Ngày 11-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 11/06/2008
CHIM BÁO ĐÔNG

N2T


Chim báo đông sống trong một động đá bên mép của một ngọn núi, cách mép núi không xa có một cây thông lớn, trên cây có một con chim vàng anh ở, vì ở rất gần nhau nên chúng nó trở thành đôi bạn thân.

Khí hậu thay đổi càng ngày càng lạnh, chớp mắt mà mùa đông đã tới. Chim vàng anh mỗi ngày đều chạy ngược chạy xuôi tìm cỏ khô để làm tổ và tìm thức ăn để sống qua mùa đông. Nhưng chim báo đông thì mỗi ngày vẫn cứ đong đưa đùa giỡn, không chuẩn bị chút gì để sống qua mùa đông.

Chim vàng anh nhìn thấy tình hình như thế, thì nói với chim báo đông: “Anh bạn thân, đừng ham chơi nữa, lợi dụng bây giờ khí hậu tốt mau mau làm tổ đi chứ,” nhưng chim báo đông chẳng thèm để ý, nó ách xì nói: “Mùa đông còn lâu mới đến mà.”

Một buổi tối nọ, khí hậu đột nhiên trở lạnh, gió lạnh khò khò thổi đến, chim vàng anh ở trong cái tổ mới ấm áp không một chút lạnh. Nhưng trong tổ của chim báo đông thì một cọng cỏ cũng không có, lạnh đến nỗi nó run cầm cập, chim báo đông vừa run vừa nói: “Trời lạnh chết tôi, ngày mai sẽ làm tổ.”

Qua ngày hôm sau, gió ngừng thổi, mặt trời cũng đã xuất hiện, mặt đất được sưởi ấm, chim vàng anh dậy rất sớm và gọi chim báo đông: “Chim báo đông, mau thức dậy, thời tiết rất tốt đẹp, mau làm tổ nhé.” Nhưng chim báo đông vươn vai lên nói: “Thời tiết tốt như thế này, tớ chơi cái đã rồi nói sau,” nói xong, nó liền vỗ cánh bay đi mất tiêu.

Cứ như thế, chim báo đông thoái thác một ngày rồi hai ngày. Trên không bắt đầu có tuyết rơi, khắp nơi đều phủ một màu trắng, con chim báo đông núp trong hang đá lại bị lạnh đến phát run, mồm không ngớt nói: “Gió hàn lạnh chết tôi, ngày mai phải làm tổ thôi.”

Nhưng, nó không còn ngày mai nữa, bởi vì ngay đêm hôm ấy chim báo đông mang theo cái mộng làm tổ, vĩnh viễn ngủ triền miên không bao giờ thức dậy nữa.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Việc làm hôm nay thì hôm nay phải làm cho xong, bằng không thì sẽ có rất nhiều công việc phải dồn lại từ ngày này qua ngày khác, đến lúc đó thì không cách gì giải quyết được. Bài tập hôm nay thì làm cho xong, đừng nói rằng bài tập quá dễ để rồi đợi ngày mai hãy làm, nếu cứ như thế thì bài tập dễ cũng sẽ thành khó, và nhiều bài làm một lúc thì chắc chắn là sẽ không bao giờ làm tốt được.

Con chim báo đông vì ham chơi nên cứ chần chừ làm tổ cho mình, nó coi việc vui chơi hơn hạnh phúc và hơn cả mạng sống của mình, kết quả là nó chết trong lạnh lẽo khi mà có thể xây tổ ấm áp. Cho nên, người biết bổn phận và trách nhiệm của mình thì không bao giờ để đến ngày mai mới làm, nhưng làm ngay.

Các em thực hành:

- Mau mắn làm ngay công việc khi được cha mẹ phân công.

- Việc hôm nay phải làm ngay, không để đến ngày mai.

- Làm việc bác ái phải làm ngay, không đợi phân tích nên hay không nên làm.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:14 11/06/2008
N2T


16. Suy niệm sẽ chi phối tinh thần và hành vi, sẽ làm cho người ta sửa đổi những sai lầm.

(Thánh Bernard)
 
Sứ mạng rao giảng Tin Mừng
Lm Giuse Đinh lập Liễm
01:40 11/06/2008
CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN A

SỨ MẠNG RAO GIẢNG TIN MỪNG

A. DẪN NHẬP.

Nếu công đồng Vatican II khẳng định “bản tính của Hội thánh là truyền giáo” thì mọi Kitô hữu cũng chính là những sứ giả Tin mừng, cũng có trách nhiệm như Hội thánh. Những lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ ngày xưa vẫn còn vang vọng nơi chúng ta, vẫn còn có tính cách thời sự của nó. Chúa muốn chúng ta đi vào cánh đồng truyền giáo rộng rãi bao la bát ngát để đem nhiều người về cho Chúa. Cảm xúc của Chúa Giêsu đứng trước cánh đồng lúa chín vàng ối “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” cũng phải là cảm xúc của chúng ta đứng trước tình hình thế giới hiện nay: chúng ta hãy xin Chúa sai nhiều sứ giả Tin mừng đến cánh đồng truyền giáo, đồng thời chúng ta cũng có thể góp phần vào công việc loan báo Tin mừng bằng chính cuộc sống chứng tá
của chúng ta.
Hãy nhớ lại lời thánh Phaolô: ”Khốn cho tôi, nều tôi không rao giảng Tin mừng”.

B.. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc l: Xh 19, 2-6: Khi ra khỏi Ai cập, tiến tới sa mạc Sinai, con cái Israel cắm trại đối diện với núi. Thiên Chúa gọi ông Maisen lên núi để tỏ cho ông biết Ngài muốn chọn Israel làm dân riêng của Ngài. Họ sẽ trở nên một dân riêng thuộc về Thiên Chúa, trở nên dân tư tế và được thánh hiến. Thiên Chúa sẽ thực hiện điều đó nếu dân biết nghe tiếng Ngài và nắm giữ giao ước của Ngài ký kết với dân qua trung gian ông Maisen. Trong thực tế, dân Israel đã được chọn làm dân riêng của Thiên Chúa, được sống trong tình thân mật với Ngài, được Ngài nâng niu như trên cánh phượng. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa tách họ ra khỏi các dân tộc khác. Là dân tư tế, họ có trách nhiệm làm chứng cho Chúa bên cạnh các dân tộc khác và tỏa chiếu sự hiện diện của Chúa nơi họ.

+ Bài đọc 2: Rm 5,6-11: Trong thư gửi cho tín hữu Roma, thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Mặc dầu chúng ta là những người tội lỗi, là thù nghịch với Ngài, nhưng Ngài vẫn yêu thương. Tình yêu đến tột đỉnh là sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế chịu chết chuộc tội cho chúng ta. Nhờ cái chết của Con Ngài mà chúng ta được rửa sạch mọi vết tích tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, được công chính hoá và thừa hưởng Nước Trời. Sở dĩ Ngài yêu chúng ta như vậy chỉ vì “Ngài là Tình yêu”. Để đáp lại tình yêu ấy, chúng ta có trách nhiệm làm cho người khác biết về tình yêu ấy bằng cách góp phần vào việc loan báo Tin mừng bởi vì chúng ta “đã lãnh nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không”.

+ Bài Tin mừng: Mt 9,36-10,8: Trong khi đi rao giảng Tin mừng cho dân chúng, Chúa Giêsu thấy thương dân vì họ đang bơ vơ tất tưởi như đàn chiên không có người chăn dắt. Ngài muốn trao cho các Tông đồ sứ mạng loan báo Tin mừng cho người Do thái, loan báo cho họ biết về tình yêu của Thiên Chúa và Nước Chúa đã gần đến. Vì thế, Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ như những cán bộ nồng cốt, sai các ông đi rao giảng cho người Do thái biết “Nước trời đã gần đến”, chuẩn bị cho họ sẵn sàng đón nhận những lời Chúa Giêsu sẽ rao giảng. Mười hai Tông đồ này có những nguồn gốc và thành phần khác nhau. Điều đó nói lên việc loan báo Tin mừng không dành cho riêng một ai hay cho một thành phần nào mà dành cho mọi người, càng nhiều càng tốt vì “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”.

C.THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Lúa chín nhiều, thợ gặt ít
I. CHÚA KÊU MỜI

1. Tin Mừng Nước Trời.

Trong suốt ba năm, Chúa Giêsu đã đi rao giảng Tin mừng Nước Trời. Thánh Matthêu đã tóm tắt trong một câu rất gọn: ”Đức Giêsu rao giảng khắp các thành, các làng, giảng dạy trong các hội đường của họ và loan Tin mừng về Nước Trời cùng chữa lành mọi tật nguyền bện hoạn”(Mt 9,35).

Trong khi đi rao giảng như thế, hình như Chúa Giêsu có cái nhìn và cái cảm nghĩ không mấy lạc quan. Ngài thấy dân chúng mệt mỏi về thể xác, tinh thần bạc nhược vì thiếu sự săn sóc của chủ chăn. Giáo lý của các nhà Biệt phái rỗng tuếch, nhạt nhẽo mà lại quá phức tạp. Dân chúng có cảm nghĩ bị bỏ rơi, các vị chủ chăn chỉ lo săn sóc những chiên béo tốt xén lông và được danh dự.

Thánh Matthêu cho ta biết cái cảm nghĩ của Chúa Giêsu trước tình trạng dân chúng đó: ”Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng liền động lòng thương xót họ””(Mt 9,36). Chúa thương họ như con chiên không có người chăn, như cánh đồng lúa chín không người gặt. Vì thế, Chúa bảo các môn đệ:”Lúc chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến”.

Để giải quyết hoàn cảnh đáng thương đó, Chúa đã chọn 12 tông đồ làm những cộng sự viên, sai họ đi truyền giáo, đến những nơi mà Ngài sẽ đến. Chúa ban cho các ông quyền hành rộng rãi: làm nhiều phép lạ... kể cả việc làm cho kẻ chết sống lại. Còn đề tài rao giảng của các ông là: ”Nước Trời đã gần”, đấy cũng là đề tài rao giảng của thánh Gioan Tẩy giả, và cũng là đề tài của chính Chúa Giêsu đang rao giảng.

2. Giáo huấn của Giáo hội.

Công đồng Vatican II khẳng định: ”Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo” (TG 2). Bản tính Giáo hội là truyền giáo tức là đem Tin mừng cứu rỗi cho nhân loại. Nhiệm vụ đó buộc tất cả mọi phần tử của Giáo hội tức là mọi người đã được rửa tội. Công đồng đặc biệt chú trọng đến phương diện tông đồ giáo dân: ”Giáo dân làm tông đồ tức là tham gia vào chính sứ mạng cứu rỗi của Hội thánh. Chính Chúa – do phép rửa tội và phép thêm sức – giao cho tất cả mọi người bổn phận tông đồ ấy” (LG số 33).

Đức thánh Cha Gioan Phaolô II cũng quả quyết: ”Không một ai trong những người tin vào Chúa Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (Sứ vụ Đấng Cứu độ, 3).

3. Đồng lúa chín kêu gọi.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Đấy là một lời báo động và cũng là một lời kêu gọi tha thiết và khẩn thiết. Chúng ta đang ở trong thời kỳ gặt lúa. Nhìn cánh đồng lúa chín vàng ối ai lại không thích ? Nhưng không may, ở đâu thiếu người gặt mà để cho đồng lúa bị lụt lội hay bão táp tàn phá làm hư hỏng thì ai không tiếc ?

Nhìn vào cánh đồng truyền giáo rộng bao la bát ngát, Giáo hội có một ưu tư lớn lao: lấy ai ra mà gặt cánh đồng này ? Trên thế giới có tới hơn 6 tỷ người, mà số tín hữu Công giáo mới có gần 1,1 tỷ. Nếu kể cả những anh em tin theo Chúa Kitô thì mới được 2 tỷ. Còn lại hơn tỷ nữa. Riêng Á châu chiếm một nửa dân số thế giới, mà mới được 3% người biết Chúa. Ở Việt nam thân yêu của chúng ta, dân số lên tới 84 triệu người mà mới có 6 triệu người Công giáo. Cánh đồng truyền giáo của quê hương thân yêu chúng ta cũng còn rất rộng. Trách nhiệm của những người Việt nam Công giáo cũng còn rất nặng. Chúa kêu gọi mọi người cộng tác vào công việc truyền giáo này.

Truyện: Ta không có tay.
Câu truyện xẩy ra tại Đức vào khoảng cuối thế chiến thứ hai. Tại một ngôi làng kia, một toán binh sĩ Mỹ tình nguyện giúp dân chúng xây dựng lại cuộc sống của họ. Nhưng họ không xin thực phẩm, thuốc men, nông cụ, mà chỉ xin tái thiết một pho tượng bị đổ nát vì bom đạn.

Từ nhiều thế kỷ qua, pho tượng là niềm tự hào của họ, giờ đây, chỉ còn là những mảnh vụn. Liệu những binh sĩ Mỹ có thể làm được công việc khó khăn này không ? Qua bao ngày tìm tòi vất vả, họ cũng đã nhặt lại được từng mảnh và dựng lại pho tượng, chỉ có điều là có hai phần trong pho tượng họ không thể tìm thấy.

Họ dựng pho tượng lên giữa quảng trường ngôi làng và phủ lên bằng tấm vải lụa, tấm vải này chỉ được mở ra bằng một nghi thức do ông Thị trưởng chủ tọa.

Khi dân chúng trong làng tề tựu đông đủ, ông Thị trưởng đọc diễn văn cảm ơn các binh sĩ Mỹ và cho mở tấm lụa ra. Mọi người ồ lên với tất cả kinh ngạc, vì pho tượng tuyệt đẹp nhưng lại không có đôi cánh tay. Dưới chân pho tượng mọi người đọc được hàng chữ lớn: ”Ta không có tay, các ngươi có thể cho ta mượn cánh tay của các ngươi không” ?

Trước khi về trời, Chúa Giêsu, qua các Tông đồ, đã trao phó cho Hội thánh tiếp tục sứ mạng của Ngài cho đến tận thế. Vì vậy, Hội thánh chính là Chúa Kitô nối dài. Và một cách nào đó, Chúa Kitô đang xử dụng đôi cánh tay của Hội thánh để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Ngài. Chúng ta cũng là cánh tay nối dài của Hội thánh nên chúng ta cũng phải cộng tác vào trong việc cứu rỗi này.

II. TA ĐÁP TRẢ.

Chúng ta hãy đáp trả lời kêu gọi của Chúa Giêsu bằng cách SỐNG ĐỜI CHỨNG NHÂN. Có nhiều cách rao giảng Tin mừng, nhưng cách rao giảng Tin mừng hay nhất là sống đời chứng nhân vì nó phù hợp với hết mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Qua kinh nhgiệm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: ”Người thời nay không thích những thầy dạy cho bằng những chứng nhân”.

Người ta thường nói: ”Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, trăm nghe không bằng một thấy. Nghe thì biết vậy, người ta vẫn còn bán tín bán nghi. chưa có tính cách thuyết phục cao. Ví dụ: người ta thường dọa trẻ con là đừng có khóc kẻo “ông Ba Bị chín quai, mười hai con mắt, bắt trẻ bỏ bồ” ! Còn bé chúng ta tin lắm, nhưng làm gì có ông Ba Bị như thế ! Khi đã nhìn thấy, trông thấy rõ ràng, khi đã “kiến kỳ hình” một người hay một sự việc rồi thì người ta không thể phủ nhận được, người ta phải chấp nhận một sự kiện ngay cả khi lòng không muốn.

Chúng ta có thể sống “đời chứng nhân” theo hai phương diện tích cực và tiêu cực:

1. Phương diện tích cực.

a) Trở nên muối đất và ánh sáng thế gian.

Ta là Kitô hữu, đó là người được mang danh Chúa Kitô. Nhưng người ta có thể thắc mắc có thật là có Chúa Kitô không hay chỉ là một huyền thoại ? Hay ít ra, người ta không biết Chúa Kitô như thế nào, cần chúng ta phải phác họa cho họ đôi nét về Chúa Kitô. Chúng ta có thể họa cho họ đôi nét trong đời sống được không ?

Người Kitô hữu có nhiệm vụ họa lại khuôn mặt đích thực của Chúa Kitô và cả con người của Ngài bằng đời sống cụ thể của mình để người ta có thể có vài hình ảnh tốt đẹp về Chúa Kitô. Chúng ta phải thể hiện con người của Đức Kitô ra trong con người của chúng ta để chúng ta dám nói như thánh Phaolô: ”Anh em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” ! Nói như thế là thánh Phaolô có ý nói rằng Ngài đã được “Kitô hóa” rồi, vì Ngài đã nói: ”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà Chúa Kitô sống trong tôi”.

Muốn được thế, cuộc sống của người Kitô hữu phải trở nên muối đất và ánh sáng cho trần gian. Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ: ”Chính anh em là muối cho đời, nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng trần gian... Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm. mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,13-16).

Hai hình ảnh xem ra khác nhau nhưng đều giống ở sức tác động tốt:
- Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn. Nhưng muối giữ cho môi trường chung quanh nó khỏi hư, lại mặn mà.
- Ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng. Ánh sáng soi sáng cho người ta biết đường đi, nhận rõ các đồ vật.
Cả hai đều phải chịu sự hao mòn hy sinh thì mới gây tác động: muối tan dần đi, ngọn đèn nến ngày càng lụn xuống.
Lý do tồn tại của cả hai là để gây tác động tốt: nếu muối không mặn và đèn không sáng thì không có ích gì nữa và phải bị vất đi.

Thân phận và hoàn cảnh của mỗi Kitô hữu khác nhau: có người âm thầm hèn mọn như muối, có người rực rỡ huy hoàng như ánh sáng. Nhưng mọi người đều có sứ mạng tác động tốt lên môi trường mình sống. Không tác động tốt thì không còn là Kitô hữu nữa.

Chính con người của ta phải thể hiện hình ảnh Chúa Kitô ra trong đời sống hằng ngày, để thực sự con người ta là tấm gương phản chiếu Chúa Kitô cho người khác. Qua cuộc sống tốt đẹp của ta, người ta sẽ thấy Chúa tốt đẹp như thế nào. Nếu ta đã tốt đẹp như thế, thì Chúa còn tốt đẹp biết dường nào. Đúng là:
Xem mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
(Ca dao)

Truyện: nhà bác học Louis Pasteur.
Trên chuyến xe lửa tiến về Paris, người sinh viên trẻ ngồi bên cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tầu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và từ từ chìm đắm trong sự cầu nguyện.
Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không còn đủ kiên nhẫn, anh ta mới lên tiếng:
- Thưa ông, ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí à ?
Cụ già thản nhiên trả lời:
- Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao ?
Người sinh viên cười ngạo mạn quả quyết:
- Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao mà tôi có thể tin vào những chuyện ấy được. Khoa học đã thực sự mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi, hãy quẳng chuỗi hạt ấy đi, và hãy học hỏi những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên:
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều này không ?
Người sinh viên hăng hái đề nghị:
- Ông cứ cho địa chỉ, tôi sẽ gửi đến cho ông một quyển sách. Ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học.
Cụ già từ từ lấy trong túi áo ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: Louis Pasteur, Hàn lâm viện khoa học Paris.

b) Gia đình củng cố ơn kêu gọi.
Trước tiên gia đình hãy cầu nguyện cho ơn kêu gọi. Mỗi ngày hãy thêm vào trong giờ kinh tối lời nguyện cầu xin cho ơn kêu gọi. Điều này có tác dụng như một lời nhắc nhở tế nhị cho con em chúng ta cân nhắc ơn gọi đi tu.
Tiếp đến, mỗi gia đình vun trồng ơn kêu gọi Linh mục và tu sĩ, lo cho gia đình của mình có nhiều người tận hiến đi truyền giáo, như gia đình ông bà Martin cha mẹ của thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Để được vậy cha mẹ hãy lo sống đạo đức, làm gương sáng. Năng gợi tư tưởng dâng mình cho Chúa với con cái mỗi khi trò chuyện thân mật, sau những buổi kinh tối gia đình.

2. Phương diện tiêu cực.

Phải tránh cách sống giả hình mà người ta gọi là “tốt mã giẻ cùi”, chỉ có cái mã bên ngoài, còn bên trong thì chẳng ra cái gì. Phải tập sống trung thực với lòng mình, phải làm cho danh và thực đồng nhất, có thì nói có, không thì nói không. Đừng theo lối sống giả hình như bọn Luật sĩ và Biệt phái, chính cách sống giả hình làm cho họ mất uy tín. Phải sống theo nguyên tắc:
Hữu ư trung, xuất hình ư ngoại.

Đừng bao giờ để cho “ngôn hành bất nhất”, đừng để cho cách sống bên ngoài phá hoại đời sống bên trong, làm cho người ta mất tin tưởng. Giả hình sẽ bị lột mặt nạ: cái kim giấu trong túi áo có ngày sẽ lòi ra vì như người ta nói: đi đêm có ngày gặp ma.

Phải đóng đúng vai trò của mình, vai nào đóng đúng vai đó, càng đúng càng hay: vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha ra cha, con ra con... theo như đường lối giáo dục của Khổng Tử: ”Quân, thần, phụ, tử”. Đóng đúng vai trò thì được khen, ngược lại thì người ta chê và làm hỏng vai trò mình đóng, lại còn tác hại đến cả vở kịch nữa.

Truyện: Bộ mặt của anh hề.
Có một gánh xiếc bị hỏa hoạn, ông chủ gánh xiếc sai anh hề chạy đi kêu dân chúng trong làng đến tiếp tay chữa cháy, chẳng vậy lửa bốc to có thể lan sang khu vực họ đang ở. Anh hề vội vàng chạy đi, nhưng anh càng gào thét, múa máy bao nhiêu dân chúng lại càng cười lớn bấy nhiêu, vì họ nghĩ rằng anh hề đang diễn một màn hài hước.

Thấy không ai tin mình, anh hề giật râu, giật tóc và bật khóc nức nở, khiến khuôn mặt đầy phấn sáp của anh càng lọ lem hơn. Gào thét hết cả hơi sức, nhưng chẳng có ai tin anh, cuối cùng ngọn lửa cháy lớn lan tới thiêu hủy cả làng ra tro.

Sống đạo là truyền đạo. Ai cũng biết rằng không có lời rao giảng nào hùng hồn hơn chứng tá của cuộc sống; không sứ điệp nào đáng tin hơn là gương sáng. Không gì khôi hài bằng đi loan báo tin buồn với khuôn mặt một anh hề, và cũng không gì khôi hài bằng mang tin vui với bộ mặt u buồn của người đi đưa đám.

Nhiều khi trong cuộc sống đạo, chúng ta cũng mang lấy bộ mặt của những anh hề. Sứ điệp mà chúng ta loan báo không được đón nhận, bởi vì cung cách chúng ta không phù hợp với nội dung của sứ điệp ấy. Chúng ta loan tin vui cứu độ, nhưng chúng ta có bộ mặt của những người không được cứu rỗi. Chúng ta loan báo tin vui của bác ái, hòa bình, nhưng cuộc sống chúng ta lại chỉ có những hành động của oán thù, ích kỷ, chiến tranh, hận thù (Chờ đợi Chúa, tr 147).

Để kết thúc, chúng ta hãy nghe một đoạn văn trích từ lá thư thánh Phanxicô Xavie gửi cho thánh Inhaxiô Loyola, bề trên của ngài:

“Con thường cảm thấy bị thôi thúc muốn đi đến các đại học Âu châu đặc biệt là đại học Sorbonne ở Paris và la lên như một gã điên cho những kẻ giầu tri thức hơn là thiện chí để yêu cầu họ sử dụng tri thức của họ sao cho có lợi ích... Phải chi trong khi nghiên cứu về các nhân văn họ cũng đồng thời nghiên cứu sổ kế toán mà Thiên Chúa sẽ đòi hỏi họ về tài năng Ngài đã ban cho họ ! Lúc đó nhiều người hẳn sẽ xúc động thốt lên: ”Lạy Chúa, này con đây, Chúa muốn bảo con làm gì” ?

 
Thợ Gặt Lại Không Xứng Đáng
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
07:53 11/06/2008
GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 11 TN-A (15-06-08)

THỢ GẶT LẠI KHÔNG XỨNG ĐÁNG

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc sau: (Reflection&share)

Bài đọc 1: Xuất hành (19: 2-6a). “Và giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu của riêng Ta.” (câu 4&5)

a/ Ta đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Tôi đang nói với Chúa những gì để xin thay đổi chính mình?

b/ Nghe tiếng Chúa là dùng thì giờ đọc Kinh Thánh. Kể những việc cụ thể bạn đang giúp gia đình và giáo xứ biết suy niệm Lời Chúa?

Bài đọc 2: Rôma (5: 6-11). “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (câu 8)

a/ Đức Kitô đã chết khi mọi người còn là tội lỗi, vì tình yêu thương.

Tôi đang làm gì cụ thể cho gia đình để đáp lại tình Chúa?

b/ Người tín hữu được Thiên Chúa cho nên công chính nhờ Đức Kitô. Bạn làm gì cụ thể để xứng đáng với ơn Chúa đã lãnh nhận?

Tin Mừng: Mát-thêu (9:36—10:8). Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (câu 37)

a/ Lúa chín ngụ ý nói thời cánh chung, Chúa sẽ làm cho Nước của Người xuất hiện. Tôi thấy mình đã làm cho Chúa được những gì?

b/ Hãy xin chủ cho thêm thợ gặt, vì Chúa thấy có nhiều người bất xứng. Bạn đổi mới mình những gì trong bổn phận đang lãnh nhận?

B- Câu Kinh Thánh tôi chọn Sống tuần này:(The Best of God’s Word)

LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG, MÀ THỢ GẶT LẠI ÍT (Mt 9, 37)

The harvest is abundant but the laborers are few

Chúa nói gì với tôi: Ngài muốn chuẩn bị những Môn đệ thay thế các Mục tử bất lực, để cộng tác vào công cuộc Ngài đang thực hiện. Ngài đặc biệt lưu ý tới chuyện cần phải thêm thợ gặt trong đồng lúa của Thiên Chúa. Lời Chúa còn muốn mọi Kitô hữu phải có trách nhiệm trực tiếp vào việc rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa bằng cách tổ chức các buổi học hỏi Kinh Thánh, đào tạo thêm Môn đệ trong các Đoàn thể, Nhóm... biết cách đọc và chia sẻ Lời Chúa, để Sống đạo trong giáo xứ như Chúa Giêsu mời gọi. (Mt 28,19-20)

Nhiều Tín hữu lo cứu trợ nhân đạo và xây cất nhà thờ tại hải ngoại và Việt nam là những việc tốt cần làm; nhưng có một điều quan trong hơn mà Chúa Giêsu muốn trong suốt ba năm, thi hành sứ vụ tại thế gian và hôm nay của Ngài là: chú tâm lo huấn luyện các Môn đệ đi truyền giảng Tin Mừng để xây dựng và phát triển Nước Chúa ở trần gian.

Như vậy, phương tiện vật chất và tinh thần đều cần thực hiện song song với nhau, đừng cho cái chính là phụ và cái phụ là chính.

C- Bạn và tôi thực hành Lời Chúa: (So what am I doing / For Action)

1- Thi hành những Gơị ý Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ở phần A.

2- Đọc kỹ phần Chúa nói gì với tôi, để tôi phải làm gì bây giờ?

D- Bạn và tôi cầu nguyện và Sống cầu nguyện: (Prayer & Action)

Lạy Cha, Đức Kitô đã thương xót mọi người như đàn chiên không người chăn dắt và muốn con sống xứng đáng với trách nhiệm của mình; nhưng con đã sống lơ là, hưởng thụ, tham, sân, si mà quên bổn phận. Con quyết nói với Chúa thật nhiều, luôn lắng nghe mọi người, bỏ nếp sống cũ để đổi mới mỗi ngày, bằng cách hoàn thành mọi công việc quan trọng như nhau. Nhờ Đức Kitô.... Amen.

