Ngày 09-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đón nhận Thánh Thể để được sống đời đời
Lm. Đan Vinh
05:40 09/06/2020

Chúa Nhật 11 Thường Niên A
Lễ Mình Máu Chúa Kitô
Đnl 8, 2-3.14b-16a; I Cr 10, 16-17; Ga 6, 51-58

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 6, 51-58
(51) “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. (52) Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được? ”. (53) Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. (54) Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (55) Vì Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống. (56) Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (58) Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời”. (59) Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um.

2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su tự nhận là Bánh Hằng Sống. Ai ăn vào thì sẽ được sống muôn đời. Bánh đó là Thịt Máu Người. Ngay từ bây giờ họ đã được kết hiệp với Người và được sống nhờ Người. Khác với man-na mà dân Do thái đã ăn trong sa mạc mà vẫn bị chết, còn ai ăn Bánh Thánh Thể Đức Giê-su ban cho, sẽ được sống muôn đời.

3. CHÚ THÍCH:
- C 51-52: + Bánh Hằng Sống: Đức Giê-su là sự sống và ánh sáng của Thiên Chúa (x. Ga 1, 4), được ban cho loài người dưới hình dạng tấm bánh có thể ăn được. Bánh này chứa đựng sức sống thiêng liêng vĩnh cửu, và những ai ăn thì sẽ nhận được sự sống ấy. + Từ trời xuống: Đức Giê-su từ Chúa Cha mà đến (x. Ga 6, 46; 16, 28). + Bánh tôi sẽ ban tặng: Bánh Thánh Thể sẽ được Người thiết lập trong bữa Tiệc Ly sau này (x. Lc 22, 19-20). + Chính là Thịt tôi đây: Bánh Hằng Sống được đồng hóa với Thịt của Đức Giê-su. Từ ngữ “thịt” trong tiếng Hy lạp là sarx, ám chỉ thịt của người sống, bao gồm cả hồn xác (x. Ga 1, 14). + Để cho thế gian được sống: Hiệu quả của Bánh Thánh Thể là thông ban cho những ai lãnh nhận có sự sống thiêng liêng, mà Đức Giê-su đã chuộc lại bằng cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người. + Người Do thái liền tranh luận với nhau: Làm sao ông này cho chúng ta ăn thịt ông ta được? : Họ thắc mắc vì đã hiểu thịt đó là thân xác của Đức Giê-su hiện tại, người đang hiện diện ở giữa họ, trong khi Đức Giê-su lại nói về Thịt của Người dưới hình tấm bánh dùng trong bữa tiệc Vượt Qua. Bánh ấy sau lời truyền phép sẽ hóa thành Thịt của Đức Giê-su tử nạn và phục sinh (x. 1 Cr 11, 23-26). Thịt trong bí tích Thánh Thể này mới thực là Bánh mà Người sẽ ban để cho thế gian được sống.
- C 53-54: + Thật, tôi bảo thật các ông: Đức Giê-su không cải chính khi người Do thái hiểu lầm lời Người theo nghĩa đen, mà Người càng nhấn mạnh hơn khi quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông”. + Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người…: Thịt Máu Người trong bí tích Thánh Thể là một điều kiện không thể thiếu để được sống đời đời. Nếu họ không ăn uống Thịt Máu Người trong bí tích Thánh Thể, thì họ sẽ không nhận được sự sống đời đời do Người chuộc lại nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh. + Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết: Hiệu quả của việc ăn Thịt và uống Máu Chúa khi lên rước lễ là sẽ được Chúa Phục Sinh ban sự sống siêu nhiên, cho họ được sống lại trong ngày tận thế.
- C 55-56: + Vì Thịt Tôi: Chúa Giê-su nhấn mạnh Thịt và Máu Người thật là lương thực để ăn uống, và thông ban sự sống muôn đời. Qua bí tích Thánh Thể, người ta sẽ được nghe Lời Người để có đức tin, sẽ được ăn Thịt uống Máu Người để được nuôi dưỡng đức tin. Nhờ đức tin này họ sẽ có sự sống đời đời. + “Ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”: Câu này nói lên sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa Giê-su Thánh Thể với người rước lễ. Sự kết hiệp này giống như sự kết hiệp giữa hai người bạn tâm giao luôn nghĩ đến nhau và sống vì nhau.
- C 57-59: + Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi…: Chúa Giê-su được Chúa Cha sai xuống thế gian. Người sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì Người cũng ban cho những ai rước Mình Máu Người được tham phần sự sống siêu nhiên như vậy. + Thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy: Sự sống siêu nhiên ấy phát xuất từ Chúa Cha, qua Chúa Giê-su, xuống tới người tín hữu lãnh nhận bí tích Thánh Thể. + Đây là Bánh từ trời xuống…: Sự sống ban cho kẻ rước lễ là sự sống đời đời phát xuất từ Thiên Chúa, khác hẳn sự sống thể xác do man-na mang lại. Man-na là bánh từ trên không trung rơi xuống, nên dân Do thái thời Mô-sê, dù đã ăn man-na suốt trong thời gian Xuất Hành 40 măm trong hoang địa, nhưng họ vẫn phải chết. + Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời: Đây là câu tóm lược bài giảng về Bánh Hằng Sống. Chúa Giê-su tự ví Người là Bánh từ trời mà xuống. Người mang lại sự sống thiêng liêng cho loài người phải chết do phạm tội, thì nay lại được sống nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người. + Hội đường ở Ca-phác-na-um: Nơi Đức Giê-su giảng về Bánh Hằng Sống là hội đường Do thái ở thành Ca-phác-na-um gần biển hồ Ga-li-lê, nơi có trụ sở truyền giáo của Đức Giê-su (x Ga 6, 1).

4. HỎI ĐÁP:

- HỎI 1: Tại sao người Do thái và nhiều môn đệ Đức Giê-su đã bỏ không đi theo Đức Giê-su và họ đã tranh luận với nhau điều gì? Tại sao ông Phê-rô và Nhóm Mười Hai vẫn chọn ở lại với Đức Giê-su? Ông Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin thế nào?

ĐÁP:
+ Sở dĩ người Do thái và nhiều môn đệ Đức Giê-su đã bỏ không tiếp tục theo Người nữa (x. Ga 6, 66), vì đã hiểu lời Đức Giê-su dạy về việc ăn Bánh Thánh Thể theo nghĩa đen, nghĩa là ăn Thịt Máu của Người, giống như ăn thịt các con chiên, bò, gà… Do đó, họ đã tranh cãi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? ”. Cũng như các thân nhân Đức Giê-su ở Na-da-rét có lần đã coi Người bị mất trí (x. Mc 3, 21), thì ở đây các đầu mục dân Do thái cũng coi lời Đức Giê-su thật chói tai và không thể chấp nhận được (x. Ga 6, 52). Tuy nhiên, thay vì cải chính, Đức Giê-su lại càng nhấn mạnh về điều này hơn: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình… Vì Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 53.55). Nghe vậy, một số môn đệ đã bỏ đi vì không tin điều Người mới dạy.
+ Riêng Phê-rô và Nhóm Mười Hai vẫn chọn ở lại, sau khi nghe giảng về Bánh Hằng Sống, vì các ông đã tin Người là Đấng Thiên Sai và Lời Người là sự thật, dù bây giờ chưa hiểu rõ tại sao. Khi được Thầy hỏi, Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin ấy như sau: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết Thầy chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69).

HỎI 2: Luật Mô-sê cấm dân Do thái không được ăn máu và thịt thú chưa cắt tiết (x. Lv 19, 26), và nghị quyết của Công Đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 cũng yêu cầu các Ki-tô hữu gốc dân ngoại “phải kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết và ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm” (x. Cv 15, 29). Vậy tại sao Giáo Hội Công Giáo lại cho phép các tín hữu ăn tiết canh tức là máu đông?

ĐÁP:
Thời Mô-sê, người ta tin rằng: Máu là sinh khí tụ lại, nên chỉ dành riêng để tế lễ dâng cho Thiên Chúa trong ngày lễ Xá Tội. Vì Chúa chính là chủ tể của sự sống (x. Lv 17, 11). Đàng khác, tục uống máu các con vật được sát tế dâng cho thần linh, vẫn có trong nghi lễ tôn giáo của dân ngoại, nên Luật Mô-sê cấm dân Ít-ra-en uống máu và ăn thịt thú chưa cắt tiết giống như dân ngoại (x. Lv 19, 26).
Ngày nay Hội Thánh không cấm các tín hữu ăn tiết canh hay thịt thú vật chưa cắt tiết, vì Luật Mô-sê đã được Đức Giê-su kiện toàn (x. Mt 5, 17), khi Người truyền cho các môn đệ “ăn Thịt và uống Máu của Người” (x. Mt 26, 26-28).
Còn về việc Công Đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 ra nghị quyết không buộc lương dân theo đạo phải chịu phép Cắt Bì theo luật Mô-sê, mà chỉ yêu cầu họ “kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm”. Thực ra những yêu cầu không ăn tiết này không phải vì lý do đức tin mà chỉ là một biện pháp để bảo vệ sự hiệp nhất nội bộ của cộng đoàn Hội Thánh, khi ấy đang gồm có các tín hữu gốc Do Thái và gốc lương dân cùng ăn uống chung mâm bàn với nhau, như lời ông Gia-cô-bê đã nói trong sách Công Vụ: “Phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa. Nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, và kiêng ăn tiết. Thật vậy, từ những thế hệ xa xưa, trong mỗi thành ông Mô-sê, đều có những người rao giảng: Họ đọc lời của ông trong các hội đường mỗi ngày Sa-bát” (Cv 15, 21). Ngày nay do không còn nguy cơ bị phân hóa giữa các tín hữu gốc Do thái và gốc lương dân như thời sơ khai, nên Hội Thánh không cấm các tín hữu ăn thịt và uống máu huyết thú vật theo Luật Mô-sê nữa.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).

2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐỐI THOẠI VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ:
Palestine là một vùng đất hiện vẫn còn rất đông người theo đạo Hồi. Ngày nọ có một vị thầy, lãnh đạo một cộng đoàn Hồi giáo, mời một linh mục Công Giáo đến để công khai tranh luận về bí tích Thánh Thể trước sự hiện diện của các tín hữu đôi bên. Vị thầy hỏi:
– Làm sao một miếng bánh nhỏ lại có thể trở thành Đức Ki-tô được?
Vị linh mục trả lời:
– Được chứ sao lại không? Tôi xin minh chứng cho thầy biết bằng một thí dụ đơn sơ. Nếu thầy ăn cơm, thầy có thể biến cơm thành máu thịt của thầy, có thật thế không nào? Chớ thì tại sao Chúa lại không biến tấm bánh nhỏ trở thành máu thịt Chúa được.
Bậc thầy đó lại hỏi tiếp:
– Làm sao Đức Kitô to lớn như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu?
Vị linh mục trả lời:
– Thầy hay nhìn trời, nhìn núi và các thôn làng. Bầu trời thì mênh mông. Ngọn núi thì cao lớn hùng vĩ, còn thôn làng thì rộng rãi bao la, thế mà con mắt nhỏ xíu của thầy có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của Thầy làm được chuyện đó thì tại sao Thiên Chúa lại không thể làm cho miếng bánh nhỏ xíu chứa đựng được Đức Kitô.
Bậc thầy không chịu thua lại hỏi thêm:
– Làm sao có thể cử hành nhiều thánh lễ cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, mà mỗi thánh lễ lại đều có Mình Máu của Đức Ki-tô được?
Vị linh mục đáp:
– Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.
Rồi để chứng minh cho câu trả lời này, vị linh mục lấy một tấm gương ném xuống đất khiến nó bể tan thành rất nhiều mảnh nhỏ. Tiếp đến, vị linh mục giơ tay chỉ cho bậc thầy đang ngạc nhiên và nói:
– Trước đây trong tấm gương này, thầy trông thấy gương mặt mình có phải không nào. Và bây giờ thầy cũng trông thấy gương mặt mình trong từng mảnh nhỏ. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi trong cùng một lúc được.

2) THÁNH LỄ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? !!
Hôm đó, trong lúc ông chủ tiệm bán thịt đang trò truyện vui vẻ với một ông bạn thân thì một bà già nghèo nàn, dáng đi lọm khọm bước vào cửa tiệm:
- Bà muốn gì? Ông chủ hàng thịt hỏi.
-Tôi muốn mua một ít thịt?
-Được. Nhưng liệu bà có tiền trả không, tôi thấy dường như bà không một đồng xu dính túi…
Không quan tâm đến lời khích bác của chủ tiệm, bà chậm rãi trả lời:
-Tôi thật sự không có tiền, nhưng bù lại tôi sẽ đi lễ để cầu nguyện cho ông được buôn may bán đắt, coi như tôi đã trả tiền cho miếng thịt được không?
-Thế một thánh lễ đáng giá bao nhiêu?
Nói xong, ông chủ tiệm và mấy người bạn kia nhìn nhau rồi nhìn bà già và phá lên cười, vì họ đều không tin vào công hiệu của lời cầu trong thánh lễ. Sau đó vẫn với thái độ diễu cợt, ông chủ tiệm thịt viết nguệch ngoạc mấy chữ nêu ý nguyện của ông trên một mảnh giấy rồi đưa cho bà già:
-Đây là điều tôi muốn bà cầu xin cho tôi trong thánh lễ. Sau khi dự lễ bà phải đưa lại mảnh giấy này cho tôi, để tôi thử xem thánh lễ đáng giá bao nhiêu.

Người đàn bà khiêm tốn bỏ tờ giấy kia vào túi, ra khỏi hàng thịt và tiến thẳng đến thánh đường tham dự thánh lễ sáng hôm đó. Không biết bà đã cầu xin gì trong thánh lễ. Chỉ biết là sau khi dự lễ, bà đã ghé tiệm bán thịt và đưa lại tờ giấy kia cho ông chủ.

Cầm lấy tờ giấy, ông chủ liền đặt lên bàn cân, cái cân mà ông vẫn thường dùng để cân thịt. Thật lạ lùng, tấm giấy mong manh kia đã làm lệch cán cân về bên có tờ giấy. Thấy vậy, ông chủ tiệm liền lấy một khúc xương đặt lên đĩa cân bên kia, nhưng miếng xương ấy vẫn không làm cho cân nhúc nhích. Tò mò, ông mang một miếng thịt đùi thật to đặt lên, nhưng đĩa cân có tờ giấy vẫn chúi xuống. Đến đây thì ông thực sự rất sửng sốt và mất bình tĩnh, ông liền mang cả một cái đùi cừu to tướng đặt lên đĩa cân. Thế nhưng đĩa cân bên tờ giấy vẫn chúi xuống. Thấy vậy, ông đổi tờ giấy qua đĩa cân bên kia, vì nghĩ rằng có thể do cân bị hư. Nhưng một lần nữa, kết quả cũng vẫn như vậy: Tấm giấy ông đã ghi ý lễ đưa cho bà già nghèo vẫn nặng hơn cái đùi cừu to. Thế là ông chủ tiệm tỉnh ngộ. Ông đã lập tức thay đổi thái độ và hết lòng xin lỗi bà lão. Ông hứa là trong suốt những ngày bà còn sống, sẽ cung cấp cho bà mỗi ngày một phần thịt.

Chuyện lạ được đồn ra, người quanh vùng đã đổ đến tiệm bán thịt của ông, phần vì tò mò và phần cũng để mua thịt. Cũng từ ngày đó, thịt ở tiệm của ông được tiếng là tươi ngon nên việc buôn bán ngày càng phát đạt. Điều đáng nói ở đây là nhờ được chứng kiến sự lạ ấy, ông chủ tiệm đã nhận ra giá trị lớn lao của Thánh Lễ và ông cùng gia đình năng đến nhà thờ dự lễ mỗi ngày.
(Viết theo The Weight of one Holy Mass, The Catholic Lady Modesty and Elegance)

3) CHIẾC NHẪN- KỶ VẬT CỦA TÌNH YÊU.
Có một đôi vợ chồng trẻ kia mới lấy nhau được hơn một năm. Trong thời gian đó họ đã sống rất hạnh phúc. Mỗi buổi sáng trước khi rời nhà đi làm, và buổi chiều khi vừa trở về ngôi nhà thân thương, người chồng không bao giờ quên trao cho vợ một cử chỉ âu yếm và một lời nói thân thương. Nhờ đó tình yêu giữa hai vợ chồng ngày thêm nồng thắm. Nhưng rồi hạnh phúc của họ đã bị đe dọa khi một hôm người chồng bị trúng mưa trên đường từ xưởng làm về nhà. Anh bị cảm nặng phải nằm liệt giường nhiều ngày và đã được chị vợ tận tình săn sóc. Đẩu tiên, anh được vợ mang đến bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán bị sưng màng phổi. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bệnh của anh ngày càng nặng thêm. Sau đó, bệnh viện kết luận anh đã bị ung thư màng phổi ác tính thời kỳ thứ ba và vô phương cứu chữa. Khi sắp chết, anh chồng đã cầm tay vợ thều thào nói: “Em yêu quí ! Có lẽ sắp tới giờ Chúa gọi anh về rồi. Anh đã chuẩn bị và sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa muốn. Anh chỉ tiếc một điều là không còn được tiếp tục sống bên em nữa. Trước khi đi xa, anh không có gì trối lại cho em ngoài chiếc nhẫn mà cách đây hơn một năm, hai vợ chồng mình đã tặng cho nhau khi kết ước trước bàn thờ Chúa. Bây giờ anh xin tặng lại chiếc nhẫn kỷ vật này cho em, để mỗi lần nhìn thấy nó, em biết rằng anh vẫn luôn ở bên em và hằng cầu Chúa ban cho em an lành hạnh phúc”. Nói xong, anh tháo chiếc nhẫn đang đeo ở ngón tay ra và âu yếm xỏ vào tay vợ, giống như trước đây anh đã từng làm trong thánh lễ hôn phối của hai người. Sau khi chết, anh được an táng trong một nghĩa trang gần nhà. Từ ngày đó, mỗi ngày người ta đều thấy một phụ nữ còn rất trẻ, đầu chít khăn tang, tay cầm bó bông đi vào nghĩa trang. Chị đứng hằng giờ trước ngôi mộ cỏ mọc chưa xanh của chồng, để cầu nguyện cho anh. Tay chị đeo hai chiếc nhẫn: Một chiếc của ngày thành hôn và chiếc kia là kỷ vật của người chồng quá cố đã để lại cho chị khi sắp từ giã cuộc đời.

4) MẸ HY SINH CHO CON UỐNG MÁU MÌNH THAY NƯỚC ĐỂ ĐƯỢC SỐNG:
Tại Arménie hổi tháng 12 năm 1987 đã xảy ra một trận động đất kinh hoàng. Trong số hàng ngàn người bị chôn vùi dưới đống gạch vụn, có hai mẹ con bà Suzana. Cả hai may mắn lọt vào một khoảng trống nhỏ bê-tông, nên còn sống sót. Tất cả lương thực của họ chỉ là một hũ mứt, nhưng chẳng mấy chốc, hũ mứt cũng hết. Lúc đó đứa con gái bốn tuổi đã kêu lên: Mẹ ơi, con khát quá, mẹ cho con uống nước mẹ nhé. Nhưng trong hoàn cảnh đó mẹ biết tìm đâu nước cho con uống bây giờ. Một ý nghĩ táo bạo bỗng nảy sinh trong đầu óc bà, đó là bà phải lấy những giọt máu của mình cho con uống, để cầm cự với tử thần. Bà tìm được một mảnh kính vỡ, cắt đầu ngón tay cho máu chảy ra và bảo con mút. Đứa bé mút những giọt máu từ đầu ngón tay của người mẹ. Sau khi hai mẹ con được cứu sống, người mẹ kể lại rằng: “Lúc bấy giờ tôi chỉ có một ý nghĩ trong đầu là phải làm gì để cho con tôi được sống”.
3. SUY NIỆM:
Hơn hai ngàn năm trước đây, Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong sự hiệp nhất yêu thương Thầy trò như Tin Mừng Gio-an viết: Ý thức rằng “Giờ đã đến, Giờ Con Người phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, và Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Người đã lập phép Thánh Thể trong khung cảnh một bữa ăn, để lại cho Hội Thánh dấu chỉ của một tình yêu vô cùng lớn lao là Mình Máu Thánh Người dưới hình bánh rượu, để nên của ăn của uống cho các tín hữu, hầu ban cho họ sự sống đời đời.

