng một tháng, các em có độ tuổi từ 6 đến 14 đang học từ lớp 1 đến 7 tại các trường trong xã, trong làng và ở trường Dân tộc nội trú huyện nữa, trong đó chiếm hai phần ba là học sinh nữ, chiếm một phần ba là học sinh không Công giáo. Học bổng EDM được triển khai lần đầu tiên tại làng Hồng Ca kể từ tháng 8 năm 2007 đến nay, và sẽ tiếp tục kéo dài trong những năm tới.

Hồng Ca là một xã vùng cao miền núi đặc biệt khó khăn về kinh tế nơi chung sống của các dân tộc H’mông, Tày, Mường và Kinh tổng cộng khoảng 3000 người thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 220 km về phía tây bắc, chiếm một nửa trong đó là người H’mông kể cả 750 người H’Mông Công giáo thuộc giáo xứ Yên Bái, giáo phận Hưng Hoá, một giáo phận rộng nhất Việt Nam về mặt diện tích dưới sự chăn dắt của Đức Giám mục Antôn Vũ Huy Chương.

Nhân dịp kết thúc năm học hôm 31 tháng 5 năm 2008, không chỉ các em học sinh được nhận học bổng trong một năm qua vui mừng mà còn làm cho cả dân làng vui mừng nữa. Trong niềm vui mừng đó các em cùng cha mẹ đã có những chia sẻ nói lên sự biết ơn và cảm kích của mình.

Maria Sùng Thị Dinh 14 tuổi, đang học lớp 7, một trong số 30 em học sinh người H’mông làng Hồng Ca được nhận học bổng chính, cho biết nhân ngày phát học bổng cuối năm học: “Em cảm thấy rất sung sướng vì được cùng với các bạn khác trong làng được nhận tiền trợ cấp học bổng hang tháng liên tiếp trong một năm qua, với số tiền 250,000 đồng một tháng, đó là số tiền quá lớn đối với em và gia đình, em đã và sẽ dùng số tiền này để mua thêm quần áo ấm, sách vở để duy trì học tập, còn lại sẽ mua thêm gạo muối giúp cha mẹ và các anh chị emcó bữa ăn no hàng ngày.”

Dinh là con thứ 3 trong gia đình có 6 người con, nói thêm: “ Mặc dù theo phong tục truyền thống từ lâu đời của dân tộc H’mông, người con gái thường phải lấy chồng từ rất sớm có khi 14 hay 15 tuổi đã bị bắt về làm vợ người ta rồi, nhưng với sự trợ giúp học bổng của hội EDM hàng tháng, em hứa quyết tâm sẽ cố gắng học hết cấp iii và ước mơ học sư phạm để trở thành cô giáo trở về làng dạy học cho các em học sinh trong bản làng của mình được biết cái chữ.”

Maria Hờ Thị Chi, 12 tuổi, học sinh lớp 6, là con thứ 5 trong gia đình có 9 người con, nói: “Tiền trơ cấp học bổng đến với em như một chiếc phao cứu sinh vậy, vì nó giúp em có cơ hội học hết phổ thông, còn nếu không em sẽ phải nghỉ học sớm để đi làm nương rẫy với cha mẹ để kiếm cơm gạo cho một gia đình lúc nào cũng đông người ăn.”

Chi nói thêm: “Em vui nhất là những người điều hành chương trình học bổng đã đến nhà thăm và thuyết phục được cha mẹ đồng ý để em đi học lâu dài, như vậy những em gái H’mông như em ở bản này có hy vọng đổi đời và ngẩng cao đầu và có cơ hội làm cô giáo, làm y tá hay bác sĩ khi học xong, chứ không chỉ biết thêu áo váy bên bếp lửa và suốt ngày lầm lũi cắm mặt vào làm nương rẫy và lấy củi.”

Bà Maria Hờ THị Sua, mẹ của Chi, cho biết: “Vì nhà đông con quá mà hai vợ chồng tôi lại mù chữ nên cũng chẳng thiết tha gì cho con cái học hành, nhưng thấy hội bảo trợ giúp tiền cho con học sau này được nâng cao kiến thức, được đổi đời không phải sống mãi trong cảnh nghèo đói, thất họng mù chữ nữa, thấy vậy hai vợ chồng mừng lắm nhất định sẽ để con gái học hết mới thôi, chứ mù chữ như bố mẹ nó khổ lắm, mỗi khi phải ký tên chứng thực giấy tờ gì thì chỉ còn cách bôi mực vào ngón tay điềm chỉ hay nhờ người biết chữ cầm tay ký hộ.”

Giuse Sùng A Chơ, 14 tuổi, học sinh lớp 6, là con thứ 5 trong gia đình có 10 người con: “Cám ơn Chúa và hội đã giúp tiền cho em tiếp tục học tập, em sẽ cố gắng học thật giỏi để phụ lòng mọi người giúp đỡ.”

Chơ nuối tiếc kể: “Em được sung sướng bao nhiêu thì nghĩ thương các anh chị của mình bấy nhiêu, giá như hội đến sớm hơn thì họ đã không phải bò học sớm, vì gia đình đông người hàng năm đói kém không có đủ gạo ăn, nên các anh chị lần lượt bỏ học hết để theo cha mẹ đi kiếm sống, không ai học hết được cấp i, giờ đây em phải học bù lại cho anh chị em.”

Ông Giuse Sùng TRồng Tu, bố của Chơ, cho biết: “Nhà tôi đông con quá, tất cả có 12 người ăn, trong khi mỗi năm ruộng nương thu được khoảng 2,000 kg thóc và ngô, chỉ đủ ăn được nửa năm, còn thiếu đói 6 tháng, nên không thể có đủ cơm ăn, áo mặc cho con cái tới trường, nhưng nay nhờ hội giúp đỡ tôi sẽ cố gắng để Chơ học hết cái chữ.”

Chị Margaud, 25 tuổi, người Pháp là điều phối viên chương trình học bổng EDM tại các nước Đông Nam Á như Philippin, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, phát biểu với dân làng khi chị tới thăm chương trình: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi triển khai một chương trình học bổng giúp cho các em học sinh người dân tộc H’mông ở tỉnh miền núi Yên Bái.”

Chị giải thích lý do quyết định cấp học bổng tại bản H’mông này là vì: “Trong quá trình khảo sát tại đây vào hồi giữa năm 2007 để mở dự án học bổng, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến thấy người dân tộc trong bản ở trong tình trạng nghèo đói thiếu ăn từ 6 đến 9 tháng trong năm, và rất đông con trung bình một gia đình có từ 5 đến 9 con, thậm chí có những nhà có trên 10 đứa con, hầu hết phụ nữ đều mù chữ thậm chí không biết ký tên mình, các em thì trong tình trạng bỏ học cao, đặc biệt các em nữ vì không có học nên lấy chồng sớm để làm việc kiếm sống, vì những vấn đề trên nên hội đã quyết định mở dự án học bổng nhằm giúp họ dần dần thoát khỏi tình trạng tồi tệ này, bước đầu là giúp các em học sinh còn đang học duy trì học tập không phải bỏ học giữa chừng, trong đó ưu tiên chọn các em học sinh nữ.”

Theo chi Margaud, EDM la một tổ chức phi chính phủ và mục tiêu của hội là trợ giúp học bổng giúp cho các em học sinh nghèo được tới trường không phân biệt tôn giáo.

Anh Giuse Hờ A Tính, trưởng thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, là người Hmông Công giáo mới có 27 tuổi nhưng đã có 4 đứa con, cho biết, dân tộc của tôi đang sống dưới mức nghèo khổ do tình trạng gia đình nào cũng đông con, ruộng, nương ít lại không có nghề nghiệp gì nên thiếu đói quanh năm, con cái thì thất học.

Anh liệt kê ra trong tổng số hơn 100 gia đình Công giáo Hmông trong xã vùng cao này thì chiếm hơn một nửa gia đình có từ 4 đến 6 con, số còn lại có từ 7 đến 9 con, cũng có một số gia đình ngoại lệ có trên 10 người con, nhưng vẫn chưa dừng ở đó, các mẹ các chị vẫn tiếp tục đẻ chưa biết khi nào dừng, vì từ xưa đến nay ở đây không ai có thói quen áp dụng phương pháp ngừa thai nào cả, mà cứ “sinh sản theo tự nhiên” thôi, vì vậy các bà mẹ cứ đẻ đều đều 3 năm hai đứa, thậm chí mỗi năm một đứa.

Anh nói: “Việc có quá nhiều con vừa là một hồng ân của Chúa, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn lao cho dân tộc chúng tôi trong cuộc sống, đó là tình trạng trẻ em thất học tăng cao, tức không đi học hay chỉ học tới lớp hai, lớp ba chưa biết rõ mặt chữ đã phải nghỉ học rồi, con số trẻ em trong độ tuổi học sinh bị thất học, bỏ học hiện nay trong làng chiếm tỷ lệ 70% trong tổng số khoảng 500 trẻ em, thiếu niên trong làng, hiện nay con số học sinh còn đến trường chỉ có 25 em cấp ii, 3 em cấp iii, một em trung cấp và 100 em học sinh cấp i và mẫu giáo, không có ai học đại học, trường cấp ii cách xa làng 7 km, trường cấp 3 cách 15 km và trường dân tộc nội trú của huyện thì cách 50 km.

Anh cũng xác nhận, mặc dù học sinh người dân tộc thiểu số khi đi học đóng góp học phí không đáng kể thậm chí đựoc miễn nhưng các em vẫn hay bỏ học, một phần vì kinh tế khó khăn, phần vì cha mẹ mù chữ thì cũng không quan tâm đến con cái học hành ra sao. Anh hy vọng với chương trình trợ giúp học bổng này lâu dài cho dân tộc anh sẽ cải thiện được tình hình.

Anh giải thích, vì gia cảnh thiếu đói, nên thường thì các gia đình đông con chỉ ưu tiên cho một hoặc hai đứa con đi học, thường là con trai đầu lòng, con út, trong khi những người con khác phải ở nhà giúp cha mẹ làm việc kiếm sống như làm ruộng, làm nương rẫy trồng ngô, sắn, đi săn bắn thú rừng, hái măng rừng, hay xuống các bản làng người Kinh để làm thuê kiếm tiền mua gạo, muối.

Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Dưỡng, quản xứ Yên Bái, người được hội giao điều hành chương trình học bổng EDM tại Hồng Ca, vui mừng nói: “Tôi cảm thấy rất vui và hy vọng về chương trình trợ giúp học bổng đầu tiên này cho các em học sinh dân tộc H’mông, để các em có cơ hội nâng cao kiến thức, học vấn để sau này có cơ hội tìm việc làm ổn định cuộc sống, chứ không chỉ mù chữ lầm lũi như cha ông họ mãi vậy, đặc biệt là các em học sinh nữ, đây quả là một cơ hội hiếm có nhằm thúc đẩy nâng cao dân trí cho người dân tộc thiểu số nói chung, và người phụ nữ nói riêng được nâng cao vị thế và bình đẳng giới của mình.”

Cha Dưỡng, cho biết thêm: “Tôi mới về coi sóc mục vụ Yên Bái chưa được hai năm, nhưng khi đến viếng thăm mục vụ bà con người H’mông ở Hồng Ca tôi không khỏi xúc động khi thấy họ ở trong những ngôi nhà giống những túp lều được che chắn tạm bợ bằng tre, nứa rừng lợp lá thì đúng hơn, trong nhà không có gì đáng giá ngoài hai ba cái giường tre và mấy cái nồi méo mó, con cái thì đông đúc, thiếu ăn.”
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo phận Vinh: Giáo dân xứ Kẻ Mui đang cô đơn dưới bạo quyền và khủng bố
Sơn Hà
10:06 04/06/2008
VINH - Đến nay, đã một tháng trôi qua kể từ ngày hàng ngàn Giáo dân xứ Kẻ Mui, thuộc xã Sơn Trung, Huyện Hương Sơn, Tỉnh Hà Tĩnh kéo lên Ủy ban Nhân dân huyện đòi được giải quyết trả lại đất đai của Nhà thờ xứ và bị “nhóm côn đồ” hành hung ngay trong khu vực UBND Huyện, ngay trước mắt các Công an bảo vệ, hậu quả là giáo dân bị đánh trọng thương cả chục người, một Giáo dân đã phải vào viện.

Đồng thời những hiện tượng khủng bố trắng trợn với Giáo dân, Giáo xứ diễn ra công nhiên ngay xung quanh nhà xứ bằng côn đồ đe dọa, bằng xe máy gầm rú cả đêm, đâm vào bất cứ ai đứng xung quanh hoặc ra vào Nhà xứ, chị Phùng Thị Liễu đã bị đâm gãy xương sườn.

Nhưng đã không có không một dòng tin, không một tiếng nói nào của Giáo dân và Giáo quyền được cất lên nhằm động viên, an ủi họ, đẩy họ vào tình thế cô đơn, để mặc họ phó mình cho kẻ dữ.

Giáo Phận Vinh là một Giáo phận có gần nửa triệu Giáo dân thuộc ba tỉnh Nghệ - Tĩnh – Bình. Lịch sử Giáo phận là lịch sử của sự khốc liệt và bách hại qua nhiều thời kỳ. Cũng qua những thời kỳ đó, đã nảy sinh nhiều chứng nhân của Đức Tin, làm nên một lịch sử vẻ vang và quật cường của Giáo Phận.

Người ta còn nhớ những kỷ niệm của một thời đau thương ngay từ thời Đức Giám mục Gioan Baotixita Trần Hữu Đức (1951-1971) là Giám mục người Việt đầu tiên của Giáo phận đã trải qua một thời kỳ đen tối của lịch sử nhưng sáng ngời gương đấu tranh khôn ngoan và bất khuất qua những trận đấu tố của cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) và cả giai đoạn khốc liệt sau này dưới chế độ Cộng sản thời chiến tranh. Nhưng Ngài đã đưa Giáo phận ngày càng phát triển với con số linh mục luôn thuộc hàng cao nhất các Giáo phận miền Bắc thời bấy giờ và tấm lòng người Giáo dân Giáo phận vẫn luôn kiên trinh với Giáo Hội, bất khuất trước bạo quyền.

Giáo Xứ Kẻ Mui, một Giáo xứ thuộc miền sơn cước của vùng Hà Tĩnh, cũng không ngoài hoàn cảnh đó. Liên tiếp những cuộc đấu tố Linh mục trong CCRĐ và những hàng động, những chủ trương nhằm xóa bỏ Giáo xứ đã không thành công.

Đến nay, những người đã trọng tuổi ở Kẻ Mui vẫn còn nhớ những buổi đấu tố mà nạn nhân là Linh mục Phùng Mai Lĩnh (1903 – 1994). Người ta còn kể lại chuyện một nông dân được gọi lên đấu tổ Cha Lĩnh đã bắt Ngài cúi đầu xuống và tố:

- Mày đã hiếp dâm cả 100 người đàn bà

Ngài chỉ thủng thẳng trả lời nhỏ nhẹ:

- Có mà sức voi

Người đó đấu tiếp:

- Mày đã đưa cho con cháu cả bao tải tiền giấy

Ngài vẫn thủng thẳng:

- Có mà lá mít.

Sau CCRĐ, nhân tuần chầu lượt, Giáo xứ được đón Đức GM Trần Hữu Đức về kinh lý, giáo dân hết sức vui mừng đã làm một câu đối hai bên cổng chào như sau:

- Con cái hân hoan mừng Cha Hữu Đức

- Cháu chắt buồn rầu vì Bác Bất Nhân.

Kết quả của câu đối đó là 14 năm tù dành cho tác giả.

Những câu chuyện đó, là những câu chuyện của ngày xưa. Còn câu chuyện ngày nay thì vẫn còn khốc liệt và trắng trợn không kém.

Năm 1978, chính quyền chủ trương đưa toàn bộ giáo dân vào rừng để ‘lấy đất sản xuất’(!). Toàn thể giáo dân quanh nhà thờ bị dồn vào rừng bên kia sông, chỉ còn duy nhất Cha Phùng Mai Lĩnh trụ lại ở Nhà Thờ với muôn vàn khó khăn, khổ sở vì tự mình phải tồn tại không giáo dân, không người giúp việc với cuộc sống hết sức khổ cực. Nhưng Ngài đã vượt qua tất cả và chiến thắng để bảo vệ ngôi Thánh đường cho con cháu hôm nay.

Năm 1991, do hoàn cảnh rùng sâu nước độc, dân sốt rét nhiều, không thể chịu được cảnh đem dân bỏ rừng, dân đã phải trở về nơi cũ, nhưng nơi cũ còn đâu.

Năm 1988, sau khi đưa giáo dân đi để lấy đất sản xuất, chắc không còn nhu cầu ‘đất cho sản xuất’ nữa’ (?) nên chính quyền xã Sơn Trung đã đưa năm hộ dân ngoại giáo vào đất của Nhà thờ. Đặc biệt có hai hộ là gia đình Bà Hóa và Bà Huê đặt sát vào ngay cung Thánh của nhà thờ (Hiện tại chỉ cách cung Thánh Nhà thờ mới khoảng 2 mét).

Trở về nơi cũ với cảnh Nhà thờ và nhà xứ tan hoang, Giáo dân Kẻ Mui đã cũng nhau xây dựng lại ngôi Thánh đường mới. Nhưng đất đai của Nhà thờ đã bị chiếm đoạt. Do vậy từ đó, giáo dân đã liên tục từ đó có lời kêu xin đến các cấp, các ngành. Nhưng tít mù rồi lại vòng quanh, không một cấp nào giải quyết cho họ thỏa đáng.



Đoàn kiểm tra được phái về đã bất chấp các chứng cứ về đất đai của Giáo xứ, phủ nhận những chứng cứ sống động của họ mà người ta nghĩ rằng không thể chối cãi.

Giáo dân chỉ yêu cầu: Nhà nước cấp đất mới cho các hộ đã được đưa vào ở đất Nhà thờ, đặc biệt là hai gia đình ở sát ngay cung Thánh mà những sinh hoạt của họ ảnh hưởng không nhỏ đến nơi tôn nghiêm của Thánh đường, nhất là với sinh hoạt gia đình không đồng tôn giáo, hỗ trợ kinh phí cho họ di chuyển để Nhà thờ xin lại đất của mình đã bị chiếm đoạt.

Tuy nhiên, các cơ quan Nhà nước trả lời ráo hoảnh: ‘Nhà nước không có chủ trương giải tỏa gia đình Bà Hóa và Bà Huê’.

Qua một quá trình dài tiếng kêu không thấu, ngày 2 tháng 5 năm 2008, 300 giáo dân đã kéo lên Ủy ban Nhân dân huyện Hương Sơn đề nghị được tiếp và giải quyết.

Ngày 5/5/2008, sau những bức xúc đã dồn nén lâu ngày, có khoảng 2000 người đã kéo lên UBND huyện để thúc đẩy giải quyết nguyện vọng của mình nhưng cơ quan của dân đã không tiếp, đoàn người đến 10 giờ tối phải kéo nhau về.

Ngày hôm sau, 2000 giáo dân lại kéo nhau lên huyện, nhưng UBND huyện vẫn không có ai tiếp dân.

Theo tường thuật của giáo dân Kẻ Mui, và cả những người không phải là giáo dân đã chứng kiến, thì đên 3 giờ chiều, một nhóm du côn khoảng 20 người được phái đến, mà những người này thì người dân không còn lạ. Đa số bọn chúng là bọn lưu manh ở khối 9 thị trấn, không mâu thuẫn, không oán hờn với một giáo dân hay giáo xứ nhưng được đưa đến đánh đập tàn nhẫn những giáo dân lành vô tội.

Trong khi chúng hành hung, những công an canh dân kia đứng nhìn không can thiệp, mà chỉ giả vờ nhân nghĩa nói những lời đạo đức: ‘đừng đánh người ta, người ta cũng là người…’ và bỏ mặc dân cho côn đồ hành hung. Kết quả của cuộc tiếp dân ở UBND huyện Hương Sơn là 10 giáo dân bị thương và chị Hợi đã phải vào viện.

Đến đêm, xung quanh Nhà xứ có 3 – 4 tốp du công nẹt pô xe máy ầm ỹ, kéo vào dọa giết cả cha xứ, Cha xứ phải cắt liên lạc điện thoại. Chúng đâm xe máy vào bất cứ ai đến nhà xứ, kết quả là giáo dân Phùng Thị Liễu đã bị gãy xương sườn.

Những sự việc đó đã xảy ra trước sự chứng kiến của nhân dân lương giáo của huyện Hương Sơn, nhưng điều lạ là không một sự hiệp thông nào chia sẻ với họ.

Khi hỏi một linh mục ở xứ lân cận, đã nhận được câu trả lời: Có nghe nói nhưng chưa biết chi tiết. Hỏi một Linh mục ở Tòa GM Xã đoài, được trả lời: ‘TGM thì ủng hộ giáo dân, nhưng đưa thông tin lên thì giải quyết được gì đâu, như vụ Tòa Khâm sứ đấy thôi. Chúng tôi đã điện vào Công an tỉnh Hà Tĩnh nói về việc đánh đập giáo dân nhưng được trả lời; Chúng tôi đảm bảo với cụ là không có chuyện đó’ (?)

Trong khi một lương dân trực tiếp chứng kiến tại chỗ việc đánh đập giáo dân khi chụp những cảnh đó, bị nhóm côn đồ đe dọa cướp máy ảnh và hành hung đã hết sức bất bình rằng kêu lên: ‘Không thể chấp nhận những hành động như vậy’.

Đã một tháng kể từ ngày Giáo dân Kẻ Mui cùng nhau đòi lại đất đai của Nhà Thờ và bị khủng bố, họ vẫn cô đơn, tiếng kêu của họ vẫn tắc nghẹn và chìm lẫn giữa tiếng gào rú của gió rừng đại ngàn Hương Sơn. Chính quyền đã không thèm nghe tiếng kêu của họ hoặc có nghe nhưng đã đối xử với họ theo luật rừng rú.