Lời hay ý đẹp: MỘT THẾ GIỚI TỐI TĂM CẦN ÁNH SÁNG PHÚC ÂM

A world in darkness needs the light of the Gospel

Phó tế: Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com *

Cùng chuyển các Nhóm, Hội đoàn, Tu hội… học hỏi, chia sẻ Lời Chúa
 
Suy Niệm CN XI-A: Tâm Sự của Chúa Giêsu hôm nay
Phaolô Phạm Xuân Khôi
09:36 11/06/2008

Tâm Sự của Chúa Giêsu hôm nay



Suy niệm Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm A

Con ơi, ngày xưa Thầy thấy dân chúng Do Thái bơ vơ như đàn chiên không người chăn, Thầy động lòng thương, nên đã an ủi, dạy dỗ và chữa lành họ. Dù là Con Thiên Chúa, Thầy vẫn đêm đêm thổn thức cầu nguyện cùng Cha Thầy xin Ngài sai Thánh Thần xuống ở với họ mãi mãi để họ khỏi bơ vơ. Chắc con thắc mắc là tại sao Thầy không dùng quyền năng của Thầy để thay đổi mọi sự, mà lại phải thổn thức, phải cầu nguyện với Cha Thầy. Rồi con sẽ hiểu. Ngày nay Thầy cũng thương chúng con như thế!

Sở dĩ Thiên Chúa không dùng quyền phép của Mình mà làm cho con người được hạnh phúc vì Chúng Ta tôn trọng sự tự do của con người. Không ai muốn bị bắt buộc. Dùng quyền Thiên Chúa mà áp đặt hạnh phúc trên họ là phạm đến tự do của họ. Thầy chỉ đem hạnh phúc xuống qua tình yêu của Thầy, qua Lời Thầy giảng dạy, qua việc Thầy làm. Qua cái chết của Thầy, Thầy ban chính mình Thầy cho họ để họ được sống với Thầy và trong Thầy. Thầy tha thiết mời gọi họ và ban ân sủng để họ có sức mà đến với Thầy. Muốn có hạnh phúc, họ chỉ cần đáp lại lời mời của Thầy, hợp tác với ân sủng của Thầy mà đến với Thầy và phó thác mọi sự cho Thầy! Họ chỉ cần cho phép Thầy yêu họ, và họ yêu Thầy. Thầy không cần phải cưỡng bách họ.

Con hỏi tại sao Thầy lại phải cầu nguyện. Thực ra thì Cha Thầy với Thầy là một, nên Thầy không cần cầu nguyện vì lúc nào Thầy cũng kết hợp mật thiết với Cha. Nhưng nhiệm vụ của Thầy là Thầy của con, là người đồng hành với con. Thầy cầu nguyện để con học theo Thầy. Vì con chưa kết hợp đủ với Thầy, nên con cần cầu nguyện liên lỉ để được kết hợp với Thầy như Thầy kết hợp với Cha. Nếu Thầy không làm gương trước bằng cách cầu nguyện thâu đêm thì làm sao con hiểu được phải cầu nguyện thế nào và cầu nguyện cần thiết ra sao? Con ơi cầu nguyện chính là hơi thở của linh hồn con. Khi nào con ngưng cầu nguyện, con sẽ nghẹt thở và sẽ chết. Đó là lý do tại sao Thầy đã gọi Nhóm Mười Hai để họ ở với Thầy, đồng hành với Thầy, cầu nguyện như Thầy và học cùng Thầy. Đó là lý do tại sao hôm nay Thầy bảo họ cầu nguyện để “xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Hôm nay Thầy cũng muốn con cầu nguyện cho có nhiều chủ chăn tốt, chủ chăn thánh thiện và nhân lành biết hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Nhưng con đừng tưởng chỉ có linh mục mới là chủ chăn. Tất cả chúng con đều có nhiệm vụ chăn chiên của Thầy. Là giám mục thì một giáo phận, là linh mục thì một giáo xứ, là giáo ly viên thì một lớp học, là cha mẹ thì một gia đình, là công chức thì có đồng nghiệp, là sinh viên học sinh thì có đồng bạn. Thầy muốn dùng chúng con như những cánh tay của Thầy, như những bàn chân của Thầy, như trái tim Thầy, như đầu óc Thầy, như môi miệng Thầy, để dạy dỗ chúng con và sai chúng con đi vào thế gian thay cho Thầy mà chăm sóc và thánh hóa nó. Thầy muốn chúng con cũng động lòng thương đồng loại chúng con như Thầy đã làm. Trước hết là những người trong đàn chiên bé nhỏ mà Thầy đã trao cho chúng con, rồi đến mọi người, đặc biệt là những người tội lỗi và những người chưa biết đến Thầy.

Thầy ban cho con “quyền hành chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung hủi, và xua trừ ma quỷ,” để con có thể chu toàn nhiệm vụ. Nhiều ngươì chung quanh con đang sống mà dường như đã chết, vì đời họ không còn hy vọng. Nhiều người trông xinh đẹp bên ngoài mà linh hồn thì thật là ghê tởm xấu xa còn hơn cả người phong hủi. Nhiều người bên ngoài có vẻ đạo đức, tốt lành, nhưng trong lòng đầy mưu mô thâm độc. Thầy sai con đi để chữa lành họ. Con chỉ làm được những việc đó nếu con ở trong Thầy và kết hiệp với Thầy. Nên nhớ rằng con không có gì hết ngoại trừ tội lỗi và sự yếu đuối của con, nhưng Thầy đã ban cho con mọi sự, kể cả mạng sống, sức khỏe, tài năng, của cải của con. “Con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không.” Đừng tiếc gì hết, đừng giữ gì lại cho mình, vì Thầy sẽ ban thêm cho con.

Thầy rất buồn vì ngày nay thế gian đang thắng chúng con. Trong lúc ma quỷ tìm đủ mọi mánh khoé để làm hại các con chiên khờ dại của Thầy, thì có một số khá đông chủ chăn của Thầy hình như đang mê ngủ. Có những chủ chăn lười biếng, chỉ biết làm Lễ mỗi ngày và thăm hỏi qua loa vài kẻ liệt rồi đắm mình vào những việc vô ích. Họ không bỏ thì giờ học thêm về các giáo huấn của Thầy và Hội Thánh, họ không soạn bài giảng, không mở các lớp Thánh Kinh cùng đào luyện giáo dân, và nhất là không cầu nguyện. Có những chủ chăn đặt nặng cơ sở vật chất cách quá đáng mà không tha thiết gì đến linh hồn của chiên mình. Họ coi trọng người giàu và khinh rẻ người nghèo. Họ quên rằng Đền Thờ trong tâm hồn quan trọng hơn nhà thờ vật chất. Có những chủ chăn tìm danh vọng như những người thế gian, họ coi Chức Thánh là phương tiện để họ làm quan, để làm khanh tướng, để được người khác phục vụ, chứ không phải là phương tiện giúp họ làm đầy tớ khiêm nhường phục vụ người khác như Thầy đã làm. Có những chủ chăn kiêu căng phách lối, cứ nghĩ rằng mình biết tất cả, cứ coi mình như Thiên Chúa, và coi thường những chuyên viên giáo dân mà Thầy gửi đến để giúp đỡ họ, đôi khi những giáo dân này đáng tuổi cha chú của họ. Họ không biết rằng càng học càng thấy mình ngu, nên họ lúc nào cũng trịch thượng, coi mình là “Cha” thiên hạ, là túi khôn của loài người, mà không cần nghe ai cả. Có những chủ chăn nhút nhát, không dám giảng dạy về luân lý vì sợ mất lòng giáo dân. Họ quên rằng Thầy đã chết để làm chứng cho chân lý. Vì giáo dân không biết về giáo huấn của Hội Thánh nên Thầy mới trao cho họ quyền dạy dỗ để họ dạy chân lý cho dân. Vì chỉ có chân lý mới giải thoát được người ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, xác thịt và ma quỷ mà thôi. Bao lâu người ta chưa biết chân lý, bấy lâu người ta còn làm nô lệ. Họ không ý thức rằng nếu vì họ không chu toàn sứ vụ tiên tri của họ mà giáo dân không biết giáo huấn của Thầy để đào luyện lương tâm, thì chính họ là những người phải chịu trách nhiệm về những việc làm sai luân lý của giáo dân họ.

Hôm nay Thầy muốn con cầu nguyện thật nhiều cho các linh mục. Thầy không muốn có nhiều linh mục, mà chỉ muốn có nhiều linh mục thánh thiện. Nếu Thầy muốn có nhiều linh mục thì Thầy đã chọn cả ngàn tông đồ thay chỉ vì vỏn vẹn có mười hai. Nhiều linh mục mà là linh mục xoàng thì chỉ gây ra nhiều gương mù gương xấu chứ có ích chi. Thầy không muốn có những linh mục tài giỏi thông minh mà chỉ muốn có những linh mục thánh thiện. Nếu Thầy muốn người giỏi thì Thầy đã chọn những người Biệt Phái và Luật Sĩ rồi, chứ tại sao Thầy lại chọn những tên ngư phủ và một tên thu thuế. Người ta càng giỏi thì càng thêm kiêu ngạo và bất phục tùng. Có những linh mục như thế để làm gì? Thầy cũng không muốn các linh mục nổi danh, mà chỉ muốn các linh mục thánh thiện. Nếu Thầy muốn các linh mục nổi danh, Thầy đã chọn những Tiến Sĩ thời danh như Gamaliên, như Philô, hay những hoàng thân của nhà vua rồi. Một khi nổi danh thì rất khó giữ đức khiêm nhường, khó khăn và trong sạch. Mà không giữ được những nhân đức này thì họ sẽ đưa chiên của Thầy về đâu?

Chỉ có các linh mục thánh thiện mới có thể chu toàn được sứ vụ mà Thầy trao phó. Thánh thiện là học sự khiêm nhường và hiền lành của Thầy. Thánh thiện là dâng mình cho Thiên Chúa cùng với Thầy mỗi ngày trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh thiện là luôn kết hợp với Thầy, là quên mình để cho Thầy sử dụng, là trở nên mọi sự cho mọi người. Thánh thiên là không đem “cái tôi” ra làm bức tường ngăn cản giữa Thầy và giáo dân của Thầy. Thánh thiện là biết phó thác hoàn toàn cho Thầy, tin tưởng hoàn toàn vào Thầy đến nỗi không cần phải “mang theo vàng, bạc, hay đồng ở thắt lưng,” không cần phải “mang bị đi đường, mặc hai áo, đi dép hay cầm gậy,” chứ đừng nói đến việc đi khắp nơi quyên góp thật nhiều tiền để xây cất cơ sở đồ sộ giữa xóm dân nghèo, để mua hai ba xe hơi sang trọng giữa những người không có một chiếc xe đạp mà đi. Thánh thiện là sẵn sàng chết cho Thầy và chiên của Thầy. Thánh thiện là luôn làm theo Thánh Ý Thầy.

Chỉ cần mỗi giáo xứ có một cha sở như Gioan Vianney của Thầy ngày xưa thì tất cả giáo dân đều nên thánh. Chỉ cần mỗi giáo phận có một linh mục như Gioan Vianney của Thầy ngày xứa thì cả thế gian này sẽ được đổi mới! Mà nếu không được thế thì con hãy xin cho mỗi quốc gia có một linh mục như vậy thì Thầy cũng đủ toại nguyện rồi.
 
Tin Mừng và các sách Tin Mừng
Lm An-rê Đỗ xuân Quế, OP
10:40 11/06/2008
Tin Mừng và các sách Tin Mừng

Tin Mừng hay Phúc âm có nghĩa là tin vui, tin mừng, tin lành (x Mc 1,1). Tin Mừng này là Tin Mừng cứu độ. Thánh Phao-lô đã hiểu như thế, khi nói về Tin Mừng của ngài, nghĩa là lời loan báo ơn cứu độ nơi con người của Chúa Giê-su là Đức ki-tô. Khởi đầu, Tin Mừng không phải là một cuốn sách do một văn sỉ hay sử gia biên soạn. Nếu gọi là Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mát-cô, Lu-ca và Gio-an, thì chính là vì các vị đã rao giảng Tin Mừng cứu độ, khi thuật lại các việc Đức Giê-su đã làm và những lời Người đã giảng, cũng như khi kể lại cuộc Thương khó và sự Phục sinh của Người.

1.Phản ứng của độc giả ngày nay

Độc giả ngày nay, vì muốn cái gì cũng chính xác và thích tìm hiểu những sự kiện có nền tảng kiểm chứng được, sẽ ngỡ ngàng, khi gặp phải thứ văn chương có vẻ rời rạc này, vì nội dung xem ra không có bố cục ăn ý trước sau.

Xin nói ngay rằng soạn giả các sách Tin Mừng không phải là những nhà văn ngồi làm việc trong bàn giấy, có sẵn tài liệu sách vở liệt kê chu đáo và đã tra tay viết tiểu sử Đức Giê-su người Na-gia rét, từ lúc Người sinh ra cho đến khi chịu chết.

Đức Giê-su đã công khai truyền đạo, tập hợp môn đệ, chữa lành các bệnh nhân và làm những công việc có ý nghĩa. Sau khi Người lìa biệt cõi đời này, các Tông đồ, rồi đến các nhà giảng thuyết, vì tin chắc Người đã sống lại, nên đã bắt đầu loan tin này, thuật lại các lời Người nói, kể lại các việc Người làm, tùy theo nhu cầu sinh hoạt của các giáo đoàn. Trong khoảng bốn mươi năm như thế, dần dần thành hình những truyền thống truyền khẩu. Rất có thể trong thời gian này, một số lời truyền khẩu ấy đã được viết thành văn, chẳng hạn một số công thức phụng vụ, như các lời tuyên xưng đức tin, một số các bài giảng của Đức Giê-su, hoặc bài tường thuật cuộc thương khó của Người.

Các tác giả sách Tin Mừng đã dựa vào những lời truyền khẩu đó mà biên soạn. Trước khi trở thành bản văn được qui định, Tin Mừng đã là lời nói sống động, nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu, dạy dỗ họ, thích nghi với môi trường, đáp ứng nhu cầu của các giáo đoàn, diễn tả các suy nghĩ về thánh kinh. Ngày nay, các sách Tin Mừng đưa độc giả trở về với đức tin và đời sống của các cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên. Các bản văn thuật lại bữa ăn cuối cùng là một bằng chứng.

Có tất cả bốn bản văn (Mt, Mc, Lc và 1 Cr) về câu chuyện này, nhưng chung qui có thể đưa về hai mẫu: một theo Mát-thêu và Mác-cô và một do Lu-ca và Phao-lô. Hai mẫu ấy khác nhau về nhiều điểm, nhưng cả hai đều là những bản văn diễn tả lại những công thức cổ truyền ổn định, được dùng trong phụng vụ. Phao-lô thì truyền đạt những gì đã thu nhận được, còn ba tác giả kia thì tập trung lời tường thuật vào các cử chỉ và lời nói của Thầy Chí Thánh, trong các buổi cử hành nghi thức tạ ơn (eucharistia). Chính vì vậy, Mát-thêu và Mác-cô dùng công thức “Sau khi chúc tụng”, còn Lu-ca và Phao-lô lại dùng công thức: “Sau khi tạ ơn”. Nhiều thí dụ khác lấy trong hai mẫu, dựa vào cùng một truyền thống như kinh Lạy Cha (Mt 6,9-15; Lc 11,2-4) hoặc Tám mối phúc thật (Mt 5, 3-12; Lc 6, 20-26) cho phép chúng ta vừa lần ra được truyền thống các tác giả đã dựa vào, vừa khám phá ra tư tưởng riêng của mỗi vị.

Vì có sự thông qua truyền thống truyền khẩu, nên người ta dễ hiểu vì sao nhiều đoạn văn dường như là những khúc văn chương được soạn sẵn, nay được lắp vào một lời nói hoặc một việc làm của Đức Giê-su, mà không thấy ở trong một khung cảnh thời gian hoặc không gian nào rõ rệt. Nhiều công thức mở đầu làm chứng điều ấy, vì chính những công thức đó đã mơ hồ rồi, chẳng hạn như “Trong những ngày ấy” (Mt, 3,1: Mc 8,1) hoặc “Khi ấy” (Mt 11,25) hay “Sau đó” hoặc “Xẩy ra là” (Lc 8,22; 9, 18.37.51; 11,27). Mỗi câu chuyện đó trước kia đã đứng biệt lập, rồi sau này chính tác giả sách Tin Mừng đã kết hợp lại. Khi các thế hệ đầu tiên dùng các truyền thống kia, những câu chuyện đó đã bắt đầu có một hình thức văn chương nào đó tương đối cố định.

2, Định mức giá trị

Nếu các truyền thống, khi được sử dụng đã chịu ảnh hưởng tới mức độ đó, và được cố định trong các sách Tin Mừng, thì hỏi biết đánh giá những truyền thống ấy thế nào bây giờ ? Có thể tin những truyền thống đó đến mức độ nào ? Tương quan giữa những truyền thống ấy và sự thật về cuộc đời của Đức Giê-su ra sao ?

Trả lời những câu hỏi ấy, thiết tưởng có thể nói như sau: vì đó là lời chứng của những người tin Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Ki-tô, các tài liệu kia nhằm đưa tín hữu đến chỗ gặp Người. Niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sinh đã chiếu dọi ánh sáng vào các kỷ niệm về Người. Niềm tin ấy đã dựa vào các chứng nhân sống động đáng tin, để diễn tả. Nhưng các chứng nhân này lại chỉ kể từng khúc, có khi lặp đi lặp lại, có khi uốn nắn lời mình kể hay sắp xếp lại theo ý mình. Nhưng chính vai trò và sức mạnh của những bản văn đó lại mời gọi chúng ta tin, vì sự xác tín mạnh mẽ của những người tin và vì tính khả tín của các sự việc và lời chứng.

Do đó, việc nghiên cứu có phê bình các sách Tin Mừng cho phép độc giả vượt quá cách đọc đơn giản và đưa họ tới thẳng mục đích của Tin Mừng là muốn cho tín hữu biết Đức Ki-tô là ai. Hơn nữa, khi đọc Tin Mừng như vừa nói, và nhất là khi so sánh các bản văn với nhau, độc giả có thể không ngờ rằng mình biết được nhiều như thế. Sở dĩ như vậy, vì khi cung cấp nhiều yếu tố, lại cho biết tác giả đã hiểu các dữ kiện của truyền thống như thế nào, mỗi sách Tin Mừng sẽ tạo cho độc giả cơ hội kiểm chứng và biết thêm nhiều về Đức Giê-su, đi từ quá khứ của Người cho đến niềm tin hiện nay của các tín hữu, từ xác tín của các Tông đồ về con người Giê-su. Và đó chính là nguôn gốc lòng tin của các tín hữu.

Dựa vào lòng tin này, người ta biết được con người thật của Đức Ki-tô, qua các lời nói và việc làm của Người như một con người lịch sử, đã sinh ra, lớn lên, công khai ra truyền dạo rồi chịu chết và sống lại hiển vinh.
 
Muốn nhận nhưng không mà chẳng chịu cho nhưng không
Lm Inhaxiô Trần Ngà
11:01 11/06/2008
Chúa Nhật 11 thường niên (Matthêu 9, 36-10,8)

Muốn nhận nhưng không mà chẳng chịu cho nhưng không

Theo truyền thống, hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập, thị trấn Bình Minh mở một ngày hội tưng bừng với các trò chơi dân gian rất lôi cuốn.

Năm nay, để thắt chặt tình hiệp thông giữa các cư dân trong thị trấn, ông thị trưởng tổ chức một bữa tiệc vui và kêu gọi mỗi người tham dự mang theo một chai rượu thật ngon, đem đổ chung vào một bồn chứa lớn để mọi người cùng thưởng thức với nhau.

Sáng kiến nầy được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Đến ngày hội, ai nấy đều mang chai rượu của mình theo, cùng rót hết vào bồn lớn nằm giữa toà thị sảnh. Ai cũng hy vọng kỳ nầy mình sẽ được thưởng thức hương vị tuyệt vời do nhiều thứ rượu ngon pha trộn với nhau.

Khi cuộc liên hoan bắt đầu, từng người lần lượt mở vòi lấy rượu từ bồn chứa vào ly riêng, nâng ly mừng ngày hội lớn; và rồi ai nấy đều nhăn mặt khó chịu khi vừa nếm ngụm rượu đầu tiên: nhạt thếch! Toàn là nước lã!

Hoá ra, ai nấy đều có chung ý tưởng lớn: có cả ngàn người đều mang rượu ngon đổ vào bồn, mình có mang theo chai nước lã đổ vào đó thì có sao đâu! Có Trời mới biết là mình mang nước thay vì rượu. Thế là vừa khỏi tốn tiền mua rượu mà lại được thưởng thức rượu ngon miễn phí do người khác góp vào.

Não trạng người đời là thế: muốn nhận nhưng không mà chẳng chịu cho nhưng không.

Người đời muốn được thụ hưởng miễn phí những thành quả, những cống hiến của xã hội mang lại cho mình, còn bản thân mình thì chẳng muốn cống hiến bất cứ điều gì miễn phí cho ai.

Trong lãnh vực truyền giáo cũng vậy, chúng ta muốn thụ hưởng nhưng không công lao và thành quả do các giáo sĩ Tây phương cống hiến cho dân tộc mình suốt nhiều thế kỷ qua, nhưng nếu được kêu gọi đem công lao, sức lực để truyền giáo cho các dân tộc ở những nơi khác thì dường như chúng ta không hề mong muốn.

Đó là biểu hiện của não trạng muốn nhận nhưng không mà chẳng chịu cho nhưng không.

Khi nhìn thấy đoàn lũ dân chúng đông đảo bao quanh mình như đoàn chiên vất vưởng không người chăn, Chúa Giê-su kêu mời các môn đệ cũng như chúng ta hãy cầu xin chủ mùa sai thợ đến làm việc trên cánh đồng của Chúa: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."

Đáp lời mời gọi của Chúa Giê-su, chúng ta đã nhiều phen cầu xin cho có thêm thợ làm việc trong cánh đồng truyền giáo, nhưng chúng ta ‘quảng đại’ cầu xin cho kẻ khác, chứ không phải cho chính mình, được ơn trọng ấy!

Thông thường, khi cầu xin cho được no đủ hay giàu sang, được sức khoẻ hay bình an… chúng ta luôn luôn cầu xin cho mình trước. Còn khi xin cho có nhiều người đến làm việc trong cánh đồng của Thiên Chúa thì chúng ta lại xin cho những những khác, chứ không xin cho mình.

Tương tự như thế, khi có giặc xâm chiếm, tàn phá quê hương, chúng ta cầu xin cho những người khác trở thành những chiến sĩ dũng cảm xông ra chiến trường gìn giữ biên cương, còn ta thì ước gì Chúa đừng ban cho ơn ấy. Hoặc khi cần có đội quân tình nguyện lên đường cấp cứu những nạn nhân động đất, sóng thần, dịch bệnh ở những vùng xa xôi nào đó… thì chúng ta cũng cầu cho những người khác được ưu tiên chọn lựa lên đường thi hành sứ mạng, còn chúng ta thì xin Chúa khỏi nhọc công ban ơn đó.

Nếu ai cũng cầu nguyện như thế, và nếu Chúa cũng chấp thuận những lời cầu như thế tìm đâu ra người cứu nguy, cứu khổ cho bao người!

Đó là biểu hiện của não trạng muốn nhận nhưng không mà chẳng chịu cho nhưng không.

Vậy hôm nay, khi hưởng ứng lời mới gọi của Chúa Giê-su xin Chúa Cha ban cho nhiều người đến làm việc trong cánh đồng của Chúa, chúng ta hãy cầu xin cho mình xông pha đi trước.

Lạy Chúa, biết đến bao giờ con mới dám cầu xin cho con được ơn làm thợ gặt cho Chúa, trước khi xin ơn ấy cho những người chung quanh.

Biết đến bao giờ não trạng muốn nhận nhưng không mà chẳng chịu cho nhưng không mới được xoá bỏ khỏi đầu óc con.

Ngay trên quê hương Việt Nam chúng con, còn hơn bảy chục triệu người chưa biết Chúa; ngay sát nách nhà chúng con hay kề cận giáo xứ chúng con, có rất nhiều đứa con còn chưa biết mặt Cha mình. Đó là cánh đồng mênh mông đang trông chờ thợ gặt cách khẩn thiết. Xin cho con có can đảm cầu xin cho chính bản thân mình được sai đi vào cánh đồng của Chúa.
 
Nhân đại hội Thánh Thể Thế Giới lần 49: Thánh Thể và sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô
LM. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.
11:43 11/06/2008
Đại Hội Thánh Thể Thế giới lần thứ 49 từ ngày 15.6.2008 đến 22.6.2008 Québec, Canada

Đề tài học hỏi cho người Việt Nam: THÁNH THỂ VÀ SỰ HIỆN DIỆN THỰC SỰ CỦA CHÚA KITÔ



Khi nói đến Bí tích Thánh thể, điều không thể không đề cập đến chính là “sự hiện diện thực sự” của Chúa Kitô (the real presence of Christ). Theo lịch sử thần học bí tích, “sự hiện diện thực sự” của Chúa Kitô được dùng để chỉ về sự hiện diện Thánh Thể, lần đầu tiên có tính cách loại trừ các cách thế hiện diện khác, bắt đầu từ Scotus[1]. Và điều này thật là không may cho chúng ta!

Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrisanctum Concilium của công đồng Vaticanô II (Dec. 4, 1963) số # 7 nói: Chúa Kitô vẫn luôn luôn hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, nhất là trong những cử hành phụng vụ: trong Thánh Lễ đặc biệt là dưới hình bánh và rượu, trong Thừa tác viên, trong các bí tích, trong Lời Chúa công bố trong phụng vụ, và khi Giáo Hội cầu nguyện hay ca tụng (Matt 18:20).

A. HIỆN DIỆN THỰC SỰ DƯỚI NHIỀU CÁCH THỨC

Số 1373 trong Sách Giáo Lý GH Công Giáo khi giới thiệu về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, đã diễn tả như sau: “Chúa Giêsu Kitô, Đấng thực sự đã chết, đã sống lại từ cõi chết, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và thực sự đang bầu cử cho chúng ta, Người hiện diện trong Giáo hội dưới nhiều cách thức.” Sau đó, sách Giáo lý liệt kê những hình thức hiện diện “thực sự” của Ngài: trong Lời Chúa, trong cộng đoàn phụng tự (Matt 18:20), trong người nghèo, người bệnh, người tù tội (Mat 25:31-36), trong các bí tích, trong Thánh Lễ, trong thừa tác viên chủ sự, và cách đặc biệt trong Thánh Thể qua hình bánh và rượu.

Tông Huấn sau cùng của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Thánh thể có tựa đề Ecclesia de Eucharistia (April 17, 2003), Giáo Hội từ Thánh Thể. Ngài mở đầu Tông huấn như sau: Giáo Hội kín múc được sự sống của mình từ Thánh Thể; tiếp đó, đức cố Giáo Hoàng trích dẫn câu cuối cùng của tin mừng Matthêu 28:20, lời Chúa Giêsu hứa ở lại với Giáo Hội cho đến khi hoàn tất của thời gian, để nói lên sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Giáo Hội.[2]

Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể được gọi là “thực” - tuy không cho rằng những hình thức hiện diện khác là không “thực”, nhưng bởi vì đây là sự hiện diện mang ý nghĩa đầy đủ nhất: có nghĩa là, đây là một sự hiện diện nền tảng mà qua đó Đức Kitô, Đấng vừa là Chúa vừa là người phàm, làm cho chính mình hiện diện cách hoàn toàn và cách trọn vẹn (wholly and entirely).[3]

Như vậy, điều Chúa Giêsu hứa trước khi Ngài về trời là sẽ ở lại với chúng ta luôn mãi được thực hiện dưới nhiều hình thức, và Thánh Thể là một hình thức đặc biệt của sự hiện diện thực sự mà ngài đã hứa. Nói cách khác, Thánh Thể học nằm trong Giáo Hội học.