1) BÍ TÍCH THÁNH THỂ - BỮA TIỆC THÁNH YÊU THƯƠNG:
Tin Mừng cho thấy việc chuẩn bị thiết lập bí tích Thánh Thể của Đức Giê-su đều diễn ra trong khung cảnh các bữa ăn như sau:
- Bữa tiệc cưới thành Ca-na: Trong tiệc cưới này, Đức Giê-su đã thể hiện tình thương đối với đôi tân hôn, khi nể lời Đức Ma-ri-a cầu bầu, Người đã làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon giúp đôi tân hôn, và củng cố đức tin của các môn đệ mới theo Người.
- Bữa ăn cho đám đông nơi hoang địa: Cảm thông với đám đông dân chúng bị đói khi theo Người vào hoang địa nghe giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã làm phép lạ nhân năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để nuôi năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ được ăn no và còn dư mười hai giỏ đầy bánh còn lại (x. Mt 14, 14-21). Sau đó, Đức Giê-su đã giảng về bí tích Thánh Thể, để hứa ban thịt máu mình làm của ăn của uống mang lại sự sống đời đời cho các tín hữu: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì sẽ có sự sống đời đời. Và Tôi, Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày tận thế” (Ga 6, 55-56).
- Bữa Tiệc Ly chiều thứ Năm Tuần Thánh: Đức Giê-su đã yêu thương các môn đệ đến cùng nên Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc chiên Vượt Qua với các môn đệ, trước khi từ biệt các ông để chịu khổ nạn. Tin Mừng thuật lại như sau: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28).
- Bữa tối của hai môn đệ làng Em-mau: Chúa Phục Sinh dưới hình dạng khách bộ hành đi chung đường với hai môn đệ đang trong tâm trạng chán nản thất vọng. Người đã dùng Lời Kinh Thánh để giải thích cho các ông về ý nghĩa cái chết và sự phục sinh của Đấng Thiên Sai. Rồi “khi ngồi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24, 30-31). Chính trong khung cảnh bữa ăn yêu thương kèm theo cử chỉ và lời đọc mà Người đã từng làm, khiến mắt hai môn đệ mở ra và đã nhận biết người khách bộ hành chính là Thầy Giê-su đã từ cõi chết sống lại.

2) BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ MẦU NHIỆM ĐỨC TIN:
Sau bài giảng về Bánh Hằng Sống, mặc dù biết đám đông đang xầm xì phản đối, vì họ không thể chấp nhận việc Đức Giê-su cho người ta ăn thịt và uống máu mình nên đã nói với nhau: “Làm sao ông này có thể lấy Thịt mình mà cho chúng ta ăn được? ”. Riêng các môn đệ cũng chia làm hai phe: Một số môn đệ đã bỏ đi không còn theo làm môn đệ Người nữa (x. Ga 6, 66). Riêng Nhóm Mười Hai khi được hỏi có muốn bỏ đi hay không thì Ông Phê-rô đã đại diện Nhóm thưa: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69). Như vậy, trước mầu nhiệm Thánh Thể, người ta không thể dựa vào trí khôn hiểu biết và vào sự cảm nghiệm của giác quan, nhưng phải dựa vào ơn Chúa ban và sự thành tâm tin nhận lời Chúa phán, dù chưa hiểu rõ mầu nhiệm này.

3) CẦN THAM DỰ BÍ TÍCH THÁNH THỂ VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT:
Thánh Phao-lô dạy về thái độ của các tín hữu khi dự Tiệc Thánh Thể như sau: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10, 17). Do đó, khi đến dự lễ, chúng ta cần cảm thông và hiệp nhất với nhau, noi gương cộng đoàn sơ khai tại Giê-ru-sa-lem: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ, Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 44-47).

4) CẦN RƯỚC LỄ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI?
- Cần chuẩn bị tâm hồn xứng đáng rước Chúa: Cần dọn mình lên rước lễ mỗi lần dự lễ, bằng việc ăn năn tội đầu lễ, bỏ lòng thù ghét để làm hòa với kẻ khác, giữ chay lòng ít nhất một giờ, nghe giảng và dự lễ sốt sắng... Sau khi rước lễ cần hồi tâm thưa chuyện với Chúa Thánh Thể đang ngự trong lòng để tạ ơn Chúa, xin các ơn lành hồn xác cho mình, cho người thân và cho mọi người trên thế giới…
- Kéo dài thánh lễ bằng đời sống chứng nhân: Thánh lễ được kết thúc bằng lời chúc của linh mục chủ tế: “Lễ xong chúc anh em đi bình an”. Một bài hát đã diễn tả việc phải đưa Chúa vào đời như sau:“Ta về thôi vì Thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, mang tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để thành chứng nhân!”.
Vậy chúng ta phải làm gì để làm chứng cho Chúa? : Vui vẻ khi gặp gỡ với mọi người; Quảng đại chia sẻ cơm áo vật chất cho người nghèo đói; Khiêm tốn phục vụ những người bệnh tật đau khổ; Chu toàn sứ mệnh làm chứng bằng việc biến đổi gia đình, khu xóm, trường học, nhà máy, công sở của mình ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn… hầu sớm trở thành “Trời Mới Đất Mới” (x. Kh 21, 4). Về vấn đề này Đức Cha HELDER CAMERA đã phát biểu như sau: “Mỗi sáng, tôi được nuôi dưỡng bằng Đức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể, rồi suốt ngày, tôi lại gặp gỡ Đức Ki-tô nơi tha nhân, nên tôi được gặp cũng một Đức Ki-tô vừa trên bàn thờ vừa ngoài đường phố”.

4. THẢO LUẬN: Mỗi người chúng ta cần tham dự thánh lễ thế nào để đạt được hiệu quả là được sống đời đời như lời Chúa hứa?

5. CẦU NGUYỆN:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Bàn tiệc Thánh Thể do Chúa thiết lập và mời chúng con tham dự nhằm biểu lộ tình yêu thương và sự hiệp nhất cộng đoàn. Chúa muốn chúng con phải tránh thói xấu ích kỷ và các việc gây chia rẽ nội bộ, như Tông đồ Phao-lô đã quở trách giáo đoàn Cô-rin-thô: “Trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau… Khi anh em họp nhau, thì không còn phải là ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước. Và như thế kẻ thì bị đói, người lại no say ! Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? … Cho nên thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hóa ra để bị kết án !” (1 Cr 11, 18-22.33-34). Hôm nay, xin Chúa giúp chúng con biết hiệp thông với cộng đoàn khi tham dự thánh lễ bằng cách: Vào ngồi trong nhà thờ thay vì đứng ngoài; Dấn thân đi bước trước bắt chuyện làm quen với những người mới gặp; Nhường chỗ cho người già cả tật nguyền… Nhờ đó, thánh lễ sẽ trở thành cơ hội giúp chúng con hiệp nhất với Chúa và hiệp thông với anh em hầu sẽ được sống đời đời sau này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Yêu thương như Giêsu
Lm. Đan Vinh
05:45 09/06/2020
Lễ Thánh Tâm A

Đnl 7, 6-11; 1 Ga 4, 7-16; Mt 11, 25-30

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 11, 25-30

(25) Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26) Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. (27) Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha. Cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. (28) Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. (30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa Cha, vì Người đã giấu không cho những kẻ học thức quyền thế biết chân lý, nhưng lại tỏ mình ra cho những người nghèo khó, yếu đuối và tội lỗi. Tiếp đến, Đức Giê-su bày tỏ về bản tính Thiên Chúa của Người ngang bằng Chúa Cha, và dạy môn đệ hãy sống gắn bó với Người, để biến ách lề luật và gánh nặng bổn phận trở nên nhẹ nhàng và sau này sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.

3. CHÚ THÍCH:

- C 25: + Lạy Cha: Khi cầu nguyện, Đức Giê-su thường xưng tụng Thiên Chúa là “Cha”, một tiếng gọi thân thương mới lạ đối với người Do thái, vì họ không bao giờ dám gọi Thiên Chúa là Cha. + “Chúa Tể trời đất”: là một lời xưng hô có tính trang trọng. + Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn: “Giấu” ở đây không phải vì Chúa Cha không muốn mặc khải, nhưng vì những người kia tự mãn, cho mình là khôn ngoan thông thái, nên không muốn đón nhận chân lý mặc khải. Trái lại, những người bé mọn vì có tinh thần khó nghèo, nên được Thiên Chúa tỏ mình để họ biết Người, như Đức Giê-su đã nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !” (Ga 9, 39). Câu này gợi lại câu chuyện về các thiếu niên Do thái trong sách Đa-ni-en: Tất cả các bậc khôn ngoan thông thái Ba-by-lon không ai hiểu được mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chỉ có các thiếu niên Do thái là được Thiên Chúa mặc khải cho (x. Đn 2, 27.30). Cũng vậy, Đức Giê-su ngợi khen Thiên Chúa vì Người đã tỏ mầu nhiệm Nước trời cho những người bé mọn, tức là những kẻ chỉ biết tin cậy phó thác vào sự phù trì của Thiên Chúa.

- C 26-27: + Đó là điều đẹp ý Cha: Đức Giê-su luôn làm đẹp lòng Cha (x. Mt 3, 17; 26, 42; Ga 4, 34). + Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi: Ngôn sứ Đa-ni-en được mặc khải chuyện Con Người được Đấng Cao Niên (Thiên Chúa) ban tặng tất cả mọi sự (x. Đn 7, 14). Ở đây, Đức Giê-su cho thấy Thiên Chúa đã giao phó mọi sự cho Người (x. Mt 28, 18). Nhất là cho Người biết rõ về Chúa Cha để mặc khải cho lòai người, hầu ban cho lòai người được sống đời đời (x. Ga 17, 2-3). + Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha. Cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho: “Biết” ở đây không phải chỉ là sự hiểu biết tri thức thông thường, nhưng là hiểu biết thâm sâu cả về tâm hồn và thể xác.

- C 28: + Tất cả hãy đến với tôi: Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy theo làm môn đệ của Người, tức là vâng nghe lời Người dạy và sống theo gương mẫu tốt lành của Người. + Những ai đang vất vả mang gánh nặng nề: Chính Đức Giê-su là Con Người được đề cập trong sách Đa-ni-en, ở đây lại xuất hiện dưới danh xưng Con Thiên Chúa, là Vua và là Đấng mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn. Họ là những kẻ vất vả và mang gánh nặng nên được Người kêu gọi hãy đến với Người. Đó là những người Do thái đang sống dưới ách của Luật cũ có nhiều tập tục nặng nề (x. Mt 23, 4). Những kẻ mang gánh nặng còn là những người gặp nhiều gian nan thử thách.

- C 29-30: + Hãy mang lấy ách của tôi: “Ách” hay “gánh” của Đức Giê-su chính là đạo lý Tin Mừng mà Người rao giảng. + Vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường: Đạo lý của Đức Giê-su được tóm lại trong ba điều chính sau: Một là Tin, nghĩa là trở thành môn đệ của Người. Hai là khiêm nhường, nghĩa là hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa. Ba là hiền lành, nghĩa là đối xử khoan dung nhân hậu với tha nhân. + Vì ách tôi êm ái: Đức Giê-su đòi môn đệ phải giữ luật theo tinh thần của Tám Mối Phúc (x. Mt 5, 17.20), thay cho thái độ vụ Lề Luật và nặng hình thức (x. Mt 5, 21-22). Đức Giê-su cũng dạy môn đệ đừng bắt chước các đầu mục Do thái là các kinh sư và người Pha-ri-sêu, vì họ “nói mà không làm” (x. Mt 23, 2-7). + Và gánh tôi nhẹ nhàng: Khi tuân giữ các điều Luật dạy với lòng yêu mến, thì bất cứ điều khoản nào dù khó giữ đến đâu, cũng trở nên nhẹ nhàng đối với người yêu mến Chúa.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LỊCH SỬ LỄ THÁNH TÂM:

Khi Chúa Giê-su bị treo trên thập giá, thánh sử Gio-an đã nhấn mạnh tới vết thương ở cạnh sườn Người: “Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 33-34).

Trước thế kỷ 12, Hội Thánh có thói quen tôn kính các vết thương của Chúa Giê-su. Nhưng từ thế kỷ 13, Hội Thánh bắt đầu tôn kính Trái tim Chúa, là cơ quan diễm tả Tình yêu của Người. Đến năm 1695, nữ tu Mác-ga-ri-ta thuộc dòng Đức Mẹ Thăm Viếng ở Pháp, đã được Chúa Giê-su hiện ra phán bảo rằng: “Đây là Trái Tim đã yêu mến loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi”. Rồi Chúa truyền phải phổ biến lòng tôn sùng Trái Tim Chúa trên khắp thế giới. Giáo Hội cổ động việc tôn sùng này như một phương thế chống lại lý thuyết sai lầm thời đó, chủ trương Thiên Chúa là Đấng nghiêm minh công thẳng, không xót thương và sẽ trừng phạt các tội nhân. Vì thế Giáo Hội thấy cần đề cao lòng thương xót của Chúa. Nên đến cuối thế kỷ thứ 18, Giáo Hội đã thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su.

Phương thế để tôn sùng Trái Tim Chúa Giê-su là siêng năng làm việc đền tạ. Việc đền tạ gồm hai phần: Một là gia tăng lòng kính mến Chúa, thay cho những kẻ đã vô tình tệ bạc với Người. Hai là dâng những lời ngợi khen, ăn năn và cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ đã cả lòng xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa.

2) LUÔN VUI TƯƠI VÌ CÓ TÂM HỒN HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG:

Nhà văn TÔN-TOI (Tolstoi) đã kể một câu chuyện để khuyên người ta sống lạc quan:

Một hôm, một con chó sói kia gặp thấy con sóc có bộ lông màu nâu đang nhởn nhơ ngồi gặm củ cà rốt trên một cành cây gần mặt đất, sói liền nhe hàm răng nhọn hoắc ra, gầm gừ đe dọa và hỏi sóc nâu rằng: “Này tên sóc nâu khốn kiếp kia. Tại sao tao thấy họ hàng bọn sóc các ngươi lúc nào cũng nhảy nhót ăn uống vui vẻ như thế? Bộ chúng bay không thấy ông nội của chúng bay đang bị rầu thúi ruột đây hay sao? ” Bấy giờ chú sóc nâu kia vội leo lên một cành cây cao hơn để đề phòng bất trắc, rồi trả lời chó sói rằng: “Thưa ông sói. Sở dĩ ông luôn cảm thấy buồn thúi ruột vì ông là kẻ gian ác, lúc nào cũng để lòng giận hờn, luôn tìm cách bắt nạt và giết hại những kẻ yếu đuối hơn mình. Còn họ sóc nhà chúng ta đây luôn vui tươi nhảy nhót suốt ngày, là do chúng ta hiền lành, luôn sống hòa thuận với mọi loài vật khác và không làm hại bất cứ ai”.

Câu trả lời của chú sóc nâu rất phù hợp với bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su là một người lạc quan. Dù vừa bị các đầu mục Do thái chống đối ở các thành ven Biển Hồ (x. Mt 11, 20-24), nhưng Người đã nhận ra đó là thánh ý Chúa Cha và cầu nguyện: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều mầu nhiệm này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha (Mt 11, 25-26).

Còn chúng ta, sau khi gặp một vài sự chống đối hay thất bại trong việc truyền giáo, chúng ta thường cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi. Chúng ta hãy xin Chúa ban tinh thần lạc quan, để dù gặp phải đau khổ thất bại, vẫn dâng lời ngợi khen cảm tạ, vì biết rằng sự thất bại chỉ là nhất thời, là dịp để chúng ta rút kinh nghiệm. Hy vọng sẽ tới ngày chúng ta sẽ gặt mùa lúa bội thu như lời Đức Giê-su tiên báo hôm nay.

3) KINH NGHIỆM CỦA MỘT NGƯỜI GẶP CHÚA:

Một cô sinh viên Công giáo kia vừa bắt gặp quả tang người yêu lừa dối phản bội mình nên mang tâm trạng buồn chán. Rồi khi về đến nhà, cô lại bị mẹ rầy la vị sự ngây thơ khờ dại của mình. Cô liền chạy xe đi tìm mấy người bạn thân, để tâm sự mong nhận được lời động viên an ủi. Nhưng thật không may: đứa thì đi học, đứa thì đi làm, đứa khác đang đi chơi với bạn trai… Trời đã về chiều và đường phố đang giờ tan tầm, cô chạy lòng vòng và bị mắc kẹt tại giao lộ, phải chịu đựng những tiếng ồn ào và hít mùi khói xăng khó chịu. Gần đó có một thánh đường đang mở cửa, cô liền đem xe vào chỗ gửi và vào trong nhà thờ. Bầu khí nơi đây thật trang nghiêm yên tĩnh. Cô đến quỳ ở hàng ghế đầu sát gian cung thánh nhìn lên Chúa Giê-su và thầm thì tâm sự với Người. Nói đến đâu nước mắt tuôn trào đến đó. Sau một hồi lâu, cô cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản. Hình như tâm tư của cô đã được Chúa nghe và cảm thông rồi. Cô đã được bình an trong tâm hồn và quên đi những gì đã gây đau khổ cho mình. Cô hy vọng một tương lai tốt đẹp đang chờ đón mình. Rồi cô ra lấy xe về nhà như không có chuyện gì xảy ra trước đó.

Thật đúng như lời Đức Giê-su mời gọi trong Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được rằng: Chỉ nơi Chúa con mới tìm thấy niềm vui và sự bình an.

4) SỐNG YÊU THƯƠNG:

Trong quyển nhật ký, mục sư MÁC-TIN LU-THƠ KINH (Martin Luther King), người đã hy sinh mạng sống để đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen có đoạn như sau:

“Tôi rất hãnh diện nếu ngày tôi chết, được ai đó kể lại rằng: Lu-thơ Kinh là người đã cố gắng sống vì yêu thương. Ngày đó tôi mong các bạn có thể nói rằng: tôi đã cố gắng sống cho công lý, rằng tôi đã đồng hành với những ai thực thi công bình, rằng tôi đã dấn thân để đem lại cơm bánh cho những người đói ăn, và kẻ rách rưới có đồ mặc. Tôi mong rằng ngày đó các bạn sẽ nói rằng: Lu-thơ Kinh đã xả thân để thăm viếng những người tù tội, và yêu thương phục vụ hết mọi người, nhất là những nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc… Còn tất cả những thứ khác, như giải No-bel Hòa Bình 1964 không quan trọng nên chẳng cần phải nhắc lại…”

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con giống hình ảnh yêu thương của Chúa. Chúa đã phú ban cho con một trái tim biết yêu thương. Xin cho con biết luôn tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống trong sự hòa thuận tha thứ và khiêm nhường phục vụ tha nhân. Nhất là xin cho con biết yêu thương những người nghèo khổ đang sống bên con, vì họ chính là hiện thân của Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi khi xưa.

5) YÊU THƯƠNG SẴN SÀNG TẶNG TRÁI TIM DUY NHẤT CHO NGƯỜI YÊU:

Một chuyện tình có thật đã được dựng thành phim và được chiếu trên đài truyền hình Pháp trong năm 1996 như sau:

Có một chàng trai tên là ANTÔN người Phi châu, mồ côi mẹ, sống với cha trên đất Pháp. Không giấy tờ cũng chẳng có việc làm, nơi ở chỉ là một góc tối trên căn gác chật hẹp. Điều trớ trêu là Antôn lại yêu VALERY, một cô gái người pháp thuộc gia đình giàu có, nặng óc kỳ thị. Tình yêu của hai người rất bấp bênh vì khác màu da chủng tộc. Nhiều lần cha mẹ của Valery đã đến gặp và nói rõ với cha của Antôn rằng, họ sẽ không bao giờ chấp nhận cho con gái của họ sống chung với một tên da đen.

