Ngày 11-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống hiệp thông và chia sẻ noi gương Chúa Ba Ngôi
Lm Đan Vinh
05:29 11/06/2019
CN 11 TN C - LỄ CHÚA BA NGÔI
Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 16,12-15

(12) “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. (13) Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. (14) Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (15) Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng của thánh Gio-an hôm nay trích từ bài diễn từ giã biệt, trong đó, Đức Giê-su trăn trối tất cả những chân lý mặc khải cho các môn đệ, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Như một ông Thầy hiểu biết mức độ lãnh hội giới hạn của các môn đệ, Đức Giê-su đã hứa ban Thần Khí Sự Thật đến để soi sáng cho các ông và dẫn đưa các ông đến sự thật toàn vẹn. Thần Khí Sự Thật đó chính là Chúa Thánh Thần.

3. CHÚ THÍCH:

-C 12-13: + Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi: Chân lý đức tin đã được Đức Giê-su mặc khải, nhưng các môn đệ lại chưa có khả năng lãnh hội được, vì các ông chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm về một Đấng Thiên Sai trần tục của dân Do thái thời bấy giờ. + Khi nào Thần Khí Sự Thật đến. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Vào lễ Ngũ Tuần, nhờ Chúa Thánh Thần tác động nên các ông đã hiểu biết toàn vẹn các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vai trò của Chúa Thánh Thần là hướng dẫn, soi lòng mở trí các môn đệ nhận biết sự thật. + Tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói những gì khác với Đức Giê-su. Do đó, tất cả những điều người ta nghĩ về Thiên Chúa mà khác với lời dạy của Đức Giê-su như các Tông đồ rao giảng, thì đều sai lầm. ư Tin mừng của Gio-an có đọan viết như sau: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có... Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ. Nhưng con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,14.17-18).
-C 14-15: + Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy: Mọi sự đều bắt nguồn từ Chúa Cha, thể hiện nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. + Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em: Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục soi lòng các Đức Giáo hoàng kế vị Tông đồ Phê-rô và các Giám mục kế vị các Tông đồ khác khi họp Công Đồng Chung. Do đó, giáo huấn của các ngài về đức tin và luân lý đều được Thánh Thần soi dẫn hợp với Lời dạy của Chúa Giê-su, nên tuyệt đối không sai lầm được.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao các môn đệ lại không thể hiểu hết những Lời Đức Giê-su rao giảng trong thời gian Người giảng đạo ?
2) Chúa Thánh Thần có vai trò thế nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt đối với các môn đệ của Đức Giê-su ?
3) Giáo huấn của các Đức Giáo Hòang và của các Công Đồng chung về đức tin và luân lý có thể sai lầm không ? Tại sao ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CON NGƯỜI KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA:

VÔN-TE là người đã công khai bỏ đạo và hoàn toàn không tin vào Thiên Chúa và còn luôn chế diễu niềm tin của các Kitô hữu. Một hôm ông đi bách bộ với một người bạn thân có đức tin sâu sắc, trên một đường quê ở ven rừng. Giữa giao lộ có một cây Thánh giá phủ đầy tuyết trắng xóa. Bấy giờ VÔN-TE chỉ vào cây Thánh giá phủ đầy tuyết và nói với anh bạn: “Đây là hình ảnh của tôn giáo ngày nay. Thiên Chúa của các anh đã bị văn minh khoa học phủ kín mặt mày và niềm tin tôn giáo đã bị sự lạnh lùng băng giá của con người hôm nay che lấp. Vì vậy, Thiên Chúa của các anh không còn lý do tồn tại nữa”. Chợt lúc đó, một cơn gió mạnh thổi đến hất tung chiếc mũ trên đầu VÔN-TE xuống đất, đồng thời cơn gió cũng làm tan chảy lớp tuyết bao phủ cây Thánh giá khiến gương mặt Chúa Giêsu trên cây Thánh giá từ từ hiện ra rõ nét. Người bạn của VÔN-TE lúc đó mới nói: ”Này anh bạn, đây mới là hình ảnh đích thực của niềm tin tôn giáo hôm nay. Cho dù con người vẫn lạnh lùng và chai cứng như lớp tuyết trắng che kín Thánh giá, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn dư sức hất tung sự kiêu ngạo của con người và làm tan chảy sự lạnh lùng nơi con tim sỏi đá của con người. Ngài luôn hiện hữu cho dù con người có ra sức loại trừ Ngài”.

2) NÀO AI HIỂU ĐƯỢC MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:

Thánh AU-GUS-TI-NÔ là vị đại thánh Tiến sĩ của Hội thánh, một hôm vừa đi bách bộ trên bãi biển vừa suy nghĩ về mầu nhiệm Một Chúa Ba ngôi. Chúa đã sai một thiên thần nhỏ đến với ngài. Thiên thần dùng một vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ con dã tràng đào trên bãi cát. Thấy em làm công việc vô ích kia cách thích thú, ngài lên tiếng hỏi em bé:
- Em đang làm gì thế?
Em trả lời:
- Cháu muốn tát cạn nước biển khơi bằng việc múc nước biển đổ vào lỗ con dã tràng này.
- Không được đâu em, nước biển bao la mà lỗ dã tràng lại nhỏ bé, làm sao em có thể tát cạn được nước biển khơi kia ?
Thiên thần nhỏ trả lời:
- Cháu làm việc này tuy khó, nhưng vẫn còn dễ hơn việc ngài đang làm là muốn hiểu biết mầu nhiệm Một Chúa Ba ngôi bằng trí óc nông cạn của ngài.
Quả thật: "Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vượt qua tầm hiểu biết nông cạn của loài người, và người ta chỉ hiểu thấu sau khi được lên trời chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa".

3) CHÍNH TÔI ĐÃ GẶP THẤY NGƯỜi.

Hồi ấy AN-RÊ PHỐT-SA (André Foissard) là một sinh viên thuộc một gia đình vô tín ngưỡng. Thân phụ ông là người vô thần, cố tình để trên bàn học của con các sách báo có nội dung bài bác đạo Công giáo để con đi theo sự vô tín của mình. Nhưng dù sống trong môi trường vô tín như thế, Phốt-sa vẫn đạt tới đức tin nhờ Chúa Thánh Thần. Một hôm, anh đi vào nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri để tìm một người bạn. Cặp mắt của anh tình cờ nhìn thấy tượng Chúa Giê su đang chịu đóng đanh trên cây thập giá. Lập tức anh đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Anh đến đứng dưới chân thập giá ấy một hồi lâu và những giọt nứơc mắt tự nhiên lăn dài trên má. Bấy giờ anh cảm thấy mình giống như một đứa con đã đi lạc trong một thời gian dài, nay vừa tìm thấy người cha thân yêu của mình. Sau này anh đã thuật lại biến cố ấy trong một tác phẩm thời danh là “Quả thật có Thiên Chúa. Chính tôi đã gặp Ngài”.

4) TÌNH YÊU TỰ NGUYỆN CHẾT THAY CHO MỘT NGƯỜI KHÔNG QUEN BIẾT:

Cha thánh MA-XI-MI-LIÊN KÔN-BÊ (Maximilien Kolbe) được thụ phong linh mục vào năm 1918. Cha bị Đức Quốc Xã bắt ngày 17.2.1941 và bị giam tại trại tập trung Ô-sơ-vích (Auschwitz). Đây là một nhà tù hãi hùng nhất bao gồm nhiều hình phạt độc ác nhất dành cho tù nhân. Mỗi tù nhân không còn được mang tên riêng và được gọi bằng một con số. Cha Kôn-bê mang số tù binh là 16.670. Tại nhà tù này, Đức quốc xã đưa ra một quy định hết sức khắc nghiệt: Nếu có một tù nhân trốn trại, thì mười người khác phải chết thay. Rất nhiều tù nhân đã trở thành nạn nhân của thứ luật rừng này, trong đó có cha Ma-xi-mi-lien Kôn-bê.

Vào một đêm trong tháng 8 năm 1941, một tù nhân đã vượt ngục thành công. Thế là mười người khác bị chỉ định phải chết thay. Trong số mười người được nêu tên hôm đó có một người tên Ga-giô-ních-giéc (Gajowniczek). Anh ta đã kêu khóc thảm thiết khi vừa nghe cán bộ trại giam đọc tên, vì anh còn mẹ già, vợ con đang chờ ngày anh về. Trước thảm cảnh đó, vì lòng mến Chúa yêu người, Cha Kôn-bê đã đứng ra xin được chết thế cho anh lính tội nghiệp kia. Được chấp nhận, Cha cùng đoàn tử tù đã anh dũng bước vào phòng hơi ngạt số 14. Hôm sau, người ta mở cửa phòng để lôi xác chết ra ngoài, nhưng thấy cha Kôn-bê vẫn còn thoi thóp thở, họ liền chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha đã tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.

Trong lễ phong hiển thánh cho chân phước Ma-xi-mi-lien Kôn-bê, có một cụ già được xếp đứng trong đoàn người lên dâng lễ vật. Ông đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI chủ tế ôm hôn. Đây chính là người tử tù được cha thánh Kôn-bê tình nguyện chết thay. Trong giây phút trang trọng ấy, toàn thể cộng đoàn đã sốt sắng hát bài thánh ca: “không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu”. Đây là một chứng tích tình yêu cao vời khiến mọi người hiện diện đều rất xúc động và rơi nước mắt. Tình yêu hiến thân chịu chết thay cho tha nhân đã diễn tả chính tình yêu tột đỉnh của Chúa Ba Ngôi như lời Chúa Giê-su: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

5) TÌNH THƯƠNG THA THỨ TẤT CẢ, TIN TƯỞNG TẤT CẢ, CHỊU ĐỰNG TẤT CẢ:

Trong phòng xử án Toà án nhân dân Thành phố Hồ chí Minh sáng ngày 16-8-1996, ngay ở hàng ghế đầu, suốt những giờ xét xử của Hội đồng xử án, một người đàn bà với đôi mắt ướt đẫm nước mắt, cứ nhìn đăm đăm vào chiếc lưng của bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Đó là chiếc lưng của đứa con đầu lòng của bà trong chiếc áo tù, và có in ký hiệu "AB". Cho đến khi công tố viên đọc xong lời buộc tội và đề nghị mức án "hai mươi năm tù vì tội giết người" bà bỗng nấc lên một tiếng rồi ngất xỉu. Bà ngất xỉu có lẽ vì bà chịu đựng không nổi mức án dành cho con bà: 20 năm tù vì cái tội giết người; mà người nó định giết không ai khác hơn là chính bà. Bà là mẹ của bị cáo và cũng chính là người bị hại !

Hơn một năm trước đây, vào ngày 16 tháng 7, 1995, chính nó đã cầm một thanh gỗ tròn dài nửa mét đánh vào đầu bà, rồi cầm một con dao đâm vào ngực bà. Người đầm đìa máu bà ngã xuống ngất xỉu - vì con. Hôm nay bà lại ngã xuống, ngất xỉu... cũng vì con. Thằng con bà - Lương Quốc Tuấn, sinh năm 1976, ở quận 11, làm thợ cửa sắt. Từ khi lên 5 tuổi, cha của Tuấn đã bỏ mẹ con Tuấn đi sống với người khác. Mẹ của Tuấn lặn lội nuôi hai đứa con thơ lớn lên. Thế mà... Sáng hôm đó, Chúa Nhật, Tuấn dậy trễ. Tuấn hỏi xin mẹ mấy ngàn ăn hủ tiếu. Mẹ Tuấn không cho, bảo lấy mì ăn liền nấu ăn. Tuấn khai trước toà: "Mẹ nói từ ngày quen con nhỏ đó thân ốm nhom ốm nhách, không tiền không bạc... mẹ đã không cho tiền lại còn nói nọ nói kia..." Thế là Tuấn đã làm cái điều mà có lẽ nghe đến, ai cũng phải thấy rợn cả người: đánh, giết mẹ! Với 10 vết thương, chỉ có hai vết ở tay, còn lại toàn ở đầu và ngực nhưng khi từ bệnh viện sau sáu ngày điều trị trở về, bà lại ráng sức để xách đồ ăn vào thăm con đang bị giam trong tù ! Sợ con bị đưa ra toà, bà đã viết giấy bãi nại xin xóa tội cho con. Và trước toà, bà cứ vừa khóc vừa nói: "Từ nhỏ đến khi lớn nó ngoan lắm. Nó không uống rượu, không hút thuốc, xin toà giảm tội!" Rồi bà như ray rứt, ân hận, và trách mình: "Tôi không nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn. Nó phải đi làm sớm, lúc học xong lớp 8." Hoàn toàn bà không hề nhắc gì đến cái tội tày trời mà đứa con của bà đã phạm phải.

