Ngày 05-06-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mầu nhiệm Thánh Thể
Lm. Thái Nguyên
08:42 05/06/2012
“Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51)

Bí tích Thánh Thể biểu hiện một sáng kiến vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Đó là tặng phẩm siêu phàm đã được chuẩn bị lâu dài và chu đáo từ Cựu Ước: qua bánh và rượu của Thượng tế Menkisêđê mang tế trời (St 14,18), bánh lễ đầu mùa (Lv 23,17), bánh nuôi sống Elia đủ sức đi 40 ngày về núi Horeb (3V 19,5-8), nói chung là từ Hy tế Cựu Ước và Manna dùng để nuôi dân trong sa mạc.

Đến Tân Ước: qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, rồi lời tuyên bố của Chúa Giêsu: Ngài là Bánh bởi trời đích thực mà Chúa Cha ban cho thế gian được sống. Tiếp theo là việc chọn lựa, huấn luyện và thánh hóa các môn đệ. Cuối cùng Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục trong bữa Tiệc Ly, trước khi hoàn tất chương trình Khổ nạn và Phục sinh để cứu độ nhân loại.

Manna ngày xưa Chúa ban cho dân Ngài để nuôi sống họ 40 năm trong hoang địa, được gọi là bánh từ trời. Nhưng đó chỉ là hình bóng báo trước về một thực tại siêu việt là chính Đức Giêsu Kitô, như Ngài đã xác định: “Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã thực sự làm thỏa mãn cơn khát sự sống hằng ấp ủ từ sâu thẳm nội tâm con người qua bao thời đại.

Công Đồng Vat. II khẳng định:“Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (LG 11).

Giáo Luật 1983 khẳng định rằng: Bí tích Thánh Thể là “tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự và đời sống Giáo Hội”, là nơi mà các bí tích và hoạt động của Giáo Hội đều qui về và phát xuất. Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, là chính Đức Kitô, Đấng tự hiến và trở nên lương thực cho Giáo Hội được sống, tăng trưởng và hiệp nhất [1].

1. Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể

Theo truyền thống, trong nhà tiệc ly ở Giêrusalem chính là nơi Chúa Kitô đã cử hành Hiến Tế Tạ Ơn, và thiết lập Bí Tích rất thánh này. Chính nơi đó, Chúa Giêsu đã cầm bánh trong tay, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả hãy cầm lấy mà ăn: Này là mình Thầy bị nộp vì anh em” (x. Mt 26,26; Lc 22,19; 1Cr 11,24). Rồi Ngài cầm trong tay chén rượu nho và nói: “Tất cả hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (x. Mc 14,24; Lc 22,20; 1Cr 11,25). Và cũng chính nơi đó, Chúa Giêsu đã truyền: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể đã thực hiện trước dưới hình thức bí tích về những gì Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong Tam Nhật Vượt Qua. Ngài cho thấy chính Ngài là chiên hiến tế thực sự, được ấn định nơi dự án của Cha từ khi thành hình thế gian (x. 1Pr,18-20), để canh tân lịch sử và toàn thể vũ trụ.

Đó là một động tác tối hậu của tình yêu và là cuộc giải thoát tối hậu của nhân loại khỏi sự dữ. Thế nhưng “Các Tông Đồ, những người đã tham dự vào Bữa Tiệc Ly có hiểu ý nghĩa những lời từ miệng Chúa Kitô nói không? Có thể là không. Những lời ấy chỉ được sáng tỏ một cách đầy đủ sau Tam Nhật Vượt Qua mà thôi, nghĩa là khoảng thời gian từ chiều Thứ Năm đến sáng Chúa Nhật. Chính trong những ngày đó, mầu nhiệm Vượt Qua được khắc ghi; cũng chính trong ngày đó mà mầu nhiệm Thánh Thể được ghi khắc”[2] .

2. Bí tích Thánh Thể và Giáo Hội

Giáo Hội được khai sinh từ mầu nhiệm Vượt Qua. Chính vì thế mà Thánh Thể, bí tích tuyệt hảo của mầu nhiệm Vượt Qua nằm ở trung tâm đời sống Giáo Hội. Người ta nhận thấy rõ ngay từ những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội mà đã được sách Tông Đồ Công vụ ghi lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Nền tảng và nguồn gốc của Giáo Hội chính là Tam Nhật Vượt Qua (Triduum pascal), nhưng Tam Nhật nầy như được chứa đựng, được thực hiện trước và “cô đọng lại” mãi mãi trong hồng ân Thánh Thể. Trong hồng ân nầy, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội nhiệm vụ hiện tại hóa không ngừng mầu nhiệm vượt qua [3].

Công Đồng Vat. II xác định về Thánh Thể như sau:

“Đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc phục sinh, trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn ta được tràn đầy ân sủng và bảo chứng cho ta một vinh quang tương lai” (SC 47).

Đức Kitô phục sinh trong quyền năng Thánh Thần của Ngài đã hiện tại hóa ân huệ Thánh Thể mỗi lần Giáo Hội cử hành thánh lễ. Khi cử hành nghi thức này, Giáo Hội kết hợp mật thiết với hy lễ của Chúa Giêsu Kitô và như thế kết hợp mật thiết với việc thi hành thiên chức của Ngài để thờ phượng Thiên Chúa và để cứu độ loài người (x. SC 7). Thế nên Bí Tích Thánh Thể là kho tàng quý giá nhất của Giáo Hội, là trung tâm điểm trao ban sức sống cho toàn bộ thân thể mầu nhiệm Giáo Hội, như Thánh Tông đồ Phaolô đã khẳng định: “Bởi vì chỉ có một Tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).

Chúa Thánh Thần, Đấng biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô, cũng biến đổi tất cả những ai đón nhận Thánh Thể với niềm tin để trở thành một chi thể sống động trong Thân Thể của Đức Kitô. Chính Giáo Hội biểu lộ sức sống đầy tràn này và bảo đảm sự hiệp nhất qua việc hiệp thông với Mình và Máu Thánh Đức Kitô: “Khi chúng con được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu của Ngài và được đầy tràn Thánh Thần, xin hãy làm cho chúng con được trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Lời Nguyện Thánh Thể 3).

Thánh Phaolô đã thốt lên “Mầu nhiệm này thật cao cả” khi ngài nghĩ đến sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo Hội như một mẫu gương và một mầu nhiệm của bí tích hôn nhân (Ep 5,32).

Thánh Ambrôsiô đã thấy được trong Thánh Thể “món quà hôn lễ” của Đức Kitô cho Hiền Thê của Ngài và thấy được nụ hôn Tình Yêu trong sự hiệp lễ. Chính qua bí tích duy nhất này mà “chúng ta trở nên thân thể của Thân Thể Đức Kitô và xương của Xương Đức Kitô” [4].

Thánh Augustinô đã dạy: “Nếu anh em là thân thể và là chi thể của Chúa Kitô, thì chính anh em là Bí tích đang đặt trên Bàn thờ Chúa; anh em lãnh nhận Bí tích là chính anh em. Khi lãnh nhận, anh em nghe: “Mình Thánh Chúa Kitô” và trả lời Amen. Hãy thực sự trở thành chi thể của Chúa Kitô, để cho lời thưa Amen của anh em là chân thực” (GLCG, số 1396).

Bí Tích Thánh Tẩy tháp nhập ta vào Hội Thánh để rồi Bí Tích Thánh Thể canh tân, củng cố và kiện toàn sự tháp nhập này. Nếu nhờ Bí tích Thánh Tẩy tất cả chúng ta được mời gọi làm nên một thân thể duy nhất, thì Bí Tích Thánh Thể thực hiện ơn gọi đó. Không có Thánh Thể thì đã không có Giáo Hội. Nhờ Thánh Thể mà Giáo Hội còn sống và tồn tại. Chính Bí tích Thánh Thể làm cho cộng đồng nhân loại trở nên một mầu nhiệm của sự hiệp thông, để mang Thiên Chúa đến cho thế giới và mang thế giới trở về với Thiên Chúa.

Thánh Thể làm nên Giáo Hội, nhưng Giáo Hội cũng làm nên Thánh Thể, nghĩa là Giáo Hội cử hành Thánh Thể và nhờ Thánh Thể mà đời sống Giáo Hội luôn được thanh luyện và đổi mới.

3. Thánh Thể - ân huệ tuyệt vời của Thiên Chúa

Thánh Thể mạc khải cho thấy một dự án yêu thương hướng dẫn tất cả lịch sử cứu độ (x. Ep 1,10; 3,8-11). Đây là một đặc ân hoàn toàn nhưng không, là điều hết sức sung mãn của những gì Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta [5]. Công Đồng Vat. II đã xác quyết: Bí Tích Thánh Thể là món quà Đích Thân của Tình Yêu, mà chính Thiên Chúa đã cho đi chính Mình trong nhiệm tích lễ Vượt Qua của Đức Kitô để cho thế gian được sống; là bí tích tuyệt diệu nhất, chứa đựng toàn thể mầu nhiệm cứu độ, là nguồn mạch và tột đỉnh của hành động và đời sống của Hội Thánh, để đưa chúng ta vào sự sống đời đời (SC 8).

Thấu hiểu như vậy, “Giáo Hội đã đón nhận Thánh Thể Đức Kitô là Đức Chúa của mình, không như một hồng ân trong những hồng ân cao quý khác, nhưng như là một hồng ân tuyệt vời nhất, vì hồng ân đó chính là Ngài, là ngôi vị trong nhân tính thánh thiện của Ngài, và là công trình cứu chuộc của Ngài” [6].

Thánh Thể tổng hợp và làm cho hoàn hảo hơn vô số ân huệ của Thiên Chúa đã ban cho nhân loại từ khi tạo thành thế giới. Thánh Thể đã hoàn thành ý định của Thiên Chúa là thiết lập một giao ước cuối cùng với nhân loại. Mặc dù bi kịch của một lịch sử tội lỗi và một lịch sử chối từ Thiên Chúa đã kéo dài từ nguyên thủy, Thiên Chúa vẫn thiết lập cách cụ thể một Giao Ước mới được đóng dấu bởi chính Máu của Đức Kitô.

Cũng như việc cử hành lễ Vượt Qua của người Do Thái trong thời Lời Hứa, Thánh Thể đã cùng đi với dân Chúa trong cuộc hành hương của lịch sử Giao Ước mới. Thánh Thể là một kỷ niệm sống động của ân huệ mà Chúa Giêsu Kitô đã hiến Mình để chuộc lại tội lỗi và sự chết của nhân loại, và để chia sẻ đời sống vĩnh cửu cho họ. Điều này không dừng lại trong dĩ vãng, vì “tất cả những gì Chúa Kitô là, và tất cả những gì Ngài đã làm và đã chịu vì nhân loại đều mang tính chất vĩnh cửu thần linh nên vượt mọi thời gian?”[7] .

Bữa Tiệc Thánh Thể thật sự là một bữa tiệc “thánh” vô cùng lạ lùng trước mắt chúng ta. Trong đó là những dấu chỉ đơn sơ thôi, nhưng lại ẩn chứa tình yêu và sự thánh thiện khôn dò của Thiên Chúa: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Chúa Kitô trở nên lương thực!” (O Sacrum convivium, in quo Christus sumitur!). Tấm bánh Giêsu được bẻ ra để hiến tặng cho chúng ta trên đường lữ hành trần gian là “panis angelorum”: bánh thiên thần. Chúng ta mãi mãi bất xứng với chiếc bánh linh thiêng là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng mà cả trời đất không thể chứa nổi. Vì thế, chúng ta chỉ có thể tiếp cận với tấm lòng khiêm tốn của viên đại đội trưởng trong Tin Mừng: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi” (Mt 8,8; Lc 7,6) [8].

Thánh Thể thật là Mầu Nhiệm vô biên của lòng thương xót Chúa trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu có thể làm gì hơn cho chúng ta nữa? Cả cuộc đời ta phải thành lời ca cảm tạ trong mầu nhiệm rất thánh này.

Trong Thánh Thể, Ngôi Lời Nhập Thể cho chúng ta chứng kiến thực sự một tình yêu tuyệt đối “cho đến cùng” (x. Ga 13,1). Cũng vì chúng ta mà có Thánh Thể. Cũng nhờ Thánh Thể mà có chúng ta. Thánh Thể là nền tảng thâm sâu của đức ái Kitô giáo, để chúng ta biết thể hiện cách thâm hậu tình yêu Chúa trong đời sống mình.

4. Hiệu quả của Bí tích Thánh Thể

Hiệu quả cứu độ của hy tế được thực hiện sung mãn trong việc hiệp lễ, khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa. Nhờ đó chúng ta được hiệp nhất thâm sâu với Chúa Kitô: nhận lấy chính thân mình Ngài, thân mình mà Ngài đã nộp vì chúng ta trên Thập Giá [9]. Đúng như lời Ngài nói: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn lấy tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).

Chúa Giêsu đã chủ động trở thành tấm bánh để hòa vào từng giòng máu, từng thớ thịt của chúng ta trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa. Ở đây chúng ta có thể áp dụng điều thánh Augustinô đã nói trong quyển Tự Thuật của ngài về Lời (logos) vĩnh cửu như là lương thực của linh hồn, ngài có cảm tưởng như nghe được rằng: “Ta là lương thực cho những người cao thượng. Hãy trở nên cao thượng, và con sẽ ăn Ta, con sẽ không biến đổi Ta thành con, giống như lương thực thân xác con; nhưng con sẽ được biến đổi thành Ta”.

Đời sống Kitô hữu thật cao cả, vì được diễm phúc đón nhận chính Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, và được biến đổi để trở nên chính Ngài. Thánh Augustinô đã xướng lên: “Hãy hoan hỉ và cảm tạ Thiên Chúa, không những chúng ta đã trở nên những Kitô hữu, nhưng chúng ta đã trở nên chính Đức Kitô” [10].

Hơn nữa, “Sự kết hợp với Đức Kitô đồng thời cũng là sự kết hợp với những người mà Chúa tự hiến thân cho họ. Tôi không thể dành riêng Đức Kitô cho một mình tôi; tôi chỉ có thể thuộc về Ngài trong sự kết hợp với tất cả những ai đã hoặc sẽ thuộc về Ngài” [11].

Qua việc thông hiệp vào Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô cũng chuyển thông cho chúng ta Thánh Thần của Ngài. Thánh Ephrem viết: “Ngài gọi bánh là thân thể sống động của Ngài, Ngài đã cho nó tràn ngập chính bản thân Ngài và Thánh Thần của Ngài [12]. Nhờ hồng ân Thánh Thể, Chúa Kitô làm tăng triển trong chúng ta hồng ân của Thánh Thần đã được lãnh nhận trong Phép Rửa Tội, và được trao ban như “ấn tích” trong Phép Thêm Sức.

Bí Tích Thánh Thể nhằm hướng đến điểm chung kết, tiền dự vào niềm vui sung mãn mà Chúa Kitô đã hứa: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và tôi, tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Rước Mình Chúa là nếm trước hương vị thiên đàng “bảo đảm cho vinh quang sẽ tới” [13].

Trong Bí Tích Thánh Thể, tất cả đều diễn tả sự đợi chờ đầy tin tưởng nầy: “Chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng con”.

Đức Gioan Phaolô II xác quyết: “Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, không cần đợi chờ một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay từ đời nầy, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể con người” [14].

Cảm thấu được mầu nhiệm Thánh Thể như vậy, ta mới biết tha thiết sống mầu nhiệm cử hành trên bàn thờ. Đó không còn là nghi thức hay nghi lễ, mà là một thực tại: biến sự sống của ta thành sự sống của Chúa, để ta trở thành sự sống cho anh chị em mình. Bởi vậy, những khó khăn, thử thách, đau khổ hằng ngày của ta, nếu được nhìn từ Bí Tích Thánh Thể, thì rõ ràng đó là tấm bánh mầu nhiệm đang được bẻ ra để trao ban cho người khác, đang được nghiền nát dần dần trong từng ngày hiến thân.

5. Chiêm nghiệm Mầu Nhiệm Thánh Thể

Hành động thờ phượng Đức Kitô trong việc cử hành Thánh Lễ không dừng nơi những nghi lễ phụng vụ, nhưng được kéo dài với dấu chỉ hiện diện vĩnh cửu của Ngài. Thánh Anphongsô viết: “Sau các bí tích, thì thờ lạy Chúa Giêsu nơi Thánh Thể là cao cả nhất trong tất cả việc sùng kính, là thân ái nhất đối với Chúa và hữu ích nhất cho chúng ta”.

Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ mang một giá trị vô song trong đời sống Giáo Hội... Trò chuyện thân mật với Ngài, và nghiêng mình vào lòng Ngài như môn đệ yêu dấu (Ga 13,25), xúc động trước tình yêu vô biên của trái tim Ngài là một điều thiện hảo. Vào thời đại chúng ta, Kitô Giáo phải trổi vượt nhất là trong “nghệ thuật cầu nguyện”. Làm sao ta không cảm thấy có một nhu cầu cần được đổi mới là được ở lại lâu giờ để trò chuyện thiêng liêng, tôn thờ trong im lặng, trong thái độ yêu thương, trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong bí tích thánh?” [15].

Chầu hay viếng Thánh Thể là kéo dài sự tưởng niệm sống động thực hữu, và cho ta cảm nghiệm cách riêng sự hiện diện rất thánh của Chúa Giêsu trong nhà tạm: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!” (Ga 11,28). Đó chính là những giây phút ta trải lòng mình ra trước cái nhìn yêu thương của Chúa, cho ta thấy rõ những yếu đuối, sai lầm và tội lỗi; những ước muốn và khuynh hướng xấu trong tận đáy lòng; những ưu tư và khắc khoải trong cuộc sống thường ngày. Đó cũng chính là những giây phút ta cảm nhận được tình thương tha thứ vô cùng nhân hậu, với tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng và bình an, vì ta đang thật sự là chính mình trước sự hiện diện của Đấng Tình Yêu.

Những khi kề cận bên Thánh Thể là những lúc Chúa Giêsu uốn nắn và mở rộng quả tim ta bằng chính ngọn lửa tình yêu mãnh liệt của Ngài. Dù ta là ai hay như thế nào, dù cuộc sống đang ra sao, chỉ cần tham dự hy tế Thánh Thể hay giờ chầu Thánh Thể, ta có thể gặt hái được vô vàn phúc lành và ân huệ thiêng liêng cho đời mình. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch sự sống chứa chan sẽ làm thỏa mãn cơn đói khát sâu thẳm của ta. Sự hiện diện của Chúa là vĩnh cửu, nên thời gian ở bên Chúa cũng là những giây phút mang ý nghĩa vĩnh cửu cho cuộc đời ta. Nơi lòng thương xót Chúa, ta được chữa lành, cảm nghiệm bình an và hạnh phúc chưa từng có. Chẳng ai có thể ban cho ta những ân huệ ấy cách đích thực ngoài một mình Chúa.

Chúng ta có thể dựa vào biến cố Biến Hình của Chúa Giêsu trên núi (x. Mc 9, 2-8) để hiểu được tâm tình của Chúa và để xác tín hơn về việc ở một mình bên Thánh Thể Chúa. Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu chỉ đưa ba môn đệ thân tín đi theo với mình, vì Ngài muốn gặp gỡ với các ông trong sự thân tình. Trong cuộc gặp gỡ này Chúa Giêsu đã biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Cũng vậy, Chúa muốn ta đến với Ngài trong tình thân mật, cùng ta thực hiện một tương giao giữa hai tâm hồn, cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Không ai tiếp xúc thân mật với Chúa mà lại không biến đổi đời mình:

Đức Cha Ngô Quang Kiệt chia sẻ việc chiêm nghiệm Thánh Thể như sau: “Tình yêu Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua tan đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm ta bớt đi tính độc ác khắc khe. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta để đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa sẽ đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen ích kỷ. Càng yêu mến Chúa ta càng thêm yêu thương anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa ta càng nên giống Chúa”.

Bằng kinh nghiệm thiêng liêng của mình, chân phước Têrêxa Calcutta đã xác tín thâm sâu về tầm quan trọng của việc Chầu Thánh Thể trong cuộc sống Kitô hữu như sau [16]:

- Tôi biết, tôi sẽ không thể làm việc một tuần, nếu tôi không được liên tục tăng sức từ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, qua việc làm Giờ Thánh hàng ngày.

- Chầu Giờ Thánh là thời gian tốt nhất mà bạn sử dụng trên trái đất.

- Giờ Thánh sẽ làm cho linh hồn bạn mãi mãi vinh quang và đẹp đẽ trên thiên đàng.

- Chúng ta không được để đời mình xa lìa Thánh Thể. Làm như thế ta sẽ suy nhược, không còn tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ.

- Trên thập giá, Chúa Giêsu nói: “Tôi khát”. Từ Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nói với ta: “Cha khát”. Ngài khát tình yêu cá nhân của mỗi người, sự thân mật của mỗi người, cộng đoàn của chúng ta với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể.

- Mỗi Giờ Thánh chúng ta chầu đều làm vui lòng Trái Tim Chúa Giêsu. Điều đó sẽ được ghi lại trên thiên đàng và kể lại trong cõi đời đời.

- Để cho một mình ở với Chúa Giêsu, thờ phượng và thân mật với Ngài là quà tặng vĩ đại nhất của tình yêu, là tình yêu dịu dàng của Chúa Cha chúng ta trên Trời.

- Hãy dành thời giờ có thể, càng nhiều càng tốt, ở trước Bí Tích Cực Thánh. Ngài sẽ đổ đầy cho bạn sức mạnh và quyền năng của Ngài.

Đã có bao nhiêu vị thánh thăng tiến trên con đường thánh thiện nhờ lòng yêu mến Thánh Thể, vì Thánh Thể là cội rễ của mọi sự thánh thiện, và nơi ấy, ta được kêu gọi đến đời sống viên mãn trong Thánh Thần (x. SC 94).

6. Phép lạ Thánh Thể

Lòng tin chẳng cần đến phép lạ, nhưng phép lạ kêu gọi lòng tin, và đồng thời củng cố đức tin của chúng ta là những con người yếu đuối mỏng giòn. Vì vậy, Chúa Giêsu đã thực hiện một số phép lạ như dấu chứng hiện diện thực sự của Ngài trong Phép Thánh Thể.

Tại Ý, năm 1263, thành Bolsène, trong nhà thờ Sainte Catherine, một linh mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Máu Thịt Chúa Giêsu. Tức thì Máu Thánh chảy xuống đẫm khăn thánh trên bàn thờ. Ðức Giáo Hoàng nghe tin này, bèn ra lệnh đem khăn về để tạm tại nhà thờ Orviette. Sau đó nhà thờ được xây dựng rộng rãi để kính khăn thánh này. Ngày 8-9-1264, Ðức Giáo Hoàng Urbano IV (1262-1268) đã ban hành tự sắc Transiturus, thành lập lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu. Thánh Tôma Aquino đã sáng tác nhiều bài hát vào dịp lễ này: trong số đó có hai bài nổi tiếng là “Tantum Ergo” và “O Salutaris” mà chúng ta vẫn thường hát khi chầu Thánh Thể.

Cũng ở Ý nhiều thế kỷ trước đó, khoảng năm 750 tại Lanciano, trong Đan viện thánh Legonziano (nay là tu viện thánh Phanxiô), một linh mục dòng Basilio đang dâng lễ bỗng trở nên nghi ngờ sự hiện diện của Chúa Giêsu. Lúc truyền phép, sự lạ liền xảy ra ngay trong tay vị linh mục: bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành 5 cục to nhỏ. Tuy đã trải qua cả ngàn năm rồi, ngày nay vẫn còn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt này có màu hơi nâu, nhìn dưới ánh sáng thấy màu hồng được đặt trong một mặt nhật.

Năm cục máu trên đã được đặt trong chén thánh bằng kính trưng bày ở nhà thờ Lancianô để giáo dân kính viếng. Trong 12 thế kỷ qua, Giáo quyền đã cho làm nhiều cuộc khảo nghiệm vào những năm 1574, 1637, 1770, 1886. Đến năm 1971, một phòng thí nghiệm của bệnh viện đã thử nghiệm lại bằng những thiết bị khoa học tối tân. Công việc được trao cho ông Odoardo Linoli, giáo sư môn giải phẫu nhân hình, kiêm giáo sư môn bệnh lý, hóa học và hiển vi học, với sự cộng tác của giáo sư Ruggero Bertelli thuộc Đại học đường Siena. Kết quả được công bố vào ngày 04.03.1971 trước giáo quyền, chính quyền, các giới khoa học, văn học và báo chí: Những mảnh thịt màu nâu từ hào quang Mình Thánh là thịt người, thịt cơ tim với đầy đủ yếu tố như một trái tim thực. Máu vàng nâu trong chén thánh được đóng kín thuộc nhóm AB, và có khoáng chất thường có trong tim người. Thịt và máu không có vết tích của một chất nào được dùng để ướp xác cả. Trong máu có các chất clorua, phốt pho, magnesium, potassium, sodium và calcium.

Các di tích này được lưu trữ cho đến nay, dù chịu ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, không khí, sinh vật, mà vẫn giữ nguyên tình trạng như thế, khoa học không sao giải thích. Hơn nữa, điều lạ lùng là nếu đem cân một cục máu, trọng lượng vẫn bằng tổng số của cả năm cục. Đem cân riêng lẻ từng cục hay cân chung lại với nhau tổng số vẫn không đổi. Đó là 2 phép lạ Thánh Thể trong tổng số khoảng 22 phép lạ khác đã xảy ra trên thế giới.

7. Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể

a. Thuộc về Đức Kitô và trở nên như Ngài

Mầu nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm hiệp thông. Hiệp thông với Đức Kitô mời gọi ta thuộc về Ngài, nên giống Ngài, sống như Ngài, thành con người của Ngài. Trong Ngài, ta cùng chịu đóng đinh vào thập giá, cùng chịu mai táng trong mồ, cùng được trỗi dậy để loan báo và thông truyền sự sống mới của Ngài (Gl 5, 24).

Việc biến đổi nên giống Chúa không phải là sự mời gọi thêm vào từ bên ngoài, nhưng là sự thiết yếu từ tận căn của việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Điều chính yếu trong việc cử hành Thánh Thể là “biến-bản-thể” (transubstantiatio). Nếu sự biến đổi bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa là do tác động của Chúa Thánh Thần, thì cũng chính tác động của Thánh Thần đó làm biến đổi tâm hồn chúng ta là những người đón nhận Chúa.

Mầu nhiệm Thánh Thể làm nên mầu nhiệm cuộc đời chúng ta. Chính Thánh Thể sẽ biến đổi dần dần tâm hồn những ai khao khát Chúa, để họ trở nên sự hiện diện và hành động của Ngài. Sống mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta nghiệm ra rằng: Thánh Thể là hành vi rất bình thường nhưng cũng rất thần linh; rất con người nhưng cũng rất Thiên Chúa; rất quen thuộc nhưng cũng rất huyền nhiệm; rất gần gũi nhưng cũng rất có tính mạc khải [17].

Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã thể hiện tuyệt vời nhất tính cách của một Thiên Chúa và của một con người. Nơi Thánh Thể, mọi sự đã được liên kết một cách lạ lùng để làm nên công trình sáng tạo mới của Thiên Chúa. Trời và đất, tự nhiên và siêu nhiên, hữu hình và vô hình, không gian và thời gian, hiện tại và tương lai, thực tế và huyền nhiệm, vĩnh cửu và vô thường... đều được kết hợp hài hòa để trở thành thực tại duy nhất của Thánh Thể Chúa. Ngài cũng đã xác định tính cách mới mẻ của chúng ta trong Thánh Thể của Ngài: là những người sống giữa thế gian nhưng thuộc về thế gian, mà “thuộc về Đức Giêsu Kitô” (Rm 1,6).

Nhờ việc rước lấy Mình Chúa, ta mang lấy chính Ngài và trở nên sự hiện hữu của Ngài. Vì thế, con người của Đức Giêsu Thánh Thể phải được hiển hiện một cách sống động trong con người chúng ta. Chúng ta không tạo cho người khác một cái nhìn về bản thân mình nhưng tạo cho người khác cái nhìn chân thật về Đức Kitô, Đấng đang sống trong ta và cũng đang sống trong mọi người. Vì tình yêu, Ngài đã mặc lấy con người của chúng ta, trở nên như chúng ta (ngoại trừ tội lỗi), để khi đáp lại tình yêu, chúng ta cũng chỉ có một cách sống duy nhất là mặc lấy con người của Ngài và trở nên như Ngài.

b. Sống thực tại cánh chung

Như đã trình bày, Mầu Nhiệm Thánh thể mang tính cánh chung. Chiều hướng cánh chung này thúc đẩy bước chân hành trình lịch sử của chúng ta, đem lại một niềm hy vọng sống động cho chính cuộc hiện sinh của mọi người hằng ngày tận tụy với nhiệm vụ của mình. Nếu nhãn quan Kitô giáo mời gọi chúng ta nhìn về “trời mới”, “đất mới” (x. Kh 21,1), thì điều đó không làm suy yếu, mà còn kích thích tâm thức của chúng ta về trách nhiệm đối với trái đất này (x. GS 39).

Dưới sức mạnh tình yêu của Thánh Thể Chúa Giêsu, chúng ta cảm thấy càng phải dấn thân chu toàn những bổn phận trần thế của mình, càng phải có nghĩa vụ đóng góp vào việc xây dựng một thế giới xứng với con người và đáp ứng đầy đủ chương trình của Thiên Chúa [18].

Đức Gioan Phaolô II cho thấy nhiều vấn đề đang làm đen tối chân trời hiện tại của chúng ta, cũng như hàng ngàn mâu thuẫn trong một thế giới “toàn cầu hóa”. Trong đó, những người yếu kém nhất, bé nhỏ nhất, nghèo nàn nhất hình như không còn gì để hy vọng? Chính trong thế giới đó, phải làm sao cho niềm hy vọng Kitô giáo bừng sáng lên! Cũng chính vì thế mà Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể, ghi khắc vào sự hiện diện của hy tế và bữa ăn của Ngài, lời hứa cho nhân loại được đổi mới nhờ tình yêu của Ngài [19].

Đức Gioan Phaolô II cho thấy thật ý nghĩa khi các sách Tin Mừng nhất lãm tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, còn Tin Mừng Gioan đưa ra trình thuật việc Chúa “rửa chân” để minh họa ý nghĩa thâm sâu của việc ấy, qua đó Chúa Giêsu làm thầy dạy hiệp thông và phục vụ (x. Ga 13,1-20). Còn thánh Phaolô cho thấy thật “bất xứng” đối với một cộng đoàn Kitô hữu khi tham dự vào Bữa Tiệc của Chúa trong một bầu không khí chia rẽ và dửng dưng đối với người nghèo (x.1Cr 11,17-22).

Vì vậy, Đức Thánh Cha xác định: công bố cái chết của Chúa “cho tới khi Ngài lại đến” (1Cr 11,26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, sẽ làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc Cử Hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô giáo: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20) [20].

c. Hạ mình và trở nên lương thực như Chúa Giêsu.

Thánh Thể là bí tích của tình yêu, nói lên sự hạ mình của Chúa Giêsu để đi vào lòng ta, một tấm lòng hoàn toàn bất xứng trước tình yêu Chúa. Ngài muốn ban mình cho ta đến độ trở thành lương thực cho ta. Bất cứ khi nào ta nhận lãnh lương thực này, Ngài cũng khơi lên trong ta khát vọng hiến mình cho kẻ khác. Ngài đã “nộp” mình cho ta để ta biết “nộp” mình cho anh em, để sự sống yêu thương của Chúa tiếp tục lan tỏa và làm nên những con người mới của Thánh Thể.

Thực tế, yêu mến Bí Tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn? Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, xóa mình trong Chúa để có thể hiến thân cho anh em? Tôn sùng Bí Tích Thánh Thể là gì nếu không phải là để cho“Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Những điều ấy phải trở thành hiện thực đối với những ai rước lấy Thánh Thể. Thật sự, Mình Thánh Chúa đang lan tỏa và thấm nhập vào máu thịt của ta để làm cho ta trở nên một Đức Kitô thứ hai (Alter Christus). Và như vậy, Thánh Thể hướng ta đến việc chia sẻ vận mạng của anh em mình; biến ta trở thành tấm bánh cho mọi người, góp phần làm nên cuộc sống mới cho họ.

Đức Cha Helder Camara, Tổng Giám Mục Giáo phận Récite ở Braxil, đã chia sẻ kinh nghiệm thống nhất đời sống hoạt động và chiêm niệm của ngài thế này: “Mỗi sáng, tôi được nuôi dưỡng bằng Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, rồi suốt ngày, tôi gặp gỡ Đức Kitô nơi anh chị em tôi. Cũng một Chúa Giêsu ở trên bàn thờ và ngoài đường phố”. Bất cứ ai đã được Thánh Thể cảm hóa thì đều nhận ra Ngài nơi anh chị em mình.

Chúng ta dễ quên chân lý này: hiệp nhất với Chúa Kitô phải đưa đến sự hiệp nhất với anh em, vì Chúa Kitô đang hiện diện ẩn dấu nơi anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo khổ và bất hạnh (x. Mt 25).

Hiệp nhất sự sống phải được thể hiện trong sự hiệp nhất lối sống. Lối sống của Chúa Giêsu Thánh Thể là lối sống của tình yêu tự hiến để cho nhân loại được sống, là phục vụ đến hy sinh mạng sống để làm giá cứu chuộc muôn người. Được nuôi dưỡng cùng một Bánh Thánh - là Thịt Máu Chúa Giêsu - thì sự sống của người khác cũng chính là sự sống của bản thân ta. Ơn gọi của chúng ta từ Bí Tích Thánh Thể là chia sẻ chính sự sống của mình cho anh em dưới mọi hình thức, để tạo một cuộc sống bình đẳng, huynh đệ, bình an và hạnh phúc cho nhau.

Cũng một câu chuyện khác về Đức Hồng Y Helder Camara khi ngài về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối đấm ngực khóc lóc, vì đêm trước, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ lấy cắp những bình đựng Mình Thánh mà hắn tưởng làm bằng vàng. Trước sự xúc phạm đó, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người ngạc nhiên trong bài giảng, khi nói: “Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.

Nói như thế, Đức Cha không có ý coi nhẹ phép Mình Thánh Chúa, nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích. Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa. Thật vậy,“Bí tích Thánh Thể mà không đưa đến hành động thực tiễn của tình yêu thì không còn nguyên vẹn” [21].

d. Thánh Lễ trong cuộc đời

Đức Kitô hôm nay vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta như đã mời gọi môn đệ của Ngài: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Ơn gọi đích thực của mỗi người chúng ta hệ tại ở việc trở nên tấm bánh được bẻ ra cho sự sống của thế giới cùng với Chúa Giêsu [22].

Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ, mà còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời: nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết nhẫn nhục, tạo đoàn kết yêu thương, sống cho nhau, vì nhau. Vì sự hiến thân của Chúa Giêsu cho nhân loại mang tính toàn diện, là để mọi người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Chính trong Mầu nhiệm chúng ta cử hành mà chúng ta phải đẩy lui những tình trạng đối nghịch với phẩm giá con người, mà vì họ, Đức Kitô đã đổ máu mình ra để khẳng định giá trị cao trọng của mỗi con người [23].

Không nối kết với Thánh lễ cuộc đời, sợ rằng Thánh lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú và phản chứng. Ta hãy nhớ lại cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu giống y như nhau khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau. Cả 3 đoạn văn trên đều diễn tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ. Tại sao có sự trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng, Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một thực tại:

- Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Ngài đã ban lương thực nuôi thân xác.

- Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Ngài đã tự hiến mình trên thánh giá.

- Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Ngài cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhục, hành hình.

- Chúa Giêsu không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Ngài không chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Ngài đã trở thành bí tích. Ngài không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người.

- Làm sao có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ (Agape) nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét hoặc chưa giao hòa với nhau? Làm sao có thể đi dự Thánh lễ nếu ta vẫn còn làm ngơ với biết bao anh em đói khổ và thiếu thốn chung quanh mình? Làm sao có thể dâng Thánh lễ nếu ta chưa dám hy sinh và hiến mình cho anh em?

Bởi vậy thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài” (Rm 12,1).

Kết luận

Cuối cùng, chúng ta hướng về Đức Maria, mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “Người Nữ Thánh Thể”: “Suốt cả cuộc đời, Đức Maria là một phụ nữ của Thánh Thể” (EE 53). Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể trước cả khi Bí tích này được thiết lập [24]. Qua Kinh Thánh, chúng ta biết cả cuộc đời của Mẹ là sự cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng, và trao ban Chúa Giêsu cho trần thế:

- Nếu Thánh Thể là lời chất vấn ý nghĩa hiện hữu của chúng ta, thì Đức Maria đã trải qua sự chất vấn ấy (x. Lc 1,29).
- Nếu Thánh Thể là một thách đố của niềm tin, thì Đức Maria đã trải nghiệm những thách đố này (x. Lc 1,34).
- Nếu Thánh Thể là lời mời gọi xin vâng trọn vẹn, thì nơi Đức Maria, với lời Fiat, có còn lời xin vâng nào trọn vẹn hơn nữa không? (x. Lc 1,38).
- Nếu Thánh Thể là lời ngợi khen cảm tạ, thì lời kinh Magnificat của Mẹ là lời ngợi khen cảm tạ tuyệt vời nhất (x. Lc 1,46-55).
- Nếu Thánh Thể là lời mời gọi khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, thì có ai khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa hơn Mẹ nữa? (x. Lc 2,48).
- Nếu Thánh Thể là lời mời chia sẻ vận mạng của tha nhân, thì Đức Maria đã chia sẻ trọn vẹn vận mạng của Con mình và của cả nhân loại (x. Ga 2, 3).
- Nếu Thánh Thể là đường dẫn tha nhân đến gặp Thiên Chúa, thì hơn ai hết, Mẹ đã là cầu nối đưa dẫn mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện lời Người (Ga 2, 5) [25].

Hãy học với Đức Maria! Mẹ chúng ta. Dưới mái trường của Mẹ, cuộc sống của chúng ta cũng trở nên một “Thánh Thể” trọn vẹn, mở ra với Thiên Chúa và với tha nhân, có khả năng biến đổi điều xấu thành điều tốt dưới sức mạnh của tình yêu và hiệp thông huynh đệ.

Bí Tích Thánh Thể đã được trao tặng cho chúng ta, để toàn bộ cuộc sống chúng ta cũng nên giống như cuộc sống của Đức Maria.

Cùng với tâm tình cầu nguyện của thánh Tôma Aquinô, nhà thần học lừng danh và cũng là thi nhân say đắm Chúa Kitô Thánh Thể, ta hãy mở rộng tâm hồn mình để chiêm ngưỡng mục tiêu mà con tim ta đang hướng tới, đang khao khát an bình và hạnh phúc, là chính Đức Kitô [26]:

“Lạy Mục Tử nhân lành, Bánh đích thực!
Xin thương xót chúng con.
Xin nuôi dưỡng chúng con, che chở chúng con.
Xin cho chúng con nhìn thấy thiện hảo tuyệt vời trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Chúa biết và có thể làm mọi sự.
Chúa là lương thực của chúng con trên trần gian này.
Xin đem chúng con lên cõi cao xanh để là thực khách và thừa kế muôn đời trong gia đình các thánh. Amen”.


Chú thích
[1] GL 897; PO 5,1; 14,2.
[2] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 2
[3] Như trên, số 5.
[4] Cabasilas, La vie en Chrits, IV, 30, trad. M.H.Congourdeau
[5] Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 8.
[6] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 11.
[7] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1085.
[8] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 48.
[9] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 16.
[10] Augustinô, Tract in Joh 21,8. Giáo Lý giáo Hội Công Giáo, số 795.
[11] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est, số 14.
[12] Bài giảng lễ IV tuần thánh; CSCO 413/Syr.182, 55.
[13] Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô- Kinh Chiều II, Thánh ca Magnificat.
[14] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 18.
[15] Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 25.
[16] http://www.xuanha.net/ChuaThanhthe/ChauTT-Teresacalcutta.htm
[17] Henri M. Nouwen, The only necessary thing, Claretian Publications, 2004, p. 202.
[18] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 20.
[19] Như trên.
[20] Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 20.
[21] Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 14.
[22] Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 88.
[23] Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est, số 89.
[24] Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est,, số 55.
[25] http://www.daminhvn.net/mau-nhiem-man-coi/tai-lieu/5697-song-bi-tich-thanh-the
[26] Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 62.
 
Hiền lành và khiêm nhường
+GM GB Bùi Tuần
08:50 05/06/2012
HIỀN LÀNH và KHIÊM NHƯỜNG

1. Tôi đi trong dòng lịch sử. Lịch sử có nhiều quãng tối tăm. Chính tôi cũng lại mang trong mình nhiều bóng tối. Hôm nay, vượt qua được nhiều khoảng tối hãi hùng, được đi vào một tình trạng tương đối bình an tâm hồn, tôi cảm thấy mình mắc nợ với những người đã cho tôi ánh sáng.

Ánh sáng nói đây là những giá trị đạo đức. Hôm nay, tôi xin được nhấn mạnh đến một giá trị đạo đức quan trọng, đó là hiền lành và khiêm nhường.

2. Hiền lành và khiêm nhường là những giá trị đạo đức chung. Nghĩa là bất cứ ai, không phân biệt thuộc dân tộc nào, tôn giáo nào, văn hoá nào, hễ sống hiền lành và khiêm nhường, thường được đánh giá là đạo đức. Có thể nói: Hiền lành và khiêm nhường là vẻ đẹp gọi được là căn bản của bất cứ ai muốn sống nên người.

Hơn nữa, hiền lành và khiêm nhường nhiều nơi được coi như tinh hoa của nền văn hoá do các thánh hiền đã dạy, và được các thế hệ tổ tiên truyền lại.

3. Như để nhân loại quan tâm hơn đến những giá trị đạo đức đó, chính Chúa Giêsu đã nói: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Bài học Chúa Giêsu dạy tôi về hiền lành và khiêm nhường không được viết ra bằng chữ, nhưng bằng chính đời sống của Chúa.

Nhìn Chúa giáng sinh tại hang đá Belem. Nhìn vào cách Chúa sống tại Nadarét. Theo Chúa trên đường rao giảng giữa đủ loại người. Nhìn lên Chúa bị treo trên thánh giá. Đâu đâu, tôi cũng đọc được bài học hiền lành và khiêm nhường.

Hiền lành và khiêm nhường của Chúa là những ánh sáng đã soi đường chỉ lối cho tôi trong suốt hành trình cuộc sống trên thế gian này.

4. Những bài học đó, những cách sống đó, tôi đã nhận được có khi trực tiếp từ chính Chúa, có khi gián tiếp từ những con người. Thành thực mà nói, tôi hấp thụ được sức sống hiền lành và khiêm nhường từ rất nhiều người. Họ là những người tôi được thấy, được gặp, được đọc, được gần gũi. Họ toả ánh sáng hiền lành và khiêm nhường qua con người của họ, cách sống của họ, thái độ của họ, lời nói của họ.

Nơi họ có một cái gì rất bình dị, rất nhã nhặn, rất đơn sơ. Tôi đọc thấy nơi họ lời thánh Phaolô sau đây được ứng nghiệm: “Đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3).

Sự hiền lành và khiêm nhường còn được thực hiện nơi họ ở mức cao hơn, khi họ “không tìm lợi ích cho riêng mình, mà tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).

Cho dù họ có những thành công này nọ, họ vẫn nhìn nhận “kho tàng của họ lại chứa đựng trong những bình sành dễ vỡ” (2 Cr 4,7). Từ đó, họ thành thực nói như thánh Phaolô: “Tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 12,5). Mọi sự tốt lành nơi họ đều được họ quy chiếu về Chúa, để cảm tạ và ngợi khen.

Một ân huệ lớn họ đã cho tôi, mà tôi không bao giờ dám quên, đó là họ chấp nhận tôi. Không những họ không loại trừ tôi, mà họ còn yêu thương và nâng đỡ tôi. Động cơ khiến họ làm thế, chính là đức hiền lành và khiêm nhường của họ.

Qua tiếp xúc với họ, tôi thấy là họ đang làm chứng cho Chúa bằng sự hiền lành và khiêm nhường. Nước Thiên Chúa được mở rộng một cách âm thầm lặng lẽ qua những con người hiền lành và khiêm nhường như họ.

5. Nói tới đây, tôi chợt nhớ lại những giai đoạn khủng khiếp đã xảy ra nơi này nơi kia trong lịch sử Hội Thánh, khi có những cá nhân và những tập thể đã dùng những phương thế độc ác và kiêu căng vì một mục đích mà họ gọi là bảo vệ và mở rộng Nước Chúa. Hiện nay những chuyện hách dịch, lạm dụng quyền bính, cũng như những chuyện sát hại danh dự người khác vẫn xảy ra tại nơi này nơi nọ trong Hội Thánh địa phương chúng ta. Nếu những chuyện như thế lại được coi là chuyện bình thường, thì đó là một thảm hoạ ghê gớm và nguy hiểm, vì những ai mắc thói quen độc ác và kiêu ngạo, dù là cá nhân dù là tập thể, thường rất khó ăn năn trở lại.

6. Nhiều khi thảm hoạ loại đó được cảnh báo, nhưng vẫn khó tránh được. Bởi vì hiền lành và khiêm nhường là những giá trị trên luật. Tôi gọi là giá trị trên luật, bởi vì chẳng luật nào trong đạo ngoài đời đã dám đưa những giá trị đó vào luật, để hễ ai sai phạm, thì sẽ bị phạt. Riêng tôi, tôi xác tín: Những giá trị đạo đức được Chúa in vào lương tâm mỗi người. Chính Chúa thấu suốt lương tâm mỗi người.

Một tập thể nếu chỉ căn cứ vào pháp luật, khoản mấy điều mấy, để giáo dục con người, mà không nhấn mạnh đến những giá trị nhân bản không ghi trong pháp luật, thì không chừng sẽ từng bước đi vào man rợ.

7. Tôi không biết và cũng không dám đoán Chúa sẽ phạt người ta về tội không sống hiền lành và khiêm nhường. Nhưng điều tôi dám chắc, đó là Chúa sẽ thưởng những ai sống hiền lành và khiêm nhường. Không phải Chúa sẽ thưởng họ ở đời sau, mà thưởng họ ngay ở đời này.

Thực vậy, tôi thấy nhiều người, khi nhận ra hiền lành và khiêm nhường là những giá trị đạo đức cao đẹp, họ đã cố gắng tập tành và cầu nguyện. Được những giá trị đó chừng nào, họ bảo vệ chừng đó. Họ coi những giá trị đó trong lòng họ như những kho báu, như những hạt ngọc, mà có lần Chúa Giêsu đã nhắc tới (x. Mt 13,44-46).

Bởi ưa thích hiền lành và khiêm nhường, họ ân cần lo cho việc chung với tất cả tinh thần trách nhiệm. Họ cảm thấy vui, khi mình được như của lễ dâng lên Chúa để cầu cho Hội Thánh và Dân Tộc.

Bởi ưa thích hiền lành và khiêm nhường, họ tế nhị chân thành với mọi người, đền đáp những người làm ơn, trân trọng những người lớn tuổi. Họ cảm thấy hạnh phúc thanh cao.

Bởi ưa thích hiền lành và khiêm nhường, họ siêng năng học tập, cần cù lao động, phấn đấu tự đào tạo, sống tinh thần khó nghèo. Họ cảm thấy sung sướng vì thấy mình chia sẻ được với những người nghèo khổ.

Bởi ưa thích hiền lành và khiêm nhường, họ luôn cầu nguyện, đặt trọng tâm đạo đức vào sự chu toàn thánh ý Chúa. Họ cảm thấy bình an sâu thẳm. Có thể tin rằng: Bình an đó đến từ Chúa. Chúa ở trong họ. Cái tâm của họ vì thế mà rực sáng.

8. Tới đây, tôi phải thú nhận điều này: Sống hiền lành khiêm nhường là điều không dễ chút nào. Đó là một cuộc chiến đấu cam go trường kỳ. Xác thịt, thế gian, ma quỷ là những lực lượng chống phá rất mạnh. Kết quả thực đáng ngại. Có những cơ chế tôn giáo trước đây dựa trên hiền lành và khiêm nhường, thì nay xem ra cũng bỏ nền tảng đó. Chủ nghĩa thực dụng đang tàn phá các tâm hồn. Phải chăng đây là dấu chỉ về một tình hình suy thoái trầm trọng về đạo đức có hại cho đời sống xã hội. Chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện rất nhiều. Chỉ có Chúa mới cứu được.

9. Để kết, tôi hết lòng cảm tạ Chúa đã cho nhiều người chúng ta cảm nhận được điều này, là bằng sự hiền lành và khiêm nhường khôn tả, Chúa đã yêu thương chúng ta là những kẻ tội lỗi hèn mọn yếu đuối. Như thể hiền lành và khiêm nhường chính là nơi biểu lộ vinh quang của Chúa. Đó là Tin Mừng cứu độ. “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Tin Mừng về hiền lành và khiêm nhường mà tôi đã được lãnh nhận do lòng thương xót Chúa.
 
Hiệp Sống Tin Mừng: CN X Thường Niên B - Lễ Mình Máu Chúa Kitô
LM. Đan Vinh
19:45 05/06/2012
Hiệp Sống Tin Mừng: CN X Thường Niên B - Lễ Mình Máu Chúa Kitô

Xh 24,3-8 ; Dt 9,11-15 ; Mc 14,12-16.22-26

HIỆP THÔNG VÀ CHIA SẺ

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mc 14,12-16.22-26

(12) Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: ”Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? (13) Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó”. (14) Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?” (15) Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng. Và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta. (16) Hai môn đệ ra đi, vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua. (22) Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. (23) Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. (24) Người bảo các ông: “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. (25) Thầy bảo thật anh em: Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”. (26) Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Oliu.

2.Ý CHÍNH:

Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly Vượt Qua của đạo Do thái, trước khi hiến thân chịu tử nạn và phục sinh, hầu thiết lập một Giao ước Mới để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho loài người thay thế cho Giao ước Cũ thời Mô-sê.

3.CHÚ THÍCH:

-C 12-13: +Tuần lễ Bánh Không Men: Luật Mô-sê quy định về lễ Vượt Qua và tuần lễ Bánh Không Men như sau: Ngày 14 tháng Ni-xan (là tháng thứ nhất theo lịch Do Thái, tức vào khoảng tháng 3-4 dương lịch ngày nay), là đại lễ Vượt Qua mừng kính Đức Chúa. Vào ngày này người ta sát tế chiên lúc chập tối và sẽ ăn tiệc chiên Vượt Qua với bánh không men (x. Xh 12,21-27). Hôm sau, là bắt đầu tuần lễ Bánh Không Men kính Đức Chúa kéo dài bảy ngày. Trong tuần này, người Do Thái phải ăn bánh không pha men, để nhắc nhở cuộc Xuất hành thời Mô-sê. Cũng từ ngày 15 tháng Ni-xan, họ phải họp nhau để thờ phụng Đức Chúa và kiêng việc xác. Trong 7 ngày, họ phải tiến hành dâng lễ vật hỏa tế lên Đức Chúa. Đến ngày thứ Bảy là ngày kết thúc, họ phải tập họp lại để thờ phượng Đức Chúa và kiêng các công việc lao động nặng (x. Lv 23,5-8). +Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua tại đâu?: Môn đệ hỏi Đức Giêsu như hỏi một người chủ gia đình có trách nhiệm cử hành lễ Vượt Qua. Vì là dân nhập cư từ nơi khác đến Giê-ru-sa-lem, nên Đức Giêsu và các môn đệ được quyền tổ chức ăn mừng lễ Vượt Qua trước một ngày, tức vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ Năm đầu ngày thứ Sáu, thay vì lẽ ra phải mừng vào 6 giờ chiều thứ Sáu tức đầu ngày thứ Bảy, mà năm ấy lễ Vượt Qua nhằm vào thứ Bảy (x. Ga 19,14.31.42). +Người sai hai môn đệ đi: Hai ông này là Phê-rô và Gio-an (x. Lc 22,8). +Sẽ thấy một người mang vò nước…: Đức Giêsu làm chủ không gian và thời gian: Người nhìn thấy trước mọi sự việc đúng như nó sắp xảy ra, cũng như có lần Người thấy trước Na-tha-na-en lúc đang ngồi dưới gốc cây vả (x.Ga 1,48).

-C 14-16: +Các ông dọn tiệc Vượt Qua: Theo tục lệ cổ truyền, khi ăn thịt chiên tại nhà, mọi người phải đứng, lưng thắt gọn gàng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn cách vội vã (x. Xh 12,11). Nhưng đến thời Đức Giêsu, người Do Thái không còn giữ tục lệ ấy. Khi ăn tiệc, họ cũng theo cách thức ăn tiệc của văn hóa La-Hy (La-tinh Hy-Lạp) đương thời: Thực khách dự tiệc nằm trên một tấm thảm, đầu nghiêng về một bên và dựa vào cánh tay trái dùng làm gối. Còn tay mặt thì dùng để lấy đồ ăn.

-VỀ VỊ TRÍ TRONG BỮA TIỆC LY VƯỢT QUA: Người môn đệ được Đức Giêsu yêu quí là Gio-an nằm ở bên phải Đức Giêsu và có lúc đã tựa đầu vào ngực Thầy (x. Ga 13,25). Tiếp đến là Phê-rô nằm cạnh Gio-an. Chính ông Phê-rô đã làm hiệu và bảo Gio-an: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai vậy?” (Ga 13,24). Còn Giu-đa nằm ở bên trái Đức Giêsu. Điều này giải thích tại sao Đức Giêsu trả lời cho Giu-đa mà các môn đệ khác không nghe được (x. Mt 26,25), và việc Đức Giêsu dễ dàng “chấm một miếng bánh trao cho Giu-đa” (x. Ga 13,26). Ngoài ra, về vị trí của các môn đệ khác thì khó xác định.

-C 22: +Cũng đang bữa ăn: Mác-cô tường thuật việc Đức Giêsu lập Phép Thánh Thể trong khung cảnh bữa tiệc ly Vượt Qua. Đức Giêsu đã theo diễn tiến bữa tiệc Chiên Vượt Qua để truyền cho bánh rượu trở nên Mình Máu thánh của Người (x. Ga 6,51-58). +Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các ông: Đây là những cử chỉ Đức Giêsu đã làm nhiều lần trước đó như: Hai lần làm cho bánh nhân ra nhiều (x. Mc 6,41; 8,6); Một lần làm trong bữa Tiệc ly Vượt Qua (x. Lc 22,19); Một lần Chúa Phục sinh làm khi ngồi ăn tối với hai môn đệ làng Em-mau (x. Lc 24,30)… Cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng là cử chỉ mà gia trưởng phải làm trong nghi lễ tiệc Chiên Vượt Qua theo luật Mô-sê, sau khi các người đồng bàn hát kinh Ha-len phần I (gồm Thánh vịnh 112-113) và uống chén rượu thứ hai. “Bẻ bánh ra và trao cho các ông” là hai cử chỉ mang ý nghĩa hiệp thông và huynh đệ cộng đoàn. + Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy: Trong niềm tin Ki-tô giáo, Đức Giêsu đã dùng quyền năng để biến đổi bản chất của tấm bánh trở nên Thân Mình của Người, chứ không phải chỉ là biểu tượng cho Mình Chúa, như có người lầm tưởng (x. Ga 6,51-58; 1 Cr 11,23-25).

-C 23-25: +Và Người cầm chén rượu…: Chén rượu với lời tạ ơn ở đây là chén rượu thứ ba trong nghi lễ tiệc Chiên Vượt Qua. Đức Giêsu dùng chén rượu thứ ba này để thiết lập Giao ước Mới. + Đây là Máu Thầy, Máu Giao ước, đổ ra vì muôn người: Đây là Máu Giao ước Mới, khác với Giao ước Cũ thời Xuất hành, đã được ghi lại trong sách Xuất hành như sau: “Bấy giờ ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu Giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này” (Xh 24,8). Trong nghi lễ Giao ước Xi-nai được thiết lập giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en, người ta giết bò, rồi vị tư tế lấy máu nó rảy trên bàn thờ và trên dân chúng. Máu đó là dấu chỉ mối tương quan mới và sự hiệp thông giữa Đức Chúa với dân Ít-ra-en. Trong thời Tân ước, Giao ước Mới được thiết lập bằng Máu Đức Giêsu Con chiên Thiên Chúa, là dấu chỉ sự hiệp thông mới giữa Thiên Chúa với Hội Thánh là dân Ít-ra-en Mới. Máu sắp đổ khi Đức Giêsu chịu khổ nạn thập giá. Cái chết của Người sẽ đền tội thay cho loài người và ban ơn cứu độ cho muôn người. +Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa: Đến ngày tận thế, sau khi lịch sử nhân loại chấm dứt và Nước Thiên Chúa xuất hiện, Đức Giêsu sẽ uống rượu mới với các tín hữu được cứu độ trong bữa tiệc cánh chung. Hình ảnh này diễn tả sự hiệp thông chia sẻ trọn vẹn và chung cuộc giữa các môn đệ với Đức Giêsu và với Thiên Chúa.

4.CÂU HỎI: 1)Đức Giêsu thiết lập phép Thánh Thể ở đâu, khi nào và lập để làm gì? 2)Luật Mô-sê qui định thế nào về lễ Vượt Qua và tuần lễ Bánh Không Men? 3)Tại sao Đức Giêsu và các môn đệ lại ăn lễ Vượt Qua vào tối thứ Năm thay vì vào tối thứ Sáu là lúc bắt đầu đại lễ Vượt Qua năm đó? 4)Hai môn đệ nào được Đức Giêsu sai đi dọn cho thầy trò ăn mừng lễ Vượt Qua? 5)Theo tục lệ, người Do thái phải ăn lễ Vượt Qua như thế nào? Đức Giêsu và các môn đệ ăn tiệc Vượt Qua theo cách nào? 6)Dựa vào Tin Mừng, hãy cho biết vị trí ngồi của các ông Gio-an, Phê-rô và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt trong bàn tiệc? 7)Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể, truyền cho bánh rượu trở nên Mình Máu Người theo thứ tự nào? 8) Những cử chỉ Đức Giêsu làm khi truyền phép giống với các cử chỉ Người đã làm trong các hoàn cảnh nào? 9)Bạn nhận định thế nào về ý kiến cho rằng: Sau khi truyền phép bánh không biến thể sang Mình Thánh Chúa, mà chỉ trở thành biểu tượng Mình Thánh Chúa thôi? 10)Chén rượu được truyền phép trở thành Máu Thánh Đức Giêsu là chén rượu thứ mấy trong bữa tiệc chiên Vượt Qua của đạo Do Thái? 11)Phân biệt Máu Giao Ước Mới mà Đức Giêsu sắp đổ ra trong cuộc khổ nạn có giá trị và hiệu quả khác với máu chiên bò sát tế trong Giao Ước Cũ thời Mô-sê như thế nào? 12)Đừc Giêsu hứa sẽ hiệp thông và chia sẻ bằng việc uống rượu mới với môn đệ trong Nước TC sẽ xuất hiện khi nào?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy” (Mc 14,22):

2.CÂU CHUYỆN: KỶ VẬT TÌNH YÊU

Có một đôi vợ chồng trẻ kia mới lấy nhau được mười năm và đã có với nhau một đứa con gái 4 tuổi. Trong thời gian đó họ đã sống rất hòa hợp hạnh phúc. Mỗi ngày trước khi rời nhà đi làm buổi sáng, và chiều tối khi về đến nhà, anh chồng không khi nào quên trao cho vợ và con gái cử chỉ âu yếm kèm theo một lời yêu thương. Nhờ đó tình yêu giữa hai vợ chồng và đứa con thơ ngày một bền vững. Nhưng rồi hạnh phúc của họ đã bị đe dọa khi một hôm người chồng đi làm về bị trúng mưa và được đem đến bệnh viện điều trị. Sau khi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư màng phổi ác tính thời kỳ thứ ba. Một tuần sau anh qua đời. Trước khi chết, anh gọi vợ con lại gần và thều thào trăn trối: “Em và con yêu quí! Có lẽ sắp tới giờ Chúa gọi anh về. Anh đã chuẩn bị và sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Anh chỉ tiếc một điều là không còn được sống bên em và con nữa. Trước khi đi xa, anh không có gì trối lại cho em ngoài chiếc nhẫn mà vợ chồng mình đã tặng nhau khi kết ước cách đây mười năm. Bây giờ anh xin tặng lại chiếc nhẫn kỷ vật này cho em, để mỗi lần thấy nó, em biết rằng anh vẫn luôn ở bên em và hằng cầu Chúa cho em được hạnh phúc”. Nói xong, anh tháo chiếc nhẫn đang đeo và âu yếm xỏ vào tay vợ, giống như trước đây anh đã từng làm trong lễ hôn phối. Nói xong anh ra đi trước sự thương tiếc vô vàn của vợ con. Rồi anh được an táng tại đất thánh gần nhà. Từ đó, mỗi ngày người ta đều thấy một phụ nữ còn rất trẻ, đầu đội khăn tang, tay cầm bó bông, dắt theo đứa con gái còn nhỏ dại đi vào nghĩa trang. Chị ta đứng hằng giờ trước ngôi mộ cỏ mọc chưa xanh của người chồng quá cố để cầu nguyện cho anh. Trên tay chị có đeo hai chiếc nhẫn: Một chiếc của ngày thành hôn và chiếc kia là kỷ vật của chồng tặng trước khi từ giã cuộc đời.

3.SUY NIỆM:

Hơn hai ngàn năm trước đây, Đức Giêsu đã làm một công việc tương tự: Biết rằng “Giờ đã đến, Giờ Con Người phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, và Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Người đã lập phép Thánh Thể, để lại cho Hội Thánh kỷ vật là dấu hiệu của một tình yêu lớn lao tột đỉnh. Kỷ vật đó chính là Mình Máu thánh của Người dưới hình bánh rượu, làm của ăn của uống thiêng liêng để các tín hữu được hiệp thông với Người. Tin Mừng Mác-cô đã tường thuật việc Đức Giêsu lập phép Thánh Thể trong khung cảnh bữa tiệc Chiên Vượt Qua (x Mc 14,22-24), như Người đã hứa trong bài giảng về Bánh Hằng Sống tại hội đường thành Ca-phác-na-um (x. Ga 6,51-58). Vậy Đức Giêsu thiết lập phép Thánh Thể lúc nào? Ý nghĩa cũa bí tích này ra sao? Ngày nay chúng ta phải cử hành bí tích Thánh Thể thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

1)THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ: Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc Chiên Vượt Qua cũng là bữa ăn cuối cùng trước khi từ biệt các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn, Người sử dụng bánh không men và rượu nho dùng trong bữa tiệc Vượt Qua của đạo Do thái để biến nên Thịt Máu Người, hầu ban cho những kẻ ăn Thịt uống Máu ấy sẽ được sống đời đời. Thánh Mác-cô đã thuật lại câu chuyện Đức Giêsu lập phép Thánh Thể như sau: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ứớc, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22-24).

2)Ý NGHĨA CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ: Tin Mừng đã ghi nhận bốn sự kiện liên quan đến bí tích Thánh Thể như sau: Một là phép lạ Đức Giêsu biến nước lã thành rượu nho tại tiệc cưới thành Ca-na, tiên báo về việc biến rượu trở nên Máu Người trong bữa Tiệc Ly sau này (x Ga 2,1-11). Hai là phép lạ Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều tại thành Ca-phác-na-um, sau đó Người cho biết sẽ ban Thịt Máu Người làm của ăn của uống thiêng liêng đem lại sự sống đời đời cho ai lãnh nhận (x Ga 6,1-14.32-35.48-58). Ba là bữa Tiệc Ly Vượt Qua, trong đó Người dùng bánh rượu trong tiệc Chiên Vượt Qua để thiết lập bí tích Thánh Thể và truyền cho các môn đệ: ”Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,14-19). Bốn là Đức Giêsu chủ sự lễ Bẻ Bánh với hai môn đệ tại làng Em-mau, trong đó Người dùng Thánh Kinh rao giảng mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, đồng thời lặp lại các cử chỉ và lời đọc như trong bữa Tiệc Ly. Từ đó trở thành khuôn mẫu của thánh lễ sau này (x Lc 24,13-32).

Mình Thánh Chúa là món quà quí giá nhất mà Đức Giêsu đã trao tặng cho chúng ta. Người tự hiến trọn vẹn bằng việc ban Thịt Máu Người làm của ăn thức uống để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta và để có thể ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Mặc dù trí khôn không thể hiểu thấu mầu nhiệm này, dù giác quan chúng ta không cảm thấy có sự khác biệt giữa tấm bánh trước và sau khi truyền phép, nhưng đức tin dạy chúng ta rằng: Sau lời truyền phép của linh mục Chủ Tế trong thánh lễ thì bánh rượu liền hóa nên Mình Máu Chúa Giêsu dựa vào lời Người đã phán: “Vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,54-56). Quả thật, chỉ có trái tim của một người Cha, một người Thầy yêu thương đến tột cùng mới có thể nghĩ ra cách thức trao tặng con cái và môn đệ một món quà vừa thiết thực lại vừa kỳ diệu đến như vậy!

3)HIỆP THÔNG VỚI CHÚA ĐỂ CHIA SẺ VỚI ANH EM:

Sau đây là một số việc các tín hữu có thể làm để đáp lại tình thương của Chúa Giêsu Thánh Thể: Mỗi ngày năng tham dự Thánh lễ và dọn mình lên rước lễ sốt sắng, năng dự giờ chầu Mình Thánh Chúa. Trong ngày chu tòan việc bổn phận, kèm thêm các việc hy sinh bác ái dâng lên Chúa với lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Con làm việc này như dâng một bông hoa hồng lên Chúa, biểu lộ lòng yêu mến của con. Xin Chúa vui nhận và ban cho một bệnh nhân sớm được lành bệnh, cho một tội nhân sớm được hối cải, cho một người lương sớm được nhận biết và yêu mến Chúa để cũng được hạnh phúc và được sự sống đời đời với con sau này.”

4.THẢO LUẬN: 1)Ta cần dọn mình trước và cám ơn sau khi rước lễ thế nào? 2)Ta cần chia sẻ Bánh Thánh Thể cho tha nhân bằng cách nào để góp phần kiến tạo Trời Mới Đất Mới công bình và yêu thương như ý Chúa muốn?

5.NGUYỆN CẦU:

-LẠY CHÚA GIÊSU. Bàn tiệc Thánh Thể do Chúa lập ra để giúp chúng con thể hiện tình yêu thương hiệp nhất. Do đó, chúng con cần tránh những hành động ích kỷ và chia rẽ, như Tông đồ Phao-lô đã cáo trách giáo đoàn Cô-rin-thô: “Trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau… Khi anh em họp nhau, thì không còn phải là ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước. Và như thế kẻ thì bị đói, người lại no say! Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của?… Cho nên thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hóa ra để bị kết án!” (1 Cr 11,18-22.33-34). Vậy xin Chúa giúp chúng con biết hiệp thông với cộng đoàn bằng cách vào nhà thờ dự lễ thay vì đứng bên ngoài, hiệp lời kinh tiếng hát chung cộng đoàn. Sau khi đón nhận Chúa, xin cho chúng con biết chia sẻ Chúa với tha nhân bằng vịệc đi bước trước làm quen những người mới gặp, nhường chỗ tốt cho người già cả tật bệnh và quan tâm cầu nguyện cho những người đang sống bên chúng con.

-LẠY CHÚA. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: “Chúng con phải sống bí tích Thánh Thể”, nghĩa là phải trở nên tấm bánh được bẻ ra cho một thế giới mới. Xin cho chúng con ý thức rằng: Đức Giêsu đang ở trong chúng con và cùng hành động với chúng con. Người đang nhờ chúng con đến với tha nhân, để an ủi động viên những người lao nhọc, bênh vực những kẻ cô thế cô thân, mời gọi những kẻ tội lỗi hồi tâm sám hối, chia sẻ cơm bánh cho những ngừơi đói khát, khiêm nhường phục vụ những ngừơi bất hạnh ... Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa ban ơn cứu độ trong ngày phán xét sau này.

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa bên cạnh chúng ta
Jos. Tú Nạc, NMS
06:56 05/06/2012
VATICAN CITY – Tối thứ Sáu ngày 1 tháng Năm, ĐTC Benedict XVI đã dự buổi hòa nhạc để tỏ lòng tôn kính Ngài tại nhà hát La Scala nổi tiếng ở Milan, nơi mà Ngài nghe giao hưởng khúc số 9 của Beethoven được trình tấu bởi dàn nhạc La Scala với nhà đạo diễn âm nhạc Daniel Barenboim điều khiển.

Sau buổi hòa nhạc, Đức Thánh Cha đã khen ngợi tác phẩm cũng như sự trình bày với những nhận xét rằng đã đạt đến những khía cạnh kỹ thuật của âm nhạc như một phương thức trong sự phản ảnh thần học uyên thâm ngẫu nhiên tự nó.

Giao hưởng khúc 9 nổi tiếng về phấn chính cuối cùng của nó, thường được gọi là “Ode to Joy” theo bài thơ của biên kịch gia, thần học gia, triết gia người Đức cuối thế kỷ 18, Friedrich Schiller, lời phân bố bản văn cho bốn giọng đơn ca, và hợp xướng có những bè ở phần cuối của bản giao hưởng.

“Tại buổi hòa nhạc này,” Đức Thánh Cha nói, “chắc hẳn là một kỷ niệm mừng vui nhân dịp gặp gỡ mọi người đến từ hầu hết những quốc gia trên thế giới, có bóng tối của trận động đất mang đến sự đau khổ khôn lường của những cư dân trên quê hương chúng ta.” Ngài tiếp tục, “lời bài Ode to Joy của Schiller chúng ta nghe thật hão huyền – thực vậy, chúng dường như không thực tế. Chúng ta không cảm thấy chút nào những ánh thiêng liêng của miền cực lạc. Chúng ta không say sưa với niềm cảm hứng, mà bị tê tái bởi thương đau và vô cùng và sự tàn phá không thể ngờ được là như vậy, đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng, và lấy đi nhà cửa, gia đình của biết bao người khác.” Đức Thánh Cha nói tiếp, “Thậm chí điều được thừa nhận từ trên cao bầu trời đầy tinh tú ở đó phải sống một người Cha nhân từ, dường như bị nghi ngờ.”

“Có phải người cha ấy chỉ ở trên bầu trời đầy tinh tú không?” ĐTC Benedict hỏi. “Lòng nhân từ của Người không rủ xuống cho chúng ta nơi đây hay sao? Chúng ta tìm kiếm một Thiên Chúa, người mà không đứng xa chúng ta, mà bước vào đời sống của chúng ta và sự đau khổ của chúng ta.”

Đức Thánh Cha tiếp tục, Ngài nói, “Chúng ta không cần phải tượng tượng bàn bạc về một Thiên Chúa xa xôi và một tình huynh đệ thanh thản mà không đòi hỏi ở chúng ta một điều gì. Chúng ta sống để tìm ra Thiên Chúa người mà ở gần kề chúng ta. Chúng ta đang tìm kiếm tình anh em mà ở giữa những khổ đau, chịu đựng những đối tác của nó và vì lẽ đó giúp đỡ để tiến hành.” ĐTC Benedict kết luận, chu ý rằng sau buổi hóa nhạc này nhiều người sẽ đi cung nghinh Thánh Thể - tôn thờ Thiên Chúa, người mà “đã đặt hết thảy bản thân mình vì đau khổ của chúng ta và cứ tiếp tục như vậy: Thiên Chúa người mà đau khổ với chúng ta và vì chúng ta, và vì vậy đã tạo người nam và người nữ “chính đây” ĐTC Benedict nói, “là những gì mà chúng ta cảm thấy được gọi mời ở buổi hòa nhạc này.”
 
ĐTC kêu gọi các gia đình cầu nguyện theo phụng vụ Giờ Kinh
Jos. Tú Nạc, NMS
06:58 05/06/2012
ĐTC Benedict đã hướng dẫn ngày cầu nguyện – hora media – vào sáng thứ Bẩy, ngày 2 tháng Năm tại Vương cung Thánh đường Mary Nascent ở Milan, trọn ngày đầu tiên trong chuyến tông du của Ngài tới thành phố này mà sẽ là người điều khiển Đại hội Gia đình Thế giới lần VII.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha nói về nghi thức cầu nguyện – ngợi khen Thiên Chúa chung, theo nghi thức – vì khi diễn tả sự mầu nhiệm cao trọng của Giáo Hội, “Môi chúng ta, tâm hồn chúng ta, tâm trí chúng ta,” Ngài nói, “là, trong lời cầu nguyện của Giáo Hội, những người thể hiện ra được nhu cầu và khát vọng của tất cả nhân loại.” Đức Thanh Cha kêu gọi cầu nguyện hàng ngày theo Nghi thức Phụng vụ của Giờ Kinh, “một nhiệm vụ thiết yếu của nội bộ được ban hành trong Giáo Hội,” tất cả mọi thành viên cùng nhau cấu thành gia đình riêng thực sự của Thiên Chúa.

ĐTC Benedict nói tiếp, “Qua Lễ Cầu nguyện Thiêng liêng kéo dài mầu nhiệm quan trọng nhất của Phép Thánh Thể suốt ngày, các linh mục được hiệp nhất một cách đặc biệt với Chúa Giê-su, sống và làm việc đúng lúc.”

Đức Thánh Cha đã cổ vũ các tu sỹ - nhiều người trong số họ có mặt trong ngày lễ cầu nguyện ở Vương cung Thánh đường Milan – hiểu biết và hân hoan cầu nguyện ngay lúc này và sống thời giờ của mình trong tu viện với lời cam kết, “Nếu đức Ki-tô, để xây dựng Hội Thánh Người, chính người đặt trong tay các linh mục, những linh mục này tự phó thác cho Người không dè dặt.”

“Tình yêu dành cho Chúa Giê-su,” ĐTC Benedict nói, “là linh hồn và là lý do cho chức vụ linh mục, thậm chí nó cũng là dinh cơ mà Người đã ủy thác cho Thánh Phê-rô nuôi nấng đàn chiên của Người.”

Đức Thánh Cha cũng đã có lời biết ơn, ngợi khen và cổ vũ các tu sỹ nam nữ đã dâng hiến, kêu gọi họ hãy nhìn về tương lai với sự tín thác, cậy trông vào sự trung thành của Thiên Chúa, điều mà, Ngài nói, “có thể làm những điều kỳ diệu chưa từng thấy.” Kêu gọi sự bênh vực của Đức Trinh Nữ Maria và của những trưng bày ấn tượng mênh mông nơi các thánh đã hiện lên từ sự đùm bọc yêu thương của Giáo Hội ở Milan suốt bao nhiêu thế kỷ, ĐTC Benedict cầu nguyện rằng, “Người cho tất cả những món quà, có thể tạo chức vụ linh mục luôn sinh đầy hoa trái.” Ngài xin Thiên Chúa “ban sự vững mạnh cho những cá nhân dâng hiến.” Cuối cùng, ĐTC Benedict cầu xin Thiên Chúa phục hồi cho tất cả gia đình Ki-tô giáo theo kế hoạch của Người, “để họ có thể là những vùng đất ân sủng, thiêng liêng, mầu mỡ sinh nhiều hoa trái cho những ơn thiên triệu đối với chức vụ linh mục và hiến dâng.
 
Những bài học của một Vệ binh Thụy Sỹ học được Đức Giáo Hoàng và đem mình đến thành công trong công việc
Jos. Tú Nạc, NMS
23:16 05/06/2012
2 tháng Sáu, 2012. Hàng năm vào tháng Năm, một lớp tân binh được tuyên thệ nhậm chức Vệ binh Thụy sỹ của Vatican. Nghi thức này được gia đình, các quan chức Vatican, cũng như những cựu thành viên thuộc đội vệ binh của Giáo Hoàng tham dự.

Andreas Widmer đã phục vụ trong hàng ngũ Vệ binh Thụy Sỹ được hai năm khi còn là một thanh niên dưới sự lãnh đạo của ĐTC John Paul II. Sau đó ông đã sử dụng những bài học mà ông đã học được tại Vatican vào vấn đề kinh doanh thế giới, làm việc với những người chủ hãng buôn để chiến đấu với cảnh đói nghèo. Ông viết về những kinh nghiệm trong cuốn sách của mình “Đức Thánh Cha và CEO” kể về ông đã được ảnh hưởng bởi ĐTC John Paul II không biết bao nhiêu.

Andreas Widmer, Tác giả, “Pope & CEO”

“Tôi cảm thấy tôi được đặc ân để trở thành một Vệ binh Thụy Sỹ và có một vị trí phía trước đối với cuộc đời của con người này trong thời đại của tôi và tìm thấy đức tin của mình nơi đây Roma và tôi có cơ hội đặc quyền tiếp cận mà tôi cảm thấy ngày càng được chia sẻ điều này với người khác là cách duy nhất bày tỏ sự cảm kích của tôi.”

Hiện giờ Widmer là chủ tịch Quỹ Carpenter, một tổ chức trao quyền hành cho những người chủ hãng buôn ở những quốc gia nghèo hơn bằng việc cung cấp cho họ những khoản vay nợ. Thông qua sự phục vụ của mình trong Vệ binh Thụy Sỹ và công việc kinh doanh của mình, ông tin rằng con người sẽ được cổ vũ để tạo ra những lợi nhuận.

“Chúng ta có thể là những kẻ tôi tớ có lợi ích, không chỉ lợi ích tinh thần mà còn cả lợi ích vật chất. Nhưng những gì đi vào hoạt động là những gì mà chúng ta đang làm với lợi nhuận của chúng ta và chúng ta làm cách nào để tạo lợi nhuận của chúng ta và lợi nhuận của chúng ta làm ra là bao nhiêu.”

Tuy nhiên, qua những thành công và thất bại của ông trong những mạo hiểm kinh doanh, người cựu vệ binh nói rằng ông luôn nhớ những gì nằm bên kia những thời kỳ lợi nhuận.

“Những bài học quan trọng mà tôi đã học đó là đừng quên những gì là mục tiêu căn bản của những nơi mà chúng ta cố gắng đi đến. Kinh doanh và tất cả những việc mà chúng ta làm tại nơi làm việc là phương tiện để đi đến kết thúc và chúng ta không bao giờ quên những điều kết thúc đó là gì.”

Andreas Widmer hy vọng cuốn sách có thể được dùng như một công cụ cho những thế hệ kinh doanh kế tiếp khi họ bước vào áp lực công việc.
 
Tại sao lại gọi là Dòng Tên?
Nguyễn ngọc Thế SJ.
10:14 05/06/2012
Tại sao lại gọi là Dòng Tên?

(S.J.: Societas Jesu – Gesellschaft Jesu – The Society of Jesus)

"Tại sao lại gọi là Dòng Tên? Tất cả mọi dòng đều có tên, nào là dòng Đa-Minh, dòng Phan-xi-cô, dòng Biển Đức…. Không lẽ hết tên để đặt cho nhà dòng rồi, nên mới kêu là Dòng Tên?"

Không ít người đã hỏi như vậy. Mỗi lần như thế, tôi lại phải từ từ giải thích, để ít nhất giải bày được thắc mắc rất hợp lý trên. Trong tinh thần cổ võ ơn gọi, xin giới thiệu với mọi người, đặc biệt với các bạn trẻ đôi nét về Dòng Tên. Đầu tiên xin trình bày vài nét về ông tổ sáng lập Dòng Tên. Đó là Thánh I-Nhã, người Tây Ban Nha. (Ignace de Loyola, 1491-1556).

1. Những bước ngoặc đầu tiên

§ Thời trai trẻ

Khi còn là một thanh niên 26 tuổi, I Nhã đã muốn hưởng sự hoan lạc trên thế giới, vì thế đã xin đi „tòng quân“. Trong một trận trấn thủ pháo đài tại Pamplona. Trước sự tấn công của Pháp, cấp chỉ huy và các hiệp sĩ biết rằng, mình không thể chống trả được, nên điều đình xin đầu hàng. Nhưng I Nhã mạnh mẽ tranh luận với cấp trên, là phải nhất định trấn thủ pháo đài cho bằng được. Khi bị quân pháp bắn súng pháo và đại bác, I Nhã đã bị thương nặng và sau đó tất cả các binh sĩ đầu hàng.

Vì bị thương nặng gãy chân và phải di chuyển xa, nên vết thương càng trầm trọng. Bác sĩ không hy vọng sẽ lành, sức khoẻ càng lúc càng tồi tệ. Khi cảm thấy cái chết đã gần kề, I Nhã đã xin nhận bí tích giải tội lần cuối. Hơn nữa, Bác Sĩ nói rằng, nếu đến nửa đêm mà sức khoẻ của I Nhã không khả quan, thì đành bó tay để cho chết. Nhưng I Nhã là người có lòng mến mộ Thánh Phêrô một cách đặc biệt, Ngài đã tín thác hoàn toàn vào Chúa, và cũng xin Thánh Phêrô cầu bầu. Nửa đêm qua đi, tử thần không „viếng thăm“ I-Nhã, ngược lại tình trạng sức khoẻ khả quan hơn, và sau đó vài ngày I Nhã được coi là người đã thoát khỏi cái chết. Xương chân bắt đầu lành lạnh nối lại với nhau, nhưng khổ thay dưới khủy đầu gối, khúc xương gãy nằm chồng lên nhau, cho nên một chân bị ngắn hơn, và vì khúc xương lòi ra nên trông thật xấu xí khó coi. I Nhã thấy rằng với một tướng đi khập khễnh, và cái chân quái dị như thế, thì sẽ hủy hoại đi cuộc đời sự nghiệp. Nên I Nhã đã xin bác sĩ giải phẩu cắt khúc xương đó đi, mặc dầu biết rằng mình sẽ phải chịu cực hình còn đau đớn hơn lần bị thương trước. I Nhã thích đọc sách tiểu thuyết và kiếm hiệp, vì thế khi nằm trên giường bệnh, I-nhã muốn tìm sách này để đọc giết thời gian, nhưng tìm chẳng thấy. Thay vào đó, người ta đưa cho I Nhã cuốn “Vita Christi” (Cuộc đời Đức Kitô) và cuốn sách Hạnh các Thánh. Ðọc đi đọc lại, đôi khi I-Nhã cảm thấy thích thú. Ðọc về Cuộc Ðời Chúa và các Thánh, thỉnh thoảng ông dừng lại và tự hỏi mình: “Giá mà tôi cũng làm được những việc như Thánh Phanxicô (thành Assisi) hay Thánh Ða-Minh đã làm thì sao?” Như thế, ông suy niệm về nhiều việc lành có thể làm được, cũng không thấy khó khăn cho lắm! Mỗi lần như thế, ông lại tự nhủ: “Thánh Phanxicô đã làm việc này thì tôi cũng phải làm được! Thánh Ða-Minh đã làm được việc kia thì tôi cũng phải làm!” (Hồi ký I-nhã số 7)

Và từ từ với ơn của Chúa, I Nhã quyết định bỏ mọi sự theo Đức Kitô.

§ Đổi đời

Sau đó chàng hiệp sĩ I-Nhã đã quyết định làm một chuyến hành hương đến Giêrusalem, trên đường Ngài ghé Monserrat và kính viếng Đức Mẹ ở đó. Trên đường từ Navarrete tới Monserrat, I-Nhã lủi thủi cỡi trên một con La. Tình cờ một người Mauri (người Hồi Giáo) cũng cỡi lừa đi ngang qua, và hai người bắt chuyện với nhau. Chuyện họ nói là về Đức Mẹ. Người Mauri nói rằng anh ta thừa nhận Đức Mẹ thụ thai khi không biết người nam nào, nhưng làm sao lại có chuyện Đức Mẹ sinh con ra vẫn còn đồng trinh. Hai người tranh luận, nhưng I-Nhã không thể thuyết phục được tư tưởng của anh chàng Mauri, nên anh chàng này thúc lừa đi nhanh tiến về phía trước rồi khuất dạng. I Nhã một mình trên con La tiến bước, nhưng vẫn suy tư không hài lòng, vì mình đã không làm tròn bổn phận, để thuyết phục người Mauri, và như thế là không làm vinh danh Đức Mẹ.

Tức qúa, chàng hiệp sĩ liền thúc La đuổi theo, với ý định là sẽ rút dao đâm tên này mấy nhát. Nhưng suy đi nghĩ lại, I Nhã không biết có nên làm như vậy không. Vì thế, khi đến một ngã ba trên đường, I Nhã quyết định thả dây, để tự con La nó rẽ đi con đường nào thì tùy nó. Tuy vậy, I-nhã cũng vẫn nuôi ý tưởng, nếu đi cùng đường với tên Mauri thì I Nhã sẽ nhất định đâm cho nó vài nhát, nhưng con La đã chọn rẽ đi lối khác.

Khi tới Monserrat, I Nhã đã giành ba ngày tĩnh tâm, để chuẩn bị cho việc xưng tội. Sau khi làm phép hòa giải với Cha Linh Hướng, I-nhã nhận được sự bình an. Sau đó chàng hiệp sĩ I Nhã bỏ lại con La, còn cây kiếm và dao găm, là hành trang và là một vật làm nên căn tính của người hiệp sĩ, thì I-Nhã treo trước bàn thờ tại Đền Đức Mẹ Monserrat, dâng lên cho Đức Mẹ.

Sau đó I-nhã đến Manresa. Ở tại đây I-Nhã đã nhận được ơn soi sáng của Chúa cách đặc biệt. Thời gian một năm ở Manresa (1522-1523) Chúa đối sử với I-Nhã như thày giáo dạy học trò, như qua những kinh nghiệm bị cám dỗ, kinh nghiệm bối rối và bị thử thách, kinh nghiệm sợ hãi về sự chết, kinh nghiệm về sự trông cậy và tin tưởng vào Chúa, kinh nghiệm an ủi và cảm nhận được lòng thương xót của Chúa nơi mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Thánh Thể. Đặc biệt, I-Nhã đã được Chúa mở lòng và mở đôi mắt tâm hồn, để „am tường nhiều điều, vừa thuộc đức tin vừa văn hoá, dưới một luồng sáng rực rỡ khiến mọi điều trở nên mới mẻ“ (Hồi Ký I-Nhã số 30).

Tất cả những kinh nghiệm trên đã củng cố đức tin của của I-Nhã, và I-Nhã được kêu gọi trở nên Linh Mục của Chúa. Trong thời gian này Linh Thao là con đường thiêng liêng đặc biệt của I-Nhã.

2. Dòng Tên và những bước đi chập chững.

§ Paris – Thành Phố tình yêu, nơi sinh của Dòng

Sau đó với tuổi 30, I-Nhã quyết định đi học Thần Học. Dù đã hết tuổi sinh viên, I-Nhã vẫn kiên tâm mài dũa kinh sử, bắt đầu miệt mài học tiếng La-tinh. Khi chuyển tới học tại đại học Paris, I-Nhã đã quy tụ được một nhóm bạn cùng chí hướng, và rồi tình Bạn của họ đã được chăm bón và phát triển trong sự quan phòng và tình yêu của Chúa. Hằng tuần, mỗi Chúa Nhật, ngài cùng với các bạn đến xưng tội và dự lễ tại đan viện Notre-Dame de Vauvert dòng Chartreux. Sau thánh lễ, các bạn chia sẻ với nhau bữa ăn huynh đệ và lý tưởng tông đồ. Những buổi sinh hoạt như vậy ai muốn đến dự cũng được, khi nào chán thì bỏ, thấy thích hợp thì tiếp tục. Sau nhiều gạn lọc, có 6 người thực sự muốn gắn bó với nhóm. Rồi mỗi người lần lượt tập Linh Thao 30 ngày do I-nhã hướng dẫn. Một lý tưởng tông đồ nung nấu những sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết, đồng thời một tình bạn thiêng liêng lớn dần, nối kết bảy người lại thành một, vượt qua mọi ngăn cách tự nhiên sẵn có. Kết quả là nhóm bạn đi đến một quyết định chung: cùng nhau tuyên khấn sống theo ơn gọi và lý tưởng tông đồ theo Chúa Kitô.

lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15.8.1534, bảy sinh viên Đại Học Paris cùng nhau đến nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre (Crypte du Martyrium de Montmartre) để tuyên khấn. Chân phước Phêrô Favre, linh mục duy nhất của nhóm, dâng lễ, một lễ dành riêng cho họ. Trước khi rước Mình Thánh Chúa, mỗi người lần lượt đọc lời khấn đã viết sẵn. Trong tinh thần này, bảy anh em đã ý thức được một tâm tình: Tất cả là những người Bạn của Chúa Kitô. Trong số bảy người đó, ngoài Thánh I-Nhã ra còn có Thánh Phanxicô Xaviê. Hôm nay, tại nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre, chúng ta còn có thể đọc được một bảng bằng đồng viết bằng tiếng La-tinh: “Societas Jesu Quae Sanctum Ignatium Loyolam Patrem agnoscit, Lutetiam matrem Hic nata est. – Dòng Tên sinh tại nơi đây. Cha: Thánh I-Nhã, Mẹ: Paris“.

§ Roma – Nơi Dòng được đặt tên.

Sau thời gian sống ở Paris, I-Nhã và nhóm bạn bảy người đã nuôi mộng sẽ đi Giêrusalem và dấn thân ở đó. Tuy nhiên, họ cũng có một ý tưởng thứ hai, là nếu điều kiện không cho phép họ đi Giêrusalem, thì tất cả sẽ xin tự nguyện tùng phục Đức Thánh Cha, và sẽ đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để phục vụ Giáo Hội.

Khi từng người lần lượt đã đến Roma, thì họ nhận được sự chúc lành của Đức Thánh Cha, Ngài cũng cho phép họ đi Đất Thánh. Hơn nữa, Ngài còn cho phép tất cả được chịu chức Linh Mục. Trong năm đó, năm 1537, vì điều kiện không cho phép, nên việc đi Giêrusalem phải hoãn lại, và với thời gian Chúa đã muốn hướng đi khác cho những người trẻ này. Đặc biệt trong thời gian này I-Nhã đã có được một thị kiến tại La Storta: „Một hôm khi còn cách xa Roma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, I-Nhã nhận thấy một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ ràng Chúa Cha đặt ông cùng Chúa Kitô, con của Ngài. I-Nhã không thể nào nghi ngờ điều đó chỉ biết rằng Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Con.“ (Hồi ký I-nhã số 96) Đó chính là một trong những kinh nghiệm giúp I-Nhã và các anh em nhận ra được ơn gọi để trở nên những người kết thân với Chúa Kitô, trở nên những môn đệ của Ngài và cùng Ngài lên đường phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn.

Ngoài ra, thời gian này, các anh em tiếp tục sống tinh thần tông đồ, cụ thể là giúp các các linh hồn, và đưa mọi người về với Đức Kitô, đúng theo tinh thần của Linh Thao. Đây cũng là một trong những trọng tâm sống của họ. Ngoài ra, các anh em đều tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình trên đặc sủng Linh Thao. Họ cũng nhận định và suy nghĩ về tương lai của mình. Một trong những điều họ suy nghĩ là: „Nên đặt tên cho nhóm bạn mình là gì đây?“ Với tâm tình „là những người bạn trong Chúa Kitô“, tất cả đều đồng tâm chọn chính tên của Đấng đã làm cho mọi người yêu mến và ao ước phục vụ. Vì thế, họ đã chọn tên cho nhóm là: „Societatis Jesus – Cộng đoàn Giêsu hữu“.

Sau đó, vào Mùa Chay năm 1539 tại Roma, I-nhã và các bạn đã nhất trí xin lập một dòng tu mới. Đức Thánh Cha Phaolô III đã chính thức phê chuẩn Dòng Chúa Giêsu vào năm 1540, với tên gọi “Cộng đoàn Giêsu hữu”. Ở đây xin mở ngoặc để phần nào trả lời cho câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam lại kêu Dòng Chúa Giêsu là Dòng Tên?“ Vì khi Dòng Chúa Giêsu vào Việt Nam, thì trong bối cảnh xã hội thời đó, ai kêu tên của Ông Bà Cha Mẹ, đặc biệt tên của Chúa, thì rất phạm thượng, nên „Dòng Chúa Giêsu“ đã được kêu là „Dòng Tên“, để không phạm húy, để mọi người dễ chấp nhận, và cũng dễ dàng cho anh em Giêsu Hữu thời đó trong việc truyền giáo.

§ Phố phường và thế giới – Tu viện của Dòng Tên

Khi Dòng Tên được phê chuẩn và hình thành, I Nhã và các anh em đã quyết định một vài điều liên quan đến đời sống thiêng liêng và phục vụ. Cộng đoàn dòng Tên sẽ không có giờ kinh phụng vụ chung, tu sĩ dòng không có áo dòng như các tu viện và dòng Tu thời đó, và Dòng Tên cũng không là một tu viện với một „chỗ gối đầu“ êm ấm, được bao quanh bởi bốn bức tường kiên cố. Nhưng tại sao lại có những quyết định như thế? Đơn giản là các tu sĩ Dòng Tên cần phải sống ơn gọi tông đồ mà Thiên Chúa đã mời gọi. Vì thế, họ đã chọn lựa một số cách thức giúp họ dễ dàng thi hành sứ mạng tông đồ hơn.

Vì thế, tu viện của Dòng Tên sẽ là phố phường và thế giới, nơi các tu sĩ Dòng Tên đặt chân tới để giúp các linh hồn và phục vụ anh chị em. Đó chính là tinh thần sống của I Nhã, một người lữ hành, và của những anh em Dòng Tên từ xưa cũng như hôm nay.

Từ đó trở đi, theo gương của Chúa Giêsu, các tu sĩ Dòng Tên đã đi đến từng phố phường, làng mạc…, để đem tin mừng của Chúa đến khắp mọi nơi, cùng chia sẻ và giúp đỡ từng tâm hồn nhận ra được tình yêu của Chúa, tin vào Tin Mừng của Ngài, và tập sống theo mẫu gương của Đức Kitô. Đặc biệt, ở đâu cần giúp đỡ hơn, ở đâu khó khăn hơn, ở đâu Tin Mừng Chúa cần „nở hoa“ hơn, thì các anh em Dòng Tên quyết tâm lên đường dấn thân nơi đó. Vì vậy mà Phanxicô Xaviê đã phải xa lánh nhóm bạn, đáp tàu đến một vùng đất xa xôi và lạ lẫm ở Ấn Độ và Nhật Bản, Matteo Ricci và Adam Schall ở Trung Quốc, Alexandre de Rhode (cha Đắc Lộ) ở Việt Nam, và còn bao tu sĩ Dòng Tên khác đã đặt chân lên Nam Mỹ, Châu Phi.

Ngoài ra, môi trường phục vụ của dòng Tên ngày xưa, cũng như hiện nay với trên 20 ngàn tu sĩ tại 127 quốc gia, không giới hạn ở một chân trời nào cả. Không chỉ có chân trong triều đình nhà Vua thời xưa, mà còn ở những góc phố dơ bẩn tại Manila thời nay. Không chỉ ở tại những đại học danh tiếng như Georgetown University – Hoa Kỳ, mà còn tại những vùng hoang vu đất đỏ ở Việt Nam. Thực vậy, nơi nào Vinh Danh Thiên Chúa hơn, thì các tu sĩ Dòng Tên có mặt ở đó.

3. Những nét chính yếu làm nên khuôn mặt Dòng Tên

§ Để vinh Danh Thiên Chúa hơn - Ad Maiorem Dei Gloriam

“Để Vinh Danh Chúa Hơn” là cụm từ đã được thánh I nhã dùng rất nhiều lần, và đã trở thành châm ngôn của Dòng Tên. Châm ngôn này được các tu sĩ dòng Tên thấm nhuần và trở thành một trong những mục đích chính yếu cho đời sống dâng hiến của mình. Nên trong cả cuộc đời mình, nghĩ gì, nói gì, làm gì, các tu sĩ dòng Tên đều hướng về tâm tình: „Để cho vinh danh Thiên Chúa hơn“. Thực vậy, còn vinh danh ai khác, nếu không phải là vinh danh Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương đã dựng nên con người. Chính vì vậy, mà theo I-nhã thì nguyên lý nền tảng cho đời người là: “Con người được dựng nên để ca tụng, tôn kính và phục vụ Thiên Chúa Chúa chúng ta, để nhờ đó cứu linh hồn mình” (LT. 23). Vâng, ca tụng, tôn kính và phục vụ Thiên Chúa, như các Thiên Thần làm. Như thế là Thiên Chúa đang được tôn vinh, đang được vinh quang.

Tuy nhiên, vinh quang Thiên Chúa là điều con người không chỉ nhắm tới trên bình diện ý hướng, nhưng còn cả trên bình diện thực hành nữa. Nghĩa là cần phải bắt tay vào, cần phải là chính muối đất và ánh sáng của cuộc đời. Trong tâm tình này, đối với Dòng Tên, thì vinh quang Thiên Chúa thúc đẩy từng cá nhân và toàn dòng phải cùng với Đức Kitô đi vào cuộc đời, cần xả thân vào công việc rao truyền Tin Mừng và bảo vệ Đức Tin, hay nói khác đi cần phải cùng với Đức Kitô „quăng lưới người“, nghĩa là rao truyền, xây dựng nước Trời tại trần thế hôm nay, và mời gọi mọi người bước qua „cánh cửa“ là Chính Đức Kitô, để vào sống nơi đồng cỏ xanh tươi và dòng suối ngọt ngào đem lại ơn cứu độ. Ngày hôm nay, với dòng Tên việc rao truyền Đức Tin luôn cần được gắn liền với công việc bảo vệ công bình trong trong xã hội.

§ Xắn tay áo và lao vào cuộc đời

Thực vậy, ngày xưa khi Đức Kitô đi vào cuộc đời, Ngài luôn quan tâm đến từng tâm hồn, đặc biệt là những anh chị em nghèo khổ và thấp cổ bé miệng. Với Thánh I-Nhã, trong thời gian học ở Paris và rồi làm việc và sống ở Roma, thì công việc phục vụ các tâm hồn là một điều tối quan trọng. Dù có bận bịu đến đâu, nhưng Ngài luôn có giờ để hướng dẫn thiêng liêng và giúp Linh Thao cho rất nhiều người. Vì thế, Tu Sĩ dòng Tên, những người Bạn đường của Đức Kitô, không chỉ giảng hay và nói giỏi, mà cần phải „xắn tay áo và lao vào cuộc đời“, cần sống sống đúng theo tinh thần của Đức Kitô, là trở thành những người phục vụ các tâm hồn, đặc biệt những anh chị em nghèo khó. Khi đã đồng ý bước theo tiếng gọi của Giêsu, thì cần phải cùng với Ngài đi vào trong từng ngõ ngách của cuộc đời, rảo bước trên từng con đường dẫn vào thành thị và làng mạc, để chia sẻ và phục vụ cho anh chị em bất hạnh, nhờ đó họ có thể sống và sống được dồi dào hơn.

Vì vậy, ngay trong thời gian huấn luyện, các tu sĩ Dòng Tên không chỉ làm bạn với sách vở, không chỉ „ngồi Thiền“ mãi, mà còn phải xắn tay áo lên đường, đi vào những nơi nghèo nàn và cần đến sự giúp đỡ nhất. Đó chính là những góc phố của các trẻ em bụi đời, là những nhà dưỡng lão của nhiều cụ già neo đơn, là góc rừng sâu thẳm không chỉ có khỉ ho cò gáy, mà còn có nhiều anh chị em người dân tộc thiểu số nghèo nàn. Tuy nhiên, dòng Tên không chỉ lo giúp cho người nghèo, mà nơi nào Giáo Hội cần đến, thì dòng Tên sẵn sàng có mặt.

§ Lao vào cuộc đời với sự Vâng Phục

Khi xắn tay áo lên lao vào cuộc đời, tu sĩ Dòng Tên không mù quáng như những con thiêu thân. Thực vậy, những lúc lên đường là những lần sống tinh thần Vâng Phục. Vâng phục như chính Đức Kitô đã vâng phục Cha mình, để hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Hơn nữa, trong chiều sâu của linh đạo, tu sĩ dòng Tên ao ước được nên giống Đức Giêsu trong mọi sự, ao ước được tham dự cùng sứ vụ với Đức Giêsu, ao ước có cùng số phận với Đức Giêsu, đó là được chết và phục sinh với Đức Giêsu, ao ước nên giống Đức Giêsu trong cách thức thi hành sứ mạng: vâng phục như người tôi tớ trong khiêm tốn khó nghèo, chịu xỉ nhục khinh chê.

Vì thế, sự vâng phục bề trên là một trong những điều rất quan trọng. Ý nghĩa của sự vâng phục này có nhiều khía cạnh. Vâng phục trong sự đối thoại, nhưng khi cần thiết, thì sẽ vâng phục bề trên một cách triệt để. Có thể, „ngày hôm trước qua ngày hôm sau“, đã vâng phục bề trên xắn tay áo, khăn gói lên đường, rời nơi ở thân thương và tiện nghi đang có, đến một nơi cực khổ hơn, để thi hành sứ mạng tông đồ của mình, nghĩa là phục vụ các linh hồn và làm vinh danh Thiên Chúa hơn.

Dòng Tên còn có lời khấn vâng phục Đức Thánh Cha trong những gì liên quan đến sứ vụ, và với ý hướng để việc giúp đỡ các linh hồn hữu hiệu hơn, và Chúa được tôn vinh hơn. Đó chính là Lời khấn thứ tư. Lời khấn này không chỉ được hình thành trong quyết định lập dòng vào năm 1539, nhưng nó đã được hàm chứa trong lời khấn ở Montmartre năm 1534. Lời khấn thứ tư là một điểm đặc biệt và chính yếu của Dòng Tên, nó đã được suy nghĩ và quyết định dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Như vậy, Dòng Tên hiện hữu tựa trên lời khấn thứ tư “vâng phục giáo hoàng.” Nói theo ngôn ngữ của chân phước Phêrô Favre: “lời khấn này là nguyên lý và nền tảng của Dòng.” Lời khấn này không ràng buộc các tu sĩ Dòng Tên ở bất cứ vùng đất đặc biệt nào, trái lại nó giúp họ đi đến bất cứ nơi nào, ở đó vinh quang Chúa và lợi ích các linh hồn được mưu cầu hơn.

§ Lao vào cuộc đời với hành trang là tình yêu

Vâng phục đã là tốt lắm rồi, nhưng nếu chỉ vâng phục như một cái máy thì chưa đủ. Người tu sĩ dòng Tên khi vâng phục để „lao vào cuộc đời“, thì sẽ mang theo một hành trang quý giá. Đó chính là Tình Yêu với Đức Kitô. Tình yêu mà Đức Kitô đã biểu lộ qua chính toàn bộ cuộc đời Ngài, qua hang lừa đơn sơ nghèo nàn, qua những năm ẩn dật tại Na-gia-rét, qua thời gian dấn thân phục vụ mọi người và rao truyền Tin Mừng ơn cứu độ, đặc biệt tình yêu của Ngài được „nở hoa“ trên chính Thánh Giá. „Không có tình yêu nào cao quý hơn là tình yêu của người thí mạng sống mình vì người mình yêu“. Và tình yêu của Ngài được đơm trái trong ngày Phục Sinh.

Người tu sĩ dòng Tên, cả cuộc đời mình, từ những ngày chập chững tìm hiểu, cho đến khi tóc bạc răng long, luôn luôn cần phải tiếp tục khám phá, chăm bón và làm cho tình yêu của mình đối với Đức Kitô được thắm nồng hơn, qua chính những kinh nghiệm Linh Thao, qua những giờ cầu nguyện chiêm ngắm và những giây phút hồi tâm hằng ngày, cũng như qua chính những kinh nghiệm sống của mình, và qua những anh chị em mà mình phục vụ. Thực vậy, con người chỉ có thể bước chân theo Đức Kitô, để dấn thân sống „phục vụ chứ không để được phục vụ“, khi con người nhận được hồng ân cao quý này, là được kết thân với Đức Kitô, để rồi „Ngài với Ta tuy hai mà một, Ta với Ngài tuy một mà hai“. Hay với Rupert Mayer, một linh mục dòng Tên tại Đức, thì „Đức Kitô là tất cả đời tôi“. Vì thế, nếu ai không có ơn này và không quyết tâm sống trong tình yêu với Đức Kitô, thì khó có thể trở thành một tu sĩ dòng Tên.

Được kết thân với Đức Kitô. Đó là một ân sủng thực sự. Nhưng ân sủng của Chúa cần đến “sự mở lòng” của con người. Vì thế với I-nhã, sự khát khao của con người được trở nên những người kết thân với Đức Kitô đóng một vai trò quan trọng. Lòng khát khao cũng chính là một trong những điều kiện cần có, cần được chuẩn bị cho những ai bước vào Linh Thao. Dưới đây xin nêu một vài tâm tình về Linh Thao, đặc sủng của dòng Tên.

4. Linh Thao – một con đường thiêng liêng

§ Linh Thao là gì vậy?

Có một anh bạn trẻ với bằng cấp cử nhân Thần Học rất tò mò muốn biết Linh Thao là gì. Anh đã đăng ký đi dự một khóa Linh Thao cuối tuần. Sau ngày đầu tiên của khóa, anh vào gặp tôi và nói: “Cậu biết không, mình đã nghe nói nhiều về Linh Thao và cũng thắc mắc, không hiểu tại sao nhiều người lại đi Linh Thao như vậy. Bây giờ qua ngày thứ nhất, mình đã hiểu được hết Linh Thao là gì rồi. Đâu có gì đặc biệt, cũng là cầu nguyện, là nghe giảng…” Tôi để cho Anh bạn nói cho đã. Sau đó mới chia sẻ với anh: “Vâng, nếu Anh muốn hiểu Linh Thao qua “cái đầu” không thôi, thì chẳng có gì khó cả, Anh chỉ cần đọc một số tài liệu là xong ngay. Nhưng Anh có biết chương trình trọn vẹn của Linh Thao không phải là một ngày, một cuối tuần hay một tuần lễ, mà là một tháng trời, theo như đề nghị của thánh I-nhã không? Hơn nữa, Linh Thao không chỉ giới hạn trong thời gian và cũng chẳng “nằm gọn” trong bộ óc của con người, mà còn phải được đưa vào cuộc sống, được nấu chín và trở nên của ăn thật sự cho từng tâm hồn trong đời sống thường ngày. Vì vậy, hiểu Linh Thao là một chuyện, nhưng biết sâu sa và sống tinh thần Linh Thao là một chuyện khác. Hơn nữa, mới có một ngày mà đã dám nói rằng: “Giờ này tôi đã hiểu hết về Linh Thao.”

Vậy Linh Thao là gì? Đơn giản mà nói, thì Linh Thao là hai chữ gói gọn một tâm tình: “Vì như đi dạo, đi bộ, chạy, là những việc thể thao, thì cũng thế, gọi là “Linh Thao” tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc đời để mưu ích cho linh hồn mình.” (Linh Thao số 1) Nói khác đi, Linh Thao là một cách thức tĩnh tâm giữa muôn ngàn phương cách tĩnh tâm trong Giáo Hội.

Và ai đi tĩnh tâm Linh Thao thì người đó đang tập thể thao cho tâm hồn mình, cho chính đời sống nội tâm của mình. Cụ thể người làm Linh Thao sẽ tập cầu nguyện, tập suy niệm, chiêm ngắm và sắp xếp cuộc đời mình theo tinh thần của Thánh Kinh. Ngoài ra qua Linh Thao, họ sẽ hiểu được cuộc sống thường ngày theo một lăng kính khác – lăng kính của Thiên Chúa, cũng như sẽ hướng cả cuộc sống của mình theo tinh thần của Ngài. Trong Linh Thao, họ cũng sẽ được tập để nhận định những tiếng nói của Thần Lành và Thần Dữ, nhờ đó họ có thể dễ dàng chọn lựa và tìm đến một quyết định, một con đường đem lại cho họ nhiều niềm tin, tình yêu, niềm hy vọng và bình an. Như vậy, Linh Thao là một chuỗi bài tập cầu nguyện trong thinh lặng cho từng cá nhân một, có hệ thống, có phương pháp. Thời gian có thể trong vòng một cuối tuần, hay một tuần lễ, hay bốn tuần lễ. Nơi chốn thường là trong một nhà tĩnh tâm. Nhưng nếu ai không có thời gian và điều kiện, thì có thể làm Linh Thao thường nhật tại nhà. Thời gian có thể là hai tháng, sáu tháng, một năm hoặc đôi khi hai năm, với sự đồng hành của người giúp Linh Thao. Trong thời đại Internet này, cũng có những chương trình Linh Thao thường nhật qua email, qua Internet, và được đồng hành, chia sẻ qua điện thoại, email hay qua chatroom.

Với các tu sĩ dòng Tên, thì Linh Thao không chỉ là chuỗi bài tập, mà còn là nền tảng cuộc sống, và là một con đường thiêng liêng. Thực vậy, Người tu sĩ dòng Tên sống, làm việc, và phục vụ theo tinh thần của Linh Thao. Vì thế, khi mới chập chững vào nhà tập, các tập sinh đã phải tập bước đi trên con đường Linh Thao. Tôi vẫn còn nhớ những ngày ngồi trong ghế nhà Tập. Cuốn sách Linh Thao trên bàn không chỉ được đọc, được tranh luận, nghiên cứu, mà còn được tập sống. Từng từ từng chữ được thấm từ từ vào đời sống của chúng tôi. Đến đây, tôi phải thành thật rằng, cuốn sách Linh Thao mà Thánh I-Nhã viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng bản in đầu tiên là tiếng La Tinh vào năm 1548, và sau đó được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, không phải là một cuốn sách Văn Học để đọc. Vì vậy, theo ý kiến của một số người chuyên môn thì sách Linh Thao không phải là cuốn sách cho người đi làm Linh Thao đọc, mà là một cuốn cẩm nang cho người hướng dẫn Linh Thao. Thực vậy, ai tò mò cầm cuốn sách Linh Thao lên đọc, thì sẽ thất vọng, vì ở đấy người ta sẽ không tìm thấy những nét văn hoa của văn chương, ngược lại là một sự khô khan và chẳng thú vị gì.

§ Tôi đi Linh Thao

Cách đây khoảng 22 năm, lần đầu tiên tôi đi tĩnh tâm Linh Thao một tuần lễ. Trước khi vào Linh Thao, Cha hướng dẫn nhắc là không cần phải đưa sách vở gì theo cả, ngoại trừ cuốn Thánh Kinh và giấy viết để ghi chép.Thú thực tôi rất hồi hộp, chẳng biết phải làm gì cho hết cả tuần. Rồi còn phải im lặng suốt tuần nữa chứ? Làm sao chịu nổi đây? Rồi sau đó vào nhà tập, thì đến lần đi làm Linh Thao 4 tuần. Cũng hồi hộp nữa, vì không biết mình chịu nổi một tháng trời thinh lặng không? Vâng, một tháng chỉ tập trung cầu nguyện và gặp gỡ Chúa, mỗi ngày chỉ gặp cha hướng dẫn nhiều lắm là 01 tiếng để trao đổi thôi.

Nhưng khi vào Linh Thao thì hoàn toàn khác. Mỗi ngày tôi được Cha hướng dẫn đưa bài gợi ý cầu nguyện cho 04 lần. Mỗi lần cầu nguyện từ 45 phút đến một tiếng. Các bài cầu nguyện và gợi ý dựa trên chính Lời của Chúa và cuộc đời của tôi. Những đề tài cầu nguyện gồm: “Ý nghĩa của cuộc đời là gì?” “Tại sao tôi có mặt trên đời này?”, “Tội lỗi con người và lòng nhân hậu tha thứ của Thiên Chúa”, “Bước đi trên con đường của Đức Kitô – từ biến cố Giáng Sinh đến lúc Ngài phải mang vác Thánh Giá trên đường thương khó, rồi cuộc tử nạn trên thập giá, sự sống lại hiển vinh.” Đặc biệt, trong tiến trình này, người làm Linh Thao sẽ có những bài cầu nguyện và suy niệm về tiếng gọi của Đức Kitô, về sự nhận định thần lành và thần dữ, sự chọn lựa một lối sống, và cuối cùng là những bài chiêm niệm thật bổ ích để khám phá và thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa.

Khi người làm Linh Thao cầu nguyện, suy niệm và đào sâu những đề tài này, đặc biệt luôn liên hệ đến cuộc sống của mình, thì họ sẽ từ từ được biến đổi trong chiều sâu nội tâm, sẽ tìm thấy một “lăng kính” mới của Thiên Chúa để nhìn cuộc sống rõ ràng hơn, thực tế hơn và nhân hậu hơn, cũng như họ có thể sẽ tìm thấy một hướng đi mới, một quyết định mới cho đời mình. Ngoài ra, qua Linh Thao, họ sẽ khám phá được sự gần gũi của Thiên Chúa và tình yêu dịu ngọt của Ngài giành cho chính bản thân mình. Đây chính là một khám phá rất đặc biệt, có động lực thúc đẩy nhiều người không chỉ sắp xếp lại cuộc đời mình, mà còn đổi đời mình theo Thánh Ý của Chúa. Vì vậy, khi đi tĩnh tâm Linh Thao, là lúc người ta đi gặp chính Chúa, Ngài là một người bạn mà mình sẽ tâm sự với Ngài nhiều, Ngài là một Đấng Tạo Dựng, mà qua Lời và Thần Khí của Ngài, sẽ trực tiếp ảnh hưởng và tác động trên người làm Linh Thao. Còn người giúp Linh Thao chỉ đóng vai trò đồng hành, giúp người làm Linh Thao tìm thấy “con đường” riêng của họ, hướng dẫn họ phần nào, nhưng không bao giờ xen vào tương quan của người làm Linh Thao với Thiên Chúa.

Lời kết

Thật là vui mừng khi được phép giới thiệu về dòng Tên. Mừng hơn nữa, nếu các Bạn Trẻ và quý độc giả tìm thấy được ít nhiều điều về dòng Tên qua những nét chấm phá trên. Và niềm vui lớn lao nhất sẽ “nở tươi”, khi Thiên Chúa được vinh danh hơn, nếu ngày ngày có thêm nhiều thợ gặt của Chúa, dám can đảm xắn tay áo và lên đường đi vào đồng lúa của cuộc đời hôm nay.
 
ĐTC Benedict ở Milan: “Gia đình là hội thẩm viên đích thực của nhân loại”
Jos. Tú Nac, NMS
10:16 05/06/2012
1 tháng Sáu, 2012. Hàng tá người với khăn quàng cổ màu trắng đã tề tựu chờ đợi Đại hội Gia đình Thế giới ở Milan. Họ đợi Đức Thánh Cha đến trong trung tâm thương mại Duomo của thành phố, cùng với họ là Tổng Giám mục và thị trưởng Milan

Tổng Giám mục, ĐHY Angelo Scola đã cảm ơn Đức Thanh Cha về chuyến viếng thăm của Ngài và đã nhớ đến những người bị hậu quả của trận động đất mới đây ở bắc nước Ý.

ĐHY Angelo Scola, TGM Milan

“Chúng ta muốn bày tỏ những cử chỉ của tình đoàn kết khác nhau được thể hiện mới đây qua sự đớn đau và hủy diệt đã gây ra bởi trận động đất vừa qua. Công việc từ thiện này không phải là điều tối hậu của những nhân tố tạo một thành phố như Milan được thu hút.”

Đây là chuyến đi đầu tiên của Đức Thánh Cha tới Milan, thủ đô tài chính của Ý. ĐTC Benedict XVI đã đề cập đến tầm quan trọng về văn hóa và tôn giáo của thành phố này. Ngài yêu cầu họ bảo tồn tài sản kế thừa và chuyển giao nó cho những thế hệ tương lai.

ĐTC Benedict XVI

“Đức tin trong Chúa Giê-su Ki-tô, Người đã chết và đã sống lại vì chúng ta, chính Người sống giữa chúng ta, cổ vũ kết cấu toàn bộ đời sống cá nhân và cộng đồng, riêng và chung, cho phép một “hạnh phúc” cố định và chân chính, điều mà được tái khám phá như hội thẩm viên chính của nhân loại và là một dấu chỉ và sự đòi hỏi một nền văn hóa xác thực và ổn định với thiện ý của con người.”

Đây là những lời phát biểu đầu tiên của Đức Thánh Cha dành cho Đại hội Gia đình Thế giới VII. Theo những sự kiện của những nhà tổ chứa, lễ bế mạc sẽ có khoảng hơn một triệu người đến từ 170 quốc gia khác nhau

Đức Thánh Cha đến Milan dự Đại hội Gia đình Thế giới

1 tháng Sáu, 2012 – Vào lúc 5:10 chiều, ĐTC Benedict XVI đã đặt chân xuống phi trường Linate của Milan để tham dự Đại hội Gia đình Thế giới.

Ngài đã được hai em bé chào mừng với một bó hoa. Cũng với sự chờ đợi Ngài có ĐHY Angelo Scola, Tổng Giám mục Milan, và ĐHY Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng phụ trách Gia đình.

Từ xe giáo hoàng, ĐTC Benedict XVI đã chào những gia đình và những tình nguyện viên đang đứng tại phi trường và sau đó di chuyển đến trung tâm thương mại chính của thành phố Duomo dành cho cuộc họp đầu tiên của Ngài với công chúng.
 
Quản gia của Đức Thánh Cha có thể bị phạt tù 6 năm nếu bị kết án
Bùi Hữu Thư
15:55 05/06/2012
VATICAN (CNS) -- Một chánh án của Vatican nói: Paolo Gabriele, quản gia của Đức Thánh Cha đã bị lên án ăn trộm có tội nặng, một tội phạm theo luật Vatican có thể bị kết án tù từ 1 đến 6 năm.

Chánh án Paolo Papanti-Pelletier nói: theo các điều khoản của hiệp ước năm 1929 ký kết với nước Ý, nếu một người bị kết án bởi một tòa án Vatican thì phải bị giam giữ trong một khám đường của nước Ý.

Ông chánh án cũng nói là trong khi Gabriele bị giam trong một phòng mỗi chiều 4 thước tại trạm cảnh sát Vatican, anh ta đã được tham dự thánh lễ ngày 3 tháng 6 tại một nhà thờ Vatican. Hai cảnh binh đã dẫn đưa Gabriele tới nhà thờ và anh ta không bì còng tay.

Ông chánh án đã trình bầy với giới báo chí ngày 5 tháng 6 về hệ thống pháp lý hình sự của Vatican, đặc biệt về cuộc điều tra đang diễn tiến về vụ Gabriele dính líu đến việc đánh cắp hàng trăm lá thư và giấy tờ liên lạc giữa Đức Thánh Cha Benedict XVI và các giới chức cao cấp của Vatican.

Ông nói: Đời sống bên trong Vatican được điều hành bởi Bộ Giáo Luật, nhưng cũng bởi một bộ hình luật và các thể thức được hội nhập từ bộ luật Ý và đã sửa đổi một phần cho phù hợp với các hoàn cảnh của Vatican.

Ông Papanti-Pelletier nói: sau khi cảnh binh Vatican điều tra sơ khởi và bắt giữ anh Gabriele ngày 23 tháng 5, người quản gia này đã bị một chánh án Vatican tra khảo và đã chính thức bị kết án ăn trộm có tội nặng. Một cuộc điều tra khác chính thức hơn sẽ được chánh án điều tra Piero Antonio Bonnet, khởi sự từ ngày 5 tháng 6.

Ông Papanti-Pelletier nói có nhiều yếu tố khiến cho một vụ trộm cắp được coi là "tội nặng" dưới luật pháp Vatican. Thứ nhất, tội nhân đã ăn trộm của một người thân tín. Thứ hai người này có thể là tòng phạm của một tên trộm khác.

Ông nói: nếu có hai hay nhiều yếu tố nguy hại khác thì hình phạt có thể từ 2 đến 8 năm tù. Các tội phạm khác - như ăn cắp tài sản hay tiết lộ các bí mật của Tòa Thánh - thì hình phạt có thể gia tăng khi cuộc điều tra chính thức diễn tiến. Các giai đoạn sơ khởi của việc điều tra được thực hiện trong phòng kín để bảo vệ danh dự và bí mật cho bị cáo và để "đảm bảo quyền lợi của những người khác có liên lụy."

Tuy nhiên, ông nói: nếu trường hợp này được đưa ra Tòa Án Vatican, ở phiá sau Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô thì công chúng và giới truyền thông sẽ được chứng kiến. Nhưng tòa án này không to lắm, cho nên chỉ có một số người giới hạn được vào. Phiên tòa cộng cộng sẽ có ba chánh án, y như các phiên tòa Ý khác. Không có bồi thẩm đoàn.

Trong khi tất cả các nhân chứng sẽ thề nói sự thật trong phiên tòa, ông Papanti-Pelletier cho hay theo luật Vatican một bị cáo không cần phải thề nói sự thật và có thể từ chối trả lời các câu hỏi nếu câu trả lời khiến cho mình có tội.

Ông Papanti-Pelletier nói là trong khi Vatican không có nhà tù, nhưng vẫn có 4 "sà lim an toàn" mỗi chiều 4 thước, bên trong có giường ngủ, bàn viết và phòng vệ sinh. Có thập giá treo trên tường, nhưng không có máy truyền hình. Nhưng người bị giam giữ được ăn cùng các bữa ăn nấu cho các cảnh binh túc trực.

Ông nói: theo luật Vatican, một người bị cáo có thể bị giam giữ 50 ngày trước khi chính thức được xét xử và thời kỳ giam giữ có thể gia tăng thêm 50 ngày nữa nếu cuộc điều tra cho thấy khá phức tạp. Trong khi luật Vatican không đặc biệt nói đến việc giam giữ tại gia (house arrest), nhưng có nói là bị cáo có thể bị giam giữ tại bất cứ nơi nào trong khuôn viên Vatican, do đó nếu có thể, thì bị cáo Gabriele 46 tuổi có thể trở về gia đình với vợ và 3 con.

Ông Papanti-Pelletier nói: Đức Thánh Cha Benedict XVI có thể can thiệp bất cứ lúc nào để làm ngưng thể thức và tha bổng hay dung thứ bị cáo, mặc dầu hiếm có trường hợp một Giáo Hoàng can thiệp trước khi giai đoạn điều tra hoàn tất.

Ông chánh án nói là giai đoạn điều tra kéo dài vì số lượng tài liệu bị tiết lộ khá lớn và vì các nhân viên điều tra còn đang xác nhận xem tất cả các tài liệu này có xác thực hay không.

Ông Papanti-Pelletier nói luật Vatican đối xử đồng đều giữa các giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, trừ khi đó là một hồng y, vì các "ông hoàng của giáo hội chỉ bị xét xử bởi những người cùng địa vị", và đây là tòa án tối cao Vatican. Chủ tịch của tòa án với ba chánh án là Hồng Y Raymond L. Burke và hai vị kia là Hồng Y người Pháp Jean-Louis Tauran và Hồng Y người Ý Paolo Sardi.

Ngày 4 tháng 6, Hồng Y Bertone nói với đài truyền hình quốc gia Ý là các vụ tiết lộ này được coi như "những vụ tấn công", được ngài mô tả là "có chủ đích rất cẩn thận" và "hết sức dữ tợn, tàn phá và có tổ chức."

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, phát ngôn viên Vatican nói với các phóng viên ngày 5 tháng 6: "Với con số to lớn các tài liệu đã được tiết lộ, chúng ta không ngạc nhiên nếu còn nhiều tài liệu khác đang được phổ biến và được dùng để duy trì sự căng thẳng và chú ý của quần chúng đến vấn đề này."
 
ĐHY De Paolis đưa ra những điều luật mới cho Regnum Christi
Jos. Tú Nac, NMS
23:17 05/06/2012
Những thay đổi tiếp tục đến với Regnum Christi và Legionaries of Christ. ĐHY Velasio de Paolis, được sự ủy quyền của Đức Thánh Cha đến Giáo Đoàn, đã gửi những quy luật mới cho tất các nam nữ tận hiến của Regnum Christi.

Trong một lá thư được viết bởi đại diện Hội đồng Giáo hoàng, ngài nói việc cập nhật này phục vụ nhằm ấn định lại những điều luật chưa hoàn thiện và những điều luật khác còn quá nhiều hạn chế. Việc thay đổi này đươc định sẵn là đặc điểm tham vấn cho sự sống Tin Mừng và sự hiến dâng cho Chúa Giê-su Ki-tô.

Nội qui mới này chứa đựng hai chỉ thị then chốt căn bản: thứ nhất được nói đến “hài hòa những yếu tố tinh thần và những qui tắc nội tâm”, thứ hai là để “thiết lập những điều luật cần thiết phải phát triển.” Thư của ĐHY De Paolis cũng lưu ý rằng ủy ban sẽ được thành lập bởi những ban lãnh đạo mới để duyệt lại những qui chế và phải có ý định cho những hướng dẫn mới này.

Những điều luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng Sáu và chỉ có kỳ hạn đến khi phiên bản cuối củng được làm cho những thành viên tận hiến của Regnum Christi.

Ngày Giới trẻ Thế giới Rio 2013 sẽ chào đón Duc9TC Benedict XVI trên bãi biển Copacabana

Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio de Janeiro, hàng ngàn thanh niên sẽ chào mừng ĐTC Benedict XVI trên bãi biển Copacabana nổi tiếng của Ba Tây. Ở đó vào thứ Ba ngày 23 tháng Bẩy, 2013, Đức Thánh Cha sẽ tiến hành nghi thức đầu tiên gặp gỡ các thanh niên Công Giáo.

Cũng trên bãi biển hình lưỡi liềm này, nơi Chặng Đường Thánh Giá sẽ diễn ra vào thứ Sáu, 26 tháng Bẩy. Một vị trí quan trọng khác là Santa Cruz Air Base, nơi mà một ánh nến canh thức sẽ được tổ chức vào tối thứ Bẩy cũng như Thánh Lễ sáng Chúa Nhật khi ĐTC Benedict XVI sẽ tuyên bố địa điểm của ngày Giới trẻ Thế giới kế tiếp.

Những ý định của Đức Thánh Cha cho tháng Sáu: Đời sống Ki-tô hữu ở Âu châu và Phép Thánh Thể

Mỗi tháng, Đức Thánh Cha đề nghị một ý cầu nguyện cụ thể cho các tín hữu Công Giáo noi theo. Vào tháng Sáu, ĐTC Benedict yêu cầu cầu nguyện “để những tín hữu có thể nhận biết Phép Thánh Thể sự hiện diện vĩnh cửu của Đấng Phục Sinh người mà đi theo họ trong cuộc sống hàng ngày.

Điều đó cũng yêu cầu việc cầu nguyện cho Ki-tô hữu Âu châu để họ có thể “tái phát hiện tính đồng nhất đích thực và tham gia với lòng hăng hái nhiệt tình hơn trong việc rao giảng Tin Mừng.”

Trong những tháng vừa qua, những ý định mà Ngài đã yêu cầu gồm có những việc cầu nguyện cho gia đình, những nhà truyền giáo, những người thống khổ ở Phi châu, và sự dâng hiến của đời sống tu trì.
 
Top Stories
Pope Benedict XVI Answers Families Questions in Milan: Emphasizes the Importance of Family Unity at 'Feast of Testimonies'
Junno Arocho
08:47 05/06/2012
MILAN, JUNE 4, 2012 (Zenit.org).- Several families had a rare opportunity to ask questions to Pope Benedict XVI during the ‘Feast of Testimonies’ on Saturday evening at the VII World Meeting of Families in Milan.

The families, who came from Vietnam, Madagascar, Greece, the United States, and Brazil, asked questions ranging from his earliest childhood memories to seeking advice on how to live
as Christians in an increasingly secular society.

Cat Thien, a 7 year old from Vietnam accompanied by her parents and little brother, asked the Holy Father about his family and "when you were little, like me." The pope responded by
recalling his family life as a child, while noting the importance of Sunday. “Sunday was always the important time for our family, but Sunday already began Saturday evening,” he said.

The pontiff then explained various activities that he and his family would do together, from games to composing music. He explained the impact that the unity of his family had in his life. "In a word, we were one heart and one soul, with many shared experiences, even in very hard times, because it was wartime – first there was the dictatorship, then poverty," he recalled. "But this love that we had for each other, this joy even in simple things was strong and so we were able to overcome and endure even these things."

A couple from New York, Jay and Anna Rerie, along with their six children spoke of the difficulty of raising a family while juggling work responsibilities. “Do you have some advice to help us rediscover this necessary harmony?” they asked. "In the vortex of the many stimuli
imposed by contemporary society, how can families be helped to live celebrations according to God’s heart?"

The Holy Father highlighted not only the importance of family and work, but the importance of reconciling both priorities. In the priority of work, Pope Benedict exhorted employers to
permit employees to have extra time with their families, stressing that "allowing a little freedom is good even for the business, because it reinforces the love for work, for the workplace." He then urged families to bring an element of joy and attention in the family, thus, aiding them during difficult times.

The pope took the occasion to reiterate the importance of Sunday for the family. "I hope that Sunday is observed in America," he said. "Sunday seems very important to me, the day of the Lord and, precisely as such, the 'day of man' too, because we are free."
 
Pope to Youth: God Calls You to Great Things Today
Zenit
08:48 05/06/2012
Explains Holy Spirit's Gifts to Those to Be Confirmed

VATICAN CITY, JUNE 4, 2012 (Zenit.org).- During his trip to Milan for the 7th World Meeting of Families, Benedict XVI reminded youth that God is calling them each day to something great. He exhorted them to have high ideals and to strive to be saints, saying sanctity is for everyone, also for the young.

The Pope said this Saturday in an address to young people who are about to receive the sacrament of confirmation, or have recently been confirmed.

His address centered on a brief explanation of each of the seven gifts of the Holy Spirit.

"The Spirit’s gifts are wondrous realities that allow you to form yourselves as Christians, to live the Gospel and to be active members of the community," he told them.

The Holy Father compared the whole of the Christian life to a journey, saying it is "like climbing a path that leads up a mountain – and so it is not always easy, but climbing a mountain is something beautiful – together with Jesus; with these precious gifts your friendship with him will become still more real and intimate."

The Pontiff encouraged the youth to take advantage of Sunday Mass and the sacrament of confession, as well as daily prayer. Regarding confession, he said it is "a meeting with Jesus who forgives our sins and helps us to do the good; receiving this gift, beginning again, is a great gift in life, knowing that I am free, that I can start over, that all is forgiven."

Lazy

Benedict XVI also had some practical advice for the youth, "Do not be lazy, but hard working young people, especially in your studies, in view of the future: it is your daily duty and a great opportunity that you have to grow and to prepare the future. Be available and generous to others, overcoming temptations to put yourselves at the center because egoism is the enemy of true joy."

"Let me tell you also that every day the Lord is calling you to great things, even here today," he continued. "Be open to what he suggests and if he calls you to follow him on the path of the priesthood or the consecrated life, do not say no to him! It would be misguided laziness. Jesus will fill your heart for the rest of your life! [...]

"Have high ideals: everyone can reach the heights, not just a few! Be saints! [...] Sanctity is the normal path for Christians: it is not only for a few chosen ones, but is open to all. Naturally, [this can be done] with the light and the power of the Holy Spirit – which we will not lack if we raise up our hands and open our heart! – and with the help of Our Mother."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân Ban Mục vụ Công giáo Việt Nam tại Melbourne
PV VietCatholic
07:07 05/06/2012
MỘT BƯỚC ĐI MỚI ĐẦY HỨA HẸN

Chiều Thứ Bẩy ngày 2 tháng 6 vừa qua, một buổi họp có thể nói là lịch sử cho Cộng Động Công Giáo Việt Nam tại Melbourne đã đuợc diễn ra tại tư gia của Đức Cha Vincent Nguyễn văn Long. Các cha quản nhiệm và đại diện của tất cả các cộng đoàn trên khắp thành phố đã cùng với Đức Cha Long bàn thảo và hoạch dịch một hướng đi chung cho khối người Việt Công Giáo Melbourne.

Các Linh mục Việt Nam tại Melbourne họp mặt với Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long


Trong lời chào đón, Đức Cha Long đã trình bày lý do và mục đích của buổi họp. Ngài nói là sau hơn 37 năm định cư trên nước Úc, người Việt Công Giáo đã hội nhập và trưởng thành. Chúng ta đã trở thành những phần tử sống động của Giáo Hội địa phương và là niềm hãnh diện cho Giáo Hội Quê Mẹ. Ở các thủ phủ tiểu bang lớn, đã có những cơ cấu tổ chức với những mô hình đa dạng. Riêng tại Melbourne, tuy đã có tới hơn 10 cộng đoàn nhưng vẫn chưa có một tổ chức nối kết. Do đó việc hình thành một Ban Mục Vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Melbourne với mục đích nối kết, phát triển các cộng đòan và tổ chức, điều hợp các sinh hoạt chung là ao ước của nhiều giáo dân, trăn trở của nhiều linh mục và là thao thức lớn của ngài.

Đại diện các Linh mục và các Ban mục vụ các Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Melbourne trong ngày họp mặt với Đức cha Vincent Long


Tiếp theo lời giáo đầu là phần bàn thảo đã diễn ra trong không khí sôi nổi nhưng thân thiện. Mối quan tâm của đa số anh em là làm sao Ban Mục Vụ Cộng Đoàn được làm việc đúng mục đích, hữu hiệu và hợp với hoàn cảnh của người Việt Công Giáo tại Melbourne. Một trong vấn đề được đề cập nhiều nhất là làm sao có một Nội Quy thể hiện được chiều hướng và vai trò sinh hoạt của Ban Muc Vụ Cộng Đoàn.

Sau khi đồng ý là Ban Mục Vụ là đại diện cho các cộng đoàn và sẽ làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Đức Cha và các linh mục cố vấn, một Tân Ban Mục Vụ lâm thời đã được bầu ra với thành phận như sau:

Ban Mục vụ Cộng đồng Công giáo Việt Nam Melbourne gồm 11 thành viên đại diện cho 11 cộng đoàn với sự phối hợp của:

- Trưởng Ban Muc Vụ: Anh Nguyễn Ngọc Trúc

- Phó Ban Muc Vụ: Anh Nguyễn Quốc Dũng

- Thư Ký Ban Mục Vụ: Anh Trần Cao Minh Đạo

Tân Ban Mục Vụ Công giáo Việt Nam Melbourne


Kết thúc, Đức Cha Long đã nhắn nhủ về tinh thần phục vụ như Đức Kitô đã khiêm hạ rửa chân cho các Tông đồ... Đức cha cảm ơn sự dấn thân của các anh em trong Tân Ban Mục Vụ và ngài hy vọng các anh em cũng sẽ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các linh mục giáo dân để làm phát triển Công Đồng Công Giáo Việt Nam Melbourne.

Mỗi cuộc hành trình lớn đều bắt đầu bằng một bước đi nhỏ. Với sự ra đời của Tân Ban Mục Vụ, phải chăng đây cũng là một bước tiến về một tương lai hứa hẹn cho khối người Việt Công Giáo tại Melbourne. Đây chắc chắn là ước mơ và là lời cầu nguyện của rất nhiều người.
 
Lễ Khánh Thành Tượng Đài Đức Mẹ Thuyền Nhân Việt Nam - Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
06:42 05/06/2012
Lễ Khánh Thành Hoa Viên và Tượng Đài Đức Mẹ Thuyền Nhân Việt Nam

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc

-Tượng Đức Mẹ Thuyền Nhân cao: 4 mét

-Vai rộng: 01 mét

-Trọng lượng: 9 tấn

-Bệ đế của tượng cao: 2 mét

-Trọng lượng khoảng: 6 tấn

-Hoa viên hình tròn, đường kính khoảng: 50 mét

-Hoa viên được phân chia thành 4 lối đi hình chữ thập, để lên vòng tròn tâm điểm của tượng đài

-Hai lối đi lên có độ dốc, trượt (Ramp), người tàn tật có thể lăn xe lên, xuống

-Hai lối đi khác, bước lên Hoa Viên bằng nhiều bậc thềm

Đan Huyền (tường thuật)

Chúa Nhật 03/6/2012 Lễ Kính Chúa Ba Ngôi. Cộng Đồng chọn làm ngày khánh thành Hoa Viên và tượng đài Đức Mẹ Thuyền Nhân và cũng là ngày Hội Ngộ truyền thống hàng năm của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc.

Ngay từ buổi sáng Chúa nhật 03/6/2012 khuôn viên trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân (ĐMTN) Việt Nam - Nam Úc đã có phần nhộn nhịp hơn thường lệ. Quý vị trong Ban Tổ Chức, quý vị trách nhiệm trong các ban ngành, đoàn thể, họ đạo, đã quy tụ về đây để chuẩn bị cho những công việc trong ngày vui mừng trọng đại này.

Theo những bản tin và thông báo chính thức được loan báo đến toàn thể giáo dân trong Cộng Đồng qua nhiều Thánh Lễ các Chúa Nhật trước đó, thì ngày Chúa Nhật 03/6/2012 mọi tín hữu đều hân hoan quy tụ về để tham dự ngày khánh thành hoa viên tượng đài Đức Mẹ Thuyền Nhân và mừng ngày Hội Ngộ hằng năm của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc.

Thánh lễ bắt đầu vào lúc 9.30 sáng, Chúa nhật như thường lệ với sự chủ tế của Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson cùng đồng tế có Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng, Đức ông David Cappo cha chính, tổng đại diện giáo phận, Cha phó quản nhiệm Gioan B. Nguyễn Viết Huy Sj. cùng quý cha: Âutinh Nguyễn Đức Thụ Sj cựu quản nhiệm Cộng Đồng, cha Canut nguyễn Thái Hoạch, cha Phêrô Nguyễn Minh Thuý, cha Phêrô Trần Quang Tòng và một vài linh mục khách người Úc thuộc tổng giáo phận Adelaide.

Trong tiếng nhạc tưng bừng hoà quyện với tấm lòng sốt mến của hằng ngàn tín hữu công giáo Việt Nam trong Cộng Đồng hiện diện trong ngày mừng kính Lễ Chúa Ba Ngôi và cũng là ngày Khánh Thành tượng đài Đức Mẹ Thuyền Nhân của Cộng Đồng Công Giáo VN - Nam Úc. Ngày mà mọi người tín hữu trong Cộng Đồng có dịp biểu lộ tâm tình yêu mến và tạ ơn Mẹ Maria dưới tước hiệu Mẹ Thuyền Nhân bổn mạng của Cộng Đồng.

Trong hội trường đông nghẹt người tham dự, mọi người hiệp thông Thánh Lễ một cách thật sốt sáng. Qua bài giảng trong thánh lễ Đức TGM đã chia sẻ về sự hiệp thông của cộng đoàn tín hữu, Ngài nhắc đến sự hiệp nhất và yêu thương của người Kitô hữu, như sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi và nhắn nhủ mọi người hãy thực hành đức yêu thương là giới răn quan trọng hàng đầu. Cũng trong phần chia sẻ Ngài khen ngợi lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt của người Công Giáo VN, nhân dịp Ngài sang VN tham dự ngày lễ bế mạc Năm Thánh tại La Vang 2011 và Ngài cũng nhắc đến biết bao ơn lành và những phép lạ cụ thể mà những tín hữu Công Giáo VN trong thế kỷ 18 đón nhận từ Thiên Chúa qua sự che chở, bầu cử của Đức Mẹ La Vang trong thời kỳ bắt đạo.

Trong thời cận đại, những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, biến cố vượt biển tìm tự do của những thuyền nhân VN cũng trải qua nhiều nỗi đau thương, thống khổ, nhiều gian khó hiểm nghèo, nhưng đã có rất nhiều ơn lành mà những thuyền nhân VN nhận được qua lời cầu bầu của Đức Mẹ.

Ngài nói: Ngoại trừ người Úc Thổ Dân, còn lại những người di dân, tỵ nạn đến Úc định cư, đa số là thuyền nhân, sau thế chiến thứ II. Do đó danh xưng Đức Mẹ Thuyền Nhân cũng là biểu tượng cho cả người dân Úc Châu nữa.

Sau khi Thánh Lễ kết thúc, từ hội trường chính, cộng đoàn cùng tham dự cuộc rước trên con lộ vòng quanh một nửa vòng đai khuôn viên trong trung tâm về hướng đông, tiến đến hoa viên tượng đài Đức Mẹ.

Đoàn đồng tế dẫn đầu cuộc rước: Đức TGM, quý Đức ông, quý Cha, quí Tu sĩ, các Đoàn thể với sắc phục và cờ hiệu của từng Đoàn thể, Họ Đạo rất trang nghiêm, cùng với toàn thể giáo dân tiếp nối đoàn rước trong trật tự, cung kính và cùng hiệp ý qua lời kinh Mân Côi thật sốt sáng, âm thanh trầm hùng vang vọng cả một khung trời.

Đoàn rước thật đông đảo nối bước nhau với tâm tình hiệp thông trong cùng một niềm tin. Khi Đức TGM và đoàn đồng tế tiến vào khu vực hoa viên, đến vị trí đã được sắp sẵn, mọi người lần lượt tiến vào khu vực, vị trí ấn định dành cho các họ đạo, đoàn thể, giáo dân trong trật tự và trang nghiêm bao quanh Hoa Viên.

Khi mọi người đã ổn định vị trí, Đức TGM Philip Wilson đọc lời nguyện làm phép Tượng Đài, sau đó Ngài đã lên sát chân Tượng Đức Mẹ rảy nước thánh, xông hương đi vòng quanh thánh tượng và làm phép những ngọn nến kỷ niệm, có hình Đức Mẹ mà nhiều giáo dân cầm sẵn trên tay.



Tiếp theo sau là diễn từ của Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm cộng đồng. Đức ông Quản nhiệm đã bày tỏ niềm vui chung của Cộng Đồng Công Giáo VN - Nam Úc, sự kiện quan trọng về công tác xây dựng tượng đài Đức Mẹ Thuyền Nhân đầy ý nghĩa này. Một dấu tích ghi sâu trong lòng mọi người, khi nhận được những ơn lành từ Thiên Chúa qua sự cầu bầu của Đức Maria với tước hiệu Mẹ Thuyền Nhân, một ân huệ dành cho những người Việt Nam trên đường vượt biển tìm tự do.

Trong dịp này Đức ông Nguyễn Minh Tâm cũng đã ngỏ lời tri ân đến Đức Tổng Giám Mục, Đức ông David Cappo cha chính giáo phận đã chấp nhận cho phép Cộng Đồng thực hiện công trình, cám ơn Cha Gioan B. Nguyễn Viết Huy Sj và BMV cùng HĐMV đương nhiệm, quý ân nhân và toàn thể giáo dân đã góp phần để hoàn thành công trình xây cất Tượng Đài. Ngài cũng ngỏ lời tri ân đến quý Linh mục, quý Ban Mục Vụ và Hội Đồng Mục Vụ tiền nhiệm trong suốt qúa trình thành lập, xây dựng và phát triển của hơn 30 năm qua. Quí Cha: Âutinh Nguyễn Đức Thụ Sj, cha Phanxicô Trịnh văn Phát, cha Canut Nguyễn Thái Hoạch, cha Giuse Phạm Minh Ước Sj, cha Giuse Vũ đình Tường, cha Phêrô Phạm văn Ái Sj, cha PhêrôTrần văn Trợ Sj, nữ tu Bùi thị Nghĩ RSM đã góp phần lớn lao và sự thành lập, duy trì và phát triển Cộng Đồng Công Giáo VN/NÚ.

Kết thúc lời phát biểu của Đức ông Quản nhiệm và ông Chủ Tịch Cộng Đồng Nguyễn Quốc Hiệp là nghi thức mở màn Khánh Thành, tấm màn màu xanh trắng (biểu tượng của Mẹ Maria) dưới chân tượng, do Đức ông đại diên Ban Tuyên Uý và ông Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo VN- NU đại diện mọi tín hữu trong Cộng Đồng.

Tấm màn bao phủ dưới chân tượng được kéo xuống, hình ảnh Mẹ Thuyền Nhân tỏa sáng trên nền trời xanh để mọi người chiêm ngắm. Việc mở màn trong ngày Khánh Thành, tượng trưng cho việc xin Chúa mở mắt chúng ta, cho chúng ta nhìn thấy những công việc kỳ diệu Ngài làm trong đời sống Đức Mẹ và xin Chúa mở mắt chúng ta để nhìn thấy ơn lành Ngài ban trong đời sống chúng ta.

Sau dó, Chủ Tế Đoàn, các Tu sĩ, các Quan khách và Hội Đồng Mục Vụ được mời lên, tiến dâng những đoá hoa hồng tươi thắm cho Đức Mẹ.

XEM HÌNH NƠI ĐÂY

XEM VIDEO CLIP I

XEM VIDEO CLIP II

Trong ngày Khánh Thành cũng cần nhắc qua về tượng Mẹ Thuyền Nhân đặt tại tâm điểm hoa viên Cộng Đồng.

Tượng được tạc bằng loại đá cẩm thạch đặc biệt (Marble), màu trắng đục (Pearl) cao 4 mét, vai rộng 1 mét, trọng lượng khoảng 9 tấn.

Bệ đế của tượng (Statue base) có chiều cao 2 mét, đường kính khoảng 1.2 mét, bằng loại đá hoa cương (Granite) trọng lượng khoảng 6 tấn, hình tròn, bệ đế hình thù giống như cái chày hay quân cờ King - Queen.

Phía chân đế đặt xuống đất, hình bát giác. Phía đầu trên của bệ, dưới chân Đức Mẹ đứng, hình tròn, tạo nên một sắc diện hài hòa.

Mẹ Thuyền Nhân đứng trên sóng nước, áo choàng tỏa bay, quyện theo sóng nước, như tỏa lan một sức mạnh khắc phục những cơn sóng gió ba đào, cứu giúp con cái của Mẹ đang bị vùi dập dưới những cơn sóng dữ biển khơi. Mẹ bồng Chúa Giêsu trên cánh tay, hình ảnh Mẹ đem Chúa đến với con cái Mẹ để qua quyền năng, Chúa dẹp yên sóng dữ ba đào cho người vượt biển tìm đến bến bình yên.

Tượng Đức Mẹ và đế bệ, do một công ty điêu khắc, tạc tượng thẩm mỹ nổi tiếng tại Biên Hòa, Việt Nam thực hiện, qua một thời gian dài tỷ mỷ chạm trổ, công trình đã hoàn tất năm 2010 và sau đó được vận chuyển bằng đường tầu từ VN sang Úc, cập cảng Port Adelaide, vào ngày 15/2/2012 tượng Đức Mẹ được dời về đến trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân Pooraka và đến ngày 17/2/2012 tượng được an vị tại trung tâm, sau gần 4 tháng xây dựng và trang trí, một hoa viên khang trang với tượng đài Đức Mẹ uy nghi được hoàn tất và khánh thành tại trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân Nam Úc vào ngày Chúa Nhật 03-6-2012.

Hòa trong niềm vui chung của cả Cộng Đồng, Đức TGM và quý Cha cùng các vị hữu trách đại diện Cộng Đồng đã dâng lên Đức Mẹ những đóa hoa tươi để nói lên tâm tình tạ ơn Đức Mẹ. Cũng trong tâm tình tạ ơn Đức Mẹ, kết thúc nghi thức làm phép hoa viên Tượng Đài Đức Mẹ Thuyền Nhân là phép lành của Đức Tổng Giáo Mục và các Cha đồng tế.

Lồng trong buổi khánh thành hoa viên Đức Mẹ Thuyền Nhân là ngày Hội Ngộ của Cộng Đồng.

Đây là dịp để mọi người có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, nhằm thắt chặt tình hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà trong tình yêu Thiên Chúa. Đức TGM Philip và Đ/ô Quản nhiệm đã khai mạc ngày Hội Ngộ Cộng Đồng năm 2012 trong niềm vui vô bờ của mọi giáo dân hiện diện.

Mặc dù với rất nhiều công việc đa đoan chuẩn bị cho lễ khánh thành hoa viên Đức Mẹ. Ban Tổ Chức với sự góp sức của các Họ Đạo, các Đoàn thể và các Ban, Ngành đã chuẩn bị thật chu đáo cho chương trình sinh hoạt và tiệc mừng ngày Hội Ngộ năm nay.

Sau Thánh Lễ và nghi thức khánh thành Tượng Đài, thời gian cũng đã đến giờ ăn trưa. Các lều phân phối thức ăn đã được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ phần ăn trưa cho mọi người. Với một thực đơn phong phú và những món ăn ngon miệng, mọi người lần lượt theo thứ tự sắp hàng đến nhận những phần ăn trưa, nhận nước uống, trái cây, rồi quy tụ thành từng nhóm, từng gia đình vui vẻ chung, chia những món ăn khoái khẩu do những tay đầu bếp kinh nghiệm trong Cộng Đồng với tinh thần tình nguyện phục vụ trong ngày Hội Ngộ.

Trên sân khấu chính, một chương trình văn nghệ phụ diễn với những bài ca, những điệu vũ thật ngoạn mục được mọi người tán thưởng, cùng với những chương trình thi giáo lý, thi đua thể thao, trò chơi và các giải thi đua các bộ môn cờ tường, bóng bàn, đánh cờ, tô màu v.v..

Đặc biệt trong ngày hội ngộ năm nay các căn lều mang sắc thái riêng của họ đạo, đoàn thể, ban ngành, được khuyến khích tổ chức, nhằm giới thiệu những sinh hoạt đặc thù của từng đơn vị đến với mọi người.

Trong dịp này có sự góp mặt của các căn lều như: Họ đạo Mông triệu, hội Đạo Binh Đức Mẹ, hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Huynh đoàn Dòng Ba Đaminh, xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, ban Y Tế, lều trưng bày Cây Kiểng và Bonsai v.v. đặc biệt căn lều của Tiểu Ban Truyền Thông (TBTT) Cộng Đồng cũng được thiết lập nhằm giới thiệu những hình ảnh, slide show, video clip và các buổi Hội thoại, phỏng vấn liên quan đến công trình xây dựng tượng đài Đức Mẹ Thuyền Nhân từ lúc khởi công cho đến ngày khánh thành. Những hình ảnh ghi nhận được của TBTT sẽ là những tài liệu góp phần vào những giai đoạn hình thành và phát triển sinh hoạt chung của Cộng Đồng.

Trong niềm vui chung của Cộng Đồng nhân ngày khánh thành tượng đài Đức Mẹ Thuyền Nhân; Nhìn lên tượng Mẹ hẳn rất nhiều người trong chúng ta đều ít nhiều, nhớ đến thời điểm kinh hoàng của dấu chân người vượt biển, đến nay cũng đã qua 37 năm và đã dần đi vào dĩ vãng. Giờ thì nhiều gia đình được đoàn tụ, có được một cuộc sống an vui hạnh phúc trên quê hương mới.

Nhìn chung, chúng ta không thể phủ nhận tất cả những cái chúng ta đang có đều được phát xuất từ những đoạn đời gian khổ của người tỵ nạn bằng thuyền. Dù là đoàn tụ, di dân hay bằng bất cứ hình thức nào khác, thì việc hiện diện của chúng ta tại đất Úc tự do cũng là một thách đố lớn lao mà người thân của chúng ta đã phải trải qua rồi. Vì thế chúng ta hãy chung lời tri ân và cảm tạ Mẹ Thuyền Nhân, nhờ Mẹ và qua lời cầu bầu của Mẹ, gia đình chúng ta có được cuộc sống êm ấm hạnh phúc trên xứ sở an bình này.



Giờ đây đứng trước tượng đài Đức Mẹ Thuyền Nhân, an vị ngay trên mảnh đất giữa trung tâm, mang tước hiệu Mẹ mà rất nhiều người Công Giáo Việt Nam - Nam Úc đã góp công, góp của hoàn thành.

Có Mẹ ở với chúng ta, chúng ta ước mong luôn được núp bóng Mẹ hiền, mong được Mẹ dắt dìu phù trợ trên bước đường vượt biển trần gian để về quê Trời. Giờ có Mẹ hiện diện, mỗi buổi sáng đến viếng Mẹ, buổi chiều nghe tiếng cầu kinh rộn rã nơi đài Mẹ, xin Mẹ chấp nhận những tấm lòng thành kính trong công việc tri ân cảm tạ Mẹ và trả công cho những tấm lòng đã góp công, góp của trong việc xây dựng một công trình kính Mẹ nói nên lòng con thảo của Cộng Đồng chúng ta.

Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng đã soạn một bản kinh, để mọi tín hữu có thể đọc hàng ngày, khi chạy đến khẩn cầu cùng Đức Mẹ Thuyền Nhân, xin Mẹ che chở phù trì

 
Giáo xứ Hàng Bột: Chầu Thánh Thể thay mặt giáo phận
GX Hàng Bột
07:06 05/06/2012
Chúa nhật ngày 03 tháng sáu, Lễ Kính Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, cộng đoàn giáo xứ Hàng Bột vinh dự được chầu Thánh Thể thay mặt giáo phận.

Xem hình ảnh

Đến với ngày chầu lượt, cộng đoàn giáo xứ vui mừng được đón tiếp Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, Cha quản hạt chính tòa Alphongsô Nguyễn Ngọc Châu và các quý Cha trong giáo phận cùng với sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn giáo xứ. Ngoài ra, còn có cộng đoàn các giáo xứ trong giáo phận về hiệp thông với giáo xứ Hàng Bột trong ngày chầu lượt như: giáo họ Đạo Nguyên, giáo xứ Mỗ Xá, giáo xứ Lưu Xá, giáo xứ Thượng Lao, giáo xứ Nam Định và các giáo xứ trong hạt Chính tòa.

Trong ngày chầu lượt của giáo xứ có 4 Thánh lễ, trong đó có 2 Thánh lễ Đồng tế.

Thánh lễ thứ nhất lúc do Cha xứ Phaolô Nguyễn Văn Kiều chủ sự lúc 6 giờ 30 sáng. Sau Thánh lễ, Ngài chủ sự nghi thức khai mạc ngày chầu lượt của giáo xứ.

Thánh lễ thứ hai được diễn ra lúc 10 giờ sáng, do cha Alphongso Nguyễn Ngọc Châu, quản hạt Chính Tòa – Chính xứ Hàm Long chủ tế, cùng đồng tế với Ngài còn có 7 cha trong giáo phận.

Thánh lễ thứ ba được diễn ra lúc 5 giờ chiều, do Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng chủ sự, đồng tế với Ngài có cha xứ Phaolô Nguyễn Văn Kiều.

Và Thánh lễ tạ ơn kết thúc ngày chầu lượt do cha Antôn Nguyễn Văn Độ - phó xứ Đại Ơn chủ sự.

Ngày chầu của giáo xứ được diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng và mang lại mỗi người đến dự nhiều lợi ích thiêng liêng, nhất là Mầu nhiệm Một Chúa Trời Ba Ngôi ngự trong Bí tích Thánh Thể.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phải chăng người ta có thể trả giá cho một Thánh Lễ?
Lm Nguyễn Hữu Thy
01:10 05/06/2012
Phải chăng người ta có thể trả giá cho một Thánh Lễ?

Bình thường, hầu như tất cả các tín hữu Công Giáo đều đầy lòng tin tưởng khi họ đến xin một vị Linh Mục dâng Thánh Lễ để cầu nguyện cho một ý nguyện nhất định nào đó của họ, như cầu xin ơn bình an cho gia đình, cho con cái hay cầu nguyện cho linh hồn các người thân đã qua đời, v.v…Và những ý nguyện ấy thường được gọi là „ý lễ“ (Meßintentionen). Trên thực tế, người tín hữu thường đến văn phòng giáo xứ để gặp cha Quản Xứ hay thư ký giáo xứ và trình bày ý nguyện xin lễ của mình và sau đó dâng một số tiền nào đó theo quy định của Giáo Phận, của Giáo xứ hay tuỳ lòng hảo tâm của đương sự, số tiền này được gọi là „bổng lễ“.

Vấn đề tiền xin lễ hay bổng lễ này đã khiến không ít người từng thắc mắc tự hỏi: Phải chăng người ta có thể mua được ơn thánh và sự chúc phúc của Thiên Chúa? Phải chăng con người có thể mặc cả với Thiên Chúa về ân sủng thiêng liêng bằng tiền bạc vật chất? Nói cách khác, phải chăng người ta có thể trả giá cho một Thánh Lễ?

Một thoáng nhìn lui lại dấu ấn lịch sử

Để có cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn về vấn đề „tiền xin lễ“ hay „bổng lễ“ người ta cần nhìn lại dấu tích lịch sử của vấn đề ngay từ thời Giáo Hội tiên khởi. Vào thời kỳ này của Giáo Hội, các tín hữu thường tập trung tại một địa điểm nhất định nào đó để cùng nhau cử hành „Lễ Bẻ Bánh“ mà sau này được gọi là „Thánh Lễ Mi-sa“, hay đơn giản hơn: „Thánh Lễ“; theo ngôn ngữ tân thời người ta còn gọi là „Cử hành Bí tích Thánh Thể“, thì họ không chỉ cử hành các Lễ Nghi Phụng Vụ theo nghĩa chúng ta hiểu ngày nay, nhưng cuộc cử hành Lễ Bẻ Bánh đó còn được gắn liền với một bữa ăn chung thân mật trong tình huynh đệ, bữa ăn A-ga-pê, giữa các tín hữu có mặt, mà các thức ăn thức uống cho bữa ăn ấy đã được các tín hữu tự nguyện mang theo khi họ đến tham dự Lễ Bẻ Bánh, tức Thánh Lễ. Dĩ nhiên lắm lúc họ cũng đã không tránh được những thiếu sót và những xử sự lệch lạc trong bữa ăn chung này, nên đã gây ra nhiều tiêu cực và thái độ thiếu thông cảm trong cộng đoàn, giữa những tín hữu giàu và những tín hữu nghèo, khiến thánh Phaolô phải viết thư cảnh tỉnh và nhắc bảo họ. (x.1Cr 11,17-34),

Trong số các thức ăn thức uống hay các hoa quả khác được các tín hữu mang đến cho bữa ăn A-ga-pê ấy trong Ngày Của Chúa, Ngày Chúa Nhật, ngày cộng đoàn các tín hữu cử hành Thánh Lễ Mi-sa, người ta trích ra một số nào đó để giúp vào cuộc sống vật chất của vị Trưởng Lão coi sóc cộng đoàn, tức vị Linh Mục, với những công tác như: Chủ sự các Thánh Lễ cũng như công việc săn sóc và thăm viếng an ủi các thành viên trong cộng đoàn, nhất là những người già nua, neo đơn hay bệnh tật, v.v…, mà ngày nay người ta gọi là „công tác Mục Vụ.“ Tiếp đến, khi các gia đình muốn xin vị Linh Mục dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho những ý nguyện riêng của mình, thì để tỏ lòng biết ơn vị Linh Mục và để giúp đỡ ngài trong cuộc sống hằng ngày, họ đã mang đến cúng biếu ngài các thứ thổ sản mà họ có được từ các nghề sinh sống của họ, chứ tuyệt đối không phải để trả thù lao cho ngài đã dâng Lễ cầu nguyện cho họ.

Đàng khác, trong các thế kỷ đầu, các vị Linh Mục cũng phải kiếm ăn sinh sống bằng một nghề nghiệp như bao người khác, và các ngài chỉ nghỉ việc khi trong cộng đoàn có nhu cầu khẩn cấp cần đến sự giúp đỡ của các ngài, như: thăm viếng và xức dầu bệnh nhân, các cuộc họp mặt của các tín hữu, nhất là trong ngày cử hành Thánh Lễ cho cộng đoàn các tín hữu. Và vì phải lo cho cộng đoàn như thế, nên đời sống của vị Linh Mục không tránh được sự chật vật và vất vả. Về sau, để giúp giải quyết những khó khăn phát sinh từ công việc làm ăn kiếm sống hằng ngày và nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn của vị Linh Mục, hầu để ngài được toàn tâm toàn lực chỉ lo cho công việc của cộng đoàn mà thôi, các tín hữu đã tự động đóng góp tiền bạc hay các thổ sản vật chất do họ làm ra được từ các nghề nghiệp khác nhau của họ, để bảo đảm cuộc sống kinh tế của vị Linh Mục Quản Xứ cũng như để giúp ngài trong việc trang trải các chi phí cho đèn nến, hoa hòe hay các chi phí khác thuộc lãnh vực trang trí và phụng vụ trong nhà thờ. Đây cũng là lý do cắt nghĩa tại sao các Giáo Xứ thường chiếm giữ một số bất động sản nào đó, như vườn tược, ruộng nương hay nhà cửa.

Vào thời trung cổ, hình thức giúp đỡ các vị Linh Mục bằng cách xin lễ với bổng lễ kèm theo đã trở thành một tập tục rất phổ thông. Nhiều người còn xin vị Linh Mục trong một lần nhiều ý lễ khác nhau để ngài cầu nguyện theo ý chỉ của họ, và đồng thời họ cũng dâng cúng cho vị Linh Mục một số tiền nhất định nào đó. Dĩ nhiên, trong trường hợp một lần xin nhiều lễ như thế, người xin lễ không thể đích thân tham dự các Thánh Lễ mà vị Linh Mục dâng để cầu nguyện cho họ. Ngày nay thói quen „xin lễ“ và „dâng lễ“ theo hình thức này hầu như vẫn còn được thực hành ở nhiều nơi trong Giáo Hội.

Sự phản đối và sửa sai

Ở điểm này, đặc biệt Martin Luther và các anh em Tin Lành đã cực lực phản đối vấn đề bổng lễ. Theo họ, kiểu thực hành việc xin lễ và dâng lễ như thế, tức dâng lễ kèm theo bổng lễ, sẽ làm cho sự cứu rỗi của con người không còn là ơn thánh nhưng không (gratuit) của Thiên Chúa ban cho con người nữa, nhưng là một điều người ta có thể chiếm đạt được bằng tiền bạc vật chất. Có lẽ sự phản đối này của Luther và của các anh em Tin Lành không phải là sự phản đối duy nhất và đầu tiên, nhưng là một sự phản đối quen thuộc nhất chống lại Giáo Hội Công Giáo, và nhất là sự phản đối ấy không hoàn toàn thiếu cơ sở. Chính thánh Thomas Aquinô, nhà thần học thời danh thời trung cổ cũng đã cảnh cáo trước những thực hành có thể gây nên sự hiểu lầm này. Ngay cả Công đồng Trient (1545-1563) cũng dạy rằng sự tham dự vào việc cử hành Thánh Lễ một cách thực tiễn và thái độ cơ bản đích thực (Disposition) đóng vai trò quyết định để Bí tích thực sự trở nên có hiệu quả.

Ở đây, khoa thần học thế kỷ 20 còn nhấn mạnh đến nhiều phương diện khác nữa. Trước hết, khoa thần học nhắc lại rằng ơn thánh Chúa không được nhìn và đánh giá theo khía cạnh giá trị vật chất mà người ta có thể cầm được trong tay như một đồ vật hay có thể đếm được như các của cải vật chất. Ơn thánh Chúa không phải là một đồ vật, nhưng là một mối tương quan, mà Thiên Chúa vì lòng yêu thương vô biên của Người đã thiết lập với con người.

Nếu vậy, câu trả lời cho vấn nạn được nêu ra „phải chăng người ta có thể trả giá cho một Thánh Lễ“ đã quá rõ ràng. Tự bản chất, việc cử hành Thánh Lễ và tiền bổng lễ là hai lãnh vực hoàn toàn khác biệt và độc lập với nhau. Ân sủng siêu nhiên là ơn nhưng không của Thiên Chúa ban cho nhân loại, chứ không thể mua bằng tiền bạc được. Còn bổng lễ phải được coi là tiền cúng biếu tự nguyện như vừa đề cập ở trên.

Nhưng đàng khác, trên thực tế chúng ta cũng đừng quên rằng, trừ trường hợp đặc biệt tại một số rất ít các nước – như tại CHLB Đức, Thụy Sỹ, Pháp hay Tiệp Khắc, v.v…, các vị Linh Mục Quản Xứ được cấp cho một số lương nào đó đều đặn hàng tháng – còn tại đa số các nước khác trên thế giới, nhất là tại các vùng truyền giáo như trường hợp ở Việt Nam, các vị Linh Mục phụ trách các Giáo Xứ không nhận được tiền lương nhất định, mà hoàn toàn sống nhờ vào sự giúp đỡ hay cúng biếu tự nguyện của các tín hữu, trong đó phải kể cả tiền lễ hay bổng lễ, tức tiền các tín hữu dâng cúng cho vị Linh Mục khi họ xin ngài dâng lễ cầu nguyện cho ý chỉ của họ,. Nhưng tự bản chất của nó, như vừa nói, bổng lễ không phải điều kiện tiên quyết để một vị Linh Mục dâng lễ cầu nguyện cho ý nguyện một người nào đó. Vì thế, khi một người xin lễ, nhưng vì điều kiện kinh tế hoàn toàn bất khả, không thể có bổng lễ kèm theo được, thì theo quy định của Giáo Luật (GL) bó buộc vị Linh Mục liên hệ cũng phải dâng lễ chỉ theo ý người ấy (GL, điều 945, §2).

Dĩ nhiên, trong mọi trường hợp, bó buộc lương tâm các vị Linh Mục phải tuân giữ đúng theo quy định của Giáo Luật, tức mỗi ngày dù vì hoàn cảnh bắt buộc các ngài phải chỉ nhiều ý lễ trong một Thánh Lễ hay làm nhiều Lễ với các bổng lễ khác nhau, thì các ngài cũng chỉ được phép nhận một bổng lễ mà thôi, số bổn lễ còn lại các ngài bó buộc phải gửi về Tòa Giám Mục sở tại (GL, điều 951,§1 &2). Trong trường hợp này, đương nhiên không có luật nào cấm các vị Linh Mục được phép chọn cho mình bổng lễ „béo“ hơn trong số các bổng lễ, vì ngoài bổng lễ ra các ngài không còn khoản thu nhập chính thức nào khác nữa. Và chẳng những các Linh Mục Quản Xứ có quyền lo cho cuộc sống tại chức của mình, mà còn cho cả những năm tháng sau này khi các ngài về hưu. Và đó là điều hoàn toàn hợp lý, vì „thợ thì đáng được nuôi ăn.“ (Mt 10,10b). Đây là điều quan trọng mà những người không đồng ý về vấn đề bổng lễ cũng cần phải khách quan nhìn nhận.

Tuy nhiên, ở điểm này, chúng ta cũng phải thành thật thừa nhận rằng tại một số ít các Giáo Xứ ở Việt Nam, đặc biệt ở các Giáo Xứ vùng quê, đã và đang có một vài áp dụng thực hành không đúng. Thật vậy, vì „nhân bất thập toàn“, đã là người thì không ai là hoàn hảo mười phân vẹn mười cả, nên dù mang trên mình ấn tín thánh chức Linh Mục, nhưng các vị Linh Mục luôn vẫn là những con người bất toàn như bao con người khác và đang bước đi trên con đường tiến về sự hoàn thiện. Bởi vậy, vì do nhu cầu hoàn cảnh sống thực tế đưa đẩy, một số các vị Quản Xứ đã không tránh được những áp dụng lệch lạc. Chẳng hạn: trong các dịp lễ an táng, lễ giỗ, nhất là lễ cưới hỏi, v.v…, ngoài các quy định chính thức của Giáo Phận ra, các ngài còn đặt thêm những tiêu chuẩn áp dụng riêng. Ví dụ: để làm cho các hình thức tổ chức bên ngoài của việc cử hành Thánh Lễ thêm phần long trọng hơn, như: thắp bao nhiêu ngọn nến trên bàn thờ, giật bao nhiêu hồi chuông, cho chạy máy điện hay chỉ sử dụng đèn dầu hoặc có treo cờ hay không, v.v…, tất cả đều tùy thuộc vào số tiền xin lễ nhiều hay ít của gia chủ. Nhưng tất cả những áp dụng này chẳng những hoàn toàn nằm ngoài các quy định của Giáo Luật, mà còn chứa đựng nhiều nguy hiểm khiến các giáo dân chẳng những đua đòi cạnh tranh nhau, mà nhất là làm cho họ hiểu sai ý nghĩa siêu nhiên cao cả của Thánh Lễ, và sau cùng có thể đưa đến chỗ „buôn thần bán thánh“, đến chỗ làm thương mại trên bổng lễ (x. GL, điều 947), gây nên xì-căn-đan. Chắc chắn rằng những áp dụng sai trái này cần phải sớm được chấn tỉnh và chấm dứt, và phải tuân thủ theo đúng các quy định của Giáo Luật hay của giáo quyền sở tại, chứ không thể ngụy biện cho rằng „lệnh vua thua lệ làng“ để tiếp tục được.

Tại CHLB Đức, như đã nói trên, vì các Linh Mục Quản Xứ hàng tháng nhận được một số tiền lương vừa đủ bảo đảm cho cuộc sống và các sinh hoạt hằng ngày của các ngài, nên các ngài ít bị rơi vào sự „cám dỗ“ nguy hiểm của bổng lễ và những vấn đề kèm theo. Đàng khác, số tiền lễ do các giáo dân xin – mà theo Ta-ríp chung thì thường quy định mỗi lễ chỉ vào khoảng 6Euro – thường không do các cha Quản Xứ phụ trách, nhưng thuộc quỹ Giáo Xứ do vị thủ quỹ Giáo Xứ hay thư ký văn phòng Giáo Xứ tiếp nhận, ghi vào sổ lễ và quản lý, và hằng năm hay hằng quý họ sẽ chuyển đi để giúp đỡ Giáo Hội ở các nước nghèo trên khắp thế giới, dĩ nhiên với sự chấp thuận của Cha Xứ.

Ân sủng, một nghĩa cử của tình yêu bao dung của Thiên Chúa

Trọng tâm của ý chỉ hay ý lễ mà người giáo dân khi xin một vị Linh Mục dâng lễ cầu nguyện cho là gì? Đó chính là ân sủng của Thiên Chúa. Và như đã nói ở trên, ân sủng của Thiên Chúa không phải là một món hàng trao đổi, mua đi bán lại giữa các đối tác thương mại, nhưng là mối tương quan nghĩa thiết giữa Thiên Chúa và con người, hay nói đúng hơn là tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua sự tác động của Chúa Thánh Thần. Điều đó có nghĩa, khi chúng ta cầu nguyện hay xin lễ cho một người nào đó, chúng ta gắn bó chính mình với tình yêu Thiên Chúa trong một sự quan tâm và liên đới huynh đệ với người ấy.

Vì thế, tình yêu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người chỉ được thể hiện một cách cụ thể và cao độ nhất trong khi cử hành Thánh Lễ Mi-sa, trong khi cử hành nhiệm tích Thánh Thể, nghĩa là cử hành tình yêu Thiên Chúa. Vậy, cầu nguyện và việc cử hành Thánh Lễ Mi-sa không phải một hành động thương mại trao đi đổi lại, và hoàn toàn không được tính toán sòng phẳng theo kiểu nhân loại: „Tiền trao cháo múc“, tôi cho anh cái này, anh phải trao lại tôi cái kia, vì Thiên Chúa ban cho con người các ân sủng của Người hoàn toàn một cách nhưng không (gratuitement), chứ không dựa trên công trạng của con người. Nói cách khác, ân sủng Thiên Chúa ban cho con người hoàn toàn là một nghĩa cử của tình yêu bao dung của Người dành cho con người.

Hành động vì người khác

Tiếp đến, còn thêm một suy tư khác: Phải chăng chúng ta có thể làm được điều gì đó để giúp đỡ những người khác? Và chúng ta có thể làm được điều gì đó để giúp đỡ những người khác, khi chính những người ấy không thể tự giúp được mình nữa, như trường hợp những người đã qua đời?

Câu trả lời cho những thắc mắc trên là điều chúng ta đã, đang và sẽ làm trong chính lúc chúng ta cầu nguyện, nhất là trong lời cầu giúp nguyện thay cho các anh chị em đồng loại của chúng ta trong các Thánh Lễ hay trong khi cử hành các lễ nghi phụng vụ khác mà người ta vẫn gọi là „Lời Nguyện Giáo Dân“. Bởi vì đức tin dạy cho chúng ta biết chắc chắn rằng, với lời cầu nguyện thành tâm và đầy lòng tin yêu phó thác của chúng ta, Thiên Chúa sẽ tác động và biến đổi trong tâm hồn và nơi cuộc sống một người nào đó, mà theo sức lực tự nhiên của loài người được coi là hoàn toàn vô vọng và bất khả, như Thánh Kinh đã khẳng định: „Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được„(Lc 1,37), hay: „Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở cho“(Lc 11,9-11). Ở đây, để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể đưa ra một ví dụ cụ thể: Nếu một người vì bất lực hay vì một lý do bất khả kháng nào đo khiến anh không thể thi hành được một công tác đã được trao phó mà anh bó buộc phải hoàn thành, nhưng lại có một người khác muốn giúp đỡ anh nên đã tự nguyện làm thay cho anh và đã hoàn thành tốt công tác ấy, thì tất nhiên anh không còn phải chịu trách nhiệm về công tác đã được trao phó nữa. Vì chính anh tự chu toàn tốt công tác được trao phó cho mình hay một người khác làm thay cho anh, thì đều không có gì khác biệt.

Điều này chúng ta có thể hiểu về phương diện dâng lễ cầu nguyện cứu giúp các linh hồn trong luyện ngục. Chúng ta biết rằng, sau khi chết, các linh hồn tuyệt đối không còn làm được gì nữa để tự cứu mình: họ không phạm tội thêm mà cũng không thể làm được các việc lành phúc đức nữa. Tình trạng các linh hồn khi chết ra sao thì luôn vẫn vậy, không còn thay đổi được nữa, vì thời giờ lập công ở đời này của họ đã qua. Nhưng chúng ta, bao lâu còn sống trên cõi đời này, chúng ta luôn còn có điều kiện để lập công cho mình và lập công để cứu giúp các linh hồn trong luyện ngục bằng lời cầu nguyện sốt sắng, bằng các việc lành phúc đức của mình, nhất là bằng việc xin lễ và tham dự các Thánh Lễ để cầu nguyện cho các ngài.

Thật vậy, qua lời cầu nguyện, nhất là qua sự tham dự tích cực vào việc cử hành Thánh Lễ Mi-sa, chúng ta tín thác và tin tưởng vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Như thế chúng ta đã thực hiện một hình thức liên đới siêu nhiên với các anh chị em đồng loại của chúng ta qua một cộng đồng siêu nhiên, tức cộng đồng của những người tự liên kết với nhau trong đức tin, một cộng đồng không dựa trên nền tảng mang tính cách trần thế, nhưng dựa trên nền tảng đức tin vào Đức Kitô và tình bác ái huynh đệ. Và đương nhiê, ở đây cũng tuyệt đối không có sự tính toán và sòng phẳng theo kiểu nhân loại. Tình yêu không bao giờ là một sự tính toán, một sự sắp đặt hay một sự trao đổi sòng phẳng. Tình yêu luôn tìm kiếm những con đường cũng như bắc lên những nhịp cầu khả dĩ để nối kết giữa những người yêu nhau.

Cộng đồng tính, đặc điểm của việc cử hành Thánh Lễ

Việc cử hành Thánh Lễ là một nghi lễ phụng vụ cộng đồng các tín hữu, tức với sự tham dự thực tiễn của các tín hữu, vì thế phải được đặt lên trên các việc cử hành Phụng Vụ mang tính cách riêng tư. Ở điểm này, trong Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Consilium (SC), Công đồng Vatican II đã minh định: „Mỗi khi các nghi lễ, theo bản chất đặc biệt của chúng, gồm việc cử hành cộng đồng với sự tham dự đông đảo và linh hoạt của giáo dân thì nên nhớ rằng phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và riêng rẽ. Điều này có giá trị đặc biệt cho việc cử hành Thánh Lễ, dầu bản tính cộng đồng và xã hội của Thánh Lễ vẫn luôn luôn được duy trì, và còn có giá trị cho việc ban phát các Bí tích“ (SC, số 27).

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những hướng dẫn tổng quát trong Sách Lễ Roma, tức theo nguyên tắc, khi cử hành Thánh Lễ nếu có các em giúp lễ thì cũng đủ để hiểu là Thánh Lễ ấy có sự tham dự của cộng đồng. Ngoài ra còn một số trường hợp hoàn toàn đặc biệt, vị Linh Mục cũng có thể được phép dâng Thánh Lễ một mình. Ở đây, chúng ta có thể liên tưởng tới trường hợp đặc biệt của Đức HY Nguyễn Văn Thuận. Suốt hơn 13 năm bị cô lập hoàn toàn trong nhà tù khắc nghiệt của CSVN, ngài đã hằng ngày dâng lễ một mình với một mẫu bánh nhỏ xíu và một giọt rượu trong lòng bàn tay. Nhưng đây là những Thánh Lễ long trọng nhất, vì đã được dâng „trên thập gia“ của sự đau khổ tột cùng, như Hy Lễ Đức Kitô dâng xưa trên núi sọ.

Nhưng chúng ta cần nhắc lại một lần nữa, ngoài các trường hợp đặc biệt, thì tự bản chất của Thánh Lễ Mi-sa, việc cử hành Thánh Lễ luôn luôn phải là một việc cử hành mang tính cách cộng đồng. Để nhấn mạnh và làm sáng tỏ cộng đồng tính của việc cử hành Thánh Lễ, thì một vài chi tiết cụ thể trong công cuộc cải tổ Phụng Vụ của Công đồng là Thánh Lễ được cử hành bằng ngôn ngữ địa phương và khi dâng lễ vị Linh Mục chủ tế quay mặt xuống cộng đoàn giáo dân. Điều ấy muốn nói rằng việc cử hành Thánh Lễ là công việc của cả cộng đoàn các tín hữu và vị Linh Mục chủ tế, chứ không phải công việc riêng của vị Linh Mục chủ tế mà thôi. Vai trò chính yếu và quan trọng nhất của vị Linh Mục chủ tế là thay mặt cộng đoàn chủ sự Thánh Lễ, tức đại diện cộng đoàn tín hữu dâng lên Thiên Chúa hy lễ của cả cộng đoàn và của chính mình, như lời kêu mời của ngài trong tất cả mọi Thánh Lễ trước khi đọc lời Truyền Phép: „Anh chị em hãy cầu nguyện, để hy lễ của tôi cũng như của anh chị em được Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chấp nhận“, và tiếp liền sau đó cả cộng đoàn phụng vụ cũng đồng thanh đáp lại: „Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người.“

Tất cả những điều ấy muốn khẳng định rằng, sự tương quan của vị Linh Mục với Phép Thánh Thể, hay nói rõ hơn: với Thiên Chúa trong khi cử hành Thánh Lễ, không thể tách rời khỏi sự tương quan của ngài với cộng đoàn các tín hữu đang tham dự Thánh Lễ. Chính câu đáp lại của cộng đoàn phụng vụ vừa được trích lại ở trên: „…và mưu ích cho chúng ta…“, chứ không phải: „…và mưu ích cho chúng tôi hay chúng con…“ cũng đã khẳng định rằng, khi cử hành Thánh Lễ vị Chủ Tế và các tín hữu tham dự liên kết thành một cộng đoàn phụng vụ duy nhất. Và vì thế, tự bản chất của nó, sự tương quan giữa vị Linh Mục chủ tế và các tín hữu tham dự phải thực tiễn và cụ thể trong một nghi thức cử hành chung, chứ không thể qua một sự tương quan trong tinh thần hay trong tâm trí mà thôi. Nói cách khác, người tín hữu muốn được hưởng những ơn ích của Thánh Lễ Mi-sa, thì phải hiện diện một cách thực tiễn và cụ thể trong khi cử hành Thánh Lễ, chứ không chỉ thông công kiểu „hàm thụ“ bằng tâm trí.

Kết luận

Một trong những bổn phận quan trọng thuộc sứ mệnh của thiên chức làm người Kitô hữu của chúng ta, là phải cầu nguyện cho mọi người khác, nhất là qua việc tham dự các Thánh Lễ một cách sốt sắng và đầy lòng yêu mến. Tất nhiên, mỗi tín hữu còn có thể tự liên kết mình với việc cử hành Thánh Lễ một cách đặc biệt và sâu xa hơn bằng một hay nhiều ý nguyện nhất định nào đó mà người ấy đã gửi gắm nơi vị Linh Mục. Trong trường hợp này, nếu người tín hữu dâng cúng một số tiền nào đó cho việc cử hành Thánh Lễ theo ý chỉ của họ, thì nghĩa cử đó phải được hiểu là để góp phần nâng đỡ cuộc sống vị Linh Mục và các sinh hoạt của Giáo Hội (x. GL, điều 946), chứ tuyệt đối không được hiểu là để „mua“ Thánh Lễ hay ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Lễ Mi-sa là một sự lặp lại Hy Lễ thập giá của Đức Kitô, nên hoàn toàn vô giá, người ta không thể trả giá hay mua bằng tiền bạc được. Và một điều khác cũng hết sức bình thường và hợp lý, là người xin lễ cần phải tham dự Thánh Lễ một cách thực tiễn và cụ thể. Trong trường hợp bất khả kháng khiến người tín hữu xin lễ không thể đích thân tham dự Thánh Lễ do vị Linh Mục mà họ xin cử hành, thì họ có thể tham dự một Thánh Lễ do một vị Linh Mục khác cử hành ở nơi họ có thể tham dự được, với ý chỉ của mình.

Và sau cùng, bạn đọc thân mến, trong mọi trường hợp bạn hãy xác tín rằng, Thiên Chúa là Cha Chung của mọi người và Người yêu thương hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo hay chính kiến. Vì thế, Người cũng là Người Cha dấu yêu của bạn. Tất cả những gì bạn đang có, kể cả hơi thở và sự sống của bạn, đều là ân sủng nhưng không của Người ban cho bạn. Nên dù bạn là ai đi nữa, bạn hãy chạy đến với Người một cách đơn sơ, đầy tin tưởng và đầy tình con thảo như một đứa con chạy đến với cha mình qua những giờ phút chìm sâu trong cầu nguyện khi tham dự Thánh Lễ Mi-sa. Ở đó, Người đang luôn mở rộng vòng tay chờ đợi bạn đấy. Bạn hãy đến với Người và hãy tín thác cho Người tất cả những gì bạn ôm ấp trong lòng: niềm vui cũng như nỗi buồn, sự thành công cũng như sự thất bại, điều làm bạn hài lòng cũng như điều làm bạn bất mãn và khó chịu, v.v…, dĩ nhiên cả những nông nổi, những hiểu lầm và những thiếu sót của bạn nữa. Chắc chắn Thánh Linh của Người sẽ soi sáng cho bạn cần phải cư xử ra sao và cần phải hành động thế nào cho thấu tình đạt lý trong các tương quan với Người cũng như với các anh em đồng loại, để cuộc sống chung trong xã hội luôn được hài hòa, và để bạn được an vui và hạnh phúc thực sự trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống. Tôi dám quả quyết với bạn điều đó.
 
Một tầm nhìn đại kết về vai trò của Đức Maria trong kế hoạch Thiên Chúa và trong hiệp thông các thánh (9)
Vũ Văn An
19:41 05/06/2012
Phần II: Các Vấn Đề Còn Tranh Luận và Việc Hồi Tâm của Các Giáo Hội

Trong lời nói đầu của phần này, Mục Sư Alain Blancy và Linh Mục Maurice Jourjon, đồng chủ tịch của Nhóm, đặt các câu hỏi sau đây: Ta có thể nói về sự “cộng tác” (cooperation) của Đức Maria trong công cuộc cứu rỗi hay không? Ta có thể dành cho ngài tước hiệu đồng trinh suốt đời hay không? Không hài lòng với việc xưng ngài là nữ trinh tận hiến ưu hạng và là nữ tu đầu hết, liệu ta có thể đi xa hơn thế không? Liệu ta có nên biến toàn bộ cuộc hiện sinh của ngài thành một hành trình vô nhiễm nguyên tội từ lúc được tượng thai cho tới lúc được Con của ngài vời về trời, hưởng vinh quang của Chúa Cha không? Liệu ta có thể rút tiả từ “giấc mơ” thần học này hai tín điều đã được Đức Giáo Hoàng công bố thành những điều phải tin không? Cuối cùng, ta có thể cầu nguyện với Đức Maria hay không? Cầu nguyện như thế nào và đến chừng mực nào?

1. Các nguyên tắc hướng dẫn

Cũng trong lời mở đầu này, Nhóm đề cập ngay tới các nguyên tắc điều hướng họ. Nguyên tắc đầu tiên là công chính hóa nhờ đức tin, vốn có tính nền tảng đối với mọi giáo hội Cải Cách, và là nguyên tắc được Thánh Phaolô cho là nhờ đó “giáo hội đứng vững hay sụp đổ”, cũng là nguyên tắc để phán đoán mọi học lý đặc thù. Chính dưới ánh sáng của nguyên tắc này, và qua những cuộc tranh luận thật dài, Nhóm đã phân tích, phê phán và sau cùng đã hiểu được học lý về sự “cộng tác” của Đức Maria theo một nghĩa chính xác sẽ được giải thích ở phần sau. Sự nhất trí mà Nhóm tin rằng mình đạt tới được nối kết với các chân lý nền tảng của đức tin, và hiển nhiên, đã cho thấy một tiến triển chính mà Nhóm xin đưa ra để tín hữu hai truyền thống trong cuộc đối thoại này nghiên cứu.

Nguyên tắc thứ hai, thuộc một loại khác, nhưng cũng điều hướng việc làm của Nhóm là nguyên tắc “phẩm trật các chân lý” do Công Đồng Vatican II đưa ra và được nhiều giáo hội công nhận và tiếp nhận. Nguyên tắc này giúp nền thần học thánh mẫu trở thành một điều không hẳn thuộc đệ nhị cấp, theo nghĩa đen của nó, mà chỉ là đứng hàng thứ hai so với Chúa Kitô, Đấng mà nền thần học này tùy thuộc và nhận được tính chính đáng của nó. Một hệ luận của nguyên tắc này là ta được phép và ngay cả cần thiết phải từ dữ kiện nền tảng của Thánh Kinh rút ra các hệ quả cho đức tin và lòng sùng kính, điều mà dữ kiện này hàm ý và không mâu thuẫn với nó. Dĩ nhiên ở đây, sự canh chừng và nhu cầu được cảm nhận phải luôn đi đôi với nhau.

2. “Sự cộng tác”

Theo Mục Sư Blancy và Linh Mục Jourjon, hạn từ “cộng tác” tự động khiến nhiều tâm trí Thệ Phản bối rối mập mờ: với tiền từ “co” trong cooperation của tiếng Anh, nhiều người hiểu một cách lầm lẫn rằng Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, và mẹ của Người hợp tác với nhau như những người ngang hàng. Tuy nhiên, Nhóm nhận định rằng ta không thể không dùng hạn từ này, vì không có chữ nào hay hơn nó. Mặt khác, nó được sử dụng vì đã được sử dụng lâu đời trong các văn kiện Công Giáo. Về phần mình, người Chính Thống dùng hạn từ synergy (hiệp lực?).

“Cộng tác” (trong tài liệu này, luôn để trong ngoặc kép) có nghĩa: ơn thánh, tuy luôn đứng hàng đầu và tuyệt đối, nhưng không những không loại trừ đáp ứng của con người, trái lại, còn sản sinh ra nó, làm cho nó có khả năng và ngay cả khiến nó phải có nữa. Đáp ứng tích cực của Đức Maria trong lời xin vâng của ngài là thành phần trong việc ngài thụ động tiếp nhận hồng phúc trao ban cho ngài, người phụ nữ “đầy ơn phúc” để ngài trở thành mẹ của Chúa, Đấng Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Hạn từ “cộng tác” không hề tổn hại tới xác tín rằng đáp ứng dứt khoát và có tính cứu rỗi chỉ được một mình Chúa Con ban tặng trong tính toàn diện của nó; Người là Đấng mang lấy xác phàm, tự hiến mình, và nhờ đó tự mình thực hiện ơn cứu rỗi, một lần vĩnh viễn, và cho mọi con người nhân bản. Nhưng ơn cứu rỗi ấy phải được tiếp nhận. Tính tiếp nhận này không là điều gì khác ngoài việc từ bỏ mình để Thiên Chúa hành động. Hồng phúc chắc chắn luôn là hành vi của người ban, nhưng hành vi này chỉ hoàn tất khi hồng phúc ấy được tiếp nhận bởi người mà hồng phúc ấy được cố ý ban cho. Hồng phúc hợp nhất người cho và người nhận trong một giao ước bất phản hồi. Ơn thánh kêu gọi trở thành ơn thánh giúp cho việc đáp ứng có thể có.

“Đức Maria can thiệp nhân danh các người được cứu rỗi”. Ta không được phép lẫn lộn mù mờ ở đây. Ngài là tín hữu đầu hết; ngài nêu gương sáng đức tin, vốn không phải là điều làm mà là điều nhận. Vì chính Thiên Chúa đoái thương hiến mình trong Chúa Kitô theo một cách thức khiến cho con người trở nên có khả năng đáp ứng tình yêu của Người. Hồng ân trong đó Chúa Con “tháo cởi và hạ mình xuống” trên khiến mọi con người nhân bản có khả năng bước vào việc tự hạ mình này và bắt chước sự tự hạ mình đó bằng cách để nó cho Thiên Chúa, Đấng tối cao duy nhất, thực hiện sự cứu rỗi và ban “ý chí cũng như hành vi” vốn thuộc việc này. Khi được giải thoát khỏi tội lỗi, các tạo vật đều có khả năng ca ngợi Thiên Chúa, giống Đức Maria, đấng không tìm cách làm mẹ Chúa Cứu Thế, đã làm trong Kinh Magnificat. Ngài đã đồng lòng ưng thuận việc tuyển chọn của Thiên Chúa. Lời cảm tạ của kẻ được cứu rỗi chính là đáp trả đối với ơn thánh tuyệt vời của Thiên Chúa. Người Thệ Phản, tuy vốn không khoan nhượng trong nguyên tắc công chính hóa nhờ ơn thánh mà thôi, cũng coi việc đáp trả của con người là thành phần của công trình thánh hóa vốn được cuộc sống tận hiến vinh danh.

Sự đáp trả cũng bao hàm trách nhiệm, một ý niệm vốn được sự “cộng tác” hiểu theo nghĩa của tài liệu này mô tả. Ta cần canh chừng để có thể đem nó trở về lối hiểu này, mỗi khi nó có nguy cơ lệch lạc.

Sự nhất trí căn bản của Nhóm càng quan trọng vì đây là điểm chủ yếu, tức mối tương quan giữa ơn thánh tối cao của Thiên Chúa và sự tự do của con người, giữa kế hoạch của Thiên Chúa và đáp ứng nhất thiết của người thụ hưởng. Giải pháp trình bày ở đây khiến ta không còn chỗ để hoài nghi về đặc tính tuyệt đối trong ơn thánh nhiệm ý của Thiên Chúa; nhưng giải pháp này cũng nhấn mạnh tới đáp ứng của con người, vốn là thành phần trong toàn bộ của nó, như mầu nhiệm nhập thể từng chứng tỏ.

3. Hai tín điều thánh mẫu

Tương tự như thế, hai tín điều thánh mẫu dường như cũng vượt ra ngoài điều được chứng tá thánh kinh minh nhiên biện minh; và dường như còn có nguy cơ tách Đức Maria ra khỏi các thành phần khác thuộc hàng ngũ những người phàm trần mà ngài vốn thuộc về. Làm thế nào để giả thiết rằng ngài hiện đang ở trên trời cả hồn lẫn xác? Hơn thế nữa, làm sao hiểu được rằng ngài “được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ”? Người Thệ Phản hoài nghi rằng việc này hàm nghĩa ngài được tách biệt khỏi thân phận tạo vật và được dành cho một địa vị ngang hàng với Con Trai ngài, Đấng vô tội lúc sinh ra và nay đã lên trời.

Hơn nữa, chính sự kiện biến luật trừ về hai mặt này thành tín điều, và làm như thế ở giai đoạn sau này, nhất thiết khiến những người Thệ Phản lên tiếng công kích. Liệu có cần phải tuyên bố một tín điều ta mới nghĩ rằng Đức Maria, vốn được Chúa Kitô cứu vớt hoàn toàn, nên chưa bao giờ cảm nghiệm một tội lỗi nào, ngoài việc giống như một người yêu âm nhạc, khi đang chăm chú nghe một bản nhạc hay, bỗng nhiên bị chia trí bởi một chùm đèn kêu leng keng trong phòng? Bản nhạc thì hoàn hảo còn chùm đèn thì ở bên ngoài nó, ấy thế nhưng việc nghe vẫn bị phiền hà ở bên trong dù chẳng phải do lỗi của người nghe.

Theo con đường vạch ra bởi dụ ngôn yếu ớt trên, há không phải là chuyện không thích đáng nếu ta đứng dậy, dậm chân, và hoan hô dưới danh nghĩa cộng tác với âm nhạc? Ngược lại, há “cộng tác” không có nghĩa là sống và hành động trong xác tín nội tâm rằng Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất? Vậy, tại sao người Công Giáo lại hành động như thế?

Về việc mông triệu, người Công Giáo nhìn nhận rằng điều này vốn là quan tâm chung của giáo hội từ thế ký thứ 6, với niềm tin cho rằng Đức Maria tiền dự (anticipating) số phận chung của mọi tín hữu như là một sủng ái dành cho đấng sẽ cưu mang Con Thiên Chúa trong thân xác mình. Ngài không tách biệt với Con bởi cái chết. Sự thánh thiện của ngài bao trùm cả cuộc sống và không dừng lại ở cái chết của ngài.

Nghĩ theo chiều ngược lại, người Công Giáo thấy rằng nếu sự thánh thiện của ngài bao trùm trọn cuộc sống của ngài, thì tại sao sự thánh thiện ấy lại không thuộc về ngài ngay lúc ngài được tượng thai? Từ đó mà có ý niệm sau này trở thành xác tín và cuối cùng trở thành định tín Công Giáo “Vô Nhiễm Thai”. Nhưng, trên thực tế, chủ trương thánh mẫu này từng bị nhiều thế kỷ chống lại, chỉ là để bảo đảm nhân tính của Đức Maria, người, cũng như mọi tạo vật khác, phải được cứu khỏi tội nguyên tổ, vì ơn cứu rỗi của Chúa Kitô là điều cần cho hết mọi người, không trừ ai. Giải đáp cuối cùng là phải hiểu Vô Nhiễm Thai không như một miễn trừ mà là như một “gìn giữ” (preservation) nhờ một thứ tiền dự điều mà mọi chủ thể được cứu chuộc sẽ trải nghiệm, mỗi chủ thể ở thời gian riêng của họ.

Cả hai tín điều trên, dù khá sâu rộng, nhưng không hề có ý định tách Đức Maria ra khỏi trải nghiệm của thân phận nhân bản. Mặt khác, nơi Đức Maria, cả hai tín điều này đều cho thấy sự thành công trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa đối với nhân loại như một toàn thể, một thành công đã được dự ứng nơi ngài.

Tuy không buộc phải chấp nhận các kết luận của người Công Giáo, nhưng người Thệ Phản hẳn phải thừa nhận sự ngay thật trong ý định của người Công Giáo, một sự ngay thật mà chính họ từng phát biểu khi vẫn nghiêm túc tôn trọng chứng tá của Thánh Kinh về mẹ Chúa Cứu Thế và nghiêm chỉnh chấp nhận các hệ luận tức khắc của chứng tá này, như ta đã thấy trong tương quan với ý niệm “cộng tác”.

Như thế, há không đủ sao khi quan sát rằng lối giải thích đồng qui của ta về hai tín điều này không hề hàm nghĩa: chúng cũng phải được chấp nhận bởi các giáo hội vốn không là thành phần từng công bố ra chúng?

Tuy nhiên, lối giải thích trên quả có giả thiết điều này: trong tinh thần và ý hướng của việc công bố, “không có điều gì phản lại điều Tin Mừng truyền dạy”. Người ta cũng không nên lập tức hoài nghi cả sự trong sáng trong mục đích của người Công Giáo lẫn lý do dè dặt của người Thệ Phản, vì ý hướng của cả đôi bên đều là muốn nhấn mạnh tới sự gần gũi của Đức Maria đối với Chúa Giêsu và sự tùy thuộc của ngài vào Người. Sự canh chừng có tính hỗ tương và huynh đệ là bảo đảm tốt nhất chống lại mọi bóp méo và bác bỏ.

4. Việc trọn đời đồng trinh của Đức Maria

“Trọn đời đồng trinh” xem ra là trạng huống định phẩm được các tín điều này công bố, nghĩa là: sự thánh thiện của Đức Maria, tức việc ngài từ bỏ bản thân để phụng sự Chúa, đã thấm nhiễm và lên khuôn trọn cuộc sống của ngài, biến sự thánh thiện này từ một đảm nhiệm nhân bản có tính tiềm năng thành một cam kết bất phản hồi đối với kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, cũng như một tham dự trọn vẹn và đầy đủ vào hiệp thông các thánh, là hiệp thông biến tất cả chúng ta thành anh chị em trong Đấng là “trưởng tử của đàn em đông đúc” (Rm 8:29).

Dù bênh vực được chủ trương coi Đức Maria như một phụ nữ có chồng và như một bà mẹ trong gia đình giống như mọi người phụ nữ có chồng khác, và hiểu nghĩa đen các lời nói về anh chị em của Chúa Giêsu, người Thệ Phản vẫn có thể chấp nhận và tán dương đức “đồng trinh” của ngài theo nghĩa thiêng liêng và có tính biểu tượng. Về phần người Công Giáo, họ có thể hiểu một cách chính đáng “anh chị em” đây chỉ anh chị em họ, phù hợp với nghĩa bao quát của các từ ngữ này thời xưa; do đó, cùng với thánh truyền, họ có thể chủ trương rằng sự đồng trinh nổi bật trong mầu nhiệm giáng sinh đã thấm nhiểm trọn cuộc sống của Đức Maria, một cuộc sống được dâng hiến một lần mãi mãi cho Thiên Chúa và đề phụng sự Người. Lời xin vâng của ngài không chấm dứt với việc sinh hạ Con Đầu Lòng. Hai chủ trương này đều có thể biện minh được, nếu ta biết dựa vào một bình diện dè dặt của chứng tá Thánh Kinh. Điều cần nói ở đây là: hai chủ trương ấy vốn không có tính loại trừ lẫn nhau, nếu hiểu phẩm tính diễn tả trong ý niệm đồng trinh là thiên hướng của tâm hồn, một thiên hướng sẽ kiên vững, bất chấp các hậu quả rủi ro có thể có, nếu không muốn nói là các chọn lựa của cuộc sống. Trong các hoàn cảnh đó, các chủ trương phân rẽ này há không tương hợp với nhau đó sao, vì đứng đàng sau ngôn từ minh nhiên, các lý lẽ do hai bên trình bày đều nẩy sinh từ một xác tín chung liên quan tới quyền tối thượng của Thiên Chúa?

5. Việc sùng kính thánh mẫu

Còn lại vấn đề lòng sùng kính Đức Maria, ở điểm lòng sùng kính kia biến thành việc khẩn cầu, rồi khẩn cầu thành cầu nguyện cùng Đức Maria và các thánh. Mẹ Thiên Chúa vốn được người Chính Thống và người Công Giáo kêu cầu (invoked), nhưng mọi giáo hội đều vẫn gợi nhớ (evoked) ngài do sự hiện diện của ngài trong Thánh Kinh và các kinh tin kính. Sự khác nhau giữa tôn kính và kêu cầu có phải là một dị biệt không thể khoan nhượng không?

Một lần nữa ở đây, khi người Thệ Phản không thể ngỏ bất cứ lời cầu nguyện nào với Đức Maria và các thánh, thì người Công Giáo chỉ có thể đồng ý điều này: nói cho nghiêm nhặt, không lời cầu nguyện hay ca ngợi nào được ngỏ với bất cứ ai ngoại trừ với một mình Thiên Chúa và nói chuyên biệt hơn, với Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Nhưng họ chạy đến với Đức Maria và các thánh chỉ để yêu cầu các ngài bầu cử với Chúa cho họ, không hẳn vì lời bầu cử này cần thiết hay hữu hiệu hơn, nhưng chỉ để cùng các ngài tiến vào sự cầu bầu vĩ đại, vốn là biểu thức thường hằng của tình liên đới giữa mọi tín hữu mà đến sự chết cũng không thể kết liễu. Cầu bầu như thế là cuộc chuyện trò của tín hữu với Thiên Chúa của họ trong niềm quan tâm tới nhau. Chính trong các giới hạn như thế, người Công Giáo đã hợp pháp chạy đến với Đức Maria và các thánh, như họ thường làm trong Kinh Truyền Tin và Kinh Mân Côi, trong đó, họ chỉ yêu cầu Đức Maria cầu nguyện cho họ. Tuy thế, khi bác bỏ lối cầu nguyện này vì sợ lẫn lộn hay thái quá, người Thệ Phản cần canh chừng để đừng quên ca ngợi Thiên Chúa vì Đức Maria và các thánh mà Người đã ban cho họ.

Há chúng ta lại không nên khiêm nhường yêu cầu, không phải những ai vốn kêu cầu Đức Maria ngưng không kêu cầu ngài nữa, hoặc những ai đang gợi nhớ ngài hãy kêu cầu ngài, mà đúng hơn cả hai bên, trong cái hiểu đức tin của mình, hãy lấy tình huynh đệ làm chứng cho các xác tín của anh chị em mình? Các xác tín này sẽ không còn là nguyên nhân gây chia rẽ nữa mà là một thừa nhận các dị biệt trong hợp nhất “đã từng được ban cho”.

6. Hồi tâm và tự thú

Nếu các vị thuộc tu viện Port Royal (phái Jansen của Blaise Pascal) vẫn còn sống tới ngày nay, ta có quyền mong chờ ở họ một khảo luận về hồi tâm, rất cần thiết để bước vào thế giới đại kết. Họ sẽ không lầm khi hiểu sự dấn thân này như một ơn thánh, nhất là khi nó hệ ở việc không bao giờ tin vào Chúa Kitô mà đồng thời lại không duy trì niềm hy vọng sẽ đạt được một quan điểm nhất trí về Đức Maria nhờ vào Người. Tuy nhiên, nhất trí chứ không độc dạng, vì há ta lại không nên tin rằng ngay cả ở điểm nhậy cảm này, bản đại hòa tấu đức tin cũng đòi phải có những thứ nốt nhạc chối tai hay sao? Việc hợp xướng sẽ loại trừ các nốt chối tai này. Chia rẽ phát sinh từ bất đồng; hợp nhất hoà hợp các bất đồng ấy.

Khi Nhóm Dombes phát biểu như hiện nay, các thành viên Công Giáo của nó không hề “bán đứng” bất cứ chân lý nào được Giáo Hội Công Giáo đòi hỏi tín hữu của mình chấp nhận trong đức tin của họ. Khi nại tới “phẩm trật” các chân lý mà Công Đồng Vatican II từng đưa ra, Nhóm đã không làm thế để chuyển dịch từ Công Đồng qua một tinh thần lấy lòng, và từ tinh thần lấy lòng này qua thoả hiệp và những tương nhượng tăm tối. Nhóm nói như họ đang nói để nói lên các niềm tin của mình bằng các ngôn từ nhằm chào đón, chứ không lấy lòng. Nhóm muốn được độc giả hiểu rõ rằng: chào đón không phải những kiểu người thỏa hiệp, mà là chào đón những con người có tinh thần nghèo khó vì Thiên Chúa yêu thương họ. Những con người biết rằng kiêu căng có thể giải thích cả việc bác bỏ một tín điều lẫn việc chấp nhận nó, và là những con người luôn khiêm hạ cầu xin Chúa giúp họ quay trở về với lời Người.

Tuyên xưng đức tin trước thế giới không phải là tuyên xưng nó nghịch lại với ai đó. Tố cáo một sai lầm chỉ có nghĩa nếu ta muốn giúp người sai lầm hiểu ra chân lý mà họ đang cố gắng phát biểu nhưng đã phát biểu một cách tồi tệ. Như thế, làm thế nào ta có thể xua đuổi khỏi tình huynh đệ giáo hội những ai tuy bác bỏ việc thờ kính Đức Maria nhưng vẫn một lòng kính trọng mẹ của Chúa? Khi họ cảm thấy trong chính họ niềm sợ sệt rằng anh chị em của họ trong Chúa Kitô đang có khuynh hướng biến Đức Maria thành một thứ nữ thần, là họ muốn nhắc cho ta nhớ rằng việc thờ phượng của Kitô Giáo chỉ có nghĩa là cầu nguyện với một mình Thiên Chúa nhờ Con của Người trong Chúa Thánh Thần.

Sự khác nhau chắc chắn có tính sâu xa, nhưng lý do thực sự gây ra chúng chỉ có thể hiểu và cảm nhận được trong hành trình chung và trong cố gắng hồi tâm chung của Giáo Hội Chúa Kitô là chính chúng ta.
 
Thông Báo
Lớp Huấn Luyện Ca Viên Ngày 23 & 24 tháng 6 năm 2012
Sơ Theresia Nguyễn
09:24 05/06/2012

Để góp phần phát triển nền Thánh Nhạc Việt Nam qua việc đào tạo Ca Viên cho các ca đoàn. Lớp Huấn Luyện Thánh Nhạc, Xướng Âm và Luyện Thanh Căn Bản sẽ được tổ chức tại Tòa Tổng Giám Mục Seattle do Nhạc Sư Phạm Đức Huyến ***, Ca Sĩ Công Giáo Trần Ngọc *** và các phụ giáo hướng dẫn. Lớp Huấn Luyện Ca Viên sẽ học vào hai ngày cuối tuần:

* THỜI GIAN: Thứ Bảy và Chúa Nhật
Ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2012
Mỗi ngày học từ 8:00 A.M – 7:00 P.M

* ĐỊA ĐIỂM:
Tòa Tổng Giám Mục Seattle Isaac Orr
910 Marion St
Seattle, WA 98104

* GHI DANH: Từ nay đến hết ngày 15 tháng 6 năm 2012

* LỆ PHÍ + TÀI LIỆU: $120 / 1 học viên

* LIÊN LẠC:
Văn Phòng Mục Vụ Việt Nam TGP Seattle
Sr. Theresia Nguyễn
710 9th Ave
Seattle, WA 98104
Email: theresia.nguyen@seattlearch.orgĐT: 206-274-3191

* LƯU Ý:
- Các học viên ở xa, cần đưa đón phi trường và nơi ăn chốn ở, xin vui lòng liên lạc với Văn Phòng Mục Vụ Việt Nam.
- Chương trình chi tiết Huấn Luyện Ca Viên sẽ được gởi đến quý học viên sau.

*** Để biết thêm chi tiết về Nhạc Sư lỗi lạc Phạm Đức Huyến, xin vào website: http://www.phamduchuyen.net
*** Đôi nét về Ca sĩ Trần Ngọc: Anh là một ca sĩ công giáo nổi tiếng trong những bài thánh ca mang đậm sắc thái cầu nguyện. Anh là giảng viên Thanh Nhạc của Học Viện Mục Vụ Tổng Giáo Phận Saigon cũng là giảng viên thanh nhạc của Trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon trong nhiều năm qua. Anh tham gia đóng góp tích cực vào những chương trình Thánh Ca lớn của Tổng Giáo Phận Saigon, đồng thời anh cũng là ca viên của ca đoàn trong giáo xứ. Với tài năng và kiến thức, anh sẵn sàng chia sẻ và truyền đạt đặc biệt cho những anh chị em có ước muốn phục vụ Chúa và Giáo Hội qua tiếng hát của mình.
Để biết thêm về Trần Ngọc, xin vào link: http://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/#Singer,173