Đau khổ và tuyệt vọng, đôi thanh niên nam nữ quyết định sẽ đi tìm khung trời riêng cho mình. Thế là cô gái lấy cắp tiền của cha mẹ và lên đường đi xa, nhưng họ đã bị cảnh sát bắt lại ngay trong đêm sắp trốn đi. Quá xúc động bởi nhiều biến cố dồn dập, Valery đã bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện chữa trị. Gia đình cô lợi dụng cơ hội này để cắt đứt liên lạc giữa hai người. Để ngừa hậu hoạ, cha mẹ Valery còn gọi điện báo cho cảnh sát biết tình trạng cư trú bất hợp pháp của hai cha con Antôn. Nhưng cảnh sát đã không bắt được Antôn, vì lúc đó chàng trai thất tình đang đi lang thang ngoài đường phố. Nhiều tuần lễ sau, các bác sĩ cho biết Valery phải được thay tim, mới có hy vọng sống sót. Tình cờ biết được tin này, Antôn đã ghé thăm người yêu đang đau nặng. Trở về nhà đã vắng bóng cha, chàng trai đau khổ khóc suốt đêm. Đến khi cảnh sát ập đến bắt chàng thì họ thấy chàng đã bị mê man bất tỉnh. Thay vì đưa chàng vào nhà tù, họ đã chở chàng đến bệnh viện và chỉ vài tiếng sau thì Antôn tắt thở, trong túi áo của chàng người ta tìm thấy một tờ giấy di chúc với dòng chữ: “Xin được trao tặng trái tim này cho Valery, người yêu của tôi” và sau đó Valery đã được cứu sống nhờ trái tim của người tình da đen bất hạnh và đau khổ ấy. (nguồn Internet).

3. SUY NIỆM:

1) Hôm nay, cùng với Hội Thánh, chúng ta mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su – là nguồn mạch của tình yêu. Tình yêu của Đức Giê-su bắt đầu từ việc Chúa Con vâng lời Chúa Cha xuống nhập thể làm người, sống ẩn dật 30 năm ở Na-da-rét. Sau đó, Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời gần 3 năm. Người trình bày tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người, không phân biệt giàu nghèo, tiếng nói hay màu da chủng tộc...

2) Người sẵn sàng gặp gỡ tiếp xúc với mọi hạng người trong xã hội. Ai gặp được Người cũng đều được Người ban ơn cứu độ cả về thể xác cũng như tâm hồn như sau:

- Về thể xác: Dân chúng đang đói được ăn no nhờ phép lạ Đức Giê-su nhân bánh ra nhiều; Một phụ nữ bị bệnh loạn huyết 12 năm được ơn chữa lành; Kẻ tê liệt nằm trên chõng được ơn trỗi dậy vác chõng về nhà; Những người cùi hủi, câm điếc, đui mù, què quặt đều được ơn chữa lành; La-da-rô chết 4 ngày được ơn phục sinh ra khỏi mồ...

- Về tinh thần, Đức Giê-su cũng biến đổi nhiều tội nhân nên người tốt như: Lê-vi nhân viên thu thuế được nên môn đệ Chúa, Gia-kêu thủ lãnh thu thuế được ơn sám hối thực sự, Ma-ri-a Ma-da-le-na tội lỗi được ơn hoàn lương... Người phụ nữ ngoại tình được Người bênh vực và tha tôi; Phê-rô, kẻ trộm lành, Sao-lô được ơn sám hối và biến đổi...

Tin Mừng Gio-an đã tóm lược tình yêu của Đức Giê-su như sau: “Ngài yêu thương các môn đệ và yêu thương họ đến cùng” (x. Ga 13, 1), mà tột đỉnh của tình yêu đó là hy sinh chết trên thập giá để đền tội thay và sống lại để phục hồi sự sống cho loài người.

3) Trong lễ kính Thánh Tâm hôm nay, chúng ta được nghe Lời Chúa mời gọi như sau:

a) “Hãy học với tôi”: Đức Giê-su kêu gọi chúng ta hãy trở thành môn đệ của Người, hãy học sống yêu thương với thái độ khiêm nhu hiền hòa của Người. Khi mang trong mình những tâm tình của Đức Giê-su, thì tâm hồn chúng ta sẽ được bình an. Chỉ khi biết loại bỏ thái độ tự mãn của các Biệt Phái để ăn ở khiêm hạ như trẻ thơ, thì chúng ta mới được Người mặc khải cho những điều lớn lao.

b) “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28): Gánh nặng ở đây là gánh nặng của đau khổ, hậu quả của những lần vấp ngã, gánh nặng trách nhiệm, của sự nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân… Tất cả những ai căng thẳng và lo âu, chán chường mệt mỏi, hãy đến gặp gỡ tâm sự với Người, thì sẽ tìm lại được sự bình an cho tâm hồn.

c) “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi (Mt 11, 29): Đức Giê-su không giấu chúng ta về đòi hỏi nghiêm túc là phải đi con đường hẹp, leo dốc ít người muốn đi, đòi ta phải mang vác thập giá là các vất vả hy sinh mà theo chân Người. Như thế, sự an bình thư thái Người hứa ban, không phải thứ bình an dễ dãi, nhưng là bình an nội tâm: Dù đang bị đau khổ, vẫn ý thức mình được Chúa yêu thương và quyết tâm vâng theo thánh ý Thiên Chúa như Đức Giê-su: “Đừng theo ý Con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26, 39b).

d) “Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 30): Ách của Đức Giê-su chỉ trở nên êm ái và gánh của Người chỉ hóa thành nhẹ nhàng, khi ta biết đón nhận chúng với tình yêu thương. Chính tình yêu Chúa sẽ làm cho mọi đau khổ vất vả ta đang phải chịu trở nên êm ái và nhẹ nhàng, như thánh Au-gút-ti-nô viết: “Nơi đâu có tình yêu, thì sẽ không còn vất vả. Mà giả như có vất vả, thì người ta cũng ưa thích sự vất vả đó”.

4. THẢO LUẬN:

Theo bạn, các việc dự lễ cầu nguyện sớm tối có phải là gánh nặng không? Làm thế nào để các việc đạo đức ấy trở thành ách êm ái và gánh nhẹ nhàng như lời Chúa dạy hôm nay?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con luôn sống đơn sơ bé nhỏ, để có thể nghe được tiếng Chúa, để cảm thấy Chúa đang ở trong con. Con đang sống giữa một thế giới đầy những cạm bẫy và gian dối lừa lọc, xin cho trái tim con đừng hóa ra sơ cứng như đá, ích kỷ khép kín và nghi ngờ tha nhân. Xin dạy con sống hiền hòa như Chúa, để cảm thông với nỗi đau của tha nhân và sẵn sàng tha thứ những xúc phạm của kẻ khác. Xin dạy con luôn vâng theo ý Chúa qua ý bề trên, và khiêm tốn đón nhận những góp ý chân thành của anh em. Cuối cùng, xin giúp con luôn dấn thân đi con đường hẹp và leo dốc, chấp nhận những đau khổ thử thách gặp phải với lòng tin yêu phó thác. Nhờ đó, con hy vọng sẽ nên giống Chúa ở đời này và sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng đời sau.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Suy niệm Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa và Tuần 11A
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:10 09/06/2020
LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA. A
(Ga 6:51-59)
THẦN LƯƠNG


Chính Ta là bánh trường sinh,
Ai ăn sẽ sống, thiên linh rạng ngời.
Bánh từ trời xuống trong đời,
Thịt ban sự sống, cho người trần gian.
Nhóm người Do-thái lạm bàn,
Làm sao thịt máu, trao ban cho đời?
Còn Ta bảo thật các người,
Nếu không ăn Thịt, Ngôi Lời Ta đây,
Và không uống Máu Thánh nầy,
Sẽ không được sống, cùng Thầy mãi đâu.
Ai ăn Thịt Máu nhiệm mầu,
Muôn đời sự sống, thỉnh cầu phúc ân.
Thịt Ta là thật của ăn,
Máu Ta nguồn sống, thế nhân gọi mời,
Thân Ta lương thực bởi trời,
Dưỡng nuôi người thế, sống đời thánh nhân.
Man-na ban xuống gian trần,
Ăn rồi phải chết, xác thân bụi tàn.
Thần lương Thánh Thể Cha ban,
Chan hòa sức sống, tràn lan phúc lành.

Chúa Giêsu phán: “Ta là bánh hằng sống, ai ăn, sẽ được sống đời đời.” Đây chính là bánh trường sinh giúp chúng ta chia xẻ cuộc sống đời đời. Bánh trường sinh do từ thân thể trường sinh. Chúa Giêsu muốn ở lại với Giáo Hội và Ngài muốn thân xác của Ngài trở nên của ăn, của uống dưỡng nuôi con người. Bánh miến kết hợp bởi muôn hạt miến và rượu nho ép từ những trái nho được thánh hiến để trở nên của ăn, của uống nuôi dưỡng thân xác và linh hồn.

Không có tình yêu nào cao qúy hơn là hiến mạng sống mình làm của nuôi hồn. Chúa Giêsu muốn chia xẻ chính thiên tính và con người của Ngài cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta nhận lãnh Mình và Máu của Chúa là chúng ta được tháp nhập vào đời sống của Chúa. Mình và Máu Chúa đã thấm nhập và hòa tan trong thân xác hay chết của chúng ta. Chúng ta sẽ cùng được chia phần sự sống đời đời với Chúa.

Ai trong chúng ta cũng muốn sống, sống mãi và sống khỏe. Con người đã đang tìm mọi cách để bảo vệ, gìn giữ và kéo dài sự sống. Đã có nhiều người mơ ước được sống trẻ mãi, không già và không chết. Họ đã tìm kiếm những thang thuốc bổ trường sinh và cây sâm ngàn năm để tăng tuổi thọ. Cuối cùng mọi người ai cũng chết thôi.

Chúa Giêsu đã chọn cách thế tuyệt hảo nhất để dưỡng nuôi hồn xác chúng ta. Như hình ảnh người mẹ nuôi con, mẹ cho con bú do chính những giọt sữa là máu thịt của mẹ. Mẹ truyền thụ cho con cái chính sự sống mình. Chúa Giêsu đã dùng Thịt và Máu của Ngài qua Bí Tích Thánh Thể như của ăn không hư nát, dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

Truyện kể: Ngày nọ, đang khi học hỏi về Bí Tích Thánh Thể, anh chị em dự tòng thắc mắc và đã đưa ra câu hỏi. Bí Tích Thánh Thể cao qúi và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như thế, tại sao nhiều người bỏ lễ, đứng ở ngoài và phần lớn không lên rước Mình Thánh Chúa. Cũng thật khó trả lời. Vì đây là vấn đề thiêng liêng và riêng tư. Chúng ta có thể góp ý như thế này, thí dụ: Họ có thể yếu kém giáo lý, thiếu hiểu biết về Chúa, yếu đức tin, thiếu ý thức đới sống thiêng liêng, giữ luật dự lễ vì sợ phạt, không muốn làm hơn điều đòi hỏi hoặc vì lười biếng…

Bí Tích Thánh Thể là do chính Chúa Giêsu lập và nhắc nhở rằng các con hãy làm việc này để nhớ đến Ta. Chính Chúa mời gọi: Ai ăn Thịt Ta, sẽ có sự sống đời đời. Nếu chúng ta muốn được tham dự vào sự sống muôn đời hãy tiếp nhận Chúa. Chúa không lừa dối chúng ta đâu.

TUẦN 11 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 5: 38-42


Thầy bảo các con: Đừng chống cự lại với kẻ ác; trái lại nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa cả má bên kia cho nó. Chúa Giêsu không cổ võ cho sự nhát đảm hay nhu nhược phục tùng. Chúa dạy chúng ta đối xử nhân hậu và khoan dung với họ. Họ cũng là những con người yếu đuối cần đến lòng khoan dung quảng đại.

Lòng nhân lành luôn luôn thắng vượt sự cộc cằn và hung dữ. Người hung dữ chỉ có thể dữ với người hung ác. Tình thương tha thứ là chiếc chìa khóa mở cửa tâm hồn kẻ bất nhân. Tên trộm treo bên Chúa đã thống hối ăn năn vì cảm nhận được lòng Chúa nhân hậu bao dung. Sự bình tĩnh và khiêm tốn sẽ tránh được biết bao nhiêu điều đáng tiếc. Nhất là trong đời sống gia đình, cần sự kiên nhẫn, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau.

Người ta thường nói nhịn nhục, nhịn thì đương nhiên bị nhục. Nhưng ai nhịn nhục được thì người đó sẽ thắng chính mình. Người ta nói: Thắng mình khó hơn thắng vạn quân là thế. Thắng được sự tự cao tự đại của mình là một khắc phục đáng tuyên dương.

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con sống bao dung và đối xử đại lượng với mọi người. Xin cho chúng con biết quên mình và biết đáp trả hận thù bằng tình yêu thương của Chúa.

THỨ BA
Mt. 5: 43-48


Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại các con, ngõ hầu các con nên con cái của Cha các con. Chúa dạy đức yêu thương thật cao cả. Chúa đã đi hết nội dung của chữ yêu. Yêu vô điều kiện và yêu không tính toán. Chính Chúa đã yêu tới giọt máu cuối cùng. Chúa đã yêu thương nhân loại hết mình. Chúa yêu cả những người xua đuổi, ghét bỏ, từ chối và hành khổ Chúa nữa.

Chúa ban cho con người trái tim biết yêu. Tình yêu được diễn tả qua hình ảnh trái tim. Tình yêu của chúng ta còn nhiều giới hạn lắm. Chúng ta còn so đo tính toán để yêu thương. Tình yêu được bày tỏ trong gia đình, anh chị em, bạn bè thân hữu và những người thân quen. Chúng ta yêu họ nhưng đôi khi cần có điều kiện. Người ta nói: Có đi có lại mới toại lòng nhau. Tình yêu thường đi song hành có qua có lại.

Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù. Đây là một bước tiến nhảy vọt trên con đường hoàn thiện. Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ, thật không dễ chút nào. Kẻ thù có nhiều cấp độ, họ gây thiệt hại thế nào và họ có đáng được yêu hay không, chúng ta còn phải so đo tính toán để yêu. Nếu như thế, không bao giờ chúng ta có thể yêu được.

Muốn yêu kẻ thù chỉ có một cách duy nhất là nhìn lên thập giá Chúa Kitô và học với Ngài bài học yêu thương và tha thứ.

THỨ TƯ
Mt. 6: 1- 6, 16-18


Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ: Khi bố thí, thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Khi các con cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện. Chúa nhắc bảo các tông đồ tránh các thái độ giả hình. Hãy sống thật với con người của mình. Chúa Giêsu phê phán thái độ giả hình của các luật sĩ và biệt phái. Không những giả hình, họ còn rêu rao ra vẻ là người thánh thiện đạo đức trước mặt Đấng Thánh là Chúa Giêsu Kitô.

Con người chúng ta cũng có đôi chút giả hình. Vì sự xuất hiện bên ngoài và những tâm tư trong lòng cũng còn có khoảng cách. Chúng ta không đóng kịch trên sân khấu nhưng chúng ta thường đóng kịch trên trường đời. Chúng ta còn nhiều ẩn dấu không tốt trong tâm tư.

Chúng ta cố gắng nở nụ cười nhưng trong lòng còn oán hận. Chúng ta chào hỏi vồn vã bề mặt nhưng trong tâm còn nhiều đắng cay. Chúng ta chưa sống thật với lòng mình và chúng ta không thể sống thật nếu chúng ta không biết khoan dung tha thứ và bỏ qua cho nhau.

Chúa dạy chúng ta làm việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay, điều quan trọng ở cái tâm. Cái tâm thiện thì việc làm sẽ có hoa trái tốt, nếu thiếu thiện tâm, mọi việc sẽ trở thành hình thức thừa thải và vô giá trị. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đem yêu thương vào tất cả việc làm của chúng con.

THỨ NĂM
Mt. 6: 7-15


Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: Khi cầu nguyện, các con đừng lải nhải như dân ngoại: họ tưởng nói nhiều sẽ được nhậm lời. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa và sống kết hợp với Ngài. Cầu nguyện là ngước nhìn lên Đấng có thể ban ơn phước cho mình. Con người thấp hèn và giới hạn nhưng niềm khao khát hạnh phúc thì không cùng. Chỉ có Đấng trên cao mới có uy quyền giáng phúc lành.

Người ta nói: Trời cao có mắt. Nhiều người chưa bao giờ được nghe nói về Đấng Tối Cao nhưng họ luôn tôn kính và vái lạy Đấng vô hình. Những người chưa có niềm tin nơi Chúa Kitô, họ vẫn cầu nguyện, vẫn thắp nhang vái tứ phương hoặc sấp mình cúi lạy về hướng mặt trời mọc. Thiên hạ vẫn dùng các từ ngữ tôn kính để bày tỏ quyền trên như nói về ông trời, trời mưa, trời nắng, trời bão gió hoặc trời gầm. Nên họ đã cầu trời khấn phật.

Chúng ta là môn đệ của Chúa. Chúng ta được hạnh phúc biết Chúa và kết hợp với Chúa là lời cầu nguyện. Chúa Giêsu còn yêu thương dậy dỗ chúng ta cách cầu nguyện và kinh cầu nguyện. Chúng ta có Cha ở trên trời hằng thương yêu chăm sóc chúng ta. Chúa là Cha nhân lành thấu hiểu tâm tư chúng ta ngay cả trước khi chúng ta cầu xin.

Cầu nguyện không phải là lải nhải nhiều mà được ơn nhiều. Cầu nguyện là sống thân mật với Chúa trong tâm hồn.

THỨ SÁU
Mt. 6: 19-23


Cái nhà này là của tôi đó. Cái xe tôi mới mua. Con người tìm sở hữu những của cải vật chất và vui hưởng cuộc sống này. Trong bài phúc âm Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, là nơi ten sét, mối mọt làm hư nát nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời. Của cải vật chất là phương tiện giúp con người sinh sống. Của cải có đó rồi mất đó. Chẳng có gì tồn tại mãi.

Chúa biết rõ ràng những nhu cầu của cuộc sống con người. Con người càng văn minh nhu cầu càng nhiều. Càng có nhiều phương tiện, con người càng cảm thấy không có đủ thời gian. Con người sỡ hữu nhiều của cải nên tìm cách hưởng dùng tối đa. Ngày nay các phương tiện truyền thông dễ dàng, con người rút ngắn được thời gian liên lạc. Các phương tiện như máy bay phản lực, xe lửa tốc hành, hệ thống điện thơ, nối mạng, điện thoại di động… giúp con người thông tin mau lẹ.

Con người lợi dụng mọi khả năng để làm ăn và kiếm tìm của cải. Có muốn có thêm, con người không thể ngưng chạy theo đồng tiền. Chúa nói: Kho tàng ở đâu, lòng ngươi ở đó. Mải mê tìm kiếm tiền của thì đương nhiên con người phải đầu tư nỗ lực vào đó. Họ dùng thời gian, sức lực và mọi khả năng để đạt mục đích. Lạy Chúa, chúng con đã không có đủ thời gian cho Chúa. Chúng con cứ mải kiếm tìm của cải vật chất đời này mà quên kho báu trên trời. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng của cải đời này để sinh lợi kho tàng trên trời.

THỨ BẢY
Mt. 6: 24-34


Cuộc sống con người văn minh tiến bộ nhưng con người không khắc phục được những bất an. Con người cứ phải lo lắng cho những gì sắp tới, truyện này chưa xong đã phải lo truyện khác. Chúa Giêsu dạy: Các con đừng lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể bỏ đi được ngày hôm qua và đừng lo lắng cho ngày mai, chỉ sống trong hiện tại và vui sống với cái chúng ta đang có.