Giáo hội có biết đến tiếng kêu của họ? Người Giáo dân nghĩ gì về một Giáo hội Hiệp thông, một Giáo Hội hiệp nhất và tình thương mà Chúa đã dạy chúng ta cần phải làm theo? Những người lương dân nghĩ gì về tình đoàn kết của con cái Chúa, về những vấn nạn mà Giáo dân, Giáo hội đang phải đối mặt không phải chỉ ở một nơi mà là nhiều nơi khác nhau trên toàn cõi Việt Nam này?
 
Xã hội đen hành hung dân đi khiếu kiện tại giáo xứ Kẻ Mui
Mặc Lâm
10:13 04/06/2008
VINH - Côn đồ hành hung người dân oan khiếu kiện trở thành hiện trạng, mới đây nhất ở giáo xứ Kẻ Mui, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Giáo dân tập họp bên ngoài nhà thờ Kẻ Mui
Tình hình khiếu kiện đất đai của dân chúng vẫn đang là đề tài gây nhức nhối cho xã hội. Gần đây rộ lên tình trạng xã hội đen được thuê để khủng bố tinh thần của người dân. Nhóm người này sẵn sàng bạo động và khủng bố bằng bất cứ phương tiện nào với mục đích là gây nản lòng người khiếu kiện. Mới đây, giáo dân xứ Kẻ Mui, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đã gặp phải trường hợp này khi họ tranh đấu đòi lại đất đai của giáo xứ đã bị chiếm từ nhiều năm trước.

Giáo xứ Kẻ Mui thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong những ngày qua đã xảy ra những cuộc xung đột giữa giáo dân là những người đi khiếu kiện đòi lại đất đai của giáo xứ và của chính họ đã bị chính quyền trưng dụng trước đây. Hàng trăm người đã kéo lên huyện Hương Sơn để gặp UBND huyện và cuộc dàn xếp không đi đến đâu. Chính quyền cho rằng đất mà giáo dân đòi thuộc quản lý của nhà nước vì vậy muốn sử dụng những khu đất này thì người dân phải đền bù. Điều này được bà Lê Thị Từ, một người trực tiếp trong vụ việc kể lại:

Dân bị hành hung, bị thương

"Đất đai của giáo xứ Kẻ Mui, đi dòi trên huyện, hai ngày đầu thì họ cho gặp được, mở phòng cho người dân vô. Ngày thứ ba thì họ khoá lại, không cho giáo dân vô. Nhà nước chỉ cho một buổi gặp mà thôi. Một buổi gặp thì họ cứ nói là theo 1795 chi đó, họ trả đất nhưng mà bắt giáo dân đền bù. Giáo dân không đòi đền bù thì đúng hơn chứ.

Họ đền bù vì ba chục năm sinh hoa lợi trên đất của giáo dân. Đáng lẽ giáo dân bắt nhà nước đền bù nhưng giáo dân không đòi họ đền bù mà chỉ đòi trả lại mặt bằng khi đầu, nhưng mà họ lại bắt giáo dân đền bù lại thì giáo dân không chịu đền bù. Họ chỉ cho gặp mặt bữa đầu thôi, chứ còn bữa sau họ đóng phòng hết. Rồi họ lại cho xã hội đen đánh đập."

Trong khi UBND Huyện không giải quyết những đòi hỏi của người dân và cuộc khiếu kiện còn chưa ngã ngũ thì xảy ra tình trạng côn đồ khiến sự việc trầm trọng thêm. Một toán người võ trang gậy gộc đã tấn công người khiếu kiện gây cho hàng chục người bị thương. Bà Từ thuật lại diễn tiến:

"Rồi họ lại thuê bọn xã hội đen đánh đập dân. Dân bị đập rồi không ai đập lại hết. Giáo dân ở đó nghe lã (khát) nấu nước uống, rứa là họ đổ xe chở một bọn xã hội đen. Xã hội đen xuống để đập dân. ( chúng ) cho xe đổ để mà làm vạ cho giáo dân. Vừa đổ xe liền thì bao nhiêu nước uống của giáo dân nó cứ đổ tất cả đi. Nó âm mưu rứa đó."

Chính quyền huyện không có phản ứng.

Bà Nguyễn Thị Hơn, một người trong cuộc cho biết thêm:

"Cũng người quen biết cả thôi, nồi da xáo thịt thôi. Không biết làm sao mà khi đánh thì công an đứng đó. Nhưng mà dân thì ra báo với công an, công an cũng nói nhủ cả nên bây giờ không biết xử ra răng. Thì giáo dân cũng khiếu kiện chưa chi cả, giáo dân đang thinh lặng để khi mô lấy được đất đã. Đòi đât từ năm 1993 đến giờ. Huyện về, khi nớ tới chừ họ không nói chi cả. Từ khi có tỉnh về họ đang hứa với giáo xứ là họ sẽ làm cho nhưng không biết thực ra răng."

Nên tiếp tục đòi, dù có đổ máu vãn đòi lấy lại đất. Bữa lên trên Huyện giải quyết mà họ không giải quyết, rồi lại thuê xã hội đen đánh đập dân.

Khi chúng tôi hỏi cuộc khiếu kiện đòi đất này có được cha quản nhiệm giáo xứ lãnh đạo hay không thì cả hai bà đều xác nhận là Linh mục Ngô Văn Hậu, hiện đang cai quản giáo xứ, không tham gia vào việc này:

"Giáo dân tự đi thôi. Linh mục không giải đáp vì linh mục nay ở đây mai ở nơi khác. Cái này không liên can gì tới linh mục cả. Chỉ có giáo dân khiếu kiện thế thôi. Ngô Văn Hậu là linh mục quản lý giáo xứ. Linh mục không liên can gì. Giáo dân đòi lại quyền lợi của giáo dân, đất của giáo dân thôi. Cha không ra mặt mà cha cũng không đi đòi chi cả."

Chúng tôi cố gắng liên lạc với linh mục Hậu nhưng đường dây của ngài không hoạt động.

Giáo dân đang chờ đợi các cấp thẩm quyền cao hơn đưa ra một quyết định thỏa đáng cho họ và người dân tại đây không có vẻ gì chịu bỏ cuộc tuy ai đó thuê xã hội đen để khủng bố tinh thần của họ. Bà Lê Thị Từ mạnh mẽ cho là không có điều gì khiến cho bà và những người cùng hoàn cảnh với bà phải chùn bước. Bà Từ nói:

"Nên tiếp tục đòi, dù có đổ máu vãn đòi lấy lại đất. Bữa lên trên Huyện giải quyết mà họ không giải quyết, rồi lại thuê xã hội đen đánh đập dân. Họ lại cho xã hội đen đến nhà thờ, ở trước cửa nhà thờ, vô nhà thờ để phá trong nhà thờ, nhưng giáo dân đông quá không vô được là họ lại đâm xe một ngài bị thương bị gãy cẳng nữa."

Việc xã hội đen đàn áp người dân là một hành động rõ ràng là sai trái. Công an đứng nhìn bọn người này đánh đập người dân khiếu kiện mà không có hành động thích hợp lại càng khó chấp nhận hơn. Người khiếu kiện không chùn bước sẽ dẫn đến những vấn nạn mới và nhà nước lại càng khó giải quyết hơn nữa, trong khi những điều đang chờ giải quyết ngày một chất cao hơn trong ngăn kéo của các UBND các cấp.

(Nguồn: Mặc Lâm, phóng viên đài RFA)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Linh Mục Nhạc Sĩ Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh
Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm
12:12 04/06/2008
Linh Mục Nhạc Sĩ Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh (1912-1971)
Cha Chính, Tổng Đại Diện, Giáo Phận Hà Nội

Bối Cảnh U Ám Thời Chinh Chiến Đầu Thập Niên 1950 tại vùng Đồng Văn, Phủ Lý, Hà Nam Bắc Phần Việt Nam

1. Đã từ lâu người cựu chủng sinh họ Đỗ tiểu chủng viện Piô XII Hà Nội đã cố tập trung tài liệu để viết về Linh mục Nguyễn Văn Vinh, người cha linh hướng thánh thiện, một vị anh hùng tử đạo kính yêu, đầy kiêu hùng của bản thân cậu, của nhiều người, và của Giáo Hội Việt Nam,.

Đoạn đường cậu di chuyển từ Tiểu chủng viện Thánh Phêrô Hoàng Nguyên, trong vùng Cộng Sản chiếm đóng sang vùng tề (quốc gia không Cộng Sản) sau những ngày hè có nhiều xáo trộn đặc biệt. Hoàng Nguyên thuộc Quận Phú Xuyên, Tỉnh Hà Đông. Tình hình này diễn biến từ tháng Năm đến Tháng Tám năm 1952.

Khu chủng viện và nhiều làng xóm chung quanh đó thuộc Quận Phú Xuyên và Huyện Duy Tiên, Hà Nam đã nằm trong vùng kiểm soát của quân du kích Cộng sản, sau một thời gian ở trong vùng tề của quân đội Liên Hiệp Pháp. Trong lúc rời chủng viện Hoàng Nguyên về làng Hòa Khê, nơi sinh nhau cắt rốn của mình, dưới bộ đồ trắng cậu phải đi vội như chạy, trên đường đá bên kia con sông đào Hòa Khê. Mắt cậu như như dán chặt, trông chừng chiếc máy bay do thám bà già liên tục cứ xà thấp xuống quan sát toàn khu vực.

2. Về đến nhà, cậu chủng sinh thấy Mẹ và hai chú em trai đang vùi đầu chuẩn bị các thứ đồ đạc, thức ăn cho cậu rời làng Hòa Khê. Đạn móc chiê ùng oàng bắn loạn vào vườn, chẻ nát bụi tre làng, bên cạnh nhà. Mẹ vội giục giã con đi sớm ngay vào Đồng Văn để tránh nguy hiểm, không kịp ngó lại những kỷ niệm thời thơ ấu trong thửa vườn đầy luyến thương. Ngay chiều sâm sẩm tối hôm ấy, mẹ con cậu âm thầm mang vào Đồng Văn cho Cha cậu đã chạy vào đó từ trước. Họ khẩn trương chuẩn bị cho cuộc di chuyển của toàn thể gia đình cậu tản cư lên Hà Nội.

Tuy chậm chân thoát ly làng lên thành thị cải thiện cuộc sống gia đình, nhưng đó là cơ hội bắt buộc vì hoàn cảnh chiến tranh, gia đình cậu phải đi, dù tương lai ra sao. Cậu cùng mẹ đầy âu lo vội tìm, đi theo các lối khuất giữa các ruộng ngô khoai hay các bờ ruộng nhô cao khô ráo. Mẹ con cũng đã tới được nơi căn nhà cha cậu tản cư và tạm ngụ cùng với anh Truyền, Phổ đã đi từ trước, và anh Nguyễn. Anh này là con trai con ông Cửu Hoàn, anh ruột cha cậu mà cậu thường gọi là Bác Hoàn.

Đó là một gian nhà lợp vội bằng tre rơm rạ, trống trải mà người ta cất lên và cho thuê ở trạm Đồng Văn, bên vệ đường quốc lộ số 1, đã bị quân du kích Cộng Sản đào nát ở nhiều chỗ theo chữ chi, để “tiêu thổ kháng chiến chống Pháp”. Ban ngày ngoài đường ai nấy đều nhốn nháo, kẻ đi lên người đi xuống, chạy trốn cảnh chiền tranh. Cậu, như con thiêu thân, say mùi thuốc pháo và hơi xăng xe ô tô Ngựa Bay và nhiều hãng khác, chạy trên quốc lộ. Ban đêm, súng móc chiê từ Bót Cống Nhật Tựu gần Sổ Nghệ hay phía sau làng Động Linh, bắn ùng oàng vào các làng bị chiếm đóng nằm hai bên đường quốc lộ số một.

Các toán lính đi tuần ban đêm trên đường trước mái nhà tranh sơ sài mà người ta ngủ bên trong. Qua những khe hở qua phên liếp tre đan, dưới ánh đèn điện vàng khè leo lét, hầu như cả nhà từ bên trong, ai cũng đều ngó xem những toán lính từ đâu trên xe tải nhà binh đổ xuống. Họ đi tuần ngay bên ngoài mặt đường. Người ta nơm nớp lo sợ khi có nhiều tiếng súng lớn nhỏ nổ ran, chung quanh đồn gần đó, khua tan đêm ngủ không tròn giấc.

Từ trạm ga Đồng Văn, một hôm anh Truyền và cậu đi xe đạp trên đường số một đã bị đào chằng chịt, hạn chế việc di chuyển của quân đội Liên Hiệp Pháp và những chuyến ô tô của dân buôn. Hai anh em xuống thăm chị Hợi ở làng Kẻ Sở (Hồng Phú), rồi vòng lên huyện lỵ Phủ Lý vào thăm gia đình anh chị Xã Hòa. Gia đình này đã từ làng Thủy Trú rủ gia đình ông bà Hàn Tịch cùng tản cư xuống đây. Bà Hàn Tịch là chị ruột của Lý Phẩm, và hai cô chú ấy đều là em họ hai cậu

Ở Nam Định, anh Doanh đã phải bỏ nghề dân quân tự vệ tại các bốt (postes) trong các làng vừa bị quân kháng chiến chiếm đóng, để tham gia quân đội Liên Hiệp Pháp, khi vùng tề bị đánh phá chiếm đóng. Anh đang lái xe Jeep cho một viên sĩ quan Pháp, nhưng chuẩn bị đào ngũ để mang gia đình và con cháu tản cư lên Hà Nội. Anh kiếm thuê một miếng đất ở phố Đội Cấn, Khu Ngọc Hà, Hà Nội để nuôi sống gia đình trong những ngày chạy loạn lên Hà Nội.

Đi Hà Nội Lần Đầu Tiên

Cậu đi Hà Nội trước để kịp gia nhập chủng viện. Cha cậu, anh Truyền, anh Phổ và anh Nguyễn trù liệu thu xếp chuyển lên Hà Nội sau. Cha cậu sẽ đến cư ngụ tại số 78 Phố Đội Cấn Khu Ngọc Hà, Hà Nội, chung nhau mở hiệu thuốc Bắc, người góp công kẻ góp của, với cha con ông bà Dần. Ông bà này người thuộc giáo xứ Chằm hạ, mới trúng sổ xố nên có đủ tiền mua nhà ở Hà Nội.

Còn gia đình anh Ngoạn, Nguyễn tạm trú tại nhà anh Ba Khoa, thuê tại gần khu Thái Hà Ấp, cùng với anh Truyền, Phổ, hai anh ruột lớn của cậu. Khi cha cậu lên cư ngụ ở Phố Đội Cấn, ông mở cửa hiệu thuốc làm Đại Lý Nhà Thuốc Đông Hoa để kiếm tiền sống qua ngày.

Khi cha cậu ổn định tại đây, thì mẹ cậu, chị Hợi, anh Truyền, Phổ cũng đến thăm cha cậu tại Hà Nội. Chị ở chơi Hà Nội mấy ngày thăm cha mẹ, các em, rồi trở lại Hồng Phú. Anh Phổ ở lại Hà Nội, học nghề may với anh Ba Khoa, còn mẹ lại đi đi về về nhiều lần sau mới lừa quân du kích trong làng bỏ nhà hẳn đi lên Hà Nội với hai em Trang và Dzong.

Gia Nhập Tiểu Chủng Viện Piô XII Hà Nội Sau Hè 1952

Trong bối cảnh ly tán của những người thân trong gia đình, cậu chủng sinh đã chuyển trước lên cư ngụ Quần Ngựa, gia nhập tiểu chủng viện Piô XII, lúc đó đặt cơ sở tại Trường Lacordaire mà chủng viện tiếp quản từ các linh mục thừa sai Paris. Trước đó các thừa sai này (cụ thể là Linh Mục Paul Seitz Kim coi Cô Nhi Viện Thị Xã Kitô Vương, về sau chuyển đến Gò Đống Đa, lối đi xuống thị xã Hà Đông) tiếp nhận từ các linh mục dòng Đaminh chi tỉnh Lyon tại Việt Nam. Cô Nhi Viện vừa tản cư từ cơ sở tại Sơn Tây về Hà Nội.

Thụ Huấn với Linh mục Nguyễn Văn Vinh, cha giáo Pháp Văn và Âm Nhạc

Từ đó, cậu theo học, được xếp vào lớp Đệ Thất, lớp nhỏ nhất trong chủng việc khi đó và từ đó biết chút ít về Linh mục Nguyễn Văn Vinh. Lúc ấy Linh mục mới ở Pháp trở về sau mười mấy năm du học tại Pháp. Ngoài LM Vinh, con có một số linh mục mới từ bên Pháp về nước: LM Lê Văn Lý, Đình Lưu Nhân, Trần Trinh Khiết. Về sau, khi chủng viện vào Nam, thì có thêm các Linh mục Nguyễn Ngọc Oánh, Nguyễn Minh Thông, và Phạm Hân Quynh.

Như cậu nghe biết, ngài sinh tại làng Ngọc Lũ, Nam Định, chưa có tư liệu để biết ngày sinh tháng năm sinh của ngài, nhưng chắc là sấp xỉ cùng tuổi với linh mục Lê Văn Lý (1913-1992). Ngọc Lũ là một làng quê gần núi Đọi Đệp, hay Đọi Sơn, gốc gác nổi tiếng của Trống Đồng Ngọc Lũ, một trong những nôi văn hóa truyền thống của dân Việt.

Đó cũng là nơi xuất phát nhiều dòng tín hữu tử vì đạo trong thời kỳ cấm đạo (1771-1885). Trong thời gian du học tại Pháp Linh mục Nguyễn Văn Vinh đã gia nhập dòng Biển Đức. Nhưng khi về Hà Nội, cậu chỉ biết Linh mục là một giáo sỹ thuộc địa phận Hà Nội. Linh mục say mê và rất giỏi Violon. Tôi nghe nói là Linh mục đỗ đầu trong các thí sinh trúng tuyển kỳ thi vĩ cầm (violonistes lauréats) ở Conservatoire National Supérieur de Musique de Paris.

[Mấy Hàng Tiểu Sử Linh Mục Nhạc Sĩ Gioan Tẩy Giả La San Nguyễn Văn Vinh (1912-1971)

[Chú Thích Đặc Biệt: Chị Trần Thị Hường, cựu ca viên thuộc Ca Đoàn Nhà Thờ Lớn Hà Nội thời Linh Mục Nguyễn Văn Vinh bị bắt lâm cảnh tù tội, từ Hà Nội, đã đánh máy những trang tài liệu liên quan đến cha Vinh. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Bích sưu tập và công bố tài liệu này trong cuốn “Nhân Vật Công Giáo Việt Nam Thế Kỷ XVIII – XIX – XX” (Xuất bản tại Sàigòn năm 2006, lưu hành nội bộ, 710 trang,) chuyển sang Hoa Kỳ qua internet cho người viết. Nếu không có cách làm việc thời điện tử không gian hiện đại tận tụy này, người viết không thể bổ sung những chi tiết này theo cách trình bày của mình. Xin cảm ơn ba vị: chi Trần thị Hường, ÔÔ Lê Ngọc Bích và Cao Kỳ Hương và những ai đã có công sưu tập tài liệu liến quan đến cha Vinh. Xin Ngài cầu bầu cho mỗi người trước nhan thánh Chúa phục sinh muon đời]

Linh mục Nguyễn Văn Vinh chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại quê nội, ở làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Định

Thân phụ Linh mục là Ông Giuse Nguyễn Văn Nhi, quê Ngọc Lũ, gia nhập giáo hội Công giáo khi lập gia đình với cô Maria Hoàng Thị Mùi, người làng Vân Đồn, xã Vân Hồng, huyện Thái Thủy, tỉnh Thái Bình (nay thuộc giáo phận Thái Bình).

Thân mẫu Hoàng Thị Mùi đã từng một thời đi tu dòng Cát Minh Hà Nội, nhưng rồi đã chuyển hướng ơn gọi để sống đời giáo dân bình thường. Hai ông bà sinh được 3 người con, trong đó Nguyễn Văn Vinh là anh cả của hai người em nữa. Hai người sau này mất sớm. Ông bà Nhi nhận hai người con nuôi thay hai người con đẻ đã sớm về với Chúa.

Ông Nhi vốn tính hiền lành đạo đức. Ông bị ngã, nằm liệt giường suốt mấy năm trời, rồi qua đời ngày 16/4/1937. Thân mẫu nhanh nhẹn, thông mình, tháo vát vui vẻ. Một điều hiếm có vào thời gian đó đối với nhiều người, nhất là giới bình dân ở thôn quê, bà nói tiếng Pháp trôi chảy và học được nghề Y Dược, nhờ được học hỏi về kiến thức chuyên môn Y Dược trong Tu Viện Cát Minh ở Hà Nội thời còn là tu sinh. Nhờ vậy, không những bà có thể nuôi sống cả gia đình mà còn giúp ích bà con lối xóm trong làng.

Thầy Nguyễn Văn Vinh đi tu làm linh mục. Đó là niềm hãnh diện lớn lao cho bà. Nhưng khi thầy Vinh đi du học bên Tây xa cách vời vợi, thì bà càng thương nhớ con, và chắc buồn khổ nhiều lắm, đến nỗi dần dần bị lao tâm khổ tứ và bà cụ qua đời, rồi đến ngày 22/5/1941, con trai không được gặp mẹ.

Đi Tu, Gia Nhập Tràng Latinh Hoàng Nguyên Giáo Phận Hà Nội

Cậu Nguyễn Văn Vinh, một thiếu niên vui vẻ, thông minh, lanh lẹ, lại có năng khiều âm nhạc, hội họa, thơ ca, có giọng hát đáng chú ý, lôi cuốn mọi người nghe. Trong xứ đạo Ngọc Lũ ai cũng cảm mến cậu thiếu niên này, nhất là cha xứ Dépaulis Hương. Cha thừa sai Dépaulis sẵn lòng bảo trợ cậu Vinh lên học Trường Puginier do các tu huynh dòng La San điều khiển tại Hà Nội. Vừa chăm, vừa ngoan, câu Vinh sớm lập được nhiều thành tích học tập tốt đẹp:

Các văn bằng cậu lần lượt đoạt được là:

« Études Primaires Élémentaires » (Sơ Học Yếu Lược, ngày 19/8/1927)
« Études Primaires Franco-Indigènes (Tiểu Học Pháp Nam, năm sau, ngày 20/5/1928)

Thế là cậu Vinh nhanh chóng được nhận vào học lớp Sáu, lớp đầu cuủ chương trình giáo dục đào tạo linh mục niên khóa 1937-1928, trong nhà tràng latinh (tiểu chủng viện) Hoàng Nguyên, nay thuộc Huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây,Giáo Phận Hà Nội.

Được Chọn Đi Du Học Pháp. Thụ Phong Linh Mục

Năm 1930, cùng với phái đoàn các thừa sai Pháp mà cha Dépaulis là một thành viên, thầy Nguyễn Văn Vinh và một số thầy khác, như Trần Trinh Khiết… được đi du học Pháp và cho vào học trường Đức Bà Kresler thuộc thị xã St Pol de Léon, tỉnh Finistère, miền Bretagne ở Tây Bắc Pháp. Đến năm 1934, thầy Vinh cùng một số thầy khác được chuyển lên học tại Paris và đỗ Tú Tài Pháp khóa ngày 29/6/1935.

Sau đó, thầy GB Vinh được học tiếp Đại Chủng Viện Xuân Bích, tại Issy-les-Moulineaux, Paris

Vào các năm 1937-1938-1939 tại chủng viện Paris, thầy Vinh lần lượt lĩnh nhận thừa tác vụ các chức nhỏ.

Qua năm 1940, năm thứ hai trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, có nhiều biến cố làm chuyển động nước Pháp mạnh mẽ. Thủ đô Paris của Pháp bị các lực lượng Đức Quốc Xã đe dọa rồi chiếm đóng. Dân chúng phải di tản đi khắp nơi tùy hoàn cảnh.

Lúc đó, toàn bộ Đại Chủng Viện Xuân Bích cũng phải chạy xuống Limoges, cách Paris chừng 375 cây số về hướng Nam. Tại đây, ngày 20/6/1940, Giám Mục Giáo Phận Limoges là Rastouil làm chủ lễ tấn phong linh mục cho thầy GB Nguyễn Văn Vinh và các thầy khác như Trần Trinh Khiết, Delabi, Delia…
Trong tình hình chiến tranh đang diễn ra khốc liệt, các tân linh mục Việt Nam phải ở lại Pháp, tiếp tục học tập. Trong lúc các linh mục sinh viên khác theo học các ngành như Toán (Đinh Lưu Nhân), Triết (Trần Trinh Khiết, Nguyễn Huy Mai) Ngữ học (Lê Văn Lý)…, Cha GB Nguyễn Văn Vinh ghi danh học Văn Khoa - Triết ở Đại Học Sorbonne. Cha còn theo khoa Âm Nhạc tại Nhạc Viện Quốc Gia Pháp về môn Sáng tác và Hòa âm. Về nhạc cụ, cha chuyên về Violon va Piano.

Trong thời gian học Đại Học, để có thù lao sinh sống và đi học thêm, các cha đều nhận làm tuyên úy cho nhiều cơ sở khác nhau. Cha Vinh nhận làm tuyên úy cho Đan Viện Cát Minh tại Pressi-Robinson, vùng ngoại ô Paris

Gia Nhập Dòng Biển Đức - Hồi Hương Về Hà Nội

Sau khi tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân Văn Triết tại đại học Sorbonne, Paris, đồng thời tốt nghiệp Bộ Môn Hòa Âm và Violon tại Nhạc Viện Quốc Gia Pháp (Conservatoire National de Paris), cha Vinh chuẩn bị làm luận án Tiến Sĩ về khoa Tâm Lý Trẻ Em, nhưng rồi cha bỏ ngang công trình này để theo một nguyện vọng khác. Cha gia nhập dòng Biển Đức tại đan viện St Marie ở số 5 Rue de la Source, Paris XVI (người ta thường gọi là các “tu sĩ La Pierre-qui-vire”).

Đây là cuộc chuyển hướng ơn gọi quan trọng trong quá trình tu trì của Linh Mục Nguyễn Văn Vinh. Ngài muốn trở thành một tu sĩ dưới tu phục dòng Biển Đức khi về nươc, với lý tưởng Biển Đức.

Ngài dự trù lập một Đan Viện tại Việt Nam để truyền bá Tin Mừng theo tinh thần thánh tổ phụ Biển Đức, đậm đà bản sắc văn hóa Á Đông. Thế chiến II đã bắt đầu thì nay đến hồi kết thúc với chiến thằng thuộc về phe Đồng minh do Hoa Kỳ đứng đầu, khuất phục phe Trục Đức- Ý- Nhật có xu hướng phát xít.

Nước Việt Nam Mới Độc Lập.

Thế là đất nước Việt Nam chuyển sang khúc quặt mới: chế độ dân chủ cộng hòa độc lập, các tân linh mục có hy vọng hồi hương theo nguyện ước mới. Trong số những thanh niên đầy nhiệt huyết và hăm hở ấy, trên chiếc tàu Cap Varella từ Pháp về Việt Nam, có mặt các linh mục Đinh Lưu Nhân, Trần Trinh Khiết, Nguyễn Huy Mai, Nguyễn Văn Vinh, Lê Văn Lý, Nguyễn Quốc Bồng. Tàu cập bến Sàigòn đêm 14 rạng sáng ngày 15/8/1947, nhả xuống một số người và hàng hóa, rồi lại nhổ neo tiếp tục cuộc hải trình trực chỉ bến cảng Hải Phòng.

Cuộc Thành Lập Đan Viện Biển Đức Việt Nam Của Linh Mục Nguyễn Văn Vinh Không Có Kết Quả.

Sau 17 năm du học về nước, các tân linh mục giáo phận Hà Nội sẵn sàng về nước phục vụ. Giám Mục François Chaize Thịnh, (1935-1949), Đại diện Tông tòa Giáo Phận Hà Nội, giao phó nhiệm vụ đầu tiên cho Linh Mục Nguyễn Văn Vinh là làm chính xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội và dậy Kinh Thánh, âm nhạc cho các chủng sinh Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội trong thời gian từ 1947 đến 1950 dưới tu phục tu sĩ dòng Biển Đức.

Cũng chính trong thời gian này, Linh Mục Nguyễn Văn Vinh xúc tiến thành lập một Đan Viện Biển Đức với sắc thái Á Đông theo ước nguyện từ thời gian ở Pháp trước đây đến nay. Cha vẫn mặc tu phục và để triều thiên vành tóc kiểu Biển Đức. Với giấy giới thiệu của Đức Viện Phụ St Marie ở Pháp, cha Vinh đã trình bày dự án và ý định lập dòng Biển Đức lên các cấp giáo quyền, rồi lặng lẽ chờ đợi. Nhưng trải qua thời gian khá lâu dài, người ta đoán là công việc không xong qua một số dấu chỉ biều hiện bên ngoài như, cha mặc tu phục linh mục triều bình thường, bỏ tu phục Biển Đức và không còn để triều thiên vành tóc trên đầu.

Không ai hay biết những điều gì đã xảy ra giúp giải thích chuỗi diễn biến làm thành lý do khiến dự án đó bất thành. Về phần cha Vinh, ngài vẫn giữ thái độ thanh bình, an nhiên, trầm tĩnh, hoàn toàn im lặng.

Người ta chỉ biết rằng Đan Viện Biển Đức Việt Nam đầu tiên đã được khai sinh ngày 10/6/1940 tại Thiên An Huế. Linh mục Bề Trên là Paul Romain Guillaume (1900+1982), cũng là tu sĩ xuất thân từ Đan Viện la Pierre-qui-vire ở Pháp (1)

Giáo Sư Tiểu Chủng Viện Piô XII Hà Nội

Khi quản nhiệm giáo xứ, đã có biến cố quan hệ giữa cha Nguyễn Văn Vinh, Linh Mục Chính xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội, với tướng De Lattre de Tassigny về việc sắp xếp chỗ ngồi trong nhà thờ Hà Nội trở nên căng thẳng, nhân lễ cầu hồn cho Trung Úy Bernard De Lattre de Tassigny, con trai độc nhất của Tường De Lattre bi tử trận.

Giám Mục Hà Nội Trịnh Như Khuê thấy thế, liền đề nghị cha Vinh thôi giữ chức chính xứ nhà thờ lớn và thuyên chuyển cha về làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Piô XII ở số 35 Đường Hoàng Hoa Thám, thủ đô Hà Nội. Cha phụ trách các bộ môn tiếng Anh, tiếng Pháp, Âm Nhạc và Triết, Cha cũng giảng dậy tại Trung học Chu Văn An và Đại Học Hà Nội.

Cha Vinh đến phục vụ tại Tiểu chủng viện Piô XII Hà Nội từ 1950 đến 1954. Năm 1954 chủng viện di cư vào Nam. Linh mục Nguyễn Huy Mai được trao nhiệm vụ hướng dẫn các chủng sinh tiếu chủng viện và đại chủng viện Hà Nội di cư vào Nam cùng với giáo ban liên hệ. Còn cha Nguyễn Văn Vinh vẫn ở lại cùng sống với giáo phận, với giáo dân trong hoàn cảnhdưới chế độ mới của Giáo hội, của Đất Nước.

Giám Mục Trịnh Như Khuê bổ nhiệm cha Nguyễn Văn Vinh làm cha chính, Tổng Đại Diện, giáo phận thay thế cha chính Nguyễn Huy Mai đã vào Nam với chủng sinh. Ở cương vị cha Chính giáo phận, cha Vinh tích cực hướng dẫn giáo dân sống đạo trong bối cảnh chính trị, xã hội mới của đất nước với bao khó khăn nhiều mặt. Giám Mục Trịnh Như Khuê ùy thác cho cha Tổng Đại Diện hâu như mọi việc giao dịnh với giới chức phần đời. Cha Tổng Đại Diện mới rất hăng say lo chu đáo mọi việc trong giáo phận. Ngài tổ chức các lớp giáo lý cho giáo dân, qui tụ thanh niên nam nữ tham gia các sinh hoạt sôi nổi trong giáo xứ. Cha tổ chức các cuộc rước kiệu, các buổi lễ lớn trong Giáo phận, đặc biệt là cuộc rước kiệu Thánh Thể năm 1958 mà nhiều người nay còn nhớ rõ.

Định Mệnh Chuyển Hướng Bắt Đầu Từ Tổ Chức Lễ Giáng Sinh Năm 1958

Cuối năm 1958, để chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, các thanh niên nam nữ thuộc Giáo xứ Nhà Thờ Lớn tấp nập nhộn nhịp đến tham gia trang hoàng nhà thờ, treo đèn, kết hoa… trước nhà thờ. Trong đám thanh niên lui tới, có một số người lạ mặt đến đòi tham gia việc trang trí, nhưng khi đó Cha chính xứ bấy giờ là linh mục Trịnh Văn Căn tỏ ra không đồng ý để những người lạ mặt đó tham gia. Giáo dân nghe tin, kéo đến trước quảng trường Nhà Thờ lớn rất đông, cũng đồng ý với cha chính xứ, không chịu để cho những người lạ mặt đó lo trang trí chuẩn bị ễ Giáng Sinh. Hai bên giằng co, cãi nhau, tranh giảnh nhau, căng thẳng tột độ. Cha Tổng Đại Diện Nguyễn Văn Vinh xuất hiện can thiệp. Thế là mưu đồ dấu mặt thành công !

Người nghiên cứu nhận thấy chắc chắn có chính quyền được thời cho một số người của mình dấu mặt nhúng tay trà trộn vào và có hành động du côn như ngày nay bản kịch đó mới được diễn lại trong vụ giáo xứ Đồng Mùi ở Giáo Phận Vinh.

Thế là ngay sau lễ giáng sinh năm 1958, hai linh mục Trịnh Văn Căn, Nguyễn Văn Vinh và một số giáo dân được cơ quan an ninh hỏi thăm tới thẩm vấn và được đem ra Tòa công khai xét xử về « Vụ Noel 1958 ».

Đến ngày 31/1/1959 tòa án nhân dân Hà Nội được triệu tập nhanh chóng mở nagy Phiên Tòa công khai phân xử các linh mục Trinh Văn Căn, Nguyễn Văn Vinh và 3 giáo dân.

Một Bản An Khuất Tất Dấy Bất Công

Hầu như ai cũng có thể đoán được kết quả của cuộc phân xử được dàn dựng giành phần thắng về phía chính quyền, Tòa đã tuyên án:

Cha Trịnh Văn Căn, người chịu trách nhiệm tổ chức Lễ Noel năm 1958: 12 tháng tù treo để dằn mặt.
Các anh Đáng, Chính và Nhiều tức Tuyên và Đỗ Văn Đức bị phạt cảnh cáo.
Nhưng người chính được nhắm tới để khủng bố tinh thần các vị lãnh đạo giáo hội và cộng đoàn dân Chúa Hà Nội là Linh Mục Tổng Đại Diện Linh mục Nguyễn Văn Vinh vì biến cố đó bị xét xử lãnh 18 tháng tù ngồi với tội danh:
« Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rồi trị an, có tính vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân ».

Từ 18 Tháng Thành 12 Năm Tù, Chết Rục Xương

Từ khi bị bắt giao giải đi từ không ai biết chuyện gì đaả xảy ra cho Linh Mục Nguyễn Văn Vinh. Chính quyền Tòa Án Cộng Sàn cố bịt tất cả những nguồn tin sau đó và bí mật đối xứ với một tù nhân không có quyền tự do kháng cáo một bản án đã được dàn dựng bất công.

Người ta nói rằng ngay khi lãnh nhận bản án 18 tháng tù ngồi, cha Vinh vẫn giữ thái độ an nhiên…không tỏ ra buồn bực, tức giận hay oán hận.

Vẫn nghe nói đầu tiên cha Vinh bị giam giữ ở nhà tù Hỏa lò. Mãi cha mới bị chuyển lên trại tù Yên Bái… để cuối cùng bị kiên giam và biệt giam suốt 12 năm kết thúc đời tù tội oan nghiệt.

Trại Tù Cổng Trời Xã Quyết Tiến, tỉnh Hà Giang

Cha đã trải qua cuộc sống 59 năm nơi trần thế và qua đới tại Trại Tù Cổng Trời. Nhà tù này nổi tiếng là một trại trừng giới có biệt danh « Cổng Trời », thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quan Ba, tỉnh Hà Tuyên « Hà Giang – Tuyên Quang », cách biên giới Trung Quốc chừng 10 cây số đường chim bay. Trại Tù ác nghiệt này sở dĩ có tên là Cổng Trời, vì mấy lý do sau:

Tù nhân bị đưa lên trại này thường không có mấy ai hy vọng trở về… mà gửi xác nơi này

Trại này nằm ở độ cao hơn 2000 mét trên mặt biển, cao gầnchạm Trời, âm u lạnh lẽo, chẳng khác gì cảnh âm ti địa ngục, chung sống với ác thần. « Cổng Trời » chính là nơi dành riêng cho các tù nhân có án tử tội.

Cha Nguyễn Văn Vinh vĩnh viễn không về nữa, gửi nắm xương tàn nơi núi rừng xã Quyết Tiến quanh quẩn trại « Cổng Trời ». Mãi một năm sau khi cha lìa đời, Giám Mục Trinh Như Khuê và Linh mục Nguyễn Tùng Cương, « Giám Mục Hải Phòng 1979 », được chính quyền Hà Nội mới đến thông báo cho biết tình trạng của cha chính Vinh:

« Ông Vinh đã chết. Cấm không được làm lễ áo trắng và áo đỏ cho ông Vinh »

Người sau được biết cha GB Nguyễn Văn Vinh chết ngày 18/2/1971. Số mộ: 05; Nghĩa địa số: 02. Khu A, Trại Quyết Tiến, Hà Giang,

Linh mục GB Nguyễn Văn Vinh sống được 59 năm trên trần thế, được chia ra như sau: trong 31 năm làm Linh mục, thì suốt 12 năm cuối đời sống nghiệt ngã xỉ nhục nhưng anh hùng trong cảnh tù đầy cho đến chết.

Sự Nghiệp Linh Mục Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Vinh Với Am Nhạc Công Giáo Viẹt Nam

Sinh Viên Tốt Nghiệp Khoa Âm Nhạc Tại Conservatoire Natioanl De Paris, Pháp.

Năm 1930, như ta biết, Giám Mục Gendreau Đông (1892-1935), Giám mục Giáo Phận Hà Nội gửi mấy đại chủng sinh đầu tiên của Giáo Phận đi du học Pháp. Đó là các thầy Trần Trinh Khiết, Nguyễn Văn Vinh, Đinh Lưu Nhân và Lê Văn Lý. Ở Pháp, riêng thầy Nguyễn Văn Vinh ghi danh học thêm bộ môn âm nhạc tại Nhạc Viện Quốc Gia Pháp và đã tốt nghiệp về Bộ Môn sáng tác, Hòa Âm và chuyên về nhạc khí Violon và Piano. Được biết ngón đàn Violon của cha Vinh thật là tuyệt diệu, quyến rũ lòng người như mê hồn chốn thiên thai:

« Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”

(Nguyễn Du: Truyện Kiều)

Bài ca Bất Hủ: De Profundis - Ở Dưới Vực Sâu

Với tinh thần say mê và năng khiều âm nhạc vượt trội hơn người, cha Nguyễn Văn Vinh đã để lại nhiều tác phẩm tôn giáo, đóng góp nhiều vào nền Thánh Nhạc Công giáo Việt Nam. Trong buổi lễ “Cầu Cho Quốc Thái Dân An” do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Paris tổ chức nhân cuộc đón tiếp phái đoàn Việt Nam do Hồ Chuí Minh cầm đầu, sang dự Hội Nghị Fontainebleau năm 1946, cha Vinh sáng tác bản Thánh Ca “Ở Dưới Vực Sâu”, Bài này được trình diễn trong buổi lễ trang trọng rất xúc động, rất sâu lắng tinh thần đạo giáo …

Bài này là bản dịch cha lấy ý từ trong Thánh Vịnh 129, Kinh Thánh Cựu Ước. Theo nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên, bài há này có Điệp Khúc Bốn Bè, uy linh, thấm nhiễm, khoan thai, giàu âm sắc, rung động, cao cả:
Lời độc tấu:

Thân lạy Gia Vi
Đã trở thành đáp ca:
Ở Dưới Vực Sâu, tôi kêu cùng Chúa
Xin Chúa thỉnh nhời. Chúa hãy lắng tai nghe
Tiếng tôi van u u u
Chúa mà chấp tội, thời ai vững được u u u
Song ở nơi Chúa, rộng lòng thứ tha,
để người cung phung u u u u,


Sau những nốt trầm bên dưới thì tới những giọng ca bay bổng, thánh thót:

Tôi đợi Gia Vi, hồn tôi trông đợi
Ở Nhời Người hứa u u u
Quả là hồn tôi, xót mong đợi Chúa
Hơn người tuần phiên, đợi trông rạng sáng.


Tới phiên khúc thìâm sắc thật tuyệt vời, lời ngâm rất Việt Nam, nhưng cũng rất độc đáo (…).Đó là ý trong Thánh Vịnh 129 theo diễn dịch của tác giả:

Hỡi Ít-ra-en, trông đợi Gia Vi
Vì tại Gia Vi, có lòng nhân từ
Cũng ví nơi Chúa, thừa ơn cứu chuộc u u u
Người sẽ thân chính, chuộc Ít-ra-en
Khỏi hết tội tình i i
Lạy Chúa, hãy cho các hồn ấy (cho)
Vào chốn nghỉ ngơi muôn đời
Lại được ánh sáng muôn đời chiếu soi
(2)

Mỗi Mùa Hoa Sữa Về: Tôn Giáo Nhạc Kịch Đa Vít Với Thanh Niên Hà Nội

Sau khi hối hương, về Hà Nội, các thanh niên yêu nhạc, say nhạc của Nhà Thờ Lớn Hà Nội biết cha Vinh là người giỏi âm nhạc, lại tỏ ra là người đạo hạnh trầm lắng, đơn sơ, sâu sắc và rất hiền từ. Cha hết sức nhiệt tình giúp đỡ các thanh niên Công giáo Hà Nội khi đó về tài liệu, sách nhạc. Cha còn giúp mở lớp dạy về Hòa Âm. Trong những thanh niên ấy về sau, có người trở thành nhạc sĩ tiếng tăm trong làng nhạc Việt Nam. Dó à nhạc sĩ Hùng Lân…

Điều cầnnói rõ là khi từ Pháp về Hà Nội, cha GB Vinh đã cộng tác với Hùng Lân, soạn ra vở nhạc kích tôn giáo đầu tiên bằng tiếng Việt có nhan đề “Tôn giáo Nhạc Kịch Đa-Vít”, lấy tích truyện trong Kinh Thánh: Đa Vít, một trẻ mục đồng được ân tứ đặc biệt từ Thiên Chúa, đã hạ được gã khổng lồ Go-li-at. Nhạc kịch này được in rônêô với phần Hòa Âm do cha Vinh hợp soạn, đóng góp với Hùng Lân trong nhạc kịch này (3)

“Đêm Thánh Vô Cùng”

Ngoài ra, năm 1952 một ca khúc ngoại quốc, lời Việt rất nổi tiếng và bình dân. Bàì “Đêm Thánh Vô Cùng”, xuất hiện trong tuyển tập “Cung Thánh XI” của Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh do Hùng Lân đứng đầu. Bài hát này theo truyền thống kể lại, từng được Linh mục Joseph Mohr và ông Franz Xaver Gruber cùng sáng tác và hát lên lần đầu trong đêm Giáng Sinh 24/12/1818 tại xứ đạo Obendorff nước Áo. Bài này mang tên tiếng Đức là “Stille Nacht, Heilige Nacht” (Đêm tĩnh lặng, đêm thanh bình). Thế là từ đó bản hát giáng sinh này được phổ biến bình dân này rộng khắp các nước… Sang tới Hoa Kỳ, John Freeman Young mau chóng chuyển dịch sang tiếng Anh là “Silent Night, Holy Night”.