Bên trong phòng xử án, khi bà tỉnh lại, phóng viên đến xin hỏi chuyện bà, bà lại khóc nói: "Tôi không nói được gì đâu, đau đớn quá." Khi có các phóng viên đến chụp ảnh con bà đang bị một tay còng vào ghế, bà van nài: "Xin đừng chụp ảnh con tôi..." Khi những người công an còng hai tay con bà giải đi, bà đã lao người với theo, bà ngã trong vòng tay của người quen. Lúc ấy phóng viên nhìn thấy rất rõ một vết thẹo trên trán của bà. Vết thẹo do chính tay con bà đã cầm một thanh gỗ đập vào để lại... (Tuổi Trẻ 17-8-1996).

3. THẢO LUẬN:

1) Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Vậy mỗi tín hữu phải có bổn phận thế nào đối với Chúa Ba Ngôi?
2) “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vậy bạn cần sống tinh thần hiệp thông, chia sẻ yêu thương nơi gia đình, đoàn thể và trong xứ đạo của bạn thế nào để nên giống như tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa?

4. SUY NIỆM:

1) Nhận biết một Thiên Chúa duy nhất: Với trí khôn suy luận theo nguyên lý nhân quả, người ta có thể biết có Đấng Tạo Hóa. Nhờ Mô-sê trong Cựu Ước, dân Do thái đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tự hữu và duy nhất (x. Xh 20,2-3). Đến thời Tân Ước, nhờ Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa làm người, mà loài người còn biết Thiên Chúa không những là Một mà còn có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha yêu Chúa Con từ trước muôn đời và đã sai Chúa Con xuống trần gian làm Đấng Thiên Sai. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa con và là Đấng được Chúa Cha cử xuống để giúp Hội Thánh tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Chúa Giê-su để góp phần cứu độ trần gian.
2) Nhờ Chúa Giê-su mặc khải mà Hội Thánh nhận biết Thiên Chúa có Ba Ngôi:
+ Trong cuộc Thần hiện tại sông Gio-đan: Tin mừng Mát-thêu đã thuật lại như sau: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khi Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).
+ Khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô: Đức Giê-su đã mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những Lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào Con thì được sống đời đời” (Ga 3,34-36a).
+ Khi trao sứ vụ cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
+ Vào lễ Ngũ Tuần: sau khi được Chúa Thánh Thần hiện Xuống Phê-rô đã nói về Ba Ngôi Thiên Chúa: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: Đó là điều anh em đang thấy và đang nghe” (Cv 2,33).
+ Thánh Phao-lô cầu chúc cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13). Trong thư Ga-lát: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em... Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác, làm ngôi nhà Thiên Chúa” (Ep 2,18.22).

3) Sống yêu thương hiệp thông và chia sẻ noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi:

+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu hiệp thông trọn vẹn: Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi tuy khác nhau nhưng hiệp nhất trong một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau như Đức Giê-su đã khẳng định: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30) ; “Để tất cả nên một, như lạy Cha: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Chúa Cha và Chúa Con luôn nên một trong tư tưởng và trong hành động, nên Đức Giê-su đã luôn vâng lời Cha và làm theo thánh ý Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giê-su như Người đã phán trong Tin Mừng hôm nay: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người (Chúa Thánh Thần) sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi trọn vẹn đến nỗi một Ngôi biểu hiện cho cả Ba Ngôi, như Chúa Giê-su cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Ngày nay Hội Thánh tôn thờ Chúa Cha qua hình ảnh Con Thiên Chúa nhập thể làm người là Chúa Giê-su, Đấng đã đi giảng đạo và sau cùng đã chịu nạn chịu chết trên cây thập giá để chuộc tội cho loài người, đã được an táng trong mồ, rồi ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại vinh quang.
+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu chia sẻ dâng hiến: Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Chúa Cha ban cho Chúa Con chính mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha: Dâng bản thân, ý muốn, và cả mạng sống của mình. Khi hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su tuy cũng sợ chết nhưng Người sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa Cha qua lời cầu nguyện: “Áp ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu dâng hiến không giữ lại điều gì cho mình, mà sẵn sàng cho đi tất cả.
+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu tác sinh để ngày một thêm sung mãn. Càng cho đi lại càng thêm phong phú. Càng nhận lãnh lại càng thêm sức mạnh để cho đi. Tình yêu nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tràn trề sung mãn tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc đời đời. Hôm nay chúng ta hãy sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi: Sống yêu thương hiệp nhất với nhau. Luôn dâng hiến bản thân bằng cách chia sẻ, cho đi với tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ ý riêng để hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống Thiên Chúa là Tình Yêu. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

4) Thực hành cụ thể mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi giữa đời thường:

+ Năng làm dấu thánh giá: Mỗi ngày, khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Làm dấu Thánh giá là ta ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể và trên mọi hoạt động của ta. Do đó ta cần phải làm mọi việc cách nghiêm túc đẹp lòng Thiên Chúa.
+ Kết hiệp mật thiết với Chúa Ba Ngôi: chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi nơi chúng ta để được kết hiệp mật thiết với Ngài, bằng việc tuân giữ giới răn yêu thương như Đức Giê-su dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
+ Lắng nghe tiếng lương tâm: Ngày nay, Thiên Chúa siêu việt vẫn luôn ở với chúng ta để nhắc nhở chúng ta làm lành lánh dữ qua tiếng lương tâm. Hãy giữ sự thinh lặng nội tâm để có thể nghe được tiếng Người. Hãy biết quảng đại chia sẻ tình thương của Người với tha nhân, nhất là giúp đỡ phục vụ Chúa hiện thân qua người nghèo hèn, yếu đuối, bất hạnh và bị bỏ rơi.
+ Thống nhất trong đa dạng: Như “Thiên Chúa vừa là Một theo Bản Tính, vừa là Ba theo Ngôi Vị”, Hội thánh cũng phải vừa thống nhất vừa đa dạng. Hội thánh có mười hai Tông đồ, bốn sách Tin mừng, hai kinh Lạy Cha... Tuy nhiên, để sự thống nhất mà không trở nên khép kín nghèo nàn, để sự đa dạng đừng biến thành cớ gây chia rẽ, thì cần phải có sự hiệp thông sâu xa giữa mọi thành phần trong Hội thánh. Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của loài người. Hãy thống nhất trong những điều chính yếu, nhưng sẵn sàng chấp nhận sự đa dạng phong phú trong những điều tùy phụ.

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Chúa là mẫu mực của một tình yêu tinh tuyền. Xin cho các tín hữu chúng con trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Xin dạy chúng con biết yêu người như Chúa đã yêu con, biết sống với và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Lạy Ba Ngôi chí thánh. Xin cho chúng con luôn vững tin vào sự hiện diện quyền năng của Chúa trong con và trong những người nghèo hèn đau khổ đang cần sự trợ giúp của chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:59 11/06/2019

2. Người kiêu ngạo đi lên địa vị cao thì giống như thuyền ngược giòng nước từ từ đi lên; sau đó khi bị hạ xuống thì không phải từ từ mà xuống, nhưng như sấm đột nhiên từ trời giáng xuống.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:14 11/06/2019
40. THƠ NHẠO NI CÔ

Có một ngừơi làm thơ nhạo ni cô như sau:

“Canh năm chuông rền cổng chùa mở

chồng trước từ biệt chồng sau đến.

Mượn điện Phật làm phòng tiếp khách

gác chuông đề làm vọng phu đài.

Năm ngoái giám viện đã từng giữ cái thai,

năm nay hành lang lại gởi thai.

Không phải vườn này rộng mười mẫu,

để bốn mùa làm nơi chôn con riêng...?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 40:

Ni cô là người tu hành, ni cô là người ăn chay niệm Phật, nhưng lòng ni cô thì xa Phật cả vạn dặm vì “chồng trước từ biệt chồng sau đến...”

Nữ tu là người tu hành, nữ tu là nữ tì của Đức Mẹ Ma-ri-a, là người hiến dâng phục vụ Chúa trong mọi người, cho nên nữ tu rất gần gủi với Thiên Chúa và thân thiện với tha nhân...

Người ta ai cũng thích cộng tác với một nữ tu hiền lành và đơn sơ bởi vì đó là nét nổi bật của một nữ tu, chứ không ai thích cộng tác với một nữ tu hách dịch ưa lý luận và hay hờn mát với giáo dân...

Nữ tu là con cái của Đức Mẹ Ma-ri-a, trong Phúc Âm của các thánh sử chưa thấy ai nhắc đến Đức Mẹ Ma-ri-a hay hờn mát, thích lý luận và hách dịch với hàng xóm...

Có một vài nữ tu thời nay thích nổi giữa đám đông dân chúng, thích được người khác biết đến mình, thích tranh luận với giáo dân về những chuyện không ăn nhằm gì đến tu đức của mình...Người ta không cười nhạo nữ tu như cười nhạo ni cô, nhưng người ta cũng sẽ cười các nữ tu của chúng ta khi các nữ tu nguýt lườm nhau, nói xấu nhau và ích kỷ với nhau như người đời vậy...

Ni cô thì không giống với nữ tu, bởi vì những cô gái muốn làm ni cô là vì họ muốn thoát ra cõi hồng trần sân si, còn các cô gái của chúng ta muốn làm nữ tu là vì họ muốn dấn thân phục vụ con người trong cõi hồng trần đầy đau khổ này.

Ni cô và nữ tu khác nhau là ở đó vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật Tuần Lễ Chúa Ba Ngôi
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:47 11/06/2019
LỄ CHÚA BA NGÔI. C
(Ga 16: 12-15)
BA NGÔI.


Ba Ngôi cực trọng cao vời,
Chỉ duy Một Chúa, đời đời như nhau.
Ba Ngôi không kể trước sau.
Có cùng thiên tính, bằng nhau phụng thờ.
Muôn đời hiện hữu nguyên sơ,
Chúa Cha phép tắc, vô bờ vô biên.
Chúa Con sinh hạ tự thiên,
Làm người dương thế, Chúa Chiên cứu đời.
Ngôi Ba sự sống cao vời,
Canh tân đổi mới, lòng người thế gian.
Soi đường chân lý trao ban,
Thần linh phù trợ, ủi an tâm hồn.
Ba Ngôi hiển trị kính tôn,
Nhiệm mầu sâu thẳm, càn khôn vô lường.
Bao la vũ trụ tỏ tường,
Muôn loài thụ tạo, chung đường phát huy.
Trí khôn mời gọi tư duy,
Tình yêu chia sẻ, gẫm suy một đời.
Hồng ân hiện hữu trên đời,
Khấu đầu thờ lạy, Chúa Trời thiên thu.

Mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao siêu nhất trong đạo. Một Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mặc khải mầu nhiệm này cho các Tông đồ khi ngài sai các ông: Hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Chúng ta cố gắng học hiểu phần nào mầu nhiệm mà chúng ta tôn thờ. Thánh Augustinô suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhưng không thể hiểu thấu. Ngài nói rằng nếu chúng ta có thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba ngôi, thì Chúa sẽ không còn là Chúa nữa. Sự bao la quyền năng của Chúa không thể thấu hiểu bởi trí khôn hạn hẹp của con người.