Vì thế, khi nói về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta không thể tách rời bí tích này ra khỏi Giáo Hội; bởi lẽ sự hiện diện trong Thánh Thể, tuy là một hình thức Chúa Giêsu hiện diện hết sức đặc biệt, nhưng là một trong những cách thức Ngài hiện diện thực sự trong Giáo Hội.[4] Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện thực sự trong Giáo Hội bằng nhiều cách, nhưng bốn cách thức sau đây có liên quan trực tiếp hơn với những gì chúng ta cử hành hằng ngày:

1. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong cộng đoàn phụng tự:

Giáo lý: “Vậy nơi đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh ta, ta sẽ ở giữa họ” (Matt 18:20).

Thực hành: Linh mục chủ sự phải có thái độ tôn kính sự hiện diện thực sự này của Chúa Kitô trong cộng đoàn đang qui tụ để dâng Thánh lễ - hay bất cứ một nghi lễ nào, một cử hành bí tích nào.

2. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Lời Chúa:

Giáo lý: Đức Giêsu là Ngôi Lời. Gioan 1:14: “Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta.”

Gioan 15:7: “Nếu anh em ở lại trong ta và Lời của ta ở lại trong anh em thì bất cứ điều gì anh em xin, anh em sẽ nhận được.” Gioan 17:17: “Lời Ngài là chân lý.” Thánh Jerome cho rằng: “Kẻ không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô!” Thánh Ambrose thì nói: “Tín hữu phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng chính Thịt của Ngài.”

Thực hành: Cách đọc Kinh Thánh có thể có hai: Giải thích và thích giải. Giải thích là giải sao cho người viết thích, tức là theo ý tác giả, theo ý Chúa, tức là để Lời Chúa thay đổi và thách đố mình. Thích giải là giải theo sở thích của mình, là sử dụng Lời Chúa theo nhu cầu của mình; tức là trở thành quan toà xét sử bản văn, đặt vào trong bản văn điều mà tác giả không muốn nhắm tới; như vậy, chính người đã thay đổi Lời Chúa (read into the text). Đương nhiên cách đúng đắn để đọc Lời Chúa là cách thứ nhất: Giải Tích; hãy có lòng yêu mến và tôn trọng Lời Chúa, để Lời Chúa soi sáng lối sống của mình, thách đố mình và thay đổi mình[5]

3. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Thừa tác viên:

Giáo lý: Vì là “Đức Kitô Khác”, nên khi cử hành bí tích, linh mục hành động in persona Christi. Như vậy, sự hiện diện của Chúa Kitô trong linh mục chủ sự là quá rõ ràng, và đôi khi điều này lại được nhấn mạnh quá mức đến độ xem thường sự hiện diện của Chúa Kitô trong những hình thức khác. Trong Thư gởi các linh mục Thứ Năm Tuần Thánh 2005, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II dựa vào lời truyền phép mà suy niệm về Thiên chức linh mục. Đối với ngài, linh mục là:

Một cuộc đời tràn ngập tri ân (a life of profound gratitude): Khi Chúa Giêsu Kitô bẻ bánh, Ngài “Tạ ơn”.

Một cuộc đời được trao đi (a life that is 'given'): “Nhận mà ăn, nhận mà uống”: sống thực và sống trọn lời này chính là trao ban cả con người linh mục.

Một cuộc đời được cứu để cứu đời (a life that is saved in order to save): “Này là mình ta thí ban cho anh em”, khi lập lại những lời này thay thế Chúa Kitô, linh mục trở thành những người tiên phong của mầu nhiệm cứu độ. Nếu linh mục không thực sự cảm thấy mình được cứu thì làm sao có thể trở thành người tiên phong có sức thuyết phục người khác?

Một cuộc đời ghi nhớ (a life that 'remembers'): “Hãy làm điều này để tưởng nhớ”. Cuộc đời người linh mục là lời nhắc nhở sự hy tế của Chúa Kitô. Hãy sống và hy sinh như Chúa.

Một cuộc đời được thánh hiến (a consecrated life): Mỗi khi cử hành và công bố “Mầu nhiệm đức tin” là mỗi lần linh mục bày tỏ sự lạ lùng luôn mới mẻ với phép lạ ngoại thường diễn ra trên bàn tay của mình. Sự biến đổi bản thể này thực sự là “một eminently sacred reality!”

Một cuộc đời tập trung vào Chúa Kitô (a life centred on Christ): Một Kitô thứ hai phải là một người lấy Chúa Kitô làm mẫu, làm trung tâm, là khuôn thước, làm chính mình.

Một cuộc đời Thánh Thể qua trường học của Mẹ Maria (a 'Eucharistic' life at the school of Mary). Một linh mục hội đủ những điều trên và sống đúng với những điều Đức Cố Giáo Hoàng nhắn nhủ thì chắc chắn phụng vụ linh mục ấy cử hành sẽ thực sự đúng là “Thần vụ”.

4. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình Bánh và Rượu sau lời truyền phép. Đây là điều chúng ta sẽ dừng lại lâu hơn vì là cốt lõi của bí tích đặc biệt này.

Cách thế hiện diện của Chúa Kitô trong hình bánh và rượu là duy nhất (unique). Sự hiện diện này nâng Bí Tích Thánh Thể lên trên tất cả các bí tích khác như là sự “hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và cùng đích mà mọi bí tích khác hướng đến” (ST III, 73, 3 c). Trong Thánh Thể, toàn vẹn Chúa Kitô được chứa đựng cách đúng nghĩa, cách thực sự, và cách căn bản (căn cơ và theo bản chất).[6]

B. HIỆN DIỆN TRONG THÁNH THỂ:

Đề cập đến việc trình bày tín điều cho thời nay, Edward Schillebeeckx, nói: “Đơn thuần lập lại một tín điều từng chữ cho người thời nay có lẽ sẽ áp đặt một gánh nặng không cần thiết và không lý giải được trên niềm tin Kitô giáo của chúng ta. Nếu cứ miễn cưỡng làm như thế, thì ý niệm “mầu nhiệm” sẽ bị người ta xem giống như deus ex machina.[7]

Vào thế kỷ 13, lối cắt nghĩa sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể theo kiểu “giác cảm” (sensualistic interpretation: khi rước lễ, tôi nhai chính thân thể của Chúa Giêsu) đã làm cho những thần học gia thời ấy lên tiếng phản đối, trong các thần học gia này, phải kể đến thánh Albertô, Bonaventure, và nhất là thánh Tôma Aquinô.

Tin Lành cho rằng sự hiện diện của Chúa Kitô trong cộng đoàn phụng tự là vượt lên trên bí tích họ cử hành và không có bí tích nào cao cả hơn bí tích nào, tất cả đều bằng nhau vì cùng thông chuyển ân sủng của Chúa. Vì sự hiện diện của Chúa trong cộng đoàn là thật nên với quyền năng của Ngài, ngài có thể transignify (biến đổi ý nghĩa) hay transfinalize (biến đổi mục đích) bánh và rượu thành chính Ngài; và sự biến đổi này chỉ tồn tại bao lâu cộng đoàn phụng tự còn quy tụ - nếu không lãnh chịu thì sự biến đổi cũng không còn.[8]

I. CÔNG ĐỒNG TRIĐENTINÔ VÀ TRANSUBSTANTIATIO:

Công đồng Triđentinô định tín ngày 11 tháng 10 năm 1551 như sau:[9]

“Ai chối rằng bí tích Thánh Thể cực thánh không đích xác, thực sự và chắc chắn (vere, realiter et substantialiter) chứa đựng mình, máu cùng với linh hồn và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô tức là toàn vẹn Chúa Kitô, mà cho rằng chúng (bánh và rượu) chỉ như dấu hiệu (sign) hoặc biểu tượng (figure), hoặc do hữu hiệu, thì kẻ đó sẽ bị vạ tuyệt thông.”[10]

“Ai cho rằng trong bí tích Thánh Thể cực thánh, bản thể bánh và rượu vẫn còn tồn tại cùng với mình và máu Chúa Giêsu Kitô và chối bỏ sự biến đổi kỳ diệu và đặc biệt của toàn bộ bản thể bánh thành mình thánh và toàn bộ bản thể rượu thành máu thánh, trong khi hình bánh và rượu vẫn còn nguyên, sự biến đổi và Giáo Hội Công Giáo gọi cách rất thích hợp (very suitably) là transubstantiatio, thì kẻ đó sẽ bị vạ tuyệt thông?[11]

Theo đó, có 3 mức độ khác nhau trong giáo huấn của Tridentinô:

1. Trọng tâm của định tín là: trong bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu hiện diện cách đặc biệt và khác với sự hiện diện trong các bí tích khác hay các cách hiện diện khác, sự hiện diện này sâu xa và thực sự đến độ Chúa Giêsu có thể nói: “Đây là Mình Ta, Đây là Máu Ta.” Sự hiện diện này là vere, realiter et substantialiter, chứ không phải chỉ như dấu chỉ hay do sự hữu hiệu; và cũng không phải chỉ hiện diện khi hiệp thông (chịu lễ: communion) mà còn là trước khi hiệp thông (sau truyền phép: after consecration) và sau khi hiệp thông (trong Nhà Tạm).

2. Có sự biến đổi đặc biệt từ bản thể bánh và rượu thành bản thể Mình và Máu Chúa.

3. Sự biến đổi này được gọi cách thích đáng là Transubstantiatio, Biến Đổi Bản Thể.

Những điều Giáo Hội Công Giáo hiểu và dạy về Thánh Thể có thể được tóm tắt trong 6 điều này:

1. Sự biến đổi bí tích của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô là hoàn toàn siêu nhiên và chỉ được thực hiện do quyền năng vô cùng của Chúa mà thôi (ST III, Q. 75, a 4)

2. Sự biến đổi này được hiểu bởi đức tin mà thôi (ST III, Q. 75, a 1)

3. Điều cảm nhận được lại dựa vào sự tồn tại của hình bánh và rượu (ST III, Q. 75, a 5)

4. Có hai cách lãnh nhận Thánh Thể: thiêng liêng (spiritually) cũng có nghĩa là hoàn hảo (perfectly) và cách bí tích (sacramentally) cũng có nghĩa là bất toàn (imperfectly), còn cách ngẫu nhiên (accidentally) có nghĩa là mặc dù Thánh Thể vẫn là Bí Tích, đối với người ăn cách accidentally, thực tại Thánh Thể được trừu lại (mất Chúa) [ST III, Q. 80, a 1: perfect là khi người lãnh nhận với mục đích để tham dự vào hiệu quả của bí tích].

5. Không phải ai cũng lãnh nhận Thánh Thể cách hoàn hảo

6. Có người lãnh nhận Thánh Thể cách thiêng liêng - không có mặt - và hoàn hảo (not physically eat it). Theo thế, hệ luận đương nhiên là:[12]

“Thân Thể Chúa Kitô” không hoàn toàn đồng nghĩa với cộng đoàn tín hữu đang tụ họp trong Thánh lễ bởi vì không phải tất cả đều lãnh nhận Thánh Thể cách hoàn hảo.

“Thân Thể Chúa Kitô” cũng không đồng nghĩa với một nhóm nhỏ hơn, những người được đặc ân lãnh nhận Thánh Thể cách hoàn hảo bởi lẽ có những người không có mặt nhưng lòng muốn của họ giúp họ lãnh nhận Thánh Thể cách thiêng liêng và hoàn hảo.[13]

Do đó, ý hướng của cộng đoàn phụng tự (trong thánh Lễ) không đủ để làm nền tảng cho sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Kitô; thế nên “Transignification” hoặc “transfinalization” không giải thích trọn vẹn sự hiện diện đặc biệt của Chúa Kitô trong Thánh Thể.

II. TRANSUBSTANTIATIO VÀ MỘT VÀI NỖ LỰC GIẢI TÍCH:

Công đồng Tridentinô đã dùng danh từ “Transubstantiatio” để chỉ về thực tại này, nhưng “transubstantiation” không phải là định nghĩa về Thánh Thể, càng không phải là thực tại Thánh Thể, mà nó chỉ là một danh xưng, một tên gọi “thích hợp nhất” (aptissime, most aptly) diễn tả sự biến đổi rất đặc biệt làm cho bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô sau lời truyền phép.[14]

1. Cách Giải Thích theo truyền thống Kinh viện:

Nếu Chúa Kitô thực sự hiện diện, khi chúng ta nhìn vào tấm bánh đã truyền phép, chúng ta thấy gì? Đây là câu hỏi được các thần học gia chú ý và tìm cách giải thích. Lối giải thích của Thánh Thomas đại diện cho truyền thống Kinh viện, chúng ta đã biết rồi (ST III, q. 73-83), xin đọc “Thánh Tôma Aquinô & Bí Tích Thánh Thể” của Anh Giuse Đinh Văn Nghị, O.P. trong báo Chân Lý, tập 12, số 2, năm 2005, trang 2-7.

2. Cách giải thích cận đại:[15]

Với con mắt trần (người không tin), mắt đức tin (tín hữu), mắt vinh quang (các thánh), họ thấy gì? Cần phân biệt giữa: sự vật, sự nhìn, sự thấy, sự hiểu và sự tin… Bản thể của sự vật là đối tượng của trí hiểu chứ không phải của giác quan. Vì thế, câu hỏi không phải là “Cái gì đây” nhưng “sự thật gì đây”, “chân lý gì đây”[16]. Vì Tridentinô không giải thích Transubstantiatio là gì nên định nghĩa của danh từ này có vẻ như được bỏ ngỏ. Lợi dụng sự bỏ ngỏ này, nhiều thần học gia Công Giáo hiện nay đã không dùng Siêu hình học của Aristốt hoặc thánh Thomas để giải thích, họ vẫn giữ lại từ ngữ Transubstantiatio, vẫn hoàn toàn theo giáo huấn của Tridentinô nhưng hiểu và giải thích sự biến đổi Thánh thể này hoàn toàn khác.

Phần lớn các thần học gia hiện đại giải thích theo triết lý hiện sinh và nhất là Hiện Tượng luận. Với họ, hiện diện là hiện diện cho người khác, cho một hiện diện khác (presence to, being for). Hiện hữu tức là có đó mà không nói lên tương quan của nó với những hữu thể khác. Một hòn đảo chưa được ai biết đến và cho đến tận thế cũng không được khám phá ra, nó có hiện hữu không? Thưa có. Nhưng nó không hiện diện vì nó không có một sự hiện diện khác với nó để đối chiếu, nó không được nhận diện.[17]

Bản chất của sự vật trong tận căn của nó (deepest level of being) là dấu hiệu và dấu chỉ cho những thực tại thiêng liêng và của Chúa. Tương quan cá vị và thiêng liêng thì thực hơn là những tương quan vật lý và chất thể. Tự bản chất của một hữu thể là mang một ý nghĩa nào đó cho người nào đó và ý nghĩa nguyên thủy của hữu thể nằm ở trong thực tại của chính hữu thể. Một chất liệu hóa học có thể là một thực phẩm, nhưng cũng có thể làm nguyên (nhiên) liệu. Tương quan thay đổi, bản chất của sự vật cũng thay đổi.[18]

Có những tương quan do con người xác định và điều này xẩy ra là do năng quyền họ có (được trao cho hay được công nhận). Một chiếc lá phong đỏ được thêu trên một nền vải trắng và đỏ, chỉ là một bức tranh thêu, nhưng nếu chính phủ Canada quyết định nâng nó lên thành biểu tượng của quốc gia, thành quốc kỳ, thì nó đã mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Cụ thể mà nói, không thấy có gì khác biệt hay thay đổi, nhưng bản chất của miếng vải thêu này đã hoàn toàn đổi, sự hiện hữu của nó mang một mối tương quan đặc biệt đối với người dân Canada. Trên thực tế, ý nghĩa mới của miếng vải có được do sự thay đổi này thực hơn và sâu xa hơn là sự thay đổi vật lý hay thể lý.

Chúng ta hãy tìm hiểu về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh thể, bắt đầu từ chất liệu trở đi:[19]

1. Lúa và nho được bàn tay con người trồng tỉa, chăm bón và sau đó phải qua những tiến trình tự nhiên và kỹ thuật mới trở nên bánh và rượu. Bánh và rượu là sản phẩm của công lao và kỹ năng của con người, và mục đích của chúng là để nuôi sống con người. Chính con người cho chúng mục đích này vì thực ra họ có thể chọn loại thực phẩm khác. Vậy bánh và rượu được con người dùng làm thực phẩm để duy trì mạng sống của họ.

2. Khi nuôi dưỡng đời sống thể lý của con người, bánh và rượu mang một ý nghĩa và biểu tượng cao hơn. Bánh trở thành biểu tượng cho sự sống (symbol of life), rượu trở thành biểu tượng cho niềm vui của cuộc sống (symbol of joy of life). Từ thực phẩm, chúng trở thành biểu tượng cho sự sống và niềm vui của cuộc sống.

3. Khi bánh và rượu được chia sẻ chung trong một nhóm người (gia đình, cộng đoàn), chúng trở nên sự biểu hiện của tình huynh đệ, sự thân mật giữa các cá vị, hay sự kết thúc đầy hoan lạc của một ưng thuận (contract, agreement), một dịp diễn tả AGAPÊ. Từ niềm vui riêng đến chung vui và biểu hiện tình huynh đệ.

4. Cũng là tác động ăn, nhưng nơi con vật thì khác mà nơi con người lại hoàn toàn khác mặc dù sự tiêu hoá sinh học có thể giống nhau. Như thế, bánh có thể trở nên khác mà không thay đổi về sinh-thể-lý (biologically or physically). Sự thay đổi diễn ra là do “inter-personal relationship”, mối tương quan cá vị giữa hai thực thể: thực phẩm và người hưởng thụ nó. Sự thay đổi về ý nghĩa của mối tương quan này là tận căn, là cốt lõi (radical) hơn cả sự thay đổi thể lý đơn thuần (purely physical). Sự thay đổi này có thể được gọi là substantial change, sự thay đổi bản thể. Do đó, câu hỏi: “Bánh sau truyền phép có phải là bánh thông thường không (ordinary bread)” là một câu hỏi vô nghĩa vì rõ ràng bánh bây giờ đã là “Thánh Thể” rồi. Thay đổi bản thể thì sâu xa và tận căn hơn là thay đổi thể chất.

5. Môi trường phát sinh “Thánh Thể”: 1Cor 11:23: “Tôi xin truyền lại cho anh em điều chính tôi đã nhận được từ Chúa, trong đêm bị trao nộp” Như thế, Thánh Thể và Thánh Giá có sự liên quan mật thiết; mầu nhiệm Thánh Thể không thể hiểu được bên ngoài mầu nhiệm Thập Giá. Biết trước sự khổ hình, sự chết và Phục Sinh đang chờ đón mình, Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Tại sao? Bởi vì Thánh Thể là quà tặng chính Chúa Kitô cho Giáo hội. Thánh Thể là Hy tế, là quà tặng của Chúa Kitô để Giáo Hội luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài.

6. Bữa tiệc: Khi bánh và rượu được dùng trong phụng vụ Thánh thể thì ý nghĩa của chúng đã đổi và chúng đã trở thành chất liệu cho một bữa tiệc. Chất liệu của bí tích Thánh Thể không phải chỉ là bánh và rượu, nhưng là bánh và rượu được dùng trong bữa tiệc thánh thể.[20] Bí tích không chỉ cần sự vật (chất liệu), nhưng còn cần mô thức (hành động, lời truyền…). Schillebeeckx cho rằng chất liệu của bí tích Thánh thể bao gồm: thực phẩm, bữa tiệc và cộng đoàn tín hữu tại bàn tiệc. Những yếu tố này là human matter của Thánh Thể. Bữa tiệc Đức Giêsu cử hành với các môn đệ là bữa tiệc Vượt Qua, là bữa tiệc tưởng nhớ biến cố quan trọng trong quá khứ. Bánh là biểu tượng của sự sống; khi Đức Giêsu nói: “Này là mình ta, hiến tặng vì anh em” thì lời này cũng đồng nghĩa với “Này là sự sống của ta hiến tặng cho anh em.” Do đó, chịu lễ là lãnh nhận chính sự sống của Chúa Kitô, và như thế là chính sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống của Chúa chính là ratio sacramenti (lý do hiện hữu) của bí tích Thánh Thể.

7. Thánh Thể là quà tặng: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình thầy, hiến tế vì anh em” (1Cor 11:24). Qùa tặng này không phải là tấm bánh mà là chính Chúa Giêsu Kitô. Quà tặng chính bản thân Chúa Kitô này không trực tiếp nhắm đến (hay trao vào) bánh và rượu, nhưng là nhắm đến các tín hữu (bánh và rượu là vật thể, không có khả năng để lãnh nhận sự hiện diện hữu vị). Do đó, sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể chính yếu dành cho (hướng đến) các tín hữu nhờ và trong tặng phẩm bánh và rượu (không phải bánh và rượu xuông, nhưng là bánh và rượu như là một tặng phẩm).

Qua và trong bánh + rượu, Chúa Kitô hiện diện cho Giáo Hội và Thánh Thể đem Giáo Hội đến hiện diện với Chúa Kitô, vì thế Thánh Thể được gọi là nguồn và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu. Vì qua hình bánh và rượu, Chúa Kitô trao tặng Giáo Hội quà tặng tuyệt vời đó là chính người tặng, là chính Ngài.[21]

Kết Luận:

Xin được dùng điều cha cựu Bề Trên Tổng Quyền Timothy Radcliffe viết về người giảng thuyết trong chia sẻ tại San Francisco ngày 15 tháng 04 năm 2000 để thay lời kết cho bài chia sẻ này[22]

“Để là người giảng thuyết, cần phải kết hợp hai đức tích có vẻ mâu thuẫn nhau: sự quả quyết và lòng khiêm nhường. Chúng ta cần sự quả quyết của thánh Phaolô, người đã viết: ‚Nếu miệng anh tuyên xưng rằng đức Giêsu là Chúa và nếu trong lòng anh tin rằng Thiên Chúa đã cho Người phục sinh từ trong kẻ chết, thì anh sẽ được cứu độ.? Khẳng định này thật minh bạch. Không có sự qủa quyết, chúng ta không thể rao giảng. Chúng ta phải dám can đảm công bố niềm tin của mình. Nhưng chúng ta cũng cần có lòng khiêm nhường của những người ý thức mình biết rất ít. Như thánh Tôma Aquinô từng nói, về Thiên Chúa chúng ta chẳng biết tí gì. Chúng ta là những kẻ ăn mày chân lý, hạnh phúc vì được một chút soi sáng từ những người chúng ta gặp trên đường. Theo giải thích của thánh Grêgôriô Nyssê, chúng ta đi từ sự khởi đầu đến sự khởi đầu, đến sự khởi đầu. Chúng ta phải học cho biết khiêm nhường trước lòng tin của kẻ khác. Có thể họ còn nhiều sai lầm, nhưng cũng có cái gì đó cho ta học hỏi. Thánh Tôma luôn là cảm hứng cho chúng ta, những anh em Đaminh, bởi vì thánh nhân đã thể hiện sự quân bình trọn hảo giữa sự quả quyết và lòng khiêm nhường. Người đã viết được bộ Tổng Luận Thần học và cũng chính người bảo rằng tất cả những gì người đã viết chỉ là rơm rác. Mầu nhiệm lật nhào mọi kiêu hãnh.

Thánh Thể là “Mầu Nhiệm Đức Tin,” mầu nhiệm này lật nhào mọi lý giải của con người. Bánh và rượu sau khi được truyền phép đã là Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiện diện thật sự và cao cả này của Chúa Kitô trong Giáo hội đòi hỏi sự đáp trả là chính sự hiện diện của chúng ta. Đây là một sự hiện diện hũu vị và sự hiện diện này đòi chúng ta nhận diện không những bằng cách “hãy đến mà xem” (Gioan 1:39), nhưng trên hết “Hãy đến mà thờ lạy” (Matt 2:2).

Giuse Trần Trung Liêm, O.P.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Thần học gia dòng Phanxicô sống 1265-1308. Xem E. Schillebeeckx, The Eucharist, trang 43.

[2] Judith Marie Kubicki, “Recognizing the Presence of Christ in the Liturgical Assembly”, Theological Studies 65 (Dec. 2004).

[3] ĐGH Phaolô VI, Mysterium Fidei, 03 tháng09, 1965, #39; Ecclesia de Eucharistia # 15 §1; Tridentinô.

[4] Đức Giêsu lịch sử là Emmanuel (Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta), Đức Giêsu Phục Sinh là Đức Chúa (Yaweh) “Ở-Cùng-Chúng-Ta” mọi ngày cho đến khi hoàn tất thời gian. [Chúa Giêsu Kitô Phục sinh được tuyên xưng là Thiên Chúa (Elohim) và Đức Chúa (Yaweh) như trong Gioan 20:28].

[5] Al Gore và George W. Bush tranh cử, Al Gore đến nói chuyện trước cử tọa Kitô hữu đã muốn chứng tỏ ông là người ngoan đạo khi trưng dẫn Kinh Thánh, ông nói đoạn KT ông yêu tích là Gioan 16:3 thay vì Gioan 3:16. Cô kia lấy chồng nhiều lần, lần này đặt bánh cưới và muốn dùng 1Gioan 4:18: “Trong tình yêu không có sợ hãi vì tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi” nhưng vì câu này quá dài, người làm bánh xin được chỉ viết số đoạn và câu mà thôi. Khi được phép, ông ta lại viết là Gioan 4:18 (“Bà đã có năm đời chồng, và người bà hiện có chẳng phải là chồng bà!”)

[6] Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo # 1374, giáo huấn của công đồng Tridentinô. Công đồng Tridentinô (1545 - 1563) được họp tại thành phố mang tên này từ tháng 9 năm 1547, đến 1549 vì ĐGH Phaolô III chết và do trận dịch, nên công đồng được dời đến Bologna; ĐGH Julius III [1550-1555] ra lệnh tái triệu tập công đồng và họp tại Tridentinô [phần về Thánh Thể được công bố năm 1551]; Marcellus II làm Giáo hoàng được đúng 22 ngày, Phaolô IV (1555-1559), rồi Pius IV (1559-1565) tiếp tục chủ trì công đồng. Mục đích chính của công đồng này là chống lại Luther và nhóm 'Thệ phản'; bản dự thảo năm 1547 lên án người hiểu Thánh thể như là dấu chỉ (sign or symbolic form như ông Zwingli, Oecolempadius, những người Sacramentarians), và người cho rằng cả hai bản thể đều còn nguyên mà chỉ có hypostatic union và buộc phải tin là có sự biến đổi về bản thể, đến bản bổ sung 1551 thì lên án thêm người cho sự hiện diện chỉ là dấu chỉ, tượng trưng (figure) hay 'by efficacity' (coi Schillebeeckx, The Eucharist, trang 30).

[7] Schillebeeckx, The Eucharist, trang 90.

[8] Có lần tôi được mời giảng trong một nghi lễ Chúa Nhật của người Tin Lành theo Luther, tôi thấy sau khi họ ăn bánh truyền phép không hết, họ cất trở lại trong bao bánh chưa được truyền phép, tôi củng đi dự nghi lễ của Evangelicals, họ để bánh và rượu (hoặc nước nho - grape juice) và cầu nguyện, ca hát, giảng xong họ lên ăn bánh và uống rượu mà chẳng có lời truyền phép chi cả. Laurence Hemming, “Transubstantiating Our Selves,” Heythrop Journal 44 (2003), trang 421.

[9] E. Schillebeeckx, The Eucharist, trang 37-38.

[10] “If anyone should deny that the most holy sacrament of the Eucharist truly, really and substantially contains the body and blood together with the soul and divinity of our Lord Jesus Christ and thus the whole Christ, but should say that they (body, blood, etc.) are only (present) as in a sign or figure or (only) by (their) efficacy, let him be excommunicated.”