Tại Việt Nam, đầu năm 1948, linh mục Nguyễn Văn Vinh dòng Biển Đức từ Pháp về Hà Nội, có mang theo bản nhạc tiếng Đức tặng cho nhóm học trò Hòa Âm, trong đó có Hùng Lân và Nguyễn Việt. Nhưng theo ông Hoàng Văn Sử, em ruột Hùng Lân thì cha Vinh có đem bản nhạc tiếng Đức và tiếng Anh về, và ông Nguyễn Tho, cậu họ của Hùng Lân, đã cùng với Hùng Lân, phỏng dịch từ nguyên tác tiếng Anh (4)

Tiên Báo Định Mệnh Cuộc Đời: Lạy Mừng Thánh Tử Đạo

Có những bài hát chính tay cha Vinh soạn nhạc, hòa âm, phổ nhạc bài thơ của cha Trần Đình Nam phổ biến trong các ca đoàn. Ví dụ bài:

Lạy Mừng Thánh Tử Đạo (Thơ Trần Đình Nam)

Điệu nhạc ở đây khoan thai, chậm rãi, chiêm niệm, độc đáo.Phiên khúc I khá tròn trịa, nhưng tới Phiên khúc 2 thì gồ ghề, nổi song, vấp váp để rồi vươn sáng lên. Đây cũng là những viên ngọc châu bàu còn đang bị cất giấu giũ gìn, nhưng đấy là những tiếng hát như tiên báo định mệnh cuộc đời uy dũng của một v ị anh h ùng tử đạo:.

Năm 1958, nhân cuộc rước kiệu Thánh Thể được tổ chức tại Hà Nội, Cha GB Vinh bấy giờ là Cha Chính (Tổng Đại Diện) giáo phận, đóng góp công lao lớn lao tổ chức và tập luyện các bài Thánh ca, trong đó có bản trường ca bất hủ “Mở Đường Phúc Thật” do chính cha sáng tác.

Để sáng tác trường ca kiệt tác này, cha GB Nguyễn Văn Vinh đã chiêm niệm, suy gẫm, trải nghiệm, sống thực và chuyển dịch thành những dòng nhạc uyển chuyển, phù hợp với nhịp sốngthực tế của con người.

Vì thế, trường ca ‘”Mở Đường Phúc Thật” quả là một bản di chúc quý giá mà cha để lại cho tất cả những ai muốn sống hạnh phúc thật. Đây cũng hiến chương cho tất cả mọi người muốn xây dựng một nền văn minh tình thương thay vì chết chóc hận thù, một thế giới yêu quí` và trân trọng sự sống thay vì bức tử uất hận…

Cha Gioan Tẩy Giả La San Nguyễn Văn Vình đã đi vào cõi Ngàn Thu, nhưng vẫn sống bàng bạc, lẩn khuất đâu đây, gần gũi mọi người chúng ta như bong với hình. Qua gương sống chứng nhân cho lẽ phải, cho công bình, cho tình thương, cho ánh sáng của ngài giữa biết bao ngõ ngách cuộc đời éo le…. Và qua cả những bài Thánh ca diễn dịch Lời Chúa thấm đẫm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Có một người yêu nhạc, giỏi âm nhạc, từ tấm bé khi còn độ tuối tiểu học đã thường hát: “Nguyện xin, nguyện xin Chúa cả mở tay chúc phúc, cho chúng con dung nên, cho chúng con dùng nên những thực phẩm này”. Mọi người bụng đói ăn, nhưng đáp lại “Deo gratias!” rộn ràng. Thế là ăn lấy ăn để vui vẻ như quên chết!

Khi vào chủng viện, cậu đã từng cảm xúc với bài: “Ôi Gia Vê Chúa Chúng Tôi”. Đó là ca khúc của Linh Mục Nguyễn Văn Vinh sáng tác. Người đó phải chăng là “Cao Kỳ Hương” chốn rừng xanh thơ mộng nơi bồng lai tiên cảnh.]

Thừa Sai Dépaulis Hương (1876-1950), Đỡ Đầu Linh Mục Nguyễn Văn Vinh

Joseph, Antoine Dépaulis sinh ngày 27/4/1876, tại giáo xứ Thánh Jean Baptiste, ở Rive-de-Gier, hạt La Loire, giáo phận Lyon. Cậu theo trung học tại TCV Montbrison, rồi lên học triết ở chủng viện Lyon, và ở đó ngày 28/5/1896 thầy chịu phép cắt tóc.

Ngày 4/10/1898 Thầy vào chủng viện thừa sai, chịu các chức nhỏ từ 1899-1901 và thụ phong linh mục ngày 23/6/1901. Ngày 24/7/1901, tân linh mục được lệnh sang truyền giáo ở Địa phận Đại Diện Tông Tòa Tây Bắc Kỳ (Hà Nội), Việt Nam.

Sau thời gian học tiếng Việt, Cha Dépaulis được bài sai đi coi xứ Kẻ Bèo (Đồng Bào, nơi công đoàn mà Thánh Théophane Vénard (Thánh Ven) ẩn trốn, bị bắt và tử đạo, và xứ Kim Bảng, làm phó xứ cho Cha Chalve, đã phụ trách trông coi hai xứ khác.

Năm 1904, GM Hà Nội Gendreau Đông bổ nhiệm ngài làm chính xứ Ngọc Lũ. Chính thời gian ngài quản nhiệm Ngọc Lũ, v à mấy xứ khác lân cận, ngài nhận đỡ đầu cho cậu Nguyễn Văn Vình.

Năm 1920, Linh Mục Dépaulis nhận trách nhiệm làm quản lý Hội Thừa Sài ở Hà Nội. Ngài hết sức tích cực để hoàn thành nhiệm vụ mới. Ngài chuẩn bị các tài nguyên cho tương lai. Ngài điều khiển xây cất trường thử, nhà quản lý và nhà ở mới, hai trường học mới, một cho con trai, một cho con gái trong giáo xứ nhà thờ lớn, một cư xá sinh viên.

Ngài nổi tiếng là một người hăng say hoạt động, có tài quán xuyến công việc xây dựng và tố chức, trong đó có tài âm nhạc. Có thể vì thế thiên tài âm nhạc của ngài đã tác động nhiều đến người con đỡ đầu Nguyễn Văn Vinh.

Năm 1930, hai giám mục Gendreau Đông và Marcou Hành về Pháp, tham dự Đại Hội Hội Thừa Sai Paris. Nhân đó các ngài đem theo 12 chủng sinh Bắc Kỳ cùng đi với các ngài. Linh mục Dépaulis tháp tùng phái đoàn. Linh mục lưu lại Pháp để bồi dưỡng sức khỏe từ tháng 6/1930 đến tháng 3/1931, đồng thời tham gia học hỏi thêm những phương pháp làm tông đồ mới. Trong hai tháng, ngài đã nhiều lần thuyết trình tại các học viện và chủng viện ở Bỉ và Pháp.

Đây là chính thời gian các vị thừa sai miền Bắc chuẩn bị hàng ngũ chủng sinh thành những linh mục đủ tài đức về làm việc cho giáo hội Việt Nam, cụ thể là giáo phận Hà Nội. Về sau trong kế hoạch đó, địa phận Hà Nội có các linh mục Lê Văn Lý, Đinh Lưu Nhân, Trần Trinh Khiết, Nguyễn Huy Mai, Ph ạm Hân Quynh, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Minh Thông, Nguyễn Xuân Oánh (Hà Nội), Nguyễn Văn Bồng (Thanh Hóa).

Trở lại Hà Nội, ngài phụ tá cho Linh mục Dronet, chính xứ nhà thờ lớn. Từ năm 1931 đến tháng 12/1935, ngài coi sóc việc xây dựng và trang trí nhà thờ Hàm Long (Đức Bà Các Thánh Tử Đạo), xây một phòng làm việc, một nhà xứ tiện nghi. Về sau ngài đến cư trú đó năm 1934. Ngài hăng hái tồ chức đoàn nghĩa binh thánh thể, xuất bản một bản tin tiếng Việt, và củng cố đoàn hướng đạo đầu tiên của Hà Nội.

Năm 1936, Linh m ục Dépaulis được bổ nhiệm quản trị một giáo xứ mới được xây dựng quanh ngôi nhà nguyện Thánh Antôn khiêm tốn. Chính ngài đã tậu một thửa đất khá rộng để xây dựng một trung tâm giáo xứ với một nhà thờ, một nhà ở, một phòng làm việc và trường học.

Ngài hăng say xây dựng các công trình để qui tụ các tin hữu trong khu vực và giúp đỡ các người nghèo: Quân Binh Thánh Thể, Hội Vinh Sơn, Công Giáo Tiến Hành, các tập thể thanh niên Việt Nam, các trại hè, v.v…Chủ Nhật ngày 7/5/1939, nhà thờ mới Thánh Antôn được khánh thành.

Tháng 3/1940, ngài được bổ nhiệm làm đại diện của các phái đoàn truyền giáo Bắc Kỷ ở Quỹ Brévié. Tổ chức này có mục đích trợ giúp các trẻ em lai, chủ yếu là Pháp Việt, bị bỏ rơi.

Tháng 3/1945. Cha Dépaulis bị chấn động mạnh do biến cố quân sự Nhật đảo chính Pháp. Trong các tháng tiếp theo, khi Việt Minh nổi dậy, ngài phải chịu nhiều cảnh khốn đốn đau khổ do tinh thần ngoan cố của giới thanh niên và do các biến cố xảy ra..

Một thanh niên đã dám dùng tay đánh ngài. Được cha Khuê, người Việt Nam lúc đó làm phụ tá cho ngài, giúp đỡ tận tình, ngài cố gắng chịu đựng và thích ứng. Ngày 19/1/1946, ngài phải lánh nạn, tạm trú ở các văn phòng trong hãng Shell gần đó ít ngày. Sau đó mới có thể gặp lại Phái Đoàn truyền giáo. Từ lúc đó, ngài mất hết khả năng tự chủ và phải từ nhiệm rồi buộc phải hồi hương về Pháp. Có thừa sai Chabert thuộc phái đoàn truyền giáo Hưng Hóa đi theo ngài đến Marseille ngày 4/6/1948. Từ đó ngài được chuyển đến Montbeton.

Một trong những niềm vui cuối cùng của ngài là Giám Mục Trịnh Như Khuê đến thăm Ngài. Linh mục Khuê, phó xứ cho ngài trước kia, bây giờ được bổ nhiệm Giám Mục Hà Nội. Linh mục Hương Dépaulis chết tại Montbéon, sau nhiều đau đớn kéo dài ngày 3/12/1950

Vài Kỷ Niệm Thâm Tình Với Linh Mục Nguyễn Văn Vinh

Giảng dậy, linh hướng

Hai kỷ niệm nhớ nhất mà tôi có cho đến nay khi được thu huấn Pháp Văn với linh mục ở TCV Piô XII Quần Ngựa, đường Hoàng Hoa Thám, Quận Hoàn Long, Hà Nội. Ngài thường kể truyện khi ngài ngồi trên Métro đi đến mỗi buổi sáng sớm dâng thành lễ ở một nhà thờ nào đó tại Paris, nhiều hành khách cứ tưởng ngài là một phụ nữ nên đã liên tục chào Bonjour Madame, dù họ có thể gặp ngài nhiều lần. Linh mục Nguyễn Văn Vinh có dáng dấp bề ngoài một người dễ thương, yểu điệu, hay faire la petite bouche. Nhưng ẩn dấu trong con người đó ngài lại bộc lộ một tính tình cương nghị sắt đá!

Kỷ niệm khác, cậu chọn ngài làm cha linh hướng. Khi còn nhỏ, cứ mỗi lần lên phòng ngài bàn việc linh hồn, thì ngài hay đùa nghịch. Có ai đó cho biết ngài giỏi vĩ cầm, nhưng câu chưa được chính ngài kéo vĩ cầm cho nghe riêng trong phòng ngài. Cậu thích nhõng nhẽo, thường chui rúc vào dưới áo soutane như con chó cún nhỏ bé dễ thương. Thế rồi khi hết giờ, trước khi ra về, ngài thường cho một hộp sữa đặc có đường mà người ta gửi biếu ngài từ bên Pháp. Mỗi lần có sữa như thế, cậu thường mang về và tối mở ra mút sữa một mình khoái trá bên trong màn.

Cha giáo âm nhạc

Ngài qui tụ một số anh em giỏi nhạc như Nguyễn Văn Hòa (GM Hòa Nha Trang), Nguyễn Văn Đồng (Đồng Bi ton, linh muc tại Cần Thơ), Nguyễn Văn Lệ (Titus Lệ, Nhạc Sĩ Nguyễn Hải Ánh), Vũ Kim Hường (Hường Khé Khò), Vũ Hùng Tôn (Tôn, cháu cha Lai, gốc Thanh Hóa) để huấn luyện và giúp ngài tập hát chung cho chủng sinh.

Tôi nhớ nhất là những bài “De Profundis”, “Lạy Cha”, “Jam Albae sunt ad Messem”, “Bravo, Bravo!!!”… mà ngài tập cho ca đoàn chủng viện Piô XII hát trong thánh lễ hay các dịp lễ tân. Về sau, khi sang Hoa Kỳ, từ cuối năm 2003, tôi còn thấy những bài đó được thế hệ Vũ Hùng Tôn phổ biến cho nhiều ca đoàn ở hải ngoại, như ở Seattle bang Washington, như ở Ca Đoàn Giáo Xứ La Vang, Cincinnati, bang Kentucky.

Ngôi nhà và thửa đất tại Ngọc Lũ, quê hương Linh mục Nguyễn Văn Vinh

Khi Địa phận Hà Nội cho các chủng sinh di cư vào Nam, từ khoảng 14/7/1954, trong số các linh mục được chỉ định vào đi theo chủng viện, theo hiểu biết của người viết, có các Linh mục Đinh Lưu Nhân và Nguyễn Văn Vinh, nhưng cả hai vị đều xin ở lại.

Ở địa phận Hà Nội theo nhận xét của một cựu chủng sinh Hà Nội (Nguyễn Văn Lục), Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê có cái may mắn là qui tụ được một số Linh mục trí thức như các linh mục trên. Họ đều là trí thức du học, có thể là bậc thầy của đám bốn tên sau này ở Sàigòn, mà nhiều người gọi tên là “tứ nhân bang”. Nhưng họ có lý tưởng vững chắc, đạo hạnh, can đảm, hy sinh, tuân phục mặc dầu bị bách hại. Trong số bốn vị trên, Lm Vinh chết trong tù ở trại Cổng Trời, Lm Thông 27 năm tù, hai lần lên Cổng Trời, được thả ra và chết sau đó vài năm. Lm Quynh, Oánh, đều bị quản thúc trên 20 năm.

Trường Hợp Cha Chính Vinh bị bắt giam Như đ ược đồn thổi

Định Mệnh Khởi Dầu chuyển hướng mạnh mẽ Từ Việc Tổ Chức Lễ Giáng Sinh Năm 1958. Cuối năm 1958 trong những ngày chuẩn bị Lễ Giáng Sinh. Thanh niên nam nữ tấp nập trang hoàng nhà thờ, treo đèn kết hoa…

Bỗng đâu xuất hiện những người không rõ xuất xứ, đòi phải cho họ cũng được tự do treo đèn, kết hoa trước nhà thờ. Khi đã có nhiều tiền lệ sau này, thì người ta hiểu được đó là một mưu chước « ném đá dấu tay » của lực lượng do cơ quan an ninh gây ra để có cớ can thiệp, bắt bớ, xứ án, trù dập Công giáo
Cha Chính bấy giờ là LM Trịnh Văn Căn không đồng ý để cho những người lạ mặt tham gia trang trí… Giáo dân nghe tin, kéo đến trước quảng trường nhà thờ lớn đông nghịt và không chịu để những người lạ mặt kia tham gia trang trí… Hai bên giằng co cãi nhau, tranh giành nhau, chủ tình gây xung đột căng thẳng tột độ. LM Tổng Đại Diện Nguyễn Văn Vinh xuất hiện can thiệp. Thế là bẫy đã sập…

Sau đó hai LM Nguyễn Văn Vinh và Trịnh Văn Căn và một số giáo dân được cơ quan an ninh gọi tới thẩm vấn biến cố được gọi là « Vụ Noel 1958 ».
Ngày 31/1/1959, Tòa Án Thành Phố Hà Nội có lý do để mở phiên tòa, công khai xét xử các LM Trịnh Văn Căn, Nguyễn Văn Vinh và ba giáo dân: Tòa tuyên án LM Trịnh Văn Căn 12 tháng tù treo, LM Nguyễn Văn Vinh 18 tháng tù ngồi.

Từ sau đó năm 1959, người ta chỉ nghe nói nơi đầu tiên cha Vinh bị giam là nhà tù Hỏa Lò. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngài được giải giao, giam giữ tại trại Yên Bái… Cuộc đời tù tội kéo dài suốt 12 năm dòng dã cho đến khi kết thúc đời của LM Vinh tại Trại Tù Cổng Trời. Nhà tù có tên Cổng Trời này thuộc xã Quyết Tiến, Huyện Quan Ba tỉnh Hà Tuyên (Hà Giang - Tuyên Quang) cách biên giới Trung Quốc chừng 10 cây số đường chim bay.

Cha Nguyễn Văn Vinh đã không về nữa, nắm xương tàn gửi lại nơi núi rừng Qyuết Tiến, trại Cổng Trời. Mãi một năm sau, Giám Mục Trịnh Như Khuê mới được chính quyền Hà Nội đến thông báo cho biết: « Ông Vinh đã chết ». Cha GB Nguyễn Văn Vinh đã chết ngày 18/2/1971.

LM GB Nguyễn Văn Vinh sống được 59 năm trên trần thế, trong đó có 31 năm là Linh Mục của Chúa, nhưng 12 năm sống trong tù đầy cho đến ngày chết.

Cha đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc tôn giáo, đóng góp nhiều công lao cho thánh nhạc Việt Nam như bản thánh ca Ở Dưới Vực Sâu. Bài này là bản dịch thánh vịnh 129 của Cha. Diệp khúc bốn bè, rất uy linh, rất nhiễm thấm, giàn âm thanh rất rung.

Bên Ngoài Sắc Lệnh 234/SL ngày 14/6/1955

Chắc chắn trường hợp LM Nguyễn Văn Vinh bị bắt diễn ra trong khung cảnh khoảng năm 1959, tất cả các trường theo sắc lệnh 234, các tôn giáo đều có quyền mở trường tư thục do tư nhân điều khiển.

[Sắc lệnh 234 đầu tiên về Tôn giáo do Hồ Chí Minh ký ngày 14-6-1955. Ngày 11-6-1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Thông tư số 60-TTg yêu cầu thi hành chính sách tôn giáo theo Sắc lệnh 234

- Điều 3: “Các nhà tu hành ngoại quốc mà Chính phủ ViệtNam Dân chủ Cộng hoà cho phép, thì được giảng đạo như các nhà tu hành Việt Nam.....”,
- Ðiều 5. “Các tôn giáo được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình.”

- Điều 9: “Các tôn giáo được phép mở trường tư thục. Các trường tư thục phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học”.

- Điều 13: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”,]

Nhưng nhà nước Cộng Sản chỉ thị cho tất cả các trường học, dù công hay tư, đều phải treo ảnh Hồ Chí Minh trong lớp. Trước giờ học cả lớp đều phải chảo cờ đỏ sao vàng, hát bài tiến quân ca bấy giờ được chọn làm quốc ca.

Chỉ thị của nhà nước được lệnh phải đọc công khai trong nhà trường và nhà thờ. Trung thành với tinh thần sắc lệnh tôn giáo về qui chế tư thục, Linh mục Nguyễn Văn Vinh, với tư cách là cha chính (tồng đại diện) địa phận Hà Nội, chính xứ nhà thờ lớn Hà Nội, đã không cho công bố sắc lệnh này ở nhà thờ, không tháo gỡ thánh giá và treo ảnh lãnh tụ, không chào cờ đỏ sao vàng, thay thế.

Cụ thể là ngài không áp dụng chỉ thị trên cho trường giáo xứ Nhà thờ lớn Hà nội là trường Dũng Lạc.

Lúc đó ngài còn đang được mời dậy La tinh cho các sinh viên ở Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội. Khi Chu Ân Lai, Thủ Tướng Trung Hoa đến thăm Hà Nội, ông thấy Linh mục Nguyễn Văn Vinh còn tiếp tục được mời giảng dậy tại Đại Học. Ông liền nói với phái đoàn tháp tùng ông:

“Giờ này mà còn có linh mục được mời giảng dậy Đại Học à!”

Thế là một ngày nọ linh mục Nguyễn Văn Vinh bị bắt dẫn đi, bị xét xử theo một luật rừng. Ngài bị đem tống giam vào nhà Hỏa Lò Hà Nội, một nhà tù khét tiếng độc ác tại Hà Nội, vỉ bất tuân thượng lệnh!

Mưu Đồ Thật Ẩn Dấu Sau Mọi Lời Hay Ý Đẹp

Dần dà nghe nói linh mục bị dẫn giải đem giam ở nhiều trại giam, trước khi đến Trại Tù Cổng Trời. Nhiều nhân vật khí khái đã từng bị kiên giam và biệt giam cho đến chết, mà không tự phản bội chính mình và lý tưởng của mình. Nào là thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, nhà văn Vũ Thư Hiên, Nhà văn Nguyễn Hữu Đang. Rất nhiều linh mục đã bị kiên giam và biệt giam nhiều năm trong chin tầng địa ngục Cổng Trời này.

Theo chứng từ của một người tù (Kiều Duy Vĩnh) tại Cổng Trời, thì thành phần tù nhân phần lớn là vì lý do bách hại Công giáo:

“Tôi xin nhắc lại: Tôi không theo đạo Thiên Chúa, và điều ấy có thể đã làm cho tôi sống được đến hôm nay, năm 1994. Vì những người Cộng Sản căm những người theo đạo Thiên Chúa nhất nên tất cả mũi nhọn của nền chuyên chính đều chĩa vào họ.