Mỗi người chúng ta đều có giới hạn, cả không gian lẫn thời gian. Mắt không thể nhìn quá xa, mũi không thể ngửi mọi mùi vị, tai không thể nghe những âm thanh ngoài xa kia. Tâm trí của chúng ta cũng bị giới hạn, không thể suy tưởng những điều thiêng liêng và vô hình. Chúng ta chẳng thể hiểu được những cái xảy ra ngay bên cạnh chúng ta, làm sao có thể hiểu những điều cao siêu. Không ai hiểu về sự sống của chính mình. Chúng ta chỉ biết chúng ta còn hơi thở và chúng ta đang sống.

Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta về hình ảnh của Chúa Ba Ngôi khi Chúa trả lời cho thánh Tôma. Tôma xin Chúa: Xin tỏ cho chúng con thấy Cha. Chúa Giêsu trả lời: Ai xem thấy Ta là xem thấy Cha. Vậy Chúa Giêsu chính là hình ảnh của Chúa Cha. Thánh Gioan đã nói rằng: Chúa là tình yêu, khi chúng ta yêu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như cộng đồng tình yêu.

Tình yêu của đời sống gia đình là tình yêu phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa. Cha mẹ yêu nhau và yêu thương con cái. Chỉ khi yêu, chúng ta mới cảm nghiệm được mầu nhiệm tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi kết hợp mật thiết với nhau trong tình yêu. Chúa Giêsu nói rằng: Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy và Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con làm dấu thánh giá, chúng con tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và nguồn sự sống của chúng con. Chúng con thờ lạy, cảm tạ và tôn vinh danh Chúa đến muôn đời.

THỨ HAI, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
(Mt 5, 38-42).
HIỀN LÀNH


Luật xưa răn dậy công bằng,
Mắt thì đền mắt, lấy răng đền răng.
Có qua có lại hay chăng,
Thù hằn báo oán, chẳng bằng thứ tha.
Chúa rằng đừng chống người ta,
Hiền lành nhân ái, hải hà khoan dung.
Con người lữ khách có cùng,
Đỡ nâng hòa thuận, sống chung hiền lành.
Người hơn kẻ kém đã đành,
Hơn nhau ý chí, thực hành ái nhân.
Nội tâm sâu thẳm, ai cân,
Rộng lòng quảng đại, dương trần luyện tâm.
Con đường theo Chúa âm thầm,
Giúp người cơ nhỡ, đường lầm vượt qua.
Sống đời bác ái vị tha,
An bình thư thái, ngọc ngà quí thay.

THỨ BA, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
(Mt 5, 43-48).
YÊU THƯƠNG


Lời xưa răn dậy thế này,
Bà con lối xóm, tỏ bày yêu thương.
Địch thù xuất hiện trên đường,
Tránh xa, ghen ghét, tựa nương làm gì,
Điều răn Chúa dạy chi li,
Thương yêu thù địch, từ bi với người.
Làm ơn kẻ ghét các ngươi,
Cầu xin chúc phúc, tươi cười thứ tha,
Chúa ban mưa xuống thuận hòa,
Kẻ lành người dữ, hải hà phúc vinh.
Yêu thương những kẻ yêu mình,
Chẳng còn công phúc, ánh vinh cuộc đời.
Hãy nên hoàn hảo cao vời,
Thực hành bác ái, yêu người thế nhân.
Tạ ơn Thiên Chúa vô ngần,
Thương ban phúc lộc, tinh thần lạc an.

THỨ TƯ, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
(Mt 6, 1-6. 16-18).
GIẢ HÌNH


Giê-su nhắn nhủ đừng nên,
Phô trương công đức, xưng tên giữa đời.
Thi hành việc thiện với người,
Âm thầm bố thí, rạng ngời đức công.
Tránh đừng hình thức viển vông,
Giả hình đạo đức, thổi phồng cái tôi.
Nhiều người xưng tụng đãi bôi,
Thổi loa loan báo, tô vôi thói đời.
Chúa khuyên giữ kín mọi lời,
Trả công bội hậu, cuộc đời mai sau.
Nguyện cầu phòng kín đêm thâu,
Cha ngươi thấu suất, ẩn sâu trong lòng.
Ăn chay rửa mặt sáng trong,
Xức dầu thơm ngát, thong dong nhẹ nhàng.
Tươi cười rạng rỡ ca vang,
Tinh thần an lạc, dẫn đàng phúc vinh.

THỨ NĂM, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
(Mt 6, 7-15).
CẦU NGUYỆN


Sấp mình cầu nguyện sớm mai,
Tạ ơn Thiên Chúa, dạy bài cầu kinh.
Trên trời Chúa ngự uy linh,
Danh Cha cả sáng, phúc vinh cao vời.
Nước Cha trị đến ngàn đời,
Ý Cha thể hiện, cõi trời cao siêu.
Cũng như dưới đất mọi điều,
Hằng ngày lương thực, ban nhiều hôm nay.
Xin Cha tha nợ lỗi này,
Chúng con tha kẻ, nợ vay trong đời.
Đừng sa cám dỗ gọi mời,
Thoát nguy sự dữ, sống đời thánh ân.
Xin tha lầm lỗi tội nhân,
Chúa thương tha thứ, canh tân tâm hồn.
Thọ ban ân nghĩa càn khôn,
Vinh danh Thiên Chúa, thiên tôn rạng ngời.

THỨ SÁU, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
(Mt 6, 19-23).
GIA TÀI


Gia tài của cải trần gian,
Kho tàng dưới đất, sẽ tan một ngày.
Tiền vàng mối mọt thoáng bay,
Cửa nhà hư nát, trắng tay muộn phiền.
Rình mò trộm cướp tham tiền,
Âu lo phiền muộn, liên miên cuộc đời.
Các con tích trữ trên trời,
Tiền tài của cải, cả đời không hư.
Chẳng ai đào ngạch riêng tư,
Giết người cướp của, thói hư bạc tiền.
Mắt con trong sáng hướng thiên,
Toàn thân tỏa chiếu, chư hiền hào quang.
Con người ngưỡng vọng cao sang,
Lữ hành trần thế, an khang Nước Trời.
Khởi đầu dẫn bước vào đời,
Kết cùng cuộc sống, cao vời cõi thiên.

THỨ BẢY, TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN
(Mt 6, 24-34).
MỘT CHỦ


Hướng thiên hướng địa đôi đường,
Lữ hành trần thế, tựa nương bên nào?
Làm tôi Thiên Chúa trên cao,
Bầy tôi tiền của, đi vào bến mê.
Mở đường chỉ lối đi về,
Quan phòng cuộc sống, lời thề quyết tâm.
Đừng lo áy náy sai lầm,
Nhìn xem vũ trụ, âm thầm vần xoay.
Mọi loài sinh sống hằng ngày,
An bài mọi sự, trong tay Chúa Trời.
Không gieo, muôn thú trên đời,
Chim trời không gặt, mọi thời có ăn.
Ngắm xem hoa huệ đồng xanh,
Trổ sinh hoa đẹp, sắc thanh tuyệt vời.
Tiên vàn tìm kiếm Nước Trời,
Chúa ban mọi sự cuộc đời nay mai.
 
Mầu Nhiệm Tình Yêu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:20 11/06/2019
Lễ Chúa Ba Ngôi

Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa Nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước”. (Thư Chung HĐGMVN 2011, số 19).

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

1. Mạc Khải Thánh Kinh

Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ.

Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngài cho biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau. “Đức Giêsu là Chúa Con, Đấng tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha đầy lòng thương xót, Đấng đã mang “lửa” vào mặt đất. Lửa ấy chính là Chúa Thánh Thần” (x.Bài giảng lễ Chúa Ba Ngôi năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô).

Kinh Thánh Tân ước mặc khải Ba Ngôi: sự hợp nhất của Ba Ngôi trong sứ mạng của ngôi thứ hai – Ngôi Con: Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bắt đầu sứ mạng, bầu trời mở ra với tiếng Chúa Cha phán cùng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh của chim bồ câu (x. Mt 3, 16-17; Mc 1, 9-11; Lc 3, 22-22). Tin Mừng Gioan đã nhiều lần đề cập Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã mặc khải: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”(Ga 14,16). Sự gắn bó giữa Chúa Cha và Chúa Con luôn khắng khít “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10), gắn bó đến nỗi như Chúa Giêsu thổ lộ: “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30), và “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Chính Thánh Thần là Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con, Thánh Thần làm chứng về Ngôi Lời: “…Thần Khí sự thật, từ nơi Cha xuất phát ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Ga 15, 26 ). Như Chúa Giêsu sau đó loan báo: “Khi nào Thần Khí sự thật đến … tất cả những gì Người đã nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết … Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13.14).

Sách Công vụ Tông đồ ghi lại bài giảng của Tông đồ Phêrô về Giáo huấn Thiên Chúa Ba Ngôi trong công trình cứu độ và cả trong giây phút hiện tại: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe”(Cv 2,33).

Chúa Ba Ngôi hiện diện ở trong ta nếu như sống theo lời Chúa Giêsu dạy: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy" (Ga 14,23). Giữ Lời Thầy, Lời Cha Thầy và chúng ta như Chúa Giêsu nhấn mạnh là Ba Ngôi Thiên Chúa đến ở cùng.

2. Mầu Nhiệm Tình Yêu.

Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.

Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất.

3. Sống Hiệp Nhất Yêu Thương

Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người.

Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.

-Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ cHồng Yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.

-Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ cHồng Yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.

-Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.

-Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ cHồng Yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta biết sống hiệp nhất yêu thương. Hiệp nhất nên một giữa vợ chồng, hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình: "Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa" (Thư chung HĐGMVN 2002, số 6), hiệp nhất giữa các thành viên trong cộng đoàn, hiệp nhất giữa mọi thành phần trong Giáo Hội.

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương.Chính trong Ba ngôi là nguồn chúc lành như Phaolô gửi nguồn bình an cho các cộng đoàn tín hữu và lời đó luôn được chúc cho nhau trong Giáo Hội:

Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Amen” (2Cr 13, 13).

Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm, không phải để “kính nhi viễn chi” mà là để con người sống theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mẫu gương sống yêu thương hiệp nhất với nhau, biết dâng hiến bản thân mình, quảng đại cho đi, sống chan hoà tình bác ái. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, cảm tạ Chúa ngự trong tâm hồn con. Xin giúp con nhận ra Chúa luôn ở trong con và nơi anh chị em con. Amen.
 
Đấng Mặc Khải
Lm Vũđình Tường
23:54 11/06/2019
Đức Kitô là Đấng Mặc Khải bởi qua Ngài Kitô hữu biết ít nhiều về Mầu Nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng bản tính, cùng quyền phép, được tôn thờ như nhau. Đối với suy luận bình thường thì điều này xem ra nghịch lí. Điều mà khối óc con người có thể hiểu, điều đó không phải là mầu nhiệm. Từ 'mầu nhiệm' dùng để diễn tả những gì ngoài sự suy luận, ngoài hiểu biết của con người. Điều này cao sâu hơn cả huyền bí. Điều huyền bí còn có hy vọng tìm hiểu; Mầu Nhiệm đòi hỏi lòng tin. Vì thế mới có Mầu Nhiệm Đức Tin.

Qua việc Truyền Tin, Mẹ Maria có lẽ là Đấng thụ tạo đầu tiên được diễm phúc biết tên Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, khi sứ thần truyền tin cho Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đón chào lời sứ thần loan báo và trở thành Mẹ Thiên Chúa. Kitô hữu qua bí tích thanh tẩy trở thành con cái Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận Mình và Máu Thánh Đức Kitô và chịu các bí tích, Kitô hữu trở thành kẻ mang Đức Kitô trong tâm hồn, tâm trí mình. Qua Đức Kitô, Kitô hữu biết một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ở tuổi mười hai, Đức Kitô cùng gia đình tham dự lễ Vượt Qua, sau lễ gia đình về lại quê quán, Đức Kitô lưu lại trong đền thờ giải đáp các thắc mắc của lãnh đạo đền thờ. Khi Đức Trinh Nữ tìm gặp bà nói: 'Con có biết cha con và ta lo lắng tìm con mấy ngày nay không?' Đức Kitô đáp: 'Cha mẹ không biết Con phải lo việc của Cha Con sao? (lc 2,49). Suốt cuộc đời rao giảng công khai, Đức Kitô luôn nhắc cho mọi người biết về Thiên Chúa Cha. Điều này làm cho kẻ chống đối kết án Ngài là phạm thượng, tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Trên thập tự, nhiều lần Đức Kitô đã tâm sự cùng Chúa Cha. Đây không phải là những câu nói bình thường mà là những câu nói cuối đời, trước khi lìa cõi trần. Thánh Luca thuật lại ngay trong lúc bị quân lính hành hạ đau đớn đến tận xương tuỷ, Đức Kitô đã cầu nguyện cùng Chúa Cha tỏ lòng khoan nhân cho những kẻ đối xử bất nhân với Ngài. 'Lậy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm Lc 23,34'. Điều này tỏ lộ lòng Chúa nhân từ, khoan dung. Lòng khoan dung Chúa mạnh hơn, cao vời hơn tội giết chết chính Con Một Thiên Chúa. Cũng trên thập tự Đức Kitô trước giờ tắt thở đã liên kết với Chúa Cha và xin được chết trong tình yêu Chúa Cha. 'Lậy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha Lc 23,46'. Nói xong Ngài tắt thở. Điều này cho thấy sự liên kết, liên tục, vừa tâm tình, vừa mật thiết giữa Đức Kitô và Chúa Cha bền vững cho đến hơi thở cuối đời. Mối liên kết này không gì huỷ diệt được. Nhục hình và ngay cả đối diện trước cái chết không làm suy giảm mối liên kết Cha Con, trái lại càng làm cho mối liên kết vững vàng, chắc chắn và mãnh liệt hơn.

Qua Đức Kitô, Kitô hữu biết đến Ngôi Ba Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần. Điều này xảy ra rõ ràng, mạch lạc trước mắt đám đông chứng kiến khi Đức Kitô chịu phép rửa của Gioan tại sông Giođan. Khi bước ra khỏi nước có tiếng từ trời cao phán bảo; 'Đây là Con Ta hằng yêu mến, các ngươi hãy nghe lời Ngài'. Người ta cũng chứng kiến Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đến đậu trên Đức Kitô (Mat 3,13-17). Đức Kitô tâm sự và hứa cùng các môn đệ trước khi Ngài chịu khổ hình, Ngài sẽ ban Thánh Thần Chúa xuống hướng dẫn, chỉ bảo, dậy dỗ, khai trí mở lòng các Kitô hữu. Thánh Thần cùng đồng hành với Kitô hữu, không phải một thời gian, mà ở cùng mọi ngày trong cuộc sống (Jn 14,26). Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa thánh hoá cuộc sống của Kitô hữu. Thánh Thần biến đổi ngôn từ cầu nguyện bình thường của ta cho thích hợp trước khi dâng í nguyện lên Thiên Chúa. Thánh Thần hướng dẫn Kitô hữu cầu nguyện, liên kết đời mình với Thiên Chúa. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã chỉ bảo, dậy dỗ và ban ơn cứu độ cho nững kẻ tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần.

TiengChuong.org

The Revealer

Without Jesus we don't know much about the mystery of God. The mystery of God is a paradoxical mystery, which is beyond human comprehension. We know as much about the mystery of God as Jesus wanted to tell us. Only through Jesus, do we know something about the mystery of the three persons in the one God. God eternally exists as Father, Son and the Holy Spirit all due equal, worship and all eternal.

Through the Annunciation, Mary probably was the first human person formally to know the name of the second person of God, Jesus. She was blessed to be the Mother of the Lord, Jesus. We are her children. We become children of God at our own baptism. We welcome Jesus into our minds and hearts when we receive the sacraments. In that sense, we become Christ- bearers. Through Jesus we know God as His Father. The Holy Family went to the Temple for the feast of the Passover. After the feast Joseph and Mary went home alone, Jesus stayed behind. When Mary found Jesus, who was talking to the leaders of the Temple; Mary told Jesus how Joseph and she were worried about Him. Jesus replied, 'Did you not know that I must be busy with my Father's affairs?' (Lk 2,49). Throughout His public life He always referred to God as His Father and His opponents charged Him with blasphemy for calling God His Father.

On the cross, Jesus talked to God the Father in numerous time. It was not a normal conversation, but it was God speaking to God. St Luke reported that in his agony, Jesus asked the Father to show mercy to those who showed him no mercy. 'Father, forgive them; they do not know what they are doing' (Lk 23, 34). This saying reveals that God's love is stronger and more powerful than the sin of those who murdered God's only Son. Again Jesus said: 'Father, into your hands I commit my spirit' Lk 23,46 The last words Jesus said on the cross to the Father, revealed the strong bond between Jesus and the Father. Nothing could break this bond, even in His utmost agony and confronted by terrible inhuman torture, the bond between the Father and the Son was not weakened but rather grew stronger.

Jesus revealed to us the third person of God, the Holy Spirit. At his Baptism there was the voice of the Father and the Spirit descending like a dove (Mt 3,13-17). In the 'Farewell discourses' (Jn 14,16) Jesus promised to send the Holy Spirit, or the Paraclete, the Spirit of truth, to guide, remind and to be with us forever. 'the Advocate, the Holy spirit, whom the Father will send in my name, will teach you everything and remind you of all I have said to you (Jn 14,26)'.

The Spirit will sanctify our lives; the Spirit will help us to pray and rephrase our prayers to the language that is acceptable to God, and the Spirit will help us to grow into holiness of God. Let us render our prayer of thanksgiving to one God in the persons of God the Father, God the Son and God the Spirit.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hỏa hoạn tại nhà thờ đồng Chính tòa St Thomas More thêm vào danh sách các cuộc tấn công càng ngày càng tăng vào các nhà thờ
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:25 11/06/2019
Một vụ hỏa hoạn tại nhà thờ đồng Chính tòa St. Thomas More, một nhà thờ nổi tiếng ở Tallahassee, Florida, đang được điều tra, và nó có thể là ví dụ mới nhất về những gì dường như đang gia tăng các cuộc tấn công chống lại các nhà thờ Công Giáo ở Hoa Kỳ.

Giám mục William A. Wack của Giáo phận Pensacola-Tallahassee cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm: “Hôm nay, có một đám cháy bên trong nhà thờ đồng Chính tòa ở Tallahassee. Chiếc ghế của giám mục chủ tế đã bị đốt cháy và bị phá hủy. Các bức tường của cung thánh bị cháy và bị thiệt hại vì khói. Rất may, không ai bị thương, giáo dân đã đi ra ngoài trước khi đốt cháy toàn bộ tòa nhà. Một cuộc điều tra đang được tiến hành.”

Sau khi nhìn thấy các nhà thờ bị đốt cháy trong tin tức, nhìn thấy điều này trước đây, tôi đã từng nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra với nhà thờ của chúng tôi ở đây, Cha John Cayer, Quản đốc nhà thờ, nói với WCTV rằng “Chúng tôi không biết ai đã làm việc này. Đây là một trường hợp rõ ràng là hỏa hoạn cố ý”

Một phản ứng phổ biến về phía giáo dân trước các sự cố phá hoại đối với các nhà thờ là “Tại sao có người làm điều này? Nhưng có thể có một lý do khác để hỏi tại sao: Tại sao có vẻ như sự phá hoại chống lại các nhà thờ đang gia tăng?

Các sự cố gần đây bao gồm:

• Một bức tượng Chúa Giêsu đã bị phá vỡ và bị bỏ lại thành từng mảnh trước mặt nhà thờ St Mark ở Boston vào Chúa Nhật. Đầu năm nay đã có một cuộc tấn công hình vẽ tại các nhà thờ khác nhau ở Boston.

• Một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria đã biến mất tại nhà thờ St Margaret của Scotland tại Selden, New York vào cuối tháng Năm. Tượng có tổn thương ở mũi, cằm và một bên má.

• Hình vẽ phá thai đã được phun sơn lên nhà thờ Đức Bà Lộ đức ở Swarthmore, Pennsylvania, vào tháng trước.

• Nhà thờ Công Giáo Các Thánh ở Babcock, Wisconsin, bị bôi nhọ bằng hình vẽ phản ánh thù hận tôn giáo và nội dung khiêu dâm ngày 14 tháng 5.

• Ai đó đã làm đổ sơn, vẽ hình và phá vỡ các cửa sổ tại Nhà thờ Công Giáo Các Thánh ở New Richland, Minnesota, đêm 11-12 tháng 5. Họ cũng làm đổ rượu, cố gắng tháo micro khỏi bàn thờ và cố gắng đột nhập vào hộp khóa trong phòng sau.

• Nhà thờ Công Giáo St. Matthew ở El Paso đã bị phá hoại vào ngày 7 tháng 5. Hồi đầu tháng, một cửa sổ tại Nhà thờ St. Patrick đã bị vỡ và một chai có chất lỏng không xác định được tìm thấy gần cửa sổ bị hư hại.

• Một bức tượng của St Bernadette đã bị hư hại tại Nhà thờ Công Giáo St. Philip ở Battle Creek, Michigan, ngày 7 tháng 5.

Đó chỉ là nhà thờ Công Giáo. Cũng đã có một số sự cố tại các nhà thờ Tin lành trên khắp đất nước.

Theo FBI, số vụ việc chống tội phạm do thù ghét chống lại Công Giáo đã xảy ra khá đều đặn trong vài năm qua. Từ 70 sự cố trong năm 2013, nó đã giảm xuống còn 53 vào năm 2015, nhưng đã tăng lên 62 vào năm 2016 và 73 vào năm 2017, năm gần nhất có số liệu thống kê.

Tại Tổng Giáo phận Philadelphia, một trong 10 giáo phận Công Giáo La tinh lớn nhất ở Hoa Kỳ, các trường hợp phá hoại đã ở mức thấp trong năm bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2018. Chỉ có ba báo cáo về hành vi trộm, cắp và phá hoại đã được đệ trình với Văn phòng Dịch vụ Bảo hiểm của Tổng Giáo phận

Ông Alaina N. Longo, phát ngôn viên của Tổng Giáo phận cho biết hôm thứ Năm: Một trường hợp phá hoại bổ sung mà văn phòng được đã biết không được báo cáo cho Dịch vụ Bảo hiểm vì cộng đồng giáo xứ đã chăm lo dọn dẹp và sửa chữa trên cơ sở tình nguyện”

(Nguồn: Aleteia.org)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Tạ Ơn và Cung Hiến Nhà Thờ Giáo Xứ Mẫu Tâm, GP Ban Mê Thuột
Vũ Đình Bình
19:18 11/06/2019
Mẫu Tâm là một Giáo xứ tòng nhân trực thuộc Trung Tâm Truyền Giáo và Mục Vụ Sắc Tộc của Giáo phận Ban Mê Thuột, được hình thành vào khoảng năm 1953. Lúc bấy giờ, hai Linh mục người Pháp thuộc Hội Truyền Giáo Paris là cha Pierre Romeuf Phương và cha Roger Bianchetti Bạch đã đặt những bước chân đầu tiên lên thăm vùng đất của anh em dân tộc Ê-Đê và loan báo Tin Mừng tại các buôn làng quanh vùng Ban Mê Thuột. Bốn năm sau, Cha Roger Bianchetti chính thức chọn nơi đây làm Trung Tâm Mục Vụ Sắc Tộc. Ngài xây dựng Nhà thờ cố định để thuận tiện hơn trong việc truyền giáo cho đồng bào Ê-Đê.

Xem Hình

Sau biến cố 1975, cha Roger Bianchetti Bạch phải hồi hương theo lệnh của Nhà Nước. Nhà thờ được giao cho các sơ Dòng Nữ Vương Hòa Bình trông coi, bảo vệ, chăm sóc vườn cà phê và duy trì các sinh hoạt đức tin cho cộng đoàn giáo dân sắc tộc. Năm 1987, Bề trên bổ nhiệm Cha GB. Nguyễn Thanh Thiện về quản xứ. Ngài đã trùng tu Nhà Thờ, Nhà xứ và xây dựng một dãy phòng nhỏ làm chỗ lưu trú cho con em người Sắc tộc Ê-Đê ở các buôn làng xa xôi, có nơi ăn ở để đi học văn hóa tại các trường trong thị xã. Sau khi cha GB. Nguyễn Thanh Thiện về với Chúa ngày 29-6-1999, Cha P.X. Nguyễn Ngọc Hoàng, quyền Quản xứ Kim Mai, lãnh trách nhiệm đặc trách Trung Tâm. Ngày 22.07.2000, cộng đoàn nữ tu Dòng NVHB đã được thiết lập trở lại tại Trung Tâm, giúp các sinh hoạt của Giáo xứ. Dù gặp nhiều khó khăn, các nữ tu NVHB cũng có nhiều hoạt động thiết thực nâng đỡ các em học sinh sinh viên sắc tộc, đáp ứng nhu cầu lưu trú, tạo điều kiện cho các em học hành thuận lợi.

Ngày 19-12-2007, cha GB. Nguyễn Minh Hảo được bổ nhiệm đặc trách Trung Tâm và Quản xứ Giáo xứ Mẫu Tâm. Ngài đã xây dựng lại Nhà Sinh Hoạt Đa Năng 2 tầng, Nhà ở của các Sơ NVHB, Nhà xứ và Nhà thờ mới.

Hiện nay, Giáo xứ tòng nhân Mẫu Tâm gồm có các giáo buôn nằm trong địa bàn thành phố Buôn Ma thuột: buôn Akó Dhông, buôn Alê A, buôn Alê B, buôn M’Duk, buôn Đung. Tổng số có 322 gia đình với 1.488 tín hữu người sắc tộc Ê-Đê. Đặc biệt, Giáo xứ có có 2 nhà lưu xá dành cho các em học sinh sinh viên các sắc tộc gồm 30 em nam và 60 em nữ.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi nhà thờ cũ đã mục nát, không còn sử dụng được nữa. Việc xây dựng ngôi Nhà thờ mới, xứng đáng để thờ phượng Chúa là ước mơ xa vời của bà con giáo dân sắc tộc Ê-Đê Giáo xứ Mẫu Tâm. Nhưng nhờ Ơn Chúa, nhờ những tấm lòng quảng đại của Quý vị Ân nhân xa gần, nhờ sự nỗ lực và sự hiệp nhất cùng chung tay xây dựng của toàn thể cộng đoàn dân Chúa với Cha Quản xứ, Ngôi Thánh Đường khang trang, sạch đẹp mang phong cách của đồng bào Ê-Đê đã hoàn thành.

Sáng hôm nay, ngày 11.6.2019, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận đã về chủ tế Thánh lễ Tạ Ơn, làm phép Tháp Chuông, và cung hiến Nhà thờ Giáo xứ Mẫu Tâm mang tước hiệu Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Cùng về hiệp dâng Thánh lễ, chia sẻ niềm vui với cộng đoàn Giáo xứ Mẫu Tâm có Cha TĐD, Cha Chưởng Ấn, Cha Quản lý, Quý Cha Quản Hạt, Quý Cha Quản Xứ, Phó Xứ các Giáo xứ lân cận, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý vị đại diện chính quyền các cấp, Quý vị Ân nhân, Quý vị Tân khách, và đông đảo tín hữu gần xa,…

Trong nghi thức cung hiến Nhà Thờ, Đức Giám Mục nguyện xin Thiên Chúa cho Nhà Thờ trở nên nguồn hiệp nhất của Hội Thánh và nguồn đồng tâm giữa anh em để các tín hữu đến đây kín múc được tinh thần yêu thương nhau, để khi mọi người quy tụ trong Nhà thờ này thì trở nên một thân thể duy nhất trong Đức Kitô.

Sau nhiều năm nỗ lực cùng với sự quảng đại rộng tay giúp đỡ của Quý vị Ân nhân xa gần, Nhà thờ đã hoàn thành. Tuy không nguy nga tráng lệ nhưng mang sắc thái của người dân tộc Êđê, tuyệt mỹ, hài hòa giữa khung cảnh núi rừng cao nguyên thơ mộng. Nhà thờ Mẫu Tâm là một thành quả xứng đáng của những người nông dân chân lấm tay bùn, của những người tín hữu luôn tin cậy vững vàng, nhiệt thành yêu mến Chúa. Nhà thờ Mẫu Tâm xứng đáng là Trung Tâm Truyền Giáo và Mục Vụ Sắc Tộc của Giáo phận, là điểm hội tụ yêu thương, hiệp nhất, là điểm tựa trong công cuộc loan báo Tin Mừng, là nơi họp nhau cầu nguyện, tán tụng Thiên Chúa vì bao hồng ân của Người nơi đại ngàn Tây Nguyên, nắng gió này. Từ nơi đây, ánh sáng đức tin sẽ được lan tỏa làm rạng danh Thiên Chúa và mang an bình đến cho mọi người.

Vũ Đình Bình
 
Gần 10 ngàn nạn nhân Việt ẩn danh kiện công ty Formosa tại Đài Loan
VOA
19:42 11/06/2019
Sáng ngày 11/6/2019 tại Đài Bắc, một tổ chức phi chính phủ cùng năm công ty luật quốc tế đã chính thức kiện Công ty Formosa-Hà Tĩnh, công ty con của Tập đoàn Formosa Plastic Group (FPG) của Đài Loan, yêu cầu bồi thường cho nạn nhân vì đã gây ra thảm họa môi trường biển miền trung Việt Nam hồi năm 2016.

Từ Đài Bắc, bà Nancy Bùi, Phó Chủ tịch của Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa (JfFV), nói với VOA:

Người dân không thể khiếu hiện ở Việt Nam được cho nên chúng tôi giúp đại diện họ đến Đài Loan, nơi đặt trụ sở của tập đoàn Formosa, để kiện.

Bà Nancy Bùi

“Sáng thứ Ba (11/6) chúng tôi đi đến tòa án ở Đài Bắc để nộp đơn kiện công ty Formosa, những thành viên đã xả chất độc tại biển Việt Nam làm cá chết, người dân mất công ăn việc làm. Người dân không thể khiếu hiện ở Việt Nam được cho nên chúng tôi giúp đại diện họ đến Đài Loan, nơi đặt trụ sở của tập đoàn Formosa, để kiện. Chúng tôi làm việc với 5 công ty luật để khởi kiện vụ án dân sự (civil law), yêu cầu đền bù cho sự mất mát và làm sạch vùng biển đã bị ô nhiễm.”

Trong một thông cáo, Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa cho biết Hội cùng với sự giúp đỡ của 5 tổ hợp Luật sư, trong đó hai tổ hợp Luật sư Đài Loan, sẽ thay mặt gần 10.000 nạn nhân của thảm họa môi trường do Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty FHS) gây ra vào đầu tháng 6/2016, chính thức khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh và 18 công ty liên đới chịu trách nhiệm trước tòa án Đài Loan tại Đài Bắc.

“Mục đích khởi kiện là yêu cầu Tập Đoàn FHS phải bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân và làm sạch vùng biền bị ô nhiễm chất độc do công ty FHS gây nên,” thông cáo nêu rõ.

Đại diện cho phái đoàn từ Việt Nam sang, Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh, phát biểu tại cuộc tuần hành ở Đài Bắc trước Trụ Sở chính của Tập đoàn Formosa được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội chiều 11/6.

Thảm họa Formosa là một tai họa, tai nạn khủng khiếp cho nhân dân Việt Nam tại bốn tỉnh miền Trung Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, và cho cả dân tộc Việt Nam, và cả môi trường thế giới.

“Thảm họa Formosa là một tai họa, tai nạn khủng khiếp cho nhân dân Việt Nam tại bốn tỉnh miền Trung Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, và cho cả dân tộc Việt Nam, và cả môi trường thế giới.”

Phái đoàn đại diện cho gần 10,000 nạn nhân họp mặt hôm 10/6/2019 để chuẩn bị khởi kiện Formosa vào ngày hôm sau 11/6/2019 tại Đài Loan.

Bà Nancy nói đây là một vụ kiện đặc biệt trong lịch sử:

“Đây là một vụ án đầu tiên trong lịch sử: những người đứng ra giúp nạn nhân là các tổ chức ở ngoài nước, nạn nhân thì ở trong nước, còn nơi khởi kiện là ở Đài Loan. Số công ty bị kiện là 18 công ty, rồi có thêm 6 CEO của các công ty đó. Theo luật họ là những người liên đới chịu trách nhiệm, trực tiếp hoặc gián tiếp.”

Bà Nancy cho biết là một số thành viên của Hội đã bí mật sang Việt Nam lập hồ sơ với nạn nhân để tránh sự sách nhiễu của chính quyền.

“Hội làm việc hơn 2 năm nay với các nạn nhân ở Việt Nam để lập hồ sơ với gần 10.000 ngư dân và những người thuộc các ngành nghề khác nhau ở 4 tỉnh này. Khi lập hồ sơ cũng gặp khó khăn do người dân sợ bị trả thù, nên chúng tôi có đưa các phái đoàn về một cách bí mật.

“10 ngàn người này đều là ẩn danh. Chúng tôi vận dụng nhiều đạo luật khác nhau, nhiều chuyên viên luật đa quốc gia khác nhau.”

Trong thời gian qua các thành viên đến từ 10 nước của JfFV đã mở bốn cuộc vận động gây quỹ ở thành phố Houston, Dallas (bang Texas, Hoa Kỳ), ở Na Uy, và Đan Mạch để hỗ trợ cho vụ kiện này, với kinh phí ban đầu dự trù đến 550,000 đôla.

Trong năm nay, Hội sẽ tiếp tục các hoạt động gây quỹ ở thành phố San Jose, bang California vào tháng 8, và tại thành phố Atlanta, bang Georgia, vào tháng 11.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Có đặc quyền phụng vụ không? Nói thêm về tư thế đúng khi đọc Ca Tiếp Liên.
Nguyễn Trọng Đa
16:23 11/06/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Cách đây hơn 20 năm, khi mới được truyền chức linh mục, con đã tham gia một Hội, qua thư diện tử, được gọi là Hội Cận Đông (Near East Society). Con đóng khoản gia nhập là 200 USD. Có một vài đặc quyền khi tham gia Hội này. Con còn nhớ hai đặc quyền. Một là nếu bạn đi hơn 50 dặm, bạn có thể thay thế Phụng Vụ Các Giờ Kinh bằng lần chuỗi Mân Côi. Con không nhớ đã làm như thế chưa. Đặc quyền kia là có thể dâng Thánh lễ trên Khung vải Hy Lạp thay thế bàn thờ (antimension); quyền này được bao gồm với giấy chứng nhận thành viên của Hội. Thưa cha, con có thể dùng Khung vải Hy Lạp khi con đi xa không (nhưng con đã làm mất nó từ lâu). Hội này còn tồn tại không? Nếu có, liệu các đặc quyền ấy vẫn còn hiệu lực chăng? Thưa cha, con tò mò hỏi thế. - J. H., Austin, Texas, Hoa Kỳ.


Đáp: Hội Phúc Lợi Công Giáo Cận Đông (The Catholic Near Eastern Welfare Association, CNEWA) vẫn còn tồn tại. Đây là một tổ chức nổi tiếng, trong đó có các thành viên như Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận New York (Hoa Kỳ), và nhiều giám chức Hoa Kỳ và Canada khác.

Trang điện tử của Hội có thể được tìm thấy tại http://www.cnewa.org/default.aspx?ID=27&pagetypeID=1&sitecode=HQ&pageno=1

Theo trang điện tử này:

“Ở khắp Trung Đông, Đông Bắc Châu Phi, Ấn Độ và Đông Âu, Hội Phúc Lợi Công Giáo Cận Đông (CNEWA) hoạt động ở những nơi có nạn nghèo đói, chiến tranh và người vô tội di dời chỗ ở. Là một cơ quan của Vatican, chúng tôi cung cấp ngân sách để đảm bảo cho các Giáo hội phương Đông và các nữ tu tận tụy – họ điều hành các phòng khám, trường học, trại mồ côi và các đền thánh - có đủ tiền để thực hiện công việc quan trọng của họ. Bằng cách đó, chúng tôi giúp họ hỗ trợ và bảo vệ các gia đình, người già và người bệnh. Chúng tôi hỗ trợ ơn gọi của các nữ tu và linh mục tương lai. Chúng tôi tài trợ cho các chương trình mục vụ nhằm củng cố các cộng đồng Kitô giáo. Và chúng tôi đang làm tất cả các việc này từ năm 1926. CNEWA không phải là một tổ chức cứu trợ toàn cầu lớn. Nhưng ở hơn một chục quốc gia - với sự hỗ trợ từ các người thiện tâm như bạn - chúng tôi gửi lòng nhân từ đến tất cả những ai cần nó, bất chấp đức tin của họ là gì.”