[11] Should anyone maintain that, in the most holy sacrament of the Eucharist, the subatance of bread and wine remains (in existence) together with the body and blood of our Lord Jesus Christ and should deny this wonderful and unique changing of the whole substance of bread into the body and of the whole substance of wine into the blood, while the species of bread and wine nonetheless remain, which change the Catholic Church very suitably calls transubstantiation, let him be excommunicated.”

[12] Laurence Paul Hemming, “Transubstantiating Our Selves” trong Heythrop Journal 44 (2003), trang 425.

[13] Lumen gentium # 1 “Giáo hội, hiện diện trong Chúa Kitô như là một bí tích, tức là một dấu chỉ và dụng cụ, cho sự liên kết mật thiết của toàn thể và trọn vẹn nhân loại với Thiên Chúa.”

[14] Nên biết, công đồng không nói rằng đây là danh xưng duy nhất loại trừ mọi cách khác. Giáo Lý Công Giáo # 1375 “In hoc sacramento, Christus fit praesens per conversionem panis et vini in corpus et sanguinem Christi.”

[15] Thực ra, cách giải thích này không phải là điều gì mới lạ vì các thánh giáo phụ đã từng áp dụng nó. Xem bài của Anh Giuse Đinh văn Nghị, “Thánh Tôma Aquinô và Bí Tích Thánh Thể”, Chân Lý, Tập 12, số 2, 2005, trang 6.

[16] Các thần học gia về bí tích phân biệt: Res et sacramemtum: thực tại bí tích Thánh thể: sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh thể và Res scramenti: hiệu quả của bí tích: sự kết hợp của mọi tín hữu khi lãnh nhận Mình Thánh. ST III, Q. 73, a. 2, a. 3. Giữa hai thực tại này có một thực tại khác: res tantum - (do Charles Davis người Anh): object is not bread but Christ (Schillebeeckx, trg.115).

[17] Hiện diện là thiết lập một tương quan do đó không thể có một hiện diện tự nó. Hiện diện là mang một ý nghĩa nào đó đối với sự hiện diện của các hữu thể khác hay mang một nhiệm vụ nào đó, đóng một vai trò hỗ tương nào đó với những hữu thể chung quanh, hoặc đóng một vai trò nào đó do ngườI chủ của nó đặt cho.

[18] E. Schillebeeckx, The Eucharist, trang 112-113.

[19] E. Schillebeeckx, The Eucharist, trang 130-151.

[20] Một linh mục uống rượu ở ngoài quán và cố tình đọc lời truyền phép trên rượu, giám mục của địa phận phải ra mua hết rượu làm từ nho về.

[21] Xin coi biểu đồ Transubstantiation ở phần cuối để có cái nhìn tổng quát và đối chiếu giữa giải thích truyền thống mà tôi tạm gọi là “Giải thích tĩnh” và giải thích hiện đại mà tôi tạm gọi là “Giải thích động.” Nên nhớ, lối giải thích động hoàn toàn đồng ý với giáo huấn của Tridentinô và chỉ muốn giải thích danh từ Transubstantiation theo “sign” và “what it signifies”.

[22] “Consecrate Them In Truth, John 17:17? trong I Call You Friends, London: Continuum, 2001, trang 115. Xem “Xin Thánh Hóa Họ Trong Chân Lý” trong Để Niềm Vui Anh Em Nên Trọn, Học Viện Đaminh 2002, trang 86-87.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chắc chắn là Chúa Thánh Thần
Vũ Văn An
03:19 11/06/2008
Chắc chắn là Chúa Thánh Thần

Đức Hồng Y Franz Konig, nguyên Tổng Giám Mục Vienna, Áo, một trong những kiến trúc sư của Công đồng Vatican II có bài sau đây trên tập san Công Giáo của Anh, The Tablet, về Công Đồng này

Gioan XXIII là và tự gọi mình là một người chân chất, con cái nông dân, ấy thế nhưng lại là người đã ra hiệu lệnh cho công đồng. Ngài đã bật khởi điều được chứng nghiệm là giai đoạn quan yếu trong lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma. Chính ngài đã khởi động việc biến đổi Giáo hội từ một cơ cấu tĩnh tụ, độc đoán chỉ biết nói độc thoại qua một Giáo hội năng động, huynh đệ, cổ vũ đối thoại. Là con người của đối thoại, ngài đã tái nhấn mạnh tầm quan trọng của nó cả với thế giới lẫn ngay bên trong Hội Thánh.

Tháng Giêng 1959, lúc ngài còn đang suy tính có nên triệu tập công đồng hay không, xem ra có lúc ngài cũng âu lo về chính cái can đảm của mình. Ngay sau khi công bố là mình sẽ triệu tập một công đồng, ngài có tâm sự với tôi trong một buổi tiếp kiến riêng cách thế ý niệm triệu tập ấy đã xuất hiện như thế nào trong tuần bát nhật Cầu Nguyện Cho Việc Hiếp Nhất Kitô hữu trong tháng Giêng 1959: “Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: dám quỉ đang cám dỗ mình lắm. Một công đồng trong lúc này xem ra là một công việc quá lớn và phức tạp. Nhưng ý tưởng ấy cứ lởn vởn suốt tuần lễ khi tôi cầu nguyện. Càng ngày ý tưởng ấy càng trở nên thúc bách và rõ ràng hơn trong đầu óc tôi. Cuối cùng tôi nhủ mình,’không thể nào là ma quỉ được, mà chắc chắn là Chúa Thánh Thần đang linh hứng mình đây’”.

Ðó quả là cú sét đánh thình lình ngay đối với chúng tôi là những người vốn nghĩ rằng cải cách là điều tất yếu. Tôi nhớ lúc ấy tôi nghĩ rằng “một công đồng chung thì làm chi đây? Liệu chỉ bàn đến việc cải tổ nội bộ Giáo hội, hay còn vươn xa tới những vấn đề liên quan đến toàn thể nhân loại? Liệu các giám mục hoàn cầu có bao giờ đạt được nhất trí hay chăng?”

Bạn hãy nhớ Giáo hội như thế nào trước công đồng. Trong một cuộc viếng thăm Âu Châu trong thập niên 1930, lúc tôi còn là một cha phó, tôi rất thích thú trước những Giáo Hội Kitô giáo và những niềm tin khác nhau. Không như nước Áo, nơi hầu hết mọi người đều là Công giáo, ở đây ta gặp nào là Anh giáo, Baptist, Methodist, Cải Cách, Quakers. Tôi trú ngụ tại nhà một cha sở Công giáo miền Nam Nước Anh nơi tôi thấy gần đấy có một tu viện các nữ tu Anh giáo. Khi tôi ngỏ với chủ nhà tôi muốn đi thăm các nữ tu kia, thì phản ứng tức thời của ngài là: “Ðâu được, đâu được. Cha phải thận trọng một chút chứ. Làm gì có đối thoại trong thánh thiện”. Tôi buồn mà nghĩ “Thôi vậy. Nhưng tại sao?”. Phản ứng của vị linh mục quả là đặc trưng.

Sau này, trong các cuộc kinh lý với tư cách giám mục, tôi nhanh chóng ý thức được là nhiều người Công giáo thấy khó chấp nhận được việc người ta tố cáo các người không Công giáo và ước mong có sự thay đổi trong quan điểm của Giáo hội về đại kết. Nhiều người trong số họ kết hôn với người không Công giáo hay làm việc chung với họ trong những lãnh vực quan tâm chung. Dù lúc đó đã có phong trào đại kết khá mạnh bên ngoài Giáo Hội Công Giáo La-Mã, những người Công giáo chúng ta vẫn không được khích lệ tham gia và không được phép tham dự những buổi gặp gỡ hay thảo luận đại kết bàn về chủ đề này. Lúc ấy chúng ta ở trong pháo đài, mà các cửa sổ cũng như cửa ra vào đều đóng kín mít. Thế giớ ở ngoài kia, còn chúng ta ở trong này, trong khi giả thiết mình phải ra ngoài, đem sứ điệp Phúc âm đến với mọi dân tộc. Dù đôi lúc thất vọng lắc đầu, ta vẫn cứ chấp nhận hiện trạng với tất cả những thể lệ và qui định kia. Và tuyệt đối không biết làm cách nào để phá đổ các bức tường ngăn cách.

Karl Rahner
Sau khi công đồng được loan báo không lâu, tôi nghe mỗi giám mục tham dự được mang theo một thần học gia làm cố vấn. Tôi lập tức gọi Karl Rahner của Dòng Tên, người mà tôi rất quen biết, và yêu cầu ông tháp tùng tôi đi Rôma. Tôi biết rõ Rahner rất xác tín rằng sứ mệnh ta là phải đi vào trần gian để loan báo sứ điệp Phúc âm, chứ không khóa chặt đức tin bên trong khung cửa đóng kín. Ấy thế mà Rahner lại không chịu, ông ấy bảo tôi, “Ðức hồng y nghĩ gì kỳ vậy, Rôma vốn có ác cảm nhiều đối với con và các trước tác của con kia mà. Ðức hồng y cứ tưởng tượng mà coi họ sẽ nói gì khi con xuất hiện như một thần học gia của công đồng!”. Và thế là ông ta từ chối quách. Tôi xin ông ta nghĩ lại và cho ông hay tôi sẽ điện thoại lại sau. Khi tôi điện lại, Rahner cho hay: “Thôi được, vì danh Chúa, nhưng đức hồng y phải chịu trách nhiệm đấy nhé! Ai mà biết chuyện gì sẽ xẩy ra khi Ottaviani thấy bản mặt con!”

Chính tôi cũng cần phải hiểu rõ về đức hồng y Ottaviani, vị đứng đầu Thánh Bộ Tín Lý mà hồi ấy còn gọi là "Holy Office" từ hồi đức Piô XII. Tôi nhớ có lần vô tình gặp ngài lúc đức Piô XII cho phép cử hành thánh lễ ban chiều. Ngài đến với tôi và nói: “Ðức cha nói gì bây giờ? Người ta có thể cử hành thánh lễ ban chiều. Há người ta lại không cười rộ khi đức cha loan báo thánh lễ ban chiều hay sao?” Phải một thời gian tôi mới hiểu đức hồng y muốn nói gì, nhưng đó là lối phản ứng tiêu biểu của Ottaviani. Sự việc phải có một trật tự cố định mà ta không bao giờ nên thay đổi – "Semper idem" (luôn luôn một thứ) dù sao vốn là khẩu hiệu của ngài. Ngài cho rằng thay đổi là điều không những không thể quan niệm được, mà còn tức cười nữa.

Bởi thế kể cũng đáng quan ngại trước phản ứng của Ottaviani về việc tôi đem Rahner theo. Chính vì thế, sau đó, khi đến thăm Rôma, tôi thông báo cách riêng với ngài. Ngài vừa lắc đầu vừa lẩm bẩm “Rahner ấy hả, làm sao ổn được?” Ngài đâu có phản đối, chỉ lo ngại thôi. Sau khi công đồng khai mạc không lâu, tôi thấy đức hồng y Ottaviani và Rahner đi dạo nhiều vòng với nhau tại đền thờ thánh Phêrô, nói chuyện với nhau một cách hết sức chăm chú. Ottaviani chống thay đổi, nhưng ngài mềm dẻo hơn cánh tay mặt của ngài rất nhiều, đó là cha Tromp cũng Dòng Tên, người hoàn toàn xác tín rằng ý niệm Giáo hội như Nhiệm thể đức Kitô là tột điểm của thần học mà sau đó, không còn gì có thể là mới mẻ hết.

Rahner giúp tôi duyệt qua nhiều dự thảo và đề nghị được gửi cho tôi trong giai đoạn chuẩn bị công đồng và thường hay phê phán rất mạnh. Có lần ông bảo tôi: “Các tác giả bản văn này hiển nhiên không bao giờ cảm nghiệm được nỗi đau khổ của một nhà vô thần hay một người không Kitô giáo đang bị dằn vặt vì muốn tin mà lại nghĩ mình không tin đuợc”. Lần khác, Rahner nhận xét: “Những dự thảo này là những luận án công phu của các giáo sĩ vốn đang lẫn lộn giữa sự tự tin với sự vững mạnh của đức tin. Họ đơn thuần không cập nhật hóa hoàn cảnh hiện nay”. Dĩ nhiên, cũng có những bản văn được Rahner chấp nhận.

ĐHY Franz Konig
Tôi được yêu cầu tham gia Ủy Ban Chuẩn Bị, gồm phần lớn thành viên giám mục, có nhiệm vụ chuẩn bị các đề tài thảo luận tại công đồng. Tôi nhanh chóng để ý thấy một số khá lớn các giám mục của Rôma, với quan điểm rất cổ truyền, cương quyết ngăn chặn bất cứ bước tiến nào. Các vị ấy không hề quan tâm chi đến "aggiornamento" của đức Gioan XXIII, vì họ coi đó như nguy cơ cho đức tin. Sau khi thấy mọi cố gắng nhằm ngăn không cho đức giáo hoàng triệu tập công đồng đã vô hiệu, khuynh hướng của Ủy Ban Chuẩn bị là mạnh mẽ dẹp bỏ công đồng. Nhưng đó không phải là điều tôi và các hồng y Frings (Cologne), Dopfner (Munich), Alfrink (Utrecht) và Suenens (Mechelen-Brussels) mong muốn.

Tôi không bao giờ quên được ngày khai mạc công đồng. Là tổng giám mục tương đối trẻ của Vienna, tôi diễn hành cùng với hai ngàn rưỡi các giám mục khác dọc theo Scala Regia hướng về phía cổng đền thờ thánh Phêrô. Ðức giáo hoàng được kiệu vào vương cung thánh đường, nhưng sau đó ngài bước xuống khỏi ngai khiêng và cùng cuốc bộ giữa hai hàng giám mục. Ngài không đội mũ ba tầng (tiara) của giáo hoàng, mà chỉ đội chiếc mũ tế (mitre) tầm thường. Và rồi bài diễn văn dẫn đường của ngài trong đó ngài khuyên các giám mục đừng lắng nghe “những nhà tiên báo điềm dữ”, nhưng hãy đối phó với những vấn đề thời đại một cách hân hoan, không sợ sệt. Tôi lướt mắt nhìn quanh và thấy mọi căng thẳng và hoài nghi đã nhường buớc cho ngạc nhiên vui mừng.

Ðối với tâm trí tôi, Vatican II đã khởi động 4 thúc đẩy có tính tiên phong, đầy sáng tạo và lâu dài. Trước nhất, công đồng xác định tính chất phổ quát của Giáo hội. Trong các phiên họp của công đồng, và nhất là trong các buổi thảo luận giữa các phiên họp, ta có thể thấy các giám mục đủ mọi mầu da và quốc tịch hăng say tranh luận bằng rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Số lượng lớn lao các quốc tịch và văn hoá khác nhau ấy đã thay đổi ý thức ta. Giáo hội quả đã cởi bỏ sắc phục Âu Châu, mà rất nhiều người trong chúng ta vốn quen thuộc với, và không ít người còn đồng hóa cả với chính Giáo hội nữa, và đã ý thức được rằng mình đúng là một Giáo hội hoàn cầu. Ðó chính là lý do tại sao tiếng Latinh đã không còn là ngôn ngữ phổ quát của phụng vụ nữa, mà ngôn ngữ địa phương đã được đưa vào.

Tiến bộ thứ hai là việc công đồng ủng hộ phong trào đại kết. Ðức Gioan XXIII đã sống nhiều năm tại Thổ Nhĩ Kỳ và Bun Ga Ri và đã có những tiếp xúc tốt với các Giáo hội Chính thống và Cựu Phương Ðông. Quyết định đầu tiên trong việc mời các quan sát viên không Công giáo đến dự công đồng là của chính ngài. Sau Phục sinh 1960 không lâu, ngài đưa ra một bước có tính biểu thị và rất ý nghĩa. Ðó là việc thành lập Văn Phòng Hiệp Nhất Kitô Giáo, một cơ quan tuy nhỏ nhưng có thẩm quyền cao, để xử lý các vấn đề đại kết, và cử nhiệm Hồng Y Bea, một học giả Kinh thánh thời danh, lúc đó đang là viện trưởng Viện Kinh Thánh tại Rôma, làm chủ tịch.

Vai trò của Hồng y Bea tại công đồng không thể nào đánh giá cao cho đủ. Ngài và Văn Phòng của ngài đảm nhiệm việc mời và chăm sóc các quan sát viên là những vị không hề thụ động chút nào, như danh xưng gợi ý, trái lại đã đóng một vai trò ngày càng có ảnh hưởng hơn. Phần lớn các vị này là các Kitô hữu không Công giáo. Họ có những tiếp xúc thẳng với các hồng y là những người ngồi đối diện ngay với họ trong đền thờ thánh Phêrô, và mặc dù không được lên tiếng trong các phiên họp chính thức, họ vẫn tích cực tham dự nhiều buổi thảo luận cũng như hội nghị nhóm thường xẩy ra trong những lúc nghỉ uống cà phê hay sau những buổi tranh luận chính thức. Khởi đầu, chỉ có vào khoảng 40 quan sát viên, nhưng vào cuối công đồng, con số ấy lên tới 100. Sự hiện diện của họ lập tức tạo nên một ảnh hưởng tích cực trên bầu khí đại kết và vai trò của họ cứ thế lên cao cùng với đà tiến triển của công đồng. Họ trở nên quen biết nhiều nghị phụ, nhiều tài liệu của công đồng được chuyền qua tay họ và ý kiến của họ được tìm kiếm và trân trọng. Họ cũng có khả năng điều chỉnh nhiều hiểu lầm và đóng góp nhiều khía cạnh mới mẻ, và ý kiến của họ đã đi vào khá nhiều sắc lệnh của công đồng.

Ðó quả là đại kết bằng hành động, và đó là thành tích đầu hết và trên hết của Hồng y Bea. Tôi có dịp thảo luận với một số quan sát viên và chúng tôi thường thấy mình nhất trí với nhau về những vấn đề căn bản của đức tin, mặc dù cách lên công thức cũng như cách phát biểu lúc đó có khác nhau. Ngay sau Kỳ họp đầu tiên năm 1963, Lucas Vischer, một thành viên thuộc giáo hội Luthêrô của Hội Ðồng Các Giáo Hội Thế Giới, người mà tôi thường đàm đạo, đã so sánh điều đang xẩy ra tại công đồng như một cuộc “vỡ đê”. Oscar Cullman, giáo sư Thệ phản về Tân Ước tại Basle và Paris, người mà tôi rất biết, cũng đồng ý như thế. Sau khi công đồng kết thúc, ông nói: “Các mong đợi của chúng tôi, ngoại trừ rất ít trường hợp mà những trường hợp này thực ra cũng không có gì là thất vọng, đã được thỏa đáng, đôi khi còn quá cả mong ước nữa”.

Dĩ nhiên, những vị bảo thủ vẫn có chống đối. Họ đặc biệt lo ngại vì họ nghĩ đại kết đe dọa quyền tối thượng của đức giáo hoàng. Các vị bảo thủ này không phải là một nhóm cố định. Con số của họ trồi xụt tùy theo vấn đề đang bàn cãi.

Tiến bộ thứ ba là việc công đồng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tông đồ giáo dân. Trước Công đồng Vatican II, Giáo hội thường được quan niệm như một hệ thống với hai giai cấp: giáo phẩm là một và phía kia là giáo dân. Quan điểm này phần nào tương đồng với cấu trúc xã hội lúc ấy, một cấu trúc được dị biệt hóa một cách sắc nét giữa người cai trị và kẻ bị trị. Nhưng điều ấy đâu phải là cái nhìn của Phúc Âm. Vatican II công bố rõ ràng rằng Giáo hội là một hiệp thông. Mọi người đã chịu phép rửa đều là Dân Lữ Hành của Chúa và đều chia sẻ trách nhiệm đối với Giáo hội.

Thứ tư, tôi xin nói đến "Nostra Aetate", một tuyên ngôn ngắn nhất trong các tuyên ngôn của công đồng nhưng dưới mắt tôi, lại là một trong những tuyên ngôn quan trọng nhất, nếu không muốn nói là quan trọng hơn hết. Tuyên ngôn về liên hệ giữa Giáo hội và các tôn giáo không phải là Kitô giáo này khẳng định rằng Giáo hội “không loại bỏ bất cứ điều gì đúng và thánh thiện “ trong các tôn giáo khác và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại. Ba trang cuối cùng của "Nostra Aetate" là ba trang gây nhiều tranh luận hơn hết vì chúng liên quan đến tương quan giữa Giáo hội và Do Thái Giáo.

Tuyên ngôn ngắn nhất này có được là nhờ ba vị mà không có lòng quyết tâm, tận tụy và kiên nhẫn của các ngài thì không bao giờ có thể thành hình được. Ðó là chính đức Gioan XXIII, hồng y Bea và cha Johannes Osterreicher, một linh mục người Áo và là người từ Do thái giáo trở lại, từng trốn khỏi Áo trước Thế chiến II và di cư qua Mỹ. Ðức Gioan XXIII cương quyết chấm dứt các lời cáo buộc cho rằng Giáo hội chống Do-thái. Ngài từng đã làm rất nhiều để cứu giúp người Do-thái khi còn là sứ thần Tòa thánh tại Istanbul trong thập niên 1940. Sau khi được bầu không lâu, ngài yêu cầu hồng y Bea nghiên cứu xem có cách chi lồng vấn đề Do-thái vào công đồng hay không. Tôi được mời tham gia nhóm nhỏ này rất sớm, và nhờ thế cảm nghiệm được cách gần gũi nhiều khủng hoảng và nhiều bước thăng trầm của tuyên ngôn. Việc nó được thông qua quả gần như một phép lạ.

Những tin phao đồn về một tuyên ngôn đối với vấn đề Do-thái đang được đưa vào nghị trình bắt đầu được loan truyền ngay khi công đồng mới khai mạc. Chỉ nguyên sự kiện một vấn đề như thế được đưa ra thảo luận cũng đã lập tức gặp sức chống đối dữ dằn từ thế giới Ả-rập, từ các Giáo hội Ðông phương và từ một nhóm bảo thủ tuy rất nhỏ nhưng rất to tiếng các nghị phụ bao quanh tổng giám mục Lefèbre. Tôi hết sức thán phục đức Gioan XXIII, hồng y Bea và cha Osterreicher đã kiên trì dù gặp những chống đối, những mưu mô dữ dằn như thế và cả những hành tỏi trắng trợn nữa.

Cho đến tận ngày kết thúc công đồng, phong trào chống đối kia đã huy động giới truyền thông và khuyến khích nhiều cuộc phản kháng ngoại giao từ các quốc gia Ả-rập. Tôi nhận được hàng đống thư từ trong đó nhiều bức tác giả là Kitô hữu ở Trung Ðông, nài nỉ tôi ngăn cản đừng để một tuyên ngôn về vấn đề Do-thái ra đời. Một số các tiểu ấn phẩm lưu hành lúc đó có tính cách ác ý và mạ lỵ rõ rệt. Khi nhóm nhỏ nghị phụ vốn chống đối một tuyên ngôn như thế thấy rằng họ không thể ngăn chặn được nó, bèn cố gắng làm cho tuyên ngôn mất giá trị bằng cách liên tiếp ta thán về nó khiến dự thảo phải sửa đi sửa lại ít nhất cũng ba, bốn lần. Tuy nhiên, sau cùng, ngày 28 tháng 10 năm 1965, "Nostra Aetate" cũng được thông qua: với 2,221 phiếu ủng hộ, 88 phiếu chống và ba phiếu trắng. Phải mất bốn năm mới đạt được thỏa thuận cho mấy trăm chữ! Ðối với Karl Rahner, “cách dùng ngôn từ và sức năng động bên trong” của "Nostra Aetate" quả “độc đáo”.

Các thế hệ tương lai chắc chắn sẽ đánh giá đúng đắn hơn vai trò của đức Phaolô VI tại công đồng và việc lượng giá công trình của ngài chắc chắn sẽ càng ngày càng lớn mạnh. Ðối với tôi, ngài là vị tuẫn tử của Vatican II. Dù không triệu tập công đồng hay khởi đầu diễn trình canh tân, đức Phaolô VI đã tiếp tục công đồng cho đến lúc hoàn tất. Ðiều ấy không dễ, nhất là đối với một con người vốn không có cái duyên dáng chỉ cần một nụ cười cũng đủ khích lệ được lòng người như đức Gioan XXIII. Nhưng đức Phaolô VI có sự trì chí, kiên nhẫn và sức mạnh ý chí của một chiến sĩ quyết tiến. Ngài cũng có cái mạnh dạn phát sinh từ đức khiêm nhường sâu sắc để lùi bước và làm mình ra nhỏ mọn khi giáp mặt với nhiệm vụ to lớn. Công trình vĩ đại trong việc canh tân Giáo hội, đối với ta có lúc chập choạng, ngập ngừng, trở ngại và cản ngăn, có lẽ đã xụp đổ từ trong trứng nước nếu không có sự trì chí của ngài. Công đồng diễn tiến, dù với những bước nhỏ mọn, chập chững, và đôi khi như dừng hẳn lại, nhưng chưa bao giờ thay đổi hướng đi và không hề bao giờ mất đích. Ðức Phaolô VI đã tiếp lấy công trình vị tiền nhiệm bật khởi và diễn dịch nó thành hành động.

Tôi sẽ không bao giờ quên được nghi lễ đại kết long trọng diễn ra tại nhà thờ thánh Phêrô ngày 7 tháng 12 năm 1965 đánh dấu ngày kết thúc công đồng. Tôi là thành viên của một nhóm nhỏ nghị phụ có mặt trên bàn thờ cùng với đức Phaolô VI. Sau khi yêu cầu vị đại diện của tòa thượng phụ Constantinople đến đứng bên cạnh mình, ngài tuyên bố rằng Sắc chỉ Giáo hoàng năm 1054 từng gây ra cuộc Ly giáo Vĩ Ðại giữa Giáo hội bên Tây và bên Ðông nay được hủy bỏ. Tôi như còn văng vẳng bên tai tiếng vỗ tay bột phát như sấm nổ để chào đón lời công bố ấy. Ðối với tôi, việc làm nổi bật này cho ta thấy các thúc đẩy do công đồng đưa ra quả đã bắt đầu có hiệu quả. Diễn trình chủ yếu trong việc tiếp nhận, một diễn trình hết sức quan yếu đối với bất cứ công đồng nào của Giáo hội và là một diễn trình cần đến nhiều thế hệ, thực sự đã bắt đầu từ hôm đó. Và nó còn tiếp diễn ngày nay.
 
Lửa Thiêng Thế Vận 2008 - Thánh Giá Giới Trẻ Thế Giới 2008
Lm Francis Lý Văn Ca
06:47 11/06/2008
Lửa Thiêng Thế Vận 2008 - Thánh Giá Giới Trẻ Thế Giới 2008

Như chúng ta biết, trước khi khai mạc Thế Vận Hội, người ta cho lực sĩ sang Hy Lạp, lấy lửa thiêng từ Olympia, rồi tiếp sức nhau đem về quốc gia sẽ tổ chức Thế Vận Hội. Họ chạy mãi, chạy hoài từ thành phố nầy sang thành phố khác, từ nước nầy sang nước kia, chuyền tay nhau cho đến khi đến Trung Tâm Vận Hội Trường. Ngọn Lửa Thiêng sẽ rực cháy tại đó cho đến lúc bế mạc cuộc tranh tài. Năm nay, cuộc tranh tài sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Hoa vào ngày 8 tháng 8 năm nay.

Chương trình rước Lửa Thế Vận đã bắt đầu vào những ngày đầu tháng 4 năm 2008 vừa qua từ điểm khởi hành tại sân vận động Panathinaiko, nơi thi đấu đã được xây dựng cho Thế Vận Hội vào năm 1896. Ngày 30 tháng 4 Ngọn Đuốc Thế Vận đã tới Hồng Kông và từ đó, Ngọn Đuốc Thế Vận đã tới Macau trước khi được rước tới Sanya trên đảo Hải Nam thuộc miền Nam Trung Quốc... Ngọn Lửa Thế Vận Olympia đã về đến Bắc Kinh vào đầu tháng 6 năm 2008 sau khi đã xuyên qua trên 100 thành phố. Bắc Kinh đã phải vượt qua một chặng đường kỷ lục khá dài và gặp rất nhiều khó khăn … Thật vậy, Lửa Thế Vận gặp gió bão lớn của các làn sóng chống đối tổ chức Thế Vận Hội tại Bắc Kinh của những nhóm Phò Tây Tạng - ủng hộ sự tự trị của Tây Tạng - kèm theo những tổ chức của người Tây Tạng ở Hải Ngoại biểu tình chống đối với nhiều hình thức khác nhau. Chủ đích của họ không phải là chống đối “Ngọn Lửa Thế Vận Hội Olympic 2008”, nhưng là chống lại chính quyền Bắc Kinh đã và đang đàn áp, giết người Tây Tạng trên quê hương của họ. Thế giới Media - truyền thanh, truyền hình, điện toán - đã bị cuốn hút vào trong cơn gió bão này để chạy tin tức nóng hổi từng giờ từng phút.

Cách nay 24 năm, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nẩy sinh sáng kiến Thánh Giá và Ảnh Đức Maria Bồng Chúa Hài Đồng và từ đó Cây Thánh Giá của Đại Hội Giới Trẻ và Ảnh Mẹ Maria Bồng Chúa Hài Đồng đã được ‘Chu Du - Hành Hương – Lữ Hành’ đến nhiều quốc gia và đại lục trong suốt 24 năm qua… hai ‘Báu Vật’ nầy đã được biết bao nhiêu người chạm đến cách cung kính. Trên bất cứ đất nước nào hay nơi nào Thánh Giá và Ảnh Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng đến thì nơi đó có đông đảo người đến cung nghinh chiêm ngắm mà không bị một sức cản ngăn nào. Nơi nào Thánh Giá và Ảnh Mẹ đi qua đều mang đến sự tôn kính của Dân Thánh Trên Đường Lữ Hành mà không sợ một ai phá phách gây xáo trộn cần phải có ‘An Ninh Bảo Vệ hay Cảnh Sát Canh Chừng’ như người lực sĩ được chọn cầm Đuốc Thiêng Lửa Thế Vận chạy…. nhưng chung quanh có cảnh sát, an ninh và hàng rào cản… Có những lúc - những nơi vì lý do an ninh - người lực sĩ phải cầm ngọn đuốc Thế Vận lên xe chở đi cho an toàn. Ngoài ra, trong lúc rước lửa thiêng đó còn có những ngọn đèn trong lồng kính được mang theo để phòng khi có những kẻ phá hoại từ đám đông nhảy ra thổi tắt hay cướp lấy đuốc thiêng Thế Vận…

Lm Đồng văn Vinh, 2 nữ tu Dòng Đa Minh, Lm Francis Lý văn Ca
Trong buổi tối thứ 2 ngày 9 tháng 6, Thánh Giá và Ảnh Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng đã đến Giáo Xứ Lockridge… Tôi đã đến đây… Trong dịp nầy, tôi có cơ hội gặp 3 Nữ Tu Đa Minh, Lima và 1 Nữ Tu Đa Minh, Lạng Sơn vừa đến Úc trong tuần vừa qua. Nếu tính theo ngày tháng nầy thì còn đúng 1 tháng nữa phái đoàn của giáo xứ chúng tôi sẽ lên đường đi tham dự ĐHGT ở Sydney, chúng tôi cùng đồng hành với hằng triệu người Hành Hương Tham Dự ĐHGT 2008 nầy. Chúng tôi sẽ nhìn thấy lại 2 Báu Vật mà tôi đang chiêm ngắm buổi tối hôm nay tại nhà thờ của Linh mục Joseph Đồng văn Vinh đang coi sóc. Nhưng khác một điều là đêm nay tôi sẽ có dịp quỳ dưới chân cây gỗ giá; tay tôi, môi tôi được hôn kính Thánh Giá Giới Trẻ và chạm đến Ảnh Mẹ Bồng Con kèm theo những lời cầu xin tự đáy lòng.

Tại ĐHGT 2008 ở thành phố Sydney, 2 Báu Vật sẽ được đặt để đâu đó cho Hành Hương Viên cung kính, nhưng khác một điều là tay tôi sẽ khó có dịp chạm đến hai Báu Vật nầy không phải chỉ riêng tôi mà còn hằng vạn hằng nghìn người nữa. Kinh nghiệm nầy tôi đã có được từ những lần tham dự ĐHGT ở đó đây trên thế giới trong quá khứ. Vì tôi không phải là người ‘Được Chọn’ để vác Cây Thánh Giá và được diễm phúc cung nghinh Ảnh Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng. Đêm nay tôi đã ‘Tự Chọn’ để đến với Thánh Giá Giới Trẻ và Ảnh Mẹ vì tôi biết chắc chắn một điều tôi không có cơ hội được chạm đến 2 Báu Vật nầy trong những ngày của ĐHGT tại Sydney. Ngày mai đây 2 Báu vật nầy sẽ rời Perth để tiếp tục cuộc ‘Hành Trình của Mẹ và Con’ đến Giáo Phận Geraldton… rồi Giáo Phận Broome trước khi đến Sydney…. Mẹ và Con vẫn còn Hành Hương mãi để tiếp tục gặp Con Cái của Mẹ và Con và còn gặp nhiều người con khác nữa chưa thuộc về Giáo Hội Hữu Hình mà Con Mẹ đã thiết lập trên trần gian.

Vì thế, khi ngồi nhìn dòng người đứng xếp hàng trong kiên nhẫn lần lượt chờ đến phiên của mình được chạm đến 2 Báu Vật tôi triền miên suy nghĩ nhiều về sáng kiến của ĐGH Gioan Phaolô II… Ngài đã tạo cho chúng ta có cơ hội đến với Thánh Giá Chúa Giêsu và với Mẹ Thánh của Ngài, Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã giáng sinh làm người và suốt thời thơ ấu Ngài đã sống dưới sự bảo bọc và dưỡng nuôi của Thánh Giuse và Mẹ Thánh Ngài và trong 3 năm rao giảng Mẹ cùng đồng hành với Ngài.

Ngày nay Mẹ vẫn còn đồng hành với Con Mẹ trong Giáo Hội. Qua biểu tượng Thánh Giá và Ảnh Mẹ Bồng Con đến từng địa phương là tạo điều kiện cho chính chúng ta gặp Ngài và Mẹ Thánh. Trong 24 năm vừa qua đã có biết bao nhiêu người đã gặp Ngài và người Mẹ yêu dấu nầy? Nhiều ơn lành đã được nhận lãnh… Mẹ và Con đã vượt biết bao dậm đường dài…. có lúc Mẹ và Con được đi bằng máy bay, có lúc bằng tàu thủy, có lúc bằng xe, nhưng cũng có lúc Mẹ và Con đuợc con cái cung nghinh trên mọi nẻo đường vui sướng hay thăng trầm trong nắng chói chan và trong mưa gió lạnh lùng; điển hình là 2 tuần Mẹ và Con đến Thủ Phủ Perth, miền Tây nước Úc. Con cái phải thay đổi lộ trình đưa Mẹ và Con đi tránh mưa, qua những chương trình hay lộ trình cập nhật hóa tại chỗ vì lý do thời tiết. Nhiều người có lẽ lần đầu và sẽ là duy nhất được diễm phúc chạm đến 2 Báu Vật nầy, cho nên nhiều người đã quỳ thật lâu truớc Thánh Giá và Ảnh Mẹ đôi lúc với dòng lệ tuôn trào trên khoé mắt.

Sứ điệp của Chúa và Mẹ vẫn vang dội qua muôn thời đại, Tin Mừng của Chúa phải được rao truyền cho muôn thế hệ. Dịp Thánh Giá và Ảnh Mẹ đến từng lục địa là dịp để Đoàn Lữ Hành cùng hâm nóng lại cuộc lữ hành của mình qua việc ăn năn sám hối và cùng hành hương trong đoạn đường nầy. Vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội là Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđictô 16 cũng phải lên đường để gặp gỡ Dân Thánh Trên Đường Lữ Hành về Quê Trời, để cùng với thế giới qua những chuyến Tông Du Mục Vụ, tại mỗi Giáo Hội Địa Phương, Ngài khơi nóng lại ‘Lửa Thiêng Tin Mừng’ trong thời đại và đặc biệt làm sao ‘Phúc Âm Hóa Giới Trẻ’ trong môi trường mới của thế giới hôm nay. Chúa và Mẹ Maria vẫn tiếp tục cuộc hành trình của các Ngài và cùng với sự tiếp tay của Giáo Hội Hữu Hình để làm cho ‘Lửa Thiêng Phúc Âm’ cháy mạnh thêm cho đến ngày Đức Kitô Quang Lâm.

Đức Kitô trước khi về trời đã truyền Ngọn Lửa Thiêng Tin Mừng cho Phêrô, Giacôbê, Gioan và các môn đệ khi Ngài nói: “Các con hãy tiếp sức nhau, rảo khắp thế gian, loan Tin Mừng cho mọi dân nước...” Ngọn Lửa Thiêng Tin Mừng hôm nay đến tay chúng ta, những kẻ đang sống vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi mốt và dường như Chúa Giêsu cũng phán bảo với chúng ta những lời tương tự như sau: “Các con hãy tiếp sức nhau, đi loan báo Tin Mừng và thâu nạp muôn dân trên khắp muôn dân muôn nước”.

Qua chứng nhân của nhiều người, đặc biệt là Giới Trẻ đã cho thấy tầm mức thay đổi hay biến đổi của cá nhân người trẻ đã không ít sau những dịp ĐHGT thế giới hay theo từng địa phương. Nhiều bạn trẻ đổi hướng cho cuộc sống để theo đuổi ơn gọi sống đời hiến dâng, những bạn khác đã tìm được ý nghĩa cho cuộc sống hoặc sống gắn bó hơn với Giáo Hội qua những sinh hoạt trong Giáo Xứ, Hội Đoàn. Nói chung là qua những dịp ĐHGT Thánh Giá và Ảnh Mẹ không những đã thu hút nhiều giới trẻ trên thế giới mà còn biến đổi cuộc sống của họ và những ai tham dự những cuộc hành hương nầy.

Sáng ngày thứ Ba, 10 tháng 6 tôi lại ‘Tự Chọn’ đến Giáo Xứ Lockridge để cùng đồng tế trong thánh lễ đưa tiễn Mẹ và Con lên đường đi gặp Con Cái trên vùng sa mạc Geraldton và Broome được Đức Cha Phụ Tá Tổng Giáo Phận Don Sproxton cử hành với 2 Linh mục Việt Nam và 2 Linh mục Úc đồng tế. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí êm đềm của một buổi sáng sau một đêm dài canh thức với mưa dầm suốt đêm đã nhường lại cho bầu trời sáng nay với những tia nắng ấm trở lại trước khi tiễn Mẹ và Con tiếp tục cuộc lữ hành...

Sau Thánh Lễ, tôi lại được dịp đến ôm lấy Thánh Giá và chạm đến Ảnh Mẹ Bồng Con lần cuối với những tâm tình thốt lên tự đáy lòng kèm theo với những lời mộc mạc đơn sơ mà tôi có thể dùng để thay lời kết đã đến trong tâm tư như của một hành hương viên trong muôn ngàn người khi tôi có dịp chạm đến Thánh Giá Giới Trẻ và Ảnh Mẹ trong 2 ngày nầy:

“Trong suốt 24 năm nay nơi nào có Thánh Giá của Con Mẹ đến thì Mẹ luôn bên cạnh Con, con đã có vài lần nhìn thấy Thánh Giá của Con Mẹ và Ảnh Mẹ bên cạnh Thánh Giá, có lúc gần nhưng cũng có lúc thật xa. Nhưng chưa lần nào con được chạm đến Thánh Giá và Ảnh Mẹ, cho dù con có muốn cũng không được, nhưng đây là lần thứ 2 trong 24 giờ Mẹ và Con dừng chân tại Giáo Xứ Lockridge nầy. Con cũng có thể thầm nghĩ như bao người đã tâm sự lần chạm đến cây Thánh Giá và Ảnh Mẹ nầy đây là ‘Lần Đầu’ và cũng có thể là ‘Duy Nhất’ trong đời của họ và của đời con.

Xin cho những ai đã chạm đến cây Thánh Giá và Ảnh Mẹ và cho cả con nữa được trở nên giống một người trong những người đã gặp gỡ Chúa và Mẹ trên bước đường thương khó được ơn 'Biến Đổi Trong Cuộc Gặp Gỡ Lịch Sử Nầy'. Xin cũng cho con khi có cơ hội chạm đến Thánh Giá và Ảnh Mẹ trong hành trình của chính con trên đoạn đường lữ hành sẽ được Con Mẹ ôm vào lòng bên cạnh người Mẹ mà con hằng yêu mến khi con đã kết thúc cuộc đời lữ thứ về Quê Trời Vĩnh Cửu” Amen.
 
Anh Giáo và Công Giáo Sri Lanka kêu gọi chấm dứt tàn sát thường dân
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:02 11/06/2008
Colombo (AsiaNews) – “Bị sốc” bởi những con số thương cong do những cuộc tấn công vô nghĩa ở Dehiwala, Moratuwa và Polgolla, các giám mục Anh Giáo và Công Giáo Sri Lanka đã ký vào bản tuyên bố chung kêu gọi chính phủ tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến.

Tuyên bố chung cho hay: “Giết hại bất kỳ người nào là điều không thể chấp nhận được nhưng giết hại người dân vô tội thì thật là tồi tệ. Chúng tôi cực lực lên án những hành động bạo lực và khủng bố trái đạo đức này”. Các giám mục cũng kêu gọi các phiến quân Hổ Tamil ngừng sử dụng bạo lực.

Họ kêu gọi cả hai phía ngồi vào bàn đàm phán để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng đã trở thành tai họa cho đất nước này trong thời gian dài. “Thật là cấp bách để Tổng thống và chính quyền đạt được sự hợp tác của tất cả các nhà lãnh đạo chính trị để tiến đến nhất trí liên quan đến một giải pháp chính trị vì các biện pháp hòa bình là đường hướng duy nhất đạt đến hòa bình lâu dài”.

Trông một thông cáo báo chí đặt biệt khác, Giám Mục Anh giáo của Colombo, Đức Cha Duleep de Chickera đã thúc giục “các bên hãy giữ bình tĩnh” vì các mối quan hệ sắc tộc chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát làm trầm trọng thêm bởi những gian khổ cam go về kinh tế mà người dân phải đối mặt. Với tình hình hiện nay, ngài thúc giục chính phủ và các phiến quân “tỏ ra sáng suốt và trưởng thành về chính trị hơn nữa để đưa đất nước ra khỏi bờ vực” và “cộng tác với nhau … hướng đến hòa bình”.
 
Vatican sẽ trưng bày tác phẩm nghệ thuật tôn giáo mới tại cuộc Triển lãm Venice
Phụng Nghi
10:02 11/06/2008
Vatican (CBS) – Toà thánh Vatican năm ngoái đã mở một chiến dịch sưu tập các nghệ phẩm tôn giáo hiện đại, nay tuyên bố sẽ gửi một số tác phẩm đó tới cuộc triển lãm tổ chức hai năm một lần tại thành phố Venice (Ý). Đây là lần đầu tiên Tòa thánh tham dự cuộc triển lãm này.

Mùa hè năm ngoái, Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá tuyên bố sẽ đặt làm các công trình nghệ thuật mới về tâm linh và tôn giáo.

Theo tin của nhật báo Independent, nay Hội đồng nói một số công trình đó sẽ được trưng bày tại Venice Biennale – một cuộc triển lãm nghệ thuật đặc sắc kéo dài từ mùa xuân đến mùa thu ở Venice tổ chức hai năm một lần.

Các viên bảo tàng tại Vatican lưu giữ một bộ sưu tập gồm rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và điêu khắc, hàng năm lôi cuốn hơn 4 triệu khách thưởng ngoạn.

Bộ sưu tập của Tòa thánh khởi đầu năm 1506. Năm đó Vatican mua Laocoon, một tác phẩm điêu khắc bằng cẩm thạch mô tả người Trojan thời cổ đại.
Tác phẩm điêu khắc Laocoon tại Bảo tàng viện Vatican


Năm 1973, một bộ sưu tập nghệ thuật tôn giáo hiện đại được thêm vào, trong số đó có tác phẩm của các nghệ sĩ tân tiến như Giorgio de Chirico và Henri Matisse.

Đức ông Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá nói với báo Independent: “Chúng tôi cố gắng mở cuộc đối thoại giữa giáo hội và nghệ thuật hiện đại – đặc biệt là các nghệ sĩ cao cấp nhất.

“Các công trình nghệ thuật ngày nay không cùng một cấp độ như những công trình xây dựng.”

Tham gia cuộc triển lãm này đánh dấu một bước ngoặt đối với Toà thánh vì trước đây Vatican đã từng bác bỏ cuộc trưng bày này, coi như là sự “suy yếu của nghệ thuật trong thời đại mới.”

Cuộc triển lãm, nay đã sang năm thứ 65, vinh danh nghệ thuật, phim ảnh, vũ điệu, kiến trúc, kịch nghệ và âm nhạc tiền phong.
 
Sẽ có thêm nhiều trẻ thơ nữa bị sát hại khi Obama trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ
Anthony Lê
10:23 11/06/2008
Sẽ có thêm nhiều trẻ thơ nữa bị sát hại khi Obama trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ

Ông Obama hứa sẽ dẹp bỏ kỳ mọi cản trở nào để việc phá thai được dễ dàng hơn và đây sẽ là ưu tiên hàng đầu của Ông nếu như Ông thắng được Tòa Bạch Ốc

Tranh Biếm Họa về Obama của Eric Allie từ Politicalcartoons.com
WASHINGTON, D.C. (LifeSiteNews.com) - Barack Obama, người sẽ được Đảng Dân Chủ đề cử tranh chức Tổng Thống, đã hoạch định ra những kế hoạch nhằm tưởng thưởng cho những người bạn đồng minh nào đã giúp Ông lật đổ được Hilary Clinton bằng cách dẹp trừ tất cả mọi cản trở nào có liên quan đến việc phá thai tại Hoa Kỳ này, và Ông sẽ ưu tiên thực hiện ngay việc này trong ngày đầu tiên Ông trở thành Tổng Thống.

Trái ngược với vị Tổng Thống đương nhiệm, vốn dẹp bỏ ngay việc lấy tiền thuế của người dân Hoa Kỳ để tài trợ cho các tổ chức phá thai trên khắp thế giới, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Ông ta trong chức vụ Tổng Thống.

Lần này, Obama sẽ lật ngược thế cờ đó và kết quả sẽ là không tưởng.

Với những lời hứa "thay đổi" hão huyền và sáo rỗng của một người thiếu kinh nghiệm và có một quá khứ tuổi thơ đầy tội lỗi, Ông Obama đang ru ngũ đám đông quần chúng, và sẽ tưởng thưởng cho lối sóng phóng đãng và băng hoại nhất về mặt đạo đức cho đám thanh niên nam và nữ Hoa Kỳ, để hể mang thai, thì cứ việc phá mà không còn phải sợ hãi điều gì cả.

Nhóm Công Dân Hành Động (CitizenLink) của Tổ Chức Chú Trọng vào Gia Đình (Focus on the Family) đã quyết định nhắc nhở những người ủng hộ của Tổ Chức này rằng gần như 1 năm đã trôi qua kể từ khi Obama đưa ra lời hứa với Quỹ Hành Động của Tổ Chức Phá Thai rằng: việc phá thai sẽ là ưu tiên hàng đầu trong thể chế của Ông.

Trong bài diễn văn đọc vào Tháng 7/2007 để đáp trả lại sự quan ngại và lo lắng đến cực độ bởi những người ủng hộ việc phá thai tự do trước việc ngày càng có sự gia tăng thêm về những đạo luật phò sự sống ở cấp độ tiểu bang, thì Obama đã đáp trả lại rằng:

"Điều đầu tiên mà tôi sẽ hành động trong tư cách là Tổng Thống Hoa Kỳ chính là ký vào Đạo Luật Được Tự Do Lựa Chọn (Freedom of Choice Act hay FOCA)"

Đạo Luật này là do chính Obama cùng bảo trợ với 18 vị Thượng Nghị Sĩ khác nhằm cấm cản các tiểu bang ban hành ra các điều luật có liên quan đến việc bảo vệ sự sống, hay việc phá thai bán phần.

Ngôn ngữ của FOCA viết rằng: "Chính sách của đất nước Hoa Kỳ chính là mỗi người phụ nữ có được quyền nền tảng của mình để chọn việc mang thai con cái, việc tự mình chấm dứt đi bào thai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào nếu muốn, nhất là trong việc bảo vệ sự sống và sức khỏe của riêng người phụ nữ."

Bên cạnh đó FOCA cũng sẽ dẹp bỏ đi bất kỳ tổ chức, cá nhân hay các cơ quan chính phủ nào ở mọi cấp can dự vào việc vi phạm về đạo luật này, hòng từ đó cố tình đưa ra những đạo luật có liên quan đến việc bảo vệ sự sống

Obama đã dành được sự ủng hộ quan trọng nhất từ bà Frances Kissling - kẻ khét tiếng ủng hộ cho việc phá thai tại Hoa Kỳ và trên khắp cả thế giới này - kẻ đã phá bỏ những rào cản truyền thống đến từ những nhà lãnh đạo nữ giới cấp tiến và cực đoan nhất - để công khai lên tiếng ủng hộ cho Obama thay vì cho Clinton - cũng là một người phụ nữ như bà ta, vì Kissling lập luận rằng: "Chỉ có Obama mới có thể chấm dứt được cuộc chiến về mặt văn hóa có liên quan đến việc phá thai mà thôi!"

Frances Kissling
Cũng nên nhớ rằng, chính bà này vào mấy tháng trước đã phải lên tiếng nhìn nhận sự thật rằng: "Phong trào phò sinh hiện đang nổi lên rất mạnh tại Hoa Kỳ, khiến cho Tổ Chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình và việc phá thai phải lao đao, và tìm mọi cách chống đỡ rất tuyệt vọng."

Do đó, lần này, Kissling phải quyết mang Obama vào trong trò chơi giết người này của bà ta.

Cũng thật là mâu thuẫn và sáo rỗng đối với Obama - một người có mối quan hệ rất thân với Ông Mục Sư và cộng đoàn người Mỹ da đen - vốn rất cực đoan và chống đối lại những người Mỹ gốc da trắng, rằng khi Ông cứ dùng luận điệu "chống chiến tranh tại Irắc và Afganistan," trong khi đó lại mạnh mẽ và điên loạn ủng hộ cho việc giết hại các trẻ thơ.

Thử hỏi: hằng tháng tại Hoa Kỳ, có bao nhiêu trẻ thơ đã bị giết hại khi chưa được lọt lòng mẹ? Và những hệ quả này nơi những người phụ nữ và nơi xã hội lẫn nơi gia đình của họ sẽ là tàn khốc và kinh khủng đến như thế nào?

Trong khi đó, kể từ khi nổ ra cuộc chiến chống lại bọn khủng bố cực đoan Hồi Giáo toàn cầu, có bao nhiêu quân nhân Mỹ bị thiệt mạng? Và sự hy sinh của họ có phải là gánh nặng cho xã hội Mỹ này không? Sự hy sinh của họ - phải chăng làm cho nước Mỹ và mọi người dân Mỹ này, bớt sống được bình an và thanh thản từng ngày từng giờ???? Phải chăng đối với những người dân yếu thế, cô đơn và yêu chuộng hòa bình như những người dân tại Irắc, Afganistan, và trên khắp cả thế giới, sự hiện diện và hy sinh của các binh sĩ Hoa Kỳ mang lại sự bất ổn, và tàn khốc cho họ chăng????

Thế mới nực cười khi thấy bọn Hồi Giáo cực đoan toàn cầu và những kẻ ủng hộ việc tàn sát nhân loại qua sự phá thai hiện, đã và đang rất mong Ông đen Obama - một kẻ nhu nhược, thiếu kinh nghiệm và sợ hãi chiến tranh - được trở thành Tổng Thống của Hoa Kỳ, khi đó không biết rồi nước Mỹ sẽ đi về đâu? Đúng là Ngày Tận Thế sắp đến... .

Các nguồn tin khác để tham khảo thêm:

(1) Bài diễn văn của Barack Obama đọc vào ngày 17 tháng 7 năm 2007 trước Tổ Chức Kế Hoạch Gia Đình (Planned Parenthood) tại: http://lauraetch.googlepages.com/barackobamabeforeplannedparenthoodaction

(2) Xem qua Video bài diễn văn của Obama tại địa chỉ: http://www.imoneinamillion.com/

(3) Phiên bản của Đạo Luật FOCA nơi Thượng Viện do Obama chủ soái đưa ra cùng 18 vị TNS khác tại: http://thomas.loc.gov/cgi-bin/query/D?c110:3:./temp/~c110cfitn0::

(4) Phiên bản của Đạo Luật FOCA tại Hạ Viện tại địa chỉ: http://thomas.loc.gov/cgi-bin/query/D?c110:4:./temp/~c110cfitn0::

Các nguồn tham khảo Quan Trọng khác từ LifeSiteNews.com:

Barack Obama Wrests Pro-Abortion Pro-Gay Standard of Democratic Party from Hillary Clinton

http://www.lifesitenews.com/ldn/2008/jun/08060409.html

Editorial: The Hope of a Sophist: The Rhetoric of Barack Obama

http://www.lifesitenews.com/ldn/2008/mar/08030507.html

Obama: "Biggest Mistake" Was Vote to Help Terri Schiavo

http://www.lifesitenews.com/ldn/2008/feb/08022805.html

Obama says Sermon on the Mount Supports Same-Sex Unions

http://www.lifesitenews.com/ldn/2008/mar/08030412.html

"Philosopher of Abortion Movement" Says Obama A Better Choice than Hillary

http://www.lifesitenews.com/ldn/2008/feb/08021910.html

Catholic Priest Has Only Glowing Praise for Pro-Abortion, Pro-Homosexual Marriage Candidate Barack Obama

http://www.lifesitenews.com/ldn/2007/jan/07011804.html

Obama on the March to Claim Victory Over Hillary

http://www.lifesitenews.com/ldn/2008/may/08052010.html

Archbishop Chaput to Obama Catholics: If You're Serious Catholics, You'll Be Serious About Making Your Candidate Pro-Life, Not Editing My Words

http://www.lifesitenews.com/ldn/2008/may/08052107.html

Obama Supports Sex-Education in Kindergarten, Romney Strikes Back

http://www.lifesitenews.com/ldn/2007/jul/07072005.html
 
ĐTC tiếp kiến phái đoàn chức sắc Hồi Giáo tại Tòa Thánh
Đức Long
12:23 11/06/2008
VATICAN- Hôm nay thứ Tư, này 11-06-08, ĐGH Beneđictô XVI tiếp kiến phái đoàn chức sắc Hồi Giáo đến Tòa Thánh tham dự cuộc họp về chủ đề hoà bình và công lý, các tham dự viên vào cuộc họp này thông báo.

Phái đoàn Hồi Giáo trình bày về cuộc hội nghị Hồi Giáo Quốc tế diễn ra đầu tháng sáu vừa rồi tại Mecque,Thánh địa người Hồi Giáo, và phái đoàn tỏ ý đẩy mạnh đối thoại liên tôn, Mustapha Cheri, một trong các tham dự viên, thuộc đại học Algeri, cho biết.

Tờ báo, Quan sát viên của Tòa Thánh cho biết: ĐHY Jean-Louis Tauran, đặc trách cho Giáo Hội công giáo đối thoại với Hồi Giáo, cùng tham dự vào cuộc họp này với ĐTC.

Cuộc họp này diễn ra cho tới thứ sáu tại Tòa Thánh với chủ đề « Người Kitô giáo và Hồi Giáo là chứng nhân của Thiên Chúa về công lý, hòa bình và lòng yêu thương cho một thế giới đang đau thương vì bạo lực ».

Cuộc họp có lẽ là sự chuẩn bị cho « một cuộc hội thảo giữa Công giáo và Hồi giáo » dự trừ diễn ra từ ngày 04 đến 06 tháng 11 tại Roma. Cuộc họp lần này cùng được quyết định bởi Toà Thánh và 138 học giả Hồi giáo trong cuộc gặp hôm 05 tháng 03 vừa qua. Còn trong tháng 10 năm 2007, các vị chức sắc Hồi giáo trên toàn thế giới đã gửi cho các đại diện Kitô giáo một thông điệp hoà bình.

Cuộc hội nghi tại Thánh địa Hồi giáo ( Mecque) đã quyết đinh thành lập một trung tâm đặc trách tăng tiến đối thoại liên tôn, theo đề xướng của vua Abdallah, Arập.
 
Tìm thấy ''nhà thờ đầu tiên trên thế giới'' tại Rehab ở nước Giordan?
LM Trần Công Nghị
14:40 11/06/2008
AMMAN - Trên tờ The Jordan Times vào ngày hom qua 10.6.2008 đã đưa bản tin nói rằng các nhà khảo cổ ỡ nước Giordan đã khai quật được di tích mà họ cho là "nhà thờ đầu tiên của thế giới" có vết tích và lai lịch từ 2,000 năm trước.

Những bình gốm được khai quật tại di tích giáo đường Kitô giáo
Ông Abdul Qader al-Husan là trưởng Trung tâm khảo cổ Giordan, Trung tâm "Rihab Centre for Archaeological Studies" tuyên bố rằng: "Chúng tôi đã khai quật được di tích mà chú`ng tôi tin là ngôi giáo đường đầu tiên trên thế giới, được xây từ năm 33 tới khoảng năm 70 sau Công nguyên".

Ông Husan cũng cho biết thêm là di tích nhà thờ này nằm ngay dưới Thánh đường Thánh Saint Georgeous, mà chính nhà thờ này có vết tích được xây vào năm 230 AD tại Rihab thuộc vùng Bắc Giordan gần biên giới nước Syria. Nhà thờ Saint Georgeous ở Rihab, quận Mafraq, nước Jordan, xa 70 km về phía Đông của thủ đô Amman, là một trong những thánh đường cổ nhất trên thế giới.



Nhà khảo cổ Husan còn nhấn mânh là: "Chúng tôi có để tin là ngôi nhà thờ này dung nạp những tín hữu Kitô giáo thời kỳ nguyên sơ -- họ thuộc nhóm 70 môn đệ của Chúa Giêsu Kitô".

Những Kitô hữu này, được những hình ảnh trên một bức tranh đá mosaic có viết "70 người được Thiên Chúa và Đấng Thần Linh mến yêu. Ông Husan cho rằng: "Họ là những đệ tử của Chúa Giêsu vì cuộc bách hại đạo tại Jerusalem nên đã chạy trốn sang Giordan và thành lập các giáo đường tại vùng Bắc nước Giordan".

Ông Husan cũng trích dẫn các nguồn tài liệu lịch sử kể rằng họ đã từng sinh sống và thực hành các nghi lễ tôn giáo trong ngôi tháng đường hầm trú nơi đây và chỉ rời khỏi nơi chốn này sau khi đạo Kitô giáo được các Vua chúa La Mã tin nhận đạo Thiên Chúa giáo trong đế quốc Roma.

Gián mục phụ tá thuộc Tổng giáo phận Chính thống giáo Hy lạp là Đức Archimandrite Nektarious cho rằng cuộc khám phá này "là một bước ghi dấu vết quan trọng cho người Kitô giáo khắp năm châu bốn bể".



Các nhà khảo cổ tìm thấy các bình sành bình gốm có niên hiệu từ thập kỷ 30 cho tới thế kỷ thứ 7, điều này chứng tỏ cho biết các tín hữu Kitô giáo đầu tiên và những người theo họ đã sống trong vùng này cho tới cuối triều đại cai quản của người La mã.

Trong một hang động dưới gầm nhà thờ, người ta tìn thấy có dăm sáu chiếc ghế đá và khải cổ tin rằng những ghế này dành cho giáo sĩ và cũng tìn thấy trong khung hình hội họp có hình vòng tròn có lẽ dành cho tín hữu tụ họp cầu kinh.

Lại cũng tìm thấy một đường hầm sâu và các nhà khảo cổ tin rằng đó là đường dẫn tới nguồn nước.



Tuy dù có những khẳng định xác quyết từ phía các nhà khảo cổ nước Giordan, thế nhưng phản ứng đầu tiên của các chuyên gia và khảo cổ trên thế giới còn rất dè dặt và nói nên ý tứ tìm hiểu sâu thêm hơn về những lời tuyên bố nêu trên.

Địa điểm Rihab là trung tân tôn giáo, nơi đó qui tụ chừng 30 ngôi giáo đường. Truyền thống cho rằng Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đã từng rảo chân đi qua vùng này, theo lời ông Husan kể.
 
Thánh Colombano viện phụ, một trong những người Cha của Âu châu Kitô
Linh Tiến Khải
20:22 11/06/2008
VATICAN - "Thánh viện phụ Colombano là người mời gọi tín hữu kitô hoán cải và không dính bén tới của cải vật chất để hưởng cuộc sống vĩnh cửu mai sau”. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một vị thánh giáo phụ khác của Âu châu: đó là thánh Colombano, một đan sĩ, thừa sai và tác giả đã làm việc tại nhiều nước Tây Âu và cổ võ sự hiệp nhất văn hóa của Âu châu. Đề cập tới tiểu sử của thánh nhân Đức Thánh Cha nói:

Colombano sinh vào khoảng năm 543 tại tỉnh Leinster, trong miền đông nam Ailen. Được giáo dục bởi nhiều vị thầy tuyệt hảo, người học các nghệ thuật tự do rồi được hướng dẫn bởi viện phụ Sinell của cộng đoàn Cluain-Inis ở miền bắc Ai len, và đào sâu việc nghiên cứu Kinh Thánh. Khoảng năm 20 tuổi người gia nhập đan viện Bangor tại miền đông bắc Ailen, sống đời cầu nguyện, khổ chế và nghiên cứu, ý hiệp tâm đầu với viện phụ Comgall, một người nổi tiếng nhân đức và khổ hạnh. Chính tại đây thầy được thụ phong linh mục. Cuộc sống và gương mẫu của viện phụ ảnh hưởng rất nhiều trên ý niệm về viện tu mà thánh Colombano sẽ để cho chín mùi và truyền bá suốt cuộc đời mình.

Năm 50 tuổi, cùng với 12 đan sĩ khác, Colombano bắt đầu lý tưởng theo gương Chúa Kitô hành hương truyền giáo Âu châu. Vào thời đó các làn sóng di cư của các dân tộc miền bắc và miền đông đã khiến cho nhiều vùng được kitô hóa rơi trở lại vào ảnh hưởng ngoại giáo. Các đan sĩ truyền giáo đến vùng Bretagne và được các vua của người Franchi tiếp đón và tặng cho pháo đài Roma cổ đổ nát Annegray. Chẳng bao lâu sau pháo đài được tái thiết, các đan sĩ cũng bắt đầu khai quang và trồng tiả đất đai. Cuộc sống cầu nguyện, lao tác và khổ hạnh của các vị lôi cuốn nhiều tín hữu hành hương và kẻ tội lỗi hoán cải. Và có nhiều người trẻ xin gia nhập đan viện, đến độ phải thành lập một đan viện thứ hai tại thành phố cổ đổ nát là Luxeuil. Đan viện này sẽ trở thành trung tâm tỏa rạng lối sống viện tu và truyền giáo Ailen trên Âu châu. Sau đó có thêm đan viện Fontaine cách đó một giờ đi bộ.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: thánh Colombano đã sống tại Luxeuil khoảng 20 năm, và đã viết Luật cho các đan sĩ ”Regula monachorum”, trong một thời gian đã phố biến tại Âu châu hơn luật của thánh Biển Đức, liên quan tới gương mặt lý tưởng của đan sĩ. Ngài còn viết thêm ”Regula coenobialis” là một bộ luật phạt các đan sĩ lỗi luật. Sau đó người viết thêm một tác phẩm nổi tiếng khác là ”De poenitentiarum misura taxanda”, du nhập việc xưng tội riêng và hình phạt đền tội tương xứng với sự nghiêm trọng của tội do linh mục giải tội đề ra cho hối nhân. Các điều mới mẻ này khiến cho các Giám Muc địa phương nghi ngờ và trở thành thù nghịch thánh Colombano, vì người có can đảm công khai trách cứ cung cách sống của một vài vị. Sự đụng độ xảy ra nhân việc tranh luận liên quan tới ngày lễ Phục Sinh. Ailen theo truyền thống đông phương trái nghịch với truyền thống Roma. Năm 603 các Giám Mục họp công nghị tại Châlon-sur-Saôn và mời viện phụ Colombano tới để giải thích các thói tục liên quan tới việc sám hối và lễ Phục Sinh. Thay vì đến tham dự công nghị, người gửi các Giám Mục một lá thư xin các vị không chỉ thảo luận ngày lễ Phục Sinh là vấn đề nhỏ, mà thảo luận tất cả các vấn đề luật lệ mà nhiều người không đồng ý (x. Epistula II,1), đồng thời viện phụ cũng viết thư cho Đức Giáo Hoàng Bonifazio IV để bệnh vực truyền thống Ailen, như vài năm trước đó đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả (x. Epistula I).

Là người rất đòi hỏi đối với mọi vấn đề luân lý, viện phụ Colombano cũng đụng độ với hoàng gia, vì người đã khiển trách gắt gao vua Teodorico vì các liên hệ ngoại tình của vua. Từ đó nảy sinh ra cả một mạng lưới âm mưu lèo lái trên bình điện cá nhân, tôn giáo và chính trị dẫn đưa tới chỗ vào năm 610 nhà vua ký sắc lệnh trục xuất viện phụ Colombano và tất cả các đan sĩ gốc Ailen khỏi dan viện Luxeuil và kết án lưu đầy vĩnh viễn. Các vị được dẫn độ xuống tầu do nhà vua trả lệ phí để trở về Ailen. Nhưng tầu bị mắc cạn không nhúc nhích được. Vị thuyền trưởng coi đó là dấu chỉ từ trời cao, nên từ chối không tiếp tục cuộc hải hành nữa mà chở các vị vào bờ. Thay vì trở lại Luxeuil các vị quyết định bắt đầu một cuộc truyền giáo mới, đi ngược sông Reno, rồi dừng lại ở Tuggen gần hồ Zuerich, và đến vùng Bregenz gần hồ Costanza, để rao giảng Tin Mừng cho người Alemanni.

Ít lâu sau đó vì các vấn đề chính trị ít thuận lợi cho công tác truyền giáo viện phụ Colombano quyết định cùng với đa số các đan sĩ vượt dẫy Alpi. Chỉ còn đan sĩ Gallus ở lại. Tịch liêu của người sau này trở thành đan viện Sankt Gallen bên Thụy Sĩ. Tới Italia viện phụ Colombano được triều đình Longobardi tiếp đón tử tế, nhưng lại phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn: cuộc sống Giáo Hội bị trào lưu lạc giáo Ariano xâu xé và đa số các giáo đoàn miền bắc Italia không hiệp nhất với Giám Mục Roma. Viện phụ viết một cuốn sách chống lại trào lưu lạc giáo Ariano và một bức thư cho Đức Giáo Hoàng Bonifazio IV để thuyết phục ngài có các bước cụ thể nhằm tái lập sự hiệp nhất (x. Epistula V), Vào năm 612-613 khi vua Longobardi cho viện phụ một mảnh đất tại Bobbio trong thung lũng Trebbia, viện phụ Colombano thành lập một đan viện mới, sau này sẽ trở thành một trung tâm văn hóa nổi tiếng ngang với đan viện Montecassino của thánh Biển Đức. Chính tại đây thánh Colombano qua đời ngày 23 tháng 11 năm 615.

Đề cập tới sứ điệp của thánh Colombano Đức Thánh Cha nói: Sứ điệp của thánh Colombano tập trung nơi lời kiên vững mời gọi hoán cải và không dính bén của cải trần gian để được hưởng gia tài vĩnh cửu. Với cuộc sống khổ hạnh và thái độ không giàn xếp trước sự thối nát của các kẻ quyền thế, người gợi lên gương mặt nghiêm khắc của thánh Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên sự nghêm khắc của người không bao giờ là đích điểm cho chính nó, mà chỉ là phương thế để tự do rộng mở cho tình yêu của Thiên Chúa, và hết mình đáp trả lại các ơn đã nhận lãnh từ Chúa, và như thế tái tạo nơi mình hình ánh của Thiên Chúa, đồng thời khai quang trái đất và canh tân xã hội. Tôi xin trích các Huấn Thị của người: ”Nếu con người biết dùng các khả năng Thiên Chúa ban cho linh hồn nó một cách đúng đắn, thì nó sẽ giống Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta phải trả lại tất cả các ơn, mà Chúa đã đặt trong chúng ta, khi chúng ta còn ở trong tình trạng ngyuên thủy. Chúa đã dậy dỗ chúng ta với các giáo huấn của Người. Giáo huấn thứ nhất là yêu thương Chúa hết lòng, vì Người đã yêu thương chúng ta trước, ngày từ khởi thủy, trước khi chúng ta nhìn thầy ánh sáng của thế giới này” (x. Instr. XI).

Vị thánh Ailen đã nhập thể các lời này trong cuộc sống của người. Là một người có văn hóa lớn thánh nhân cũng sáng tác thơ bằng tiếng Latinh và viết một cuốn văn phạm, và cho thấy người nhận được nhiều ơn thánh. Người cũng là vị thành lập các đan viện không biết mỏi mệt, và là nhà giảng dậy sám hối đòi hỏi, đem hết nghị lực để dưỡng nuôi các gốc rễ kitô của Âu châu đang nảy sinh. Với nghị lực tinh thần với lòng tin, với tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân, người thực sự trở thành một trong các người Cha của đại lục Âu châu: cả ngày nay nữa người chỉ cho chúng ta thấy đâu là các gốc rễ từ đó Âu châu có thể tái sinh.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha cầu mong lễ thánh Barnaba tông đồ là dịp khuyến khích người trẻ can đảm dấn bước theo Thần Khí của Chúa Giêsu phục sinh; là sự đỡ nâng cho các anh chị em đau yếu biết tuân theo ý Chúa; và trợ giúp các cặp vợ chồng mới cưới trở thành các chứng nhân quảng đại cho tình yêu của Chúa Kitô.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh lậy cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.
 
Top Stories
Vietnamese Catholics hope for diplomatic relations with Vatican, for ''better understanding''
Asia-News
18:37 11/06/2008
by JB VU

It is hoped that the visit from the delegation of the Holy See will permit Catholics to carry forward social and educational activities. A meeting with 123 priests taking part in a refresher course. Departure today for Ho Chi Minh City.

Hanoi (AsiaNews) - "We hope that our government will establish diplomatic relations with the Holy See, in such a way that mutual understanding may grow, and discrimination against religion may be reduced": this is the hope expressed by a priest of Hanoi in speaking with AsiaNews about the visit to Vietnam on the part of a delegation from the Holy See. "We Catholics", explains Fr Anton, a member of the delegation of the archdiocese of Hanoi, "want mutual understanding to diminish the discrimination between Ñaïo and Ñôøi, meaning the government's discrimination against religion, so that we may all work for social justice and the development of the population".

"We hope", he adds, "that the government may permit Catholics to participate in education. By learning, the people understand the truth; with understanding and practice the people work to escape from poverty and to contribute to the development of the country. The objective of education is human development, the concern for justice in people's lives. In recent years", he continues, "the archdiocese has organised groups of volunteer social workers to work with disabled children, disadvantaged people, the poor, people stricken with AIDS. Pastoral groups teach the catechism to children, and help young people with counselling and organisation. Every summer, young volunteers go to 13 centres for lepers, living and working with them. Catholics work together with Buddhists to organise social activities on behalf of orphaned children in Hanoi".

Sister Nguyen, of the Congregation of the Holy Cross Lovers in Hanoi, confirms: "We work with disadvantaged children, but we have no practical assistance for classes. It is not easy to carry out educational and social work. In our archdiocese these are a taboo. Why", she asks, "should there be different social policies in the same country? Basing ourselves on the needs of the people and on the social policies of our local Church, we want to carry forward activities on behalf of people and of the country".

The Vatican delegation, headed by the undersecretary for relations with states, Monsignor Pietro Parolin, and including Monsignor Mariano Montemayor and Monsignor Nguyen Van Phuong, arrived in Hanoi on the 9th, and will leave the capital today to go to Ho Chi Minh City, Da Lat, and the provinces of Quang Tri and Thua Thien-Hue.

During their visit to Hanoi, the representatives of the Holy See also held a meeting with 123 priests of the capital and of the nearby dioceses, who are taking part in an annual course of formation at the major seminary of Hanoi (in the photo). With them, Msgr Parolin emphasised the importance of refresher courses for priests, especially in situations like that of Vietnam, which is now facing generalised secularisation. (An Dang contributed to this report)
 
I cattolici vietnamiti sperano in rapporti diplomatici col Vaticano per “capirsi meglio”
Asia-News
18:38 11/06/2008
di JB VU

Si auspica che la visita della delegazione della Santa Sede permetta ai cattolici di portare avanti attività sociali ed educative. Un incontro con 123 sacerdoti che prendono parte ad un corso di aggiornamento. Oggi la partenza per Ho Chi Minh City.

Hanoi (AsiaNews) – “Speriamo che il nostro governo stabilisca rapporti diplomatici con la Santa Sede, in modo che cresca la comprensione reciproca e diminuisca la discriminazione verso la religione”: è l’auspicio che un sacerdote di Hanoi esprime parlando con AsiaNews della visita in corso in Vietnam da parte di una delegazione della Santa Sede. “Noi cattolici – spiega padre Anton, membro della delegazione della arcidiocesi di Hanoi - vorremmo che dalla reciproca comprensione diminuisca la discriminazione tra Ñaïo e Ñôøi, cioè del governo verso la religione, perché tutti noi lavoriamo per la giustizia sociale e lo sviluppo della popolazione”.

“Noi – aggiunge – speriamo che il governo permetta ai cattolici di partecipare al compito educativo. Imparando, la gente capisce la verità; con la conoscenza e la pratica la gente lavora per sfuggire alla povertà e contribuire allo sviluppo del Paese. L’obiettivo dell’educazione lo sviluppo umano, la preoccupazione per la giustizia nella vita delle persone. Negli anni recenti – prosegue – l’arcidiocesi ha organizzato gruppi di operatori sociali volontari per lavorare con i bambini disabili, le persone sfortunate, i poveri, le persone colpite dall’Aids. I gruppi pastorali insegnano catechismo ai bambini, attività di consulenza e organizzazione per i giovani. Giovani volontari, ogni anno, in estate, vanno in 13 centri per lebbrosi, vivono e lavorano con loro. I cattolici collaborano con i buddisti per organizzare attività sociali in favori dei bambini orfani di Hanoi”.

Suor Nguyen, della Congregazione delle Holy Cross Lovers di Hanoi conferma: “noi lavoriamo con i bambini sfortunati, ma non abbiamo aiuti materiali per le classi. Non è facile prendere parte al lavoro educativo e sociale. Nella nostra arcidiocesi sono un tabù, perché – chiede - nello stesso Paese ci sono differenti politiche sociali? Basandoci sui bisogni della gente e sulle politiche sociali della nostra Chiesa locale, vogliamo portare avanti le attività per la vita delle persone e del Paese”.

La delegazione vaticana, guidata dal sottosegretario per i rapporti con gli Stati, mons. Pietro Parolin e della quale fanno parte anche mons. Mariano Montemayor e mons. Nguyen Van Phuong, arrivata ad Hanoi il 9, lascia oggi la capitale per recarsi a Ho Chi Minh City, Da Lat e nelle province di Quang Tri e Thua Thien-Hue.

Nel corso della loro permanenza ad Hanoi, i rappresentanti della Santa Sede hanno anche avuto un incontro con 123 sacerdoti della capitale e delle diocesi vicine che prendono parte ad un corso annuale di formazione nel seminario maggiore di Hanoi (nella foto). A loro, mons. Parolin ha sottolineato l’importanza dei corsi di aggiornamento per sacerdoti, specialmente in situazione come quella vietnamita, che ora affrontano una generalizzata secolarizzazione. (Ha collaborato An Dang)
 
No concrete move has been made regarding the ownership of Hanoi nunciature
J.B. An Dang
10:35 11/06/2008
Catholics in Hanoi are voicing concerns about the Vietnamese government's commitment to honor a promise that the nunciature would be returned to the Church after a two-day visit of the Vatican delegation without any success.

Mgr Pietro Parolin met with Nguyen The Thao
After two days in Hanoi, this morning, the Vatican delegation left Hanoi for Da Lat, a province in Central Highland of Vietnam. No official statement was issued.

Catholic sources in Hanoi report that the delegation met with a number of government officials including Pham Gia Khiem, the foreign minister and deputy prime minister. During meetings, the delegation raised issues relating to the appointment of bishops, religious freedom, and disputes over the ownership of properties once held by the Church. In particular, the delegation discussed with government officials on the requisition of the nunciature in Hanoi.

Nguyen The Thao, the chairman of the People's Committee of Hanoi City, when asked by Mgr Pietro Parolin about the government plan to return the nunciature, bushed around the issue. He praised the “contribution offered by the Catholic community in the common cause for a society of peace, equality, progress and development” but failed to mention any concrete plan to solve the dispute.
 
Diocèse de Vinh : des catholiques manifestant au siège du district ont été agressés par une bande de malfrats, sans que la police ne réagisse
Eglises d'Asie
10:53 11/06/2008
Diocèse de Vinh: des catholiques manifestant au siège du district ont été agressés par une bande de malfrats, sans que la police ne réagisse

Des incidents ont eu lieu dans une paroisse du centre du Vietnam. Ils témoignent de l’acuité avec laquelle se pose la question des propriétés d’Eglise confisquées, et des racines historiques de ce problème actuellement débattu entre la délégation romaine en visite au Vietnam et les représentants du gouvernement vietnamien. Les incidents ont eu lieu au début du mois de mai, dans la paroisse de Ke Mui du diocèse de Vinh, province de Hà Tinh. A cette époque, des milliers de paroissiens s’étaient massés devant le Comité populaire du district pour y réclamer des terrains de la paroisse accaparés. Ils ont été agressés et frappés par une bande de malfrats sous les yeux de la police, sans que celle-ci ne réagisse. Les jours suivants, les mêmes malfrats sont venus faire pétarader leurs motos autour de l’église, provoquant des accidents.

L’affaire des terrains accaparés de la paroisse de Ke Mui plonge ses racines dans la période troublée qui a suivi l’arrivée au pouvoir des communistes, en 1954, au Nord-Vietnam. Le diocèse de Vinh, plus qu’aucun autre, a subi de très nombreuses épreuves, en particulier celle de la réforme agraire avec ses jugements populaires et ses milliers de morts. La paroisse de Ke Mui a particulièrement été touchée par les excès de ce mouvement, en particulier son curé, le P. Phung Mai Linh, traîné devant le tribunal populaire. En 1978, les autorités expulsèrent la totalité des chrétiens habitant autour de l’église vers la forêt pour y créer des exploitations agricoles, tandis que le curé restait sur place. En 1991, les fièvres paludéennes et le peu de résultats obtenus dans la forêt forcèrent la population à revenir vers leurs anciens lieux d’habitation. Mais entre-temps, en 1988, des familles avaient été installées autour l’église. A leur retour, les catholiques construisirent une nouvelle église, mais ne purent jamais récupérer le terrain attenant, attribué aux familles arrivées en 1988. Aux requêtes de la paroisse, les autorités locales ont toujours opposé un refus catégorique.

C’est la raison pour laquelle quelque 300 fidèles se sont rendus, le 2 mai dernier, devant le Comité populaire du district demandant à être reçu. Le 5 mai, les 2 000 paroissiens de Ke Mui étaient de nouveau devant le siège des autorités du district, qui, à nouveau, ont refusé de les recevoir. Le lendemain, les paroissiens étaient une fois de plus rassemblés sur les mêmes lieux, aussi nombreux. Vers trois heures de l’après-midi, une bande de 20 malfrats, bien connus de la région, ont fait irruption et se sont mis à frapper les paroissiens. Pendant ce temps, les policiers se contentaient de regarder et de donner des conseils de modération. Des fidèles ont été blessés et une paroissienne a été transportée à l’hôpital. Les malfrats ne se sont pas arrêtés là et, au cours de la nuit suivante, ils ont tenté de terroriser la population de la paroisse en parcourant les rues à moto.

(Source: Eglises d'Asie - 11 juin 2008)
 
Chine: Fin juin, les évêques des diocèses de Hongkong et de Macao seront à Rome en visite ad limina
Eglises d'Asie
11:51 11/06/2008
Chine: Fin juin, les évêques des diocèses de Hongkong et de Macao seront à Rome en visite ad limina

La nouvelle n’a en soi rien d’extraordinaire: à partir du 25 juin et pour une durée de quatre jours, les évêques de Hongkong et de Macao seront à Rome pour leur visite ad limina, du nom de ces visites que les évêques catholiques du monde entier effectuent tous les cinq ans au siège de l’évêque de Rome. La nouvelle tient au fait que les trois personnalités en question, si elles se sont déjà rendues à plusieurs reprises au Vatican, n’ont encore jamais eu l’occasion d’effectuer une telle visite, différents facteurs repoussant à chaque fois son organisation.

Mgr Joseph Zen Ze-kiun et Mgr John Tong Hon ont été nommés en décembre 1996, respectivement, évêque coadjuteur et évêque auxiliaire du diocèse de Hongkong, six mois avant la rétrocession de la colonie britannique à la Chine populaire. Une visite ad limina aurait dû être organisée peu après, mais elle a été repoussée afin de permettre aux deux nouveaux évêques de prendre possession de leurs nouvelles responsabilités dans le contexte incertain de la rétrocession. Cinq ans plus tard, en septembre 2002, la mort du cardinal John-Baptist Wu Cheng-chung, l’évêque en titre du diocèse, a de nouveau repoussé l’organisation d’une visite ad limina; en 2003, c’est l’état de santé du pape Jean Paul II qui a empêché une telle visite. Devenu évêque de Hongkong à la mort du cardinal Wu, élevé au cardinalat en mars 2006, Mgr Zen Ze-kiun n’a de ce fait jamais pu prendre part à une visite ad limina, de même que Mgr Tong Hon, devenu coadjuteur du diocèse en janvier 2008.

A Macao, la dernière visite ad limina de l’ordinaire du lieu remonte à l’an 2000, époque où le diocèse était dirigé par Mgr Domingos Lam Ka-tseung, aujourd’hui à la retraite. Son successeur, Mgr Jose Lai Hung-seng, nommé coadjuteur en 2001 – soit deux ans après le retour de Macao sous le drapeau chinois –, devenu évêque en titre en 2003, n’a lui non plus jamais eu l’occasion de prendre part à une visite de ce type.

Les deux diocèses de Hongkong et Macao présentent la particularité de ne pas appartenir à une Conférence épiscopale, structure à partir de laquelle sont organisées les visites ad limina, continent après continent, sur un cycle de cinq années. Les papes Jean Paul II et Benoît XVI ont néanmoins rencontré à plusieurs reprises Msgr Zen, Hong et Lai, lors des réunions de la Commission ‘Chine’ du Vatican ou à d’autres occasions. Lors de la visite ad limina à la fin du mois de juin 2008, les évêques rencontreront le pape et visiteront les différents services de la Curie, notamment la Congrégation pour l’évangélisation des peuples, dont ils dépendent. Mgr Zen devrait à nouveau présenter sa démission: âgé de 76 ans, il demande depuis plusieurs années à être déchargé de cette responsabilité afin de se consacrer à l’Eglise en Chine. Les évêques devraient aussi évoquer les réactions provoquées par la lettre aux catholiques de Chine, publiée par Benoît XVI le 30 juin 2007. Les relations avec la Chine seront certainement à l’ordre du jour, avec, par exemple, l’interprétation à donner au fait que le gouvernement chinois a invité à la cérémonie d’ouverture des Jeux olympiques de Pékin, le 8 août prochain, Mgr John Tong Hon, tout en omettant d’inviter le cardinal Zen. L’invitation a été acceptée par Mgr Tong, avec le plein accord du cardinal.

(Source: Eglises d'Asie - 11 juin 2008)
 
Vatican delegation meets with Vietnamese clergy
Catholic News Agency
11:59 11/06/2008
Hanoi, Jun 11, 2008 / 03:10 am (CNA).- A Vatican delegation to Vietnam led by Monsignor Pietro Parolin, the Vatican Secretariat of State’s undersecretary for relations with states, began its visit in meetings with bishops and priests of Vietnam to discuss the impact of secularism in Vietnam, the intense controversies that have surrounded Church property disputes and the appointment of bishops in the country.

On Monday the delegation met with the bishops of Thanh Hoa, Nha Trang, and Lang Son in the office of the Archbishop of Hanoi, J.B. An Dang told CNA. The archbishop’s office is next to the former papal Nunciature where thousands of Catholics organized daily prayer vigils earlier this year to secure the return of the building, which was confiscated by the Communist government in 1959.

The delegation later met with 123 priests from Hanoi and neighboring dioceses who were attending an annual training session at Hanoi’s Major Seminary.

Monsignor Pietro, speaking to the priests, said such education was especially important in Vietnam, where the Church now faces widespread secularism. The monsignor said the delegation will discuss with the Vietnamese government issues such as bishop appointments, Church property disputes, and religious freedom.

The appointment of bishops is an issue that is especially charged, as the officially atheist Communist government refuses to grant control over appointments to the Vatican and the Vatican insists upon its right to name bishops. The conflict has resulted in long delays in the appointment of bishops and diocesan administrators.

Disputes surrounding church properties confiscated by the government especially focus on the Vietnamese government’s promise to return the former papal nunciature to the Church. On February 1 Archbishop of Hanoi Joseph Ngo Quang Kiet confirmed that the government had agreed to return the property. However, the nunciature continues to be administered by the government.
 
Vatikan-Delegation besucht Vietnam - 2010 grosses Jubiläumsjahr (Tiếng Đức)
Katholische Internationale Presseagentur
14:43 11/06/2008
Vatikan-Delegation besucht Vietnam - 2010 grosses Jubiläumsjahr (Tiếng Đức)

(Phái đoàn Tòa Thánh thăm viếng Việt Nam – 2010 cử hành Năm Thánh)

Hanoi, 9.6.08 (Kipa) Eine hochkarätige Vatikan-Delegation unter Leitung des stellvertretenden vatikanischen "Aussenministers" Prälat Pietro Parolin ist am Montag, 9.6.2008, in Vietnam eingetroffen. Wie die staatliche vietnamesische Nachrichtenagentur VNA berichtete, seien Gespräche mit dem Vizepremier und Aussenminister Pham Gia Khiem sowie den Bischöfen des Landes vorgesehen.

Laut der römischen Nachrichtenagentur "AsiaNews" ist das Ziel Parolins, die Normalisierung der diplomatischen Kontakte zu beschleunigen - möglicherweise im Blick auf das grosse vietnamesische Kirchenjubiläum 2010. Bisher besteht zwischen dem Heiligen Stuhl und Vietnam kein Botschafteraustausch.

Seit 1989 reisten nach Angaben von "AsiaNews" 14 Mal vatikanische Delegationen nach Vietnam. Nach Einschätzung eines namentlich nicht genannten katholischen Dozenten der Universität Saigon sei eine Aufnahme diplomatischer Beziehungen praktisch auf dem Weg.

Vietnam gehört zu den wenigen Ländern, zu denen der Heilige Stuhl keine vollen diplomatischen Kontakte unterhält. Seit dem Ende des Vietnamkriegs 1975 ist der Botschafteraustausch unterbrochen. Zehn Prozent der 86 Millionen Vietnamesen sind Katholiken; es handelt sich damit um die zweitstärkste Katholikengruppe in Südostasien nach den Philippinen.

Proteste in Hanoi

Ein Konflikt des Regimes mit der Kirche war Anfang des Jahres eskaliert. Dabei ging es um das vor 50 Jahren von den Kommunisten beschlagnahmte Gebäude der Apostolischen Nuntiatur in Hanoi.

Katholiken demonstrierten wochenlang für eine Rückgabe. Schliesslich lenkte die Regierung teilweise ein und erklärte, das Gebäude solle der Kirche zur Nutzung überlassen werden. Damit wolle man "guten Willen und Respekt gegenüber dem Papst" zum Ausdruck bringen.

Schlüsseljahr 1660

Die Kirche in Vietnam bereitet für 2010 ein grosses Jubiläumsjahr vor. Dabei wird der Errichtung des ersten Apostolischen Vikariats auf Anregung des französischen Jesuiten Alexandre de Rhodes 1660 sowie der Aufwertung der vietnamesischen Kirchengebiete zu eigenständigen Diözesen 1960 gedacht.

De Rhodes hatte auch die lateinische Umschrift für die vietnamesische Sprache eingeführt, die heute noch in Gebrauch ist. Auch auf Grund seiner wissenschaftlichen Kenntnisse vermochte Rhodes Angehörige der führenden Kreise für die katholische Kirche zu gewinnen. Auf diesem Hintergrund war die katholische Kirche in Vietnam immer sowohl bei den Armen - vor allem Bauern, Fischern, Angehörigen der Urbevölkerung - präsent als auch in den Kreisen der Aristokratie.

(Nguồn: Katholische Internationale Presseagentur)
 
No breakthrough in talks with Vietnamese leadership
Catholic World News
18:25 11/06/2008
Hanoi, Jun. 11, 2008 (CWNews.com) - Vatican representatives concluded their talks with Vietnamese government leaders in Hanoi this week, without releasing any official report.

After two days of meetings with government officials and with local Catholics, the Vatican delegation-- headed by Msgr. Pietro Parolin of the Secretariat of State-- headed for the city of Da Lat. They will travel to Ho Chi Minh City (formerly Saigon) and the country's central provinces before concluding their trip.

In Hanoi the Vatican officials met with Pham Gia Khiem, Vietnam's foreign minister and deputy prime minister. The delegation from Rome reportedly raised issues relating to the appointment of bishops, religious freedom, and disputes over the ownership of properties once held by the Church. In particular, the delegation pressed government officials about the ownership of the building that once housed the offices of the apostolic nuncio in Hanoi. Vietnamese Catholics are voicing concerns about the Vietnamese government's commitment to honor a promise that the nunciature would be returned to the Church.

In another session with Nguyen The Thao, a Communist official of Hanoi, Msgr. Parolin again reportedly raised the government's plans for turning over the nunciature, but did not receive a direct reply. The government official praised the “contribution offered by the Catholic community in the common cause for a society of peace, equality, progress, and development,” but failed to mention any concrete plan to solve the property dispute.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Nữ Tu Phaolô tại Tuy Hòa mừng 50 năm hiện diện
GX. Tuy Hòa
00:12 11/06/2008
CỘNG ĐOÀN PHAOLÔ TUY HÒA MỪNG 50 NĂM HIỆN DIỆN

Năm 2008, năm Giáo Hội dành để kỷ niệm sinh nhật 2000 năm Thánh Phaolô. Cũng trong năm nầy, cộng đoàn nữ tu Phaolô thành Chartres Tuy Hòa thuộc tỉnh dòng Phaolô Đà Nẵng, mừng kỷ niệm 50 năm hiện diện và phục vụ tại vùng đất Tuy Hòa-Phú Yên.

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân Hội dòng, các vị nữ tu tiền nhiệm và tất cả những ân thân nhân đã đóng góp cho sự hiện diện và phát triển, cộng đoàn Phaolô Tuy Hòa đã long trọng tổ chức lễ mừng Kim Khánh trong bầu khí long trọng và đầy thân thương.

Về tham dự lễ mừng có các linh mục trong giáo hạt Phú Yên và một số linh mục xuất thân từ Tuy Hòa, Chị Bề trên tỉnh dòng Phaolô Đà Nẵng cùng với ban Cố Vấn Tỉnh Dòng, các nữ tu xuất thân từ Tuy Hòa và các chị đã từng phục vụ tại cộng đoàn Phaolô Tuy Hòa, các chức việc trong HĐGX Tuy Hòa, các cựu học sinh trường thánh Giuse, và đông đảo giáo dân.

Chương trình được bắt đầu với thánh lễ đồng tế long trọng và ấm cúng tại nguyện đường vừa được trùng tu sau 40 năm xây dựng. Chủ tế hôm nay là cha Giuse Trương Đình Hiền, quản xứ Tuy Hòa, quản hạt Phú Yên. Trong bài chia sẻ Lời Chúa, ngài đã nhắc lại đôi nét về hành trình hiện diện và phục vụ của các nữ tu Phaolô tại Tuy Hòa cùng những điểm giáo huấn sâu sắc của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về nét đẹp và sự cần thiết của đời tu trong Tông huấn Đời Thánh Hiến.

Sau thánh lễ, các khách mời được chia sẻ bữa tiệc vui chan chứa tình hiệp nhất. Tiếp theo là chương trình văn nghệ mừng 50 năm với các tiết mục ca múa, hoạt cảnh thật ý nghĩa, sống động và dễ thương do chính các soeurs dàn dựng với sự cọng tác biểu diễn của các thành phần dân Chúa trong giáo xứ; đặc biệt có sự tham dự của các bé thiếu nhi trường mầm non Bích Du do cộng đoàn quản nhiệm.

Điểm đáng chú ý và gây cảm xúc cho nhiều người về tham dự lễ mừng 50 năm, chính là sự nhiệt thành cọng tác, liên đới hỗ trợ cho việc tổ chức lễ của cộng đoàn giáo xứ Tuy Hòa, thông qua các ban mục vụ chuyên trách: trang trí, truyền thông, ẩm thực, ca đoàn...

Giáo xứ Tuy Hòa xin được trân trọng chia sẻ niềm vui và mến chúc cộng đoàn Phaolô Tuy Hòa càng ngày càng phát triển để việc phục vụ Chúa và tha nhân đạt nhiều kết quả thiêng liêng phong phú.
 
Giới trẻ liên xứ Cao Xá ở Hưng Yên tổ chức Trại Hè giáo dục Kitô giáo
Đàm Nguyên
12:01 11/06/2008
PHỐ CAO, Hưng Yên -- Lần đầu tiên thanh thiếu niên và thiếu nhi của 3 giáo xứ ở giáo hạt Hưng Yên, giáo phận Thái Bình, có một chương trình vui chơi trại hè thoả thích và hữu ích trong 2 ngày của mùa hè năm 2008.

Chương trình trại hè với chủ đề “Giáo dục Kitô giáo” diễn ra trong hai ngày từ 7 đến 8/6/2008 tại khuôn viên giáo xứ Cao Xá ở thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, với các nội dung như cắm trại, đêm lửa trại, đố vui giáo lý, thi các trò chơi, thi nấu ăn, nghe giảng, và nổi bật là Thánh lễ cầu cho những người trẻ trong liên xứ Cao Xá - Phương Bồ - Tần Nhẫn.

Từ Phố Cao, cũng là con đường quốc lộ Hưng Yên - Hải Dương, nhìn vào khuôn viên nhà xứ Cao Xá, thấy rực rỡ sắc màu của băng rôn, khẩu hiệu, cờ xí, đèn điện và đặc biệt là mô hình 8 chiếc trại hè của 8 tổ giáo lý sinh trong liên xứ. Hai ngày hội trại không chỉ quy tụ giới trẻ là con chiên của Cha Gioan kim Nguyễn Duy Thiện, mà còn thu hút nhiều bạn trẻ không Công Giáo trong vùng đến tham dự.

Thầy Phêrô Đoàn Văn Sỹ, người tổ chức chương trình này, cho biết mục đích của hai ngày hội là để các em vui chơi và học hỏi một cách tự nhiên và thoải mái trong môi trường giáo dục Kitô giáo. Thầy Sĩ hy vọng những người trẻ khi đến với hai ngày hội này sẽ tìm được niềm vui, giải toả được sự mệt nhọc sau những ngày thi, và chắc chắn sẽ học được những bài học bổ ích về giáo lý, nhân bản, công việc và lối sống lành mạnh.

Từ đầu giờ chiều ngày Thứ Bảy, thời điểm bắt đầu chương trình, các đơn vị đã được phân chia theo tổ, nhận vị trí và mang các đồ đạc, vật dụng, quân tư trang đến để tiến hành dựng trại và trang trí trại. Họ cùng nhau ăn một bữa cơm chiều chung trong các trại, bữa cơm do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá làm và một số phụ huynh phụ giúp. Sau đó, Cha xứ đã dâng một Thánh lễ tại Lễ đài Đức Mẹ La Vang mới được xây dựng bên cạnh khuôn viên vui chơi của các em.

Chương trình không chỉ nóng lên bởi lòng nhiệt huyết tham gia vui chơi tập thể, mà còn bởi ngọn lửa trại bùng cháy giữa nhiều vòng tròn các bạn trẻ đan xen. Cùng với các thầy và các dì, các bạn trẻ đã liên tục vui chơi gần 2 tiếng đồng hồ bên đống lửa trại. Những bài hát, vũ điệu, băng reo, trò chơi vận động và những lời cầu nguyện tự phát đã làm cho tất cả mọi người đều thấm đẫm mồ hôi vì nóng và hăng say.

Bầu trời gió mát và tĩnh lặng hơn khi các trại sinh ai nấy về trại của mình. Nhiều người đã không ngủ, bởi những câu chuyện nhỏ bên nhau từng nhóm, bởi những tiếng hát ca nhẹ nhàng sum vầy từng tốp. Tuy nhiên, càng khuya về sáng, âm thanh càng im bặt để cho giấc ngủ của mỗi người tranh thủ hơn và say hơn, đem lại sinh lực cho ngày hôm sau đang chờ đợi.

Khi ông mặt trời đã rọi chiếu ban mai, các bạn mình thức giấc, làm việc vệ sinh cá nhân và quét giọn khu vực. Sau đó bữa ăn sáng của các em là bánh mì và bánh nếp do ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn cho mỗi người. Hiệu lệnh răm rắp, thao tác nhanh nhậy, các em xếp thành từng hàng rồi đi vòng về phía sau để vào bên trong nhà thờ giáo xứ. Ở đây, các thầy đã sẵn sàng với một máy vi tính, máy chiếu, màn hình rộng, âm thanh và đàn nhạc, để phục vụ cho một tiếng rưỡi đồng hồ học hỏi và đố vui giáo lý, nhân bản.

Mỗi câu trả lời đúng, các em đều được lãnh phần thưởng trực tiếp của ban tổ chức. Gần 100 phần thưởng các loại được đóng gói như áo thun, mũ, cùng với tràng hạt, ảnh và sách nhân bản, đã trao cho những em may mắn được trả lời các câu hỏi giáo lý với đáp án đúng. Xen kẽ là những bài hát sinh hoạt vui nhộn, những câu chuyện hài hước của các thầy điều hành chương trình.

Tiếp đến là thi các trò chơi tại sân trại, do Dì Thuỷ dòng Mến Thánh Giá Tân Lập tại Cao Xá phụ trách. Liền sau đó, các tổ được ban tổ chức phát nguyên vật liệu cho như thịt lợn, thịt gà, trứng, đậu phụ, rau, các loại gia vị, gạo, củi khô và nước sạch để các tổ bắt đầu phần thi nấu ăn.

Một không khí rất vui và tấp nập diễn ra ngay trong khu vực sân và vườn nhà thờ Cao Xá, dưới các lùm cây nhãn cổ thụ, mỗi tổ một vị trí đang nhen nhóm bếp củi để đun nấu và chế biến các món ăn. Mỗi người một công một việc, bạn trai thì lấy củi và xách nước, bạn gái thái thịt và xào nấu, các em nhỏ thì lau chùi chén bát và quét dọn vệ sinh xung quanh trại. Họ bưng bê những món ăn từ nơi chế biến về trưng bày tại trại của mình, sẵn sàng chờ đợi ban giám khảo đến chấm điểm.

Sau khi ban giám khảo đã nếm món ăn và chấm điểm nấu ăn của mỗi tổ, các trại sinh dùng chính những sản phẩm vừa chế biến để cùng nhau ăn trưa tại trại. Các bạn nêu cao tinh thần tự giác và tập làm những người trưởng thành trong gia đình bằng cách tự nấu ăn, tự giọn dẹp, tự trưng bày và trang hoàng cho khu vực trại của mình luôn sạch sẽ, ngăn nắp.

Đúng 2 giờ chiều ngày Chúa Nhật, Cha đặc trách giáo lý và giới trẻ Đaminh Đặng Văn Cầu từ Toà giám mục Thái Bình đã về để nói chuyện với các em tại nhà thờ cao xá. Sau bài nói chuyện, Cha đặc trách cùng với Cha xứ Cao Xá, và Cha Giuse Nguyễn Văn Kha của xứ Lực Điền đồng dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các em và cũng là Thánh lễ bế mạc 2 ngày trại hè.

Chắc chắn đây sẽ là một mùa hè khó quên và đầy ý nghĩa của các bạn trẻ trong liên xứ Cao Xá - Phương Bồ - Tần Nhẫn ở Giáo hạt Hưng Yên. Ước gì các bạn tiếp tục chăm ngoan học hỏi giáo lý, tham gia sinh hoạt tôn giáo đều đặn, để làm sáng danh Chúa ngay tại mảnh đất tái truyền giáo ở tỉnh Hưng Yên.
 
Thánh lễ Tạ ơn mừng 60 năm linh mục của Cha Phêrô Lê Văn Ngọc thuộc Tổng Giáo Phận Huế
Lm Nguyễn Vinh Gioang
12:55 11/06/2008
HUẾ - Ngày hôm nay, 11 tháng 6 năm 2008, tại giáo xứ Ngọc Hồ, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, linh mục Phêrô Lê Văn Ngọc, thuộc Tổng Giáo Phận Huế, dâng Thánh Lễ Tạ Ơn mừng 60 năm linh mục (11.6.1948 – 11.6.2008). Linh mục Phêrô Lê Văn Ngọc hiện là linh mục quản xứ của giáo xứ Ngọc Hồ. Năm nay, ngài thọ 88 tuổi. Ngài là anh ruột của hai linh mục là cha Phanxicô Xaviê Lê Văn cao và cha Gioan Baotixita Lê Văn Nghiêm.

Cùng hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn đặc biệt nầy, có Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám Mục Phụ tá TGP Huế, Đức Đan Viện Phụ Thiên An, 80 anh em linh mục Huế và các giáo phận khác, cùng nhiều tu sĩ nam nữ và giáo dân. Trước Thánh lễ, Đức Giám Mục Phụ Tá chúc mừng như sau:

"Kính thưa Cha Phêrô đáng kính, mấy hôm trước khi lên đường đi ngoại quốc, Đức Tổng Giám Mục đã lên thăm và chúc mừng Ngọc Khánh của cha trước, giờ đây, con xin thay mặ Ngài, đại diện cho anh em Linh mục của Giáo Phận, các tu sĩ năm nữ, chủng sinh và anh chị em giáo dân, hân hoan chúc mừng Ngân Khánh linh mục của Cha Phêrô thân yêu.

Kính thưa Cha, Sáu mươi năm linh mục là một hồng ân rất đặc biệt mà Chúa đã ban cho Cha, và còn hơn thế nữa, Chúa ưu đãi cho Cha một sức khoẻ dồi dào hiếm có ở tuổi 88, để Cha vẫn còn trẻ trung, năng động và hăng say làm mục vụ giáo xứ cho đến hôm nay. Xin hiệp ý tạ ơn Chúa với Cha trong Thánh Lễ nầy. Tạ ơn Chúa vì bao hồng ân mà Chúa đã đổ tràn trên cuộc đời linh mục của Cha, và qua Cha, bao nhiêu ân huệ của Chúa trên nhiều tâm hồn của những môi trường khác nhau.

Bước chân rao giảng Tin Mừng của Cha đã rảo khắp hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và vào tận mãi miền Nam, ở vùng Thủ Thiêm xa xôi: Phó xứ Nước Ngọt, Quản xứ Nhu Lý, Linh Yên, An Lưu, Hà Lời, Mai Xá. Quản xứ Trí Bưu với quyền Quản hạt Hạt Quảng Trị. Từ năm 1971, Cha nhập Hội Thừa sai Việt Nam. Hơn 10 năm sau, Cha trở lại Huế và được bổ nhiệm làm quản xứ Tân Mỹ, kiêm Thuận An, Cự Lại và Kẻ Sung. Năm 2003, ở tuổi 83, Cha vẫn được bổ nhiệm làm quản xứ Ngọc Hồ cho đến hôm nay.

Xin cùng Cha ca tụng tình thương và lòng thương xót của Chúa đã dành cho Cha. Kính chúc Cha an bình và hạnh phúc trong những năm tháng còn lại. Cầu chúc Cha multos annos trong tình yêu của Chúa và Mẹ Maria. Một lần nữa, xin hân hoan chúc mừng".

Sau lời chúc mừng nầy, Thánh lễ bắt đầu. Linh mục Phêrô Lê Văn Ngọc chủ tế. Sau bài Tin Mừng, Cha Ngọc suy niệm về thiên chức linh mục như sau:

Linh mục được Chúa ban cho ơn rao giảng Lời Chúa, ơn tuyên đọc những lời hữu hiệu phát sinh các bí tích, ơn cử hành Hy Lễ trên bàn thờ, để hiện diện hoá trong lòng thế giới và giữa cộng đoàn Hội Thánh, Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh và đã sống lại, nguồn mạch của mọi hạnh phúc và ân sũng, nền tảng của mọi tình yêu và của cuộc sống vĩnh cửu. Linh mục hãy luôn luôn sống đời tạ ơn và hết mình phụng sự sự Chúa và Giáo Hội.

Thánh lễ kết thúc lúc 10 giờ. Sau đó, mọi người vui mừng cùng với linh mục Phêrô trong một buổi tiệc thân mật.
 
Phái đoàn Tòa Thánh thăm Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
Lm Nguyễn Văn Khải dcct
15:33 11/06/2008
Hà Nội- Chiều ngày 9.6.2008, Phái đoàn Ngoại giao Toà Thánh đã đến thăm Dòng MTG Hà Nội. Cùng đi với Phái đoàn, còn có Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân và cha Lorenxô Chu Văn Minh.

Các nữ tu xếp hàng danh dự đón Phái đoàn từ cổng tu viện. Chị Têrêxa Đỗ Thị Hoạt, Bề trên Tổng quyền Dòng MTG, chúc mừng Phái đoàn và trình bày hiện trạng của Hội Dòng.

Chị cho biết hiện tại Dòng MTG Hà Nội có 133 chị khấn trọn, 92 chị khấn tạm, 17 tập sinh năm I, 14 tập sinh năm II, hơn 100 đệ tử tu hành tại 27 cộng đoàn mà chủ yếu là tại các vùng nông thôn ngoài Hà Nội.

Cũng theo chị Bề trên Tổng quyền, mặc dù hoàn cảnh bên ngoài còn nhiều khó khăn, song nhờ sự thương yêu và hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, chị em vẫn không ngừng cố gắng đáp ứng những đòi hỏi mục vụ của thời đại và sẵn lòng phục vụ người nghèo tại các vùng sâu vùng xa.

Các chị em đã tặng quà cho quý đức ông trong Phái đoàn. Nhân dịp lễ thánh Barnaba ngày 11.06, các chị em còn xin phép mừng lễ quan thầy Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, với ước mong rằng nhờ lời cầu bầu của thánh Barnaba, Đức Ông và các thành viên trong Phái đoàn sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp cho Giáo Hội và đất nước Việt Nam.

Đức ông Pietro Parolin cầu chúc cho các chị em MTG cũng như cho mọi nữ tu ở Việt Nam biết tích cực phục vụ những người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Ngài bảo đảm rằng lời cầu chúc của các ngài cũng là lời cầu chúc của Đức Thánh Cha.

Đức ông Montemayor chia sẻ trước khi sang Việt Nam lần này ngài đã nhờ các chị dòng kín cầu nguyện cho ngài. Hôm nay ngài cũng xin các chị em MTG cầu nguyện cho chuyến công du này của các ngài. Xin Chúa mở lòng các ngài và những người làm việc với các ngài để hai bên đạt được những kết quả tốt đẹp.

Đức ông Barnabea Nguyễn Văn Phương cám ơn các chị em MTG đã chúc mừng ngày nhân ngày lễ thánh quan thầy. Ngài nói ngài cố gắng phục vụ trong sứ mang hiện nay để góp phần làm cho Giáo Hội Việt Nam được tự do sống sứ mạng của mình. Ngài cũng xin chị em cầu nguyện cho ngài trở nên dụng cụ sắc làm việc có kết quả hơn.

Các chị em còn biểu diễn mấy tiết mục văn nghệ đặc sắc bằng tiếng Việt và tiếng Ý để chào mừng phái đoàn. Bầu khí cuộc gặp có tính gia đình, thân mật, ấm áp và vui tươi. Khoảng 22 h Phái đoàn rời Dòng MTG để về khách sạn Melia, nơi ở được chính quyền sắp đặt trong thời gian Phái đoàn ở Hà Nội.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phái đoàn Tòa Thánh đã gặp các viên chức chính quyền Hà Nội nhưng vụ Tòa Khâm Sứ hầu như vẫn không có gì cụ thể!
Đồng Nhân
08:54 11/06/2008
HÀ NỘI - Phái đoàn Tòa Thánh thăm viếng Việt Nam do Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican, dẫn đầu, hiện đang có mặt tại Việt Nam. Trong hai ngày 9 - 10/6/2008 tại Hà Nội, Đức ông Pietro Parolin và đoàn đại biểu Tòa Thánh đã có các cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Giám mục Việt Nam và UBND Thành phố Hà Nội.

Đ.Ô. Parolin gặp Chủ tịch TP Hà nội Ảnh: XL
Từ năm 1989 đến nay, các phái đoàn của Tòa Thánh đã có 15 chuyến thăm Việt Nam để thảo luận các vấn đề hợp tác giữa hai bên. Đây là chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần thứ ba của Đức ông Pietro Parolin. Trước đó, tháng 3/2007, Đức ông đã dẫn đầu phái đoàn Vatican đến Hà Nội và làm việc với lãnh đạo nhiều cơ quan, trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ.

Phái đoàn Tòa Thánh đã gặp gỡ với Phó thủ tướng và đặc trách Ngoại giao là ông Phạm Gia Khiêm và một số các viên chức chính quyền đặc trách về tôn giáo vụ. Tuy sau cuộc họp không có tuyên cáo chung về thành quả của cuộc họp, dầu vậy nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết rằng: Hai bên đã đưa ra một số những vấn đề quan tâm chung liên quan tới tình hình tôn giáo, đặc biệt những khó khăn mà Giáo hội Công giáo còn đang phải đối diện, những quan tâm của Tòa Thánh về giáo dục, nhân quyền, công tác nhân đạo, xã hội, tình trạng giáo sĩ còn đang bị tù, việc bổ nhiệm giám mục, và sự kiện liên quan tới Tòa Khâm Sứ Hà Nội. Trong cuộc trao đổi ý kiến, hai bên đều cho rằng rằng cần tiếp tục thêm những bước đi tích cực hầu tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao song phương đầy đủ, chính thức giữa Vatican và Việt Nam.