Thứ nhất là các đấng bậc trong Giáo Hội, rồi đến các tu sĩ cả nam lẫn nữ. (Tôi đã gặp hai bà sơ bị bắt vào xà lim). rồi đến các chánh trương, trùm trưởng, cả đến hội trống hội kèn cũng bị bắt đi tù hàng loạt.

Tôi trông họ hiền lành, ngơ ngơ nói năng chẳng rõ họ mắc tội gì mà bị hành hạ đến như vậy: Họ có mỗi một tội là tin vào Chúa Jê Su. Thế thôi.
Còn tôi, chả hiểu làm sao, tôi thiếu đức tin đó, và điều đó đã cứu tôi sống. Nói thế không có nghĩa là tất cả mọi người công giáo đi tù đều chết hết đâu. Còn chứ. còn anh Thi, anh Thọ, chị Diệp những người trong vụ nổi loạn ở Ba Làng Thanh Hóa năm 1954, còn Nguyễn Công "Cửa" tức Môn, ngư dân vượt biển, còn Nguyễn Hữu Bổn người thôn Vạn Lộc Nam Lộc Nam Đàn...

Tôi có nghe nói lại là khi đọc lệnh tha anh Thi, anh không chịu ra khỏi tù, họ phải lôi anh ra, anh mới chịu ra.

Ngay cả giáo dân họ cũng kiên cường như vậy, thảo nào mà những người Cộng Sản đặt họ lại hàng đầu để tàn sát họ, tiêu diệt họ.

Cho đến hôm nay năm 1994, tôi vẫn mong mỏi gặp lại vài người còn sót lại trong số 72 người đầu tiên lên Cổng Trời mà vẫn chưa gặp lại ai, ngoài 1 người Cộng Sản là anh Nguyễn Hữu Đang.”

Một Hình Ảnh Về Trại Cổng Trời, Nơi Linh Mục Nguyễn Văn Vinh Bỏ Xác Lìa Đời

Có nhiều người tù còn sống ghi chép lại trại tù này. Trong “Đêm Giữa Ban Ngày", Vũ Thư Hiên hồi ức về Trại Cổng Trời như sau.

Cổng Trời là một trại giam ở xa tít mù tắp mãi tận Hà Giang, bên kia Mù Cang Chải, giáp giới Trung Quốc. Cổng Trời đi vào huyền thoại, là nỗi kinh hoàng của người tù. Những ai đã từng sống ở Cổng Trời thậm chí không muốn kể về nó, không phải vì sợ bị công an trừng phạt (nghiêm cấm nói đến bí mật của các trại), mà còn vì sợ người nghe nghĩ mình bịa đặt.

Hình như Tôn Thất Tần đã ở cái trại kinh khủng đó, nhưng ông ngậm tăm. Những người tù nói rằng ai đã lên Cổng Trời mà còn về được coi như sống lần thứ hai....Chế độ giam giữ ở đây rất khe khắt. Hơi một tí là bị “khóa cánh tiên”, bị “hạ huyệt”, còn nếu bị “cùm hộp” thì coi như đời đi tong.

Vũ Thư Hiên đã mô tả ba lối hành hạ “Khóa cánh tiên, Hạ huyệt và Cùm hộp” trong cuốn hồi ký của ông, mà thú nhận chỉ mới được thấy cảnh người bị "khóa cánh tiên" (có người chỉ chịu được vài phút là ngất xỉu, có người chịu được hàng giờ như thi sĩ Nguyễn Chí Thiện,) còn hai lối giết người kinh khủng kia ông chưa được thấy chỉ nghe kể lại.

Một nhân chứng ở trại Cổng Trời cho biết là Linh mục Nguyễn Văn Vinh qua đời vào khoảng năm 1970. Tù nhân trong trại được lệnh đem xác cha đào hố chôn ở một khoảnh rừng gần đó. Về sau, người làng Ngọc Lũ đã tìm cách đào nấm mồ chôn xác ngài. Người ta thu lượm được một phần mùn di cốt và mảnh y phục mà ngài mang khi qua đời, rồi đem về, bảo quản, tôn sùng tại Nhà Thờ Ngọc Lũ, chung với số phận các tiền nhân tử đạo Việt Nam, như đã nói

Một Hình ảnh Khác Về Trại Tù Cổng Trời, Qua Ngói Bút Của Một Số Cựu Tù Nhân Sống Sót Ghi Chép Lai.

Tổ chức ở Nhà Tù Cổng Trời ở miền Bắc Việt Nam, nơi giam giữ LM Nguyễn Văn Vinh, nhiều LM khác và nhiều thành phần khẳng khái bị khép vào tội lật đổ hay âm mưu lật đồ chế độ. Hầu hết tù nhân là những chính trị phạm ngoan cường, những linh mục tu sĩ hay

Chỉ duy nhất một lần một người tù hình sự cho anh em biết là ở đó có hầm đá, quan tài đá và chôn một người chết ở đó được thỉ thêm một cân lòng trâu. Thế thôi. Không còn biết gì hơn nữa.

Nhưng Khu A, Khu B, Khu C thì có tù nhân biết rõ vì đã lần lượt bị giam ở ở cả ba khu này.

Khu A thì (tính đến 1967) chết gần hết chỉ còn tù nhân Kiều Duy Vịnh và Trần Huy Liệu người Cầu Giát, Quỳnh Lưu. Khu B thì chết ít hơn, Khu C thì phần lớn còn sống trở về.

Đấy là chỉ tính từ thập kỷ 70 trở về sau. Còn 72 người tù đầu tiên lên trại Cổng Trời năm 1960 thì vào khoảng năm 1997, tù nhân họ Kiều chỉ còn gặp lại một mình Nguyễ¬n Hữu Đang, người bị kết án là cầm đầu Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm mà thôi. Như thế là trong số 70 người tù kia chẳng còn ai cả.

Coi sóc cả ba khu là một Phó Giám Thị, tù nhân họ Kiều không còn nhớ tên, chỉ nhớ tên đó là xuất thân ở Đức Thọ, Hà Tĩnh cùng quê với cố Hoàng (có hai con trai sinh đôi là Song, Toàn).

Người ta thấy Phó Giám thị như một Quỷ Sứ Đen Đủi hiện hình, lác bạch như mắt này chửi mắt kia, mồm méo sệch. Vì thân tàn ma rại như thế mà bọn Công Sản mới dùng vào việc này bất nhân này. Lúc nào hắn cũng lừ đừ, lầm lủi như ma hiện hình, chợt đến, chợt đi, như muốn rình mò chộp giựt một cái gì đó. Hắn nhìn ai cũng thể như trợn trừng như muốn ăn sống nuốt tươi người ta. Cố Hoàng bảo: "Tôi biết hắn lắm mà. Hắn giết nhiều người lắm đó." Tuy đồng hương, nhưng hắn không hé răng với cố Hoàng bao giờ cả.

Một Mẩu Sinh Hoạt Trong Nhà Lao: “Nhất Nhật Tại Tù, Thiên Thu Tại Ngoại”

Quỷ mắt lác chợt đến, đâm xông vào buồng, sộc vào tận ngóc ngách nhìn soi mói, sờ nắn nếu có gì nghi ngờ, có thể chui ngay xuống gầm sàn nằm, để móc ra một cái gì đó.

Có một lần khi mới lên, tù nhân Trần Huy Liệu thấy hắn vào buồng bèn thắc mắc:
"... Thưa ông."
"Gì?"
"Ăn uống ở đây kém quá, ông cho biết tiêu chuẩn của chúng tôi được như thế nào?"
"Cái gì. Tiêu chuẩn à. Các anh không có tiêu chuẩn gì hết. Cho thế nào ăn thế."

Xong,Phó Giám Thị đi tiếp. Đến lượt Chánh Giám Thị Vũ Đình Nhân nói về số phận của tù nhân. Thế là mọi sự đều đã rõ rang, các tù nhân đành cam chịu.
Mỗi Khu có chế độ đối xử riêng:

Khu A: Hưởng đồng loạt: 12 Kg sắn cộng gạo một tháng, được ngồi chơi trong buồng giam không phải làm gì cả. Cứ ở trong kiên giam suốt ngày đêm. Không được viết thư, không được nhận thư, không sách, không báo, không một mẩu giấy, không một cái bút.

Khu B: Ăn 13 kg 5 đến 15 Kg sắn cộng gạo một tháng. Được ra ngoài hè nhà đan lát, chẻ tăm làm việc vặt. Sáu tháng được viết thư một lần và được nhận thư.

Khu C: Ăn 15 Kg đến 18 Kg sắn cộng gạo một tháng. Được lao động ở sân trại: đánh đá xây trại, xây nhà, thợ mộc thợ nề biết gì làm nấy. Ba tháng viết thư một lần. Được mua thêm sắn, khoai, rong diềng, thịt trâu ăn thêm. Được coi là những tù nhân có phần nào đã chịu cải tạo. Được đối xử khá hơn Khu A và Khu B, tuy vẫn ở trong bốn tường rào và vẫn chịu sự kiểm soát ngặt nghèo.

Nhưng tất cả đều không được gặp người nhà và không được nhận tiếp tế, thăm nuôi.

Theo tù nhân họ Kiều đã nói ở trên: Khu C có một lần được mua sắn về luộc ăn. Say sắn chết mất năm người.

Đầu năm 1965 thì tù nhân họ Kiều được sang Khu C và đến năm 1965 thì anh được về suôi tại Phú Sơn 4, Thái Nguyên.

Ngày Tết Nhâm Dần 1961 tại Cổng Trời

Với cái Tết đầu tiên ở Cổng Trời năm Nhâm Dần 1961, anh được hưởng một cái Tết đặc biệt nhất trong đời anh.

Tết ở Các Trại Dưới.

(Trại Ngọc, Yên Bái; trại Da Thịnh, Tuyên Quang; Phong Quang, Lao Kay; Tân Lập, Phú Thọ; Tân Sơn, Lạng Sơn; và Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc... )

Cứ lúc đói là anh Trần Huy Liệu nói chuyện với tù nhân họ Kiều về Cầu Giát Quỳnh Lưu Nghệ An, quê anh về thịt trâu, thịt bò, thịt me (bê), thịt lợn, thịt nghé rồi cá chim, cá thu, cá ngừ, cá dưa, cá cơm, cá cháo. Đời tù vui đáo để là thế mà cũng buồn đến não lòng.

Đầu óc anh thật đơn giản nhưng vô cùng tốt lành. Có lần đứng ở cửa sổ nhìn ra sân trại, anh quay lại bảo với tù họ Kiều: "Chiều nay ăn 'chốc tru'."
Tù họ Kiều ngớ người ra không hiểu, anh nhắc lại: "Chốc" là đầu, "tru" là trâu: đầu trâu.

Anh rất méo mó nghề nghiệp, giảng cho tù họ Kiều biết: "Đừng tưởng 'chốc tru' là toàn xương đâu. Khối thịt ra đấy. Bỏ sừng đi. Còn lại hai phần ba là thịt đấy."

Tù họ Kiều bảo: "Hai phần ba là xương thì có."

Anh cãi: "Cậu đếch biết gì, này lưỡi này tai, này mồm này má, này óc; xương không bao nhiêu đâu."

Và anh nói đúng sự thật, vừ nói xong vừa nuốt nước bọt làm tù họ Kiều thèm lây.

Những tháng rét, các tù nhân ăn sắn độn cơm và ăn lá bắp cải già nấu muối. Tiếu chuẩn nói là 12 kg sắn gạo, nhưng có lẽ chỉ còn độ 9, 10 kg thôi. Tù nhân đi lĩnh gạo ở mậu dịch về làm gì có cân đủ. Về để ở kho, lũ chuột bọ lại xơi hao hụt đi. Ban quản lý trại phân phát cho nhà bếp còn độ 10 kg. Nhà bếp còn giữ lại cháy để nuôi lợn nữa.

Lá bắp cải già đen, nấu trong chảo, hòa thêm muối khiến nước đen sì có vị nồng. Người ngoài trông không dám ăn, nhưng tù nhân ăn ngon lắm. Tù nhân ước mong nhà bếp cho đủ mặn thì tốt quá. Nhưng muối ăn cũng bị hạn chế. Tù nhân thường đổ thêm nước vào canh để cho đồ ăn có vẻ được nhiều hơn.

Và ai húp hết canh rồi, thì mới ăn đến cơm. Những lúc đó tù nhân họ Kiều cứ nghĩ lẩn thẩn, tại sao ở ngoài đời lại phải ăn cơm với thức ăn! Cơm không cũng đã ngon lắm, thế thì cần gì phải có thêm thức ăn nữa.

Cơm ăn nhà bếp đem lên nhà tù rất ít khi còn nóng. Từ nhà bếp lên đến buồng giam, thường người mang cơm phải mất thời gian khoảng hai tiếng đồng hồ. Cơm để trong chảo, rồi xúc ra đổ ra thùng. Sau đó,còn phải cân lại. Cân xong, gánh để ở sân trại. Hôm nào mưa thì để ở hè. Hôm trời rét, cơm canh nguội rất nhanh. Quản Giáo trực lúc đó mới mở cửa từng khu mộ, cho tù nhân ra lấy cơm theo thứ tự.

Khu C trước, rồi Khu B, rồi sau cùng mới đến Khu A. Đến lượt tới Khu A, thì cơm đã nguội ngắt. Đem vào buồng lại phải dằm nát ra để chia đều, cho công bằng. Chia bằng cân tiểu ly tự tạo từng xuất một. Thế là nguội lạnh hết cả. Ăn cơm xong coi như không ăn. Vì ăn vào lại thấy rét thêm. Dường như cơ thể phải tỏa ra năng lượng để hâm nóng cơm canh cho cân bằng với thân nhiệt.

Tù nhân thường phải khoác chăn vào mà ăn, nhưng ăn xong vẫn thấy rét. Đói và rét thường song hành với nhau. Người xưa thường nói: “Cơ hàn thiết thân” là thế. Trong những lúc đói rét đó, tù nhân rất mong Tết đến.

Dù sao chăng nữa, Tết trong các trại tù dưới, bao giờ cũng có bánh chưng. Có khi nhà bếp còn phân phát cả kẹo bánh nữa. Tuy chẳng là bao, nhưng cũng gọi là có thêm. Cũng như bao nhiêu người, mà tù nhân họ Kiều cũng mong Tết đến lắm. Anh thấy thòm thèm một viên kẹo bột dỗ trẻ, như lúc còn thơ ấu.
Tết đến may ra các tù nhân được một bữa no, lại có thêm tí đường. Những ngày lễ Lao Động 1-5, Quốc Khánh 2-9, tù nhân có được ăn thịt trâu, bò, hoặc lợn. Tù hình sự gọi thịt là "mều." Phần ăn có dăm ba miếng thịt, lại thêm mấy miếng lòng, thế là đời tươi rồi.

Tưởng tượng đến những ngày ấy, anh thấy bụng mình đã hơi lưng lửng. Mỗi lần đến Tết, nguyên bữa ăn có cơm, canh, thịt và miếng bánh chưng là anh thấy gần no rồi.

Anh thường luôn nghĩ đến câu:

"Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết."

Anh dồn cả bánh chưng phát chiều 30 Tết, và tất cả kẹo bánh dành cho sáng mồng một. Ăn vội hết cơm canh thịt xong, anh mới bóc xơi cái bánh chưng. Rồi ngoạm hết cái bánh chưng, anh mới tráng miệng nốt chỗ kẹo bánh, liền một lượt. Anh vươn vai đứng dậy, kể như là hết Tết.

Ở các trại dưới, chỉ có hai ngày Tết, chứ không có ba. Vì sáng mồng ba Tết, các tù nhân đã phải đi làm rồi. Đúng là lao động là vinh quang, tay làm hàm nhai, vì “nhàn cư vi bất thiện”.Trong tù, Tết bắt đầu từ chiều 30. Bữa ăn chiều 30 Tết bao giờ cũng có món lòng trâu, lòng lợn, thêm tí thịt thủ, tý mỡ vào canh lá bắp cải già. Vì buồi sáng 30 Tết, trại bận làm thịt lợn, thịt trâu cho Ban Giám Thị, Ban Chỉ Huy bộ đội kịp gói bánh chưng.

Bữa sáng mồng một Tết, tù nhân được ăn thịt hẳn hoi. Chiều lại ăn cơm rau như thường. Sáng ngày mồng hai,tù nhân còn được ăn một bữa thịt nữa. Chiều mồng hai lại ăn rau có thêm nước luộc thịt. Thế là thường tù nhân nào ăn xong, vẫn thấy còn đói.

Tết ở Cổng Trời Năm Nhâm Dần 1961...

Ở Cổng Trời, khií hậu một năm có hai mùa: Mùa nóng bắt đầu từ đầu tháng Năm; mùa rét từ đầu tháng Chín. Thường mùa nóng ngắn hơn hơn mùa rét. Gọi là nóng, nhưng đêm vẫn phải đắp chăn, vì khí lạnh từ núi đá và tường đất tỏa ra.

Tù nhân Nguyễ¬n Hữu Đang sáu tháng tắm một lần. Anh bảo: "Có ai chết vì không tắm đâu. Cậu xem đấy những anh nghiện thuốc phiện cả đời có tắm bao giờ đâu, chả sao hết."

Anh Đang nói chắc nịch, đúng như đinh đóng cột. Những lúc đói rét, cơ hàn thiết thân, tù nhân mới thấm câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đã đói, làm sao mà sạch được! Thấy đói rét, chỉ mới nhúng tay vào nước, ai cũng còn ngại, còn nói gì đến tắm. Đã rách rưới, mà còn muốn thơm. thật là oái ăm, người xưa thật quá khe khắt với thế hệ con cháu.

Tù nhân họ Kiều nửa tháng không dám rửa chân. Vì nếu rửa chân thì cái lạnh cứ dai dẳng bám lấy đôi bàn chân, dường như mấy ngày không ấm lại được. Cả ngày đêm, lúc nào, tù nhân cũng ngồi co ro trên sàn gỗ, có đi đến đâu mà bẩn, phải rửa! Thậm chí, Trần Huy Liệu cả thàng trời không đánh răng rửa mặt. Mắt anh ta đầy dữ, và mồm vêu ra đầy bựa, thật hôi hám.

Chiều 30 Tết hôm ấy,trời rét cắt da, cắt ruột, cắt thịt. Bầu trời ảm đạm xám xịt, chăng đầy mây. Trại tù im ắng như chết. Tù nhân họ Kiều đứng ở cửa sổ, nhìn qua song gỗ lim, thấy Nguyễ¬n Hữu Đang đứng ở sân trại nói với Phó Giám thị trại Quỷ Sứ người Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Anh lắng nghe lõm bõm:

"Thưa ông, theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam thì đến chiều 30 Tết, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng gia tiê, và ở các trại dưới tù cũng đều được cải thiện ăn thêm... Mong rằng ông cũng cho anh em chúng tôi..."

Nhưng có tiếng quát cao giọng ngắt lời Nguyễn Hữu Đang.

"Không có gì cho các anh cả. Biết chưa. Cấm không được đòi hỏi, yêu sách lôi thôi gì... Cho thế nào ăn thế..."

Rồi Quỷ Sứ quay ngoắt ra cổng trại. Chiều 30 Tết năm ấy vẫn lá bắp cải già nấu muối đen sì. Không hơn, không kém, mà vẫn như mọi ngày khác!.

Tết Trong Tù Vẫn có thơ

Thơ gắn liền với bàn tính người Việt Nam. Ở trong tù, thơ là một thú tiêu khiển của những người tù.
Hai ngày Tết trôi qua. Đến sáng ngày mồng ba, Cố Hoàng, một tù nhân có nhiều thâm niên, làm một bài thơ vịnh cái Tết đó, rồi đọc cho tù nhân nghe.

Thơ rằng:
Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay
Chiều 30 Tết vẫn ăn chay
Bánh chưng mong đợi thời không có
Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay
Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo
Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy
Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn
Khốn nạn thân tôi đến thế này...


Anh vốn ghét những người làm thơ không hay. Thế nhưng, những người làm thơ không hay, lại rất hay làm thơ. Và đã làm thơ thì thế nào cũng níu kéo chia sẻ với một người nào đó để đọc cho nghe. Anh khổ sở vì phải nghe những bài thơ đó. Hồi nhỏ, anh thấy thầy anh ngồi cùng các vị túc nho hay chữ, lúc trà dư tửu hậu có người lên tiếng đùa cợt nói:

"Ai mà nói dối, thì ăn câu đối cụ Nghè Bản"

Mọi người cười ầm lên.

Anh không rõ cụ Nghè Bản là ai và ở đâu. Nhưng suy ra chắc là câu đối của cụ thối lắm nên mới có câu nói cửa miệng đó.

Nó cũng như câu nói của Trạng thơ Cao Bá Quát:

"Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An."

Đến giờ đây, ở đâu ai cũng làm thơ, thơ hay đến không ngửi được cũng đăng báo, xuất bản thành tập làm khổ người xem, người đọc.

Hình như ở đất nước này, ai ai cũng thích làm thơ. Ngay anh, một người Việt Nam chân chính, anh cũng mắc cái tật ưa làm thơ như ai. Nhưng vì anh là con nhà binh, nên làm thơ chỉ đạt đến trình độ của mấy ông quan võ ngày xưa mà thôi. Nghĩa là:

Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đấy

Hoặc:
Chẳng phải voi cũng chẳng phải trâu
Ấy là con chó cắn gâu gâu

Rồi anh đọc cho cố Hoàng nghe. Cố sổ toẹt toàn bộ thơ của anh, bảo chẳng ra làm sao cả. Cố nói chỉ có mỗi một câu nghe được là câu:

Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư,
Tấm thân chìm nổi đến bao giờ

Cố Hoàng rất hay làm thơ và cũng ngâm lại cho anh nghe. Giọng cố ngâm rất hay, cố lấy làm thích thú lắm. Ra cái điều tâm đắc. Nhưng cố hát còn hay hơn nữa. Cố hay hát lại bài ca tụng các Thánh tử vì đạo của Cha Vinh (địa phận Hà Nội).

Nếu không có mẹ, ở nơi lưu đày...
Xin Mẹ hãy nghe lời con kêu van, khấn cầu đau đớn

và...
Dù gươm chém hay đầu rơi
Lòng vàng đá không hề phai...

Làm cho tù nhân họ Kiều thuộc đến tận bây giờ.

Và cũng như bài thơ Tết Nhâm Dần ở trên, cố cứ ngâm nga mãi, tuy rằng bài thơ không hay, nhưng nó lột tả được toàn bộ sự thật đau xót khốn khổ của cái Tết tù năm đó. Vì không có bài thứ hai, nên anh mạn phép chép lại, các vị cũng lượng thứ cho. Vì cái Tết của tù nhân đúng như vậy đó. Chỉ được ăn một bữa, bữa trưa ngày mồng một Tết thôi. Mà đói vàng mắt ra, vì mãi đến tận một giờ chiều mới được ăn.

Mọi ngày tù nhân ăn khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng. Riêng ngày mồng một Tết, các quan còn bận ăn Tết nên không xuống mở cửa sớm. Mãi đến 10 giờ sáng mới xông đất mở cửa nhà bếp. Thế có nghĩa là ba tiếng đồng hồ sau, một giờ chiều tù nhân mới được ăn cơm sáng.

Mười giờ sáng, mở cửa, phát cho mỗi người hai cái kẹo. Lại đóng ngay cửa lại. Sau khi tù khênh cứt đái ra ngoài đổ, tù nhân lại vào buồng ngồi chờ cơm.

Trong khi chờ đợi, thì thưởng thức hai cái kẹo ăn dỗ trẻ con. Cả lũ tù phải nhịn đói đến một giờ chiều. Đúng như lời trong thơ tả:

Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy

Và ba miếng thịt lớn bằng ba đốt ngón tay, và, của đáng tội, còn được thêm mấy miếng lòng nữa mà cố Hoàng không chép nhét vào trong bài Thơ Đường đó được.

Bài thơ không được hoàn chỉnh lắm và có thể thất niêm thất luật. Nhưng nó đúng, đúng với sự thật đau xót. Tết vẫn ăn cơm độn sắn, đắng ngắt. Nhưng cái kết không có hậu. Khốn nạn thân anh đến thế này thì thật là mệt quá.

Riêng anh, anh vẫn muốn có một happy end, vẫn muốn có Tiên Điền Nguyễn Du vớt nàng Kiều ở sông Tiền đường lên cho tái hồi Kim Trọng, anh vẫn muốn sống và trở về tự do, về nhà cùng mẹ và vợ con anh, nên anh mạn phép cố Hoàng cho anh sửa lại câu cuối. Cố bảo thì sửa đi. Anh sửa thành:

"Ước đến sang năm khác thế này."
Cố gật đầu bảo: "Thôi cũng được."

Thế là bài thơ đó như sau:
Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay
Chiều ba mươi Tết vẫn ăn chay
Bánh chưng mong đợi thời không có
Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay
Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo
Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy
Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn
Ước đến sang năm khác thế này.


Có thể là vì câu thơ cuối, mà cố Hoàng thì nằm lì chôn thân nơi đó, còn tù nhân họ Kiều may mắn trở về để viết lại câu chuyện này hôm nay.

Những Giai Thoại Chung Quanh Tù Nhân Nguyễn Văn Vinh
Vì nhà nước không phổ biến bất kỳ thông tin nào liên quan đền tù nhân, nên có nhiều chuyện đã được đồn thổi Lâu ngày, nhiều câu truyện đó trở thành một thứ giai thoại, không hoàn toàn giống nhau và phản ánh sự thật như đã xảy ra

*Về giai thoại liên quan đến tính tình cương trục của LM Nguyễn Văn Vinh đối với chính quyền Pháp

“Đúng là có chi tiết Cha Chính Vinh xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội không treo cờ TAM TÀI khi tướng De Lattre De Tassigny đến dự lễ Quốc Khánh Pháp tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội như ông nói, Thực ra còn rất nhiều chi tiết về tính CƯƠNG TRỰC va THẲNG THẮN của Ngài mà giáo dân Hà Nội rất kính phục. (From tran huong
* Về những hoạt động tôn giáo của LM Nguyễn Văn Vinh

Năm 1957, Ngài còn tập họp ca đoàn giáo xứ nh: Ca Đoàn Hàm Long, Cửa Bắc, Kẻ Sét…thành lập Dàn Đại Đồng Ca khi rước kiệu Thánh Thể, lễ Mình Máu Chúa, quanh phố Nhà Thờ, Phố Nhà Chung. Ngài còn làm Đài trước vườn hoa Têrêxa Ấn Quán để các đoàn thể chầu Mình Thánh Chúa. Ngài thành lập Dàn Đại Đồng Ca lớn nhất từ trước tới nay, mà cũng là lần chót của ca đoàn nhà thờ của ca đoàn Nhà Thờ Lớn mà tôi biết được đến nay.

Tôi không bao giờ quên được những giờ tập hát của ca đoàn Hà nội và được nghe những tiếng đàn violon và tiếng hát em ai dịu dàng của cha chính Nguyễn Văn Vinh, Xứ Nhà Thờ Lớn của tôi khi Ngài đàn hát du dương, êm ái như lướt trên nhung lụa ấy. Nó đã ăn sâu vào tâm hồn và ký ức của tôi như những kỷ niệm thiêng liêng nhất của tuổi trẻ mà tôi không bao giờ có thể quên được.”
” Tôi không những là cựu ca viên, mà còn là Tông Đồ trong Hội Nghĩa Binh Thánh Thể của xứ Nhà Thờ Lớn từ năm 1952. Năm nay tôi đã 70 tuổi rồi, anh ạ. Tôi kể lại chuyện NHẢM này cho các cụ cựu ca viên trong ca đoàn Nhà Thờ Lớn Hà Nội biết khi chúng tôi họp mặt nhau.
Chúng tôi được vinh dự nghe tiếng VIOLON của cha Nguyễn Văn Vinh, mỗi khi Ngài dạy hát. Tôi cũng không hiểu biết về nhạc. Tôi cũng không biết là thế nào mỗi khi nghe tiếng Violon của Ngài. Song khi nghe tiếng violon của Ngài đã để lại trong tôi những âm thanh êm dịu du dương, hòa lòng mình lên tới đỉnh cao ngây ngất của sự Thánh Thiện, âm thanh đó đã để lại trong tâm hồn,, cho tuởi trẻ của đời tôi những ấn tượng sâu săc Thánh Thiện mà t ôi không bao giờ quên được. Lúc này đây tôi đang ngồi tưởng tượng phút giấy ấy và không cầm được nước mắt khi nghĩ đến Ngài, nghĩ đến người Cha Chánh Xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội đãanh dũng hy sinh tại nhà tù Cộng Sản”. ( From tran huong
* Về trường hợp LM Nguyễn Văn Vinh bị bắt giam

“Đọc bài viết về Cha Chính Nguyễn Văn Vinh, Chính xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội, tôi vô cùng xúc động vì được hiểu thêm về cuộc đời của Ngài. …
Tôi là một giáo dân và cựu ca đoàn của Xứ Hà Nội từ năm 1954 đến khi Ngài bị bắt. Là thanh niên của cựu ca đoàn xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Tôi không thể nào quên được những hình ảnh của người Cha nhân tư dịu hiển. Có tiếng nói nhỏ nhẹ. Có giọng hát như lướt trên không trung.
Sau năm 1954 là những ngày giông tố, đau khổ nhất cho tất cả những người Công giáo. Trong bài viết từ sau năm 1954 cho phép tôi được bổ sung 1 chi tiết:
Ngoài việc Ngài không phổ biến chỉ thị cắm cờ đỏ sao vàng và treo ảnh HCM ở trường Dũng Lạc, thì Ngài bị bắt trong trường hợp: Lễ Noel năm 1959, chính quyền bắt ngài treo cờ đỏ sao vàng cùng với cờ Hội Thánh trong nhà thờ chính và trước Quảng Trường Xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ngài đã cương quyết không treo cớ đỏ sao vàng trong nhà thờ cũng như nơi tượng Đức Mẹ trước Quảng Trường.
Sau một hồi tranh cãi, Ngài dũng cảm nói to trước đám đông: “Tự do của các ông thế này (và Ngài xếp hai cổ tay lên nhau)”, ra hiệu Ngài đã sẵn sàng cho chính quyền còng đem đi… và thế là Ngài bị họ tra còng số 8 và điệu đi ngay đêm Noel năm đó…”
Sự kiện LM Nguyễn Văn Vinh không hoàn toàn đúng như ghi nhận của tác giả Lê Ngọc Bích trên kia cả về tình tiết sự việc và thời gian.

Về giai đoạn sống của LM Nguyễn Văn Vinh ở trong tù

“…Tôi vẫn coi Ngài là vị tử đạo. Qua những câu chuyện mà các anh Biệt Kích cùng giam chung với Ngài tại Cổng Trời về việc Ngài bị bức tử như thế nào. Nếu anh liên lạc với anh em Biệt Kích, chắc họ sẽ kể cho anh.
Khi còn ở Sài Gòn tôi có gặp một người biệt kích, anh biết rõ chuyện Ngài bị giết chết như thế nào, rất tiếc hôm nay anh ấy bị bệnh “não”, nên không nhớ gì cả…Tôi chỉ nhớ anh kể lại rằng “Cha Vinh địa phận Hà Nội bị giam chung ở trại Cổng Trời, một hôm có cán bộ Bộ Nội Vụ từ Hà Nội lên gặp cha Vinh để dụ dỗ Ngài. Sau Khi gặp Ngài, ông ta nói rằng Đảng và Chính Phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện anh phải hợp tác với Linh Mục Nguyễn Thế Vịnh (Trưởng Nhóm Linh Mục Công Giáo Yêu Nước). Và nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi… Cha Vinh đã can đảm và khảng khái trả lời: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh, còn tôi có đường lối của tôi, tôi không thể theo ông Vịnh… “ Thế là cha Vinh lại bị đưa vào cùm như trước…Đêm hôm ấy, người ta sai người đến bịt hết các lỗ cửa của căn biệt giam… Sáng hôm sau, tin cha Vinh đã qua đời… Vì nghe kể cũng lâu rồi, nên tôi không nhớ hết các chi tiết …” (From thien vu
Nhưng vẫn nữ tác giả TTH trên kia ghi lại:

“Từ sau khi Ngài đi tủ, tôi còn được nghe một người anh họ ở Thái Bình cùng đi tu với Ngài, kể lại những huyền thoại về Ngài, như: Trong trại tủ, Ngài đấu tranh tuyệt thực. Sau nhiều ngày tuyệt thực, trại và giám thị bắt đầu cho mỗi người ăn. Họ đổ cơm lên máng (như cho heo, cho chó ăn). Ngài vận động anh em không cúí xuống ăn theo kiểu ấy, vi anh em tù cũng là con người… cần được đối xử tử tế…và tất cả mọi người không ăn.
Lại có lần, Lãnh đạo Trung Ương đến thăm trại để thuyết phục Ngài, 1 trong những tên Giám Thị khét tiếng ác ôn kéo Ngài để dằn mặt, Ngài chỉ giơ tay đỡ nhẹ thôi thì tên Giám Thị ngã lăn xuống chân Ngài, cũng như trước mắt các vị lãnh đạo trung ương có mặt tại đó. Lúc đó tât cả tù nhân có mặt tại đó mới biết Ngài có võ…
Từ năm 1954 đến năm 1959 rất nhiều Ca Đoàn Trưởng bị bắt (trong đó có anh An xứ Nhà Thờ Lớn), trùm trưởng, và tất cả những người liên quan đến Giáo Hội đều bị bắt đi tù (kể cả một bà già tên là Bà Mười ngồi bán ảnh trước cửa nhà thờ cũng đều bị bắt) đến khi Ngài bị tù đầy…
Ngài đã can đảm và anh dũng chết trong tù Cộng Sản như các Thánh Tử Vì Đạo xưa. Tôi xin được dâng lời cầu nguyện tới Ngài, và xin Ngài phù hộ cho đoàn chiên, cho xứ Nhà Thờ Lớn nói riêng, cho Giáo Hội Công giáo Việt Nam nói chun.”
(From tran huong
Tôi tin chắc rằng Ngài đã anh dũng hy sinh và CHẾT trong tù cũng vì những đức tính kiên cường thẳng thắn của Ngài với chính quyền Cộng Sản. Tôi không bao giớ quên được hình ảnh người Cha nhân hiền mà thẳng thắn kiên cường như ngài. Tôi tin rắng: Ngài đã được Chúa dẫn đưa lên hưởng Nhan Thánh Chúa và Ngài luôn phù hộ đô trì cho Giáo Hội Việt Nam trên đường lữ thứ”

Cho con dược thắp nén hương long để tưởng nhớ Ngài. Con tin chắc Ngài vận đồng hành với chúng con, những cựu ca viên Xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội cùng là giáo dân, là con chiên trong dàn chiên cùa Ngài chăn dắt năm xưa. Amen”

Về hành tung của người góp ý

“…Tôi hiện đang ở Hà Nội. Địa Chỉ như sau:

Trần Thị Hường, số 2 Dãy 42A Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Đt 04.8693129.
Nếu có dịp về Hà Nội Việt Nam, xin Ông Bà liên hệ với địa chỉ và số điện thoại của tôi ở trên.”(From tran huong
“… Ông xã tôi mầy tuần trước thì NGUY KỊCH phải cấp cứu vào BV. Nay thì… đã khá lên rồi, tôi mới có thời gian “lên Mạng”. Chăm sóc 1 người giá ốm cũng bận rộn, lại chăm sóc một người MẤT TRÍ và HOANG TƯỞNG lại càng vất vả hơn (mặc dầu có người giúp việc cùng lo)

Hoàn cảnh gia đình tôi có ba con (1 trai 2 gái), và 8 cháu nội ngoại. Các cháu rất ngoan, thành đạt và rất hiều thuận với Cha Mẹ, song mỗi đứa ở một nơi. Cháu trai lớn 41 tuổi là Kỹ Sư Điện, hiện làmc cho Mỹ ở Sàigòn cùng với vợ và 2 con ở quận 2 Sàigòn. Cháu gái thứ 2 dạy học ở Hannover Đức với chồng và 3 đứa con. Cháu gái thứ 3 dạy học và chống là BS ở Hà Nội có 2 đứa con ở với chúng tôi, sống chung, còn đi làm và lo cho con cái chúng.

Ông Xã Đỗ Mạnh Môn là Nhà Giáo Ưu Tú dạy Toán tại Trường ĐHBK. Ông cũng có nhiều sách và công trình nghiên cứuđể lại cho thế hệ sau. Từ tháng 5 năm 2007, ông bị tai biến não, tưởng chết. Con rể và các BA BV Bạch Mai cứu sống thì để lại di chứng tâm thần như hiện nay, nên mọi sinh hoạt đều không chủ động được, nên chúng tôi vất vả hơn. Chúa trao Thánh Giá, song Ngài lại đồng hành với tôi, nên cũng trở nên “ách êm ái”. Các cha, các soeurs đến thăm và cũng muốn ông theo Chúa. Tôi chỉ biết cầu nguyện để Việc Chúa, Ngài sẽ ra tay mà thôi. Mọi sự không ngoài ý Chúa. Bởi vì “Nhất ẩm, nhất trác, giải đồ tiên đinh” mà.

Với tôi, thì sức khỏe không được tốt lắm. Lúc trẻ tôi cũng được cha mẹ cho học hành, mà không hiểu sao về già lại bị bệnh “thiếu văn hóa” là TIỂU ĐƯỜNG… cộng thêm với bệnh “thiểu năng tuần hoàn não”, tức là máu không đưa lên não bình thường. Tất cả những bệnh của người GIÀ mà! Tuy bệnh như vậy, song Chúa vẫn giúp tôi chu toàn bổn phận.
….
Tôi muốn gửi 1 ảnh tôi « bắt tay mẹ Têrêsa Calcutta » khi Mẹ đến Việt Nam và 1 cuốn sách nhỏ TRỌN ĐỜi TIN YÊU nhân dịp mừng thọ ĐHY PHẠM ĐÌNH TỤNG tại Hà Nội đầu năm 2008 để tặng ÔngBÀ. Xin cho biết rõ để tôi gửi có được không?... Maria Trần Thị Hường Hà Nội (From tran huong
Một Vài Chứng Từ Hồi Ức

Vài Cảm Nhận Về Cố Linh Mục Nhạc Sĩ Gioan LaSan Nguyễn Văn Vinh

Vào những thập niên 60, khi còn là cậu bé học sinh tiểu học nội trú tại các sơ dòng Mến Thánh Giá một làng heo hút, làng Tân Bình, thị xã Cam Ranh, chúng tôi đã biết hát “Nguyện Xin, nguyên xin Chúa cả mở tay…” trước khi ăn cơm tập thể. Khi vào chủng viện, tôi đã từng cảm xúc với bài “Ôi Gia Vê Chúa Chúng tôi”. Nhưng không thể ngờ rằng những bài ca quen thuộc đó lại do Linh mục Nguyễn Văn Vinh (1913-1971), một trong các nhạc sĩ tiên phong của Thánh Nhạc Việt Nam sáng tác ra.

Tôi càng bất ngờ hơn khi may mắn nhận được sách Phụng Ca Tôn Vinh do Linh Mục Anthony Vũ Hùng Tôn giới thiệu, qua đó tôi mới biết cha Vinh còn là tác giả của nhiều bài Thánh ca đa âm khác. Vào thời kỳ phôi thai của Thánh Nhạc Việt Nam, các bài Thánh Ca đa âm bằng tiếng Việt với các thanh bằng trắc khi hòa âm sẽ tạo ra nghĩa không êm, không tương thích nhau. Vì thế tác gi đã dùng nhiều thủ pháp đa dạng để giải quyết vấn đề trên

Dan cử trong bài Trường Ca “Mở Đường Phúc Thật” mở đầu cha Vinh cha Vinh cho một lĩnh xướng (solo) và dàn hòa âm trong 8 ô nhịp. Sau đó tới bè Basse lĩnh xướng 4 ô nhịp, rồi bè Alto 4 ô nhịp… Tới ô nhịp 37, tác giả cho dùng hòa âm và để bốn bè đồng giọng “Nhắm xa ngàn dặm rủi may ngàn trùng”. Tiếp theo là thủ pháp Solo và bè Basse dưới bắt nhau. Tới ô nhịp 60, bốn bè hòa âm chỉ 3 ô nhịpv.v… Ở phần 2, ta còn thấy 4 bè dưới bắt nhau rất ấn tượng, có nét tua tủa như bản Alleluia của Haendel mà tác giả đã khâm phục qua việc chuyển dịch sang lời Việt ca từ của bản nhạc đó.

Qua ba tác phẩm tiêu biểu vừa kể trên, chúng ta nhận thấy cha Vinh không chỉ có khả năng trong những bài nhạc có tính đại chúng (ai hát cũng được) bình dân, thiết thực (câu kinh trước và sau bữa ăn), mà còn giỏi cả trong những bản Thánh Ca và thậm chí cả trong lãnh vực hợp xướng, đa âm. Được biết ngài còn viết kịch hát “Chí làm trai” và những ca khúc sinh hoạt như Hè Về (của Hùng Lan)
Điều này chứng tỏ khả năng sáng tác của cha Gioan Lasan thật phong phú và đa dạng.

Chúng ta chỉ tiếc là qua nhiều năm tháng, tác phẩm của cha đã bị bụi thời gian phủ mờ. Đó là điều tất yếu vì thời nào nhạc đó. Âm nhạc phản ảnh ngôn từ, tâm tư suy nghĩ, cách sống … của thời đại đương thời. Hiện nay ít người hát đến d6én các bản nhạc của cha từ đó để diễn đạt tâm tình của ngày nay. Điều này dễ hiểu vì ngôn từ luôn thay đổi cả về ngữ nghĩa, cả về số lương. Nhưng từ Hán Việt cổ như “thai sinh” cậy cao mình”, “quan anh”… đã nhường chỗ cho từ thuần Việt không. Hoặc những từ “lòng người liên hoan”, “quyền được lòng” nay da khác nghĩa. Khi người hát không còn đồng cảm với tác giả thì bài ca không còn thích hợp để nói lên cảm xúc, nhất là tâm tình tôn giáo nữa.

Dù sao cha Vinh cũng đã đóng góp công lao to lon cho nền Thánh Nhạc Việt Nam thời kỳ đầu. Với tấ cả khả năng của mình, cha đã cống hiến cho một lớp người cách diễn tả tâm tình tôn giáobằng lời ca tiếng hát. Các tác phẩm của cha cần được sưu tập và in đầy đủ để các thế hệ sau trân trọng công trình của ngài, và cũng để dễ dàng nghiên cứu về các bước phát triển của nền Thánh Nhạc Việt Nam từ thuở khai sinh. Riêng với bản thân tôi, những bản nhạc thời thơ ấu cũng như tuổi thiếu niên se 4theo tôi suốt đời. Tôi sẽ không bao giờ quên được.

“Nguyện xin, nguyện xin Chúa Cả chúc phúc…”Thỉnh thoảng tôi vẫn ngân nga giai điệu bình dân “Ôi Gia Vê Chúa Chúng tôi, kỳ diệu thay tôn danh…” Xin cám ơn cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh. Nguyện xin Cha cầu bầu cho nền Thánh Nhạc Việt Nam ngày càng khởi sắc hơn, nổi lên được lòng đạo của người dân Việt Nam đối với Thiên Chúa. (Cao Kỳ Hương, Nha Trang ngày 06/4/2003).

(1) Xem thêm “Nhật Vật Giáo Phận Huế, Tập II”, trang 106. Lê Ngọc Bích biên soạn photocopy 2000
(2) Đoạn bình giải nhạc trên đây là ý kiến của Nguyễn Khắc Xuyên, chúng tôi trích dẫn trong “Tiến Trình Thánh Nhạc Việt Nam”, tài liệu Rônếô của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Tp HCM tháng 3/1992, trang 175-177.
(3) Theo Nguyễn Khắc Xuyên, tlđd, tr 171-174 và 181
(4) Theo Nguyễn Việt, trong báo CG và DT số Giáng Sinh 1991 và theo Hoàng Văn Sử, em ruột Hùng Lan ở giáo xứ Nghĩa Hòa, Tân Bình. Xem bài về Hùng Lân, cùng các tác giả Lê Ngọc Bích trong sách này.