Tôi đã không thể tìm thấy tài liệu nói về việc thay thế Phụng Vụ Các Giờ Kinh bằng lần chuỗi Mân côi. Tôi cho rằng nó đã được ban phép trong các bối cảnh khác, khi việc đi xa 50 dặm là một cái gì đó của thách thức, chứ không phải là đi làm hàng ngày từ vùng ngoại ô trong một chiếc xe hơi có máy lạnh. Mặc dù nó có thể không bị bãi bỏ, tôi nghĩ rằng không nên sử dụng nó ngày nay ở các quốc gia như Hoa Kỳ, và các linh mục nên đọc Các Giờ Kinh Phụng vụ - và lần chuỗi Mân côi.

Chúng tôi đã viết về Khung vải Hy Lạp thay bàn thờ (antimension) trong bài ngày 8-12-2015. Chúng tôi định nghĩa nó như sau:

“Một khung vải thay bàn thờ, từ tiếng Hy Lạp "thay cho bàn thờ", là một trong các vật dụng quan trọng nhất của bàn thờ trong truyền thống phụng vụ Kitô giáo Byzantine. Nó là một khung hình chữ nhật, bằng vải hay vải lanh hoặc vải tơ tằm, thường được trang trí với hình vẽ Chúa Kitô được táng trong mồ và bốn Thánh sử, cùng các đoạn Kinh Thánh liên quan đến phép Thánh Thể. Một di tích nhỏ của một vị tử đạo được khâu vào khung vải. Thánh lễ không thể được cử hành mà không có một khung vải thay bàn thờ, vốn phải được thánh hiến bởi một Giám mục, và thực sự được Giám mục trao cho linh mục như lả bằng chứng của việc ngài cho phép linh mục ấy cử hành Phụng Vụ Thánh.

“Khung vải thay bàn thờ là một vật để thay thế thật sự cho bàn thờ. Một linh mục có thể cử hành Thánh lễ trên khung vải thay bàn thờ, ngay cả khi bàn thờ chưa được thánh hiến. Trong trường hợp khẩn cấp, khi không có sẵn một bàn thờ, khung vải thay bàn thờ phục vụ một nhu cầu mục vụ rất quan trọng, qua việc thay thế cho bàn thờ chưa được thánh hiến ngoài các nhà thờ hoặc nhà nguyện.”

Liên quan đến đặc quyền được trao cho CNEWA, để sử dụng nó trong nghi lễ Latinh, năm 1975 Linh mục Archimandrite Januarius M. Izzo, OFM, đã xuất bản một nghiên cứu học thuật tại Đại học Giáo Hoàng thánh Antôn ở Rôma, mang tên: “The Antimension in the Liturgical and Canonical Tradition of the Byzantine and Latin Churches. An Inter-ritual Inter-confessional Study. Khung vải thay bàn thờ trong truyền thống phụng vụ và giáo luật của các Giáo hội Byzantine và Latinh. Một nghiên cứu liên tôn và liên nghi lễ.)

Trong nghiên cứu này, ngài bình luận về đặc quyền đã cấp cho CNEWA sử dụng Khung vải thay bàn thờ.

“Thánh Bộ các Giáo Hội Phương Đông đã ban đặc quyền cho nhiều linh mục và Giám mục của Nghi lễ Latinh, cho phép họ cử hành thánh lễ trên Khung vải Hy Lạp thay bàn thờ, thay vì dùng đá bàn thờ lưu động Latinh, không chỉ trong các nhà thờ của Nghi lễ phương Đông mà còn 'do công đức đặc biệt của họ đối với các Giáo hội phương Đông, nhưng ngay cả bên ngoài các nhà thờ của Nghi lễ phương Đông, bất cứ khi nào có một số bất tiện trong việc sử dụng bàn thờ di động Latinh, trong một chuyến đi miễn là họ tuân theo Nghi lễ Latinh trong tất cả các chi tiết khác, và đặt một Khăn thánh trên Khung vải này.

“Một năng quyền như thế, khi ban cho các Giám mục Nghi lễ Latinh, bổ sung thêm câu: ‘Năng quyền tương tự, cùng trong thư này, được nhìn nhận cho một hoặc hai linh mục, khi họ trong cùng hoàn cảnh cùng đi với Ngài, Giám mục N.N.’

“Cũng Thánh Bộ trên, ngày 26-1-1928, đã ban đặc ân này cho các thành viên (và những người trong tương lai sẽ tham gia) của Hội Phúc Lợi Công Giáo Cận Đông (CNEWA), một hội chuyên cầu nguyện và hỗ trợ từ thiện nhân danh các Giáo hội phương Đông và người nghèo vùng Cận Đông; đây dường như là lần đầu tiên một đặc ân chung trong vấn đề này được trao cho một Hôi tương đối lớn, thay vì cho các cá nhân đơn lẻ. Nhiều linh mục triều và linh mục Dòng của Hoa Kỳ và Canada đã ghi danh vào C.N.E.W.A., để hưởng đặc quyền sử dụng Khung vải Byzantine thay cho bàn thờ. Họ nhận được Khung vải này từ Thánh Bộ các Giáo hội phương Đông, một số Giám mục Nghi lễ Byzantine, hoặc từ C.N.E.W.A.”

Trong các đặc quyền chung, một khi được cấp, chúng thường có giá trị trừ khi người sở hữu tự nguyện không sử dụng, hoặc bị thu hồi rõ ràng cách minh nhiền bởi cơ quan đã cấp cho họ, hoặc trừ khi hoàn cảnh thay đổi hoàn toàn, đến mức đặc quyền không thể được thực thi theo bất kỳ cách nào. Bởi vì, ít nhất là theo như tôi biết, không có trường hợp nào trong số những trường hợp là phù hợp với đặc quyền này, tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng Hội vẫn duy trì nó.

Liệu bạn đọc trên đây của chúng tôi, sau hơn 20 năm không còn hoạt động rõ ràng, có còn chính thức là thành viên của Hội, và do đó còn có đặc quyền hay không, sẽ phụ thuộc vào các quy tắc thành viên nội bộ của chính CNEWA.

Sau khi tôi trả lời về tư thế đúng trong khi đọc Ca Tiếp Liên (ngày 14-5), một bạn đọc ở Boston đã hỏi:

“Tôi có một câu hỏi liên quan về tư thế trong các dịp khác, khi không hát Alleluia chẳng hạn. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 63 nói: ‘Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì: a. Trong mùa phải hát A-lê-lu-ia, có thể hát hoặc bài thánh vịnh có chữ A-lê-lu-ia, hoặc thánh vịnh và A-lê-lu-ia với câu tung hô,’ có các tùy chọn có thể so sánh trong Graduale Simplex (xem Praenotanda 20) và Graduale Romanum (xem Praenotanda 9).

“Nếu một thánh vịnh Alleluia được sử dụng (thay thế Alleluia), thì liệu cộng đoàn có phải đứng sau bài đọc đầu tiên, trong khi hát Thánhh vịnh Alleluia (có lẽ tương tự như Đêm Vọng Phục Sinh) không? Hay họ nên đứng sau thánh vịnh Alleluia, trước khi linh mục / phó tế xướng “Chúa ở cùng anh chị em’? Có sự khác biệt nào tùy thuộc vào việc thánh vịnh Alleluia được hát hoặc ngâm đọc / đọc không?”

Để có thể trả lời câu hỏi trên, cần trích dẫn đầy đủ các điều 61-63 của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma:

“Thánh vịnh đáp ca

“61. Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca; bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ Lời Chúa, và có tầm quan trọng lớn về phụng vụ và mục vụ, vì giúp ích cho việc suy gẫm Lời Chúa.

“Thánh vịnh đáp ca liên quan trực tiếp đến mỗi bài đọc và thường lấy ở sách Bài Ðọc.

“Thánh vịnh đáp ca nên được hát, ít là phần đáp của giáo dân. Do đó, người hát thánh vịnh hát tại giảng đài, hay tại một nơi thuận tiện, đang khi toàn thể cộng đoàn ngồi nghe và thường thường lại còn tham dự bằng những câu đáp, trừ khi thánh vịnh được hát liên tục, không có câu đáp. Tuy nhiên, để dân chúng có thể hát thánh vịnh đáp ca cách dễ dàng hơn, một số bản văn đáp ca và thánh vịnh đã được lựa chọn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng loại thánh nhân, để mỗi khi hát thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn hợp với bài đọc liên hệ. Nếu không hát thánh vịnh, thì đọc theo cách thích hợp giúp suy gẫm Lời Chúa.

“Thay vì thánh vịnh ghi trong sách Bài Ðọc, còn có thể hát ca tiến cấp lấy ở sách Graduale Romanum, hay thánh vịnh đáp ca, hoặc tung hô A-lê-lu-ia lấy ở sách Graduale simplex, như thấy có ghi trong các sách đó.

“Tung hô trước khi đọc Tin Mừng

“62. Sau bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hát A-lê-lu-ia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ, như mùa phụng vụ đòi hỏi. Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Mọi người đứng cùng hát, được ca đoàn hoặc một ca viên khởi xướng, hoặc lặp lại câu ca đoàn hay một ca viên đã hát.

“a. A-lê-lu-ia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay. Câu thì lấy ở sách Bài Ðọc, hay sách Graduale.

“b. Trong Mùa Chay, thì thay vì A-lê-lu-ia, hát câu trước Tin Mừng ghi trong sách Bài Ðọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác cũng gọi là ca liên tục (tractus), như có trong sách hát Graduale.

“63. Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì:

“a. Trong mùa phải hát A-lê-lu-ia, có thể hát hoặc bài thánh vịnh có chữ A-lê-lu-ia, hoặc thánh vịnh và A-lê-lu-ia với câu tung hô.

“b. Trong mùa không phải đọc A-lê-lu-ia, có thể hát thánh vịnh với câu trước Tin Mừng, hoặc chỉ thánh vịnh thôi;

“ c. A-lê-lu-ia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ. (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

Một phần quan trọng của các điều này của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma là mới cho huấn thị, và được rút ra từ phần giới thiệu năm 1981 cho Sách Bài Đọc. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 63, khi liệt kê các tùy chọn này khi chỉ có một bài đọc, thực hiện một số thay đổi so với phiên bản trước của Huấn thị.

Chẳng hạn, nó không còn cho phép sử dụng chỉ thánh vịnh hay chỉ Alleluia (GIRM 1975 38a), mà đòi hỏi một số hình thức kết hợp cả hai. Tương tự như vậy, trong Mùa Chay, không còn có thể chỉ sử dụng Lời tung hô trước Tin Mừng.

Các lý do đằng sau điều này là tầm quan trọng lớn hơn mà Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 61 dành cho ca hát, hoặc ít nhất là đọc ngâm suy niệm, thánh vịnh đáp ca như là một phần không thể thiếu trong Phụng vụ Lời Chúa. Điều quan trọng nữa là việc hát Alleluia hoặc câu trước Tin Mừng có thể được bỏ qua, nếu không được hát. Do đó, thánh vịnh phải luôn luôn được sử dụng, ngay cả khi câu tung hô Tin Mừng được bỏ qua.

Với ưu tiên này của thánh vịnh và chất lượng đọc ngâm cơ bản của nó, tôi sẽ nói rằng tư thế thích hợp sẽ là ngồi một cách tự nhiên. Đây cũng là trường hợp trong lễ Phục Sinh, khi Alleluia có thể được sử dụng như một câu đáp thay thế cho điệp khúc thông thường gần như mỗi ngày, hoặc khi lấy tùy chọn sử dụng một thánh vịnh Alleluia như được đề cập trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 63.

Trường hợp đặc biệt là tư thế đứng trong khi hát Thánh vịnh 117 trong Đêm Vọng Phục Sinh là một ngoại lệ đối với quy tắc chung, vì nó đi theo và mở rộng theo câu xướng ba lần Alleluia long trọng của linh mục. (Zenit.org 11-6-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/special-liturgical-privileges/
 
Thiên Chúa Dựng Nên Họ Có Nam Có Nữ, Văn Kiện mới của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo về Lý Thuyết Phái tính
Vũ Văn An
20:32 11/06/2019

Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo

(phụ trách Các Định Chế Giáo Dục)

“Thiên Chúa Dựng Nên Họ Có Nam Có Nữ”,
Hướng Tới Con Đường Đối Thoại
Về Vấn Đề Lý Thuyết Phái Tính Trong Giáo Dục

,

Vatican City, 2019





Dẫn Nhập

Điều ngày càng trở nên rõ ràng là chúng ta đang phải đối diện với điều có thể chính xác gọi là một cuộc khủng hoảng giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực cảm giới và giới tính (sexuality). Ở nhiều nơi, các chương trình giảng dạy đang được lên kế hoạch và thi hành “bị coi là truyền đạt một quan niệm trung lập về con người và sự sống, ấy thế nhưng, trên thực tế, đã phản ánh một nền nhân học chống lại đức tin và lý trí đúng đắn” (1). Sự mất phương hướng về nhân học, vốn là một nét phổ biến của cảnh quan văn hóa của chúng ta, chắc chắn đã giúp gây bất ổn cho gia đình như một định chế, mang theo nó xu hướng hủy bỏ các dị biệt giữa đàn ông và đàn bà, thay vào đó, trình bầy chúng chỉ như sản phẩm của các điều kiện văn hóa và lịch sử.

2. Bối cảnh trong đó sứ mệnh giáo dục được thi hành có đặc điểm chịu các thách thức xuất phát từ các hình thức khác nhau của một ý thức hệ thường được gọi chung là 'lý thuyết phái tính', một lý thuyết “bác bỏ sự khác biệt và tính hỗ tương trong bản chất đàn ông và đàn bà và dự kiến một xã hội không có sự các dị biệt giới tính, do đó loại bỏ cơ sở nhân học của gia đình. Ý thức hệ này dẫn đến các chương trình giáo dục và việc ban hành các đạo luật nhằm cổ vũ một bản sắc bản vị và một sự thân mật xúc cảm xúc tách biệt hoàn toàn với sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ. Do đó, bản sắc con người trở thành sự lựa chọn của cá nhân, một lựa chọn cũng có thể thay đổi theo thời gian (2).

3. Điều xem ra rõ ràng là không nên xem xét vấn đề này tách biệt với vấn đề rộng lớn hơn về giáo dục trong ơn gọi yêu thương (3), một nền giáo dục, như Công đồng Vatican II đã lưu ý, nên cung ứng “một nền giáo dục tích cực và khôn ngoan vê giới tính” trong bối cảnh quyền bất khả nhượng của mọi người được nhận “một nền giáo dục phù hợp với mục tiêu tối hậu của họ, khả năng, giới tính của họ, và văn hóa cùng truyền thống của đất nước họ, và cũng hòa hợp với mối liên kết anh em của họ với các ds6n tộc khác trong việc phát huy sự hợp nhất và hòa bình thực sự trên trái đất (4). Thánh Bộ Giáo dục Công Giáo đã cung ứng một số suy nghĩ về chủ đề này trong tài liệu 'Hướng dẫn giáo dục về tình yêu con người: Đề cương giáo dục giới tính' (5).

4. Viễn kiến Kitô giáo về nhân học coi giới tính là một thành tố căn bản của tư cách ngôi vị của người ta. Đây là một trong những phương thức hiện hữu của nó, tự biểu lộ chính nó, thông đạt với người khác, và cảm nhận, phát biểu và sống tình yêu nhân bản. Do đó, giới tính của chúng ta đóng một phần không thể thiếu trong sự phát triển nhân cách của chúng ta và trong diễn trình giáo dục nó: “Thực thế, chính từ giới tính của họ mà con người nhân bản nhận được những đặc điểm mà ở bình diện sinh học, tâm lý và tâm linh , biến người đó thành đàn ông hay đàn bà, và do đó phần lớn tạo điều kiện cho sự tiến bộ của anh ta hoặc cô ta được lồng vào xã hội (6). Khi mỗi người lớn lên, “sự đa dạng như vậy, được nối kết với tính bổ túc cho nhau của hai giới, cho phép một đáp ứng triệt để đối với kế sách của Thiên Chúa theo ơn gọi của mỗi người (7). Trong bối cảnh này, “giáo dục cảm giới và giới tính phải xem xét tính toàn bộ của con người và do đó nhấn mạnh đến sự tích hợp các yếu tố sinh học, tâm lý cảm giới, xã hội, xã hội và tâm linh” (8).

5. Bộ Giáo dục Công Giáo, như một phần trong đệ trình (remit) của mình, mong muốn cung cấp trong tài liệu này một số suy tư hy vọng có thể hướng dẫn và hỗ trợ những người làm việc trong lãnh vực giáo dục giới trẻ, để giúp họ giải quyết một cách có phương pháp (và dưới ánh sáng ơn gọi yêu thương phổ quát của con người) các vấn đề được tranh luận nhiều nhất về giới tính của con người (9). Phương pháp luận muốn nói ở đây dựa trên ba nguyên tắc hướng dẫn được coi là thích hợp nhất để đáp ứng nhu cầu của cả cá nhân lẫn cộng đồng: lắng nghe, lý luận và đề xuất. Thực thế, lắng nghe một cách cẩn thận các nhu cầu của người khác, kết hợp với sự hiểu biết về sự đa dạng thực sự của các điều kiện, có thể dẫn đến một tập hợp các yếu tố hợp lý trong một luận điểm, và có thể chuẩn bị người ta đón nhận một nền giáo dục Kitô giáo bắt nguồn từ đức tin có khả năng “ rõi một ánh sáng mới trên mọi sự, biểu lộ kế sách của Thiên Chúa đối với ơn gọi toàn diện của con người, và do đó điều hướng tâm trí đạt tới các giải pháp hoàn toàn xứng hợp với con người” (10).

6. Nếu chúng ta muốn tiếp nhận cách tiếp cận vấn đề lý thuyết phái tính dựa trên con đường đối thoại, thì điều sinh tử là phải lưu ý phân biệt giữa ý thức hệ phái tính một mặt và mặt khác, toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu về phái tính mà các khoa học nhân văn đã và đang đảm nhiệm. Dù các ý thức hệ phái tính cho rằng chúng đáp ứng, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra, “được điều đôi khi là các nguyện vọng có thể hiểu được”, nhưng chúng cũng tìm cách “tự khẳng định là tuyệt đối và không thể nghi ngờ, thậm chí còn ra lệnh trẻ em nên được nuôi dạy như thế nào” (11), do đó loại bỏ đối thoại. Tuy nhiên, các công trình khác về phái tính đã được thi hành nhằm đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về cách thức trong đó sự khác biệt giới tính giữa đàn ông và đàn bà được sống thực trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính trong mối liên hệ với loại nghiên cứu này mà chúng ta nên cởi mở hơn để lắng nghe, lý luận và đề xuất.

7. Trong bối cảnh đó, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo thấy thích hợp việc cung ứng bản văn này cho tất cả những ai đang quan tâm đặc biệt tới việc giáo dục, và cho những ai bị tác động bởi vấn đề lý thuyết phái tính. Nó có ý định được dành cho cộng đồng giáo dục có can dự vào các trường Công Giáo và cho mọi người, được viễn kiến Kitô giáo về sự sống gợi hứng, làm việc trong các loại trường học khác. Tài liệu này được cung cấp để các phụ huynh, các học sinh, các nhà lãnh đạo và nhân viên nhà trường, các giám mục, linh mục, tu sĩ, các phong trào giáo hội, các hiệp hội của tín hữu giáo dân và các cơ quan có liên quan khác sử dụng.

Kỳ tới: Lắng Nghe
 
Văn Hóa
Ba tôi quên tuốt
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
22:28 11/06/2019
Viết về người cha của tôi nhân "Ngày của Cha" Chúa Nhật 16.6.2019

1. Tôi hỏi: "Ngày xưa con trốn học, bị cô giáo hạ bậc hạnh kiểm. Ba có nhớ không, ba?".
Ba tôi hỏi lại: "Có như vậy sao con?".

2. Tôi hỏi: "Ngày xưa, nhiều lần con hư, quên lời dạy, quên việc nhà, quên cả những bài tập về nhà. Ba có nhớ không, ba?".

3. Tôi hỏi: "Ngày xưa, nhiều lần, vì hiếu động, con phá phách, làm phiền hàng xóm, hàng xóm gọi ba sang nhà họ, họ kể tội con, họ nói nặng lời ba. Ba có nhớ không, ba?".

4. Tôi hỏi: "Ngày xưa, nhiều lần ba dẫn con đến trước mặt người lớn, buộc con phải xin lỗi họ. Cuối cùng chính ba còn thêm: Cháu nó hư, xin ông bà bỏ qua cho. Tôi sẽ dạy cháu. Tôi sẽ dạy cháu... Ba có còn nhớ không, ba?".

5. Tôi hỏi: "Ngày xưa, có lần, trong khi gây nhau với lũ bạn trang lứa, người lớn nghe được, nhưng thay vì khuyên can, họ lại bênh con của họ. Họ miệt thị ba mẹ. Lúc bấy giờ, con không hiểu những lời miệt thị ấy. Bây giờ con đã hiểu và nghe buốt tâm hồn. Chắc lúc đó ba buồn lắm! Ba có nhớ không, ba?".

6. Tôi hỏi: "Ngày xưa, có lần con mải rong chơi, con rong chơi đến quên giờ cơm, quên cả chiều đã hết nắng. Vừa mới đi làm về, còn chưa kịp hớp một ngụm nước, ba và mẹ phải tất tả lao đi tìm con. Ba có nhớ không, ba?".

7. Tôi hỏi: "Ngày xưa, có lần ba làm ngựa để con cưỡi trên lưng. "Ngựa" đang phi ngon lành, bỗng dưng con đòi "ngựa" phải phi qua con mương phía trước nhà. Sợ con té xuống mương vì không thể giữ thăng bằng, ba cương quyết không theo ý con. Con giận dỗi, khóc lóc, giãy giụa. Ba có nhớ không, ba?".

8. Tôi hỏi: "Ngày xưa ba chở con trên chiếc xe đạp thồ. Nhìn bạn mình được ba nó chở đi học bằng chiếc xe thật đẹp. Trưa tan học về, con đòi ba mua một chiếc xe y như thế. Ba bảo, con ráng họ, ăn nhiều, lớn tí nữa rồi ba sẽ mua. Con không chịu, giận ba. Ba còn nhớ không, ba?".

9. Tôi hỏi: "Nhà mình nghèo. Trời mưa anh em chúng con phải lấy đủ các loại thau, xô, chậu, xoong, nồi... hứng nước mưa bên trong nhà. Buổi chiều hôm ấy, ba đi làm về, chở theo sau cuộn giấy carton có tráng dầu hắc (có người gọi là nhựa đường - loại dùng lợp nhà tạm thời). Đêm ấy một mình ba leo lên mái nhà, phủ cuộn giấy lên trên mái. Đến khuya ba mới lợp xong. Ba lợp lại mái nhà đã rách vào ban đêm, vì sáng mai ba không thể bỏ việc làm. Ba vẫn nhớ phải không, ba?".

10. Tôi hỏi: "Nhà mình nghèo. Nhưng có lần con bị bệnh phải nằm bệnh viện. Người ta đòi một khoản viện phí, nếu không, họ sẽ từ chối chữa trị cho con. Cả ba và mẹ thay nhau năn nỉ.

Sau cùng, con nghe ba nói: Xin bác sĩ thương con tôi, tiếp tục nhận con tôi. Tội nghiệp nó lắm. Tội nghiệp nó lắm. Xin cho tôi khất đến chiều nay thôi... Rồi suốt ngày hôm ấy con không một lần thấy ba vào thăm con.

Đến chiều, ngay đúng giờ người ta bắt đầu đóng cửa phòng "Thu ngân", con lại thấy bóng ba chạy thật nhanh. Rồi ba cúi đầu trước một cô gái hình như nhỏ tuổi hơn ba.

Người ta cũng thương tình mở cửa đón ba. Hôm ấy ba là người khách cuối cùng của phòng "Thu ngân" trong bệnh viện.

Rời phòng Thu ngân với tờ hóa đơn trên tay, đôi môi ba khẽ cười vì đã có thể tiếp tục chữa bệnh cho con.

Nhưng sao con lại thấy đôi chân ba như chẳng thể nhấc lên nổi. Ba bước thấp bước cao đầy vẻ mệt mỏi, khác hẳc lúc ba chạy vào.

Ba tìm đến chiếc ghế đá bên hiên bệnh viện nằm xuống đó. Hơi thở của ba nặng nhọc, đôi mắt trũng sâu, gương mặt phờ phạc, đầu tóc rối bù... Ba vẫn nhớ phải không, ba?"...

Thật lạ lùng. Tất cả các câu hỏi về sự nhọc nhằn, xưa ba đã từng vì chúng tôi mà chịu đựng, ba chỉ trả lời tôi bằng câu hỏi khác: "Có như vậy sao con?", y như ba chẳng còn nhớ gì hết vậy.

Nhiều lắm. Nhiều thật nhiều những gì mà ba mẹ đã cho chúng tôi. Mười điều kể ra, chỉ là đại diện, chỉ là nói thay cho tất cả mọi điều mà một đời ba mẹ tôi sống và hiến dâng cho lũ cháu, đàn con.

Những điều xảy ra ấy, dẫu thời gian có thể đã trôi xa lắm. Nhưng cũng có những hoàn cảnh chưa lâu. Nhưng chưa bao giờ tôi nghe ba mẹ nhắc lại những lao đao mà ba mẹ đã từng nếm trải.

Riêng ba, người đàn ông hay trầm ngâm, hiền lành, ít nói, chỉ nhắc đi nhắc lại: "Giờ ba thật hạnh phúc vì các con của ba đã thành đạt, đã nên người". Ba khuyên: "Chỉ cần anh em chúng con yêu thương nhau là đã trả hiếu cho ba mẹ"...

Kính thưa ba, đỉnh Thái Sơn có thể không nhớ nổi bao nhiêu lần mình đã trơ gan cùng bão táp. Ba của con có thể quên tất cả những gì mà một đời cặm cụi hao gầy cùng sương gió vì chúng con.

Còn chúng con, làm sao chúng con có thể quên được Thái Sơn của lòng mình? Càng nên hình nên dáng bao nhiêu, càng trải nghiệm giữa đời, và thấm thía những cú ngã trong đời, hoặc những lần bị đời đối xử bạc đãi..., chúng con càng muốn trở về căn nhà xưa có hũ cà muối của ba, có chén cơm thơm lừng của mẹ. Dẫu nghèo nhưng vô cùng ấm áp, vô cùng bình yên.

Ba ơi, rong ruổi mải giữa đời, đã biết bao nhiêu lần chúng con thèm trở về đặt mình lên chiếc chiếu đã sờn của nhà mình; thèm kê đầu lên chiếc gối mẹ mới vá vì chính con làm rách sau trận nô đùa với các em, lấy gối làm vũ khí đập vào lưng nhau ình ịch; thèm vô cùng được một lần nữa ngồi trên chiếc xe đạp thồ cũ kỹ của ba và nghe tiếng cót két, cót két vang trên phố, khiến mọi người phải quay nhìn ba con mình...

Nhà mình nghèo, nhưng thuở ấy có ba, có mẹ luôn ở bên, con hạnh phúc không gì bằng...

Ba! Con muốn gọi thật nhiều, muốn gào thật to tiếng "BA" diệu kỳ của lòng con. Con xin ghi tâm khắc cốt đến muôn đời những nhọc lao bươn chải của ba mẹ để anh em chúng con có ngày hôm nay.

Ba mẹ không hoàn hảo. Đơn giản, ba mẹ chỉ là những người cha, người mẹ như bao nhiêu người làm cha, làm mẹ. Nhưng ba mẹ luôn yêu chúng con bằng tình yêu hoàn hảo.

Con cám ơn Chúa vì Chúa đã cho con làm con của ba mẹ. Con thấy phép lạ mà Chúa đã ban cho con trong suốt cuộc đời làm người trên dương thế này không hề ở đâu xa mà chính là ba, là mẹ. Ba mẹ là phép lạ, là hồng ân, là hình ảnh, là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa mà con được hưởng cách hết sức sung mãn nơi cõi trần này.

Con hãnh diện vì được làm con của ba, làm con của mẹ. Con muốn thốt lên từ tận trái tim mình lời biết ơn chân thành. Con muốn gào lên từ tận hồn mình những lời mà suốt nhiều năm con vẫn ôm ấp nhưng ngại nói thành lời: Con yêu ba mẹ.

Ba ơi, con cảm ơn ba đã sinh ra con. Cảm ơn ba đã chăm sóc, nuôi dưỡng con đến khi trưởng thành. Cảm ơn ba đã dạy dỗ con. Cảm ơn mọi nỗ lực, mọi nhọc nhằn của ba để con có hôm nay.

Cảm ơn ba đã vui, đã cười hay đã khóc, đã đau vì con. Cảm ơn ba, vì tận tới bây giờ ba vẫn âm thầm dõi theo từng bước con đi. Cảm ơn ba. Con muốn bày tỏ thật nhiều về lòng biết ơn của con. Vì, đơn giản, ba là ba của con.

Dù con có trở thành ai đi chăng, có đạt tới địa vị nào, thì mỗi khi trở về mái nhà của mình, con luôn là đứa con của ba, của mẹ. Con thích nhìn mẹ cười. Con thích ngã mình vào lòng ba.

Mỗi khi về dưới mái nhà mình, chỉ cần nhìn ba mẹ, con thấy cuộc đời đầy lao tác của con, con thấy mọi mang gánh mà người đời có khi vô tình có khi cố ý đã từng giáng trên đôi vai con tan biến hết. Ba mẹ chính là sức mạnh, là nỗ lực, là sự chịu đưng, là nghị lực của con.

Về dưới mái nhà mình, được ở bên ba mẹ, con cảm nhận bình an, thanh thoát và hạnh phúc. Về dưới mái nhà mình, con tưởng chừng cả một bầu trời yêu thương đang đổ ập xuống cho chỉ một mình con tận hưởng.

Ba ơi, mẹ ơi, hãy sống thêm với anh em chúng con thật lâu nhé. Ở độ tuổi tám mươi và gần tám mươi như ba mẹ, mỗi lần nghĩ đến là con phát sợ...

Nhiều đêm bất chợt giật mình thức giấc, nhớ lại hai lần mỗ tim và mạch máu của ba, nhớ đến bệnh cao đường và huyết áp của mẹ con khó khăn để có thể chợp mắt...

Con chỉ còn biết phó dâng ba mẹ cho lòng từ bi của Chúa. Anh em chúng con nguyện sống tốt, đoàn kết cùng nhau trong yêu thương, để ba mẹ có thể vui hưởng thêm chút thời gian của tuổi già...

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Huy Hoàng
Diệp Hải Dung
22:14 11/06/2019
HUY HOÀNG
Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia
(Hình chụp tại Sydney)


Chung vui lễ hội huy hoàng
Đừng quên ân sủng hằng ngày Chúa ban.
(bt)
 
VietCatholic TV
Vị Hồng Y làm Đức Thánh Cha rơi lệ sau 11,107 ngày bị giam cầm khẳng định Chúa đã cứu tôi.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:57 11/06/2019
Đức Hồng Y Ernest Simoni là vị Hồng Y tiên khởi của Albania. Ngài sinh ngày 18 tháng 10 năm 1928, năm nay 91 tuổi, đã về hưu và đang sống tại thành phố Florence bên Ý để chữa bệnh sau những năm dài tù tội dưới chế độ cộng sản Albania.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 7 tháng Tư năm 1956; và đã được Đức Thánh Cha Phanxicô vinh thăng Hồng Y và ngày 19 tháng 11, 2016.

Ngài đã bị công an cộng sản bắt sau khi dâng thánh lễ Vọng Giáng Sinh vào ngày 24 tháng 12, năm 1963. Ngài đã bị giam cầm tổng cộng 11,107 ngày, hầu hết trong các trại lao động cải tạo.

Ngài là linh mục Công Giáo duy nhất còn sống sót sau chế độ cộng sản của Enver Hoxha, người đã công bố Albania là “quốc gia vô thần đầu tiên trên thế giới”.

Bất cứ khi nào sức khoẻ cho phép, Đức Hồng Y Simoni thường đến thăm các giáo xứ trong các giáo phận khác nhau của Ý và Albania để chia sẻ chứng từ thật bi thảm của chính mình.

Tờ Aleteia cho biết trong chuyến viếng thăm gần đây tại nhà nguyện của Bệnh viện San Giovanni-Addolorata ở Rôma, Đức Hồng Y khẳng định với các bệnh nhân rằng đừng bao giờ thất vọng vì Thiên Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta.

“Họ đã làm mọi cách để loại bỏ tôi, nhưng Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi,” Đức Hồng Y Simoni nói. “Tôi đã bị kết án tử hình bằng cách treo cổ, nhưng Chúa đã cứu tôi.”

“Sau khi cử hành thánh lễ đêm Giáng sinh năm 1963, bốn cảnh sát đã dùng vũ lực bắt tôi đưa đi. Chúng bẻ tay tôi,” Đức Hồng Y nói.

Trong bản án chính thức, bọn cầm quyền cộng sản nói rằng ngài bị bắt giữ vì đã thực hiện các cuộc trừ tà và vì ngài đã cử hành thánh lễ cầu cho linh hồn của cố tổng thống Mỹ John F Kennedy, người đã bị ám sát một tháng trước đó.

Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, mọi linh mục Công Giáo trừ tà hay không, cầu hồn hay không đều bị giam cầm.

Cha Simoni đã bị cầm tù, bị tra tấn và bị kết án tử hình. Sau đó, bọn cầm quyền rút xuống thành bản án 25 năm lao động cưỡng bức. Ngài chỉ tìm lại được tự do vào năm 1990, khi chế độ cộng sản sụp đổ.

“Tôi không bao giờ ngừng cầu nguyện”

Mặc dù chịu nhiều đau khổ, Đức Hồng Y cho biết ngài không bao giờ ngừng cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ ngài, bởi vì “bất cứ ai nói rằng mình yêu mến Chúa Giêsu, thì phải luôn luôn tuân giữ lời Ngài là yêu mến cả những kẻ làm hại mình; và khi chúng ta nói rằng Chúa Giêsu vẫn còn sống, thì đó không phải là chuyện thần thoại: đó là sự thật. Chính Ngài là Đấng đã ban cho tôi sức mạnh để đối mặt với nhà tù.”

Đức Hồng Y đặc biệt chú trọng đến tầm quan trọng của sự tha thứ, bởi vì đó là điều “đã mang Chúa Giêsu đến với thế giới”.

Trong suốt những diễn từ của mình, Đức Hồng Y chưa bao giờ sử dụng những từ ngữ căm ghét hay oán giận đối với những cai ngục của mình, bởi vì ngài tin rằng “chỉ có tình yêu mới có khả năng chinh phục được con người.”

Trong thân phận một tù nhân, Đức Hồng Y đã cố gắng cử hành thánh lễ bất cứ khi nào có thể, sử dụng bánh mì mà ngài tự nướng, và nho mà ngài nghiền nát bằng tay để làm rượu để có thể dâng lên bàn thờ.


Source:Aleteia