Chúa muốn chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Chúa nói rằng chúng ta đừng lo lắng chứ Chúa không bảo chúng ta đừng toan tính, đừng hoạch định cho cuộc sống. Cuộc sống là sự kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta không hoàn toàn điều khiển cuộc sống của chúng ta nhưng chúng ta vẫn cứ phải tiếp tục làm việc. Biết rằng có nhiều điều vượt ngoài tầm tay của chúng ta. Chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Mỗi giây phút chúng ta sống là giây phút hoàn toàn mới, hãy tin vào sự quan phòng của Chúa.

Chúa chỉ cho chúng thấy hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi nhưng Chúa đã trang phục cho nó tuyệt đẹp. Còn chúng ta cũng không thể làm cho mình cao thêm một gang một tấc, vậy chúng ta lo lắng làm chi? Chúa nói: Trước tiên các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn tất cả các điều đó, Ngài sẽ ban thêm cho các con.
 
Hy Lễ Cứu Độ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:05 09/06/2020
Lễ Mình Máu Chúa

1. Đất, nước, đá

Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dùng đất nắn nên hình hài(St 2, 7).Từ đó Tổ Tông loài người mang tên Đất (St 4, 25; 5,1-3). Ađam, tiếng Do thái nghĩa là đất.

Để cứu Dân Ngài thoát khỏi nô lệ Ai cập, vượt qua Biển Đỏ khô chân, lập giao ước Sinai với dân, Thiên Chúa đã dùng Môsê. Môsê, tiếng Do Thái nghĩa là nước (Xh 2, 10)

Khi xây dựng Giáo Hội, Thiên Chúa lại dùng một con người đánh cá tầm thường, khi thì hùng hổ tuốt gươm bảo vệ Thầy Giêsu (Lc 22, 50), khi thì sợ hãi chối quanh trước một đầy tớ gái (Lc 22, 56-57). Người ấy Chúa Giêsu đặt tên là Đá (Mt 16, 18). Kêpha, tiếng Do Thái nghĩa là đá.

Như vậy, lịch sử sáng tạo, lịch sử cứu độ quyện đan với những cái tên gọi tầm thường: Đất, Nước, Đá.

2. Bánh và rượu

Chúa Giêsu đã dùng bánh rượu làm nên Mình và Máu Thánh của Người. Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống hàng ngày của con người. Chính Chúa Kitô đã muốn trở nên gần gũi và cần thiết đó. Người muốn bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người để nuôi sống chúng ta hàng ngày.

Tình yêu Chúa Kitô làm nên sáng kiến tuyệt vời. Vì yêu thương hết mọi người, Chúa đã muốn trở nên bé nhỏ tầm thường trong thân phận một người thợ mộc ở Nazareth để có thể ở giữa mọi người, từ kẻ hèn cho đến người sang trọng, từ người thánh thiện cho đến kẻ tội lỗi, từ người Do thái cũng như dân ngoại. Để trở thành của ăn nuôi mọi người, Chúa đã muốn trở thành tấm bánh ly rượu. Chỉ khiêm tốn và giản dị thế thôi để mọi người có thể ăn, chứ không phải là một bữa ăn đắt giá dành cho bậc quyền quý sang giàu.

Khi sinh ra đời, Chúa đã chọn cái chuồng bò. Khi sống ở Nazareth Chúa đã muốn làm một người thợ giữa những người lao động khác. Khi bắt đầu rao giảng tin mừng, Chúa đã chọn những người tầm thường trong xã hội làm bạn đồng hành, làm bạn tâm phúc thừa kế sự nghiệp. Trong giờ sau hết, Chúa đã chọn tấm bánh ly rượu, chọn khung cảnh một bàn ăn giữa bạn bè, chọn một tư gia để Tạ Ơn, trong đó người vừa là chủ tế vừa là của lễ. Và Chúa muốn Giáo Hội tiếp tục lễ Tạ Ơn theo cách thức của Người bằng những phương tiện đơn sơ là tấm bánh ly rượu.

Chỉ cần một bông lúa, một chùm nho đủ làm nên tấm bánh ly rượu. Không cần cái gì cao sang đắt giá, to lớn như con bò, con bê, con cừu mà đạo Do thái vẫn tế lễ trong đền thờ. Với tấm bánh ly rượu, Chúa Giêsu còn muốn cho của lễ Tạ Ơn phải chính là sản phẩm hoa màu ruộng đất, lao công con người, của ăn thức uống căn bản và phổ biến nhất của con người.

Chúa Giêsu là bông lúa, là chùm nho mọc lên từ ruộng đất thế gian, nơi Người nhập thể làm người. Người đã biến đổi trong thân thể Người là Con Thiên Chúa và cũng là con loài người tất cả tinh hoa của ruộng đất, trở thành bông lúa chùm nho. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Chối từ cám dỗ của Satan hoá đá thành bánh, nhưng Chúa Giêsu đã tự ý biến đổi đời mình thánh Tấm Bánh để nuôi dưỡng con người.

“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. Chắc hẳn không ai hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh muốn ăn thịt Đường Tăng, trong truyện Tôn Ngộ Không. Yêu tinh quyết tâm bắt cho được Đường Tam Tạng để ăn thịt. Nó tin rằng ăn thịt vị cao tăng này thì sẽ được trường sinh bất tử.Tôi nghĩ rằng giả như có ai giết Chúa Giêsu để ăn thịt Người (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường, và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì. Vì câu nói “Thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” của Chúa Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. “Thịt và Máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất. “Của ăn và của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Những từ đó phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Chúa Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.

3. Hy lễ cứu độ

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh thể để lễ vật bị sát tế ấy trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.

Thánh thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước, Máu của Đấng Cứu Thế đổ ra trên thập giá. Bởi đó Thánh thể và Thánh giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.

Thánh thể và Thánh giá Chúa Kitô là hai cớ vấp phạm cho trí tuệ con người hơn 20 thế kỷ qua. Thánh giá Đức Kitô là sự điên rồ đối với người Hy lạp đi tìm sự khôn ngoan, là dại dột đối với người Do thái tìm dấu lạ và mãi mãi là mầu nhiệm thẳm sâu với lý trí.

Thánh thể, bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiện đích thực của Con Thiên Chúa, làm lương thực vĩnh cửu là mầu nhiệm khó hiểu đối với đầu óc con người không có niềm tin. Khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống cho sự sống muôn đời”, người Do thái phản ứng rất mạnh: “Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được? ” (Ga 6, 52); ”Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống? ” (Ga 6, 42). Trước phản ứng dữ dội của họ, Chúa Giêsu không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6, 54); sâu xa hơn là con người được đi vào sự kết hiệp mật thiết với Người: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6, 56). Trước mạc khải này, nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai qua, ai mà nghe nổi? ”( Ga 6, 60). Từ lúc đó, “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6, 66).

Như thế, người ta chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu về phương diện con người, phủ nhận bản tính Thiên Chúa của Người. Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6, 63). Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.

Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh thể.

Từ Thánh giá đến Thánh thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh giá đến tình yêu Thánh thể. Bí tích Thánh thể là một sáng kiến của tình thương Thiên Chúa.Của ăn vật chất chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng, bảo tồn sự sống hữu hạn của con người.Để sống đời đời, con người được mời gọi ăn và uống Thịt Máu Chúa, nguồn ơn cứu độ nhân loại.

Đất nước đá cũng như bánh và rượu là những thực tại tầm thường trong cuộc sống, nhưng một khi đã gắn với lịch sử cứu độ là nó trở nên những điều kỳ diệu.

Cuộc sống chúng ta với Thiên Chúa cũng thế. Sống đời sống thiêng liêng, siêu nhiên một cách tự nhiên. Sống đời sống tự nhiên một cách thiêng liêng, siêu nhiên.

Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho con hàng ngày được ăn một miếng Bánh đơn sơ, nhỏ bé để con được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Vô Cùng. Xin cho cho tâm hồn con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung tâm Thánh Mẫu Fátima: Hành hương quốc tế đầu tiên vào ngày 12 và 13 tháng 6 năm 2020
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
04:22 09/06/2020
Mừng Đệ Nhất Bách Chu Niên (100 năm) tác phẩm điêu khắc Đức Mẹ Fatima „Nossa Senhora de Fátima“

Fatima – Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima chính thức loan báo mở lại các cuộc hành hương quốc tế đầu tiên trong năm với sự hiện diện của đông đảo các đoàn hành hương vào ngày 12 và 13 tháng 6 này, sau khi bị phong tỏa do đại dịch Covid-19 từ hơn ba tháng qua.

Theo thông lệ, đây là cuộc hành hương quốc tế hàng năm được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng 6, kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai với ba trẻ Mục Đồng cách đây 103 năm. Chủ đề hành hương quốc tế năm nay là: „Thời gian của ân sủng và lòng thương xót: cảm tạ vì được sống trong Chúa“.

Đặc biệt cuộc hành hương năm nay mừng Đệ Nhất Bách Chu Niên (100 năm) tác phẩm điêu khắc Đức Mẹ Fatima „Nossa Senhora de Fátima“ được tôn kính tại Nguyện Đường Hiện Ra „ Capelinha das Aparições“.

Tác phẩm điêu khắc thánh tượng Đức Mẹ Fatima đã trở thành một trong những bức tượng nổi tiếng và được tôn kính nhiều nơi trên thế giới. Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima đã được tạc vào năm 1919 bởi ông Gilberto Fernandes dos Santos, một nghệ nhân quê ở Torres Novas, Casa Fânzeres, thành phố Braga, vùng Bắc Nước Bồ Đào Nha.

Tác phẩm Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima, lấy cảm hứng từ một hình ảnh của Nossa Senhora da Lapa, được tôn kính ở Ponte de Lima. Thánh Tượng này được tạc và thực hiện đúng theo lời kể của các thị nhân là ba Mục Đồng và được ông Manuel Formigão ghi lại một cách trung thực. Với chiều cao 1, 04 mét, tác phẩm điêu khắc được tạc bằng gỗ trắc bá từ Ba Tây.

Thánh tượng này được làm phép và thánh hiến vào ngày 13 tháng 5 năm 1920 bởi linh mục quản nhiệm giáo xứ Fátima, Cha Manuel Marques Ferreira, ngay trong thánh đường của giáo xứ, và đã được chuyển đến Nguyện Đường Hiện Ra “Capelinha das Aparições” chỉ một tháng sau đó. Bởi vì vào thời điểm đó, các biểu hiện tôn giáo đều bị chế độ cộng hòa Bồ Đào Nha nghiêm cấm.

Lịch sử kể lại bà Maria Carreira - được biết đến với tên gọi Maria da Capelinha – bà từ chăm sóc Nguyện Đường Hiện Ra, trong đêm ngày mùng 6 tháng 3 năm 1922 đã xẩy ra một trận hỏa hoạn phá hủy một phần Nguyện Đường Hiện Ra, nhưng Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima đã được bà Maria Carreira cứu thoát.

Kể từ tháng 5 năm 1982, Thánh đường Hiện ra “ Capelinha das Aparições” được trùng tu và mở rộng để chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị, Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima đã được đặt trên một bệ đá cẩm thạch đúng vào vị trí chính xác nơi Đức Mẹ đã hiện ra từ ngày 13 tháng 5 năm 1917 với ba trẻ mục đồng trên cây sồi (cây sồi này đã biến mất do hàng chục ngày tín hữu đã tranh nhau chặt cành ngắt lá sau cuộc hiện ra lần cuối cùng 13.10.1917 với phép lạ mặt trời quay).

Tưởng cũng nến nhắc lại, Thánh tượng chính của Đức Mẹ Fatima, đội vương miện quý giá với hàng ngàn viên bảo ngọc và viên ngọc quý giá nhất là chính viên đạn ám sát Đức Thánh Giáo Hoàng GIoan-Phaolô đệ Nhị vào ngày 13.05.1981 tại quảng trường Thánh Phêro Roma.

Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima cũng đặc biệt thông báo rằng vào chiều ngày 13 tháng 6, Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được trưng bày trong vòng vài tiếng ở phòng triển lãm với chủ đề “Áo choàng trắng” (Vestida de Branco) mừng 100 năm Thánh Tượng... Các tín hữu hành hương vào ngày 13.06 này sẽ được dịp chiêm ngưỡng thánh tượng này vì Đức Mẹ "sẽ gần gũi hơn với những người hành hương".

Theo truyền thông các cuộc hành hương quốc tế, Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima được cung nghinh vào đêm ngày 12 và 13, từ tháng 5 đến tháng 10 tới lễ đài chính.

Chương trình lễ hành hương năm nay sẽ do Đức cha phụ tá Lisbon D. Américo Aguiar chủ sự, bao gồm, theo thường lệ chuỗi Mân côi quốc tế tại Nguyện đường Hiện ra lúc 9g30 tối ngày 12.06, sau đó là cuộc rước kiệu trọng thể cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ Fatima, năm nay kỷ niệm 100 năm, tới lễ đài chính của quảng trường và dâng đại lễ tới nửa đêm. Vào buổi sáng ngày 13.06, đoàn hành hương cũng tham dự lần hạt Mân Côi vào lúc 9g30 sáng và cũng rước kiệu trọng thể cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ Fatima lên lễ đài trước quảng trường rộng lớn với đại lễ bế mạc…Sau đại lễ đoàn hành hương sẽ rước kiệu bế mạc từ giã Thánh Tượng Mẹ với bài hát quen thuộc vang vộng và vẫy khăn chào tạm biệt Mẹ với những dòng lệ hân hoan phó thác đầy tin yêu.

Lm. Stephano Bùi Thượng Lưu


Source:Fatima
 
Phong trào Đồng hành cho Cuộc sống của Brazil
Thanh Quảng sdb
07:03 09/06/2020
Phong trào “Đồng hành cho Cuộc sống” (Frente pela Vida) của Brazil

Brazil (Châu Mỹ) - Hôm nay 9/6 toàn nước Brazil thực hiện "một Cuộc đi bộ ảo", nhằm kết tụ lại mọi giá trị cơ bản để đương đầu với cơn đại dịch. Chương trình muốn thu hút sự chú ý của mọi người Brazil hầu củng cố các giá trị cơ bản: cuộc sống, sức khỏe, đoàn kết, bảo vệ môi trường, dân chủ, khoa học và giáo dục trước cơn đại dịch.

Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB) cũng tham gia sáng kiến đó với một chương trình mang tên "Đại dịch và Giáo hội: chăm sóc cho bản thân và cứu sống!" do một số nhân vật phụ trách như: linh mục Paulo Renato Campos, cố vấn chính trị của Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB); linh mục Patriky Batista, thư ký Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB) và bác sĩ André Luiz de Oliveira, đại diện của Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB) tại Hội đồng Y tế Quốc gia.

Chương trình sẽ được phát trên các trang mạng xã hội của Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB) qua Facebook, Instragram và YouTube. Người xử dụng Internet có thể tham gia bằng cách đặt câu hỏi và hội thoại…

Chương trình hằng ngày, ngoài các cuộc tranh luận trực tuyến, ban tổ chức sẽ quảng bá một chương trình trên tweet, từ ngày 12 đến ngày 13, liên đới tới các đề tài: Đi bộ cho Cuộc sống – (MarchaPelaVida), vào lúc 4 giờ chiều để trình bày sáu điểm quan trọng của phong trào “Đồng hành cho Cuộc sống” - "Frente pela Vida":

1. Quyền sống là quyền lợi cao cả nhất và bất khả thay thế của con người, không được phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào;

2. Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đối phó với đại dịch Covid-19 phải được thiết lập trên cơ sở khoa học và tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch chặt chẽ giữa chính phủ liên bang với tiểu bang và các thành phố;

3. Hệ thống y tế thống nhất - SUS là một công cụ thiết yếu để bảo tồn sự sống, bảo đảm phải được đối xử công bằng, phổ quát và dành cho sức khỏe;

4. Đoàn kết, đặc biệt là với các nhóm dễ bị tổn thương nhất là dân chúng, nguyên tắc căn bản cho một xã hội công bằng, bền vững và huynh đệ hơn;

5. Điều tối cần là sự sống của ngôi nhà hành tinh chúng ta trước việc bảo vệ môi sinh đa dạng, đảm bảo cho mọi người có được một cuộc sống sinh linh cân bằng và bền vững;

6. Dân chủ và tôn trọng Hiến pháp là nền tảng để đảm bảo quyền lợi cá nhân và xã hội, cũng như đảm bảo các điều kiện sống đúng nhân phẩm cho tất cả mọi người dân Brazil. (Thông tấn xã Fides 9/6/2020)
 
Các nữ tu Đa Minh ở Hawaii vẫn chưa hết sợ nhưng vẫn hy vọng sau khi tu viện bị đột nhập.
Trần Mạnh Trác
13:41 09/06/2020
(CNA, ngày 8 tháng 6 năm 2020 ).- Nhà dòng nữ Đa Minh ở Hawaii vẫn chưa hết sợ hãi sau khi một tên trộm đột nhập vào tu viện tuần trước và lấy đi chiếc minivan mà các sơ vẫn sử dụng cho những công việc hằng ngày.

"Chiếc xe vẫn còn chạy tốt, dù cho đã 13 tuổi rồi", Sơ Bernarda Sindol nói với CNA.

Ngươì ta đã tổ chức quyên góp và nhiều ân nhân gửi tiền về từ những nơi rất xa để giúp nhà dòng mua một chiếc xe khác thay thế.

"Đó quả là một sự ‘sau cơn bĩ cực đến thời thái lai’, bởi vì bây giờ chúng tôi sẽ có thể mua được một chiếc xe mới, " Sơ Bernarda cười.

Khi các nữ tu thức dậy vào sáng ngày 30 tháng 5 thì thấy tu viện của họ đã bị đột nhập trong đêm.

Không ai hề hấn gì; các nữ tu sống ở tầng trên và vì vấn đề an toàn cho nên đã có một cái cổng rất nặng bảo vệ đường lên gác.

Sau khi dọn hết đồ ăn của các nữ tu ở nhà bếp, tên cắp đã lấy chìa khóa cuả chiếc minivan đang treo trên bảng thông báo ở tầng dưới, và chôm mất chiếc xe, bỏ đi êm.

Có sáu nữ tu dòng Dominican Sisters of the Rosary đang sống trong tu viện, nằm phía sau Nhà thờ và trường học Công Giáo St. Elizabeth ở Aiea, khoảng 10 dặm tây bắc của thành phố Honolulu trong đảo Oahu.

Cảnh sát vẫn đang điều tra nhưng chưa tìm được chiếc xe bị cắp.

Chiếc xe minivan là rất quan trọng cho việc sinh hoạt của các nữ tu, Sơ Bernarda nói, bởi vì tuy họ dạy ở trường học bên cạnh tu viện mà họ đã quản lý từ thập niên 1960 nhưng cũng có nhiều sơ đi dạy ở các trường khác trong thị trấn.

Có xe hơi giúp họ đi lại dễ dàng hơn, cho công việc và cho cả những sự mua sắm và lặt vặt, không cần phải lệ thuộc vào hệ thống lưu thông công cộng.

Sơ Bernarda nói rằng tên trộm chắc chắn phải biết khu vực nào của tu viện là không có máy báo động, và đột nhập vào một cách dễ dàng.

Tên trộm đã gỡ bức tranh Tiệc Ly treo trong phòng ăn, dường như với một hy vọng là sẽ tìm thấy một két tiền giấu kín ở đó.

Nhà dòng nằm trong khu vực Trân Châu Cảng tương đối an toàn, Sơ Bernarda nói, vì vậy họ không bao giờ nghĩ có một cuộc đột nhập như thế này.

"Có những người không biết tôn trọng Giáo hội một tí gì cả. Và đó là những người chúng ta phải cầu nguyện cho", sơ ấy nói.