Tâm sự Của Người đánh Máy Những Trang Trên

Là một giáo dân, cựu ca viên ca đoàn xứ Nhà Thờ Lớn, Tôi đã từng được ngài dậy hàt và nghe tiếng hát, tiếng violon của ngài trong các buổi cha dậy Ca Đoàn chúng tôi. Năm 1958, ngài còn tập hợp các ca đoàn Hàm Long, Cửa Bắc, Tân Lạc, Kẻ Sét… thành dàn đồng ca thuộc khu vực Nhà Thờ Lớn Hà Nội để hát trong buổi rước kiệu Thánh Thể năm 1958. Tôi không bao giờ quên. Phải, tôi không bao giờ quên được hình ảnh Cha Chính Nguyẽn Văn Vinh. Người cha nhân từ dịu hiền đã chết tại nhà tù « Cổng Trời » Hà Giang của chế độ Cộng Sản Việt Nam

Tôi không khỏi bùi ngùi xúc động, không cầm được nước mắt khi đọc những trang của Lê Ngọc Bích và Cao Kỳ Hương viết về Cha Chính Nguyễn Văn Vinh Xứ Nhà Thờ Lớn của Chúng tôi. Ngài là một Tài Năng, một tâm hồn Thánh Thiện, một người Cha nhân hiền đã để lại trong tất cả chúng tôi những ấn tượng sâu sắc của tuổi trẻ, của thời thanh niên dưới chế độ Cộng Sản lúc bấy giờ.

Chúng tôi cũng không ngờ rằng Noel 1958 là ngày « định mệnh « của cha Nguyễn Văn Vinh, là ngày cuối cùng của chúng tôi, những thanh niên Công giáo cũng như những anh chi em của Ca Đoàn Xứ Nhà Thờ Lớn từ bấy giờ không còn được nhìn thấy người Cha mà chúng tôi vô cùng Kình Mến nữa… Noel 1958 hầu như tất cả Ca Đoàn và những thanh niên Trung Kiên của xứ Nhà Thờ Lớn đề có mặt để trang trí Lễ Noel năm đó, chúng tôi rất đông giáo dân chứng kiến « vụ Noen 1958 ».

Trong Ca Đoàn Xứ Nhà Thờ Lớn lúc bấy giờ có anh Đỗ Văn Đức bị phạt cảnh cáo khi xử vụ này. Năm nay anh Đức cũng đã ngoài 73 tuổi, còn tôi cũng đã 70 tuổi, mồi miệt mài đánh máy những trang trên, xin dâng lên ngài như góp thêm những bông hoa tươi tắn, góp phần nhỏ bé của mình trong việc Tôn Vinh ngài. Từ Trời cao, xin ngài cầu bầu cùng Chúa đoái thương đến Giáo Hội Việt Nam của chúng con trên đường lữ thứ trần gian. Maria Trần Thị Hường (cựu ca viên ca đoàn Xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội, tanthihuongbk@ to to nghiemdohuu@gmail.com Mon, Jun 2, 2008 at 12:18 AM, bai viet ve cha Nguyen Van Vinh)

Chú Thích: [Người viết xin cáo lỗi vỉ đã xử dụng những tâm tư quí mến riêng tư này làm một bó hoa thiêng liêng đánh dấu cuộc chuyến lãng du đầy thơ mộng, nhân nghĩ đến Cha Chính Nguyễn Văn Vinh, một Đấng Anh Hùng Tử Dạo của Giáo Hội Việt Nam trong thời đại nắm quyền toàn trị của những người Cộng Sản ờ Miền Bắc Việt Nam (1954-1975) và toàn lãnh thổ Việt Nam từ 1975 đến nay.]

Bài Anh Hùng Ca Tử Đạo Của Nhiều Tù Nhân Tín Hữu

Khung cảnh một trại tù Cổng Trời như thế đã là nơi sinh sống muôn thuở của nhưng tù nhân như Linh mục Nguyễn Văn Vinh. Dúng là Cổng Trời là nơi đã đón tiếp biết bao anh hùng liệt sĩ Công giáo về cõi Vinh Phúc. Không có đau khổ vì đức tin kiêu hung, trung kiên, người tín hữu không thể vào chốn vinh quang muôn đới.

Cùng với nhiều tù nhân chia sẻ cùng số phận, nhiều tù nhân, cùng đức tin cũng như ngoài đức tin Công giáo, kể cả kẻ đã bách hại ngài, đã cùng nghe Ca Đoàn tù nhân đau khổ luôn reo ca bài hát “Vết Tử Hùng” của Văn Thi và Tâm Bảo vì đức tin Kitô. Linh mục, tu sĩ, trùm trưởng,… đã anh hùng bất khuất bạo lực, noi gương các thánh tử đạo, noi gương đức Kitô trên đường Thánh Giá

Bài hát đó trở thành bài thánh ca nuôi dưỡng lòng trong kiên, chuẩn bị đưa Linh Mục Nguyễn Văn Vình cùng với bao con người đau khổ nhưng anh hung, vào Nước Trời Vĩnh Cữu. Xứng đáng thay, một linh mục tử đạo kiêu hùng giữa Ca Đoàn Tù Nhân Tử Đạo, hát vang tiếng ca:

Vết Tử Hùng:
Điệp khúc:
Kìa Ai còn lưu tiếng Thiên Thu
Cương quyết vì Đạo Chúa hiến thân
Lời ai hòa trong gió âm u
Máu ai còn tiếng vang xa gần
Dù Kiếm Sắc Cần chi
Dù gong mang xá gì
Treo gương cho khắp thế soi chung
Trong đau thương chí khí anh hung
Lòng vàng đá không hề chi
Rầy cùng Chúa được vinh phúc trên Cõi Trời


Câu riêng:
1. Càng nung nấu nhiều, vàng thêm trong thêm sang tươi.
Gươm giáo kia ai hay chứng lòng sắt son.
Càng đau đớn nhiều càng thêm hoa trên đường mới
Dắt lên chốn Trời cao còn hạnh phúc nào hơn

2. Đời bao tháng ngày lòng cao siêu không vướng chi.
Sung sướng như mây bay dóng đới tối tăm.
Tìm nơi phúc thật hiền nhân xưa kia bền chí
Bước cay đắng trần gian: đường vinh phúc ngàn năm

3. Lòng tin Chúa Trời tình thân yêu khăng khít liên.
Trong gió mưa tân toan vững niềm kính tin
Còn thêm suối lành đoàn hậu sinh nay tìm đến
Dám dâng các tiến nhân lời tha thiết cầu xin

( http://www.dinh.dk/pdf/vettuhung.pdf )

Cậu chủng sinh họ Đỗ đã bao lần nức lòng khi đồng ca bài hùng ca bất diệt đó với các bạn hữu, củng cố thêm niềm tin sắt son vào Ơn Trên giữa những cơn đau khổ triền miên trong dòng đời, phương chi người đó là Kitô hữu. “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vinh quang!”

Một Kết Luận: Chuyện Hậu Sự Của Người Dương Thế

Hồi 19h30 ngày 12.10.2007 sau khi bế mạc Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, giám mục Hoàng Đức Oanh, Giáo Phận Kontum, với tư cách nghĩa tử của cha chính Vinh, đã rời Toà Giám Mục Hànội về Giáo Xứ Ngọc Lũ (Hà Nam) cách Hà nội hơn 90 km. Ngọc Lũ là quê hương của cha chính Vinh, nơi lưu giữ di cốt của cha chính Vinh sau khi cải táng.

Hồi 4h30 sáng 13.10.2007 Thánh Lễ đồng tế do Hoàng Đức Oanh Giám Mục Kontum, và linh mục thư ký cử hành tại nhà thờ Ngọc Lũ

Một chút di cốt ít ỏi, các mảnh vải áo cha mặc khi chôn cất nay may mắn còn sót lại, một ít mùn đất nghi rằng do xương của cha mục nát tan ra.... Tất cả được thu gom trong các túi nhỏ đặt trong một quan tài bằng kính, được đặt và tôn kính tại gầm bàn thờ bên trái của nhà thờ Giáo Xứ Ngọc Lũ.

Di cốt Cha Chính Vinh tại Nhà Thờ Ngọc Lũ, Nam Định

Hồi 4h30 sáng 13.10.2007 Thánh Lễ đồng tế do Giám Mục Kontum, và linh mục thư ký cử hành tại nhà thờ Ngọc Lũ để cầu nguyện cho cha chính Vinh và các người đã qua đời của Giáo Xứ Ngọc Lũ. Sau Thánh Lễ Giám Mục đến thăm mảnh đất hơn 07 sào, xưa là nhà của ông bà thân sinh cha chính, năm 1993 đã được bán lại cho một gia đình khác (cũng là người công giáo).

Giám Mục Nghĩa Tử Chủ Tế và người thu hồi di cốt cha Vinh

Anh Phạm Văn Lý, người thông báo những giòng chữ này với một số hình ảnh về buổi lễ đó với một nhúm tro cốt, cùng mọi người có mặt hôm ấy, đều vô cùng bàng hoàng và cảm động, khi quì trước di cốt cha chính..., vị tử đạo khả kính của cộng đồng Dân Chúa Hà Nội cách riêng và của toàn thể Giáo Hội Việt Nam nóì chung.

Hãy cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ lầm chẳng biết, dù chúng cố ý hành hạ làm khốn người vô tội nhưng một lòng son sắt với đức tin Kitô giáo.
Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Phù Hộ Cho Đoàn Con Đất Việt!


Một Số Tài Liệu Tham Khảo
Tư liệu đặc biệt
Lê Ngọc Bich: Nhân Vật Công Giáo Việt Nam Thế Kỷ XVIII - XIX - XX. Sàigòn, Lưu Hành Nội Bộ, 710 trang, khổ in 15x21cm, bìa giấy cứng. [Cao Kỳ Hương: LM Nguyễn Văn Vinh, tt. 562-579, Nha Trang, 6/4/2003]
VietCatholic News (Thứ Sáu 25/04/2008 10:51): “Về cuộc đời Cha Chính Nguyễn Văn Vinh thuộc giáo phận Hà Nội chết ở trại tù Cổng Trời”
[ http://www.vietcatholic.net/News/Html/54286.htm ]
Huynh Hà, Đặc San Huynh Hà. Viết Về Địa Phận Hà Nội. Sàigòn, 2/7/1971, 100t., 21x32cm
Huynh Hà, Kỷ Yếu Huynh Hà. Uống Nước Nhớ Nguồn. HCM, 1996, 224t, 14x21cm.
Huynh Há, Kỷ Yếu Huynh Hà.Tìm Về Cội Nguồn. HCM, 1997. 446t +74t (phụ), 14.5x21cm, nhất là các trang 300-301. Ngân Khánh 7 LM gốc TGP Hà Nội, trong đó có LM Hoàng Đức Oanh.
Bạn Đường, Kỷ Niệm Ba Mươi Năm Bạn Đường (1960-90). Kỷ Niệm Hai Mươi Lăm Năm Giám Mục của GM. Nguyễn Văn Hòa (58 năm Bạn Đường sống bên nhau. HCM, 29.04.2000, 362t, A4, font 14
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Philadelphia. Đặc San Kỷ niệm 25 năm (1975-2000). [Tám Cộng Đoàn].Hoa Kỳ, 19/11/2000 Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam (1719 Morris St., Philadelphia, PA. 19145. Tel: 215-755-8369), 184tt., 15x25cm
Huynh Hà, Về Nguồn Huynh Hà. HCM, 4/8/2002, 58t., 14x21cm.
Mậu Hải Chúa Gọi. Hồi Ký. Kỷ niệm 50 năm linh mục và thương thọ bát tuần LM Inhaxiô Mai Xuân Hậu 30/5/2003. Không đề nơi ấn hành, vi tính, 97 trang,15x25cm
Bạn Đường, Kỷ Yếu Kim Khánh Bạn Đường (Giáo Phận Hà Nội), 1953-2003. Sài Gòn, 2004, 329t., A4, in rônêô, font 14. Kỷ Niệm I. Viết về Tràng Tập Hà Nội, II. Hoàng Nguyên Phú Xuyên Hà Đông, III. Piô XII Hà Nội. IV.Thăm Miền Tây II. V.Xây Dựng Nhà Thờ Trung Hải. VI. Sinh hoạt Bạn Đường
Hội Ái Hữu Địa Phận Hà Nội: Kỷ Yếu Hà Nội 2004. Mười Lăm Năm Thành Lập Hội Ái Hữu Địa Phận Hà Nội Nam California (1988-2003). USA, NV printing (7775 Westminster Ave., Wesminster, CA 92683), 340tr, A5.
Hồng Nhuệ (Nguyễn Khắc Xuyên), Lược Sử Địa Phận Hà Nội, 1626-1954. Lời tựa, ghi ở Paris ngày 2/9/1994. Lưu hành nội bộ, 576t, 20x29cm + 168t. Ảnh và tư liệu. Nha Trang, 4/3/1999. xviii-628t., 20x29cm
Bùi Đức Sinh: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Quyển I.-(1430-1833). USA, CA [Profess Printing Inc., San Jose, California], 2001, in lần 3, 513t, 15x25cm
Quyển II. – (1820-1911). USA, CA, in lần 3, 2001, 619t, 15x25cm.
Quyển III. – (1900-1975). USA, CA, in lần 3, 2001, 550t, 15x25cm
Nhiều tác giả. Ba Mươi Năm Công Giáo Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1975-2005. 8.2005, NS Diễn Dàn Giáo Dân & Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại Cơ Sở Dức Quốc, Mỹ và Âu Châu ấn hành, 649t, 16x27cm
Văn Phòng TTK HĐGMVN Giáo Hội CGVN: Niên Giám 2004 (Năm Thánh Truyền Giáo). Nhà XB Tôn Giáo (Nhà In Trần Phú, I HCM), Hà Nội, 2004, 960t, 15x21.5
Văn Phòng TTK H ĐGMVN Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Niên Giám 2005. NXB Tôn Giáo, In lần II, Nhà In Trần Phú, 71-75 Hai Bà Trưng, Quận I, Tp HCM), Hà Nội 2005, 965 trang.
Lê Ngọc Bích: Những Nhân Vật Công Giáo Việt Nam. Sàigòn, 2006, (Linh mục Nhạc Sĩ Gioan La San Nguyễn Văn Vinh, tt 562-579, theo bản đánh máy của Trần Thị Hường, cựu ca viên Nhà Thờ Lớn Hà Nội sau năm 1954)

Một Số Websites, Emails Khác:
- Notice biographique du missionnaire Dépaulis au Tonkin
http://archivesmep.mepasie.org/recherche/notices.php?numero=2576&nom=
- Notice nécrologique du missionnaire Dépaulis au Tonkin
http://archivesmep.mepasie.org/recherche/notices_necro.php?numero=2576&nom=DEPAULIS
Toàn Văn Sắc Lệnh 234 về tôn giáo tại nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 14/6/1955 do Hồ Chí Minh ký và ban hành
http://vbqppl.moj.gov.vn/law/vi/1951_to_1960/1955/195506/195506140001/view
- Tran Minh Tien trantien@hcm.vnn.vn; Tài liệu 7:29 am (39 minutes ago to"GM. Tran Xuan Tieu" Oct 16, 2007 7:29 Fw: CHA CHÍNH VINH AM.
- Trong số bốn vị trên, Lm Vịnh chết trong tù ở trại Cổng Trời, Lm Thông 27 năm tù,.. ... 11. Bá cáo của Nguyễn Đình Đầu viết về Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình.
www.vnfa.com/anews/0710_093.html - 61k - Cached - Similar pages - Note this
- Hãy nhìn mấy cha thầy ẩn tu ở Thiên An mới bị tịch thâu trên 100 mẫu đất.. . Lạng quạng là có chầu đi nghỉ mát ở trại Cổng Trời như cha Nguyễn Hữu Lễ ngay... .
www.longtien.org/httpdocs/cxphuchung/files/chauvehpho.html - 15k - Cached - Similar pages - Note this
- Tử tù Cổng Trời, bị cởi bị trồng (Cởi Trồng = Cổng Trời).. .. Và cũng lắm lúc chính cha ông chúng nó đã bị đàn anh Trung Cộng hống hách, bắt nạt,.. .
www.ausviet.net/readessay.asp?Title=forum/nnguyen/20080125100004.txt - 45k - Cached - Similar pages - Note this
- Việt Thường: Ghi nhớ về lễ noel hà-nội. ĐOÀN TỤ...
NĂM 1954.. . ĐỂ CHIA LY HƠN. TỪ ĐẤU TỐ... ĐẾN VU CÁO NHỮNG NGƯỜI MỘ ĐẠO. VẾT DẦU LOANG. MÁU TƯỚI VÙNG CAO. NƯỚC MẮT VÙNG THẤP. NÔ-EN 69 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO.
Chính là từ cái năm 1968 này, các nhà thờ tự nhiên buổi lễ có đông con chiên. Họ đến để cầu nguyện cho con, em, chồng, cha...đã bị "sinh Bắc, tử Nam "... .
www.vietthuongonline.com/mainarticles/ghinholenoelhanoi.htm - 66k - Cached - Similar pages - Note this
- Nguyễn Văn Lục: (NVL) Thưa anh Nguyễn Chí Thiện, xin nói thật,.. .. Tôi có bị giam ở trại tù Phong Quang, Lào cay và tôi đã gặp Vũ Thư Hiên trong vòng ba.. . phanthanh.multiply.com/reviews/item/74 - 44k - Cached - Similar pages - Note this
- Dữ nhất, theo họ, vẫn là Cổng Trời mà tôi đã nói tới ở trên... ... Nhìn cảnh những Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện, Lê Trình, Văn Thợ Mộc, Tôn Thất Tần..... .
www.quocuy.com/forum/viewtopic.php?p=1903&sid=abeefb011df6615e9685ccfd08b48b45 - 70k - Cached - Similar pages - Note this
- Sợ lộ sẽ bị bắt tù, chỉ vì ông mắc tội yêu nước, dám chống đối nhà cầm quyền thực.. .. Hai cha con về đến nhà trời đã xế trưa, bà Biểu Cô, chị họ ông Woòng,.. .
vietbay.com/docs/haingoai_truyen1/nguyenthi_vinh1.html - 24k - Cached - Similar pages - Note this
- Ông "Cổng trời"
Lao Động số 83 Ngày 12/04/2007 Cập nhật: 9:37 PM, 11/04/2007. (LĐ) - Dân bản gọi già làng Và Phái Tểnh là ông "cổng trời" không chỉ bởi cái bản của ông "mọc" trên chót vót eo rừng quanh năm mù sương. Ông "cổng trời" còn có nghĩa - người đã mở ra một "cổng trời mới" biến "thủ phủ" ma tuý Mường Lống, một địa bàn di dịch cư phức tạp thành điểm sáng của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An).
Bản ta ngày xưa là thung lũng ma tuý"
- (LĐ) - Dân bản gọi già làng Và Phái Tểnh là ông "cổng trời" không chỉ bởi cái.. . Còn khoảng thời gian từ 1975 về trước, ông là giáo viên dạy chữ Mông ở Tây.. .
www.laodong.com.vn/Home/phongsu/2007/4/31668.laodon - 56k - Cached - Similar pages - Note this
- Một thời gian ngắn trước khi cha Nguyễn Văn Lý bị bắt, VC đã tung ra rất nhiều.. .. trại giam ở miền Bắc. Trại Thanh Cẩm và nhất là trại Cổng Trời chắc chắn.. .
saigonxua.blog.ca/2007/03/04/on_ca_7889_truy_tan_pha_7843_i_cha_7871_~1847816 - Similar pages - Note this
- Kiều Duy VĩnhL Tết ở Trại Cổng Trời
Chỉ nhìn thấy Cha Vinh, Cha Quế vào đó và không thấy hai cha đó ra về nữa mà.. . Ở Cổng Trời một năm chia làm hai mùa: Mùa nóng b¡t đầu từ đầu tháng Năm;.. .
www.hungviet.org/ncct/kieuduyvinh_ct2.html - 21k - Cached - Similar pages - Note this
- K. Vĩnh TK21 #98, Tháng 6 1997: Hồi Ức Cuộc Tuyệt Thực Ở Trại Cổng Trời. 1/8 Âm lịch năm 1994
K. Vĩnh 2003-10-25 13:02:01
- Kiều Duy Vĩnh: Đức Thánh Tử Vì Đạo Thứ Hai Mà Tôi Được Gặp. Kiều Duy Vĩnh TK21 #100 Tháng 8 1997
http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=6973
2003-10-25 12:48:03
- Trong số bốn vị trên, Lm Vịnh chết trong tù ở trại Cổng Trời, Lm Thông 27 năm tù,.. ... Bá cáo của Nguyễn Đình Đầu viết về Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình... .
vietcatholic.net/News/Html/52570.htm - 46k - Cached - Similar pages - Note this
- Những emails trao đổi giữa các người đối thoại (Đỗ Hữu, Trần Thị Hường và Vũ Thiện) sau khi đã đọc bài viết về Cha Chính Vinh phổ biến nhiều ngày trên mạng Vietcatholic từ ngày 25/4/2008.

Oakland, CA Đỗ Hữu Nghiêm biên soạn xong ngày 17/4/2008.5, Ngày sinh nhật Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhân chuyến đến thăm Hoa Kỳ ngày thứ hai (15-20/4/2008) tại Washington D.C.
Đây là bản sơ thảo cần nhiều bổ sung chi tiết chính xác. Quý vị nào có những tư liệu liên hệ để hiệu chính, xin vui lòng cung cấp cho người biên soạn theo địa chỉ Nghiêm Đỗ: 2606, 9th Avenue, Apt # 8, Oakland, CA 94606. Phone: 510-436-0392 hay email: nghiemdohuu@gmail.com.
Viết bổ sung ngày 28/5/2008.4.Ngày 4/6/2008.5.
Oakland, CA. ĐHN ng ày 4/6/2008.5. Kỷ niệm sinh nhật thừ bảy mươi (9/6/2008.2) và lễ Thánh Antôn de Padua (13/6/2008.6. Xin hết lòng đa tạ.
 
Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu (9)
Vũ Văn An
23:40 04/06/2008
Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu (9):

CHƯƠNG BẨY: BỀN VỮNG TRONG HÔN NHÂN, HIỂU NHƯ LIÊN TỤC, ÐÁNG TIN CẬY VÀ DỰ ÐOÁN ÐUỢC

Phong trào chống những cam kết vĩnh viễn hiện nay dường như trực tiếp đi ngược lại quan điểm cổ truyền khi cho rằng những cam kết có tính biến hóa mới là hình thức cam kết thực sự thích hợp với hôn nhân. Ý niệm bền vững hay vĩnh viễn bắt nguồn từ Cựu và Tân Ước (1). Bền vững vốn là biểu tượng của liên hệ giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, và không ngừng bị thách thức đối với truyền thống Do thái và Kitô giáo. Trong thời Cựu Ước, dù không được hoan nghênh, nhưng ly dị đã được cho phép, còn Tân ước thực ra cũng đã để lại đôi nét không rõ khiến vẫn còn khuynh hướng cho phép tiêu hôn và tái kết hôn. Nên thực tế mà xét, cho đến tận nay, vẫn luôn luôn có sự căng thẳng thường xuyên giữa bền vững và ly dị, và do đó các lý lẽ bênh vực cho bền vững chống lại tạm bợ cần được tái thẩm định không ngừng. Ðiều này sẽ được bàn đến ở chương này căn cứ vào ba đặc điểm liên tục, đáng tin cậy và dự đoán được.

LIÊN TỤC

Một trong những lý do chính biện minh cho liên tục tính của liên hệ hôn nhân chính là việc có con và chăm sóc chúng. Ít ai có thể phủ nhận rằng con cái cần đến sự hiện diện liên tục của cha mẹ khi chúng đang ở tuổi lớn lên. Các chứng cớ hiển nhiên chứng minh cho điều ấy đã được trình bày ở Chương Ba. Liên tục tính trong sự hiện diện của cha mẹ bảo đảm rằng trong những năm thơ ấu, trẻ em tránh được những thay đổi thường xuyên làm gián đoạn những gắn bó chủ yếu, nhờ thế các em có thể nhận ra căn tính mình theo thành tố nam hoặc nữ của cha mẹ và chính từ các ngài các em được xã hội hóa, được khích lệ tăng trưởng về tri thức, được chăm sóc thể lý và trưởng thành về xúc cảm. Những người phê phán hôn nhân cho rằng trẻ em vẫn có thể được chăm sóc bởi xã hội (2) hoặc bởi những người trưởng thành khác. Cooper tóm lược quan điểm này như sau: "Chúng ta đâu cần má hoặc ba nữa. Chúng ta chỉ cần sự chăm sóc như mẹ như cha (mothering & fathering) mà thôi" (3). Tất cả còn tùy phái này chứng minh được là giải pháp do họ đề nghị thành công trong một thời gian dài. Hiện không thấy chứng cớ chi cả, trong khi các công xã thành công khắp nơi trên thế giới, và đặc biệt là tại Israel, vẫn phải duy trì những tiếp xúc gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Cho nên quan điểm trổi vượt nhất hiện nay vẫn là: con cái cần sự hiện diện liên tục của cha mẹ trong những năm tăng trưởng chủ yếu của chúng.

Nhưng ngày nay thì sao, khi người ta kết hôn sớm, lúc con cái đã lớn khôn mà cha mẹ vẫn mới chỉ ba mươi mấy bốn mươi? Và còn nữa, những cặp vợ chồng không có con, tại sao lại bắt họ phải theo cùng một cái nguyên tắc vĩnh viễn kia? Sự thay đổi trong cấu trúc gia đình, với việc giảm số con và hoàn tất sớm số con dự trù, đã đặt ra những vấn nạn mới cho tính bền vững của hôn nhân.

Ba chương trước bàn về nâng đỡ, chữa lành và tăng trưởng đã chú trọng tới các khía cạnh năng động nội tại trong liên hệ hôn nhân. Nghĩa là, ngay trong những tầng sâu của hôn nhân, ta đã thấy có những nhu cầu đòi có sự hiện diện liên tục của hai vợ chồng rồi, chưa cần đến lúc họ là cha mẹ.

Nghệ thuật nâng đỡ nhau có nghĩa là hai vơ chồng cần liên tục tính để tìm hiểu những lắng lo đặc thù về xúc cảm của nhau mà nâng đỡ nhau. Dần dà ra sự nâng đỡ ấy sẽ trở thành chuyện đương nhiên, và đó là lúc chín mùi cho hành vi chữa lành. Chữa lành chắc chắn cần đến liên tục tính. Người ta cần thời gian để cảm thấy an toàn, để bộc bạch các vết thương và do đó để nhận được sự chữa lành. Ðây là một trao đổi xẩy ra trong nhiều năm, mà nếu bị ngắt quãng thì thường phải bắt đầu lại từ đầu. Tăng trưởng là một hành trình khám phá lẫn nhau trong đó hai con người cởi mở nhân cách mình và dần dần học được cái bản ngã đang triển khai của người bạn đời. Từ ngay trong bản chất, ba diễn trình này cần đến sự liên tục. Nếu đúng như thế, thì tại sao lại có quá nhiều vụ ly dị như hiện nay?

Câu trả lời là khi vợ chồng đạt tới một giai đoạn nhất định nào đó trong quá trình thương thảo với nhau của họ, bỗng các nguồn tài nguyên của họ bị hụt hẫng, và thay vì cùng nhau tiến về phía trước, họ lại bắt đầu chỉ thấy bạn mình như một chướng ngại vật. Chính đây là chỗ sự khích lệ, sự kiên tâm và sự hiểu biết bản chất của vấn đề phải phối hợp lại để họ bền chân với cơn thách thức; nếu thiếu sự khích lệ, họ có thể bỏ cuộc và ra đi khởi sự lại từ đầu với một người khác.

Ngay ở tâm điểm sự bền vững ta thấy chân lý quí giá này là sự liên tục tránh được rất nhiều cảnh vứt bỏ những cá nhân con người, tức những người bạn đời bị coi như những đồ vật không còn được yêu thương nữa chỉ vì ta không thấy họ có nghĩa lý gì với ta nữa. Liên hệ giao ước nhắc ta nhớ rằng Thiên Chúa lúc nào cũng coi ta có nghĩa lý bằng một lòng yêu thương bền vững. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cần sự liên tục để biến người bạn đời thành nghĩa lý đối với ta. Nhưng, các nhà chỉ trích hôn nhân cho hay, sự liên tục có thể nguyên tuyền chỉ là một liên hệ chết khi chả còn gì xẩy ra ngoại trừ việc hai con người cùng hiện hữu dưới cái mặt tiền sống chung có tính xã hội. Rõ ràng, liên hệ giao ước cần được sống động hóa bởi tình yêu, và sự liên tục sẽ có ý nghĩa khi hai người còn cam kết với nhau, dù chỉ là tối thiểu. Nhưng nếu hai vợ chồng không làm được ngay cả cái tối thiểu ấy thì sao?

Ly thân và ly dị đều có trong các xã hội Phương Tây ngoại trừ một vài nơi như Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan, nơi không cho phép ly dị. Nếu người ta chọn ly dị và tiến tới tái hôn, một liên hệ mới sẽ khởi sự từ đầu. Tất cả những gì đã xẩy ra trong cuộc sống của cuộc hôn nhân trước nay hầu như bị loại bỏ hoàn toàn trong cuộc hôn nhân lần này. Quả là mất mát biết bao vì không thể chuyển dịch nó vào mối liên hệ mới được. Biết bao giây phút sẻ chia trong khám phá, bao điều thất vọng, bao nhiêu chiến thắng bị khóa chặt bên trong hai con người giờ đây phải khởi sự như mới. Biết bao yêu thương nhân bản đã bị chôn vùi bởi vì chúng chả có nghĩa lý gì đối với người bạn đời mới. Nhưng chắc chắn thà thử vận mới và thiết lập một thứ liên hệ nào đó còn hơn tiếp tục ở lại trong cái mối liên hệ đã chết cứng này; đây chính là cái hấp dẫn của ly dị và tái kết hôn. Nhưng nội tại ngay trong chính hoàn cảnh, ta thấy có sự mất mát, mất mát mọi cảm nghiệm chung của mối liên hệ đầu. Trong khi cơ may thứ hai, nhờ ly dị, có cái quyến rũ của nó đối với người lớn (con nít phải đương đầu một loạt những khó khăn khác), thì mối liên hệ dựa trên bền vững, dù có khó khăn, vẫn duy trì được bên trong mối tương quan nguyên thủy mọi hứa hẹn, mọi cố gắng, mọi công khó, mọi hy sinh và mọi thành quả của nó. Không một cố gắng của ai bị mất cả.

Ðể sự liên tục có hiệu quả trong việc khám phá ra các tầng sâu phong phú có tính xã hội và tâm lý của hôn nhân hiện đại, ta cần phải thay đổi cách hiểu sự bền vững từ một cam kết mù quáng qua một cam kết luôn sống động, một thứ cam kết đòi hai vợ chồng phải đem trọn con người của họ vào việc thể hiện sự nâng đỡ, sự chữa lành và diễn trình tăng trưởng của mình.

ÐÁNG TIN CẬY

Sự liên tục có thể chỉ là việc duy trì các đặc điểm bên ngoài không cần đến sự can dự của vợ chồng từ thế giới bên trong. Liên tục tính có thể là thờ ơ lạnh nhạt đối với thế giới của người kia hoặc chỉ là sắp xếp thuận tiện có tính xã hội và kinh tế không hề có một ý nghĩa bản vị nào. Nó có thể chỉ là sự tùy thuộc lẫn nhau để giải quyết những nhu cầu trẻ con vẫn còn được duy trì cho đến bây giờ. Nhưng nếu hiểu sự liên tục như một hội ngộ đem đến sự sống, thì việc liên hợp giữa hai con người mà thôi không đủ. Sự nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng nhau tăng trưởng cần có sự liên tục nhưng cũng cần sự đáng tin cậy (reliability) nữa.

Giao ước thần linh cũng có nét đáng tin cậy của Chúa. Các giao ước của con người không có được tính tuyệt đối như thế, nhưng tác phong nhân bản phải ráng vươn tới sự đáng tin cậy, nếu nó muốn còn là chân thực.

Một trong những nhu cầu chủ yếu của đứa trẻ là có được một khung cảnh liên tục trong đó những khuôn mặt chủ yếu là những khuôn mặt đáng tin cậy. Họ phải đáng tin trong các tín hiệu họ phát ra, trong các đáp ứng của họ và trong phương thức lời nói và việc làm đi đôi với nhau. Nếu cha mẹ nói một đàng làm một nẻo; nếu họ hứa một điều nhưng lại làm điều khác, hoặc tệ hơn nữa không làm gì cả; thì đứa trẻ sẻ trở thành lẫn lộn và mức độ lo âu của nó gia tăng.

Ðiều ấy cũng đúng cho hai vợ chồng. Một mức độ đáng tin cậy nào đó cần phải có. Vợ chồng cần biết chắc các hứa hẹn thực sự có nghĩa và sẽ được thực thi, cần tin được rằng những gì được công bố phải là tiêu chuẩn đại thể để hoàn tất; cần biết chắc rằng những lời phát ngôn của nhau không phải chỉ là những lời khoác lác trống không. Vợ chồng trông đợi ở nhau đức tính đáng tin cậy trong việc làm, trong lời hứa, trong việc có mặt đúng lúc đúng nơi, và trung thực. Cũng như Chúa, trong giao ước với con người, đã hành động một cách đáng tin cậy như thế nào, thì vợ chồng cũng cần đức tính ấy trong mối liên hệ với nhau như vậy.

Nhưng sự đáng tin cậy là một đức tính có thể dẫn người ta đến tình trạng cứng ngắc và ứ đọng. Nó có thể dẫn tới cõi cùng cực của bảo thủ, nơi người ta chả còn chi để dò thử hoặc chả cho phép điều gì xẩy ra, nơi thay đổi được coi là cấm kị và đáng tin cậy trở thành việc lặp lại đồng điệu buồn nản. Loại tác phong này giống như sự cứng ngắc của một nhân cách bị ám ảnh bệnh hoạn nhiều hơn. Người như thế không còn tự do để thay đổi. Thói quen là thuẫn đỡ duy nhất chống lại nỗi lo âu hỗn loạn. Những người phối ngẫu như thế dần dà sẽ trở thành nỗi buồn chán, họ không còn dám thử nghiệm bất cứ điều gì mới, trái lại luôn thấy khuyết điểm và nguy cơ trong việc canh tân.

Sự đáng tin cậy chân thực không phải là bàn tay chết của khô cứng. Ðúng hơn, nó bật lên từ quan tâm yêu đương nhằm đảm bảo rằng các nhu cầu của người phối ngẫu phải được đáp ứng. Nếu người phối ngẫu là người hay lo lắng không đâu, thì đáng tin cậy có nghĩa là phải cho họ hay bạn đang ở đâu, đang xẩy ra chuyện gì, là tránh những vụ vắng mặt quá dài mà không liên lạc giải thích, là làm sao giữ cho nỗi sợ của họ ở mức tối thiểu.

Nhưng trên hết, đáng tin cậy là cái phần yêu đương không bao giờ lỡ trả lời khi được kêu đến. Ðiều này có nghĩa là vợ chồng phải tạo ra được một thế giới cho nhau trong đó họ hiện diện yêu thương với nhau bất kể mọi khó khăn trở ngại hoặc biến cố này nọ. Yêu đương phải được ấn định bằng sự sẵn sàng đáng tin cậy, một sự sẵn sàng có đó để người bạn đời có thể trông vào trong mọi hoàn cảnh hệt như tình yêu của Chúa luôn sẵn sàng có đó cho con người trong mọi thời đại. Cho nên sự đáng tin cậy đầy yêu thương, cùng với sự liên tục, chính là thành phần chủ yếu làm nên sự bền vững của hôn nhân.

DỰ ÐOÁN ÐƯỢC

Người ta có thể đáng tin cậy trong tình yêu nhưng vẫn có thể rất khó đoán trong phương cách biểu lộ tình yêu ấy. Trong khi vợ chồng lại hay chờ mong nơi nhau một chút tác phong dễ đoán trước. Ngày sống được sắp xếp quanh các bữa ăn, công việc làm ăn, chăm sóc con cái, vui chơi nhàn tản và những bổn phận gia đình khác. Về phương diện con người, ta thấy không thể nào lập ra những thời khóa biểu, những mẫu tác phong lúc nào cũng mới. Chúng ta đã học quen dự đoán trước tác phong của người phối ngẫu một cách tương đối chính xác. Sự vững tâm, sự an toàn và sự vận hành căn bản của ta tùy thuộc vào cái tác phong có thể dự đóan được ấy. Ta cần biết chắc ta đang ra sao và một cách gần đúng ta có thể chờ mong nhau điều gì. Chỉ có thế, ta mới có thể đặt kế hoạch cho cuộc sống mình một cách tương đối chắc chắn.

Nhưng một lần nữa, sự dự đoán cứng ngắc có thể hủy diệt toàn bộ tính bộc phát tự nhiên và khả năng thay đổi, là hai điều rất cần cho việc biểu lộ yêu đương. Tất cả chúng ta ai cũng ưa thích những ngạc nhiên thích thú nhưng lại ghét những xáo trộn bất ngờ. Dự đoán trước không nên chống phá sự đổi mới trong các liên hệ bản vị, vì thực ra có một chút bấp bênh mới có những bất ngờ thích thú. Bất ngờ có thể có trong việc đổi công việc làm ăn, đổi nhà đổi cửa, đổi bữa ăn bữa uống, đổi cách biểu lộ cám ơn, bằng những hình thức có thể duy trì được óc hiếu kỳ và tinh thần khám phá. Ðiều này cũng đúng trong liên hệ của ta với Chúa; liên hệ này tuy vẫn liên tục và đáng tin cậy, nhưng cách Chúa đáp lại con người thì rất độc đáo và đầy huyền nhiệm. Ðiều duy nhất có thể dự đoán được là thế nào Ngài cũng trả lời, còn cách trả lời thì đó là điều đầy ngạc nhiên trong giao ước giữa Chúa và nhân loại.

TÓM LƯỢC

Một phần xã hội tây phương hiện đại cho rằng cam kết vĩnh viễn chỉ là cái ách giam hãm hai vợ chồng trong hôn nhân, mục đích để chôn sống họ. Cái thiên kiến chống lại những lời khấn và cam kết phản ảnh cái ý niệm ngày một gia tăng cho rằng con người ta không ngừng thay đổi và do đó cần có những khởi đầu mới.

Vì truyền thống Do thái và Kitô giáo tùy thuộc nặng nề vào cách hiểu hôn nhân như sợi dây liên kết phản ảnh tương quan giao ước giữa Chúa và con người, qui hướng phần lớn vào việc chăm sóc con cái, nên ngày nay khó mà còn biện minh được tính cách bền vững của hôn nhân khi con cái không còn được coi như lý do duy nhất tạo ra hôn nhân nữa. Thế nhưng, giữa đường lối thực sự nhân bản và đường lối Thiên Chúa, không hề có sự bất tương hợp. Khi ta khảo nghiệm các khả thể của hình thức hôn nhân đồng hành hiện đại, ta đã khám phá ra rằng việc nâng đỡ, chữa lành và giúp nhau tăng trưởng trong hôn nhân cần một cái khung bền vững thể hiện qua tính liên tục, tính đáng tin cậy và tính dự đoán trước. Các đặc tính ấy thay vì bị quan niệm như những lực lượng tàn phá hạnh phúc con người, thực tế, đã tạo ra cơ sở cho hôn nhân hiện đại nở rộ. Ðể hôn nhân hiện đại có thể đạt được các hoài mong của mình, điều cần là phải có sự bền vững làm hậu cảnh cho các cặp vợ chồng và con cái họ thể hiện được các tiềm năng của họ, với điều kiện là các tiềm năng này phải được hình dung rõ rệt và thấu hiểu. Sự bền vững này đòi nơi vợ chồng sự cố gắng, sự khích lệ và hy sinh, và nơi toàn thể xã hội sự nâng đỡ thích đáng.

Sự bền vững trong giao ước giữa Chúa và con người luôn luôn đúng cho ngày hôm qua, cho hôm nay và cho ngày mai. Nó không bao giờ thay đổi. Ðiều cần là phải tìm ra được cái năng động tính tương xứng từ con người; qua việc nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng nhau tăng trưởng trong hôn nhân, ta đã tìm ra được cái kiềng ba chân. Cái kiềng ba chân này được tính bền vững đỡ nâng sẽ động viên được hoài mong của công chúng đối với hôn nhân trong thế kỷ này và phản ảnh được con người nhân bản đích thực.

Tài Liệu Tham Khảo

1. Atkinson, D., To Have and to Hold. Collins, 1979.

1. Millett, K., Sexual Politics. Rupert Hart-Davis, 1971.

3. Cooper, D., The Death of the Family. Allen Lane, 1971.
 
Văn Hóa
Sống giữa đời (thơ)
Lê Dân Việt
12:58 04/06/2008
SỐNG GIỮA ĐỜI

Sống yêu thương, không giận hờn oán trách
Sống giữa đời, qua thử thách chông gai
Sống vươn lên, mặc sỉ vả của ai
Sống hòa mình, với đồng loại anh em

Sống là yêu, trong tình yêu sống động
Sống là lo cho quê hương dân tộc
Sống là yêu các chủng tộc, quốc gia
Sống là lo cho đạo giáo thăng hoa

Sống là nghĩ đến những kẻ không nhà
Sống là lo cho những kẻ khốn cùng
Sống là dám hy sinh thân tự hiến
Sống là lo cho người mãi an vui

Sống là phải hướng lòng lên Thượng Đế
Cầu xin Ngài, cho thế giới hòa bình.
 
Nhắn nhủ con cháu Tiên Rồng (thơ)
Lê Dân Việt
12:59 04/06/2008
NHẮN NHỦ CON CHÁU TIÊN RỒNG

Hỡi các con, giòng giống của Lạc Hồng
Tổ tiên ta, vốn kiên cường bất khuất
Yêu quê hương với tình yêu chân thật
Lòng yêu nước, luôn sục sôi lửa bỏng

Tổ tiên ta, bảo vệ cả nước non
Có nguy nan, cha ông ta sắt son
Giang sơn Nam, qua bao đời liên lỉ
Vẫn giữ gìn, nguyên vẹn đất cha ông

Chiến công xưa, bao chiến tích lẫy lừng
Có hoạn nạn, toàn dân vẫn tôi trung
Quyết xông pha, xứng danh cháu vua Hùng
Lòng yêu nước, sục sôi trong huyết quản

Giống hào hùng, của con cháu Rồng Tiên
Quyết đứng lên, với sức mạnh kiên cường
Giữ non sông, cùng nhau ta cáng đáng
Cứu tổ quốc, đã nguyện tự đáy lòng

Quyết đấu tranh, cho dân Việt ngời sáng
Đất tổ tiên, không thể bị phát tán
Lũ việt gian, ta mở lòng tha thứ
Ai lạc lối, ta hướng dẫn chỉ đường

Phải thống nhất, trong niềm tin tỏa rạng
Vì tổ quốc, chúng ta là tất cả
Ta đấu tranh, chỉ vì cho quê hương
Xây nước Nam, tất cả trong yêu thương

Dân tự do, dân chủ khắp phố phường
Cùng vun đắp, cho thế hệ non trẻ
Trồng tình thương, để phủ lấp đau thương
Chiếu tình thương, vào những nơi tăm tối

Danh Việt Nam, nhờ đó sẽ sáng ngời.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Con Đường Nở Hoa
Thérésa Nguyễn
00:21 04/06/2008

CON ĐƯỜNG NỞ HOA



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng

Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng,

Trí vô tư cho da thở hương tình..

(Trích thơ của Huy Cận)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền