Ngày 06-06-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 07/06: Ơn Gọi Người Ki-tô Hữu – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:12 06/06/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 06/06/2022

17. Vì tôi tin, nên tôi mới rao giảng.

(Thánh Dominicus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:19 06/06/2022
101. GỌT GIŨA CÂU CHỮ

Có người ở Phật Sơn cả ngày bận rộn viết chữ, lấy việc bán văn chương làm kế mưu sinh.

Bạn bè khuyên anh ta không nên quá lao khổ, lúc ấy đang khi ăn cơm, người ấy bèn chỉ thức ăn trên bàn nói:

- “Tôi cũng muốn thoải mái chút xíu nhưng không có cách nào khác, tất cả đều là vì chúng nó”.

Người bạn khuyên bảo ấy cười nói:

- “Không ngờ anh ăn cơm, đáng lẽ là phải cắn văn nhai chữ (咬文嚼子)” (1)

(Tân tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 101:

“Cắn văn nhai chữ” hoặc “gọt giũa câu chữ” thì cũng là để mưu sinh mà thôi, bởi vì nếu dùng văn chương để kiếm sống, thì ít nữa văn chương cũng phải kha khá thì mới có người mua.

Thời nay có những người làm ăn theo kiểu ma giáo, không lấy lương tâm làm thước đo công việc của mình: làm hàng xấu hàng dỏm hại đến sức khỏe và có khi hại đến tính mạng của người tiêu dùng; thời nay có những người cậy vào cái học vị của mình rồi viết xẳng viết bậy không nghiên cứu rõ ràng, nên vu khống cho người khác, hạ bệ người khác, thì đúng là họ chưa “gọt giũa văn chữ” để mưu sinh cho hợp với đồng tiền mà ông chủ bỏ ra để nhờ họ viết tâng bốc mình và bêu xấu người khác...

Người Ki-tô hữu nhớ những điều ấy, để khi viết văn thì gọt giũa cho nó hợp với lương tâm, bằng không thì chính những bài viết ấy sẽ tố cáo chúng ta trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét của Ngài. Khủng khiếp lắm.

(1) 咬文嚼子câu này có 2 ý: ý chính của nó là trên mặt chữ viết rất công phu, nhưng nghĩa ở đây là phải cắn con chữ để bán mà mưu sinh.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Để thêm hương vị và chiếu sáng
Lm. Minh Anh
23:35 06/06/2022

ĐỂ THÊM HƯƠNG VỊ VÀ CHIẾU SÁNG
“Các con là muối cho đời!”; “Các con là ánh sáng cho trần gian!”.

Đức Phanxicô nói, “Ngay sau Bát Phúc, Chúa Giêsu ngỏ lời với các môn đệ, “Các con là muối cho đời; là ánh sáng cho trần gian!”. Ngài muốn nói, nếu bạn nghèo khó tinh thần, nếu bạn nhu mì, nếu bạn trong sạch, nếu bạn xót thương... bạn sẽ là muối, là ánh sáng của thế giới! Kitô hữu là người tạo cảm hứng; luôn toả sáng! Một cảm hứng, một ánh sáng không phải của anh ấy, chị ấy; nhưng là một quà tặng của Chúa Giêsu, ‘để thêm hương vị và chiếu sáng’ thế giới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, khi gọi chúng ta là “muối cho đời” và “ánh sáng cho trần gian”, Chúa Giêsu muốn nói rằng, tất cả môn đệ của Ngài, tức là tất cả các “Kitô hữu” trong nhiều thế kỷ, sẽ có trách nhiệm cung cấp hương vị mới của Phúc Âm cho trần gian và soi sáng thế giới với giáo lý của Ngài. Như vậy, ơn gọi của chúng ta còn là, được gọi ‘để thêm hương vị và chiếu sáng!’.

Muối làm tăng hương vị thực phẩm khi nó làm nổi bật hương vị tự nhiên đã có trong đó! Tương tự như thế, ơn gọi của chúng ta là ‘làm tươi’ thế giới bằng ‘sự mặn mà’ Kitô của mình. Thiên Chúa đã tạo ra một thế giới tốt đẹp, nhưng tội lỗi đã ‘làm ươn’ nó; nhưng nhờ phép Rửa, chúng ta được ‘muối sự sống’, tức ân sủng phục sinh; ân sủng này sẽ phát triển thành một đời sống nhân đức và bác ái Kitô, hướng chúng ta đến một ‘vụ mùa bội thu’ cho môi trường của mình.

Thứ đến là ánh sáng. Không có ánh sáng, nhân loại mù; không có ánh sáng, mắt trở nên vô dụng! Tương tự như thế, mọi người đều có khả năng nhìn biết Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ và Tình Yêu; nhưng nếu không có ánh sáng Kitô rọi chiếu tâm trí và trái tim, những khả năng đó sẽ bị che khuất. Vì thế, bạn và tôi phải sống cuộc đời Kitô của mình làm sao để người khác nhìn thấy Chúa đang sống giữa họ, trong họ! Họ phải nhìn thấy phẩm giá và ơn gọi cao quý của chính họ, là sống sự sống đời đời với Thiên Chúa; họ phải thấy tình yêu chiến thắng sự dữ, chiến thắng đau khổ và sự chết. Thế giới cần chúng ta, bởi thế giới cần ánh sáng Chúa Kitô!

Chỉ một chút muối và một chút ánh sáng; “chỉ một chút nhưng sẽ thay đổi mọi thứ!”. Thật thú vị, câu chuyện sách Các Vua hôm nay đã chứng tỏ điều đó! Chỉ một chút bột, chỉ một chút dầu quảng đại của bà goá Sarepta, nhưng chúng đã nuôi sống không chỉ Êlia, người của Thiên Chúa, nhưng còn nuôi sống hai mẹ con bà và những ai đến với họ suốt mấy mùa khô hạn.

Anh Chị em,

“Các con là muối cho đời!”, là “ánh sáng cho trần gian!”. Thế giới đang tối tăm theo nhiều cách, ‘hương vị’ tình yêu và lòng xót thương cũng khá vô hiệu theo nhiều kiểu. Chúa mời gọi bạn thêm một chút hương vị, tạo ra một chút ánh sáng; vậy mà, nhờ đó, người khác có thể tìm ra đường đi của họ. Như mặt trăng, bạn không phải là nguồn sáng; chỉ cần bạn phản chiếu ánh sáng. Thiên Chúa muốn toả sáng qua bạn, muốn bạn phản chiếu Ngài. Nếu bạn cởi mở với Ngài, Ngài sẽ di chuyển các đám mây vào đúng thời điểm để sử dụng bạn theo cách tốt nhất Ngài muốn. Trách nhiệm của bạn chỉ đơn giản là cởi mở để Ngài có thể rọi soi! Hãy xem, mức độ cởi mở của bạn làm sao! Hãy cầu xin mỗi ngày để Chúa dùng bạn phù hợp với mục đích của Ngài; xin ơn cởi mở cho ân sủng thiêng liêng của Ngài và bạn sẽ ngạc nhiên trước cách thức Ngài sử dụng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống bạn để tạo nên sự khác biệt! Ý nghĩa biết bao, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an ‘để thêm hương vị và chiếu sáng’ cho đời. Đừng để con nhạt nhẽo và tắt ngúm trong một thế giới đang rất cần ánh sáng và tình yêu!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ba ngôi khác biệt nhưng hiệp nhất
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:43 06/06/2022

LỄ CHÚA BA NGÔI
BA NGÔI KHÁC BIỆT NHƯNG HIỆP NHẤT
Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15

Suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khám phá nguồn gốc sâu xa nhất của chúng ta, bởi lẽ, chúng ta phát xuất từ Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi như là cùng đích đời người, như nước dòng sông phát xuất từ biển cả mênh mông và rồi trở về với nguồn gốc của nó.

1. Một chân lý được Chúa Giêsu mạc khải

Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta nền tảng Kinh Thánh về mầu nhiệm này: (Cần lưu ý hạn từ “Thiên Chúa” trong Tân Ước muốn nói về Thiên Chúa Cha)

“Vậy, một khi được công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa… Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,1.5).

Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một với nhau, mà chúng ta tôn thờ với ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến.

Trong Tin Mừng, cụ thể trong diễn từ biệt ly, Chúa Giêsu nói về các ngôi vị thần linh luôn hiệp nhất với nhau như sau:

“Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dẫn anh em tới chân lý toàn vẹn… Tất cả những gì Chúa Cha có thì cũng thuộc về Chúa Con: vì thế, Thầy đã nói rằng Người sẽ dùng những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13tt).

Khi suy niệm những lời này và những bản văn khác có cùng nội dung này, Giáo Hội tin rằng Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi Vị. Nhiều người cảm thấy khó hiểu giáo huấn Ba Ngôi. Họ hỏi rằng: Ba Ngôi hiệp nhất với nhau nên một nhưng vẫn là ba có nghĩa là gì? Sao không đơn giản chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất như người Do Thái và Hồi Giáo tin?

Câu trả lời là rất đơn giản. Giáo Hội tin vào Ba Ngôi không phải là giáo huấn do Giáo Hội sáng chế, nhưng đây là chân lý được Chúa Kitô mạc khải. Không ai có thể tưởng tượng ra mầu nhiệm Ba Ngôi. Mầu nhiệm này khó hiểu vì nó vượt quá khả năng lý trí con người, nhưng nó không chống lại lý trí. Tertullianô từ xa xưa nói rằng: “Tôi tin bởi vì nó là vô lý.” Ông muốn nói rằng: “Tôi tin bởi vì điều đó vượt trên lý trí của chúng ta và nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì quả là rất bình thường vì Người vượt trên lý trí của chúng ta.” Để có thể hiểu về Thiên Chúa, lý trí chúng ta phải mở ra và đón nhận mạc khải của Người.

2- Một Thiên Chúa hiệp nhất nhưng khác biệt

Chúng ta được mạc khải rằng Thiên Chúa là duy nhất nhưng lại khác biệt. Điều này vượt trên ý tưởng mà chúng ta có về sự hiệp nhất. Trong Thiên Chúa, hiệp nhất và khác biệt, nên một và hài hoà với nhau. Bởi vì các Ngôi Vị vừa hiệp nhất và vừa khác biệt. Nơi Ba Ngôi, sự đa dạng không phải là sự phân chia, mà là sự phong phú.

Có một lý do khác giúp chúng ta hiểu về chân lý này. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì không thể là một Thiên Chúa đơn độc, bởi vì tình yêu không hiện hữu nếu không có hai hoặc nhiều người. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, Người hiện hữu như một Người Yêu và một người Được Yêu và Tình Yêu nối kết họ. Kitô hữu cũng là những người độc thần; người tin vào một Thiên Chúa duy nhất, nhưng không là một Thiên Chúa đơn độc. Theo Đức tin Kitô giáo, sự hiệp nhất của Thiên Chúa rất giống với sự hiệp nhất của một gia đình, hơn là giống sự hiệp nhất của các cá thể.

Nhưng tôi không dài dòng với những giải thích này nữa. Tôi muốn dùng giáo huấn quan trọng nhất và phù hợp nhất về đời sống Ba Ngôi, được diễn tả trong Kinh Tiền Tụng của thánh lễ này:

“Khi tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất, và một quyền ngang nhau.”

“Ba Ngôi duy nhất, ngang hàng và khác biệt” đây là hạt nhân của mầu nhiệm. Thiên Chúa Ba Ngôi được tuyên xưng là ngang hàng về hữu thể, cấp bậc và khác biệt về nguồn gốc, ngôi vị và sứ vụ.

Từ giáo huấn này, chúng ta học được bài học gì để sống tốt trong thế giới này?

Con người có thể khác biệt về màu da, văn hoá, giới tính, chủng tộc, hay có phẩm giá bằng nhau, nhưng con người là gì xét như là những nhân vị?

Chúng ta lấy hình ảnh gia đình để giải thích giáo huấn về Ba Ngôi. Gia đình phải là sự phản chiếu ở trần gian về Ba Ngôi. Gia đình được làm nên từ những con người khác biệt về phái tính (đàn ông và đàn bà) và nhờ các thế hệ (cha mẹ và con cái), với những khác biệt: về tình cảm, về nhu cầu và sở thích. Sự thành công của một cuộc hôn nhân và một gia đình lệ thuộc ở mức độ mà sự khác biệt của mỗi người hướng tới sự hiệp nhất: hiệp nhất trong tình yêu, trong dự định, và hiệp nhất trong sứ vụ.

Sẽ là sai lầm khi một người đàn ông và đàn bà lại giống nhau về tính tình và năng khiếu; và để đi đến hoà hợp, hai người phải là vui nhộn, năng động, hướng ngoại, theo bản năng như nhau, hoặc cả hai lại phải là hướng nội, trầm tĩnh, suy tư như nhau. Như thế sẽ làm mất tính khác biệt giữa họ. Chúng ta biết những hậu quả tiêu cực của chúng có thể phát sinh cả trên bình diện thể lý. Chẳng hạn, những cuộc hôn nhân thuộc cùng họ hàng, nếu họ máu gần quá sẽ gây ra những hậu quả về di truyền như có nguy cơ bệnh tật cao và yếu kém về hệ số thông minh.

Người chồng người vợ khác biệt nhau nhưng bình đẳng với nhau, như một tấm huy chương có hai mặt, mỗi người là sự bổ túc cho người kia. Điều này giúp hiểu điều Thiên Chúa nói: “Đàn ông ở mình mình thì không tốt: ta muốn tạo dựng cho nó một người trợ giúp giống nó” (St 2,18). Tuy nhiên, tất cả những điều này đòi hỏi một cố gắng để chấp nhận sự khác biệt của người khác, vì đối với chúng ta, đây là một điều khó nhất và chỉ có những người trưởng thành mới có thể đón nhận được nó.

3- Một vị Thiên Chúa gần gũi

Nhiều lúc chúng ta quan niệm sai lầm rằng mầu nhiệm Ba Ngôi là một mầu nhiệm hoàn toàn xa lạ với đời sống chúng ta và để cho các nhà thần học suy tư.

Trái lại, đây là một mầu nhiệm gần gũi nhất. Lý do rất đơn giản: chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Chúng ta mang trong mình dấu ấn hình ảnh Ba Ngôi. Và chúng ta được mời gọi để trở thành họa ảnh của sự hiệp nhất và đa dạng.

Họa sĩ Andrej Rublev, người Nga, đã để lại một bức Icôna nổi tiếng về Ba Ngôi. Ông được gợi hứng từ một đoạn Kinh Thánh: Một ngày kia, khi ở bên cây sồi Mamre, ông Ápbraham đón tiếp ba nhân vật thần linh viếng thăm. Ông chào họ rằng: “Lạy Chúa tôi.” Họ là ba nhưng cũng là một vị duy nhất (x. St 18,3). Các Giáo Phụ đặc biệt xem cuộc gặp gỡ này là biểu tượng và tiên báo về Ba Ngôi.

Ba Ngôi thần linh trong Icôna giống như ba thiên thần. Mầu nhiệm Thiên Chúa “duy nhất” và “ba ngôi” được diễn tả ở đây, từ ba nhân vật phân biệt, nhưng lại ngang hàng với nhau.

Các khuôn mặt hướng về nhau một cách tuyệt vời tạo nên một vòng tròn, muốn nói lên sự hiệp thông giữa họ; nhưng sự vận chuyển khác nhau và sự hướng về nhau nói lên sự phân biệt giữa họ. Người ta cho rằng Chúa Cha là thiên thần ở bên trái, người duy nhất có đầu đứng thẳng, trong khi đó Chúa Con, Đức Giêsu Kitô là thiên thần ở giữa và Chúa Thánh Thần là thiên thần bên phải. Chúa Con và Chúa Thánh Thần, với cái đầu cúi xuống nói lên rằng Chúa Cha là nguồn suối và nguồn gốc của Ba Ngôi và cả hai được phát xuất từ Chúa Cha. Tất cả Ba Ngôi đều mặc một chiếc áo màu xanh, dấu chỉ của bản tính thần linh mà họ có chung với nhau. Nhưng ở trên hoặc ở dưới, mỗi Ngôi mặc một màu sắc phân biệt với các Ngôi khác: Chúa Cha mặc màu không thể định nghĩa được, như màu ánh sáng, dấu chỉ của sự vô hình và khôn tả của Người (Không ai đã nhìn thấy Chúa Cha bao giờ); Chúa Con mặc một chiếc áo dài màu tối, dấu chỉ của nhân tính mà Người đảm nhận; Chúa Thánh Thần mặc chiếc áo dài màu xanh lơ, dấu chỉ của sự sống, vì màu xanh là màu của sự sống. Người là Đấng ban sự sống.

Tất cả trong Icôna mang tính biểu tượng. Cây màu xám ở đằng sau nhắc nhớ cây sồi ở Mamre; hình chữ nhật đằng trước bàn thờ chỉ trái đất. Bàn thờ, trên đó có một chén hiến tế con chiên, gợi lên bí tích Thánh Thể. Một hình thức tuyệt vời để nói về Ba Ngôi ban cho chúng ta Thánh Thể và hiến mình cho chúng ta nơi Thánh Thể. Trong đó, chúng ta trở thành những người “dự bàn tiệc” của Ba Ngôi; chúng ta ngồi vào chỗ phía trước còn trống, để cần khép lại vòng tròn của Icôna.

Thánh Sergio là người được tôn kính trong lịch sử nước Nga vì đã có công giúp cho các nhà lãnh đạo bất hoà được hiệp nhất với nhau và như thế đã giúp cho cuộc giải phóng của nước Nga thoát khỏi những người Tartati bành trường khắp nơi. Khi đứng suy niệm lâu trước Icôna này, ngài có câu khẩu hiệu: “Hãy chiêm ngắm Ba Ngôi Cực Thánh để giúp chiến thắng sự chia rẽ và thù địch của thế giới này.”
Tôi nghĩ rằng, đây cũng là sứ điệp lớn nhất mà Mầu Nhiệm Ba Ngôi gửi tới thế giới hôm nay: Hãy chiêm ngắm Ba Ngôi để chiến thắng sự chia rẽ trong gia đình, trong xã hội và hãy vượt qua những sự kỳ thị dưới mọi hình thức đang làm đau khổ thế giới. Chúng ta cần lắng nghe lời mời gọi của Chúa, mỗi lần chiêm ngắm icôna này: “Anh em hãy nên một, như chúng ta là một.” Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nigeria: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công vào một nhà thờ Công Giáo ở Ondo
Thanh Quảng sdb
18:09 06/06/2022
Nigeria: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công vào một nhà thờ Công Giáo ở Ondo

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi của ngài với Đức Tổng Giám Mục và các tín hữu của Giáo phận Ondo, nơi đã xảy ra một vụ tấn công cướp đi sinh mạng của 50 tín hữu vào Chúa nhật lễ Hiện xuống.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện tín bày tỏ sự đau buồn trước vụ tấn công kinh hoàng diễn ra tại một nhà thờ Công Giáo ở Owo, bang Ondo, Nigeria.

Thông điệp do Đức Hồng Y Ngoại trưởng Tòa thánh, ĐHY Pietro Parolin ký và gửi cho Đức Tổng Giám Mục Jude Arogundade của TGP Ondo, Đức Thánh Cha chia sẻ lời cầu nguyện và tâm tình gần gũi của ngài với những nạn nhân của “hành động bạo lực khôn lường này”.

Đức Thánh Cha viết: “Xin trao phó những linh hồn của những nạn nhân vào lòng thương xót của Thiên Chúa Cha Toàn năng và cầu xin sự chữa lành và an ủi thiêng liêng cho những người bị thương và những người đang đau buồn vì các nạn nhân, chúng ta cũng cầu nguyện cho sự hoán cải của những người vì hận thù và bạo lực đã mù quáng mà ra tay giết hại những người vô tội, để họ biết tìm kiếm con đường hòa bình và chính nghĩa”.

Vào Chúa nhật, khi các tín hữu Công Giáo đang qui tụ để tham dự Thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống tại giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê ở Owo thì những tay súng đã nã đạn vào giáo dân, cũng như có tên đã sử dụng chất nổ để tấn công. Các báo cáo cho biết số người chết khoảng 50 người, nhưng con số này có thể sẽ tăng cao.

Vụ tấn công đã bị lên án cách mạnh mẽ bởi Giáo hội và chính quyền, và chính phủ Nigeria hứa sẽ truy lùng các thủ phạm.

Trong bức điện tín, Đức Thánh Cha Phanxicô trao gửi các linh hồn nạn nhân vào lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa và cầu xin cho "sự chữa lành và an ủi thiêng liêng" cho những người đang đau buồn.

Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho sự hoán cải và hòa giải để “những người mù quáng gây ra hận thù và bạo lực được biết chọn con đường hòa bình và công lý.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha cầu nguyện và ban phép lành cho Đức Tổng Giám Mục và tín hữu của giáo phận được “tiếp tục sống sứ điệp Tin Mừng với lòng trung thành và can đảm.”
 
Hồ sơ các cuộc thương thảo mật giữa Đức Piô XII và Hitler bị giải thích sai lạc
Vũ Văn An
20:25 06/06/2022

Về Đức Piô XII, nhiều hiểu lầm đã được nêu ra dọc dài từ ngày ngài qua đời đến nay, mà trọng điểm là việc ngài bị coi là im lặng trước họa Diệt Chủng Do Thái của Đức Quốc Xã, khiến tiến trình phong thánh cho ngài bị khựng lại ít nhất cũng từ thời Đức Bênêđíctô XVI, vị giáo hoàng, dù bị nhiều chống đối, vẫn đã tuyên bố ngài là Đấng Đáng Kính. Theo nhiều người, thì chính Đức Bênêđíctô XVI nói rằng án phong thánh sẽ có cơ hội tiến nhanh hơn khi Văn Khố mật về thời giáo hoàng của Đấng Đáng Kính được mở ra cho các học giả nghiên cứu và phê phán. Nay thì Văn Khố ấy đã được mở ra. Nhưng việc hiểu lầm thì vẫn còn đó, ít nhất với việc giải thích của nhà sử học người Mỹ, David I. Kertzer, tác giả cuốn sách sắp xuất bản The Pope at War: The Secret History of Pius XII, Mussolini and Hitler. Ông từng đoạt giải Pulitzer năm 2015 nhờ cuốn The Pope and Mussolini: The Secret History of Pius XI and the Rise of Fascism in Europe [Đức Giáo Hoàng và Mussolini: Lịch sử bí mật của Đức Piô XI và sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu].

Theo từ điển mở Wikipedia, Kertzer từng là tác giả cuốn The Kidnapping of Edgardo Mortara năm 1997, được vào chung kết để lãnh giải thưởng National Book Award về các sách không phải hư cấu, nói về việc Chân phúc Piô IX "bắt cóc" thiếu niên Do Thái Edgardo Mortara. Cuốn sau đó năm 2001, The Popes Against the Jews, cho rằng Vatican và một số giáo hoàng đã tích cực đóng góp vào việc vun sới cơ sở ý thức hệ cho chính sách Diệt Chủng Do Thái. Cuốn ông được giải thưởng Pulitzer, nói là dựa vào Văn khố mật thời Đức Pio XI, kết luận vị Giáo hoàng này đóng vai trò quan trọng trong việc lên cầm quyền của Phát xít Mussolini tại Ý.

Không lạ gì, khi Văn Khố mật về Đức Piô X mở ra, ông ta đã chỉ đi tìm các các tài liệu phù hợp với ý hướng ý thức hệ của mình để tiếp tục làm sai lệch chân dung Đấng Đáng Kính của Giáo Hội Công Giáo. Tập san The Atlantic số ngày 31 tháng 5, 2022 đã trích đăng bài sau đây lấy từ cuốn sách sẽ phát hành nói trên, đại khái nói đến việc các tài liệu mới được tiết lộ của Vatican đã hé lộ một bí mật lâu nay: Khi chiến tranh nổ ra, Đức Piô XII đã sử dụng một hoàng tử Quốc xã để đàm phán với Adolf Hitler. Trong cuộc đàm phán này, Đức Piô XII không bao giờ đề cập đến nạn Diệt Chủng, chỉ lo bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội mình. Chúng tôi xin chuyển dịch và đăng lại trọn bài trích đăng của tờ The Atlantic và trong các bài kế tiếp sẽ chuyển dịch và đăng các đóng góp phản bác lối giải thích của Ông Kertz, nhưng trong khi chờ đợi, cần nói ngay rằng: chủ đích thương thuyết mật nói ở đây là nhằm đưa đến một thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Đệ tam Đế chế Đức. Một thỏa thuận song phương như thế tất nhiên chỉ là bàn về các vấn đề có liên quan trực tiếp đến hai bên, ở đây là chính sách hà khắc của Quốc Xã đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo Đức nói riêng, nhất là hàng giáo sĩ của Giáo hội này. Không thể bàn đến các truyện khác.



Vào tháng 8 năm 1939, khi đang hoàn tất các kế hoạch xâm lược Ba Lan, Adolf Hitler cũng tham gia vào các cuộc đàm phán với Đức Giáo Hoàng Piô XII, tế nhị đến mức ngay cả đại sứ Đức tại Tòa thánh cũng không biết đến chúng. Sự hiện hữu của các cuộc đàm phán này là một bí mật mà Vatican rất muốn duy trì lâu dài sau khi Đức Piô XII qua đời — như đã làm trong tám thập niên qua. Bộ tài liệu của Tòa thánh gồm 12 tập về Chiến tranh thế giới thứ hai, được hoàn thành vào năm 1981, cho đến nay đã trở thành hồ sơ chính thức về hoạt động của Vatican trong thời kỳ đó, nhưng đã không nhắc gì đến các cuộc đàm phán này. Chỉ đến nay, nhận thức về chúng mới được đưa ra ánh sáng nhờ việc gần đây đã mở kho văn khố về Đức Piô XII tại Vatican.

Rất ít chủ đề trong lịch sử Giáo hội, hoặc lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ hai, được tranh cãi sôi nổi như quyết định của Đức Piô XII nhằm tránh những lời chỉ trích trực tiếp công khai đối với Hitler hoặc chế độ của ông ta và giữ im lặng công khai trước thảm họa Diệt Chủng. Tuy thế, nhiều người bảo thủ trong Giáo hội miêu tả Đức Piô như một kẻ thù kiên định, can đảm của Hitler và chủ nghĩa phát xít. Những người khác đã chỉ trích gay gắt ngài đã không tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của Đức Quốc xã và nỗ lực tiêu diệt toàn bộ người Do Thái ở châu Âu của Hitler. Ngay cả khi lực lượng SS của Đức Quốc xã vây bắt hơn 1,000 người Do Thái ở chính Rôma, vào ngày 16 tháng 10 năm 1943, Đức Giáo Hoàng vẫn từ chối công khai lên tiếng. Được giam giữ trong hai ngày tại một khu phức hợp gần các bức tường của Vatican, những người Do Thái sau đó được đưa lên một chuyến tàu đến Auschwitz.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được cho là đang chuẩn bị phong chân phước cho Đức Piô XII vào năm 2000 khi cuộc phản đối, đặc biệt là từ cộng đồng người Do Thái ở Rome, khiến cho diễn trình này bị đình trệ. Người kế nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô XVI, đã kêu gọi đợi cho đến khi kho lưu trữ của Vatican về những năm chiến tranh được mở trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ngài đã đồng ý tuyên bố Đức Piô XII là “đấng đáng kính”, một bước trên con đường trở thành thánh. Vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho phép mở các văn khố về Đức Piô XII, các văn khố này đã sẵn sàng để các học giả nghiên cứu từ năm 2020. Trong hai năm kể từ đó, không có phát hiện mới nào gây ấn tượng mạnh như khám phá này là ngay sau khi ngài trở thành giáo hoàng, Đức Piô XII đã tham gia các cuộc đàm phán bí mật với Hitler, một câu chuyện lần đầu tiên được kể ở đây.

Trong những tháng cuối đời, người tiền nhiệm của Đức Piô XII, Đức Piô XI, đã trở thành vấn đề đau đầu đối với Adolf Hitler. Đức Giáo Hoàng ngày càng trở nên tức giận trước việc Hitler cắt xén dần tầm ảnh hưởng của Giáo Hội ở Đức, thay thế các trường giáo xứ Công Giáo bằng các trường công lập, đóng cửa nhiều cơ sở tôn giáo và thay thế các giáo lý Kitô giáo bằng học thuyết của Đức Quốc xã. Năm 1937, Đức Piô XI đã ban hành một thông điệp lên án chính phủ Quốc xã về việc đàn áp Giáo hội và ủng hộ một hệ tư tưởng ngoại giáo. Hitler rất tức giận. Một năm sau, khi Hitler đến thăm Rome, Đức Piô XI đã rời thành phố để đến Castel Gandolfo, nơi nghỉ dưỡng mùa hè của ngài ở Alban Hills. Trong những nhận xét khiến Benito Mussolini, người cai trị nước Ý và là đồng minh của Hitler tức giận, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không thể chấp nhận việc tôn vinh hình chữ Vạn, mà ngài gọi là "thập tự giá không phải là thập tự giá của Chúa Kitô."

Đức Piô XI qua đời vào đầu năm 1939, trước sự nhẹ nhõm của Hitler và Mussolini. Đức Hồng Y Eugenio Pacelli, người từng là ngoại trưởng, được bầu làm giáo hoàng, lấy tên là Piô XII. Giờ đây, Hitler đã nhìn thấy cơ hội cải thiện quan hệ với Vatican, hoặc dù sao cũng giữ cho tân giáo hoàng không công khai chỉ trích chế độ của ông ta. Ông ta đã chọn Hoàng tử Philipp von Hessen 36 tuổi, con rể của Vua nước Ý Victor Emmanuel III, làm người trung gian bí mật của ông với Đức Giáo Hoàng. Rất ít quý tộc Đức có một dòng dõi lừng lẫy hơn von Hessen, ông nội là hoàng đế Đức Frederick III và bà cố là Nữ hoàng Victoria của Anh. Ông ta là một thành viên ban đầu của SA, đội quân biệt kích của Đảng Quốc xã, và mặc đồng phục áo nâu của đội quân này. Và ông ta đã có kinh nghiệm giữ bí mật, đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn mối quan hệ đa tình của mình với nhà thơ người Anh Siegfried Sassoon khỏi bị đưa ra ánh sáng.

Ngay sau cuộc bầu cử Đức Hồng Y Pacelli, Hitler đã triệu tập von Hessen đến trụ sở chính của mình. Vì sự háo hức hiển nhiên của tân giáo hoàng muốn lật một trang mới trong mối quan hệ khó khăn của Vatican với chế độ Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia, Hitler đã quyết định khám phá khả năng của một thỏa thuận. Von Hessen được cho biết liệu ông có thể lên lịch một cuộc họp bí mật với Đức Giáo Hoàng để bắt đầu các cuộc thảo luận hay không.

Để giữ bí mật, các cuộc nói chuyện giữa von Hessen và Đức Giáo Hoàng phải được sắp xếp thông qua các kênh không chính thức. Tuyến đường vòng, sẽ được sử dụng nhiều lần trong hai năm tới, có sự tham gia của một người đàn ông tên là Raffaele Travaglini, một người bạn trong bóng tối của Hoàng tử Umberto, vị vua tương lai của Ý và anh trai của vợ von Hessen, Công chúa Mafalda. Travaglini là một kẻ mưu mô và tự đề xướng mình, cũng như một tên phát xít cuồng nhiệt. Và anh ta có liên hệ sâu xa với một mạng xã hội có thể bắt tay được với Vatican.

Vào một Chúa nhật giữa tháng 4 năm 1939, chỉ một tháng sau khi Đức Hồng Y Pacelli trở thành giáo hoàng, von Hessen đã triệu tập Travaglini đến dinh thự của hoàng gia Ý ở Rome. Tại đây, ông giải thích rằng Hitler đã yêu cầu ông bắt đầu các cuộc đàm phán với Đức tân giáo hoàng bên ngoài các kênh ngoại giao thông thường. Travaglini ngay lập tức viết thư cho Hồng Y Lorenzo Lauri, một người thân cận với Đức Giáo Hoàng, yêu cầu ngài giúp đỡ trong việc sắp xếp một cuộc gặp giữa von Hessen và Đức Piô XII.

Đức Giáo Hoàng đã gặp đặc phái viên của Hitler lần đầu tiên vào ngày 11 tháng 5. Để giúp giữ bí mật, Đức Giáo Hoàng đã thực hiện một bước rất bất thường là tổ chức cuộc họp trong căn hộ của Hồng Y Luigi Maglione, ngoại trưởng của ngài. Hai người nói chuyện bằng tiếng Đức, ngôn ngữ mà Đức Giáo Hoàng rất thông thạo vì đã làm sứ thần ở Đức mười mấy năm. Các văn khố của Vatican có một tập hồ sơ bằng tiếng Đức về cuộc đàm đạo của họ. Đáng chú ý là việc Đức Giáo Hoàng đã giấu một vị giáo phẩm người Đức để ghi lại đầy đủ các cuộc trò chuyện của họ mà dường như không bị hoàng tử Quốc xã nhận ra. Các ghi chép do đó, mới được tiết lộ gần đây, đã cung cấp một trình thuật chính xác về những gì đã được nói ra.

Tại cuộc họp đầu tiên này, Đức Giáo Hoàng đã lấy ra một bản sao bức thư mà ngài đã gửi cho Hitler, bày tỏ sự cảm kích trước những lời chúc tốt đẹp của quốc trưởng về việc ngài được bầu vào vị trí giáo hoàng. Ngài đọc to bức thư đó cho hoàng tử, sau đó đọc thư trả lời của Hitler. Khi kết thúc việc đọc, Đức Giáo Hoàng nói, “Tôi từng là người rất biết cân nhắc, và câu trả lời của Thủ tướng Chính phủ rất tử tế. Nhưng tình thế từ đó đã trở nên xấu đi”. Để lấy thí dụ, ngài trích dẫn việc đóng cửa các trường học và chủng viện Công Giáo ở Đệ tam Đế chế, việc xuất bản các cuốn sách tấn Công Giáo hội và Đức Giáo Hoàng, và cắt giảm ngân quỹ nhà nước vốn sinh ích cho Giáo hội ở Áo. Ngài nói với hoàng tử rằng ngài mong muốn đạt được một thỏa thuận với Hitler và sẵn sàng thỏa hiệp trong chừng mực lương tâm cho phép, "nhưng để điều đó xảy ra, trước khi có bất cứ điều gì khác, phải có một đình chiến... Tôi chắc chắn rằng nếu hòa bình giữa Giáo hội và nhà nước được phục hồi, tất cả mọi người sẽ được hài lòng. Nhân dân Đức đoàn kết trong tình yêu Tổ quốc. Một khi chúng tôi có hòa bình, người Công Giáo sẽ trung thành, hơn bất cứ ai khác ”.

Von Hessen giải thích rằng những người theo chủ nghĩa Xã hội Quốc gia được chia thành các phe ủng hộ Giáo hội và chống Giáo hội “đối lập nhau một cách gay gắt.” Nếu các giáo sĩ Công Giáo đồng ý tự giới hạn mình trong các vấn đề của Giáo hội và đứng ngoài chính trị, thì phe ủng hộ Giáo hội có thể thắng thế.

Đức Giáo Hoàng trả lời rằng Giáo hội không quan tâm đến việc tham gia vào chính trị đảng phái. “Hãy nhìn vào nước Ý. Ở đây cũng có một chính phủ độc tài. Và Giáo hội có thể chăm lo việc giáo dục tôn giáo cho giới trẻ… Không ai ở đây chống Đức cả. Chúng tôi yêu nước Đức. Chúng tôi hài lòng nếu nước Đức vĩ đại và mạnh mẽ”.

Von Hessen hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có sẵn sàng đưa ra văn bản cam kết Giáo hội đứng ngoài chính trị hay không. Tránh né câu hỏi, Đức Piô XII trả lời rằng vấn đề là phải rõ ràng về ý nghĩa của chính trị. Chẳng hạn, không nên coi việc giáo dục tôn giáo cho giới trẻ là chính trị.

Sau đó, Von Hessen đưa ra một điểm nhức nhối khác trong mối quan hệ của Vatican với Đế chế, các phiên tòa được quảng bá nhiều xét xử “đạo đức” các linh mục người Đức. Hàng trăm người đã bị buộc tội về tội phạm tình dục, bao gồm cả lạm dụng trẻ em. Đức Giáo Hoàng nhận định, "Những sai sót như vậy xảy ra ở khắp mọi nơi. Một số vẫn còn bí mật, những số khác bị khai thác. Bất cứ khi nào chúng tôi được thông báo về những trường hợp như vậy, chúng tôi can thiệp ngay lập tức”.

Hiện nay, rõ ràng là Bộ Ngoại giao, khi đó dưới sự chỉ đạo của Đức Hồng Y Pacelli, đã thực sự có hành động ngay lập tức. Một tập trong hồ sơ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh từ năm trước có tựa là “Vienna: Lệnh đốt tất cả tài liệu văn khố liên quan đến các trường hợp vô luân của các tu sĩ và linh mục”. Cho đến nay, các nhà sử học đã bác bỏ phần lớn các cuộc điều tra của cảnh sát về hành vi lạm dụng tình dục của giáo sĩ ở Đức Quốc xã như bằng chứng về việc chống Công Giáo và kỳ thị người đồng tính của chế độ Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia. Nhưng có những lý do khiến Giáo hội rất dễ bị tổn thương bởi loại tống tiền kiểu này.

Trong suốt cuộc gặp đầu tiên này, von Hessen bày tỏ sự lo lắng của mình rằng lời nói trong cuộc họp này có thể bị rò rỉ. Đức Giáo Hoàng trấn an, “Không ai biết chúng ta đang có cuộc trò chuyện này. Ngay cả những cộng sự thân cận nhất của tôi cũng không hay biết việc này”.

Sau cuộc gặp gỡ, von Hessen đến Berlin để nói với Hitler những gì Đức Giáo Hoàng đã nói. Ba tuần sau đó, khi trở lại Rome, von Hessen một lần nữa chuyển một thông điệp tới Travaglini, ông này đã chuyển nó qua thư cho Đức Hồng Y Lauri, người, đến lượt, đã chuyển nó cho Đức Giáo Hoàng.

Thông điệp khởi đầu, Quốc trưởng “rất hài lòng với cuộc thảo luận bí mật mà Hoàng tử đã có với Đức Thánh Cha vào tối ngày 11 tháng 5 năm 1939… Sau cuộc gặp đó, nhiều cuộc trò chuyện đã diễn ra ở Berlin với Quốc trưởng và với [Hermann] Goering và [Joachim von] Ribbentrop ”- lần lượt là Thống tướng và bộ trưởng ngoại giao. Kết quả là:

a) Cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng với von Hessen đã thay đổi thái độ của Ribbentrop đối với việc đạt được thỏa thuận giữa Đế chế và Vatican, điều mà trước đây ông ta phản đối nhưng giờ đây đã ủng hộ.

b) Kể từ ngày 25 tháng 5, báo chí Đức được lệnh chấm dứt các cuộc tấn công vào đạo Công Giáo và các linh mục Công Giáo ở Đức và trái lại, nói tốt về họ nếu có dịp tốt để làm như vậy.

c) Hitler kêu gọi các quan chức khu vực khác nhau gửi báo cáo về tình hình tôn giáo trong khu vực của họ, để có thể đàm phán với Vatican về các mối quan tâm của họ.

d) Quyết định cử Hoàng tử Philipp đến Rôma với thông điệp bày tỏ lòng kính trọng và những lời chúc tốt đẹp dành cho Đức Thánh Cha, kèm theo một số đề xuất cụ thể, nhằm bắt đầu các cuộc tiếp xúc chính thức qua các kênh ngoại giao tương ứng theo mong muốn.

Thông điệp của Von Hessen tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng được Hitler đặt vào việc duy trì các cuộc đàm phán mật. Như Hitler thấy, cho đến khi có thể đạt được một thỏa thuận với Đức Giáo Hoàng, sẽ chẳng có ích lợi gì nếu để lọt sáng kiến của ông ta.

Trong suốt mùa hè năm 1939, khi Hitler chuẩn bị xâm lược Ba Lan, ông ta tiếp tục sử dụng kênh bí mật của mình để lôi kéo Vatican với triển vọng đạt được một thỏa thuận. Vào đầu tháng Bảy, Đức Giáo Hoàng nhận được một báo cáo mới từ von Hessen thông qua Đức Hồng Y Lauri. Trong một cuộc họp vài ngày trước đó, von Hessen đã hỏi Hitler rằng liệu các đề xuất dành cho Đức Giáo Hoàng đã sẵn sàng chưa. Hoàng tử báo cáo rằng trong khi quốc trưởng “hiện có khuynh hướng hòa giải,” ông “xin được miễn thứ nếu, vì tình hình quốc tế cực kỳ nhạy cảm hiện tại, cho đến nay ông vẫn chưa thể nghiên cứu đầy đủ các vấn đề phức tạp hiện tại của Giáo Hội Công Giáo tại Đế chế để có thể mang đến cho Đức Thánh Cha các đề nghị cụ thể, với những tình cảm cực kỳ qúy mến và có thiện cảm.” Tuy nhiên, von Hessen vội nói thêm, Hitler tin chắc rằng có thể đạt được hòa bình tôn giáo hằng mong muốn, và ông hy vọng sẽ sớm trở lại Rome để gặp Đức Giáo Hoàng.

Cuộc họp bí mật tiếp theo của Von Hessen với Đức Piô XII diễn ra vào ngày 26 tháng 8, tại Castel Gandolfo. Bản tường trình chi tiết về cuộc gặp gỡ này dưới dạng một bản ghi bằng tiếng Đức được tìm thấy trong văn khố mới mở của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Cuộc gặp diễn ra chưa đầy một tuần trước khi Hitler đưa quân Đức vào Ba Lan, khơi mào cho Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hoàng tử Đức bắt đầu bằng cách nói với Đức Giáo Hoàng rằng Hitler muốn bảo đảm với ngài về “mong muốn nhiệt thành nhất” của ông là khôi phục hòa bình với Giáo hội. Von Hessen nói, Quốc trưởng không tin rằng bất cứ "vấn đề lớn" nào đã chia rẽ họ. Dường như không để ý đến mâu thuẫn rõ ràng, hoàng tử sau đó nói rằng Hitler nghĩ rằng "các vấn đề lớn nhất" cần được giải quyết, nếu đạt được thỏa thuận, là "câu hỏi về chủng tộc" - ở đây đề cập đến chiến dịch đàn áp và khủng bố của chế độ Đức Quốc xã nhắm vào người Do Thái - và những gì Hitler coi là giáo sĩ pha mình vào chính trị quốc nội của Đức. Von Hessen nói, Hitler tin rằng trở ngại đầu tiên trong các trở ngại này tức “vấn đề chủng tộc” có thể "tránh được", bằng cách tiếp tục chính sách giữ im lặng của tân giáo hoàng về vấn đề này. Khi đó, điều cần thiết là cái hiểu về vai trò thích hợp của các giáo sĩ Công Giáo Đức.

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đầu tiên bày tỏ lòng biết ơn đối với Hitler vì lời chào nồng nhiệt của ông. Ngài nói, ngài cũng muốn thấy Giáo hội đạt được một thỏa thuận trong danh dự nhằm bảo đảm hòa bình tôn giáo trong Đế chế. Đối với những lo ngại của Hitler về hoạt động chính trị của các giáo sĩ Đức, không có lý do gì để lo lắng vì Giáo hội không có lý do gì để tham gia vào chính trị đảng phái. Trong các cuộc trò chuyện với von Hessen, Đức Giáo Hoàng không bao giờ nêu lên bất cứ lo ngại nào về chiến dịch chống người Do Thái của Đức Quốc xã.

Hoàng tử cho biết, Quốc trưởng tin rằng các cuộc đàm phán của họ có thể dẫn đến một tông hiệp [concordat] mới, đã được sửa đổi với Đức, một tông hiệp bao gồm cả Áo, hiện là một phần của Đế chế. Đức Giáo Hoàng nói: “Chúng tôi sẽ cổ vũ việc đạt được một nền hòa bình tôn giáo đáng kính một cách hết sức mạnh mẽ”. Von Hessen tiếp lời, một nền hòa bình như vậy, “thực sự là mong muốn sâu sắc của Quốc trưởng. Ông hy vọng sẽ được gặp Đức Thánh Cha khi ông trở lại Rome cho các mục đích chính thức.” Hoàng tử cho biết, đến nay, Hitler hy vọng đã cung cấp cho Đức Giáo Hoàng một loạt điểm để thúc đẩy các cuộc đàm phán. Không may, “vụ Nga xuất hiện,” khiến ông ta phân tâm khỏi vấn đề này.

Von Hessen không cần phải giải thích việc vừa nhắc. Hiệp ước bất bạo động Đức-Nga — một hiệp ước đem lại cho Hitler các bảo đảm ông vốn tìm kiếm để tiến hành cuộc xâm lược Ba Lan - đã được ký kết ba ngày trước đó tại Moscow. Nhưng hoàng tử Đức khẳng định, các cuộc đàm phán với Đức Giáo Hoàng vẫn là mối quan tâm hàng đầu của quốc trưởng. Đồng thời, cả hai phía đều nhận ra rằng mọi sự phải tiếp tục được thực hiện trong bí mật nếu họ muốn ngăn chặn “sự can thiệp thù địch” của những kẻ háo hức ngăn cản bất cứ thỏa thuận nào giữa Đức Piô XII và Hitler. Đức Giáo Hoàng nói bằng tiếng Latinh "Secretum [Bí mật] vốn là điều thánh thiêng đối với chúng tôi."

Cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 24 tháng 10 năm 1939. Với cuộc chinh phục tàn bạo của mình đối với Ba Lan hiện đã hoàn thành, Hitler cho Đức Giáo Hoàng biết rằng ông đã sẵn sàng để nối lại các cuộc đàm phán bí mật của họ. Bản ghi âm cuộc trò chuyện bằng tiếng Đức giữa Đức Giáo Hoàng và Philipp von Hessen cho thấy rõ rằng, ngay cả sau cuộc xâm lược và bắt đầu cuộc chiến lớn hơn, Đức Giáo Hoàng vẫn mong muốn đạt được một sự hiểu biết với Hitler. Đồng thời, Đức Giáo Hoàng muốn Hitler biết rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng phụ thuộc vào việc thay đổi các chính sách của Đức từng gây hại cho Giáo hội.

Khi von Hessen ngồi xuống, Đức Giáo Hoàng hỏi tình hình của Hitler ra sao.

Hoàng tử trả lời, “Ngài rất tốt, mặc dù có những căng thẳng đáng kể,”. Thật không may, người Ba Lan đã tự chuốc lấy tai họa, sự ngoan cố không chịu nhìn nhận thất bại của họ đã để lại hậu quả bi thảm. Theo von Hessen, quyết định của chỉ huy quân đội Ba Lan là tiếp tục kháng chiến vô nghĩa, đã hy sinh nhiều sinh mạng một cách không cần thiết.

Nhưng, Đức Giáo Hoàng trả lời, ngay cả người Đức cũng phải công nhận sự dũng cảm của những người lính Ba Lan.

Bỏ qua nhận xét của Đức Giáo Hoàng, von Hessen nói, nhìn chung, Quốc trưởng rất hài lòng với tiến bộ quân sự và chính trị mà ông đã đạt được ở Ba Lan.

Đức Giáo Hoàng đã hỏi người dân Đức ra sao?

"Họ rất tốt. Thẻ suất ăn đã được đưa ra. Nhưng người dân rất lạc quan”. Đức Giáo Hoàng thừa nhận rằng giờ đây dường như đã có sự yên tĩnh về mặt quân sự. Đúng như vậy, hoàng tử đáp lại. Ông nói, có lẽ ông hy vọng quá mức, nhưng ông thấy những dấu hiệu cho thấy hòa bình có thể đang trở lại châu Âu.

Von Hessen lưu ý rằng, sau cuộc gặp trước đó với Đức Giáo Hoàng, ông đã trở lại Đức và thảo luận với quốc trưởng những gì Đức Giáo Hoàng đã nói với ông về tầm quan trọng của việc hiểu nhau. Hoàng tử nói “Quốc trưởng đã hoàn toàn đồng ý,” nhưng đáng tiếc sau đó ông bị phân tâm bởi nhiều vấn đề cấp bách khác mà ông phải giải quyết. Tuy nhiên, hoàng tử bảo đảm với Đức Giáo Hoàng, "ý định vẫn còn đó."

Đức Piô XII nói, thật không may, tin tức từ Đức không khuyến khích việc xích lại với Giáo hội. Ngay cả những người ưa thích một chế độ độc tài cũng lo ngại về cách các định chế tôn giáo bị đối xử.

Tại thời điểm này, Đức Giáo Hoàng quyết định đưa ra một lập luận mà ngài nghĩ có thể hấp dẫn Hitler. Những kẻ thù của Đức đang tận dụng rất nhiều cách đối xử tồi tệ của Đế chế đối với các Giáo Hội. Ám chỉ các áp lực buộc ngài phải lên tiếng chống lại các biện pháp chống Giáo hội của Hitler, Đức Giáo Hoàng nói thêm, tất cả những điều này đang khiến vị thế của chính ngài và của Vatican gặp khó khăn. Cuộc tấn công có hệ thống của người Đức vào Giáo Hội phải dừng lại. Nếu Hitler đưa ra một tín hiệu và tình hình được cải thiện, nó sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán hữu hiệu. Đức Giáo Hoàng nói, “Tôi hiểu các nhiệm vụ khác đòi hỏi năng lực của Quốc trưởng ngay bây giờ. Nhưng một tín hiệu như vậy, một lệnh "Dừng lại!" là điều khả hữu và quan trọng nhất. Đó là bởi vì, và không còn nghi ngờ gì nữa, các cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn. Một cách cố ý và có hệ thống.”

Hoàng tử gợi ý, có lẽ, tốt nhất có thể bắt đầu bằng cách tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ ở Berlin, nơi quốc trưởng sống phần lớn thời gian của mình. Tại đó, sứ thần của Đức Giáo Hoàng có thể chủ trì các cuộc hội đàm. “Rất nhiều quốc gia đã tham gia với Đế chế,” Von Hessen nói thêm rằng rõ ràng cần có một tông hiệp mới với Vatican.

Đức Giáo Hoàng hỏi, hoàng tử có nghĩ đến việc thành lập một ủy ban để tổ chức những cuộc nói chuyện như vậy không?

Không, ông không được chỉ dẫn như vậy. Ông chỉ là suy nghĩ lớn tiếng như vậy thôi. “Nếu Đức Thánh Cha đồng ý trên nguyên tắc, thì—”

Đức Giáo Hoàng cắt ngang. Điều quan trọng để bất cứ cuộc đàm phán nào như vậy có kết quả là việc tạo ra một bầu không khí thuận lợi thông qua một tín hiệu từ quốc trưởng.

"Tôi sẵn lòng vận động điều này."

Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi luôn mong muốn hòa bình giữa Giáo hội và Nhà nước và tiếp tục làm như vậy”.

Khi Đức Piô đứng dậy để kết thúc cuộc gặp gỡ của họ, ngài nói với hoàng tử rằng ngài đánh giá cao chuyến thăm của ông rất nhiều và yêu cầu ông chuyển tới Hitler những lời chào nồng nhiệt.

Von Hessen trở lại Đức. Nghĩ rằng đã đến lúc các cuộc thảo luận chuyển sang bình diện tiếp theo, Hitler quyết định cử Ngoại trưởng von Ribbentrop đến gặp Đức Giáo Hoàng. Von Hessen trở lại Rome để thảo luận về những sắp xếp có thể có.

Theo con đường nay đã quen thuộc của họ, Travaglini ghi lại bằng văn bản của mình những gì von Hessen đã nói với Đức Hồng Y Lauri. Đức Hồng Y đã gửi nó cho Đức Piô ngày 2 tháng Giêng, 1940, với một lá thư đính kèm thúc giục Đức Giáo Hoàng nhanh chóng cho ngài biết cách trả lời. Một thông tri được đánh máy riêng biệt trên một tờ giấy thường, được tìm thấy cùng với bức thư của Đức Hồng Y trong văn khố của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho thấy Đức Giáo Hoàng đã đồng ý nhanh chóng ra sao với cuộc họp và cho nó hương vị bí mật như thế nào: “Ngày 3 tháng 1, 1940 (12:15 p.m.). Đức Hồng Y Ưu tú nhất Lauri thông báo với ta rằng ‘người đáng chú ý’ đã trở lại Rome vào sáng nay và được thông báo một cách thích hợp, sẽ đến vào tối nay vào thời gian đã thỏa thuận”.

Để chuẩn bị cho cuộc họp, Đức Piô XII đã vội vàng gom góp một tài liệu, bằng tiếng Đức, liệt kê năm yêu cầu đối với Hitler. Ngài đưa nó cho von Hessen khi hoàng tử xuất hiện vào buổi tối hôm đó tại Tông điện. Đức Giáo Hoàng viết lời tựa cho năm điểm của mình bằng cách bày tỏ sự vui mừng khi thấy “một số ấn phẩm tuyên truyền chống lại Giáo hội hoặc các tổ chức của Giáo hội [ở Đức] đã được thu hồi”. Tuy nhiên, các dấu hiệu khác kém khả quan hơn; các báo cáo về tuyên truyền chống giáo sĩ và chống Kitô giáo ở Đức liên tục xuất hiện. “Ta tiếp tục tri nhận rằng có những người trong Đảng — đặc biệt trong những giới tự coi mình là đại diện quan trọng nhất của nước Đức ngày nay, chẳng hạn như SS, SA, Mặt trận Lao động, Thanh niên Hitler, Liên đoàn Các cô gái Đức — những tổ chức tìm cách tách người Công Giáo về mặt tinh thần và nếu có thể, về mặt hữu hình khỏi Giáo hội của họ. Thí dụ: một người không thể thăng tiến trong SS mà không từ bỏ tư cách thành viên của mình trong Giáo hội. " Đức Giáo Hoàng đề nghị để “khử độc bầu không khí công cộng trước bất cứ cuộc đàm phán nào bắt đầu”, chính phủ Đức phải thực hiện một số biện pháp nhất định. Sau đó, ngài liệt kê năm bước:

1. Chấm dứt các cuộc tấn công chống lại Kitô giáo và Giáo Hội trên các ấn phẩm của Đảng và Nhà nước, đồng thời thu hồi các ấn phẩm đặc biệt xúc phạm trong quá khứ. Một số ấn phẩm tồi tệ nhất chống lại Giáo hội đã thực sự bị rút khỏi thị trường, nhưng không hề là tất cả…

2. Chấm dứt các tuyên truyền chống Kitô giáo và chống Giáo hội nhắm vào thanh thiếu niên, trong trường học và ngoài hai phạm vi này nữa…

3. Phục hồi giáo dục tôn giáo trong các trường học phù hợp với các nguyên tắc của Giáo Hội Công Giáo và do các giáo chức được Giáo hội chấp thuận, hầu hết là giáo sĩ Công Giáo, hướng dẫn.

4. Khôi phục quyền tự do của Giáo hội để tự bảo vệ công khai trước các cuộc tấn công công khai chống lại giáo lý của Giáo hội và các tổ chức của Giáo hội…

5. Chấm dứt việc chiếm giữ tạm thời thêm nữa tài sản của Giáo hội, dự kiến cho sự kiểm tra hỗ tương các biện pháp quá khứ.

Sáng hôm sau cuộc họp, von Hessen đã thông báo tóm tắt cho von Ribbentrop qua điện thoại. Khi trở về Đức không lâu sau đó, von Hessen cũng nói ngắn gọn với Hitler và đưa cho ông ta bản ghi nhớ năm điểm mà Đức Piô XII đã chuẩn bị. Được cử trở lại Rome vào đầu tháng sau để tiếp tục đàm phán, von Hessen cho vời Travaglini để truyền đạt một thông điệp mới cho Đức Giáo Hoàng. Sau khi Hitler đọc bản ghi nhớ của Đức Giáo Hoàng, ông ta đã thảo luận các bước tiếp theo với von Ribbentrop và đồng ý về nguyên tắc với các điều khoản của Đức Giáo Hoàng. Ông đã quyết định rằng cuộc gặp sắp tới của bộ trưởng ngoại giao của ông với Đức Giáo Hoàng là một cuộc họp chính thức và không được giữ bí mật. Nó nên được coi là một cuộc thảo luận về những điểm căng thẳng giữa Đế chế và Vatican.

Thật kỳ lạ, khi thông báo cho Đức Piô về cuộc gặp đã được lên kế hoạch với von Ribbentrop, von Hessen chuyển tải mong muốn của Hitler rằng Đức Giáo Hoàng nên nói tâng bốc với bộ trưởng ngoại giao của mình càng nhiều càng tốt: “Trong cuộc gặp mà von Ribbentrop sẽ có với Đức Thánh Cha — có lẽ là một cuộc gặp quyết định đối với mối quan hệ giữa Giáo hội và Đế chế - Quốc trưởng muốn Đức Thánh Cha dành nhiều lời ngọt ngào với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ngài, vì ông rất thích những cách diễn đạt như vậy, và vì von Ribbentrop là người thực thi các công việc giám sát trong tương lai thuộc lãnh vực này." Hoàng tử Đức cho biết Hitler “mong đợi rất nhiều ở cuộc hội kiến này.”

Mặc dù Đức Giáo Hoàng rất muốn có cuộc gặp với ngoại trưởng Quốc xã, quyết định của Hitler muốn cuộc gặp phải được tuyên truyền rộng rãi khiến ngài không an tâm. Kể từ khi quân Đức xâm lược Ba Lan vào tháng 9 trước đó, những lời khẩn khoản đầy đau khổ từ những người Ba Lan áp đảo theo Công Giáo đã đến Vatican, thúc giục Đức Giáo Hoàng tố cáo hành động xâm lược của Quốc xã. Sự kiện một số lượng lớn giáo sĩ Công Giáo Ba Lan là mục tiêu của quân xâm lược Đức khiến áp lực lên tiếng gần như không thể chịu đựng được. Nay, để Đức Giáo Hoàng được nhìn thấy trong một cuộc trò chuyện tập đoàn với von Ribbentrop nhất định sẽ gây ra những hậu quả không vui cho ngài.

Vào ngày 8 tháng 2, Đức Giáo Hoàng đã có một thư ngắn mới viết cho von Hessen: Tin tức mà chúng tôi nhận được cho đến đầu tháng này về tình hình của Giáo hội ở Đức không cho thấy việc khởi đầu một lắng dịu nào phù hợp với năm điểm đã đề cập.

Trong những hoàn cảnh này, Đức Thánh Cha tin rằng sẽ có lợi hơn nếu giữ bí mật cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ngài và Bộ trưởng Ngoại giao của Đế chế, để có được một cuộc thảo luận cởi mở mà không bị can thiệp về những… điểm cần thiết cho thỏa thuận.

Vào ngày 18 tháng 2, von Hessen trở lại Rome, nơi Travaglini đã đưa cho ông thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Trình thuật của Travaglini về cuộc đàm luận sau đó của ông với von Hessen, cuộc đàm luận mà Đức Piô XII đã nhận được qua Hồng Y Lauri, mô tả những lời dụ dỗ mới nhất của Hitler đối với Đức Giáo Hoàng. Quốc trưởng và von Ribbentrop đã “áp dụng một cách thận trọng và kín đáo năm điểm trong Công hàm của [Đức Giáo Hoàng].” Họ dự định hoàn thành nhiệm vụ đó và có khả năng làm nhiều hơn nữa để làm hài lòng Đức Giáo Hoàng sau chuyến thăm của von Ribbentrop. Để biến tất cả những điều này thành khả thi, các nhà lãnh đạo Quốc xã đã đồng ý rằng, mặc dù cuộc họp của ngoại trưởng có thể được coi là "riêng tư", nhưng nó phải được kèm theo tất cả các nghi lễ thích hợp cho một sự kiện quan trọng như vậy. Thông điệp của Von Hessen dành cho Đức Giáo Hoàng đã kết thúc một cách lạc quan: “Sau chuyến thăm và cuộc thảo luận thẳng thắn, cởi mở của Đức Thánh Cha với von Ribbentrop, một kỷ nguyên an bình mới của đạo Công Giáo ở Đức có thể sẽ ló dạng.”

Vào sáng thứ Hai, ngày 11 tháng 3 năm 1940, von Ribbentrop và đoàn tùy tùng của ông đã được đón bằng bốn chiếc xe limousine màu đen treo cờ Vatican và Quốc xã. Họ lên đường đến Tông điện, đi vào Thành phố Vatican qua Cổng Sant’Anna. Bộ trưởng ngoại giao 46 tuổi - một “cựu nhân viên bán rượu sâm banh hết sức tự đắc, kiêu ngạo và hào hoa”, như nhà sử học Ian Kershaw đã mô tả về ông - đã trở thành một trong những người thân tín nhất của Quốc trưởng, mặc dù ông bị hầu hết các giới lãnh đạo cao nhất của Quốc xã khinh miệt. Tại Vatican, Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ sọc ca rô chào đón đoàn xe trước khi đoàn xe tiến vào Sân San Damaso.

Von Ribbentrop bước vào thư viện riêng của Đức Piô XII, với chiếc bàn lớn được chạm khắc đặt gần một bức tường. Bộ trưởng ngoại giao, người từ chối quỳ gối theo thông lệ khi đến gần Đức Piô XII, bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách chuyển lời chào của Hitler. Đáp lại, Đức Thánh Cha nói về những năm tháng của ngài ở Đức, điều được ngài nói có lẽ là hạnh phúc nhất đời ngài.

Von Ribbentrop cho biết ông hy vọng họ có thể nói chuyện thẳng thắn. Hitler tin rằng việc giải quyết những khác biệt của họ “là hoàn toàn có thể” nhưng trước hết phụ thuộc vào việc bảo đảm “các giáo sĩ Công Giáo ở Đức từ bỏ bất cứ loại hoạt động chính trị nào” - nghĩa là không đưa ra bất cứ lời chỉ trích nào, rõ ràng hay ẩn ý về các chính sách của chính phủ. Tất nhiên, thời chiến không phải là thời điểm để ký kết bất cứ thỏa thuận chính thức mới nào, Bộ trưởng Đức nói, nhưng “theo ý kiến của Quốc trưởng, điều quan trọng trong lúc này là duy trì đình chiến hiện có [giữa Giáo hội và nhà nước] và, nếu có thể, mở rộng nó.” Von Ribbentrop cho biết Hitler đang thực hiện phần việc của mình trong việc mang lại sự cải tiến này. Ông đã dẹp bỏ hơn 7,000 cáo trạng chống các giáo sĩ Công Giáo, bị buộc đủ tội tài chính lẫn tình dục, và đang tiếp tục chính sách của chính phủ QuốcXã cung cấp một khoản trợ cấp tài chính lớn hàng năm cho Giáo Hội Công Giáo. Quả thực, Đức Giáo Hoàng phải biết ơn Hitler vì điều đó, von Ribbentrop gợi ý; nếu Giáo hội vẫn tồn tại ở Châu Âu, thì đó chỉ là nhờ Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia, đã loại bỏ được mối đe dọa từ những người Bônsêvích.

Ở đây, trình thuật của Đức và Vatican về cuộc đàm phán bắt đầu khác nhau. Theo phiên bản Đức, “Đức Giáo Hoàng đã thể hiện sự hiểu biết hoàn toàn về các tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao và thừa nhận không điều kiện rằng các sự kiện cụ thể đã được đề cập. Đúng là Đức Giáo Hoàng đã cố gắng xoay chuyển cuộc trò chuyện sang một số vấn đề và khiếu nại đặc biệt của Giáo triều, nhưng ngài không nhất quyết tiếp tục”.

Trình thuật của Đức Giáo Hoàng về cuộc đàm phán do Đức ông Domenico Tardini, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chuẩn bị, dựa trên những gì Đức Giáo Hoàng nói với ngài ngay sau khi von Ribbentrop rời khỏi. Chúng tôi cũng có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đàm phán nhờ một bản ghi nhớ dài bằng tiếng Đức được chuẩn bị trước cuộc họp như một hướng dẫn cho những gì Đức Piô XII định nói. Bản ghi nhớ, chỉ mới được công bố gần đây, đưa ra lời nhắc nhở về năm điểm mà Đức Giáo Hoàng đã gửi cho Hitler. Nó cũng bao gồm các vấn đề quan trọng khác mà Đức Giáo Hoàng hy vọng sẽ đưa ra. Danh sách khá dài: "Đã có trường hợp văn phòng của các viên chức cao cấp của Giáo hội, bao gồm cả giám mục, bị khám xét... bởi Gestapo." Những hành động như vậy đã vi phạm các điều khoản của hòa ước đã được đàm phán với chính phủ Đức ngay sau khi Hitler lên nắm quyền. Chúng phải dừng lại. Sau đó là vấn đề nhạy cảm về Ba Lan:

Tòa thánh có những quan ngại sâu xa nhất về tình hình hiện tại của Giáo hội ở Ba Lan, đặc biệt là vì những hạn chế cực đoan áp đặt đối với các giám mục và linh mục; những hạn chế đối với các hoạt động của Giáo hội, kể cả vào các Chúa nhật, ngăn cản các linh mục và các tín hữu thực hiện các hành vi tôn giáo cần thiết nhất; và việc đóng cửa nhiều dòng tu và trường tư thục Công Giáo.

Sau cuộc họp, Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng von Ribbentrop đã gây ấn tượng cho ngài như một thanh niên khá mạnh mẽ, nhưng lại là một người ưa chửi rủa như một kẻ cuồng tín khi lên tiếng. Von Ribbentrop đã nói với Đức Giáo Hoàng rằng hắn từng là một thương gia buôn rượu và ít quan tâm đến chính trị. Hắn nói, hắn tin Thiên Chúa, và sinh ra là một người theo Thệ phản, nhưng không thuộc giáo hội nào. Để đáp lại lời phàn nàn của von Ribbentrop rằng người tiền nhiệm của Đức Giáo Hoàng đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ chống lại nước Đức, Đức Piô chỉ ra rằng, ngược lại, trong thông điệp đầu tiên của chính ngài, được công bố vào tháng 10 trước đó, ngài đã cẩn thận để không xúc phạm người Đức, và trong diễn văn Giáng sinh tiếp theo đó, việc ngài đề cập đến nỗi đau khổ của một “dân tộc nhỏ bé” không có ý nói đến Ba Lan, như một số người đã nghĩ, mà nói đến Phần Lan, nơi mà người Nga gần đây đã tàn phá.

Von Ribbentrop cố gắng gây ấn tượng với Đức Giáo Hoàng bằng việc tin chắc người Đức sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến trước khi kết thúc năm, một tuyên bố được hắn lặp đi lặp lại. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người băng giá cho đến khi gặp von Ribbentrop,” Giuseppe Bastianini, thứ trưởng phụ trách các vấn đề đối ngoại của Mussolini, đã nhận xét như thế, và bây giờ Đức Giáo Hoàng đang chứng kiến người Quốc xã hiếu chiến nổi tiếng trong hành động.

Hai tháng sau cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với von Ribbentrop, quân đội Đức bắt đầu cuộc hành quân thần tốc về phía tây, chiếm đóng Hòa Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp trong một thời gian ngắn đáng kinh ngạc, đồng thời đánh đuổi lực lượng viễn chinh Anh khỏi lục địa. Ba Lan đã bị chia cắt. Tuy nhiên, các cuộc gặp bí mật của Đức Giáo Hoàng với hoàng tử Quốc xã vẫn tiếp tục; cuộc họp cuối cùng diễn ra vào mùa xuân năm 1941. Cuối cùng, không có thỏa thuận chính thức nào đã diễn ra từ các cuộc họp này, và vì vậy theo nghĩa hẹp, chúng có thể được coi là một thất bại. Những gì các cuộc họp đã làm là chơi xỏ Đức Giáo Hoàng và giúp giữ ngài im lặng. Hitler không bao giờ có ý định khôi phục các đặc quyền của Giáo hội ở Đức, nhưng ông ta biết cách đưa ra nhiều lời dụ dỗ khác nhau.

Đức Piô XII và Adolf Hitler không có tình cảm với nhau. Tuy nhiên, mỗi người có lý do riêng để bắt đầu những cuộc nói chuyện này. Đức Giáo Hoàng đặt ưu tiên cao nhất trong việc đạt được thỏa thuận với chế độ Quốc xã nhằm chấm dứt cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo Rôma trong Đệ tam Đế chế và tại các vùng đất mà nó đã chinh phục. Về phần mình, Hitler nhìn thấy cơ hội để chấm dứt những lời chỉ trích của Đức Giáo Hoàng vốn đã trở thành kẻ gây khó chịu dưới thời vị giáo hoàng trước. Như Hoàng tử von Hessen đã nói với Đức Giáo Hoàng, Hitler chỉ thấy tiềm tàng hai trở ngại cho việc đạt được sự hiểu biết lẫn nhau: “vấn đề chủng tộc” và sự tham gia của các giáo sĩ Công Giáo vào nền chính trị Đức. Các linh mục và giám mục không được phép thốt ra bất cứ lời chỉ trích nào đối với các chính sách của Quốc xã.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Giáo Hoàng từng nêu ra chiến dịch của Đức Quốc xã chống lại người Do Thái ở châu Âu như một vấn đề. (Về vấn đề đó, Đức Giáo Hoàng cũng không phát biểu bất cứ sự phản đối nào đối với “luật chủng tộc” của chính Mussolini bao lâu chúng chỉ ảnh hưởng đến người Do Thái ở Ý.) Đối với mối quan tâm thứ hai của Hitler, Đức Giáo Hoàng liên tục phủ nhận rằng các giáo sĩ Công Giáo có liên quan đến lãnh vực chính trị. Nếu Đức Giáo Hoàng quả có cho rằng việc các giáo sĩ Công Giáo chỉ trích bất cứ chính sách nào của chế độ Quốc xã ngoài những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến Giáo hội là đúng đắn, thì ngài đã không nhấn mạnh vào vấn đề này.

Đức Piô XII có những ưu tiên khác. Với tư cách là người đứng đầu một tổ chức quốc tế lớn, mục tiêu quan trọng của ngài trong các cuộc đàm phán với sứ giả của Hitler là bảo vệ các nguồn lực định chế và đặc quyền của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Đệ tam Đế chế. Nếu mục tiêu duy nhất là bảo vệ phúc lợi của Giáo hội, thì những nỗ lực của ngài có thể được đánh giá là thành công. Nhưng đối với những người coi chức giáo hoàng là một vị trí lãnh đạo đạo đức lớn lao, những tiết lộ về các cuộc đàm phán bí mật của Đức Piô XII với Hitler hẳn là một sự thất vọng rõ rệt. Khi những năm chiến tranh kéo dài thêm, trong sự kinh hoàng của chúng, Đức Piô XII đã phải chịu áp lực rất lớn trong việc tố cáo chế độ của Hitler và nỗ lực tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu đang tiếp diễn. Ngài hẳn phải kháng cự cho đến cùng.

 
VietCatholic TV
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC kêu gọi đừng hủy diệt nhân loại
VietCatholic Media
03:16 06/06/2022


Chúa Nhật 5 tháng Sáu, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”

Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”

Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em, cầu chúc ngày Chúa Nhật tốt lành.

Và hôm nay, tôi cũng thêm vào chúc ngày lễ hạnh phúc, vì hôm nay chúng ta cử hành Lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Chúng ta kỷ niệm sự đổ tràn của Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ, diễn ra năm mươi ngày sau Lễ Phục sinh. Chúa Giêsu đã hứa điều đó nhiều lần. Trong Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng thuật lại một trong những lời hứa này, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Người sẽ dạy anh em mọi điều, và làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26). Đây là những tác động của Thánh Linh: Ngài dạy và nhắc nhở chúng ta về những gì Chúa Giêsu Kitô đã nói. Chúng ta hãy suy ngẫm về hai hành động này, dạy bảo và nhắc nhở, bởi vì chính bằng cách này, Người đã làm cho Tin Mừng của Chúa Giêsu đi vào lòng chúng ta.

Trước hết, Chúa Thánh Thần dạy dỗ. Bằng cách này, Ngài giúp chúng ta vượt qua một trở ngại mà chính chúng ta cảm nghiệm trong kinh nghiệm đức tin: đó là khoảng cách. Ngài dạy chúng ta vượt qua trở ngại khoảng cách trong kinh nghiệm của đức tin. Thật vậy, có thể nảy sinh nghi ngờ rằng giữa Tin Mừng và đời thường có một khoảng cách rất xa: Chúa Giêsu đã sống cách đây hai ngàn năm, ở thời điểm khác, hoàn cảnh khác, và do đó Tin Mừng dường như đã lỗi thời, dường như không thể nói với chúng ta vào thời điểm hiện tại, với những đòi hỏi và vấn đề của nó. Câu hỏi cũng đến với chúng ta: Tin Mừng có ý nghĩa gì trong thời đại internet, trong thời đại toàn cầu hóa? Tin Mừng có thể có tác động gì?

Chúng ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là một chuyên gia trong việc bắc cầu khoảng cách, Ngài biết cách thu hẹp khoảng cách; Ngài dạy chúng ta cách vượt qua chúng. Chính Ngài là Đấng kết nối sự dạy dỗ của Chúa Giêsu với mọi thời đại và mọi người. Với Ngài, những lời của Chúa Kitô không phải là một ký ức, không: Lời của Chúa Kitô, nhờ Thánh Linh Thiên Chúa, trở nên sống động ngày hôm nay! Thánh Linh làm cho những lời ấy sống động cho chúng ta: qua Kinh Thánh, Ngài nói với chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong hiện tại. Chúa Thánh Thần không sợ hãi sự trôi qua của nhiều thế kỷ; đúng hơn, Ngài khiến các tín hữu chú ý đến các vấn đề và sự kiện của thời đại. Thật thế, khi Chúa Thánh Thần giảng dạy, Người hiện thực hóa đức tin: Người giữ cho đức tin trẻ mãi không già. Chúng ta mạo hiểm biến niềm tin thành một phần của bảo tàng: đó là một rủi ro! Trái lại, Ngài cập nhật hóa đức tin, luôn cập nhật, niềm tin cập nhật: đây là công việc của Ngài. Vì Chúa Thánh Thần không bị ràng buộc vào những thời đại hay những xu hướng thời thượng đang trôi qua, nhưng mang đến cho ngày nay sự liên quan của Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại và đang sống.

Và Thánh Linh làm điều này như thế nào? Thưa: Bằng cách làm cho chúng ta nhớ. Đây là động từ thứ hai, đó là nhắc nhở, ri-cordare. Nhắc nhở nghĩa là gì? Thưa: Nhắc nhở có nghĩa là phục hồi trái tim, ri-cordare: Thánh Linh phục hồi Phúc Âm cho trái tim chúng ta. Điều đó cũng xảy ra đối với các Tông đồ: các ngài đã lắng nghe Chúa Giêsu nhiều lần, nhưng các ngài hiểu rất ít. Điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta. Nhưng từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, với Chúa Thánh Thần, các ngài nhớ lại và các ngài hiểu ra. Các Tông đồ hoan nghênh những lời của Ngài như được làm đặc biệt cho các vị, và các Tông đồ chuyển từ kiến thức bề ngoài, nhận thức về trí nhớ, thành một mối quan hệ sống động, một mối quan hệ xác tín và vui vẻ với Chúa. Chính Thánh Linh làm điều này, Đấng chuyển từ “những lời được nghe nói” sang sự hiểu biết cá nhân về Chúa Giêsu, Đấng đi vào trái tim. Như vậy, Thánh Linh thay đổi cuộc sống của chúng ta: Người làm cho tư tưởng của Chúa Giêsu trở thành tư tưởng của chúng ta. Và Ngài làm điều này bằng cách nhắc nhở chúng ta về những lời của Chúa Giêsu, mang những lời của Chúa Giêsu vào lòng chúng ta, ngày nay.

Thưa anh chị em, nếu không có Thánh Linh nhắc nhở chúng ta về Chúa Giêsu, thì đức tin bị lãng quên. Rất thường xuyên, đức tin trở thành một hồi ức chìm trong quên lãng; đối lại, ký ức đang sống và ký ức sống động là do Thánh Linh mang lại. Và chúng ta - chúng ta hãy thử tự hỏi mình - chúng ta có phải là những Kitô hữu hay quên không? Có thể tất cả những gì cần làm là một sự thất bại, một cuộc đấu tranh, một cuộc khủng hoảng để quên đi tình yêu của Chúa Giêsu và rơi vào nghi ngờ và sợ hãi? Khốn cho chúng ta, nếu chúng ta trở thành những Kitô hữu đãng trí! Biện pháp khắc phục là cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy làm điều này thường xuyên, đặc biệt là trong những thời điểm quan trọng, trước những quyết định khó khăn và trong những tình huống khó khăn. Chúng ta hãy cầm lấy Phúc Âm trong tay và cầu khẩn Thánh Linh. Chúng ta có thể nói, “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy nhắc nhở con về Chúa Giêsu, xin hãy soi sáng lòng con”. Đây là một lời cầu nguyện tuyệt đẹp: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy nhắc con về Chúa Giêsu, hãy soi sáng lòng con”. Chúng ta sẽ nói điều đó cùng nhau chứ? “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy nhắc con về Chúa Giêsu, hãy soi sáng lòng con”. Sau đó, chúng ta hãy mở Phúc Âm và đọc chậm một đoạn văn nhỏ. Và Thánh Linh sẽ làm cho Lời Chúa nói với cuộc sống của chúng ta.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, được đầy dẫy Chúa Thánh Thần, khơi dậy trong chúng ta niềm khao khát cầu nguyện với Người và đón nhận Lời Chúa.

Sau kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ước mơ của Thiên Chúa dành cho nhân loại trở thành hiện thực; năm mươi ngày sau Lễ Phục sinh, các dân tộc nói các ngôn ngữ khác nhau gặp gỡ và hiểu nhau. Nhưng bây giờ, một trăm ngày sau khi bắt đầu cuộc xâm lược vũ trang chống lại Ukraine, cơn ác mộng chiến tranh, là sự phủ định giấc mơ của Chúa, lại một lần nữa ập đến với nhân loại: các dân tộc xung đột với nhau, các dân tộc giết nhau, con người bị xua đuổi khỏi nhà của họ thay vì được đưa đến gần nhau hơn. Và trong khi cơn thịnh nộ của sự hủy diệt và chết chóc hoành hành, và các cuộc xung đột đang bùng phát, thúc đẩy một sự leo thang ngày càng nguy hiểm cho tất cả mọi người, tôi xin tiếp tục lời kêu gọi của mình đối với các nhà lãnh đạo của các Quốc gia: làm ơn đừng dẫn nhân loại vào chỗ diệt vong! Làm ơn đừng dẫn nhân loại vào đống đổ nát! Hãy để các cuộc đàm phán thực sự diễn ra, các cuộc đàm phán thực sự để ngừng bắn và cho một giải pháp bền vững. Hãy để tiếng kêu tuyệt vọng của những người đau khổ được lắng nghe - chúng ta thấy điều này hàng ngày trên các phương tiện truyền thông - hãy tôn trọng cuộc sống con người và ngăn chặn sự tàn phá rùng rợn đối với các thành phố và làng mạc ở phía đông Ukraine. Cầu xin cho chúng ta có thể tiếp tục cầu nguyện và phấn đấu không mệt mỏi cho hòa bình.

Hôm qua tại Beirut, hai Tu sĩ Dòng Phanxicô Capuchin đã được tuyên chân phước: Leonardo Melki và Thomas George Saleh, là các linh mục và tử đạo, lần lượt bị giết vì hận thù đức tin ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915 và 1917. Hai nhà truyền giáo người Li Băng này, trong một bối cảnh thù địch, đã chứng tỏ niềm tin không thể lay chuyển của họ vào Chúa và sự hy sinh quên mình vì người lân cận. Xin cho gương sáng của các ngài củng cố chứng tá Kitô của chúng ta. Các tân Chân Phước còn trẻ - các ngài thậm chí chưa đến 35 tuổi. Một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Tôi hài lòng biết được rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen đã được gia hạn thêm hai tháng nữa. Cảm ơn Chúa, và cảm ơn anh chị em. Tôi hy vọng rằng dấu hiệu hy vọng này có thể là một bước tiến nữa để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, vốn đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta. Xin đừng quên dành một ý nghĩ cho trẻ em Yemen: đói kém, tàn phá, thiếu học hành, thiếu thốn đủ thứ. Chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ!

Tôi xin cam đoan với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi dành cho các nạn nhân của trận lở đất do mưa xối xả ở vùng đô thị Recife, Brazil.

Tôi chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương! Tôi xin chào Hiệp hội “Vận động chính sách trong Sứ mệnh”; các thành viên của Phong trào Hòa giải Quốc tế và Phong trào Bất bạo động; nhóm hướng đạo “Saint Louis” của Pháp, Hội Thánh Vincent de Paul và hội huynh đệ Evangelii Gaudium. Tôi chào các tín hữu của Piacenza d'Adige, Dàn hợp xướng Castelfidardo, những người trẻ tuổi của Pollone và những người của Cassina de 'Pecchi - tôi nhớ khi tôi đến thăm những nơi này nhiều năm trước -, những người hành hương từ các Thánh địa Antoniani của Camposampiero và những người đi xe đạp của Sarcedo, và tôi cũng chào những người trẻ tuổi của Immacolata.

Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với các ngư dân: chúng ta hãy nghĩ đến những ngư dân, những người, do chi phí xăng dầu tăng cao, có nguy cơ phải ngừng làm việc và tôi mở rộng điều này cho tất cả các công nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.

Tôi cầu nguyện cho anh chị em; xin cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Putin xây xẩm: Tư lệnh Quân đoàn Nga bị Ukraine phục kích, tử trận. Nga bắn hỏa tiễn vào Kyiv
VietCatholic Media
03:18 06/06/2022


1. Tướng Tư lệnh quân đoàn Nga bị quân Ukraine loại khỏi vòng chiến

Hôm Chúa Nhật Vladimir Putin đã bị thêm một cú choáng váng trước cái chết của vị tướng thứ 11 của Nga trong cuộc chiến đẫm máu với Ukraine.

Theo báo cáo, Thiếu tướng Roman Kutuzov là tham mưu trưởng Quân đoàn vũ trang tổng hợp 29. Các nguồn tin cho biết xe của anh ta đã bị người Ukraine phục kích ở Donbas và anh ta đã chết trong một cuộc đọ súng ngắn ngủi.

Cái chết của anh ta là cái chết của vị tướng thứ 11, nhưng, trong tư cách là Tư lệnh quân đoàn, anh ta là vị tướng cao cấp nhất trong quân Nga bị giết cho đến nay. Vị tướng trước đó bị giết là Kanamat Botashev, 63 tuổi. Quân Ukraine đã dùng một hỏa tiễn Stinger bắn trúng chiếc Su-25 của anh ta.

Đã có những tuyên bố chưa được xác thực rằng các nước phương Tây đang hỗ trợ Ukraine nhằm vào các sĩ quan cấp cao của Nga vì ngoài số tướng lãnh đông đảo của Nga bị giết dồn dập như thế, ít nhất 49 sĩ quan cấp tá đã thiệt mạng trong cuộc chiến với Ukraine. Người mới nhất là Trung tá Zaur Dimayev, phó chỉ huy tiểu đoàn 4 của trung đoàn đặc nhiệm Akhmat Kadyrov. Ông ta là cộng sự thân cận của nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, và khét tiếng là khát máu

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Nga, từ năm 2020, Kutuzov đã là tư lệnh lực lượng vũ trang tổng hợp của Quân khu phía Đông rộng lớn của Nga.

Các nguồn tin của Nga cho biết Kutuzov đã bị giết tại khu vực định cư Nikolaevka, thuộc quận Popasnyansky của cái gọi là “Cộng hòa Nhân dân Luhansk”, gần với chiến tuyến.

Các phương tiện truyền thông Nga cáo buộc trong quân đội “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” có những gián điệp của Ukraine nên đã biết rõ lộ trình của Kutuzov vào hôm Chúa Nhật 5 tháng 6 và tổ chức phục kích tiêu diệt toàn bộ đoàn xe của Kutuzov một cách nhanh gọn, và rút lui an toàn sau khi gây ra vụ thảm sát.

2. Bốn xe tăng và trực thăng tấn công của Nga bị phá hủy ở khu vực JFO trong ngày Chúa Nhật 5 tháng 6

Lực lượng phòng thủ Ukraine đã phá hủy 4 xe tăng, 1 trực thăng tấn công và 3 hệ thống pháo của Nga tại khu vực Chiến dịch Liên hợp, gọi tắt là JFO, trong ngày Chúa Nhật 5 tháng 6.

Các chiến binh JFO tiếp tục phòng thủ trong khu vực kiểm soát được chỉ định ở hướng Donetsk và Luhansk.

Trên khắp tuyến phòng thủ, địch dùng các chiến đấu cơ, nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng, đại bác, xe tăng, súng cối, bắn hỏa tiễn vào các cơ sở hạ tầng dân sinh và các khu dân cư yên bình.

Quân xâm lược Nga đã nổ súng vào hơn 20 khu định cư ở Vùng Donetsk và Vùng Luhansk, phá hủy và làm hư hại 41 đối tượng dân sự, bao gồm 33 ngôi nhà dân cư, bệnh viện, đường ống dẫn nước, nhà máy thức ăn gia súc hỗn hợp, nhà máy kỹ thuật và xí nghiệp nông nghiệp.

Bảy thường dân đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Nga vào Khu vực Donetsk và Khu vực Luhansk. Dữ liệu về thương vong vẫn chưa được cập nhật.

Quân đội Ukraine đã đẩy lùi bảy cuộc tấn công của quân Nga trong khu vực JFO trong ngày qua. Các trận chiến vẫn đang diễn ra trong hai địa điểm.

Vào ngày 5 tháng 6 năm 2022, Lực lượng liên quân đã phá hủy 4 xe tăng, 3 hệ thống pháo, 8 xe bọc thép và 3 xe cơ giới của Nga. Các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn rơi trực thăng Ka-52 và máy bay không người lái của Nga ở phía đông.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói thêm rằng Quân đội Ukraine đã tiêu diệt hơn 40 kẻ xâm lược Nga, một máy bay trực thăng và các thiết bị quân sự khác ở miền đông Ukraine trong ngày qua.

Quân trú phòng Ukraine tiếp tục kìm chân kẻ xâm lược trong khu vực kiểm soát của Cụm tác chiến phía Đông.

Vào ngày 5 tháng 6 năm 2022, Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt 43 kẻ xâm lược Nga, một máy bay trực thăng và hai phương tiện cơ giới của quân Nga ở miền đông Ukraine.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng nhắc lại rằng, từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 5 tháng 6 năm 2022, tổng thiệt hại khi chiến đấu của Nga tại Ukraine lên tới 31.150 quân.

3. Lực lượng vũ trang Ukraine đã giải phóng hơn một nửa Sievierodonetsk khỏi quân xâm lược Nga.

Thống Đốc Khu vực Luhansk, Serhiy Haidai cho biết như sau trong một cuộc hội thảo từ xa trên toàn quốc.

“Lực lượng vũ trang Ukraine đã giải phóng một nửa thành phố. Một nửa thành phố thực sự được kiểm soát bởi những người bảo vệ của chúng ta”, Haidai nói.

Theo lời ông, trong các cuộc trò chuyện bị chặn giữa những kẻ xâm lược, chỉ huy quân đội Nga được chỉ thị phải chiếm giữ Sievierodonetsk và đường cao tốc Lysychansk-Bakhmut trước ngày 10 tháng 6. Do đó, Haidai cho rằng “trong năm ngày tới, người Nga sẽ cố gắng san bằng Vùng Luhansk thành bình địa”.

Thống Đốc Haidai cho biết, hiện không thể di tản dân thường khỏi Sievierodonetsk. Khoảng 15.000 người còn lại trong thành phố. Vào ngày 5 tháng 6 năm 2022, tổng cộng 98 thường dân đã được di tản khỏi Lysychansk.

4. Quân Nga bắn hỏa tiễn vào Kyiv

Sáng sớm ngày 5 tháng 6, quân Nga bắn hỏa tiễn vào các quận Darnytskyi và Dniprovskyi của Kyiv. Theo Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko, một người đã phải nhập viện.

Theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, 5 hỏa tiễn hành trình Kh-22 đã được bắn vào Kyiv. Một trong số những hỏa tiễn này đã bị đánh chặn và phá hủy bởi các đơn vị phòng không, trong khi những chiếc khác trúng các cơ sở hạ tầng.

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết Nga đã “phóng 5 hỏa tiễn hành trình X-22 từ Biển Caspi nhằm tấn công Kyiv” vào lúc 6 giờ sáng theo giờ địa phương hôm Chúa Nhật.

Sau đó, có thông tin cho rằng 4 hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng Nhà máy sửa chữa xe lửa Darnytsia (DVRZ) ở phần tả ngạn của Kyiv.

Quân đội cho biết một hỏa tiễn đã bị đơn vị phòng không của Ukraine phá hủy và số còn lại bắn trúng “các cơ sở hạ tầng ở phía bắc thủ đô Ukraine”.

Trước đó một ngày, Nga đã bắn hỏa tiễn vào các tuyến đường sắt ở khu vực phía tây Lviv, là một tuyến đường quan trọng để cung cấp vũ khí và các nguồn cung cấp khác của phương Tây cho Ukraine.

Thống đốc vùng Lviv Maksym Kozytskyy cho biết 5 người bị thương trong cuộc tấn công.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ nước này, cho biết người Nga đã đánh vào đường hầm đường sắt Beskidy ở dãy núi Carpathian trong một nỗ lực rõ ràng nhằm cắt đứt một liên kết đường sắt quan trọng và làm gián đoạn các chuyến vận chuyển vũ khí và nhiên liệu.

Tuy nhiên, người đứng đầu đường sắt Ukraine cho biết thiệt hại đối với đường sắt vẫn đang được đánh giá nhưng đường hầm đã không hề hấn gì.

Cuộc tấn công được cho là đã làm trì hoãn ba chuyến tàu chở khách, nhưng tất cả sau đó đã tiếp tục hành trình của họ.

5. Nga tuyên bố phá hủy xe tăng ở Kyiv

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hỏa tiễn của Nga đã phá hủy xe tăng T-72 và các phương tiện bọc thép khác gần Kyiv do các nước Đông Âu cung cấp cho Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết “Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã sử dụng hỏa tiễn tầm xa phóng từ trên không có độ chính xác cao trong các cuộc không kích ở ngoại ô thủ đô, đánh vào các tòa nhà của một xí nghiệp sửa chữa xe hơi”.

Thông báo của Nga được đưa ra sau khi nhiều vụ nổ làm rung chuyển Kyiv vào sáng Chúa Nhật. Đây là cuộc tấn công đầu tiên vào thủ đô trong vài tuần qua.

Đáp lại, Ông Oleksandr Kamyshin, Giám đốc điều hành của công ty đường sắt quốc doanh Ukrzaliznytsia, cho biết một số hỏa tiễn đã bắn trúng Nhà máy sửa chữa vận tải Darnytsia, khiến một công nhân đường sắt bị thương. Ông nói, các chuyến tàu chở khách không bị trì hoãn bởi các vụ tấn công.

Kamyshin bác bỏ các báo cáo của Nga rằng công ty của ông đang sở hữu xe tăng và các thiết bị quân sự, và ông đã mời các nhà báo đến thăm nhà máy và xác minh điều đó.

“Tôi chính thức tuyên bố rằng không có thiết bị quân sự nào trên lãnh thổ của nhà máy. Nhà máy này đã sửa chữa các toa chở hàng, bao gồm cả những toa mà chúng tôi sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc,” Kamyshin nói.

Ông nói: “Mục tiêu thực sự của họ là nền kinh tế Ukraine và dân thường. “Họ cũng muốn chặn cơ hội xuất khẩu các sản phẩm của Ukraine sang phương Tây của chúng tôi”.

6. Bộ Quốc phòng Anh nhận định: Các cuộc phản công của Ukraine ở Severodonetsk có khả năng “làm suy giảm” động lực của Nga

Trong 24 giờ qua, các lực lượng Ukraine đã phản công vào thành phố Sieverodonetsk đang tranh chấp ở miền đông Ukraine, có khả năng làm suy giảm động lực hoạt động mà lực lượng Nga đã đạt được trước đó thông qua việc tập trung các đơn vị chiến đấu và hỏa lực.

Các lực lượng Nga tham gia vào khu vực này bao gồm các quân nhân được huy động từ lực lượng dự bị của Lực lượng ly khai do Nga lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng. Những binh lính này được trang bị và huấn luyện kém, thiếu trang thiết bị hạng nặng so với các đơn vị thông thường của Nga.

Việc sử dụng lực lượng bộ binh ủy nhiệm cho các hoạt động càn quét đô thị là một chiến thuật của Nga trước đây đã quan sát thấy ở Syria, nơi Nga sử dụng Quân đoàn 5 của Quân đội Syria để tấn công các khu vực đô thị.

Đường lối này có thể cho thấy mong muốn hạn chế thương vong của các lực lượng chính quy của Nga.

7. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thăm quân đội trên chiến tuyến Luhansk-Donetsk vào hôm Chúa Nhật

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã đến thăm quân đội tại một số vị trí tiền tuyến bị bắn phá nặng nề nhất vào hôm Chúa Nhật.

Trong bài phát biểu hàng đêm của mình, Zelenskiy nói: “Chúng tôi đã ở Lysychansk và chúng tôi đã ở Soledar.”

Cả hai nơi đã bị Nga tấn công nặng nề trong nhiều tuần, hứng chịu các cuộc bắn phá bằng hỏa tiễn, và ném bom từ trên không.

“Tôi tự hào về tất cả những người tôi đã gặp, bắt tay, giao tiếp và hỗ trợ. Ông nói: “Và tôi đã mang những thứ từ họ - cho các bạn. Điều quan trọng là: sự tự tin và sức mạnh”.

Chúa Nhật trước đó, ông Zelenskiy đã thăm thành phố Zaporizhzhia, miền nam nước này, nơi ông đã gặp thị trưởng của một số thị trấn bị chiếm đóng.

“Tôi đã gặp những cư dân Mariupol, những người đã cố gắng rời bỏ thành phố để sống còn cùng với những đứa trẻ. Tôi đã gặp họ ở Khortytsia. Điều kiện tạm ổn không tệ. Mỗi gia đình có một câu chuyện riêng, hầu hết không có đàn ông. Có người chồng ra trận, có người bị giam cầm, có người không may hy sinh”.

8. Ukraine bắn hạ 4 hỏa tiễn nhằm vào Mykolaiv ở miền nam Ukraine

Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 4 hỏa tiễn của Nga nhằm vào Mykolaiv ở miền nam Ukraine, thông tin cập nhật từ Bộ chỉ huy hoạt động miền Nam cho biết hôm Chúa Nhật.

Tuyên bố cho biết: “Trong một cuộc tấn công ban đêm từ biển bằng hỏa tiễn qua miền nam Ukraine, hai hỏa tiễn đã bị bắn hạ bởi lực lượng Hải quân Ukraine, khi chúng tiếp cận khu vực Mykolaiv”.

Vào rạng sáng, khu vực Mykolaiv “một lần nữa phải hứng chịu một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn bằng máy bay” và hai hỏa tiễn đã bị hệ thống phòng không bắn hạ, tuyên bố cho biết.

“Những hành động táo bạo như vậy một lần nữa cho thấy ý định thực sự của quốc gia khủng bố.”

Nga cũng cố gắng giành lại các vị trí đã mất ở hai khu vực của Mykolaiv nhưng “bị tổn thất nặng nề và phải rút lui”, một bản cập nhật riêng từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết.

Tại Kherson gần đó, quân đội cho biết đã không có kết nối Internet hoặc di động trong sáu ngày và quân đội Nga đang kiểm soát thành phố đã mở một chi nhánh của đảng có tên là 'Nước Nga thống nhất', nơi họ “thu thập dữ liệu từ cư dân của thành phố.”

Quân đội cho biết các cuộc giao tranh ác liệt cũng đang diễn ra ở quận Beryslav, và nhiều ngôi nhà, đường xá và cầu đã bị phá hủy để ngăn chặn đường tiến công của quân Ukraine.
 
Putin quá tàn bạo: Phá huỷ 113 ngôi thánh đường bằng các vũ khí tự hào là chính xác nhất thế giới
VietCatholic Media
05:31 06/06/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với đứa trẻ Ukraine rằng ngài muốn đến thăm Ukraine và sẽ thảo luận về chuyến đi có thể có với các quan chức

Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với một trẻ em ở Ukraine rằng Ngài muốn đến thăm Ukraine và sẽ thảo luận về một chuyến đi trong tương lai tới đất nước này với các quan chức Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ trẻ em tại Vatican như một phần của sáng kiến giảng dạy.

Theo bản tin của phòng báo chí Tòa Thánh, một đứa trẻ Ukraine tên là Sachar nói, “Con không có câu hỏi nào nhưng con có yêu cầu: Đức Thánh Cha có thể đến Ukraine để cứu tất cả trẻ em đang đau khổ ở đó không?”

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời:

“Cha rất vui vì con đã ở đây. Cha nghĩ rất nhiều về trẻ em ở Ukraine, và đó là lý do tại sao Cha đã cử một số Hồng Y đến giúp đỡ ở đó và gần gũi với tất cả mọi người, với trẻ em. Cha muốn đến Ukraine; Cha chỉ cần đợi thời điểm để làm điều đó, con biết đấy, bởi vì không dễ dàng để đưa ra một quyết định có thể gây hại cho cả thế giới nhiều hơn là có lợi”.

“Cha phải tìm thời điểm thích hợp để thực hiện. Tuần tới, Cha sẽ tiếp các đại diện của chính phủ Ukraine, những người sẽ đến nói chuyện, cũng như để nói về chuyến thăm có thể có của Cha ở đó. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra,” Đức Giáo Hoàng nói thêm.

2. Tổng thống Zelenskiy cho biết cuộc pháo kích của Nga đã phá hủy 113 nhà thờ ở Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết pháo binh Nga đã “phá hủy” 113 nhà thờ trong “cuộc chiến toàn diện” với Ukraine.

Trong bài phát biểu hàng đêm vào hôm thứ Bảy, Zelenskiy nói, “Trong số đó có những ngôi thánh đường cổ kính – là những ngôi nhà thờ đã chịu đựng được Thế chiến thứ hai, nhưng không chịu được sự chiếm đóng của Nga”.

“Cũng có những cái được xây dựng sau năm 1991. Việc xây dựng lại Nhà Thờ Các Thánh ở Sviatohirsk Lavra bắt đầu vào năm 2001. Ngày 10 tháng 6 tới đây được dự trù là kỷ niệm ngày thánh hiến ngôi nhà thờ sau khi được trùng tu,” ông nói.

Trước đó, vào hôm thứ Bảy, ngôi thánh đường này đã bị “phá hủy” bởi trận pháo kích của Nga.

Trong bài phát biểu của mình, Zelenskiy lưu ý rằng đây “không phải là trận pháo kích đầu tiên vào Lavra,” và “ba linh mục ở Lavra đã bị giết bởi các trận pháo kích của quân Nga vào hôm thứ Tư. Các cử hành Phụng Vụ buộc phải được tổ chức dưới tầng hầm”.

Theo Tổng thống, âm thanh của pháo binh Nga vẫn không dứt tại Lavra.

Zelenskiy chỉ ra rằng nhà thờ Các Thánh ở Sviatohirsk Lavra “thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine, nơi vẫn được coi là trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Giáo Hội Chính thống Nga, nhưng ngay cả điều này cũng không ngăn được quân đội Nga”.

Trước “sự ủng hộ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo ở Nga cho hành động xâm lược Ukraine,” Zelenskiy kêu gọi Giáo Hội Chính thống Ukraine nên “đưa ra kết luận”.

“Quân đội Nga có thể ngừng đốt các nhà thờ. Quân đội Nga có thể ngừng phá hủy các thành phố. Quân đội Nga có thể ngừng giết trẻ em. Chỉ cần một người duy nhất ở Mạc Tư Khoa ra lệnh như vậy. Nhưng thực tế là vẫn không có một lệnh nào như vậy là một sự sỉ nhục rõ ràng cho toàn thế giới”, ông nói.

3. Đức Hồng Y Piat nhận định: “Cảnh sát đang tra tấn thường dân một cách vô nhân đạo và làm xáo trộn sự gắn kết xã hội.

Một đoạn video được quay lén bằng điện thoại đã cho thấy cảnh các viên chức cảnh sát tại Port Louis, thủ đô Mauritius đánh đập dã man các thường dân. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết những phản ứng sau của Đức Hồng Y Maurice Evenor Piat.

“Cùng với người dân, tôi vô cùng kinh hoàng trước sự tra tấn của các thành viên cảnh sát đối với những công dân đang bị giam giữ. Đó là lý do tại sao điều cốt yếu là những kẻ phạm tội bạo lực tràn lan này phải bị trừng phạt nghiêm khắc và không thể tiếp tục gây hại”, Đức Hồng Y Maurice Evenor Piat, Giám mục Port Louis, thủ đô Mauritius cho biết như trên.

Đức Hồng Y đã bày tỏ sự kinh hoàng trước các đoạn video lan truyền trên Internet về những cuộc tra tấn đối với một số người bởi ba viên chức cảnh sát. Video này đã được xác định bởi một trong những nạn nhân của vụ tra tấn, bị bắt vào ngày 30 tháng 5.

Theo Đức Hồng Y Piat, nếu các viên chức cảnh sát, những người được cho là bảo đảm sự an toàn của công dân, thực hiện những hành vi này, thì chính họ sẽ trở thành nguồn gốc của bất ổn xã hội: “Đây là sự vi phạm kinh khủng các quyền cơ bản của con người bởi các cơ quan cảnh sát, những người được cho là thực thi pháp luật, đang dồn dân cư vào cảm giác bất an “. Trong khi thừa nhận rằng “lực lượng cảnh sát cũng bao gồm những người liêm chính”, Đức Hồng Y Piat lập luận rằng sự tra tấn của các đại diện cảnh sát không chỉ làm tổn hại thân thể của các nạn nhân, “mà còn gây tổn hại đến phẩm giá của một người, của gia đình anh ta và cuối cùng là toàn bộ xã hội”.

Đức Hồng Y hy vọng rằng “kẻ có tội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc và ở một vị trí không thể gây hại gì nữa” trong khi ngài yêu cầu các nhà chức trách “vươn lên như một bức tường thành để bảo vệ các giá trị của pháp quyền”


Source:Fides

4. Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu kêu gọi mở ra một sứ mệnh mới để tìm hiểu những thực tế khác về vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh ở Ukraine

Bốn mươi lăm quốc gia thành viên trong Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu, gọi tắt là OSCE, một lần nữa kêu gọi thực hiện một sứ mệnh tìm hiểu thực tế về vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh và tội ác tiềm tàng chống lại loài người đang được thực hiện ở Ukraine.

Đây là lần thứ hai Cơ chế Mạc Tư Khoa – tức là thủ tục của OSCE để điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền - được đưa ra kể từ khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, đại diện thường trực OSCE của Pháp Christine Fages cho biết, 45 quốc gia thành viên “yêu cầu Văn phòng các thể chế dân chủ và nhân quyền, gọi tắt là ODIHR, hỏi Ukraine liệu họ có muốn mời một phái đoàn mới gồm các chuyên gia để xem xét, theo dõi và xây dựng dựa trên những phát hiện của báo cáo Cơ chế Mạc Tư Khoa mà các Quốc gia tham gia OSCE nhận được vào ngày 12 tháng 4 hay không.”

“Chúng tôi cũng yêu cầu ODIHR cung cấp bất kỳ thông tin hoặc tài liệu liên quan nào có được từ bất kỳ sứ mệnh mới nào thuộc về các cơ chế trách nhiệm giải trình thích hợp khác, cũng như các tòa án hoặc trọng tài quốc gia, khu vực hoặc quốc tế có hoặc có thể có quyền tài phán trong tương lai,” cô nói.

Báo cáo ngày 12 tháng 4 cho thấy “những khuôn mẫu rõ ràng” về hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế của các lực lượng Nga ở Ukraine và nêu chi tiết nhiều vụ việc mà họ cho rằng có thể cấu thành tội ác chiến tranh.

Báo cáo cho biết họ đã tìm thấy “bằng chứng đáng tin cậy” cho thấy quân Nga vi phạm “ngay cả những quyền cơ bản nhất của con người như quyền được sống, cấm tra tấn và các hình phạt và đối xử vô nhân đạo và các hành vi hèn hạ khác, đã được thực hiện, hầu hết ở các khu vực dưới sự kiểm soát hiệu quả của Nga hoặc các thực thể dưới sự kiểm soát tổng thể của Nga”.

Trong một tuyên bố tại OSCE vào thời điểm đó, Đại sứ Hoa Kỳ Michael Carpenter nói rằng “xét một cách tổng thể, bản báo cáo ghi lại danh mục các hành vi vô nhân đạo do lực lượng Nga gây ra ở Ukraine”.

Báo cáo dài 110 trang là kết quả của sứ mệnh tìm hiểu thực tế kéo dài ba tuần của ba chuyên gia OSCE, và bao gồm khoảng thời gian từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2 đến ngày 1 tháng 4.


Source:CNN

5. Đầu bếp José Andrés nói rằng các cảng của Ukraine cần được mở để ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực toàn cầu

Đầu bếp José Andrés, người sáng lập World Central Kitchen, nói với CNN rằng cuộc chiến ở Ukraine không chỉ là cuộc chiến giành tự do, mà còn là cuộc chiến ngăn chặn nạn đói trên toàn cầu.

“Ukraine sẽ có lương thực để nuôi sống người dân của mình. Câu hỏi lớn đặt ra là nếu chúng ta không có Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc chiến này và để bảo đảm rằng các cảng như Odesa sẽ mở cửa trở lại, những gì chúng ta sẽ gặp phải là tình trạng thiếu lương thực lớn trên toàn thế giới,” ông nói từ Kyiv.

Nga đã thực hiện phong tỏa các cảng của Ukraine, và có hơn 20 triệu tấn ngũ cốc hiện đang bị mắc kẹt bên trong Ukraine.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới và là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 5, và chương trình chống mất an ninh lương thực của Liên Hiệp Quốc đã mua khoảng một nửa lượng lúa mỳ từ Ukraine mỗi năm.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy tình hình ngày càng bi thảm, đặc biệt là nếu tất cả ngũ cốc mà tôi đã thấy quanh Ukraine trong các hầm chứa, không đến được những nơi xa xôi ở Phi Châu và các khu vực khác trên thế giới phụ thuộc vào ngũ cốc mà Ukraine sản xuất. Đây không chỉ là cuộc chiến vì tự do và dân chủ của người dân Ukraine, đây còn là cuộc chiến để bảo đảm nhiều người trên toàn cầu sẽ đủ ăn trong những tháng tới”, Andrés nói.

Andrés cho biết một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn đã được cộng thêm bởi các vấn đề từ bão và hạn hán trên khắp thế giới trong năm qua.

Ông nói: “Nếu chúng ta không nghĩ về thực phẩm theo cách chúng ta nghĩ về con người, nền kinh tế, nhiên liệu, thì chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề lớn vào năm 2023.

Ông cho biết ông và nhóm của mình có thể mang lương thực qua sông Danube, nhưng không đủ khả năng để có nhiều tàu chở ngũ cốc ở đó. Ông kêu gọi các nền dân chủ trên thế giới giúp mở tất cả các cảng của Ukraine để vận chuyển ngũ cốc.


Source:CNN
 
Putin dồn dập tin buồn: Lính Dù Ukraine bắn hạ Tướng Không quân Nga. Anh tiết lộ nội bộ Nga xâu xé
VietCatholic Media
15:43 06/06/2022


1. Nga chính thức xác nhận Thiếu tướng Không quân Kanamat Botashev bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine

Tư lệnh không quân hàng đầu của Nga được cho là đã thiệt mạng trong cuộc chiến Ukraine, giáng một đòn nữa vào cuộc xâm lược của Vladimir Putin.

Thông tin về vụ bắn hạ Thiếu tướng Không quân Nga đã nghỉ hưu Kanamat Botashev được 3 cấp dưới cũ của ông này xác nhận với BBC Tiếng Nga.

Hôm Chúa Nhật, ngày 22 tháng 5, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết một máy bay cường kích Sukhoi (SU-25) của Nga đã bị bắn rơi trên khu vực Luhansk và phi công không có thời gian để phóng ra ngoài, đã nổ tung theo chiếc máy bay. Quân Ukraine không biết là họ đã bắn chết một tướng Không quân Nga.

Các báo cáo sớm xuất hiện trên các kênh Telegram của Nga gần đây cho rằng Thiếu tướng Kanamat Botashev là viên phi công đã chết banh xác cùng với chiếc chiến đấu cơ

Thiếu tướng Không quân Nga Kanamat Botashev là chỉ huy cấp cao nhất của Lực lượng Không quân Nga thiệt mạng trong chiến tranh Ukraine.

Nga đã mất ít nhất 31 phi công quân sự trong cuộc chiến. Nó diễn ra trong bối cảnh tình báo phương Tây đánh giá rằng Nga đã không giành được ưu thế trên không kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng Hai.

“Tạm biệt Tư lệnh. Có rất ít người trên hành tinh này từng sống trên bầu trời như bạn. Bầu trời mang đến điều tốt nhất, hôm nay nó đã ôm lấy bạn,” đó là một thông điệp trên kênh Telegram Fighterbomber, một diễn đàn dành cho các phi công quân sự của Nga.

Không rõ bằng cách nào mà vị tướng về hưu 63 tuổi này đã lái chiếc Su-25 ở Ukraine, mặc dù các cấp dưới cũ nói với BBC rằng ông “đơn giản là không thể không tham gia cuộc chiến”.

Có thông tin cho rằng ít nhất 9 quân nhân Nga đã nghỉ hưu trên 50 tuổi đã thiệt mạng ở Ukraine.

Botashev sinh năm 1959 tại Karachay-Cherkessia và tốt nghiệp Học viện Hàng không Quân sự Cao cấp Yeysk, đủ tiêu chuẩn trở thành phi công chiến binh-ném bom. Anh thăng từ trung úy lên thiếu tướng.

Tuy nhiên, ông đã bị kỷ luật sa thải khỏi quân đội vào năm 2013 khi bị cáo buộc làm rơi chiến binh Su-27 gần thành phố Petrozavodsk mà ông không được phép bay.

Sau đó, ông làm phó chủ tịch phụ trách hàng không của Hiệp hội Tình nguyện viên Hợp tác với Quân đội, Hàng không và Hải quân ở khu vực Leningrad.

Cho đến nay, có một số lượng lớn các sĩ quan cấp cao của Nga đã thiệt mạng trong chiến tranh. Vào ngày 12 tháng 5, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho rằng ít nhất 12 tướng lĩnh đã thiệt mạng. Tuy nhiên, tính đến ngày Chúa Nhật 5 tháng 6, sau khi quân Ukraine phục kích giết chết Thiếu tướng Roman Kutuzov, tham mưu trưởng Quân đoàn vũ trang tổng hợp 29, Ngũ Giác Đài cho rằng con số tướng lãnh Nga bị giết là 11 người.

Một đám tang đã được tổ chức cho Thiếu tướng Không quân Botashev.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass cho biết Kanamat Botashev, một thiếu tướng 63 tuổi, đã tình nguyện trở lại phục vụ, đã bị bắn hạ hồi tháng trước khi bay qua khu vực phía đông Donbas.

Kể từ khi xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Nga đã phải gánh chịu sự mất mát của một số tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao khác.

Trong báo cáo của thông tấn xã TASS Botashev đang bay để đáp ứng yêu cầu giúp đỡ từ một nhóm quân Nga bị lực lượng Ukraine chặn lại.

Anh ta “quyết định thực hiện một cuộc tấn công ở độ cao cực thấp và tấn công vào Lực lượng vũ trang Ukraine, và điều đó sau đó đã giúp nhóm quân Nga này thoát ra khỏi vòng vây,”

TASS nói rằng khi cố gắnng rời khỏi cuộc tấn công, máy bay đã bị bắn hạ bởi một hỏa tiễn phòng không và Botashev đã bị giết. Ông đã được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Liên bang Nga”.

Ngày 22/5, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết một máy bay cường kích Su-25 của Nga đã bị bắn rơi trên khu vực Luhansk và phi công không kịp phóng ra.

Các bản tin thời điểm đó trùng khớp với cái chết của Botashev, là điều mà chính phủ Nga chưa xác nhận cho đến hôm thứ Năm.

Không rõ bằng cách nào hoặc tại sao Botashev đã trở lại chiến trường. Sự nghiệp quân sự của ông đã bị chấm dứt đột ngột vào năm 2012 sau khi ông bị cáo buộc làm rơi chiến binh Su-27 gần Petrozavodsk.

Một số báo cáo phương Tây cho rằng Botashev đang bay cho Tập đoàn Wagner, một nhà thầu quân sự của Nga.

Tuần này, Andrey Kartapolov, người đứng đầu ủy ban quốc phòng quốc hội Nga và là cựu sĩ quan quân đội Nga, người từng giữ chức thứ trưởng quốc phòng, nói rằng “chúng ta thực tế đã không còn người để mà mất”, theo tờ Moskovskij Komsomolets.

2. Chỉ 10 tuần sau cuộc xâm lược Ukraine, lực lượng của Putin được cho là đã bắn nhiều hỏa tiễn hơn họ mong đợi vì cuộc chiến kéo dài

Putin có thể 'sắp hết hỏa tiễn', trong khi các tướng lĩnh của ông ta đang xoay sở đổ lỗi cho nhau để tránh bị thanh trừng.

Chỉ 10 tuần sau cuộc xâm lược và các lực lượng của Putin được cho là phải bắn nhiều hỏa tiễn hơn họ dự kiến vì cuộc chiến đã kéo dài vượt xa mức họ dự trù lúc đầu.

Đô đốc Anh, Tony Radakin, nói với TalkTV: “Putin có khả năng gặp rất nhiều vấn đề vì mức độ chi tiêu, và tầm mức khó khăn của cuộc chiến hoàn toàn khác xa với những gì ông ta tưởng tượng trước ngày 24 tháng Hai”.

“Tôi nghĩ rằng có một số cuộc chiến đang diễn ra. Có một cuộc chiến địa lý, chiến thuật đang diễn ra ở Ukraine. Bên cạnh đó, cũng có một cuộc chiến hậu cần đang diễn ra, về cách người Nga duy trì mức độ chi tiêu. Và chắc chắn là có một cuộc chiến để tránh việc giải trình những thất bại to lớn trên chiến trường. Chúng ta đang nói về tác động nghiêm trọng của các cuộc chiến tranh này đối với lực lượng vũ trang của họ.”

Cho đến nay, Putin đã sa thải các chỉ huy cấp cao bị tình nghi mưu toan đảo chính với lý do “hoạt động kém” hiệu quả trong cuộc xâm lược Ukraine, một bản cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh đã cho biết như trên.

“Trung tướng Serhiy Kisel, người chỉ huy Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 tinh nhuệ, đã bị cách chức do không chiếm được Kharkiv”.

“Phó Đô đốc Igor Ospipov, người chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga, cũng có khả năng đã bị cách chức sau vụ soái hạm Mạc Tư Khoa bị đánh chìm vào tháng 4”.

Tổng tham mưu trưởng Nga Valeriy Gerasimov “có khả năng” vẫn giữ được chức vụ của mình, nhưng “không rõ” liệu ông ta có giữ được lòng tin của Putin hay không.

Theo các nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ và phương Tây, cuộc chiến tại Ukraine gắn liền với tính mạng của Putin, nên hàng ngày Putin dành nhiều thời gian trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tại Ukraine. Ông ta được tin là đã can dự trực tiếp vào các quyết định đến cấp tiểu đoàn, với những mệnh lệnh hành quân thường được các sĩ quan cấp dưới đưa ra. Vì không được đào tạo chuyên nghiệp, Putin đã đưa ra các quyết định ngu xuẩn, dẫn đến những tổn thất nặng nề.

3. Putin cảnh báo Nga sẽ tấn công các mục tiêu mới nếu hỏa tiễn tầm xa được cung cấp cho Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm Chúa Nhật cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa sẽ tấn công các mục tiêu mới nếu Mỹ cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-1, Putin cho rằng việc giao vũ khí mới cho Kyiv chỉ nhằm mục đích “kéo dài xung đột vũ trang càng lâu càng tốt”.

Đề cập đến trường hợp chuyển giao hỏa tiễn tầm xa cho Kyiv, Putin nói Nga sẽ đưa ra “kết luận phù hợp” và tấn công những “cơ sở” mà Nga chưa từng tấn công.

“Nếu chúng được cung cấp, chúng tôi sẽ đưa ra kết luận thích hợp từ việc này và sử dụng vũ khí của riêng chúng tôi, mà chúng tôi có đủ, để tấn công vào những cơ sở mà chúng tôi chưa tấn công”.

Đây là đáp trả chính thức của Putin liên quan đến việc Mỹ cung cấp nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, gọi tắt là MLRS, cho Ukraine.

Putin trấn an người Nga rằng, việc cung cấp MLRS của Mỹ cho Ukraine về cơ bản không thay đổi bất cứ điều gì, vì Kyiv đã có các loại vũ khí tương tự trước đây, bao gồm cả hỏa tiễn tầm bắn tương tự, vì vậy các vũ khí mới này chỉ đơn giản là bù đắp cho những tổn thất của mình.

Trái lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba cho biết Mỹ đang cung cấp cho Ukraine “các hệ thống hỏa tiễn và vũ khí tiên tiến hơn” khi cuộc chiến với Nga đang tiếp diễn.

Hôm thứ Ba 31 tháng 5, Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài đã xác nhận với các phóng viên rằng Mỹ sẽ gửi cho Ukraine Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao do Mỹ sản xuất, được gọi là HIMARS, như một phần trong gói hỗ trợ an ninh thứ 11 của nước này cho Ukraine.

Các hệ thống hỏa tiễn mới của Mỹ sẽ cho phép Ukraine bắn trúng mục tiêu cách xa 50 dặm hay 80km, là tầm bắn lớn nhất của nó.

Đó là ít hơn nhiều so với phạm vi tối đa của các hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, gọi tắt là MLRS, có khả năng tấn công các mục tiêu xa đến 300 km, nhưng lớn hơn nhiều so với bất cứ điều gì Ukraine đã nhận được cho đến nay. Ví dụ, những chiếc Howitzers M777 mà Mỹ gửi tới Ukraine vào tháng trước đã đánh dấu sự gia tăng đáng kể về tầm hoạt động và sức mạnh so với các hệ thống trước đó, nhưng những hệ thống pháo này chỉ có tầm bắn khoảng 25 km.

Gói hỗ trợ an ninh mới, được công bố chính thức vào thứ Tư, cũng sẽ bao gồm radar giám sát đường không, vũ khí chống tăng Javelin bổ sung, vũ khí chống thiết giáp, đạn pháo, máy bay trực thăng, xe chiến thuật và phụ tùng thay thế để giúp đỡ người Ukraine tiếp tục bảo trì thiết bị.

4. Đoàn đại biểu quốc hội Hàn Quốc thăm Bucha

Đoàn đại biểu Quốc hội Hàn Quốc do ông Lý Tuấn Tích (Lee Jun-seok, 이준석) lãnh đạo Đảng Nhân dân cầm quyền, làm trưởng đoàn đã đến thăm vùng Kyiv, bao gồm các thị trấn Bucha và Irpin.

Nhà lãnh đạo quân sự khu vực Kyiv là ông Oleksiy Kuleba cho biết như sau:

“Hôm nay, phái đoàn Quốc Hội Hàn Quốc do ông Lý Tuấn Tích, lãnh đạo Đảng Nhân dân cầm quyền, làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm chính thức tới khu vực Kyiv. Phái đoàn Quốc Hội Hàn Quốc đã đến thăm mộ của những thường dân bị tra tấn ở Bucha và xem xét xung quanh các khu dân cư bị phá hủy ở Irpin”.

Cần lưu ý rằng các lĩnh vực hợp tác và các dự án chung trong khuôn khổ tái thiết vùng Kyiv đã được thảo luận trong chuyến thăm.

Nhà lãnh đạo quân sự khu vực Kyiv đã nhân dịp này cảm ơn sự hỗ trợ toàn diện của các đối tác nước ngoài.

Như đã đưa tin, ngày 4/6, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink và Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova đã đến thăm Borodianka, vùng Kyiv, nơi hứng chịu sự tàn bạo của quân xâm lược Nga.

5. Borrell: Nga chịu trách nhiệm về sự thiếu hụt trong thương mại quốc tế về ngũ cốc

Nga, quốc gia đã khơi mào cuộc chiến vô cớ chống lại Ukraine, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng thiếu hụt thương mại quốc tế đối với ngũ cốc và các mối đe dọa liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu.

“Không thể cho phép xảy ra các cuộc chiến tranh xâm lược. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu nhắm vào khả năng tiếp tục chiến tranh của Nga. Họ không tấn công lúa mì. Các sản phẩm nông nghiệp và việc vận chuyển chúng bị loại trừ một cách rõ ràng. Việc Nga liên tục phong tỏa các cảng của Ukraine đang ngăn cản việc xuất khẩu hàng tấn ngũ cốc, như ngô và lúa mì, hiện đang bị mắc kẹt ở Ukraine, một trong những nhà sản xuất chính trên thế giới “, Josep Borrell, có thể gọi là Ngoại trưởng của Liên minh Âu Châu đã cho biết như trên.

Ông đã lưu ý rằng Nga phải chịu trách nhiệm trực tiếp về bất kỳ sự thiếu hụt nào trong thương mại quốc tế đối với ngũ cốc. Thay vì chấm dứt hành vi gây hấn của mình, Nga đang tích cực tìm cách đổ trách nhiệm cho các lệnh trừng phạt quốc tế, đó là thông tin sai lệch.

“Liên Hiệp Âu Châu sẽ tiếp tục thể hiện sự đoàn kết đầy đủ với các nước trên thế giới trong việc giải quyết các hậu quả chiến tranh. Tổng thống Putin cần chấm dứt cuộc chiến chống Ukraine. Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được khôi phục. Đây là sự quan tâm của toàn thể cộng đồng quốc tế. Chúng tôi ủng hộ Ukraine,” ông Borrell nhấn mạnh.

Vào ngày 24 tháng 2, Nga đã phát động cuộc chiến tranh toàn diện chống lại Ukraine. Do sự xâm lược và phong tỏa của Nga, hơn 20 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu vẫn bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Điều này đã gây ra mối đe dọa về nạn đói toàn cầu vì gần một nửa nguồn cung cấp trong Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc là ngũ cốc của Ukraine.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Liên Hiệp Âu Châu đã tạo ra Vành Đai Đoàn Kết ở biên giới Liên Hiệp Âu Châu-Ukraine để dỡ bỏ các rào cản hành chính và xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang Liên Hiệp Âu Châu, sau đó - thông qua các cảng của Ba Lan và Rumani đưa ra thị trường thế giới. Đồng thời, đại diện Liên Hiệp Âu Châu bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong việc cung cấp các hành lang nhân đạo cho việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine bằng tàu bè qua Hắc Hải.

6. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Serbia đã bị hủy bỏ

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Serbia đã bị hủy bỏ sau khi các nước xung quanh Serbia đóng cửa không phận đối với máy bay của ông ta

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết Bulgaria, Bắc Macedonia và Montenegro đã đóng cửa không phận của họ đối với chiếc máy bay chở nhà ngoại giao hàng đầu của Mạc Tư Khoa đến Belgrade, được dự trù diễn ra vào hôm thứ Hai.

Serbia, quốc gia có quan hệ văn hóa chặt chẽ với Nga, đã chống lại áp lực đứng về phía nào trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga và không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Mạc Tư Khoa.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã nhất trí rằng Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho Serbia, trong khi các nước khác đã bị cắt hợp đồng do từ chối thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đã phát biểu trước toàn quốc vào tối thứ Hai liên quan đến việc hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov tới Belgrade, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.

7. Yermak: Sự xâm lược của Nga có thể bị ngăn chặn bằng ngoại giao mạnh mẽ, các biện pháp trừng phạt và vũ khí

Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết ông tin rằng quốc tế phải càng nghiêm khắc càng tốt đối với trách nhiệm về tội ác, đặc biệt là tội ác diệt chủng đối với người Ukraine của Putin. Ông cũng tin rằng hành động gây hấn của Nga có thể bị ngăn chặn bằng chính sách ngoại giao mạnh mẽ, các biện pháp trừng phạt kinh tế và vũ khí.

“Một số quốc gia đang đề nghị 'đừng làm bẽ mặt' Nga. Đồng thời, chúng ta đang bị bao vây: các thành phố, con người của chúng ta… Họ đang cố gắng lấy đi các lãnh thổ của chúng ta, và một số trong số đó đã bị chiếm đóng 8 năm nay. Quốc tế phải càng nghiêm khắc càng tốt đối với trách nhiệm về tội ác, đặc biệt là tội ác diệt chủng đối với người Ukraine của người Nga”, Ông Yermak nói.

Đồng thời, ông lưu ý rằng “trách nhiệm của kẻ xâm lược không phải là một điều sỉ nhục, nhưng là công lý.”

Nhận xét của Andriy Yermak xem ra là để đáp lại một nhận định của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Kỷ niệm 100 ngày cuộc xâm lược của Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Vladimir Putin đã phạm một “sai lầm lịch sử và cơ bản” khi xâm lược Ukraine và hiện đang bị “cô lập”.

Ông nói:

“Tôi nghĩ và tôi đã nói với ông ta rằng ông ta đã mắc một sai lầm lịch sử và cơ bản đối với người dân của mình, đối với bản thân và lịch sử.” Ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp.

“Tôi nghĩ ông ta đã tự cô lập mình. Cô lập bản thân là một chuyện, nhưng có thể thoát ra khỏi nó là một con đường khó khăn.”

Tổng thống Pháp nhắc lại rằng không nên “làm nhục Nga, để chúng ta có thể mở đường thông qua các biện pháp ngoại giao cho ngày mà giao tranh ngừng lại”.

Macron cũng cho biết ông không “loại trừ” một chuyến thăm tới Kyiv.
 
Hi hữu: Lời cầu nguyện xin cho tìm lại được của đã mất, 30 năm sau ứng nghiệm. Của vẫn y nguyên
VietCatholic Media
15:48 06/06/2022


1. Hội Hồng Thập Tự nói rằng sự tàn phá ở Ukraine “vượt quá sự hiểu biết” sau 100 ngày chiến tranh

Hội Hồng Thập Tự Quốc tế, gọi tắt là ICRC, cho biết quy mô của sự tàn phá ở Ukraine do cuộc xâm lược của Nga “vượt quá sự hiểu biết.”

Trong một tuyên bố về tác động của 100 ngày cuộc chiến ở Ukraine đối với dân thường, Tổng giám đốc ICRC Robert Mardini nói rằng “thật khó để trình bày cho hết những thiệt hại mà cuộc xung đột vũ trang quốc tế ở Ukraine đã gây ra cho dân thường trong 100 ngày qua”

“Quy mô tàn phá ở các thành phố thách thức sự hiểu biết. Nhà cửa, trường học và bệnh viện đã bị phá hủy và dân thường phải chịu đựng sự khủng khiếp của cuộc xung đột, với những người mất mạng và các gia đình bị chia cắt.”

Mardini nói: “Hàng nghìn người trong số họ đang sống với nỗi thống khổ không biết chuyện gì đã xảy ra với những người thân yêu của họ, bao gồm cả thân nhân của các tù nhân chiến tranh,” ông Mardini nói, đồng thời kêu gọi những người liên quan đến cuộc xung đột cung cấp cho ICRC quyền tiếp cận tất cả các tù nhân chiến tranh.

“Cũng cần nhớ rằng một số khu vực đã phải hứng chịu không phải 100 ngày xung đột vũ trang, mà là hơn 8 năm qua, và nhiều người đã phải chịu đựng nhiều thảm kịch. Nhiều cư dân đã buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ hơn một lần, xây dựng lại cuộc sống của họ từ đầu”

Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết trên tài khoản Twitter chính thức hôm thứ Sáu rằng “một phần ba dân số Ukraine đã bị buộc phải đi lánh nạn trong 100 ngày,” và nói thêm rằng cơ quan này đang tập trung vào việc bảo vệ và cung cấp nơi trú ẩn cho người Ukraine.

Các quan chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết các thành phố Ukraine đã bị tấn công bởi các cuộc không kích và pháo kích lớn trong cuộc xâm lược kéo dài 100 ngày qua của Nga, giết hại dân thường và phá hủy bệnh viện trong những hành động chắc chắn cấu thành tội ác chiến tranh.

Theo con số của Liên Hiệp Quốc hơn 6,983,000 người đã vượt biên giới Ukraine chạy trốn khỏi cuộc chiến “hoàn toàn vô nghĩa” của Nga đối với Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2,. Con số này vượt qua ước tính ban đầu của Liên Hiệp Quốc rằng cuộc chiến sẽ tạo ra tới 4 triệu người tị nạn. Hơn 90% trong số những người tị nạn là phụ nữ và trẻ em. Một con số chưa thống kê nổi là số di dời trong nội địa Ukraine.
Source:CNN

2. Vào ngày chiến tranh thứ 100, Nga vẫn hung hăng nói “công việc” ở Ukraine sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã đánh giá kết quả của 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine, và nói rằng “những kết quả nhất định” đã đạt được và công việc sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả các mục tiêu đạt được.

“Hoạt động này có mục tiêu chính là bảo vệ người dân ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk. Về việc bảo đảm sự bảo vệ của họ, các biện pháp đang được thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định”, Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Peskov nói rằng nhiều khu định cư “đã được giải phóng khỏi các lực lượng vũ trang thân Đức Quốc xã của Ukraine, cũng như trực tiếp khỏi các phần tử dân tộc chủ nghĩa,” khi lặp lại lời biện minh vô căn cứ của Điện Cẩm Linh cho cuộc chiến.

“Cơ hội cho mọi người bắt đầu thiết lập một cuộc sống hòa bình đã được mang lại. Công việc này sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt,” ông ta nói.

Cuộc sống của vô số người đã bị hủy hoại trong chiến tranh, với hàng nghìn người chết và hàng triệu người phải di dời do cuộc xâm lược.
Source:CNN

3. Zelenskiy cho biết hàng triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa của họ kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, gần 12 triệu người đã phải di dời kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Luxembourg hôm thứ Năm, Zelenskiy cho biết quân đội Nga đã tiến vào 3.620 khu định cư ở Ukraine, trong đó 1.017 đã được Ukraine chiếm lại trong khi 2.603 vẫn do Nga nắm giữ.

Zelenskiy cho biết hơn 5 triệu người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Theo cập nhật mới nhất từ Cơ quan Người tị nạn Liên Hiệp Quốc, ước tính có 6,6 triệu người tị nạn đã rời khỏi Ukraine kể từ cuối tháng Hai, với 2,1 triệu người quay trở lại Ukraine kể từ ngày 28 tháng 2. Hơn 8 triệu người đã phải di tản trong nước, có nghĩa là họ đã bỏ nhà đi nhưng ở lại nơi khác bên trong Ukraine.
Source:CNN

4. Con rùa mất tích của gia đình được phát hiện trên gác mái sau 30 năm sau - và nó vẫn còn sống

Bà mẹ của Nathalye De Almedia đã mua một con rùa vào đầu những năm 1980. Nhưng năm 1982, khi bà lên 8 tuổi, con rùa mất tích khi các thợ điện được mời tới xem lại hệ thống điện trong nhà.

Bà đã cầu nguyện để ngày nào đó tìm lại được con rùa tên là Manuela. Lời cầu nguyện của bà dường như không được nhận lời. Tuy nhiên, ba thập kỷ sau, khi bà đã 38 tuổi, sau khi cha bà qua đời, gia đình đã đến nhà để phân loại tài sản của ông.

Và khi đang phân loại trên gác mái, họ đã bị sốc bởi những gì họ tìm thấy trong một chiếc hộp với một chiếc loa gỗ cũ bên trong.

“Chúng tôi đã sốc!” Almeida nói vào năm 2013 với tờ Daily Mail.

“Mẹ tôi khóc nức nở vì không tin – chúng tôi đã tìm thấy Manuela!”

Bất chấp mọi khó khăn, con vật đã cố gắng tìm ra cách để tồn tại sau hơn ba thập kỷ bị nhốt trên gác mái.

Người ta cho rằng nó đã cố gắng sống sót bằng cách ăn ấu trùng mối.

Tuy nhiên, gần 10 năm sau, trong một bản cập nhật về câu chuyện, hóa ra Manuela, giờ đây vẫn còn sống - nhưng được gọi là Manuel, vì trong một lần kiểm tra thú y định kỳ năm nay, con rùa đen đủi thực sự là con đực.

Một con rùa có thể sống đến 255 tuổi, và có thể tồn tại trong khoảng ba năm mà không cần thức ăn và nước uống.
Source:The Mirror