Vào thứ Hai vừa qua, một trang GoFundMe do cha xứ của St. Elizabeth lập ra đã thu được hơn 31.000 đô la để mua xe mới cho các sơ.

Sơ Bernarda nói rằng các tiền đã đến từ khắp nơi, người cuối cùng mà Sơ nhìn thấy là một người lái xe tải ở Nebraska, anh ta đã góp 20 đô la.

"Hai mươi đô la là hai mươi đô la. Đó là từ trái tim của một người, và chúng tôi đánh giá nó rất cao. Mọi người thật là hào phóng", sơ nói.

Sơ Bernarda đã yêu cầu cầu nguyện để chấm dứt đại dịch, vì sơ nghĩ rằng tên trộm sở dĩ phải đột nhập vào tu viện vì hắn đang tuyệt vọng.

"Mọi người đang thất vọng, vì mất việc và phải nuôi sống gia đình. Vì vậy, chúng tôi cầu nguyện cho nạn coronavirus này biến đi để cho mọi người có thể sống bình thường hơn", sơ nói.
 
Nhiều tượng đài bị giật xuống trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc
Đặng Tự Do
16:04 09/06/2020

Bức tượng một thương gia mua bán nô lệ người Anh sống ở thế kỷ 17 đã bị phá hủy vào hôm Chúa Nhật trong một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Bristol phía tây nam nước Anh trong bối cảnh những lời kêu gọi giật đổ các bức tượng liên quan đến lịch sử việc buôn bán nô lệ.

Động thái này đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa những người Anh về việc lật đổ bức tượng Edward Colston: hành động này là phá hoại hay là một khoảnh khắc lịch sử thu hút sự chú ý đến vai trò của Anh trong lịch sử buôn bán nô lệ.

Lãnh tụ đảng Lao động đối lập Andrew Adonis ca tụng việc giật đổ bức tượng và nói rằng Anh đã quá chậm chạp trong việc loại bỏ các bức tượng của những kẻ buôn bán nô lệ và những tên “tội phạm thời đế quốc”, trong khi cựu bộ trưởng tài chính Sajid Javid của đảng Bảo thủ cầm quyền nói rằng hành động này là một tội hình sự.

“Tôi đã lớn lên ở Bristol. Tôi ghét cách Edward Colston thu lợi từ việc buôn bán nô lệ. Nhưng, chuyện giật sập bức tượng ông ta như thế này thì không được, ” Javid nói trong một tuyên bố.

“Nếu người Bristol muốn xóa bỏ một di tích thì nên thực hiện một cách dân chủ - chứ không nên thực hiện thông qua một hành động phá hoại hình sự.”

Cảnh quay được tại hiện trường và sau đó được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy những người biểu tình trong phong trào “Mạng sống người da đen đáng giá” đã hò hét hân hoan khi họ kéo đổ bức tượng và lăn nó xuống sông sau những cuộc biểu tình cuối tuần yên bình ở các thành phố trên đất Anh bao gồm London, Manchester, Glasgow và Edinburgh.

Colston, chào đời ở Bristol năm 1636, là một thương nhân và một thành viên quốc hội, tài sản kếch xù của ông ta được tạo ra chủ yếu bằng cách vận chuyển khoảng 80, 000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em từ Phi châu đến Caribbean và Mỹ châu, với nhiều người chết trên đường.

Bức tượng đồng, được dựng lên vào năm 1895, đã trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình trong quá khứ và một kiến nghị yêu cầu loại bỏ nó gần đây đã thu được hơn 11, 000 chữ ký.

Tên Edward Colston có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi trong thành phố Bristol. Thành phố khắc hình ông ta vào từng viên gạch xây nên tòa thị chính của thành phố.

Nam diễn viên người Anh Miltos Yerolemou đã tweet như sau:

“Ngày hôm nay là một ngày tốt lành. Sự thay đổi đầu tiên trong số rất nhiều sự thay đổi cần thiết đã diễn ra.”

Đã có những cuộc biểu tình trên toàn cầu chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd.

Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình đã càn quét qua hàng loạt các thành phố Âu châu bao gồm Rôma, Copenhagen, Budapest và Madrid và trên khắp nước Anh để đoàn kết với người biểu tình ở Hoa Kỳ.

Ở Luân Đôn, nơi tập trung hàng chục ngàn người, một biểu ngữ có dòng chữ: “Vương quốc Anh cũng chẳng phải là người vô tội.”

Các cuộc biểu tình đã mở lại cuộc tranh luận về vai trò của Anh trong việc buôn bán nô lệ và các thành phố đã tìm cách xóa bỏ các tượng đài những người mua bán nô lệ và giáo dục công chúng về lịch sử của đất nước.

Glasgow ở Scotland đang xem xét việc thay đổi tên của các đường phố hiện nay vẫn mang tên các thương nhân buôn nô lệ, bao gồm các con đường Buchanan, Ingram và Virginia.

Các nhà hoạt động tuần trước đã tự động đổi tên các đường phố bằng tên các nhân vật lịch sử như người thợ may đen Rosa Park, là người đã từ chối nhường ghế xe buýt của mình cho một hành khách da trắng, và một người da đen khác là Sheku Bayoh đã chết trong khi bị cảnh sát bắt giữ năm năm trước tại Fife, Tô Cách Lan.


Source:Reuters
 
Những điều kiện để mở lại Thánh lễ khắt khe đến mức các Giám Mục Ấn quyết định đóng cửa tiếp
Đặng Tự Do
16:05 09/06/2020

Từ hôm 8 tháng Sáu, các nhà thờ Công Giáo ở Ấn Độ có thể tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự. Các thánh đường trên toàn Ấn Độ đã bị đóng cửa kể từ khi chính phủ ban hành lệnh cô lập, bắt đầu vào ngày 25 tháng 3. Sau khi chính quyền trung ương cho phép tiếp tục các buổi lễ, chính phủ của các bang đã công bố các quy tắc cụ thể mà các nơi thờ phượng phải tuân theo.

Không giống như những gì đang xảy ra ở phương Tây, ở Ấn Độ, rất khó để tìm ra các quy tắc công bằng cho tất cả các tôn giáo. Ví dụ, bang Kerala đã cấm phân phát tất cả các loại lễ vật. Ấn Giáo có hai loại lễ vật Prasadam, và Theertham. Đây là hai thuật ngữ dùng trong Ấn Giáo. Prasadam là những thức ăn thừa trong bữa tráng miệng của những người giàu có. Họ mang đến đền thờ Ấn Giáo vào ngày hôm sau. Sau khi cử hành các nghi thức, Prasadam được trao cho những người nghèo. Theertham là nước dành cho các tín hữu Ấn Giáo uống khi đến đền thờ.

Các nhà cầm quyền tại bang Kerala, nơi có đông các tín hữu Công Giáo nhất Ấn Độ cho rằng Mình Máu Thánh Chúa trong nhà thờ Công Giáo cũng chỉ là một loại Prasadam, tương tự như những thức ăn thừa trong bữa tráng miệng của những người giàu có. Còn nước thánh, và dầu được dùng trong các bí tích cũng chỉ như Theertham của Ấn Giáo.

Chính vì thế, tại Kerala cũng như nhiều bang khác, Thánh lễ có thể được tái tục nhưng các linh mục không được trao Mình Thánh Chúa, không được xức dầu hay rảy nước thánh trên các tín hữu. Ngoài hai cái không được ấy còn một lô những cái không được khác như những ai trên 65 tuổi thì không được đến nhà thờ.

Dụng tâm rõ rệt của các nhà cầm quyền Ấn Độ là chỉ cho các đền thờ Ấn Giáo được mở cửa trong khi tiếp tục đóng cửa các nơi thờ phượng của các tôn giáo khác.

Đức Tổng Giám Mục Antony Kariyil, Tổng Giám Mục Ernakulam Angamaly, là giáo phận lớn nhất của Kerala, nói rằng ngài đã đi đến kết luận rằng tốt hơn là giáo phận của ngài không nên tiếp tục các cử hành phụng vụ như một hành động phản kháng. Quyết định này đã diễn ra sau khi thảo luận với các cha xứ và với các đại diện giáo dân.

Đức Cha Thekkekara Thomas Puthenpurackal, Giám Mục giáo phận Changacherry, nói với AsiaNews rằng mặc dù ngài đã bắt đầu vệ sinh môi trường giáo xứ, rất có thể ngài sẽ không thể mở lại nhà thờ để cử hành Bí tích Thánh Thể với mọi người. Trở ngại lớn nhất là chỉ thị của chính quyền Kerala cấm phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. “Nếu chúng ta không thể rước lễ thì sự tham gia của các tín hữu trong cử hành Phụng Vụ còn có ý nghĩa gì? ”

Đức Tổng Giám Mục Joseph Perumthottam của Changanacherry tuyên bố rằng các nhà thờ trong tổng giáo phận của ngài sẽ không tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự. Các linh mục và tín hữu thấy rằng các biện pháp bảo vệ sức khỏe theo quy định của chính phủ quá phức tạp: các linh mục phải lưu giữ hồ sơ của tất cả những người tham dự; các buổi cử hành không được quá 100 người; phải lột hết các tấm thảm trong nhà thờ; không được hát…Nhiều cái không được quá nên ngài tiếp tục đóng cửa nhà thờ.

Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ đã chịu đủ các hình thức bách hại từ ngày 16 tháng Năm 2014, khi lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) lên làm thủ tướng.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài từ 11 tháng Tư, 2019 cho đến 23 tháng Năm, 2019 - có nước nào bầu cử dài kinh khủng như thế không? - các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, 2019 các Kitô hữu tại Ấn “tái mặt” nhận ra rằng Đảng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.


Source:Asia News
 
Tương lai các Giáo hội sẽ ra sao, sau cơn đại dịch Covid-19 này?
Thanh Quảng sdb
18:34 09/06/2020
Tương lai các Giáo hội sẽ ra sao, sau cơn đại dịch Covid-19 này?

Một cuộc họp báo của Tòa Thánh Vatican hôm qua thứ ba (9/6/2020) đã trình bày một viễn kiến về tương lai của Giáo hội khi thế giới dần thoát khỏi đại dịch Covid-19.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Ước muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô về một Giáo hội dấn thân đồng cảm, đồng hành và cứu chữa cho mọi người sau cơn tàn phá của đại dịch Covid-19, được thực hiện dưới nhiều hình thức ở cấp địa phương lẫn toàn cầu.

Điều này đã được công bố trong một cuộc họp báo của Tòa thánh về những kế hoạch hành động của Giáo hội trong giai đoạn hậu dịch Covid-19. “Hãy chuẩn bị một tương lai thông qua các Giáo hội địa phương trong thời gian COVID-19 là chủ đề của cuộc họp báo được phát tán đi vào thứ ba (9/6/2020), mặc dù một số qui định y tế vẫn còn hiệu lực.

Theo yêu cầu của Đức Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với Thánh bộ Phát triển toàn diện Con người (DPIHD) vào ngày 20 tháng 3 là thành lập một Ủy ban Tòa thánh lo cho những dịch vụ của cơn đại dịch COVID-19, để nói lên tình liên đới quan tâm của Giáo hội với các Giáo hội địa phương và toàn thể gia đình nhân loại đối với cơn đại dịch.

Theo chủ trương này, thì Thánh bộ và Quỹ bác ái Caritas Thế giới cùng hợp tác với nhau để thực hiện chương trình mà Đức Thánh Cha đề ra.

Trong số những người hiện diện trong cuộc họp báo hôm thứ Ba có Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng trưởng Thánh bộ Phát triển toàn diện con người (DPIHD), Đức Ông Segundo Tejado Muñoz, Thư ký Thánh bộ DPHID và Ông Aactsius John, Tổng thư ký của Hội Bác ái Caritas Quốc tế, và 165 Liên đoàn phát triển Công Giáo toàn cầu.

Không ai bị bỏ rơi

Phác họa viễn kiến các hoạt động của Giáo hội trong thời hậu cơn đại dịch, Đức Hồng Y Turkson cho hay đó là một trong những hy vọng hướng đến tương lai, hướng về Thiên Chúa. Trong ánh sáng này, ngài nhấn mạnh đến nhân phẩm của con người phải được đảm bảo bằng tình yêu dịu dàng và liên đới, không một ai bị loại trừ!

Đức Hồng Y cũng lưu ý rằng trong khi Châu Âu đang thoát ra khỏi đại dịch và dần dần được nới lỏng các hạn chế, thì ở những nơi khác, như Châu Mỹ Latinh và Châu Phi, hoàn cảnh lại khác. Ngài nhấn mạnh rằng chừng nào còn dù chỉ một trường hợp nhiễm Covid-19, thì thế giới chưa thể an toàn, tất cả các quốc gia phải nỗ lực trợ giúp để chấm tận được thảm họa này trong tình đại đoàn kết.

Các hoạt động của Caritas

Ông Aactsius John chủ tịch Quỹ Bác Ái Caritas Thế giới nói về 20 dự án trên khắp thế giới. Nhưng tầm quan trọng hàng đầu vẫn là ưu tiên bảo vệ sự an toàn cho trẻ em, phụ nữ và những người dễ bị tổn thương nhất.

Sự tương trợ và bác ái từ thiện của Giáo hội có tác động rất lớn cho một số quốc gia, như ở Pakistan, nơi mà Quỹ Caritas giúp đỡ cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo đã giúp cho tình đoàn kết và đối thoại liên tôn được triển nở…

Tại các quốc gia đang có những giao tranh như Senegal, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Nam Sudan và Somalia, Quỹ Caritas đang hoạt động trong các trại di cư qua sự giúp đỡ của các Giáo hội địa phương, hầu đưa tới những cuộc đối thoại hòa giải nhằm tái lập sự hòa hợp và hòa giải.

Tại Brazil và Peru, người dân bản địa còn chưa có những ý niệm về sự nguy hiểm của con vi khuẩn Covid-19 hầu tự bảo vệ chính mình. Quỹ Caritas đang điều hành nhiều dự án trị giá cả 12 triệu đô Mỹ trên toàn thế giới, bao gồm các dự án ở Honduras, Ecuador và Venezuela.

Quỹ Caritas cũng hợp tác chặt chẽ với mạng lưới các Giáo hội Vùng Châu Mỹ Latinh (REPAM) để giúp những người dân bản địa của vùng Amazon nhận được những thông tin chính xác về Covid-19 bằng chính ngôn ngữ của họ, hầu họ có thể tự bảo vệ cho chính họ!

Ông John cho hay: Một yếu tố quan yếu trong tất cả các chương trình này được khơi nguồn từ tư tưởng và ước muốn của Đức Thánh Cha, người đã đốc thúc Giáo hội đồng hành, bảo vệ và phục vụ nhân loại trong nhân phẩm con người.

Người di cư

Ông John cũng trình bầy tình trạng những người di cư nội địa tại Ấn Độ, hoặc những người được gửi đi lao động ở nước ngoài đang bị mắc kẹt vì không có việc làm và cũng không có phương tiện để trở về nhà vì tình trạng đóng cửa khẩu. Các đơn vị Caritas địa phương đã tiếp xúc với họ và cung cấp cho họ nơi tam trú, thực phẩm và các nhu yếu căn bản khác cho đến khi họ có thể hồi hương.

Caritas cũng rất tích cực trong việc giúp đỡ những người di cư ở Hy Lạp.

Những hoạt động 3 chiều

Ông John cũng trình bầy Giáo hội, cùng với Quỹ Caritas có những hoạt động 3 chiều trước cơn đại dịch Covid-19:

Thứ nhất, Caritas phổ biến các thông tin chính xác về con siêu vi này cho mọi người thông qua các phương tiện khác nhau.

Thứ hai, Quỹ đang cung cấp thực phẩm và nơi cư trú cho những người bị ảnh hưởng bởi việc đóng các cửa khẩu (biên giới). Ông John nêu ra những tình cảnh những người lao động từ Ấn Độ trong thời gian cấm cách này đã phải đi ăn xin và thậm chí họ phải đi lục lọi những thức ăn thừa vứt trong thùng rác để sống qua ngày.

Ông John cũng cho hay một số giám mục chia sẻ với các nhân viên Caritas xin họ giúp những người ăn xin, giúp những người đói khát, hầu mang lại cho họ một chút nhân phẩm... Đức Hồng Y Turkson nói thêm rằng tại Nam Phi, nhiều nhóm đối lập đã hạ vũ khí và tiếp tay phân phát thức ăn cho người nghèo khổ tại các địa phương.

Cuối cùng, ông John cho hay Quỹ Caritas đang cung cấp những vật liệu y tế thiết yếu giúp ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19.
 
Cha Raymond J. de Souza: Chỉ trích tổng thống của ĐTGM Wilton Gregory không phải là điều khôn ngoan
Đặng Tự Do
19:39 09/06/2020
Như chúng tôi đã loan tin, hôm thứ Ba 2 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật mới nhằm bảo vệ tự do tôn giáo. Trước khi ký văn kiện quan trọng này, ông và đệ nhất phu nhân đã đến kính viếng Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II.

Trong bối cảnh đang có những tranh luận liên quan đến phản ứng của tổng thống đối với các cuộc bạo loạn trên khắp đất nước sau cái chết của anh George Floyd, việc Tổng thống Donald Trump đến thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II ở Washington, D.C. đã gây ra các phản ứng trái chiều ngay cả trong giới Công Giáo. Người chỉ trích mạnh chuyến viếng thăm này của Tổng thống Trump là Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington DC.

Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đã kế nhiệm Đức Hồng Y Donald Wuerl làm Tổng Giám Mục Washington DC từ ngày 21 tháng Năm, 2019. Ngài là người da đen đầu tiên làm Tổng Giám Mục thủ đô Hoa Kỳ.

Những chỉ trích của Đức Tổng Giám Mục Gregory không được các Giám Mục Hoa Kỳ khác hưởng ứng, thậm chí còn bị chỉ trích.

Trong một cố gắng nhằm giải thích những chỉ trích của Đức Tổng Giám Mục Gregory đối với chuyến viếng thăm này, tờ Crux cho rằng Đức Tổng Giám Mục đã không được báo trước. Tờ báo Công Giáo này viết hôm 7 tháng Sáu:

“Một chi tiết đã được báo cáo rộng rãi, và Crux đã xác nhận một cách độc lập rằng Đức Tổng Giám Mục Gregory không hề được thông báo về chuyến thăm cho đến tối thứ ba khi Tòa Bạch Ốc đưa ra một tuyên bố để công bố [chuyến viếng thăm này]. Không ai liên quan đến đền thờ, kể cả những người chủ là các Hiệp sĩ Kha Luân Bố, dường như đã báo trước cho Đức Tổng Giám Mục” [1].

Gần như ngay lập tức, Tòa Bạch Ốc đưa ra bằng chứng cho thấy Đức Tổng Giám Mục đã được Tổng thống Trump mời đến Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II cả một tuần trước đó, và Tòa Bạch Ốc đã nhận được thư phúc đáp của văn phòng tổng giáo phận Washington đề ngày 30 tháng Năm nói rằng ngài không đến được vì bận công vụ khác. Cả thư mời và thư từ chối đều được công bố. Chúng ta thực sự ú ớ không biết giải thích thế nào trước các bằng chứng hiển nhiên này.

Phụ tá báo chí Tòa Bạch Ốc Judd Deere nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 7 tháng Sáu rằng “Đức Tổng Giám Mục Gregory đã nhận được lời mời tham dự sự kiện của Tổng thống tại Đền thờ Thánh Gioan Phaolô II một tuần trước chuyến thăm của Tổng thống. Ngài đã từ chối vì có các công vụ khác.” [2]

Nhiều người Công Giáo cho rằng Đức Tổng Giám Mục Gregory không nên dính líu vào các vận động chính trị đảng phái. Một so sánh tương đối cũng cho thấy chính sách của tổng thống Trump, các giá trị mà ông ủng hộ cũng phù hợp hơn với người Công Giáo. Chống lại tổng thống Trump có lẽ không phải là một điều khôn ngoan.

Cha Raymond J. de Souza, chủ nhiệm tạp chí Convivium có bài tường trình sau:

Không có chuyến thăm nào của một tổng thống đến một tổ chức Công Giáo đã gây tranh cãi như vậy kể từ khi Đại học Notre Dame trao bằng tiến sĩ danh dự cho Tổng thống Barack Obama vào năm 2009. Cả hai trường hợp đều có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau: Giống nhau ở chỗ các nhà phê bình cho rằng không nên mời tổng thống; khác nhau ở chỗ Obama đã được Đại học Notre Dame tôn vinh, trong khi chuyến thăm của Tổng thống Trump xem ra là để tôn vinh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Chuyến viếng thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II, được điều hành bởi các Hiệp sĩ Kha Luân Bố, đã được lên kế hoạch trước ngày 2 tháng 6, là ngày vào năn 1979 Đức Gioan Phaolô II lần đầu tiên trở về Ba Lan với tư cách là một vị Giáo Hoàng. Chuyến viếng thăm đó đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình giải thể đế chế Liên Sô.

Trước đó, tổng thống Trump đã từng vinh danh chuyến hành hương đó của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong một chuyến công du tới Warsaw năm 2017, ông đã nói rất nhiều về vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, trong một diễn văn dài vào ngày 2 tháng 6 năm 1979, tại Quảng trường Chiến thắng Warsaw.

Chuyến thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II của Tổng thống Trump được hoạch định như một sự tôn kính đối với Thánh Giáo Hoàng Ba Lan và là dịp để ký một sắc lệnh hành pháp mới nâng cao tầm quan trọng của tự do tôn giáo trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trong số các điều khoản, lệnh này bắt buộc tất cả các nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải trải qua một khóa đào tạo về tự do tôn giáo.

Chuyến thăm diễn ra sau chưa đầy 24 giờ sau khi ông Trump đến thăm Nhà thờ Anh giáo Thánh Gioan đối diện Tòa Bạch Ốc. Người biểu tình bị buộc phải giải tán để dọn dẹp khu vực cho tổng thống. Ông đã đứng ngoài nhà thờ cầm một quyển Kinh thánh. Tổng thống Trump không vào thăm bên trong nhà thờ hoặc gặp gỡ giáo dân. Ông dự định truyền đạt một cách biểu tượng rằng chính quyền của ông sẽ bảo vệ các Giáo Hội chống lại bạo lực; Nhà thờ Anh giáo Thánh Gioan đã bị phá hoại trong cuộc bạo loạn, một phần của nhà thờ đã bị cháy.

Tuy nhiên, chuyến thăm không được phối hợp với nhà thờ này và thậm chí các giáo sĩ địa phương còn nằm trong số những người bị cảnh sát đuổi đi chỗ khác. Giám mục Anh Giáo tại địa phương đã kịch liệt lên án chuyến viếng thăm này và coi đây chỉ là chuyện mượn nhà thờ và Kinh thánh làm phông chụp ảnh. Lời chỉ trích đó đã được lặp lại bởi tổng giám mục Canterbury, người đứng đầu Cộng đồng Anh giáo trên toàn thế giới.

Can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gregory

“Đáng chê trách” không phải là một từ thường được các Giám Mục Công Giáo sử dụng. Và có lẽ chưa từng bao giờ được dùng để mô tả một quyết định của hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Nhưng đó là ngôn ngữ được sử dụng bởi Đức Tổng Giám Mục Gregory để bày tỏ sự phẫn nộ của ngài trước sự hiện diện của Tổng thống Trump tại đền thờ.

Ngài nói:

“Tôi thấy khó hiểu và đáng trách khi một cơ sở Công Giáo lại để mình bị lạm dụng và thao túng một cách nghiêm trọng đối với các nguyên tắc tôn giáo của chúng ta, là điều kêu gọi chúng ta bảo vệ các quyền của tất cả mọi người ngay cả những người mà chúng ta có thể không đồng ý với họ.”

Đức Tổng Giám Mục Gregory là người không ngại sử dụng các ngôn ngữ mạnh. Chúng ta hãy nhớ lại cuộc họp báo giới thiệu ngài vào năm ngoái khi ngài đến Washington. Phát biểu khi đứng cách người tiền nhiệm của mình, là Đức Hồng Y Donald Wuerl, chỉ một vài bước chân, Đức Tổng Giám Mục Gregory đã nói đi nói lại rằng ngài”thề sẽ luôn nói sự thật”. Thật không tế nhị chút nào, và hoàn toàn tách ra khỏi phong cách tán dương thường được các Giám Mục sử dụng.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gregory về sự hiện diện của tổng thống, đã được lặp lại bởi một số nhà lãnh đạo Công Giáo, nhưng không có bất kỳ Giám Mục nào khác hưởng ứng. Tuy nhiên, với tư cách là một giám mục được kính trọng từ lâu và là tổng giám mục của thủ đô quốc gia, những chỉ trích của ngài có một trọng lượng đáng kể và phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Sự phản đối của Đức Tổng Giám Mục Gregory không phải là nhằm vào những gì Tổng thống Trump đã nói hoặc đã thực hiện trong viếng chuyến thăm này. Tổng thống Trump không đưa ra nhận xét nào. Ông và đệ nhất phu nhân đặt vòng hoa trước bức tượng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngoài trời và vào bên trong quỳ xuống cầu nguyện trước thánh tích của vị Thánh.

Sự phản đối của Đức Tổng Giám Mục Gregory cũng không phải là sự phản đối sắc lệnh hành pháp của tổng thống, được ký vào ngày hôm đó tại Tòa Bạch Ốc, nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế.

Đức Tổng Giám Mục Gregory phản đối là vì sự hiện diện của chính tổng thống, mà theo ngài là một “sự lạm dụng” và “thao túng” Đền Thờ. Dường như tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gregory là nhằm vào thời điểm hiện tại, sau cái chết của anh George Floyd. Cụ thể hơn - kể từ khi chính tổng thống Trump đã nói về vụ giết người “khiến tất cả người Mỹ ghê tởm và nổi loạn một cách chính đáng trước cái chết tàn khốc của anh George Floyd”. Sự phản đối của Đức Tổng Giám Mục có lẽ nhắm vào những lời lẽ và hành vi của tổng thống liên quan đến cuộc biểu tình và bạo loạn lan rộng sau đó, bao gồm chuyến viếng thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II một ngày trước đó.

Chủ trương xa lánh Tổng thống Trump

“Tổng thống Hoa Kỳ hoàn toàn không chính đáng khi sử dụng một cơ sở Công Giáo, chẳng hạn như một Đền Thờ, để làm phông chụp ảnh trong chiến dịch tái tranh cử, ” Stephen Schneck, giám đốc điều hành của Mạng lưới hành động Phan Sinh, nói với phóng viên tờ National Catholic Reporter. “Chúng ta phải nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ duy trì một khoảng cách với một người không đại diện cho điều mà Giáo hội của chúng ta đại diện.”

Schneck là một tiếng nói chính trị cao cấp của đảng Dân chủ, đã từng phục vụ vào năm 2012 với tư cách là đồng chủ tịch của phong trào “Công Giáo ủng hộ Obama”. Ông là một giáo sư nổi tiếng, từng là Khoa trưởng Khoa chính trị tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ trong 12 năm từ 1995 đến 2007, và là giám đốc của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Và Nghiên Cứu Công Giáo.

Quan điểm của Schneck, là không một tổ chức Công Giáo nào nên mời tổng thống Trump đến thăm, vì tổng thống chỉ tham gia vào các sự kiện như vậy cho việc tái tranh cử của mình. Tổng thống Trump chắc chắn không phải là chính trị gia duy nhất đến thăm một cơ sở Công Giáo vì lợi ích chính trị, vì thế trên cơ sở này, ông không thể bị loại trừ. Nói ông ta bị loại vì “không đại diện cho điều mà Giáo hội của chúng ta đại diện” thì nghe còn có lý một chút.

Nhưng lập luận đó cũng không xong, vì chính sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo mà chuyến viếng thăm đền thờ này muốn làm nổi bật quả là có một giá trị Công Giáo. Bản thân Schneck cũng từng thoải mái thừa nhận, khi ông vận động cho việc tranh cử của Barack Obama và Joe Biden, rằng một ứng cử viên có thể vừa có một số quan điểm phù hợp Công Giáo vừa có những bất đồng khác.

Như thế thì Schneck và các nhà lãnh đạo có cùng chí hướng dựa vào đâu để phân biệt giữa, chẳng hạn, Trump và Biden, và kết luận rằng trước đây, Trump không đại diện cho những gì mà Giáo hội của chúng ta đại diện? Đó phải là một kết luận về chính sách, nhưng là một bản án đối với chính người đó, rằng anh ta không phù hợp để được các tổ chức Công Giáo hoan nghênh.

Nếu vậy, đó sẽ là một sự khởi đầu mới giã từ quan điểm truyền thống của Công Giáo đối với các nhân vật chính trị, trong đó chúng ta thường hạ thấp những bất đồng và đề cao khả năng hợp tác. Chẳng hạn, trong những năm gần đây, Giáo hội đối thoại ngay cả với các chế độ thù địch như ở Cuba, Venezuela, Nicaragua và Trung Quốc, và kêu gọi đối thoại mang tính xây dựng, chứ không cắt đứt quan hệ.

[1] - Disagree with the bishop all you like, but he’s still the bishop
"It’s been widely reported, and Crux has independently confirmed, that Gregory was not informed of the visit until Tuesday night when the White House issued a statement announcing it. No one associated with the shrine, including its owners, the Knights of Columbus, apparently gave the archbishop a heads-up."

[2] - Archbishop Gregory invited to JPII Shrine Trump event days before public statement


Source:National Catholic Register


 
Tờ New York Times và bí tích xức dầu bệnh nhân thời đại dịch
Vũ Văn An
19:54 09/06/2020

Trong thời gian đại dịch Covid-19, trong số các bí tích Công Giáo, người ta nhắc nhiều nhất tới bí tích xức dầu bệnh nhân vì nó là bí tích mà không một người Công Giáo nào lại không mong được lãnh nhận vào những giây phút quyết định nhất sự sống trần gian của họ. Chính vì thế, ngày 6 tháng 6 vừa qua, tờ New York Times có bài viết khá cảm kích và chi tiết về bí tích này (https://www.nytimes.com/interactive/2020/06/06/us/coronavirus-priests-last-rites.html). Xin mời độc giả cùng đọc:

“Ai trong anh em đau yếu ư?
Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.
Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh;
và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha”.
(THƯ GIACÔBÊ)

Xức dầu Lần cuối

Bản văn của ELIZABETH DIAS
Hình ảnh của RYAN CHRISTOPHER JONES
6 tháng 6, 2020

Father Ryan Connors cầu nguyện trên một bệnh nhân Covis-19 khi ban bí tích Công Giáo, xức dầu bệnh nhân, tại Trung tâm Y khoa St. Elizabeth


Cả hàng thế kỷ qua, các linh mục Công Giáo vốn xức dầu cho người hấp hối. Nghi thức này đã trở nên cực kỳ khó khăn thời đại dịch coronavirus. Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, các linh mục vẫn có thể cung ứng các nghi thức sau cùng này.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG NẰM ĐÀNG SAU TẤM KÍNH, bất tỉnh dưới ánh điện mầu lam, mình đầy dây nhợ. Gia đình ông không được phép vào thăm. Không ai được đụng tới thân thể ông.

Cha Ryan Connors đứng ngoài cửa quan sát, khó nhìn rõ chiếc cổ áo Rôma dưới tấm chắn che mặt ngài.

Từ lúc đại dịch coronavirus bắt đầu, ngài đã tới cạnh giường các bệnh nhân Civid-19 khắp khu vực Boston để thực thi một trong các nghi thức tôn giáo cổ xưa nhất dành cho người hấp hối: thực hành của Công Giáo Rôma quen gọi là các phép sau hết.

Cả hàng thế kỷ nay, các linh mục đã thực sự xức dầu cho người hấp hối bằng dầu thánh để chữa lành phần xác và phần hồn, nếu không ở đời này, thì ở đời sau. Nhiều người Công Giáo đã sống trọn cuộc sống họ với niềm tin tưởng rằng trong những giờ phút khó khăn nhất của họ, một linh mục, và qua ngài, Thiên Chúa, sẽ đến cứu giúp họ.

Vào buổi sáng Thứ Ba đó, tại đơn vị chăm sóc tận tình (ICU) ở Trung Tâm Y Khoa St Elizabeth, phía tây thành phố, Cha Connors chỉ biết tên người bệnh và gia đình ông có yêu cầu một linh mục.

Cha có một túi nhựa nhìn rõ với một cục bông gòn chứa một ít giọt dầu thánh. Ngài mang theo bản sao các trang của sách phụng vụ.
Lúc 10 giờ 18 phút sáng, cha hé mở chiếc cửa ra vào. Ngài bước tới chiếc giường, cẩn thận tránh các ống dây ở dưới đất.
Ngài giơ tay ra, và bắt đầu cầu nguyện.

Cha David Barnes sau khi xức dầu cho 1 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Newton-Wellesley.


CORONAVIRUS ĐÃ DẪN Hoa Kỳ tới thung lũng bóng đen tử thần. Chỉ trong vòng 3 tháng, cái phân tử cực nhỏ đã phơi trần tính khả tử của con người. Toàn bộ quốc gia cố gắng tránh chết, đóng cửa các thành phố, che mặt ở ngoài đường, và cô lập người hấp hối khỏi người thân yêu trong những giờ phút cuối cùng của họ. Ấy thế nhưng, hơn 100, 000 người vẫn đã chết, và thường, là chết một mình.

Nhiều nghi thức, nhằm hướng dẫn qua những thời khắc thánh thiêng nhất đời người, đã trở thành bất khả. Con cháu nói lời ly biệt sau cùng với bậc cha ông đang hấp hối qua cửa sổ hay trên FaceTime, nếu có dịp làm như thế. Chỉ thỉnh thoảng lắm, các nhà lãnh đạo tôn giáo mới được phép vào các bệnh viện hay nhà dưỡng lão. Các gia đình dự đám tang trên Zoom.

Cả nước đang giáp mặt với cuộc khủng hoảng tinh thần bản thân sâu xa, chứ không phải chỉ là cuộc khủng hoảng sức khỏe hay kinh tế. Virus buộc ta phải tính sổ các vấn đề thân thiết nhất hiện có, những vấn đề không những liên quan đến việc phải sống ra sao, mà còn là phải chết như thế nào nữa. Về việc ta có thể kiểm soát được gì và không thể kiểm soát được gì. Về việc phải nêu tên nhân phẩm, thất vọng và hy vọng ra sao. Và nhất là về việc phải dành cho những giờ sau cùng sống trên cõi đất này ý nghĩa nào.

“Tai họa lớn lao này đang thay đổi mối liên hệ của chúng ta với sự chết; tôi không biết chắc hoàn toàn, nhưng tôi biết chắc nó sẽ thay đổi”. Đó là nhận định của Shannon Lee Dawdy, giáo sư nhân học tại Đại Học Chicago. “Điều này đang xẩy tới với mọi người chúng ta, về phương diện tâm lý”.

Trước việc xuất hiện các tôn giáo lớn của thế giới hiện đại rất lâu, con người đã sử dụng các nghi lễ để xử lý cái chết. Họ đã tôn vinh sự thánh thiêng của cuộc sống bằng cách chôn cất người chết. Họ đã dâng những bùa ngải hoặc đồ vật để chuẩn bị cho người ta về đời sau.
Đại dịch này đã đến một quốc gia đang trôi dạt ra xa nhiều truyền thống đức tin của nó. Kitô giáo, tôn giáo đa số ở Mỹ, đã dần dần suy giảm trong nhiều thập niên. Trong đại dịch cúm năm 1918, nhiều nhà thờ đã đóng cửa đối với các buổi lễ, nhưng ít ai tra hỏi việc một thừa tác viên có thể đến thăm người sắp chết. Một thế kỷ trước đây, các linh mục “đáp ứng lời kêu gọi đi thăm người bệnh cả ngày lẫn đêm”, một tờ báo Công Giáo đã tường trình như thế vào thời điểm đó. Bây giờ các y tá và bác sĩ, chứ không phải các nhà lãnh đạo tinh thần hay gia đình, có xác suất nhất được mục kích sự chết.

Teresa Berger, giáo sư nghiên cứu phụng vụ tại Trường thần học Đại Học Yale cho hay: Cách nay chỉ mấy thế hệ thôi, gia đình của người quá cố mặc đồ đen trong nhiều tháng, dừng mọi đồng hồ trong nhà, đóng các cửa chớp và đặt rơm trên đường để làm nhẹ các âm thanh.
Bà nói: “ngày nay chúng ta đã kìm hãm một số khá lớn các thực hành nghi lễ xung quanh cái chết và người sắp chết. Chúng ta không biết phải đồng hành với người sắp chết bằng nghi thức, chúng ta để việc đó cho các bệnh viện”.

Một số nghi thức vẫn còn đó. Các gia đình Do Thái rửa xác sau khi chết và ngồi shiva (nghi thức tụ tập than khóc người chết). Nhiều người Hồi giáo quay giường người chết thân yêu của mình về hướng Mecca. Và trong đạo Công Giáo, có các nghi thức sau cùng.

Khi các trường hợp nhiễm coronavirus tăng mạnh ở Boston, Đức Hồng Y Sean P. O’ Malley, tổng giám mục Công Giáo Rôma, đã chỉ định một toán đặc nhiệm gồm 21 linh mục được huấn luyện để xức dầu một cách an toàn cho bệnh nhân Covid-19. Thành phố, phần đông theo Công Giáo, là một trong ít nơi trong nước, trong đó, một số bệnh viện đã cho phép các linh mục vào, trong thời gian đại dịch.

Giây phúc có ý nghĩa nhất, giây phút quyết định cuộc sống ta là chúng ta sẽ chết ra sao, Cha Barnes nói thế



[
Cha Barnes mặc một bộ quần áo che chở bản thân tại Trung Tâm Y Khoa St Elizabeth trước khi xức dầu cho một nạn nhân Covid-19


Diane Roberio lãnh nhận bí tích sức dầu bệnh nhân từ Cha Barnes tại Trung Tâm Y Khoa St Elizabeth.


Cha Brian Conley, một tuyên úy dòng Tên tại Bệnh viện Brigham và Phụ Nữ, đã thực hiện khoảng 100 cuộc xức dầu kể từ khi đại dịch bắt đầu, đôi khi năm cuộc một ngày khi các vụ lây nhiễm lên đến cực điểm.

Ngài nói, “Trọng điểm của toàn bộ bí tích nhắc nhở ta rằng chúng ta không đơn độc. Giáo Hội có mặt với người này và Thiên Chúa hiện diện với người này”.

CÁC NGHI THỨC SAU CÙNG THỰC SỰ LÀ BA bí tích, hoặc nghi thức mà Giáo Hội tin là máng chuyển ơn thánh của Thiên Chúa: xưng tội lần cuối cùng và ơn tha thứ tội lỗi, xức dầu cho người bệnh và phép Thánh thể, tưởng nhớ thân thể và máu thánh Chúa Kitô.
Tập tục cổ xưa phát xuất từ một Giáo Hội được hạ sinh, hoàn toàn theo nghĩa đen, từ một người sắp chết. Các câu chuyện trong Kinh Thánh kể lại việc Chúa Giêsu từng đặt tay trên người bệnh, chữa lành và tha thứ cho họ, và các môn đệ của Người xức dầu cho người bệnh bằng dầu thánh. Khi chết trên thập giá, Người đã tha thứ cho kẻ thù và phó linh hồn của Người trong tay Thiên Chúa.

Các que bông gòn được các linh mục sử dụng để xức dầu cho các bệnh nhân Covid-19


một dây đeo qua vai (stola) trong túi áo Cha Barnes


Dầu thánh trước đây vốn được lưu giữ trong những chiếc lọ trang trí cầu kỳ nay được đựng trong những chai nhựa để dễ lau chùi


Vào thời đó, nghi thức phổ biến của người La Mã dành cho người chết là đặt một đồng xu vào miệng người quá cố, để trả tiền vé cho cuộc hành trình qua một dòng sông đến thế giới bên kia. Giáo Hội sơ khai đã dùng bánh mì thay thế cho đồng xu, để cung cấp thực phẩm cho người quá cố trong cuộc hành trình của họ tới nhan thánh Thiên Chúa. Đó là một cuộc cử hành Thánh Thể sau cùng, được gọi bằng tiếng Latinh là “viaticum” hay “của ăn đàng”.

Ở châu Âu thời trung cổ, khi bệnh dịch giết chết một trong ba người, việc xức dầu cho người sắp chết càng trở nên nổi bật hơn nữa. Tuổi thọ rất ngắn, và cái chết là điều không thể đoán trước và được coi như hình phạt của Thiên Chúa. Đó là thời đại của lo lắng, “Inferno” (hỏa hào) của thời đại Dante, khi nhiều người lo lắng linh hồn của họ sẽ phải chịu đau khổ trong luyện ngục vì tội lỗi của họ. Các nghi thức sau cùng tha tội cho người sắp chết và làm dịu nỗi sợ hãi đối với số phận vĩnh cửu của họ.

Nghệ thuật về người hấp hối, Đức khoảng năm 1475 A.D.


Cả một thể loại văn học, gọi là ars moriendi (Nghệ thuật về người hấp hối), đã phát triển về việc làm thế nào để chết cách tốt lành. Các sách cẩm nang được truyền bá khắp châu Âu đã phác thảo nhiều lời cầu nguyện sau cùng cho người sắp chết và gia đình của họ, và làm thế nào tránh cơn cám dỗ và sợ hãi trong những giờ phút sau cùng.

Ralph Keen, giữ ghế nghiên cứu Công Giáo và là giáo sư lịch sử tại Đại học Illinois ở Chicago, cho biết: “Rất khó để các cá nhân thế tục hiện đại hiểu rõ mức độ tuyệt vọng. Một vị Thiên Chúa công chính trừng phạt loài người đầy sợ hãi, không có điều gì đáng sợ hơn thế”.
Ông nói: “Nó vốn có nghĩa một bí tích để an ủi”.

Sau Thế chiến II, Vatican đã mở rộng việc xức dầu cho người bệnh cũng như cho người sắp chết. Các linh mục bắt đầu xức dầu cho những người sắp phải giải phẫu hoặc mắc một căn bệnh nghiêm trọng, như ung thư chẳng hạn.

Linh mục Michael Witczak, phó giáo sư nghiên cứu phụng vụ và thần học bí tích tại Đại học Công Giáo America giải thích: Bí tích là một cách thừa nhận tính tháng thiêng của mọi cuộc sống nhân bản. Người bệnh, người tội lỗi và người sắp chết đều có giá trị và quyền lợi.

Cha Barnes rời phòng một bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Newton-Wellesley


Bà Roberio tại đơn vị chăm sóc tận tình ở Trung Tâm Y Khoa St. Elizabeth


Chữ “bệnh nhân” (patient) phát xuất từ tiếng Latin, thoạt đầu có nghĩa “một người chịu đau khổ”. Nhưng, theo ông, giữa một căn bệnh mới đáng sợ như Covid-19, các bệnh nhân có thể bị nhìn trước hết như những vấn đề cần giải quyết hoặc các con số thống kê.
Ngài nói “Điều mà việc đem bí tích đến cho họ làm là nhắc nhở chúng ta rằng họ là những hữu thể nhân bản có quá khứ và hiện tại và hy vọng một thứ tương lai nào đó”.

Cha Connors tại sân đậu xe của Trung Tâm Y Khoa St. Elizabeth


Cha Connors chuẩn bị các vật liệu của ngài trong thùng xe của ngài trước khi bước vào bệnh viện


BỆNH NHÂN ĐÀNG SAU TẤM KÍNH ở Trung Tâm Y Khoa St. Elizabeth là cha của Dunia Barrios. Cô nhớ chỉ vài ngày trước đây, ông đang tìm kiếm một đài tôn giáo trên chiếc radio khi ngồi chờ xe cứu thương đưa ông đến bệnh viện, hy vọng được nghe một lời cầu nguyện.

Cô ước được chạm vào tay ông, được hôn ông. Cô Barrios không phải là người Công Giáo, nhưng cha cô, một người thợ (handyman) 59 tuổi, chuyên lát gạch và làm mái nhà, vốn tham dự thánh lễ mỗi Chúa nhật. Một người bạn nói với cô về những nghi thức sau cùng, và cô đã tra cứu chúng trên mạng. Hai tuần sau khi ông được đặt máy thở, cô gọi cho một linh mục.

Cô cho hay “Tôi biết người ta đang bất tỉnh. Tuy nhiên, đôi khi bạn tự hỏi, theo khía cạnh tôn giáo, họ bất tỉnh như thế nào? Họ có thực sự nghe được bạn không? ”

Cô bảo: “Khoa học có thể nói cho bạn một điều gì đó, nhưng có điều gì đó còn hơn cả khoa học nữa. Chỉ có điều chúng ta chỉ cảm thấy, nếu chúng ta ở đó, nếu chúng ta có thể chạm vào người...”

Giọng cô lạc đi.

Việc bảo đảm có sự hiện diện thánh thiêng là một niềm an ủi không những cho người sắp chết, mà còn cho những người thân yêu bị bỏ lại. Từ chối bí tích có thể có tác dụng tàn phá. Vào tháng Tư, Elvira Arbusto, 95 tuổi, đã chết vì Covid-19 tại một trung tâm chăm sóc ở Connecticut. Con cái của cụ không thể nhờ được bất cứ ai thiết lập một video để họ có thể nói chuyện với cụ, càng không sắp xếp được một linh mục.

Con dâu của cụ, Beth Cioffoletti, nói: “ Tôi biết rằng cụ muốn điều đó và nó cũng giúp gia đình tôi nữa. Mấy ngày qua là những ngày rất đáng lo ngại, cứ nghĩ đến việc cụ bị bỏ rơi trong căn phòng để chết”.

Đối với một số gia đình, việc xức dầu mở ra niềm hy vọng sẽ có một phép lạ. Addis Dempsey đã bất tỉnh và được đặt ống dây đầy người tại Trung Tâm Y Khoa St. Elizabeth, khi một linh mục đến ban bí tích vào đầu tháng Năm. Lắng nghe qua loa điện thoại là người anh em họ của ông Dempsey, Cha Bill Williams, người đã cung ứng những lời cầu nguyện tương tự vô số lần trong suốt 52 năm làm cha chính xứ.
Sau đó, ngài giải thích rằng Bí tích là một nghi thức chữa lành, một nhắc nhở với ta rằng bất luận sự việc diễn ra như thế nào, Thiên Chúa vẫn ở bên bạn.

Cha Connors cầu nguyện trên ông Skip Dempsey, một bệnh nhân mắc Covid-19


Cha Bill Williams nói rằng "Các bí tích giống như những cái ôm của Thiên Chúa, những khoảnh khắc khi Người ôm ấp chúng ta”


Cha Williams quả quyết: “Đây không phải là ma thuật. Mà là lời khẩn cầu trung thành dâng lên Thiên Chúa, thưa với Người, "Lạy Chúa, chúng con cần một cái ôm ngay lúc này’. Tôi muốn nói các bí tích giống như những cái ôm của Thiên Chúa, những khoảnh khắc khi Người ôm ấp chúng ta. Và không ai thích những cái ôm qua loa".

Vài ngày sau, ông Dempsey không còn cần máy thở nữa. Chẳng mấy chốc, ông được rút các ống thở và có thể nói chuyện ít phút qua điện thoại với một người chị em họ khác, là bà Peggy Golden, khi ông bắt đầu hồi phục.

Bà nói “Có rất nhiều điều được tràn đổ lên ông, và Chúa là một trong số đó. Tôi phải tin rằng tất cả những điều đó đã đóng góp một phần vào sự kiện tôi được nói chuyện với ông ấy ngày hôm qua. Ai đó đang kiểm soát việc này. Nếu Người quyết định chữa lành cho ông ấy ở đây, điều đó rất tốt đối với tôi”.

Cha Connors, bên trái, và Cha đang điện thoại hàng tuần với các linh mục khác chuyên xức dầu cho các bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện Boston


KHI CÔ BARRIOS YÊU CẦU cho cha cô được xức dầu, một tuyên úy bệnh viện gọi cho Cha Connors, người đang dạy một lớp thần học luân lý trực tuyến.

Khi số người chết bắt đầu tăng lên ở Boston, Cha Connors tự nguyện cô lập với hai linh mục khác cũng thuộc toán Covid-19 của tổng giáo phận. Trước khi một trong các linh mục rời khỏi nhà để đi xức dầu cho người bệnh, ngài đặt một đôi giày sạch ngay bên trong cửa sau. Khi vị này quay trở lại, ngài sẽ lập tức có hàng đống quần áo để giặt.

Cha Barnes ở trong nhà bếp của căn nhà ngài đang cư trú, Cha Connors và Cha Thomas Macdonald sống ở chỗ kiểm dịch


Cha Barnes, bên trái, Cha Macdonald, ở giữa, và Cha Connors, bên phải, cử hành thánh lễ tại căn gác sát mái


Giữa các cuộc gọi, ba linh mục dành thì giờ để suy nghĩ về thừa tác vụ của họ. Cha David Barnes vừa xức dầu một bệnh nhân sắp chết tại Bệnh viện Newton-Wellesley.

Cha Barnes nói “Bạn thường nghĩ, người này sẽ ở trên thiên đường sau khi nói chuyện với mình. Điều này luôn làm người ta rất sững sờ, nhưng nó cũng là một ý nghĩ đẹp, là bạn có thể ở đó trong khoảnh khắc đó với một ai đó.

Ngài bảo “Khoảnh khắc ý nghĩa nhất, khoảnh khắc quyết định đời ta là ta sẽ chết ra sao”.

Ngài giải thích: Lúc này là cơ hội để mọi người kiểm tra lại cuộc sống của chính họ và đối diện với những câu hỏi hóc búa: Điều gì là quan trọng ở trong đời? Ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời là gì? Đâu là Hy vọng tối hậu của bạn?

Cha Macdonald trong căn nhà của các ngài tại Brighton


Cha Thomas Macdonald nhớ lại các y tá đôi khi tham gia việc cầu nguyện với ngài khi ngài xức dầu cho các bệnh nhân trong phòng chăm sóc tận tình.

Ngài nói “Bạn dễ dàng thành người duy tục, thành người không tin Thiên Chúa, khi bạn nghĩ rằng, trong căn bản, nhân loại có quyền kiểm soát vận mệnh và các vấn đề của họ. Để sống tốt đòi hỏi phải chuẩn bị cho cái chết, thừa nhận rằng cái chết là một phần trong số phận con người của chúng ta. Không có niềm tin vào Thiên Chúa, không có niềm tin vào một mục đích thực sự cho cuộc sống của chúng ta, tôi không biết làm thế nào việc sống tốt này được thực hiện”.

Và Cha Connors cho rằng, dù tương lai của tôn giáo ở Mỹ là một đề tài thảo luận thú vị, ngài hoàn toàn tập chú vào công việc trong tầm tay: chăm sóc cho nhu cầu tâm linh thực sự của người ta.

Ngài nói: “Trong vòng 400 năm, bất cứ điều gì xảy ra trong một đại dịch, vẫn sẽ có những linh mục xức dầu cho Dân Thiên Chúa. Bất chấp chuyện gì xảy ra."

Cha Connors đang đẩy một máy tính bảng vào phòng của thân phụ Dunia Barrios để cô có thể theo dõi nghi thức


TRONG CĂN PHÒNG TẠI TRUNG TÂM Y KHOA ST. ELIZABETH, Cha Connors cầu nguyện trên người đàn ông. Dù họ mới gặp nhau lần đầu, nhưng chuyện này không thành vấn đề. Họ cảm thấy gần nhau do cùng chia sẻ một phép rửa chung và do cùng một niềm tin vốn lớn hơn chính họ rằng trong những giờ phút cuối cùng này, Thiên Chúa sẽ xuất hiện.

Cô Barrios đã theo dõi từ xa trên FaceTime từ trạm xá nơi cô làm y tá. Lần đầu tiên, cô thấy cha cô nằm trên giường. Cô yêu cầu một đồng nghiệp ngồi với cô trong khi cô xem màn hình, để cô có thể nắm tay một ai đó.

Cô Barrios nhìn qua màn hình khi Cha Connors ban phép xức dầu người bệnh cho cha Cô


Đầu tiên, là bài đọc trích từ Tin Mừng Mátthêu. Hãy đến với Ta tất cả những người đang mang gánh nặng, và Ta sẽ cho các ngươi nghỉ ngơi, Cha Connors đọc như thế. Sau đó, là việc giải tội. Một sự bảo đảm được tha thứ.

Rồi, Cha Connors nâng miếng bông gòn lên. Ngài đụng nó vào trán người đàn ông, xức dầu cho ông bằng dầu thánh.

Vị linh mục đọc “qua việc xức dầu thánh này, xin Chúa vì tình yêu và lòng thương xót của Người giúp con bằng ơn thánh của Chúa Thánh Thần. Và xin Chúa giải thoát con khỏi tội lỗi, cứu độ con và nâng con lên”.

Ngài đặt miếng bông gòn xuống. Nó sẽ được đốt cháy, phù hợp với giáo huấn Công Giáo.

Ngài nhìn người đàn ông.

Và ngài cầu nguyện “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, xin Mẹ ở cùng chúng con bây giờ, và trong giờ lâm tử, Amen”

Thân phụ Cô Barrios lúc được xức dầu


Thế là hoàn tất. Toàn bộ nghi thức chỉ kéo dài vài phút, chính việc xức dầu chỉ kéo dái một vài giây. Nhưng những giây đó cô đọng cả một vĩnh cửu.

Đối với cô Barrios, cảm xúc quả đã dâng trào.

Cô nói “Là con người, chúng ta rất mỏng dòn. Tình yêu quả chữa lành”.

Ba tuần và một ngày sau, cha cô, Otto Ronaldo Barrios, qua đời.
 
Top Stories
Après la pandémie, les églises à nouveau ouvertes en Chine, malgré des conditions précaires
Églises d'Asie
09:12 09/06/2020
Après presque cinq mois de fermeture en raison de la pandémie, le gouvernement chinois a annoncé la réouverture des églises, malgré des conditions sanitaires et administratives particulièrement drastiques. Dès le 23 janvier, lors de la mise en quarantaine de la région de Wuhan, épicentre de la pandémie, et de l’étendue du confinement à l’ensemble du pays, les lieux de culte ont été immédiatement fermés aux fidèles. Mais en mars, malgré la reprise de l’activité économique et la réouverture des commerces et cinémas, beaucoup d’églises sont restées fermées. Dans certaines provinces, les conditions de réouverture semblent vouloir renforcer la sinisation des religions et la loyauté envers le Parti communiste chinois.

Le gouvernement chinois a annoncé que les églises pourront être rouvertes au culte public après presque cinq mois de fermeture en raison de la pandémie. Mais les processus bureaucratiques et les conditions de réouverture rendent la reprise du culte particulièrement difficile pour les fidèles. Quand la Chine a mis la région de Wuhan, épicentre de la pandémie, en quarantaine à compter du 23 janvier, avant d’étendre progressivement les mesures sanitaires à l’ensemble des provinces chinoises, les églises ont été immédiatement fermées. Les prêtres et les fidèles ont dû se résoudre à se contenter des messes, rites et enseignements en ligne, en multipliant les initiatives créatives et développant la prière familiale. Depuis le début du mois de mars, le pays a commencé à se déconfiner et a rouvert les commerces, les restaurants ainsi que les cinémas et la production industrielle. Mais les églises sont restées fermées jusqu’en juin. Encore aujourd’hui, les conditions de réouverture des lieux de culte sont particulièrement sévères. Le père Paul, qui vit dans le centre du pays, déplore que « pour rouvrir l’église, nous devions obtenir un permis des autorités à tous les niveaux : village, commune et province ».

« Cela demande du temps et il faut se déplacer pour cela. De plus, nous devons nous préparer à accueillir les fidèles et à garantir le respect des conditions sanitaires », ajoute-t-il. En fait, les lieux de culte peuvent rouvrir à condition que les paroisses respectent les mesures préventives comme les contrôles de température, le port du masque, la mise à disposition de gel désinfectant et le respect des distances… Dans certaines provinces, comme à Sichuan, une autorisation spéciale est requise pour pouvoir rouvrir les cours de catéchisme. Dans d’autres provinces, l’Association patriotique exige, pour la réouverture, des homélies sur l’amour du pays avec des hymnes patriotiques, dans le cadre de la « sinisation » des religions voulue par Pékin. « Bien sûr, il est très important de pouvoir célébrer la messe avec les fidèles, et c’est bien plus fort que la simple participation en ligne, mais je me pose la question : avons-nous vraiment la liberté de religion, comme il est indiqué dans notre Constitution? » demande-t-il. « Nous avons l’impression que la religion ne nous appartient plus, mais au Parti. Mais faut-il que nos évêques, qui bénéficient des faveurs et avantages qui leur sont accordés par le Parti, restent toujours silencieux? Et est-ce que le Vatican, qui a signé l’Accord provisoire il y a deux ans, réalise l’étendue du problème? »

(Source: Églises d'Asie - le 10/06/2020, Avec Asianews, Pékin)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ ban Bí tích Rửa tội cho 10 dự tòng và các em nhỏ tại giáo xứ Tụy Hiền, Tgp. Hà Nội
Gx. Tụy Hiền
21:34 09/06/2020
Chúa Nhật, ngày 04/6/2020, tại Giáo xứ Tụy Hiền, Tgp. Hà Nội 10 anh chị em Dự tòng, cùng với 10 em nhỏ thuộc các họ trong giáo xứ đã được Cha xứ Antôn Nguyễn Văn Độ ban Bí tích Rửa tội trong Thánh lễ Chúa Nhật kính Chúa Ba Ngôi.

Xem Hình

Chia sẻ trong Thánh lễ, Cha Antôn đã giúp cộng đoàn hiểu rõ hơn về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi qua việc giải thích về ý nghĩa của việc vẽ Dấu Thánh Giá trên trán, Dấu kẻ có đạo, tuyên xưng Đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Thứ đến, việc đổ ba lần nước lên đầu và đọc Cha rửa con Nhân Danh Cha và Con Và Thánh Thần, ý chỉ những người chịu Phép Rửa chôn vùi tội lỗi bước vào đời sống mới. Mặc áo trắng, trao và nhận nến sáng từ cây Nến Phục sinh nhắc nhớ người đỡ đầu và giúp cộng đoàn, đặc biệt là người chịu Phép Rửa tội hiểu thêm về các cử chỉ và việc họ sắp làm.

Thánh lễ được tiếp tục diễn ra sốt sắng trong tâm tình yêu mến của mọi thành phần Dân Chúa.

Được biết, 10 anh chị em Dự tòng được gia nhập gia đình Hội Thánh hôm nay đã kết thúc khóa học giáo lý Hôn nhân và Dự tòng. Những anh chị này đúng ra đã được chịu Phép Rửa Tội vào Đêm Vọng Phục Sinh 2020, nhưng vì Covid nên bị gián đoạn.

Như vậy, với việc ban Bí tích Rửa tội cho 10 anh chị em Dự tòng, cùng với 10 em nhỏ thuộc các họ trong giáo xứ đã nâng tổng số giáo hữu của Giáo xứ Tụy Hiền lên 4.837 người.

Nguyện xin Chúa ban cho anh chị sức khỏe, tình yêu và hạnh phúc khi được làm con cái Chúa. Xin Chúa ban cho các em nhỏ ngày càng thêm tuổi, thêm ơn khôn ngoan và sự mến chuộng của tất cả mọi người.

GX Tụy Hiền
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tại sao rung chuông trước rước lễ? Nói thêm về Đây là mầu nhiệm Đức Tin
Nguyễn Trọng Đa
08:20 09/06/2020
Giải đáp phụng vụ: Tại sao rung chuông trước rước lễ? Nói thêm về “Đây là mầu nhiệm Đức Tin”

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con có hai câu hỏi không liên quan với nhau: 1) Xin cha tư vấn cho biết khi nào chuông được rung trước khi rước lễ, và tại sao? Con nghĩ rằng con đã đọc được ở đâu đó rằng nó báo hiệu sự hoàn thành của Hy tế sau khi linh mục rước Máu Thánh, nhưng các người khác đã nói với con rằng nó báo hiệu cho cộng đoàn rằng họ phải đọc điệp ca Hiệp lễ. 2) Con hiệu đính một bản tin Công Giáo hàng tháng và đã nhận được một lá thư từ một độc giả hỏi về ý nghĩa của các lời tung hô Mầu nhiệm Đức tin. Người ấy nói rằng trong Thánh lễ Latinh, đó là một lời tung hô cho sự biến thể, nhưng trong Novus Ordo, cả bốn lựa chọn đều là những lời tung hô mà tất cả các Kitô hữu đều tin; nghĩa là, nó không diễn tả niềm tin Công Giáo đặc biệt của chúng ta vào Sự hiện diện thực sự. Cha đã đề cập một vài điều về việc này trong một bài viết ngày 14-12-2010, về ca hát khi nâng Mình Máu Thánh. Từ một quan điểm khác, con nghĩ rằng việc giới thiệu cụm từ ‘Ta hãy đến thờ lạy’ trong thực tế vô tình làm giảm bớt phạm vi mầu nhiệm Thánh Thể. Bằng cách chỉ tập trung vào Sự Hiện Diện Thực Sự, sự diễn tả này cho thấy toàn bộ thực tại của Thánh Lễ như một tưởng niệm hiện tại hoá toàn bộ mầu nhiệm cứu độ, vồn là theo một cách nào đó khoảnh khắc mới nhất trong lịch sử cứu độ. Trong thực tế, thực tại này được thể hiện tốt hơn bởi các lời tung hô thông thường sau khi truyền phép, vốn gắn liền mầu nhiệm Thánh Thể của đức tin với Cuộc Khổ Nạn, sự Phục Sinh và Sự Quang Lâm của Chúa. Cha có bất cứ điều gì thêm để con có thể cung cấp cho người đọc này? - J. K., Morwell, Victoria, Úc


Đáp: Trườc tiên, liên quan đến tiếng chuông: Điều này được thấy rõ ràng trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM), số 150, trong đó nêu rõ: “Trước lúc truyền phép một chút, thừa tác viên có thể tùy nghi rung chuông để nhắc nhở tín hữu. Cũng rung chuông khi dâng Mình Thánh, và khi dâng Máu Thánh lên, tùy theo thói quen mỗi địa phương.” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.)

Văn bản nói rõ rằng rung chuông lùc truyền phép là một tuỳ chọn, chứ không bắt buộc. Không có bất cứ điều gì được nói về rung chuông trước khi hiệp lễ.

Sự ra đời của phong tục rung chuông lúc truyền phép, có lẽ trong thế kỷ XIII, có liên quan nhiều hơn đến việc đọc lễ quy với giọng thấp và cũng có thể được cảm hứng từ các thay đổi trong kiến ​​trúc nhà thờ, nơi mà mọi người là xa cách thể lý với bàn thờ bởi ca đoàn - và trong một số trường hợp, một số lượng đáng kể tín hữu đã bị cản trở khi nhìn thấy bàn thờ trong Thánh lễ.

Với sự ra đời của các Thánh lễ đa âm điệu, mà trong đó bài Thánh Thánh Thánh và Benedictus được hát trong khi đọc lễ quy (Thánh Thánh Thánh cho đến lời đầu “hosana in excelsis” trước truyển phép, câu Benedictus sau đó), chuông được dùng như tín hiệu cho ca đoàn, để giữ thinh lặng lúc truyền phép,

Đối với các động cơ thực tế tương tự, việc sử dụng chuông trở nên cần thiết, mặc dù có nhiều sự khác biệt ở châu u về thời điểm chúng được rung, chẳng hạn như lúc đọc Thánh Thánh Thánh và trước khi Rước lễ. Tiếng chuông truyền thống không bao giờ vang lên trong phụng vụ giáo hoàng tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma lúc truyền phép. Tuy nhiên, việc rung chuông lúc truyển phèp đã được giới thiệu ở đâu đó vào giữa triểu đại thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, vì tôi nhớ đã tham dự một số thánh lễ mà không có rung chuông lúc truyển phép.

Các lý do thực tế cho việc rung chuông đã biến mất. Tuy nhiên, nó vẫn có thể phục vụ một mục đích như một sự trợ giúp thêm, để kêu gọi sự chú ý đến thời điểm truyền phép, như một cú hích để đánh thức các tâm trí lang thang, và một công cụ giáo lý hữu ích ho trẻ em và người lớn.

Liên quan đến cách giải thích chính xác của cụm từ “Đây là mầu nhiệm đức tin” (Mysterium fidei) và các lời tung hô sau đó, tôi sử dụng một phần những gì tôi đã viết cho một câu hỏi tương tự vào ngày 22-12-2015, với một số bổ sung.

Trong Sách lễ Latinh, và trong hầu hết các Sách lễ tiếng Anh, có ba công thức cho sự tung hô này. Ở Ireland, cụm từ ‘"Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con’ (My Lord and my God) cũng được Tòa Thánh chấp thuận cho sử dụng trong phụng vụ. Không ai được sử dụng các văn bản không có phép trong Thánh Lễ.

Việc sử dụng một câu như ‘ta hãy đến thờ lạy’ thực sự giới hạn phạm vi của lởi tung hô, và làm suy yếu giá trị thần học của nó.

Các từ ngữ ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin’ (Mysterium fidei), mặc dù không được tìm thấy trong các trình thuật thiết lập phép Thánh Thể trong Tân Ước, là một phần của công thức truyền phép theo hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma. Văn bản truyền phép Rượu của hình thức ngoại thường, trong một bản dịch không chính thức, nói:

“Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu: đây là mầu nhiệm đức tin: sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Học giả dòng Biển Đức nổi tiếng, Cha Cassian Folsom (“Mysterium Fidei and St. Leo The Great, ” Ecclesia Orans 15 (1998) 289-302) lập luận một cách thuyết phục rằng cụm từ này đã được thánh Giáo hoàng Lêô Cả đưa vào lễ quy (440-461) để chống lại lạc giáo Manicheans, vì họ đã phủ nhận sự tốt lành của vật chất, và đặc biệt là từ chối việc chia sẻ chén thánh mà họ nói là liên kết với bóng tối. Việc đưa vào này có lẽ được thực hiện trong các năm 443-444 khi nhiều người phái Manicheans tị nạn ở Rôma, sau cuộc xâm lăng của nhóm Vandal ở Bắc Phi thuộc Rôma.

Vì các động cơ tương tự, Đức Giáo Hoàng đã đưa thêm cụm từ ngữ “một hy lễ thánh thiện, một của lễ không tì vết”, nhắc đến việc dâng bánh mì và rượu nho của thượng tế Melchizedek, và cũng là tác giả của một số bổ sung khác cho Lễ Quy Rôma.

Vài thế kỷ sau đó, khi nguồn gốc của văn bản đã bị che mờ hoàn toàn, cụm tử này thực sự được hiểu là rất quan trọng, trong việc chống lại một số lỗi lầm liên quan đến Sự hiện diện thực sự, đặc biệt là bởi các giáo sĩ. Do đó, Giáo hoàng Innocent III (1198-1216) đã viết rằng:

“Cụm tử ‘Đây là mầu nhiệm đức tin’ (Mysterium fidei) được sử dụng bởi vì ở đây những gì được tin là khác với những gì được nhìn thấy, và những gì được nhìn thấy là khác với những gì được tin. Vì những gì nhìn thấy là sự xuất hiện của bánh mì và rượu, và những gì được tin là thực tại của Máu Thịt của Chúa Kitô, và sức mạnh của sự hiệp nhất và tình yêu” (Denzinger 782).

Tuy nhiên, hầu hết các học giả đã không giải thích nó theo cách này, và trên thực tế, nhiều người coi văn bản là bí nhiệm. Chẳng hạn, năm 1948, chuyên viên phụng vụ giỏi của dòng Tên, cha J.A. Jungmann đưa ra một cái nhìn tổng quan về các lý thuyết liên quan đến văn bản, nhưng kết luận rằng ‘về ý nghĩa của các từ ngữ 'mysterium fidei', hoàn toàn không có sự thỏa thuận nào. Làm thế nào, hoặc khi nào, hoặc tại sao câu chèn này được thực hiện, hoặc sự kiện bên ngoài nào xảy ra, không thể được xác định rõ ràng.”

Do đó, ý kiến ​​cho rằng cụm từ “Mysterium fidei” trong hình thức ngoại thường chủ yếu đề cập đến sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, không thể được giữ nguyên, mặc dù cách giải thích này được đưa vào trong sự diễn tả cùng với các mầu nhiệm khác của đức tin Công Giáo.

Sau Công đồng chung Vatican II, với việc giới thiệu các Kinh nguyện Thánh Thể mới, và mong muốn có một công thức duy nhất, dựa trên Kinh thánh cho việc truyền phép trong cả bốn Kinh nguyện, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã quyết định loại bỏ các từ trong công thức truyền phép, và trao cho chúng chức năng hiện tại như là một giới thiệu cho lởi tung hô của các tín hữu. Thực hành này là truyền thống trong một số Giáo hội Đông phương, đặc biệt là Phụng vụ Thánh Giacôbê, nhưng tạo thành một sự mới lạ trong nghi lễ Rôma. Các lời tung hô là:

- “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.”

- “Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến.”

- “Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con.”

Tất cả các lời tung hô, theo truyền thống Phụng vụ Thánh Giacôbê, đều hướng về Chúa Kitô hơn là hướng về Chúa Cha, và đề cập đến hành động cứu rỗi của cái chết và sự phục sinh của Ngài, và mong chờ Ngày Ngài Quang Lâm.

Hai tuỳ chọn đầu tiên bắt nguồn từ thư 1 Cr 11:26 – “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” Tuỳ chọn thứ ba dường như dựa trên Ga 4:42 khi người phụ nữ gặp Chúa Giêsu tại giếng, được kể bởi các người Samari đồng hương của bà: “chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Ðấng cứu độ trần gian."

Trong hình thức hiện tại, mặc dù lời tung hô bao gồm niềm tin vào Sự hiện diện thực sự, theo một cách nào đó, được xem như một lời mời để các tín hữu trả lời tất cả những gì, được ngụ ý bởi lệnh truyền của Chúa Kitô “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Theo cách này, các lời tung hô đi đến cội rễ của mầu nhiệm Thánh lễ như một hy tế thánh thiện và sống động, và nhấn mạnh mối liên kết không thể tách rời của cuộc Khổ nạn và Bữa Tiệc Ly, trong ánh sáng của nhu cầu của các Kitô hữu, để kiên trì trong đức tin liên quan đến toàn bộ mầu nhiệm vượt qua của cái chết, sự phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Kitô.

Ngoài ra còn có một sự đề cập đến việc Chúa Kitô quang lâm trong vinh quang để phán xét thế giới, theo một cách nào đó nhắc nhở chúng ta rằng Bí tích Thánh Thể cũng là bánh ban sự sống, nuôi dưỡng chúng ta trên hành trình đến mục tiêu cuối cùng là ở bên Chúa mãi mãi.

So với nó thì câu “ta hãy đến thờ lạy Ngài”, có lẽ được truyền cảm hứng bởi thánh ca “Adeste Fidelis”, thì kém phong phú và toàn vẹn hơn.

Điều tương tự cũng có thể được nói, có lẽ vậy, đối với câu "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” đã được chấp thuận cho Ireland. Có lẽ nếu người ta đặt văn bản trong bối cảnh ban đầu của lời tuyên xưng đức tin của Thánh Tôma vào thiên tính của Chúa Kitô phục sinh, thì nó nắm bắt được một số sự phong phú của các lời tung hô khác. Tuy nhiên, nhiều khả năng được hiểu là nò chỉ nói đến niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Mình và và Máu Chúa Kitô trong hình bành rượu, và có xu hướng bỏ qua các khía cạnh khác của Thánh lễ, vốn được xem xét bởi các lời tung hô ban đầu. (Zenit.org 9-6-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/bells-and-communion/
 
Thông Báo
Phân ưu: Gia đình LM Phaolo Trịnh Hảo và Gia đình LM Dominico Phạm Văn Xuân
Liên Đoàn GCVNHK
15:35 09/06/2020
 
VietCatholic TV
Bách hại tôn giáo thẳng tay tại Ấn Độ: 100 chí khó để mở lại các nhà thờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:02 09/06/2020

1. Những điều kiện để mở lại Thánh lễ khắt khe đến mức các Giám Mục Ấn quyết định đóng cửa tiếp

Từ hôm 8 tháng Sáu, các nhà thờ Công Giáo ở Ấn Độ có thể tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự. Các thánh đường trên toàn Ấn Độ đã bị đóng cửa kể từ khi chính phủ ban hành lệnh cô lập, bắt đầu vào ngày 25 tháng 3. Sau khi chính quyền trung ương cho phép tiếp tục các buổi lễ, chính phủ của các bang đã công bố các quy tắc cụ thể mà các nơi thờ phượng phải tuân theo.

Không giống như những gì đang xảy ra ở phương Tây, ở Ấn Độ, rất khó để tìm ra các quy tắc công bằng cho tất cả các tôn giáo. Ví dụ, bang Kerala đã cấm phân phát tất cả các loại lễ vật. Ấn Giáo có hai loại lễ vật Prasadam, và Theertham. Đây là hai thuật ngữ dùng trong Ấn Giáo. Prasadam là những thức ăn thừa trong bữa tráng miệng của những người giàu có. Họ mang đến đền thờ Ấn Giáo vào ngày hôm sau. Sau khi cử hành các nghi thức, Prasadam được trao cho những người nghèo. Theertham là nước dành cho các tín hữu Ấn Giáo uống khi đến đền thờ.

Các nhà cầm quyền tại bang Kerala, nơi có đông các tín hữu Công Giáo nhất Ấn Độ cho rằng Mình Máu Thánh Chúa trong nhà thờ Công Giáo cũng chỉ là một loại Prasadam, tương tự như những thức ăn thừa trong bữa tráng miệng của những người giàu có. Còn nước thánh, và dầu được dùng trong các bí tích cũng chỉ như Theertham của Ấn Giáo.

Chính vì thế, tại Kerala cũng như nhiều bang khác, Thánh lễ có thể được tái tục nhưng các linh mục không được trao Mình Thánh Chúa, không được xức dầu hay rảy nước thánh trên các tín hữu. Ngoài hai cái không được ấy còn một lô những cái không được khác như những ai trên 65 tuổi thì không được đến nhà thờ.

Dụng tâm rõ rệt của các nhà cầm quyền Ấn Độ là chỉ cho các đền thờ Ấn Giáo được mở cửa trong khi tiếp tục đóng cửa các nơi thờ phượng của các tôn giáo khác.

Đức Tổng Giám Mục Antony Kariyil, Tổng Giám Mục Ernakulam Angamaly, là giáo phận lớn nhất của Kerala, nói rằng ngài đã đi đến kết luận rằng tốt hơn là giáo phận của ngài không nên tiếp tục các cử hành phụng vụ như một hành động phản kháng. Quyết định này đã diễn ra sau khi thảo luận với các cha xứ và với các đại diện giáo dân.

Đức Cha Thekkekara Thomas Puthenpurackal, Giám Mục giáo phận Changacherry, nói với AsiaNews rằng mặc dù ngài đã bắt đầu vệ sinh môi trường giáo xứ, rất có thể ngài sẽ không thể mở lại nhà thờ để cử hành Bí tích Thánh Thể với mọi người. Trở ngại lớn nhất là chỉ thị của chính quyền Kerala cấm phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. “Nếu chúng ta không thể rước lễ thì sự tham gia của các tín hữu trong cử hành Phụng Vụ còn có ý nghĩa gì? ”

Đức Tổng Giám Mục Joseph Perumthottam của Changanacherry tuyên bố rằng các nhà thờ trong tổng giáo phận của ngài sẽ không tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự. Các linh mục và tín hữu thấy rằng các biện pháp bảo vệ sức khỏe theo quy định của chính phủ quá phức tạp: các linh mục phải lưu giữ hồ sơ của tất cả những người tham dự; các buổi cử hành không được quá 100 người; phải lột hết các tấm thảm trong nhà thờ; không được hát…Nhiều cái không được quá nên ngài tiếp tục đóng cửa nhà thờ.

Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ đã chịu đủ các hình thức bách hại từ ngày 16 tháng Năm 2014, khi lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) lên làm thủ tướng.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài từ 11 tháng Tư, 2019 cho đến 23 tháng Năm, 2019 - có nước nào bầu cử dài kinh khủng như thế không? - các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, 2019 các Kitô hữu tại Ấn “tái mặt” nhận ra rằng Đảng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.


Source:Asia News

2. Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo dân sự tại Ý âu lo các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc sẽ làm tăng nguy cơ dịch bệnh quay trở lại

Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình đã càn quét qua hàng loạt các thành phố Âu châu bao gồm Rôma, Copenhagen, Budapest và Madrid và trên khắp nước Anh để đoàn kết với người biểu tình ở Hoa Kỳ.

Trên đài truyền hình RAI, thủ tướng Giuseppe Conte nói ông ủng hộ chính nghĩa chống phân biệt chủng tộc nhưng lo ngại rằng các cuộc tụ họp đông người này sẽ có nguy cơ lây nhiễm trầm trọng.

“Gần 34, 000 người Ý đã phải thiệt mạng trong đại dịch coronavirus kinh hoàng vừa qua. Cho đến ngày hôm qua, mỗi ngày đất nước chúng ta vẫn phải chứng kiến hàng chục người qua đời vì đại dịch coronavirus quái ác này. Thế mà nhiều người hành xử như thể đại dịch kinh hoàng này chưa hề xảy ra trên đất Ý, ” ông Conte nói và cảnh cáo rằng: “Chúng ta có thể phải trả giá đắt cho sự khinh mạn này.”

Trong lời chào mừng các tín hữu đang tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô để đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ mối quan tâm của ngài. Đức Thánh Cha nói: “Sự hiện diện của anh chị em tại Quảng trường hôm nay là một dấu chỉ cho thấy thời gian đại dịch đã kết thúc ở Ý, mặc dù vẫn cần phải tuân thủ các quy tắc y tế một cách cẩn thận.”

Đức Thánh Cha nhắc nhở cho những người đang qui tụ tại Quảng trường “hãy cẩn thận, đừng háo thắng quá sớm”.

Đức Thánh Cha cũng khuyên họ nên tuân thủ nghiêm nhặt các quy tắc y tế “bởi đó là những quy tắc giúp chúng ta ngăn chặn sự lây lan của con vi khuẩn quái ác Covid-19!”

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng ở một số quốc gia, con virus khủng khiếp này vẫn tiếp tục lây lan mà theo một báo cáo hôm thứ Sáu, “tại một số quốc gia, cứ mỗi một phút là có một người chết! Thật là kinh hoàng!”

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với những đất nước này, với các bệnh nhân và gia đình của họ và với tất cả những ai đang miệt mài chăm sóc họ.


Source:Holy See Press Office