Cũng nên nhắc lại rằng trong chuyến thăm Cộng hòa Italia cuối tháng 1/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm Tòa Thánh và có cuộc hội kiến với Giáo Hoàng Benedict XVI. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI cũng đã nói qua về viễn ảnh việc thiết lập quan hệ ngoại giao và việc Đức Giáo hoàng sang thăm Việt Nam.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, Đức ông Pietro Parolin cho biết hai bên đều đang hướng tới mục tiêu thiết lập bang giao. Lộ trình tiến tới mục tiêu này, được Đức ông Paroli bầy tỏ như sau: "Chúng tôi đã thống nhất thiết lập các nhóm làm việc để bàn về vấn đề này và khi được thành lập, họ sẽ có lịch trình cụ thể".

Thứ trưởng Ngoại giao Toà thánh đức ông Parolin cũng cho biết thêm là "trong các buổi làm việc với phía Việt Nam tại Hà Nội, hai bên đã lắng nghe quan điểm của nhau". Đức ông Pietro Parolin nói: "Chúng tôi đã giành cả ngày để đối thoại với Ban Tôn giáo Chính phủ. Tôi cho rằng chính cuộc đối thoại này đã là một kết quả và tin rằng hai bên sẽ tìm được giải pháp thông qua việc trao đổi quan đểm trung thực và xây dựng".

Về việc thực hiện chính sách tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Tòa Thánh Paroli nhận định việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các sinh hoạt tôn giáo là "sự thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng".

Trong phiên làm việc với phái đoàn Vatican tại Hà nội ngày 10/6, đại diện phía Việt Nam, Trưởng Ban tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh khẳng định rằng: “Việt Nam đã xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của người dân, như một hiện tượng xã hội khách quan tồn tại trong cộng đồng dân cư, coi đồng bào có đạo là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Ông Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: “Năm 2007, đã có 300 giáo xứ được thành lập thêm, nâng tổng số giáo xứ trên cả nước lên con số 3000. Cùng với đó, 6 đại chủng viện cũng được thành lập để đào tạo giáo chức cho các giáo xứ”.

Ông Nguyễn Thế Doanh cũng ghi nhận như sau: “sự đóng góp của đồng bào Công giáo trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhất là thông qua nhiều hoạt động từ thiện xã hội, coi đây là hoạt động thể hiện giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo. Riêng năm 2007, đã có 11 tỷ đồng được các giáo xứ quyên góp để giúp đỡ các đối tượng khó khăn trong xã hội.”

Đức ông Pietro Parolin cũng đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vào trưa ngày 10/6/2008. Hai bên có nói đến và ghi nhận những tiến triển trong mối cải thiện quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, nêu lên một số những thành tích tích cực mà người Công giáo Việt Nam đã đóng góp vào xã hội và xây dựng đất nước Việt Nam. Đặc biệt Đức ông trưởng phái đoàn vui mừng vì giáo dân Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Thủ đô trở thành thành phố phát triển.

Phái đoàn Vatican cũng bày tỏ mong muốn phát huy vai trò của người Công giáo Việt Nam, cách riệng người Công giáo Hà Nội trong các hoạt động nhân văn, giáo dục và từ thiện, góp phần xây dựng con người và xã hội, dấn thân vào sứ mạng phát triển đạo đức và đào tạo trí thức, hầu làm bớt đi những tệ đoan xã hội hầu nâng cao phẩm giá con người mà Giáo hội hằng quan tâm. Đức ông Paroli nhận định rằng "tại Việt Nam sức trẻ của người dân là lợi thế tiềm năng phát triển".

Trong cuộc gặp chung, Đức ông Pietro Parolin và Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo cũng chia sẻ quan điểm làm thế nào hầu giải quyết những vướng mắc, băn khoăn liên quan đến vụ Tòa Khâm Sứ ở tại số 42 phố Nhà Chung, Hà nội.

Khoảng trung tuần tháng 12, trước tình trạng Nhà Nước định biến Tòa Khâm Sứ thành khu thương mại và xây khách sạn, Đức TGM Hà Nội là Ngô Quang Kiệt đã xin giáo dân cầu nguyện và làm đơn yêu cầu chính phủ trả lại cho Giáo hội để sử dụng vào nhu cầu chính đáng. Tiếp theo, từ ngày 18.12. 2007 tới ngày 1.2.2008 tại Toà Khâm Sứ đã liên tiếp diễn ra những cuộc thắp nến cầu nguyện của Giáo dân Hà nội đòi chính quyển trả lại khu đất này cho Giáo hội. Sự đòi hỏi chính đáng của Giáo hội không những đã được người Công giáo Việt Nam hưởng ứng mà ngay du luận quốc tế cũng hết lòng ủng hộ.

Tưởng cũng cần nhắc lại rằng, trong vụ giáo dân cầu nguyện đòi lại Tòa Khâm sứ, khi đến giờ phút căng thẳng và gây cấn, vào ngày 30.1.2008, sau khi có những cuộc trao đổi giữa Bộ ngoại giao và Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Italia với Tòa Thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone thuộc Phú Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã viết thư cho Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt trong đó khuyên tìm một giải pháp đối thoại và Tòa Thánh đã nhận được lời hứa một giải pháp tốt đẹp từ phía chính quyền Việt nam.

Ngày 1.2.2008, Đức TGM Hà Nội trong thư chung gửi giáo dân Hà Nội, ngài viết như sau: "Nhờ lời cầu nguyện tha thiết của anh chị em, công việc đã có kết qủa. Sau những căng thẳng, đã có đối thoại giữa Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục Việt nam với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà Nước để đi đến một giải pháp tốt đẹp".

Trong cuộc họp bàn ngày 10.6.2008, Phái đoàn Tòa Thánh cũng nêu ra những quan điểm của mình về vụ việc đất Tòa Khâm Sứ ở số 42 phố Nhà Chung, Hà nội. Chủ tịch thành phố Hà nội là ông Nguyễn thế Thảo đã khẳng định lại rằng: "Chính quyền thành phố Hà nội sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này đựa trên cơ sở đối thoại và đúng theo pháp luật". Và hai bên thống nhất hợp tác tiếp tục giải quyết thông qua đối thoại.

Một cách cụ thể mà nói thì chính quyền Thành phố Hà nội và Quận Hòan Kiếm vẫn theo bản cũ "kéo dài thời gian và khất lần"!

Kể từ khi có những lời hứa của thủ tướng Nguyễn tấn Dũng vào tháng 12, 2008, lời hứa của Quận Hoàn Kiếm trong một số lần gặp với Đức TGM Hà Nội, lời hứa của Bộ ngoại giao Việt Nam với Tòa Thánh vào cuối tháng Giêng 2008... như vậy từ đó đến nay đã nửa năm trời, trước đây nói là đợi đến khi phái đoàn Tòa Thánh sang sẽ giải quyết, nhưng cho đến nay khi Phái đoàn Tòa Thánh sang gặp mặt mà mà chính quyền Việt Nam từ trên xuống dưới vẫn chỉ tiếp tục ca bài "tiếp tục thông qua đối thoại". Thật là những lời hứa xuông và bội tín!

Thêm vào đó trong cuộc họp này, ông Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo còn tuyên bố "bài bản thuộc lòng từ xưa" là "chính quyền thành phố nhất quán thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng tôn giáo"! Nhât là câu tủ ngớ ngẩn sau đây: "Mọi công dân có quyền lựa chọn theo hoặc không theo tôn giáo nào. Mọi tôn giáo được tạo điều kiện hoạt động theo tôn chỉ, mục đích trong khuôn khổ luật pháp. Tất cả các chức sắc, bà con giáo dân sống bình đẳng như mọi công dân khác, tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng thành phố phát triển ".

Pháo đoàn Tòa Thánh tới Việt Nam lần này, ngoài việc đối thoại với các cơ quan Chính phủ, phái đoàn cũng nhằm mục đích thăm và gặp gỡ giáo dân, các chức sắc công giáo ở tại nhiều địa phương. Theo chương trình, sau hai ngày làm việc tại Hà Nội, ngày 11/6, đoàn rời Hà Nội đi Đà lạt thăm Đức cha Nguyễn văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nơi đây cũng có Viện Đại Học Đà Lạt mà Giáo Hội Việt Nam đã làm đơn xin nhận lại sử dụng. Tiếp đó thăm Trung tân Hành Hương Thánh Mẫu La Vang mà chính quyền tỉnh tỉnh Quảng Trị mới trả lại cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thăm giáo phận Huế, và cuối cùng là giáophận Saigòn và giáo phận Phú Cường ở Bình Dương.
 
Phái đoàn Ngoại giao Tòa Thánh kết thúc sứ vụ tại Hà Nội
LM Nguyễn Văn Khải, DCCT
09:01 11/06/2008
HÀ NỘI - Ngày 11.06, Phái đoàn ngoại giao Toà Thánh rời Hà Nội đi Đà Lạt, tiếp tục chuyến công du.

Chương trình sáng nay như sau: Phái đoàn từ khách sạn Melia sang thăm Ban Đối ngoại Trung ương từ 8 h đến 9 h. Khoảng gần 9 h phái đoàn đã rời Hà Nội đi Nội Bài.

Phái đoàn đi trên xe của Chính phủ, cùng ông Đặng Tấn Tính, Vụ Trưởng Vụ Đối ngoại, Ban Tôn giáo và một thông dịch viên là hai người phụ trách tiễn Phái đoàn.

Phía Giáo Hội, có Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Lạng Sơn, Đại diện Đức TGM Hà Nội- người đang bận công du ngoại quốc, cha Lôrenxô Chu Văn Minh, Giám đốc Đại Chủng viện Hà Nội và cha Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT.

Phái đoàn sẽ đáp chuyến bay 11 h từ Hà Nội đi Đà Lạt, vì thế sớm nhất cũng phải 14 h mới đến nơi, do đó, ông Vụ Trưởng đã chu đáo mời Phái đoàn dùng bữa ăn nhẹ tại phi trường. Ăn uống khá nhanh cho nên các ngài không có nhiều thời giờ để trò chuyện với Đức Cha và các cha.

Trước khi chia tay, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân và cha Lôrenxô Chu Văn Minh đã đã đại diện chúc mừng Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương nhân ngày lễ thánh Banaba-Bổn mạng của ngài.

Cha Giám đốc ĐCV cũng đã chu đáo tặng các thành viên trong Phái đoàn mỗi đức ông một bộ đĩa DVD tường thuật cuộc gặp gỡ của Phái đoàn tại Toà TGM Hà Nội, Dòng MTG Hà Nội và tại cuộc thường huấn linh mục liên giáo phận ngày 09.06.2008.

Khoảng gần 11g trưa hôm nay 11.6.2008, các cán bộ của Chính phủ đưa phái đoàn vào bên trong phòng đợi để lên máy bay, kết thúc sứ vụ của phái đoàn tại Hà Nội trong chưa đầy hai ngày: Gặp gỡ các đức giám mục giáo tỉnh Hà Nội, Chào Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, làm việc hai phiên trong 4 giờ với Phái đoàn Chính phủ Việt Nam, chào thăm UBND thành phố Hà Nội, thăm Ban Đối ngoại Trung ương.

Chương trình thăm viếng của các ngài sẽ còn kéo dài đến sáng chủ nhật 15.06.2008, tại Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị.

Cầu xin cho các ngài lên đường bình an và hy vọng các ngài có thời gian và điều kiện nhiều hơn để tận mắt chứng kiến sức sống bền bỉ và sinh động của Giáo Hội Việt Nam ở hai miền còn lại mà các ngài sắp viếng thăm.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tại Nhà Thờ nào ở Hoa Kỳ và Canada có cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh?
Anthony Lê
09:13 11/06/2008
Tại Nhà Thờ nào ở Hoa Kỳ và Canada có cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh?

Tiếp nối các bài viết lần trước chuyên về chủ đề "Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống" nhân năm Thánh Phaolô 2008, lần này người viết xin giới thiệu với Quý Vị thêm một nguồn sưu khảo mới về Thánh Lễ La Tinh, cụ thể là danh sách liệt kê đầy đủ tất cả các Giáo Xứ ở Hoa Kỳ và Canada - vốn có Thánh Lễ La Tinh được cử hành vào những ngày thường trong tuần, và nhất là vào ngày Chủ Nhật, địa điểm và giờ Lễ để Quý Vị tiện tham khảo thêm, hòng khuyến khích mọi thành viên trong gia đình, nhất là giới trẻ, thường xuyên đến và tham dự Thánh Lễ Truyền Thống này.

Để nhận được một Danh Sách đầy đủ, hay để biết xem trong tiểu bang mà Quý Vị đang cư ngụ Nhà Thờ nào có cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh, xin Quý Vị gõ vào địa chỉ: http://www.ecclesiadei.org/masses.cfm hay nhấn chuột vào dòng chữ kế bên: Coalition in support of ECCLESIA DEI

Sau đây là kết quả điển hình để Quý Vị dễ hình dung:

Một Phần Danh Sách Liệt Kê Các Nhà Thờ có Thánh Lễ La Tinh Được Cử Hành


Ngoài ra, Quý Vị cũng có thể vào trang Web của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại địa chỉ: http://www.usccb.org/dioceses.shtml để từ đó tìm ra Giáo Phận / Tổng Giáo Phận nơi Quý Vị đang cự ngụ, và tìm hiểu xem có thêm Giáo Xứ nào tại đó có cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh hay không.

Chúc Quý Vị thành công trong việc tìm được Nhà Thờ có cử hành Thánh Lễ La Tinh nơi Quý Vị cư ngụ để Quý Vị và gia đình cùng đến tham dự Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống!
 
Thông Báo
Chương trình sinh hoạt cho người Việt Nam nhân đại hội Thánh Thể tại Québec từ 15 đến 22 tháng 6 năm 2008
LM. Phêrô Trần Thế Tuyên
11:49 11/06/2008
ĐẠI HỘI THÁNH THỂ THẾ GIỚI LẦN THỨ 49 TẠI QUÉBEC TỪ 15-22.6.2008

CHƯƠNG TRÌNH BÊN LỂ DÀNH CHO NGƯỜI VIỆT NAM

Chương trình Bên Lề:

• Không chính thức, không được ủy thác để thực hiện, không bắt buộc phải tham dự và không có hình thức ghi danh hay đóng góp nào cả. Ai muốn đến, xin mời!

• Đây là một cống hiến tự nguyện của Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ dành cho người Việt Nam.

• Được thành hình trong hoàn cảnh bấp bênh không một yểm trợ hay một dự trù nào.

• Hy vọng nhỏ nhoi: mang một quy tụ, một ích lợi thiêng liêng cho đồng hương. Xin mời!

Địa điểm: Sainte-Anne-De-Beaupré

Địa chỉ: 10018 Avenue Royale, Sainte-Anne-De-Beaupré, Québec, G0A 3C0

Tổ chức: Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ

Liên Lạc: 1) Lm. Phêrô Nguyễn thế Tuyển

Tel. (905) 528-4632

E-mail: frpetertuyen@yahoo.com

2) Linh mục Phêrô Trần minh Bạch

Điện thoại: (418) 827-3781 Ext.116

E-mail: bachtr0110@yahoo.com

3) Thầy Phó Tế Antôn Trần Vĩnh

Điện thoại: (416) 282-7300

E-mail: deaconvinhandmai@yahoo.com

Chương trình sinh hoạt cho Việt Nam

Thứ Hai 16.6.2008 từ 6giờ30 chiều đến 10giờ đêm tại Tiểu Chủng Viện cũ của Dòng Chúa Cứu Thế.

• Nội dung: Thánh Lễ, giảng dạy, học hỏi, sinh hoạt và thảo luận.

• Phụ trách: Cha GB. Đinh thanh Sơn, Montréal

• Phụng vụ, hát lễ: Ca đoàn Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Montréal.

Thứ Ba 17.6 và Thứ Tư 18.6.2008 từ 6giờ30 chiều đến 10giờ đêm tại Tiểu Chủng Viện cũ của Dòng Chúa Cứu Thế.

• Nội dung: Thánh Lễ, giảng dạy, học hỏi, sinh hoạt và thảo luận.

• Phụ trách: Đức Hồng Y GB. Phạm minh Mẫn và hai Cha Nguyễn Khảm và Nguyễn Duy.

• Phụng vụ, hát lễ: Ca đoàn North York và ca đoàn Québec.

(Hoàn cảnh buộc có vài thay đổi so với chương trình trong Tờ Kiến Thức Công Giáo – Xin cáo lỗi và thông cảm!)

Thứ Năm 19.6.2008 từ 6giờ30 chiều – 10giờ đêm

(Vì có rước kiệu trọng thể ở Québec, chúng ta không có Đức Cha VN. chủ sự lễ. Nên Chương trình Lễ rất có thể thay đổisang ngày 20.6 –Xin theo dõi thông báo!)

1) Lễ kỷ niệm 20 năm phong Thánh Việt Nam.

• 6giờ30 chiều: Thánh Lễ đại trào tại tầng dưới Vương cung Thánh Đường Ste-Anne-De-Beaupré do Đức Cha VN. chủ tế. Linh mục Việt Nam, xin mời đồng tế.

• Cha Anthony Trần mạnh Tiến: nghi lễ và phụng vụ theo Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, màu đỏ.

• Hát lễ: Ca đoàn Giáo xứ các Thánh Tử Đạo VN. Toronto.

2) 8giờ30: Học hỏi về Phụng Vụ do Cha Antôn Trần mạnh Tiến hướng dẫn tại nhà nguyện TCV. cũ của Dòng Chúa Cứu Thế.

Thứ Sáu 20.6.2008

7giờ00 tối Trình diễn thánh ca: tầng dưới của Vương Cung Thánh Đường do Cha Giuse Trần Tập và Ca đoàn Toronto điều động

• Chủ đề: Chuyện 20 năm

• Đóng góp: Ca đoàn Toronto, Montreal, Ottawa, North York, Mississauga, Windsor, Hamilton, Kitchener-Waterloo và ca đoàn nào muốn tham dự. Cha Tập sẽ liên lạc và lập chương trình chi tiết.

Thứ Bảy 21.6.2008 từ 6giờ30 chiều đến 10giờ đêm tại Tiểu Chủng Viện cũ của Dòng Chúa Cứu Thế.

• Nội dung: Thánh Lễ, giảng dạy, học hỏi, sinh hoạt và thảo luận.

• Phụ trách: Cha Antôn Trần mạnh Tiến

• Phụng vụ, ca đoàn: Ottawa và Kitchenner-Waterloo.

Lo thức ăn nhẹ và giải lao (phải mua):

Ông Bà Lê văn Minh-Hạnh và một số thiện nguyện từ Ottawa với sự yểm trợ của các nhà hàng VN. Quebec.

Phân phối: Áo thun, logo, tài liệu, sách vở (phải mua):Cô Trần thị Xuân Mai, Toronto và quí Thầy.

Chương trình Việt Nam và cho Việt Nam!

Xin mời tham dự!
 
Chương trình đại hội Liên Giáo Sĩ và Tu Sĩ Việt Nam tại Canada
LM. Phêrô Trần Thế Tuyên
11:53 11/06/2008

ĐẠI HỘI L.G.S.&T.S. VIỆT NAM TẠI CANADA LẦN THỨ III



SAINTE-ANNE-DE-BEAUPRÉ TỪ 18 - 23.6.2008

I. TỔ CHỨC:

1. Trưởng ban: Điều hành sinh hoạt chung

Lm. Chủ tịch Phêrô Nguyễn thế Tuyển

Điện thoại: (905) 528-4632

E-mail: frpetertuyen@yahoo.com

2. Nơi ăn chốn ở: Lm.Phêrô Trần minh Bạch

Điện thoại: (418) 827-3781 Ext.116

E-mail: bachtr0110@yahoo.com

Bà Nguyễn thị Hiền: (418) 658-1912

3. Tài chánh, di chuyển

Lm. Giuse Phạm hồng Chương

Điện thoại: (705) 424-1551

E-mail: revphamca@yahoo.ca

4. Phụng vụ: Sr. Maria Thủy và Maria Hằng

Điện thoại: (514) 744-2488

E-mail (Sr. Thủy): jbotanica@yahoo.com

E-mail (Sr. Hằng): hangtran74@hotmail.com

5. Nhân sự, Trật tự vệ sinh:

Thầy Phó Tế Antôn Trần Vĩnh&cô Xuân Mai

Điện thoại: (416) 282-7300

E-mail: deaconvinhandmai@yahoo.com

6. Đồng hành với LGSTS lo ăn uống và giải lao: Anh Chị Lê văn Minh-Hạnh Ottawa.

Cell phone: (613) 796-7820

E-mail: minhanhottawa@yahoo.ca

7. Liên lạc: Trần thế Tuyên

Điện thoại: (780) 645-3277 Ext.29

Cell phone: (780) 862-9778

E-mail: hongancanada@yahoo.ca

II. ĐÃ THÔNG BÁO

1. Đại Hội LGSTSVN tại Canada lần thứ III được tổ chức tại Sainte-Anne-De-Beaupré. Quy tụ: Chiều Thứ Tư 18.6.2008 tại Sainte-Anne-De-Beaupre. Kết thúc: Chiều ngày 23.6 tại Montreal.

2. Liên lạc với Thầy Sáu Antôn Trần Vĩnh để:

• Ghi danh tham dự Đại Hội LGSTS.

• Ghi danh tham dự Đại Hội Thánh Thể cuối tuần của LGSTS, nếu đã không ghi danh ở địa phận mình.

• Ai cần đón ở phi trường Québec.

3. Nơi ăn chốn ở: Đã đặt 60 chỗ ngủ và nơi chốn sinh hoạt (nhà nguyện, phòng Gym) với Cha Phêrô Bạch. Chi phí phải trả tính từ chiều ngày 15.6.2008. Có quyền xử dụng tính từ ngày 15.6.2008. Ăn sáng tự túc. Cơm trưa và chiều: Nhà hàng VN ở QC. lo.

4. Ngân khoản $15000 dự trù để chi trả cho Đại Hội. Thành viên không phải trả chi phí nào (nếu Cha thủ quỹ OK!) LGSTS sẽ giúp chi trả vé máy bay cho 5 thành viên tu sĩ và chủng sinh từ Miền Tây và Miền Trung. Ai thật sự cần, xin liên lạc với Cha thủ quỹ.

5. Vận chuyển: Thuê 4 xe van (8 chỗ ngồi) để di chuyển trong Đại Hội. Có 4 tài xế: Cha Chương từ Toronto, Cha Phong và Phinh từ Montreal, Thầy Diệu từ Montreal và Cha Tuyên từ Ottawa. LGSTS trả tiền thuê bao xe và xăng nhớt.

6. Trong điều kiện cho phép, LGSTS sẵn sàng đón tiếp linh mục, tu sĩ VN ngoài Canada.

7. Tinh thần: Vui vẻ, cởi mở và bác ái huynh đệ.

III. CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI L.G.S&T.S.

Chiều ngày Thứ Tư 18.6.2008

6giờ Cơm chiều, gặp gỡ và thông qua chương trình.

7giờ Tham gia chương trình của Đức HY. Mẫn.

Ngày Thứ Năm 19.6.2008

Sáng: Kinh sáng, nguyện gẫm. Thăm 3 Nữ Tu Dòng Kín Bùi Chu, Danville, dâng lễ và ăn trưa. Buổi chiều: Chia sẻ mục vụ, sinh hoạt các Miền. Thăm viếng thành phố Quebec và di tích tôn giáo.

Buổi tối: Đại Lễ mừng 20 năm phong Thánh VN. (Rất có thể dời sang ngày hôm sau 20.6)

Ngày Thứ Sáu 20.6.2008 Khởi hành lúc 6giờ sáng đi thăm Nữ Tu Dòng Kín Dolbeau-Mistassini. Thánh Lễ, cơm trưa và quay về. Ban tối: tham gia chương trình Thánh Ca “chuyện 20 năm”

Ngày Thứ Bảy 21.6.2008

Sáng: Kinh sáng, nguyện gẫm, ăn sáng

Sinh hoạt nội bộ: sinh hoạt LGSTS ưu, khuyết điểm?

Buổi chiều: Thăm di tích tôn giáo Quebec.

Buổi tối: Tham dự chương trình Cha Antôn Tiến.

Chúa Nhật ngày 22.6.2008

Sáng: Kinh sáng, nguyện gẫm, tâm tình.

11giờ sáng Tham dự Thánh Lễ Bế mạc ĐHTT.

Ăn trưa trên đường đến Montreal. 5 giờ chiều Thánh Lễ CN. tại Montreal. Ăn tối, sinh hoạt chung – ngủ.

Thứ Hai 23.6.2008

Sáng: 9 giờ qui tụ tại đền Thánh Giuse. Đi St. Thérèse (45 phút) thăm Nữ tu Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh Lễ, ăn trưa và giải tán.

Thứ Ba 24.6.2008: 11:00 am Thăm viếng và ăn trưa với Đức Khâm Sứ Luigi Ventura tại Tòa Khâm Sứ số 724 Manor Ave. Rockcliffe Park Ottawa ON.

Hai năm dài, một lần Đại Hội! Xa gần! Lặn lội! cố gặp nhau!
 
Tin Đáng Chú Ý
Cựu thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt qua đời, thọ 85 tuổi
Nguyễn Đán
12:44 11/06/2008
SÀI GÒN- Tin từ các hệ thốnt thôn tin Việt Nam cho biết: Cựu thủ tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt, đã qua đời lúc 6 giờ 40 phút sáng thứ Tư (giờ địa phương), khi đang chữa bệnh tại bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore.

Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt
Tin tức này được các hãng thông tấn quốc tế loan đi sau khi ông Kiệt qua đời vài tiếng đồng hồ. Một số các báo điện tử của Việt Nam như VietnamNet, VNExpress, cũng đã loan tin nhưng ngay sau đó đã được lệnh của chính quyền Việt Nam buộc phải gỡ xuống mà không được giải thích vì sao.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC người con gái ông Võ Văn Kiệt, bà Võ Hiếu Dân, cho biết về tang lễ ông Kiệt: “Các anh trong ban bí thư ngày mai họp và thông báo, chứ gia đình chưa biết gì”.

Ông Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23 tháng 11 năm 1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông Kiệt từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cộng sản Việt Nam kể từ năm 1940 đến khi chính thức rút lui khỏi chính trường vào tháng 12 năm 1997 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, trên cương vị Thủ tướng chính phủ. Sau đó ông được đảng cộng sản Việt Nam phong cho vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương cho đến năm 2001.

Ông Kiệt được đánh giá là một trong những lãnh đạo Việt Nam đi đầu trong việc khởi xướng thời kỳ “đổi mới” rũ bỏ nên kinh tế quan liêu bao cấp nghèo đói theo lý thuyết cộng sản để chuyển sang nên kinh tế thị trường theo tư bản kể từ năm 1986. Trong những năm gần đây ông đã có những bài viết hay trả lời phỏng vấn nhằm kêu gọi sự hòa hợp hòa giải dân tộc sau hơn 30 năm biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên BBC ông nhận định về ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam là ngày “Có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”.

Và ông cũng có một câu nói nổi tiếng: 'Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả'.
 
Văn Hóa
Nhạc bản: Chuyện tình 50 năm
Sơn Ca Linh
08:56 11/06/2008
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Quán Của Mẹ
Sen K.
00:11 11/06/2008

QUÁN CỦA MẸ



Ảnh của Sen K. – Philippines

Sinh con mẹ đã sinh đời

Sinh ra sự sống, mẹ ngồi chán sao?

Quanh năm có nghỉ ngày nào!

Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy.

(Trích thơ của Huy Cận)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền